Thứ Hai, 18 tháng 2, 2013

Về Hoàng Kế Viêm và quan hệ với Lưu Vĩnh Phúc trong các chiến thắng ở Ô Cầu Giấy

1 - Thân thế Hoàng Kế Viêm và những chiến công hiển hách
Sau khi bài viết “Hà Nội 21 cửa ô và Hà Nội 5 cửa ô” (ban đầu có tên “Từ các cửa ô Hà Nội đến Ô Cầu Giấy”) được đăng trên Vietnamnet tôi rất xúc động vì đã nhận được nhiều ý kiến rất tâm huyết. Trong các ý kiến đều phần nhiều băn khoăn về vai trò của Hoàng Kế Viêm trong các chiến thắng trước quân Pháp ở Ô Cầu Giấy vào cuối thế kỉ XIX.
Chẳng hạn như ý kiến đáng quý của độc giả Quan Thế Dân:
Xin nhấn mạnh là tôi bị bất ngờ về cụ Hoàng Kế Viêm. Tôi tự nhận là có yêu thích lịch sử Hà Nội, nhưng vẫn bất ngờ với tư liệu trên. Theo sử phổ thông lâu nay vẫn nói thì chiến thắng Cầu Giấy là do quân nhà Thanh do tướng Lưu Vĩnh Phúc sang giúp, sau đó Pháp phải ký với triều đình Mãn Thanh hòa ước, rút quan Cờ Đen về, thì Pháp mới rảnh tay bình định Bắc Kỳ. Có lẽ vì thế mà chiến thắng Cầu Giấy không được sử ta đề cao… Vì thế chúng ta nên sưu tầm thêm tài liệu để khẳng định chiến công của cụ Hoàng Kế Viêm - tài liệu như bạn Đặng Thân trích dẫn còn hơi mỏng về chứng cứ. Nếu thật sự thì đây là chiến công vô cùng chói lọi, lịch sử cần ghi công, Hà Nội phải có địa danh lưu danh.
Hay là băn khoăn của độc giả Đặng Văn Em:
Tôi cũng thấy băn khoăn là Hà Nội có nhiều nhà Hà Nội học sao lại để quên một tướng tài như Hoàng Kế Viêm, ông đáng được sớm có tên của một đường phố Hà Nội lắm chứ. Mong sao nếu sự thực được xác định thì nên ghi danh cụ muộn còn hơn không.
Độc giả Nguyễn Quang Tuyến dứt khoát:
Tôi không hiểu sao Hà Nội đặt rất nhiều tên phố mới mà đến tôi, một người tương đối "thông kim bác cổ" cũng không biết đó là danh nhân nào trong khi đó những nhân vật như Hoàng Kế Viêm hay xa hơn nữa là Khúc Thừa Dụ thì không thấy có. Giá như tôi có quyền thì một trong những đường phố mới to đẹp tại Cầu Giấy sẽ mang tên Hoàng Kế Viêm vì ông xứng đáng được điều đó.
Độc giả Nguyễn Thông hỏi thẳng thừng:
Xin hỏi các nhà quản lý đô thị ở nước ta: Những danh nhân như Hoàng Kế Viêm, Trương Quang Đản không xứng đáng đặt tên cho một con đường nào đó hay sao? Cả Lưu Vĩnh Phúc (Cờ Đen) nữa. Cần phải thay đổi tư duy bó buộc lâu nay, như thế mới công bằng, mới là tôn trọng lịch sử.
Tôi cũng rất chú ý đến ý kiến của độc giả Phạm Xuân Tuyền trên báo Hà Nội Mới:
Tôi là một người yêu lịch sử và rất tự hào và ngưỡng mộ Danh tướng Hoàng Kế Viêm nhất là với 2 lần chiến thắng vẻ vang và ấn tượng trước quân Pháp trong một thời điểm lịch sử rất nhạy cảm. Chiến thắng của ông phần nào đã trả thù xứng đáng cho sự hy sinh của 2 vị tổng đốc Hà Nội và 2 lần thất thủ thành. Thời gian này quả thật rất thích hợp để giới thiệu và hệ thống lại, bổ sung cuộc đời, sự nghiệp. Với lý do trên, tôi rất mong được đọc tiếp phần cuộc đời sau đó của Anh hùng Hoàng Kế Viêm (ông xứng đáng là anh hùng với chiến công và tư cách của mình) sau khi vua Tự Đức từ trần.
Để góp phần minh định vấn đề mà các độc giả đáng kính nêu lên tôi xin trình bày thêm về vấn đề này. Trên hết xin hãy cùng tìm hiểu thêm về thân thế của Hoàng Kế Viêm và các mối quan hệ của ông với các sự kiện lịch sử. Hoàng Kế Viêm (1820 – 1909), còn gọi là Hoàng Tá Viêm (“Tá” là tên lót do vua Minh Mạng đặt), tự Nhật Trường, hiệu Tùng An. Ông người làng Văn La, tổng Văn Đại, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình, là con của Hoàng Kim Xán (sau làm đến chức Thượng thư Bộ Hình). Sau khi Hoàng Kế Viêm thi đỗ cử nhân vào năm 1843 thời vua Minh Mạng, ông được bổ Tư vụ, hàm Quang Lộc tự khanh. Ông kết duyên với con gái thứ 5 của vua Minh Mạng là công chúa Hương La.
Đám cưới của ông đã được tả lại như sau:
Vua Thiệu Trị có em gái là công chúa Hương La, đến tuổi kén chồng. Các quan trong triều và hội đồng hoàng gia thấy ông Hoàng Kế Viêm đỗ cử nhân, 23 tuổi, là người hiền đức, lại là con cụ Hoàng Kim Xán, nổi tiếng hiếu hạnh, có bài vị thờ tại miếu Hiền Lương, nên đồng thanh tiến cử làm phò mã và được chuẩn y (mặc dầu ông đã có vợ và có 1 con gái, đang sống cùng mẹ chồng tại làng Văn La, Quảng Bình). Đám cưới công chúa trước sau đủ 6 lễ rườm rà, mỗi lễ đều có lễ vật, tính chung gồm 2 mâm trầu cau, 2 trâu, 2 bò, 3 heo, 4 ché rượu, 2 cây gấm, 12 cây lụa, 10 nén vàng, 36 nén bạc và 2 chuỗi ngọc. Ngoài ra còn các thứ lặt vặt khác như 2 hộp chỉ ngũ sắc, 100 đồng tiền tượng trưng sự phú quí, 2 lá thiên tuế tượng trưng cho sống lâu, 2 con ngỗng thay cặp nhạn ở xứ ta không có (chim nhạn không lìa đôi).
Nghi lễ ấn định như thế, nhưng sau Bộ Binh và Bộ Lại tâu lên vua về gia cảnh nhà trai nên nhà vua chấp nhận mọi chuyện chi phí về hôn lễ sẽ do công bố đài thọ, (Phạm Thị Nhung, “Trầu cau trong đời sống văn hóa dân tộc”).
Vào năm 1846 đời Thiệu Trị, ông làm Lang trung Bộ Lại, đến thời Tự Đức ông được sung chức Án sát Ninh Bình (1852). Năm 1854, ông được thăng Bố chính Thanh Hóa, năm 1859 thăng Bố chính kiêm Tuần phủ Hưng Yên, năm 1863 Tổng đốc An Tịnh. Suốt thời gian đó, ông có công trị an, mở mang kinh tế, thủy lợi.
Năm cuối thập niên 1860, dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc là Ngô Côn chạy sang các tỉnh phía bắc Việt Nam, đầu tiên xin hàng sau đem quân đi cướp phá các nơi, quân nhà Nguyễn đánh mãi không được mà lại còn mất mát nhiều. Triều đình phải nhờ quân nhà Thanh phối hợp để tiễu trừ. Đến khi Ngô Côn bị giết, dư đảng là Hoàng Sùng Anh (hiệu Cờ Vàng), Lưu Vĩnh Phúc (hiệu Cờ Đen), Bàn Văn Nhị, Lương Văn Lợi (hiệu Cờ Trắng) vẫn quấy nhiễu ở vùng Tuyên Quang, Thái Nguyên. Đến khi đảng cướp Tô Tứ nổi lên cướp thành Lạng Sơn, bắt giết Tổng thống quân vụ Bắc Kỳ Đoàn Thọ thì vào năm 1870 Triều đình Huế đã phải phái Hoàng Kế Viêm ra làm Lạng-Bình-Ninh-Thái Thống đốc quân vụ đại thần, cùng với Tôn Thất Thuyết đi dẹp ở Bắc Kỳ. Đến tháng 4 năm 1871, VuaTự Đức lại sai Thượng thư Bộ Hình Lê Tuấn làm chức Khâm sai thị sự để cùng với Hoàng Kế Viêm lo việc đánh dẹp. Hoàng Kế Viêm vừa đánh vừa dụ hàng đã thu phục được Lưu Vĩnh Phúc (Cờ Đen) tại Lào Cai, rồi đánh tan giặc Cờ Trắng và Cờ Vàng. Sau đó Hoàng Sùng Anh đã bị quân Cờ Đen truy lùng và giết chết. Nhờ công lao này, Hoàng Kế Viêm được phong Đại học sĩ lãnh Tổng thống Tam Tuyên, sung Tiết chế quân vụ miền Bắc. Vì Bắc Kỳ nhiều giặc giã nên Triều đình đặt ra chức Tĩnh biên sứ để giữ các nơi. Năm Canh Thìn (1880), đặt ra Lạng Giang đạo do Tĩnh biên phó sứ Trương Quang Đản phụ trách và Đoan Hùng đạo do Tĩnh biên phó sứ Nguyễn Hữu Độ nắm. Hoàng Kế Viêm được phong Tĩnh biên sứ kiêm cả hai đạo.
Khi Pháp xâm chiếm Đại Nam (quốc hiệu nước ta từ 1839 đến 1945), Hoàng Kế Viêm đứng về phe chủ chiến. Năm 1873, đại úy hải quân Pháp Francis Garnier đem quân theo sông Hồng lên chiếm thành Hà Nội và sửa soạn đánh các tỉnh khác Triều đình đã cử Hoàng Kế Viêm Tiết chế quân vụ phòng thủ các nơi. Ông đã đem quân của mình và gọi thêm quân Cờ Đen đến phục kích ở Cầu Giấy và khiêu chiến với Garnier. Viên sĩ quan Pháp đem quân ra đánh liền bị giết chết ngày 21 tháng 11 năm 1873. Như vậy, vào lúc này quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc là phái thuộc của quân Hoàng Kế Viêm.
Xin được nói về Lưu Vĩnh Phúc và quân Cờ Đen.
Lưu Vĩnh Phúc (1837 - 1917), tự Uyên Đình, là một quân nhân Trung Quốc thời kỳ nhà Thanh. Ông có thể coi là Tổng thống thứ nhì và cũng là cuối cùng của Đài Loan Dân Chủ từ ngày 5 tháng 6 năm 1895 cho tới ngày 21 tháng 10 năm 1895. Ông sinh ra ở vùng cực tây nam tỉnh Quảng Đông (Khâm Châu, nay thuộc Quảng Tây), giáp giới với Việt Nam và gần biển, thuộc giống Hakka (còn gọi là người “Hẹ”, gọi theo âm Hán Việt là “Khách gia”, đó là lí do dân ta hay gọi người Tàu là “chú Khách”). Gia đình ông nghèo khổ, bản thân ông không biết chữ, cha mẹ chết không có áo quan chôn. Sống lang thang khắp nơi kiếm ăn, đến năm 21 tuổi, Lưu Vĩnh Phúc đến Nam Ninh xin làm thuộc hạ của Ngô Lăng Vân (tự xưng Ngô Vương), là dư đảng của Thái Bình Thiên Quốc. Sau khi Ngô Lăng Vân bị giết (1863), có thời gian Lưu Vĩnh Phúc đem bộ thuộc của mình đi cướp ở nhiều nơi, sau mới gia nhập trở lại với Ngô Côn, con trai và là người kế nghiệp Ngô Lăng Vân. Lưu Vĩnh Phúc xin với Ngô Côn cho tiến hành các cuộc viễn chinh đi cướp bóc bên Đại Nam, cũng là để tránh sức ép của nhà Thanh. Dẫn theo 200 thuộc hạ thân tín, dùng một lá cờ màu đen làm kỳ hiệu, năm 1865 Lưu Vĩnh Phúc vượt biên giới vào Đại Nam. Vừa đi vừa tuyển thêm quân từ các toán thổ phỉ khác, đến gần Sơn Tây quân Cờ Đen đã lên tới 500 người và dừng lại lập doanh trại. Xung đột vũ trang đã nổ ra, quân Cờ Đen đánh bại cuộc tấn công của thổ dân, đồng thời giết chết một thủ lĩnh người Mông. Thủ lĩnh này chống đối nhà Nguyễn, nên nhân cơ hội nhà Nguyễn ban cho Lưu Vĩnh Phúc chức vị Cửu phẩm bách hộ để tiếp tục công việc bình định vùng đó. Năm 1868 Lưu Vĩnh Phúc quay ra tranh giành ở Lào Cai, tức châu Bảo Thắng, món mồi béo bở đang nằm trong tay các thương gia Quảng Đông. Quân Cờ Đen tự tiện thu thuế, khai khoáng, cướp bóc khắp nơi, quan quân nhà Nguyễn không ngăn cản được. Biết được tin về những thắng lợi của Lưu Vĩnh Phúc, những toán quân còn lại của Ngô Lăng Vân theo Hoàng Sùng Anh (cháu Ngô Lăng Vân) lập thành quân Cờ Vàng, tràn qua biên giới chiếm Hà Giang. Quân Cờ Vàng đông hơn quân Cờ Đen gấp hai, ba lần. Nhưng Hà Giang không phải là nơi có nhiều lợi lộc như Lào Cai nên xung đột giữa Cờ Đen và Cờ Vàng bùng nổ. Năm 1869 quân Cờ Đen đánh tan quân Cờ Vàng tại Lào Cai, rồi truy quét Cờ Vàng đến tận Hà Giang. Quân Cờ Vàng phải tháo chạy khỏi Hà Giang nhưng rồi lại tiếp tục kiểm soát một vùng rộng lớn giữa Lào Cai và Sơn Tây. Đến năm 1875, quân Cờ Đen mở chiến dịch đánh chiếm Hà Giang, phối hợp với quân nhà Nguyễn của Hoàng Kế Viêm và cả quân nhà Thanh. Hoàng Sùng Anh bị truy đuổi, bị làm phản, bị bắt rồi bị giết. Do chiến thắng quân Cờ Vàng mà quân Cờ Đen của Lưu Vĩnh Phúc được chính quyền nhà Thanh bảo trợ. Nhà Nguyễn tuy sử dụng Lưu Vĩnh Phúc nhưng vẫn nghi ngờ về lòng trung thành nên vào năm 1873 Hoàng Tá Viêm xin phong cho Lưu chức Phòng ngự sứ mà Vua Tự Đức không đồng ý.
Về chuyện gốc tích của “cờ đen”, “cờ vàng” cũng xin đưa ra đây một ý sau:
Xin góp ý về chữ “đen” của “Cờ Đen”.
Lúc ấy trong dân gian có một bài hát:
“...知白, 守黑, 却成愚”.
“知其白, 守其黑” 出黃石公書, 老子道德經, 借用恰妙. 黃指黃佐炎, 白指大法, 黑指劉團.
“...Tri bạch thủ hắc khước thành ngu”. “Tri kỳ bạch, thủ kỳ hắc” xuất Hoàng Thạch Công thư, Lão Tử Đạo Đức kinh, tá dụng kháp diệu. Hoàng chỉ Hoàng Tá Viêm, Bạch chỉ đại Pháp, Hắc chỉ Lưu đoàn.” [Nghĩa là] “Câu ‘biết cái trắng, mà lấy cái đen’ ngụ ý khiêm nhường nhẫn nhịn, lấy ở sách Hoàng Thạch Công, Lão Tử Đạo Đức kinh, mượn dùng ở đây rất khéo. Chữ Hoàng chỉ Hoàng Tá Viêm, Bạch chỉ quân Pháp, Hắc chỉ dõng đoàn của họ Lưu.” (Giá Sơn Kiều Ánh Mậu, Bản triều nghịch liệt truyện)
Trận giết đại úy hải quân Francis Garnier diễn ra như sau:
Jean Dupuis, một thương gia Pháp đi ngược sông Hồng tìm đường giao thương lên Vân Nam, đã đạt được một số thỏa thuận với một viên tướng họ Mã ở Vân Nam để cung cấp vũ khí cho đội quân của ông ta. Theo đó Dupuis sẽ chở vũ khí, muối, gạo... theo sông Hồng vào Vân Nam, phía Trung Quốc sẽ nhượng cho Duipuis quyền lợi khai mỏ đồng mỏ thiếc ở Vân Nam. Việc này không được triều đình Đại Nam chấp thuận. Để giải quyết tranh chấp, chính quyền Pháp tại Nam Kỳ cử đại úy Francis Garnier ra Hà Nội, nhưng Garnier không những không làm trung gian đàm phán mà còn cùng với người của Dupuis (gồm cả quân Cờ Vàng) tấn công thành Hà Nội ngày 19 tháng 11 năm 1873. Tổng đốc Nguyễn Tri Phương bị thương nặng chết, xung đột tại Bắc kỳ bùng nổ. Tiếp theo đó Garnier cho quân bình định châu thổ sông Hồng. Trong 3 tuần, toàn bộ 4 tỉnh Hà Nội, Hải Dương, Ninh Bình, Nam Định với 2 triệu dân đã rơi vào tay quân Pháp với chỉ khoảng 180 người, do viên đại úy hải quân chưa tới 35 tuổi chỉ huy. Tại thành Ninh Bình 1.700 binh lính đã hạ vũ khí đầu hàng một toán quân Pháp chỉ có 7 người. Giữa tháng 12 Garnier đã quay lại Hà Nội điều hành công việc hành chính. Garnier tổ chức các đội dân quân ở những làng công giáo và tự chọn lựa quan lại. Triều đình nhà Nguyễn hết sức tức giận lệnh cho đoàn sứ Đại Nam đang ở Sài Gòn phản kháng hành động chiếm thành của Garnier, yêu cầu rút quân ra khỏi thành Hà Nội, đồng thời đưa 1.000 quân từ Huế và Nghệ An ra Bắc tăng cường chống trả. Triều đình lệnh đóng cọc xuống các lòng sông thông với sông Hồng để ngăn chặn tàu Pháp. Vua Tự Đức cũng sai người ra Hà Nội điều đình với Garnier. Ngoài ra triều đình phong cho phò mã Hoàng Kế Viêm làm Tiết chế Bắc kỳ quân vụ, chuẩn bị trả đũa. Hoàng Kế Viêm là chỉ huy cao cấp nhất tại Bắc Kỳ, cũng là cấp trên trực tiếp của Lưu Vĩnh Phúc, nên ông cho gọi Lưu Vĩnh Phúc từ Hưng Hóa về Sơn Tây làm tiền phong để đánh Pháp. Hoàng Kế Viêm biết quân Đại Nam đang hoang mang nên khích lệ quân Cờ Đen bằng cách hứa hẹn thưởng rất nhiều vàng cho mỗi tên Pháp bị giết, số lượng sẽ tăng lên theo cấp bậc của kẻ bị giết. Ngày 18 tháng 12 năm 1873 quân Cờ Đen về đến Hà Nội và lập trại cách chừng 10-12 dặm. Ngày 21, khi nghe tin quân Cờ Đen tiến về cửa tây thành Hà Nội Garnier lập tức lên mặt thành cho pháo khai hỏa. Sau nửa giờ, quân Đại Nam và quân Cờ Đen (khoảng 500-600 quân cùng voi chiến) phải rút chạy. Garnier lập tức tiến ra truy đuổi cùng với 18 lính Pháp và chừng một trung đội lính bản xứ, nhưng chưa đi khỏi thành bao xa thì pháo dã chiến bị sa lầy, Garnier bị một toán quân Cờ Đen mai phục xô ra đâm chết tại Ô Cầu Giấy. Cái chết của Garnier đã đặt dấu chấm hết cho cuộc xâm lược Bắc Kỳ lần thứ nhất của Pháp.
Garnier là người như thế nào? Marie Joseph François (Francis) Garnier (25.7.1835? – 21.12.1873) là một sĩ quan hải quân và đồng thời là một nhà thám hiểm, được biết đến vì cuộc thám hiểm sông Mê Kông tại khu vực Đông Nam Á cũng như vì chiến dịch quân sự tại Bắc Kỳ năm 1873. Năm 1943, Liên bang Đông Dương đã phát hành tem bưu chính để ghi công Garnier. Garnier đã viết nhiều cuốn sách trong thời gian ở Đông Dương như La Cochinchine (Nam Kỳ), De la colonisation de la Cochinchine (Về quá trình thực dân hóa Nam Kỳ). Tiếng tăm chủ yếu của Garnier là người châu Âu đầu tiên có ý tưởng thám hiểm sông Mê Kông, đồng thời là người thực hiện phần lớn công việc này. Sau khi tử nạn Garnier được đưa về Sài Gòn chôn cất năm 1875. Vào ngày 17.11.1973 nhân kỉ niệm 100 năm ngày mất, tàu vận tải hạng nhẹ mang tên Francis Garnier của Hải quân Pháp được hạ thủy để ghi công Garnier. Vào đêm 1.3.1983, thi hài Garnier được khai quật và đã được hỏa táng; các lọ đựng tro đã được bàn giao lại cho Tổng lãnh sự Pháp tại thành phố Hồ Chí Minh ngày 2.3.1983 và được chuyển về Pháp chôn cất tại Paris.
Hơn một tháng sau trận Cầu Giấy năm 1873, đại úy Philastre (một người học chữ Nho, công bằng và có thiện chí với phía Đại Nam) được cử ra giải quyết mọi sự vụ, và Philastre đã cho rút quân khỏi Hà Nội và trao trả Bắc Kỳ lại cho triều đình nhà Nguyễn. Sau chiến thắng đó Lưu Vĩnh Phúc được thăng Phó Lãnh binh dưới quyền Hoàng Tá Viêm. Các thuộc hạ quân Cờ Đen đều được thưởng quan tước và tiền bạc. Hoàng Tá Viêm sai Lưu Vĩnh Phúc đưa quân chặn miền thượng du, được triều đình cho quyền cai quản việc thông thương và thu thuế ở vùng sông Lô và sông Thao từ Tuyên Quang trở xuống. Tháng 10 năm Giáp Tuất (1874), theo lời xin của Hoàng Kế Viêm, Lưu Vĩnh Phúc được thăng chức quyền Tam Tuyên quân vụ đề đốc tước vị nam, kiêm coi các đạo và được sai phái đi đánh giặc Cờ Vàng. Khoảng 1881-1882, Lưu Vĩnh Phúc lần đầu tiên trở về thăm viếng quê nhà. Khi đi là một kẻ tội phạm bị truy nã, khi về được đón tiếp long trọng như một anh hùng, không những họ Lưu bây giờ là quan nhà Nguyễn mà còn mang phẩm hàm võ quan nhà Thanh. Sau đây là những chuyện liên quan đến Chiến thắng Cầu Giấy lần thứ hai với cái chết của đại tá hải quân Henri Rivière qua cuốn lịch sử bằng văn vần của học giả Hồ Đắc Duy - Đại Việt Sử Thi:
Sau khi chiếm được thành Hà Nội
Pháp bèn trao cho lũ tay sai
Tôn thất Bá được giao ngay
Nắm quyền sinh sát thay Tây điều hành

...

Rivière liệt kê mười khoản:
Buộc triều đình nhượng hẳn Hà Thành
Từ hành chánh đến việc binh
Độc quyền thu thuế thương thuyền bán buôn

Chính phủ Pháp nhận luôn bảo hộ
Trên toàn phần lãnh thổ Đại Nam
Trước nhiều đòi hỏi tham lam
Vô cùng láo xược của quân bạo tàn

Cả toàn dân một lòng thề quyết
Suốt ba miền không thể thờ ơ
Trước quân cướp nước côn đồ
Cần Vương tụ nghĩa phất cờ Văn Thân

Giặc đánh chiếm bất thần Nam Định
Cho pháo thuyền thôn tính Hòn Gay
Quan quân chiến đấu mấy ngày
Quần nhau với địch suốt ngày mới thua

Bắn gãy chân Carreau trung tá
Tấn công tàu đốt cháy Surprise
Quân ta chống trả gan lì
Dần dần hết đạn rút đi khỏi thành

Mưu lũ giặc gian manh xâm lược
Chúng cố tình cắt đứt ngoại giao
Lệnh cho Rheinart xuống tàu
Rời ngay khỏi Huế để vào trong Nam

Chúng cố làm tình hình căng thẳng
Để dễ bề điều động quân binh
Cho ngay tàu chiến vây quanh
Các đồn dọc biển án binh cắt đường

Quân Trung Quốc vội vàng phản ứng
Cho quân binh chận đứng âm mưu
Cùng ta ngăn chận kẻ thù
Muốn tràn chiếm lấy vùng bờ biển Đông

Hoàng Kế Viêm hợp cùng Vĩnh Phúc
Giữ các đồn khu vực Gia Lâm
Ngầm cho Quang Đản tấn công
Đánh cho Pháp rút về đồn thủy binh

Quân Cờ đen bất ngờ đánh Pháp
Nhắm chiến thuyền pháo tháp bắn sang
Lê dương, Tây tặc kinh hoàng
Làm tên đại tá vội vàng lui binh

Lấy trăm binh rời thành đánh đuổi
Quân Cờ đen rút khỏi rất nhanh
Lui về Cầu Giấy phục binh
Rivière quyết tự mình đuổi theo

Chân Cầu Giấy trời chiều lảng đảng
Vẫn im lìm hoang vắng thê lương
Phục binh nằm sẵn bên đường
Đột nhiên pháo lệnh nổ vang ngang đầu

Giặc tranh nhau tìm đường trốn thoát
Quân Nam Triều nhất loạt xông lên
Điểu thương súng đã nổ rền
Trơ vơ còn lại mấy tên cầm đầu

Rivière rướn cao lảo đảo
Một mũi gươm kết liễu cuộc đời
Nghĩa trang Montmartre ngậm ngùi
Hải quân đại tá thành người thiên thu.

Cụ thể, ngày 26.3.1882, Rivière rời Sài Gòn ra bắc cùng 230 lính trên 2 tàu chiến. Ngày 24 tháng 4, sau khi nhận được 250 quân Pháp từ miền Nam đến tiếp viện Rivière gửi tối hậu thư cho Tổng đốc Hoàng Diệu đòi giao nộp thành. Tổng đốc chưa trả lời thì pháo thuyền quân Pháp đã nổ súng bắn vào thành. Được pháo yểm trợ, quân Pháp ồ ạt tràn lên đánh. Tổng đốc Hoàng Diệu hạ lệnh liều chết cố thủ, nhưng chỉ sau hai tiếng giao tranh, thành Hà Nội lại một lần nữa rơi vào tay Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu thắt cổ tự tử. Quân Pháp chỉ có 4 người bị thương. Để đối phó lại quân Pháp, Hoàng Kế Viêm cho gọi Lưu Vĩnh Phúc từ Quảng Tây về bàn kế hoạch chống trả. Tuy nhiên Lưu Vĩnh Phúc phàn nàn về thái độ đãi ngộ cũng như đưa ra những yêu sách về cung cấp lương thảo và tiền bạc rồi từ chối phối hợp tác chiến. Tới tháng 2 năm 1883 sau khi nhận được 750 quân tăng viện từ Nam Kỳ, Rivière cho tiến quân chiếm cảng Hòn Gai và khu mỏ than. Trong thời gian đó, Hoàng Kế Viêm cũng cho tăng cường phòng thủ thành Nam Định để ngăn trở người Pháp, đồng thời tuyển mộ thêm 500 lính đánh thuê Trung Quốc để lấp vào chỗ trống của quân Lưu Vĩnh Phúc. Tới 27 tháng 3, Rivière cùng 800 quân, 8 pháo thuyền và một số tàu bè khác và một phân đội lính Nam Kỳ hỗ trợ đánh thành Nam Định. Quân Nam ngoan cường cố thủ, tuy nhiên đến trưa thì quân Pháp hạ được thành. Quân Pháp chỉ có 3 người bị thương, một người trong đó bị chết, nhưng cũng đủ làm Rivière nổi giận, hạ lệnh treo cổ tất cả 50 lính đánh thuê Trung Quốc rơi vào tay ông ta. Mất Nam Định, tình thế quân Hoàng Kế Viêm trở nên tuyệt vọng, thế nhưng tới tháng 4 Lưu Vĩnh Phúc đã quay trở lại đánh quân Pháp. Đồng thời, triều đình nhà Thanh cũng sai quân sang đóng ở Bắc Ninh và ở Sơn Tây, với quân của Bố chính Quảng Tây là Từ Diên Húc sang tiếp ứng. Quân Nam chuyển từ thế thủ sang thế công. Quân Cờ Đen tiến về đóng đại bản doanh ở phủ Hoài Đức, đồng thời Tổng đốc Bắc Ninh Trương Quang Đản đem binh về đóng ở Giốc Gạch, thuộc Gia Lâm chuẩn bị sang đánh Hà Nội. Để khiêu khích quân Pháp, Quân Cờ Đen đốt phá các khu giáo dân, lợi dụng đêm tối dùng pháo đặt trên lưng voi bắn vào Hà Nội. Ngày 10 tháng 5, gửi chiến thư thách Rivière ra đánh. Rivière trong khi đó ở Hà Nội đang tích cực chuẩn bị để đánh thành Sơn Tây, thấy quân Nam chuẩn bị tiến công, liền ra lệnh tiến quân đánh phủ Hoài Đức. Ngày 19 tháng 5, khi Rivière dẫn 500 quân ra đến Cầu Giấy thì quân Cờ Đen đổ ra từ khắp các làng xung quanh để cắt đứt hậu quân Pháp. Bị vây, quân Pháp co cụm lại, nên càng dễ bị bắn. Một khẩu pháo dã chiến của Pháp bị rơi vào tay quân Cờ Đen. Rivière dẫn một toán quân xông ra để chiếm lại khẩu pháo, trong lúc hỗn loạn bị trúng đạn ngã xuống. Quân Pháp mất chỉ huy, hoảng loạn rút chạy về Hà Nội. Ngoài Rivière, quân Pháp còn có 50 tên bị giết và 76 tên bị thương. Quân Cờ đen cắt đầu Rivière và những lính Pháp bị giết, bêu lên cọc. Xác Rivière bị chôn ở dưới đường, để người qua lại dẫm lên. Đến tháng 9 Giám mục Pugnier mới thu thập lại được hài cốt Rivière để đưa về Pháp chôn cất tại Nghĩa trang Montmartre ở Paris.
Tôi nghĩ chúng ta cũng cần biết Henri Laurent Rivière (12.7.1827 – 19.5.1883) là một sĩ quan hải quân nhưng cũng là một nhà văn. Rivière còn là một nhà báo cho La Liberté cũng như viết bài cho Revue des deux mondes. Như thế chúng ta thấy Garnier và Rivière là những nhân vật đa năng, đa diện và quan trọng như thế nào đối với người Pháp.
Được tin Rivière chết, Thống đốc Thomson ở Sài Gòn liền điện về cho chính phủ Pháp. Lúc bấy giờ Hạ viện Pháp còn đang do dự về việc đánh Bắc Kỳ, khi tiếp được điện báo ở Sài Gòn liền thuận cho chính phủ chi ra 5 triệu rưỡi franc. Thiếu tướng lục quân Bouet ở Nam Kỳ được phái ra làm Thống đốc quân vụ Bắc Kỳ, Thiếu tướng hải quân Courbet được lệnh đem một đội chiến thuyền sang tiếp ứng, Harmand là sứ thần Pháp ở Xiêm được cử ra làm toàn quyền. Ngày mồng 3 tháng 5, thiếu tướng Bouet đem 200 lính Pháp, 300 lính tập đến Hải Phòng và ngay tức khắc chuẩn bị phòng ngự ở Hà Nội và Nam Định, đồng thời cho Georges Vlavianos, người theo Dupuis ngày trước, được phép mộ lính Cờ Vàng làm tiền quân. Chiến tranh Pháp-Thanh bắt đầu. Trong khi tại Bắc Kỳ các quan lại Việt Nam lúng túng chưa biết đối phó với Pháp bằng cách nào, thì tình hình tại triều đình Trung Hoa rất náo động. Nhà Thanh, đặc biệt là chính quyền Lưỡng Quảng, hết sức lo ngại trước tình hình quân Pháp đánh chiếm Hà Nội, gián tiếp uy hiếp an ninh biên thùy Trung Quốc. Lấy cớ tiễu phỉ, quân đội Vân Nam và Lưỡng Quảng được điều động tiến sát về biên giới, sẵn sàng tiến sang Bắc Kỳ. Người Pháp cũng lo ngại việc nhà Thanh định can thiệp vào cuộc chinh phục Bắc Kỳ, đặc biệt là sự di chuyển binh lính đến sát biên giới. Đại sứ Pháp Bourée tại Trung Hoa tiến hành một cuộc gặp mặt với Phó vương Trực Lệ (Bắc Kinh) Lý Hồng Chương, hai bên tính đến khả năng đặt vùng Lào Cai về tay nhà Thanh để lập một trạm thuế quan, cũng như thiết lập một đường phân giới dọc theo sông Hồng, theo đó phần phía bắc sẽ do nhà Thanh quản lý, phần phía nam thuộc về Pháp. Tuy nhiên chính phủ của Thủ tướng Jules Ferry không đồng ý phê chuẩn hiệp nghị này và triệu hồi Đại sứ Bourée về nước.
Lưu Vĩnh Phúc tham gia phòng thủ Hưng Hóa, đánh nhau với quân Pháp ở Lạng Sơn và bao vây một tiểu đoàn quân Pháp ở Tuyên Quang. Sau khi chiến tranh Pháp-Thanh (1884-1885) tại miền bắc kết thúc Lưu Vĩnh Phúc phụng mệnh Vua Quang Tự trở về Trung Quốc, bị ép phải giải tán quân Cờ Đen. Họ Lưu được giao làm Tổng binh tại Quảng Châu. Tại đây họ Lưu thường cùng Hoàng Phi Hồng tập luyện võ thuật.
Phần cuối đời của Lưu Vĩnh Phúc cũng thật là đầy biến động. Năm 1894, khi xảy ra cuộc chiến tranh Trung-Nhật lần thứ nhất họ Lưu được nhà Thanh phái tới Đài Loan làm Tổng binh. Năm 1895, sau Hòa ước Mã Quan thì dân Đài Loan không cam chịu sự thống trị của người Nhật đã tổ chức kháng chiến và thành lập ra nhà nước Đài Loan Dân Chủ, Lưu Vĩnh Phúc nhậm chức Đại tướng quân. Sau đó lực lượng của họ Lưu bị vây hãm tại Đài Bắc nhưng kiên trì kháng cự, dẫn tới chiến tranh Ất Mùi (1895). Tổng thống Đài Loan Dân Chủ là Đường Cảnh Tung cùng Thống lĩnh Khâu Phùng Giáp bỏ trốn tới Hạ Môn để vào đại lục. Lưu Vĩnh Phúc tái lập nhà nước Đài Loan Dân Chủ, dân chúng Đài Loan yêu cầu con dấu tổng thống giao lại cho Lưu Vĩnh Phúc, nhưng Lưu Vĩnh Phúc không nhận chỉ xưng là Bang biện, nhưng vẫn có thể coi là người lãnh đạo cao nhất. Người Đài Nam thành lập nghị hội, phát hành tiền tệ, dự trù quân lương. Sau nhiều nỗ lực không thành, quân Đài Nam bị quân Nhật bao vây, ngày 21.10.1895, Lưu Vĩnh Phúc phải cải trang để bỏ trốn từ An Bình vào Hoa lục. Đài Loan không còn người chỉ huy, buộc phải đàm phán hòa bình với quân đội Nhật. Năm Quang Tự thứ 28 (1902), Lưu Vĩnh Phúc nhậm chức Tứ thạch trấn tổng binh tại Quảng Đông. Sau cách mạng Tân Hợi (1911), giữ chức Tổng trưởng dân đoàn Quảng Đông. Năm 1915, chính quyền Nhật Bản yêu cầu Viên Thế Khải chấp nhận hai mươi mốt yêu sách, Lưu Vĩnh Phúc là một trong những người chủ chiến. Nhưng đến tháng 1 năm 1917, họ Lưu mắc bệnh mà chết.
Đương thời, quân Cờ Đen tuy đánh được Pháp một số trận, nhưng cũng nhũng nhiễu tàn hại dân. Tuy lập công lớn trong các chiến thắng ở Ô Cầu Giấy nhưng thực chất quân Cờ Đen là lính đánh thuê dưới quyền bài binh bố trận của Hoàng Kế Viêm vậy. Vai trò của quân Cờ Đen được ghi nhận trong lịch sử cũng là để phản ánh một sự thật đau lòng: quân lính nhà Nguyễn vô cùng bạc nhược trước quân Pháp, nếu nước Nam không có dũng khí và tài thao lược của Hoàng Kế Viêm thì Bắc Kỳ đã vào tay quân Pháp ngay từ ngày đầu. Không những giữ được Bắc Kỳ một thời gian dài mà Hoàng Kế Viêm còn làm sáng tỏ cái hào khí oanh liệt bất khuất của dân tộc. 
Tác giả Đặng Thân 

Sưu tầm.

Không có nhận xét nào: