Thứ Sáu, 1 tháng 3, 2013

Đá Chông và những điều bí ẩn

Nằm trên núi U Rồng thuộc dãy Tản Viên, Đá Chông mang vẻ đẹp nguyên sơ tĩnh mịch với những hàng thông xù xì vạm vỡ lá kim vi vút bốn mùa. Xen kẽ là những loài cây gỗ lớn lá rộng có hàng trăm, hàng ngàn năm tuổi càng làm tăng thêm nét thâm u cổ kính của cánh rừng nguyên sinh. Đi dưới tán rừng già râm mát, chúng ta sẽ rất thích thú khi trông thấy những tảng đá đứng lô nhô, sắc nhọn như chông, như chà.  

Đây là khu vực đồi Đá Chông ở độ cao chừng 250m, có nhiều đá nhọn như chông, như mác chĩa thẳng lên tạo thế bên sông Đà, mọc đầy cây rừng. Đá Chông cách trung tâm Hà Nội khoảng gần 50 km, có ranh giới với ba xã Thuần Mỹ, Minh Quang, Ba Trại, phía Tây giáp sông Đà, bên kia sông là xã Đồng Luận, huyện Thanh Thuỷ, tỉnh Phú Thọ. Địa hình toàn khu vực bị chia cắt thành nhiều mảnh nhỏ, cao ở phía Bắc và phía Đông, thấp dần về phía Tây và Tây Nam.

Theo truyền thuyết, đây là dấu tích của những cuộc đọ sức giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh thời xa xưa. Lòng ghen tuông của chàng Thủy Tinh si tình dữ dội, bao nhiêu bão dông mưa lũ cuồn cuộn đổ về đây, bao nhiêu thủy quái được điều đến hòng cướp lại người đẹp từ tay Sơn Tinh, ầm ầm ào ào suốt mấy ngày liền và hàng ngàn năm sau vẫn chưa thôi cơn giận dữ. Xưa nay, cuộc chiến vì người đẹp bao giờ cũng bi tráng. 

Có thể kể thêm rằng, sông Đà từ Lai Châu cheo leo xa tắp về Hòa Bình xuôi chảy qua làng Khê Thượng khi đến đây đã bất ngờ đổi hướng chuyển dòng lên phía Bắc tạo ra một khúc gãy lạ kỳ để tìm tới ngã ba Bạch Hạc hội tụ với sông Hồng, sông Thao tạo thành lưu thủy mênh mang về chầu Đền Hùng, mộ Tổ. Chúng thủy giai Đông tẩu/Đà giang độc Bắc lưu (Các sông đều chảy về Đông/Sông Đà riêng một, ngược dòng Bắc lưu). Trong Diễn ca Thánh Tản Viên – Sơn Tinh có viết thế. Quả là một vùng núi sông danh thắng linh thiêng hữu tình.

Đá Chông càng thêm giá trị khi ở đây có thêm di tích K9. Năm 1957, Bác Hồ cùng các đồng chí trong Quân ủy Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308 khi dừng chân tại đây Người đã nhận ra linh khí trong thế núi hình sông của vùng đất này. Dãy Tản Viên Sơn ở phía Đông, dãy Thiết Sơn ở phía Tây lại thêm Đà giang độc đáo liền kề, xét theo phong thủy thật là đắc địa cho việc dựng căn cứ. Bác đã quyết định chọn Đá Chông làm Khu căn cứ địa để chuẩn bị cho công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước dài lâu của dân tộc ta.
 
Ở đây còn có ngôi nhà sàn do chính tay Bác chỉnh sửa thiết kế và chọn hướng đã được khởi công xây dựng vào tháng 5-1958 và hoàn thành vào tháng 3-1960. Ngôi nhà nhìn về hướng Nam, xung quanh có nhiều cây cổ thụ râm mát. Tiếp đó là nhà làm việc của Bộ Chính trị, Trung ương, Chính phủ. Trong xây dựng công trình Bác không cho chặt một cây cổ thụ nào hết. Trước sân nhà Bác cho rải sỏi tự nhiên chứ không đổ bê tông. Vừa hài hòa với cảnh vật vừa dễ phát hiện thú dữ, kẻ gian xâm nhập. Các ô cửa sổ đều đặt lưới chống muỗi nhưng vẫn rất thoáng đãng để đón các ngọn gió rừng mát mẻ ùa vào nhà.

Bác đã có 9 năm làm việc tại đây, từ 1960 đến 1969. Trong mỗi căn phòng, lối đi, cành cây, ngọn lá tưởng như còn vương vấn tâm hồn Bác. Một lãnh tụ anh minh kiệt xuất của dân tộc cũng là một thi sĩ đau đáu yêu từng ngọn lá mỗi nhành hoa. Sự giản dị đậm đà tinh hoa truyền thống dân tộc và văn minh tương lai nhân loại của Hồ Chí Minh như đang ẩn hiện ở nơi này. Trước ngôi nhà làm việc của Bác có hai cây vàng anh tỏa cành vươn lá xanh biếc. Đó là hai cây lưu niệm do Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giécman Titốp và phu nhân của Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai, bà Đặng Dĩnh Siêu, trồng khi đến thăm Bác. 

Sau khi các công trình phục vụ việc bảo quản thi hài của Người trong những điều kiện hết sức nghiêm ngặt hoàn tất, mật danh K9 được đổi thành K84. Năm 1970, sau cuộc tập kích của không quân Mỹ ở khu vực Sơn Tây, để đề phòng căn cứ K84 bị lộ, thi hài Bác được chuyển về công trình A75 tại Hà Nội. Từ trận lũ lịch sử đe dọa vỡ đê và lũ lớn tại Hà Nội một năm sau đó, Đá Chông lại được chọn làm nơi cho Người an giấc. Từ năm 1972-1975, thêm ba lần thi hài Bác được chuyển tới những căn cứ bí mật khác rồi lại trở về K84. 

Lại Hồng Khánh - Uỷ viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây:
 
- Bởi vì địa danh K9 Đá chông, cách đây 50 năm Bác Hồ đã đến thăm và xem xét khu vực núi Đá Chông, để rồi sau đó Đá Chông mang mật danh “Công trường 5”, mật danh “K9″ nơi nghỉ và làm việc của Bác Hồ và Trung ương trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, nơi bảo vệ giữ gìn thi hài Bác những năm 1969 – 1975. Chúng tôi cho rằng cuộc Hội thảo hôm nay còn có thêm một ý nghĩa khác, đó là chúng ta kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ về thăm và khảo sát khu vực núi Đá Chông trên địa phận xã Minh Quang, huyện Bất Bạt ngày trước. Với những thực tế đó tại cuộc Hội thảo này Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà tây chúng tôi phát biểu với nội dung: 50 năm Bác Hồ với Đá Chông niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây.

Bác Hồ với Đá Chông là một mảng đề tài nghiên cứu trong toàn bộ chương trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn về Bác Hồ với Hà Tây trong công tác lịch sử Đảng của Đảng bộ tỉnh Hà Tây. Sau khi Bác Hồ qua đời, từ năm 1969 Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Hà Tây đã chỉ đạo Ban nghiên cứu lịch sử Đảng sau đó là Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ tiến hành sưu tầm nghiên cứu và biên soạn những tư liệu Bác Hồ ở Hà Tây. Cho đến nay đã 4 lần Tỉnh uỷ chúng tôi cho xuất bản sách Bác Hồ ở vào thời điểm của các năm 1973; 1980; 1990 và năm 2006. Mỗi lần xuất bản sách Bác Hồ, chúng tôi lại hoàn thiện thêm những tư liệu và Bác. Song cả 3 lần xuất bản sách Bác Hồ trước đó Tỉnh uỷ chúng tôi vẫn chưa được phép công bố những sự kiện Bác Hồ ở Đá Chông. Riêng những sự kiện Bác Hồ ở Đá Chông sau khi Bác mất, vào những năm 1969 – 1972, trong những việc sưu tầm, xác minh được một số thời điểm Bác Hồ đến Đá Chông vào các năm 1957, 1958, 1959. Bởi vì các sự kiện này liên quan đến các sự kiện: Cuối năm 1956 Bác Hồ tặng cho Tỉnh uỷ Hà Tây chiếc xe ô tô GAT do Liên Xô sản xuất, vì Hà Tây có thành tích đóng góp xây dựng một số công trình ở “Công trường 5”. Chiếc xe ô tô đó mang biển số BAA – 257. Tỉnh uỷ giao cho đồng chí Xuân Trường Bí thư Tỉnh uỷ sử dụng.

Năm 1999 Trung ương chính thức công bố cho phép tham quan rộng rãi địa danh K9 – Đá Chông. Điều này đã tạo cho Hà Tây có điều kiện hoàn thiện thêm những tư liệu về Bác Hồ với K9 – Đá Chông ở Huyện Ba Vì . Với sự giúp đỡ của Bảo tàng Hồ Chí Minh, của Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, năm 2006 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Hà Tây đã cho xuất bản cuốn “Bác Hồ với Hà Tây”. Cuốn sách có 5 mục, trong đó mục II cuốn sách, Tỉnh uỷ Hà Tây công bố 61 lần Bác Hồ về thăm, về ở và làm việc tại Hà Tây. Với địa danh Đá Chông chúng tôi công bố 9 lần Bác Hồ về thăm.

Công bố 9 lần Bác Hồ về Đá Chông, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây có những cơ sở của cả một quá trình sưu tầm, nghiên cứu, biên soạn những cuốn sách về Bác Hồ. Trước hết, chúng tôi dựa vào các tài liệu do Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng trước đây sau đó là Phòng lịch sử Đảng, ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ sưu tầm bổ sung và dựa vào kết quả hai buổi gặp mặt nhân chứng lịch sử về Di tích K9 Đá Chông do Bảo tàng Hồ Chí Minh chủ trì. Bên cạnh đó chúng tôi còn dựa vào kết quả cuộc Hội thảo “Bác Hồ với Ba Vì” do Ban tuyên giáo Huyện uỷ Ba Vì trước đây tổ chức. Riêng hai cuộc gặp mặt nhân chứng lịch sử do Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức tại Hà Nội ngày 19/4 và ở Đá Chông ngày 1/7/2006 chúng tôi rất chú ý đến ý kiến phát biểu của 2 đồng chí Cù Văn Chước và Nguyễn Văn Mùi. Đặc biệt là ý kiến của đồng chí Nguyễn Văn Mùi, nguyên là lái xe của Phủ Chủ tịch đã từng đưa Bác Hồ lên K9. Ý kiến của đồng chí Mùi là: “Trước khi xây nhà ở trên đó, Bác có đi vài lần” và đồng chí kết luận “Bác lên K9 không quá 10 lần”. Phát biểu của đồng chí Nguyễn Văn Mùi đã phù hợp với kết quả khâu nối giữa 2 nguồn tư liệu: Một phần của Ban nghiên cứu lịch sử Đảng tỉnh trước đây và kết quả cuộc gặp mặt các nhân chứng lịch sử do Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức.

Hà Tây là địa phương được Bác Hồ về thăm, về và làm việc nhiều lần. Đây là niềm tự hào của Đảng bộ và nhân dân tỉnh Hà Tây, trong đó K9 – Đá Chông lại là Khu căn cứ, là nơi bảo vệ và giữ gìn thi hài Bác. Công tác sưu tầm biên soạn lịch sử Đảng của tỉnh Hà Tây được tiến hành từ năm 1963. Việc sưu tầm tư liệu về Bác Hồ, chúng tôi làm thường xuyên từ nhiều năm nay và kết hợp chặt chẽ với Bảo tàng Hồ Chí Minh. Cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây” xuất bản năm 2006, chúng tôi công bố 9 lần Bác Hồ về Đá Chông ở các thời điểm:
- Lần thứ nhất vào mùa hè năm 1957.
- Lần thứ hai vào sáng ngày 23/2/1958.
- Lần thứ ba vào buổi sáng ngày 20/6/1959.
- Lần thứ tư vào sáng mồng 1 Tết Canh Tý năm 1960.
- Lần thứ năm vào tháng 3/1961, Bác đưa Đại sứ Trung Quốc Hà Vỹ lên Đá Chông.
- Lần thứ sáu Bác đưa đoàn Bà Đặng Dĩnh Siêu lên Đá Chông vào ngày 13/3/1961.
- Lần thứ bảy Bác đưa đoàn của Anh hùng phi công vũ trụ Giéc man Ti Tốp lên ngày 24/01/1962.
- Lần thứ tám Bác lên Đá Chông ngày 19/5/1963.
- Lần thứ chín là ngày 20/9/1964, Bác cùng một số Uỷ viên Bộ Chính trị và Uỷ viên dự khuyết Bộ Chính trị lên K9 trao đổi về tình hình đất nước sau sự kiện ngày 5/8/1964.

Trong 9 lần đó có 6 lần được giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh kết luận tại cuộc gặp mặt các nhân chứng ở Hà Nội vào ngày 19/4/2006. Ở đây tôi đi sâu vào sự kiện Bác Hồ lên Đá Chông vào các thời điểm 1957; 1958; 1959 và Tết Canh Tý 1960. Bởi lẽ những sự kiện này liên quan mật thiết với việc Bác tặng cho Tỉnh uỷ Hà Tây chiếc xe ô tô GAT vào cuối năm 1965.

Đối với sự kiện Bác Hồ lên Đá Chông vào mùa hè năm 1957 đây là lần đầu tiên Bác Hồ lên Đá Chông. Bác lên Đá Chông lần này là để khảo sát, xem xét địa bàn núi Đá Chông, sau khi có báo cáo của Tỉnh uỷ Sơn Tây, lúc đó đồng chí Nguyễn Xuân Trường làm Bí thư Tỉnh uỷ.

Bác lên Đá Chông lần này rất bí mật. Bởi lẽ ai cũng biết: Tháng 8/1956 đất nước ta không có Tổng tuyển cử để thống nhất Tổ quốc, sự nghiệp đấu tranh giải phóng Miền Nam và cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược sẽ rất gay go, ác liệt. Cuối năm 1956 Trung ương đã giao cho Sơn Tây tìm một địa điểm “Có núi, có sông, có rừng cây che phủ, gần đồng bào” với lý do để xây dựng nhà nghỉ. Thường trực Tỉnh uỷ Sơn Tây đã giao việc này cho Ty Công an và đồng chí Việt Tiến là Phó Ty Công an Sơn Tây thực hiện. Đồng chí tìm mãi và cuối cùng quyết định chọn địa điểm Đá Chông, sau đó trao đổi với đồng chí Tùng rồi mới Báo cáo với Bác, chính vì vậy mùa hè năm 1957 cách đây 50 năm Bác Hồ đã lên khảo sát, xem xét khu vực núi Đá Chông. Khi Bác lên đồng chí Việt Tiến ở phía xóm Bu đi ra và chờ Bác, Bác hỏi:
- Chú làm gì ở đây?
- Đồng chí Việt Tiến trả lời: Thưa Bác cháu dạy học
- Bác nói: Dạy học sao lại đứng ở đây?
- Đồng chí Việt Tiến đáp: Thưa Bác cháu dạy buổi chiều. Nói như vậy chính thực hôm đó Công an Sơn Tây có làm nhiệm vụ bảo vệ.
- Bác xem xét địa điểm, phong cảnh và nghỉ trưa ở Đá Chông.

Về sự kiện Bác cùng đồng chí Nguyễn Lương Bằng lên thăm Đá Chông vào sáng 23/2/1958 cũng được Ban Nghiên cứu lịch sử Đảng trước đây ghi nhớ do khi sưu tầm tài liệu sự kiện chiều ngày 23/2/1958 Bác Hồ về thị xã Sơn Tây thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ tỉnh đang học tập 2 văn kiện: Tuyên bố của Hội nghị đại biểu các Đảng Cộng sản và công nhân các nước XHCN và Tuyên ngôn hoà bình của hội nghị đại biểu các Đảng cộng sản và công nhân 65 nước họp ở Matxcơva (11/1957). Chính khi sưu tầm tư liệu Bác về thăm và nói chuyện với Hội nghị cán bộ ở Sơn Tây mà lãnh đạo Ban chúng tôi có biết đến việc đồng chí Nguyễn Lương Bằng và Bác Hồ lên Đá Chông vào buổi sáng.

Sự kiện sáng ngày 20/6/1959, Bác Hồ lên lúc đó các công trình ở đây đang thi công và được mang mật danh “Công trường 5”. Chiều hôm 20/6/1959, Bác về thăm và nói chuyện với hơn 2000 đồng bào huyện Quốc Oai đang làm việc trên công trường đê Ngọc Tảo, huyện Phúc Thọ. Đối với sự kiện này báo tin Sơn Tây số ra 281 ngày 23/6/1959 đã đăng tin và bài nói chuyện của Bác. Khi chúng tôi tìm gặp đồng chí Việt Tiến, đồng chí đã kể lại được các đồng chí cùng đi với Bác nói là rất có thể lúc về Bác sẽ ghé vào thăm đê Ngọc Tảo và ở đây nhân dân đang đắp đê đông lắm. Chỗ nào thấy nhân dân lao động vui Bác thường hay dừng lại thăm hỏi, các anh em nên chuẩn bị trước.

Nhận được tin đó đồng chí Việt Tiến đã báo tin với Tỉnh chuẩn bị micro nếu Bác xuống thăm, quả nhiên buổi chiều ngày 20/6/1959 Bác Hồ vào thăm và nói chuyện với đồng bào Quốc Oai đang đắp đê vừa hết một tiếng đồng hồ. Kết thúc buổi nói chuyện Bác bắt nhịp hát bài “Kết đoàn”. Chính do việc tìm nhân chứng sống kể về sự kiện Bác Hồ thăm đê Ngọc Tảo buổi chiều ngày 20/6/1959 mà lãnh đạo Ban nghiên cứu lịch sử Đảng lúc đó đã biết được buổi sáng Bác về thăm “Công trường 5”.
Về sự kiện ngày mồng một Tết Canh Tý năm 1960, trước hết chúng tôi căn cứ vào cuộc trao đổi của Ban Tuyên giáo Huyện uỷ Ba Vì và cuộc toạ đàm ngày 01/7/2006 do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức vào sổ ghi nhật ký của đồng chí Đỗ Viết Nam, nguyên là Tiểu đội trưởng cảnh vệ ở K9. Điều chúng tôi rất lý thú là những ý kiến về Bác lên Đá Chông sáng mồng một Tết Canh Tý năm 1960 trong 2 cuộc toạ đàm của huyện Ba Vì và Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức lại trùng với ý kiến của đồng chí Nguyễn Xuân Trường cách đây 15 – 16 năm.

Đồng chí Nguyễn Xuân Trường, nguyên là Bí thư Tỉnh uỷ Sơn Tây 1954 – 1960, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Đông 1961 – 1965, Bí thư Tỉnh uỷ Hà Tây 1965 – 1976. Một đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ ở cả 2 thời kỳ khi còn là 2 tỉnh Hà Đông và Sơn Tây, khi đã hợp nhất thành tỉnh Hà Tây có vinh dự và đi cùng và chứng kiến nhiều lần khi Bác Hồ về thăm và làm việc ở Hà Tây. Năm 1991 đồng chí Xuân Trường về hưu, hàng tuần thường đi bộ sang Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ đọc các loại tài liệu. Khi ngồi nói chuyện về cuốn sách “Bác Hồ với Hà Sơn Bình” xuất bản năm 1990, đồng chí Xuân Trường có nói đến các sự kiện Bác Hồ ở Đá Chông nhưng do ở K9 Trung ương chưa cho công bố nên trước đây các đồng chí thường trực Tỉnh uỷ chỉ đạo các đồng chí không được nói, không được biên soạn. đồng chí Xuân Trường có nhắc đến sự kiện sáng mồng một Tết Canh Tý năm 1960. Tuy đồng chí không đi cùng với Bác hôm đó nhưng Công an tỉnh có đi bí mật, phần lớn công nhân tham gia xây dựng ở khu quan trọng của “Công trường 5” là người miền Nam nên Bác đã chúc Tết động viên. Trong việc nghiên cứu Bác Hồ với Hà Tây, từ khi tách tỉnh Hà Sơn Bình, chúng tôi phân thành 4 mảng đề tài:

- Mảng thứ nhất là sưu tầm nghiên cứu về các sự kiện của Bác ở Hà Tây trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Về mảng này chúng tôi mở đầu kể từ khi quân đội Pháp nổ súng tấn công Hải Phòng, Lạng Sơn cho đến 3/3/1947, Bác Hồ rời động Hoàng Xá (Quốc Oai) lên chiến khu Việt Bắc.
- Mảng thứ 2 là sưu tầm nghiên cứu các sự kiện Bác về Đá Chông kể từ cuối năm 1956 – 1969.
- Mảng thứ 3 là sưu tầm nghiên cứu những tư liệu về Bác với Đảng bộ và nhân dân Hà Tây kể từ sau Cách mạng Tháng 8/1945 đến khi Bác qua đời.
- Mảng thứ 4 là sưu tầm nghiên cứu các sự kiện Bác Hồ đến thăm các đơn vị Quân đội, Công an đóng trên địa bàn tỉnh.

Tất cả 4 mảng đề tài đó, duy chỉ có mảng sưu tầm nghiên cứu những tư liệu Bác Hồ về Đá Chông là kéo dài nhất, thầm lặng nhất do chúng ta phải chờ đợi vào thời gian Trung ương cho công bố công khai địa danh K9, chính vì vậy những sự kiện Bác Hồ về Đá Chông mà Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Hà Tây công bố trong cuốn sách “Bác Hồ với Hà Tây” xuất bản năm 2006, theo chúng tôi đó là sự tổng hoà giữa việc sưu tầm khai thác tư liệu của ngành lịch sử Đảng tỉnh Hà Tây kể tù năm 1969 với việc gặp gỡ các nhân chứng do Bảo tàng Hồ Chí Minh và Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng tổ chức; đồng thời còn là sự kết hợp giữa nhật ký công tác và ảnh tư liệu của những người tham gia công tác ở Đá Chông hoặc từng đến thăm Đá Chông, cũng như có lần đồng chí Vũ Kỳ đến làm việc riêng với Ban Nghiên cứu Lịch sử Đảng tỉnh Hà Sơn Bình về Bác Hồ lên Đá Chông.

Với những cơ sở như vậy năm 2006 khi tiến hành sưu tầm tư liệu bổ sung và biên soạn cuốn “Bác Hồ với Hà Tây”, chúng tôi đã công bố 9 lần Bác Hồ về Đá Chông trong đó có phần Bác tặng thưởng chiếc ô tô GAT vào cuối năm 1965. Vì vậy tại cuộc Hội thảo này chúng tôi muốn trình bày những cơ sở đó mà trước đây bộ phận nghiên cứu – sưu tầm – biên soạn lịch sử Đảng của Đảng bộ tỉnh đã biết để các đồng chí hiểu thêm về quá trình Tỉnh uỷ Hà Tây chỉ đạo toàn bộ việc sưu tầm – biên soạn các sự kiện Bác Hồ về Hà Tây trong đó có sự kiện Bác đến Đá Chông.

Cuộc hội thảo ngày hôm nay, chúng ta vừa kỷ niệm 117 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, vừa kỷ niệm 50 năm Bác Hồ lên Đá Chông xem xét và khảo sát địa bàn. Những lần Bác Hồ lên Đá Chông cũng như việc Bộ Chính trị , Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định chọn K9 – Đá Chông làm nơi bảo vệ giữ gìn thi hài Bác đã cải tạo cho Đá Chông ngày hôm nay trở thành Khu Di tích lịch sử văn hoá của cả nước, có giá trị to lớn trong việc tuyên truyền truyền thống cách mạng, học tập đạo đức Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Cuộc Hội thảo hôm nay với các bài tham luận đứng ở các góc độ khác nhau, để bàn luận xoay quanh chủ đề “Chủ tịch Hồ Chí Minh với khu Di tích Đá Chông” đã giúp chúng tôi thêm nhiều vấn đề cùng nhau trao đổi sâu hơn những sử liệu về Bác ở Đá Chông, giúp chúng tôi hoàn thiện hơn mảng đề tài “Bác Hồ với Đá Chông” mà chúng tôi đã in trong cuốn “Bác Hồ với Hà Tây” xuất bản cuối năm 2006. Cuộc Hội thảo này đã giúp chúng tôi sưu tầm và xác minh để xuất bản cuốn sách về Bác Hồ trong những năm qua để sau này tiếp tục hoàn thiện ở những lần tái bản sau.

Đại tá Lê Hồng Đường - Phó Chủ nhiệm Chính trị - Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh:
Tôi đã có mặt trong buổi gặp mặt các nhân chứng lịch sử đã từng được phục vụ Bác Hồ và Trung ương tại Đá Chông. Tháng 5, tuy cái nắng hè oi ả nhưng thời tiết ở nơi đây thật là dễ chịu với bao cảm xúc. Đã gần nửa thế kỷ trôi qua, hôm nay người còn, người mất nhưng trong tiềm thức của mỗi nhân chứng lịch sử đều gợi nên những kỷ niệm sâu sắc, tình cảm kính yêu Bác vô hạn. Xin được ghi lại một vài kỷ niệm của các bác, các anh, những thế hệ đi trước đã vinh dự được phục vụ Bác và Trung ương tại Đá Chông.


Sau những cái bắt tay thân thiết, là những câu chuyện cảm động, hỏi thăm sức khoẻ, hoàn cảnh gia đình của nhau, mọi người chậm bước hướng vào ngôi nhà nơi Bác đã từng sống và làm việc để làm lễ dâng hương tưởng niệm Người. Biết bao những kỷ niệm đầy ắp cứ trào dâng trong lòng. Những hiện vật một thời từng gắn liền với Bác; những nơi Bác và các đồng chí Trung ương đã từng làm việc, nghỉ ngơi, tiếp khách, những cuộc họp quan trọng bàn quyết định những vấn đề trọng đại của đất nước trong những năm chiến tranh. Các ông lần giở cuốn sổ vàng ghi lưu niệm của khách tới tham quan, có nhiều đoàn, nhiều người viết rất cảm động. Đây là lời ghi cảm tưởng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nguyên Tổng Tư lệnh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ông nhiều năm được sống và làm việc bên cạnh Bác Hồ: “Ngày 1 tháng 1 năm 1998 lên thăm Khu di tích K9, cũng thường gọi là khu Đá Chông, nhìn lại bức tượng khá giống Bác, ngồi lại cái bàn trước đây Bác đã họp cùng các anh trong Bộ Chính trị, càng nhớ Bác vô cùng, cảm thấy như ngày nào lên đây làm việc với Bác”. Đọc xong những dòng lưu niệm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, mọi người nhìn nhau lặng đi trong giây lát, cùng chung một cảm xúc: Tuy Bác đã đi xa nhưng ngôi nhà, chiếc bàn, chiếc ghế làm việc, chiếc giường như còn ấm hơi Người, ngày nào còn được phục vụ bên Bác, được Bác ân cần chỉ bảo, thế mà đã thấm thoát một phần hai thế kỷ. Ông Nguyễn Văn Rự - 86 tuổi, nguyên Phó Chánh Văn phòng Uỷ ban Hành chính tỉnh Sơn Tây những năm 1957 đến năm 1959, tuy tuổi đã cao, sức đã yếu nhưng còn minh mẫn; ông chậm rãi kể lại: 

“Tháng 2 năm 1958, tôi cùng với ông Phương - Chủ tịch Uỷ ban Hành chính tỉnh vinh dự được đón Bác lên thăm khu vực đồn điền cà phê cũ (công trường 5 sau này). Hôm đó, Bác và đoàn công tác nghỉ ăn trưa tại đây. Buổi chiều Bác nói chuyện với gần 500 cán bộ chủ chốt của tỉnh ở thị xã Sơn Tây. Sau này Bác Hồ và Trung ương quyết định chọn nơi đây làm căn cứ, tôi lại vinh dự được cử tham gia Ban chỉ huy công trường, đồng thời tham gia Đảng uỷ công trường. Ông say sưa kể tiếp: “Thú thực lúc đó tôi vừa mừng vừa lo, mừng rỡ cấp trên tin tưởng giao nhiệm vụ, một nhiệm vụ rất quan trọng, rồi đây trên quê hương mình có Bác Hồ, có các đồng chí Trung ương ở và làm việc, không mừng sao được”, nét mặt ông rạng lên: “Nhưng cũng rất lo vì nhiệm vụ nặng nề, yêu cầu khẩn trương, công trình phải đảm bảo chất lượng và tiến độ quy định. Vì vậy tôi phải luôn bám sát công trình. Mấy lần được đi cùng Bác lên thăm và kiểm tra, còn lại tôi thường dùng chiếc xe máy cơ động lúc ở Sơn Tây, lúc ở Công trường 5”. 

Nghe ông Rự nói, tôi chợt nhớ đến ông Vũ Kỳ - Thư ký riêng của Bác những năm trước đây đã kể lại: “Vào một ngày tháng 5 năm 1957, khi Bác đến thăm cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 308 diễn tập ở thượng nguồn Sông Đà, Bác nghỉ ăn cơm nắm cùng các đồng chí bên cạnh “Ba ngọn núi” Đá Chông, chỗ đó đất phẳng, có một cây phượng vĩ, sau đó Người nằm nghỉ một lát ngay dưới gốc cây”. Bác Hồ đến Đá Chông không chỉ một lần, nhưng buổi trưa tháng 5 năm 1957 đó, cũng theo ông Kỳ: Người đã đứng ở vị trí “3 ngọn núi” Đá Chông nhìn Sông Đà trước mặt, thấy nơi đây sơn thuỷ hữu tình, dòng sông uốn khúc, cảnh vật tươi đẹp, gần dân, xa đường quốc lộ. Với tầm nhìn của nhà chiến lược thiên tài, Người đã tính đến việc lập một căn cứ, khi cần thiết có thể đưa Bộ tham mưu của cách mạng đến đây để tiếp tục chỉ đạo cuộc đọ sức quyết liệt với kẻ thù. 

Theo ý kiến của Bác, khu vực Đá Chông được xây dựng gồm nơi làm việc của Trung ương, nơi nghỉ ngơi và khu vực dành cho lực lượng phục vụ. Ngay sau đó, Tổng cục Hậu cần được giao nhiệm vụ xây dựng một số ngôi nhà cấp 4. Đến tháng 5 năm 1959, trước nguy cơ của một cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ ra miền Bắc, Trung ương đã chỉ đạo các lực lượng của quân đội và địa phương khẩn trương xây dựng các công trình của khu căn cứ. Sau khi hoàn thành, khu căn cứ mang mật danh K9. 

Kể về những ngày đầu xây dựng khu căn cứ, ông Cù Văn Chước - nguyên Trưởng phòng Văn thư Văn phòng Chủ tịch nước, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh, là người vinh dự được phục vụ Bác Hồ nhiều năm chậm rãi tâm sự: “Trong thời gian xây dựng khu nhà này, Bác Hồ đã lên kiểm tra 3 lần. Ngôi nhà chính được xây dựng mô phỏng theo kiểu nhà sàn và chính Bác là người cắm cọc nhắm huớng cho ngôi nhà. Để giữ bí mật, khi xây dựng, cây trong khu vực không được phép tuỳ tiện chặt phá. Nhiều cây lâu năm cạnh nhà sàn (ngôi nhà 2 tầng) đến nay vẫn còn: cây gạo, cây vải, cây long não, bồ hòn, cà phê….Nhiều cây được trồng thêm sau này như: cây hoa lan, cây bạch quế… trồng ở đây vừa thêm bóng mát lại có hương thơm bảo vệ cho môi trường. Cây vú sữa miền Nam trồng trong vườn Bác cũng được chiết cành đem trồng trên công trường 5 và một số nơi nghỉ khác như: Nhà nghỉ Hồ Tây, khu vườn ươm trong Phủ Chủ tịch…”. 

Ông Lê Văn Năm, chiến sĩ Trung đội 1, Đại đội 1, Trung đoàn 600 đã từng làm nhiệm vụ bảo vệ khu Đá Chông từ năm 1960 đã bồi hồi nhớ lại: trong đời quân ngũ của ông đã vinh dự được gặp Bác Hồ nhiều lần, nhưng lần đầu tiên được gặp Bác là sâu sắc nhất mà đến nay, buổi gặp đó vẫn in đậm trong tâm trí của ông. Đó là sáng ngày 28 tháng 1 năm 1960 (tức ngày mồng 1 Tết Canh tý) Bác Hồ lên Đá Chông (Công trường 5) thăm và chúc Tết cán bộ, chiến sĩ bảo vệ và công nhân làm việc trên công trường. Biết một số anh em công nhân là người miền Nam rất nhớ nhà, Bác căn dặn: “Các cô, các chú nhớ miền Nam thì phải làm việc bằng hai để xây dựng miền Bắc tiến lên xã hội chủ nghĩa, giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc”. Kế đó Bác đến chúc Tết hai gia đình cụ Tô, cụ Cẩm ở chân đồi. Bác mặc bộ quần áo nâu, đội mũ len, đi đôi dép cao su đen. Khi Bác đến gần mọi người đều ngạc nhiên, vui mừng và luống cuống. Cụ Tô, cụ Cẩm chắp tay và nói: “Lạy cụ, lạy cụ”. Bác tươi cười giơ tay vẫy và nói: “Các cụ đừng làm thế. Nhân dịp năm mới chúc các cụ, các chú mạnh khỏe, ăn tết vui vẻ và tiến bộ”. Sau đó Bác chúc Tết và chia quà cho mọi người. Tất cả mọi người vỗ tay và cảm ơn Bác. Bác chào và đi lên nhà sàn. 

Còn nhiều câu chuyện khác hết sức cảm động, đó là vào các dịp lễ, tết, và kỷ niệm ngày sinh của Bác, Người không muốn tổ chức chúc tụng nhiều và Người đã chủ động bố trí những chuyến đi công tác xa. Đá Chông là địa điểm được Người đến nhiều nhất.

Mỗi người bổ sung thêm một câu chuyện, một kỷ niệm với Bác, tưởng chừng như không dứt. Các ông đứng lặng người ngắm nhìn ngôi nhà, mọi đồ vật vẫn nguyên vẹn như xưa, đây là nơi tiếp khách, là phòng họp của Bộ Chính trị, có kê một dãy bàn dài, ghế ngồi và quạt trần. Hệ thống cửa được thiết kế đẩy ra vào cơ động trên ray, tạo thông thoáng, bệ cửa dùng làm ghế ngồi khi có số lượng người dự họp đông, hoặc lúc nghỉ giải lao. Những năm sau khi Bác mất, vào những ngày Tết Nguyên Đán, ngày giỗ Bác, cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ tại đây đều đến thắp hương tưởng nhớ Bác. Ngày 17 tháng 4 năm 1995 (tức ngày 18 tháng 3 năm Ất Hợi) đơn vị đã lập bàn thờ Bác. Lúc đầu bàn thờ đặt ảnh chân dung, đến ngày 8 tháng 5 năm 1997 (tức ngày 2 tháng 4 năm Đinh Sửu) đã thay ảnh Bác bằng pho tượng đồng. Đây là tác phẩm của hoạ sĩ Minh Đỉnh công tác tại Bảo tàng Quân đội (nay là Bảo tàng Lịch sử Quân sự) đã dựng lại chân dung Bác ngồi trên chiếc ghế trúc (một đồ dùng quen thuộc của đồng bào Cao Bằng tặng Người). Bác vừa dừng đọc báo Nhân dân, dường như để đón khách với ánh mắt hiền từ nhân hậu. Mọi người dừng lại ngắm kỹ pho tượng Bác, rồi lần bước cầu thang lên tầng 2 ngôi nhà. Tại đây ông Cù Văn Chước, ông Nguyễn Văn Mùi - lái xe phục vụ Bác còn nhớ rất rõ năm 1961 Bác đã tiếp bà Đặng Dĩnh Siêu (phu nhân cố Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai) và năm 1962 Bác Hồ đã đón tiếp Anh hùng vũ trụ Liên Xô Giéc - man Ti - tốp. Sự kiện Bác Hồ tiếp hai vị khách quốc tế tại K9 có ý nghĩa rất lớn. Đây là một cử chỉ rất thân tình của Bác đối với nhân dân Liên Xô và nhân dân Trung Quốc anh em. Hiện nay những cây ngọc lan và vàng anh do Bác và các vị khách quý trồng bốn mùa vẫn xanh lá, trổ hoa thơm ngát, tượng trưng cho tình bạn, tình đồng chí thuỷ chung của nhân dân Việt Nam.

Cạnh hai phòng khách là phòng họp nhỏ. Căn phòng này đã diễn ra buổi họp của Bác với các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước để bàn bạc và quyết định những việc có ý nghĩa rất quan trọng đối với sự nghiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.

Phòng Bác nghỉ được bố trí những đồ dùng rất giản dị, những thứ rất cần thiết. Ông Cù Văn Chước kể: “Đây là chiếc đệm cỏ của đồng bào Sơn La tặng Bác, chiếc đèn ngủ, tấm thảm len là quà tặng khi Bác đi sang Trung Quốc”. Bác vẫn nói với anh em phục vụ: “Những thứ tốt, đồ dùng khá hơn nên dành cho khách quý, Việt Nam ta vốn có truyền thống hiếu khách, quý trọng bạn bè”. Trong phòng này những khi Bác lên làm việc và nghỉ, trên bàn làm việc thường có lọ hoa huệ - thứ hoa mà Bác rất thích.

Trước cửa ngôi nhà có một bể tròn, ở giữa có hòn non bộ tự nhiên, phía trước bên phải, đầu cầu thang xuống có xây hầm trú ẩn nhỏ cho 3 - 4 người sử dụng. Phía trước bên phải ngôi nhà có một con đường xây gạch, rải sỏi, từ nhà xuống sông Đà gồm 81 bậc, mọi người gọi là “Con đường rèn luyện sức khoẻ” của Bác và hôm nay ai cũng nhìn thấy những cây bông bụt khá to được trồng từ khi xây dựng khu căn cứ để gợi nhớ những cây trồng trong vườn nhà ở quê hương Kim Liên, Nam Đàn.
            
Rời ngôi nhà sàn thân quen, mọi người trở về thăm khu nhà kính, khu nhà đã bảo vệ, che chở an toàn cho thi hài Bác trong 6 năm chiến tranh. Đứng trước tấm biển “Nơi đây đã giữ gìn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh từ năm 1969 - 1975” do Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh trực tiếp gắn vào ngày 16 tháng 5 năm 2001, các ông đã kể nhiều câu chuyện cảm động về tinh thần khắc phục khó khăn gian khổ, âm thầm chịu đựng, những sáng kiến cải tiến kỹ thuật của các kỹ sư, bác sĩ, cán bộ, công nhân viên, kỹ thuật viên của Việt Nam sát cánh cùng chuyên gia Liên Xô trong quá trình giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác trong những năm tháng chiến tranh ác liệt.
             
Kết thúc phần tham quan, các ông bước vào phòng khách. Mặc dù trước đó đã dốc tâm sự, nhưng lúc này các nhân chứng lịch sử còn đầy ắp những kỷ niệm đẹp. Sau này, mỗi người được phân công một nhiệm vụ khác nhau, nhưng luôn luôn theo dõi từng bước đi của Đoàn 69 trước đây, cũng như Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày nay. Trong điều kiện khó khăn, gian khổ, thiếu thốn và giai đoạn bước ngoặt sau khi Liên Xô sụp đổ, đơn vị đã vững vàng từng bước vươn lên làm chủ nhiệm vụ giữ gìn lâu dài và bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Bác. Riêng khu di tích Đá Chông, nhiều năm các ông mới trở lại, nhưng vẫn được bảo vệ giữ gìn nguyên vẹn, các khu vực lân cận nhà sàn, nhà kính được tôn tạo khang trang, đẹp đẽ.
             
Đứng ngắm nhìn các bác, các ông - những người đã một thời có vinh dự được làm nhiệm vụ đặc biệt, giờ tuổi đã cao, sức đã yếu, nhưng vẫn minh mẫn kể lại cho lớp con cháu những kỷ niệm thiêng liêng của mình đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, trong tôi trào dâng niềm kính phục và biết ơn vô hạn.
 
Người trực tổng đài ở K9:
 
Từ 1965, khi Bác Hồ sơ tán lên K9, người trực tổng đài tại đây chính là ông Nguyễn Văn Hanh, nhân viên Cục Bưu điện Trung ương (nay là Bưu điện Trung ương thuộc Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam - VNPT). Ông Nguyễn Văn Giai, nguyên Cục trưởng Cục Bưu điện Trung ương (BĐTƯ). cho hay: 

"Một số cán bộ của Cục BĐTƯ đã lên thăm Khu di tích lịch sử K9 trước tôi nhưng không có ý định tìm hiểu cơ quan nào phụ trách bộ phận thông tin liên lạc thời Bác Hồ và Bộ Chính trị còn làm việc ở K9. Năm 2005, sau khi nghỉ hưu, tôi đến thăm K9 và thấy lạ là trong thời chiến, Bác Hồ và Bộ Chính trị ở đâu thì thường có người của Cục BĐTƯ ở đó để phục vụ hoạt động thông tin liên lạc, nhưng sao ở đây lại không thấy nói đến chuyện này. Tôi hỏi thuyết minh viên nhưng không có câu trả lời. Trở về cơ quan, tiếp tục dò tìm trong đơn vị xem có người nào từng ở K9 giai đoạn đó không thì chẳng ai biết vì việc điều động nhân viên của Cục BĐTƯ lên K9 thuộc thẩm quyền của Văn phòng Trung ương, không lưu lại hồ sơ giấy tờ gì ở Cục".

Chuyện ông Giai không có được câu trả lời cũng không có gì lạ bởi những thông tin như vậy thuộc diện tuyệt mật, những người liên quan phải luôn tâm niệm "sống để bụng, chết mang theo". Tuy nhiên, với mong muốn làm rõ một bí mật liên quan tới lịch sử hào hùng của Cục BĐTƯ, ông Giai quyết tâm đi tìm bằng được lời giải.
 
Mất khá nhiều thời gian tìm đến một số cơ quan liên quan để hỏi thông tin mà không thu được kết quả gì, chỉ khi lặn lội sang Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông Giai mới "mò" ra thông tin có một nhân viên của Bảo tàng là ông Bắc "già" người Nghệ An từng phục vụ mảng điện thắp sáng cho Hồ Chủ tịch ở K9.
 
Ông Giai liền tìm đến nhà ông Bắc ở Khu tập thể Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, được ông Bắc cho biết mình vốn là người của Nhà máy điện Yên Phụ, nhận nhiệm vụ đảm bảo mạng điện trong Phủ Chủ tịch, lúc Bác Hồ lên K9 thì ông Bắc lên theo. Ở cùng ông Bắc tại K9 thời kỳ đó có 2 người nữa của Cục BĐTƯ là ông Nguyễn Văn Hanh và ông Long, chịu trách nhiệm phụ trách tổng đài điện thoại và mạng cáp. Tổng đài điện thoại ở K9 được để ở phòng riêng, khi có báo động thì chuyển xuống hầm.
 
Nắm bắt thông tin cốt lõi rồi, ông Giai quay về hỏi lại ông Hanh để kiểm chứng. Rất ngạc nhiên vì bí mật bị lộ song ông Hanh chưa sẵn sàng hé lộ thêm thông tin gì. Chỉ sau khi ông Giai thuyết phục rằng đã đến lúc có thể công khai một số thông tin liên quan để ghi vào lịch sử của Cục BĐTƯ, ông Hanh mới kể lại vài chuyện giống như lời ông Bắc.

Trên hành trình đi tìm người từng phục vụ thông tin liên lạc cho Bác Hồ ở K9, ông Nguyễn Văn Giai cũng khám phá thêm một câu chuyện khác chứng tỏ sự chấp hành nghiêm túc nguyên tắc đảm bảo bí mật của cán bộ nhân viên Cục BĐTƯ. Cùng thời điểm ông Hanh lên K9, còn có 1 bộ phận khác của Cục BĐTƯ được điều lên làm phụ trách đài vô tuyến điện tại khu sơ tán ở huyện Bát Bạt (giờ là huyện Ba Vì). Mặc dù khu K9 và đài vô tuyến điện ở Bát Bạt ở cùng xã, thế nhưng 2 bộ phận hoàn toàn không biết nhau. Tới khi Bác Hồ mất thì bộ phận phụ trách tổng đài của ông Hanh tại K9 giải tán và đài vô tuyến điện ở Bát Bạt cũng được chuyển đi chỗ khác. Ông Giai đoán rằng đài vô tuyến điện này cũng được sử dụng để phục vụ Bác Hồ và Bộ Chính trị ở K9 như một bộ phận dự phòng hoặc hỗ trợ cho tổng đài.
 
Như vậy là bí mật về nhân viên tổng đài phục vụ Bác Hồ tại K9 đã được làm sáng tỏ. Năm 2007, tại khu di tích lịch sử K9, Ban Quản lý khu di tích đã dựng biển trước cửa phòng tổng đài điện thoại ngày trước và ghi rõ đây là thiết bị tổng đài điện thoại của Cục BĐTƯ phục vụ Bác Hồ. Chỉ tiếc rằng 2 năm sau khi những bí mật trên được ông Giai khám phá ra, đến năm 2009 thì ông Hanh đã qua đời.
K9 - Đá Chông là địa điểm đã được chính Bác Hồ chọn làm vị trí để dựng khu căn cứ của Trung ương trong thời chiến. Nhiều lần Bác Hồ cùng các đồng chí trong Bộ Chính trị đã làm việc ở K9. Đây cũng là nơi được chọn để gìn giữ thi hài của Bác Hồ trong những năm chiến tranh, suốt từ khi Người ra đi - năm 1969 cho đến năm 1975, trước khi đón Người về Lăng ở Quảng trường Ba Đình.


Sưu tầm.

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

hay ạ