Khi nhờ thợ khoan cắt bê tông mở được nắp quan tài,
ai nấy đều hãi hùng, tái mặt khi thấy bên trong là một thiếu nữ đang
nằm ngủ, mái tóc xõa dài, cơ thể được bó bằng 5 lớp vải trắng toát, buộc
rất chặt, thắt nơ hoa. Những tấm vải lụa còn mới, chưa mục nát. Khoảng
nửa tiếng sau, lớp da chuyển sang màu thâm, phần da ở cổ phù ủng...
Cận cảnh xác ướp khai quật ở Ninh Hiệp. Nhìn
người trong quan tài, ai cũng đoán khoảng 20 tuổi chứ không phải người
già chết. Trong quan tài có một vài thứ như túi đựng trầu cau, chiếc
quạt, đôi hài, bím tóc, một túi vải như túi giấy bùa. Quan tài khô ráo,
dưới đáy là gạo rang, vỏ trấu và than củi. Từ ngôi mộ xộc ra mùi hắc,
sau nhiều ngày chưa hết, người dân đoán đây là chất ướp xác. Gia đình anh Trung phải đi mua cỗ áo quan để đặt “xác ướp”.
Bà Lộc, người tự
nguyện trông nom ngôi mộ ở Ninh Hiệp đã gặp nhà ngoại cảm Nguyễn Văn
Liên ở Hải Dương hỏi thông tin về ngôi mộ. Ông Liên khẳng định, người
nằm trong ngôi mộ là công chúa Lê Thị Mai Hoa đời nhà Lê, hiệu diệu Thái
Thành công chúa, mất ngày 16 tháng 3 năm Thìn. Bà Lộc cho biết, sau ông
Liên, 7 nhà nghiên cứu và ngoại cảm khác cũng khẳng định người nằm dưới
mộ là công chúa Lê Thị Mai Hoa.
Cùng với sự xuất
hiện của ngôi mộ cổ có xác ướp, nhiều câu chuyện ly kỳ được kể lại như:
chuyện cây khế sai quả tỏa bóng mát, che cho ngôi nhà của công chúa,
hoặc 12 tiểu sành chứa xương cốt người hầu của công chúa... Sau khi khai
quật, người dân cũng đồn thổi, vợ anh Nguyễn Như Trung bị ốm đau bệnh
tật suốt nhiều tháng trời, có người ăn trộm tấm ván mang đi bán rồi chết
trẻ... Người dân ở đây đã xây mộ, thờ cúng dù chưa có sự công nhận
chính thức nào.
Trong khi đó, nhà sử
học Đặng Hùng cho biết: “Tôi đã nghiên cứu các tài liệu, song không
phát hiện bất cứ cô công chúa thời Hậu Lê nào có tên là Lê Thị Mai Hoa,
hiệu diệu Thái Thành công chúa, chết năm 20 tuổi”. Chủ tịch xã Ninh Hiệp
Nguyễn Bá Khánh cũng cho biết: “Người nằm trong mộ có phải công chúa
Mai Hoa hay không, thì tôi không dám chắc, vì chưa có cơ sở khoa học”.
Phát hiện mộ cổ công chúa Lý Kiều Oanh?
Vừa qua, khi gia
đình anh Phạm Văn Nam, ở tiểu khu 6, phường Hải Thành, TP Đồng Hới,
Quảng Bình trong lúc đào móng xây dựng nhà đã phát hiện một ngôi mộ cổ. Ngôi mộ
được xây bằng gạch, tường rào hình chữ nhật và có tấm bia đá khắc 5 chữ
Hán cổ, được dịch là “Lý Kiều Oanh công chúa” và một số mảnh gốm thuộc
thời Minh (thế kỷ XIV – XV). Theo nhận định của các chuyên gia về sử học
thì rất có thể đây là mộ của công chúa Lý Kiều Oanh.
Các chuyên gia và
nhà nghiên cứu sử học cho rằng, chủ nhân ngôi mộ trên có liên quan đến
nhân vật lịch sử Hồ Cưỡng - vị tướng vào cuối đời Trần, người được coi
là vị Tổ đã có công sơ khai lập ấp ở vùng Nhân Trạch, huyện Bố Trạch,
Quảng Bình. Ông cũng là vị tướng đã chống giặc nơi đây, tiêu biểu như
trận đánh ở cửa sông Nhật Lệ, ở hồ Bàu Tró...
Ngôi mộ cổ được cho là mộ của "Lý Kiều Oanh Công chúa" được phát hiện dưới móng nhà anh Phạm Văn Nam |
Tuy nhiên, theo tiến
sĩ Hán Nôm học Mai Hồng - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng
Phật học Việt Nam thì “công chúa” là một hàm tước thời ấy được vua ban
chứ không hẳn là con của vua. Còn ông Trần Anh Tuấn - Giám đốc Bảo tàng
Quảng Bình lại phân tích, đây có lẽ là một sự nhầm lẫn nào đó chứ ngôi
mộ của “công chúa” không thể táng một cách đơn giản như vậy được. Ông
Tuấn đã theo dõi rất kỹ việc khai quật này và khẳng định đây là một ngôi
mộ rất bình thường, phía trên lát gạch và các bên là vôi vữa.
“Mộ” công chúa Ngọc Hân ở Hà Nội
Từ lâu, trong dân gian vẫn lưu truyền sự tích đền Ghềnh
gắn với số phận bi thương của công chúa Ngọc Hân. 16 tuổi, công chúa Lê
Ngọc Hân, con gái của vua Lê Hiển Tông và Từ cung Nguyễn Thị Huyền kết
duyên với Nguyễn Huệ, người anh hùng áo vải ngay tại kinh thành Thăng
Long năm Bính Ngọ (ngày 11/7/1786).
Ngọc Hân lên ngôi
Bắc cung Hoàng hậu ở Phú Xuân (1789) nhưng chỉ hai năm sau, vua Quang
Trung đột ngột ra đi, để lại cho Ngọc Hân bao nỗi xót xa đau đớn, cơ hàn
vì sự trả thù của Nguyễn Ánh. Bà ở góa tám năm nuôi hai con nhỏ là
Nguyễn Văn Ðức, Nguyễn Thị Ngọc và mất ngày 8 tháng 11 năm Kỷ Tỵ
(4/12/1799) ở tuổi 29.
Năm 1804, bà Nguyễn
Thị Huyền đã lặn lội vào tận Phú Xuân, tìm cách đưa hài cốt Ngọc Hân về
an táng ở quê bà - làng Nành, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh (nay thuộc Ninh
Hiệp, Gia Lâm, Hà Nội) ngày 16/7/1804 tại bãi Cây Ðại đầu làng rồi lập
miếu thờ.
Cổng đền Ghềnh |
Ðến đời Thiệu Trị,
vua coi việc lập miếu thờ vợ Quang Trung là một trọng tội nên đã lệnh
cho quan quân địa phương khai quật mộ mẹ con Ngọc Hân đổ hài cốt xuống
sông. Vì sông Nguyệt Ðức gần làng, họ phải đem hài cốt mẹ con Ngọc Hân
đổ xuống sông Hồng, cách xa làng Nành. Ðó là quãng sông thuộc địa phận
làng Ái Mộ.
Thương xót Bắc cung
Hoàng hậu tài hoa bạc mệnh, nhân dân Ái Mộ lập miếu thờ bà chính nơi bờ
sông vớt được hài cốt. Dòng sông bên lở, bên bồi; ít lâu sau, ngôi miếu
nhỏ cũng bị lũ cuốn trôi. Cho đến năm 1858, cụ Ðặng Thị Bản vốn là người
nhân từ đã hằng tâm công đức để tôn tạo đền chùa ở Ái Mộ, Lâm Du, Phú.
Cụ quyên tiền khách thập phương và đứng ra xây lại ngôi đền. Ðể bảo vệ
đền, không cho quan quân nhà Nguyễn đập phá, nhân dân dùng hình thức
"thờ các chư vị", nhưng thực ra là thờ Ngọc Hân.
Năm 1872, đền lại bị
giặc Pháp đốt sạch trong cơn binh lửa đánh Thành Hà Nội. Thêm một lần
nữa, cụ Ðặng Thị Bản lại đi quyên góp xây lại đền khang trang hơn trước.
Đó là ngôi đền Ghềnh, thuộc thôn Ái Mộ, phường Bồ Ðề, quận Long Biên,
bên cầu Chương Dương. Như vậy, trải qua bao thăng trầm, đền Ghềnh vẫn
được con cháu cụ Ðặng Thị Bản trông nom và dân làng gìn giữ đến ngày
nay.
Sưu tầm.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét