Thứ Hai, 25 tháng 2, 2013

Bí ẩn ngôi đền Quán Đôi bên bờ sông Tô Lịch

Thần tích đền Quán Đôi

Các trưởng lão làng An Phú và người coi đền là cụ Xe, cụ Thạch đều thuộc lòng sự tích đền Quán Đôi với bức hoành phi ghi rõ "Linh Từ Quốc Mẫu" kể lại rằng: Ngọc phả xưa ghi công tích của khai quốc công thần triều Lý, có công lớn, một vị công chúa, một vị hoàng tử Đại Vương trong bản chính của Bộ lễ quốc triều về công thần. Trước đây dân chúng truyền lại rằng: Ở trang Yên Dũng, huyện Tứ Kỳ, phủ Hạ Hồng, trấn Hải Dương, có một vị tù trưởng họ Trần, tên là Lữ, vợ là Vũ Thị Hoàn, vợ chồng hòa hợp, bản tính hiền lành, lấy việc nông trang làm nghề sinh sống. Vào giờ mão, ngày 4 tháng 8 năm Bính Thân, bà sinh được một người con gái. Hai vợ chồng vô cùng mừng rỡ, nuôi dưỡng hết sức  chu đáo. Cô bé hồng hào, rạng rỡ, dung mạo đẹp đẽ, trong lòng bàn tay trái có chữ Chủ màu đỏ. Ông bà rất lấy làm lạ, cho rằng không phải người thường. Cô bé được chăm sóc đầy đủ, lên 2 tuổi được đặt tên là Phương nương (nàng Phương).

Khi đã lớn, những lúc mẹ đi hái dâu, nàng Phương đều đi theo. Thường có đám mây che trên đầu nàng Phương, bà mẹ trông thấy cho là việc kỳ lạ liền về kể lại với chồng. Lữ công biết chuyện song vẫn giấu kín trong lòng, không lộ ra với ai. Ngày tháng trôi qua, nàng Phương đã 18 tuổi. Bấy giờ có một vị quan trong triều trên là Lý Công Trinh nghe tiếng nàng Phương vừa đẹp lại vừa hiền hậu, đảm đang, liền đến xin được cưới nàng Phương về làm vợ. Ông bà Lữ vô cùng mừng rỡ, ưng thuận cho Lý Công Trinh được cử hành hôn lễ, rước nàng Phương về làm vợ. Hai năm sau, nàng Phương sinh được một người con trai (vào giờ Tý ngày mùng 8 tháng 12 năm Ất Mão). Đứa bé mặt mày sáng sủa, tai to, ngực lớn, thân dài, tướng mạo khác thường. Tròn 100 ngày cậu bé được đặt tên là Thống. Năm cậu Thống 18 tuổi, giặc Ma Na đến xâm phạm bờ cõi nước ta. Tin ở biên giới liên tục cấp báo về triều đình. Vua cho quan Bộ chủ Lý Công Trinh thay mặt vua cầm quân đi dẹp giặc. Vừa tiến quân đến nơi đồn sở của giặc, quan Bộ chủ đã bị tướng giặc giết hại ngay tại trận (ngày 17 tháng 5). Mẹ con nàng Phương nghe tin dữ liền lên Bàng Châu nhận xác quan Bộ chủ về mai táng. Tướng giặc trông thấy nàng Phương, rắp tâm muốn ép làm vợ, song hai mẹ con nhất định không chịu. Tướng giặc nói: Nếu ưng thuận thì mẹ sẽ được phong làm Hoàng hậu còn con sẽ được phong làm Hoàng tử. Hai mẹ con nàng Phương vẫn dứt khoát từ chối, tướng giặc liền truyền quân lính đưa hai người đến bờ sông Bàng Châu chém đầu.

Hai mẹ con nàng Phương giả vờ ưng thuận, nhưng tìm cách chạy trốn đến ngôi quán ở trang Dịch Vọng Tiền thuộc huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Lúc ấy trời đã xế chiều, cả hai vừa đói vừa khát. Bấy giờ trong trang có ông Lê Công Đoan vốn nhà giầu có lại hay làm việc thiện, thấy tình cảnh mẹ con như thế mới hỏi rõ tên tuổi, ngọn ngành rồi chu cấp cho tiền của để sống qua lúc ngặt nghèo. Ba ngày sau bỗng dưng thấy trời đất tối tăm, mưa to gió lớn nổi lên, hai mẹ con hóa ngay tại quán (ngày 21 tháng 5). Một lát sau trời lại quang đãng sáng sủa. Dân làng kéo nhau ra xem đã thấy mối đùn lên thành ngôi mộ. Từ đó nơi đây rất thiêng. Ai có trắc trở, khó khăn đến khấn cầu sẽ được bình yên. Nhân dân bèn lập miếu thờ phụng.

Lại nói, lúc đó nhà vua nghe tin Bộ chủ thất trận, bèn thân chinh đem quân đi dẹp giặc Ma Na. Quân lính đi qua bản trang Dịch Vọng Tiền tự nhiên xa giá bị níu lại không thể tiến lên được. Vua lấy làm lạ, đến nửa đêm mộng thấy hai người, một chàng trai và một đàn bà tự xưng là hai mẹ con, tâu rằng: Chúng thần nghe tin nhà vua thân chinh đi dẹp giặc nên cùng nhau đến yết kiến trước xa giá, xin đi theo lập công âm phù giúp nước. Nói xong bỗng thấy hai khối lửa sáng bay ngay trước mắt. Vua tỉnh dậy biết là Thần báo mộng, lập tức triệu dân trong vùng đến hỏi rằng: Đêm qua ta bỗng nằm mơ thấy hai mẹ con tâu bày rất rõ ràng, vậy ngôi miếu đó thiêng đến như thế nào? Bấy giờ mọi người mới kể lại đầu đuôi câu chuyện. Vua bèn truyền cho dân chúng làm lễ tạ trước miếu. Lễ xong bỗng thấy gió nổi lên, xa giá đi như bay. Một khắc sau đã đến đồn sở của giặc, đánh một trận giáp công ồ ạt. Quân tướng giặc đại bại chạy tan tác. Sau khi thắng trận trở về triều, vua lệnh đem sắc chỉ đến, truyền cho nhân dân sửa sang đền miếu để thờ phụng hai mẹ con. Vua lại ban thêm cho dân 100 quan tiền để chi dùng vào việc đèn hương và sắc phong mỹ tự cho được thờ mãi, cùng hưởng lộc nước, làm mẫu cho muôn đời. Phương nương được phong làm Lý Hoàng hậu, Lý Công Thống được phong làm Thống Hoàng đế Đại vương, cho phép dân trang Dịch Vọng Tiền được làm Hộ nhi trông nom đèn hương thờ phụng, được miễn phu phen tạp dịch.

Huyền sử cũng kể rằng, nhà Trần khi giành được quyền lực của nhà Lý, do muốn hạ uy thế của Vương triều cũ nên đã sai một viên quan đem một đạo bùa đến yểm tại khúc sông này. Nếu như bỏ qua huyền sử, chúng ta cũng biết rằng dưới triều Lý, đạo Phật rất phát triển và có nhiều cao tăng tu hành theo phái Mật tông rất thạo bùa, chú, ấn, quyết. Chuyện sư tổ chùa Thày thi triển pháp lực để báo thù trước khi thành đạo cũng xảy ra trên sông Tô Lịch dưới chân thành Thăng Long. Xem ra thì chứng cứ dân dã nghiêng hẳn về phía nhận xét đây là bùa trấn yểm kinh thành hoặc bùa yểm Long mạch nhằm làm giảm bớt vượng khí của nhà Lý. Tuy chưa có báo cáo giám định khảo cổ nhưng các chuyên gia khai quật xác định các di vật gốm chắc chắn thuộc thời đại cuối Lý, đầu Trần, và như vậy vô tình càng làm tăng thêm sự huyền bí của bãi cọc bát quái tại sông Tô lịch.

Cũng có một giả định khác về việc yểm bùa tại sông Tô Lịch, có thể là một hiện tượng trấn yểm nhằm cắt và bế Long mạch, chặn đường của Khí. Tuy nhiên, một câu hỏi đặt ra là ai đã trấn yểm vị trí này và mục đích sự trấn yểm này để làm gì? Theo ý kiến của nhiều người đây có khả năng là tác phẩm của Cao Biền, một Tiết độ sứ của Trung Quốc vào thế kỷ 8, tức là trước thời nhà Lý khoảng 200 năm. Chính GS Trần Quốc Vượng trước đây cũng đồng ý rằng đây là một sự trấn yểm sông Tô Lịch, song không chỉ căn cứ vào niên đại của một số đồ gốm nhặt được mà cho rằng sự việc xảy ra vào thời Lý - Trần. Nếu theo truyền thuyết "Tại sao sông Tô Lịch và sông Thiên Phù hẹp lại" hay truyền thuyết "Sự tích Ông Dầu bà Dầu", tác giả của sự việc trên là các vị vua nhà Lý, nhằm trấn yểm sự báo thù của Ông bà Dầu, thì không có sự việc sông Tô Lịch và Thiên Phù cứ ngày càng hẹp lại, đến nay chỉ còn là một con sông nhỏ xíu, làm nhiệm vụ thải nước bẩn cho Hà Nội. Ta nhớ rằng theo sử sách sông Tô lịch ngày xưa rất rộng, trên bến, dưới thuyền, là trục Giao thông chính thủa ấy. Mặt khác, thời Lý Trần có rất nhiều nhà phong thủy Việt nam tài giỏi như: Thiền sư Định Không làng Cổ pháp (Sư thọ 79 tuổi - mất năm Bính Tuất 808), Sư La Chân Nhân (852 -936), Sư Vạn Hạnh... Dĩ nhiên các vị sư đó không thể nào để cho các vua Lý trấn yểm sông Tô Lịch và Thiên Phù, để đến nỗi sông Tô Lịch và Thiên Phù cứ ngày càng hẹp lại và ngôi báu vua Lý chẳng bao lâu về tay nhà Trần. Dòng họ Lý bị tuyệt diệt đến nỗi chỉ có người nào đổi qua họ Nguyễn mới thoát khỏi…

Sự trùng hợp...

Vào ngày 27-9-2001, đội thi công số 12, của một công trình xây dựng trong khi nạo vét sông Tô Lịch, thuộc địa phận làng An Phú, phường Nghĩa Đô, quận Cầu Giấy, Hà Nội đã phát hiện được di vật cổ rất lạ và huyền bí. Đó là 7 cây gỗ được chôn đứng dưới lòng sông, tạo thành một đa giác đều, tại đó có các bộ hài cốt bị đóng đinh bả vai, táng giữa các cọc gỗ đó. Ngoài ra còn phát hiện được tấm gỗ vàng tâm có hình bát quái, một số đồ gốm, xương Voi, Ngựa, dao, tiền đồng. Sau khi đã rút những cọc gỗ đó lên, lấy các bộ hài cốt đem lên Bát Bạt, thấy có rất nhiều hiện tượng kỳ lạ xảy ra. Nào là các việc chuẩn bị tiến hành thi công bị rối tung lên, chiếc máy xúc khổng lồ tự nhiên lao xuống sông. Rồi một số người đang làm việc tự nhiên ngã lăn ra đất. Địa tầng của cả khu vực thi công tự nhiên biến đổi, không giống như khảo sát ban đầu, thử đưa la bàn vào khu vực đó thấy kim la bàn quay tít. Một năm sau sự việc trên, có hàng loạt sự kiện ngẫu nhiên xảy ra, gây kinh hoàng cho toàn đội xây dựng số 12. Sự việc lên đến đỉnh cao khi có tới 43 người thợ bỏ không dám tiếp tục làm việc tại công trường này nữa. Trong số đó nhiều người không nói rõ lý do, cũng không đòi hỏi vật chất mà đáng ra họ được hưởng.

Ngày 9-10-2001, những người thợ đã mời một thày theo đạo Tứ phủ đến giải thích, theo nhận định của thày thì đây là một đạo bùa bát quái trận đồ được chôn yểm lâu đời để trấn yểm Long mạch của khu vực này. Các nhà khoa học đã có những đánh giá sơ bộ, song cho đến nay vẫn chưa có kết luận nào khả dĩ có thể lý giải và khắc phục các sự việc trên. Một giáo sư sử học đã kết luận: “Trước đây, cổng Hoàng thành ngoài lính còn có Thần trấn giữ 4 cửa (Thăng Long tứ trấn) và có yểm bùa hay còn làm lễ Hiến Sinh. Như vậy đây là cổng thành phía Tây của La Thành. Thông qua tính tương đối thống nhất giữa niên đại của Tiền và đa số đồ gốm cho thấy niên đại của địa điểm này trong khoảng thế kỷ 11 cho đến 14, thuộc vào cuối thời Lý đầu thời Trần Việt Nam hay thời Tống của Trung Quốc. Sự trùng hợp ngẫu nhiên giữa hiện tượng sông Tô bị lở do đổi dòng và mắt nhà Vua bị đau, đã tạo ra một lễ trấn yểm, trong đó có những bộ xương người cùng những hiện vật khác. Ở đây GS Trần Quốc Vượng muốn nhắc đến sự tích ông Dầu bà Dầu trong chuyện cổ tích Việt nam.

Trấn yểm để giảm vượng khí

Theo Việt sử lược, thành Đại La được xây dựng vào thế kỷ 7 có tên là Tống Bình. Năm thứ 2 niên hiệu Trường Khánh (Nhâm Dần - 822 ), vua Mục Tông nhà Đường dùng Nguyên Hỷ làm quan đô hộ. Nguyên Hỷ thấy cửa thành có dòng nước ngược sợ rằng dân ở thành có ý đồ phản nghịch, liền sai thầy bói gieo 1 quẻ. Thầy bói nói rằng: Sức ông không đủ để bồi đắp thành lớn, 50 năm sau, có một người họ Cao đóng đô tại đây mà xây dựng Vương phủ. Tới đời vua Đường Y Tôn (841 -873), Cao Biền được cử sang đất Việt làm Tiết Độ sứ. Cao Biền là một con người đa hiệu, vừa là một vị tướng,vừa là một nhà phù thủy, một đạo sĩ, cũng là một nhà Phong thủy có tài. La Thành được Cao Biền sửa chữa, chỉnh đốn lại cho hợp Phong thủy vào các năm: 866, 867, 868. Theo truyền thuyết, khi Cao Biền xây dựng lại thành Đại La, thì khu vực thi công có hiện tượng sụp lở đất. Cao Biền liền tiến hành trấn yểm Thần sông Tô lịch và một số điểm khác như đền thờ Thần Bạch mã, núi Tản Viên.

Sau đó công viêc xây dựng mới có thể hoàn tất. Theo định nghĩa của môn Phong thủy, Long mạch xuất phát từ những rặng núi cao. Núi mà từ đó khởi nguồn Long mạch gọi là Tổ sơn. Ngoài ra Long mạch còn xuất phát từ những khu vực khác gọi là Thiếu sơn. Ta cũng biết rằng thiên khí từ trên trời luôn có tính chất giáng xuống, các đỉnh núi cao là những ăng ten tiếp thu sinh khí. Từ những sự việc trên, có thể cảm nhận được rằng có một Long mạch rất lớn bắt nguồn từ núi Tản Viên và các rặng núi phía tây, tây bắc của thành Đại La kéo dài qua thành Đại La theo dọc sông Tô Lịch (khí thường đi theo nước), chạy qua khu vực hồ Tây bây giờ (hồ Tây trước kia là một khúc của dòng sông Hồng), sau đó sang tới tận địa phận Cổ Loa - Đông Anh và còn theo hướng đông, đông Bắc đi tiếp. Chính vì có Long mạch này mà Cao Biền phải vô cùng bận tâm, khổ trí nhằm tiêu diệt hoặc trấn yểm.

Có thể kể ra đây những câu chuyện về "hoạt động" của Cao Biền liên quan đến các khu vực của Long mạch này. Đầu tiên là truyền thuyết Cao Biền trấn yểm núi Tản Viên, đã sử dụng đến 8 vạn cái tháp bằng đất nung. Gần đây người ta còn đào được những cái tháp đất nung đó tại khu vực này. Tiếp theo là truyền thuyết Cao Biền dùng hơn 4 tấn sắt, đồng… chôn để trấn yểm đền Bạch Mã là nơi vị thần sông Tô Lịch trú ngụ. Cao Biền còn nhiều lần dựng đàn tràng, dùng 4 thứ kim loại: sắt, đồng, vàng, bạc trấn yểm nhiều nơi trên bờ sông Tô Lịch. Theo sử sách, Cao Biền đã đặt bùa chấn yểm tới 19 nơi dọc theo sông Tô Lịch. Thời bấy giờ nước Nam có nhiều vị đại sư tài ba lỗi lạc, hiểu biết rất giỏi về Nho, Y, Lý Số và thuật Phong thủy đã hóa giải sự trấn yểm của Cao Biền bằng phép Huyền môn. Các đại sư thường tụ tập tại ngôi đền Sơn tinh-Thủy tinh ở núi Ba Vì, hay ở đền Bạch Mã, dùng những hiểu biết về Phong thủy để chấn áp bùa phép của Cao Biền.

Trở lại, đạo bùa tìm thấy trên lòng sông Tô Lịch, có rất nhiều lý do để có thể kết luận rằng đó là tác phẩm của Cao Biền. Cao Biền đời nhà Đường, thuộc về thế kỷ 9, tức là trước thời các nhà Lý khoảng 200 năm (Lý Thái Tổ dời đô năm 1010). Nếu xét về niên đại của cổ vật tìm thấy dưới lòng sông Tô Lịch, thì trong khoảng 200 năm các cổ vật trên cũng không có sự thay đổi nhiều. Cũng không loại trừ trường hợp các cổ vật ở trên đất liền rớt xuống lòng sông thời gian sau khi Cao Biền trấn yểm.

Bây giờ ta lại xét đến mục đích của Cao Biền khi trấn yểm sông Tô Lịch. Cho tới tận giờ phút này, Đông y vẫn sử dụng các thủ thuật châm cứu, diện chẩn, xoa bóp, bấm huyệt… để chữa bệnh. Tất cả các thủ thuật đó đều dựa trên lý thuyết về hệ thống kinh mạch, huyệt, lạc trong cơ thể con người. Vẫn biết rằng Thiên, Địa, Nhân là hợp nhất. Mọi vật thể từ vi mô cho đến vĩ mô đều phải tuân theo những quy luật chung của sự tương tác vũ trụ. Như vậy, trên trái đất này cũng phải có những đường kinh mạch, huyệt, lạc như trong cơ thể con người. Trái đất này là một cơ thể sống chứ không phải là một cục đất chết như nhiều người vẫn nghĩ. Cũng có thể suy ra một hệ quả rằng tại một điểm nào đó, người ta có thể dùng một thủ thuật nào đó, có thể ngăn, bế hoặc chặn đường đi của một Long mạch như Cao Biền đã làm. Thủ thuật này người xưa gọi là trấn yểm.

Có thể hàn lại Long mạch?


Đây là một câu hỏi hết sức khó vì tính chất phức tạp của nó. Trước hết, cần xem xét hậu quả của việc trấn yểm của Cao Biền và những sự việc sẽ xẩy ra khi rút bỏ đạo bùa đối với khu vực sông Tô Lịch và các vùng phụ cận. Hiện nay, không có tài liệu nào chính thức về các biện pháp trấn yểm đất của bộ môn Phong thủy. Chỉ biết rằng từ xa xưa đã có các hiện tượng trấn yểm của Mã viện (Trụ đồng Mã viện ), các hiện tượng trấn yểm của Cao Biền, các biện pháp dùng bia đá để trấn yểm nhà, các tấm Bài ếm ở quanh khu vực Thất sơn (tấm ếm ở Bài Bài, thuộc làng Nhơn Hưng, Tịnh Biên, Châu Đốc, cây ếm ở núi Nước...).

Để có thể hiểu rõ tính chất và hậu quả của việc trấn yểm, cũng cần phải biết rõ lý thuyết trấn yểm và từ đó mới có thể khắc phục được tác hại của nó. Từ xưa,việc trấn yểm được coi là thuật bí truyền của các thầy địa lý, không được tiết lộ ra ngoài, sợ lộ Thiên cơ. Do vậy mà lý thuyết về sự trấn yểm đến tận giờ phút này vẫn được coi là một cái gì đó huyền bí, ma thuật, không có tài liệu nào được truyền ra. Tuy nhiên theo nguyên lý Thiên, Địa, Nhân là một, thì có thể dùng lý thuyết của Đông y để tìm hiểu vấn đề này. Mặt khác, thuyết Âm Dương, Ngũ hành với cơ sở là Hà đồ, Lạc thư là một công thức siêu vũ trụ có thể lý giải tất cả các vấn đề từ vi mô tới vĩ mô, nó là công thức tổng quát của vũ trụ mà khoa học ngày nay đang ao ước, tìm kiếm.

Trở lại lý thuyết của Đông y về Kinh, Mạch, Huyệt, Lạc là một sự ứng dụng rất cụ thể và phong phú của thuyết Âm Dương, Ngũ hành. Lý thuyết của Đông y về Kinh, Mạch, Huyệt, Lạc rất phức tạp và có từ rất lâu đời, cuốn sách đầu tiên có thể là cuốn Hoàng đế nội kinh, có thời điểm khoảng 5000 năm, nếu kinh mạch được khai thông thì khí huyết tuôn trào, sức mạnh vô đối, nhưng nếu kinh mạch bị "bịt" thì khí tàn lực kiệt. Do vậy, cũng như con người khi Long mạch bị tác động thì dĩ nhiên vận nước sẽ không lên (điều này chính là mục đích của Cao Biền), vậy làm thế nào để "hàn" lại được Long mạch đã bị Cao Biền trấn là một vấn đề khá nan giải. Vẫn biết có trấn sẽ có giải nhưng giải bằng cách nào sẽ hiệu quả nhất?

Theo nhận xét của một vài ý kiến của những nhà nghiên cứu Phong thủy, khu vực đó thuộc phía tây của La thành nên có hành khí là Dương kim và độ số của nó là 9. Như vậy ta cũng thấy rằng khi tiến hành trấn yểm, Cao Biền cũng biết rất rõ điều đó, chỉ có sai lầm về độ số của phương tây. Theo sách cổ chữ Hán đến tận ngày hôm nay, phương Tây thuộc Kim và có độ số theo Lạc thư là 7. Đó là sai lầm cơ bản của cổ thư chữ Hán và tất nhiên khi ứng dụng thì Cao Biền sẽ sai theo. Tại một số vùng của đất Phong châu ngày xưa, các nhà Phong thủy vẫn áp dụng tính độ số khi ứng dụng những việc cụ thể trong Phong thủy theo Hà đồ và số của Hậu thiên Bát quái.

Như vậy phương tây có hành khí Dương kim và độ số là 9 mới chính xác. Lạc thư và độ số Tiên thiên Bát quái chỉ áp dụng cho những vấn đề có tầm vóc vĩ mô như khi tính toán các dải Ngân hà, Thiên hà, có tầm vóc vũ trụ. Để có thể trấn được khu vực bị hở của Long mạch, nên chăng dùng hình thức Trấn - tức là đè lên vùng bị hở theo đúng quy luật Âm dương Ngũ hành. Ta có thể dựng một cây cầu sắt có 9 nhịp hay 9 cột sắt, hoặc có cái gì đó có biểu tượng cho số 9 đè lên khu vực đã rút đạo bùa…


Thần cây ở đền Quán Đôi

Cây đại hoa trắng nằm sát vị trí bên trái đền Quán Đôi trên 200 tuổi, có chu vi 1,2m, cao 10m. Đây là cây gỗ nhỡ thân sần sùi, có mủ trắng, mang nhiều cành mập. Lá cây mọc so le, phiến to hình trứng ngược thuôn, màu xanh bóng, có mũi ngắn không lông hoặc ít khi có lông ở mặt dưới; gân nổi rõ. Cây thường được trồng ở các đình chùa, công viên.

Cây sanh nằm ngay vị trí trước đền Quán Đôi trên 100 tuổi, có chu vi tổng (bao gồm toàn bộ rễ phụ) 34m, chu vi thân chính 2m, cao 13m. Đôi khi từ rễ phụ mọc thành hàng chục thân mới, như một khu rừng nhỏ. Cây có dáng đẹp, dễ uốn tỉa nên được trồng lấy bóng mát và đặc biệt làm cây thế cây cảnh.

Cây đa lông nằm ở vị trí bên trái trước đền Quán Đôi, trên 150 tuổi, có chu vi 6,4m cao 25m. Cây tái sinh bằng hạt và chồi, phân bố hầu hết các vùng miền ở Việt Nam. Cây có dáng đẹp dễ trồng; lớn nhanh, tuổi thọ cao nên thường được trồng tại đình, chùa hoặc nơi công cộng để lấy bóng mát.


Sưu tầm.

Không có nhận xét nào: