Tựa
Nước Việt Nam
Thượng Cổ Thời Đại
Chương I - Họ Hồng Bàng
Chương II - Nhà Thục
Chương III - Xã hội nước Tàu
Chương IV - Nhà Triệu
Bắc Thuộc Thời Đại
Chương I - Bắc Thuộc lần thứ
nhất
Chương II - Trưng Vương
Chương III - Bắc Thuộc lần thứ hai
Chương IV - Nhà Tiền Lý
Chương V - Bắc Thuộc lần thứ
ba
Chương VI - Kết quả của thời đại Bắc
Thuộc
Tự Chủ Thời Đại
Chương I - Nhà Ngô
Chương II - Nhà Đinh
Chương III - Nhà Tiền Lê
Chương IV - Nhà Lý
Chương V - Nhà Lý (tiếp theo)
Chương VI - Nhà Trần (Thời kỳ thứ
nhất)
Chương VII - Giặc nhà Nguyên -
I
Chương VIII - Giặc nhà Nguyên -
II
Chương IX - Nhà Trần (Thời kỳ thứ
hai)
Chương X - Nhà Trần (Thời kỳ thứ
ba)
Chương XI - Nhà Hồ
Chương XII - Nhà Hậu Trần
Chương XIII - Thuộc nhà Minh
Chương XIV - Mười năm đánh quân
Tàu
Chương XV - Nhà Lê
Tự Chủ Thời Đại (Thời kỳ nam bắc phân tranh)
Chương I - Lịch Triều lược kỷ
Chương II - Nam triều - Bắc
triều
Chương III - Trịnh Nguyễn phân
tranh
Chương IV - Sự chiến tranh
Chương V - Công việc họ Trịnh làm ở
ngoài Bắc
Chương VI - Công việc họ Nguyễn làm
ở miền Nam
Chương VII - Người Âu châu sang nước
Nam
Chương VIII - Vận trung suy của chúa
Nguyễn
Chương IX - Họ Trịnh mất nghiệp
chúa
Chương X - Nhà Hậu Lê mất ngôi
vua
Chương XI - Nhà Nguyễn Tây Sơn
Chương XII - Nguyễn Vương nhất thống
nước Nam
Cận Kim Thời Đại
Chương I - Nguyễn-thị Thế Tổ
Chương II - Thánh Tổ
Chương III - Thánh Tổ (tiếp
theo)
Chương IV - Hiến Tổ
Chương V - Dực Tông
Chương VI - Chế độ tình thế nước
Việt Nam cuối đời Tự Đức
Chương VII - Nước Pháp lấy Nam
Kỳ
Chương VIII - Giặc giã ở trong
nước
Chương IX - Quân nước Pháp lấy Bắc
kỳ lần thứ nhất
Chương X - Tình thế nước Nam từ năm
Giáp Tuất về sau
Chương XI - Quân nước Pháp lấy Bắc
kỳ lần thứ hai
Chương XII - Cuộc bảo hộ của nước
Pháp
Chương XIII - Chiến tranh với nước
Tàu
Chương XIV - Loạn ở Trung kỳ
Chương XV - Việc đánh dẹp ở Trung kỳ
và Bắc kỳ
Chương XVI - Công việc của người
Pháp tại Việt Nam
Tổng Kết
Tựa
Sử là sách không những chỉ để ghi
chép những công việc đã qua mà thôi, nhưng lại phải suy xét việc gốc ngọn, tìm
tòi cái căn nguyên những công việc của người ta đã làm để hiểu cho rõ những vận
hội trị loạn của một nước, những trình độ tiến hóa của một dân tộc. Chủ đích là
để làm cái gương chung cổ cho người cả nước được đời đời soi vào đấy mà biết
cái sự sinh hoạt của người trước đã phải lao tâm lao lực những thế nào, mới
chiếm giữ được cái địa vị ở dưới bóng mặt trời này.
Người trong nước có thông hiểu những
sự tích nước mình mới có lòng yêu nước yêu nhà, mới biết cố gắng học hành, hết
sức làm lụng, để vun đắp thêm vào cái nền xã hội của tiên tổ đã xây dựng nên mà
để lại cho mình. Bởi những lẽ ấy cho nên phàm dân tộc nào đã có đủ cơ quan và
thể lệ làm cho một nước độc lập, thì cũng có sử cả. Nước Việt ta khởi đầu có sử
từ đời nhà Trần, vào quãng thế kỷ thứ XIII. Từ đó trở đi nhà nào lên làm vua
cũng trọng sự làm sử. Nhưng cái lối làm sử của ta theo lối biên niên của Tàu.
nghĩa là năm nào tháng nào có chuyện gì quan trọng thì nhà làm sử chép vào
sách. Mà chép một cách rất vắn tắt cốt để ghi lấy chuyện ấy mà thôi, chứ không
giải thích cái gốc ngọn và sự liên can việc ấy với việc khác là thế nào.
Nhà làm sử lại là người làm quan,
vua sai coi việc chép sử, cho nên dẫu thế nào sự chép sử cũng không được tự do,
thường có ý thiên vị về nhà vua, thành ra trong sử chỉ cần chép những chuyện
quan hệ đến nhà vua, hơn là những chuyện quan hệ đến sự tiến hóa của nhân dân
trong nước. Vả, xưa nay ta vẫn chịu quyền chuyên chế, vẫn cho việc nhà vua là
việc nước. Cả nước chỉ cốt ở một họ làm vua, cho nên nhà làm sử cứ theo cái chủ
nghĩa ấy mà chép sử, thành ra sử đời nào cũng chỉ nói chuyện những vua đời ấy
mà thôi. Bởi vậy xem sử ta thật là tẻ, mà thường không có ích lợi cho sự học
vấn là mấy.
Sử của mình đã không hay, mà người
mình lại không mấy người biết sử. Là vì cái cách học tập của mình làm cho người
mình không có thể biết được sử nước mình. Bất kỳ lớn nhỏ, hễ ai cắp quyển sách
đi học thì chỉ học sử Tàu,chứ không học sử nước nhà. Rồi thơ phú văn chương gì
cũng lấy điển tích ở sử Tàu, chứ chuyện nước mình thì nhất thiết không nói đến.
Người mình có ý lấy chuyện nước nhà làm nhỏ mọn không cần phải biết làm gì. Ấy
cũng là vì xưa nay mình không có quốc văn, chung thân chỉ đi mượn tiếng người,
chữ người mà học, việc gì cũng bị người ta cảm hóa, chứ tự mình thì không có
cái gì là cái đặc sắc, thành ra thật rõ như câu phương ngôn: "Việc nhà thì
nhác, việc chú bác thì siêng!" Cái sự học vấn của mình như thế, cái cảm
tình của người trong nước như thế, bảo rằng lòng vì dân vì nước mở mang ra làm
sao được?
Nhưng dẫu thế nào mặc lòng, nước ta
đã có sử ta thì cũng có thể bởi đó mà biết được những sự đã qua ở nước ta, và
có thể bởi đó mà khảo cứu được nhiều việc quan hệ đến vận mệnh nước mình từ xưa
đến nay xoay vần ra làm sao. Hiềm vì sử nước ta thì làm bằng chữ Nho cả, mà chữ
Nho thì từ rày trở đi chắc rồi mỗi ngày một kém đi. Hiện nay số người đọc được
chữ Nho còn nhiều, mà trong nước còn không có mấy người biết được chuyện nước
nhà, huống chi mai sau này chữ Nho bỏ không học nữa, thì sự khảo cứu về những
việc quan hệ đến lịch sử nước mình sẽ khó biết bao nhiêu!
Nay nhân sự học ở nước ta đã thay
đổi, chữ quốc ngữ đã phổ thông cả trong nước, chi bằng ta lấy tiếng nước nhà mà
kể chuyện nước nhà, ta soạn ra bộ Việt Nam Sử Lược, xếp đặt theo thứ tự, chia
ra từng thời đại, đặt thành chương, thành mục rõ ràng, để ai ai cũng có thể xem
được sử, ai ai cũng có thể hiểu được chuyện, khiến cho sự học sử của người mình
được tiện lợi hơn trước.
Bộ Việt Nam Sử Lược này, soạn giả
chia ra làm 5 thời đại: Thời đại thứ nhất là Thượng Cổ thời đại, kể từ họ Hồng
Bàng cho đến hết đời nhà Triệu. Trong thời đại ấy, từ chương thứ III, bàn về xã
hội nước Tàu trước đời nhà Tần, phần nhiều là những chuyện hoang đường, huyền
hoặc cả. Những nhà chép sử đời trước cũng theo tục truyền mà chép lại, chứ
không có di tích gì mà khảo cứu cho đích xác. Tuy vậy, soạn giả cũng cứ theo sử
cũ mà chép lại, rồi cũng phê bình một đôi câu để tỏ cho độc giả biết rằng những
chuyện ấy không nên cho là xác thực.
Thời đại thứ nhì là Bắc Thuộc thời
đại, kể từ khi vua Vũ Đế nhà Hán lấy đất Nam Việt của nhà Triệu, cho đến đời
Ngũ Quí, ở bên ta có họ Khúc và họ Ngô xướng lên sự độc lập. Những công việc
trong thời đại ấy, thì sử cũ của nước ta chép rất là sơ lược lắm. Vì rằng trong
thời đại Bắc Thuộc, người mình chưa được tiến hóa, sự học hành còn kém, sách vở
không có, cho nên về sau những nhà làm sử của ta chép đến thời đại này cũng
không kê cứu vào đâu được, chỉ theo sử Tàu mà chép lại thôi. Vả, người Tàu lúc
ấy vẫn cho mình là một xứ biên địa dã man, thường không ai lưu tâm đến, cho nên
những chuyện chép ở trong sử, cũng sơ lược lắm, mà đại để cũng chỉ chép những
chuyện cai trị, chuyện giặc giã, chứ các công việc khác thì không nói đến.
Thời đại Bắc Thuộc dai dẳng đến hơn
một nghìn năm, mà trong thời đại ấy dân tình thế tục ở nước mình thế nào, thì
bấy giờ ta không rõ lắm, nhưng có 1 điều ta nên biết là từ đó trở đi, người
mình nhiễm cái văn minh của Tàu một cách rất sâu xa, dẫu về sau có giải thoát
được cái vòng phụ thuộc nước Tàu nữa, người mình vẫn phải chịu cái ảnh hưởng
của Tàu. Cái ảnh hưởng ấy lâu ngày đã trở thành ra cái quốc túy của mình, dẫu
ngày nay có muốn trừ bỏ đi, cũng chưa dễ một mai mà tẩy gội cho sạch được.
Những nhà chính trị toan sự đổi cũ thay mới cũng nên lưu tâm về việc ấy, thì sự
biến cải mới có công hiệu vậy.
Thời đại thứ ba là thời đại Tự Chủ,
kể từ nhà Ngô, nhà Đinh cho đến sơ-diệp nhà Hậu Lê. Nước mình từ thời đại ấy về
sau là một nước dộc lập, tuy đối với nước Tàu vẫn phải xưng thần và chịu cống,
nhưng kỳ thực là không ai xâm phạm đến cái quyền tự chủ của mình. Buổi đầu, nhà
Đinh, nhà Lê mới dấy lên; còn phải xây đắp cái nền tự chủ cho vững bền, phải lo
sửa sang việc võ bị để chống với kẻ thù nghịch, cho nên sự văn học không được
mở mang lắm. Về sau đến đời nhà Lý, nhà Trần, công việc ở trong nước đã thành
nền nếp, kẻ cừu địch ở ngoài cũng không quấy nhiễu nữa, lại có nhiều vua hiền
tôi giỏi nối nhau mà lo việc nước, cho nên từ đó trở đi việc chính trị, việc
tôn giáo và việc học vấn mỗi ngày một khai hóa ra, làm cho nước ta thành một
nước có thế lực, bắc có thể chống được với Tàu, nam có thể mở rộng thêm bờ cõi.
Nhà Lý và nhà Trần lại có công gây nên cái quốc hồn mạnh mẽ, khiến cho về sau
đến đời Trần mạt, nhân khi họ Hồ quấy rối, người Tàu đã toan đường kiêm tính,
người mình biết đồng tâm hiệp lực mà khôi phục lại giang sơn nhà. Kế đến nhà
Lê, trong khoảng một trăm năm về buổi đầu, nước mình cũng có thể gọi là thịnh
trị, nhất là về những năm Quang Thuận (1460-1469) và Hồng Đức (1470-1497), thì
sự văn trị và võ công đã là rực rỡ lắm. Nhưng về sau gặp những hôn quân dung
chúa, việc triều chính đổ nát, kẻ gian thần dấy loạn. Mối binh đao gây nên từ
đó, người trong nước đánh giết lẫn nhau, làm thành ra nam bắc chia rẽ, vua chúa
tranh quyền. Ấy thật là một cuộc biến lớn ở trong nước vậy.
Thời đại thứ tư là Nam Bắc phân
tranh, kể từ khi nhà Mạc làm sự thoán đoạt cho đến nhà Tây Sơn. Trước thì nam
Lê, bắc Mạc, sau thì Nguyễn nam, Trịnh bắc, sự cạnh tranh càng ngày càng kịch
liệt, lòng ghen ghét càng ngày càng dữ dội. Nghĩa vua tôi mỏng mảnh, đạo cương
thường chểnh mảng: nước đã có vua lại có chúa. Trong Nam ngoài Bắc mỗi nơi một
giang sơn, công việc ở đâu, chủ trương ở đấy. Tuy vậy việc sửa đổi ở ngoài Bắc
cũng có nhiều việc hay, mà việc khai khẩn trong Nam thật là ích lợi. Nhưng cuộc
thành bại ai đâu dám chắc, cơn gió bụi khởi đầu từ núi Tây Sơn, làm đổ nát cả
ngôi vua cùng nghiệp chúa. Anh em nhà Tây Sơn vẫy vùng không được 20 năm, thì
bản triều nhà Nguyễn lại trung hưng lên, mà đem giang sơn về một mối, lập thành
cái cảnh tượng nước Việt Nam ta ngày nay vậy.
Thời đại thứ năm là Cận Kim thời
đại, kể từ vua Thế Tổ bản triều cho đến cuộc Bảo Hộ bây giờ. Vua Thế Tổ khởi
đầu giao thiệp với nước Pháp Lan Tây để mượn thế lực mà đánh Tây Sơn. Nhưng về
sau vì những vua con cháu Ngài đổi chính sách khác, nghiêm cấm đạo Thiên Chúa
và đóng cửa không cho ngoại quốc vào buôn bán. Những đình thần thì nhiều người
trí lự hẹp hòi, cứ nghiễm nhiên tự phụ, không chịu theo thời mà thay đổi. Đối
với những nước ngoại dương, thì thường hay gây nên sự bất hòa, làm cho nước
Pháp phải dùng binh lực để bênh vực quyền lợi của mình. Vì những chính sách ấy
cho nên mới thành ra có cuộc Bảo Hộ.
Đại khái đó là những mục lớn trong
những phần mà soạn giả đã theo từng thời đại để đặt ra. Soạn giả đã cố sức xem
xét và góp nhặt những sự ghi chép ở các sách chữ Nho và chữ Pháp, hoặc nhữNg
chuyện rải rác ở các dã sử, rồi đem trích bỏ những sự huyền hoặc đi mà soạn ra
bộ sách này, cốt để người đồng bang ta biết được chuyện nước nhà mà không tin
nhảm những sự huyễn hoặc. Thời đại nào nhân vật ấy và tư tưởng ấy, soạn giả cứ
bình tĩnh cố theo cho đúng sự thực. Thỉnh thoảng có một đôi nơi soạn giả có đem
ý kiến riêng của mình mà bàn với độc giả, thí dụ như chỗ bàn về danh hiệu nhà
Tây Sơn thì thiết tưởng rằng sử là của chung cả quốc dân, chớ không phải riêng
cho một nhà một họ nào, cho nên mới phải lấy công lý mà xét đoán mọi việc và
không vị tình riêng để phạm đến lẽ công bằng vậy.
Độc giả cũng nên biết cho rằng bộ sử
này là bộ Sử Lược chỉ cốt ghi chép những chuyện trọng yếu để hãy tạm giúp cho
những người hiếu học có sẵn quyển sách mà xem cho tiện. Còn như việc làm thành
ra bộ sử thật là đích đáng, kê cứu và phê bình rất tường tận, thì xin để dành
cho những bậc tài danh sau này sẽ ra công mà giúp cho nước ta về việc học sử.
Bây giờ ta chưa có áo lụa, ta hãy mặc tạm áo vải, tuy nó xấu xí nhưng nó có thể
làm cho ta đỡ rét. Nghĩa là ta hãy làm thế nào cho những thiếu niên nước ta
ngày nay ai cũng có thể biết một đôi chút sự tích nước nhà, cho khỏi tủi quốc
hồn. Ấy là cái mục đích của soạn giả, chỉ có thế thôi. Nếu cái mục đích ấy mà
có thể tới được thì tưởng bộ sách này là bộ sách có ích vậy.
Trần Trọng Kim
Nước Việt Nam
1. Quốc Hiệu
2. Vị Trí và Diện Tích
3. Địa Thế
4. Chủng Loại
5. Gốc Tích
6. Người Việt Nam
7. Sự Mở Mang Bờ Cõi
8. Lịch Sử Việt Nam
1. Quốc Hiệu.
Nước Việt Nam ta về đời Hồng Bàng
(2897 - 258 trước Tây lịch) gọi là Văn Lang, đời Thục An Dương Vương (257 - 207
trước Tây lịch) thì gọi là Âu Lạc. Đến nhà Tần (246 - 206 trước Tây lịch) lược
định phía nam thì đặt làm Tượng Quận, sau nhà Hán (202 trước Tây lịch - 220 sau
Tây lịch) dứt nhà Triệu, chia đất Tượng Quận ra làm ba quận là Giao Chỉ, Cửu
Chân và Nhật Nam. Đến cuối đời nhà Đông Hán, vua Hiến Đế đổi Giao Chỉ làm Giao
Châu. Nhà Đường lại đặt là An Nam Đô Hộ Phủ.
Từ khi nhà Đinh (968 - 980) dẹp xong
loạn Thập Nhị Sứ Quân, lập nên một nước tự chủ, đổi quốc hiệu là Đại Cồ Việt.
Vua Lý Thánh Tông đổi là Đại Việt, đến đời vua Anh Tông, nhà Tống bên Tàu mới
công nhận là An Nam Quốc.
Đến đời vua Gia Long, thống nhất
được cả Nam Bắc (1802), lấy lẽ rằng Nam là An Nam, Việt là Việt Thường, mới đặt
quốc hiệu là Việt Nam. Vua Minh Mệnh lại cải làm Đại Nam.
Quốc hiệu nước ta thay đổi đã nhiều
lần, tuy rằng ngày nay ta vẫn theo thói quen dùng hai chữ An Nam, nhưng vì hai
chữ ấy có ngụ ý phải thần phục nước Tàu, vậy thì ta nên nhất định lấy tên Việt
Nam mà gọi nước nhà.
2. Vị Trí và Diện Tích.
Nước Việt Nam ở về phía đông nam
châu Á-tế-á, hẹp bề ngang, dài bề dọc, hình cong như chữ S, trên phía bắc và
dưới phía nam phình rộng ra, khúc giữa miền trung thì eo hẹp lại.
Đông và nam giáp bể Trung Quốc (tức
là bể Nam Hải); Tây giáp Ai Lao và Cao Miên; Bắc giáp nước Tàu, liền với tỉnh
Quảng Đông, Quảng Tây và Vân Nam.
Diện tích cả nước rộng chừng độ
312.000 ki-lô-mét vuông chia ra như sau này:
Bắc Việt: 105.000 km2
Trung Việt: 150.000 km2
Nam Việt: 57.000 km2
3. Địa Thế.
Nước ta hiện chia ra làm ba cõi: Bắc
Việt, Trung Việt và Nam Việt. Đất Bắc Việt có sông Hồng Hà (tức là sông Nhị Hà)
và sông Thái Bình. Mạn trên gọi là Thượng Du lắm rừng nhiều núi, ít người ở.
Mạn dưới gọi là Trung Châu, đất đồng bằng, người ở chen chúc đông lắm.
Đất Trung Việt thì chỉ có một giải ở
men bờ bể, còn ở trong có núi Trường Sơn chạy dọc từ Bắc Việt vào gần đến Nam
Việt, cho nên người chỉ ở được mạn gần bể mà thôi.
Đất Nam Việt thì ở vào khúc dưới
sông Mê Kông (tức là sông Cửu Long), lại có sông Đồng Nai chảy ở mé trên, cho
nên đất tốt, ruộng nhiều, dân gian trù phú và dễ làm ăn hơn cả
4. Chủng Loại.
Người Việt Nam có nhiều dân tộc ở,
như là ở về miền thương du Bắc Việt thì có dân Thái, (tức là Thổ), Mường, Mán,
Mèo; ở về miền rừng núi Trung Việt thì có dân Mọi, và Chàm (tức là Hời), ở về
miền Nam Việt thì có dân Mọi, Chàm, Chà Và và Khách, v.v.... Những dân ấy ở
trong ba nơi tất cả đến non một triệu người. Còn thì dân tộc Việt Nam ở hết cả.
Số người Việt Nam ở trong ba nơi có
thể chia ra như sau này:
Bắc Việt: 8.700.000 người
Trung Việt: 5.650.000 người
Nam Việt: 4.616.000 người
Cả thảy cộng lại được độ chừng non
19 triệu người. {Số này là theo sách Địa Lý của ông H. Russier (1939) chép lại
chứ không chắc đã đúng số nhất định của người mình.}
5. Gốc tích.
Theo ý kiến của nhà kê cứu của nước
Pháp, thì người Việt Nam và người Thái đều ở miền núi Tây Tạng xuống. Người
Việt Nam theo sông Hồng Hà lần xuống phía đông nam, lập ra nước Việt Nam ta bây
giờ; còn người Thái thì theo sông Mê Kông xuống, lập ra nước Tiêm La (tức là
Thái Lan) và các nước Lào.
Lại có rất nhiều người Tàu và người
Việt Nam nói rằng nguyên khi xưa đất nước Tàu có giống Tam Miêu ở, sau giống
Hán Tộc (tức là người Tàu bây giờ) ở phía Tây Bắc đến đánh đuổi người Tam Miêu
đi, chiếm giữ lấy vùng sông Hoàng Hà lập ra nước Tàu, rồi dần dần xuống phía
nam, người Tam Miêu phải lẩn núp trong rừng hay là xuống ở miền Việt Nam ta bây
giờ.
Những ý kiến ấy là theo lý mà suy ra
đó thôi, chứ cũng chưa có cái gì làm chứng cho đích xác. Chỉ biết rằng người
Việt Nam ta trước có hai ngón chân cái giao lại với nhau, cho nên Tàu mới gọi
ta là Giao Chỉ; mà xem các loài khác, không có loài nào như vậy, thì tất ta là
một loài riêng, chứ không phải là loài Tam Miêu.
Dẫu người mình thuộc về chủng loại
nào mặc lòng, về sau người Tàu sang cai trị hàng hơn một nghìn năm, lại có khi
đem sang nước ta hơn bốn mươi vạn binh, chắc là nói giống cũ của mình cũng đã
lai đi nhiều rồi, mới thành ra người Việt Nam ngày nay.
6. Người Việt Nam.
Người Việt Nam thuộc về loài da
vàng, nhưng mà người nào phải đi làm lụng dầm mưa dãi nắng lắm, thì nước da
ngăm ngăm đen, người nào nhàn hạ phong lưu, ở trong nhà luôn, thì nước da trăng
trắng như màu ngà cũ.
Trạc người thì thấp nhỏ hơn người
Tàu, mà lăn lẳn con người, chứ không to béo. Mặt thì xương xương, trông hơi bèn
bẹt, trán thì cao và rộng, mắt thì đen và hơi xếch về đàng đuôi, hai gò má thì
cao, mũi hơi tẹt, môi hơi dày, răng thì to mà lại nhuộm đen. Râu thì thưa mà
ít, tóc thì nhiều và dài, đen và hơi cứng. Dáng điệu đi đứng thì nhẹ nhàng và
xem ra bộ vững vàng chắc chắn.
Áo quần thì dài rộng, đàn ông thì
búi tóc và quấn khăn vành rây, áo mặc dài quá đầu gối, tay áo thì chật, ống
quần thì rộng. Đàn bà ở Bắc Việt và phía bắc Trung Việt thì đội khăn, mà ở chỗ
thành thị thì mặc quần, còn ở nhà quê thì hay mặc váy. Ở phía nam Trung Việt và
Nam Việt thì đàn bà hay mặc quần cả, và búi tóc, chứ không đội khăn bao giờ.
Về đàng trí tuệ và tính tình, thì người
Việt Nam có cả các tính tốt và các tính xấu. Đại khái thì trí tuệ minh mẫn, học
chóng hiểu, khéo chân tay, nhiều người sáng dạ, nhớ lâu, lại có tính hiếu học,
trọng sự học thức, quý sự lễ phép, mến điều đạo đức: lấy sự nhân, nghĩa, lễ,
trí, tín làm 5 đạo thường cho sự ăn ở. Tuy vậy vẫn hay có tính tình vặt, cũng
có khi quỷ quyệt, và hay bài bác nhạo chế. Thường thì nhút nhát, hay khiếp sợ
và muốn sự hòa bình, nhưng mà đã đi trận mạc thì cũng có can đảm, biết giữ kỹ
luật.
Tâm địa thì nông nổi, hay làm liều,
không kiên nhẫn, hay khoe khoang và ưa trương hoàng bề ngoài, hiếu danh vọng,
thích chơi bời, mê cờ bạc. Hay tin ma quỷ, sùng sự lễ bái, nhưng mà vẫn không
nhiệt tin tông giáo nào cả. Kiêu ngạo và hay nói khoác, nhưng có lòng nhân,
biết thương người và hay nhớ ơn.
Đàn bà thì hay làm lụng và đảm đang,
khéo chân, khéo tay, làm được đủ mọi việc mà lại biết lấy việc gia đạo làm
trọng, hết lòng chiều chồng, nuôi con, thường giữ được các đức tính rất quý là:
tiết, nghĩa, cần, kiệm.
Người Việt Nam từ Bắc chí Nam, đều
theo một phong tục, nói một thứ tiếng, {Tuy rằng mỗi nơi có một ít tiếng thổ âm
riêng và cái giọng nói nặng nhẹ khác nhau, nhưng đại để thì vẫn là một thứ
tiếng mà thôi.} cùng giữ một kỹ niệm, thật là cái tính đồng nhất của một dân
tộc từ đầu nước đến cuối nước.
7. Sự Mở Mang Bờ Cõi.
Người nòi giống Việt Nam ta mỗi ngày
một nẩy nở ra nhiều, mà ở phía bắc thì đã có nước Tàu cường thịnh, phía tây thì
lắm núi nhiều rừng, đường đi lại không tiện, cho nên mới theo bờ bể lần xuống
phía nam, đánh Lâm Ấp, dứt Chiêm Thành, chiếm đất Chân Lạp, mở ra bờ cõi bây
giờ.
8. Lịch Sử Việt Nam.
Từ khi người Việt Nam lập thành nước
đến giờ, kể hàng mấy nghìn năm, phải người Tàu cai trị mấy lần, chịu khổ sở
biết bao nhiêu phen, thế mà sau lại lập được cái nền tự chủ, và vẫn giữ được
cái tính đặc biệt của giống mình, ấy là đủ tỏ ra rằng khí lực của người mình
không đến nỗi kém hèn cho lắm. Tuy rằng mình chưa làm được việc gì cho vẽ vang
bằng người, nhưng mình còn có thể hy vọng một ngày kia cũng nên được một nước
cường thịnh.
Vậy ghi chép những cơ hội gian
truân, những sự biến cố của nước mình đã trải qua, và kể những công việc của
người mình làm từ đời nọ qua đời kia, để cho mọi người trong nước đều biết, ấy
là sách Việt Nam sử.
Nay ta nên theo từng thời đại mà
chia sách Việt Nam sử ra 5 phần để cho tiện sự kê cứu.
Phần I: Thượng Cổ thời đại.
Phần II: Bắc Thuộc thời đại.
Phần III: Tự Chủ thời đại.
Phần IV: Nam Bắc Phân Tranh thời
đại.
Phần V: Cận Kim thời đại.
Phần I
Thượng Cổ Thời Đại
CHƯƠNG I
Họ Hồng-Bàng
(2879-258 trước Tây Lịch)
1. Họ Hồng Bàng
2. Nước Văn Lang
3. Truyện cổ tích về đời Hồng Bàng:
- Phù Đổng Thiên Vương
- Sơn Tinh Thủy Tinh
1. Họ Hồng Bàng.
Cứ theo tục truyền thì vua Đế Minh
là cháu ba đời của vua Thần Nông, đi tuần thú phương nam đến núi Ngũ Lĩnh
(thuộc tỉnh Hồ Nam bây giờ) gặp một nàng tiên, lấy nhau, đẻ ra người con tên là
Lộc Tục. Sau Đế Minh truyền ngôi lại cho con trưởng là Đế Nghi làm vua phương
bắc, và phong cho Lộc Tục làm vua phương nam, xưng là Kinh Dương Vương, quốc
hiệu là Xích Quỷ.
Bờ cõi nước Xích Quỷ bấy giờ phía
bắc giáp Động Đình Hồ (Hồ Nam), phía nam giáp nước Hồ Tôn (Chiêm Thành), phía
tây giáp Ba Thục (Tứ Xuyên), phía đông giáp bể Nam Hải.
Kinh Dương Vương làm vua nước Xích
Quỷ vào quãng năm nhâm tuất (2879 trước Tây Lịch?) và lấy con gái Động Đình
Quân là Long Nữ đẻ ra Sùng Lãm, nối ngôi làm vua, xưng là Lạc Long Quân.
Lạc Long Quân lấy con gái vua Đế Lai
tên là Âu Cơ, đẻ một lần được một trăm người con trai3. Lạc Long
Quân bảo Âu Cơ rằng: "Ta là dòng dõi Long Quân, nhà ngươi là dòng dõi thần
tiên, ăn ở lâu với nhau không được; nay được trăm con thì nhà người đem 50 đứa
lên núi, còn 50 đứa ta đem xuống bể Nam Hải". Gốc tích truyện này có lẽ là
từ Lạc Long Quân về sau, nước Xích Quỷ chia ra những nước gọi là Bách Việt. Bởi
vậy ngày nay đất Hồ Quảng (tỉnh Hồ Nam, tỉnh Quảng Đông và tỉnh Quảng Tây) còn
xưng là đất Bách Việt. Đấy cũng là một điều nói phỏng, chứ không có lấy gì làm
đích xác được.
2. Nước Văn Lang.
Lạc Long Quân phong cho người con
trưởng sang làm vua nước Văn Lang, xưng là Hùng Vương.
Cứ theo sử cũ thì nước Văn Lang chia
ra làm 15 bộ:
1. Văn Lang (Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh
Yên)
2. Châu Diên (Sơn Tây)
3. Phúc Lộc (Sơn Tây)
4. Tân Hưng (Hưng Hóa - Tuyên
Quang)
5. Vũ Định (Thái Nguyên - Cao
Bằng)
6. Vũ Ninh (Bắc Ninh)
7. Lục Hải (Lạng Sơn)
8. Ninh Hải (Quảng Yên)
9. Dương Tuyền (Hải Dương)
10. Giao Chỉ (Hà Nội, Hưng Yên, Nam
Định, Ninh Bình)
11. Cửu Chân (Thanh Hóa)
12. Hoài Hoan (Nghệ An)
13. Cửu Đức (Hà Tĩnh)
14. Việt Thường (Quảng Bình, Quảng
Trị)
15. Bình Văn ( ? )
Hùng Vương đóng đô ở Phong Châu (bây
giờ ở vào địa hạt huyện Bạch Hạc, tĩnh Vĩnh Yên), đặt tướng văn gọi là Lạc Hầu,
tướng võ gọi là Lạc Tướng, con trai vua gọi là Quan Lang, con gái vua gọi là Mị
Nương, các quan nhỏ gọi là Bồ Chính 4. Quyền chính trị thì cứ cha
truyền con nối, gọi là Phụ Đạo.
Về đời bấy giờ, sử Tàu có chép rằng
năm tân mão (1109 trước Tây lịch), đời vua Thành Vương nhà Chu, có nước Việt
Thường, ở phía nam xứ Giao Chỉ sai sứ đem chim bạch trĩ sang cống, nhà Chu phải
tìm người làm thông ngôn mới hiểu được tiếng, và ông Chu Công Đán lại chế ra xe
chỉ nam để đem sứ Việt Thường về nước. Vậy đất Việt Thường và đất Giao Chỉ có
phải là đất của Hùng Vương lúc bấy giờ không?
Họ Hồng Bàng làm vua được 18 đời,
đến năm quý mão (158 trước Tây lịch) thì bị nhà Thục lấy mất nước.
Xét từ đời Kinh Dương Vương đến đời
vua Hùng Vương thứ 18, cả thảy 20 ông vua, mà tính từ năm nhâm tuất (2879) đến
năm quý mão (258 trước Tây lịch) thì vừa được 2622 năm. Cứ tính hơn bù kém, mỗi
ông vua trị vì được non 150 năm! Dẫu là người đời thượng cổ nữa, thì cũng khó
lòng mà có nhiều người sống lâu được như vậy. - Xem thế thì đủ biết truyện đời
Hồng Bàng không chắc là truyện xác thực.
3. Truyện Cổ Tích Về Đời Hồng Bàng.
Sử chép rằng đời Hùng Vương thứ
nhất, người nước Văn Lang làm nghề chài lưới, cứ hay bị giống thuồng luồng làm
hại, vua mới bắt dân lấy chàm vẽ mình để những giống ấy tưởng là đồng loại
không làm hại nữa5. Sử lại chép rằng thuyền của ta ở đằng mũi thường
hay làm hai con mắt, cũng có ý để cho các thứ thủy quái ở sông ở bể không quấy
nhiễu đến.
Trong đời Hùng Vương lại có hai
truyện mà ngày nay người ta thường hay nói đến, là truyện Phù Đổng Thiên Vương
và truyện Sơn Tinh Thủy Tinh.
Truyện Phù Đổng Thiên Vương:
Đời vua Hùng Vương thứ 6 có đám giặc
gọi là giặc Ân, hung mạnh lắm, không ai đánh nổi. Vua mới sai sứ đi rao trong
nước để tìm người tài giỏi ra đánh giặc giúp nước. Bấy giờ ở làng Phù Đỗng, bộ
Võ Ninh (nay là huyện Võ Giàng, tỉnh Bắc Ninh), có đứa trẻ xin đi đánh giặc
giúp vua. Sứ giả về tâu vua, vua lấy làm lạ, cho đòi vào chầu. Đứa trẻ ấy xin
đúc cho một con ngựa và cái roi bằng sắt. Khi ngựa và roi đúc xong thì đứa trẻ
ấy vươn vai một cái, tự nhiên người cao lớn lên một trượng, rồi nhảy lên ngựa
cầm roi đi đánh giặc.
Phá được giặc Ân rồi, người ấy đi
đến núi Sóc Sơn thì biến đi mất. Vua nhớ ơn, truyền lập đền thờ ở làng Phù
Đổng, về sau phong là Phù Đổng Thiên Vương6.
Truyện này là truyện tục truyền như
vậy, chứ không có lẽ tin làm sự thực được. Họa chăng đời bấy giờ có người tướng
giỏi, đánh được giặc, về sau người ta nhớ ơn làm đền thờ thì hợp lẽ hơn. Hiện
bây giờ có đền thờ ở làng Gióng tức làng Phù Đổng. Năm nào đến mồng tám tháng
tư cũng có hội vui lắm, tục gọi là đức Thánh Gióng.
Truyện Sơn Tinh Thủy Tinh:
Tục truyền rằng vua Hùng Vương thứ
18 có người con gái tên là Mỵ Nương, nhan sắc tuyệt trần. Sơn Tinh và Thủy Tinh
đều muốn hỏi làm vợ. Hùng Vương hẹn rằng ngày hôm sau ai đem đồ lễ đến trước
thì gả cho người ấy. Ngày hôm sau Sơn Tinh đến trước lấy được Mỵ Nương đem về
núi Tản Viên (tức là núi Ba Vì ở tỉnh Sơn Tây).
Thủy Tinh đến sau, thấy Sơn Tinh lấy
mất Mỵ Nương, tức giận vô cùng, mới làm ra mưa to gió lớn, rồi dâng nước lên
đánh Sơn Tinh, Sơn Tinh ở trên núi không việc gì: hễ nước lên cao bao nhiêu,
thì Sơn Tinh làm núi cao lên bấy nhiêu. Sơn Tinh lại dùng sấm sét đánh xuống,
Thủy Tinh phải rút nước chạy về. Từ đó Sơn Tinh và Thủy Tinh thù nhau, mỗi năm
đánh nhau một lần, dân gian thật là cực khổ.
Truyện này là nhân vì ở Bắc Việt năm
nào đến tháng 6, tháng 7 cũng có nước lũ ở trên mạn ngược chảy xuống tràn vào
trong đồng áng, ngập mất cả ruộng đất. Người ta không hiểu là tại lẽ gì, mới
tưởng tượng mà đặt ra câu chuyện Sơn Tinh Thủy Tinh đánh nhau vậy.
Tóm lại mà xét, nước ta khởi đầu có
quốc sử từ cuối thập tam thế kỷ: đến đời vua Thánh Tông nhà Trần, mới có quan
Hàn Lâm Học Sĩ là Lê Văn Hưu, soạn xong bộ Đại Việt Sử Ký, chép từ Triệu Võ
Vương đến Lý Chiêu Hoàng. Hai trăm rưỡi năm về sau lại có ông Ngô Sĩ Liên, làm
quan Lễ Bộ Tả Thị Lang đời vua Thánh Tông nhà Lê, soạn lại bộ Đại Việt Sử Ký:
chép từ họ Hồng Bàng đến vua Lê Thái Tổ. Nghĩa là từ ông Ngô Sĩ Liên, ở về thập
ngũ thế kỷ trở đi, thì sử ta mới chép truyện về đời thượng cổ. Xem thế thì đủ
biết những truyện về đời ấy khó lòng mà đích xác được. Chẳng qua nhà làm sử
cũng nhặt nhạnh những truyện hoang đường tục truyền lại, cho nên những truyện
ấy toàn là truyện có thần tiên quỷ quái, trái với lẽ tự nhiên cả.
Nhưng ta phải hiểu rằng nước nào
cũng vậy, lúc ban đầu mờ mịt, ai cũng muốn tìm cái gốc tích của mình ở chỗ thần
tiên để cho vẻ vang cái chủng loại của mình. Chắc cũng bởi lẽ ấy mà sử ta chép
rằng họ Hồng Bàng là con tiên cháu rồng, v.v....
Nay ta theo sử cũ mà chép mọi
truyện, người xem sử nên phân biệt truyện nào là truyện thực, truyện nào là
truyện đặt ra, thì sự học mới có lợi vậy.
{3 Có sách chép là Âu Cơ đẻ ra một
trăm cái trứng nở ra một trăm con. }
{4 Bây giờ còn có nơi gọi Chánh Tổng
là Bồ Đình, chắc là bởi Bồ Chính mà ra. }
{5 Sử chép rằng người Việt Nam ta có
thói vẽ mình mãi đến đời vua Anh Tông nhà Trần mới bỏ. }
{6 Có người chép truyện này nói
rằng: Giặc Ân là quân của nhà Ân bên Tàu sang đánh nước ta. Nói như thế thật là
một điều lầm. Về đời nhà Ân nước Tàu chỉ ở vào mạn sông Hoàng Hà là đất tỉnh Hà
Nam, Trực Lệ, Sơn Tây và Thiểm Tây bây giờ mà thôi. Còn những đất ở bên này sông
Trường Giang là man di hết cả. Từ Trường Giang sang đến Bắc Việt ta xa cách bao
nhiêu đường đất. Dẫu lúc ấy ở bên ta có họ Hồng Bàng làm vua nữa, thì chắc cũng
chưa có kỷ cương gì, có lẽ cũng giống như một người làm Quan Lang trên Mường mà
thôi, như thế thì đã có giao thiệp gì với nhà Ân mà đánh nhau. Vả lại, sử Tàu
cũng không có chỗ nào chép đến truyện ấy. Vậy thì lẽ gì mà nói rằng giặc Ân là
người nhà Ân bên Tàu. }
CHƯƠNG II
Nhà Thục
(257 - 207 trước Tây lịch)
1. Gốc Tích Nhà Thục
2. Nước Âu Lạc
3. Nhà Tần Đánh Bách Việt
4. Nhà Thục Mất Nước
1. Gốc Tích Nhà Thục.
Nhà Thục chép trong sử nước ta không
phải là nước Thục bên Tàu, vì rằng cứ theo sử nước Tàu thì đời bấy giờ đất Ba
Thục (Tứ Xuyên) đã thuộc về nhà Tần cai trị rồi, thì còn có vua nào nữa. Vả, sử
lại chép rằng khi Thục Vương Phán lấy lấy được nước Văn Lang thì đổi quốc hiệu
là Âu Lạc, tức là nước Âu Lạc gồm cả nước Thục và nước Văn Lang. Song xét trong
lịch sử không thấy đâu nói đất Ba Thục thuộc về Âu Lạc. Huống chi lấy địa lý mà
xét thì từ đất Ba Thục (Tứ Xuyên) sang đến Văn Lang (Bắc Việt), cách bao nhiêu
đường đất và có bao nhiêu núi sông ngăn trở, làm thế nào mà quân nhà Thục sang
lấy nước Văn Lang dễ dàng như vậy ? Sử cũ lại có chỗ chép rằng An Dương Vương,
họ là Thục tên là Phán. Như vậy chắc hẳn Thục tức là một họ nào độc lập ở gần
nước Văn Lang, chứ không phải là Thục bên Tàu. Sách "Khâm Định Việt
Sử" cũng bàn như thế.
2. Nước Âu Lạc.
Sử chép rằng Thục Vương hỏi con gái
của Hùng Vương thư 18, là Mỵ Nương không được, trong bụng lấy làm tức giận, dặn
con cháu ngày sau đánh báo thù lấy nước Văn Lang. Hùng Vương bấy giờ cậy mình
có binh cường tướng dũng, bỏ trễ việc nước, chỉ lấy rượu chè làm vui thú. Người
cháu Thục Vương tên là Phán, biết tình thế ấy, mới đem quân sang đánh lấy nước
Văn Lang. Hùng Vương thua chạy, nhảy xuống giếng mà tự tử.
Năm giáp thìn (275 trước Tây lịch),
Thục Vương dẹp yên mọi nơi rồi, xưng là An Dương Vương, cải quốc hiệu là Âu
Lạc, đóng đô ở Phong Khê (nay thuộc huyện Đông Anh, tỉnh Phúc An). Hai năm sau
là năm bính ngọ (255 trước Tây Lịch), An Dương Vương xây Loa Thành. Thành ấy
cao và từ ngoài vào thì xoáy trôn ốc, cho nên mới gọi là Loa Thành. Hiện nay
còn dấu tích ở làng Cổ Loa, huyện Đông Anh, tỉnh Phúc An.
3. Nhà Tần Đánh Bách Việt.
Khi An Dương Vương làm vua nước Âu
Lạc ở bên này, thì ở bên Tàu vua Thủy Hoàng nhà Tần, đã nhất thống thiên hạ.
Đến năm đinh hợi (214 trước Tây lịch). Thủy Hoàng sai tướng là Đồ Thư đem quân
đi đánh lấy đất Bách Việt (vào quãng tỉnh Hồ Nam, Quảng Đông và Quảng Tây bây
giờ). An Dương Vương cũng xin thần phục nhà Tần. Nhà Tần mới chia đất Bách Việt
và đất Âu Lạc ra làm ba quận, gọi là: Nam Hải (Quảng Đông), Quế Lâm (Quảng Tây)
và Tượng Quận (Bách Việt).
Người bản xứ ở đất Bách Việt không
chịu để người Tàu cai trị, trốn vào rừng ở. Được ít lâu quân của Đồ Thư, vốn là
người ở phương bắc, không chịu được thủy thổ, phải bệnh rất nhiều. Bấy giờ
người Bách Việt thừa thế nổi lên giết được Đồ Thư.
4. Nhà Thục Mất Nước.
Chẳng được bao lâu thì nhà Tần suy,
nước Tàu có nhiều giặc giã, ở quận Nam Hải có quan úy là Nhâm Ngao thấy có cơ
hội, muốn mưu đánh lấy Âu Lạc để lập một nước tự chủ ở phương nam. Nhưng công
việc chưa thành, thì Nhâm Ngao mất. Khi sắp mất, Nhâm Ngao giao binh quyền lại
cho Triệu Đà để thay mình làm quan úy quận Nam Hải.
Năm quý tị (208 trước Tây lịch) là
năm thứ 50 đời vua An Dương Vương. Triệu Đà đem quân sang đánh lấy nước Âu Lạc,
lập ra nước Nam Việt7.
Tục truyền rằng khi An Dương Vương
xây Loa Thành, có những yêu quái quấy nhiễu, xây mãi không được. An Dương Vương
mới lập đàn lên cầu khấn, có thần Kim Qui hiện lên bày phép cho vua trừ những
yêu quái đi, bấy giờ mới xây được thành. Thần Kim Qui lại cho An Dương Vương
một cái móng chân, để làm cái lẫy nỏ. Lúc nào có giặc thì đem cái nỏ ấy ra bắn
một phát, giặc chết hàng vạn người.
Cũng nhờ có cái nỏ ấy cho nên Triệu
Đà đánh không được An Dương Vương. Triệu Đà dùng kế, cho con là Trọng Thủy sang
lấy Mỵ Châu là con gái An Dương Vương, giả kết nghĩa hòa thân để do thám tình
thực.
Trọng Thủy lấy được Mỵ Châu rồi, hỏi
dò vợ rằng: "Bên Âu Lạc có tài gì mà không ai đánh được?" Mỵ Châu nói
chuyện cái nỏ, và lấy cho chồng xem. Trọng Thủy bèn lấy cái móng của Kim Qui
đi, làm cái lẫy giả thay vào, rồi định về báo tin cho cha biết. Khi sắp ra về,
Trọng Thủy hỏi Mỵ Châu rằng: "Tôi về, mà nhỡ có giặc giã đánh đuổi, thì
rồi tôi biết đâu mà tìm?" - Mỵ Châu nói rằng: "Thiếp có áo lông
ngỗng, hễ khi thiếp có chạy về đâu, thiếp sẽ lấy lông ấy mà rắc ra ở dọc đường
thì rồi sẽ biết."
Trọng Thủy về kể lại với Triệu Đà
tình đầu mọi sự, Triệu Đà bèn khởi binh sang đánh Âu Lạc. An Dương Vương cậy có
cái nỏ, không phòng bị gì cả, đến khi quân giặc đến gần chân thành mới đem nỏ
ra bắn, thì không thấy hiệu nghiệm nữa. An Dương Vương mới đem Mỵ Châu lên ngựa
mà chạy về phía nam.
Chạy đến núi Mộ Dạ (thuộc huyện Đông
Thành, tỉnh Nghệ An) gần bờ bể, vua thấy giặc đuổi kíp quá, mới khấn Kim Qui
lên cứu, Kim Qui lên nói rằng: "Giặc ngồi sau lưng nhà vua đấy!" An
Dương Vương tức giận quá, rút gươm ra chém Mỵ Châu đi, rồi nhảy xuống bể mà tự
tận8.
Trọng Thủy theo dấu lông ngỗng của
vợ rắc, đem binh đuổi đến núi Mộ Dạ, thấy xác vợ chết nằm đó, thương xót vô
cùng, vội vàng đem về cấp táng, xong rồi, nhảy xuống cái giếng ở trong Loa
Thành mà tự tử.
Nay ở làng Cổ Loa trước đền thờ An
Dương Vương có cái giếng tục truyền là Trọng Thủy chết ở giếng ấy. Tục lại
truyền rằng Mỵ Châu bị giết đi, vì nỗi tình thực mà phải thác oan, cho nên máu
nàng ấy chảy xuống bể, những con trai ăn phải hóa ra có ngọc trân châu. Hễ ai
lấy được ngọc ấy đem về rửa vào nước cái giếng ở trong Loa Thành là chỗ Trọng
Thủy đã tự tử, thì ngọc ấy trong và đẹp thêm ra.
{7 Xin đừng lầm nước Nam Việt ngày
xưa với Nam Việt của nước Việt Nam hiện nay. }
{8 Nay ở trên núi Mộ Dạ, gần xã Cao
Ái, huyện Đông Thành, tỉnh Nghệ An, có đền thờ An Dương Vương. Ở đấy có nhiều cây
cối và có nhiều chim công, cho nên tục gọi là đền Công hay Cuông. }
CHƯƠNG III
Xã-Hội Nước Tàu Về Đời Tam Đại Và
Đời Nhà Tần
1. Phong-Kiến
2. Quan-Chế
3. Pháp-Chế
4. Binh-Chế
5. Điền-Chế
6. Học-Hiệu
7. Học-Thuật
8. Phong-Tục
Khi Triệu Đà sang đánh An-Dương-Vương
thì ở bên Tàu nhà Tần đã suy, nhà Hán sắp lên làm vua, nước Tàu đang vào lúc
đại loạn, phong tục, chính trị đều đổi khác cả. Vả lại Triệu-Đà là người Tần,
cho nên đến khi lấy được Âu-Lạc, gồm cả các quận ở phương nam, lập làm một nước
tự chủ, bèn đem chính trị, pháp-luật nước Tàu sang cai-trị đất Nam-Việt9.
Vậy trước khi nói đến chuyện nhà Triệu, ta nên xét-xem xã-hội nước Tàu lúc bấy
giờ là thế nào .
1. Phong-Kiến.
Nguyên về đời thái-cổ, nước Tàu chia
ra từng địa-phương một. Mỗi một địa-phương thì có một người làm thủ-lĩnh, lập
thành một nước, gọi là nước chư-hầu, phải triều cống nhà vua.
Số những nước chư hầu ấy thì mỗi đời
một khác. Xem như khi vua Đại-Vũ nhà Hạ, hội các nước chư-hầu ở núi Đồ-sơn, kể
có hàng vạn nước. Đến khi vua Vũ-vương nhà Chu đi đánh Trụ-vương nhà Ân, thì
các nước chư- hầu hội lại cả thảy được 800 nước.
Đánh xong nhà Ân, vua Vũ-Vương phong
cho hơn 70 người làm vua chư-hầu, chia ra làm 5 bậc là: công, hầu, bá, tử, nam.
Nước phong cho tước công, tước hầu thì rộng 100 dặm gọi là đại quốc; nước phong
cho người tước bá thì rộng 70 dặm, gọi là trung quốc; nước phong cho người tước
tử, tước nam thì rộng 50 dặm, gọi là tiểu quốc. Những nước không đủ 50 dặm, thì
gọi là nước phụ-dung.
2. Quan-Chế.
Nhà Hạ đặt tam-công, cửu-khanh, 27 đại-phu,
81 nguyên sĩ.
Nhà Ân đặt hai quan tướng, sáu quan
thái là: thái-tể, thái-tông, thái- tử, thái-chúc, thái-sĩ, thái-bốc; năm quan
là: tư-đồ, tư- mã, tư-không, tư-sĩ, tư-khấu; sáu phủ là: tư-thể, tư-mộc,
tư-thủy, tư-thảo, tư-khí, tư-hóa; sáu công là: thổ-công, kim-công, thạch-công,
thủy-công, thú-công và thảo-công.
Đến nhà Chu, ông Chu-Công đặt ra sáu
quan gọi là: thiên-quan, địa- quan, xuân-quan, hạ-quan, thu-quan, đông-quan.
Mỗi một quan lại có 60 thuộc-quan, cộng cả lại là 360 người.
Người làm đầu thiên-quan, gọi là
trủng-tể, thống cả việc chính-trị trong nước, việc thu-nạp cả năm và mọi việc ở
trong cung. Người làm đầu địa quan gọi là đại-tư-đồ giữ việc nông, việc thương,
việc giáo dục và việc cảnh sát. Người làm đầu xuân-quan gọi là đại-tông-bá, giữ
việc tế-tự, triều, sính, hội-đồng v.v... Người làm đầu hạ-quan, gọi là
đại-tư-mã, giữ việc binh- mã và việc đi đánh dẹp. Người làm đầu thu-quan gọi là
đại tư-khấu giữ việc dân, việc hình và việc kiện-tụng. Người làm đầu đông-quan
gọi là đại-tư- không, giữ việc khuyến công, khuyến nông và việc thổ mộc v.v...
Trên lục quan lại đặt tam công, là:
thái-sứ, thái-phó, thái- bảo; tam cô là : thiếu-sứ, thiếu-phó, thiếu-bảo, để
bàn xét việc trị nước yên dân, chứ không dự vào việc hành chính.
3. Pháp-Chế.
Về đời thái-tổ thì có năm hình,
ngoài năm hình lại có phép đánh bằng roi da và tội lưu. Đến đời nhà Hạ, nhà Ân
và nhà Chu thì lại đặt phép chân, gọt đầu và tội đồ. Đến cuối đời nhà Chu thì
đặt ra tội bêu đầu, xé thây lăng trì, mổ, muối v.v...
4. Binh-Chế.
Binh-chế nhà Hạ và nhà Ân thì không
rõ, đến đời nhà Chu thì đặt 5 người làm một ngũ; 5 ngũ tức là 25 người thành
một lượng; 4 lượng tức là 100 người làm một tốt; 5 tốt tức là 500 người làm một
lữ; 5 lữ tức là 2500 người làm một sư ; 5 sư tức là 12500 người tức là một
quân.
Quân thì đặt quan mạnh-đan làm
tướng, sư thì đặt quan trung-đại- phu làm súy, lữ thì đặt quan đại-hạ làm súy,
tốt thì đặt quan thượng-sĩ làm trưởng, lượng thì đặt quan trung-sĩ làm tư-mã.
Thiên tử có 6 quân; còn những nước
chư hầu, nước nào lớn thì có 3 quân, nước vừa có 2 quân, nước nhỏ 1 quân.
Trong nước chia ra làm tỉnh, mỗi
tỉnh 8 nhà, 4 tỉnh làm một ấp 32 nhà; 4 ấp làm một khâu, 128 nhà; 4 khâu làm
một điện, 512 nhà. Cứ mỗi điện phải chiêu một cỗ binh xa, bốn con ngựa, 12 con
bò, 3 người giáp sĩ, 72 người bộ tốt, 25 người để khiêng-tải những đồ nặng. Cả
thảy là 100 người .
5. Điền Chế.
Về đời thái-cổ thì không biết chia
ruộng đất ra làm sao. Từ đời Hạ trở đi thì chia 50 mẫu làm một gian, 10 gian
làm một tổ. Cứ 10 nhà cày một lô ruộng, hoa-lợi được bao nhiêu chia làm 10
phần, nhà nước lấy một gọi là phép cống.
Nhà Ân và nhà Chu thì dùng phép tỉnh
điền, nghĩa là chia đất ra làm chín khi hình chữ tỉnh. Những khu ở chung quanh
làm tư-điền, khu ở giữa để làm công-điền. Mỗi một tỉnh cho 8 nhà ở, đều phải
xuất lực cầy cấy công điền rồi nộp hoa lợi cho nhà vua.
Về đời nhà Ân thì mỗi tỉnh có 630
mẫu, mỗi nhà được 70 mẫu; phép đánh thuế gọi là phép trợ. Đến đời nhà Chu thì
mỗi tỉnh có 900 mẫu, mỗi nhà có 100 mẫu, phép đánh thuế gọi là phép triệt.
Nhà Chu lại đặt ra lệ cứ 20 tuổi thì
được 100 mẫu ruộng, đến 60 tuổi thì trả lại cho nhà nước. Nhà nào có con thứ
nhì gọi là dư phu đến 16 tuổi thì được lĩnh 25 mẫu ruộng.
Nhờ có phép chia ruộng như thế nên
lúc bấy giờ không có nhiều người nghèo lắm mà cũng không có người giàu lắm. Về
sau đến đời Chiến Quốc, người Lý Khôi làm tướng nước Ngụy, bắt dân hết sức làm
ruộng, không định hạn như trước nữa; người Thương Ưởng làm tướng nước Tần, bỏ
phép tỉnh điền, mở thiên mạch, cho mọi người được tự tiện làm ruộng. Phép chia
đất từ đó mới mất dần dần đi.
6. Học-Hiệu.
Nhà Hạ đặt nhà Đông tự làm đại học,
nhà Tây tự làm tiểu học. Nhà Ân đặt là Hữu-học làm đại học, nhà Tả-học làm tiểu
học. Những nhà đại-học, tiểu học ấy, là chỗ để tập bắn, để nuôi những người
già- cả và để tập văn nghệ.
Nhà Chu thì đặt Tích-ung hoặc nhà
Thành-quân làm đại học, để cho con vua, con các quan và những người tuấn tú
tuyển ở các thôn xã đến học; còn ở châu, ở đảng10 thì đặt nhà
tiểu học gọi là Tự và nhà Tường để cho con dân-gian vào học. Lại đặt lệ cứ từ 8
tuổi đến 14 tuổi làm niên hạn cho tiểu học, từ 15 đến 20 tuổi, làm niên-hạn cho
đại học. Đại học thì dạy lễ, nhạc, thi, thư; tiểu-học thì dạy cách kính trên
nhường dưới và cách ứng đối, v.v...
7. Học-Thuật.
Học-thuật ở nước Tàu về đời nhà Chu
đã thịnh lắm, cho đến đời nhà Xuân-thu có nhiều học-giả như là Lão-tử bàn đạo;
Khổng-tử bàn hiếu, đễ, nhân, nghĩa; Mạc Địch bàn lễ kiêm-ái, nên chuộng sự tiết
kiệm bỏ âm-nhạc; Dương Chu thì bàn lẽ vị-kỷ, nên tự-trọng thân mình và không
chịu thiệt mình để lợi người.
Lại có những pháp-gia như Thân
Bất-Hại, Hàn-Phi bàn việc trị thiên- hạ thì chỉ nên dùng pháp-luật, chứ không
nên dùng nhân nghĩa. Còn những người như Quỉ Cốc, Thi Giảo, Điền Biền, v.v...,
mỗi người đều xướng một học thuyết để dạy người đương thời.
8. Phong-Tục.
Nước Tàu lấy sự cày ruộng làm gốc,
nhưng mà việc nuôi tằm, dệt lụa, việc họp chợ, việc buôn-bán cũng phát-đạt cả.
Dân trong nước chia ra làm 4 thứ:
sĩ, nông, công, thương, nhưng mà con người làm quan lại làm quan, con người làm
ruộng cứ làm ruộng, chứ con người làm ruộng không được làm quan. Tuy vậy, đến
đời Xuân-thu những người thứ dân lên làm tướng văn tướng võ cũng nhiều.
Trong gia-đình thì già trẻ trên dưới
phân biệt nghiêm lắm. Con phải theo cha, vợ phải theo chồng, con-trai con-gái
từ 7 tuổi trở đi, là không được ăn một mâm, nằm một chiếu nữa. Con trai 30 tuổi
mới được lấy vợ, gái 20 tuổi mới được lấy chồng mà hai người cùng họ không được
lấy nhau.
Nước Tàu về đời Tam-đại cũng sùng sự
tế-tự lắm. Thường cúng-tế thiên, địa, nhật, nguyệt, sơn, xuyên, lâm, trạch. Nhà
vua lập đàn Nam-giao để tế Thượng-Đế. Lại có nhà Xã-tắc để tế Thổ-thần và
Hậu-tắc. Còn sự thờ-phụng tổ-tiên thì từ vua cho đến thứ-dân đều lấy làm một
việc quan trọng trong đời người.
Xem như thế, thì xã-hội nước Tàu về
đời Tam-đại đã văn minh lắm, nhưng sau đến cuối đời nhà Chu, vì nhà vua
suy-nhược, cho nên chư hầu, người xưng hầu, kẽ xưng vương rồi tranh nhau, đánh
nhau như Ngũ-Bá đời Xuân-Thu, Thất-Hùng đời Chiến-Quốc, làm cho trăm họ lầm
than khổ sở.
Sau nhà Tần thống-nhất được thiên-hạ,
mới bỏ lệ phong-kiến, lập ra quận huyện; bỏ phép tỉnh điền, lập thiên-mạch; cấm
nho học đốt sách vở, việc chính-trị thì cốt dùng pháp-luật, để lấy quyền lực mà
áp chế.
Đang khi phong-tục nước Tàu biến cải
như thế, thì Triệu Đà lập ra nước Nam-Việt (3), đem văn-minh nước Tàu sang
truyền-bá ở phương nam, cho nên từ đó về sau người nước mình đều nhiễm cái
văn-minh ấy.
{9 Xin đừng lầm nước Nam-việt ngày
xưa với Nam-việt của nước Việt-nam thời nay. }
{10 Cứ 12500 nhà một châu, và 500
nhà làm một đảng thì có nhà Tự, ở đảng thì có nhà Tường. }
CHƯƠNG IV
Nhà Triệu
(207-111 tr. Tây-lịch)
1. Triệu Vũ-Vương
2. Vũ-Vương thụ-phong nhà Hán
3. Vũ-Vương xưng đế
4. Vũ-Vương thần phục nhà Hán
5. Triệu Văn-Vương
6. Triệu Minh-Vương
7. Triệu Ai-Vương
8. Triệu Dương-Vương
1. Triệu Vũ-Vương (207-137 tr. Tây-lịch).
Năm quí-tị (207) Triệu Đà đánh được
An-dương-vương rồi, sáp-nhập nước Âu-lạc vào quận Nam-hải, lập thành một nước
gọi là Nam-Việt, tự xưng làm vua, tức là Vũ-vương, đóng đô ở Phiên-ngung, gần
thành Quảng-châu bây giờ.
2. Vũ-Vương thụ-phong nhà Hán.
Trong khi Triệu Vũ-Vương gây-dựng
cơ-nghiệp ở Nam-Việt, thì ở bên Tàu, ông Lưu Bang triệt được nhà Tần, diệt được
nhà Sở, nhất-thống thiên hạ, rồi lên ngôi Hoàng-đế tức là vua Cao Tổ nhà Hán.
Vua Cao-tổ thấy Triệu Vũ-Vương độc-lập ở phương nam, bèn sai Lục Giả sang phong
cho Vũ-Vương. Bấy giờ là năm ất- tị (196 tr. Tây-lịch), năm thứ 12 đời vua
Vũ-Vương nhà Triệu, và năm thứ 11 đời vua Cao-tổ nhà Hán.
Vũ-Vương vốn là người kiêu-căng, có
ý không muốn phục nhà Hán, đến khi Lục Giả sang đến nơi, vào yết-kiến Vũ-Vương,
Vũ-Vương ngồi xếp vành tròn, không đứng dậy tiếp. Lục Giả thấy vậy mới nói
rằng: "Nhà vua là người nước Tàu , mồ mả và thân thích ở cả châu
Chân-định. Nay nhà Hán đã làm vua thiên hạ, sai sứ sang phong vương cho nhà
vua, nếu nhà vua kháng-cự sứ-thần, không làm lễ thụ-phong, Hán-đế tất là tức
giận, hủy-hoại mồ mả và giết hại thân-thích của nhà vua, rồi đem quân ra đánh
thì nhà vua làm thế nào?" Vũ-vương nghe lời ấy vội-vàng đứng dậy làm lễ
tạ, rồi cười mà nói rằng: "Tiếc thay ta không được khởi nghiệp ở nước Tàu,
chứ không thì ta cũng chẳng kém gì Hán-đế!"
3. Vũ-Vương xưng đế.
Năm mậu ngọ (183 tr. Tây-lịch) vua
Cao-tổ nhà Hán mất rồi, bà Lữ-hậu lâm triều tranh quyền Huệ-đế, rồi lại nghe
lời gièm pha, cấm không cho người Hán buôn bán những đồ vàng, đồ sắt và những
đồ điền-khí với người Nam-Việt. Vũ-vương lấy làm tức giận, lại ngờ cho
Trường-sa-vương xui Lữ-hậu làm như vậy, bèn tự-lập làm Nam-việt Hoàng-đế, rồi
cử binh-mã sang đánh quận Tràng-sa (tỉnh Hồ-nam bây giờ).
Năm Canh thân (181 tr. Tây-lịch)
Hán-triều sai tướng đem quân sang đánh Nam-việt. Quân nhà Hán chịu không được
thủy-thổ phương nam, nhiều người phải bệnh-tật, bởi vậy phải chạy thua về bắc.
Từ đó thanh-thế Triệu Vũ-đế lừng lẫy, đi đâu dùng xe ngựa theo nghi-vệ
Hoàng-đế, như vua nhà Hán vậy.
4. Vũ-Vương thần phục nhà Hán.
Đến khi Lữ hậu mất, Hán Văn-đế lên
ngôi, lại sai Lục Giả đưa thư sang khuyên Vũ-đế thuần phục nhà Hán. Thư rằng:
"Trẫm là con trắc-thất vua
Cao-đế, phụng mệnh ra trị nước Đại , vì non sông cách trở, thẹn mình phác-lậu,
cho nên lâu nay chưa từng đưa thư sang hỏi thăm nhà vua .
Từ khi đức Cao-đế xa bỏ quần-thần ,
đức Huệ-đế qua đời, bà Cao- hậu làm triều, không may bị bệnh, để cho họ Lữ
chuyên quyền, toan đem con họ khác để nối-đức Huệ-đế. May nhờ nhà Tông-miếu
linh-thiêng, các công thần ra sức dẹp kẻ tiếm-nghịch.
Trẫm vì các vương-hầu cùng bách quan
cố ép, cho nên phải lên ngôi Hoàng-đế. Mới rồi trẫm nghe nhà vua có đưa thư cho
Long-lư-hầu, nhắn tin và xin anh em họ-hàng ở quận Chân-định, và xin bãi binh ở
quận Trường-sa.
Trẫm cũng nghe lời thư của nhà vua,
thì đã bảo tướng-quân Bác- dương-hầu bãi binh về, còn anh em họ hàng nhà vua ở
Chân-định thì trẫm đã cho người thăm nom, lại sai sửa sang phần-mộ nhà vua,
thật tử-tế.
Thế vừa rồi trẫm nghe nhà vua còn
đem binh quấy-nhiễu ngoài biên, quận Trường-sa thật khổ, mà Nam-quận lại còn
khổ hơn. Làm như thế, nước nhà vua có chắc lợi được một mình không? Tất là
tướng-tá quân-sĩ chết nhiều, làm cho vợ người góa chồng, con người mồ-côi bố, cha
mẹ mất con, được một mất mười, trẫm không lòng nào nỡ làm như vậy.
Vả lại được đất nhà vua cũng không
lấy làm to, được của nhà vua cũng không đủ làm giàu. Vậy thì từ phía nam núi
Lĩnh thì mặc ý nhà vua tự trị lấy. Nhưng nhà vua cứ xưng đế hiệu, hai bên cùng
là đế-quốc mà không sai sứ giao-thông, thế chẳng hóa ra ganh nhau ư ? Ganh nhau
mà không nhường , thì người nhân không thèm làm.
Trẫm nay xin cùng nhà vua gác bỏ
điều cũ, từ rày trở đi, thông sứ như xưa. Vậy trẫm sai Lục Giả sang đem ý trẫm
khuyên nhà vua nên nghe, chứ làm chi nhiều sự cướp bóc tai-hại"
Xem thư của Hán-Văn-đế lời-lẽ tử-tế,
thật là có nhân-từ, vì thế cho nên Triệu Vũ-đế phải chịu phục, và đáp thư lại
rằng:
"Nam di đại-trưởng lão-phu
thần, Đà, muội tử tái bái, dâng thư lên Hoàng-đế bệ-hạ. Lão-phu là kẻ cố-lại
nước Việt, khi Hiếu Huệ Hoàng-đế lên ngôi, tình-nghĩa không dứt, vẫn hậu đãi
lão phu. Đến khi Cao-hậu lâm triều, lại phân-biệt ra Trung-hoa, ngoại-di, hạ
lệnh cấm không được bán cho Nam- việt những đồ vàng sắt và điền khí; còn ngựa,
trâu dê thì chỉ bán cho giống đực, chứ không bán cho giống cái.
Lão-phu lại phong văn rằng nhà Hán
đem hủy-hoại cả phần mộ lão- phu cùng giết cả anh em tông-tộc lão phu, cho nên
có bàn riêng với chúng rằng: nay trong đã không vẻ-vang với nhà Hán, ngoài lại không
có gì hơn được nước Ngô, cậy có xưng đế-hiệu; mà chẳng qua tự đế nước mình,
không dám hại gì thiên-hạ.
Cao-hậu nghe thấy thế, lấy làm tức
giận, đem tước bộ sổ Nam-Việt đi, không cho thông sứ, lão phu trộm nghĩ rằng
hẳn vì Trường-sa-vương gièm pha, cho nên Lão-phu có đem binh đánh.
Lão-phu ở đất Việt đã bốn mươi chín
năm nay , bây giờ đã có cháu rồi, nhưng mà sớm khuya trằn-trọc, ăn không ngon,
ngủ không yên, mắt không dám trông sắc đẹp, tai không dám nghe đàn vui, là chỉ
vì cớ không được phụng thờ nhà Hán. Nay nhờ bệ -hạ đoái thương, cho phục lại
hiệu cũ, thông sứ như xưa, lão-phu nhờ ơn, dẫu chết xương cũng không nát.
Vậy xin cải hiệu từ đây, và xin có
cống-phẩm phụng-hiến Hoàng-đế bệ-hạ."
Từ khi Triệu Vũ-Vương chịu bỏ
đế-hiệu, Nam Bắc lại giao thông hòa hiếu không có điều gì nữa.
Năm giáp-thìn (137 trước Tây-lịch),
Triệu Vũ-Vương mất. Sử chép rằng ngài thọ được 121 tuổi và làm vua được hơn 70
năm.
5. Triệu Văn-Vương (137-125 trước Tây-lịch)
Triệu Vũ-vương truyền ngôi lại cho
cháu đích tôn, tên là Hồ tức là Triệu Văn-vương, trị được 12 năm.
Triệu Văn-vương vốn là người tầm
thường, tính khí nhu nhược, không được như Triệu Vũ-vương. Khi mới lên làm vua
được hai năm, thì vua Mân-Việt (tỉnh Phúc-kiến bây giờ) đem quân sang đánh phá
ở chỗ biên thùy nước Nam-việt. Triệu Văn-vương không dám cử binh-mã ra chống
cự, sai sứ sang cầu cứu bên Hán-triều.
Vua nhà Hán sai Vương Khôi và
Hàn-An-Quốc Hán đến nơi, bèn bắt Quốc-vương giết đi, đưa đầu nộp cho quan nhà
Hán, và xin hàng. Mân-việt đã bình rồi vua nhà Hán sai Trang Trợ sang dụ Triệu
Văn-Vương vào chầu, nhưng mà đình-thần xin đừng đi, bèn cho thái tử là Anh Tề
đi thay.
Anh Tề ở bên Hán-Triều mười năm, đến
năm bính-thìn (125 tr. Tây lịch) vua Văn-vương mất thì mới về nối ngôi.
6. Triệu Minh-Vương (125-113 tr. Tây lịch).
Anh Tề lên làm vua tức là Triệu
Minh-Vương , trị vì được 12 năm.
Khi Anh Tề ở bên Hán có lấy vợ lẽ là
Cù-thị, đẻ được một người con tên là Hưng. Đến khi về làm vua Nam-việt, Minh
Vương lập Cù-thị lên làm hoàng-hậu và Hưng làm Thái-tử.
7. Triệu Ai-Vương.
Mậu-thìn (113 tr. Tây lịch) Triệu
Minh-Vương mất, thái tử Hưng lên làm vua, tức là Triệu Ai-Vương, trị-vì được
một năm.
Bấy giờ vua nhà Hán cho An-quốc
Thiếu Quí sang dụ Nam-Việt về chầu. Thiếu Quí nguyên là tình-nhân của Cù-thị
lúc trước, đến khi sang Nam- Việt gặp nhau, lại tư thông với nhau rồi dỗ-dành
Ai-vương đem nước Nam- việt về dâng nhà Hán.
Khi Cù-thị và Ai-vương đã định về
Hán-triều, thì có quan Tể-tướng là Lữ Gia, biết rõ tình-ý, đã can-ngăn mãi
không được, mới truyền hịch đi mọi nơi nói rằng vua và Cù-thái-hậu sắp đem nước
dâng cho nhà Hán; rồi Lữ Gia cùng với mấy người đại thần đem quân cấm-binh vào
giết sứ nhà Hán, Cù- Thị và Ai-Vương. Đoạn rồi tôn Kiến Đức lên làm vua. Kiến
Đức là con trưởng của Minh-Vương mẹ là người Nam-Việt làm vua.
8. Triệu Dương-Vương.
Kiến Đức lên làm vua, tức là
Dương-Vương. Dương-Vương mới lên làm vua được độ một năm thì vua Vũ- đế nhà Hán
sai Phục-ba tướng-quân là Lộ- Bác-Đức và Dương Bộc đem 5 đạo quân sang đánh lấy
Nam-Việt. Quan Thái-phó Lữ Gia ra chống cự không nổi, phải đem Dương-Vương
chạy. Quân nhà Hán đuổi theo bắt được, vua tôi đều bị hại cả. Năm ấy là năm
canh-ngọ (111 tr. Tây-lịch), nước Nam bị người Tàu chiếm lấy, cải là
Giao-chỉ-bộ, chia ra làm 9 quận, và đặt quan cai- trị như các châu quận bên Tàu
vậy.
PHẦN II
Bắc-Thuộc Thời-Đại
(11 tr. Tây-lịch-931 sau Tây-lịch)
CHƯƠNG 1
Bắc-Thuộc Lần Thứ I
(111 tr. Tây-lịch - 39 sau Tây-lịch)
1. Chính-Trị nhà Tây-Hán
2. Tích Quang và Nhâm Diên
1. Chính-Trị nhà Tây-Hán.
Năm canh ngọ (111 tr. Tây-lịch) vua
Vũ-đế nhà Hán sai Lộ-Bác-Đức và Dương Bộc sang đánh nhà Triệu, lấy nước
Nam-việt rồi cải là Giao-chỉ-bộ, và chia ra làm 9 quận, là những quận này:
1. Nam-hải: (Quảng-đông)
2. Thương-ngô: (Quảng-tây)
3. Uất-lâm: (Quảng-tây)
4. Hợp-phố: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở
phía Bắc Trung-Việt)
5. Giao-chỉ: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở
phía Bắc Trung-Việt)
6. Cửu-chân: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở
phía Bắc Trung-Việt)
7. Nhật-nam: (Bắc Việt và mấy tỉnh ở
phía Bắc Trung-Việt)
8. Châu-nhai: (đảo Hải-nam)
9. Đạm-nhĩ: (đảo Hải-nam)
Mỗi quận có quan thái-thú coi việc
cai-trị trong quận và lại có quan thứ-sử để giám sát các quận. Ở trong quận
Giao-chỉ thì có những lạc tướng hay lạc hầu vẫn được thế tập giữ-quyền cai trị
các bộ lạc tựa hồ như các quan lang ở mạn thượng-du đất Bắc-Việt bây giờ.
Quan thứ-sử trước tiên là Thạch Đái
, đóng phủ cai trị ở Long-uyên. Có sách chép là phủ trị thủa ấy đóng ở
Lũng-khê, thuộc phủ Thuận-thành bây giờ.
Từ đời vua Vũ-đế cho đến hết đời nhà
Tây-Hán không thấy sử nói gì đến đất Giao-chỉ nữa. Mãi đến năm kỷ-sửu (năm 29
Tây lịch) là năm Kiến-Võ thứ 5 đời vua Quang-vũ nhà Đông Hán thì mới thấy chép
rằng thứ-sử Giao- chỉ là Đặng Nhượng sai sứ về cống nhà Hán. Bởi vì khi Vương
Mãng cướp ngôi nhà Hán, bọn Đặng-Nhượng, Tích Quang và Đỗ Mục ở Giao chỉ giữ
châu quận, không chịu phục Vương Mãn. Đến khi vua Quang-Vũ trung hưng lên, bọn
Đặng Nhượng mới sai sứ về triều cống.
2. Tích Quang và Nhâm Diên.
Về đầu thế-kỷ đệ nhất có hai người
sang làm thái-thú trị dân có nhân-chính. Một người tên là TÍCH QUANG làm
thái-thú Giao-chỉ, một người tên là NHÂM DIÊN làm thái thú quận Cửu-chân.
Tích Quang sang làm thái-thú quận
Giao-chỉ từ đời vua Bình-đế nhà Tây Hán, vào quãng năm thứ hai, thứ ba về thế
kỷ đệ nhất. Người hết lòng lo việc khai-hóa, dạy dân lấy điều lễ-nghĩa, cho nên
dân trong quận có nhiều người kính phục.
Nhâm Diên ở Cửu-chân được 4 năm thì
được thăng chức về Tàu đi làm quan chỗ khác. Dân-sự quận ấy ái-mộ Nhâm Diên,
làm đền thờ. Cớ người vì được nhờ quan thái-thú cho nên sau sinh con ra, lấy
tên Nhâm mà đặt tên cho con để tỏ lòng biết ơn.
CHƯƠNG II
TRƯNG-VƯƠNG
(40-43)
1. Trưng-Thị khởi binh
2. Mã Viện sang đánh Giao-chỉ
1. Trưng-Thị khởi binh.
Năm giáp-ngọ (34) là năm Kiến-võ thứ
10, vua Quang-vũ sai Tô Định sang làm thái thú quận Giao-chỉ.
Tô Định là người bạo ngược, chính
trị tàn ác, người Giao-chỉ đã có lòng oán giận lắm. Năm canh-tí (40) người ấy
lại giết Thi Sách người ở quận Châu-Diên (phủ Vĩnh tường, trước thuộc về Sơn
Tây, nay thuộc về tỉnh Vĩnh- yên).
Vợ Thi Sách là Trưng-Trắc con gái
quan lạc tướng ở huyện Mê-linh (làng Hạ-lôi, huyện Yên-lãng, tỉnh Phúc-yên)
cùng với em gái là Trưng-Nhị, nổi lên đem quân về đánh Tô Định. Bọn Tô Định
phải chạy trốn về quận Nam Hải.
Lúc bấy giờ những quận Cửu-chân,
Nhật-nam và Hợp-phố cũng nổi lên theo về với hai bà Trưng-Thị. Chẳng bao lâu
quân hai bà hạ được 65 thành-trì. Hai bà bèn tự xưng làm vua, đóng đô ở
Mê-linh, là chỗ quê nhà.
2. Mã-Viện sang đánh Giao-Chỉ.
Năm tân-sửu (41) vua Quan-vũ sai Mã
Viện làm Phục-ba tướng-quân, Lưu Long làm phó tướng cùng với quan Lâu-thuyền
tướng quân là Đoàn Chí sang đánh Trưng-vương.
Mã Viện là một danh-tướng nhà
Đông-Hán, lúc bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, nhưng vẫn còn mạnh, đem quân đi men bờ
để phá rừng đào núi làm đường sang đến Lãng-bạc, gặp quân Trưng-Vương hai bên
đánh nhau mấy trận11. Quân Trưng-vưng là quân ô-hợp không đương nổi
quân Mã Viện, đã từng đánh giặc nhiều phen. Hai bà rút quân về đóng ở Cẩm-khê (
phủ Vĩnh- tường, tỉnh Vĩnh-yên). Mã Viện tiến quân lên đánh, quân hai bà vỡ tan
cả. Hai bà chạy về đến xã Hát-môn, thuộc huyện Phúc-lộc (nay là huyện Phúc Thọ
tỉnh Sơn-tây), thế bức quá, bèn gia mình xuống sông Hát-giang (chỗ sông Đáy
tiếp vào sông Hồng-hà) mà tự tận. Bấy giờ là ngày mồng 6 tháng 2 năm quí -mão
(43).
Những tướng của hai bà là bọn Đô
Dương chạy vào giữ huyện Cư- phong thuộc quận Cửu-chân. Sau Mã Viện đem quân
vào đánh, bọn Đô Dương đều phải ra hàng.
Hai bà họ Trưng làm vua được 3 năm,
nhưng lấy cái tài-trí người đàn bà mà dấy được nghĩa lớn như thế, khiến cho vua
tôi nhà Hán phải lo sợ, ấy cũng đủ để cái tiếng thơm về muôn đời. Đến ngày nay
có nhiều nơi lập đền thờ hai bà để nghi-tạc cái danh-tiếng hai người nữ
anh-hùng nước Việt-nam ta12.
Sử-gia Lê văn Hưu nói rằng:
"Trung Trắc, Trưng Nhị là đàn bà nổi tiếng đánh lấy được 65 thành trì, lập
quốc xưng vương dễ như giở bàn tay. Thế mà từ cuối đời nhà Triệu cho đến đời
nhà Ngô hơn một nghìn năm, người mình cứ cúi đầu bó tay làm tôi-tớ người Tàu,
mà không biết xấu-hổ với hai người đàn-bà họ Trưng!"
{11 Sử chép rằng Lãng-bạc là Hồ-tây
ở gần Hà-nội, nhưng có người bác đi bảo không. }
{12 Nay ở làng Hát-môn, huyện
Phúc-thọ, tỉnh Sơn Tây và ở bãi Đồng-nhân, ở gần Hà-nội có đền thờ hai bà, đến
ngày mồng 6 tháng 2 thì có hội . }
CHƯƠNG III
Bắc-Thuộc Lần Thứ II
(43-544)
I . Nhà Đông Hán
1. Chính Trị nhà Đông Hán
2. Lý Tiến và Lý Cầm
3. Sỹ Nhiếp
II. Đời Tam Quốc
1. Nhà Đông Ngô
2. Bà Triệu (Triệu thị Chinh)
3. Nhà Ngô chia đất Giao-châu
III. Nhà Tấn
1. Chính-trị nhà Tấn
2. Nước Lâm-ấp quấy nhiễu Giao-châu
IV. Nam Bắc-triều
1. Tình thế nước Tàu
2. Việc đánh Lâm-ấp
3. Sự biến loạn ở đất Giao-châu
I. Nhà Đông-Hán (25-220)
1. Chính-Trị nhà Đông-Hán.
Mã Viện đánh được Trưng-vương đem
đất Giao-chỉ về thuộc nhà Hán như củ, rồi chỉnh đốn binh lương, đem quân đi
đánh dẹp các nơi, đi đến đâu xây thành đắp lũy đến đấy và biến cải mọi cách
chính trị trong các châu quận. Đem phủ-trị về đóng Mê-linh13 và
dựng cây đồng trụ ở chỗ phân địa giới, khắc sáu chữ: "Đồng trụ chiết,
Giao-chỉ diệt." Nghĩa là cây đồng trụ mà đổ thì người Giao-chỉ mất nòi.
Sử chép rằng người Giao-chỉ đi qua
lại chỗ ấy, ai cũng bỏ vào chân cột đồng-trụ một hòn đá, cho nên về sau chỗ ấy
thành ra núi, phủ mất cả, đến bây giờ không biết cột ấy ở chỗ nào.
Từ đó chính-trị nhà Đông Hán càng
ngày càng ngặt thêm, mà những quan-lại sang cai-trị Giao-chỉ thường có lắm
người tàn-ác, tham nhũng, bắt dân lên rừng xuống bể để tìm những châu-báu. Dân
ở quận Hợp-phố cứ phải xuống bể mò ngọc trai khổ quá, đến nổi phải bỏ xứ mà đi.
Triều đình thì xa, quan-lại ra
cai-trị thì tha hồ mà tung-hoành, tiếng oan-ức kêu không thấu vào đâu, cho nên
thường hay có sự loạn-lạc, làm cho dân-gian phải nhiều sự khổ-sở.
2. Lý Tiến và Lý Cầm.
Quan cai-trị đã tàn-ác, nhà vua lại
bạc đãi người bản xứ. Đời bấy giờ người mình dẫu có học hành thông thái cũng
không được giữ việc chính-trị. Mãi đến đời vua Linh-đế(168-189) cuối nhà Đông-Hán
mới có một người bản xứ là Lý Tiến được cất lên làm Thứ -sử ở Giao-chỉ. Lý Tiến
dâng sớ xin cho người Giao chỉ được bổ đi làm quan như ở Trung-châu bên Tàu.
Nhưng Hán-đế chỉ cho những người đỗ mậu tài hoặc hiếu-liêm được làm lại-thuộc ở
trong xứ mà thôi, chứ không được đi làm quan ở châu khác. Bấy giờ có người
Giao-chỉ tên là Lý Cầm làm lính túc-vệ hầu vua ở trong điện, rủ mấy người bản
xứ ra phục xuống sân mà kêu cầu thảm thiết. Hán-đế mới cho một người Giao-chỉ
đỗ mậu-tài đi làm quan-lệnh ở Hạ dương và một người đỗ hiếu-liêm làm quan-lệnh
ở Lục-hợp. Về sau Lý Cầm làm đến quan Tư-lệ Hiệu -úy và lại có Trương Trọng
cũng là người Giao-chỉ làm thái thú ở Kim-thành. Người Giao-chỉ ta được làm
quan như người bên Tàu, khởi đầu từ Lý Tiến và Lý Cầm vậy.
3. Sĩ Nhiếp (187-226).
Về cuối đời nhà Đông-Hán, giặc cướp
nổi lên khắp cả bốn phương, triều-đình không có uy-quyền ra đến ngoài, thiên-hạ
chỗ nào cũng có loạn. Đất Giao-chỉ bấy giờ nhờ có quan thái-thú là Sĩ Nhiếp
cùng với anh em chia nhau giữ các quận huyện, cho nên mới được yên.
Tiên-tổ nhà ông Sĩ Nhiếp là người
nước Lỗ, vì lúc Vương Mãng cướp ngôi nhà Hán, mới tránh loạn sang ở đất
Quảng-Tín, quận Thương-ngô, đến đời ông thân sinh ra Sĩ Nhiếp là sáu đời. Ông
thân sinh tên là Sĩ Tứ làm thái thú quận Nhật-nam, cho Sĩ Nhiếp về du học ở đất
Kinh-sư, đỗ hiếu liêm được bổ Thượng-thư-lang, vì việc quan phải cách, rồi về
chịu tang cha. Sau lại đỗ mẫu-tài được bổ sang làm Thái-thú ở quận Giao-chỉ.
Năm quí-mùi (203) là năm thứ 3 đời
vua Hiến-đế quan Thứ-sử là Trương Tân cùng với quan Thái-thú Sĩ Nhiếp dâng sớ
xin cải Giao-chỉ làm Giao-Châu. Vua nhà Hán Thuận cho. Sau vì trong châu có lắm
giặc-giã, Sĩ Nhiếp mới tâu xin vua nhà Hán cho mấy anh em làm Thái-thú quận
Cửu- chân, quận Hợp phố và quận Nam-Hải. Sĩ Nhiếp giữ được đất Giao-châu khỏi
loạn và vẫn giữ lệ triều cống như cũ, cho nên vua Hiến-đế lại phong cho chức
An-viễn tướng quân Long-độ đình-hầu Sĩ Nhiếp trị dân có phép tắc, và lại chăm
sự dạy bảo dân cho nên lòng người cảm-mộ công-đức, mới gọi tôn lên là Sĩ-vương.
Nhà làm sử thường cho nước ta có văn
học là khởi đầu từ Sĩ Nhiếp. Cái ý kiến đó có lẽ không phải. Vì rằng từ khi nhà
Hán cai trị đất Giao-chỉ đến đời Sĩ Nhiếp đã được hơn 300 năm, người Giao-chỉ
đã có người học hành thi đỗ hiếu liêm, mậu tài. Vậy nói rằng đến ông Sĩ Nhiếp
mới có nho- học thì chẳng sai lắm ru. Hoặc giả ông ấy là một người có văn học
trong khi làm quan, lo mở-mang sự học-hành, hay giúp đỡ những kẻ có chữ-nghĩa,
cho nên về sau mới được, cái tiếng làm học tổ ở nước Nam tưởng như thế thì có thể
hợp lẽ hơn.
II. Đời Tam-Quốc (220-265)
1. Nhà Đông-Ngô (222-280).
Nhà Đông-Hán mất ngôi thì nước Tàu
phân ra làm ba nước: Bắc-ngụy, Tây-thục, Đông-ngô. Đất Giao- châu bấy giờ thuộc
về Đông-ngô.
Sĩ Nhiếp ở Giao-châu được 40 năm,
tuy thiệt có uy-quyền ở cõi Giao- châu, nhưng vẫn theo lệ triều cống nhà Hán,
và đến khi nhà Hán mất thì lại triều cống nhà Ngô.
Năm bính-ngọ (226) là năm Hoàng-vũ
thứ 5 nhà Ngô, Sĩ Nhiếp mất, con Sĩ Huy tự xưng làm Thái-thú. Ngô-chủ là Tôn
quyền bèn chia đất Giao- châu, từ Hợp phố về bắc gọi là Quảng-châu. Sai Lữ Đại
làm Quảng Châu thứ sử, Đái Lương làm Giao-châu thứ sử, và sai Trần Thì sang
thay Sĩ Nhiếp làm thái-thú quận Giao-chỉ.
Bọn Đái Lương và Trần Thì sang đến
Hợp-phố thì Sĩ Huy đem quân ra chống giữ. Thứ Sử Quảng châu là Lữ Đại mới tiến
quân sang đánh dẹp, và cho người đến dụ Sĩ Huy ra hàng. Sĩ Huy đem 5 anh em ra
hàng, Lữ Đại sai bắt Sĩ Huy đem chém đi, còn mấy anh em thì đem về Ngô-triều
làm tội.
Ngô-chủ lại hợp Quảng-Châu và
Giao-Châu lại làm một, và phong cho Lữ Đại làm Thứ-sử. Lữ Đại đem quân đi đánh
quận Cửu-chân có công được phong làm Giao-châu-mục.
2. Bà Triệu (Triệu Thị Chinh)14
Năm mậu-thìn (248) là năm xích-ô thứ
11 nhà Đông ngô, Ngô chủ sai Lục Dậu sang làm thứ-sử Giao-châu.
Năm ấy ở quận Cửu-chân có người đàn
bà tên là Triệu Thị Chinh khởi binh đánh nhà Ngô.
Sử ta chép rằng bà Triệu là người
huyện Nông-cống bấy giờ. Thủa nhỏ cha mẹ mất cả, ở với anh là Triệu quốc Đạt,
dến độ 20 tuổi gặp phải người chị dâu ác nghiệt, bà ấy giết đi rồi vào ở trong
núi. Bà ấy là một người có sức mạnh, lại có chí-khí và lắm mưu-lược. Khi vào ở
trong núi chiêu mộ hơn 1,000 tráng sĩ để làm thủ hạ. Anh thấy thế mới can bà,
thì bà bảo rằng: "Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp đường sóng dữ, chém cá
tràng-kình ở bể đông chứ không thèm bắt-chước người đời cúi đầu cong lưng để
làm tì-thiếp người ta."
Năm mậu-thìn (248) vì quan-lại nhà
Ngô tàn-ác, dân-gian khổ-sở, Triệu quốc Đạt mới khởi binh đánh quận Cửu-chân.
Bà đem quân ra đánh giúp anh, quân sĩ của Triệu quốc Đạt thấy bà làm tướng có
can đảm, bèn tôn lên làm chủ. Khi bà ra trận thì cưỡi voi và mặc áo giáp vàng
là Nhụy-kiều tướng-quân.
Thứ sử Giao-châu là Lục Dận đem quân
đi đánh, bà chống nhau với nhà Ngô được năm sáu tháng . Nhưng vì quân ít thế
cô, đánh mãi phải thua, bà đem quân chạy đến xã Bồ-điền (nay là xã Phú-điền
thuộc huyện Mỹ-hóa) thì tự-tử. Bấy giờ mới 23 tuổi.
Về sau vua Nam Đế nhà Tiền-Lý, khen
là người trung-dũng sai lập miếu thờ, phong là: "Bất chính anh liệt hùng
tài trinh nhất phu-nhân". Nay ở xã Phú-điền, tỉnh Thanh-hóa còn đền thờ.
3. Nhà Ngô chia đất Giao-Châu.
Năm giáp-thân (264) là năm
Nguyên-hưng nguyên-niên, vua nhà Ngô lại lấy đất Nam-hải, Thương-ngô và Uất-lâm
làm Quảng-châu, đặt châu-trị ở Phiên ngung; lấy đất Hợp-phố, Giao-chỉ,
Cửu-chân, và Nhật-nam làm Giao Châu, đặt châu-trị ở Long Biên. Đất Nam-Việt của
nhà Triệu ngày trước thành ra Giao-châu và Quảng-châu từ đấy.
Đất Giao-châu đời bấy giờ cứ
loạn-lạc mãi, những quan-lại nhà Ngô thì thường là người tham-tàn, vơ-vét của
dân, bởi vậy người Giao-châu nổi lên giết quan thái-thú đi rồi về hàng nhà
Ngụy.
Năm ất dậu (256) nhà Tấn cướp ngôi
nhà Ngụy, rồi sai quan sang giữ Giao-châu. Nhà Ngô sai Đào Hoàng sang lấy lại.
Đào Hoàng được phong là Giao-châu mục. Năm canh tí (280) nhà Ngô mất nước. Đào
Hoàng về nhà Tấn, được giữ chức cũ. Đất Giao-châu từ đó thuộc về nhà Tấn.
III Nhà Tấn (256-420)
1. Chính-Trị Nhà Tấn.
Nhà Tấn được thiên-hạ rồi, thấy nhà
Ngụy vì thế cô mà mất, bèn đại phong cho họ-hàng và sai ra trấn các nơi để làm
vây cánh cho nhà vua. Nhưng cũng vì lẽ ấy mà các thân vương thường vì lòng tham
danh-lợi cứ dấy binh đánh giết lẫn nhau, làm cho anh em trong nhà, cốt nhục
tương tàn, mà ngôi vua cũng thành ra suy nhược.
Thời bấy giờ ở phía tây-bắc có những
người nhung-địch thấy nhà Tấn có nội loạn, bèn lũ-lượt nổi lên chiếm giữ dần
dần lấy cả vùng phía bắc sông Trường-giang rồi xưng đế, xưng vương, như nước
Triệu, nước Tần, nước Yên, nước Lương, nước Hạ, nước Hán v. v... cả thảy trước
sau đến 16 nước, gọi là loạn Ngũ-Hồ15.
Đất Giao-châu ta vẫn thuộc về nhà
Tấn. Những quan lại sang cai-trị cũng như quan lại đời nhà Hán, nhà Ngô, thỉnh
thoảng mới gặp được một vài người nhân từ tử tế, thì dân gian mới được yên ổn,
còn thì là những người tham lam, độc-ác, làm cho nhân dân phải lầm than khổ sở.
Cũng lắm khi bọn quan lại có những người phản nghịch đánh giết lẫn nhau, làm
cho trong nước cứ phải loạn lạc luôn.
2. Nước Lâm-Ấp quấy nhiễu Giao-Châu.
ĐẤt Giao-châu lúc bấy giờ trong thì
có quan lại nhũng-nhiễu, ngoài thì có người nước Lâm-ấp vào đánh phá.
Nước Lâm-Ấp (sau gọi là Chiêm-Thành)
ở từ quận Nhật-nam vào cho đến Chân-Lạp, nghĩa là ở vào quãng từ tỉnh
Quảng-Bình, Quảng-Trị cho đến đất Nam-Việt bây giờ. Người Lâm-ấp có lẽ là nòi
giống Mã-lai, theo tông giáo và chính trị Ấn Độ. Nước ấy cũng là một nước văn
minh và cường thịnh ở phía nam lúc bấy giờ, nhưng không rõ nước ấy khởi đầu
thành nước từ lúc nào. Sách "Khâm-định Việt Sử" chép rằng: năm
nhâm-dần (102) đời nam có huyện Tượng-lâm, người huyện ấy cứ hay sang cướp phá
ở quận Nhật-nam, bởi vậy vua nhà Hán mới đặt quan cai-trị ở huyện ấy, để phòng
giữ sự rối loạn.
Đến cuối đời nhà Hán có người huyện
Tương-lâm tên là Khu Liên giết huyện-lệnh đi, rồi tự xưng làm vua, gọi nước là
Lâm-ấp. Dòng dõi Khu Liên thất truyền, bởi vậy cháu ngoại của Phạm Hùng lên nối
nghiệp.
Trong đời Tam-quốc, người Lâm-ấp hay
sang cướp phá ở quận Nhật-nam và quận Cửu-chân, bởi vậy khi nhà Tấn đã lấy được
Đông-ngô rồi, ý muốn giảm bớt quân ở các châu quận, nhưng quan thứ sử Giao-châu
là Đào Hoàng dâng sớ về tâu rằng: "Vua nước Lâm-ấp là Phạm Hùng thông với
nước Phù Nam hay sang quấy nhiễu ở đất Nhật-nam nếu lại giảm bớt quân ở
Giao-châu đi, thì sợ quân Lâm-ấp lại sang đánh phá."
Xem như vậy thì nước Lâm-Ấp đã có từ
đầu đệ nhị thế kỷ.
Phạm Hùng truyền cho con là Phạm
Dật. Phạm Dật mất, thì người gia nô là Phạm Văn cướp mất ngôi. Phạm Văn truyền
cho con là Phạm Phật.
Năm quí-sửu (353) đời vua Mục-đế nhà
Đông-Tấn, thứ-sử Giao-châu là Nguyễn Phu đánh vua Lâm-ấp là Phạm Phật, phá được
hơn 50 đồn lũy. Phạm Phật mất, truyền ngôi lại cho con cháu là Phạm Hồ-Đạt. Năm
kỷ hợi (399) Phạm Hồ-Đạt đem quân sang đánh lấy hai quận Nhật-nam và Cửu- chân
rồi lại đi đánh Giao-châu. Bấy giờ có thái thú quận Giao-chỉ là Đỗ Viện đánh
đuổi người Lâm-Ấp, lấy lại hai quận. Đỗ Viện được phong làm Giao- châu thứ-sử.
Năm quí-sửu (413) Phạm Hồ-Đạt lại
đem quân sang phá ở quận Cửu-chân. Khi bấy giờ con Đỗ Viện là Đỗ Tuệ-Độ làm
Giao-châu thứ sử đem binh ra đuổi đánh, chém được tướng Lâm-ấp là bọn Phạm Kiện
và bắt được hơn 100 người.
Người Lâm-Ấp vẫn còn hay tính đi
cướp phá, cứ năm ba năm lại sang quấy nhiễu ở đất Nhật nam. Đỗ Tuệ-Độ định sang
đánh Lâm-ấp để trừ cái hại về sau, bèn đến năm canh-thân (420) cất binh mã sang
đánh, chém giết tàn hại, rồi bắt người Lâm-ấp cứ hàng năm cống tiến: voi, vàng,
bạc, đồi-mồi v.v. Từ đó mới được tạm yên.
Dòng dõi Phạm Hồ-Đạt làm vua được
mấy đời lại bị quan Lâm-ấp là Phạm Chư Nông cướp mất ngôi. Phạm Chư Nông truyền
cho con là Phạm Dương Mại.
Khi Phạm Dương Mại làm vua nước
Lâm-ấp, thì nhà Tấn đã mất rồi, nước Tàu phân ra Nam-triều và Bắc-triều. Phạm
Dương Mại lại nhân dịp đó sang quấy nhiễu Giao châu.
IV. NAM BẮC-TRIỀU (420-588)
1. Tình-Thế Nước Tàu.
Năm canh thân (420) Lưu Dụ cướp ngôi
nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Lúc bấy giờ ở phía Bắc thì nhà Ngụy
gồm được cả nước Lương, nước Yên, nước Hạ. Nước Tàu phân ra làm Nam-Triều và
Bắc Triều. Bắc Triều thì có nhà Ngụy, nhà Tề, nhà Chu nối nhau làm vua;
Nam-Triều thì có nhà Tống, nhà Tề, nhà Lương và nhà Trần kế nghiệp trị-vì.
2. Việc đánh Lâm-Ấp.
Trong đời nhà Tấn về năm Quí dậu
(433) đời vua Văn-đế, vua nước Lâm-ấp là Phạm Dương Mại thấy nước Tàu loạn-lạc,
bèn sai sứ sang cống nhà Tống và xin lĩnh đất Giao-châu để cai trị. Nhưng vua
nhà Tống không cho.
Từ đó nước Lâm-ấp lại sang cướp phá
ở mạn Nhật-nam và Cửu- chân. Vua nhà Tống bèn sai quan thứ-sử là Đàn Hòa Chi và
Tông Xác làm phó tướng đem binh sang đánh Lâm-ấp. Phạm Dương Mại đem quân ra
chống cự.
Đàn Hòa Chi và Tông Xác tiến quân
chém được tướng, phá được thành, quân Lâm-ấp vỡ tan, Phạm Dương Mại cùng với
con chạy thoát được. Đàn Hòa Chi vào đất Lâm-ấp lấy được vàng bạc châu báu rất
nhiều. Sử chép rằng Đàn Hòa Chi lấy được một cái tượng bằng vàng mấy người ôm
không xuể, đem nấu-đúc được hơn 10 vạn cân. Từ đấy người Tàu biết Lâm-ấp có
nhiều của, cứ chực sang lấy. Đàn Hòa Chi cũng từ đấy bị gièm pha, phải cách
chức đuổi về.
3. Sự biến-loạn -- Đất Giao-Châu.
Năm Kỷ-Mùi (479) nhà Tống mất ngôi,
nhà Tề kế nghiệp, trị vì được 22 năm thì nhà Lương lại cướp ngôi nhà Tề.
Trong đời Nam Bắc Triều, đất
Giao-châu không được mấy khi yên ổn, vì quan Tàu sang cai-trị có nhiều người
thấy bên Tàu loạn, cũng muốn tìm cách để độc-lập, bởi vậy quan lại cứ giết lẫn
nhau.
Đời nhà Lương lại sai Tiêu-Tư sang
làm thứ sử Giao-châu. Tiêu Tư là một người tàn bạo, làm cho lòng người ai cũng
oán giận. Bởi vậy ông Lý Bôn mới có cơ hội mà nổi lên, lập ra nhà Tiền Lý.
{13 Về cuối đời Đông Hán lại dời về
Long Biên. }
{14 Bà Triệu, các kỳ xuất bản trước
để là Triệu Ẩu. Nay xét ra nên để là Triệu Thị Chinh. }
{15 Ngũ Hồ là 5 rợ: Hung Nô và rợ
Yết (chủng loại Mông Cổ), rợ Tiên Ti (chủng loại Mãn Châu), rợ Chi và rợ Khương
(chủng loại Tây Tạng) }
CHƯƠNG IV
Nhà Tiền Lý
(544 - 602)
1. Lý Nam Đế
2. Triệu Việt Vương
3. Hậu Lý Nam Đế
1. Lý Nam Đế (544-548).
Năm Tân Dậu (541) là năm Đại Đồng
thứ 7 đời vua Vũ Đế nhà Lương, ở huyện Thái Bình16 có một người
tên là Lý Bôn, tài kiêm văn võ, thấy nước mình, trong thì quan lại Tàu làm khổ,
ngoài thì người Lâm Ấp cướp phá, bèn cùng với những người nghĩa dũng nổi lên,
đánh đuổi Tiêu Tư về Tàu, rồi chiếm giữ lấy thành Long Biên.
Lý Bôn, có người gọi là Lý Bí, vốn
dòng dõi người Tàu. Tổ tiên ở đời Tây Hán phải tránh loạn chạy sang Giao Châu,
đến lúc bấy giờ là bảy đời, thành ra người bản xứ. Khi chiếm giữ được đất Giao
Châu rồi, ông sửa sang mọi việc, định lập nghiệp lâu dài. Qua năm Quí Hợi (543)
quân Lâm Ấp lại sang phá quận Nhật Nam, Lý Bôn sai tướng là Phạm Tu vào đánh ở
Cửu Đức (Hà Tĩnh), người Lâm Ấp thua chạy về nước.
Năm Giáp Tí (544) đời nhà Lương bên
Tàu, ông Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế, đặt quốc hiệu là Vạn Xuân, niên hiệu là
Thiên Đức, rồi phong cho Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, và
Phạm Tu là tướng võ.
Năm Ất Sửu (545) vua nhà Lương sai
Dương Phiêu sang làm thứ sử Giao Châu, và sai Trần Bá Tiên đem quân sang đánh
Nam Việt. Lý Nam Đế thua phải bỏ thành Long Biên chạy về giữ thành Gia Ninh
(huyện Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Trần Bá Tiên đem quân lên vây thành Gia Ninh,
Lý Nam Đế chạy về giữ thành Tân Xương, tức là đất Phong Châu cũ thuộc tĩnh Vĩnh
Yên bây giờ.
Nhà Lương lại tiến lên đuổi đánh, Lý
Nam Đế thấy thế mình yếu, chống không nổi, mới rút quân lên đóng ở động Khuất
Liêu (thuộc đất Hưng Hóa), để đợi thu xếp được quân sĩ lại ra đánh. Được non
một năm, Lý Nam Đế đem hai vạn quân ra đánh nhau với Trần Bá Tiên ở hồ Điển
Triệt (?), lại thua. Lý Nam Đế bèn giao binh quyền lại cho tả tướng quân Triệu
Quang Phục chống nhau với quân nhà Lương rồi trở về Khuất Liêu.
Triệu Quang Phục là con quan thái
phó Triệu Túc người ở Châu Diên (Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên) theo cha giúp Lý
Nam Đế lập được nhiều công, nay đem quân chống cự với nhà Lương được ít lâu,
rồi sau thấy thế quân Tàu còn mạnh, địch không nổi, bèn rút quân về Dạ Trạch17.
Dạ Trạch là chỗ đồng lầy, chung quanh cỏ mọc như rừng, ở giữa có bãi cát làm
nhà ở được. Triệu Quang Phục vào ở đấy, ngày nấp ẩn, tối thì cho lính chở
thuyền độc mộc ra đánh quân của Trần Bá Tiên, cướp lấy lương thực về nuôi quân
sĩ. Trần Bá Tiên đánh mãi không được. Người thời bấy giờ gọi Triệu Quang Phục
là Dạ Trạch Vương.
2. Triệu Việt Vương (549-571).
Năm Mậu Thìn (548) Lý Nam Đế ở trong
Khuất Liêu phải bệnh mất, sang năm sau Triệu Quang Phục ở Dạ Trạch được tin ấy
bèn xưng là Việt Vương. Bấy giờ quân của Việt Vương đã sắp hết lương, mà mãi
không phá được quân Tàu. May nhờ gặp lúc bên Tàu có loạn Hầu Cảnh, vua nhà
Lương phải triệu Trần Bá Tiên về để người tì tướng là Dương Sân ở lại chống cự
với Triệu Quang Phục. Quang Phục mới thừa thế đem quân ra đánh phá quân Tàu,
rồi về lấy lại thành Long Biên.
Khi Lý Nam Đế thất thế chạy về Khuất
Liêu thì người anh họ là Lý Thiên Bảo cùng với người họ là Lý Phật Tử đem quân
chạy vào quận Cửu Chân, rồi bị quân nhà Lương đuổi đánh chạy sang Lào, đến đóng
ở động Dã Năng, xưng là Đào Lang Vương, quốc hiệu là Dã Năng.
Năm Ất Hợi (555) là năm thứ 7 đời
Triệu Việt Vương, Lý Thiên Bảo mất, không có con, binh quyền về cả Lý Phật Tử. Đến
năm Đinh Sửu (557) Lý Phật Tử đem quân về chống với Triệu Việt Vương. Đánh nhau
mấy trận không được, Phật Tử mới xin chia đất giảng hòa. Triệu Việt Vương nghĩ
tình họ Lý, cũng thuận chia đất cho Lý Phật Tử.
Lý Phật Tử đóng ở Ô Diên (nay ở vào
làng Đại Mỗ, thuộc huyện Từ Liêm, tỉnh Hà Đông). Triệu Việt Vương đóng ở Long
Biên, lấy bãi Quân Thần làm giới hạn (bãi ấy thuộc làng Thượng Các, huyện Từ
Liêm). Triệu Việt
Vương lại gả con gái cho Phật Tử để
tỏ tình hòa hiếu với nhau. Nhưng Phật Tử vẫn có ý muốn thôn tính, bởi vậy bề
ngoài tuy hòa hiếu, nhưng bề trong vẫn sửa soạn để đánh lấy Long Biên.
Năm Tân Mão (571), Phật Tử bất thình
lình đem quân đánh Triệu Việt Vương. Triệu Việt Vương thua chạy đến sông Đại
Nha (nay ở huyện Đại An, tỉnh Nam Định), nhảy xuống sông tự tận. Người ở đấy
cảm nhớ Triệu Việt Vương, mới lập đền thờ ở chỗ sông Đại Nha. Nay còn có đền
thờ ở làng Đại Bộ, gần huyện Đại An.
3. Hậu Lý Nam Đế (571-602).
Lý Phật Tử lấy được thành Long Biên
rồi, xưng đế hiệu, đóng đô ở Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên),
sai Lý Đại Quyền giữ Long Biên và Lý Phổ Đỉnh giữ Ô Diên.
Trong khi Lý Phật Tử làm vua ở Nam
Việt thì vua Văn Đế nhà Tùy đã gôm cả Nam Bắc, nhất thống nước Tàu. Đến năm
Nhâm Tuất (602) vua nhà Tùy sai tướng là Lưu Phương đem quân 27 doanh sang đánh
Nam Việt.
Lưu Phương sai người lấy lẽ họa phúc
để dụ Lý Phật Tử về hàng. Hậu Lý Nam Đế sợ thế không địch nổi bèn xin về hàng.
Từ đấy đất Giao Châu lại bị nước Tàu
cai trị 336 năm nữa.
{16 Cứ theo sách "Khâm Định
Việt Sử" thì huyện Thái Bình thuộc về Phong Châu ngày trước, nay ở vào địa
hạt tỉnh Sơn Tây nhưng mà không rõ là chỗ nào, chứ không phải là phủ Thái Bình
ở Sơn Nam mà bây giờ là tỉnh Thái Bình. }
{17 Bây giờ thuộc phủ Khoái Châu,
tỉnh Hưng Yên. }
CHƯƠNG V
Bắc Thuộc Lần Thứ Ba
(603 - 939)
I. Nhà Tùy.
1. Việc đánh Lâm Ấp
II. Nhà Đường
1. Chính trị nhà Đường
2. An Nam đô hộ phủ
3. Mai Hắc Đế
4. Giặc bể
5. Bố Cái Đại Vương
6. Việc đánh nước Hoàn Vương
7. Nam Chiếu cướp phá Giao Châu
8. Cao Biền bình giặc Nam Chiếu
9. Công việc của Cao Biền
10. Sự trị loạn của nước Tàu
III. Đời Ngũ Quí
1. Tình thế nước Tàu
2. Họ Khúc dấy nghiệp: Khúc Thừa Dụ
3. Khúc Hạo
4. Khúc Thừa Mỹ
5. Dương Diên Nghệ và Kiểu Công Tiện
6. Ngô Quyền phá quân Nam Hán
I. Nhà Tùy (589 - 617)
1. Việc Đánh Lâm Ấp.
Nhà Tùy làm vua bên Tàu được 28 năm
thì mất. Trong bấy nhiêu năm thì sử không chép chuyện gì lạ, chỉ nói rằng năm
Ất Sửu (605), vua nhà Tùy nghe nói ở Lâm Ấp có nhiều của, bèn sai tướng là Lưu
Phương đem quân đi đánh. Vua Lâm Ấp lúc bấy giờ là Phạm Phạm Chí đem quân ra
giữ những chỗ hiểm yếu, ở bên này sông Đồ Lê (?) để chống cự với quân Tàu.
Nhưng chẳng bao lâu quân Lâm Ấp phải thua bỏ chạy. Lưu Phương thừa kế tiến quân
sang sông đuổi đánh, gặp đại binh Lâm Ấp kéo đến, có nhiều voi thế rất mạnh.
Lưu Phương bèn dùng mưu: sai quân đào hố lấy cỏ phủ lên, rồi sai quân ra đánh
nhử, giả tảng bại trận. Quân Lâm Ấp đuổi theo được một quãng, voi sa xuống hố,
quân sĩ loạn cả. Khi bấy giờ quân Tàu mới quay trở lại lấy cung nỏ bắn, voi
khiếp sợ xéo cả lên quân Lâm Ấp mà chạy. Lưu Phương cũng phải bệnh về đến nửa
đường thì chết.
II. Nhà Đường (618 - 907)
1. Chính Trị Nhà Đường.
Năm Mậu Dần (618) nhà Tùy mất nước,
nhà Đường kế nghiệp làm vua nước Tàu. Đến năm Tân Tị (621) vua Cao Tổ nhà Đường
sai Khâu Hòa làm Đại Tổng Quản sang cai trị Giao Châu.
Từ khi nước ta thuộc về nước Tàu,
chỉ có nhà Đường cai trị là nghiệt hơn cả. Nhưng sử chép lược quá: thường cách
hai ba năm mới chép một việc, chắc là những nhà làm sử nước ta sau cứ theo sử
Tàu chép lại, cho nên mới sơ lược như vậy.
2. An Nam Đô Hộ Phủ.
Năm Kỹ Mão (678) vua Cao Tông nhà
Đường chia đất Giao Châu ra làm 12 châu, 59 huyện, và đặt An Nam đô hộ phủ18.
Nước ta gọi là An Nam khởi đầu từ
đấy.
Mười hai Châu đời nhà Đường là những
châu này:
1. Giao Châu có 8 huyện (Hà Nội, Nam
Định v. v.)
2. Lục Châu có 3 huyện (Quảng Yên,
Lạng Sơn)
3. Phúc Lộc Châu có 3 huyện (Sơn
Tây)
4. Phong Châu có 3 huyện (Sơn Tây)
5. Thang Châu có 3 huyện (?)
6. Trường Châu có 4 huyện (?)
7. Chí Châu có 7 huyện (?)
8. Võ Nga Châu có 7 huyện (?)
9. Võ An Châu có 2 huyện (?)
10. Ái Châu có 6 huyện (Thanh Hóa)
11. Hoan Châu có 4 huyện (Nghệ An)
12. Diên Châu có 7 huyện (Nghệ An)
Ở về phía Tây Bắc đất Giao Châu lại
đặt một châu nữa, gọi là Man Châu gồm cả những Mường ở mạn ấy, lệ cứ hằng năm
phải triều cống vua nhà Đường.
Ấy là đại để cách chính trị nhà
Đường như vậy. Còn thường thì cũng loạn lạc luôn: khi thì người trong nước nổi
lên đánh phá như Mai Hắc Đế và Bố Cái Đại Vương: khi thì những nước ở ngoài vào
xâm phạm, như nước Hoàn Vương và nước Nam Chiếu.
3. Mai Hắc Đế (722).
Năm Nhâm Tuất (722) là năm Khai
Nguyên thứ 10 về đời vua Huyền Tông nhà Đường, ở Hoan Châu có một người tên là
Mai Thúc Loan nổi lên chống cự với quân nhà Đường.
Mai Thúc Loan là người huyện Thiên
Lộc, tức là huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh bây giờ, mặt mũi đen sì, sức vóc khỏe
mạnh, thấy quan nhà Đường làm nhiều điều tàn bạo, dân gian khổ sở, lại nhân lúc
bấy giờ lắm giặc giã, ông ấy bèn chiêu mộ những người nghĩa dũng, rồi chiếm giữ
lấy một chỗ ở đất Hoan Châu (nay thuộc huyện Nam Đường tỉnh Nghệ An) rồi xây
thành đắp lũy, xưng hoàng đế, tục gọi là Hắc Đế.
Mai Hắc Đế lại kết hiếu với nước Lâm
Ấp và nước Chân Lạp để làm ngoại viện.
Vua nhà Đường sai quan nội thị là
Dương Tư Húc đem quân sang cùng với quan Đô Hộ là Quang Sở Khách đi đánh Mai
Hắc Đế. Mai Hắc Đế thế yếu chống không nổi phải thua chạy, được ít lâu thì mất.
Nay ở núi Vệ Sơn huyện Nam Đường, tỉnh Nghệ An, còn có di tích thành cũ của vua
Hắc Đế, và ở xã Hương Lãm, huyện Nam Đường còn có đền thờ.
4. Giặc Bể.
Năm Đinh Vị (767) là năm Đại Lịch
thứ 2, đời vua Đại Tông nhà Đường, sử chép rằng có quân Côn Lôn và quân Đồ Bà
là quân ở những đảo ngoài bể vào cướp phá đất Giao Châu, lên vây các châu
thành.
Quan Kinh Lược Sứ là Trương Bá Nghị
cùng với quan Đô Úy là Cao Chính Bình đem quân đánh phá được lũ giặc ấy. Trương
Bá Nghi bèn đắp La Thành để phòng thủ phủ trị. La Thành khởi đầu từ đấy.
5. Bố Cái Đại Vương (791).
Năm Tân Vị (791) quan Đô Hộ là Cao
Chính Bình bắt dân đóng sưu thuế nặng quá, lòng dân oán hận. Khi bấy giờ ở quận
Đường Lâm (bây giờ là làng Cam Lâm, huyện Phúc Thọ, tỉnh Sơn Tây) có người tên
là Phùng Hưng nổi lên đem quân về phá phủ Đô Hộ. Cao Chính Bình lo sợ thành
bệnh mà chết. Phùng Hưng mới chiếm giữ phủ thành, được mấy tháng thì mất. Quân
sĩ lập con Phùng Hưng là Phùng An lên nối nghiệp. Dân ái mộ Phùng Hưng mới lập
đền thờ và tôn lên làm Bố Cái Đại Vương, bởi vì ta gọi cha là bố, mẹ là cái,
nghĩa là tôn Phùng Hưng lên làm cha mẹ.
Tháng 7 năm Tân Vị ấy, vua nhà Đường
sai Triệu Xương sang làm Đô Hộ. Phùng An liệu thế chống không nổi xin ra hàng.
6. Việc Đánh Nước Hoàn Vương.
Nước Lâm Ấp từ khi bị tướng nhà Tùy
là Lưu Phương sang đánh, rồi quốc vương là Phạm Phạm Chí dâng biểu tạ tội và
xin triều cống như cũ. Đến quãng năm Trinh Quan đời vua Thái Tông nhà Đường,
vua Lâm Ấp là Phạm Đầu Lê mất, con là Phạm Trấn Long cũng bị người giết, dân
trong nước mới lập người con của bà cô Phạm Đầu Lê, tên là Chư Cát Địa lên làm
vua.
Chư Các Địa đổi quốc hiệu là Hoàn
Vương Quốc. Từ đó về sau thường người nước hoàn vương lại sang quấy nhiễu ở
giao châu, và chiếm giữ lấy Châu Hoan và Châu Ái.
Năm Mậu Tí (808) đời vua Hiến Tông,
quan Đô Hộ là Trương Chu đem binh thuyền đi đánh giết hại quân Hoàn Vương rất
nhiều. Vua nước ấy bèn lui về ở phía Nam (ở vào quãng tỉnh Quảng Nam, Quảng
Nghĩa bây giờ) và đổi quốc hiệu là Chiêm Thành.
7. Nam Chiếu Cướp Phá Giao Châu.
Về cuối đời nhà Đường, quan lại Tàu
lắm người chỉ vì tư lợi, ức hiếp nhân dân như Đô Hộ Lý Trác cứ vào những chợ ở
chỗ Mường Mán mua trâu mua ngựa, mỗi con chỉ trả có một đấu muối, rồi giết tù
trưởng mán là Đỗ Tồn Thành. Vì thế cho nên người Mường Mán tức giận bèn dụ
người Nam Chiếu sang cướp phá, làm cho dân Giao Chỉ khổ sở trong 10 năm trời.
Ở phía Tây Bắc đất Giao Châu, tức là
ở phía Tây tỉnh Vân Nam bây giờ có một xứ người nòi Thái ở. Người xứ ấy gọi vua
là chiếu. Trước có 6 chiếu là Mông Huề, Việt Thác, Lãng Khung, Đằng Đạm, Thi
Lãng, Mông Xá. Chiếu Mông Xá ở về phía Nam nên gọi là Nam Chiếu.
Trong khoảng năm Khai Nguyên
(713-742) đời vua Huyền Tông nhà Đường, Nam Chiếu là Bì La Cáp cường thịnh lên,
mà 5 chiếu kia suy hèn đi. Bì La Cáp mới đút lót cho quan Tiết Độ Sứ đạo Kiếm
Nam là Vương Dục để xin hợp cả 6 chiếu lại làm một. Triều đình nhà Đường thuận
cho, và đặt tên là Qui Nghĩa. Từ đó Nam Chiếu càng ngày càng thịnh lên, đem
quân đi đánh Thổ Phồn (Tây Tạng) rồi dời đô lên đóng ở thành Thái Hòa (thành
Đại Lý bây giờ).
Năm Bính Dần (846) quân Nam Chiếu
sang cướp ở Giao Châu, quan Kinh Lược Sứ là Bùi Nguyên Dụ đem quân đánh đuổi
đi.
Năm Mậu Dần (858), nhà Đường sai
Vương Thức sang làm Kinh Lược Sứ. Vương Chức là người có tài lược, trị dân có
phép tắc, cho nên những giặc giã đều dẹp yên được cả, mà quân Mường và quân Nam
Chiếu cũng không dám sang quấy nhiễu.
Năm Canh Thìn (860), nhà Đường gọi
Vương Thức về làm Quan Sát Sứ ở Tích Đông và sai Lý Hộ sang làm Đô Hộ.
Bấy giờ Nam Chiếu đã mạnh lắm, bèn
xưng đế và đặt quốc hiệu là Đại Mông rồi lại đổi là Đại Lễ19. Lý Hộ
giết người tù trưởng là Đỗ Thủ Trừng, người Mường lại đi dụ quân Nam Chiếu sang
đánh lấy mất phủ thành. Lý Hộ phải bỏ chạy về Tàu. Vương Khoan đem binh sang
cứu, quân Nam Chiếu bỏ thành rút về.
Năm Nhâm Ngọ (862), quân Nam Chiếu
sang đánh Giao Châu, nhà Đường sai Thái Tập đem ba vạn quân sang chống giữ.
Quân Nam Chiếu thấy quân nhà Đường nhiều lại rút về. Bấy giờ có quan Tiết Độ Sứ
Lĩnh Nam là Thái Kinh sợ Thái Tập lập được công to bèn mật tâu với vua nhà
Đường rằng Giao Châu đã yên, thì nên rút quân về. Thái Tập xin để lại 5.000
quân cũng không được.
Tháng giêng năm Quí Mùi (863), Nam
Chiếu đem 50.000 quân sang đánh phủ thành. Thái Tập cứu không kịp, thế bức quá
phải tự tử. Trận ấy có tướng nhà Đường là Nguyên Duy Đức đem hơn 400 quân Kinh
Nam chạy ra đến bờ sông, thuyền bè không có, Nguyên Duy Đức bảo chúng rằng chạy
xuống nước cũng chết, bất nhược trở lại đánh nhau với giặc, một người đổi lấy
hai người thì chẳng lợi hơn hay sao. Nói đoạn quay trở lại giết được hơn 2.000
người, nhưng đêm đến tướng Nam Chiếu laà Dương Tư Tấn đem binh đến đánh, bọn
Nguyên Duy Đức chết cả.
Quân Nam Chiếu vào thành giết hại
rất nhiều người. Sử chép rằng Nam Chiếu hai lần sang đánh phủ thành, giết người
Giao Châu hơn 15 vạn.
Vua Nam Chiếu là Mông Thế Long cho
Dương Tư Tấn quản lĩnh 20.000 quân và cho Đoàn Tù Thiên làm Tiết Độ Sứ ở lại
giữ Giao Châu.
Vua nhà Đường hạ chỉ đem An Nam Đô
Hộ Phủ về đóng ở Hải Môn (?) rồi lấy quân các đạo về ở Lĩnh Nam và đóng thuyền
lớn để tải lương thực, đợi ngày tiến binh.
Mùa Thu năm Giáp Thân (864) vua nhà
Đường sai tướng là Cao Biền sang đánh quân Nam Chiếu ở Giao Châu.
8. Cao Biền Bình Giặc Nam Chiếu.
Cao Biền là người tướng giỏi nhà
Đường, vốn dòng võ tướng môn, tính ham văn học, quân sĩ đều có lòng mến phục.
Năm Ất Dậu (865), Cao Biền cùng với
quan Giám Quân là Lý Duy Chu đưa quân sang đóng ở Hải Môn. Nhưng Lý Duy Chu
không ưa Cao Biền, muốn tìm mưu làm hại. Hai người bàn định tiến binh. Cao Biền
dẫn 5.000 quân đi trước, Lý Duy Chu không phát binh tiếp ứng.
Tháng chín năm ấy quân rợ đang gặt
lúc ở Phong Châu (huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên), Cao Biền đến đánh cất lẻn một
trận, giết được nhiều người, rồi lấy thóc gạo nuôi quân lính.
Đến tháng 4 năm sau (866), Nam chiếu
cho bọn Dương Tập, Phạm Nê Ta, Triệu Nặc Mi sang giúp Đoàn Tù Thiên để giữ Giao
Châu. Khi bấy giờ có tướng nhà Đường là Vi Trọng Tể đem 7.000 quân mới sang,
Cao Biền nhân dịp mới phát binh đánh được mấy trận, cho người đưa tin thắng
trận về Kinh, nhưng mà đi đến Hải Môn, Lý Duy Chu giữ lại, không cho triều đình
biết.
Trong triều mãi không thấy tin tức
gì, cho ra hỏi, thì Lý Duy Chu tâu dối rằng Cao Biền đóng quân ở Phong Châu
không chịu đánh giặc. Vua nghe tin ấy, nổi giận sai Vương Án Quyền ra thay, và
đòi Cao Biền về hỏi tội. Ngay tháng ấy Cao Biền phá quân Nam Chiếu và vây La
Thành đã hơn 10 ngày rồi, chỉ nay mai thì lấy được, bỗng chốc được tin Vương Án
Quyền và Lý Duy Chu sang thay. Cao Biền liền giao binh quyền cho Vi Trọng Tể,
rồi cùng với mấy người thủ hạ về Bắc. Nhưng trước Cao Biền đã sai người lẻn về
Kinh dâng biểu tâu rõ tình trạng. Vua nhà Đường biết rõ sự tình, mừng lắm, lại
cho Cao Biền thăng trật và sai trở sang cầm quân đánh Nam Chiếu.
Bọn Vương Án Quyền và Lý Duy Chu
lười biếng không vây đánh gì cả, đến khi Cao Biền trở sang mới đốc quân binh
đánh thành, giết được Đoàn Tù Thiên và người thổ làm hướng đạo là Chu Cổ Đạo.
Còn những động Mán Thổ ở các nơi xin về hàng rất nhiều.
Đất Giao Châu bị Nam Chiếu phá hại
vừa 10 năm, đến bấy giờ Cao Biền lấy lại, đem về nội thuộc nhà Đường như cũ.
9. Công Việc Của Cao Biền.
Vua nhà Đường đổi An Nam làm Tĩnh
Hải, phong cho Cao Biền làm Tiết Độ Sứ. Cao Biền chỉnh đốn mọi công việc, lập
đồn ải ở mạn biên thùy để phòng giữ giặc giã, làm sổ sưu thuế để chi dụng việc
công20. Cao Biền trị dân có phép tắc cho nên ai cũng kính phục, bởi
vậy mới gọi tôn lên là Cao Vương.
Cao Biền đắp lại thành Đại La ở bờ
sông Tô Lịch. Thành ấy bốn mặt dài hơn 1982 trượng linh 5 thước, cao hai trượng
linh 6 thước, đắp một đường đê bao bọc ở ngoài dài hơn 2125 trượng linh 8
thước, cao 1 trượng rưỡi, dày 2 thượng. Trong thành cho dân sự làm nhà hơn 40
vạn nóc (?).
Sử chép rằng Cao Biền dùng phép phù
thủy khiến Thiên Lôi phá những thác ghềnh ở các sông để cho thuyền bè đi được.
Thiên Lôi ấy có lẽ là Cao Biền dùng thuốc súng chăng?
Tục lại truyền rằng Cao Biền thấy
bên Giao Châu ta lắm đất đai đế vương, thường cứ cỡi diều giấy đi yểm đất, phá
những chỗ sơn thủy đẹp, và hại mất nhiều long mạch. Những chuyện ấy là chuyện
ngoa ngôn, không có lẽ gì mà tin được.
Năm Ất Vị (875) vua nhà Đường sai
Cao Biền sang làm Tiết Độ Sứ ở Tây Xuyên (Tứ Xuyên). Biền dâng người cháu họ là
Cao Tầm làm Tiết Độ Sứ ở giao Châu.
Nhà Đường tuy lấy lại được đất Giao
Châu nhưng bên Tàu lại sắp loạn, giặc cướp dần dần nổi lên, ngôi nhà vua cũng
dần dần sắp đổ, nước Tàu lại chia rẽ làm mấy nước, cho nên ở xứ Giao Châu cũng
có sự biến cải.
10. Sự Trị Loạn Của Nước Tàu.
Xét chuyện nước Tàu từ đời nhà Hán
cho đến đời bấy giờ, cứ mỗi nhà lên cầm quyền chính trị được vài ba trăm năm,
rồi trong nước lại biến loạn, Nam Bắc phân tranh độ chừng
Phàm sự trị loạn thay đổi trong một
xã hội là thường lý, nhưng chỉ lạ có một điều mấy lần bên Tàu loạn cũng tương
tự như nhau cả. Xem như khi nhà Hán suy, thì nước Tàu phải loạn Tam Quốc; hết
Tam Quốc thì có nhà Tấn nhất thống. Đến khi nhà Tấn suy, thì có Nam Bắc triều;
hết Nam Bắc triều thì có nhà Đường nhất thống. Nay thì nhà Đường suy lại phải
cái loạn Ngũ Quí. Cái cơ hội trị loạn bên Tàu giống nhau như thế là cũng có lẽ
tại cái phong tục và cái xã hội của Tàu. Sự giáo dục không thay đổi, nhân quần
trong nước không tiến bộ, cách tư tưởng không khai hóa, cho nên nước tuy lâu
đời, mà trình độ xã hội vẫn đứng nguyên một chỗ. Khi có biến loạn là chỉ có mấy
người có quyền thế tranh cạnh với nhau, chứ dân trong nước hễ thấy bên nào mạnh
là làm tôi bên ấy. Nhà Hán làm vua là dân nhà Hán, nhà Đường làm vua là dân nhà
Đường, việc gì cũng đổ cho thiên mệnh, làm dân chỉ biết thuận thụ một bề mà
thôi.
Xứ Giao Châu mình tự đời nhà Hán cho
đến đời Ngũ Quí vẫn là đất nội thuộc của Tàu, cho nên sự trị loạn bên Tàu cũng
ảnh hưởng đến nước mình. Nhờ khi bên Tàu loạn lạc, người Tàu bận việc nước, thì
bên Giao Châu cũng rục rịch tự lập được ba năm. Nhưng chỉ vì nước thì nhỏ,
người thì ít, mà người trong nước lại không biết đồng tâm với nhau, không hiểu
các lẽ hợp quần đoàn thể là thế nào, cho nên không thành công được.
III. Đời Ngũ Quí (907 - 959)
1. Tình Thế Nước Tàu.
Năm Đinh Mão (907) nhà Đường mất
ngôi, nhà Hậu Lương, Hậu Đường, Hậu Tấn, Hậu Hán, Hậu Chu, tranh nhau làm vua.
Mỗi nhà được mấy năm, gồm tất cả là 52 năm, gọi là đời Ngũ Quí hay là Ngũ Đại.
2. Họ Khúc Dấy Nghiệp. Khúc Thừa Dụ (906 - 907).
Trước khi nhà Đường sắp mất ngôi độ
mấy năm, thì bên Tàu loạn, giặc cướp nổi lên khắp cả mọi nơi. Uy quyền nhà vua
không ra đến bên ngoài, thế lực ai mạnh thì người ấy xưng đế, xưng vương. Ở
Giao Châu, lúc bấy giờ có một người họ Khúc tên là Thừa Dụ, quê ở Hồng Châu
(thuộc địa hạt Bàng Giang và Ninh Giang ở Hải Dương). Khúc Thừa Dụ vốn là một
người hào phú trong xứ, mà tính lại khoan hòa, hay thương người, cho nên có
nhiều người kính phục. Năm Bính Dần (906) đời vua Chiêu Tuyên nhà Đường, nhân
khi trong châu có loạn, chúng cử ông ấy lên làm Tiết Độ Sứ để cai trị Giao Châu.
Nhà Đường lúc bấy giờ suy nhược, thế không ngăn cấm được, cũng thuận cho ông ấy
làm Tĩnh Hải Tiết Độ Sứ và gia phong Đồng Bình Chương Sự.
Năm sau nhà Đường mất ngôi, nhà Hậu
Lương phong cho Lưu Ẩn làm Nam Bình Vương, kiêm chức Tiết Độ Sứ Quảng Châu và
Tĩnh Hải, có ý để lấy lại Giao Châu.
Khúc Thừa Dụ làm Tiết Độ Sứ được non
một năm thì mất, giao quyền lại cho con là Khúc Hạo.
3. Khúc Hạo (907 - 917).
Khúc Hạo lên thay cha làm Tiết Độ
Sứ, lập ra lộ, phủ, châu, xã ở các nơi, đặt quan lại, sửa sang việc thuế má,
việc sưu dịch và lại cho con là Khúc Thừa Mỹ sang sứ bên Quảng Châu, tiếng là
kết hiếu với nhau, nhưng cốt để dò thăm mọi việc hư thực.
Lưu Ẩn ở Quảng Châu đóng phủ trị ở
Phiên Ngung được 4 năm thì mất. Em là Lưu Cung (trước gọi là Lưu Nham) lên thay.
Được ít lâu nhân có việc bất bình với nhà Hậu Lương, Lưu Cung tự xưng đế, quốc
hiệu là Đại Việt. Đến năm Đinh Sửu (947) cải quốc hiệu là Nam Hán.
4. Khúc Thừa Mỹ (917 - 923).
Năm Đinh Sửu (917) Khúc Hạo mất,
truyền nghiệp lại cho con là Khúc Thừa Mỹ. Khúc Thừa Mỹ nhận chức Tiết Độ Sứ
của nhà Lương, chứ không thần phục nhà Nam Hán. Vua nước Nam hán lấy sự ấy làm
hiềm, đến năm Quí Mùi (923) sai tướng là Lý Khắc Chính đem quân sang đánh bắt
được Khúc Thừa Mỹ, rồi sai Lý Tiến sang làm thứ sử cùng với Lý Khắc Chính giữ
Giao Châu.
5. Dương Diên Nghệ và Kiểu Công Tiện (931 - 938).
Năm Tân Mão (931) Dương Diên Nghệ là
tướng của Khúc Hạo ngày trước mới nổi lên, mộ quân đánh đuổi bọn Lý Khắc Chính
và Lý Tiến đi, rồi tự xưng làm Tiết Độ Sứ. Được 6 năm, Dương Diên Nghệ bị người
nha tướng là Kiểu Công Tiện giết đi mà cướp lấy quyền.
6. Ngô Quyền Phá Quân Nam Hán.
Khi ấy có người tướng của Dương Diên
Nghệ là Ngô Quyền cử binh đi đánh Kiểu Công Tiện để báo thù cho chúa. Ngô Quyền
là người làng Đường Lâm, cùng một làng với Phùng Hưng ngày trước (huyện Phú
Thọ, tỉnh Sơn Tây) làm quan với Dương Diên Nghệ. Dương Diên Nghệ thấy người có
tài trí mới gả con gái cho, và phong cho vào giữ Ái Châu (Thanh Hóa). Khi được
tin Kiểu Công Tiện đã giết mất Dương Diên Nghệ, Ngô Quyền liền đem quân ra
đánh.
Kiểu Công Tiện cho sang cầu cứu ở
bên Nam Hán, Hán Chủ nhân dịp cho thái tử là Hoằng Tháo đưa quân đi trước, mình
tự dẫn quân đi tiếp ứng.
Khi quân Hoằng Tháo vào gần đến sông
Bạch Đằng, thì bên này Ngô Quyền đã giết được Kiểu Công Tiện (938), rồi một mặt
truyền lệnh cho quân sĩ phải hết sức phòng bị, một mặt sai người lấy gỗ cặp sắt
nhọn, cắm ngầm ở dưới lòng sông Bạch Đằng, xong rồi chờ đến lúc nước thủy triều
lên, cho quân ra khiêu chiến; quân Nam Hán đuổi theo, đến lúc nước xuống, Ngô
Quyền hồi quân đánh ập lại, quân Nam Hán thua chạy, bao nhiêu thuyền mắc vào
cộc gỗ thủng nát mất cả, người chết quá nửa, Hoằng Tháo bị Ngô Quyền bắt được,
đem về giết đi.
Hán Chủ nghe tin ấy, khóc òa lên,
rồi đem quân về Phiên Ngung, không dám sang quấy nhiểu nữa.
Ngô Quyền trong thì giết được nghịch
thần, báo thù cho chủ, ngoài thì phá được cường địch, bảo toàn cho nước, thật
là một người trung nghĩa lưu danh thiên cổ, mà cũng nhờ có tay Ngô Quyền, nước
Nam ta mới cởi được ách Bắc thuộc hơn một nghìn năm, và mở đường cho Đinh, Lê,
Lý, Trần, về sau này được tự chủ ở cõi Nam vậy.
{18 Nhà Đường lúc đó chia nhiều tỉnh
bên Tàu ra làm Đô Hộ Phủ như Tứ Xuyên Đô Hộ Phủ, An Nam Đô Hộ Phủ, v.v.... Vậy
Đô Hộ là một chức quan chứ không phải là một chính thể cai trị các thuộc địa
như ta hiểu bây giờ. }
{19 Đến đời Ngũ Quý vào quãng nhà
Hậu Tấn có người tên là Đoàn Tư Bình lên làm vua đổi quốc hiệu là Đại Lý,
truyền đến đời Hồng Võ (1368-1392) nhà Minh mới mất. Nhà Minh đặt là Đại Lý
Phủ, thuộc về tỉnh Vân Nam. }
{20 Có người bảo rằng người Việt Nam
ta phải đóng sưu thuế khởi đầu từ Cao Biền. năm bảy mươi năm, khi ấy có một nhà
đứng lên dẹp loạn yên nước, lập lên cơ nghiệp một nhà khác. }
CHƯƠNG VI
Kết Quả Của Thời Bắc Thuộc
1. Người Nước Nam Nhiễm Văn Minh Của
Tàu
2. Nho Giáo
3. Đạo Giáo
4. Phật Giáo
5. Sự Tiến Hóa Của Người Nước Nam
1. Người Nước Nam Nhiễm Văn Minh Của Tàu.
Từ khi vua Vũ Đế nhà Hán sai Lộ Bát
Đức sang đánh lấy Nam Việt cho đến đời Ngũ Quí, ông Ngô Quyền đánh đuổi người
Tàu về bắc, tính vừa tròn 1.050 năm.
Xứ Giao Châu ta bị người Tàu sang
cai trị bấy lâu năm thì chắc là sự sinh hoạt của người bản xứ cũng bị thay đổi
một cách khác hẳn với trước. Khi đất Giao Châu còn gọi là Văn Lang hay là Âu
Lạc thì người bản xứ ăn ở thế nào, phong tục làm sao, nay cũng không có di tích
gì mà kê cứu rạch rõ được. Có lẽ cũng tự hồ như Mường hay là Mán ở mạn thượng
du đất Bắc Việt bây giờ. Giả sử? có đem vua Hùng Vương họ Hồng Bàng và vua An
Dương Vương họ Thục mà sánh với mấy người Quan Lang ở mạn thượng du thì dễ thường
cũng không xa sự thực là mấy. Nhưng đây là một điều nói phỏng mà thôi, chứ lấy
gì làm đích xác?
Vả lại, khi người một xã hội đã văn
minh như người Tàu mà đi mở đất chưa khai như đất Giao Châu lúc bấy giờ, thì e
rằng người Tàu chiếm giữ lấy chỗ bình địa rồi tụ họp với nhau mà làm ăn, còn
những người bản xứ thì hoặc là lẫn với kẻ khỏe hơn mình, hoặc giết hại đi, hoặc
vào ở trong rừng trong núi rồi chết mòn chết mỏi đi. Kể như thế thì người mình
bây giờ cũng không xa người Tàu là bao nhiêu.
Dẫu thế nào mặc lòng, hết đời Bắc
Thuộc rồi thì người Giao Châu ta có một cái nghị lực riêng và cái tính chất
riêng để độc lập, chứ không chịu lẫn với nước Tàu. Duy chỉ có sự sùng tính, sự
học vấn, cách cai trị thì bao giờ mình cũng chịu cái ảnh hưởng của Tàu.
Nguyên nước Tàu từ đời Tam Đại đã
văn minh lắm, mà nhất là về đời nhà Chu thì cái học thuật lại càng rực rỡ lắm.
Những học phái lớn như là Nho Giáo và Lão Giáo đều khởi đầu từ đời ấy. Về sau
đến đời nhà Hán, nhà Đường, những học phái ấy thịnh lên, lại có Phật Giáo ở Ấn
Độ truyền sang, rồi cả ba đạo cùng truyền bá đi khắp cả mọi nơi trong nước. Từ
đó trở về sau nước Tàu và những nước chịu ảnh hưởng của Tàu đều theo tông chỉ
của những đạo ấy mà lập ra sự sùng tín, luân lý và phong tục tương tự như nhau
cả. Vậy ta xét qua xem những học phái ấy gốc tích từ đâu, và cái tông chỉ của
những học phái ấy ta thế nào.
2. Nho Giáo.
Nho giáo sinh ra từ đức Khổng Tử.
Ngài húy là Khâu, tên chữ là Trọng Ni, sinh ở nước Lỗ (thuộc tỉnh Sơn Đông) vào
năm 551 trước Tây Lịch, về đời vua Linh Vương nhà Chu.
Ngài sinh ra vào đời Xuân Thu, có
Ngũ Bá tranh cường, dân tình khổ sở, phong tục bại hoại. Ngài muốn lấy đạo luân
thường mà dạy người ta cách ăn ở với nhau trong đời. Ngài đi du lịch trong mấy
nước chư hầu, hết nước nọ qua đến nước kia, môn đệ theo ngài cũng nhiều. Đến
lúc già, ngài trở về nước Lỗ, soạn kinh Thi, kinh Thư, kinh Dịch, định kinh Lễ,
kinh Nhạc và làm ra kinh Xuân Thu, rồi đến năm 479 trước Tây Lịch về đời vua
Kính Vương nhà Chu thì Ngài mất, thọ được 72 tuổi.
Ngài chỉ cốt lấy những điều hợp với
bản tính của loài người mà dạy người, chứ không dạy những điều u uẩn huyền diệu
khác với đạo thường. Ngài nói rằng: "Đạo bất viễn, nhân chi vi đạo nhu
viễn nhân, bất khả dĩ vi đạo". Nghĩa là: đạo không xa cái bản tính người
ta, hễ vì đạo mà xa cái bản tính ấy thì đạo ấy không phải là đạo. Bởi vậy cái
tông chỉ của Ngài là chủ lấy Hiếu, Đễ, Trung, Thứ làm gốc, và lấy sự sửa mình
làm cốt mà dạy người. ngài chỉ dạy người về sự thực tế hiện tại, chứ những điều
viễn vông ngoài những sự sinh hoạt ở trần thế ra thì Ngài không bàn đến. Nói
đến sự sống chết thì Ngài bảo rằng: "Vị tri sinh, yên tri tử", chưa
biết được việc sống, sao đã biết được việc chết. Nói đến việc quỉ thần thì ngài
bảo rằng: "Quỉ thần kính nhi viễn chi", quỉ thần thì nên kính, mà
không nên nói đến.
Tổng chi, đạo Ngài thì có nhiều lý
tưởng cao siêu (xem sách Nho Giáo)21 nhưng về đường thực tế thì
chú trọng ở luân thường đạo lý. Cái đạo luân lý của Ngài có thể truyền cho muôn
đời về sau không bao giờ vượt qua được. Đối với mọi người thì Ngài dạy:
"Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân", điều gì mình không muốn người ta làm
cho mình, thì mình đừng làm cho ai". Đối với việc bổn phận của mình thì
ngài dạy: "Quân tử động nhi thế vi thiên hạ đạo, hành nhi thế vi thiên hạ
pháp, ngôn nhi thế vi thiên hạ tắc, viễn chi tắc vọng, cận chi tắc bất
yếm", người quân tử cử động việc gì là để làm đạo cho thiên hạ, nói năng
điều gì là để làm mực cho thiên hạ; người ở xa thì muốn lại gần, người ở gần
thì không bao giờ chán22.
Đạo của Khổng Tử truyền cho thầy
Tăng Sâm; Tăng Sâm truyền cho Khổng Cấp; Khổng Cấp truyền cho thầy Mạnh Kha tức
là thầy Mạnh Tử.
Thầy Mạnh Tử là một nhà đại hiền
triết nước Tàu, làm sách Mạnh Tử, bàn sự trọng nhân nghĩa, khinh công lợi, và
cho tính người ta vốn lành, ai cũng có thể nên được Nghiêu, Thuấn cả.
Đến đời nhà Tần, vua Thỉ Hoàng giết
những người Nho học, đốt cả sách vở, đạo Nho phải một lúc gian nan. Đến đời vua
Cao Tổ nhà Hán lại tôn kính đạo Nho, sai làm lễ thái lao tế đức Khổng Tử. Đến
đời vua Vũ Đế nhà Hán lại đặt quan bác sĩ để dạy năm kinh. Từ đấy trở đi, đạo
Nho mỗi ngày một thịnh, dẫu trong nước có đạo Lão, đạo Phật mặc lòng, bao giờ
đạo nho vẫn trọng hơn.
3. Đạo Giáo.
Đạo giáo là bởi đạo của ông Lão Tử
mà thành ra. Lão Tử là người nước Sở (thuộc tỉnh Hồ Bắc) họ là Lý, tên là Đam,
sinh vào năm 604 trước Tây Lịch về đời vua Định Vương nhà Chu, sống được 81
tuổi, đến năm 523 trước Tây Lịch, vào đời vua Cảnh Vương nhà Chu thì mất.
Tông chỉ của Lão Tử là trước khi có
trời đất, thì chỉ có Đạo. Đạo là bản thể của vũ trụ, là cái gốc nguyên thỉ của
các sự tạo hóa. Vạn vật đều bởi Đạo mà sinh ra. Vậy sửa mình và trị nước nên
phải theo Đạo, nghĩ là người ta nên điềm tĩnh, vô vi, cứ tự nhiên, chứ không
nên dùng trí lực mà làm gì cả.
Lão Tử soạn ra sách Đạo Đức Kinh,
rồi sau có Văn Tử, Thi Tử, Trang Tử, và Liệt Tử noi theo mà truyền bá cái tông
chỉ ấy.
Đạo của Lão Tử lúc đầu là một môn
triết học rất cao siêu nhưng về sau cái học thuyết biến đổi đi, rồi những người
giảng thuật thần tiên cũng phụ theo đạo ấy mà nói những chuyện số kiếp và những
sự tu luyện để được phép trường sinh bất tử v. v... Bởi vậy đạo Lão mới thành
ra Đạo giáo là một đạo thần tiên, phù thủy, và những người theo Đạo giáo gọi là
đạo sĩ.
Nguyên từ đời vua Thỉ Hoàng nhà Tần
và vua Vũ Đế nhà Hán, người Tàu đã tin sự thần tiên, sau đến cuối đời nhà Đông
Hán có Trương Đạo Lăng soạn ra 24 thiên Đạo Kinh giảng cái thuật trường sinh.
Bọn giặc Hoàng Cân Trương Giác chính là học trò của Trương Đạo Lăng. Đến đời
nhà Đông Tấn lại có Cát Hồng nói rằng được tiên thuật rồi làm sách dạy những
thuật ấy. Từ đấy về sau Đạo giáo thịnh dần lên, tôn Lão Tử làm Thái Thượng Lão
Quân.
Đời vua Cao Tổ nhà Đường có người
nói rằng thấy Lão tử hiện ra ở núi Dương Giác Sơn xưng là tổ nhà Đường23.
Vua Cao Tổ đến tế ở miếu Lão Tử và tôn lên là Thái Thượng Huyền Nguyên Hoàng
Đế. Bởi vậy nhà Đường trọng đạo Lão Tử lắm, bắt con cháu phải học Đạo Đức Kinh.
Tuy đạo Lão về sau thịnh hành ở nước
Tàu, nhưng cũng không bằng đạo Phật. Đạo Phật là một đạo ở Ấn Độ đem vào nước
Tàu, và lại là một tôn giáo rất lớn ở thế gian này.
4. Phật Giáo.
Tị tổ đạo Phật là đức Thích Ca Mâu
Ni. Không biết rõ ngài sinh vào đời nào. Cứ ý kiến của đạo phái ở về phía Bắc
đất Ấn Độ thì cho là ngài sinh về năm 1028 trước Tây Lịch kỷ nguyên, vào đời
vua Chiêu Vương nhà Chu. Còn đạo phái ở phía Nam thì cho vào năm 624. Những nhà
bác học thời bây giờ cho ngài sinh vào năm 558 hay là 520, cùng với Khổng Tử
một thời.
Đức Thích Ca là con một nhà quí tộc
đất Ấn Độ. Ngài đã lấy vợ, có con, nhưng vì thấy người ta ở trần thế này không
ai khỏi được những khổ não như sinh, lão, bệnh, tử, cho nên ngài bỏ cả vợ con
mà đi tu, để cầu phép giải thoát. Vậy đạo Phật cốt có hai chủ ý: một là đời là
cuộc khổ não; hai là sự thoát khỏi khổ não.
Người ta gặp phải những sự khổ não
như thế là tại mình cứ mắc trong vòng luân hồi mãi. Vậy muốn cho khỏi sự khổ
não thì phải ra ngoài luân hồi mới được; mà ra ngoài luân hồi thì phải cắt cho
đứt những cái nhân duyên nó trói buộc mình ở trần gian này. Ra được ngoài Luân
Hồi thì lên đến cõi Nát Bàn (nirvana) tức là thành Phật, bất sinh, bất tuyệt.
Nguyên đạo Phật là do ở đạo Bà La
Môn (Brahmane) mà ra, nhưng tông chỉ đạo Phật không giống đạo Bà La Môn cho nên
hai đạo chống nhau mãi, thành ra đến ba bốn trăm năm sau, khi đức Thích Ca mất
rồi, đạo Phật mới phát đạt ra ở Ấn Độ.
Đạo Phật sang nước Tàu kể từ nhà Tây
Hán. Đời vua Hán Vũ Đế (140 - 86) quân nhà Hán đi đánh Hung Nô đã lấy được
tượng Kim Nhân và biết rằng người Hung Nô có thói đốt hương thờ Phật24.
Đời vua Ai Đế năm Nguyên thọ nguyên niên, là lịch tây năm thứ 2, vua nhà Hán
sai Tần Cảnh Hiến sang sứ rợ Nhục Chi có học khẩu truyền được kinh nhà Phật.
Đến đời vua Minh Đế nhà Đông Hán, có
Ban Siêu đi sứ các nước ở Tây Vực biết đạo Phật thịnh hành ở phương Tây. Vua
bèn sai Thái Am đi sang Thiên Trúc lấy được 42 chương kinh và rước thầy tăng về
dạy đạo Phật. Bấy giờ nhân có con bạch mã đem kinh về, cho nên nhà vua mới lập
chùa Bạch Mã để thờ Phật ở đất Lạc Dương.
Từ đó đạo Phật cứ dần dần truyền bá
ra khắc nước Tàu, nhưng chỉ có người Ấn Độ sang dạy đạo Phật mà thôi, mãi đến
đời Tam Quốc mới có người Tàu đi làm thầy tăng. Về sau người Tàu sang Ấn Độ lấy
kinh đem về giảng dạy cũng nhiều.
Đời vua An Đế nhà Đông Tấn (402) đất
Trường An có ông Pháp Hiển đi chơi hằng 30 nước ở xứ Ấn Độ, qua đảo Tích Lan
(Ceylan) rồi theo đường hải đạo về Tàu, đem kinh nhà Phật dịch ra chữ Tàu và
làm sách Phật Quốc Ký.
Đến đời Nam Bắc Triều, vua Hiến Minh
nhà Ngụy sai tăng là Huệ Sinh và Tống Vân sang Tây Vực lấy được hơn 170 bộ kinh
đem về. Từ đó đạo Phật rất thịnh, kinh điển có đến 450 bộ, chùa chiền được hơn
3 vạn, tăng ni có đến 2 triệu người.
Đời vua Thái Tông nhà Đường (630),
có ông Huyền Trang (tục gọi là Đường Tăng hay Đường Tam Tạng) đi sang Ấn Độ ở
hơn 10 năm lấy được 650 bộ kinh nhà Phật. Đến đời vua Cao Tông (672) ông Nghĩa
Tĩnh lại sang Ấn Độ lấy được 400 bộ kinh nhà Phật nữa.
Từ đời nhà Đường trở đi, thì ở bên
Tàu đạo Phật càng ngày càng thịnh, mà người đi lấy kinh cũng nhiều.
5. Sự Tiến Hóa Của Người Nước Nam.
Khi những đạo Nho, đạo Khổng, đạo
Phật phát đạt bên Tàu, thì đất Giao Châu ta còn thuộc về nước Tàu, cho nên
người mình cũng theo những đạo ấy. Về sau nước mình đã tự chủ rồi, những đạo ấy
lại càng thịnh thêm, như là đạo Phật thì thịnh về đời nhà Đinh, nhà Tiền Lê, và
nhà Lý, mà đạo Nho thì thịnh từ đời nhà Trần trở đi.
Phàm phong tục và chính trị là do sự
học thuật và tông giáo mà ra. Mà người mình đã theo học thật và tông giáo của
Tàu thì điều gì ta cũng noi theo Tàu hết cả. Nhưng xét ra thì điều gì mình cũng
thua kém Tàu, mà tự người mình không thấy có tìm kiếm và bày đặt ra được cái gì
cho xuất sắc, gọi là có cái tinh thần riêng của nòi giống mình, là tại làm sao?
Có lẽ một là tại địa thế nước Nam
ta, hai là cách ăn ở của người mình.
Phàm sự tiến hóa của một xã hội cũng
như công việc của người làm, phải có cái gì đó nó đun đẩy mình, nó bắt phải cố
sức mà tiến hóa thì mới tiến hóa được. Sự đun đẩy ấy là sự cần dùng và sự đua
tranh. Nếu không có cần dùng thì không có cố gắng, không cố gắng thì không tiến
hóa. Nếu không có đua tranh thì không có tìm kiếm, không tìm tìm kiếm thì không
tài giỏi, sự lý tất nhiên là vậy.
Xem như nước Nam ta, thì hai cái yếu
điểm ấy đều kém cả. Người mình ở về xứ nóng nực, cách ăn mặc giản dị, đơn sơ,
không phải cần lao lo nghĩ cũng đủ sống, cho nên ai cũng thích nhàn lạc, quí hồ
khỏi chết thì thôi, chứ không ai muốn lao tâm lao lực lắm như những người ở
nước văn minh khác. Tính người mình như thế, thì hễ ai nói cái gì, mình chỉ bắt
chước được mà thôi, chứ không phát khởi bày đặt ra được điều gì nữa.
Còn như sự đua tranh, phải có nhiều
người, nhiều nước thì mới đua tranh được. Nhưng nước ta ở phía Đông thì có bể,
ở phía Tây, phía Nam thì những người Mường, người Lào là những người văn minh
kém mình cả, còn ở phía Bắc có nước Tàu là hơn mình, nhưng Tàu lại to quá, sự
giao thông với mình thì cách trở sơn xuyên, đường sá khó khăn không tiện, chỉ
có quan tư thỉnh thoảng đi lại mà thôi, chứ dân trong nước không mấy khi ra đến
ngoài bờ cõi nước nhà. Người mà cả đời không đi đến đâu, mắt không trông thấy
cái hay cái dở của người, thì tiến hóa làm sao được? mà sự học của mình thì ai
cũng yên trí rằng cái gì đã học của Tàu là hay, là tốt hơn cả: từ sự tư tưởng
cho chí công việc làm, điều gì mình cũng lấy Tàu làm gương. Hễ ai bắt chước
được Tàu là giỏi, không bắt chước được là dở. Cách mình sùng mộ văn minh của
Tàu như thế, cho nên không chịu so sánh cái hơn cái kém, không tìm cách phát
minh những điều hay tốt ra, chỉ đinh rằng người ta hơn mình, mình chỉ bắt chước
người ta là đủ.
Địa thế nước mình như thế, tính chất
và sự học vấn của người mình như thế, thì cái trình độ tiến hóa của mình tất là
phải chậm chạp và việc gì cũng phải thua kém người ta vậy.
{21 Nho Giáo - Trung Tâm Học Liệu
xuất bản trọn bộ 2 quyển. }
{22 Sánh với lời của Khang Đức tiên
sinh là một nhà đại triết học ở phương Âu: "Agis de telle que la maxime de
ton vouloir puisse être acceptée comme règle universelle", ăn ở thế nào
cho bao nhiêu những việc mình làm có thể làm cái công lệ cho thiên hạ. }
{23 Lão Tử và vua nhà Đường cùng họ
Lý. }
{24 Tục lệ đốt hương mà thờ cúng
khởi đầu từ đó. }
Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim (Phần 2)
Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim (Phần 3)
Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim (Phần 2)
Việt Nam sử lược - Trần Trọng Kim (Phần 3)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét