Thứ Ba, 19 tháng 2, 2013

Chùa Thiên Tôn - Hoa Lư - Ninh Bình

alt
Chùa Thiên Tôn
Từ thành phố Ninh Bình đi khoảng 4km theo đường Ninh Bình - Hà Nội, đến thị trấn Thiên Tôn - huyện Hoa Lư, rẽ trái qua cổng Cố đô khoảng 400m, quý khách sẽ bắt gặp một dãy núi đá nguy nga vững chắc chắn ngang ở phía trước.

Đó là dãy núi Lương Sơn – Dũng Đương (hay còn gọi là núi Thiên Tôn), là tiền tiêu vọng các của kinh thành Hoa Lư xưa kia. Nằm gọn trong lòng núi, bên một "hàm rồng" bằng núi đá là một ngôi chùa cổ kính Thiên Tôn Động Tự. Trong khuôn viên chùa có Chùa cổ, động thờ Thánh, có phủ Mẫu và nhà thờ Tổ trang nghiêm cổ kính vẫn còn lưu giữ được những dáng cổ từ xa xưa đến ngày nay. Bạn hãy đến và cảm nhận; Nếu đứng từ bên ngoài thì đó là một cảnh phố xá nhộn nhịp với cảnh người và xe cộ qua lại ồn ào, nhưng khi đi vào trong chùa thì bạn sẽ được chứng kiến một không gian văn hóa tâm linh thanh tĩnh và được cảm nhận nhiều nghệ thuật điêu khắc đá đặc sắc của các nghệ nhân cổ nơi đây.
Khu di tích động Thiên Tôn thờ chính là thánh Trấn Vũ Thiên Tôn. Chùa - Động Thiên Tôn nằm ở khu vực vực núi Dũng Đương, là một trong những hệ thống các danh sơn nằm trên địa bàn huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình. Cùng với các núi Lương Sơn - xã Ninh Mỹ, núi Duông - Ninh Giang, núi Con - xã Trường Yên, núi Bùng - Ninh Khánh,... Các núi này đã tạo ra một thành lũy các núi non bao bọc như thành như lũy, như một thế trận chiến lược của kinh thành cổ Hoa Lư. Núi Dũng Đương nằm ở giữa, khiến cho ta có một cảm tưởng như đang đứng trong dãy Hoa Nhạc thơ mộng trong hệ thống núi Ngũ Nhạc của Trung Quốc.
Núi Dũng Đương thuộc địa phận thị trấn Thiên Tôn – huyện Hoa Lư – tỉnh Ninh Bình, cách kinh thành cổ Hoa Lư 5km về phía Tây. Cái tên “Dũng Đương sơn” hay còn gọi là “Vũ Đương sơn”, có nghĩa là núi chắn dòng nước mạnh chảy từ trên dội xuống. Ba chữ Dũng Đương sơn (湧當山) đồng thời cũng được viết dưới cổng vào trong động thờ thánh Trấn Vũ.
Thiên Tôn – Hoa Lư là một vùng đất “tú thủy kỳ sơn” (núi non kỳ vĩ và sông ngòi sạch đẹp) của tỉnh Ninh Bình. Về địa thế khu vực di tích Chùa và Động Thiên Tôn, phía tây có núi chạy dài bao quanh, phía đông bắc là dòng sông Hoàng Long hiền hòa thơ mộng, phía đông nam là đồng bằng thoáng đãng đẹp đẽ và thanh bình. Gần núi Dũng Đương có núi Lương Sơn và Côn Lĩnh, 3 dãy núi này hợp lại tạo thành lũy đá khổng lồ để che bọc kinh thành Hoa Lư. Vì có địa thế núi sông hòa phối, thành trì vững chãi, một mặt có thể phóng tầm nhìn rộng mở, một mặt có thể phòng thủ vững chắc như vậy cho nên hai vua Đinh Tiên Hoàng đế và Lê Đại Hành đã chọn núi này làm Tiền đồn, vọng các tiền tiêu cho kinh thành Hoa Lư.
Theo dã sử dân gian vùng cố đô Hoa Lư thì động Thiên Tôn được phát hiện vào khoảng thời Hùng Vương thứ 12. Đến thời nhà Đường có một viên quan đồng thời là một Đạo sĩ lừng danh tên là Cao Biền (821 – 887) được cử sang cai trị đất Giao Châu. Ông thường hay cỡi diều giấy đi dò tìm các hình thế long mạch ở khu vực này để yểm triệt mà ông cho rằng long mạch đế vương của người Giao Chỉ chắc chắn nằm ở khu vực Ninh Bình. Đồng thời ông cho lập đền thờ Thánh Trấn Vũ Thiên Tôn ở động núi Dũng Đương này để thờ và tu tập tại đó.
Sau gần một nghìn năm Bắc thuộc, đến năm 968 Đinh Bộ Lĩnh người làng Đại Hữu (Gia Viễn – Ninh Bình) đã giẹp loạn 12 sứ quân, thống nhất đất nước và lập ra nhà nước trung ương tập quyền đầu tiên ở Việt Nam (Giao Chỉ - Giao Châu bấy giờ). Trước khi cất quân đi chinh phục các sứ quân, Đinh Bộ Lĩnh thường tới động Thiên Tôn để cầu thần phù hộ. Quả nhiên lần nào cũng được thần hiển linh và trợ giúp đắc lực. Khi lên ngôi hoàng đế ông nhớ lại công trạng của Thần và đã phong cho Thần là “An Quốc Tôn Thần” (安國尊神, vị Tôn thần có công giữ gìn cho đất nước được bình yên), đồng thời cho sửa sang lại động và xây đền thờ ở phía đông của động gọi là “An Quốc Tôn Thần từ”, tức đền Hàng Tổng ngày nay.
Sau khi kinh đô Hoa Lư được dời ra Đại La, tuy Hoa Lư không còn là trung tâm văn hóa – kinh tế - chính trị của cả nước nữa, nhưng vua Lý Thái Tổ vẫn cho xây dựng nơi đây nhiều công trình kiến trúc với quy mô lớn và nhiều lần sắc phong cho thần Trấn Vũ Thiên Tôn. Đến triều Trần và các triều đại phong kiến tiếp theo, khu vực cố đô Hoa Lư đều được các vua chú ý tôn tạo và bảo vệ; thần Trấn Vũ Thiên Tôn vẫn được nhiều lần sắc phong của các vua của các thời đại về sau.
Hiện nay trong động Thiên Tôn vẫn còn lưu giữ lại được các hiện vật đồ thờ tự bằng đá và bằng đồng có giá trị lịch sử hàng nghìn năm đến hàng mấy trăm năm trở lại như: tượng cổ 18 vị La Hán bằng đá; hệ thống nhang án, bệ thờ, cây đèn, long vị, long cung, bát biểu bằng đá có phong cách của các thời đại từ Đinh – Lê, Lý, Trần, Lê, Nguyễn… với hoa văn lưỡng long chầu nguyệt, hình chim phượng, hoa lá… được trạm khắc công phu, tinh xảo. Phía trên vách động là quả chuông đồng đề niên hiệu Cảnh Hưng (1740 – 1786) với trọng lượng khoảng ba bốn trăm kilogam, có 4 núm ở bốn phía phát ra 4 kiểu âm thanh khác nhau. Phía trên lũy đá trước động là một ngọn tháp cổ không xác định từ thời nào, đã được cây si bao bọc toàn bộ.
Đặc biệt, hiện vật chính trong động là pho tượng thần Trấn Vũ Thiên Tôn bằng đồng đúc năm Quý Dậu (1875), đang đứng chống kiếm trên thần Quy (rùa), Xà (rắn). Đây là một pho tượng đứng với dánh vẻ rất đặc biệt. Toàn bộ tôn tượng được trí trong một long cung hoàn toàn bằng đá với những đường nét trạm khắc đạt đến trình độ tinh xảo với bàn tay khéo léo của những người thợ đầy tâm huyết! Nói về thần Trấn Vũ Thiên Tôn, sách Chân Vũ Quán Lục có chép: “Trời đất hỗn độn, truyền pháp giáo chủ, tu chân ngộ đạo, giác ngộ quần mê, phổ huệ chúng sinh, tiễu trừ tai nạn. Thần có 82 phép biến hóa, tổ sư tam giáo, đại từ đại bi, cứu khổ cứu nạn.” Thần sinh ngày 3 tháng 3, hóa ngày 9 tháng 9. Muốn cầu Thần được linh ứng thì phải ăn chay và sống thiện lương.

alt
Tượng thần Trấn Vũ Thiên Tôn
Bằng những hiện vật khảo cổ tìm thấy và những đồ thờ tự, những tấm bia còn lưu giữ lại đã chứng tỏ xuyên suốt nhiều thời đại, ông cha ta đã luôn duy trì và tôn tạo nhiều các công trình kiến trúc tại động Thiên Tôn.
Thời kỳ năm 1930 – 1945, với việc thành lập các chi bộ Cộng sản ở Đa Giá (Trường Yên), Trung Trữ (Ninh Giang), di tích động Thiên Tôn là nơi qua lại ăn nghỉ, trú chân của các chiến sĩ cộng sản hoạt động ở khu vực này. Ngày 20/8/1945, hơn một vạn quần chúng nhân dân ở các vùng huyện Nho Quan, Gia Viễn, Gia Khánh cùng các đội tự vệ có vũ trang đã tập trung ở phía trước động Thiên Tôn với cờ đỏ sao vàng, các biểu ngữ mang những dòng chữ: “Việt Nam Độc Lập”, “Ủng Hộ Việt Minh”, “Tiễu Trừ Việt Gian”, “Đả Đảo Chính Phủ Bù Nhìn Trần Trọng Kim”, “Thành Lập Chính Quyền Cách Mạng Nhân Dân”,… rực rỡ cả một vùng trời với khí thế sục sôi cách mạng. Đoàn quân đã kết hợp với quân dân các vùng lân cận và khởi nghĩa chiếm lại chính quyền Nhật ở tỉnh lị Ninh Bình không tốn nhiều công sức.
Với giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh quan trọng như thế nên vào năm 1962, quần thể di tích khu vực chùa – Động Thiên Tôn đã được Bộ Văn hóa (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng là di tích lịch sử tâm linh cấp quốc gia. Toàn thể di tích là một điểm trình về văn hóa tâm linh trước khi vào cố đô và đền Đinh – Lê, thuộc quần thể lịch sử, thắng cảnh, văn hóa, tâm linh Tràng An đang được Unesco công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.

MỘT SỐ ẢNH VỀ CHÙA ĐỘNG THIÊN TÔN 

alt
Chuông cổ chùa Thiên Tôn
alt
Giếng cổ
 
alt
Tháp bia rùa và lầu Ngũ phương thần linh
alt
Cây si bao quanh tháp cổ

Sưu tầm: Học viện phật giáo Việt Nam

Không có nhận xét nào: