Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Nhớ trận Ngọc Hồi Đống Đa

Năm 1789, vua Quang Trung đại phá quân Thanh. Tới nay, 1995, đúng 207 năm sau. Nhắc lại chiến công lừng lẫy cũ, thiết tưởng không gì bằng tìm hiểu về một yếu tố đã góp phần tạo nên chiến công này. Ðó là môn võ đã giúp các binh sĩ Tây Sơn sắc bén hơn khi lâm trận.

Năm Kiến Trung thứ hai (Bính Tuất, 1226), Trần Thủ Ðộ đưa Trần Cảnh lên ngôi, phế Thượng hoàng nhà Lý ra ở chùa Chân giáo, gọi là Huệ Quang Ðại sư, các tử tôn họ Lý lấy làm bất mãn. Nhưng dòng họ Lý truyền từ đời Lý Phật Tử , đã thấm nhuần đạo lý nhà Phật, hiểu ra lẽ vô thường, chấp nhận luật phế hưng mà tản mác ẩn thân.

Mồng 10 tháng 8 năm đó, Thủ Ðộ hại Lý Huệ Tông ở chùa Chân giáo, bắt diệt luôn một số con cháu họ Lý trong dịp này. Nhưng cuộc thảm sát trên chỉ hại được một số nhân vật tầm thường của dòng họ Lý mà thôi.


Tranh minh họa về vua Quang Trung đánh trận
Theo truyền thuyết, những nhân vật thượng thặng của họ Lý đã rời bỏ kinh đô triều chính ngay từ khi Trần Thủ Ðộ được phong làm Thái sư Thông quốc Hành quân Chính Tha sở. Một số theo đường biển lên phương Bắc, đạt tới nước Cao ly, lập nên dòng họ Lý ở đây. Tổng thống Ðại hàn Lý Thừa Vãn phải chăng là hậu duệ của dòng này? Môn võ Thái Cực Ðạo cũng do võ công họ Lý tô điểm nên một phần ?


Một số khác thì bỏ vào Nam lập nghiệp. Phải là những người có khí phách và võ công nội ngoại thâm sâu mới dám đến vùng rừng núi hoang vu, lấn rừng chiếm núi khai hoang.

Tới thế kỷ thứ 17, vùng đất Tây sơn đã khá sầm uất, do những khách giang hồ tứ xứ tới dung thân.

Họ Lý lập nghiệp ở xứ này đã lâu, cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, một số lớn dân từ Nghệ an theo chúa Nguyễn vào Nam khai khẩn đất hoang, hoà nhập vào các giống dân khác như thổ dân Chiêm thành cũ, các thương nhân Trung hoa mà đa số là nghĩa sĩ của các hội Phản Thanh Phục Minh như Thiên Ðịa hội, Trung Hoà đoàn, Nghĩa Hoà đoàn, các bộ tộc miền núi giỏi trận mạc như Sê Ðăng, Ba Na, Gia Rai...


Tranh minh họa vua Quang Trung đánh thành Thăng Long
Nổi bật nhât vẫn là những tôn tộc họ Lý:

- Danh sư Lý Hiến tức Giáo Hiến vốn là môn khách của Nội hữu quan Trương Văn Hạnh, bị quyền thần Trương Phúc Loan gia hại, bất bình bỏ vào Tây sơn mở trường dạy văn học và võ nghệ. Ba anh em Nhạc, Lữ, Huệ đều là học trò của Giáo Hiến.

- Võ sư Ðinh Văn Nhưng, thuộc dòng dõi bên ngoại họ Lý, có ngoại hiệu là ông Chẳng vì tính khí ngang tàng, chẳng chịu khuất thân với ai (Ðinh Văn Nhưng là dòng dõi của quan Lang Hồ Ðinh đất Hoa Lư, một vị quan lang có thanh thế trong cuối đời nhà Lý, được Trần Thủ Ðộ gả con gái nhà họ Lý cho). Thời đó dân Tây sơn đã có câu ví: Ngang quá ông Chẳng. Chính thầy Giáo Hiến có họ ngoại với Ðinh Văn Nhưng nên đã nhờ ông Chẳng Nhưng truyền thêm võ nghệ cho ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ.


CỘI NGUỒN VÕ TÂY-SƠN

Người Việt Nam có dáng người nhỏ nhắn, nhanh nhẹn và rất thông minh. Trải qua bao cuộc chiến chống ngoại xâm, từ hai Bà Trưng, Bà Triệu, đến các đời vua Ðinh, Lê, Lý, Trần... đều đã trải qua nhiều trận chinh chiến và đánh đuổi ngoại xâm ra khỏi bờ cõi.

Các quân đội dũng mãnh phương Bắc như Mông cổ, Mãn Thanh... tuy đánh thắng và đô hộ rất nhiều dân tộc khác nhưng đều đã bị thất bại nhục nhã khi đụng độ với một dân tộc ít người và nhỏ con là Việt nam. Như vậy phải chăng dân tộc Việt nam đã có những căn bản võ công phi thường?


Tranh minh họa vua Quang Trung đánh trận ngày mồng 5 tết Kỷ Dậu
Người Trung hoa và người Pháp tìm đủ mọi cách tiêu diệt các phái võ cổ truyền của dân tộc Việt nam, lại truyền bá võ Tàu, quyền Anh, thâm ý cũng chỉ để tiêu diệt ý thức đề kháng của dân tộc ta, và đó cũng là một phương cách diệt tận gốc các mầm mống chống đối, bạo động. Câu ca dao:

Văn thời Cửu phẩm đã sang
Võ thời Tứ phẩm còn mang gươm hầu
Thể hiện quan niệm trọng văn khinh võ, khiến bao phen đất nước bị ngoại xâm cai trị.

Nghiên cứu sử sách, ta thấy rất ít các trường võ công lập được mở ra tại kinh đô hoặc các đô thị lớn ở nước ta. Trong khi đó, các trường Quốc tử giám, các trường văn học đều được thành lập tại các tỉnh, phủ do các quan Huấn đạo coi sóc. Trường võ không được chuộng nên đã tản mác dần về các vùng thôn dã hẻo lánh để tự tồn tại.

Nền võ học chính tông cổ truyền của dân tộc Việt thường bị các phái Thiếu Lâm, Võ Ðang... từ Trung Hoa sang lấn áp hoặc làm khó dễ trong các thời kỳ Bắc thuộc, các phái võ Việt chính tông thường phải lén lút truyền dạy. Dòng họ Lý, trải qua bao sự thăng trầm, vẫn còn giữ được môn võ gia truyền.

Tới vùng Tây sơn nghiên cứu, ta sẽ thấy võ thuật ở đây khác hẳn võ thuật Trung hoa, Thái lan. Võ nghệ ở đây không có những thế, những chiêu thức tách rời ra như những môn võ khác. Một bài võ truyền dạy gồm hai phần:

- Phần Thiệu: Lời hướng dẫn

- Phần Thảo: Bài múa

Phần Thiệu viết theo văn vần, câu dài ngắn khác nhau tùy theo sự di chuyển của thế võ. Lối dạy cũng khác hẳn các môn phái kia. Khi võ sư đọc Thiệu thì cả trăm người đọc theo đó mà múa Thảo. Múa tới đâu đọc tới đó nên rất dễ nhớ, dễ thuộc, tạo sự nhịp nhàng phấn khởi cho người tập, giúp Tâm, Ý, Lực tam hợp dễ dàng. Võ Nhật, Ðại hàn, Trung Hoa không có phương thức truyền dạy đặc biệt này. Phải chăng vừa múa Thảo vừa đọc Thiện mà các danh tướng Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Ðạo, Nguyễn Huệ... đã đào tạo được một số rất lớn võ sinh cho quân đội?


Vua Quang Trung qua nét vẽ của người Trung Quốc
Trong các bài Thiệu - Thảo còn được lưu truyền ở Tây sơn, sự chuyển thế của bài võ rất liền lạc, đánh đỡ liên chi hồ điệp, không dừng lại lấy tấn hay thủ thế như võ Tàu. Nghiên cứu kỹ một bài võ Tây sơn, chúng ta sẽ thấy các thế võ thoạt trông rất đơn giản nhưng uy lực lớn và nguy hiểm - không có lối múa huê dạng nặng phần trình diễn. Các chiêu thức võ Tây sơn ít động tác, nên tốn ít hơi sức. Mỗi thế đều được nghiên cứu kỹ để khi nhập trận là có ngay kết quả. Mạch võ đi miên man, khiến nhiều khi chỉ có cái chết mới làm cho người đánh võ ngưng lại! Tỷ như bài Thiệu - Thảo bộ Ngọc Trản cho thấy những câu thiện chỉ từ 3 đến 6 chữ, đã diễn tả các thế vừa nhanh, vừa dứt khoát, biến ứng khôn lường.

BÀI THIỆU - THẢO BỘ NGỌC TRẢN

Ngọc trản ngân đài

Tả hữu tấn khai
Hồi thập tự
Luyện diệp liên ba
Ðả sát túc
Tọa hồi mai phục
Tấn đả tam chiêu
Thối thủ nhị linh
Hoành tả toạ
Bạch xà lang lộ
Hữu hoành sát
Thanh long biên giang
Phụ tử tương phùng
Phát hồi địa hổ
Song phi triển dực
Hạ bàn đản đả
Hồi tiễn tọa khai cung
Hoành long quyển địa
Tấn đả song quyền
Hoành tả phục hạc
Khai linh trực tiền quyển địa
Diện tý ngọ
Hồi đả thập tự
Hồi tẩu mã dương tiên
Tam bộ lập như tiền


Vua Quang Trung phát triển uy thế võ Việt họ Lý. Võ Việt đã giúp dân tộc Việt trải qua mấy ngàn năm chinh chiến với kẻ thù lớn mạnh hơn gấp bội mà vẫn giữ được nước. Lý Thường Kiệt từng dùng võ Việt đánh thốc qua biên giới. Thời Quang Trung Nguyễn Huệ cũng đã dùng võ Việt tạo nên những chiến công hiển hách chẳng kém gì.


Ðọc sử, chúng ta thấy trong 4 năm đầu Tây Sơn khởi nghiệp (1771-1775), Nguyễn Huệ vắng bóng. Ðúng 23 tuổi, Nguyễn Huệ xuất hiện trong trận đánh thành Phú yên, giết tướng Nguyễn Văn Hiền, bắt sống tướng Nguyễn Khoa Kiên - đại tướng Tống Phước Hiệp bỏ trận địa lẩn trốn mới thoát thân - Tướng Tống Văn Khôi đem binh tiếp viện bị Nguyễn Huệ phá tan và giết Khôi tại trận. Hai chục ngàn quân của Tống Phước Hiệp chỉ trong một trận mà tan tành.

Chỉ khi Nguyễn Huệ xuất hiện ta mới thấy các tướng giỏi lộ diện ra phò như Võ Văn Dũng, Trần Quang Diệu, Bùi Thị Xuân, các Ðô đốc Tuyết, Long, Bảo, Lộc... rồi các danh tướng Bắc Hà cũng theo về như Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân... nhìn như vậy, ta thấy Nguyễn Huệ phải là người có tài điều binh khiển tướng, nên đã biết tạo cơ hội cho các tướng tài có dịp thi thố tài năng, lập nên nhiều chiến công hiển hách.


Tượng đài vua Quang Trung ở Bình Định
Nói về tài điều binh thì Quang Trung là một vị vua không bao giờ dùng quân ngự lâm hoặc ưu binh ở bên mình. Lính mới tuyển bao giờ cũng được đi trung quân với nhà vua để được huấn luyện. Trận Ðống Ða, chiến bào của nhà vua đen kịt khói thuốc súng, như vậy chứng tỏ vua tôi Tây Sơn cùng xông pha tên đạn với nhau, tạo nên một tinh thần chiến đấu dũng cảm phi thường làm bạt vía quân địch.

Chính vào thời vua Quang Trung, võ Việt đã có dịp thử sức với các môn võ của các nước lân cận. Năm 1785, trong trận Rạch Gầm - Xoài Mút, võ Tây sơn đã có dịp thi thố với võ Muay Thai, phá tan hai vạn quân Xiêm trong một trận duy nhất. Năm 1789 trong trận Ðống Ða, võ Ta đã có dịp thi thố với võ Tàu, phá tan 300,000 quân Thanh tan tành. Nếu đọc truyện võ hiệp Trung hoa, chúng ta sẽ thấy các truyện về võ thuật đời nhà Thanh rất oai phong lẫm liệt với vị vua chuộng võ là Càn Long. Vậy mà tất cả đã thua võ Việt dưới thời Tây Sơn một cách thảm bại.

Do đâu mà Tây Sơn đã tạo được đạo quân bách chiến bách thắng như vậy? Nghiên cứu võ học Tây Sơn, chúng tôi mạo muội nêu ra một vài nhận định như sau:

- Nhờ lối võ Việt của họ Lý, từ đời Lý Thường Kiệt truyền lại, mà quân đội Tây Sơn đã có được phương pháp chiến đấu thần kỳ. Phương pháp này đã được nhà văn Kim Dung để trong truyện Tiếu Ngạo Giang Hồ là Vô chiêu thắng Hữu chiêu. Chính Dương Thanh Phong khi dạy võ cho Lệnh Hồ Xung cũng đã chỉ trích võ thuật Trung hoa rằng: "Khi ngươi đã tinh thông về cửu kiếm thì muốn thi triển thế nào cũng được, dù ngươi có quên sạch mọi chiêu số biến hóa cũng không sao, lúc lâm địch, ngươi không còn nhớ một chút gì nữa thì càng không bị ràng buộc bởi những kiếm pháp đã học". Vậy phải chăng võ Việt là thứ cửu kiếm kể trên lấy nhanh và đơn giản làm chuẩn nên đã bao phen cả thắng? Ðiều này cũng có thể tin được hơn khi vua Quang Trung cũng chủ trương hành quân tốc chiến tốc thắng như vũ bão.


- Lối xung trận của vua Quang Trung rất qui củ. Khi bắt đầu tấn công ở từ xa thì dùng đại bác do voi chuyên chở. Tới gần hơn thì dùng súng hỏa mai và cung nỏ. Khi sát trận thì dùng những tấm ván dài lớn có bện rơm như những cái khiên lớn. Mỗi tấm ván là hai chục binh sĩ xung kích đi theo. Tới chân thành lũy, ván che thân sẽ biến thành cái cầu để vượt hào sâu, băng mình lên lũy cao tấn công. Như thế Quang Trung đã biến các tấm ván bện rơm tầm thường thành một thứ chiến xa lợi hại.


Gò Đống Đa nơi Sầm Nghi Đống tự tự
- Vua Quang Trung còn lợi dụng luôn cả âm thanh vào cuộc tấn công. Mỗi bộ trống võ Tây Sơn là cả chục cái trống nhỏ khác nhau. Khi hãm thành vào ban đêm, cả trăm dàn trống vang rền những âm thanh khác biệt như xa như gần... tạo nên những âm hưởng như thiên binh vạn mã đang vào tới. Chính các trận Hà Hồi, Ngọc Hồi... trống trận Tây Sơn đã khiến quân nhà Thanh hoảng vía mà tan tác vì mất tinh thần.


Gò Đống Đa ngày xưa
- Về vũ khí, theo sự mô tả của giáo sĩ Jean de Jésus, quân Tây Sơn đã dùng loại vũ khí Hoả Hầu là một cái lao gồm hai phần: Một cây sào dài nơi đầu gắn thêm một cây gậy gỗ có gài sắt tua tủa và tẩm nhựa. Khi xung trận đầu lao tẩm nhựa có gài đuốc đốt cháy rồi đâm hoặc phóng vào quân địch, khiến địch quân bị gai móc vào áo quần, thành lũy bị đốt cháy. Phép phóng lao Hoả hầu do đội Hỏa hầu cảm tử xung trận đã khiến dàn voi trận của Xiêm la hoảng hồn bỏ chạy, đâm chết biết bao quân Xiêm.

Nhắc lại võ học Tây Sơn để nhớ lại một chiến công hiển hách đánh đuổi xâm lăng của dân tộc Việt, chúng tôi muốn nhân dịp này khơi lại những hay đẹp đã đóng góp, tạo nên bốn ngàn năm văn hiến Việt nam.

Không có nhận xét nào: