Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2013

Làng nghề chạm khắc đá ở Xuân Vũ, Ninh Xuân, Hoa Lưu

Xuân Vũ thuộc xã Ninh Vân, huyện Hoa Lư, là một làng nghề chạm khắc đá nổi tiếng và độc đáo trong và ngoài tỉnh. Nghề chạm khắc đá ở đây có từ rất lâu đời, qua đôi bàn tay của biết bao thế hệ, cùng với những biến cải thăng trầm của lịch sử. Sản phẩm được tạo nên bằng đá từ nơi đây, nếu nhìn ở góc độ văn hóa, chính là sự hoá thân của thiên nhiên trong môi trường sinh hoạt văn hoá của con người. Qua các sản phẩm chạm khắc đá trong những công trình kiến trúc đền, chùa, nhà thờ ở khắp nơi, rồi những sản phẩm đá trong các gia đình, cơ quan… đều dễ nhận thấy là thiên nhiên và văn hoá cổ truyền hoà quyện chặt chẽ, khó có thể tách rời được.

nghe-cham-khac-da-xuan-vu.jpg

Làng Xuân Vũ ở cách tỉnh lỵ Ninh Bình khoảng bảy, tám cây số, là vùng đất thuộc núi Thiên Dưỡng nổi tiếng xưa, mà vua Đường đã phải cho vẽ ngọn núi nổi tiếng này đưa về Trung Quốc xem xét, xếp là một trong bảy linh sơn tụ khí của An Nam. Ở đây còn ngôi đền thờ Thành hoàng, ông Tổ nghề chạm khắc đá. Có người cho rằng, nghề chạm đá ở Xuân Vũ có từ thời Đinh- Lê. Đến thăm làng nghề “độc nhất vô nhị” trong vùng, các du khách sẽ liên hệ tới những tác phẩm tạc rồng bằng đá, hay những phù điêu, hoa văn bằng đá sinh động, công phu ở đền thờ Vua Đinh, vua Lê, đền Thái Vi… Những người thợ đá Xuân Vũ xưa chắc đã góp công sức đáng kể để tạo nên bức tranh Long Sàng (ở cửa đền vua Đinh) thật sự tài hoa theo quan niệm về triết lý nhân sinh, hồn nhiên mà sâu sắc. Đặc biệt ở đền Thái Vi có những tác phẩm bằng đá “chạm bong” tinh xảo như chạm gỗ, thể hiện tài nghệ và sự khéo léo của người xưa.

Đến thăm khu nhà thờ lớn Phát Diệm (Kim Sơn), ta như được chiêm ngưỡng một bảo tàng lưu giữ các công trình tác phẩm bằng đá thất ngoạn mục. Đó là những lối vào xây toàn bằng đá, các bức tranh tạc bằng đá diễn tả lại nhiều sự tích của đạo Thiên chúa. Độc đáo và kỳ lạ ở đây là ngôi nhà thờ Trái Tim Đức Mẹ được làm toàn bằng đá với các xà, cột, ngưỡng cửa, bàn thờ chạm hoa văn đạt tới trình độ tinh xảo. Khu di tích lịch sử văn hoá đồ sộ này đã một thời quy tụ được các bậc anh tài và tinh hoa của nghề chạm khắc đá từ bốn phương. Như vậy, từ thời xa xưa, Ninh Bình đã là sứ sở của nghề chạm khắc đá, là vùng đất màu mỡ hằng di dưỡng nghệ thuật quý giá này. Cũng bởi một lẽ đương nhiên, Ninh Bình là sứ sở của núi đá.

Cho đến nay, việc xây dựng các công trình kiến trúc bằng đá chạm khắc đi lùi dần vào quá khứ, nhưng nghề chạm khắc đá vẫn không thể bị mai một. Những người thợ chạm đá ở thôn Xuân Vũ giờ đây vừa như những hạt giống quý mà tổ tiên ta gửi lại cho con cháu, vừa là người đại diện cho một nghề truyền thống trường sinh bất tử. Những nghệ nhân chạm khắc đá ở Xuân Vũ như cụ Đức, cụ Phong còn lại rất ít. Các cụ kể lại rằng thời xa xưa, thợ chạm khắc đá người Xuân Vũ đã có mặt khắp nơi, tham gia tạo dựng nhiều đền đài, lăng tẩm như chùa Hương, đền ông Đùng, bà Đà, đền Trình, Phủ Giày, đền Đông Hội, Nghinh phong Các và các công trình kiến trúc nổi tiếng khác. Cách đây chưa lâu, ba thợ chạm khắc đá người Xuân Vũ đã góp công xây dựng lăng Bác Hồ. Năm 1989, những người thợ đá Ninh Vân đã xây dựng công trình tượng đài liệt sỹ Thủ Đức, trên ngọn đồi không tên. Cũng trong khoảng thời gian này, họ đã “xuất ngoại” sang đất nước Campuchia và hoàn thành cụm tượng đài “Anh lính tình nguyện” có dáng vóc thật hoành tráng tại Thủ đô Nông Pênh.

Nghề chạm khắc đá ở Xuân Vũ tồn tại đã bao đời theo lối gia truyền là chủ yếu để tạo nên các sản phẩm đá tinh xảo. Theo lời cụ Phởng, một thợ đá Xuân Vũ lâu năm, kể lại, thì chính cụ đã được làm xong, đem thả xuống nước, chén nổi lên quá nửa. Như vậy, chén đá ấy rất mỏng, thật công phu, Con trai cụ Phởng là anh Ngọc, trong những ngày tháng 10-1994, đang cùng một nhóm thợ ở Xuân Vũ gia công những bộ chậu cảnh, bể cảnh bằng đá cỡ lớn theo đặt hàng của Ban quản lý, chăm sóc cây cảnh khu lăng Bác Hồ. Giá thành hiện nay của mỗi bộ chậu cảnh ấy (đường kính 1,3m) tới 15 triệu đồng. Nhưng cũng không phải là đắt đỏ so với công sức của những người thợ. Từng khối đá vuông vức, mỗi chiều mét rưỡi, được vận chuyển từ Thanh Hoá về tới làng Xuân Vũ không phải là nhẹ nhàng, đơn giản. Đó là một loại đá mầu trắng, có độ dai mà ít bị các khuyết tật ngầm bẩm sinh. Qua một thời gian miệt mài, say mê lao động của người thợ Xuân Vũ, mỗi khối đá vô tri ấy được chạm khắc hoa văn hay các bức hoạ lối cổ; thận trọng mà khéo léo. Bề mặt nổi của các hoa văn được sơn mầu đen, làm nổi bật những đường nét, càng thêm sống động.

Nhà ở của các thợ chạm đá lâu năm như nhà cụ Đức, cụ Phởng đều có những bức câu đối chữ Hán chạm bằng đá phiến, sơn đen, để đi huấn cho con cháu nếp gia phong. Riêng cụ Đức trước kia đã tự tay đục đá núi để làm những cột hiên, cột nhà phía sau, xà đỡ có văn hoa trang trí, rồi bức ngai thờ, bình hoa được chạm khắc một cách công phu điêu luyện.

Các sản phẩm chạm khắc đá ở Xuân Vũ ngày nay vẫn khá phong phú; thống (chậu cảnh), bể cảnh, tượng nghệ thuật, tượng tôn giáo, bát hương, phù điêu, cối đá, đá lat, bia mộ, ảnh chân dung được truyền trên đá…cung cấp cho thị trường khắp nơi. Có những pho tượng đúc bằng thạch cao được đưa từ phía Nam ra đây để truyền lại bằng đá khối. Chạm khắc đá nghệ thuật dĩ nhiên không chỉ là sức lao động thông thường, công việc này đòi hỏi tài nghệ, lòng say mê của những người thợ và sự mẫn cảm, kinh nghiệm được đúc kết qua nhiều thế hệ.

Sự hoá thân của đá thành các sản phẩm có giá trị trường tồn ở làng nghề Xuân Vũ đã và đang dần dần hoà nhập với nhịp điệu chuyển vận của kinh tế thị trườngm Và chắc chắn, những sản phẩm chạm khắc đá tài hoa, tinh xảo đó, thể hiện sắc thái văn hoá dân tộc vẫn không thể mất đi giá trị vốn có của nó trong thời kỳ hiện đại.

Sưu tầm.

Không có nhận xét nào: