Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Kissinger-Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố (William Bel) - Phần 1

LỜI NÓI ĐẦU

Kít-sinh-gơ (Những biên bản hội đàm tuyệt mật chưa công bố) do Nguyễn Văn Giang và Nguyễn Xuân Bích biên dịch, theo cuốn “Kít-sinh-gơ bí lục" bằng tiếng Hán do Nhà xuất bản Viễn Phương Trung Quốc xuất bản tháng 4 năm 1999, là cuốn sách công bố những ghi chép (Biên bản hội đàm) của Kít-sinh-gơ, lúc đó là một nhân vật ngoại giao nổi tiếng thế giới với chức năng là Cố vấn An ninh quốc gia của Tổng thống, Quốc vụ khanh và Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ.  

Nhà xuất bản Thanh Niên


LỜI GIỚI THIỆU

Cuốn sách này được xuất bản lần đầu tiên, với nội dung là một phần biên bản hội đàm của Hăng-ri Kít-sinh-gơ với các nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc và Liên Xô. Một phần biên bản này đã công bố. Kít-sinh-gơ lúc đó là trợ lý đặc biệt của Tổng thống Mỹ về An ninh quốc gia, và là Bộ trưởng Ngoại giao thời Ních-xơn và G.Pho, cho đến nay nhiều nội dung trong hội đàm còn được giữ bí mật, nhưng những biên bản chi tiết được công bố về các cuộc nói chuyện sẽ giúp độc giả nắm được một số tài liệu, hiểu thêm về một phần trong những sự kiện quan trọng trong lịch sử thế giới hiện đại-các cuộc đối thoại; và ảnh hưởng của chúng giữa Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, Phó Thủ tướng Đặng Tiểu Bình và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép, Ngoại trưởng Liên Xô Grô-mư-cô với Kít-sinh-gơ, người xây dựng chính sách ngoại giao được lịch sử Mỹ hiện đại đề cao tán dương cũng như chỉ trích.

Biên bản các cuộc đối thoại này cho đến nay vẫn được dư luận quan tâm, nó cho thấy sự ảnh hưởng của một số nhân vật lịch sử đối với chính sách và hoạt động ngoại giao trong thời kỳ lịch sử chiến tranh lạnh. Lúc đó, chính quyền Ních-xơn đang tìm cách làm dịu mối quan hệ căng thẳng giữa Mỹ với Liên Xô, một đối thủ hùng mạnh và xây dựng quan hệ ngoại giao với kẻ thù trước đây, nước cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.

Tổng thống Ních-xơn, rồi Tổng thống kế nhiệm G.Pho và nhà ngoại giao Kít-sinh-gơ đều theo đuổi một chính sách thân thiện đối với Trung Quốc và Liên Xô, nhằm một mặt giảm đến mức tối đa nguy cơ bùng nổ chiến tranh hạt nhân do các cuộc xung đột trực tiếp trong tương lai gây nên, mặt khác xây dựng mối quan hệ thân thiết với Trung Quốc và Liên Xô trong bối cảnh hai nước này đang đối địch nhau, nhằm gây ảnh hưởng bao trùm lên cả Bắc Kinh và Mát-xcơ-va, hòng duy trì được vai trò lãnh đạo của Mỹ trong quan hệ quốc tế. Do vậy, "Ngoại giao tam giác" nhằm phát triển quan hệ và lợi ích giữa Oa-sinh-tơn với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đã trở thành cốt lõi của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ thời Ních-xơn và G.Pho.

Nội dung các cuộc nói chuyện đề cập trong cuốn sách này cho thấy Kít-sinh-gơ đã cố gắng như thế nào trong việc thực thi chính sách này, ít có một nhà ngoại giao nào lại nổi danh thế giới nhưng cũng lắm điều bê bối như Kít-sinh-gơ. Khi là trợ lý đặc biệt về An ninh quốc gia của Ních-xơn, Kít-sinh-gơ là nhân vật thường xuất hiện trên tờ "Thời đại" và tờ "Tuần tin tức". Trong một số buổi dạ hội, Kít-sinh-gơ hay xuất hiện bên cạnh minh tinh màn bạc. Với biệt tài: Biết cách lấy lòng người, ông ta đã giành được sự quan tâm và ủng hộ của giới truyền thông, bằng cách tiết lộ cho giới báo chí một vài thông tin hoặc chỉ thị có chọn lọc với danh nghĩa "quan chức cao cấp của Chính phủ”.

Kít-sinh-gơ nhận thấy mình nổi tiếng khắp nơi, rất có lợi cho việc củng cố uy tín của mình. Thích thú với việc nình trở thành trung tâm của công luận, nhưng Kít-sinh-gơ không muốn trở thành đối tượng bị bình luận phê phán về công việc của người xây dựng chính sách và Cố vấn Tổng thống. Cho đến nay rất ít người biết được quan điểm cá nhân của Kít-sinh-gơ đối với những quyết sách và các cuộc đàm phán, trong đó Chính phủ Mỹ và Kít-sinh-gơ đóng vai trò quan trọng, cũng như mối liên hệ giữa ông ta với lãnh đạo các nước. Kít-sinh-gơ muốn như vậy?

Giữ bí mật nghiêm ngặt là một trong những thủ đoạn quan trọng của Kít-sinh-gơ để kiểm soát chính sách và sách lược ngoại giao. Giữ bí mật quốc gia là truyền thống của chính quyền Oa-sinh-tơn từ sau thế chiến thứ hai đến nay, đã được Kít-sinh-gơ phát huy đến mức tối đa. Các văn kiện cơ mật không kể đó là loại thông tin "kênh ngầm" hay biên bản của Tổng thống hội đàm với lãnh đạo nước ngoài, Kít-sinh-gơ đều kiểm soát chặt chẽ từ khâu lưu trữ đến bảo quản. Ông ta tin rằng, kiểm soát chặt chẽ những thông tin then chốt và nhạy cảm là rất cần thiết để góp phần làm cho sách lược ngoại giao giành thắng lợi bất ngờ, đồng thời còn làm cho đối thủ đàm phán không nhận ra được những bản tuyên bố mang tính bịp bợm, đảm bảo cho Nhà Trắng kiểm soát được chính sách và giành thắng lợi trong ngoại giao. Kít-sinh-gơ hay nổi cáu khi bất kỳ bí mật nào của Chính phủ bị lộ cho báo chí. Để tìm ra và trừng phạt kẻ để lộ bí mật, ông ta không ngần ngại lén nghe điện thoại của quan chức cấp dưới với phóng viên báo chí.

Trong thực tế, để giảm tối đa sự rò rỉ bí mật và đảm bảo sự kiểm soát của Nhà Trắng về chính sách, các viên chức của Kít-sinh-gơ phải định kỳ chuẩn bị trước những biên bản hội đàm chính thức đã được xử lý để phát cho các cơ quan hữu quan. Trước khi trở thành Ngoại trưởng, Kít-sinh-gơ cấm không cho các chuyên gia Bộ Ngoại giao biết tiếng Trung và tiếng Nga tham dự các cuộc Hội nghị cấp cao giữa Mỹ với Trung Quốc và Liên Xô.

Vì vậy, đầu những năm 1970, trong các cuộc gặp giữa Ních-xơn và Kít-sinh-gơ với Mao Trạch Đông và Brê-giơ-nhép đều không thể không sử dụng phiên dịch Trung Quốc hoặc Liên Xô, và không thể kiểm tra được mức độ dịch chính xác trong các tuyên bố chính trị của Chính phủ Mỹ nên cả hai bên đều không hiểu mình đã rõ sự khác biệt các chi tiết hay chưa? Rõ ràng, Kít-sinh-gơ đành chấp nhận sự khó khăn và bất tiện đó để không cho đối thủ chính trị nắm được bí mật của cuộc hội đàm.

Trong 6 năm làm việc ở Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao, Kít-sinh-gơ đã rất thành công trong việc giữ bí mật quốc gia. Nhưng văn kiện về cuộc khủng hoảng Nam Á bị tiết lộ và sự kiện bê bối về việc ông ta nghe trộm điện thoại của trợ lý Hội đồng An ninh quốc gia bị phanh phui lại là một ngoại lệ lớn

Sau khi G.Pho thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 2, Kít-sinh-gơ quyết định siết chặt kiểm soát các văn kiện, nhằm bảo vệ cho tiếng tăm khi phải rời khỏi Chính phủ này. Vì vậy, tháng 1/1977 rời khỏi Bộ Ngoại giao, ông ta đã chuyển phần văn kiện trong khối lượng lớn văn kiện lưu giữ tại Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao sang Thư viện Quốc hội. Với hành động trên, Kít-sinh-gơ có thể tiếp tục sử dụng văn kiện đó để viết hồi ký. Nhưng cho đến nay công chúng vẫn chưa được tiếp cận hết với loại văn kiện trên.

Tuy trong thời gian tại chức, Kít-sinh-gơ thường xuyên tranh cãi với Quốc hội, nhưng Luật Tự do thông tin (FOIA) đã bảo vệ ông về mặt hiến pháp sau khi ông ta từ chức, bởi ông ta biết cách lách qua kẽ hở của pháp luật. Luật FOIA nhằm bảo vệ các văn kiện cơ quan Nhà nước, còn Kít-sinh-gơ lại quyết định lưu giữ văn kiện của mình ở Thư viện Quốc hội. Do vậy một số lượng lớn văn kiện bí mật, bao gồm biên bản quan trọng trao đổi bằng điện thoại trong thời gian Kít-sinh-gơ làm Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Nhà Trắng đều nằm trong tay ông ta, đồng thời tách biệt với những nhà nghiên cứu lịch sử, phóng viên và đông đảo công chúng muốn tìm hiểu, khám phá.

Dù rằng, các biên bản của Chính phủ phản ánh chính sách ngoại giao toàn diện nhất của Ních-xơn và G.Pho nằm trong tay cá nhân Kít-sinh-gơ, đã dựng nên bức tường ngăn cách đối với những người nghiên cứu, nhưng quan chức của Chính phủ và Cục lưu trữ hồ sơ vẫn nắm được một số tư liệu gốc của Kít-sinh-gơ có liên quan tới chính sách ngoại giao của Ních-xơn và G.Pho.

Ví dụ: Cục lưu trữ hồ sơ có lưu giữ văn kiện về An ninh quốc gia của chính quyền Ních-xơn, trong đó có cả văn kiện làm việc của Kít-sinh-gơ. Rõ ràng, những văn kiện đó chính là bản sao một phần văn kiện của Kít-sinh-gơ lưu trữ trong thư viện Quốc hội. Hiện nay, Cục lưu trữ hồ sơ đang lần giở lại từng trang văn kiện của Ních-xơn về An ninh quốc gia.

Cuối cùng, cùng với việc hàng loạt bí mật được công khai, tất cả biên bản có liên quan sẽ được công bố, bao gồm tóm tắt báo cáo hàng ngày của Kít-sinh-gơ với Ních-xơn, biên bản hội đàm của Kít-sinh-gơ, Ních-xơn với lãnh đạo cấp cao các nước, cùng những tư liệu "kênh ngầm" của họ. Những trợ lý thân cận của Kít-sinh-gơ hồi đó cũng có trong tay biên bản Hội đàm của Kít-sinh-gơ với lãnh đạo cấp cao các nước, là những văn kiện tương tự mà Cục lưu trữ hồ sơ Quốc gia và Bộ Ngoại giao chuẩn bị đưa ra công khai, như vậy có khả năng một số văn kiện quan trọng sớm được công bố.

Uyn-tơn Lốt là một trong những trợ lý của Kít-sinh-gơ làm Đại sứ Mỹ ở Trung Quốc trong thời kỳ Tổng thống Bút-sơ cầm quyền, là trợ lý về công việc Đông Á và Thái Bình dương thời kỳ Kít-sinh-gơ làm Ngoại trưởng. Làm việc trong các cơ quan hoạch định chính sách ngoại giao từ năm 1960, đến năm 1969 Lốt ở tuổi 32, đã tham gia Hội đồng An ninh của Kít-sinh-gơ, đã trở thành trợ lý đặc biệt và cánh tay đắc lực của-Kít-sinh-gơ trong chính sách đối với Trung Quốc.

Trong các Hội nghị Trung-Mỹ, Lốt làm nhiệm vụ ghi biên bản, viết thông tin “kênh ngầm", tuyển chọn loại rượu ngon và ánh sáng phù hợp cho các cuộc họp ban đêm có bửa ăn. Lốt cũng biết Kít-sinh-gơ, và đồng tình với việc CIA nghe trộm điện thoại của mình để tìm ra thủ phạm tiết lộ bí mật về vụ đánh bom ở Cam-pu-chia hồi 1969, nên Lốt vẫn quyết định ở lại cơ quan ngoại giao cấp cao này.

Tháng 9 năm 1973, Kít-sinh-gơ nhậm chức Ngoại trưởng, và đã bổ nhiệm Lốt phụ trách nhóm kế hoạch ngoại giao (PPS), Lốt đã phát huy được vai trò trụ cột trong chính sách đối với Trung Quốc. Lốt đã thu thập được nhiều văn kiện có tính nhạy cảm cao và những văn kiện này, cho thấy hàng loạt đối sách của Kít-sinh-gơ trong quan hệ với Trung Quốc ở những năm 70.

Trong điều kiện pháp luật cho phép công khai những văn kiện quá khứ, Bộ Ngoại giao đã mở văn kiện PPS của Lốt lưu giữ tại Cục lưu trữ hồ sơ, có tất cả biên bản trao đổi của Kít-sinh-gơ đó là nguồn tư liệu quan trọng nhất cho cuốn sách này. Theo quy định của Luật tự do thông tin (FOIA) Bộ Ngoại giao còn cho những bí mật trong các biên bản Hội đàm khác của Kít-sinh-gơ, do các cộng sự khác của Kít-sinh-gơ và các ngành khác lưu giữ.

Biên bản hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Brê-giơ-nhép và Ngoại trưởng Grô-mư-cô. Từ năm 1972-1973 thời kỳ quan hệ Mỹ-Xô dịu đi và đến đỉnh cao, các hồ sơ được niêm phong kỹ. Nhưng từ năm 1974 đến 1976, quan hệ Mỹ-Xô trở nên căng thẳng. Bộ Ngoại giao Mỹ đã cho công bố các biên bản hội đàm trong thời gian đó. Biên bản đã ghi lại tỉ mỉ cuộc trao đổi giữa Kít-sinh-gơ với phía Liên Xô, bao gồm cuộc đối thoại về hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn II (SALT II) và Hội nghị An ninh và hợp tác khu vực châu Âu, về hợp tác kinh tế và tình hình Ăng-gô-la.

Nói tóm lại, biên bản văn kiện của Lốt lưu giữ trong Cục lưu trữ hồ sơ Quốc gia và biên bản có liên quan do Bộ Ngoại giao công bố đã cung cấp những chứng cớ xác đáng về nỗ lực cua Kít-sinh-gơ, nhằm đẩy mạnh nền ngoại giao "tam giác".

Điểm làm cho người ta chú ý nhất là biên bản đã cung cấp những chi tiết rất cụ thể mà trước Kít-sinh-gơ, đều không có quy định cụ thể về yêu cầu đối với biên bản Hội nghị cấp cao của Chính phủ.

Biên bản Hội nghị nói chung là tỉ mỉ, nhưng Hội nghị cấp Tổng thống không cần thiết phải ghi chép từng chữ. Kít-sinh-gơ rất không hài lòng về cách ghi biên bản như vậy, ông ta dứt khoát cho rằng, biên bản phải ghi thật tỉ mỉ, không bỏ sót chi tiết khác biệt nhỏ nhất (cho dù lúc đó không có phiên dịch Mỹ). Biên bản như vậy phục vụ cho sự quyết sách chính trị hiện đại và việc viết hồi ký sau này. Vì vậy Kít-sinh-gơ đã chỉ thị cho các trợ lý trong Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) là Uyn-tơn Lốt, Pi-tơ Rô-đơmen v v . phải làm bút ký Hội nghị và biên bản Hội nghị thật tường tận, ghi lại từng sự kiện trong Hội nghị không chỉ có nội dung cuộc nói chuyện, mà cả không khí và động thái trong Hội nghị lúc đó.

Ví dụ như thói quen của Brê-giơ-nhép hay đi đi lại lại trong phòng họp, hay động tác quen thuộc cầm ống nhổ của Đặng Tiểu Bình. Những biên bản tường tận, tỉ mỉ như vậy đã phản ánh cá tính đặc biệt của Kít-sinh-gơ là uyên bác, tự phụ, suy nghĩ chu đáo nhưng rất nhạy cảm, hay tâng bốc kèm theo bịp bợm, hóm hỉnh nhưng có thói giễu cợt người vắng mặt.

Điều quan trọng hơn, những biên bản đó đã tạo ra cho ta một căn cứ khách quan và độc lập hơn để đánh giá Kít-sinh-gơ, một nhà ngoại giao, một nhà xây dựng chính sách, do đó cho phép ta có thể không chỉ dựa vào hồi ký của ông ta về chính quyền Ních-xơn, trong cuốn sách "Những năm tháng ở Nhà Trắng" và "Nhữĩng năm rối ren" để đánh giá ông ta.

Về nhiều mặt, nội dung được "giải mã" chứng thực các biên bản được đề cập trong hồi ký của ông ta về cuộc hội đàm với Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai vào năm 1972 và 1973, đồng thời cũng chứng tỏ cuốn hồi ký Kít-sinh-gơ chỉ đề cập một phần nội dung về nền "ngoại giao tam giác", điều đó khiến ta cần khám phá tìm hiểu phần nội dung mà ông ta đã ém đi.

Điều quan trọng hơn, biên bản đã ghi lại những cố gắng, thậm chí đôi khi có phần mạo hiểm của Kít-sinh-gơ mưu đồ thỏa thuận với Bắc Kinh về một "liên minh" chiến lược ngầm, trong đó có việc không thuyết phục được Trung Quốc đồng ý lập đường dây điện thoại nóng trực tiếp giữa cấp cao Trung-Mỹ.

Ngoài ra, những biên bản đó còn giúp ta hiểu thêm vai trò của Kít-sinh-gơ trong chính quyền G.Pho. Trong hồi ký, Kít-sinh-gơ không đề cập tới điều này. Biên bản hội đàm Kít-sinh-gơ với Đặng Tiểu Bình, Mao Trạch Đông, Brê-giơ-nhép và Grô-mư-cô (từ năm 1974-1976), có ý nghĩa rất quan trọng trong việc đánh giá sự phát triển mang tính mấu chốt của những năm đó.

Để hệ thống lại và biên soạn các biên bản, trong phần mở đầu giới thiệu nội dung, cuốn sách này đã khái quát quan điểm của Kít-sinh-gơ về tình hình thế giới trước khi thành lập chính quyền Ních-xơn, sự phát triển mối quan hệ hợp tác giữa Kít-sinh-gơ và Ních-xơn và những cố gắng chung của họ trong việc phát triển mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia vốn là kẻ thù, nhằm giữ vững vai trò lãnh đạo thế giới của Mỹ. Tuy họ có chung lợi ích với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va trên vấn đề chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam, nhưng vẫn tồn tại nhiều mâu thuẫn và xung đột quan trọng.

Đối với Ních-xơn và Kít-sinh-gơ, quan hệ Mỹ-Xô hòa dịu và xây dựng "quan hệ liên minh" bao gồm việc hạn chế vũ khí và hợp tác kinh tế, đã tạo ra một phương thức có hiệu quả khiến Mỹ khống chế được Liên Xô, tránh được nguy cơ chiến tranh hạt nhân trong tương lai, thậm chí xây dựng quan hệ mới với Trung Quốc, cũng nằm trong chiến lược khống chế đó.

Do hai nước Trung Quốc-Liên Xô mâu thuẫn nhau, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cho rằng, chấm dứt mối quan hệ đối địch với Trung Quốc có lợi cho việc Mỹ đứng trên Liên Xô và tăng cường được toàn bộ sức mạnh của Mỹ.

Sau phần giới thiệu, sách chia làm 9 chương, đăng lại biên bản Hội đàm cấp cao Trung-Xô từ năm 1975 đến 1976 và nội dung thảo luận của cấp dưới Kít-sinh-gơ về chính sách đối với Liên Xô. Mỗi chương bao gồm phần tư liệu văn bản, để biên bản văn kiện được biên soạn theo tuần tự lịch sử và có hệ thống. Mỗi biên bản đều ghi chú xuất xứ của các nguồn tư liệu.

Nói tóm lại, cuốn sách đã tái hiện hầu như toàn bộ biên bản, trong đó có biên bản quan trọng, như cuộc nói chuyện giữa Ních-xơn và Kít-sinh-gơ với Mao Trạch Đông, được ghi lại toàn văn. Nhưng có một số biên bản dài lê thê nên đã cắt bớt và tóm tắt lại đúng sự thật, để dành chỗ cho tài liệu tiêu biểu nhất và để tránh cho những biên bản về hạn chế vũ khí và các loại đàm phán khác trở nên rối rắm, phức tạp, nhằm cố gắng tái hiện toàn diện vai trò của Kít-sinh-gơ trong xây dựng mối quan hệ đông-tây.

Đối với văn kiện đặc biệt quan trọng có kèm theo trích dẫn. Để đáp ứng nhu cầu của độc giả không chỉ cần tóm tắt hoặc trích dẫn, Cục lưu trữ hồ sơ An ninh quốc gia đã đăng toàn văn những biên bản lên mạng Internet, phần văn bản thể hiện trong sách hoặc văn bản chưa tiến hành ghi âm do nhiều nguyên nhân.

Chương một trong sách, khái quát quá trình đẩy nhanh việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước Trung Quốc-Mỹ và hoà hoãn giữa hai nước Mỹ-Xô. Bản tóm tắt hội đàm giữa Ních-xơn với Tổng thống Pháp G.Pom-pi-đu cho thấy động cơ của Nhà Trắng tích cực xích lại gần Bắc Kinh và Mát-xcơ-va nhằm vào ý nghĩa chiến lược và lợi ích chính trị rộng lớn.

Biên bản "kênh ngầm" về cuộc hội đàm Kít-sinh-gơ và Đu-brô-min cho thấy mối lo ngại của Mát-xcơ-va về chính sách mới của Mỹ đối với Trung Quốc. Biên bản của cuộc hội đàm nổi tiếng giữa Ních-xơn với Mao Trạch Đông tháng 2/1972 và cuộc tiếp xúc bí mật giữa Kít-sinh-gơ với quan chức ngoại giao Trung Quốc cho thấy sự "lo ngại sâu sắc" của Liên Xô đã ảnh hưởng đến chính sách của Mỹ đến mức nào.

Sau Hội nghị cấp cao tháng 5/1972, quan hệ Mỹ-Xô hòa dịu và xuất hiện xu thế kiên định tiến tới. Nhưng văn kiện được giải mã lại chứng tỏ, Kít-sinh-gơ đã cảnh cáo Trung Quốc về khả năng xâm lược của Liên Xô vào giữa những năm 70. Năm 1973, mối quan hệ giữa Kít-sinh-gơ với nhà lãnh đạo Trung Quốc đã đến mức "nóng ran". Tháng 2 và tháng 11, ông ta đã hai lần gặp Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, tiến hành nhiều cuộc mật đàm với quan chức ngoại giao Trung Quốc.

Chương hai, ba, bốn của cuốn sách ghi chép lại việc Kít-sinh-gơ nhiều lần đến Bắc Kinh, liên tục cố gắng làm cho Bắc Kinh hiểu tình hình và sự tiến triển của đàm phán Mỹ-Xô, thậm chí cả tình hình chính sách của Mỹ trong cuộc chiến tranh tháng 10 ở Trung Đông. Những biên bản có liên quan sau năm 1973 cho thấy những nhân tố gây căng thẳng và bất đồng trong quan hệ Trung-Mỹ. Kít-sinh-gơ hiểu rằng khó mà làm cho Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai tin rằng Mỹ-Xô hoà hoãn không có nghĩa bất lợi cho Trung Quốc và cố gắng của ông ta muốn Trung Quốc tham dự vào chấm dứt cuộc chiến ở Căm-pu-chia đã thất bại do cả hai bên đều không tin tưởng nhau.

Cho dù trong thời kỳ khó khăn, nhưng sự ghi chép về thay đổi quan hệ Mỹ-Trung cho thấy mối quan hệ "liên lạc” đã được chính thức thiết lập giữa Trung Quốc và Mỹ. Trong khi đó, Kít-sinh-gơ cũng đang nỗ lực đẩy tới mối quan hệ "ngầm" giữa Mỹ, Liên Xô.

Năm 1973, quan hệ Mỹ-Xô đạt tới đỉnh cao, nhưng biên bản về "khả năng Liên Xô đưa quân vào Trung Quốc và Trung Quốc sẵn sàng ứng chiến những chỉ trích chống Trung Quốc của Brê-giơ-nhép, khiến mối lo của Kít-sinh-gơ ngày càng tăng vào cuối năm 1973. Mặc dù Mát-xcơ-va phản đối kịch liệt và cảnh cáo về hợp tác quân sự Trung-Mỹ, Kít-sinh-gơ vẫn đưa ra đề nghị với Chu Ân Lai về lập đường dây điện thoại "nóng" giữa cấp tối cao Mỹ-Trung, nhằm thông báo kịp thời khả năng Liên Xô phát động cuộc tấn công chống Trung Quốc. Nhưng lãnh đạo Trung Quốc không trả lời. Tuy nhiên, sự hợp tác giữa hai bên trong lĩnh vực tình báo vào thời kỳ này đã thật sự tiến triển.

Kít-sinh-gơ trợ giúp Trung Quốc không có nghĩa là từ bỏ hòa hoãn với Liên Xô. Chương năm cuốn sách thuật lại cuộc đàm phán giữa Kít-sinh-gơ và Brê-giơ-nhép tháng 3/1974, nhằm đạt được thỏa thuận về Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn II (SALT II) (Đó là sự chuẩn bị cuối cùng cho đỉnh cao quan hệ Mỹ-Xô thời kỳ chính quyền Ních-xơn) thảo luận về hợp tác kinh tế giữa hai bên, và bắt đầu trở lại tiến trình Hội nghị An ninh và hợp tác khu vực châu Âu (CSCE) chưa được giải quyết.

Nhưng các cuộc thảo luận cho thấy, Mỹ-Xô hoà hoãn lại nảy sinh vấn đề mới, ngoài nguyên nhân chính quyền Ních-xơn sắp ra đi, chỉ riêng vấn đề phương tiện bay mang nhiều đầu đạn, chia nhiều hướng (MIRV) đã khiến cho tiến trình CSCE vấp phải nhiều trở ngại (Liên Xô bác bỏ đề nghị của Kít-sinh-gơ về hạn chế đầu đạn ngư lôi), rồi Kít-sinh-gơ thành công trong việc gạt Liên Xô ra ngoài tiến trình hoà bình ở Trung Đông khiến Brê-giơ-nhép vô cùng bực tức.

Ngoài ra, Hăng-ri Giắc-xơn lại phát động cuộc chiến du kích chống lại Mỹ-Xô hòa hoãn và đòi Liên Xô phải thay đổi chính sách dân cư trước khi đưa ra đòi hỏi đảm bảo quyền lợi kinh tế của họ tại Quốc hội. Tuy Kít-sinh-gơ và Brê-giê-nhép đều không đưa vấn đề nhân quyền vào tiến trình hoà hoãn, nhưng họ vẫn có thái độ tích cực trong giải quyết vấn đề này.

Trên một mức độ nào đó, sự căng thẳng xuất hiện trong quan hệ Mỹ-Xô đã cân bằng quan hệ Trung-Mỹ. Chương sáu ghi lại những cố gắng tăng cường ngoại giao Trung-Mỹ của Kit-sinh-gơ trong tình hình khó khăn hơn sau khi Ních-xơn từ chức. Tổng thống mới lên cầm quyền, ảnh hưởng của Chu Ân Lai giảm dần, vai trò của Đặng Tiểu Bình nổi lên và trở thành người đối thoại chủ yếu trong quan hệ Trung-Mỹ.

Mặc dù Đặng Tiểu Bình, một con người khắt khe, cho rằng, về cơ bản, quan hệ Trung-Mỹ tốt đẹp, nhưng biên bản cho thấy vấn đề Đài Loan và sự ác cảm của Trung Quốc trước việc Mỹ-Xô hoà hoãn, khiến quan hệ Trung-Mỹ đã "nguội lạnh" đi trong năm 1974. Không chỉ có những biện pháp của Kít-sinh-gơ và Bộ Ngoại giao trong vấn đề Đài Loan làm cho Bắc Kinh nổi giận, ngay cả việc Kít-sinh-gơ thăm dò việc thừa nhận Đài Loan về mặt ngoại giao, cho thấy chính sách cứng rắn của Bắc Kinh quyết không chấp nhận Mỹ bảo hộ Đài Loan, còn việc bảo hộ Đài Loan lại chính là một chính sách cơ bản quan trọng đã định sẵn của Mỹ.

Nếu như trước đây Kít-sinh-gơ cảnh báo phía Trung Quốc về sự đe doạ của Liên Xô thì nay Đặng Tiểu Bình lại cảnh báo lại phía Mỹ rằng: Sự uy hiếp của Liên Xô đối với phương Tây lớn hơn. Trong chuyến thăm Trung Quốc tháng 11/1974, Mao Trạch Đông đã từ chối gặp Kít-sinh-gơ, điều đó chứng tỏ quan hệ Trung-Mỹ ở vào thời kỳ dẫm chân tại chỗ.

Chương bảy cuốn sách miêu tả bức tranh phức tạp về quan hệ Mỹ-Xô. Cuộc trao đổi giữa Kít-sinh-gơ với Brê-giơ-nhép tháng 10/1974 tại Mát-xcơ-va, đã tạo cơ sở để đi đến thỏa thuận về Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược chính, và được G.Pho và Brê-giê-nhép nhất trí tại Vla-đi-vô-stốc mấy tuần sau đó.

Nhưng bất đồng về vấn đề vai trò của "máy bay ném bom Bach-cơ-phai" của Liên Xô và tên lửa Cơ-lui-sơ của Mỹ, đã khiến hai bên không đạt được một Hiệp định. Một vấn đề đau đầu khác là vấn đề hòa hoãn về kinh tế; Biên bản cho thấy Brê-giơ-nhép có thái độ chế nhạo Hăng-ri Giắc-xơn, còn Kít-sinh-gơ thì đảm bảo rằng, ông ta có thể làm át đi sự chỉ trích của thượng viện đối vấn đề này.

Nhưng Kít-sinh-gơ vẫn không sao tác động nổi sự hạn chế của Quốc hội về hợp tác kinh tế, bởi ông ta thiếu sự quan tâm đối với những chi tiết hợp tác, cũng có thể bởi thái độ mập mờ của ông ta trong việc tin vào Liên Xô.

Hiệp ước An ninh và hợp tác khu vực châu Âu đạt được tại Hen-xin-ki tháng 7 năm 1975 chứng tỏ hoà hoãn Mỹ-Xô lại đi đến một điểm cao mới. Nhưng biên bản hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với Grô-mư-cô diễn ra trước Hội nghị trong tháng đó cho thấy, Liên Xô lo ngại sâu sắc về chính sách hạt nhân của Mỹ. Ngoài ra, Học thuyết của Kít-sinh-gơ về mở ra "cạnh tranh" trong thế giới thứ ba cũng dự báo trước những điều phiền phức sẽ xảy ra trong tương lai.

Chương tám của cuốn sách ghi lại thất bại của Kít-sinh-gơ năm 1975 và 1976 trong việc thay đổi tình trạng ngày càng bế tắc của quan hệ Trung-Mỹ. Tuy năm 1976, Ních-xơn đưa ra những cam kết ngoại giao về vấn đề Đài Loan với Trung Quốc nhưng kế hoạch tranh cử của Tổng thống G.Pho khiến cam kết đó khó bề thực hiện, bởi dù sao G.Pho hay Ních-xơn đều không muốn bị phái hữu trong Đảng Cộng hòa công kích vì vấn đề Đài Loan.

Trong thực tế Kít-sinh-gơ tiếp tục được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng, nhưng vì triển vọng tranh cử của mình. G.Pho đã không để Kít-sinh-gơ giữ chức Cố vấn An ninh quốc gia.

Việc Mỹ kéo dài vấn đề Đài Loan rõ ràng đã chọc tức Bắc Kinh và khiến nỗ lực của Kít-sinh-gơ nhằm cải thiện quan hệ Trung-Mỹ trong điều kiện không có cam kết ngoại giao đã thất bại. Tuy nhiên Kít-sinh-gơ tin rằng, Bắc Kinh vẫn cần đến Oa-sinh-tơn để làm lực lượng đối trọng với Liên Xó, nhưng điều Bắc Kinh mong muốn là giữa Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va nảy sinh mâu thuẫn.

Đặng Tiểu Bình công kích Mỹ-Xô hòa hoãn, cuộc hội đàm gian nan giữa Kít-sinh-gơ Mao Trạch Đông, còn những cử chỉ của Trung Quốc bị Kít-sinh-gơ coi là "thô lỗ”, tất cả đều làm cho vấn đề quan hệ Trung-Mỹ ngày càng căng thẳng. Chuyến thăm của Tổng thống G.Pho tới Trung Quốc đánh dấu sự cải thiện tạm thời của quan hệ hai nước. Trung Quốc cũng đã mua máy tính của Mỹ để dùng trong lĩnh vực quân sự. Tuy nhiên, vấn đề Đài Loan vẫn làm nhức nhối Trung Quốc.

Tháng 1/1976 và sau đó là tháng 9/1976 Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông lần lượt qua đời, cuộc đấu tranh chính trị diễn ra ở Trung Quốc đã khiến Kít-sinh-gơ và Cố vấn của ông ta nghi ngờ về quan hệ bang giao Trung-Mỹ trong tương lai. 

Quan hệ Trung-Mỹ dẫm chân tại chỗ, quan hệ Mỹ-Xô cùng bắt đầu xuống dốc từ năm 1976.

Chương chín của cuốn sách ghi lại biên bản hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với Brê-giơ-nhép và Grô-mư-cô trong chuyến thăm Liên Xô cho thấy: Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược là vấn đề đàm phán quan trọng giữa hai nước. Cả hai bên đều có những nỗ lực sáng suốt và có khả năng thực hiện một sự “đột phá" nhằm giảm thiểu khoảng cách giữa hai nước. Nhưng do lo ngại bị tấn công chính trị trong cuộc tranh cử, nên G.Pho quyết định tạm thời rời bỏ tiến trình đó. Vì vậy, các cuộc đàm phán sau đó đều trong trạng thái không tiến triển.

Tuy nhiên, bóng ma nội chiến ở Ăng-gô-la đã phủ đám mây đen lên Hiệp định hạn chế vũ khí chiến lược Mỹ-Xô. Kít-sinh-gơ đã dùng khái niệm chính trị địa lý quen thuộc để giải thích cuộc chiến nhưng lại bỏ qua tính chất nội tại của nó, cho rằng hành động của Liên Xô trong cuộc chiến này dẫn tới việc Mỹ mất lòng tin ở Liên Xô, đã vượt khỏi phạm vi cho phép của hòa hoãn Mỹ-Xô.

Kít-sinh-gơ tỏ ra không quan tâm đến sự phản đối của Brê-giơ-nhép và trên thực tế Brê-giơ-nhép đã từ chối trao đổi vấn đề Ăng-gô-la. Để cảnh cáo Liên Xô và cũng là để phản kích cuộc tấn công của Rô-nan Ri-gân, ứng cử viên Đảng Cộng hòa được xem như có triển vọng nhất, Kít-sinh-gơ đã lớn tiếng ủng hộ đường lối cứng rắn chống Liên Xô, khiến cho bức tranh Mỹ-Xô hòa hoãn mờ nhạt khó lường.
Vô số chi tiết của biên bản hội đàm đã tái hiện rõ rệt quan hệ ngoại giao của Mỹ trong một thời kỳ lịch sử quan trọng.

Tuy rằng biên bản hội đàm không nói rõ động cơ sâu xa và quá trình đi đến quyết sách của người tham dự, bởi còn cần có nhiều văn kiện hồ sơ của Trung Quốc, Liên Xô và Mỹ để cùng làm sáng tỏ vấn đề nhưng các biên bản này chí ít cũng đã cung cấp căn cứ ban đầu để tìm hiểu chính sách ngoại giao thời kỳ Ních-xơn và G.Pho, nhất là sự chèo lái của Kít-sinh-gơ đối với nền ngoại giao của Mỹ.

Có thể một số độc giả sẽ thấy những biên bản này đã chứng minh những nhận xét của mình đối với Kít-sinh-gơ, một nhà ngoại giao khôn ngoan biết cách chế ngự sự cân bằng lực lượng trong đối trọng quốc tế. Một số độc giả khác có thể đi xa hơn trong suy nghĩ, cho rằng Kít-sinh-gơ chỉ là một nhân vật quá độ của thời kỳ đầu đế quốc, mà Mỹ đang tiến tới nhưng không còn là trung tâm của thế giới nữa. Cũng có độc giả sẽ cho rằng, Kít-sinh-gơ không phải là nhà ngoại giao, mà chỉ là kẻ tâng bốc nịnh hót, không làm nên trò trống, nhưng rất ham quyền lực, lạm dụng nhân quyền, gây tội ác trong cuộc chiến ở Đông Dương. Nhưng lại có người cho rằng, Kít-sinh-gơ là kẻ nhân nhượng vô nguyên tắc trong một chính quyền đầy quyền lực.

Dù sao chăng nữa, đọc xong cuốn sách này, những người phê phán cũng sẽ có chút khoan dung, những kẻ ham tâng bốc sẽ khắt khe hơn trong đánh giá. Cho dù, mọi người nhìn nhận Kít-sinh-gơ như thế nào chăng nữa, ngày càng có nhiều biên bản quan trọng được công khai sẽ giúp chúng ta đánh giá khách quan và công bằng hơn về vai trò Kít-sinh-gơ, một nhân vật quan trọng trong nền chính trị thế giới.
NHÓM BIÊN DỊCH


THẾ LỰC CỦA HĂNG-RI KÍT-SINH-GƠ VÀ MỸ TRONG THẾ GIỚI ĐA CỰC

Để hoàn chỉnh biên bản các cuộc hội đàm giữa Hăng-ri Kít-sinh-gơ với nhà lãnh đạo Trung Quốc , Liên Xô được giải mã, chúng ta cần tính toán đến các giả thiết mà ông ta đặt ra trong hội đàm, tính đến việc ông ta hành động theo suy nghĩ của mình trong quan hệ với Ních-xơn, tính đến chính sách mới đối với Trung Quốc và Liên Xô, mà Ních-xơn, Kít-sinh-gơ đứng ở vị trí trung tâm của nền chính trị thế giới.

Tuy rằng chỉ với biên bản lưu giữ đã được giải mã thì không đáng kể, nhưng nếu đem kết hợp những văn bản đó với một số ấn phẩm quan trọng, chúng ta có thể nhận ra ngay vai trò của Ních-xơn và Kít-sinh-gơ trong việc đẩy cuộc chiến tranh lạnh tiến đến một chỗ đứng mới, bằng cách điều tiết với hai cường quốc cộng sản. Tuy chính sách đó là mới, nhưng mục đích mà Ních-xơn và Kít-sinh-gơ muốn đạt được thông qua việc kiểm soát quan hệ quốc tế lại rất truyền thống, đó là giữ vững vị trí trung tâm của thế lực Mỹ trong nền chính trị thế giới, và ngăn cản tất cả những hình thái chính trị thù địch từ bên ngoài, tiềm ẩn và có thể, có cả sự "cô lập" nước Mỹ.

Ở vào thời kỳ đầu năm 1964, Kít-sinh-gơ bước vào Nhà Trắng của Mỹ và trở thành trợ lý Tổng thống, phụ trách về công việc An ninh quốc tế. Lúc đó cuộc chiến tranh ở Việt Nam gây ra nhiều vấn đề phiền toái và ảnh hưởng đến vai trò của Mỹ trên trường quốc tế. Kít-sinh-gơ lo rằng Mỹ sẽ mất đi vai trò điều khiển thế giới, nếu cứ tiếp tục thực hiện chủ nghĩa bá quyền, và ông ta đã nhận ra một tình thế mới, như một châu Âu độc lập hơn, sự trỗi dậy của thế giới thứ ba, sức mạnh hạt nhân của Mỹ-Xô tương đương như nhau; sức mạnh quân sự với vũ khí hạt nhân chưa đủ để Mỹ làm lệch cán cân.

Và 5 năm sau đó, khi được đề bạt làm Ngoại trưởng, ông phát hiện thấy tình hình quốc tế khiến người ta vô cùng hài lòng, cho rằng, Mỹ, một nước không được hoan nghênh trong liên minh quân sự, có thể khiến Mỹ tồn tại đồng thời trong "một thế giới khác nhau mà ở đó chúng ta cần phải ở lại". Kít-sinh-gơ tin rằng: liên minh hiện nay đều có lợi. "Tôi cho rằng, nếu cục diện thế giới như hiện nay được tiếp tục duy trì điều đó tuyệt đối có lợi cho chúng ta".

So với tình hình có nhiều thay đổi của năm 1969, tại sao Kít-sinh-gơ lại cho rằng tình hình thế giới tháng 11/1973 là thời kỳ tốt nhất trong tất cả thời kỳ. Kít-sinh-gơ đã sử dụng chủ nghĩa thực dụng kinh điển, sức mạnh quân sự và tài nguyên công nghiệp, để định nghĩa về quốc gia và tính toán công việc quốc tế, ông ta coi Mỹ, Liên Xô, Tây Âu, Trung Quốc và Nhật là trung tâm của cơ cấu quan hệ quốc tế thời đại hiện nay.

Năm 1973, Kít-sinh-gơ nói, quan hệ Mỹ-Xô bắt đầu xuất hiện triển vọng tốt đẹp, được đưa vào chương trình nghị sự, nhưng lại bị ngăn cản bởi sức ép của cuộc chiến tranh tháng 10 ở Trung Đông. Trên thực tế, Mỹ coi diễn biến ở Trung Đông là sự đảm bảo cho Mỹ giữ được vai trò trung tâm của sứ giả hoà bình, từ đó gạt Mát-xcơ-va ra ngoài.

Ngoài ra, sau khi chấm dứt cuộc chiến của quân đội Mỹ ở Việt Nam, Kít-sinh-gơ đã đẩy mạnh luôn việc vun đắp quan hệ với nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa mà Mỹ đã đối đầu trong hơn 20 năm, còn quốc gia này lại trở thành kẻ thù trước tiên của Liên Xô. Chỉ cần Mát-xcơ-va và Bắc Kình đối đầu, Kít-sinh-gơ sẽ có thể lợi dụng khả năng có hạn này để tác động vào hai quốc gia đó, Oa-sinh-tơn sẽ giữ vững được ảnh hưởng của mình và có được sự lựa chọn công bằng thông qua sự đối đầu của hai nước này.

Còn hai lực lượng trung tâm khác là Tây Âu và Nhật Bản. Kít-sinh-gơ cho rằng giữa Tây Âu và Nhật với Mỹ có mối quan hệ chặt chẽ về chính trị kinh tế, quân sự, bị ràng buộc bởi liên minh chính thức hoặc Hiệp ước An ninh, hơn nửa Nhật và Tây Âu lại nhận được sự hỗ trợ của Mỹ về vũ khí hạt nhân.

Tuy mối quan hệ đó mang tính bắt buộc, nhưng không có nguy cơ đe dọa, chia cắt. Đến nay, cho dù Nhật Bản lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc, Tây Âu hòa hoãn với Liên Xô, nhưng họ vẫn phải tìm sự đảm bảo An ninh ở Mỹ. Thậm chí Trung Quốc bắt đầu điều chỉnh quan điểm về mối quan hệ an ninh Mỹ-Nhật, coi đó là sản phẩm chống đối của khuynh hướng quân phiệt thời kỳ đầu trong xã hội Nhật Bản.

Hơn nữa, tình hình Trung Âu tương đối ổn định. Bằng một Hiệp định ký với Liên Xô, Tây Đức đã ổn định được cục diện Béc-lin từng bị đe doạ, và bắt đầu mối quan hệ ngoại giao. Kít-sinh-gơ lo ngại vai trò của Bộ trưởng Ngoại giao Tây Đức Uy liêm Bran trong việc hòa hoãn với Đông Âu và Liên Xô. Nhưng Hiệp ước Đức-Xô không mang tính nguy hại cho thế giới.

Tháng 9/1973, cuộc đảo chính chống Chính phủ San-va-đo A-zen-đê nổ ra ở Chi-lê. Điều đó làm cho Kít-sinh-gơ rất mừng, bởi lực lượng phái cánh tả trong tư thế thách thức đã bị đập tan. Trong khi đó, các nước xuất khẩu dầu lửa phát huy vai trò to lớn trên thị trường thế giới, khiến Kít-sinh-gơ mất vui phần nào, dù sao chăng nữa, quan hệ Mỹ-Xô, Trung-Mỹ đang phát triển tốt đẹp, nên Kít-sinh-gơ cũng không lo ảnh hưởng của Mỹ trong lĩnh vực chính trị và kinh tế sẽ bị các lực lượng trung tâm như Trung-Nhật hoặc châu Âu-Liên Xô, Tây Đức-Liên Xô hoặc Trung-Xô đẩy ra ngoài. Đám mây đen đó từng là cơn ác mộng của người quyết sách Oa-sinh-tơn trong nhiều năm qua.
Cục diện lực lượng thế giới trở nên sáng sủa, bởi mức độ gần gũi của Mỹ với mọi cường quốc trung tâm đã vượt qua mức độ liên hệ vốn có giữa họ. Không còn nghi ngờ gì nữa, sức mạnh của Mỹ có khả năng "làm lệch cán cân", dù tốt hay xấu, Kít-sinh-gơ đều trở thành một nhân vật trung tâm.

Khi trả lời phỏng vấn của nhà báo Ô-rê-na Fa-ra-xi về sự thành công, Kít-sinh-gơ nói, ông ta luôn luôn phải tác chiến một mình "như con trâu kéo một đoàn xe lửa chở hàng". Tất nhiên, sự thật phức tạp hơn nhiều. Rõ ràng, Kít-sinh-gơ đã đóng vai trò to lớn trong quyết sách, trở thành nguồn tư tưởng chủ yếu trong quyết sách và đã hợp lý hóa quyết sách của Tổng thống.

Tất cả làm việc dưới sự lãnh đạo của Tổng thống, còn Tổng thống đóng vai trò quyết định trong xây dựng sách lược. So với thái độ do dự của Kít-sinh-gơ, Ních-xơn tỏ ra dứt khoát kiên quyết hơn trong việc thi hành chính sách mới đối với Trung Quốc.

Do không đủ chứng cớ trong hồ sơ khiến chúng ta khó mà đánh giá ai đóng vai trò lớn hơn trong mọi quyết sách hàng ngày. Nhưng qua biên bản đã có được, cho thấy, Ních-xơn là người có suy nghĩ sâu sắc về các vấn đề như cách thức cầm quyền, quan hệ quốc tế và tác động của sức mạnh Mỹ. Là một đầy tớ nhiều mưu mẹo, quyền thế của Kít-sinh-gơ bắt nguồn từ quan hệ với Tổng thống. Nhưng Kít-sinh-gơ cho rằng, quan điểm của Ních-xơn thường có những nhược điểm.

Trong tòa nhà làm việc của Ních-xơn, sau cuộc thảo luận mất nhiều thì giờ, Kít-sinh-gơ khó nhọc lắm mới có thể sàng lọc được một số quan điểm chín chắn từ kế hoạch soạn thảo vội của Ních-xơn. Sau các cuộc làm việc với Ních-xơn, Kít-sinh-gơ hay đưa Ních-xơn ra nói đùa trong Hội đồng An ninh, gọi ông ta là "bộ óc toàn thịt”, "một người bạn đen tối". Một lần, Kít-sinh-gơ đã nói một cách công khai rằng: "Ních-xơn là con người kỳ quặc và không được hoan nghênh".

Sự kết hợp giữa cá tính với tư cách Cố vấn về chính sách đã giải thích được nguyên nhân tại sao Kít-sinh-gơ, một con người hay nói, bi quan không tin người, được giáo dục tại Đại học Ha-vơt, là dân di cư Do Thái, Cố vấn của Rốc-cơ-phe-lơ lại có thể phát triển mối quan hệ công việc nếu không nói là thân mật thì cũng là bằng phẳng với Ních-xơn, một con người đến từ Ca-li-phoóc-ni-a, trầm ngâm, không tin người, khinh bỉ trí thức và Do Thái, sau này trở thành nhân vật lừng danh của Đảng Cộng hòa. Cho dù thế nào chăng nữa, Ních-xơn đã phát hiện Kít-sinh-gơ là con người được việc cho mình, trước khi sử dụng ông ta.

Trong vai trò là Cố vấn về chính sách đối ngoại của Rốc-cơ-phe-lơ, Kít-sinh-gơ đã tiếp xúc với đồng nghiệp Jan Mác-san, Cố vấn về pháp luật và hoạch định chiến lược của Ních-xơn. Ngay trước khi được Ních-xơn đề bạt, Kít-sinh-gơ đã chuyển tới Mác-san và Ních-xơn những thông tin về đàm phán cuộc chiến tranh Việt Nam.

Danh tiếng chuyên môn của Kít-sinh-gơ đã khiến Ních-xơn tin rằng, mình sẽ được sự hỗ trợ của Kít-sinh-gơ ngay tại Oa-sinh-tơn. Không còn nghi ngờ gì nữa, tài tâng bốc của Kít-sinh-gơ cũng như bạn bè "nội bộ" mà ông cài cắm từ lâu đã đóng một vai trò nhất định.

Ních-xơn nhận thấy ở Kít-sinh-gơ một sự tư duy có lý trí, đặc biệt là trong vấn đề "trật tự" ổn định thế giới, cả hai đều tâm hợp ý đầu. Trong bài phát biểu chuẩn bị trước bầu cử, Kít-sinh-gơ đã chỉ rõ “sự gia tăng của tính chất bất ổn định trong phạm vi toàn cầu là xu thế lịch sử". Sức mạnh hạt nhân của Mỹ bị yếu đi, và những "hố sâu thay thế” đã hạn chế việc Mỹ sử dụng sức mạnh ở ngoài nước, những quốc gia liên minh cũ và quốc gia mới trỗi dậy đều có khả năng thực hiện độc lập.

Để tỏ rõ sự miệt thị đối với cách mạng của các nước thế giới thứ ba, Kít-sinh-gơ đã viết: "Họ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với sự cân bằng của cả thế giới. Để giành thắng lợi trong cuộc cạnh tranh, các nước thế giới thứ ba sẽ đe doạ một hoặc hai siêu cường, thậm chí đe doạ cả hòa bình thế giới”.

Kít-sinh-gơ cho rằng, nhiệm vụ của thế kỷ mới là đi tìm con đường, khiến cho sức mạnh của Mỹ đáp ứng nhu cầu ý tưởng của một Hiệp định trật tự thế giới. Nghiên cứu chính sách ngoại giao châu Âu thế kỷ 19, Kít-sinh-gơ cho rằng, trật tự này cần sự cân bằng về sức mạnh có nghĩa là dù ràng buộc hành động của bản thân mình, hay hạn chế hoạt động của một số quốc gia không chịu hợp tác, các cường quốc trung tâm đều giành được lợi ích lớn hơn so với hành động phá hoại sự cân bằng này.

Đối với Kít-sinh-gơ ổn định là trung tâm của sự cân bằng, ông ta cho rằng tất cả quốc gia đều có trách nhiệm hợp tác để duy trì sự cân bằng trên thế giới, cần tránh sự phá hoại cân bằng do bất đồng ý kiến. Kít-sinh-gơ cho rằng, tính hợp pháp của một chính phủ thể hiện chủ yếu ở chỗ chính sách của Chính phủ đó phù hợp với sự cân bằng quốc tế, chứ không phải đặc điểm bên trong của nó.

Bằng mưu trí và "tinh thần của sứ mạng", Kít-sinh-gơ cho rằng Mỹ có thể phát huy vai trò trung tâm trong việc thúc đẩy sự ổn định chính trị và an ninh quân sự, nhưng không được tác chiến một mình. Như Kít-sinh-gơ từng nói: "Một hậu quả của cuộc chiến là người Mỹ đã phản đối mạnh mẽ sự dính hu vào cuộc chiến ở ngoài biên giới". Cho dù Oa-sinh-tơn muốn can thiệp chăng nữa nhưng lực bất tòng tâm. Trong một thế giới nhanh chóng trở thành "đa cực", vũ khí hạt nhân không có ý nghĩa gì, bởi sự phân tán của sức mạnh kinh tế và quân sự, có nghĩa là "quyền tự quyết của các quốc gia khác đạt tới quy mô chưa từng có".

Căm ghét chiến tranh lạnh, Mỹ cần hạn chế cuộc chạy đua với Liên Xô. “Trong thời đại vũ khí hạt nhân dẫn đến sự hợp tác ở chừng mực nào đó và sự hạn chế tuyệt đối cuộc xung đột". Tệ hơn nữa, quan hệ Mỹ-Tây Âu đứng trước "khủng hoảng sâu sắc", không thể tiếp tục duy trì cái phương thức bảo vệ cũ của Mỹ là "Hãy để châu Âu có sức mạnh kinh tế và lòng tin chính trị lớn hơn" .

Tuy lực lượng Tây Âu ngày càng lớn mạnh, mặc dù bị chi phối bởi hoàn cảnh mới, Kít-sinh-gơ vẫn cho rằng, chỉ có Mỹ với sức mạnh của mình và triển vọng trong tương lai, mới đóng nổi "vai trò toàn cầu”. Việc trực tiếp can dự vào việc lập chính sách hoặc tìm cách thay đổi trong nỗ lực "dã tràng xe cát" nhằm vào thể chế thế giới thứ ba, Mỹ muốn quan tâm hơn về cái khung của một trật tự.

Điều giả thiết của Kít-sinh-gơ về vai trò sức mạnh của Mỹ có thể kích thích "động cơ của các quốc gia khác". Ví dụ: cung cấp viện trợ quân sự cho một thế lực ở khu vực, để chúng có thể giữ vững được "vùng tạm chiếm". Điều này có thể tìm thấy trong cái gọi là quan điểm của Ních-xơn, nó có nghĩa là một quốc gia nào đó có hành động "thiếu trách nhiệm", sẽ bị sức ép thậm chí bị can thiệp từ phía Mỹ hoặc các nước xung quanh.

Lập nên sự cân bằng mới không chỉ bị ảnh hưởng bởi tình hình quốc tế phức tạp, mà còn gặp phải trở lực từ trong nước khi thực hiện nó. Kít-sinh-gơ cho rằng, cơ quan quyết sách sáng tạo có khái niệm tổng hợp nhất là Bộ Ngoại giao. Họ cần tìm ra phương pháp có khả năng chặn được việc hoạch định chính sách của các nước, nhằm tránh người quyết sách trở thành "kẻ điều phối giữa các bộ máy quan liêu, giống nhau”.

Trong quan điểm của Kít-sinh-gơ, sự thay đổi về quan niệm giá trị của lớp trẻ thực dụng cũng là rất nguy hiểm, bởi họ coi "quyền lực (kiểm soát) là vô đạo đức”, họ không quan tâm, thậm chí tỏ ra thù địch với hệ thống và khái niệm về trật tự. Do tồn tại một bộ phận người như "hố sâu ngăn cách", tâm trạng của công chúng Mỹ, bao gồm cả tầng lớp lãnh đạo cũng đang dao động giữa hai cực: “không cần quyền lực" và "cần có quyền lực nhiều hơn". Nếu như người Mỹ bằng lòng với di sản mà họ quản lý, thì Kít-sinh-gơ lại lo lắng sức mạnh của Mỹ bị giảm đi, không cho phép lạc quan về triển vọng của trật tự thế giới.

Quan tâm đến sự ổn định, Kít-sinh-gơ coi sự cân bằng do Mỹ lập nên là lực lượng chủ đạo để tránh cuộc hỗn loạn quốc tế, và ông ta tin rằng vai trò nòng cốt của Mỹ trong việc xây dựng cân bằng quốc tế là cần thiết cho việc ông ta thực hiện mục tiêu quan trọng. Trong báo cáo viết về hậu kỳ chấp chính của Ních-xơn, ông ta tỏ ra rất lo ngại khả năng Liên Xô biến lời tuyên bố thành hành động chống Trung Quốc. Điều đó giải thích tại sao ông rất coi trọng "Sự cân bằng về sức mạnh".

Tháng 2/1973, ông ta đã nói với Mao Trạch Đông một câu khiến người ta kinh ngạc và hoài nghi. Kít-sinh-gơ nói: "Nếu Liên Xô tấn công Trung Quốc, sẽ phá loại nền an ninh của tất cả quốc gia, và làm cho chúng ta bị cô lập". Sau đó vài tháng, trong thư gửi Tổng thống Pháp Goóc-dơ Pom-pi-đu tháng 5/1973, Kít-sinh-gơ bày tỏ quan điểm tương tự, có nghĩa: "Đối với Mỹ, ngăn chặn Liên Xô phá huỷ Trung Quốc là vấn đề liên quan tới lợi ích căn bản. Nếu như Mát-xcơ-va "tìm cách khuất phục Trung Quốc, thì châu Âu sẽ biến thành Phần Lan, và Mỹ hoàn toàn bị cô lập".

Trên một khía cạnh khác, Kít-sinh-gơ dự đoán nếu Trung Quốc bị đánh bại, thế lực bá quyền Liên Xô sẽ nhanh chóng mở rộng sang lục địa Âu-Á. Sự cân bằng sức mạnh nếu có thay đổi lớn, sẽ dẫn tới Tây Âu tìm cách thỏa hiệp với Liên Xô và chấm dứt quan hệ Đồng minh với Mỹ. Nếu châu Âu trung lập hoặc bị “Phần Lan hóa", Mỹ sẽ bị chơi vơi trong một thế giới đầy ác cảm.

Quan điểm của Kít-sinh-gơ về ngăn chặn sự xuất hiện một nước Mỹ "bị cô lập", là thống nhất với quan điểm của nhân vật chính R.Các-stơ trong cuốn sách đầu tiên: "Thế giới bừng tỉnh" do ông ta viết. Cuốn sách đề cập tới thời kỳ hậu Na-pô-lê-ông lập nên sự cân bằng về sức mạnh. Tại sao đảo Iu-gơ-len lại không bị ngăn cách bởi sự phát triển của các lục địa quan trọng. Nó liên quan chặt chẽ đến quan điểm chung sau thế chiến thứ hai cho rằng vì an ninh quốc gia Mỹ đã hướng tới các đối thủ nổi trội trong phạm vi toàn cầu. Họ cho rằng, nếu Mỹ bị cô lập trong một thế giới bị ngự trị bởi hệ thống tập quyền Trung ương (chủ nghĩa Cộng sản hay chủ nghĩa phát xít) nhất là khi chúng đã kiểm soát được lục địa Âu-Á, thì chỉ với nền chính trị kinh tế tư bản tự do, Mỹ không thể tiếp tục tồn tại bằng một chính thể dân chủ pháp trị.

Chúng ta có thể tìm hiểu sâu về Uy-li-am Ai-li-ô-đô, người luôn ủng hộ Kít-sinh-gơ. Vốn là uỷ viên Hội đồng đàm phán thương mại. Có khả năng ông ta đã nhồi cho Kít-sinh-gơ quan điểm chính trị kinh tế "chống cô lập". Ai-li-ô-đơ cho rằng, hệ thống của Mỹ đòi tự do hội nhập thị trường thế giới là điều tất nhiên.

Nhiều bậc tiền bối của Kít-sinh-gơ ở Oa-sinh-tơn đều có chung quan điểm như vậy Ví dụ: Oa-tơ Rô-stơ sau khi trở thành trợ lý An ninh quốc gia cho Lin-tơn Giôn-sơn đã viết trong năm 1962 rằng, sự thay đổi cân bằng về sức mạnh Âu-Á sẽ biến Mỹ thành một hòn đảo cô độc, "một quốc gia phòng ngự".

Sau này vào đầu năm 1962, Mắc-na-ma-ra giải thích trước Quốc hội tại sao phải chống chủ nghĩa cô lập: "Nếu không chống lại, Mỹ phải đối mặt với một thế giới nguy hiểm hơn, khó xác định hơn". "Trong thế giới đó, sức ép ngày càng tăng lên cùng với việc phổ biến vũ khí hạt nhân", mà ở đó "chúng ta chỉ có thể thay đổi phương hướng công nghiệp và thương nghiệp trong điều kiện tự do về kinh tế giảm đi tương đối, để đạt được mức tối đa về tự túc kinh tế”.

Trong suy nghĩ của Kít-sinh-gơ, muốn cân bằng sức mạnh, muốn Mỹ giừ được vị trí là trung tâm của nền chính trị thế giới, cần có sự nhất trí hoàn toàn với Ních-xơn. Trong đàm phán với Liên Xô và tìm con đường làm cho sức mạnh của Mỹ thích ứng với môi trường quốc tế mới, Kít-sinh-gơ và Ních-xơn đã gặp nhau ở trên điểm thú vị này. Ních-xơn đã viết trong cuốn "Quan hệ với nước ngoài" rằng: "Vai trò sen đầm quốc tể-mà Mỹ muốn đóng sẽ bị hạn chế.

Năm 1968, sau cuộc tranh cử Tổng thống, Ních-xơn đã nói đến mối nguy hiểm trong đối đầu hạt nhân và sự cần thiết phải tiến vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên đàm phán. Ních-xơn công khai đề cập khả năng khôi phục bang giao với Trung Quốc. Còn Kít-sinh-gơ nghiêng về quan điểm cho rằng, Trung Quốc trở thành mối uy hiếp trong thời gian gần, chứ không phải là một đối tác đầy tiềm năng.

Trong các Hội nghị trước đó, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã có quyết định quan trọng về quy trình quyết sách của nội các mới. Trong thời gian tranh cử, Ních-xơn phê phán tiến trình chính sách ngoại giao thiếu bài bản và không thực tế của Tổng thống Giôn-sơn: ông ta thề "sửa sang nhà cửa", nhưng làm theo cách của mình. Ních-xơn đặc biệt coi thường Quốc hội, nghi ngờ rằng người của Đảng Dân chủ trong nội các đều là kẻ phá hoại, và quyết định phải thay đổi chính sách đối ngoại, để hỗ trợ cho mục tiêu chính trị.

Nếu như trước đây không biết, thì nay Ních-xơn nhanh chóng phát hiện ra rằng, Kít-sinh-gơ cũng coi Quốc hội là bức tường che khuất "tầm nhìn" của những người quyết định chính sách. Tự ban cho mình cái quyền làm việc theo quan điểm riêng, Kít-sinh-gơ đã dễ dàng thoả thuận với Ních-xơn trong vấn đề “tổng thống nhất trí cần hướng dẫn chính sách ngoại giao của Nhà Trắng". Tất nhiên, từ lâu Kít-sinh-gơ đã chuẩn bị giúp Ních-xơn đạt được mục đích này.

Ngay từ tháng 1/1969, Ních-xơn đã thông qua một loạt đề án đem lại cho Kít-sinh-gơ quyền lực chưa từng có trong cơ quan quyết định chính sách an ninh với danh nghĩa trợ lý an ninh quốc gia. Sử dụng các quyền đó, Kít-sinh-gơ yêu cầu dùng các NSSM (Bản ghi nhớ hội nghị về An ninh quốc gia.) chỉ đạo các cơ quan khác - Quốc hội, nghị viện, CIA (Cục tình báo trung ương Mỹ.), ACDA (Cục quản lý Cắt giảm vũ khí Mỹ.) chuẩn bị tiến hành học tập nghiệp vụ. Như vậy Ních-xơn và Kít-sinh-gơ có thể quyết định cần thay đổi chính sách ra sao. Hơn nữa, còn cho phép Kít-sinh-gơ lãnh đạo nhóm dự thảo NSCR (Nghị quyết Hội đồng an ninh quốc gia). Ních-xơn còn cho Kít-sinh-gơ cái quyền "tiền trảm hậu tấu” đối với đề án của các ngành.

Kít-sinh-gơ rất am hiểu công việc thư ký và với biệt tài biến báo, ông ta kiểm soát rất chắc biên bản những cuộc nói chuyện của Ních-xơn, cũng như phương pháp sử dụng "kênh ngầm" trong đối thoại với Chính phủ nước ngoài, khiến cho Quốc hội như bị bưng trong cái trống.

Thành công của Kít-sinh-gơ trong việc giúp Ních-xơn kiểm soát được mức độ thực hiện các chính sách lại càng nổi bật. Tuy ở địa vị lãnh đạo, Kít-sinh-gơ vẫn dành lấy ưu thế chủ đạo trong việc quyết định chính sách. Tất nhiên ưu thế đó được xây dựng trên cơ sở cái giá mà người khác phải trả dần.

Bộ trưởng quốc phòng, nguyên Giám đốc phòng liên lạc trung tâm các vấn đề quốc tế M.Lê-đô có cơ sở sức mạnh của mình và cũng không ngờ nghệch trong quan trường, ông ta tìm mọi cách giữ quyền tự chủ khi cần gặp trực tiếp Ních-xơn. Những người khác thì không biết tinh khôn tháo vát như vậy.

Ních-xơn đã chọn người bạn lâu năm Uy-li-am Rô-giơ làm Ngoại trưởng, thực ra ông này thiếu hiểu biết về quan hệ quốc tế, nhưng như vậy có lợi cho Nhà Trắng trong việc kiểm soát chính sách đối ngoại. Rô-giơ miễn cưỡng chấp nhận sự lãnh đạo của Kít-sinh-gơ, bởi ông ta không có sức mạnh cũng như không dám thách thức Kít-sinh-gơ.

Sau khi tham gia Chính phủ, Đại sứ Liên Xô A-na-tô-li Đô-brư-nin một con người nhạy cảm chính trị đã thường xuyên gặp gỡ Kít-sinh-gơ, ông ta đã cân nhắc mức độ trong quyết sách của Kít-sinh-gơ để có sự phán đoán về cá nhân Kít-sinh-gơ. Trong bức thư gửi Ngoại trưởng Grô-mư-cô và Bộ Chính trị, ông ta đã miêu tả Kít-sinh-gơ là "con người thông minh, khôn ngoan, học rộng, nhưng lại rất tự phụ và không tìm cách che giấu ảnh hưởng của mình".

Để chứng minh về sự tự phụ của Kít-sinh-gơ, Đô-brư-nin đã viết: "Chỉ có hai con người bất kỳ lúc nào cũng biết rõ, biết chính xác lập trường của Mỹ trên vấn đề này hay vấn đề khác. Đó là Ních-xơn và Kít-sinh-gơ". Cho dù thế nào chăng nữa, Đô-brư-nin tin ở cơ sở lý luận có chiều tâng bốc đó: Trong Nhà Trắng, Kít-sinh-gơ có một vai trò quan trọng, và sức mạnh ảnh hưởng của ông ta trong lĩnh vực chính sách ngoại giao là tuyệt đối”.

Nếu như Ních-xơn và Kít-sinh-gơ với ý chí cứng rắn điều khiển chính sách của Mỹ, thì tất cả hành động của Chính phủ cũng đạt tới mục đích cuối cùng. Ví dụ, năm 1969, trong cương vị Tổng thống, Ních-xơn lần đầu tiên tiến hành cuộc thăm châu Âu và đã hiểu được nguyên lý chính sách ngoại giao của họ.

Do bất đồng trong cuộc đàm phán về Hiệp ước ngăn ngừa phổ biến hạt nhân và sử dụng vũ khí hạt nhân, quan hệ Mỹ-châu Âu đã xấu đi. Châu Âu tỏ vẻ nghi ngờ về vai trò sen đầm quốc tế mà Ních-xơn từng đề cập. Vì thế, Ních-xơn đã phải cam kết: xác định quan hệ Mỹ-châu Âu, và đầu tư cho NATO (Tổ chức hiệp ước Bắc Đại Tây dương.).

Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Anh Uyn-sơn, Ních-xơn đảm bảo rằng cho dù "vai trò lãnh đạo của Mỹ có sa sút nhưng nước Mỹ vẫn là một quốc gia rất mạnh và có phạm vi ảnh hưởng to lớn, nó sẽ đảm bảo cam kết hỗ trợ châu Âu”. Ních-xơn hứa với Uyn-sơn rằng, ông ta không "run sợ” trước sách lược của Mát-xcơ-va được nâng cao. Bởi Oa-sinh-tơn nắm giữ trong tay "đầy đủ” sức mạnh răn đe hạt nhân. Nói một cách khác, cho dù Liên Xô có bất ngờ tấn công Mỹ, Mỹ cũng có đủ sức mạnh hạt nhân để giáng trả.

Để làm yên lòng các nước Đồng minh trong khối NATO, Ních-xơn đã đề ra sách lược cơ bản cho một chính sách đối ngoại: Thông qua việc kiềm chế Liên Xô để giải quyết cuộc chiến tranh Việt Nam, nhằm tới SALT (Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược.) và các mục tiêu khác.

Cho dù, Ních-xơn có đầy đủ lý do tin vào vũ khí hạt nhân của Mỹ, nhưng trong cuộc mật đàm với đại diện thường trực của NATO, ông ta nêu rõ cần thiết có SALT để "giảm bớt sự nguy hại đối với hoà bình" nhấn mạnh đến sự kiểm soát vũ khí, coi đó là thuốc an thần cho cuộc đối đầu giữa các lực lượng siêu cường.

Năm 1967-1968, Giôn-sơn coi việc từ bỏ kiểm soát vũ khí là bước đi cho quan hệ hoà hoãn cho dù thế nào chăng nữa, Ních-xơn cũng không vội vàng bắt đầu đàm phán cũng không chịu nhẹ dạ ký SALT để có đàm phán, mà phải tiến theo tuần tự, ông ta không muốn gây cảm giác "Phương Tây yên ổn", hoặc ám chỉ "sự hòa hoãn không có hoà hoãn". Bởi vì trong khi vấn đề chính trị quan trọng, chiến tranh Việt Nam, khủng hoảng Trung Đông chưa được giải quyết, thì làm như vậy, chỉ đem lại nguy hiểm, cho Liên Xô.

Để có thể kiềm chế Liên Xô ở mức tối đa, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ chủ trương nêu ra khái niệm "Liên hợp", có nghĩa là cần thận trọng trong khi tiếp xúc với một quốc gia, nhằm đảm bảo sự nhất trí trong mục tiêu chính trị. Đối với châu Âu, Ních-xơn không công khai sử dụng khái niệm "Liên hợp" bởi tính phức tạp trong điều khiển của nó. Nhưng tất nhiên ông ta coi đó là công cụ chính trị để thúc ép Liên Xô tác động đến sự kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam và giúp đỡ giải quyết cuộc xung đột Ả-rập-It-xra-en.

Ních-xơn luôn bày tỏ ngầm thái độ lạc quan của ông ta và Kít-sinh-gơ, bởi Liên Xô có đủ sức mạnh để tác động đến Hà Nội, có khả năng làm cho cuộc chiến Việt Nam sớm chấm dứt. Tương tự như vậy, Ních-xơn nói với Uyn-sơn rằng, ông ta tin Liên Xô muốn sớm đạt thỏa thuận về SALT hơn cả ông ta. Nói một cách khác, ở chừng mực nào đó, Oa-sinh-tơn có tác dụng đòn bẩy đối với Mát-xcơ-va.

Tuy nhiên nhận thức được Liên Xô có khả năng nới lỏng đối đầu trong tình hình mới, nhưng với tư tưởng chống cộng thâm căn cố đế, Ních-xơn vẫn coi Liên Xô là đối thủ nguy hiểm. Ních-xơn tin rằng, Liên Xô chỉ là "kẻ hiếu chiến" ba hoa, đồng thời coi việc làm yếu và phân tán lực lượng của NATO là một mục tiêu chính trị. Cho dù Liên Xô không thay đổi "trung tâm" của họ, nhưng ông ta đoán rằng một số nhân tố khiến cho Mát-xcơ-va phải thay đổi suy nghĩ" về sức mạnh của Tây Âu, về đám mây hạt nhân đang lơ lửng trên đầu và sự coi thường Trung Quốc.

Ních-xơn có ý đồ dò tìm khả năng và thái độ mới của Brê-giơ-nhép và người lãnh đạo Liên Xô khác. Nhưng trong lúc đó NATO cần đảm bảo sức mạnh quân sự "đáng tin cậy" nhằm răn đe Mát-xcơ-va. Rõ ràng, Ních-xơn không hoàn toàn thành thật với các Đồng minh ở châu Âu, tuy rằng ông ta từng nói bóng nói gió rằng, "Sự uy hiếp đối với nền hoà bình" nói lên tính bức bách của cuộc đàm phán về SALT. Nhưng ông ta lại cho rằng chưa cần thiết, và mong rằng không chỉ có Liên Xô lo ngại về "đám mây hạt nhân".

Cuối năm 1970, Ních-xơn đã thẳng thắn nói với Ét-uốt Héc người kế nhiệm của Uyn-sơn rằng: "Hiện nay, vấn đề làm tôi suy nghĩ là thay đổi sự cân bằng chiến lược... Thời kỳ tách khỏi vũ khí hạt nhân đã đến. Nếu Mỹ thực hiện kế hoạch chiến tranh hạt nhân, sẽ có 50 đến 60 triệu người chết. Để việc tách khỏi vũ khí hạt nhân có kết quả, Mỹ phải dùng đàm phán để thay thế chiến tranh lạnh".

Bằng một giọng chậm chạp, Ních-xơn bày tỏ rằng: thời gian đầu lên cầm quyền, ông ta không có ý tưởng to lớn về hòa hoãn, cho dù ông ta tin rằng đàm phán là con đường quan trọng nhất. Cho dù ra sao, cuộc thảo luận thẳng thắn về "Liên hợp" cho thấy Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đang thiết kế một khung tư tưởng, để hướng dẫn quan hệ Mỹ-Xô phát triển. Trên một chừng mực nào đó, họ coi "Liên hợp" là sự tiến bộ trên một loạt vấn đề, trong đó có vấn đề Việt Nam, vấn đề SALT hoặc vấn đề Béc-lin.

Đó cũng là điều kiện tiên quyết để nới lỏng sự đối đầu với Liên Xô, và hơn thế nữa, "Liên hợp" còn có nghĩa Ních-xơn và Kít-sinh-gơ có ý định dùng biện pháp kích thích và trừng phạt (củ cà rốt và cái gậy) để khích lệ Liên Xô hành động theo nguyên tắc quốc tế ổn định, thậm chí còn ủng hộ nếu Liên Xô giữ được sự ổn định đó.

Vì vậy, mùa thu năm 1973, Kít-sinh-gơ nói, mục đích hoà hoãn không phải để thay đổi tôn chỉ cơ bản của Mát-xcơ-va, hoặc thay đổi thể chế chính trị tàn bạo của họ, mà nhằm xây dựng một cơ cấu quan hệ quốc tế, khiến Mát-xcơ-va "cố gắng hơn để đeo đuổi sự nghiệp hòa bình, chứ không phải chiến tranh". ông ta dự đoán, nếu hoà hoãn duy trì với thời gian đủ dài, thậm chí Liên Xô có thể phát triển "lợi ích với phương Tây", lợi ích chính trị kinh tế đem lại qua hợp tác, điều đó sẽ không thay đổi nhiều tư tưởng của họ, mà chỉ làm thay đổi những tính toán mạo hiểm mỗi lần đưa ra quyết định khó khăn. Trong tình trạng đó, Liên Xô sẽ bắt đầu tự kiềm chế việc sử dụng ảnh hưởng của mình. Nói theo cách của Kít-sinh-gơ, Liên Xô sẽ trở thành thành viên hợp pháp trong hệ thống quốc tế.

Nếu như Ních-xơn nói, Việt Nam là mục tiêu trung tâm trong phương thức "Liên hợp" mà ông ta áp dụng ngay từ đầu thì các cuộc nói chuyện của ông ta với quan chức NATO cho thấy, ông ta cũng như Kít-sinh-gơ chưa bao giờ suy nghĩ nhiều về việc kết thúc chiến tranh Việt Nam. Cuộc chiến Việt Nam là một mặt trong quan hệ đối ngoại của Mỹ, cũng là tiêu điểm của cuộc. khủng hoảng chính trị trong nước. Vì vậy, cần kết thúc cuộc chiến ở Việt Nam, và Ních-xơn còn cho rằng, thắng hay bại trong cuộc bầu cử giành ghế Tổng thống lần nữa phụ thuộc vào cuộc chiến Việt Nam có được giải quyết hay không?

Như Đô-brư-nin đã nói với Kít-sinh-gơ sau đó vài tháng rằng: "Đối với Ních-xơn, một vấn đề trong chính sách ngoại giao là làm thế nào tìm được lối thoát để giải quyết vấn đề chiến tranh Việt Nam trong điều kiện có thể chấp nhận được". Mấu chốt là "điều kiện có thể chấp nhận được".

Cuối năm 1973, theo Kít-sinh-gơ, cuộc chiến cần được giải quyết bằng một phương thức nhất định, nếu không có cơ hội khác. Tất cả mọi sự sắp xếp về "sự trả giá của Chính phủ được chúng ta chỉ đạo trong sáng tạo" đều được cân nhắc kỹ lưỡng.

Số phận của chính quyền Sài Gòn là vấn đề cần được công khai. Nhưng cả Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đều bác bỏ việc thừa nhận sự sụp đổ chính thức của chính quyền này trong Hiệp định hòa bình. Họ cho rằng làm như vậy sẽ giảm độ tin cậy đối với sức mạnh của Mỹ, dẫn đến tình trạng hỗn loạn của cả vùng Đông Nam Á, đặt Chính phủ vào chỗ khó bề phòng thủ, cuối cùng làm cho "các cơ hội khác" như quan hệ với Bắc Kinh hoặc Liên Xô khó bề xác lập.

Hoà bình mà Ních-xơn cam kết không giữ được lâu so với các tiền nhiệm, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cũng không khôn ngoan hơn, để tỏ rõ "độ tin cậy" của Mỹ trong cuộc chiến Việt Nam, một sự hướng dẫn sai lầm, cố chấp đã khiến cuộc chiến kéo dài 4 năm, dẫn đến hàng loạt biến cố không thể kiểm soát, những bi kịch và sự công phẫn trong nước.

Như Ních-xơn dự đoán, chính sách "Liên hợp" mà ông ta và Kít-sinh-gơ xây dựng làm cho vấn đề Việt Nam, vấn đề SALT và vấn đề Béc-lin đan xen vào nhau, khiến cho quan hệ Mỹ-Xô phát triển chậm chạp.

Cuộc đàm phán về SALT bắt đầu từ mùa thu năm 1969, nhưng cho đến năm 1970, hai bên đều không nêu ra được một ý kiến nào có tính xây dựng. Ních-xơn hy vọng cuộc chiến Việt Nam kết thúc "càng sớm càng tốt”, nhưng hàng loạt vấn đề đọng lại trong quan hệ ngoại giao, sức ép của quân đội (như vấn đề bí mật ném bom Cam-pu-chia) và ý muốn của Ních-xơn để đạt được một Hiệp định, lại khiến cuộc chiến tiếp tục kéo dài.

Ních-xơn nhiều lần nêu yêu cầu với Đô-brư-nin, nhưng sự trợ giúp của Mát-xcơ-va là rất nhỏ bé, bởi ảnh hưởng của Liên Xô đến người Việt Nam là có hạn. Theo giả thiết về cuộc chiến tranh lạnh cổ truyền, Hà Nội đặt dưới sự chi phối của Mát-xcơ-va. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã quy trách nhiệm cho phía Liên Xô là không chịu hợp tác. Năm 1970, họ đã công khai tuyên bố rằng, do Mát-xcơ-va thất bại trong việc tác động một cách có hiệu quả đối với Hà Nội, khiến "quan hệ của chúng ta với Liên Xô trở nên không sáng sủa".

Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cho rằng, để buộc Liên Xô phải hợp tác cần thực hiện “kiềm chế mạnh hơn". Và năm 1970, họ thi hành đường lối cứng rắn. Mùa thu năm 1970, Liên Xô đã gây ra "cuộc khủng khoảng nhỏ" về việc đưa thiết bị lặn vào Cu Ba. Kít-sinh-gơ đã cảnh cáo Đô-brư-nin bằng thái độ cứng rắn, ông ta nói: "Liên Xô đang đứng ở bước ngoặt trong quan hệ với chúng tôi". "Liên Xô có trách nhiệm quyết định là chúng tôi đi tới hoà hoãn hay đối kháng".

Tuy rằng, sau này ông ta tuyên bố một đường lối không có triển vọng đã dẫn đến "sự thay đổi trong chính sách của Liên Xô", ông ta hiểu rằng cần phải có hành động bí mật tương tự đối với Trung Quốc. Tuy rằng, các quan chức Nhà Trắng tin rằng Liên Xô rất cần giải quyết vấn đề Việt Nam. Tuy nhiên, họ đã không chỉ dựa vào sự trợ giúp của Liên Xô viện trợ.

Kít-sinh-gơ biết rằng, Trung Quốc đã viện trợ cho Việt Nam kinh tế và quân sự. Sau này, ông ta viết rằng, Nhà Trắng đi tìm một nguyên nhân mà Trung Quốc tiến hành mở cửa là "họ muốn cùng với Hà Nội, thúc đẩy vấn đề Bắc Việt Nam được giải quyết hợp lý nhằm kết thúc cuộc chiến ở Đông Dương".

Năm 1969, Ních-xơn đóng vai trò chủ đạo trong việc thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ. ông ta nhờ Sác-lơ Đờ-gôn nhắn cho người lãnh đạo Trung Quốc một thông tin rằng: "Bất luận thế nào, Mỹ sẽ rút quân ở Việt Nam". Hiểu được sự lo ngại của Bắc Kinh đối với sự có mặt của lực lượng quân sự Mỹ ở Đông Nam Á, Ních-xơn tỏ rõ bắt đầu ngay cuộc rút quân, và ông ta không muốn xung đột với Trung Quốc trên vấn đề Việt Nam, mà chỉ hy vọng từng bước lái được Trung Quốc đi đến một Hiệp định, và chịu hợp tác với Oa-sinh-tơn.

Tuy vậy, Việt Nam cũng chỉ là một nhân tố để Chính phủ Mỹ khôi phục lại quan hệ bang giao bị cắt dứt 20 năm với Trung Quốc. Do Mao thiếu kinh nghiệm với Trung Quốc và cuộc đại cách mạng văn hóa, kinh tế Trung Quốc đi dần vào suy thoái. Người lãnh đạo nước Mỹ không coi Trung Quốc là "mô hình" phát triển xã hội mang tính uy hiếp, cần phải tách rời khỏi diễn dàn quốc tế và hệ thống thương nghiệp phương Tây.

Trong năm 1969, khi phát hiện Trung-Xô mâu thuẫn, các cuộc tranh chấp trên thế giới leo thang, Ních-xơn cho rằng đã đến lúc mở của cho Bắc Kinh, và cảnh cáo Liên Xô không nên uy hiếp Trung Quốc. Ở mức độ nào đó, Ních-xơn cho rằng, khôi phục quan hệ bang giao với Trung Quốc sẽ xua đi mối lo ngại của các quốc gia châu Á đối với sự hòa hoãn Mỹ-Xô. Ông ta nói với Kít-sinh-gơ và Đại sứ Mỹ ở Ba Lan rằng, nếu Mỹ-Xô quá gần nhau, các nước Đông Á sẽ nghi ngại Mỹ-Xô "âm mưu đối phó với Trung Quốc". Như vậy sẽ "hỏng bét".

Ních-xơn cho rằng, nếu Mát-xcơ-va lớn mạnh đến mức có thể "kiểm soát Trung Quốc về chiến lược sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn". Theo chính sách "mở cửa" của Ngoại trưởng Jôn-hây, Ních-xơn cho rằng ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc sẽ khiến Trung Quốc giữ vững lực lượng độc lập để chống lại chính sách nước ngoài là rất quan trọng. Nếu không, như ông ta từng nhấn mạnh với Kít-sinh-gơ rằng: "Một liên minh Trung-Xô mới sẽ uy hiếp hoà bình thế giới".

Cuộc đối đầu Trung-Xô đi vào-giai đoạn căng thẳng nhất. Cả Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đều nhìn thấy cái lợi của họ từ trong sự đối đầu này. Họ đều tin rằng, mặc dù Trung Quốc rất không hài lòng về chính sách của Mỹ, nhưng sự lo ngại về sự uy hiếp của Liên Xô, khiến Bắc Kinh phải tìm đến hợp tác với Mỹ.

Kít-sinh-gơ không thích thú trước quan hệ Trung-Xô tiến triển. Nhưng ông ta tin rằng có thể tăng cường sức mạnh của Mỹ, Mỹ sẽ có sức "kiềm chế mạnh hơn đối với Mát-xcơ-va, và thúc đẩy Liên Xô “phải xây dựng với Mỹ một quan hệ mang tính xây dựng”, Oa-sinh-tơn hiểu rõ Trung Quốc "không tin vào" Liên Xô. Như vậy lập nên một cân bằng mới sẽ mở rộng chính sách kiềm chế, không những thế còn khiến cho Chính phủ Trung Quốc của Mao trở thành một thành viên hợp pháp trong hệ thống thế giới, và Liên Xô không chỉ lo ngại về quan hệ Trung-Xô, mà còn cảm nhận được sức ép phải cải thiện quan hệ với Mỹ".

Ních-xơn và Kít-sinh-gơ buộc phải mở cửa đối với Trung Quốc, còn có nhiều nguyên nhân khác. Do Mỹ bị sa lầy ở Đông Nam Á và cuộc chiến tranh lạnh khiến Mỹ không thể bỏ qua khả năng một ngày nào đó "do tính toán sai lầm" dẫn đến Trung-Mỹ đánh nhau. Triều Tiên trong chia cắt là một thùng thuốc súng, Nhật Bản vững mạnh lên về kinh tế cũng lo ngại vũ khí hạt nhân của Trung Quốc, trong khi đó Trung Quốc cũng lo ngại chủ nghĩa quân phiệt Nhật Bản đang sống trở lại. Trung Quốc vẫn là "kẻ yếu về chiến lược và dễ bị tổn thương", và trước khi Trung Quốc “có thể trực tiếp uy hiếp nền an ninh của Mỹ bằng vũ khí chiến lược", Ních-xơn và Kít-sinh-gơ muốn xây dựng với Bắc Kinh "mối quan hệ tích cực", nhằm làm dịu tình hình Đông Á.

Trước ba ngày Kít-sinh-gơ tới Bắc Kinh, ngày 6-7-1971 tại bang Kan-xát, Ních~xơn đọc bài diễn văn nổi tiếng, đã hỗ trợ cho bản phân tích của trợ lý an ninh quốc gia của ông ta, về hướng dẫn, giảm bớt sự kiểm soát trung gian và Ních-xơn đã dự kiến sức mạnh và sức cạnh tranh trong kinh tế của Mỹ trong một thế giới đa cực, ông ta nhận thấy rằng sức mạnh của Mỹ đang yếu đi, nhưng bất luận tình hình ra sao cũng phải giữ được "vai trò chủ đạo" của Mỹ trong thị trường thế giới.

Để tâng bốc Mao và Chu (đã nhanh chóng biết được bài diễn văn), Ních-xơn đã không ngần ngại coi Trung Quốc là cường quốc kinh tế. Để ngăn ngừa Trung Quốc bị "cô lập" và mất đi mối liên hệ với Mỹ, Ních-xơn nhấn mạnh: "Cánh cửa nhất định phải mở ra", phải bình thường hóa quan hệ giữa Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn, cho dù Trung Quốc có trở thành cường quốc kinh tế hay không, trong một thế giới mà công nghiệp và thương nghiệp nhanh chóng phục hồi, Ních-xơn, không thể mạo hiểm tách nước Mỹ ra khỏi khu vực có tiềm lực phát triển kinh tế to lớn này. Nhưng ông ta cũng không thể nói thẳng như vậy, nhằm tránh gây ra sự chống lại chủ nghĩa đế quốc của Bắc Kinh.

Như trong một bài viết đã nêu rõ, "Quan hệ Trung-Mỹ hoà hoãn không phải do trời quyết định". Cho dù thời gian từ 1969 đến 1970, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ tiến hành nhiều chuyến thăm ngoại giao và thăm với tư cách cá nhân, nhưng trong biểu hiện của họ, mọi chuyện đều không phải hài hoà. Ví dụ, năm 1969, trong lời phát biểu, Ních-xơn nêu lên Trung Quốc là "sự đe dọa lớn nhất" đối với hoà bình thế giới, có khả năng sẽ kéo dài, hoặc làm rối loạn tiến trình khôi phục bang giao. Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện "đối đầu kép" với Mỹ và Liên Xô.

Từ năm 1969 đến 1970, thuộc hạ của Mao đã thận trọng thảo luận vấn đề sự đe doạ ngang nhau của Mỹ và Liên Xô. Tuy vậy Mao và Chu đều cho rằng có khả năng và cần thiết khôi phục quan hệ với quốc gia trước đây là kẻ thù. Song cho đến tận Hội nghị Lư Sơn mùa hè năm 1970, Mao mới tuyên bố việc này. Khi Mao thông báo với mọi người ông ta có cuộc mật đàm với Oa-sinh-tơn, và đã chấp nhận đề nghị của một đại diện Oa-sinh-tơn về chuyến thăm Trung Quốc các cán bộ lãnh đạo trong Đảng đều vô cùng sửng sốt.

Nhưng cuộc tấn công của Mỹ chống Cam-pu-chia làm gián đoạn cuộc đàm thoại Trung-Mỹ, mãi cho đến cuối năm đó, hai bên mới trở lại quỹ đạo. "Ngoại giao bóng bàn" của Bắc Kinh năm 1971 làm chẤn Động cả thế giới. Trong thời gian diễn ra giải bóng bàn thế giới tại Nhật Bản, đội bóng Trung Quốc mời đội bóng Mỹ tới Trung Quốc. Điều mang nhiều kịch tính hơn là Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn đã đạt được thỏa thuận về vấn đề quan trọng cho chuyến thăm bí mật của Kít-sinh-gơ và Ních-xơn. Cho dù cuộc nói chuyện giữa Kít-sinh-gơ với Chu năm 1971 còn giữ bí mật, khi Ních-xơn và người Trung Quốc tuyên bố Ních-xơn sẽ thăm Trung Quốc, thì quan hệ cam kết của họ đã trở thành công khai.

Kít-sinh-gơ và Ních-xơn cho rằng, hành động đáng kinh ngạc của họ nhằm thay đổi cân bằng sức mạnh đáng được đền đáp. Trong mấy tuần diễn ra chuyến thăm Trung Quốc của Ních-xơn, bỗng nhiên Liên Xô tỏ ra cực kỳ linh hoạt về lịch gặp gỡ của Ních-xơn với Brê-giơ-nhép tại Mát-xcơ-va và tìm cách kết nối với các vấn đề khác như vấn đề Béc-lin.

Bị kích thích bởi Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh, Liên Xô đã đồng ý để Ních-xơn viếng thăm Mát-xcơ-va vào tháng 6 năm 1972, sau khi cân nhắc mối quan hệ giữa Pakixtan, đồng minh của Trung Quốc với Ấn Độ, người bị coi là đại diện cho Liên Xô. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ tiếp tục gây sức ép với Liên Xô nhân cuộc chiến tranh Nam Á nổ ra vào tháng 11/1971. Bằng cách phát tín hiệu cảnh cáo Mát-xcơ-va và Niu Đê-li, cả hai người đều muốn chứng minh với Trung Quốc về độ tin cậy của họ và nó được coi là mở màn cho cuộc nói chuyện với Chu và Mao.

Chuyến thăm của Ních-xơn tới Bắc Kinh và Mát-xcơ-va năm 1972 được giới báo chí ca ngợi như một sự tích thần kỳ tại Trung Quốc. Ních-xơn cùng với Mao và Chu cùng ký bản thông cáo Thượng Hải, đôi bên đều chống lại "bá quyền", (chỉ Liên Xô). Mỹ chính thức xác nhận phải chống lại Liên Xô và rút quân đội ra khỏi Đài Loan.

Trong lần tái tranh cử Tổng thống, Ních-xơn ba hoa rằng: Chuyến thăm Trung Quốc là "một tuần lễ biến đổi thế giới". Sau đó mấy tháng, Ních-xơn gặp Brê-giơ-nhép tại Mát-xcơ-va và đi đến thỏa thuận quan trọng về nguyên tắc vấn đề SALT, ABMR (Hiệp ước Chống tên lửa đạn đạo.) và quan hệ Mỹ-Xô.

Để thúc đẩy cho sự sắp đặt này, Ních-xơn đã đưa ra những ngôn từ hoa mỹ. Trong báo cáo gửi Quốc hội sau khi về nước, ông ta tuyên bố "Chúng ta đã nhìn thấy sự mở đầu của một kỷ nguyên mới", "đó là một kỷ nguyên trong đó biết bao nhiêu người phải sống dưới đám mây đen hạt nhân sẵn sàng bùng nổ bởi cuộc chạy đua vũ trang". Và để giảm mức độ phổ biến vũ khí hạt nhân, chúng ta bắt đầu giảm mức độ sợ hãi bằng cách giảm các nhân tố làm chúng ta sợ hãi.

Cho dù sau đó vài năm, việc ba hoa quá mức về hoà hoãn Mỹ-Xô đã gây khó khăn cho các kiến trúc sư Xô-Mỹ nhưng chính quyền Ních-xơn đã có một bước tiến quan trọng trong việc lập nên thế cân bằng mới về lực lượng quốc tế. Cuộc đàm phán với Mát-xcơ-va đã xác định phương thức làm dịu cuộc cạnh tranh Mỹ-Xô, công lao đó thuộc về Ních-xơn trong mục tiêu cân bằng sức mạnh.

Căn cứ vào Hiệp ước ABM, các siêu cường đã dừng lại cuộc chạy đua về hệ thống chống tên lửa; nhưng theo Hiệp định SALT, Chính phủ Ních-xơn có thể kiểm soát hệ thống tên lửa, và giữ được ưu thế về đầu đạn hạt nhân. Cứ cho là Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cùng phủ định giá trị "nguyên tắc cơ bản về quan hệ Mỹ-Xô" mà Ních-xơn đã ký, văn kiện này đã xác lập việc giám sát cuộc chạy đua của các siêu cường, trong đó bao gồm cả vấn đề chung sống hòa bình, chủ quyền bình đẳng, không can thiệp nội bộ của nhau và biện pháp chế ước lẫn nhau, tránh không để xảy ra khủng hoảng.

Kít-sinh-gơ không quan tâm nhiều đến vấn đề chính sách kinh tế, nhưng thời gian đầu khi ông ta bắt đầu sự nghiệp, có vấn đề kinh tế từ hai phía. Oa-sinh-tơn cần mở rộng xuất khẩu để cân bằng cán cân thanh toán quốc tế, còn Mát-xcơ-va cần hiện đại hóa nền kinh tế nhưng thiếu lương thực, đó là động lực mạnh mẽ cho hoà hoãn, nhất trí với chính sách liên hợp.

Cho đến khi quan hệ hai bên đi vào hoà hoãn, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ mới chịu chia sẻ lợi ích kinh tế với Liên Xô. Và kết quả kéo theo là nó đã trở thành động lực buộc Liên Xô phải xét lại chính sách đối ngoại của mình. Sau chuyến thăm Mátxcơva của Ních-xơn không lâu, Chính phủ Mỹ đã thực hiện cam kết cho vay tín dụng nông nghiệp để Liên Xô mua vài triệu đô la lương thực của Mỹ.

Tháng 10/1972, Oa-sinh-tơn ký với Liên Xô một Hiệp định thương mại rộng rãi và một Hiệp định viện trợ sau chiến tranh, dành cho Liên Xô được hưởng quy chế tối huệ quốc trong xuất khẩu. Mỹ còn cam kết thực hiện cho Liên Xô vay vốn ngân hàng để xuất khẩu với số lượng lớn đối với mặt hàng công nghiệp xuất khẩu của Mỹ. Các điều khoản trên đi vào thực hiện mang lại ý nghĩa to lớn cho quan hệ hoà hoãn hai bên trong vài năm sau đó.

Đồng bộ với Mỹ-Xô hòa hoãn, Liên Xô cũng đã hòa hoãn với Tây Âu trong đó Tây Đức đóng vai trò then chốt. "Chính sách Đông tiến" của Tây Đức đem lại động lực quan trọng: Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cần phát triển mối quan hệ hoà hoãn với Liên Xô, bởi họ ngày càng lo ngại chính sách ngoại giao của Bộ trưởng Tây Đức Bran sẽ mở rộng phạm vi ảnh hưởng của Liên Xô, và biến nước Cộng hòa Dân chủ Đức thành "Phần Lan". Như vậy, ảnh hưởng của Mỹ sẽ mất đi hoặc sa sút nghiêm trọng.

Do tác động của "kênh ngầm" (Kít-sinh-gơ), một sự phát triển mấu chốt đã được hình thành, tức Hiệp định 4 bên về Béclin. Hiệp định này đã ổn định mối quan hệ của phương Tây với Béc-lin và khiến thành phố chia năm sẻ bảy này không còn là tiêu điểm đối đầu giữa các siêu cường. Nếu xét về tầm quan trọng của Hiệp định, nó thúc đẩy Nhà Trắng chấp nhận Hội nghị cấp cao tại Mát-xco-va, và làm tăng lợi ích hai bên trong nền an ninh châu Âu và trong cuộc đàm phán đa phương về lực lượng ở Trung Đông.

Đi đến Hội nghị an ninh châu Âu về kế hoạch hoạch định biên giới sau chiến tranh là mong muốn của Liên Xô. Một mặt, Oa-sinh-tơn ủng hộ MBFR (Đàm phán giải trừ quân bị cân bằng lẫn nhau năm 1973-1986.) nhằm gây sức ép với Quốc hội để rút quân khỏi Tây Âu. Đối với Ních-xơn và Kít-sinh-gơ, "luật tu chính Men-fin" của NATO dẫn đến nhiều nguy cơ; Còn Brê-giơ-nhép lại càng lo ngại hơn về điều đó bởi quân Mỹ rút khỏi Tây Đức sẽ ảnh hưởng tới vai trò của quân Đức tại châu Âu.

Trong Hội đàm cấp cao năm 1972, Ních-xơn và Brê-giơ-nhép đồng ý đàm phán về MBFR thông qua Hội nghị Hợp tác và an ninh châu Âu (CSCE) Hội nghị này được mở màn bằng cuộc họp sơ bộ vào tháng 11 tại Hen-xin-ky và cuộc đàm phán về MBFR được tổ chức vào tháng 1/1973 tại Hà Nội.

Kít-sinh-gơ đã không ngần ngại coi CSCE là "thất bại của phương Tây, bởi đó là một liên minh yếu ớt sinh ra trong thời kỳ ảo tưởng", ông ta coi đó là cái giá phải trả cho cuộc đàm phán quan trọng về MBFR, nhằm đảm bảo an toàn cho quân Mỹ đóng ở châu Âu, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã đưa ra một giải pháp về Việt Nam. Đó là động cơ ban đầu của họ nhằm tiếp xúc với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va.

Mùa hè năm 1972, sau vài tháng có cuộc nói chuyện với Mao và Brê-giơ-nhép, họ quyết định giữ "chính quyền Nguyễn", Mỹ tiếp tục trả một cái giá lớn về xương máu và tiền bạc, nhằm buộc Hà Nội chấm dứt đối đầu với Oa-sinh-tơn. Nếu Hà Nội tạm thời chấp nhận hòa hoãn, thì lẽ ra Mỹ phải chấp nhận Bắc Việt Nam đóng quân ở miền Nam. Nhưng cho dù thế nào chăng nữa, thì ảnh hưởng của Mỹ đối với Nam Việt Nam đã chấm dứt vào tháng 1/1973.

Giải quyết vấn đề Việt Nam là mục đích chủ yếu của Ních-xơn và Kít-sinh-gơ ngay trong thời kỳ đầu hoà hoãn với Liên Xô và lập lại bang giao với Trung Quốc. Nhưng sự thực phức tạp hơn nhiều, chạy đua với Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh và tăng cường vai trò trung tâm của Mỹ trong nền chính trị thế giới, là hai nguyên nhân cơ bản để Nhà Trắng thúc đẩy quan hệ với hai cường quốc cộng sản.

Đặt chính sách kiềm chế chiến tranh lạnh trên một cơ sở mới, Chính phủ Ních-xơn theo đuổi một sự cân bằng trên cơ sở Trung-Xô xa lánh nhau, một mặt hợp tác với Liên Xô, mặt khác lại ngầm nghiêng về phía Trung Quốc, và đảm bảo bất kỳ bên nào cũng không có được quan hệ thân mật hơn so với các nước Đồng minh của Mỹ ở châu Á và châu Âu. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ không ảo tưởng về khôi phục và cải thiện quan hệ với quốc gia đối địch nhau về chính trị và tư tưởng trong mấy chục năm qua.

Ních-xơn và Kít-sinh-gơ có khuynh hướng chống cộng của họ, hơn thế nữa lực lượng chính trị to lớn trong nước cung đang gây ảnh hưởng đối với Liên Xô, và đang lo ngại phải chăng Mỹ đang đi quá xa trong chính sách mềm mỏng đối với Bắc Kinh. Vì thế, biên bản đã ghi lại sự thật về khó khăn khi khôi phục lại bang giao với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va, vạch rõ sự thật chua chát về Mỹ-Xô hòa hoãn và quan hệ Trung-Mỹ dẫm chân tại chỗ ở những năm 70.

Kít-sinh-gơ cảm thấy tự hào về "một thế giới hiện hành" của hậu kỳ năm 1973 hoà bình và ổn định. Không chỉ quan hệ Trung-Mỹ trong trạng thái chững lại, ngay cả quan hệ hoà hoãn giữa Mỹ và Liên Xô được Ních-xơn và Kít-sinh-gơ dành nhiều tâm huyết đều có hướng chậm lại.

Quan hệ Trung-Mỹ chững lại là do Bắc Kinh hoài nghi về Hiệp định Mỹ-Xô và Rốc-cơ-phe-lơ đã không chịu cắt đứt quan hệ chính trị với Đài Loan, mà đó lại là điều kiện để đi đến một hiệp nghị với Bắc Kinh. Còn trở ngại cho quan hệ Mỹ-Xô hoà hoãn, lại là đàm phán về SALT II đi vào bế tắc và Liên Xô đang trợ giúp MPLA (Phong trào nhân dân giải phóng Ăng-gô-la).

Bản thân các biên bản đăng trong cuốn sách này không giải thích được nguyên nhân làm cho quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ-Xô xấu đi. Những công văn quan trọng làm rõ sự phát triển quan hệ Trung-Mỹ và Mỹ-Xô thời kỳ giữa những năm 70 hiện còn là cơ mật, không thể tiếp cận. Nhưng tài liệu đã có cho thấy, những điều phiền toái gây ra đối với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va bắt nguồn từ sai lầm của Ních-xơn và Kít-sinh-gơ về chính sách, trong đó một số sai lầm đã dẫn tới Ních-xơn phải ra đi, làm cho vai trò của Kít-sinh-gơ giảm sút. Những sai lầm đó bao gồm: sự khát khao về phát hiện bí mật, mở rộng quyền hạn của Tổng thống, coi thường các cơ quan, các ngành và Quốc hội, và họ đã kiên trì quan điểm kiểm soát chính trị trong quan hệ quốc tế.

Mở rộng và sử dụng một cách bí mật quyền lực Tổng thống, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ gây ra một số. sự cố bất ngờ: Sáu tháng cuối năm 1973, Ních-xơn một mặt ngậm đắng nuốt cay về vụ Oa-tơ-ghết, một mặt tiếp tục tham gia tranh cử Tổng thống. Ních-xơn không thể tiếp tục bước đi hoà hoãn Mỹ-Xô và sau khi Ních-xơn từ chức, cam kết về bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ tan thành mây khói.

Chính sự "năng động" của Kít-sinh-gơ đã ảnh hưởng tới sự đeo đuổi về quan hệ hòa dịu của ông ta với Liên Xô. Và khi ông ta có ý đồ muốn đạt được thỏa thuận trong đàm phán SALT II năm 1975, 1976, thì các quan chức Lầu Năm Góc vốn không tin ở Kít-sinh-gơ, đã thành công trong việc đẩy ông ta ra ngoài rìa.

Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đều muốn giành được "sự tín nhiệm" nhất định trong Quốc hội và công chúng. Nhưng cùng với dư luận về chiến tranh lạnh, sự hoài nghi về chính sách ngoại giao và vụ Oa-tơ-ghết, sự  phục tùng và sự tin tưởng trở thành vấn đề, không chỉ đối với những người theo chủ nghĩa chống chiến tranh, mà cả đối với các nghị sĩ trong cuộc chiến tranh lạnh tại Quốc hội, mà họ là những người có ảnh hưởng, có tham vọng. Vì vậy: “bản thiết kế vĩ mô" về hoà hoãn bị thất bại một phần do vấn đề dành ưu đãi cho kinh tế Liên Xô, vấn đề quy chế tối huệ quốc và vay vốn ngân hàng xuất khẩu không được Quốc hội ủng hộ.

Đối với Ních-xơn và Kít-sinh-gơ, những vấn đề trên lại là điều kiện tất yếu để thúc đẩy sự hợp tác với Liên Xô, đặc biệt là sự chống đối hoà hoãn về kinh tế từ phía Hăng-ri Giắc-xơn khiến Kít-sinh-gơ phải vất vả đối phó. Sự nghiên cứu mưu lược của các chính khách thế kỷ 19 cũng không giúp cho ông ta bài học xử lý mối quan hệ giữa thế giới hiện thực và cơ quan lập pháp. Tán đồng sự nghi ngại của Ních-xơn đối với Ban lãnh đạo Liên Xô, Kít-sinh-gơ đã làm yếu đi khả năng cấp vốn cho Mát-xcơ-va: bởi không ai muốn Liên Xô mạnh về kinh tế

Sự phủ định thực chất về lợi ích kinh tế không phải là nguyên nhân duy nhất gây cản trở cho hòa dịu. Tình hình Angôla mà Kít-sinh-gơ khăng khăng cho rằng đó là sự thách thức của Liên Xô đối với độ tin cậy của Mỹ, cũng khiến cho quan hệ Mỹ-Xô xấu đi. Ngay cả khi không có cuộc xung đột ở miền Nam châu Phi, thì chính sách của Kít-sinh-gơ cũng khó được Quốc hội chấp nhận.

Tuy rằng những năm 70, trong cuộc trưng cầu dân ý, ông ta được tỷ lệ người ủng hộ rất cao. Nhưng tỷ lệ ấy cũng cho thấy công chúng tin rằng Liên Xô đang tăng cường thực lực. Rõ ràng, chính sách ngoại giao của Kít-sinh-gơ đã không làm yên lòng công chúng, chứ chưa nói đến sự hòa hoãn là con đường tối ưu để kiềm chế sức mạnh của Liên Xô.

Sự coi trọng tài năng của công chúng, khiến Kít-sinh-gơ đã quên mất nguyên tắc của mình, đó là tính thực tiễn của chính sách có được bởi khả năng ủng hộ ở trong nước. Mãi cho đến năm 1975, ông ta mới ưu tiên xem xét vấn đề giáo dục cộng đồng, hay nói một cách khác là phát triển đội quân dự bị, nhất là trong Đảng Bảo thủ.

Hòa hoãn, đó là ý tưởng nhằm kiểm soát cuộc chạy đua giữa hai đối thủ, điều này không phải không thực hiện được, mà là người Mỹ không có kinh nghiệm điều hoà mối quan hệ tế nhị dối với thế lực chống đối hoà hoãn bởi thế lực này coi Liên Xô là kẻ thù, chứ không phải là đối thủ chạy đua. Do cuộc khủng hoảng ở Ăng-gô-la mất đi, Kít-sinh-gơ đã dễ dàng cường điệu quan điểm về Liên Xô là đối thủ cạnh tranh cần kiềm chế .

Tuy rằng đi vào thực hiện còn nhiều vấn đề, nhùng chính sách hoà hoãn Mỹ-Xô đã tạo ra một tiền lệ quan trọng, điều mà những người quyết định chính sách không thể bỏ qua trong tương lai. Ri-gân, người từng phê phán chính sách hòa hoãn của Kít-sinh-gơ trong những năm 70 đã phát hiện ra rằng, từ năm 1981 đến 1983, khi quan hệ Mỹ-Xô căng thẳng đến mức làm mọi người lo lắng, thì chính ông ta đã nối lại được cuộc nói chuyện với Mát-xcơ-va và phát triển "sự hợp tác mang tính xây dựng".

Tất nhiên, Ri-gân may mắn hơn, bởi người lãnh đạo Liên Xô mà Ri-gân đối thoại là Goóc-ba-chốp người biết cách giải quyết công việc chứ không phải Brê-giơ-nhép. Nhưng trước khi Goóc-ba-chốp lên cầm quyền, Ri-gân đã buộc phải kết luận rằng "thực hiện chính sách đối đầu với Liên Xô là không phù hợp với an ninh nước Mỹ". Và như Ri-gân từng nói "cho dù chúng ta không thích chế độ đó nhưng sống trong thời đại vũ khí hạt nhân buộc chúng ta phải tiến hành đối thoại".

Cho dù nói thế nào thì, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ cũng gặt hái được nhiều thành công trong đối thoại với Trung Quốc và cuộc đàm phán hoà hoãn Mỹ-Xô. Kít-sinh-gơ, G.Pho đã không thực hiện cam kết của người tiền nhiệm trong năm 1976 là bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ đã khiến Bắc Kinh tức giận. Nhưng nguyên nhân chính là do quan hệ Trung-Mỹ năm 1974-1975 đi vào bế tắc, Kít-sinh-gơ hy vọng xây dựng được liên minh chiến lược với Trung Quốc, và tin tưởng ở Chính phủ có khả năng kiềm chế cả Trung Quốc lẫn Liên Xô. Ông ta đã nhiều lần nhắc nhở Trung Quốc cần đề phòng Liên Xô.

Nhưng sự lo ngại quá đáng của ông ta khiến ban lãnh đạo Trung Quốc cho rằng ông ta có ý kiểm soát Trung Quốc. Trung Quốc không muốn mạo hiểm để xây dựng quan hệ với Mỹ. Họ đã tỏ ra lạnh nhạt với đề nghị của Kít-sinh-gơ. Trong khi đó, Phó Thủ tướng Trung Quốc Đặng Tiểu Bình rất giỏi đối phó với sự đe doạ của Liên Xô và phê phán chính sách hòa hoãn của Mỹ, khiến cho Kít-sinh-gơ cụt hứng.

Tuy rằng, quan hệ Bắc Kinh-Oa-sinh-tơn phát triển không suôn sẻ, nhưng sự nỗ lực của Kít-sinh-gơ là khá quan trọng. Xây dựng với Bắc Kinh muốn quan hệ về an ninh, đặc biệt mở rộng hợp tác tình báo, đề nghị hợp tác về cảnh báo chiến lược, nới rộng hạn chế xuất khẩu kỹ thuật nhạy cảm, Kít-sinh-gơ muốn thực hiện ý đồ tăng cường quan hệ Trung-Mỹ để chống lại Mát-xcơ-va.

Chính sách nghiêng về quan hệ an ninh thân mật với Mỹ, dường như đã đẩy Bắc Kinh đến chỗ không chịu hợp tác với hệ thống an ninh phương Tây, nhưng điều này cũng khiến Kít-sinh-gơ lâm vào cảnh khốn đốn. Bởi sau sự kiện Thiên An Môn năm 1989, vấn đề nhân quyền của Trung Quốc lại trở thành một bất đồng với Mỹ.

Khi nắm trong tay cơ quan quyết định chính sách, Kít-sinh-gơ không cho rằng hoạt động chính trị nội bộ của Bắc Kinh liên quan đến chính sách hợp tác. Bởi nó hầu như không liên quan đến tính hợp pháp về quốc tế của một Chính phủ. Còn người quyết định chính sách ở Mỹ lại có cách lý giải rộng hơn về tính hợp pháp. Họ nghiêng về lôgích tư tưởng của Kít-sinh-gơ, đặt nhân quyền vào sau vị trí toàn bộ chiến lược tổng thể và quan hệ kinh tế.

Tuy có khiếm khuyết và sai lầm, nhưng vai trò trung tâm của Kít-sinh-gơ thúc đẩy bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ và giảm bớt sự đối đầu Mỹ-Xô là đáng khen. Nội dung hội đàm này được công khai, đã miêu tả người quyết định chính sách nước Mỹ có ý đồ vượt lên sự đối đầu trước đây, đó là một khâu then chốt trong lịch sử chiến tranh lạnh.

Chương 1
"THỬ XEM SỰ KIỆN HƯỚNG TỚI CÓ LỢI CHO CHÚNG TA"
OA-SINH-TƠN-MÁT-XCƠ-VA-BẮC KINH (1971-1972)

Lời dẫn

Là Cố vấn số 1 của Tổng thống và là người xây dựng chính sách an ninh Quốc gia, Kít-sinh-gơ đã phát huy vai trò trung tâm của mình trong quá trình phát triển mối quan hệ mới với các đối thủ cũ. Tuy nhiên, trong diễn văn nhậm chức năm 1969, Ních-xơn nói: "Thời đại đàm phán mới đang mở ra một cách chậm chạp và gay go".

Trong quá trình đàm phán kéo dài liên tục với Bắc Việt Nam, do Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đòi "nền hoà bình được tôn trọng” nhằm giữ uy tín cho Mỹ, nên sự biện hộ cho cuộc đổ máu vẫn tiếp tục cho đến tháng 1/1973, Mỹ chấm dứt dính líu quân sự vào Việt Nam, mới coi như được giải quyết.

Tuy cuộc chiến tranh Đông Dương khiến những nỗ lực của Mỹ nhằm hoà hoãn mối quan hệ căng thẳng với Trung Quốc và Liên Xô trở nên phức tạp, nhưng đàm phán vẫn được tiến hành, tuy rằng không chấm dứt được hiện tượng đe doạ bằng vũ lực. Ních-xơn không những mở ra cục diện mới trong quan hệ với Trung Quốc (một kẻ thù ngầm trong thời kỳ chiến tranh lạnh) và dưới sự lãnh đạo của ông ta, quan hệ Mỹ-Xô có thay đổi lớn.

Lập nên quan hệ ngoại giao tam giác cấp Chính phủ, là một thành công cực lớn (đầu năm 1972, Ních-xơn thăm Trung Quốc và tháng năm tiến hành gặp gỡ cấp cao tại Mát-xcơ-va) quả thực đây là một lợi thế trong năm bầu cử. Nhưng nền hoà bình lâu dài mà Ních-xơn tuyên bố lại xây dựng trên cơ sở không tin nhau trong chiến tranh lạnh.

Cuối cùng, nghi ngờ của Liên Xô, khiến quan hệ Ních-xơn, Kít-sinh-gơ với Bắc Kinh lại ngày càng khăng khít hơn và đem lại sự cân bằng làm dịu đi tình hình quốc tế vốn căng thẳng, có nghĩa là kiềm chế sức mạnh Liên Xô, hỗ trợ sức mạnh Hoa Kỳ.

Những biên bản văn kiện liên quan tới việc Nhà Trắng chủ động tiếp cận Trung Quốc, tìm cách hoà hoãn với Liên Xô có rất ít. Tuy rằng một số cơ quan liên bang đã cho công bố văn kiện quan trọng về "cuộc đối thoại hạn chế vũ khi chiến lược", nhưng phần văn kiện của Nhà Trắng về Trung Quốc và Liên Xô, phần lớn chưa công bố.

Tuy văn kiện của Uyn-tơn Lốt, Người hoạch định chính sách rất có giá trị, nhưng ngay cả văn kiện đó cũng không có biên bản hội đàm bí mật của Kít-sinh-gơ tại Bắc Kinh tháng 7/1971 và biên bản về chuyến viếng thăm của ông ta năm 1971 và 1972. Nhưng trong văn kiện của Lốt có một số tài liệu cực kỳ quan trọng (biên bản Hội đàm Mao Trạch Đông và Ních-xơn tháng 2/1972 và biên bản về cuộc hội đàm với lãnh đạo nước Nga).

Chính những nguyên nhân thúc đẩy Ních-xơn và Kít-sinh-gơ thực hiện nền ngoại giao bí mật. Qua gần hai năm tiếp xúc cuối cùng đã dẫn tới chuyến viếng thăm Bắc Kinh bí mật của Kít-sinh-gơ tháng 7-1971. Nhưng nhân tố then chốt biến các hành động trở thành hiệu lực còn phụ thuộc vào hàng loạt động thái từ phía Oa-sinh-tơn, những động thái đó được đưa ra vào cuối kỳ Hội nghị thường lệ do đại diện Trung-Mỹ tiến hành tại Vác-sa-va.

Tháng 2/1970, Đại sứ Mỹ Oa-tơ Stô-sen bắn tin với Trung Quốc: Sau khi kết thúc chiến tranh Việt Nam, "chúng tôi có thể giảm bớt cơ sở quân sự hiện có ở Đài Loan", Stô-sen nói, đó là ý đồ của Mỹ. Bắc Kinh đã bày tỏ thái độ rõ ràng, họ muốn nhìn thấy quân đội Mỹ có mặt tại Đài Loan có đôi chút thay đổi. Đó là vấn đề có tính quyết định nhất trong quan hệ Trung-Mỹ.

Xuất phát từ chỗ cả Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh đều quan tâm đến vấn đề Liên Xô. Và Mao Trạch Đông muốn chứng minh vai trò của Trung Quốc trong cộng đồng quốc tế qua chuyến thăm của Tổng thống Mỹ tới Bắc Kinh, cùng một số hành động khéo léo khác khiến cả hai bên đều đạt được mục tiêu của mình. "Ngoại giao bóng bàn" của Bắc Kinh (mời đội bóng bàn Mỹ thăm Trung Quốc vào mùa xuân 1971) và thực hiện vòng hội đàm bí mật mới với sự trợ giúp của Tổng thống Pa-kit-xtan Yahya Khan đã đóng vai trò cực kỳ quan trọng.

Ngày 21/4, sau khi Ních-xơn công khai bày tỏ hứng thú về một chuyến thăm Trung Quốc, Chu Ân Lai liền bắn tin về khả năng một chuyến viếng thăm của Tổng thống. Trong thư trả lời Chu Ân Lai ngày 10/5, Ních-xơn cho biết sẵn sàng đón nhận một đề nghị như vậy, và đề cử Kít-sinh-gơ sẽ có cuộc gặp bí mật với Chu Ân Lai, nhằm trao đổi quan điểm và khả năng về chuyến thăm của Tổng thống.

Trong thư ngày 29-5 Chu Ân Lai đồng ý có chuyến thăm bí mật của Kít-sinh-gơ, và nêu thêm "Chủ tịch Mao Trạch Đông hoan nghênh Tổng thống Ních-xơn đến thăm". Ngày 4/6, Ních-xơn trả lời "Mong có cuộc gặp riêng với nhà lãnh đạo Trung Quốc", coi như mở màn cho quá trình thương lượng.

Thượng tuần tháng 7, Kít-sinh-gơ tiến hành chuyến đi bí mật sang Trung Quốc. Ngày 15/7, Ních-xơn và Chu Ân Lai cùng tuyên bố, Trung Quốc và Mỹ sẽ tiến hành hội đàm cấp cao vào 6 tháng đầu năm 1972. Ních-xơn đưa ra tuyên bố trên trong bối cảnh: ông ta và Kít-sinh-gơ đang thực hiện chiến lược cân bằng lực lượng, nhằm tăng cường tác dụng đòn bẩy của Mỹ trong nền chính trị thế giới; đồng thời tránh khỏi sự hiểu lầm nhau với Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ phán đoán trong khi Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn tiến hành cuộc đối thoại chính trị, Liên Xô buộc phải cố gắng để giữ vững và tăng cường quan hệ với Mỹ, nhằm ngăn cản quan hệ Trung-Mỹ quá ư thân mật. Đồng thời, Kít-sinh-gơ cũng đang tìm kiếm tác dụng đòn bẩy đối với người lãnh đạo Trung Quốc. Theo quan điểm của ông ta, người lãnh đạo Trung Quốc là kẻ theo chủ nghĩa không tưởng cứng rắn và tuy có quan điểm hoàn toàn khác nhau trong vấn đề tương lai của thế giới, nhưng mục đích chính của Kít-sinh-gơ là nhồi vào ban lãnh đạo Trung Quốc tư tưởng thù địch chống Liên Xô.

Trong cuộc chiến tranh Ấn Độ Pa-kit-xtan, Kít-sinh-gơ cho rằng Ấn Độ là tay sai của Liên Xô bị đẩy đi đánh nhau với Pa-kit-xtan, đồng minh của Trung Quốc, nếu cần thiết Mỹ có thể ủng hộ Trung Quốc về quân sự, nhưng Kít-sinh-gơ cũng lo ngại, quan chức cấp dưới của Mao Trạch Đông sẽ nghi ngờ chính sách mở cửa với Mỹ. Cho nên, Mỹ phải tỏ ra có một mặt trận vững vàng để lấy được lòng tin, đó là điều rất cần thiết, và như vậy tránh được Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai thay đổi chủ trương.

Nhớ lại trong hồi ức, Kít-sinh-gơ luôn thận trọng để xử lý mọi vấp váp đối với Bắc Kinh. Khi dành cho Trung Quốc sự ưu đãi đặc biệt, ông ta buộc phải thận trọng xử lý mối quan hệ tam giác, để Mát-xcơ-va và Bắc Kinh đều hiểu rằng, hợp tác với Mỹ là có lợi. Tuy vậy, bất luận Trung Quốc nghĩ thế nào, Kít-sinh-gơ vẫn dành cho Bắc Kinh một chút ưu đãi đặc biệt, cho rằng giữa Trung Quốc và Mỹ có quan hệ đặc biệt. Ví dụ: ông ta quyết định cung cấp cho Bắc Kinh một số thông tin khoa học công nghệ cao, trong đó có kỹ thuật vệ tinh. Về điểm này, Kít-sinh-gơ đối xử với Bắc Kinh như với quốc gia đồng minh của Mỹ trong NATO .

Chuyến thăm của Ních-xơn tới Trung Quốc, đặc biệt là cuộc hội đàm cấp cao với Mao Trạch Đông ngày 21-2-1972, không những là thành quả trong quan hệ quốc tế, mà còn là thắng lợi về chính trị. Khi Ních-xơn khá vất vả chuyển đề tài câu chuyện sang vấn đề chính trị, thì Mao Trạch Đông đề nghị ông ta hãy nói gọn lại.

Tuy vậy, sự nhượng bộ của Kít-sinh-gơ trong vấn đề Đài Loan, và nhận thức chung của họ đạt được trong vấn đề lực lượng của đôi bên có sức mạnh đe dọa đối với đối thủ cạnh tranh của mỗi bên đã tạo cơ sở cho việc ký kết bản thông cáo Thượng Hải ngày 28-2-1972 (tức trước ngày Ních-xơn tuyên bố ủng hộ chiến tranh giải phóng dân tộc và cách mạng xã hội chủ nghĩa, phía Mỹ tuyên bố ủng hộ hoà bình, hai bên bày tỏ chống lại chủ nghĩa bá quyền tại châu Á-Thái Bình Dương)

Thông cáo Thượng Hải cho biết, trong hội đàm, ban đầu đã đạt được sự nhất trí về vấn đề Đài Loan, Oa-sinh-tơn không có sự nhân nhượng đặc biệt nào trong vấn đề "có hay không”, hoặc khi nào chấm dứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan. Nhưng ông ta thừa nhận lập trường của Bắc Kinh, đó là "chỉ có một Trung Quốc, Đài Loan là một bộ phận của Trung Quốc".

Ngoài ra, Mỹ nhắc lại cam kết từ năm 1970: Sau khi tình hình căng thẳng ở khu vực này giảm đi, Oa-sinh-tơn sẽ giảm dần số quân và cơ sở quân sự đóng tại khu vực Đài Loan. Mỹ cũng đề cập đến lợi ích của họ trong giải quyết hoà bình vấn đề Đài Loan, nhưng bản thông cáo Thượng Hải không nhắc tới Ních-xơn đã nhân nhượng trong vấn đề Đài Loan, để củng cố quan hệ Trung-Mỹ. Điều quan trọng nhất là Ních-xơn đã cam kết sẽ có hành động tích cực để đến năm 1976 quan hệ Trung-Mỹ bình thường hóa hoàn toàn.

Ngoài việc cam kết không ủng hộ bất kỳ phong trào đòi độc lập nào ở Đài Loan, cũng như hành động quân sự của Đài Loan chống Trung Quốc, Ních-xơn còn nhận lời thuyết phục Nhật Bản, hoặc các quốc gia khác, hoặc một nước thứ ba quan hệ với Đài Loan sau khi quân Mỹ rút đi. Điểm cuối đã nói lên mối quan hệ của Bắc Kinh đối với lực lượng Nhật Bản trong khu vực. Những cam kết này của Ních-xơn đều là bí mật, nhằm tránh sự chống đối của Đài Loan và những kẻ ủng hộ Đài Loan ở Mỹ.

Sự lý giải trong vấn đề Đài Loan dựa trên cơ sở tình hình căng thẳng trong khu vực được hoà dịu. Ẩn ý này có nghĩa, Trung Quốc cần khích lệ Bắc Việt Nam trở lại bàn đàm phán để giúp giải quyết tình hình căng thẳng. Mấy tháng sau khi Ních-xơn thăm Trung Quốc, Kít-sinh-gơ tích cực tìm hiểu thái độ của phía Trung Quốc, thông qua quan chức ngoại giao Trung Quốc tại hội đàm Pa-ri, và yêu cầu Trung Quốc can thiệp với phía Việt Nam. Trung Quốc chỉ trích cuộc không kích của Mỹ. Nhưng Kít-sinh-gơ phát hiện ra rằng, sự chỉ trích là "ôn hoà".

Cuộc đàm phán hoà bình thất bại trong khi Kít-sinh-gơ đọc bài diễn văn nổi tiếng "Nền hoà bình bị thao túng". Lúc này, Trung Quốc chỉ trích mạnh mẽ Kít-sinh-gơ cho rằng chỉ có Liên Xô, chứ không phải là Trung Quốc sẽ được lợi thông qua mở rộng xung đột. Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Kiều Quán Hoa cảnh cáo, một nước không nên chỉ vì muốn được Nam Việt Nam mà vứt bỏ cả thế giới. Và Trung Quốc luôn chờ đợi hồi âm của Kít-sinh-gơ. Tuy Trung Quốc lên án mạnh mẽ "cuộc không kích đêm Noen", nhưng họ đã đóng vai trò trung gian quan trọng trong cả quá trình đi đến ký kết Hiệp định Hoà bình Pa-ri.

Chạy đua trong đối đầu đó là phương châm cơ bản của Ních-xơn và Kít-sinh-gơ thể hiện trong chính sách đối với Liên Xô. Nhưng do phải tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Việt Nam, và xua đi "bóng mây đen chiến tranh hạt nhân đang lơ lửng trên đầu thế giới" buộc Ních-xơn và Kít-sinh-gơ tìm kiếm nhưng phương thức khác nhau để cùng tồn tại với Liên Xô.

Cuộc tìm kiếm này đã dẫn đến ký kết Hiệp định Béc-lin 4 bên, cải thiện rất nhiều bầu không khí chiến tranh lạnh ở Bec-lin, và cùng cải thiện được bầu không khí cuộc hội đàm cấp cao Mỹ-Xô.

Trong cuộc gặp gỡ cấp cao tháng 5-1972, Ních-xơn và Brê-giơ-nhép đã thỏa thuận được hai Hiệp định, đó là "Hiệp định chống tên lửa đạn đạo" và "Hiệp định tạm thời về hạn chế chừng mực vũ khí phòng ngự chiến lược".

Để loại bỏ cuộc chạy đua của Mỹ và Liên Xô về hệ thống phòng ngự chống tên lửa, "Hiệp định chống tên lửa đạn đạo” quy định: hai bên chỉ có thể xây dựng một trong hai hệ thống sau đây: Một loại nhằm bảo vệ ICBM (Tên lửa đạn đạo vượt đại dương.) Sites, một loại khác là hệ thống phòng ngự nhằm tránh cho cơ quan pháp lệnh Nhà nước ở Oa-sinh-tơn và Mát-xcơ-va bị tập kích bởi tên lửa. Hai Hiệp ước nói trên là một trong những thành quả đạt được trong cuộc hội đàm vòng một về hạn chế vũ khí hạt nhân.

Cuộc hội đàm vòng một về hạn chế vũ khí hạt nhân cho phép Liên Xô chế tạo một số tên lửa phóng đi từ tàu ngầm thay thế cho một số tên lửa cũ phóng từ mặt đất. Tuy vậy, hội đàm vòng một là một bước rất quan trọng nhằm hạn chế cuộc chạy đua chiến lược. Trong cuộc hội đàm vòng hai về hạn chế vũ khí chiến lược, hai phía Mỹ-Xô bắt đầu đàm phán về một số mặt hạn chế khác, thậm chí bắt đầu thảo luận vấn đề giải trừ quân bị.

Sử dụng "Kênh ngầm" tiến hành hàng loạt cuộc đàm phán, Kít-sinh-gơ phát huy tác dụng quan trọng trong cuộc hội đàm về hạn chế vũ khí chiến lược (SALT). Ngoại trưởng Rô-gơ cho rằng ngoại giao bí mật của Kít-sinh-gơ không đem lại hiệu quả tối ưu. Nhưng theo Kít-sinh-gơ, ông ta coi trọng việc ký được với Mát-xcơ-va một loạt Hiệp định, chứ không phải là kết quả thực chất đạt được trong hội đàm vòng một.

Theo Kít-sinh-gơ, Mỹ giữ vững được ưu thế về MIRV (Phương tiện bay chở nhiều đầu đạn nhằm vào nhiều mục tiêu.) thông qua Hiệp định tạm thời là đủ rồi. Bởi đó là sản phẩm tối quan trọng trong cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân chiến lược.

Cuộc hội đàm vòng một về hạn chế vũ khí chiến lược đã quy định: sau khi kết thúc Hội đàm Liên Xô được phép có 1.618 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa. Nhưng Mỹ lại chiếm ưu thế về tên lửa đạn đạo mang nhiều đầu đạn bắn từ dưới đáy biển. MIRV được thông qua. Tên lửa chiến lược của Mỹ gấp hơn 2 lần so với Liên Xô

Sau này Kít-sinh-gơ đã nói rằng, ưu thế này khá quan trọng về chính trị. Điều đó có nghĩa, một khi nổ ra chiến tranh, hoả lực siêu mạnh của Mỹ đặt Liên Xô vào tình trạng nguy hiểm. Một loạt vấn đề như "Bộ nguyên tắc cơ bản về quan hệ Mỹ-Xô, Hội đồng An ninh châu Âu, Hội đàm cấp cao về vấn đề đôi bên cân bằng trong giải trừ quân bị" không được Oa-sinh-tơn tích cực hưởng ứng. Bởi Ních-xơn và Kít-sinh-gơ không thích thú các vấn đề đó.

Nhưng phía Liên Xô lại coi "Bộ nguyên tắc cơ bản" là cơ sở có tính quyết định để xử lý mối quan hệ giữa hai siêu cường. Theo Mát-xcơ-va, đạt được "bản tuyên ngôn chung về chung sống hoà bình" là một thành công rất lớn. Điều đó có nghĩa là đã thực hiện được mối quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Liên Xô có đi có lại và bình đẳng. Nhưng theo Ních-xơn và Kít-sinh-gơ, "Bộ nguyên tắc cơ bản" chỉ là bản sơ đồ về hàng loạt mục tiêu xa vời.

Còn vấn đề Hội nghị An ninh châu Âu, trước mắt có dính đến triển vọng cuộc hội đàm về MBFR, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ tỏ ra hoài nghi về sự tiến triển mang tính đột phá của nó. Vì thế, Ních-xơn đã cho tổ chức Hội nghị an ninh châu Âu vài tháng trước khi có cuộc Hội đàm cấp cao. "Có khả năng Liên Xô lợi dụng cuộc hội đàm vòng một về hạn chế vũ khí chiến lược và Hội nghị an minh châu Âu để giải tán NATO".

Trong cuộc hội đàm cấp cao Ních-xơn và Brê-giơ-nhép không ký kết được một Hiệp định kinh tế quan trọng nào nhưng triển vọng về hoà hoãn trong quan hệ đã khích lệ hợp tác trong các mặt khác. Không lâu sau chuyến viếng thăm của Ních-xơn, Chính phủ của ông ta cam kết cấp tín dụng nông nghiệp, liền sau đó Liên Xô đã mua hàng chục triệu đô la lúa mì của Mỹ.

Tháng 10/1972 Mỹ ký với Liên Xô hàng loạt hợp động về mậu dịch, và Mỹ dành cho Liên Xô qui chế tối huệ quốc. Chính phủ Ních-xơn còn cam kết cho vay ngân hàng về xuất khẩu với một khoản tiền lớn, nhằm đảm bảo cho hàng công nghiệp Liên Xô xuất khẩu sang Mỹ.

Cuộc hội đàm cấp cao Mát-xcơ-va đạt được một loạt kết quả thực tế, đã khích lệ Ních-xơn, Kít-sinh-gơ và ban lãnh đạo Liên Xô coi vấn đề làm dịu tình hình là quá trình cần được thúc đẩy. Sau cuộc gặp gỡ Mát-xcơ-va, thông qua hệ thống truyền thông, Ních-xơn chuyển tới công chúng một thông tin: Làm dịu tình hình quốc tế có lợi cho thế giới trong thời đại có nền hòa bình lâu dài, làm biến đổi nền quân sự và chính trị. Nhưng trong cuộc nói chuyện riêng với các Cố vấn sau đó mấy tháng, ông ta cho rằng quan hệ giữa các siêu cường chủ yếu là cuộc chạy đua trong đối đầu, "hai bên đều tìm cách thâm nhập vào nhau”.

Trên thực tế, Ních-xơn đã ngầm nói rằng, nếu không gặp khó khăn về kinh tế trong nước và lo ngại "Quốc gia lân bang phương Đông", Liên Xô sẽ không hứng thú gì về vấn đề kiểm soát vũ khí và hợp tác. Điều này cũng có nghĩa, trong thời kỳ cân bằng lực lượng hạt nhân, tuy Liên Xô có thể có thái độ hợp tác và không đối kháng, nhưng Liên Xô vẫn là một lực lượng cần phải "giải quyết" bởi "khả năng xâm lược "từ phía Liên Xô rất lớn.

Có trong một văn kiện, Ních-xơn đã giới thiệu một phần "bản thiết kế vĩ đại" với Tổng thống Pháp Pom-pi-đu về quan hệ Mỹ-Xô, Mỹ-Trung và Mỹ-Tây Âu. Cuộc hội đàm này không bắt nguồn từ cái gọi là "tinh thần sáng tạo" của Trung Quốc, mà nảy sinh ra từ ảnh hưởng của chính sách kinh tế mới của Mỹ. Chính sách này đã kiểm soát được lạm phát, bù đắp được thâm hụt thương mại ngày càng mở rộng, cứu nguy cho đồng đô la Mỹ khỏi yếu đi bởi chấm dứt được qui chế gắn liền với bản vị vàng, tăng được 10% thuế quan cho hàng nhập khẩu và kiểm soát được quá trình tăng trưởng quá nhanh. Do lo ngại các nước châu Âu trả đũa đối với hành động của Mỹ, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã có hàng loạt gặp gỡ cấp cao với các quốc gia Đồng minh châu Âu, góp phần đạt tới sự nhất trí về chính sách kinh tế quốc tế.

Nhưng bối cảnh lúc đó có nhiều cuộc gặp gỡ đòi hỏi Ních-xơn phải nói đến "Cái khung hoà bình thế giới". Những văn kiện đó đã phản ảnh tư tưởng của Ních-xơn, một thứ tư tưởng hỗn tạp giữa tư duy về chiến tranh lạnh và sự nhận thức tỉnh táo về cơ cấu lực lượng quốc tế. Về cá nhân mà nói, Kít-sinh-gơ không thích Ních-xơn, Nhưng sau này ông ta thừa nhận, do "Ních-xơn hiểu biết thấu đáo toàn bộ mối quan hệ" nên ông ta gặt hái khá nhiều thành công.

BỊ VONG LỤC VỀ HỘI ĐÀM.
CƠ MẬT TỐI CAO

Chủ đề. Biên bản Hội đàm ở quần đảo Azoes.

Thời gian; 9 giờ sáng ngày 13-12-1971

Người dự. Tổng thống Ních-xơn, Tổng thống Pom-pi-đu, ông Ang-đrây-rô-nhi-cốp, thị trưởng Uốt-tơ.

Ních-xơn và Tổng thống Pháp G.Pom-pi-đu trao đổi về trình tự và tiến độ cuộc thảo luận, sau đó đồng ý nhìn lại một cách tổng quát quan hệ giữa Mỹ, châu Âu với Liên Xô

Trước khi tóm tắt cuộc đi thăm Liên Xô của Ních-xơn, Pom-pi-đu miêu tả Liên Xô "rất lo ngại" về Đức và hy vọng ở châu Âu xuất hiện một nước Pháp hùng mạnh, càng không muốn vai trò lãnh đạo châu Âu rơi vào tay của Bon.

Pom-pi-đu ba lần gặp Côt-xư-ghin, và ba lần gặp Brê-giơ-nhép. Với cương vị là Thủ tướng, ông ta đã đi thăm Liên Xô, gặp cả Brê-giơ-nhép lẫn Côt-xư-ghin lúc đó trong cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, ông là Tổng thống sau khi từ Liên Xô trở về Pháp. Ních-xơn biết, trước đó Brê-giơ-nhép đã ở Pháp. Họ là hai con người rất khác nhau.

Là con người không xởi lởi lắm, nhưng Côt-xư-ghin rất nghiêm túc xem xét các vấn đề kinh tế, kỹ thuật, say mê về phát triển công nghiệp, ông đến từ Lê-nin-grát, nên có thể bảo thủ hơn những người khác, ông lo ngại người Đức chống trả quyết liệt một khi bị tấn công.

Ông Brê-giơ-nhép là người miền nam U-crai-na, tính tình thoải mái, nhiệt tâm với mọi người, thích ăn uống, rất bình dân, ham các loại xe con, ông coi một xe Méc-xê-đéc, xe Stơen... nhưng không có Mazda. Tổng thống Ních-xơn nhận xét, Brê-giơ-nhép có rất nhiều loại xe nhưng chỉ thiếu xe Mỹ.  Brê-giơ-nhép thích sống thư thái, ông ta dễ bắt chuyện, nhưng lại có thái độ cứng rắn khi đi sâu vào vấn đề, ông luôn ý thức được tầm quan trọng của sức mạnh quân sự, nhưng cũng nhận thức rõ ràng phải nâng cao mức sống của quốc dân. Brê-giơ-nhép mong Pháp, Đức và phương Tây cung cấp một khả năng có thể nhanh chóng sản xuất ra nhiều hàng tiêu dùng.

Giờ đây, người Liên Xô rất muốn nhấn mạnh đến hoà hoãn về chính trị, đạt được thỏa thuận với người Đức để có được một đạo luật tu chính về Hiệp định. Họ rất sốt ruột, lặng lẽ theo dõi thị trường chung đang hình thành. Điều quan trọng hơn cả là họ theo dõi mọi diễn biến ở châu Á. Hiện nay, họ rất lo ngại về tiềm lực của Trung Quốc. Theo Tổng thống Pom-pi-đu, người Liên Xô muốn thực hiện giấc mộng, cùng với Mỹ chia nhau thế giới. Tư tưởng này đã ăn sâu trong họ. Nhưng Trung Quốc đã làm tan biến giấc mộng kia, khiến họ rất bực bội.

Theo Tổng thống Pom-pi-đu, trừ chuyện thời sự (cuộc chiến tranh Ấn Độ Pa-kit-xtan), ông ta tin rằng người Liên Xô sẽ tìm kiếm con đường đi đến thoả thuận với Mỹ. Về điều này, Ních-xơn biết và đã hiểu. Đối với họ là không có đường rút lui mà chỉ có sẵn sàng tiến lên. Đối với mọi dân tộc có sức mạnh là như vậy.

Theo Tổng thống Ních-xơn, sự phân tích của Tổng thống Pom-pi-đu rất thấu đáo, thẳng thắn, là điều rất rốt. Ních-xơn đảm bảo với Tổng thống Pháp rằng, sự thẳng thắn đó được tôn trọng, và lòng tin đó không bị phụ. Ních-xơn muốn nêu lên vấn đề: Liên Xô sợ ai nhất, Trung Quốc hay là Mỹ. Tổng thống Pom-pi-đu trả lời rằng, sợ Trung Quốc nhất, bởi Liên Xô cho rằng, 20 năm đến 50 năm nữa, một Trung Quốc với số dân khổng lồ sẽ trở nên hùng mạnh khó bề đối phó. Còn Đức là nước thứ hai Liên Xô lo sợ, Đức có thể nhen lên một cái gì đó, mà Mỹ lại có quan hệ đồng loã với Đức. 

Trong lời nói của Tổng thống Ních-xơn, lại có đôi chút khác. Liên Xô lo ngại Trung Quốc là điều đương nhiên, nhưng với Đức thì chưa chắc, bởi họ là láng giềng, sự đe doạ, chỉ có thể tạo nên về khía cạnh địa lý. Tuy họ lo ngại sức mạnh của Mỹ, nhưng không lo ngại Mỹ có tham vọng mở rộng đất đai bất lợi cho họ. Ních-xơn tin rằng, trên bản đồ mênh mông như Tổng thống Pom-pi-đu đã miêu tả, "lô nào chúng ta đang quan tâm sẽ đem lại lợi ích cho chúng ta chứ không phải là họ".

Trước hết, trong quan hệ, Tây Âu Mỹ, người Đức cảm thấy người Mỹ không đáng tin cậy không còn là điều bí mật nữa. Vì theo linh cảm của người Đức, Mỹ sẽ rút quân ra khỏi châu Âu, chỉ để lại một lực lượng nhỏ là điều không thể tránh, nhưng điều không  thể xảy ra là Mỹ hy sinh Đức trong cuộc chiến tranh hạt nhân để bảo vệ châu Âu.

Nghị sĩ Mỹ Men-sphin đã nhấn mạnh quan điểm này trong luật tu chính. Chúng ta cần giữ vững chủ trương phải đứng về phía châu Âu, để giành được sự ủng hộ. Luận điệu cơ bản của ông ta là Mỹ và Tây Âu đều nhận thấy có sự khác biệt, nhưng họ vẫn quấn lấy nhau chặt chẽ. Đứng về lâu dài mà xét đây là tai vạ vì Mỹ có thể biến châu Âu thành con tin của Liên Xô. Chính vì vậy Mỹ tăng cường mối liên hệ kinh tế với châu Âu là cần thiết.

Điều có tầm quân sự quan trọng đối với Mỹ là giữ cho châu Âu được nguyên vẹn và thực lực không bị yếu đi. MBFR đã bắt đầu được thực hiện từ năm 1968 trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Chính sách của Mỹ cần xây dựng trên cơ sở đa phương.

Bài phân tích của Kít-sinh-gơ cho người ta thấy những toán tính của Mỹ. Chúng ta chưa tìm ra một phương án mà giải trừ quân bị lại không làm yếu đi lợi ích của chúng ta và tập đoàn Liên Xô. Chúng ta có thể tiếp tục cuộc thảo luận với Bu-rô-xi-ôn, hiệp thương với Tổng thống Pom-pi-đu để đạt tới mức độ mong muốn. Về cá nhân Tổng thống, ông ta nghi ngờ nhiều, lo rằng MBFR chỉ đổi lại sự rút lui của Mỹ. Chỉ cần Mỹ ở lại châu Âu, lợi ích của chúng ta mới được đảm bảo. Người Liên Xô hiểu điều đó nên tìm cách làm chúng ta rút lui.

Về cuộc nói chuyện giữa chúng ta với người Liên Xô về SALT hoặc trong cuộc hội kiến với Brê-giơ~nhép và Côt-xư-ghin tháng 5, Ních-xơn đảm bảo với Tổng thống Pom-pi-đu rằng tuyệt đối không hy sinh lợi ích của Đồng minh châu Âu để đổi lấy cuộc đối thoại Mỹ-Xô.

Tổng thống Pom-pi đu đã đề cập tới lợi ích mà Liên Xô và Mỹ đạt được trong một Hiệp định kiểu Y-an-ta. Nhiều người Mỹ cho rằng, Hiệp định Y-an-ta rất có hại cho châu Âu về chính trị và kinh tế, có hại cho Mỹ, chỉ có lợi cho Liên Xô mà thôi. Vì vậy, Tổng thống coi cuộc đối thoại tới là rất khó khăn.

Người Liên Xô muốn có được sự tiến triển về buôn bán, nhưng vấn đề không lớn như nhiều người nghĩ. Nếu hai bên đều thỏa mãn với nội dung cuộc nói chuyện, thì vấn đề giải trừ quân bị rất có khả năng tiến triển. Nhưng cần phải rõ một điều, về vũ khí hạt nhân, Liên Xô và Mỹ là người tám lạng kẻ nửa cân. Sự việc nếu có tiến triển không có nghĩa Liên Xô đã khỏi bẽ mặt, hoặc chính sách về vai trò phòng ngự của Mỹ trong Đồng minh châu Âu bị yếu đi.

Tổng thống hầu như cho rằng, giữ vững thực lực và nội lực trong cơ cấu đó là điều quan trọng hơn bao giờ hết. Đứng về lâu dài mà xét, nếu không có châu Âu, thì Mỹ không thể có được một thế giới. Còn châu Âu nếu không có Mỹ trợ giúp về sức mạnh hạt nhân thì cũng không sống nổi. Người Liên Xô cũng hiểu rằng, người Đức là trọng tâm của vấn đề châu Âu.

Tổng thống Pom-pi-đu đã nêu ra một cách chính xác rằng, Đức là trái tim của châu Âu, tuy có mối liên hệ với phương Tây về văn hóa và kinh tế, nhưng ảnh hưởng của phương Đông đang tác động ngầm tới họ. Vì vậy, chúng ta phải làm cho nước Đức gắn chặt với cộng đồng châu Âu về kinh tế, chính trị và quân sự.

Nếu ở cương vị Bran-đô, Tổng thống Pom-pi-đu cũng sẽ làm như vậy Nhưng về chính trị mà xét, hy sinh lợi ích của người bạn cũ cho người mà không thể kết bạn là điều rất nguy hiểm. An ninh của chúng ta tại châu Âu, cần cứng rắn đối với người Liên Xô. Hiện nay, Pháp, Anh, Đức đều có mặt trong bức tranh đó.

Nếu trong cuộc hội đàm, Tổng thống Pom-pi-đu và Ních-xơn có thể bình tâm đi đến sự hiểu biết về vấn đề nguyên tắc, thì không chỉ có lợi cho hai nước, mà còn góp phần để Ních-xơn cùng với Anh thúc đẩy vấn đề châu Âu. Chúng ta cần hiểu rằng, trong suy nghĩ của những người có thái độ hoài nghi và cả người cả tin, việc Pháp rút ra khỏi NATO là biểu hiện của NATO giải thể.

Tổng thống biết rằng tuy là một thành viên của Liên minh, Pháp lại tách mình ra khỏi cái khung nhất thể hoá quân sự. Nếu vì một số quan hệ kinh tế mà Pháp quyết định chơi canh bạc chạy theo Mát-xcơ-va, thì chúng ta biết cách ứng phó với đối thủ tiềm ẩn này. Tổng thống Ních-xơn không nói, Pháp và các quốc gia khác không nên có chính sách phương Đông độc lập. Chính vì vậy, ông ta hội đàm với liên minh châu Âu. Đó là vì lợi ích của chúng ta, nó sẽ phát huy tác dụng khi chúng ta là đối tác của người Liên Xô". 

Pom-pi-đu nêu ra thắc mắc về luật tu chính của Men-phin "có ý nghĩa hơn vụ Trân Châu cảng”, bởi Tây Âu không chỉ là một phần của hạm đội Mỹ có thể "nhường cho người Liên Xô", ông ta cũng nêu ra thắc mắc về lợi ích của Tây Đức "chung quanh việc giải trừ quân bị của Mỹ-Xô ở châu Âu.

Họ (tức Tây Đức) có nhiều tư tưởng chống đối trong dự kiến giải trừ quân bị của MBFR. Rốt cuộc họ là người thiệt thòi trước tiên. Bran-đô đã từng bày tỏ rằng, ngán nhất là Đức trung lập hóa hoặc "Phần Lan hóa". Một khi Mỹ rút khỏi Hiệp định, Đức, Anh và Pháp cũng không chịu chậm chân. Khi đó, trung lập đối với Đức không còn xa nữa" .

Tổng thống Ních-xơn cho rằng, cũng như vấn đề châu Âu, vấn đề nội bộ nước Mỹ phần lớn bắt nguồn từ tâm lý. Nhiều người Mỹ ngây thơ, nhiều trí thức, giới truyền thông và giáo sư tin rằng, người Liên Xô không gây ra bất kỳ đe dọa nào đối với họ. Giới trẻ cũng nghĩ như vậy. Tổng thống Pom-pi-đu nói chêm vào "Đại giáo chủ cũng vậy. Tổng thống Ních-xơn nói, nhiều tín đồ Cơ đốc giáo và linh mục, Thiên chúa giáo cũng có quan điểm như vậy".

Điều quan trọng là Tổng thống Pom-pi-đu đã hội kiến với người Liên Xô và nêu cao tinh thần hòa hoãn trong hội kiến, ông không muốn những người giàu lòng yêu nước tin rằng, "nguyện vọng của người Liên Xô mưu tìm hoà bình" là người Cộng sản mà vì họ là cường quốc có mục tiêu đối đầu với chúng ta. Người Pháp thì không ngây thơ. Thái độ của họ đối với hai siêu cường cộng sản là: có hai siêu cường cũng chết, mà không hai siêu cường cũng chết. Do nhu cầu về xã hội và văn hóa đòi hỏi chúng ta cần nhận rõ sự khác nhau căn bản giữa thái độ, nguyện vọng và chính sách ngoại giao của họ với sự tồn tại của chúng ta".

Nói đến đây, Tổng thống cho rằng không có nghĩa các nước phi cộng sản không có tham vọng, chỗ khác nhau là ở điểm cơ bản trong chính sách chinh phục. Tổng thống không rõ tại sao ban lãnh đạo Liên Xô và lãnh đạo Trung Quốc lại quyết định gặp gỡ ban lãnh đạo Mỹ. Nguyên nhân chính không phải là họ muốn xây dựng quan hệ tốt đẹp với Liên Xô và Trung Quốc. Nếu không có một châu Âu mạnh, nếu người Liên Xô không gây ra sự đe dọa Tổng thống Ních-xơn ở phía đông, thì chắc rằng họ sẽ không có hứng thú đối thoại với Mỹ.

Tổng thống Ních-xơn cũng muốn Tiến sĩ Kít-sinh-gơ nói với Tổng thống Pom-pi-đu biết về quan điểm của người Trung Quốc. Tổng thống tin rằng Mao Trạch Đông sẽ hội đàm với người đứng đầu tư bản, lấy lòng Mỹ, trừ phi Mao lo ngại Liên Xô và cảnh giác với Nhật Bản, người Liên Xô sẽ bác bỏ cuộc đối thoại với chúng ta khi Tổng thống Ních-xơn tuyến bố về chuyến viếng thăm Bắc Kinh.

Trên thực tế sau khi Bắc Kinh tuyên bố chuyến thăm này, người Liên Xô không giống trước đây mà lại muốn nói chuyện về SATL, về châu Âu và Béc-lin. Thông tin về Tổng thống thăm Mát-xcơ-va vừa truyền đi, người Trung Quốc lại tỏ ra rất quan tâm về cuộc nói chuyện với chúng ta".

Tổng thống Ních-xơn nhớ lại rằng ông ta từng nói với Tổng thống Pom-pi-đu về cuộc gặp tướng Đờ-gôn và đề nghị hiến kế sách cho Mỹ. Tướng Đờ-gôn trả lời rằng, Mỹ và ông ta đặt tất cả hy vọng vào Liên Xô, khác nào như Pháp thi hành chính sách mở cửa đối với Trung Quốc. Tướng Đờ-gôn có tinh thần trách nhiệm như Tổng thống Pom-pi-đu. Về chuyện này, họ hết sức bênh vực cho quan điểm của Mỹ.

Về Hội nghị an ninh Đông Tây Âu: Ních-xơn cho rằng có lẽ đó không phải "sự may mắn trong lộn xộn đối với người Liên Xô. Một trong những thành quả mà Hội nghị đạt được là có khả năng Đông Âu mở cửa cho phương Tây. Dù sao chăng nữa, Tổng thống Ních-xơn vẫn lo ngại Hội nghị "làm cho chúng ta bớt cảnh giác và mọi người tin rằng chiến tranh lạnh đã kết thúc".

Trường hợp, ban lãnh đạo Liên Xô dám mạo hiểm gây ra chiến tranh hạt nhân và kéo theo cả Mỹ, thì họ hiểu được rằng họ có sức mạnh tiêu diệt 70 triệu người Mỹ và chúng ta có sức mạnh để tiêu diệt 70 triệu người Nga. Tổng thống Mỹ cũng hiểu điều đó. Hạn chế vũ lực không phải xuất phát từ yêu mến, mà là từ lo sợ. Hai quốc gia dùng đàm phán thay thế cho đối đầu, đó là điều quan trọng nhất. Hai mươi bốn giờ qua trong cuộc thảo luận về vấn đề Nam Á, chúng ta đã nhấn mạnh với người Liên Xô điều này. Tổng thống hy vọng bổ sung thêm nguyện vọng về làm dịu tình hình chính trị thế giới.

Tổng thống Ních-xơn hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Tổng thống Pom-pi-đu. Nhân dân Mỹ và nhân dân châu Âu đều mong muốn như vậy, và đại đa số tỏ ra hoan nghênh. Ở châu Âu, nguyên nhân có thể khác nhau. Người Đức thì tin rằng người Liên Xô sẽ cho họ Đông Đức; còn người Anh, Pháp, Ý thì tin rằng mọi người đang sống trong một thế giới đầy rẫy nguy cơ tiềm ẩn. Sự huỷ hoại của cuộc chiến tranh hạt nhân ngày nay gây ra không phải là 3 ngàn người thiệt hại như trận Chân Châu Cảng, mà cả một vùng sẽ biến thành đống đổ nát. Nên họ nhận rõ hoà hoãn chính trị là rất quan trọng.

Một số người đi tìm kiếm Hội nghị châu Âu với nhận thức ngây thơ rằng Liên Xô đã thay đổi mục tiêu quy hoạch của họ về châu Âu và thế giới trên cơ bản là hoà bình. Mặt khác, một số người tìm kiếm hoà hoãn với ý thức được rằng mối quan hệ khác nhau giữa châu Âu, Liên Xô với Mỹ mang tính thực tế. Còn chính sách đối đầu là rất nguy hiểm.

Nhưng chúng ta không có bất kỳ ảo tưởng nào về mục tiêu cơ bản của các quốc gia Cộng sản. Họ đều có thế trận riêng của mình. Cho dù họ hy vọng, châu Âu hoặc người lãnh đạo nước Mỹ có quan điểm không nhượng bộ, bác bỏ đối thoại, là điều không thể có. Mười năm trước đây điều đó có thể có ở Mỹ, nhưng hiện nay là điều không thể. Ngoài ra các nhà lãnh đạo hiểu rằng dân chúng đều suy nghĩ một cách ngây thơ rằng cần phải tiến hành đối thoại hoà bình trong phạm vi toàn thế giới. Chúng ta cần tìm kiếm cuộc đàm phán như vậy.

Trên thực tế do tồn tại sức mạnh của Liên Xô, mạo hiểm tiến hành đối đầu ở Trung Quốc hoặc các nơi khác là điều không thể chấp nhận được. Vì vậy chúng ta cần tìm cách giảm bớt nguy cơ chiến tranh, làm cho châu Âu tiếp tục sinh tồn, mở cửa với phương Đông, bởi ở đó lòng người hướng về phương Tây.

Tổng thống hy vọng tiến hành bổ sung hiệp định dưới một góc độ khác. Buổi chiều ông đồng ý thảo luận vấn đề động cơ của chuyến thăm viếng Bắc Kinh. Ngày nay; Trung Quốc đã trở thành một lực lượng chủ yếu, với số dân nhiều nhất trên thế giới. Về kinh tế, Trung Quốc là một nước nhỏ. Dân số Trung Quốc là 800 triệu, Nhật Bản là 100 triệu nhưng sản lượng của Trung Quốc chỉ bằng một nửa của Nhật. Còn so với Liên Xô, hiện nay Trung Quốc chỉ có một lực lượng hạt nhân rất nhỏ bé.

Nhưng chúng ta cần nhìn nhận lực lượng đó với quan điểm lâu dài như Liên Xô và Tổng thống Pom-pi-đu. Tổng thống đã thực hiện một sự lựa chọn: Mở rộng tầm nhìn, với tất cả khả năng để xây dựng quan hệ hoà bình với Trung Quốc và Liên Xô. 

Hai Tổng thống đã kết thúc hội đàm và nhất trí để Tiến sĩ Kít-sinh-gơ dự cuộc họp buổi chiều sẽ thảo luận vấn đề Trung Quốc và vấn đề kinh tế thế giới. Tổng thống Pom-pi-đu nói: Trung Quốc phức tạp hơn Liên Xô nhiều. Tổng thống Ních-xơn nói, vấn đề Trung Quốc có thể phức tạp hơn, tế nhị hơn. Sau khi trao đổi, hai Tổng thống nhất trí để lộ với giới báo chí tin "Họ đã trao đổi ý kiến về chuyến thăm sắp diễn ra của Tổng thống Ních-xơn sang Bắc Kinh và Mát-xcơ-va”. .

BỊ VONG LỤC VỀ HỘI ĐÀM.
TỐI MẬT

Chủ đề. Hội nghị tại Jun-ta Ge-ral, An-gra-do He roi Smo, Tereeiya Azores

Thời gian: 4 giờ chiều ngày 12-12-1971

Người dự. Tổng thống Ních-xơn, Tổng thống Pom-pi-đu, Tiến sĩ Kít-sinh-gơ, An-đrây-rô-nhi-cốp, Thị trưởng Coóc tơ.

Tổng thống Ních-xơn nhận xét, cuộc họp buổi sáng rất có ý nghĩa. Tổng thống Pom-pi-đu có nhận xét độc đáo về ban lãnh đạo Liên Xô và hai bên đã tiến hành thảo luận. Ních-xơn nói tiếp, nếu Tổng thống Pom-pi-đu cho rằng cần thiết, Kít-sinh-gơ có thể đánh giá với tư cách cá nhân về sự khai phá Trung Quốc của ông ta.

Hai Tổng thống đã trao đổi về quan hệ Trung-Xô, nhưng đã né tránh vấn đề Trung-Xô đối đầu ở Nam Á. Tổng thống Ních-xơn nói, ông ta sẵn sàng lắng nghe nếu Tổng thống Pom-pi-đu có quan điểm khác về vấn đề đã nêu.

Kít-sinh-gơ nói: Tổng thống đã đưa ra phương châm lớn, bối cảnh lớn, chuyến thăm Trung Quốc của ông ta là nhằm tìm hiểu thêm người Trung Quốc. Đó là chuyện khá phức tạp, khá tế nhị nhưng chúng ta đã chuẩn bị dành cho người Trung Quốc một loạt đề nghị và phương án. Họ không nhất thiết phải chấp nhận hoặc bác bỏ. Chúng ta lợi dụng một nước trung gian được người Trung Quốc tín nhiệm để tiếp xúc với họ. Một khi đã liên hệ được, người Trung Quốc sẽ chủ động hơn chúng ta trong việc mời thăm viếng lẫn nhau, và vấn đề Việt Nam sẽ hầu như không cần thảo luận nữa.

Theo như chúng ta phân tích phán đoán, Trung Quốc chủ yếu quan tâm tới bốn nước, trong đó ba nước là láng giềng của họ.
Tới khi Kít-sinh-gơ lên đường, Ních-xơn đã dặn dò ông ta cần thăm dò kỹ quan điểm của Trung Quốc về tình hình thế giới và xem có cơ sở để thảo luận không. Lần thứ nhất, Kít-sinh-gơ đã gặp gỡ với Chu Ân Lai 20 tiếng đồng hồ. Trong chuyến thăm lần thứ hai, Kít-sinh-gơ đã hội đàm với Chu Ân Lai tổng cộng 35 tiếng đồng hồ.

Kít-sinh-gơ có kể về một câu chuyện khá tiêu biểu: Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần thứ hai, ở sân bay có một khẩu hiệu viết: "Đả đảo đế quốc Mỹ", Kít-sinh-gơ đã nêu chuyện này với Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ngay chiều hôm đó, khẩu hiệu trên được thay thế "Đón chào đội cầu lông Á-Phi".

Đại đa số người Trung Quốc sợ người Liên Xô, tiếp đến là người Nhật. Ở Bắc Kinh và một số thành phố khác đều có hệ thống hầm trú ẩn ngầm dưới đất. Họ không phải nhằm đối phó với nước Mỹ. Họ triển khai hệ thống hầm trú ẩn dài khoảng 35 Ki-lô-mét. Trung Quốc tiến hành nhiều cuộc diễn tập nhằm vào một triệu quân đội Liên Xô đồn trú trên biên giới Trung-Xô. Số lần tập tại các cuộc tập trận trên nhiều hơn cuộc tập trận nhằm vào quân đội Mỹ đóng tại Nhật Bản.

Còn về vấn đề Việt Nam, ấn tượng cơ bản nhất mà chúng tôi có được là, Trung Quốc mong muốn vấn đề này được giải quyết, nhưng lại không biết làm thế nào để Hà Nội không sát lại gần Mát-xcơ-va, mà ở họ, cảm giác bị bao vây cứ tăng lên.

Tổng thống Ních-xơn nói. Trong cuộc thảo luận giữa chúng tôi với người Trung Quốc tồn tại hai vấn đề đối lập với nhau. Chúng tôi muốn đưa hàng loạt vấn đề vào một thể thống nhất để thảo luận. Nhưng họ thì lại khác. Điều đó khiến vấn đề trở nên phức tạp. Thời kỳ đầu khi tình hình Trung Quốc có thay đổi, họ đành phải xác định trước phương hướng, cho nên gặp khó khăn khi xử lý vấn đề. Điều này là có thể hiểu được.

Chính sách của Trung Quốc bị tác động bởi ba động cơ mâu thuẫn nhau, một là: ý thức hệ, chống lại chúng ta; hai, họ có nhu cầu sinh tồn của họ, ba, họ muốn lãnh đạo thế giới thứ ba, dẫn dắt các quốc gia này đối đầu với Liên Xô và Mỹ. Điều đó đã dẫn Trung Quốc vào con đường quanh co.

Sau đó, Tổng thống Ních-xơn yêu cầu Kít-sinh-gơ giải thích qua kế hoạch về cách thức hội đàm. Tiến sĩ Kít-sinh-gơ nói: Tổng thống sẽ tiến hành trao đổi rộng rãi với Thủ tướng Chu Ân Lai và cũng sẽ hội kiến Chủ tịch Mao Trạch Đông. Có khả năng Tổng thống sẽ hội kiến hai lần với Mao Trạch Đông. Không hội kiến với Mao Trạch Đông là không được. Đồng thời, còn có cuộc hội đàm chuyên viên ở các cấp khác nhau. Thủ tướng Chu Ân Lai có ý định tháp tùng Tổng thống Ních-xơn nhưng chưa công bố vấn đề đưa ra thảo luận cũng chưa được quyết định.

Hai bên đều đồng ý không lên lịch nghị sự, có thể thảo luận bất kỳ vấn đề gì nếu muốn. Hội nghị tiến hành theo phương thức hội đàm hai bên. Sau đó Tổng thống Ních-xơn nói tóm tắt cuộc hội đàm giữa Kít-sinh-gơ với người Trung Quốc, ông cho rằng người Trung Quốc có thái độ xem xét vấn đề từ một góc độ lâu dài. Người Trung Quốc không hy vọng đạt được một kết quả trực tiếp về vấn đề Đài Loan hoặc vấn đề khu vực qua hội đàm, mà họ nghiêng về suy nghĩ, coi hội đàm chỉ là mở đầu cho một quá trình lâu dài: Khi Tổng thống nói sẽ thăm Liên Xô muốn đưa thì người Trung Quốc kiên quyết đòi rút ngắn thời gian thảo luận vấn đề Liên Xô.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ nói: Liên Xô và Trung Quốc có thái độ khác nhau. Người Nga thích tuyên bố chung chung, như vậy có thể giải thích nó theo nhiều cách khác nhau. Còn người Trung Quốc lại thích tuyên bố cụ thể có trong thực tế, thích nói đến những điểm tương đồng và điểm bất đồng giữa hai bên. Sau đó, Tổng thống Ních-xơn nói: Thái độ của người Trung Quốc đối với láng giềng có thể tóm tắt như sau: Hiện nay họ vừa căm ghét vừa sợ người Nga, có chút sợ nhưng không căm ghét người Nhật. Còn người Ấn Độ, họ tỏ ra khinh bỉ.

Cuộc thảo luận chuyển sang cuộc chiến tranh Ấn Độ-Pa-kit-xtan. Sau đó sang vấn đề chính sách kinh tế thế giới. Để tránh tình hình căng thẳng về kinh tế, Tổng thống Ních-xơn và Tổng thống Pom-pi-đu đã đi đến nhất trí về tỷ giá hối đoái. Sự nhất trí đó báo trước "Hiệp định Mít-thom-sơn" ký tại Oa-sinh-tơn sau đó một tuần. Hiệp định đó có sự sắp xếp mới về tiền tệ, bao gồm việc giúp Mỹ bù đắp thâm hụt trong cán cân thanh toán quốc tế, cho phép đồng đô la Mỹ hạ giá 10% so với đồng tiền của 10 quốc gia châu Âu.

Trong cuộc tiếp kiến với Pom-pi-đu, Kít-sinh-gơ không đề cập tới "kênh ngầm" mà ông ta sử dụng nhằm thúc đẩy Mỹ tiếp cận với Trung Quốc và đàm phán Mỹ-Xô. Cho đến hôm nay, nội dung cuộc nói chuyện của ông ta với Đại sứ Liên Xô Đô-brư-nin mới chỉ được công bố cuộc Hội nghị sau chuyến đi đầu tiên của Kít-sinh-gơ thăm Trung Quốc vài tuần.

Mấy ngày trước đó, Ních-xơn vừa công bố một phần nhỏ những tư liệu đã ghi lại con số nhập khẩu. Ngoài việc giải quyết tại chỗ một-số vấn đề mấu chốt ra (chủ yếu là cuộc đàm phán Béc-lin và SALT) Hội nghị này còn ngầm báo cho mọi người về chính sách mới của Mỹ đối với Trung Quốc trong quan hệ Mỹ-Xô.

Trước khi Ních-xơn công bố chuyến thăm Trung Quốc, Liên Xô có thái độ ngờ vực về cuộc gặp gỡ cấp cao với Mỹ. Nhưng giờ đây bỗng nhiên họ tỏ ra dễ hợp tác. Đô-brư-nin nói với Kít-sinh-gơ: Mát-xcơ-va cho rằng, tuyên bố Ních-xơn thăm Liên Xô vào tháng 5/1972 là không hoàn toàn thích hợp. Nhưng đồng thời họ cũng lo ngại Mỹ tiếp cận Nhật Bản. Đô-brư-nin cũng rất lo ngại đề nghị của Ních-xơn về 10% phí phụ thu nhập khẩu, đã không nhắc nhở nội các Nhật Bản khi đột ngột thay đổi chính sách về Trung Quốc, do đó đã đẩy Nhật về phía Trung Quốc. Đề nghị đó đánh giá, đây chưa phải là cơ may cuối cùng để Liên Xô bày tỏ sự quan tâm thông cảm với Trung Quốc.

Cuộc giao lưu ở Béc-lin bộc lộ một số vấn đề do hành động bí mật của Kít-sinh-gơ gây ra. Quan chức ngoại giao Mỹ không biết giữa Kít-sinh-gơ và Đô-brư-nin đã có một sự thoả thuận từ lâu, do đó đã buộc phải dính líu vào một số vấn đề nan giải nên gặp rất nhiều khó khăn trong công việc chuẩn bị cho đàm phán.

Trước khi diễn ra cuộc đàm phán, nguy cơ đã xuất hiện trong quan hệ hai nước Ấn Độ và Pa-kit-xtan. Thời gian đó, hàng chục ngàn người bị giết hại trong phong trào đòi độc lập ở Đông Pa-kit-xtan. Nhà Trắng đã công kích Pa-kit-xtan, đồng minh của Trung Quốc lẫn Ấn Độ, bất chấp sự phản đối trong Chính phủ Mỹ.

Trước khi Ấn Độ gây chiến, Kít-sinh-gơ đã ngầm  khích lệ các bạn bè ở Trung Đông cung cấp viện trợ quân sự cho Pa-kit-xtan, bởi Quốc hội không cho phép viện trợ trực tiếp cho quốc gia này. Tất nhiên, Đô-brư-nin biết rõ hướng đi chính sách của Mỹ, và tất nhiên ông ta bác bỏ cam kết của Kít-sinh-gơ "chúng ta không liên quan" ở Nam Á.

BIÊN BẢN CUỘC NÓI CHUYỆN TỐI MẬT Ở NHÀ TRẮNG

Thời gian: Trưa ngày 17-8-1971 .

Địa điểm: Phòng bản đồ Nhà Trắng

Hội nghị được triệu tập là dịp để trả lời việc Đô-brư-nin gặp gỡ Kít-sinh-gơ tại Mát-xcơ-va. Đô-brư-nin đề cập đến chính sách kinh tế mới do Tổng thống công bố cuối tuần. Đây là cú sốc thứ hai của chúng ta dành cho Nhật Bản. Tôi nói, có lẽ đây là cơ may dành cho Ngài. Nhưng ông ta nói: Đây là cơ hội dành cho Trung Quốc. Một cơ hội  để Trung Quốc liên minh với Nhật, là điều nguy hiểm đối với thế giới. Ông ta không biết làm như vậy có thực tế không?. Đô-brư-nin không nói gì.

Về gặp gỡ cấp cao; khi đề tài chuyển sang vấn đề cụ thể, tôi nói với ông ta: Hội nghị tiến hành vào 22 tháng 5 và ngày 15 hoặc 16 tháng 9 ra tuyên bố là đẹp nhất, ông ta nói, tuyên bố là rất tốt, nhưng về thời gian phải hỏi ý kiến Mát-xcơ-va. Tất nhiên theo ông ta thì không có khó khăn gì.

Nhưng ông ta hỏi tại sao lại chọn ngày đặc biệt như vậy? Tôi trả lời, vì trước ngày 7/9, Tổng thống còn ở San-li-man, chưa trở về Oa-sinh-tơn. Hơn nữa, Tổng thống cần có thời gian một tuần để chuẩn bị, và việc báo cho quan chức biết cũng là điều quan trọng. Đô-brư-nin cho rằng, thông báo cho quan chức dễ lộ bí mật. Tôi nói không có chuyện đó đâu, ông ta muốn nhanh chóng nhận được câu trả lời.

Về Béc-lin: Sau đó, Đô-brư-nin lấy ra một tập giấy bắt đầu thảo luận vấn đề Béc-lin. Theo bức điện của Phê-lin gửi Mát-xcơ-va, thì sau khi nhận được lệnh, Đô-brư-nin phải lập tức bắt liên lạc với Kít-sinh-gơ. Theo như lời R.Ken-nit ông ta phải làm theo lệnh của Tổng thống làm lệch đi Hiệp định đã được thỏa thuận.

Đô-brư-nin cho rằng, điều này đang tạo ra một ấn tượng rất xấu, đó là bản Hiệp định được xây dựng bởi cấp có thẩm quyền tối cao. Tôi giải thích, vấn đề của chúng ta ở phía sau. Không có bất kỳ một quan chức hay đồng minh nào biết được Hiệp định của chúng ta, và họ vẫn đang chuẩn bị cho cuộc hội đàm. Đôi khi phải thay đổi cả quy trình thông thường. Tôi muốn để họ biết, trường hợp tiến trình có trục trặc, bế tắc, thì được giải quyết bằng lập trường thống nhất của chúng ta.

Tôi đã đọc bức điện của A-bu-ra-xi-mốp về sách lược cứng nhắc nhằm vào Đại sứ Mỹ. Nghe xong, Đô-brư-nin khẳng định. Một số người trong Đại sứ Liên Xô tại Đông Âu chưa quen với hoạt động ngoại giao, nhiều người đến từ các tổ chức Đảng cơ sở, nên thường không nhận ra được khi có ý kiến chống đối.

Về Trụng Quốc: Sau đó, Đô-brư-nin hỏi về quan hệ Mỹ-Trung có khó khăn gì không? Tại sao? Ví dụ như việc tuyên bố chuyến thăm Trung Quốc lại kéo dài như vậy? Tôi trả lời không có khó khăn gì, chúng tôi sẽ tuyên bố chuyến thăm vào một thời gian thích hợp và muốn đối phương sớm có thái độ.

Trở lại đề tài cũ, Đô-brư-nin hy vọng rằng không phải chúng tôi đang tiến hành cuộc tập trận chống Liên Xô. Tôi nói, sự việc sẽ chứng minh đó là suy diễn vô căn cứ. Sau đó ông ta đề cập đến An-sop Lo-lum. Chúng tôi đã từng trao đổi về vấn đề bố trí quân sự, tôi nói: A-na-to-li này, lẽ nào Ngài lại cho rằng chúng tôi hành động như vậy ư? Ngài cho đó là sự quan tâm đối với chúng tôi ư? Ông ta trả lời, tất nhiên, ông ta mong đó là sự thật.

Về tiểu lục địa: Sau đó, chúng tôi trao đổi về Ấn Độ, ông ta hy vọng chúng tôi nên hiểu rằng Liên Xô đang cố gắng để kiềm chế Ấn Độ. Họ muốn có hoà bình ở Nam Á. Khi chúng ta phát triển quan hệ với Trung Quốc, họ cũng đã liên kết với cột trụ mà chúng ta coi là dân chủ. Tôi nói rằng, cho dù liên quan đến tiểu lục địa đến mấy, chúng tôi không bao giờ hên kết với bất kỳ ai. Chúng tôi chỉ muốn ngăn không cho nổ ra chiến tranh, và chúng tôi muốn họ không cố tình dành cho Ấn Độ sự hậu thuẫn, để họ hiểu rằng gây chiến là không an toàn.

Đô-brư-nin nói, sự quan tâm của họ không thay đổi. Trên thực tế, họ đã mời Bộ trưởng Ngoại giao Pa-kit-xtan đến Mát-xcơ-va để chứng tỏ họ đang theo đuổi một chính sách cân bằng. Tôi nói, họ không nên khích lệ Ấn Độ tìm kiếm một giải pháp chính trị vội vã. Bởi như vậy chỉ làm mất khả năng thực hiện của vấn đề. Tôi nói, chúng ta giải quyết trước vấn đề dân tị nạn và viện trợ, sau đó hãy tính đến chuyện hòa giải chính trị, có lẽ như vậy sẽ tốt hơn.

Đô-brư-nin nói, về cơ bản Liên Xô tán đồng cách làm như vậy. Sau đó, ông ta hỏi tôi, cứ ngồi nhìn Trung Quốc tấn công Ấn Độ, hay nên trợ giúp Trung Quốc. Ông ta còn nói, lúc đầu ông ta nói ngờ ý kiến của tôi, nhưng sự nghi ngờ đã được xua tan sau chuyến thăm Bắc Kinh của chúng tôi. Tôi nói, xưa nay tôi chưa bao giờ bình luận về một Hội nghị do nước khác triệu tập, chúng tôi cũng không hề liên kết đồng minh với quốc gia thù địch với Ấn Độ. Điều này là khẳng định.

Đô-brư-nin nói, ông tán thưởng Mỹ đã thực hiện chính sách ngoại giao mở đối với Ấn Độ. Dù rằng có lúc mũi nhọn nhằm vào Liên Xô nhưng ông ta cảm giác chính sách của Mỹ về cung cấp vũ khí cho Pa-kit-xtan là vượt ra ngoài tầm suy nghĩ của ông ta. Chúng ta đang dành ra một con số không hạn định cho hàng xuất khẩu của chúng ta. Tôi nói, chúng tôi không bao giờ công khai kêu gọi gây sức ép, và ông ta biết rất rõ vũ khí xuất khẩu của chúng ta là rất ít, không ảnh hưởng tới cân bằng chiến lược.

Về cuộc đối thoại hạn chế vũ khí hạt nhân: Đô-brư-nin nói, cho dù Mỹ có tin hay không, quân đội Liên Xô rất quan tâm đến hệ thống 3 điểm, bởi họ tin rằng, điều đó tạo căn cứ cho phòng ngự khu vực. Ngay cả hệ thống 2 điểm đối với họ cũng có khó khăn. Ông ta nói, nếu chúng ta chấp nhận 1 điểm, như vậy sẽ tạo ra một cơ sở để thoả hiệp. Tôi không trả lời, mà chỉ nói rằng, chúng tôi sẽ nghiên cứu đề nghị này.

Đô-brư-nin nói, ông ta được lệnh chờ ở đây đến khi sự việc được giải quyết, nhưng ông ta rất sốt ruột bởi không thể không trở về vào ngày 20/9.

Lời dẫn

"Kênh ngầm" giữa Kít-sinh-gơ và Đô-brư-nin song song tồn tại với "Kênh ngầm" giữa Kít-sinh-gơ với quan chức ngoại giao Trung Quốc, trong đó Đại sứ Trung Quốc tại Pháp Hoàng Trấn cũng là một "kênh". Trước khi Hoàng Trấn được cử đến Oa-sinh-tơn làm liên lạc cho Liên Hợp Quốc, năm 1973, Kít-sinh-gơ đã có những cuộc gặp thường lệ với Hoàng Trấn, trao đổi về quan hệ Mỹ-Xô và cuộc hoà đàm với Bắc Việt Nam tại Pa-ri.

Những buổi trao đổi đó đã khiến Kít-sinh-gơ tin hơn vào Chu Ân Lai và ông ta cho rằng cần thiết thông báo cho Bắc Kinh biết được vấn đề thực chất trong quan hệ Mỹ-Xô. ông ta chưa hề thảo luận vấn đề thực chất trong quan hệ Mỹ-Trung và cũng đề cập rất ít về chi tiết các cuộc trao đổi với quan chức Trung Quốc. Qua Kít-sinh-gơ cho thấy chính sách của Mỹ nghiêng về Trung Quốc.

Đại sứ Hoàng Hoa là một kênh quan trọng khác. ông là trưởng phái đoàn đầu tiên của Trung Quốc, thường trú tại Liên Hợp Quốc từ tháng 11/1971 (sau vài tuần Liên Hợp Quốc bỏ phiếu quyết định cái ghế của Trung Hoa lục địa), Hoàng và Kít-sinh-gơ bắt đầu tiến hành hội đàm bí mật tại phòng mật thuộc Cục tình báo Trung ương Mỹ, nằm ở khu vực phía đông Ma-hát-tan. Họ đã nhanh chóng thỏa thuận mối quan hệ vừa lòng cả hai phía.

Tuy họ biết cách giữ bí mật, nhưng một số quốc gia láng giềng tỏ ra nghi ngờ. Quan chức an ninh đề nghị Kít-sinh-gơ, dừng ngồi loại xe con đắt tiền, nên đến đúng giờ, và nêu ra nhiều chi tiết yêu cầu của bảo mật. Ngày 10/11/1971, Kít-sinh-gơ gặp Hoàng Hoa, giới thiệu vắn tắt chính sách của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng Nam Á.

Một tuần trước khi Pa-kit-xtan bất thình lình mở cuộc tấn công Ấn Độ, khủng hoảng của Băng-la-đét đã trở thành cuộc chiến tranh xuất phát từ công luận Mỹ ủng hộ Ấn Độ và Băng-la-đét đòi độc lập. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã ngầm nghiêng về Pa-kít-tan trong chính sách, một phần nguyên nhân trong đó là Tổng thống Xa-hya-khan đã đóng vai trò quan trọng, giúp Trung-Mỹ nối lại quan hệ.

Tất nhiên Kít-sinh-gơ coi Ấn Độ là người đại diện của Liên Xô, còn Thủ tướng Ấn Độ In-đi-ra Gan-đi muốn đập tan miền tây Pa-kit-xtan để trả thù nước này đã trợ giúp thúc đẩy quan hệ Trung-Mỹ. Kít-sinh-gơ đã nói cho Hoàng Hoa biết Nhà Trắng tiếp tục ủng hộ Ca-ra-chi như thế nào để chống lại mối đe dọa tiềm tàng của Liên Xô và Mỹ, đề nghị Chính phủ các nước Trung Đông cung cấp viện trợ quân sự cho Ca-ra-chi. Đồng thời Mỹ có kế hoạch đưa phi đội chiến đấu qua eo biển Ma-lúc-ka đến vịnh Ben-gan.

Tuy rằng không biết người thiết kế kế hoạch này là Ních-xơn hay là Kít-sinh-gơ, Ngoại trưởng Mỹ Râu-gíơ đã nổi nóng về chính sách của Nhà Trắng đối với Pa-kit-xtan. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ vẫn bí mật chuẩn bị một số quyết định quan trọng. Họ hiểu rằng, việc bố trí hải quân nhằm răn đe Liên Xô ở mức độ lớn nhất.

Mặc cho Ấn Độ nghi hoặc quyết định của Mỹ, Kít-sinh-gơ giải thích rằng, đó là quyết định đầu tiên về khả năng chịu đựng một cuộc chiến tranh do mối quan hệ tam giác Xô-Trung-Mỹ gây ra. Nhưng Kít-sinh-gơ không thừa nhận đã từng đề nghị với Hoàng Hoa: nếu Bắc Kinh quyết định can thiệp vào cuộc chiến này", "để bảo vệ an toàn cho Trung Quốc, Mỹ sẵn sàng, chống lại các nước khác can thiệp vào nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa".

Trong cuộc nói chuyện đó, lời lẽ của Hoàng Hoa đầy mùi thuốc súng. Kít-sinh-gơ đã có kết luận sai lầm, ông ta cho rằng Trung Quốc sẽ tham gia vào cuộc chiến này. Bắc Kinh không muốn can dự vào cuộc chiến này, cũng như nhân dân Ấn Độ không muốn cuộc chiến leo thang.

Ngày 17/11, tức một tuần sau cuộc họp đó, Ấn Độ đã chấp nhận về ngừng bắn vô điều kiện của Pa-kít-tan.

BIÊN BẢN VỀ CUỘC NÓI CHUYỆN TỐI MẬT Ở CẤP CAO CHÍNH PHỦ
.

Thời gian: 6 giờ 05-7giờ 55 tối, thứ 6 ngày 10/12/71

Địa điểm: Ma-hát-tan, Niu-oóc.

Người dự.

Đại sứ Hoàng Hoa, Đại diện thường trực nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc và là Đại sứ tại Canađa.

Trần Sở, đại diện thường trực nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc và là Trưởng Ban tình báo.

Đường Văn Sinh, phiên dịch. Sử Diên Hoa, phiên dịch.

Kít-sinh-gơ, Cố vấn an ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống;

Đại sứ Gioóc-giơ Bút, đại diện của Mỹ tại Liên Hợp Quốc;

Hây-gơ, phó trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống.

Uyn-tơ-lốt, quan chức cao cấp NSC (Hội đồng an ninh quốc gia.)

Kít-sinh-gơ: Tôi thường đọc trên báo thấy tên Ngài. Ngài là nhà tuyên truyền, nhà hùng biện trứ danh.

Đại sứ Hoàng: Không, tôi chỉ tranh luận với người khác để tự vệ.

Trần Sở: ông ta đang tự vệ để phản kích.

Kít sinh-gơ: Đó là kiềm chế người khác. Thưa Đại sứ, cái mà chúng ta có chung không phải là công việc Liên Hợp Quốc theo nghĩa chặt chẽ. Hơn nữa người liên lạc của chúng tôi ở Pa-ri hiện nay không ở Pa-ri.

Phiên dịch Đường: ông Van-tơ?

Kít-sinh-gơ: ông ta hiện không ở Pa-ri. ông ta sẽ cùng Tổng thống đến A-giô-nét. Cuối cùng thì cũng thành chuyện của Liên Hợp Quốc, nhưng chúng tôi tha thiết mong muốn Thủ tướng sẽ hiểu đúng điều chúng ta đang làm. Chính vì vậy chúng tôi thực hiện một quy trình có khác với thông lệ đôi chút (Hoàng Hoa gật đầu) lần trước đã sửa lại đôi chút phòng họp này, lần sau chúng ta sẽ gặp nhau trong môi trường dễ chịu hơn (nhìn lên bức tranh trên tường) Hình như cứ mỗi lần chuẩn bị cho phòng họp lại treo bức tranh Trung Quốc (các quan chức Trung Quốc cười). Tôi hy vọng lời lẽ đó là hữu nghị.

Đại sứ Hoàng: Xa thế này, tôi nhìn không rõ

Trần Sở: (nhìn bức tranh) Đó là bài thơ cổ.

Kít-sinh-gơ: Tôi có mấy tấm ảnh màu do ông chụp khá lắm. (Trần), tôi sẽ gởi cho ông. Những bức ảnh này chụp ở Trường Thành.

Xin được giới thiệu với các ông từng phần về những việc mà chúng tôi đã làm. Tiện đây, xin được nhắc lại: Đúng? Mọi người đều biết rõ việc làm của chúng tôi. Chúng tôi nói cho các ông biết về cuộc đối thoại với Liên Xô. Nhưng chúng tôi không có ý định nói với Liên Xô về cuộc nói chuyện giữa chúng ta, cũng không nói với đồng nghiệp về cuộc gặp gỡ giữa chúng ta. Ông G.Bút là người của Nhà Trắng duy nhất biết tôi tới đây.

Các ông đã rõ nhiều tuyên bố công khai của chúng tôi đối với Ấn Độ. Tôi cho rằng, trong tuyên bố trong tuần của mình tôi đã nói rõ, cần quy tội cho Ấn Độ. Những người cung cấp tin cho tòa báo biết rõ lời tuyên bố này. Trước khi các ông về. Tôi sẽ gởi tới các ông nguyên văn tuyên bố, để các ông đọc. Chúng tôi sẽ tiếp tục công khai làm như vậy. Các ông cũng đã biết tất cả những gì mà chúng tôi làm tại Liên Hợp Quốc, ở đây tôi không đề cập nữa bởi như vậy là thừa.

Kít-sinh-gơ đã giải thích với Hoàng Hoa về quyết định của Chính phủ Mỹ, cắt viện trợ cho Ấn Độ, gồm khoản tiền cho vay 87 triệu đô la Mỹ, 31 triệu đô la viện trợ quân sự, 72 triệu đô la viện trợ lương thực, ông ta cũng nói đến việc cảnh cáo Liên Xô, bao gồm một bức thư của Ních-xơn gởi cho Brê-giơ-nhép ngày 6/12 về "việc ủng hộ hành động xâm lược của Ấn Độ phương hại tới mối quan hệ Mỹ-Xô”.

Ngày 12/9 trong thư trả lời Brêgiơ-nhép về đề nghị ngừng bắn, thực hiện giải pháp chính trị giữa Chính phủ Pa-kit-xtan và Ban lãnh đạo Đông Pa-kit-xtan. Ních-xơn đã có phản ứng ngay sau ngày lãnh đạo Pa-kit-xtan xin được ngừng bắn, Ních-xơn tuyên bố. "Một cuộc chiến tàn khốc đang nhằm vào toàn bộ Pa-kit-xtan, một quốc gia bè bạn. Chúng ta có nghĩa vụ ủng hộ và giúp đỡ họ".

Kít-sinh-gơ: Để chứng minh lời nói của mình, chúng tôi sẽ cùng với nhiều nước viện trợ cho Pa-kit-xtan.

Đại sứ Hoàng: Nhưng trong thư không đề cập tới điểm này.

Kít-sinh-gơ: Không! Hiện tôi đang nói với các ông về việc này, nó khá phức tạp. Luật pháp cấm chúng tôi cung cấp trang bị cho Pa-kit-xtan trong bối cảnh này, cũng không cho phép quốc gia bạn bè được Mỹ trang bị, cung cấp trang bị cho Pa-kit-xtan. Vì vậy, chúng tôi cùng với nhiều nước đã có quyết định và đã báo cho Gióoc-đa-ni, I-ran và Ả-rập Sê-út. Chúng tôi sẽ báo cho Thổ Nhĩ Kỳ thông qua một kênh mà Đại sứ Bút cũng không am tường.

Nếu họ cho rằng, sự an ninh quốc gia của họ bị ảnh hưởng khi vận chuyển vũ khí Mỹ đến Pa-kit-xtan, chúng tôi sẽ lên tiếng phản đối, nhưng chúng tôi cũng bày tỏ sự cảm thông với họ. Chúng tôi sẽ không phản đối mạnh mẽ. Chúng tôi sẽ bổ sung ngân sách năm tới, cho dù họ có khó khăn đến mấy. Trên cơ sở đó, bốn máy bay sẽ rời Gióoc-đa-ni ngày hôm nay, cuối tuần này sẽ có 22 máy bay rời Gióoc-đa-ni, vũ khí và các trang bị được gửi đi từ I-ran.

Đại sứ Hoàng : Ý ông nói cuối tuần này.

Kít-sinh-gơ: Tôi không rõ thời gian cụ thể. Không lâu nữa sẽ có 6 máy bay cất cánh từ Thổ-Nhĩ-Kỳ. Đó là điều tuyệt đối bí mật, chúng tôi không muốn để người ta biết, chí ít cũng phải đợi tới ngày mai sau phiên họp Quốc hội.

Ngoài ra, chúng tôi chuẩn bị nhiều chiến hạm tại Thái Bình dương để sang Ấn Độ. Một hàng không mẫu hạm chở xe tăng với 4 khu trục hạm. Một chiến hạm trang bị máy bay lên thẳng và hai khu trục hạm. Nếu các ông cảm thấy thú vị muốn tìm hiểu, ở đây chúng tôi có bản đồ vị trí chính xác về hạm đội Liên Xô tại Ấn Độ dương. Đó là những chiến hạm nhỏ, không thể so sánh với chiến hạm Mỹ (đưa bản đồ cho Hoàng Hoa), đấy là xe tăng tàu buôn, là tàu ngầm ...

Đại sứ Hoàng: (cười) Tôi đâu phải là chuyên gia

Kít-sinh-gơ: Tôi cũng vậy, nhưng xem cũng dễ hiểu. Chiến hạm Liên Xô không nhiều, tổng số là bao nhiêu? (quay sang Hây-gơ) Tôi đọc thấy ở đâu nhỉ?

Đại sứ Hoàng: Hiện có thêm tuần dương hạm.

Kít-sinh-gơ: Chiến hạm của họ không nhiều. Bây giờ tôi xin nói về một việc rất nhạy cảm. Chúng tôi được biết, quan chức của các ông ở một số nước châu Âu khi trao đổi với một nước châu Âu, không dám khẳng định ý đồ của Liên Xô ở biên giới nước các ông, và muốn có trong tay một số tài liệu về ý đồ của Liên Xô.

Về phía chúng tôi, không tập trung suy nghĩ về tình báo chiến lược. Chúng tôi chỉ có tài liệu chung về ý đồ của họ. Những tài liệu đó thỉnh thoảng thu thập được qua vệ tinh. Chúng tôi sẽ chuẩn bị theo yêu cầu của các ông. Các ông muốn có thông tin liên quan tới ý đồ của Liên Xô, chúng tôi sẽ cung cấp. Hiện nay tôi không đem theo tài liệu đó. Các ông cần thứ gì, chúng tôi sẽ thực hiện và đảm bảo an toàn tuyệt đối. Đó là điều không cần nghi ngờ.

Thứ hai, Tổng thống muốn các ông hiểu rằng, trong tình hình hiện nay, Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa tự quyết định hành động của mình. Nhưng nếu Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa cho rằng tình hình tiểu lục địa Ấn Độ đe dọa nền an ninh của mình và có hành động bảo vệ nền an ninh ấy, thì Mỹ sẽ phản đối các quốc gia khác can dự vào công việc của Trung Quốc. Chúng tôi không nêu ra biện pháp cụ thể, mà đơn giản chỉ là cung cấp tình hình liên quan đến hành động của các quốc gia khác.

Hành động của hải quân chúng tôi vẫn giới hạn ở vùng miền đông eo biển Ma-lúc-ca, sẽ được công bố khi họ vượt eo biển vào đêm chủ nhật. Tôi sẵn sàng nói để các ông hiểu rõ quan điểm của chúng tôi, về tình hình quân sự ở tiểu lục địa Ấn Độ. Không rõ quan điểm của các ông thế nào. Tôi sẵn sàng nói về quan điểm của chúng tôi sau đó đề cập về một vấn đề khác.

Quân đội miền Đông Pa-kit-xtan bị thua nặng, quân đội miền Tây Pa-kit-xtan sẽ không còn giọt xăng trong vòng hai, ba tuần tới, có khả năng chỉ 2 tuần, bởi dự trữ xăng của Ca-ra-chi đã bị phá hủy. Chúng tôi cho rằng, việc cần phải làm ngay là phải ngăn chặn cuộc tập kích của Đông Pa-kit-xtan vào Tây Pa-kit-xtan. Chúng tôi lo rằng, nếu không ngăn chặn cuộc tập kích, Đông Pa-kit-xtan sẽ trở thành Bu-tan, Tây Pa-kit-xtan trở thành Nê-pan. Với sự hỗ trợ của Liên Xô, Ấn Độ sẽ tung hoành xâm lược khắp nơi.

Vì vậy, đối với chúng tôi, đó là điều rất hệ trọng, tức thông qua gia tăng sức ép kết hợp với hành động chính trị ngăn chặn cuộc tập kích của Ấn Độ dành nhiều thời gian hơn nữa, vận chuyển nhiều hơn nữa vũ khí cho Pa-kit-xoan để cứu vãn tình thế.

Hôm qua, chúng tôi đã phát đi một tin, một tin không hề cường điệu, trích dẫn từ bức thư của Brê-giơ-nhép gửi cho Tổng thống Mỹ, bày tỏ quan điểm của mình. (quay sang Đại sứ Hoàng và phiên dịch Đường). Tại sao các vị không đọc nó? Đó là biện pháp đặc biệt nhằm đẩy mạnh tiến trình. Nhưng chúng ta cần hiểu, đây chỉ là tóm lược (quay sang phiên dịch Đường), đừng nên ghi từng câu từng chữ như vậy.

Các ngài không cần gián điệp át chủ, chúng tôi sẽ cho các ông tất cả. Chỉ văn kiện của ông ta. Chúng tôi biết các ông mang theo một gián điệp chủ bài. Nếu dựa vào ông ta sẽ không có cái này (quan chức Trung Quốc cười). Lần sau, ông ấy (tức Hoàng Hoa) sẽ cho tôi xem một công văn của Chính phủ. Nhưng căn bản không có tác dụng đối với tôi, tôi không thể nhìn thấy (quan chức Trung Quốc cười) (quay sang Đại sứ G.Bút) các ông không nên bàn luận về ngoại giao bằng phương pháp này.

Đại sứ: Tôi đang cố gắng tìm hiểu xem nó là gì? Tôi đang chờ bản dịch Trung văn.

Sau khi quan chức Trung Quốc đọc xong bức điện của Xa-hya-khan, Kít-sinh-gơ tóm tắt nội dung trả lời của Giê-hai đề nghị một cuộc đàm phán về ngừng bắn và rút quân có sự giám sát của quan sát viên Liên Hợp Quốc, để tìm một cuộc đàm phán nhằm đáp ứng nguyện vọng chính trị của Ben-ga-li

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi cho rằng, nếu Tây Pa-kit-xtan không muốn bị đập tan, có hai điều cần thiết phải làm: Một là gây đe doạ tối đa đối với Ấn Độ, ở chừng mực nào đó cũng là nhằm vào Liên Xô. Hai là, gây sức ép tối đa để đòi ngừng bắn.

Lúc này đây, tôi xin báo với các ông một việc. Chúng tôi được tin tình báo cho biết, Bà In-đi-ra Gan-đi nói với nội các rằng bà ta muốn đập tan lục quân và không quân của Pa-kit-xtan, chiếm lấy Cát-sơ-mia. Sau đó ngừng bắn. Đó cũng là nguyên nhân mà chúng tôi cho rằng phải ra tay ngăn chặn và chúng tôi đã mạo hiểm tổ chức cuộc họp này với Đại sứ.

Ngoài ra, còn một việc nữa, tối qua quyền Ngoại trưởng Mỹ đang ở châu Âu đã gặp và yêu cầu Đại sứ Ấn Độ không tính chuyện xâm chiếm bất kỳ lãnh thổ nào. Chúng tôi làm như vậy là để tạo cớ hợp pháp cho các hành động khác. Đó là những việc chúng tôi đang tiến hành.

Đại sứ Hoàng: Chúng tôi rất cám ơn Ngài Kít-sinh-gơ đã giới thiệu cho chúng tôi về tình hình tiểu lục địa Ấn Độ. Chúng tôi sẽ truyền đạt tới Thủ tướng Chu Ân Lai, quan điểm của Chính phủ Trung Quốc trong vấn đề này không có gì bí mật. Chuyện gì cũng nên để cả thế giới biết. Lập trường cơ bản của chúng tôi tại Liên Hợp Quốc cũng là lập trường cơ bản của chúng tôi.

Tuy rằng, không thật hài lòng về nghị quyết này, nhưng trong cuộc họp Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng tôi luôn ủng hộ một dự thảo nghị quyết về ngừng bắn và rút quân. Chúng tôi cảm nhận dự thảo nghị quyết đã phản ánh nguyện vọng của phần lớn người đến từ nước nhỏ và nước vừa.

Dự thảo nghị quyết đã được Hội đồng Bảo an ủng hộ đặc biệt. Tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, chúng tôi đã bỏ phiếu ủng hộ dự thảo nghị quyết này do An-giê-ri, Ác-hen-ti na và 38 quốc gia khác đưa ra, được thông qua với đa số 104 phiếu, chống lại ảnh hưởng của hai quốc gia là Liên Xô và Ấn Độ. Chúng tôi cho rằng điều đó phản ánh nguyện vọng của mọi người, phù hợp với mong muốn của nhân dân toàn thế giới.

Phiên dịch Đường: (quay sang Kít-sinh-gơ) Ngài có hiểu không?

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu.

Đại sứ Hoàng: Điều đó nói lên đại bộ phận nhân dân thế giới tán thưởng cái gì, và phản đối cái gì! Bởi với sự trợ giúp của Liên Xô, nếu ở tiểu lục địa này Ấn Độ làm cái mà họ muốn, thì nhiều quốc gia sẽ không an toàn, không có hoà bình dẫn đến sự chia cắt của nhiều quốc gia có chủ quyền và việc lập bản đồ mới cho nước Mãn Châu và Băng-la-đét, sự thôn tính quốc gia có chủ quyền bằng xâm lược quân sự.

(Hoàng Hoa giải thích thêm yêu cầu tối thiểu của phía Bắc Kinh đối với nghị quyết Liên Hợp Quốc là ngừng bắn và rút quân, sau đó đề cập thái độ "mềm yếu” của phía Oa-sinh-tơn, ông ta đề nghị thực hiện liên hiệp với Anh và Liên Xô để thúc đẩy cuộc đàm phán đông-tây Pa-kit-xtan. Kít-sinh-gơ nói "Chúng tôi không muốn Tây Pa-kit-xtan đi theo con đường Đông Pa-kit-xtan).

Đại sứ Hoàng: Đề nghị của Liên Xô đàm phán có nghĩa hợp pháp hóa trong việc dựng lại một nước Mãn Châu, có nghĩa giành được cái ghế hợp pháp từ Liên Hợp Quốc, nói một cách khác dùng Liên Hợp Quốc làm cái loa. Điều đó đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân Pa-le-stin, ngược lại nguyện vọng của nhân dân thế giới. Nguyện vọng này thể hiện qua cuộc bỏ phiếu tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Hiện nay, Liên Xô và Ấn Độ đang trong tiến trình cực kỳ nguy hiểm tại tiểu lục địa như chúng tôi đã từng vạch rõ, đang siết chặt bao vây Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: Điều đó không còn nghi ngờ gì nữa.

Đại sứ Hoàng: Chắc Ngài đã rõ hành động của chúng tôi đó là sẵn sàng chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công từ bốn phía.

Kít-sinh-gơ: Tất nhiên hai nước có trao đổi một số nội dung. Tôi mong được gửi một số nhân viên Bộ Ngoại giao sang tập huấn ở Trung Quốc. Thưa Ngài Đại sứ, Ngài cho tôi là "yếu mềm", nhưng tại Oa-sinh-tơn, các đồng nghiệp lại cho tôi là kẻ điên khùng.

Đại sứ Hoàng: Chúng tôi đang chuẩn bị đối phó với cuộc tấn công từ bốn phía. Chúng tôi sẵn sàng một lần nữa chuẩn bị áp dụng chiến tranh du kích với tiểu mạch cộng súng trường. Chúng tôi cũng sẵn sàng chuẩn bị tái thiết lại sau sự kiện này.

Quan điểm cá nhân của Brê-giơ-nhép thể hiện một sự can thiệp trực tiếp, thô bạo vào công việc của quốc gia có chủ quyền, là điều mà chúng tôi hoàn toàn không thể chấp nhận và không cho phép. Cái quan điểm mà chúng ta hiện chứng kiến dính tới cái gọi là đàm phán chính trị.

Tất nhiên, ngoài tình hình quân sự ở tiểu lục địa Ấn Độ-Pa-kit-xtan mà chúng tôi đọc ở trên báo ra, chúng tôi không còn tài liệu nào khác. Với kinh nghiệm lâu dài, chúng tôi nhận thấy cuộc chiến mà nhân dân Pa-kit-xtan phát động chẳng qua chỉ là chống đỡ. Vì vậy, họ cần được nhân dân Trung Quốc, nhân dân thế giới ủng hộ. Bất luận là ai cũng nên ủng hộ cuộc đấu tranh vì chính nghĩa, để bảo vệ chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ.

Chúng tôi có câu ngạn ngữ "phía đông không sáng, thì phía tây sáng". Nếu chúng ta thất bại ở nơi này, thì giành được thắng lợi ở nơi khác. Vì vậy, chúng ta phải kiên trì bền bỉ, giữ vững nguyên tắc: kiểm soát trong phạm vi cuộc chiến, thì thắng lợi cuối cùng vẫn thuộc về chúng ta. Tôi cho rằng: không cần thiết phân tích nhiều về điều này, bởi bản thân lịch sử về thắng lợi của cuộc cách mạng của nhân dân Trung Quốc đã là một chứng minh hùng hồn.

Kít-sinh-gơ: Thưa ngài Đại sứ, tôi tán thành sự phân tích của Ngài về tình hình. Những gì đang xảy ra ở tiểu lục địa Ấn Độ là sự đe dọa đối với toàn thể nhân dân, là sự uy hiếp sát sườn đối với Trung Quốc. Sự đe doạ này là nhằm vào mọi người. Chúng tôi biết Pa-kit-xtan đang bị xâm lược, bởi họ là người bạn của Trung Quốc, là người bạn của nước Mỹ. Chúng tôi đồng ý với quan điểm của các Ngài.

Hiện nay, chúng ta có vấn đề cần phải giải quyết gấp. So với Ngài, tôi không hiểu rõ lắm về lịch sử chiến tranh cách mạng của nhân dân Trung Quốc. Tôi nhớ hình như có một bài học là phong trào nhân dân Trung Quốc đã kiên trì nguyên tắc trong mọi tình huống, sau khi nắm rõ Hiệp định đàm phán Trùng Khánh, thì khi cần đàm thì đàm, khi cần đánh thì đánh. Đó là đúng đắn.

Chúng tôi muốn Tây Pa-kit-xtan, có quân đội để có thể chiến đấu khi tình huống xấu đi. Chúng tôi chuẩn bị có ý định gây sức ép tối đa để ngăn chặn Ấn Độ. Hàng ngày các Ngài đọc "báo thời đại Niu-oóc" có đưa nhiều tin tức về hoạt động tiếp tế hậu cần quân sự cho Pa-kit-xtan của chúng tôi, những tin tức này không làm chúng tôi thú vị, bởi vì nó chỉ gây nên sự phản đối của tất cả những phe đối lập. Chúng tôi muốn tiếp tục gây sức ép quân sự, chính trị về phía Ấn Độ, không quan tâm đến đàm phán chính trị giữa Ban lãnh đạo Đông và Tây Pa-kit-xtan.

Điều hứng thú duy nhất có lẽ là Liên Xô đồng ý chúng tôi sẵn sàng tính đến chuyện ngừng bắn, làm theo như cách của các Ngài tại Liên Hợp Quốc. Phần lớn các đồng nghiệp của chúng tôi thích cách đó. Nếu chúng tôi thực hiện cách làm của các Ngài là ngừng bắn, rút quân, mà không có hành động khác, thì Pa-kit-xtan sẽ bị tiêu diệt, làm nhiều người ở Mỹ vui mừng. Nếu các Ngài và Pa-kit-xtan muốn như vậy, thì hãy làm như vậy. Đối với chúng tôi không có vấn đề gì cả. Đó là cách làm dễ nhất. Vì vậy, chúng tôi hoàn toàn tán thành sự phân tích của các Ngài.

Chúng ta đang tìm biện pháp thực tế khả thi cho điểm mấu chốt này, mà nó đã gây nên một cuộc chiến đấu thông thường bởi nhiều nguyên nhân khác nhau. Chúng tôi không liên hiệp với bất cứ ai để gây sức ép với Pa-kit-xtan. Chúng tôi chống Ấn Độ và tiếp tục giữ lập trường đó.

Nhưng có một vấn đề mà chúng tôi rất buồn để nói rằng quân đội Đông Pa-kit-xtan sẽ bị đánh bại ở Tây Pa-kit-xtan. Nếu chúng ta sai lầm về điểm này, thì sẽ là sai lầm tất cả. Các Ngài quan niệm thế nào về đàm phán phi chính trị và ngừng bắn? Chúng tôi muốn có nguyên tắc duy nhất cho cuộc đàm phán chính trị là hãy giữ lấy chứ không phải làm yếu Pa-kit-xtan.

Đại sứ Hoàng: Các Ngài chuẩn bị dựa vào điểm này để can thiệp vào đề nghị của Liên Hợp Quốc về ngừng bắn ư?

Kít-sinh-gơ: Không, tôi đang trao đổi với Ngài về nguyên nhân, chúng ta cần thực tế hơn. Đến ngày mai thì quân đội Đông Pa-kit-xtan sẽ đầu hàng. Vì vậy, có cần một Hiệp định ngừng bắn ở miền Tây không?

Đại sứ Hoàng: Tại sao chúng ta lại không lên án Ấn Độ xâm lược Đông Pa-kit-xtan, tại sao lại không sử dụng Hiệp định tôi rút quân đã thông qua tại Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ... Nếu các Ngài nhận thấy không thể lên án Ấn Độ.

Kít-sinh-gơ: Không, chúng tôi không để ý chuyện lên án Ấn Độ .

Đại sứ Hoàng: áp dụng hành động không thể tách rời Hiệp định đã thông qua tại Liên Hợp Quốc.

Kít-sinh-gơ: Có hai vấn đề khác nhau. Hiệp định của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc là nhằm vào toàn bộ các vấn đề ở Pa-kit-xtan. Chúng tôi không nói đồng ý chiếm đóng Pa-kit-xtan nhưng đó chỉ là một biện pháp ngừng bắn. Các nước Ả rập, không chấp nhận đất đai của họ bị chiếm đóng, cho dù ngừng bắn, vì vậy, tại đây chúng tôi không thông báo với các Ngài...

Khi tôi yêu cầu tổ chức cuộc họp này, tôi muốn, đề nghị Trung Quốc viện trợ về quân sự. Tôi rất thiện chí, đó là điều suy nghĩ của tôi, chứ không phải là thảo luận cùng các Ngài làm thế nào để đánh bại Pa-kit-xtan. Tôi không muốn nói đến chuyện không liên quan đến vấn đề. Tôi đành áp dụng phương thức gián tiếp.

Các Ngài sẽ tự quyết định lấy. Các Ngài còn nhiều vấn đề về biên giới khác. Sắp tới ban lãnh đạo Đông Pa-kit-xtan yêu cầu Liên Hợp Quốc thực hiện ngừng bắn tại Đông Pa-kit-xtan, họ không dựa vào chúng ta. Trong vấn đề này, chúng tôi không có lập trường chống lại các Ngài. Chúng tôi cho rằng, chúng ta đứng cùng một phía , vì vậy...

Đại sứ Hoàng; Chúng tôi cảm thấy tình hình tiểu lục địa Ấn Độ rất căng thẳng và đang xấu đi. Vì vậy, như tôi đã nói, chúng tôi sẽ lập tức báo cáo những gì các Ngài đã báo cho tôi.

Kít-sinh-gơ: Tôi không muốn để Thủ tướng hiểu nhầm. Chúng tôi không phải tìm cách trốn tránh tình hình này, mà đang tìm biện pháp để bảo vệ sự tồn tại của Pa-kit-xtan. Chúng tôi sẽ không thừa nhận nước Băng-la đét, không đàm phán với nước này. Chúng tôi cũng không ủng hộ Pa-kit-xtan đàm phán với Băng-la-đét.

Chúng ta có một vấn đề thực tế và khẩn cấp, ngừng bắn hay tiếp tục hành động quân sự? Bất luận trong tình hình nào, chúng ta cần không ngừng gây sức ép với Liên Xô và Ấn Độ. (Sau khi trao đổi với Bút-sơ, Kít-sinh-gơ nói ông ta sẽ hội đàm với Bút-tô) Tôi sẽ nói cho Bút-tô biết, dù ông ta muốn giải pháp nào cũng cần hỏi ý kiến chúng ta.

Cũng như trước đây, chúng ta sẽ ủng hộ ông ta, tôi cũng nói cho ông ta biết, ngoài tướng Hây-gơ, không nên tin bất kỳ quan chức Mỹ nào, ông ta cũng không cần nghe theo chỉ đạo của các Ngài. Nhưng tôi sẽ buộc ông ta phải trao đổi với các Ngài. Thường thì các Ngài quá cứng nhắc đối với bè bạn. Vì vậy? chúng tôi không muốn tạo thêm một ấn tượng sai lầm về chuyện này.

Đại sứ Hoàng; Còn Băng-la-đét, gần đây, Đại sứ Bút-sơ có gặp người của họ không?

Đại sứ Bút-sơ: Chắc Ngài Đại sứ muốn nói tới một bài châm biếm đăng trên "Thời báo Niu-oóc”?

Bút-sơ giải thích về cuộc gặp khó xử nhưng chưa tiến hành, do một quan tòa Pa-kit-xtan thu xếp. Đại diện phía Pa-kit-xtan có ý định muốn tổ chức cuộc hội đàm về Pa-kit-xtan.

Kít-sinh-gơ: Bất luận các Ngài đã thấy điều gì. Không một người nào được uỷ quyền hội đàm với Băng-la-đét Chúng tôi không công nhận và không bao giờ công nhận nước Băng-la-đét.

Đại sứ Hoàng: Tôi xin chân thành cảm ơn sự giải thích của Ngài Đại sứ Bút-sơ.

Đại sứ Bút-sơ: Có người trốn khỏi Đại sứ quán Mỹ tại Pa-kit-xtan và đến đây. Người đó nói Đại sứ Sha-hi muốn giết tôi.

Kít-sinh-gơ: Trước đây tôi có một trợ lý riêng hiện làm việc ở Thượng viện. Mấy ngày qua, có nhiều kẻ phản bội. Thưa Ngài Đại sứ, chiều chủ nhật tôi sẽ tháp tùng Tổng thống đến quần đảo Azores hai ngày. Tôi rất tin ở tướng Hây-gơ. Tôi và ông ta có cách liên hệ nhanh với nhau vì vậy, nếu cần các Ngài bắt liên lạc với chúng tôi. Nhưng tôi muốn nói rõ với phía Bắc Kinh rằng, cuộc gặp mặt giữa tôi với Ngài là nhằm phối hợp bước đi tích cực nhịp nhàng, chứ không phải là tiêu cực.

Đại sứ Hoàng: Tôi không có điều gì để nói.

Kít-sinh-gơ: Tốt! Tôi hy vọng rằng cuộc gặp mặt tới sẽ diễn ra vui vẻ, chúng tôi có tình cảm đặc biệt với Pa-kit-xtan, bởi họ đã giúp đỡ để nối lại mối quan hệ Trung-Mỹ. Chúng tôi sẵn sàng lắng nghe đề nghị về cân bằng hành động. Chúng tôi sẽ cố gắng hết mức ngăn chặn bất kỳ quốc gia nào có hành động đơn phương phá hoại thế cân bằng. Ngày mai, tôi sẽ bày tỏ thái độ này với Tổng thống Bút-tô.

Đại sứ Hoàng: Tất nhiên, chúng tôi sẽ bắt liên lạc với ông Bút-tô. Tất nhiên như các Ngài nói, chúng tôi sẽ không có bất kỳ sự chỉ đạo nào. Bởi vì Y-ca-cốp-hya Khan là một vị Tổng thống, chúng tôi chỉ trao đổi ý kiến trong tình bạn.

Kít sinh-gơ: Tất nhiên rồi, cái từ "chỉ đạo" dùng chưa ổn lắm.

Đại sứ Hoàng: Tôi nghĩ, cuộc trao đổi hôm nay, dừng lại ở đây Chúng tôi cần báo cáo lại với Thủ tướng Chu Ân Lai.

(Trong mấy phút đợi xe, họ nói đùa với nhau)

Lời dẫn

Thiên lệch về Pa-kit-xtan, Nhà Trắng nêu vấn đề lập trường về nhân quyền, nhưng Kít-sinh-gơ lại quan tâm hơn đến khía cạnh khác trong cuộc khủng hoảng. Theo Đô-brư-nin, tháng giêng Kít-sinh-gơ thừa nhận đã lo ngại quá mức về ý đồ của Liên Xô khiến Nhà Trắng đã có hành động "quá mức", ông ta muốn nói về cuộc tập trận của hải quân Mỹ, nhưng cũng có thể đó là lời tuyên bố của ông ta có ý cảnh cáo Liên Xô không nên can thiệp vào cuộc khủng khoảng của thế giới Thứ ba, dẫn đến sự phản ứng quá đáng của Mỹ.

Đe doạ và cảnh cáo sử dụng vũ lực về cuộc khủng khoảng Nam-Á hầu như khiến Kít-sinh-gơ tin rằng, trong cuộc xung đột khu vực và nội bộ, với biện pháp này có thể ngăn cản Liên Xô ủng hộ phe chống đối ở Oa-sinh-tơn.

Khi địa vị của Kít-sinh-gơ trong Nhà Trắng vững như bàn thạch, cũng là lúc Ních-xơn tính chuyện cách chức ông ta, bởi tiếng tăm của Kít-sinh-gơ ngày càng nổi lên. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ có bất đồng trong cách giải quyết cuộc khủng hoảng Nam Á, khiến Ních-xơn đã có ý định này.

Cố vấn nội vụ Zing-glit-man và Ha-đê-man đã thổ lộ, rất quan tâm đến “tư tưởng dao động" của Kít-sinh-gơ trong cuộc khủng hoảng Nam Á, cuộc khủng hoảng này bị báo chí phê phán khiến Kít-sinh-gơ lo lắng; ông ta cũng nổi giận khi bị Ngoại trưởng Râu-giơ chống lại chính sách về Ấn Độ của ông ta.

Mấy tuần sau đó, Kít-sinh-gơ buồn bực, thậm chí bi quan khi biết Bộ Tổng tham mưu cài người vào Hội đồng an ninh Quốc gia. Theo một số người, Ních-xơn đã tính chuyện cho Kít-sinh-gơ đi "điều trị tâm thần" và không gọi điện thoại cho ông ta nữa.

Khoảng tháng giêng, khi Kít-sinh-gơ nghiêm túc tính chuyện từ chức, thì tình hình có thay đổi. Bởi sắp tới ngày thăm Bắc Kinh và Mát-xcơ-va, Ních-xơn nghĩ lại cần thiết phải trao đổi với Kít-sinh-gơ, và không thể thiếu được ông ta trong chiến lược ngoại giao tam giác.

Tháng 2/72, chuyến tham Trung Quốc của Ních-xơn đã giành được thành công to lớn, việc khôi phục quan hệ ngoại giao hai nước đã có bước đi thăm dò. Sự hiểu biết về vấn đề Đài Loan và vấn đề "bá quyền" và thoả thuận được một phương thức chính thức đã tạo ra cơ sở vững chắc để xây dựng quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ.

Mấy ngày trước chuyến thăm, Mao Trạch Đông suýt chết, nhưng phía Mỹ không ai hay biết chuyện này. Vài tuần trước khi Ních-xơn tới thăm, Mao bị bệnh tim tái phát và viêm phổi, nhưng cho đến tháng 2 ông ta vẫn từ chối điều trị. Mao mong đợi được gặp Ních-xơn, bởi đó là sự công nhận vị trí quốc tế "bình đẳng" của Trung Quốc. Cuối cùng Mao cũng đi lại, tiếp khách được là do chấp nhận điều trị. Tuy nhiên Mao chỉ nói được, còn thân thể thì phù nề.

Mao đã làm cho Cố vấn thân cận "đứng tim" bởi ngay khi vừa đến, Ních-xơn được Mao tiếp ngay vào sáng ngày 2 1/2 . Mặc dù tình trạng sức khỏe của Mao rất xấu nhưng Ních-xơn và Kít-sinh-gơ được thông báo "Chủ tịch bị viêm khí quản".

Hội đàm không có gì mới, nhưng Ních-xơn và Kít-sinh-gơ thì đạt được cái mà họ muốn có, đó là lợi dụng cơ hội này để lại cho người lãnh đạo Trung Quốc một ấn tượng về "chúng tôi nghiêm túc và đáng tin cậy". Kít-sinh-gơ nói với Ních-xơn, Mao và Chu quản lý đất nước này xuất phát từ chủ nghĩa thực dụng, nhằm mục đích kiểm soát nước khác. Trừ phi người Trung Quốc cho rằng họ có thể tin ở Oa-sinh-tơn, ngược lại quan hệ 2 nước sẽ không tiến triển.

Xuất phát từ cam kết quan trọng của Mỹ về rút quân khỏi Đài Loan và bình thường hóa quan hệ hai nước, Kít-sinh-gơ nhấn mạnh "Nhiệm vụ cơ bản của chúng ta là tiếp cận họ, trong tương lai chúng ta sẽ có một số hành động như họ mong muốn, bởi tất cả đều xuất phát từ lợi ích của chúng ta".

Có thể đã tiếp thu ý kiến của Kít-sinh-gơ, Ních-xơn đã tuyên bố, "các Ngài sẽ thấy tôi đã nói là làm, và tôi sẽ làm nhiều hơn tôi. nói". Không bao lâu sau khi rời Bắc Kinh, Ních-xơn quả thật đã ra lệnh rút khỏi Đài Loan máy bay ném bom F-4 mang vũ khí hạt nhân, nhằm thực hiện lời cam kết rút quân đội Mỹ ra khỏi đảo này.

BỊ VONG LỤC HỘI ĐÀM.
TỐI MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Thời gian: Ngày 21-2-1972 . Chiều thứ hai, từ 2h 50-3h 55

Người dự:

Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai, quan chức lễ tân đầu ngành của Bộ Ngoại giao Vương Hải Dung, phiên dịch Đường Văn Sinh,

Tổng thống Ních-xơn, trợ lý an ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống Tiến sĩ Hăng-ri Kít-sinh-gơ, nhân viên an ninh Quốc gia kiêm thư ký Uyn-tơn Lốt

Địa điểm: Chỗ ở của Mao Trạch Đông tại Bắc Kinh

(Hai bên chào hỏi nhau. Chủ tịch bày tỏ hoan nghênh Tổng thống Ních-xơn đến thăm. Tổng thống Ních-xơn nói rất vui mừng vì được gặp Mao Chủ tịch).

Tổng thống Ních-xơn: Ngài Chủ tịch đọc nhiều sách. Thủ tướng nói Ngài đọc nhiều sách hơn ông ta.

Mao Trạch Đông: Hôm qua trên máy bay, Ngài đã nêu với chúng tôi một vấn đề rất khó. Ngài nói vấn đề cần trao đổi là vấn đề triết học.

Tổng thống Ních-xơn: Tôi nói như vậy bởi tôi đọc nhiều thơ và bài viết của Chủ tịch. Tôi hiểu Chủ tịch là một triết gia chuyên nghiệp.

Mao Chủ tịch (Nhìn Kít-sinh-gơ) hỏi: ông ta có phải là tiến sĩ triết học không?

Tổng thống Ních-xơn: ông ta là Tiến sĩ về vi tính.

Mao Chủ tịch: Thế nào, chúng ta hãy để ông ta là người phát biểu chính ngày hôm nay?

Tổng thống Ních-xơn: Chủ tịch là chuyên gia về triết học

Kít-sinh-gơ: Trước đây tôi thường chọn các bài viết của Chủ tịch để đưa cho sinh viên trường đại học Ha-vớt đọc

Mao Chủ tịch: Tác phẩm của tôi không có gì ghê gớm, ý nghĩa về giáo dục không lớn. (nhìn người nhiếp ảnh) Giờ thì họ đến quấy rầy chúng ta một chút nhân cuộc hội đàm. Chế độ của chúng tôi ở đây là vậy.

Ních-xơn: Tác phẩm của Chủ tịch khích lệ cả dân tộc, đổi thay cả thế giới.

Mao Chủ tịch: Tôi không thể làm thay đổi mấy nước láng giềng của Trung Quốc. Ông bạn cũ của chúng tôi, Tưởng Giới Thạch không đồng ý về điểm này, ông ta gọi những người Cộng sản chúng tôi là thổ phỉ. Gần đây ông ta có một bài diễn văn, các Ngài đã đọc chưa?

Ních-xơn: Tưởng Giới Thạch gọi Chủ tịch là thổ phỉ, thế Chủ tịch gọi Tưởng Giới Thạch là gì?

Thủ tướng Chu: Nói chung, chúng tôi gọi họ là bọn phản động Tưởng Giới Thạch, trên báo chí có khi chúng tôi gọi là thổ phỉ; để trả miếng, chúng tôi gọi họ là thổ phỉ. Nhưng dù sao cả hai phía chúng tôi đều lạm dụng ngôn từ.

Mao Chủ tịch: Thực ra, thời gian chúng tôi quan hệ với Tưởng Giới Thạch dài hơn các Ngài quan hệ với họ.

Tổng thống Ních-xơn: Đúng! Tôi biết điều đó.

Mao Chủ tịch: Hai chúng ta không nên làm chủ toàn bộ cuộc nói chuyện. Nếu không để Tiến sĩ Kít-sinh-gơ phát biểu là điều không hay (nói với Kít-sinh-gơ) Với chuyến đi Trung Quốc, tiếng tăm của Ngài trên thế giới đã nổi như cồn.

Kít-sinh-gơ: Đó là do Tổng thống Ních-xơn đã tạo ra một môi trường lớn và chỉ rõ phương hướng.

Tổng thống Ních-xơn: Nói như vậy, ông ta là một trợ thủ sáng suốt (Mao và Chu cười)

Mao Chủ tịch: Tổng thống đang biểu dương Ngài đấy! Nói ông làm như vậy là rất thông minh, rất giỏi.

Tổng thống Ních-xơn: Xem ra ông ta không giống một đại diện bí mật, ông ta là người duy nhất đến Pa-ri 12 lần, đến Bắc Kinh 1 lần trong điều kiện bị giam lỏng. Ngoài 12 cô gái xinh đẹp, chả ai biết được chuyện về ông ta. (Thủ tướng Chu cười)

Kít-sinh-gơ: Các cô gái không biết gì đâu. Tôi đã sử dụng họ để che chắn.

Mao Chủ tịch: Tại Pa-ri ư

Tổng thống Ních-xơn: Người biết sử dụng các cô gái xinh đẹp để giấu mình, trong bất cứ lúc nào cũng là nhà ngoại giao vĩ đại.

Mao Chủ tịch: Thế các cô gái của các Ngài luôn bị lợi dụng ư?

Tổng thống Ních-xơn: Là cô gái của ông ta, chứ không phải của tôi. Nếu tôi lợi dụng cô gái để giấu mình chắc sẽ gây ra rắc rối lớn.

Thủ tướng Chu: (cười) Nhất là ở thời gian bầu cử (Kít-sinh-gơ cười). Tiến sĩ Kít-sinh-gơ chắc không ra tranh cử Tổng thống vì ông ta không phải là công dân sinh ra ở Mỹ .

Kít sinh-gơ: Phiên dịch Đường có đủ tư cách làm Tổng thống nước Mỹ.

Ních-xơn: Cô ta sẽ là vị nữ Tổng thống đầu tiên. Chúng tôi đã có ứng cử viên của mình.

Mao Chủ tịch: Nếu Ngài có một ứng cử viên như vậy là rất nguy hiểm đấy. Nhưng chúng tôi xin nói thật, nếu Đảng Dân chủ một lần nữa nắm quyền, chúng tôi sẽ không tránh khỏi phải tiếp xúc với họ.

Tổng thống Ních-xơn: Chúng tôi hiểu điều đó. Chúng tôi cũng hy vọng sẽ không mang lại cho các Ngài vấn đề nan giải.

Mao Chủ tịch : Tôi không trao đổi những vấn đề cụ thể này, mà là việc của Thủ tướng. Tôi trao đổi vấn đề triết học. Tuy vậy thời gian Ngài tranh cử, tôi xin bỏ cho Ngài một phiếu. Có một người Mỹ tên là Fran-côi trong cuộc tranh cử gần đây có viết bài nói rằng Ngài sẽ trúng cử Tổng thống, nhưng hiện nay ông ta đang chống lại chuyến đi thăm của Ngài.

Tổng thống Ních-xơn: Khi Chủ tịch nói ông ta bỏ phiếu ủng hộ tôi, cũng là lúc ông ta bỏ phiếu cho người khác.

Mao Chủ tịch: Tôi thích những người theo chủ nghĩa cực hữu. Mọi người nói Ngài là kẻ cực hữu. Đảng Cộng hòa là phái hữu, Thủ tướng Ét-uốt Hít là phái hữu.

Tổng thống Ních-xơn: Tướng Đờ-gôn cũng vậy.

Mao Chủ tịch: Đờ-gôn lại là chuyện khác. Họ cũng nói Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo Tây Đức là phái hữu. Tôi vui mừng hơn nếu các phái hữu đó lên cầm quyền.

Tổng thống Ních-xơn: Tôi cho rằng cần nhấn mạnh một điểm quan trọng, ở Mỹ, phái hữu có thể làm cái điều mà phái tả nói, chí ít là ở thời gian này.

Kít-sinh-gơ: Còn một điểm nữa, thưa Tổng thống, phái hữu đó nguyên là những kẻ theo chủ nghĩa Xô-viết, họ không tán thành tiếp xúc với Trung Quốc, thực tế là đứng trên lập trường của họ để phê phán Ngài.

Mao Chủ tịch: Đúng là như vậy, một số người đang chống lại Ngài. Trong nước chúng tôi cũng có một tập đoàn phản động, họ chống lại việc chúng tôi tiếp xúc tới các Ngài. Cuối cùng là họ leo lên máy bay chạy trốn ra nước ngoài.

Thủ tướng Chu: Có thể các Ngài đã biết chuyện này.

Mao Chủ tịch: Nhìn chung cả thế giới đều biết, tin tức của Mỹ tương đối chính xác, sau đó là Nhật. Còn Liên Xô họ đã bới được xác (Lâm Bưu) nhưng không nói gì cả.

Thủ tướng Chu: Tại ngoại Mông.

Tổng thống Ních-xơn: Gần đây, chúng tôi cũng có những vấn đề tương tự. Trong cuộc khủng hoảng Ấn Độ-Pa-kit-xtan, phái tả ở Mỹ, chỉ trích dữ dội tôi không đứng về phía Ấn Độ. Có hai nguyên nhân, một là những kẻ theo chủ nghĩa Xô viết cũ, hai là những kẻ theo chủ nghĩa Ấn Độ cũ. Tôi cho rằng, điều quan trọng là phải xem xét vấn đề lớn hơn. Tôi không cho phép một quốc gia lại đi xâm lược nước láng giềng, cho dù nước này lớn đến mấy. Nhưng tôi cho rằng lịch sử sẽ phán xét làm như vậy là đúng.

Mao Chủ tịch: Phải chăng tôi có thể nêu một đề nghị, ta lộ ra cho báo chí chuyện này một cách tóm lược (Tổng thống chỉ vào Kít-sinh-gơ) nếu các Ngài để lộ một chút cuộc nói chuyện của chúng ta, đó chẳng phải là điều hay đối với cuộc khám phá triết học của chúng ta ư?

Tổng thống Ních-xơn: Xin Chủ tịch yên tâm, tất cả những điều mà chúng ta thảo luận, cũng như của tôi với Thủ tướng sẽ không lọt ra khỏi căn phòng này. Đây là cuộc hội đàm cấp cao nhất.

Mao Chủ tịch: Thế thì tốt

Tổng thống Ních-xơn: Ví dụ, tôi mong được thảo luận với Chủ tịch và Thủ tướng vấn đề Đài Loan, Việt Nam và Triều Tiên v.v... Tôi cũng muốn trao đổi vấn đề tương lai của Nhật, triển vọng phát triển của tiểu lục địa, vai trò của Ấn Độ, xem xét triển vọng quan hệ Mỹ-Xô trong góc độ bối cảnh thế giới rộng lớn hôm nay. Chỉ có nhìn thấy toàn cảnh thế giới, nhìn thấy các lực lượng thúc đẩy thế giới đổi thay, thì chúng ta mới xử lý được đúng các vấn đề khẩn cấp hiện nay. Những vấn đề đó nằm trong tâm nhìn của chúng ta.

Mao Chủ tịch: Tôi không muốn dính sâu vào các vấn đề đó. Tôi cho rằng, điều Ngài nói là một mệnh đề triết học.

Tổng thống Ních-xơn: Ví dụ, thưa Ngài Chủ tịch, đại đa số quốc gia tán thành cuộc nói chuyện của chúng tạ. Nhưng Liên Xô không tán thành, Nhật Bản tỏ ra hoài nghi, người Ấn Độ cũng không tán thành. Đó là hiện tượng thú vị. Vì vậy, chúng ta phải đặt câu hỏi: Tại sao? Cần quyết định xây dựng chính sách của chúng ta ra sao đối với toàn bộ thế giới và hiện nay giải quyết các vấn đề Bắc Triều Tiên, Việt Nam, Đài Loan v.v...

Mao Chủ tịch: Đúng, tôi đồng ý.

Tổng thống Ních-xơn: Ví dụ, chúng ta cần tự hỏi, tại sao Liên Xô lại bố trí khá nhiều lực lượng trên biên giới Xô-Trung, trong khi đó lực lượng đồn trú biên giới Tây Âu lại ít hơn? Chúng ta tự hỏi, tiền đồ phát triển của Nhật sẽ ra sao? Đối với nước Nhật, hoàn toàn không có quốc phòng, thực hiện trung lập, hay giữ mối quan hệ nào đó với Mỹ trong một thời gian tốt hơn (Tôi biết ở đây chúng ta có ý kiến bất đồng).

Đây thuộc vấn đề quốc tế, không có sự lựa chọn nào tốt hơn (hiện nay tôi đang đề cập vấn đề thuộc lĩnh vục triết học) nhưng có một điều cần khẳng định là chúng ta không thể để trống vắng bởi như vậy sẽ bị lấp đầy. Ví dụ, như Thủ tướng đã nói, Mỹ đã vươn ra hai bàn tay, Liên Xô cũng vươn ra hai bàn tay. Vấn đề là Trung Quốc đứng trước nguy cơ bị Mỹ xâm lược hay Liên Xô xâm lược. Đó là vấn đề rất khó, nhưng chúng ta cần trao đổi.

Mao Chủ tịch: Cho đến giờ phút này, khả năng về cuộc xâm lược từ Mỹ, hoặc từ Trung Quốc là ít, hay nói một cách khác, đó không phải là vấn đề chủ yếu. Bởi hiện nay giữa hai nước chúng ta không có môi trường để nổ ra chiến tranh. Các Ngài muốn rút về một số lực lượng đóng ở nước ngoài; còn chúng tôi, không đưa quân ra nước ngoài. Vì vậy tình hình này của hai nước chúng ta là hiện tượng lạ.

Bởi 22 năm qua, chúng ta không có đối thoại với nhau. Bắt đầu từ khi chúng ta đánh bóng bàn với nhau đến nay, thời gian cho các cuộc tiếp xúc không đầy 10 tháng. Nếu tính từ khi các Ngài nêu ra đề nghị tại Vác-sa-va đến nay cũng chưa đầy 2 năm.

Chúng tôi cũng rất quan liêu khi giải quyết công việc. Ví dụ, tôi muốn trao đổi với Ngài về ý kiến cá nhân cũng rất khó khăn. Trong buôn bán cũng vậy, Nguyên Tổng thống Pa-kit-xtan giới thiệu Tổng thống Ních-xơn với chúng tôi. Lúc đó Đại sứ của chúng tôi tại Pa-ri không đồng ý chúng tôi tiếp xúc với các Ngài, ông ta nói hãy so sánh xem Tổng thống Giôn-sơn hay Tổng thống Ních-xơn tốt hơn. Nhưng Tổng thống Ya-úp-khan nói, không thể so sánh hai người này được, ông nói Tổng thống Giôn-sơn như tên cướp. Tôi không hiểu tại sao ông ta lại có ấn tượng như vậy.

Về phía chúng tôi cũng không thích Tổng thống Giôn-sơn lắm. Chúng tôi không hài lòng lắm về mấy vị Tổng thống tiền nhiệm của các Ngài, từ Tru-man đến Giôn-sơn. Trước họ, Tổng thống của Đảng Cộng hoà đã cầm quyền 8 năm: Trong thời gian đó, chắc các Ngài không xem xét tình hình bên ngoài.

Thủ tướng Chu: Sự kiện chủ yếu là chính sách của Giôn-sơn, Phốt-stơ, Đa-lét.

Tổng thống Ních-xơn: Nhưng (chỉ tay về phía Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai) họ đã bắt tay với nhau.

Mao Chủ tịch: ông Tiến sĩ, ông không nói gì ư?

Kít-sinh-gơ: Thưa Ngài Chủ tịch trong thời gian đó thế giới đã thay đổi lớn, khiến chúng tôi phải tìm hiểu nhiều chuyện. Lúc đầu chúng tôi cho rằng, tất cả các nước Xã hội chủ nghĩa và nước Cộng sản đều như nhau, cho đến khi Tổng thống Ních-xơn vào Nhà Trắng, chúng tôi mới hiểu con đường Cách mạng của Trung Quốc không giống các nước xã hội chủ nghĩa khác.

Tổng thống Ních-xơn: Thưa Chủ tịch, tôi còn nhớ rất rõ một chuyện, trong một thời gian khá dài, Chủ tịch và Thủ tướng không tán đồng thái độ của tôi đối với Trung quốc đại lục. Nhưng nhận thức mới về tình hình thế giới và nhận thức của phía chúng tôi là, điều quan trọng không phải nền triết học chính trị trong nước của một quốc gia, mà là chính sách đối ngoại và chính sách đối với Mỹ của quốc gia đó như thế nào, để chúng ta cùng đến với nhau.

Đó cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta có sự chưa nhất trí (tôi nghĩ rằng cần thẳng thắn nêu ra điều này) Thủ tướng và Kít-sinh-gơ đã trao đổi về sự bất đồng đó. Xem xét hai lực lượng lớn là Trung quốc và Mỹ, chúng tôi hiểu rằng, Trung Quốc không đe doạ lãnh thổ của Mỹ. Tôi nghĩ các Ngài chắc biết rằng, Mỹ cũng không nhòm ngó lãnh thổ Trung Quốc. Chúng tôi hiểu rõ, Trung Quốc không muốn thao túng nước Mỹ.

Chúng tôi cho rằng, các Ngài cũng hiểu được Mỹ cũng không muốn thao túng cả thế giới và Trung Quốc không thể, Mỹ không thể, bất kỳ quốc gia nào cũng không thể thao túng thế giới. Do chúng ta có thái độ giống nhau trên hai vấn đề này, nên chúng ta không thể đe dọa lãnh thổ của nhau. Vì vậy, tuy giữa chúng ta có bất đồng, nhưng chúng ta tìm được điểm tương đồng để xây dựng nên cái khung thế giới. Dưới cái khung đó, hai nước chúng ta có thể theo phương thức của mình, phát triển con đường của mình trong an toàn.

Mao Chủ tịch: Chúng tôi không đe dọa Nhật Bản và Nam Triều Tiên.

Tổng thống Ních-xơn: Sẽ không đe dọa bất cứ nước nào. Chúng tôi cũng như vậy, sẽ không đe dọa bất cứ quốc gia nào.

Mao Chủ tịch: (so giờ với Chu Ân Lai) Ngài có cho rằng hôm nay chúng ta đã trao đổi quá lâu không?

Tổng thống Ních-xơn: Đúng vậy. Tôi đồng ý kết thúc tại đây thưa Chủ tịch, chúng tôi biết, mời chúng tôi đến đây Chủ tịch và Thủ tướng đã làm cuộc phiêu lưu rất lớn. Với chúng tôi cũng là một quyết định cực kỳ khó khăn. Nhưng đọc tác phẩm của Ngài, tôi biết Chủ tịch là con người nhanh chóng phát hiện và nắm lấy thời cơ, biết quý thời gian. Tôi muốn nói điều cảm nghĩ riêng (cũng là nói với Thủ tướng Chu) các Ngài không hiểu tôi, do không hiểu nếu các Ngài không tin vào tôi, nhưng các Ngài cũng sẽ phát hiện tôi là con người biết giữ lời hứa. Và tôi nói ít nhưng làm nhiều. Với tinh thần đó, tôi muốn trao đổi thẳng thắn với Chủ tịch và Thủ tướng.

Mao Chủ tịch: (chỉ Kít-sinh-gơ). Tôi cho rằng những người như tôi đã được nghe rất nhiều khẩu hiệu, ví dụ như "vô sản toàn thế giới đoàn kết lại đả đảo chủ nghĩa đế quốc chủ nghĩa xét lại, bọn phản động, xây dựng chủ nghĩa xã hội".

Tổng thống Ních-xơn: Những người như tôi và bọn thổ phỉ ư?

Mao Chủ tịch: Xét về cá nhân, Ngài không phải là đối tượng đả đảo ông ta (Kít-sinh-gơ) cũng không phải là đối tượng để đánh đổ. Nếu các Ngài đều bị đánh đổ, thì tôi còn lại rất ít bạn bè.

Tổng thống Ních-xơn: Thưa Chủ tịch, đối với chúng tôi cuộc đời của Ngài vĩ đại. Xuất thân trong một gia đình rất nghèo, Ngài đã phấn đấu trở thành người đứng đầu của một quốc gia vĩ đại, một quốc gia có dân số nhiều nhất thế giới. Bối cảnh của chúng tôi không được to lớn như vậy. Nhưng tôi cũng xuất thân từ một gia đình nghèo, và cũng phấn đấu gia nhập tầng lớp cao nhất của một quốc gia vĩ đại, lịch sử đã đưa chúng ta lại với nhau.

Tuy chúng ta có hệ thống triết học khác nhau, song chúng ta đều đứng trên trái đất. Chúng ta đến từ nhân dân, vấn đề là chúng ta có dám vượt lên không Vượt lên, không chỉ có lợi cho Trung Quốc và Mỹ, còn có lợi cho cả thế giới. Đó cũng là nguyên nhân tại sao chúng tôi lại đến đây.

Mao Chủ tịch: Bài viết của Ngài về "Sáu nguy cơ" khá đấy?

Tổng thống Ních-xơn: Chủ tịch đọc nhiều thật!

Mao Chủ tịch: ít thôi, tôi không hiểu rõ lắm về nước Mỹ. Tôi hy vọng Ngài sẽ gửi sang đây một số giáo sư, chủ yếu là về lịch sử, địa lý.

Tổng thống Ních-xơn: Như vậy hay đấy!

Mao Chủ tịch: Đó là điều tôi đã từng nói với Ét-ga Snâu, ông ta đã mất vài ngày trước đây.

Tổng thống Ních-xơn: Đó là điều đau buồn.

Mao Chủ tịch: Đúng như vậy! Chúng ta đã trao đổi, nếu đi đến một Hiệp định thì tốt. Còn không được cũng tốt. Bởi vì, nếu chúng ta cứ trong trạng thái bế tắc, dù có đi đến Hiệp định cũng phỏng có ý nghĩa gì? Tại sao chúng ta cứ phải đi đến kết quả? Nếu như chúng ta thất bại ngay lần đầu tiên, người ta sẽ đàm tiếu. Tại sao, ta không thành công ngay từ lần đầu. Nguyên nhân duy nhất là chúng ta đã dẫn nhầm đường. Nhưng chúng ta thành công trong cuộc trao đổi thì sao, họ sẽ nói gì?

(Sau đó, cuộc hội đàm đã kết thúc. Chủ tịch nói không khoẻ lắm. Ních-xơn nói: xem như Chủ tịch còn rất khoẻ. Chủ tịch nói: cái vỏ bề ngoài dễ lừa người ta. Sau khi bắt tay và chụp ảnh, Thủ tướng tiễn Tổng thống Ních-xơn ra khỏi nơi ở của Mao Trạch Đông).

Ngoài cuộc hội đàm Ních-xơn-Mao ra, biên bản công khai về chuyến thăm tháng 2 năm 1972 duy nhất có được là 3 đoạn trích dẫn đối thoại trong một văn kiện, mỗi đoạn đối thoại ghi rõ thời gian. Nội dung đối thoại là cuộc trao đổi giữa Ních-xơn, Kít-sinh-gơ với Chu Ân Lai, Thứ trưởng Ngoại giao Kiều Quán Hoa về vấn đề Đài Loan và thông cáo Thượng Hải.

Về quan điểm của Ních-xơn, Kít-sinh-gơ, họ đồng ý với quan điểm của Bắc Kinh trong các vấn đề tương tự, như vấn đề: Mỹ với Đài Loan không phải là vấn đề tranh chấp quốc tế giữa Trung Quốc và Mỹ, mà là vấn đề nội bộ mà Trung Quốc cần tự giải quyết lấy. Nhưng để làm dịu sự chỉ trích của Tạp chí Nhân quyền "về sự phản bội", Ních-xơn, Kít-sinh-gơ dè dặt muốn Trung Quốc đưa ra cam kết để Đài Loan trở lại đại lục trong hoà bình, có nghĩa như Bắc Kinh từng nêu lên: cần giải quyết trong hoà bình vấn đề chính quyền Tưởng Giới Thạch.

Nhưng khi Chu Ân Lai đầy lòng tự tin bày tỏ rằng nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa sẽ giải phóng Đài Loan bằng phương thức hữu nghị, thì trong thông cáo chung không xác nhận bằng một ngôn từ chính thức nào. Về điểm này, Kít-sinh-gơ không chịu bỏ qua, nhưng vì chưa có được cam kết từ phía Bắc Kinh, dẫn đến việc năm 1975, Tổng thống Pho đã đẩy lùi việc bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và Trung Quốc cho đến sau ngày bầu cử.

CUỘC ĐỐI THOẠI GIỮA LÃNH ĐẠO TRUNG QUỐC VỚI NGOẠI TRƯỞNG KÍT-SINH-GƠ VÀ TỔNG THỐNG NÍCH-XƠN VỀ GIẢI PHÓNG ĐÀI LOAN TRONG HOÀ BÌNH
(trích)

Ngày 22-2-1972 (Tổng thống Ních-xơn và Thủ tướng Chu Ân Lai)

Tổng thống Ních-xơn: Chúng tôi ủng hộ bất kỳ hành động khả thi nào nhằm giải quyết hoà bình vấn đề Đài Loan. Lực lượng quân sự hiện nay của chúng tôi đóng ở Đài Loan đã giảm đi 2/3, là một lực lớn cho việc giải quyết hòa bình vấn đề Đài Loan.

Thủ tướng Chu: Chúng tôi đã chờ đợi hơn 20 năm rồi (chỉ Đài Loan) Có thể nói thẳng rằng, chúng tôi có thể chờ đợi lâu hơn nữa. Chúng tôi cũng nói thêm rằng, sau khi Đài Loan trở về với Tổ quốc, chúng tôi sẽ không xây dựng căn cứ hạt nhân ở đó...

Ngày 24/2/1972 (Tiến sĩ Kít-sinh-gơ, Thứ trưởng Ngoại giao Kiều và Thủ tướng Chu)

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Xin hỏi, theo như cuộc trao đổi lần trước, chúng tôi có thể tuyên bố với giới báo chí như thế này không: "Chúng ta đã từ bỏ sử dụng vũ lực trong vấn đề tranh chấp quốc tế. Trong vấn đề Đài Loan, chúng ta chỉ có thể nói: Trung Quốc không cho rằng đó là vấn đề tranh chấp quốc tế”.

Thứ trưởng Ngoại giao Kiều: Không cần thiết phải nói như vậy.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Nhưng nếu sau này chúng ta cần giải thích về thông cáo chung, thì dùng phương thức này để diễn đạt, đó chẳng phải là chính xác hay sao? Chả lẽ sau khi về nước, chúng tôi nói một trong những thành quả của chuyến đi là hai bên đã thỏa thuận về một Hiệp định không sử dụng vũ lực trong vấn đề Đài Loan. Vì vậy, chúng tôi chỉ có thể nói (tất nhiên không làm các Ngài mất mặt) các Ngài không cho rằng Đài Loan là vấn đề tranh chấp quốc tế. Chúng tôi không muốn có sự che giấu trong vấn đề này.

Thứ trưởng Ngoại giao Kiều: Lập trường của chúng tôi về vấn đề Đài Loan đã được nói rõ trong nhiều trường hợp.

Tiến sĩ Kít-sinhgơ: Tôi nói rõ. Chúng tôi cũng không coi vấn đề Đài Loan là vấn đề tranh chấp quốc tế. Chúng tôi biết lập trường của các Ngài được bày tỏ từ năm 1955. Chúng tôi cũng không lợi dụng thông cáo chung để thay đổi lập trường này của các Ngài.

Thứ trưởng Ngoại giao Kiều: Chúng tôi cho rằng vấn đề Đài Loan liên quan đến 2 khía cạnh: Một là vấn đề đóng quân của các Ngài. Chúng tôi mong rằng nó được giải quyết qua đàm phán. Hai là liên quan tới Tưởng Giới Thạch, đây là vấn đề trong nước.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Về vấn đề này, có lẽ ta trao đổi đến đây thôi ...

Thủ tướng Chu: Các Ngài mong giải phóng trong hoà bình (chỉ Đài Loan). Trong chuyến thăm lần trước (chuyến thăm tháng 7) Tiến sĩ Kít-sinh-gơ cũng đã đề cập tới trong cuộc gặp riêng. Bây giờ, tôi xin trả lời Tiến sĩ Kít-sinh-gơ, chúng tôi sẽ cố gắng thúc đẩy để giải phóng trong hoà bình. Nhưng đó là một việc liên quan tới cả hai phía. Nguyện vọng của chúng tôi là như vậy. Nhưng nếu họ (lãnh đạo phía Đài Loan) không muốn như vậy, thì chúng tôi sẽ làm sao đây? Khi lực lượng quân sự các Ngài còn ở đó (Đài Loan) quân đội chúng tôi sẽ không nổ ra xung đột với các Ngài ...

Thủ tướng Chu: Vì vậy, đó chỉ là nguyện vọng của chúng tôi. Nếu việc giải phóng Đài Loan được thực hiện trong nhiệm kỳ tới của Ngài đó là một việc rất tốt. Tất nhiên, đó chỉ là nguyện vọng, nhưng rõ ràng đó là chuyện nội bộ của chúng tôi. Chúng tôi không bao giờ nói: Mong các Ngài đừng can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi. Các Ngài cũng không thể áp đặt bất cứ chuyện gì đối với Tưởng Giới Thạch. Nhưng, thưa Ngài Tổng thống, Ngài nên hiểu rằng, đối với Tưởng Giới Thạch, ông ta không còn nhiều thời gian nữa đâu ...

Thủ tướng Chu Ân Lai: Tôi có thể nói thẳng ra rằng, như Tiến sĩ Kít-sinh-gơ nói trong một cuộc họp ngắn (Kít-sinh-gơ nói như vậy) ông ta nói có thể phải mất 10 năm, nhưng như thế là quá lâu. Tốt nhất đừng nên đặt ra thời gian. Tôi thì không đợi được 10 năm. Còn các Ngài chắc có thể...

Vì vậy chúng tôi mong muốn giải quyết vấn đề này (vấn đề Đài Loan) đã kéo dài hơn 20 năm bằng phương thức hữu nghị.

Theo đề nghị của Đa-lét tại cuộc Hội đàm Vác-sa-va, đã quá thời hạn quy định rồi. Thông qua quan chức Ngoại giao Mỹ, Đa-lét bày tỏ sự hài lòng nếu Trung Quốc không sử dụng vũ lực trong 10 năm, 15 năm, thậm chí trong 20 năm nữa. Nếu chúng tôi đồng ý một đề nghị như vậy, thì thời hạn 15 năm cho đến nay cũng đã qua lâu rồi... Nếu chúng tôi thừa nhận quy tắc của đề nghị này, cũng có nghĩa thừa nhận sự can thiệp vào công việc nội bộ của nước chúng tôi. Do đó, chúng tôi không thể chấp nhận ... Chúng tôi không bao giờ nhờ các Ngài đẩy Tưởng Giới Thạch đi. Chúng tôi muốn tự giải quyết lấy.

Tổng thống Ních-xơn: Giải quyết trong hoà bình ư?

Thủ tướng Chu: Vâng, chúng tôi có quyết tâm.

Ngày 25/2/1972 (Tiến sỹ Kít-sinh-gơ và Kiều Quán Hoa)

Thứ trưởng Ngoại giao Kiều Quán Hoa: Các Ngài có thể nói đó hoàn toàn là sự cố gắng của các Ngài, chứ không phải do thỏa thuận đạt được với chúng tôi (chỉ việc quân Mỹ rút khỏi Đài Loan). Nói cách khác, các Ngài cho rằng có một xu thế hoà bình như vậy, và xu thế đó ngày càng đến gần, do vậy, các Ngài có thể tích cực rút quân. Xét từ sự phát triển của sự vật, các Ngài có thể đem kết hợp với việc giải quyết trong hoà bình.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Nhưng nếu chúng ta đi đến văn bản thì phía chúng tôi không có điều gì thắc mắc nữa.

Lời dẫn

Sau này Kít-sinh-gơ viết rằng chuyến đi của Ních-xơn thăm Bắc Kinh có lợi ích cho quan hệ đối với Liên Xô. Bởi trước chuyến đi của Ních-xơn, Brê-giơ-nhép và đồng nghiệp của mình đã nhanh chóng đi tới thống nhất ý kiến. Điều này chỉ có Cục hồ sơ Liên Xô mới chứng minh được sự suy đoán của Kít-sinh-gơ. Dù sao thì những văn bản gốc của cuộc hội đàm cấp cao đủ để minh chứng về sự nhạy cảm của Mát-xcơ-va đối với chuyến thăm Bắc Kinh của Ních-xơn.

Nội dung hội đàm cấp cao Mỹ-Xô tháng 5/1972 chưa công bố, một sổ biên bản mật duy nhất được hé lộ, cũng chỉ biết được nội dung thảo luận về một số vấn đề nhạy cảm, như vấn đề Trung Quốc, đặc biệt vấn đề Việt Nam, cũng chỉ cung cấp rất ít thông tin mà thôi.

Theo một số nhà quan sát Mỹ phân tích “Một quan hệ cá nhân tốt" là đặc điểm chủ yếu của cuộc gặp gỡ. Nhưng gần đây Mỹ ném bom Bắc Việt Nam đã gây nên phản ứng mạnh mẽ của Ban lãnh đạo Liên Xô. Ngoài ra, Hiệp định đạt được qua cuộc đối thoại về hạn chế vũ khí chiến lược lần thứ nhất, cùng Bộ Nguyên tắc cơ bản đều nhằm tạo ra bầu không khí hữu nghị.

Tuy nhiên, một đề nghị của Liên Xô trong đó đã làm cho người Mỹ không hài lòng và nghi ngờ. Trong chuyến thăm bí mật Mát-xcơ-va tháng 4, Brê-giơ-nhép đã nói cho Kít-sinh-gơ về quan điểm của Mát-xcơ-va đối với vấn đề hai bên không sử dụng vũ khí hạt nhân (hiệp ước ký năm 1973).

Liên Xô cho rằng, đề nghị này của họ là một bước tiến lớn về cam kết không sử dụng trước vũ khí hạt nhân, là một bước đi trong thực hiện Bộ Nguyên tắc cơ bản. Nhưng từ một khía cạnh khác, Kít-sinh-gơ đã phát hiện tín hiệu: Muốn hình thành mặt trận chống Trung Quốc, cung cấp "đất thánh" cho tên lửa Liên Xô chĩa vào Trung Quốc.

Như sau này Kít-sinh-gơ nói "Liên Xô có ý đồ làm xấu đi quan hệ giữa chúng ta với Bắc Kinh". Họ cho rằng Trung Quốc cũng sẽ nhận ra ý đồ "thù địch" nằm trong đề nghị này của Liên Xô. Đề nghị này không ngừng đả kích tuyên bố của Trung Quốc về chống sử dụng vũ khí hạt nhân, mà cũng không ngăn cản Liên Xô tiến hành tấn công hạt nhân đối với các nước khác như Trung Quốc.

Ních-xơn đã nêu với Brê-giơ-nhép một đề nghị ngược lại trong đó gợi ý Liên Xô sử dụng "kênh ngầm" để đi sâu vào cuộc đối thoại với Mỹ. Bị đề nghị có khuynh hướng chống Trung Quốc kia làm khó dễ, trong chuyến thăm Bắc Kinh tháng 7/1972 Kít-sinh-gơ đã nói sơ qua với Chu Ân Lai về đề nghị này, ông ta nói với Chu, Ních-xơn sẽ chấp nhận đề nghị này nếu Liên Xô cam kết không tấn công hạt nhân vào các nước Đồng minh của Mỹ và các nước khác có lợi ích của Mỹ. "Các nước khác" ở đây chỉ Trung Quốc.

Cuối tháng 7, Đô-brư-nin nêu ra một đề nghị rõ hơn, và Kít-sinh-gơ phát hiện trong đó ý đồ: Mát-xcơ-va và Oa-sinh-tơn từ bỏ việc tấn công đối phương trước bằng vũ khí hạt nhân, cho dù các quốc gia khác có sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng họ có thể sử dụng vũ khí hạt nhân để bảo vệ quốc gia đồng minh của mình.

Trong một cuộc trao đổi với Hoàng Hoa tại phòng mật của CIA, tại Niu-oóc, Kít-sinh-gơ có nhắc lại chuyện này. Kít-sinh-gơ giải thích: Đề nghị này không thể chấp nhận, bởi nó sẽ làm nhiễu "hành động tự do" của Mỹ, có nghĩa bảo vệ "hoà bình thế giới" bằng cái ô hạt nhân bao gồm các quốc gia nằm trong Hiệp định. "Chúng tôi đang tìm một phương thức, trong đó coi không sử dụng vũ khí hạt nhân là mục tiêu chứ không phải là trách nhiệm". Nói một cách khác, Kít-sinh-gơ hy vọng không một lực lượng nào hạn chế Chính phủ Mỹ sử dụng vũ khí hạt nhân trước .

Một tuần sau đó, Hoàng Hoa chuyển cho Kít-sinh-gơ một bản tuyên bố của Bắc Kinh chỉ trích mạnh mẽ đề nghị của Liên Xô. Trả lời Hoàng Hoa, Kít-sinh-gơ có dịp giải thích cặn kẽ nhận thức của mình về khuynh hướng của Mát-xcơ-va muốn dựng nên "Sự háu đá của phương Đông" và sử dụng bá quyền, gây nên tình hình căng thẳng ở châu Âu và châu Á. Có lẽ Kit-sinh-gơ cũng nêu ra nhận xét tương tự với Chu Ân Lai và nói để Trung Quốc rõ, cho dù không có một Hiệp định chính thức, Oa-sinh-tơn cũng sẽ giúp đỡ Trung Quốc nếu bị Liên Xô tấn công.

Trong thực tế, Kít-sinh-gơ coi nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa là một bộ phận nằm trong hệ thống An ninh của Mỹ. Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Bút-sơ tham gia từ đầu cuộc hội đàm Kít-sinh-gơ-Hoàng Hoa. Nhưng đến năm 1972, Kít-sinh-gơ đã gạt ông ta ra khỏi danh sách những người dự hội đàm.

Tháng 3, Kít-sinh-gơ báo cho Hoàng Hoa biết “Bút-sơ sẽ không tham gia Hội đàm của chúng ta nữa, chỉ mời ông ta dự khi thảo luận vấn đề liên quan tới Liên Hợp Quốc"

Nhà Trắng
BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM VĂN KIỆN TUYỆT MẬT.
THAM KHẢO NỘI BỘ

Ngươi dự.

Tiến sĩ Hăng-ri Kít-sinh-gơ,

Cố vấn An ninh Nhà nước bên cạnh Tổng thống, thành viên NSC Uyn-tơn Lốt,

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Hoàng Hoa,

Phiên dịch Sử Diên Hoa

Thời gian: Ngày 4/8/1972, 5h15-5h45 chiều thứ sáu.

Đia điểm: Niu-oóc

(Mở đầu là một số câu chuyện nhẹ nhàng, trong đó Kít-sinh-gơ khen bộ Tôn Trung Sơn màu ghi nhạt của Đại sứ Hoàng)

(Kít sinh-gơ: Sáng nay tôi gặp Đại sứ Bút-sơ, Ngài đã làm cho ông ta rất sợ Triều Tiên. Ngài đã doạ ông ta. Chúng tôi nhất định dành cho ông ta nhiều sự ủng hộ.

Đại sứ Hoàng: (rút ngay trong túi một tờ giấy và đọc) Tiếp tục cuộc trao đổi lần trước của chúng ta.

Tôi muốn nêu một số nhận xét về quan điểm chính qua lời tuyên bố của Tiến sĩ Kít-sinh-gơ ngày 27/7, đó là Hiệp ước ký giữa Mỹ và Liên Xô về không sử dụng vũ khí hạt nhân chống nhau. "Trước tiên, phía Trung Quốc cho rằng, mục đích của Liên Xô trong đề nghị rất rõ là muốn xây dựng bá quyền hạt nhân trên thế giới. Thứ hai, đề nghị của Liên Xô chỉ qui định giữa Mỹ-Xô và các nước đồng minh không sử dụng vũ khí hạt nhân, theo Hiệp ước "Cấm thử vũ khí hạt nhân từng phần và Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân" là một hành động ngược chiều, là nhằm tăng cường lũng đoạn vũ khí hạt nhân, giữ ưu thế hạt nhân, tạo nên sự đe dọa hạt nhân đối với các quốc gia không có vũ khí hạt nhân và các quốc gia bị cấm sản xuất vũ khí hạt nhân, buộc họ phải phục tùng bá quyền này hay bá quyền khác. Như vậy hai thế lực này có thể tự do chia cắt thế giới, định đoạt vận mệnh các quốc gia khác trên thế giới.

Đại sứ Hoàng thông qua phiên dịch nói thêm rằng Hiệp định Mỹ-Xô về không sử dụng vũ khí hạt nhân là "không thể chấp nhận được", nó đi ngược lại sự bình đẳng giữa các quốc gia , hơn nữa nó hàm nghĩa cuộc xung đột giữa các siêu cường, đi ngược lại các điều khoản chống bá quyền trong thông cáo Thượng Hải. Hiệp ước mà Bắc Kinh chấp hành là phải huỷ bỏ và cấm sử dụng vũ khí hạt nhân, đặc biệt là cấm sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại nước không có vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Hoàng: Chúng tôi mong phía Mỹ hãy xem xét kỹ lưỡng vấn đề này.

Hoàng Hoa còn đọc 3 bản ghi nhớ, một là yêu cầu Liên Hợp Quốc chấm dứt bao vây và trừng phạt Triều Tiên, hai là cảm ơn Mỹ đã hỗ trợ bảo vệ an toàn cho Thái tử Xi-ha-núc trong chuyến nghỉ ở nước ngoài, ba là cảm ơn Tiến sĩ Kít-sinh-gơ đã có đóng góp thúc đẩy quan hệ giữa Trung Quốc, Mỹ với Tây Đức.

Nhưng Tiến sĩ Kít-sinh-gơ phản đối đề nghị của Trung Quốc về đưa vấn đề Triều Tiên ra thảo luận tại Liên Hợp Quốc, ông ta nói bóng, nói gió về khả năng có hành động đối với một số vấn đề mà Trung Quốc đang quan tâm.

Kít-sinh-gơ: Bây giờ chúng ta trao đổi vấn đề của nước Đức. Tôi có kênh liên lạc trực tiếp với Thủ tướng Đức, có thể không qua kênh ngoại giao

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng ư?

Kít-sinh-gơ: Thủ tướng Bran-đô "Kênh trực tiếp" của ông ta là Cố vấn về ngoại giao của Thủ tướng, có thời gian đương nhiệm xấp xỉ như tôi làm việc cho Tổng thống. ông ta từng xin ý kiến của tôi về việc lập quan hệ ngoại giao giữa Bắc Kinh và Bon, ông ta bày tỏ quan điểm cá nhân cho rằng không nên vội vàng, trọng tâm của Đức đặt ở châu Âu. Hiện nay, tôi đang suy nghĩ để trả lời ông ta.

Theo nguồn tin đáng tin cậy, người đó có tên Ban-ét-gông, có quan hệ mật thiết với Liên Xô, hắn hầu như báo cáo tất cả nội dung cuộc trao đổi với Liên Xô, cho nên tôi cần thận trọng trong khi trả lời. Nhưng như đã nói với Ngài, đầu tháng 9 tôi đi Đức gặp trực tiếp Bran-đô. Về phía chúng tôi chúng tôi tán thành Cộng hoà liên bang Đức lập quan hệ ngoại giao với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Vấn đề là các Ngài có muốn lập quan hệ ngoại giao trước cuộc bầu cử tháng 12 hay không? Trong bức điện, ông ta cho biết là ngày 3/12. Cho đến nay vẫn chưa công bố tin này. Ý muốn của các Ngài ra sao?

Đại sứ Hoàng: Chúng tôi chưa nhận được chỉ thị rõ ràng.

Kít-sinh-gơ: Tất nhiên. Sau khi nhận thông tin từ Ngài tôi sẽ có trả lời không chính thức cho ông ta.

Đại sứ Hoàng: Tin tức đưa cho thấy, trong thời gian thăm Trung Quốc, Sa-rốt-đô nhiều lần bày tỏ, nước Đức muốn sớm thiết lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc và phía Trung Quốc cũng có phản ứng tích cực:

Kít-sinh-gơ: Vấn đề hiện nay là thời gian cụ thể cho "sớm nhất". Nếu phía Ngài muốn tôi rất vui lòng báo cho Đức biết các Ngài đã chuẩn bị sẵn sàng. Có lẽ các Ngài cũng cho biết tôi còn cần thông báo với ai ngoài ông ta?

Đại sứ Hoàng: Cái gì?

Kit-sinh-gơ: Thông qua người khác, chứ không phải Ban-ét-gông. Bởi hắn sẽ lập tức báo cáo với Liên Xô về việc này, nhưng nếu các Ngài có ý kiến gì khác cũng xin cho biết. Tôi sẵn sàng chờ đợi và trả lời.

Hoàng nêu rõ, lập quan hệ ngoại giao với Đức sẽ dễ hơn, bởi trước đây Đức không có quan hệ ngoại giao với Tưởng Giới Thạch.

Kít-sinh-gơ nói rằng, tìm một cơ hội thích hợp để thông qua Đảng Dân chủ xã hội cầm quyền, hay Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo chống đối là vấn đề "sách lược"

Kít-sinh-gơ: Tôi xin trao đổi qua với Ngài về vấn đề hạt nhân. Trước hết, tôi tán thành sự phân tích của Ngài. Nhưng tất nhiên chúng tôi không thể chấp nhận động cơ như các Ngài nói. (Đại sứ Hoàng đã sửa lại phát âm chứ "ascribe" của nữ phiên dịch Hạ) Bởi nếu là động cơ của chúng tôi, thì tất nhiên chúng tôi không hỏi ý kiến các Ngài.

Tôi xin phân tích qua về tình hình thế giới và chiến lược mà chúng ta có ý định thực hiện, sau đó, chúng ta trở lại trao đổi vấn đề này. Theo phân tích của chúng tôi, Liên Xô có chính sách cố ý cô lập các Ngài. Hai năm trước đây Liên Xô ký kết hàng loạt Hiệp ước và biểu hiện của họ ở phương Tây, theo chúng tôi chỉ có thể giải thích là ý đồ xâm lược chống phương Đông (đại sứ Hoàng hỏi Hạ một số vấn đề) Đó là sự phân tích của chúng tôi.

Chúng tôi cho rằng thời kỳ nguy hiểm nhất có thể xuất hiện vào năm 1974 đến 1976. Chúng tôi còn cho rằng, cho phép xây dựng bá quyền do Mát-xcơ-va thống trị tại lục địa châu Âu châu Á sẽ xung đột với lợi ích của phía chúng tôi. Vì vậy, xuất phát từ lợi ích bản thân, chúng tôi sẽ chống lại. Tuy nhiên không có Hiệp định chính thức nào được ký (với Trung Quốc). Vấn đề hiện nay là chúng ta không thể gây nên tình hình căng thẳng giả tạo như ở phương Tây. Mỹ không thu được lợi lộc gì khi quốc gia Đồng minh phải thực thi chính sách của mình trong tình hình căng thẳng.

Đại sứ Hoàng: Ý của Ngài là, các Ngài không có lợi ích trực tiếp ở phương Tây?

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không có lợi ích trực tiếp trong tình hình căng thẳng kéo dài ở phương Tây. Đúng vậy, nếu chúng tôi muốn giữ vị trí này, thì chúng tôi không bao giờ đơn phương giảm quân lực ở Châu Âu, như tôi đã nói với Thủ tướng, cho dù có Hiệp định, con số mà chúng tôi giảm bớt cũng không vượt quá 10%.

Nhưng điều chúng ta phải làm là trong thời gian mà tôi đề cập trên, hai nước chúng ta phải lập quan hệ đầy đủ. Như vậy người ta sẽ tin khi nói rằng các Ngài bị tấn công vì có liên quan đến nhiều lợi ích của Mỹ. Nếu các Ngài cho rằng, phía chúng tôi đặt lợi ích kinh tế cao hơn tất cả là cực kỳ sai lầm. Bởi chí ít là Chính phủ này đặt kinh tế ở vị trí thứ ba.

Tôi đã nói qua với Ngài về chiến lược cơ bản của chúng tôi để tạo ra một cơ sở lòng tin và tránh để Liên Xô lợi dụng cái cớ "bị bao vây” chúng tôi hy vọng làm được nhiều như Liên Xô để đạt được sự cân bằng trên hình thức. (Hoàng kiểm tra lại lời dịch của Hạ, và mỉm cười như bảo Kít-sinh-gơ nói tiếp đi) Đó là một chính sách rất phức tạp, và tình hình hiện nay cũng rất phức tạp.

Chúng tôi không bao giờ tham gia vào bất kỳ một Hiệp định nhằm cô lập hoặc chĩa vào các Ngài. Nhưng chúng tôi tìm kiếm một biện pháp mới là bóc đi nội dung thực chất của đề nghị, giữ lại một số thứ trừu tượng, làm mất đi ý nghĩa điều khiển. Chúng tôi chưa trả lời ở đây xin nói với Ngài về suy nghĩ của chúng tôi. Ví dụ, tôi muốn nói với Ngài điều mà chúng tôi đang suy nghĩ về nội dung dự thảo. Chúng tôi đang cân nhắc một đoạn với ý như thế này, khi họ không cam kết không sử dụng vũ khí hạt nhân chống nhau, chúng ta cũng có thể nói chúng ta đồng ý với nỗ lực lớn nhất để tạo ra môi trường quốc tế, trong đó không một ai được sử dụng vũ khí hạt nhân.

Tiếp đoạn thứ hai là, để thực hiện môi trường đó, bên này hay bên kia, Đồng minh của bên này hay bên kia, bất cứ một bên nào đều không được sử dụng hoặc đe doạ sử dụng vũ lực chống lại nước thứ ba, và tiến thêm bước nữa là, không một bên nào được xúi giục Đồng minh hoặc nước thứ ba tiến hành đe dọa và sử dụng vũ lực.

Chúng tôi chưa trình ra dự thảo này, vì còn trong quá trình thảo luận. Nó rất rộng không hạn hẹp trong các quốc gia có vũ khí hạt nhân, đó cũng không phải là sự cam kết. Nếu các Ngài có ý kiến. gì, chúng tôi rất hoan nghênh. Tôi đã nói rồi, chúng tôi không trả lời. Chúng tôi khẳng định không bao giờ chấp nhận đề nghị vừa nói.

Đại sứ Hoàng: Thái độ của phía Trung Quốc đã bày tỏ rõ ràng trong văn kiện thứ nhất. Phía Trung Quốc mong phía Mỹ hãy thận trọng xem xét yêu cầu của phía Liên Xô, Hiệp ước về cấm và huỷ bỏ hoàn toàn vũ khí hạt nhân phải được tất cả các nước thảo luận... (nhắc lại) được trao cho tất cả các quốc gia.

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu quan điểm của Ngài.

Đại sứ Hoàng: (liếc qua văn kiện). Bước thứ nhất, Hiệp ước cần quy định giữa các nước có vũ khí hạt nhân không sử dụng vũ khí hạt nhân. Các nước có vũ khí hạt nhân không dùng vũ khí hạt nhân chống lại các nước không có vũ khí hạt nhân. Phía chúng tôi cho rằng chỉ có một Hiệp định như vậy mới đúng đắn, mới thực sự giải quyết được vấn đề.

Kít-sinh-gơ : Tôi hiểu điều đó, không có điểm nào là không phù hợp với quan điểm của phía chúng tôi.

Đại sứ Hoàng: Ngài cho rằng phía Liên Xô chấp nhận đề nghị này ư? Có mấy phần khả năng?

Kít-sinh-gơ: (dừng một lát) Họ có chấp nhận đề nghị này không ư?

Kít-sinh-gơ: Trước đây Ngài từng hỏi họ như vậy.

Đại sứ Hoàng: Trong đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm ngoái, chúng tôi đã nhấn mạnh lập trường về vấn đề này, đề nghị ông Ma-lích trả lời. Nhưng ông ta im lặng. Trước đây, phía Liên Xô nêu ra quan điểm tương tự, đề nghị tương tự.

Kít-sinh-gơ: Tôi không đoán được, lâu nay tôi hoài nghi điều này. Nhưng tôi có thể khẳng định để Ngài yên tâm, chúng tôi sẽ thông báo tới Ngài trước mỗi bước đi trong vấn đề này.

Đại sứ Hoàng: Liệu phía Mỹ có tán đồng chủ trương của phía chúng tôi?

Kít-sinh-gơ: (Dừng một lát) Chúng tôi cố gắng hoá giải tình hình Liên Xô đe dọa bằng vũ khí thông thường đối với các nước Đồng minh của chúng tôi. Để bảo vệ Tây Âu chúng tôi chủ trương cấm dùng vũ khí hạt nhân.

Đại sứ Hoàng: Bởi vì phía Trung Quốc nêu ra phương án cấm sử dụng vũ khí hạt nhân không phải là một bước đi riêng rẽ, mà đó là bước đi thứ nhất.

Kít-sinh-gơ: Đó là vấn đề hàng đầu của chúng tôi. Các nước Đồng minh của chúng tôi ở Châu Âu không thể chống lại quân lực hùng mạnh của Liên Xô.

Đại sứ Hoàng: Vậy thì, tôi mong phía Mỹ cho chúng tôi biết ý kiến về vấn đề sử dụng vũ khí hạt nhân sau khi suy nghĩ kỹ.

Kít-sinh-gơ: Ngài yên tâm, chúng tôi có bất cứ hành động gì cũng sẽ báo trước cho phía các Ngài biết. Ngài có thể thông báo với Thủ tướng của các Ngài rằng, chúng tôi không bao giờ chấp nhận đề nghị thử vũ khí hạt nhân của Liên Xô.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ báo cáo việc này với Thủ tướng.

(Kít-sinh-gơ đã trao đổi việc ông ta thông qua thư ký nội các nước Anh Brơ-ke Tren, tiến hành hoạt động hậu trường cho chiến lược tam giác, đã đạt được sự hiểu biết chung giữa Mỹ-Anh)

Đại sứ Hoàng: (Ngắt lời) Hiện nay cần làm rõ một vấn đề Ngài đã nói sẽ cố gắng để tránh xảy ra tình hình đó. Lời tuyên bố này là nhằm vào ý đồ của Liên Xô ư? Ngài từng nói: "Cố gắng để tránh xảy ra tình hình đó".

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi sẽ cố gắng tránh để xảy ra tình hình Đông Á bị Liên Xô lợi dụng. Chúng tôi cũng đã thảo luận với các nước Đông Á về ý đồ này của Liên Xô. Nhưng cho đến nay không rõ phản ứng của họ ra sao? Chúng tôi thảo luận với họ về một số vấn đề khác, với các cuộc thảo luận với các Ngài.

Đại sứ Hoàng: Ngài có chứng cớ để khẳng định chắc chắn về quan điểm của Ngài là năm 1974-1976 nguy hiểm nhất không?

Kít-sinh-gơ: Tôi chỉ cảm giác vậy thôi. Hoặc là trước đó những ngày an ninh ở Châu Âu đã không còn nữa. Hoặc là Hội nghị an ninh châu Âu đã có tiến triển, làm thay đổi một bộ phận lực lượng quân sự. Tất cả đều có khả năng.

Đại sứ Hoàng: Nếu Hội nghị an ninh Châu Âu và Hiệp định ngừng bắn ở Pa-kit-xtan có tiến triển...

Kít-sinh-gơ; Đúng vậy, một khi nền hoà bình trong ý nguyện được xây dựng thực sự, hoặc sự tin tưởng lẫn nhau được xây dựng ở miền Tây, các cuộc tập kết quân sự được hoàn tất, vũ khí hạt nhân được nghiên cứu và sản xuất trước năm 1974 thì mọi khả năng đều có thể được thực hiện.

Phiên dịch: Ý của Ngài là vũ khí hạt nhân đã được nghiên cứu và sản xuất?

Kít-sinh-gơ: Là một lực lượng chiến lược, nhằm nhiều hơn vào nước Mỹ.

Đại sứ Hoàng: Nhằm vào nước Mỹ ư?

Kít-sinh-gơ: Có đôi chút. Tôi không muốn các Ngài có cảm giác chỉ các Ngài mới bị bao vây bởi Lực lượng chiến lược đó khiến nước Mỹ lo ngại. Hầu như toàn bộ là nhằm vào chúng tôi. Có một số nhằm vào các Ngài, nhưng phần lớn là lao về phía Mỹ.

Đại sứ Hoàng: Xin cảm ơn sự giải thích của Ngài.

Kít-sinh-gơ: Tôi không muốn nói Ngài bị nhầm. Không phải tất cả mọi người đều tán đồng quan điểm này. Nếu Chính phủ thay đổi nhiệm kỳ, họ có thể có một số quan điểm khác.

Phiên dịch: Cái gì?

Kít-sinh-gơ: Cô cần biết rằng, trong cuộc đua đối kháng giữa Mỹ và Liên Xô, mọi người có quan điểm khác nhau.

Kít-sinh-gơ tóm tắt nói về Hiệp định Hoà bình ở Việt Nam rồi đưa cho Hoàng Hoa một số văn kiện và cho biết Bắc Việt Nam đang nỗ lực làm chủ tình hình chính trị trong nước

Đại sứ Hoàng: Những điều ông muốn nói chỉ vậy thôi ư?

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy!

Sau cuộc trao đổi, Kít~sinh-gơ hỏi Hoàng Hoa, nếu muốn quay phim ở Trung Quốc thì liên hệ với Chính phủ Trung Quốc ra sao? Ví dụ: Một người bạn của Nhà Trắng tên là Bô-hốp-pi có hỏi về việc quay ngoại cảnh cho một chương trình, Kít-sinh-gơ không muốn dính vào chuyện này, nếu được thì cần trả lời rõ hơn. Hoàng trả lời: ông Hốp có thể viết thư hỏi Sứ quán Trung Quốc tại Ốt-ta-oa hoặc trực tiếp viết thư cho tôi.

Chương II
HAI KẺ THÙ CŨ.
KÍT-SINH-GƠ Ở BẮC KINH
(THÁNG 12/1973)

Lời dẫn

Tháng 2/1973, Hăng-ri Kít-sinh-gơ đến Bắc Kinh lần thứ tư, ông ta không những hội kiến với Mao Chủ tịch, mà còn có cuộc trao đổi-như sau này trong báo cáo với Tổng thống Ních-xơn được miêu tả là "tự do nhất và thẳng thắn; tôi được tiếp đón nhiệt tình nhất trong lịch sử các cuộc viếng thăm” (Kít-sinh-gơ).

Kít-sinh-gơ cho rằng, hàng loạt nguyên nhân khiến tình hình đó trở thành hiện thực, trong đó có việc chấm dứt cuộc chiến tranh Việt Mỹ. Oa-sinh-tơn "nắm Trung Quốc chính xác" và ban lãnh đạo Trung Quốc đã quá sốt ruột muốn đẩy nhanh việc chính thức hóa và chế độ hóa mối quan hệ song phương giữa hai nước chúng ta".

Để lập kênh trao đổi có quy củ và quan hệ song phương, trước khi Mỹ cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, Kít-sinh-gơ và Ban lãnh đạo Trung Quốc nhất trí thành lập văn phòng liên lạc ở thủ đô hai nước. Sự quan tâm chung về vấn đề Liên Xô đã biến điều này thành hiện thực. Như Chủ tịch Mao Trạch Đông nêu rõ: “hai nước đều có nhu cầu cùng có cố gắng chung để đối phó với kẻ lạnh lùng".

Cũng như trước đây, Trung Quốc đã chứng thực điều mà Tổng thống Ních-xơn và Tiến sĩ Kít-sinh-gơ phán đoán, quan hệ tam giác giữa Mỹ với Bắc Kinh và Mát-xcơ-va đã thúc đẩy đòn bẩy của Oa-sinh-tơn với hai nước do đó đứng về phương diện chung mà xét mối quan hệ này đã tăng cường thực lực của Mỹ. Cho dù Kít-sinh-gơ rất tin vào cuộc trao đổi với Mao Trạch Đông, và Chu Ân Lai, nhưng ông ta cũng không phủ nhận rằng, họ tỏ ra nghi ngờ khi nhắc đến chính sách ngoại giao của Mỹ và nhấn mạnh đến quan hệ Trung-Mỹ.

Trong thực tế, Mào Trạch Đông và Chu Ân Lai "Một lần nữa đề cập tới chủ đề này", cho rằng Oa-sinh-tơn sẽ giúp Liên Xô để đối phó với Trung Quốc, cho dù kế hoạch này chưa thiết kế xong và cho rằng "không còn nghi ngờ gì nữa. Một Trung Quốc hùng mạnh và độc lập sẽ đem lại lợi ích cho Mỹ, đem lại lợi ích cho hoà bình thế giới". Ông ta cũng cho rằng, Mỹ cũng có nhu cầu phải hóa giải quan hệ căng thẳng với Mát-xcơ-va.

Cuối cùng, Kít-sinh-gơ phát hiện ra rằng mình đang không ngừng làm cho Ban lãnh đạo Trung Quốc tin rằng, Kít-sinh-gơ không để cho mối quan hệ căng thẳng của Mỹ với Liên Xô đe doạ tới Bắc Kinh. Tuy vậy, Ban lãnh đạo Trung Quốc vẫn có thái độ hoài nghi.

Trong những tháng sau đó, Kít-sinh-gơ không ngừng cố gắng để dành lấy lòng tin ở phía Bắc Kinh. Cho dù, Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai còn nhiều thắc mắc xung quanh vấn đề hoà hoãn quan hệ Mỹ-Xô, Kít-sinh-gơ luôn nhấn mạnh rằng, họ dễ dàng chấp nhận một sự thật hiển nhiên là, có một liên minh các lực lượng quốc tế, do Oa-smh-tơn thúc đẩy mấy chục năm qua sau thế chiến thứ hai. Ví dụ, người Trung Quốc đã từ bỏ chỉ trích công khai liên minh Tô-ky-ô-Oa-sinh-tơn. Ngược lại, họ hiểu mục đích của Hiệp ước An ninh Nhật-Mỹ là nhằm "ngăn chặn chủ nghĩa bành trướng và quân phiệt Nhật Bản".

Trên thực tế, người Trung Quốc coi Nhật Bản "là hình thù ban đầu của một liên minh chống lại Liên Xô và Ấn Độ". Với Tây Âu, Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai và một số người khác trở thành kẻ ủng hộ nhiệt thành đối với NATO. Và hệ thống phòng thủ châu Âu lớn mạnh.

Người phụ trách văn phòng liên lạc của Mỹ tại Bắc Kinh Đa-vít Bluc sau này phát hiện, nguyên nhân người Trung Quốc thay đổi hoàn toàn thái độ đối với NATO rất đơn giản: "Giảm bớt lực lượng liên quân, có nghĩa Liên Xô cũng phải giảm một số lượng nhất định các sư đoàn lục quân. Bộ phận này sẽ di chuyển sang phía đông, và có khả năng sẽ đóng ở một số vùng Đông Á".

Trong cuộc trao đổi, Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai bàn chi tiết tới một vấn đề chưa được giải quyết ở Đông Nam Á: cuộc loạn chiến ở Cam-pu-chia kéo dài nhiều năm. Sau cuộc đảo chính năm 1970, do cam kết với Lon-non, Chính phủ Ních-xơn đã phát động cuộc chiến không tuyên bố với Cam-pu-chia bằng cách ném bom Cam-pu-chia nhằm làm tan rã phiến quân Khơ-me đỏ và ủng hộ chính quyền ngụy ở miền Nam Việt Nam. Trung Quốc cho rằng, không thể dùng ném bom, mà cần dựa vào cuộc đối thoại giữa Mỹ và Hoàng thân Xi-ha-núc để giải quyết vấn đề.

Mặc dù ủng hộ Chính phủ Lon-non, Kít-sinh-gơ vẫn tính đến sự thay đổi về chính trị, thậm chí còn tính đến chuyện đưa Hoàng thân Xi-ha-núc trở lại nắm vị trí quan trọng nhất trong đời sống chính trị ở Cam-pu-chia. Nhưng Kít-sinh-gơ lại gắn vấn đề đàm phán với ngừng bắn ở Cam-pu-chia. Nếu Mỹ ngừng ném bom, tổ chức Khơ-me đỏ phải hạ vũ khí.

Kít-sinh-gơ tỏ ra rất thích thú khi thảo luận với Chu Ân Lai về vấn đề chính trị và quân sự nhạy cảm này. Nhưng ông ta lại thiếu hứng thú và hiểu biết chuyên môn, về vấn đề chính sách thương nghiệp và tài chính tiền tệ. Kít-sinh-gơ có ý đồ đi tới thỏa thuận với Trung Quốc một Hiệp định về một loạt vấn đề hóc búa, như phong tỏa tài chính, tài sản của Trung Quốc tại Đài Loan và quyền đòi hỏi cá nhân của công dân Mỹ đối với Chính phủ Trung Quốc v.v....

Khi giải quyết các vấn đề này, các Cố vấn của Kít-sinh-gơ ý thức được tầm quan trọng của việc xây dựng lại quan hệ giữa cơ quan thương mại của ngân hàng Mỹ và Trung Quốc. Nhưng phía Trung Quốc đã kiên trì sự kiểm soát về chính trị, và tư duy theo kiểu Mác Lê-nin đã ảnh hưởng sâu rộng trọng đời sống chính trị và xã hội ở Trung Quốc, khiến cho cuộc tranh luận về quyền đòi hỏi tài sản trở nên phức tạp.

Mao Trạch Đông đã cảnh cáo thẳng thừng Kít-sinh-gơ rằng, có lúc người Mỹ sẽ nói:" Chủ nghĩa Cộng sản hãy đứng dẹp sang một bên" trong khi đó, người Trung Quốc cũng sẽ nói: "Chủ nghĩa Đế quốc hãy đứng dẹp sang một bên". Kít-sinh-gơ buộc phải đồng ý rằng, hai bên không thể không kiên trì nguyên tắc của mình. Đối với Kít-sinh-gơ, thành công quan trọng trong chuyến đi là đạt được thoả thuận giữa Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh về lập cơ quan liên lạc.

Trong tính toán ban đầu, Kít-sinh-gơ muốn mở ở Bắc Kinh cơ quan liên lạc của Mỹ, mà không muốn Trung Quốc mở cơ quan tương tự tại Oa-sinh-tơn. Kít-sinh-gơ báo cáo với Ních-xơn rằng, Thủ tướng Chu Ân Lai bày tỏ "không có ý định giải phóng Đài Loan bằng vũ lực”, khiến việc mở cơ quan liên lạc của Trung Quốc tại Mỹ trở thành khả năng thực thi. Trong khi đó, Kít-sinh-gơ nhấn mạnh nguyện vọng của Tổng thống Ních-xơn muốn thiết lập quan hệ bình thường giữa Mỹ và Trung Quốc, đã thúc đẩy hai bên đi tới Hiệp định về lập cơ quan liên lạc.

Tháng 4 năm 1973, Chính phủ hai nước đã thiết lập "quan hệ cấp Đại sứ thực sự" tại hai thủ đô, và đại diện hai nước Mỹ-Trung Quốc được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao và đặc quyền. Tuy nhiên, trong báo cáo gửi Tổng thống Ních-xơn, Kít-sinh-gơ đã truyền đạt sai ý của Thủ tướng Chu Ân Lai: Thủ tướng Chu An Lai nói "Lúc đó chưa có kế hoạch", chứ không phải là "chưa có ý đồ", nhưng dù sao Kít-sinh-gơ không để cách diễn đạt mập mờ đó cản trở tới sự nhất trí trong ý tưởng của hai bên.

Kit-sinh-gơ hiểu rằng vấn đề Đài Loan là vấn đề hóc búa trong tương lai đối với Bộ Ngoại giao Mỹ. Kít-sinh-gơ cũng đã tính đến khả năng Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai sẽ nhanh chóng đưa ra tuyên bố về người lãnh đạo mới của Trung Quốc, khiến quan hệ Trung-Mỹ trên đà phát triển sẽ bị đứt đoạn.

Oa-sinh-tơn thiếu hiểu biết về động cơ chính trị trong nội bộ Bắc Kinh, càng không rõ thái độ của lớp lãnh đạo sắp tới. Tuy vậy Kít-sinh-gơ tin rằng tác dụng đòn bẩy của Mỹ sẽ giữ mối quan hệ thân thiện của Mỹ với Bắc Kinh. Ông ta biết rằng. Nếu cứ giữ tư tưởng thù địch với Liên Xô, thì người Trung Quốc không phải là quả cân để chúng ta lựa chọn. "Nếu Oa-sinh-tơn có thể xử lý tốt mối quan hệ quan trọng này một cách tinh tế, thì như Kít-sinh-gơ đảm bảo với Ních-xơn rằng: "Sẽ tiếp tục có lợi cho chúng ta, đó là hoà hoãn tình hình căng thẳng ở châu Á, tăng cường thêm một bước mối quan hệ với Mát-xcơ-va, sau đó xây dửng một cơ cấu cân bằng trong tổng thể".

Phần lớn biên bản về các cuộc trao đổi của Kít-sinh-gơ với Trung Quốc đến nay vẫn còn giữ bí mật. Biên bản có được duy nhất hiện nay là một số đoạn trích cuộc hội đàm với Mao Trạch Đông ngày 17/2 và cuộc trao đổi với Chu Ân Lai về vấn đề Cam-pu-chia. Nhưng báo cáo về các chuyến thăm của Kít-sinh-gơ gửi Ních-xơn đã được công bố, đã bổ khuyết cho những tài liệu còn thiếu. Bởi trong tài liệu ghi tỉ mỉ về chiến lược của Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai chống Liên Xô.

Hơn nữa, biên bản quan trọng nhất về cuộc hội đàm bí mật đầu tiên giữa Kít-sinh-gơ và Mao Trạch Đông đã được công bố. Kít-sinh-gơ được mời đến chỗ ở của Mao Trạch Đông trong đêm ông ta hội kiến với Chu Ân Lai. Ở thời điểm đó, sức khỏe của Mao Trạch Đông khá hơn nhiều so với một năm trước đó, nhưng vẫn trong giai đoạn phục hồi.

Một năm sau, trong báo cáo Kít-sinh-gơ viết: "Mao Chủ tịch có khoẻ hơn so với tháng 2, nhưng gầy đi nhiều”. Trong tự truyện của mình, Kít-sinh-gơ có nói đầy đủ và tỉ mỉ về cuộc nói chuyện lần đó, và ông ta được chứng kiến tính khôi hài (của Mao) cũng như giờ phút cực kỳ căng thẳng nặng nề của Mao Trạch Đông, như lúc Mao Trạch Đông cảnh cáo với Kít-sinh-gơ về ý đồ của Liên Xô.

Nhưng trong tự truyện, Kít-sinh-gơ đã bỏ đi phần nhạy cảm nhất trong cuộc nói chuyện, ví dụ như Mao Chủ tịch hoài nghi "phương Tây thúc đẩy Liên Xô đông tiến, để nhằm vào chúng tôi". Và Oa-sinh-tơn muốn Trung Quốc và Liên Xô đánh nhau, coi như một cách để đập tan Liên Xô. Kít-sinh-gơ cũng bảo lưu ý kiến trao đổi về cuộc bầu cử ở Pháp, điều đáng chú ý là ông ta tuyên bố. "Chúng tôi sẽ giúp Pom-pi-đu với khả năng lớn nhất" và những ý kiến chung quanh quan hệ Nhật-Nga. Ở đây, Kít-sinh-gơ và Mao Trạch Đông đã nhất trí về việc ngăn cản quan hệ giữa Mát-xcơ-va và Tô-ky-ô đi đến chỗ quá thân mật.

BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ HỘI ĐÀM
TÀI LIỆU TỐI MẬT, DÙNG ĐỂ THAM KHẢO NỘI BỘ

Người dự: Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Quốc vụ viện Chu Ân Lai, Trợ lý Ngoại trưởng Vương Hải Dung, phiên dịch Đường Văn Sinh, phiên dịch Thẩm Tác Vân;

Tiến sĩ H.Kít-sinh-gơ Trợ lý an ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống, Uỷ viên Hội đồng an ninh Quốc gia Uyn-tơn Lốt

Thời gian: 11h30 đêm thứ bảy, ngày 17/2/1973 đến 0h20 sáng chủ nhật ngày 18/2/1973 .

Địa điểm : Chỗ ở của Mao Chủ tịch trong Trung Nam Hải, Bắc Kinh, Trung Quốc

(11h đêm ngày 17-2-1973, trong buổi gặp mặt tại toà nhà nhỏ gần nhà khách Chính phủ, Thủ tướng Chu Ân Lai báo tin: Mao Chủ tịch sẽ gặp Tiến sĩ Kít-sinh-gơ và Uyn-tơ Lốt vào lúc 11h30, và cho biết ngay bây giờ nhân viên tùy tùng cùng Chu Ân Lai đến tháp tùng Kít-sinh-gơ đến nơi ở của Mao Trạch Đông).

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ và phái đoàn đến nhà khách Chính phủ, Chu Ân Lai đã có mặt ở đó lúc 11h20, sau đó cùng Kít-sinh-gơ đáp xe đến Trung Nam Hải. Chu Ân Lai và Kít-sinh-gơ sóng đôi bước vào nhà khách, đi tới một gian phòng nằm trong chỗ ở của Mao Chủ tịch. 

Với sự giúp đỡ của nữ y tá, Mao Chủ tịch đứng dậy từ ghế dựa đi lại phía Kít-sinh-gơ, bày tỏ sự hoan nghênh, phóng viên nhiếp ảnh bấm máy chụp hình.

Kít-sinh-gơ nói: Đã một năm trôi qua kể từ khi gặp Chủ tịch lần trước.

Chủ tịch nhìn và khen Uyn-tơn Lốt trẻ, còn trẻ hơn cả phiên dịch nào Uyn-tơn Lốt nói, dù sao ông ta cũng lớn tuổi hơn phiên dịch. Chủ tịch ra hiệu chỉ một cái ghế dựa lớn và giản dị, mọi người đến ngồi xuống, phóng viên nhiếp ảnh tiếp tục chụp hình.

Mao Chủ tịch: (đi về phía ghế của mình) Xem ra tôi cũng tàm tạm, nhưng chúa trời cũng đã vẫy gọi tôi rồi, (nói với Uyn-tơn Lốt) ông vẫn còn trẻ.

Uyn-tơn Lốt : Tôi cũng đang già đi.

Mao Chủ tịch: Tôi là người già nhất trong đám này.

Chu Ân Lai: Người già thứ hai là tôi

Mao Chủ tịch: Trong quân đội Anh, có người chống lại nền độc lập của đất nước các Ngài. F.Mông-te-gô-mê là một trong số những người chống lại chính sách của các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: ông ta chống lại chính sách của Đa-lét nhưng chắc không chống lại Ngài nữa. Lúc đó, Ngài cũng chống lại chúng tôi, và chúng tôi cũng chống lại Ngài, cho nên: chúng ta là hai kẻ thù của nhau (cười).

Kít-sinh-gơ: Hai kẻ thù cũ.

Mao Chủ tịch: Hiện nay, chúng tôi gọi quan hệ giữa chúng ta là hữu nghị

Kít-sinh-gơ: Đó cũng là lập trường của chúng tôi.

Mao Chủ tịch: Đó cũng chính là điều tôi muốn nói.

Kít-sinh-gơ: Tôi đã nói với Thủ tướng rằng, chúng tôi chưa bao giờ có cuộc trao đổi với quốc gia nào một cách thẳng thắn như với các Ngài.

Mao Chủ tịch: (nói với nhân viên nhiếp ảnh) Các anh có thể ra ngoài rồi. (nhân viên nhiếp ảnh ra ngoài) Nhưng chúng ta không nên nói dối hoặc can dự vào một âm mưu, quỷ kế nào khác. Chúng tôi không đánh cắp văn kiện của các Ngài. Ngài có thể để văn kiện ở đâu đó để thử chúng tôi. Chúng tôi cũng chưa bao giờ lắp thiết bị để nghe trộm điện thoại của các Ngài. Tôi từng nói với đồng nghiệp của Ngài, ông Et-ga Snâu. Tôi nói: đối với các văn kiện quan trọng, CIA các Ngài không có mấy tác dụng.

Kít-sinh-gơ: Rất đúng. Đó cũng là kinh nghiệm của chúng tôi.

Mao Chủ tịch: Bởi vì, khi Ngài muốn ra một mệnh lệnh, hoặc Ngài muốn có tư liệu về một vấn đề nào đó thì yêu cầu gởi báo cáo tới. Chúng tôi cùng có cơ quan Cố vấn như vậy, giống như các Ngài, nhưng họ làm việc không giỏi (Chu Thủ tướng cười). Ví dụ như họ không biết Lâm Bưu (Chu cười) Họ cũng không biết Ngài sẽ tới đây. Tôi có đọc hai bài viết năm 1969, trong đó một bài do một nhân viên cao cấp phụ trách công việc Nhà nước của Bộ Ngoại giao viết, sau đó đăng trên báo Nhật Bản.

Kít-sinh-gơ: Chắc rằng, tôi chưa đọc.

Thủ tướng Chu: Đúng vậy!

Mao Chủ tịch: Ngài rất giỏi làm việc. Ngài đã bay đến khắp mọi nơi. Ngài là con én hay chim bồ câu (cười)? Cơ bản việc giải quyết xong vấn đề Việt Nam cũng được tính đến.

Kít-sinh-gơ: Đó là cảm giác của chúng ta. Hiện nay chúng ta cần có một thời kỳ quá độ đi đến hoà bình.

Mao Chủ tịch: Đó là điều đúng đắn

Kít-sinh-gơ: Vấn đề cơ bản là Việt Nam đã giải quyết.

Mao Chủ tịch: Vị Tổng thống của Ngài khi xưa từng ngồi chỗ này (dùng tay chỉ), chúng tôi đã nói đến một tình hình giống nhau, mỗi Bộ Ngoại giao có cách làm của mình và phát huy được tác dụng, cần có, và như vậy dẫn tới hai nước sẽ bắt tay nhau.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy. Chúng ta đều đứng trước một nguy cơ. Có lúc chúng ta buộc phải thực hiện những cách khác nhau, nhưng đều vì mục tiêu giống nhau.

Mao Chủ tịch: Như vậy là tốt. Chỉ cần nhất trí trong mục tiêu, chúng tôi không làm hại các Ngài, các Ngài cũng không làm hại chúng tôi, như vậy chúng ta sẽ cùng nhau cố gắng để đối phó với kẻ lạnh lùng (cười).

Trong thực tế, có những lúc chúng tôi chỉ trích các Ngài, các Ngài chỉ trích chúng tôi. Vị Tổng thống của các Ngài đã từng nói, đó là do tư tưởng. Các Ngài nói, "Chủ nghĩa Cộng sản của các ông hãy đứng sang một bên", chúng tôi nói: "Chủ nghĩa Đế quốc của các ông hãy dẹp sang một bên". Đó là điều không thể tránh

Kít-sinh-gơ: Tôi cho rằng, cả hai phía chúng ta đều phải trung thành với nguyên tắc của mình. Trong thực tế, chúng ta nói không giống nhau sẽ làm cho tình hình phức tạp thêm, tôi từng nói với Thủ tướng khi ở châu Âu như vậy. Xuất phát từ nguyên tắc của mình các Ngài có thể nói mạnh hơn chúng tôi.

Mao Chủ tịch: Còn về châu Âu và Nhật Bản, chứng tôi mong các Ngài hãy hợp tác với từng phía. Có thể cãi nhau trong một số vụ việc, nhưng về cơ bản cần có sự hợp tác.

Kít-sinh-gơ: Còn giữa các Ngài với chúng tôi, cho dù có chỉ trích nhau, chúng tôi vẫn có sự phối hợp hành động với các Ngài, và chúng tôi không bao giờ tham gia vào chính sách nhằm cô lập các Ngài. Còn về quan hệ với Nhật Bản và châu Âu, chúng tôi đồng ý hợp tác với họ trong những vấn đề cơ bản. Hiện nay, lực lượng lãnh đạo ở châu Âu là rất yếu.

Mao Chủ tịch: Họ không gắn được với nhau trong quan hệ.

Kít-sinh-gơ: Họ không biết đoàn kết và cũng không có tầm nhìn xa. Khi đứng trước nguy cơ, họ mong khắc phục được nhưng lại không cần tới nỗ lực của bản thân.

Thủ tướng Chu: Tôi đã từng nói với Tiến sĩ Kít-sinh-gơ trong thực tế, các Ngài đã giúp đỡ Pom-pi-đu

Mao Chủ tịch: Đúng là trong thực tế.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi đã có cố gắng lớn nhất. Chúng tôi sẽ còn làm nhiều hơn nữa.

Mao Chủ tịch: (dùng tay ra hiệu) Hiện nay, ông Pom-pi đu đang bị đe dọa. Đảng Cộng sản đang chống lại ông ta mạnh mẽ.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, họ đang liên hợp với nhau.

Mao Chủ tịch: (Chỉ Kít-sinh-gơ ) Họ liên hợp với nhau. Liên Xô muốn đưa Đảng Cộng sản vào Chính phủ. Tôi không thích Đảng Cộng sản của họ cũng như không thích đảng Cộng hoà của các Ngài. Tôi thích Ngài, chứ không phải thích Đảng Cộng hoà của các Ngài (cười).

Ở phương Tây, chính sách ngoại giao trong lịch sử của các Ngài đã mang lại chiến tranh. Ví dụ như trong thế chiến thứ hai, các Ngài đều bắt đầu bằng cách thúc đẩy Đức giao chiến với Nga.

Kít-sinh-gơ: Nhưng, thúc đẩy Trung Quốc giao chiến với Nga không phải là chính sách của chúng tôi. Bởi đối với chúng tôi, nguy cơ nổ ra chiến tranh ở Trung Quốc lớn như nguy cơ nổ ra chiến tranh ở châu Âu.

Mao Chủ tịch: (Sau khi lời của Kít-sinh-gơ được phiên dịch, Mao vừa nói vừa đếm đầu ngón tay. Phiên dịch Đường dịch xong lời Kít-sinh-gơ, chuyển sang lời dịch của Mao.)

Tôi muốn nói: có phải hiện nay các Ngài thúc đẩy Tây Đức ký Hiệp định hoà bình với Liên Xô, sau đó thúc đẩy Liên Xô đông tiến. Tôi nghi ngờ rằng, cả châu Âu đều có tư tưởng như vậy, đó là thúc đẩy Liên Xô đông tiến, chủ yếu là nhằm đối phó với chúng tôi, cũng là đối phó với Nhật Bản, và cũng có khả năng đối phó với các Ngài ở Thái Bình dương và Ấn Độ dương.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không tán thành một chính sách như vậy. Chúng tôi thích Đảng chống đối ở Đức sẽ không thi hành chính sách như vậy

(Mao Chủ tịch châm thuốc đưa cho Tiến sĩ Kít-sinh-gơ và tướng Lốt, nhưng cả hai cảm ơn và không hút)

Mao Chủ tịch: Đúng, đó cũng là cảm nhận của chúng tôi. Chúng tôi cũng ủng hộ Đảng chống đối ở Đức.

Kít-sinh-gơ: Nhưng hành động của họ là ngu xuẩn.

Mao Chủ tịch: Đúng, họ đã thất bại. Cả châu Âu đang tính chuyện hoà bình.

Thủ tướng Chu: Lãnh đạo của họ đã tạo ra ảo tưởng về một nền hoà bình.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, nhưng chúng tôi đang tăng cường phòng ngự ở châu Âu với khả năng lớn nhất. Chúng tôi giữ lại quân đội của chúng tôi ở châu Âu.

Mao Chủ tịch: Thế thì tốt!

Kít-sinh-gơ: Bốn năm tới, chúng tôi không có kế hoạch giảm quân quy mô lớn ở châu Âu.

Thủ tướng Chu: Về giảm quân, Ngài chả đã từng nói giảm nhiều nhất là từ 10% đến 15%.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Có bao nhiêu quân Mỹ ở châu Âu? Có lẽ chủ yếu là lực lượng tên lửa.

Thủ tướng Chu: Tính cả vùng Địa Trung Hải, có khoảng 300 ngàn đến 380 ngàn.

Mao Chủ tịch: Chắc không tính vùng Vịnh.

Kít-sinh-gơ: Không tính vùng Vịnh, ở phần trung tâm châu Âu có khoảng 275 ngàn, không tính hạm đội 16 ở Địa Trung Hải.

Mao Chủ tịch: Như vậy lực lượng của các Ngài triển khai ở châu Á và Thái Bình dương quá phân tán. Các Ngài còn có quân đội ở Nam Triều Tiên. Chúng tôi nghe nói có khoảng 300 ngàn.

Kít-sinh-gơ : Khoảng 400 ngàn.

Mao Chủ tịch: Khoảng 8 đến 9 ngàn đứng bên cạnh Tưởng Giới Thạch.

Chu Ân Lai: Tại Đài Loan.

Mao Chủ tịch : Nói như vậy ở Nhật Bản có hai lực lượng, 40 ngàn đóng ở O-ki-na-oa, 20 đến 30 ngàn đóng trên đất Nhật. Tôi không rõ ở Phi-lip-pin là bao nhiêu. Hiện nay ở Việt Nam các Ngài có khoảng hơn 10 ngàn quân một chút.

Kít-sinh-gơ : Nhưng sẽ rút toàn bộ về nước.

Mao Chủ tịch: Đúng, tôi nghe nói các Ngài còn 40 ngàn quân ở Đài Loan.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, nhưng lực lượng mà Chủ tịch đề cập chủ yếu là không quân. Với họ không thể tính bằng số lượng.

Mao Chủ tịch: Các Ngài còn lực lượng lục quân, ví dụ như ở Nam Triều Tiên.

Kít-sinh-gơ: ở Nam Triều Tiên, chúng tôi có lực lượng lục quân. Bắt đầu có từ thời kỳ Tru-man. Vì vậy, chúng tôi đã không đến dự một lễ kỷ niệm về Tru-man do Ngài tổ chức (cười).

Kít-sinh-gơ: Còn sau này chúng tôi sẽ đến dự, một khi các Ngài có cơ quan liên lạc tại Oa-sinh-tơn.

Thủ tướng Chu: Các Ngài đã tổ chức xong lễ kỷ niệm về Đa-lét và Giôn-sơn rồi (Mao và Chu cười). Tôi phát hiện Ngài bị khản tiếng, ngày mai Ngài nên nghỉ một ngày. Tại sao Ngài lại muốn trao đổi với chúng tôi nhiều như vậy

Kít-sinh-gơ: Bởi vì chúng tôi và các Ngài đều hiểu được hành động mà chúng ta cần và sẽ thực hiện là rất quản trọng. Chúng tôi luôn nói với Thủ tướng kế hoạch của chúng tôi ở nhiều nơi khác nhau trên thế giới, như vậy các Ngài sẽ hiểu được mỗi hành động mà chúng tôi thực hiện.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, khi qua Nhật Bản, các Ngài nên trao đổi với họ nhiều hơn. Các Ngài mới trao đổi với họ có 01 ngày, như vậy là không nể mặt họ rồi.

Kít-sinh-gơ: Thưa Ngài Chủ tịch, chúng tôi mong rằng trọng tâm của chuyến đi này là đối thoại với Bắc Kinh. Tôi sẽ có chuyến thăm riêng Nhật Bản.

Mao Chủ tịch: Tốt, hơn nữa phải nói rõ với họ về Liên Xô, Ngài có biết cảm nhận của Nhật đối với Liên Xô là không tốt đẹp?

Kít-sinh-gơ: Họ rất mâu thuẫn với nhau.

Mao Chủ tịch: (ra hiệu) Nói tóm lại, trong thế chiến thứ hai, Thủ tướng Na-ka-sô-nê nói với Thủ tướng của chúng tôi rằng, các điều mà Liên Xô làm là rút luôn cái ghế dưới chân đang treo cổ tự tử.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy,.

Mao Chủ tịch: Điều đó có nghĩa họ không bắn một phát súng nào, nhưng lại cướp được nhiều đất đai (Chu Ân Lai che miệng cười). Họ đã chiếm nước Cộng hoà Nhân dân Mông Cổ, cướp đi một nửa Tân Cương. Đó là cái gọi là "ảnh hưởng toàn cầu”. Đất đai phía đông bắc cũng nằm trong cái mà họ gọi là "ảnh hưởng toàn cầu”.

Kít-sinh-gơ: Họ còn mang đi tất cả công nghiệp ở đó.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy. Họ cướp đi Đảo Sa-kha-lin (Mao và Chu trao đổi riêng). Tôi đang tra tự điển xem tên dịch Trung văn gọi là gì?

Kít-sinh-gơ: Nhật Bản đã bị lôi kéo bởi lợi ích kinh tế của họ ở Nga.

Mao Chủ tịch: (gật đầu) Họ cũng muốn đoạt một số thứ ở đây.

Kít-sinh-gơ: Nhưng chúng tôi sẽ thúc đẩy làm cho quan hệ giữa Nhật với chúng tôi mật thiết hơn. Chúng tôi mong rằng họ giữ được quan hệ tốt hơn với các Ngài, như vậy hay hơn.

Kít-sinh-gơ: Nếu Nhật và Liên Xô lập mối quan hệ chính trị chặt chẽ, sẽ là điều rất nguy hiểm.

Mao Chủ tịch: Xem ra không có khả năng xảy ra điều đó

Thủ tướng Chu: Tương lai cũng không phải là tốt đẹp.

Mao Chủ tịch: ở đó, chúng ta có thể làm một số việc.

Kít-sinh-gơ: Liên Xô có đưa ra đề nghị, nhưng người Nhật không trả lời. Họ đòi Mát-xcơ-va mời Ngoại trưởng O-ki-ra thăm Liên Xô.

Thủ tướng Chu: Đúng vậy, vào 6 tháng cuối năm.

Kít-sinh-gơ : Năm nay.

Thủ tướng Chu: Xem ra trong vấn đề này, O-ki-ra nhận rõ Liên Xô hơn bất cứ ai. Nhưng là Ngoại trưởng Nhật Bản, ông ta vẫn chưa hiểu rõ một vấn đề.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Thủ tướng Chu: Đó là chủ nghĩa quan liêu như Ngài định nghĩa.

Kít-sinh-gơ: Tôi đang chuẩn bị trao đổi với Ngài về vấn đề này.

Thủ tướng Chu: (nói với Mao) Chúng tôi đã quyết định, ngoài việc lập cơ quan liên lạc ở thủ đô hai nước, còn phải giữ mối liên lạc giữa Hoàng Hoa và Nhà Trắng.

Mao Chủ tịch: (nói với Chu) Thế trọng tâm đặt ở đâu?

Thủ tướng Chu: Văn phòng liên lạc chỉ giải quyết mối quan hệ quốc tế qua lại. Còn đối với chuyện tối mật hoặc vụ việc đột xuất sẽ giải quyết qua kênh của Đại sứ Hoàng Hoa, chứ không qua văn phòng liên lạc.

Mao Chủ tịch: Hoàng Hoa gặp xui rồi. (Chu cười) Đại sứ Hoàng làm việc rất tốt ở chỗ các Ngài, nhưng ông ta bị chẹo vai trên đường trở về Thượng Hải.

Kít-sinh-gơ :Khi Đại sứ về, chúng tôi sẽ mời bác sĩ khám cho ông ta.

Mao Chủ tịch: Tốt! (Chu cười) Hoá ra ông ta ở chỗ các Ngài an toàn hơn, nhưng về Thượng Hải lại bị đau. Qua bầu không khí lần trước, khi Tổng thống các Ngài tiếp đoàn xiếc của chúng tôi, tôi cho rằng vấn đề Việt Nam sẽ được giải quyết. Có tin đồn Ngài cũng đau bệnh (cười), các quý cô có mặt tại đây đều không hài lòng với tin đồn này. (cười) quý cô nói rằng Tiến sĩ mà đau bệnh, thì chúng ta không thể làm việc được.

Kít-sinh-gơ: Không chỉ là Trung Quốc.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, cả hệ thống sẽ đổ sập như quân bài Đô-mi-nô.

Kít-sinh-gơ: Đó chỉ là suy đoán của giới báo chí.

Mao Chủ tịch: Chỉ là suy đoán ư?

Kít-sinh-gơ: Chỉ là suy đoán!

Mao Chủ tịch: Không có lý do nào khác ư?

Kít-sinh-gơ: Không có lý do nào khác, nhưng thực tế ngược lại. chúng tôi có khả năng cấm Ngài vào những khu vực then chốt.

Mao Chủ tịch: (gật đầu) Tổng thống các Ngài nói các Ngài đang đề đạt một số sự việc, ví như đưa Trường Thành của Trung Quốc sang Mỹ, để lập hàng rào buôn bán.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi cần một hàng rào buôn bán thấp hơn.

Mao Chủ tịch: Muốn hạ thấp hàng rào ư? Làm như vậy các Ngài muốn doạ dân chúng. Ngài nói, các Ngài sẽ lập hàng rào thuế quan và phi thuế quan, như vậy có thể đe doạ châu Âu và Nhật Bản.

Kít-sinh-gơ: Một phần thôi. Chúng tôi đang đề nghị Quốc hội thông qua dự án luật buôn bán cho phép chúng tôi có quyền nâng cao hoặc hạ thấp thuế quan mà không cần sự đồng ý của Quốc hội. Nhưng khi chúng tôi đề nghị hạ thấp thuế quan xuống thì bị Quốc hội bác bỏ (Chu cười) đó là nguyên nhân tại sao chúng tôi đòi để ngành hành pháp có quyền tự điều chỉnh thuế quan

Mao Chủ tịch: Nếu Quốc hội không đồng ý thì làm thế nào?

Kít-sinh-gơ: Tôi nghĩ không thể có chuyện đó. Đó là một chiến dịch rất khó khăn. Nhưng chúng tôi nắm chắc phần thắng trong tay. Chúng tôi nêu ra bằng lời lẽ bình thường. Chúng tôi có thể thay đổi định kiến lâu nay về Trung Quốc.

Mao Chủ tịch: Buôn bán hiện nay giữa hai nước chúng ta ít tới mức thảm hại. Nhưng đang từng bước tăng lên. Ngài biết đấy, Trung Quốc là một nước rất nghèo, chúng tôi không có nhiều thứ. Chúng tôi chỉ có thừa phụ nữ thôi (cười).

Kít-sinh-gơ: Cái đó lại không cần hải quan hoặc thuế quan.

Mao Chủ tịch: Nếu các Ngài cần, chúng tôi có thể cấp cho các Ngài với con số hàng chục ngàn. (cười)

Chu Ân Lai: Tất nhiên là trên cơ sở tự nguyện.

Kít-sinh-gơ: Lợi ích trong buôn bán giữa chúng tôi với Trung Quốc không phải là hàng hoá: Xây dựng mối quan hệ chính trị mà chúng tôi cần mới là lợi ích của chúng tôi.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy.

Kít-sinh-gơ: Đó chính là linh hồn trong cuộc đàm phán mà chúng ta đang tiến hành.

Mao Chủ tịch: Tôi đã từng trao đổi với một người bạn nước ngoài, (phiên dịch trao đổi riêng với Mao) tôi nói, chúng ta cần vẽ một đường chuẩn-Mỹ-Nhật-Pa-kit-xtan-Iran-Thổ Nhĩ Kỳ và châu Âu.

Kít-sinh-gơ: Ý kiến của chúng tôi rất giống các Ngài. Ngài có thể đọc trên báo về tin ông Héc-mút được cử đến Iran. Một số dư luận hoài nghi cho rằng việc đó, sẽ có tác động tới vị trí của tôi. Trên thực tế, chúng tôi cử ông Héc-mút đi Iran để cai quản Thổ-Nhĩ-Kỳ, Iran, Pa-kit-xtan và Péc-xích, bởi ông ta đã có quá trình làm việc ở đó. Chúng tôi cần một người tin cậy được cắm ở đó, hiểu biết được công việc phức tạp sẽ phải làm (Mao châm thuốc hút) Chúng tôi trao cho ông ta quyền giải quyết công việc ở các nước đó, tuy nhiên vẫn chưa công bố công khai.

Mao Chủ tịch: Về những việc này, chúng tôi chưa hiểu được tình hình nước Mỹ các Ngài ví dụ như một số vụ việc xảy ra trong nước các Ngài, một số việc liên quan đến chính sách ngoại giao, chúng tôi không hiểu. Có thể chúng tôi sẽ học thêm chút gì đó trong nhiệm kỳ 4 năm tới của Ngài.

Kít-sinh-gơ: Tôi từng nói với Thủ tướng về phương thức hành vi trực tiếp của các ngài, có lẽ các Ngài hơn chúng tôi, hoặc mang màu sắc anh hùng hơn. Do tình hình trong nước, có lúc chúng tôi buộc phải có phương thức phức tạp hơn.

(Mao thắc mắc về lời dịch, tiểu thư Đường dịch lại chữ "phương thức hành vi").

Nhưng xuất phát từ mục tiêu cơ bản, chúng tôi kiên quyết thực hiện hành vi của chúng tôi không tính đến dư luận công chúng. Nếu có nguy cơ thật sự phát triển, hoặc thế lực bá quyền có ý đồ trỗi dậy, tôi khẳng định là sẽ ngăn chặn chúng ở bất cứ nơi nào. Như lời Tổng thống đã nói với Chủ tịch, tất cả đều xuất phát từ lợi ích của chúng ta, không thể hữu nghị đối với tất cả mọi người.

Mao Chủ tịch: Đó là lời nói thật.

Kít-sinh-gơ: Đó là lập trường của chúng tôi.

Mao Chủ tịch: Chúng ta có thể lập một hội đồng để nghiên cứu vấn đề này. Đó là chuyến thăm của Ngài tới Trung Quốc để tìm cách giải quyết vấn đề dân số (cười).

Kít-sinh-gơ: Chúng ta sẽ nghiên cứu vấn đề bố trí sắp xếp.

Mao Chủ tịch: Nếu chúng tôi để họ (phụ nữ) đi, tôi nghĩ họ sẽ bằng lòng.

Thủ tướng Chu: Chưa chắc.

Mao Chủ tịch: Do họ có tư tưởng phong kiến, chủ nghĩa đại dân tộc.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi khẳng định sẽ tiếp nhận họ

Mao Chủ tịch: Người Trung Quốc hay bài ngoại. Nói ví dụ: Nước các Ngài có thể thu nhận người của rất nhiều quốc gia, nhưng ở Trung Quốc Ngài thấy đấy có bao nhiêu người nước ngoài.

Thủ tướng Chu: Rất ít.

Kít-sinh-gơ: Rất ít.

Mao Chủ tịch: ở nước Mỹ của các Ngài có 600 ngàn người Trung Quốc, còn ở đây chúng tôi chỉ có 60 người Mỹ. Tôi sẵn sàng nghiên cứu vấn đề này, tuy rằng chưa hiểu được nguyên nhân của vấn đề.

Tiểu thư Đường. Vợ Ngài Lốt là người Trung Quốc

Mao Chủ tịch: ô?

Lốt : Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Tôi từng nghiên cứu vấn đề này. Tôi không hiểu tại sao người Trung Quốc lại không thích Ấn Độ. Còn người Nhật, con số không nhiều. Có một số người thuộc chủng tộc khác, họ đã lập gia đình và định cư.

Kít-sinh-gơ: Tất nhiên, quá trình các Ngài bắt tay với người nước ngoài cũng không suôn sẻ.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, có nguyên nhân của nó. Một trăm năm qua, vào Trung Quốc chủ yếu là liên quân 8 nước, sau đó là Nhật Bản trong phong trào Nghĩa hoà đoàn. Nhật Bản chiếm đóng Trung Quốc 13 năm với phần lớn đất đai. Trong quá khứ, lực lượng liên quân, kẻ xâm lược ngoại bang không chỉ chiếm đóng lãnh thổ Trung Quốc, mà còn đòi Trung Quốc bồi thường

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, còn quyền tự trị đối ngoại theo pháp luật.

Mao Chủ tịch: Trong quan hệ với Nhật Bản hiện nay, chúng tôi không đòi họ bồi thường vì sẽ làm tăng thêm gánh nặng của nhân dân. Chuyện bồi thường khó tính lắm, có ai đủ sức mà đi làm việc này.

Hơn nữa chỉ bằng cách này mới làm cho nhân dân chúng tôi từ thù địch chuyển sang hoà hoãn. Giải quyết mối quan hệ thù địch giữa Trung Quốc với Nhật Bản khó khăn hơn nhiều so với vấn đề quan hệ giữa chúng tôi với các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, dù sao nhân dân Mỹ không có ý thù địch với nhân dân Trung Quốc, mà còn có cảm tình. Hiện nay, giữa chúng ta chỉ còn lại vấn đề lộ trình (chủ tịch gật đầu). Vấn đề này sang năm chúng ta sẽ giải quyết. Nhưng có một lợi ích to lớn ở khu vực đang chuyển động.

Mao Chủ tịch: Thế ư?

Kít-sinh-gơ : Giữa Trung Quốc và Mỹ.

Mao Chủ tịch: Ngài nói lợi ích to lớn ở khu vực là gì? Là Đài Loan ư?

Kít-sinh-gơ: Có liên quan tới một quốc gia có ý đồ

Mao Chủ tịch: Ngài ám chỉ Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Tôi nói Liên Xô.

Thủ tướng Chu: Tiểu thư Thẩm hiểu ý Ngài.

Mao Chủ tịch: (Nhìn tiểu thư Thẩm) Người Trung Quốc tinh thông tiếng Anh (nhìn sang Chu) Cô ta là ai?

Chu Ân Lai: Tiểu thư Tác Vân phiên dịch

Mao Chủ tịch: (Chu cười) Hôm nay tôi có nhiều lời dại miệng. Vì vậy tôi thiết tha mong chị em phụ nữ Trung Quốc tha thứ cho tôi.

Kít-sinh-gơ: Xem ra rất hấp dẫn đối với tình hình ở Mỹ (Mao và Thẩm cười).

Mao Chủ tịch: Nếu chúng tôi với các Ngài thành lập văn phòng liên lạc, thì các Ngài cần tiểu thư Đường, hay tiểu thư Thẩm?

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi sẽ giải quyết việc này qua kênh của Đại sứ Hoàng Hoa.

Mao Chủ tịch: Chúng tôi có quá ít phiên dịch.

Kít-sinh-gơ: Nhưng họ làm việc rất giỏi. Tôi cũng đã từng gặp họ.

Mao Chủ tịch: Những phiên dịch mà Ngài từng gặp và tuyệt đại đa số phiên dịch đang làm việc trong các tổ chức có độ tuổi từ 20 đến 30. Một khi trở nên già thì họ không thể phiên dịch tốt như vậy.

Thủ tướng Chu: Chúng ta cần gửi người ra nước ngoài.

Mao Chủ tịch: chúng ta phải đưa các cháu bằng ngần này (ra hiệu chiều cao), không nên quá lớn tuổi.

Kít-sinh-gơ : Chúng ta có thể chuẩn bị cho nội dung trao đổi. Như vậy, các Ngài có thể đưa học sinh sang Mỹ.

Mao Chủ tịch : Nếu trong 100 học sinh có 10 cháu học thành công ngoại ngữ thì đã là một thành tích khá rồi. Trường hợp có mấy chục cháu trong đó không muốn về nước, ví dụ như các cháu gái muốn ở lại nước Mỹ cũng không có vấn đề gì. Bởi người Mỹ các Ngài không bài ngoại như người Trung Quốc. Trước đây người Trung Quốc đi nước ngoài, nhưng vẫn không chịu học ngoại ngữ. (nhìn sang phía tiểu thư Đường). Ông bà nội cô ta nhất quyết không chịu học tiếng Anh. Họ rất bảo thủ. Ngài có biết không, người Trung Quốc là chúa bảo thủ và cố chấp, lớp người Hoa lớn tuổi ở nước ngoài không nói tiếng địa phương nơi họ ở mà vẫn nơi tiếp Trung Quốc. Nhưng đến thế hệ trẻ thì thay đổi rồi.

Kít-sinh-gơ: ở Mỹ, tất cả hoặc đại bộ phận người Hoa nói tiếng Anh.

Thủ tướng Chu: Đó là lớp trẻ. Thế hệ thứ nhất họ không học tiếng địa phương. Có một người Trung Quốc cư trú nhiều năm ở nước ngoài đã trở về nước khi đã già, năm 50, bà ta tạ thế ở tuổi 90. Bà ta có chân trong Chính phủ Trung Quốc, nhưng bà ta không nói một câu tiếng Anh, là người Quảng Châu, con người cực kỳ bảo thủ.

Kít-sinh-gơ: Nền văn hoá Trung Quốc rất đặc biệt, nên khó chấp nhận nền văn hoá khác.

Mao Chủ tịch: Ngôn ngữ của người Trung Quốc cũng khá, nhưng tính cách của người Trung Quốc thì không hay lắm.

Thủ tướng Chu: Hán ngữ rất khó học.

Mao Chủ tịch: Hán ngữ diễn đạt bằng ngôn ngữ và diễn đạt bằng văn bản có nhiều mâu thuẫn, bởi ngôn ngữ nói là đơn âm tiết, còn ngôn ngữ viết lại là các ký hiệu tượng trưng.

Thủ tướng Chu: Trước tiên chúng tôi chuẩn hoá ngôn ngữ nói.

Mao Chủ tịch: (Ra hiệu chỉ về các cuốn sách của ông ta) Nếu Liên Xô ném bom giết sạch những người từ 30 tuổi trở lên, thì có lẽ giúp chúng tôi giải quyết được vấn đề này. Bởi những người già như tôi thì không học Hán ngữ nữa. Tôi học ngoại ngữ, phần lớn sách của chúng tôi là Hán ngữ. Tất cả sách đều là Hán ngữ.

Kít-sinh-gơ: Hiện nay Chủ tịch đang học tiếng Anh.

Mao Chủ tịch: Tôi cũng nghe người ta nói về tôi đang học tiếng Anh. Tôi không quan tâm đến tin đồn đó. Tôi chỉ biết qua mấy chữ cái tiếng Anh. Về ngữ pháp thì không hiểu.

Phiên dịch Đường: Chủ tịch sáng tạo ra một từ tiếng Anh.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, tôi đang tạo ra một từ tiếng Anh ngắn "Paper tiger" (con hổ giấy)

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy? "Con hổ giấy". Đó là dành cho chúng tôi (cười)

Mao Chủ tịch: Nhưng ông là người Đức đến từ Đức. Hiện nay người Đức các Ngài không gặp may, bởi đều bị đánh bại trong hai cuộc chiến tranh thế giới.

Kít-sinh-gơ: Nước Đức đòi quá nhiều, lại bất cập trong khả năng và tài nguyên.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, trong chiến tranh, lực lượng quân sự Đức lại bị dàn mỏng. Ví dụ như trong cuộc tấn công Liên Xô. Nếu muốn tấn công thì chỉ cần đánh một hơi. Đằng này, Đức lại chia thành 3 mũi. Tháng 6 bắt đầu tấn công nhưng đến mùa đông thì giữ không nổi bởi trời quá rét. Tại sao người châu Âu lại sợ rét?

Kít-sinh-gơ: Người Đức không chuẩn bị cho đánh lâu dài. Trong thực tế mãi đến năm 1943, Đức mới điều động lực lượng quân sự. Tôi tán thành quan điểm của Chủ tịch. Nếu họ cứ tập trung nỗ lực vào mặt trận tiến quân thì nhất định thắng lợi, cho dù họ phân tán quân lực và chỉ cách Mát-xcơ-va 10km (Mao châm điếu thuốc khác)

Mao Chủ tịch: Lẽ ra họ không nên tấn công Mát-xcơ-va và Ki-ép, mà nên lấy Lê-nin-grát làm bước tiến công đầu tiên. Ngoài ra một sai lầm nữa về chiến lược là không vượt biển ngay sau khi đánh chiếm Đôn-kiếc.

Kít-sinh-gơ: Đánh chiếm Đôn-kiếc?

Mao Chủ tịch : Họ hoàn toàn không có chuẩn bị.

Kít-sinh-gơ: Hít-le là một kẻ theo chủ nghĩa lãng mạn, hắn yêu nước Anh đến mức lạ lùng.

Mao Chủ tịch : Thế sao Hít-le lại không đến đó. Bởi nước Anh lúc đó không có quân đội.

Kít-sinh-gơ: Nếu quả Đức vượt eo biển đổ bộ vào Anh, tôi cho rằng, lúc đó ở Anh chỉ có một lực lượng quân đội mà thôi.

Thủ tướng Chu: Thật vậy sao?

Kít-sinh-gơ: Đúng như vậy.

Thủ tướng Chu: ở Đức, ông An-tô-ni I-đên có nói với tôi rằng trong quân đội Chính phủ Sớc-sin có vị Bộ trưởng nói, nếu lúc đó Hít-le vượt qua eo biển thì họ không gặp bất cứ một lực lượng quân sự nào kháng cự, bởi tất cả lực lượng đã rút đi. Đến khi cần phải đối phó với người Đức khi họ vượt biển thì Sớc-sin không có quân đội trong tay. Họ chỉ còn biết tổ chức lực lượng cảnh sát để bảo vệ ven biển. Nếu đúng người Đức vượt biển, thì người Anh không có khả năng chống cự.

Kít-sinh-gơ: Đó cũng là sức mạnh của người lãnh đạo anh dũng can trường, bởi bằng cách sử dụng ma lực của mình, Sớc-sin đã tạo ra một sức mạnh lớn hơn nhiều trong thực tế.

Mao Chủ tịch: Thực ra, lúc đó họ không có khả năng kháng cự.

Thủ tướng Chu: Bởi thế, Hít-le mới có tình cảm lãng mạn về nước Anh.

Kít-sinh-gơ: Tôi cho rằng, Hít-le là kẻ cuồng nhiệt cực đoan. Nhưng quả thật hắn có chút tình cảm với nước Anh .

Mao Chủ tịch: Tôi tưởng Hít-le đến từ khu vực Đông En-bơ.

Kít-sinh-gơ: Từ Áo.

Thủ tướng Chu: Hắn là một binh sĩ trong chiến tranh.

Kít-sinh-gơ: Hắn gia nhập quân đội Đức, nhưng hắn là người Áo.

Thủ tướng Chu: Đến từ sông Đa-nuýp. Hắn vạch ra sách lược một cách nghệ thuật, nhưng phi chiến lược. Hắn dựa vào trí tưởng tượng, mà không có một kế hoạch tổng thể.

Mao Chủ tịch: Tại sao quân đội Đức lại coi trọng hắn như vậy?

Kít-sinh-gơ: Có thể người Đức là những người mang chút màu sắc lãng mạn, và bởi Hít-le khẳng định được cá tính rất độc đáo của mình.

Mao Chủ tịch: Kết quả là dân tộc Đức bị hạ nhục trong thế chiến lần thứ nhất.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, có thể đây là nguyên nhân rất quan trọng.

Mao Chủ tịch: Nếu người Nga muốn tấn công chúng tôi thì bây giờ tôi có thể nói ngay với Ngài, chiến lược mà chúng tôi thực hiện là đánh du kích và đánh lâu dài. Chúng tôi có thể điều khiển họ đi đâu, đến đâu (Chu cười). Họ muốn vào lưu vực Hoàng Hà ư? Tốt, tốt lắm (cười). Còn nếu họ muốn vào sâu lưu vực Trường Giang ư? Cũng không tồi.

Kít-sinh-gơ: Nhưng nếu họ chỉ cho máy bay đi ném bom, mà không đưa quân sang thì sao (cười).

Mao Chủ tịch: Chúng tôi làm thế nào ư? Có lẽ Ngài nên lập một hội đồng để nghiên cứu vấn đề này. Chúng tôi sẽ để họ đánh trước, sau đó họ sẽ mất một số lượng khổng lồ về tài nguyên. Họ nói, họ là Chủ nghĩa xã hội, chúng tôi cũng là Chủ nghĩa xã hội, như vậy thành ra chủ nghĩa xã hội đánh Chủ nghĩa xã hội.

Kít-sinh-gơ: Nếu họ tấn công Trung Quốc, chúng tôi khẳng định sẽ chống lại họ với tất cả lực lượng của mình.

Mao Chủ tịch: Nhưng, nhân dân các Ngài chưa tỉnh ngộ. Châu Âu và các Ngài sẽ cho rằng nếu tai hoạ giáng lên đầu Trung Quốc là tốt.

Kít-sinh-gơ: Người châu Âu nghĩ sao, tôi không thể đoán được. Tất nhiên, dù sao thì họ không phải muốn làm gì thì làm. (Mao Chủ tịch mời trà Kít-sinh-gơ và Lốt) Chúng tôi cho rằng, nếu Liên Xô chiếm được Trung Quốc sẽ tàn phá an ninh tất cả các nước khác, khiến họ bị
cô lập.

Mao Chủ tịch: (cười) Làm sao có chuyện đó, không thể có chuyện đó được. Bởi các Ngài đã từng bị lún ngập trong cảnh khốn đốn tại Việt Nam với bao khó khăn. Các Ngài cũng sẽ cảm nhận được tình hình nếu Liên Xô bị lún chân tại Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: Liên Xô ư?

Đường phiên dịch: Liên Xô.

Mao Chủ tịch: Lúc đó, các Ngài sẽ để Liên Xô lún ngập trong khốn đốn tại Trung Quốc nửa năm, một năm hoặc hai năm, ba năm. Sau đó, các Ngài dùng ngón tay thọc vào lưng Liên Xô, và đưa ra khẩu hiệu chính trị: “Vì hoà bình", "Chúng tôi phải vì hoà bình" nhằm lật đổ chủ nghĩa bá quyền Liên Xô. Cũng có thể các Ngài giúp họ làm ăn buôn bán rồi nói với họ. Nếu cần chúng tôi sẽ giúp các ông đánh đổ Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: Thưa Ngài Chủ tịch, chúng ta cùng tìm hiểu động cơ của đối phương là rất quan trọng, chúng tôi không bao giờ hợp tác với người khác trong xảo quyệt để tấn công Trung Quốc.

Mao Chủ tịch: (ngắt lời) Đúng, không phải là như vậy Mục đích của các Ngài là đánh đổ Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Đó là một việc rất nguy hiểm (cười).

Mao Chủ tịch: (Ra hiệu bằng hai tay) Mục đích của Liên Xô là nhằm chiếm lấy hai lục địa lớn Châu Âu và châu Á

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi chỉ ngăn chặn họ tấn công, chứ không đánh đổ họ. Chúng tôi chỉ kiềm chế họ (Chu Ân Lai nhìn đồng hồ).

Mao Chủ tịch: Rất khó đoán định về một số sự việc, một số sự kiện trong cái thế giới này. Tốt nhất là chúng ta xem xét vấn đề như thế này. Tôi muốn dùng một cách để thế giới này tốt hơn lên.

Kít-sinh-gơ: Cách gì vậy?

Mao Chủ tịch: Đó là cho rằng, Liên Xô sẽ tấn công Trung Quốc, sau đó bị đánh bại. Chúng ta phải tính đến tình hình xấu nhất có thể xảy ra.

Kít-sinh-gơ: Đó là ý tưởng của các Ngài? (Chu cười).

Mao Chủ tịch: Nước chúng tôi có nhiều phụ nữ như vậy không biết sẽ như thế nào nếu không có chiến tranh.

Đường phiên dịch: Chúng tôi sẽ tổ chức phụ nữ độc lập

Mao Chủ tịch: Chị em chỉ có thể đóng kịch thôi. Nếu xảy ra chiến tranh, cô là người chạy nhanh nhất để chui vào hầm trú ẩn.

Vương Hải Dung: Nếu công bố cuộc hội đàm ngắn ngủi vài phút này sẽ gây nên sự công phẫn của đại diện nửa số dân này.

Mao Chủ tịch: Nửa số nhân dân Trung Quốc đấy!

Thủ tướng Chu: Trước tiên, sẽ không qua được cửa ải Bộ trưởng Ngoại giao.

Mao Chủ tịch: Chúng ta có thể coi đây là hội nghị bí mật (mọi người cười). Hội nghị hôm nay của chúng ta là công khai, hay là bí mật?

Kít-sinh-gơ: Do Chủ tịch quyết định. Nếu Ngài muốn, tôi sẵn sàng đưa ra công khai.

Mao Chủ tịch: Theo Ngài thì công khai hơn hay bí mật hơn?

Kít-sinh-gơ: Tôi cho rằng có lẽ công khai hay hơn.

Mao Chủ tịch: Như vậy thì đoạn tôi nói về phụ nữ sẽ không có trong này (cười).

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi sẽ xoá đi trong băng ghi âm (cười) Sau khi về nước chúng tôi sẽ nghiên cứu đề nghị này.

Mao Chủ tịch: Ngài biết đấy, người Trung Quốc có một âm mưu muốn phá hoại nước Mỹ, bằng cách đưa 10 triệu phụ nữ sang Mỹ làm tăng dân số, nhằm làm phương hại lợi ích của các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Chủ tịch đã nhiều lần nhồi quan điểm này vào tư tưởng của tôi. Chắc chắn rằng tôi sẽ sử dụng nó trong cuộc họp báo tới của tôi (cười).

Mao Chủ tịch: Với tôi như vậy là rất tốt. Tôi chả còn sợ chuyện chi hết. Dù sao thì Đức Chúa trời đang vẫy gọi tôi

Kít-sinh-gơ: Tôi thực sự phát hiện ra rằng sức khoẻ của Chủ tịch tốt hơn năm ngoái.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, tôi có khoẻ hơn năm ngoái, (nhân viên nhiếp ảnh bước vào). Họ đang tấn công chúng ta đấy (không cần người dìu, Chủ tịch tự đứng dậy chào các vị khách Mỹ ra về). Cho tôi gửi lời thăm hỏi nhiệt tình tới Tổng thống Ních-xơn, và phu nhân. Rất xin lỗi không thể gặp phu nhân của Ngài và Ngài thư ký Rô-giơ.

Kít-sinh-gơ: Tôi nhất định chuyển lời.

Thủ tướng Chu: Sau đây 1 tiếng đồng hồ, tôi sẽ gửi tới Ngài lời phát biểu mang tính thời sự về cuộc hội đàm này.

(Mao Chủ tịch tiễn Tiến sĩ Kít-sinh-gơ đến một phòng bên ngoài, rồi chào tạm biệt Kít-sinh-gơ và Lốt. Thủ tướng Chu đi cùng Tiến sĩ Kít-sinh-gơ tới bên cạnh chiếc xe con)

Lời dẫn

Trong số bản báo cáo của Uyn-tơn Lốt lưu trữ tại Cục hồ sơ Quốc gia, có một hồ sơ đặc biệt liên quan tới cuộc đàm phán tuyệt mật và nhạy cảm về vấn đề Cam-pu-chia năm 1973 đến 1975. Tất cả văn kiện trong hồ sơ đều được trích dẫn từ cuộc đối thoại giữa Kít-sinh-gơ với Chu Ân Lai, Hoàng Hoa và các quan chức khác. Rõ ràng, trong năm 1975, Kít-sinh-gơ đã yêu cầu Lốt biên soạn số văn kiện đó và cũng là để nắm tổ chức Khơ-me Đỏ đã giành được thắng lợi ở Cam-pu-chia. Có thể Kít-sinh-gơ đã sử dụng văn kiện đó để tường trình trước Quốc hội, hoặc để tiến hành vòng đàm phán mới với người Trung Quốc.

Do toàn bộ nội dung cuộc trao đổi giữa Kít-sinh-gơ với Chu Ân Lai trong chuyến thăm này còn trong bí mật, những đoạn trích trên đã giúp cho độc giả hiểu rõ hơn đặc điểm cuộc trao đổi ở thời kỳ tốt đẹp đến đỉnh cao, trong mối quan hệ chính trị giữa Chu Ân Lai và Kít-sinh-gơ. Cho dù mối quan hệ của họ là mối quan hệ lợi dụng lẫn nhau ở mức độ nào đi chăng nữa, họ đều rất tán thưởng cuộc trao đổi với đối phương.

Những văn kiện đó đã ghi lại phong cách đàm phán của Chu Ân Lai với một con người tinh khôn nhạy cảm và căm ghét cái cũ, cho thấy Chu Ân Lai đã dễ dàng làm cho Kít-sinh-gơ phải khâm phục và trở thành kẻ nhiệt thành nhất sùng bái Chu Ân Lai.

Trong khi Kít-sinh-gơ tiến hành đàm phán với Chu Ân Lai, Hoàng thân Xi-ha-núc đang tỵ nạn chính trị ở Bắc Kinh ngay từ đầu cuộc đảo chính ở Cam-pu-chia năm 1970. Tuy người Trung Quốc có cung cấp viện trợ cho Khơ-me Đỏ, nhưng Xi-ha-núc bị lưu đày cũng được sự ủng hộ của Bắc Kinh về chính trị.

Động cơ của Bắc Kinh chưa được làm rõ nếu không có tư liệu quan trọng của phía Trung Quốc. Tuy nhiên, Chu Ân Lai đã nhận ra vai trò của Trung Quốc trong việc thúc đẩy giải quyết vấn đề Cam-pu-chia có lợi cho việc tăng cường mối quan hệ với Mỹ. Hơn nữa, Chu Ân Lai đã coi chính sách trung lập của Xi-ha-núc là một biện pháp giảm bớt ảnh hưởng của Mỹ đối với các quốc gia ngoại biên, và tránh được việc phát triển quá nhanh quan hệ thân mật với Việt Nam,

Pôn-pốt và tổ chức Khơme đỏ đều cho rằng Xi-ha-núc không còn tác dụng nữa và họ quyết định tiến hành cách mạng triệt để ở Cam-pu-chia. Nhưng hình như Chu Ân Lai cho rằng cái tật ngoan cố của Cam-pu-chia không thể làm tốt công việc chuẩn bị cho chế độ xã hội chủ nghĩa, ông ta đã nói: "Hiện nay, Cam-pu-chia không thể hoàn toàn biến thành "đỏ". Có nghĩa, trong tương lai Khơ me Đỏ không thể không chấp nhận sự cai trị của Xi-ha-núc .

Thủ tướng Chu Ân Lai không che dấu sự phản đối mạnh mẽ việc Oa-sinh-tơn ủng hộ Chính phủ Lon-non. Đầu năm 1973, Trung Quốc tăng cường chỉ trích khi Mỹ ném bom trở lại Cam-pu-chia. Trước đó vài tuần, Tổng thống Ních-xơn tuyên bố ngừng bắn ở Việt Nam, nhưng ông ta vẫn tiếp tục viện trợ cho Chính phủ Lon-non.

Trong Hiệp định chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam, điều 20 quy định rõ: Mỹ và Bắc Việt phải rút quân khỏi Cam-pu-chia, không được cung cấp viện trợ quân sự cho bất kỳ phe nào ở Cam-pu-chia. Bắc Việt đã rút phần lớn quân đội ra khỏi Cam-pu-chia, và đang thúc đẩy Khơ-me Đỏ chấp nhận ngừng bắn và đàm phán, nhưng họ từ chối. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ ra lệnh tiến hành đợt oanh tạc mới. Như vậy họ đã vi phạm lệnh của Quốc hội Mỹ cấm không ủng hộ quân sự trực tiếp cho Cam-pu-chia.

Các sĩ quan không quân Mỹ đã trao đổi về việc kiểm soát các cuộc oanh kích qua Đại sứ và ủng hộ các chuyến bay thám sát. Kít-sinh-gơ nhấn mạnh: Dùng oanh kích để đạt mục đích chính trị, là để khẳng định mối nghi ngờ đó là Khơ-me Đỏ là tay sai của Bắc Việt, hơn nữa cuộc xung đột ở Cam-pu-chia như: về bản chất là cuộc chiến "bên ngoài".

Xem ra, Kít-sinh-gơ tin rằng, buộc Bắc Việt Nam rút quân sẽ biến cuộc xung đột ở Cam-pu-chia thành cuộc "nội chiến", và sẽ xuất hiện cục diện có lợi cho một giải pháp, nhưng ông ta cũng cần hiểu rằng, ném bom không thể làm cho chính quyền Lon-non ổn định trong bối cảnh bất lợi về chính trị.

Cục diện đó và ý muốn của họ muốn xây dựng mối quan hệ chiến lược với Bắc Kinh đã được nêu ra trong cuộc gặp với Chu Ân Lai, thảo luận và đi đến thoả thuận một giải pháp chính trị, trong đó bao gồm cả Hoàng thân Xi-ha-núc.

Trong biên bản không đề cập đến giai đoạn cuối cùng về cuộc đàm phán ở Việt Nam, người Trung Quốc đề nghị sẵn sàng thu xếp cuộc gặp gỡ giữa Kít-sinh-gơ và Xi ha-núc. Kít-sinh-gơ đã trả lời, trước khi có cuộc thảo luận với Xi-ha-núc, phái chống đối ở Cam-pu-chia cần chấm dứt chiến tranh. Như vậy bằng cách gặp gỡ lãnh tụ danh nghĩa của phe phiến loạn ở Cam-pu-chia, Kít-sinh-gơ muốn thông qua Bắc Kinh và Hà Nội đóng một vai trò quyết định trong thời kỳ tiếp tục chiến tranh và ném bom.

Rồi đây các tư liệu đưa ra công khai sẽ giúp các nhà sử học phán đoán quyết định bác bỏ đề nghị đàm phán hoà bình.

BIÊN BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM.
TỐI MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Người dự.

Chu Ân Lai, Thủ tướng Chính phủ

Cơ Bằng Phi, Bộ trưởng Ngoại giao

Kiều Quán Hoa, Thứ trưởng Ngoại giao

Vương Hải Dung, Trợ lý Ngoại trưởng

Phiên dịch Đường Văn Sinh

Phiên dịch Thẩm Tác Vân

Tiến sĩ Hăng-ri Kít-sinh-gơ, Trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống

Ri-sác. T. Ken-nơ-đi, quan chức Cục An ninh Quốc gia.

Thư ký G.Đô-rút-si.

Địa điểm: Phòng số 3 trong nhà khách Chính phủ tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

Thủ tướng Chu: Đúng vậy, chúng tôi không rõ đã xảy ra chuyện gì? Chúng tôi không chỉ biết Đại sứ Liên Xô đang có hành động trong vấn đề Cam-pu-chia mà còn biết Đại sứ Liên Xô đã tới Phnôm Pênh.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Với tư cách là Đại sứ ư?

Thủ tướng Chu: Là Đại sứ của Liên Xô

Kít-sinh-gơ: Ở đó họ chỉ là đại diện

Thủ tướng Chu: Cho tới gần đây vẫn chỉ là đại diện, nhưng theo tin cho biết, họ đã cử một Đại sứ tới đây rồi.

Kít-sinh-gơ: Tôi không hiểu biết chuyện đó.

Thủ tướng Chu: Đó là nguồn tin gần đây nhất. Còn về nhà nước Cam-pu-chia, tại sao các Ngài không chấp nhận đàm phán với Nô-rô-đôm Xi-ha-núc, một nhà lãnh đạo quốc gia?

Kít-sinh-gơ: Tôi không hiểu ông ta như đã hiểu Ngài Thủ tướng. Tôi nghĩ đây sẽ là một quá trình căng thẳng. (Chu cười)

Thủ tướng Chu: Thượng nghị sĩ Men-phin có trao đổi hoặc thảo luận với Ngài không?

Kít sinh-gơ: ô! Có, Thượng nghị sĩ Men-phin chuẩn bị sẵn sàng để đàm phán với Xi-ha-núc

Thủ tướng Chu: Nhưng không may, lúc đó Xi-ha-núc không có mặt tại Bắc Kinh, mà đang ở nơi khác. Vì vậy, người của các Ngài cho biết, sau khi Tổng thống trúng cử nhiệm kỳ nữa, Men-phin sẽ trở lại Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy! Nhưng ông ta không có tư cách thảo luận vấn đề đó, mà chỉ làm rối thêm tình hình. Trong công việc, ông ta nặng về tình cảm. Đây không phải là vần đề giải quyết theo tình cảm. Ngài Thủ tướng có nhận xét gì về ông ta.

Thủ tướng Chu: Tôi vừa nêu vấn đề này, muốn xem ý kiến của Ngài.

Kít-sinh-gơ: Tôi được thông báo, (chỉ báo cáo của phía Trung Quốc) có phải báo cáo này không? Tôi chưa đọc toàn văn mà chỉ đọc qua bản tóm tắt. Trong thực tế, chúng tôi nói với Thủ tướng Phạm Văn Đồng, một khi chúng tôi trả tiền cho một ngành nào đó, thì chỉ có thể sử dụng nó làm bất cứ việc gì, trong nội bộ ngành đó. Thủ tướng Phạm Văn Đồng rất đỗi kinh ngạc. Rõ ràng ông ta chưa quen cách xử lý của chúng tôi. (Chu cười) nhưng nếu làm được như vậy là rất quan trọng đối với chúng tôi, chúng tôi mong muốn các nước ở bán đảo Đông Dương độc lập, chúng tôi không có lợi ích gì khác ở khu vực đó.

Chúng tôi không cần xây dựng ở Đông Dương bất kỳ căn cứ nào, nhưng chúng tôi muốn xây dựng một quan hệ như vậy. Việt Nam Dân chủ Cộng hoà phải hợp tác trên một mức độ nào. Nếu Lào không ngừng bắn và Việt Nam không chịu rút quân thì làm thế nào đó chúng tôi có thể đòi Quốc hội chi tiền chứ?

Theo điều 206 Hiệp định đình chiến quy định các nước phải rút quân vô điều kiện ra khỏi Lào và Cam-pu-chia. Và chúng tôi sẽ thông báo cho người của chúng tôi ở đảo Đài Loan rằng họ cũng phải rút quân. Vì vậy, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải thực hiện trách nhiệm đó đúng thời hạn. Hiện nay, ngày ngừng bắn ở Lào đã đến gần?

Thủ tướng Chu: Hàng ngày, thông qua kênh chính thức chúng ta có thể biết tin Hiệp định đã ký kết chưa?

Kít-sinh-gơ: Như vậy là tốt. Tôi sẽ biết được kết quả sau khi về nước. Vấn đề Cam-pu-chia hiện nay rõ rằng là tình thế rất phức tạp. Chúng tôi không thích bất cứ bên nào.

Thủ tướng Chu: Ban đầu, Ngài không thừa nhận điều đó. Tôi nói là đảo chính không phải do CIA gây ra. Sau khi Ngài kiểm tra công tác của mình sẽ thấy tại sao không phải họ gây ra.

Kít-sinh-gơ: Không phải họ gây ra.

Thủ tướng Chu: Giống như tình hình ở Lào.

Kít-sinh-gơ: Cũng không giống nhau đâu

Thủ tướng Chu: Thế ai đã gây ra?

Kít-sinh-gơ: Tôi từng nói với Thủ tướng, trước khi nghiên cứu lần đầu cuộc đảo chính này, tôi cho rằng Xi-ha-núc đã gây ra đảo chính, vì vậy, ông ta sẽ trở lại sau 3, 4 ngày nữa. Tôi từng cho rằng, chính Xi-ha-núc gây ra đảo chính để nhắn với Hà Nội rằng, quân đội Việt Nam tại Cam-pu-chia khiến cho dân chúng rất không hài lòng mặc dù Việt Nam đã giúp đỡ họ giành độc lập. Đó là quan điểm của tôi.

Chu Ân Lai: Đúng Ngài từng nói với tôi như vậy.

Kít-sinh-gơ: Tôi thực sự tin như vậy.

Chu Ân Lai: Nhưng tôi rất nghi CIA. Tôi không tin Xi-ha-núc lại làm như vậy, vốn quan hệ của họ với Việt Nam rất tốt. Vì vậy, tôi đề nghị Ngài hãy nghiên cứu chuyện này.

Kít-sinh-gơ: Tôi đã nghiên cứu rồi. Đến nay tại sao tôi lại phải lừa chứ? Chả có tác dụng. CIA thực sự không làm điều đó.

Chu Ân Lai: Thế là người Pháp gây ra ư

Kít-sinh-gơ: Có thể là Pháp gây ra, hoặc do những người khác được lợi gây ra. Cuộc đảo chính thậm chí không thể xảy ra riêng rẽ từ phía Sài Gòn. Hơn nữa chúng tôi cũng không thể biết được tất cả mọi chuyện. Chính sách của chúng tôi lúc đó là tìm cách bình thường hoá quan hệ giữa chúng tôi với Xi-ha-núc. Thủ tướng nên nhớ rằng, lúc đó chúng ta từng trao đổi một số thư từ. Chúng tôi luôn phản đối và hiện nay chúng tôi vẫn chống lại quân đội Bắc Việt đóng tại Cam-pu-chia dù ở phương diện nào.

Hiện nay chúng tôi cho rằng Cam-pu-chia cần tổ chức hiệp thương và đại diện của tất cả lực lượng chính trị nên tham gia, nhưng đây không phải là một Chính phủ, mà cần xuất hiện như một lực lượng lãnh đạo. Một khi chúng tôi thừa nhận một Chính phủ, thì làm sao có thể đàm phán trực tiếp với Xi-ha-núc, không thể có chuyện đó.

Chúng tôi sẽ ủng hộ từng nước, nhưng tất nhiên không phải là ủng hộ phe này chống lại phe kia trong nước Cam-pu-chia. Chúng tôi tin rằng không có khả năng thoả thuận một giải pháp xứng với uy tín của Xi-ha-núc, và cho đến nay chúng tôi đã bác bỏ rất nhiều giải pháp của nhiều quốc gia bất đồng chính kiến. Chúng tôi không gặp gỡ với Hoàng thân Xi-ha-núc, không phải bởi chúng tôi trách móc ông ta, mà là do tình hình ở đó quyết định.

Chu Ân Lai: Pháp có quan hệ với hai phía. Liên Xô cũng vậy. Vì vậy, tình hình trở nên phức tạp hơn.

Kít-sinh-gơ: Pháp muốn kéo dài tình hình, nhưng không muốn mạo hiểm, không muốn tốn kém một xu nào.

Chu Ân Lai: Ba năm trước khi xảy ra sự kiện Cam-pu-chia, Pháp đã đưa vị Hoàng thân Cam-pu-chia này sang Liên Xô, do đó, Lon-non đã dấn lên một bước, tuyên bố đánh đổ quốc vương Cam-pu-chia và phế bỏ chế độ quân chủ. Cho nên, Cô-xư-ghin đã đưa Xi-ha-núc sang Bắc Kinh. Đứng trên lập trường chính nghĩa, chúng ta cần ủng hộ Xi-ha-núc. Nói cách khác, lúc đó Lon-non dựa vào chúng tôi để giữ lấy quan hệ ban đầu. Thậm chí Lon-non yêu cầu chúng tôi có thể cho phép họ sử dụng nơi mà Xi-ha-núc tị nạn, để chuyển vũ khí tới miền Nam Việt Nam, như Xi-ha-núc đã từng làm trước đây. Hơn nữa, trước kia, Xi-ha-núc cũng dùng Lon-non để trông coi việc chuyển vũ khí của Bắc Việt Nam tới miền Nam Việt Nam và thu được lợi lộc trong đó. Vì vậy, Lon-non là người rõ vụ việc hơn ai hết. Họ đã tiếp tục hành động của mình, trong hơn một tháng. Đại sứ của chúng tôi có thể chứng minh điều đó. Ban đầu, họ không cho phép Đại sứ của chúng tôi rời khỏi Cam-pu-chia.

Kít-sinh-gơ: ồ? Lâu nay tôi cứ nghĩ rằng, trở về Phnôm Pênh, chứ không phải là Mát-xcơ-va, Xi-ha-núc sẽ trở thành Quốc Vương hoặc Thủ tướng.

Chu Ân Lai: Có khả năng ông ta bị bắt

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, rất có thể.

Chu Ân Lai: Bởi Lon-non muốn làm cái điều ông ta nghĩ.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, chúng ta không thể hiểu hết. Nhưng dù sao . . .

Chu Ân Lai: Ngài rất hiểu Lon-non?

Kít-sinh-gơ: Cũng từng tìm hiểu, ông ta không phải là người có năng lực.

Chu Ân Lai: ông ta bị liệt nửa người

Kít-sinh-gơ: Trong thực tế, ông ta rất muốn lập quan hệ với các Ngài.

Chu Ân Lai: Không đâu? Chúng tôi không bao giờ muốn lập quan hệ với một người như vậy. Các Ngài cũng không thể làm như vậy đối với con người đã lật đổ Quốc vương của mình cũng như các Ngài không giúp Ấn Độ làm tan vỡ Pa-kit-xtan, đó là nghĩa cử. Trên cơ sở đó, chúng ta đã đến với nhau. Nhưng tôi cho rằng các Ngài thừa nhận chính quyền Lon-non là không công bằng.

Kít-sinh-gơ: Nhưng chúng tôi muốn tìm một giải pháp trung gian mà hai bên đều chấp nhận được trong khả năng và tôi cho rằng, người của Lon-non bằng lòng đàm phán với Xi-ha-núc tại đây (Nói với Lốt: Hỏi lại lần nữa xem tên ông ta là gì?) Như vậy, một Chính phủ trung lập có thể đoán định ai đã gây ra đảo chính. Một khả năng như vậy cũng xuất hiện ở chỗ chúng ta.

Chu Ân Lai: Nếu không có Lon-non, các Ngài sẽ làm như thế nào?

Kít-sinh-gơ: Không có Lon-non, thì kết quả cũng không tồi

Chu Ân Lai: Không những Hoàng thân Xi-ha-núc không tham gia cuộc đàm phán, mà trong nội bộ Cam-pu-chia còn có Khơ-me Đỏ chống lại

Kit-sinh-gơ: Không chấp nhận cái gì?

Chu Ân Lai: Lon-non tham dự.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, không nhất thiết Lon-non phải tham dự, có thể là người của Chính phủ sẽ đến.

Chu Ân Lai: Về điểm này, các Ngài có thỏa thuận với Liên Xô và Pháp một Hiệp định nào không?

Kít-sinh-gơ: Không có. Thậm chí chúng tôi không đối thoại với Pháp. Đại sứ Liên Xô có cuộc hội đàm rất không rõ ràng với tôi. Nhưng tôi cho rằng họ hiểu rõ Lon-non hơn tôi. Nhưng chắc chắn họ không hiểu Xi-ha-núc.

Chu Ân Lai: Bởi họ không thích Xi-ha-núc chút nào.

Kít-sinh-gơ: Nhưng họ không làm gì cụ thể. Bởi khi phó Thủ tướng của họ đến Niu-oóc, tôi có nói với ông ta "Tôi muốn trao đổi với Thủ tướng". Tôi có nói qua chuyện này với Lê Đức Thọ, ông ta nói ông ta ủng hộ đàm phán, ông ta nói phía họ sẽ không đưa ra quyết định tại Hà Nội. Nhưng tất nhiên các Ngài cứ tiếp xúc trực tiếp với họ.

Chu Ân Lai: ông ta nói với tôi, Ngài nói sẽ đến chỗ tôi để trao đổi. .

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, ông ta nói với tôi trước rằng, tốt nhất là tôi trao đổi với Ngài. Tôi trả lời xin sẵn sàng. Trong thứ tự thời gian của Lê Đức Thọ, ông này luôn có một số vấn đề nho nhỏ.

Chu Ân Lai: Vấn đề này rất giống vấn đề của Tổng Bí thư của họ. Tất nhiên, Xi-ha-núc đã tới Bắc Kinh, chúng tôi bằng cách nói của mình nói với ông ta ý kiến của Ngài. Tuy nhiên, trên vấn đề này chúng tôi khẳng định phải có lập trường của mình.

Kít-sinh-gơ: Nếu ông ta không nhắc lại trên báo hoặc trong bình luận, thì chúng tôi sẽ rất mừng. Sự kiềm chế bản thân của ông ta vẫn chưa đạt tới chuẩn mực của Trung Quốc.

Chu Ân Lai: Không thể có chuyện đó, ông ta thường nói với người khác điều tôi nói với ông ta, thậm chí cả điều tôi chưa nói với ông ta (cười), vì vậy, nghe theo ý kiến của Ngài và dựa vào kinh nghiệm bản thân, chúng tôi không bao giờ nói hết với ông ta toàn bộ nội dung vấn đề. Không để ông ta xuất hiện trên báo chí của chúng tôi là điều không hay lắm đối với chúng tôi. "Nhật báo Trung Quốc" giành sự tự do cho Xi-ha-núc, là quá nhiều so với bất cứ quốc gia nào dành cho nguyên thủ của nước khác. Tướng Đờ gôn cũng không có tự do rộng rãi như vậy tại nước Anh. Vì vậy, nói với ông ta chuyện gì thì ông ta nhất định đưa nó vào mạng thông tin của mình. Chúng tôi ủng hộ tuyên bố 5 điểm ngày 23-3-1970 của ông ta. Lúc đó các Ngài chưa can dự.

Kít-sinh-gơ: Đó là chuyện không bình thường. Không một đồng nghiệp nào nghe tôi thừa nhận rằng tôi không hay biết chi hết. Tuy nhiên nếu có trong tay một bản ghi nhớ, tôi sẽ hiểu được vấn đề. Ngài có bản ghi nhớ bằng tiếng Anh hoặc tiếng Pháp không?

Chu Ân Lai: Có cả.

Kít-sinh-gơ: Loại nào tôi cũng đọc được. Nhưng tôi chưa được nghiên cứu. Nhưng vấn đề chủ yếu, xin nói thẳng rằng không phải là lập trường trước đây, và chúng tôi sẽ chứng kiến nó tiến triển ra sao? Về phía chúng tôi nếu cùng với ông ta tìm được một giải pháp phù hợp với uy tín của ông ta, thì chúng tôi sẵn sàng hợp tác với các Ngài.

Chu Ân Lai: Ngài đã nói cho chúng tôi biết ý kiến của các Ngài, chúng tôi đã hiểu. Nhưng e rằng không có mấy khả năng để thực hiện. Chúng tôi sẽ xem xét thêm, chúng tôi sẽ thông báo với các Ngài ý kiến của chúng tôi trong lần gặp sau.

Kít-sinh-gơ: Được.

Hôm sau vấn đề Cam-pu-chia lại được nhắc lại những nét chính. Kít-sinh-gơ muốn Chu Ân Lai tin rằng, trường hợp Trung Quốc và Xi-ha-núc đã bàn xong, Mỹ chuẩn bị xong về cơ bản và "cùng với các Ngài bàn xem ai là người đại diện đàm phán, được cả hai phía chấp nhận và những vấn đề nguyên tắc mà Chính phủ trung lập có thể chấp nhận". Điều mấu chốt là ở chỗ tìm ra giải pháp phù hợp với uy tín của tất cả các bên, bao gồm Chính phủ Lon-non và những người chống đối. Buổi chiều cùng ngày, Chu Ân Lai và Kít-sinh-gơ có cuộc thảo luận về thực chất vấn đề Cam-pu-chia

BẢN GHI NHỚ VỀ HỘI NGHỊ.
TUYỆT MẬT, CHỈ SỬ DỤNG CHO THAM KHẢO NỘI BỘ.

Người dự:

Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ viện.

Cơ Bằng Phi, Ngoại trưởng

Kiều Quán Hoa, Thứ trưởng Ngoại giao

Chương Văn Tấn, quyền Ngoại trưởng, Vụ trưởng Vụ châu Mỹ-Thái Bình Dương

Vương Hải Dung, Trợ lý Ngoại trưởng

Đường Văn Sinh, phiên dịch

Thẩm Tác Vân, phiên dịch

Hai thư ký phía Trung Quốc.

Hăng-ri Kít-sinh-gơ, Trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống

Ri-sác T. Ken-nơ-đi, quan chức Cục An ninh Quốc gia

S Giắc-cô-lin, quan chức Bộ Ngoại giao

Pi-tơ W.Rô-đên, quan chức Cục An ninh Quốc gia

Elin Đô-rút-si: Nữ thư ký.

Địa điểm: Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh Trung Quốc.

Thời gian: Ngày 18/2/1973, buổi chiều từ 2h43-7h15

Chu Ân Lai: Bây giờ, tôi muốn trao đổi với Ngài về hai vấn đề khác, trong đó có vấn đề Cam-pu-chia. Bởi xem ra trong chuyến thăm này khó có thể làm vấn đề này tiến triển thêm một bước. Chúng tôi cũng biết quan điểm của các Ngài. Các Ngài cũng rất rõ lập trường của chúng tôi. Chúng tôi đã đưa Ngài văn kiện bằng tiếng Anh và tiếng Pháp. Chúng tôi cũng đã đưa Ngài bản tuyên ngôn 5 điểm ngày 23/3/1970 và bản tuyên bố ngày 26/1/1973. Chúng tôi sẽ tiếp tục gửi cho Ngài bản tuyên bố ngày 23/1 của ba Phó Thủ tướng Chính phủ Vương quốc đoàn kết ở miền Trung Cam-pu-chia.

Chúng tôi và Việt Nam đã đạt được sự nhất trí ý kiến trong sự tôn trọng lập trường của Mặt trận thống nhất Quốc gia Cam-pu-chia và Chính phủ Vương quốc đoàn kết Cam-pu-chia. Ý muốn của chúng tôi là các Ngài hãy từ bỏ sự can thiệp của mình. Tất nhiên Ngài sẽ trả lời là các thế lực khác cũng phải chấm dứt sự can thiệp của mình.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Chu Ân Lai: Nếu chỉ là một cuộc nội chiến, thì vấn đề tương đối đơn giản. Tất nhiên muốn biến cuộc chiến ở Cam-pu-chia thành cuộc nội chiến không phải là dễ. Tình hình sẽ trở nên giống Trung Quốc trước đây. Tất nhiên không thể cho rằng, Cam-pu-chia sẽ hoàn toàn đi theo vết xe Trung Quốc.

Nhưng có thể làm được một việc. Đó là bằng mọi cách chúng tôi sẽ thông báo mục đích của các Ngài tới các bên hữu quan trong Mặt trận thống nhất Quốc gia Cam-pu-chia. Bởi mặt trận này không phải là một chính đảng, mà nó bao gồm cả phái tả, phái trung gian và phái hữu.

Tất nhiên, Nô-rô-đôm Xi-ha-núc muốn đứng ở vị trí trung tâm như Quốc vương Lào và Thủ tướng Phu-ma. Trong thực tế, hiện nay họ có hai người lãnh đạo, một là Nguyên thủ Nhà nước, một là Thủ tướng thực quyền. Trong nội bộ, lực lượng phái tả lớn hơn.

Chúng tôi tin rằng, trong phái Lon-non có sự chia rẽ. Pháp cũng tích cực, Liên Xô cũng vậy, Liên Xô thì muốn nhào nặn ra Khơ-me Đỏ của mình, nhưng tìm không đủ người có thể xuất hiện trong tương lai. Vì vậy, nếu sau này các Ngài đồng ý cung cấp thông tin cho chúng tôi, chúng tôi cũng sẽ cung cấp lại. Chúng tôi chưa tới giai đoạn nêu ra quan điểm hoặc đề nghị của mình.

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu.

Chu Ân Lai: Chúng tôi sẵn sàng có bước đi rất thận trọng, bởi chúng tôi mong rằng mục tiêu cuối cùng của Cam-pu-chia sẽ được thực hiện, đó là hoà bình, độc lập, thống nhất, lãnh thổ và chủ quyền toàn vẹn.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi hoàn toàn tán thành mục tiêu đó

Chu Ân Lai: Nhưng chúng tôi vẫn chỉ là đứng bên ngoài, hy vọng mục tiêu được thực hiện bởi một hình thức nào đó. Ngài rõ, Nô-rô-đôm cũng rõ, chúng tôi quyết không muốn Xi-ha-núc trở thành kẻ phục tùng sự sai khiến của chúng ta. Nếu làm như vậy, chúng ta sẽ trở thành kẻ bá quyền, quan điểm mà Xi-ha-núc tuyên bố trên "Nhật báo Trung Quốc" không nhất thiết là quan điểm của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã giành cho ông ta sự tự do hoàn toàn.

Tuy ông ta viết rất nhiều bài hát về Trung Quốc, tại Bắc Kinh ông ta đã sáng tác bài thơ rất hay, coi Trung Quốc là Tổ quốc thứ hai của mình, nhưng chúng tôi không hề có ảo tưởng về chuyện đó. Tôi còn khuyên ông ta nên dùng chữ "quê hương”, bởi cái từ "Tổ quốc" nghe thái quá. Nhưng ông ta một mực giữ chữ "Tổ quốc". Chúng tôi sẵn sàng chờ một ngày nào đó ông ta phủ nhận hết những điều mình đã nói.

Nhưng dù sao, đó là điều của ông ta, không dính đến chúng tôi. Tất nhiên, hiện nay, ông ta nói, tôi là một trong những người bạn tốt nhất của ông ta, bạn như "Men-phin". Điều đó không quan trọng, chỉ là quan hệ riêng tư mà thôi, ông ta vẫn là Quận trưởng quận Bu-hác-tơ ở Cam-pu-chia. Vì vậy, chúng ta hãy cứ chờ đợi quan sát sự việc phát triển. Chúng tôi mong muốn thấy Đông Nam Á phát triển theo đường lối hòa bình và trung lập, không bị đưa vào hệ thống an ninh của Liên Xô, thì Cam-pu-chia sẽ trở thành một quốc gia mẫu mực.

Kít-sinh-gơ: Tôi hoàn toàn tán thành mục tiêu đó của Ngài. Chúng tôi cũng gặp phải khó khăn tương tự khi quyết định tăng cường ảnh hưởng của mình tới Cam-pu-chia theo một hướng đã xác định.

Chu Ân Lai: Chúng ta sẽ còn tiếp tục nghiên cứu vấn đề này.

Kít-sinh-gơ: Chúng ta chuẩn bị trao đổi thông tin, nhưng phải tuyệt đối giữ bí mật.

Chu Ân Lai: Dù thế nào chăng nữa, sau khi tôi nói với Ngài rằng Lon-non không thể làm được gì, thì tôi tin rằng Ngài sẽ có câu trả lời ở mức độ nhất định nào đó. Tôi không cho rằng không đáng tin cậy ở lực lượng mà Lon-non đại diện.

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu. Nhưng một con người trước khi có hành động như vậy, cần có một số ý kiến đáng để xem xét. Tôi cũng đồng ý nếu biến cuộc chiến ở Cam-pu-chia thành cuộc nội chiến chứ không phải là cuộc ngoại chiến, thì đó là bước đi đầu tiên trên đường thực hiện mục tiêu cuối cùng.

Chu Ân Lai: Chúng tôi hiểu phương hướng này. Chúng tôi cũng hiểu phương hướng của mỗi bên trong chúng ta. Bởi hiện nay Cam-pu-chia không thể hoàn toàn biến thành "đỏ" được. Nếu chúng ta muốn thử nghiệm một chuyện như vậy sẽ dẫn đến vấn đề lớn hơn. Chỉ có thể giải quyết bằng Mặt trận thống nhất, dựa trên cơ sở của một chính sách như tôi vừa đề cập, đó là: độc lập, hoà bình, trung lập, thống nhất và lãnh thổ toàn vẹn.

Kít-sinh-gơ: Những nguyên tắc đó, tôi đều tán thành. Hiện nay chúng ta cần suy nghĩ về một hình thức cho tất cả các lực lượng, để thực hiện bộ khung của họ.

Chu Ân Lai: Đúng vậy, chúng tôi tán thành

Mấy tháng sau đó, cuộc thảo luận về vấn đề Cam-pu-chia ngày càng khó khăn. Nhưng theo lời phân tích của Kít-sinh-gơ trước Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai, ông ta vẫn hy vọng trong một thời gian ngắn vấn đề Cam-pu-chia sẽ được giải quyết. Nhưng trong báo cáo gửi Tổng thống Ních-xơn, Kít-sinh-gơ tường trình rằng, trọng tâm trao đổi giữa ông ta với Chu Ân Lai không phải là vấn đề Đông Nam Á, mà là vấn đề Liên Xô và quan hệ Mỹ-Xô.

BẢN GHI NHỚ DÀNH CHO TỔNG THỐNG NGÀY 2-3-1973.
TÀI LIỆU TỐI MẬT, CỰC NHẠY CẢM, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Nguồn tư liệu: Hăng-ri Kít-sinh-gơ

Chủ đề. Chuyến thăm Trung Quốc của tôi.

"Liên Xô đã chi phối cuộc trao đổi của chúng tôi. Năm 1971, người Trung Quốc nắm được một số tài liệu tham khảo tối mật của Liên Xô, nhưng họ vẫn coi Mỹ và Liên Xô là hai nước siêu cường, mưu cầu bá quyền. Khi Tổng thống tới thăm, ban lãnh đạo Trung Quốc đã đề cập trực diện đến sự đe dọa của Liên Xô, nhưng họ không muốn trao đổi sâu:

Tháng sáu năm ngoái, Liên Xô đã trở thành một trong hai chủ đề trong cuộc hội đàm của chúng ta, một chủ đề khác là Đông Dương. Chuyến thàm đó đã trở thành trọng tâm và manh mối cuộc trao đổi. Quan điểm tổng thể của phía Trung Quốc thể hiện trong cuộc trao đổi về khu vực. Phần cuối bản báo cáo này sẽ nói rõ. Dưới đây là một số nhận xét chung của tôi thông qua quan sát.

Chủ đề mà phía Trung Quốc đề cập tới là Liên Xô trong cuộc gặp đầu tiên với chúng tôi và luôn nói về vấn đề này. Chu Ân Lai đã trao đổi chủ đề Liên Xô trong cuộc họp đặc biệt ngày 17/2 và khi cuộc họp kết thúc, ông ta tuyên bố Mao có cuộc gặp gỡ với tôi, đã trở thành một chủ đề lớn. Ngày hôm sau, chúng tôi đã có cuộc thảo luận cụ thể, nói một cách không ngoa rằng người Trung Quốc nhận định Liên Xô đang chơi trò ú tim ở tất cả các khu vực trên thế giới.

Cuộc thảo luận về khu vực cho thấy điều đó, Mao và Chu luôn xúi dục chúng ta đối đầu với người Liên Xô, hợp tác chặt chẽ với Đồng minh của chúng ta ở châu Âu và Nhật Bản, có hành động tích cực để ngăn chặn người Liên Xô mở rộng phạm vi ảnh hưởng đến Trung Đông, Péc xích, Cận Đông, Nam Á và vùng biển Ấn Độ.

Trong cuộc gặp gỡ đầu tiên, chờ cho tôi nói xong lời phí lộ, Chu hỏi rằng, chúng ta có nên phủ nhận thế giới đang từ hoà bình chuyển sang chiến tranh. Tôi nói: “Có mặt phát triển tích cực, song chúng tôi không có ảo tưởng về nguy cơ tiềm tàng như việc lực lượng quân sự Liên Xô nhanh chóng mở rộng".

Tôi tuyên bố. “Chúng tôi và Mát-xcơ-va có nhiều việc phải làm, nhưng không có ảo tưởng về động cơ của họ. Chúng tôi tiếp tục thực hiện chính sách của mình, để người Trung Quốc nắm được thông tin mà không phải chấm dứt bất kỳ Hiệp định nào và không làm phương hại tới Bắc Kinh".

Chu nêu lên vấn đề phát triển của châu Âu, và nói rằng chúng ta đang tìm cách dẫn Liên Xô, nguồn nước ô nhiễm chảy sang phía đông, ông ta còn đề cập việc mùa thu năm ngoái Mỹ chuyển máy bay chiến đấu của Đài Loan cho Nam Việt Nam, để chứng minh chúng ta đã lợi dụng Bắc Kinh. Ông ta càng nói càng lạc đề, cho rằng chúng ta đứng trên vai người Trung Quốc để bắt tay với người Liên Xô.

Ngày hôm sau, tôi cố tình trình bày cụ thể ý kiến của chúng ta về vấn đề giải trừ quân bị ở Đài Loan, sau đó phân tích lướt qua về chính sách của chúng ta đối với Liên Xô. Tôi nói: “Thực chất về mối quan hệ của chúng tôi buộc chúng tôi phải tìm kiếm một chính sách phức tạp hơn nhiều so với đại sự của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, triệt để chống Liên Xô. Chúng tôi, đang cùng với Liên Xô ký kết một số Hiệp định, nhưng sẽ không bao giờ để các Hiệp định đó trói buộc chân tay chúng tôi một khi lợi ích của chúng tôi bị xâm phạm".
Tôi nói rõ: Liên Xô đứng trước hai con đường. Nếu họ thật sự muốn hoà bình, chúng tôi hoan nghênh và Hiệp định mà chúng tôi đang ký sẽ góp phần hỗ trợ giải pháp hoà bình. Nhưng nếu và điều này rất có khả năng, họ cố tình đi vào con đường khiến mọi người sợ hãi, thì như chúng ta từng nói, chúng ta sẽ chống lại mạnh mẽ một khi lợi ích của chúng ta bị đe doạ. Cho dù thế nào chăng nữa, tôi nhấn mạnh, một khi Liên Xô tiếp tục mở rộng quân bị, chúng ta sẽ giữ vững đòn tấn công lớn mạnh, nâng cao lực lượng chiến lược.

Còn về sự lo lắng của Bắc Kinh, ví dụ như động cơ của Liên Xô về sự tìm hiểu hạt nhân, vấn đề này kéo dài từ mùa xuân năm ngoái đến nay, chúng ta sẽ xem xét tới lợi ích của Trung Quốc. Tuy nhiên, Chu và sau đó là Mao, cả hai đều nhắc lại chuyện này, cho rằng chúng ta có cố ý hay không cũng đang trợ giúp cho Liên Xô. Chúng ta nhận thấy có hai khả năng: Liên Xô hoặc đi theo con đường hoà bình, hoặc đi vào con đường đe doạ bằng vũ lực.

Nhưng người Trung quốc chỉ nhìn thấy con đường thứ hai. Giống như người Ấn Độ, Liên Xô đang sử dụng vệ tinh của mình khắp bốn phương trời để mở rộng ảnh hưởng, cô lập người Trung Quốc. "Sa hoàng mới" đang trong trạng thái tâm thần thất thường. Còn người Trung Quốc, lẽ ra có thể đưa kế hoạch của họ đến bất kỳ nơi nào, nhưng đáng tiếc là nỗ lực của họ bị dừng lại một cách giả tạo. Thậm chí Mao còn nói bóng nói gió, muốn tận mắt nhìn thấy người Nga lao vào cuộc chiến tấn công Trung Quốc. Ông ta còn nói: trải qua hơn chục năm trắc trở, chúng ta sẽ ủng hộ Mát-xcơ-va. Tôi đã trả lời: Tôi tin rằng cuộc chiến nếu xảy ra giữa hai cường quốc Cộng sản thì cuộc chiến sẽ không kiểm soát được sẽ đem lại bất hạnh cho mọi người. Vì vậy, chúng tôi mong mỏi ngăn chặn chứ không phải là lợi dụng cuộc xung đột,

Sau cuộc gặp gỡ, tôi đã có cuộc trao đổi thăm dò khá lâu với Chủ tịch Mao Trạch Đông về lo ngại của ông ta và Chu xung quanh vấn đề này. Tôi nói: Có ba giả thiết và động cơ của Mỹ nằm trong chính sách gây sức ép với Trung Quốc của Liên Xô:

Thứ nhất, cho dù chúng ta hy vọng Liên Xô đánh bại Trung Quốc. Tôi nhấn mạnh rằng, Mát-xcơ-va đánh bại Trung Quốc hoặc châu Âu, thì đều có tác động như nhau đối với chúng tôi. Chúng tôi sẽ bị cô lập trở thành mục tiêu cuối cùng. Vì vậy, chúng tôi không thể có một chính sách như vậy.

Thứ hai, động cơ có khả năng thực hiện mà Mao đề cập tới chúng tôi hy vọng Mát-xcơ-va lâm vào bế tắc khi tấn công Bắc Kinh? và do đó Liên Xô đổ vỡ. Tôi nói rằng, cho dù Liên Xô kiểm soát được Trung Quốc, nhưng sẽ dẫn đến hậu quả của sự lựa chọn thứ nhất. Nếu Liên Xô lâm vào tình trạng lún ngập như Chủ tịch nói Mỹ lún ngập ở việt Nam, thì đó là họ đã hành động một cách khinh xuất. Còn chúng ta thì buộc phải hoặc yếu mềm, làm ngơ, hoặc là phải có một loạt quyết sách cực kỳ phức tạp

Thứ ba, cuộc chiến Trung-Xô nổ ra do phán đoán sai lầm, chứ không phải do chính sách. Tôi cho rằng cũng là rất nguy hiểm nếu cuộc chiến nổ ra. Sau đó tôi đã phân tích chiến lược toàn cầu của chúng ta là đặt trọng tâm ở châu Âu, để chứng minh, chúng ta tiếp tục duy trì nền quốc phòng hiện có, tiếp tục gánh vác nhiệm vụ quốc tế và hợp tác chặt chẽ với các Đồng minh của chúng ta.

Nói một cách ngắn gọn, trong khi tìm kiếm quá trình hoà hoãn với Mát-xcơ-va, chúng ta phải đảm bảo rằng, nếu Liên Xô không chọn con đường hòa bình, thì chúng ta và bè bạn của chúng ta sẽ chống lại để bảo vệ lợi ích quốc gia của chúng ta. Tôi tuyên bố rằng, nếu nền an ninh quốc gia của chúng ta bị xâm phạm, chúng ta sẽ xem xét việc tấn công Trung Quốc.

Chúng ta không thể giảm thiểu một cách triệt để sự suy diễn của người Trung Quốc trong một thời gian ngắn. Tất nhiên, chúng ta phải thận trọng trong hành động đối với Liên Xô, cũng như cần mua bảo hiểm ở phía Nhật Bản và châu Âu.

Lời dẫn

Trong báo cáo gửi Ních-xơn, Kít-sinh-gơ tường trình lại nội dung đối thoại về vấn đề Đài Loan, một chủ đề nhạy cảm đối với Mao và Chu. Kít-sinh-gơ nhắc lại từ ngữ mà một năm trước đó Ních-xơn đã bí mật cho phép sử dụng, như: bình thường hóa, rút quân khỏi Đài Loan, và "tách khỏi các phong trào độc lập ở Đài Loan".

Kít sinh-gơ đã nói với Chu về kế hoạch của Mỹ đưa máy bay F.4 và 4500 nhân viên quân sự ra khỏi đảo Đài Loan. Trong cuộc trao đổi với Chu, Kít-sinh-gơ một lần nữa khẳng định: Ních-xơn đồng ý lập quan hệ ngoại giao với Trung Quốc trong năm 76, và tiếp tục đưa ra cam kết mới về vấn đề Đài Loan": Việc thiết lập ngoại giao đó cũng tương tự như con đường Nhật Bản đối với Trung Quốc.

Năm 1972, sau khi bình thường hóa bang giao với Trung Quốc, Nhật đã đóng cửa Sứ quán tại Đài Loan, chỉ để lại một văn phòng không chính thức do tư nhân điều hành, nhằm mục đích buôn bán và giao lưu văn hóa. Lời cam kết trên của Kít-sinh-gơ có phần mơ hồ, nhưng đã để lộ: Oa-sinh-tơn sẽ cắt đứt quan hệ chính trị với Đài Loan sau năm 1974, ông ta thừa nhận đấy là "điều rất đau khổ”, bởi quan hệ Mỹ-Đài Loan đã có từ lâu.

Trong cuốn sách "Những năm tháng loạn lạc" , Kít-sinh-gơ giữ thái độ im lặng về vấn đề Đài Loan, bởi ông ta tin rằng sẽ bị chỉ trích không chỉ từ phía Đài Loan, mà còn từ phía những người bạn Mỹ của Đài Loan, đặc biệt là phái bảo thủ trong Đảng cộng hòa. Đầu những năm 80, khi xuất bản cuốn sách, Kít-sinh-gơ ra sức lấy lòng phái bảo thủ trong Đảng Cộng hoà, một phần muốn được xóa đi những ý kiến chống ông ta, để tìm đường trở lại tham chính nếu gặp cơ may.

Năm 1979, Chính phủ Ca-tơ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, khiến quan hệ Mỹ-Đài Loan xuống mức thấp nhất. Kít-sinh-gơ còn hy vọng tránh được trách nhiệm, bởi ông ta đã từng cam kết rút quân Mỹ để làm yếu vị trí của Đài Loan, lập xong quan hệ với Đại lục. Trong phần cuối báo cáo gởi Ních-xơn, Kít-sinh-gơ lưu ý cho dù tương lai quan hệ với "Bắc Kinh là tích cực", nhưng có thể cũng xảy ra "phiền toái" trong sự phát triển quan trọng sau này

QUAN HỆ GIỮA CHÚNG TA VỚI NGƯỜI LIÊN XÔ

Lâu nay, Liên Xô là trở ngại chính ngăn cản chúng ta quan hệ với Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Đồng thời ngược lại với dự kiến của hầu hết chuyên gia Liên Xô, chúng ta quan hệ với Bắc Kinh khiến cho Mát-xcơ-va thu được cái lợi to lớn như quan hệ với Mát-xcơ-va. Chúng ta tiếp tục uống rượu Mao đài của Bắc Kinh và rượu Vốt-ka của chúng ta. Bắc Kinh thù địch với Liên Xô, coi chúng ta như cái lá chắn của họ. (Mặc dù gần đây họ có kêu gọi sự che chở của Nhật Bản và châu Âu) còn Mát-xcơ-va lại rất cần đến chúng ta về mặt châu Âu và Kinh tế học.

Nhưng dù sao chăng nữa đó cũng là hành động cân bằng, mà chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn. Mao và Chu từng nói bóng nói gió rằng, chính sách của chúng ta về Liên Xô có hay không sơ hở, đều có khả năng gây sức ép đối với Trung quốc. Ý của họ là, có thể chúng ta vui mừng khi xảy ra xung đột Trung-Xô, khiến Liên Xô chìm ngập trong khó khăn, thực lực bị suy yếu đi. Chúng ta chỉ việc ngồi chờ thu lượm kết quả.

Mát-xcơ-va có một động cơ quả thực khiến chúng ta khó xử khi quan hệ với Bắc Kinh, bởi họ biết Bắc Kinh rất căm ghét động cơ của họ. Vấn đề này, chúng ta đã kéo dài một năm trời, nhưng nhiều dấu hiệu cho thấy, Brê-giơ-nhép muốn bàn nhiều về vấn đề này trong chuyến thăm tới. Thỏa mãn yêu cầu của Brê-giơ-nhép, lại không làm mất lòng Chu Ân Lai, là cả một sự thách thức. Những khó khăn khác của chúng ta trong quan hệ tam giác, bao gồm chính sách an ninh châu Âu và giành thể diện cho Mát-xcơ-va.

THAY ĐỔI TẦNG LỚP LÃNH ĐẬO TRUNG QUỐC TRONG TƯƠNG LAI

Mao 80 tuổi, đã nhận được “giấy mời" của “Chúa trời”, Chu 75 tuổi từng được nhắc tới là lớp người lãnh đạo quốc gia cần thay thế. Hiện nay, rõ ràng họ đang cai quản nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với giới lãnh đạo Trung Quốc nhưng rất khó nói rằng họ sẽ đảm bảo tính chất nhất quán trong chính sách.

Sự kiện Lâm Bưu là một thách thức lớn. Rõ ràng, chuyện thỉnh thoảng Mao Trạch Đông đề cập tới rắc rối mà giới nữ Trung Quốc gây ra, chính là vợ ông ta đem đến cho ông ta. Tất cả những điều đó đều phản ánh việc Trung Quốc sốt ruột thúc đẩy hợp pháp hóa mối quan hệ với chúng ta, có nghĩa họ phải hy sinh chính sách "một nước Trung Quốc".

Chúng ta hiểu rất ít về quan hệ quyền lực ở nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, càng mù mờ về vấn đề kế vị. Chúng ta chỉ có thể phán đoán theo những chuẩn mực nói trên và sự lựa chọn khách quan mà Trung Quốc phải đối mặt: Như có nhiều ý kiến phản đối chính sách hiện hành, trong đó bao gồm chính sách ngoại giao. Một số người thích quan hệ với Mát-xcơ-va, chứ không phải là Mỹ. Như vậy, từ nay cho đến khi cái vương triều này tiêu vong, chúng ta cần tăng cường quan hệ song phương, làm cho nhân dân hai nước quen với mối quan hệ thân mật hơn, tiếp xúc nhiều hơn với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, nhằm tăng cường sự ủng hộ mở cửa đối với Mỹ.

MỸ CẦN PHÁT HUY VAI TRÒ TOÀN CẦU TO LỚN

Mao và Chu đều thúc dục Mỹ phát huy vai trò tấn công, làm tan biến kế hoạch của Liên Xô tại các nơi, giữ mối quan hệ chặt chẽ với các Đồng minh, giữ vững thế quốc phòng của chúng ta. Nếu trong khi người Trung Quốc tin rằng, chúng ta đang theo dõi chặt chẽ các cuộc tranh luận, thao thao bất tuyệt trong Quốc hội, sự kích động trong công chúng và trong giới báo chí, thì chúng ta lại đang theo dõi kỹ thái độ của Bắc Kinh trong thay đổi lớn. Tất nhiên tôi và Tổng thống đã cam kết với người lãnh đạo Trung Quốc ở chỗ riêng tư rằng, chúng tôi sẽ tiếp tục gánh vác công việc của toàn cầu. Một khi Ngài còn là Tổng thống, thì tất nhiên Bắc Kinh sẽ tin rằng chúng ta có vai trò cực kỳ quan trọng trong thế cân bằng thế giới.
VẤN ĐỀ ĐÀI LOAN

Trung Quốc có tầm nhìn xa và sẵn sàng chờ đợi trong vấn đề này. Họ muốn cho ta thoát khỏi cảnh mất thể diện. Tuy nhiên chúng ta vẫn phải quan hệ ngoại giao với Trung Hoa Dân quốc, và Đài Loan có văn phòng liên lạc tại Oa-sinh-tơn. Ngoài ra, do Ngài cam kết, đến năm 1978 sẽ thực hiện bình thường hóa hoàn toàn mối quan hệ và rút quân khỏi Đài Loan. Cuộc chiến tranh Việt Nam đã kết thúc. Vấn đề Đài Loan phải là vấn đề mà chúng ta cần kiểm soát được từ phía quốc tế và trong nước. Tuy nhiên, chúng ta phải nhận rõ "bước đi cuối cùng" của chúng ta là rất khó khăn, bởi phải làm tổn thương đến người bạn Đài Loan của chúng ta.

Chương III
TỪ CAM-PU-CHIA ĐẾN CUỘC CHIẾN TRANH THÁNG 10
BẮC KINH - OA-SINH-TƠN
(Tháng 3 đến 10 năm 1973)

Lời dẫn

Tiếp theo việc Chính phủ Mỹ và Trung Quốc lập văn phòng liên lạc ở Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh, cuộc đối thoại Mỹ - Trung bắt đầu tập trung vào 2 vấn đề: Cam-pu-chia và quan hệ Xô Mỹ thì không quân Mỹ tiếp tục lén lút ném bom Cam-pu-chia. Trước đây, Kít-sinh-gơ cho rằng lệnh chấm dứt ném bom của Quốc hội làm yếu đi năng lực ngoại giao của Mỹ, thì nay lệnh đó thúc đẩy đề nghị hoà đàm và ngừng bắn. Thuyết "Cam-pu-chia độc lập" của Kít-sinh-gơ rõ ràng là vô ích ngay từ ban đầu, và các cuộc ném bom làm tiêu tan cơ may sớm giải quyết vấn đề Cam-pu-chia. Đồng thời, trọng tâm của chính sách ngoại giao của Kít-sinh-gơ về Trung Quốc là chuyện nan giải lâu nay trong quan hệ Mỹ-Xô.

Tháng 6/1973, cuộc họp cấp cao giữa Brê-giơ-nhép - Ních-xơn là cái mốc hoà hoãn về quan hệ quốc tế. Nhưng Hiệp định ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân, ký kết giữa Mỹ với Liên Xô làm cho Bắc Kinh lo lắng. Kít-sinh-gơ ra sức làm cho người Trung Quốc tin rằng PNW (Hiệp định ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân.) sẽ tăng cường an ninh cho họ. Nhưng Bắc Kinh lại coi đó là bước đi tiềm ẩn nguy cơ của hai siêu cường trên thế giới.

Nhưng sự lo lắng đó cũng không vượt qua lợi ích chiến lược của quan hệ Xô - Mỹ xét về mặt giá trị. 

Lãnh đạo hai cơ quan liên lạc ở Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn là hai quan chức ngoại giao từng trải được mọi người tôn trọng. Văn phòng liên lạc Mỹ tại Bắc Kinh do Đa-vít Bluc lãnh đạo, ông ta là con cháu gia đình tầng lớp trên ở Ma-ri-lên và Viếc-ni-giơ, cũng là nhà tài trợ cho phong trào của Đảng Dân chủ. Trong thời kỳ thế chiến II, ông nhận chức ở Ban dịch vụ chiến lược, sau đại chiến làm công tác ngoại giao và xây dựng chính sách thời kỳ Đảng Dân chủ và Đảng Cộng hoà cầm quyền, từng làm Đại sứ ở Pháp, Đức và Anh. Cơ quan liên lạc Trung Quốc tại Oa-sinh-tơn do Hoàng Trấn lãnh đạo, ông là Uỷ viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, thời kỳ nội chiến mang quân hàm tướng, từ những năm 50 làm công tác ngoại giao, từng làm Đại sứ tại Hung-ga-ri, In-đô-nê-si-a, và Pháp.

Khi Blúc và trợ lý của ông ta chuẩn bị cho chuyến thăm Bắc Kinh, Kít-sinh-gơ đã có cuộc trao đổi với họ, nhấn mạnh USLO (Văn phòng liên lạc Trung - Mỹ của Mỹ tại Bắc Kinh) trước hết là cơ quan phụ thuộc Nhà Trắng, có vai trò móc nối với kênh ngầm của Bắc Kinh. Tháng 3/1973 Kít-sinh-gơ nói với Blúc-sơ, ông ta là người của Tổng thống Mỹ. Kít-sinh-gơ mong muốn các chuyên gia kỹ thuật của CIA sẽ quản lý hệ thống thông tin của USLO, không để bất kỳ người nào của Bộ Ngoại giao biết được hoạt động của kênh ngầm này.

Kít-sinh-gơ nhất mực chủ trương: Nhà Trắng quan hệ với Bắc Kinh hoàn toàn công khai, và tin rằng Trung Quốc sẽ "Hoan nghênh" và chú trọng bố trí một kênh ngầm vững chắc, ông ta đã nhanh chóng thông báo với người Trung Quốc vai trò của CIA trong USLO. Kít-sinh-gơ nói với Cố vấn của mình: "Người của CIA sẽ không làm việc gì dấu người Trung Quốc".

Cùng với cơ quan liên lạc đóng vai trò mới trong quan hệ Mỹ - Trung, vai trò của Kít-sinh-gơ trong quá trình xây dựng chính sách cũng thay đổi. Trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Việt Nam, quan hệ giữa Ních- xởn và Kít-sinh-gơ rất căng thẳng, khiến sự hợp tác giữa họ gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, nguy cơ về vụ Oa-tơ-ghết khiến Ních-xơn không thể cách chức Kít-sinh-gơ. Uy tín của Kít-sinh-gơ đã tăng cường địa vị cho ông ta và thượng viện đòi điều tra vụ Oa-tơ-ghết, khiến tính liên tục của Kít-sinh-gơ về chính sách trở nên quan trọng.

Ngày 22 tháng 8 năm 1973, Ních-xơn tuyên bố ngắn gọn với giới báo chí Uy-li-yêm Râu-giơ từ chức Ngoại trưởng và bổ nhiệm Kít-sinh-gơ giữ chức Ngoại trưởng. Một tháng sau Thượng viện thông qua bổ nhiệm, Kít-sinh-gơ tuyên thệ nhận chức Ngoại trưởng, nhưng vẫn giữ chức vụ Trợ lý An ninh quốc gia bên cạnh tổng thống. So với trước đây, Kít-sinh-gơ có quyền lớn hơn trong chính sách ngoại giao của Mỹ.

Trong khi Kít-sinh-gơ cho rằng, việc Chính phủ cố gắng kéo Liên Xô vào cái khung cam kết chính trị và liên hệ kinh tế làm cho họ mất cảnh giác, thì Mao và Chu lại tỏ ra không mấy tin tưởng kế hoạch này. Họ tỏ ra quan tâm, lo lắng hợp tác Mỹ - Xô sẽ làm hại tới họ và tỏ ra đặc biệt nhạy cảm đối với PNW. Nhưng đẩy mạnh PNW, Liên Xô nhằm giảm bớt quan hệ căng thẳng, chứ không phải chống Trung Quốc.

Công việc của Kít-sinh-gơ là đảm bảo Hiệp ước không nhằm chống lại nước thứ ba làm cho Bắc Kinh hiểu được đầy đủ toàn bộ quá trình đàm phán. Tuy nhiên, Kít-sinh-gơ và trợ lý của ông ta phát hiện ra rằng, thật là khó nếu muốn làm cho Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tin rằng: Hiệp ước chỉ là để Oa-sinh-tơn thực hiện phòng ngự đối với Liên Xô, Đa-vít - Lúc viết rằng: Sự chỉ trích của Chu Ân Lai là có kiềm chế. Khẩu khí của ông ta tỏ ra đáng tiếc hơn là phẫn nộ.

Tuy vậy, Hội nghị cấp cao Ních-xơn - Brê-giơ-nhép và cuộc ném bom Cam-pu-chia đã làm nguội lạnh quan hệ Mỹ - Trung trong mùa hè năm đó. Mấy tháng, sau Hội nghị cấp cao tháng 6/1973, Kít-sinh-gơ giới thiệu tóm tắt với Hoàng Trấn và Chu Ân Lai về nội dung Hội nghị cấp cao Mỹ -Xô, một trong những sự kiện nhạy cảm, trong đó có việc Brê-giơ-nhép tìm kiếm sự ủng hộ của Oa-sinh-tơn về dự án hạt nhân, nhằm trừng phạt Trung Quốc.

Sự kiện này cho thấy vai trò trong quan hệ Mỹ - Xô được thay đổi một cách thú vị: 10 năm trước đó Mỹ bắt tay với người Liên Xô nhằm kiểm tra dự án hạt nhân của Trung Quốc, thì nay sự lo lắng này lại đến với người Liên Xô. Không rõ người Trung Quốc có biết suy nghĩ của Mỹ hay không, nhưng năm 1973 họ khẳng định là hiểu được ý đồ của Liên Xô.

Tuy nhiên, Ing-bic-cơ trợ lý của Kít-sinh-gơ phát hiện rằng Tổng thống "đã phát hiện... và không để cho người ta lo ngại". Có lẽ chỉ có hồ sơ của người Trung Quốc mới có thể làm sáng tỏ "không để cho người ta lo ngại" là gì. Kít-sinh-gơ dự đoán rằng, lời giới thiệu tóm tắt của ông có thể sẽ đưa quan hệ Trung - Mỹ tiến thêm một bước, và ông ta cũng đã dự kiến, muốn làm người Trung Quốc bớt lo lắng Mỹ cần có viện trợ đặc biệt, nhằm tăng cường sức lực chiến lược của Trung Quốc.

Vài tháng sau chuyến thăm Bắc Kinh, Kit-sinh-gơ cùng với người Trung Quốc (và cả Bắc Việt) tiến hành đối thoại bí mật về vấn đề Cam-pu-chia tại Niu-oớc, Pa-ri, Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh, kéo dài mà không đi đến một quyết định. Đầu tháng 6/1973, người Trung Quốc sẵn sàng chuyển đến Xi-ha-núc đề nghị của Mỹ "tách Lon-non sang Mỹ chữa bệnh và thành lập một cơ cấu liên minh nhiều thành phần bao gồm cả Hoàng thân Xi-ha-núc".

Kit-sinh-gơ tin rằng, chỉ cần Xi-ha-núc có vị trí lãnh đạo nội bộ sẽ được cân bằng trở lại". Kít-sinh-gơ cũng nhanh chóng nhận ra rằng: Nếu việc thu xếp một cuộc ngừng bắn cần thiết được chấp nhận, ông ta có thể gặp Xi-ha-núc đúng như thời gian dự kiến vào đầu tháng 8, trong chuyến thăm Bắc Kinh. Đồng thời, Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ cũng đã biết được không quân Mỹ đang tiến hành oanh kích "làm tơi bời” Cam-pu-chia, đã vi phạm lệnh cấm Mỹ tham gia cuộc chiến ở đây.

Sau này, Kít-sinh-gơ phủ nhận "một cuộc oanh kích tuỳ tiện", nhưng mấy tháng đầu năm 1973, không quân Mỹ đã ném tới 250 ngàn tấn bom, giết hàng ngàn dân thường nhiều hơn số bom Mỹ ném xuống Nhật Bản trong thế chiến thứ hai. Đến tháng 5 và 6 Quốc hội phẫn nộ và nôn nóng bắt đầu chặn lại hành động quân sự ở đây, cuối tháng 6/1973, Quốc hội buộc Ních-xơn lúc đó đang bị bê bối về vụ Oa-tơ-ghết, chấm dứt ném bom Cam- pu chia vào ngày 15/8.

Mấy tuần sau đó, người Trung Quốc báo cho Kít-sinh-gơ biết, họ không thể đảm nhiệm vai trò người trung gian để móc nối với Xi-ha-núc và nền độc lập của Cam-pu-chia đã thất bại. Sau này Kit-sinh-gơ cho biết, Quốc hội thông qua thời hạn cuối cùng cho chấm dứt ném bom, đã làm cho giải pháp ngừng bắn đi lệch khỏi tiến trình dự định ban đầu đã làm tan biến ảnh hưởng chính trị cần thiết cho người Trung Quốc cùng Xi-ha-núc với Khơ-me Đỏ và Mỹ bàn về chấm dứt ném bom.

Trên thực tế. Kít-sinh-gơ phủ nhận trách nhiệm của ông ta về sự kiện đẫm máu này, lại còn chỉ trích các nhà bình luận phản chiến: vì thắng lợi rùng rợn của Khơ-me Đỏ năm 1975. Tất nhiên, những tài liệu gốc của Trung Quốc là rất quan trọng để hiểu rõ tình hình Cam-pu-chia, chúng ta cũng chỉ có thể đoán rằng việc chấm dứt ném bom có ảnh hưởng quyết định đến uy tín của Kít-sinh-gơ hay không.

Những vấn đề khác cũng làm cho giải pháp đã thoả thuận không thể thực hiện được. Xi-ha-núc đã phản đối trong đau khổ bất kỳ sự nhượng bộ nào đối với Lon-non, ông ta muốn giành lại chính quyền, thâu tóm những kẻ ủng hộ Lon-non.

Năm 1973, cùng với sự lớn mạnh của lực lượng ủng hộ Xi-ha-núc. Khơ-me Đỏ đã không muốn hợp tác với ông ta trong bất cứ việc gì, cũng không muốn thu xếp đàm phán và ngừng bắn. Trong thực tế, ngược lại với suy nghĩ của Kít-sinh-gơ về ảnh hưởng của Việt Nam, Khơ-me Đỏ đã bác bỏ đề nghị ngừng bắn của Việt Nam. cuộc ném bom của Mỹ làm cho Đảng Cộng sản Cam-pu-chia không giành được thực lực trong năm 1973, nhưng không làm giảm được quyết tâm của họ đập tan chính quyền được Mỹ ủng hộ.

Kít-sinh-gơ mong muốn có cuộc thảo luận với người Trung Quốc về vấn đề Cam-pu-chia và một số vấn đề khác vào đầu tháng 8. Nhưng Chu Ân Lai kéo dài việc định ngày cụ thể cho cuộc thảo luận, bởi hoặc ông ta tính đến tình hình Cam-pu-chia sau cuộc ném bom, hoặc để đối phó với lực lượng chống đối trong nước, nhằm vào chính sách của ông ta với Mỹ. Tuy cuộc thảo luận về Cam-pu-chia thất bại và quan hệ Mỹ - Xô đang căng thẳng, cuộc trao đổi giữa Mỹ và Trung Quốc vẫn tiếp tục.

Tháng 10/1973, thời gian diễn ra cuộc chiến tranh Ả-rập - It-xra-en, chương trình làm việc đã kín, nhưng Kít-sinh-gơ vẫn định kỳ thông báo với Đại sứ Hoàng Trấn về chính sách của Mỹ và diễn biến trong quan hệ Mỹ - Xô.

Ví dụ: Ngày 21, Kít-sinh-gơ giới thiệu tóm tắt nguyên nhân đằng sau việc ông ta ủng hộ quân đội Mỹ đặt trên tình trạng báo động trong phạm vi toàn thế giới, là nhằm đánh bại ý đồ của Brê-giơ-nhép muốn tự tìm kiếm lực lượng liên hiệp ngừng bắn ở Cam-pu-chia. Kít-sinh-gơ nhắc nhở Đại sứ Hoàng rằng: Hoà hoãn trong quan hệ quốc tế chính là một con đường tiến hành chiến tranh lạnh, và giải thích một trong những mục tiêu chính của Mỹ là "đẩy quân đội Liên Xô ra khỏi Trung Đông và làm yếu ảnh hưởng chính trị của họ"

Trong bản ghi nhớ của mình, Kít-sinh-gơ rất ít đề cập đến việc xử lý ngoại giao đối với Trung Quốc, đặc biệt những việc liên quan đến quan hệ Trung - Mỹ chưa được giải quyết. Dưới đây là biên bản về một cuộc hội đàm mật ở Nhà Trắng, qua đó cho thấy, Kít-sinh-gơ cố gắng làm cho Bắc Kinh tin rằng, ý đồ Mỹ ký với Liên Xô Hiệp định PNW là nhằm làm hoà dịu tình hình.

Cuộc đối thoại này tiến hành vào tháng 5, khi đó Ních-xơn ra sức che dấu vụ Oa- tơ-ghết đang gặm nhấm chức vụ Tổng thống của ông ta. Mấy tuần trước đó, Cố vấn riêng của ông ta H.R. Hốp-tơ-man và J. Rư-lít-man đã buộc phải từ chức vì vụ Oa-tơ-ghết. Ních-xơn đã đưa tướng Hây-gơ vào Nhà Trắng thay Hốp-tơ-man đảm nhiệm chức Tham mưu trưởng, và cử ngay thanh tra đặc biệt A. Can-khơ-si phụ trách tiến hành điều tra.

Khi báo chí đưa lên trang đầu tin Kít-sinh-gơ đồng ý để nghe trộm điện thoại của các trợ lý riêng, trong đó có cả Uyn-tơn Lốt, thì chỉ còn hai ngày nữa là Uỷ ban bầu cử Thượng viện tổ chức cuộc họp điều trần liên quan đến vụ Oa-tơ-ghết trong hoạt động tranh cử Tổng thống.

BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM TẠI NHÀ TRẮNG
BIÊN BẢN TUYỆT MẬT; CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ


Người dự.

Tiến sĩ H. Kít-sinh-gơ, Trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống.

Uyn-tơn Lốt, Tham mưu về công việc an ninh Quốc gia

Hàn Tự, Phó Tham tán Văn phòng liên lạc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Kỳ Triều Thọ, quan chức Văn phòng liên lạc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Ông Quách, quan chức trong phái đoàn đại biểu nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Liên Hợp Quốc.

Thời gian: Thứ ba, ngày 15/5/1973 Từ 10 giờ - 11 giờ.

Địa điểm: Phòng bản đồ Nhà Trắng (Nguồn tư liệu: Cục lưu trữ hồ sơ quốc gia)

(Trong khi chờ đợi Kít-sinh-gơ tới, người Trung Quốc có cuộc trao đổi với Lốt về cố gắng đi tới Hiệp định).

Ông Quách cho biết, ông ta đọc trên báo, đã biết tin ông Lốt rời khỏi chức vụ. Ông Lốt đã xác nhận tin này, và ông đặc biệt nhắc lại, đã nói việc này với Sử phu nhân, trước đó cũng đã nói với các quan chức Văn phòng liên lạc, ông Lốt nhắc lại nguyên nhân từ chức là để có dịp nghỉ ngơi, suy ngẫm lại, hồi phục lại sức khoẻ, có nhiều thời gian sống bên cạnh gia đình hơn. Ông nhấn mạnh, ông sẽ ở lại Oa-sinh-tơn và mong muốn có dịp gặp lại người Trung Quốc với tư cách cá nhân. Ông cho biết, cũng có thể một ngày nào đó trở lại làm việc trong Chính phủ, hoặc làm việc cho Tiến sỹ Kít- sinh-gơ, nhưng hiện nay thì cần nghỉ ngơi. Khi trở lại làm việc, ông sẽ có nhiều sức lực hơn.

Người Trung Quốc bày tỏ lấy làm tiếc việc ông Lốt từ chức và mong có dịp gặp lại ông Lốt trong tư cách cá nhân, và hỏi thêm về người thay thế. ông Lốt trả lời, người thay thế ông phía Trung Quốc có quen biết, là một số nhân vật mới do Kít-sinh-gơ đưa vào, như M.Gióoc-na-sơn, P.Rô-đô-man, R.Sô-lô-mon chẳng hạn.

(Kít-sinh-gơ vừa bước vào hỏi luôn về căn nhà của văn phòng liên lạc và nơi làm việc) 

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Tôi chờ đầu bếp của các Ngài lâu lắm rồi (cười)

Đại sứ Hàn: Chúng tôi cũng muốn hắn đến sớm.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Tôi tin là như vậy. Thưa Ngài Đại sứ tôi rất vui vì Ngài đồng ý đến chỗ tôi. Bởi ngày mai tôi phải đi Pa-ri rồi, đối với tôi giờ đây đi Niu-oóc là chuyện khó khăn ..., hy vọng có báo cáo của Thứ trưởng về Hội nghị của chúng ta.

(Lốt nói ngắn gọn với Kít-sinh-gơ, mong rằng giữ được bí mật khi dịch nội dung cuộc hội đàm thành văn bản Trung văn. Về điểm này, Lốt được nhắc nhở khi mọi người từ xe hơi xuống đi vào phòng bản đồ).

Chúng ta cần giữ bí mật nội dung Hội nghị, giới báo chí không biết có cửa này đi vào Nhà Trắng. Nếu có người nhìn thấy các Ngài, chúng tôi sẽ nói bàn chuyện nhà cửa và kỹ thuật, nhưng chắc rằng không ai phát hiện được các Ngài.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi mong Hội nghị lần này giữ được bí mật như trước.

Kít-sinh-gơ: Về phía chúng tôi xin các Ngài yên tâm, sẽ không có cuộc thảo luận nào khác cho dù có người nhìn thấy các Ngài đi ra, chưa hề xảy ra chuyện này bao giờ, thì chúng tôi nói đây là cuộc gặp thường lệ về chuyện thu xếp nhà cửa và kỹ thuật. Chúng tôi đã làm tất cả để không xảy ra khả năng là có người phát hiện ra các Ngài có mặt ở đây. Tôi thường sử dụng căn phòng này khi không muốn một ai nhìn thấy người mà tôi gập.

Bây giờ tôi xin nói qua về chuyến thăm Mát-xcơ-va và cảm tưởng chung về chuyến thăm này. Phần lớn thời gian trong chuyến đi là các cuộc trao đổi với Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép. Tôi ở Da-vi-đốp 4 ngày, sống trong một căn nhà kiểu đi săn. Trước hết xin nói về chuyện liên quan tới Mỹ và Liên Xô và sau đó là nội dung cuộc trao đổi có liên quan tới Trung Quốc. Chúng tôi sẽ giới thiệu với các Ngài mục đích chính sách của chúng tôi, điều này rất quan trọng cho sự hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau giữa Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn.

Trước hết, tôi xin nói về bản dự thảo đề nghị của Liên Xô về vấn đề động lực hạt nhân (Kít-sinh-gơ rút ra tập tài liệu). Dự thảo này chúng tôi đã đưa trước cho các Ngài rồi và cả bản phụ lục cuối cùng của Liên Xô, tất cả đều có ở trong này, (Kít-sinh-gơ có bổ xung thêm khi chuyển bản phụ lục này). Tôi giải thích một chút việc mà chúng tôi định làm. Nếu chúng tôi muốn cùng với Liên Xô lập Chính phủ cộng quản thì không cần Hiệp ước. Chúng tôi có rất nhiều đề nghị nhằm đạt mục đích đó. Nếu chúng tôi muốn liên hợp với Trung Quốc gây sức ép với Liên Xô thì lát nữa, chúng ta sẽ có sự giải thích, chúng tôi không cần có bất cứ sự chuẩn bị nào. Điều mà chúng tôi muốn làm là TRANH THỦ THỜI GIAN.

Thứ hai, xây dựng một nghĩa vụ hợp pháp giữa Liên Xô và chúng tôi, buộc Liên Xô phải trao đổi với chúng tôi trước khi có bất kỳ một hành động quân sự nào. Vì vậy nếu có bất kỳ hành động quân sự nào mà họ không trao đổi với chúng tôi, có nghĩa họ đơn phương thực hiện điều lệ pháp lý yêu cầu, mà chúng tôi sẽ có hành động chung. Cho đến nay, điều lệ này chúng tôi chưa tính đến nước thứ ba. Vì vậy, những gì chúng tôi làm trong quá trình trao đổi thực ra chưa hoàn thành, trước hết là kiên trì nghĩa vụ áp dụng cho giữa chúng tôi với Liên Xô, cũng như áp dụng cho Liên Xô với nước thứ ba.

Thứ hai (nguyên văn): Về dự thảo có viết: "Bất kể làm việc gì cũng không được làm suy yếu Hiệp định hiện có", ý của Liên Xô là khi có Hiệp ước và Hiệp định chính thức chúng tôi còn kiên trì đòi nó phải "bao gồm các văn kiện thoả thuận”. Ví dụ như thư tín, thông cáo.

Đại sứ Hàn: Thế còn điểm thứ 4?

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Ông Kỳ: Bất cứ việc gì cũng không làm suy yếu...

Kít-sinh-gơ: (Đọc dự thảo Hiệp ước) Bất kể việc gì trong Hiệp định đều không được làm ảnh hưởng hoặc phương hại tới Mỹ, và Liên Xô thực hiện cam kết cùng Đồng minh của họ hoặc các quốc gia khác ghi trong Hiệp ước Hiệp định và các văn kiện thoả thuận khác.

Cho dù các Ngài muốn bày tỏ quan điểm gì, chúng tôi cũng đã chuẩn bị một văn kiện về hiện trạng mối quan hệ giữa Mỹ - Trung Quốc và những điều chúng tôi giải thích về mối quan hệ này. Chúng tôi có 3 mục đích chính: Trước tiên là chớp lấy thời gian. Thứ hai, phải ngăn chặn, nếu Liên Xô can thiệp bằng hành động quân sự, bởi nếu Liên Xô hành động quân sự là xa rời tình hình hoà bình chứ không phải là làm cho tình hình đỡ căng thẳng. Thứ ba, nó cho phép chúng ta có nghĩa vụ hợp pháp ở các quốc gia chúng ta chưa triển khai mối quan hệ chính thức (trao bản dự thảo này có chú thích và văn bản người Trung Quốc đã được đọc trước đó)

Ông Kỳ: Mục tiêu thứ hai có liên quan đến... Ngài có thể nhắc lại không?

Kít-sinh-gơ: Chính tôi muốn xác nhận khi Liên Xô phát động tấn công là họ chuyển từ tình hình căng thẳng được hoà hoãn sang chiến tranh, chứ không phải từ thời kỳ hỗn loạn dai dẳng sang chiến tranh. Tất nhiên, sẽ không có ai biết chúng tôi đã nói điều này với các Ngài. Cuộc hội đàm của chúng ta là bí mật cơ mà.

Khi nói đến vấn đề này, tôi muốn nhắc đến cuộc thảo luận giữa tôi với ông Brê-giơ-nhép liên quan đến Trung Quốc. Hôm đó, Brê-giơ-nhép dẫn tôi đi săn, một hoạt động mà tôi chưa hề tham gia bao giờ (người Trung Quốc cười). Thực tế, ông ta là người đi săn, tôi chỉ là người đi theo. Con mồi được lấy từ sân phơi trong một khu rừng ở Liên Xô nên cuộc săn không có gì là nguy hiểm. Sau cuộc săn, Brê-giơ-nhép cho người chuẩn bị bữa ăn, chỉ có tôi, ông ta và một phiên dịch.

Trong cuộc trao đổi đó, ông ta đã bày tỏ sự ca ngợi có mức độ đối với Trung Quốc. So với Thủ tướng của các Ngài, ông ta là một lãnh đạo thiếu tính kỹ thuật và không kiểm soát được bản thân. Chuyện không có gì mới, giống như trước đây. Nhưng ông ta nói, Liên Xô và Mỹ có trách nhiệm chung là ngăn chặn Trung Quốc trở thành một cường quốc hạt nhân. Brê-giơ-nhép nói: "Ngài cho rằng Trung Quốc là một quốc gia Đồng minh ư?" Tôi trả lời "Không, chúng tôi không cho rằng Trung Quốc là quốc gia Đồng minh, mà cho rằng họ là quốc gia bè bạn".

Ông ta nói: "Được thôi, các Ngài có thể giao kèo với bất cứ bạn bè nào mà các Ngài muốn, nhưng các Ngài và chúng tôi phải là bạn bè cùng hội cùng thuyền" - ý nói là Mát- xcơ-va với Oa-sinh-tơn. Ông ta nhắc lại một lần nữa, Mỹ và Liên Xô có trách nhiệm ngăn chặn Trung Quốc trở thành cường quốc hạt nhân. Tôi nói: "Chúng tôi chưa nhận thức được một trách nhiệm chung như vậy". Sự việc chỉ có thế thôi, còn lại là cuộc tranh cãi dài dòng về Trung Quốc, có lẽ không cần nhắc lại ở đây: Nào là chủ nghĩa Sô-vanh nước lớn và một khi các Ngài hùng mạnh sẽ tấn công chúng tôi, những luận điệu vô căn cứ.

Ngày cuối cùng, tôi bay từ đó đến Mát-xcơ-va, chỉ dừng lại 15 phút để gặp Đại sứ của chúng tôi. Đại sứ Liên Xô Đô-brư-nin đi theo tháp tùng, ông ta nói: "Brê-giơ-nhép đề nghị Ngài hiểu cho cuộc trao đổi hôm đi săn là chuyện nghiêm túc, chứ không phải là chuyện xã giao. Brê-giơ-nhép muốn biết “giữa Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa với Mỹ có một Hiệp định chính thức nào không?" Tôi nói: "Không có bất cứ một Hiệp định nào, nhưng chúng tôi có được một số văn kiện thoả thuận từ một dự thảo. Cho dù thế nào chăng nữa, chúng tôi phải tuân theo sự chỉ đạo vì lợi ích quốc gia. Điều này đã được chúng tôi trình bày trong báo cáo hàng năm gửi Tổng thống". Cuộc trao đổi về Trung Quốc tất cả chỉ có vậy...

Ngoại trừ mỗi lần tôi đề cập về nước thứ ba, Grô-mư-cô đều sẽ nói biểu hiện của chúng tôi giống như luật sư Trung Quốc. Quan điểm của chúng tôi nhất trí với quan điểm tôi đã trình bày với Chủ tịch và Thủ tướng, cũng như trong thư của Tổng thống gửi cho Chủ tịch và Thủ tướng. Chúng tôi vẫn tin rằng mục tiêu chung của Chính phủ hai nước chúng ta là tiếp tục thúc đẩy việc bình thường hóa cho đến khi sự lớn mạnh và nền độc lập của chúng ta và Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa được thể hiện rõ rệt trong mối quan hệ có lợi.

Nếu Thủ tướng muốn, tôi sẵn sàng thăm Bắc Kinh vào tháng 8, sau Hội nghị cấp cao. Do các vấn đề chủ yếu đã được trao đổi, trong chuyến thăm đó sẽ không có cuộc hội kiến dài như trước đây. Có lẽ chỉ cần hai ba ngày. Nếu Thủ tướng tính đến một chuyến thăm Liên Hợp Quốc như chúng ta đã đề cập tại Niu-oóc, thì chúng tôi sẵn sàng nhiệt tình nghênh tiếp nếu Thủ tướng đến Oa-sinh-tơn.

Như vậy, tôi sẽ có thể tuyên bố tin này vào mùa hè. Nhưng chúng tôi muốn đưa tin này bằng một cách khác. Dù thế nào chăng nữa, tôi được lợi riêng trên vấn đề này. Bởi nếu hai sự kiện cùng đến một lúc, Uyn-tơn Lốt phải bỏ dở chuyến nghỉ để về trợ giúp. Vì vậy, các Ngài cũng nên xem xét vấn đề này từ góc độ tương lai rộng lớn.

Đó là một số quan điểm tôi chưa hệ thống lại. Tôi còn muốn nói với các Ngài rằng có nhiều thay đổi trong quan chức của chúng tôi, ví dụ Uyn-tơn Lốt ra đi, nhưng sẽ có bổ sung, tướng Hây-giơ sẽ trở về Nhà Trắng. Các Ngài hãy tin rằng, chính sách của chúng tôi sẽ không thay đổi.

Đó chính là chuyện quan trọng nhất xảy ra trong chuyến thăm Mát-xcơ-va. Giờ đây, tôi muốn nói với các Ngài một số chuyện vặt.

Về vấn đề SALT, năm nay chúng tôi không có dự kiến bất kỳ một Hiệp định nào, ngoài bộ Nguyên tắc chung (Nói với Lốt). Chúng ta đã đưa cho họ đề nghị của chúng ta chưa?

Lốt: (nói với Kít-sinh-gơ) Tôi đã đưa cho họ đề nghị của Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Cuối tuần này, tôi sẽ đưa cho các Ngài đề nghị của chúng tôi. Như vậy, các Ngài sẽ hiểu được những điều bàn luận ở Giơ-ne-vơ. Chúng tôi đang hoàn thiện đề nghị trong tuần này. Theo tôi, xét từ cuộc Hội đàm Mát-xcơ-va, ngoài bộ Nguyên tắc chung ra sẽ không có thoả thuận bất kỳ một Hiệp định cụ thể nào. Hơn nữa phần nguyên tắc cho đến nay vẫn chưa dự thảo. Một khi có bộ Nguyên tắc, chúng tôi sẽ gửi các Ngài ngay, nhưng chắc không có thay đổi lớn về vấn đề MBFR.

Chúng tôi cũng sẽ gửi các Ngài bản tổng kết cuộc trao đổi của các nước Đồng minh chúng tôi về tình hình chung thế giới. Chúng tôi chưa nói chuyện này với Liên Xô, sẽ nói với họ vào tuần sau. Chúng tôi cũng đang chuẩn bị một loạt Hiệp định song phương tương tự như năm ngoái cho Hội nghị cấp cao, như nghiên cứu nông nghiệp, Hải dương học, trao đổi văn hóa, hàng không dân dụng.

Về kinh tế, lãnh đạo Liên Xô một lần nữa nhấn mạnh nhu cầu của họ về vốn vay dài hạn. Xin nhắc lại rằng, những gì chúng tôi chuẩn bị làm với Liên Xô, cũng sẽ làm với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa. Ngược lại, có việc không làm với Liên Xô, nhưng có thể làm với Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Trên đây là những nội dung chủ yếu mà tôi đã trao đổi với Liên Xô. Còn chuyến thăm của Brê-giơ-nhép, ông ta thực hiện trong 8 ngày. Có thể ở Oa-sinh-tơn 5 ngày, còn ở Lốt An-giơ-lét hoặc Clơ-men-tơn 2 ngày. Chúng tôi chưa quyết định giữa thời gian đó ở đâu. Có thể là Ki-bi-scơ, có thể là Đi-tờ-roi, bởi ông ta rất mê xe con. Các Ngài biết đấy thứ năm tôi phải đi Pa-ri để hội kiến. Tôi không còn gọi là Cố vấn đặc biệt nữa. Ông ta hiện nay là phó Thủ tướng. Tôi muốn nhắc lại lời tôi nói với Đại sứ Hoàng và Thủ tướng là thực hiện ngừng bắn có lợi cho tất cả các quốc gia.

Tôi đang suy nghĩ về chuyện chấn động mà các Ngài phát hiện trước ở Mỹ. Nếu có dịp ở lại đây một thời gian, các Ngài sẽ nhìn thấy bên cạnh Tổng thống có đám người mang chứng thần kinh di truyền, họ nói những điều tào lao. Chỉ 6 tháng sau, họ quên sạch những chi tiết mà họ từng tranh cãi. Bởi rất nhiều người chống lại chúng tôi cũng muốn tỏ ra mình là người có trách nhiệm. Rõ ràng, trong hai tháng tới, việc kiểm soát chính sách đối ngoại sẽ được tăng cường. Đường lối được xác định trong cuộc hội đàm tháng hai tại Bắc Kinh, sẽ được tích cực thực hiện, bởi nó đã được ấn định.

Về vấn đề Triều Tiên, chúng tôi sẽ trả lời các Ngài trong hai tuần tới. Cũng xin nói thật, tôi không có thời gian chuẩn bị để có câu trả lời đầy đủ. Về vấn đề hàng dệt, chúng tôi đã có công hàm gửi các Ngài. Tôi đã yêu cầu các cơ quan hữu quan không xử lý vấn đề này trước khi các Ngài đến. Chúng tôi có một số cam kết pháp lý do Quốc hội áp đặt. Tôi xin nói với các Ngài rằng, nếu quan hệ của chúng ta bị tổn thương, thì không phải do vấn đề hàng dệt (cười). Việc này dễ giải quyết. Không rõ Ngài Đại sứ có ý kiến gì? (người Trung Quốc trao đổi với nhau)

Đại sứ Hàn: Tôi có hai việc muốn chia sẻ với Tiến sĩ Kít-sinh-gơ. Việc thứ nhất, hôm kia, tức ngày 13 có cuộc biểu tình nhằm vào chúng tôi, nghe nói còn đốt cả Quốc kỳ.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi thành thật xin lỗi, bởi đó là chuyện không thể tha thứ được. Trong phạm vi pháp luật cho phép, chúng tôi sẽ cố gắng tối đa ngăn chặn các vụ việc tương tự. Nhưng chúng tôi không ngăn cản được các cuộc biểu tình. Tôi sẽ cố gắng làm giảm bớt những chuyện như vậy. Nếu thật sự ngăn chặn được chúng tôi sẽ làm. Chúng tôi lấy làm tiếc về vụ việc đã xảy ra và xin bày tỏ quan điểm của Tổng thống và của Chính phủ Mỹ.

Đại sứ Hàn: Một chuyện thứ hai, nhỏ thôi! Một chuyên gia phụ trách các mục trên báo Mỹ, ông W.Tréc-gi hiện đang ở Bắc Kinh, ông ta nói với nhân dân chúng tôi rằng, Tiến sĩ Kít-sinh-gơ đề nghị ông ta phỏng vấn Thủ tướng.

Kít-sinh-gơ: Tôi rất khâm phục Thủ tướng. Tôi luôn cho rằng những ai có dịp hội kiến Thủ tướng đều thu được nhiều điều bổ ích. Tôi cho rằng ông W. Tréc-gi là người thân Trung Quốc. Nếu được gặp Thủ tướng, ông ta sẽ giúp được các Ngài nhiều. Chắc chắn ông ta sẽ viết bài có lợi cho các Ngài. Hơn nữa ông ta có quan hệ xã hội rất rộng, những cảm tưởng của ông ta về Trung Quốc viết ra có lợi cho các Ngài. Ngoài ra, cũng có lợi cho cá nhân tôi. Còn nếu Thủ tướng không tiếp được do quá bận; thì tôi vẫn vui vẻ (người Trung Quốc trao đổi với nhau).

Đại sứ Hàn: Hội nghị lần này cần bí mật đối với giới báo chí. Như Ngài nói, chỉ cần có người nhìn thấy chúng tôi trong một phần ngàn khoảnh khắc ... .

Kít-sinh-gơ: Tôi không nói gì hết. Tôi sẽ chối không gặp các Ngài.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi sẽ nói chỉ là chuyến viếng thăm bình thường. Còn vụ ngày 13, chúng tôi chỉ bày tỏ sự đáng tiếc.

Kít-sinh-gơ: Thế cũng được. Chúng ta không mong muốn sự việc lại như thế này (cười), không ai trông thấy các Ngài đâu (Nói với Lốt) Đúng không?

Lốt: Đúng vậy.

Kít-sinh-gơ: Tôi rất vui vì được gặp người bạn cũ (nói với ông Quách). Tôi mong rằng Đại sứ cũng sẽ đến.

Ông Quách: Chỉ cần một thông báo ngắn là tôi sẽ đến ngay.

Kít-sinh-gơ: Tôi thông cảm với cơ chế này. Chúng ta sẽ giải quyết nó.

Ông Kỳ: Ngài Sô-lô-môn và Ngài Bei-cơ đang giải quyết việc này.

(Diễn ra một số câu chuyện vui vẻ. Kít-sinh-gơ nói: Lốt rút đi, nhưng chính sách của Mỹ không thay đổi. Tất nhiên có khả năng không như trước nhưng sẽ tốt hơn. Kít-sinh-gơ mong Lốt sẽ sống hạnh phúc bên cạnh người vợ Trung Quốc)

Kít-sinh-gơ: Tôi được biết Đại sứ Brúc-sơ đã tới ngày hôm qua. Có khoảng 10 ngàn người Mỹ muốn làm việc ở đây vì vậy chúng ta phải mở rộng văn phòng (cười), không rõ Đại sứ của các Ngài bao giờ mới tới.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi chưa có tin. Khi nào có xin thông báo với Ngài. Ông Sô-lô-môn hỏi, liệu khi ông Kỳ và ngài đến Pa-ri, Đại sứ có mặt ở đấy chưa? (Kít-sinh-gơ tỏ ra ngơ ngác không hiểu)

Đại sứ Hàn: Chúng tôi chưa có tin, ông ta chỉ muốn biết Ngài không có mặt ở đó thì liệu Đại sứ có đến không?

Kít-sinh-gơ: ông ta đến lúc nào cũng sẽ được hoan nghênh nhiệt liệt. Tất nhiên, ông ta đến là Tổng thống tiếp ngay.

Đại sứ Hàn: Chúng tôi chờ đón ngày đó.

Kít-sinh-gơ: Buổi gặp gỡ với bạn bè bao giờ cũng vui vẻ. Tôi phải rút khỏi đây trước và đi riêng ra, như vậy các Ngài ra khỏi đây càng an toàn.

(Cuộc chia tay diễn ra thân mật. Lốt kiểm tra tình hình, thấy chung quanh không ai nhìn thấy người Trung Quốc rời khỏi nơi đây, Lốt nói ngắn gọn với người Trung Quốc, khoảng một hoặc hai ngày nữa liên hệ lại với ông ta. Sau đó Lốt bày tỏ mong muốn gặp lại người Trung Quốc trong tư cách cá nhân. Lốt nhờ ông Quách chuyển lời hỏi thăm đến Đại sứ Hoàng Hoa và Sử phu nhân tại Niu-oóc. Lốt tiễn người Trung Quốc đến bên cạnh xe con đậu chờ ở Trung tâm ngoại giao và bắt tay thân mật)

Lời dẫn

Ngày 29/5, Đại sứ Hoàng Hoa, người phụ trách Văn phòng liên lạc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Oa-sinh-tơn có cuộc hội kiến đầu tiên với Kít-sinh-gơ và Tổng thống Ních-xơn.

Kít-sinh-gơ tiếp tục trao đổi về vấn đề Cam-pu-chia và nhắc lại đề nghị trước đó nêu ra với Hoàng Hoa. Đại sứ Hoàng Hoa đồng ý chuyển tới Bộ Ngoại giao Mỹ bản nhận xét về cuộc đối thoại giữa một bên là đại diện của Khơ-me Đỏ và Lon-non, với một bên là Xi-ha-núc và USLO của Bắc Kinh.

Tự nhiên, Kít-sinh-gơ đe dọa "gia tăng sức ép" bằng cách ném bom nhiều hơn nữa, nếu lực lượng khởi nghĩa Cam-pu-chia bác bỏ đàm phán, nhưng ngày 14/6 Hoàng Hoa đề nghị với Kít-sinh-gơ, trường hợp Xi-ha-núc đi nghỉ nước ngoài trở về Bắc Kinh sẽ chuyển đến phía Cam-pu-chia suy nghĩ hiện nay của Mỹ. Tuy đây chưa phải là sự cam kết rõ ràng nhưng là một bước tiến triển mà lâu nay Kít-sinh-gơ mong muốn.

Trong cuộc hội kiến này và cuộc gặp ngắn với Tổng thống Ních-xơn diễn ra ngày hôm sau, Kít-sinh-gơ và Ních-xơn nêu ra một Hiệp định chính thức, dựa trên cơ sở trao đổi của hai phía Trung - Mỹ. Chúng tôi chuẩn bị tính đến cuộc đàm phán mà bất cứ phía nào cũng không tham dự chống lại phía kia, hoặc một bản tuyên bố chung: bất cứ phía nào cũng không tham gia bất kỳ Hiệp định, nào khi chưa biết về tình hình thảo luận của phía bên kia.

Ngày 14/6, người Trung Quốc đã bác bỏ đề nghị này, cho rằng đó là nhắc lại phần nội dung có liên quan trong thông báo Thượng Hải, nó không thể ngăn cản ý đồ của Liên Xô bao vây châu Á. Ních-xơn và Kít-sinh-gơ một lần nữa cam kết, việc hoà hoãn quan hệ Mỹ - Xô sẽ không xâm phạm tới lợi ích của Trung Quốc.

Ngày 16/6 trong thư gửi Chu Ân Lai, Ních-xơn "đơn phương cam kết: "Chúng tôi không cùng với người khác xử lý những việc làm ảnh hưởng tới lợi ích của nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, mà không có sự trao đổi toàn diện”. Mấy ngày trước đó, Hoàng Hoa đưa ra một bản chỉ trích "Hiệp định ngăn ngừa chiến tranh hạt nhân", yêu cầu Kít-sinh-gơ phải cam kết nhiều hơn với Hoàng Trấn rằng "Mưu cầu bá quyền của hai siêu cường hạt nhân không phải là chính sách của Mỹ"

Kít-sinh-gơ đã đưa cho ông ta bản tuyên bố mà Tổng thống Pháp Pom-pi-đu nhận được trước đó mấy ngày, trong đó giải thích chính sách của Mỹ không bao giờ nêu mục tiêu cùng với Liên Xô lập Chính phủ cộng quản và giải thích tại sao nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tồn tại trong độc lập có tầm quan trọng về an ninh đối với châu Âu và Mỹ.

Bản tuyên bố viết: "Không có lý do để chọn kẻ mạnh chống lại kẻ yếu. Nếu Liên Xô có ý đồ làm Trung Quốc suy yếu, thì châu Âu sẽ trở thành Phần Lan và nước Mỹ sẽ hoàn toàn bị cô lập. Vì vậy, đó là điều liên quan đến lợi ích của bản thân chúng tôi, chúng tôi không mong muốn và cần nỗ lực tối đa không cho phép Liên Xô huỷ diệt Trung Quốc".

Cho dù, Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đã có cam kết, nhưng cuộc họp cấp cao Ních-xơn và Brê-giơ-nhép tháng 6/1973 đã làm cho Bắc Kinh phẫn nộ. Cuộc họp cấp cao rất thành công, bởi được coi là một bước hợp tác mới giữa Mỹ và Liên Xô, thực hiện chế độ hóa việc hoà hoãn quan hệ quốc tế.

Chu Ân Lai đã bày tỏ sự nghi ngờ ngay sau khi Brê-giơ-nhép rời Ca-li-foóc-ni-a. Chu Ân Lai cho triệu Đại sứ Blúc-sơ đến Đại lễ đường nhân dân, trao đổi với ông ta về khoa học hiện đại và nguy cơ phổ biến bí mật hạt nhân. Chu Ân Lai nói: "Những người phương Đông và phương Tây bơi chung quanh Nhà Trắng có hữu nghị với nhau đến mấy, nhưng họ đều không được để lộ bí mật hạt nhân của họ".

Ông ta không nghi ngờ việc Liên Xô tuân thủ Hiệp định PNW, nhưng qua Hiệp định người ta nhìn thấy hình ảnh về hai siêu cường cùng nhau thống trị thế giới. "Sự thực là Hiệp định chỉ có hai quốc gia chủ yếu dự khảo, hai siêu cường muốn thống trị thế giới". Trong tranh luận Chu Ân Lai nói: Nếu Liên Xô và Trung Quốc đánh nhau, Mỹ sẽ tích cực cung cấp viện trợ cho Liên Xô, chứ không phải tấn công Liên Xô từ sau lưng.

Trong báo cáo, Blúc-sơ nhận xét: "Sự chỉ trích của Chu Ân Lai đối với PNW là đáng tiếc, chứ không phải là sự phẫn nộ". Nhưng ông ta đã không chú ý đến việc một cố vấn quan trọng của Thủ tướng, Trợ lý Ngoại trưởng Chương Văn Tấn đã viết bài chỉ trích chính sách của Mỹ. Mấy tháng sau, chuyên gia của Kít-sinh-gơ về vấn đề Trung Quốc, tìm hiểu biết được, Chương Văn Tấn luôn tranh luận rằng Oa-sinh-tơn luôn lợi dụng lực lượng cách mạng thế giới, trong đó bao gồm Trung Quốc, để làm cái giá cấu kết chặt chẽ hơn nữa với Mát-xcơ-va.

Lời tranh luận của Chương Văn Tấn là sự xác nhận về nghi ngờ của Chu Ân Lai đối với chính sách của Mỹ, nhưng Mao Trạch Đông thì tuyên bố rằng, họ nói tào lao? Sau khi Mao công khai quan điểm của mình, quan chức Bộ Ngoại giao Kỳ Triều Chú đã chính thức phê phán phân tích của Chương Văn Tấn, xác định lại tính chân thật trong "đường lối cách mạng trong chính sách ngoại giao" của Mao Trạch Đông.
Chương Văn Tấn buộc phải nhận sai lầm trong nhận thức và điều đi làm Đại sứ ở Ca-na-đa, bị tách khỏi công việc xây dựng chính sách. Kít-sinh-gơ không hay biết gì về việc Chương Văn Tấn chỉ trích chính sách của Mỹ, hơn nữa ông ta đang bị bài vở tin tức về cuộc hội đàm giữa Blúc-sơ với Chu Ân Lai làm khó dễ.

Để làm cho Chu Ân Lai bớt nghi ngờ, Kít-sinh-gơ chỉ thị cho Blúc-sơ nói với Chu Ân Lai rằng, Oa-sinh-tơn không hề tiết lộ bí mật hạt nhân với Liên Xô, và Mỹ không bao giờ cung cấp viện trợ quân sự cho Liên Xô nếu xảy ra cuộc chiến Trung - Xô. "Sẽ cắt hết các dự án kinh tế dành cho Liên Xô, để xua tan nghi ngờ của Chu Ân Lai”. Kít-sinh-gơ hy vọng Chu Ân Lai hiểu được nội dung chính của cuộc họp cấp cao Ních-xơn và Brê-giơ-nhép, mà đích thân ông ta sẽ thông báo tóm tắt với Đại sứ Hoàng Trấn.

Ngày 6/7, sau khi gặp Kít-sinh-gơ, Hoàng Trấn hội kiến Ních-xơn, chủ đề cuộc trao đổi tập trung vào vấn đề Cam-pu-chia. Nhưng theo Kít-sinh-gơ nhận xét, triển vọng đàm phán không sáng sủa như trước. Mấy tuần trước đó, Kít-sinh-gơ làm việc như điên, nhằm đảm bảo cho Nhà Trắng hành động trong tự do và ngăn cản Quốc hội hạn chế việc ném bom Cam-pu-chia. Nhưng cuối tháng 6 Quốc hội đã phá lệ, gây sức ép buộc Ních-xơn phải chấm dứt ném bom vào ngày 15/8, trong khi địa vị chính trị của ông ta đã bị lung lay.

Mặc dù, chủ đề cuộc trao đổi vẫn là Hội nghị cấp cao Brê-giơ-nhép Ních-xơn, và những cố gắng của Brê-giơ-nhép muốn Oa-sinh-tơn gia nhập Hiệp định chống Bắc Kinh, mặc dù Kít-sinh-gơ không nhắc đến việc Brê-giơ-nhép miêu tả Mao Trạch Đông như một tên gian mãnh, hoặc Brê-giơ-nhép nghiêm khắc cảnh cáo hợp tác quân sự Trung - Mỹ, nhưng ông ta vẫn cứ vẽ nên một bức tranh gay cấn.

Đúng vậy, cho dù Liên Xô có quan tâm đến mối đe doạ của Trung Quốc đến đâu, cũng vẫn tránh một cuộc tấn công đơn phương có tính huỷ diệt vào cơ sở hạt nhân của Trung Quốc (như chính quyền Giôn-xơn đã có hành động đơn phương vào năm 1964).

Sau này, Kít-sinh-gơ có thừa nhận với Đô-brư-nin ông ta đã thổi phồng sự đe doạ của Liên Xô đối với Trung Quốc. Có thể Kít-sinh-gơ muốn Bắc Kinh gần lại với Oa-sinh-tơn. Kít-sinh-gơ cho rằng, người Trung Quốc sẽ phải giật mình nếu nghe ông ta miêu tả. Để làm dịu căng thẳng, Kít-sinh-gơ đã có sự cam kết vừa chung chung vừa đặc biệt về kế hoạch đối phó với rủi ro, cho đến việc Trung Quốc nhận được kỹ thuật của phương Tây. Nhưng Kít-sinh-gơ nhanh chóng phát hiện ra rằng chỉ cam kết thôi là chưa đủ. Tháng 11 Kít-sinh-gơ cam kết với Chu Ân Lai rằng, Trung Quốc sẽ được cung cấp vật tư một khi bị nổ ra xung đột với Liên Xô.

BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM NHÀ TRẮNG
VĂN KIỆN TUYỆT MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Người dự.

Tiến sĩ. H. Kít-sinh-gơ, Trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống Mỹ.

B. Sư-can-rốp, Phó trợ lý An ninh Quốc gia bên cạnh Tổng thống.

Ing-gơ-béc, Trợ lý hành động Hội đồng An ninh quốc gia bên cạnh Tổng thống.

Hoàng Trấn, Đại sứ nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Phiên dịch, ông Kỳ.

Ngày giờ. 10 giờ sáng, ngày 6/7/1973

Địa điểm: Văn phòng Tiến sĩ Kít-sinh-gơ tại Nhà Trắng

Đại sứ Hoàng: Tôi rất vui mừng được gặp Ngài ở đây.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Thời tiết không được đẹp, nhưng chúng tôi rất vui vì Ngài đã đến.

Trong buổi chiêu đãi tối nay, Ngài sẽ được gặp một số người không còn là người của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa, vì họ chịu nhiều ảnh hưởng cuộc sống Mỹ. Tôi đã đặc biệt lựa chọn họ đến đây. Họ có nhiều ảnh hưởng trong công chúng, họ có thể bàn luận suốt hai năm về cuộc gặp Ngài hôm nay. Kia là Đa-ni Ken, một đầu bếp rất giỏi về các món ăn Trung Quốc. Nếu tối nay ông ta nói về chuyện này, Ngài nhớ cho những điều tôi nói, ông ta rất mến mộ Trung Quốc và là một đầu bếp giỏi.

Đại sứ Hoàng: Tôi xin cám ơn Ngài về sự thu xếp chu đáo cho chuyến đi của tôi. Tôi đến đây đúng lúc, nhưng e rằng tuần sau tôi trở lại không kịp, vì tôi vừa nhận được chỉ thị trở về Bắc Kinh một thời gian. Khi Ngài tới Bắc Kinh, chắc tôi sẽ có mặt nghênh tiếp.

(Kít-sinh-gơ nói với Hoàng Trấn là sẵn sàng thăm Trung Quốc từ ngày 6/8 và tuyên bố chuyến thăm vào ngày 12 hoặc 14/7 - Đại sứ đồng ý thông báo tin này tới Bắc Kinh)

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Trước khi ông Kỳ dịch, cho phép tôi hỏi một vấn đề: Đại sứ là một vị tướng?

Đại sứ Hoàng: Tất nhiên.

Kít-sinh-gơ: Tôi cho là như vậy. Nhưng một số người tranh cãi với tôi rằng không phải.

Đại sứ Hoàng: Chức vụ của tôi giống như tướng Skan-cơ-rốp

Kít-sinh-gơ: Tôi có theo dõi một chuyện trong quân đội Mỹ. Rất nhiều thượng tá có tài, nhưng người có tài ở cấp tướng đếm trên đầu ngón tay. Skan-cơ-rốp sau khi được thăng lên hàng tướng tôi luôn theo dõi hành vi đi vào con đường sa đoạ của ông ta.

Đại sứ Hoàng: Nếu xét về quan điểm chung, tôi có thể nói, rất nhiều tướng có tài. Như Ngài biết đấy, trong quân đội chúng tôi đã bỏ chế độ quân hàm.
Kít-sinh-gơ: Một liên minh tướng quân. Ông Kỳ, tôi không để ông có dịp dịch rồi.

Đại sứ Hoàng: Giờ đây chúng tôi đã có sẵn các chủ đề trong suy đoán. Bây giờ tôi nói về chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Chu Ân Lai. Giới báo chí có rất nhiều suy đoán, một bài viết từ San-cơ-lê-men-tơ ngày 27/6 cho rằng, chuyến thăm này ảnh hưởng nhiều tới "lập trường nguyên tắc của chúng tôi”. Thủ tướng có thể tính chuyện thăm Nhà Trắng của phương Tây.

Kít-sinh-gơ: Các Ngài cần hiểu rằng, chúng tôi không liên quan đến những bài viết này.

Đại sứ Hoàng: Phía Mỹ cần hiểu rằng họ còn mối liên hệ với tập đoàn họ Tưởng. Năm ngoái Tổng thống Ních-xơn còn gửi điện chúc mừng đến Tưởng Giới Thạch, hơn nữa họ Tưởng còn có Đại sứ quán ở Oa-sinh-tơn. Sao Thủ tướng của chúng tôi lại có thể thăm Mỹ trong tình hình này? Chuyến thăm San-cơ-lê-men-tơ chỉ có thể là không chính thức. Tôi cũng nói luôn với Ngài, Thủ tướng không cần thiết phải thăm Liên Hợp Quốc.

Kít-sinh-gơ: Những bài viết này không dính dáng đến chúng tôi, chúng tôi đã chính thức phủ nhận.

Đại sứ Hoàng: Tôi xin nêu ra đề nghị cá nhân thế này, để ông Chi-lơ-lê đứng ra tuyên bố là sự suy đoán không có căn cứ, như vậy tốt hơn. Giống như ông ta đã làm trong thời gian gần đây

Kít-sinh-gơ: Đó là trách nhiệm của chúng tôi, như Tổng thống đã nói, ông ta sẽ có chuyến thăm Trung Quốc lần nữa. Nếu làm được một cái gì đó, giữa thời gian chuyến thăm Bắc Kinh lần đầu và lần thứ hai của Tổng thống đều nhằm mục đích làm dịu tình hình, chúng tôi dự định làm việc đó vào năm 1974.

Đại sứ Hoàng: Chuyện này có thể trao đổi tại Bắc Kinh.

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Tất nhiên là được. Chúng tôi sẽ ngăn chặn mọi sự suy đoán. Chúng ta phải làm gì ư? Có rất nhiều vấn đề cụ thể phải trao đổi. Tôi muốn nhắc lại chuyến thăm Brê-giơ-nhép, và một chuyện đặc biệt trong thời gian đó. Ngoài ra, còn có vấn đề Cam-pu-chia, Triều Tiên và một số vấn đề khác.

Đại sứ Hoàng: Ngài cứ nói. Tôi trao đổi việc có liên quan tới Cam-pu-chia. Tôi có một văn kiện xin gởi Ngài (đưa văn kiện có nội dung sau đây)

Phía Trung Quốc đã thông báo với phía Mỹ từ lâu. Do Nô-rô-đôm Xi-ha-núc đang thăm Châu Phi và châu Âu, phía Trung Quốc không có cách nào chuyển tới ông ta quan điểm của Mỹ hiện nay về giải pháp cho Cam-pu-chia. Tuy nhiên, phía Trung Quốc đã thông báo với Mỹ, không có khả năng đàm phán diễn ra giữa Xi-ha-núc và tập đoàn phản nghịch ở Phnôm Pênh. Nhưng phía Mỹ đã công khai bác bỏ đàm phán với Xi-ha-núc khiến ông ta phẫn nộ.

Song theo nguồn tin cho hay, gần đây quan chức Chính phủ Mỹ đã để lộ một số bí mật về vấn đề này dẫn đến nhiều sự suy đoán khác nhau. Trong khi đó nghe nói tập đoàn Lon-non ra sức tung tin đồn rằng chính quyền Phnôm Pênh sẽ nhanh chóng tiến hành đàm phán chính thức với Mặt trận đoàn kết Quốc gia Cam-pu-chia, Mỹ và Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ là người trung gian.

Trong tin đồn hoàn toàn không căn cứ đó, tập đoàn Lon-non rắp tâm bưng bít công luận khắp nơi nhằm cản trở việc giải quyết vấn đề Cam-pu-chia. Phía Trung Quốc cho rằng, vụ việc này hoàn toàn không có lợi cho việc tìm kiếm giải pháp Cam-pu-chia, còn gây ra những chuyện phiền phức. Phía Trung Quốc thấy cần thiết nhắc nhở phía Mỹ quan tâm đến vấn đề này.

Đại sứ Hoàng: Xi-ha-núc sẽ nhận được bức điện này trước khi ông ta về tới Bắc Kinh.

Kít-sinh-gơ: (đọc văn kiện) Quả thật ông ta đã phẫn nộ.

Đại sứ Hoàng: Bởi trước đây Ngài nói không muốn nói chuyện với ông ta, ông ta rất bực mình.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy? Nhưng từ chỗ chúng tôi các Ngài đã thu lượm được thông tin về chuyến đi, tất cả đều xảy ra trước khi ông ta trở về Bắc kinh.

Đại sứ Hoàng: Như vậy, Xi-ha-núc đã trở về Bắc Kinh. Chúng tôi sẽ chuyển đến ông ta ý kiến của các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Tôi đoán rằng ông ta không biết về ý kiến này trước khi trở về.

Đại sứ Hoàng: Bề ngoài là như vậy.

Kít-sinh-gơ: Trước đây tôi không biết Thủ tướng biết nói tiếng Pháp.

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng từng sống ở Pháp.

Kít-sinh-gơ: Tôi quên. Tại Pháp, Thủ tướng đã đưa ra một số bình luận về chúng tôi.

Tôi xin thông báo với các Ngài quan điểm của chúng tôi về Cam-pu-chia. Trước hết chúng tôi không thể kiểm soát được người của Lon-non nói những gì, nhưng họ lại biết được điều chúng tôi nói với các Ngài, những đề nghị của chúng tôi nêu với các Ngài. Nhưng đó chỉ là sự suy đoán của họ.

Tôi muốn nói một cách thẳng thắn rằng, chúng tôi đã đề nghị với các Ngài về ngừng bắn, cho dù chỉ có 90 ngày, chúng tôi tin điều đó cũng có lợi cho tình hình. Thủ tướng đã nói với Đại sứ Blúc-sơ trong lần gặp đầu tiên rằng "chúng tôi không có bất kỳ lợi ích nào ở Cam-pu-chia". Trong thực tế, chúng tôi sẽ hoan nghênh nếu chính quyền Phnôm Pênh quan hệ tốt với Bắc Kinh và bác bỏ tham gia vào chủ nghĩa bá quyền nước lớn ở Đông Nam Á.

Như tôi đã từng nói, xử lý thế nào trước sự chuyển biến là vấn đề tế nhị đối với chúng tôi. Nếu chúng tôi bị đẩy vào địa vị mà tiếng tăm đã bị tổn thương, thì chỉ làm tăng thêm sức mạnh quân sự của những kẻ chống lại chúng tôi ở quốc gia này. Vì vậy, chúng tôi cho rằng chấm dứt tình hình Cam-pu-chia bằng phương pháp không làm hại tới lợi ích của Mỹ là điều quan trọng. Chúng tôi cũng chú ý không làm khó dễ cho chính sách của các Ngài, chúng tôi thật sự cho rằng, thúc đẩy một tình hình không gây khó khăn cho bất cứ bên nào là một điều cả hai bên đều nên làm.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ chúng tôi về điều này. Thủ tướng cũng đã bày tỏ rõ ràng thái độ của chúng tôi với Đại sứ Blúc-sơ. Như Thủ tướng nói: Tất cả các bên cần tôn trọng chủ quyền của Cam-pu-chia. Chúng tôi không thể tham dự cuộc đàm phán có liên quan đến Cam-pu-chia. Đàm phán cần được tổ chức giữa các Ngài với chính quyền Phnôm Pênh hiện hành và Xi-ha-núc.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không yêu cầu đàm phán với các Ngài, nhưng chúng tôi đã nêu ra đề nghị: Nếu Thủ tướng đề nghị ngừng bắn trước ngày tôi tới Bắc Kinh, thì chúng tôi sẽ chấm dứt ném bom, sau đó thoả thuận một giải pháp thoả mãn được nhu cầu của các bên.

Đại sứ Hoàng: Việc đó do Hoàng thân làm, chứ không phải do chúng ta quyết định.

Kít-sinh-gơ: Không. Có thể thông báo với ông ta suy nghĩ của chúng ta

Đại sứ Hoàng: Tôi chỉ có thể báo cáo lại. Việc này do Chính phủ quyết định.

Kít-sinh-gơ: Tất nhiên.

Đại sứ Hoàng: Tại sân bay, Hoàng thân đã nói rất nhiều chuyện.

Kít-sinh-gơ: Tôi biết. Mấy hôm nay cả thành phố Bắc Kinh đang xôn xao. Ví dụ mấy hôm trước Thủ tướng có một số nhận xét về Đoàn đại biểu Nghị viện của chúng tôi.

Đại sứ Hoàng: Tôi không biết chuyện đó.

Kít-sinh-gơ: Không phải chúng tôi đang chỉ trích Thủ tướng đã "điểm xạ" chúng tôi, nhưng chưa đánh mạnh vào chúng tôi.

Đại sứ Hoàng: Tôi chưa bao giờ nghe thấy chuyện này.

Kít-sinh-gơ: Chưa bao giờ ư? Những điều Thủ tướng nói rất giống thái độ của các Ngài trước đây, đối với người của Quốc hội Mỹ điều này rất mới, nhưng đối với chúng tôi thì không.

Tôi xin nói vài lời về Brê-giơ-nhép. Tôi xin trịnh trọng loan báo với các Ngài chuyện đã xảy ra. Trước tiên tôi nói tới cuộc hội đàm về Trung Quốc. Mất đến cả tuần, Brê-giơ-nhép mới tìm được dịp trao đổi với Tổng thống mà tôi không có mặt.

Đại sứ Hoàng? Bởi Ngài là một nhân vật nguy hiểm?

Kít-sinh-gơ: Brê-giơ-nhép là con người cố chấp, nhưng không xảo quyệt. Ông ta đã gặp Tổng thống tại Trại Đa-vít khoảng 30 phút. Lời nhận xét của ông ta về Trung Quốc là không có lợi, nhưng có lẽ Ngài cũng đã biết, ngày cuối cùng đó là hôm thứ bảy, Brê-giơ-nhép đã gặp Ních-xơn ba tiếng đồng hồ. Tôi cũng có mặt tại cuộc gặp này. Chúng tôi bàn luận rất cụ thể về Trung Quốc. Nửa phần đầu thời gian cuộc gặp, ông ta chỉ trích dữ dội Ban lãnh đạo Trung Quốc và loan báo với chúng tôi về vụ Lâm Bưu. Tôi có thể nói qua nếu các Ngài muốn biết.

Đại sứ Hoàng: Xin cứ tiếp tục.

Kít-sinh-gơ: Brê-giơ-nhép đã nói về Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau, mà trước đây các Ngài cũng đã nói với chúng tôi. ông ta nói, sau khi trở về Liên Xô sẽ cho công bố, coi như một minh chứng về sự hiếu chiến của Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Về sự kiện Lâm Bưu, chuyện duy nhất có thể khơi gợi sự tò mò của mọi người, Brê-giơ-nhép nói: "Có thể đưa chúng tôi xem bản báo cáo điều tra". Tôi nói: "Chúng tôi không quan tâm đến chuyện này”. Tiếp sau đó, ông ta nói sang một số chuyện khác. Brê-giơ-nhép nói trong sự tưởng tượng, cho rằng, khả năng hạt nhân của Trung Quốc sau 15 năm sẽ được như Liên Xô hiện nay, là điều không thể tha thứ. Đối với Liên Xô đó là điều không thể tha thứ và không thể chấp nhận. Ông ta đề nghị chúng tôi hợp tác trên lĩnh vực này như đã từng bày tỏ ý định ở Da-vích-đốp, mà nay đưa ra đề nghị chính thức và rõ ràng.

Ông ta còn đề nghị Xô - Mỹ trao đổi tình báo về các dự án hạt nhân của các Ngài. Chúng tôi trả lời: Chúng tôi không thể, và không thích thú trong việc trao đổi tình báo quân sự. Brê-giơ-nhép lại hỏi chúng tôi: Có muốn trao đổi các tình báo khác về Trung Quốc không”. Chúng tôi trả lời: Chúng tôi không thể coi một quốc gia như một thứ hàng trong buôn bán. Chúng tôi không thể có những hành động như vậy".

Sau đó, Brê-giơ-nhép bày tỏ hy vọng quan hệ giữa chúng tôi với các Ngài được cải thiện và Liên Xô không chống lại điều này. Nhưng nếu giữa Hoa Kỳ và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa có sự thu xếp về quân sự sẽ dẫn tới hậu quả nghiêm trọng và Liên Xô buộc phải có biện pháp nghiêm khắc. Trên đây là nội dung chính về cuộc trao đổi.

Họ còn hỏi, chúng tôi có sự thu xếp nào về quân sự không? Chúng tôi phải nhắc lại đến ba lần rằng không có sự thu xếp nào về quân sự. Nhưng chúng tôi không đề cập đến chuyện trong tương lai. Chúng tôi coi đó là vấn đề nguyên tắc trong ứng xử. Trong chúng tôi không có bất cứ kế hoạch nào về một đường lối như vậy, nhưng chúng tôi không tin rằng Liên Xô sẽ cho chúng tôi biết kế hoạch của họ, còn chúng tôi có thể có sự thu xếp về quân sự với bất cứ ai mà mình muốn giúp đỡ.

Dự Hội nghị có Brê-giơ-nhép, Tổng thống, tôi và một phiên dịch Liên Xô. Về cuộc họp này, chúng tôi không nói với bất cứ ai trong Chính phủ, bởi cần giữ bí mật hoàn toàn. Tôi cũng không nói với Đại sứ Blúc-sơ. Nhưng sau khi về nước, nếu các Ngài nói với Đại sứ Blúc-sơ thì tôi sẽ không phản đối, nhưng đừng để người khác biết.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ không nói với Đại sứ Blúc-sơ, Ngài có thể trao đổi với ông ta. Còn về phía Trung Quốc, chúng tôi rất thận trọng, ví như những điều Tổng thống nói với tôi lần trước.

Kít-sinh-gơ: Brê-giơ-nhép nói với chúng tôi, chỉ có những người ở trong gian phòng này biết có cuộc nói chuyện này. Nhưng đến tối, Grô-mư-cô đề nghị gặp tôi và hỏi cảm nghĩ của tôi về cuộc trao đổi với Brê-giơ-nhép (cười)

Ông ta hỏi tôi có hiểu đề nghị của Brê-giơ-nhép về Trung Quốc hay không. Tôi nói, tôi hiểu rằng nên xử lý việc thu xếp quân sự giữa chúng ta. Ông ta nói tôi đã hiểu nhầm. Brê-giơ-nhép không những chỉ muốn có sự thu xếp về quân sự, mà có cả sự thu xếp về chính trị trực tiếp và nhằm vào Liên Xô. Tôi hỏi thu xếp về chính trị là gì? Ai quyết định sẽ nhằm trực tiếp vào Liên Xô. Grô-mư-cô trả lời lờ mờ.

Tôi đề nghị ông ta lưu ý bản thông cáo Thượng Hải và nói: "chúng tôi đã đi đến nhận thức chung là không xây dựng Hiệp định nhằm vào nước khác". Tôi có cảm giác một số vấn đề mà trước đây Liên Xô đeo đuổi với chúng tôi là nghiêm túc, nhưng bây giờ họ trắng trợn, ngang ngược hơn chúng tôi tưởng.

Trước tình hình này, chúng tôi cho rằng đã hiểu được họ, hiểu được tầm quan trọng về lợi ích của chúng tôi. Thủ tướng của các Ngài nói với Đại sứ Blúc-sơ rằng, nếu xảy ra chiến tranh Trung - Xô, chúng tôi sẽ cung cấp vũ khí và vật tư cho Liên Xô. Đó là chuyện hoang đường. Chúng tôi không thích thú gì việc giúp kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu.

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng đã nói như thế nào?

Kít-sinh-gơ: Đọc bức điện của Đại sứ Blúc-sơ ngày 26/6 "Ban đầu, Mỹ giữ trung lập, nhưng cung cấp hàng quân sự cho Liên Xô. Sau đó, để Trung Quốc kìm chân Liên Xô một thời gian, Mỹ sẽ tấn công Liên Xô từ sau lưng”. Nếu Trung Quốc bị tấn công, chúng tôi khẳng định sẽ cắt tất cả các khoản tiền cho vay dành cho Liên Xô.

Lời nhận xét phần sau của Thủ tướng có thể là đúng, nhưng phần trước tất nhiên không đúng. Nếu Liên Xô tấn công Trung Quốc, chúng tôi không bao giờ cung cấp viện trợ quân sự và hàng hóa cho họ, và điều khẳng định là sẽ cắt tất cả mối liên hệ về kinh tế. Nhưng chúng tôi không biết làm thế đã đủ chưa? Chúng tôi sẽ ngăn cản cuộc tấn công Trung Quốc với khả năng lớn nhất.

Tôi sẽ sử dụng Hiệp định PNW để tuyên bố trong cuộc họp báo rằng, không một cuộc tấn công nào chống Trung Quốc lại có thể làm cho dư luận tin rằng hoà bình và an ninh không bị đe doạ . Tôi đã lập ra một nhóm đặc biệt bí mật gồm 4 đến 5 quan chức loại giỏi nhất mà tôi đã kiếm được, để quyết định Mỹ có thể làm gì nếu sự việc xảy ra. Những điều tôi nói với các Ngài là tuyệt mật. Nhóm này được lập trong tuần qua. Tôi sẽ thông báo việc này với Chủ tịch Hội đồng liên quân khi ông ta đến đây trong tuần này. Nếu được đảm bảo bí mật tôi sẵn sàng trao đổi quan điểm với các Ngài về vấn đề này.

Ngoài ra, chúng tôi trao đổi với Ngoại trưởng Pháp về lợi ích của chúng tôi trong việc tăng cường PRC. Chúng tôi sẽ cố gắng hết sức khuyến khích các Đồng minh của chúng tôi nhanh chóng giải quyết yêu cầu của các Ngài về các dự án kinh tế của Trung Quốc.

Còn một việc nữa: Các Ngài từng yêu cầu về một số công nghệ sản xuất của Hãng Roi-bơ. Trong điều kiện hiện nay, chúng tôi buộc phải từ chối yêu cầu này nhưng chúng tôi đã cùng người Anh xây dựng một quy trình sản xuất, công nghệ này có thể tự do chuyển giao. Sau khi tôi đến Bắc Kinh, tôi cho rằng chúng ta cần trao đổi về tính phức tạp của tình hình tương đối nghiêm trọng này. Nói cách khác, chúng ta làm thế nào ngăn chặn được cuộc tấn công với khả năng lớn nhất mà không cần tìm cớ gì.

Cuối cùng các Ngài nên hiểu nội dung chính sách của chúng tôi. Nếu chúng tôi muốn hợp tác với Liên Xô thì chúng tôi không cần thiết phải phiền phức đến như vậy. Chúng tôi đang ra sức dành thời gian và các vị trí có lợi cho các Ngài, như vậy trong trường hợp xảy ra chiến tranh, mới có thể chống trả với khả năng lớn nhất. Đó là lập trường của chúng tôi. Cần nói rằng, chúng tôi coi cuộc trao đổi với Liên Xô là điều chẳng lành.

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ báo cáo lại với Chính phủ chúng tôi. Còn Hiệp định về hạt nhân Mỹ - Xô, chúng tôi đã bày tỏ quan điểm.

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu. Điều này không làm chúng tôi khó chịu. Thật là tồi tệ nếu các Ngài lại ủng hộ Hiệp định này. Tôi chỉ muốn các Ngài hiểu được quan điểm của chúng tôi, nhưng xin đừng nói với các nghị sĩ Quốc hội của chúng tôi. Đó chỉ là một tờ giấy lộn mà chúng tôi cần lợi dụng. Các Ngài có thể bác bỏ nó bằng cách khác.

Đại sứ Hoàng: Thủ tướng của chúng tôi nói vậy ư?

Kít-sinh-gơ: Báo chí của chúng tôi đưa tin như vậy. Như tôi đã nói, chúng tôi không sợ chỉ trích, chỉ ngại Liên Xô phát hiện ra điều hớ hênh trong đó.

Đại sứ Hoàng: Kinh nghiệm cho chúng tôi thấy, đối với Liên Xô thì văn kiện không có ý nghĩa gì ngay cả khi họ cầm bút ký.

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu. Mục tiêu của họ là nhằm vào vấn đề chúng tôi tác động gì đến người Nga. Như tôi đã nói, tấn công Trung Quốc sẽ đe doạ Mỹ, nếu không có Hiệp định thì vụ việc đã ầm ĩ lên rồi. Còn khi có Hiệp định thì chúng ta có thể nói rằng tình hình tương đối yên lặng. Bây giờ đã đến lúc phải nói chuyện với giới báo chí. Tôi nên nói gì về cuộc họp của chúng ta?. Chúng ta kiểm điểm lại tình hình, cuộc trao đổi diễn ra trong bầu không khí hữu nghị? chả có gì đặc biệt cả. Họ có biết Ngài sắp về Trung Quốc,

Đại sứ Hoàng: Chưa rõ

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Giới báo chí sẽ nói tôi vẫn đến quấy quả cả khi Ngài sắp về nước.

Đại sứ Hoàng: Có người lại nói, tôi rất mừng vì được về nước báo cáo. (cuộc họp nghỉ giữa chừng để gặp giới báo chí và hội kiến Tổng thống)

Tiến sĩ Kít-sinh-gơ: Tôi vừa nhận được báo cáo của Đại sứ Blúc- sơ về cuộc hội đàm giữa Thủ tướng các Ngài với các nghị sĩ Quốc hội. Ông ta đã thật sự nói những điều như tôi đã báo cáo, nhưng không phải là ý kiến của mình mà do bị kích động của phía chúng tôi.

Chúng tôi hiểu ông ta không có sự lựa chọn nào khác để bày tỏ quan điểm của mình khi bị chất vấn. Và sau đó, các nghị sĩ đã nhắc lại với giới báo chí lời nhận xét của ông ta. Nghị sĩ Quốc hội của chúng tôi không có khả năng giữ bí mật về tin tức, còn nghị sĩ W.Man-me-xơn không hiểu gì về chính sách đối ngoại, điều đó khiến tình hình trở nên tồi tệ hơn, chúng tôi phải xử lý vụ việc này qua kênh của chúng tôi.

Chúng tôi đã trình bày với các Ngài quan điểm của chúng tôi về Triều Tiên. Tôi đoán rằng Thủ tướng các Ngài sẽ trao đổi với tôi vấn đề này khi tôi tới Bắc Kinh.

Đại sứ Hoàng: Ngài đã đọc lời phát biểu của Thủ tướng chúng tôi về vấn đề Triều Tiên tại buổi chiêu đãi ở Ma-li chưa? Thủ tướng ủng hộ tuyên bố 5 điểm của Kít-sinh-gơ.

Kít-sinh-gơ: Có, nhưng đó chỉ là bản tuyên bố thông thường, nhưng vấn đề hiện nay là chúng tôi buộc phải quyết định quan hệ ra sao với Liên Hợp Quốc về vấn đề thống nhất và phục hưng Triều Tiên và với Bộ chỉ huy Liên Hợp Quốc trong những năm tới.

Đại sứ Hoàng: Ngài có thể trao đổi tại Bắc Kinh vấn đề này.

Kít-sinh-gơ: Trong cuộc hội đàm trước đây, Ngài có nêu ra khả năng về địa điểm trao đổi hồ sơ về quan hệ hai nước, điều này khó thực hiện, nhưng nếu một khi các Ngài đã sẵn sàng, chúng tôi sẽ tạo thuận lợi cho cuộc trao đổi.

Lời dẫn

Kít-sinh-gơ và Hoàng Trấn đã thảo luận vấn đề địa điểm để trao đổi hồ sơ của Trung Quốc tại Oa-sinh-tơn và việc Mỹ bán lương thực cho Trung Quốc, sau đó đến văn phòng Tổng thống Ních-xơn tiếp tục trao đổi về cuộc gặp cấp cao và quan hệ Trung - Mỹ.

Sau khi Brê-giơ-nhép về nước, Ních-xơn ở lại San-cơ-lê-men-tê, chống lại yêu cầu của Uỷ ban Thượng viện về vụ Oa-tơ-ghết, đòi điều tra văn kiện của ông ta, chủ yếu tập trung vào vấn đề "Tổng thống biết gì và biết vào lúc nào". Mặc dù Ních-xơn đã viết thư cho Chủ tịch Uỷ ban Sam Âu-ven, nêu rõ ông ta cần và sẽ tẩy chay những cố gắng của họ, nhằm dụ dỗ ông ta chứng minh hoặc đem nộp văn kiện của Nhà Trắng.

Chuyện phiền phức còn đến với ông ta: Trong vòng một tuần, Hội đồng Tham mưu đã biết được Ních-xơn có một hệ thống ghi âm qua nguồn tin của nguyên trợ lý Nhà Trắng A. Ba-đô-pléc. Lợi dụng vị trí chính trị gia của mình. Ních-xơn đã nêu ra nhiều cam kết với Hoàng Trấn nhằm xua đi những tin xấu về Kít-sinh-gơ.

Sau khi Ních-xơn tuyên bố vai trò then chốt trong quyết định chính sách của Kít-sinh-gơ, ông ta đã nói "Kít-sinh-gơ chưa bao giờ có lời tuyên bố riêng của mình". Ních-xơn coi sự thúc đẩy hoà hoãn quan hệ quốc tế là một lợi ích cơ bản của Mỹ, nhưng tiếp tục cam kết với Hoàng Trấn rằng "Hiệp ước Mỹ - Xô không làm hại tới lợi ích của Bắc Kinh"

Về vấn đề Cam-pu-chia, Ních-xơn thúc giục Trung Quốc trợ giúp Cam-pu-chia giải quyết. Lời tuyên bố của Ních-xơn về "khả năng mở rộng hoà hoãn" trở nên rỗng tuếch bởi hành động ném bom Cam-pu-chia. Hoàng Trấn đã phản ứng lấy lệ trước lời kêu gọi của Ních-xơn, cũng giống như phản ứng về những cam kết của Tổng thống đối với sự đe doạ của Liên Xô. Rõ ràng, Hoàng Trấn không nhận được chỉ thị để có phản ứng trước những vụ việc đột xuất. Nhưng ông ta hiểu được vấn đề, có lẽ ông đã tìm cách nhanh chóng viết bản báo cáo gửi về Bộ Ngoại giao.

Một giải pháp mà Kít-sinh-gơ tham gia đàm phán, cố gắng giữ lại một bộ phận Chính phủ Lon-non đã biến thành mây khói. Người Trung Quốc thông báo với phía Mỹ: Việc vô cớ ném bom Cam-pu-chia và ủng hộ "lũ phiến loạn Lon-non" của Mỹ đã làm cho Xi-ha-núc càng thêm phẫn nộ, quyết chống lại chính sách của Mỹ. Tình hình này "rõ ràng" không thích hợp để Bắc Kinh chuyển tới Xi-ha-núc quan điểm của Kít-sinh-gơ về giải pháp Cam-pu-chia - Một khi Mỹ nắm trong tay "chìa khóa" giải quyết vấn đề thì Mỹ cần có trách nhiệm thay đổi chính sách.

Bức công hàm trên đã khiến Kít-sinh-gơ rất bực tức, cho rằng người Trung Quốc vong ơn bội nghĩa. Kít-sinh-gơ băn khoăn công hàm của Trung Quốc phải chăng có nghĩa là sẽ có một số thay đổi quan trọng trong chính sách ngoại giao của Bắc Kinh. Đề nghị của Kít-sinh-gơ về ngày 14/7 tuyên bố chuyến thăm của Kít-sinh-gơ tới Trung Quốc cũng chưa thấy phản ứng của phía Bắc Kinh, khiến ông ta suy đoán, phải chăng chuyến thăm bị huỷ bỏ. Kít-sinh-gơ nói với tham mưu của mình: "Nếu chuyến thăm bị hủy bỏ, thì quả là một sự kiện quốc tế quan trọng đáng lưu ý”. Nhưng sau đó mấy tiếng đồng hồ, ông ta được biết chuyến thăm vẫn nằm trong chương trình của Bắc Kinh.

Ngày 14/7 Kít-sinh-gơ và các tham mưu của mình đánh giá lại tình hình. ông ta cho rằng, việc Mỹ chấm dứt ném bom khiến Bắc Kinh thay đổi thái độ đối với Cam-pu-chia. Một số Cố vấn chưa nhất trí với nhận đinh này. Cho dù thế nào chăng nữa, Kít-sinh-gơ quyết định để người Trung Quốc biết rằng, ông ta đang thất vọng. Một tuần sau, Skan-cơ-rốp nói với Hàn Tự: “Trong quan hệ của chúng ta, đây là lần đầu tiên người Trung Quốc nói nhưng không làm".

BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM NHÀ TRẮNG
VĂN KIỆN TỐI MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Người dự. Hăng-ri Kít-sinh-gơ, Tướng B. Skan-cơ-rôp, R. I-Cơ-bóc, Uyn-tơn Lốt, R. Hao-bu, Ri-sác Sô-lô-môn, Pi-tơ Rô-man-đô.

Ngày giờ: Thứ năm, ngày 19-7-1973. 10H00 - 11h46

Địa điểm: Văn phòng của Kít-sing-gơ tại Nhà Trắng (Ghi chú: nguồn tư liệu. PPS hòm thư 328, giao lưu Trung Quốc.).

Kít-sinh-gơ triệu tập cuộc họp bàn về bức công hàm của Trung Quốc nhận vào đêm hôm trước, đề cập vấn đề Cam-pu-chia, chuyến thăm Bắc Kinh, quan hệ Trung - Mỹ và vấn đề Mỹ cần trả lời ra sao?

Mở đầu cuộc họp, Kít-sinh-gơ nêu rõ, cần phải hiểu nội dung công hàm theo bối cảnh quan hệ Trung-Mỹ mấy tháng qua. Tống đạt bức công văn này Trung Quốc nhằm huỷ bỏ hoặc lùi lại thời gian chuyến thăm của Kít-sinh-gơ tới Bắc Kinh, và tuyên bố Trung Quốc từ bỏ quyền lựa chọn tham gia đàm phán về giải quyết vấn đề Cam-pu-chia.

Vị trí của Trung Quốc trong tất cả các vấn đề đã bị đảo ngược lại. Trong chuyến thăm Trung Quốc trước đây, Trung Quốc đều đề nghị Kít-sinh-gơ gặp Xi-ha-núc, giờ đây trong lời phát biểu ngày 10/7 của Xi-ha-núc, ông nói, chúng ta chứ không phải ông ta (Xi-ha-núc) cần đàm phán với Khơ me Đỏ. Sô-lô-môn ngắt lời và nói như vậy, Kít-sinh-gơ trả lời, đúng như vậy. Nhưng trong mỗi chuyến thăm trước đây, nhất là trong tháng 2/1973. Mỹ và Trung Quốc đều có cuộc trao đổi rộng rãi về vấn đề Cam-pu-chia.

Cuối tháng 5, chúng ta có nêu ra một đề nghị, nhưng người Trung Quốc nói, họ sẽ chuyển đến Xi-ha-núc sau khi ông ta đi nghỉ ở nước ngoài trở về Trung Quốc. Trong bức điện ngày 4/6 họ nhắc lại tường tận đề nghị của chúng ta, nhằm đảm bảo họ đã hiểu đúng điều mà họ chưa hề làm như vậy trong các vấn đề khác. Vì vậy, bức công hàm này rõ ràng là sự vi phạm thoả thuận. Vậy đã xảy ra chuyện gì? Kít-sinh-gơ hỏi, Quốc hội bỏ phiếu tán thành ngừng bắn, đã đảo lộn sự cân bằng trong nội bộ Cam-pu-chia. Rõ ràng người Trung Quốc không biết chuyển đạt tin tức.

Chấm dứt ném bom đã cơ bản thay đổi tình hình Cam-pu-chia. Trước đây, Xi-ha-núc đã tạo ra thế hợp pháp cho Khơ-me Đỏ. Hiện nay họ không cần tính hợp pháp, bởi họ thấy họ đã có thể dành thắng lợi. Xi-ha-núc cũng đem lại cho người Trung Quốc sự tác động đối với Khơ-me Đỏ và ngăn chặn tác động từ bên ngoài vào.

Còn đối với chúng ta, một khi Trung Quốc trở lại Cam-pu-chia, họ có khả năng cân bằng các bên, nhưng điều mỉa mai là người Trung Quốc cần tập đoàn Lon-non, đó là sự kiềm chế đối với Xi-ha-núc và Khơ-me Đỏ. Do đánh giá sai tình hình, các nghị sĩ đã chịu thua. Xi-ha-núc không thể ủng hộ Khơ-me Đỏ và người Trung Quốc cũng sẽ không ủng hộ Xi-ha-nuc.

Về hành trình chuyến thăm: Thực tế là hồi tháng 6 người Trung Quốc đồng ý chuyến thăm tiến hành vào đầu tháng 8. Họ đã đề nghị chúng ta chọn ngày, thế là chúng ta đề nghị ngày 6/8. Họ đã tung tin nói rằng chuyến thăm diễn ra vào đầu tháng 8 và đã để lộ cho giới báo chí Bắc Kinh về ngày 6/8.

Nhưng tiếp theo là Hoàng Trấn bị triệu về Bắc Kinh vào đầu tháng 8, còn công hàm mà chúng ta nhận được lại nói, họ chỉ có thể trả lời về ngày giờ chuyến thăm sau khi Hoàng Trấn trở về Bắc Kinh. Cho đến nay chúng ta vẫn chưa nhận được phúc đáp về đề nghị của chúng ta cho ngày thăm và ngày công bố tin này. Lần đầu tiên chúng ta đề nghị công bố vào ngày 16/7. Nhưng 16/7 đã qua, người Trung Quốc cần hiểu rằng kéo dài sự phúc đáp và thay đổi thái độ về vấn đề Cam-pu-chia có nghĩa trì noãn thời gian".

Khi tổng kết, Kít-sinh-gơ nêu rõ: Đây là một quyết định thận trọng. Vấn đề là vấn đề Cam-pu-chia hay còn có cả một số vấn đề cơ bản khác liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ. Tướng B.Skan-cơ-rốp nói với Hàn Tự rằng: Có thể quyền lực của Kít-sing-gơ sẽ bị suy yếu đi, nếu ông ta trở về tay không trong vấn đề Cam-pu-chia. Là nhân vật quan trọng, Tổng thống đã tỏ ra người Mỹ ủng hộ người Trung Quốc chính là vì chính nghĩa.

Câu chuyện về sự xa cách nhau 25 năm chỉ là chuyện tào lao. Điều mà người Trung Quốc cần là sự ủng hộ một khi xảy ra xung đột quân sự. Chúng ta chắc khó mà thực hiện được điều mong muốn này, nhưng chí ít là ông ta và Tổng thống sẽ hiểu được điều này.

A-lếch-săng-đô Éc-tan và những kẻ theo chủ nghĩa tự do ngu xuẩn khác mến mộ Trung Quốc, họ sẽ lên cơn đau tim nếu nói với họ về hành động quân sự một khi nổ ra xung đột. Họ luôn bàn luận rằng "Người Trung Quốc sẽ khó chịu làm sao một khi bị cô lập, nhưng chắc chắn người Trung Quốc sẽ không cảm nhận như vậy. Ba ngàn năm qua, cô lập đâu có làm cho họ buồn bực. Họ biết cách tự cấp tự túc, không đi lại với các quốc gia khác. Họ đã thật sự biết cách xử lý tốt các tình huống xảy ra .

Huỷ bỏ chuyến đi của Kít-sinh-gơ là một sự kiện quốc tế quan trọng. Đối với họ cũng là một quyết định quan trọng. Theo Kít-sinh-gơ triệu tập cuộc họp này, là nhằm đánh giá nguyên nhân thật sự của vấn đề. Sô-lô-môn nêu rõ, cuộc trao đổi của thượng nghị sĩ Man-nu-sơn với Chu Ân Lai thật là tồi tệ. Rõ ràng, Chu Ân Lai tỏ ra rất bực tức khi Man-nu-sơn muốn kéo ông ta vào chuyện chống Tổng thống tại Quốc hội.

Man-nu-sơn đã nói tới 45 phút về vấn đề Cam-pu-chia, trong khi mọi người đều tìm cách lánh xa chủ đề này. Thế là nhân đó Chu Ân Lai đã đánh lại Hiệp ước Xô Mỹ về hạt nhân, và có một số lời lẽ nghiêm khắc về vụ ném bom Cam-pu-chia. Man-nu-sơn đã nhấn mạnh vai trò của Quốc hội trong chấm dứt ném nom và khuyên Chu Ân Lai "Hãy gắng chịu đựng, mọi chuyện sẽ nhanh chóng qua đi".

Giôn-kin và Hô-ri-đích Sô-lô-môn giải thích rằng, khẩu khí của công hàm có lẽ phản ánh sự bực tức của họ đối với Man-nu-sơn. Kít-sinh-gơ nói đây là sự nhận xét ngu xuẩn, và khẳng định đằng sau công hàm có hàm ý quan trọng. Kít-sinh-gơ nói: Hãy bình tĩnh để xem xét quan điểm của người Trung Quốc. Giờ đây, họ đã phát hiện trong tình hình vị trí chính trị suy giảm, Tổng thống không thể có sự ủng hộ mạnh mẽ công việc về an ninh đang tác động đến mình. Có thể hiện nay họ đang hoài nghi về giá trị các mối quan hệ của chúng ta. Tướng San-cơ-rốp nhấn mạnh, người Trung Quốc cần ở Mỹ một hành động kiên định.

Sô-lô-môn một lần nữa quay trở lại vấn đề Cam-pu-chia. Xi-ha-núc đã ngụ ý nói mình không có quyền lực và thừa nhận, bản thân ông ta chỉ là cái áo khi hiện nay chúng ta cần đối thoại với Khơ-me Đỏ. Có thể là như vậy. Ngoài ra người Trung Quốc không muốn để lộ điểm yếu của Xi-ha-núc trong đàm phán với chúng ta, hơn nữa muốn sau này lợi dụng ảnh hưởng của Xi-ha-núc ở Cam-pu-chia. Ban lãnh đạo Trung Quốc cũng không muốn bước vào cuộc đàm phán mang tính thoả hiệp trước ngày thắng lợi rõ rệt của cuộc "chiến tranh nhân dân".

Bị kìm chế, hứng lấy sự chỉ trích từ trong nước và quốc tế, đặc biệt là ở thời điểm trước Đại hội Đảng, Ing-gơ-béc cho rằng, do sơ xuất giới báo chí ở đây đã gắn câu chuyện, cuộc đàm phán tế nhị đang trong tiến trình với chuyến thăm của Kít-sinh-gơ tới Bắc Kinh, có khả năng dẫn tới người Trung Quốc thay đổi thái độ, ông ta hỏi phải chăng là một số lãnh đạo Trung Quốc không thừa nhận Trung Quốc cố tình hoặc vô ý để người Mỹ lợi dụng trong việc kéo dài ném bom trong 45 ngày.

Kít-sinh-gơ trả lời: Chỉ có chấm dứt ném bom, chứ không phải kéo dài ném bom mới là việc mang tính chất quyết định. Từ đầu tháng 5, chúng ta tiến hành ném bom khiến họ thất điên bát đảo. Sau khi Quốc hội bỏ phiếu, các cuộc ném bom có dãn ra. Tướng Skan-cơ-rốp đã thừa nhận điều này.

Kít-sinh-gơ nói: Sau chúng ta, là người Trung Quốc bị tổn thương bởi cuộc ném bom. Trước đây chúng ta ném bom là dịp để họ và Xi-ha-núc nhắn tin đến Khơ-me Đỏ, cũng có nghĩa họ cùng với ta thu xếp chuyện chấm dứt ném bom: Giờ đây, người Trung Quốc nếu muốn gây ảnh hưởng để giải quyết vấn đề, chẳng khác nào như tên võ biền đứng giữa chúng ta và người Cam-pu-chia.

Lốt nhận xét, theo ông ta lời lẽ trong công hàm không phải là nghiêm khắc. Rô-đô-man từng cho rằng: Ngôn ngữ của họ là chuẩn mực trong vấn đề Cam-pu-chia. Điều này không có gì mới. Trong tuyên bố công khai, họ thường nhục mạ chúng ta trong vấn đề Cam-pu-chia. Kít-sinh-gơ xác nhận. Người Trung Quốc không thích ném bom. Nhưng điều này ngược lại với bài học trước đây chúng ta từng trao đổi với họ trên vấn đề này, cũng như quan hệ của chúng ta với họ trong vấn đề Việt Nam.

Mỗi khi họ có lời lẽ nghiêm khắc trong bức điện về Việt Nam, cũng có nghĩa họ muốn nói về điều khác, nếu không sẽ tìm cách khác để làm rõ? không phương hại đến mối quan hệ với chúng ta. Lần này, họ nhắc lại lời mời, nhưng lại không phúc đáp đề nghị của chúng ta về ngày tháng chuyến thăm, đó là một cái gì quan trọng làm cho người ta khó hiểu. 

Hao-ơ nhận xét: Chúng ta dựng nên mối liên hệ rõ ràng giữa hành động ở Cam-pu-chia với chuyến thăm. Đặt mình trong đó, họ không thể ủng hộ mối liên hệ này. Qua phân tích riêng vấn đề Cam-pu-chia có thể họ muốn tìm ra điểm nhân cách rõ ràng giữa hai sự kiện trong mối liên hệ đó và tìm cách tách nó ra. Họ muốn đưa ra một lập trường nguyên tắc.

Lốt hỏi. Thế lời lẽ mấy tháng trước ra sao? Kít-sinh-gơ trả lời, lời lẽ hoàn toàn khẳng định, trước đây không bao giờ có lời lẽ như trong công hàm vừa qua. Lốt hỏi: Họ có nhận xét gì về chuyến thăm của Brê-giơ-nhép, Kít-sinh-gơ trả lời rằng: Thái độ của họ đối với toàn bộ sự việc đều cư xử một cách đàng hoàng. Họ không ưa Hiệp định về hạt nhân, nhưng chỉ đề cập có mức độ.

Tướng Skan-cơ-rốp nói: Chúng ta đã có các cuộc trao đổi rộng rãi với họ trên vấn đề này. Sô-lô-môn nói: Chưa có dấu hiệu quan trọng nào chứng tỏ họ thay đổi chính sách đối với Mỹ. Ngược lại, ba ngày trước Mao Trạch Đông đã có một hành động khác thường là tiếp một nhà vật lý hạt nhân người Mỹ gốc Hoa, sau đó, Chu Ân Lai mời ông ta dự chiêu đãi. Đó là một tín hiệu đối với nhân dân Trung Quốc và người Hoa ở hải ngoại: Quan hệ Trung - Mỹ vẫn tiếp tục.

Một chuyện nữa xảy ra vào mấy tuần trước, phu nhân Mao và Đại sứ Blúc-sơ cùng xuất hiện trên sân một trận đấu bóng rổ, chứng tỏ những người trước đây không hài lòng việc bắt tay lại với Mỹ cũng đã ủng hộ sự phát triển mối quan hệ Trung-Mỹ.

Kít-sinh-gơ chuyển sang vấn đề Trung Quốc đang theo dõi Tổng thống trong sự bất lực. Có lẽ họ muốn dành cho bản thân một sự linh hoạt hơn, đặc biệt là về phía người Nga. Về việc tránh chuyến thăm của Kít-sinh-gơ tất nhiên là chuyện quan trọng, đặc biệt là diễn ra sau cuộc họp cấp cao giữa Kít-sinh-gơ với Brê-giơ-nhép.

Sô-lô-môn cho rằng: Bức điện của Trung Quốc là sự phúc đáp đối với vấn đề mà chúng ta nêu ra, nói cách khác, chúng ta muốn gì trong vấn đề Cam-pu-chia. Giờ đây, họ đã có câu trả lời thẳng thắn bởi vì họ hiểu chúng ta gắn chuyến thăm với vấn đề Cam-pu-chia. Vấn đề giờ đây là trả lời như thế nào?

Kít-sinh-gơ khẳng định: Phúc đáp của Trung Quốc là sự hoãn lại chuyến thăm, có khả năng họ đã làm một việc gì đó để né tránh vấn đề chủ yếu trong công hàm về Cam-pu-chia. Chỉ có thể là như vậy, cho dù có sự phúc đáp với bất kỳ hình thức nào về ngày tháng chuyến thăm mà chúng ta đề nghị - Có thể họ sẽ nói: Chúng tôi không thể làm gì hơn cho các Ngài trong vấn đề Cam-pu-chia. Nhưng chúng tôi rất vui là Ngài nếu đến thăm vào ngày 6/8 hoặc các ngày khác"

Sô-lô-môn nhận xét: Họ không nêu ngày 6/8 có lẽ vì biết hiện nay chúng ta không thể đi vào ngày đó. Tướng Skan-cơ-rốp cho rằng: họ có thể làm như vậy với nhiều cách khác nhau.

In-gơ-béc kết luận: Chúng tôi không thể trả lời câu hỏi của ông Kít-sinh-gơ là tại sao người Trung Quốc lại áp dụng một cách làm như vậy.

Tiếp đó chuyển sang trao đổi Mỹ nên trả lời ra sao? Mọi người nhất trí câu trả lời bức công hàm về Cam-pu-chia bằng thái độ cứng rắn và hoãn lại chuyến thăm.

Kít-sinh-gơ nói: Chúng ta để Đại sứ Blúc-sơ trao bức công hàm với lời lẽ nghiêm khắc về vấn đề Cam-pu-chia, bày tỏ sự đáng tiếc về việc người Trung Quốc lần đầu tiên đã không giữ lời hứa trong quan hệ với chúng ta. Cần nhắc lại những việc mà họ nói với chúng ta, lời cam kết của họ về việc sẽ chuyển ý kiến của chúng ta tới Xi-ha-núc. Trong khi tình hình này tôi cho rằng việc chúng ta cần thông qua Mô-ri-ta-ni để móc nối với Xi-ha-núc là chuyện hoang đường.

Người Trung Quốc từng nói, khi Xi-ha-núc đang ở nước ngoài, không được tiếp xúc với ông ta, làm như vậy sẽ không an toàn. Còn hiện nay, thì ông ta đang ở Bắc Kinh. Chúng ta cần cố gắng tìm hiểu bức điện của họ có ý gì đối với mối quan hệ với chúng ta. Chúng ta cần để Blúc-sơ đi điều tra và thăm dò quan điểm của Thứ trưởng ngoại giao Kiều Quán Hoa về quan hệ đối với chúng ta, hiện Blúc-sơ cần có sự đánh giá chung về quan hệ Trung - Mỹ.

Chúng ta sẽ tìm ra nguyên nhân nếu họ có vấn đề phức tạp nào đó. Nếu họ không phúc đáp, thì bản thân việc này đã là sự phúc đáp. Bất luận thế nào, chúng ta cũng hiểu được sự việc. Chúng ta để Blúc-sơ trao bức điện với lời lẽ nghiêm khắc về vấn đề Cam-pu-chia, và nêu ra một số vấn đề khác bằng lời. Chúng ta nên có hành động vào ngày 24 hoặc 25 tuần tới. Mọi người nhất trí, đối với bức công hàm lạnh lùng kia, chúng ta không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc hoãn lại chuyến thăm, chúng ta nên trao cho Hàn Tự bức công hàm có nội dung như vậy vào ngày 21.

Theo Kít-sinh-gơ: Về ngày tháng chuyến thăm, nên chăng nêu ra sau ngày 1/4 hoặc một ngày nào đó trong mùa thu, hoặc đề nghị phía họ nêu ra ngày tháng, chuyện này còn cần phải trao đổi. Công hàm với lời lẽ cần "lạnh như băng tuyết". Vấn đề thứ hai, nên chăng tôi đề nghị một văn bản tuyên bố chung hoặc hỏi họ về đề nghị tuyên bố. Như vậy đẩy họ vào chỗ buộc phải phản ứng. Một bản tuyên bố chính thức sẽ có tác động rất lớn, nên chúng ta cần phải đưa ra một tuyên bố.

Kít-sinh-gơ cho rằng, chí ít đó là sự trả lời chất vấn của giới báo chí. Vì tháng 8 qua đi, giới báo chí nhất định sẽ đưa ra nhiều câu hỏi, chúng ta có thể trả lời, do khó thu xếp thời gian, hai bên đồng ý lùi lại đến tháng 9.

Phụ lục: 5 giờ chiều ngày 19-7, Hàn Tự chuyển đến bức công hàm thứ hai của Trung Quốc, đề nghị Kít-sinh-gơ đến thăm Trung Quốc vào ngày 16/8. Ở thời điểm sắp kết thúc một ngày, mọi người tạm thời quyết định: Trả lời 2 bức công hàm của Trung Quốc theo thứ tự. Ngày đầu trả lời vấn đề Cam-pu-chia, ngày hôm sau đề nghị chuyến thăm vào tháng 9. Nội dung sẽ viết thành văn bản trao cho Hàn Tự, khỏi cần Blúc-sơ nêu ra với Kiều Quán Hoa “vấn đề cơ bản" nữa.

Lời dẫn

Trong phúc đáp về vấn đề Cam-pu-chia, Mỹ phản đối câu nói của Trung Quốc: Không đáng tin cậy. Trong báo cáo, Blúc-sơ nhận xét, quan hệ với Trung Quốc có chút "nguội lạnh", tuy nhiên người Trung Quốc rõ ràng hy vọng tiếp tục đi sâu đàm phán về bình thường hóa", nhưng việc người Trung Quốc kéo dài chấp nhận ngày tháng chuyến thăm làm cho Kít-sinh-gơ bực tức, ông ta cho rằng "Đó là sự thiếu lễ độ".

Một câu hỏi đột xuất khác đã xuất hiện khiến cho Kít-sinh-gơ muốn đi sâu tìm biểu "Phải chăng có vấn đề sâu hơn trong quan hệ Trung-Mỹ". Ngày 26/4, Bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu Blúc-sơ ra lệnh cho phân đội bảo vệ thuộc lực lượng bảo vệ hải quân Mỹ rời Trung Quốc, bởi lực lượng lính thuỷ đánh bộ dễ gây nên sự chú ý của công luận. Lúc đầu người Trung Quốc đồng ý sự có mặt của hải quân (các Đại sứ quán khác ở Bắc Kinh không có bảo vệ quân sự) nhưng sự xuất hiện của những binh lính mặc sắc phục đã nhanh chóng gây nên sự chỉ trích, lực lượng hải quân không chịu mặc thường phục, bất chấp sự nhạy cảm của Trung Quốc đối với lực lượng quân sự nước ngoài.

Nhưng một lần nữa họ lại gây nên sự "chú ý của người Trung Quốc" bằng cách lập một hộp đêm tại bến cảng, và nhanh chóng biến nơi đây thành trung tâm giải trí, thu hút người ngoại quốc lao tới tìm thú vui. Một lần nữa, Bộ Ngoại giao Trung Quốc bày tỏ bất mãn đối với lực lượng quân đội nước ngoài.

Kít-sinh-gơ hiểu rằng cuộc tranh chấp về mặt hải quân sẽ biến chuyện nhỏ thành chuyện lớn, nên ông ta yêu cầu Trung Quốc tạm hoãn lệnh này, để có cuộc trao đổi riêng với Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhưng chuyến thăm cuối tháng 10 mà Kít-sinh-gơ mong đợi lại kéo đến tháng 11 rồi bị huỷ bỏ. Ngày 21/9, Thượng viện xác nhận, Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ yêu cầu Chu Ân Lai cho hoãn chuyến đi lần nữa.

Trước đó, quân đội Ai-cập và Xi-ri đột ngột phát động cuộc tấn công It-xra-en. Cùng với nguy cơ Trung Đông phát triển, Kít-sinh-gơ vẫn định kỳ trao đổi với Đại sứ Hoàng Hoa về tình hình và sách lược của ông ta nhằm ngăn cản thắng lợi của quân đội Liên Xô, ủng hộ việc trợ giúp Trung Quốc về không quân, để chứng minh rằng chúng ta can dự vào nhanh hơn họ".

Đến ngày 19/10, Kít-sinh-gơ vừa bày tỏ tư tưởng "Ít-xra-en giành được thắng lợi quyết định" vừa loan báo với Đại sứ Hoàng ông ta sẽ đi Mát-xcơ-va, để cùng Liên Xô thu xếp thoả thuận ngừng bắn tại It-xra-en:" Kít-sinh-gơ đã lưu lại Ít-xra-en vài ngày, dường như ông ta ngầm khuyến khích Ixraen giành thêm đất đai. Không bao lâu sau khi Kít-sinh-gơ trở về từ It-xra-en, Hiệp định ngừng bắn tan thành mây khói. Ngày 23/10 Ít-xra-en phát động cuộc tấn công quy mô lớn và bao vây luôn quân đoàn 3 của Ai-cập. Đêm hôm sau, tin tức về Ít-xra-en tiếp tục bao vây quân đoàn 3 và vi phạm lệnh ngừng bắn bay đi khắp nơi.

Brê-giơ-nhép gửi một bức thư cho Nhà Trắng đề nghị Mỹ-Xô có hành động chung để thúc đẩy ngừng bắn. “Nếu Oa-sinh-tơn bác bỏ hành động chung, chúng tôi buộc phải tính đến hành động đơn phương". Tuy người ta nhìn thấy sự đe doạ trong câu chữ của Brê-giơ-nhép, nhưng ông ta lại không có ý đồ. Ngược lại, ông ta kêu gọi Ních-xơn khuyên It-xra-en chấp hành Hiệp định ngừng bắn. Một khi hành động đơn phương được loại trừ, "bước đi thích hợp" của Brê-giơ-nhép chỉ là những ý mơ hồ.

Kít-sing-gơ đã coi bức thư của Brê-giơ-nhép là bản thông điệp cuối cùng, nhưng ngay từ đầu, Kít-sinh-gơ hiểu rằng Liên Xô sẽ không đơn phương can dự, nên đã nói với Đại sứ Hoàng rằng: "Bức thư của Brê-giơ-nhép chỉ là con ngoáo ộp". Nhưng ông ta cho rằng có hai lý do minh chứng cần thiết có phản ứng quân sự về bức thư của Brê-giơ-nhép. Một là xua tan mọi ý nghĩ cho rằng Liên Xô có hành động đơn phương, hai là khôi phục sức ép của Mỹ đối với It-xra-en nhằm giám sát ngừng bắn, từ đó ngăn cản It-xra-en giành thắng lợi quyết định.

Ních-xơn thì co lại bởi "cuộc tàn sát đêm thứ 7" và phải chuẩn bị cho cuộc điều trần do Quốc hội dấy lên, cố tình để Kít-sinh-gơ đứng ra sử dụng quyền lực. Cùng với các đồng nghiệp của mình trong NSC, Kít-sinh-gơ ra lệnh đặt quân đội Mỹ, bao gồm vũ khí hạt nhân chiến lược và hệ thống phòng thủ trên không trong tình trạng báo động trên phạm vi thế giới.

Ngày hôm sau, Kít-sinh-gơ đã giới thiệu tóm tắt với Đại sứ Hoàng về bức thư của Brê-giơ-nhép, việc đặt tình trạng báo động và phương án của Mỹ về để giải quyết hòa bình sự việc này. Hoàng Trấn thuộc phe thân Ả-rập triệt để. Kít-sinh-gơ lưu ý Trung Quốc chính sách của ông ta là hoàn toàn nhằm chống Liên Xô chứ không phải là điều phối các nước Ả-rập.

Kít-sinh-gơ nhấn mạnh tầm quan trọng, trong chính sách của Mỹ có ở chỗ vừa tính đến sự bất mãn của Ả-rập, vừa hạn chế được ảnh hưởng của Liên Xô. Tình hình mấy tháng sau đó chứng tỏ, Kít-sinh-gơ quyết định đẩy Liên Xô ra khỏi tiến trình hoà bình ở Trung Đông, đã làm tăng bầu không khí chiến tranh lạnh giữa Liên Xô và Mỹ.

BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM TẠI BỘ NGOẠI GIAO.
TÀI LIỆU TUYỆT MẬT. CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ

Người dự.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ, Trợ lý Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Nam Á,

Jô-dép Xi-cốt, Quyền Ngoại trưởng phụ trách vấn đề Đông Á - Thái Bình dương.

Bộ trưởng phối hợp kế hoạch Uyn-tơn Lốt.

Đại sứ Hoàng Trấn,

quan chức Hàn Tự,

phiên dịch Kỳ Triệu Thọ.

Địa điểm tại Văn phòng liên lạc nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Ngày giờ: Thứ năm ngày 25/10/1973 4 giờ 45 phút - 5 giờ 25 chiều.

Đại sứ Hoàng: Ngài suốt đêm không ngủ?

Ngoại trưởng Kít-sinh:gơ: Bạn của các Ngài muốn giảm béo. Tôi nghĩ rằng tôi cần nhắc các Ngài hãy định ngày tháng thuận tiện cho Thủ tướng. Trước hết, tôi xin thông báo về tình hình tối qua và ngày hôm nay, sau đó trở lại chuyến đi Mát-xcơ-va của tôi. Thưa ngài Đại sứ, chính sách của chúng tôi như đã nói với Ngài tối hôm đầu tiên, có mục tiêu cơ bản là kiềm chế lực lượng Liên Xô tại Trung Đông và giảm tối đa ảnh hưởng chính trị của Liên Xô. Tôi biết Ngài sẽ phản đối dữ mục tiêu này.

Đại sứ Hoàng: Chưa chắc.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Chúng tôi đẩy mạnh mục tiêu này để xem xét đề nghị của các Ngài.

Đại sứ Hoàng: Hôm nay tôi có theo dõi toàn bộ cuộc họp báo của Ngài trên ti vi.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: (nói với Xi-cốt) Thủ tướng của các Ngài nói tôi là người duy nhất có thể nói cả 30 phút đồng hồ những lời trống rỗng. Thủ tướng nói vậy, tôi không giận, nhưng ông ta đã để lộ bí mật về tôi.

Đại sứ Hoàng: Những điều Ngài nói, Thủ tướng rất dáng lưu tâm. Kiều Quán Hoa đã nói với ông về sự giải thích của Thủ tướng.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Chúng tôi xin được kiểm điểm lại tình hình ngày hôm qua. Sáng qua chúng tôi nhận được lời oán trách của Liên Xô, vì lệnh ngừng bắn đã bị vi phạm. Chúng tôi tin họ và đã gây sức ép buộc It-xra- en ngừng hành động, những ngay sau đó chúng tôi phát hiện It-xra-en đồng thời phát hiện người Ai-cập cũng không phản ứng. Đó là một ngày khá yên tĩnh. Suốt một ngày qua, lời oán trách ngày càng lớn khiến chúng tôi không thể có một giải pháp nào.

Đến 4 giờ, tôi gặp Đô-brư-nin, ông ta và tôi chỉ trao đổi vấn đề nên bắt đầu đàm phán chính trị như thế nào? Cuối cùng trao đổi vấn đề về Hội đồng Bảo an nên có hành động gì? Đô-brư-nin nói, chỉ thị duy nhất cho đại diện của họ là bỏ phiếu để tạo ra ngừng bắn. 7 giờ rưỡi Đô-brư-nin gọi điện cho tôi nói, hiện nay họ đã thay đổi chỉ thị, sẽ bỏ phiếu tán thành phương án giải pháp do người khác đưa ra, là lực lượng quân sự của Liên Xô và Mỹ cùng can dự vào Trung Đông.

Tôi trả lời: Chúng tôi cũng sẽ bỏ phiếu tán thành phương án này. Các Ngài cũng bỏ phiếu tán thành. 10h35, chúng tôi nhận được một bức điện của Liên Xô với lời lẽ khá thô bạo, nói chúng tôi cần đồng ý ngay cùng với họ đưa quân vào Trung Đông. Nếu chúng tôi không đồng ý cùng với họ cử lực lượng chung, thì họ sẽ đưa riêng quân đội Liên Xô tới đó, chúng tôi không tính chuyện cùng với Liên Xô cử lực lượng chung, vì mục tiêu của chúng tôi khác với họ, vả lại chúng tôi không muốn dựng nên nguyên tắc về lực lượng chiến đấu Liên Xỏ được đưa vào các nước. Vì vậy, tôi đã điện cho Đại sứ Liên Xô và báo cho họ biết, chúng tôi sẽ trả lời sau.

Sau đó, tôi triệu tập họp Hội đồng An ninh quốc gia. Đồng thời ra lệnh quân đội sẵn sàng hành động. Chúng tôi đã cử hạm đội sang miền Đông Địa Trung Hải, điều một số máy bay vận tải sang miền Tây Địa Trung Hải. Sau khi xác định Liên Xô biết rõ tất cả hành động trên, chúng tôi mới trả lời họ.

Tôi nói rằng: Chúng tôi sẽ cử cá biệt quan sát viên chứ không trực tiếp tham chiến, chỉ với tư cách là một bộ phận của lực lượng quan sát Liên Hợp Quốc. Nhưng nếu Liên Xô đơn phương hành động sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng hơn nữa vi phạm nguyên tắc đã được thoả thuận và điều II công ước PNW. Tôi biết rằng các Ngài không thích chúng tôi đề cập công ước PNW".

Như chúng tôi đã nói với Thủ tướng, hiện chúng ta đang sử dụng công ước, bởi chúng tôi biết cách sử dụng nó. Chúng tôi cùng báo cho Đại sứ Liên Xô, chúng tôi không muốn nhận được bất cứ thư từ nào khi chúng tôi chưa nhận được phúc đáp. Các Ngài có biết đã xảy ra chuyện gì tại Liên Hợp Quốc hôm nay không? Chúng tôi đã bác bỏ bất kỳ một giải pháp nào, trừ phi tất cả các thành viên của quân đội Liên Xô ra khỏi đội quân Liên Hợp Quốc. Là một bộ phận của Liên Hợp Quốc, hiện nay Liên Xô đã bị loại ra khỏi việc cử quân đến các nước khác. Khoảng nửa tiếng trước, chúng tôi nhận được phúc đáp của Liên Xô cho biết họ sẽ cử 70 quan sát viên cá biệt, chứ không phải là phân đội quân sự.

Đại sứ Hoàng: Có nghĩa các Ngài cũng cử quan sát viên cá biệt?

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Cũng có thể, nhưng chúng tôi chưa quyết định. Điều chúng tôi quan tâm là 7/8 sư đoàn nhẩy dù của họ đặt trong tình trạng báo động (hỏi - Xi cốt) 7/8 hay 6/7?

Xi Cốt: Tôi nghĩ là 7/8 nhưng tôi chưa dám chắc.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Họ đã thu xếp xong số máy bay vận tải để vận chuyển, chúng tôi không quan tâm đến một số nhân viên cá biệt ở Ai-cập, bởi họ đã cắm ở đây từ trước. Nhưng chúng tôi quyết định ngăn cản lực lượng tác chiến nhẩy vào, về chiến lược của chúng tôi, điều Mát-xcơ-va quan tâm xem xét là vấn đề Trung Đông và giải pháp của Hội đồng Bảo an, chứ không có kế hoạch nào khác. Điều chúng tôi suy nghĩ là một khi họ bị đánh bại thì không cần thiết đẩy tình hình đến chỗ đối kháng quân sự.

Đại sứ Hoàng: Ai bị đánh bại?

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Về cơ bản mà nói, người Ai-cập bị đánh bại rồi, vì vậy còn có người Nga. Chúng tôi sẽ không đòi ngừng bắn. Hiện nay, chúng tôi đang thực thi chính sách tăng cường quan hệ với các quốc gia Ả-rập mà tôi đã trao đổi với Thứ trưởng Ngoại giao. Trên đường tới Bắc Kinh, tôi tính dừng lại ở vài nước Ảỷ rập, đặc biệt là Cai-rô. Tôi muốn từ Cai-rô đến Tê-hê-ran qua La-ho hội kiến Tổng thống Bút-tô, sau đó đến thẳng Bắc Kinh (Người Trung Quốc có cuộc trao đổi). Các Ngài cần hỏi ý kiến của Chính phủ về việc này. Hoặc tôi sẽ vòng qua khu vực đó đến Thượng Hải

Đại sứ Hoàng: Chúng tôi sẽ báo cáo với Chính phủ và trả lời Ngài sớm nhất.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Được, tôi cho rằng bây giờ đi thăm những nước đó là đúng lúc, cũng phù hợp với quan điểm chung của ông Kiều Quán Hoa mà ông đã bày tỏ với tôi trong lần gặp trước. Về tinh thần cũng phù hợp với cuộc trao đổi của chúng ta trước đây, về việc tôi dừng chân ở một số nước này. Trên đây là một số điều tôi thông báo với các Ngài. Tất nhiên, tôi sẽ trả lời tất cả vấn đề các Ngài muốn hỏi.

Đại sứ Hoàng: Cảm ơn Ngài đã cho biết một số tình hình, chúng tôi sẽ báo cáo lại ngay với Thủ tướng Chu Ân Lai. Tôi muốn hỏi, theo quan điểm của Ngài, tình hình Trung Đông sẽ diễn biến ra sao?

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Tôi cho rằng Liên Xô đã thất bại to lớn về chiến lược. Đó cũng là việc tại sao tối qua họ định dọa chúng tôi. Các nước bạn của Liên Xô lần thứ ba đánh mất phần lớn trang thiết bị quân sự. Cho dù người lãnh đạo Ả rập biết họ sẽ tiếp tục nhận được trang thiết bị quân sự của Liên Xô. Nhưng nếu họ không tiến triển trong lĩnh vực ngoại giao, thì buộc phải bắt tay với chúng tôi. Chúng tôi không chống chủ nghĩa Ả-rập và sẽ giúp họ giành được sự tiến triển về ngoại giao. Vì vậy, chúng ta đang ở trên vị trí thuận lợi, để làm suy yếu ảnh hưởng chính trị của Liên Xô. Đó là sự đánh giá về phía chúng tôi. Thỉnh thoảng họ sẽ doạ chúng tôi và sẽ lên tiếng răn đe nhưng gan của họ đâu có to như lời đe dọa.

Đại sứ Hoàng: Trong tương lai, Mỹ và Liên Xô có kế hoạch gì?

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Giữa Liên Xô và chúng tôi có sự hợp tác chính thức nhằm thúc đẩy đàm phán về bình thường hóa quan hệ. Liên Xô cố gắng tạo ra một ấn tượng rằng, chính họ thúc đẩy chúng tôi hội nhập. Cho dù Liên Xô không nhắn điều gì, chúng tôi cũng sẽ có cuộc hội đàm tay đôi với người Ả-rập. Ngài nên phân biệt rõ sự thật và hiện tượng. Cũng có thể xảy ra chuyện sĩ diện, nhưng chúng tôi sẽ quyết định mình phải làm gì. Các Ngài biết không, người phương Tây rất sĩ diện.

Đại sứ Hoàng: Nói về sự tự tôn, người phương Đông rất sĩ diện. Xin nói thẳng, tại Hội đồng Bảo an, trong phiên họp 22 và 23, Mỹ và Liên Xô đưa ra một giải pháp mà họ tán thành với nhau, không cho các quốc gia khác tham gia bàn bạc hoặc xin chỉ thị của Chính phủ mình. Đây là việc làm mà chúng tôi không thể chấp nhận. Thứ trưởng Kiều Quan Hoa nêu rất rõ chuyện này trong lời phát biểu tại Hội đồng Bảo an, trong khi đó có một số người không muốn ông ta hoàn thành bài phát biểu của mình.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Tôi hy vọng rằng, đại diện của chúng tôi không gây sức ép với các Ngài.

Đại sứ Hoàng: Trong thực tế, Mỹ và Liên Xô đã nêu ra giải pháp trong Hội đồng Bảo an, mà không để các thành viên khác có thời gian trao đổi hoặc tìm hiểu quan điểm của Chính phủ nước mình.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Tôi tán thành ý kiến của Ngài. Đây là một trường hợp ngoại lệ. Trong bối cảnh đó nếu chiến tranh kéo dài thêm 24 tiếng đồng hồ nữa, quân đội Ai-cập sẽ bị quét sạch hoàn toàn.

Đại sứ Hoàng: Tôi không đồng ý sự đánh giá này, ngay từ đầu chúng tôi đã có quan điểm khác về điểm này. Mỹ nói, cuộc chiến nổ ra trong vòng từ 72 đến 96 tiếng đồng hồ, người Ả rập sẽ bị đánh bại

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Tôi đã đánh giá thấp.

Đại sứ Hoàng: Cuộc chiến kéo dài đã 16 hoặc 17 ngày rồi. Như ông Kiều Quán Hoa đã nêu rõ, đó là thắng lợi vĩ đại của người Ả rập. Đó không phải là cuộc chiến sáu ngày năm 1967. Chúng ta có bất đồng về điểm này. Tôi không muốn trình bày thêm nữa.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Chúng ta đã có đánh giá công khai khác nhau, tất nhiên trong đó có sự đánh giá của cá nhân. Tôi đã đánh giá thấp về thời gian. Nhưng không đánh giá thấp về kết quả.

Đại sứ Hoàng: Nhưng sự đánh giá ở đây dựa trên cơ sở khác nhau. Chúng tôi muốn biết quan điểm, bên nào đúng, bên nào không đúng. Chúng tôi cũng cho rằng, vũ khí là quan trọng, nhưng con người sử dụng vũ khí quan trọng hơn. Ngài có thể thấy đấy, kể từ ngày nước Anh nhận uỷ thác quản lý Pa-le-stin đến nay, người Ả rập nếm trải nhiều tủi nhục trong 90 năm qua.

Với sự ủng hộ của các nước lớn, ngày 5/6/1948 trong quá trình lập nên It-xra-en gồm hai mảnh đất, một nằm trong lãnh thổ Pa-le-stin, một nằm trong It-xra-en. Ngay ngày hôm sau, It-xra-en đã tấn công vào lãnh thổ của người khoảng một triệu người Ả-rập sống trên lãnh thổ Pa-le-tin bị đuổi khỏi quê hương, không nhà cửa mấy chục năm qua, người Pa-le-stin và người Ả-rập không nhà cửa, đành sống trong các trại ty nạn.

Sau cuộc chiến năm 1967 những người bạn Ả-rập của chúng tôi luôn cảm thấy nhục nhã. Đó là lý do giải thích tại sao người Ả-rập lại chịu nhiều đau khổ trong cuộc chiến tranh 1967 như vậy. Liên Xô cung cấp vũ khí cho họ, nhưng không cho phép tự do sử dụng, với mục đích là kiểm soát họ. Tất nhiên, người Ả-rập cũng không để Liên Xô thực hiện ý đồ của mình.

Người Ả-rập đã đánh trả các cuộc khiêu khích của It-xra-en, như Thứ trưởng Kiều Quán Hoa đã nói rõ trong lời phát biểu của, mình tại Hội đồng bảo an. Thứ trưởng Kiều nêu rõ người Ả-rập chiến đấu anh dũng, tại phần đất phía đông Xuy-ê, họ đã kéo lên quốc kì của họ.

Còn ở cao nguyên Gô-lan nơi địa thế bất lợi cho It-xra-en, người Xi-ri đã chiến đấu cực kì anh dũng. Ông Môt-xi Đa-niu tuyên bố, quân đội It-xra-en sẽ tấn công Đu-mát, nhưng điều đó không xảy ra. Người Ả-rập tại Pa-le-stin cũng tiến hành cuộc chiến đấu anh hùng. Chính phủ và nhân dân các nước Ả-rập khác cùng tham gia chiến đấu, số lượng về người và vật chất tăng lên, còn tình hình hiện nay thì tôi không được rõ lắm.

Ở một thời điểm nào đó nhân dân Ả-rập kiên cường sẽ có đánh trả bằng quân sự, Nhưng tôi không đồng ý với đánh giá của Ngài là họ sẽ bị đánh bại. Sẽ không có hoà bình một khi quyền lợi của người Ả-rập ở Pa-le-stin không được giải quyết. Tôi đã bày tỏ quan điểm của mình trước việc làm của Mỹ và Liên Xô chắc chắn cuối cùng người Ả-rập sẽ là người chiến thắng.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không chống lại người Ả-rập. Mục tiêu cơ bản của chúng tôi là ngăn chặn ảnh hưởng của Liên Xô, như tôi đã nói với Ngài ngay từ đầu. Chúng tôi rất nghiêm túc xem xét bài phát biểu của Thứ trưởng Ngoại giao của các Ngài tại Niu-oóc. Ngài sẽ thấy chúng tôi thi hành một chính sách tích cực dành cho người trập. Tôi tán thành quan điểm của Ngài, những năm qua họ đã rửa được nỗi sỉ nhục và chiến đấu rất dũng cảm.

Đại sứ Hoàng: Tôi muốn nói đôi điều và sẽ không nhắc lại nữa. Chúng ta là bạn cũ, nhưng chúng tôi có chính kiến riêng của mình. Ngài biết đấy, chúng tôi rất thông cảm với hoàn cảnh của nhân dân Ả-rập.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không yêu cầu các Ngài từ bỏ lập trường này.

Đại sứ Hoàng: Như chúng tôi đã nói trước đây, chúng tôi không chống lại nhân dân Do Thái, mà chỉ chống lại chủ nghĩa Do Thái phục quốc và cuộc xâm lược của nó. Đó cũng là quan điểm của người Ả-rập. Xin nói thêm rằng tôi từng là người lính, tôi không tin vào lý thuyết cho rằng vũ khí quyết định hết thảy. Nếu nói vũ khí là quyết định thì cách mạng Trung Quốc không bao giờ giành được thắng lợi. Và Oa-sinh-tơn cũng không bao giờ thắng lợi. Còn nhiều ví dụ khác có thể chứng minh.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Như vậy, thì Uyn-tơn Lốt không có hy vọng tiếp quản Quốc hội rồi. Thưa Đại sứ, kế hoạch hiện nay của chúng tôi là ngày 5 hoặc 6 tháng 11 sẽ rời khỏi đây. Sau đó từ Cai-rô đi Trung Quốc. Nếu thuận tiện các Ngài cho biết có thể qua Pa-ki-xtan được không? Đó là chuyến đi không dễ chịu (cười).

Đại sứ Hoàng: Tôi sẽ báo ngay về nước việc này.

Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ: Tôi rất mừng có dịp trao đổi với Thủ tướng nhiều vấn đề ở bên đó (người Trung Quốc đi ra cửa). Chắc các Ngài không tán đồng việc làm của chúng tôi tối qua. Thưa Đại sứ (cười). Tôi không muốn làm các Ngài quá căng thẳng.

Đại sứ Hoàng: Chúng tôi sẽ báo ngay về nước. Cá nhân tôi cho rằng (chuyến thăm dừng chân tại một số nước Ả rập) đó là một sáng kiến hay.

(Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ soát lại các chi tiết trong chuyến thăm, Ả-rập Xê-út là nước cũng có khả năng viếng thăm)

chương IV
TÌM KIẾM LIÊN MINH CHIẾN LƯỢC

KIT-SINH-GƠ TẠI BẮC KINH
(THÁNG 11/1973)

Ngày 10-11-1973 với tư cách là Ngoại trưởng, Kít-sinh-gơ lần đầu tiên đến Bắc Kinh tiến hành hội đàm lâu dài với Mao Chủ tịch và Chu Thủ tướng. Đó là chuyến thăm lần thứ 6 của ông ta tới Bắc Kinh trong vòng chưa đầy hai năm. Chỉ cần quan chức ngoại giao Đài Loan xuất hiện tại Oa-sinh-tơn, quan chức cao cấp của Trung Quốc, trừ Đại sứ Hoàng Trấn ra, không thể Hội kiến với Ních-xơn hoặc Kít-sinh-gơ tại Oa-sinh-tơn. Kít-sinh-gơ khẳng định có lý do rất thuyết phục để đi gặp gỡ Mao và Chu. Song họ vẫn hài lòng về chuyện này bởi Kít-sinh-gơ không thể không đến gặp họ. Chuyện như sứ thần của một nước "Man di" trong lịch sử đến cống nạp cho Thiên triều Trung Hoa.

Sau cuộc họp cấp cao tháng 6/1973, quan chức Trung Quốc tỏ thái độ lạnh nhạt và những bất đồng trên vấn đề Cam-pu-chia, khiến Kít-sinh-gơ coi việc làm thế nào để xua tan nghi ngờ của Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai là một nhiệm vụ quan trọng, tìm hiểu sâu suy nghĩ của Trung Quốc về vụ Oa-tơ-ghết và thái độ của họ đối với quan hệ Trung-Mỹ cũng là một việc làm không kém phần quan trọng trong chuyến thăm này.

Kít-sinh-gơ một lần nữa cam kết rằng Trung Quốc có tầm quan trọng cực kỳ đối với Mỹ. Phía Oa-sinh-tơn quyết tâm "kìm chân" Liên Xô tại Trung Đông và cho dù quan hệ với Đài Loan có diễn biến ra sao thì Kít-sinh-gơ vẫn nhằm đưa quan hệ Trung-Mỹ vào quỹ đạo bình thường. Và để "nêm chặt” mối quan hệ đó, Kít-sinh-gơ có cuộc mật đàm với Chu Ân Lai qua nhiều kênh, bằng nhiều hình thức, gián tiếp cung cấp cho Trung Quốc thông tin về hệ thống báo động chiến lược của Mỹ, nhằm nâng cao khả năng của Trung Quốc chống lại Liên Xô.

Sau cuộc hội đàm, Kít-sinh-gơ cho rằng đã thu được thành công lớn. Trong báo cáo gửi Ních-xơn, ông ta miêu tả "Hội đàm diễn ra trong bầu không khí chân thành", cuộc hội đàm chứng tỏ "Ngài và lãnh đạo Trung Quốc đã có nhận thức chung sâu hơn về triển vọng chiến lược của tình hình thế giới hiện nay".

Nhưng, trong khi quyền lực của Kít-sinh-gơ đang thay đổi tốt lên, thì Chu Ân Lai trong tình trạng sức khoẻ xấu đi. Năm 1972, bác sĩ phát hiện Chu Ân Lai bị ung thư dạ dày. Trong năm 1973, ông ta vẫn kiên trì làm việc. Những người nắm được tình hình cũng không thể đoán định được Chu Ân Lai sẽ ra sao trong tương lai.

Thời kỳ này có hàng loạt vấn đề chính trị cần được làm rõ. Mao Chủ tịch và Chu Thủ tướng đã nhất trí vấn đề mở cửa cho Oa-sinh-tơn. Nhưng Chu Ân Lai đã mất đi sự ủng hộ của Mao Chủ tịch, người đang nắm thực quyền, do Chu chống lại phái tả. Những phần tử "cấp tiến" trong Đảng được Mao đồng ý đã dấy lên phong trào phê phán Khổng Tử, chĩa mũi nhọn vào Chu Ân Lai, đẩy ông ta vào thế bị động, khiến Chu phải dành khá nhiều thời gian để đối phó với sự công kích của giới báo chí.

Sau tháng 11, Kít-sinh-gơ phát hiện vai trò của Chu Ân Lai đang thay đổi, ông ta đã nhận xét trong báo cáo gửi Ních-xơn rằng: "Vai trò của ông ta dưới Mao Chủ tịch rất nhiều”. Cho dù vai trò của Chu Thủ tướng bị giảm sút nhiều, nhưng trong cuốn sách "Năm tháng loạn lạc", Kít-sinh-gơ vẫn cứ miêu tả thái quá về các cuộc hội đàm với Chu, cho dù có lúc "hội đàm có vẻ lắng xuống".

Hai từ "lắng xuống" chưa nói lên sự đòi hỏi của Chu Ân Lai, ông ta yêu cầu Kít-sinh-gơ gây một "sự ảnh hưởng nào đó" đối với tập đoàn quân sự ở Chi Lê, đã lật đổ Chính phủ Xã hội chủ nghĩa của A-zen-đê tại Xanvađo ngày 11/9. Chu nói "Họ không nên đi vào con đường tàn sát đáng sợ". Chu Ân Lai đã khéo léo nêu với Kít-sinh-gơ đang trong bực dọc về vụ chiếc tuần dương hạm của Hải quân Mỹ mang tên "Ô- kla-hô-ma vừa đi qua eo biển Đài Loan cách Đại lục 25 kilômét, và gọi đó là "sự xâm nhập". Kít-sinh-gơ đành phải thừa nhận đây là "một hành động ngu xuẩn không thể lường trước".

Ngoại trừ vụ việc trên, cuộc trao đổi giữa Kít-sinh-gơ với Mao và Chu diễn ra vui vẻ. Khác với trước đây, lời lẽ chỉ trích trong sự hoài nghi về quan hệ Mỹ- Xô chỉ là chủ đề thứ yếu. Hơn nữa, không giống Hoàng Trấn, cả Mao và Chu rất tán thưởng sách lược của Kít-sinh-gơ. Mao Chủ tịch giải thích với Kít-sinh-gơ rằng: Đại sứ của chúng tôi khi đề cập đến việc ủng hộ thế giới Ả-rập, chưa hiểu tầm quan trọng về việc Mỹ chống lại Liên Xô".

Chu và Mao có quan điểm chung: ủng hộ sự cảnh giác về quân sự và hoan nghênh Kít-sinh-gơ đã gạt bỏ cố gắng của Liên Xô trong các Hiệp định song phương, tương tự như Hiệp định ngừng bắn. Những quan điểm thống nhất đó đã chứng thực kết luận của Kít-sinh-gơ là, đã đạt được nhận thức chung, sâu hơn "về tầm nhìn chiến lược" trong quan hệ Trung-Mỹ.

Tuy rằng, trong hồi ký của mình, Kít-sinh-gơ đã giải thích đầy đủ hợp lý các cuộc trao đổi về vấn đề chính sách ngoại giao, nhưng ông ta không hề đề cập đến trực giác đặc biệt của mình, thể hiện trong việc tăng cường liên minh chiến lược và xua tan mối ngờ vực của phía Bắc Kinh đối với cuộc họp cấp cao Xô- Mỹ.

Sau khi tới Bắc Kinh, Kít-sinh-gơ có nói, nếu Liên Xô biết chuyện, nhất định họ sẽ phá hoại sự hòa hoãn quan hệ Trung-Mỹ bằng biện pháp mang tính chất phá hoại. Kít-sinh-gơ đề nghị cần giữ bí mật về hợp tác quân sự Trung-Mỹ, nhằm chứng minh sự đánh giá có phần cường điệu về mối đe doạ quân sự của Liên Xô chống Trung Quốc là có thực. Mấy ngày trước đó, Liên Xô có đưa ra lời cảnh cáo Trung Quốc.

Chu Ân Lai có nhấn mạnh: Trong kỳ Đại hội Đảng vừa qua phải chuẩn bị chống trả cuộc tấn công bất thần, nên không mấy quan tâm đến đề nghị của Kít-sinh-gơ. Trong mấy cuộc hội đàm với Kít-sinh-gơ, Chu nêu ra để trao đổi về vấn đề lập đường dây nóng, nhằm cung cấp thông tin tình báo chiến lược. Nhưng người Trung Quốc đã bỏ ngoài tai lời khuyến cáo của Kít-sinh-gơ, và cho đến năm 1988, họ mới ký với Mỹ về Hiệp định lập đường dây nóng.

Kít-sinh-gơ không giải thích vấn đề quan hệ giữa Mỹ với Đài Loan được Thủ tướng Chu nêu ra. Chu Ân Lai hỏi Bộ Ngoại giao Mỹ tại sao ủng hộ việc Đài Loan lập nhiều cơ quan lãnh sự đến thế và còn giúp Đài Loan chế tạo máy bay chiến đấu? Sau này Kít-sinh-gơ thừa nhận "Đó là sự sơ xuất quan liêu”, tuy nhiên, nhìn chung Kít-sinh-gơ không vội tìm kiếm giải pháp cho vấn đề Đài Loan. Bởi năm 1976, Ních-xơn đã có cam kết với Trung Quốc về bình thường hóa quan hệ. Mao Trạch Đông nói: Người Đài Loan "là một đám người chống lại giải phóng". Trước mắt không có Đài Loan, Bắc Kinh vẫn cứ tồn tại.

Đối với Kít-sinh-gơ, bản thông cáo được công bố sau chuyến thăm đã tạo thêm lý do để ông ta dễ dàng tiếp cận mối quan hệ Mỹ-Đài Loan. Tập trung vào vấn đề mở rộng buôn bán và giao lưu các lĩnh vực khác, bản thông cáo nhấn mạnh "Cơ sở duy nhất để bình thường hóa là sự thừa nhận nguyên tắc" một nước Trung Quốc.

Một số lời lẽ nhập nhằng do Chu tung ra gây ảo tưởng cho Kít-sinh-gơ, khiến ông này hiểu rằng phía Bắc Kinh sẽ để mặc cho Oa-sinh-tơn tiếp tục mối quan hệ thực chất với Đài Loan, vẫn cho phép quan hệ với khẩu hiệu "tựa như cái khung pháp lý hư danh", Mỹ có thể đối phó với nguyên tắc "một nước Trung Quốc". Có nghĩa trong khi Oa-sinh-tơn và Bắc Kinh chưa chính thức đặt quan hệ cấp Đại sứ, Mỹ có thể tiếp tục quan hệ với Đài Loan về chính trị, quân sự, đồng thời đẩy mạnh chiều sâu trong quan hệ chính trị, kinh tế giữa hai nước Trung-Mỹ.

Sẽ là sai lầm lớn đối với Kít-sinh-gơ nếu như ông ta tưởng rằng, có thể thưởng thức hai thứ rượu "Mao Đài" của cả Trung Quốc và Đài Loan. Sự việc như Kít-sinh-gơ đã biết từ năm 1974-1975, người Trung Quốc không vội trong bình thường hóa, trừ phi Oa-sinh-tơn nghiêm túc đối mặt với vấn đề quan hệ chính trị với Đài Loan. Còn không họ sẽ không có bất cứ hành động nào thúc đẩy quan hệ tốt lên. Đối với Bắc Kinh, nhận thức của họ về nguyên tắc một nước Trung Quốc chẳng qua chỉ là "một cái khung pháp lý hư danh

Kít-sinh-gơ có ý định giải quyết một số vấn đề song phương, như vấn đề hạn chế tài sản trí tuệ và quyền sở hữu trí tuệ v.v... trong chuyến thăm. Điều làm cho người ta lạc quan là, vấn đề sẽ được "giải quyết trong vòng 6 tháng” (thực tế là 6 năm). Song điều Kít-sinh-gơ quan tâm là ai kế vị sau Mao và Chu. Bởi đến thời điểm này Trung Quốc vẫn chưa thấy có gương mặt nào có thể đảm nhiệm trọng trách lãnh đạo.

Kít-sinh-gơ nói rằng: Chúng ta không dám tin rằng, lúc đó Trung Quốc có tiếp tục chính sách hiện nay của chúng ta hay không. Những rắc rối chính trị ở Mỹ, nhất là vụ Oa-tơ-ghết đang tấn công quan hệ Trung-Mỹ. Kít-sinh-gơ nhận xét, một khi Mao Trạch Đông hiểu tất cả cả những chuyện đó, người Trung Quốc sẽ theo dõi sát sao việc Quốc hội chỉ trích Ních-xơn, họ sẽ đặc biệt quan tâm đến tình hình trong nước và Quốc hội của chúng ta, họ ý thức được những điều đó sẽ khiến Mỹ phải tách khỏi thế giới".

Kít-sinh-gơ lo ngại có thể xảy ra tình hình Mỹ bị cô lập, Chu Ân Lai cực kỳ nhạy cảm với vấn đề trọng tâm trong đàm phán về chính sách ngoại giao của Mỹ. ông ta đã nói với Kít-sinh-gơ: "Chính phủ của các Ngài bành trướng quá mức".

Ngày 10/11, Kít-sinh-gơ tới Bắc Kinh, được Trung Quốc mở tiệc chiêu đãi. Trong hồi ký của mình, Kít-sinh-gơ không hề đề cập đến cuộc gặp ngắn ngủi với Chu Ân Lai và Nguyên soái Diệp Kiếm Anh. Sử dụng loại thuật ngữ thông thường, Kít-sinh-gơ giới thiệu vắn tắt với hai vị lãnh đạo Trung Quốc vấn đề thực chất của đề án chống Trung Quốc do Liên Xô nêu ra hồi đầu năm. Ông ta khiêu khích đề nghị Oa-sinh-tơn nên cung cấp tình báo quân sự cho Trung Quốc, để giảm bớt diện "phơi lưng" trước Liên Xô. Điều đáng nói, Kít-sinh-gơ đã cho người nghiên cứu vấn đề này, và sẵn sàng chia sẻ với Trung Quốc kết quả nghiên cứu

Trước khi hội đàm, Giám đốc Cục quản lý cắt giảm quân bị D.Ai-cơ-lê đã gửi cho Kít-sinh-gơ một bản thông tin tình báo chiến lược về các khu vực của Trung Quốc có khả năng bị tấn công, mang sang Trung Quốc. Ai-cơ-lê tuyên bố, tình báo quân sự về Liên Xô của Mỹ nhiều hơn của Trung Quốc, và Oa-sinh-tơn biết rõ kế hoạch chuẩn bị tác chiến của Liên Xô, trước vài tiếng đồng hồ "khi Trung Quốc dò được động thái của Liên Xô".

Ai-cơ-lê cho rằng, lập đường dây nóng Trung-Mỹ nhằm cung cấp tình báo chiến lược là biện pháp tốt nhất để tăng cường sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc. Theo ông ta, Oa-sinh-tơn có thể giúp Trung Quốc cải thiện thông tin tình báo về Liên Xô, bằng cách dùng phòng thí nghiệm vũ trụ có người của Mỹ chụp những bức ảnh có độ nét cao mà Trung Quốc rất cần, góp phần tăng cường sức mạnh chiến đấu của quân đội Trung Quốc. Với tư duy trên, Kít-sinh-gơ xem xét văn kiện của Cục quản lý cắt giảm quân bị và nêu đề nghị hợp tác với Thủ tướng Chu Ân Lai.

Nhà Trắng
VĂN KIỆN BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM.
TỐI MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ
.

Người dự: Thủ tướng Chu Ân Lai; Diệp Kiếm Anh, Chủ tịch Hội đồng quân sự; Kiều Quán Hoa, Phó Thủ tướng (nguyên văn); phiên dịch Đường Văn Sinh, Thẩm Tác Vân; Tiến sĩ Kít-sinh-gơ, Uyn-tơn Lốt, trưởng Ban kế hoạch và điều phối Bộ Ngoại giao.

Thời gian: Từ 9 giờ 25 - 10 giờ 00 Ngày 15-11-1973

Địa điểm: Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

(Khi mọi người bước vào phòng Hội nghị, Nguyên soái Diệp Kiếm Anh hỏi Kít-sinh-gơ: Làm Ngoại trưởng chắc đôi vai của Ngài sẽ nặng hơn? Kít-sinh-gơ trả lời: Công việc có phức tạp hơn, chính sách không thay đổi, nhưng con người thì thay đổi)

(Kít-sinh-gơ giới thiệu tóm tắt với Thủ tướng Chu nội dung đề án của Brê-giơ-nhép nêu ra trong Hội đàm Mỹ-Xô diễn ra vào tháng 5, tháng 6 năm 1973 về Trung Quốc và sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc. Nội dung đã được đề cập trong bản tin gửi Đại sứ Hoàng Trấn).

Kít-sinh-gơ: Từ đó đến nay, tại các cuộc họp về hạn chế vũ khí hạt nhân, Liên Xô đã ba bốn lần đề nghị với chúng tôi trao đổi thông tin tình báo về Trung Quốc. Họ làm như vậy muốn chứng tỏ rằng họ có quyền ngang bằng với Mỹ. Hơn nữa, họ có đủ vũ khí để đập tan Trung Quốc. Số vũ khí đó sẽ tăng lên tùy theo sự thay đổi của tình hình Trung Quốc.

Thưa Thủ tướng, tôi nói với Ngài điều này không phải vì lợi ích riêng, mà bởi vì tôi tin rằng Liên Xô có âm mưu phá hoại Trung Quốc, hoặc thậm chí sẽ phát động cuộc tấn công quy mô lớn không thể tưởng tượng nổi đối với cộng đồng quốc tế (phiên dịch tỏ ra không hiểu quan điểm này). Tôi nói những điều này với Ngài không phải xuất phát từ tư lợi trừu tượng, mà bởi vì tôi tin rằng ngăn cản một cuộc tấn công như vậy, là vì lợi ích chung của chúng ta. Cũng như tôi, Ngài hiểu rất rõ, nếu thực hiện được cuộc tấn công này, thì hậu quả của nó là khôn lường đối với Nhật, châu Âu, Nam Á và Trung Đông.

Trước cuộc hội đàm này, tôi tin rằng Liên Xô thù địch Trung Quốc dữ dội, nhưng không cho rằng, họ có kế hoạch riêng. Có thể Ngài có cách nhìn khác. Tôi không loại trừ khả năng có quan điểm đặc biệt.

Hiện nay, vì cuộc trao đổi này, tôi đã tổ chức một số nghiên cứu trong Chính phủ, chỉ có khoảng bốn năm người biết mà thôi. Qua nghiên cứu, chúng tôi sẽ biết được mức độ của sự đe doạ và nên có biện pháp gì để phòng ngừa, cũng như giúp ích cho chúng ta thấy được những vấn đề lâu nay chưa rõ.

Tôi muốn nói, đối với cả hai phía, quan hệ chính thức chưa phải đã làm chúng ta thật hài lòng, nhưng những thứ đó chỉ là vấn đề kỹ thuật. Một số tài liệu có liên quan, tôi đã mang đến và để trong phòng khách. Chúng tôi có, một số đề nghị về cách giảm bớt thương vong quân đội của các Ngài và kéo dài trạng thái cảnh giới, chúng tôi xin nhắc lại, nhưng tất cả những điều này cần được giữ bí mật.

Nếu Thủ tướng quan tâm, tôi sẽ cử Tư lệnh Hao-ơ, hoặc trong trường hợp nào đó, tôi hoặc một người được chỉ định sẽ giới thiệu tỉ mỉ với Thủ tướng về kế hoạch phòng ngừa này. Ngoại trừ đề nghị dựa trên kinh nghiệm và một số thông tin tình báo được chỉnh lý lại, không có vụ việc nào liên quan đến quan hệ song phương hoặc quan hệ chính thức của chúng ta.

Ngoài ra tôi sẽ tường trình lại thái độ, tâm trạng của Brê-giơ-nhép khi trao đổi. Tôi nghĩ điều đó rất quan trọng với các Ngài. Điều chúng tôi quan tâm không phải là chuyện cho phép mà là khó khăn trong quá trình triển khai

Thủ tướng Chu Ân Lai: Trong chuyến thăm ngắn ngày gần đây của Ngài, chắc ông ta thôi không nhắc đến nó nữa?

Kít-sinh-gơ: Không! ông ta một lần nữa nêu ra vấn đề trao đổi thông tin tình báo.

Chu Ân Lai: Họ có vệ tinh nhân tạo, ngày nào cũng có thể do thám Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: Tôi biết.

Chu Ân Lai: Vậy họ vẫn cần tình báo quân sự ư?

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi cho rằng, kỹ thuật chụp ảnh của họ không bằng chúng tôi. Nhưng tôi cho rằng điều họ cần là, có được một dấu hiệu từ phía chúng tôi, coi đó là dấu hiệu hợp tác, chứ không phải sử dụng những tình báo này. Họ hy vọng chúng tôi chấp nhận yêu cầu bức xúc của họ là phá hoại hoặc ngăn cản lực lượng hạt nhân của Trung Quốc, chứ không nhằm vào tình báo quân sự. Tuy nhiên, trao đổi tình báo không phải chuyện lớn, mà họ muốn nhằm đạt được một cái gì đó.

Chu Ân Lai: Cho dù tình hình Trung Đông căng thẳng như vậy, họ vẫn trao đổi vấn đề này ư?

Kít-sinh-gơ: Khi tôi ở đó đang diễn ra đàm phán về ngừng bắn.

Chu Ân Lai: Thời điểm trước khi chúng tôi đang trong tình trạng báo động. Ngài đi vốn là vì mục đích ngừng bắn?

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy

Chu Ân Lai: Họ có hoan nghênh Ngài không?

Kít-sinh-gơ: Lúc đó còn chưa có vấn đề sức ép quân sự với chúng tôi, sức ép quân sự, xuất hiện sau 4 ngày. Nhưng sau đó họ không nhắc đến việc này nữa. 

Chu Ân Lai: Họ chỉ nêu ra trong thời gian chuyến thăm chứ không phải sau đó ư?

Kít-sinh-gơ: Trong thời gian chuyến thăm, chứ không phải sau đó.

Chu Ân Lai: Tôi tin rằng, họ nhất định nêu vấn đề này với Nhật Bản.

Kít-sinh-gơ: Suy ra thì biết, trong tình hình nào đó, cho dù họ không nêu, nếu họ cứ hành động theo phương châm này, theo tôi sẽ không thể hiểu nổi Nhật sẽ làm gì. Chúng tôi chưa nghe thấy họ nêu chuyện này với Nhật.

Chu Ân Lai: Họ luôn tìm mọi cách lôi kéo Nhật Bản rời xa chúng tôi. Họ hiểu rằng không thể hoàn toàn cắt đứt quan hệ giữa chúng tôi với Nhật Bản; nhưng ít ra cũng làm cho Nhật Bản xích lại gần họ, chứ không phải các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Chu Ân Lai: Chúng tôi từng nói với Nhật Bản rằng: Nếu các ông muốn khai thác vùng Xi-bi-ri tốt nhất nên cùng với Mỹ, chứ không nên làm một mình. Tôi tin rằng, Thủ tướng Ta-na-ka sẽ nói với các Ngài về ngày tháng cuộc hội đàm về vấn đề Xi-bi-ri.

Kít-sinh-gơ: Cũng đúng với suy nghĩ của chúng tôi.

Chu Ân Lai: Tôi nói với họ, tốt nhất là nên liên doanh với Mỹ để làm. Tôi nói chúng tôi không ngại các Ngài đi khai thác tài nguyên ở Xi-bi-a, mà ngại các Ngài mắc lừa. Chẳng lẽ Ngài không phát hiện ra hiện nay trong Chính phủ Liên Xô, có 3 đến 4 nhân vật đang tìm cách gây rối ư?

Kít-sinh-gơ: Không, không có. Bởi chúng tôi đã nói chuyện với Brê-giơ-nhép.

Chu Ân Lai: Đúng vậy, ông ta đang đơn ca.

Kít-sinh-gơ: Đầu tiên, chúng tôi luôn luôn đối phó với Cô-xư-ghin hoặc Pốt-goóc-nưi hoặc Brê-giơ-nhép còn Grô-mư-cô chỉ là quan chức cấp dưới chứ không phải lãnh đạo.

Chu Ân Lai : Su-sơ-lốp không tham dự đàm phán sao.

Kit-sinh-gơ: ông ta chỉ tham dự một lần khi Thủ tướng có mặt tại Mát-xcơ-va. Chúng tôi không có thông tin riêng về vụ việc này. Dân ở nước chúng tôi cho rằng, so với một số lãnh đạo khác, Su-sơ-lốp là con người có nhiều suy nghĩ ít quan liêu hơn.

Chu Ân Lai: ông ta có lý luận về lịch sử, nhưng theo một cách suy nghĩ riêng, để giải thích lý luận của người khác. Lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đã sửa lại ba lần mỗi lần sửa đều hoàn tất dưới sự chỉ đạo của ông ta.

Kít-sinh-gơ: Tôi không biết điều đó. Tôi biết lịch sử Đảng Cộng sản Liên Xô đã sửa lại 3 lần. Nhưng không biết người chỉ đạo là ông ta.

Chu Ân Lai: ông ta chính là người quyết định văn bản cuối cùng

Kít-sinh-gơ: Ở Liên Xô không có người lãnh đạo thông minh và sắc bén.

Chu Ân Lai: Không, không phải là họ không có người, mà là họ quá hiếu thắng, nhưng dù sao vẫn xin cảm ơn Ngài về thông tin tình báo và lời khuyên. Nội dung do Ngài thông báo với Đại sứ Hoàng Trấn đã được ghi lại trong biên bản. Giờ đây, tuy bị lôi cuốn vào công việc nội chính và sự vụ hàng ngày, nhưng họ vẫn dành thời gian để chửi chúng tôi qua báo chí. Ở đây chúng tôi có người theo dõi và đọc loại tài liệu này. Còn chúng tôi không có thời giờ chỉ để liếc qua.

Tiếp đó, Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai đồng ý tiến hành họp nhóm 5 hoặc 6 người. Kít-sinh-gơ nhắc nhỏ Chu Ân Lai, Lốt hoặc Hao-ơ có thể cung thông tin cấp nếu như Nguyên soái Diệp Kiếm Anh muốn nghiên cứu thông tin tình báo chuyên đề.

Lời dẫn

Chiều hôm đó, Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai có cuộc trao đổi khá lâu. Kít-sinh-gơ đã có bài diễn thuyết dài lê thê về giới hạn cuộc đàm phán về quan hệ ngoại giao Trung-Mỹ. Trong hồi ký, Kít-sinh-gơ cho rằng mình hoàn toàn làm chủ cuộc trao đổi. Giữa ông ta và Chu Ân Lai đã hoàn toàn có chung quan điểm về vấn đề Trung Đông, Tây Âu. Tây Á, Đông Nam Á, và các vấn đề khác trong khu vực

Nhưng trong hồi ký, Kít-sinh-gơ không đề cập tới cam kết và lời hứa trong vấn đề Đài Loan (Phần lớn chỉ nhắc lại cam kết bí mật của Ních-xơn năm 1972) hoàn toàn không đề cập việc ông ta để lộ bí mật kế hoạch của Mỹ rút vũ khí hạt nhân, trong đó có máy chiến đấu U-2 và các lực lượng quân sự khác khỏi Đài Loan.

Cam kết của Kít-sinh-gơ trong vấn đề Đài Loan hoặc nhiều hoặc ít được coi là dự thảo của Hiệp ước. Nhưng Chu Ân Lai quan tâm là tại sao Oa-sinh-tơn lại cho phép Đài Loan lập lãnh sự quán mới, tại sao Hiệp định Mỹ-Đài Loan lại giúp cho Đài Loan chế tạo máy bay chiến đấu F-5E. Kít-sinn-gơ hứa sẽ cung cấp nhiều máy bay chiến đấu (cho Đài Loan) và cam kết rằng Đài Loan sẽ không dùng máy bay chiến đấu này tấn công nước Cộng hoà Nhân dân Trung Hoa.

Về việc lập sứ quán Đài Loan, Kít-sinh-gơ khéo léo giải thích rằng Đài Loan cố gắng lập mối quan hệ chính thức cấp khu vực là "sự phản xạ có điều khiển trong bối cảnh vị trí của Mỹ giảm sút", chứ đây không phải là hành động có ý thức.

Dưới đây là nội dung hội đàm của Kít-sinh-gơ và Thủ tướng Chu kết thúc chiều ngày 11/11, đó cũng là phần để sót trong hồi ký của Kít-sinh-gơ. Ngoài phần nhận xét quan trọng về chính sách của Tây Đức, còn có nội dung trao đổi về hoà hoãn quan hệ kinh tế giữa Nhật Bản với Mỹ và Liên Xô. Sách lược của Kít-sinh-gơ về sự hoà hoãn quan hệ kinh tế giống những "lời hứa" nhiều hơn và sẽ khiến Liên Xô cảm thấy thất vọng.

Tường trình những điều trên, Kít-sinh-gơ nhằm mục đích giảm bớt sự quan tâm của Trung Quốc về chính sách của Mỹ, nhưng nếu ông ta thật sự nghiêm túc thì mối nghi ngờ của ông ta về quan hệ kinh tế Mỹ-Xô, sẽ góp phần giải thích vì sao ngành hành pháp thời kỳ Ních-xơn và Pho lại thu được rất ít kết quả trong cố gắng nhằm hoà hoãn quan hệ kinh tế Mỹ- Xô.

Kít-sinh-gơ: Quan điểm của tôi đối với Nhật Bản là: Nội dung mà chúng tôi trao đổi trong tháng 2 năm ngoái là có thật. Cho dù Nhật Bản đang ở trong thời điểm quan trọng. Cần phải thôi thúc họ lựa chọn một trong hai con đường hoặc là chủ nghĩa dân tộc cổ điển hoặc là đường lối chính trị hiện hành. Nhật Bản đang bị hấp dẫn bởi nhiều điều trong đó có sự tác động của tình hình dầu mỏ Trung Đông.

Chu Ân Lai: Theo tôi 80% dầu mỏ của Nhật Bản đến từ Trung Đông.

Đại sứ Blúc-sơ: Đúng ra là 85%, trong đó 40% từ các nước Ả-rập, còn 45% từ I-ran.

Thủ tướng Chu: Đúng vậy.

Kít-sinh-gơ: Còn một sự hấp dẫn nữa từ Liên Xô bắt nguồn từ thực lực kinh tế bản thân ở đây. Nhưng họ cũng có mối lo là bị đẩy ra ngoài do sự thu xếp giữa chúng tôi và châu Âu. Đó là nguyên nhân cắt nghĩa tại sao chúng tôi cố gắng tìm kiếm một mô thức gắn Nhật Bản với châu Âu. Cố gắng này không nhằm gắn Nhật Bản với châu Âu bằng mối liên hệ quân sự, mà chủ yếu ngăn ngừa họ có tâm lý bị cách ly.

Thủ tướng Chu: Thế thì Ngài bày tỏ sự ủng hộ hay Ngài chờ đợi kết quả vè sự khai thác chung về Xi-bi-ri.

Kít-sinh-gơ: Không ai rõ hiện nay ở đó có bao nhiêu khí đốt. Tư liệu mà Liên Xô cung cấp có mâu thuẫn với tư liệu của một số chuyên gia của các nước cung cấp không? Chúng tôi sẽ thông qua một khoản tiền cho vay dự án Xi-bi-ri. Đó là điểm kết hợp giữa Mỹ và Nhật Bản nhằm khai thác chung Xi-bi-ri, nó liên quan đến một số quyết định quan trọng.

Về nguyên tắc, chúng tôi đồng ý cùng với Nhật Bản thực hiện chung công trình mỏ. Chúng tôi cho rằng, vì lý do chính trị mà đẩy Nhật Bản vào quyết định chính trị hoàn toàn phụ thuộc Liên Xô là việc không đáng làm, và Liên Xô sẽ gặp nhiều khó khăn hơn khi đối phó với cả Mỹ và Nhật Bản, hơn là đối phó với riêng Nhật Bản. Vấn đề hiện nay của chúng tôi là, liệu trong Quốc hội có giành được sự ủng hộ về việc cấp vốn lâu dài cho Liên Xô không? Tất nhiên, mọi chuyện phải chờ, sớm nhất là sang năm mới rõ.

Thủ tướng Chu: Xem ra những người tiếp thị của họ làm việc không mấy năng suất.

Kít-sinh-gơ: Ngài muốn nói tiếp thị của Liên Xô ư?

Thủ tướng Chu: Đó là ấn tượng của chúng tôi có được từ Mỹ, Nhật và Tây Âu. Con số và tư liệu của họ có đáng tin cậy không?

Kít-sinh-gơ: Về độ tin cậy của số liệu, chúng tôi còn thắc mắc. Một vấn đề nữa là, triển khai đầu tư quy mô lớn đô la Mỹ vào Liên Xô nhưng nên ở mức nào? Nói thẳng rằng, về mặt sách lược chúng tôi đã có quá nhiều lời hứa cho tương lai. Nhưng việc điều chỉnh mang tính chiến lược đối với tình hình của họ chưa đủ.

Thủ tướng Chu: Đó là một sách lược cực kỳ phức tạp.

Kít-sinh-gơ: Quả đúng như vậy.

Thủ tướng Chu: Ngài Đại sứ Blúc-sơ tất nhiên còn nhớ rõ bài học mà Brê-giơ-nhép đã dùng cho Ta-na-ka, ông ta hễ cứ giở bản đồ ra là diễn thuyết liền.

Kít-sinh-gơ: ông ta diễn thuyết có một lần, mà tôi đã nghe đến mười lần.

Thủ tướng Chu: Thủ tướng Ta-na-ka cùng tới Bon trong chuyến thăm của Brê-giơ-nhép trong thời gian tới đây

Kít-sinh-gơ: Đánh giá thấp Đức là điều rất nguy hiểm. Tôi có lời xin lỗi Thủ tướng.

Chu Ân Lai: Ngài muốn nói, đó là từ sự bất mãn đối với Chính phủ Bran-tô.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, nhưng đó là hiện tượng lịch sử. Hiện nay, Đức chỉ có một Chính phủ. Đó là A-bra-xi-môp

Chu Ân Lai: Đúng vậy, ông ta là con người sinh động.

Kít-sinh-gơ: Ai cơ, A-bra-xi-môp ư?

Chu Ân Lai: Đúng là A-bra-xi-mốp

Kít-sinh-gơ: ông ta hiểu tầm quan trọng của sự việc. Nhưng không hề chịu khuất phục. Còn Bran-tơ nếu như kiên trì chính sách hiện nay, thì coi như bỏ một phiếu phủ quyết về chính sách của Liên Xô đối với Đức.

Chu Ân Lai: Đó cũng là chuyện rất nguy hiểm. Chính đảng chống đối chưa bao giờ tổ chức tốt cuộc bầu cử.

Kít-sinh-gơ: Họ có một vị lãnh đạo tồi. Ngài đã gặp người giỏi nhất trong số họ, nhưng chưa phải mạnh nhất. Si rốt-đô, là nhân vật trội nhất trong số đó.

Nếu Chu Ân Lai gặp Kít-sinh-gơ vào tối chủ nhật, thì không thể có được biên bản Hội nghị, nhưng họ đã có cuộc trao đổi khá lâu trước khi Mao Chủ tịch triệu tập họ. Sau khi Kít-sinh-gơ xua bớt sự lo ngại của Chu Ân Lai về Đài Loan có thể chế tạo máy bay chiến đấu trong tương lai, cuộc trao đổi của họ xoay quanh vấn đề nan giải là, làm thế nào cân bằng quan hệ Mỹ-Trung, trong khi Oa-sinh-tơn vẫn giữ quan hệ cấp Đại sứ với Đài Loan.

Thủ tướng Chu mong rằng sẽ chứng kiến một số tiến triển trong mối quan hệ Trung-Mỹ. Nhưng như Kít-sinh-gơ thừa nhận, Oa-sinh-tơn không sẵn sàng làm cái việc mà Nhật Bản đã làm, vì bình thường hoá quan hệ, có nghĩa cắt đứt quan hệ chính thức về ngoại giao và quân sự với Đài Loan. Nếu Trung Quốc và Mỹ muốn lập quan hệ ngoại giao và quân sự trước năm 1976, thì cần thực hiện một biện pháp linh hoạt hơn "mô thức Nhật Bản" về một số mặt nào đó. Kít-sinh-gơ nêu ra một phương án là, sửa lại nguyên tắc "một nước Trung Quốc" trong thông cáo Thượng Hải, trên cơ sở thừa nhận Oa-sinh-tơn giữ quan hệ với Đài Loan.

Đề nghị của Kít-sinh-gơ xem ra có vẻ thuyết phục được Chu Ân Lai. Đêm hôm đó, họ cùng nhau tìm kiếm cách hệ thống hóa văn bản thông cáo trước khi công bố. Ngoài vấn đề tài sản tư hữu và quyền sở hữu, bắt đầu thăm dò vấn đề song phương và vấn đề quốc tế mà Kít-sinh-gơ đã đề cập hôm trước. Dưới đây trích dẫn một phần biên bản hội đàm chiều thử hai.

Thủ tướng Chu đề cập triển vọng tình hình Trung Đông và vấn đề có liên quan tới cuộc chiến tranh Việt Nam. Thủ tướng Chu nhấn mạnh đến khó khăn trong tình hình Trung Đông. Còn Kít-sinh-gơ thì quá tự tin cho rằng sẽ thỏa thuận được Hiệp định ngừng bắn.

Chu Ân Lai: Tôi mong rằng việc này không phải mất đến bốn năm rưỡi như Ngài giải quyết vấn đề Việt Nam.

Kít-sinh-gơ: Không. Đây là hai vấn đề có tính chất hoàn toàn khác nhau. Chúng tôi trực tiếp dính líu vào Việt Nam

Chu Ân Lai: Dính líu trực tiếp, tất nhiên là một trong những nguyên nhân nhưng là vấn đề cũ để lại, do người tiền nhiệm của Ngài để lại. Nhưng Ngài cũng đã phạm sai lầm, có thể Ngài không đồng ý với tôi về nhận xét này. Tôi không thể nói thẳng ra được. Bởi chúng tôi hiểu rằng con người không thể tránh khỏi sai lầm.

Kít-sinh-gơ: Có thể chúng tôi đã phạm sai lầm. Tôi cho rằng nếu như Bắc Việt với chúng tôi đạt được Hiệp định ngừng bắn cuối cùng ngay trong năm đầu, chúng tôi sẽ chấp nhận mà không do dự. Nhưng mâu thuẫn giữa chúng tôi với Bắc Việt là ở chỗ họ đòi chúng tôi đánh đổ một Chính phủ bè bạn (ý chỉ Việt Nam Cộng hòa), mà chúng tôi lại không thể làm được điều đó. Thưa Thủ tướng, tôi xin nói với Ngài, việc này có liên quan đến uy tín của chúng tôi.

Chu Ân Lai: Lại một vấn đề được lịch sử để lại. Trách nhiệm này không nên để Chính phủ hiện hành của các Ngài gánh hết.

Kít-sinh-gơ: Vấn đề này nói dễ cũng được, mà nói khó cũng được. Bởi nếu không có người đòi chúng tôi đánh đổ một Chính phủ bè bạn, thì chuyện đơn giản hơn nhiều. Nhưng hiện nay tất cả chính đảng thừa nhận Chính phủ It-xra-en đối với chúng tôi lại quan trọng.

Chu Ân Lai: Tôi cho rằng, muốn tất cả chính đảng đều thừa nhận It-xra-en, e rằng không phải chuyện một sớm một chiều.

Kít-sinh-gơ: Những chính đảng đã hội đàm với tôi đều chấp nhận sự tồn tại của It-xra-en

Chu Ân Lai: Nhưng số chính đảng đã hội đàm với Ngài không nhiều. Ngài cũng cho rằng, đây không phải chuyện dễ. Trong khi cuộc chiến còn đang tiếp diễn, các nước châu Phi đã có dư luận đòi cắt quan hệ ngoại giao với It-xra-en. Đó là một phần tiếng nói chính nghĩa trong quốc gia châu Phi. Ngài không thể nói họ không đúng. Bởi Ngài không thể hy vọng mỗi nước châu Phi đều như chúng ta, gắn sự thật khách quan với lý luận.

Ngay từ đầu, chúng tôi chống lại việc thành lập It-xra-en, nhưng dân số It-xra-en đến nay là 2,5 triệu, theo chỗ chúng tôi được biết là 3 triệu. Liệu Ngài có thể đuổi hết họ xuống biển không? Không thể, vì thế, nếu có người hỏi tôi vấn đề này. Tôi sẽ trả lời: "Không thể được", tôi hỏi lại họ, nhưng chuyện này trên thế giới liệu có thể giải quyết được bằng bạo lực không? Đó cũng là nguyên nhân tại sao chúng ta phải tìm kiếm một con đường đã giải quyết vấn đề này. Căn cứ gì mà lại đuổi người Pa-le-xtin đi. Đó cũng là vấn đề phải giải quyết.

Kít-sinh-gơ: Tôi đồng ý vấn đề này phải được giải quyết

Chu Ân Lai: Nếu không giải quyết vấn đề này, thì đó là bất công. Chỉ khi nào giải quyết được hai vấn đề, mới có thể chung sống, mới có thể nói tới hoà bình. Điều đó giải thích tại sao chúng tôi ủng hộ Ngài chỉ huy đối phó với các quốc gia Ả-rập. Đó là bước thứ nhất. Tôi cho rằng, tuy Ngài đã có bước đi đầu tiên, nhưng chặng đường phía trước còn dài so với chặng đường Ngài lần đầu tiên tới Bắc Kinh để chuẩn bị cho chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống Ních-xơn.

Kít-sinh-gơ. Tôi nghĩ có thể phải mất hơn một năm rưỡi, nhưng sẽ chắc có tiến triển trong vòng một năm rưỡi.

Chu Ân Lai: Chắc sẽ có tiến triển. Nhưng giải quyết được vấn đề này không dễ bởi nó khá phức tạp

Cuộc trao đổi đi từ Trung Đông, đến cuộc khủng khoảng năng lượng, rồi vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân, cuối cùng là vấn đề Liên Xô. Thủ tướng Chu và Kít-sinh-gơ chuyển sang đề tài kiểm soát quân bị và vấn đề đôi bên cùng quan tâm là hạn chế tham vọng của Liên Xô, thể hiện qua chính sách ngoại giao.

Kít-sinh-gơ tin rằng phương Tây phát hiện ra bất kỳ khuynh hướng quân sự và chính trị vào của Liên Xô, một phần do chính sách của Liên Xô "không khôn ngoan". Kít-sinh-gơ giải thích rằng do "khả năng hiểu hết vấn đề là khâu yếu nhất của phương Tây", nên phải tìm cách đánh bại họ và Liên Xô về phương diện mưu lược. Như vậy, Oa-sinh-tơn buộc phải lẳng lặng xích lại gần cánh tả ở châu Âu trong chính sách hòa hoãn, "như vậy các nước châu Âu sẽ không tách khỏi Mát-xcơ-va”.

Nhượng bộ Chu Ân Lai về quan điểm "nhân dân có thể không hiểu được mưu lược của Mỹ", Kít-sinh-gơ cho rằng nếu Oa-sinh-tơn tước đoạt của Liên Xô "sự thắng lợi tượng trưng" thông qua cuộc đàm phán không có kết thúc, sẽ làm giảm mức độ nguy hiểm.

Trước khi đến gặp Mao Chủ tịch, Thủ tướng Chu và Kít-sinh-gơ có cuộc trao đổi ngắn về vấn đề chủ nghĩa đế quốc bành trướng. Khi trao đổi đến vấn đề "chủ nghĩa cô lập" trong phái chống đối Ních-xơn, Chu phát hiện ra rằng, không chỉ Đảng Dân chủ muốn thay đổi vai trò của Mỹ trong cộng đồng quốc tế, mà bản thân Chính phủ Ních-xơn cũng hy vọng "thu hẹp lại một chút”, để tập trung tinh lực vào các vấn đề chủ yếu. Tuy nhiên, Liên Xô vẫn sử dụng khối lượng "sức người sức của" khổng lồ để duy trì sức mạnh quân sự đáng sợ. Thừa nhận Mỹ có bành trướng, nhưng theo sự giải thích thô thiển của Kít-sinh-gơ "một phần do thiếu kinh nghiệm, một phần do các quốc gia nhỏ yếu cần họ"

Lấy lý do phải đi gặp Mao Chủ tịch, Chu đã cắt ngang cuộc trao đổi, sau đó đưa ra một tin khiến Kít-sinh-gơ không khỏi sửng sốt: Mấy tiếng đồng hồ trước, tàu tuần dương hạm mang tên "Ô-kla-hô-ma Hoa Kỳ" trang bị tên lửa có cánh đã đi qua eo biển Đài Loan, sát với Đại lục". Kít-sinh-gơ đã nổi giận và tuyên bố. "Hành động tiếp cận không thể xảy ra trong bất cứ lúc nào, đặc biệt là lúc tôi đang có mặt ở Trung Quốc".

Lời dẫn

Chu Ân Lai và Kít-sinh-gơ ngồi xe đến chỗ ở của Mao Chủ tịch, và tiến hành tại đó cuộc hội đàm ngót 3 tiếng đồng hồ. Đây là cuộc trao đổi có thời gian dài nhất giữa Mao Chủ tịch với người nước ngoài. Sức khỏe của Chủ tịch được khôi phục sau cơn bệnh cách đây hai năm (chứng Pac-kin-sơn cũng chưa nặng đến mức không cử động được, nên cũng không ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt của Chủ tịch).

Sau này, Kít-sinh-gơ có báo cáo với Ních-xơn. "Trông chủ tịch có vẻ khỏe hơn, có thần sắc hơn so với hồi tháng hai, chắc Chủ tịch sẽ khỏe lên khi Tổng thống đến thăm", "Chủ tịch có thể tự đi lại được mà không cần người đỡ, khi nói luôn vung tay cùng với giọng nói trầm, chậm rãi nhưng khỏe".

Trong cuốn "Năm tháng loạn lạc", Kít-sinh-gơ miêu tả một cách sinh động về ấn tượng của mình qua 3 lần gặp Mao Chủ tịch: "Có nụ cười châm biếm nhưng mang vẻ huyền bí”, viết về những điều hiểu biết về Trung Quốc, về sự kính trọng của Chu Ân Lai dành cho, Kít-sinh-gơ có đánh giá nhận xét về khả năng kiểm soát siêu phàm của Mao Trạch Đông trong đối thoại. Đa-vít Blúc-sơ nhận xét, sự miêu tả trên của Kít-sinh-gơ "là lời ăn tiếng nói của một chính trị gia ưu tú nhất có tố chất".

Trong văn bản trích dẫn do Kít-sinh-gơ đem về, bao gồm một số quan điểm quan trọng của Mao trong hội đàm, nhưng ông ta chưa đánh giá hết tính phức tạp của các vấn đề trong hội đàm. Phát biểu của Kít-sinh-gơ trong hội đàm đi lệch với chủ đề trọng tâm-khả năng về Liên Xô tấn công Trung Quốc: "Họ muốn phá hoại sức mạnh hạt nhân của các Ngài", Mao Trạch Đông chỉ cười khi nghe câu nói này, và cho rằng: "Sức mạnh hạt nhân của Trung Quốc bé như con ruồi thôi". Kít-sinh-gơ nhất mực cho rằng, nếu cuối cùng xảy ra cuộc tấn công thì hậu quả trầm trọng sẽ tác động đến từng con người. Nội dung cuộc trao đổi dưới đây phần lớn bàn tới vấn đề làm thế nào để ngăn chặn cuộc tấn công của Liên Xô xảy ra.

BẢN GHI NHỚ HỘI NGHỊ TẠI NHÀ TRẮNG.
VĂN KIỆN TUYỆT MẬT, CHỈ DÙNG THAM KHẢO NỘI BỘ
.

Người dự: Chủ tịch Mao Trạch Đông; Thủ tướng Chu Ân Lai; Bộ trưởng Ngoại giao Cơ Bằng Phi; Trợ lý Ngoại trưởng Vương Hải Dung; phiên dịch: Đường Văn Sinh và Thẩm Tác Vân. Ngoại trưởng Kít-sinh-gơ; Đại sứ Đa-vít Blúc-sơ, phụ trách cơ quan liên lạc của Mỹ; Uyn-tơn Lốt, Trưởng ban kế hoạch và phối hợp Bộ Ngoại giao.

Thời gian: Thứ hai, ngày 12-11-1973 Buổi chiều: 5giờ40 - 8 giờ25

Địa điểm : Chỗ ở của Mao Chủ tịch tại Bắc Kinh, Trung Quốc.

(Mao Chủ tịch hoan nghênh Ngoại trưởng, Đại sứ Blúc-sơ và Lốt, sau khi chụp ảnh chung đã có cuộc trao đổi không chính thức với họ. Mao Chủ tịch nói: Đã lâu không gặp lại Ngoại trưởng hiện đang đảm nhiệm trọng trách". Ngoại trưởng trả lời: Thần sắc Mao Chủ tịch rất tốt. Chủ tịch trả lời: Thần sắc Ngoại trưởng cũng khá lắm. Chủ tịch nói với Blúc-sơ: ở độ tuổi này mà ông đã có được vị trí hiện nay quả là tuổi trẻ thành đạt. Đại sứ Blúc-sơ trả lời, cũng không còn trẻ nữa. Chủ tịch chỉ Lốt và nói: ông ta cũng còn rất trẻ)

Mao Chủ tịch: Các vị trao đổi gì vậy.

Thủ tướng Chu : Chủ nghĩa bành trướng

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Ai bành trướng Ngài ư? (chỉ Ngoại trưởng)

Chu Ân Lai: Chính Ngài đây dấy lên, mọi người cùng theo.

Kít-sinh-gơ: Bộ Ngoại giao luôn lấy lý do cân bằng để chỉ trích chúng tôi. Nhưng tôi nghĩ Ngài hiểu rõ nguyên nhân thật sự.

Mao Chủ tịch: Nhưng chủ nghĩa bành trướng bao giờ cũng làm cho người ta oán hận. Ngài không nên sợ họ.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không sợ họ. Thưa Chủ tịch, nhưng cứ một thời gian, buộc chúng tôi lại phải có biện pháp cứng rắn như hai tuần trước.

Mao Chủ tịch: Được, những biện pháp đó được đấy. Lúc đó, chúng tôi không tiện đưa ra lời khuyên với phó Thủ tướng Ai-cập Sa-phia, ông ta đến đây nói họ không tin chúng tôi, vì chúng tôi thiên vị It-xra-en. Tôi nói không hẳn như vậy. Con cháu người Do Thái đâu phải là một tập đoàn cứng đơ như tấm thép. Ví dụ như chúng tôi hợp tác với Ăng-ghen, chứ đâu phải với nhà tư bản Do Thái.

Kít-sinh-gơ: Vấn đề của Trung Đông hiện nay là không để bị kiểm soát bởi Liên Xô.

Mao Chủ tịch: Liên Xô không có khả năng kiểm soát Trung Đông. Bởi tham vọng thì lớn đấy, nhưng sức có hạn. Ví vụ như ở Cu Ba, Ngài dọa một cái là họ ù té chạy luôn.

Kít-sinh-gơ: Từ đó đến nay, chúng tôi đã dọa đến 3 lần, nhưng không công bố công khai thôi.

Mao Chủ tịch: Gần đây ư?

Kít-sinh-gơ: Vâng, gần đây. Họ đưa đến mấy tàu ngầm, còn chúng tôi đưa ra mấy tàu chiến, thế là họ chuồn thẳng. Tôi nghĩ rằng quốc gia này (Cuba) muốn lập một mối quan hệ nào đó với chúng tôi. Lúc đầu, họ gửi một phái đoàn do Rốt-đô-rây-gút làm trưởng đoàn. Tay này dẫn một phái đoàn gồm sáu người châu Mỹ la tinh sang Trung Quốc, thay mặt Liên Xô để hòa giải với chúng tôi. Lần thứ hai, họ muốn thông qua Xê-au-xai-scu của Ru-ma-ni để hoà giải với chúng tôi. Họ còn nhắn chúng tôi không nên tiếp tục tranh đấu trong lĩnh vực tư tưởng nữa. Tôi nhớ, họ có tới đây.

Mao, Chu: Chuyện lâu lắm rồi.

Chu Ân Lai: Đó là lần đầu tiên họ tới Trung Quốc (nói bằng tiếng Anh)

Mao Chủ tịch: Lần thứ hai do chính Cô-xư-ghin đến đây vào năm 1960. Tôi đã nói với ông ta rằng chúng tôi sẽ cùng với ông ta kế thừa cuộc tranh đấu 10 ngàn năm. (Cười lớn)

Phiên dịch: Chủ tịch nói đến cuộc tranh đấu 10 ngàn năm nữa.

Mao Chủ tịch: Tôi nói với ông ta rằng, hai chúng ta đến với nhau không phải là kẻ theo Chủ nghĩa xã hội, bởi chúng tôi đã bị các ông gắn cho cái nhãn "chủ nghĩa giáo điều hiện đại", trở thành kẻ chống lại chủ nghĩa Mác. Vì vậy, hãy để chúng tôi đặt cho các ông cái tên "Chủ nghĩa xét lại” (cười lớn). Như vậy, chúng ta đều không phải là những người theo chủ nghĩa Mác. Lần đó, tôi đã nhượng bộ Cô-xư-ghin. Tôi nói phải tranh đấu 10 ngàn năm, nhưng nể tình ông ta đến thăm tôi với tư cách riêng, tôi đã giảm đi một ngàn năm (cười).

Ngài xem, tôi hào hiệp biết mấy, một bước nhượng bộ một ngàn năm (Chu và Mao trao đổi với nhau), sau đó, có một lần vẫn là người Ru-ma-ni, ông Pô-đi-ô-rốp-ski cũng thay mặt cho Liên Xô đến giảng hòa với chúng tôi, tôi lại giảm thêm một ngàn năm nữa (cười)

Ngài xem, cái thời hạn mà tôi quy định ngày càng ngắn lại: Lần thứ năm, Thủ tướng Ru-ma-ni Xê-au-xai-scu lại tới đây đó là chuyện hai năm trước, ông ta nhắc lại chuyện đó, tôi nói "Lần này cho dù đồng chí nói thế nào đi nữa, tôi sẽ không chịu nhượng bộ nữa đâu (cười).

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi cần tiếp thu sách lược của Trung Quốc.

Mao Chủ tịch: Hiện nay giữa chúng ta có một số khác biệt. Giờ đây, tôi nói năng khó khăn, bởi rụng mất hai cái răng. Về hành động, giữa chúng tôi với các Ngài cũng có chỗ khác nhau. Nói cách khác, khi xảy ra vụ việc chúng tôi tìm cách đẩy nó trở lại. Một sự thực mà chúng tôi nắm chắc là Hiệp định mà Thủ tướng Cô-xư-ghin ký với chúng tôi ngày 11-9-1969 tại sân bay Bắc Kinh vẫn chưa thực hiện.

Kit-sinh-gơ: Tôi đã từng giải thích với Thủ tướng, chiến thuật của tôi hơi phức tạp, thiếu cái chất anh hùng, nhưng về tổng thể thì giống các Ngài. Điều không cần bàn cãi chúng ta đều hiểu chính sự đe doạ đến từ đâu.

Mao Chủ tịch: Ngài đang chơi thái cực quyền Trung Quốc. Môn quyền này của chúng tôi. Có sức mạnh đấy!

Thủ tướng Chu: Chúng tôi đang tấn công trực tiếp.

Kít-sinh-gơ: ở đâu có thách thức, chúng tôi sẽ có phản ứng như các Ngài.

Mao Chủ tịch: Tôi tin như vậy. Đó là cách giải thích tốt nhất để Ngài đến với thế giới Ả-rập.

Kít-sinh-gơ: Chủ tịch đang học tiếng Anh?

Mao Chủ tịch: Tại sao các Ngài luôn bị làm mệt mỏi bởi các vụ bê bối tương tự Oa-tơ-ghết (phía Trung Quốc rộ lên tiếng cười). Bản thân sự việc rất đơn giản, nhưng nó lại gây ra sự rối ren. Cho dù thế nào, chúng tôi cũng rất không vui về chuyện này.

Kít-sinh-gơ: Nếu không làm theo chính sách ngoại giao, thì sự việc tiếp tục trượt theo quỹ đạo của nó. Nếu không chúng tôi phải có hành động khi xảy ra nguy cơ.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, thậm chí ngay tình hình trong nước, có lẽ không có gì khuất phục được Ngài và Tổng thống.

Kít-sinh-gơ: Không. Với tôi không có vấn đề gì hết. Vụ đó không liên quan tới tôi, cũng không liên quan đến Tổng thống. Vụ này sẽ được Tổng thống giải quyết.

Mao Chủ tịch: "Tình hình trong nước", tôi nói ở đây là chỉ nạn lạm phát, giá cả tăng, thất nghiệp tăng ở Mỹ. Giờ đây con số thất nghiệp đã giảm thiểu, đồng đô la tương đối ổn định. Vì vậy Ngài nói không có vấn đề gì. Nhưng tại sao vụ Oa-tơ-ghết lại sùng sục như nồi nước sôi?

Kít-sinh-gơ: ở đây có nhiều nguyên nhân phức tạp. Rất nhiều chính trị gia kỳ cựu không thích Tổng thống, bởi ông ta đeo đuổi chính sách phi bảo thủ, trong khi đó rất nhiều trí thức theo chủ nghĩa hư vô, muốn phá hoại tất cả.

Mao Chủ tịch: Ví vụ như Jiêm Rôi-stơn và Giô-dép An-sốp là nhóm chống lại Tổng thống Ních-xơn. Tôi thật không hiểu?

Kít-sinh-gơ: Tôi hiểu Jiêm Rôi-stơn là kẻ luôn chạy theo người khác. Còn Giô-dép An-sốp là người quá đà, rồi ông ta sẽ trở lại bình thường thôi.

Mao Chủ tịch: Theo Ngài, thì họ viết báo có nhằm kích động dư luận không?

Kít-sinh-gơ: Họ thích mình trở thành kẻ thống trị đất nước, họ thay nhau cách một ngày đóng vai Tổng thống một lần (cười). Nếu chúng tôi cứ chú ý theo dõi họ, thì thưa Chủ tịch, tôi không có được chuyến thăm Trung Quốc lần đầu tiên. Để đối phó với sự chống đối của họ, những gì cần làm chúng tôi đã làm..

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, người ta nói rằng người Mỹ không giữ được bí mật.

Kít-sinh-gơ: Có nhận xét như vậy.

Mao Chủ tịch: Nhưng tôi thì lại cho rằng, người Mỹ rất biết cách giữ bí mật?

Kít-sinh-gơ: Về cơ bản là vậy. Thưa Chủ tịch, xin Ngài hãy tin rằng, một khi tôi lưu giữ thông tin tình báo tại Nhà Trắng thì Ngài hãy tin rằng cuộc trao đổi của chúng ta sẽ không bao giờ bị lộ ra ngoài.

Mao Chủ tịch: Hãy nói về sự kiện Cu Ba, hay ví dụ về chuyến thăm Trung Quốc của Ngài, hoặc đối sách của Ngài gần đây nhằm chống Liên Xô, quả thật những vụ việc này giữ bí mật rất tốt.
Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, chúng tôi giữ bí mật ngay trong Văn phòng của tôi và giữ rất tốt. Nhưng về chuyện Liên Xô, thì chúng tôi không giữ bí mật. Chúng tôi luôn thông báo với các Ngài những việc có liên quan tới Liên Xô. Hành động của chúng tôi đối với Liên Xô như thế nào, các Ngài đều biết cả. Rồi đây chúng tôi còn được phép tiếp tục chứng minh như vậy. Liên Xô thích tạo ra một ấn tượng trước mọi người là, giữa họ và chúng tôi có kế hoạch kiểm soát toàn cầu. Đó là cái bẫy để họ lừa gạt các quốc gia khác. Đó không phải là chuyện thật? Chúng tôi đâu có ngu như vậy?

Mao Chủ tịch: Ngài nói nhiều về một số vấn đề về Liên Xô, cũng là vấn đề chúng tôi đang thảo luận. Hơn nữa quan điểm của Ngài cũng tương tự như chúng tôi, cũng muốn chỉ khả năng Liên Xô tấn công Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: ô! Thưa Chủ tịch, trước đây tôi luôn nghĩ rằng về mặt lý thuyết, đây chỉ là khả năng, nhưng giờ đây tôi phát hiện đó là khả năng trong hiện thực. Tôi từng nói, và từng nêu ra với Thủ tướng và Tổng thống: Tôi cho rằng, điều đầu tiên trong suy nghĩ của Liên Xô là đập tan lực lượng hạt nhân của Trung Quốc.

Mao Chủ tịch: Nhưng lực lượng hạt nhân của chúng tôi chỉ to bằng con ruồi mà thôi

Kít-sinh-gơ: Nhưng họ lo ngại mười năm sau tình hình sẽ thế nào đây?

Mao Chủ tịch: Tôi cứ cho là 30 năm hoặc 50 năm nữa, nhưng một nước muốn bật lên trong thời gian ngắn là chuyện khó có thể thực hiện được.

Kít-sinh-gơ: Như tôi đã nói nhiều lần, cũng như đã nói với Chủ tịch lần trước, nếu xảy ra chuyện thì sẽ gây hậu quả trầm trọng đến từng con người. Cho nên chúng tôi quyết định phản đối ngay khi chúng tôi chưa có bất cứ cuộc trao đổi nào với Trung Quốc.

Mao Chủ tịch: Nhưng tham vọng của họ lại mâu thuẫn với khả năng.

Kít-sinh-gơ: Có thể là như vậy. .

Mao Chủ tịch: Liên Xô đã bố trí 1/4 quân đội trên một tuyến dài, bắt đầu từ Thái Bình dương bao gồm Mỹ, Nhật, Trung Quốc đến Nam Á, phía tây có Trung Đông, châu Âu, xuyên qua Xi-bi-ri đến thẳng quần đảo Tu-rin.

Thủ tướng Chu: Còn phía đông dãy núi U-ran

Kít-sinh-gơ: Gần một nửa, khoảng hai phần năm

Mao Chủ tịch: Không bao gồm Trung Đông, Trung Đông nghiêng về một phía khác.

Kít sinh-gơ: Tôi biết.

Mao Chủ tịch: Nên gồm nước Cộng hoà Ca-dắc-xtan, U-dơ-bê-ki-xtan và một số nước cộng hòa nhỏ khác, còn rất nhiều các nước liên minh nhỏ khác ở miền Đông.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi biết được cả tình hình bố phòng của mỗi đơn vị quân đội Liên Xô, mà có lần ngẫu nhiên chúng tôi nói với các Ngài, tôi đồng ý với Chủ tịch...

Mao Chủ tịch: (lời phát biểu của Kít-sinh-gơ trước khi được dịch) Liên Xô phải đối phó với ngần ấy kẻ thù, phải đối phó với cả khu vực Thái Bình Dương. Họ không thể không đối phó với Nhật Bản, với Trung Quốc, với Nam Á tạo nên bởi nhiều quốc gia nhỏ. Nhưng ở vùng này họ chỉ có một triệu quân, không đủ để bảo vệ bản thân, chứ đừng nói đi tấn công người khác. Tất nhiên họ sẽ không tấn công trước, trừ phi Ngài nhường Trung Đông cho họ, như vậy họ mới có quân để bành trướng về phía đông, như vậy cần tiếp quản một triệu quân mới đủ.

Kít-sinh-gơ: Không thể xảy ra chuyện đó. Tôi tán thành như Chủ tịch nói, nếu châu Âu liên minh với Nhật như điều chúng tôi đã trao đổi với Chủ tịch lần trước, và hiện nay đang làm việc đó, thì nguy cơ về cuộc tấn công Trung Quốc coi như không đáng kể. .

Mao Chủ tịch: Chúng tôi cũng kìm chân một bộ phận lực lượng của họ, rất có lợi cho hoạt động của Ngài ở châu Âu, và Nhật Bản. Ví dụ: Họ bố trí quân đội ở Ngoại Mông (một vùng đất thuộc Trung Quốc) là chuyện chưa từng có dưới thời Khơ-rút-sốp. Còn sự kiện đảo Trân-bảo xảy ra thời Brê-giơ-nhép sau thời Khơ-rút-sốp.

Kít-sinh-gơ: Vào năm 1964. Đó là nguyên nhân cắt nghĩa tại sao thời kỳ đó Tây Âu, Trung Quốc và Mỹ tìm kiếm sự hợp tác.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy.

Kít-sinh-gơ: Bởi trong tình hình đó, không ai bị tấn công.

Mao Chủ tịch: Thái độ của Nhật cũng được.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, đây là điều quan trọng.

Mao Chủ tịch: Thái độ của số quốc gia chính ở châu Âu cũng khá.

Kít-sinh-gơ: Thái độ của họ khá hơn sự dũng cảm của họ.

Mao Chủ tịch: Vấn đề hiện nay là một số quốc gia nhỏ ở Bắc Âu. Không, chủ yếu là một số nước ở khu vực dãy núi Bi-li-si.

Kít-sinh-gơ: Thái độ các quốc gia vùng Bi-li-sơ và Scăng-đi-na-vơ có phần dè dặt trước việc vị trí của Đức có thay đổi.

Mao Chủ tịch: Theo tôi, Đức vẫn là một phần của phương Tây, không có chuyện theo đuổi Liên Xô. Còn Na-uy thì sợ Liên Xô, Thuỵ Điển còn ngả nghiêng chưa rõ, Phần Lan có xu hướng ngả theo Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Do vị trí địa lý, chứ không phải lo hành động của họ.

Mao Chủ tịch: Đúng vậy, trong chiến tranh họ rất dũng mãnh.

Kít-sinh-gơ: Họ tỏ ra rất dũng mãnh.

Mao Chủ tịch: Đất nước của "Ngàn hồ”

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Liên Xô cắt mất một phần lãnh thổ của họ, sau lại trả lại cho họ. Quốc gia này cũng khó bề đối phó, bởi gần Liên Xô quá.

Thủ tướng Chu; Tại sao họ bị chia cắt?

Kít-sinh-gơ: Họ đã tham chiến. Đó là thời Ca-li-nin, Ai-sơ-mốp.

Mao Chủ tịch: Thời kỳ Hít-le chiếm đóng Ba Lan. Xít-ta-lin không dám đánh chiếm các quốc gia vùng ven biển Ban-tích.

Kít-sinh-gơ: Nhưng sau đó không lâu, họ bị Liên Xô thu phục.

Mao Chủ tịch: Bởi Hít-tle tấn công Ba Lan, trong khi các nước đó cũng muốn ký Hiệp định hợp tác với Liên Xô. Thế là Liên Xô chớp nhanh thời cơ, nhét luôn 3 nước này vào ống tay áo của mình. Có lẽ 3 quốc gia điển hình này đã lập Đại sứ quán ở nước các Ngài.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, họ đã làm như thế.

Mao Chủ tịch: Trước khi họ lập quan hệ ngoại giao với các Ngài, Liên Xô không đòi đóng cửa các Sứ quán đó chứ?

Kít-sinh-gơ: Không.

Mao Chủ tịch: Vào năm 1933.

Kít-sinh-gơ: Vào năm 1933, chúng tôi đã lập quan hệ ngoại giao với các nước đó.

Mao Chủ tịch: E rằng không ổn lắm khi họ gia nhập Liên Hợp Quốc

Kít-sinh-gơ: Họ không có trong Liên Hợp Quốc

Thủ tướng Chu: Họ có một số dân cư trú tại Mỹ .

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy. Họ có cả Đại sứ đặc mệnh toàn quyền, nhưng tôi không hiểu họ làm cái gì?

Đại sứ Blúc-sơ: Họ chả làm gì cả. Trong họ có một tay tên là I-stô-lít, chỉ xuất hiện một lần trong buổi chiêu đãi cuối năm (cười)

Kít-sinh-gơ: Ngài rất đúng. Điều đó không ảnh hưởng gì đến quan hệ ngoại giao của chúng tôi với Liên Xô.

Mao Chủ tịch: Chúng ta hãy trao đổi vấn đề Đài Loan. Có hai vấn đề rõ ràng: quan hệ Mỹ với chúng tôi và chúng tôi với Đài Loan.

Kít-sinh-gơ: Về nguyên tắc...

Mao Chủ tịch: Chỉ cần các Ngài cắt quan hệ ngoại giao với Đài Loan, thì chúng ta có thể giải quyết vấn đề quan hệ ngoại giao như chúng tôi và Chính phủ Nhật Bản đã làm. Còn vấn đề giữa chúng tôi với Đài Loan rất phức tạp. Tôi không tin có quá độ hoà bình (Hỏi Bộ trưởng Ngoại giao). Đồng chí có tin không?

Kít-sinh-gơ: Tôi ư? Chắc Chủ tịch hỏi Ngài Bộ trưởng Ngoại giao của ngài?

Mao Chủ tịch: Tôi hỏi Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thủ tướng nói gì vậy. Sao không dịch lại. Họ là một số phần tử chống sự giải phóng, làm sao có thể hợp tác với chúng tôi. Không có Đài Loan cho dù 100 năm nữa, thì chúng tôi vẫn cứ như thế này. Trên thế giới này chả có chuyện gì lại thay đổi nhanh như vậy, mà tại sao lại phải nhanh cơ chứ. Đó chẳng qua chỉ là một hòn đảo nhỏ với khoảng 12 triệu dân, có thể nhiều hơn một chút.

Thủ tướng Chu: Dân số (Đài Loan) hiện nay là 16 triệu dân.

Mao Chủ tịch: Còn quan hệ của các Ngài với chúng tôi theo tôi không cần đến 100 năm.

Kít-sinh-gơ: Tôi tin điều đó, có thể nhanh hơn.

Mao Chủ tịch: Nhưng giờ đây do các Ngài quyết định, chứ chúng tôi không thúc giục các Ngài đâu. Nếu các Ngài thấy cần, thì chúng ta làm và làm được. Còn thấy làm bây giờ chưa ổn, thì cũng có thể lùi lại thời gian.

Kít-sinh-gơ: Theo quan điểm của chúng tôi, cần lập quan hệ ngoại giao với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Cái khó của chúng tôi là ở chỗ không thể chấm dứt ngay sự đi lại với Đài Loan. Ở đây có nhiều nguyên nhân liên quan đến tình hình nội bộ nước Mỹ. Tôi nói với Thủ tướng, chúng tôi mong đến hết năm 1976, có nghĩa trong năm 76 hoàn tất quá trình này. Vì vậy, vấn đề là, phải chăng chúng ta tìm ra một mô thức để lập được quan hệ ngoại giao, mà tác dụng của nó là góp phần tăng cường, mang ý nghĩa tượng trưng trong tượng trưng, mối quan hệ của chúng ta. Vì vậy, về góc độ kỹ thuật mà xét, để Văn phòng liên lạc Trung-Mỹ vận hành là tốt rồi.

Mao Chủ tịch: Điều này có thể làm được.

Kít-sinh-gơ: Làm cái gì?

Mao Chủ tịch: Nó (văn phòng) có thể vận hành cho đến nay, bởi các Ngài vẫn cần Đài Loan cơ mà?

Kít-sinh-gơ: Vấn đề không phải là cần, mà đó là vấn đề trong thực tế.

Mao Chủ tịch: Đó một câu chuyện, (cười) chúng tôi không sốt ruột về Hồng Kông, thậm chí chưa cần chạm tới Ma Cao. Nếu chúng tôi muốn vẫn có thể chạm đến Ma Cao, bởi đây là đất bị chiếm đóng từ thời nhà Minh (cười), Khơ rúp-sốp chửi chúng tôi: "Tại sao các ông lại không muốn thu hồi Hồng Kông và Ma Cao". Tôi còn nói với Nhật rằng: "Chúng tôi ủng hộ các ông đòi lại 4 đảo phương bắc. Trong lịch sử có chuyện Liên Xô cắt 1,5 triệu km2 lãnh thổ Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ: Như tôi hiểu, về quan hệ ngoại giao, về vấn đề Đài Loan, tôi cho rằng cần có sự lý giải tỉnh táo. Vấn đề là ở chỗ... có lẽ cơ quan liên lạc đang làm một số việc có ích. Vấn đề duy nhất là, một phía hay cả hai phía đều nhận thức rằng, về mặt nào đó chứng minh trong tượng trưng rằng quan hệ của chúng ta đã bình thường hóa từng mặt một. Trong tình hình đó, chúng ta có thể tìm kiếm một mô thức để biến thành khả năng, tất nhiên là không nhất thiết phải có.

Mao Chủ tịch: Chúng tôi đã lập quan hệ ngoại giao với Liên Xô và Ấn Độ. Nhưng quan hệ giữa họ với chúng tôi không suôn sẻ, không bằng quan hệ giữa chúng tôi với các Ngài. Quan hệ giữa chúng tôi với các Ngài tốt hơn nhiều. Quan hệ tốt xấu là chuyện hệ trọng, nhưng toàn bộ tình hình thế giới mới là quan trọng hơn.

Kít-sinh-gơ: Tôi hoàn toàn tán thành quan điểm của Chủ tịch. Chúng ta cần hiểu nhau. Tôi tin rằng chúng ta đã hiểu nhau trong thực chất.

Mao Chủ tịch: Trưởng Văn phòng liên lạc của chúng tôi đã nói lại các vấn đề nguyên tắc chính của Ngài và cả chuyện Gioóc-giơ Oa-sinh-tơn chống đại đế quốc Anh.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, mấy tuần trước ông ta báo cáo với tôi rất dài. Tôi nghe được ở chỗ Thủ tướng.

Mao Chủ tịch: Có thể quẳng đi mớ lý luận đó. Trước mắt chúng tôi có một mâu thuẫn: một mặt chúng tôi phải ủng hộ các quốc gia Ả-rập chống lại chủ nghĩa Do Thái của It-xra-en, một mặt khác không thể không hoan nghênh Mỹ đẩy Liên Xô vào khu vực đó nhằm mục đích không để Liên Xô kiểm soát Trung Đông. Đại sứ Hoàng Trấn của chúng tôi khi đề đến cập việc ủng hộ thế giới Ả-rập không hiểu được tầm quan trọng của việc Mỹ kiềm chế Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, ông ta làm tôi giật mình, bởi ông ta nhắc lại quan điểm cứng nhắc của phía Mỹ (cười). Và tôi cũng hiểu được các Ngài phải đứng trên lập trường nào đó. Các Ngài làm như vậy không đối chọi lại với lập trường thường nhật của chúng tôi. Nhưng chúng tôi muốn chứng minh chúng tôi có hành động hòa hoãn ở Trung Đông không phải do sức ép của Liên Xô. Vì vậy, ngoại trừ đàm phán có kết quả, chúng tôi sẽ tiến hành phản kích chống lại sức ép của Liên Xô trong bất cứ lúc nào và sau đó đánh bại họ và chuyển sang một hướng khác. Chúng tôi không chống lại quyết tâm của Ả- rập, mà chỉ chống họ khuất phục bởi sức ép của Liên Xô.

Mao Chủ tịch: Đúng như vậy

Kít-sinh-gơ: Đó là sách lược hiện nay của chúng tôi

Mao Chủ tịch: Còn một vấn đề quan trọng khác. Đó là vấn đề Bát-đa, I-rắc. Không hiểu các Ngài có thể làm việc gì đó ở khu vực này? Còn phía chúng tôi, khả năng không lớn.

Thủ tướng Chu: Làm như vậy rất khó. Có thể tiếp xúc với họ, nhưng muốn thay đổi đường lối chính sách của họ đòi hỏi phải có nhiều thời gian. Họ chỉ có thể thay đổi chút ít sau khi bị tổn thương. Họ đã bị tổn thương một lần rồi, đó là trong cuộc đảo chính.

Kít-sinh-gơ: Tại I-ran, các Ngài có thể làm tốt một cái gì đó. I-ran rất chủ động với I-rắc. Chúng tôi khuyến khích quốc vương I-ran lập quan hệ hữu nghị với các Ngài. Chiến lược của chúng tôi đối với I-rắc là bằng mọi cách tách Xi-ri ra khỏi họ. Sau đó làm giảm ảnh hưởng của họ trong các nước tiểu vương quốc ở vùng Péc-xích. Và chúng tôi sẽ tiếp cận họ khi họ phát hiện ra rằng chẳng được lợi lộc gì khi ngả về Liên Xô. Nhưng trước tiên phải làm cho I-rắc hiểu rằng, họ sẽ chẳng được gì cả nếu như tiếp tục chính sách hiện hành. .

Mao Chủ tịch: Quốc gia này nằm ở vùng biển Ả-rập tức vịnh Péc-xích, nhưng không có đê biển lẫn hải quân. Gần đây, chiến hạm bờ biển của các Ngài đã đến đó. Theo tôi làm như vậy là được đấy.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi sẵn sàng để chiến hạm ở lại đó một thời gian.

Mao Chủ tịch: Chắc là tàu hàng không mẫu hạm.

Kít-sinh-go: Một tàu chở sân bay và một tầu hộ vệ.

Mao Chủ tịch: Liên Xô thường qua lại eo biển Nhật Bản, phía đông là đảo Mít-uây, thâm nhập vùng các đảo Nhật Bản, có khi còn thử tên lửa trên Thái Bình dương.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Theo tôi, mục tiêu của họ là kìm chân quân đội các Ngài ở Thái Bình dương, nhằm ngăn chặn các Ngài chuyển vận quân đội sang phía tây.

Kít-sinh-gơ: Trước hết, chúng tôi không để ý đến việc họ thử tên lửa trên Thái Bình dương. Bởi như vậy chúng tôi sẽ dễ dàng nắm được đặc điểm hệ thống tên lửa của họ. Còn về hạm đội, cái khó của chúng tôi là không có căn cứ quân sự cho các chuyến viễn du vùng Ấn Độ dương và biển A-rập. Nhưng nay chúng tôi phát hiện trên đảo Đi-gô-gác-xia có căn cứ quân sự, và đang đàm phán với Pa-ki-xtan về khả năng xây dựng quân cảng. Chúng tôi đang khẩn trương xây dựng mối quan hệ thân thiết hơn với quốc vương I-ran. Tôi tin rằng, rồi đây các Ngài sẽ thấy, nhiều chiến hạm của Mỹ có mặt tại Ấn Độ dương.

Mao Chủ tịch: Tại sao, người I-ran lại thích cái hệ thống an ninh chung châu Á, của Liên Xô nhỉ?

Kít-sinh-gơ: Trước hết, theo tôi, trong số những vị lãnh đạo ở khu vực A-rập, chỉ có quốc vương I-ran là người rõ nhất sự nguy hiểm đến từ Liên Xô. ông ta mua của chúng tôi khối lượng lớn trang bị quân sự nhằm phòng thủ đối với Liên Xô và bảo vệ Pa-ki-xtan. Thưa Chủ tịch nếu quốc vương có mặt tại đây thì ông ta chắc hẳn hoàn toàn tán thành ngay sự phân tích của Ngài về tình hình. Song quốc vương có vấn đề chiến thuật của mình, đó là muốn bày tỏ nguyện vọng hòa bình. Tôi cho rằng, ông ta đã phạm sai lầm. Bởi vì ông ta không thật sự vì hệ thống an ninh châu Á.

Thủ tướng Chu: Trong quý một sang năm, quốc vương sẽ đến thăm Trung Quốc (thủ tướng và Ngoại trường trao đôi về thời gian chuyến thăm có lẽ phải lùi lại thời gian, không thể sớm hơn được)

Kít-sinh-gơ: Quốc vương rất quan tâm đến việc lập quan hệ hữu nghị với Trung Quốc, ông ta biết rõ thái độ của hai nước chúng ta đối với Pa-kit-xtan và Áp-ga-ni-xtan.

Mao Chủ tịch: Theo tôi, I-rắc vẫn là khâu tương đối yếu trong cục diện thế giới ngày nay.

Kít-sinh-gơ: Hiện nay, ở khu vực đó, I-rắc vẫn là điểm khó.

Thủ tướng Chu: (cười) Ca-đa-phi đi I-rắc nhằm gây chuyện

Mao Chủ tịch: Họ đang làm gì?

Thủ tướng Chu: Ca-đa-phi đến đó khuyên I-rắc đừng ngừng bắn

Kít-sinh-gơ: Hiện nay, Ca-đa-phi không còn là người hùng kiên định nhất lãnh đạo quốc gia đó.

Mao Chủ tịch: Tôi chưa hiểu con người này. Còn có một nhân vật khác, đó là Tổng thống Nam Yê-men. Tôi từng gặp ông ta. ông ta nói luôn suy nghĩ về việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Liên Xô và hỏi ý kiến tôi. Tất nhiên không mắc mưu ông ta, tôi nói phải thận trọng. Hiện nay, ông ta đang tìm cách đến với Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Câu kết rất chặt với Liên Xô, gây nên sóng gió ở cả vùng Péc-xích.

Mao Chủ tịch: Các Ngài có quan hệ ngoại giao với họ không?

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi có quan hệ ngoại giao với họ mang tính kỹ thuật, không có một chút tác dụng nào cả. Nhưng chúng tôi có viện trợ cho Ma-sca-tơ, A-man và bắc Yê-men nhằm giữ chân họ. Phiên dịch và Chu mô tả vị trí địa lý của Ma-sca-tơ và A-man)

Mao Chủ tịch: Chúng ta hãy nói về chuyện Nhật. Lần này Ngài định ở lại thăm Nhật mấy ngày?

Kít-sinh-gơ: Chủ tịch luôn khiển trách tôi về vấn đề Nhật Bản. Tôi xin thành khẩn nghe ý kiến của Chủ tịch. Lần này tôi ở lại thăm hai ngày rưỡi. Nhận xét của Chủ tịch là đúng đắn. Làm cho Nhật Bản cảm thấy mình không cô độc là điều rất quan trọng nhưng không nên nhử họ nhiều quá.

Mao Chủ tịch: Thế chẳng phải là đẩy họ về phía Liên Xô ư?

Kít sinh-gơ: Không nên buộc họ phải có quá nhiều sự lựa chọn. Ví dụ như sự lựa chọn đối với hai nước chúng ta.

Mao Chủ tịch: Không có chuyện đó đâu.

Kít-sinh-gơ: Sẽ không xảy ra từ phía chúng tôi (không dịch)

Mao Chủ tịch: Nhật Bản trước tiên có mối quan hệ tốt với Mỹ, sau đó mới đến chúng tôi.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi không phản đối giữa Trung Quốc và Nhật Bản có mối quan hệ tốt đẹp. Chúng tôi chỉ muốn ngăn cản họ đến với Liên Xô.

Mao Chủ tịch: Họ không mắc lừa đâu.

Kít-sinh-gơ: Điều đó cắt nghĩa tại sao thỉnh thoảng chúng tôi liên minh cùng với họ để đối phó với Liên Xô. Bởi làm như vậy họ sẽ không cảm thấy đơn độc.

Mao Chủ tịch: Chúng tôi cũng khuyến khích họ cùng hành động với Mỹ, nhằm tránh để bị Liên Xô lôi kéo.

Thủ tướng Chu: Gần đây, Thủ tướng Ta-na-ka và đoàn tùy tùng có chuyến thăm Mỹ, họ đến bờ biển miền Tây hay Ha-oai.

Kít-sinh-gơ: Không. Họ đến Oa-sinh-tơn trước khi đi thăm Liên Xô. Quan hệ của chúng tôi với họ đã tốt hơn nhiều rồi. Giờ đây họ cũng bớt thần kinh hơn (cười)

Mao Chủ tịch: Họ sợ các Ngài. Các Ngài nên cố gắng xua tan nỗi ám ảnh của họ. Liên Xô đang tìm mọi cách để lôi kéo họ. Nhưng giờ đây họ cũng không tin Liên Xô nữa.

Kít-sinh-gơ: Không. Họ có bài học lịch sử thật tồi tệ. Điều đó có lợi cho cả chúng ta. Tính cách của người Nga và tính nết của người Nhật không hợp nhau.

Thủ tướng Chu: Thời gian Ta-na-ka thăm Liên Xô, Người Nga tỏ ra rất ngu xuẩn.

Mao Chủ tịch: Hai ngày trước đây, họ chả có hội đàm gì cả.

Kít-sinh-gơ: Họ chỉ nêu ra một số đề nghị về tài nguyên của Liên Xô.

Thủ tướng Chu: Họ diễn thuyết dài dòng với người Nhật.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy. Họ đối với chúng tôi cũng như vậy, tạo ra một ấn tượng: họ đang mua chuộc chúng tôi. Theo đề nghị của họ, thì chúng tôi phải đầu tư 10 năm, và đợi đến mọi công trình xây xong, họ mới hoàn trả lại cho chúng tôi (cười) Tất nhiên là chúng tôi không chịu. Bất kỳ Hiệp định ban đầu về công trình quy mô lớn đến mấy đều không có triển vọng.

Mao Chủ tịch: Bao gồm cả chế độ tối huệ quốc cũng được đặt lên bàn. Tôi rất vui khi được tin này, tốt nhất là cứ kéo dài thời gian.

Kít-sinh-gơ: Nhưng triển vọng thông qua Quốc hội không ổn lắm.

Mao và Chu: (cùng hỏi) Thật vậy ư? .

Kít-sinh-gơ: Vấn đề này sẽ không đưa ra trước tháng hai. Nêu ra ở Hạ viện, rồi Thượng viện. Nói chung không phải là chuyện sang năm, mà là vài năm tới, lại còn chuyện thông qua nữa chứ. Vấn đề lớn nhất hiện nay không phải là các điều khoản của chế độ tối huệ quốc, mà là Liên Xô không có cái gì để bán cho chúng tôi. Hàng rào buôn bán không thuộc trách nhiệm chúng tôi, mà là chất lượng sản phẩm của Liên Xô quá kém.

Mao Chủ tịch: Nhưng họ có thể cung cấp năng lượng mà các Ngài cần.

Kít-sinh-gơ: Nói vậy không chính xác, thưa Chủ tịch. Chúng ta còn phải tranh luận. Năng lượng của Liên Xô chỉ thoả mãn 5% nhu cầu của chúng tôi, mà phải mất 10 năm nữa mới đưa được sang Mỹ. Trong 10 năm đó, chúng tôi thừa sức khai thác nguyên liệu thay thế, bao gồm khí đốt châu Mỹ. Như vậy lúc đó không cần đến nhập khối lượng lớn khí đốt nữa.

Mao Chủ tịch: Ngài nói có lý.

Kít-sinh-gơ: Vấn đề là vốn tín dụng, chứ không phải là chế độ tối huệ quốc. Về vốn tín dụng thì chúng tôi kiểm soát rất chặt. Chúng tôi chưa hề cấp vốn tín dụng cho họ.

Mao Chủ tịch: Tôi không am hiểu vấn đề này lắm do thiếu kiến thức, nên chưa rõ ý của Ngài. Có thể điều Ngài nói là đúng. Hiện nay hình như Liên Xô rất cần một khoảng vốn tín dụng khoảng 8 tỷ đô la.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, hiện nay chúng tôi đã cấp cho họ 3,3 tỷ đô la. Họ muốn sử dụng 8 tỷ đô la vào việc khai thác khí đốt.

Mao Chủ tịch: Tổng thống Mỹ truyền bá chủ nghĩa Ních-xơn từ Gu-am, chúng tôi đã nhận ra các Ngài đang từng bước đưa tư tưởng và chính sách của Ních-xơn vào cuộc chiến ở Nam Á. Đứng trên ý nghĩa này mà nói, Ngài nên tích cực hơn nữa .

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Ngài công bố một Hiệp ước Đại Tây dương mới. Nhưng chung quy chỉ là một.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi sẽ đưa vào thực hiện mục tiêu cơ bản của đề nghị này trong 6 tháng đầu năm. Phần lớn nội dung của Hiệp ước liên quan đến quân sự đã được xác định, phần dự thảo chính trị cũng gần như xong, phần dự thảo kinh tế còn cần làm nhiều việc.

Mao Chủ tịch: Trong lĩnh vực kinh tế có nhiều mâu thuẫn

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, phải khắc phục khó khăn, bởi nó rất cần thiết. Chúng tôi có thể giải quyết. Giới báo chí nước Mỹ đã bắt đầu chú ý vào những ý kiến chống đối. Còn những quan chức ngoại giao thích xuất hiện trước công chúng lại không thể tin được. Bởi lời tuyên bố của họ đều in lên báo, tạp chí. Nhưng nói chung công việc của chúng tôi tiến triển khá tốt.

Mao Chủ tịch: Đó là nguyên nhân cắt nghĩa tại sao Liên Xô lại muốn thâu tóm cả châu Âu và họ gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn kéo châu Âu về phía mình. Họ có tham vọng quá lớn, nhưng cũng gặp khó khăn rất lớn.

Kít-sinh-gơ: Theo tôi, Liên Xô muốn kiểm soát châu Âu về quân sự là chuyện rất khó. Nếu họ cứ rắp tâm làm như vậy thì buộc chúng ta phải nói chuyện trên chiến trường (Mao trao đổi với Chu). Liên Xô định đưa lục quân của họ đến đâu, đến Tiệp Khắc ư, hay đến nơi mà chúng ta hoàn toàn không có sự chuẩn bị, đó là điều nguy hiểm lớn nhất.

Mao Chủ tịch: Nếu cứ xét theo cách làm của họ ở Tiệp Khắc thì rất khó đoán định. Họ thi hành quỷ kế đối phó với Tiệp Khắc, dùng máy bay dân dụng để chuyển quân.

Kít-sinh-gơ: Bằng cách đó kiểm soát sân bay Pra-ha.

Mao Chủ tịch: Sau đó, quân đội chuyển đến đâu, người ta cứ tưởng là hành khách đi máy bay chứ có ai biết là quân đội đâu. Họ đã kiểm soát sân bay Pra-ha như vậy. Quân của họ đóng ở đâu là kiểm soát tình hình nơi đó.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Vì vậy, theo tôi, Liên Xô có tham vọng rất lớn, muốn nắm chặt lấy hai lục địa Âu-Á, bắc Phi và một số vùng khác, nhưng họ làm như vậy cũng gây nên một số phiền phức.

Kít-sinh-gơ: Miễn là các nước bị liên kết lại. (Mao mời khách thưởng thức trà)

Mao Chủ tịch: Họ lợi dụng thời điểm hiện nay các Ngài bị lún chân ở Trung Đông không rút ra được. Không thể bắt một mình Tổng thống các Ngài chịu trách nhiệm về vụ này, chính Giôn-xơn cũng phải chịu trách nhiệm.

Kít-sinh-gơ: Họ lợi dụng cơ may này khi nào?

Mao Chủ tịch: Khi vào Tiệp Khắc

Kít-sinh-gơ: Cả khi vào Ấn Độ

Mao Chủ tịch: Tôi không để ý lắm đến các vụ nhỏ. Tôi cho rằng, họ ký cái gọi là Hiệp ước không xâm phạm lẫn nhau với Ai Cập, I-rắc, Ấn Độ, cũng như Hiệp ước hữu nghị ký với Ấn Độ, chẳng giải quyết được gì cả. Vì vậy, khi họ kêu gọi chúng tôi việc ký Hiệp ước đại loại như vậy, tôi đã không đồng ý.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, tôi có theo dõi.

Mao Chủ tịch: Có người nhận xét rằng, các Ngài đã bỏ lỡ cơ may hành động khi Ai Cập một mình đuổi quân Liên Xô đi, chính lúc đó các Ngài nên chìa bàn tay giúp đỡ Ai Cập. Tôi đã suy nghĩ về lời bình luận trên, cho rằng lúc đó các Ngài đang ngập trong vấn đề Đông Nam Á, không thể thoát ra được.

Kít-sinh-gơ: Rất đúng. Thưa Chủ tịch, ở đây có hai vấn đề một là chúng tôi đang bầu cử, hai là chúng tôi đang lún chân trong vấn đề Việt Nam. Chúng tôi không thể cùng một lúc đối phó ở hai đầu .

Mao Chủ tịch: Đúng vậy. Giờ thì các Ngài rảnh tay rồi.

Kít-sinh-gơ: Rảnh tay nhiều rồi.

Mao Chủ tịch: Tổ quốc của Ngài có vị triết gia Hê-ghen đã từng nói: "Tự do là tất yếu của hiểu biết". Không biết câu này thể hiện bằng tiếng Anh có chính xác không.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Ngài có chú ý đến một mệnh đề triết học của Hê-ghen: "Sự thống nhất trong đối lập” không?

Kít-sinh-gơ: Tất nhiên rồi, bởi về tư tưởng triết học tôi bị ảnh hưởng nhiều của Hê-ghen

Mao Chủ tịch: Hê-ghen và sau này là Phơ-bách đều là nhà tư tưởng vĩ đại. Một phần trong chủ nghĩa Mác bắt nguồn từ tư tưởng lý luận của hai ông. Họ là những người tiên phong của Mác. Không có Hê-ghen và Phơ-bách, thì cũng không có chủ nghĩa Mác.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, Mác đã bỏ đi phần khuynh hướng mà giữ lại phần lý luận cơ bản của Hê-ghen.

Mao Chủ tịch: Ngài là Tiến sĩ chuyên ngành nào? Tiến sĩ triết ư?

Kít-sinh-gơ: Vâng (cười)

Mao Chủ tịch: Đúng, hay lắm. Thế Ngài không chuẩn bị để giảng bài cho tôi ư?

Kít-sinh-gơ: Tôi nghĩ rằng, về phương diện triết học Ngài hiểu hơn tôi rất nhiều. Ngài đã viết luận văn về triết rất sâu sắc. Hồi còn học ở Ha-vơt những năm 60, tôi đã trích lục trước tác của Ngài. Học trò của tôi luôn sửng sốt về nội dung tác phẩm.

Mao Chủ tịch: Tôi không hài lòng về mình. Vấn đề chính ở đây là tôi không nắm ngoại ngữ, nên không thể đọc nguyên tác của người Đức, người Liên Xô hoặc người Mỹ.

Kít-sinh-gơ: Tôi cũng không đọc được nguyên tác bằng tiếng Đức, chỉ đọc và hiểu được khi dịch thành tiếng Anh. Nguyên bản tiếng Đức rất sâu, rất khó. Thật vậy, một số quan điểm của Hê-ghen tôi hiểu qua tiếng Anh dễ hơn tiếng Đức, cho dù tiếng Đức là tiếng mẹ đẻ của tôi.

Thủ tướng Chu: Cấu tạo ngữ pháp tiếng Đức rất phức tạp nếu không hiểu đúng ngữ pháp sẽ dẫn đến hiểu nhầm. Vì vậy, nắm được tiếng Đức không dễ, nhất là phần lý luận trong các tác phẩm.

Mao Chủ tịch: (nói với Chu) Chắc đồng chí biết tiếng Đức

Thủ tướng Chu: Hồi trẻ có học, nhưng giờ quên hết rồi.

Kít-sinh-gơ: Câu trong tiếng Đức dài, cấu tạo ngữ pháp phức tạp. Tiếng Anh dễ hơn tiếng Đức. Một đặc điểm nổi bật của tiếng Đức là ...

Thủ tướng Chu: Tối qua, những người biết tiếng Đức nói đùa với nhau: Câu trong tiếng Đức dài đến vài trang giấy, nếu không tìm thấy động từ nằm ở cuối câu thì không hiểu câu đó nói gì, mà động từ lại thường xuất hiện ở cuối trang. Tất nhiên, nói như vậy có phần cường điệu. Một câu .không thể dài đến cả trang giấy.

Mao Chủ tịch: Ngài gặp Quách Mạt Nhược chưa? ông ta biết tiếng Đức. Ồ! Hiện nay đang nói về Hê-ghen cơ mà! Tôi có một đề nghị với Ngài.

Kít-sinh-gơ: Tôi không quen biết vị tiên sinh mà Chủ tịch vừa nêu tên.

Mao Chủ tịch: ông ta là con người tôn sùng Khổng Tử, nhưng hiện nay là Uỷ viên Trung ương Đảng chúng tôi Chúng ta hãy quay trở lại Hê-ghen. Khi đề cập đến lịch sử triết học Hê-ghen, Quách Mạt Nhược tỏ ra bất kính với Khổng Tử nhưng lại, kính trọng Lão Tử. Nhưng ông ta sùng bái hơn cả là triết học Phật giáo Ấn Độ.

Kít-sinh-gơ: Tôi không tán đồng quan điểm cuối cùng của Chủ tịch. Đó là thứ triết học tiêu cực.

Kít-sinh-gơ: Đó là câu chuyện tình yêu của trí thức phương Tây với người Ấn Độ, dựa trên tình cảm, trong nhận thức hoàn toàn sai lệch của phương Tây về triết học cuộc sống của Ấn Độ. Triết học Ấn Độ không một chút ý nghĩa thực tế nào.

Mao Chủ tịch: Một thuyết giáo trống rỗng

Kít-sinh-gơ: Đối với Gan-đi, phong trào không phải là nguyên tắc triết học. Bởi người Anh ưa nói đạo đức và tình cảm, nên không thể chống lại bằng bạo lực. Thực ra, người Anh đâu có trọng tình cảm. Với Gan-đi, đây không phải là nguyên tắc luân lý, mà là một sách lược giải phóng.

Mao Chủ tịch: ông ta tự kéo sợi lông cừu, uống sữa dê .

Kít-sinh-gơ: Đối với ông ta, cần có một kế hoạch chiến thuật.

Mao Chủ tịch: Tác động của chủ nghĩa Gan-đi đối với nhân dân Ấn Độ là hướng dẫn họ đi vào con đường bất đề kháng.

Kít-sinh-gơ: Một phần là như vậy. Đó cũng là đặc trưng tính cách và biết cách thay đổi của người Anh. Cho nên, theo tôi, Gan-đi cần nhận được viện trợ để chống lại người Anh, giành lại độc lập.

Mao Chủ tịch: Ấn Độ không có độc lập. Nếu họ không phụ thuộc vào Anh, thì cũng phụ thuộc vào Liên Xô. Phần lớn kinh tế của họ còn phụ thuộc vào các Ngài. Trong bản tin của Ngài sao không thấy món nợ của Ấn Độ vay Mỹ 10 tỷ đôâ-la, hay đấy là toàn bộ số nợ?

Kít-sinh-gơ: Đây không phải là toàn bộ số nợ. Không phải là 10 tỷ đô la, mà là gần 6 tỷ, trong đó khoản nợ chiếm 60%. Cũng có thể Ngài nói đúng. Tôi sẽ tra cứu sau (Hỏi Lốt đã tra cứu con số chưa)

Thủ tướng Chu: Bao gồm khoản nợ bằng Ru-pi?

Kít-sinh-gơ: Vâng, bao gồm khoản nợ bằng Ru-pi, cũng có thể nói khoản nợ bằng đô-la Mỹ.

Mao Chủ tịch: Tôi nhớ ra rồi? Tổng thống các Ngài nói Ngân hàng thế giới có khoản nợ 10 tỷ đô la.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, bao gồm khoản nợ đơn phương, nợ Ru-pi, nợ song phương tất cả là 10 tỷ đô la Mỹ, có thể nhiều hơn đôi chút.

Mao Chủ tịch: Những điều Ngài vừa nói trước đây tôi không hề biết. Nếu Ngài đến thăm Trung Quốc lần nữa, ngoài đề tài chính trị ra, có thể trao đổi với tôi về triết học.

Kít-sinh-gơ: Tôi rất vui lòng, thưa Chủ tịch, nghiên cứu triết học là cái thú nhất của tôi.

Mao Chủ tịch: Nhưng là Ngoại trưởng mà muốn nghiên cứu triết học là chuyện khó.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Họ nói Ngài là "con tuấn mã không chịu ngừng vó".

Kít-sinh-gơ: Thủ tướng gọi tôi là "Cơn lốc"

Mao Chủ tịch: "Cơn lốc" thổi khắp thế giới!

Kít-sinh-gơ: Thưa Chủ tịch, Ngài Thứ trưởng Ngoại giao có nói với tôi trong cuộc hội đàm tháng 10, Ngài có quan đến điểm về thế giới Ả-rập. Tôi rất quan tâm điều này

Mao Chủ tịch: Đó là chuyện tôi trao đổi với phó Tổng thống Ai Cập. Hồi đó, ông ta bị ngài Lốt kiểm soát, bằng cách nào đó rồi. (cười)

Kít-sinh-gơ: ông Lốt không nói với tôi là trao đổi với ai.

Mao Chủ tịch: Với Sa-phia (phó Tổng thống Ai-cập), Ngài đã gặp ông ta chưa?

Kít-sinh-gơ: Tôi có gặp Xa-đát và hai, ba người khác

Mao Chủ tịch: Lần đó, tôi định khuyên ông ta nên đến với các Ngài. Bởi tôi theo dõi thấy Ngài có hội kiến và mời cơm các Ngoại trưởng Ả-rập, riêng chỉ có Ngoại trưởng I rắc, Xi-ri, Li-bi và Nam Yê-men là từ chối. Tôi chắc Ai Cập đã nhận lời mời.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Đó là nguyên nhân tôi lại phụ họa với Ngài (cười). Tôi rất mừng vì Ngài đã chiêu đãi các Ngoại trưởng Ả-rập.

Kít-sinh-gơ: Vâng, đây là hoạt động chính thức đầu tiên của tôi

Mao Chủ tịch: Theo tôi, vị Ngoại trưởng tiền nhiệm của Ngài không biết cách làm như vậy.

Kít-sinh-gơ: ông ta chắc có quan tâm. Nhưng theo tôi ông ta chưa coi họ là một bộ phận.

Mao Chủ tịch: Các quốc gia Ả-rập với dân số hơn 1 tỷ phân bố rộng khắp từ Đại Tây dương tới Vịnh Péc-xích.

Kít-sinh-gơ: Hiện nay dân số là 1,5 tỷ rồi.

Mao Chủ tịch: Bao gồm 19 nước

Kít-sinh-gơ: Chúng ta cần có sự nỗ lực to lớn và chân thành để thúc đẩy quan hệ với họ.

Mao Chủ tịch: Khó khăn khá lớn, bởi các quốc gia này khi thì liên kết với nhau, khi thì nội chiến, rất khó đối phó.

Kít-sinh-gơ: Năm 1959, Li-bi có chuyến thăm Trung Quốc không thành công.

Mao Chủ tịch: Chúng tôi cắt quan hệ ngoại giao từ năm 1959. Năm 1958, họ tính chuyện kiểm soát đường bờ biển và cảng khẩu của Trung Quốc. Thế là nổ ra tranh cãi. Trong cuộc đàm phán với Đại sứ của họ, tôi đập bàn, lớn tiếng mắng cho họ một trận (cười). Họ báo cáo lại về Mát-xcơ-va. Sau đó Khơ-rút-sốp tìm đến đặt vấn đề lập Hạm đội chung, vì Liên Xô và Trung Quốc. Lúc đó, ông ta tỏ ra rất trịnh thượng, bởi ông ta đã gặp Tướng Ai-xen-hao sau này trở thành Tổng thống, và nhận được khích lệ bởi cái gọi là "Tinh thần Trại Đa-vít". Đến Bắc Kinh, ông ta khoe khoang phải đi hội kiến Tổng thống Ai-xen-hao, và dùng tiếng Anh nói: "Đó là bạn của tôi" (hỏi Đại sứ Blúc-sơ có biết chuyện này không)

Đại sứ Blúc-sơ: Không. Tôi không hề biết chuyện này.

Mao Chủ tịch: Cũng coi như một cái tin. Sau chuyến thăm đó Khơ-rút-sốp không bao giờ trở lại Trung Quốc nữa. Nhưng ông ta đến Vla-đi-vốt-stốc.

Thủ tướng Chu: ở đó, Khơ-rút-sốp có bài diễn thuyết chống Trung quốc. Chưa có một vị lãnh đạo Liên Xô nào đến vùng phía đông xa hơn Vla-đi-vốt-stốc. Ngài Kít-sinh-gơ nói không hay biết chuyện xảy ra ở Xi-bia.

Thủ tướng Chu: Đã hai giờ rưỡi rồi.

Mao Chủ tịch: Tôi còn có một vấn đề nữa muốn trao đổi với Ngài. Có lẽ hôm nay chúng ta nói lâu quá. Đã bị vướng vào các chuyện khác (ý nói tiếp Đại sứ Blúc-sơ). Có vấn đề tôi muốn hỏi, nếu là Đảng Dân chủ cầm quyền, tôi nghĩ là họ sẽ thi hành chính sách cô lập.

Kít-sinh-gơ: Đó là vấn đề rất trầm trọng, thưa Chủ tịch. Theo tôi, trong tri thức hiện nay có khuynh hướng như vậy. Một số người của Đảng dân chủ cũng giữ quan điểm cô lập. Nhưng mặt khác hiện tượng khách quan buộc họ phải hiểu rằng không có gì thay thế được chính sách hiện hành của chúng tôi. Giờ đây họ đã hiểu được chút ít sự thực qua hàng loạt hành động phá hoại. Nhưng tôi cũng không biết được liệu họ có tiếp tục cái sách lược này không? Nhưng tôi cho rằng, họ sẽ trở lại với thực tế hiện nay.

Mao Chủ tịch: Nói như vậy chúng ta là đồng loại, chúng tôi ít nhiều vẫn còn hoài nghi.

Kít-sinh-gơ: Quả là tôi vẫn còn hoài nghi. Và tôi đặt nghi vấn đối với một số lãnh đạo. Nhưng tôi tin rằng thực tế buộc chúng tôi trở lại chính sách mà chúng tôi đeo đuổi. Thưa Chủ tịch. Đó là nguyên nhân cắt nghĩa tại sao chúng tôi phải lợi dụng thời gian chúng tôi vẫn còn trong Chính phủ để đẩy mạnh cái khả năng mà không gì thay thế được.

Mao Chủ tịch: điều chủ yếu thể hiện trong đề nghị về rút quân khỏi châu Âu .

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Mao Chủ tịch: Đó là sự trợ giúp cực lớn cho Liên Xô.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi sẽ không làm như vậy trong thời gian cầm quyền. Nó sẽ phát sinh hai sự việc, rút quân khỏi châu Âu và nếu có thách thức, sẽ nhanh chóng trở nên tàn khốc.

Mao Chủ tịch: Ngài nói đến "tàn khốc" muốn ám chỉ xảy ra chiến tranh.

Kít-sinh-gơ; Nếu cần thiết, nhưng...

Mao Chủ tịch: Tôi không thích Ngài giở mánh ngoại giao với tôi.

Kít-sinh-gơ: Nếu cần thiết, nhưng bài học của chúng tôi là vậy họ sẽ rút quân nếu như biết chúng ta phát động chiến tranh. Cho đến nay mà nói, họ đã sợ chúng ta.

Mao Chủ tịch: Theo tôi, tốt nhất là đừng để nổ ra chiến tranh. Tôi cũng không thích chiến tranh. Tuy rằng tôi nổi tiếng vì hiếu chiến (cười). Tôi cho rằng là điều không tốt nếu Ngài đánh nhau với Liên Xô. Còn Ngài thật sự muốn đánh nhau, thì tốt nhất nên sử dụng vũ khí thông thường, còn vũ khí hạt nhân nên giấu kỹ trong kho, không nên động đến nó.

Kít-sinh-gơ: Cho dù thế nào, chúng tôi sẽ không phát động chiến tranh.

Mao Trạch Đông: Thế thì tốt. Trước đây tôi có nghe nói Ngài đã giành được thời gian.

Kít-sinh-gơ: Nếu chúng tôi giành được thời gian nhưng lại đặt trong bối cảnh bị Liên Xô tấn công vào các vùng mà chúng ta đã trao đổi, thì chúng tôi có thể phản kích. Vì vậy, trong tình hình này, chúng ta cần phải chuẩn bị sẵn sàng.

Mao Chủ tịch: Hoàn toàn đúng: Mềm nắn rắn buông, Liên Xô là như vậy đấy (chỉ tiểu thư Vương và tiểu thư Đường nói đùa, khiến mọi người cười ồ) Ngài đừng nên ăn hiếp tiểu thư Vương và tiểu thư Đường, dù sao họ cũng là phái yếu.

Kít-sinh-gơ: Thưa Chủ tịch, theo tôi họ không thuộc phái yếu, bởi họ đâu có chấp nhận đề nghị của Chủ tịch (cười) .

Mao Chủ tịch: Cô này (tiểu thư Đường) là người Mỹ, còn cô này (tiểu thư Vương) là gián điệp Liên Xô (cười)

(Mao Chủ tịch tự đứng dậy đi theo các vị khách Mỹ ra ngoài đại sảnh, lần lượt tạm biệt từng người với thư ký phụ trách, Đại sứ Blúc-sơ và Uyn-tơn Lốt, sau đó gọi phóng viên nhiếp ảnh chụp hình. Bắt tay thư ký phụ trách, Mao nói: "Chuyển lời hỏi thăm của tôi tới Tổng thống Ních-xơn". Thư ký phụ trách hứa nhất định sẽ chuyển lời. Đại sứ Blúc-sơ và Uyn-tơn Lốt nói họ rất vinh dự vì được gặp Mao Chủ tịch. Chủ tịch nói trước đây từng gặp cả hai người, Đại sứ Blúc-sơ nói, ông ta còn nhớ rõ).

Lời dẫn

Trước đó, Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai đã chuyển sang trao đổi một số vấn đề chung chung, như phong tỏa tài sản, danh mục chi tiết về thiệt hại của nước ngoài. Theo đề nghị của Kít-sinh-gơ cần thúc đẩy việc tạo ra bầu không khí buôn bán, hợp tác và đầu tư với Trung Quốc, đây là cần thiết và là điều kiện để trao cho Trung Quốc chế độ tối huệ quốc. Một số công ty của Mỹ đã thực hiện hợp tác với Trung Quốc, M.W. Kei-lớp xuất sang Trung Quốc khối lượng lớn cây trồng. Một số công ty như MON SANTO đã cử người sang Trung Quốc bàn chuyện hợp tác.

Đa-vít Blúc-sơ đề nghị với Kít-sinh-gơ giải quyết vấn đề phong tỏa tài sản của người Mỹ ở Trung Quốc và tranh cãi về đền bù để Ngân hàng Hoa Kỳ hỗ trợ Trung Quốc về tài chính, nhằm nhập khẩu toàn bộ nguyên liệu và thiết bị, trên cơ sở thanh toán trả chậm.

Tuy Chu Ân Lai cam kết Trung Quốc thực hiện hiện đại hóa, nhưng ông ta lại không sẵn sàng giải quyết vấn đề đền bù và phong tỏa tài sản, ông ta không chỉ lo những người còn giữ cổ phiếu cũ về đường sắt sẽ khởi tố, trong đó có cả người Mỹ lao vào cuộc may rủi, mà còn lo ngân hàng nước ngoài đã phong tỏa trái phép tài sản với số tiền là 17 triệu đô la. Người Mỹ đòi bồi thường số tiền đó với danh mục chi tiết vì tổn thất là có thật. Chu tính toán nếu ông ta ký một Hiệp định hoàn trả, thì nhất định sẽ bị số phần tử cấp tiến tấn công.

Những vấn đề trên và vấn đề quan hệ Mỹ-Đài Loan gắn chặt với nó, mãi cho đến năm 1979 thời kỳ Chính phủ Ca-tơ mới được giải quyết. Kít-sinh-gơ không sốt sắng với vấn đề danh mục chi tiết về thiệt hại và vấn đề phong toả tài sản mà trong buổi làm việc cuối cùng với Chu vào tối thứ ba và sáng thứ tư, ông ta muốn cố gắng giải quyết vấn đề lực lượng tàu ngầm hạt nhân của Bắc Kinh và cố gắng hoàn thiện quan hệ hợp tác chiến lược chặt chẽ hơn với Trung Quốc.

Chúng tôi không thể có được biên bản hoàn chỉnh về buổi làm việc đêm thứ ba. Rõ ràng Uyn-tơn Lốt đã trao đổi bản sao cho chuyên viên về Viễn Đông của Bộ Ngoại giao, còn biên bản gốc cất trong hồ sơ. Nhưng qua cách ghi chép cho thấy, còn nhiều điều không được ghi trong biên bản. Đó cũng là ví dụ về cách làm của hệ thống kiểm soát thông tin của Kít-sinh-gơ. Để kiểm soát các chi tiết nhạy cảm trong cuộc trao đổi, ông ta thường bắt cấp dưới viết lại biên bản hội đàm sạch sẽ hơn. Qui trình làm việc này, Lốt từng chứng kiến và cho rằng "cách làm lãng phí thời gian".

Lời dẫn giải nội dung hội đàm tối thứ ba tuần trước cho thấy: Chu Ân Lai chấp nhận yêu cầu của Kít-sinh-gơ là huỷ bỏ quyết định của Bộ Ngoại giao về việc ra lệnh cho nhóm an ninh hải quân rời khỏi Bắc Kinh. Đối với Kít-sinh-gơ, nhóm này buộc phải về nước sẽ tạo ra một tiền lệ xấu nó cũng không phù hợp với chính sách ngoại giao truyền thống của Mỹ.

Blúc-sơ có vẻ hoan nghênh nhóm an ninh hải quân đã có đóng góp vào hoạt động xã giao của sứ quán, thì Kít-sinh-gơ lại tỏ ra không hài lòng. Kít-sinh-gơ nói với Tư lệnh Hao-ơ: "ông hãy cùng với người của mình giải quyết vụ việc này đi. Đây không phải là trại hè. Họ cần được kiểm soát. Kít-sinh-gơ cho rằng, chuyện này có thể coi như làm giảm bớt sự chú ý của dư luận đối với Oa-tơ-ghết. Chu Ân Lai nói bằng một giọng châm biếm: "Có lẽ nên cử một số Hồng vệ binh sang Oa-sinh-tơn, để số thanh niên để tóc dài ở Mỹ đến xem họ".

Do không muốn để chuyện bé xé ra to ảnh hưởng tới quan hệ Trung-Mỹ, Chu Ân Lai đồng ý giữ lại lính thủy đánh bộ và Kít-sinh-gơ cũng đồng ý với yêu cầu của Chu là, lính thủy đánh bộ không mặc sắc phục. Nhưng vấn đề vẫn chưa được giải quyết. Với vị trí hiện nay, Chu hoàn toàn không chỉ huy được Bộ Ngoại giao. Trong vòng vài tuần sau đó, Đại sứ Blúc-sơ báo cáo về nước "sự căm ghét nhóm an ninh hải quân đang tăng lên và nhóm này phải nhanh chóng về nước.

Đối với Kít-sinh-gơ, một vấn đề bức xúc nữa là vấn đề người được tín nhiệm thay thế của Mỹ ở Nam Việt Nam. Quân Mỹ đã rút ra khỏi cuộc chiến. Ý định của Kít-sinh-gơ là kéo dài khoảng cách thời gian từ khi quân Mỹ rút đi đến chính quyền Sài Gòn sụp đổ. Kít-sinh-gơ yêu cầu Chu Ân Lai bằng ảnh hưởng của mình, ngăn chặn "các hành động vi phạm nghiêm trọng".

Chu Ân Lai cam kết rằng sẽ không để xảy ra cuộc tấn công hủy diệt, làm cho quân Mỹ phải kinh hoàng”. Thay thế vào đó là hàng loạt cuộc chiến đấu quy mô nhỏ của quân Giải phóng và quân Bắc-Việt, nhằm đánh bại quân đội Sài Gòn và giành lại đất đai của họ đã mất trước đây. Chu Ân Lai lưu ý Kít-sinh-gơ và thừa nhận "xô sát nhỏ là không thể tránh được".

Sau khi trao đổi ngắn về phong trào sinh viên Thái Lan đang nổ ra ở Thái Lan, Chu Ân Lai và Kít-sinh-gơ trở lại vấn đề Cam-pu-chia.
Chu Ân Lai muốn biết tại sao Mỹ kiên quyết ủng hộ Chính phủ Lon-non. Kít-sinh-gơ nói, độ tin cậy về Chính phủ này còn là vấn đề lớn. Tuy nhiên, ông ta "không phản đối Hoàng thân Xi-ha-núc trở về nước”.

Thủ tướng Chu: Ngài không có cam kết theo Hiệp ước với Lon-non như với Nguyễn Văn Thiệu. Hơn nữa chính quyền quân phiệt độc tài ở Băng Cốc đang có sự thay đổi, nhưng họ không thể là lực lượng chính. Nếu khu vực này có hòa bình, trung lập thì tình hình sẽ khá hơn.

Kít-sinh-gơ: Xin nói thực, vấn đề chính giữa chúng tôi với Cam-pu-chia là: Tổng thống Ních-xơn muốn lấy Cam-pu-chia làm ví dụ chứng minh cho toàn bộ chính sách hỗ trợ bị phá sản. Bởi nếu chính quyền Sài Gòn sụp đổ sẽ tác động đến các chính sách khác của chúng tôi. Đó là điều chúng tôi cần quan tâm.

Thủ tướng Chu: Thượng nghị sĩ Men-sphin tại sao lại tán thành nới lỏng quản chế để Xi-ha-núc trở về.

Kít-sinh-gơ: Thượng nghị sĩ Men-sphin là người theo chủ nghĩa cô lập truyền thống. Đối với quan hệ Trung Quốc - phương Tây, ông ta là người theo chủ nghĩa cô lập thực thụ. Ngoài ra ông ta có tình cảm sâu nặng với Hoàng thân Xi-ha-núc, nên ông ta không đòi hỏi bất kỳ sự trả lời nào về Xi-ha-núc và Cam-pu-chia nếu không dính tới chuyện hiện tại. Còn Xi-ha-núc, theo tôi là kẻ tính toán cặn kẽ.

Phần sau biên bản này vẫn do Thượng nghị viện bảo quản trong bí mật, là một phần nội dung cuộc họp đêm thứ ba mà cho đến nay không thể thu thập được toàn bộ biên bản. Phần được trích dẫn cho thấy Kít-sinh-gơ tiếp tục cố gắng lập một "liên minh không tuyên bố” với Bắc Kinh và tính đến chuyện báo động sớm về cuộc tấn công, nếu Liên Xô phát động nhằm chống Trung Quốc. Tuy rất quan tâm đến đề nghị của Kít-sinh-gơ, nhưng mãi đến sáng hôm sau, Chu mới đưa ra nhận xét về ý đồ này.

Nhà Trắng
BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ HỘI ĐÀM.
TÀI LIỆU MẬT. KHÔNG PHÂN PHÁT

Người dự:

Chu Ân Lai, Thủ tướng Quốc vụ viện; Diệp Kiếm Anh, Phó Chủ tịch Quân ủy TW; Thái Hồng Cảnh, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Đường Văn Sỉnh, phiên dịch; Bà Dương Dịch Vân nhân viên ngoại giao.

Tiến sĩ Hăng ri Kít-sinh-gơ, Ngoại trưởng; Đại sứ Đa-vít Blúc-sơ; Tư lệnh G.T. Hao-ơ; Bà Uây-ma Hôp, thư ký Hội nghị.

Thời gian: Thứ ba, ngày 13-11-1973 -Từ 10H00 -12h30

Địa điểm : Đại lễ đường Nhân dân tại Bắc Kinh

(Ghi chú: nguồn tư liệu, PPS số 381 về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng thống.)

Kít-sinh-gơ: Hiện nay, chúng tôi có thể trợ giúp về hai phương diện.

Một là, nếu chiến tranh kéo dài, chúng tôi có khả năng cung cấp trang bị và các dịch vụ khác.

Một phương pháp nhằm rút ngắn thời gian bị tấn công là vấn đề mà bất kỳ quân đội nào cũng cần phải xem xét để bảo vệ đất nước mình.

Cảnh báo sớm cũng là vấn đề tồn tại của nhiều quốc gia. Đối với máy bay ném bom nếu cảnh báo sớm có nghĩa không để hệ thống phòng không, phòng ngự bị phá huỷ hoàn toàn. Còn đối với tên lửa thì phải được báo động trước khi tên lửa nổ tung. Xuất phát từ lợi ích của hai phía, bất cứ sự trợ giúp nào mà chúng tôi giành cho các Ngài đều thực hiện theo phương pháp khó phát hiện. Nếu nói về tên lửa tấn công, chúng tôi có hệ thống vệ tinh rất tốt để thực hiện báo động sớm. Vấn đề là làm thế nào các Ngài có được thông tin nhanh nhất.

Chúng tôi chuẩn bị lập đường dây nóng giữa Bắc Kinh với vệ tinh. Như vậy chỉ trong vòng vài phút các Ngài sẽ nhận được thông tư của chúng tôi.

Thủ tướng Chu: Qua vệ tinh ư?

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy. Thông tin trước hết truyền tới Oa-sinh-tơn sau đó đến Bắc Kinh. Chúng ta có thể thực hiện việc đó bằng cách áp dụng một trong hai phương pháp không gây chú ý.

Một là, chúng tôi tuyên bố đã lập đường dây nóng với Bắc Kinh; như đường dây nóng đã lập với Mát-xcơ-va, với Nhật Bản. Nhưng họ không thể biết được tính chất đặc biệt của đường dây nóng lập với các Ngài. Như vậy, các Ngài có thể nhanh chóng di chuyển máy bay ném bom đi nơi khác trước khi xảy ra tấn công. Nếu điều kiện cho phép, còn có thể di chuyển cả tên lửa. Tuy vậy, các Ngài còn cần lập hệ thống thông tin giữa Bắc Kinh với các căn cứ của mình. Về phương diện này chúng tôi chỉ có thể trợ giúp các Ngài trong bí mật.

Một hình thức khác là, giữa chúng ta ký một Hiệp định về không để chiến tranh hạt nhân nổ ra đột ngột, như Hiệp định chúng tôi ký với Liên Xô, tôi rất chú ý đến hình thức lập đường dây nóng với Bắc Kinh mà không gây nên chú ý của dư luận. Chúng tôi có thể cung cấp cho các Ngài kỹ thuật Ra-đa tương tự, nhưng phần chế tạo các Ngài phải tự lo liệu.

Thủ tướng Chu: Về việc Ngài muốn trao đổi, tôi cần nghiên cứu một chút. Sáng sớm mai tôi đến chia tay với Ngài trước khi Ngài rời đây. Theo tôi, một số điều nói đến có ích cho chúng tôi. Tuy rằng trong chiến tranh con người là nhân tố kỹ thuật vũ khí trong quyết định, nhưng cũng cần tính đến nhân tố kỹ thuật vũ khí trong thực tế.

Lời dẫn

Cuộc thảo luận kết thúc, ngay hôm sau Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai cùng nghiên cứu các chi tiết cuối cùng về bản thông cáo Bắc Kinh-Oa-sinh-tơn. Kít-sinh-gơ miêu tả cuộc trao đổi là tích cực, bởi nó đưa hoạt động "chống bá quyền” đến nhiều nơi trên thế giới, chứ không hạn hẹp trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đồng thời kêu gọi "có nhiều cuộc tiếp xúc hơn nữa ở cấp cao" giữa Trung Quốc và Mỹ, còn đề nghị với Trung Quốc hãy có phản ứng tích cực hơn về chuyến thăm sớm hơn của Ních-xơn; Thông cáo nhắc lại "Kiên trì nguyên tắc một nước Trung Quốc". Kít-sinh-gơ hy vọng như vậy Mỹ sẽ không bị bó tay khi quan hệ với cả Đài Loan và Trung Quốc.

Kít-sinh-gơ và Chu Ân Lai hầu như không ngủ, đã trao đổi thêm một số vấn đề nhạy cảm trong sáng sớm ngày thứ tư, như vấn đề chính sách đối với Nhật Bản. Chu Ân Lai yêu cầu Mỹ cung cấp nhiều hơn nữa viện trợ cho Pa-kit-xtan, và nêu lên chỗ mạnh và nêu lên chỗ yếu trong chính sách ngoại giao của Thượng viện Mỹ.

Hai biên bản đứt đoạn về vấn đề này hiện nằm trong Hồ sơ, biên bản hoàn chỉnh chắc phải chờ Mỹ cho công bố công khai. Trước khi Kít-sinh-gơ rời Bắc Kinh đi Tôkyô, Chu Ân Lai đề nghị Kít-sinh-gơ xem xét khả năng định hướng chính sách của Nhật Bản. Theo Chu Ân Lai, Nhật Bản còn có một sự lựa chọn nữa ngoài hai sự lựa chọn (chủ nghĩa dân tộc truyền thống và liên minh với phương Tây) mà Kít-sinh-gơ đề cập đầu tuần qua.

Bắc Kinh và Oa-sinh-tơn cần hiểu rằng, có thể Tô-ky-ô tìm kiếm ở Mát-xcơ-va "một cái ô hạt nhân bảo vệ khác". Để ngăn cản Nhật Bản tìm kiếm sự bảo hộ của Liên Xô, Chu Ân Lai thôi thúc Kít-sinh-gơ đẩy Nhật Bản tiếp tục duy trì liên minh với phương Tây.

Rõ ràng, cuộc hội đàm của họ diễn ra rất lâu, cho phép Chu Ân Lai bàn nhiều về khả năng Liên Xô phát động tấn công, trước khi đưa ra ý kiến chung quanh đề nghị lập đường dây nóng, ông ta thừa nhận những thông tin tình báo là rất cần, nhưng cũng rất nguy hiểm với Trung Quốc.

Theo Chu Ân Lai, đề nghị lập đường dây nóng của Kít-sinh-gơ chỉ có thể thực hiện theo cách làm cho người ta hiểu rằng hai nước Trung-Mỹ không phải là Đồng minh. Kít-sinh-gơ tán thành ý kiến này. Chu Ân Lai nói, thông tin vệ tinh cũng có thể lộ bí mật. Nhưng trong biên bản không thấy ghi phản ứng của Kít-sinh-gơ ra sao.

Kít-sinh-gơ đã cung cấp cho Chu Ân Lai bản dự thảo về lập đường dây nóng và dự thảo Hiệp định về cuộc chiến hạt nhân đột ngột, coi đó là sự bảo vệ vô hình cho việc trao đổi tình báo. Kít-sinh-gơ muốn chuyển sang trao đổi vấn đề khác, nhưng Chu Ân Lai, Mao Trạch Đông và Diệp Kiếm Anh muốn nghiên cứu sâu vấn đề này. Chu nói với Kít-sinh-gơ, Đại sứ Hoàng Trấn sẽ có phúc đáp Oa-sinh-tơn về vấn đề này trước khi về nước báo cáo tình hình công tác.

Do quan hệ Trung-Xô rất căng thẳng, trong Chính phủ Trung Quốc có người phản đối chính sách mềm dẻo của Mao đối với Mỹ, nên đề nghị của Kít-sinh-gơ rất dễ gây ra bùng nổ bất đồng. Chu Ân Lai đảm bảo với Kít-sinh-gơ rằng chỉ một số rất ít quan chức biết việc này, nhưng vị trí của Chu Ân Lai cũng không vững chắc, để ông ta có thể chứng kiến quá trình quyết định cho đề nghị trên.

Không còn nghi ngờ gì nữa, Hoàng Trấn đã bị lôi cuốn vào cuộc trao đổi, nên đã mấy tháng rồi chưa trở lại Oa-sinh-tơn để có phản ứng trước đề nghị của Kít-sinh-gơ. Năm sau, quan hệ Mỹ-Trung có hạ hỏa đôi chút.

Mấy năm sau, trong một bản báo cáo gửi Tổng thống Pho, Kít-sinh- gơ phát hiện "ở Bắc Kinh có người chỉ trích quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ quá gần nhau” từ cuối năm 1973 đến 1975. Kít-sinh-gơ tin rằng, chính sách ngoại giao của Mao đang chịu sức ép rất lớn. Đề nghị của ông ta và phản ứng của Chu về đề nghị này khiến một số người Trung Quốc có uy tín cho rằng, tầng lớp lãnh đạo đã đi quá xa.

BIÊN BẢN GHI NHỚ VỀ HỘI ĐÀM.
TÀI LIỆU TỐI MẬT, KHÔNG PHÂN PHÁT


Người dự: Thủ tướng Chu Ân Lai; Phiên dịch Đường Văn Sinh; Tiến sĩ Hăng-ri Kít-sinh-gơ, Ngoại trưởng; Tư lệnh hội đồng an ninh quốc gia: G.T.Hao-ơ Bà A-gien-luýt, thư ký Hội nghị.

Thời gian: Thứ tư, ngày 14/11/1973 Buổi sáng, 7h35 - 8h25

Địa điểm: Nhà khách chính phủ tại Bắc Kinh.

Chủ đề: Nhật Bản, vấn đề quyền lực của Quốc hội Mỹ, vấn đề Pa-ki-xtand

(Ghi chú: Nguồn tư liệu PPS số 372 biên bản hội đàm của Bộ trưởng Ngoại giao tại Bắc Kinh tháng 11 năm 1973.)

Thủ tướng Chu: Chúng tôi muốn trao đổi với Ngài sự đánh giá của chúng tôi về tình hình Nhật Bản. Ngài từng nêu ra hai khả năng lựa chọn, nhưng họ có khả năng lựa chọn thứ ba. Bởi Nhật Bản hiểu rất rõ là họ đang núp dưới cái ô hạt nhân bảo vệ của các Ngài. Khi tới Nhật Bản, Ngài sẽ thấy tình trạng của họ ra sao, nếu không có cái ô bảo vệ hạt nhân của Mỹ, lúc đó, họ sẽ tìm kiếm một cái ô bảo vệ hạt nhân khác. Đó là điều mà cả hai phía chúng ta muốn tránh.

Một số nhà chính trị Nhật Bản có tầm nhìn xa chắc chắn nhận ra sự nguy hiểm này. Tất nhiên, chúng tôi không nghĩ rằng, các Ngài nói hết với họ kế hoạch bảo vệ Nhật Bản bằng cái ô hạt nhân. Các Ngài ký với Nhật Bản Hiệp định phòng vệ, các Ngài cũng không nói với họ tất cả chi tiết, nhưng chúng tôi có cảm giác các Ngài đã đến sát bên họ, bởi lúc này họ không thể thiếu cái ô bảo vệ hạt nhân và năng lượng của các Ngài.

Hơn nữa nhu cầu của họ không chỉ hạn hẹp ở năng lượng, mà tất cả tài nguyên cần cho nền kinh tế. Về phía họ, cái yếu của họ chính là một số nhà chính trị quá thiển cận. Nhưng tôi hiểu câu nói "Anh hùng sinh ra trong loạn lạc". Về kinh tế, các Ngài cũng đã đưa Nhật vào trong "Hiến chương Đại Tây dương" mới, góp phần lấy lại lòng tin của họ. Nhật Bản sẽ gặp nhiều khó khăn mới, sẽ xuất hiện các loại tư tưởng lạ lùng.

Kít-sinh-gơ. Họ rất chuyên nghiệp về mặt đó.

Thủ tướng Chu: Các Ngài không thể thăm dò quá nhiều về vấn đề cơ sở của họ. Các Ngài cần tưởng tượng xem nếu cơ sở kinh tế, chính trị của họ yếu ớt, dư luận công chúng của họ phức tạp thì tình hình sẽ diễn biến thế nào? Nhưng chắc cơ sở của họ không thua kém chúng tôi (cũng như so với các Ngài).

Kít-sinh-gơ: Dư luận công chúng ở Nhật Bản phức tạp hơn ở Mỹ, Chính phủ của họ hành động không được tự do như chúng tôi, về công việc ngoại giao, Chính phủ chúng tôi hành động còn tự do hơn.

Thủ tướng Chu: Tuy quyền phát động chiến tranh của Tổng thống bị Quốc hội hạn chế trong vòng 60 ngày, nhưng đó chỉ là tạm thời.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, trong thực tế chả có gì khác nhau. Một khi chúng tôi đánh nhau rồi, thì họ làm được cái gì?

Thủ tướng Chu: Nhưng các Ngài phải báo cáo với Quốc hội.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, nhưng cuộc chiến đấu có thể che đậy được.

Thủ tướng Chu: Một số biện pháp của các Ngài xem ra không khoa học lắm. Kít-sinh-gơ: Một khi chúng tôi tiến hành chiến tranh thì họ không thể ngăn cản. Quốc hội thông qua việc ngừng cấp tiền, nhằm ngăn cản chúng tôi tiến hành chiến tranh ở Việt Nam nhưng hàng năm vẫn bỏ phiếu quyết định cấp tiền.

Thủ tướng Chu: Đó là hệ quả về thể chế hiến pháp của các Ngài. Bởi các thành viên khác nhau đều muốn cử tri hiểu được quan điểm của mình.

Kít-sinh-gơ: Ngài đã từng gặp Thượng nghị sĩ Wo-ren Man-nu-sơn.

Thủ tướng Chu: Lần này lần thứ hai, kế hoạch gặp nghị sĩ Men-sphin phải lùi lại. Nếu có dịp, Ngài có thể xem xét, sau đó cho chúng tôi biết kết quả. Khi thời có thuận lợi, chúng tôi sẽ cơ quyết định. Theo tôi, kéo dài thời gian vô hạn không phải là kế hay.

Kít-sinh-gơ: Tôi đồng ý. Chúng tôi không hề phản đối quan điểm của Men-sphin

Thủ tướng Chu: Còn nghị sĩ Hăng-ri Giắc-sơn?

Kít-sinh-gơ: Hăng-ri Giắc-sơn là một chuyên gia. Theo tôi, ông ta rất có ích,

Thủ tướng Chu: ông ta là người của Đảng Cộng hoà.

Kít-sinh-gơ: Không, là người của Đảng Dân chủ. Cứ giả thiết cho Giắc-xơn là một người bạn, một người bạn của tôi, Ngài sẽ nhận ra ông ta hoàn toàn tán thành quan điểm của Ngài về Liên Xô. Nhưng ở Mỹ ông ta có kẻ thù ngả về Liên Xô - nhưng số người này không chống lại Ngài. Vì vậy, sau khi về nước ông ta sẽ không có việc làm quá khích, nhằm ly gián Thượng nghị sĩ Phun-bơ-rai, loại người mà chúng ta rất cần, nhưng lại là đối thủ của Giắc-sơn.

Thủ tướng Chu: (cười với vẻ nghi ngờ) Ô? Vậy ư?

Kít-sinh-gơ: Đó là chuyện rất phức tạp. Theo tôi ông ta sẽ đến.

Thủ tướng Chu: Còn một vấn đề nữa mà Chủ tịch đã nêu với Ngài vào tối hôm kia, đó là vấn đề Nam Á. Các Ngài dự định viện trợ cho Pa-ki-xtan, và xây một cảng hải quân ở đó. Chúng tôi rất cảm ơn về việc làm này. Tất nhiên, đó là một bước rất quan trọng, thực hiện nó phải có thời gian. Điều Ngài nói với chúng tôi, cũng như Tổng thống But-tô và các bạn Pa-ki-xtan từng nêu ra, là làm thế nào hỗ trợ cho hành động quân sự của họ. Chúng tôi cố gắng cung cấp viện trợ nhiều hơn cho họ, nhưng dù sao lực lượng vũ trang của chúng tôi cũng còn yếu, trang bị vũ khí nhẹ, không có loại nặng. còn các Ngài thì có tất cả. Liên Xô luôn luôn tìm cách đột phá những cứ điểm này: Đó là Ấn Độ, Pa-ki-xtan ở Nam Á, I-rắc ở Trung Đông. Giờ đây chúng ta có thể nhận thấy họ có tham vọng lớn nhất đối với vùng đất này, nhằm nối liền chuỗi dây xích.

Kít-sinh-gơ: Về vấn đề Pa-kit-xtan, chắc chúng tôi sẽ có cuộc tranh luận nảy lửa tại Quốc hội. Thái độ của Quốc hội rất lạ. Ngài nên nói chuyện với Thượng nghị sĩ Men- phin.

Thủ tướng Chu: Chắc ít người trong Quốc hội đứng về phía Ấn Độ.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy.

Thủ tướng Chu: Có lẽ đó là tinh thần người dân thường thấy ở người Mỹ xem ra ôn hòa và thân mật là vấn đề được ưa chuộng.

Kít-sinh-gơ: Không sai.

Thủ tướng Chu: Nhưng thế giới, đâu có đơn giản như vậy?

Kít-sinh-gơ: Chúng ta hãy nói về Thượng nghị sĩ Men-sphin. Nếu ông ta đến rất có thể tôi sẽ đưa ra một suy nghĩ khác. Chúng ta đều biết, đề nghị ông ta không gặp Hoàng thân Xi-ha-núc là chuyện khó, nhưng nếu ông ta không chịu chấp nhận để Trung Quốc cung cấp nhiều súng ống cho Cam-pu-chia, thì lại là chuyện tốt đối với chúng ta.

Thủ tướng Chu: Ngài rất am hiểu vấn đề. Có thể ông ta có thành kiến trong một số vấn đề về Cam-pu-chia.

Kít-sinh-gơ : Không, ông ta là người rất thủy chung.

Thủ tướng Chu: Là một con người, ông ta thật đáng kính trọng.

Kít-sinh-gơ: ông ta là con người ưu tú và chính trực.

Thủ tướng Chu: ông ta sẽ không cố chấp nữa một khi nhận thấy Tổng thống các Ngài làm đúng, hoặc Ngài làm cho ông ta tin. Giờ đây Ngài có thể đóng vai trò này với cương vị là Ngoại trưởng, bởi Ngài sẽ phải đi đến nhận thức chung với Quốc hội.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy, hiện tôi có một kế hoạch đang thực hiện. Như Thủ tướng đã từng nói, nhiều nghị sĩ Quốc hội bắt buộc phải ủng hộ chính sách ngoại giao của chúng tôi sau khi tôi làm Ngoại trưởng. Sau khi về nước, tôi sẽ làm việc với các uỷ ban của Quốc hội và các nhà lãnh đạo.

Thủ tướng Chu: Tôi hy vọng Ngài sẽ thành công, Tổng thống sẽ thành công.

Kít-sinh-gơ: Xin cảm ơn Ngài đã luôn luôn giúp chúng tôi.

Thủ tướng Chu: Đó là điều cần làm. Một khi sự nghiệp này được bắt đầu thì chúng ta sẽ phải kiên trì với nó.

Kít-sinh-gơ: Chúng ta sẽ phải kiên trì.

Thủ tướng Chu: Điều này cắt nghĩa tại sao chúng tôi đã dùng từ "Tầm nhìn xa" tuyệt vời để miêu tả Ngài trong cuộc hội kiến Chủ tịch.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi phải diễn tập nhiều hơn các Ngài, nhưng nó nhất trí với phương hướng nỗ lực của chúng tôi.

Thủ tướng Chu: Đó là cách nói biện chứng, nhưng chúng tôi hiểu rằng, có lẽ các Ngài phải diễn tập nhiều hơn nữa, trong sự dứt khoát hơn nữa.

(Trong lúc nghỉ giải lao, hai bên nhất trí tán thành ra thòng cáo chung vào 10 giờ tối theo giờ Nhật Bản. Chu Ân Lai nhờ Kít-sinh-gơ chuyển lời hỏi thăm tới Thủ tướng Nhật bản Ta-na-ka và Ngoại trưởng Ô-hi-ra)

NHÀ TRẮNG
BẢN GHI NHỚ HỘI ĐÀM
TUYỆT MẬT - KHÔNG ĐƯỢC PHÂN PHÁT.

Người dự. Thủ tướng Chu Ân Lai; Phiên dịch Đường Văn Sinh; Tiến sĩ Hăng-ri Kít-sinh-gơ, Ngoại trưởng; G.T. Hao-ơ, Tư lệnh Hội đồng an ninh quốc gia; Bà An-đô-rút thư kí Hội nghị.

Thời gian: Thứ tư, ngày 14/11/1973 Buổi sáng 7h 35 - 8h 25

Địa điểm: Khu E Nhà khách Chính phủ cộng hoà Nhân dân Trung Hoa tại Bắc Kinh

Chu Ân Lai: Chúng tôi phải luôn tự nhắc mình nêu cao cảnh giác, bởi họ có thể tấn công từ bên hông. Họ đã từng đến các nơi này, nên rất hiểu vùng biển Trung Quốc. Vì vậy chúng tôi phải chuẩn bị sẵn sàng về tư tưởng, là phải chiến đấu đơn độc trong thời gian dài. Đó là hiện trạng cơ bản về quân sự. Trước đây chúng tôi từng đặt ra tình huống đồng thời bị tấn công từ bốn phía, nhưng nay không nêu lại nữa

Kít-sinh-gơ: Nếu các Ngài bảo vệ mình bằng biện pháp chống lại chúng tôi, thì chỉ tổ lãng phí tài nguyên của các Ngài thôi.

Thủ tướng Chu: Vì vậy, hiện nay, chúng tôi không định đi sâu vào các vấn đề chi tiết, nhưng chúng tôi có một dự thảo đề nghị. Nếu như theo sự tưởng tượng của các Ngài, thực hiện hợp tác báo động sớm là điều các Ngài có thể chấp nhận. Được như vậy là sự hỗ trợ rất lớn cho tình báo của chúng tôi. Tất nhiên còn có vấn đề mạng lưới trao đổi nhưng việc này cần thực hiện theo một cách khác mà không ai nghĩ rằng chúng ta là nước Đồng minh.

Kít-sinh-gơ: Tôi đồng ý.

Thủ tướng Chu: Như vậy, cần có cuộc bàn bạc tốt đẹp. "Bàn bạc cụ thể” (viết trong thông cáo) quả là một từ chính

Kít-sinh-gơ: Thưa Thủ tướng, hai phía chúng ta không thể lập ra đường dây nóng ở chỗ riêng tư này.

Thủ tướng Chu : Đúng vậy. Tôi hiểu điều đó.

Kít-sinh-gơ: Một khi đường dây nóng khai thông sẽ dùng vào mục đích như các Ngài trình bày hôm qua và cần giữ bí mật.

Thủ tướng Chu: Hơn nữa đó là một vấn đề phức tạp. Vì vậy trước khi bàn bạc cùng các Ngài, chúng tôi phải nghiên cứu sâu hơn.

Cấp bàn bạc phải là "cấp có trọng lượng” như đã nêu trong văn kiện ngày hôm qua (chỉ Thông cáo chung Trung-Mỹ). Đó là cách đề cập của các Ngài. Theo chúng tôi, nó cần được vận dụng vào đây. Chúng ta cần soạn thành văn bản và cho công bố, và hai phía chúng ta là hai bên không đại diện cho bất kỳ phía thứ ba nào.

Hiện nay trong cương vị Ngoại trưởng, Ngài chắc nhận ra rằng thời gian không còn nhiều như trước đây nữa. Tuy vậy, Ngài lưu lại ở nước khác một ngày, nhưng lưu lại ở Trung Quốc những bốn ngày. Riêng điều này đã khiến cho chúng tôi rất cảm động. Cuối cùng chúng ta đã gặp nhau tại đây.

Ngoài lần này, chúng ta còn tiến hành nhiều cuộc gặp gỡ tại cơ quan liên lạc. Đó là công việc của Đại sứ Blúc-sơ ở đây và của ngài Đại sứ Hoàng Trấn ở Oa-sinh-tơn. Công việc được hoàn thành thông qua ông ta và một phiên dịch, ông ta hiểu được điều đó bởi ông ta là một quân nhân, biết chiến đấu, ông ta sẽ không tham gia trao đổi bằng một hình thức trừu tượng với nguyên tắc chung chung.

Về phía chúng tôi, có tôi, Diệp nguyên soái và Thứ trưởng Thái Hồng Cảnh mà Ngài gặp hôm trước là những người duy nhất trong cuộc. Tất nhiên khi bắt tay vào từng chi tiết cụ thể của công việc, chúng ta có thể thêm một vài người khác. Phía các Ngài đã có Bộ trưởng Quốc phòng, Chủ tịch JCS và các trợ lý.

Kít-sinh-gơ: Đại sứ của các Ngài nên trao đổi với tôi, bởi người biết chuyện này không biết được tôi đã nói gì với Ngài. Chắc Ngài cũng hiểu, chỉ khi nào quyết định, tôi mới nói với đồng nghiệp của tôi tình hình tiến triển của từng bước, không có thông tin thừa. Như vậy, mới bớt sơ hở, bớt nguy hiểm.

Thủ tướng Chu: Đúng vậy. Bởi chúng tôi biết các Ngài biết giữ bí mật. Chúng tôi tin vào sự thận trọng của Ngài

Kít-sinh-gơ: Đúng.

Thủ tướng Chu: Về phía chúng tôi, người biết sự việc chủ yếu là tôi, Diệp Nguyên soái và các trợ lý của tôi. Cho dù phía chúng tôi đưa ra quyết định, thì cũng phải thực hiện theo kênh này.

Kít-sinh-gơ: Chúng tôi tin các Ngài biết cách giữ bí mật như thế nào.

Thủ tướng Chu: Bởi những bí mật này có khác với một số chủ đề khác, nên có sự phân biệt. Hơn nữa, trao đổi làn sóng trong không trung cần tiến hành bằng nhiều phương thức. Hiện nay trao đổi sóng vô tuyến điện không hạn hẹp bởi một phương thức mà rất đa dạng. Mật mã cũng bị khám phá. Đó là toàn bộ nội dung mà tôi muốn nói. Còn bước tới ra sao, sau khi suy nghĩ xong việc này, chúng tôi sẽ thông báo với Hoàng Trấn để liên hệ với các Ngài. Không chừng, ông ta còn phải về nước trong thời kỳ quá độ thực hiện đường dây nóng, như vậy chúng ta có thể triển khai việc trao đổi.

center]*
*   *
[/center]

Thủ tướng Chu: Về vấn đề ký một Hiệp ước chiến tranh mà Ngài đề cập hôm qua, các Ngài đã kí Hiệp ước đó trong chuyến thăm Mát-xcơ-va năm ngoái.

Kít-sinh-gơ: Đúng vậy? Ngài nên biết rằng chúng tôi chả thích thú gì cái Hiệp ước này. Chúng tôi chỉ cần một cái cớ để ký Hiệp định về đường dây nóng. Hơn nữa Liên Xô đã ký với chúng tôi Hiệp định tương tự, thì họ sẽ không có lý do chống lại chúng tôi nữa.

Thủ tướng Chu: Chúng tôi cần nghiên cứu vấn đề này. Bởi nếu chúng tôi muốn có hành động như trên, xét về tính chất quốc gia, điều này sẽ gây tác động rất lớn đối với quốc phòng. Họ hiểu rằng chúng tôi không nói suông.

Kít-sinh-gơ: Vì sao tôi không... Chúng tôi đã dự thảo lại Hiệp định để phù hợp với tình hình Trung Quốc. Nếu Ngài muốn trao đổi với tôi, xin gửi lại một bản sao, hoặc tôi sẽ gửi bản sao cho Đại sứ các Ngài tại Oa-sinh-tơn.

Thủ tướng Chu: Nếu thời cơ thật sự chưa thích hợp còn có thể đợi thêm một thời gian.

Kít-sinh-gơ: Cam kết đầu tiên trong Hiệp định là nếu bất cứ bên nào phóng tên lửa, cần nhanh chóng thông báo cho bên kia. Chúng tôi rất quan tâm đề nghị này. Nó có lợi cho đôi bên cùng xây dựng nghĩa vụ thông báo cho nhau biết các cuộc phóng chưa được phê chuẩn, làm rõ các vật thể bay mà ra-đa chưa xác định được. Nhưng nếu không có Hiệp ước, chúng tôi cũng vẫn cứ chuẩn bị lập một đường dây nóng ý định của chúng tôi là nối đầu cuối đường dây nóng qua vệ tinh. Sau đó cùng với các Ngài tìm kiếm biện pháp trực tiếp liên hệ với các Ngài một cách nhanh chóng.

Đây là hai văn kiện: Một Hiệp định về đề nghị đường dây nóng và cuộc chiến bùng nổ đột ngột. Còn một Hiệp định khác chỉ riêng về đường dây nóng. Các Ngài có thể gộp hai Hiệp định làm một, cũng có thể tách riêng ra để ký.

(Đưa cho Chu phụ lục bản A)

Sau đó Kít-sinh-gơ thôi không tiếp tục trao đổi vấn đề này với Chu Ân Lai nữa, ông ta cũng không hề nhận được phúc đáp về vấn đề đường dây nóng. Nhưng ông ta lạc quan về kết quả đạt được, lòng tin về việc đẩy Liên Xô ra khỏi cuộc đàm phán Trung Đông, lòng tin về điều ông ta cho rằng tình hình quân sự trên thế giới căn bản có lợi cho Mỹ đã khiến cho Kít-sinh-gơ nói với Đại sứ Mỹ sau vài ngày rằng: “Tôi tin rằng cố gắng giữ vững được cục diện thế giới hiện nay là rất có lợi cho chúng ta"

chương V
"HƠN 3000 QUẢ MIRV CỦA CÁC NƯỚC HỮU HẢO NÓI LÊN ĐIỀU GÌ?" .
KÍT-SINH-GƠ Ở MÁT-XCƠ-VA
(Tháng 3 năm 1974).

(MIRV: Phương tiện bay mang nhiều đầu đạn chia nhiều hướng. Một loại đầu đạn hạt nhân có thể liên tục đánh vào nhiều mục tiêu và được chở trên cùng một quả tên lửa. Tên lửa MIRV của Mỹ gồm có Mi-nu-te-man III, Po-sei-don và Tri-den.)

Lời dẫn:

Kít-sinh-gơ trở lại thăm Mát-xcơ-va vào tháng 3 năm 1974, cuộc đàm phán giữa ông và Brê-giơ-nhép lần này không thể nói là chính thức như hồi tháng 5 năm 1973. Mặc dù Brê-giơ-nhép thật sự đã có những ám ảnh về quan hệ Trung-Mỹ, nhưng trước Kít-sinh-gơ, ông không hề tỏ ra bất mãn đối với Chính phủ Trung Quốc như đã bày tỏ với Xa-vin-rô-vơ.

Trong chuyến thăm Trung Quốc, những cuộc nói chuyện của Kít-sinh-gơ đôi khi có những câu chuyện ngoài đề khiến người ta giật mình, điều khác hẳn là tại cuộc hội đàm ở Mát-xcơ-va lần này trình tự rõ ràng, lý do chính là Kít-sinh-gơ sắp xếp chương trình cho chuyến thăm Liên Xô sắp tới của Ních-xơn. Trong chuyến thăm này chủ yếu Ních-xơn muốn đề cập đến những vấn đề phức tạp, liên quan đến kiểm soát vũ khí, quan hệ thương mại, tài chính tiền tệ, Hội nghị an ninh và hợp tác châu Âu v.v.

Sau này Kít-sinh-gơ nói với Thủ tướng Anh rằng ông phát hiện người Liên Xô có điều gì đó "đáng ghét", nhưng các biên bản trao đổi lại cho thấy, không hiểu sao hai bên đối đầu trong chiến tranh lạnh lại có thể ngồi vào bàn đàm phán một cách bình tâm tĩnh chí và nói đùa được với nhau.

Mặc dù chính quyền Ních-xơn và Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Liên Xô luôn cố gắng vào việc phát triển quan hệ không có đối kháng giữa hai nước, nhưng quan hệ ngoại giao Mỹ-Xô vẫn ngày càng căng thẳng khi Kít-sinh-gơ đến thăm Liên Xô. Tình hình căng thẳng ở khu vực Trung Đông khiến cho quan hệ Mỹ-Xô thêm căng thẳng và sức ép từ trong nước Mỹ cũng bất lợi cho sự hợp tác kinh tế giữa hai nước.

Cuộc hội đàm tháng 3 năm 1974 đã cho thấy những điều nêu trên và những khó khăn khác, ví dụ như cuộc đàm phán về hạn chế vũ khí chiến lược lâm vào bế tắc nhưng cả hai bên đều không đưa ra những biện pháp cụ thể để giải quyết đã làm cho quan hệ Mỹ-Xô khó tiến triển tốt đẹp.

Mặc dù vậy cho dù quyết định của hai bên Mỹ-Xô ra sao, vụ Oa-tơ-ghết cũng là một đòn chí mạng đối với Tổng thống Ních-xơn. Không những các quan chức tham mưu cao cấp tiền nhiệm của ông ta như thanh tra Giôn-michen và Tham mưu trưởng Hô-dơ-man đều bị tố cáo phạm tội đồng loã, và Hạ nghị viện đã giao cho Uỷ ban tư pháp điều tra luận tội.

Về việc này, Chính phủ Liên Xô tỏ ra rất bất mãn, vì sự kiện này có thể đe doạ đến sự ổn định của quan hệ Xô-Mỹ. Bản thân cá nhân Ních-xơn đã viết một lá thư có nội dung tương tự cho Đại sứ Đô-brư-nin và Tổng Bí thư Brê-giơ-nhép, trong thư đảm bảo rằng ông nhất định ở lại Nhà Trắng, nhưng Chính phủ Liên Xô đã nhanh chóng biết rằng sự việc sẽ không kết thúc đơn giản như vậy. Tháng 1, qua Phó Tổng thống Pho, Đại sứ Đô-brư-nin biết rằng, sự phát triển của quan hệ Xô-Mỹ sẽ không bị cản trở dù ai lên làm Tổng thống đi nữa.

Bản thân Brê-giơ-nhép cũng tồn tại những vấn đề khó khăn, mặc dù địa vị chính trị của ông ta rất vững chắc, tài nghệ sử dụng dư luận và tài trí cá nhân trong việc xử lý quan hệ Xô-Mỹ của ông không hề thay đổi vẫn cứng rắn, nhưng vấn đề sức khoẻ của ông khiến các cơ quan của Chính phủ Liên Xô không thể coi thường. Theo tiết lộ của cơ quan nghiên cứu tuyệt mật về nhân sự kế thừa lớp lãnh đạo cao tuổi của Chính phủ Xô-viết, có thể Brê-giơ-nhép sẽ nghỉ hưu sau chuyến thăm Cu Ba.

Do Brê-giơ-nhép mắc bệnh cao huyết áp, bệnh tim, bệnh béo phì v.v, lại nghiện rượu và thuốc lá, nên báo cáo nghiên cứu nói rằng: "Nếu ông mất trong vòng một hai năm tới hoặc chức năng cơ thể có trục trặc, chúng ta sẽ không lấy làm lạ". Bệnh này không phải chỉ thấy ở một mình Brê-giơ-nhép, mà là "bệnh của người cao tuổi", tình trạng sức khoẻ của phần lớn những người ở vào tuổi của ông đều không được tốt.

Dù thay đổi người lãnh đạo, nhưng các cơ quan của Chính phủ Liên Xô đều cho rằng, "dù ai lên thay Brê-giơ-nhép, đều đứng trước sức ép trong việc hoà hoãn ngoại giao của Chính phủ Liên Xô với Mỹ và Trung Quốc."

Vũ khí hạt nhân và quan hệ Mỹ-Trung thúc đẩy Chính phủ Liên Xô không ngừng cải thiện quan hệ ngoại giao với Mỹ, nhưng một số sự kiện lại khiến cho việc hoà hoãn ngoại giao trở nên rất khó khăn. Chính phủ Liên Xô rất không hài lòng về "ngoại giao con thoi" của Kít-sinh-gơ ở Trung Đông.

Hội nghị Giơ-ne-vơ, đặc biệt do Liên Xô và Mỹ đứng ra tổ chức cũng chỉ họp có một ngày, còn Kít-sinh-gơ lại gạt Chính phủ Liên Xô sang một bên khi xử lý công việc như, thúc quân đội It-xra-en rút khỏi kênh đào Suy ê và thông qua đàm phán khiến Sy-ri ngừng bắn v.v., có thể Kít-sinh-gơ lo việc ông ta theo đuổi ưu thế ngoại giao đơn phương sẽ kích thích Chính phủ Liên Xô áp dụng những hành động quân sự có quy mô lớn hơn tại khu vực này.

Sau này khi nói chuyện với những Cố vấn có quan hệ thân thiết, Kít-sinh-gơ cho họ biết, phía Mát-xcơ-va không hề võ đoán. Quan hệ Mỹ-Xô bắt đầu rơi vào một mạng lưới rất phức tạp đang được hình thành bao vây. Mạng lưới này gồm Công Đảng Mỹ, những người thuộc Đảng Xã hội Dân chủ cũ, Đảng Bảo thủ mới của những kẻ theo chủ nghĩa Tơ-rốt-kít và một số người giữ thái độ cứng rắn trong việc hạn chế hợp tác kinh tế và duy trì ưu thế chiến lược phạm vi nhỏ, nằm trong Quốc hội và Bộ Quốc phòng Mỹ.

Người đứng đầu mặt trận này và phát huy vai trò lãnh đạo chính là Giắc-xơn, người đã thành công trong việc biến sự bất mãn gay gắt của mình đối với hội đàm hạn chế vũ khí chiến lược và chính sách di cư của Liên Xô thành trở ngại lập pháp. Mặt khác, Giắc-xơn còn không ngừng dốc sức vào việc bổ xung sửa đổi Luật Thương mại, Luật sửa đổi Giắc-xơn Va-ních do ông và người của Đảng Dân chủ cùng hoàn thành, trong đó đã gắn thời hạn kéo dài quy chế tối huệ quốc của Liên Xô và mức độ thả lỏng điều kiện di cư của người Do Thái Liên Xô vào nhau.

Tháng 12, Thượng nghị viện Mỹ thông qua một dự luật sửa đổi, đầu năm 1974, Giắc-xơn bắt đầu thực thi phương án của ông tại Hạ viện. Giắc-xơn đe doạ, hoạt động tín dụng của ngân hàng xuất nhập khẩu có thực lực hùng hậu hay không là do ông ta. Còn đối với người Liên Xô, đây là cơ sở để hoà hoãn trong quan hệ kinh tế.

Ních-xơn và Kít-sinh-gơ đều ngầm thừa nhận, Luật sửa đổi Giắc-xơn Va-ních có ảnh hưởng nhất định đối với chính sách di cư của Liên Xô, nhưng khi Giắc-xơn bắt đầu đưa ra yêu sách cao hơn, họ lại lo Luật sửa đổi và sự nhượng bộ của Chính phủ Liên Xô trong chính sách thương mại sẽ phá hỏng những cố gắng của Chính phủ Mỹ trong việc chi phối quy chế tối huệ quốc và những lợi ích kinh tế khác, nghĩa là họ muốn dùng "củ cà rốt" để tăng thêm sự ngăn chặn đối với chính sách ngoại giao của Liên Xô.

Trong khi chuẩn bị cho cuộc gặp cấp cao của Ních-xơn, Kít-sinh-gơ vội vàng thoả thuận với Giắc-xơn và đồng liêu của ông ta, ngầm thúc giục Liên Xô thả lỏng những hạn chế nghiêm khắc đối với việc di cư người Liên Xô sang Mỹ. Trước khi sang Mát-xcơ-va, Kít-sinh-gơ đã trình bày những quan điểm của Giắc-xơn với tư cách là phía chống đối, ông vẫn chưa ý thức được việc điều hoà thái độ chống đối của Thượng viện đối với thoả thuận Xô-Mỹ là vấn đề rất khó khăn.

Kiểm soát vũ khí vẫn là khâu then chốt trong việc hoà hoãn ngoại giao. Chủ đề trao đổi chính của hội đàm giữa Brê-giơ-nhép và Kít-sinh-gơ là đàm phán về Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn II. Từ cuối năm 1972, đoàn đại biểu Mỹ-Xô đã nhiều lần tiến hành hội đàm tại Giơ-ne-vơ, nhằm đi đến một hạn chế mới về hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược, nhưng hội đàm này luôn đi đến bế tắc.

Nguyên nhân cơ bản nhất là vấn đề vai trò của các phương tiện bay mang nhiều đầu đạn chia nhiều hướng (gọi tắt là MIRV) mà Mỹ đã chiếm ưu thế tuyệt đối về mặt kỹ thuật trong lĩnh vực này. Không quân và hải quân Mỹ đã triển khai hàng ngàn đầu đạn MIRV trên tên lửa "Mi-nu-tơ-man" III và tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Pô-se-đơn, Chính phủ Liên Xô quyết tâm vượt Mỹ trong lĩnh vực này. Mùa hè năm 1973, Liên Xô mới bắt đầu thí nghiệm sau khi Mỹ tiến hành thử nghiệm MIRV lần đầu tiên cách đây 5 năm.

MIRV luôn là câu chuyện của Hội đàm về Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược ngay từ đầu, đại diện đàm phán kiểm soát vũ khí của Mỹ sớm cho rằng, phải có một lệnh cấm rõ ràng và coi đó là biện pháp kiểm soát cuộc chạy đua vũ trang chiến lược hình xoáy trôn ốc giữa Mỹ-Xô. Kít-sinh-gơ ngầm thừa nhận quyết định chống lại lệnh cấm tên lửa MIRV của Ních-xơn đưa ra trong cuộc hội đàm về Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược giai đoạn I. đang làm cho Liên Xô mạnh lên, Kít-sinh-gơ lại nói với giới báo chí rằng: "Tôi hy vọng nhận thức của tôi về một thế giới tràn đầy tên lửa MIRV sẽ sâu sắc hơn nhận thức của tôi trong thời kỳ năm 1969 đến 1970."

Hiện nay Kít-sinh-gơ hy vọng tiến trình hội đàm về Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược" sẽ hạn chế được sự phát triển của tên lửa MIRV, như vậy đầu đạn của Liên Xô sẽ không gây đe doạ đối với tên lửa vượt đại dương "Mi-nu-tơ-man" của Mỹ và không tổn hại nghiêm trọng đến ưu thế của Mỹ về mặt đầu đạn, Brê-giơ-nhép cảm thấy bản thoả thuận về đầu đạn MIRV do Kít-sinh-gơ cung cấp cho ông vào tháng 3 năm 1974 là không thể chấp nhận được. Hội các nghị nguyên thủ tại Mát-xcơ-va sắp họp không có cơ hội đề cập việc ký kết Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược".

Về mấy vấn đề liên quan đến kiểm soát vũ khí, chuyến thăm Mát-xcơ-va của Ních-xơn cần phải và trên thực tế cũng thật sự hoàn tất việc trao đổi. Một trong những thoả thuận đạt được giữa hai bên là từ bỏ một trong hai căn cứ chống tên lửa đạn đạo đã được phép xây dựng theo "Hiệp ước chống tên lửa đạn đạo".

Năm 1972. Một thoả thuận khác đạt được là nhằm mục đích xoá bỏ cái gọi là thử "giới hạn" về hạn chế thử nghiệm hạt nhân dưới lòng đất. Thoả thuận này đã gây tranh cãi rất nhiều ở Mỹ, nguyên nhân là trong các cơ quan của Bộ Quốc phòng và Quốc hội Mỹ đều có người ủng hộ mạnh mẽ việc thử hạt nhân. Nhưng cũng đã đưa ra được một (chủ yếu là về phía Mỹ) Hiệp ước vào phút chót của cuộc đàm phán, hai bên nhất trí cho rằng giới hạn của các cuộc thử hạt nhân chỉ trong loại 150 Kiloton, mặc dù biết rằng Quốc hội Mỹ sẽ kiến quyết không thông qua Hiệp ước này.

Trong hồi ký của Kít-sinh-gơ đã cung cấp nguồn tư liệu cực kỳ quan trọng về cuộc đàm phán về "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược". Nhưng trong cuốn sách của ông lại không hề đề cập đến những cố gắng không ngừng của Brê-giơ-nhép trong việc loại bỏ vũ khí hạt nhân ở khu vực Địa Trung Hải, vì Kít-sinh-gơ luôn luôn lẩn tránh vấn đề này. Còn đối với hai cuộc đàm phán quan trọng Mỹ-Xô khác về vấn đề châu Âu, trong cuốn sách cũng chỉ nói lướt qua.

Hai cuộc đàm phán có ý nghĩa lịch sử này là "Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu” và "Đàm phán hai bên về cắt giảm quân lực nhằm cân bằng quân lực". Tuy nhiên trong hai cuộc đàm phán này, đặc biệt là "Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu cực kỳ quan trọng đối với người châu Âu, vì đối với hai tập đoàn Mỹ-Xô của thời kỳ chiến tranh lạnh, đều liên quan mật thiết đến một số vấn đề quan trọng như: vấn đề An ninh biên giới, nhân quyền và sự đối đầu quân sự hùng mạnh chống lại nhau được hình thành ở Trung Âu v.v. .

Trong cuộc đối thoại với với các nhà lãnh đạo Trung Quốc, sự miêu tả tốt nhất của Kít-sinh-gơ đối với "An ninh và hợp tác châu Âu là nó "không có ý nghĩa gì", còn sự miêu tả xấu nhất là nó có thể là một "công trình có thể tạo ra lối vào nguy hiểm tiềm ẩn cho người Liên Xô." Nhưng đối với Brê-giơ-nhép, dù ông ta có âm mưu quỷ kế gì đi nữa cũng không quá đáng, vì phía Mát-xcơ-va đã bỏ ra rất nhiều tiền của cho việc hoà hoãn quan hệ với châu Âu.

Phía Mát-xcơ-va còn quyết định đi đến một thoả thuận, dùng hình thức văn bản quy định hiện trạng của châu Âu, gồm nước Đức chia cắt sau Đại chiến thế giới thứ hai. Còn lúc này thì Brê-giơ-nhép hoài nghi đoàn đại biểu của một số nước châu Âu đang có biện pháp nhằm lật đổ sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Liên Xô với mọi vấn đề của Liên xô vì vậy Kít-sinh-gơ cam đoan với Brê-giơ-nhép rằng: "Mỹ quyết không dùng ảnh hưởng của mình để làm cho Mát-xcơ-va cảm thấy khó xử hoặc gây ra một số tranh chấp mang tính khiêu khích."

Nhưng Kít-sinh-gơ vẫn tương đối cảnh giác thận trọng trong việc hưởng ứng lời kêu gọi tích cực sớm hoàn thành hội đàm về "Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu” của Brê-giơ-nhép và gắn vấn đề này với chuyến thăm Mát-xcơ-va của Ních-xơn. Bản thân Kít-sinh-gơ không muốn nhanh chóng kết thúc cuộc hội đàm này, như ông đã nói với người Anh, cuộc đàm phán này "Về một mức độ nào đó sẽ đạt được mục đích kiềm chế họ trong tương lai", chỉ cần người Liên Xô luôn lao vào các cuộc hội đàm quan trọng với phương Tây.

Trong khi cuộc đàm phán về "Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu”tiến triển chậm chạp, thì cuộc hội đàm về "Đàm phán giải trừ quân bị nhằm cân bằng quân lực hai bên" bắt đầu vào tháng 10 năm 1973 cũng rơi vào bế tắc do lập trường của hai bên không thể điều hoà.

Trọng tâm của người phương Tây là đặt vấn đề cắt giảm lục quân của Mỹ và Liên Xô đóng tại khu vực Trung Âu. Còn người Liên Xô lại muốn đưa quân đội của Tây Âu cùng với không quân và vũ khí hạt nhân vào phạm vi đàm phán. Chính quyền Oa-sinh-tơn cũng muốn xem xét việc cắt giảm một phần vấn đề kiểm soát vũ khí hạt nhân với điều kiện là Liên Xô phải giảm số lượng đơn vị xe tăng tương ứng.
Nhưng người Liên Xô lại không sẵn sàng trao đổi với Mỹ về các đơn vị xe tăng. Vì Brê-giơ-nhép và Kít-sinh-gơ đều không tìm được một phương thức có hiệu quả nào để thúc đẩy đàm phán tiến triển, nên cả hai người đành phải đồng ý duy trì hiện trạng.

Những ghi chép hiện có của Mỹ về chuyến thăm Mát-xcơ-va tháng 3 năm 1974 cho thấy, dù đàm phán diễn ra trong không khí gay gắt, nhưng hai bên vẫn giữ được sự hữu hảo. Cuộc trao đổi mang tính đối kháng diễn ra sáng ngày 26 tháng 3 là để bàn về vấn đề Trung Đông. Theo Kít-sinh-gơ kể lại sau này, Brê-giơ-nhép phản đối mạnh mẽ việc Mỹ gạt Liên Xô ra ngoài vòng đàm phán về vấn đề Trung Đông, còn Kít-sinh-gơ lại giữ thái độ im lặng về việc này. Tất nhiên ông không thể cho Brê-giơ-nhép biết về thực chất của sự việc.

Mặc dù hội đàm chính trị lần này giữa Kít-sinh-gơ và Brê-giơ-nhép tồn tại những bất đồng rất lớn, nhưng hai người vẫn đạt được một phạm vi trao đổi rộng lớn hơn cho cuộc gặp nguyên thủ hai nước, đồng thời cũng tạo ra động lực lớn hơn cho việc hoà hoãn quan hệ hai bên.

Trước khi sang Mát-xcơ-va, Kít-sinh-gơ đã tiến hành. hội đàm với các Cố vấn cao cấp của ông ta về vấn đề chính sách của Liên Xô và kiểm soát vũ khí v.v. Trong số Cố vấn cao cấp này có Cố vấn Quốc vụ Sô-ne-phe-tơ và Giám đốc Sở an ninh và nghiên cứu quốc gia Uy-li-am Hi-lát. Có thể Sô-ne-phe-tơ là người duy nhất lúc đó dám gọi Kít-sinh-gơ là "Hen-ry", ông là người bạn cũ của Kít-sinh-gơ khi còn phục vụ trong quân đội, vào thập kỷ 50 và 60, ông là chuyên gia về vấn đề Liên Xô của Ban quốc gia Sở an ninh và nghiên cứu quốc gia. Ông còn là một nhân viên đắc lực trong số người làm việc trong Uỷ ban an ninh quốc gia.

Kinh nghiệm của Sô-ne-phe-tơ thể hiện qua sự chế diễu của Kít-sinh-gơ đối với ông, khi đó Brê-giơ-nhép cũng có mặt. Sau khi Kít-sinh-gơ lên làm Quốc vụ khanh năm 1973, Sô-ne-phe-tơ mới cùng Hi-lát, một chuyên gia về vấn đề Liên Xô của Cục Tình báo trung ương rời khỏi Uỷ Ban an ninh quốc gia.

Khi đó tất cả những người tham gia hội đàm đều không bị làm phiền bởi những ngôn từ ngoại giao hoa mỹ và những câu hỏi của đám phóng viên đáng ghét, vì vậy không khí hội đàm rất thẳng thắn và biểu hiện của Kít-sinh-gơ đặc biệt rõ ràng, ông tỏ ra đặc biệt phẫn nộ đối với những lời phê bình gay gắt về ông và chủ nghĩa quan liêu trong Chính phủ.

Cuộc trao đổi giữa ông và những Cố vấn cao cấp của ông, đã cho thấy một bức tranh rất lạ chính sách ngăn cản thỏa thuận Mỹ-Xô của Mỹ rơi vào hoàn cảnh tiến thoái lưỡng nan giữa thời kỳ chiến tranh lạnh, như cục diện bế tắc trong vấn đề kiểm soát vũ khí, sự căm ghét của Liên Xô đối với vai trò của Mỹ ở Trung Đông, những sơ hở trên phương diện liên hệ chính sách di cư và thương mại với Liên Xô v.v

Tiếp theo là một hoàn cảnh khó xử khác của Mỹ khiến cho Kít-sinh-gơ phải chửi ầm lên: "Vẫn bọn chó má đuổi chúng ta ra khỏi Việt Nam (hiện nay đang âm mưu) chuẩn bị phá hoại chính sách ngăn cản thoả thuận của chúng ta, chúng còn rêu rao rằng: đảo chính chính sách trong nước Liên Xô là trách nhiệm đạo đức của chúng ta".

Tính hợp pháp của một quốc gia trong cộng đồng quốc tế không phải dựa vào thái độ của họ đối với công dân bản quốc, những lời quả quyết này bất lợi cho hoàn cảnh của Kít-sinh-gơ, vì nó trái với bộ phận hợp thành của nhân quyền được đề cập trong truyền thống chính trị của nước Mỹ, chính vì vậy, tiếng hô chống lại chiến tranh ở Việt Nam cũng mạnh mẽ như tiếng hô yêu cầu xuất quân trấn áp thống trị độc tài trong thập kỷ 70.

Như vậy, những người thuộc Đảng tự do cánh tả chống lại Kít-sinh-gơ như Gióc-giơ Mac-gô-vơ lại đứng ra thách thức sự ủng hộ của Kít-sinh-gơ đồi với chính quyền chuyên chế Nguyễn Văn Thiệu, đồng thời tích cực thực hiện phương pháp theo dạng Giắc-xơn Va-ních: Họ tuân theo một chính sách nhân quyền và quyết không từ bỏ và chính sách này.

Cuộc hội đàm giữa Kít-sinh-gơ và các Cố vấn cao cấp của ông bắt đầu từ bình luận của Kít-sinh-gơ đối với quan hệ Mỹ Âu bằng ngôn từ gay gắt. Kể từ năm 1973, cuộc đối thoại giữa Mỹ và Cộng đồng châu Âu luôn nằm trong giai đoạn lăng mạ lẫn nhau, điều này bắt nguồn từ động cơ "Năm châu Âu” của Kít-sinh-gợ, nhằm hình thành tuyên bố chung về Mỹ-cộng đồng châu Âu trên vấn đề hợp tác chính sách vượt Đại Tây dương. Nhưng hàng loạt diễn biến chính trị trong nước và bất đồng chính sách do thời kỳ chiến tranh tháng 10 gây ra đã khiến cho quan hệ Mỹ-Âu thêm căng thẳng, từ đó biến tuyên bố chung này thành một hành động đầy chủ nghĩa quan liêu.

TUYỆT MẬT. KHÔNG ĐƯỢC TIẾT LỘ.
CHỈ ĐỂ THAM KHẢO

Biên bản ghi nhớ hội đàm

Ngày tháng: Ngày 18 tháng 3 năm 1974

Thời gian: 11giờ40 sáng

Địa điểm: Phòng làm việc Quốc vụ khanh

Chủ đề: Chuyến thăm Liên Xô của Quốc vụ khanh

Người tham gia: Quốc vụ khanh; Sô-ne-phe-tơ, Bộ trưởng Cố vấn Quốc vụ khanh; Hát-man, Thư ký trợ lý phụ trách công việc châu Âu; Uy-li-am Hi-lát, Giám đốc Sở nghiên cứu tình báo; Lau-ra E-gơ-bơ-gơ, trợ lý điều hành của Quốc vụ khanh; Bu-ren Sư-can-khơ-rốp, nhân viên Nhà Trắng; Giậm Lo-đa, nhân viên Nhà Trắng; Cơ-li-tơ, nhân viên Nhà Trắng

(Bản photo của bản tin do Bộ Ngoại giao phân phát theo yêu cầu của "Luật Tự do thông tin", photo từ Cục hồ sơ An ninh quốc gia (NSA).)

(Sô-ne-phe-tơ, Hát-man, Hi-lát và Sư-can-khơ-rốp bước vào phòng làm việc của Quốc vụ khanh)

Quốc vụ khanh: Hat-man, tôi muốn cho những người châu Âu hiểu rằng, Tổng thống tuyệt đối không sang châu Âu trong tháng 4 này. Hoàn toàn không thể. Dù họ có dùng chiếc khay mạ vàng đựng bản tuyên bố Cộng đồng châu Âu chết tiệt đó cho chúng ta, Tổng thống cũng không thể sang châu Âu.

(Sau khi trao đổi kỹ hơn về tuyên bố Cộng đồng châu Âu, câu chuyện của họ chuyển sang cuộc "Đàm phán về giải trừ quân bị nhằm cân bằng quân lực hai bên" và đàm phán về "Hội nghị An ninh và hợp tác châu Âu.)

Quốc vụ khanh: Hát-man, ông đã từng nghe nói đến cuộc hội đàm cấp cao về "Đàm phán giải trừ quân bị nhằm cân bằng quân lực hai bên" chưa? Sự riễu cợt của Bộ Quốc phòng chết tiệt đó đối với "Đàm phán giải trừ quân bị nhằm cân bằng quân lực hai bên" giống như đối với "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược". Chúng ta đã cắt giảm 29000 quân lực không kèm theo trang bị, còn họ đã cắt giảm 68000 quân lực kèm theo cả trang bị TLF. Vì vậy chúng ta đã quy đạt được định giới hạn cao nhất về trang bị, nhưng chúng ta không bị trừng phạt chút nào, còn họ thì bị phạt.

Điều quan trọng nhất là, vì Ri-pho-gơ không liên quan gì đến "Đàm phán giải trừ quân bị nhằm cân bằng quân lực hai bên", chúng ta sẽ có quyền mỗi năm cử ra một đội quân gồm 50000 người đóng quân tại châu Âu trong thời gian 4 tháng, vì vậy trong khi chúng ta rút 29000 binh lính khác, chúng ta lại có khả năng bố trí 28000 binh lính, chúng ta còn có thể cử riêng 31000 người đóng tại đó trong thời gian không phải chỉ mùa đông, còn lúc này là lúc có thể dễ xảy ra chiến tranh nhất. Ông cho rằng có thực tế tình hình này có thể tiến hành hiệp thương hay không? Tôi muốn thử xem, nhưng tôi không cho rằng có thời cơ lớn.

Hát-man: Một việc quan trọng là phải gắn giải trừ quân bị Mỹ-Xô giai đoạn I với giai đoạn II.

Sô-ne-phe-tơ: Kết quả chúng ta thu được trong giai đoạn I là giải trừ quân bị của hai bên Mỹ-Xô, đây là một cam kết có tính nguyên tắc phổ thông bình đẳng, cũng là một cam kết vượt quá giới hạn trần của phạm vi quân đội Mỹ-Xô đặt ra.

Quốc vụ khanh: Đợi một chút. Để tôi trực tiếp miêu tả tình hình. Trong giai đoạn I, quân đội Mỹ-Xô đã cắt giảm 10 - 15% quân lực, những nước tham gia khác cũng đặt ra một giới hạn trần, còn giai đoạn II cũng đạt được một giới hạn chung cao nhất, nhưng về quân đội xe tăng Nga đáng ghét, chúng ta phải đối phó ra sao?

Sô-ne-phe-tơ: Sợ rằng việc này không biết bắt tay từ đâu. Trừ phi chúng ta muốn đàm phán về vấn đề vũ khí hạt nhân, ngược lại người Nga sẽ từ chối đàm phán với chúng ta về vấn đề rút quân đội xe tăng. Vì vậy cần phải kéo dài và không thay đổi quyết sách về vũ khí hạt nhân cho đến trước khi có thể thu được lợi ích trong "Hiệp ước về hạn chế vũ khí chiến lược". Hi-lát, ông đồng ý chứ?

Hi-lát: Đúng vậy.

Quốc vụ khanh: Vậy thì phản ứng của các nước Đông minh ra sao?

Hi-lát: Họ đã đồng ý rồi. Một ưu thế của chúng ta trong "Đàm phán giải trừ quân bị nhằm cân bằng quân lực hai bên" là chúng ta đã nhận được sự đồng ý nhất trí của các nước Đồng minh một cách thận trọng, vì vậy chúng ta không có lý gì để làm hỏng mọi việc.

Quốc vụ khanh: Đợi sau khi chúng ta đạt được một thoả thuận với người Liên Xô hãy nói. Tôi muốn ông và Hát-man sang NATO sau khi chúng tôi đã đi Mát-xcơ-va. Có lẽ ông muốn đi Luân Đôn trước, nhưng tôi hy vọng các ông sang NATO sẽ tốt hơn, điều này không còn nghi ngờ gì nữa.

Sô-ne-phe-tơ: Trước đây ông luôn quan tâm đến ai?

Quốc vụ khanh: ông và Hát-man, tôi đã đọc qua bị vong lục về "Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu-, trừ phi lại ra một tập mới.

Sô-ne-phe-tơ: Đã ra một tập mới rồi.

Quốc vụ khanh: Vậy thì tôi chưa được đọc.

Sô-ne-phe-tơ: Cuộc hội đàm cấp cao với người Nga về "Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu” lần này, chúng ta phải cảnh giác và thận trọng khi làm việc.

Quốc vụ khanh: Tôi đồng ý quan điểm của ông.

Hát-man: Tuần trước, tôi đã trao đổi với phía Anh tại Luân Đôn, chúng tôi lại đề nghị không nên ràng buộc thật chặt bản thân chúng ta vào vấn đề hói đàm cấp cao về "Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu”. Nhà lãnh đạo chính trị của chúng ta có thể sẽ quyết định họ muốn ký kết cái gì vào giờ phút cuối cùng.

Sô-ne-phe-tơ: Và chúng ta có thể sử dụng nó làm của hối lộ cho "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược".

Quốc vụ khanh: Nhưng rất có thể ông Bộ trưởng Bran của Đức sẽ tự đề cử nó.

Sô-ne-phe-tơ: Điều này còn phụ thuộc vào kế hoạch “Giỏ III" sẽ sản sinh trong tình hình nào. Hiện nay họ đang trao đổi những chi tiết cụ thể về liên lạc bằng con người tại Giơ-ne-vơ. Tất cả những người châu Âu khiến chúng ta gia nhập Hội nghị này đều đang bàn luận rằng, họ phải được một chút gì đó trong việc liên lạc bằng con người, vì Hội nghị của họ, vì bản thân người châu Âu hiện nay đang rơi vào một hoàn cảnh khó khăn, những gì họ đòi hỏi thì người Nga thật sự không thể đáp ứng, họ cũng đã nhắc lại điều này với tôi khi tôi còn ở NATO. Nhưng cuộc tranh luận về kế hoạch "Giỏ II" đã được rút ngắn về một mức độ nào đó.

Hát-man: Đề nghị của chúng ta.

Quốc vụ khanh: Đề nghị của chúng ta là gì?

Hát-man: Đưa ra một số đề nghị tham khảo, liên quan đến nguyên tắc pháp luật và điều lệ, tránh đưa ra đề nghị đối với những gì theo thói quen, đồng thời xen vào một đề nghị lồng ghép trong lời mở đầu của kế hoạch "Giỏ III” do vậy khiến nó gắn liền với những nguyên tắc.

Sô-ne-phe-tơ: Nhưng kế hoạch "Giỏ III" chỉ là một đĩa thức ăn nhỏ như Brê-giơ-nhép đã nói với Stê-sen. Trên thực tế điều quan trọng nhất đối với người Nga là tính chất không được đảo ngược của vấn đề nguyên tắc biên giới. Tuy nhiên tôi cho rằng, chúng ta sẽ buộc phải để cho người châu Âu tự hy sinh mình về việc này.

Quốc vụ khanh: Trong vấn đề này, có nhân viên nào đứng về phía người Đức chống lại người Nga không?

Hát-man: Tất cả người châu Âu đều ủng hộ cách làm của người Đức.

Hi-lát: Tôi cho rằng chỉ cần tầm quan trọng của vấn đề này không giống như vấn đề về biên giới, người Nga sẽ mua chuộc một số người với một số đề nghị và đưa ra những thay đổi nhỏ.

Sô-ne-phe-tơ: Đây mới là những vấn đề người Đức phải đối mặt trong thực tế. Chúng ta không nên nhúng tay vào việc của họ.

Quốc vụ khanh: Hát-man này, phải chăng chúng ta có thể báo cho Bran qua con đường bí mật rằng, chúng ta muốn rút ngắn cuộc hội đàm với ông ta tại Mát-xcơ-va vì lý do hành trình của chúng ta. Nên chăng chúng ta chính thức hỏi thăm Sta-den, xem lập trường của người Đức hiện nay có trước sau như một không?

Sô-ne-phe-tơ: Chúng ta đã nắm được một số báo cáo về tình hình chuyến thăm Mát-xcơ-va của Bran. Nhưng số báo cáo này không cụ thể lắm và cũng không gíup được gì nhiều.

Quốc vụ khanh: (Đang đọc bị vong lục "Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu”) Chẳng lẽ chúng ta không thể có được một bản dự thảo của Liên Xô ư? Hai bên chúng ta đều phải đưa ra dự thảo.

Sô-ne-phe-tơ: Hoàn toàn hợp lý.

Quốc vụ khanh: Nhưng điều khiến tôi đau đầu nhất của tất cả những thứ này là người Liên Xô chẳng được gì trong việc hoà hoãn quan hệ châu Âu. Chúng ta đã buộc họ phải xuất kích khắp nơi, vậy tôi sẽ có thể nói gì khi ở Mát-xcơ-va?

Sô-ne-phe-tơ: Hoàn cảnh của chúng ta bất lợi.

Quốc vụ khanh: Tại sao lại nói vậy? Ý của ông là gì?

Sô-ne-phe-tơ: Chúng ta sẽ không thể đạt được thoả thuận, kế hoạch của chúng ta sẽ thất bại triệt để trong vấn đề tín dụng xuất nhập khẩu.

Quốc vụ khanh: Vậy thì mặc xác nó, chúng ta sẽ cãi nhau công khai với họ. Họ đã đuổi chúng ta ra khỏi Việt Nam, đồng thời còn nói chúng ta hoà trộn công việc nội bộ của Bắc Việt là mất đạo đức. Bây giờ lại hòng phá hoại kế hoạch hoà hoãn của chúng ta, còn rêu rao rằng thay đổi chính sách trong nước của Liên Xô là trách nhiệm đạo đức nghĩa vụ của chúng ta.

Sô-ne-phe-tơ: Lần này ông có được những thông tin gì từ chỗ Giắc-xơn (nghị sĩ) và Ri-bi-cốt (nghị sĩ)?

Quốc vụ khanh: Chẳng được gì cả. Không biết ai có thể đưa cho tôi báo cáo của Giắc-xơn. Mỗi khi tôi cần họ đưa báo cáo thì báo cáo đều nằm ở Nhà Trắng.

Sô-ne-phe-tơ: Bản báo cáo của Giắc-xơn ở Nhà Trắng ư? Trừ phi có một bản báo cáo khác nhau, ông hãy giao việc này cho tôi xử lý. (đưa cho Quốc vụ khanh xem bi vong lục của ông). Ý của ông có phải vậy không?

Quốc vụ khanh: Có người cho rằng giữ báo cáo của tôi tại Nhà Trắng là nghĩa vụ của họ. Mỗi khi tôi cần bản báo cáo đều phái đến đó.

Sô-ne-phe-tơ: Theo cá nhân tôi, hiện nay chúng ta chẳng làm gì được Giắc-xơn.

Quốc vụ khanh: Điều ông nói hoàn toàn đúng. Giắc-xơn chắc chắn cho rằng tôi là một quốc vụ khanh không hữu hảo. Trước khi tôi sang Mát-xcơ-va, trong vấn đề di cư ông ta không chịu giảm số người xuống dưới 100000, vì ông ta tin chắc rằng không thể làm thoả mãn ông ta. Nếu tôi không đạt được thoả thuận số người là 100000, có lẽ ông ta sẽ chấp nhận một con số nhỏ hơn.

Sô-ne-phe-tơ: ông sẽ buộc phải tiến hành một cuộc hội đàm với Đô-brư-nin, từ đó lấy được một bản báo cáo bao gồm sự cam kết về vấn đề tín dụng.

Quốc vụ khanh: Chẳng lẽ ông chưa được nghe những lời nói gần đây của Giắc-xơn ư? ông ta tuyên bố, nếu chúng ta có thể cung cấp tất cả những tư liệu liên quan đến vấn đề di cư, ông ta sẽ cung cấp cho chúng ta bản báo cáo liên quan đến quy chế tối huệ quốc, đồng thời sẽ cố gắng hết sức trong vấn đề tín dụng, nhưng bản thân ông ta cũng không tin chắc trong vấn đề này. Họ muốn làm gì vấn đề tín dụng xuất nhập khẩu? Mục đích của họ là gì?

Sô-ne-phe-tơ: Họ nói chúng ta đã bỏ ra hàng trăm triệu đô la Mỹ để cung cấp tín dụng cho người Liên Xô, cuối cùng thì cách làm này sẽ tăng thêm dự toán ngân sách phòng ngự của họ và làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta.

Hi-lát: Tranh luận về chống lại việc làm ăn với cộng sản kiểu này là cách nói lỗi thời của thời kỳ chiến tranh lạnh.

Quốc vụ khanh: Cách nói này chỉ có thể là ủng hộ quan điểm của người Liên Xô, nghĩa là trên thực tế Liên Xô không thể giao dịch với người Mỹ một cách thiết thực có hiệu quả. Xét về chế độ của họ, họ đã cố gắng đạt được công bằng hợp lý trong toàn quốc. Các ông không thể tìm được một điểm nào đó chứng tỏ họ thật sự muốn gây cho chúng ta một số rắc rối lớn. ở Trung Đông, họ cũng chưa hề thật sự muốn ăn miếng trả miếng với chúng ta, khi sách lược chính trị của chúng ta khiến họ rơi vào một cục diện cực kỳ bị động. Sách lược của họ không thể nói là tuyệt đối hoàn mỹ, nhưng sách lược của họ cũng không phải là có tính phá hoại đặc biệt.

Sô-ne-phe-tơ: Tôi cho rằng Đô-brư-nin muốn sử dụng chiếc máy bay này trở lại Oa-sinh-tơn. Đây sẽ là một chuyến bay chở đầy hành khách vui vẻ.

Quốc vụ khanh: Tôi có thể đưa hai đứa con của tôi đi cùng.

Sô-ne-phe-tơ: Vậy thì tốt quá. Điều này sẽ làm cho tâm trạng ông rất vui vẻ. (Cơ-li-tơ và Lốt bước vào)

Quốc vụ khanh: Chúng ta hãy nói về "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược". Jiêm, tôi đã đọc bản báo cáo của ông và tôi rất thích.

Sô-ne-phe-tơ: Trong báo cáo gửi cho Đô-brư-nin, ông đã sửa đổi chút ít trong bảng A.

Quốc vụ khanh: (đọc bị vong lục) Tôi chẳng phát hiện gì trong bảng A cả.

Sô-ne-phe-tơ: Điều chúng tôi nói là bản báo cáo sai lầm đó. Đó là bị vong lục về "Hội nghị an ninh và Hợp tác châu Âu” do Hát-man viết. Lý thuyết này là muốn cố gắng khiến người Nga đưa ra một số phản ứng trong vấn đề liên quan đến MIRV. (trong văn bản ghi chép, nội dung trao đổi về "Hội nghị An ninh và Hợp tác châu Âu” chiếm một phần rất lớn, khoảng 105 dòng.)

Quốc vụ khanh: Nhưng bọn ác ôn trên đó phớt lờ sự thật đã từng có 400 người Do Thái trốn khỏi Liên Xô năm 1969, còn hiện nay họ lại rêu rao, mỗi năm có 3000 người rời khỏi Liên Xô là quá ít.

Sô-ne-phe-tơ: Tất nhiên họ sẽ giải thích rằng áp lực buộc họ phải tăng số người lên 4000, nếu chúng ta bỏ mặc việc này, người Nga sẽ còn biến con số này thành con số lớn hơn .

Quốc vụ khanh: Để tôi và Lic-dơ Ben hội đàm về việc này, xem ý hay này của ai? Điều này đã từng được nhắc đến trong bị vong lục là của ai?

Sô-ne-phe-tơ: Bị vong lục nào?

Quốc vụ khanh: Tôi không bao giờ đàm phán với bọn tiểu nhân đó.

Sô-ne-phe-tơ: Vậy cuối cùng thì bị vong lục do ai viết?

Sư-can-khơ-rốp: Do Pi-tơ Rô-đi-man viết.

Sô-ne-phe-tơ: Bị vong lục quanh ta thật là tràn lan khắp nơi.

Quốc vụ khanh: Tôi cho rằng bị vong lục về "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược" viết khá lắm. Chúng ta không thể sang Liên Xô với những đề nghị vừa cụ thể lại đầy ý tứ châm biếm hết cái này đến cái nọ. Chúng ta phải dành cho họ một số gì đó thực "tại", nhưng tôi cho rằng báo cáo trong bảng A đề cập đến quá nhiều con số.

Sô-ne-phe-tơ: Henry, đây là "Bị vong lục quyết sách An ninh quốc gia" thật sự.

Quốc vụ khanh: Tôi hiểu, nhưng tôi không oán trách gì nhiều "Bị vong lục quyết sách quốc gia".

Sô-ne-phe-tơ: Tôi cho rằng chúng ta không thể không cùng với người Liên Xô cố gắng một lần nữa trong vấn đề cân bằng phương tiện chở nhiều đầu đạn chia nhiều hướng bay trong khí quyển.

Quốc vụ khanh: Tôi đồng ý cách nói của ông, nhưng tôi chỉ muốn dùng một câu nói để tổng kết lập trường của chúng ta khi ở Giơ-ne-vơ, tôi không cần tất cả chi tiết.

Sô-ne-phe-tơ: Đó là một phương thức khác để hoàn thành mục đích này.

Quốc vụ khanh: Tôi cho rằng đó là phương thức tốt nhất. Về những khâu dùng dấu ngoặc này, tôi muốn có một hình thức khác gồm cả quá trình cụ thể.

Lốt: Chúng tôi có thể cho ông đọc bất cứ hình thức nào.

Sô-ne-phe-tơ: ông đang bàn luận những vấn đề của bảng A chứ?

Quốc vụ khanh: Đúng vậy. Những gì tôi muốn cho người Nga là những thứ có thể khiến cho tiến trình "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược "bắt đầu tiến triển cân bằng. Tôi không muốn cho họ biết lập trường cuối cùng của chúng ta, tuy nhiên nói với họ rằng: một là các ông chấp nhận, hai là các ông đi đi, giao dịch như vậy không hay. "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược" không thể tiến hành mãi như thế này được. Tôi còn muốn nói đây là ý kiến của chúng tôi, chúng tôi khẩn thiết muốn nghe quan điểm của các ông. Dù thế nào, bất luận chúng ta làm thế nào, các Bộ trưởng (Hội đồng Liên quân) và Giắc-xơn đều sẽ làm chúng ta rối tung lên, vì vậy tốt nhất chung ta cứ làm những việc hợp lý. Bin, ông viết một bản bị vong lục về tình hình Liên Xô được chứ?

Sô-ne-phe-tơ: ông muốn đưa cho Đô-brư-nin một bản báo cáo về vấn đề "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược" trước khi chúng ta khởi hành?

Quốc vụ khanh: Tôi cho là như vậy. Gần như là thế. Trước ngày thứ tư. Cơ-li-tơ, hiện nay ông nói qua xem thoả thuận của hai bên sẽ gặp những vấn đề gì?

(Cuộc thảo luận chuyển sang một số thoả thuận cụ thể, những thoả thuận này có thể coi là cao trào của cuộc toạ đàm này, nó bao gồm thoả thuận về hạn chế thử nghiệm có giới hạn vũ khí chiến lược, thoả thuận giao lưu kinh tế lâu dài, thoả thuận hợp tác trên không và thoả thuận về bảo vệ năng lượng. Khi Kít-sinh-gơ biết được thoả thuận về năng lượng bị kéo dài, ông gào lên rằng: Tôi không muốn thấy bất kỳ sự kéo dài nào của bọn chủ nghĩa quan liêu đáng chết. Tôi muốn có những đề án cụ thể cho người Liên Xô, chứ không phải những quyết định kéo dài đáng chết đó.)

Cơ li tơ: Một lĩnh vực hợp tác khác là không gian. Tiến sĩ Giậm Phơ-lát-chơ ở Cục an ninh hàng không và Du hành vũ trụ quốc gia rất quan tâm đến sự phối hợp hoạt động không gian lần thứ hai giữa Mỹ-Xô. Hợp tác này sẽ mang lại lợi ích thiết thực cho Mỹ, vì nó mang lại sức sống cho Cục An ninh hàng không và du hành vũ trụ quốc gia trong giai đoạn này.

Quốc vụ khanh: Tôi sẽ trao đổi với Brê-giơ-nhép về vấn đề này, ông ta là con người thông minh, ông ta cũng sẽ thích đề nghị này, Họ vẫn muốn để Tổng thống sang Nga nữa chứ?

Sô-ne-phe-tơ: Về vấn đề này, chừng mực nào đó Ni-cô-lai Pa-tô-li-chép từng úp úp mở mở nhắc đến nó trong chuyến thăm Mỹ.

Quốc vụ khanh: Nếu Tổng thống bị luận tội, người Nga vẫn sẽ giữ suy nghĩ này chứ?

Hi-lát: Tôi cho rằng nếu Tổng thống quyết định sang Nga, họ vẫn sẽ hoan nghênh.

Quốc vụ khanh: Cơ-li-tơ, đề nghị của Bộ Phát triển nhà ở và Đô thị ra sao?

Cơ li tơ: Trong vấn đề hợp tác chung này, tư tưởng còn hơi bảo thủ.

Quốc vụ khanh: Việc gì cũng rối thế. Bọn chủ nghĩa quan liêu đáng chết của thành phố này luôn giữ thái độ bảo thủ trong lĩnh vực hợp tác với Liên Xô. Điều tôi muốn hỏi hiện nay là họ có thể làm những gì.

(Tiếp theo là trao đổi kỹ hơn về thoả thuận bảo vệ năng lượng, trong đó phát biểu của Thứ trưởng Bộ Tài chính Cha-lơ Cốp-pơ chiếm phần lớn thời gian)

Quốc vụ khanh: Brê-giơ-nhép cần một số gì đó báo cáo lên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên xô. Tôi cần phải cho ông ấy một số phân tích tóm tắt về khả năng hợp tác trong lĩnh vực này. Nhưng ông ấy còn hoàn toàn chưa đủ tư cách bàn về vấn đề chi tiết với chúng ta. Nếu tôi báo cho ông Si-mon: sẽ hội đàm với I-sô-kốp (đúng nguyên văn) hoặc người đó tên là gì đi nữa, ông ta nhất định sẽ nhảy lên và chạy quanh nhà mà trách móc, như vậy chúng ta cũng sẽ không đạt được thoả thuận gì. Phương thức giao thiệp như vậy đối với ông ta là một phương thức sai lầm. Cống hiến của Brê-giơ-nhép sẽ là trình những kết quả lên Bộ Chính trị Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ý kiến của tôi là phải giải thích cho ông ta biết, vì sao thoả thuận này vừa phù hợp với lợi ích lớn nhất của chúng ta, lại phù hợp với lợi ích lớn nhất của người Liên Xô.

Sô-ne-phe-tơ: Đó cũng là việc ông Cốp-pơ chuẩn bị làm cho ông.

Cơ li tơ: Viết lại bản bị vong lục của tôi cũng không phải là việc khó lắm.

Quốc vụ khanh: Nếu bị vong lục nhằm viết cho cuộc đối thoại với Brê-giơ-nhép, thì sẽ không giúp được bao nhiêu. Cái tôi cần là một báo cáo sẽ trình bày rõ những gì chúng ta cần thật sự, chỉ nói trong vòng khoảng 10 phút

Sô-ne-phe-tơ: ông cũng biết ông ấy sẽ nói gì.

Quốc vụ khanh: Đây là một công trình lớn. Lý do quan trọng nhất là cho ông ta một báo cáo phân tích, sau đó khiến ông ta tin rằng họ sẽ thu được những lợi ích gì đó qua những công trình nhỏ này. Bây giờ tôi sợ rằng sẽ trở thành vị Quốc vụ khanh râu xồm đầu tiên của Bộ Ngoại giao Mỹ.

Sô-ne-phe-tơ: Sợ rằng không phải người đầu tiên, năm 1900, I-van Hu-xơ là Quốc vụ khanh, mặt ông ta cũng đầy râu.

Lời dẫn:

Hồi ký của Kít-sinh-gơ đã cung cấp cho chúng ta những ghi chép hợp lý và toàn diện về cuộc hội đàm giữa ông và Brê-giơ-nhép trong tháng 3 năm 1974. Những ghi chép đàm thoại này cho thấy, ông cố tình né tránh sự căm ghét mạnh mẽ của Brê-giơ-nhép đối với một số vấn đề, thí dụ: Mỹ triển khai "hệ thống căn cứ tiền tiêu” hạt nhân tại châu Âu và vùng ven bờ biển trong phạm vị của tổ chức NATO. Brê-giơ-nhép đưa ra câu hỏi: "Những thứ này nhằm vào ai?", ông còn oán trách rằng: Ngoài nước Nga nằm trong phạm vi châu Âu, Oa-sinh-tơn còn có thể trực tiếp đánh vào các mục tiêu này (Ba-ku, thủ đô của A-zéc-bai-gian, Tat-sken, thủ đô của U-giơ-bê-ki-xtan), vì triển khai tên lửa đạn đạo phóng từ vệ tinh ở khu vực Địa Trung Hải.

Trong quá trình cố gắng thuyết phục Brê-giơ-nhép, Kít-sinh-gơ nói rằng "tất cả chính sách của Mỹ đều xây dựng trên cơ sở không có bên nào (có thể) giành được ưu thế quân sự mạnh hơn bên kia". Từ đó làm dịu tâm lý xúc động của Brê-giơ-nhép, trong khi đó, Kít-sinh-gơ lại nói trong những trường hợp khác rằng, Chính phủ Mỹ nắm ưu thế tuyệt đối về mặt quân sự.

Sau này Kít-sinh-gơ nói với một quan chức trong NATO rằng, nếu tính đến con số chính xác của đầu đạn và tên lửa, "Sự phân tích đối với kết quả lần công kích quân sự đầu tiên sẽ cho thấy, nếu ông buộc phải lựa chọn trong sự đối đầu của hai khối quân sự lớn, tất nhiên ông sẽ không đứng về phía Liên Xô."

Hàng ngày lao đầu vào sự vụ đàm phán Trung Đông nên Kít-sinh-gơ không có thời gian nghiên cứu kỹ phương án dự phòng về kiểm soát vũ khí, vì vậy ông kiên trì cố giữ đàm phán về "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược" nhằm tránh sự công kích của những nhà phê bình. Ông đã phủ quyết cái gọi là đề nghị cắt giảm FBS (FBS: Hệ thống tương lai. Hệ thống phóng và thả vũ khí hạt nhân của Mỹ, Anh, Pháp tại khu vực Tây Âu và Địa Trung Hải.) do phía Liên Xô đưa ra và đặt trọng tâm vào MIRV. Có lẽ một phần nguyên nhân khiến ông làm như vậy là nhằm làm dịu quan hệ với nghị sĩ Giắc-xơn.

Giắc-xơn là một người phê phán gay gắt sự không bình đẳng của "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược” giai đoạn I chính vì vậy điều Kít-sinh-gơ mưu cầu là cho phép một thoả thuận "bình đẳng cao độ" trong hệ thống vận chuyển vũ khí hạt nhân chiến lược (tên lửa đạn đạo vượt đại dương, tên lửa đạn đạo phóng từ vệ tinh và máy bay ném bom tầm xa).

Vấn đề là những đề nghị này còn chưa được thực thi: Đề nghị này đánh dấu ưu thế chiến lược của Mỹ về phương tiện chở nhiều đầu đạn chia nhiều hướng. Vì vậy Kit-sinh-gơ đã không lựa chọn việc từ bỏ một "đề nghị nghiệt ngã chua cay" khác và thâm tâm ông đã có một kế hoạch khác có thể khiến cho các cuộc đàm phán "tiến triển thuận lợi".

Đề án mới này là "trung hòa sự không cân bằng về thế lực" xây dựng trên cơ sở ưu thế của mỗi bên Mỹ-Xô. Như vậy Liên Xô giữ được vai trò lãnh đạo trên phương diện tên lửa đạn đạo vượt đại dương, đồng thời cũng duy trì được ưu thế của Mỹ trong lĩnh vực MIRV. Kít-sinh-gơ còn yêu cầu quy định một giới hạn trần cụ thể cho tên lửa đạn đạo vượt đại dương hạng nặng và phương tiện bay chở nhiều đầu đạn chia nhiều hướng, qua đó luôn luôn theo dõi tình hình phát triển MIRV của Liên Xô.

Kít-sinh-gơ đã từng tiết lộ trong một cuộc họp báo rằng: Tồn tại một khả năng mang tính "đột phá", khiến đàm phán có thể tiếp tục, nhưng đã không xảy ra tình hình như vậy, thậm chí không xảy ra một ý nghĩa thoả hiệp khả thi giữa hai bên.

Tạm thời chúng ta không bàn về bình luận của Kít-sinh-gơ đối với năng lực của Brê-giơ-nhép. Qua biên bản trao đổi cho thấy, từ đầu đến cuối vị tướng quân này đều liên quan đến hội đàm "Hiệp ước hạn chế vũ khí chiến lược", đồng thời còn đề cập đến từng chi tiết nhỏ trong hội đàm. Không những thế, phạm vi của một số bất đồng đã được rút ngắn trong cuộc khẩu chiến.

Rõ ràng trong việc xem xét cho phép phương tiện bay chở nhiều đầu đạn chia nhiều hướng của Mỹ có ưu thế hơn chút ít so với tên lửa vượt đại dương của Liên Xô. Brê-giơ-nhép đã thật sự bị thuyết phục, nghĩa là tỷ lệ của số lượng là 1100:1000.

Những biên bản này còn cho thấy, Kít-sinh-gơ luôn quan tâm đến đề nghị này, mãi đến khi nổ ra một cuộc "phản loạn nhẹ nhàng" trong thuộc hạ của ông, ông mới chịu xem xét lại sự việc này. Trong hồi ký của Kít-sinh-gơ không hề đề cập đến những nội dung này, trong cuộc hội đàm với Brê-giơ-nhép, Kít-sinh-gơ cũng không đề nghị biến số người thành 1100 người.


Không có nhận xét nào: