Sách các tác gia Việt Nam thế kỷ XIX, ở Huế có hai ông hoàng con vua Minh Mạng là Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819-11870) và Tuy Lý Vương Miên Trinh (1820-1897) rất nổi tiếng. Hai ông hoàng hay thơ, có nhân cách nên kết giao được nhiều thức giả Nam Bắc. Ba người bạn vong niên sáng giá nhất của Miên Thẩm đều là người Hà Nội. Đó là các ông Nguyễn Văn Siêu (1799-1872), Cao Bá Quát (1809-1854) và Nguyễn Trọng Hợp (1834-1902) ( người cùng quê Kim Lũ với ông Siêu).
Hai ông Siêu Quát bậc đàn anh của Miên Thẩm, sử sách đã viết nhiều (Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường), riêng người học trò Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp ít được nhắc đến. Kim Giang ít được nhắc đến không phải vì ông kém tài, mà thực chất là vì thời ông ra gánh vác việc nước, nhà Nguyễn bước vào giai đoạn suy tàn, thực dân Pháp đem tàu chiến và đại bác đến thôn tính dần nước ta, trí và bút của ông không giữ được nước thì có gì danh giá đâu mà tuyên dương ? Ông là người đi trên thuyền bơi qua sông lớn gặp cơn bão dữ, thuyền lật mà ông không chết là may lắm rồi ! Tôi không có điều kiện tham cứu sử sách và đi điền dã để viết về sự nghiệp lịch sử của ông. Với tư cách là một người cầm bút ở địa phương - nơi ông Nguyễn Trọng Hợp học và làm quan nhiều năm, trong hội thảo nầy tôi chỉ dám đề cập đến một vài khía cạnh đời thường của ông ở Huế để hiểu thêm nhân cách của một người Hà Nội tiêu biểu hồi cuối thế kỷ XIX mà thôi.
1 . Học với Miên Thẩm và dạy con Miên Thẩm về chữ và nhân cách
Nguyễn Trọng Hợp là tên vua ban, tên cũ của ông là Nguyễn Tuyên (1), người xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông thi Cử nhân tại trường Hà Nội, khoa Mậu ngọ (1858) Tự Đức thứ 11, và đậu thứ 22/22 (2). Thông thường năm trước đỗ Cử nhân thì năm sau vào Kinh thi Hội, có lẽ ông đã "lai Kinh" vào đầu năm Kỷ mùi (1859) - năm thực dân Pháp đem quân vào đánh phá cảng biển Đà Nẵng. Vào Huế, ông lọt vào mắt xanh của Miên Thẩm. Sau nầy cháu nội của Miên Thẩm là Nguyễn Phúc Ưng Trình viết sách Tùng Thiện Vương cho biết:
"Thủa ấy, Trọng Hợp mới đậu Cử nhân, còn hàn vi, Tùng Thiện Vương liên- tài, đem về nuôi dạy trong nhà". (3)
Gần sáu năm học với Miên Thẩm, ông đi thi Hội và đậu đầu Tiến sĩ khoa Ất sửu năm Tự Đức thứ 18 (1865). Nhưng ông vẫn "muốn học thêm và muốn dạy các "mệ (4) con" để đền ơn Đức thầy Tùng Thiện Vương mấy năm đèn sách". Không rõ ông đã dạy cho "các mệ" những gì mà các mệ học trò của ông về sau rất "nổi tiếng". Xin nêu một số tên tuổi:
1. Hồng Phì làm Tham tri; 2. Hồng Tích làm Tá lý; 3. Hồng Dục làm Phó sứ; 4. Hồng Khẳng được truy thụ Đông Các đại học sĩ (khi làm Tuần vũ Hà Tĩnh, Hồng Khẳng đã bảo vệ được các ông Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân thoát khỏi lưỡi hái của thực dân Pháp năm 1908) (5);
Còn nhiều người khác nữa, tuy cũng có học với ông, song không ra làm quan như Hồng Nhị, Hồng Năng, Hồng Tý (đều làm nghề nông), Hồng Cao (họa sĩ).
Ông cũng dạy một số học trò gái như:
Thể Cúc (vợ của Đoàn Hữu Trưng, dân An Truyền - người lãnh đạo cuộc biến động lật đổ vua Tự Đức năm 1866 mà không thành);
Thức Huấn (1841-1885) gả cho Cử nhân Hồ Đắc Tuấn (1836-1878) cũng dân An Truyền, sinh ra Mỹ Khánh Quận Công Hồ Đắc Trung(6) (người cứu vua Duy Tân thoát khỏi án tử hình năm 1916);
Các bà Chấp Khuông, Nhụy Uyên, Hữu Quản đều thuộc hạng học giỏi. Còn Công nữ thứ 9 là Dĩ Ty thủa ấy mới học Tam tự kinh, mà ông thường khen là có thiên tư đặc biệt, về sau bà là sinh mẫu ông Thái Văn Toản (Đông Các đại học sĩ Quy Thiện Nam, năm 1947 đi theo kháng chiến chống Pháp) (7) .
Những học trò của Nguyễn Trọng Hợp là những người có nhân cách, ít nhiều có liên quan đến lịch sử. Ta có thể khẳng định là cái nhân cách của các lớp học trò một phần nhờ đạo đức của Miên Thẩm và một phần (quan trọng) được truyền thụ từ thầy giáo Nguyễn Trọng Hợp.
2. Nhân cách Nguyễn Trọng Hợp qua ngòi bút của một người bạn vong niên
"Từ khi ông vào triều...ông đối với ta, có tình thày trò. Ta bình sinh học việc quan mà xem như thầy thì Kim Giang tướng công là nhiều hơn hết..."
Đó là tự sự của Phó bảng Nguyễn Văn Mại (1858- 1945), người Niêm Phò, huyện Quảng Điền TTH, hiệu là Tiểu Cao, viết trong niên ký Lô Giang Tiểu Sử (8) của ông. Tiểu Cao từng làm Quản giáo trường Quốc Học (1896), Phó Chủ khảo khoa thi Hội năm Tân sửu (1901) - khoa ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Cụ Hồ đỗ Phó bảng, rồi làm Tuần vũ Quảng Trị, về hưu được thăng hàm Thượng thư bộ Lễ. Ông còn là tác giả sách Việt Nam Phong Sử. Ông Tiểu Cao tôn ông Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp là thầy và ông đã viết về nhân cách của thầy mình như sau:
"Kim giang tướng công là người ôn cung, đối với mình thì giữ gìn như gái nhà lành, đối với người thì có lễ độ, có một hoà khí như gió mùa xuân. Vào làm tướng trong 8 năm, đối với Trúc Khê Trương Đăng Đản (9) tướng công có nghĩa Tiêu - Tào. Trong triều hễ có người đến hầu thì ông bao giờ cũng khăn áo đen ra công đường mà tiếp. Hoặc người làm việc quan thì ông tặng một quyển Cát Tường Hoa. Việc quan thì tự tay xếp đặt lấy, tự đính các bản thảo, tự tẩy và chữa chữ sai. Có người xin làm thay việc đó thì ông bảo: Vậy thì ta làm gì? Việc lớn không làm được, việc nhỏ không thèm làm, ngồi không mà ăn người xưa thấy thế làm xấu hổ. Cho nên ta cúc cung tận tuỵ vậy.
Vào triều thì cử chỉ không sai một ly, ai cũng đều ngưỡng mộ cái phong thái, không dám có điều tư riêng" (10).
Trí thức và nhân cách của Nguyễn Trọng Hợp không những được bạn đồng triều, người cùng chí hướng của ông quí trọng mà ngay cả những người ngọai quốc, những địch thủ đứng ở vị thế chiến thắng mà đã có một lần gặp ông thì cũng đều phải kính nể ông. Hồi cuối thế kỷ XIX, nhà văn Pháp Marcel Monnier đến Huế, được mời vào Duyệt Thị Đường xem Hát bội nhân lễ sinh nhật lần thứ 17 của vua Thành Thái, ông đã gặp Nhiếp chính đại thần Nguyễn Trọng Hợp. Trong cuốn sách dày Le TOUR D'ASIE xuất bản tại Paris năm 1899, Marcel Monnier đã viết về Nguyễn Trọng Hợp rằng:
"Nguyen-Trong-Hiep, troisième régent, véritable chef du pouvoir exécutif, l'homme qui depuis des années préside avec plus ou moins de bonheur aux relations étroites, mais parfois délicates, établies, de par les traités, entre l'Annam protégé et la France protectrice " (11).
(Tạm dịch : Nguyễn Trọng Hợp, vị Đệ tam Nhiếp chính (12), người đứng đầu thực sự của hành pháp, đã từ bao năm nay điều hành một cách tốt đẹp không nhiều thì ít trong các quan hệ gần gũi nhưng đôi khi tế nhị được thiết lập qua các Hiệp ước giữa nước Việt Nam được bảo hộ và Pháp- nước bảo hộ).
Paul Doumer, Bộ trưởng tài chánh của chính phủ Bourgeois, cuối năm 1896 được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương thay cho Toàn quyền Rousseau chết đột ngột. Đầu năm 1897, Paul Doumer vào Huế gặp lúc Nguyễn Trọng Hợp đang chuẩn bị rút lui để tránh mặt Nguyễn Thân đang lăm le vào Triều. Tài năng và tư cách của Nguyễn Trọng Hợp đã khiến cho viên Toàn quyền thực dân Paul Doumer mới gặp đã phải cảm phục. Sau năm năm ngự trị ở Đông Dương, Paul Doumer trở về Pháp ngồi viết hồi ký L'Indo-Chine francaise (souvenirs) [Đông Dương thuộc Pháp (Kỷ niệm)]. Trong cuốn hồi ký quan trọng nầy tác giả đã dành cho Nguyễn Trọng Hợp gần 4 trang lớn. Ngoài những cảm nghĩ của Paul Doumer về Nguyễn Trọng Hợp còn có một tranh khắc chân dung và trích và dịch qua Pháp ngữ nhiều khổ thơ Nguyễn Trọng Hợp sáng tác trong chuyến công du Pháp quốc năm 1894 (?). Đoạn viết về Nguyễn Trọng Hợp, Paul Doumer mở đầu:
"Le deuxième Régent. Nguyen-Trong-Hiep, est une des plus belles figures que j'aie rencontrées en Indo-Chine. C'était un homme de haute valeur intellectuelle, de bon sens et de finesse, d'une loyauté et d'une probité parfaites. De ces qualités, les Fraicais de Hué lui reconnaissaient bien intelligence et l'habileté, mais ils se défiaient de lui quant au reste " (13).
(Tạm dịch : Vị Đệ nhị Nhiếp chính Nguyễn Trọng Hiệp là một trong những gương mặt đẹp nhất mà tôi được gặp ở Đông Dương. Đây là một người trí thức, có lương tri (bon sens), tinh tế, liêm chính toàn vẹn. Những người Pháp ở Huế đều nhìn nhận cái tinh ý và lão luyên trong bao nhiêu phẩm chất ấy của ông, nhưng còn những thứ khác thì họ nghi ngờ.)
Quan lại thực dân Pháp nghi ngờ Nguyễn Trọng Hợp là có cơ sở . Họ biết rõ Nguyễn Trọng Hợp hợp tác với thực dân Pháp để có điều kiện bàn cãi hạn chế bớt sự thiệt hại cho Việt Nam chứ không phải thực tình phụng sự sự nghiệp thực dân của Pháp. Hai viên Toàn quyền tiền nhiệm của Paul Doumer là Rheinart và Richaud đã từng đồng ý rằng : "Ta cần phải tự đề phòng với ngay cả những kẻ đã chấp nhận làm công cụ cho chúng ta. Điều cốt yếu là ta phải có những dụng cụ có thể dùng được việc ".(14)
Thực dân Pháp cần những người Việt có uy tín với dân, có tài trong công cuộc trị nước giúp họ cai trị thuộc địa, buột lòng họ phải dùng Nguyễn Trọng Hợp cũng như nhiều nhà Nho " thân hàng tâm Hán " khác (như Hồ Lệ, Nguyễn Thuật, Đào Tấn). Đến khi họ tìm được người " tín cẩn " (như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải) thì họ thay thế ngay.
3. Nhân cách lớn qua những "việc nhỏ"
Nguyễn Trọng Hợp biết nước đã mất, thân ở trong vòng cương toả của thức dân Pháp, ông không thể làm được việc gì lớn. Các tài liệu lưu trữ của Pháp và ghi chép của quan lại Việt Nam trong thời kỳ nầy đều rất quan tâm đến " những việc nhỏ " của Nguyễn Trọng Hợp. Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại nêu tính cách cần mẫn của Nguyễn Trọng Hợp như sau :
" Việc quan thì tự tay xếp đặt lấy, tự đính các bản thảo, tự tẩy và chữa chữ sai. Có người xin làm thay việc đó thì ông bảo: Vậy thì ta làm gì? việc lớn không làm được, việc nhỏ không thèm làm, ngồi không mà ăn người xưa thấy thế làm xấu hổ " (15).
Nước mất ông không thể làm được việc lớn như theo Cần Vương cứu nước, hay lập chiến khu chống Pháp. Nhưng khi gặp những "việc nhỏ" cần thiết cho dân cho nước ông không bỏ qua. Chưa có điều kiện tham khảo kỹ, tôi xin nêu một số việc nhỏ mà tôi biết rõ sau đây:
Việc nhỏ 1.- " Thâm Nho ".
Như lịch sử đã ghi ngày 19.7.1883, vua Tự Đức băng, sau đó trong triều xảy ra việc phế vua Dục Đức tôn vua Hiệp Hoà, dân tình trong Nội ngoài Kinh xao xuyến. Trong lúc thi hài vua Tự Đức chưa chôn, ngày 18.8.1883, Hạm đội của Đô đốc Courbet gồm 2 thiết giáp hạm, một tuần dương hạm, hai pháo thuyền, 600 lính thủy đánh bộ, và một pháo đội đến cửa Thuận An. Quân Nam hỏi duyên cớ Courbet trả lời bằng một tối hậu thư, đòi phải nộp các đồn phòng thủ Thuận An trong vòng 2 tiếng đồng hồ, không đúng thời hạn sẽ bị pháo kích. Cuộc tấn công đã xảy ra đúng cái thời hạn đặt ra đó. Các đồn thất thủ, sau ba ngày cầm cự, các viên chỉ huy quân Nam đều tử trận hoặc tự tử. Chiều ngày 20.8.1883, Triều đình phải cử Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp đi cùng linh mục Caspar (phiên dịch) băng qua lửa đạn đến cửa Thuận An xin ngừng chiến hai ngày. Ngày 23.8.1883, Jules Harmand - đại diện cho phía Pháp, trao cho triều đình Hiệp Hoà một dự án hiệp ước, kèm theo một tối hậu thư, có đoạn viết :
"...Chúng tôi yêu cầu các ngài, bắt đầu từ ngày mai, trong thời hạn 48 tiếng đồng hồ, phải chấp nhận, hoặc từ chối toàn bộ và không bàn cãi, những điều kiện mà chúng tôi đề nghị với các ngài, với một tinh thần độ lượng cao cả. Nếu các ngài từ chối, thì hãy sẵn sàng đón chờ những tai họa khủng khiếp. Hãy hình dung ra tất cả những gì mà khủng khiếp nhất, các ngài vẫn còn rất xa với sự thực tế sẽ xảy đến cho các ngài. Nước An Nam, triều đại của nó, những nguyên lý của nó, và cả triều đình, sẽ tự làm nên bản án của mình. Cái tên An Nam sẽ không còn tồn tại trong lịch sử nữa... " (16)
Hoảng sợ trước những hành động bạo lực của quân Pháp, ngày 29.8.1883, vua Hiệp Hoà cử Ngự sử Đại thần Trần Đình Túc và Thượng thư bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp qua sứ quán Pháp ở Huế (vị trí trường Đại học Sư phạm Huế ngày nay) ký bản hiệp ước (có thể nói là hàng ước) đã được Harmand viết sẵn. Trước khi ký, Harmand đọc lại bản đề án hàng ước và hỏi hai ông Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp rằng :
- Các ngài có ý kiến gì trước khi ký không ?
Hai ông Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp trao đổi với nhau và ông Nguyễn Trọng Hợp phát biểu rằng :
- Trong tối hậu thư các ngài đã bảo chúng tôi hoặc " từ chối hoặc chấp nhận và không bàn cãi " vậy chúng tôi còn dám có ý kiến gì nữa. Tuy nhiên để cho rõ, ở điều khoản 1 Việt Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp; Pháp nắm quyền lãnh đạo ngoại giao xin thêm " kể cả Trung Quốc " (y compris la Chine) !
Harmand thấy có lý và thêm bốn chữ " y compris la Chine " ấy vào Hàng ước.
Không ngờ, bốn chữ ấy đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ, lên án Pháp đã cướp Việt Nam của Trung Quốc. Pháp phải một phen đối phó với Trung Quốc rất gay go. Khi ấy phía Pháp mới hiểu cái "thâm Nho" của người Việt Nam. Rút kinh nghiệm, năm sau ký Hiệp ước Patenôtre (6.6.1884), ở điều khoản 1 không còn 4 chữ (y compris la Chine) ấy nữa. Dù đang ở trong thế bại trận, nhưng trong tâm trí của mình Nguyễn Trọng Hợp vẫn tìm cách làm cho địch đảo điên.
Việc nhỏ 2.- Năm 1889, khi hay tin ông vua tay sai Pháp Đồng Khánh băng, Nguyễn Trọng Hợp tìm cách tiếp xúc với Pháp và yêu cầu Pháp rước vua Hàm Nghi về nối nghiệp. Trong một bức mật mã, đóng dấu "mật", ngày 30/1/1889, từ Hà Nội gởi đi, toàn quyền Richaud đề nghị với bộ Hải quân ở Paris về việc kế vị ngôi vua bỏ trống, có đoạn viết:
"Ở đây, tại xứ Bắc kỳ, ông (vua Hàm Nghi) được dân chúng mến yêu đến nỗi một người An Nam, thuộc tầng lớp thượng lưu, bản thân rất có uy tín, nguyên là Kinh lược, và hiện nay là Đệ nhất phụ chánh đại thần, đã chủ động đến tìm tôi, sau ngày vua Đồng Khánh mất, và tuyên bố với tôi rằng việc chọn Hàm Nghi lên ngôi dường như là điều chúng ta có nhiệm vụ phải thực hiện"(17)
Nghe đến tên Hàm Nghi do Hà Nội nêu lên, Paris vội vàng trả lời viên toàn quyền, bằng một bức điện "thượng khẩn và tối mật" ngay trong ngày hôm đó:
"Hãy khước bỏ Hàm Nghi vì Hàm Nghi đương nhiên là thù địch với chính phủ Bảo hộ. Trong số các hoàng thân khác, hãy chấp nhận hoặc khuyên người ta lựa chọn kẻ nào thích ứng hơn cả với lợi ích chính trị của chúng ta, sau khi đã trao đổi nhất trí với khâm sứ (Huế)." (18)
Bức điện nầy từ chối quyết liệt về yêu cầu rước vua Hàm Nghi của Nguyễn Trọng Hợp và gián tiếp cho biết vì sao họ đã chọn Bửu Lân.
Việc nhỏ thứ 3.- Bửu Lân lên ngôi (1.2.1889) lấy niên hiệu là Thành Thái. Nguyễn Trọng Hợp được Nam triều và Bảo hộ mời vào Huế giữ chức Nhiếp chính Đại thần. Ngày 8.2.1889, Nguyễn Trọng Hợp vào đến Huế, công tác đầu tiên của ông là "Xúc tiến điều tra ngay việc vua Đồng Khánh và mẹ ông tẩu tán tài sản khỏi cấm cung" (19). Mượn công tác điều tra nầy Nguyễn Trọng Hợp trị tội theo Pháp của vua Đồng Khánh bằng việc trị tội ăn cắp của công. Thực dân Pháp biết hậu ý của Nguyễn Trọng Hợp nhưng không làm gì được ông.
Việc nhỏ 4.- Không đồng tình với lệnh tăng thuế khoá xâu dịch.
Có lẽ nhiều sử gia đã đọc đoạn trích dưới đây của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại : "Ngày Ông (Nguyễn Trọng Hợp) đến Đà Nẵng (Tháng 7 năm 1897) thì ta (Tiểu Cao) lấy tình đệ tử mà đến đưa, ông mừng lắm và nói với ta rằng "Ta vào Triều được 8 năm, không có gì đáng kể.[...] gần đây, có 4 khoản, bên Toà Sứ nhiều lần nói đến, mà ta hết sức bác. Ta cũng biết sự thế ngày nay rồi cũng phải đổi mới, nhưng ra không muốn tự ta có thay đổi đó".
Ta hỏi khoản gì, Ông (Nguyễn Trọng Hợp) nói: Pháp đình thôi thúc:
- 1/ Tăng lương bổng các quan.
- 2/ Cải nghị thuế đinh điền.
- 3/ Đặt thêm các viện Hội Biện Tây (Délégués) ở các Bộ. Xứ Trung Kỳ ta, công nghệ chưa phát triển, sinh Lý chưa đầy đủ, nếu 3 khoản trên nầy mà thi hành gấp thì thuế khoá không khỏi tăng lên một gấp ba, dân lấy gì mà chịu nổi. Còn một khoản tuy có hại cho Quốc thể, nhưng không hại cho dân tình, nên ta chỉ y khoản ấy, mà hoãn 3 (sic) khoản kia lại. Tuy vậy, 3 khoản ấy trước hay sau rồi cũng thi hành."(20)
Theo tài liệu, việc bàn thảo ấn định số tiền thuế trực thu diễn ra vào ngày 12.10.1886. Theo đó dân miền Trung mỗi suất đinh hằng năm phải đóng 30 xu và 48 ngày đi sưu dịch. Có thể được "miễn cho" sưu dịch với điều kiện trả một số tiền là 5 đồng trinh mỗi ngày. Nguyễn Trọng Hợp sợ dân khổ chịu không nổi nên ông không đồng ý thực hiện việc tăng thuế và đi sưu, ông chỉ chấp nhận "Đặt thêm các viện Hội Biện Tây (Délégués) ở các Bộ" dù có hại cho quốc thể nhưng không hại dân. Ông không đồng ý những khoản khác nhưng ông cũng biết chắc "3 khoản ấy trước hay sau rồi cũng thi hành". Ông biết mình không thể ngăn cản được chính sách bóc lột của thực dân nhưng dù sao nhân cách của ông không cho phép ông ký vào văn bản tiếp tay cho thực dân bóc lột dân mình như thế. Ông quyết định xin về hưu một phần vì sự việc ấy.
Việc nhỏ thứ 5.- Không muốn chung sống với Việt gian.
Cũng theo Tiểu Cao cho biết: "Lúc Ông Thạch Trì Nguyễn Thân (1840-1914), làm chức sai đạo về, thăng Vô Hiển, thì Kim Giang (Nguyễn Trọng Hợp), tướng công tuổi già, xin về hưu" (21).
Thực dân Pháp miễn cưỡng phải dùng Nguyễn Trọng Hợp. Nguyễn Trọng Hợp đã gây cho thực dân Pháp rất nhiều khó khăn trong việc trị dân. Để cho công cuộc bóc lột dân An Nam được thuận lợi, đầu năm 1897, chúng điều hai Đại thần thân Pháp là Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải về triều chuẩn bị thay Nguyễn Trọng Hợp. Nguyễn Trọng Hợp biết thế nào mình cũng bị thay thế và để tránh phải ngồi cùng triều với hai người mang tiếng Việt gian nên ông đã chủ động xin về hưu. Và được thực dân Pháp đồng ý ngay. Ông trở về sống cuộc đời thanh bạch ở quê nhà Kim Lũ và qua đời năm năm sau đó (1902).
Đọc lịch sử đấu tranh yêu nước Việt Nam chúng ta gặp những anh hùng chỉ trong giây lát làm nên lịch sử, cũng có những người suốt một đời đối mặt với kẻ thù "Thề cùng giặc...có tao không mày". Hai hạng anh hùng đó quá rõ ràng, sử sách đã viết nhiều. Có hạng người thứ ba không đủ sức chống giặc, bèn bất hợp tác với giặc, rút lui về ở ẩn, hoặc cắt tóc đi tu để giữ nhân cách của mình. Hạng người thứ ba nầy cũng được nhân dân quý trọng. Đọc sử và tài liệu lưu trữ tôi còn gặp được hạng người thứ tư mà cha ông chúng ta thường gọi là những người "thân hàng, tâm Hán".
Nghiên cứu lịch sử yêu nước của dân chúng các đô thị Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, dần dần chúng tôi thấy cũng có rất nhiều người "thân hàng tâm Hán". Hiểu được hạng người nầy rất khó. Họ muốn tồn tại trong bộ máy của giặc họ phải khôn khéo, biết giấu kín mình, hoạt động đơn tuyến, họ làm vì lương tri (bon sens), vì tình nước chứ không phải vì vật chất, quyền lợi hoặc thành tích đoàn thể. Do đó khi thành công vì tự trọng họ lại không báo công, đôi khi họ còn bị hiểu nhầm là người có tội (vì ở trong guồng máy của địch) là đằng khác. Cho đến nay các nhà nghiên cứu "phát hiện" được họ phần lớn nhờ vào tài liệu của đối phương (22), hoặc qua ghi chép của người đương thời. Đại thần Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp và gia đình ông là một trong những người thuộc hạng "thân hàng tâm Hán" như thế.
Đại thần Nguyễn Trọng Hợp có nhân cách, học rộng, giỏi thơ văn, viết sử giỏi, biết lãnh đạo chính quyền, có tài ngoại giao, thương dân, xứng đáng là một danh nhân văn hoá Việt Nam.
Hiểu được Nguyễn Trọng Hợp thì sẽ hiểu được những nhân sĩ trí thức trước đây từng ở trong biên chế hành chính quân sự của các chế độ cũ. Hiểu được như thế mới mong góp phần đưa chính sách "đại đoàn kết dân tộc" hiện nay ra khỏi pa-nô, áp phích, băng-đờ-rôn tuyên truyền vậy.
Gác Thọ Lộc, tháng 9-2005
Chú thích
(*) Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế.
(1) Có tài liệu viết tên ông là Huyên
(2) Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nxb TP HCM, 1993, tr. 344
(3) Nguyễn Phúc Ưng Trình, và...Tùng Thiện Vương (1819-1870), Huế-Sàigòn 1970, tr. 126.
(4) Chúa Nguyễn Phúc Chu sinh toàn con trai nên băt mọi người phải gọi con trai của ông là mụ (khi còn nhỏ) và là mệ (khi lớn hơn). Từ đó dân chúng gọi người Hoàng phái (Nguyễn Phúc tộc) là mụ hoặc mệ (bất kỳ trai hay gái).
(5) Xem Nguyễn Đắc Xuân, Một người cháu vua Minh Mạng dám chống Tây thực dân, trong sach Chuyện Các Quan triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế 2001, tr.131
(6) Ông Hồ Đắc Trung sinh ra các ông bà Hồ Đắc Khải (Thượng thư), Hồ Đắc Điềm (Tổng đốc), Hồ Đắc Di( Giáo sư), Hồ Đắc Liên (Kỷ sư) v.v. và các bà Hồ Thị Huyền (mẹ Giáo sư Bửu Hội), Hồ Thị Chỉ ( vợ vua Khải Định), Hồ Thị Hạnh (Sư ba Thích nữ Diệu Không) (Theo Gia phả họ Hồ Đắc).
(7) Theo Nguyễn Phúc Ưng Trình, và...Tùng Thiện Vương (1819-1870), Huế-Sàigòn 1970, tr. 126
(8) Do Nguyễn Hy Xước dịch (1947), Lô Giang Tiểu Sử, In Ronéo, in đầu những năm 60 ở Huế, Q. hạ, tr. 93
(9) Trương Đăng Đãn là con trai Phụ chánh lương thần Trương Đăng Quế, một trong ba Phụ chánh của vua Thành Thái.
(10) Lô Giang Tiểu Sử, tr. 93
(11) Marcel Monnier, Le Tour d'Asie, Librairie PLON, Paris 1899, tr188.
(12) Vào đầu triều Thành Thái, Phủ Phụ chính của vua có 3 người là Miên Lâm, Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đãn, về sau có thêm Tuy Lý Vương Miên Trinh làm Đệ nhất Phụ chính thân thần; Miên Lâm làm Đệ nhị Phụ chính thân thần; Nguyễn Trọng Hợp Đệ nhất Phụ chính đại thần và Trương Quang Đãn Đệ nhị Phụ chính Đại thần. (Vũ Ngự Chiêu, t.2, tr. 515). Vì thế người ngoại quốc rất khó phân biệt thứ bậc của các vị nầy nên có thể viết nhầm.
(13) Paul Doumer, L'Indo-Chine francaise (souvenirs), Paris Vulbert et Nony Éditeurs, 1905, tr.155
(14) Báo cáo số 18, ngày 28.2.1889, Rheinart gửi Richeaud, AMAE (Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol.74, trích lại của Vũ Ngự Chiêu, sđd, chú thích 18, tr. 591.
(15) Nguyễn Văn Mại, Sđd, tr. 93
(16) Trích lại của Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), dịch từ bản Pháp văn, tác giả tự xuất bản tại Châu Âu, năm 1995, tr. 303
(17) "Hồi ký và tư liệu châu Á" - Quyển 24, tr.30-31 (chưa xuất bản), trích lại của Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), dịch từ bản Pháp văn, tác giả tự xuất bản tại Châu Âu, năm 1995, tr. 416
(18) Như chú thích 17
(19) Vũ Ngự Chiêu, Các vua Cuối Triều Nguyễn, 1884-1945, tập 2, Văn Hoá, Houston (USA) 2000, tr. 516
(20) Lô Giang Tiểu sử, tr.93
(21) Như (20)
(22) Ví dụ như anh Trung sĩ VNCH Nguyễn Trung Hiếu làm phiên dịch cho lính Mỹ đã nói với lính Mỹ là cuốn sổ ghi Nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm "có lửa trong đó, không được đốt". Nhờ thế mà cứu được cuốn nhật ký lịch sử. Một người lính VNCH yêu cách mạng mới thốt lên được lời cảnh báo sâu sắc đến thế. Nhưng nào ai biết được anh lính VNCH đó là ai ?
Tài liệu tham khảo
Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nxb TP HCM, 1993
Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện Các Quan triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế 2001
Marcel Monnier, Le Tour d'Asie, Librairie PLON, Paris 1899
Nguyễn Hy Xước dịch (1947), Lô Giang Tiểu Sử, In Ronéo, in đầu những năm 60 ở Huế
Nguyễn Phúc Ưng Trình, và Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương (1819-1870), Huế-Sàigòn 1970
Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), dịch từ bản Pháp văn, tác giả tự xuất bản tại Châu Âu, năm 1995
Paul Doumer, L'Indo-Chine francaise (souvenirs), Paris Vulbert et Nony Éditeurs, 1905,
Vũ Ngự Chiêu, Các vua Cuối Triều Nguyễn, 1884-1945, tập 2, Văn Hoá, Houston (USA) 2000
Hội KHLSVN-Hội Sử học Hà Nội, Nguyễn Trọng Hợp con người và sự nghiệp, HN.1996.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Sử Lược, Q.hạ, Huế khoản 1922
Điền dã tại làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội.
Hai ông Siêu Quát bậc đàn anh của Miên Thẩm, sử sách đã viết nhiều (Văn như Siêu Quát vô tiền Hán, Thi đáo Tùng Tuy thất thịnh Đường), riêng người học trò Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp ít được nhắc đến. Kim Giang ít được nhắc đến không phải vì ông kém tài, mà thực chất là vì thời ông ra gánh vác việc nước, nhà Nguyễn bước vào giai đoạn suy tàn, thực dân Pháp đem tàu chiến và đại bác đến thôn tính dần nước ta, trí và bút của ông không giữ được nước thì có gì danh giá đâu mà tuyên dương ? Ông là người đi trên thuyền bơi qua sông lớn gặp cơn bão dữ, thuyền lật mà ông không chết là may lắm rồi ! Tôi không có điều kiện tham cứu sử sách và đi điền dã để viết về sự nghiệp lịch sử của ông. Với tư cách là một người cầm bút ở địa phương - nơi ông Nguyễn Trọng Hợp học và làm quan nhiều năm, trong hội thảo nầy tôi chỉ dám đề cập đến một vài khía cạnh đời thường của ông ở Huế để hiểu thêm nhân cách của một người Hà Nội tiêu biểu hồi cuối thế kỷ XIX mà thôi.
1 . Học với Miên Thẩm và dạy con Miên Thẩm về chữ và nhân cách
Nguyễn Trọng Hợp là tên vua ban, tên cũ của ông là Nguyễn Tuyên (1), người xã Kim Lũ, huyện Thanh Trì, Hà Nội. Ông thi Cử nhân tại trường Hà Nội, khoa Mậu ngọ (1858) Tự Đức thứ 11, và đậu thứ 22/22 (2). Thông thường năm trước đỗ Cử nhân thì năm sau vào Kinh thi Hội, có lẽ ông đã "lai Kinh" vào đầu năm Kỷ mùi (1859) - năm thực dân Pháp đem quân vào đánh phá cảng biển Đà Nẵng. Vào Huế, ông lọt vào mắt xanh của Miên Thẩm. Sau nầy cháu nội của Miên Thẩm là Nguyễn Phúc Ưng Trình viết sách Tùng Thiện Vương cho biết:
"Thủa ấy, Trọng Hợp mới đậu Cử nhân, còn hàn vi, Tùng Thiện Vương liên- tài, đem về nuôi dạy trong nhà". (3)
Gần sáu năm học với Miên Thẩm, ông đi thi Hội và đậu đầu Tiến sĩ khoa Ất sửu năm Tự Đức thứ 18 (1865). Nhưng ông vẫn "muốn học thêm và muốn dạy các "mệ (4) con" để đền ơn Đức thầy Tùng Thiện Vương mấy năm đèn sách". Không rõ ông đã dạy cho "các mệ" những gì mà các mệ học trò của ông về sau rất "nổi tiếng". Xin nêu một số tên tuổi:
1. Hồng Phì làm Tham tri; 2. Hồng Tích làm Tá lý; 3. Hồng Dục làm Phó sứ; 4. Hồng Khẳng được truy thụ Đông Các đại học sĩ (khi làm Tuần vũ Hà Tĩnh, Hồng Khẳng đã bảo vệ được các ông Đặng Nguyên Cẩn, Ngô Đức Kế, Lê Văn Huân thoát khỏi lưỡi hái của thực dân Pháp năm 1908) (5);
Còn nhiều người khác nữa, tuy cũng có học với ông, song không ra làm quan như Hồng Nhị, Hồng Năng, Hồng Tý (đều làm nghề nông), Hồng Cao (họa sĩ).
Ông cũng dạy một số học trò gái như:
Thể Cúc (vợ của Đoàn Hữu Trưng, dân An Truyền - người lãnh đạo cuộc biến động lật đổ vua Tự Đức năm 1866 mà không thành);
Thức Huấn (1841-1885) gả cho Cử nhân Hồ Đắc Tuấn (1836-1878) cũng dân An Truyền, sinh ra Mỹ Khánh Quận Công Hồ Đắc Trung(6) (người cứu vua Duy Tân thoát khỏi án tử hình năm 1916);
Các bà Chấp Khuông, Nhụy Uyên, Hữu Quản đều thuộc hạng học giỏi. Còn Công nữ thứ 9 là Dĩ Ty thủa ấy mới học Tam tự kinh, mà ông thường khen là có thiên tư đặc biệt, về sau bà là sinh mẫu ông Thái Văn Toản (Đông Các đại học sĩ Quy Thiện Nam, năm 1947 đi theo kháng chiến chống Pháp) (7) .
Những học trò của Nguyễn Trọng Hợp là những người có nhân cách, ít nhiều có liên quan đến lịch sử. Ta có thể khẳng định là cái nhân cách của các lớp học trò một phần nhờ đạo đức của Miên Thẩm và một phần (quan trọng) được truyền thụ từ thầy giáo Nguyễn Trọng Hợp.
2. Nhân cách Nguyễn Trọng Hợp qua ngòi bút của một người bạn vong niên
"Từ khi ông vào triều...ông đối với ta, có tình thày trò. Ta bình sinh học việc quan mà xem như thầy thì Kim Giang tướng công là nhiều hơn hết..."
Đó là tự sự của Phó bảng Nguyễn Văn Mại (1858- 1945), người Niêm Phò, huyện Quảng Điền TTH, hiệu là Tiểu Cao, viết trong niên ký Lô Giang Tiểu Sử (8) của ông. Tiểu Cao từng làm Quản giáo trường Quốc Học (1896), Phó Chủ khảo khoa thi Hội năm Tân sửu (1901) - khoa ông Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Cụ Hồ đỗ Phó bảng, rồi làm Tuần vũ Quảng Trị, về hưu được thăng hàm Thượng thư bộ Lễ. Ông còn là tác giả sách Việt Nam Phong Sử. Ông Tiểu Cao tôn ông Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp là thầy và ông đã viết về nhân cách của thầy mình như sau:
"Kim giang tướng công là người ôn cung, đối với mình thì giữ gìn như gái nhà lành, đối với người thì có lễ độ, có một hoà khí như gió mùa xuân. Vào làm tướng trong 8 năm, đối với Trúc Khê Trương Đăng Đản (9) tướng công có nghĩa Tiêu - Tào. Trong triều hễ có người đến hầu thì ông bao giờ cũng khăn áo đen ra công đường mà tiếp. Hoặc người làm việc quan thì ông tặng một quyển Cát Tường Hoa. Việc quan thì tự tay xếp đặt lấy, tự đính các bản thảo, tự tẩy và chữa chữ sai. Có người xin làm thay việc đó thì ông bảo: Vậy thì ta làm gì? Việc lớn không làm được, việc nhỏ không thèm làm, ngồi không mà ăn người xưa thấy thế làm xấu hổ. Cho nên ta cúc cung tận tuỵ vậy.
Vào triều thì cử chỉ không sai một ly, ai cũng đều ngưỡng mộ cái phong thái, không dám có điều tư riêng" (10).
Trí thức và nhân cách của Nguyễn Trọng Hợp không những được bạn đồng triều, người cùng chí hướng của ông quí trọng mà ngay cả những người ngọai quốc, những địch thủ đứng ở vị thế chiến thắng mà đã có một lần gặp ông thì cũng đều phải kính nể ông. Hồi cuối thế kỷ XIX, nhà văn Pháp Marcel Monnier đến Huế, được mời vào Duyệt Thị Đường xem Hát bội nhân lễ sinh nhật lần thứ 17 của vua Thành Thái, ông đã gặp Nhiếp chính đại thần Nguyễn Trọng Hợp. Trong cuốn sách dày Le TOUR D'ASIE xuất bản tại Paris năm 1899, Marcel Monnier đã viết về Nguyễn Trọng Hợp rằng:
"Nguyen-Trong-Hiep, troisième régent, véritable chef du pouvoir exécutif, l'homme qui depuis des années préside avec plus ou moins de bonheur aux relations étroites, mais parfois délicates, établies, de par les traités, entre l'Annam protégé et la France protectrice " (11).
(Tạm dịch : Nguyễn Trọng Hợp, vị Đệ tam Nhiếp chính (12), người đứng đầu thực sự của hành pháp, đã từ bao năm nay điều hành một cách tốt đẹp không nhiều thì ít trong các quan hệ gần gũi nhưng đôi khi tế nhị được thiết lập qua các Hiệp ước giữa nước Việt Nam được bảo hộ và Pháp- nước bảo hộ).
Paul Doumer, Bộ trưởng tài chánh của chính phủ Bourgeois, cuối năm 1896 được cử sang làm Toàn quyền Đông Dương thay cho Toàn quyền Rousseau chết đột ngột. Đầu năm 1897, Paul Doumer vào Huế gặp lúc Nguyễn Trọng Hợp đang chuẩn bị rút lui để tránh mặt Nguyễn Thân đang lăm le vào Triều. Tài năng và tư cách của Nguyễn Trọng Hợp đã khiến cho viên Toàn quyền thực dân Paul Doumer mới gặp đã phải cảm phục. Sau năm năm ngự trị ở Đông Dương, Paul Doumer trở về Pháp ngồi viết hồi ký L'Indo-Chine francaise (souvenirs) [Đông Dương thuộc Pháp (Kỷ niệm)]. Trong cuốn hồi ký quan trọng nầy tác giả đã dành cho Nguyễn Trọng Hợp gần 4 trang lớn. Ngoài những cảm nghĩ của Paul Doumer về Nguyễn Trọng Hợp còn có một tranh khắc chân dung và trích và dịch qua Pháp ngữ nhiều khổ thơ Nguyễn Trọng Hợp sáng tác trong chuyến công du Pháp quốc năm 1894 (?). Đoạn viết về Nguyễn Trọng Hợp, Paul Doumer mở đầu:
"Le deuxième Régent. Nguyen-Trong-Hiep, est une des plus belles figures que j'aie rencontrées en Indo-Chine. C'était un homme de haute valeur intellectuelle, de bon sens et de finesse, d'une loyauté et d'une probité parfaites. De ces qualités, les Fraicais de Hué lui reconnaissaient bien intelligence et l'habileté, mais ils se défiaient de lui quant au reste " (13).
(Tạm dịch : Vị Đệ nhị Nhiếp chính Nguyễn Trọng Hiệp là một trong những gương mặt đẹp nhất mà tôi được gặp ở Đông Dương. Đây là một người trí thức, có lương tri (bon sens), tinh tế, liêm chính toàn vẹn. Những người Pháp ở Huế đều nhìn nhận cái tinh ý và lão luyên trong bao nhiêu phẩm chất ấy của ông, nhưng còn những thứ khác thì họ nghi ngờ.)
Quan lại thực dân Pháp nghi ngờ Nguyễn Trọng Hợp là có cơ sở . Họ biết rõ Nguyễn Trọng Hợp hợp tác với thực dân Pháp để có điều kiện bàn cãi hạn chế bớt sự thiệt hại cho Việt Nam chứ không phải thực tình phụng sự sự nghiệp thực dân của Pháp. Hai viên Toàn quyền tiền nhiệm của Paul Doumer là Rheinart và Richaud đã từng đồng ý rằng : "Ta cần phải tự đề phòng với ngay cả những kẻ đã chấp nhận làm công cụ cho chúng ta. Điều cốt yếu là ta phải có những dụng cụ có thể dùng được việc ".(14)
Thực dân Pháp cần những người Việt có uy tín với dân, có tài trong công cuộc trị nước giúp họ cai trị thuộc địa, buột lòng họ phải dùng Nguyễn Trọng Hợp cũng như nhiều nhà Nho " thân hàng tâm Hán " khác (như Hồ Lệ, Nguyễn Thuật, Đào Tấn). Đến khi họ tìm được người " tín cẩn " (như Nguyễn Thân, Hoàng Cao Khải) thì họ thay thế ngay.
3. Nhân cách lớn qua những "việc nhỏ"
Nguyễn Trọng Hợp biết nước đã mất, thân ở trong vòng cương toả của thức dân Pháp, ông không thể làm được việc gì lớn. Các tài liệu lưu trữ của Pháp và ghi chép của quan lại Việt Nam trong thời kỳ nầy đều rất quan tâm đến " những việc nhỏ " của Nguyễn Trọng Hợp. Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại nêu tính cách cần mẫn của Nguyễn Trọng Hợp như sau :
" Việc quan thì tự tay xếp đặt lấy, tự đính các bản thảo, tự tẩy và chữa chữ sai. Có người xin làm thay việc đó thì ông bảo: Vậy thì ta làm gì? việc lớn không làm được, việc nhỏ không thèm làm, ngồi không mà ăn người xưa thấy thế làm xấu hổ " (15).
Nước mất ông không thể làm được việc lớn như theo Cần Vương cứu nước, hay lập chiến khu chống Pháp. Nhưng khi gặp những "việc nhỏ" cần thiết cho dân cho nước ông không bỏ qua. Chưa có điều kiện tham khảo kỹ, tôi xin nêu một số việc nhỏ mà tôi biết rõ sau đây:
Việc nhỏ 1.- " Thâm Nho ".
Như lịch sử đã ghi ngày 19.7.1883, vua Tự Đức băng, sau đó trong triều xảy ra việc phế vua Dục Đức tôn vua Hiệp Hoà, dân tình trong Nội ngoài Kinh xao xuyến. Trong lúc thi hài vua Tự Đức chưa chôn, ngày 18.8.1883, Hạm đội của Đô đốc Courbet gồm 2 thiết giáp hạm, một tuần dương hạm, hai pháo thuyền, 600 lính thủy đánh bộ, và một pháo đội đến cửa Thuận An. Quân Nam hỏi duyên cớ Courbet trả lời bằng một tối hậu thư, đòi phải nộp các đồn phòng thủ Thuận An trong vòng 2 tiếng đồng hồ, không đúng thời hạn sẽ bị pháo kích. Cuộc tấn công đã xảy ra đúng cái thời hạn đặt ra đó. Các đồn thất thủ, sau ba ngày cầm cự, các viên chỉ huy quân Nam đều tử trận hoặc tự tử. Chiều ngày 20.8.1883, Triều đình phải cử Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp đi cùng linh mục Caspar (phiên dịch) băng qua lửa đạn đến cửa Thuận An xin ngừng chiến hai ngày. Ngày 23.8.1883, Jules Harmand - đại diện cho phía Pháp, trao cho triều đình Hiệp Hoà một dự án hiệp ước, kèm theo một tối hậu thư, có đoạn viết :
"...Chúng tôi yêu cầu các ngài, bắt đầu từ ngày mai, trong thời hạn 48 tiếng đồng hồ, phải chấp nhận, hoặc từ chối toàn bộ và không bàn cãi, những điều kiện mà chúng tôi đề nghị với các ngài, với một tinh thần độ lượng cao cả. Nếu các ngài từ chối, thì hãy sẵn sàng đón chờ những tai họa khủng khiếp. Hãy hình dung ra tất cả những gì mà khủng khiếp nhất, các ngài vẫn còn rất xa với sự thực tế sẽ xảy đến cho các ngài. Nước An Nam, triều đại của nó, những nguyên lý của nó, và cả triều đình, sẽ tự làm nên bản án của mình. Cái tên An Nam sẽ không còn tồn tại trong lịch sử nữa... " (16)
Hoảng sợ trước những hành động bạo lực của quân Pháp, ngày 29.8.1883, vua Hiệp Hoà cử Ngự sử Đại thần Trần Đình Túc và Thượng thư bộ Lại Nguyễn Trọng Hợp qua sứ quán Pháp ở Huế (vị trí trường Đại học Sư phạm Huế ngày nay) ký bản hiệp ước (có thể nói là hàng ước) đã được Harmand viết sẵn. Trước khi ký, Harmand đọc lại bản đề án hàng ước và hỏi hai ông Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp rằng :
- Các ngài có ý kiến gì trước khi ký không ?
Hai ông Trần Đình Túc và Nguyễn Trọng Hợp trao đổi với nhau và ông Nguyễn Trọng Hợp phát biểu rằng :
- Trong tối hậu thư các ngài đã bảo chúng tôi hoặc " từ chối hoặc chấp nhận và không bàn cãi " vậy chúng tôi còn dám có ý kiến gì nữa. Tuy nhiên để cho rõ, ở điều khoản 1 Việt Nam chấp nhận sự bảo hộ của Pháp; Pháp nắm quyền lãnh đạo ngoại giao xin thêm " kể cả Trung Quốc " (y compris la Chine) !
Harmand thấy có lý và thêm bốn chữ " y compris la Chine " ấy vào Hàng ước.
Không ngờ, bốn chữ ấy đã làm cho Trung Quốc phẫn nộ, lên án Pháp đã cướp Việt Nam của Trung Quốc. Pháp phải một phen đối phó với Trung Quốc rất gay go. Khi ấy phía Pháp mới hiểu cái "thâm Nho" của người Việt Nam. Rút kinh nghiệm, năm sau ký Hiệp ước Patenôtre (6.6.1884), ở điều khoản 1 không còn 4 chữ (y compris la Chine) ấy nữa. Dù đang ở trong thế bại trận, nhưng trong tâm trí của mình Nguyễn Trọng Hợp vẫn tìm cách làm cho địch đảo điên.
Việc nhỏ 2.- Năm 1889, khi hay tin ông vua tay sai Pháp Đồng Khánh băng, Nguyễn Trọng Hợp tìm cách tiếp xúc với Pháp và yêu cầu Pháp rước vua Hàm Nghi về nối nghiệp. Trong một bức mật mã, đóng dấu "mật", ngày 30/1/1889, từ Hà Nội gởi đi, toàn quyền Richaud đề nghị với bộ Hải quân ở Paris về việc kế vị ngôi vua bỏ trống, có đoạn viết:
"Ở đây, tại xứ Bắc kỳ, ông (vua Hàm Nghi) được dân chúng mến yêu đến nỗi một người An Nam, thuộc tầng lớp thượng lưu, bản thân rất có uy tín, nguyên là Kinh lược, và hiện nay là Đệ nhất phụ chánh đại thần, đã chủ động đến tìm tôi, sau ngày vua Đồng Khánh mất, và tuyên bố với tôi rằng việc chọn Hàm Nghi lên ngôi dường như là điều chúng ta có nhiệm vụ phải thực hiện"(17)
Nghe đến tên Hàm Nghi do Hà Nội nêu lên, Paris vội vàng trả lời viên toàn quyền, bằng một bức điện "thượng khẩn và tối mật" ngay trong ngày hôm đó:
"Hãy khước bỏ Hàm Nghi vì Hàm Nghi đương nhiên là thù địch với chính phủ Bảo hộ. Trong số các hoàng thân khác, hãy chấp nhận hoặc khuyên người ta lựa chọn kẻ nào thích ứng hơn cả với lợi ích chính trị của chúng ta, sau khi đã trao đổi nhất trí với khâm sứ (Huế)." (18)
Bức điện nầy từ chối quyết liệt về yêu cầu rước vua Hàm Nghi của Nguyễn Trọng Hợp và gián tiếp cho biết vì sao họ đã chọn Bửu Lân.
Việc nhỏ thứ 3.- Bửu Lân lên ngôi (1.2.1889) lấy niên hiệu là Thành Thái. Nguyễn Trọng Hợp được Nam triều và Bảo hộ mời vào Huế giữ chức Nhiếp chính Đại thần. Ngày 8.2.1889, Nguyễn Trọng Hợp vào đến Huế, công tác đầu tiên của ông là "Xúc tiến điều tra ngay việc vua Đồng Khánh và mẹ ông tẩu tán tài sản khỏi cấm cung" (19). Mượn công tác điều tra nầy Nguyễn Trọng Hợp trị tội theo Pháp của vua Đồng Khánh bằng việc trị tội ăn cắp của công. Thực dân Pháp biết hậu ý của Nguyễn Trọng Hợp nhưng không làm gì được ông.
Việc nhỏ 4.- Không đồng tình với lệnh tăng thuế khoá xâu dịch.
Có lẽ nhiều sử gia đã đọc đoạn trích dưới đây của Tiểu Cao Nguyễn Văn Mại : "Ngày Ông (Nguyễn Trọng Hợp) đến Đà Nẵng (Tháng 7 năm 1897) thì ta (Tiểu Cao) lấy tình đệ tử mà đến đưa, ông mừng lắm và nói với ta rằng "Ta vào Triều được 8 năm, không có gì đáng kể.[...] gần đây, có 4 khoản, bên Toà Sứ nhiều lần nói đến, mà ta hết sức bác. Ta cũng biết sự thế ngày nay rồi cũng phải đổi mới, nhưng ra không muốn tự ta có thay đổi đó".
Ta hỏi khoản gì, Ông (Nguyễn Trọng Hợp) nói: Pháp đình thôi thúc:
- 1/ Tăng lương bổng các quan.
- 2/ Cải nghị thuế đinh điền.
- 3/ Đặt thêm các viện Hội Biện Tây (Délégués) ở các Bộ. Xứ Trung Kỳ ta, công nghệ chưa phát triển, sinh Lý chưa đầy đủ, nếu 3 khoản trên nầy mà thi hành gấp thì thuế khoá không khỏi tăng lên một gấp ba, dân lấy gì mà chịu nổi. Còn một khoản tuy có hại cho Quốc thể, nhưng không hại cho dân tình, nên ta chỉ y khoản ấy, mà hoãn 3 (sic) khoản kia lại. Tuy vậy, 3 khoản ấy trước hay sau rồi cũng thi hành."(20)
Theo tài liệu, việc bàn thảo ấn định số tiền thuế trực thu diễn ra vào ngày 12.10.1886. Theo đó dân miền Trung mỗi suất đinh hằng năm phải đóng 30 xu và 48 ngày đi sưu dịch. Có thể được "miễn cho" sưu dịch với điều kiện trả một số tiền là 5 đồng trinh mỗi ngày. Nguyễn Trọng Hợp sợ dân khổ chịu không nổi nên ông không đồng ý thực hiện việc tăng thuế và đi sưu, ông chỉ chấp nhận "Đặt thêm các viện Hội Biện Tây (Délégués) ở các Bộ" dù có hại cho quốc thể nhưng không hại dân. Ông không đồng ý những khoản khác nhưng ông cũng biết chắc "3 khoản ấy trước hay sau rồi cũng thi hành". Ông biết mình không thể ngăn cản được chính sách bóc lột của thực dân nhưng dù sao nhân cách của ông không cho phép ông ký vào văn bản tiếp tay cho thực dân bóc lột dân mình như thế. Ông quyết định xin về hưu một phần vì sự việc ấy.
Việc nhỏ thứ 5.- Không muốn chung sống với Việt gian.
Cũng theo Tiểu Cao cho biết: "Lúc Ông Thạch Trì Nguyễn Thân (1840-1914), làm chức sai đạo về, thăng Vô Hiển, thì Kim Giang (Nguyễn Trọng Hợp), tướng công tuổi già, xin về hưu" (21).
Thực dân Pháp miễn cưỡng phải dùng Nguyễn Trọng Hợp. Nguyễn Trọng Hợp đã gây cho thực dân Pháp rất nhiều khó khăn trong việc trị dân. Để cho công cuộc bóc lột dân An Nam được thuận lợi, đầu năm 1897, chúng điều hai Đại thần thân Pháp là Nguyễn Thân và Hoàng Cao Khải về triều chuẩn bị thay Nguyễn Trọng Hợp. Nguyễn Trọng Hợp biết thế nào mình cũng bị thay thế và để tránh phải ngồi cùng triều với hai người mang tiếng Việt gian nên ông đã chủ động xin về hưu. Và được thực dân Pháp đồng ý ngay. Ông trở về sống cuộc đời thanh bạch ở quê nhà Kim Lũ và qua đời năm năm sau đó (1902).
Đọc lịch sử đấu tranh yêu nước Việt Nam chúng ta gặp những anh hùng chỉ trong giây lát làm nên lịch sử, cũng có những người suốt một đời đối mặt với kẻ thù "Thề cùng giặc...có tao không mày". Hai hạng anh hùng đó quá rõ ràng, sử sách đã viết nhiều. Có hạng người thứ ba không đủ sức chống giặc, bèn bất hợp tác với giặc, rút lui về ở ẩn, hoặc cắt tóc đi tu để giữ nhân cách của mình. Hạng người thứ ba nầy cũng được nhân dân quý trọng. Đọc sử và tài liệu lưu trữ tôi còn gặp được hạng người thứ tư mà cha ông chúng ta thường gọi là những người "thân hàng, tâm Hán".
Nghiên cứu lịch sử yêu nước của dân chúng các đô thị Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến vừa qua, dần dần chúng tôi thấy cũng có rất nhiều người "thân hàng tâm Hán". Hiểu được hạng người nầy rất khó. Họ muốn tồn tại trong bộ máy của giặc họ phải khôn khéo, biết giấu kín mình, hoạt động đơn tuyến, họ làm vì lương tri (bon sens), vì tình nước chứ không phải vì vật chất, quyền lợi hoặc thành tích đoàn thể. Do đó khi thành công vì tự trọng họ lại không báo công, đôi khi họ còn bị hiểu nhầm là người có tội (vì ở trong guồng máy của địch) là đằng khác. Cho đến nay các nhà nghiên cứu "phát hiện" được họ phần lớn nhờ vào tài liệu của đối phương (22), hoặc qua ghi chép của người đương thời. Đại thần Kim Giang Nguyễn Trọng Hợp và gia đình ông là một trong những người thuộc hạng "thân hàng tâm Hán" như thế.
Đại thần Nguyễn Trọng Hợp có nhân cách, học rộng, giỏi thơ văn, viết sử giỏi, biết lãnh đạo chính quyền, có tài ngoại giao, thương dân, xứng đáng là một danh nhân văn hoá Việt Nam.
Hiểu được Nguyễn Trọng Hợp thì sẽ hiểu được những nhân sĩ trí thức trước đây từng ở trong biên chế hành chính quân sự của các chế độ cũ. Hiểu được như thế mới mong góp phần đưa chính sách "đại đoàn kết dân tộc" hiện nay ra khỏi pa-nô, áp phích, băng-đờ-rôn tuyên truyền vậy.
Gác Thọ Lộc, tháng 9-2005
Chú thích
(*) Nhà văn, nhà nghiên cứu lịch sử văn hoá Huế.
(1) Có tài liệu viết tên ông là Huyên
(2) Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nxb TP HCM, 1993, tr. 344
(3) Nguyễn Phúc Ưng Trình, và...Tùng Thiện Vương (1819-1870), Huế-Sàigòn 1970, tr. 126.
(4) Chúa Nguyễn Phúc Chu sinh toàn con trai nên băt mọi người phải gọi con trai của ông là mụ (khi còn nhỏ) và là mệ (khi lớn hơn). Từ đó dân chúng gọi người Hoàng phái (Nguyễn Phúc tộc) là mụ hoặc mệ (bất kỳ trai hay gái).
(5) Xem Nguyễn Đắc Xuân, Một người cháu vua Minh Mạng dám chống Tây thực dân, trong sach Chuyện Các Quan triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế 2001, tr.131
(6) Ông Hồ Đắc Trung sinh ra các ông bà Hồ Đắc Khải (Thượng thư), Hồ Đắc Điềm (Tổng đốc), Hồ Đắc Di( Giáo sư), Hồ Đắc Liên (Kỷ sư) v.v. và các bà Hồ Thị Huyền (mẹ Giáo sư Bửu Hội), Hồ Thị Chỉ ( vợ vua Khải Định), Hồ Thị Hạnh (Sư ba Thích nữ Diệu Không) (Theo Gia phả họ Hồ Đắc).
(7) Theo Nguyễn Phúc Ưng Trình, và...Tùng Thiện Vương (1819-1870), Huế-Sàigòn 1970, tr. 126
(8) Do Nguyễn Hy Xước dịch (1947), Lô Giang Tiểu Sử, In Ronéo, in đầu những năm 60 ở Huế, Q. hạ, tr. 93
(9) Trương Đăng Đãn là con trai Phụ chánh lương thần Trương Đăng Quế, một trong ba Phụ chánh của vua Thành Thái.
(10) Lô Giang Tiểu Sử, tr. 93
(11) Marcel Monnier, Le Tour d'Asie, Librairie PLON, Paris 1899, tr188.
(12) Vào đầu triều Thành Thái, Phủ Phụ chính của vua có 3 người là Miên Lâm, Nguyễn Trọng Hợp và Trương Quang Đãn, về sau có thêm Tuy Lý Vương Miên Trinh làm Đệ nhất Phụ chính thân thần; Miên Lâm làm Đệ nhị Phụ chính thân thần; Nguyễn Trọng Hợp Đệ nhất Phụ chính đại thần và Trương Quang Đãn Đệ nhị Phụ chính Đại thần. (Vũ Ngự Chiêu, t.2, tr. 515). Vì thế người ngoại quốc rất khó phân biệt thứ bậc của các vị nầy nên có thể viết nhầm.
(13) Paul Doumer, L'Indo-Chine francaise (souvenirs), Paris Vulbert et Nony Éditeurs, 1905, tr.155
(14) Báo cáo số 18, ngày 28.2.1889, Rheinart gửi Richeaud, AMAE (Paris), Mémoires et Documents, Asie, vol.74, trích lại của Vũ Ngự Chiêu, sđd, chú thích 18, tr. 591.
(15) Nguyễn Văn Mại, Sđd, tr. 93
(16) Trích lại của Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), dịch từ bản Pháp văn, tác giả tự xuất bản tại Châu Âu, năm 1995, tr. 303
(17) "Hồi ký và tư liệu châu Á" - Quyển 24, tr.30-31 (chưa xuất bản), trích lại của Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), dịch từ bản Pháp văn, tác giả tự xuất bản tại Châu Âu, năm 1995, tr. 416
(18) Như chú thích 17
(19) Vũ Ngự Chiêu, Các vua Cuối Triều Nguyễn, 1884-1945, tập 2, Văn Hoá, Houston (USA) 2000, tr. 516
(20) Lô Giang Tiểu sử, tr.93
(21) Như (20)
(22) Ví dụ như anh Trung sĩ VNCH Nguyễn Trung Hiếu làm phiên dịch cho lính Mỹ đã nói với lính Mỹ là cuốn sổ ghi Nhật ký của Bác sĩ Đặng Thùy Trâm "có lửa trong đó, không được đốt". Nhờ thế mà cứu được cuốn nhật ký lịch sử. Một người lính VNCH yêu cách mạng mới thốt lên được lời cảnh báo sâu sắc đến thế. Nhưng nào ai biết được anh lính VNCH đó là ai ?
Tài liệu tham khảo
Cao Xuân Dục, Quốc Triều Hương Khoa Lục, Nxb TP HCM, 1993
Nguyễn Đắc Xuân, Chuyện Các Quan triều Nguyễn, Nxb Thuận Hoá, Huế 2001
Marcel Monnier, Le Tour d'Asie, Librairie PLON, Paris 1899
Nguyễn Hy Xước dịch (1947), Lô Giang Tiểu Sử, In Ronéo, in đầu những năm 60 ở Huế
Nguyễn Phúc Ưng Trình, và Bửu Dưỡng, Tùng Thiện Vương (1819-1870), Huế-Sàigòn 1970
Nguyễn Xuân Thọ, Bước đầu của sự thiết lập hệ thống thuộc địa Pháp ở Việt Nam (1858-1897), dịch từ bản Pháp văn, tác giả tự xuất bản tại Châu Âu, năm 1995
Paul Doumer, L'Indo-Chine francaise (souvenirs), Paris Vulbert et Nony Éditeurs, 1905,
Vũ Ngự Chiêu, Các vua Cuối Triều Nguyễn, 1884-1945, tập 2, Văn Hoá, Houston (USA) 2000
Hội KHLSVN-Hội Sử học Hà Nội, Nguyễn Trọng Hợp con người và sự nghiệp, HN.1996.
Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Sử Lược, Q.hạ, Huế khoản 1922
Điền dã tại làng Kim Lũ, Thanh Trì, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét