Thứ Năm, 8 tháng 11, 2012

Bí mật của Cao Biền - Tập 5: Mật mã Trâu Vàng (part 2)

Khi nhận ra những điều kỳ lạ ở hai ngôi mộ đấy, lúc đấy thực sự tôi hoàn toàn bất ngờ. Không có lẽ người Trung Quốc đã biết trước được điều gì? Hay họ cũng là những người đang đi tìm kiếm lịch sử giống tôi? Tôi tự đặt câu hỏi cho chính mình. Tâm trạng trong tôi bồn chồn, lo lắng. Không khí xung quanh lạnh lẽo, âm u càng làm cho tôi cảm thấy rùng mình. Thôi! Có lẽ mình về để nghiên cứu sau vậy, chứ đứng mãi đây thì cũng chả giải quyết được vấn đề gì cả. Tôi nghĩ thế và ra về. Về nhà lúc đấy đã gần 10h tối, tôi cũng chỉ vội vàng thay quần áo, tắm qua rồi đi nằm luôn. Nhưng thường lệ, cả nhà tôi đều đã đi ngủ. Chắc mọi người biết tôi về muộn nên đã không chờ nữa. Vừa nằm, tôi vừa nghĩ miên man. Tại sao lại có chuyện kỳ lạ đấy xảy ra ở hai ngôi mộ của người Trung Quốc nhỉ? Họ cũng có lịch sử giống mình sao? Hay là có một điều bí mật gì đó còn tồn tại đến bây giờ mà chưa được khám phá? Ngủ đã, có gì mai mình sẽ nghiên cứu thêm. Tôi nghĩ thế và chợp mắt...

Sáng hôm sau tôi xin nghỉ ở cơ quan. Có lẽ việc tôi xin nghỉ ở cơ quan cũng thành lệ quen thuộc. Thông thường thì mỗi khi tôi xin nghỉ là ông sếp trực tiếp của tôi thường đoán tôi đang tìm kiếm gì đó. Nói vui, lần nào cũng vậy, ông ấy cũng hỏi tôi:
-Thế có kiếm được cái cổ vật nào mới không? Nếu có, nhớ thông báo cho tôi, tôi cho cậu nghỉ thoải mái mà vẫn lĩnh lương. Chỉ cần chia lợi tức là được.

Lúc đấy tôi chỉ cười trừ. Dù sao cuộc sống này vẫn có người thông cảm với mình. Nhiều lúc tôi nghĩ mình có vấn đề. Nếu ai không hiểu sẽ bảo tôi bị hâm, toàn làm những việc đâu đâu, không lo cho chính bản thân mình, lúc nào cũng chỉ mong tìm kiếm, khám phá lịch sử, những cái đấy có làm con người ta no luôn đâu. Biết thế, nhưng đã là ham mê thì nhiều lúc tôi chấp nhận như vậy để thỏa mãn cái ham mê đấy. Tôi chỉ nghĩ rằng đã là ham mê, sở thích thì ai cũng vậy, đều làm bằng được cho được thỏa mãn sự ham mê đấy. Mà đối với tôi, ham mê duy nhất đấy là những bí mật của lịch sử. Lịch sử Việt Nam có nhiều điều để mình phải tìm hiểu, phải khám phá. Cha ông ta để lại cho con cháu sau này biết bao những giá trị tinh thần và giá trị vật chất. Tôi chỉ tiếc rằng sao bây giờ những người định hướng phát triển cho nước Việt Nam không hiểu ra điều này. Một đất nước muốn tồn tại, muốn bạn bè năm châu biết là một đất nước được khẳng định bằng những giá trị lịch sử của chính mình. Cái đấy không phải đất nước nào, quốc gia nào có được. Ngay như chính nước Mỹ, một đất nước tự hào là giàu có, hùng mạnh mà khi nói về lịch sử họ chỉ thốt lên một điều về Việt Nam là Việt Nam không chỉ có đánh nhau giỏi mà họ có cả một bề dày lịch sử vô giá, điều đó nước Mỹ không thể có cho dù họ có đánh đổi tất cả. Đất nước mình cũng tự hào lắm chứ. Nhưng mà thôi, có lẽ tôi nên quay lại công việc tìm kiếm của tôi vậy. Hôm nay, tôi xin nghỉ việc để đến Xuân La, Hà Nội.

Có thể có ai đó trong các bạn, ai đó đang đọc câu chuyện của tôi cũng đang ở và sinh sống ở Xuân La. Ở làng Xuân La, đến tận bây giờ vẫn tồn tại những điều bí mật mà các nhà khoa học vẫn không có lời giải thích. Từ trước, chắc các bạn ai cũng biết Việt Nam mình có rất nhiều địa đạo như Củ Chi, Quảng Trị....., rồi những đường hầm bí mật như ở Côn Sơn chẳng hạn. Tất cả các địa đạo đấy đều do con người làm nên. Nhưng có một hệ thống địa đạo đã được hình thành cách đây hàng trăm năm, nghìn năm ở ngay tại trung tâm Hà Nội thì chắc ít người biết. Có bao giờ các bạn nghĩ đến Hà Nội có một địa đạo cổ không? Nó chính là một dấu tích lịch sử mà có thể chính là đầu mối mà tôi đang tìm kiếm. Những bí mật đấy đều có liên quan đến những ngôi mộ của người Trung Quốc ở nghĩa trang Bất Bạt và liên quan đến cái chuông đồng đen của thiền sư Lý Quốc Sư đã thất truyền. Đó chính là vật báu mà tôi đang tìm kiếm. Và nó được bắt đầu từ làng Xuân La (nay là phường Xuân La), quận Tây Hồ, Thành phố Hà Nội.

Ngày trước làng Xuân La còn có tên cổ là làng Quán La, xã hay xã Quán La, xưa có tên là động Già La (hay Dà La). Thời thuộc Đường (từ thế kỷ 7 đến thế kỷ 10), động Dà La nằm bên bến Lâm ấp ở ven hồ Tây. Động Dà La nằm trên khu đất khá cao nhưng bằng phẳng, có sông Dà La, tức sông Thiên Phù chảy qua. Sông Dà La nối với bãi sông Hồng ở khu vực Nhật Tân, hạ lưu nối với sông Tô Lịch ở Bưởi. Vì vậy, nơi đây thuận tiện cho các hoạt động sản xuất, đánh cá và buôn bán. Vào thời Đường Minh Hoàng bên Trung Quốc có niên hiệu Khai Nguyên. Lúc đấy Đạo giáo rất phát triển. Thứ sử Quảng Châu lúc đấy là Lưu Hoán được cử làm đô hộ Giao Châu, đóng phủ trị ở động Dà La. Lư Hoán cho đổi động Dà La thành thôn An Viễn và cho dựng trên gò đất lớn (gò Thất Diệu) một quán thờ Huyền Thiên Trấn Vũ, đặt tên là quán Khai Nguyên. Phía sau quán này có sông Dà La (Thiên Phù) chảy qua, nên còn có tên gọi là quán Dà La. Quán Khai Nguyên, là một quán lớn, nên làng An Viễn lại đổi tên thành Khai Nguyên. Về sau, tên làng được gọi theo tên quán, và gọi tắt là làng Quán La. Vào đầu thế kỷ 11, sông Thiên Phù bị lấp, động Dà La bị mất dần vị thế kinh tế, hành chính. Vì vậy đến cuối thời Lê, đầu thời Nguyễn, Quán La là một xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Từ năm 1831, xã Quán La thuộc phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Và đến nay là phường Xuân La, quận Tây Hồ.

Nhưng chắc các bạn ít ai ngờ, chính ở dưới nền đất ở Xuân La có một hệ thống địa đạo nối thông từ Xuân La ra Hồ Tây và ra sông Hồng. Một hệ thống địa đạo huyền bí mà đến bây giờ ít người biết đến. Với người dân làng Xuân La thì địa đạo Quán La không mấy xa lạ. Bên trong rất tối, sâu chừng 30m, đường vào hẹp và thấp dần. Phần hang đi lại dễ cũng phải cầm nến soi mới nhìn thấy đường. Tại đây, một số ngách có thể thông nhau và có những cửa tỏa đi các nơi. Có lẽ xung quanh sự tồn tại của địa đạo này còn nhiều câu chuyện truyền miệng mang tính huyền bí.

- Có truyền thuyết nói là huyệt đạo do Cao Biền cho đào nhằm để yểm trấn;
- Cũng có truyền thuyết nói là địa đạo được xây dựng từ thời Lý dài hàng chục ki-lô-mét nối từ Xuân La, một điền đồn phía tây kinh thành Thăng Long đến khu vực Cấm Thành tại Cửa Bắc và bốn hướng khác...
- Cũng có giả thuyết cho rằng một trong những ngách của địa đạo này kéo tới Gò Dàn, một căn cứ hậu cần thời Lý, cũng là nơi giam giữ tù binh Chiêm Thành; ngách thứ hai chạy đến phía chợ Cáo, Xuân Đỉnh; thông ra Hồ Tây...
- Lại có truyền thuyết cho rằng, Thánh Gióng khi đánh giặc Ân đã dừng chân ở đây, mặc dù không phải là nơi xuất phát thần tích Thánh Gióng, nhưng nhà Lý đã cho xây dựng tại Xuân La, cách đình Quán La khoảng 200m đền thờ Sóc Thiên Vương để tăng thêm thần uy cho tiền đồn phòng thủ này. Có thể tiền đồn này được nối với Cấm Thành bằng hệ thống địa đạo nằm sâu dưới lòng đất.

Ngày trước tôi cũng đã được nghe người dân ở đây kể nhiều về cái địa đạo này. Họ nói Quán La xưa kia nằm ngay sát Sông Hồng nên vào mùa nước lên, địa đạo cũng bị chìm trong nước. Có người đã từng thử tìm cửa ra của địa đạo bằng cách dùng một quả bưởi đánh dấu lại và thả xuống cửa địa đạo nằm bên hông đình và sau đó đã tìm thấy chính quả bưởi trên ở Hồ Tây. Hay vào thời Pháp thuộc, người dân từng nhìn thấy một cặp vợ chồng tây cưỡi ngựa vào địa đạo và không thấy quay ra.

Người làng bịt địa đạo lại từ sau việc ấy. Trước sân đình Quán La, hai bên lối lên các gian thờ có một đôi linh vật mang dáng dấp “rồng chầu” khá lạ. Đôi linh vật này không hẳn giống rồng hay lân. Hai con mang những họa tiết khác nhau nên được nhiều người phán đoán là một con đực, một con cái. Không người nào trong làng xác định được đôi linh vật này có từ khi nào và cũng không biết đích xác tên gọi của chúng. Bên phải sân đình có một cổng ngách nhỏ mở ra một lối đi khoảng 20m chạy vào cửa địa đạo. Dọc theo lối đi này có nhiều phiến đá cổ. Nằm chếch bên tay phải của đình là một cây đa cổ thụ với gốc lớn hàng chục người ôm. Thân cây có những lỗ hổng lớn chạy từ gốc cho tới giữa thân. Phía bên tay trái còn có một cây thị cổ, tương truyền đây là địa điểm ăn ở của các kỹ nữ Chiêm Thành thời Lý. Nhà Lý nam chính và đưa về kinh đô những kỹ nữ Chiêm Thành tài sắc về Thăng Long. Cây thị này rất lớn và cũng có kích cỡ ngang ngửa với cây đa. Điều đặc biệt là hàng năm, cây thị trổ rất nhiều hoa nhưng thường chỉ có một vài quả nhỏ, tròn xoe. Những quả thị này rất thơm nhưng không ăn được bởi ăn sẽ đau bụng. Có những người dân sống trong làng còn chưa bao giờ nhìn thấy quả của cây thị này. Theo truyền thuyết, cây thị là nơi tụ hồn của các kỹ nữ Chiêm Thành, các nàng phải sống nơi đất khách quê người nên đã bày tỏ sự trung trinh với quê hương mà không chịu kết trái nơi xứ lạ. Hiện dưới gốc cây thị vẫn có am thờ, có người nói là am thờ các kỹ nữ Chiêm Thành.

Tôi đến thăm đình Quán La ở Xuân La lúc đấy là 9h sáng. Tôi có hỏi thăm ở đình Quán La mới được biết là các tài liệu chính thức tại đình Quán La hiện cũng không có kết luận nào về niên đại của ngôi đình cũng như địa đạo nằm dưới nền của đình. Các tài liệu chủ yếu cho thấy đình Quán La thờ một nữ thành hoàng làng có tên là Duệ Trang. Người phụ nữ này được cho là có công lớn trong việc đánh giặc, giữ nước và từng hóa tại khu vực đình ngày nay. Còn tại di tích đình Quán La thì hiện chỉ còn giữ được 19 đạo sắc phong. Sắc phong lớn nhất là năm Thịnh Đức nguyên niên (1653) đời Lê Thánh Tông, sắc phong cuối cùng là sắc phong Đồng Khánh năm 1887. Các sắc phong đều ghi: phong Duệ Trang liệt nữ tôn thần, trung dũng, võ mục, trinh thuần, thuần ghi trạch dân thượng đẳng thần, hộ quốc tý dân.

Vậy thì có gì liên hệ ở đây với những ngôi mộ của những người con gái văn công Trung Quốc được chôn ở Bất Bạt? Đấy chính là khi tôi đi xung quanh những ngôi mộ đấy, tôi nhận ra rằng hai ngôi mộ bị đào bới lấy tên là Duệ Trang và Khai Nguyên. Mà Duệ Trang chính là thành hoàng làng của Xuân La, được thờ ở đình Quán La. Còn Khai Nguyên chính là ngôi chùa chính của làng Xuân La. Tất cả các ngôi mộ khác đều có đầy đủ tên họ, riêng hai ngôi mộ đấy đều không có họ và chỉ khắc tên. Thật bất ngờ đối với tôi vì tôi không thể hình dung ra được điều bí ẩn này lại từ những ngôi mộ.

Lúc này đứng ở sân đình Quán La, tôi suy nghĩ mông lung. Có thể nơi cất giữ kho báu sẽ ở dưới địa đạo này chăng? Đến bây giờ có ai đã từng vào đấy đâu? Một bí mật đến tận bây giờ mới thấy. Tôi cũng đã từng nghe từ cuối năm 2009, đến đầu 2010, khi ấy rất nhiều tổ chức đã từng đến đây để xem xét, đánh giá và cảm nhận về địa đạo Quán La này, nhưng tât cả vẫn nằm trong bí mật. Vậy nơi cất giữ có gì liên quan đến khu địa đạo này? Đình Quán La? Chùa Khai Nguyên? Lúc đó, không suy nghĩ được gì hơn nên tôi về nhà. Sau một thời gian, công việc ở cơ quan tôi cũng bận quá nên việc tìm kiếm những bí mật về chuông đồng đen cũng tạm lắng lại. Nhất là khi tôi phát hiện ra những bí mật của Cao Biền ở Côn Sơn, lúc đấy đang mải tìm kiếm nên tôi cũng quên mất những điều tôi đã tìm thấy ở Xuân La.

Bây giờ ngồi trong phòng làm việc, khi tôi cầm bức thư mà Nga đã để lại cho tôi, hồi tưởng lại những gì đã xảy ra với tôi cách đấy ba năm. Lúc này, cái cảm giác sợ, lo lắng và ngạc nhiên đang cứ như làm quay cuồng cái đầu bé tý của tôi. Tôi gọi là bé tý bởi vì với những giá trị lịch sử, với những bí mật mà tôi đang dần phát hiện, với những kho báu vô giá của Việt Nam nó đã không còn đủ chỗ ở trong đầu tôi mất rồi. Tôi muốn nổ tung vì không thể chứa đựng hết. Hình bóng Nga lại hiện ra trong tôi. Cảm giác những ngày cùng Nga ở Hà Giang lại như trở lại. Tôi lại thấy bùi ngùi. Có phải đàn ông ai cũng như vậy không các bạn? Nó luôn biến đổi theo những quy luật nhất định. Có người đàn ông nào mà không bị sắc đẹp chiếm ngự trái tim mình, bị khuất phục bởi phụ nữ không? Từ trước đến nay đã qua bao đời, bao thế hệ, bao triều đại Việt Nam, đã có biết bao vị vua, hoàng đế sức mạng vô biên, lỗi lạc, thông minh mà cũng bị những trái tim của phụ nữ khuất phục. Vì họ cũng là con người. Mà điều quan trọng họ là đàn ông. Vậy có lẽ các bạn ai là phụ nữ cũng nên thông cảm cho đàn ông khi họ có những giây phút yếu mềm trước phụ nữ, trước cái đẹp của phụ nữ. Không phải vì họ xấu tính, không chung thủy mà vì họ là đàn ông và họ có chất đàn ông trong đấy. Nhưng thôi, nếu nói về vấn đề này, tôi tự làm khó mình bởi phụ nữ mất. Phụ nữ là 50% của thế giới. Nên hãy vì phụ nữ mà sống.

Lúc này tôi tự đặt câu hỏi, phải chăng những gì mà bà Hoàng Á Lệ phát hiện ra về kho báu của Cao Biền cũng liên quan gì đến những bí mật ở Xuân La? Hay những bí mật về chuông đồng đen của thiền sư Lý Quốc Sư? Tại sao họ lại biết được nhỉ? Có phải chăng tấm da dê cũng chính là của những người văn công Trung Quốc năm nào bị chết đuối để rơi xuống hồ Tây và tình cờ định mệnh đã sắp đặt tôi được nhìn thấy chúng? Toàn những đầu mối, những mật mã, những bí mật về những gia thoại lịch sử, về những bí ẩn của tấm màn lịch sử bắt đầu hiện trong tôi. Lúc này điều mà tôi suy nghĩ nhiều nhất là khả năng Cao Biền đã biết chi tiết này. Nhưng nếu đặt thời gian mà Cao Biền còn sống và thời gian cụ Lý Quốc Sư tạo ra chuông đồng đen thì cách nhau gần 200 năm. Làm sao lúc đấy Cao Biền biết được chi tiết đấy để có thể con cháu ông ta sau này là bà Hoàng Á Lệ tiếp tục đi tìm? Những bí mật đấy đã hình thành dần trong suy nghĩ của tôi. Vậy thì có lẽ tôi lại phải bắt đầu từ Cao Biền vậy. Một nhân vật lịch sử huyền bí đến tận bây giờ với nhiều bí ẩn.

Như tôi đã nói với các bạn ở phần đầu thì nhân vật Cao Biền đã từng làm Tiết độ sứ ở Giao Chỉ một thời gian từ năm 864 đến năm 868. Trong thời gian đấy, ông đã tổng hợp lại toàn bộ những địa điểm được cho là Long Mạch của Giao Chỉ và tổng hợp thành một bản mang tên Cao Biền tấu thư Địa lý kiểu tự. Sau đó ông đã gửi báo cáo về vua Đường lúc đấy. Năm Ất Mùi (875). (Đường, Hi Tông, năm Kiền Phù thứ 2). Nhà Đường đổi Cao Biền đi làm tiết độ sứ Tây Xuyên, dùng Cao Tầm sang thay. Theo sách An Nam kỷ yếu, Cao Tầm là cháu họ Cao Biền, đã từng làm tiên phong, xông pha tên đạn, nêu gương mẫu cho các quân sĩ. Cao Biền tiến cử Cao Tầm sang thay cho mình. Vua Đường nghe theo.

Trong cuốn “Cao Biền tấu thư Địa lý kiểu tự”, cuốn sách này sau khi được dâng về cho Đường đế đã được lưu giữ trong kho sách cấm của triều đình, xếp vào hàng bí thư. Trải qua các đời Đường, Tống….đến thời nhà Minh, với danh nghĩa “Phò Trần Diệt Hồ” nhà nước phương Bắc lại đem quân xâm lấn nước ta. Chỉ huy cuộc chiến tranh này là ba danh tướng: Trương Phụ, Mộc Thạch, Hoàng Phúc. Trong đó có Hoàng Phúc là một tướng rất giỏi, uyên thâm kỳ môn độn giáp, đặc biệt là Địa lý. Ông nghiên cứu rất nhiều, và đã lấy được từ trong kho sách cuốn Cao Biền tấu thư. Lần này sang Việt Nam ông mang theo với dụng ý kiểm chứng lại các ngôi đất kết mà Cao Biền đã nêu. Nhưng trong cuộc chiến tranh này quân Minh đã thất bại, Đại quân sư Nguyễn Trãi đã dùng kế “vây thành diệt viện” chém đầu Liễu Thăng, bức hàng, bắt sống toàn bộ tướng lĩnh trong đó có Hoàng Phúc và cuốn Tấu thư địa lý này đã được thu hồi từ tay Hoàng Phúc. Nguyễn Trãi là người uyên thâm, trọng nhân tài, biết tiếng Hoàng Phúc nên không dám khinh mạn, mời vào tiếp chuyện. Khi tiếp chuyện Nguyễn Trãi rất khâm phục tài học của Hoàng Phúc. Có một chi tiết mà ít ai biết đến là khi bàn luận về Địa lý, Hoàng Phúc có nói với Nguyễn Trãi rằng: Nhà Hoàng Phúc được ngôi đất kết, có cái xá văn tinh cứu giải nên không sợ hung hiểm, nếu đúng như Địa lý mà Cao Biền nói về thế đất của mình ở quê nhà thì không quá 100 ngày nữa Hoàng Phúc sẽ được tha. Tuy trở được trở về chính quốc, nhưng Hoàng Phúc sẽ không thoát nợ trần được với Giao Chỉ. Hoàng Phúc còn nói với Nguyễn Trãi rằng, ngôi đất nhà ông ở Nhị Khê, Thượng Phúc, Hà Đông có trong bản tấu thư của Cao Biền. Theo sách này, đất nhà Nguyễn Trãi kết phát công hầu khanh tướng, nhưng long lại đoản mạch, tại cung Mùi (ứng với ngôi thứ thất) có cái thương sa đâm vào nên rất độc, có thể phạm hình thương quan ngục, nếu không chữa ắt sẽ có ngày tai họa

Hoàng Phúc miêu tả rất rõ cho Nguyễn Trãi về những gì Cao Biền nói về thế đất mà Nguyễn Trãi đã ở như sau:

Nhị Khê Thượng Phúc - Thôn Nhị Khê, Thượng Phúc, Hà Đông
Mạch kết bình dương - Mạch kết dưới bình dương (đất bằng)
Sơn như ngư đại - Núi như cá lớn
Thủy như loa tràng - Nước như cái loa dài
Tam môn giới khí - Thủy khẩu ba đường giới khí
Cửu khúc trụ đường - Chín khúc nước trụ tại minh đường
Tiền hô hậu ủng - Tiền hô hậu ủng, Nguyễn trãi cùng Lê lợi khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đều được ủng hộ là vì vậy
Hổ phục long hàng - Hổ phục long hàng, Bắt sống tướng giặc, chém đầu Liễu Thăng là vì vậy
Thế xuất khanh tướng - Thế đất xuất công hầu khanh tướng
Quyền chưởng binh lang - Nắm quyền điều khiển binh lang
Hiềm sơn lai đoản mạch - Nhưng vì Long lai đoản mạch
Ly biệt tha hương -Nên sẽ ly biệt tha hương, cha Nguyễn Trãi là Nguyễn Phi Khanh bị quân Minh bắt sang Trung Quốc, không về
Khủng bị hình thương -Sợ là sẽ bị phạm hình thương, đời sau Nguyễn Trãi bị tru di tam tộc. Quả nhiên, sau đó để thực hiện chính sách bang giao, Lê Lợi đã cấp thuyền cấp ngựa cho quân Minh giải giáp về nước, đúng như lời Hoàng Phúc nói. Còn Nguyễn Trãi, sau vì cái án Lệ chi viên mà bị tru di tam tộc, kỳ lạ thay nó lại gây ra bởi sự liên quan đến Thị Lộ, người thứ thiếp của ông, đúng như lời Hoàng Phúc đã nói.

Sau khi nghe Hoàng Phúc đã nói những điều về mình, Nguyễn Trãi rất khâm phục những nghiên cứu của Cao Biền. Câu chuyện của Nguyễn Trãi và Hoàng Phúc đã có những chi tiết mà sử sách không hề nêu đấy chính là trong quyển sách mà Cao Biền trình về vua Đường lúc đấy có nhắc đến một vị trí được gọi là Long Mạch rất linh thiêng mà ở đó sẽ có thể có cao nhân của Giao Chỉ sẽ phá được. Nơi đấy ắt có bảo vật của Giao Chỉ. Nếu lấy được bảo vật đấy của Giao Chỉ thì Long Mạch sẽ bị loạn, lúc đấy ắt sẽ phá được Giao Chỉ. Vị trí và thế đất đấy được Cao Biền thể hiện rất rõ, riêng biệt trong mặt sau của một trang sách trong cuốn sách của mình. Quyển sách chính đấy đã được bàn giao cho vua Đường. Khi Hoàng Phúc sang Giao Chỉ tìm kiếm cũng đã mang bản sao đấy sang để đối chiếu.

Cao Biền cũng đã dự tính trước việc đấy, nên đã làm nối tiếp thêm một hệ thống địa đạo dưới lòng đất tại Xuân La một cách quy mô nhằm một phần cắt Long Mạch nơi đấy và cũng chính là để chuẩn bị cho công việc cho những người tiếp theo Cao Biền, lợi dụng hệ thống địa đạo có sẵn đấy có thể lấy và tìm được những bảo vật của Giao Chỉ. Một sự sắp đặt đã được tính toán trước. Đấy chính là hệ thống địa đạo Quán La. Hệ thống địa đạo Quán La được nối thông với Hồ Tây và từ Hồ Tây có thể thông ra sông Hồng. Hệ thống được bắt đầu từ một ngôi mộ Hán và được đánh dấu bằng cách trồng một loài cây còn gọi là cây thị. Ngày cây thị ra quả chín vào đúng ngày rằm tháng 9 cũng chính là ngày xuất hiện báu vật Giao Chỉ. Một năm cây thị chỉ một lần ra quả và một quả duy nhất. Lúc đó những bí mật sẽ được xuất hiện. Và nơi có Long Mạch linh thiêng bậc nhất của Giao Chỉ đấy chính là Hồ Tây hay còn gọi là Hồ Kim Ngưu.

Khi nghiên cứu đến đây, tôi mới thực hiểu ra vấn đề. Vậy chính cái địa đạo dưới đình Quán La kia chính là nơi mà Cao Biền đã nhắc đến trong cuốn sách của mình. Nơi đấy sẽ chỉ dẫn đến nơi cất giấu báu vật của Giao Chỉ. Đúng rồi! Trùng hợp quá! Địa đạo nối thông với Hồ Tây ra sông Hồng. Nơi đây chính thiền sư Lý Quốc Sư đã thả xuống Hồ Tây chiếc chuông đồng đen. Thật là bất ngờ! Vậy chính cái báu vật của Giao Chỉ theo Cao Biền nói chính là cái chuông đồng đen. Tôi sướng quá! Một sự thật mà đến bây giờ tôi mới biết. Sao Cao Biền có thể biết được điều này nhỉ? Tôi thầm nghĩ. Ông ta quả là một người có khả năng đoán biết được sự việc sẽ xảy ra. Quả thật không hổ danh ông là một người thủy tổ của phong thủy. Vậy theo tôi nghĩ lúc đấy thì truyền thuyết về chuông đồng đen là khả năng có thật. Cũng chính Nguyễn Trãi đã biết điều này và ông cũng nắm giữ bí mật về nó. Một bí mật mà chỉ có ông và Hoàng Phúc biết. Hấp dẫn quá. Đúng là lịch sử! Tôi cảm thấy như mình đang chuẩn bị bắt đầu một cuộc tìm kiếm mới. Chuông đồng đen ở Hồ Tây.

Quay lại câu chuyện và những bí mật giữa Hoàng Phúc và Nguyễn Trãi, sau đó đúng như lời Hoàng Phúc nói, Lê Lợi đã chiến thắng và lập ra nhà Lê. Toàn bộ quân lính của nhà Minh cùng những viên tướng bị bắt làm tù binh (trong đó có Hoàng Phúc) đã được Lê Lợi trao trả lại cho nhà Minh. Điều đó đã đúng với tiên đoán của Cao Biền. Một sự thật mà đến Nguyễn Trãi cũng không thể ngờ tới và Nguyễn Trãi cũng đã nghĩ đến kết cục sau này của chính mình theo những gì Cao Biền đã mô tả và nói về thế đất nơi mình sinh sống. Để chuẩn bị cho những việc sẽ phải đối đầu với những việc sắp xảy ra, Nguyễn Trãi đã cất dấu những thứ được cho là bảo bối của mình mà không nói với Lê Lợi. Đấy chính là tấm bản đồ chỉ dẫn nơi cất giữ kho báu và một bí mật mà Hoàng Phúc đã tiết lộ cho Nguyễn Trãi liên quan đến trực tiếp đến nơi sẽ có báu vật của Giao Chỉ. Bí mật đấy cũng được Cao Biền thể hiện trong cuốn sách của mình.

Một chi tiết nữa là tại thời điểm giam giữ Hoàng Phúc, Nguyễn Trãi vì mến phục tài đức của Hoàng Phúc, ông đã đã kiến nghị với Lê Lợi thu nạp Hoàng Phúc để phục vụ dưới trướng bằng cách gả cho Hoàng Phúc một tỳ nữ rất xinh đẹp là Lã thị. Lã thị là người làng Quán La, tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Tuy nhiên với tính cương trực của mình, Hoàng Phúc đã từ chối khéo và trở về nước vào năm 1428. Tuy nhiên khi về triều Đường với danh nghĩa trả lại tù binh, Hoàng Phúc không được mang Lã thị về cùng mà phải để ở lại. Sau đó vào năm thứ 5 niên hiệu Tuyên Đức (1430), Hoàng Phúc dâng thư lên Minh Tuyên Tông hiến kế "túc binh thực tỉnh dịch" (cho quân ăn no giảm nặng nhọc). Minh Tuyên Tông nghe theo, chuyển Hoàng Phúc làm thượng thư bộ Hộ. Năm thứ 7 niên hiệu Tuyên Đức (1432), Tuyên Tông phái Hoàng Phúc tới Nam Kinh làm thượng thư bộ Công kiêm chưởng quản Nam Kinh Binh bộ. Năm thứ 10 niên hiệu Tuyên Đức (1435), Tuyên Tông mất, Minh Anh Tông nối ngôi. Cùng năm, Anh Tông phong Hoàng Phúc làm thiếu bảo kiêm thượng thư bộ Hộ. Hoàng Phúc nỗ lực làm việc, nên lâm bệnh nặng vào mùa đông niên hiệu Chính Thống thứ 4 (1439), tháng 1 năm sau qua đời, thọ 78 tuổi.

Tuy nhiên một điều bí mật mà không phải ai cũng biết đấy chính là đến lúc chết Hoàng Phúc vẫn không hề biết mình đã có một người con với Lã thị. Còn tại Giao Chỉ lúc Lê Lợi tha Hoàng Phúc về nhà Minh, lúc đấy Lã thị đã mang thai được 3 tháng. Sau đó Lã thị sinh được một người con trai. Vì nể phục Hoàng Phúc mà Nguyễn Trãi đã đem về làm con nuôi, lấy làm tâm phúc. Người con trai của Hoàng Phúc lúc đó được lấy tên là Hoàng Phi.

Khi dành độc lập, Lê Lợi lập ra triều đại nhà Hậu Lê. Đã có nhiều chuyện xảy ra như những gì Cao Biền đã nói về Nguyễn Trãi tại những bản báo cáo của mình đấy chính là việc Nguyễn Trãi bị chu di tam tộc khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên nổi tiếng mà đến tận bây giờ vẫn còn nhiều tranh cãi. Cái ngày định mệnh của Nguyễn Trãi là ngày 27 tháng 7, 1442 (năm Nhâm Tuất) khi vua Lê Thái Tông đi tuần ở miền Đông, duyệt quan ở thành Chí Linh, Hải Dương. Lúc đấy Nguyễn Trãi đón vua ngự ở chùa Côn Sơn, nơi ở của Nguyễn Trãi. Ngày 4 tháng 8, vua về đến Lệ Chi Viên thuộc huyện Gia Định (nay thuộc huyện Gia Lương, Bắc Ninh). Cùng đi với vua có Nguyễn Thị Lộ, một người thiếp của Nguyễn Trãi khi ấy đã vào tuổi 40 được vua Lê Thái Tông yêu quý vì sắc đẹp, văn hay, luôn được vào hầu bên cạnh vua. Khi về đến Lệ Chi Viên, vua thức suốt đêm với Nguyễn Thị Lộ rồi băng hà, lúc này ông mới 20 tuổi. Các quan bí mật đưa về, ngày 6 tháng 8 mới đến kinh sư, nửa đêm vào đến cung mới phát tang. Triều đình đã quy cho Nguyễn Thị Lộ tội giết vua. Bị kết tội đồng chủ mưu giết vua, Nguyễn Trãi bị kết án tru di tam tộc. Ông và cả ba họ ông bị xử chém vào ngày 16 tháng 8 năm Nhâm Tuấn (19 tháng 09 năm 1442).

Tại thời điểm xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, tất cả họ hàng thân quyến của cụ Nguyễn Trãi đều bị tử hình. Tấm bản đồ chỉ nơi cất giấu của Cao Biền đã được cụ Nguyễn Trãi đưa cho một người hầu gái. Người hầu gái đấy đã kịp thời khắc họa lên Bàn Cờ Tiên (như tôi đã nêu ở phần trước). Còn riêng bí mật mà Nguyễn Trãi có được khi trao đổi với Hoàng Phúc thì cụ đã kịp thời giao lại cho một người thân tín và dặn dò là sau khi chết, nếu gặp được minh chủ (là vua Lê Tư Thành sau này) mà giải oan được cho cụ là thì phải đưa ngay. Sau đó, người này được người dân trong làng che dấu và đã kịp chạy về quê mình chính là làng Quán La là một xã thuộc tổng Phú Gia, huyện Từ Liêm, phủ Quốc Oai, trấn Sơn Tây. Người tâm phúc đấy chính là Hoàng Phi - con trai của Hoàng Phúc. Tại Quán La, Hoàng Phúc đã được sư trụ trì Chùa Khai Nguyên nhận về làm đệ tử và được nuôi dưỡng. Đến đây tôi mới hiểu tại sao Cao Biền đã dự tính trước cho Hoàng Phúc là sẽ không dứt được nợ trần với Giao Chỉ. Vậy có khả năng đấy chính là Hoàng Phi, đứa con của Hoàng Phúc và Lã thị.

Thật ngạc nhiên! Vậy chính Hoàng Phi đã ở chùa Khai Nguyên? Vậy thì có khả năng những bí mật của Hoàng Phúc đã trao đổi với Nguyễn Trãi sẽ theo Hoàng Phi về đây? Tôi nghĩ vậy và cảm thấy như đã phát hiện ra cái chuông đồng đen đấy rồi. Có lẽ tôi sẽ đến chùa Khai Nguyên và đình Quán La một lần nữa xem như thế nào. Biết chăng tôi sẽ tìm được manh mối nào. Và cũng có thể những bí mật của Nguyễn Trãi và Hoàng Phúc sẽ được thể hiện ở cuốn sách của Cao Biền. Trước hết tôi sẽ phải tìm hiều và đọc lại những thông tin từ cuốn sách đấy xem như thế nào đã. Lần này đến Quán La cách lần trước đã hai năm rồi. Lúc đấy tôi cũng thầm cảm ơn bí mật mà Nga đã cho tôi trước lúc cô ấy nhắm mắt.

Tôi vội vàng lục ra bản dịch tiếng Việt từ cuốn sách của Cao Biền, tôi đọc đi đọc lại. Không thấy! Sao không thấy thông tin gì nói về nơi cất giấu đấy nhỉ? Sao lạ quá! Chính điều này được Hoàng Phúc nói với Nguyễn Trãi mà? Sao lại có chuyện kỳ lạ thế nhỉ? Tôi băn khoăn suy nghĩ. Mai vậy, tôi sẽ phải đến Quán La, chùa Khai Nguyên ngay xem như thế nào.

Mà lúc đấy tôi còn có một thắc mắc nữa đặt ra với chính tôi là tại sao mộ hai người văn công Trung Quốc bị chết ở Hồ Tây lại được khắc tên là Diệu Trang và Khai Nguyên? Có gì liên hệ chăng? Hay là một mã hiệu, một sự đánh dấu nơi cất giữ? Vì Diệu Trang chính là tên thần hoàng Làng được thờ trong đình Quán La, còn Khai Nguyên chính là tên ngôi chùa Khai Nguyên ở làng Quán La cũ. Phải chăng họ cũng đã biết nơi cất giữ báu vật đó? Và họ cũng đang tìm kiếm để mang về đất nước của họ? Nên chính vì thế không tự nhiên mọi việc đều xảy ra ở Hồ Tây, ngay tại đền Kim Ngưu. Mọi việc thật là trùng hợp. Nhiều những chi tiết bất ngờ, khó có thể giải thích được bắt đầu xuất hiện ra với tôi. Thôi! Tôi đi ngủ đã, kiểu gì cũng làm rõ. Mai sẽ đến Xuân La một lần nữa.

Sáng dậy, làm một tách cafe, sau đó đúng 8h sáng, tôi lại xin nghỉ ở cơ quan và đi đến Xuân La nơi có đình Quán La và chùa Khai Nguyên. Cuộc tìm kiếm của tôi lúc này sẽ khó khăn hơn. Tôi không biết sẽ phải tìm đâu ra manh mối để dẫn đến bí mật về chuông đồng đen. Từ một tấm da dê mà tôi phải lao tâm khổ tứ thế này. Cũng một phần tôi cũng muốn làm rõ những gì Nga đã nói với tôi. Một tâm nguyện của người đã mất.

Đến chùa Khai Nguyên trước, tôi sững sờ trước những cảnh đẹp của chùa Khai Nguyên. Vẻ cổ kính của nó được thể hiện thông qua những báu vật của ngôi chùa này. Nếu theo sử sách tôi được biết thì ở thế kỷ 14, Lý Tế Xuyên có ghi chép rất rõ về quần thể di tích làng Quán La: Vào khoảng niên hiệu Khai Nguyên đời Đường, thứ sử Quảng Châu là Lư Hoán làm đô hộ Giao Châu, đóng tại thôn An Diễn, giữa hai huyện Long Đỗ và Từ Liên. Một lần, Lư Hoán ngao du qua động (từ chỉ vùng đất, chứ không phải hang động) Già La, thấy cảnh đẹp, có gò đống, sông chảy quanh, nên lập phủ huyện, dựng đền thờ vị thần Huyền nguyên đế quân, dựng quán lấy tên Khai Nguyên trên gò Thất Diệu (chính là gò đất có đình Quán La). Cái tên Khai Nguyên có ý biểu dương công đức nhà Đường. Sau này, họ Lư đổi tên làng Già La thành làng Khai Nguyên và gọi quán dựng trên gò Thất Diệu là quán Già La. Khoảng niên hiệu Thiệu Phong, đời Trần Dụ Tông, thế kỷ 14, sư Văn Thao trùng tu lại quán, đổi làm chùa, gọi là chùa An Dưỡng. Tuy nhiên, nhà chùa hay bị quấy phá, nên nhà sư dời về làng Bộ Đầu, vì thế chùa lại bỏ không. Nhân dân trong làng đã tiếp quản, trùng tu biến thành đền thờ phụng Sơn Thần. Thời Tiền Lê, theo tên quán, đổi thôn Khai Nguyên thành Già La. Đến thời Hậu Lê thì gọi là Quán La. Như vậy, cụm di tích này có từ thời Đường, do Lư Hoán lập nên. Chứng tích còn lại rõ ràng nhất là ngôi chùa Khai Nguyên cạnh đình Quán La vẫn còn pho tượng cổ rất đẹp. Theo sư trụ trì thì pho tượng này là Đường Minh Hoàng.

Sau khi đi tham quan hết một vòng quanh chùa Khai Nguyên tôi mới tự đặt câu hỏi cho chính mình. Vậy thì có gì liên hệ ở đây? Bằng cách nào để tìm được tung tích của Hoàng Phi đây? Chỉ có tìm được những gì mà Hoàng Phi để lại hoặc cất giữ thì mới có thể biết được bí mật của Nguyễn Trãi và Hoàng Phúc được và chỉ có thế mới biết vị trí cất giữ chuông đồng đen.

Đi vòng quanh chùa, rất lâu, tôi không nhận biết được điều gì đặc biệt cả. Hay tôi hỏi sư trụ trì nhỉ? Có thể tôi sẽ khai thác được gì thêm được không nhỉ? Chợt nhớ một chi tiết tôi đã vô tình bỏ qua. Sao mình có thể ngốc thế nhỉ? Sao mình lại bỏ qua một chi tiết quan trọng thế? Tôi giật mình về thông tin tôi phát hiện. Đính chính là ngôi mộ Hán ở đình Quán La. Đi vội vàng đến vị trí có ngôi mộ Hán. Lúc này không có ai ở đấy cả. Có một ông lão đang quét sân đình, tôi vội vàng hỏi ông lão về cái ngôi mộ Hán đấy. Ông lão nói:
- Lão đã trông giữ cái đình này đến nay gần 50 năm. Những gì thay đổi ở đấy lão đều biết. Có rất nhiều đoàn khoa học, khảo cổ về đây nghiên cứu cái ngôi mộ Hán này. Nhưng đến nay cũng chưa hề có kết luận cụ thể là ngôi mộ Hán này là của ai cả. Chỉ biết tuổi của ngôi mộ Hán đấy bằng đúng tuổi của ngôi đền này thôi.

Ngày trước có một nhà khoa học đến đây, cũng khảo sát ngôi mộ đấy và nói với lão là đây là loại mộ táng xây bằng gạch thời Bắc thuộc. Hầm mộ ăn sâu dưới nền thượng điện đình Quán La và cửa vào mộ đã bị mở ra từ lâu. Hầm mộ này được đánh giá là tương đối lớn. Trong đó có nhiều ngăn gọi là nhĩ thất (chính là các ngách nhỏ đã mô tả) với kiến trúc cửa vòm cuốn. Gạch xây mộ là gạch có hoa văn trám và một số gạch không có hoa văn, gạch xây cuốn hình múi bưởi có hoa văn. Đây là những nét đặc trưng của mộ Hán. Các mộ Hán thường có chủ nhân là những người có vai vế trong xã hội thời đó, chủ yếu là quan lại, quý tộc. Sách Tây Hồ chí cũng viết rằng đây là một ngôi mộ của một nhân vật có vai vế trong xã hội thời đó nên mộ mới có nhiều ngách. Ngăn chính (Thất) là nơi để mộ phần chủ nhân, còn các ngăn ngách (Nhĩ thất) dùng để đựng đồ tuỳ táng giá trị. Tuy nhiên, hiện tại, không còn đồ vật cổ quý giá nào ở đây, chứng tỏ mộ đã bị “hỏi thăm” từ lâu.

Ông cũng ở đây lâu rồi nên ông cũng biết phía trên cửa vòm cuốn có những viên gạch vồ và có trát vôi vữa. Vết tích này cho thấy ngôi mộ đã từng bị sửa chữa vì thời Hán chưa có vôi vữa và gạch vồ là sản phẩm từ thời Lê. Ngày trước có cả ông Giáo sư Phan Huy Lê ở hội sử học Việt Nam gì đó cũng đến đây và khẳng định đây là ngôi mộ Hán. Ông chỉ tiếc là thần phả chứa tại đình Quán La đã bị thất lạc nên không ai khẳng định được chính xác về niên đại cũng như nhân vật được chôn tại ngôi mộ này. Hiện tại chỉ còn hồ sơ di tích tại đình Quán La là được lưu lại, ở đấy có nói ngôi đình này xưa kia có tên là Quán Già La. Đình và chùa Khai Nguyên vốn là một quần thể di tích gắn liền với nhau. Tên “Già La” bắt nguồn từ địa bàn này có con sông Già La chảy qua.

Lúc này tôi nhớ đến trong sách Tây Hồ chí có ghi, quán nằm trên đỉnh của gò Thất Diệu, thờ Huyền Nguyên đại đế. Đến thời Lý thì quán này vẫn còn. Các vua Lý vẫn thường ra du ngoạn, lại thấy ở dưới chân núi có hang sâu và dài, sai người xây bậc và gọi là động Thông Thiền. Đến thời Hậu Lê thì địa danh này được đổi thành Quán La.

Có một điều khá đặc biệt, là từ thế kỷ 14, cách nay gần 700 năm, các nhà chép sử đã nhắc đến một cái động có tên là Thông Thiên. Lý Tế Xuyên viết trong Việt điện u linh, rằng: Các vua nhà Lý thường du ngoạn đến quán Già La, thấy dưới chân núi có hang, tuy không to lắm nhưng sâu và dài, liền sai xây bậc để có thể lên xuống và gọi là động Thông Thiên. Cũng vì dưới ngôi chùa này có động, nên có một thời gian gọi chùa là chùa Hang. Dân chúng thì đồn đại hang động là nơi người Tàu để của.
Chính nhà Hà Nội học Hoàng Đạo Thúy cũng đã nói về Quán La trong cuốn Thăng Long – Đông Đô – Hà Nội: “Đây là cái hang trong lòng quả núi đất, thuộc vào một trong 7 quả núi có hình Thất Tinh. Vua Lý Thần Tông đã cho xây gạch làm động Thông Thiên…”.

Như vậy có thể nói, từ cả ngàn năm nay, trong ý nghĩ của người dân, cho đến nhà sử học, thì trên gò đất Thất Diệu, trong quần thể 7 gò đất có tên Thất Tinh, có một ngôi đình (có thời là quán, chùa) và trong lòng gò đất, dưới nền ngôi đình có một hệ thống hang động bí ẩn. Qua đó, có thể tin rằng, cái gọi là hang động này đã có rất lâu đời, trước cả khi xây đình, tức là trong hoặc trước thời Khai Nguyên (713-739) nhà Đường.

Suy nghĩ thế tôi cũng thấy làm thú vị về những lập luận của tôi lúc này. Vậy có khả năng chính ngôi mộ Hán cũng chính là nơi cất thi hài của Hoàng Phi chăng? Bởi vì hiện tại ở Xuân La không có giấu tích hay bất kỳ một thông tin gì về Hoàng Phi cả. Ngay cả sử sách chính thống của mình cũng đều không có. Nếu đúng như vậy thì có thể nơi đấy cũng chính là nơi cất giữ bí mật của Hoàng Phúc và Nguyễn trải. À mà đúng rồi, chính Cao Biền đã từng đề cập về địa đạo Quán La trong những gì ông ta viết trong quyển sách của ông ấy là: Hệ thống được bắt đầu từ một ngôi mộ Hán và được đánh dấu bằng cách trồng một loài cây còn gọi là cây thị.

Vậy có khả năng tại nơi cây thị trồng chính là nơi bắt nguồn những bí mật về báu vật của Giao Chỉ. Lúc này tôi vội vàng chạy đến ngay chỗ cây thị ở gò Thất Diệu đằng sau đình Quán La. Về những tài liệu mà sử sách nói về cây thị ở gò Thất tinh này thì tôi được biết Cây thị đại thụ này có đến nghìn tuổi. Nó là một trong bốn cây đại thụ nằm trên mom cao của vùng Thất Tinh có nhiều huyền tích nhất, giờ lá vẫn xanh um tùm cả góc sân đình Quán La. Cây thị thân to, cành tán rộng nằm trên mom cao trước cửa sân đình Quán La. Cây thị này rất đặc biệt, mùa Xuân thì lộc non xanh biếc, mùa Hạ chim về ríu rít, nhưng bặt nỗi nó chỉ ra một quả trong mỗi mùa.

Khi đứng ở cổng tam quan đình Quán La hướng mắt về phía trước mặt, tôi thấyđược cây thị và cây đa có cành hướng vào như như 2 cánh tay của 2 người với lại nhau. Khoảng trống rỗng trong thân gốc đa có thể chứa được hàng chục người lớn, bóng tỏa mát cả chợ cóc họp bên đường làng. Cây thị ở đình Quán La đối diện với cây đa thì người ta cho rằng có nhiều điều lạ và khác biệt. Thậm chí nhiều người còn gán cho nó như sự tích thần kỳ trong truyền thuyết. Nào là vị thần Duệ Trang đã hóa thân vào cây thị, nào là vùng đất Thất Tinh nên mới có cây cổ thụ đặc biệt này. Có lẽ nào nhỉ? Nên không phải tự dưng ở những ngôi mộ của những người Trung Quốc lại có tên là Khai Nguyên và Duệ Trang. Mà trùng hợp hay cố ý lại đúng là hai người chứ không phải con số khác. Nó trùng hợp đến bất ngờ với những gì có ở Xuân La. Huyền tích hay sự tích đều là câu chuyện của người tâm tín về giá trị của thiên nhiên, cây cối có bề dày thời gian. Và chính cái thời gian đã làm cho những cây đại thụ trở nên có giá trị đặc biệt về tâm linh, về mặt sinh thái. Theo như tôi quan sát thực tế, cây thị nằm trên mô đất cao hơn cả ở trước cửa đình Quán La. Cây thân gỗ khoảng 3 người lớn vòng tay, có miếu thờ trang trí hoa văn rồng phượng. Được biết, vào ngày tuần rằm, mồng 1 người dân thường đến thắp hương cầu bình an.

Sao lạ thế nhỉ? Cây thị ra mỗi năm chỉ một quả, như truyền thuyết vậy. Đúng thật, ở xã hội này, khi khoa học phát triển cũng không ai có thể giải thích được sự việc này. Cao Biền cũng đã từng nhắc đến sự việc này. Trời đất! Khi nhớ đến điều này tôi mới nhận thấy những cái gì Cao Biền nói có vẻ như là sự thật. “Mỗi năm khi thị chín chính là ngày mà báu vật Giao Chỉ xuất hiện”. Sao lại có thể như thế được nhỉ? Vậy có thể chăng khi cây thị ra quả, mà một quả duy nhất, rất dễ phát hiện. Vậy hiện tượng này sẽ như thế nào đây? Sao lại khi quả thị chín thì sẽ phát hiện ra báu vật? Có điều gì uẩn khúc chăng?

Khi hiểu đến đây tôi bắt đầu tò mò về sự bí hiểm ở cây thị này. Có lẽ chả ai có thể giải thích được điều này. Một người cách cả nghìn năm có thể biết trước chuyện này. Hay khi cây thị chín, sẽ có hiện tượng gì xảy ra? Hiện tượng đấy sẽ xuất hiện để chứng minh điều mà Cao Biền đã nói là đúng? Thường thì tôi hay nghiêng về lý do đấy. Sau nhiều cuộc tìm kiếm tôi luôn đúc kết kinh nghiệm ra điều này. Thật sự bất ngờ về việc cây thị chỉ ra một quả trong một năm. Nhưng bây giờ là mùa hè, còn phải 3 tháng nữa mới đến thị chín. Làm sao bây giờ? Tôi nghĩ thế và đành phải chờ đợi vậy. Có thể khi đấy tôi sẽ tìm được lời giải của bí mật này. Nơi cất giữ chuông đồng đen và nơi cất giữ chính là bí mật của Nguyễn Trãi và Hoàng Phúc.

Rời Xuân La tôi về thẳng nhà. Trên đường về nhà, tôi luôn có tâm trạng sốt sắng và tò mò. Sau mỗi khi tìm kiếm, tôi luôn thấy những điều bí mật tưởng chừng như sắp đặt. Mọi vật đều có lý lẽ riêng và gắn kết với nhau một cách bất ngờ. Quả thật, cuộc sống đến tận bây giờ có những điều khoa học không thể giải thích được. Tôi tự nhủ vậy. À mà sao tôi nghĩ ra nhỉ? Có thể vị trí nơi cất giữ đấy được thể hiện bằng bản vẽ thì sao? Trong quyển sách của Cao Biền cũng có những hình vẽ các thế đất, sơ đồ ký họa mà. Sao mình không biết điều này nhỉ? Bản mình đang đọc chỉ là dịch. Còn bản chính, tôi đã bàn giao cho thư viện Quốc gia khi tôi tìm được tại chùa Dạm mà. Lúc đấy tôi không nghĩ có chi tiết này. Mà làm sao tôi biết được. Bí ẩn lịch sử là mình phải tự tìm hiểu thôi, chứ ai đặt vào tay cho mình bao giờ.

Hay mình đến thư viện quốc gia nhỉ? Nơi đấy chắc sẽ lưu trữ, mình có thể mượn để đọc được mà. Vì dù sao tôi cũng là người đã tìm ra một bản sao. Đúng rồi! Nghĩ đến điều đấy tôi đi xe ô tô đến luôn thư viện Quốc Gia ở Hai Bà Trưng mà không về nhà nữa. Đến thư viện quốc gia lúc đấy là gần 11h trưa, mọi người ở đấy cũng sắp đi ăn trưa. May quá, tôi nhìn thấy cô văn thư mà tôi hay liên hệ công việc. Sau khi giới thiệu xong, cô văn thư nhận ra tôi ngay vì tôi cũng hay lên đây để mượn tài liệu lịch sử để nghiên cứu. Nói chuyện với cô văn thư một lúc, đợi 15phút sau, tôi nhận được tài liệu mình cần tìm. Sau khi chọn được một chỗ ngồi, tôi mở từng trang tài liệu đọc từng trang một, không sót một chi tiết nào. Lạ lùng quá! Không có một chỗ nào đề cập đến sự việc tôi đang tìm kiếm. Thật không thể tin được! Sao lại có chuyện lạ lùng vậy. Chính Hoàng Phúc đã nói chuyện với Nguyễn Trãi về bí mật này mà? Nếu như từ thời đấy đến bây giờ chưa ai biết chứng tỏ cụ Nguyễn Trãi chưa nói với Lê Lợi về bí mật đó. Vậy nó ở đâu?

Nhưng một điều bất ngờ đã đến với tôi. Khi tôi xem đến trang cuối cùng của cuốn sách đấy thì điều bất ngờ đã xảy ra! Sao lại như vậy nhỉ? Tôi đã biết bí mật đấy rồi. Thảo nào đến bây giờ chưa một ai biết là phải. Tại trang sách cuối đã bị thất lạc một nửa trang sách. Thật là kỳ lạ. Tôi thắc mắc điều này và ra hỏi cô văn thư thì nhận đúng được câu trả lời như tôi suy đoán. Bản đấy đã bị mất một trang sách. Hình như nó giống như bị xé đi vậy vì đáng nhẽ nó phải nguyên bản như những trang khác, đằng này nó lại bị mất một nửa. Để khẳng định điều cô văn thư đấy nói đúng, tôi có điện thoại hỏi lại đồng chí mà ngày trước đã tiếp nhận từ tay tôi bản chính mà tôi đã tìm thấy. Đồng chí ấy cũng nói giống cô văn thư là riêng trang cuối cùng bị thiếu mất một nửa.

Đến đây thì những nghi ngờ của tôi đã được hóa giải. Có thể lắm chứ! Có chăng chính cụ Nguyễn Trãi đã biết điều này và đã xé đi một trang để giữ lại. Chính Hoàng Phúc đã nói ra điều bí mật đấy cho cụ Nguyễn Trãi biết. Để tránh bị tiết lộ, cụ Nguyễn Trãi đã xé trang sách đấy ra và cất giữ lại. Sau đó cụ đã đưa cho Hoàng Phi khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên. Và không tự dưng Hoàng Phi về chính nơi có bí mật được nêu trong trang sách đấy. Và khả năng ngôi mộ Hán ở đình Quán La chính là nơi chứa những thông tin liên quan đến quả chuông đồng đen. Bởi dưới nền ngôi mộ Hán là đường địa đạo mà Cao Biền đào thông ra Hồ Tây. Và có thể từ đây tôi sẽ lần ra dấu vết quả chuông đồng đen. Kích thước đường hầm ở dưới ngôi mộ Hán nhỉnh và vừa khí kích thước quản chuông đồng đen mà cụ Lý Quốc Sư đã đúc. Vậy không còn nghi ngờ gì nữa rồi. Đây chính là đầu mối mà tôi phải tìm kiếm.

Đến đây, tôi chợt reo lên như cảm tính có sẵn vậy. Chợt nhìn xung quanh và nhận ra tôi đang ở trong thư viện quốc gia. Tôi sướng quá vì thông tin vừa rồi liền vội trả tài liệu và đi về. Vậy thì đúng rồi. Bí mật mà Hoàng Phúc và Nguyễn Trãi biết chính là bí mật được Cao Biền nêu trong quyển sách của mình. Chính Cao Biền đã nói chính xác và tiên đoán đúng vị trí của nó. Nguyễn Trãi đã biết và xé đi trang sách quan trọng đó để lưu trữ lại. Và chính nơi cây thị trồng là nơi sẽ xuất hiện cái bí mật của Cao Biền. Hoàn toàn đúng. Mọi logic của câu chuyện và những điều bí ẩn sẽ xuất phát ở cây thị ngàn tuổi ở gò thất tinh tại đình Quán La. Tôi vội về luôn nhà. Tối hôm đấy tôi tự thưởng cho mình một giấc ngủ ngon và chịu khó chờ đợi đến khi cây thị chín quả. Lúc đấy tôi sẽ biết điều bí mật.

Rồi cũng đến cái ngày mà tôi chờ đợi. Khi biết cây thị đã có quả, đúng rằm tháng 9, tôi đến Xuân La trước một ngày. Sau khi thuê một phòng nghỉ tạm tại Xuân La, tôi tự cho mình đi tìm kiếm quanh Xuân La để củng cố thêm những kiến thức về lịch sử của chính mình từ người dân ở đấy. Có lẽ cái cảm giác lúc đấy nó khó tả lắm các bạn ạ. Bồi hồi, lo lắng, tò mò đan xen lẫn nhau. Lúc nào tôi cũng suy nghĩ như mình đang chuẩn bị tìm được một điều gì đấy lạ. Cũng có thể lắm chứ! Không phải tự dưng tôi được tấm da dê? Không phải tự dưng mọi chuyện cứ đến bất ngờ như vậy với tôi! Và cũng không phải tự dưng mọi cái sắp đặt đấy lại do tôi tìm thấy.

Đúng tối ngày 15 - 09 âm lịch, hôm đấy tôi quyết định không ngủ. Đêm đấy tôi ngồi gần quanh đấy, gần vị trí cây thị, uống trà đá và đợi. Khuya rồi, bác bán nước cũng đã chuẩn bị dọn hàng để đi nghỉ. Mọi vật đều tĩnh lặng. Tôi cũng phải thanh toán nên không ngồi gần đấy được nữa. Mọi người ai cũng về nhà nấy hết. Bây giờ đã 23h30 đêm, tim tôi đập thình thình, có gì đó như sau lưng tôi vậy, thỉnh thoảng có tiếng chó sủa, mèo kêu làm tôi giật mình. Và đồng hồ điểm đúng 00h, bắt đầu sang ngày 15, tôi hồi hộp và chờ đợi...

Đúng lúc đấy, có một tiếng gió thổi rất mạnh. Một cơn mưa bất chợt đến. Mưa như trút nước. Tôi vội đứng tạm vào cái mái che của quán nước. Xung quanh không có một ai. Lạ nhỉ? Sao lại có cơn mưa lạ này? Đang có trăng mà? Hay cơn mưa có thể như một điềm báo gì đấy? Tôi nghĩ vậy và rồi.....Sau khi ngớt mưa, tôi nhìn thấy... Tôi không tin vào mắt mình nữa..... Đấy chính là.....

Đến đây, tôi xin tạm dừng câu chuyện, chưa nói vội là tôi đã nhìn thấy gì để câu chuyện tôi kể thêm phần ly kỳ và hấp dẫn. Tôi và các bạn tạm thời quay lại quá khứ một chút, trở lại về thời của cụ Nguyễn Trãi. Câu chuyện bắt đầu từ đứa con trai của Hoàng Phúc tên là Hoàng Phi. Lúc đó, sau khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên, Hoàng Phi đã trở về tạm thời lánh nạn ở chùa Khai Nguyên, đổi tên, đổi họ để tránh việc truy sát của triều đình với con cháu cụ Nguyễn Trãi. Và như tôi và các bạn cũng đã biết, Hoàng Phi đang lưu trữ trong mình một bí mật vô cùng quan trọng đấy chính là trang sách cuối cùng trong cuốn sách của Cao Biền mà Hoàng Phúc đã tiết lộ chi Nguyễn Trãi biết nơi cất giữ bảo vật của Giao Chỉ là chiếc chuông đồng đen của cụ Lý Quốc Sư đã đúc và đã thả xuống Hồ Tây.

Từ khi xảy ra vụ án Lệ Chi Viên vào Ngày 19-09-1442 (tức ngày 16 tháng Tám năm Nhâm Tuấn), Nguyễn Trãi cùng Nguyễn Thị Lộ và gia quyến đều bị tru di tam tộc. Tuy nhiên, lịch sử đã làm rõ và giải oan cho cụ Nguyễn Trãi. Lánh nạn được 18 năm, ngày 08 tháng 6 năm Canh Thìn 1460, ông Lê Tư Thành lên ngôi, tức là vua Lê Thánh Tông, lấy niên hiệu là Quang Thuận. Năm đó, ông chỉ mới 18 tuổi. Chính ông là người đã được Nguyễn Trãi và người thứ thiếp là Nguyễn Thị Lộ đã cứu giúp mẹ ông là bà tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao phải lánh nạn trước sự truy đuổi gắt gao bà phi Nguyễn Thị Anh. Chín tháng sau, một cuộc đảo chính thứ hai do Nguyễn Xí và Đinh Liệt cầm đầu đã giết chết Lê Nghi Dân. Nguyễn Xí và Định Liệt là 2 tướng thân cận của Lê Thái Tổ vẫn còn sống sót sau các biến cố chính trị kể từ khi vua Thái Tổ mất. Việc đầu tiên lên ngôi, nhà vua Lê Thánh Tông đã ra sắc lệnh giải oan cho cụ Nguyễn Trãi và con cháu của cụ đang được ly tán khắp nơi được gọi về triều đình phục chức, làm quan. Lúc đấy, Hoàng Phi cũng biết tin và cũng được gọi về triều đình.

Hoàng Phi lúc đấy đã có 3 bà vợ. Người vợ cả là Lê thị có 3 người con gái và một người con trai. Người con trai của Hoàng Phúc với Lê Thị tên là Hoàng Đà. Hoàng Đà từ nhỏ được Hoàng Phi quý mến và được dạy bảo cận thận. Ông từ nhỏ là một người hiếu học. Nối dõi dòng họ nhà ông, ông cũng được Hoàng Phi truyền lại những kinh nghiệm, những kiến thức về phong thủy. Đặc biệt ông rất có tài về quân sự. Ngay từ nhỏ ông đã tỏ ra thông minh hơn những đứa trẻ cùng tuổi. Luôn tập trận chiến bằng các thuyền độc mộc trên Hồ Tây. Hồi đấy tại Quán La, trẻ con cùng làng luôn tôn ông làm thủ lĩnh.

Khi vua Lê Thánh Tông ban thông báo giải oan cho cụ Nguyễn Trãi, lúc đấy Hoàng Phi đã mất, Hoàng Đà được gọi về triều đình và được làm việc dưới trướng của tướng quân Lê Lộng, một tướng phụ trách thủy quân của vua Lê Thánh Tông, ông nằm trong đội Hải Kình quân.

Nếu nói về thủy quân của triều đại nhà Lê sơ, như chúng ta đã biết, sau khi quét sạch quân Minh khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi hoàng đế, triều Lê (1427-1789) được dựng lên. Từ đây, để trấn áp nội loạn, bảo vệ và mở rộng lãnh thổ, vua Lê rất chú trọng cải tổ quân đội. Thủy quân trở thành một binh chủng riêng, độc lập với bộ binh, tượng binh và kỵ binh. Thủy quân chia thành nhiều phiên hiệu rạch ròi, như: Thiện Hải thuyền của vua chúa khi xuất trận; còn Đấu thuyền, Lâu thuyền Tẩu Kha thuyền, Khai lãng thuyền, Hải Cốt thuyền...có hình dáng, cấu trúc, chạm khắc, màu sắc, vương huy, vương hiệu khác nhau…Ngay trong năm đầu tiên ở ngôi vua, Lê Thái Tổ đã ban hành quy chế cụ thể cho lực lượng thủy quân cũng như vũ khí cho binh lính.

Sách Đại Việt sử ký toàn thư chép: “Vào ngày mồng 10 tháng 8 năm Mậu Thân (1428), vua định các khí vật như cờ xí, nghi trượng cho các quân, chiến khí và thuyền ghe: trung đội cờ vàng, thượng đội cờ đỏ, hạ đội cờ trắng. Mỗi vệ một lá cờ lớn của chủ tướng. Mỗi quân một lá cờ hạng trung, 10 lá cờ đội và 40 lá cờ nhỏ. Thuyền chiến có hỏa công 10 chiếc, thuyền nhỏ đi tuần thám hai chiếc… Ngoài trang phục chung giống như các lực lượng khác, thủy quân thời Lê sơ đội nón thủy ma và nón sơn đỏ để có sự phân biệt”. Từ tiền đề trên, sau đó không bao lâu, nhà Lê đã có một lực lượng thủy quân khá mạnh.

Đến năm 1435, vua Lê Thái Tông khi xem bộ binh diễn tập, đã xem thủy quân diễn tập ở sông Hồng. Tiếp đó, vào năm 1438, Lê Thái Tông lại sai chiến thuyền của năm đạo quân diễn tập thủy chiến. Rồi khi thấy Chiêm thành hay cho quân xâm phạm biên giới, năm 1446, vua Lê Nhân Tôn sai Lê Thụ, Lê Khả đem thủy quân đánh Chiêm Thành, quân Đại Việt đánh chiếm cửa biển Thi Nại, rồi tiến lên đánh chiếm thành Cha Bàn, bắt được vua Chiêm Bí Cái...

Đến thời Lê Thánh Tông, thủy quân của Đại Việt ngày càng hùng mạnh và lập được nhiều chiến công. Thủy quân được chia làm 4 đội: Hải hồng quân, Hải mã quân, Hải kình quân và Hải điểu quân; được trang bị hàng vạn chiến thuyền có ống phun lửa (còn gọi là hỏa đồng), bố trí ở tất cả các cửa sông, cửa cửa biển xung yếu, góp phần quan trọng bảo vệ giang sơn, đất nước. Nhà Lê có nhiều loại chiến thuyền lớn nhỏ, có chiến thuyền được trang bị bằng hỏa khí. Năm 1964, vua ban hành phép duyệt trận đồ thủy chiến của thủy binh như: Trung hư, Thường sơn xà, Mãn thiên tinh, Nhạn hàng, Liên châu, Ngư đội, Tam tài hành, Thất môn, Yến nguyệt... Mỗi loại trận đồ có hàng trăm thuyền chiến tham gia tập trận. Nhà vua còn định ra quân lệnh về thủy trận gồm 31 điều - đây là "Điều lệ thủy binh" bằng văn bản đầu tiên của quân thủy Việt Nam.

Cũng nhờ sự quan tâm đến xây dựng quân đội, trong đó có thủy binh nên thời Lê Thánh Tông, đội chiến thuyền lớn nhất lịch nước ta đã được thành lập. Vào năm Kỷ Sửu (1469), Lê Thánh Tông đã huy động một phần trong số đó đi chinh phạt Chiêm Thành. Theo sử sách, ngoài lực lượng bộ binh thì có tới 25 vạn thủy quân và 5.000 chiến thuyền do nhà vua đích thân chỉ huy trong cuộc Nam chinh đó.

Khi đọc đến đây tôi mới biết thêm, chính Hoàng Đà lại là tướng của nhà Lê phụ trách về thủy quân. Nếu trở lại ngày trước, Hồ Tây chính là nơi tập các trận thủy chiến, nơi diễn ra những trận tập lớn về thủy quân. Thế là trùng hợp rồi. Lịch sử có những điều thật là kỳ lạ. Nơi cất báu vật của Giao Chỉ chính là Hồ Tây, nơi Long Mạch của Giao Chỉ cũng là Hồ Tây và bây giờ đứa cháu duy nhất của Hoàng Phúc lại chính là tướng quân của Lê Thánh Tông và chỉ huy đội Hải Kình quân đóng ở Hồ Tây. Quả thật trùng hợp đến không ngờ. Hay có thể Hoàng Đà đã được Hoàng Phi nói gì trước khi chết điều gì chăng? Có thể là bí mật về cất giữ chiếc chuông đồng đen.

Đến đây tôi xin quay lại đoạn đầu khi kim đồng hồ chỉ giờ bắt đầu chuyển sang ngày 15-09 âm lịch. Đúng lúc đấy, có một tiếng gió thổi rất mạnh. Một cơn mưa bất chợt đến. Mưa như trút nước. Tôi vội đứng tạm vào cái mái che của quán nước. Xung quanh không có một ai. Lạ nhỉ? Sao mưa lạ thật, đang có trăng mà. Cơn mưa có thể như một điềm báo gì đấy, tôi nghĩ vậy và rồi....

Sau khi ngớt mưa, tôi nhìn thấy... Tôi không tin vào mắt mình nữa..... Ánh trăng hôm rằm sáng tròn, sáng gần như hết tất cả khu vực tôi đứng. Có gì sẽ xảy ra? Lúc đấy chính một cơn mưa đã rũ bỏ tất cả những cái còn vương vấn quanh đấy. Mọi vật đều như tĩnh lặng. Lúc đấy xuất hiện … Kể đến đây tôi cảm thấy hồi hộp quá. Thực chất đã rất nhiều lần tôi đi tìm kiếm kiểu này, đã chui vào những hang không bóng người, đến những nơi còn ghê rợn hơn nơi này, nhưng thực sự đây là lần đầu tiên tôi có cảm giác sợ. Cái sợ không phải là sợ những cái đơn thuần vì nỗi sợ của tôi xuất phát từ những câu dự đoán của Cao Biền, những lời tiên tri sao đúng thế. Và rồi mọi cái đều xuất hiện....

Cả khu vực quanh gốc cây bỗng nhiên vắng lặng, ánh trăng chiếu rọi làm sáng cả một vùng. Sao không thấy xuất hiện gì nhỉ? Hay không có lẽ Cao Biền đã nói sai về điều này? Tại sao nhỉ? Bất chợt tôi nhận ra một điều. Trời đất! Sao lại như vậy? Tôi cảm giác rùng mình. Toàn bộ quanh gốc cây thị nơi tôi đứng nhìn. Khu vực đấy được ánh trăng chiếu sáng, bóng cây thị đổ xuống, hiện lên xung quanh như một hình vẽ. Đúng rồi! Tôi reo lên. Đây chính mà mật mã! Đây chính là bí mật! Tôi vội lấy máy ảnh chụp lại toàn bộ những gì tôi đã nhìn thấy. Bất ngờ thật. Mọi cái bí mật đều bắt đầu từ những chi tiết rất đơn giản. Đấy chính là hình của toàn bộ cây thị đổ bóng xuống mặt đất. Nơi xuất phát nhiều ánh sáng nhất tạo thành một hình mà hình đó giống như một lời chỉ dẫn về sơ đồ tìm kiếm cái chuông đồng đen. Có thể ở nơi ánh sáng chiếu xuống tập trung nhất có thể là nơi cất giấu chiếc chuông đồng đen? Hình vẽ này tôi nhìn quen lắm. Có thể tôi đã nhìn thấy cái này ở đâu rồi. Nhưng lúc đấy tôi không nhớ ra. Sao lạ quá? Sao chỉ là bóng cây thị thôi mà có thể giống như vậy nhỉ? Tôi thật sự không hiểu lúc này.

Sau khi chụp lại toàn bộ những gì tôi nhìn thấy, lúc đấy cũng là 00h30 rồi. Tôi vội vàng đi xe về nhà. Trời cũng đã muộn. Thôi về nhà nghỉ đã, mai tôi tính tiếp. Dù sao cũng có bí mật đây rồi.

Sáng hôm sau, sau khi đến cơ quan, tôi ngồi làm việc mà không thể làm được việc gì. Tôi nhìn lại những tấm ảnh mà tôi đã chụp và ngồi suy luận. Không hiểu đây là cái gì? Hình vẽ này tôi nhìn rất quen. Hay có thể là một ký họa về một dạng sơ đồ nào đấy? Lúc đấy tôi thực sự khó suy nghĩ xem nó như thế nào. Tôi chỉ biết rằng nếu đúng là chuông đồng đen thì Lý Quốc Sư đã thả xuống đây, ở đúng Hồ Tây. Nếu theo những gì còn lưu lại đến bây giờ mà tôi đã có thì không còn nơi nào khác. Hồ Tây thì quá rộng. Nếu ở dưới hồ thì chịu. Làm sao tôi có thể xuống đấy được. Hay là ra Hồ Tây xem như thế nào, biết chăng lại thu được nhiều điều.

Nghĩ vậy, tôi đi đến Hồ Tây. Lần này, tôi thong thả đi bộ trên con đường kè hồ mới được làm. Vừa đi, tôi vừa suy nghĩ xem có những gì sẽ là đầu mối để nghiên cứu. Và bất chợt, tôi dừng lại tại một nơi. Nơi ấy có vẻ lạ quá. Nó hơi giống một hình giống trong những bức ảnh mà tôi đã chụp lại. Ồ không có lẽ? Ngay gần nơi tôi đứng nhìn ra xa đấy chính là một ngôi mộ cổ mọc lên trên mặt nước. Thật ngạc nhiên! Sao ở Hồ Tây lại có ngôi mộ này nhỉ? Mà sao lại ở dưới nước?

Đứng đấy, tôi nhìn ra xa. Đấy chính là ngôi mộ. Tôi bắt đầu cảm thấy ngạc nhiên và tò mò thực sự. Tại sao lại có điều đó nhỉ? Tôi tiến đến gần để nhìn rõ hơn. Đấy chính là một ngôi mộ. Tôi ngồi tạm vào một quán hàng nước bên hồ, ngồi suy nghĩ. Lúc đấy có một cái cảm giác nào đó rất lạ đối với tôi. Nó như sắp đặt và định mệnh vậy. Thấy tôi chú ý nhìn ngôi mộ, bà lão bán nước liền nói với tôi:
- Thế chú định tìm cổ vật à? Sao chú ý thế!
Tôi giật mình hỏi lại:
- Sao bác hỏi cháu thế?
Bà lão chậm dãi nói:
- Có nhiều người cũng như chú rồi. Ngồi đây từ lâu nên tôi biết. Có rất nhiều người đến đây với mục đích tìm cổ vật.

Nghe đến đây tôi giật mình. Sao lại có chuyện lạ thế? Có ai biết chuyện tôi đang làm đâu? Mà sao dưới lòng Hồ Tây lại có nhiều cổ vật? Tôi thắc mắc hỏi lại bà và được bà ấy kể lại:
- Cũng từ lâu rồi, ngay cả trước khi nhà nước làm cái kè hồ này cơ, có rất nhiều người quanh năm ăn nằm ngủ nghỉ để chỉ có mỗi một việc là lặn ngụp xuống nước để mò cổ vật. Bà chỉ nghe nói từ lâu lắm rồi, dưới đáy Hồ Tây có hàng trăm ngôi mộ cổ dưới lòng hồ. Mà đã là mộ cổ thì kiểu gì cũng hay chôn cổ vật. Chính vì lý do đó, rất có nhiều người muốn làm giàu bằng cách lặn xuống Hồ Tây tìm những ngôi mộ đấy để kiếm cổ vật. Có nhiều người cũng chết rồi, nhưng vẫn không ai sợ và vẫn không ai bỏ cái công việc đấy. Ngày trước có người còn tìm thấy một cái hang đi sâu dưới lòng Hồ, rồi vào đó, không thấy chui ra, mấy ngày sau xác nổi trên mặt hồ thì người ta mới biết là chết đuối.

Nghe đến đây tôi cảm thấy sợ quá. Không hiểu tại sao lại có chuyện lạ thế! Giữa thủ đô lại có chuyện lạ và ly kỳ như vậy. Ngồi bắt chuyện mới thấy bà ấy kể nhiều. Có lẽ người dân quanh đây ai cũng biết, trừ những người ở khu vực khác, chứ ở đây, già trẻ, gái trai ai cũng biết hết và cũng chứng kiến cả. Tôi nghĩ Hồ Tây là một thắng cảnh đệ nhất của Thủ đô, nhưng ít ai biết rằng, dưới đáy Hồ Tây có rất nhiều nghĩa địa cổ. Nhưng tại sao, những ngôi mộ lại nằm ở giữa hồ? Chẳng lẽ, phong tục người dân ven hồ đem người chết ra giữa hồ chôn cho mát mẻ?

Bà tiếp tục kể cho tôi nghe. Có lẽ để tôi ngồi lâu hơn uống nước. Tôi nghĩ thế nên cũng ngồi bắt chuyện bà. Lúc đấy có cả hai ông bà cùng ngồi bán nước. Thỉnh thoảng có một số người đi thuyền độc mộc từ hồ vào. Đấy là những người làm công tác bảo vệ hồ hoặc tìm kiếm cổ vật. Bà ấy kể:
- Xưa kia bà nghe các cụ trong làng kể lại Hồ Tây chỉ là một nhánh cụt của sông Hồng, không rộng tới 560 ha và chứa tới 8 triệu mét khối nước như hiện nay. Bên Hồ Tây có hàng chục làng mạc cổ, cánh đồng, ruộng vườn bám ở mép hồ và cũng có hàng chục cái nghĩa địa, để chôn cất những người trong làng, hoặc chôn người chết ở các làng phía trong bãi. Ngày trước thời Lê, khi đánh nhau với quân Chăm pa, bắt được tù binh, đều tạo điều kiện cho họ lập kế sinh nhai bằng cách khai hoang vùng đất rậm rạp, heo hút quanh Hồ Tây. Người Chăm pa sinh sống lâu ngày, lập lên những ngôi làng đặc thù quanh Hồ Tây suốt hàng trăm năm trời. Sống ven hồ, chết cũng ở ven hồ, dưới đáy Hồ Tây, có thể vẫn còn hàng ngàn ngôi mộ. Nhưng mà đến nay, thời gian đã quá lâu, lớp bùn đất bồi lấp, dìm những nghĩa địa này xuống rất sâu rồi.

Bà tiếp tục nói:
- Cùng với nghĩa địa của người Chăm pa, còn hàng chục nghĩa địa khác của người Việt hình thành trên những dải đất hoang ven hồ này. Cháu chỉ cần lặn xuống đáy Hồ Tây, khu vực làng Hồ, Võng Thị, Trích Sài thuộc phường Bưởi ý là có thể phát hiện cả một góc hồ là một nghĩa địa khổng lồ, rộng hàng chục ha. Toàn bộ đáy Hồ Tây ở khu vực phường Bưởi, là một nghĩa địa. Những nghĩa địa hình thành từ hàng ngàn năm trước, đã bị những đợt sóng kiên trì của Hồ Tây đánh tan và nhấn chìm xuống đáy bùn. Gần nhà bà có một ông tên là Bân. Ông này ngày trước là người quản lý Hồ Tây. Theo ông này nói lại với người làng thì thẳng khu vực làng Xuân La cũng từng có một nghĩa địa rộng chừng 3 ha, bị sóng Hồ Tây nhấn chìm. Giờ đứng ở đoạn Xuân La nhìn ra, chỉ thấy biển nước mênh mông, với những đợt sóng lớn đang ngoạm dần vào đường Lạc Long Quân. Cảnh Hồ Tây ở khu vực Phủ Tây Hồ rất đẹp, song ít ai biết rằng, dưới mặt nước xanh biêng biếc ấy, cách bờ vài trăm mét cũng có một nghĩa địa rộng mênh mông với dày đặc các ngôi mộ nhấp nhô. Rất nhiều xuồng máy của các doanh nghiệp quản lý, khai thác Hồ Tây bị gãy chân vịt mỗi khi chạy qua khu vực này vì va vào mộ. Bà cũng là người từng trực tiếp chứng kiến nghĩa địa cuối cùng bị sóng Hồ Tây nhấn chìm xuống đáy, đó là nghĩa địa của làng Nghi Tàm. Nghĩa địa cổ mênh mông của làng Nghi Tàm đã nằm sâu dưới đáy hồ. Mùa nước cạn, lội xuống khu nghĩa địa này sâu đến ngực, còn mùa nước lớn, ngập quá đầu. Những con tàu lớn kéo nhà nổi Hồ Tây vẫn chạy qua lại trên khu nghĩa địa này mà không hề hấn gì. Những đợt sóng kiên trì của Hồ Tây kéo dài hàng trăm năm đã đánh tan hàng chục nghĩa địa cổ, làm bật nắp quan tài, phơi xương cốt trắng hếu, lăn lốc dưới đáy hồ. Chính vì thế, những năm 70 đến 80 của thế kỷ trước, làng Yên Phụ nổi lên phong trào mò gỗ quý tại những nghĩa địa dưới lòng Hồ Tây là thế.

- Ngày đấy bà được biết và chứng kiến hầu hết những thanh niên trẻ khỏe, lặn giỏi ở Yên Phụ đều tham gia mò gỗ. Ngày ngày họ lặn ngụp, mò mẫm dưới hồ, hễ phát hiện có ván thiên làm bằng gỗ quý chìa lên khỏi mặt bùn là họ tiến hành đào bới lấy gỗ. Họ dùng những chiếc thuốn sắt chọc sâu xuống lớp bùn đất để truy tìm gỗ và những vật quý nằm sâu dưới bùn.

- Ngày trước, rừng còn nhiều, nên khi người giàu chết được chôn trong những chiếc quan tài gỗ vàng tâm, đinh hương, thậm chí pơmu dày cộp, nặng trịch. Những loại gỗ quý này nằm trong lòng đất vài trăm năm không mối mọt, ngâm dưới bùn, nước hàng thế kỷ vẫn rắn chắc. Dân ở các làng ven hồ phá tung những ngôi mộ, lấy những tấm áo quan bán lại cho các xưởng mộc chế tác ra đủ các loại đồ dùng như giường, tủ, bàn ghế, cánh cửa...

- Ngoài việc người dân ven Hồ Tây lặn mò quan tài đóng bằng gỗ tốt, thu lượm tiểu sành kè bờ chắn sóng giữ đất, thì một thời có cả đội ngũ chuyên lặn mò đồ cổ trong những nghĩa địa dưới đáy Hồ Tây. Theo lời đồn, nhiều người còn bới được cả hũ vàng trong những chiếc quan tài. Những chiếc vòng vàng, vòng bạc, khuyên tai vàng thì kiếm được rất nhiều. Tuy nhiên, thứ nhiều nhất là chum, lọ, bát đĩa, bình gốm toàn là những đồ cổ có tuổi vài trăm năm. Xưa kia, người giàu chết thường được chia của chôn theo. Sóng Hồ Tây đánh bật mộ, những món đồ cổ này cũng lăn lóc đầy dưới đáy hồ.

Vì vậy, khi biết thông thông tin trên, bọn săn đồ cổ không những mò mẫm, tìm kiếm mà họ còn bới cả những ngôi mộ chìm dưới lòng đất lên để lấy đồ cổ. Nhiều ngôi mộ đổ kiên cố bằng hợp chất vôi cát mật, bên trong có xác ướp, chôn sâu dưới đáy bùn, cũng bị đám săn đồ cổ đào bật lên. Thậm chí, họ dùng cả mìn để đánh bật nắp. Trong những ngôi mộ hợp chất này thường có một số đồ cổ giá trị hoặc vàng bạc, tiền cổ.

Ông hàng xóm nhà bà là Ông Nguyễn Văn Tiến (hiện quản lý thuyền vịt ở hồ Trúc Bạch) là người có thâm niên 20 năm kéo cá thuê ở Hồ Tây, từng lượm được rất nhiều đồ cổ đem bán. Phần lớn những món đồ ông này lượm được là do dính vào lưới vét. Trong số những món đồ ông Tiến kiếm được, có một cái hũ rất đẹp. Lòng chiếc hũ tráng men xanh, mặt ngoài có nhiều hình thù cổ quái. Ông Tiến kiếm được chiếc hũ đó trong một hoàn cảnh khá đặc biệt lắm. Đợt đó, khi kéo lưới vào sát khu vực nghĩa địa cạnh làng Võng Thị thì lưới bị mắc vào nắp chiếc quan tài khiến mọi người không thể kéo được. Ông cùng đám thợ đang tìm cách gỡ lưới thì chiếc quan tài bật nắp. Trong chiếc quan tài có một số đồ cổ bằng sành, sứ, trong đó có chiếc hũ là đẹp nhất. Vì thấy chiếc hũ đẹp quá nên ông Tiến không bán, mà đem cọ rửa sạch sẽ rồi cất vào trong tủ. Một hôm, không kiếm đâu ra bình muối dưa, vợ ông Tiến đã bê chiếc hũ cổ ra dùng tạm. Điều lạ là dưa muối cả chục ngày không thấy lên men chua, lá dưa vẫn tươi nguyên như ngày mới đổ vào. Sợ quá, ông Tiến đổ dưa muối đi, rửa sạch chiếc hũ rồi cất vào trong tủ. Thế nhưng, vài ngày sau, bọn trộm phá khóa nhà và khóa tủ rồi lấy mất chiếc hũ. Cũng thật kỳ lạ, bọn trộm không lấy gì khác ngoài chiếc hũ ông lượm được dưới đáy hồ Tây. Đến bây giờ ông Tiến vẫn tiếc hùi hụi.

Nghe đến đây tôi cũng chợt nhớ, ngày trước tôi cũng từng nghe nhà sử học Nguyễn Lân Cường đã từng nói:
- Trước kia Hồ Tây rất rộng, có nhiều nhánh khác nhau, thậm chí, nó còn ăn sát vào Hoàng thành Thăng Long. Nhiều cuộc khai quật Hoàng thành Thăng Long đã tìm thấy cả bờ sông ở gần thành, có cả biểu hiện của giao thông thủy. Hàng ngàn năm nay, Hồ Tây lúc lở, khi bồi, nên chuyện các nghĩa địa cổ bị chìm dưới đáy Hồ Tây do hiện tượng xói lở là hoàn toàn bình thường và có thể xảy ra, chỉ có điều, tôi cũng như các nhà khoa học, khảo cổ, đều chưa nghiên cứu về chuyện này". Tuy nhiên, với những gì mà người thực địa dưới lòng hồ Tây kể lại, hoàn toàn có thể khẳng định đã có một khu nghĩa địa lớn đã từng bị nước chôn vùi.

Vậy có thể cái khái niệm về kho báu hay đường dẫn đến nơi ất giấu chuông đồng đen là có thật. Và vì lý do nào đấy mà đến bây giờ vẫn chưa ai tìm thấy. Đúng vậy! Có khả năng lắm chứ! Bây giờ tôi mới chợt nhớ ra điều mà tôi đã tìm thấy và nghe nói ở đình Quán La là có hệ thống địa đạo dưới lòng đất từ Xuân La nối ra Hồ Tây và thông ra Sông Hồng. Đúng rồi! Sao tôi có thể quên nhỉ. Có thể con đường địa đạo đấy là đường để lần ra dấu vết của chuông đồng đen và bắt nguồn từ Hồ Tây này. À, lúc nãy bà lão có nói về việc có người phát hiện ra đường hầm. Tôi hỏi lại xem sao nào. Bà lão nói:
- Đường hầm ấy nó ở cái ngôi mộ nổi kia kìa, ngay dưới chân ý. Hồi đó mấy người chết rồi.Nhiều người nghe nói sợ quá, lấy tạm đất xung quanh lấp cửa đường hầm để tránh cho ai không biết bị thụt xuống đấy. 

Tôi nhìn theo tay bà lão chỉ ra ngôi mộ nổi đấy.  Sau khi nhìn thấy, tôi tò mò hỏi muốn ra đấy xem như thế nào có được không và bằng cách nào. Bà lão bảo tôi:
- Cháu cứ nhờ mấy người đang đi thuyền kia kìa, họ đang vớt những thứ rác bẩn để cho lòng hồ thêm sạch, họ ở công ty quản lý cái hồ đấy.
Thấy vậy tôi đành nhờ một anh đang đi thuyền, nhờ anh ấy đưa ra cái mộ đấy. Thú thực lúc đấy tôi tò mò thật. Không hiểu tại sao mình lại làm vậy? Có lẽ đấy chính là bản năng khi tìm kiếm. Chắc các bạn cũng giống tôi. Khi đã ham mê một cái gì đấy là có thể quên hết những khó khăn trước mắt để đạt được điều mình muốn.

Anh làm việc chèo thuyền độc mộc vui vẻ nhận lời và đưa tôi ra gần ngôi mộ đấy. Quan sát kỹ tôi nhận thấy nó cũng bình thường, không có gì đặc biệt cả. Lúc đấy tôi nghĩ là chắc đường hầm ở dưới ngôi mộ. Tôi cũng mừng thầm. Tự nhủ là tôi sắp tìm ra cái tôi cần tìm rồi. Thuyền đi quanh ngôi mộ, tôi quan sát xung quanh. Một sự bất ngờ đến với tôi. Không tin nổi mắt mình nữa. Lạ thật, như sắp đặt. Đúng là sắp đặt... Tôi vội vàng lại gần ngôi mộ. Tấm bia mộ khác 2 chữ Duệ Trang - Khai Nguyên. Trời đấy, trùng hợp thế. Đúng như hai cái tên ở ngôi mộ của người văn công Trung Quốc bị chết ở Hồ Tây năm 1955 mà tôi thấy ở Bất Bạt. Bất ngờ trước cái tôi đã tìm ra, tôi vội vàng nhờ người đàn ông lái thuyền gần lại để chụp mấy bức ảnh. Sau đó về đến bờ, tôi cám ơn bà lão và cũng không quên tặng bà mấy bức tranh Đông Hồ, tôi đang để trong ô tô. Cây nhà lá vườn mà. Vì tôi người nhà là người làng gốc của làng làm tranh Đông Hồ.

Vội vàng ra về, trong đầu tôi luôn nghĩ: Có thể có gì đó bí mật dưới ngôi mộ nổi đấy. Hay chính là cửa địa đạo? Chợt nhớ là ngôi mộ Hán ở đình Quán La cũng là một cửa hầm địa đạo, tôi liền phóng luôn đến đình Quán La, đến trước của hầm dưới mộ Hán. Hay là mình chui xuống? Mạo hiểm một phen xem như thế nào? Có sợ gì không nhỉ? Tò mò quá! Nhưng tôi không có sơ đồ nên cũng không giám xuống. Đứng tần ngần một lúc, tôi đành quyết định đi về. Chắc cuộc tìm kiếm này sẽ làm tôi khó khăn đây. Thôi xác định tạm thời là đã có cơ sở để tìm lại chiếc chuông đồng. Không sớm thì cũng tìm thấy. Tôi nghỉ ngơi đã để lấy sức suy nghĩ những phương án tiếp theo.

Nghĩ vậy nên tôi về nhà luôn. Sau đó một tuần, tôi cũng bẵng đi công việc tìm kiếm của tôi. Những cái tên Quán La, Khai Nguyên, Hồ Tây thỉnh thoảng lượn lờ ở trong suy nghĩ của tôi mà không có phương án nào có thể khắc phục nó. Chả nhẽ bây giờ tôi lại nhờ một đơn vị nào đấy đi xuống địa đạo để tìm kiếm. Hay là báo với nhà nước về khám phá của tôi? Nhưng ai tin được? Tôi có phải là gì đâu mà họ tin? Nên khám phá này cũng chỉ để mở rộng kiến thức của mình và hiểu thêm giá trị văn hóa lịch sử của ông cha mình.

Tôi nghĩ vậy nên cũng tạm thời quên đi chuyện đấy. Nhưng đúng là cái số tôi, không thể không có những sự tìm kiếm. Và lần này một thông tin bất ngờ đến với tôi. Nó như một định mệnh vậy, định mệnh của cuộc đời và định mệnh của những giá trị lịch sử. Đấy là Sông Hồng. Nơi đã phát hiện một dấu tích cổ của con thuyền chở kho báu.

Gầy đây, khi tôi được biết về thông tin có người dân ở bờ sông Hồng thuộc xã Đại Tập, huyện Khoái Châu đã trục vớt được một cái thuyền cổ dưới đáy Sông Hồng vào khoảng tháng 09/2010. Nghe thế, tôi vội vàng đến xem nó như thế nào. Đấy là sự ham mê mà. Đến nơi tôi mới được biết người trục với được cái thuyền cổ đấy chính là anh Hà Văn Chuông. Hỏi anh Chuông tôi mới biết là trong một chuyến thám thính gần bờ sông Hồng thuộc xã Thụy Phú ( Phú Xuyên, Hà Nội), cha con anh Chuông phát hiện một chiếc tàu đắm ở độ sâu 10m. Tàu chìm hẳn dưới lòng sông và chỉ nhô lên phần mũi.

Anh chuông có nói và đưa tôi đi xem những gì anh Chuông đã tìm thấy. Lúc vớt tàu lên, anh Chuông mới biết chiếc tàu mình vớt có thể là một chiếc tàu cổ, bởi tàu có hình dạng khá đặc biệt, không hề mang số phiên hiệu và có một thân máy rất lạ ở hầm tàu. Các cửa mạn, mớn nước... trên tàu đều bọc bằng đồng lá. Sau khi vớt, xác tàu được “dìu” vào phía bên kia bờ sông, thuộc địa phận xã Đại Tập (Khoái Châu, Hưng Yên). Con tàu mà anh Chuông vớt lên có chiều dài ước chừng 30m, rộng chừng 5m, có 2 sàn và dùng máy động cơ ở phía đuôi. Đa phần, gỗ tàu cũng đã ngấm nước, nên trong quá trình trục vớt, chiếc tàu bị gãy làm đôi.
Anh Chuông kể lại:
- Trên thân tàu, chúng tôi tìm được một ít đồ cũ, đáng kể nhất là có 1 pho tượng quan âm bằng sứ men rạn màu trắng, trên đó không hề có chữ gì. Có cả một ít mảnh bát đĩa còn sót lại, chắc bởi lúc đưa tàu lên, thân tàu lật nghiêng nên có gì bên trong cũng rơi cả xuống lòng sông. Trong số những đồ vật vớt được, có một chiếc hòm gỗ có kích thước 45x45cm. Nhìn hình dạng, có thể chiếc hòm này dùng để đựng các dụng cụ làm đồ mộc trên tàu. Điều quan trọng là thân hòm có khắc chữ Giang Nam bằng tiếng Hán. Có điều này, cộng với việc nhìn kết cấu thân tàu, có thể đây là một chiếc tàu cổ được đóng vào thế kỷ XIX.

Anh Cuông nói tiếp:
- Anh còn biết có người người đã sưu tập được một vật quý lắm ở dưới sông Hồng, đấy là 2 chiếc mỏ neo cổ nữa.

Tôi tò mò liền hỏi tên và địa chỉ. Anh Cuông cho tôi. Đấy chính là ông Quách Văn Địch. Chính ông Quách Văn Địch, người sưu tầm được 2 chiếc mỏ neo cổ có niên đại được kiểm chứng khoảng 600 năm. Ông còn cho biết dưới đáy sông Hồng đã lấp đầy bùn phù sa còn ẩn giấu những con thuyền mà niên đại của nó đến nay chưa ai nắm rõ. Hai chiếc mỏ neo của ông Địch bằng gỗ đã nứt nẻ, mỗi chiếc dài tới 6m, ngạnh của mỏ neo dài 2m, đầu ngạnh bịt sắt. Trong gian phòng khách rộng rãi của mình, chiếc mỏ neo phải đặt nghiêng mới vừa chỗ. Ông Địch sưu tầm được chiếc mỏ neo thứ nhất vào năm 1998. Ông Địch đoán chắc, những chiếc mỏ neo lớn như vậy thì con thuyền cũng phải tương ứng, nếu mà so sánh thì 2 chiếc mỏ neo mà ông coi như báu vật với những con thuyền đang bị chìm lấp bởi phù sa hàng trăm năm sông Hồng, giá trị nó còn “khủng” hơn gấp nhiều lần.

Ông Địch còn nói ở dưới xóm chài Hàm Tử mà người dân gọi là bến Cầu Gỗ (phường Chương Dương, Hoàn Kiếm, Hà Nội) nơi mà ông Địch sưu tầm được 2 chiếc mỏ neo cổ mà chủ nhân trước kia của nó suýt bán... gỗ vụn. Lão ngư Nguyễn Văn Mười là chủ nhân đầu tiên của chiếc mỏ neo cổ đã 3 đời sống trên sông.

Hay quá nhỉ, thế là tôi lại tiếp tục mò và tìm đến nhà ông Nguyễn Văn Mười ở Chương Dương, Hoàn Kiếm. Món nghề đi tìm cổ vật, kho báu của tôi luôn làm tôi khổ thế đấy các bạn ạ. Cứ hễ nghe thông tin ở đâu mà có nói về phát hiện cổ vật, là tôi tới ngay để tìm hiểu. Nêu cũng thành thói quen khi làm việc.

Tôi tìm đến nhà ông Mười ở Chương Dương theo lời chỉ của ông Địch. Nói chuyện với ông Mười tôi mới biết vào tháng 6/1999, sông Hồng đang vào mùa nước lũ. Thời điểm giữa năm này, những cư dân sông Hồng chủ yếu sống bằng nghề vớt củi đem lên bờ bán. Trong lần xăm củi năm đó, ông nhìn thấy một thanh củi to trôi theo dòng nước một phần thanh củi nhô hẳn một đoạn quá đầu con nước. Thấy lạ lùng, ông cho thuyền áp sát dùng móc ròng rọc kéo lên nhưng với sức của ông hơn 10 năm về trước và trọng tải con thuyền 5 tấn chỉ giữ được thanh củi giữa dòng. Sau một hồi hô hoán người nhà, 2 chiếc thuyền nữa cùng tiến vào “vật thể lạ”. Ba đoạn dây từ 3 chiếc ròng rọc móc vào đám củi.

Lúc này, thanh gỗ lạ đã vướng lẫn vào trong đám củi. Người con trai và ông phải lặn xuống đáy sông để luồn người qua đám gỗ. Dưới dòng nước đục ngầu bùn, ông thấy còn một thanh gỗ nữa được nối thành hình tam giác với thanh gỗ đang nổi một phần phía trên. Sau một hơn 1 giờ đồng hồ tách đám gỗ, cuối cùng vật thể lạ cũng rõ hình hài là chiếc mỏ neo. Hai phần mỏ neo dưới lòng con nước, một phần trên của chiếc ngạnh nhô lên... Nó lộ dạng là chiếc mỏ neo to quá cỡ, thanh gỗ vuông dài nhưng sần sùi. Sau khi trục vớt được chiếc mỏ neo, lão ngư Mười cũng để lẫn trong đám gỗ vụn. Nhưng giờ chiếc mỏ neo đã ngự ở nhà quá 2 tháng. Chờ mãi sốt ruột ông định chẻ thành củi bán thì có khách hỏi mua. Chiếc mỏ neo theo thời giá năm đó ông đong được 6 tháng gạo ăn độ nhật. Quãng sông 7km từ cầu Chương Dương tới cầu Thanh Trì là địa phận của ông “cai quản”. Ngay gần chỗ thuyền ông đậu cũng có một khối hiện vật bằng đồng mà theo ông đã chìm miên viễn dưới lớp bùn sông Hồng. Đã không dưới 5 lần chính ông và người con trai lặn xuống đáy sông bẻ vài thanh đồng về bán.
Trong suốt câu chuyện với tôi, ông lão ngư liên tục nhắc đi nhắc lại cụm từ “hố nước chết”

Tôi cũng biết cái tên Hồ nước chết này rồi. Khi ấy tôi đã từng nghe kề về ở Sông Hồng có một đoạn người ta gọi là Hồ Nước Chết. Đấy chính là một khúc sông giữa dòng lõm xuống như miệng giếng to mà đường kính ước chừng khoảng 5m. Nếu tới gần thêm chút nữa cả thuyền sẽ hút xoáy theo dòng nước. Cả đoạn sông nước đang chảy êm đềm bỗng nhiên dòng sông mở toác miệng, nước đang chảy theo dòng cứ theo đó ùng ục trôi xuống. Những thương lái sông Hồng khi tiến gần tới hố nước chết thì con nước tự nhiên thấp xuống, tàu va vào khoảng hẫng nếu như không tỉnh táo bẻ lái thì sẽ trôi theo dòng nước mà không thể tách ra được.

Lúc đấy thấy tôi đang băn khoăn, ông Mười nói tiếp:
- Tùy theo mùa nước mà “hố nước chết” thay đổi kích cỡ lớn bé khác nhau. Mùa nước lớn rất nguy hiểm với thuyền bè. Đã gần 50 năm sống trên đoạn sông này thì những tai nạn, tàu lật cũng thường xảy ra ở khu vực quanh hố nước. Chính ông cũng không dưới 10 lần vớt những xác người trôi quanh khu vực này. Ông ấy chỉ tiếc là đã bán 2 cái mỏ neo đấy. Đến bây giờ ông ấy vẫn còn tiếc. Ông chỉ nhớ là trên thân 2 cái mỏ neo bán đi rồi còn khắc 2 chữ Hán gì đấy. Thấy người mua là ông Địch nói lại là đấy chắc là tên của con tàu hoặc đại loại như vậy.
Tôi hỏi:
- Thế ông có biết là chữ gì không?

Ông ấy nói là không biết và nói có gì hỏi ông Địch. Tôi liền điện thoại cho ông Địch hỏi cụ thể và đến xem trên đấy có khắc chữ gì. Đến nơi ông Địch lấy ra đưa cho tôi xem. Trời đất. Hai chữ đấy được khắc là Hoàng Đà. Thật bất ngờ!

Ngạc nhiên thật! Hoàng Đà! Đúng rồi. Đấy chính là con trai của Hoàng Phi. Thật là ngạc nhiên. Tôi thấy bắt đầu có gì liên hệ ở đây rồi. Hoàng Đà! Sao tôi không nhớ ra nhỉ! Nghĩ vậy, tôi cám ơn ông Địch và về luôn. Kiểm tra lại những gì mình đã có về Hoàng Đà tôi mới biết chính Hoàng Đà là người đã được vua Lê Thánh Tông gọi về làm quan lại cho triều đình au khi minh oan cho cụ Nguyễn Trãi. Hoàng Đà được làm dưới trướng của Lê Lộng, nằm trong đội Hải Kình quân. Thuỷ quân của vua Lê Thánh Tông. Thế là tôi đã tìm ra rồi. Những bị mật dần hiện trong tôi và tôi cảm thấy như là đã có trong tay bí mật về chuông đồng đen rồi.

Bới lại toàn bộ những thông tin về Hoàng Đà. Tôi được biết, sau khi vào đội Hải kình quân của Lê Lộng, Hoàng Đà với bản chất thông minh của mình, vơí kiến thức phong phú về địa lý được thừa hưởng của người cha là Hoàng Phi. Chính tướng Lê Lộng sau một thời gian đã tiến cử Hoàng Đà làm đô đốc chỉ huy chính đội Hải Kình quân. Hoàng Đà dã tham gia vào nhiều trậnh đánh, lập nhiều chiến công cho nhà Lê. Nếu ai đó có thời gian nghiên cứu về lịch sử, chắc chắn các bạn sẽ gặp nhiều bất ngờ mà những bất ngờ đấy đều được lịch sử chứng minh. Đất nước ta là một dân tộc anh hùng.

Nhưng tại sao lại có tên Hoàng Đà ở 2 cái mỏ neo đấy nhỉ? Có thể chăng đấy chính là một trong những thuyền của Hoàng Đà. Nên Hoàng Đà đã được khắc tên lên cái mỏ neo? Tôi thu thập mọi thông tin từ các nguồn khác nhau, hỏi bạn bè, hỏi tham khảo những nhà sử học tôi mới được biết:

Hoàng Đà sau khi lập được nhiều công danh, vua Lê Thánh Tông đã ban tặng và phong cho Hoàng Đa làm chức đô đốc chỉ huy một hạm đội thuyền chiến. Hạm đội đấy được đóng ở ngay cửa sông Hồng. nơi Hồ Tây và sông Hồng có thể thông lẫn nhau. Hồi đấy, Hoàng Đà đã được vua Lê Thánh Tông rất trọng dụng. Như tôi và các bạn đã biết, vua Lê Thánh Tông là một người rất coi trọng về thủy quân. Chính ông là vị vua đầu tiên lập ra thủy quân. Thủy quân thời vua lê Thánh Tông là một trong những hạm đội mạnh nhất thời đấy ở khu vực. Ông cũng là người coi trọng việc phát triển hàng hải.

Có một tài liệu làm tôi chú ý hơn. Đấy chính là tư liệu từ triều nhà Hồ trở về trước đã bị mất mát, phá hoại rất nhiều vào thời giặc Minh xâm lược nước ta, vua Lê Thánh Tông đã cho lập bản đồ toàn quốc gọi chung là Hồng Đức bản đồ vào năm Canh Tuất (1490), trong đó có cả Hoàng Sa và Trường Sa. Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa thời xưa được cha ông ta thường coi là một dải đảo dài nên gọi chung bằng các tên khác nhau như Bãi Cát Vàng, Cồn Vàng, Vạn lý Hoàng Sa, Vạn lý Trường Sa, Đại Trường Sa…điều này cho thấy trước đó hai quần đảo này đã thuộc chủ quyền Đại Việt và nhà Hậu Lê sau khi chiến thắng quân Minh, đã hết sức quan tâm tới việc xác lập biên giới quốc gia, khẳng định chủ quyền lãnh thổ trong đó có vùng biển, đảo. Nếu căn cứ vào Hồng Đức bản đồ, nho sinh Đỗ Bá (tự Công Đạo) đã soạn ra bộ sách Toàn tập Thiên nam tứ chí lộ đồ thư (1630 – 1653), ở quyển 1 có thể hiện địa mạo phủ Quảng Ngãi, phần chú thích trên bản đồ có nói tới Bãi Cát Vàng tức quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ngày nay: “Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, dựng đứng giữa biển” và có một bản đồ vẽ nhóm đảo thuộc Quảng Ngãi, phủ Thăng Hoa với chú thích chữ Nôm là “Bãi Cát Vàng”.

Có một chi tiết mà tôi thấy ngạc nhiên là vào năm Hoàng Đà 30 tuổi, khi ấy Hoàng Đà đã tìm thấy một bảo vật quý từ đáy Hồ Tây, nơi hạm đội của ông đang tập trận và ông đã hiến cho vua Lê Thánh Tông. Bảo vật được giữ bí mật tuyệt đối. Sau đó, vua Lê Thánh Tông đã cử Hoàng Đà cùng hạm đội của mình chở báu vật đấy ra Bãi Cát Vàng ngoài biển với nhiệm vụ lập căn cứ, làng mạc trên Bãi Cát Vàng. Trong quá trình chuẩn bị di chuyển đã có 2 con tàu của Hoàng Đà đã bị nạn tại ngay cửa sông Hồng. Toàn bộ hành trình của Hoàng Đà đã được vua Lê Thánh Tông chấp thuận và toàn bộ Hạm đội đã đi đến Bãi Cát Vàng để trấn giữ tại đấy. Mà người được cử đi chính là Hoàng Đà. Ở Bãi Cát Vàng, với kiến thức địa lý của mình, Hoàng Đà đã lập ra nhiều ấp, xây dựng nhà cửa ở đấy. Sau đó ông đã mất tại đấy do bị lâm bệnh nặng. Có một ngôi đền thờ nhỏ đã được lập tại đây để tưởng nhớ công lao của ông. Nhưng ở Trường Sa hiện nay không có bất cứ một thông tin nào về chuông đồng đen cả.

Thật là bất ngờ. Đến đây tôi đã hiểu có thể báu vật đấy chính là chuông đồng đen. Và chính vua Lê Thánh Tông cũng đã biết về sự việc chuông đồng đen này. Đúng rồi. Hoàng Đà có trong tay bản đồ bí mật để chuông đồng đen từ cha ông là Hoàng Phi mà. Chính vì vậy, ông đã thành công trong việc tìm kiếm bảo vật đấy và được vua Lê Thánh Tông đồng ý cho mang đến Bãi Cát Vàng để chứng minh quyền sở hữu về địa lý với chiều Minh. Có thể lắm chứ! Với vua Lê Thánh Tông thì việc mở rộng bờ cõi, xác định chủ quyền biển đảo được nhà vua rất chú ý. Đúng thật, đã từ lâu các triều đại bên Trung Quốc luôn rình dập và luôn tìm mọi cách để chiếm hữu của chúng ta những tài nguyên quý giá, đất đai và luôn đợi thời cơ để chiếm đoạt. Cho đến tận bây giờ vẫn vậy, Trường Sa và Hoàng Sa vẫn đang đợi ngày về với Việt Nam. Trung Quốc luôn luôn và luôn luôn tìm mọi cách để lấy lại 2 quần đảo đấy với mọi thủ đoạn và mưu đồ thâm hiểm.

Quả thật, vua Lê Thánh Tông đã có con mắt và tầm nhìn chiến lược. Ông đã định hình trước được những điều gì sẽ xảy ra. Đến đây, tôi chợt nghĩ, ước gì những điều vua Lê Thánh Tông đã làm cho đất nước được các lãnh đạo Việt Nam thể hiện ở lúc này, khi Hoàng Sa và Trường Sa vẫn còn phải chờ đợi ngày trở về đất nước ta. Sao ta không thể cương quyết như vua Lê Thánh Tông được nhỉ? Tấc đất của tổ quốc quý giá biết bao nhiêu. Tôi chợt nhớ đến một câu nói của Bác Hồ: Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Đúng thật, khi mất một tấc đất, Việt Nam ta lại như bị dao cắt vào người. Tôi cũng như các bạn, nếu có thể làm gì cho tổ quốc bằng việc cống hiến sức lực và kiến thức của mình để dành lại Trường Sa và Hoàng Sa chắc tôi cũng làm. Mình tự hào đấy là lãnh thổ của mình.

Nói đến đây, tôi chợt nhớ ra là lúc ông Mười có nói đến Hồ Nước Chết ở Sông Hồng. Sao tôi lại quên chi tiết này nhỉ? Tại sao lại có một hiện tượng đấy ngay trên mặt sông Hồng? Đúng rồi! Tôi reo lên, bức ảnh chụp lại vào đêm rằm tháng 9 tại cây thị ở đình Quán La. Tôi vội vàng lấy nó ra đối chứng. Không khác tý nào. Toàn bộ bóng của bức ảnh trùng khớp đến kinh ngạc với địa lý và hình thù nơi có Hồ Nước Chết đấy. Lạ thật! Sao Cao Biền lại biết được nhỉ? Có điều gì uẩn khúc ở đây?

Tôi nhớ ra rồi. Vậy đây chính là nguyên nhân chính. Chính đấy là lối thông ra sông Hồng từ Hồ Tây. Sao tôi lại quên chi tiết này nhỉ? Cao Biền đã từng làm con địa đạo này nối từ đình Quán La ra Hồ Tây và từ Hồ Tây thông ra sông Hồng. Vì vậy, chúng ta có thể hiểu tại sao Hồ Tây luôn gợn sóng, có thể do áp lực nước đấy từ sông Hồng đẩy vào mà tạo nên những con sóng bất thần ở Hồ Tây. Mà điều ngạc nhiên hơn chính là ngôi mộ nổi giữ Hồ Tây lại rất gần với đình Kim Ngưu, nơi những nữ văn công Trung Quốc bị chết vào năm 1955. Đúng là một phát hiện mới đây. Có khả năng chính những luồn nước bất ngờ từ đáy Hồ trào lên làm chết đoàn văn công Trung Quốc đấy được bắt nguồn từ sông Hồng. Một con sông linh thiêng của nước Việt Nam

Đến lúc này tôi nhìn lại những tấm ảnh mà tôi đã chụp lại khi bóng cây thị in hình trên khu đất đấy. Hoàn toàn trùng khớp đến từng chi tiết. Nơi tập trung ánh sáng nhất chính là nơi thể hiện Hồ Nước Chết ở Sông Hồng.

Tôi thở phào nhẹ nhõm. Tôi đã biết sự thật về những gì tôi đã khám phá. Báu vật của Giao Chỉ chính là chuông đồng đen của nhà sư Lý Quốc Sư đúc và thả xuống Hồ Tây để phá nơi trấn yểm của Cao Biền. Cao Biền là người đã cho làm thêm một hệ thống địa đạo bắt nguồn từ đình Quán La thông ra Hồ Tây và sông Hồng. Để rồi sau này, chính con cháu của Hoàng Phúc là một chiến tướng đã bại trận khi đánh nhau với Lê Lợi và Nguyễn Trãi tìm thấy. Để rồi bí mật về những lời tiên tri của Cao Biền được Nguyễn Trãi lưu giữ lại cho con cháu sau này. Và rồi chính nơi này Hồ Tây - Sông Hồng, Hoàng Đà đã tìm ra báu vật đấy. Và vua Lê Thánh Tông đã cho phép Hoàng Đà mang báu vật đấy đến Bãi Cát Vàng, hay là quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa ngày nay để làm dấu ấn chứng minh cho lãnh thổ Đại Việt. Tuy nhiên khi chở chiếc chuông đồng đen ra Trường Sa, con thuyền đó đã bị nạn ở Sông Hồng. Sau đó con thuyền đấy đã chìm và mất tích đến tận ngày nay. Và cái chuông đó đã bị chìm xuống dòng sông Hồng tại vùng có địa danh là Hồ nước chết. Và tất cả những bí mật về cái chuông đồng đen bị mất tích đều ở đấy. Chính là Hồ nước chết trên Sông Hồng.

Lúc này, tôi đi xe về đến đền Kim Ngưu, nơi tôi đã nhận được tấm da dê nói về chuông đồng đen. Có lẽ những tài liệu tôi tìm kiếm, tôi sẽ đưa và cung cấp cho bảo tàng Lịch sử Việt Nam để góp phần chứng minh cho thế giới về Việt Nam. Còn báu vật, tôi sẽ tìm ra bằng được để chứng minh cho một giai thoại lịch sử, một triều đại lịch sử rực rỡ của Việt Nam. Hay chính những linh hồn của những người con của Việt Nam, những linh hồn của những bậc anh hùng của Việt Nam qua từng triều đại, những linh hồn của những vị vua trong lịch sử Việt Nam, những ngưòi đã có công gìn giữ từng tấc đất của mình, hy sinh bao sương máu để giữ lại được đến bây giờ.

Tôi ra về sau khi thắp một nén hương tưởng nhớ thần Kim Ngưu. Tinh thần tôi cảm thấy thoải mái. Và tôi đã chuẩn bị tin thần cho một cuộc tìm kiếm đầy gay go. Đấy chính là cuộc tìm kiếm báu vật Chuông Đồng Đen ở Hồ nước chết trên Sông Hồng. Đến đây, tôi xin tạm dừng câu chuyện của tôi và mong các bạn sẽ tiếp tục cùng tôi chuẩn bị cho một cuộc tìm kiếm đầy hấp dẫn sắp diễn ra với tôi, với những định mệnh mà tôi phải nhận lấy.

Khi nghĩ lại việc gì đã xảy ra khi tìm kiếm chuông đồng đen, những tình tiết ly ky, đến lúc này, khi gõ máy tính để viết những thông tin vừa rồi, tôi vẫn còn cảm thấy sợ hãi. Những điều đã trải qua đấy, tôi đã có thể viết thành tiểu thuyết mất. Thôi, tôi cũng tạm thời kể đến đây để các bạn có thể hiểu hơn phần nào cuộc tìm kiếm định mệnh đấy của tôi. Còn những bí mật gì các bạn đón đợi nhé. Phần tiếp theo tôi sẽ kể là Cuộc tìm kiếm chuông đồng đen.

Tập 1: Tấm bản đồ bí ẩn
Tập 2: Giải mã tấm bản đồ
Tập 3: Đường hầm bí ẩn ở Côn Sơn
Tập 4: Truy tìm kho báu
Tập 5: Mật mã Trâu Vàng - part 1  

4 nhận xét:

Unknown nói...

phần tiếp đâu hả cụ??? cháu tìm mãi mà ko thấy ??

Unknown nói...

phần 3 đâu hả chú ơi????đợi lâu quá à........:3

Unknown nói...

Tuyệt vời quá bác ơi
Càng đọc càng thấy yêu sử nước nhà và tự hào về lịch sử hàng ngàn năm vẻ vang của dân tộc.

Định mệnh và các Đức thánh linh đã chọn bác, đủ cơ duyên, đủ tâm đức để trao gửi và dẫn đường cho bác khai sáng những bí ẩn đời cha ông, để bác truyền lại cho con cháu đời nay, những ghi chép quá sức ấn tượng và ý nghĩa vô cùng lớn lao này

Mong bác tiếp tục viết tiếp cuộc hành trình ngược dòng thời gian, khám phá sự huyền bí ngàn đời của cha ông ạ

Nặc danh nói...

Một câu chuyện tuyệt vời kết nối giữa quá khứ và hiện tại, để giữ lại những giá trị truyền thống quý giá cho thế hệ trẻ hôm nay và tương lai. Cám ơn tác giả và thực sự khâm phục bác!