Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Những khám phá bí ẩn về cột đá chùa Dạm ở Bắc Ninh

Chùa Dạm - Cảnh Long Đồng Khánh

Chùa Dạm, tên chữ là Cảnh Long Đồng Khánh tự hay Đại Lãm Tự là ngôi chùa cổ ngàn năm tuổi nằm ven sườn phía nam núi Đại Lãm (xã Nam Sơn, thành phố Bắc Ninh). Dù trải bao biến cố thời gian, chùa vẫn giữ được những vết tích gợi nhắc về một công trình kiến trúc từng được mệnh danh là đại danh lam thắng cảnh thời nhà Lý.  Bất cứ ai lần đầu đến thăm chùa Dạm chắc hẳn đều không khỏi ngỡ ngàng trước cảnh sắc tuyệt đẹp ở đây. Từ chân núi dẫn lên chùa là con đường sỏi đá quanh co, một bên cây cối xanh tốt um tùm, một bên đồng rộng, sông nước mênh mông hút tầm mắt. Không gian tĩnh mịch tách biệt với những xô bồ, náo nhiệt của cuộc sống. Ngôi chùa ở lưng chừng núi giữa thiên nhiên, đất trời khoáng đạt. Dù chỉ còn lại nền móng xưa cũ nhưng mỗi bậc đá rêu phong, mỗi nét chạm trổ hoa văn tinh tế đều như mở ra những giả thiết kiến trúc và cả những huyền tích gắn liền với đất và người nơi đây.
Ngôi chùa nhỏ được người dân dựng trên nền thờ cũ
Theo sử liệu thì chùa được Hoàng Thái Hậu Ỷ Lan và vua Lý Nhân Tông cho xây dựng vào năm 1086, đến năm 1094 thì hoàn thành. Chùa nằm trong quần thể 2 mẫu Bắc Bộ với 4 tầng cấp cao dần bám theo độ cao của sườn núi. Các tầng cấp đều có nhiều công trình kiến trúc khác nhau, trong đó chùa ở vị trí trung tâm. Đường nối mỗi cấp gồm 25 bậc đá đẽo gọt vuông vắn và đều được đắp kè đá chống xói lở. Điểm nhấn kiến trúc của quần thể chùa chính là 3 cây tháp đá, có tháp xây dựng 5 năm 6 tháng mới hoàn thành. Chùa ban đầu có kết cấu 12 tòa nhà (hay còn gọi là thập nhị lâu đài). Đến thời Lê Trung Hưng, chùa được tôn tạo lại với quy mô lên tới hơn 100 gian. Sự bề thế của chùa đến nay vẫn còn được dân gian lưu truyền qua bài vè: “Mười năm trăng náu/Mười sáu trăng treo/Mười bảy phẩy giường chiếu/Mười tám đóng cửa chùa Dạm”.
Giếng cổ phía sau chùa gắn liền với tích bà Tấm
  Trải qua biết bao biến cố thăng trầm của hơn 1.000 năm lịch sử, phần lớn các công trình kiến trúc ở chùa Dạm đã bị tàn phá nhưng những dấu tích còn lại vẫn đủ để gợi nhắc về vẻ đẹp mỹ lệ của ngôi chùa từng được ca tụng là đại danh lam thắng cảnh thời Lý. Trong đó, nguyên vẹn nhất phải kể đến cây cột đá chạm rồng uy nghi án ngữ ngay phía trước khu vực cổng chùa. Theo đo đạc cho thấy không tính phần chôn sâu dưới đất thì cột đá cao gần 5m. Cấu trúc điêu khắc được chia làm 2 phần: Phần dưới hình vuông, phần trên hình tròn. Khối hộp vuông ở dưới có tiết diện 1 cạnh 1,4m và một cạnh 1,6m. Phần tròn trên thu nhỏ hơn một chút nhưng đường kính cũng lên tới 1,3m. Kiểu kiến trúc này biểu trưng cho quan niệm trời tròn đất vuông. Điểm nhấn của cây cột đá là phần điêu khắc rồng theo phong cách mỹ thuật thời Lý. Đôi rồng được chạm khắc chi tiết, tỉ mỉ với 5 móng sắc nhọn, bờm thành búi, thân giống rắn quấn chặt cột đá, đuôi ngoắc vào nhau, miệng ngậm ngọc, đầu vươn cao chầu mặt trời uy nghi, sinh động. Các nhà sử học đánh giá cây cột đá này là công trình kiến trúc đặc sắc bậc nhất thời Lý còn lưu truyền lại cho hậu thế. Trải bao mưa nắng và sự tàn phá trong chiến tranh, cây cột vẫn đứng và những bí ẩn xung quanh cây cột đá chùa Dạm đã khiến biết bao nhà nghiên cứu phải lao tâm khổ tứ với muôn vàn giả thiết khác nhau. Tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có giả thiết nào đủ thuyết phục để giải mã công trình điêu khắc độc nhất vô nhị này.
Để tìm hiểu hướng phục dựng chùa Dạm, cuối năm 2011, tỉnh Bắc Ninh đã mời các chuyên gia tiến hành khai quật khảo cổ trên toàn bộ khuôn viên chùa với diện tích hơn 300 m2. Qua quá trình khai quật phát hiện chùa vẫn còn lưu giữ được nhiều dấu tích có giá trị lịch sử cao như những bức tường kè đá khổng lồ được xếp bởi hàng nghìn phiến đá cắt gọt cẩn thận; các tầng cấp nền móng và hệ thống trụ sỏi lớn đường kính trên 1m. Số trụ sỏi tìm thấy còn khá nguyên vẹn, có nét tương đồng với trụ sỏi ở Hoàng Thành Thăng Long. Bên cạnh đó, hàng loạt di vật được tìm thấy ở đây cũng thể hiện rõ dấu ấn nghệ thuật thời Lý. Tiêu biểu là những hình đầu rồng nhỏ, gạch ngói khắc hình rồng phượng, sen dây, cúc dây hay những chân cột đá chạm nổi hình cánh sen…
Gần đây nhất, qua khai quật mô đất đối diện với khu vực cột đá đã phát lộ dấu tích của một tháp đá lớn. Bình đồ tháp vuông, mỗi cạnh rộng 8,4m. Các họa tiết trang trí ở chân tháp đều là hoa văn thời Lý. Theo tính toán, tháp đá này có thể cao từ 25 đến 30m, hoàn toàn tương xứng với những ghi chép trong các tư liệu lịch sử. Sự phát lộ di tích tháp đá đã đặt ra thêm những giả thiết cho mối liên hệ với cây cột đá phía đối diện và càng khẳng định quy mô cũng như tầm vóc của chùa. Ông Nguyễn Duy Nhất, Giám đốc Ban quản lý di tích tỉnh cho biết: “Công tác khai quật khảo cổ chùa Dạm đã tiến hành xong ở cấp nền thứ 3 và sẽ được tiếp tục trong thời gian tới. Sau khi hoàn thành, trên cơ sở những kết quả thu được, các chuyên gia sẽ họp bàn đánh giá để đưa ra phương án phục dựng tối ưu nhất sao cho vừa hài hòa theo kiến trúc tổng thể, vừa gìn giữ, phát huy được những giá trị vốn có của chùa”.
Với những gì còn sót lại, chùa Dạm xứng đáng là ngôi chùa cổ ngàn năm tuổi như những gì được miêu tả trong sử sách. Vẻ đẹp và hồn cốt của ngôi chùa vẫn còn vẹn nguyên với thời gian. Một lần về thăm chùa Dạm để được thả lòng mình cùng với thiên nhiên đất trời, để được thưởng ngoạn của đường nét kiến trúc và chiêm nghiệm những giá trị vĩnh hằng của lịch sử. Chẳng thế mà vua Trần Nhân Tông trong một lần du lãm đến đây đã xúc cảm để lại hai câu thơ: “Mười hai lâu đài khoe tranh vẽ/ Ba ngàn thế giới lọt mắt thơ”.

Truyền thuyết về sự tích có cột đá chùa Dạm
Theo truyền thuyết, người phương Bắc đã trấn yểm linh hồn Cao Biền ở quả núi Dạm. Vì muốn xâm lược nước ta, nên tìm cách khiến Cao Biền sống dậy. Họ đã mang 100 nén hương đến nhờ một người dân trong vùng đốt ở núi này. Khi đốt xong nén hương cuối cùng, Cao Biền sẽ sống dậy và nhà Lý sẽ sụp đổ, nước Nam sẽ về tay phương Bắc. Biết ý đồ xấu của họ, nên người này đã đốt luôn 100 nén cùng lúc, khiến Cao Biền không sống lại được. Cột đá được dựng lên vừa để tưởng nhớ người dân anh dũng kia, vừa là biểu tượng của sự vững bền. Chẳng thế mà, như lời hòa thượng Thích Thanh Dũng (trụ trì chùa Hàm Long kiêm chùa Dạm), dù trải ngàn năm, đổi thay thế sự, chùa bị nhiều đời phá hoại, nhưng cột đá vẫn vẹn nguyên. Các cụ truyền rằng, hễ ai động đến cột đá, lập tức thần sét sẽ giáng đòn chí mạng vào đầu. Chẳng ai dám động vào cái cột đá kỳ bí ấy.

Bí ẩn cột rồng đá khổng lồ ngàn tuổi ở Bắc Ninh


Khám phá bí ẩn cột đá nghìn tuổi được phát hiện ở chùa Dạm

Một tuyệt tác điêu khắc, được tạc vào năm Quảng Hữu thứ II (1086), cột đá chùa Dạm có tên chữ Lãm Sơn Tự là công trình lưu truyền cho hậu thế một giá trị nghệ thuật đặc sắc của điêu khắc thời Lý - một nền điêu khắc đặc sắc bậc nhất trong lịch sử nghệ thuật Việt Nam. Sừng sững cùng thời gian gần 1000 năm qua, vẫn còn đó những bí ẩn kỳ diệu chưa được làm sáng tỏ của công trình điêu khắc độc nhất vô nhị này.

Men men những lối mòn ven theo triền đá núi đá kỳ vĩ, phải đến hàng trăm bậc từ những phiến đá rêu phủ chúng tôi tìm lên chùa để chiêm ngưỡng công trình tuyệt kỹ của cha ông. Được chiêm bái cây cột đá trứ danh bao năm nay vẫn trơ gan cùng tuế nguyệt, tôi cảm nhận được sự bí ẩn và linh thiêng của nó. Cột đá Lãm Sơn Tự đứng vững chãi phía ngoài khuôn viên nhà chùa, một mặt tựa lưng vào núi Đại Lãm, một mặt hướng về phía Đông bao quát được cả một khoảng không rộng đến hàng nghìn mét.

Nhìn tổng thể cột đá gồm phần trên khu đất tròn dựng một cột đá lớn, không kể phần chôn sâu chìm, cột đá cao khoảng 5m. Cấu trúc cột gồm 2 thớt khối, tượng hình vuông tròn trời đất. Khối gốc như hộp vuông tiết diện, cạnh 1, 4 m và 1, 6 m. Khối ngọn trụ trì, đường kính khoảng 1, 3 m. Độc đáo ở chỗ dưới phần trụ tròn này chạm nổi đôi rồng thời Lỏ, đầu vươn cao chầu vào viên ngọc tỏa sáng, thân quấn quanh cột, đuôi ngoắc vào nhau. Đúng dạng rồng rắn thời Lý với mào bốc lửa, bờm thành búi như cờ đuôi nheo bay lướt, thân tròn lẳn uốn khúc thoăn thoắt có hình chữ S, chân chim năm móng.
Điều đáng khâm phục cái tài khắc tạc ở chỗ đôi rồng uốn lượn nổi bật giữa các hoa văn phụ hình hoa dây móc được chạm trổ một cách tinh xảo. Vì thế mà từ bao đời nay, Lãm Sơn Tự mang trong mình chất hoành tráng, nhìn xa đã bị thu hút, nhìn gần càng đẹp. Xét về niên đại, nhiều nhà nghiên cứu đều thống nhất rằng cột đá chùa Dạm được tạc từ thế kỷ XI. Sự bí ẩn, kỳ lạ của cột đá này trước hết ở chỗ có rất nhiều giả thuyết cho rằng đây là một cột cờ. Ở phần trên của cột đá, có những hốc được đục vuông vắn, có giả thuyết cho đó là những mố để dựng một ngôi chùa một cột xưa kia (?!) Giả thuyết được nhiều nhà khảo cổ học, nghiên cứu văn hóa lịch sử uy tín đồng tình, thì cột đá chùa Dạm là chiếc Linga (biểu tượng của dương vật). Đó cũng là một biểu tượng trong tín ngưỡng phồn thực dân gian có nguồn gốc từ văn hóa Chăm Pa.

Tìm lại tài liệu nghiên cứu về cột đá này mà các nhà khảo cổ - lịch sử từng tới đây nghiên cứu và để lại. Trong quá khứ đã từng có cuộc tranh luận giữa ông Nguyễn Hùng Vĩ và PGS Chu Quang Trứ. Bài viết “Quan sát cột đá chùa một cột ở núi Dạm” của Nguyễn Hùng Vĩ, đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ Thuật số 10/ 1999, đã đưa ra những lập luận để chứng minh cột đá chùa Dạm có chức năng làm cột đỡ cho một ngôi chùa một cột. Liền sau đó, trong tạp chí VHNT số 11/1999, PGS Chu Quang Trứ đã có bài phản bác lại quan điểm trên. Để hiểu đầy đủ hơn về cột đá chùa Dạm, nghiêng về ủng hộ luận thuyết Linga của các nhà khoa học chuyên môn vì thế mà lâu nay nó vẫn được mặc nhiên công nhận.

Một giả thuyết khác, phần đỉnh cột đá cũng có thể là tòa sen, chứ không nghiêng về giả thiết ngôi chùa trên đỉnh cột. Bởi hình tượng rồng đội tòa sen là mô típ rất phổ biến ở trong các ngôi chùa Việt.
Những di vật thời Lý, như ở pho tượng A Di Đà của chùa Phật Tích, ở đế bệ hình bát giác có trang trí những hình rồng, những hình rồng này đều nằm ở phía dưới tòa sen, là nơi Phật ngồi. Ở Bảo tàng Lịch sử quốc gia còn lưu giữ cột đá chạm búp sen rồng cuốn, cũng có niên đại thời Lý. Vì vậy hình rồng được chạm khắc ở dưới tòa sen, bàn thờ Phật vốn khá phổ biến vào thời nhà Lý.

Trên cột còn có rãnh dầm xuyên tâm từ mặt Nam sang mặt Bắc, đó là cái gì, nếu không phải là mộng kỹ thuật. Theo PGS Chu Quang Trứ, những lỗ này dùng để cắm khánh, cành phan. Mà người dân Đại Việt xưa chẳng đời nào lại cắm cành phan và khánh trên chiếc Linga như vậy, chính những chiếc lỗ này đã củng cố thêm giả thuyết cột đá hoa sen.


Tất cả sẽ không bị đưa vào màn bí ẩn nếu cột đá còn nguyên bản. Nhưng theo truyền khẩu của nhân dân địa phương thì cây cột đã bị sét đánh gãy từ thuở xưa, vào khoảng thế kỷ XVI, chắc phần trên cùng còn khá nặng thì mới bị sét đánh gãy như vậy.


Ông Phạm Mạnh Tập, Trưởng ban quản lý ngôi chùa Dạm đưa cho tôi xem rất nhiều giấy tờ, tài liệu của các giả thuyết tìm tên cho cột đá mà ông sưu tầm được. Rồi ông lắc đầu: "
Mấu chốt ở chỗ phần bị đánh gãy của cột đá này bị thất lạc đi đâu, không ai biết để đến giờ mọi thứ vẫn chỉ là giả thuyết”.

Người dân bản địa cũng có cách giải thích riêng cho mình. Trưa. Chúng tôi ở lại chùa. Bên mâm cơm chay đạm bạc, cụ Phạm Thị Tẹo, một trong những người tình nguyện lên núi trông coi chùa kể: “
Dân gian truyền lại rằng cột đá kia là tấm bia để tưởng nhớ đến tinh thần giữ nước của một người dân Việt”. Năm 1947, thực hiện chủ trương tiêu thổ kháng chiến, dân làng Nam Sơn, Quế Võ Bắc Ninh đã phải đốt chùa không cho giặc chiếm. Cụ Tẹo nhớ lại: “ Ngôi chùa cháy mấy ngày mấy đêm mới hết. Trong đêm rực cháy thì một trận phong ba nổi lên cuốn bụi khói mù mịt, dân làng kinh hãi bảo nhau sau này nhất định phải dựng trả lại chùa đúng với nguyên bản. Nếu như xưa kia chùa có 99 gian thì hiện tại ngôi chùa chỉ là phế tích, duy chỉ có cột đá vẫn nằm đó”. Cụ Tẹo bật mí: “Cột đá thiêng không phải là thứ đá lấy từ chất liệu đá của ở núi Lãm này. Vùng này không có thứ đá đặc biệt đó. Không chỉ có cột đá mà ngay cả nền móng của 99 gian chùa cũng được kê bằng đá không phải ở đây”. Ở trên một ngọn núi cao, hiểm trở, người đi bộ còn vất vả thế thì việc làm sao các bậc tiền nhân đưa đá được lên núi cũng là điều bí ẩn đến kỳ diệu.

Ông Phạm Mạnh Tập cho biết loại đá để tạc Lãm Sơn Tự người ta chỉ tìm thấy ở Đông Triều, Thiên Thai, Phả Lại. Ngày xưa, đi lại khó khăn, giao thông chưa phát triển, từ Đông Triều về đến Nam Sơn xa xôi phải đến hàng trăm km. Ông Tập nói: “Rất có thể đá được đưa bằng đường sông Hồng về. Để đưa đá về được đến Nam Sơn, người ta đã phải đào cái ngòi Con Tên, dẫn vào đến tận chân núi. Những một khối đá to đến như thế, đưa lên núi bằng cách nào thì không ai biết cả”.

Khoe với tôi rằng Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam vừa mới xác lập kỷ lục chùa Dạm có cột đá chạm rồng lớn nhất Việt Nam nhưng ông Phạm Mạnh Tập không khỏi băn khoăn: "
Người dân sở tại luôn ước nguyện một ngày nào đó phục dựng lại nguyên vẹn kiến trúc cho chùa Dạm, nhưng khát vọng này xem ra còn rất xa vời”.

Cột đá chùa Dạm từng được nhiều nhà nghiên cứu xưng tụng, coi là báu vật hàng đầu của quốc gia vẫn ngày ngày nằm đó trong quên lãng thờ ơ của con người đương đại. 


Chùa Dạm (hay còn gọi là Đại Phúc Tự) thuộc xã Nam Sơn, Tp.Bắc Ninh, được khởi dựng năm 1086 dưới triều Lý. 8 năm sau ngôi chùa được hoàn thành với quy mô rộng lớn gồm: 3 cây tháp đá lớn được trạm khắc rồng tinh xảo và 12 tòa nhà (còn được gọi là Nhị thập lâu đài).

Đến thời Lê, chùa được trùng tu với quy mô trên 100 gian. Tuy nhiên, chùa đã bị hư hỏng nặng do thời gian và chiến tranh.

Sau một thời gian thực hiện khai quật khảo cổ di tích chùa Dạm, thuộc xã Nam Sơn, Tp.Bắc Ninh, Đoàn khảo cổ đã phát hiện nhiều hiện vật, dấu tích quan trọng, phản ánh một quần thể kiến trúc đồ sộ, mang đậm phong cách kiến trúc, nghệ thuật triều Lý

Sau một tháng khai quật khảo cổ di tích chùa Dạm, đã xuất lộ hàng trăm hiện vật quý thuộc 4 lớp kiến trúc, mỗi lớp có nhiều công trình khác nhau.

Mỗi lớp nền được kè đá 3 lớp vững chãi. Các kiến trúc tháp đá, cột đá, các trụ sỏi hay gạch, đá, gốm, sứ, sành, đất nung, ngói mũi sen... đều mang đậm kỹ thuật thời Lý. 3 cấp dưới là kiến trúc chùa. Cấp cao nhất là đền thờ Linh Nhân Hoàng thái Hậu, mẹ vua Lý Nhân Tông.

Theo TS Lê Đình Phụng - chủ trì nhóm thám sát chùa Dạm, Bắc Ninh, khi khai quật gò đất nằm đối xứng với cột đá chùa Dạm (cấp nền thứ hai), nhóm khai quật đã làm phát lộ toàn bộ móng tháp đá. Tháp đá này có bình đồ vuông 8,4x8,4m, cửa mở hướng đông.

 Phần cao nhất là 1,56m với các lớp đá xếp chồng lên nhau có trang trí hoa văn thủy ba (sóng nước), kỹ thuật ghép đá mộng đuôi cá, đổ chì liên kết vững chắc.

Cũng tại hố thám sát này, khi mở rộng đã tìm thấy gạch bó nền có niên đại thời Lý.

Cũng tại hố thám sát này, khi mở rộng đã tìm thấy gạch bó nền có niên đại thời Lý.

Ngoài những dấu tích kiến trúc, nhóm thám sát khai quật cũng đã phát hiện hàng trăm hiện vật thuộc nhiều chất liệu như gạch, đá, gốm sứ, sành của nhiều thời đại khác nhau: Lý - Trần - Lê, trong số đó có những di vật như gạch, ngói mũi sen thời Lý chiếm đa số.

Cột biểu đá tượng trưng cho trời đất, sinh thực khí




Cột chùa xưa



Cột đá Chùa Dạm và cột linga có phải là một hình thức?

Vào đầu năm 2011, chúng tôi được người quen ở Hà Nội gửi cho bài “Tiếp tục quan sát cột đá chùa Dạm” của Nguyễn Hùng Vĩ (NHV), ghi ngày viết 29-5-2009, nhân đó cũng được biết thêm là ông đã bàn về vấn đề này qua 4 bài viết từ năm 2000. Với tình hình phổ biến kiến thức eo hẹp từng vùng, từng khu vực chuyên môn cho nên thông tin này đến với tôi khá muộn.

Theo các chứng dẫn của ông NHV đưa ra, thì đó chỉ là một kiểu cột chùa đời Lý, có vẻ tương tự như chùa Một Cột nổi danh, vì dấu vết rõ rệt là còn các rãnh trên đầu đá như chứa các dầm chịu lực cho một công trình khác bên trên đó. Quan sát này làm ta hiểu rõ thêm câu nói của Lê Văn Hưu về “tước thạch chi tự” mà ông nho thần này đã phê phán gay gắt các công trình thổ mộc của các vua Lý. Tất nhiên tôi phải rút lại ý kiến xác quyết về hình tượng một mukhalinga, như đã nói ở nhiều bài viết. Và cảm ơn tác giả, về cả chuyện mời gọi mà vì tình trạng riêng tư không thể đáp ứng để được biết thêm về những ngộ nhận khác. Tuy nhiên cũng xin phân trần là chúng tôi được gợi ý và suy đoán theo những thông tin được cung cấp để dẫn đến nhận định quá đà, khó được chấp nhận kể trên – chuyện nhờ cậy vốn là bình thường trong việc khảo cứu, bởi vì không phải đợi đến lúc nắm được hiện vật mới có thể nói lên ý kiến của mình. Ngoài gợi ý của Trần Lâm Biền còn thấy hình ảnh cây trụ đá in trong bản sách của Trần Ngọc Thêm, Cơ sở văn hóa Việt Nam 1998 (bây giờ mới biết là thông tin sai lạc, hình như đó là cây “trụ đá Bách thảo” trong bài của ông NHV, cũng như đã nghe ông Nguyễn Huệ Chi nói thoáng qua một lần). Chính với bức ảnh này, đem đặt kề bức ảnh linga trong Tháp Chàm Phan Rang (như chúng tôi đã làm trong bản in Thần, người và đất Việt 2000) thật dễ thấy có sự tượng cận. 


Tuy nhiên ở đây lại nổi lên vấn đề mà ở nơi khác (Thần, người và đất Việt) tôi đã lưu ý đến tính chồng chất văn hóa trên một hiện vật, một chứng liệu. Chưa kể các xây cất mới thay thế các kiến trúc cũ như người Pháp đã thấy, và đã phàn nàn – mà chúng ta thì làm lơ, đến nay vẫn cứ làm tới, một kiến trúc gọi là của Lý tất nhiên phải có dấu vết thời đại của Lý, chủ thể đất nước – với cây thước đo của Đường, với công năng như của đài Quảng Chiếu… Nhưng ý tưởng về “chùa Một-cột” (một kiến trúc thờ tự đặt trên một trụ gỗ/đá) không phải là riêng của Lý, cũng như không phải đó là bước đầu tiên của sáng tạo. Kiến trúc nằm trên một trụ độc nhất đã thấy ở nơi khác, có người anh em nghèo là cái bàn Ông Thiên phía nam nước Việt. Bảo tràng kinh tạng có ở vùng bán đảo Mã Lai, riêng Hoa Lư có thể trực tiếp từ Tống, lại mang dấu vết Mật Tông, một phái gốc Ấn Độ mang tính phồn thực rõ rệt. Một cột đào ở Hoa Lư thấy trong sách của Lê Thành Khôi có phần đầu trụ là hoa sen, cũng đúng với một dạng hình khác của “cột đá chùa Dạm’? như ý của ông NHV. Điều này giúp ta liên tưởng đến chuyện Lý Thái Tông vào thăm chùa cổ Tùng Sơn, thấy “trong chùa… (có) cây cột đá lệch nghiêng sắp đổ”, nghe vua thở than liền đửng thẳng dậy. Chuyện ghi để biểu dương tính thần thánh của hoàng đế, nhưng đối với chúng ta thì đó là chuyện cây trụ đá (để phân định chi li hơn) chứ không phải là cây cột – một trụ đá đoán là có bề thế phức tạp chứ không phải chỉ có vài tấc trơn tru! Cây trụ đá này có thể ghép vào với cách giải thích của ông NHV. Tuy nhiên vì có cây trụ Hoa Lư biết chắc chắn là của Đinh Liễn (973, 979?) nên tuy cùng chia sẻ ý kiến của ông NHV, lại dễ thấy rằng loại kiến trúc một cột kia không hẳn là riêng biệt của Lý mà vốn cũng chỉ là một dấu vết tiếp thu. Đồng thời với cây trụ kinh tràng kia còn có những cây đá cao 20cm mà người ta hà tiện không ghi hình, vẽ phác nên tôi chỉ có thể nghĩ là các trụ đá mà thôi. Trụ đá linga còn bên trong các tháp Chàm, cũng thấy ở các “chùa Chà” Sài Gòn, có các bà hiếm muộn vào rờ đầu, xin con! Nếu có một sự liên tưởng quá đà để so sánh chúng với cảc trụ Hoa Lư hay trụ Lý thì cũng chỉ vì thiếu bằng chứng về các bước ảnh hưởng trung gian của một sự tiếp nhận văn hóa phức tạp có thể có, chứ không hẳn vì “tinh thần dân tộc theo quan điểm hiện hành [?]”.
Cứ cho rằng (thời đại) Lý đang bàn chỉ là cung đình Lý, chỉ riêng về một loại kiến trúc, tuy nhiên khi nói rằng Lý kì thị với linga thì tưởng cũng nên xét lại một cách tinh tế hơn. Bởi vì không thể phủ nhận rất nhiều chứng cớ thành văn khác của Đại Việt, trực tiếp hoặc gián tiếp dẫn đến vấn đề. Lê Tắc ghi việc Thánh Tông bắt thợ giỏi Chàm về xây tháp Báo Thiên nguyên thủy, không rõ dạng hình, bài trí ra sao nhưng mô hình các tháp cúng dường còn lại là Trung Hoa, hẳn như phải có do gốc tích của vua và cận thần, đúng với tình hình, theo ông NHV là “các kiến trúc tôn giáo và quan dụng đều thấm đẫm triết lí Phật Giáo (Trung Hoa)”. Tuy nhiên nếu đi sâu vào các tài liệu khác thì thấy tình hình không hẳn là như các định kiến đã được hướng dẫn, về một đất nước tiếp tục tổ chức theo mô hình Trung Hoa đã đem đến một nhận thức cho là đúng với “tiến trình văn hóa dân tộc”.
Phật Giáo Lý Trần thường được tô vẽ cao vời với những bài thơ thiền sâu sắc lấy từ Thiền uyển tập anh của Trần, nhưng ông Nguyễn Tự Cường đã làm mất lòng các tu sĩ Phật Giáo và tín đồ khi chỉ ra rằng các bài kệ kia chỉ là “mượn” của ai đó mà thôi. Chuyện “mượn” và gán ghép đó cũng từng phỉnh gạt được Lê Quý Đôn rồi. Có chứng dẫn ngay ở Thiền uyển tập anh, ở Toàn thư là các ông sư kia không chỉ thông kinh kệ mà còn thành thạo việc hú gió gọi mưa, thay các ông chồng làm việc chữa bệnh hiếm muộn của các bà quý phái nữa. Có nghĩa là trình độ thiền (Trung Hoa) của các ông rất là đáng nghi ngờ, trong lúc tính chất shaman nơi các ông thật là lộ liễu để có thể dễ chấp nhận các khuynh hướng khác. Phe phía các ông tranh chấp nhau, chen cả vào việc chuyển tiếp ngôi báu mà sử cũ khi ghi lại cũng không xóa được tính chất bùa chú của thời đại (vụ Phật Hoàng, Lý Dương Hoán / Thần Tông). Ngay cả các ông bà thay thế Phật cũng thật ra là có dạng hình khác. Sử quan nhắc chuyện khi có thiên tai, hạn, lụt thì vua Lý đi cầu Phật Pháp Vân (1137, 1188, chuyện dài dài đến tận Hậu Lê!), không ngờ với chút sơ hở muộn màng (cứ tưởng cách biệt vài thế kỉ là người ta không để ý), vị Phật được kêu cầu đó được nhận ra chỉ là “hòn đá bằng nắm tay” của Hồ Quý Ly đem ra đánh đố với con cái để định vị cho ngôi thiên tử, cho sự trường tồn của dòng họ mình. Vị Thạch Quang Phật như hiện tại còn thấy qua cơn thanh tẩy xã hội chủ nghĩa, không hẳn còn giữ lại nguyên vẹn hình hài xưa, mà ngày xưa chắc cũng không phải là một tác phẩm nghệ thuật nhưng chắc chắn vẫn là con cu đá như hình dạng thấy bây giờ. Nó không đơn độc, bởi vì nằm trong một ngôi chùa dạng nữ như xác nhận của truyền thuyết và danh xưng nôm: chùa Dặn/Rặn. Tập hợp đó lại không phải chỉ có ý nghĩa phồn thực ở mức độ thấp như các ông Đùng bà Đà, các Nõ nường trong dân gian, mà vì ngôi chùa Phật có người tạo lập mở tông phái là một vị sư An – Tì- ni-đa-lưu-chi hay Khâu-đà-la không cần thiết lắm, có truyện tích thai sinh mang tính Mật Tông Ấn rõ rệt nên nó mang tính thiêng liêng cao cấp, được sùng kính đúng nghĩa của một bộ đực-cái bằng đá có thần tính, gọi là một bộ linga-yoni hẳn cũng không phải là sai sót lớn. Cho dù các tín đồ, vua quan Lý Trần Lê không nhìn thấy hình bóng ông Civa trong đó thì khi chiêm ngưỡng nó, bái lạy khẩn cầu nó ban bố ân phúc, chắc cũng không phải dè dặt về một “mỹ cảm thô ráp” phát sinh từ một nền đạo đức, một vũ trụ quan khác với đương thời. Rồi còn có các tượng Bà Banh nữa.
Ngay ở các chứng cớ lấy từ sử phẩm của nho thần bênh vực chính giáo của họ, cũng có thể thấy khuất lấp những dấu vết Chàm, người học trò của Ấn Giáo. Ví dụ khi Tăng phó Nguyễn Thường can Cao Tông đừng nghe nhạc ai oán “mất nước” của Chiêm Thành thì đi ngược từ năm gần cuối đời đó (1202) đến khoảng đầu triều đại, qua khoảng một trăm năm mươi năm, ta cũng gặp ông Thánh Tông mê nhạc Chiêm Thành! Cho nên khuất lấp sau các kiến trúc, quan dụng thấm đẫm tính chất Phật giáo kia, trong các di vật thờ tự cũng còn lưu lại các kinnari, garuda… Thấy dấu vết toàn bộ các tháp Lý đều xây trên cao độ – để có thể gọi là “sơn7núi, thấp thoáng một dạng hình núi Méru dễ bị bài bác – ta có thể mở rộng suy đoán cho rằng đó là bằng cớ vướng víu ý tưởng từ nơi cội gốc của các tù binh, như các tháp đang còn ở Bình Định – khác với tháp Phổ Minh của Trần, triều đại gốc biển, là nằm trên đất bằng. Qua những ghi chép ít ỏi, thiên lệch để lại, ta không thể có nhiều xác quyết hơn nhưng bằng chứng của Lê Văn Hưu, Trần Nhật Duật đã cho thấy các tù binh Chàm còn sống linh động trên đất lưu đày đến hai, ba trăm năm sau, can thiệp mạnh vào sự tồn vong của các chủ nhân đã giam giữ họ. “Tiến trình văn hóa dân tộc” thường được Ồm ấp nhắc nhở, đúng là không sai nhưng chỉ thiếu một mảng, một mảng lớn ngoài cung đình trong đó có phần của tập nhóm tù binh kia. Sự chìm lấp của mảng sinh hoạt văn hóa ngoài cung đình vẫn còn thấy về sau, khi Nho giáo hưng thịnh đến độ độc tôn, chùa chiền vật dụng thờ tự đầy long li quy phụng mà còn có “chùa” và tượng Bà Banh. Với chứng cớ khá rành mạch thì tượng không phải chỉ có một mẫu vật vì có nhiều “chùa” Bà Banh, còn tượng thì được miêu tả trong sách của vua, triều thần rất chi tiết để có thể suy ra không sai lầm về các nghi lễ dẫn theo, hẳn không làm vui lòng ông Khổng Tử tí nào. Chưa kể các Bà Chúa Ngựa của Phạm Đình Hổ kể nữa.
Hai ông Trần Quốc Vượng và Trịnh Cao Tưởng đá nêu một dãy tên của một kiến trúc thờ tự giúp chúng ta xét thêm vấn đề: đền ứng Thiên, đền Hậu Thổ, đình Nhà Bà, đình Láng Hạ, xây cất mang dáng đền, chùa, đình. Hai ông giúp chúng ta đưa ra một chứng liệu hiện tại chứa đựng quá khứ dài lâu, để khi nối kết với bằng cớ lịch sử thành văn khác, nhìn ra các tầng lớp văn hóa khảo cổ chồng chất trên mình nó. Đi ngược thời gian, tên “đình” Láng Hạ bây giờ giữ trong mình lớp kiến trúc đời Nguyễn của nó, tên “đình” Nhà Bà nối kết thời kì nó là “đền”(xây ở làng An Lãng > Láng – Việt điện u linh tập), vướng víu lúc nó còn thờ thần Hậu Thổ (nữ) của văn minh Trung Hoa mà nho gia Lý Trần đặt tên cho một đền mang tính phồn thực rõ ràng của Chàm, bởi vì có tên đền ứng Thiên (Hoá Dục), thờ Địa Kì Nguyên Quân (Bà Chúa Xứ) theo các tước phong của Trần (1285,1289, 1313). Các danh hiệu của thần được nhà nho cho là có ý “kín đáo”, riêng danh hiệu “Nguyên Trung” 1289 được thú nhận là “không hiểu ra sao” nhưng có thể suy đoán rằng, tiếp theo chiếu chỉ nhắm vào giống cái năm 1285 thì đó là nói về giống đực. Bà danh hiệu của tước phong đã diên tả đủ hai dạng hình đực cái của vật dụng thờ kính và tác động linh thiêng cua nó. Bằng chứng linga yoni không chối cãi ở ngay trong cung đình Lý Trần đó. Thần lại làm chủ đàn Viên Khâu (1154) thay chỗ của ông Trời đời sau, mà cụ thể xác thân thần đoán ra từ thần tích ghi lại, từ các tước phong kia, là bộ linga-yoni của Lý Thánh Tông đưa về cùng lúc vói 50.000 (?) tù binh, có các công trình sư sẽ xây tháp Lý đã nói.


Sử học có ưu thế là đeo đẳng theo mình ý thức thời gian, cho nên khi mượn những chứng dẫn ở các nơi khác, đã đem chiều sâu quá khứ (do đó mở rộng không gian quá khứ) vào các sự kiện, hiện tượng của các ngành vốn chỉ cần chuyên chú vào tình trạng hiện tại của chúng mà thôi. Ví dụ từ kiến trúc nơi làng Láng Hạ kia, có thể các nhà dân tộc học chỉ làm việc miêu tả (Nguyễn Văn Khoan), mở rộng khu vực địa lí phân bổ (Nguyễn Văn Huyên), hay mầy mò sách vở hán nôm (Lê Văn Hảo) nhưng tất cả cũng chỉ là nhìn trên một mặt bằng thời gian có xê xích, để nói về một dạng đình Việt Nam đang hiện diện trên xứ Bắc. Trong khi đó các ông Trần Quốc Vượng, Trịnh Cao Tưởng (1978) lại nhìn ra dấu vết xa xưa của đền chùa — cái đền Hậu Thổ của Lý chứa bộ linga-yoni kia ra sao thì không rõ, nhưng còn hiện diện thấp thoáng trong các “tên khác để các ông đề nghị mệt cách nhìn khác về ngôi đình làng. Một ý tưởng hơi khác lạ như thế, tuy mang rất nhiều chứng liệu nặng kí nếu chịu khó khai thác ra, lại thật không dễ dàng được chấp nhận trong tình hình bảo thủ sôi sục đương thời, nên kết luận cuối cùng của “tập thể” là “Nguồn gốc nhà công cộng của đình vẫn chưa có thể bác bỏ được”. Tập thể đó vướng víu nhóm từ “la maison communale” của học giả ngoại quốc, những người tuy có kiến thức uyên bác, tinh thần biện biệt sâu sắc nhưng không phải là không có sơ hở, không ngờ đã đẻ ra một khung quyền lực tư tưởng cho người tiếp thu dựa vào, bám riết lấy mà bài bác những ai nói khác đi. Thế là cái đình của người Pháp, ghép thêm quá khứ Hùng Vương đầy tinh thần dân tộc (!) vẫn tồn tại, để nhân dịp ngành ấn loát phát triển sau chiến tranh, được vinh danh dồn dập màu mè trên các trang giây, trong khi không đem lại chút thay đổi nào cho kiến thức về nội dung của nó cả. 

Cột đá chùa Dạm không phải biểu tượng linga.

Chủ kiến cho rằng cột đá chùa Dạm là một linga được đưa ra sớm nhất là vào năm 1977. Kể từ đó đến nay, trong vòng hơn 30 năm, các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cổ Việt Nam đã bày tỏ sự đồng tình và chứng minh cho giả thuyết này. Có thể kể đến tên tuổi hai nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ Chu Quang Trứ và Trần Lâm Biền với một số bài viết từ những năm 1980- 1990 trên các tạp chí chuyên ngành (in lại trong các chuyên luận của hai tác giả), sau đó giả thuyết này ảnh hưởng đến Phan Cẩm Thượng (1997)và một số nhà sử học như Hà Văn Tấn (1996, 2010), Tạ Chí Đại Trường (2006), … Đáng quan ngại hơn cả, quan niệm này đã đi vào giáo trình giảng dạy đại học qua công trình của tác giả Trần Ngọc Thêm (1992- nay).

Như trên đã viết, những người đứng đầu của chủ thuyết này là hai nhà nghiên cứu Chu Quang Trứ và Trần Lâm Biền. Vì thế, chúng tôi chủ yếu trình bày lại giả thuyết của hai tác giả. Những người ủng hộ nhưng không đưa cứ liệu bổ sung sẽ không thuật lại ở đây.

Pgs Chu Quang Trứ, trong chuyên luận Sáng giá chùa xưa, đã viết: “cột biểu vươn cao giữa các khu đất tròn bè (TTD nhm) đã gợi hình cặp Linga- Yoni với triết lý âm- dương theo tín ngưỡng phồn thực, được hòa vào tư tưởng Phật giáo… Đằng sau cột biểu, cuối cấp nền này có một giếng nước dân địa phương kể vào ngày hội mồng tám tháng chín, bóng cột dài dần và xoay đến giờ thiêng sẽ chạm vào miệng giếng, truyền sinh lực vũ trụ cho cuộc sống vĩnh hằng mà mọi người luôn mong đợi”. Trong một bài viết trước đó ông cũng viết: “mặc dù đã được Phật hóa như vậy, cột đá vẫn còn lưu ảnh các tư tưởng cổ truyền xưa: ở nhiều nơi vẫn nhận đó là hình lanh-ga và kèm theo đó là quan niệm vũ trụ: trời tròn đất vuông, của các cư dân nông nghiệp”.

Giả thuyết này đã nhanh chóng nhận được sự đồng thuận của nhiều nhà khoa học, trong đó đáng kể nhất là Pgs Trần Lâm Biền. Ông cho rằng “hiện tượng Phật hóa linga” với các kiểu “Bụt đực, Bụt cái” trong ngôi chùa của người Mường, cũng như các “linga hoàng gia tượng trưng cho uy quyền tuyệt đối của vua” tại Campuchia là những cứ liệu bổ sung quan trọng để “suy cho cùng, cột chùa Giạm là một hình ảnh của linga, một hiện vật cụ thể của sự trở về cội nguồn Đông Nam Á của dân tộc Việt, một minh chứng về ý thức giải Hoa dưới triều Lý (ở mặt tư tưởng). Cột chùa Giạm còn là một linga lớn nhất trên toàn cõi nước Việt Nam hiện nay”.


Mukhalinga của Thái Lan
Năm 1996, Trần Ngọc Thêm trong giáo trình của mình đã nhận định “ở chùa Dạm (Hà Bắc) có một cột đá hình sinh thực khí nam có khắc nổi hình cặp rồng đời Lý”. Năm 2006, tiếp thu Trần Ngọc Thêm, Tạ Chí Đại Trường cũng coi đây là một chiếc linga, hơn nữa chiếc linga này còn chạm nổi hình rồng (một biểu tượng cho nhà vua), cho nên ông đã đi đến kết luận rằng cột đá chùa Dạm là một thứ mukhalinga. Nếu như mukhalinga của các nước chịu ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ (như Champa, Phù Nam…) thường là chạm chân dung nhà vua và các anh hùng thì việc chạm khắc hình rồng- biểu tượng quân vương của Nho giáo- lên linga chùa Dạm là một biểu hiện cho sự giao thoa văn hóa Việt - Hán. Ông cũng nhấn mạnh rằng, cái mukhalinga này phải quan trọng đến mức nào thì bà Thái hậu Ỷ Lan mới cho dựng ở chùa Đại Lãm và sau đó vua Lý Nhân Tông đến thăm chùa, mở đại yến và cho xây dựng các tháp Phật.
Các lỗ ngàm (số 4,5,6) và rãnh dầm trên đỉnh

Cột đá chùa Dạm- phế tích và những số liệu

Một thao tác cơ bản của nghiên cứu khảo cổ học và mỹ thuật cổ đó là khảo tả hiện vật. Rất tiếc là những người đưa ra chủ thuyết linga lại chưa từng công bố chính thức một số liệu cụ thể nào. Họ mặc nhận cột đá đó là một hiện vật từ đó tiến hành giải mã ý nghĩa biểu tượng mà không nghĩ đến việc phục chế lại hình ảnh vốn có của nó. Phải đến những ý kiến trái chiều về “thuyết linga” của Ngô Văn Doanh và Nguyễn Hùng Vỹ, các con số mới lần lượt được đưa ra, những phản biện và kết luận mới bắt đầu rõ ràng hơn. Kết luận đầu tiên về khảo tả hiện vật: các tác giả cho rằng, cột đá chùa Dạm chỉ là một dạng phế tích còn sót lại của công trình kiến trúc thuộc loại một cột vào đời Lý. Ý kiến này trùng khớp với những nhận định của thế hệ Pháp học lão thành là Nguyễn Bá Lăng, Nguyễn Du Chi, Nguyễn Đỗ Cung,… Có hai lý do để xác định như vậy.

Điểm thứ nhất có thể khẳng định cột đá chùa Dạm là một phế tích, ấy là phần chân của cột đã bị tàn khuyết. Các nhà nghiên cứu theo thuyết “linga” dường như cũng không để ý đến phần chân đá này. Điểm được coi là cứ liệu duy nhất ấy là hình dáng “khu đất tròn bè” theo như miêu tả của Chu Quang Trứ.

Tuy nhiên, chúng tôi xin được khảo tả lại như sau. Phần chân đế còn lại của cột đá chùa Dạm là ba tầng đá xếp cao gần 1m, đường kính 4,5m. Các tầng đá này được tạo thành từ các khối đá lớn tạc hình sóng nước xen kẽ với đồ hình núi non. Đối chiếu với phần chân đá xếp tương tự của bia Lý đối xứng qua trục thần đạo của di tích, cho thấy chỗ nhiều nhất còn lại khoảng 6 tầng. Theo tính toán của Nguyễn Hùng Vỹ, cả hai chân nền này ban đầu sẽ có bảy tầng đá xếp. Riêng phần chân ở cột đá chùa Dạm, bảy tầng sóng nước- núi non bằng đá sẽ xếp kín đến hết phần bạt vuông của thân cột (đây cũng là chi tiết bị nhiều người bỏ qua). Phần vuông của cột có tiết diện 1,55m x 1,65m, tạc thô tháp, điều này cho phép khẳng định phải có phần đá điêu khắc bọc bên ngoài. Theo ý kiến của chúng tôi, các tầng đá này có hai chức năng. Về mặt mỹ thuật, bảy tầng sóng nước- núi non sẽ “ăn ý” với đồ hình song long hiến châu ở trên. Về mặt kiến trúc, bảy tầng sóng nước này sẽ là kết cấu dùng để chèn kè không những chân cột mà còn cả thân cột nữa. Bảy tầng đá bao quanh một trụ đá ở giữa đó là một hằng số/ đặc trưng kiến trúc thời Lý giống như miêu tả của bia Đại Việt quốc Lí gia đệ tứ đế Sùng Thiện Diên Linh tháp bi (1121): Trong dựng một cột, ngoài đặt bảy tầng. Rồng uốn cong đỡ lấy tòa sen vàng, (中標一幹,外設七層。虯弓出而捧金蓮…)

Thứ hai, đỉnh cột tuy bị vỡ, nhưng bằng mắt thường, có thể thấy hệ thống các lỗ ngàm để đóng xích đông chịu lực cho một tòa sen và điện Phật trên đó giống như Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu. Theo bố trí 6 lỗ ngàm hình tam giác (cạnh đáy đều nằm trên một mặt phẳng song song với mặt đất), cột đá chùa Dạm được chia đều thành sáu cung bằng nhau tạo thành một dàn dầm chống cân đối. Các lỗ có sự nông sâu khác nhau là do tình trạng bào mòn, thậm trí sứt vỡ của cột phế tích. Chúng tôi tạm thời quy chuẩn đều (làm tròn theo các số liệu lớn nhất của Nguyễn Hùng Vỹ) để hình dung về các lỗ ngàm này (xem bảng dưới). Ngoài ra, đỉnh cột còn có: (a). 8 lỗ nhỏ hình chữ nhật có kích thước 5cm x 6cm x 8cm, sự phân bố không thật đều đặn, khiến tác giả đi đến giả thuyết rằng, đây là các lỗ ngàm được làm về sau trong quá trình tu bổ, người ta đã làm thêm để chống các phía bị nghiêng lệch, hoặc dùng để cắm cờ phướn (b). Lỗ ngàm con sơn hình chữ nhật, rộng 10cm, sâu 4cm. (c). Rãnh dầm ngang chịu lực, nằm chính giữa và chia đôi đỉnh cột, vuông góc với mặt đất, hướng Bắc Nam rộng 23cm, dài 7 cm, gờ bên 3 cm dùng để đặt đòn nóc. Có thể trình bày như bảng sau.

Từ những số liệu như trên, chúng tôi có thể đi đến một nhận định rằng cột đá chùa Dạm không phải là “hình sinh thực khí nam có chạm nổi hình rồng thời Lý”, bởi lẽ chưa từng có một cái linga nào ở Champa, Phù Nam,… mà lại được tạc ngàm với hệ thống lỗ ở phía trên cả. Trong khi người ta cố gắng đi tìm những chứng cứ Ấn Độ, Champa (hay chứng cứ có nguồn gốc Nam Á) để “giải Hoa” thì họ cũng đã vô tình “giải Việt” mà không hay biết.

Có thể nói, những nghiên cứu trên là rất có ý nghĩa cho khoa lịch sử mỹ thuật. Tuy nhiên, kiến trúc trên có những hàm nghĩa triết học và ý tưởng nghệ thuật ra sao thì còn là một vấn đề cần được thảo luận tiếp sau đây.

Bản kích thước


Núi tu di và các tầng sóng tầng núi
Giải mã biểu tượng cột Đá chùa Dạm

Sau những bài viết khảo tả công phu, tác giả Nguyễn Hùng Vỹ tiếp tục đề xuất cách lý giải biểu tượng của kiến trúc cột đá chùa Dạm. Năm 2011, ông cho rằng kiến trúc một cột chùa Dạm có khả năng là một “nhiên đăng đài” giống như Nhiên đăng tháp chùa Đồng Tử đời Đường và đài đèn Quảng Chiếu đời Lý. Theo dõi những nghiên cứu trên, Tạ Chí Đại Trường đã “phải rút lại ý kiến xác quyết về hình tượng một mukhalinga, như đã nói ở nhiều bài viết” và cho rằng đó là “nhận định quá đà, khó được chấp nhận” . Cho đến nay, đây là ý kiến phản hồi duy nhất của những người theo thuyết linga. Năm 2012, Trần Thị Kim Anh đã nghi ngờ thuyết “nhiên đăng” của Nguyễn Hùng Vỹ mà cho rằng cột đá chùa Dạm là một kinh tràng Phật giáo]. Ngay sau đó, dựa trên kiến giải mới về kiến trúc một cột chùa Diên Hựu, Trần Thị Kim Anh, Nguyễn Hùng Vỹ và một số nhà nghiên cứu khác đã từ bỏ các giả thuyết cũ để thống nhất cho rằng, đây là một Liên Hoa Đài, tương tự như ở chùa Diên Hựu Hà Nội.

Đến đây, những phương trình có thể được đặt ra. Cột đá chùa Dạm là một phế tích còn lại của Liên Hoa Đài chùa Dạm. Liên Hoa Đài chùa Dạm là đồng dạng về loại hình với Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu. Và như thế, chúng sẽ có cùng chung một ý nghĩa biểu tượng.

Theo chúng tôi, kiến trúc Liên Hoa Đài thời Lý, đặt trong bối cảnh văn hóa và thế giới quan của Phật giáo, là một kiểu kiến trúc mô phỏng núi Tu Di- ngọn núi trung tâm của vũ trụ. Ngọn núi này cao tám vạn do tuần, đỉnh mở rộng ra tám vạn do tuần trông như một bông sen khổng lồ, đó là một bông sen vũ trụ. Trên đỉnh ngọn núi hoa sen đó là cung trời Đao Lỵ- nơi trú xứ của Phật Thích Ca. Bao quanh ngọn núi Tu Di là tám vòng núi và tám vòng biển (gọi gộp là cửu sơn bát hải). Đúng như Nguyễn Du Chi đã viết các chùa đời Lý thường có các tháp tượng trưng cho núi thiêng Tu Di, bao quanh là những công trình bố trí theo đồ án hình vuông tượng trưng cho bốn đại dương trong thế giới.

Trở lại với việc khảo tả Liên Hoa Đài chùa Dạm, chúng ta có thể thấy rõ sự tương ứng giữa hình tượng kiến trúc- điêu khắc với thế giới quan Phật giáo qua kinh sách. Nền dưới cùng là các tầng đá xếp có tạc sóng nước, núi non- đó là biểu tượng của các tầng biển và các tầng núi bao quanh núi Tu Di. Trên lớp sóng là đôi rồng theo mô típ lưỡng long hiến châu, một biểu tượng cho sự quy y Phật pháp. Phía trên nữa là hệ thống các xích đông đỡ một tòa sen- tượng trưng cho đỉnh núi Tu Di. Trên tòa sen là một điện đỏ tía có đặt tôn tượng Thích Ca dát vàng như miêu tả trong văn bia chùa Đọi.

Đồ hình thiết kế của Liên Hoa Đài chùa Diên Hựu cũng như Liên Hoa Đài chùa Dạm có thể tìm thấy qua hệ thống tranh khắc Phật giáo tại Việt Nam. Hình trên là bức đồ họa mang tên “Tô Di Lô Sơn Vương”, miêu tả núi Tu Di ở giữa, có các vòng núi non và biển cả bao quanh. Đây là bức đồ họa được dùng để minh họa trong sách Pháp giới an lập đồ- một cuốn sách kinh điển của Phật giáo dùng để miêu tả về sự cấu thành vũ trụ, đây là một trong những sách quan trọng hàng đầu về thế giới quan Phật giáo. Nhìn vào tác phẩm này, chúng ta thấy thủ pháp ở đây là kết hợp cả hai cách nhìn cao viễn và phi điểu trong hội họa truyền thống. Để tưởng tượng rõ hơn, chúng ta có thể thấy một mô hình thu nhỏ được làm bằng đồng, đó là mô hình núi Tu Di được đặt tại Ung Hòa Cung (Trung Quốc), tuy nhiên mô hình này làm vào đời Thanh, muộn hơn Liên Hoa Đài ở chùa Dạm rất nhiều.

Núi Tu Di bản thân nó đã mang hình một bông sen, nếu nhìn trên bình đồ của cửu sơn bát hải, chúng ta có thể thấy đó là một đồ hình hoa sen trong hoa sen. Hoa sen là thế giới, và thế giới nở ra trong hoa sen. Cho nên đồ hình núi Tu Di- hoa sen vũ trụ đó được nhà Phật định danh bằng khái niệm “Liên Hoa Tạng Thế giới”. Mỗi một thế giới là một đóa hoa sen. Ba nghìn đóa sen là ba nghìn thế giới. Cho nên, vua Trần Nhân Tông trong một lần du lãm đến chùa đã miêu tả:

Mười hai lâu đài khoe tranh vẽ,
Ba ngàn thế giới lọt mắt thơ

(十二樓臺開畫軸,

三千世界入詩眸)

Đằng sau “con mắt thơ” ước lệ đó hẳn cũng phải có gì đó là thật chứ?

Sưu tầm.

Không có nhận xét nào: