Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Giai thoại về Chế Bồng Nga

Chế Bồng Nga, lẽn về thăm nước cũ, lúc ấy, mải miết theo con đường núi phủ rêu cằn… Chàng đổ bộ từ xa, xa lắm, từ cái làng con Bản Mê Thuật, mất tăm trong vùng biên giới Ai Lao.
Hành lý của Bồng Nga là một gói nhỏ, y phục của chàng là tấm áo lông chiên ngắn, cái quần chẽn ống, đôi hài sảo với con dao lưng to bản vỏ đồng.
Khuôn mặt chàng – khuôn mặt ngót ba chục tuổi, hơi gày- đã rám mầu sương nắng; nhưng, cái trán cao, đôi mắt sắc và cặp môi vắng hẳn nụ cười vẫn giữ cho dung mạo ông Hoàng vong quốc Chiêm Thành ấy một vẻ khác thường.
Bồng Nga, hơn một tháng trời lặn lội qua những rừng hoang vắng nối giẫy Trường Sơn với bờ Nam Hải, đã giày xéo lên bao nỗi gian nguy.
Mười lăm năm ẩn lánh quê người, chàng, lần ấy, mới có dịp đem linh hồn đáp tiếng gọi của Non sông.
Chàng bước nhanh, mềm mại và lẹ làng trong cái dáng đi của dân sơn cước. Vừa đi, chàng vừa nhìn cảnh vật rỡ ràng dưới ánh nắng, ánh nắng muộn tàn thu vùng bể thường có gió Nam ấm áp thổi đều.
Ðã trải những ngày u ám trong rừng, nay, tới đây, bỗng thấy vẻ sáng suốt của không khí, vẻ lộng lẫy của mặt trời, Bồng Nga có cái cảm tưởng dịu dàng và đột ngột như lạc vào một thế giới xuân. Nhưng, qua phút đầu bỡ ngỡ, chàng nhận ngay thấy nỗi buồn thu ẩn trong vẻ gượng tươi của sự vật: sắc mây trong đã vẫn mầu sương trắng, rừng hoang tàn cỗi âm thầm tiếc vẻ xanh phai và, dọc đường, trên nệm cỏ gà ngùn ngụt lửa chiều hôm, những khớm hoa nhầm tiết thẹn với sắc hương lỗi mùa.
Xa xa trong ngàn cây, những túp nhà chàm rụt dè, ẩn hiện, nhắc Bồng Nga nhớ tới bọn con dân ngu muội, sống vùi trong cảnh an tĩnh đáng thương.
Chàng thở dài…
Theo mãi con đường lửng lơ ngang núi, con đường với chàng đầy kỷ niệm, Bồng Nga, càng vào sâu cảnh cũ, càng thấy bồi hồi…
Mùa gặt bắt đầu. Ðồng ruộng dưới thung phơi mầu lúa chín. Trên nền vàng thẫm, bóng cò lấp lánh đưa thoi.
Bồng Nga, buồn trước cảnh chiều buồn, khẽ ngâm một khúc hát xưa bằng cổ ngữ Chiêm Thành và kéo dài một điệu, tả những nỗi nhớ mong dằng dặc của khách xa nhà.
Thỉnh thoảng, gặp cái xe trâu tải thóc về một cô thôn khuất nẻo. Bồng Nga dừng bước trông theo.
Vững vàng trên đôi bánh gỗ, những xe ấy lăn đều trong dịp mõ trâu rời rạc, để lại khúc đường sau một vệt thương thơm.
Bọn đánh xe, người nào cũng chân buộc hài sảo, lưng thắt đao ngắn, áo chàm phanh trước ngực, da đỏ thẫm như xành…
Nhìn lũ nông dân ấy, Bồng Nga thất vọng vì thái độ chúng thờ ơ. Hoạ hoằn, có kẻ liếc trông khách lạ, trông cho thoả sự tò mò giây lát để quên ngay, để còn về kịp trước khi trời tối hẳn.
Thế rồi, người và xe vụt khuất sau chòm cây rậm; con đường rêu phong lại vắng tanh dưói nắng chiều hôm…
Trơ một mình với cảnh, Bồng Nga như chiếc nhạn lạc ven trời. Chàng lại ngâm khúc hát xưa, ngâm bằng cả nỗi buồn chất nặng trong lòng.
Bồng Nga hát, trên ngàn sương lạnh, chiếc nhạn về Nam hoạ theo mấy tiếng bi thu.
Ánh vàng dần úa; rừng cây xào xạc hơi may.
Chỉ một thôi nữa, chàng sẽ được nhìn thành quách Ðồ Bàn; chỉ một thôi nữa… nhưng, hình ảnh cố đô, chàng đã thấy vẽ ra trước mặt, cố đô giờ có lẽ đã điêu tàn.
Quãng đường ngày càng dốc, đường càng dốc, Bồng Nga càng cặm cụi đi nhanh…
Bỗng, chàng đứng sững bên một gốc cây to, khoanh hai tay trước ngực, vẩn vơ nhìn.
Ðồ Bàn!… thì kia, như cái ảo tượng bất thần trong vùng lủua đỏ, kinh thành nước cũ, xa xa hiện trước mắt chàng, buồn rầu dưói bóng cờ Ðại Việt.
Mười lăm năm qua, từ phụ vương chàng, Chế Chí, phải vua anh Tôn nhà Trần lừa bắt, tông quốc chàng bị diệt vong… Mười lăm năm, một vực thời gian thăm thẳm, mười lăm năm ấy bây giờ là đây!
Trơ như một khối đá, Bồng Nga lặng yên nhìn… Chàng lặng yên nhìn trong cái yên lặng chiều thu; nhưng lông mày chàng dần nhíu lại, hai mắt chàng dần đẫm lệ, vành ngực chàng mỗi lúc một phập phồng.
Ánh tà phai, chung quanh người lữ hành đơn độc sự vật lùi xa, mờ nhạt, chìm khuất trong sương. Duy, chót vót đầu non, lửa chiều gần tắt hẳn, vẫn ngấm ngầm hun đốt cỏ cây vàng.
Chế Bồng Nga, bân gkhuâng, nhìn tổ quốc chập chờn qua ngấn lệ.
Một trận gió hắt hiu, một cái rùng mình chạy lướt trên người và cảnh. Cũng như vạn vật, cảm thấy hơi thu, Bồng Nga băn khoăn đến những ngày mưa gió lạnh lùng.
Cái thiên tính gia đình giục chàng nhớ lại bao điều tơ tóc, bao truyện xảy ra về những thu xưa: nào những buổi chiều u ám tiếp theo ngày sáng sủa. Bồng Nga, đứng tựa lầu cao, ngắm dải Cù Mông lẩn sau sương lạnh hay in một vết lờ mờ tím trên nền mây rực rỡ vàng; nào cảnh hoa rừng muộn nở quanh thành, đẹp như những nụ cười nhớ được trong giấc chiêm bao; nào những đêm mong đợi phụ vương săn bắn về khuya – ôi, phụ vương giờ đã vùi thân bên đất nước thù! – chàng lắng nghe mỗi khi tiếng lá chạy trên sân lạt sạt, những cuộc yến diên mừng chiến thắng, những phút mơ màng theo điệu hát cung nga.
Giờ thì thôi rồi! Hết thẩy đã tan theo xã tắc, đã chỉ còn là những ghi nhớ của một kiếp nào. Ngay đến thân chàng cũng vậy, cũng đã ba chìm bẩy nổi tháng ngày đi, đi mãi như lá thu theo gió vật vờ.
Mặt trời lặn, bóng đen, như một vết dầu, xoá nhoà sự vật, hơi lạnh thấu xương…
Một tiếng ngựa phi thốt khiến Bồng Nga tỉnh giấc mộng buồn. Chàng nhìn lại phía sau thì thấy, tự khúc đường xuyên sơn bên trái, một con bạch mã loán tới như giông.
Người ngồi trên yên, cố dàn mình xuống lưng con vật hoảng sợ, tay nắm bờm, vế quắp chặt vì đã dứt rơi đâu hết dây cương, bàn đạp.
Mặc dải lưng điều với mớ tóc bay tung, vị thanh niên mã thượng hết sức giữ mình cho khỏi ngã. Nhưng sườn núi cao, lòng dộc thẳm, sự rủi may của người lạ chỉ sai nhau chừng một đường tơ.
Bồng Nga không đành chớp mắt trước cái tai nạn lớn lao nhường ấy. Chàng sắn tay áo, chờ khi ngựa đến, thốt văng mình ra cản. người lạ, nhảy xuống đất, vỗ về con ngựa đoạn cười và bảo Bồng Nga:
- May quá! nếu chẳng nhờ tay hiệp sĩ, tôi ắt đã mạng vong rồi.
Giọng người tuổi trẻ êm như hơi xuân, Bồng Nga giật mình nhìn kỹ mới hay ai đó là một thiếu nữ trượng phu.
Trời, lúc ấy, đã tối sẩm, nhưng Bồng Nga vẫn còn được ngẩn ngơ trước gương mặt ngọc và đôi mắt long lanh như sao buổi êm trời.
Thiếu nữ, quen thói nhà quyền quý, cởi thanh gươm bên mình, trao tận tay Bồng Nga:
- Túc hạ làm ơn nhận cho thanh bảo kiếm, vì tôi trót có lời nguyền suốt đời chẳng chịu ân ai.
Bồng Nga, mích lòng vì cử động của cô gái lạ, vội ngắt lời nàng:
- Xin tiểu thư chớ coi làm một ân trọng, cái cử động rất thưòng của nam nhi ấy.
Giật mình, thiếu nữ hỏi:
- Người quê ở đâu ta? Sao nói tiếng bản quốc thông thạo như vậy?
- Bẩm, tôi là người của bốn phương trời.
Câu nói bí mật của người thanh niên bí mật càng khiến thiếu nữ ngạc nhiên.
Chàng mỉm cười. Nàng chữa thẹn:
- Hiếp sĩ dù chẳng kể là ơn cũng xin nhận lấy một vật làm ghi.
Bồng Nga, nể lòng, đành nhận.
Thiếu nữ tươi cười:
- Tôi phải về kẻo phụ thân tôi mong. Nhưng, kíp chầy thể nào tôi cũng tìm đến bái yết tận quý ngụ, vì tôi chắc người còn lưu lại trong thành.
Dứt lời, nàng cúi chào, đoạn nhẩy lên yên. Khi bóng giai nhân đã mất vào đêm tối, Bồng Nga, nhoẻn nụ cười lãng mạn, nói một mình:
- Ta về nước chuyến này, tình cờ gặp cô gái Ðại Nam tặng thanh gươm báu, phải chăng là ý Xanh Xanh muốn vì ta báo trước sự thành công.

*
* *

Bồng Nga dằn rọc mãi trên nệm rơm khô…
Cõi lòng chàng có thể ví là một cảnh giông gió tơi bời. Sau, chừng không thể nằm yên được với trăm mối sầu thương nung nấu, vả còn muốn nghe sự vật rỉ thầm, Bồng Nga vùng dậy, mở cửa nhà trọ, lẻn ra.
Trống lầu vừa điểm canh hai.
Mấy tiếng đột ngột giữa đêm thanh gieo vào tâm trí Bồng Nga những âm hưởng rất buồn. Quanh mình chàng, đìu hiu, man mác… cuộc sống trên thế gian như đọng lại, như nín hơi trước giờ xuất hiện của Tử thần.
Bồng Nga rùng mình, cảm thấy một nỗi buồn vô hạn. Mà cảnh đêm có lẽ chẳng bao giờ sáng nọ như bắt chàng phải nghĩ đến cuộc đời chàng, cũng mịt mù u ám, cuộc đời không chắc ở mai sau.
Buông tiếng thở dài, chàng thất vọng. Nhưng, chàng vội gượng ngay, gượng thu hết nghị lực cuối cùng để rồi còn chống nhau với số mệnh.
Sự quả quyết giục chàng đi: Phải hoạt động khuây buồn. Chàng đi, không chọn lối, nhưng vẫn cố tìm dấu vết xưa.
Thì đây, cái khối đén lù lù hoang vắng nọ, hẳn điện cũ vua Chàm. chốn thâm nghiêm giờ bỏ mặc sự tàn phá của thời gian! Với kẻ vô tình, chẳng qua là một mớ đá vôi lổng chổng; với Bồng Nga, thương ôi! Nó là hết thảy những cái mất rồi!
Lại kia!… Mấy ngọn tháp buồn rầu, còn nhớ chăng ngày đắc thắng, hay cũng mềm gan đá với tang thương?
Cả khoảng đất thênh thang này nữa! Bãi tha ma ấy vốn xưa là một cảnh võ trường!
Nước non thay mặt cũ rồi, tấn tuồng đào thải cợt người hồi hương…
Bồng Nga nắm chặt hai bàn tay, đầu choáng váng, tai ù, trước mặt thoáng qua màng máu đỏ. Chàng cảm giác như bị mũi dao đâm trúng ngực, hơi thép còn lạnh thấu tim.
Những ý nghĩ não nùng về định phận loài người, về sự nổi chìm của phú quý, về nỗi hưng vong các quốc gia dồn dập nhau trong tâm trí ông hoàng tuổi trẻ.
Hai mắt trừng trừng, Bồng Nga nhìn bới móc cảnh hoang tàn…
Dưới tầng lá kín, bóng đêm dầy, những thân cành trơ trụi in lên nền trắng đục loang loáng mây đen; cỏ cây, rũ hạt sương đêm như khóc ngày linh lạc…
Bồng Nga, chợt nhớ sự rắp định mang theo, bỗng giơ tay, trợn mắt:
- Hỡi Nam Man kiêu hãnh! Ta thề quét sạch chúng bay.
Một tiếng xì xào tiếp theo câu phát nguyện, hình như tàn hồn cố quốc đã chứng nhận cho nhời chàng phát nguyện.
Chàng lại đi…
Một tiếng đờn ca văng vẳng khiến Bồng Nga vô tình cứ lững thững tiến đến một khu vườn đầy ánh sáng đèn lồng đỏ. Cửa vườn sẵn mở, chàng lùi lũi tiến vào. Một tiếng reo:
- Ô kìa tráng sĩ!
Bồng Nga giật mình ngẩng mặt: thiếu nữ ban chiều.
Nàng vui vẻ quay lại nói với một ông già đạo mạo:
- Thưa cha, đây là tráng sĩ đã cứu con lúc ban chiều!
Và, quay lại phía Bồng Nga, nàng giới thiệu:
- Thưa tráng sĩ, còn đây là Ðỗ Tử Bình Tướng Công, phụ thân của thiếp.
Vị quan lớn liền tươi vẻ mặt, hớn hở bảo chàng:
- Lại có duyên kỳ ngộ ấy ư? Ðỗ Tử Bình này xin kính chào túc hạ. Thực, người đã cho lão phu chịu một cái ân nặng tầy non vậy.
Vừa nói, Ðỗ công vừa trỏ ghế bảo chàng ngồi.
Hôm đó là ngày sinh nhật của Ðỗ công, nên trong tướng phủ mới có hội hè khuya thế.
Chủ khách vừa yên vị, trên án đã bầy tiệc hoa. Ðỗ công ân cần mời mọc lại hỏi thăm Bồng Nga về thân thế chàng.
Bồng Nga lựa lời đối đáp khiến Ðỗ công rất vui lòng. Không những vậy, chàng còn khéo ranh mãnh dò biết tên vị tiểu thư là Nam Trân, con gái một rất nuông chiều của Ðỗ công.
Bồng Nga lấy làm sung sướng biết được điều cần biết, chàng coi là một sự đắc thắng êm đềm.
Trong lúc ấy thì, rượu ngà ngà say, Ðỗ công truyền tiểu thư dạo đờn.
Nàng, không e lệ, tức khắc vâng theo phụ mệnh.
Bổng trầm vừa mấy tiếng thoảng qua, chàng tuổi trẻ đã bâng khuâng như lạc vào cõi mộng. Thả linh hồn theo dịp sóng thanh âm, chàng vơ vẩn nhìn Nam Trân…
Dưới ánh sáng lung linh, Nam Trân thực là một vẻ đẹp tuyệt vời. Tuổi chừng 19 đôi mươi, nàng tuy mềm mại yêu kiều, nhưng thân thể rất tròn trặn, in những nét hữu tình trong nếp áo là xanh; vẻ mặt ngây thơ mà dạn dĩ; hai bàn tay xinh xắn, nhẩy nhót trên lớp tơ đồng như đôi bướm trắng rờn hoa.
Nàng hát théo đờn, hát bằng một giọng ngậm ngùi dìu dặt, khiến người trong tiệc ngẩn ngơ lòng. Âm nhạc ấy thế là định hẳn cuộc mai sau của đời chàng vậy.
Trôi giạt đã nhiều, đau khổ đã nhiều, Bồng Nga như chiếc thuyền bạt gió cần nghỉ ngơi trong cái hải cảng bình tĩnh. Vả, bấy lâu đơn độc, ngoài tấm lòng thờ nước, chàng chẳng từng yêu; trái tim vẫn như một thứ bảo vật chưa dùng.
Nay, trước mặt nàng, Bồng Nga thốt có cái cảm giác êm đềm, thư thái lạ; tấm lòng chàng, lần thứ nhất, rung động vì tình.
Chàng yêu Nam Trâm, yeu một cách ngẫu nhiên, yêu một cách say đắm, yêu như con chim yêu cái ánh sáng đầu tiên của mặt trời xuân. Chàng nẩy ra cái ý muốn được cùng nàng sống chung một cuộc đời yên lặng an nhàn trong một cõi thế giới riêng thơ mộng. Chàng tự hỏi có nên lánh xa sự thế, mặc quách biển dâu, gác bỏ mối hoài bão trong lòng?
Tiếng đờn ca vẫn lên bổng xuống trầm; Bồng Nga vẫn tơi bời trăm mối nghĩ…
Nhưng, sau khúc não nùng, Nam Trân lại chuyển sang bài hát Chiêm thành. Những điệu hùng tráng bỗng như trận gió xuân ấm áp đánh ta hết mộ khí của lòng chàng.
Tỉnh cơn say, Bồng Nga lại thấy hăng hái, lại thấy cái tàn hồn của tổ phụ lởn vởn quanh mìh.
Chàng hổ thẹn, nghe trong lòng như có tiếng ai trách mắng:
- Hỡi đứa con hư đốn của dòng giống anh hùng! Ngươi vừa nghĩ gì có còn nhớ lời thề của nghĩa vụ của ngươi? Ngươi có còn nhớ lời thề của ngươi khi về thăm phần mộ tiền nhân? Ngươi có biết đời ngươi đã hẹn với một nhiệm vụ thiêng liêng, đã không thuộc quyền ngươi nữa? Cớ sao ngươi dám ngôn gcuồng, toan đem tình lụy buộc mình? Ngươi há không biết rằng đời ngươi là cái đời cần phải hy sinh? Hãy để cho bọn dung thường ích kỷ tìm kiếm những thú vui mà hiện nay ngươi phải lánh xa. Mơ mộng đi, vì đó là cái bệnh của ngươi; nhưng hãy mơ mộng những sự nghiệp đáng với mặt anh tài.
Mệnh lệnh của lương tâm đến đây thì bài anh hùng ca vừa dứt tiếng. Trăng mờ sương toả, tiếng gà giục giã cuộc vui tàn…
Bồng Nga đứng dậy, cáo từ. Ðỗ tướng công yêu chàng vì nết, lại cảm chàng vì ân, tỏ lòng quyến luyến:
- Sự gặp gỡ của chúng ta là một điều hạnh ngộ, túc hạ vội chi về? VẢ, đêm đã khuya rồi, chi bằng túc hạ nghĩ luôn trong phủ là hơn.
- Tướng công sẵn lòng đoái tưởng, vãn sinh vô cùng cảm ta. Nhưng vãn sinh còn chút việc riêng nên…
- Túc hạ về bây giờ, lão hu áy náy, vị tất ngũ được yên. Hay túc hạ cho biết quý ngụ để mai sớm, lão phu sai người lại đón.
- Ðiều ấy, xin tướng công chớ ngại, vãn sinh còn mong được thỉnh giáo tướng công nhiều.
- Nếu vậy, hay! Cửa hầu tuy thăm thẳm mà lúc nào cũng rộng mở đớn khách anh tài vậy.
… Trên con đường vắng dưới trăng mờ, Bồng Nga cúi đầu lủi thủi…
Tiếng gọi của lương tâm, chàng còn văng vẳng nhớ, song, than ôi! Lòng chàng vẫn có nhiều lẽ phải không ngờ!

*
* *

Nam Trân, ngả mình trên kỷ trầm hương, vơ vẩn nghĩ…
Cảnh phòng khuê trong ánh rèm châu xanh phớt, cũng đượm vẻ mơ màng.
Nam Trân buồn, nỗi buồn không duyên cớ, thắm thía tựa mưa xuân.
Với nét hoa cau có, hai mắt đăm đăm, làn tóc đen buông xoã, vóc mai lả lướt trong những nếp áo thướt tha, Nam Trân bâng khuâng giữa cảnh mơ hồ, phảng phất như một nàng tiên.
Cửa phòng mở ra khoảng rừng cây trùng điệp, mầu lá xanh hoen ố sắc thu vàng. Cái phong vị hoang giã, thiên nhiên thêm vào cảnh khuê môn sang quý một cảm giác thần linh, mộng ảo.
Tự rừng sâu, thỉnh thoảng, rúc lên một hồi tù và, âm thầm đứt nối, buồn như những tiếng gọi xa xa. Tiếng gọi xa khiến nàng hồi hộp, ước mong những cõi lạ phương trời, những cảnh tượng đẹp như Bồng lai, ghê như Ðịa ngục, những cảnh ngoài cuộc đời nàng mà thanh niên kỳ dị kia chắc đã trải qua.
Nam Trân cũng không rõ tại sao nàng mơ tưởng lạ lùng đến thế. Nhưng, nếu được phiêu lưu, nếu được chia sẻ cùng chàng nỗi cầu sương dặm tyết, nàng, lúc ấy, có lẽ bớt được nhiều ân hận bên lòng.
Phải, nàng sẽ bớt được nhiều ân hận bên lòng vì, từ ngày khi gặp gỡ, chàng tuổi trẻ kia đã in sâu trong trí nhớ Nam Trân một ảnh tượng rất buồn; cái ảnh tượng kiếp giang hồ luân lạc với hết thẩy những sự cực khổ trên đường đời, những nỗi lạnh lùng trong quán khách, những bữ no đói không thường, những cảnh gió mưa bất nhât, những khổ biệt li, những sầu tưởng nhớ, những ngày tuyệt vọng rất dài, những đềm dằn rọc thâu canh…
Ðể anh hùng đến bước lầm than, không gia đình, không tổ quốc, tội ác đó là thuộc về chủng tộc nàng tham tàn, ỷ mạnh.
Nam Trân vùng đứng dậy, buông tiếng thở dài…
Vùua lúc ấy, thị nữ đưa vào một mảnh hoa tiên:
- Thưa tiểu thư, người khách lạ hôm qua, vì thấy tiểu thư ưa điệu Chiêm Thành, gửi tặng tiểu thư khúc hát này.
Nam Trân, xúc động, tiếp lấy tờ hoa, nhưng nàng đành chịu không xem nổi thứ chữ ngoằn ngoèo đó.
Nàng truyền gọi nữ nhạc sư, một cung nhân của Chiêm vương hồi nọ và sai dạo thử nàng nghe.
Vâng lời, cung nhân tiến lại trước cầm đài, xo dây, khẽ nắn…
Nam Trân, thổn thức, lắng tai chờ….
Dưới ngán tài hoa, thanh âm bắt đầu tỉnh thức não nùng…
Nữ nhạc sư, theo đờn, cất tiếng hát sang Nam âm để tiểu thư dễ hiểu.;
Nam Trân, chừng nhận thấy ngụ ý bài ca, tê mê như người lỡ nhắp phải me nồng. Thỉnh thoảng, một tiếng thở dài khiến cho ngực nàgn thổn thức, chuỗi ngọc trai rung động như nước loáng tầu sen. Có khi một tia sáng lập lòe trong cặp thu ba đắm đuối, Nam Trân vội cắn chặt vành môi, cố giữ sự xúc cảm.
…. Tiếng đờn ca thốt im bặt… tiếng nức nở tiếp theo sau. Nam Trân tỉnh cơn mơ màng, nhìn cung nhân lúc ấy đang hạt lệ vắn dài.
Ngạc nhiên nàng hỏi:
- Cớ sao già khóc?
- Xin tiểu thư bỏ qua cho, ngu hèn này thực muôn phần đắc tội. Nhưng, tiểu thư ơi, mười lăm năm chợt nghe khúc cũ, tôi như thấy sống lại cả đoạn sử vong quốc Chiêm Thành. Nỗi nước, tình vua, nói sao cho xiết.
Nam Trân cảm động:
- Thế khúc hát kia, già co biết ai đặt ra chăng?
- Bẩm, khúc này ý mới nhưng là điệu cũ của Hoàng tử Chế Bồng Nga.
- Của Hoàng tử Chế Bồng Nga?
- Vâng, nguyên khi quốc vương tôi phải Hoàng đế nhà Trần bắt đi, vương hậu tôi tử tiết trong cung cấm, Hoàng tử Chế Bồng Nga vội giả dạng tìm nơi ẩn lánh chờ dịp phục thù. Lúc giấn thân vào bước phong trần Hoàng tử hát điệu ấy để tả mối sầu khứ quốc ly hương.
… Trời ôi! Thương thay cho Ðông cung!….
- Làm sao?
- … Chẳng biết Ðông cung trôi giạt nơi nào, vẫn còn hay đã mất, dung quang phỏng được như ngày bước ra?
Nam Trân cau đôi mày liễu, nhìn xa làn khói toả ngọn rừng. Một sự ngờ vực bỗng thoáng qua trí nàng như ánh chớp.
Ừ, có thế chẳng? Có lẽ thanh niên bí mật kia đích thị Hoàng tử Chế Bồng Nga? Cái chứng cớ hiển nhiên là, ngay buổi đầu gặp gỡ nàng đã cảm thấy ai có vẻ khôi vĩ khác thường. Nam Trân thở dài… Ái tình từ trước vẫn núp náu trong lòng nàng bây giờ xuất lộ, rực rỡ như ánh nắng xuân. Tấm yêu nồng cháy vì, bên trong, có lẩn sự ái ngại sâu xa. Nàng cho rằng một người có cái thân thế như thân thế Bồng Nga cần phải được mối tình yêu nhưtình yêu đang rung động trái tim nàng. Nếu không thì, với chàng, cuộc đời chẳng hoá xấu xa lạnh lẽo biết chừng nào!
Nam Trân cũng thừa hiêủ rằng yêu một người thù đệ nhất của nước Ðại Nam, một người mà, nếu biết rõ tung tích, phụ thân nàng sẽ trừ khử ngay, là không thể được. Nhưng, chính sự không thể ấy càng khiến cho tình yêu kia thêm mạnh. Những ngỗi hiểm nguy, những niềm đau khổ mai sau, Nam Trân coi lấy làm thường. Hi sinh cả hạnh phúc, cả sự yên ổ, cả tuổi xuân tươi để bù lại cho Bồng Nga những nỗi thiệt thòi bấy nay, theo ý nàng, chẳng có chi là quá đáng.
Nam Trân nhận ra ý nghĩa sâu xa của sự hi sinh, lấy làm vui vẻ.
Nàng quay lại, hỏi cung nhân:
- Người tuổi trẻ, hôm qua ngồi uống rượu với tướng công , già thấy thế nào?
- Vì là quý khách nên ngu hèn này không dám đường đột.
- Bây giờ phỏng gặp Hoàng tử Chế Bồng Nga già có nhận được chăng?
Cung nhân rụt dè, không đáp.
Nam Trân hiểu ý:
- Già còn ngờ vực là vì chưa rõ lòng tôi…
Gương mặt ngọc bỗng nhuộm mầu hồng.
Cung nhân, nắm lấy tay nàng, khẽ hỏi:
- Tiểu thư ý định nói gì?…
- Người khách lạ ấy, theo ý tôi, chính là Bồng Nga Hoàng tử. Tôi tin chắc như vậy nên đang tìm cách giúp đỡ. Người thoát khỏi những tai nạn bất thường.
Cung nhân, ứa nước mắt, tạ ân nàng:
- Tiểu thư có ý tốt như vậy, thực may mắn cho dòng giống Quốc vương tôi! Vâng, tôi có thể nhận được, nếu tôi gặp mặt Ðông cung.
Nam Trân mừng rỡ, hẹn có dịp sẽ cho nữ nhạc sư ngầm ra nhận mặt Bồng Nga.
Lính hầu, vừa lúc ấy, dắt ngựa vào chực dưới thềm. Nam Trân tiểu thư vội thay áo chẽn, đeo cung tên, thắt bảo kiếm ra thành rạo chơi săn bắn.
Lúc nhìn con ngựa bạch, nàng cảm động than thầm:
- Bồng Nga chàng hỡi! Ðôi ta cớ sao lại là hai giống địch thù?

*
* *

Bồng Nga, như chiếc bóng lẻ loi buồn, thẩn thơ trên dấu vết lâu đài của tổ phụ…
Mỗi viên gạch nát, mỗi phiến đá long đối với chàng, là một mảnh đời dĩ vãng tan tành.
Ngậm ngùi, chàng nhìn lớp cổ thụ đồng thời với các tiên vương hào hoa phong nhã, những voi ngựa đá rêu phong, những tháp cao nghiêng lệch, ủ e như bọn người già cả, yếu đau.
Qua sân rộng vắng tanh, lau chờm cỏ mọc, chàng bước lên thềm điện chính, tìm những ảnh tượng thân yêu trong khoảng mái long, tường sập, sau vẻ son nhạt vàng phai.
Mối cảm hoài nung nấu lòng chàng như lửa cháy ngầm trong đống trấu. Chàng ngồi xuống một đoạn cột đá to, khuỷu tay chống gối, bàn tay đỡ cằm, tia mắt xa xôi mơ mộng…
Không khí quanh mình chàng nặng nề cái cảm giác chết, cái chết âm thầm dưới những nụ cười hoa muộn, nắng thu.
Một tiếng rẵng hắng sau lưng; Bồng Nga quay lại…
Nam Trân – vì chính nàng – giơ tay trỏ vòng quanh trước mặt, đoạn hỏi Bồng Nga:
- Lớp tuồng thành bại phải chăng đã làm nát ruột anh hùng?
- Vâng, buồn lắm thực! Cảnh này, ai dám bảo là di tích một kinh thành lớn lao, thủ phủ một quốc gia hùng mạnh? Ai dám ngờ rằng, đã một thời, một dân tộc đô hội sống hở đây? Những bức tường xiêu đổ, năm tháng gặm hầu mòn, đã ủ ấp, che đậy bao vẻ sa hoa tráng lệ, đã chứng kiến bao sự đắc ý kiêu căng, đã lắng nghe bao tiếng cười ròn chen lẫn cung dờn giọng hát! Những gạch đá bộn bề nọ trước kia là lầu các thâm nghiêm. Những cây bùm tum đã che mát cho bao nhiêu sắc nước hương trời…
Mà nay, cả một đế kinh, chỉ còn trơ lại thế thôi, cả một nền uy vọng hiển hách chỉ còn lưu được một chút ghi nhớ lờ mờ…. Ðiện chúa, cung vua làm nơi hò hẹn của thằn lằn, các kẹ!
Nam Trân nhìn Bồng Nga một cách ý tứ:
- Bọn ta là người thường, đối cảnh hoang tàn, còn có những ý nghĩ man mác như vậy. Chẳng rõ những bậc hoàng thân quốc thích Chiêm Thành, mỗi khi tới đây, tấm lòng bi kim tích cổ nung nấu biết chừng nào?
- Tiểu thư nói rất phải! Với các bậc ấy, cảnh này có thể gọi là cái mả lớn chôn vùi hy vọng…
- Lại như ông hoàng vong quốc Chế Bồng Nga, nếu đứng vào địa vị hiệp khách lúc này, người sẽ cảm tưởng ra sao?
Bồng Nga, làm bộ điềm nhiên hỏi:
- Tiểu thư có biết hoàng tử Chế Bồng Nga?
- Không, tôi không được biết người, nhưng nghe nói đến người nhiều lắm.
- Ý kiến tiểu thư đối với ông hoàng xấu số ấy ra sao?
Cúi đầu, Nam Trân nín lặng. Dưới nắng thu, sắc mặt nàng phơn phớt vẻ hoa đào…
- Hiệp khách hãy cùng tôi thử vào trong cấm điện này xem…
Nói đoạn, Nam Trân thướt tha lên trước, Bồng Nga đủng đỉnh theo sau..
Mỗi bước chân giày xéo lớp tro tàn là một mối thương đau cho người tuổi trẻ.
Khi tới thâm cung, nơi mẫu hậu chàng tử tiết, mười lăm năm về trước, Bồng Nga đành chịu, không ngăn nổi thương tâm.
Nam Trân nhìn lại… bốn mắt gặp nhau… yên lặng.
Trên ngọn tường rêu , đôi chim gâu cất tiếng khúc ái ân đột ngột giữa vùng hiu quạnh.
Nam Trân, gượng một nụ cười, hỏi riễu:
- Tôi tưởng anh hùng không nước mắt?
- Tiểu thư bỏ lỗi, tiểu thư nghĩ vậy là lầm, anh hùng nào phải giống vô tình.
- À ra thế! Nhưng này, người anh hùng, người có nhớ tôi là ai chăng?
Bồng Nga khảng khái:
- Có, tôi nhớ lắm! Tôi nhó tiểu thư là con gái Ðỗ tướng công, một thù nhân của nước tôi. Dầu vậy, dầu tiểu thư với tôi là hai kẻ địch, nhưng mối sầu chánh đáng của người lưu li, vong quốc này tưởng chẳng khi nào để cho một vị giai nhân có lượng như tiểu thư phải mếch lòng….
- Không những tôi không thù ghét mà, trái lại, tôi còn muốn giúp đỡ người tránh khỏi những sự nguy hiểm nó chờ người ở đây.
- Tiểu thư nói gì, tôi không hiểu…
- Người chóo giấu tôi. Ta đối với nhau cần chi phải dùng nhữngmánh khoé tầm thường. Vả, người giấu cũng không kịp nữa. Bài hát kia đủ cho tôi biết rõ lý lịch của người rồi.
- Thưa tiểu thư, đó chỉ là một bài hát….
- Phải, chỉ là một bài hát, tôi có cãi đâu, nhưng là bài trường hận của người, của hoàng tử Chế Bồng Nga.
Chàng ngạc nhiên, kinh hãi.
Nam Trân ôn tồn:
- Hoàng tử ơi, xin chớ bận lòng. Tôi chưa rõ tung tích của người mà rằng, một khi tôi đã biết, người có thể tin ở sự tận tâm của tôi.
Bồng Nga cảm động:
- Tiểu thư sẵn lòng thương xót kẻ bất hạnh này đến thế ru?
- Tôi không dám ngạo mạn thế. Nhưng, thực tình, tôi không muốn để cho hoàng tử phải lâm bước khốn cùng…
Nắm lấy tay Nam Trân, Bồng Nga thổn thức:
- Nam Trân! Những lời nàng vừa nói đó khiến tôi nhẹ hẳn nỗi lòng. Nam Trân hãy lắng nghe chim hót, hãy nhìn cảnh rực rỡ dưới nắng thu, hãy trông mặt trời tà lấp loáng bên kia rặng cổ tùng… Trên đường luân lạc, tôi chưa từng dám ước mong có một buổi chiều, trong khung cảnh này, được gần một người nhu Nam Trân… Nước đại nam nêú là thù địch của tôi, vì đã sinh ra Nam Trân, một nàng tiên rất an ủi, rất nhân từ…
Nam Trân nghe những lời nói ấy như nghe một khúc đờn. Ái tình thấm thía tim nàng như những giọt sương tưới bông hoa phơi dưới nắng chiều.
- Hoàng tử ơi, người có thể cho tôi biết rằng từ sau khi lìa bỏ quê hương, người đã phiêu lưu những chốn nào chăng?
- Phong trần lắm rồi, nàng ạ. Phàm chốn nào tấm thân phóng trục có thể ẩn núp lần hồi được, tôi đều qua cả. Tháng ngày tha mối hận trường lênh đênh thêm một bước đường một đau!
Nam Trân ngậm ngùi. Nàng cảm thấy một sự thương xót vô cùng. Nàng chỉ muốn bảo chàng: “Ðồng bào em đã khiến chàng vong gia thất thổ, em xin đem cuộc đời em bù lại cho chàng những nỗi thiệt thòi. Từ nay, trên đường mai sau, chàng sẽ không phải như chiếc nhạn lạc đàn; em sẽ theo chàng, sẽ cùng chàng ca khúc ái ân để quên hết nỗi nhọc nhằn, mưa nắng. Chàng vui đi…”
Hai người im lặng trong khung cảnh rực rỡ buồn. Hai trái tim, xa hẳn sự cạnh tranh, sự thù oán, thổn thức vì những cảm tình cao thượng sâu xa.
Mặt trời lặn. Giải núi tây, như con rồng biếc vẫy vùng trong đám lửa hào quang. Những cánh rừng xa thăm thẳm mờ mịt sương chiều. trên mặt đồng phẳng lặng, tuyệt mù không một bóng vang; có chăng từng quãng lâu lâu, một trận gió đưa, ngàn lau rào rạt như lũ oan hồn than tiếc một ngày sáng sủa đã tàn.
Bồng Nga thốt hỏi Nam Trân:
- Thời khắc này chẳng biết rồi ra còn lại thấy chăng? Hay, rút cục, chỉ là một giấc chiêm bao…
- Dù chỉ là một giấc chiêm bao, tôi tưởng cũng đủ lắm rồi!
Bồng Nga thở dài.
Nam Trân tiếp:
- Hoàng tử lại không biết đó sao? Hai chúng ta chẳng qua là hai mối đau khổ do sự thù oán của hai dân tộc gây nên.
Bồng Nga nhìn nàng, hai gương mặt cùng thiểu não…
…Bóng đêm trộn lẫn cả vật sắc chung quanh.
Mặt trăng nhẹ nhàng lên cao, toả ánh mờ xanh xuống những tường trơ, cột gẫy. Con chim từ quy bắt đầu ráo rác gọi đàn…
Nam Trân nói:
- Hoàng tử ơi, hai ta nên ra khỏi nơi này. Số phận của đời Nam Trân, từ đây, thế là quyết định.
Trái tim như thắt lại, Bồng Nga sẽ ép Nam Trân vào lòng hỏi:
- Nam Trân không thể là vợ tôi?
Nàng ngậm ngùi:
- Nhưng, chàng có thể là người dân của nước Ðại Nam chăng?
Nói dứt câu, nàng bỗng vùng chạy ra sân cỏ rậm, tháo cương ngựa, nhảy lên yên, xuống núi.
Trơ lại với muôn nghìn cảm giác, chàng ngơ ngẩn trông theo…
Dưới ánh trăng, bóng Nam Trân mỗi lúc một mờ, xa…

*
* *

Ra khỏi nơi tàn phá đã xa rồi, Bồng Nga vẫn thấy trái tim rung động. Chàng như còn trông rõ cặp mắt của Nam Trân, cặp mắt trong sáng, tinh đời lại chan chứa mơ màng, thương xót. Tai chàng còn văng vẳng giọng nói du dương, nâng giấc và an ủi của thiếu nữ nhân từ . Bao nhiêu niềm đau, nỗi khổ trong lòng chàng, lúc ấy, tan đi như âm khí chốn hang sâu hé chút ánh dương. Những sự thù oán cũng dịu dần. Sau cái hình ảnh Nam Trân êm đềm, mỹ lệ, dân Ðại Nam không phải là một cừu địch tham tàn, hung ác nữa, chỉ là một dân kiêu dũng đã phạm vào sự tự do của người Chiêm Thành, đã làm mất cái quyền thiên liêng tuyệt đối của dân chàng, mà nay, chàng cần phải đời lại cho kỳ được, thế thôi. Việc khu trục dân Nam ra ngoài bờ cõi Chiêm Thành cũng chỉ còn là việc gây dựng lại sư thăng bằng giữa hai quốc gia hùng mạnh. Quan niệm của Bồng Nga đã thay đổi và lên cao được một tầng thì tâm linh chàng cũng theo đó mà bình tĩnh sáng suốt hơn.
Con đường chàng đi cứ chạy thẳng băng trước mặt, giãi ánh trăng trong. Giữa đêm trường yên tĩnh, chim từ qui ra rả, ve cuối mùa nỉ non, gió thoảng ngàn cây, run kêu nội cỏ, vạn vật như thiết tha cầu khẩn chút tình yêu…
Tâm hồn chàng là một bài thơ ân ái, thiên nhiên cũng là một bài thơ ân ái, hai bên cùng hoà theo một điệu say sưa…
Bồng Nga đi dưới ánh trăng, yên lặng cho linh hồn cảm thông với sự vật. Trong đời chàng, có lẽ Bồng Nga được biết lần này là một cái hạnh phúc tuyệt vời.
Nhưng, chàng bỗng giật mình…
Một người từ bụi rậm bên lề đường nhảy ra, gọi:
- Hoàng tử hãy thong thả!
Người lạ gọi bằng tiếng Chiêm Thành, có vẻ khác thường bí mật. Bồng Nga dừng bước, một tay nắm sẵn lấy chuôi gươm.
Phục xuống lạy xong, người lạ mặt hỏi chàng:
- Ðức ông quên tiện tốt rồi chăng?
- Không, nhưng hình như ta đã gặp nhau ở đâu một lần thì phải…
- Bẩm hai lần.
- Ðâu nhỉ?
- Lần thứ nhất, cách đây mười lăm năm, khi hoàng tử xuất bôn lánh nạn, chính tiện tốt đã theo hầu bên ngựa khỏi ngoài mưòi dặm tràng đình…
Bồng Nga cau lông mày, thờ dài:
- Ta nhớ rồi, thế còn lần sau?
- Lần sau, khi đức ông sai thượng tướng Bố Gia Luân từ làng Bản về đây chiêu mộ dũng sĩ, tiện tốt được theo hầu Bố tướng quân.
- À phải!… Nhưng, sao ít lâu nay ta không được tin tức gì về Bố Gia Luân cả?
- Thượng tướng Gia Luân đã chiêu mộ được hơn một vạn người, cho tản ra các miền quanh đây phá hoang cấy lúa. Hiện nay lương thảo sẵn, voi ngựa đủ, lại có mẹ tên Dương Nhật Lễ tự Thăng Long vào báo tin nội biến của triều đình nước Nam, chủ súy con, cho là cơ hội đã đến, vội sai con về Bản rước xa giá chúa công.
- Vậy, cớ sao ngươi đón ta chỗ này?
- Về đến làn Bản, tiện tốt nghe nói Ðức ông đi chiêm ngưỡng cố kinh nên vội trở lại đây. Lúc chiều, tiện tốt đã gặp Ðức ông qua con đường này…
- Bố Gia Luânb hiện ở đâu?
- Xin Ðức ông theo con.
- Nào đi?
Hai người lần vào dưới bóng cây to, viên tì tướng đi trước dẫn đường vì Bồng Nga không thuộc lối.
Hai người đi như thế một lúc lâu thì đến một con suối chảy thầm kín giữa rừng.
Một cái mảng nứa buộc sẵn bên gốc cơi to.
Vua tôi đều xuống rồi, chỉ ba mái khoát, mảng đã sang bờ bên kia.
Một con đường mạch chạy men theo bờ suối, thẳng vào rừng. Tới nơi, hai người dừng lại, vì từ nãy đã hết sức đi nhanh, không kịp thở, không kịp cùng nhau nói một câu nào.
Bồng Nga hỏi:
- Gần tới chưa?
- Bẩm đã.
- Sao không vào ngay?
- Vì ở gốc xồi kia còn một tên lính chờ sẵn để báo tin…
viên tì tướng chưa dứt lời, quả nhiên một cái bóng đên đã chạy đến bẫm:
- Xin ngài cứ tiến.
Tì tướng hỏi:
- Không trở ngại gì chứ?
- Bẩm không.
Cả ba vua tôi lại đi… Chỗ này cây cối rậm rạp, Bồng Nga nhìn chung quanh chỉ thấy là một cảnh hỗn độn mịt mù. Chàng luôn luôn vấp phải những vật đen trùi trũi, những cành khô, cây đổ, mắt nhìn lẫn với bóng đêm dầy. Cũng có khi giẫm ph3i hòn đá rêu trơn, Bồng Nga trượt ngã, vùng dậy rồi lại đi ngay, đi liều giũua cảnh vô cùng hắc ám. Ngực chàng lúc ấy thở mạnh, bao nhiêu gân thịt đều hoạt động, bao nhiêu năng lực phấn đấu xung lên, chàng tưỏng như trên đời không còn trở lực gì ngăn nổi sức tiến thủ của chàng.
Qua khỏi rừng, qua khỏi con đường hươu chạy,k lởm chởm gập ghềnh dưới bóng tối nặng nề u uất, ba người nhô ra mặt bãi cỏ tranh.
Hơi thở đẵ dễ, tầm mắt đã rộng, ánh trăng sao đã trả lại cái cảm giác thư thái của tâm hồn.
Nhưng, tiếng chó sủa dữ dội, văng vẳng từ xa, bỗng khiến chang cùng hai tên lính nín hơi. Một khắc dài, mấy thầy trò không nói, không động, lắng tai nghe.
Sự chuyên chú ấy say sưa lạ, nó nhắc lại những cảm giác của ngưòi ta khi còn lạc lõng trong những rừng hoang rậm cổ thời….
Tiếng chó im, sự đìu hiu lại bát ngát, ba thầy trò lại hăng hái vượt đường.
Ði một quãng xa, tên lính mới dừng chân, hú lên một tiếng. Một bóng đen khác nhảy ra.
Mấy tiếng xì xào, đám đông, chừng đã mười phẫn vững dạ, tiến thực nhanh. Con đường lên dốc, quằn quại dưới trăng mờ…
Tới đỉnh cao, bốn ngưòi đứng đợi.
An, hiện dưới ánh trăng lấp ló sau những giải mây đen, cảnh vật lạnh lùng thảm đạm. Ðó đây, một vài gốc thông gày guộc xoã đầu rên rỉ. Xa xa, mấy khóm cây lẩn trong sương lạnh như đàn ma quái chực gieo nỗi sợ hãi cho kẻ yếu linh hồn. Những con rơi rơi to lớn nặng nề bay thấp thoáng như những ý nghĩ tối tăm hiện ra rồi biến mất.
Viên tì tướng để hai ngón tay lên miệng thổi rít ba tiếng đều nhau, ba tiếng gọi lạ lùng…
Tức thời, trong rừng sâu, nổi lên một tiếng rì rầm như sóng biển. Cả một dân tộc đứng dậy, hăm hở phục thù. Họ vậy lấy chân đồi trong khi Bố Gia Luân hấp tấp chạy lên ra mắt hoàng tử Chế Bồng Nga.
Quân sĩ vẫn im lặng.
Gia Luân, chào vua xong, quay lại, giõng giạc bảo mọi người:
- Hỡi binh sĩ! Từ khi vua ta, đức vua nhân từ, minh ch ính, phải Trần Anh Tôn lập mưu lừa bắt, chúng ta thành một bọn yếu hèn vô chủ mà non nước Chiêm Thành trở nên đất phiên thuộc của Nam Man. Ở vào cảnh ngộ ấy, ai có chút nhân tính mà chẳng đau lòng?
“Các ngươi thử ngẫm xem, chúng ta sinh gặp lúc nhiễu nhương, non sông tan nát, ngụy tặc hoành hành, thân tự do biến ra đời nô lệ, kiếp sống thừa còn đâu hy vọng ở mai sau.
“Ta đây, phụng mệnh đức trừ quân, chiêu mộ dũng sĩ, mong gây dựng lại cơ đồ cũ, tạo lại cuộc thái bình hạnh phúc năm xưa, may được các người sẵn lòng khẳng khái, ta xiết bao cảm độnbg. Nhưng nuôi quân ba năm để dùng trong một ngày, các ngươi bấy lâu chắc cũng ngứa gan, muốn cùng ngoại tặc so tài cao thấp, hòng phơi mặt anh hùng dưới đôi vầng Nhật Nguyệt. Cái ngày mong đợi ấy nay đã tới. Cái ngày ta rửa nhục ấy tới nơi rồi. Triều đình nước Nam hiện đang nội biến, cơ hội trời cho ta không nên phí mà rồi ân hận mai sau.
“Chúng ta gắng lên, mạnh mẽ lên, lấy gươm sắc chém ta quốc hận, rỏ máu đào rửa sạch nhục nghìn đời.”
Sĩ tốt nức lòng, tiếng hoan hô vang động cả khu rừng.
Chờ sự kích thích qua, Bố Gia Luân lại nói:
- Hỡi binh sĩ! Quân mà không tướng chẳng qua như hổ không đầu. Vị chủ tướng can đảm, tài năng, nhân từ độ lưỡng sẽ dát các ngươi lên đường vinh quang hiện đã có mặt ở đây! Các ngươi hẳn đang khao khát lắm!
Hết thảy đều một lời:
- Vâng, khao khát lắm.
Gia Luân, trỏ Bồng Nga tiếp rằng:
- Hỡi ba quân, Chúa thượng của ta đâ. Mặt trời của ta đây!
- Vạn tuế!… Hoàng tử Chế Bồng Nga vạn tuế! Ðức Quân thượng vạn tuế!…
Bồng Nga tiến lên mấy bước, nhìn khắp mấy ngàn binh sĩ, hai giọt lệ bỗng từ từ lăn xuống má.

Dinh quan trấn thủ Hoá Châu Ðỗ Tử Bình, sớm hôm ấy, có vẻ tấp nập khác thường.
Hình như vừa xảy ra một việc gì nghiêm trọng lắm.
Các hàng văn, võ quan liêu được lệnh vời khẩn cấp tụ cả trước phủ đường.
Ai nấy xì xào hỏi nhau:
- Lạ quá, không biết chuyện gì?
- Giặc Tầu tràn sang chăng?
- Trong triều nội biến chăng?
- Hay có bọn Hời (Chiêm Thành) nào định quấy rối?…
- Có lẽ chỉ quan Ðô tướng biết rõ việc bí mật này.
Trần Thế Hưng lắc đầu:
- Tôi cũng như các ngài vậy thôi… Ta hãy chờ xem.
Thế Hưng vừa dứt lời, cửa phủ đã rộng mở. Ðỗ Tử Bình tiến ra. Trên khuôn mặt cương quyết, đôi mắt sáng long lanh. bộ râu hùm điểm bạc lởm chởm quanh cặp môi dầy.
- Chào các quan.
Văn, võ cúi đầu, kính cẩn.
Ðỗ công nói tiếp:
- Các ngài hãy theo bản chức vào mật thất bàn việc.
Mọi người đưa mắt nhìn nhau. Sự gì đã phải bàn trong mật thất thì không những đáng cho ai nấy ngạc nhiên mà còn nên e ngại nữa.
Qua mấy dẫy hành lang vắng ngắt, đám đông tới trước một cánh cửa lim to.
Ðỗ Công thân mở khoá:
- Mời các ngài vào đây.
Gian phòng bí mật mới trơ trụi làm sao! Chính giữa, một chiếc bàn vuông rộng khuất dưới lần nỉ tím buông sát đất. Hai bên song song hai lớp ghế bành. Tất cả đồ trang tiết chỉ có một cái giá cắm chừng mươi đạo binh phù.
Ðỗ Công nhắc lại một lần nữa, giọng thấp hẳn xuống:
- Các ngài vào đây.
Khi văn, võ ngồi yên. Ðỗ công nói:
- Thấy lệnh triệu, các ngài chắc đã đoán có việc chi khẩn cấp và quan trọng lắm. Các ngài quả thực không nhầm…
Ngừng một lát, Ðỗ công tiếp theo:
- Dụ Tôn Hoàng đế gia băng rồi. Nước Ðại nam nhà hiện nay vô chủ!
Các quan thất sắc.
- A!…
- Triều đình muốn tôn Cung Ðịnh Vương, nhưng ý Thái hậu lại muốn lập người con nuôi Cung Túc Vương…
- Lập Dương Nhật Lễ làm vua?
- Phải.
- Nước ta loạn đến nơi rồi! Ðem con một đứa ả đào tôn làm chủ một nước lớn. Ngai rồng còn chi là thể thống tôn nghiêm!
- Các thân thần cũng nghĩ thế nên đồng lòng phản đối và quyết trừ Dương Nhật Lễ, rước Cung Ðịnh Vương lên ngôi.
Ai nấy hớn hở:
- Có thế chăng!
Ðỗ Công vẫy tay:
- Các ngài chóo vội mừng. Việc trong Triều chưa định xong thì ngoài biên trấn này đã bắt đầu hữu sự.
Các quan kinh ngạc.
- Nhật Lễ chưa hẳn nguy, mẹ nó lại trốn vào đây, có ý kết liên và xui giục Hoàng tử Chiêm Thành khởi loạn.
Thế Hưng mỉm cười:
- Xui Hoàng tử Chiêm Thành khởi loạn?…
Ðỗ Công vội ngắt:
- Tướng quân chớ coi thường. Binh pháp có câu: “Biết người biết mình, trăm trận trăm thắng” Hoàng tử Chế Bồng Nga là bậc thiếu niên anh dũng, dân Chiêm Thành lại là dân yêu chuộng tự do. Nay, nếu vua tôi đồng lòng, quyết cùng ta liều chết để thu lại giang sơn cũ, các ngài tưởng là việc chơi đó sao?
Thế Hưng ngờ vực:
- Nếu quả như lời Tướng công nói thì kể cũng đáng lo. Chỉ e là câu chuyện hoảng báo của lũ thám tử gà mờ….
Ðỗ Công nghiêm sắc mặt:
- Tướng quân nên tin lời lão phu nói mới được. bọn thám tử dẫu chưa biết đích chỗ ẩn núp của con đàn bà phản quốc, dẫu chưa tìm ra tung tích Chế Bồng Nga nhưng có thể quả quyết sự hội kiến hai bên là đích thực rồi. Bản chức không những yêu cầu tướng quân tin chắc sự đó., lại còn muốn phiền tướng quân một việc khó khăn…
Thế Hưng khẳng khái:
- Ðược tướng công sai bảo, tiểu tướng dù chết cũng vinh.
- Biết coi việc quốc gia làm trọng, tướng quân thực là người trung nghĩa đáng khen, cứ như hiện tình, việc bắt con ả đào kia là việc cần nhất, có thể nói là việc sinh tử của nền đô hộ ta mới gây dựng trên di tích Chiêm Thành. Vậy, tướng quân nên tức khắc cùng mươi tên dũng sĩ tìm xem nó lẩn lút chỗ nào. Nhận được giấu vết của con đàn bà ấy, ta có thể mưu bắt cả Chế Bồng Nga.
- Xin vâng lệnh.
- Hãy thong thả. Tướng quân nên thận trọng lắm mới khỏi lỡ việc. Như khi dò biết mụ kia ở đâu rồi, tướng quân nên ập vào bắt cho kỳ hết bọn nó, đừng để thoát đứa nào. Tướng quân sẽ ép nó viết thư mời Bồng Nga lại bàn việc. Nếu Bồng Nga đến, ta bắt luôn. Nếu hắn không đến thì, ít nhất, ta cũng biết rõ nơi tìm.
Mọi người gật đầu, khen diệu kế.
Ðỗ công kết luận:
- Còn nhu các ngài đây, xin hãy sẵn sàng chơ đối phó với hết thảy mọi việc bất thưòng. Tôi sẽ hạ lệnh giới nghiêm và truyền đóng cổng thành ngay từ bây giờ.
Văn, võ cúi đầu vâng theo.
Ðỗ Công ra hiệu giải tán hội đồng.
Các quan vừa đi khỏi, một cái bóng đen bỗng từ dưới gầm bàn đứng dậy. Người bí mật lắng tai nghe đoạn lấy chiếc thìa khoá riêng mở cửa lẻn ra…
Trong phòng khuê, Nam Trân bồi hồi lo sợ.
Nàng, tuy chưa hiểu rõ truyện gì, tự nhiên, có cái linh cảm chắc chắn là cuộc tụ họp bất thường kia liên lạc một cách nguy hiểm tới Bồng Nga.
Phải, nguy hiểm lắm!… Một người thành thực như chàng làm sao tránh khỏi những mưu gian kế độc quanh mình.
Nàng tưởng tượng lúc Bồng Nga bị bắt, bị gông đóng tróng mang, bị thảm hình, lăng nhục chán chường rồi bị ném vào xó tù lạnh lẽo. Tấm thân hồ hảicòn mong chi đạp gió tung mây; đành ngồi trơ lại đấ, ngồi trơ lại với muỗi, với rệp, với trăm nghìn mối thất vọng giết ngưòi, chờ ngày phó thác mảnh hình hài cho lưỡi gươm chuyên chế.
Trên đời, đến nông nỗi ấy là cùng cực.
Nam Trân thở dài…
Trí tưỏng tượng lại đưa nàng về cuộc gặp gỡ dưới nắng thu, trong cảnh hoàng tàn lặng lẽ…
…Nam Trân hãy lắng nghe tiếng chim hót, hãy nhìn cảnh rực rỡ chiều hôm, hãy trông mặt trời tà lấp loáng sau rặng cổ tùng… Trên đường luân lạc, tôi chưa từng dám ước mong có một buổi chiều, trong khung cảnh này, được gần một người như Nam Trân. Trời khắc này chẳng biết rồi ra còn lại thấy chăng hay rút cục chỉ là một giấc mơ chiêm bao?…
Mấy câu chàng nói, Nam Trân tự nhiên nhắc lại rồi hai hàng lệ nóng bỗng tràn ướt cặp má đào…
Giữa lúc ấy, nữ nhạc sư hấp tấp chạy đến bên cạnh nàng, thở chẳng ra hơi.
Trái tim ngừng hẳn lại, Nam Trân đứng phắt dậy, hỏi dồn:
- Cái gì thế?
- Nguy to rồi, tiểu thự ạ!
- Nguy làm sao?
Người cung nữ thuật đầu đuôi câu truyện đã lỏm nghe trong mật thất, đoạn vừa khóc vừa kết luận:
- Tiểu thư nghĩ cách nào cứu vớt lấy tính mệnh hoàng tử Bồng Nga, chứ nếu không….
- Trời ơi, nếu không thì…
- Chiếc thân lưu lạc sẽ bị tan tành…
Nam Trân, mặt tái ngắt, luống cuống hỏi mụ già:
- Làm thế nào…
- Vâng, biết là thế nào bây giờ?… Quan Ðô tướng đã kéo quân đi truy nã. Khắp thành trì đã có lệnh giới nghiêm…
Nam Trân để tay lên ngực như muốn giữ lấy trái tim. Nàng rền rĩ:
- Trời ơi! Xin trời thưong lấy khách anh hùng!…
Một phút lặng yên thảm đạm.
Tấm lòng nàng thơ ngây đa cảm, lúc ấy, lã bãi chiến trường của hai mối tình trái ngược cùng mạnh mẽ và cùng thâm thiết như nhau…
Nàng chu toàn cho Bồng Nga ư? Thì phụ thân, thì tổ quốc, thì cả cái quyền lợi của dân tộc Ðại Nam, nàng tính sao? bỏ mặc Bồng Nga với số phận hẩm hiu. Thì… thì….
Bồng Nga chàng hỡi!… Chàng có thấu tình?….

*
* *

Giữa gò đất sỏi, cách phía tây thành Ðồ Bàn chừng bốn dặm xa, một ngọn tháp cao nổi đột ngột trên đám lau vàng.
Gặp những buổi chiều đông u ám, cảnh vật đìu hiu, cái buồn tiêu diệt thấm thía linh hồn, ngọn tháp chơ vơ kia thực là hình ảnh sự tín ngưỡng thiết tha của loài người đau khổ, muốn bay thấu đấng Từ bi.
Xây nên và bỏ hoang lâu ngày, tháp nọ, cũng như hết thẩy mọi công nghiệp của người ta, đã bị Thời Gian, và Thiên Nhiên ngấm ngầm hủy hoại.
Những dây truờng xuân, những dây đinh cấy, bám vào kẽ mạch, leo lên tặn nóc, cố đem cái mau xanh thiên cổ che lấp nét tài hoa của nhân loại in trên mặt đá vô tình. Chỗ nào không bị phủ kín thì gió mưa làm cho đến mòn mõi, phôi pha. Những đầu rui chạm trổ, những bức phá phong hoa mỹ lở gẫy dần, bừa bãi trên sân cỏ rậm.
Trong các khung cửa, các hốc chạm, những loài bồ các, rơi rơi kéo nhau đến làm tổ ở, mừng thầm được chốn an thân.
Nhưng đêm hôm ấy, ánh lửa mập mờ, và những tiếng xì xào dưới hầm đưa lên, khiến chim, thú, khiến cho cả sự lặng lẽ mọi khi phải kinh ngạc.
Hầm không rộng lắm, thêm ẩm ướt tanh hôi. Dưới ánh lửa rễ thông chập chờn bốn ngưòi dị dạng, ngồi sát cánh nhau, đang bàn tán một truyện gì bí mật.
Người ngồi phía trong, nhìn ra cửa hầm, ăn vận một cách quái gở. Cả khuôn mặt bị che lấp dưới chiếc khăn quàng đỏ thẫm, chỉ hở một đôi mắt long lanh. Bên tả người ấy, một thanh niên tráng sĩ da đen, râu rậm; còn bên hữu, một tướng già gầy guộc khô khan. Người thứ tư, vì quay lưng trở ra, dung mạo khuất hẵn.
Cả bốn người rì rầm bàn tán, thỉnh thoảng yên lặng giờ lâu…
Viên tướng già nhìn khắp cử toạ rồi, giọng thấp hẳn xuống, như ai nói bên giường bệnh, hỏi người phía trong:
- Bà đã viết thư cho Dương Công rồi?
- Phải.
- Ngộ thư không tới nơi?
- Nếu thư không chắc tới, sao tội lại mời các ngài đến đây bàn việc?
- Bà lấy gì làm chắc?
- Bức thư ấy do một người thân tín của tôi mang về. Ngưòi ấy, trừ phi có bị giết chết ngang đường mới để lỡ việc của ta.
- Còn đại sự thì cứ nhất định như thế chứ?
- Nhất định.
- Bàn tính kỹ chưa?
- Kỹ lắm. Triều đình nước tôi có ý tôn Cung Ðịnh Vương lên ngôi, nhưng ông ta là nguời nhu nhược, không phải tay đối thủ của Ðúc ông đây. Vả, hiện giờ, Hồ Quý Ly chuyên quyền, văn võ trăm quan chia bè kết đảng họ nghi kỵ ganh ghét nhau là rất hay cho ta.
- Nghĩa là chúng tôi cứ việc lặng yên đem chiến thuyền ra Bắc, vào cửa Ðại An rồi, bất thần, kéo lên đánh phá Thăng Long?
- Chính thế. Vua tôi nhà Trần sẽ giở tay không kịp, sự thắng bại ta có thể nắm chắc mười phần.
- Kế ấy đã đành rất hay, nhưng tôi vẫn ngại sự nội ứng.
- Chắc chắn lắm rồi.
- Còn mặt bộ?…
- … chỉ cần một toán quân mai phục chặn đường, không cho Ðỗ Tử Bình về Bắc là đủ. Thăng Long mà vỡ, Ðồ Bàn, sau một trận nhỏ, có thể khôi phục được ngay.
Viên tướng già quay lại hỏi người phía ngoài:
- Chúa công nghĩ sao?
- Bồng Nga (vì đích chàng) chưa kịp đáp thì, tự cửa hang, thốt vọng vào một tiếng ống lệnh nổ.
Như bị điện giật, ai nấy đứng phắt lên.
Một tiếng lệnh thú hai.
Rồi, trong hầm sâu, mấy tiếng báo hiệu vang lên, thảm đạm:
- Có giặc!…
Với bọn võ tướng, hằng trải gian nguy, một phút ngồi yên không phải là sự nghĩ ngơi.
Gươm, nỏ lúc nào cũng sẵn bên mình.
Vừa nghe quân canh báo giặc, hết thẩy đứng dậy, nhu đàn mãnh hổ, mắt sáng quắc, tai lắng nghe.
Giữa khoảng yên lặng, tiếng chân ai chạy gấp trên mặt sân.
Phút chốc, trong khung cửa lờ mờ sáng, một người hiện ra:
- Có giặc!… Ta bị vây rồi!…
Hai tiếng ống lệnh vừa nổ là của tên lính canh ấy.
Bồng Nga thét:
- Tắt lửa đi! Sĩ tốt bên ngoài vào cả đây. Chớ xung đột vô ích, vì đổ máu lúc này là thừa.
Mọi người răm rắp, tỏ ra sự nguy biến rất quan trọng.
Quân sĩ chen nhau vào hầm.
Bồng Nga, hiểu rõ đưòng lối trong hầm, dẫn quân chạy trốn.
Nhưng, về phía trước, bỗng có tiếng thì thào và tiếng gươm giáo va nhau.
Vội giang hai tay cản bọn theo sau, Bồng Nga khẽ nói: “Ðứng lại!”
Cùng lúc ấy, tiếng hô: “Bắn!”
Một lượt hoả hổ bùng lên.
Nhìn thoáng quân sắc đại Nam, Bồng Nga cũng hô: “Bắn1”.
Một trận mưa bấc, một tia chớp loè. Ba tên quân Chiêm Thành chết ngay.
- Ðường tụy đạo nghẽn rồi. Muốn thoát chết phải ra rừng. Quay lại!
Quân Nam lại bắn.
Ðằng này, theo lệnh của Bồng Nga, chạy lộn ra phía cửa hang.
- Sẳn sàng cả đấy chứ?
- Bẩm, sẳn sàng cả.
- Quái, không hiểu sao chúng nó biết ta ở đây!
- Chắc có nội phản!
- Mặc lòng. Ðã đến nước này, không liều không được. Các ngươi nên nhớ rằng nếu ta bị bắt, kẻ thù sẽ không để sống một người nào. Cũng là chết, ta nên trọn cái chết của người chiến sĩ.
- Xin tuân mệnh.
- Tiến! Tiến lên và cho quân thù biết mặt anh hùng!…
Quân sĩ đồng thanh:
- Tiến!
Ðang chạy, Bồng Nga giật mình, vì chàng thoáng ngửi mùi khói toả:
- À!… Quân này dễ nó hun bọn ta!
- Thì ta phải cho nó biết ta là hùm thiêng!…
Khói mỗi lúc một dầy đặc; ngoài cửa hang, lửa cháy tưng bừng.
Chỉ còn mươi bước.
Bồng Nga đã nhìn thấy gươm dáo của bên địch lập loè.
Chàng nghiến răng, trợn mắt, hăm hở muốn xông ra. Bỗng có người nắm áo chàng lôi lại.
- Kìa! Bố Gia Luân! Sao cản ta?
- Chúa công đừng mạo hiểm…
Bồng Nga gắt:
- Thế ngươi muốn ta hàng giặc à?
- Không phải thế?
- Hay trốn?
- Chúa công nên nguôi giận. Anh hùng phải nên rõ chữ quyền biến. Chúa công hiện nay là hy vọng của một dân tộc, là linh hồn của ba quân, tấm thân nghìn vàng ấy, há nên quăng vào nơi miệng hùm nọc rắn hay sao? Giặc đến đây, chủ ý bắt Chúa công. Nhân nó chưa tường mặt, tôi xin bắt chước Kỷ Tín khi xưa, chết thay vua Cao Ðế…
Bồng Nga cảm động:
- Tướng quân trung nghĩa như vậy, ta xin ghi nhớ bên lòng. Nhưng…
Tiếng reo ngoài cửa hang như sóng cồn đất động…
Bố Gia Luân hăng hái:
- Việc gấp lắm rồi! Chúa công hãy tìm lối thoát thân, đừng để tôi phải chết uổng.
Dứt lời, viên tướng già nhẩy xổ ra ngoài sân, thét:
- Lũ giặc kia!… Muốn xem mặt Chế Bồng Nga thì lại đây!….
Vùua nói vừa sấn vào giữa loạn quân, tung hoành chém giết.
Cảnh xung xát không sao tả được. Tiếng quát mắng, tiếng rên la, tiếng đao, thương, tiếng cung, nỏ vang động một vùng hiu quạnh.
Hai quân áp lá cà trong bầu không khí xặc mùi khói lửa ngã, dậy, lại ngã; thấp thoáng giữa muôn nghìn ánh gươm lia…
Tráng sĩ, đứng cạnh Bồng Nga, nói:
- Nhân lúc này, Chúa công nên tháo mau.
- La Khải! Ta nở nào bỏ Gia Luân, một vị lão anh hùng!…
- Chúa c6ng nếu nghĩ vậy, giang sơn Chiêm Thành không mong gì tái tạo được nữa đâu! Phải đi, đi ngay mới kịp….
- Thế còn lão phu nhân đây?
La Khải cau mày ngẫm nghĩ…
Mụ già hoảng hốt, níu lấy tay áo Bồng Nga:
- Chúa công ơi!… Chúa công… cho già này theo… Ðỗ tử Bình mà bắt được già này thì!…
La Khải trợn mắt, hẩy mụ già xuống đất … một nhát gươm… Một tiếng thở dài…
- La Khải! Sao ngươi tự tiện…
- Bẩm chúa công, lúc này không thể bìu dín được. Ốc chưa mang nổi mình ốc, còn hơi sức đâu mang rêu. Chúa công cho mụ theo đi, tôi e lỡ đến mình rồng; bỏ mặc lại với quân Nam cẩu, việc lớn của ta còn gì!
Nói đoạn, tráng sĩ nắm tay Bồng Nga, cùng chạy lẩn vào đêm tối…
Trên mặt sân, cuộc chém giết vẫn hăng…

*
* *

Chế Bồng Nga băn khoăn hết đứng lại ngồi. Lắm lúc chàng lo ngại, không biết sứ giả có trót lọt chăng. Lắm lúc chàng vui sướng tưởng đến vẻ mặt của Nam Trân khi nhận được thư chàng, vẻ mặt cô gái Ðại Nam mà chàng đã đoán rõ tấm lòng thương xót hâm mộ đối với khách anh hùng luân lạc. Cũng có lúc chàng buồn rầu mơ mộng, vì cuộc gặp gỡ êm đềm của Nam Trân với chàng không hi vọng gì có một sự kết liễu tốt tươi.
Chàng thở dài, ngẫm nghĩ:
- Bỗng không vưóng phải lưới tình rồi ra, vớ mối sầu vong gia thất thổ biết đâu lòng ta chẳng đeo thêm một sự tuyệt vọng chua cay!
Như đáp lại cái bối rối của chàng, một mụ già gánh đôi bồ lớn từ dưới chân gò đi lên bỗng cất tiếng hát…
Trái tim của Bồng Nga nhẩy lên thình thịch; chàng nhìn chăm chú người đàn bà gày ốm có lẽ đã được giáp mặt Nam Trân và sắp kể truyện nàng.
Mọi việc đã trôi chảy đứng như dự tưởng của Bồng Nga. Chế Bun, tên mụ già, lợi dụng sự tin cẩn mà từ quan Trấn Thủ đến anh lính quèn vẫn gửi ơ mụ, một người vẫn cung những món hàng vặt cho tiểu thư Nam Trân, đã len lỏi vào tận trong nội phủ giữa lúc toàn thành đang có lệnh giới nghiêm.
Trong các thứ hàng vặt Chế Bun bày la liệt trên bàn. Nam Trân để ý đến một cái hộp ngà chạm chổ rất tỉ mỉ. nàng cầm lấy chiếc hộp, vân vê xem từng nét chạm. Ðường soi, và, sau khi đã ngắm chán chê, nàng hỏi Chế Bun lấy thìa khoá để xem bên trong hộp ngăn nắp ra sao. Chế Bun giả cách tìm một lát, sau cùng mụ nói trót để quên thìa khoá ở nhà và xin phép về tìm. Nam Trân ưng thuận. Mụ già xếp các vật vào bồ, quảy gánh bước ra.
Một lúc sau, Nam Trân đang nóng xem bên trong chiếc hộp ngà thì tên thị nữ cầm chiếc thìa khoá bằng bạc vào trình, nói rằng mụ Chế Bun gửi lính canh đem dâng tiểu thư vì mụ còn giở chút việc cần nên không vào hầu ngay được.
Nam Trân không để ý tới sự nhỏ mọn đó. Nàng tức khắc mở hộp. Tên thị nữ biết tính Nam Trân không thích có người đúng quanh mình những khi nàng không có lệnh gọi, khẽ khẽ lẻn ra.
Trong hộp ngà, Nam Trân thấy chỉ có một mảnh hoa tiên gấp nhỏ.
Nam Trân cảm động và đoán ngay ra sự gì bí mật. Nàng thổn thức, cất lấy tờ giấy mở ra xem:
Nam Trân tiểu thư.
Ðang khi mắc cạm trong hầm tháp cổ, tôi có ngờ đâu còn được viết bức thư này.
Tiểu thư ơi, từ hôm gặp nhau trong cảnh hoang tàn miếu điện của tổ phụ tôi, tôi đã nhận thấy, tuy tiểu thư chẳng nói ra, tấm lòng thương xót của tiểu thư đối với kẻ xấu số này. Tôi thực cảm động vì mối tình thâm thiết ấy của tiểu thư. Nhưng ở đời, con đường tình ái cổ lai vẫn là con đường gai góc. Tôi, lúc này, cần phải lo trả nợ Non Sông, cùng với người Ðại Nam một phen sống chết. Thế thì, với tiểu thư, ngoài tấm lòng thờ kính riêng để tronglòng, tôi công nhiên là một kẻ thù vậy. Ðó thực là một sự đau lòng, nhưng biết làm thế nào!
Có một điều này, một cái ân lớn tôi muốn cầu xin tiểu thư, nhưng chẳng biết tiểu thư có vui lòng ban cho: đêm nay, tôi muốn được gặp tiểu thư để nói mấy lời cảm tạ, và, trước khi đem thân dâng cho xã tắc, để cùng tiểu thư vĩnh biệt lần cuối cùng.
Cuối canh hai tôi đến. Tiểu thư an tâm, không phải lo cho tính mệnh của tôi, vì đường lối trong thành tôi đã thuộc cả.
Chế Bồng Nga.
Nam Trân liếc mắt nhìn quanh, hoảng hốt. Nàng tưởng chừng hể quay đầu lại thì Bồng Nga đã ở sau lưng!
Trong lúc Nam Trân hồi hộp với phong thư ấy, thì Bồng Nga đang lắng tai nghe mụ già kể lể.
Khi đã hỏi đi hỏi lại về Nam Trân, Bồng Nga mỉm cười cho mụ già lui rồi trở vào trong lều tranh gọi các tướng ta lại bàn việc.
Mọi người vừa hội họp đông đủ, Bồng Nga cất đặt phận sự ai nấy xong lập tức truyền thắng ngựa. La Khải giật mình vội hỏi:
- Chúa công đi đâu?
- Ta phải về Ðồ Bàn có việc khẩn cấp.
- Chết chửa! Chúa công đi sao được? Ðồ Bàn hiện nay canh phòng nghiêm ngặt lắm. Trời lại sắp mưa bão to, chúa công mạo hiểm như vậy e có sự không hay.
Bồng Nga nhìn xa phía chân trời thì quả nhiên cơn giông sắp tới thực. Mặt bể gầm thét và dềnh lên rất nhanh tuy chưa đến giờ thủy triều. Trên cao, mây đen chạy vùn vụt, nối nhau vô cùng vô tận. Gió mỗi lúc một nhanh, một mạnh, tàn bạo, hung hăng như muốn cuốn lôi hết thảy vào trong cơn lốc.
Bồng Nga điềm nhiên nói:
- Mặc! Ta phải đi!

*
* *

Từ lúc xem thư của Bồng Nga, Nam Trân ngồi đứng không yên.
Yêu, thương, lo, sợ, bấy nhiêu tình cảm xôn xao, ray rứt tâm hồn nàng.
Giữa những phút bồi hồi ấy, nữ nhạc sư bỗng tự ngoài vào, băng khoăn lo ngại.
- Thưa tiểu thư, chẳng hay những chậu hoa có cần phải cất vào không ạ?
Nam Trân hỏi:
- Tại sao phải cất?
- Thế tiểu thư không xem chiều trời đó ư? Sắp có cơn bão to lắm, có lẽ đổ cây nước cũng nên.
Nam Trân, nghĩ đến Bồng Nga, hoảng hốt.
- Trời ơi, thực vậy sao? Nguy lắm đấy nhỉ?
- Với tiểu thư ngồi tốt trong dinh thì chẳng việc gì; nhưng, với những dân sự ngoài thành hoặc những kẽ bận công việc phải đi ra đường, cơn bão này nguy hiểm lắm.
- Già tin chắc như vậy chứ?
- Bẩm chắc lắm. Tiểu thư có nghe đấy không?
- Cái gì?
- Rặng phi lao ngoài bờ biển.
- À nhỉ, nó rền rĩ ghê gớm lắm, mà đó chính là cái dấu hiệu báo trước một trận đổ đất nghiêng trời.
Quả vậy, trời tối sập xuống rất nhanh vì mây đen mỗi lúc một nhiều, thỉnh thoảng, một vệt gió qua, lay chuyển nhà cửa; rồi đâu đó lại im lặng như không, cái im lặng tựa hồ sự hấp hối của vạn vật. Nam Trân nhìn ra ngoài, những cây to rùng mình như cảm thấy sự xung đột gớm ghê của gió, của đất, của trời. Nàng kinh sợ, chắp hai tay lại, lẩm nhẩm:
- Lạy Trời, lạy đức Quan Thế Âm bồ tát, xin người che chở cho Hoàng tử.
Lúc ấy, bên ngoài đã tối đen như mực, nhưngmổi làn chớp lại soi sáng cả một vùng cảnh vật bằng cái ánh xanh le thảm đạm. Mỗi làn chớp tắt phụt đi thì tiếng sấm lại nổ ù ù, từ sau giải Trường Sơn chuyển xuống kinh thành Ðồ Bàn rồi mất tăm trên mặt biển sóng cồn. Theo với sấm gió chạy như điên cuồng, vặn cành nhổ cây, tốc mái nhà lên giữa không trung u ám.
Nam Trân, tâm thần mê loạn, nhắc luôn câu nói thiết tha:
- Ví phỏng dọc đường chàng được vô sự thì qua năm vọng gác, tính mệnh của chàng biết có được nguyên lành? Thương ôi, ta là thế nào được bây giờ?
Trái lại với Nam Trân, Bồng Nga càng gần sự nguy hiểm, càng như lẩm liệt thêm lên. Mỗi tiếng sét đánh, chàng lại ngẩng trông trời; mỗi làn chớp lóe chàng lạihé môi cưòi nụ; chàng đã từng phen tranh cạnh cùng người, nay chàng tựa hồ khoan khoái được tranh thắng cùng tạo vật.
Lính hầu đã dắt ngụa chực sẵn ngoài thềm. Bồng Nga vỗ về cô ô chuy đoạn nhảy phắt lên yên. Ô chuy hét một tiếng to, vụt chạy như làn chớp.
Cái cảnh một chàng thanh niên phóng ngựa qua trời giông tố là một cảnh tượng hùng vĩ lạ lùng.
Quanh mình chàng, Bồng Nga chỉ nghe những tiếng cây to gẫy răng rắc, những đám lá vàng, những búi cây nhỏ bị gió cuốn theo rào rạt. Những con hươu, con cày hoảng sợ vớt ngang đường như tên bắn.
Bồng Nga cảm thấy một sự say sưa, một sự kiêu hãnh, nguyên do có lẽ vì chàng thấy trong cảnh xô bồ, hỗn độn của vạn vật, chỉ mình chàng là đang đi tới một mục đích, không chịu tùy theo một sức mạnh nào khác sự quyết định của lòng.
Bồng Nga cứ phóng tràn như thế giờ lâu, nhảy qua những tân cây đổ, vượt những con suối lũ, những tảng đá, lăn từ trên cao xuống, chặn mất lối đi.
Cũng có lúc Bồng Nga thoáng trông thấy bể xanh lờ mờ đang gầm gào xùi bọt, tựa con quái vật không ai cai quản, điên cuồng làm cái việc húc tan cõi đất liền.
Bồng Nga cho ngựa chạy vòng qua chân ngọn Ðồi Tháp, qua cầu đá, vào cửa Chính Nam. Chàng nhảy xuống đất, kéo ngựa vào một khoảnh vườn hoang bỏ đấy rồi theo đường cái chính, giày séo lên những tường long, mái xụp, cây gẫy, nhà đổ tiến về phía Tây.
Chàng đi đưọc rất nhanh là vì giữa lúc phong vũ tơi bời, toàn thành tán loạn, sự canh phòng tra xét, theo sự dự tưỏng của chàng, không đáng sợ nữa.
Bồng Nga mải miết đi, không ai ngờ vực gì cả, nhưng chàng vẫn hết sức giữ gìn.
rồi sau chàng cũng vượt nốt được dải tường hoa bao quanh dinh trấn thủ, lần về lối khuê phòng của Nam Trân.
Trong bóng tối, Bồng Nga lúc này, mới thấy hồi hộp. Trăm nghìn cảm giác sôi nổi, khiến cho tim chàng đập mạnh, máu chạy rất nhanh. Chàng mừng vui, chàng lo sợ, chàng đắc chí khinh nguy hiểm, tuy sự nguy hiểm vẫn luôn luôn rình đợi bên mình.
Trong lúc ấy, Nam Trân ngồi trong phòng, lo sợ, cầu cho bão táp bội lên, nhưng sau, chợt nhó ra rằng một người như Bồng Nga mà đã hẹn làm việc gì thì dù cho trời nghiêng đất lệch cũng không ngăn cản được, Nam Trân lại vội cầu cho bão táp ngớt cơn. Nàng tưởng tượng Bồng Nga bị đè bẹp dưói một bức tưòong xụt, dưới một thân cây đổ hay bị giòng suối lũ cuốn lôi đi. Có khi tưởng tượng bày cho nàng những cảnh thảm thê hơn, cái cảnh Bồng Nga bị quân canh thành vớ được, tấm thân hồ hải tan nát dưới trâm vạn lưỡi gươm thù….
Dần dần giờ hẹn càng gần, sự hồi hộp của Nam Trân càng mạnh. Mắt hãi hùng luôn luôn nhìn ra phía cửa, nàng lắng nghe tiếng sấm sét đừng đùng mà tâm hồn càng thêm mê loạn. Mỗi thời khắc qua đi một nhắc cho nàng biết Bồng Nga đã gần nàng thêm một khúc đường. Trống lầu đánh hết canh một, rồi canh hai, cơn phong ba không những chẳng dẹp được phần nào, lại còn tăng thêm gấp bội. Ngay gian phòng nàng ở, xây đắp kiên cố là thế, vậy mà mỗi cơn gió thốc, nàng tưởng chừng bị cuốn phăng đi. Thỉnh thoảng trong những tiếng ồn ào của sự vật, Nam Trân thoảng nghe có tiếng người kêu cứu, nhưng bị át đi ngay. Ðó là những dân bị đổ nhà, chết người, hoảng sợ kêu rầm lên, nhưng có lẽ cũng biết là vô ích, vì lúc ấy thì còn ai nghĩ đến ai.
Nam Trân không thể ngồi yên được nữa. Nàng lại trước bàn thờ Quan Thế Âm bồ tát, đốt hương, khêu đèn để cầu nguyện cho chàng. Là vì lúc ấy cõi lòng nàng rối loạn quá, nàng cần phải tựa nương vào một sức từ bi nào để khỏi thành mê hoảng.
Nàng cầu cho Bồng Nga thoát được cái tai nạn ở dọc đường. Có lúc cơn giông dữ quá, nếu chàng lại thì không sao khỏi nguy được, Nam Trân vội khấn trời phật giun giủi cho Bồng Nga đừng lại. Nàng khấn vậy nhưng, thực ra, nếu chàng không lại, nàng chẳng khỏi buồn rầu.
giữa lúc ai nấy dù bạo tới đâu cũng đành chúi ở xó nhà mà run sợ, mà có một người dám cợt phong ba lại thăm nàng chỉ để nói với nàng một nhời ân ái, người ấy quả thực là một người xứng đáng với nàng vậy.
- Trời ơi! Xin trời thưong phù hộ cho chàng tai qua nạn khỏi…
Nam Trân thổn thức kêu chửa hết lời, bỗng sau lưng nàng, một câu đáp lại:
- Cảm ân tiểu thư lắm!
Nam Trân rùng mình đứng phắt dậy.
- Nam Trân tiểu thư ơi, tôi quả thực không nhầm, tiểu thư quả thực yêu tôi!
Cùng một lúc, Nam Trân thấy một bàn tay nắm lấy tay nàng, một trái tim đập mạnh trước ngực nàng, cái cảm giác say sưa nàng chưa từng biết tràn ngập khắp linh hồn Nam Trân. Nàng, từ nãy đã đem hết nghị lực chống với cơn bão trong lòng, bấy giờ rời rạc cả tứ chi, không còn sức mà đứng được nữa. nàng tựa vào Bồng Nga, thổn thức:
- Hoàng tử ơi, ai xui cho thiếp gặp chàng?
Bồng Nga ôm chặt Nam Trân vào lòng:
- Phải, ai xui cho ta gặp nhau để ta cùng phải ôm mối khổ tình? Nam Trân ơi, em có thể không quên tôi.
- Không, thiếp không khi nào quên chàng được!
- Nàng yêu tôi cho đến khi nào tôi chết nhé?
Nam Trân khẽ bịt tay lên miệng chàng:
- Sao Hoàng tử nói gở vậy?
Một tiếng sét cực to bỗng nổ ngoài vườn rậm, Bồng Nga buông Nam Trân, vội nhảy ra khỏi cửa biến mất. Nàng ngã gục truớc bàn thờ. Cũng ngay lúc ấy, cánh cửa mở toang, một luồng gió đưa Ðỗ tướng công vào.
- Kìa con, sao vậy?
Nàng nói chẳng , nên lời:
- Thưa cha… tiếng sét ghê gớm quá!
Tiếp với câu nói của Nam Trân, bọn lính canh bên ngoài bỗng kêu rầm lên:
- Có gian tế! Nó lẩn vào trong huê viên rồí
Ðỗ tướng công vội chạy ra, thét quân đốt đuốc. Chỉ nháy mắt, ánh lửa sáng rực, sĩ tốt bạt ngàn chặn hết các lối, rồi một toán đông xục xạo kiếm tìm.
Nam Trân không cònhồn vía nào nữa. nàng cố lê đến bên giường, nằm úp mặp xuống như để giấu nỗi kinh hoàng vào đống chăn gối. Những tiếng quát tháo gần xa, những hiệu lệnh uy nghiêm rắn rỏi của Ðỗ tướng công vọng vào cõi lòng nàng một cách đau đớn.
Trước cái cảnh người cha thờ kính hằn học giết tình lang của nàng, Nam Trân thấy linh hồn tan nát tê mê. Nàng khi không bị hãm vào giữa cuộc tàn sát, đem trái tim non hứng lấy nghìn vạn mũi tên.
Nam Trân đang quằn quại với đau thương, lo sợ thì Bồng Nga vụt nhảy vào phòng nàng, đóng chặt cửa lại.
- Tiểu thư cứu tôi với! Khắp thành bây giờ nhan nhản những sĩ tốt của Ðỗ tướng c6ng, tôi chẳng còn một lối sống nào nữa!
Bồng Nga vừa dứt lời, bên ngoài đã có tiếng đập cửa ầm ầm:
- Mở cửa! tiểu thư mở cửa.
Nam Trân nắm lấy tay Bồng Nga, mặt cắt không còn giọt máu.
- Nguy to rồi, làm thế nào bây giờ?
Bồng Nga cười một cách đau đớn.
- Ðành vậy, tiểu thưạ! Nhưng dù chết tôi cũng còn được một chút thoả lòng là chết ngay trước mặt Nam Trân của tôi.
Nam Trân đau đớn:
- Nếu chàng có mệnh nào, em cũng không sống nữa.
- Chúng ta cùng chết càng hay!
Ðỗ công chừng xốt ruột, thét:
- Nam Trân! mở cửa mau!
Nàng vội đáp:
- Thưa cha, có việc gì vậy?
Vừa nói, nàng vừa mở nắp chiếc hòm gian đựng các đồ tế nhuyễn của nàng đẩy Bồng Nga vào đấy rồi xập nấp lại.
Dưới sức nặng, cánh cửa sắp bật tung ra. Nam Trânrun dsợ, vội rút then. Ðỗ công nhảy xổ vào.
- Sao cha gọi, con không chịu mở cửa ngay?
Nàng cố gượng:
- Thưa cha, con không rõ việc gì nên kinh hãi lắm.
Ðỗ công chẳng để ý đến câu trả lời, đưa mắt nhìn khắp phòng tỏ ý nghi ngại.
Ánh nến vẫn sáng rực. Các đồ trần thiết vẫn nguyên chỗ, không có gì khác thường.
Ðỗ tướng công ngập ngừng hỏi:
- Con có thấy gì lạ không?
Nàng nhìn cha một cách thẳng thắn.
- Thưa cha không.
- Vậy mà sĩ tốt nhiều người thấy rõ hắn chạy vào đây.
- Con không nghe động tĩnh gì cả.
- Con chưa đi nghỉ còn thức làm gì?
- Gió bão to quá, con lo sợ nên không ngũ được.
Ðỗ công tần ngần một lát đoạn lui ra. Tới cửa ngài còn dặn với:
- Con tắt đèn đi nghỉ, hễ thấy gì khác chỉ việc gọi. Bên ngoài binh lính lúc nào cũng sẵn sàng đợi lệnh.

*
* *

Cửa bể Ðại an, sớm tinh sương hôm ấy, âm thầm mà bí hiểm biết chừng nào.
Mây mù bao phủ khắp trời càng lâu càng tu thành những đám đen ghê sợ, xếp đống trên đường chân trời. Ánh sáng nhạt nhẽo, không khí sặc mùi muối và lạnh buốt. Gió thổi mạnh như lùa vào cửa hang. Những lớp sóng màu mực loãng rập rờn, xô đẩy nhau tung bọt trắng lên bờ. Thỉnh thoảng, một con hải âu lượn lờ trên sóng như muốn đo những sức mạnh vô cùng. Những sức mạnh vô cùng, tự nghìn vạn năm Hoá công để thừa thãi phí phạn như thế, đối với trí não loài người, thực là một cảnh tượng hãi hùng vì khó hiểu.
Ðần dần những đám mây đen xé ra từng quãng, để lọt xuống những bó ánh nắng vàng hoe in loang lổ trên mặt sóng tơi bời.
Trên chòi canh dựng ngay trong lợi nước, một tên lính canh bỗng ngồi nhỏm dậy, vươn vai, ngáp, giụi mắt, vớ chiếc điếu cày rít một hơi thẳng cánh. Choáng váng say, tên lính khoan khoái đứng lên nhìn vơ vẩn ngoài khơi.
Bỗng hắn vịn hai tay vào bao lan tre, vươn hẳn nửa mình ra ngoài, mắt giương to, chăm chú.
Xa xa, chỗ mà nước bể như nối mây trời, cái gì như một con rắn dài nổi lềnh bềnh trên sóng.
Tên lính giụi lại hai mắt, nhìn kỹ rồi vẻ hoảng hốt bỗng hiện trên nét mặt ngăm đen.
Hắn quay lại phía sau, vớ chiếc dùi trống đánh gấp ba hồi chín tiếng, đoạn, quăn dùi, hắn vớ chiếc tù và rúc một thôi dài thảm đạm.
Tiếng trống và tiếng tù và đột ngột nổi lên giũa cảnh trời nước mịt mù ấy như có một luồng điện mạnh chạy khắp đoàn thuyền chiến đang nằm im trong thủy trại.
Thoạt đầu là các tưóong tá rồi đến binh sĩ tự trong khoang nhảy lên mui. Những hiệu lệnh ngắn ngủi, ráo riết như quật mạnh lên cái xôn xao của ngót hai vạn người, lúc ấy, đã bạt ngàn trên các thuyền to nhỏ. Rồi, chỉ nháy mắt, kẻ ra mũi thuyền, người về lái, toán này lắp mái chèo, toán kia sắp cung nỏ, súng đồng, toán khác dụ bị giáo trường, gươm sắc, việc ai việc nấy sẵn sàng chờ đợi sự phi thưòong.
Theo dấu hiệu của quân canh, các đại tướng nhìn ra khơi thì con rắn bể lúc ấy đã gần lắm. Ðó là một đoàn thuyền chiến, sắc cờ trắng toát, biểu hiệu của Chiêm Thành.
Chín tiếng súng đồng nối nhau nổ, át cả tiếng ầm ào của sóng nước. Cửa thủy trại mở toang, đoàn thuyền khổng lồ từ từ ra khơi nghênh địch.
Ðứng trên thuyền chủ soái, dưới lá cờ đại sắc hồng, Ðỗ Tử Bình, giáp trụ gọn gàng, trông uy nghi như một tướng thần.
Một trăm con thủy quái bằng gỗ theo dịp chèo đều đặn lướt trên muôn nghìn lớp sóng mà ánh chiêu dương đã nhuộm mầu máu đỏ.
Ðằng kia, thuận chiều gió, bao nhiêu cánh buồm căng thẳng, xa nom như một toán cò bay.
Hoàng tử Chế Bồng Nga, mình vận nhung trang, đứng ngay mũi chiếc thuyền lớn hình rắn chín đầu mặt hơi lộ vẻ băn khoăn. Là vì Bồng Nga, như mưu kế đã sắp sẵn, không ngờ quân Ðại nam lại biết trước và sẵn sàng nghênh địch. Tuy vậy, Bồng Nga vẫn tin ở cái tài thủy chiến của quân Chiêm Thành, tin ở cái lòng hy sinh cảm tử của hết thảy những kẻ dưới quyền sai bảo của mình và nhất là ở sự có thể toàn thắng do cái tình thế rối loạn của Trần triều mà ra.
Chàng thét bảo quân sĩ:
- Hỡi các người, số phận của Chiêm Thành là tùy theo ở trận này. Các ngươi nên tỏ cho Nam cẩu biết rằng các ngươi là dòng giống thần minh oanh liệt. Các ngươi nên tin rằng trên cao kia, vong hồn tiên tổ chúng ta đang theo dõi để nhìn chúng ta đền nợ nước….
Ba quân nức lòng reo như bão táp. Hàng vạn mái chèo mõi lúc một cử động nhanh hơn, làm cho sóng cồn nổi bọt. sự hăng hái không lấy thước đâu mà lường được.
Bên Nam quân nghe tiếng hò reo, cũng gào thét vang trời. Ai nấy như điên như cuồng, vì trong không khí, ngoài mùi muối biển, người ta như phảng phất thấy có mùi máu tươi.
Trên cao, mây đen dần tản mạn bị làn gió cuốn đâumất cả, sắc trời lộ vẻ xanh trong. Vầng thái đưong sáng chói giọi ánh nắng xuống mặt bể màu lam biếc. Cả thiên nhiên điềm tĩnh chờ xem cuộc chém giết của ngưòi với người.
Sự cách biệt của hai đoàn quân mỗi lúc một co ngắn lại. Tự thuyền bên này đã trông rõ người thuyền bên kia. Ðiều ấy càng khiến mọi người hăng hái, xoa tay chờ sự xung đột cuối cùng.
Tiếng trống trận nổi lên, tiếng quát tháo ầm ào, sự nóng nẩy của hai cánh quân thù như truyền xuống những chiếc thuyền gỗ nặng nề to lớn.
Một tiếng loa thét. Quân Nam bắt đầu khai pháo. Súng đồng nổ, dây cung bật, tên đạn bay như mưa. Bên này, Chiêm Thành cũng bắn. Sĩ ttốt đã nhiều người lăn xuống nước.
Sau trận mưa tên đạn, quân Nam được lệnh khai hoả pháo. Tên lửa rạch ngang không khí bắn sang phía Chiêm Thành, những cánh buồm bén lửa cháy bùng bùng.
Lúc này, hai đối phương đã gần áp mạn. Cung nỏ dẹp xuống, đến lượt gươm giáo vung lên. Trong đám xô bồ, những làn chớp lập loè hoa mắt vung máu như mưa.
Các tướng tá, sĩ tốt tranh nhau công đầu nhảy vọt cả sang thuyền địch. Những bộ áo chiến loè loẹt xoắn lấy nhau, những tiếng gầm hét, những tiếng rền rĩ, những tiếng kim khí lích kích, những tiến sóng cồn, những cái đầu lăn long lóc trên sạp thuyền, những cái ngực vỡ toang, những thân người cụt rơi xuống nước bày ra một cảnh tượng thê thảm, hãi hùng tàn khốc.
Giữa khi trận đánh đang hăng, sự thắng bại còn như treo lơ lửng ngang trời, thì, xa xa đằng chân sóng, buồm trắng lại hiện ra xan xát. Quân Chiêm Thành thấy có trợ lực reo ầm lên. đỗ Tử Bình ngảnh lại nhìn Thế Hưng bằng cặp mắt lo ngại,k nhưng chỉ thoáng qua.
Trần Thế Hưng nói:
- Tướng công nên phân chiến thuyền làm hai đội vây bọc lấy giặc và đánh gấp cho tan đi để tránh số đông.
Ðổ Tử Bình nghiến răng, hằn học:
- Quái! Không biết Chế Bồng Nga ở thuyền nào?
Tử Bình vừa nói dứt lời, một chiếc thuyền con bên giặc bỗng chạy xộc lại như chắn đường.
Thế Hưng múa gươm định thét quân nhảy sang. Viên tướng chàm chỉ huy chiếc thuyền nhỏ bỗng khao tay khoa chân như muốn nói chuyện chi khẩn cấp.
Tử Bình tuy ngờ là mưu phản, cũng sai sĩ tốt dừng chèo th6i bắn, chờ xem. Hai thuyền vừa giáp nhau, tướng chàm nhảy sang thuyền Tử Bình, quỳ xuống làm lễ.
Tử Bình thét hỏi:
- Bay muốn gì?
Tướng chàm khép nép:
- Bẩm đại soái, chúng tôi tuy mặc quân phục Chiêm Thành mà thục là giống người Ðại Nam. Chúng tôi chỉ mong ước được trở về nước tổ nên muốn nhân dịp này…
Tử Bình hỏi luôn:
- Ðã vậy thì Ché Bồng Nga ở thuyền nào?
Chỉ chiếc thuyền rắn chín đầu, tên tướng chàm nói:
- Bẩm đại suý, Bồng Nga hoàng tử là người mặc áo chiến đen kia kìa…
tử bình lập tức thét võ sĩ trói hàng tướng lại để phòng việc bất trắc, đoạn truyền cho súng đồng cứ chõ cả sang thuyền Bồng Nga mà bắn.
Một loạt thần công nổ nhu sấm sét. Bồng Nga đang mãi điều khiển sĩ tốt bỗng kêu lên một tiếng, ngã gục xuống.
Trần Thế Hưng vẫy tay cho quân thôi bắn, đoạn cắp gươm cùng với mươi dũng sĩ nhảy vọt sang thuyền Bồng Nga. Quân chàm hoảng sợ đâm nhào cả xuống biển.
Trần Thế Hưng vung kiếm, đầu Bồng Nga lăn lóc trên sạp thuyền.
Thế Hưng nắm tóc, nhắc thủ cấp Bồng Nga giơ lên:
- Chém được Bồng Nga rồi!
Hơn vạn quân tiếp theo:
- Bồng Nga chết rồi! Ðại nam tổ quốc vạn tuế!
Mất chủ tướng, quân chàm không còn hồn vía nào nữa, kêu khóc như gi rồi mạnh ai nấy tìm đường thoát chết. Cả một đoàn quân tì hổ phút chốc tan tành. Ðổ Tử Bình hô quân đuổi theo chém giết, máu người đỏ loang cả mặt bể.
Ðoàn viện binh Chiêm Thành chưa kịp đánh nhau đã quay mũi chạy. Nam quân đuổi rõ xa…
Cái tin giặc Chiêm Thành vừa mấy giờ về trước làm cho dân cư miền duyên hải sợ hết hồn thì, lúc ấy, sự thắng lợi của Nam quân lại làm cho ai nấy vui mừng nhảy nhót.
Tử Bình cho đuổi xa mươi hải lý mới hạ lệnh thu quân. Trên mặt bể Ðại Ana, tiếng ca khải hoàn của hơn mười ngàn binh sĩ như tung sự vui mừng lên tận mây xanh.

*
* *

Giữa khi, trên cửa bể Ðại an, cuộc xung xát đang gớm ghê tàn khốc thì, trong phủ Ðỗ Tướng công, ở về phía Bắc kinh thành, Nam Trân tiểu thư tựa bao lan nhà thủy toạ, đang như chìm đắm trong sự mơ màng.
Nàng vẫn đẹp lỗng lẫy như xưa, nhưng màu da xanh lướt; hai quần mắt tím lại tỏ ra rằng tiểu thư không ngủ và thường hay khóc âm thầm; cặp môi son nhạt vẫn gượng một nũ cười chua chát. Hơi thở đứt khúc và nặng nhọc làm chiếc vòng ngọc rung rinh.
Nàng lặng ngắm mặt hồ lộn bóng mây ảm đạm. Thỉnh thoảng, một tầu lá vàng rụng xuống, mấy đợt sóng tròn nổi gợn, đuổi nhau rồi tan đi…
Từ sáng sớm, tin quân Chiêm Thành ra đánh khiến như thế bồi hồi lo sợ. Nàng lo rằng trong cuộc tranh hùng kia, sự thắng về bên nào cũng đau khổ cho nàng vô hạn. Vì, nếu một bên thắng lợi tất bên kia phải bại vong. Kẻ bại vong sẽ là cha hay chồng? Dù là ai nữa thì lòng nàng cũng phải đeo thêm một mối hận trường. Than ôi! Lợi danh là cái gì mà vì nó loài người tự thiên vạn cổ nỡ thù hằn chém giết nhau để cho những trái tim vô tội phải héo hon tê tái?
Tiếng nhạn bay qua. Nam Trân ngẩng đầu nhìn theo, vơ vẩn. nàng thở dài, cả linh hồn như muốn bay cao, bay đến nơi chân mây mặt sóng để kêu gào nhữngnỗi đau khổ hoạ may có giảm bớt được sự oán thù đang làm cho hai quân hằn học đâm bắn nhau không chút thương tâm.
Nữ nhạc sư rón rén lại gần. Nam Trân ngoảnh nhìn, ứa nước mắt. nàng khẽ cất tiếng thở than:
- Già ạ, tôi lo quá, mà không biết làm thế nào được. Bên tình bên hiếu, bên nào cũng nặng như núi non. Tôi không ngờ Tạo hoá lại dành phần cho tôi những sự oan trái như thế. Trận này không biết kết liễu ra sao? Kết liễu ra sao cũng là một sự tôi không có can đảm chờ mong…
Nam Trân gục đầu thổn thức. Nữ nhạc sư cũng gạt thầm hai giọt lệ khan nguồn.
Nàng nhớ lại cái đêm hôm ấy, cái đêm lệch đất nghiêng trời, cái đêm mà Bồng Nga đã bị thần chết nắm hụt tà áo chiến. Trong lúc gian nguy, nàng đã nói cùng chàng một câu đến nay nàng vẫn chưa quên: “Nếu chàng có mệnh nào, em cũng không sống nữa”. Phải, trong trận này, nếu Bồng Nga bị giết thì Nam Trân sẽ không thể sao sống được. nếu nàng sẽ mất hi vọng tương lai, nếu trái tim nàng sẽ trở nên cái mả chôn vùi một tấm hình đã chết thì đối với nàng, cuộc đời còn có vui gì? Nhưng, trái lại, nếu Bồng Nga được toàn thắng, nếu chàng thu lại được sự tự do cho Tổ quốc chàng để đến nổi phụ thân nàng phải thân vùi sóng mặn thì mẹ già nàng sẽ đau khổ, nàng sẽ phải thù oán chàng cho tới ngày nhắm mắt!
Nam Trân ngẩn đầu, nhìn trời quan bằng đôi mắt ai oán và rên một tiếng não nùng:
- Trừ phi hai nước hoà nhau!…
Ðáp lại nhời ước mong không thể thực hiện được của Nam Trân, tiếng reo hò bỗng từ xa xa ngoài phố đưa lại.
Nam Trân đứng phắt dậy, mặt tái mét, lắng nghe.
Tiếng reo vẫn như tiếng sóng cồn.
Nàng giục nữ nhạc sư:
- Già chạy ra cổng xem cái gì thế. Mau lên!
Rồi, như không thể gượng được nữa, Nam Trân lại ngồi phịch xuống ghế, mắt giương to, môi hé ở, hai bàn tay bíu chặt lấy bao lan, chờ đợi.
Nàng chờ đợi như thế không biết từ bao lâu. Tiếng người lão phụ Chiêm Thành khiến nàng như tỉnh giấc mơ:
- Tiểu thư ơi, xong cả rồi!…
Nàng rền rĩ:
- Xong cái gì mới được chứ?
- Ðỗ tướng công…
Nàng rú lên và đứng dậy:
- Cha tôi? … Làm sao?
- Tướng công nhà đại thắng, đang kéo quân về triều.
Nam Trân để một bàn tay lên ngực:
- A, cha tôi thắng trận?
- Bẩm vâng, tướng công nhà đại thắng, còn Hoàng tử Chế Bồng Nga…
nàng nói theo như cái máy:
- Ừ, còn Hoàng tử Chế Bồng Nga…
Nữ nhạc sư ôm mặt khóc:
- Có lẽ tử trận rồi!
- Chàng tử trận rồi? Già nghe người ta nói vậy sao?
- Bẩm không, nhưng có thể như thế lắm chứ!
Như người gần chết ngụp còn cố víu lấy một vật nổi, Nam Trân cãi:
- Không có lẽ. Cha tôi chỉ thắng trận thôi mà!… Quân Chiêm Thành tuy thua mà Hoàng tử Chế Bồng Nga có thể không việc gì.
Nàng tuy nói vậy mà thực ra tâm thần đã rối loạn lắm. loạng choạng như người say rượu, Nam Trân gượng bước vào khuê phòng. Số phận nàng, cái số phận thảm thê bi đát của nàng thế là chín mươi chín phần trăm đã quyết định đúng như sự bồi hồi lo sợ của nàng từ sáng sớm. 

Không có nhận xét nào: