Thứ Sáu, 8 tháng 3, 2013

Trung Quốc và việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất- Francois Joyaux

LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn “Trung Quốc và việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương” là một công trình soạn thảo rất công phu của Phơ-răng-xoa Gioay-ô (Francois Joyaux) một nhà nghiên cứu lịch sử người Pháp, đồng thời là một chuyên gia về Trung Quốc. Công trình này được hoàn thành vào tháng 3 năm 1976 và được xuất bản vào quí I năm 1979, đúng vào thời điểm tập đoàn phản động Bắc Kinh tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược biên giới phía Bắc nước ta.

Để biên soạn công trình này, tác giả đã được phép khai thác nhiều tài liệu mật của cơ quan lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp như các biên bản các cuộc họp tay đôi giữa phía Pháp với phía Trung Quốc, những điện mật của đoàn Pháp báo cáo về thái độ của các nước dự hội nghị, những biên bản các phiên họp hẹp kéo dài của hội nghị đó, những điện mật của các đại diện Ngoại giao Pháp ở những nước tham dự hội nghị v.v… Như mọi người đều biết, trong hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương, những người lãnh đạo Trung Quốc đã cùng với đế quốc Pháp thoả hiệp về một giải pháp có lợi cho Trung Quốc và Pháp, không có lợi cho nhân dân Việt Nam, nhân dân Lào và nhân dân Cam-pu-chia. Họ đã hy sinh lợi ích của nhân dân ba nước Đông Dương để bảo đảm an ninh cho Trung Quốc ở phía nam, để thực hiện mưu đồ nắm Việt Nam và Đông Dương, đồng thời giữ vai trò là một nước lớn trong việc giải quyết các vấn đề quốc tế, trước hết là ở châu Á. Cho nên những tài liệu mật được tác giả nêu lên trong cuốn sách này là những tư liệu có giá trị, cung cấp cho chúng ta nhiều điểm làm sáng thêm một số vấn đề trước đây đã được nghiên cứu về hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954.

Khi biên soạn công trình này, tác giả còn tham khảo hầu hết các công trình nghiên cứu của nhiều tác giả về hội nghị này, những cuốn hồi ký của nhiều nhân vật đóng vai trò chủ chốt trong hội nghị, đồng thời đọc rất nhiều báo chí của những nước tham dự hội nghị hoặc liên quan mật thiết đến hội nghị để dẫn ra những tư liệu cần thiết cho chủ đề cuốn sách. Có thể nói đây là bản tổng hợp những tài liệu chứng minh chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh đối với nước ta và các nước khác ở Đông Dương.

Như vậy, tác giả đã cung cấp cho chúng ta những tài liệu phong phú và đầy đủ, giúp chúng ta hiểu sâu hơn về chiến lược, âm mưu và thủ đoạn của Bắc Kinh đối với Việt Nam và Đông Dương trước, trong và sau hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954 về Đông Dương.

Giá trị của cuốn sách không phải chỉ dừng ở đó. Là một nhà nghiên cứu lịch sử, tác giả không chỉ hạn chế ở việc dẫn ra những tư liệu phân tích sâu sắc về thái độ của giới cầm quyền phản động Bắc Kinh trong việc giai đoạn cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương. Chính từ sự phân tích đó, qua các chính sách của Trung Quốc từ lịch sử xa xưa cho đến hội nghị Giơ-ne-vơ về Đông Dương, tác giả đã khách quan làm rõ “sợi chỉ đen” xuyên suốt trong chính sách bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc đối với ba nước Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia.

Cuốn sách này gồm bốn phần:

Phần thứ nhất chủ yếu phân tích những nhân quyết định thái độ của Bắc Kinh trong việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương. Đó là:

Vào năm 1954, Mao Trạch Đông “hoàn toàn chế ngự” Đảng, quân đội, Nhà nước, song rõ ràng tình hình kinh tế có khó khăn. Hơn nữa đã có những rạn nứt trong quan hệ Trung - Xô mà “sự liên minh chỉ bền vững trong chừng mực cần thiết cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc"1 (Từ trang này trở đi, những đoạn trong ngoặc kép là trích dẫn lời của tác giả). Trước tình hình đó, lại muốn đạt quy chế cường quốc, Bắc Kinh “có nhu cầu cấp thiết lập lại các mối quan hệ bình thường với các nước phương Tây” để công nghiệp hoá đất nước. Vì vậy, phá thế cô lập với các nước phương Tây là một yêu cầu chiến lược của Trung Quốc lúc đó. Pháp, Mỹ đã đánh giá rằng các nhu cầu kinh tế đó “có thể đóng vai trò quyết định trong thái độ của Bắc Kinh”. Đó là “đề tài cua sự mặc cả ngầm” (Pháp), “lợi ích của Trung Quốc là phải chứng tỏ một thái độ mềm dẻo nào đó về vấn đề Đông Dương" (Mỹ).

Nhưng những nhân tố trên không phải là nhân tố quyết định duy nhất thái độ của Trung Quốc. “Tính truyền thống lâu đời trong quan hệ Trung-Việt”, và ở mức độ thấp hơn đối với Lào và Cam-pu-chia, cũng sẽ đóng vai trò quyết định".

Lịch sử mối quan hệ đó từ các triều đại phong kiến Trung Quốc đến Tôn Dật Tiên, Mao Trạch Đông, đều cho thấy các chế độ chính trị ở Trung Quốc luôn luôn coi Việt Nam có một vị trí đặc biệt đối với họ. “Các đế chế Trung Hoa có ý đồ không thay đổi áp đặt một thứ hoà bình kiểu Trung Quốc đối với các bờ cõi phía nam…, ngày nay cũng như trước đây; điều đó đã được thật sự đặt lên hàng đầu trong suốt thời gian thương lượng ở Giơ-ne-vơ”.

Giới cầm quyền Bắc Kinh “quan tâm sát sao” đến vấn đề Việt Nam từ sau Cách mạng tháng Tám ở Việt Nam thành công. Một mặt họ phái cán bộ sang Việt Nam “để tiến hành hoạt động tuyên truyền trong đông đảo Hoa kiều” ở Việt Nam, mặt khác họ tăng cường viện trợ và ảnh hưởng đối với cách mạng Việt Nam, nhất là từ sau khi Trung Quốc được giải phóng.

Trước hội nghị Giơ-ne-vơ năm 1954, trong khi ở phương Tây người ta lo ngại Trung Quốc có thể can thiệp trực tiếp vào Đông Dương thì ngược lại, Bắc Kinh lại làm rùm beng và tỏ ra lo sợ Mỹ can thiệp trực tiếp vào Đông Dương. “Vào mùa xuân năm 1954, Trung Quốc đã lựa chọn sự cùng tồn tại hoà bình” và đối với Bắc Kinh, “Đông Dương không được trở thành một Triều Tiên mới”. Thái độ đó bắt đầu từ sau khi đình chiến ở Triều Tiên. Trên thực tế, Bắc Kinh nhấn mạnh việc giải quyết vấn đề Đông Dương bằng thương lượng từ mùa thu năm 1953, trước cả Việt Nam, và chỉ viện trợ cho Việt Nam “đủ để tạo thuận lợi cho Việt Minh giành thắng lợi, song không vì thế mà viện trợ vô hạn độ để Việt Minh có thể làm cho Mỹ và đồng minh của Mỹ can thiệp, dù cho lúc đó Bắc Kinh có thể “viện trợ to lớn hơn viện trợ mà họ đã thực sự dành Việt Minh".

Do đó, việc tiền hành thương lượng về Đông Dương hoàn toàn đáp ứng các lợi ích dân tộc của Trung Quốc: làm dịu tình hình căng thẳng ở Viễn Đông cần thiết cho sự phát triển kinh tế của Trung Quốc, gạt bỏ nguy cơ can thiệp của Mỹ vào cuộc xung đột ở Đông Dương, tạo khả năng cho Trung Quốc chấm dứt được sự bài xích của phương Tây, chứng tỏ Trung Quốc là một cường quốc trên sân khấu thế giới và tạo cơ hội cho Trung Quốc tiến hành các cuộc đàm phán thương mại với phương Tây”.

Phần thứ hai và thứ ba của cuốn sách chủ yếu nói về diễn biến của hội nghị Giơ-ne-vơ và thái độ của giới cầm quyền Bắc Kinh đến Giơ-ne-vơ “không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để cố gắng lập lại hoà bình”.

Trong giai đoạn đầu của hội nghị, đồng thời là bước đầu của Trung Quốc vào sân khấu quốc tế, thái độ của Bắc Kinh trên công khai là “cứng rắn và lập trường triệt để đứng về phía Liên Xô". Nhưng Bắc Kinh cũng đã để lộ ra là “tránh không tố cáo” tuyên bố giữa Pháp và bù nhìn ngày 28-4-1954 về việc Pháp trao trả độc lập cho Việt Nam. Và từ giữa tháng 5, chỉ ít ngày sau khi khai mạc hội nghị (8 tháng 5), Bắc Kinh “nhanh chóng chứng tỏ rằng lập trường của Trung Quốc không phải chỉ phản ánh một cách đơn giản lập trường của Liên Xô". Trong các phiên họp và những cuộc tiếp xúc tay đôi với Anh và đặc biệt với Pháp, họ đã nói rõ:

Ngày 18 tháng 5: “Chúng tôi đến đây không phải để ủng hộ quan điểm của Việt Minh mà để cố gắng lập lại hoà bình”; “Trung Quốc không nhất thiết khuyến khích hoạt động quân sự của Việt Minh tiến về đồng bằng".

Ngày 27 tháng 5: “Về Lào và Cam-pu-chia, quan điểm của Trung Quốc phù hợp với quan điểm của Pháp”; “Các vùng tập kết phải được xác định trên cơ sở hình thái quân sự chứ không phải chính trị”.

Ngày 7 tháng 6: “Chúng tôi không có điều kiện nào cả, chúng tôi chỉ đơn giản muốn hoà bình”.

Vì vậy hội nghị về vấn đề Đông Dương vẫn không tiến triển được. Ngày 15 tháng 6, hội nghị Giơ-ne-vơ về vấn đề Triều Tiên thất bại. Bắc Kinh lo sợ hội nghị về vấn đề Đông Dương chịu chung số phận đó. Trong khi đó ở Pháp, chính phủ Măng-đét Phrăng (Mendès France) lên cầm quyền, Bắc Kinh đã chọn thời điểm trùng hợp này để triển khai trở lại hội nghị về vấn đề Đông Dương “bằng cách đưa ra một đề nghị cốt tử về các vấn đề Lào và Cam-pu-chia”. Đề nghị đó “có tính chất thúc đẩy quyết định" mà Mỹ cũng hoan nghênh. Đó là:

Ngày 16 tháng 6: Chu Ân Lai gặp Ngoại trưởng Anh, đã nói là “có thể thuyết phục Việt Minh rút quân khỏi Lào và Cam-pu-chia” và sẵn sàng công nhận tính chất hợp pháp của các chính phủ Vương quốc Lào và Cam-pu-chia. Trong phiên họp toàn thể ngay chiều hôm đó, Bắc Kinh đưa ra đề nghị 6 điểm tách riêng việc giải quyết các vấn đề Lào và Cam-pu-chia khỏi vấn đề Việt Nam. Còn phía Việt Nam thì vẫn đòi công nhận Pa-thét Lào và Khơ-me Ít-xa-rắc. Và ngày hôm sau, 17 tháng 6, Chu Ân Lai nói với Ngoại trưởng Pháp nội dung cụ thể giải pháp về vấn đề Cam-pu-chia, được đánh giá là “chưa có một bản trình bày nào lại rõ ràng và chính xác hơn thế”. Trong bản trình bày đó, Chu Ân Lai còn nói đến một vùng tập kết quân Pa-thét Lào ở biên giới Việt Nam và Trung Quốc, nhưng cùng ngày, phía Việt Nam đòi Pa-thét Lào kiểm soát một nửa nước Lào.

Ngày 23 tháng 6, khi gặp Măng-đét Phrăng (Mendès France), Chu Ân Lai nói rằng Trung Quốc “không đòi đền bù gì về những sự nhượng bộ đối với vấn đề Lào và Cam-pu-chia, không lợi dụng khó khăn của Pháp để đòi chính phủ Pháp phải nhân nhượng điều gì”. Về hội nghị thì “cần thảo luận các vấn đề quân sự trước các vấn đề chính trị, và giải pháp chính trị có thể tiến hành theo nhiều bước trong một thời gian khá dài: cần đẩy nhanh việc thương lượng về việc tập kết quân đội Việt Nam, thời hạn là ba tuần”.

Tác giả nhận xét là tiếp đó, với nội dung Măng-đét Phrăng (Mendès France) chỉ thị cho đoàn Pháp thương lượng với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (tập kết quân, đường ranh giới ở vào vĩ tuyến 18…) thì “kể từ nay việc chia cắt Việt Nam đã trở thành mục tiêu chính của đoàn đại biểu Pháp”.

Giai đoạn chót của hội nghị bắt đầu từ trung tuần tháng 7, sau ba tuần lễ dẫm chận tại chỗ trong khi vắng mặt các trưởng đoàn và diễn ra cuộc gặp giữa Chu Ân Lai và Chủ tịch Hồ Chí Minh từ 3 đến 5 tháng 7 vì “sự tồn tại mối bất hoà giữa Trung Quốc và Việt Minh vào cuối tháng 6 năm 1965 là không thể nghi ngờ được”.

Ngày 13 tháng 7, gặp lại Măng-đét Phrăng (Mendès France) đề cập đến vấn đề ranh giới tạm thời giữa Nam và Bắc Việt Nam, Chu Ân Lai tin rằng nếu Pháp “tiến lên một bước thì phía bên kia sẽ đi nhiều bước hơn để đón các ngài” và “theo sự thoả thuận”, ngay chiều hôm đó phía Pháp đưa đến cho Trung Quốc bản dự thảo về tuyên bố chính trị cuối cùng của hội nghị.

Từ đó, phía Trung Quốc “đóng vai trò nổi bật” trong việc giải quyết những vấn đề tồn tại của hội nghị, với những nhượng bộ “có ý nghĩa quyết định" của phía Trung Quốc đối với đòi hỏi của Pháp, và việc gây sức ép đối với phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, trong những vấn đề then chốt:

Về thời hạn tuyển cử: Trong khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đòi thời hạn 6 tháng, Chu Ân Lai đề nghị một cách phải chăng rằng “các cuộc tuyển cử nên lùi lại 2 năm cho đến năm 1956, các đại biểu hai miền Nam Bắc sẽ thoả thuận với nhau về thời hạn chính xác”.

Về giới tuyến: trong khi phía Việt Nam Dân chủ Cộng hoà vẫn giữ ý kiến vĩ tuyến 16 thì Chu Ân Lai nói “thực tế là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà tuyệt đối không cần đến con đường số 9” mà phía Pháp coi đó là con đường ra biển của Lào. Sau đó tự ý khẳng định với phía Pháp là đã làm cho Việt Minh chấp nhận” ý kiến của Trung Quốc.

Kết thúc hội nghị Giơ-ne-vơ tối 22 tháng 7, Chu Ân Lai mời cơm các trưởng đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, Vương quốc Lào và Vương quốc Cam-pu-chia và cả Ngô Đình Luyện, “tập hợp các đại biểu của bốn nước Đông Dương". Trong bữa cơm, Chu Ân Lai chúc sức khoẻ Bảo Đại, gợi ý Nam Việt Nam đặt một Công sứ quán tại Bắc Kinh, “một gợi ý mà Việt Minh tuyệt nhiên không được báo trước”.

Phần thứ tư của cuốn sách chủ yếu nói lên thái độ của giới cầm quyền Bắc Kinh đối với việc thi hành hiệp định Giơ-ne-vơ về Đông Dương, đặc biệt về vấn đề thống nhất Việt Nam và chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương.

Về vấn đề thống nhất Việt Nam, sau hội nghị Giơ-ne-vơ, “Trong khi các nhà lãnh đạo và báo chí Việt Nam luôn luôn lên tiếng ủng hộ các tuyên bố của Trung Quốc liên quan đếm vấn đề Đài Loan thì việc Trung Quốc bỏ qua một cách có hệ thống không nói đến vấn đề thống nhất của Việt Nam lại càng trắng trợn”. Điện mừng của Mao Trạch Đông, khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ, phát biểu của Chu Ân Lai khi tiếp thủ tướng Phạm Văn Đồng đi qua Bắc Kinh đầu tháng 8 năm 1954, phát biểu của Đại sứ La Quý Ba khi trình quốc thư đều không nói đến vấn đề đó. Ngược lại, phía Việt Nam “không ngừng khẳng định rằng mục tiêu cuối cùng là thống nhất đất nước”.

Từ thực tế trên, tác giả nhắc lại rằng Măng-đét Phrăng (Mendès France) khi đàm phán với Chu Ân Lai, đã tin tưởng là Trung Quốc rõ ràng tán thành chia cắt lâu dài Việt Nam, tán thành sự tồn tại của phía nam Trung Quốc nhiều quốc gia đa dạng. Cho nên Bắc Kinh đã hạn chế các yêu sách của Việt Minh ở hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt đã gây sức ép với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải giảm bớt “tham vọng” đối với miền Nam Việt Nam và đối với các nước khác ở Đông Dương, để tạo nên một sự cân bằng mới ở ngay Việt Nam và cả trên bán đảo Đông Dương. Ý đồ của Bắc Kinh còn ở chỗ là “bị cắt mất vùng lúa gạo thừa thãi ở Nam kỳ, Bắc Việt chỉ còn có thể hướng về Trung Quốc để bổ sung nguồn thực phẩm còn thiếu”; “sau khi Việt Nam bị chia cắt, miền Bắc gắn bó mật thiết hơn với nền kinh tế Trung Quốc từ nay duy nhất có khả năng cung cấp cho những nhu cầu chủ yếu của một nước không thể tự cung tự cấp được. Tình trạng đó từ nay sẽ là một chủ bài quan trọng đối với chính sách của Trung Quốc ở Việt Nam".

Về chính sách của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương, sự khác nhau cũng thể hiện ngay trên các tuyên bố công khai. Từ đó, tác giả cho rằng quan điểm của Trung Quốc về một Đông Dương đa dạng có nghĩa là “Lào và Cam-pu-chia phải là đối trọng với Việt Nam". Và “Lập trường của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa muốn tạo ra nhiều nước riêng biệt ở Đông Dương, muốn ban-căng hoá Đông Dương dĩ nhiên dẫn đến sự chia rẽ tình đoàn kết giữa những người yêu nước ở các nước Đông Dương, làm suy yếu các mặt trận cách mạng và dân chủ ở Lào và Cam-pu-chia đang hướng về chủ nghĩa xã hội trên thế giới”. Đó là: “một chính sách Đông Dương nối tiếp chính sách của các triều đại hoàng đế xưa kia”, mà một trng những nét nổi bật nhất của chính sách đó là ý muốn thường xuyên duy trì hoà bình ở sườn phía nam, dựa trên thế cân bằng lập ra từ nhiều sự cạnh tranh giữa các nước khác nhau ở trong vùng… một chính sách khá gần gũi với chính sách chia để trị cổ xưa”.

Tóm lại, tác giả kết luận, “phải chăng người ta thấy lại cách đối xử “vô tư” xưa kia, dưới cái vỏ trật tự nho giáo, thường chỉ phục vụ lợi ích chính trị của đế chế Trung Hoa”.

Thái độ của Trung Quốc đối với Việt Minh là thái độ của một cường quốc ủng hộ kiên quyết đồng minh của mình chừng nào mà mục tiêu của đồng minh có thể khớp với thế cân bằng (Bắc Kinh) đang tìm kiếm, nhưng cũng biết áp đặt một vài điều bó buộc trong trường hợp ngược lại”. Và Đông Dương thống nhất trong cuộc cách mạng như trước đây ở dưới chế độ thực dân nhường chỗ cho Đông Dương trở nên phức tạp biểu hiện ở bữa cơm của Chu Ân Lai ngày 27 tháng 7”.

Chiến lược của Bắc Kinh rõ ràng là muốn Đông Dương bị xé ra thành nhiều nước nhỏ, “đa dạng” về chính trị, dễ dàng bị Trung Quốc chi phối và buộc phải đi theo quỹ đạo của giới cầm quyền Bắc Kinh. Cho nên, Bắc Kinh ngầm tán thành sự tồn tại lâu dài của một Nhà nước Nam Việt Nam, duy trù các chính phủ Vương quốc ở Lào và Cam-pu-chia. Đó chỉ là một sự nối tiếp chính sách của các đế chế Trung Hoa. Và trong suốt mấy chục năm qua, mặc dầu bối cảnh quốc tế và tình hình nội bộ Trung Quốc có những đảo lộn lớn, song Bắc Kinh vẫn duy trì một cách liên tục chính sách không thay đổi đó. Sau khi Việt Nam đã thống nhất năm 1976, quan hệ Việt-Lào được tăng cường, bối cảnh căn bản khác với năm 1954 và những năm sau đó, nhưng Bắc Kinh vẫn “tiếp nối thẳng tắp thái độ ở Giơ-ne-vơ “nhằm duy trì cái gì còn có thể giữ được trong chính sách “chia để trị” ở Đông Dương. Vì vậy nếu ngày hôm qua, vào giữa những năm 1950, họ muốn có một Cam-pu-chia theo “Chủ nghĩa quốc gia” và là một đối tượng với Việt Nam thì ngày nay, vào giữa những năm 1970, họ tạo nên một Cam-pu-chia “cách mạng" để thống nhất lại nước Việt Nam thống nhất. Đó là mục tiêu không thay đổi trong chính sách Đông Dương mà tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Trung Quốc theo đuổi.

“Trung Quốc và việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương" là một cuốn sách mà mọi người chúng ta nên đọc để hiểu thêm về kẻ thù trực tiếp và nguy hiểm của nhân dân ta trong giai đoạn cách mạng hiện nay. Tuy nhiên, do tác giả đứng trên lập trường tư sản để viết nên cuốn sách cũng có những nhận định sai lầm. Chúng ta đã có cuốn “sự thật về quan hệ Việt Nam-Trung Quốc trong 30 năm qua”, một công trình nghiên cứu có hệ thống, một tài liệu đấu tranh sắc bén chống chủ nghĩa bành trướng đại dân tộc và bá quyền nước lớn của tập đoàn phản động trong giới cầm quyền Bắc Kinh.

Chúng tôi trích dịch cuốn sách này để bạn đọc tham khảo.

Tháng 3 năm 1981
Nhà xuất bản Thông tin Lý luận



LỜI NÓI ĐẦU

Phải thẳng thắn thừa nhận sự ngu dốt của mình, không đem tưởng tượng và bịa đặt thay thế cho điều mình không biết. Phải kể lại chính xác các sự kiện, và sau đó chỉ đưa ra những điều suy nghĩ ngắn gọn đối với những cái mà những sự suy nghĩ ấy có thể có giá trị.
Hồi ký của Xanh Xi-mông


Cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa phương Đông và phương Tây, có sự tham dự của Trung Hoa-Bắc Kinh", đại sứ Giăng Sô-ven (Jean Chauvel) trong hồi ký của mình đã nêu lên việc Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tham gia hội nghị Giơ-ne-vơ như vậy1 (Jean Chavel, Commentaire (Bình luận). Pari Phay-át, 1975, tập H, tr.59).

Cuộc gặp gỡ đầu tiên ư? Chắc chắn là như vậy: Nếu cuộc đàm phán quan trọng giữa Trung Quốc và Liên Xô trong những năm 1949-1950 ở nhiều điểm được coi là “một cuộc gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây thì ngược lại, sự giống nhau về lý tưởng của hai chế độ xã hội hiện diện đã làm cho cuộc gặp gỡ có tính chất một sự bình thường hoá quan hệ trong nội bộ khối hơn là một sự chạm trán giữa hai hệ thống. Còn cuộc thương lượng tại Bàn Môn Điếm, kết thúc chín tháng trước hội nghị Giơ-ne-vơ thì chưa bao giờ vượt qua giai đoạn của một cuộc thảo luận hạn chế về quân sự nhằm đi đến ngừng bắn ở một giới tuyến đã được số phận vũ khí định đoạt.
“Cuộc gặp gỡ giữa phương Đông và phương Tây”? Triển vọng là to lớn. Nhưng chúng tôi thấy gọi như thế có vẻ đúng. Ý niệm đó thể hiện rõ ý hơn là dùng thuật ngữ “gặp gỡ Đông – Tây”. Đúng là chúng ta đang ở bối cảnh cuộc chiến tranh lạnh vào thời kỳ quyết liệt, hai khối đối chọi nhau gay gắt. Thái độ cư xử của một Bi-đơn Xmit (Bedell Smith), của một Đa-let (Foaster Dulles), một Bi-đơn (Georges Bidault), một Mô-lô-tốp (Molotov) gần như luôn luôn nhắc tới điều đó.

Tuy vậy, chúng tôi thích dùng “giữa phương Đông và phương Tây” hơn. Bởi vì Giơ-ne-vơ cũng là thái độ ôn hoà khôn khéo của một I-đơn (Anthony Eden), hay niềm tin còn nóng vội của một Măng-đét Phrăng (Mendès Frangce) đứng trước ngoại giao quỷ quyệt khôn lường của một Chu Ân Lai hoặc hơn nữa là sự giận giữ lo âu của Phạm Văn Đồng. Tấn thảm kich của một Đông Dương chia cắt đang thoát khỏi sự ràng buộc thuộc địa. Sự cố gắng căng thẳng của một Trung Quốc mong muốn thế giới cũ và thế giới mới chấp nhận. Một châu Á đang vươn lên, mong muốn người ta hiểu mình trên diễn đàn quốc tế lâu nay bị châu Âu hay Hoa Kỳ chi phối. Đối với chúng tôi, thuộc loại các cuộc thương lượng quan trọng, từng thời kỳ một, chúng ghi lại những sự biến đổi của thế giới.

Nhưng tại sao lại tìm cách tách riêng thái độ đặc biệt của Trung Quốc như vậy?

Ít nhất là vì hai lý do, bổ sung cho nhau là đằng khác:

Trước hết, bởi vì việc nghiên cứu lịch sử chính sách đối ngoại của Trung Quốc hiện đại-chưa được phát triển ở Pháp-đòi hỏi phải xem xét kỹ càng, từng cái một và kiên nhẫn những thời điểm có ý nghĩa nhất trong một thời kỳ lịch sử. Giơ-ne-vơ, cuộc đối mặt lớn lao đầu tiên của nước Trung Hoa mới với thế giới phương Tây, đối với chúng tôi là một trong những thời điểm đó-thời điểm đáng để chúng ta bỏ công nghiên cứu đề tài đó-đáng để chúng ta bỏ công phân tích việc nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa bước vào “hệ thống quan hệ liên quốc” (quan hệ giữa quốc gia này với quốc gia khác) như các nhà xã hội học về quan hệ quốc tế đã viết.

Từ nhận xét này chúng tôi đi thẳng đến lý do thứ hai phải ưu tiên nghiên cứu thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc xung đột lần thứ nhất ở Đông Dương. Đây còn là một lý do về phương pháp nữa. Chúng tôi cho rằng nghiên cứu các mối quan hệ quốc tế hiện đại mà chỉ dựa vào kinh nghiệm phương Tây thì không hợp lý lắm, còn nói gì vè lý thuyết? Làm sao có thể thúc đẩy việc nghiên cứu tiến triển nếu chúng ta xem nhẹ tính đặc thù của các thế giới xa lạ nhất với chúng ta? Trong một tác phẩm của Vôn-te (Voltaire), khi xem xét “Trích Dự án hoà bình vĩnh cửu của ông thày dòng Xanh Pi-e (Saint-Pierre)” do Rút-xô (J.J.Rousseau) công bố, Hoàng đế Trung Hoa đã nói: “Nhưng trẫm rất ngạc nhiên khi đã đi tìm mãi mà không thấy tên Trẫm trong danh sách”. Hai thế kỷ sau, ý nghĩ trào lộng này hình như vẫn không mất đi tính thời sự của nó.

Thật vậy trong chừng mừng nào đó (nói thì dễ quá đi thôi) hệ thống quốc tế có cái lô-gích riêng của nó và nó buộc các nhà đương cục là các quốc gia phải tuân theo. Nhưng sự phản ứng của các quốc gia đó về căn bản cũng cón thể hiện nhân cách của mỗi nước. Bởi vậy, chúng tôi tin tưởng sâu sắc rằng không nên đề cập đến chính sách đối ngoại của Trung Quốc ít nhất là ở Đông Dương, giống như chính sách của Mỹ hay của Liên Xô mà công trình nghiên cứu này không đả động đến. Phải chăng đây là cuộc tranh luận triền miền giữa những “nhà nghiên cứu cái phổ biến” và những “nhà nghiên cứu cái đặc thù”? Có thể như vậy.

Có nhiều công trình nói đến một phần đề tài chúng tôi đang quan tâm, đã được xuất bản đặc biệt là ở nước ngoài.

Một nhận xét đầu tiên, về hình thức: ở nước Trung Hoa nhân dân chưa hề có một công trình nghiên cứu lịch sử có liên quan xa, gần đến thái độ của chính phủ Bắc Kinh đối với vấn đề Đông Dương năm 1954. Điều đó không có nghĩa là không có các nguồn Trung Quốc liên quan đến vấn đề đó, chúng tôi sẽ trở lại vấn đề này khi nói về báo chí. Giờ đây, chúng tôi chỉ muốn nói rằng một vài cuốn sách tuyên truyền về vấn đề Đông Dương xuất bản trong những năm 1950 ở nước Trung Hoa nhân dân có thể đem lại những dữ kiện đáng chú ý. Chẳng hạn như cuốn sách nhỏ của Hu Ch’ i-an tên là “Trình bày về vấn đề Đông Dương" xuất bản ở Thượng Hải năm 1954 trong đó có một chương nói về hội nghị Giơ-ne-vơ và một chương khác về việc giải quyết cuộc khủng hoảng (chương IX và X)2 (Trong bảng thư mục sẽ liệt kê rõ các công trình và tạp chí nói đến trong lời nói đầu này). Một vài tạp chí chuyên ngành hiếm hoi xuất bản ở Bắc Kinh như “Nghiên cứu về các vấn đề quốc tế” cũng có thể cung cấp những tư liệu có ích.


Ngoài ra ở Đài Loan và Hồng Công cũng đã xuất bản nhiều công trình, sách nhỏ hay bài báo liên quan đến khía cạnh này, khía cạnh khác của vấn đề, và đó là những nguồn thông tin đáng quan tâm. Ví như cuốn sách nhỏ của Chang Tachiin “Vấn đề cộng sản Lào” nói về quan hệ giữa Việt Minh, Đảng cộng sản Trung Quốc và Pathet Lào. Hoặc nữa, các bài trong tạp chí của Trung Hoa quốc gia như “Nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản Trung Quốc" (đó là tạp chí nghiên cứu về Bắc Kinh), “Những vấn đề và những đề tài nghiên cứu" xuất bản ở Đài Bắc, hoặc là “triển vọng”, “Xuân Thu” xuất bản ở Hồng Công, v.v… Đối với những nguồn như vậy, cần phải phê phán nghiêm túc về mặt lịch sử, nhưng sự đóng góp của chúng đôi khi có giá trị.

Ở Pháp,-người ta có thể nói cả ở châu Âu-chúng tôi chỉ biết có một cuốn “Sự kết thúc của một cuộc chiến tranh" của Giăng La-cu-tuya (Jean Lacouture) và Phi-lip Đơ-vi-le (Philippe Devillers) xuất bản ở Pa-ri năm 1960.

Cũng như thường xảy ra, sự đóng góp về nguồn tư liệu chủ yếu là của Mỹ. Sự can thiệp ngày càng tăng của Mỹ vào bán đảo Đông Dương kể từ khoảng năm 1960 đã lôi cuốn các trường đại học và trung tâm nghiên cứu Mỹ vào việc phát triển các công trình nghiên cứu về lịch sử Đông Dương, nhất là về chủ nghĩa quốc gia và chủ nghĩa cộng sản Việt Nam cũng như về việc thủ tiêu chủ nghĩa thực dân Pháp. Một công trình tiêu biểu của Men-vin Guốc-tốp (Melvin Gurtov) là cuốn Cuộc khủng hoảng Việt Nam đầu tiên có một tiểu đề mục “Chiến lược của cộng sản Trung Quốc và sự dính líu của Mỹ, 1953-1954” do trường Đại học Cô-lum-bi-a xuất bản năm 19673 (Như tên sách đã chỉ rõ, cuốn này dành nhiều vào việc nghiên cứu cuộc khủng hoảng hơn là cách giải quyết nó, điều này trái ngược với yêu cầu của chúng tôi). Hoặc công trình của King C.Chen, Trung Quốc và Việt Nam, 1938-1954, do trường Đại học Prin-xơ-tơn xuất bản hai năm sau đó, phản ánh cùng một mối quan tâm của một nước Mỹ phiền muộn, muốn tìm hiểu sự thật4 (Công trình này một phần dựa vào nguồn của những người theo chủ nghĩa quốc gia ở Trung Hoa, có dành một chương về thái độ của Trung Hoa nhân dân trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương năm 1954). Phải kể đến công trình nghiên cứu quan trọng của Rô-be Ran-đơn (Robert Randle) Giơ-ne-vơ 1954: việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương cũng do trường Đại học Prin-xơ-tơn xuất bản năm 1969, theo chúng tôi biết, đó là công trình duy nhất nghiên cứu một cách tổng thể về hội nghị Giơ-ne-vơ kể từ khi có cuốn sách của Giăng La-cu-tuya và Phi-lip Đơ-vi-le. Hết thảy các công trình nghiên cứu đó dựa một phần vào những nguồn tư liệu gốc. Đặc biệt R.F.Ran-đơn đã cố gắng khai thác những hồ sơ lưu trữ riêng của J.F.Đa-let cũng như “Sưu tập lịch sử về Đa-lét” của trường Đại học Prin-xơ-tơn5 (Sưu tập này gồm những biên bản của hàng chục nhân vật Mỹ và nước ngoài có tiếp xúc với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Đa-lét). Nhưng nếu nguồn này có thể cung cấp những dữ kiện đáng chú ý để tìm hiểu thái độ của Mỹ trong việc giải quyết (cuộc chiến tranh Đông Dương) thì hiển nhiên nó lại không thể đem lại những tư liệu quyết định về thái độ của Trung Hoa nhân dân, vì các cuộc tiếp xúc giữa Mỹ và Trung Quốc, như người ta thấy, là rất sơ sài trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ. Không kể một vài cuộc nói chuyện với các nhân vật chính trị, những tác giả nói trên chủ yếu đã phải dựa vào các hồi ký của các nhà chính trị và các báo chí Mỹ và Trung Quốc.

Đồng thời chúng tôi cũng phải nói đến các công trình nghiên cứu của Liên Xô đã tăng lên gấp bội trong những năm gần đây, nhất là các công trình của Viện nghiên cứu Viễn đông-Mát-xcơ-va. Rõ ràng sự phát triển mối xung đột Trung-Xô đã đưa các sử gia Nga ngày càng nhấn mạnh đến những sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc về chính sách đối ngoại. Do đó các công trình nghiên cứu của Liên Xô là một kho thông tin tư liệu quý báu có thể khai thác được. Nhưng cũng chắc chắn rằng nếu ở đâu cần phải chú ý đặc biệt đến việc phê chuẩn về mặt lịch sử thì chính là ở các công trình này. Việc so sánh giữa hai công trình nghiên cứu của M.S.Ca-pít-sa (M.S.Kapitsa) (nguyên là thành viên của đoàn đại biểu Liên Xô tại Giơ-ne-vơ), cuốn “Quan hệ Xô-Trung” xuất bản năm 1958 và cuốn “Nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa: hai chục năm-hai chính sách” xuất bản năm 1969, có tác dụng đặc biệt soi sáng về phương diện này. Các công trình mới xuất bản đó cũng thường đưa lại những dữ kiện mới không thể phủ nhận được. Chính vì vậy chúng tối sẽ coi trọng các công trình đó.

Sự đóng góp chủ yếu của công trình nghiên cứu của chúng tôi, theo chúng tôi nghĩ, là ở chỗ công trình đó dựa trên những hồ sơ lưu trữ, trong trường hợp đặc biệt này là những hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Pháp.

Những hồ sơ này là của đoàn đại biểu Pháp tại hội nghị Giơ-ne-vơ, của Vụ chính trị và của Bộ các quốc gia liên kết trước đây. Tức là những biên bản của các cuộc nói chuyện bán chính thức đã diễn ra tại Giơ-ne-vơ giữa hai đoàn đại biểu Trung Quốc và Pháp và đó là những nguồn tư liệu đáng chú ý nhất. Trong số này có cả thư từ trao đổi giữa Pa-ri với Giơ-ne-vơ và Sài Gòn, cũng như giữa Pháp và các đồng minh của mình6 (Những hồ sơ này chưa được công bố. Việc những tài liệu nào đã dùng chỉ được trích dẫn tóm tắt, nói rõ nguồn, ngày, tháng, trích yếu mà không nói rõ ở tập  nào. Về chi tiết của các hồ sơ này, xem mục, “Nguồn và thư mục tham khảo” ở cuốn sách.

Việc sử dụng những hồ sơ lưu trữ này đặt ra một vấn đề phương pháp mà chúng tôi không có ý định lẩn tránh: có thể chấp nhận đến mức nào việc phân tích chính sách đối ngoại của một Nhà nước, trong trường hợp này là Trung Quốc, bằng cách dựa rất nhiều vào hồ sơ của một nước khác, như trong trường hợp này là nước Pháp, như chúng tôi sẽ làm? Cách tiến hành như vậy-có cần phải nhấn mạnh điều này không? Không thể coi là hoàn hảo. Tuy nhiên, chúng tôi cho rằng con đường phải đi là như vậy vì ba lý do chính:

Trước hết, vì cho đến lúc kết thúc, Đông Dương chủ yếu vẫn là một vấn đề của nước Pháp. Trong quá trình hội nghị, Pháp vẫn là người đối thoại được Trung Quốc ưu đãi. Vậy thì nếu những hồ sơ lưu trữ của Pháp rõ ràng là không thể đem ra thay thế hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc, người ta có thể thừa nhận rằng, ngoài hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc ra, đó là những tài liệu bổ ích nhất để nắm được đâu là những phương hướng chủ yếu của nền ngoại giao Trung Quốc.

Thứ hai, vì các biên bản của các cuộc tiếp xúc hẹp và bí mật mà lần đầu tiên chúng tôi có thể khai thác được, cho phép nắm được, nếu không phải là nguyên nhân thì ít nhất cũng là điều kiện, bối cảnh của chính sách Trung Quốc như đã được diễn đạt như thế.

Cuối cùng, vì trong một chế độ xã hội chủ nghĩa như là Trung Quốc, báo chí, đài phát thanh hoàn toàn do Nhà nước kiểm soát, cũng là một nguồn thông tin không thể xem thường được. Báo chí Trung Quốc tự một mình nó-chủ yếu là báo hàng ngày như Nhân dân nhật  báo và bản tin Tân Hoa xã-không thể là một cơ sở đủ cho việc nghiên cứu lịch sử. Trái lại, đem đối chiếu với các tư liệu gốc thì ngược lại báo chí trở thành một loại tư liệu bổ sung cần thiết. Một thứ bổ sung cứ mỗi bước lại đưa ra những so sánh đôi khi khá phong phú7 (Ví như, chúng tôi nghĩ tới bài xã luận tờ Nhân dân nhật báo ra ngày 22 tháng 2 năm 1954 về nghị quyết hội nghị Béc-lin mà người ta chú ý đem so sánh với các bài xã luận Liên Xô vào cùng thời gian đó (xem chương III) hoặc nữa, bài xã luận cũng của tờ Nhân dân nhật báo ra ngày 22 tháng 7 năm 1954 về việc kết thúc hội nghị Giơ-ne-vơ mà người ta đem so với các bài xã luận Việt Minh và Liên Xô trong ngày hôm đó). Về phương diện này, chúng tôi coi báo chí Trung Quốc như một nguồn nếu không phải là chủ yếu thì ít nhất cũng là quan trọng hàng đầu.

Như vậy, tính chất của ngay các hồ sơ lưu trữ của chúng tôi chắc sẽ đưa đến chỗ nói quá nhiều về quan hệ Trung-Pháp. Chắc chắn là trong các cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa Trung Quốc và phương Tây, nước Anh cũng đóng vai trò quyết định. Vậy mà, để phân tích quan hệ Trung-Anh, chúng tôi chỉ có tập Hồi ký của Ngài I-đơn (Sir Anthony Eden) người dẫn đầu đoàn đại biểu Anh tại Giơ-ne-vơ, cũng như tập Hồi ký của đại sứ Hăm-phrây Tơ-ri-vi-li-an (Humphrey Trevelyan) đại diện tại Bắc Kinh, tuỳ tùng của I-đơn và những thông báo mà đoàn đại biểu Anh đã có nhã ý trao đổi với đoàn đại biểu Pháp. Thật là ít. Chắc chắn rằng đến ngày nào có thể khai thác được hồ sơ lưu trữ của Bộ Ngoại giao Anh thì sẽ hài lòng được thấy rõ hơn tầm quan trọng của các cuộc hội đàđại đội giữa người đứng đầu nền ngoại giao Anh và Chu Ân Lai nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Đông Dương.

Những tập hồi ký của nhiều nhân vật chính giới được xuất bản từ 1954 cũng giúp đỡ chúng tôi ít nhiều. Nhưng ở lĩnh vực này, việc phê phán các nguồn tư liệu cũng phải đặc biệt nghiêm túc.

Trước hết, bởi vì thể loại văn học này cực kỳ phức tạp. Thế nào gọi là hồi  ký? Hiển nhiên là không thể nghi ngờ gì được các tập Hồi ký của I-đơn, Nhật ký bảy năm của Ô-ri-ôn (Vincent Auriol), Bình luận của Sô-ven, Hồi ký của các tướng Sa-lăng (raoul Salan) hoặc của tương Ê-ly (Paul Ely) thuộc thể loại này và được sử dụng như các loại hồi ký. Nhưng những trang (171-176) trong cuốn Đảng cộng sản Trung Quốc cầm chính quyền mà Ghi-éc-ma (Jacques Guillermaz) viết về hội nghị Giơ-ne-vơ phải chăng được coi là “hồi ký” bởi lẽ tác giả là thành viên của đoàn đại biểu Pháp tại hội nghị? Hay là những trang (108-117)-không bổ ích gì lắm-trong cuốn Vấn đề Đông Dương từ sau chiến tranh thế giới lần thứ hai của La-vrit-sép (Alexandr Lavrisev) cũng được coi là “hồi ký” chăng? Bởi vì tác giả cũng đã tham dự Hội nghị với tư cách Tổng thư ký của đoàn đại biểu Liên Xô. Hoặc những trang (401-403) trong cuốn Quan hệ Xô-Trung của M.S.Ca-pít-sa cũng thế, bởi vì cũng như La-vrit-sép, M.S.Ca-pít-sa có mặt ở Giơ-ne-vơ lúc đó? Chắc chắn không phải như vậy. Vì chúng tôi đã cố ý chọn những cuốn sách mà việc biên soạn đã làm cho các công trình mang tính chất nghiên cứu bậc đại học, hoặc nghiên cứu chính thức chứ không phải hồi ký. Nhưng giữa những thái cực đó, chúng ta sẽ xếp vào loại nào cuốn sách nhỏ nhan đề Tiếng vang trung thực của đại tá Ê-vôn (Robert B.Ekvall) nguyên là phiên dịch tiếng Trung Quốc của đoàn đại biểu Mỹ tại Giơ-ne-vơ? Đó là kỷ niệm của một cuộc hội nghị hay là những điều khó hiểu về chính trị bắt nguồn từ những sự khó khăn trong việc phiên dịch8 (Thực ra Ê-vôn làm phiên dịch ở hai cuộc hội nghị. Trước đó ông ta đã làm phiên dịch ở hội nghị Bàn Môn Điếm). Hoặc cuốn sách của Hoàng Văn Chỉ nhan đề Từ chủ nghĩa thực dân đến chủ nghĩa cộng sản. Đó là một công trình nghiên cứu về cải cách ruộng đất của Việt Minh trong những năm 1953-1956 hay là chuyện kể của một nhân vật đặc biệt nhạy cảm đối với sự bành trướng về ý thức hệ của Trung Quốc ở Việt Nam?

Nhưng đương nhiên, những lầm lẫn về tài liệu hoặc việc “viết lại” lịch sử là những khó khăn nghiêm trọng nhất. Nhớ nhầm chăng? Đại sứ Sô-ven là người đã có mặt tại hội nghị này từ đầu đến cuối đã nhớ lại rất kỹ “cái động tác rất tiêu cực của Đa-lét” lúc 20 giờ ngày 15 tháng 6 khi ông này giơ tay tỏ ý không muốn hội nghị tiếp tục bàn về vấn đề Triều Tiên nữa9 (G. Sô-ven, sách đã dẫn, tr.48). Vậy mà Đa-lét đã rời Giơ-ne-vơ ngày 3 tháng 5 và không bào giờ trở lại đó nữa cho đến khi đạt được thoả thuận ngày 21 tháng 7. Hoặc nữa là cuộc nói chuyện dài với Chu Ân Lai ngày 19 tháng 6 khiến cho phiên họp của hội nghị phải lùi lại bốn tiếng đồng hồ, nhưng cuối cùng cuộc nói chuyện, đại sứ Sô-ven đã giành được điều ông ta muốn10 (G. Sô-ven, sách đã dẫn, tr.72). Vậy mà hồ sơ của Bộ Ngoại giao thì lại chứng minh một cách không thể bác bỏ được rằng cuộc nói chuyện đó đã diễn ra ngày 22 tháng 6 và Chu Ân Lai đã hoãn câu trả lời đến ngày hôm sau. Và người ta thường ngờ rằng nhiều tập hồi ký khác cũng có thể đưa ra nhiều ví dụ tương tự.

Tuy nhiên, nhiều công trình về thể loại đó là những nguồn thông tin có giá trị. Đặc biệt là tập hồi ký của I-đơn, được viết ra một cách tỉ mỉ và chính xác, hồi ký của đại sư Tơ-ri-vi-li-an đã bổ sung cho hồi ký của I-đơn hay của đại sứ Sô-ven là những tư liệu, mặc dù có những nhầm lẫn mà chúng tôi nêu lên ở trên, đã phác một bức tranh không phải là không bổ ích về hội nghị. Chúng tôi cúng nhớ những hồi ký của các vị chỉ huy quân sự (các tướng Sa-lăng, G. Ca-tơ-ru, H. Na-va, P. Ê-li) đã cung cấp những nguồn tin quý giá về sự giúp đỡ của Trung Quốc cho Việt Minh trong năm 1953-1954 hoặc về cách thức các tướng lĩnh đó đánh giá sự “đe doạ” của Trung Quốc. Cuối cùng là những hồi ký của các chính khách nhà nước Pháp và nước ngoài (D. Ai-xen-hao, J. La-ni-on, V. Ô-ri-ôn) là những người trước và trong cuộc khủng hoảng đã cầm vận mệnh của những nước trực tiếp dính líu đến.

Phần lớn những nhận xét của chúng tôi đối với các tập hồi ký mà chúng tôi sẽ sử dụng, cũng áp dụng đối với các cuộc hỏi chuyện các nhân vật Pháp và nước ngoài trực tiếp liên quan đến các sự kiện đó11 (Xem tiếp ở cuối sách trong phần “Nguồn tư liệu và thư mục tham khảo”). Chắc chắn rằng khả năng có thể hỏi chuyện trực tiếp những người có vai trò chính lúc bấy giờ là một chủ bài đáng kể. Nhưng cũng có mối nguy hiểm hiển nhiên không kém.

Một phần bởi hai chục năm đã trôi qua kể từ năm 1954, những kỷ niệm và cảm tưởng lúc bấy giờ đã dần dần phai nhạt trong những sự giải thích sau này. Làm sao những nhân chứng của năm 1954 mà phần lớn tiếp tục theo dõi sát hoặc nhiều hoặc ít tiến trình chính trị ở Viễn đông, ngày nay lại có thể dừng lại ở những điều họ đã biết, từng suy nghĩ năm 1954 mà không xen lẫn những ý nghĩ nảy sinh do những sự kiện mới đây hơn? Đó là một nhận xét chung nhưng càng tỏ ra thích hợp khi đối với một vấn đề mà từ hội nghị Giơ-ne-vơ đến nay luôn luôn chiếm vị trí thời sự hàng đầu.

Vả lại,-có cần phải nói rõ ra không-trong các cuộc hỏi chuyện đó, không thể hoàn toàn loại trừ ý muốn dựa vào kinh nghiệm đã qua để bào chữa cho thái độ này hoặc thái độ khác. Những cuộc tranh luận giữa các vị thủ tướng Bi-đôn và Măng-đét Phrăng về vấn đề Đông Dương đã được biết đến đủ đến nỗi không cần thiết phải nhấn mạnh nhiều hơn đến những giới hạn vốn có của loại nguồn tư liệu lịch sử nói trên.

Những khó khăn đó, quá hiển nhiên, đã không làm chúng tôi hoàn toàn xa lánh việc nhờ cậy các cuộc nói chuyện để bổ sung cho thiếu sót này hoặc thiếu sót khác trong hồ sơ lưu trữ hoặc để soi sáng trường hợp này hoặc trường hợp khác. Nhưng nói chung, chúng tôi chỉ sử dụng những thông tin lượm được qua các cuộc nói chuyện như những nguồn phụ mà thôi. Không bao giờ chúng tôi dựa trên một kết quả duy nhất của một cuộc nói chuyện để nói một điểm quyết định trong luận văn của chúng tôi. Trong phần lớn trường hợp, những thông tin tập hợp được theo cách đó chỉ sử dụng ở phần chú thích ở cuối trang.

Còn về các hồ sơ lưu trữ thì điều mong muốn là có được các cuộc hội đàm với các nhân vật Trung Quốc. Chắc chắn là nếu không có thể hỏi chuyện được những người có vai trò hàng đầu, thì tình hình có thể khác khi hỏi đến các nhân vật cấp thấp hơn. Một vài lần tiếp xúc với ông Đào Quý Sinh (Tsao Kuei-sheng), bí thư (hoặc phó bí thư) ở Bộ Ngoại giao Trung Quốc năm 1951, thành viên của đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, mới đây là tham tán Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã mau chóng chỉ cho thấy điều mong muốn của chúng tôi là ảo tưởng. Có nghĩa là những cuộc hỏi chuyện về vấn đề này chỉ có thể thực hiện được với những nhân vật không cộng sản của Pháp hay của nước ngoài.

Còn một điểm cuối cùng về phương pháp mà chúng tôi muốn đề cập đến.

Thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất là do một loạt nhân tố bên trong-việc phân tích những nhân tố đó là giai đoạn đầu của cuộc điều tra của chúng tôi-và bên ngoài. Về nhân tố bên ngoài không thể đem cô lập một cách độ đoán so sánh lực lượng trong nội bộ phe xã hội chủ nghĩa với so sánh lực lượng giữa Đông và Tây. Tất cả những nhân tố đó gắn quá chặt chẽ với nhau mà không thể tách rời nhau. Tuy nhiên chúng tôi sẽ dành phần chủ yếu trong sự trình bày của chúng tôi cho thái độ của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đứng trước các cường quốc phương Tây. Nếu chúng tôi cố ý hạn chế phạm vi điều tra của chúng tôi là chính vì những hồ sơ lưu trữ mà chúng tôi dựa vào không cho phép chúng tôi đi xa hơn. Chắc chắn là chúng tôi sẽ phải luôn luôn đề cập đến mối quan hệ giữa Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và đồng minh (Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) hay với các nước bạn bè (Ân Độ, nhất là Miến Điện). Vì một lần nữa, tất cả các mối quan hệ đó đều gắn bó chặt chẽ với nhau, không thể đề cập đến một cách nào hơn là xem xét tổng thể các mối quan hệ đó. Nhưng cũng phải rõ là mức độ “đúng đắn” của các dữ kiện của chúng tôi sẽ không ngang nhau tuỳ theo khi nói về quan hệ giữa Trung Quốc và phương Tây hoặc ngược lại, giữa Trung Quốc và các đồng minh xã hội chủ nghĩa hay các nước bạn bè và châu Á. Có nghĩa là công trình nghiên cứu này có thẻ đi đến một vài kết luận vững chắc đối với quan niệm của Trung Quốc về cùng tồn tại hoà bình với phương Tây năm 1954 chẳng hạn, nhưng không nên trông đợi nhiều vào những kết quả dứt khoát khi nghiên cứu về tình hình quan hệ Trung-Xô hoặc Trung Quốc-Việt Minh trong cùng thời gian đó. Thiếu nguồn tư liệu gốc, lại phải giới hạn mục tiêu của cuộc điều tra, một vài kết luận có thể đạt được còn mỏng manh, vậy thì làm sao lẩn tránh được câu hỏi cuối cùng nhưng cơ bản này: ngày nay liệu người ta có thể viết lịch sử về vai trò của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất hay không?

Thực ra, vấn đề này trùm lên một vấn đề khác, nghiêm trọng hơn: có thể viết lịch sử thời đại hiện nay không? Bởi vì năm 1954 đó chính là thời đại chúng ta. Không thể chối cãi rằng những sự kiện chúng ta muốn phân tích và giải thích hiện vẫn còn tồn tại một cách kỳ lạ. Vào lúc chúng tôi biên soạn công trình này, vấn đề Đông Dương chưa hoàn toàn giải quyết. Những con người, nhiều khi vẫn là những con người ấy, Phạm Văn Đồng, Xu-pha-nu-vông, và những người khác, 25 năm sau, vẫn còn đứng ở hàng đầu thời cuộc. Có nghĩa là những ham muốn cách đây 20 năm vẫn còn là một phần những ham muốn hiện nay. Vậy thì, phải chăng đó là lịch sử?

Chúng tôi ý thức được những khó khăn do một tình hình như vậy gây ra. Nhưng chúng tôi càng không chịu bỏ cuộc.

Tất nhiên lịch sử cần một bước lùi để hiểu biết nó. Nhưng nó cũng cần nhân chứng, kể cả nhân chứng còn sống. Lịch sử không thể vô tình theo cách cảm thụ cả bản thân những người đương thời đối với những sự kiện đó. Việc khai thác báo chí, nhất là biên bản các cuộc hỏi chuyện những người có vai trò hoặc có mặt tại cuộc thương lượng có thể, theo chúng tôi, đem lại những nhân tố quan trọng để hiểu biết các sự việc. Về phương diện đó, một lịch sử nào đó có thể và phải viết cùng với sự kiện diễn ra.

Vả lại,-nhưng phải chăng đó là một lý lẽ?-trông chờ có được hồ sơ lưu trữ của Trung Quốc, tức là chịu bó tay không viết được lịch sử trong một tương lai thấy trước. Vậy mà chính sách của Trung Quốc tiếp diễn, ở Đông Dương cũng như ở nơi khác. Những phương tiện điều tra của chúng tôi dù không hoàn hảo thì ngay từ giờ phải cố mà tìm hiểu. Chúng tôi cảm thấy những lý lẽ đó làm sục sôi cuộc thảo luận bất tận về chức năng của lịch sử. Bảo tồn quá khứ ư? Hướng dẫn tương lai ư? Chúng tôi không đi vào con đường đó. Nhưng có lẽ chúng tôi nhớ rằng lịch sử bao giờ cũng là con đẻ của thời đại, đã và sẽ không bao giờ có lịch sử chung cục.

Vậy thì tại sao, ngay từ hôm nay ít nhất lại không trình bày những nhân tố sẵn có trong tay? Chúng tôi biết rằng có những giới hạn không thể vượt qua. Giá trị duy nhất của công trình nghiên cứu của chúng tôi có lẽ sẽ là bản liệt kê những cái gì chúng tôi còn chưa biết. Nhưng phải chăng đó đã là một cách góp phần vào tìm hiểu lịch sử?

Công trình nghiên cứu của chúng tôi sẽ phát triển thành bốn phần.

Phần thứ nhất muốn giới thiệu tình hình Trung Quốc năm 1954 (chương I). Vấn đề Đông Dương nhìn từ Bắc Kinh (chương II) đồng thời các cuộc thương lượng quốc tế sẽ phải dẫn đến việc mời Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tham dự hội nghị Giơ-ne-vơ (chương III).

Quả thực, việc nghiên cứu tình hình chính trị và kinh tế Trung Quốc mùa xuân 1954 là cần thiết để phân tích và tìm hiểu những mục tiêu chủ yếu mà Chu Ân Lai theo đuổi khi đến Giơ-ne-vơ. Sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, mức độ ưu tiên dành cho việc xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hùng mạnh, tình hình bên ngoài của quốc gia trẻ tuổi và những tham vọng của nó trong lĩnh vực này sẽ quyết định ở mức độ lớn nền ngoại giao Trung Quốc tại cuộc hội nghị. Thêm vào đó là cách nhìn đặc biệt và truyền thống đối với mối quan hệ Trung-Việt mà chúng tôi thấy cần nêu lên một số chi tiết, bởi vì cách nhìn đó sẽ đóng vai trò có lẽ là không thể coi thường được, về phía Trung Quốc cũng như về phía Việt Nam trong việc tiến hành cuộc thương lượng.

Nhưng một chính sách đối ngoại không phải chỉ là tổng hợp các lực lượng bên trong: đó còn là sự thích nghi thường xuyên các biện pháp và mục tiêu của dân tộc với các trở ngại và khả năng mà hệ thống quốc tế đem lại. Có nghĩa là cần phải đồng thời chú ý đến viện trợ chính trị, kinh tế và quân sự của Trung Quốc cho cộng sản Việt Nam và những phản ứng của phía Pháp và các cường quốc phương Tây khác đối với sự viện trợ đó.

Cuối cùng, chương III, một loại chuyển tiếp đi đến nghiên cứu chính hội nghị Giơ-ne-vơ, nói về cuộc gặp gỡ ở Béc-lin có nghĩa là việc bốn “nước lớn” khác mời Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đến Giơ-ne-vơ và các phản ứng của chính phủ Bắc Kinh đối với lời mời đó.

Với phần thứ hai, chính là nghiên cứu diễn biến bản thân cuộc thương lượng, đánh dấu bằng sự thất bại của cuộc đàm phán về vấn đề Triều Tiên ngày 15 tháng 6 năm 1954. Giai đoạn Triều Tiên của hội nghị Giơ-ne-vơ không bao giờ được các cường quốc coi như một cuộc gặp vỡ quốc tế có tầm quan trọng hàng đầu, khi rõ ràng là không một thoả thuận nào có thể đạt được từ cuộc hội nghị đó. Tuy nhiên chắc chắn sẽ đánh giá rất sai lầm, nhất là đối với Trung Quốc, nếu tách rời hoàn toàn các vấn đề Triều Tiên và Đông Dương. Việc nghiên cứu đơn thuần trình tự thời gian các sự kiện sẽ chỉ ra rằng sự thất bại của cuộc hội nghị về Triều Tiên đã thay đổi đến mức độ nào thái độ của Chu Ân Lai. Vấn đề này, được đề cập ngay từ chương IV nói về việc khai mạc hội nghị, sẽ là kết luận lô-gích của chương IV, đồng thời của cả phần hai. Đồng thời chúng tôi cũng sẽ nói đến các cuộc gặp diễn ra “song song” ngay từ đầu, giữa đoàn đại biểu Trung Quốc với những người phương Tây trong nhiều vấn đề chính trị và kinh tế (chương V). Nếu cuộc hội nghị Giơ-ne-vơ, theo con mắt phương Tây, còn tương ứng với việc giải quyết cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, thì đó cũng là cơ hội để Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc thương lượng khác, không trực tiếp ảnh hưởng đến Đông Dương nhưng lại có tầm quan trọng chủ yếu đối với việc nghiên cứu chính sách đối ngoại của Trung Quốc trong thời kỳ này.

Thái độ của Trung Quốc trong giai đoạn hai của hội nghị-giai đoạn bổ ích nhất-sẽ là đề tài chính của phần thứ ba. Đó sẽ là dịp đề cập chi tiết hơn vấn đề Lào và Cam-pu-chia trong đó, thủ tướng Trung Quốc đóng vai trò quyết định (chương VII). Cũng là dịp chúng tôi mở rộng phạm vi nghiên cứu đến toàn bộ chính sách Trung Quốc ở Nam Á và Đông Nam Á bằng cách theo dõi chuyến đi thăm của Chu Ân Lai ở Niu Đê-li và Răng-gun (chương VIII). Cuối cùng, Chu Ân Lai trở lại Giơ-ne-vơ để tiến hành mười ngày thương lượng cuối cùng (chương IX): mười ngày thiết yếu để hiểu được những mục tiêu của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này.

Đối với ba phần đầu của công trình này, chúng tôi đã đưa ra ba đề mục chung: “Tự khẳng định vị trí của mình trên trường quốc tế”, “Ngăn cấm Mỹ vào Đông Dương" và “Áp đặt các nguyên tắc cùng tồn tại hoà bình”. Sự lựa chọn của chúng tôi là các đề tài chủ chốt trong mỗi phần: vị trí của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa trong hàng ngũ các “nước lớn” khi nói về hội nghị Béc-lin, vấn đề quốc tế hoá cuộc chiến tranh vào giờ phút khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ và vấn đề năm nguyên tắc, khi nói đến quan hệ giữa Trung Quốc, Lào và Cam-pu-chia, cũng như khi nói đến cuộc đi thăm của Chu Ân Lai ở Ấn Độ và Miến Điện. Như vậy, rất rõ ràng đó là ba tư tưởng chủ đạo toàn bộ chính sách Trung Quốc của năm 1954 vào bất cứ thời kỳ nào, bất cứ vấn đề gì và ở bất cứ vùng nào trên thế giới.Cuối cùng, phần thứ tư dành cho kết luận và suy nghĩ có thể rút ra từ cuộc gặp gỡ ở Giơ-ne-vơ giữa Trung Quốc và các cường quốc phương Tây. Để làm việc đó, chúng tôi đi theo ba hướng: nghiên cứu các điều đã thoả thuận, cách thức Trung Quốc giải thích và tôn trọng (hiệp định) để đưa chúng ta đến xác định rõ bản chất của chính sách Trung Quốc ở Đông Dương (chương X). Rồi vượt qua khỏi khuôn khổ địa lý chật hẹp đó, chúng tôi thử lường các hậu quả của việc giải quyết cuộc khủng hoảng đó đối với “hình ảnh” và vị trí của Trung Quốc mới trên thế giới (chương XI). Cuối cùng đi từ cái riêng nhất đến cái chung nhất, chúng tôi cố gắng nêu bật điều chủ yếu mà việc nghiên cứu kỹ lưỡng cuộc hội nghị này có thể đem lại là phân tích những phương hướng cơ bản trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc (chương XII).

PHẦN THỨ NHẤT
TỰ KHẲNG ĐỊNH VỊ TRÍ CỦA MÌNH
TRÊN TRƯỜNG QUỐC TẾ

CHƯƠNG I
NHỮNG NHU CẦU CỦA TÌNH HÌNH
VÀ SỨC NẶNG CỦA QUÁ KHỨ

NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA VÀO MÙA XUÂN 1954


Khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, vào tháng tư năm 1954, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa mới chỉ được bốn năm rưỡi1 (Về lịch sử 4 năm này, xin tham khảo cuốn sách tiếng Pháp của J.Guillerman: Le Parti Communiste Chinois au pouvoir 1949-1972 (Đảng cộng sản Trung Quốc cầm chính quyền 1949-1972) Pa-ri, Payot, 1972, tr.13-79. Về tiếng Anh có cuốn của A.Doak Barnett: Communist China: The Early years 1949-1955 (Trung Hoa cộng sản những năm gần đây 1949-1955) Niu Oóc, Praeger 1964 của L.Richard Walker: China under Communist-The First Five Years (Trung Hoa dưới chế độ cộng sản-5 năm đầu tiên) New Haven, Yale University Press, 1955, XV. Về các sách khác nói đến thời kỳ này hoặc trong thời kỳ này, xin xem thư mục sách tham khảo). Thời gian khá ngắn đối với một chế đọ phải quản lý gần 600 triệu dân trên một lãnh thổ rộng gần 10 triệu kilômét vuông bị tàn phá hầu hết sau nhiều năm nội chiến và chiến tranh với bên ngoài. Tuy nhiên dù phải vượt qua những trở ngại lớn lao, quãng đường đã đi là khả quan. Từ nay, Nhà nước mới đã yên vị vững chãi, những thế lực đối lập trực tiếp nguy hiểm nhất đã bị thanh toán, trật tự được xắp đặt khắp nơi, nền kinh tế đang trong quá trình phục hồi.


Sức mạnh của chế độ

Người có công xây dựng công trình vĩ đại đó là Đảng Cộng sản Trung Quốc qua hai mươi năm đấu tranh đã thu thập được kinh nghiệm bậc nhất về chính trị, quân sự và hành chính. Có tới 7-8 triệu đảng viên, những năm 1950-1954, Đảng bị tầm vóc của người đứng đầu, chủ tịch Mao Trạch Đông hoàn toàn chế ngự, thậm chí đè bẹp. Họ Mao đã dần dần tự đặt mình lên địa vị lãnh đạo tối cao. Và để đạt tới đó, đã phải loại trừ mọi đối thủ trong nước cũng như trong phong trào cộng sản quốc tế. Thành tự năm 1949 và thắng lợi năm 1949 còn làm nổi bật “thiên tài đặc biệt” của người lãnh đạo. Ngay dù có một số người phải chịu nhận nó một cách dè dặt, quyền lực cá nhân của Chủ tịch ban chỉ huy Trung ương vẫn không thấp hơn quyền hạn chủ yếu của Đảng. Hơn bao giờ hết, Mao Trạch Đông là tượng trưng cho sự thống nhất trong đảng và đường lối đúng đắn do Đại hội lần thứ VII họp năm 1945 đề ra. Vả lại văn kiện của Đại hội này, đặc biệt là điều lệ Đảng, nói đến “tư tưởng Mao Trạch Đông", đến năm 1954 vẫn còn có hiệu lực2 (Đến năm 1954, Đảng Cộng sản Trung Quốc mới đưa ra Điều lệ mới).

Chắc chắn rằng, trong thời gian sắp đến hội nghị Giơ-ne-vơ, sự thống nhất trong đảng đã bị lung lay. Đúng như vậy, vụ Cao Cương-Nhiêu Thấu Thạch xảy ra vào mùa xuân 1954 nhắc nhở rằng trong đảng vẫn tồn tại một sự đối lập nào đó3 (J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.105-111). Người thứ nhất trong hai nhân vật đó, nguyên là một trong các phó chủ tịch Chính phủ từ năm 1949, và từ 1952 là Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch, đến năm 1953 đã bị quy vào tội âm mưu cướp quyền lãnh đạo Đảng và Nhà nước. Còn người thứ hai, Nhiêu Thấu Thạch đã là một trong những người lãnh đạo quan trọng vùng Thượng Hải và từ 1953 là Trưởng ban Ban tổ chức của ban chỉ huy Trung ương đã bị quy kết ngay trong năm đó là hữu khuynh và câu kết với Cao Cương. Cả hai người đó bị kết án trong những điều kiện đến nay còn chưa rõ ràng về những hoạt động “chống Đảng” tại hội nghị lần thứ 4 của ban chỉ huy Trung ương khoá VII (từ 6 đến 10 tháng 2 năm 1954). Việc họ bị hạ bệ kéo theo một số người phụ trách cao cấp khác. Vụ Cao-Nhiêu, năm sau (tháng 3 năm 1955) mới được công bố, là sự việc đầu tiên làm rung chuyển Đảng Cộng sản kể từ khi lên cầm quyền. Sự việc đó không đe doạ căn bản sự thống nhất trong Đảng, tuy nhiên, nó đã phản ánh sự bất đồng của một số người lãnh đạo đối với đường lối chính trị phải tuân theo trong những ngành khác nhau (đồng thời cũng phản ánh những sự tranh giành quyền lực cá nhân đã chia rẽ nhiều người trong bọn họ)4 (Chúng tôi nói thêm rằng vụ Cao Cương gắn liền với những khó khăn trong quan hệ Trung-Xô. Năm 1956, Mao Trạch Đông dùng luận điệu “gián điệp cho nước ngoài” là có ý ám chỉ Liên Xô. Xem Tuyển tập Mao Trạch Đông, tập 5 (tiếng Pháp) tr.368).

Quân đội Giải phóng nhân dân, về phía mình, là một công cụ tin cậy và đồng nhất. Với quân số trên hai triệu người, quân đội đó được cải tổ sâu sắc. Việc hiện đại hoá nhanh chóng (dù chỉ từng phần) trong chiến tranh Triều Tiên thể hiện không những trang bị hoàn hảo hơn, mà còn trong việc cải tiến tổ chức và chỉ huy5 (Xem Ellis Joffe: Party and Army: Professionalism and Political Control in the Chinese Officer Corps 1949-1964 (Đảng và quân đội, chế độ chuyên nghiệp và kiểm tra chính trị trong đội ngũ sĩ quan Trung Quốc) Cambridge (Mass). University Press, 1965, tr.1-45). Kinh nghiệm cách mạng không còn đủ với người sĩ quan hiện đại. Từ nay cần được huấn luyện kỹ thuật, chuyên môn hoá, theo chiều sâu, như một bài xã luận tờ Nhân dân nhật báo tháng 7-19546 (Nhân dân nhật báo (xã luận) 24-7-1954) đã nhấn mạnh. Người ta đã hướng vào việc thành lập đội ngũ sĩ quan nhà nghề, một năm sau được xác nhận bằng quy định ngày 8 tháng 2 năm 19557 (Xem: Quy định về chế độ công tác của sĩ quan quân đội Giải phóng nhân dân, tin Tân Hoa xã (tiếng Pháp) 9-2-1955). Song song với việc đó, chế độ tình nguyện, đến lúc đó là quy tắc tuyển quân dần dần được thay thế bằng chế độ đăng ký nghĩa vụ được chấp nhận về nguyên tắc từ 19498 (Điều 8, Cương lĩnh chung Hội nghị chính trị hiệp thương). Tháng 3-1953 đã thành lập Uỷ ban nghiên cứu luật nghĩa vụ quân sự và năm 1954, một năm trước khi Quốc hội chính thức thông qua (ngày 30 tháng 7 năm 1955) quân đội bắt đầu gọi nhập ngũ qua chế độ đăng ký nghĩa vụ9 (E.Giơ-phơ, sách đã dẫn, tr.38-39).

Tóm lại, có nghĩa là năm 1953-1954, quân đội thật sự trở thành một tổ chức độc lập, vừa bằng chế độ tuyển quân, vừa bằng cơ cấu tổ chức. Tuy tách khỏi tổ chức Đảng như vậy, quân đội vẫn phải triệt để phục tùng Đảng. Vả lại, từ hai năm nay, vai trò chính trị và hành pháp của quân nhân đã dần dần giảm đi: Chính là như vậy mà ở các tỉnh, những trách nhiệm dân sự và quân sự đã chính tức tách biệt nhau từ tháng 11 năm 1952. Ngay cả trong một số trường hợp, uỷ ban quân sự của Đảng hãy còn đóng vai trò quan trọng, quân đội Giải phóng nhân dân năm 1954 không còn chút nào là một nhóm để gây sức ép nhằm bảo vệ, bên trong hoặc bên ngoài, đường lối chính trị riêng biệt này hay đường lối chính trị riêng biệt khác. Đây là một điểm không phải không bổ ích để phân tích thái độ của Trung Quốc trong việc giải quyết cuộc khủng Đông Dương.

Về mặt các thể chế chính trị, thời kỳ chuyển tiếp đã qua. Một uỷ ban hiến pháp, đứng đầu là Chủ tịch Mao Trạch Đông, đã được thành lập tháng 1 năm 1953; tháng rưỡi sau đó, ngày 1 tháng 3, một đạo luật tuyển cử đã được thông qua, dự kiến một hệ thống bầu cử gián tiếp để chọn đại biểu vào Quốc hội tương lai. Ngay trong năm đó, các cuộc bầu cử sơ bộ đầu tiên để bầu các hội đồng địa phương đã được tổ chức và đến năm 1954 được kết thúc bằng các cuộc bầu cử Quốc hội. Vả lại, chính nhằm chuẩn bị bầu cử đã tiến hành cuộc điều tra dân số đầu tiên ngày 30 tháng 6 năm 1953. Vào ngày đó Trung Hoa lục địa có 582 triệu dân.

Trong khi các hoạt động bầu cử tiếp dẫn ở nhiều cấp và nhiều vùng khác nhau, dự thảo Hiến pháp đầu tiên do ban chỉ huy Trung ương Đảng đưa ra, đã được Uỷ ban hiến pháp chấp nhận tháng 3 năm 195410 (Về vấn đề này, xem Report on the Draft Constitution of Peopl’e s Republic of China (Báo cáo về Dự thảo Hiến pháp của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) Bắc Kinh, Nhà xuất bản Ngoại văn, 1954). Được đem ra thảo luận trong số cán bộ cao cấp nhất trong hai tháng, bản dự thảo cuối cùng đã sửa đổi lại, được đem công bố ngày 14 tháng 6 năm 1954, một ngày trước khi hội nghị Giơ-ne-vơ về Triều Tiên tan vỡ. Điều đó có nghĩa là khi hội nghị này khai mạc ngày 26 tháng 4 thì việc định ra các thể chế mới đã tiến khá xa. Giai đoạn chủ yếu, Đảng khởi thảo dự thảo Hiến pháp-đã vượt qua và ngay dù về hình thức văn bản chưa được Quốc hội thông qua, vào mùa xuân 1954, Trung Quốc về phương diện lập hiến đã là một nước ở vào thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội.

Về mặt chính trị, việc phân tích kỹ càng tình hình Trung Quốc đem lại ấn tượng về một Đảng rất đoàn kết, nhất trí xung quanh Chủ tịch Mao Trạch Đông và về một chế độ từ nay hoàn toàn ổn định. Đó là kết luận của W W. Rô-xtốp (W.W.Rostow) lúc bấy giờ là chủ nhiệm của “Dự án về Trung Quốc" tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế trường Đại học kỹ thuật Mát-sa-su-sét (Mỹ) trong cuốn sách nhan đề Triển vọng của Trung Hoa cộng sản xuất bản tháng 8 năm 1954: “Công việc này (xem xét tình hình Trung Quốc giữa năm 1954) làm chúng ta nghĩ rằng mặc dù có sự bất mãn quan trọng nhưng vô tổ chức về chính trị của quyết chiến, địa vị hiện thời của chế độ cộng sản Trung Quốc ở lục địa Trung Hoa đã được đảm bảo về đối nội, do có sự đoàn kết và các công cụ kiểm soát”11 (Uôn-tơ, W.Rô-xtôp và những người khác: The Prospects for Communist China (Tương lai của nước Trung Hoa cộng sản) Cambrigde Technology Press of Massachussetts Institute of Technology, 1954, tr.311). Hoặc một đánh giá khác nữa cũng của chuyên gia đó: “Kết luận chung của chúng tôi (…) là ê-kíp lãnh đạo ở Bắc Kinh hiện nay có sức mạnh đoàn kết của một cường quốc hiếm có và cả duy nhất nữa trong lịch sử chủ nghĩa cộng sản. Sự đoàn kết đó tập trung vào con người của Mao”12 (Như trên, tr.131). Cuối cùng, ông ta viết về quân đội: “Ngoài ra, chừng nào Mao còn giữ được quyền kiểm soát, thì không chắc rằng quân đội thừa nhận và ủng hộ một lập trường chính trị nào độc lập với các cấp cao nhất trong chính phủ"13 (Như trên, tr.134). Với câu, chữ kém câu nệ hơn, người ta báo cáo về Bộ Ngoại giao (Pháp): “Không nên hi vọng chế độ độc tài chuyên chế sụp đổ, một nền độc tài thiết lập bằng cuộc chinh phục quân sự năm 1949, có bộ máy cảnh sát hùng hậu và vũ trang tốt, có thể đàn áp mọi mưu toan nổi dậy”14 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương) 13-3-1954. Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ. Cùng một ý kiến trong cuốn The China Prbolem and U.S.Policy (Vấn đề Trung Quốc và chính sách của Mỹ) Department of State Publication 5460 Far Eastern Series 64, tháng 5-1954, tr.4 (bài của Et-uyn Ma-tin, Phó vụ trưởng, Vụ Trung Quốc Bộ Ngoại giao Mỹ).

Ngay cả đôi khi cách đánh giá tuyệt đối đó không phản ánh đúng tình hình thực tế15 (Bộ Ngoại giao Pháp thắc mắc về sự thay đổi một vài thành viên chính phủ Bắc Kinh tháng 9-1953. Đặng Tiểu Bình thay Bạc Nhất Ba làm Bộ trưởng Bộ Tài chính, Xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương ngày 15-10-1953). Bản ghi nhớ về “Trung Quốc". Ngoài ra, phân tích bài diễn văn của Trần Vân ngày 5-3-1954 có một chú thích như sau: “Nội dung bao hàm sự tồn tại một nhóm cơ hội trong Đảng Cộng sản Trung Quốc đối lập với Mát-xcơ-va”. (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp châu Á-châu Đại dương) 12-3-1954. Bản ghi nhớ về “hội nghị Giơ-ne-vơ”. Ngoài ra, việc Cao Cương không xuất hiện trước công chúng đã được chú ý (Nói chuyện với J. Ghi-éc-ma, 14-3-1954). Ngược lại, một bài xã luận báo Economist (Nhà kinh tế học) ngày 19-6-1954 nhan đề “The Men at the To”. (Những người ở tột đỉnh) còn nhấn mạnh thế mạnh của Cao Cương ở Mãn Châu). Rõ ràng là cho đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, sức mạnh và sự đồng nhất của chế độ mới ở Trung Quốc không còn là điều phải hoài nghi nữa.

Hiện đại hoá nền kinh tế

Trong lĩnh vực nền kinh tế, con đường trải qua kể từ khi cộng sản lên cầm quyền cũng là đáng kể. Dù cho người ta có đề cập đến vấn đề thông qua lĩnh vực nông nghiệp-thu hút 85% dân số, các cơ sở hạ tầng, lĩnh vực công nghiệp mới thành hình, hoặc lĩnh vực tài chính công cộng thì cũng không chối cãi được rằng đến mùa xuân 1954 chế độ mới đã phục hồi được nền kinh tế quốc dân. Chắc chắn là đã phạm phải những sai lầm, có những mục tiêu không đạt được nhưng những thiếu tót đó không thể che lấp được mặt chủ yếu là Trung Quốc từ nay có một nền sản xuất chưa cao lắm nhưng đang tiến triển, ít nhất là về số lượng.

Trong nông thôn, cuộc cải cách ruộng đất gần hoàn thành. Năm 1952, hầu như tất cả các mức sản xuất cao nhất trước cách mạng đã được đuổi kịp. Nhất là, theo thống kê chính thức, sản lượng ngũ cốc từ 108,1 triệu tấn năm 194916 (Xem bảng 1. Năm 1949 đúng là một năm thu hoạch đặc biệt kém. Về sản lượng nông nghiệp và công nghiệp năm 1952-1953, xem thống kê chính thức của Trung Quốc, nhưng chắc số liệu cần được phê phán), đã tăng lên 154,4 triệu tấn năm 1952 và 156,9 triệu tấn năm 1953. Mức tăng như vậy không phải là thấp. Tuy nhiên, sản lượng đạt được còn chưa đáp ứng đủ nhu cầu, như Đặng Tử Khôi phụ trách về nông nghiệp đã thừa nhận. Năm 1953, nhu cầu về ngũ cốc của Trung Quốc là 275 hoặc 300 triệu tấn17 (Nhân dân nhật báo, 23-9-1953, Ghi-éc-ma trích dẫn, Xem J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.38). Trong lĩnh vực công nghiệp, nhiều ngành đã vượt qua sản lượng cao nhất trước cách mạng. Nói riêng về than năm 1955 đạt 69 triệu tấn, vượt năm 1942; về thép với 1,7 triệu tấn, đã nhiều hơn gần 2 lần năm 1943, về bông với 107 triệu tấm vải, đã vượt hơn 2 lần năm 193618 (Xem bảng 2. Những năm để tham chiếu là những năm có sản lượng cao nhất trước cách mạng).

Tổng quát lại, so với năm 1949, sản lượng công nghiệp năm 1953 tăng gấp ba lần, còn sản lượng nông nghiệp tăng 53%19 (Xem bảng 3, tiếp theo).

J. Ghi-éc-ma ghi nhận như sau:
“Cuối năm 1952, theo nguồn tin chính thức mặc dù có nhược điểm và sai lầm trong xây dựng cơ bản-chỉ thực hiện được 85% kế hoạch-có nhiều kết quả đã đạt được trong các lĩnh vực: cải cách ruộng đất gần hoàn thành, công nghiệp đã triển khai, vận tải đã phục hồi và phát triển, ngân sách cân đối, đồng tiền ổn định. Tất cả các ngành đều đạt mức thống kê cao nhất trước chiến tranh. Việc chấm dứt chiến tranh Triều Tiên, viện trợ quan trọng của người Nga mà giá phải trả là đắt nhưng cần thiết, sẽ làm cho chế độ mới đi vào kỷ nguyên kế hoạch hoá, vừa đi vào tập thể hoá, công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội sắp có thể bắt đầu20 (J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.45).

Quả vậy, từ tháng 11 năm 1953, Uỷ ban kế hoạch đã thành lập trực thuộc Hội đồng Chính phủ21 (Uỷ ban này thay thế Uỷ ban Kinh tế và Tài chính trực thuộc Hội đồng Quốc vụ viện) và từ đầu 1953, đưa ra về mặt lý thuyết kế hoạch 5 năm đầu tiên. Vậy mà việc lãnh đạo Uỷ ban kế hoạch lại đã giao cho Cao Cương, người còn cầm vận mệnh khu đông bắc Trung Quốc là nơi chiếm phần chủ yếu trong tiềm lực công nghiệp của đất nước. Những cuộc đả kích đánh vào nhân vật quan trọng này bắt đầu từ 1953 vì những hoạt động chống Đảng của ông ta và sau đó việc hạ bệ vào tháng 2 năm 195422 (Xem đoạn trước) cũng đã làm xáo động mạnh mẽ việc xây dựng kế hoạch23 (Việc quản lý kế hoạch chỉ được cải tổ từ cuối năm 1954 khi thành lập nhiều cơ quan mới. Vào lúc này, Lý Phú Xuân vốn là Phó chủ nhiệm nay lên làm Chủ nhiệm Uỷ ban kế hoạch). Thêm vào những thiếu sót trong bộ máy thống kê, việc thiếu những cán bộ kỹ thuật kinh tế trong ê-kíp lãnh đạo và việc Liên Xô chậm xác định ý đồ viện trợ cho Trung Quốc, những khó khăn về chính trị nói trên, đã làm chậm trễ rất nhiều công việc nghiên cứu càn thiết phải có trước để thực sự kế hoạch hoá. Thực tế, đến đầu năm 1955 những mục tiêu của kế hoạch 5 năm lần thứ nhất mới được quyết định một cách chính xác tức là chậm hai năm kể từ lúc chính thức đề ra kế hoạch và đến tháng bẩy năm đó, Quốc hội mới thông qua. Lý Phú Xuân, người thay thế Cao Cương đã đưa những lý do của tình hình chậm trễ đó:

“… Điều đó được giải thích là ở chỗ công tác điều tra nghiên cứu các nguồn tài nguyên thiên nhiên của chúng ta chưa đẩy mạnh, chúng ta có ít số liệu thống kê, chúng ta lại có nhiều thành phần kinh tế khác nhau cùng tồn tại, chúng ta thiếu kinh nghiệm trong việc lập kế hoạch dài hạn. Chúng ta lại chỉ có kinh nghiệm vụn vặt không hoàn chỉnh trong công tác xây dựng"24 (Lý Phú Xuân: Báo cáo về kế hoạch 5 năm lần thứ nhất về phát triển nền kinh tế quốc dân của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa 1953-1957, Bắc Kinh Nhà xuất bản Ngoại văn, 1956, tr.7).

Tháng 4 năm 1954 khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, công tác kế hoạch hoá của Trung Quốc mới ở giai đoạn đề ra những ý định hơn là giai đoạn thực hiện. Nhưng nếu những mục tiêu bằng con số chưa được ấn định thì đường lối chủ đạo đã được đề ra. Chính vì vậy, Đổng Tất Vũ, chẳng hạn, là người đứng đầu Uỷ ban công tác chính trị và pháp luật đã trình bày trong một bài báo đăng trên tờ Sự thật ngày 1 tháng 1, như sau:

Chúng ta đều biết, việc xây dựng nền công nghiệp nhất là công nghiệp nặng đòi hỏi một số vốn khổng lồ. Theo lời dạy của Lê-nin và Xta-lin, và theo kinh nghiệm của Liên Xô, chỉ có thể có được công nghiệp bằng cách tiết kiệm và tích luỹ xã hội chủ nghĩa"25 (Đổng Tất Vũ: Nhân dân Trung Quốc đấu tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội, Pra-vơ-đa, 1-1-1954, Ghi-éc-ma trích trong sách đã dẫn, tr.91).

Chính vì vậy mà những người phụ trách kinh tế đã quyết định dành ưu tiên tuyệt đối cho việc phát triển công nghiệp nặng, vì chỉ có công nghiệp nặng mới có khả năng phát động quá trình tích luỹ về sự phát triển. Chính là để cung cấp một phần về tài chính cho việc phát triển công nghiệp nặng mà tháng 1 năm 1954 đã phát hành công trái 6.000 tỷ nhân dân tệ (cũ) hạn 8 năm, lãi suất mỗi năm 4%. Ở phương Tây người ta cũng đã biết được ý định của Trung Quốc là ráo riết công nghiệp hoá theo mô hình Liên Xô. Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao (Pháp) tháng 3 năm 1954 nhắc đến rõ ràng: “Các người lãnh đạo Trung Quốc đã tập hợp lực lượng chủ chốt của đất nước để hướng vào mục đích chủ yếu nếu không phải là duy nhất, hiện nay được tóm tắt thành ba chữ: “công nghiệp hoá”26 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-3-1954). Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ).


Cũng như kế hoạch hoá, việc tập thể hoá (nông nghiệp) mới ở bước đầu. Đúng như vậy, từ tháng 12 năm 1951 trong lúc cuộc cải cách ruộng đất đang tiếp diễn, ban chỉ huy Trung ương đã khởi thảo dự thảo quyết định về tương trợ và hợp tác. Đến tháng 2 năm 1953 mới phổ biến dự thảo này27 (J. Ghi-éc-ma, sách đã dẫn, tr.96). Nhưng mục tiêu của những biện pháp ban đầu đó còn hạn chế: mới chỉ là thúc đẩy việc thành lập các tổ tương trợ ở nông thôn, một số có tính chất tạm thời, một số khác hoạt động thường xuyên. Năm 1954 khoảng một nửa tổng số nông hộ đã được tổ chức theo cách trên.

Giai đoạn sau này mới là tập thể hoá thực sự, nghĩa là thành lập các hợp tác xã nửa xã hội chủ nghĩa và hoàn toàn xã hội chủ nghĩa nhiều khi từ các tổ tương trợ phát triển lên. Từ 1952-1953 một vài địa phương đã tổ chức làm thử để rút kinh nghiệm nhưng phong trào chỉ thực sự phát động kể từ ngày 16 tháng 12 năm 1953. Cùng với việc ban chỉ huy Trung ương thông qua “Quyết định phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” và đem công bố ngày 8 tháng 1 sau đó28 (Xem “Hợp tác xã nông nghiệp ở Trung Quốc-Quyết định về việc phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp” do ban chỉ huy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua ngày 16-12-1953-Bắc Kinh, Nhà xuất bản Ngoại văn, 1954. Cũng xem bản tin Tân Hoa xã, 8-1-1954. Quyết định của ban chỉ huy Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc phát triển các hợp tác xã sản xuất nông nghiệp).

Tuy nhiên, vào mùa xuân 1954, chính sách tập thể hoá hãy còn chưa đi vào giai đoạn thực hiện tích cực29 (Tháng 12-1953, ban chỉ huy Trung ương quyết định thành lập 45.000 hợp tác xã trong năm 1954, nhưng từ tháng 3-1954 có tin đã lập xong 90.000 hợp tác xã (mục tiêu cho năm 1957 là 800.000 hợp tác xã). Xem W.W. Rô-xtâu, sách đã dẫn, tr.94 và chú thích 43, tr.98).

Như vậy có nghĩa là về mặt này cũng như về kế hoạch hoá, tình hình không rõ ràng mấy. Về nguyên tắc, những người lãnh đạo Trung Quốc luôn luôn nhắc đi nhắc lại rằng nước Trung Hoa từ nay kiên quyết đi vào con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhưng thực ra một phần khá lớn nền kinh tế quốc dân còn được quản lý giống như khi cồn ở thời kỳ quá độ tức là với khá nhiều tính chất thực dụng.

Vả lại, phải thừa nhận rằng đến đầu năm 1954, viện trợ của Liên Xô (và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu) dành cho Trung Quốc còn khá hạn chế30 (Về quan hệ giữa Trung Quốc và phe xã hội chủ nghĩa vào khoảng năm 1954, xem trang sau). Chắc chắn là tiếp sau đó, nhất là sau khi ký các hiệp định giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va ngày 12 tháng 10 năm 195431 (Đặc biệt, một hiệp định vay nợ 520 triệu rúp (khoảng 130 triệu đôla Mỹ). Xem D.M Giôn-xơn và Hung dahchiu: Agreement for the People’s Republic of china, 1949-1967 (những hiệp định của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa) Harvard University press. Cambrigde (Mass.), 1968, trang 30, 31), sự tham gia của Liên Xô vào kế hoạch 5 năm lần thứ nhất trở nên lớn lao hơn. Không những Liên Xô cung cấp một phần quan trọng về tài chính mà cả chuyên gia, cơ sở kỹ thuật cần thiết cho việc xây dựng nền công nghiệp Trung Quốc. Nhưng đến mùa xuân 1954, viện trợ kinh tế của Liên Xô hãy còn ít. Yếu tố chủ yếu của viện trợ này là hiệp định ký ngày 14 tháng 2 năm 1950 ở Mát-xcơ-va32 (Xem Hiệp ước Xô-Trung, ngày 14-2-1950, People’s China 1-3-1950), theo đó Liên Xô đã cho Trung Quốc vay 300 triệu đôla Mỹ để mua thiết bị công nghiệp của Liên Xô. Khoản vay này, lãi suất hằng năm 1%, đem sử dụng trong 5 năm mỗi năm 60 triệu. Như vậy đến năm 1954 số tiền vay đã sử dụng gần hết và từ nay Trung Quốc đã phải bắt đầu trả nợ dưới hình thức giao nguyên liệu và thực phẩm, giải ra trong mười năm (từ 1954 đến 1963) và theo giá thị trường thế giới. Đúng là giữa 1950 và 1954 nhiều hiệp định khác nhau về hợp tác kinh tế và kỹ thuật được ký kết giữa Trung Quốc và Liên Xô, nhất là vào tháng 3 và tháng 9 năm 1953, hai bên ký văn kiện về việc Liên Xô giúp xây dựng 91 “dự án lớn” mới, nhưng phần lớn các hiệp định đều là thứ yếu so với hiệp định tháng 2 năm 195033 (Về vấn đề này, tham khảo Sydney Klein: The Road Divides: Economic Aspects of the Sino-Soviet Dispute (con đường chia rẽ-Khía cạnh kinh tế của cuộc tranh chấp Trung-Xô) Hồng Công, 1966, tr.45-85).

Các giới ngoại giao phương Tây đã đánh giá khá đúng về những sự lựa chọn chủ yếu của kế hoạch 5 năm và những vấn đề đặt ra khi bắt đầu triển khai. Những thiếu sót trong sản xuất nông nghiệp được mọi người biết đến và được coi như một trong những yếu tố chủ yếu của tình hình kinh tế Trung Quốc. Một vài tác giả không do dự nói đến nạn đói và thậm chí xem đó là một trong những lý do có thể đưa đến cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ34 (W.W. Rô-tâu, sách đã dẫn, tr.294 và 303).

Ngoài ra, người ta được biết rằng chế độ mới đã quyết định dành phần lớn phương tiện của mình vào việc công nghiệp hoá đất nước, W.W Rô-xtốp (W.W. Rostow) viết: “Thực chất mô hình cộng sản Trung Quốc nằm trong những mô hình chủ trương phát triển công nghiệp dựa vào sự phát triển của nông nghiệp”35 (Như trên, tr.257). Tóm lại, Trung Quốc theo hoàn toàn mô hình Xta-lin về xây dựng chủ nghĩa xã hội36 (Như trên, tr.256). Vậy mà, đã không thể bảo đảm đủ lương thực cho nhân dân và còn phải cung cấp phần dư thừa có thể xuất khẩu để bù đắp cho nhu càu nhập khẩu thông thường, nông nghiệp chắc chắn là không thể là nguồn cung cấp quan trọng về tài chính cho công nghiệp37 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp, (châu Á-châu Đại dương 30-3-1954) Bản ghi nhớ về những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ).

Về phần Liên Xô và các nước dân chủ nhân dân Đông Âu thì chính các nước này cũng phải đối phó với những vấn đề kinh tế nghiêm trọng; theo các nhà quan sát phương Tây, thì họ tỏ ra không đủ sức “cung cấp cho Trung Quốc khối lượng viện trợ cần thiết để triển khai kế hoạch 5 năm lần thứ nhất”38 (Như trên, cũng xem W.W Rô-xtốp, sách đã dẫn, tr.276). Phải chăng như thế là đã gợi ý rằng xét cho cùng, công nghiệp hoá của Trung Quốc chỉ có thể đi qua con đường mở cửa ra phương Tây? Quả vậy, rõ ràng rằng tình hình kinh tế Trung Quốc năm 1954 như đã được phân tích ở phương Tây, thúc giục Chính phủ Bắc Kinh phải phát triển bằng mọi cách nền ngoại thương với các nước không phải là xã hội chủ nghĩa39 (W.W. Rô-xtốp, sách đã dẫn, tr.272 và 302). Đó cũng là lập trường của Bộ Ngoại giao (Pháp).

“Muốn đạt được quy chế cường quốc, Trung Hoa phải có đủ cố gắng khổng lồ trong những năm tới để công nghiệp hoá, Trung Hoa chỉ làm được như vậy bằng cách nhập khẩu ồ ạt sắt, thép và thiết bị các loại của các nước tư bản chủ nghĩa. Vậy mà nông nghiệp Trung Quốc lúc này đang ở trong tình thế khó khăn, do các biện pháp tập thể hoá được quyết định hơi hấp tấp nhằm mục đích thuần tuý chính trị. Dù thế nào nữa, vì sản phẩm dư thừa có thể xuất khẩu lại quá ít, hệ thống trao đổi hàng nông sản và chăn nuôi lấy sản phẩm công nghiệp hoàn toàn không thích nghi với nhu cầu hiện tại. Vậy Trung Hoa có nhu cầu cấp thiết lập lại các mối quan hệ quốc tế bình thường với các nước phương Tây để có thể, nhờ các khoản vay dài hạn, mua của các nước đó, tất cả những thứ cần thiết cho việc xây dựng nền công nghiệp của mình”40 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 13-3-1954). Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ (Tác giả gạch dưới)).

Đúng là báo chí Trung Quốc, nhất là từ lúc ký kết đình chiến Triều Tiên, luôn luôn cổ vũ việc bình thường hoá quan hệ thương mại với tất cả các nước trên thế giới. Xã luận Nhân dân nhật báo, ngày 3 tháng 9 năm 1953, nhân dịp kỷ niệm lần thứ 8 cuộc bại trận của Nhật, trong khi chào mừng “tương lai tươi sáng của các dân tộc châu Á” đảm bảo rằng ngoài những hậu quả khác, đình chiến Triều Tiên phải đem lại ”Việc phục hồi và phát triển mối quan hệ bình thường và quan hệ kinh tế giữa các nước châu Á, nhất là giữa Nhật Bản và các nước khác”41 (Nhân dân nhật báo 3-9-1953). Những hiệp định đầu tiên ký kết với các nước trung lập hoặc phương Tây đã được hoan nghênh nhiệt liệt nhất. Trong xã luận dài của báo People’s China Khai Bái Niên (K’o-Pai-nien) Uỷ viên ban lãnh đạo Viện quan hệ với nước ngoài, thành viên của đoàn đại biểu Trung Quốc tại Giơ-ne-vơ, khi nhắc lại rằng Trung Quốc “mong muốn phát triển quan hệ buôn bán với tất cả các nước trên thế giới”, còn nói rõ: “nước Trung Hoa không có định kiến với bất kỳ nước tư bản chủ nghĩa nào muốn phát triển quan hệ buôn bán trên cơ sở bình đẳng và hai bên đều có lợi”42 (Peple’s chian, 1-10-1953, tr.16-17. Về yêu cầu kinh tế của Trung Quốc và về ý muốn thương lượng xem hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp/Điện số 9 Tuỳ viên quân sự/Hồng Công/8-3-1954;-Cao uỷ Pháp tại Đông Dương/Tổng cục tư liệu/Bản ghi nhớ về vấn đề “Hoà bình ở Đông Dương"/số 467/22-3-1954 (châu Á-châu Đại dương 12-3-1954). Bản ghi nhớ về hội nghị Giơ-ne-vơ; Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (Bản ghi nhớ J.Sô-ven 9-4-1954). Về vấn đề hội nghị Giơ-ne-vơ). Và “những lời kêu gọi” đó thường nhằm vào Nhật Bản"43 (Nhân dân nhật báo “quan hệ Trung Quốc-Nhật Bản" 30-10-1953).

Như vậy, vào lúc sắp họp hội nghị Giơ-ne-vơ, các cường quốc phương Tây đánh giá rằng các nhu cầu kinh tế mà Trung Quốc buộc phải nghĩ tới có thể đóng  vai trò quyết định trong thái độ của chính phủ Bắc Kinh. Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao (Pháp) nói ở trên đã kết luận là “được phép nghĩ rằng các vấn đề kinh tế đó sẽ ở đằng sau các mối quan tâm của Trung Quốc mặc dù những nhà thương lượng phương Tây có quyền từ chối cuộc thảo luận, những vấn đề đó sẽ vẫn có khả năng là đề tài của một sự mặc cả ngầm”44 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp 13-3-1954. Bản ghi nhớ về vấn đề Những nhân tố kinh tế có thể ảnh hưởng đến lập trường của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ hai mươi năm sau, đại sứ Sô-ven viết rằng năm 1954 nước Pháp không có lý do để nghĩ rằng Bắc Kinh có thể nhân nhượng những nguyên tắc của mình để có được đầu máy xe lửa thậm chí những khoản vay dài hạn. Xem sách đã dẫn của Sô-ven, tr.41. Tuy vậy vào lúc bấy giờ đó không phải là một ý kiến được chấp nhận rộng rãi). Nếu thật sự nước Trung Hoa có nhu cầu tăng cường trao đổi với phương Tây, thì lợi ích của họ là phải chứng tỏ một thái độ mềm dẻo nào đó về vấn đề Đông Dương, một vấn đề mà không khí chính trị căng thẳng do Trung Quốc kéo dài ở Đông Á đã gây trở ngại cho việc chấm dứt việc cấm buôn bán đề ra từ năm 195145 (W.W Rô-xtốp. Sách đã dẫn tr.95 Về cấm vận do Liên hợp quốc quyết định năm 1951, xem đoạn sau. Vấn đề đàm phán thương mại giữa Trung Quốc và phương Tây diễn ra trong thời gian hội nghị Giơ-ne-vơ sẽ được nghiên cứu ở chương V).

Phá thế cô lập với phương Tây

Quả vậy, triển vọng của sự cần thiết mở cửa vấn đề kinh tế với bên ngoài đặt ra vấn đề quan hệ chính trị giữa Trung Quốc và cộng đồng quốc tế không xã hội chủ nghĩa.

Khi hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc, chỉ mới có 20 nước có quan hệ ngoại giao với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, trong đó 11 nước là những nước xã hội chủ nghĩa. Đi đầu là Liên Xô, đặt quan hệ với Bắc Kinh ngày 3 tháng 10 năm 1949, theo sau là tám nước dân chủ nhân dân khác, trong cùng tháng đó, rồi đến lượt An-ba-ni ngày 23 tháng 11 năm 1949, và sau cùng trong loạt đầu tiên các nước đặt quan hệ với Trung Hoa nhân dân là nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ngày 18 tháng 1 năm 195046 (Về sự thừa nhận lẫn nhau giữa Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, xem chương II), chậm 3 tháng so với các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Nước Trung Hoa theo cách diễn đạt của Mao Trạch Đông, đã “đứng hẳn về một bên”. Quan hệ với phe xã hội chủ nghĩa nhất là với Liên Xô, trong nhiều năm, là trung tâm của chính sách đối ngoại. Vào mùa xuân năm 1954, hiệp ước đồng minh Trung-Xô, ngày 14 tháng 2 năm 1950 chắc chắn là một trong những luận cứ chủ yếu của sự cân bằng chiến lược ở Viễn Đông47a (Xin nhắc lại rằng “Hiệp ước hữu nghị đồng minh và tương trợ” trước hết là một hiệp định phòng thủ chống mọi cuộc xâm lược mới” của Nhật Bản hoặc của một nước đồng minh của Nhật” (điều 1)).


Tuy nhiên, việc kéo dài đàm phán mới ký kết được hiệp ước nói trên, việc Liên Xô áp đặt thời hạn cho việc từ bỏ những lợi ích của họ ở Trung Quốc, việc đòi bồi hoàn trong một số trường hợp, ý muốn của Liên Xô muốn lập các công ty Xô-Trung để tham gia khai thác ở Tân Cương là bấy nhiêu dấu hiệu của những mối bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc, đằng sau những hiệp định nói trên. Việc nước Nga Sa hoàng tham dự vào việc phân chia đế quốc Trung Hoa cũ và mối quan hệ khó khăn giữa Xta-lin và Đảng Cộng sản Trung Quốc trong những năm trước “giải phóng" hãy còn mới trong tâm trí nhiều nhà lãnh đạo Trung Quốc để trong một ngày có thể xoá đi hằng chục năm giữ kẽ với nhau, hoặc thậm chí kình địch thật sự với nhau. Có nghĩa là nếu sự liên minh với Liên Xô đem lại cho chế độ mới của Trung Quốc một sự ủng hộ bên ngoài về quân sự và kinh tế tuyệt đối cần thiết với Trung Quốc thì ngược lại sự liên minh đó không phải là không đặt ra với Trung Quốc một vài vấn đề quan trọng. Kể từ năm 1956 Mao Trạch Đông đã công khai nói ra những khó khăn ông ta đã phải vượt qua trong năm 1949-1950 để ký được hiệp ước 14 tháng 247b (Mao Trạch Đông: Tuyển tập, tập V. tr.328).

Nói chung, phần đông các chuyên gia và những người có trách nhiệm về chính trị ở phương Tây đều tin rằng có những khó khăn đó.

W.W. Rô-xtốp, chẳng hạn, chỉ tin ở tính bền vững của liên minh Trung-Xô trong chừng mực sự liên minh đó cần thiết cho chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Đối với Rô-xtốp, sự bành trướng cộng sản, dù là của lịch sử ở châu Âu hay của Trung Quốc ở châu Á, chỉ giải thích được rằng các chính phủ Mát-xcơ-va và Bắc Kinh liên minh với nhau là để chống kẻ thù chung: Mỹ và Nhật Bản. Nhưng ông ta thêm:

“Điều cũng có thể đúng sự thật là một số đông những người cộng sản Trung Quốc, trong khuôn khổ các mối quan hệ chặt chẽ và liên tục với Liên Xô, gây sức ép nhằm những mục tiêu như sau: Các lực lượng vũ trang Trung Quốc ngày càng độc lập đối với cố vấn và trang bị của Liên Xô; Liên Xô thu hẹp quyền lực và giảm bớt sự mặc cả ở vùng biên giới; Trung Quốc phụ thuộc đến mức tối thiểu về ngoại thương với khối cộng sản; và nói chung Liên Xô chỉ có khả năng tối thiểu tác động trực tiếp, kiểm soát, hoặc thậm chí theo dõi sự phát triển bên trong của chế độ cộng sản Trung Quốc48 (W.W. Rostow, sách đã dẫn, tr.131).

Một nhà quan sát thành thạo như Rô-bớt Noóc (Robert C.North) cũng cho rằng “sẽ phạm sai lầm nếu nghĩ rằng chính sách của Trung Quốc tất yếu là chính sách của Nga”49 (Robert C. North: Moscow and the Chinese Communists (Mát-xcơ-va và cộng sản Trung Quốc) Stanford University Press, 1953, tr.270). Ông ta viết “Chắc chắn là những xung khắc giữa cộng sản Trung Quốc và cộng sản Nga có thể sẽ ngày càng trầm trọng mà Mỹ và đồng minh phải tìm cách phát hiện và khai thác”50 (Rô-bớt C.Noóc, sách đã dẫn, tr.277).

Như vậy, Bộ Ngoại giao (Pháp) cũng nghĩ là có thể thấy rõ “một vài sự khác trinh sát" giữa Trung Quốc và Liên Xô. Theo bộ đó, chuyến đi thăm Mát-xcơ-va của Kim Nhật Thành cuối 1953 đã “rõ ràng đưa ra ánh sáng sự sa sút ảnh hưởng của Trung Quốc và việc lập lại ưu thế Nga ở Bắc Triều Tiên”. Nhưng lời phát biểu của Kim Nhật Thành về “Liên Xô” là người bạn trung thành và gần gũi nhất của nhân dân Triều Tiên” đã được đặt ra một cách cẩn thận. Đồng thời, theo các nhà quan sát nước ngoài, lập trường của Trung Quốc và Liên Xô trong việc tổ chức hội nghị bàn về vấn đề chính trị ở Triều Tiên, tỏ ra có sự khác nhau. Tháng 8 năm 1953, Liên Xô đề nghị với các nước trung lập ngoài châu Á (Ba Lan, Tiệp Khắc, Xy-ri, Ai Cập, Mếch-xi-cô) tham gia hội nghị trong khi Trung Quốc, hồi tháng 9 cùng năm đó, lại đề nghị một danh sách các nước trung lập châu Á (Miến Điện, In-đô-nê-xi-a, Pa-ki-xtan, Ấn Độ). Cuối cùng, Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng “sự vụng về của Vi-xin-xki (Visinskij) đưa ra không đúng lúc vấn đề Trung Quốc gia nhập Liên hợp quốc” “có lẽ không phải hoàn toàn là ngẫu nhiên”51 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 15-101-1953), bản ghi nhớ về Trung Quốc, tr.5-6). Bản ghi nhớ của Bộ Ngoại giao Pháp cũng nói thêm rằng “tuy nhiên cũng phải đề phòng là không nên cường điệu ý nghĩa của các dấu hiệu đó. Chính phủ Bắc Kinh-mà sự trung thành về mặt học thuyết là không có gì phải hoài nghi trong hoàn cảnh hiện nay, hết sức cần đến sự viện trợ của Liên Xô để thực hiện kế hoạch công nghiệp hoá". Tóm lại, mặc dù có nhiều dấu hiệu tỏ ra có sự không ăn ý nhau giữa Mát-xcơ-va và Bắc Kinh, người ta còn do dự trong việc chấp nhận rằng hai nước có thể tiến hành những chính sách đối ngoại khác biệt: “Người ta sẽ chứng kiến một ngày kia sự phân chia lãnh thổ Âu-Á này ra hai khu vực ảnh hưởng, một ở phía tây dành cho Mát-xcơ-va, một ở Viễn Đông dưới sự bảo trợ của Bắc Kinh. Tuy nhiên, có thể là vô ích và nguy hiểm nếu xây dựng một chính sách dựa trên những hi vọng xa xôi và có thể sẽ là ảo tưởng”52 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-chấu Đại dương 26-11-1953) Bản ghi nhớ vè Trung Hoa nhân dân, tr.5-6).

Đó cũng là sự phân tích gần giống với những điều mà các bộ trưởng ngoại giao Pháp, Anh Mỹ trình bày trong cuộc gặp gỡ tại Béc-muýt (từ 4 đến 7 tháng 12 năm 1953). G. Bi-đôn, trong cuộc gặp ngày 4 tháng 12, đã nhấn mạnh rằng “theo ông ta, những mối quan hệ giữa hai nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và Liên Xô không thoải mái như người ta tưởng”. Việc gọi đại sứ Liên Xô tại Trung Quốc Ku-dơ-nét-xốp về Mát-xcơ-va tỏ ra có ý nghĩa đối với cách nhìn đó của ông ta”.

Ba ngày sau, trong cuộc họp ngày 7, Đa-lét đưa ra một luận điểm rất gần với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Pháp. Trong khi thừa nhận rằng “tình trạng quan hệ giữa Bắc Kinh và Mát-xcơ-va có vẻ không rõ ràng đối với ông ta”. Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng có sự “khó khăn giữa hai thủ đô”, ông ta nói thêm rằng “tính chất tế nhị của các mối quan hệ đó (…) là do Mao Trạch Đông, một lãnh tụ quan trọng có uy tín nhiều hơn cả bản thân Ma-len-cốp, khó mà các nhà lãnh đạo mới của Liên Xô có thể ra lệnh cho ông ta. Nếu người Nga đề cao Mao, chính là vì họ cảm thấy bắt buộc phải cư xử với ông ta như là người cùng phe cánh và bình đẳng”* (Từ đây, những dấu “*” là để chỉ những nguồn tài liệu chính thức chưa được phép công bố). Điều đó dẫn Đa-lét đến một kết luận: “Ở đó có một nhân tố có thể sử dụng nếu người ta muốn khai thác một vài sự chia rẽ trong phe cộng sản”*.

Những khó khăn tiềm tàng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô càng tô đậm thêm quan hệ giữa Bắc Kinh với các thủ đô của thế giới trung lập châu Á, mặc dù những mối quan hệ đó còn chưa mở rộng lắm. Đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, mới có bốn nước của thế giới thứ ba thiết lập quan hệ ngoại giao với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, tất cả đều là những nước trung lập ở Nam Á và Đông Nam Á: Ấn Độ, Miến Điện, In-đô-nê-xi-a năm 1950, Pa-ki-xtan năm 1951.

Quan hệ Trung-Ấn là trụ cột của toàn bộ các quan hệ giữa Trung Quốc với các nước trung lập châu Á. Tuy nhiên, cho đến mùa xuân 1954, quan hệ Trung-Ấn còn rất sơ sài, mới chỉ có vài hợp đồng cung cấp ngũ cốc được ký kết năm 1951 và 1952. Chỉ đến khi ký hiệp ước về Tây Tạng ngày 29 tháng 4 năm 1954, sau hội nghị Giơ-ne-vơ khai mạc được ít ngày53 (Xem chương IV), mới đánh dấu bước khởi đầu thật sự của sự xích lại gần nhau giữa Trung Quốc và Ấn Độ54 (Về đại cương mối quan hệ Trung-Án trước 1954, xem chương VIII). Một tình hình tương tự trong quan hệ ngoại giao của Trung Quốc với Miến Điện và In-đô-nê-xi-a từ tháng 6 năm 1950, với Pa-ki-xtan từ tháng 5 năm 1951, cho đến năm 1954 mới chỉ đem lại những kết quả hết sức hạn chế. Hiệp định thương mại đầu tiên với Miến Điện chỉ được ký vài ngày trước khi khai mạc hội nghị Giơ-ne-vơ, ngày 22 tháng 4 năm 195455 (Về đại cương mối quan hệ Trung-Miến vào thời kỳ này, xem chương VIII). Hai hiệp định thương mại với In-đô-nê-xi-a được ký ngày 12 tháng 4 năm 1952 và 30 tháng 11 năm 1953 (hiệp định đầu chỉ là bán chính thức); ba hiệp định với Pa-ki-xtan ký ngày 12 tháng 4 năm 1952 (bán chính thức) và 14 tháng 3 năm 195356 (Về các hiệp định này (xem D.M. Giônston và Hungdach-chiu, sách đã dẫn).

Năm 1954, những quan hệ đó là một trong những “cửa sổ” hiếm hoi của Trung Quốc mở ra với thế giới bên ngoài không phải là xã hội chủ nghĩa. Việc mở cửa này càng có ý nghĩa ở chỗ hai trong số các nước đó, Ấn Độ và Pa-ki-xtan, đều là thành viên của khối Thịnh vượng chung (Liên hiệp Anh), và chính phủ Bắc Kinh có thể hy vọng, bằng con đường này, thiết lập một vài cuộc tiếp xúc có ích với người Ăng-lô Sắc-xông. Nhưng phạm vi hạn chế của những quan hệ đó cũng nói lên sự cô lập của Trung Quốc trên trường quốc tế. Thật là ít ỏi nếu sau ba năm Trung Quốc mới đi đến chỗ khai thác những quan hệ ngoại giao đã được thiết lập với châu Á trung lập trong những năm 1950-1951.

Ngoài ra, ở Tây Âu, mới có sáu nước công nhận nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Vương quốc Liên hiệp Anh lo lắng duy trì quyền lợi ở Hồng Công và ở Trung Hoa lục địa, đã đi đầu trong việc này ngày 6 tháng 1 năm 1950, nhưng 4 năm sau quy chế đại diện Anh tại Trung Quốc vẫn chưa được quy định và sự rắc rối giữa Luân-đôn và Bắc Kinh vẫn còn nguyên vẹn57 (Về sự tiến triển quan hệ Anh-Trung Quốc, xem chương V). Hà Lan đã công nhận Trung Hoa nhân dân ngày 27 tháng 3 năm 1950, nhưng vẫn chưa trao đổi đại diện ngoại giao mà đáng lẽ phải được phái đến rồi. Thuỵ Điển và Đan Mạch, ngược lại, đã đặt quan hệ ngoại giao bình thường với chế độ mới từ tháng 5 năm 1950, trong lúc Thuỵ Sĩ và Phần Lan nối tiếp nhau công nhận Trung Hoa nhân dân vào những tháng sau. Cuối cùng, đến trước hội nghị Giơ-ne-vơ, khả năng bình thướng hoá quan hệ giữa Trung Quốc và Na Uy được đặt ra58 (Việc này sẽ diễn ra ngày 5-10-1954).

Con số hạn chế các nước Tây Âu đặt quan hệ với Trung Quốc chủ yếu là do “sự phủ quyết” do Mỹ áp đặt đối với mọi hình thức, làm dịu tình hình căng thẳng, về ngoại giao hoặc về thương mại, với “Trung Hoa đỏ” trong thời kỳ khủng hoảng Triều Tiên. Các cường quốc châu Âu, tất cả đều bận tâm xây dựng lại nền kinh tế của họ, và do đó tất cả đều phụ thuộc nhiều, ít về tài chính với Mỹ, không thể tự cho phép có một lập trường căn bản khác với Mỹ trong thái độ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đúng là cách cư xử của các nước xã hội chủ nghĩa châu Âu cũng không khuyến khích các nước Tây Âu công nhận Trung Quốc.

Sau cùng, cuộc chiến tranh Triều Tiên đã khiến cho Mỹ vội vã thành lập một hệ thống an ninh quan tọng ở châu Á và Thái Bình Dương.

Ngay từ ngày 17 tháng 10 năm 1950, chính phủ Oa-sinh-tơn đã ký với Thái Lan một hiệp ước viện trợ, theo đó, Mỹ cung cấp vũ khí cho quân đội Thái Lan và cử một phái đoàn quân sự đến Băng Cốc59 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-11-1950) Bản ghi nhớ về vấn đề an ninh Thái Bình Dương). Sau đó, với hội nghị Xan Phran-xi-xcô, những hiệp định tương trợ tăng thêm nhiều. Ngày 31 tháng 8 năm 1951, Mỹ ký với Phi-líp-pin-mà Mỹ đã trao trả độc lập cách đây mấy năm-một hiệp ước tương trợ được Ma-ni-la chuẩn y vào tháng 8 năm 1952. Ngày 1 tháng 9, khối ANZUS được thành lập (gồm Ô-xtrây-li-a (Australia), Niu Di-lơn (New Zeland), Hoa Kỳ). Đó là một hiệp ước an ninh ba bên, theo đó Oa-sinh-tơn cam kết bảo vệ hai nước Thái Bình Dương chống lại sự đe doạ “có thể từ nước Nhật Bản tái vũ trang hoặc từ Trung Hoa cộng sàn”60 (như trên, tr.2). Cuối cùng ngày 8 tháng 9 năm 1951, Mỹ và Nhật Bản ký hiệp ước hoà bình và hiệp ước phòng thủ đối chọi với liên minh Xô-Trung ký kết trước đó một năm rưỡi.

Hệ thống an ninh Mỹ đã được mở rộng từng phần đến cả Đông Dương, ít nhất cũng là một cách gián tiếp. Tuyên bố của Tơ-ru-man (Truman) ngày 27 tháng 6 năm 1950 đã liên kết cố gắng của Pháp với chính sách của Mỹ ở biển Trung Hoa (tức biển Đông-N.D.), bởi vì trong các biện pháp do Tổng thống Mỹ quyết định nhằm đối phó với sự xâm lược cộng sản ở châu Á, có việc trang bị cho quân đội liên hiệp Pháp cũng như đặt một phái đoàn quân sự Mỹ ở Đông Dương61 (The Department of State Bulletin, 3-7-1950. Bản tiếng Pháp trong Bulletin quotidien de press étrangére số 1614, 28-6-1950). Ngày 18 tháng 5 năm 1951, đã có một cuộc họp ban tham mưu Mỹ-Pháp-Anh ở Xin-ga-po nhằm xây dựng chiến lược phòng thủ chung ở Đông Nam Á, đặc biệt ở Đông Dương62 (Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-11-1953), tr.4-6). Các cuộc tham khảo ý kiến khác, tiến hành đầu năm 1952 đã đưa đến cuộc họp vào tháng 10 năm đó, giữa năm nước, ngoài đại biểu Pháp, Anh, Mỹ, còn có có đại biểu Oa-sinh-tơn và Niu Di-lơn. Tháng 4 năm 1953, một cuộc hội nghị mới, họp ở Trân Châu Cảng (Pearl Harbor) quyết định thành lập Bộ tham mưu đồng minh thường trực (“Staff Agency”) gồm năm nước, có nhiệm vụ đảm bảo việc tiếp xúc thường xuyên giữa các thủ đô có liên quan cũng như phối hợp các cố gắng quân sự ở Đông Nam Á và Tây Thái Bình Dương63 (“Staff Agency” họp ba lần, 15-30 tháng 6 năm 1953 ở Trân Châu Cảng, tháng 2-1954 ở Xin-ga-po, xem chương II).

Các buổi họp này, về thực chất, đã báo hiệu các cuộc thương lượng, vào cuối năm 1953, nhằm đi đến một hiệp ước an ninh nhiều bên ở vùng này64 (Vấn đề phòng thủ Đông Dương chống lại sự can thiệp của Trung Quốc sẽ đề cập ở chương II).

Vào thời gian trước hội nghị Giơ-ne-vơ, ngoài hệ thống các hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Triều Tiên ký ngày 8 tháng 8 năm 1953 và khoảng cuối năm 1953 và đầu năm 1954, triển vọng hợp tác quân sự chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Pa-ki-xtan65 (hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp (châu Á-châu Đại dương 30-11-1953). Bản nhớ về vấn đề giao lại các căn cứ Pa-ki-xtan cho Hoa Kỳ. Cũng xem Chronique de politique étrangère (Biên niên chính sách đối ngoại) quyển VII, số 3, tháng 5-1954. Một hiệp định quân sự Mỹ-Pa-ki-xtan được thực sự ký kết tháng 5-1954).

Bấy nhiêu yếu tố gắng liền với nhau, chỉ có thể làm cho Bắc Kinh thấy đó là sự đe doạ trực tiếp đến nền an ninh của Trung Quốc.

Nhưng những nhân tố chính trị, kinh tế hoặc chiến lược trong lúc này không phải là những nhân tố duy nhất quyết định thái độ của Trung Quốc đối với vấn đề Đông Dương. Tính truyền thống lâu dài trong quan hệ với Việt Nam và ở trình độ thấp hơn với Lào và Cam-pu-chia cũng sẽ đóng vai trò quyết định.

TẦM CỠ LỊCH SỬ CỦA QUAN HỆ TRUNG-VIỆT66
(66. Vấn đề quan hệ Trung Quốc-Lào-Cam-pu-chia, căn bản khác với quan hệ Trung-Việt, sẽ được đề cập ở chương VIII)


Quả thực, ít có thể hiểu được bản chất sâu xa của mối quan hệ Trung-Việt, sự quan tâm của Trung Quốc đối với bán đảo Đông Dương và ngược lại thái độ của nhân dân các nước Đông Dương đối với Trung Quốc mà không tham khảo thường xuyên quá khứ xa xưa nhất. Không phải vì quá khứ đó không tránh khói quyết định hướng phát triển hiện nay, ngay cả khi nó chứng kiến những điều không thay đổi hằng nghìn năm nay. Nhưng dần dần, các thế kỷ trau dồi ý thức dân tộc đến nỗi lịch sử không chỉ là một chuỗi tình hình nối đuôi nhau theo trình tự thời gian; lịch sử cũng tự nó là một nhân tố tự trị, giải thích từng phần mỗi lúc trong cuộc sống của một dân tộc. Phải chăng thông qua khái niệm mà các nhà lãnh đạo đã làm cho lịch sử tiến hoá có vai trò khi họ đưa ra những quyết định.

Có lẽ không phải là vấn đề nhắc lại đầy đủ mọi khía cạnh trong quan hệ Trung-Việt trải qua các thế kỷ67 (Về quan hệ Trung-Việt, có thể xem hai cuốn sách kinh điển bằng tiếng Pháp của Deveria: Histoire des ralations de la Chine avec I’Annam-Việt Nam du XVIe siècle au XIXe siècle (Lịch sử quan hệ Trung Quốc-An-nam-Việt Nam từ thế kỷ XVI đến thế kỷ XIX, Pa-ri, E. Le Roux, 1880, 102 trang và Le fontière sino-annamite: description gèographiquet et ethnographique d’apès dé documents officiels chinois (Biên giới Trung-Việt mô tả địa lý và dân tộc học, theo những tư liệu chính thức của Trung Quốc) Pa-ri, E.Le Roux, 1886, 182 trang. Đối với những tác phẩm phổ cập hơn, có thể xem Lê Thành Khôi: Le Việt Nam, Pa-ri, Ed. De Minuit, 1955, 587 trang, hoặc sách tiếng Anh của J Buttinger: “The Smaller Dragon” (con rồng nhỏ hơn), Niu-Oóc. Praeger, 1958, 587 trang. về các sách khác, xem mục lục tham khảo ở cuối sách). Nhưng có lẽ sẽ không phải là vô ích khi nêu lên những kết luận chủ yếu rút ra trong việc nghiên cứu tỉ mỉ các mối quan hệ đó.

Việt Nam: một nước đã từng triều cống Trung Quốc

Thực thế, trong chừng mực nước Việt Nam hiện thời là một quốc gia duy nhất trong vùng chịu sự ảnh hưởng mạnh mẽ của nền văn minh Trung Hoa, thì đó là một trường hợp duy nhất ở Đông Nam châu Á. Việt Nam vốn là một nước từ Trung Hoa mà hình thành nên68 (Xem Philippe Langlet La tradition Vietnamienne: Unetat national au sein de la civilsation chinoise (truyền thống Việt Nam: một quốc gia dân tộc trong lòng văn minh Trung Hoa) B.S.E.E. Sài Gòn, 1970, 395 trang (nhất là lời nói đầu)). Từ cuối đời Tần (thế kỷ thứ III trước công nguyên)69 (Các cuộc viễn chinh đầu tiên của Trung Quốc bắt đầu tiến đánh các bộ lạc Việt ở phía nam Trung Quốc bắt đầu từ năm 221 trước công nguyên), cho đến cuối đời Đường (thế kỷ thứ V) đất Việt gần như thường xuyên bị sáp nhập vào đế chế Trung Hoa, với quy chế của một phong địa quân sự (đất phong cho tướng võ có công-N.D.) như dưới thời Hán, hoặc của một đất bảo hộ như dưới thời Đường70 (An-nam đô hộ phủ). Thế kỷ X, khi Đại Việt thành một vương quốc “độc lập” thì đất nước cũng vẫn theo văn minh Trung Hoa. Không phải là cư dân Việt không muốn duy trì được bản sắc văn hoá của riêng họ, không phải là không có những ảnh hưởng khác từ bên ngoài vào như Mã Lai, In-đô-nê-xi-a hoặc Ấn Độ và để lại dấu ấn trên nền tảng văn hoá bản địa. Nhưng sự xâm nhập của Trung Quốc có địa vị ưu thế đến nỗi không thể bác bỏ được rằng Vương quốc (Đại Việt) là sự kéo dàu của thế giới Trung Hoa. Đặc biệt là Nho giáo được đưa vào dần dần từ đời Hán, đã làm cho bộ máy Nhà nước xã hội Việt mang những đặc điểm rất Trung Hoa, nhất là các thể chế công cộng và tư nhân: tổ chức vương quốc, bộ máy quan lại, quan hệ xã hội, v.v…

Vừa mới giành được “độc lập”, quốc gia mới mẻ này đã nhận phiên thuộc Trung Quốc (từ năm 972 sau công nguyên). Suốt 9 thế kỷ, quan hệ phiên thuộc của Đại Việt đối với Trung Quốc đã duy trì Đại Việt trong phạm vi chư hầu của Trung Quốc. Tuỳ theo tình hình bên trong nước Trung Hoa hoặc bên trong vương quốc (Đại Việt) mà mối liên hệ phiên thuộc đó có thể nới lỏng một thời gian. Ở những thời kỳ khác, ngược lại sự áp chế của Trung Quốc có nhiều tính chất xâm lược hơn. Dưới triều Tống, Nguyên, Minh và Thanh, Đại Việt nhiều lần chịu ách chiếm đóng quân sự của nước láng giềng hùng mạnh. Nhưng nhìn toàn cục, trong quan hệ hai nước hình thành một thế cân bằng nào đó, được xác nhận bằng việc Đại Việt triều cống đều đặn Trung Quốc.

Cần có đôi lời bình luận về chế độ triều cống này, kéo dài cho đến khi Pháp chiếm Việt Nam71 (Triều đình Huế nộp cống lần cuối cùng cho Bắc Kinh vào năm 1883), là chỗ dựa độc nhất của mối quan hệ Việt-Trung cho đến cuối thế kỷ XIV, thật ra, lệ triều cống không đơn giản nói lên sự quy phục của một nước ở biên cương đế chế Trung Hoa. Giữa hai nước cùng theo Nho giáo như Đại Việt và Trung Hoa, lệ triều cống đánh dấu sự quy phục thật sự, đồng thời còn là biểu hiện của một thứ “quan hệ qua lại”. Tất nhiên, mối quan hệ giữa bá chủ và chư hầu chủ yếu dựa trên sự bất bình đẳng, nhưng việc nộp cống cũng phản ánh một dạng liên kết nào đó của Đại Việt vào đế chế Trung Hoa, một ý thức nào đó tham gia cùng  một trật tự chung. Triều Đại Việt cần được Trung Quốc tấn phong để mọi người phải thừa nhận mình cũng giống như một quốc gia hiện đại thời nay không thể bỏ qua sự thừa nhận quốc tế để tồn tại. Vả lại, theo quan điểm của Trung Quốc, khái niệm hai quốc gia riêng biệt tỏ ra không thích hợp mấy. Đúng hơn là thay bằng khái niệm hai thế giới tiếp giáp nhau: thế giới văn minh và thế giới không văn minh. Thế giới văn minh, theo Nho giáo, phải tuân lệnh Hoàng đế (chúng ta gọi là Hoàng đế Trung Hoa): muốn tham dự vào thế giới văn minh đó, bao gồm cả Đại Việt vì Đại Việt dùng chữ viết Trung Hoa, theo lễ giáo Trung Hoa là những biểu tượng của văn minh, thì Đại Việt không có lối thoát nào khác là tỏ ra thân thuộc đối với Hoàng đế72 (Các công trình nghiên cứu mẫu mực về chế độ triều cống cuối đời Thanh có J.K. Fairbank và S.Y. Teng, On the Ch’ing tributary system (Về chế độ triều cống đời Thanh), Havard, Journal of Asiatic Studies, Vol VI số 1 tháng 3-1941, trang 135-256. Các tác phẩm mới hơn có Fairbank, The Chinese World Order (Traditional China’s Foregin Ralations) (Trật tự thế giới Trung Hoa-Quan hệ đối ngoại của nước Trung Hoa cổ xưa), Havard, University Press, Cambridge (Mass), 1968, 416 trang (đặc biệt xem hai công trình nghiên cứu của Lien Sheng Yang và Mark Mancall)).

Như thế có nghĩa là việc triều cống, thật ra, bao gồm một hệ thống quan hệ hết sức phức tạp. Đối với Trung Quốc, nó phản ánh sự lệ thuộc tối đa, trong đó, Trung Quốc có thể hy vọng duy trì sự bảo hộ đối với nước Việt mà không gây nên một sự phản ứng “dân tộc” nào của người Việt. Đối với Đại Việt, trái lại, việc triều cống lại phản ánh nền độc lập tối đa có thể có được, nhưng lại không gây ra sự phản ứng “đế quốc” của Trung Hoa. Trong trường hợp này cũng như trường hợp kia, vì cả hai nước đều theo Nho giáo nên việc triều cống chứng tỏ ít ra một phần là cả hai nước73 (Nếu nghiên cứu quan hệ Trung Quốc-Khơ-me, chúng ta sẽ thấy rất khác vì đây là quan hệ giữa một nước theo Nho giáo và một nước theo Phật giáo. Về quan hệ truyền thống giữa Trung Quốc-và Lào-Khơ-me, xem chương VII), cùng chung một quan niệm về giá trị của cống vật.

Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên rằng Đại Biệt và sau đó từ thế kỷ XIX, Việt Nam74 (Năm 1803, đến đời Gia Long, Đại Việt đổi là Việt Nam) luôn luôn đã được Trung Quốc coi như là một quốc gia có một vị trí đặc biệt đối với Trung Quốc. Vào đầu thế kỷ XX Tôn Dật Tiên coi Việt Nam nằm trong “phần đất đã mất của Trung Quốc75 (Pascal, MD. Elia, Le triple dé misme de Suen Wen (chủ nghĩa tam dân của Tôn Văn) Thượng Hải, Phòng Trung Quốc học của Zi-ka Wei: 1930, tr.39). Gần chúng ta hơn, chủ tịch Mao Trạch Đông, năm 1939 đã kết tội Pháp chiếm An-nam bằng cùng một lời lẽ giống như khi kết tội Anh chiếm Hồng Công hay Bồ Đào Nha chiếm Ma Cao76 (Mao Trạch Đông: Cách mạng Trung Hoa và Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 12-1939-Bản dịch tiếng Anh trong Current Back-ground, U.S Consulate General Hong Kong, số 135, 10 tháng 11-1951. Đáng chú ý là trong cuốn lần xuất bản cuối cùng của Tuyển tập Mao Trạch Đông, bài viết này đã được sửa lại và có thêm sự phân biệt giữa “nước láng giềng trước đây dưới sự bảo hộ củ Trung Quốc" và “lãnh thổ thuần tuý Trung Quốc". Mao Trạch Đông Tuyển tập. Bắc Kinh, Nhà xuất bản Ngoại văn, 1967, tập 2, tr.331-332). Thực tế là trở lại việc sát nhập, như Tôn Dật Tiên đã làm, An-nam vào “phần đất đã mất”.

Không tính đến ảnh hưởng mạnh mẽ của truyền thống đó chắc chắn sẽ là một sai lầm lớn. Di sản của lịch sử để lại là Trung Quốc không thể xem vấn đề Việt Nam là hoàn toàn “xa lạ” đối với mình77 (Đối với Triều Tiên, tình hình một phần cũng như vậy). Vả lại đế chế Trung Hoa có ý đồ không thay đổi áp đặt một thứ “hoà bình kiểu Trung Quốc" đối với vùng đất biên cương phía nam. Và điều đó sẽ được thật sự đặt lên hàng đầu trong suốt thời gian thương lượng tại Giơ-ne-vơ. Một mặt, một yêu cầu bức thiết về quân sự: nền an ninh của các tỉnh phía nam Trung Hoa tuỳ thuộc vào hoà bình ở Việt Nam, đó là một thực tế. Mặt khác, một yêu cầu bức thiết về kinh tế: thung lũng sông Hồng là thị trường tự nhiên của các tỉnh phía nam của Trung Quốc78 (Một thành viên đoàn đại biểu Pháp tại Giơ-ne-vơ đã ghi chép như sau ngay trong thời gian hội nghị: “Người Trung Quốc lo lắng (…) lợi dụng trên bình diện quốc gia những thuận lợi về kinh tế và an ninh mà việc Việt Minh kiểm soát Bắc Kỳ đem lại. Cân nhắc lại rằng thung lũng sông Hồng là lối ra thiên nhiên và đã được trang bị của ba hay bốn tỉnh miền Tây Nam. “Hồ sơ lưu trữ Bộ Ngoại giao Pháp. Bản ghi nhớ về vấn đề hội nghị Giơ-ne-vơ và chính sách đối ngoại của Trung Quốc, Giơ-ne-vơ, 12-6-1954), đó là một thực tế nữa.

Về phía Việt Nam, cũng cái di sản lịch sử đó bắt họ phải chịu những sức ép buộc như thế, muốn coi thường cũng không được. Về mặt văn hoá, sự hấp dẫn đối với một nền văn minh đã ngự trị và thấm sâu vào toàn bộ lịch sử của dân tộc Việt Nam, nhưng ngược lại về phía Việt Nam một ý chí mạnh mẽ và kiên trì, muốn trút bỏ ảnh hưởng của nền văn minh đó để khẳng định hơn nữa cá tính sâu sắc của Việt Nam. Về mặt chính trị: mối quan tâm tha thiết bảo vệ nền độc lập mỏng manh và khó khăn trong khi thừa biết rằng nền độc lập đó chỉ có thể đảm bảo và duy trì được với sự thoả thuận của Trung Quốc.

Ngoài ra, phải chăng cần nhắc lại rằng chính sự can thiệp của Pháp ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ đã chấm dứt tình trạng phiên thuộc kéo dài hằng nghìn năm của Việt Nam đối với Trung Hoa? Chính là thắng lợi của Pháp trong cuộc chiến tranh Pháp-Trung (1884-1885), đã buộc đế quốc Mãn Thanh đang suy vong phải từ bỏ, bằng hiệp ước Thiên Tân (9-6-1885), quyền bá chủ của mình và thừa nhận nền bảo hộ của Pháp đối với Việt Nam. Giai đoạn lịch sử này là thiết yếu đối với ai muốn tìm hiểu thái độ của Trung Quốc ở Giơ-ne-vơ. Không những cái “hiệp ước bất bình đẳng” mới mẻ đó làm hại đến uy tín đã bị sứt mẻ của đế chế Trung Hoa mà còn làm mất đi ở sườn phía nam mọi sự phòng thủ chống lại sự bành trướng của Pháp. Năm 1881, Tseng Chi-tse đã nói: “nước An-nam ở sát bên cạnh Trung Hoa: an ninh sứ này có liên quan đến chúng ta. Việc bảo vệ an An-nam chẳng khác gì bảo vệ những tỉnh phía nam Trung Quốc"79 (K.C. Chen trích, sách đã dẫn, tr.3. Về việc Pháp chiếm Đông Dương làm thuộc địa và quan hệ Pháp-Trung, xem các sách sau đây: A.Yeng: Các bài ghi chép về chiến tranh Trung-Pháp, Bắc Kinh, Trung Hoa 1957, 470 trang, chứng tỏ Trung Hoa nhân dân quan tâm nghiên cứu quan hệ Trung-Pháp vào thời kỳ này; Shao Hsun-cheng: Lai lịch các mối quan hệ Trung-Pháp liên quan đến vấn đề Việt Nam, Bắc Kinh, trường đại học Thanh Hoa, 1945, 215 trang, cuốn này dựa chủ yếu vào nguồn tư liệu của Pháp; Wang Wen-yuan: Les relations entre l’ Indochine francaise et la Chine (quan hệ giữa Đông Dương thuộc Pháp và Trung Quốc) Pa-ri, Bossuet (P), 1937, 199 trang; Henri Cordier: Le conflit entre la France et la Chine (Cuộc xung đột giữa Pháp và Trung Quốc)-Etude d’histoire coloniale et le droit international-(nghiên cứu về lịch sử thuộc địa và luật quốc tế), Pa-ri, xe-phơ 1883, 48 trang năm 1962, Đài Loan đã xuất bản một phần lớn các hlst về quan hệ Trung-Pháp liên quan đến vấn đề Việt Nam, in thành sách nhan đề “lưu trữ về các cuộc thương lượng Trung-Pháp về vấn đề Việt Nam" Dài Bắc, 1962, 7 tập, 4696-49-50 trang).

Ngay sau chiến tranh thế giới lần thứ hai, tướng Xa-lăng (Raoul Salan), người đã thương lượng một trong các hiệp định Trùng Khánh (28-2-1946) quy định việc quân đội Pháp thay thế quân đội Trung Hoa ở Đông Dương, còn ghi nhận: “Trung Quốc còn giữ lại từ thời kỳ đó, một mối ác cảm ít nhiều đối với Pháp và Anh”80 (Raoul Salan: Mémoires (Hồi ký) Paris, Presses de la Ci té, 1970 tập I. (“Sự cáo chung một đế quốc”), tr.266). Đại tá Li Tsi-ou trong ban tham mưu Trung Quốc cũng nhận xét: “Chúng tôi khó chịu khi trao trả Đông Dương cho các ông. Như Mông Cổ và Tây Tang, Đông Dương của các ông vốn thuộc Trung Quốc trong nhiều thế kỷ, đó là một trong những nước chư hầu của chúng tôi”81 (Như trên, tr.281).

Cuối cùng, công cuộc khai thác thuộc địa của thực dân Pháp nhất là ở Nam Kỳ, và những nhu cầu về nhân công, đã lôi cuốn một số dân Trung Hoa vào Đông Dương tạo nên cho Trung Quốc có thêm một mối liên hệ với Việt Nam. Cuộc điều tra dân số cuối cùng năm 1937, đã đưa đến kết quả sau: Nam Kỳ có 171.000 Hoa kiều, Bắc Kỳ 35.000, và Trung Kỳ 11.000, tổng cộng 217.000 Hoa kiều trên toàn Việt Nam82 (Victor Purcell: The Chinesein Southeast Asia (người Hoa ở Đông Nam Á) Luân-đôn, Oxford University Press 1951, tr.210. Cũng vào thời gian này, có 106.000 Hoa kiều ở Cam-pu-chia và 3.000 ở Lào). Nhưng sau chiến tranh thế giới, số dân Hoa kiều này tăng lên khá nhanh. Đúng là năm 1948, ước tính bao gồm cả Cam-pu-chia và Lào, là 850.000 Hoa kiều. Và đến năm 1953, một nguồn khác đưa ra con số 544.000 Hoa kiều “hợp pháp và được kiểm tra” riêng ở miền Nam Việt Nam83 (Tsai Maw-kuey: Les Chinois au Sud Việt Nam (Người Hoa ở miền Nam Việt Nam), Thư viện quốc gia Pa-ri, 1968, tr.72). Nếu Hoa kiều ở Việt Nam chưa phải chiếm số đông nhất so với các nước khác ở Đông Nam Á thì đó là một cộng đồng chính trị quan trọng không kém ở ngay sát biên giới Trung Hoa và sẽ rất mau chóng trở thành một đối tượng giành giật giữa Bắc Kinh và Đài Bắc, sau khi nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thành lập84 (Vào thời kỳ đế chế, chính phủ Trung Quốc càng quan tâm hơn đến cộng đồng Hoa kiều ở Việt Nam, cộng đồng này thường đón nhận người Trung Quốc phải bỏ đất nước ra đi sau những cuộc đảo lộn chính trị hay thay đổi triều đại).

Cách mạng Việt Nam và Trung Quốc

Việt Nam trở thành thuộc địa của Pháp, nhưng không phải vì vậy mà thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Vào cuối thế kỷ XIX, những tư tưởng cải lương của Lương Khải Siêu hoặc Khang Hữu Vi, đã có ảnh hưởng rộng lớn trong một số sĩ phu Việt Nam. Vả lại cũng chính là qua các bản dịch tiếng Trung Quốc, nhất là của Nghiêm Phúc (1853-1921) mà những sĩ phu này đã tìm đến triết học thế kỷ XVIII của châu Âu, từ đó hình thành những trào lưu tư tưởng dân tộc chủ nghĩa đầu tiên của Việt Nam85 (Paul Mus: Việt Nam, Sociologie d’une guerre (Việt Nam, xã hội học một cuộc chiến tranh) Pa-ri. Le Seuil, 1952, tr.214-215. “Tinh thần luật pháp” được Nghiêm Phúc dịch năm 1906). Đầu thế kỷ thứ XX Trung Hoa đã gắn bó mật thiết với chủ nghĩa dân tộc hiện đại Việt Nam. Chính là lúc cách mạng thắng thế ở đế chế Trung Hoa mà Phan Bội Châu (1867-1940), chuyển từ chủ nghĩa quân chủ sang luận thuyết cộng hoà, dưới ảnh hưởng của Tôn Dật Tiên và Đồng minh hội, năm 1912, ông tổ chức Việt Nam phục quốc đồng minh hội (đúng ra là Việt Nam Quang phục hội-N.D.) ở Quảng Châu, tập hợp phần lớn những người Việt Nam lưu vong, theo chủ nghĩa dân tộc. Từ đó, nước Trung Hoa nhờ tư tưởng cũng như nhờ nơi ẩn náu và những thuận lợi mà Trung Hoa đem lại, không ngừng là trung tâm của cách mạng Việt Nam.

Phong trào Ngũ Tứ (mồng 4 tháng 5 năm 1919) cũng như việc Tôn Dật Tiên đề ra chủ nghĩa Tam dân cũng đã ảnh hưởng sâu sắc đến Việt Nam. Đảng quốc gia của Việt Nam (Việt Nam Quốc dân đảng) thành lập năm 1927 tại Hà Nội là một tiếng vang trung thành của Quốc dân đảng Trung Hoa: tổ chức giống nhau, chủ nghĩa giống nhau và hi vọng chấm dứt chế độ thống trị của Pháp với sự giúp đỡ của Trung Hoa dân quốc86 (K.C Chen, sách đã dẫn, tr.19). Chính là ở miền Nam Trung Quốc, ở Quảng Tây, ở Vân Nam và nhất là ở Côn Minh mà những nhà lãnh đạo Việt Nam Quốc dân đảng tìm được nơi ẩn náu tự nhiên khi họ bắt buộc phải lưu vong để tránh khủng bố của Pháp ở Đông Dương kể từ 1939-1940.

Ngay từ đầu những năm 1920, chính người cộng sản Trung Quốc và người cộng sản Việt Nam, cũng đã có những mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Năm 1922 chính Hồ Chí Minh đã gặp Chu Ân Lai ở Pa-ri87 (Văn Hối báo, Hồng Công, 2-11-1956, KC, Chen trích trong sách đã dẫn, tr.21). Nơi đây cả hai người dốc sức tổ chức những người châu Á trong những nhóm cực tả ở thủ đô. Ba năm sau, sau một thời gian ở Mát-xcơ-va, Hồ Chí Minh được Quốc tế cộng sản phái về Quảng Châu. Ở đây, ông thành lập Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội (hoặc gọi tắt là Thanh niên), đồng thời mở lớp huấn luyện chính trị, theo học có Phạm Văn Đồng, sau này là Phó thủ tướng của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, người dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Minh tại Giơ-ne-vơ88 (Hsiao Yang: Giải phóng Việt Nam, Thượng Hải 1951, tr.65, Wu Chih-ying (nxb): Chuyện Hồ Chí Minh, Thượng Hải, 1951, tr.13. Từ 1928, Trường Chinh đã gia nhập Thanh niên. Béc-na Phôn: Trường Chinh, Primer for Revolt (Trường Chinh, người đi đầu trong cách mạng), Niu Oóc, 1963, tr.11). Được Đảng Cộng sản Trung Quốc giúp đỡ, nhóm này có quan hệ một thời gian với trường Đại học quốc gia về phong trào nông dân, bấy giờ do Mao Trạch Đông làm hiệu trưởng trong khuôn khổ Quốc-Cộng hợp tác. Ngoài ra, nhiều hội viên “Thanh niên: thi nhau gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc (đôi khi họ mang tên Trung Quốc) như Hồ Tùng Mậu sau này được Hồ Chí Minh giao cho lãnh đạo Hội Thanh niên, sau cuộc khủng hoảng 192789 (K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.23 và 25).

Như vậy có nghĩa là, ngay từ đầu, phong trào cộng sản Việt Nam đã gắn bó chặt chẽ với phong trào cộng sản Trung Quốc, ở đó những người cộng sản Việt Nam đã tìm thấy sự giúp đỡ to lớn và cả sự phác hoạ về tư tưởng chính trị, đáp ứng một phần sự quan tâm đến dân tộc của chính họ. Vì vậy, Đảng Cộng sản Đông Dương do Hồ Chí Minh thống nhất ngày 3 tháng 2 năm 1930 ở Hồng Công, đã gần gũi lâu dài với Đảng Cộng sản Trung Quốc, ngay cả trong những lúc gian nan nhất, sau thất bại của cuộc nổi dậy ở Nghệ An (mùa xuân 1930), cuộc nổi dậy chịu ảnh hưởng một phần của phong trào các Xô-viết Trung Hoa nổ ra năm 1927.

Những năm Hồ Chí Minh hoạt động ở Trung Quốc, từ 1938 đến 194590 (Như trên, tr.33-98. Cũng xem Chiang Yung-chinh: Hồ Chí Minh tại Trung Quốc, Đài Bắc, 1972, 292 trang), làm cho mối liên hệ đó bền chặt thêm. Ở đó, ông đã tiếp xúc thường xuyên với Chu Ân Lai, sau đó, nhất là với tướng Diệp Kiếm Anh (lúc này Hồ Chí Minh có quan hệ với Bát lộ quân ở Quế Dương, Quế Châu và Hàm Dương, Hồ Nam). Những biện pháp khủng bố gắt gao của nhà đương cục Pháp đối với những người cách mạng Việt Nam cuối 1939-đầu 1940 đã làm số đông những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Đông Dương cùng với những người theo chủ nghĩa quốc gia, nhất là những đảng viên Việt Nam Quốc dân đảng chạy sang Vân Nam. Rất nhiều người làm ăn sinh sống ở dọc đoạn đường sắt Côn Minh-Hải Phòng trên đất Trung Quốc, và với sự giúp đỡ của Đảng bộ cộng sản Trung Quốc ở Vân Nam, đã lập lại cơ sở hạ tầng của Đảng được che giấu dưới tên “Hội ủng hộ Trung Quốc chống Nhật”.

Từ tháng 5 năm 1940, Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp từ trong nước ra, đến liên lạc với nhóm này ở Côn Minh. Mối quan hệ giữa hai đảng còn được khẳng định rõ nét hơn nữa khi hai đảng ký kết một bản thoả thuận về hợp tác, tháng 8 năm 1940: Trong lúc Đảng Cộng sản Trung Quốc hướng dẫn cho Đảng Cộng sản Đông Dương hoạt động, nhất là nhận đào tạo cán bộ Việt Nam tại trường Đại học chống Nhật ở Diên An, thì Đảng Cộng sản Đông Dương, về phần mình, cam kết hoạt động trong khuôn khổ Mặt trận thống nhất kháng Nhật đồng thời đấu tranh chống chủ nghĩa đế quốc Pháp91 (Các vấn đề chủ nghĩa cộng sản Việt Nam và vấn đề Việt Nam hôm qua và ngày nay, Studies on Special Subjects, Đài Bắc, 1955, số 21, tr.12-13 (ban thứ 6 Quốc dân đảng) K.C. Chen trích, sách đã dẫn, tr.41, chú thích 21).

Về điểm sau, những người Việt Nam cũng như người Trung Quốc, cộng sản hay theo chủ nghĩa quốc gia đều có lập trường gần với nhau nhất. Vì vậy, rất nhiều người coi những sự nhượng bộ của nhà đương cục Pháp trước tối hậu thư của Nhật năm 1940 như là “sự hợp tác” thật sự chống lại Trung Quốc. Tháng 5 năm 1941, tại cuộc hội nghị ở Tĩnh Tây (Quảng Tây) đã thành lập Việt Nam độc lập đồng minh hội (hoặc Việt Minh) với chương trình vừa đơn giản vừa rõ ràng: Đấu tranh chống chủ nghĩa phát xít Pháp và Nhật, Việt Nam độc lập, và xây dựng chế độ cộng hoà dân chủ. Nhưng nhà đương cục Trung Hoa hiểu rất rõ là Mặt trận mới này, không thể chối cãi được, là do cán bộ của Đảng Cộng sản Đông Dương bí mật chi phối. Tình hình quan hệ của những người này với Đảng Cộng sản Trung Quốc thúc đẩy họ có thái độ hết sức dè dặt đối với Việt Minh, khiến cho Việt Minh không tránh khỏi khó khăn trong hoạt động và người ta không thể đảm bảo là đường lối chính trị của Việt Minh trùng hợp lâu dài với lợi ích của bản thân Trung Hoa quốc gia. Vì vậy từ 1943, người Trung Quốc và nhất là tướng Trương Pháp Khuê, người chỉ huy mặt trận gần biên giới Việt Nam, đã xúi giục những người Việt Nam theo chủ nghĩa quốc gia thuộc đủ mọi khuynh hướng tập hợp lại để đấu tranh tốt hơn chống Nhật, Pháp. Đó là nguồn gốc của Việt Nam cách mệnh đồng minh hội (Đồng minh hội). Thực ra đáng lẽ đó phải là công cụ trong tay người Trung Quốc thì lại phục vụ một cách tuyệt diệu cho tham vọng của Việt Minh do họ đã nhận tham gia Đồng minh hội, và chỉ có họ mới có cơ cấu tổ chức có khả năng sử dụng Đồng minh hội có lợi cho họ92 (Sau 18 tháng, bị tù, Hồ Chí Minh (lấy biệt hiệu này vào lúc đó) mới nhận tham gia tổ chức này. Lịch sử quan hệ giữa những người cộng sản Việt Nam và những người theo) chủ nghĩa quốc gia Trung Hoa và Việt Nam trong thời kỳ này còn rất mập mờ và chưa biết mấy. So sánh sách đã dẫn của K.C. Chen, tr.33-98 và cuốn Histoire du Việt Nam de 1949 và 1952 (lịch sử Việt Nam từ 1949-1952) của Phi-lip Đơ-vin-lơ, Pa-ri Le Seuil, tr.96-113 thấy rất khác nhau ở nhiều điểm, ở trang 109, Ph. Đơ-vin-le nói đến việc thành lập tại Trung Quốc một chính phủ cộng hoà lâm thời Việt Nam vào tháng 3-1944 mà có lẽ có sự tham gia của Hồ Chí Minh (điều này được B. Phôn thừa nhận trong cuốn sách A.D. Barnett: Communist Strategies in Asia (Chiến lược cộng sản ở châu Á) New York, Praeger, 1963 tr.202-209), nhưng theo K.C. Chen thì chính phủ lâm thời đó không có bao giờ. Về toàn bộ những năm 1940, và đặc biệt về nguồn gốc của Việt Minh, ngoài hai công trình nói trên, xem thêm B. Phôn, Việt Minh, Pa-ri, A. Colin, 1960, 377 trang và cùng tác giả, Les deux Việt Nam (Hai Việt Nam), Paris, Payot, 1967, 478 trang).

Từ 1943 đến 1954, thế lực của Việt Minh không ngừng được củng cố đặt biệt ở phía bắc Bắc kỳ. Các khu du kích trong rừng dần dần được xây dựng, ngày càng được vũ trang tốt hơn và ngày càng mở rộng, nhất là dưới sự thúc đẩy của Phạm Văn Đồng và Võ Nguyên Giáp. Đồng thời Hồ Chí Minh tiếp tục duy trì những quan hệ tốt nhất với nhà đương cục Trung Hoa, đặc biệt với tướng Trương Pháp Khuê, thông qua Đồng minh hội. Ông ta đi tới đặt những mối quan hệ khá bổ ích với cả O.S.S (cơ quan tình báo chiến lược của Mỹ).


Cuộc đảo chính Nhật ngày 9 tháng 3 năm 1945 còn thắt chặt hơn nữa những mối liên hệ đó với Trung Quốc. Thực vậy, Chính phủ Trùng Khánh, ủng hộ nền độc lập của Đông Dương, sẵn sàng khi thời cơ đến, phái quân vào Đông Dương đánh Nhật; ngoài ra, cuộc hành quân này nhằm mục đích chuẩn bị về mặt chính trị cho nền độc lập đó làm cho nó phù hợp với lợi ích của Trung Quốc. Vì vậy người Trung Quốc đã nhận tăng cường giúp đỡ sẵn sàng chiến đấu chống Nhật, Pháp. Việt Minh đã quyết định đúng, lợi dụng sự giúp đỡ đó, thậm chí còn nắm độc quyền về sự giúp đỡ của Trung Quốc.

Thực vậy, từ tháng 7 năm 1945, gần đến ngày Nhật thua trận, một việc không còn hoài nghi mấy nữa, Việt Minh, có ảnh hưởng mạnh mẽ ở sáu tỉnh phía bắc93 (Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Phú Thọ và Thái Nguyên), bắt đầu chơi ván bài của họ. Khi tướng Trương Phát Khuê muốn đưa những phần tử Đồng minh hội đầu tiên vào Việt Nam, thì những người cộng sản đã phản đối không cho họ đi vào vùng kiểm soát của họ.

Nhưng, những sự kiện dồn dập xảy đến. Việc nội các thân Nhật Trần Trọng Kim từ chức ngày 7 tháng 8, việc đầu hàng ngày 14, và vua Bảo Đại thoái vị ngày 24 đã đột ngột để trống chính quyền. Chỉ có Việt Minh biết lợi dụng tình thế. Ngày 2 tháng 9, trước khi người Trung Quốc có thể mưu toán bất kỳ việc gì, Hồ Chí Minh tuyên bố Việt Nam độc lập, thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Một Chính phủ lâm thời, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, ra đời, và chính Hồ Chí Minh giữ chức Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bộ Nội vụ do Võ Nguyên Giáp đảm nhiệm, và Phạm Văn Đồng nắm Bộ Tài chính. Trong mười ba Bộ trưởng, sáu người là của Việt Minh. Không có sự giúp đỡ nào từ bên ngoài, nhưng với một sự khôn khéo và mau lẹ xuất sắc, Việt Minh đã chiếm được chính quyền. Chỉ trừ có Hoa Kỳ là tiếp nhận thuận lợi sự biến đổi, còn Đồng minh, kể cả Chính phủ Trùng Khánh thì bị đặt trước một việc đã rồi.

Tuy vậy, chế độ mới hãy còn cực kỳ yếu ớt. Chẳng bao lâu, chế độ đó đã phải tính đến khả năng Pháp sẽ quay trở lại. Vậy cần thiết phải thoả thuận, nhất là với Trung Quốc-nước chiếm đóng miền Bắc Đông Dương từ vĩ tuyến 16 trở ra để tước vũ khí quân đội Nhật94 (Xem K.C. Chen, The Chinese Occupation of Việt Nam (sự chiếm đóng của Trung Quốc tại Việt Nam) bài đăng trong tạp chí France-Asie, số 196, 1969, tr.3-28). Mặc dù ngày 24 tháng 8, Tổng tư lệnh Tưởng Giới Thạch đã nhắc lại rằng “Trung Quốc không hề có tham vọng lãnh thổ ở Việt Nam"95 (Trùng dương nhật báo (Chung-yang Jih-pao), 25-8-1945-Niu Oóc thời báo, 25-8-1945), mối nguy cơ lớn là ở chỗ quân đội Trung Hoa áp đặt ở Hà Nội một chính phủ của Việt Nam Quốc dân đảng-Đồng minh hội là những tổ chức trung thành với họ. Hiểm nguy càng lớn khi việc chiếm đóng, bắt đầu cuối tháng 8 do tướng Lư Hán chỉ huy, mà viên tướng này, có trong tay 15 vạn quân, lại không tán thành chính sách (đối với) Việt Nam của chính phủ Trùng Khánh. Trong khi chính phủ này, vì những lý do quốc tế, lại mong muốn từ nay giữ thái độ trung lập giữa Pháp và Việt Nam dưới một số điều kiện nào đó, tướng Lư Hán trái lại, chủ trương chiếm đóng lâu dài để cho phép ông ta tăng cường được thế lực cá nhân ở Vân Nam trong khi chuẩn bị cho Việt Nam độc lập, dưới sự lệ thuộc vào Trung Quốc và chống lại nước Pháp96 (K.C. Chen sách đã dẫn, tr.118-120. Nguồn chủ yếu của Trung Quốc về thời kỳ này là Chu Hsieh; Nhật ký về sự đầu hàng của Nhật ở Việt Nam, Thượng Hải, 1947. Chu Hsieh là thành viên của tiểu ban hành chính của Trung Quốc thành lập trong thời kỳ Quốc dân đảng chiếm đóng Đông Dương. Cũng xem bằng chứng của tướng Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.226 và 339).

Trong khi tìm cách cô lập Việt Nam Quốc dân đảng và Đồng minh hội, Việt Minh cố gắng xúc tiến những quan hệ đúng đắn với kẻ chiếm đóng để trung lập hoá chúng. Ngày 18 tháng 11, Hồ Chí Minh bảo đảm với nhà đương cục Trung Hoa là sẽ “tuân lệnh” họ. Ngoài ra, Hồ Chí Minh còn tuyên bố sẵn sàng để các đảng phái chính trị khác (thân Trung Quốc) tham gia Chính phủ lâm thời97 (Báo cáo của Trương Pháp Khuê, ngày 17-9-1946, trong Chiang Yung-ching, sách đã dẫn, K.C. Chen, trích trong sách đã dẫn, tr.123). Sự “hợp tác” đã đi khá xa vì người Trung Quốc nhận bán vũ khí cho Việt Minh đổi lấy một phần số vàng quyên góp được trong “tuần lễ Vàng” tổ chức hồi tháng 9 năm 194598 (Thư của Nghiêm Kế Tổ gửi cho K.C. Chen (31-3-1969) xem sách đã dẫn của K.C. Chen, tr.127. Xem thêm Hồ Chí Minh: De la Revolution (Nói về cách mạng) 1920-1966 Tập hợp các bài viết của Hồ Chí Minh, B. Phôn Pa-ri, Plon, 1968, 495 trang. Chú thích của B. Phôn; tr.194).

Khi những vấn đề chính tồn tại giữa Pháp và Trung Quốc đã được giải quyết bằng hiệp định 28 tháng 2 năm 194699 (Những vấn đề thuộc về đặc quyền nước ngoài của Pháp ở Trung Quốc, quy chế của Hoa kiều ở Đông Dương, quy chế cảng Hải Phòng và đường sắt Vân Nam cũng như việc quân đội Trung Hoa rút khỏi Đông Dương: Bài trong Notes et Etudes documentaires, La Documentation franCaise Pa-ri, số 555, 24-2-1947), và một thoả hiệp tạm thời đã ký được với Việt Minh ngày 6 tháng 3100 (Nước Pháp thừa nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà là một quốc gia tự do, có chính phủ, nghị viện, quân đội, tài chính riêng nhưng ở trong “Liên bang Đông Dương" và khối “Liên hiệp Pháp”; 15.000 lính Pháp sẽ được đóng quân ở phía Bắc vĩ tuyến 16; quân đội Việt Nam sẽ thay thế quân Pháp trong 5 năm (Hiệp ước, hiệp định, thoả ước ký giữa Việt Nam và Pháp 1787-1946. Chính phủ Trung ương lâm thời Việt Nam, Hà Nội, 1948). Nói thêm rằng thoả thuận này chặn đứng khả năng liên minh Việt-Trung chống lại nước Pháp), quân đội Pháp bắt đầu đổ bộ lên Hải Phòng cùng ngày hôm đó (sau một cuộc đọ súng kịch liệt với quân đội Trung Hoa). Ngày 18 tháng 3, quân đội Pháp vào Hà Nội.

Nhng, đồng thời với việc nhận cho Pháp quay trở lại miền Bắc. Hồ Chí Minh gửi đi Trùng Khánh một phái đoàn để xin Trung Quốc viện trợ chống Pháp101 (Báo cáo của Hsing Shen-chou ngày 6 tháng 14-4-1946 trong sách đã dẫn của Chiang Yung-ching, K.C. Chen trích lại trong sách đã dẫn, tr.148-149. Có lẽ Hồ Chí Minh đã mong muốn quân đội Trung Hoa chỉ rút đi sau khi có hiệp định chính thức với Pháp). Tình hình yết ớt nhiều mặt của đất nước lúc này buộc Việt Minh phải có một chính sách giữ cân bằng khôn khéo và thận trọng giữa Trung Quốc và Pháp102 (Vì vậy mà trong mùa hè 1946, Hồ Chí Minh, nhờ sự giúp đỡ của Pháp đã có thể loại trừ một số phần tử thân Trung Quốc trong Chính phủ (M. Guốc-tốp, sách đã dẫn, tr.3)). Tuy nhiên, đến tháng 6 khi những đơn vị cuối cùng của quân đội Trung Hoa đã rút đi mà không có một thoả thuận dứt khoát nào được ký kết với Pa-ri. Tuy nhiên, đến tháng 6 khi những đơn vị cuối cùng của quân đội Trung Hoa đã rút đi mà không có một thoả thuận dứt khoát nào được ký kết với Pa-ri. Tuy nhiên, với sự ra đi của quân đội Trung Quốc, những hi vọng chính trị cuối cùng của Việt Nam Quốc dân đảng và Đồng minh hội đã phai mờ và những đối thủ quan trọng và cuối cùng ở trong nước của Việt Minh cũng biến mất. Hồ Chí Minh và những đồng chí của ông ta từ nay có thể và phải chiến đấu đơn độc chống lại nước Pháp. Việc bắn phá Hải Phòng ngày 23 tháng 11 năm 1946 rồi việc nổi dậy ở Hà Nội ngày 19 tháng 12, đánh dấu cuộc chiến tranh bắt đầu và sẽ phải kéo dài 7 năm rưỡi.

Việc chiếm chính quyền nhanh chóng của Việt Minh, chắc chắn chẳng phải là kết quả của chính sách của Trung Quốc. Trên một mức độ rất lớn, việc đó đã diễn ra ngược lại với ý muốn của Chính phủ Trùng Khánh, và chống lại cả hai tổ chức chính trị Việt Nam được chính phủ này bênh vực: Việt Nam Quốc dân đảng và Đồng minh hội. Làm sao có thể khác dược trong khi Quốc dân đảng Trung Hoa núp dưới Mặt trận thống nhất chống Nhật cùng với Đảng Cộng sản Trung Quốc, thực ra, lao vào cuộc chiến đấu sinh tử với những người cộng sản?

Nhưng nếu nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, mầm mống của Nhà nước xã hội chủ nghĩa được xây dựng nên chủ yếu do những người lãnh đạo của Đảng Cộng sản Đông Dương trở lại hoạt động bí mật đã được thành lập ngược lại ý muốn của Trung Hoa dân quốc thì: cuộc cách mạng Việt Nam trong cái cốt lõi dân tộc chủ nghĩa của nó, có một phần không kém quan trọng là kết quả của chính sách của Trung Quốc. Chính nhờ có Trung Quốc ủng hộ, đôi khi tiêu cực nhưng thường là tích cực, mà Việt Minh có thể trưởng thành nhanh chóng như vậy (tuyệt đối nhanh hơn cả Đảng Cộng sản Trung Quốc). Cho đến cuối chiến tranh thế giới thứ hai, Việt Minh như nhiều phong trào dân tộc khác của Việt Nam đã phát triển trong sự phụ thuộc vào Trung Quốc.

Một nền độc lập do Trung Quốc đồng thời chống lại Trung Quốc: đó là một quá trình lịch sử quan hệ Trung-Việt còn đưa ra khá nhiều ví dụ khác nữa.

Viện trợ của cộng sản Trung Quốc cho Việt Minh trước năm 1949

Nhìn bề ngoài, chính là bắt đầu từ năm 1946, những người cộng sản Trung Quốc mới quan tâm sát sao đến vấn đề Việt Nam. Tháng 8 năm đó khoảng 350 cán bộ đã được phái sang Việt Nam để tiến hành hoạt động tuyên truyền trong đông đảo cộng đồng Hoa kiều103 (Báo cáo của Tổng lãnh sự quán Trung Quốc tại Hà Nội 12-11-1945, trong Chiang Yung-ching, sách đã dẫn, K.C. Chen, trích trong sách đã dẫn, tr.187). Từ năm 1947, ở vùng biên giới Trung-Việt, thành lập “quân đội dân chủ thống nhất Hoa Nam” đông tới 5.000 người đã giúp Việt Minh đào tạo cán bộ. Vả lại cũng kể từ ngày đó, quan hệ giữa Việt Minh và Đảng Cộng sản Trung Quốc được tăng cường nhất là nhân dịp Lưu Thừa Chí, phụ trách Cục Hoa Nam của Đảng Cộng sản Trung Quốc và tướng Phương Dương cùng làm việc với Chí cùng đến thăm các vùng do cộng sản kiểm soát ở vùng này vào khoảng tháng 6 đến tháng 7 năm 1947. Từ Băng Cốc những người cộng sản Trung Quốc giúp đỡ Việt Minh mua vài chuyến vũ khí Mỹ của người Thái Lan và người Anh bán. Như vậy đến tháng 9 năm 1947, Việt Minh, qua những người cộng sản Trung Quốc làm trung gian, đã có được một số lượng lớn trang bị (trị giá 12 triệu đồng) được gửi tới Bắc kỳ bằng đường biển104 (K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.188-189. Một nguồn tin Trung Hoa quốc gia cho biết việc mua bán vũ khí ở Băng Cốc như sau: 6.000 súng trường, 400 tiểu liên, 5 súng phòng không, 200 mìn và 1000 lựu đạn. Đến năm 1950, Văn phòng đại diện (của Việt Minh) ở Băng Cốc mới đóng cửa, rồi chuyển về Răng-gun (B. Phôn, sách đã dẫn, tr.90-91). Tướng P. Boi-ơ đơ La-tua, trong cuốn De l’Indochine à l’ Algérie: le martye de l’armée francaise (Từ Đông Dương đến An-giê-ri: Nỗi thống khổ của quân đội Pháp) Pa-ri, les Presses du mail, 1962, tr.46, khẳng định sự việc này và nói thêm rằng đó là nguồn tiếp tế chủ yếu của Việt Minh).

Ngoài ra, Việt Minh, từ lúc này nhận được sự giúp đỡ mạnh mẽ của phía Trung Quốc từ bên kia biên giới mặc dù Quảng Tây và Vân Nam vẫn còn nằm dưới sự kiểm soát của Trung Hoa quốc gia. Ví như viên Tổng đốc Vân Nam là Lư Hán đã để cho một đơn vị “Quân giải phóng nhân dân" của cộng sản được hoạt động và cộng tác với Việt Minh105 (Tuy nhiên, tướng P. Boi-ơđơ La-tua, trong sách đã dẫn, tr.48, ghi nhận rằng năm 1947, “gần như không có sự giúp đỡ gì từ phía Trung Quốc"). Trong một chừng mực nào đó, Trung Quốc đã trở thành “đất thánh” cho các lực lượng của tướng Giáp. Cuối năm 1948, tình hình đó được củng cố thêm khi hai đơn vị mới của cộng sản xuất hiện ở biên giới Trung-Việt: Quân giải phóng nhân dân của Trần Canh và Quân giải phóng Vân Nam-Quảng Tây106 (K.C Chen, sách đã dẫn, tr.193-195).

Về phía Pháp, ban tham mưu biết rõ những sự phát triển đó và khá lâu trước khi quân Trung cộng tiến sát biên giới Việt Nam, nhà đương cục Pháp đã lo ngại về tác động của các sự kiện ở Trung Quốc đến tình hình Đông Dương. Tháng 5 năm 1947, khi các cuộc phản công lớn của Trung cộng chưa bắt đầu, Ma-ri-uýt Mu-lê (Marius Moulet), Bộ trưởng Bộ Pháp quốc hải ngoại đã thổ lộ với tướng Xa-lăng (Salan) khi viên tướng này lên đường trở lại Đông Dương để nắm quyền chỉ huy miền Bắc Đông Dương: “Trung hoa đỏ đang nổi lên và bắt đầu tiến xuống phía nam rồi đó. Tôi yêu cầu ông làm mọi việc để không cho Việt Minh có thể tiếp xúc được với các đơn vị của Mao”107 (K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.193-195).

Đặt chân tới Hà Nội, tướng Xa-lăng lập tức quan tâm ngay đến vấn đề đó. Chiến dịch đầu tiên tổ chức ở Bắc kỳ từ tháng 10 năm 1947 nhằm, ngoài những mục tiêu khác, “khoá chặt” biên giới Trung Hoa. Chính tướng Bô-phrê (Beauré) được giao phụ trách một phần của cuộc hành quân này108 (Như trên, tr.100 và tiếp theo). Nhưng việc bố trí một vài đơn vị dọc biên giới Trung Hoa và từ sông Hồng (Lao Cai) đến vịnh Bắc bộ chỉ đạt được một thời gian im ắng rất ngắn ngủi. Trước hết bởi lẽ, một phần vũ khí đưa vào Bắc kỳ bằng đường biển và cung cấp cho nhiều du kích trong rừng rất khó kiểm soát, đặc biệt ở phía nam Hải Phòng109 (Như trên, tr.126). Nhưng phần lớn bởi vì ở Trung Quốc, thế chủ động dần dần chuyển sang tay những người cộng sản quốc từ đầu 194. Vào mùa xuân, cộng sản vượt sông Hoàng Hà ở vùng Lạc Dương và Khai Phong110 (J. Guillermaz, sách đã dẫn, tr.39 và tiếp theo).

Để tìm cách đối phó với tình hình, tướng Xa-lăng, từ tháng 2 năm 1948 nắm quyền chỉ huy toàn Đông Dương, đã ra lệnh tổ chức lại ban chỉ huy vùng biên giới do đại tá Vi-ke (Vicaire) từ nay kiêm nhiệm các chức trách dân sự lẫn quân sự, và yêu cầu Cao uỷ Bô-la-éc (Bollaert) triệu tập đại tá Ghi-éc-ma (Guillermaz), tuỳ viên quân sự Pháp tại Nam Kinh về đánh giá tình hình diễn biến tại Trung Quốc. Viên đại tá này đã theo dõi các vấn đề Trung Quốc từ nhiều năm, đến Sài Gòn tháng 3 và phân tích cho tướng Xa-lăng tình hình quân sự ở Trung Quốc. Theo ông ta, quân cộng sản có thể sẽ đến sông Dương Tử vào khoảng tháng 3, tháng 4 năm 1949 và sẽ tiến tới sát biên giới Việt Nam vào cuối năm111 (R.Salan, sách đã dẫn, tr.143).

Vào đầu năm 1949, các giới Pháp ở Trung Quốc ngày càng tỏ ra bi quan về khả năng của Chính phủ Trung Hoa dân quốc có thể khôi phục được tình hình. Đại sứ Pháp Mây-ri-ê (Meyrier) ngày 22 tháng 2 năm 1949 đánh điện về Pháp, tỏ ra không còn nghi ngờ gì về tương lai:

“Không thể phủ nhận rằng các cuộc hành quân mùa đông này ở miền Bắc Trung Quốc là tai hại đối với quân đội chính phủ mà lực lượng đã bị tổn thất nặng. Bây giờ sự đe doạ nghiêm trọng nhất đối với Chính phủ Nam Kinh là ở sông Dương Tử. Ngài Tống Tử Văn112 (Em vợ Tưởng Giới Thạch, cựu Chủ tịch Viện hành pháp, tổng đốc Quảng Đông) đã không giấu tôi việc phải tính đến cuộc rút lui của Chính phủ trước sự uy hiếp của cộng sản (…). Phải thừa nhận quân cộng sản có tinh thần chiến đấu phi thường trước một đối thủ hoàn toàn thất vọng và suy sụp (…)”113 (Ra-un Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.139-140).

Đối với Đông Dương, nguy cơ càng nghiêm trọng hơn với việc du kích Việt Minh vùng thượng du Bắc kỳ đã liên lạc được với phong trào khởi nghĩa đang phát triển ở Quảng Tây và Quảng Đông114 (Như trên, tr.11-142).

Những lời dự đoán đó đã tỏ ra đặc biệt chính xác. Quả vậy, quân cộng sản bắt đầu vượt sông Dương Tử ngày 20 tháng 4 năm 1949. Trong vài ngày, cuộc hành quân đã hoàn thành mà không gặp sự kháng cự nghiêm chỉnh nào của phe quốc gia. Đối với bộ chỉ huy quân sự Pháp, hiểm hoạ Trung Hoa lớn lên từ những tháng qua, nay đã trở thành hiện thực. Vậy cần phải tập trung các phương tiện đối phó với nguy cơ đó. Nếu quân giải phóng Trung Quốc nối liền được với du kích Việt Minh và thường xuyên tiếp xúc với họ thì người ta nghĩ rằng việc bình định Bắc kỳ thực tế là không thể được.

Tuy nhiên, tất cả những người có trách nhiệm tại chỗ đều không tiếp nhận sự giải thích tình hình như vậy. Lê-ông Pi-nhông (Léon Pignon) thay Bô-la-éc giữ chức Cao uỷ, đánh giá rằng cần đặt ưu tiên vào mục tiêu bình định ở miền Nam và miền Trung115 (Như trên, sách đã dẫn, tr.159-160). Trước sự khác nhau giữa các đương cục quân sự và dân sự, tháng 5 năm 1949, chính phủ quyết định cử tướng Rơ-ve (Revers). Tham mưu trưởng lục quân, tiến hành điều tra tại chỗ. Sau một tháng thanh tra, tướng Rơ-ve đi đến kết luận rằng cần “phải đối phó với một sự đe doạ có thể xảy ra từ phía Trung Quốc bằng cách thực hiện một hệ thống liên hoàn cho phép bảo đảm việc phòng thủ biên giới từ Móng Cai đến Thất Khê”. Nhưng đồng thời, để tập trung lực lượng quân sự ở đồng bằng, Rơ-ve quyết định “rút khỏi Bắc Cạn và Nguyên Bình và để một lực lượng mỏng ở Cao Bằng, với dự kiến là nếu bị uy hiếp nghiêm trọng116 (Như trên, tr.162. Việc tiết lộ báo cáo của Rơ-vê (6 tháng đầu năm 1950) chứng tỏ cho Việt Minh thấy rõ những mối lo sơ bộ của bộ tham mưu Pháp trước sự đe doạ của Trung Quốc. Một số chỉ huy quân sự không hoan nghênh kế hoạch Rơ-vê. Sau này, tướng Na-va viết: “Bằng cách mở toang cửa với Trung Quốc, địch có thể nối liền hệ thống đường sá của mình với hệ thống đường bộ của Trung Quốc; kế hoạch đã tạo cho địch mọi thuận lợi tiếp nhận sự viện trợ vật chất tăng lên không ngừng và thành lập, bên cạnh lực lượng du kích, một quân đội chính quy, bắt đầu lúc này sẽ được tăng cường thường xuyên (Henri Navarre, Agonie de l’ Indochine 1953-1954 (Đông Dương hấp hối 1953-1954 Pa-ri, Pilon, 1956, tr.19)) thì trung tâm Cao Bằng sẽ rút nốt”.

Thực tế, ngày tháng trôi qua, những lời cảnh cáo của đại tá Ghi-éc-ma càng tỏ ra có cơ sở “Đúng là cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 1949, quân Trung cộng tiến đến biên giới Việt Nam. Một đơn vị quân quốc gia 30.000 người do tướng Huang Chinh chỉ huy đã phải vượt biên để thoát khỏi quân cộng sản. Đơn vị này đã bị quân Pháp tước vũ khí và được đưa về đảo Phú Quốc, phía tây nam bờ biển Nam kỳ117 (Guillermaz: Historie du Parti Communiste Chinois (lịch sử Đảng Cộng sản Trung Quốc) sách đã dẫn, tr.412. Về điểm này, xem thêm K.C.Chen, sách đã dẫn, tr.201-211. Tháng 5-6-1953 các đơn vị Trung Hoa quốc gia này được đưa về Đài Loan).
Tướng Xa-lăng kết luận (trong Hồi ký của mình):

“Trong những tháng tiếp theo và cho đến gần tới mùa hè năm 1950 (…) bi kịch đã không xảy ra, Việt Minh “giả tảng chết”, nhưng với huấn luyện viên Trung Quốc, chuyên gia về chiến tranh cách mạng, Việt Minh rèn công cụ chiến tranh của mình. Đó là khởi đầu việc thành lập các đơn vị lớn”118 (Ra-un Xa-lăng, sách đã dẫn, tr.161).

Gần ba năm đã trôi qua từ lúc Ma-ri-uýt Mu-tê yêu cầu, tướng Xa-lăng “là hết thảy mọi việc để cho Việt Minh không liên lạc được với các đơn vị của Mao”. Ngày nay Trung cộng đã ở cửa ngõ Bắc kỳ. Có nghĩa là từ nay cuộc xung đột ở Đông Dương đã thay đổi tầm cỡ về quân sự cũng như về chính trị. Một mặt nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã có thể viện trợ ồ ạt cho Việt Minh, bằng cách cung cấp vũ khí, giúp đỡ về hậu cần trên lãnh thổ Trung Quốc và phái cg quân sự tới. Mặt khác, bộ chỉ huy Pháp không còn chỉ đối phó với cuộc nổi dậy có tính dân tộc mà là một sự nghiệp, không phải là không có vài lý do, sẽ có thể được xem như một trong những biểu hiện của cuộc chạm trán Đông-Tây trong khung cảnh chiến tranh lạnh.

CHƯƠNG II
TRUNG HOA NHÂN DÂN ĐỨNG TRƯỚC CÁC
CƯỜNG QUỐC PHƯƠNG TÂY TRONG SỰ PHÁT TRIỂN
CỦA CUỘC KHỦNG HOẢNG ĐÔNG DƯƠNG

SỰ ỦNG HỘ CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ NHÂN DÂN TRUNG HOA DÀNH CHO VIỆT MINH: GIÚP ĐỠ TÍCH CỰC NHƯNG KHÔNG TRỰC TIẾP CAN THIỆP


Những quan hệ chính trị giữa Trung Hoa nhân dân và Việt Minh

Khi Trung Quốc tuyên bố thành lập nền Cộng hoà nhân dân, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà đã tồn tại được bốn năm rưỡi. Bốn năm đấu tranh gian khổ, qua những bước đường quanh co, thương lượng, khủng bố, chiến tranh du kích, có thắng lợi và có thất bại, nhưng đã chứng minh cho các nhà quan sát khách quan1 (Đại sứ Sô-ven hai mươi năm sau viết rằng lúc đó ở Pháp chưa có những nhà quan sát khách quan) rằng cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam có những nguồn gốc sâu xa và vững chắc2 (Thư mục về Việt Nam trước năm 1954 khá phong phú. Trong số các sách Pháp có Philippe Devillers: Historie du Viet-nam de 1940 là 1952 (Lịch sử Việt Nam, từ 1940 đến 1952), sách đã dẫn-Paul Mus, Việt Nam, Sociologie d’une guerre, (Việt Nam xã hội học của một cuộc chiến tranh), sách đã dẫn-Bernard Fall, Le Việt Minh, sách đã dẫn. Xem mục lục sách tham khảo ở cuối sách). Chúng ta hãy đọc lại Pôn Muýt (Paul Mus). Ông đã nhấn mạnh điều đó ngay từ những trang đầu trong cuốn sách xuất bản năm 1952. Đối với xã thôn Việt Nam là tế bào chủ yếu của đời sống xã hội và chính trị, “thiên minh” (+) (+: Dẫn trong nguyên bản, tác giả viết là “thiên minh”, chúng tôi ngờ là phiên âm sai, đúng ra phải là “thiên mệnh” mới đúng cách dịch của tác giả là madát céleste có nghĩa là”sứ mệnh trời cao”), “mệnh trời”-điều này tôi không biết thế nào vì không có tên gọi trong ngôn ngữ của chúng ta, nhưng nó nói về chế độ chính trị đến lúc thích hợp sẽ lập lại sự hài hoà giữa trời và con người-đã đi đến Cộng hoà dân chủ. Vị Hoàng đế cuối cùng đã chẳng trao lại cho nó cái ấn, sau khi thoái vị đó sao?

Cuộc cách mạng mà hiện thân là chế độ Cộng hoà dân chủ, cơ bản là cách mạng dân tộc. Chắc chắn đó là sự nghiệp của những người mác-xít nhưng là những người mác-xít yêu nước nồng nàn, có thể là những người yêu nước nhiều hơn là mác-xít, những người coi “độc lập” là mục đích tối cao. Đối với họ, cuộc cách mạng chỉ có ý nghĩa bởi vì nó tạo điều kiện tất yếu của độc lập. Vì vậy họ cố gắng giữ cho phong trào có được tính chất dân tộc cao cả. Các nhà lãnh đạo Việt Minh luôn luôn nhấn đến sự cần thiết cấp bách đối với cách mạng Việt Nam là “tự lực cánh sinh” (như kiểu chủ nghĩa cộng sản Trung Hoa). Sự đòi hỏi càng bức thiết hơn đối với một nước như Việt Nam mà nguy cơ lớn là thất Trung Quốc lợi dụng thế mạnh của họ để hướng cách mạng Việt Nam phục vụ lợi ích dân tộc của chính họ.

Nhưng, mặc dù có những dè dặt như vậy, chắc chắn là đối với Việt Minh, việc quân cộng sản Trung Hoa đến sát biên giới làm thay đổi tận gốc những dữ kiện về chiến lược. Đại tướng Võ Nguyên Giáp sau này viết:

“Năm 1949 là năm cách mạng Trung Quốc đại thắng, nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa ra đời. Sự kiện lịch sử vĩ đại đó đã làm thay đổi cục diện ở châu Á và thế giới, nó đã có ảnh hưởng lớn đến cuối cuộc chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam. Nước Việt Nam đã thoát khỏi hoàn canh chiến đấu trong vòng vây của địch và từ nay về địa lý sẽ được nối liền với các nước xã hội chủ nghĩa”4 (Võ Nguyên Giáp: Chiến tranh giải phóng của nhân dân Việt Nam chống thực dân Pháp và can thiệp Mỹ (1945-1954) trong tập “chiến tranh nhân dân, quân đội nhân dân”, Paris, Maspero, 1966, tr.21).

Về mặt chính trị, việc cộng sản nắm chính quyền ở Trung Quốc sẽ có ảnh hưởng trực tiếp và sâu sắc đối với Việt Minh. Một mặt, thế cân bằng trong nội bộ ban lãnh đạo (của Việt Minh) sẽ thay đổi. Từ tháng 7 năm 1949, khuynh hướng của Trường Chinh và những người khác, cũng là khuynh hướng của những người chủ trương đánh đến cùng, áp đặt một phần đường lối thiên về các triển vọng chính trị và quân sự đang được thể hiện ở Trung Quốc5 (Philippe Devillers, sách đã dẫn, tr.451. Bửu Lộc “Aspects of the Vietnamese Problem” (Những khía cạnh của vấn đề Việt Nam)-Pacific Affairs, XXV, số 3-tháng 9-1952, P.239. Ph. Devillers, “Việt Nam" trong tập san “L’ Asie du Sud-Est” (Đông Nam châu Á), Paris, Sirey. 1971, tập II, tr.848-849). Cùng với sự giúp đỡ bên ngoài và sự tiến triển của bối cảnh quốc tế, điều đó sẽ giải thích sự cứng rắn một cách mau lẹ về chiến lược của Việt Minh và việc họ mở chiến dịch lớn năm 1950.

Mặt khác, việc thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, đồng thời tăng cường vị trí của Việt Minh trên sân khấu quốc tế. Cho đến cuối tháng 12 năm 1949, thái độ của Việt Minh đối với nước Trung Hoa mới, ít ra về công khai, còn hết sức thận trọng bởi vì mặc dù tình hình xảy ra ở Bắc Kinh, những người ở phe quốc gia còn giữ được chính quyền ở vài vùng phía nam. Khi thất bại của phe quốc gia đã rõ ràng, tình hình hoàn toàn khác hẳn. Đầu tháng 1 năm 1950, Võ Nguyên Giáp bí mật đến Nam Ninh (Quảng Tây) ở đó, ông đã gặp nhiều nhân vật quan trọng của Trung Quốc6 (Nguồn tin của Ph. Đơ-vi-le. Xem K.C. Chen, sách đã dẫn, tr.231). Mấy ngày sau, ngày 14 tháng 1 Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra lời kêu gọi các nước bạn dành cho sự ủng hộ về ngoại giao7 (Hồ Chí Minh, sách đã dẫn, tr.249-250). Hôm sau, 15 tháng 1, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, về phần mình, công nhận Cộng hoà nhân dân Trung Hoa8 (Việt Nam News Agency (Đài phát thanh Việt Minh) 16 tháng 1 năm 1950). Ngày 18 đến lượt Trung Hoa nhân dân công nhận nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và mời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà gửi đến Bắc Kinh một đại biểu để thành lập Đại sứ quán9 (Tin của đài phát thanh Bắc Kinh ngày 18 tháng 1 năm 1950. Xem Nhân dân nhật báo Bắc Kinh ngày 19-1-1950. Cùng ngày Cộng hoà nhân dân Trung Hoa gửi đến Bộ Ngoại giao Pháp công hàm phản đối việc quân đội Pháp bạc đãi Hoa kiều ở Đông Dương). Khởi đầu quá trình bình thường hoá với các nước xã hội chủ nghĩa10 (Đến lượt Liên Xô công nhận chế độ Việt Minh ngày 30-1-1950 (Hãng TASS ngày 31-1-1950) Bắc Triều Tiên ngày 31-1, Tiệp Khắc ngày 2-2, Ru-ma-ni ngày 3-2, Ba Lan và Hung-ga-ri ngày 4-2, Bun-ga-ri ngày 5-2 và An-ba-ni ngày 13-3). Đến ngày nay, những sự kiện này còn khó hiểu ở nhiều khía cạnh, khi Trung Hoa quyết định công nhận Việt Nam Dân chủ Cộng hoà thì Mao Trạch Đông còn ở Mát-xcơ-va và đang thương lượng để ký Hiệp ước Đồng minh tương trợ Trung-Xô. Lưu Thiếu Kỳ, đảm nhiệm quyền chủ tịch, có phải tham khảo ý kiến Mao trước khi quyết định không? Người Liên Xô có được hỏi ý kiến không? Phải chăng chính quyết định của Trung Quốc đã làm Liên Xô chấm dứt sự dè dặt từ bố năm nay đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để Trung Quốc không thu lợi một mình trong việc thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Minh? Xem Phi-líp Đơ-vi-le, sách đã dẫn, tr.454-455). Trung Quốc đã dành sự giúp đỡ to lớn cho Việt Minh. Ngoài ra, Trung Quốc còn gián tiếp cải chính những tin đồn về những sự bất đồng được coi là có giữa người Việt Nam và Trung Hoa về khả năng có thể có một sự trung lập giữa phương Đông và phương Tây11 (Trong lúc Cộng hoà nhân dân tuyên bố không thể có sự trung lập giữa hai khối (ngả hẳn về một bên) Hồ Chí Minh đã để cho người ta hiểu rằng Việt Minh có thể đứng trung lập nếu chiến tranh xảy ra giữa Liên Xô và Mỹ).

Vả lại, những sự kiện diễn ra rất mau lẹ khẳng định sự nhất trí về quan điểm giữa Trung Hoa mới và Việt Minh về một vài điểm căn bản. Từ tháng 11 đến tháng 12 năm 1949 đại biểu Việt Minh (là Nguyễn Duy Tinh tức Lưu Đức Phổ) tại hội nghị các công đoàn châu Á và Ô-xtrây-li-a, họp ở Bắc Kinh, đã ủng hộ mạnh mẽ những quan điểm của Trung Quốc do Lưu Thiếu Kỳ đưa ra về cách mạng tại các nước thuộc địa: “Những nguyên tắc chủ yếu… do đồng chí Lưu Thiếu Kỳ đưa ra trong lời khai mạc (hội nghị)… phải được coi là kim chỉ nam cho hết thảy mọi người lao động ở Đông Nam châu Á”12 (Việt Nam News Agency, 8-3-1950 (tiếng Anh)). Vài tuần sau, hội nghị Công đoàn toàn quốc của Việt Nam, cuối tháng 12 năm 1949-nửa đầu tháng 1 năm 1950, có đại biểu của Công đoàn Trung Quốc tham dự, tuyên bố nhất trí với những nguyên tắc đề ra tại Bắc Kinh13 (Tân Hoa xã, Bắc Kinh 19-11-1949). Một tháng sau, ngày 11 tháng 2 năm 1950, hội nghị Việt-Trung tuyên bố thành lập, chào mừng “sự giống nhau trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc ở Trung Quốc và ở Việt Nam" và nhấn mạnh những mối quan hệ nồng nhiệt giữa hai dân tộc, “hai đồng minh gần gũi nhất ở mặt trận phía đông của cuộc đấu tranh chống đế quốc”14 (Việt Nam News Agency, 11-9-1950 (tiếng Anh)).

Trong những tư tưởng đó, một số đã được nhắc lại thường xuyên hơn. Từ khi Đảng lao động thành lập (tháng 2 năm 1951), được Trung Quốc hoan nghênh như là một sáng kiến thích hợp và quan trọng15 (Nhân dân nhật báo, 27-3-1951. Cương lĩnh của Đảng được đăng trong tạp chí People’s China. 1-5-1951. G. La-cu-tuya và Ph. Đơ-vi-le còn đi xa hơn khi giải thích việc thành lập Đảng lao động như là kết quả của sức ép Trung Quốc (La fin d’une guerre (Kết thúc một cuộc chiến tranh), sách đã dẫn, tr.31). Sự cần thiết có một Đảng mác-xít-lê-nin-nít mạnh (ngoài Mặt trận thống nhất và quân đội) thường được đặt lên hàng đầu. Tuyên truyền của Việt Minh cũng nhấn mạnh đến liên minh giữa công nhân, nông dân, tiểu tư sản và tư sản dân tộc.

Nhưng nếu giai đoạn này là một trong những giai đoạn trong đó mối quan hệ Trung-Việt thân thiết nhất, thì sẽ rất sai lầm khi chỉ thấy rằng đường lối chính trị của Việt Minh những năm đó là sự phỏng theo một cách đơn giản mô hình Trung Quốc.

Không có nhận xét nào: