Chủ Nhật, 14 tháng 10, 2012

Dư địa chí - Nguyễn Trãi

I

Năm thứ 2 niên hiệu Thiệu-bình (1435), đức giáo của nhà vua đã lan xa đến bốn chung quanh, các nước chư hầu đều đến triều cống. Hành khiển (hoặc Tế văn hầu) là Lê Trãi (1) bèn làm sách tiến lên vua (2) nói rằng: Nước ta mới mở, gồm có sông núi, phía đông giáp biển. phía Tây đến nước Thục, phía Nam đến Chiêm-thành, phía Bắc đến hồ Động-đình (3).

Hành khiển là tên chức quan. Chức trọng của bản triều chỉ có tể tướng và hành khiển, Nguyễn Trãi là người xã Nhị-khê, huyện Thượng-phúc, được phong tước Tế văn hầu, tên hiệu là Ức Trai. Thục là tên nước, bây giờ là tỉnh Vân-nam. Chiêm-thành ngày xưa là nước Hồ-tôn (5). Động-đình (6) là tên hồ, ở về đất Sở (7), chu vi tám trăm dặm, trông ra bốn mặt, mênh mông không bờ, tưởng như mặt trời, mặt trăng mọc lặn đều ở trong hồ. Các sông ở vùng tỉnh Mân, tỉnh Quảng đều chảy tụ vào đấy (8). Trong hồ có hai quả núi: một núi gọi là Quân-sơn, núi ấy sản thứ hồng quất, thứ chè tước thiệt (9), thứ trúc đồi mồi. Ở đây có đền thờ Tương-quân (10) là con gái vua Nghiêu. Một núi gọi là Lộc-giác, nơi nhà cũ của Đào Chu (11).

II

Vua đầu tiên là Kinh-dương-vương, sinh ra có đức của bậc thánh nhân, được phong sang Việt-nam, làm tổ Bách-việt.
Tổ tiên nước Việt ta tương truyền vua đầu tiên gọi là Kinh-dương, dòng dõi vua Viêm-đế. Vua cha là Đế-minh đi tuần thú đến miền Hải-nam, gặp con gái bà Vụ-tiên, lấy làm vợ, sinh ra con trai tên là Lộc Tục. Lộc Tục phong tư đoan chính, có thánh đức, vua Đế Minh yêu quý lạ thường, muốn lập nên nối ngôi. Lộc Tục cố nhường cho anh. Vua Đế Minh mới phong Lộc Tục sang nước Việt-nam. Ấy là Kinh-dương-vương.

III

Hùng Vương tiếp nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn-lang; chia trong nước làm 15 bộ (1): Giao-chỉ, Chu-diên, Vũ-ninh, Phúc-lộc, Việt-thường, Ninh-hải, Dương-tuyền, Lục-hải, Vũ-định, Hoài-hoan, Cửu-chân, Bình-văn, Tân-hưng, Cửu-đức.
Hùng vương là con Lạc-long, cháu Kinh-dương. Nơi đóng đô gọi là Văn-lang. Truyền 18 đời đều gọi là Hùng-vương.

IV

Đến khi Hán đánh được Triệu, Vũ đế (1) đem đất chia làm các quận: Nam-hải, Thương-ngô, Uất-lâm, Hợp-phố, Giao-chỉ, Cửu-chân, Nhật-nam, Châu-nhai, Đạm-nhĩ.

Vũ đế nhà Triệu tên là Đà dựng nước ở Phiên-ngung (bây giờ thuộc tỉnh Quảng-đông) (2). Truyền ngôi được 6 đời, đến Vệ-dương mới (3) mới mất nước. Khoảng niên hiệu Nguyên-thú (4) thời Tây-Hán, Vũ-đế (1) sai bọn Lộ Bác Đức đánh diệt Triệu. Nam-hải là quận cũ đời Tần, nay là tỉnh Quảng-đông. Thương-ngô, Uất-lâm là quận Quế-lâm (5) đời Tần. Hợp-phố (6) là thuộc Tượng-quận (7) đời Tần, Giao-chỉ (8), Cửu-chân (9), Nhật-nam (10) là thuộc Tượng-quận đời Tần. Châu-nhai (11), Đạm-nhĩ (12) (người châu Đạm-nhĩ, khi đẻ ra thì xăm ở da má lên đến vành tai vài đường, hình như ruột gà, lòng thòng xuống đến vai) (13) là châu Đạm, châu Quỳnh bây giờ (14), đều ở trong biển lớn. Sách Hoàn vũ ký (15) chép: Vĩnh-gia (16) là Đông-âu. Uất-lâm là Tây-âu. Sách Dư địa chí (17) chép: quận Giao-chỉ ở đời Chu là Lạc-Việt, ở đời Tần là Tây-âu. Sách Sách ẩn (18) chép: Nay người Châu-nhai, Đạm-nhĩ gọi là người Âu. Ấy là Âu-Việt.

V


Miền Ngũ-lĩnh (1) phụ thuộc vào Trung-quốc, trải qua đời Ngô (2), đời Tấn (3) đến đời Tùy (4), đời Đường (5) làm tiện nghi cho Trung-quốc.
Đông Ngô là họ Tôn, Tấn là họ Tư-mã, [nhà Tấn có] Đông và Tây Tấn, Tùy là họ Dương, Đường là họ Lý. Khi nước ta nội thuộc, Bắc triều có đặt thái thú (6), thứ sử (7), đô đốc (8), tiết độ (9) để quản hạt.

VI

Vua Tiền Ngô dẹp quân Hán, khôi phục nước nhà; đất đai thu được, phía bắc giáp Lưỡng Quảng, phía nam đến Địa-lý (1) tất cả là hai nghìn tám trăm dặm, phía đông tiếp với cửa biển ở Khâm-châu (2), phía tây giáp tỉnh Vân-nam, tất cả là một nghìn bảy trăm dặm.

Vua Tiền Ngô, họ là Ngô, tên là Quyền. Hán là nhà Nam Hán (3). Nha tướng là Kiều Công Tiện (4) làm việc thí nghịch; vua Hán là Lưu Cung muốn nhân loạn ấy mà đánh lấy nước ta, bèn phong cho Vạn vương là Hoằng Tháo làm Giao vương đem quân xuống miền Nam. Ngô vương từ Ái-châu (5) ra Bắc, đánh bại Hoằng Tháo ở sông Bạch-đằng (6), bắt sống được Hoằng Tháo. Lưỡng Quảng là Quảng-đông, Quảng-tây, Địa-lý là tên đạo, tức là Nam-giới (7) bây giờ.

VII

Phủ gồm có 50 phủ. Châu gồm có 41 châu. Huyện gồm có hơn 10 huyện. Nhân hộ gồm ba trăm mười vạn đinh. Nhà Lê chia thiên hạ làm 10 đạo. Hộ bộ đệ tiến số dân là năm trăm vạn sáu nghìn năm trăm đinh. Nhà Lý chia thiên hạ làm 24 lộ (1). Hành-khiển dâng số hộ là ba trăm ba mươi vạn một trăm đinh. Nhà Trần chia thiên hạ làm 12 xứ (2). Viện quan dâng sổ vàng thì hạng đại nam, trung nam (3) có bốn trăm chín mươi vạn đinh, hạng hoàng nam (4) có hai trăm mười vạn bốn nghìn ba trăm đinh.
Bản triều thống nhất, chia thiên hạ làm 15 đạo (5) gồm có 56 phủ, 187 huyện, 54 châu, (…) hương, 9728 xã, 294 thôn, 59 phường, 119 châu (bãi), 116 trang, 534 động, 465 sách, 58 sở, 74 trại, 16 nguyên, 110 duềnh. Đinh số là bảy mươi vạn chín trăm bốn mươi suất.

Ấy là mục lục số châu, huyện, hộ khẩu qua các triều đại. Sau khi Nhị Hồ (6) bị bắt, người Minh kê số lấy được có 48 phủ châu, 168 huyện (7), 3.169.500 hộ, 112 con voi, 420 con ngựa, 35.700 con trâu, 8.865 cái thuyền. Sauk hi [Lê] Thái-tổ đã bình định được Ngô (8), chuẩn định số đinh thì Sơn-nam có 140.000 suất, Hải-dương có 110.000 suất, Sơn-tây và Kinh-bắc đều có 100.000 suất, Thanh-hóa có 70.000 suất, Nghệ-an có 50.000 suất, An-bang và Thái-nguyên đều 20.000 suất, Tuyên và Hưng đều có 18.000 suất, Cao-bằng và Lạng-sơn đều có 11.200 suất, Thăng-hoa có 540 suất.
Ngô thị nói: Năm mươi con trai của Lạc-long theo mẹ là Âu-cơ lên núi, người con trưởng được suy tôn làm Hùng vương, còn các con thứ chia nhau giữ các bộ, sách để quản trị, ấy là những động, sách, trang, phường bây giờ. Thái-tông, Thánh-tông nhà Lý đánh Chiêm, bắt được người Chiêm đem về chia cho ở các châu, ấp; các ấp ấy đều phỏng theo tên cũ của Chiêm, tức là các trại, sở bây giờ.

Nguyễn thị nói: Xét trong khoảng trung diệp (9) 2 châu, 4 động, 5 huyện của An-quảng lệ thuộc về Khâm-châu, Hưng-hóa có 17 châu thì 7 châu lệ thuộc vào nội địa (10). Hai đạo Thuận và Quảng phân ra làm Nam hà. Từ niên hiệu Dương-hòa (1635-1643) về sau, chỉ còn có 13 đạo, 50 phủ, 166 huyện, 48 châu, 8.671 xã. Khoảng niên hiệu Long-đức (1732-1735), phủ chúa (11) vâng chiếu định số dân thì thực thụ là 311.670 suất, ở trong số đó chia ra các hạng viên nha, ngụ lộc cùng thợ thuyền và các người am hiểu văn tự, các người nộp diêm tiêu là 32.676 suất chỉ còn số thực nạp là 276.201 suất.

VIII

[Nhà vua] bèn sai Dân bộ (1) biên vào chính thư. Hoàng đế phán rằng: danh hiệu quốc đô xưa nay thay đổi cùng núi sông, phong tục, nhân vật, tiên sinh nên kê lần lượt, chép rõ ràng để trẫm theo các điều đã nghe, đã viết.
Dân bộ là Hộ bộ. Chính thư là sách hành chính lúc bấy giờ.

IX

Hầu (1) bèn tâu lên rằng: Kinh-dương-vương dựng nước gọi là Xích-quỷ. Hùng-vương gọi nước là Văn-lang đóng đô ở Phong-châu (2). Thục gọi nước là Âu-lạc đóng đô ở Phong-khê (3). Triệu gọi nước là Nam-việt, đóng đô ở Phiên-ngung. Trưng lại gọi là Hùng-lạc, đóng đô ở Mê-linh (4).
Phong-châu là Bạch-hạc thuộc phủ Tam-đái bây giờ. Phong-khê là Cổ-loa thuộc phủ Đông-ngạn bây giờ. Phiên-ngung ở phía tây-nam châu trị Quảng-đông ba mươi dặm. Mê-linh và Hát-môn thuộc huyện Phúc-lộc bây giờ.

X

Tiền-Lý gọi nước là Vạn-xuân, đóng đô ở Long-biên (1). Triệu gọi nước là Việt-Triệu, đóng đô ở Chu-diên (2). Đào-lang gọi nước là Dã-năng (3). Hậu Lý đóng đô ở Ô-diên (4) rồi dời sang Phong-châu (5), Ngô gọi nước là Tiền-Ngô (6) đóng đô ở Loa thành.
Long-biên là thành Thăng-long bây giờ. Chu-diên là huyện Yên-lãng thuộc Sơn-tây bây giờ (7), Dã-năng ở vào khoảng Tuy-viễn, Hoài-an bây giờ, chưa biết đích là chỗ nào. Ô-diên thì ngày xưa thuộc Từ-châu, bây giờ là huyện Từ-liêm (8). Loa-thành là thành An-dương-vương đắp.

XI

Đinh gọi nước là Đại-Cồ-Việt, đóng đô ở Hoa-lư (1). Lý gọi nước là Đại-Việt đóng đô ở Thăng-long (2). Trần đến bản triều (3), quốc hiệu vẫn theo như Lý, mà cũng đóng đô ở đấy.
Hoa-lư xưa là Đại-hoàng (4), bây giờ là phủ Trường-yên (5). Thăng-long ngày xưa là thành Đại-la. Khi nhà Lý thiên đô ra đấy có rồng vàng hiện ra ở phía tây thành ấy, nhân thế đổi tên làm Thăng-long. Trần lấy đấy làm Trung-kinh. Hồ thiên đô sang An-tôn (6) lấy Trung-kinh làm Đông-đô. Thái-tổ định thiên hạ đổi tên là Đông-kinh (7).

XII

Nước ta cống sính Bắc triều (Trung-quốc) có lúc gọi là Việt-thường (1), lúc gọi là Giao-chỉ, lúc gọi là An-nam.
Hồng-bàng thị bắt đầu cống sính nhà Chu gọi là Việt-thường thị. Từ Đinh-tiên-hoàng đến Lý Anh-tông, cống sính nhà Tống thì tên nước là Giao-chỉ. Từ Anh-tông đến bây giờ, cống sính nhà Tống, nhà Nguyên, nhà Minh thì đều gọi tên nước là An-nam.

XIII


Những sách, chương của Thiên-vương (1), có lúc gọi là Việt-nam, Nam-việt, Giao-chỉ, An-nam, Nam-bình. Nay cũng gọi là Việt-nam.

Sách là kim sách (sách vàng), chương là long chương (ấn rồng). Xét vua Đế Minh phong Kinh-dương làm Việt-nam-vương (2), Hán phong Triệu Đà làm Nam-việt-vương, Tống phong cho Đinh, Lê, Lý gọi là Giao-chỉ quận vương, rồi tiến phong Nam-bình vương; sau khi Nam-bình vương mất, lại tiến phong làm Nam-việt-vương. Đến thời Lý Anh-tông, đổi Giao-chỉ làm nước An-nam, phong cho vua làm An-nam quốc vương, ban cho ấn vàng quốc vương. Tên nước gọi là An-nam bắt đầu từ nhà Lý, nhà Trần trở về sau, đều theo tên ấy.

XIV

Nay thần vâng thánh chỉ, đã nói về bang, sư lại xét thổ sản các nơi, để định việc cống phú.
“Bang” là quốc hiệu, “Sư” như chữ sư ở Lạc sư (1)

XV

Thượng kinh
Thượng-kinh là kinh đô của vua. Thời Ngô, quận-thú là Sĩ vương (1) đóng đô ở đấy. Thời Đường, đô-hộ là Cao-vương (2) đắp thành Đại-la ở đấy. Từ Lý đến nay, cũng đóng đô ở đấy. Có 1 phủ lộ, 2 thuộc huyện, 36 phường.
Cẩn án – Phủ là Phụng-thiên (3), 2 huyện là Thọ-xương (4) (xưa gọi là Vĩnh-xương) và Quảng-đức (5), mỗi huyện đều có 18 phường.

XVI

Ở vùng này, đất thì vàng, mềm; ruộng thì vào hạng thượng trung (1). Phường Tàng-kiếm làm kiệu, áo giáp, đồ dải mâm, võng (2), gấm trừu và dù lọng. Phường Yên-thái làm giấy. Phường Thụy-chương và phường Nghi-tàm dệt vải nhỏ và lụa. Phường Hà-tân nung đá vôi. Phường Hàng-đào nhuộm điều. Phường Tả-nhất làm quạt. Tây-hồ có cá to. Phường Thịnh-quang có long nhãn. Phường Đường-nhân bán áo diệp y (3). Đồ tiến cống có gấm vóc, đồ thêu, các chất thơm, cùng ba loài kim (4)

Đường-nhân là phố khách thương Quảng-đông, Quảng-tây. Diệp y là thứ áo người Trung-quốc mặc: áo trong thì tay áo, thân áo đều dài, áo ngoài thì tùy thứ tự mà quấn lên, trông tựa lá màu xanh biếc, Tây-hồ tức là hồ Dâm-đàm ngày xưa; nhà Lý, nhà Trần lập hành cung ở đấy để xem cá.

XVII

Biển (1) cùng Lục-đầu (2), Yên-tử (3) ở về Hải-dương (4)

Biển là Biển Đông, Lục-đầu là tên sông, do sáu con sông hợp nguồn lại, nên gọi là “lục đầu”. Yên-tử là tên núi. Các vua nhà Trần thường xuất gia tu hành ở đấy (3). Hải-dương tức là bộ Dương-tuyền ngày xưa, đông và tây giáp Kinh-bắc và Yên-quảng, bắc và nam giáp Thái-nguyên và Sơn-nam. Ấy là trấn thứ nhất trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía đông. Có 4 lộ phủ, 18 thuộc huyện, 1.377 làng xã.
Cẩn án – Phủ Thượng-hồng (5) xưa là Hồng-châu, nay là Bình-giang, có 3 huyện, 210 xã: huyện Đường-hào (6) có 68 xã, 1 thôn; huyện Đường-an (7) có 59 xã; huyện Cẩm-giàng (8) có 83 xã. Phủ Hạ-hồng (9) (nay là Ninh-giang) có 4 huyện, 371 xã; huyện Gia-phúc (10) (nay là Gia-lộc) có 84 xã; huyện Thanh-miện (11) có 54 xã; huyện Tứ-kỳ (12) có 128 xã, 1 trang, 1 sở; huyện Vĩnh-lại (13) (xưa là Đồng-lại), có 105 xã, 5 trang. Phủ Nam-sách (14) có 4 huyện, 287 xã; huyện Thanh-lâm (15) có 78 xã, 1 sở, 1 trại; huyện Chí-linh (16) có 57 xã; huyện Thanh-hà (17) có 62 xã; huyện Tân-minh (18) có 92 xã, 12 trang. Phủ Kinh-môn (19) tục gọi là Thất-quận, có 7 huyện, 507 xã; huyện Kim-thành (20) xưa là (Trà-bái) có 71 xã; huyện Hiệp-sơn (21) có 62 xã; huyện Đông-triều (22) có 110 xã; huyện Thủy-đường (23) có 81 xã, 2 thôn; huyện An-dương (24) có 63 xã, huyện An-lão (25) có 59 xã, 2 trang; huyện Nghi-dương (26) (là Dương-kinh thời Mạc) có 61 xã, 12 sở.

XVIII

Ở vùng này đất thì trắng, mềm, hợp (nguyên văn là “nghi”) với việc trồng thuốc hút; ruộng thì vào hạng thượng thượng (1). Gỗ thì có tùng, bách, hòe, liễu. Nửa lộ sản dừa, cau. Ngải-môn (2) và Dương-áo (3) sản vật có nhiều thứ, Đường-hào (4) có cá đuối. Hai huyện An có gà chọi. Đồng-lại có cam đường. Núi Hoa-triều (5), núi Kinh-chủ (6) sản đá hoa. Ấp Mao-điền (7), ấp Bất-bế (8), ấp Hội-am (9) dệt vải nhỏ.

“Nghi” (10) là sự thích hợp với thứ gì ở một đạo. Núi Yên-tử sản tùng, bách. Huyện Chí-linh sản hòe, liễu. Huyện Đồng-lại sản cam đường, cam tươi. Huyện Tứ-kỳ sản dừa hơn nơi khác. Ngải-môn thuộc huyện Đồng-lại. Dương-áo thuộc huyện Tiên-minh, là tên hai cửa biển. Đường-hào là tên sông. Cá đuối giống như loài quy giáp trùng, dao ở chân (11) có độc, có thể làm chết người, nên người bắt được cá ấy chặt chân nó vứt xuống sông. Hai huyện An là An-dương, An-lão. Hai huyện ấy sản giống gà chọi tục gọi là “kê ổ”. Hoa-triều thuộc huyện Đông-triều, Kinh-chủ thuộc huyện Hiệp-sơn, đá của hai núi ấy có vân như mây, có thể làm khánh. Ấp Mao-điền thuộc huyện Cẩm-giàng, ấp Hội-am, ấp Bất-bế đều thuộc huyện Đồng-lại nay là huyện Vĩnh-lại. Ba ấp ấy có vải nhỏ đẹp hơn lụa, đựng vào trong hộp tre để tiến cống.
Lý thị nói (12): Đạo Hải-dương đất tốt, người hung hãn, Thái bình thì thuận tòng, thời loạn thì cường ngạnh, từ Đinh, Lý đến giờ vẫn thế; chức trấn-phủ ở đạo ấy không thể không kén chọn người.

XIX

Đà-dương (1), Tản-viên (2) ở về Sơn-tây (3).
Đà-dương là tên sông, sông ấy phát nguyên tự Lô-hán (4) đến Trung-hà (5) thông với sông Thao (6) đến Bạch-hạc (7) hợp với sông Nhị-hà, Tản-viên là tên núi, núi có ba ngọn cao chót vót, hình như cái tán vì thế mới gọi là “Tản viên”. Núi ấy là núi tổ của nước ta đó. Sơn-tây tức là bộ Chu-diên (8), bộ Phúc-lộc (9) ngày xưa; đông và nam giáp Thượng-kinh, Sơn-nam, tây và bắc giáp Tuyên (9), Hưng (10). Đấy là trấn thứ hai trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía tây. Có 6 lộ phủ, 24 thuộc huyện, 1.368 làng xã.
Cẩn án – Phủ Quốc-oai (11) có 5 huyện, 251 xã: huyện Từ-liêm (12) có 83 xã, 9 thôn, 6 châu, 4 sở, 2 trại; huyện Đan-phượng (13) có 35 xã, 5 thôn, 7 châu (bãi); huyện Phúc-lộc (14) (Mê-linh ngày xưa) có 51 xã, 5 thôn, 5 châu, 1 sở; huyện Yên-sơn (15) có 42 xã, 2 thôn, 2 trang, 2 trại; huyện Thạch-thất (16) có 41 xã, 1 trang. Phủ Tam-đái (17) (Phong-châu ngày xưa) có 6 huyện, 444 xã: huyện Yên-lãng (18) (Chu-diên ngày xưa) có 63 xã, 6 châu (bãi), 1 sở, 3 trại; huyện Yên-lạc (19) có 100 xã, 2 thôn, 8 châu (bãi); huyện Bạch-hạc (20) (đất Phong-châu có cây chiên đàn, chim hạc trắng đậu ở trên cây, thế mới gọi là “Bạch hạc”) có 63 xã, 5 thôn, 2 châu; huyện Tiên-phong (21) có 50 xã; huyện Phù-khang (22) có 68 xã; huyện Lập-thạch (23) có 101 xã. Phủ Lâm-thao (24) có 4 huyện 230 xã: huyện Sơn-vi (25) có 63 xã, 1 thôn; huyện Thanh-ba (26) có 56 xã, 1 thôn, 1 trang, 1 châu (bãi); huyện Hoa-khê (27) có 55 xã, 1 thôn, 7 trang, 1 trại; huyện Hạ-hòa (28) có 56 xã, 1 châu (bãi), 6 trang. Phủ Đoan-hùng (29) có 5 huyện, 277 xã: huyện Đông-lan (30) có 70 xã, 3 trang; huyện Tây-lan (31) có 54 xã; huyện Sơn-dương (32) có 42 xã, 4 trang; huyện Dương-đạo (33) có 37 xã; huyện Tam-dương (34) có 72 xã, 1 trang. Phủ Đà-dương (35) có 2 huyện, 76 xã (là Đà-dương ngày xưa): huyện Tam-nông (36) có 40 xã; huyện Bất-bạt (37) có 36 xã, 3 thôn, 1 trang, 1 trại. Phủ Quảng-oai (38) có 2 huyện, 91 xã: huyện Mỹ-lương (39) có 45 xã, 4 thôn, 1 trại; huyện Minh-nghĩa (40) có 46 xã, 2 thôn, 2 châu.

Nguyễn thị nói: Thượng lưu sông Đà có hai thác đá ở trên và ở dưới, thuyền bè đông tây đi đến bị nước dội xuống như đổ bình nước, thương nhân phần nhiều khổ về nỗi thuyền bè vướng vấp. Lại ở Việt-châu (41) có thứ quýt vàng, đến tháng chín thì vỏ đỏ đẹp. Mộc-châu (41) có cây dã lô, đến tháng 3 thì bắt đầu nẩy mầm mọc lá, khe suối ngấm lá các cây ấy rồi chảy ra sông Đà, thổ nhân ăn uống nước ấy thành ra bệnh báng. Ngày trước Vương Kiến người ở Kiến-xương (42) bị người Minh bắt vào làm việc ở sơn trường, cha Kiến làm bài thơ dặn bảo rằng: “Xuân mạt quất tiên minh, đông sơ lô diệp sinh, phụ tử hảo tương kiến, tảo vãn ngã môn đình” (tạm dịch: cuối xuân sắc quýt đẹp, đầu đông lá lô sinh, cha con cùng gặp mặt, sớm tối chốn môn đình) (43). Kiến theo lời cha dặn, nên người đi làm đều bị bệnh sốt rét ngã nước, chỉ một mình Kiến không việc gì. Cổ ngữ có câu: “Đà-giang chướng địa, giản lại bôn lư” (nghĩa là: miền Đà-giang là nơi lam chướng, chỗ khe thác phải thúc lừa chạy mau). Câu ấy thực đáng tin.

Phụ lục – Thần núi Tản-viên (44) gọi là Trụ quốc đại vương, linh hiển có tiếng. Nhân-tông triều Lý sai thợ làm đền thờ ở trên ngọn núi thứ nhất, có lầu 20 tầng. Tĩnh vương (45) dẹp miền Tây muốn lên trên ấy, hốt nhiên mưa gió nổi dữ, tướng sĩ lạc đường không trèo lên được.

Lý thị nói: Ở vùng Sơn-tây người thuần hậu, phong tục chất phác, tuy qua nhiễu loạn, chưa hề cường ngạnh bao giờ.

XX


Ở vùng này, đất thì trắng, mềm hợp với bãi trồng dâu; ruộng thì vào hạng thượng trung (1). Huyện Tiên-phong có lụa. Huyện Bất-bạt có dầu, rào chắn (2), gai, đay và đồ nhung liệu. Huyện Mỹ-lương có ngà voi, sừng tê. Huyện Tam-nông có chè tai mèo, sáp vàng, sáp trắng. Làng Nguyên-thán có vải nhỏ. Sông Hát-giang có cá anh vũ. Huyện Sơn-vi có trĩ trắng, sơn, tơ.

Hát-giang (3) ở huyện Phúc-lộc. Tương truyền sông Hát phát nguyên từ Giang-hán (4), trong sông có cây chiên đàn (5) cao hơn 10 trượng, lâu năm cây già, rễ cây xuyên thông với sông Giang-hán, cá anh vũ đi theo đấy về phía nam. Các triều bắt cống cá ấy để cúng tế. Sáp có hai thứ vàng và trắng, thứ trắng dùng để trang điểm, thứ vàng dùng làm nến thắp.

XXI

Nông-kỳ, Đội (2), Điệp (3) ở về Sơn-nam (4).
Nông-kỳ là tên sông, Đội, Điệp là tên hai núi, triều Lý làm cung ở hai núi ấy, để làm nơi tuần hạnh, triều hội. Sơn-nam là quận Giao-chỉ ngày xưa; đông và bắc thông với Hải-dương, Thượng-kinh, tây và nam thông với Sơn-tây, Thanh-hóa. Đấy là trấn thứ ba trong bốn kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía nam. Có 9 lộ phủ, 36 thuộc huyện, 2.059 làng xã.
Cẩn án – Phủ Thường-tín (5) có 3 huyện, 224 xã: huyện Thanh-đàm (6) có 78 xã, 5 thôn, 3 sở; huyện Thượng-phúc (7) có 57 xã, 1 sở; huyện Phú-xuyên (8) (xưa là Phù-vân) có 76 sở, 1 trại. Phủ Ứng-thiên (9) (đời Lý làm Nam-kinh) có 4 huyện, 245 xã: huyện Thanh-oai (10) có 80 xã, 5 thôn, 2 trang; huyện Chương Đức (11) có 65 xã, 3 thôn, 3 trang, 1 sở; huyện Sơn-minh (12) có 55 xã; huyện Hoài-an (13) có 45 xã, 3 trang, 1 sở. Phủ Lý-nhân (14) (xưa là Lợi-nhân) có 5 huyện, 277 xã: huyện Nam-xương (15) có 83 xã, 1 sở, 3 trang, 1 trại; huyện Duy-tân (16) có 58 xã; huyện Thanh-liêm (17) có 60 xã, 2 sở, 2 trại; huyện Kim-bảng (18) có 49 xã, 1 thôn, 2 sở, 2 trang, 1 trại; huyện Bình-lục (19) có 27 xã, 7 thôn, 5 trang, 1 trại. Phủ Khoái-châu (20) có 5 huyện, 243 xã (Nguyễn Khoái đánh giặc Nguyên có công, Trần Nhân-tông cho một quận làm ấp thang mộc gọi là Khoái-lộ, bây giờ là Khoái-châu): huyện Đông-yên (21) có 75 xã; huyện Kim-động (22) (xưa là Đằng-châu) có 46 xã, 11 thôn; huyện Phù-dung (23) (xưa là Phù-hoa) có 43 xã; huyện Tiên-lữ (24) có 52 xã, 4 thôn, 1 trang; huyện Thiên-thi (25) có 31 xã, 8 thôn.Phủ Tân-hưng (26) có 4 huyện, 270 xã: huyện Ngự-thiên (27) có 51 xã; huyện Thanh-lan (28) có 43 xã; huyện Duyên-hà (29) có 42 xã; huyện Thần-khê (30) có 34 xã. Phủ Thái-bình (31) có 4 huyện, 187 xã: huyện Quỳnh-côi (32) có 42 xã, 1 thôn; huyện Phụ-dực (33) có 35 xã, 2 châu; huyện Đông-quan (34) có 50 xã, 1 trang; huyện Thụy-anh (35) có 60 xã, 1 thôn, 1 trang.Phủ Nghĩa-hưng (36) (xưa là Ứng-phong, triều Lý lập hành cung ở đấy để xem việc cấy cầy) có 4 huyện, 245 xã: huyện Thiện-bản (37) có 79 xã; huyện Đại-an (38) (xưa là Đại-ác, triều Lý đổi thành Đại-an) có 71 xã; huyện Vọng-doanh (39) có 49 xã; huyện Ý-yên (40) có 36 xã. Phủ Thiên-trường (41) (xưa là Tức-mặc, triều Trần đổi làm Thiên-trường) có 4 huyện, 317 xã; huyện Giao-thủy (42) có 79 xã, 33 trang; huyện Nam-chân (43) có 109 xã, 6 thôn; huyện Mỹ-lộc (44) có 51 xã; huyện Thượng-nguyên (45) (xưa là Thượng-hiền) có 78 xã, (…) thôn, 1 trại.Phủ Kiến-xương (46) có 3 huyện, 162 xã: huyện Thư-trì (47) có 59 xã; huyện Chân-định (48) có 65 xã; huyện Vũ-tiên (49) có 38 xã.

XXII

Ở vùng ấy, đất thì đỏ, dính, màu mỡ cùng sắc xanh đen (1); ruộng thì vào hạng thượng thượng (2). Cả lộ nhiều vải nhỏ, Thanh-oai có lụa là. Huyện Kim-bảng có the. Huyện Nam-chân, huyện Chân-định có thuốc hút. Huyện Giao-thủy, huyện Thụy-anh, huyện Đại-an có muối. Xã Hoàng-mai, xã Bình-vọng có rượu sen, rượu cúc. Xã Quang-liệt có quả vải. Xã Thịnh-liệt có cá rô. Xã Đông-thai có rượu nếp. Các thứ ấy đều dâng tiến để tế lễ bốn mùa.

Hoàng-mai, Quang-liệt, Thịnh-liệt, Đông-thai đều thuộc huyện Thanh-trì, Bình-vọng thuộc huyện Thượng-phúc, Hoàng-mai, Bình-vọng có rượu hoa. Quang-liệt có vải ngon hơn vải Trung-quốc; các triều đại đều bắt tiến cống để cung việc tế tự tứ thời.
Lý thị nói: Đất vùng Sơn-nam bằng phẳng, cao ráo, cấy lúa thích hợp, nhân công làm lụng hơn các lộ khác. Các triều phí dụng nuôi quân đều lính đều nhờ ở vùng ấy.

XXIII

Thiên-đức (1), Vệ-linh (2) ở về Kinh-bắc (3).
Thiên-đức là tên sông, xưa là Bắc-giang, thời Lý nhấc lên làm phủ (1). Vệ-linh là tên khác của núi Vũ-sơn (2), Đổng thiên vương (3) bay lên trời là ở nơi đấy. Kinh-bắc xưa là bộ Vũ-ninh (4); tây và nam giáp Thượng-kinh, Sơn-nam, đông và bắc giáp Thái-nguyên, Hải-dương. Đấy là trấn thứ tư trong 4 kinh trấn và là đứng đầu phên dậu phía Bắc. Có 4 lộ phủ, 21 thuộc huyện, 1.147 làng xã.
Cẩn án – Phủ Từ-sơn (5) có 6 huyện, 400 xã: huyện Tiên-du (6) (xưa là quận Vũ-ninh) có 52 xã; huyện Đông-ngạn (7) có 88 xã, 1 châu; huyện Vũ-giàng (8) có 82 xã, huyện Quế-dương (9) có 45 xã; huyện Yên-phong (10) có 52 xã; huyện Thanh-thủy (11) có 28 xã. Phủ Thuận-an (12) có 5 huyện, 322 xã: huyện Gia-lâm (13) có 68 xã, 2 sở, 3 trại; huyện Siêu-loại (14) có 61 xã, 1 thôn; huyện Văn-giang (15) (xưa là Tế-giang) có 52 xã; huyện Gia-định (16) có 86 xã, 1 sở; huyện Lang-tài (17) có 74 xã. Phủ Bắc-hà (18) có 4 huyện, 148 xã: huyện Hiệp-hòa (19) có 22 xã, 2 trại; huyện Yên-việt (20) có 34 xã; huyện Kim-hoa (21) có 50 xã; huyện Tiên-phúc (22) có 42 xã. Phủ Lạng-giang (23) có 6 huyện, 340 xã: huyện Yên-dũng (24) có 88 xã, 2 trại; huyện Phượng-nhãn (25) có 67 xã; huyện Bảo-lộc (26) có 65 xã; huyện Yên-thế (27) có 47 xã; huyện Lục-ngạn (28) có 52 xã; huyện Cổ-lũng (29) có 24 sách. (Sách Tứ trấn ký nói: Phủ thì nhất Tam-đái, nhì Khoái-châu; huyện thì nam (30) có huyện Chân (định), bắc (31) có huyện (Yên) Dũng), tây (32) có huyện (Yên) Lạc, đông (33) có huyện (Tứ) Kỳ. Đấy đều là những chỗ phì nhiêu nhất).

Nguyễn Thư-hiên nói: Người Tống nói rằng biển nước ta sinh châu, núi nước ta sản vàng. Người Nguyên nói rằng nước ta một tấc đất là một tấc vàng. Người Minh nói rằng nước ta ở về cuối Trung-quốc, đất thiêng người giỏi. Người Thanh nói rằng Tản-viên đại vương đi từ biển lên núi, Phù-đổng thiên vương (34) cưỡi ngựa bay lên trời, Chử đồng tử gậy nón lên trời (35), Từ Đạo-hạnh in dấu vào đá để đầu thai (36); ấy là bốn vị bất tử (Tứ bất tử) của nước An-nam.

XXIV

Ở vùng ấy, đất thì trắng, mềm; ruộng thì vào hàng thượng thượng (1). Làng Bát-tràng (2) làm đồ bát chén, làng Huê-cầu (3) nhuộm thâm; huyện Hữu-lũng có mía; huyện Yên-thế có tên, nỏ và vôi.
Bát-tràng thuộc huyện Gia-lâm, Huê-cầu thuộc huyện Văn-giang. Hai làng ấy cung ứng đồ cống Trung-quốc là 70 bộ bát đĩa, 200 tấm vải thâm. Tên tẩm thuốc của huyện Yên-thế dùng vào việc chống giặc Bắc. Vôi dùng vào việc tạo tác.
Lý thị nói: Người vùng Kinh-bắc hay oán giận hung tợn, dầu thời thái bình cũng thường ngang ngạnh. Thần trước làm chức hành khiển ở đạo ấy, tâu bày việc nơi biên cảnh, có xin tăng quân số phòng thủ (4).

Phụ lục – Tên nỏ của Yên-thế, bắn trúng chỗ nào thì máu chảy vọt ra, một chốc thì người chết; bắn trúng cầm thú cũng thế.

XXV

Vân-cừ (1), Kim-tiêu (2), Phân-mao (3) ở về An-bang (4) (sau tránh húy đổi làm An-quảng).
Vân-cừ là tên sông, tên khác của sông Bạch-đằng. Tiền Ngô vương bắt Hoằng Tháo, Hưng Đạo đại vương bắt Mã-nhi đều ở chỗ ấy. Phân-mao là tên núi. Kim-tiêu là cột đồng. Ở phía tây lộ phủ Hải-đông 300 dặm có dãy núi Phân-mao, ở nửa chừng dãy núi có cột đồng của Mã Viện dựng, lớn chừng 3 thước. Khoảng niên hiệu Nguyên-hòa (806-820) đời Đường, đô-hộ là Mã Thông (5) lại dựng cột đồng ở chỗ cũ đời Hán. An-bang xưa là bộ Ninh-hải; tây và nam tiếp với Hải-dương, đông và bắc giáp với Khâm-châu. Có 2 lộ phủ, 8 thuộc huyện, 6 châu, 302 làng xã, 44 trang. Đấy là phên dậu thứ hai ở phương đông vậy.
Cẩn án – Phủ Hải-đông (6) có 3 huyện, 4 châu, 101 xã: huyện Hoa-phong (7) có 14 xã, 1 thôn; huyện Yên-hưng (8) có 25 xã, 1 thôn, 15 trang; châu Vân-đồn (9) (triều Lý là trang, thương nhân ngoại quốc ở đấy) có 10 trang, 1 phường; huyện Hoành-bồ (10) có 25 xã, 2 trang; châu Tân-an (11) có 16 xã, 1 thôn, 53 trang; châu Vạn-ninh (12) có 18 xã, 2 trang, 4 động; châu Vĩnh-an (13) có 3 xã. Phủ Dương-tuyền (14) có 5 huyện, 2 châu, 201 xã: huyện An-phố có 30 xã, (Minh mở đường thủy Vạn-ninh, Vĩnh-an, An-phố. Trương Phụ đặt đệ (quân thông tin liên lạc), thủy dịch (trạm đường thủy) thẳng đến Khâm-châu, lại đặt mã dịch (trạm chạy ngựa) từ Gia-lâm đến Hoành-châu(15)); huyện Hoành-cừ có 40 xã; huyện Vân-an có 68 xã; huyện Hoa-củ có 9 xã; huyện Yên-nhiêu có 6 xã; châu Như-tích có 67 xã, 4 động; châu Thiếp-lăng có 11 xã, 9 động.

Lý thị nói: Vùng An-bang hiểm ác, gọi là viễn châu. Các triều đại đày người đến ở đấy.

Phụ lục – An-quảng trước có 2 phủ, 8 huyện, 6 châu, 300 xã. Khi Mạc Đăng Dung cướp ngôi, nhà Lê sai quan là Trịnh Duy Liêu sang nhà Minh xin viện, Đăng Dung bèn đem bộ hạ đến Trấn-nam quan dâng biểu hàng, xin nội thuộc và nộp hai châu Như-tích và Thiếp-lăng lệ thuộc vào Khâm-châu. Đến đời thứ tư trung hưng, nguyên soái là Thanh-đô-vương giữ chính quyền trong nước, từ lâu ngầm sai sứ sang nhà Minh cầu phong, Minh phong cho làm Phó quốc-vương. Thanh-đô vương bèn đem dâng 5 huyện thuộc phủ Dương-tuyền. Nay tính đất còn lại chỉ có 1 phủ, 3 huyện, 4 châu, 101 xã. Đạo An-quảng bây giờ nhỏ hẹp, đáng tiếc thay! (16).

XXVI

Ở vùng ấy, đất thì đen, mềm; ruộng thì vào hàng hạ hạ (1). Bờ biển có trầm ngư cùng nhiều thứ. Ở Vạn-ninh và Vân-đồn, người Hợp-qua và người Trung-quốc đều tùy theo phương phục mà cống các thứ quý lạ (2).
Trầm ngư là tên cây, mọc ở ven biển nước mặn, các loài cá lấy đuôi quẫy vào cây ấy, người vùng ấy lấy cây ấy về uống có thể trừ được lam chướng. Phương phục nghĩa là theo tục họ chứ không theo một lệ như nhau. Thời Lý, thuyền buôn các nước đến tụ tập trong vùng biển. Ở An-quảng, triều đình đặt ra hai châu Vân-đồn, Vạn-ninh sai tướng trấn phủ. Khách thương đến buôn bán, lớp này đến lớp khác, đem đồ dâng cống.

XXVII

Thao (1), Lịch (2) ở về Hưng-hóa (3).
Thao là tên sông, Lịch là tên núi. Sông Thao là ngọn sông Hoàng-thủy (4) cũng 500 năm một lần nước trong. Hưng-hóa xưa là bộ Tân-hưng (5), ở thời Hán là Nam-trung. Mạnh Hoạch chống cự với Khổng Minh ở đấy (?) (6). Phía tây thông với Vân-nam, phía đông tiếp giáp Sơn-tây, phía bắc và phía nam tiếp giáp Tuyên, Nghệ (?) (7). Có 3 lộ phủ, 4 huyện, 17 châu, 31 làng xã, 155 động, 137 sách, 8 trang. Đấy là phên dậu thứ hai ở phương tây vậy.
Cẩn án – Phủ Quy-hóa (8) có 3 huyện, 2 châu, 31 xã, 54 động: huyện Trấn-yên (9) có 27 xã, 7 trang, 2 động, 2 sách; huyện Yên-khâu (10) (cũng gọi là Yên-lập) có 2 xã, 1 trang, 1 động, 18 châu; huyện Văn-chấn (11) có 2 xã, 80 sách; châu Văn-bàn (12) có 40 động; châu Thủy-vĩ (13) có 11 động (tiếp với Vân-nam); Phủ Gia-hưng (14) (thời Hồ đổi làm Thiên-hưng, triều Lê lại theo tên cũ) có 1 huyện, 5 châu, 42 động: huyện Thanh-xuyên (15) có 1 thôn, 2 động, 34 sách; châu Phù-hoa (16) có 3 động; Mộc-châu (17) có 20 động, 3 sách; Việt-châu (18) có 3 động; Mai-châu (19) có 3 động; Thuận-châu (20) có 10 động. Phủ Yên-tây (21) có 10 châu, 30 động: Lai-châu (22) có 11 động; Luân-châu (23) có 10 động; châu Quỳnh-nhai (24) có 5 động; châu Chiêu-tấn (25) có 12 động; châu Cao-lăng có 4 động; Khiêm-châu có 3 động; châu Tuy-phụ có 3 động; châu Hoàng-nham có 4 động; châu Hợp-phì có 4 động; châu Lễ-toàn có 4 động. (Nguyễn thư-hiên nói: phủ Yên-tây (26) xưa là châu Ninh-viễn, sau đổi là Phục-lễ, bây giờ gọi là Yên-tây).

XXVIII

Ở vùng ấy, đất thì đỏ, dính, mầu mỡ; ruộng thì vào hạng thượng hạ (1). Gỗ thì dài, lớn. Sản nhung, quế, sa nhân, vải nhỏ sặc sỡ; ba loại kim, có thứ bạc mười thành, đồng, thiếc, chất dầu, quýt, hương liệu và mật ong cùng nhiều thứ. Châu Chiêu-tấn có chim anh vũ (chim vẹt) biết nói, tùy lúc tiến cống. Đại-lý (2), Lão-qua (3) có áo da. Đồ cống có lĩnh Tây-lăng, gấm vóc cùng thứ là sặc sỡ của Hồi-kê.

Mai-châu là nơi sản ba loài kim và bạc mười thành, trong một ngày chỉ có giờ ngọ là lấy được, các thứ ấy so với ở các châu khác thì tốt hơn cả. Đại-lý, Lão-qua là tên nước, thuộc tỉnh Vân-nam, là đất nước Thục (4) ngày xưa. Hai nước ấy ở gần nước ta, thường đến triều cống. Hồi-kê là tên nước. Thời nhà Trần, Tống thường bị người Nguyên xâm lấn, người Tống có người đem 30 chiếc thuyền đến, phụ thuộc nước ta gọi là người nước Hồi-kê. Chim anh vũ biết nói là vật không mấy khi có được, hoặc khi nào người trong châu bắt được, thì mới đem cống.
Lý thị nói: Tuyên, Hưng, Lạng, Thái, Cao-bằng là 5 lộ ở miền thượng du, hiểm trở đáng cậy, rắn rết ma quỷ thường làm tai quái cho người, thủy thổ độc dữ hay sinh bệnh tật cho người; thế mà nam tử phụ đạo vẫn không bỏ lễ phiên thần. Chính vì ở nơi rừng núi không thiếu vật gì mà thứ nhật dụng của dân gian chỉ thiếu có muối; không thế thì người Kinh-lộ không quen thủy thổ nơi ấy, há chẳng là điều trở ngại cho Trung-quốc (5) ư?

Phụ lục – Thanh đô vương (Trịnh Tráng) sai sứ sang nhà Minh cầu phong, nhà Minh tùy tiện phong cho làm phó quốc vương. Đến lúc nhà Minh bị quân Thanh đánh thua, dời vể Long-châu, sai sứ sang đòi đất các châu thuộc đạo Hưng-hóa; Thanh đô vương xin nộp thuế 10 châu đạo Hưng-hóa, một nửa đất thuộc vào nội địa, Minh mới đặt làm huyện Kiến-thủy. Khi nhà Minh đã thua, nhà Thanh lại lấy đất ấy đến nay cũng không lấy lại được (6).

XXIX

Lê-hoa (1) cùng Lô (2) ở về Tuyên-quang (3).
Lê-hoa là tên núi, nay gọi là Lê-hoa-quan. Khi [Lê] Thái-tổ khởi nghĩa, sai quan phòng ngự là Trần Ban sửa sang chỗ ấy. Sau chống cự chi binh của tướng Minh là Liễu Thăng ở đấy. Lô là tên sông lớn, phát nguyên tự Tam-giang (4) chạy đến Kiền-lộ (5) hợp với sông Thao, sông Đà. Tuyên-quang tức là đất Việt-tuấn (6) bộ Tân-hưng (7) ngày xưa; đông và bắc giáp Cao, Lạng, tây và nam giáp Sơn, Hưng. Có 1 lộ phủ, 1 thuộc huyện, 5 châu, 282 xã. Đấy là phên dậu thứ ba ở phương tây vậy.
Cẩn án – Phủ Yên-bình (8) có 1 huyện, 5 châu, 282 xã; huyện Phúc-yên (9) có 73 xã; châu Thu-vật (10) có 55 xã; châu Lục-yên (11) có 40 xã; châu Đại-nam (12) có 34 xã; châu Vị-xuyên (13) có 60 xã; châu Bảo-lạc (14) có 20 xã.

Lý thị nói: Châu Bảo-lạc ở Tuyên-quang xưa vốn là đất của nước ta, thời nội thuộc là đất của Trung-quốc. Đến triều Lý, Thần-tông (1067-1085) nhà Tống sợ nền cường thịnh của nước ta đã lấy Thuận-châu (16) trả lại ta, định lại bờ cõi lấy 6 huyện (17) Bảo-lạc ngoài ải cho ta (15). Phong tục lộ Tuyên đại để giống như người Trung-quốc, các triều đại đều cho là nơi hẻo lánh.
Phụ lục - Ở Tuyên-quang có 4 đá thác gọi là đá “Trùng viên phu phụ” (thác vợ thác chồng) và đá “Tiên thiềm mẫu tử” (cóc mẹ cóc con). Có hai chỗ nước réo (hám thủy) gọi là “Hý tượng cảng” và “Tẩu mã cảng”. Đá đứng chéo nhau, đường sông sâu hiểm, sóng nổi cuồn cuộn, tiếng nước chảy réo nghe vang xa đến hơn nửa dặm; bè chở qua đấy, nếu chèo chống không khéo thì bị mắc vào trong hang đá. Khi Tĩnh vương (18) đi dẹp miền Tây, sai lính bắn bốn hòn đá ấy, đá đều đổ xuống sông. Vài ngày sau, đá “Tiên thiềm” lại nối đuôi nhau, đá “Trùng viên” lại đội nhau như cũ. Lính sợ lắm đem việc ấy nói với Tĩnh vương. Tĩnh vương sai giết bò làm lễ những đá ấy.

XXX


Ở vùng đất ấy, đất thì đen, màu mỡ; ruộng vào hạng hạ hạ (1). Thảo mộc dài to. Bảo-lạc sản vàng, bạc, sắt, thiếc. Lục-yên sản chì, đồng, diêm tiêu, mây. Phúc-yên sản vải thêu xanh và mật ong vàng. Thu-vật có trầm hương, nến hoa, diêm tiêu, dầu và răng voi là tốt. Long-vị (2) có thứ áo cỏ. Đồ tiến cống có tê ngưu và lừa.

Người Thổ dệt vải vàng ánh, thêu xanh, trông rất đẹp. Mật ong vàng rất tinh khiết, vị rất ngọt, người Thổ dùng chữa chứng bụng giun. Nến hoa là thứ nến nấu với hoa, mùi rất thơm. Long-vị là tên châu, tức là nước Đại-nam bây giờ, ở vào khoảng giữa Quảng-tây của Minh và Bảo-lạc của ta (2). Phong tục họ cũng để tóc dài, búi ở trên đỉnh đầu, ăn mặc giống như người Lào. Thời Ngọa-triều (3), nước ấy thường vào cống, rồi sau sứ tín không đi lại nữa. Đến lúc Lê triều khởi nghĩa, thì lại quy thuận. Tê cũng là loài voi, sừng nó 60 năm lại mọc một lần. Lừa cũng là loài ngựa, quen mang kéo nặng, nhẹ thì không đi.

XXXI

Na (1), Tùng (2) và Lương (3) ở về Thanh-hoa (4).
Na, Tùng là tên hai núi. Lương là tên sông, phát nguyên từ Quảng-bình (5). Thanh-hoa là bộ Cửu-chân ngày xưa, thời Đường là Ái-châu, triều Lý lấy làm phủ Thanh-hoa; đông và bắc giáp Sơn-nam và biển, tây và nam giáp Sơn-tây (6) và Hoan lộ (7); có 6 lộ phủ, 22 thuộc huyện, 4 châu, 979 làng xã. Đấy là phên giậu thứ hai ở phương nam vậy.
Cẩn án – Phủ Thiệu-thiên (8) có 8 huyện, 370 xã: huyện Thụy-nguyên (9) có 44 xã, 13 thôn, 17 trang, 1 sở, 6 trại, 13 phường, 8 trang; huyện Vĩnh-phúc (10) có 45 xã, 1 thôn, 1 phường, 4 trang; huyện Lôi-dương (11) có 73 xã, 6 thôn, 2 bãi, 2 trang, 30 sách, 1 phường, 1 sở; huyện Đông-sơn (12) có 74 xã, 2 thôn, 1 trang, 1 sở; huyện Yên-định (13) có 56 xã, 5 thôn, 9 trại, 9 trang; huyện Cẩm-thủy (14) có 50 xã, 2 thôn, 5 trang, 50 sách, 3 vạn (?); huyện Quảng-bình (15) có 38 xã, 2 thôn, 8 bãi, 2 trang; huyện Thạch-thành (16) có 1 xã, 53 bãi, 3 trang, 44 sách, 2 phường, 1 phố; Phủ Hà-trung (17) có 4 huyện, 281 xã: huyện Hoằng-hóa (18) có 72 xã, 2 trang, 1 sở; huyện Thuần-lộc (19) có 39 xã, 6 thôn, 2 trang, 2 sở; huyện Nga-sơn (20) có 39 xã; huyện Tống-sơn (21) có 31 xã, 2 bãi, 9 trang, 1 trại. Phủ Tĩnh-gia (22) có 3 huyện, 193 xã: huyện Nông-cống (23) có 88 xã, 1 thôn, 31 sách; huyện Quảng-xương (24) có 55 xã, 1 sở; huyện Ngọc-sơn (25) có 54 xã, 1 trang, 1 trại, 2 phường, 1 tuần. Phủ Trường-yên (26) (xưa là Đại-hoàng) có 3 huyện, 263 xã; huyện Gia-viễn (27) có 73 xã, 4 trang; huyện Yên-mô (28) (xưa là Mô-độ) có 52 xã, 2 thôn, 1 trang; huyện Yên-khang (29) có 39 xã, 3 thôn, 3 trang, 3 trại. Phủ Thiên-quan (30) có 3 huyện, 70 xã: huyện Yên-hóa (31) có 22 xã; huyện Phụng-hóa (32) có 27 xã, 1 trang, 1 trại; huyện Lạc-thổ (33) có 31 xã, 5 trang. Phủ Thanh-đô (34) (nhà Hồ đổi Thanh-hoa làm trấn Thanh-đô) có 1 huyện, 4 châu, 59 động: huyện Thọ-xuân (35) có 14 động; châu Na-quan (36) có 12 động; châu Lương-chính (37); châu Tàm (38) có 10 động; (…) (39).


Lý thị nói: Đất Thanh-hoa là nơi cuối sông đầu núi (40), nhỏ hẹp, thấp, trũng. Nơi ấy khi loạn ở thì thích hợp, khi trị ở thì không thích hợp; Đinh, Lê ở Đại-hoàng, Hồ ở Tây-nhai, việc xe trước đổ đáng lấy làm gương, đối với Thái-tổ (41) thì câu nói của Nhữ Thuyết càng đáng tin.

XXXII

Ở vùng ấy đất thì đen, màu mỡ; ruộng thì vào hạng thượng trung (1). Cau tươi tốt. Thần-đầu có cá hình người. Na-quan, Thọ-xuân có da hổ báo, tê, voi. Tàm, Sầm có người Mán-lão. Đồ cống là ngà, sừng.
Thần-đầu bây giờ là cửa Thần-phù (2). Cá giống hình người, đầu cá, có đuôi mà không có vẩy. Ở lộ Thanh-hóa, núi nhiều ác thú, tinh hồn trôi dạt xuống hóa ra loài cá này.
Nguyễn Thư-hiên nói: Thế xứ Thanh, thần xứ Nghệ, nước Hưng Thái, ma Cao Lạng đều rất đáng sợ.

XXXIII

Kỳ-lân (1) và Lam (2) ở về đất Nghệ-an (3).
Kỳ-lân là tên núi, ở bên hữu sông Vĩnh-giang (4). Lam là tên sông, phát nguyên từ sông Linh-giang (5). Nghệ-an xưa là bộ Hoài-hoan (6), sau đổi làm quận Nhật-nam (7), lại gọi là Hoan-châu (8); thời Đinh và thời Lê là trại (9), thời Lý đổi gọi là Nghệ-an, đông và bắc giáp Hải-nam (10), Thanh-hoa, tây và nam giáp Thuận-hóa, Vân-nam (11). Có 9 lộ phủ, 25 thuộc huyện, 3 châu, 479 xã. Đấy là phên dậu thứ ba ở phương nam vậy.
Cẩn án – Phủ Đức-quang (12) có 6 huyện, 255 xã: huyện La-sơn (13) có 37 xã, 1 trang;huyện Thiên-lộc (14) có 37 xã, 1 trang; huyện Nghi-xuân (15) có 26 xã; huyện Chân-phúc (16) (xưa là Tân-phúc) có 37 xã, 8 thôn, 1 sở; huyện Hương-sơn (17) có 34 xã; huyện Thanh-chương (18) có 34 xã, 8 thôn, 33 trang, 9 sách, 3 sở, 1 trại, 1 vạn, 1 tuần, 3 nguyên. Phủ Diễn-châu (19) có 2 huyện, 109 xã: huyện Đông-thành (20) có 76 xã, 4 thôn, 29 trang, 4 sách, 2 bãi; huyện Quỳnh-lưu (21) có 36 xã, 9 thôn, 42 bãi, 37 sách. Phủ Anh-đô (22) có 2 huyện, 86 xã: huyện Hưng-nguyên (23) có 42 xã, 3 thôn, 3 sở, 2 giáp; huyện Nam-đường (24) có 44 xã, 6 thôn, 1 sách, 1 vạn. Phủ Trà-lân (25) có 4 huyện, 112 động: huyện Hội-ninh (26) có 5 động; huyện Kỳ-sơn (27) có 20 động, 9 bãi; huyện Tương-dương (28) có 7 động, 1 phường; huyện Vĩnh-khang (29) có 80 động. Phủ Hà-hoa (30) có 2 huyện, 79 xã: huyện Thạch-hà (31) có 42 xã, 1 sở, 1 trại; huyện Kỳ-hoa (32) có 37 xã, 12 thôn. Phủ Quỳ-châu (33) có 2 huyện, 40 động: huyện Trung-sơn (34) có 16 động; huyện Thúy-vân (35) có 24 động. Phủ Ngọc-ma (36) có 1 châu, 27 động: châu Trịnh-cao (37) có 27 động. Phủ Lâm-an (38) có 1 châu, 13 động: châu Quy-hợp (39) (xưa là Bồn-man, vốn thuộc về nước Ai-lao, khi Lê Thái-tổ được nước mới đến triều cống) có 13 động, 16 sách. Phủ Thuận-ninh (40) có 7 huyện, 1 châu, 92 động: huyện Châu-lang có 9 động; huyện Quang-vinh có 6 động; huyện Minh-quảng có 9 động; huyện Cảnh-thuần có 14 động; huyện Kim-sơn có 12 động; huyện Thanh-vị có 10 động; huyện Trấn-trung có 12 động; châu Bố-chính có 12 động (41).

XXXIV

Ở vùng ấy đất thì mềm, hợp với cau; ruộng thì vào hạng thượng trung (1). Hồ tiêu, muối biển rất tốt. Nam-nhung (2) có vải thưa. Thạch-hà có the mỏng. Ngọc-ma có răng voi, da thú. Quỳ-châu có lông chim, lông thú. Trấn-ninh có sâm, quế. Kỳ-hoa có cá thốc tử. Ai-lao có chăn sặc sỡ. Đồ cống có voi, sáp, chiêng đồng.

Vũ là lông chim trả. Mao là lông con sơn cốt. Châu Kim-sơn, phủ Trấn-ninh sản quế, huyện Châu-lang sản sâm, mỗi năm tiến 20 cân. Kỳ-hoa là tên cửa biển (3). Thốc tử là tên cá, hình như con ba ba, thân tròn như chim âu, bụng ngực có độc, nhân dân địa phương bắt được, lấy tay sờ vào đấy, thì da sưng tròn lên, không thấy đầu và mặt. Nếu ai nấu bụng và ngực nó mà ăn thì chết tức khắc. Ghi chép lại để biết mà kiêng tránh, như dao cá đuối ở Đường-hào, quả bầu ở Chi-lăng (4), quả khế ở Vị-tuyền (5) vậy. Ai-lao là tên nước. Trước kia có người đàn bà tên là Sa Đài ở núi Lao-sơn, bắt cá ở sông, chạm vào cây gỗ chìm, rồi có mang, mười tháng sinh ra đứa con trai, sau cây gỗ chìm ấy hóa thành rồng, ra khỏi nước, liếm vào lưng đứa bé ấy. Vì thế cho nên người giống ấy đều trổ vẽ vào mình cho giống vân rồng. Thời Quang-vũ nhà Hán, nước ấy mới đi lại với Trung-quốc, Minh đế mới lấy đất nước ấy đặt làm hai huyện Ai-lao và Bác-nam (6). Bây giờ bộ lạc rất nhiều, ở đâu cũng có, đều gọi là “Lào”. Nhưng lấy vải sặc sỡ quấn mình, gọi cá kêu chim, canh rắn cơm voi, lánh mình ở chùa, phong tục đại khái giống nhau. Nước này có tê, voi, sáp trắng, vải lông, chiêng đồng tốt nhất. Họ không có văn tự, dùng lá cây ghi việc. Người Lào từ thời Lý, Trần luôn luôn bị vết thương chiến tranh nặng nề, bởi vì ở gần nước ta, nên triều cống không thiếu. Lúc quốc sơ (7), thường đã phục tùng quy thuận. Đến khi Lộ Văn Luật (8) trá dụ người Lào, từ bấy giờ thì nước ấy thôi không thông sứ giao hảo với nước ta nữa. Đến khi thiên hạ đại định, Bàn-cà (như Hung-nô gọi vua là Thuyền-vu; sau [Bàn-cà] đổi gọi là Đà) nước Lào là Côn-cô (9) mộ đức hóa mà xin phụ thuộc vào nước ta, miền tây, miền nam lại giao thông như trước.
Lý thị nói: Ở Nghệ-an, lòng người nham hiểm, hung hãn hơn người châu Ái. Đường sá xa xôi, thủy thổ thường quen. Các triều đại lấy nơi đó để chế ngự những man di ở phía tây nam.

XXXV

Biển cùng Vân (1), Linh (2) ở về Thuận-hóa (3).
Biển là biển Nam-hải (4), Vân là núi ở cửa ải, Linh là tên sông. Thuận-hóa xưa là bộ Việt-thường thị. Triệu-Việt đổi làm nội bản của châu Bắc-cảnh (5), đông bắc thông với Nghệ-an, tây nam liền với Lào, Quảng (6). Có 2 lộ phủ, 8 thuộc huyện, 4 châu, 658 làng xã. Đấy là phên dậu thứ tư về phương nam vậy.
Cẩn án – Phủ Tân-bình (7) có 2 huyện, 2 châu, 224 xã: huyện Khang-lộc (8) có 78 xã, 7 sách, 4 nguyên; huyện Lệ-thủy (9) có 29 xã; châu Bố-chính (10) có 63 xã, 1 thôn, 24 trang, 2 sách, 3 nguyên; châu Minh-linh (11) (xưa là Ma-linh Lý Thường Kiệt đánh chiếm lấy được đất ấy) có 64 xã, 2 nguyên. Phủ Triệu-phong (12) có 6 huyện, 24 châu, 444 xã: huyện Hải-lăng (13) có 54 xã, 8 thôn, 28 động; huyện Vũ-xương (14) có 95 xã, 3 thôn, 5 sách; huyện Đan-điền (15) có 63 xã, 9 thôn, 6 sách; huyện Kim-trà (16) có 73 xã, 2 thôn, 6 châu, 13 sách, 3 nguyên; huyện Tư-vinh (17) có 44 xã, 18 thôn, 1 trang; huyện Điện-bàn (18) có 95 xã; châu Thuận-bình (19) có 8 động, 21 sách; châu Sa-bôi (20) có 6 động, 15 trang, 68 sách.

XXXVI

Ở vùng ấy đất thì đen, màu mỡ, hợp với trồng thuốc hút và thứ tiêu hạt to; ruộng thì vào hạng trung trung (1). Điện-bàn có trĩ vàng. Sa-bôi có chè lưỡi chim sẻ. Hải-lăng có thỏ lông trắng.
Chỉ dược là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút. Khi người Minh sang xâm chiếm nước ta, bắt các châu huyện ta nộp hồ tiêu, mỗi người 10 cây giống. Sau hồ tiêu đắt, mỗi cây giống giá 5 quan tiền. Vùng sông Nỗ-giang (2) trở về phía bắc, cây hồ tiêu đem hết sang Ngô, chỉ có vùng Nghệ-an trải qua Hậu Trần cùng bản triều (3) chiếm giữ, nên ở đấy còn cây hồ tiêu.
Lý thị nói: Thuận-hóa là châu Bắc-cảnh (4) của ta. Nội thuộc về sau; Hoàn Ngọc (5) nước Chiêm thường quấy nhiễu ở biên cảnh phía nam, lấy hết đất cả vùng này. Thời Lý và Trần, vua thân chinh Chiêm-thành nhiều lần bắt được chúa Chiêm, người Chiêm xin dâng 3 châu Tư-ma, Minh-linh và Bố-chính để chuộc tội. Nhà vua mới đặt làm châu Thuận, châu Hóa (6). Sau hợp lại làm Thuận-hóa. Dân vùng này nhiễm tục cũ của người Chiêm, tính hung hãn, quen khổ sở. Triều trước dùng họ để ngừa người Chiêm.

XXXVII

Tiên-nữ (1), Phú-hà (2) ở về Nam-giới (3).
Tiên-nữ là tên núi, xưa là núi Long-cốt, trên núi có 12 tòa tháp gọi là tháp “Tiên nữ”. Phú-hà là tên cửa Tứ-hải (4). Nam-giới xưa là nơi nội bạn của châu Bắc-cảnh (5) thuộc bộ Việt-thường. Thời nội thuộc bị Chiêm lấy mất, chia làm Chiêm-chiêm, Chiêm-lũy (6). Đông và bắc tiếp giáp Thuận-hóa, tây và nam thông với Chiêm-thành. Có 3 lộ phủ, 9 thuộc huyện, 97 làng xã. Đấy là nơi phên dậu thứ năm ở về phương nam.
Cẩn án – Phủ Thăng-hoa (7) có 3 huyện, 23 xã (Thăng-hoa tức Địa-lý (8) ngày xưa(?)): huyện Lê-dương (9) có 9 xã; huyện Hà-đông (10) có 8 xã; huyện Hy-giang (11) có 6 xã. Phủ Tư-nghĩa (12) (xưa là Chiêm-lũy) có 3 huyện, 41 xã: huyện Bình-sơn (13) có 17 xã; huyện Nghĩa-sơn (14) có 11 xã; huyện Mộ-hoa (15) có 13 xã. Phủ Hoài-nhân (16) có 3 huyện, 33 xã: huyện Bồng-sơn (17) có 7 xã; huyện Phù-ly (18) có 8 xã; huyện Tuy-viễn (19) có 18 xã.

Lý thị nói: Họ Hồ đánh Chiêm, người Chiêm dâng đất Chiêm-chiêm; Quý Ly bắt dâng hết cả đất Chiêm-lũy của Chiêm, rồi đặt làm phủ Thăng-hoa (20). Quốc sử nói phía nam đến Địa-lý là thế (21).

Nguyễn Thư-hiên nói: Nhà Hồ uy bức nước Chiêm phải hiến hết đất Chiêm-lũy, nhân chia làm châu Tư, Nghĩa, Thăng, Hoa, đặt an phủ sứ để quản trị; lấy miền Nguyên-đầu làm trấn Tân-ninh (22). Chiêm-thành thu các nhân dân ở phụ cận về nước. Khoảng niên hiệu Hồng-đức, Trà-hòa (23) nước Chiêm vào cướp Hóa-châu, Thánh-tông thân đi đánh, phá được thành Đồ-bàn (24) thu phục bờ cõi cũ, lại mở đất đến núi Thạch-bi (25), đặt phủ Hoài-nhân, có 3 thuộc huyện; phía nam bốn phủ phiên định là địa giới nước Chiêm.

Phụ lục – Thời Lý đã lấy được hai phần mười đất Quảng-nam (26), đến thời Hồ lại lấy được nửa phần mười đất Quảng-nam (27). Khoảng niên hiệu Hồng-đức, Thánh-tông mở đất từ Chiêm-lũy-lịch-môn, Hoàn-tiện-tây, Sa-huỳnh, Luật-quan, Thời-phú, Hà-la, Lãnh-cầu, Thi-nại, Xuân-đài, Đà-nê, Trà-nông tiều môn, Đệ-du, Cù-huân đến Phan-dương cả thảy là 14 cửa biển, đặt làm thừa tuyên Quảng-nam (28). Kịp đến khi con cháu Chiêu-huân (29) kế tiếp nhau trấn thủ Thuận Quảng, lại đánh Chiêm, lấy đất đặt làm 3 phủ Bình-khang, Diên-khánh, Bình-thuận. Lại đánh Cao-miên, lấy đất đặt hai huyện Phúc-long, Tân-bình thuộc phủ Gia-định (30). Từ xưa, người Chiêm ở nơi hẻo lánh về phía bên tả phủ Bình-thuận, Chiêm chúa được phong làm Thuận-thành vương, bởi thế người Chiêm không làm hại ta được.

XXXVIII

Ở vùng ấy đất thì đen, màu mỡ; ruộng thì vào hàng hạ hạ (1). Sông Phan-định (2) có sư tử ở nước (3). Tư-minh có tơ gai, trúc vàng, yến đỏ. Miên-sơn có lụa màu huyền. Xích-dã có lông chim trĩ ngũ sắc. Cô-sơn có cây đồng. Bến sông Diên có đá làm khánh (4). Danh-sơn có đá mài (5).
Sông Phan-định tiếp giáp phủ Hoài-nhân. Sư tử uy phục được trăm loài thú, tê voi thấy nó đều sợ. Sông Phan-định có ba đàn sư tử ở trong nước, quẫy đuôi để đập vào thuyền của người, sóng nổi lên như gò đống. Khi Lý Thường Kiệt đánh Chiêm, đại quân đến đấy không thể sang sông, bèn phong cho sư tử làm “Hiệu thuận tam thần bá”. Lúc tuyên sắc, sư tử nổi lên mặt sông để nghe. Vì thế, thuyền quân đi không trở ngại gì. Tư-minh, Cẩm-sơn đều thuộc huyện Tuy-viễn. Xích-dã thuộc huyện Nghĩa-sơn. Cô-sơn thuộc huyện Hà-đông. Diên-hà là tên sông. Danh-sơn thuộc huyện Mộ-hoa.

XXXIX

Nước Chiêm, nước Xiêm, nước Chân-lạp có nhung phục. Đồ cống có đồi mồi, voi trắng, hoa chi, kiến chín tấc.
Chiêm-thành xưa là huyện Tượng-lâm thuộc quận Nhật-nam, bộ Việt-thường của ta, sau đổi làm Lâm-ấp (1). Bờ cõi nước ấy phía nam thông với Chân-lạp gọi là Thỉ-bị (2), phía tây gần Qua-oa (3) gọi là Thượng-nguyên (4), phía bắc tiếp với đất Hoan-châu gọi là Ô, Lý (5), chỉ có phía đông là giáp biển. Tổng cộng các châu lớn, nhỏ có cả thảy là 38 châu. Chiều dọc rộng độ 600 dặm. Đất nước ấy có ít ruộng, tham đất mầu mỡ ở Nhật-nam của ta, muốn cướp lấy, cho nên thường xâm lấn, quấy nhiễu. Tục nước ấy thờ đạo Kiền-nê (như đạo Hòa-lang), đúc người vàng, người bạc to 10 ôm để thờ (6).

Nước Xiêm-la (7) ở trong Nam-hải, đất rộng hơn nghìn dặm. Xưa là hai nước Xiêm và La-hộc. Đất nước La phì nhiêu, các giống lúa trồng tốt, sản sáp vàng. Đất nước Xiêm thì xấu. Sau nước Xiêm hàng nước La, hợp làm nước Xiêm-la. Tục nước ấy thích cướp bóc.

Chân-lạp ở phía nam Chiêm-thành, cách Nhật-nam đi thuyền 60 ngày mới đến (8). Huyện trấn, phong tục nước ấy không khác gì Chiêm. Nhân dân cho hướng đông là quý, tay phải là sạch (9). Từ thời Đường về sau, đất chia làm hai: nửa về phía bắc có nhiều gò núi, gọi là Lục Chân-lạp, tiếp đó gọi là Khuất-hạ (nay là Cao-lạp); nửa về phía nam giáp biển, gọi là Thủy Chân-lạp, đất rộng 800 dặm (10) (bây giờ là Gia-định). Voi trắng cũng là linh vật trong loài thú, thời thái bình mới thấy. Hoa chi là dầu của hoa thạch. Kiến chín tấc là chúa thần loài kiến. Ba thứ ấy không thường có, chỉ ở Lạng-sơn nước ta cùng Xiêm-la, Chiêm-thành, Chân-lạp mới có, các triều dùng những thứ ấy vào việc tế “Giao”.

XL

Lương (1) cùng Nghiên (2) ở về Thái-nguyên (3).
Lương-giang là sông Phú-lương (1). Nghiên là tên núi. Thái-nguyên xưa là đất bộ Vũ-định (4); đông và bắc giáp Cao, Lạng, tây và nam giáp Kinh-bắc. Có 2 lộ phủ, 9 huyện, 2 châu, 336 làng xã. Đấy là nơi phên dậu thứ hai về phương bắc vậy.
Cẩn án – Phủ Phú-bình (5) có 8 huyện, 1 châu, 236 xã: huyện Tư-nông (6) có 57 xã, 1 trang, 5 trại; huyện Bình-nguyên (7) (Mạc đổi gọi là Bình-tuyền) có 27 xã; huyện Phổ-yên (8) có 23 xã, 1 trang; huyện Đồng-hỷ (9) có 29 xã, 2 thôn, 20 trang, 1 trại, 1 phường, 1 thị; huyện Đại-từ (10) có 22 xã, 7 trang; huyện Phú-lương (11) có 30 xã, 10 trang; huyện Văn-lãng (12) có 5 xã, 9 trang; huyện Vũ-nhai (13) có 30 xã, 6 thôn, 25 trang, 1 nguyên, 1 châu; châu Định-hóa (14) (xưa là Tuyên-hóa) có 40 xã, 12 trang. Phủ Thông-hóa (15) có 1 huyện, 1 châu, 73 xã: huyện Cảm-hóa (16) có 22 xã, 2 thôn, 12 trang; châu Bạch-thông (17) có 51 xã, 1 thôn, 12 trang.

Lý thị nói: Thái-nguyên từ Lý, Trần là châu, đến khi người Minh vào nước ta, nhấc lên làm phủ (18) nhà Lê nhất thống mới nhấc lên làm đạo.

Nguyễn Thư-hiên nói: Triều Lý sai khai sông Bình-lỗ từ Lãnh-canh đến Bình-lỗ, thông với Bình-than để tiện đi lại ở Thái-nguyên (19). Lại đặt 7 trạm cư dân ở Bạch-thông, Cảm-hóa để làm nơi người man di trú nghỉ (20). Thế là một dải sơn cước ở Thái-nguyên dần dần có thể thông hành được.

XLI

Ở vùng ấy, đất thì đỏ, dính, màu mỡ; ruộng thì vào hạng hạ hạ (1). Bạch-thông có quế, nhung, sâm và da thú. Định-hóa có bạc, đồng, chì, vàng. Huyện Đại-từ có trăn. Huyện Phổ-yên có vượn trắng. Huyện Đồng-hỷ có cá, ngọc châu và nhiều thứ.

XLII

Khâu-lư (1), Vọng-phu (2) ở về Lạng-sơn (3).
Sông Khâu-lư ở phía bắc Quế-thành (4), tức là sông Thông-lĩnh huyện Ôn-khâu (5) ngày xưa. Vọng-phu là tên núi, ở phía tây Lạng-thành (6). Trên núi có một hòn đá nhô lên, xa trông như hình người, quay lưng về phía nam, ngoảnh mặt về phía bắc. Tục truyền ngày xưa người ở phủ Nam-sách tên là Đậu Thao làm tướng thời Tiền Ngô-vương, đem quân đi chống giữ biên giới phía bắc. Vợ là Tô thị Huệ thủ tiết 10 năm dệt bức gấm, có bài hồi văn (7) gửi cho chồng. Sau bèn cùng gia nô trèo lên núi cao chót vót một mình ở Lạng-sơn, ngóng chồng không thấy, bèn gieo mình mà hóa kiếp, nhân thế mới gọi tên là “Vọng-phu” (8). Lạng-sơn xưa là bộ Lục-hải (9); tây nam giáp Thái-nguyên, đông bắc giáp Lưỡng Quảng, có 1 lộ phủ, 7 châu, 227 làng xã. Đấy là phên giậu thứ ba về phương bắc vậy.
Cẩn án – Phủ Trường-khánh (10) có 7 châu, 193 xã: châu Lộc-bình (11) có 39 xã, 21 thôn (tiếp giáp đất huyện Tư-minh huyện Quảng-tây); châu Thoát-lãng (12) (xưa là Thoát-lạc) có 20 xã; Yên-châu (13) có 30 xã, 100 doanh, 10 bãi; châu Văn-uyên (14) (xưa là Văn-châu) có 41 xã; châu An-lan (15) có 35 xã, 1 thôn, 1 trang; châu Thất-nguyên (16) (Mạc đổi làm Thất-tuyền) có 34 xã; châu Yên-bác (17) có 38 xã.


Phụ lục – Khi nhà Hồ đã cướp ngôi nhà Trần, người Minh đòi đất châu Lộc-bình đạo Lạng-sơn, bèn sai Hoàng Hối Khanh làm cát địa sứ lấy 38 xã, 59 thôn Cổ-lâu, Lộc-bình cho Minh, đất bị mất dài cả thảy 5 ngày đường (18).

XLIII

Ở vùng ấy đất thì đen, màu mỡ; ruộng thì vào hạng hạ hạ (1). Yên-bác có gấm thêu lĩnh, là, các chất thơm. Yên-châu có sơn dược (củ mài). Thất-nguyên có vàng, chì. Văn-uyên có đồng, bạc. Thoát-lĩnh có voi trắng, khi nào có lệnh thì dâng. Tư-minh (2) có người Thổ-lão. Đồ cống là gấm và trầm hương.
Tư-minh là tên châu ở tỉnh Quảng-tây, nhà Minh. Đất châu ấy gần nước ta, thổ quan thường đem thổ nhân triều cống.
Lý thị nói: Voi trắng cũng là linh vật trong loài thú. Khoảng thời Lý và Trần, hai lần thấy voi trắng, Lạng-châu đem hiến, dùng để tế giao. Thế đủ biết bậc thánh nhân không thưởng ngoạn những dị vật.

XLIV

Bồ và Hoa-an (1) ở về Cao-bằng (2).
Bồ là tên sông. Hoa-an là tên sông. Cao-bằng xưa là ngoại địa của bộ Vũ-định (3); đông bắc tiếp giáp Lưỡng Quảng, tây nam tiếp giáp Thái-nguyên, Lạng-sơn. Có 1 lộ phủ, 4 châu, 273 làng xã. Đấy là nơi phên giậu thứ tư về phương bắc vậy.
Cẩn án – Phủ Yên-bình (4) có 4 châu, 273 làng xã: châu Thượng-lang (5) có 29 xã; châu Hạ-lang (6) có 28 xã; châu Thạch-lâm (7) có 174 xã, 2 thôn, 1 giáp; châu Quảng-nguyên (8) có 44 xã, 4 thôn.

Lý thị nói: Ở Cao-bằng, thổ sản có nhiều thứ quý lạ. Song các người đến làm quan ở đấy không thể ở lâu được; triều đại trước phải ký trị ở Thái-nguyên.

Sách Ác thủy ký nói: Các huyện Đại-từ, Vũ-nhai ở Thái-nguyên (9); các châu Thạch-lâm, Quảng-nguyên, Thượng, Hạ-lang ở Cao-bằng; châu Bảo-lạc ở Tuyên-quang; huyện Văn-chấn, các châu Thủy-vỹ, Phù-hoa, Mai-châu, Mộc-châu, Cao-lăng, Hoàng-nham, Lễ-tuyền ở Hưng-hóa; các châu Ôn-châu, Thoát-lãng, An-lan, Thất-nguyên, Yên-bác ở Lạng-sơn; châu Vĩnh-an ở An-bang; các huyện Châu-lang, Cảnh-thuần, châu Quy-hợp ở Nghệ-an; huyện Thọ-xuân, châu Sầm-châu ở Thanh-hoa; huyện Hữu-lũng ở Kinh-bắc; các huyện Đông-triều, Thủy-đường ở Hải-dương, tất cả là hai mươi chín nơi nước độc.

XLV

Ở vùng ấy, đất thì đỏ, dính, màu mỡ; ruộng thì vào hạng hạ hạ (1). Quảng-nguyên có vàng và đan sa. Thạch-lâm có tê, ngựa tốt. Liên-sơn có ngọc côn, ngọc dao. Trúc-sơn có cây đồng thẳng. Ung-châu (2) có người Man Lý. Đồ cống là trân châu.
Liên-sơn thuộc về châu Thượng-lang. Trúc-sơn thuộc về châu Hạ-lang. Ung là tên châu ở Quảng-đông.
Sách Bản quốc sản xứ ký có chép: Như-cá có vàng; Vũ-kiến có vàng; Lộng-thạch có bạc; Định-biên (vàng, chì); Tống-tinh (trên mỏ có bạc, bên tả có vàng); xưởng Phúc-sơn (bạc, vàng); xưởng Nhân-sơn (bạc, vàng); xưởng Bông-ngân (bạc có chì, bên tả có vàng); xưởng Cảm-lạc (bạc có chì, trên có vàng); xưởng Đồng-lạc (bạc có chì, tục gọi là xưởng Phúc-tinh, người Khách gọi là Phúc-sinh); xưởng Vũ-chấn (xưởng vàng, phía bắc thì vàng, bạc, chì); xưởng Bạch-duyên, xưởng Thiên-ngai (vàng, thiếc); xưởng Quảng-cố (vàng có sắt, chì – nơi nước độc thứ nhất); mỏ Cây-thị (tục gọi là Ba-la) trở xuống là nơi có sắt; mỏ Bảo-nang (sắt rất tốt, có đồng); mỏ Sĩ-trung, tuần Đồng-nê (mão chi, bắc sơn chi có đồng); tuần Ba-du (giáp với nội địa, trên mỏ có bạc, đồng niên được 3 hốt bạc); chợ Bắc-cạn (trên có vàng); chợ Na-miêu (cũng có khi có đồng); chợ Bằng-lũng (tây chi có đồng); chợ Quảng-bạch (bên hữu có vàng); chợ Rã (cũng có khi có bạc); chợ Giới (cũng có khi có vàng); Tân-phúc (26 mỏ chì) (3).

XLVI


Ruộng thượng đẳng, mỗi diện nộp 60 thăng thóc, 6 tiền (1); ruộng trung đẳng mỗi diện nộp 40 thăng thóc, 4 tiền; ruộng hạ đẳng mỗi diện nộp 20 thăng thóc, 3 tiền. Ruộng nào không đầy diện thì được miễn hoàn toàn.
Diện là mẫu. Thời Trần gọi mẫu là diện. Lúc quốc sơ (2) cũng gọi như thế.

XLVII

Nơi kinh sư (1) có chức đề-lãnh. Bốn đạo kinh trấn (2) ở trong và Thanh-hoa thì có chức hành-khiển, tham-tri; chín đạo phiên trấn (3) ở ngoài thì có chức tổng-quản, tuyên-úy.
Lấy chức hành-khiển, tham-tri trị nhậm ở kinh lộ, thế là ba trăm dặm ở trong thì thi hành việc văn giáo. Lấy chức tổng-quản, tuyên-úy trị nhậm ở phiên lộ, thế là hai trăm dặm ở ngoài thì đẩy mạnh việc vũ vệ.
Lý thị nói: Kinh lộ không phải không có tổng-quản, tuyên-úy, nhưng giữ chức ấy là hành-khiển, tham-tri; phiên lộ không phải không có hành-khiển, tham-tri, nhưng ở bốn kinh trấn đều kiêm cả chức ấy: như Đông đạo hành-khiển kiêm lĩnh Hải-dương, An-quảng; Tây đạo hành-khiển kiêm lĩnh Sơn-tây, Hưng, Tuyên. Nam đạo hành-khiển kiêm lĩnh Sơn-nam, Thanh-hóa mà trị sở ở Vân-sàng (4), phó-sứ kiêm Thuận, Quảng mà đóng trị sở ở Vũ-xương (5); Bắc đạo hành-khiển kiêm lĩnh Kinh-bắc, Thái-nguyên mà đóng trị sở ở Yên-dũng (6), phó sứ kiêm lĩnh Cao-bằng, Lạng-sơn mà đóng trị sở ở Ôn-châu (7). Đến như chức tham-tri cũng thế. Cho nên nói là ở ngoài thì cử chức tổng-quản, tuyên-úy vậy.

XLVIII

Người trong nước không được bắt chước ngôn ngữ và y phục của các nước Ngô (1), Chiêm, Lào, Xiêm, Chân-lạp để làm loạn phong tục trong nước.
“Vô” là lời cấm chỉ. Tiếng Ngô nói đầu lưỡi, phải dịch rồi mới biết; tiếng Lào nói trong họng; tiếng Xiêm, Chiêm, Chân-lạp nói trong cổ như tiếng chim quẹt; nhưng đều không được bắt chước để loạn tiếng nói nước nhà. Người Ngô bị chìm đắm đã lâu ở trong phong tục người Nguyên, bện tóc, răng trắng, áo ngắn có tay dài, mũ, xiêm rực rỡ như từng lớp lá. Người Minh tuy khôi phục lại lối ăn mặc cũ của thời Hán, thời Đường, nhưng phong tục vẫn chưa biến đổi. Người Lào lấy vải lông quấn vào người như áo cà sa nhà Phật. Người Chiêm lấy khăn che đùi mà để lộ hình thể. Người Xiêm-la, người Chân-lạp lấy vải bọc tay và gối như bó thây chết. Các tục ấy đều không nên theo để làm loạn phong tục.
Lý thị nói: Từ khi người Nguyên vào Trung-quốc, về sau thiên hạ biến thành nói tiếng Hồ, mặc áo Hồ (2). Không thay đổi chỉ có nước ta cùng họ Chu ở Kim-lăng, họ Triệu ở Kim-sơn mà thôi. Đến khi Thái-tổ nhà Minh lên làm vua, sai Dịch Tế Dân sang thông hiếu, vua Dụ-tông sai Doãn Thuấn Thần sang cống sính nhà Minh. Vua Minh úy lạo hỏi quốc sứ, khen phong tục, y phục vẫn giống như văn minh Trung-hoa, ban cho bài thơ ngự chế rằng: “An-nam tế hữu Trần, phong tục bất Nguyên nhân, y quan Chu chế độ, lễ nhạc Tống quân thần” (tạm dịch: An nam có Trần thị, phong tục chẳng theo Nguyên, chế độ Chu vẫn giữ, lễ nhạc Tống không quên). Rồi cho bốn chữ “Văn hiến chi bang” (nước văn hiến). Lại nhấc sứ nước ta lên trên sứ Triều-tiên ba cấp; khi sứ về, lại sai Ngưu Lượng đem long chương và ấn vàng cùng đi sang để khen thưởng nhà vua (4).

XLIX

Các quan-lang, phụ-đạo ở các biên châu (1) không có việc gì thì không được tới kinh. Khi có lễ triều hội, thì cho ở Hoài-viễn (2).
Hoài-viễn là tên quán, ở làng Cự-linh huyện Gia-lâm. Triều Lý đặt quán ấy để làm chỗ cho các tù trưởng biên châu, sứ thần ngoại quốc trú nghỉ. Phụ đạo bây giờ đổi làm Phụ-đạo.

L

Các người ngoại quốc không được tự tiện vào trong nội trấn (1), tất cả đều phải ở Vân-đồn (2), Vạn-ninh (3), Cần-hải (4), Hội-thống (5), Hội-triều (6), Thông-lĩnh (7), Phú-lương (8), Tam-kỳ (9), Trúc-hoa (10).
Nội trấn là bốn kinh lộ. Cần-hải, Hội-thống, Hội-triều là tên ba cửa biển, đều thuộc đạo Nghệ-an (11). Thông-lĩnh thuộc đạo Lạng-sơn, Tam-kỳ thuộc đạo Tuyên-quang, Trúc-hoa thuộc Sơn-tây, là nơi ký trị của Hưng-hóa. Liên kết hai chương này mà xem, thì có thể thấy sự đề phòng trong ngoài nghiêm ngặt.

LI

Hoàng đế (1) phán rằng: “Đức Thái-tổ (2) vất vả mười năm mới bình định cả thiên hạ, truyền cho con cháu, mong được muôn đời. Trẫm không có đức, lạm ở ngôi vua, nhờ các quan trung thành, hiền lương cứu giúp để lo việc thủy chung, khiến cho đức của ta được sáng khắp bốn biển, thì thịnh trị của nhà Nguyễn nhà Trình hơn làm sao được.
Trần vì tránh húy của Nguyên-tổ nên gọi Lý là Nguyễn (3), Lê vì tránh húy Cung-từ Thái hậu nên đổi Trần gọi là Trình (4).

LII

Bèn sai Nguyễn Thiên Túng (1) làm tập chú, Nguyễn Thiên Tích (2) làm cẩn án, Lý Tử Tấn (3) làm thông luận để cho sáng rõ hơn.
Thiên Túng và Thiên Tích thường ở Gián viện, có nhiều lời nói thẳng. Tử Tấn từ chức hành-khiển ở Bắc đạo vào giữ chức thừa-chỉ, coi việc làm chiếu cáo; văn chương sâu sắc, tao nhã, đáng khen.

LIII


Một tuần (1) thì sách làm xong, dâng lên vua xem. Hoàng đế (2) phán rằng: “Than ôi! Đức Thánh-tổ (3) ta kinh dinh bốn phương, dấu chân đi khắp trong thiên hạ; quạt gió, uống mưa, nằm trống gối giáo, thật cũng gian nan thay! Thu góp non sông để giao phó cho ta, thật cũng lớn lao thay! Tiên sinh (4) giúp đức Thần-khảo (5) ta thay trời làm việc, sánh được với thượng đế. Đến sách này lại muốn bắt chước như đời Ngu, đời Hạ. Khuyên chớ bỏ ta, dẫn ta tiến đến như Nghiêu, Thuấn thật cũng lớn lao kỳ vĩ thay!”

Nói đức Thái-tổ kinh dinh rong ruổi khắp trong thiên hạ, nóng không kịp quạt, ăn không kịp uống, nằm không có chiếu, gối không có nệm, gian khổ là như thế, cho nên trời đất, thần người cũng đều giúp đỡ, dẹp được giặc Minh, thu lại bờ cõi, truyền cho con cháu cho đến ta. “Tiên sinh” là chỉ Tế văn hầu. “Thần-khảo” là đức Thái-tổ. Đức Đế-quân nói: “Người chính trực thay trời thi hành việc hóa dục”. Đức Thái-tổ khởi nghĩa, các bầy tôi tôn nhà vua là “Đại thiên hành hóa”; từ đấy trở về sau, trong cáo dụ phần nhiều dùng những chữ ấy. “Bắt chước Ngu, Hạ” là muốn theo việc làm của nhà Ngu, nhà Hạ. “Khuyên chớ bỏ ta” là đừng cho ta non trẻ, bất tài mà không trông nom đến ta. “Cù tiếu” (6) nghĩa là dẫn tiến lên, Hoàng đế nói tiên sinh đã giúp Thái-tổ được vẻ vang sánh với đức thượng đế. Nay làm quyển sách này ghi chép lịch duyệt xưa nay, lại muốn bắt chước chính trị đời Đường, đời Ngu như thế; chớ cho ta là không minh mẫn mà bỏ ta, nên dắt ta tiến lên đến bậc tột cùng như Nghiêu, Thuấn, thì công ấy rạng rỡ nghìn thuở, há không to tát lớn lao ư!

LIV


Trãi tâu rằng: “Nhà vua nói như thế, thật là sự may mắn cho nước nhà vậy”.
Chúc-lý (1) Ngô thị nói: Sách chí lược (2) chép rằng: tính bốn phía nước ta, phía đông đến biển, phía tây đến nước Lão-qua (3), phía nam cũng đến biển, phía bắc đến huyện Bằng-tường (4) là 470 dặm; đông nam đến biển, đông bắc đến Khâm-châu (5) tỉnh Quảng-đông là 1.000 dặm; tây nam đến Chiêm-thành là 2.400 dặm; tây bắc đến phủ Thuận-an (5) tỉnh Quảng-tây là 2.500 dặm; đến Giang-nam, Nam-kinh (6) theo đường Quảng-tây là 7.720 dặm, theo đường Quảng-đông là 6.620 dặm; đến Yên-kinh (7) theo đường Quảng-tây là 16.060 dặm, theo đường Quảng-đông là 10.065 dặm (8). Khoảng niên hiệu Nguyên-gia đời Văn đế nhà Tống (424-453) đi sang phía nam đánh Lâm-ấp, lập biểu vào ngày (?) (9) để xem, thì mặt trời ở về phía bắc cái biểu là 9 tấc 1 phân (10), bóng ở Giao-châu về phía nam cái biểu là 3 tấc 3 phân (11). Giao-châu cách Lạc-dương là hơn 7.000 dặm (12), bởi vì núi sông quanh co nên xa như thế. Theo biểu mà kể đường thẳng thì chỉ vào 60 dặm. Khoảng niên biểu Khai-nguyên (13) nhà Đường đo bóng mặt trời vào ngày hạ chí thì bóng ở miền nam biểu là 3 tấc 3 phân (14) cũng như kết quả đã đo ở năm Nguyên-gia. Sách Luận hành của Vương Sung (15) nói: “Nhật-nam cách Lạc-dương vạn dặm”. Lý Giám (16) nói: “An-nam đến Trường-an (17) là 7.250 dặm”. Mạnh Quán nói: “Lấy bốn phương mà so thì nước An-nam đúng là nơi ở cuối Trung-quốc mà thôi. Nay tự La-thành đến Kim-lăng (18) là 115 trạm tính ra là hơn 7.700 dặm”.


Lý thị nói: Ức Trai dâng sách này, vua Thái-tông khen ngợi, sai ông đem ấn hành. Kịp việc bạo băng xảy ra lúc đồng hành, triều đình luận tội cho là Ức Trai phu nhân là Nguyễn Thị Lộ thí nghịch, bắt tội đến cả ba họ. Đại-tư-đồ Lê Liệt sai thợ hủy bỏ bản in. Sau vua Nhân-tông đã trưởng thành, cầm nắm quốc chính, Lê Liệt có tội bị giam ở Thổ-lao. Nhà vua ngự đến Bí-thư các, xem các sách vở, được di bản của Ức Trai, mới bảo quần thần rằng: “Nguyễn Trãi là người trung thành giúp đức Thái-tổ dẹp loạn tặc, giúp đức Thái-tông sửa sang thái bình. Văn chương và đức nghiệp của Nguyễn Trãi, các danh tướng của bản triều không ai sánh bằng. Không may người đàn bà gây biến, để người lương thiện mắc tội, rất là đáng thương”. Bèn lấy sách vở ấy ở ngự tẩm, dùng làm chính thư.

Không có nhận xét nào: