Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Những tìm kiếm về lăng mộ nhà Trần - Đặng Hưng

Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)

PHẦN 1
 
Mới đây, nhà sử học Đặng Hùng (Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình) đã xuất bản cuốn sách: “Long Hưng – đất phát nghiệp Vương triều Trần”, rủ tôi về vùng Long Hưng xưa để viếng các vua Trần, tiện thể tham quan các công trình đền đài, di tích lịch sử có tuổi 700 năm.

Ông Hùng đã bỏ mấy chục năm nghiên cứu về đời Trần ở đất Thái Bình và không ít công trình của ông đã gây tranh cãi, chú ý lớn trên các diễn đàn lịch sử.
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Bìa cuốn sách viết về nhà Trần ở Thái Bình của nhà nghiên cứu Đặng Hùng.

Giờ đây, vùng đất phát nghiệp của một triều đại rạng rỡ nhất trong lịch sử Việt Nam chỉ còn lại những di tích ít ỏi là những ngôi chùa, đền thờ nhỏ bé, khiêm tốn sau lũy tre làng.

Đi qua cánh đồng làng Tam Đường (Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình), tôi chợt sửng sốt khi tận mắt những “quả đồi” sừng sững nhô lên giữa cánh đồng. Thái Bình vốn là tỉnh không có đồi núi, vậy những “quả đồi” này ở đâu ra?

Tôi vốn có nhiều lần bỏ công sức nghiên cứu, tìm hiểu về những “quả đồi” như thế này ở giữa cánh đồng vùng Hải Dương, và tôi nghĩ ngay đến những ngôi mộ Hán.
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Những ngôi mộ vua Trần ở Thái Bình.

Hải Dương vốn là vùng đất trung tâm của thời Bắc thuộc, nơi các thứ sử Giao Châu từ Trung Quốc cổ đại sang lập trang ấp, cai trị quận Giao Chỉ. Quan lớn, nhà giàu chết đi, họ xây dựng mộ gạch hoặc mộ cũi khổng lồ, đắp hàng ngàn khối đất trùm lên mộ thành những quả đồi lớn giữa cánh đồng.

Nhà khảo cổ Tăng Bá Hoành (nguyên giám đốc Bảo tàng Hải Dương) bảo rằng, không cần phải là nhà sử học, cứ thấy giữa cánh đồng bằng phẳng vùng Hải Dương, có gò đất nổi lên khỏi mặt ruộng, cao vài mét, hoặc như quả đồi nhỏ, thì đích thị là mộ Hán, có thể là mộ gạch, hoặc mộ cũi (mộ xếp gỗ).
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Tượng thờ vua Trần ở đền An Sinh.

Liên tưởng đến câu chuyện về mộ Hán ở Hải Dương, tôi chỉ tay về phía những “quả đồi” giữa cánh đồng làng Tam Đường nói với nhà sử học Đặng Hùng rằng, đó chính là những ngôi mộ Hán. Chỉ có điều khó hiểu, là vùng đất Thái Bình gần 2000 năm trước, còn sình lầy, lau sậy, không hiểu sao đã có mộ Hán mọc lên? Nhà sử học Đặng Hùng cười bảo: “Không phải mộ Hán, mộ các vua Trần đấy!”.

Tôi lại chợt nhớ đến lời ông Tăng Bá Hoành, rằng hai loại mộ Hán, gồm mộ gạch và mộ cũi tồn tại ở Việt Nam đến tận thời Lý, thời Trần, chỉ có điều quy mô nhỏ hơn thời Bắc thuộc. Như vậy, có nghĩa là, có thể các vị vua Trần hiện đang nằm trong những ngôi mộ gạch hoặc mộ cũi xếp gỗ? Nhưng có điều khiến tôi băn khoăn, đó là, thời Trần, là thời kỳ thịnh hành của phật giáo, thì thường hỏa táng, nên chỉ còn tro cốt đặt trong các am tháp, chứ làm gì có mộ đắp đất hoành tráng như thế này? Những câu hỏi như thế thật thú vị, cứ ma mị, cuốn hút tôi đi tìm hiểu.
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Mộ quách gỗ khai quật ở An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). 
 
Theo nhà sử học Đặng Hùng, vùng đất Long Hưng, mà cụ thể là làng Tam Đường này, từng là nơi chôn cất, đặt cốt của các vị vua Trần. Ngay cả chuyện tổ chức tang lễ, chôn cất ngọc cốt của Điều Ngự Giác Hoàng (vua Trần Nhân Tông) ở lăng Quy Đức, tại Long Hưng cũng là điều có có thật. Mặc dù vua Trần Nhân Tông băng ở Am Ngọa Vân trên núi Yên Tử, nhưng xá lị của ngài cũng được an táng một phần ở đây.

Ngoài lăng mộ của vua Trần Nhân Tông, tại làng Tam Đường còn có phần mộ của Thái Tổ Trần Thừa, vua Trần Cảnh, Trần Thánh Tông. Sách "Kiến văn tiểu lục" của Lê Quý Đôn chép: "Thái Đường, huyện Ngự Thiên có bốn cái lăng: Thái Tổ, Thái Tông, Thánh Tông và Nhân Tông, lại có lăng của bốn hoàng hậu".
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Du khách hành hương lên Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử. 

Nhưng trải 700 năm, mưa nắng bào mòn, chiến tranh tàn phá liên miên, nên hiện ở làng Thái Đường chỉ còn lại 3 lăng mộ của các vua Trần. Nhân dân trong vùng gọi 3 gò mộ to như quả đồi này là “gò mả vua”, mỗi gò đều có tên riêng là Phần Bụt, Phần Trung, Phần Đa.

Cách đây mấy chục năm còn có ngôi mộ tên Phần Cựu, quy mô cực kỳ to lớn. Nhưng ngôi mộ này đã được khai quật. Theo ông Hùng, các nhà sử học đã xác nhận đó là mộ thời Trần, và ngôi mộ đó của Trần Thừa. Hiện quan tài, ngọc cốt vẫn giữ ở Bảo tàng Thái Bình.
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Chùa Hoa Yên. 

Nhà nghiên cứu Đặng Hùng đoán rằng, ngôi mộ mà nhân dân gọi là Phần Bụt, có thể là mộ của vua Trần Nhân Tông. Ông lý giải thế này: Bụt có thể hiểu là Phật. Thiền sư Thích Nhất Hạnh trong tác phẩm "Theo gót chân Bụt", thì lúc đầu, khi giác ngộ chân lý của đạo Phật, Đức Phật Tổ cho rằng đạo của người là đạo "Tỉnh thức". "Tỉnh thức" nói theo tiếng Magadhi là Budn (tức là Bụt).

Với những suy luận trên, ông Hùng cho rằng, rất có thể ngôi mộ có tên Phần Bụt theo cách gọi truyền miệng của nhân dân làng Tam Đường, chính là mộ của đức vua Trần Nhân Tông. Ngôi mộ trải 700 năm đã bị mài mòn khá thấp, nhưng mấy chục năm trước đã được nhân dân sửa sang, tôn đắp.

Trong cuộc khai quật ngôi mộ Phần Cựu, các nhà khoa học mô tả ngôi mộ như sau: Dưới cùng, trong lõi ngôi mộ là quách gỗ, gồm những súc gỗ lim lớn, xếp thành căn phòng nhỏ, kín khít trong lòng đất. Lớp đất sét được đắp kín quách gỗ. Trên lớp đất sét là vách đá. Hàng ngàn mét khối cát sỏi rải xung quanh và lấp kín vách đá. Trên lớp cát sỏi lại có một lớp đất sét dày, nện rất chặt.
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Đền An Sinh thờ các vị vua Trần. 

Cho đến nay, dù cuộc khai quật đã trải qua 30 năm, song những bí ẩn trong ngôi mộ vua khổng lồ vẫn chưa được sáng tỏ, các tài liệu vẫn nằm im, phủ bụi trong bảo tàng. Các ngôi mộ vua vẫn nằm đó, trơ trọi giữa cánh đồng và cũng chưa chắc chắn là mộ của vị vua nào.

Lần giở các tài liệu lịch sử, mới biết, năm 1381, nhà Trần đã cho chuyển lăng mộ của các tiên đế từ Long Hưng (Thái Bình) về An Sinh (Đông Triều, Quảng Ninh). Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng, Kiến Xương đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”.

Nhà sử học Đặng Hùng khẳng định rằng, cốt các vị vua vẫn nằm trong mộ ở Tam Đường, bởi khi đó nhà Trần chỉ rước tượng thờ về An Sinh mà thôi. Tuy nhiên, phần lớn các nhà sử học hàng đầu Việt Nam đều khẳng định nhà Trần đã đưa cốt các vua từ làng Tam Đường về xã An Sinh, rồi xây dựng khu lăng mộ lớn là Lăng Tư Phúc, xây dựng điện thờ lớn là điện An Sinh để thờ tự các vị vua này.
Những chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần (kỳ 1)
Khu Lăng mộ Thái sư Trần Thủ Độ ở xã Liên Hiệp huyện Hưng Hà mới được tôn tạo. 

Như vậy, hài cốt (nếu còn), tro cốt, hoặc xá lị của các vị vua nằm trong các ngôi mộ khổng lồ này đã được quật lên chuyển về An Sinh dưới chân núi Yên Tử, là quê hương gốc gác của các vị vua Trần? Nếu như vậy thì những ngôi mộ này chỉ còn là đống đất, là xác mộ?

Tò mò với câu chuyện về lăng mộ các vua Trần, tôi tìm về xã An Sinh nằm dưới chân dãy núi Yên Tử.

Câu chuyện đi tìm lăng mộ những vị vua di chuyển từ Thái Bình ra Quảng Ninh đã đưa tôi đến rất nhiều bất ngờ. Tôi đã có những ngày tìm hiểu, chứng kiến, và nghe rất nhiều chuyện đau lòng. Các vị vua Trần, những người đã gây dựng nên một thời đại rực rỡ nhất của nền văn minh Đại Việt, đã từng 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông, hiện đang bị người đời lãng quên – một sự lãng quên rất tủi.


PHẦN 2

Ngay sau khi đăng kỳ 1 loạt phóng sự “Câu chuyện khó tin ở “nghĩa địa” các vua Trần”, nhà nghiên Đặng Hùng (Hội Văn học Nghệ thuật Thái Bình) đã gọi điện cho tôi để khẳng định rằng, không bao giờ có chuyện chuyển lăng mộ, hài cốt các vị vua từ Thái Bình ra Quảng Ninh. Nhà nghiên cứu Đặng Hùng lấy danh dự mấy chục năm nghiên cứu về đời Trần ở Thái Bình để khẳng định với tôi như thế.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Nhà nghiên cứu Đặng Hùng. 

Điều khẳng định của nhà nghiên cứu Đặng Hùng là có cơ sở vững chắc. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Tháng 6, rước thần tượng các lăng ở Quắc Hương (Nam Định), Thái Đường (Hưng Hà, Thái Bình), Long Hưng (Kiến Xương) đưa về lăng lớn ở Yên Sinh để tránh nạn người Chiêm Thành vào cướp”. Cuốn sử đáng tin nhất của nước Việt đã chép rằng, vua Trần chỉ rước thần tượng (có thể là tượng vua, voi đá, ngựa đá…), chứ đâu có phải chuyển lăng mộ, hài cốt?

Ngoài sử sách chép rõ, thì ông Hùng cũng từng điền dã rất nhiều lần về làng Tam Đường để tìm hiểu về các ngôi mộ. Theo lịch sử ghi chép trong làng, lưu giữ trong các chùa chiền, thì quân Nguyên Mông, Chiêm Thành, cho đến quân Minh, khi xâm lược nước ta, đều tiến hành đào bới Phần Bụt (mộ nghi của Trần Nhân Tông). Thế nhưng, lần nào quân giặc đào bới cũng bị sét đánh chết lính. Vì vậy, chúng không dám đào bới nữa.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Đền thờ Trần Hoằng Nghị ở làng Mẹo (Hưng Hà - Thái Bình). 

Cách đây 30 năm, người dân trong làng Tam Đường ra mộ đào bới, lấy cát, sỏi, đá vụn về xây nhà, đổ mái bằng, làm lộ ra đường hầm và quách đá. Ngày đó, nhà nghiên cứu Đặng Hùng, với sự giúp sức của người dân, đã chui xuống hầm mộ. Ông Hùng quan sát được quách đá nguyên vẹn, đường hầm và có cả những súc gỗ lớn đóng cũi, giống với mộ cũi thời Bắc thuộc và thời Trần. Tuy nhiên, dưới hầm mộ nhiều rắn độc quá, nên ông phải chui lên. Năm 2000, người dân trong làng đã lấp hầm mộ lại, giữ nguyên hiện trạng đến bây giờ.

Rõ ràng, mộ các vị vua Trần ở Thái Bình còn khá nguyên vẹn, nên khó có thể nói đã di chuyển lăng mộ các vua Trần ở Thái Bình ra Quảng Ninh.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Tượng vua Trần Thái Tông. 

Thông tin chắc chắn nhất khẳng định mộ các vị vua Trần vẫn còn ở Thái Bình chính là cuộc khai quật gò mộ có tên Phần Cựu của Trần Thừa (Trần Thừa sinh năm 1184, mất 1234, là Thái thượng hoàng đầu tiên của nhà Trần, cha của vua Trần Thái Tông). Trong cuộc khai quật đó, Bảo tàng Thái Bình đã thu được khá nhiều đồ cổ, đặc biệt là những bình gốm chứa tro cốt, nghi là của chính Trần Thừa.

Với những thông tin trên, nhà nghiên cứu Đặng Hùng bác bỏ tất cả các quan điểm của các nhà khoa học cho rằng nhà Trần đã di chuyển lăng mộ, gồm cả di cốt các vua Trần từ Thái Bình ra Quảng Ninh.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Đường lên Yên Tử. 

Việc lăng mộ các vị vua Trần còn ở Thái Bình hay đã được đưa ra Quảng Ninh, còn cần sự nghiên cứu của các nhà khoa học, lịch sử, nhưng có một điều chắc chắn, đó là, tại An Sinh (Quảng Ninh) có lăng mộ của 3 vị vua Trần, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định.

Cụ Hứa Văn Phán, người trông nom đền An Sinh, ngôi đền thờ 3 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định, là người nắm khá rõ về 3 vị hoàng đế này.

Theo cụ Phán, các tài liệu ghi chép, hiện lưu giữ trong đền đều nói rằng, năm 1381, nhà Trần đã chuyển lăng mộ các vua từ Thái Bình, Nam Định về An Sinh. Sau khi chuyển lăng mộ 3 vị, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Định từ Thái Bình lên, đã táng vào lăng Tư Phúc trên đỉnh núi, rồi cho xây điện An Sinh để thờ 3 vị vua này. Đời sau, điện An Sinh thờ cả 8 vị vua Trần an táng ở vùng Yên Sinh.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Lăng Tư Phúc thờ 3 vị vua Trần nằm trên đỉnh ngọn núi này. 

Từ lời cụ Phán, lần giở lại các tài liệu, tôi nhận thấy rất nhiều thứ bất nhất, khó hiểu. Theo nhà nghiên cứu Đặng Hùng, thì 3 phần mộ vua Trần ở làng Tam Đường là của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Nhân Tông. Vậy tại sao, khi chuyển từ Thái Bình về An Sinh, lại là ông Trần Giản Định, chứ không phải Trần Nhân Tông? Ngoài ra, việc chuyển lăng mộ (hoặc thần tượng - như khẳng định của nhà nghiên cứu Đặng Hùng), vào năm 1381, trong khi đó, Trần Giản Định, vị vua hậu nhà Trần, lại mất vào năm 1410. Chẳng lẽ, ông vua này lại có mộ và mộ của ông được chuyển khi ông còn sống?

Một tài liệu khác thì ghi chép rằng, năm 1381, nhà Trần chuyển lăng Trần Thái Tông từ Thái Bình và chuyển lăng Trần Thánh Tông từ Nam Định về Yên Sinh. Trần Giản Định được phụ táng vào lăng Tư Phúc sau này.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Dãy Yên Tử bao bọc vùng An Sinh. 

Ngoài ra, ở An Sinh cũng không có lăng mộ nào của vua Trần Nhân Tông. Hiện chỉ có tháp mộ cạnh am Ngọa Vân trong rừng già, sườn tây Yên Tử, được coi là lăng mộ của vua Trần Nhân Tông. Chẳng lẽ, tại Thái Bình có 3 mộ vua Trần, một mộ Thái Thượng Hoàng Trần Thừa và 4 hoàng hậu, mà lại chỉ chuyển có mỗi lăng Trần Thái Tông?

Thông tin về việc di chuyển mộ các vị vua Trần từ Nam Định và Thái Bình ra An Sinh còn nhiều điều chưa sáng tỏ, cần sự tranh luận của các nhà khoa học, tác giả xin khoanh lại vấn đề này.

Trở lại câu chuyện về lăng mộ táng 3 vị vua Trần, gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Giản Định. Theo các nhà sử học, sở dĩ, lăng mộ các vua Trần được chuyển từ Thái Bình về vùng đất này, ngoài việc tránh sự cướp bóc, phá hoại của quân Chiêm Thành, thì đây chính là vùng đất tổ tiên của các vị vua Trần.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Đền An Sinh thờ 8 vị vua Trần có lăng mộ ở An Sinh.. 

Đại Nam nhất thống chí chép: “Bia thần đạo ở Yên Sinh nói rằng tiên tổ nhà Trần vốn người Yên Sinh, huyện Đông Triều, sau dời đến ở hương Tức Mặc, phủ Thiên Trường (Mỹ Lộc, Nam Định), cho nên các vua Trần đều táng ở Yên Sinh, mà khi nhường ngôi xuất gia cũng lấy Yên Sinh làm nơi tu ẩn”.

Theo gia phả họ Trần, tổ tiên nhiều đời cư trú ở An Sinh, đàn ông làm nghề chài lưới, đàn bà trồng cấy, dệt vải. Trần Kinh khi đi đánh cá, buôn bán thủy, hải sản xa nhà, thấy vùng đất bồi ở lộ Thiên Trường màu mỡ, phì nhiêu đã dừng chân. Ông cho người đắp đê, cải tạo, biến vùng đất bồi thành ruộng vườn, đặt tên vùng đất là Tức Mặc, rồi phát tích đế vương.

Lúc ở ngôi, Trần Thái Tông đã ban cho Trần Liễu vùng An Sinh làm ấp thang mộc vào năm 1237. Đời Trần Dụ Tông vùng đất An Sinh được đặt tên là Đông Triều. Sách Đông Triều huyện chí viết: “Đông Triều có nhiều núi non, dân cư ruộng đất xen lẫn với núi rừng… Núi non chót vót, tạo lên thành lũy, trường giang uốn lượn tạo nên thắng địa. Đường thủy thông nhau, nối liền các trấn thành, sông Khu Cầu Tháp là nơi người vật hội tụ, cũng là nơi danh thắng của phía Đông vậy”.
Di cốt 3 vị vua Trần ở Thái Bình hay Quảng Ninh? (kỳ 2)
Tượng An Kỳ Sinh trên đỉnh Yên Tử. 

Các đời vua Trần Thái Tông, Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông, khi còn ở ngôi báu cũng như khi đã rời ngai vàng làm Thái Thượng Hoàng đều rất quan tâm đến vùng đất này.

Năm 1320, Thượng Hoàng Trần Anh Tông mất, triều đình đã cho xây Thái Lăng ở Yên Sinh để đặt di hài của ngài, đồng thời cho xây dựng miếu để hằng năm về bái yết, tế lễ.

Về sau, các công trình như Mục lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng, Đồng Hỷ lăng cũng được lần lượt dựng lên tại Yên Sinh. Năm 1381, để tránh nạn phá hoại của Chiêm Thành, nhà Trần tiếp tục chuyển các lăng ở Thái Bình, Nam Định về Yên Sinh. Sau khi chuyển về Yên Sinh, nhà Trần cho xây dựng tiếp hai khu lăng lớn là Tư Phúc lăng và Ngải Sơn lăng. Ngoài ra, nhà Trần dựng điện lớn là Điện An Sinh để thờ cúng các vị tiên đế.

Điện An Sinh đã trải qua nhiều lần sụp đổ, xây dựng, tôn tạo lại. Từ cả trăm năm trước, điện An Sinh đã là một phế tích. Năm 1997, nhờ công đức của khách thập phương, UBND huyện Đông Triều đã xây dựng lại điện và gọi là Đền An Sinh, thờ 8 vị vua Trần.

Lăng mộ các vua Trần tọa lạc trên vùng đất non bình thủy tụ, trên diện tích 15km2, kéo dài từ núi Đạm Thủy đến núi Ngọa Vân thuộc xã An Sinh. Quần thể lăng mộ và đền, miếu trong khu vực có giá trị đặc biệt quan trọng, nên từ năm 1962, Bộ Văn hóa đã xếp hạng khu di tích Đền thờ và lăng miếu các vua Trần là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

PHẦN 3

Theo ông Hứa Văn Phán, thủ nhang đền An Sinh (xã An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh) , sau khi đưa mộ các vua Trần từ Thái Bình ra An Sinh, nhà Trần cho xây dựng lăng Tư Phúc, rồi dựng điện An Sinh để thờ dưới chân núi. Hàng năm, đến ngày lễ lạt, giỗ chạp, các vị vua về dâng hương tại điện An Sinh, rồi đi lên núi chiêm bái 3 vị vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Giản Định.

Xưa kia, điện An Sinh là một công trình vĩ đại, bao trùm một vùng rộng lớn, sơn thủy hữu tình. Lăng Tư Phúc nằm trên đỉnh một quả núi ngay sau điện An Sinh và nằm trong khuôn viên rộng lớn của điện.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đền Sinh và lăng Tư Phúc đã bị chia cắt bởi xóm làng và cả hồ nước rộng mênh mông này. 

Tuy nhiên, thời gian trải hơn 600 năm, qua bao chiến tranh loạn lạc, cướp phá, lãng quên, toàn bộ điện An Sinh đã trở thành phế tích. Những công trình trên mặt đất đã bị biến mất gần như hoàn toàn từ cả trăm năm trước, chỉ còn lại dấu tích là hệ thống nền móng, bệ đá, chân cột nằm dưới lòng đất.

Từ cả trăm năm nay, không biết bao đời người dân đi và đến. Vùng đất rộng lớn của điện An Sinh đã bị chia xẻ thành nhiều khu vườn, khu đất, nhà ở, là một góc của xóm. Hồ nước lớn sau điện An Sinh cũng biến thành ao thả cá của người dân. Lăng Tư Phúc nằm trong quần thể điện An Sinh cũng bị chia cắt, lối đi từ điện lên lăng cũng đã chìm sâu dưới lòng đất, do đó, thay vì đi bộ từ hậu cung của điện An Sinh lên lăng Tư Phúc, thì phải đi vòng sang làng khác một đoạn đường 2 ngàn mét mới đến được.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Chị Quyến chỉ hướng lên lăng Tư Phúc.  

Trần Thái Tông (sinh năm 1218) tên là Trần Cảnh. Do sự sắp xếp của chú họ Trần Thủ Độ, ông vào cung làm Chi hậu chính triều Lý, rồi kết hôn với Lý Chiêu Hoàng, vị vua cuối cùng của triều Lý. Năm 1225, khi Trần Cảnh mới 8 tuổi, Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng. Ông lên ngôi vua, mở đầu cho triều đại nhà Trần. Ông ở ngôi báu 33 năm, làm Thái Thượng Hoàng 19 năm, mất năm 1277, thọ 60 tuổi, táng ở Long Hưng (Thái Bình). Năm 1381, chuyển về lăng Tư Phúc ở An Sinh.
Hỏi đường đến lăng Tư Phúc, người dân trong xóm lắc đầu quầy quậy, không biết lăng Tư Phúc là lăng gì, ở đâu. Trời mưa tầm tã, tôi chợt thấy lòng lạnh lẽo. Một cái lăng hẳn hoi, có tên rành rành trong sử sách, táng tới 3 ông vua Trần nổi tiếng, mà người dân trong xóm không biết nằm ở đâu. Tôi phải hỏi mấy bác trung tuổi: “Bác cho hỏi, có cái ngọn đồi, nghi có mộ vua, kho báu, mà cách đây 3 năm các nhà khảo cổ học đào bới suốt cả tháng”, tức thì ai cũng rành rẽ, chỉ lên quả núi mờ mờ trong mưa mù ở cuối làng.

Trước khi hỏi đường đến lăng mộ, ông Phán đã kể với tôi rằng, năm 2009, các nhà khảo cổ đã tiến hành khai quật sơ lược lăng mộ này. Khi các nhà khoa học tiến hành khai quật, thường phải thuê dân đào bới và sự kiện đó sẽ khiến không những cả xóm mà cả xã quan tâm. Vì thế, chỉ có hỏi cách đó, họ mới biết.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đường lên lăng Tư Phúc qua vườn vải và vườn bạch đàn rộng mênh mông. 

Chân quả núi này rậm rạp cây cối và ít người ở. Tôi lòng vòng mãi trên đoạn đường lầy đất đỏ mới tìm thấy một ngôi nhà đang xây dở chìm khuất sau vườn vải của vợ chồng anh Nguyễn Văn Nam và chị Nguyễn Thị Quyến.

Chị Quyến nắm rõ đường lên mộ vua, vì nhà chị ở ngay chân núi. Theo chị, ngọn núi này đã bị chia năm xẻ bảy, thuộc sở hữu của nhiều người. Người lập trang trại trồng vải, trồng na, trồng nhãn, người trồng keo, trồng bạch đàn.
Trần Thánh Tông, tên là Trần Hoảng, sinh năm 1240, là con trưởng của Trần Cảnh. Ông lên ngôi năm 18 tuổi, ở ngôi 21 năm, làm Thái Thượng Hoàng 13 năm, mất năm 1290, thọ 51 tuổi.

Chị Quyến dẫn tôi đi loanh quanh trong trang trại vải rộng mênh mông của ông Nhạn. Ông Nhạn là người ở đâu chị Quyến cũng không rõ. Ông này mua mảnh đất rộng mấy ha dưới chân núi từ nhiều năm trước, rồi thuê người trồng vải tốt um tùm. Đi một lát thì hết vườn vải, tôi đặt chân đến sườn núi.

Đứng trước con đường mòn nhỏ xíu, chị Quyến bảo: “Đây là núi Bãi Bắn. Anh cứ đi thẳng con đường mòn này, lên đến đỉnh núi, thấy đá, gạch lộ ra trên mặt đất, thì chỗ đó là mộ vua đấy. Các nhà khoa học đào bới trên này bảo là mộ vua thì em biết vậy”.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Lăng mộ 3 vị vua Trần nằm trên đỉnh núi Bãi Bắn. 

Sở dĩ, người dân trong vùng gọi ngọn núi này là núi Bãi Bắn, vì có một đơn vị quân đội trong khu vực thường xuyên ra đây tập bắn. Mỗi lần họ tập luyện, súng nổ đì đoàng từ sáng đến chiều.

Bao trùm núi Bãi Bắn là rừng bạch đàn, với những cây bạch đàn bằng cổ tay, cổ chân, lơ phơ, xơ xác. Vợ chồng ông Núi, bà Lượm, đại gia nơi khác, đã mua trọn ngọn núi này từ 4 năm trước và trồng toàn bạch đàn.

Con đường mòn dẫn lên núi toàn phân trâu, phân bò, hôi hám, bẩn thỉu. Trèo núi đến khi hơi mỏi gối một chút thì lên đến đỉnh. Đỉnh núi có một mặt bằng khá rộng, cỡ 2000 mét vuông. Đứng trên đỉnh núi, phóng tầm mắt ra tứ phía, thấy phong cảnh thật đẹp. Sau lưng là dãy Yên Tử hùng vĩ, trước mặt là đồng ruộng với những ngọn đồi nhỏ nhấp nhô, làng xóm yên bình, sông chảy uốn lượn, đúng là sơn thủy hữu tình.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đứng trên lăng Tư Phúc nhìn xuống thấy cảnh sơn thủy hữu tình. 

Vạch những bụi cỏ, tiến vào giữa đỉnh núi, thì “lăng mộ” 3 vị vua Trần lộ ra. Một cảnh tượng có thể nói là đau lòng và thương tâm không tả nổi: “Lăng mộ” 3 vị hoàng đế nổi tiếng thời Trần là vài chiếc cột gỗ, hai tấm phi-brô-xi-măng, một bát hương, một chiếc đĩa và vài cái chén. “Lăng mộ” rộng chừng hơn 1 mét vuông, không có tường vách, mặc gió thổi, mưa hắt, khói nhang lạnh lẽo.
Trần Giản Hoàng, sinh năm 1361, tức Trần Phế đế, tên húy Trần Hiện, con trưởng Duệ Tông. Ông lên ngôi năm 16 tuổi, xưng là Giản Hoàng. Ông ở ngôi 12 năm, mất năm 1388, hưởng dương 28 tuổi.

Chị Quyến, người sống dưới chân núi bộc bạch: “Từ xưa đến nay, chẳng ai biết, chẳng ai quan tâm đây là lăng mộ của vua cả. Từ lâu rồi, em chỉ thấy có duy nhất một bát hương đặt giữa đỉnh núi, nhưng cả năm chả có ai hương khói. Hồi khai quật mộ, xong việc, nhân dân và các nhà khảo cổ cùng dựng cột gỗ, lợp tấm bờ-rô rồi đặt bát hương cho các vua đỡ tủi”.

Theo lời chị Quyến, khu mộ vua này được các nhà khoa học khai quật vào tháng 10 năm 2009. Chị Quyến và một số người trong làng cũng được thuê đào bới. Nhưng việc khai quật rất đơn giản, cứ chạm vào bậc đá, nền móng là dừng lại cho các nhà khoa học ghi chép, vẽ vời, rồi lại lấp trả như cũ.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Nơi thờ tự 3 vị vua Trần chỉ là thế này. 

Chị Quyến kể: “Chúng em đào đất lên, thấy toàn gạch ngói, đá tảng, voi ngựa, rồng phượng, nhưng lại lấp ngay lại. Chúng em còn đào được cả những bậc đá là lối đi từ đỉnh núi xuống chân núi, hướng về phía đền Sinh. Nghe họ bảo, ngày xưa đi viếng mộ vua là đi từ đền Sinh lên mà. Nhưng đào phát lộ lối đi, chúng em lại phải lấp trả”.

Tôi vạch từng bụi cây, nhổ những bụi cỏ và nhận thấy vô vàn dấu tích gạch đá. Những tảng đá lớn, dùng để kê chân cột, tiết diện ngót mét vuông nằm chềnh ềnh trên mặt đất, theo hàng lối thẳng thớm cho thấy đây là một lăng mộ hoành tráng khi xưa.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Những chân cột bằng đá còn rất nhiều trên đỉnh núi. 

Theo sách “Trần Triều Thánh tổ các xứ địa đồ”, thì lăng Tư Phúc nằm liền kề với điện An Sinh, phía Đông Bắc điện An Sinh. Lăng Tư Phúc gồm có 3 lăng. Lăng phía trong dài 6 trượng (19,8m), rộng 3 trượng (9,9m), nền cao 1,3m. Lăng giữa dài 2,3 trượng (7,6m), rộng 1 trượng (3,3m), nền cao 0,4m. Lăng phía ngoài dài 6 trượng (19,8m), rộng 2 trượng (6,6m), nền cao 0,7m.

Qua số liệu trên đây, có thể thấy quy mô lăng Tư Phúc khá lớn, gồm 3 lăng mộ cạnh nhau. Lăng lớn nhất rộng tới 200 mét vuông, lăng nhỏ chỉ hơn 20 mét vuông.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Lớp đá bó vỉa lộ ra khỏi lòng đất. 

Theo nhà nghiên cứu Vũ Thị Khánh Duyên (BQL các di tích trọng điểm Quảng Ninh), thì các vị vua táng trong lăng Tư Phúc gồm Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông và Trần Giản Hoàng, chứ không phải Trần Giản Định như sử sách thời Nguyễn vẫn chép.

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Tháng 12, ngày mùng 6, sáng sớm Thượng Hoàng (Trần Nghệ Tông) vờ ngự về Yên Sinh, sai điện hậu hộ vệ, rồi sai chi hậu nội nhân gọi vua tới bàn việc nước. Vua chưa kịp ăn vội đi ngay, chỉ có 2 người theo hầu. Đến nơi, thượng hoàng bảo vua: “Đại vương lại đây”, rồi lập tức sai người đem vua ra giam ở chùa Tư Phúc, tuyên đọc nội chiếu giáng làm Linh đức đại vương rồi cho dìu xuống phủ thái Dương thắt cổ chết”.

Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Đau lòng lăng mộ 3 vị vua Trần trên đỉnh núi (kỳ 3)
Trải hơn 600 năm, nhiều chân bệ không còn nguyên vẹn. 
 
 
Theo bà Duyên, Trần Giản Hoàng mất ở An Sinh và cũng được triều đình đứng ra chôn cất. Do đó, có thể tin đây là lăng mộ Trần Giản Hoàng. Theo “Triều Trần thánh tổ các xứ địa đồ” thì lăng của Giản Hoàng được xây rất nhỏ, chỉ bằng 2/5 quy mô lăng của Trần Thái Tông và Trần Thánh Tông.

Về vua Trần Giản Định, ông lên ngôi khi đất nước đã bị giặc Minh xâm lược, bị tướng nhà Minh là Trương Phụ bắt về Kim Lăng (Trung Quốc) và giết hại vào năm 1409 (có tài liệu ghi 1410), nên không thể xây dựng lăng mộ ở Yên Sinh được.

Rời lăng mộ 3 vị vua Trần trong cơn mưa tầm tã, tôi mang theo nhiều câu hỏi bí ẩn của lịch sử chưa được giải mã. Nhưng câu hỏi lớn nhất, cứ vảng vất theo tôi mãi, đó là tại sao, một khu lăng mộ vua lớn như thế này, lại bị người đời quên lãng một cách thảm hại? Nơi yên nghỉ của các vị vua, chỉ có cỏ mọc rậm rạp, trâu bò gặm cỏ, phóng uế bừa bãi…

PHẦN 4

Sau khi rời núi Bãi Bắn, nơi có lăng Tư Phúc (An Sinh, Đông Triều, Quảng Ninh), tôi vòng về thôn Trại Lốc. Ngay đầu thôn, có tấm biển chỉ đường lên đền Thái.

Đền Thái là một gian nhà cấp bốn nhỏ xíu, xây hình chữ Đinh nằm giữa quả đồi, lẩn khuất sau những tán vải um tùm. Ông Nguyễn Văn Yên, người trông nom, hương khói đền và ông Nguyễn Hữu Tâm đang ngồi uống nước trước sân đền.

Ông Tâm chỉ tay về các hướng và tả cho tôi dấu vết công trình đền Thái khi xưa. Thì ra, di tích đền Thái mới được các nhà khoa học khai quật năm ngoái. Người dân thôn Trại Lốc tham gia đào bới rất đông, chia làm hai đợt, suốt mấy tháng liền, mới làm lộ ra chân móng, đường hào công trình cực kỳ hoành tráng khi xưa.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Cổ vật khai quật ở di tích Thái Miếu. 

Đền Thái vốn là một công trình được coi như Thái Miếu của Vương triều Trần khi xưa. Các nhà khoa học đã đào bới, làm phát lộ nền móng rộng tới 2 héc-ta, choán hết cả quả đồi. Theo lời ông Yên, các nhà khoa học đã thu gom được cả chục xe tải gạch ngói, đá tảng, là các di vật quý chở đi. Còn cả đống di vật vẫn xếp ngổn ngang sau đền.

Sau khi làm phát lộ di tích, các nhà khoa học ghi chép rồi lại thuê dân lấp lại như cũ. Hiện các gia đình sở hữu quả đồi này đã nhận tiền bồi thường. Chưa rõ khi nào Nhà nước sẽ tiến hành phục dựng Thái Miếu khổng lồ này.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Rất nhiều gạch thời Trần nằm dưới lòng đất ở nơi từng là Thái Miếu. 

Theo ông Yên, đền Thái hiện tại do nhân dân dựng lại cách nay hơn chục năm để thờ 3 vị vua là Trần Hiến Tông, Trần Anh Tông và Trần Minh Tông. Lăng mộ 3 vị vua Trần này đều nằm ở thôn Trại Lốc, ngay sau đền Thái. Ông Nguyễn Hữu Tâm đã nhiệt tình dẫn tôi đi tìm lăng mộ của vua Trần Minh Tông.

Đứng trên con đập hùng vĩ, ông Tâm chỉ tay xuống phía chân đập và bảo: “Ngay dưới chân đập, chỗ bãi bằng kia là lăng mộ vua Trần Minh Tông đấy! Chỉ vài người lớn tuổi chúng tôi là còn biết đến lăng mộ của ông Minh Tông thôi. Giờ lăng mộ biến mất rồi, không có sự chỉ dẫn của chúng tôi, các nhà khảo cổ cũng khó mà xác định được vị trí”.

Tôi và ông Tâm tụt xuống chân đập và định vị lăng mộ khổng lồ của một vị vua Trần nổi tiếng thế kỷ 14. Tôi loanh quanh trên khoảng đất rộng mênh mông lọt giữa khe đồi, song tuyệt nhiên không tìm thấy dấu tích gì, dù là một mẩu gạch, một viên đá.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Quang cảnh khu vực có lăng mộ Trần Minh Tông khi xưa. 
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Ông Tâm chỉ nơi từng có lăng mộ Minh Tông. 

Theo lời ông Tâm, khu vực này từng có tên là Khe Gạch. Địa danh Khe Gạch vốn là một khu dân cư thuộc thôn Trại Lốc. Năm 1970, gia đình ông Tâm đến định cư ở ngay chân đồi Khe Gạch, cách lăng mộ vua Trần Minh Tông khoảng 150m. Lăng mộ khi đó nằm dựa vào chân đồi, ngay cạnh con suối. Địa thế nơi đặt lăng mộ rất đẹp.

Ngày đó, ông Tâm là chi hội trưởng người cao tuổi của thôn, được nhân dân giao trông nom, hương khói khu lăng mộ này. Khi đó, lăng mộ đã đổ nát, nhưng di vật vẫn còn rất nhiều, nằm la liệt trên mặt đất. Cả một khu vực rộng mênh mông có vô vàn bia đá, tượng, bụt, gạch ngói, bệ đá. Đặc biệt, lăng mộ vẫn còn nguyên 8 cửa lên xuống, với mỗi cửa là 2 con “sấu đá” (cách gọi của địa phương, gần giống như rồng đá), tổng cộng là 18 con. Theo ông Tâm, lăng mộ vua Trần Minh Tông ở chân đồi Khe Gạch là lăng mộ lớn nhất, đẹp nhất và còn nguyên vẹn nhất khi đó.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Cách đây hơn 30 năm, tại lăng mộ Minh Tông vẫn còn 18 con sấu đá như thế này. 

Mưa nắng mài mòn mấy trăm năm, khiến những phiến đá lớn lộ ra. Cả những súc gỗ lớn, là cũi của mộ cũng lộ ra ngoài, nhưng đã mục nát. Dù công trình lăng mộ đã đổ nát từ hàng trăm năm trước, nhưng dấu tích vẫn còn. Dựa vào các vết tích đó, các nhà khoa học có thể phục dựng lại lăng mộ như xưa.

Thế nhưng, đại công trường đắp đập thủy lợi Trại Lốc, đã tàn phá nhẫn tâm toàn bộ lăng mộ khổng lồ của vua Trần Minh Tông.

Theo lời ông Tâm, cuộc đắp đập Trại Lốc làm hồ chứa nước phục vụ nông nghiệp diễn ra từ những năm đầu thập kỷ 80, đến tận năm 1986 mới hoàn thành. Con đập khổng lồ này chặn suối Trại Lốc, tạo ra một cái hồ lớn để trữ nước. Đập nằm cách lăng mộ Minh Tông khoảng 200 mét và cao gần 30m.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Việc xây dựng đập Trại Lốc đã phá hủy toàn bộ lăng vua Trần Minh Tông. 

Để đắp được con đập này, hàng chục máy xúc, máy ủi, cả ngàn nhân công được huy động đào bới rầm rập ngày đêm. Những chiếc máy ủi đã ủi phăng khu lăng mộ, những chiếc máy xúc xúc đất, rồi xe tải chạy vọt qua lăng mộ đổ đất đắp thành con đập cao lừng lững.

Ông Tâm tiếc nuối: “Tôi nhìn cảnh người ta phá tung lăng mộ lấy đất đắp đập mà đau lòng lắm. Khi máy ủi, máy xúc móc lăng mộ lên, thấy gạch đá nhiều lắm, những tảng đá lớn, tượng lớn chất thành đống lớn đống bé. Nhưng đá sỏi không dùng đắp đập được, họ chỉ moi lấy đất sét thôi. Một lượng gạch, đá được ủi kè ngoài chân đập, còn lại họ ủi hết tượng, bụt, rồng phượng xuống hố rồi lấp lại. Đập làm xong, thì lăng mộ biến mất hoàn toàn”.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Người ta đã đào hố, ủi tất cả cổ vật xuống lòng đất và chôn lấp lại. 

Ông Tâm cũng như những người lớn tuổi ở thôn Trại Lốc kể rằng, vào đúng đêm 29, 30 và mùng 1 Tết năm 1979, có một nhóm người Trung Quốc đào bới, tìm kiếm ở quanh mộ vua Trần Minh Tông, Trần Anh Tông và Trần Hiến Tông. Chính mắt ông Tâm thấy họ mang theo gia phả, bản đồ cổ, vác dao, thuổng, súng kíp và dắt chó đi tìm kiếm kho báu.

Nhóm người này đào một số địa điểm trong đêm, rồi mất tích vào sáng mùng 2 Tết. Ông Tâm và mọi người kéo ra, thì thấy những hố đào ở 3 ngôi mộ vua đều có dấu đáy chum. Ông Tâm khẳng định rằng, nhóm người này đã lấy đi… kho báu!

Theo ông Tâm, khu vực Khe Gạch là nơi có rất nhiều cổ vật. Ngay cả bây giờ, chỉ cần bới lớp đất lên, sẽ thấy gạch ngói, cổ vật bằng đá rất nhiều dưới lòng đất. Sở dĩ khu vực này gọi là Khe Gạch, vì dưới lòng đất toàn là gạch ngói, đồ gốm. Theo đó, ngoài lăng mộ vua Trần Minh Tông, Thái Miếu, khả năng khu vực này còn có một công trình rất lớn mà chưa được biết đến.
Cuộc tàn phá thảm khốc lăng mộ Trần Minh Tông (kỳ 4)
Con đường chở đất đắp đập chạy xuyên qua lăng mộ. 

Theo “Đại Việt sử ký toàn thư” thì: “Mùa xuân, tháng 2, ngày 19, Thượng Hoàng Trần Minh Tông băng ở cung Bảo Nguyên, miếu hiệu là Minh Tông… Mùa đông, tháng 11, ngày 11, táng Minh Tông ở Mục Lăng”.

Theo sách “Triều Trần thánh tổ các xứ địa đồ”, thì Mục Lăng có 3 nền. Nền ở trong dài rộng đều 2 trượng (6,6m), cao 2 thước, mở cửa rộng 4 thước. Nền thứ hai, Đông - Tây dài 3 trượng (9,9m), rộng 2 trượng (6,6m), cao 1 trượng (3,3m). Chiều Nam – Bắc dài 3 trượng, rộng 1 trượng, cao 1 thước… Bên ngoài, phía trái, phải có hai nền, mỗi nền dài 24 trượng 5 thước (79,2m), rộng 2 trượng 7 thước (8,91m), cửa rộng 4 thước, đều có lân đá, thềm đá…

Cuộc điền dã của các nhà khoa học vào các năm 1968 và 1973 cho thấy giới hạn ngoài cùng của lăng hình chữ nhật, một chiều dài 145m, một chiều 28m. Như vậy, lăng mộ này có quy mô lên tới 4.060 mét vuông, quả là một lăng mộ vĩ đại.

Tiếc rằng, công trình lăng mộ cực kỳ hoành tráng của vị vua Trần Minh Tông chưa được khai quật, nghiên cứu, đã vĩnh viễn biến mất bởi sự vô ý thức của con người. 

PHẦN 5

Đứng trên đập Trại Lốc, ông Nguyễn Hữu Tâm chỉ tay ra bốn hướng, mô tả dãy núi trùng điệp bao quanh hồ Trại Lốc rộng mênh mông. Xưa kia, giữa dãy núi trùng điệp ấy, có một thung lũng hữu tình, với con suối uốn lượn chảy qua. Giữa thung lũng, cạnh con suối, nổi lên một quả đồi nhỏ có tên là đồi Trán Quỷ. Trên ngọn quả đồi Trán Quỷ, có lăng mộ vua Trần Anh Tông, chìm trong cây cối, hoa trái.

Xưa kia, đồi Trán Quỷ là nơi các bậc đế vương thường xuyên lui đến hành lễ chiêm bái trước lăng mộ vua. Từ Thái Miếu, các bậc đế vương sẽ đi ra Mục Lăng (Trần Minh Tông), rồi tiếp tục đi dọc con suối Lốc lên đồi Trán Quỷ.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Lăng mộ vua Trần Anh Tông giờ nằm giữa hồ Trại Lốc. 

Ông Nguyễn Hữu Tâm mô tả thế này: 700 năm trước, vùng An Sinh là nơi uy nghi tráng lệ, nơi các Thái thượng hoàng nhà Trần tu ẩn, nơi các bậc đế vương đi về, nơi tiếng chuông tiếng mõ vang vọng. Trải hàng trăm năm thịnh trị, nhà Hồ soán ngôi, lăng tẩm vua Trần không còn được chăm chút cẩn thận nữa. Những lăng mộ chìm vào rừng già, bị lãng quên, bị trộm cắp, bị thiên nhiên khắc nghiệt tàn phá đến đổ nát.

Thập kỷ 40-50 của thế kỷ trước, vùng An Sinh, kéo dài đến tận Chí Linh (Hải Dương) toàn là rừng già, với những thân gỗ lim, nghiến to vài người ôm. Hổ thường xuyên về làng bắt trâu, bò, lợn, gà, thậm chí cả người.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Ông Tâm bên một lối đi lên lăng mộ còn khá nguyên vẹn. 

Rồi người dân tứ xứ tiến dần lên núi phát rừng làm ruộng, lập làng an cư. Lúc này, những lăng mộ bị lãng quên mấy trăm năm bỗng lộ ra. Con người lại tiếp tục tàn phá. Người ta thi nhau cuốc đất, moi đá tìm của báu, đồ cổ. Đỉnh điểm của sự tàn phá, phá một cách toàn diện, là người ta làm một con đập, dìm luôn cả lăng mộ khổng lồ xuống lòng hồ Trại Lốc.

Tôi đã có tổng cộng 3 lần tìm về An Sinh để được ra doi đất nổi lập lờ giữa hồ Trại Lốc, từng là đỉnh quả đồi Trán Quỷ. Hai lần về An Sinh, thì cả hai lần mưa lớn, nước từ toàn bộ sườn Tây Yên tử đổ ra con suối, tống về hồ, khiến nước dâng tới đập tràn. Khi nước hồ Trại Lốc lên đến đập tràn, thì toàn bộ ngọn đồi Trán Quỷ khi xưa, tức doi đất mộ vua bây giờ sẽ chìm dưới lòng hồ. Duy nhất ngọn cây lạ còn lơ phơ cành lá, cùng với bát hương còn nổi lên khỏi mặt nước chừng gang tay.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Mỗi khi có mưa lớn, toàn bộ phế tích lăng mộ lại chìm xuống lòng hồ. 

Anh Nguyễn Văn Thắng, người trông coi đập Trại Lốc và thầu hồ Trại Lốc lấy thuyền chở tôi ra doi đất nổi lên giữa hồ để viếng mộ vua Trần Anh Tông. Anh Thắng bảo: “Trước đây, mỗi lần mưa lớn, nước hồ dâng lên, là phế tích lăng mộ vua Trần biến mất dưới lòng hồ. Nhìn cảnh ấy xót quá, nên dân làng nhặt những viên gạch ở phế tích xây thành cái am nhỏ xíu, cao chừng hơn mét rồi đặt bát hương lên. Vị trí đặt bát hương cao hơn mặt tràn của đập Trại Lốc, nên dù mưa lớn, nước về ngập hồ, thì bát hương vẫn trồi lên khỏi mặt nước”.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Lăng mộ của vị vua nổi tiếng thời Trần giờ là thế này đây. 

Anh Thắng vẫn nhớ như in cảnh người ta tàn phá lăng mộ vua Trần Anh Tông: “Trước đây, quanh thung lũng trông như vườn cây của vua ấy, nhiều loại cây ăn quả cổ thụ lắm. Có thể 700 năm trước, lòng hồ Trại Lốc là vườn thượng uyển của vua, với đủ các loại cây ăn quả. Cây già chết đi, cây giống mọc lên nên vẫn còn đến tận những năm 70 của thế kỷ trước. Dưới lòng hồ còn có cả một vườn liễu khổng lồ, với những gốc liễu một người ôm không xuể. Nhưng hồi đắp đập họ chặt hết cây cối lấy gỗ đóng vào chân đập. Bao nhiêu tượng đá, bụt đá, voi ngựa, chân cột, cả chiếc bàn đá rất lớn, cùng lối đi là những bậc đá từ phía lăng Trần Minh Tông lên đồi Trán Quỷ dài mấy trăm mét cũng bị ủi vào phía chân đập. Người ta moi hết cả sườn đồi Trán Quỷ để lấy đất, còn lại mỗi ngọn đồi chon hỏn với phế tích lăng mộ này thôi”.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Tấm bia đá nằm phơi mưa nắng. 

Con thuyền nhỏ lướt sóng cập bờ. Trên doi đất chỉ toàn cây xấu hổ với gai móc sắc nhọn. Vẫn còn những lối lên lăng với bậc đá, với sấu chầu hai bên. Tuy nhiên, các tảng đá, các bậc đá, bia đá, sấu đá, rồng đá, tượng đá đều gãy làm nhiều mảnh, vỡ nham nhở.

Tôi cứ lăn tăn tự hỏi, chẳng lẽ mây mưa nắng gió lại làm vỡ được những tảng đá cứng như… đá này? Chẳng lẽ, người đời lại tự dưng ngứa tay đập vỡ nó ra? Anh Thắng bảo: “Toàn là do dân tìm vàng bạc châu báu phá hoại đấy. Họ đào mộ tìm vàng, rồi đập tượng đá, rồng đá, sấu đá, bia đá để xem có vàng bạc bên trong không. Toàn bọn phá hoại, làm gì có ai giấu vàng bạc trong đá cơ chứ!”.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Người ta đập vỡ cổ vật để tìm của. 

Nhìn cảnh mọi thứ đổ vỡ, anh Thắng và một số người dân xót xa lắm. Họ bàn nhau trộn ximăng, rồi gắn những mảnh vỡ lại, nhưng việc làm của họ không chuyên nghiệp, nên vết gắn cứ lôm nha lôm nhôm. Dù sao, hành động bảo vệ di tích đó cũng rất đáng quý rồi.

Việc trông coi phế tích lăng mộ Trần Anh Tông hình như không phải việc của Nhà nước, của chính quyền, mà lại là việc của anh chàng trông nom hồ cá. Dù hàng năm cả chục lần lăng mộ bị nhấn chìm trong nước, song phần lớn thời gian, hàng ngàn cổ vật lồ lộ giữa thanh thiên bạch nhật. Những tay trộm đồ cổ, những nhà sưu tầm cổ vật nhìn những bia đá, tượng đá, sấu đá, rồng đá có tuổi 700 năm mà thèm thuồng, muốn bê đi liền. Nhưng những tay trộm đồ cổ khó có thể tơ hào, vì đêm nào anh Thắng cũng ngủ trong căn nhà hoang ở doi đất giữa hồ liền kề với đồi Trán Quỷ để vừa trông hồ cá vừa trông nom ngôi mộ.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Hằng đêm anh Thắng ngủ trong ngôi nhà hoang này để trông cá và trông nom luôn đống cổ vật ở lăng mộ vua Anh Tông. 

Lăng mộ vua Trần Anh Tông đã được khai quật 2 lần vào năm 2007 và 2008, làm phát lộ nhiều thông tin quý giá. Người dân An Sinh nghĩ rằng, sau khi khai quật, lăng mộ sẽ được trùng tu hoành tráng, để người dân có chỗ hương khói, vua Trần đỡ tủi. Tuy nhiên, mấy năm qua rồi, lăng mộ vẫn nằm đó, với những gạch ngói, tượng đá, bậc đá bày cả đống trên ngọn đồi Trán Quỷ.

Cuộc khai quật của Viện Khảo cổ học Việt Nam cho thấy đây là một lăng mộ cực kỳ hoành tráng, nằm theo chiều Bắc – Nam, có cấu trúc 3 cấp nền, hình chữ nhật, nằm chồng xếp và lồng vào nhau. Cấp nền thứ nhất rộng gần 93 mét vuông, cấp nền thứ 2 rộng tới 1.018 mét vuông và cấp nền thứ 3 rộng tới 3.558 mét vuông. Như vậy, toàn bộ trung tâm lăng mộ rộng tới hơn 4.469 mét vuông, tức gần nửa héc-ta. Cùng với đó là hàng loạt các công trình quy mô lớn xung quanh lăng mộ.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Cổ vật các nhà khoa học moi lên từ lòng đất. 
 
Điều đáng chú ý, trong cuộc khai quật, các nhà khoa học đã tìm được số lượng khổng lồ đồ gốm sinh hoạt, gồm gốm men và đồ sành. Những di vật này đã gợi mở về những nghi lễ liên quan đến các lần ngự giá của các vua nhà Trần khi đến yết bái lăng mộ. Đáng lưu ý là những đồ gốm này chủ yếu của Việt Nam và chỉ có một lượng nhỏ gốm men của Trung Quốc.

Mặc dù cuộc khai quật đã thu được nhiều hiện vật, tư liệu khoa học, song khu di tích này vẫn ẩn chứa nhiều điều bí ẩn. Bí ẩn lớn nhất là tại khu vực trung tâm, các nhà khảo cổ đã cho đào một hố thám sát chính giữa, nhưng không tìm thấy dấu hiệu của huyệt mộ hoặc quan tài. Câu hỏi đặt ra là liệu có quan tài của vua Trần Anh Tông ở lăng mộ này và nếu có thì nó nằm ở vị trí nào?
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Vết tích bó vỉa lăng mộ được các nhà khoa học làm phát lộ. 

Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Canh Thân – Đại Khánh năm thứ 7 (1320), mùa xuân, tháng 3, ngày 6, Thượng Hoàng (Trần Anh Tông) băng ở cung Trùng Quang, phủ Thiên Trường, rước linh cữu vào cửa Tường Phù, quàn tại cung Thánh Từ (Thăng Long). Tháng 12, ngày 12 (năm 1320), táng Thượng Hoàng vào Thái Lăng ở Yên Sinh”.

Đại Việt sử ký toàn thư chép tiếp: “Mười hai năm sau, mùa xuân, tháng 2, ngày 15, năm Nhâm Thân (Khai Hựu năm thứ 4 - 1332), phụ táng Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu (vợ vua Trần Anh Tông) vào Thái Lăng”.

Đại Việt sử ký toàn thư đã chép rõ như vậy, song 2 cuộc khai quật của các nhà khảo cổ lại chưa phát hiện được dấu tích của phần mộ là quan tài, huyệt mộ. Con đập Trại Lốc và sự vô tình của con người đã nhấn chìm luôn những bí ẩn thú vị về cuộc đời và cái chết của một vị vua oai hùng trong lịch sử Đại Việt.
Xót xa lăng mộ vua Anh Tông chìm dưới lòng hồ (kỳ 5)
Sấu đá còn khá nguyên vẹn.                      

Không có nhận xét nào: