Thời vua chúa lúc
dân ta chưa biết Tây lịch, để xác định thời gian cho một dữ kiện đã xãy ra, dân
ta dùng niên hiệu của ông vua đương thời.
Niên hiệu : Khi một ông vua
lên ngôi đều tự lấy cho mình một niên hiệu để đánh dấu cái giai đoạn mà mình
trị vì và tất cả những dữ kiện xảy ra sẽ được ghi lại so với cái niên hiệu của
mình. Thí dụ người ta nói "Tự Ðức năm thứ 2", "Minh Mạng năm thứ
6", .... (thay vì năm 1848, năm 1825, ...) Với cách ghi thời gian kiểu nầy
thì có cái lợi là biết câu chuyện đó xảy ra dưới thời vua nào nhưng cái bất lợi
là khó mà biết được cái nào xảy ra trước cái nào xảy ra sau nếu không giỏi sử
học.
Miếu hiệu : Tên hiệu của ông
vua đã chết. Khi một ông vua đã mất, ông vua sau lên kế vị và đặt miếu hiệu cho
vị vua trước như là phong chức tước hay tôn vinh người quá cố. Ví dụ, miếu hiệu
của vua Gia Long là Thế Tổ, miếu hiệu vua Minh Mạng là Thánh Tổ. Dĩ nhiên có
nhiều ông vua không có miếu hiệu.
Tên Húy: Tên thật do cha mẹ
đặt khi mới sanh, một người có thể có nhiều tên húy, thường được người
ta kiêng không gọi đến. Ví dụ tên húy của vua Minh Mạng là Ðảm (Nguyễn Phúc
Ðảm), tên húy của vua Tự Ðức là Hồng Nhậm (Nguyễn Phúc Hồng Nhậm). Xưa người
mình thường hay kỵ húy, kiêng, tránh không được nhắc đến tên. Ví dụ vua
Minh Mạng có bà phi tên là Hồ Thị Hoa. Vì kỵ húy bà nên cầu Hoa ở Sài Gòn đã
được đổi tên lại là cầu Bông.
Ngoài những loại tên
nầy, các vua còn có thể có nhiều chức tước khác nhau !
Thời Trịnh Nguyễn
phân tranh, năm Ất Dậu (1765), Chúa Vũ Nghuyễn Phúc Khoát mất. Quyền thần
Trương Phúc Loan chuyên quyền thay Chúa đổi ngôi, đưa Nguyễn Phúc Thuần mới 12
tuổi lên ngôi Chúa để dễ bề khống chế. Từ đó Ðàng Trong bắt đầu đi vào con
đường suy thoái, sưu cao thuế nặng, khắp nơi đều vang lên tiếng than oán và
cuối cùng dẫn đến việc ba anh em nhà Tây Sơn khởi nghĩa năm Quí Tỵ (1773). Lợi
dụng lúc Ðàng Trong có nội loạn, Chúa Trịnh xua quân qua sông Linh Giang tấn
công Phú Xuân (Huế). Phú Xuân thất thủ, tôi chúa họ Nguyễn phải chạy vào Gia
Ðịnh, chấm dứt sự nghiệp của Chúa Nguyễn ở Ðàng Trong.
Trong số người chạy
loạn có Nguyễn Ánh lúc bấy giờ mới 13 tuổi. Nguyễn Ánh là con của hoàng tử
Nguyễn Phúc Côn và bà Nguyễn Thị Hoàng. Nguyễn Ánh (hay Nguyễn Phúc Ánh) sinh
ngày 15 tháng Giêng năm Nhâm Ngọ (1762), thuở thiếu thời đã tỏ ra là một con
người có chí và thông minh vì thế rất được Chúa yêu, tuy còn nhỏ nhưng ông được
Chúa phong cho chức Chưởng sứ, ông đã tỏ ra là một tướng cầm quân có tài.
Năm Tân Dậu (1777),
Nguyễn Huệ đem quân vào đánh chiếm Gia Ðịnh, Chúa tôi họ Nguyễn phải bỏ thành
kéo tàn quân chạy về Ðịnh Tường, Cần Thơ. Quân Tây Sơn truy lùng gắt gao, bắt
được và giết Tân Chính Vương Nguyễn Phúc Dương, Nguyễn Ánh bắt đầu một cuộc
sống long đong và vất vả.
Vài năm sau, Nguyễn
Ánh lấy lại được Sài Côn (Saigon) rồi tiến ra lấy lại Bình Thuận. Năm Canh Tí
(1780) Nguyễn Ánh lên ngôi Vương ở Gia Ðịnh. Năm Nhâm Dần (1782), thấy thế lực
Nguyễn Vương ngày càng mạnh, Nguyễn Nhạc và Nguyễn Huệ kéo quân vào đánh,
Saigon thất thủ, Nguyễn Vương lại bôn tẩu về Hà Tiên rồi chạy ra đảo Phú Quốc.
Nguyễn Vương vốn là
con người có chí nên ông bất chấp gian khổ, canh cánh trong lòng một mối thù
phục quốc. Chính vì thế nên khi biết được Giám mục Pháp Bá Ða Lộc (Pigneau de
Béhaine), người có uy tín và thế lực tại Pháp thời bấy giờ đang ở Ðàng Trong ,
Nguyễn Vương không ngần ngại cho mời giám mục tới và nhờ giám mục làm sứ giả
trong việc cầu viện Pháp. Nguyễn Vương đã để cho con trưởng của mình là Nguyễn
Phúc Cảnh mới 4 tuổi theo Giám mục Bá Ða Lộc sang Pháp làm con tin.
Trong thơ cho Vua
Pháp (Louis XVI), Nguyễn Vương xin Pháp giúp 1.500 lính và tàu bè, súng ống,
vật dụng. Ðể đền bù, Pháp được độc quyền buôn bán ở nước Việt Nam, nhường cho
nước Pháp đảo Côn Lôn (Côn đảo), và cảng Hội An (có sách nói là cảng Ðà Nẵng).
Giám
mục Bá Ða Lộc ký được hiệp ước Versailles với Pháp ngày 28-11-1787, vua Pháp
giao trách nhiệm thi hành hiệp ước cho một ông tướng đống quân ở Ấn Ðộ nhưng
ông nầy không thích Giám mục Bá Ða Lộc nên nói ra với vua Pháp và cũng vì
nước Pháp đang bị nội loạn nên rốt cuộc vua Pháp không thi hành hiệp ước. Chờ
mãi không được, Giám mục Bá Ða Lộc bỏ tiền riêng để mướn một số lính đánh
thuê rồi trở về Việt Nam. Năm 1789 thì Hoàng tử về đến Gia Ðịnh.
|
Khi đưa con đi rồi
Nguyễn Vương cũng từ giã mẹ và vợ để sang Xiêm La (Thái Lan) cầu cứu. Tới tháng
6 năm 1784 thì vua Xiêm cho tướng Chiêu Tăng và Chiêu Sương đem 20 vạn quân và
300 chiếc thuyền sang giúp Nguyễn Vương. Lúc đầu quân Xiêm đại thắng chiếm
nhiều tỉnh Kiên Giang, Trà Ôn, Sa Ðéc. Sau đích thân Nguyễn Huệ đem đại quân
vào đánh, quân Xiêm thua bỏ chạy về nước, Nguyễn Vương cũng chạy theo về Xiêm
La lánh nạn.
Tháng 5 năm Bính Ngọ
(1786), Nguyễn Huệ theo kế của Nguyễn Hữu Chỉnh tiến chiếm Phú Xuân rồi rồi
thừa thắng tiến ra Thăng Long (Hà Nội) diệt họ Trịnh. Việc Nguyễn Huệ ra Bắc
làm cho Nguyễn Nhạc (anh của Nguyễn Huệ) nghi ngờ nên cũng vội vã đem quân ra
Bắc, hai anh em gặp nhau ở Thăng Long rồi cùng về. Nguyễn Huệ được đóng quân ở
Phú Xuân và được phong là Bắc Bình Vương. Từ đó anh em Tây Sơn đã có mầm móng
bất hoà, nhiều lần hai anh em đã đem quân đánh nhau.
Vì ham tranh quyền
nên anh em Tây Sơn đã không ngó ngàng gì đến các xứ Ðàng Trong nhất là từ Qui
Nhơn (Bình Ðịnh) trở vào, lợi dụng thời cơ đó, Nguyễn Vương đã cùng với các bộ
tướng củ, tháng 9 năm Ðinh Mùi (1787), trở về nước. Nguyễn Vương đã được dân
miền Nam giúp đở rất nhiều, có nhiều tướng giỏi đến phò như Võ Tánh, nên chẳng
mấy chốc lực lượng Nguyễn Vương đã lớn mạnh. Ðông Ðịnh Vương Nguyễn Lữ phải bỏ
Gia Ðịnh trở về Qui Nhơn. Nguyễn Vương lấy toàn bộ xứ Gia Ðịnh đặt làm bản
doanh rồi bắt đầu tổ chức việc cai trị. Năm Canh Tuất (1790) Nguyễn Vương cho
đắp lại thành Gia Ðịnh theo kiểu bát quái có 8 cửa xây bằng đá ong.
Thấy Nguyễn Vương
lớn mạnh, tháng 3 năm Nhâm Dần (1782) vua Thái Ðức Nguyễn Nhạc nhà Tây Sơn đem
quân vào đánh nhưng bị quân Nguyễn Vương đánh lui. Kể từ đó về sau, quân Tây
Sơn luôn thất bại khi đem quân vào đánh.
Ở Phú Xuân, Bắc Bình
Vương Nguyễn Huệ lại tiến quân ra Bắc diệt nhà Lê rồi cho Ngô Văn Sở và Ngô
Thời Nhiệm ở lại để cai trị Bắc Hà. Vua Lê Chiêu Thống chạy sang Trung Quốc cầu
viện nhà Thanh. Nhà Thanh sai Tôn Sĩ Nghị đem 20 vạn quân sang đánh. Ðược tin,
Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng Ðế ở Phú Xuân lấy hiệu là Quang Trung
thống lãnh đại quân tiến ra Bắc đánh tan 20 vạn quân nhà Thanh, Tôn Sĩ Nghị
phải chạy thoát thân bỏ quên cả ấn tín.
Năm Nhâm Tý (1792)
vua Quang Trung băng hà, con là Quang Toảng lên ngôi mới 10 tuổi, vì thế Vương
nghiệp triều Tây Sơn nhanh chóng rơi vào suy vong.
Ðược tin vua Quang
Trung băng hà, Nguyễn Vương rất vui mừng, đẩy mạnh việc chuẩn bị đánh Tây Sơn.
Dưới trướng Nguyễn Vương lúc bấy giờ có nhiều quan chức người nước ngoài như
Dayot (Ông Trí), Philippe Vannier (Ông Chấn), Guilloux, Laurent Barisy (Ông
Mân), De Forçant (Ông Lăng), Jean Baptiste Chaigneau, Olivier de Puymanel (Ông
Tín), Theodore Lebuen. Những quan chức nầy là những cố vấn kỹ thuật cho Nguyễn
Vương trong lãnh vực quân sự, vũ khí, đấp thành, v.v...
Cuộc chiến kéo dài
đến năm Tân Dậu (1801) Nguyễn Vương chiếm lại được Phú Xuân, và ngày mồng 2
tháng 5 năm Nhăm Tuất (1802) Nguyễn Vương lên ngôi lấy niên hiệu là Gia Long.
Lên ngôi xong vua Gia Long đưa quân tiến ra đất Bắc, quân Tây Sơn tan rã lần
hồi. Ðến tháng 6 cùng năm thì vua Gia Long đã thống nhất được sơn hà, chấm dứt
cuộc chiến tranh kéo dài gần 300 năm.
Ngài ra lệnh quật mả
vua Nguyễn Nhạc và vua Nguyễn Huệ lên, đem vứt thây đi còn đầu thì đem bỏ giam
trong ngục tối (có sách viết là đốt thây thành tro rồi đổ xuống sông, còn sọ
thì làm gáo đựng nước tiểu).
Vua sai sứ sang Tàu
cầu phong và xin đổi quốc hiệu là Nam-Việt, nhưng vì đất Nam-Việt đã có bên Tàu
đời nhà Triệu ngày trước nên Thanh triều mới đổi chữ Việt lên trên, gọi là
Việt-Nam để cho khỏi lầm với tên củ.
Ở trong cung, nhà
vua không đặt ngôi Hoàng hậu, chỉ có ngôi Hoàng phi và các cung tần. Sau khi
vua mất, thì con lên ngôi, mới tôn mẹ lên làm Hoàng Thái Hậu.
Bỏ chức Tể tướng,
lập ra 6 bộ, đứng đầu mỗi bộ là quan Thượng Thư:
-Bộ Lại : coi việc
khảo xét công trạng, thảo những tờ chiếu sắc, v.v...
-Bộ Hộ : coi việc
đinh điền thuế má, tiền bạc, v.v...
-Bộ Lễ : coi việc tế
tự, tôn phong, cách thức học hành thi cử, v.v...
-Bộ Binh : coi việc
binh lính, v.v...
-Bộ Hình : coi việc
pháp luật, v.v...
-Bộ Công : coi việc
làm cung điện, dinh thự, v.v...
Ngài lập Văn Miếu ở
các trấn thờ đức Khổng Tử. Mở trường lớn ở Kinh đô để dạy con các quan và các
sĩ-tử (sau nầy vua Minh Mạng đổi tên là Quốc Tử Giám). Mở khoa thi Hương để kén
lấy những người có học ra làm quan...
Vua Gia Long không
theo đạo Thiên Chúa dù Ngài rất biết ơn Giám mục Bá Ða Lộc và có nhiều thiện
cảm với các giáo sĩ, nhưng Hoàng tử Cảnh đã theo đạo khi ở chung với Giám mục
Bá Ða Lộc. Một lá thư của Cha Lelabousse viết vào tháng 6-1792 cho biết :
"Trong buổi lễ được tổ chức vào khoãng cuối tháng 7-1789, Hoàng tử Cảnh
nhất định không đến lạy trước bàn thờ tổ tiên đã làm cho Nguyễn Vương đau khổ
tủi nhục và tức giận, vứt bỏ phẩm phục, mũ niệm, nói rằng ông là một người cha
bất hạnh".
Nhưng vua vẫn một
lòng kính trọng Giám mục, trong một lá thư của Giám mục viết cho Hội truyền
giáo hải ngoại năm 1795, Giám mục kể rằng trong năm đó có mười chín ông quan
trong triều đình viết sớ đưa lên cho Nguyễn Ánh xin Ngài thận trọng đừng để
Giám mục lo việc giáo huấn Hoàng tử Cảnh. Nguyễn Vương nổi trận lôi đình, vứt
sớ xuống đất và kể những công trạng của Giám mục đối với gia đình và sự nghiệp
của Vương. Nguyễn Ánh hăm dọa là sẽ phạt thẳng tay những người có ý nghĩ xấu
nầy. Xong Vương vào hậu cung kể lại cho vợ nghe và hai người quyết định là giấu
chuyện nầy không cho Giám mục biết.
Ngày 19 tháng 12 năm
Canh Thìn (3-2-1820) vua Gia Long băng hà thọ 58 tuổi (theo Trần Trọng Kim thì
Ngài mất năm 1819).
Hoàng tử Nguyễn Phúc Cảnh sanh ngày 2 tháng 3 năm Canh Tý (6-4-1780) tại Gia Ðịnh, con của Nguyễn Ánh và bà Tống Thị Lan (sau là Thừa Thiên Cao Hoàng hậu).
Năm 4 tuổi, Hoàng tử được gởi theo Giám mục Bá Ða Lộc sang Pháp cầu viện, tới năm 1789 mới trở về với gia đình. Mùa xuân năm Quí Sửu (1792) Hoàng tử lên 14 tuổi, Nguyễn Vương lập ông làm Ðông Cung, phong chức Nguyên Súy Quận công, chọn các đại thần giúp đở để ông quen chuyện chính trị. Trong các phụ đạo (thầy dạy) có Trịnh Hoài Ðức, Lê Quang Ðịnh và Ngô Tùng Châu.
Năm Ðinh Tỵ (1797) ông theo Nguyễn Vương đi đánh Qui Nhơn, rồi đáng Quản Nam, khi quân trở về Thái tử tâu xin cho soạn Hiển trung chư thần liệt truyện để chép truyện các bậc tôi trung đời trước để khuyến khích mọi người , được Nguyễn Vương chấp thuận.
Mùa Xuân năm Tân Dậu Thái tử bị bệnh đậu mùa và mất vào ngày 7 tháng 2 năm Tân Dậu (20-3-1801), thọ 22 tuổi. Ông có hai người con trai. Con trưởng là Nguyễn Phúc Mỹ Ðường (còn có tên là Ðán), con thứ là Nguyễn Phúc Mỹ Thùy (còn có tên là Kính). Ông Kỳ Ngoại Hầu Cường Ðể là cháu năm đời của Hoàng tử Cảnh.
Vua Minh Mạng tên là
Nguyễn Phúc Ðảm, sanh năm Tân Hợi (1791) tại làng Tân Lộc, tỉnh Gia Ðịnh, con
thứ tư của vua Gia Long và bà Thuận Thiên Trần Hoàng hậu. Khi Hoàng tử Cảnh mất
thì Ngài được lập làm Thái tử, khi vua Gia Long băng hà, theo di chiếu Ngài lên
nối ngôi, lúc nầy đã 30 tuổi và đổi niên hiệu là Minh Mạng.
Ngài tiếp tục việc
tu sửa lại kinh thành Huế, công trình kiến trúc quan trọng nhất dưới thời Minh
Mạng là cửa Ngọ Môn. Các sách đều khen ông là một nhà vua văn võ kiêm toàn
(nhưng theo một lá thư của một vị Giám mục người Pháp thì Vua không có tài văn
chương gì cả mà chỉ do các ông quan nịnh bợ Vua hùa theo ca tụng). Vua Minh
Mạng bắt đầu một cuộc cải cách từ nội trị đến ngoại giao.
Về mặt nội trị, nhà
vua bỏ hầu hết các dinh, các trấn mà thành lập các tỉnh (31 tỉnh), thành lập
Nội các và Cơ mật viện để cùng với vua bàn chuyện nước (tới thời Bảo Ðại mới bị
giải tán). Lập Quốc Tử Giám. Bắt đầu mở các khóa thi Hội, thi Ðình để lấy tiến
sĩ (tới thời Khải Ðịnh mới bị giải tán). Lập Quốc sử quán để góp nhặt những
chuyện làm quốc sử. Phát thưởng cho những ai tìm được sách củ hay làm ra sách
mới v.v...
Các nước láng giềng
xa gần đều gởi sứ thần đến thông hiếu và vua cũng cử nhiều phái đoàn đến các
nước đó để ban giao. Năm Mậu Tuất (1838) vua Minh Mạng đổi tên nước là Ðại Nam.
Ngài không thích đạo
Thiên Chúa nên không cho người ngoại quốc vào giảng đạo ở trong nước, Ngài có
ra dụ (sắc lệnh) nói rằng : "Ðạo phương Tây là tả đạo, làm mê hoặc lòng
người và hủy hoại phong tục, cho nên phải nghiêm cấm để khiến người ta phải
theo chính đạo". Lúc bấy giờ không phải là một mình vua ghét đạo Thiên
Chúa mà thôi, phần nhiều những quan lại cũng đều một ý cả, cho nên sự cấm đạo
lại càng nghiệt thêm. Nhưng mà dẫu cắm thế nào mặc lòng, vẫn có người đi giảng
đạo Thiên Chúa, nhà vua lấy điều đó làm trái phép nên ra dụ lần nữa nói rằng ai
bắt được giáo sĩ đem nộp thì được thưởng. Năm ấy ở Huế có một người giáo sĩ
phải xử giảo, và các nơi cũng rối loạn vì sự bắt đạo và giết đạo. Việc cấm đạo
nầy cứ dai-đẳng mãi đến khi nước Pháp sang bảo hộ mới thôi.
Cũng vì việc cấm đạo
Thiên Chúa cho nên sự buôn bán với người nước ngoài cũng bị cản trở vì Triều
đình thấy thỉnh thoảng khi có chiếc tàu buôn lại thì lại có một vài người giáo
sĩ Thiên Chúa giáo trên đó nên càng lạnh nhạt với người nước ngoài. Vua từ chối
không tiếp một tàu ngoại quốc nào cả ngay cả tàu Pháp. Hai ông quan người Pháp
(Chaigneau và Vannier) làm trong triều đình từ thời Gia Long thấy vua Minh Mạng
có vẻ không thích người ngoại quốc nên cũng xin từ chức rồi đem gia đình trở về
Pháp.
Sau nầy vua Pháp có
gởi sứ giả sang xin ban giao với Việt Nam nhưng vua Minh Mạng không tiếp, nước
ta coi như bế quan tỏa cảng từ đó.
Vua Minh Mạng mất
năm Canh Tí (1840), thọ 50 tuổi, trị vì được 21 năm
Vua Minh Mạng băng
hà, người con trưởng của vua là Hoàng Tử Nguyễn Phúc Tuyền, húy là Miên Tông
sinh năm Ðinh Mão (1807) được di mệnh nối ngôi lấy niên hiệu là Thiệu Trị. Sách
nói vua Thiệu Trị là một người hiền hoà, siêng năng cần mẫn nhưng không có tính
hoạt động như vua cha. Mọi việc đều noi theo cũ không có gì đổi mới.
Ông nổi tiếng là ông
vua thi sĩ, có để lại rất nhiều bài thơ, nổi tiếng nhất là hai bài thơ chữ Hán
có tên là Vũ Trung Sơn Thủy (cảnh trong mưa) và Phước Viên Văn hội lương dạ mạn
ngâm (Ðêm thơ ở Phước Viên). Cả hai bài không trình bài theo lối thường mà viết
thành năm cái vòng tròn đồng tâm, mổi vòng tròn có một số chữ, đếm mỗi bài có
56 chữ, ứng với một bài thơ thất ngôn bát cú, nhìn vào như một "trận đồ
bát quái", vua có chỉ cách đọc và đố là kiếm ra 64 bài thơ trong đó nhưng
tới nay chưa ai kiếm ra được hết.
Dưới thời nầy đất
Nam-kỳ có nhiều giặc giã, dân Chân-Lạp nổi loạn và quân Tiêm-La sang đánh phá,
vua phải dùng binh đánh dẹp mãi tới năm Thiệu Trị thứ bảy (1847) mới yên được.
Từ khi vua Thiệu Thị
lên ngôi thì việc cấm đạo Thiên Chúa mới nguôi đi được một ít, nhưng triều đình
vẫn ghét đạo, và những giáo sĩ ngoại quốc vẫn còn bị giam ở Huế. Có người đưa
tin ấy cho trung tá nước Pháp tên là Favin Lévêque coi tàu Héroïne, ông nầy đem
tàu vào Ðà Nẵng xin cho năm người giáo sĩ được tha. Năm Thiệu Trị thứ năm
(1845) có người Giám mục tên Lefèbvre phải án xử tử. Thiếu tướng nước Pháp là
Cécile biết, sai quân đem tàu Alcmène vào Ðà Nẵng lĩnh giám mục ra.
Năm Ất Tỵ (1847)
quan nước Pháp biết rằng ở Huế không còn giáo sĩ bị giam nữa, mới sai đại tá De
Lapierre và trung tá Rigault de Genouilly đem hai chiếc chiến thuyền vào Ðà
Nẵng, xin bỏ những chỉ dụ cấm đạo và để cho người trong nước được tự do theo
đạo mới. Lúc hai bên còn đang thương nghị về việc ấy thì quan nước Pháp thấy
thuyền của ta đóng gần tàu của Pháp và ở trên bờ lại thấy có quân ta đấp đồn
lũy, mới nghi có sự âm mưu gì chăng bèn phát súng bắn đắm cả những thuyền ấy,
rồi nhổ neo kéo buồm ra bể.
Vua Thiệu Trị thấy
vậy tức giận vô cùng, lại có dụ (sắc lệnh) ra cấm người ngoại quốc vào giảng
đạo và trị tội những người trong nước đi theo đạo. Vài tháng sau thì vua lâm
bệnh nặng.
Nguyễn Phúc Hồng Bảo
là con trưởng của vua Thiệu Trị (nhưng lại không phải là con của chánh phi Phạm
Thị Hằng mà là con của bà phi Ðinh Thị Hạnh). Bảo vốn là người ham chơi, không
chịu học hành, tổi ngày chỉ lo đánh bạc. Vua Thiệu Trị có la rầy nhiều lần
nhưng không được.
Khi vua lâm bệnh
nặng, cho đòi các quan đại thần vào trối. Trương Ðăng Quế, Võ Văn Giải, Nguyễn
Tri Phương và Lâm Duy Hiệp vào chầu. Ngài phán rằng Hồng Bảo tuy lớn nhưng ngu
độn, ít học, chỉ ham vui chơi, nối nghiệp không đặng, con thứ hai là Hồng Nhậm,
thông minh, ham học giống vua có thể cai trị nước được. Vua yêu cầu các quan
phải thi hành tờ di chiếu của vua để lại. Triều thần khóc, bái lạy và gọi Hồng
Nhậm đến trao ấn và kiếm. Hồng Bảo được tin, tức giận đem thân binh vào nhưng
bị quan Phạm Thế Lịch đem quân cản lại chỉ để cho một mình Hồng Bảo vào mà
thôi. Hồng Bảo vào gặp vua lạy lục, vua quay mặt đi không trả lời, Phạm Thế
Lịch và Vũ Văn Giải đưa Hồng Bảo ra hậu cung và cầm giữ ở đó. Mấy ngày sau thì
vua băng hà tại điện Càn Thành (1847), làm vua được 7 năm, thọ 40 tuổi (theo
Nguyễn Phúc tộc gia phả).
Hồng Nhậm lên ngôi
lúc 19 tuổi, lấy niên hiệu là Tự Ðức, việc lên ngôi của Tự Ðức bị nhiều người
nghi ngờ nên cũng có người chống. Hồng Bảo (anh Tự Ðức) âm mưu với một số người
để tìm cách giành lại ngai vàng. Việc bại lộ, Hồng Bảo bị hạ ngục và bị kết án
tử hình. Tự Ðức tha chết cho anh nhưng cho lệnh giam lại, nhưng không hiểu sao
Hồng Bảo thắt cổ chết trong ngục (có sách viết là bị ép uống thuốc độc). Cái
chết của Hồng Bảo trở thành một nghi án. Vua Tự Ðức sợ sau nầy sử không chép
đúng sự thật nên tự mình kể lại cuộc đời của mình và cho khắc vào bia đá lớn để
lại cho hậu thế, bia nầy ngày nay vẫn còn ở trong lăng Tự Ðức.
Người ở trong nước
chia ra làm bốn hạng là : sĩ, nông, công, thương. Sĩ : là hạng người chuyên
nghề đi học, thầy thuốc, thầy bói, v.v... những nghề phong lưu nhàn hạ. Nông :
là hạng người chuyên nghề làm ruộng. Công : là hạng người làm thợ hoặc làm một
công nghệ gì để lấy lợi (dệt vải, làm mắm muối, v.v...). Thương : là hạng người
làm nghề buôn bán.
Ðời vua Tự Ðức có
rất nhiều loạn lạc (giặc cờ Ðen, cờ vàng, cờ Trắng, nội loạn, phò Lê diệt
Nguyễn v.v...) và cũng là giai đoạn đầu mà Pháp đánh Việt Nam.
Năm Tự Ðức thứ 9, có
chiến thuyền "Catinat" vào cửa Ðà Nẵng rồi cho người đem thư lên
trách triều đình Việt Nam về việc giết đạo Thiên Chúa. Không được trả lời, quân
Pháp bắn phá các đồn lũy rồi bỏ đi. Có ông Giám mục Pellerin trốn được lên tàu.
Giám mục Pellerin về Pháp thuật lại cho triều đình Pháp cảnh các giáo sĩ Thiên
Chúa giáo bị đàn áp dã man ở Việt Nam, và nói rằng chỉ cần có loạn là các tín
đồ Thiên Chúa giáo sẽ nổi lên đánh giúp, lại có bà Hoàng hậu Pháp Eugénie rất
sùng đạo nên cũng nói giúp ông Pellerin. Pháp Hoàng mới quyết ý sang đánh nước
ta.
Tháng 7 năm Tự Ðức
thứ 11 (1858), Trung tướng Pháp là Rigault de Genouilly đem tàu Pháp và tàu
Y-pha-nho (Espagne) cả thảy 14 chiếc vào cửa Ðà Nẵng bắn phá rồi hạ thành An
hải và thành Tôn hải. Theo dự trù, trung tướng Rigault de Genouilly tính tiến
đánh Huế sau khi hạ Ðà Nẵng nhưng chờ hoài mà chẳng thấy tín đồ Thiên Chúa giáo
nổi loạn lại thấy quân ta đổ xuống ngày càng đông, quân Pháp lại không quen khí
hậu nên ngã bệnh cũng nhiều. Trung tướng Rigault de Genouilly gây lộn với Giám
mục Pellerin và viết thư về Pháp kể tình hình, Giám mục Pellerin giận bỏ về Mã
Lai. Thấy đánh Huế chưa nổi, ông trung tướng Pháp đổi ý, quay qua đánh Gia Ðịnh
vì là nơi dể lấy hơn và là vùng trù phú hơn.
Ðầu năm sau trung
tướng Rigault de Genouilly dẩn quân Pháp và Y-pha-nho vào cửa Cần Giờ, đánh
thành Gia Ðịnh, chỉ trong 2 ngày thì thành vở. Quan hộ-đốc Vũ Duy Ninh tự vận.
Quân Pháp san phẳng thành trì làm bình địa. Xong trung tướng Pháp lại đem quân
trở ra Ðà Nẵng đánh một trận ở đồn Phúc Ninh, quân ông Nguyễn Tri Phương thua
phải rút về giữ đồn Nại-hiên và đồn Liên-trì. Trung tướng Rigault de Genouilly
cũng bệnh nên xin về Pháp nghĩ, thiếu tướng Page sang thay, ông đề nghị việc
giảng hoà, cốt chỉ xin được tự do giảng đạo Thiên Chúa và được buôn bán với
nước ta nhưng triều đình Huế lúc đó chỉ còn những ông quan già, chỉ biết đạo
Nho thà chết để giữ nước, không chịu nhục, không phải là người biết mềm mỏng
trong vấn đề ngoại giao nên Vua cũng phải nghe theo.
Ðến năm 1862 thì
quân Pháp đã chiếm luôn Biên Hoà và Vĩnh Long. Triều đình mới chịu phái hai ông
Phan Thanh Giản và ông Lâm Duy Tiếp vào Nam giảng hoà với Pháp ngày 9 tháng 5
năm Nhâm Tuất (1862).
Trong bản hoà ước ấy
(12 khoãn) có những khoãn như sau :
-Nước Việt Nam phải
để cho giáo sĩ Thiên Chúa Giáo nước Pháp và nước Y-Pha-Nho được tự do giảng đạo
và để dân gian được tự do theo đạo.
-Nước Việt Nam phải
nhượng đứt cho nước Pháp tỉnh Biên Hoà, tỉnh Gia Ðịnh và tỉnh Ðịnh Tường và
phải để cho chiến thuyền của Pháp ra vào tự do ở sông Mékong (Cửu Long).
Vua Tự Ðức bắt buộc
phải nhường 3 tỉnh Nam kỳ cho Pháp nhưng trong bụng vẫn muốn lấy lại vì là đất
khai nghiệp của nhà Nguyễn nên đã phái ông Phan Thanh Giản, ông Phạm phú Thứ và
ông Ngụy Khắc Ðản đem phẩm vật sang nước Pháp và nước Y-Pha-Nho để xin chuộc
lại 3 tỉnh miền Nam. Vua Pháp hẹn sẽ suy nghĩ lại rồi trả lời sau, nhưng ông bộ
trưởng hải quân và thuộc địa Pháp Chasseloup-Laubat không chịu trả đất cho Việt
Nam nên nói ra, vua Pháp nghe lời.
Triều đình Huế cũng
nghĩ là Pháp sẽ không ngừng ở đó nên sai ông Phan Thanh Giản vào trấn giữ Miền
Nam. Năm Tự Ðức thứ 20 (1867), thiếu tướng De la Grandière kéo quân đánh Vĩnh
Long, An Giang và Hà Tiên. Ông Phan Thanh Giản biết thế chống không nổi nên bảo
các quan nộp thành trì cho đở đổ máu rồi uống thuốc độc tự vận. Toàn cảnh đất
Nam Kỳ thuộc về Pháp, thuế má, luật lệ điều gì cũng do Pháp quyết định
cả. Nước Pháp tạm ngừng cuộc chinh phục tại đây.
Quân Pháp lấy Bắc kỳ
lần thứ nhất : 6 năm sau, ở miền Bắc có ông Jean Dupuis (tên việt là Ðồ Phổ
Nghĩa) chuyên buôn bán vũ khí, ông ta tìm đường sông để chở hàng qua Tàu và
kiếm ra đường sông Hồng nhưng bị quân triều đình làm khó dể vì ông ta không có
giấy phép. Jean Dupuis ngạo mạn kiếm chuyện gây gổ với triều đình rồi sai người
phụ tá tên Millot vào Saigon tìm gặp viên Thống đốc Nam kỳ là Thiếu tướng hải
quân Dupré để kể tình hình và xin trợ giúp. Thiếu tướng Dupré là người đã đễ ý
tới vùng Bắc kỳ từ lâu, ông đã viết thư về Paris xin lấy luôn đất Bắc kỳ nhưng
bên Pháp lúc bấy giờ đang yếu vì chiến tranh với nước Thổ nên ra lệnh không
được gây sự ở Bắc kỳ. Khi được Millot đến đốc thúc thì ông Dupré quyết định
hành động, ông viết thư cho Paris nói là xin được tự quyết định, ông không cần
viện trợ, nếu chuyện không thành thì ông sẽ lãnh hết trách nhiệm.
Dupré sai Trung úy
hải quân Françis Garnier đem quân ra Hà Nội giả nói là để giải quyết chuyện
xích mích của Jean Dupuis rồi kiếm chuyện để bắn vào thành Hà Nội sáng hôm rằm
năm Quí Dậu (1873). Chỉ một giờ thì thành vỡ, tướng Nguyễn Tri Phương bị thương
nặng, Pháp bắt tính giải về Saigon nhưng Nguyễn Tri Phương không cho băng bó và
nhịn ăn chết. Thành Hà Nội thất thủ, quân ta không hiểu chuyện gì hết nên cứ
thấy quân Pháp là bỏ chạy, chỉ trong 20 ngày mà mất 4 tỉnh.
Lúc bấy giờ có tướng
Tàu là Lưu Vĩnh Phúc đầu đảng của "giặc cờ đen" về hàng triều đình
Huế, vua Tự Ðức phong cho chức Ðề đốc để phụ đánh quân Pháp. Lưu Vĩnh Phúc đem
quân về đánh thành Hà Nội. Françis Garnier đem quân ra nghênh thì bị phục kích
chết ở cầu Giấy. Paris biết chuyện nên triệu Thiếu tướng Dupré về Pháp trị tội,
Thiếu tướng Dupré tìm cách đở tội nên trở mặt, sai ông Ðại úy hải quân
Philastre ra Hà Nội để trả lại thành và 4 tỉnh bị chiếm. Hai bên ký hoà ước năm
Giáp Tuất (1874) trong đó triều đình Huế công nhận cả miền Nam là thuộc về Pháp
và Pháp cũng bồi thường lại cho Việt Nam bằng tàu bè và súng ống.
Quân Pháp lấy Bắc kỳ
lần thứ hai : Năm 1881, có hai người Pháp tên là Courtin và Villeroi được giấy
thông hành đi lên Vân Nam (bên Tàu) nhưng khi đi đến Lào-Kay thì bị loạn quân
cản trở không đi được, viên Thống đốc Le Myre de Vilers bèn gởi thư về Pháp nói
rằng nên chiếm luôn Bắc kỳ để bảo đảm sự lưu thông buôn bán với Tàu. Lúc đó
nước Pháp đã hồi phục lại sinh lực nên cũng có ý bành trướng ở Nam Á. Năm 1882,
Thống đốc một mặt gởi thư cho triều đình ta nói là Vua bất lực, đất nước loạn
ly, Pháp phải trấn an đất Bắc để bảo vệ quyền lợi của dân Pháp, một mặt gởi Ðại
tá hải quân Henri Rivière ra Hà Nội, gởi tối hậu thư cho quan Tổng Ðốc Hoàng
Diệu bắt phải hàng. Ðúng 8 giờ sáng thì quân Pháp tấn công, 11 giờ thành đổ,
ông Hoàng Diệu treo cổ tự tử.
Viên Khâm sai Pháp ở
Huế là Rheinart sang thương thuyết, trong đó đòi nước Nam phải nhận nước Pháp
bảo hộ và nhường thành thị Hà Nội cho Pháp. Nhiều người trong Triều đình nói
rằng : "Nước ta trong còn Lưu Vĩnh Phúc, ngoài còn nước Tàu, lẽ nào bó tay
mà chịu" nên từ chối. Sau đó Triều đình cho người sang cầu cứu với nước
Tàu, Triều đình nhà Thanh được dịp bèn gởi quân qua đóng hết các tỉnh Bắc Ninh
và Sơn Tây. Quân Pháp thấy quân Tàu tràn qua biên giới nên cũng xua quân đánh
luôn. Ðại tá Henri Rivière cũng bị quân cờ đen giết tại cầu Giấy.
Ðúng lúc nầy thì vua
Tự Ðức mất ngày 16 tháng 6 năm Quí-Mùi (1883) trị vì 36 năm, thọ 55 tuổi.
Vua Tự Ðức vì lúc
nhỏ bị bệnh đậu mùa nên lớn không có con, nên vua có xin 3 người con trai của 2
người em làm con nuôi.
Vua nhường ngôi lại
cho con trưởng Ưng Chân, phong 3 ông đại thần Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tuờng
và Tôn Thất Thuyết làm phụ chính để giúp tân Vương. Thảm kịch bắt đầu từ mấy
câu di chiếu của Vua Tự Ðức viết về đạo đức và trách nhiệm của Ưng Chân:
"Vì tiên liệu
Trẫm đã nuôi sẵn ba con. Ưng Chân lớn tuổi nhất, từ lâu đã đến tuổi trưởng
thành, tuy nhiên mắt hơi có tật, dù xưa nay vẫn dấu kín, sợ sau nầy không còn
thấy sáng, tánh lại hiếu dâm, vì tâm tính rất xấu, không chắc đảm đương nổi
việc lớn. Nhưng đất nước cần có vua lớn tuổi. Trong thời thế khó khăn nầy không
dùng Ưng Chân thì dùng ai ? ..."
Các quan Phụ chính
Trần Tiễn Thành, Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết dâng sớ lên vua Tự Ðức xin
bỏ mấy đoạn có liên quang đến tính nết xấu của tự quân và xin bỏ câu “không
chắc đảm đương nổi việc lớn” nhưng vua Tự Ðức từ chối. Nhà vua bảo:
-Phải giữ lại câu đó
để nhắc người kế vị phải tự răn mình, tu tỉnh.
Ngày 17-7-1883 Dương
lịch, vua Tự Ðức băng hà tại điện Càn Thành. Theo di chiếu Hoàng tử Ưng Chân
vào chịu tang và coi như là vua kế vị, niên hiệu là Dục Ðức.
Ba ngày sau
(20-7-1883) là lễ đăng quang của vua Dục Ðức tại điện Thái Hoà. Quan Phụ chính
Trần Tiễn Thành đứng ra đọc Di chiếu, tới đoạn nói về tật xấu của vua, ông hạ
giọng đọc rất thấp (có sách nói là không đọc) thì lúc bấy giờ quan Phụ chính
Nguyễn Văn Tường nhảy ra nắm áo ông và nói lớn :
-Tại sao ông không
đọc đoạn tiên đế nói đến những gì Ngài nghĩ về Ưng Chân ?
Xong ông Tường cho
người khác ra đọc lại di chiếu, đọc vừa xong cái đoạn nói về thói hư tật xấu
của vua Dục Ðức thì ông Tôn Thất Thuyết cắt ngang lời người đọc và nói :
-Ðây là đoạn mà ông
Thành đã không chịu đọc, phải xin ngưng buổi lễ để xin ý kiến của Thái Hậu và
đình thần xem thử phải làm gì !
Sở dĩ hai ông Nguyễn
Văn Tường và Tôn Thất Thuyết dám làm vậy vì trước đó hai ngày họ đã dâng lên
Hoàng Thái Hậu Từ Dũ tờ hạch tội buộc cho vua Dục Ðức ba tội lớn :
-Muốn sửa di chiếu
-Có đại tang mà mặc
áo màu
-Hư hỏng, ăn chơi.
Ðược bà Hoàng Thái
Hậu Từ Dũ bật đèn xanh, hai ông Phụ chính Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết
liền truất ngôi của vua Dục Ðức và quản thúc ông ngay tại Dục Ðức đường. Nhà
học của ông bỗng trở thành nhà tù giam. Ông Dục Ðức làm vua chỉ vỏn vẹn có 3
ngày. Sau đó ông bị chuyển qua giam tại Thái Y Viện và cuối cùng chết vì đói và
khát tại Ngục Thất Thừa Thiên để lại 8 bà vợ, 11 người con trai và 8 người con
gái. (Vua Dục Ðức là cha của vua Thành Thái và là ông nội của Vua Duy Tân).
Quan Ngự Sử Phan
Ðình Phùng có lên tiếng can ngăn liền bị bắt giam rồi bị cách chức đuổi về quê.
Ông Nguyễn Văn Tường
và Tôn Thất Thuyết tôn em của vua Tự Ðức là Lạng Quốc Công, tên là Hường Dật,
lên làm vua, đặt niên hiệu là Hiệp Hoà.
Vua Hiệp Hoà thấy
hai ông đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết lộng hành quá bèn tìm cách
loại trừ bằng cách thay đổi chức tước của hai ông cho bớt binh quyền. Hai ông
Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết biết là vua không tin dùng mình nên liền âm
mưu lập ông Dưỡng Thiện là con nuôi thứ ba của vua Tự Ðức lên làm vua rồi bắt
ép vua Hiệp Hoà uống thuốc độc chết. Vua Hiệp Hoà chỉ làm vua được hơn 4 tháng.
Ông phụ chính Trần
Tiễn Thành ra tiếng phản đối nên bị hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết
ra lệnh giết luôn.
Trong lúc đó thì
Pháp vẫn tiếp tục chiếm các tỉnh của Việt Nam (cửa Thuận An, thành Hải Dương,
...), Triều đình Huế thất thế xin hoà. Hoà ước Quí Mùi (1883) ra đời trong đó
nước Nam chịu nước Pháp bảo hộ và phải nhường một số đất cho Pháp. Triều đình
ta có ra lệnh ngừng đánh, phải rút quân về Huế nhưng một mặt quân đội Tàu không
nghe lệnh Triều đình Huế, một mặt còn nhiều người yêu nước và ỷ lại Tàu nên có
nhiều người không chịu rút quân mà vẩn đánh Pháp, do đó chiến tranh với Pháp
vẫn tiếp diển, Triều đình Huế bất lực.
Ông Dưỡng Thiện, tên
là Ưng Ðăng là con nuôi thứ ba của vua Tự Ðức lên ngôi vua lấy niên hiệu là
Kiến Phúc. Vua chỉ có 15 tuổi, mọi việc đều do ông Tường và ông Thuyết quyết
định cả.
Có nhiều ông quan
thấy vậy liền trả ấn lại cho triều đình, từ quan rồi đi chiêu mộ binh mà đánh
Tây.
Có sách nói rằng Ưng
Ðăng được tin triều đình tới rước mình về làm Vua, Ưng Ðăng sợ quá chui xuống
gầm giường trốn, mọi người phải lôi ra, ông la hét khóc lóc thảm thiết nhưng
vẫn bị đem lên kiệu đưa về cung. Ông viện đủ mọi cách để từ chối nhưng vẫn bị
hai ông Tường và Thuyết ép phải lên ngôi. Vua Kiến Phúc ở ngôi được có hơn 6
tháng thì phải bệnh mất ngày 6 tháng 4 năm Giáp Thân (1884). Có sách nói rằng
Vua bị ông Tường thuốc chết vì Vua bắt gặp ông Tường đang tư tình với bà phi
Nguyễn Thị Hương, để bịt miệng Vua, lợi dụng lúc Vua đang bệnh ông Tường bỏ
thuốc độc vào thuốc trị bệnh của Vua.
Sau khi ký hiệp ước
Quí Mùi với nước ta, quan Toàn quyền Harmand ra Bắc kỳ để sửa sang sự cai trị,
lập ra đội lính tuần cảnh, tục gọi là lính "khố xanh" và bãi đội lính
cờ vàng mà Thiếu tướng Bouet đã mộ được. Quân Pháp tiến chiếm Sơn Tây, Bắc
Ninh, Ðáp cầu, Hưng Hóa, Tuyên Quang, ...
Vì biết nước Tàu quá
đông nên Pháp cũng muốn làm hoà, chánh phủ Pháp sai Trung tá Fournier lên Thiên
Tân để nghị hoà với Tổng đốc Tàu Lý Hồng Chương. Hai bên ký hoà ước Fournier
năm Giáp Thân (1884) trong đó Tàu chấp nhận là Pháp bảo hộ nước Việt Nam.
Nước Pháp có sai ông
Công sứ Patenôtre từ Tàu sang Huế để sửa lại tờ hoà ước của ông Harmand đã ký
ngày 23 tháng 7 năm Quí Mùi (1883), rồi đến ngày 13 tháng 5 năm 1884 Dương
lịch, ông Patenôtre cùng với ông Nguyễn Văn Tường, ông Phạm Thận Duật và ông
Tôn thất Phan ký tờ hoà ước mới (hoà ước Patenôtre), trong đó Triều đình Huế
chấp nhận sự bảo hộ của Pháp và chia nước ra làm 2 khu vực là Trung kỳ và Bắc
kỳ, trên giấy tờ thì mổi kỳ có một cách cai trị khác nhau (Trung kỳ bảo trợ
chứ không phải bảo hộ) nhưng trên thực tế thì từ từ Pháp bảo hộ tất cả, Triều
đình Huế chỉ là hư vị mà thôi. Pháp bắt Việt Nam phải trả cái ấn của Tàu phong
cho vua Việt Nam nhưng ông Nguyễn Văn Tường thương lượng để đem cái ấn đó ra mà
nấu chảy.
Sau khi vua Kiến
Phúc mất rồi, đáng lẽ con nuôi thứ hai của vua Tự Ðức là ông Chánh Mông lên
ngôi mới phải. Nhưng hai ông Tường và ông Thuyết sợ lập vua lớn tuổi thì các
ông ấy mất quyền hành nên chọn ông Ưng Lịch là em ruột ông Chánh Mông mới 12
tuổi, tôn lên làm vua, đặt niên hiệu là Hàm Nghi.
Viên Khâm sứ
Rheinart thấy hai ông Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết cứ tự tiện lập vua
không hỏi ý ông trước đúng như đã giao kết nên gởi quân vào Huế bắt Triều đình
phải xin phép. Ông Thuyết và Tường phải làm tờ xin phép bằng chữ Nôm nhưng viên
Khâm sứ không chịu, bắt làm bằng chữ Nho (chữ Tàu), hai ông phải viết lại, viên
Khâm sứ mới chịu và sau đó đi cửa chính vào điện làm lễ phong vương cho vua Hàm
Nghi.
Năm sau (1885),
Thống Tướng De Courcy được chánh phủ Pháp cử sang Việt-Nam để phụ lực vào việc
đặt nền bảo hộ ở Việt-Nam. Tướng De Courcy muốn vào yết kiến vua Hàm Nghi nhưng
lại muốn là toàn thể binh lính của ông, 500 người, đi vào cửa chánh là cửa dành
riêng cho đại khách. Triều đình Huế xin để quân lính đi cửa hai bên, chỉ có các
bật tướng lảnh là đi cửa chánh thôi cho đúng với nghi thức triều đinh, nhưng
tướng De Courcy nhất định không chịu.
Ông Nguyễn Văn Tường
và ông Tôn Thất Thuyết thấy Pháp khinh mạn Vua mình như thế đều giận lắm bèn
nhất định tấn công trại binh của Pháp ở đồn Mang Cá vào đêm 22 rạng 23 tháng 4
âm lịch, đến sáng thì quân Pháp phản công, quân ta thua chạy.
Ông Nguyễn Văn Tường
cho người rước Vua Hàm Nghi (lúc nầy mới 13 tuổi) trực chỉ tới thành Quảng Trị
để lánh nạn nhưng nữa đường thì ông bỏ Vua ra trình diện với quân Pháp. Tướng
De Courcy hẹn cho ông hai tháng phải tìm cách để rước Vua về. Ông Tường viết sớ
ra Quảng Trị xin rước Vua về nhưng ông Thuyết cản thư không cho Vua biết.
Ông Thuyết ở Quảng
Bình làm hịch Cần Vương để kêu gọi dân chúng giúp Vua chống Pháp, dân chúng nổi
dậy rất đông, đâu đâu cũng có kháng chiến nhưng vì rải rác các nơi nên lực
lượng không mạnh (mạnh nhất là phong trào của Ðề Thám). Có thuyết kể rằng khi
ông Tường tới kêu vua bỏ trốn, vua trả lời rằng "ta có đánh với ai đâu mà
phải chạy ?" nhưng quân hộ vệ đã nhào tới ôm vua bỏ lên kiệu và tuông
thành trốn. Khi ông Thuyết ra hịch Cần Vương, kể tội ác của Pháp thì vua Hàm
Nghi mới trả lời rằng : "Bây giờ Trẫm mới hiểu" và từ đó đã trở thành
một lảnh tụ kháng chiến dũng cảm.
Hết hạn hai tháng
thì cả gia đình ông Nguyễn Văn Tường bị ông De Courcy đài ra Côn Ðảo rồi sau đó
bị đưa tới đảo Haiti ở Thái Bình Dương. Ðược ít lâu thì ông Tường mất, xác được
đưa về chôn ở quê nhà.
Trong thời gian nầy,
quân Tàu lại sung đột với quân Pháp ở Bắc kỳ vì Triều đình Trung Hoa không chấp
nhận cái hoà uớc mà tướng Lý Hồng Chương đã ký, viện cớ là Triều đình Tàu không
hay biết gì về vụ đó (có sách nói là Tàu giận vụ Pháp bắt hủy cái ấn của Tàu
ban cho Việt Nam), cuộc chiến bùng nổ dử dội ở Tuyên Quang, Lạng Sơn, ... Hải
quân Pháp bắn phá Phúc Châu và vây Ðài Loan. Tới năm 1885, chánh phủ Tàu thấy
chiến tranh không lợi nên thuận ký tờ hoà ước Thiên Tân với Pháp ngày 27 tháng
4 năm Ất Dậu, trong đó Tàu chấp nhận là Việt Nam thuộc Pháp chứ không thuộc Tàu
nữa và bắt đầu vẽ lại một cách chánh thức biên giới Việt-Hoa. Từ đây trở
đi coi như Pháp đã chiếm hết nước ta (xin coi hình ảnh trong trang
""Những tấm hình của ông Bác sĩ Hocquard").
Thấy vua Hàm Nghi đã
thoát ly triều đình kéo cờ khởi nghĩa chống Pháp, Thống tướng De Courcy sai ông
De Champeaux lên yết kiến bà Từ Dũ là mẹ đẻ của Vua Tự Ðức để xin lập ông Chánh
Mông lên làm Vua. Ngày 6 tháng 8 âm lịch năm Ất Dậu (1885), con nuôi thứ hai
của Vua Tự Ðức, tên là Chánh Mông phải thân hành sang bên Khâm sứ Pháp làm lễ
thụ phong, được tôn làm Vua, lấy niên hiệu là Ðồng Khánh.
Sách Trần Trọng Kim
viết "Vua Ðồng Khánh tính tình hiền lành, hay trang sức và cũng muốn duy
tân, ở rất được lòng người Pháp", nói một cách khác thì Vua Ðồng Khánh
không chống Pháp.
Lúc
đó Vua Hàm Nghi vẩn còn ở mạn Quảng Bình, Pháp dồn quân đánh mạnh về vùng
nầy, ông Tôn Thất Thuyết thấy thế yếu, không chống nổi quân Pháp nên bỏ vua
Hàm Nghi ở lại đồn Vé thuộc huyện Tuyên Hóa rồi nói rằng sang Tàu xin cầu cứu.
Ông Tôn Thất Thuyết ở lại bên Tàu và chết già ở tỉnh Quảng Ðông, có sách nói
rằng vì nước Tàu mới ký hiệp ước làm hoà với Pháp nên không muốn giúp Việt
Nam (sách Trần Trọng Kim thì nói ông Thuyết lên Lai Châu nương tựa vào họ
Ðiêu, đến lúc nghe tiếng Pháp lên đánh liền bỏ họ Liêu mà trốn sang Tàu).
|
Vua Ðồng Khánh đích
thân ra tận Quảng Bình để dụ Vua Hàm Nghi và các quan tùy tùng về hàng, hứa là
sẽ cho cai trị 3 tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An và Hà Tĩnh nhưng không thành công.
Ðến
tháng giêng năm Mậu Tý (1888), Vua Hàm Nghi bị tên hầu cận Trương Quang Ngọc
tham tiền nên cùng một số người tới tấn công trại Vua ban đêm trong lúc ngủ,
giết quân tùy tùng trong đó có Tôn Thất Thiệp (con của Tôn Thất Thuyết), rồi
đem Vua về nộp cho Pháp để lấy thưởng. Lúc nầy vua đã 18 tuổi, từ lúc bị bắt
vua Hàm Nghi không nói năng gì cả chỉ nhất thiết chối rằng mình không phải là
vua (có sách nói là quân Pháp rất bối rối vì không biết có phải là vua Hàm
nghi không, các quan lại trong vùng có đến bái mạng nhưng vua coi như không
biết, nhưng khi thầy học củ của vua là Nguyễn Thuận tới thăm thì vua Hàm Nghi
vái chào, từ đó viên quan Pháp Dabat mới chắc là vua Hàm Nghi). Pháp đày Vua
Hàm Nghi sang sứ Algérie, ở đó Vua lập gia đình với một người Pháp, có 3 con,
2 gái 1 trai, và mất năm 1944. Hài cốt sau được chuyển về Pháp.
(sau nầy tên
Trương Quang Ngọc bị ông Phan Ðình Phùng -đảng Văn Thân trong phong trào Cần
Vương- sai quân vây bắt rồi đem ra chém đầu để trị tội bán Vua)
|
Ngày 27 tháng chạp
năm Mậu Tý (28-1-1889) vua Ðồng Khánh thọ bệnh mà mất, ở ngôi được 3 năm, thọ
26 tuổi.
Con vua Ðồng Khánh
mới 3 tuổi nên không nối ngôi được. Triều đình Huế và Khâm sứ Rheinart đã đồng
ý đưa Bửu Lân là con của vua Dục Ðức lên ngôi lấy hiệu là Thành Thái ngày
2-2-1889 (lúc đó mới vừa 10 tuổi đang bị giam trong ngục với mẹ -sách TTK).
Sách nói vua Thành Thái là người cầu tiến, yêu nước và chống Pháp. Nhà vua muốn
áp dụng các công cuộc cải cách quốc gia (chính nhà Vua đã hớt tóc ngắn, biết
lái xuồng máy và xe hơi). Nhưng trước các ý tưởng cấp tiến của nhà Vua, người
Pháp lo ngại tìm cách ngăn trở. Ðể che mắt, Vua thành Thái giả hành động như
một kẻ điên rồ. Năm 1907, Pháp biết Vua tìm cách chống Pháp nên vu khống là Vua
bị điên rồi truất phế Vua Thành Thái đem giữ tại Vũng Tàu và đến năm 1919 thì
đem sang an trí tại đảo La Réunion bên Phi Châu (đi cùng một lúc với vua Duy
Tân sau nầy).
Bị giam cầm nơi quê
người mãi đến tháng 5 năm 1947 (sau khi vua Duy Tân mất) cựu hoàng Thành Thái
mới được cho về Việt Nam và quản thúc tại Sàigon cho đến 24-3-1954 là ngày vua
mất, thọ 76 tuổi.
Vua Duy Tân sinh
ngày 19-9-1900, con trai thứ 5 của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Ðịnh. Vua
Thành Thái rất đông con, đáng lẻ phải chọn người con trưởng kế vị, nhưng Pháp
sợ Vua trưởng thành khó sai khiến nên phải tìm chọn một người càng nhỏ tuổi
càng hay.
Hôm Khâm sứ Lévecque
cầm danh sách các Hoàng tử con Vua Thành Thái vào Hoàng cung chọn vua, trong
lúc điểm danh thì thiếu mất « mệ Vĩnh San ». Triều đình hốt hoảng chạy đi kiếm
thì thấy Vĩnh San đang chui dưới gầm giường bắt dế. Vĩnh San bị lôi ra, mặt mày
lem luốt, quần áo ướt nhẹp vì mồ hôi. Không kịp đưa về nhà tắm rửa, bọn thị vệ
đưa ngay Vĩnh San ra trình diện quan Pháp.
Mới trông thấy Vĩnh
San, các quan Pháp vừa ý ngay vì theo họ đứa bé mặt mày dơ tèm lem có vẻ nhút nhác
và đần độn, chắc dể sai khiến sau nầy. Thế là Pháp chọn Vĩnh San làm Vua, mới 7
tuổi đầu. Triều đình thấy Vua nhỏ bèn xin tăng thêm một tuổi thành tám. Nghĩ
tình Vua Thành Thái suốt đời ước nguyện đổi mới mà không làm được, nên những
người phò tá còn chút quyền hành đã lấy niên hiệu cho người nối nghiệp là Duy
Tân.
Ngay sau lễ Tôn
Vương một ngày (5-9-1907), vua Duy Tân đã tỏ ra khác hẳn hôm qua, Vua không hề
có một cử chỉ nhúc nhát sợ Tây, ông tiếp quan toàn quyền Ðông Dương thẳng bằng
tiếng Pháp. Một nhà báo Pháp đã thuật lại là « ...Một ngày lên ngai vàng đã
thay đổi hoàn toàn bộ mặt của cậu bé lên tám ».
Ðể kiểm soát vua,
Pháp đã bày ra những việc sau:
-Lập một phụ chính
gồm sáu ông đại thần là Tôn Thất Hân, Nguyễn Hữu Bài, Huỳnh Côn, Miên Lịch, Lê
Trinh và Cao Xuân Dục để cai trị nước Nam dưới sự điều khiển của Khâm sứ Pháp.
-Ðưa ông Ebérhard,
một tiến sĩ sinh học qua dạy cho Vua Duy Tân học khoa học (có sách nói mục đích
là để theo dõi những hành động của Vua Duy Tân).
Khoãng năm 1912, ông
Mahé lên làm Khâm sứ Pháp ở Huế. Mới lên khâm sứ ít lâu ông ta đã mở một chiến
dịch tìm vàng ráo riết. Mahé lấy tượng vàng đúc từ thời Nguyễn Phúc Chu (đầu
thế kỷ thứ 18) trên tháp Phước Duyên chùa Thiên Mụ, đào mả lăng Vua Tự Ðức để
tìm vàng và đào sới lung tung trong Ðại Nội để tìm vàng. Vua Duy Tân phản đối
quyết liệt những hành động thô bạo đó, nhưng Mahé vẫn làm ngơ.
Vua Duy Tân ngày đêm
ăn ngủ không yên, ông ra lệnh đóng cửa Cung và không tiếp ai hết. Toà Khâm Sứ
Pháp làm áp lực với nhà Vua thì nhà Vua đe doạ là sẽ tuyệt giao với các nhà
đương cục ở Huế lúc bấy giờ. Cuối cùng Tây phải triệu toàn quyền Sarraut ở Hà
Nội vào giải quyết. Gặp toàn quyền Vua Duy Tân đã vạch tội của Khâm Sứ Pháp ở
Huế. Ðể xoa dịu, toàn quyền Sarraut đã khiển trách Mahé về hành động bất nhân
đó. Vua Duy Tân mới hạ lệnh cho mở cửa Hoàng Thành.
Năm Vua Duy Tân 13
tuổi, ngày lục lọi giỡ ra xem những hiệp ước mà hai nước Việt-Pháp đã ký với
nhau rồi một hôm giữa triều đình, nhà Vua tỏ ý muốn cử ông Nguyễn Hữu Bài là
người giỏi tiếng Pháp sang Pháp để yêu cầu duyệt lại hiệp ước ký năm 1884
(Patenôtre) vì ông cảm thấy việc thi hành của hiệp ước ấy không đúng với những
điều kiện mà hai bên đã ký kết với nhau (Trung kỳ bảo trợ chứ không phải
bảo hộ),
nhưng cả triều đình không ai dám nhận chuyến đi đó.
Năm 15 tuổi, Vua Duy
Tân đã triệu tập cả sáu ông đại thần trong Phụ Chính, bắt buộc các vị phải ký
vào biên bản để đích thân Vua sẽ cầm qua trình với toà Khâm Sứ nhưng các ông
đại thần sợ Tây giận sẽ kiếm chuyện nên từ chối không ký và phải xin yết kiến
bà Thái Hậu để nhờ bà can gián nhà Vua. Từ đó không những nhà Vua có ác cảm với
thực dân Pháp mà còn ác cảm với Triều đình.
Biết được vua Duy
Tân là người yêu nước chống Pháp nên Việt Nam Quang Phục (do ông Trần Cao Vân
cầm đầu) hội quyết định móc nối. Mùa hè năm 1915 vua ra cửa Tùng nghĩ mát,
người tài xế tên Phan Hữu Khánh là người trong hội có đưa cho Vua một bức thư
của 2 lảnh tụ là Trần Cao Vân và Thái Phiên. Vua đọc thư cảm động lắm và đòi
gặp 2 người. Thế là ông Trần Cao Vân và ông Thái Phiên cùng vua Duy Tân mưu đồ
khởi nghĩa đánh Pháp, nhưng không ngờ ngày vua xuất thành (3-5-1916) để làm
cách mạng thì có người phản bội đi báo Tây, 2 ngày sau vua Duy Tân bị bắt, Pháp
bắt Triều đình ta phải xử, Thượng thư bộ Học Hồ Ðắc Trung được ủy nhiệm thảo bản
án. Ông Trần Cao Vân tuy bị giam trong ngục nhưng nhờ được người đưa được một
mảnh giấy cho ông Hồ Ðắc Trung xin được lảnh hết tội và xin tha cho Vua. Ông Hồ
Ðắc Trung làm án đổ hết tội cho 4 ông Thái Phiên, Trần Cao Vân, Tôn Thất Ðề và
Nguyễn Văn Siêu. Bốn ông đều bị chém đầu còn vua Duy Tân thì bị đày đi đảo
Réunion cùng với vua Thành Thái (1919).
Vua
Duy Tân mặc dù bị đày nhưng vẫn thiết tha với quê hương, ông vẩn tìm cách trở
lại với đất nước. Ðệ nhị thế chiến xảy ra, ông nghĩ đó là cơ hội để ông có thể
thoát ra khỏi nơi giam cầm bằng cách xin đi lính cho Tây. Và đúng như tiên
liệu, sau đó vua Duy Tân đã có dịp sang Pháp gặp Tướng De Gaulle (1945) và
được ông nầy hứa là sang năm sẽ đích thân đưa Vua về Việt Nam để trở lên ngôi
mặc cho bộ Thuộc Ðịa phản đối. Vua Duy Tân mừng lắm có tuyên bố với nhiều
người cuộc hồi hương sắp tới nầy nhưng rất tiếc chiếc phi cơ chở ông trên
đường từ Pháp về đảo để thăm vua cha và gia đình đã bị rớt, không ai sống sót
(tháng 12 năm 1945). Ðây vẫn là một nghi vấn cho lịch sữ.
|
Truất phế vua Duy
Tân xong, triều đình Huế được sự chấp thuận của toà Khâm sứ đưa Hoàng tử cả
Nguyễn Phúc Bửu Ðảo con của vua Ðồng Khánh lên ngôi, lấy niên hiệu là Khải
Ðịnh.
Theo các sách mà tôi
có thì vua Khải Ðịnh chỉ là vị vua ăn chơi, chỉ lo cho mình chứ không lo cho
nước, lại rất chuộng trang điểm và tự mình sáng chế ra những bộ y phục mới cho
vua và cho cả quan hộ vệ (xin xem hình vua Khải Ðịnh thăm Paris). Năm 1922 khi
Vua đi dự cuộc "thi đấu xảo thuộc địa" ở Marseille (Pháp) ông Phan
Chu Trinh có gởi một bức thư trách Vua 7 tội trong đó có tội "ăn mặc lố
lăng". Dưới thời của Ngài, trong triều đình không có chuyện xích mích với
Pháp, theo sách thì gần như Ngài để cho Toà Khâm Sứ định đoạt mọi chuyện.
Sách kể rằng vua
Khải Ðịnh chỉ thích đàn ông, khi coi hát bội, vua đều bắt các "kép"
giả "đào" để đóng ; nhưng sách lại nói rằng ông lại có một người con
trai (Hoàng tử Vĩnh Thụy) với bà phi Từ Cung !
Nếu xem cái site của
vua Duy Tân (http://vinhsan.free.fr) làm bởi các con cháu của Ngài thì chúng ta
lại có thêm được một "tiếng chuông" khác : Trong đó vua Khải Ðịnh
được xem như một người vua muốn cải tiến đất nước, Ngài bỏ chuyện thi cử vì cho
rằng cái học đó đã lổi thời, không còn thích hợp với cái xã hội hiện tại và khi
Ngài qua Pháp (năm 1922) là để tìm cách giải thích cho Pháp hiểu sự ham muốn
(đòi hỏi) tự trị của dân tộc Việt. Ở đây chúng ta cũng được biết thêm là Hoàng
tử Vĩnh Thụy chỉ là con nuôi của vua Khải Ðịnh !
Vua Khải Ðịnh có xây
cất nhiều công trình mà cái nổi tiếng nhất là cái lăng của Ngài, nếu nhìn vào
thì người ta sẽ nhận diện ra ngay là một công trình Á Châu nhưng nó hoàn toàn
không giống những kiến trúc đương thời, từ vật liệu xây cất tới cách trang trí
nội thất. Có người khen kẻ chê nhưng nhất định đây là lần đầu tiên trong lịch
sử mà dân Việt Nam
tìm cách tự tạo riêng cho mình một đường lối kiến trúc.
Vua Khải Ðịnh mất
ngày 25-9 năm Ất-Sửu (6-11-1925).
Hoàng tử Vĩnh Thụy
sanh ngày 23 tháng 9 năm Quí Sửu (23-10-1913), khi vua Khải Ðịnh mất thì Hoàng
tử Vĩnh Thụy còn đang học ở bên Pháp (từ năm 1922). Toàn quyền Pháp Monguillot
ra lệnh thành lập hội đồng phụ chính mới do ông Tôn Thất Hân đứng đầu và đại
diện cho chánh phủ Việt Nam
để ký với Pháp một hiệp định mới. Theo hiệp định nầy thì Khâm sứ sẽ là chủ tịch
hội đồng nội các của Việt Nam ,
và kể từ dây Triều đình Huế sẽ không còn ngân sách riêng như trước nữa.
Ngày 14-11 năm
Ất-Sửu, Hoàng Thái tử Vĩnh Thụy được tôn lên làm vua lấy niên hiệu là Bảo Ðại.
Lên ngôi vua xong, Bảo Ðại giao công việc triều chánh cho hội đồng phụ chính
rồi trở sang Pháp học cho đến năm 1932 mới trở về nước. Theo sách thì vua Bảo
Ðại tính nắm lại quyền hành để cải tổ nước nhà nhưng gặp phải sự phản đối của
các quan bảo thủ và bị chánh phủ Pháp cản trở, ông thất vọng vì thấy mình làm
vua cũng như không nên đâm ra chán nản, lao mình vào các cuộc đi săn, chơi thể
thao, ...
Tháng 3-1945, Nhật
đánh úp Pháp và tuyên bố là muốn giúp Việt Nam dành độc lập. Ngày 11-3-1945
viện Cơ Mật của Triều đình Huế tuyên bố Việt Nam dành lại chủ quyền, bải bỏ hiệp
ước bảo hộ 1884. Ngày 17-3-1945 vua Bảo Ðại giải tán hội đồng Cơ Mật (lập từ
thời Minh Mạng) và giao cho ông Trần Trọng Kim thành lập nội các mới, theo
nguyên tắc "Dân vi quý", trong thành phần Nội Các phần lớn là các nhà
Tây học (như Hoàng Xuân Hãn,...), nhưng từ khi thành lập Nội Các, ông Trần
Trọng Kim chẳng làm gì được cả vì quyền hành đều nằm trong tay Nhật hết !
Ngày 19-8-1945, Việt
Minh chiếm chính quyền ở ngoài Bắc, biểu tình trước Nhà Hát Lớn Hà Nội để nghe
tuyên bố của Mặt Trận Cứu Quốc Việt Minh. Cũng cùng ngày nầy trong Nam (theo Philippe Devilliers) đài phát thanh
Việt Nam
có truyền thanh một chiếu của vua Bảo Ðại gửi quốc dân, yêu cầu dân hy sinh để
giữ độc lập và Vua sẵn sàng "làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một
nước nô lệ.".
Ngày 24-8-1945, vua
Bảo Ðại nhận được một bức điện văn của Ủy Ban Nhân Dân Cách Mạng từ Bắc đánh
vào nội dung như sau : "Một chính phủ nhân dân cách mạng lâm thời đã thành
lập, chủ tịch là cụ Hồ Chí Minh. Yêu cầu đức vua thoái vị ngay để củng cố và
thống nhất nền độc lập nước nhà.". Sách chép là lúc đó ở Huế không ai biết
Hồ Chí Minh là ai, sau khi điều tra biết được Hồ Chí Minh là Nguyễn Ái Quốc thì
vua Bảo Ðại mới thốt ra câu tiếng Pháp : "ça vaut bien le coup alors
!" (như thế thì cũng đáng -thoái vị- !)
Ngày 25/8/1945, vua
Bảo Ðại cho công bố chiếu thoái vị. Ngày 26/8/1945 nhà vua làm lễ ở Thế Miếu và
ngày 30/8/1945 đại điện chính phủ cách mạng lâm thời gồm các ông Trần Huy Liệu,
Nguyễn Lương Bằng và Cù Huy Cận nhận ấn kiếm của nhà vua tại cửa Ngọ Môn (Huế).
Vua Bảo Ðại được phong chức Cố Vấn Tối Cao cho chính quyền mới.
Triều đại nhà Nguyễn
chấm dứt sau 143 năm trị vì (1802-1945).
Sau đệ nhị thế
chiến, Pháp trở lại Ðông Dương và tìm cách chiếm lại Việt Nam . Năm 1946,
cựu hoàng Bảo Ðại lưu vong bên Hồng Kông. Năm 1948, Pháp thấy không xong nên
tìm cách đưa cựu hoàng Bảo Ðại về lập chánh phủ để có "chánh nghĩa",
cựu hoàng Bảo Ðại đòi Pháp phải xác nhập 3 kỳ (thống nhất) và cho Việt Nam độc
lập, Pháp tỏ vẻ chịu nhượng bộ và ký với cựu hoàng Bảo Ðại hiệp ước Hạ-Long
ngày 5-6-1948 (với ông Cao ủy Emile Bollaert), bầu cựu hoàng làm Quốc Trưởng
nhưng trong hiệp định lại đòi điều khiển quân đội, tài chánh và ngoại giao! cựu
hoàng Bảo Ðại không hài lòng nên giận bỏ sang Pháp (nhưng vẫn điều hành từ xa).
Tới năm 1954, sau
hội nghị Genève chia đôi nước Việt Nam từ vĩ tuyến thứ 17, cựu hoàng Bảo Ðại
mời ông Ngô Ðình Diệm làm Thủ Tướng ở Sàigòn, cuối năm 1955 các viên chức Hoa
Kỳ ở Sàigòn giúp ông Ngô Ðình Diệm tổ chức một cuộc "trưng cầu dân ý"
để lật đổ cựu hoàng Bảo Ðại và tôn ông Diệm lên làm Tổng Thống.
Cựu hoàng Bảo Ðại
mất tại Paris
tháng 7 năm 1999
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét