Bảo tàng tỉnh Hà Giang hiện đang trưng bày một chiếc
cột đá khổng lồ, 2 người ôm không xuể. Cạnh đó, có dòng chữ được khắc
với nội dung: "Tương truyền rằng khoảng thế kỷ thứ XVIII (cách nay hơn
200 năm), tại Đường Thượng, huyện Yên Minh, có một thổ ty phong kiến
người Mông tên là Sùng Chúa Đà khét tiếng tàn ác - đã sử dụng cột đá này
để trừng trị những người vi phạm luật lệ do hắn đặt ra". Những câu chuyện về cột đá bí ẩn và tên chúa đất khét
tiếng đến nay vẫn chỉ là "tương truyền" sau nhiều nỗ lực tìm kiếm tài
liệu của cán bộ văn hóa tỉnh Hà Giang...
Anh Vũ Văn Hợp, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Hà Giang là
người nhiều năm lặn lội đi sưu tầm tài liệu về cột đá treo người. Ông
vừa tìm thấy một tài liệu ở Trung tâm lưu trữ số 1 của Trung tá Biofacy,
chỉ huy đạo quân binh thứ 3 về chuyến đi trong các vùng Đại Miên, Tiên
Miên, Yên Minh, Đường Thượng… Trong các tài liệu nghiên cứu của viên
trung tá này về mảnh đất Đường Thượng, không nhắc đến cột đá treo người.
Nhưng Biofacy kể về một ông vua có tên là Sùng Chúa Đà xưng vương ở
mảnh đất đó, trùng khớp với những câu chuyện truyền miệng của người dân
về vị vua này.
"Vua mèo từ 1863 đã xây dựng ở đầu thung lũng Khuây Bóc
một trại tị nạn bao quanh tường bảo vệ bằng đá khô, ở phía đáy nó bịt
thung lũng bằng một bức tường rất lớn hình thành bằng những vật liệu
bằng đá, với các lỗ cửa như là lỗ châu mai và cuối cùng là nó dẫn từ đáy
thung lũng đến đèo Pia Nan. Tên này tự xưng là Vua Mèo và đi cướp phá,
đốt cháy Mương Cha, nơi chúng đã sát hại hàng chục người Tày". Có lẽ đây
cũng là những tư liệu đầu tiên sau nhiều nỗ lực tìm kiếm của cán bộ bảo
tàng Hà Giang về Sùng Chúa Đà. Nhưng rất tiếc, không có dòng nào về cột
đá treo người.
Ông Vũ Văn Hợp đang kể cho chúng tôi về cột đá treo người. |
Anh Vũ Văn Hợp cùng các cộng sự đã lên tận vùng Đường
Thượng xa xôi để đưa cột đá về Bảo tàng. Anh kể: "Khi chúng tôi đến, cột
đá nằm ngả nghiêng ở dưới ruộng ngô, các bệ đá của nó cũng đã bị đập
vỡ. Nhiều người dân trong làng tưởng trong cột đá có vàng đã dùng búa
đập vỡ". Cột cao khoảng 1m9, nặng hàng tấn nên việc vận chuyển từ Đường
Thượng rất khó khăn. Anh Hợp hào hứng kể: "Khi chúng tôi khảo sát hiện
trường, nhận thấy, những dấu tích để lại được làm bằng đá và đục đẽo hết
sức công phu. Có những đường nét, hoa văn rất tinh xảo. Gần vị trí đặt
cột đá, còn phát hiện một khối đá hình trụ, còn giữ nguyên vị trí thẳng
đứng.
Nhìn bề ngoài, giống y hình thù bộ phận sinh dục của
người đàn ông. Người dân bản xứ lý giải rằng, Sùng Chúa Đà vốn là người
mắc bệnh "yếu sinh lý" nên hắn có lòng ghen tuông đến mù quáng. Người
nào chỉ nhìn vợ hắn thôi cũng đã bị trị tội rồi". Căn cứ vào những lý
giải về hiện vật còn để lại và những lời kể, anh Hợp và các cộng sự của
anh đều có lý do để tin rằng chiếc "cột đá treo người" ấy là một công cụ
tra tấn, hành quyết người mà hình như trong lịch sử chưa bao giờ thấy
nhắc đến. Thế nên, quyết định đưa bằng được cột đá về Bảo tàng, bởi
những người làm công tác nghiên cứu cho rằng, đó là một nhân chứng của
lịch sử.
"Đường lên Đường Thượng cheo leo và vô cùng hiểm trở.
Chúng tôi dùng xe tải, mang theo hai khối cát, hệ thống dây và chống cố
định cột đá vào chính giữa. Phải nhờ phương tiện của mấy anh điện lực,
kéo lê từng mét một, mất mấy ngày trời mới cẩu được cột đá ra đường ôtô.
Xe cũng phải nhích từng mét chứ chênh vênh như đi trên vực thẳm ở Đường
Thượng, chỉ cần sơ sểnh một tí là rơi xuống vực".
Có rất nhiều huyền thoại về cột đá bí ẩn đã được truyền
tụng trong dân gian. Người cho đó là nhân chứng tội ác, người cho là
chứng tích của những đòn ghen tàn bạo của tên chúa đất. Nhưng cho đến
này, vẫn chưa có một tài liệu nào xác thực về nó. Theo chỉ dẫn của anh
Hợp, tôi đã tìm đến nhà ông Hùng Đình Quý, nguyên Giám đốc Bảo tàng tỉnh
Hà Giang, người thuộc nằm lòng câu chuyện bí ẩn về cột đá từ những ngày
còn nhỏ.
Nhiều năm làm quản lý văn hóa ông vẫn trăn trở một điều
chưa đưa được cột đá về Bảo tàng. Mãi đến năm 2006, vì không có điều
kiện bảo quản, người dân Đường Thượng cũng không thấy được giá trị của
nó nên để lăn lóc, anh em bảo tàng mới có cơ hội mang về. Mắt lim dim
hồi tưởng lại những ký ức xa xưa, ông Quý kể: “Ông cụ tôi xưa cũng từng
làm quan cho Pháp, bạn bè tứ chiếng. Tôi ngồi đốt đèn bàn hầu thuốc
phiện cho các cụ, nên nghe được câu chuyện bí ẩn này.
Ông Hùng Đình Quý đang kể chuyện về cột đá
|
Tên thực của chúa đất Đường Thượng là Sùng Chứ Đà, về
sau khi được tôn lên làm vua, người ta đọc chệch thành Sùng Chúa Đà.
Nhiều tài liệu của Pháp còn ghi lại đó là một tên phù thủy người Mông.
Lúc đi làm nương, nghỉ bên một khe đá rộng khoảng 4-5m gì đó, người dân
túm tụm thách đố nhau: "Ai mà nhảy qua được bờ bên kia sẽ tôn người đó
lên làm vua". Tên Chứ Đà bảo, thật không, bà con làm nông vui vẻ xác
nhận. Hắn vươn mình lấy đà nhảy tót sang bờ bên kia. Dân hào hứng tung
hô lên: "đây là vua của vùng này."
Sau khi được tôn lên làm vua, hắn dở những trò phù
phép, khiến dân làng càng ngày càng tin Sùng Chúa Đà có phép thuật, và
quyền năng. Dân tình các vùng lân cận biết tiếng, mò đến, hắn làm trò.
Hắn hút thuốc, lấy khẩu súng kíp, nổ bộp một cái vào đầu thuốc. Những
người bình thường thấy thế làm kinh hãi. Tiếng lành đồn xa, nên dân làng
ngày càng tin ông này có tài, nên càng tôn sùng Chúa Đà. Sau này, ông
ta lấy một cô vợ người Phó Cáo, họ Thào, tức là họ Đào. Ông này quản lý
vợ rất chặt, nhưng cô vợ sống tự do quen rồi. Một hôm ông này ngủ say,
vợ dậy sớm đi chợ Yên Minh, khi dậy lính tráng bảo bà đi chợ rồi. Ông ta
bực lắm, vác dao ra đèo Yên Minh, chờ vợ về và chém đứt đôi bà vì ghen
tuông".
Ông Quý trầm ngâm khi kể về cột đá: "Khi được suy tôn
lên làm chúa, ông bắt dân tình đục đẽo cột đá treo người này để trừng
phạt những đôi trai gái hủ hóa với nhau, hay những tên trộm cướp trong
làng. Chả cần đánh, chỉ cần thò hai tay vào hai lỗ đá, không cho ăn uống
cho đến chết gục rã rời thân xác. Tảng đá này là dụng cụ trị dân. Nó là
phương tiện thực thi tội ác của Sùng Chứ Đà.
Những đòn ghen tàn bạo
Nhưng theo lời kể của ông Vú Mí Kẻ, nguyên phó Chủ tịch
UBND tỉnh Hà Giang, người từng gắn bó với mảnh đất Đường Thượng từ ngày
ông còn trẻ măng, thì cột đá treo người là câu chuyện về những đòn ghen
tàn bạo của tên chúa đất. "Ở vùng đất này uy thế của Sùng Chúa Đà rất
mạnh, nó kiêu căng tàn bạo khét tiếng. Hễ nghe tin ở đâu có con gái đẹp,
nó liền "bắt" về làm vợ. Nhưng tôi nghe kể rằng, nó lấy nhiều vợ rồi để
đấy cho vui, chứ không có dục vọng đàn ông...
Trong số 9 bà vợ nó đã bắt được, có cô vợ thứ 3 là con
gái của một Tổng giáp họ Đò (một dòng họ lớn ở Quản Bạ thời bấy giờ).
Trong một lần đi uống rượu, Chúa Đà hay tin cô vợ 3 của nó đã trốn về
thăm nhà, nó bèn phi ngựa đuổi theo. Được một đoạn thì gặp vợ giữa
đường. Nó nghi ngờ vợ yêu con trai làng, nên mới bỏ nó mà đi, nên đã
nghĩ ra cách trừng trị vợ bằng cách cho nô dịch đẽo cái cột đá ấy để
hành hạ vợ bằng cách treo lên cùng người thanh niên nghi là tình địch
cho bõ tức".
Về sau, hắn dùng chính cột đá này để trừng phạt những
đôi trai gái yêu nhau mà hắn cảm thấy tức mắt. Vì nghĩ rằng, không được
ai yêu quý nên nghe tiếng kèn tỏ tình ở đâu là hắn sai quân lính đi bắt
những đôi trai gái yêu nhau về treo lên cột đá. Căm giận ngút trời ở
làng Đường Thượng ngày đó.
Vì độc ác và ra tay dã man như vậy, nên hắn đã bị trừng
phạt. Theo lời kể của ông Hùng Đình Quý, khi cô con gái của họ bị Sùng
Chúa Đà chém chết, ông bà ngoại giấu đi nỗi đau đớn, từ Phó Cáo xuống,
bảo sẽ gả cô em gái kế cho Sùng Chúa Đà. Ông bà thuyết phục hắn thuê
người Hán xuống làm cỗ cưới. Ngày lành tháng tốt, ông bà cùng một đoàn
người Hán, người vác dao, người vác kiếm, lũ lượt kéo đến dinh cơ của
Sùng Chúa Đà. Lính tráng thấy lạ, báo cho Chúa Đà, nhưng ông ta chủ quan
bảo, đoàn người đến làm đám mà. Đến khi đoàn người này vác dao búa vào
trong dinh, và hô chém giết thì ông này trở tay không kịp. Chúa Đà, đám
người làm và dinh thự của hắn chìm trong biển lửa".
Ngày nay lên Đường Thượng, vẫn còn dấu tích của các
hàng rào đá về dinh thự của Sùng Chúa Đà. Người dân Đường Thượng thế hệ
này qua thế hệ khác, đêm đêm bên bếp lửa vẫn truyền miệng nhau huyền
thoại về tên vua độc ác, chứng tích của một thời kỳ lầm than của người
dân nơi đây. Còn những người làm công tác văn hóa ở Hà Giang, vẫn đang
nỗ lực tìm kiếm những cứ liệu lịch sử, hay những tài liệu điền dã để có
thể xóa đi hai chữ "Tương truyền" trong bảng ghi chú về cột đá treo
người ở Bảo tàng. Bởi đó là một nhân chứng bí ẩn và lạ kỳ về tội ác của
quá khứ.
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét