Thứ Sáu, 5 tháng 10, 2012

Bí mật của Cao Biền - Tập 3: Đường hầm bí ẩn ở Côn Sơn

Có lẽ khi tôi nhận ra nơi đặt Bàn Tiên ở Côn Sơn cũng chính là nơi mà Cao Biền đã yểm Long Mạch nước ta là lúc tôi cảm thấy mình như đã được chạm vào lịch sử thực sự. Thứ lịch sử mà không phải ai cũng được có cơ hội tận mắt nhìn thấy. Nó không phải lịch sử trên những trang giấy, không phải lịch sử trên những lời giáo huấn thông thường, nó là hiện thực, là tâm hồn của người Việt Nam. Một con người muốn hiểu lịch sử của mình trước hết phải hiểu lịch sử dân tộc mình. Có vậy, mình mới hiểu giá trị của chính mình.

Am Bạch Vân xây dựng trên nền Bàn Cờ Tiên
Bàn Cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn, nơi đây xưa có một am nhỏ hình chữ Công, tám mái chảy, có lan can xung quanh, am này có tên gọi là Am Bạch Vân. Câu chuyện người xa kể còn lưu truyền rằng: Vào một chiều thu có một số danh nhân vùng Kinh Bắc về thăm Côn Sơn, sau khi thắp hương, làm lễ, vãn cảnh, các cụ nghỉ tại chùa để ngày mai lên núi uống rượu, đánh cờ. Sáng sớm hôm sau, núi rừng Côn Sơn mây trắng bao phủ, các danh nhân lần theo lối mòn trong mây mù lên núi, tới gần đỉnh núi, nghe có tiếng cười nói, các cụ cho rằng đêm qua có người nghỉ tại am. Khi đến nơi mọi người đều ngạc nhiên thấy trong am không một bóng người, chỉ thấy bàn cờ đang đánh dở, suy nghĩ hồi lâu các cụ cho rằng trên đỉnh Côn Sơn đêm qua trời đất nối liền bằng mây mù, sương phủ, các tiên ông trên trời đã cưỡi mây xuống đánh cờ, thấy có người đến, các tiên ông bay về trời. Am Bạch Vân và bàn Cờ Tiên có tên là thế.

Biển giới thiệu về Bàn Cờ Tiên ở đỉnh Côn Sơn
Khi đấy tôi cảm thấy rất tự hào. Chắc tâm trạng ai cũng giống tôi trong giây phút ấy. Được đứng trên đỉnh núi cao nhất, nơi linh thiêng nhất, nơi mà chính danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi đã đứng ở đây. Nơi đã có bao sự kiện lịch sử đã xảy ra ở đây. Nên không phải tự dưng Nguyễn Trãi chọn nơi này làm nơi nghỉ dưỡng, nghe luận bàn chính sự. Có lẽ những ai đã đến Côn Sơn thì sẽ có cảm nhận giống tôi về điều đó. Bác Hồ của chúng ta cũng đã từng đến đây vào ngày ngày 15 tháng 2 năm 1965. Người từng in dấu chân khắc năm châu, bốn biển cũng đã đến thăm Côn Sơn. Người tìm đọc văn bia, lên chùa thăm hỏi các tăng ny, lội suối lên Thạch Bàn, nơi Nguyễn Trãi thường ngồi suy tư về việc nước vào những năm tháng cuối đời.

Thỏa mãn bao nhiêu, sung sướng bao nhiêu thì khi tôi nhìn thấy hình vẽ tấm bản đồ ở khối đá Bàn Cờ Tiên đấy thì những cái cảm giác trong tôi bây giờ là sự kinh ngạc và lạnh hết cả tóc gáy. Nói chung lúc đấy suy nghĩ của tôi cứ như ma làm vậy. Chỉ tiếc bây giờ, chẳng hiểu sao chính quyền lại cho phá cái đấy đi mà thay bằng cái nhà trông chẳng ra đâu vào đâu. Đúng là những ngươì không biết tôn trọng giá trị lịch sử của chính mình. Cái sự trách móc đấy tôi dành cho những nhà quản lý.

Nhưng lúc nhìn vào hòn đá có Bàn Cờ Tiên thì hình vẽ ở trên thân hòn đá giống không khác gì hình vẽ mà em đã thấy ở tấm bản đồ do Cao Biền phác họa mà tôi đã tìm thấy ở dưới cột đá trên Chùa Dạm, Bắc Ninh. Lúc đấy tôi đứng người một lúc. Không hiểu vì lý do gì mà có những điều lại lùng vậy.

Tại sao nhỉ? Tại sao có sự trùng hợp như vậy? Ai đã vẽ? Nếu tính thời gian mà Cao Biền chết đến khi Nguyễn Trãi mất cách nhau đến hơn 600 năm cơ mà? Tôi lục tất cả những gì có thể để tìm hiểu, gắn kết nó với một thông tin nào đó nhưng nó gần như vô hiệu. Từ trước đến giờ chưa có một tài liệu nào về lịch sử nói lên điều đấy. Một sự trùng hợp đến ngạc nhiên. Tôi cẩn thận cầm bản sao của tấm bản đồ đó để so sánh hai hình vẽ với nhau. Trùng hợp từng nét, không thừa, không thiếu. Chỉ có chi tiết khác là tấm bản đồ đó có bài thơ Cao Biền viết bên góc trái. Còn ở hòn đá thì không có.

Những bí ẩn về những gì Cao Biền đã làm ở nước ta khi là Tiết độ sứ thì tôi đã cố gắng tìm kiếm và đã có thông tin rồi. Nhưng đến chi tiết này thì tôi hoàn toàn bất ngờ. Từ trước tôi đã từng nghe nói đến nhiều về những danh nhân văn hóa của Việt Nam có những lời tiên tri mà mang tính như sấm truyền vậy. Như cụ Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm với những lời sấm truyền mà đến tận bây giờ vẫn thấy đúng. Đến nỗi các nhà khoa học cũng không thể giải thích được. Rồi Thiền sư Vạn Hạnh với lời sấm truyền ở Cây Gạo để nói về quá trình hình thành lên nhà Lý. Nhưng thực sự tôi chưa nghe nói bao giờ Cao Biền có những khả năng tiên tri như vậy. Đúng thật! Chỉ khi tôi đọc những lời mà Cao Biền viết đằng sau tấm bản đồ tìm được thì tôi mới thấy mình có nhận xét khách quan hơn về Cao Biền.

Lúc này tôi cũng đoán phần nào là Cao Biền cũng rất giỏi về khả năng tiên đoán. Nhưng mà những lời tiên đoán mà có cả hình vẽ khớp đến từng chi tiết qua 600 năm như thế này thì quả thật lịch sử chưa từng nói đến. Hay Cao Biền vẽ vào đấy? Cũng có khả năng chứ. Nhưng điều đó tôi có thể loại bỏ ngay vì Cao Biền đã họa sơ đồ rồi thì vẽ vào đấy làm gì. Mà nguyên tắc khi yểm Long Mạch ai lại vẽ vào đấy bao giờ. Nên tôi gạt bỏ cái suy luận đấy. Hay thật đấy! Một sự tìm kiếm mới chăng hay một phát hiện trùng hợp với chi tiết nào có trong lịch sử? Tôi cũng thấy thích thú khi nghiên cứu điều này. Nhưng tại sao lại có tấm bản đồ ở đây? Câu hỏi đấy với tôi vẫn chưa có câu trả lời.

Tôi lái xe về Hà Nội mà trên đường đi không khỏi hết những thắc mắc đó. Đầu óc suy nghĩ lung tung. Cái cảm giác lái xe của tôi không vững nữa. Cũng may là tôi đã về gần đến nhà. Lúc đó đã gần 23h30. Mọi người trong gia đình cũng đã đi ngủ hết. Nằm trên giường, tôi cứ trằn trọc mà không ngủ được. Khi mình còn thắc mắc một điều gì đó mà chưa có đáp án thì làm sao ngủ được. Thế là bỏ mặc vợ một mình với hai đứa con, tôi ra phòng làm việc và bắt đầu công việc của tôi như thường lệ, đấy là tìm kiế và tìm kiếm....

Nếu theo lời nói của Cao Biền, thì ở Đá Chông sẽ ứng với Bác Hồ, ở Bắc Ninh sẽ ứng với vua Lý Thánh Tông, ở Yên Tử ứng với vua Trần Nhân Tông và ở Côn Sơn sẽ ứng với Nguyễn Trãi. Nếu theo suy luận logic thì tất cả 4 vị đều tương ứng với 4 danh nhân văn hóa nổi tiếng của dân tộc ta. Tuy nhiên chỉ có cụ Nguyễn Trãi là quan triều đình mà không phải là Vua (tôi tạm gọi Bác Hồ là thế vì chức vụ Chủ tịch nước nếu hiểu cũng coi như một vị vua). Mà cụ Nguyễn Trãi thì ai cũng biết về cụ rồi. Nỗi oan của cụ đến bây giờ còn là điều bí mật. Theo sử sách thì cụ bị án tru di ba họ vì vướng và kỳ án Lệ Chi Viên. Theo những gì Cao Biền viết lại ở cuốn sách thì còn có rất nhiều vàng, bạc, đồng ở chỗ yểm rồi mà? Có thể đấy là cả một kho báu đấy chứ. Quả này tôi sẽ giàu to rồi nếu tìm ra được chỗ cất giấu đấy.Tự nghĩ như vậy để động viên an ủi cho tôi.

Bắt đầu từ đâu đây? Có lẽ tôi sẽ bắt đầu từ những thắc mắc đã. Nếu có kho báu thì đã tìm thấy chưa? Hiện tại những kho báu đấy còn không? Sao đến bây giờ mà chưa ai nói gì? Liệu còn ai biết không? 
Nếu để hiểu một cách logic thì: 
- Thứ nhất ở Đá Chông - K9, khi làm nơi đấy cho Bác Hồ làm việc, khả năng đã được phát hiện do chính phủ ta phải làm nhà, đào móng, rất có thể đã phát hiện ra. Nhưng là khu bí mật nên thông tin được bảo quản với mức độ tối mật. 
- Thứ hai, ở Am Ngoạ Vân là nơi đức vua Trần Nhân Tông viên tịch thì người dân đã dân lập đền tại vị trí đấy, cũng có khả năng đã phát hiện khi xây dựng Am Ngọa Vân. Chính vì vậy khi dự án trùng tu khu di tích thắng cảnh Yên Tử thì các đơn vị thi công cũng không phát hiện ra gì cả. Nếu có, thì chắc chắn báo chí cũng sẽ biết điều đó. Nhưng theo tôi biết đến tận giờ thì chưa có một thông tin gì về kho báu ở đấy.
- Thứ ba, ở gốc cây đa bây giờ mà ngày trước là Cây gạo làng Diên Uẩn (hay làng Dương Lôi, Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam) cũng có khả năng đã được phát hiện khi người dân lập đền thờ và trồng cây đa ở đấy. Tất cả những điều đó, nếu tồn tại kho báu thì cũng chắc chắn không còn nữa. hoàn toàn có thể phát hiện được vì Cao Biền chỉ chôn sâu 3 tấc. Nếu chúng ta chỉ đào sâu một chút thì là tìm thấy ngay. Vì vậy việc phát hiện ra kho báu cũng là chuyện bình thường. Theo tôi thì cái hay của Cao Biền là chọn những nơi tâm linh của người Giao Chỉ như đền, đình, miếu hay những nơi linh thiêng để cất giữ kho báu. Như vậy sẽ là một cách an toàn nhất vì ông này đã nghiên cứu rất kỹ tập tục, phong tục tập quán của Việt Nam rồi. Vậy chỉ còn vị trí duy nhất là nơi có Bàn Cờ Tiên? Tôi bắt đầu hồi hộp tìm kiếm.Đỉnh Côn Sơn.

Tại đây, từ trước đến nay chưa có ai khai quật gì cả. Nếu để ở trong núi Kỳ Lân (Côn Sơn) thì ai có thể đến đấy mà lấy được. Đỉnh Kỳ Lân là nơi mà truyền thuyết của Giao Chỉ đã từng nói: Đấy là nơi giao thoa giữa trời và đất là nơi người âm dương có thể nói chuyện và là nơi thần thánh có thể hội tụ. Vậy chắc chắn sẽ vẫn còn kho báu ở đỉnh Côn Sơn. Tôi khấp khởi mừng thầm. Vậy phải tìm kiếm thôi! Tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình như vậy và đấy cũng là sự quyết tâm của tôi. Nhưng cụ Nguyễn Trãi thì có liên hệ gì ở đây không nhỉ? Cụ là người thường xuyên ở đây đàm đạo chính sự những lúc cuối đời mà? Nếu thế chắc chắn cụ sẽ phát hiện ra ngay. Vậy có lẽ phải bắt đầu từ cụ Nguyễn Trãi vậy.

Các thông tin về cụ Nguyễn Trãi tràn ngập trong cái đầu bé tý của tôi. Chắc tôi nổ tung mất. Cụ là một danh nhân văn hóa Việt Nam và thế giới. Cụ sinh 1930 và mất ngày 19-09-1442, quê gốc ở làng Chi Ngại, huyện Phượng Sơn, lộ Lạng Giang (nay thuộc Chí Linh, Hải Dương), sau dời đến làng Ngọc Ổi, xã Sơn Nam Thượng, huyện Thương Phúc (nay thuộc xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc nay là huyện Thường Tín, Hà Nội. Cụ là con trai của Nguyễn Phi Khanh và bà Trần Thị Thái, là cháu ngoại của danh nhân Trần Nguyên Hãn.

Chân dung cụ Nguyễn Trãi
Cụ thi đỗ thái học sinh năm 1400 và đã từng làm quan dưới triều Hồ Qúy Ly. Sau khi Việt Nam bị rơi vào sự cai trị của nhà Minh, cụ Nguyễn Trãi tham gia vào cuộc khởi nghĩa Lam Sơn do Lê Lợi lãnh đạo chống lại ách Minh thuộc. Ông trở thành mưu sĩ của nghĩa quân Lam Sơn trong việc bày tính mưu kế cũng như soạn thảo các văn thư ngoại giao với quân Minh. Đồng thời cụ cũng là khai quốc công thần và là văn thần có uy tín ở thời đầu nhà Hậu Lê. Tuy nhiên, năm 1442, toàn thể gia đình cụ Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc trong vụ án Lệ Chi Viên. Năm 1464, vua Lê Thánh Tông xuống chiếu giải oan cho ông.

Số cụ khổ quá nhỉ? Tôi tự nhẩm như vậy. Nhưng tại sao cụ Nguyễn Trãi lại về Côn Sơn? Câu hỏi này tôi vẫn chưa có lời giải. Câu trả lời chính là:

Tháng 2 năm 1437, vua Lê Thái Tông lại sai Nguyễn Trãi cùng với hoạn quan Lương Đăng sửa định nhã nhạc và qui chế lễ nghi trong triều đình. Đây vốn là công việc mà Nguyễn Trãi được Lê Thái Tổ sai làm từ trước, nhưng chưa kịp thi hành. Ngay tháng ấy, cụ Nguyễn Trãi đã dâng lên bản vẽ khánh đá và biểu thất trảm sớ nổi tiếng lúc đó. Tuy nhiên, vì bất đồng ý kiến gay gắt với Lương Đăng, chỉ bốn tháng sau, cụ Nguyễn Trãi xin rút lui khỏi công việc này. Tháng 12 năm 1437, vua Lê Thái Tông cho ban bố các nghi thức lễ đại triều do Lương Đăng soạn định với triều đình, cụ Nguyễn Trãi cầm đầu một nhóm văn thần như Đào Công Soạn, Nguyễn Văn Huyến, Nguyễn Liễu, Nguyễn Truyền dâng sớ phản đối.
Tượng thờ Nguyễn Trãi ở đền Côn Sơn

Kết quả, Nguyễn Liễu bị đày ra viễn châu do có lời phỉ báng hoạn quan trước mặt vua.Không chỉ thất bại trong công tác chế định nhã nhạc, Nguyễn Trãi còn chịu nhiều định kiến từ các nhân vật nắm giữ quyền hành thời bấy giờ như Lê Sát, Phạm Vấn... Năm 1434, triều đình bận rộn với chuyến đi sứ sang nhà Minh, xin cầu phong cho vua Lê Thái Tông. Tờ biểu văn cầu phong do cụ Nguyễn Trãi soạn, quan ở Nội mật viện là Nguyễn Thúc Huệ và Học sĩ Lê Cảnh Xước muốn sửa đối vài chữ. Nguyễn Trãi không cho, giận dữ mắng hai viên quan ấy là tham lam vơ vét, dẫn đến nạn hạn hán đang hoành hành lúc bấy giờ. Nguyễn Thúc Huệ đem nói việc đó với Lê Sát và Phạm Vấn, khiến hai người tức tối, trách mắng lại cụ Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi từ tạ nhưng Lê Sát vẫn giận không nguôi. Mâu thuẫn rắc rối đến độ, trong vụ án bảy tên trộm vào tháng 3 năm 1435, các quan đại thần đá việc và mắng xéo lẫn nhau.

Số là bảy tên tội phạm này đều còn ít tuổi, đi ăn trộm chiếu luật đáng xử trảm, nhưng các quan còn ngần ngại vì phải giết nhiều người quá. Khi được vua Lê Thái Tông hỏi về cách xử lý, cụ Nguyễn Trãi đã khuyên vua nên thi hành nhân nghĩa. Nhân lời tâu của Nguyễn Trãi, Lê Sát, Lê Ngân mỉa mai ông là có nhân nghĩa, có thể cảm hoá được kẻ ác thành người thiện, rồi yêu cầu cụ Nguyễn Trãi nhận và giải quyết mấy tên tù ấy. Cụ Nguyễn Trãi bối rối từ chối, tự nhận rằng "Những kẻ ấy là hạng trẻ con ranh mãnh, ương ngạnh, pháp luật của triều đình còn không thể trừng giới được, huống chi bọn tôi ít đức thì cảm hoá thế nào được ?". Hồi lâu sau mới quyết định trảm hai tên, còn thì xử lưu đày.
Vì vậy, khoảng cuối năm 1437, đầu năm 1438, Nguyễn Trãi xin về cáo phó từ quan về Côn Sơn, nơi trước kia từng là thái ấp của ông ngoại ông. Ông chỉ thỉnh thoảng mới vâng mệnh vào chầu vua.

Đây rồi! Đây chính là nguyên nhân chính của sự việc. Có thể có mối liên hệ gì ở đây? Vì vậy ngày mai có lẽ tôi sẽ bỏ chút thời gian về nơi đền thờ cụ Nguyễn Trãi ở Côn Sơn để tìm hiểu xem sao. Lúc đấy tôi nghĩ như vậy và quyết tâm sẽ đến tìm ra được một nguyên nhân nào đấy. Còn bây giờ thì tôi phải đi ngủ đã kẻo vợ lại không cho nằm cạnh nữa vì lúc đó cũng đã khuya rồi.

Lần thứ 4 tôi trở lại Côn Sơn. Sau gần một tuần tìm hiểu, tôi đến đến thăm đền thờ Nguyễn Trãi đúng 9h sáng. Lần này đến Côn Sơn tôi có cảm giác lạ lắm. Cái cảm giác đó vừa hưng phấn xen lẫn với tò mò. Đồng thời, cũng nhân tiện một chuyến đi,  tôi cũng muốn xem nơi mà cụ Nguyễn Trãi yên nghỉ hiện đang như thế nào. Tôi cũng muốn thắp hương tưởng nhớ cụ cho tỏ lòng nhớ ơn một con người vì dân, vì nước. 

Đền Nguyễn Trãi quả thật là đẹp, được trải nằm trên khuôn viên đất rộng gần 10.000m2, tại chân núi Ngũ Nhạc, nằm trong khu vực Thanh Hư Động và gần nơi ngày xưa từng có đền thờ bà Trần thị Thái, thân mẫu của cụ Nguyễn Trãi. Phía bên phải là dòng suối Côn Sơn chảy từ Bắc xuống Nam, uốn lượn từ phải qua trái, ôm lấy khu Đền. Sau khi thắp hương tưởng nhớ cụ, tôi cũng cầu mong cụ chỉ giáo cho cách tìm kho báu. Sau đó, tôi ra khỏi cổng đền và vào ngay quán nước trà đá mà lần trước tôi đã đến. Lần này, bà bán hàng nhớ mặt tôi nên bà hỏi tôi ngay. Tôi cũng bắt đầu câu chuyện luôn. Chính ra cứ đi đến đâu, có lẽ những thông tin về giai thoại dân gian truyền miệng nên hỏi từ những người già. Các cụ có những thông tin mà các nhà sử học không thể có được. Đó là văn hóa mà. Văn hoá truyền miệng đã đi vào truyền thống của văn hóa Việt Nam. Sử sách cũng chỉ là những tờ giấy chép lại. Văn hóa Việt Nam hấp dẫn ở chỗ đấy. Tôi có hỏi nhiều về cụ Nguyễn Trãi. Có nhiều thông tin bổ ích thật. Nhưng có một chi tiết mà tôi quan tâm nhất, cụ kể lại:

- Ngày trước nghe các cụ kể lại, cụ Nguyễn Trãi oan khuất lắm. Sau vụ án Lệ Chi Viên, nhà cụ bị tru di 3 họ. Bà cứ nghĩ đến mà buồn. Cũng may, cuối cùng còn có một người con còn sống sót. Về sau được vua khôi phục lại và cho làm quan triều đình. Tôi tìm hiểu mới thấy. Vụ án Lệ Chi Viên quả thật là một vụ án mà đến sử sách bây giờ còn nhiều tranh cãi. 


Khu di tích Lệ Chi Viên ở Gia Bình, Bắc Ninh
- Vào ngày 27 tháng 7 (âm lịch) năm Nhâm Tuấn (1442), vua Lê Thánh Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quân ở thành Chí Linh, Hải Dương, Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8 (âm lịch) vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc thôn Đại Lai, xã Đại Lai, huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40, được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sự xinh đẹp, có tài văn chương, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, lúc này ông mới 20 tuổi. Các quan bí mật đưa về, ngày 6 tháng 8 (âm lịch) mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Nguyễn Trãi và gia đình bị án tru di tam tộc và bị giết ngày 16 tháng 8 (âm lịch) năm này. Đến tháng 7 (âm lịch) năm Giáp Thân (1464), vua Lê Thánh Tông đã rửa oan cho Nguyễn Trãi, truy tặng ông tước Tán Trù bá và bổ dụng người cháu còn sống sót của ông là Nguyễn Anh Vũ. 

Đài dọt lệ để tưởng nhớ nỗi oan - Khu di tích Lệ Chi Viên
Ồ! Thế cụ còn một người con nối dõi. Thế là cũng may rồi. Tôi nghĩ vậy. Rồi bà kể tiếp:
- Bà còn nghe nói trước khi cụ Nguyễn Trãi bị giết, ngay sau khi bà Nguyễn Thị Lộ bị đưa về triều đình,  cụ còn để lại nhiều bí mật lắm về một cái gì đó ở đỉnh Côn Sơn, nhưng chưa kịp nói gì. Ở đây, cái giai thoại này đến bây giờ vẫn còn nhiều cụ trong làng bàn tán lắm. Bà chỉ biết rằng lúc đấy cụ chưa kịp nói với ai. Vì lúc đấy quan lại triều đình đến đây còn đông hơn người dân ở đây để bắt bớ con cháu nhà cụ. Thảm thiết lắm! Lúc đấy, ở trong nhà cụ có một người hầu nữ may mắn thoát ra, chạy lên đỉnh Côn Sơn. Sau đó thấy thắt cổ tự tự ở gần cái Bàn Cờ Tiên. Khi chết thấy các cụ trong làng bảo hình như người ấy cầm theo một di trỉ naò đấy của cụ Nguyễn Trãi về một bí mật. Nhưng sau khi chết, họ hàng ly tán không còn ai. Mọi thứ đều thất lạc hết, nên mọi cái đều trở thành truyền thuyết thôi.

Đến đây tôi thấy linh cảm như có gì đó liên quan đến kho báu ở đỉnh Côn Sơn. Tôi hỏi tiếp:
- Thế người hầu đấy tên gì hả bà? 
Bà bảo:
- Bà chỉ biết đấy là người nhà bà Nguyễn Thị Lộ tên là Hoàng Thị Gái. 
Thế là tôi đã có thêm một đầu mối nữa để tôi bắt đầu tìm kiếm. Nhưng cái tên Hoàng Thị Gái có ý nghĩa gì nhỉ? Lúc cụ Nguyễn Trãi bị bắt thì để lại cái gì? Tại sao bà này lại chạy và tự tử ở trên núi Côn Sơn? Mà lại tự tử ngay cạnh Bàn Cờ Tiên? Đúng thật là kỳ lạ. Mọi bí mật cứ dồn dập đến với tôi. Có lẽ tôi phải cần một cái gì đó để giảm bớt căng thẳng. Nghĩ vậy nên tôi đến một nơi mà có thể giúp mình rất nhiều về thông tin. Bảo tàng Lịch sử Việt Nam ở Bác Cổ, Thành phố Hà Nội.

Khi rời Côn Sơn và Hà Nội, trên đường đi tôi vẫn chưa hết thắc mắc. Lúc này sao những đầu mối tìm kiếm của tôi khó thế? Hết sự việc này đến sự việc khác làm tôi quay cuồng. Có thể cái mình muốn nó chưa đến ngay. Thôi cứ từ từ vậy. Còn đấy, kho báu có mất đâu mà lo.Tôi nghĩ vậy và phóng thẳng đến Bảo tàng lịch sử Hà Nội.

Bảo tàng lịch sử ở Bác Cổ, Hà Nội
Ở bảo tàng lịch sử Bác Cổ, quả thật con người trở thành nhỏ bé trước những giá trị văn hóa đang được trưng bày ở đấy. Không khí ở đây tĩnh lặng, vì tôi đi vào ngày thường mà. Ở đây cũng vắng, chỉ có một ít người khách nước ngoài đang xem những tư liệu ở ngoài sân. Vậy thì tôi tha hồ tìm kiếm. Tôi hỏi cô hướng dẫn viên một số việc, coi như tôi là khách du lịch. Tôi được giới thiệu nhiều điều về lịch sử. Có điều tôi biết, có điều tôi không biết. Nhưng tôi chú tâm vào những thông tin liên quan chủ yếu đến Nguyễn Trãi. Vì đầu mối tìm kiếm của tôi đang tập trung ở đấy. Bỗng có đoạn tôi cảm thấy chú ý và lắng tai nghe. Hay quá! Đúng thông tin mình tìm đây rồi.

Cô hướng dẫn có nói một đoạn:
- Trải qua Đường Tống đến đời nhà Minh có Trương Phô, Mộc Thạch và Hoàng Phúc là ba danh tướng Trung Hoa được Minh đế cho kéo quân sang Việt nam bề ngoài với danh nghĩa phò hậu Trần diệt Hồ nhưng bên trong có mang một kế hoạch diệt chủng người Việt và đổi nước ta thành quận huyện của Trung Quốc. Kế hoạch này tỉ mỉ và thâm độc hơn những kế hoạch tương tự mà người Hán đã làm từ xưa đến giờ.Trong số 3 danh tướng Trung Hoa này thì Hoàng Phúc là người rất giỏi địa lý có mang theo “Cao Biền tấu thư địa lý kiều tự” sang duyệt xét lại và yểm nốt những đất kết lớn nào còn sót lại cho Việt nam không thể còn có những thế hệ thịnh trị sản sinh ra được những nhân tài xuất chúng như Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo đã làm khó khăn cho Trung Quốc như trong thời đại Lý và Trần vừa qua. May thay Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã khôn khéo và kiên trì lãnh đạo cuộc kháng Minh đến thành công sau 10 năm gian khổ. Khi bắt sống được Hoàng Phúc ta thu được toàn bộ tài liệu của kế hoạch nêu trên trong đó có cả tập “Cao Biền tấu thư địa lý kiều tự”. 

Bảo tàng lịch sử ngày xưa
Thật bất ngờ! Cụ Nguyễn Trãi chính là người đã có bản “Cao Biền tấu thư địa ký kiều tự”. Đúng là tôi vớ được vàng rồi. Tôi vội vàng rời khỏi bảo tàng và lao thẳng về nhà. Lật tung những hồ sơ, những quyển sách sử, những tài liệu lịch sử mà tôi có. Sao mình không nhận ra nhỉ? Sao ngu thế! Tôi thầm nhủ vậy. Chính cụ Nguyễn Trãi là người đã có toàn bộ hồ sơ của Cao Biền. Vậy chính là cụ rồi! Không thể sai được! Với con người như cụ Nguyễn Trãi thì tài liệu đó sẽ được cụ nghiên cứu ngay. Tôi quả thật không ngờ. Lúc này tôi như trút được gánh nặng trên vai. Mọi bất ngờ này đến bất ngờ khác đến với tôi như một sự sắp đặt. Vậy thì có thể kết luận rằng cụ Nguyễn Trãi đã biết vị trí mà Cao Biền yểm Long Mạch không thành và cũng là cụ biết rõ nhất vị trí cất giữ kho báu của Cao Biền. Đây quả là một thông tin nóng hổi. Tôi mừng thầm.

Kết hợp một số thông tin tôi có thể kết luận: Chính cụ Nguyễn Trãi đã biết vị trí cất giữ kho báu. Trước khi chết, cụ chưa kịp nói với ai. Tôi nhớ lại chi tiết mà bà cụ bán nước kể sáng nay là có một người hầu nữ chạy lên đỉnh Côn Sơn, chết ở gần Bàn Cờ Tiên. Vậy thì đúng rồi! Có thể chính cô hầu gái này là người đã khắc họa tấm bản đồ cất giữ kho báu ở ngay thân hòn đá đấy. Cụ Nguyễn Trãi đã nói với cô hầu gái làm việc đó. Quả thật, không thể ai ngờ được điều này. Nhưng người con gái ấy đã chết rồi, cụ cũng đã chết, vậy còn ai sẽ biết được vị trí đây? Tôi lại bắt đầu từ đâu đây? Bây giờ, mọi cảnh vật ở đấy gần như đã thay đổi hết. Mà cũng đúng thôi, đã hơn 600 năm rồi kể từ khi cụ Nguyễn Trãi mất. Vậy thì tôi phải bắt đầu từ đâu đây? Lúc này, tôi tưởng chừng kho báu đã ở trong tay tôi rồi. Bây giờ lại trở thành bí mật đối với tôi. Có lẽ số tôi phải long đong lật đật mãi như thế này mất. Thôi! Tôi mệt lắm rồi, nghỉ ngơi đã, coi như tôi đã có một đầu mối.

Tôi về đến nhà. Ấy vậy mà từ khi tôi biết điều đấy đên nay cũng bẵng đi gần 2 tuần. Nhưng có một sự kiện mà đã làm thay đổi tôi khi tôi tìm kiếm đấy là khi tôi đọc được một thông tin trên báo chí. Có lẽ ai cũng nghĩ bình thường. Nhưng đối với tôi, cái gì cũng có thể là một đầu mối tìm kiếm. Chắc tôi bị mắc bệnh nghề nghiệp rồi.

Đấy là thông tin từ chính phủ Trung Quốc
Khi Cộng hòa nhân dân Trung Hoa vừa thành lập, sản lượng sản xuất vàng của nước này chỉ đạt mức 4 tấn/năm. Trong bối cảnh đó, Vương Chấn, một thượng tướng khai quốc công thần của quân đội Trung Quốc đã đề xuất bí mật thành lập một đơn vị quân đội chuyên tìm kiếm và khai thác vàng. Đơn vị đặc biệt này được thành lập năm 1979 với tên gọi Bộ chỉ huy Lực lượng đào vàng gồm 12 chi đội, đặt dưới sự quản lý, chỉ huy của Tư lệnh Cảnh sát vũ trang Trung Quốc. Từ đó, đơn vị đặc biệt này đã đi khắp các vùng cao nguyên, rừng núi, hoang mạc để tìm kiếm, khai thác vàng.Năm 1995, sản lượng vàng của Trung Quốc lần đầu tiên cán mốc 100 tấn/năm, đứng vị trí thứ 8 trên thế giới, trong đó hơn 1 nửa sản lượng này do lực lượng đào vàng quân đội Trung Quốc đem về. Tám năm sau, sản lượng vàng của Trung Quốc tăng lên 200 tấn/năm. Gần 30 năm qua, đội quân đào vàng chuyên nghiệp của quân đội Trung Quốc đã mang về tổng cộng hơn 1.800 tấn quặng vàng. 

Ông Vương Chấn
Trung Quốc đã dùng lực lượng này tìm kiếm rất nhiều nơi. Tất cả những nơi có thể, những nơi được cho là cất giấu vàng của các triều đại để lại. Lúc đấy tôi chợt nhớ về việc Trung Quốc giúp mình xây dựng đường hầm ở Côn Sơn vào những năm 70 của thập kỷ này. Có thể họ biết gì đấy nên đã nghĩ ra phương án này. Điều đó cũng có lý chứ! Mà còn một việc nữa là bà Hoàng Á Lệ là ai thì đến bây giờ tôi cũng chưa tìm hiểu được. Những cái tên Hoàng Á Lệ – Nguyễn Trãi - Cao Biền – đường hầm Côn Sơn - đội quân đào vàng của Trung Quốc liệu có mối liên hệ gì ở đây không?

Tại sao khi xây dựng đường hầm đấy bà Hoàng Á Lệ lại là người chỉ huy? Tại sao kế hoạch đấy lại lấy tên Cảnh Long Đồng Khánh? Tại sao khi chính phủ mình yêu cầu xây dựng ở chỗ khác vì chỗ đấy là nơi linh thiêng của dân tộc mà chính phủ Trung Quốc vẫn xây ở đấy? Tại sao cuốn nhật ký của ông Antony Wladislas Klobukowski lại bị bà Hoàng Á Lệ lấy đi? Tại sao sau bao năm xây dựng bà Hoàng Á Lệ quay lại Việt Nam để vào lại con đường hầm đấy? Tại sao và tại sao? Những câu hỏi làm tôi quay cuồng. Tôi thự sự mệt mỏi vì chuyện này. Nó đã ngốn của tôi rất nhiều thời gian. Nhưng đến tận bây giờ, tôi vẫn chưa thấy được cái mình cần tìm. Kho báu của Cao Biền.

Việc đầu tiên tôi nghĩ lúc này là đến nhà bạn tôi để gặp bác Hòa. Bác ấy chính là người cho tôi rất nhiều thông tin bổ ích. Tôi nghĩ thế và đến luôn. Lúc đấy tôi nhìn đồng hồ thì đã là 21h rồi. Ngại không nhỉ? Nhưng cái kho vàng quan trọng lắm.! Kệ! Đêm hôm cũng phải đi! Tôi nghĩ thế và quyết tâm.

Tôi bấm chuông. May quá! Bác chưa đi ngủ. Ngồi uống nước với bác, tôi chưa định hỏi bác đã hỏi tôi rồi:
- Lại chuyện đường hầm Côn Sơn hả? Bác đoán cháu sẽ đến hỏi lần nữa. Cháu ham lịch sử thì kiểu gì sẽ phải tìm bằng được câu trả lời chứ không như thằng con bác. Suốt ngày nó chỉ lo đi, đi cả ngày, chả bao giờ bác gặp nó được lâu quá 2 tiếng đồng hồ.

Ngồi uống nước với bác, tôi có hỏi về việc tại sao Trung Quốc lại xây dựng đường hầm ở đấy. Bác nói:
- Những thông tin chính thống mà cháu cầu lấy thì bác không thể cung cấp gì được vì hiện tại các tài liệu đều lưu trữ ở kho lưu trữ của Cục 12, Tổng cục 2, Bộ Quốc Phòng rồi. Nếu để vào đấy mà lấy được thông tin chính thống thì khó lắm. Bác chỉ biết một số thông tin sơ sơ thôi. Nêu cháu chịu khó phân tích mà tìm hiểu nhé. Bác chỉ giúp được đến như thế. 
Thế là tôi mừng lắm rồi. Được thế còn gì bằng và tôi và bác bắt đầu câu chuyện:
Bác kể lại:
- Ngày trước, vào những năm 60, nước bạn có viện trợ cho mình một kế hoạch mang tên Cảnh Long Đồng Khánh. Chỉ huy chính của kế hoạch là bà Hoàng Á Lệ. Mà bác cũng không hiểu tại sao nó đặt tên là như vậy, vừa dài dòng mà cũng na ná giống tên Việt Nam. Lúc đấy, đất nước ta còn nghèo, được bạn viện trợ xây dựng một hệ thống hầm, hào chứa vũ khí thì tốt quá nên nhận lời ngay. Thực chất khi đấy, bên mình yêu cầu họ làm hầm ngầm ở dưới đất cho tiện công tác tác chiến. Cũng vì một phần, dãy Côn Sơn ở đấy là một trong những dãy núi linh thiêng của nước ta, nên việc đào bới ở đấy thì không hay lắm. Nhưng phía họ không nghe. Nhất quyết họ bảo phải ở đấy. Lúc đấy đang chiến tranh nên mình chưa nghĩ gì nhiều, mọi việc đều cần tập chung cho miền Nam. Chính vì lý do đó bên mình mới đồng ý. Đến bây giờ thì mới biết có nhiều điều thiệt thòi. 
Nghe đến đây, tôi cũng bắt đầu thấy hình dung ra những sự việc gần như suy luận logic của tôi rồi.

Bác tiếp tục kể:
- Hồi đấy, toàn bộ công việc bình thường đều là bộ đội và người mình làm. Nhưng đến công đoạn nào quan trọng là người bên họ đảm nhận chứ không để kỹ sư mình làm đâu. Toàn bộ xe chở đất, phế thải đều được chở đi bằng xe họ cả. Mọi cái đều được niêm phong. Hầu hết khi mình đưa vào sử dụng cũng là đã xong rồi. Nhưng có một hôm, khi gần hoàn thiện xong phần đổ bê tông cuối, bỗng có tiếng nổ rất lớn. Lúc đấy có một góc hầm bị sụt, có nhiều người của họ ở bên trong hầm. Bộ đội mình vào ứng cứu nhưng người của họ canh bên ngoài không cho vào. Mọi người cũng không hiểu tại sao. Lúc đấy có rất nhiều xe ô tô của họ chờ ở phía dưới. Khi ấy, bác là cán bộ phiên dịch tiếng Trung, được phép ở hiện trường phía ngoài. Sau khi toàn bộ xe họ vào chở đất đi, có một chiến sỹ ta khi nghe thấy tiếng nổ vào hầm trước bị mắc kẹt ở trong đấy. Bác có vào luôn xem như thế nào. Sau khi chở về trạm xá để cứu chữa, lúc đấy bác là người đi cùng. Khi thay quầy áo mới thấy, toàn bộ quần áo của người đấy phủ một lớp như vàng tấm. Kiểm tra lại thì đúng là Vàng. Bác liền điện thoại cho thủ trưởng. Lúc đấy là Cục quân báo của mình trực thuộc Bộ tổng Tham mưu (bây giờ là Tổng cục 2 – Bộ Quốc Phòng). Xuống hiện trường mới phát hiện hầm toàn bộ là một lớp vàng. Lúc đấy, toàn bộ xe chở đất của Trung Quốc đang hướng đi về Hà Giang, qua đường cửa khẩu Thanh Thủy thuộc địa phận xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên, cách thành phố Hà Giang bây giờ 22km về phía Tây Bắc, đối diện với cửa khẩu Thiên Bảo (Tianbao) của họ. Từ khi phát hiện đến lúc xe quân sự của Trung Quốc đi hết cũng gần 2 ngày. Toàn bộ khu vực niêm phong. Khi ấy, có nhiều lý do nên mãi sau 2 ngày mình mới vào kiểm tra được.

Vì vậy, có khả năng theo bác nhận biết là trong lòng núi có một kho vàng. Còn nguồn gốc từ đâu thì bác không biết. Sau khi biết rõ, mình đã yêu cầu chặn các cửa khẩu, kiểm tra nghiêm ngặt. Ngoài người Trung Quốc được về thì không có bất cứ một phương tiện cơ giới ra khỏi lãnh thổ. Lúc đấy, chính phủ Trung Quốc với mình đang hữu hảo, nên toàn bộ thông tin mình biết cũng như phát hiện đều nằm trong bí mật. Những người Trung Quốc ở đấy chưa về đều được ở lại Việt Nam. Sau này họ  thành lập luôn một cái làng toàn người Trung Quốc. Mãi khi xảy ra chiến tranh biên giới Việt – Trung năm 1979 thì những người này mới chủ động trở về Trung Quốc. Đến bây giờ, ở nơi đấy chỉ còn dấu tích thôi. Phần còn lại đường hầm khi Trung Quốc chưa xây xong, mình hoàn thiện nốt. Chỗ đấy cũng chả còn bao nhiêu cả.

Tôi hỏi tiếp:
- Thế những xe họ chở về Trung Quốc hết à bác? 
Bác trả lời tôi: 
- Theo bác được biết thì chưa một xe nào về qua được cửa khẩu cả. Mà có qua, lúc đấy mình kiểm tra rất kỹ. Về sau gần một tuần, có đoàn xe của Trung Quốc về, nhưng trên xe không có hàng. Lúc đấy, chính xác là đoàn xe đã xuất phát từ Côn Sơn. Bác cũng xuống kiểm tra. Vì thấy không có gì nên mới cho qua. Toàn bộ đoàn xe đều được bắt gặp từ Xí Mần, Hà Giang đi ra. Lúc đấy họ chưa qua cửa khẩu. Mình kiểm tra lại hết toàn bộ trên xe. Tuy nhiên không thấy gì cả. Lúc chuẩn bị cho đi, bác phát hiện ra một điều là có một người lính Trung Quốc ăn mặc hơi khác. Bác quay lại kiểm tra, nhận thấy trên lưng người đấy vẽ nhằng nhịn một số hình thù như kiểu những ký hiệu nào đó bằng mực. Sau đó họ mặc áo vào để che đi, nhưng bị ngấm ra ngoài. Bác kiểm tra, sau đó chụp lại những bức hình đó và yêu cầu xoá toàn bộ đi. Hình như lúc đấy bác cũng linh cảm đến điều gì đấy nên gọi ngay thủ trưởng. Thực hiện xong nhiệm vụ, bác mới cho đi. Bức ảnh đấy bây giờ còn lưu ở hồ sơ lưu trữ của Cục 12. Sau này khi hòa bình lập lại, tháng 06-1995, lúc đấy mình và Trung Quốc cũng đã bình thường hóa quan hệ, bà Hoàng Á Lệ có quay lại thăm Côn Sơn. Thăm lại nơi đường hầm bà ấy ngày xưa đã làm. Nhưng không hiểu sao hôm bà ấy đến đường hầm đấy thì xảy ra việc bà ấy bị mất tích ở trong đường hầm. Bộ đội mình tìm kiếm mãi mà không thấy. Đến bây giờ cũng không ai hiểu nguyên nhân. 

Tôi ngạc nhiên, thắc mắc: Có lẽ nào họ không mang vàng được về Trung Quốc? Hay họ cất giữ ở đâu? Mà tại sao bà Hoàng Á Lệ lại vào đấy nhỉ? Lại còn bị mất tích? Có gì đó không ổn ở đây. Tôi hỏi tiếp:
- Thế kế hoạch lúc đấy ở Trung Quốc ai là người lập hả bác? Mà bà Hoàng Á Lệ sau đó về nước luôn à?
Nghe tôi hỏi câu này, bác trầm ngâm một lúc. Có lẽ có những điều mà theo nguyên tắc tình báo, bác không được nói cho dù đã giải ngũ. Tôi biết nên cũng không hy vọng bác trả lời, nên tôi chuyển chủ đề câu chuyện sang chuyện khác cho vui. Sau một hồi ở nhà bác, tôi xin phép bác ra về. Trước khi tiễn tôi xuống gác, bác nói câu cuối với tôi và bảo tôi: 
- Có lẽ cháu nên nghiên cứu kỹ trước khi tiếp tục tìm hiểu. Vì những cái cháu đang tìm hiểu thì cũng rất nhiều đối tượng đang tìm hiểu. 
Tôi liền bảo:
- Cháu muốn tìm những cái mà lịch sử mình cần phải có, chứ không hẳn vì sự tò mò.
Bác im lặng và ngập ngừng nói câu cuối cùng:
- Kế hoạch đấy do ông Vương Chấn, nguyên phó thủ tướng TQ chỉ đạo. Bà Hoàng Á Lệ là một cán bộ cao cấp của Cục 2 mang tên là Cục các chiến dịch hải ngoại thuộc Bộ An ninh Quốc gia Trung Quốc (trực thuộc Trung ương Đảng cộng sản Trung Quốc) và cũng chính là chỉ huy chính của lực lượng làm hầm này.

Tôi cám ơn bác và ra về. Lúc này cái suy nghĩ đầu tiên đến với tôi là chắc chắn kho báu đã bị Trung Quốc lấy và mang đi. Nhưng do bị lộ nên chưa thể mang ra khỏi Việt Nam. Mà có thể trên đường đi họ cất giữ và chôn giấu ở đâu đấy ở khu vực nào đó. Tôi chợt nhớ ra một chi tiết bác có nói về một hình vẽ mà một người lính Trung Quốc đã vẽ lên lưng mình và bác đã chụp lại. Nhưng bức ảnh đấy lại đang lưu ở Bộ Quốc Phòng mất rồi. Mà vào đó thì tôi chịu, không thể vào được. Đâu phải ai cũng vào được đấy. Mà bây giờ, những thông tin bác cung cấp cho tôi thì tôi có ba đầu sáu tay cũng không thể mò ra được đầu mối này. Điều này cực kỳ khó khăn.

Về đến nhà, tôi nằm mà không ngủ được. Những gì bác ấy nói làm tôi tò mò thêm. Nếu thế thì làm sao tôi có thể biết được thêm gì nữa. Ngủ đã! Tôi đành tạm thời gác lại chuyện về bà Hoàng Á Lệ. Hôm sau, tôi tiếp tục những cái mình tìm kiếm. Có lẽ bây giờ, tôi thích tìm kiếm những thứ đã mất hơn là làm việc. Công việc ở cơ quan gần như tôi làm chả được bao nhiêu. Mục tiêu của tôi là phải tìm ra sự thật cho dù bằng mọi giá. Cứ coi đấy là một quyết tâm đi. Dù sao con người ai cũng có một mục đích cho riêng mình. Một lẽ sống riêng mà không nên dập khuôn theo kiểu chủ nghĩa cổ điển.

Sau khi tắc tịt ở việc tìm kiếm bà Hoàng Á Lệ là ai, tôi xem lại những tài liệu lịch sử về Cao Biền vậy. Tôi nghĩ thế. Xem tại sao ông ấy lại làm những việc đấy đối với Giao Chỉ. Có một thông tin tôi quan tâm hơn cả, đấy là:

Về già, Cao Biền trở nên tin vào phép thuật thần tiên, trọng dụng thuật sĩ làm lòng người ly tán, tướng cai quản Hoài-Nam là Tất Sư Đạc rất lo sợ, năm Trung Hòa thứ năm (885) Cao Biền tạo phản, nhà Đường cử Tuyên Châu quan sát sứ là Tần Ngạn trợ chiến với Tất Sư Đạc. Năm Quang Khải thứ ba (887), Tất Sư Đạc xuất quân từ Cao Bưu, hợp cùng các tướng khác tấn công Dương Châu. Cao Biền phái người đi cầu cứu Dương Mật Hành , nhưng người của Cao Biền chưa tới nơi thì thành Dương Châu đã bị phá, Cao Biền bị bắt làm tù nhân, một thời gian sau bị Tần Ngạn, Tất Sư Đạc giết chết.

Đến đây, tôi nhận ra và có linh cảm có gì đó đã gắn kết điều này và cố lục hết các tài liệu có thể mà tôi đang có, kết hợp với nhiều thông tin, tìm hiểu cái chết của Cao Biền. Lật lại từng trang sử, theo gia phả của Cao Biền hiện tại còn lưu trữ quê quán, Ông người gốc Bột Hải (Mãn Châu), sau ngụ U Châu. Đây rồi, điều tôi cần tìm đây rồi:

Cao Biền có một tâm phúc là Cao Đạt và nhận Cao Đạt làm con nuôi. Chính Cao Đạt là người đã cùng Cao Biền, theo chân Cao Biền để phục vụ công tác trấn yểm Long Mạch của Giao Chỉ. Cao Đạt sau khi nhật được mật lệnh của Cao Biền về nước cầu cứu Dương Hành Mật, nhưng trên đường đến Ải Nam Quan thì nghe tin Cao Biền bị bắt làm tù binh liền quay lại luôn, không về chính quốc do lo sợ Tần Ngạn và Tất Sư Đạt giết. Sau đó Cao Đạt quay lại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Sau đó ông đổi họ, đổi tên là Hoàng Đạt. Từ nhỏ Cao Đạt đã theo Cao Biền. Ông có nghề đông y gia gia truyền rất giỏi. Khi Cao Biền tham gia các trận chiến, Cao Đạt cũng chính là người chữa chạy cho binh lính khi bị thương. Vì thế Cao Biền rất tin dùng. Cũng chính Cao Đạt là người mà luôn theo Cao Biền phá Long Mạch Giao Chỉ.

Cao Đạt biết về Đông y, bắt mạch nên chính vì thế tại đây Cao Đạt làm thuê cho dòng họ Nguyễn ở đấy có nghề bốc thuốc. Sau đó Cao Đạt được ông gả cho người con gái là Nguyễn Thị Nga. Từ đó Cao Đạt vừa sinh sống và lập nghiệp ở đó nên thoát chết. Đến nay đã trải qua 24 đời. Năm 1950, có một người là Hoàng Đại Minh cùng 2 người con, một trai, một gái còn nhỏ tuổi về nhận họ Cao bên Trung Quốc. Sau khi nhận họ, thì tên thật của người đó là Hoàng Đại Minh thực chất là Cao Hùng, con trai Hoàng Đại Thành thực chất là Cao Thiên và người con gái Hoàng Á Lệ thực chất là Cao Thị Hoa. Trời ơi! Bà Hoàng Á Lệ! Bây giờ tôi mới giật mình. Thì ra bà Hoàng Á Lệ thực chất là cháu 24 đời của Cao Biền. Và cũng hiểu tại sao bà Hoàng Á Lệ lại quay về Côn Sơn. Bất ngờ đến không tưởng.

Tượng bà Nguyễn Thị Lộ - Đền thờ ở Tân Yên
Tạm thời gác lại chuyện về bà Hoàng Á Lệ, tôi tìm hiểu thêm và thấy có một điều trùng hợp, đấy là:
Bà Nguyễn Thị Lộ, vợ của cụ Nguyễn Trãi, sinh tại làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng (nay thuộc xã Tân Lễ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình). Cha bà là Nguyễn Mỗ, làm nghề thầy thuốc. Nhờ tư chất thông minh, lại được cha cho đi học, nên bà sớm thông hiểu các kinh sách và lại biết làm thơ. Ngoài ra, bà còn nổi tiếng là một người xinh đẹp. Có sự trùng hợp lạ kỳ là Cao Đại cũng sống ở làng Hải Hồ (sau đổi là làng Hải Triều, tục gọi làng Hới), tổng Thanh Triều, huyện Ngự Thiên, phủ Tân Hưng. Đúng rồi, ông lấy con gái của dòng họ Nguyễn. Mà dòng họ Nguyễn ở làng đấy là của nhà bà Nguyễn Thị Lộ. Ngạc nhiên thật! Tôi bất ngờ khi biết được điều đó. Cô hầu gái mà đã tự vẫn ở Bà Cờ Tiên là Hoàng Thị Gái, họ hàng nhà bà Nguyễn Thị Lộ. Vậy thì chắc chắn có mối liên hệ gì đó ở đây.

Bức họa bà Nguyễn Thị Lộ
Chính xác! Tôi reo lên! Vậy ra Cao Đạt có liên hệ họ hàng với bà Nguyễn Thị Lộ rồi. Trong đầu tôi như lửa đốt. Vì từ những nguyên nhân trên thì có thể kết luận Cao Đạt đã lấy bà Nguyễn Thị Nga, thuộc dòng họ Nguyễn mà bà Nguyễn Thị Lộ là cháu của dòng họ này. Hết bất ngờ này đến bất ngờ khác đã hiện lên trong tôi. Đúng thật như là định mệnh, từ một cuốn nhật ký mà tôi tình cờ nhặt được  đã làm tôi phải lao tâm khổ tứ, để bây giờ hàng loạt các bí mật bắt đầu xuất hiện trong tôi. Ly kỳ quá! tôi cảm thấy mình như có động lực để làm tiếp.

Vậy thì có khả năng bà Hoàng Thị Gái đã tự tử trước khi chết. Nhưng trước khi chết bà ấy đã kịp dặn dò lại con cháu dòng họ nhà bà về cái bí mật kho báu. Vì vậy đến bây giờ, bà Hoàng Á Lệ chính là truyền nhân nhiều đời của Cao Đạt và là người thực hiện di nguyện này của dòng họ nhà bà nhưng không thành công. Mà bây giờ, bà Hoàng Á Lệ mất tích rồi thì tôi làm sao mà biết được những điều tiếp theo đây.

Đến đây tôi cũng đỡ phần nào rồi. Bao công sức tìm kiếm dù sao tôi cũng thu lượm được một ít kết quả. Có thể nói bà Hoàng Á Lệ chính là con cháu nhiều đời của Cao Đạt và là họ hàng với Cao Biền. Mà bà còn có họ với bà Nguyễn Thị Lộ nữa. Chính cụ Nguyễn Trãi đã để lại di mệnh là tấm bản đồ tìm kho báu này. Cái mà cụ đã phát hiện và tìm thấy khi bắt được tướng nhà Minh là Hoàng Phúc. Và cũng chính là tấm bản đồ mà Cụ Đề Thám và bà Ba Cẩn bí mật chôn cất. Thật là tuyệt vời! Cái tấm bản đồ đó được chính phủ Trung Quốc tìm thấy từ những gì Cao Biền viết. Và sau bao năm, họ lại quay lại Việt Nam với mục đích tìm lại kho báu của Cao Biền. Kết cục quả là có hậu. Nhưng bây giờ tấm bản đồ đó không còn ở ngoài. Chắc chắn ở trong kho lưu trữ của Bộ Quốc Phòng, tại Cục 12, Tổng cục 2.

Thực sự đến đây, tôi hoàn toàn cảm thấy thỏa mãn với những gì mình đã tìm được. Cái quý nhất của con người là tìm được những giá trị lịch sử của dân tộc mình, của chính mình. Tôi có thể chưa tìm thấy kho báu như những gì tôi đã khám phá cũng mang lại cho tôi nhiều điều hấp dẫn và bổ ích. Biết đâu về sau tôi còn có cái còn kể cho con cháu nghe là: ngày xưa bố đã từng .... Nghĩ đến đấy tôi cũng được an ủi rồi. Còn tấm bản đồ, có thể tôi không bao giờ tìm thấy hoặc không bao giờ được thấy. Nhưng dù sao kho báu vẫn là của Việt Nam. Biết đâu một ngày nào đó, con cháu mình sẽ tìm được. Cái gì huyền thoại cũng nên để nó là huyền thoại, để sau này mình có một niềm tin vào tương lai.

Tôi ra về. Hôm nay tôi rất vui và cảm thấy mãn nguyện. Nhưng thật sự như trời định, số tôi khổ, chẳng được yên bao giờ, cuộc sống luôn phải tìm kiếm.Đấy là vào một hôm....
Hôm đấy, cơ hội ngàn năm có một, tôi được tiếp kiến một người. Bác là một người lính. Bác hiện đang công tác tại Viện chiến lược, Bộ Tổng Tham mưu - Bộ Quốc Phòng. Hôm đấy là hôm có cuộc họp hội đồng hương. Bác ấy lại là đồng hương với tôi. Thế là tôi bắt chuyện ngay. May quá, bác ấy biết bố tôi. Ngày trước cùng chiến đấu với nhau ở cùng một đơn vị thuộc sư đoàn 325, Quân đoàn 2. Sau đó một thời gian, bác chuyển về Hà Nội và công tác tại Cục 12, Tổng Cục 2, Bộ Quốc Phòng. Lúc đấy, nghe bác nói như vậy, tôi chợt nhớ đến cái việc mà tôi còn để ngỏ về kho báu. Tôi tế nhị hỏi bác về những thông tin đấy. Tất nhiên, tôi hỏi tế nhị thôi. Bác cười, không nói gì. Tôi cũng nghĩ chắc tôi không thể có thể khai thác thêm được gì. Nhưng một lúc sau, bác quay lại và nói với tôi. Bác ấy nói là bác biết chuyện đấy. Ngày trước, bác thuộc Cục quân báo. Khi nhận được tin đấy thì Bộ Tổng Tham mưu cử bác đến xác minh. Chính bác là người cầm lại cái máy ảnh chụp được mà bố đứa bạn tôi chụp. Tôi gợi cho bác một số ý tò mò. Bác có vẻ thích lịch sử. Đúng sở trường của tôi rồi. Nói chuyện với bác, bác mê quá liền nói: 
- Tôi còn lưu lại một tấm ảnh. Tặng câu vì dù sao cậu có lòng ham mê lịch sử. Cái này tôi có bức thứ hai. Nhưng lâu rồi, không biết còn lưu ở nhà không?

Tôi như mở cờ trong bụng. Xong bữa họp đồng hương đấy, tôi đến nhà bác chơi. Nhà bác hiện đang ở khu tập thể của Tổng cục 2 tại đường Lê Trọng Tấn, phường Khương Mai, Thanh Xuân, Hà Nội. Bác đã tìm thấy bức ảnh và đưa cho tôi. Tôi nhìn bức ảnh và không tin vào mắt tôi nữa. Sao lại kỳ lạ nhỉ? Cuộc sống đến với tôi như một cuộc tìm kiếm. Tôi biết chỗ này, nhìn hình chụp tôi đã đoán ra. 
Mình phải bắt đầu tìm kiếm thôi, tôi nghĩ vậy. Có lẽ kho báu đã bắt đầu xuất hiện

Tôi xin tạm dừng tập 3 ở đây. Câu chuyện của tôi vẫn còn dài và tôi vẫn còn nhiều điều thắc mắc khi nhìn thấy bức ảnh đấy. Lúc đấy tôi không thể biết rằng một sự việc làm tôi thay đổi cả một số phận sẽ đến với tôi. Tôi xin kể tiếp ở tập 4. 

Tập 1: Tấm bản đồ bí ẩn
Tập 2: Giải mã tấm bản đồ
Tập 4: Truy tìm kho báu
Tập 5: Mật mã Trâu Vàng - part 1
Tập 5: Mật mã Trâu Vàng - part 2    

3 nhận xét:

Nặc danh nói...

Cụ tũn ơi, về of đi, em nhớ cụ lắm

Unknown nói...

Bài viết có nhiều chỗ không chính xác lắm, mới chỉ là suy luận thôi.

Unknown nói...
Nhận xét này đã bị tác giả xóa.