1. Quá trình phát hiện và công bố văn bản:
Ngày 31 tháng 3 năm 2009,
dòng họ Đặng ở huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi thông tin tới TS Nguyễn
Đăng Vũ – Phó Giám đóc Sở VH-TT & DL tỉnh Quảng Ngãi về việc gia tộc đang
lưu giữ những văn bản chữ Nho mà chưa rõ nội dung, rất có thể là những tài
liệu có liên quan đến việc đi Hoàng Sa của tổ tiên. Ngày 1 tháng 4, TS.
Nguyễn Đăng Vũ đã ra đảo Lý Sơn và tiếp cận với văn bản. Ngay sau đó TS.
Nguyễn Đăng Vũ đã cung cấp thông tin cho báo chí. Liên tiếp những ngày sau
đó các báo chí đã đưa tin và được dư luận quan tâm đặc biệt.
Nhận thấy đây là một văn bản
quý giá, góp phần chứng minh và đấu tranh đòi lại quần đảo Hoàng Sa đang bị
phía Trung Quốc chiếm đóng trái phép, được TS Nguyễn Đăng Vũ thuyết phục,
gia tộc họ Đặng đã bàn bạc thống nhất hiến tặng văn bản này cho nhà nước.
Sáng ngày 9 tháng 4 năm 2009,
tại thôn Đồng Hộ, xã An Hải, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, tộc họ Đặng
đã tổ chức một ngày giỗ đặc biệt. Con cháu trong họ từ khắp nơi trở về tề
tựu đông đủ tại nhà thờ tổ để chứng kiến việc dâng hiến báu vật của dòng họ
mình cho Nhà nước. TS. Nguyễn Đăng Vũ đại diện cho Sở VH-TT và Du lịch Quảng
Ngãi tiếp nhận văn bản. Ngày 10 tháng 4, báo Thanh Niên công bố toàn văn bản
dịch văn bản Lý Sơn của TS. Nguyễn Xuân Diện (người có mặt tại đảo Lý Sơn,
trong lễ bàn giao hiến tặng tờ lệnh) và Thạc sĩ Nguyễn Đức Toàn.
Ngày 10 tháng 4, tại UBND
tỉnh Quảng Ngãi, trước sự chứng kiến của đại diện gia tộc họ Đặng, lãnh đạo
tỉnh Quảng Ngãi đã trao cho đại diện Ban Biên giới của Bộ Ngoại giao Việt
Nam văn bản gốc của tờ lệnh. Hiện tại (tháng 12/2009) văn bản gốc tờ lệnh
được lưu trữ tại Bộ Ngoại giao Việt Nam.
2. Bản phiên âm và dịch nghĩa tài liệu Lý Sơn:
Phiên âm:
Ngãi tỉnh Bố - Án quan vi bằng
cấp sự. Chiếu đắc nguyệt tiền tiếp Binh bộ tư tự, phụng sắc Bộ hành tư, tiên
hành dự bát chinh thuyền tam tao, tu bổ kiên cố, sĩ tại kinh. Phái viên cập
thủy quân biền binh tiền vãng hiệp đồng sử thám Hoàng Sa xứ đẳng. Nhân khâm
thử kỳ cố bát tại tỉnh chi khinh khoái thuyền tam tao tịnh tùy thuyền vật
kiện các hành tu bổ. Tái xuất khứ niên sở phái chi Võ Văn Hùng cập tăng giản
diên hải dân phu am thục hải trình giả, sung thuyền công thủy thủ. Tiền hậu
vụ yếu mỗi tao bát danh, cai nhị thập tứ danh, vụ ư tam nguyệt hạ tuần thừa
thuận sử phóng đẳng. Nhân tư biện lý các dĩ thanh thỏa, phái viên hiện dĩ
thừa lê thuyền sử đáo. Tư cứ Võ Văn Hùng lân trạch thiện thủy dân Đặng Văm
Siểm đẳng khả kham đà công sự đẳng. Nhân hiệp hành bằng cấp nghi thừa thuyền
nhất tao suất nội thuyền thủy thủ đẳng danh tòng phái viên biền binh tịnh Võ
Văn Hùng đồng vãng Hoàng Sa xứ phụng hành công vụ.
Giá hải trình quan yếu,
tu nghi thực lực thừa hành, vụ đắc thập phần ổn thỏa, nhược sơ hốt tất can
trọng tội. Sở hữu can danh, khai liệt vu hậu, tu chí bằng cấp giả.
Hữu bằng cấp.
Bình Sơn huyện, An Hải
phường, đà công Đặng Văn Siểm, Hoa Diêm thôn Dương Văn Định cứ thử.
Thủy thủ:
Danh Đề, Phạm Vị Thanh - An Vĩnh phường
Danh Sơ, Trần Văn Kham - An Vĩnh phường
Danh Lê, Trần Văn Lê - Bàn An ấp. Do Kim thương đội, nhị danh.
Vũ Văn Nội
Danh Trâm, Ao Văn , Trâm – Lệ Thủy Đông nhị danh
Danh Xuyên, Nguyễn Văn Mạnh - An Hải phường
Danh Doanh, Nguyễn Văn Doanh, Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Than thôn
Trương Văn Tài
Minh Mệnh ngũ thập niên, Tứ nguyệt, Thập ngũ nhật.
Danh Đề, Phạm Vị Thanh - An Vĩnh phường
Danh Sơ, Trần Văn Kham - An Vĩnh phường
Danh Lê, Trần Văn Lê - Bàn An ấp. Do Kim thương đội, nhị danh.
Vũ Văn Nội
Danh Trâm, Ao Văn , Trâm – Lệ Thủy Đông nhị danh
Danh Xuyên, Nguyễn Văn Mạnh - An Hải phường
Danh Doanh, Nguyễn Văn Doanh, Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Than thôn
Trương Văn Tài
Minh Mệnh ngũ thập niên, Tứ nguyệt, Thập ngũ nhật.
Dịch
nghĩa:
Quan Án sát và Bố chánh tỉnh
(Quảng) Ngãi làm việc cấp bằng này. Chiếu theo tháng trước tiếp được công
văn của bộ Binh, vâng sắc (triều đình) cho bộ ấy trước là phải thi hành việc
tuyển chọn, trưng tập 3 thuyền, sửa sang bền chắc, đợi sẵn ở kinh. Các phái
viên và lính thủy đi trước để cùng thám sát các vùng của xứ Hoàng Sa. Nhân
kính theo đó mà xem xét và tuyển chọn trong tỉnh 3 thuyền tốt, cùng với đó
là các vật dụng được tu bổ vững chắc, lại chọn ra tên Võ Văn Hùng – đã được
cử đi từ năm trước và chọn thêm những dân phu ven biển thạo đường biển để
sung làm thủy thủ trên thuyền. Cốt yếu là phải chọn mỗi thuyền 8 tên, tổng
cộng là 24 tên, cứ đến hạ tuần tháng Ba thì thuận theo thời tiết mà đi.
Nay, nhân các việc đã xong xuôi,
các phái viên đã đi lê thuyền đến; chọn thủy thủ giỏi mà Võ Văn Hùng đã
tuyển chọn là bọn Đặng Văn Siểm có thể đảm nhận công việc lái thuyền. Nhân
đấy mà cấp cho bằng này để đi một thuyền dẫn các thủy thủ trên thuyền theo
quân của phái viên và Võ Văn Hùng cùng đến Hoàng Sa thi hành việc công.
Đường biển ấy là nơi quan
yếu, phải dốc sức mà thừa hành để cho công việc được mười phần trọn vẹn. Nếu
bất cẩn, sẽ phạm trọng tội.
Các người có trách nhiệm
kê ở dưới đây. Vậy nên có bằng cấp này.
Trở lên là bằng cấp.
Đà công Đặng Văn Siểm người phường An Hải
huyện Bình Sơn và Dương Văn Định, người thôn Hoa Diêm theo đây mà thi hành.
Kê:
Thủy thủ:
Tên Đề - Phạm Vị Thanh, An Vĩnh phường;
Tên Sơ - Trần Văn Kham, An Vĩnh phường;
Tên Lê - Trần Văn Lê, Bàn An ấp; thuộc đội súng ống, 2 tên.
Vũ Văn Nội,
Tên Trâm - Ao Văn Trâm, Lệ Thủy Đông hai tên
Tên Xuyên - Nguyễn Văn Mạnh, An Hải phường
Tên Doanh - Nguyễn Văn Doanh, Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Than thôn
Trương Văn Tài
Minh Mệnh năm thứ 15 (1834), tháng Tư, ngày 15.
Tên Đề - Phạm Vị Thanh, An Vĩnh phường;
Tên Sơ - Trần Văn Kham, An Vĩnh phường;
Tên Lê - Trần Văn Lê, Bàn An ấp; thuộc đội súng ống, 2 tên.
Vũ Văn Nội,
Tên Trâm - Ao Văn Trâm, Lệ Thủy Đông hai tên
Tên Xuyên - Nguyễn Văn Mạnh, An Hải phường
Tên Doanh - Nguyễn Văn Doanh, Mộ Hoa huyện, An Thạch, Thạch Than thôn
Trương Văn Tài
Minh Mệnh năm thứ 15 (1834), tháng Tư, ngày 15.
(Bản dịch của Nguyễn Xuân Diện và Nguyễn Đức Toàn)
3. Khảo cứu văn bản:
3.1. Kích thước tờ lệnh: 24 x 36
cm. Trên văn bản Lý Sơn có rất nhiều dấu ấn. Ngoài dấu ấn to của Quan Bố
Chánh sứ Quảng Ngãi, còn có các dấu ấn nhỏ, dùng để đóng vào nơi ghi tên
người và những chữ cần đặc biệt lưu ý đối với người tiếp nhận văn bản. Ở đây
là dấu ấn mang các chữ: Quảng Ngãi Án sát, theo lối chữ triện.
Dấu ấn này gọi là kiềm ấn, hình
vuông, mỗi cạnh 2.5 x 2.5 cm, làm bằng ngà voi.
Hai dấu ấn: Quảng Ngãi Bố chánh sứ ty chi ấn (đóng từ con ấn đồng, vuông, mỗi chiều 7,5 cm) và Quảng Ngãi Án sát cùng đi với nhau, cùng có mặt trên văn bản này. Vì sao vậy?
Hai dấu ấn: Quảng Ngãi Bố chánh sứ ty chi ấn (đóng từ con ấn đồng, vuông, mỗi chiều 7,5 cm) và Quảng Ngãi Án sát cùng đi với nhau, cùng có mặt trên văn bản này. Vì sao vậy?
Đó là vì ở các tỉnh, khi mà Tổng
đốc, Tuần phủ đi vắng, hoặc tỉnh vẫn khuyết chân Tuần phủ, nếu có việc cơ
mật quan Bố Chánh phải họp với Quan Án sát sứ.
Chúng
ta biết rằng, tỉnh Quảng Ngãi được chính thức thành lập (là đơn vị cấp tỉnh)
vào năm 1832 (năm Minh Mạng thứ 13). Theo Đại Nam thực lục của Quốc
sử quán triều Nguyễn, và cả những ghi chép trong Hải Nam tạp trứ của
Thái Đình Lan - một nho sinh Đài Loan bị gió bão đánh trôi giạt vào bờ biển
tỉnh Quảng Ngãi vào thời điểm này - lúc bấy giờ tỉnh Quảng Ngãi chưa có quan
Tuần phủ riêng, tiến sĩ Phan Thanh Giản là người kiêm chức Tuần phủ Nam -
Ngãi (cả Quảng Nam lẫn Quảng Ngãi, nhưng chỉ đóng dinh thự ở Quảng Nam). Hai
vị quan trực tiếp xử lý toàn bộ công việc chính trị, hành chính, chính sự,
quân sự...tại Quảng Ngãi là Bố chánh (mà lúc đó Ty Bố chánh gọi là Ty Phiên)
và Án sát (Ty Án sát gọi là Ty Niết). Hai ty Phiên và Niết đều đặt tại tỉnh
thành Quảng Ngãi.
Bố
chánh Quảng Ngãi 1834 là Lê Nguyên Trung, rồi sau đó là Trương Văn Uyển,
1835 là Tôn Thất Bạch; Án sát Quảng Ngãi 1834 là Nguyễn Đức Hội và 1835 là
Đặng Kim Giám. Khi cần ban một quyết định cơ mật, thì cả quan Bố chánh và Án
sát cần phải hiệp y. Vì thế, trên văn bản cổ này có đóng dấu của cả quan Án
sát và quan Bố chánh. Và cũng chính từ 2 con dấu đỏ đóng trên văn bản này
chúng ta cũng có thể suy luận thêm, việc cử các ông Võ Văn Hùng, Đặng Văn
Siểm, và nhiều người khác (có ghi trong văn bản) đi Hoàng Sa còn là một việc
hết sức quan trọng và cơ mật.
Ngoài ra, trên văn bản Lý Sơn
còn có đóng 1 con dấu nữa, mang hai chữ Quảng Ngãi.
3.2. Về các nhân danh và địa danh trong văn bản.
Những
gì còn lưu lại tại gia tộc họ Võ làng An Vĩnh huyện Lý Sơn, cho phép ta
khẳng định: Ông Võ Văn Hùng là người thuộc gia tộc họ Võ (Văn) tại làng An
Vĩnh, một dòng họ có nhiều người đi Hoàng Sa trong nhiều thế kỷ. Cai cơ thủ
ngự quản đội Hoàng Sa Phú Nhuận hầu Võ Văn Phú là một ví dụ điển hình. Bên
cạnh ông Võ Văn Hùng, trong văn bản cổ có ghi những người phải thi hành
nhiệm vụ (khác): đó là Đặng Văn Siểm (làm đà công, tức lái thuyền), Dương
Văn Định, và các thủy thủy cùng đi, gồm: Phạm Vị Thanh, Ao Văn Trâm, Trần
Văn Kham, Nguyễn Văn Mạnh, Trần Văn Lê, Nguyễn Văn Dinh, Võ Văn Công, Trương
Văn Tài.
Trong
đó có 4 người ở đảo Lý Sơn, mà lúc đó là chỉ là xã Lý Sơn, với hai phường là
An Vĩnh và An Hải, thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn. Hai người không ghi
quê quán là Võ Văn Công và Trương Văn Tài, nhưng có lẽ họ cũng là người của
Lý Sơn. Ông Võ Văn Công có thể là người dòng họ Võ (Văn) ở An Vĩnh. Ông
Trương Văn Tài có thể thuộc dòng họ Trương ở An Hải – một trong lục tộc tiền
hiền của làng này. Sở dĩ ta có thể suy đoán ra điều đó, vì những dân binh
này đều do chính ông Võ Văn Hùng tuyển chọn. Nếu đúng như vậy, thì trong số
11 người có tên trong văn bản cổ của dòng họ Đặng, 7 người là người của
huyện đảo Lý Sơn.
Ngoài
ra, văn bản cổ này còn ghi những người thuộc các huyện khác trong tỉnh Quảng
Ngãi. Ông Ao Văn Trâm được ghi là ở Lệ Thủy Đông Nhị, mà Lệ Thủy Đông Nhị
vốn là một xã cũng thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn (có thể tương đương
với xã Bình Trị hiện nay, tức là nơi có Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Theo
Đồng Khánh địa dư chí, địa danh Lệ Thủy Đông Nhị (xã) còn tồn tại đến
thời vua Đồng Khánh (1885 – 1888).
Ông
Trần Văn Lê được ghi là ở Bàn An ấp, thuộc thôn Thạch Than, tổng Ca Đức,
huyện Mộ Hoa (bao gồm huyện Mộ Đức và Đức Phổ hiện nay). Bàn An là tên một
thôn thuộc xã Phổ Quang, huyện Đức Phổ ngày nay. Ông Nguyễn Văn Dinh (Doanh)
được ghi là ở thôn Thạch Than, xã An Thạch. Đối chiếu với các sử liệu cũ,
thôn Thạch Than, xã An Thạch cũng thuộc tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa (nay tên
gọi Thạch Than chỉ dùng để chỉ một thôn thuộc xã Đức Phong, huyện Mộ Đức).
Như vậy hai ông Trần Văn Lê và Nguyễn Văn Dinh cùng ở thôn Thạch Than, xã An
Thạch, tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa.
Về hai
ông Dương Văn Định và Đặng Văn Siểm, họ là những người được quan Bố chánh và
Án sát trực tiếp chỉ định “cứ thử”, tức phải vâng mệnh thi hành. Như đã nói
ở trên, ông Đặng Văn Siểm được xác định rõ là người phường An Vĩnh (Lý Sơn).
Riêng ông Dương Văn Định, hiện vẫn chưa xác định được ở làng quê nào hiện
nay. Văn bản cổ chỉ ghi là ông Dương Văn Định ở thôn Hoa Diêm (không ghi rõ
xã, tổng, huyện).
Nhưng
thôn Hoa Diêm thời ấy nay thuộc địa phương nào? Hiện nay, các thôn trong
tỉnh Quảng Ngãi có chữ Diêm (muối, tức làng làm ruộng muối), gồm: Tân Diêm
(thuộc xã Phổ Thạnh, huyện Đức Phổ), thôn Tuyết Diêm (thuộc xã Bình Thuận,
huyện Bình Sơn), thôn Diêm Điền (thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn)…Vì húy
kỵ tên mẹ vua Thiệu Trị nên vào năm 1841 (năm Thiệu Trị thứ nhất), tất cả
những tên người lẫn địa danh có chữ Hoa đều phải thay đổi, như Thanh Hoa,
đổi thành Thanh Hóa, Đông Hoa thành Đông Ba, Mộ Hoa thành Mộ Đức…
Hoa
Diêm chắc chắn cũng phải đổi, nhưng trong 3 địa danh có chữ Diêm như nói ở
trên thì thôn nào vốn là thôn Hoa Diêm? Theo chúng tôi, có lẽ thôn Hoa Diêm
của ông Dương Văn Định chính là thôn Tuyết Diêm, thuộc xã Bình Thuận huyện
Bình Sơn hiện nay, tức là nơi có bến cảng Dung Quất bây giờ. Vì rằng, thời
ấy Lý Sơn thuộc tổng Bình Hà, huyện Bình Sơn.
Các
dân binh được tuyển chọn, ngoài hai ông Trần Văn Lê và Nguyễn Văn Dinh là
người thuộc tổng Ca Đức, huyện Mộ Hoa, những người còn lại đều thuộc tổng
Bình Hà, huyện Bình Sơn. Các thôn Diêm Điền, Tân Diêm đều thuộc các tổng
khác (riêng Tân Diêm, nay thuộc Đức Phổ, thì với khoảng cách địa lý khá xa
ấy càng không hợp lý).
3.3. Sự trùng khớp với chính sử và châu bản triều Nguyễn:
Lần theo chính sử, ta thấy có một số sự
kiện lịch sử liên quan đến nội dung của văn bản cổ này.
Sách Đại Nam thực lục, chính biên,
đệ nhị kỷ, quyển 122 của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi chép về những sự kiện
lịch sử vào tháng 3 năm Minh Mạng thứ 15 (1834), có ghi: “Đội trưởng Trương
Phúc Sĩ cùng thủy quân hơn 20 người đi thuyền đến đảo Hoàng Sa thuộc tỉnh
Quảng Ngãi vẽ bản đồ” (Nxb Giáo dục, H. 2004, tập 4, tr.120).
Sách này cũng cho biết, chính năm 1834
vua Minh Mạng đã sai binh lính đi dựng miếu và lập bia ở Hoàng Sa, nhưng vì
sóng to gió lớn không làm được, nên vào tháng 6 năm Minh Mạng thứ 16 (1835),
sai Cai đội Thủy quân Phạm Văn Nguyên đem thợ Giám thành cùng phu thuyền hai
tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định chuyên chở vật liệu đến dựng miếu, dựng bia đá
đảo Hoàng Sa (tr. 673).
Sách này còn cho biết thêm, vào tháng
giêng năm Minh Mạng thứ 17 (1836), Bộ Công tâu rằng: “Cương giới mặt biển
nước ta có xứ Hoàng Sa rất là hiểm yếu, đã phái vẽ bản đồ mà hình thế nó xa
rộng, mới chỉ được một nơi… Hàng năm nên phái người đi dò xét cho khắp để
thuộc đường biển. Xin từ năm nay (1834) trở về sau, mỗi khi đến hạ tuần
tháng giêng chọn phái biền binh thủy quân và vệ giám thành đáp 1 chiếc
thuyền ô, nhằm thượng tuần tháng hai thì đến Quảng Ngãi, bắt 2 tỉnh Quảng
Ngãi, Bình Định thuê 4 chiếc thuyền của dân, hướng dẫn ra đúng xứ Hoàng Sa.
Không cứ là đảo nào, hòn nào, bãi cát
nào, khi thuyền đi đến cũng xét xem xứ ấy chiều dài, chiều ngang, chiều cao,
chiều rộng, chu vi và nước biển bốn bên xung quanh nông hay sâu, có bãi
ngầm, đá ngầm hay không, hình thế hiểm trở, bình dị thế nào, phải tường tất
đo đạc, vẽ thành bản đồ. Lại, xét ngày khởi hành, từ cửa biển nào ra khơi,
nhằm phương hướng nào đi đến xứ ấy, căn cứ vào thuyền đi, tính ước được bao
nhiêu dặm. Lại từ xứ ấy trông vào bờ bến, đối thẳng vào là tỉnh hạt nào,
phương hướng nào, đối chênh chếch là tỉnh hạt nào, phương hướng nào, cách bờ
biển chừng bao nhiêu dặm. Nhất nhất nói cho rõ, đem về dâng trình” (tr.867).
Chuẩn theo lời tấu của Bộ Công, vua Minh
Mạng sai Suất đội Thủy quân Phạm Hữu Nhật đem binh thuyền cùng 10 bài gỗ,
mỗi bài gỗ dài 5 thước, rộng 5 tấc, dày 1 tấc, mặt khắc chữ: “Minh Mạng thập
thất niên, Bính Thân, Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật
phụng mệnh vãng Hoàng Sa tương độ chí thử lưu đẳng tự” (Năm Minh Mạng thứ
17, năm Bính Thân (1836), Thủy quân Chánh đội trưởng Suất đội Phạm Hữu Nhật
vâng mệnh đi Hoàng Sa xem xét, đo đạc đến đây lưu dấu để ghi nhớ). Đây là
sự kiện mà hầu hết các bộ chính sử của triều Nguyễn, như Đại Nam thực lục,
Quốc triều chính biên toát yếu… đều có ghi chép.
Ngoài những trang ghi chép về sự kiện đi
Hoàng Sa vào các năm 1834, 1835, 1836, sách Đại Nam thực lục, đệ nhị
kỷ, quyển 204, còn ghi chép thêm rằng, phái viên Hoàng Sa là Suất đội Thủy
sư Phạm Văn Biện cùng thủy quân, binh phu đi Hoàng Sa bị gió bão đánh tan
nát nên đến tháng 7 năm Minh Mạng thứ 20 (1839) mới “lục tục” về đến kinh
thành. Hỏi vì sao, đoàn thuyền đi Hoàng Sa lần này cho biết, họ đã nhờ thủy
thần cứu giúp. Vua Minh Mạng sai Bộ Lễ chọn địa điểm ở cửa biển Thuận An đặt
đàn cúng tế tam sinh nhằm cảm tạ thủy thần, rồi thưởng tiền cho Phạm Văn
Biện, các biền binh và dân phu đi theo (Tập 5, tr. 532).
Chỉ căn cứ theo các đoạn ghi chép nêu
trên cũng đã thấy nội dung văn bản cổ của dòng họ Đặng là hoàn toàn trùng
khớp với chính sử.
Nội dung trùng khớp thứ nhất, đó là về
thời gian: Hằng năm cứ vào hạ tuần tháng giêng là các phái viên, biền binh
xuất quân ở kinh thành, để đến thượng tuần tháng 2 là đến Quảng Ngãi và đến
hạ tuần tháng 3 là đi Hoàng Sa.
Thứ hai, là về số lượng binh thuyền,
Đại Nam thực lục ghi: Ngoài số binh thuyền ở kinh thành phái vào, ở
Quảng Ngãi (lẫn Bình Định) còn chuẩn bị thêm 3- 4 chiếc thuyền nhẹ của dân
địa phương (mà ở đây văn bản cổ họ Đặng cho biết tỉnh Quảng Ngãi năm 1834 đã
chuẩn bị 4 thuyền, trong đó có 1 thuyền dành riêng cho ông Võ Văn Hùng đi
với 8 thủy thủ ở tỉnh Quảng Ngãi như chúng tôi đã nêu tên ở trước). Do vậy,
có thể suy ra, chuyến công vụ Hoàng Sa theo văn bản cổ của dòng họ Đặng có
tất cả 7 thuyền, chứ không phải chỉ có 3 thuyền như trước đây một vài người
đã suy đoán.
Nội dung văn bản cổ của dòng họ Đặng còn
trùng khớp với nhiều nguồn tài liệu, thư tịch bằng chữ Hán của các sử gia,
quan lại ở những triều vua khác nhau, đặc biệt là những tài liệu, thư tịch
có ghi chép khá kỹ lưỡng về hoạt động của đội Hoàng Sa – Trường Sa cũng như
việc thực thi chủ quyền của Việt Nam tại hai quần đảo này.
Trước hết đó là những ghi chép của Nội
các triều Nguyễn trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, những ghi
chép của Phan Huy Chú trong Lịch triều hiến chương loại chí và
Hoàng Việt địa dư chí, những ghi chép của Nguyễn Thông trong Việt sử
cương giám khảo lược… Sở dĩ ta xem văn bản cổ của dòng họ Đặng có sự
trùng khớp về nội dung so với các tài liệu này, bởi nhiều trang ghi chép
trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ, hay các sách của Phan Huy
Chú, Nguyễn Thông không khác mấy với các bộ chính sử triều Nguyễn như Đại
Nam thực lục, Quốc triều chính biên toát yếu, Đại Nam nhất
thống chí.
Riêng về hoạt động của đội Hoàng Sa, ngay
từ thời đầu chúa Nguyễn, thì cũng thẳng thắn nhìn nhận rằng, hầu hết những
trang ghi chép của các sử gia Việt Nam viết về hoạt động của đội Hoàng Sa
kiêm quản Bắc Hải (bao gồm cả Trường Sa) ít nhiều cũng đã kế thừa, thậm chí
có những chỗ gần như nguyên văn một số sự kiện mà Lê Quý Đôn mô tả trong bộ
sách Phủ biên tạp lục biên soạn vào năm 1776, tức lúc Lê Quý Đôn theo
lệnh của vua Lê - chúa Trịnh vào làm Hiệp trấn Thuận Hóa.
Cùng với những trang ghi chép của các sử
gia phong kiến Việt Nam, các quan ở Nội các triều Nguyễn trong Khâm định
Đại Nam hội điển sự lệ, đó là các tờ phúc tấu, tấu trình lên cho vua của
các đình thần như Bộ Công, Bộ Hộ, các quan đầu tỉnh…, và được vua phê chuẩn
bằng mực son (châu bản), đặc biệt là châu bản dưới thời vua Minh Mạng.
Châu bản tập Minh Mạng số 54 cho biết,
ngày 18 tháng 7 năm Minh Mạng thứ 16 (1835), nhà vua đã ra chỉ dụ thưởng
phạt cho những người Hoàng Sa vào năm này (trong đó có ghi phạt Phạm Văn
Nguyên và những viên giám thành 80 trượng vì tội trì hoãn thời gian đi Hoàng
Sa, thưởng Võ Văn Hùng, Phạm Văn Sanh vì có công hướng dẫn hải trình).
Phúc tấu của Bộ Công ngày 12 tháng 2 năm
Bính Thân (1836) cho Phạm Hữu Nhật đi cắm cột mốc, dựng bia chủ quyền. Tờ
tấu của Bộ Hộ ngày 11 tháng 7 cũng năm Bính Thân (1836) cho xin thanh toán
lương thực cho dân phu đi Hoàng Sa. Tờ dụ ngày 13 tháng 7 năm Minh Mạng thứ
18 (1837) trong Châu bản Minh Mạng tập 57 cho biết việc sai các giám thành,
biền binh hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định đi đo vẽ bản đồ, cắm mốc chủ
quyền ở quần đảo Hoàng Sa.
Trong năm Minh Mạng thứ 19 (1838) có 3 tờ
tấu trình.
Thứ nhất, đó là Tờ tấu của Bộ công ngày 2
tháng 4 (nhuận) cho biết việc hoãn thi hành công vụ đi đo giáp vòng quần đảo
Hoàng Sa trong tháng 3 vì mưa gió kéo dài.
Thứ hai, cũng là tờ tấu trình của Bộ Công
ngày 21 tháng 6 năm (1838) cho biết: hướng dẫn viên đi Hoàng Sa là Võ Văn
Hùng (người được ghi trong văn bản cổ của dòng họ Đặng là lo việc tuyển chọn
binh phu và đã tuyển chọn đà công Đặng Văn Siểm) đã cung cấp thông tin là
quần đảo Hoàng Sa có tất cả 4 nơi cần khảo sát; lần đi năm này (1838) chỉ đi
được 3 nơi, còn một nơi không đi được vì gió đang mạnh nên xin để cho năm
sau đi tiếp.
Hướng dẫn viên Võ Văn Hùng cũng cho biết
thêm, quần đảo Hoàng Sa có tất cả 25 hòn, nhưng trong năm chỉ đi đến được 12
hòn, khảo sát và vẽ được 3 bản đồ riêng, 1 bản đồ chung, còn lại 13 hòn chưa
đến được. Đây là tờ tấu trình hết sức đặc biệt, không chỉ liên quan đến ông
Võ Văn Hùng có ghi trong văn bản cổ của dòng họ Đặng mà còn ghi chép khá cụ
thể về việc số lượng các hòn đảo trong 4 nơi thuộc quần đảo Hoàng Sa, số
lượng các hòn đảo đã được đo vẽ trong năm này.
Tờ tấu trình thứ ba năm 1839 là tờ tấu
trình của tỉnh Quảng Ngãi vào ngày 19 tháng 7, tức sau đó chưa đầy 1 tháng,
quan tỉnh Quảng Ngãi tấu trình về việc cho miễn thuế cho 2 chiếc “bổn chinh
thuyền” đã đưa binh lính đo giáp vòng quần đảo Hoàng Sa từ tháng 3 đến hạ
tuần tháng 6.
3.4. Trong các thủy thủ đi theo
đoàn có hai người thuộc đội súng ống, cho phép chúng ta hiểu rằng những
người đi Hoàng Sa mang theo vũ khí tự vệ. Những chữ “Do Kim thương đội nhị
danh”(thuộc đội súng ống, 2 tên) nằm ở dòng cước chú (ghi chú bên dưới), nét
mờ, chữ nhỏ nên khi tiếp cận trực tiếp văn bản, chúng tôi đã xem rõ những
chữ này (bản dịch in trên báo Thanh Niên không có phiên âm và dịch nghĩa của
mấy chữ “do Kim thương đội, nhị danh”).
4. Kết luận:
Văn bản tờ lệnh vừa được dòng họ
Đặng phát hiện và hiến tặng cho nhà nước là một văn bản gốc, chân thực, có
niên đại tuyệt đối tin cậy. Đây là một tài liệu quý giá góp phần khẳng định
chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa.
Tác giả: Nguyễn Xuân Diện
Sưu tầm
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét