Thứ Năm, 4 tháng 10, 2012

Bí mật của Cao Biền - Tập 2: Giải mã tấm bản đồ

Khi đấy, trên tay tôi là tấm bản đồ mà cụ Đề Thám đã cất giấu. Tôi hồi hộp quá, tim đập mạnh. Nhìn tất cả những cái mà tôi đã tìm được, tôi thầm cám ơn cụ Đề Thám, bà Ba Cẩn, những người đã có công giữ lại những tài liệu quan trọng này. Lúc đấy là gần 21h. Trời cũng đã tối. Tôi vội vàng về Hà Nội kẻo muộn. Vừa lái xe, vừa suy nghĩ không biết sẽ xử lý như thế nào đối với tấm bản đồ mà tôi đã tìm thấy. Hay là giao cho chính quyền? Nhưng mà nói ra thì ai tin mình không? Hay họ lại cho mình là người vẽ ra chuyện này? Tất cả những suy nghĩ của tôi đều bắt đầu hình thành. Cuối cùng tôi quyết định trước khi giao cho những nhà sử học thì tôi sẽ thử tìm hiểu nó xem như thế nào. Biết đâu ở tấm bản đồ đấy có nhiều cái hay mà tôi chưa được biết. Lịch sử không bao giờ quay trở lại. Chỉ có con người dần dần bị lịch sử cuốn đi mà thôi. Nghĩ vậy nên tôi quyết định phải tìm hiểu bí mật này.

Hôm sau, tôi cẩn thận sao lại một bộ. Phần những chữ Hán được viết trên mặt sau của tấm bản đồ tôi nhờ người bạn tôi làm ở Viện Hán Nôm dịch hộ. Tất nhiên, mình chỉ đưa bản sao photo thôi và tôi cũng không nói cho biết là cái gì. Tôi chỉ nói là muốn để tham khảo một chút. Từ lúc đấy, tôi bắt đầu cuốn hút về những bí mật còn chưa được giải mã ở tấm bản đồ đó. Tôi cũng muốn đưa ra ánh sáng để tất cả mọi người Việt Nam được biết. Lịch sử là văn hóa chứ nó mãi trong bóng tối thì mệt lắm. Hai hôm sau tôi đã có bản dịch ở trong tay. Cầm bản dịch trong tay, tôi đọc hết một lượt thì cũng chỉ thấy những thông tin ghi chép lại của Cao Biền về phong tục, tập quán của những người Giao Chỉ lúc bấy giờ, về những hiện tượng mà trong quá trình làm Tiết độ sứ ở đây, ông ta nhìn thấy. À mà còn tấm bản đồ nữa. Cái này tôi không cho ai xem cả. Tôi tò mò quan sát những hình vẽ trên tấm lụa đấy. Có lẽ bà Lã Thị Nga đã rất cẩn thận khi chép lại. Bà này là tổ nghề lụa mà. Bà ấy đã nghĩ ra và chuyền lại nghề làm lụa ở Vạn Phúc - Hà Đông mà. Cũng có công đấy. Tôi nghĩ vậy và tiếp tục quan sát. Không có gì, ngoài một hình lục giác có 6 cạnh được đánh dấu ở bốn điểm chính giữa. Góc trái của bản đồ là một bà thơ của Cao Biền viết chăng?


安南送曹別敕歸朝



雲水蒼茫日欲收,
野煙深處鷓鴣愁。
知君萬里朝天去,
為說征南已五秋。
Tạm dịch là:
An Nam tống Tào Biệt Sắc quy triều


Vân thuỷ thương mang nhật dục thu,
Dã yên thâm xứ giá cô sầu.
Tri quân vạn lý triều thiên khứ,
Vị thuyết chinh nam dĩ ngũ thu.

Bản dịch tiếng Việt:
Tiễn Tào Biệt Sắc từ An Nam trở về triều


Mây nước mênh mang, ngày sắp tàn
Khói đồng mờ mịt, giá cô than
Biết anh muôn dặm chầu thiên đế
Tâu giúp: năm năm tôi phía nam


Bài thơ này được viết ngay ngắn bên trái trên cùng của tấm bản đồ. Cũng kỳ lạ nhỉ? Tôi tò mò vì những gì mình tự phát hiện ra. Ngoài hình vẽ trên thì không có gì đặc biệt. Bản dịch tôi nhờ dịch hộ có nội dung như sau:


Giao Chỉ có linh thần rất mạnh. Vì vậy việc trấn yểm Long mạch Giao Chỉ của thần gặp vô cùng khó khăn. Những nơi đấy thường được tụ hội bởi sinh khí của Giao Chỉ, với sức của thần thì thần rất khó hóa giải được. Có bốn nơi mà thần chưa thể hóa giải được được cho là bốn vùng đất linh thiêng, liên quan đến việt phát triển và tồn vong của Giao Chỉ là Tản Viên, Từ Sơn, Côn Sơn, Yên Tử, những nơi tụ hội bởi tất cả những tinh hoa, sinh khí của Giao Chỉ. Nếu chế ngự được bốn nơi đấy, thì thần xin cam đoan rằng Giao Chỉ sẽ về tay của chúng ta.

1, Tản Viên có sinh khí của Thánh linh. Từ bao đời nay người dân giao chỉ luân tôn thờ họ là Thánh. Nơi đây là nơi mọi sinh khí của Giao chỉ đều hội tụ. Thần đã xem và phát hiện có hai chỗ có thể phá Long Mạch của Giao Chỉ, chính là chân núi Tản, nơi là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời tiền sử. Tuy nhiên tất cả những làn thần làm đều thất bại do thánh Tản Viên đã cho người phá hết. Đến 1000 năm sau, theo quy luật chỗ đấy sẽ có thánh nhân của Giao Chỉ về đấy cư trú mà viên tịch ở đấy.

2, Khi đắp thành Đại La, thần phát hiện một nơi khí vượng, rất dễ sinh vương, hội tụ nhiều yếu tổ để có thể chống lại nhà Đường. Đấy là con sông Điềm và những ao Phù Chẩn tại Cổ Pháp làng Diên Uẩn. Nhưng việc yểm Long Mạch ở đây sẽ bị giải mã bởi một thiền sư. Khả năng sẽ có thánh nhân xuất hiện sau 100 năm nữa và có thể là một triều đại mới của Giao Chỉ hình thành.

3, Khi qua dãy Đông Triều, nhìn về phương Bắc, thần trộm nghĩ mảnh đất Giao Chỉ này linh thần, khí vượng, đất đai trù phú, con người bất khuất khó có thể thuần phục. Theo cái nhìn nhận của thần thì dãy Đông Triều là một nơi hội tụ đủ những điều kiện để linh khí Giao Chỉ tồn tại. Nó vừa là nơi che chắn cho Giao Chỉ khi quân ta tấn công lại dễ bề phòng thủ. Nếu phá được thế đất, không cho linh khí hội tụ sẽ giảm bớt sự hưng thịnh của Giao Chỉ. Có điều ở đây đất vượng không kém gì Tây Tạng sinh khí nhà Phật rất lớn. Thần cho khoảng 400 năm sau sẽ có một vị thánh của Giao Chỉ an tọa ở đây mà thành phật. Nếu vậy thần e rằng triều đình ta sẽ không bao giờ có thể lấy Giao Chỉ được. Nơi đấy chính là nơi Vị thánh đấy tịnh lạc, về cõi vĩnh hằng. Vị trí đấy sẽ nhìn về hướng Bắc nước ta nhằm như canh giữa, trấn ải cho Giao Chỉ.

4, Dãy Kỳ Lân, Ngũ Nhạc - Hải Dương
Tại dãy Kỳ Lân này có địa thế đắc địa. Phía trước là dãy Yên Tử, nằm cạnh ngã ba con song Kinh Thầy. Vị trí này khí vượng, nơi sinh khí có thể ra một triều đại lớn, là nỗi e sợ của triều đình ta. Tại đây chính dãy Kỳ Lân là nơi chứa đựng sinh khí, long mạch, đất này tụ nghiệp đế vương. Nơi đây chắc chắn sẽ có kỳ tài xuất chúng của Giao Chỉ, có thể điều binh, khiển tướng, văn võ song toàn. Là mối đe dọa của bệ hạ. Như thế đất khó thoát nghiệp chướng. Với những tính toán của thần phải tới 600 năm sau, khí vận này mới phát. Thế đất như vậy có khác chi lăng tẩm ở Tứ Xuyên của các bậc Đế Vương. Đỉnh Kỳ Lân chính là nơi trọng yếu, từ đây có thể bao quát mọt việc, tiến xuôi khi điều binh khiển tướng. Và sẽ có bậc cao nhân của Giao Chỉ phá yểm của thần, Nhưng nếu là bậc đế vương thì Long Mạch hàn được, nếu không là bậc đế vương thì gánh lấy hậu họa sau này.
Tất cả những nơi đấy, thần đã yểm bằng cách chọn 40 vạn lượng vàng, 40 vạn lượng bạc, 40 vạn lượng đồng. Tất cả đều được chôn sâu ba tấc đất hình bát giác. Sau khi thần về nước, tấu trình hoàng thượng nói lại với người tiếp theo của thần những vị trí trên để có thể tiếp tục nghiệp của thần.

Đến đây thì tôi đã hiểu phần nào kế hoạch của Cao Biền. Có thể là Cao Biền đã chọn những nơi mà linh thần Giao Chỉ rất mạnh để yểm long mạch. Tất cả các lần làm phép bùa của Cao biền đều thất bại. Vì vậy để có thể yểm được thì Cao biền phải phá được những cái mà người Giao Chỉ tạo ra. Tôi bắt đầu hào hứng với cuộc tìm kiếm này rồi. Nhưng bây giời tôi nên bắt đầu từ đâu cho thuận tiện đây? Thế là cái tên đầu tiên hiện trong suy nghĩ của tôi chính là Ba Vì.



Bãi đá chà Chông ở Đá Chông, nơi Cao Biền đã từng yểm Long Mạch
Cả khu vực Ba Vì này rộng lớn là vậy, cây cối bạt ngàn, đền thờ miếu mạo rất nhiều. Quanh khu vực núi đếm ra cũng gần đến 100 ngôi đền, chùa… Vậy bây giờ tôi biết tìm ở đâu? Qua những suy luận đấy thì việc Cao Biền yểm Long mạch ở núi Tản Viên, Ba Vì là có thật. Nhưng những việc Cao Biền làm đều thất bại. Vậy thì chỗ thất bại đấy có thể nằm ở đâu đây quanh núi. Tôi bắt đầu thấy hấp dẫn rồi. Tìm được kho báu này có lẽ tôi sẽ giàu to. Tự nhủ thế cho vui chứ tôi nếu tìm được thì cũng bàn giao ngay cho chính quyền thôi. Thật buồn cười! Tôi nghĩ vậy. Tìm kiếm chỗ Cao Biền yểm Long Mạch thành ra tôi lại đi tìm kiếm kho báu thế này.

Bia ghi địa danh Đá Chông, K9 ở Ba VìTheo cách miêu tả của Cao Biền chỗ đó là: Chính là chân núi Tản, nơi là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời tiền sử. Vậy tôi có thể kết luận vị trí đấy có thể là Đá Chông. Đúng rồi! Theo sự tích thì Đá Chông được hình thành từ bãi chông chà và là nơi Sơn Tinh, Thủy Tinh giao chiến. Đá Chông! Tôi có thể khẳng định theo suy đoán của mình. Nhưng địa danh Đá Chông thì theo tôi được biết là khu An toàn khu (ATK), nơi Bác Hồ đã làm việc ở đấy và trước khi Bác mất 03 tháng là Bác nằm ở đây. Hiện tại, Bộ tư lệnh lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đang quản lý mà.


Bia giới thiệu khu di tích Đá Chông
Nói về Đá Chông, theo tôi được biết thì từ cổ xưa, các địa danh Đá Chông nằm trong dãy núi Ba Vì (hay còn gọi là Tản Viên), có diện tích 234 ha nằm trên quả đồi lớn gọi là U Rồng, giáp địa giới hành chính của ba xã Minh Quang, Ba Trại, Thuần Mỹ và huyện Ba Vì , tỉnh Hà Tây, nay là Hà Nội. Xưa kia, đây là khu đồi thông yên tĩnh, xen kẽ với các loài cây gỗ lớn, lá rộng, tạo thành khu rừng nguyên sinh đầy sức quyến rũ. Trên đồi có những tảng đá đứng lô nhô, sắc nhọn như những mũi chông lớn nên gọi là Đá Chông. Truyền thuyết kể lại rằng đây là bãi chông chà, dấu tích của những trận chiến dữ dội giữa Sơn Tinh và Thuỷ Tinh thời tiền sử. Địa danh này có một đặc điểm rất kỳ lạ là Sông Đà qua Lai Châu về Hòa Bình chảy xuôi qua đằng Khê Thượng, đến đây đột ngột chuyển dòng ngược về hướng Bắc, tạo thành một khúc gầy, đến ngã ba Bạch Hạc (Việt Trì) gặp sông Hồng, sông Thao để rồi cùng chầu về Đền Hùng, đất Tổ. Ba Vì là một trong những ngọn núi cổ của nước ta và là ngọn núi của tâm linh, nơi ngự trị muôn đời của Đức Thánh Tản Viên – Sơn Tinh, vị thần tối linh trong “Tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.


Lối vào khu Đá Chông
Truyền thuyết kể rằng núi Ba Vì do Sơn Tinh dùng sách ước nâng núi lên cao, ngăn nước lũ chiến thắng giặc Thủy Tinh. Vùng núi Ba Vì với nhiều tên đất tên làng, tên vạt đồi, khe suối, đồng nội, đầm hồ, bờ bãi, đình đền, miếu mạo… còn in đậm trong sự tích và chuyện kể dân gian của xứ Đoài gắn liền với truyền thuyết Sơn Tinh. Những giai thoại dân gian về cuộc giao chiến giữa Sơn Tinh và Thủy Tinh, chứng tỏ tổ tiên ta đã bắt đầu cuộc trị thủy mở mang bờ cõi từ hạ lưu sông Đà, sông Tích để tạo ra một vùng núi Ba Vì trù phú như ngày nay. Núi Ba Vì như một đầu rồng hùng mạnh, còn thân rồng chạy suốt tới phương Nam (dãy Trường Sơn).

Ngoài ra tôi cũng nghe nói thời Bắc thuộc, để nước Nam không thể “phát vương”, vua đời Đường đã cử Cao Biền, vị tướng kiêm phù thủy dùng pháp thuật đào trăm giếng quanh chân núi Ba Vì để trấn yểm, triệt long mạch nước ta. Nhưng giếng nào cũng vậy, cứ đào gần xong thì lại bị sập. Và cuối cùng Cao Biền đành phải bỏ cuộc ở đây. Đến đây tôi bắt đầu thấy có lý về học thuyết của Cao Biền. Vậy là có mối liên hệ với Cao Biền rồi. Nhưng ở đâu trên Đá Chông bây giờ? Khu vực Đá Chông rộng thế cơ mà?



Đường lên khu di tích Đá Chông
Cứ đến thử Đá Chông đã rồi tính sau. Nghĩ vậy nên tôi sắp xếp thời gian để lên Đá Chông. Trước khi tôi đi, tôi có qua nhà bác Hòa để nhờ bác cung cấp cho ít thông tin về địa danh này và được bác cung cấp rất nhiều thông tin bổ ích. Bác ấy nói:

- Năm 1957, trong một lần Bác Hồ cùng các đồng chí quân uỷ Trung ương đi kiểm tra diễn tập của Sư đoàn 308, khi dừng chân tại địa điểm này, bác thấy phong cảnh ở đây sơn thủy, hữu tình, khí hậu ôn hòa mát mẻ. Phía đông có dãy núi Tản Viên, có sông Đà liền kề. Phía tây có dãy núi Thiết Sơn (Lưỡi hái), thế đất có dáng hình “phong thuỷ" lại lợi nhiều về mặt quân sự, Bác đã quyết định chọn vị trí này là “Khu căn cứ địa" để chuẩn bị cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước lâu dài. Thể theo nguyện vọng của Bác, ngôi nhà sàn do chính Bác sửa thiết kế và cắm hương đã được khởi công xây dựng tháng 5 năm 1958 và hoàn thành tháng 3 năm 1960.



Hồ nước đằng sau Khu Đá Chông
Nhà Bác nhìn về hướng Nam, phía trước có hòn non bộ "thiên tạo", có nhiều cây cổ thụ xung quanh nên rất mát mẻ. Tiếp đến là các nhà làm việc của Trung ương, Bộ Chính trị, Chính phủ được lần lượt xây dựng. Địa danh Đá Chông còn có tên khác là K9, K84 (địa danh mật) do Bộ Chính trị và Ban Bí thư quy định. Gần 9 năm làm việc ở đây (1960 - 1969) Bác đã tiếp hai người khách nước ngoài, đó là anh hùng phi công vũ trụ Giéc man Titốp (Liên xô) Và phu nhân của Thủ tướng Chính phủ Trung Quốc Chu Ân Lai là bà Đặng Dĩnh Siêu. Hai người khách này đã trồng lưu niệm hai cây Vàng Anh trước ngôi nhà làm việc của Bác. Ngày nay, hai cây Vàng Anh vẫn tỏa cành xanh biếc như để lại dấu ấn mối tình hữu nghị của hai dân tộc Trung – Xô với Việt Nam đời đời bền vững.

Năm 1969 Bác Hồ qua đời, khu Đá Chông lại được chọn là nơi giữ gìn thi hài của Bác những năm kháng chiến chống Mỹ (Từ ngày 23/12/1969 đến ngày18/7/1975). Còn tại sao Bác chọn Đá Chông làm nơi Bác bảo là cũng có lý do của nó đấy là vào năm 1949, cuộc chiến tranh Việt – Pháp đang thời kỳ khốc liệt, chúng ta chuẩn bị bước vào thời kỳ phản công. Một lần Chủ tịch Hồ Chí Minh hỏi nhà văn hóa Hoàng Đạo Thúy: “ Cụ đi nhiều nơi thế, có thấy chỗ nào độ 50 mẫu đất tốt và cảnh đẹp không…” và nhà văn hóa cho biết: “Gần đây, sau núi Tản bên sông Đà, cảnh đẹp tuyệt trần…”. Hòa bình lập lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tìm đến nơi đây và thành lập ra khu K9, Đá Chông. Có lần, Bộ Chính trị cũng đã đề nghị Bác là nên chuyển thủ đô Kháng chiến về Vĩnh Phúc nhưng Bác đã gạt đi và nói: Nếu các chú muốn chuyển thì cứ chuyển, Bác không đi đâu cả, chỉ ở đây. Thế là việc đấy đành bỏ dở. Chứng tỏ Bác là người biết rất rõ giá trị của khu vực núi tản Viên này. Người đã trở về với vùng đất linh thiêng núi Tản Viên và không quên dặn dò các chiến sĩ bảo vệ không được chặt cây, giữ nguyên các khối trụ đá quần tụ và rải sỏi trên đường đi để sớm phát hiện, không để kẻ xấu, bọn tà đạo vào phá hoại.



Hình ảnh Bác Hồ ở Đá Chông
Tôi nghe đến đây mới thấy hết cái tầm nhận thức vĩ đại của Bác Hồ về non song lịch sử Việt Nam, về những nơi địa linh nhân kiệt của đất nước mình. Mỗi triều đại, mỗi thời kỳ thì việc bảo tồn những nơi quý giá như thế này cũng góp phần cho con cháu chúng ta ngày sau được hiểu về nguồn gốc lịch sử củ đất nước, để nhận thức mình cần làm gì, sống như thế nào cho xứng đáng với những gì cha ông ta đã tạo dựng, chứ không để những người làm hoen ố đi những giá trị lịch sử, phá hỏng những cái thành quả mà biết bao xương máu của những anh hùng đã ngã xuống. Tôi ngồi nghe bác nói cũng cảm thấy mình cần phải biết thêm về lịch sử mình, về những gì Việt Nam đã phải trải qua trong hơn 4000 dựng nước.

Đúng thật, có lẽ chỉ có những con người đã cầm cây súng, đã vào sinh ra tử, đã đi qua hai cuộc chiến tranh, giữ trọn độc lập mới thấy giá trị của sự tự do, giá trị của tinh thần dân tộc Việt Nam. Còn tôi hay các cụ thế hệ con cháu cũng chỉ nghe qua câu chuyện, sách báo, đã có ai từng chứng kiến đâu. Còn những kẻ miệng ngoài chỉ biết khoe mẽ, nhưng tham nhũng, tham ô, lũng đoạn đất nước, lợi dụng chức vụ, lợi dụng lòng tin tưởng của nhân dân để mưu lợi cá nhân thì thực sự họ nghĩ gì khi đến một ngày nào đó họ cũng trở về cát bụi để gặp lại tiên tổ. Họ có nghĩ khi mất đi rồi, người đời nhìn họ như thế nào. Tôi mới thấy thấm thía câu nó của bác bảo tôi:


Giá trị của con người không phải họ là ai, làm gì, ở cương vị nào mà giá trị ở chỗ họ đã làm gì cho lịch sử dân tộc, điều đó quan trọng hơn. Nói đến đây, bác lặng lẽ quay đi. Có lẽ tôi hiểu, bác đã từng là người lính, một người đã hy sinh một bên chân khi tham gia trận chiến Tết Mậu Thân năm 1968. Bác đứng dậy nhìn ra cửa sổ nhìn về phía xa, trầm ngâm không nói. Cái chân giả làm cái dáng bác khập khễnh. Nhưng cái chân đó với tôi nó còn quý hơn những cái chân lành lặnh mà không biết tìm chỗ đứng của mình trong xã hội. Tôi cảm thấy có cái gì nghẹn ở cổ họng. Rồi những dọt nước mắt tứ từ từ…. Tôi tự nhủ với lòng mình, hãy cố gắng tìm lại những gì lịch sử đã có, đã mất, đã thất lạc cho dù chỉ để chứng minh với riêng mình cũng được. Tôi cám ơn bác và ra về.



Xe thiết giáp chở linh cữu Bác Hồ ở Đá Chông
Sau cuộc nói chuyện đấy, tôi càng quyết tâm để tìm hiểu về những bí mật tôi đang có. Sáng hôm sau, tôi lên Đá Chông. Đến nơi, tôi đi tham quan mọi di tích ở đó, thấy hiểu hơn về những gì Bác Hồ đã từng ở. Nhưng bãi yểm Long Mạch của Cao Biền ở đâu? Tôi vẫn mày mò tìm kiếm. Ngồi nghỉ ở khu vực K9, tôi thấy cũng nhiều đoàn khách tham qua chỗ này. Cả dãy Tản Viên rộng bao la bát ngát thế này thì làm sao phát hiện được ở chỗ nào.

Tôi đành ngồi tạm ở một chỗ giải khát để uống nước. Suy nghĩ trong đầu tôi bây giờ là cố gắng tìm bằng được nơi Cao Biền đã cho yểm long mạch ở dãy Tản Viên này. Miên man một lúc, tôi có hỏi bà bán nước ở gần đấy. Chính những nơi này, cái tinh thần học hỏi, những chi tiết lịch sử hay người Việt Nam mình gọi bằng một cái tên là văn hóa dân gian truyền miệng. Đúng! Cái văn hóa đó đã góp lên bao nhiêu những cao dao, tục ngữ hay cho văn học Việt Nam. Chắc biết tôi đến lần đầu nên bà cụ đon đả mời tôi nước. Ngồi uống, tôi bắt chuyện làm quen và có hỏi bà ấy, ở đây có những nơi nào mà từ ngày xưa các cụ nhà ta gọi là linh thiêng nhất và huyền bí nhất không?


Cụ già cười và đáp:

- Ở đây, ai cũng biết hết những chi tiết, giai thoại lịch sử về thần Tản Viên, Sơn Tinh - Thủy Tinh. Họ truyền tai nhau về những giai thoại khi còn là đứa trẻ. Nào thì chuyện quanh núi Ba Vì nhiều tên đất, tên làng, tên vạt đồi đồng nội, tên dòng sông, khe suối, địa danh, địa hình, địa vật, đầm hồ, bờ bãi, đình, đền, miếu mạo và những con người còn in đậm trong sự tích và chuyện kể dân gian xứ Đoài gắn liền với truyền thống Sơn Tinh. Nào thì chuyện những quả đồi Mòm, dẫy gò Choi thuộc vùng Tòng Lệnh, ở phía Bắc núi Ba Vì; những trái núi ở vùng Sụ Đá, La Phù và Thạch Khoán; những hòn núi Chẹ và dãy nũi đá Chèm ở phía Tây thuộc mạn Sông Đà; những dãy đồi Máng Sòng, Đồi Giếng ở phía Đông núi Ba Vì là những chiến tích của Sơn Tinh, ngày đêm gánh đất để lập thành phòng tuyến chống lại Thủy Tinh. Về sự tích” Đồi Đùm đứt quai, đồi Vai lọt sọt”. Chuyện xưa kể lại rằng đồi Vai cao nhất ở xã Kim Sơn là tảng đá rơi vì sọt thủng, còn dãy đồi Đùm san sát kéo dài ở xã Xuân Sơn là do đứt quang, đất đổ ra nhiều trên dọc con đường Sơn Tinh gánh đất. Chuyện cắm chông chà ở bãi Đá Chông, thả rong rào, chăng lưới ở vùng suối Cái, cho quân gieo hạt mây thành rừng quanh núi U bò, ném lạt tre tạo thành lũy tre dày ở vùng ngòi lặt, lao gỗ đá từ trên núi xuống tạo thành mười sáu ngả ở vùng Đầm Đượng v.v… là những phương kế của Sơn Tinh.

Tôi nghe mà lòng thấy vui vui. Giá như trong những bài học lịch sử, giá như những cô cậu học trò mà bị điểm không về lịch sử như báo chí đã nói sẽ nghĩ gì khi họ đến đây. Ngượng thay cho những người Việt Nam lớn lên mà không biết sử Việt Nam. Tôi hỏi tiếp:

- Thế cụ có nghe nói ngày xưa tướng Cao Biền yểm Long Mạch của nước Việt mình ở đây không?
Cụ cười và đáp:
- Nhiều lắm, nhưng đến bây giờ thì có những cái nó thật thật hư hư, không ai biết được đâu.

Tôi vừa ngồi vừa suy nghĩ. Bây giờ ở đây thì biết ở chỗ nào nhỉ? Nếu theo Cao Biền nhận xét thì chỗ đã chính là nơi có vị thánh Giao Chỉ sẽ viên tịch. Vậy thì chỉ có thể là nơi Bác Hồ đã làm việc và chữa bệnh ở đấy. Chính xác rồi! Vậy có thể khẳng định chỗ Bác Hồ chọn nơi để làm nơi làm việc trong những năm kháng chiến là chỗ Cao Biền yểm Long Mạch. Nếu việc yểm Long Mạch mà thất bại, thì chỗ đấy là nơi vượng khí. Đúng. Khu bãi yểm Long Mạch chính là Đá Chông. Thế là tôi có thể xách định được một nơi mà Cao Biền đã yểm Long Mạch nước ta nhưng thất bại chính là địa danh Đá Chông, Ba Vì, Hà Nội. Tôi vui mừng vì đã giải mã được một nơi. Sau đó tôi về nhà và định bụng sẽ bắt đầu tiếp theo là Từ Sơn, Bắc Ninh.



Đình Sấm, nơi Đinh La Qúy trồng cây gạo
Có lẽ địa danh này ở gần Hà Nội nhất. Mà đúng thôi, đất Bắc Ninh là cái nôi của triều đại Lý mà. Hàng ngàn câu chuyện, di tích lịch sử trên đất Bắc Ninh này. Nhưng với những gì Cao Biền viết thì mình phải tự tìm hiểu xem là ở chỗ nào đã. Theo những gì Cao Biền để lại thì việc Cao Biền trấn yểm ở Bắc Ninh thì nhiều vô kể và có nhiều giai thoại kể lại, mỗi một giai thoại có những tình tiết khác nhau. Khi Cao Biền phát hiện ra đất Bắc Ninh sẽ phát Vương, khí vượng nên đã yểm hết những vị trí mà Cao Biền nghiên cứu nhằm giảm sinh khí long mạch của Giao Chỉ. Vậy thì có lẽ địa điểm này sẽ đơn giản hơn cho việc tìm kiếm rồi.

Tìm hiểu từ nhiều nguồn thông tin tôi được biết địa điểm đấy bây giờ làm gì còn con sông Điềm nữa. Trong quá trình tìm kiếm các pho sử Việt Nam thì tại Thiền uyển tập anh có một chi tiết làm tôi nghi ngờ: Theo sách Thiền uyển tập anh, cây gạo do thiền sư Đinh La Qúy trồng ở chùa Châu Minh, làng Diên Uẩn thuộc hương Cổ Pháp (Bắc Ninh ngày nay) vào năm 936 thời Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ.

Nguyên do việc trồng cây gạo, theo lời sư Đinh La Quý trước khi mất (năm 936), vì vào giữa thế kỷ thứ 9, Biền đắp thành Tô Lịch, biết đất Cổ Pháp có khí tượng đế vương, nên đã đào đứt con sông Điềm và những ao Phù Chẩn đến 19 chỗ để trấn yểm. Thiền Sư Đinh La Quý đã khuyên Khúc Lãm lấp lại như xưa. Đồng thời, ông có trồng một cây gạo tại chùa Châu Minh, làng Diên Uẩn - tức là làng Dương Lôi sau này - để trấn chỗ bị đứt. Theo lời thiền sư Đinh La Quý, việc trồng cây gạo của ông nhằm khôi phục lại long mạch bị Cao Biền phá gãy, ngoài mục đích sinh ra chân mạng đế vương, chấn hưng đất nước còn vì bậc đế vương đó có thể phò dựng Chính pháp làm hưng thịnh Phật giáo


Vị trí cây gạo do Đinh La Qúy trồng tại đình Sấm
À, vậy thì có khả năng tại chỗ trồng cây gạo, nơi mà thiền sư Đinh La Quý đã hóa giải. Tôi xuống luôn Bắc Ninh. Qua nhiều thông tin của người dân đang sống ở đấy tôi được biết; Cây gạo làng Diên Uẩn (hay làng Dương Lôi, Tân Hồng, Từ Sơn, Bắc Ninh, Việt Nam) được xem là sinh vật gắn liền với một số sự kiện lịch sử Việt Nam thế kỷ 10, thế kỷ 11 và tồn tại hơn 1000 năm tuổi. Năm 1009, sau 73 năm tồn tại, cây gạo làng Diên Uẩn bị sét đánh nhưng không chết. Theo ghi chép của sử sách (Đại Việt sử lược, Đại Việt sử ký toàn thư, Việt sử tiêu án, Khâm định Việt sử thông giám cương mục), tại chỗ sét đánh trên thân cây có bài thơ sấm mà có ý kiến cho rằng tác giả chính là sư Vạn Hạnh. Bài thơ được giải mã mang nội dung tiên đoán việc nhà Lý nối nghiệp nhà Tiền Lê, cũng như tên các triều đại kế tục tiếp theo trong lịch sử Việt Nam như nhà Trần, nhà Hậu Lê, nhà Mạc, chúa Trịnh. Vì sự kiện cây gạo bị sét đánh, làng Diên Uẩn còn được mang tên là làng Dương Lôi hay Đình Sấm. Làng Diên Uẩn chính là nơi sinh ra Lý Công Uẩn. Không lâu sau khi bài thơ sấm xuất hiện, Lý Công Uẩn lên ngôi vua thay thế nhà Tiền Lê, tức là vua Lý Thái Tổ. Cây gạo làng Diên Uẩn tồn tại suốt chiều dài lịch sử cho tới thế kỷ 20. Năm 1966, trong một trận bão lớn đổ bộ vào miền Bắc Việt Nam, cây gạo già yếu quá bị đổ. Tính từ khi được sư Đinh La Quý trồng tới khi chết, cây gạo tồn tại 1030 năm. Tại chỗ cây gạo xưa, người ta trồng vào một cây đa. Cây có 8 cành, tượng trưng cho 8 vị vua đời Lý.

Tượng Lý Công Uẩn (ở Hà Nội)
Nếu theo lịch sử ghi lại thì Lý Thái Tổ húy là Lý Công Uẩn sinh ngày 12 tháng Hai năm Giáp Tuất (tức 8 tháng 5 năm Mậu Thìn âm lịch, 6 tháng 6 năm 974 dương lịch), là người ở hương Diên Uẩn, châu Cổ Pháp, lộ Bắc Giang (nay ở xã Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh có đền thờ) . Mẹ là người họ Phạm. Khi lên 3 tuổi, mẹ ông đem ông cho sư Khánh Văn, trụ trì chùa Cổ Pháp làm con nuôi và đi tu từ đó. Đến 7 tuổi, ông được cha nuôi gửi cho một người bạn là thiền sư nổi tiếng là Vạn Hạnh dạy dỗ. Lớn lên, với sự bảo hộ của sư Vạn Hạnh, ông vào kinh đô Hoa Lư làm quan nhà Tiền Lê, thăng đến chức Tả thân vệ Điện tiền Chỉ huy sứ. Theo Đại Việt sử ký toàn thư, ông là người khoan thứ nhân từ, có lượng đế vương. Vậy thì đúng như những gì Cao Biền dự tính hơn 100 năm sau sẽ có thánh nhân đưuợc sinh ra ỏ đây mà chính là vua Lý Công Uẩn. Cũng như những gì còn hiện hữu, dưới gốc cây đa chính là vị trí thứ 2 trong việc trấn yểm Long Mạch Giao Chỉ của Cao Biền.

Xong được 2 vi trí giải mã, tôi bắt đầu nghiên cứ vị trí thứ 3. Nên bắt đầu từ đâu đây Côn Sơn hay Yên Tử. Có lẽ tôi sẽ về Yên Tử trước, đất của Phật. Tôi nghĩ vậy. Còn Côn Sơn sẽ đến sau cùng, không đi đâu mà vội vì Côn Sơn tôi cũng đã đến khi tìm hiểu về bà Hoàng Á Lệ rồi, nên chọn đến sau cùng cho có nhiều thời gian tìm hiểu hơn. Ngày hôm sau tôi lên Yên Tử. Nhưng tại sao Cao Biền lại chọn Yên Tử là chỗ có Long Mạch?

 Núi Yên Tử là ngọn núi cao trong dãy núi Đông Triều vùng đông bắc Việt Nam. Núi thuộc xã Thượng Yên Công, thành phố Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh. Vốn là là một thắng cảnh thiên nhiên, ngọn Yên Tử còn lưu giữ nhiều di tích lịch sử với mệnh danh "đất tổ Phật giáo Việt Nam". Trên đỉnh núi thường có mây bao phủ nên ngày trước có tên gọi là Bạch Vân sơn. Theo Đại Nam nhất thống chí, bộ quốc sử thời Nguyễn, Yên Tử là “Tổ sơn” của toàn bộ khu vực núi non vùng Hải Đông (tức toàn bộ phía Đông đồng bằng châu thổ Bắc Bộ thời Trần, trong đó có Hải Dương, Quảng Ninh ngày nay) và vùng Đông Triều thuộc khu vực sườn nam dãy núi Yên Tử là nơi phát tích của nhà Trần, không phải là vùng Tức Mặc-Long Hưng-Thiên Trường.
Đỉnh Yên Tử nhìn xuống
Cố Giáo sư Trần Quốc Vượng cho rằng “nhà Trần là dân đánh cá, vốn là người Đãn, một cư dân sống dọc theo biển từ Phúc Kiến trở xuống, di cư đến Việt Nam và trở thành một thế lực vào lúc Lý mạt”. Đông Triều có thể là nơi định cư đầu tiên của nhà Trần sau cuộc di cư về Nam ấy. Đại Việt sử ký toàn thư ghi: “Trước kia tổ tiên vua (Trần Cảnh – Trần Thái Tông) là người đất Mân”. An Nam chí lược của phản thần Lê Tắc là một trong số những bộ sử được coi là sớm nhất ở nước ta còn lại đến ngày nay ghi chép khá rõ về Yên Tử: “Núi Yên Tử gọi là Yên Sơn hoặc Tượng Sơn, bề cao lên quá tầng mây. Đầu niên hiệu Hoàng Hựu, nhà Tống (1049-1053), triều đình lại ban tên Tử Y Đông Uyên. Đại sư là Lý Tự Thông có dâng lên vua hải nhạc danh sơn đồ và vịnh thơ tán:

Phúc Địa thứ tư tại Giao Châu là Yên Tử sơn.

Tân kỳ chóp núi nêu vài nụ,
Yểu điệu hình khe trổ một ngành.
Tiên cỡi loan qua ngồi cảnh Tịnh,
Người xem rồng xuống giỡn đầm xanh”.


Phong cảnh Yên Tử
Như vậy, Yên Tử là phúc địa thứ tư trong bốn vùng đất được coi là “phúc địa của Giao Châu”. “Đã có một loại quy hoạch tâm linh” nào đó ít nhất tồn tại dưới thời Lý, thời Trần về bốn ngọn núi ở Bắc Bộ. Không phải vô cớ khi chính Trần Nhân Tông lại chọn Yên Tử làm nơi tu tập của mình, bởi vì Ngài không thể không biết đó là phúc địa (đất phúc). Đại Nam nhất thống chí viết: “Núi Yên Tử ở cách huyện Đông Triều 35 dặm về phía đông bắc, có tên nữa là Tượng sơn… Năm Tự Đức thứ 3 liệt vào hàng danh sơn, chép trong điển thờ. Xét: núi này các vua triều Trần cho là đất danh thắng nên dùng làm chỗ tham thiền…”. Cho nên, việc Điều ngự Giác hoàng không tìm về nơi khác mà lại chọn Yên Tử làm nơi tu hành không phải là vô căn. Thứ ba, Yên Tử có đủ những điều kiện để giúp cho những bậc tu hành đắc đạo, không kém gì xứ sở Phật-đà-già-la (NairanJana) của đức Phật Thích-ca. Đức Phật Tổ Thích-ca-mâu-ni đắc đạo thành Phật là nhờ vào phép tu thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Vua Trần cũng tu thiền, lấy pháp tu thiền để đạt đạo. Người tu theo pháp môn thiền định rất cần tới một nơi yên tĩnh, thanh tịnh để ngồi thiền. Núi rừng Yên Tử cách biệt với phàm trần là một nơi lý tưởng để tu thiền.


Trúc Lâm Yên Tử
Không bàn tới yếu tố tĩnh mịch, linh thiêng hay yếu tố phong thủy của núi này mà xét tới tính khoa học của vấn đề, các nhà nghiên cứu cho rằng: những quả núi lâu đời như Yên Tử, Hy Mã Lạp Sơn (Tây Tạng) Phú Sỹ (Nhật Bản)… đều có lực từ trường khá lớn. Những luồng điện này sẽ làm tăng thêm lực cho dòng lưu nhân điện trong thân thể những người ngồi thiền nơi núi đó. Đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã từng nhập định và thành đạo dưới chân núi Hy Mã Lạp Sơn, cạnh núi Tượng Đầu. Sau khi đắc đạo, Ngài vẫn thường cùng với các đệ tử ngồi thiền định trên non Linh Thứ. Người ngồi thiền mặt quay về hướng nam, lưng xây về hướng bắc là tốt nhất. khi ngồi, tư thế lưng phải thật thẳng đứng để cho cho luồng hỏa hầu của cơ thể lưu chuyển dễ dàng trong cột sống. Muốn vậy, người ta phải kê gối ngồi thiền (bồ đoàn) hay tận dụng mặt bằng có độ dốc hơn nghiêng về phía trước.

Vị trí ngồi thiền phải ở nơi thanh tịnh, thoáng khí trong lành, môi trường ô nhiễm sẽ làm cho khí prana trong cơ thể (được tạo ra trong khi tọa thiền) sẽ không được tinh khiết, bất lợi cho việc tạo luồng hỏa hầu trong cơ thể. Vạt núi sườn nam của Yên Tử hợp cách rất tự nhiên giúp cho người tu thiền có được các điều kiện ngoại cảnh đó. Núi rừng Yên Tử đã từng được coi là núi Linh Thứu bên Tây Trúc qua áng thơ của đệ tam tổ Huyền Quang:


Tây Trúc đường vào

Nam Châu có mấy.
Non Linh Thứu ai đem về đây,
Cảnh Phi Lai mặt đà thấy đáy.
Vào chung cõi thánh thênh thênh,
Thoát rẽ lòng phàm phây phấy


Một số bức họa vẽ về Trần Nhân Tông





Tượng vua Trần Nhân Tông tại phủ Thiên Trường
Yên Tử trở thành trung tâm của Phật giáo từ khi vua Trần Nhân Tông từ bỏ ngai vàng khoác áo cà sa tu hành và thành lập một dòng Phật giáo đặc trưng của Việt Nam, đó là dòng ThiềnTrúc Lâm Yên Tử và trở thành vị tổ thứ nhất với pháp danh Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258-1308). Ông đã cho xây dựng hàng trăm công trình lớn nhỏ trên núi Yên Tử để làm nơi tu hành và truyền kinh, giảng đạo. Sau khi ông qua đời, người kế tục sự nghiệp là Pháp Loa Đồng Kiên Cương (, 1284-1330), vị tổ thứ hai của dòng Trúc Lâm. Trong 19 năm tu hành, ông đã soạn ra bộ sách Thạch thất mị ngữ và cho xây dựng 800 ngôi chùa, am, tháp lớn nhỏ trong nước với hàng nghìn pho tượng có giá trị, trong đó có những chùa nổi tiếng như Chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên ở Đông Triều... Tại trung tâm truyền giáo của Pháp Loa còn.

Đứng ở độ cao 1068 m trên đỉnh núi, tôi có thể nhìn bao quát cả vùng Đông Bắc rộng lớn với những đảo nhỏ thấp thoáng trong Vịnh Hạ Long như một bức tranh, xa hơn là sông Bạch Đằng. Yên Tử đúng là đất Tứ Linh của Giao Chỉ. Đúng là nơi mà Cao Biền đã phát hiện ra. Nếu nói về Yên Tử thì đúng là nhiều vô kể. Có lẽ ở đây sẽ là nơi mà khó khăn nhất trong việc tìm kiến đây. Cao Biền định sẽ yểm ở đâu? Ở đâu là Long Mạch? Tôi cũng có chút tò mò rồi. Nếu theo những cái mà Cao Biền nói về Yên Tử thì đấy là nơi có vị thánh của Giao Chỉ viên tịch mà thành phật. Khó nhỉ? Theo các dữ liệu sử sách ghi lại thì có một nơi mà khả năng là tương ứng với những gì Cao Biền đoán đấy chính là Am Ngọa Vân.



Chùa Đồng trên đỉnh Yên Tử
Am Ngoạ Vân (hay Chùa Ngoạ Vân) nay thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê huyện Đông Triều, Quảng Ninh. Chùa nằm ở sườn Nam của ngọn núi cao thuộc dãy núi Yên Tử, núi có tên chữ là Bảo Đài Sơn hay núi Vảy Rồng hoặc Vây Rồng như cách gọi của nhân dân địa phương ngày nay. Chùa nằm ở độ cao khoảng 600m so với mặt nước biển. Theo ghi chép của các nguồn sử liệu thì: Sách Đại Việt Sử ký toàn thư chép “Mùa đông tháng 11, …ngày mồng 3 thượng hoàng (Trần Nhân Tông - TG) băng ở Am Ngoạ Vân Núi Yên Tử” , như vậy việc Trần Nhân Tông mất tại Ngoạ Vân Am là việc có thể khẳng định và được chính sử ghi chép rõ ràng. Sách Tam tổ thực lục ghi chép kỹ hơn “Ngày 18 ngài lại đi bộ đến chùa Tú Lâm ở ngọn núi Kỳ Đặc, Ngài thấy rức đầu. Ngài gọi hai vị tì kheo là Tử Danh và Hoàn Trung lại bảo: ta muốn lên núi Ngoạ Vân mà chân không thể đi được thì phải làm thế nào? Hai vị tỳ kheo bạch rằng hai đệ tử chúng tôi có thể đỡ đại đức lên được, khi lên đến núi ngài cảm ơn hai vị tỷ kheo và bảo các ngươi xuống núi tu hành, đừng lấy sự sinh tử làm nhàm sự. Ngày 19 ngài sai thị giả Pháp Không lên am Tử Tiêu ở núi Yên Tử giục Bảo Sát đến ngay núi Ngoạ Vân….. Ngày 21, Bảo Sát đến núi Ngoạ Vân, Ngài thấy Bảo Sát đến mỉm cười nói rằng ta sắp đi đây, sao ngươi đến muộn thế?” Văn bia Trùng tu Ngoạ Vân tự năm Đinh Hợi niên hiệu Vĩnh Thịnh năm thứ 3 (1707) hiện còn lưu giữ tại chùa có đoạn “Nay thấy chùa Ngoạ Vân, xã An Sinh, huyện Đông Triều , phủ Kinh Môn, đạo Hải Dương thực là nơi cổ tích danh lam”


Am Ngọa Vân, nơi vua Trần Nhân Tông viên tịnh
Như vậy, qua những ghi chép trên cho ta biết rõ hai điều, thư nhất khẳng định Ngoạ Vân là nơi đức Trần Nhân Tông hoá, thứ hai vị trí của chùa Ngoạ Vân vốn xưa thuộc xã An Sinh, trong khi đó khu vực Yên Tử ngày nay thì chưa bao giờ thuộc về xã An Sinh cả. Trên thực tế, hiện nay quần thể di tích Ngoạ Vân thuộc địa bàn hành chính của 2 xã Bình Khê và An Sinh. Kết hợp với những gì Cao Biền nói thì có thể khẳng định Am Tọa Vân là nơi Cao Biền yểm Long Mạch nhưng đã thất bại. Và hính nơi này, để hóa giải yểm củ Cao Biền mà đức thánh Trần Nhân Tông viên tịch tại đây, để người dân sao này lập thành Am thờ ngài nhằm hóa giải những yểm của Cao Biền.

Và phần cuối cùng là Côn Sơn. Nếu để nói Về Côn Sơn thì có nhiều sách vở nói. Côn Sơn bao gồm cả núi Kỳ Lân và núi Ngũ Nhạc liền kề, là một trong ba trung tâm của thiền phái Trúc Lâm vào thời Trần (Côn Sơn-Yên Tử-Quỳnh Lâm); Đền Kiếp Bạc tựa lưng vào núi Trán Rồng, trước mặt là sông Lục Đầu. Côn Sơn-Kiếp Bạc lại tiếp giáp với dãy núi Phượng Hoàng và núi Rùa (phía tây bắc), tạo thành một vùng đất quần tụ đủ tứ linh, ngũ nhạc, lục đầu giang. Đó là sự sắp đặt kỳ diệu của tạo hóa đối với khu vực di tích danh thắng Côn Sơn-Kiếp Bạc-Phượng Hoàng với sông núi huyện Chí Linh.



Danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi
Tại đây, hội nước bốn dòng sông từ thượng nguồn dồn về, chảy vào sông Thái Bình và sông Kinh Thầy, mang phù sa màu mỡ tốt tươi về xuôi bồi đắp. Bốn dòng sông ấy, ngoài các tên quen thuộc, đều có thêm một tên Hán tự có chữ "đức" đứng sau như sông Đuống (Thiên Đức), sông Cầu tức sông Như Nguyệt (Nguyệt Đức), sông Thương (Minh Đức), Sông Lục Nam (Nhật Đức); dòng chính về xuôi thì có tên là sông Thái Bình. Vì người xưa coi Lục Đầu Giang là nơi hợp lưu của 4 dòng đức lớn trong vũ trụ mang thái bình tức là mang yên ổn thịnh vượng về cho trăm họ, muôn dân.

Ở Kiếp Bạc có đường thủy, đường bộ rất thuận tiện. Từ Kiếp Bạc có thể thuận tới Thăng Long, lên ngược, về xuôi, ra biển đều dễ dàng, nên đây là vị trí chiến lược, "quyết chiến điểm" mà cả quân dân Đại Việt cũng như quân xâm lược phương Bắc đều cần chiếm giữ trong các cuộc chiến tranh

Đúng thật Cao Biền quả là có con mắt và cái nhìn tinh tế của một nhà địa lý. Với những suy đoán như vậy thì tôi có thể khẳng định một điều, khả năng Nguyễn Trãi là phù hợp với những tiên đoán của Cao Biền.

Vậy thì đâu sẽ là nơi yểm Long Mạch của Cao Biền? Xét về mặt logic, nếu ở dãy Côn Sơn thì tại đỉnh Côn Sơn như miêu tả của Cao Biền có thể là nơi mà Cao Biền có nhắc đến. Đỉnh Kỳ Lân chính là dãy Côn Sơn. Trên đỉnh có bàn thờ đá hình bát giác. Tương truyền Nguyễn Trãi Tại Bàn Cờ Tiên trên đỉnh núi Côn Sơn, nơi đây ngày xưa có một am nhỏ hình chữ Công (I), tám mái chảy, có lan can xung quanh. Am này có tên là Am Bạch Vân.



Bàn cờ Tiên trên đỉnh Côn Sơn
 Sau những năm tham gia triều chính, Nguyễn Trãi lui về Côn Sơn và sống cuộc dời ẩn dật và cho làm Bàn Cờ Tiên để tọa thiền nghe thời chính sự. Bàn cờ tiên được làm chính đỉnh núi. Có thể nơi Cao Biền trấn yểm là đây chăng? Có thể Nguyễn Trãi đã biết và cho phá thế yểm của Cao Biền? Để như lời tiên đoán của Cao Biền là có nhân tài kiệt xuất 600 năm mới phát. Đúng! Có thể lắm chứ! Và chính Nguyễn Trãi đã phá thế trận yểm này. Hoàn toàn có cơ sở. Cũng chính vì vậy mà mấy năm sau Nguyễn Trãi dính họa án Lệ Chi Viên.

Ngày mai tôi sẽ lên Côn Sơn. Sáng hôm sau tôi bắt đầu đi. Đến Côn Sơn lần này là lần thứ 3. Kể ra cũng kỳ lạ thật đối với tôi. Có lẽ tôi có duyên với mảnh đất này. Leo 600 bậc, tôi đến đỉnh. Hôm nay đi là ngày thường nên hầu như không có ai đến vãn cảnh. Phong cảnh ở đây đẹp tuyệt vời. Đúng thật với những con người như Nguyễn Trãi thì đây chính là nơi nghĩ mưu đồ chính sự hay nhất, gần gũi với thiên nhiên. Tôi đi đến cái bàn cờ. Gọi là bàn cờ tiên vì ở đỉnh Côn Sơn là một khu đất bằng phẳng, tại đây có một phiến đá khá rộng, tục gọi là Bàn Cờ Tiên. Hiện nay Bàn Cờ Tiên có dựng nhà bia theo kiểu Vọng Lâu đình, hai tầng cổ các tám mái.



Cổng vào Đền thờ Nguyễn Trãi
Thế đâu là bãi yểm của Cao Biền. Chắc chính nơi đặt bàn cờ? Tôi thấy trên khu đất, phiến đã có vẻ bong, chắc do nhiều người chạm vào. Tâm nguyện cuối cùng của tôi đã được trọn vẹn. Tôi đã tìm ra những nơi gọi là những nơi trấn yểm của Cao Biền. Cho dù cái suy luận logic của tôi có thể chưa chọn vẹn, nhưng cũng là cái mà tôi có thể làm được vào lúc này. Tôi ngồi đấy rất lâu, ngắm xung quanh. Chợt tôi nhìn lên phiến đá. Lúc đấy tôi không tin vào mắt mình nữa. Có lẽ cái cảm giác lúc này của tôi chỉ như một người ........ Ngạc nhiên thật. Hình vẽ trên tấm đá đó giống như đúng cái hình vẽ của Cao Biền. Một sự việc mới bắt đầu xuất hiện. Sao lại thế được nhỉ? Cao Biền đã chết cách năm Nguyễn Trãi về đây là 600 năm cơ mà…
Lúc đấy tôi đã thấy những bí ẩn lạ kỳ ở hòn đá tại Bàn Cờ Tiên. Nhiều cái bất ngờ đến với tôi mà tôi không liệu được đấy là do định mệnh hay là sự sắp đặt. Tại sao có những sự việc trùng hợp như vậy, ở tập 3 tôi sẽ kể rõ hơn cho mọi người nghe.

Tập 1: Tấm bản đồ bí ẩn
Tập 3: Đường hầm bí ẩn ở Côn Sơn
Tập 4: Truy tìm kho báu
Tập 5: Mật mã Trâu Vàng - part 1
Tập 5: Mật mã Trâu Vàng - part 2    
 

2 nhận xét:

my_blog nói...

Tý em in tối về nhà em đọc!
Kính cụ.
Nouvo

Unknown nói...

Rất cảm ơn.Thực hiểm có,khó tìm,phải chăng đây là duyên phận tiếp cận được.