Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Cụm tình báo chiến lược A20 - H67

1. Đất thép Bời Lời

Từ cuối tháng 8/1962, sau khi A20 (tiền thân của H67) đứng chân tại mật khu Bời Lời, đã diễn ra cuộc thi gan giữa những người lính chân trần chí thép với đội quân viễn chinh được trang bị tối tân của Mỹ kéo dài tới 7 năm trời đằng đẵng, với hàng vạn tấn bom đạn được Mỹ, ngụy trút lên vùng đất thép này.

Xây dựng từ con số không

Tháng 4/1962, vừa vượt Trường Sơn vào Nam, Bảy Vĩnh được anh Ba Trần (thiếu tướng Trần Văn Danh, lúc bấy giờ phụ trách phòng 2 Bộ tham mưu Miền) đưa về bàn giao Cụm A20, đóng tại mật khu Bời Lời (thuộc huyện Trảng Bàng, tỉnh Tây Ninh), lúc bấy giờ gọi bí mật là B210. Khoảng cuối tháng 8, đầu tháng 9/1962, B210 được tách ra làm 2 bộ phận là A20 và A24.

Phụ trách Cụm A20 lúc bấy giờ là thiếu tướng Sáu Trí. Nơi mà A20 trú chân là một khu rừng rộng thuộc xã Đôn Thuận, quận Trảng Bàng (phía Đông thị trấn Trảng Bàng), gồm nhiều Bàu và Trảng. Con suối Bời Lời chia cắt làm 2 khu vực, phía Nam là Trảng Cỏ, phía Nam là Bời Lời.

Ban đầu A20 chỉ có 11 cán bộ chiến sỹ, xây dựng căn cứ 2 ngay vùng mõm nhô của nông trường cũ, cơ ngơi chỉ có một căn nhà 12m2 thấp, một nhà bếp nhỏ, tự đào giếng nước. Còn ăn, ngủ thì mắc võng trong rừng cây tuy thấp nhưng dày, có cây cao 3m, đủ che khuất ngôi nhà. Sau 2 năm xây dựng lực lượng (1962 – 1964), tránh càn của địch, đến cuối năm 1964, Cụm đã hình thành hoàn chỉnh, các cơ sở phát huy hiệu lực tốt. Quân số toàn Cụm tăng lên 21 cán bộ chiến sỹ, với 7 súng trường (bá đỏ), 2 khẩu AK47, một quả mìn thổi.

Sau 3 năm, Cụm A20 đã hoàn thành cơ bản về cơ cấu, nối hoàn chỉnh đường chuyển hàng từ nội đô Sài Gòn về tới vùng căn cứ. Các nguồn tin từ giới cao cấp ngụy quyền Sài Gòn, về hoạt động của các lực lượng địch được báo cáo về thường xuyên liên tục. Các lưới hoạt động hiệu quả, giao thông thông suốt, nhiệm vụ bám trụ và bảo vệ căn cứ được đặt ra nặng nề, là yếu tố sống còn để tin tức được vận chuyển kịp thời về Bộ Tham mưu miền và ra tới Bộ

Tổng tham mưu, tiết kiệm được hàng trăm, thậm chí hàng ngàn sinh mạng của cán bộ, chiến sỹ giải phóng trước mỗi trận càn hay trước các thay đổi chiến lược chiến tranh của địch. 7 căn cứ chiến đấu được xây dựng hoàn chỉnh. Hầm chiến đấu, công sự, hàng trăm mét địa đạo được đào xong, chuẩn bị cho các trận đánh trở thành huyền thoại.

Hai lần suýt mất mạng

Tháng 1/1963, Bảy Vĩnh và Út Càng ra suối Bà Tươi, cách bìa Sở Điều chừng 400 – 700m thì gặp một đàn chừng 21 – 22 chiếc M113 của địch. Cả hai lủi sâu vào giữa đám dứa gai, đấu lưng nhau. Lúc đó hai người chỉ có một súng ngắn của Bảy Vĩnh và một khẩu Mas của Út Càng, thêm 1 quả lựu đạn. Đoàn xe đang hành quân thì tách đôi, một số ghim đầu vào rừng Mang Chà, một số dừng cách nơi hai người đang trốn chừng 6 – 7m.

Một đám lính nhào xuống, đi tiểu ngay lên đầu cả 2 người. Xác định nếu bị phát hiện thì chấp nhận đánh một trận, một đổi vài thằng địch, quyết không để địch bắt. May mắn, không bị phát hiện, một lúc chúng nổ máy bỏ đi. Cả hai rút về nơi giao dịch an toàn.

Kinh nghiệm chiến trường ở địa phương lạ mới là con số không, Bảy Vĩnh vừa thực hiện nhiệm vụ trên giao, vừa xây dựng căn cứ, vừa nghiên cứu cách đánh địch. Trước đó, từ 6/1962, khi vừa về tới Bời Lời, Vĩnh đã đụng ngay trận càn của Trung đoàn bộ binh sư 5 ngụy từ đường số 6, hướng vào Trảng Cỏ, càn Bời Lời. Bảy Vĩnh rủ mấy anh em ở lại chống càn, tính đánh địch một trận để cản đường cho anh em rút.

Chỉ trong ba năm hàng trăm mét địa đạo, hầm chiến đấu, công sự được đào xong.
Chỉ trong ba năm hàng trăm mét địa đạo, hầm chiến đấu, công sự được đào xong
 Nhưng sau địch đông quá, hơn 100 tên, đành rút êm, về sau bị phê bình, Vĩnh ấm ức lắm. Vốn xuất thân là lính pháo binh, tham gia chiến trận đã nhiều, thấy địch là ham đánh, nhưng lúc bấy giờ chủ trương trên chưa cho phép, nên đành phải chịu.

Đến tháng 7/1963, trung đoàn sư 5 ngụy lại càn vào căn cứ. Trinh sát báo về địch đã xuất hiện ở Trảng Sa. Sau khi cho anh em rút, 5 cán bộ chiến sỹ do Bảy Vĩnh dẫn đầu ở lại, vũ khí chỉ có 1 Mas, 1 mìn, 1 tiểu liên Sten và lựu đạn, chủ động chống càn đánh địch. Bị địch hành quân vậy bọc, Bảy Vĩnh bị bắn trúng cánh tay trái, may mắn chỉ bị thương phần mềm, còn cách vài phân nữa thì trúng tim.

Chỉ trong mấy tháng đã 2 lần suýt mất mạng, càng hun đúc cho vị chỉ huy Cụm A20 quyết tâm tìm cách đánh địch, chỉ với vũ khí thô sơ, và phương án rút lui an toàn. Quyết tâm là vậy, nhưng nhiệm vụ trên giao là giữ an toàn tuyệt đối để vận chuyển thông tin, nên Bảy Vĩnh tiếp tục bị phê bình.

Thắng lợi đầu tiên

Mùa khô 1964, vùng Lộc Thuận nếm trận càn trực thăng vận đầu tiên. Lúc này, Diệm – Nhu đã bị đảo chính, mất mạng, Mỹ càng ngày càng lấn sâu vào can thiệp chiến tranh ở miền Nam Việt Nam. Máy bay đánh bom dọc đường 15 đến vùng Sóc Lào, lấn dần ra Bời Lời đến cầu Cám. Căn cứ 3 của cụm bị bom quét hư hỏng nặng.

Thời gian này, máy bay Mỹ bắt đầu dùng thuốc hóa học diệt cỏ rải vùng căn cứ, cây rừng không mọc nổi. Đến giữa năm 1965, khi Mỹ đưa quân vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp can thiệp chiến tranh, du kích ở Phú Mỹ Hưng đã tổ chức đánh diệt bộ binh Mỹ, càng củng cố quyết tâm để Bảy Vĩnh tìm phương án đánh lính Mỹ đi càn.

Ngày 25/5/1965, Mỹ đưa 20 xe tăng M18 vào sát căn cứ 3 của Cụm, lần đầu tiên vào Bời Lời, theo hướng Trảng Sa cặp theo ven rừng Bời Lời vào cầu Cám. Bảy Vĩnh cho 2 cán bộ Cảng và Trọng mang theo súng chống tăng, men theo giao thông hào ra bắn, cự ly không quá 10m, diệt 1 xe M18 và 5 lính Mỹ.

Đến tháng 9/1965, xe tăng Mỹ lại vào, trúng mìn của A20 gài lại, thiệt hại thêm 1 chiếc M18. Tháng 12/1965, xe tăng Mỹ lại mò vào, trúng 1 quả mìn của A12 gài. 3 chiếc tăng M18 thiệt hại cùng một khu vực, Bảy Vĩnh nhận định, tuy đã củng cố được niềm tin cho anh em trong Cụm quyết tâm đánh được Mỹ trang bị tối tân, nhưng khu vực này địch đã “chấm”, sớm muộn cũng có đụng độ lớn.

2. Đón tiếp “Tia chớp nhiệt đới”

Năm 1965, Mỹ ào ạt đổ quân vào miền Nam. Sư đoàn 1 bộ binh Mỹ đóng ở Lai Khê (Sông Bé), Sư 25 Mỹ ở Củ Chi phát triển tới Trảng Lớn (Tây Ninh), lực lượng Autralia, Thái Lan, Hàn Quốc, New Zeland… cũng lần lượt tham chiến.
Trước tình hình mới, tháng 1/1966, cấp trên chỉ thị các Cụm được tổ chức đánh càn chống Mỹ theo khả năng, bảo vệ căn cứ để thực hiện nhiệm vụ. Vũ khí cũng được trang bị tốt hơn: AK47, súng cạc-bin, lựu đạn, mìn chống tăng, mìn đánh bộ binh.

Đụng trận

Sáng sớm 22/2/1966, tức sáng mùng 4 Tết Bính Ngọ, “Tia chớp nhiệt đới” – biệt danh của Sư 25 Mỹ, càn vào Bời Lời theo hướng Trảng Sa băng qua nông trường. Toàn Cụm đã vào vị trí chiến đấu, chia làm 4 tổ, gồm 11 tay súng và 3 nữ liên lạc, vị trí xác định chiến đấu tại căn cứ 3.

Đến hơn 9h, quan sát không thấy địch xuất hiện ở bìa rừng, Bảy Vĩnh nhận định, địch cắt rừng đánh vòng vào sau lưng căn cứ, nên thông báo toàn bộ anh em cảnh giác. Hơn 10h, tổ 2 nổ súng, ngay loạt đạn đầu Tư Chất đã hạ gục một lính Mỹ ngay trên công sự, thu một súng AR15. Sau 2 đợt tấn công vào tổ 2, bị bẻ gãy, địch rút ra, chuẩn bị tấn công đợt 3.

Đợt 3, địch tấn công ồ ạt vào vị trí tổ 2. Tư Chất cho nổ mìn bộ binh. Bảy Vĩnh lôi khẩu súng chống tăng lên, dựng cao nòng súng, bắn cầu vồng cho đạn rơi gần, yểm trợ. Quả thứ nhất vướng cành cây không nổ, bắn tiếp 3 quả đạn nổ vào đội hình địch, lính Mỹ bị thương, la hét át cả tiếng đạn. Bị đánh rát, lại không phát hiện chính xác mục tiêu, lính Mỹ dạt sang vị trí tổ 3 thì dính mìn bộ binh, thiệt hại thêm nữa.

Mỹ ngừng bắn, lo đưa xác lính tử thương về và chuẩn bị tổ chức tấn công đợt khác. Mặt trận tạm yên lặng chừng hơn 1 giờ, Cụm trưởng Bảy Vĩnh phán đoán địch đang bí mật mở rộng đội hình, đánh vòng phía sau, nên lệnh cho đội hình tổ 1 xoay 180 độ. Toàn Cụm im lìm chờ đợi đợt tấn công tiếp theo của “Tia chớp nhiệt đới”.

Căn cứ 2 của Cum H67 nằm ngay vùng mõm nhô của nông trường cũ.
Căn cứ 2 của Cum H67 nằm ngay vùng mõm nhô của nông trường cũ.

Một lúc sau, tổ 2 phát hiện một tiểu đội lính Mỹ tiến vào, vừa đi vừa tìm hướng, không phát hiện vị trí của tổ 4 do Bảy Vĩnh chỉ huy chỉ nằm cách đó 10m. Tổ 2 của Tư Chất tiếp tục nổ súng, xua địch chạy dạt ngược lại co cụm. Toàn bộ đội hình lính Mỹ lọt vào vòng vây, nằm chính diện tổ 4 (trung tâm), tổ 1 của Trung Tuyến giữ cạnh sườn phải, tổ 2 giữ sườn trái, Bảy Vĩnh cho đưa quả ĐH10 lên phía trước mặt, chờ địch xung phong.

Toán địch đi đầu dính đạn gục xuống. Cả mặt trận rền vang tiếng tiểu liên AR15, M79, đất cát mù mịt. Khoảng cách quá gần, tổ 4 dùng lựu đạn đấu với lính Mỹ. Một quả lựu đạn Mỹ rơi xuống nhà ngầm, đồng chí Trung nhặt ném trả lại. Lính Mỹ nằm chết dí một chỗ, phơi mình trên mặt đất dùng M79 bắn vung vãi.
Giằng co tới 4 giờ, địch rút dần ra hướng cầu Cám, không còn tấn công vào tổ 4 nữa. Quả ĐH10 chờ địch xung phong chưa có dịp “lên tiếng”. Kiểm tra chiến trường, phát hiện trước công sự tổ 2 chỉ hơn 1m, địch bỏ lại một xác lính Mỹ với thắt lưng đầy đạn. Bảy Vĩnh thu lại quả đạn chống tăng chưa nổ. Nhặt vỏ đạn M79 lên xem, ông băn khoăn không biết là loại vũ khí gì mà uy lực mạnh thế, phá sập cả nhà hầm gia cố rất kiên cố của cụm.

Mãi đến năm 1967 Bảy Vĩnh mới biết M79 uy lực rất mạnh, cơ động, nhanh, gọn hơn cối 60, bắn thẳng hay bắn vòng cầu đều được, nên muốn kiếm được một khẩu để nghiên cứu. Sau khi bẻ gãy 4 đợt tấn công của địch, A20 tiêu diệt được khoảng 40 tên. Toàn bộ lực lượng của Cụm nguyên vẹn, không ai bị sây sát. Bảy Vĩnh quyết định cho toàn Cụm rút khỏi căn cứ 3 cách chừng 1km thì ẩn sâu vào rừng.

Hủy diệt

5h mùng 5 Tết (23/2/1966), sau khi cơm nước xong, toàn Cụm chuẩn bị đối phó với phản ứng của Mỹ sau trận đánh hôm trước. 6h30, 4 phản lực lao Sài Gòn bay lên cầu Cám, lượn một vòng rồi trút bom ào ào xuống vị trí căn cứ 3. Hết bom hạng nặng, tới bom xăng, bom napal, khói lửa bốc lên cuồn cuộn bao trùm căn cứ. Hết đợt bom hủy diệt, 3 tốp trực thăng với 21 chiếc từ hướng Củ Chi lên cầu Cám đổ tiểu đoàn quân biệt động ngụy, thay thế cho số lính Mỹ “Tia chớp nhiệt đới” còn sót lại rút về Củ Chi.

Hơn 9h, 3 tốp trực thăng quay trở lại, rút hết toàn bộ quân biệt động ngụy. 15h hôm ấy, toàn Cụm trở về căn cứ 3, chỉ còn lại một khung cảnh tan hoang. Một khoảng rộng rừng bị cày xới, san phẳng, đốt sạch bằng các loại bom. Giao thông hào sụp mấy đoạn, nhà hầm bay mất nóc, chỉ còn lại hố sâu.

Con đường đi vào căn cứ Bời Lời.
Con đường đi vào căn cứ Bời Lời.

Đến 7h ngày 24/2, các cán bộ Trong, Hóa, Lợi đi đường dây đưa khách trở về thuật lại: Hồi sáng ngày 22, khi đưa “khách” từ căn cứ băng qua cánh đồng Mang Chà thì gặp tốp trực thăng đổ bộ quân Mỹ. Một chiếc hạ độ cao để đáp xuống. Lợi đi chặn hậu, thấy “ngon ăn” quá, nấp sau thân cây, xả nguyên một loạt AK trúng chiếc trực thăng. Sau khi thấy nó rơi, Lợi mới chạy theo anh em, tất cả thoát vào rừng Suối Nhánh, cắt rừng đưa “khách” về Bến Củi an toàn. Lợi cứ tiếc hùi hụi không được dự trận đánh 2 ngày trước của Cụm.

Lần đầu tiên Cụm A20 đánh Mỹ thắng lợi, bắn rơi 1 trực thăng, thu nhiều vũ khí, bảo toàn lực lượng. Điện báo cáo cấp trên kết quả trận đánh, được tăng cường thêm súng CKC, AK kiểu mới, B40, ít mìn bộ binh và mìn chống tăng. Cụm càng củng cố quyết tâm bám trụ, chống càn. Trận đụng độ giữa Sư 25 Mỹ và A20 cho thấy, địch đã đặt khu vực Bời Lời vào tấm ngắm, nên Cụm vừa củng cố căn cứ cũ, xây dựng thêm căn cứ, thực hiện nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa thông suốt.

Chiến trường ngày càng ác liệt, mà số vũ khí thì có hạn, Cụm cử người đi tìm kiếm những đầu đạn pháo 105, 155 ly chưa nổ, đem về chế tác, dùng pin điện kích nổ, đánh đầu đạn thay mìn, chuẩn bị cho những trận càn sắp tới.

3. Đối diện “Anh cả Đỏ”

Bước sang năm 1967, Mỹ tăng cường quân ở miền Nam Việt Nam, đưa Sư đoàn 1 bộ binh, mệnh danh “Anh cả Đỏ” vào tham chiến.

Sau chiến dịch Cedar Falls đánh vào khu Tam giác sắt Củ Chi, mùa khô năm 1967, địch tập trung vào vùng Bến Súc, kéo dài cả tháng, với Sư 1 Mỹ thiện chiến, xe tăng thuộc lữ 195, thiết giáp lúc nhúc như đàn trâu, ủi san bằng địa hình. Không quân Mỹ đưa thần sấm F15, B57 ném bom hạng nặng, nơi nào có căn cứ là dùng bom hủy diệt. A20 lặng lẽ chuẩn bị lại căn cứ 3, sẵn sàng bước vào giai đoạn thử lửa mới.

Sẵn sàng đón địch

Trong thời gian ở Bời Lời (1962 – 1969), mỗi người trong A20 gánh trên mình không dưới 2 tấn bom đạn để bảo vệ căn cứ, bảo vệ đường dây thông suốt. Quân số thường trực của cụm A20 tại căn cứ lúc bấy giờ còn 16 người (10 tay súng, 5 dự bị và phục vụ chiến đấu), trong đó có 2 nữ. Vừa phải chuẩn bị sẵn sàng chống càn bảo vệ căn cứ, vừa phải đảm bảo đường dây thông suốt là nhiệm vụ chết sống trong gang tấc. Kinh nghiệm đánh Sư 25 Mỹ năm trước đã có, nhưng đối phó với “Anh cả Đỏ”, vốn vẫn được rêu rao là “đánh đâu thắng đó”, như thế nào thì thực tế chiến trường mới rút kinh nghiệm được.

Sẵn sàng đợi địch.
Sẵn sàng đợi địch.

6h sáng 24/4, một chiếc đầm già trinh sát bay dọc suối Bời Lời từ Trảng Sa vào khu vực căn cứ rồi bay ngược trở ra. Toàn bộ Cụm A20 trang bị gọn nhẹ, chuyển ra căn cứ 3 chờ địch. Số mìn tăng được gài xong, riêng quả mìn điện chế tác lại từ quả pháo 155 ly thu được, dùng pin đèn khoan đề tô kích nổ, vì là vũ khí tự chế tạo, chưa thử lần nào, nên Bảy Vĩnh trực tiếp gài, mà trống ngực dập thình thình.

Chập 2 đầu dây điện quấn ni lông lại, kiểm tra lại vòng điểm hỏa, rút bộ phận cách điện ra mà thấy quả mìn điện vẫn im thin thít, cụm trưởng Bảy Vĩnh lùi lại 2m mới thở phào quay lưng, trở về trận địa. 16 người chia làm 3 tổ chiến đấu. 9h sáng, bóng lính Mỹ từ mé rừng nhô tới, vừa đi vừa dò đường, cắm cờ trắng báo hiệu đường hành quân không bị gài mìn. Tốp Mỹ đi đầu cách trận địa chừng 20 – 30m, thấy địch rẽ trái vào khu vực bãi trống, sợ bị phát hiện bãi mìn tăng đã gài, Bảy Vĩnh nhô lên, khẩu CKC nổ liên tục 3 phát, tên lính Mỹ nằm im.

Liên tiếp đẩy lùi “Anh cả Đỏ”

Một trung đội lính Mỹ ào tới, từ bên phải tính cắt qua mé trái đánh bọc sườn trái, va phải tổ 2 của Trung và Lợi, dính AK bắn thẳng và lựu đạn. Bên cánh phải, một trung đội khác nhô lên, vừa xung phong được vài mét thì va phải quả mìn điện chế tạo bằng đầu đạn pháo 155 ly của Bảy Vĩnh, tiếng la hét vang trời. Toàn bộ phía quân Mỹ im bặt tiếng súng. Đến giờ nghỉ trưa, 3 trực thăng Mỹ lên tiếp vận và bốc thương vong về căn cứ. Lính Mỹ rút về chụm lại, ăn uống, nghỉ ngơi, theo đúng tác phong của “lính công tử”. Anh em A20 cũng tranh thủ lấy cơm nguội với khô chiên chuẩn bị từ hôm trước ra ăn.

Đến 13h, cành lá bên phải rừng xao động, một bóng lính Mỹ nhô ra, tay cầm dao phạt cành cây mở đường, cách tổ 1 chỉ 6m. Bảy Vĩnh nhô lên, khẩu CKC nhả đạn, tên lính ngã gục. Một tên phía sau nhào tới tính kéo xác, phát thứ 2 nổ, hắn đổ gục. Tên thứ 3 vừa ló dạng, thêm một phát nữa, nằm luôn. 3 phát đạn CKC chính xác tuyệt đối, rút kinh nghiệm ban sáng 3 phát mới được một mục tiêu. Bảy Vĩnh thụp xuống hầm, nghe tiếng đạn từ phía bìa rừng bắn vào nổ chát chúa trên những thân cây.

Sửa lại công sự, hầm pháo sau mỗi trận càn.
Sửa lại công sự, hầm pháo sau mỗi trận càn.

Đoán chắc lính Mỹ đang triển khai đội hình ngoài bìa rừng. Đến lượt khẩu súng chống tăng từ công sự bắn cầu vồng ra. Phát đầu rơi xuống ruộng, không nổ. 3 phát tiếp theo đã rút ngắn cự ly, nổ vang như tiếng cối 60, nghe tiếng la hét ầm ỹ vọng lại. Địch men theo giao thông hào tấn công vào cánh phải, trúng vị trí tổ 3 của Trung Tuyến, gồm 6 tay súng, bị đánh ngay trên mép công sự. 6 lần địch đánh vào là 6 lần chạm mìn, AK và lựu đạn, bị bật ra. 5h chiều toàn bộ lính Mỹ rút ra bìa rừng. Bảy Vĩnh đi kiểm tra trận địa, ước tính Mỹ thiệt hại hơn 40 người. Phía Cụm chỉ có 2 người bị thương.

Sau một ngày thử sức với Sư đoàn “Anh cả Đỏ”, vũ khí còn nhiều, bãi mìn tăng chưa nổ, mìn bộ binh mới dùng 1 quả, tinh thần anh em đang lên cao, Cụm trưởng Bảy Vĩnh quyết định đánh tiếp một ngày nữa. 9h sáng 25/4, phát hiện địch di chuyển vào, toàn cụm chờ địch đến thật gần mới nổ súng. Trận địa diễn ra ngay trên miệng công sự, chỉ dùng toàn lựu đạn, súng AK. 3 đợt xung phong buổi sáng, Mỹ bị đánh bật ra, phải gọi pháo bắn.

Dứt đợt pháo cấp tập kéo dài 25 phút dập xuống mục tiêu, lính Mỹ ồ ạt theo giao thông hào tấn công. Khi địch còn cách 3m, Trung Tuyến cho nổ quả ĐH10, khói bụi mù mịt, quét hơn 10 tên nằm tại chỗ. Dưới giao thông hào, 5, 6 lính Mỹ bị diệt. Phía Tây, lựu đạn và AK loại khỏi vòng chiến đấu 5, 6 tên nữa. Đợt tấn công thứ 4 mãi tới 15h mới nổ súng ở hướng Tây. Lính Mỹ đụng phải quả mìn bộ binh ĐH5, một loạt lựu đạn, tốn thêm một băng AK nữa thì đến 5g chiều, lại rút về nghỉ ngơi. Sau khi kiểm tra trận địa, Bảy Vĩnh ước tính, trong ngày thứ 2 đụng độ với “Anh cả Đỏ”, A20 “thu hoạch” thêm 50 tên địch, một khẩu AR15, nhiều hộp đạn rời, mấy quả lựu đạn tấn công và rất nhiều đồ hộp.

4. Mai phục bắn “chim trời”

Ngày thứ 3 trong chiến dịch Mahattan, cụm trưởng Bảy Vĩnh quyết định bám trụ đánh tiếp. Lý do rất đơn giản, sau 2 ngày tấn công liên tục, Mỹ sẽ cho rằng quân du kích sẽ cạn kiệt lương thảo, đạn dược, tất phải rút lui. Vì vậy, việc lực lượng vẫn bám trụ căn cứ sẽ cho Anh cả Đỏ thêm một đòn bất ngờ.

Sáng 26/4/1967, Mỹ tiến quân rất chậm, đến 9g mới nghe tiếng động của bước chân lính Mỹ chếch phía hướng Tây, hướng vào sườn phải trận địa. Sau đợt đầu, chờ Mỹ vào sát mới đánh bằng mìn bộ binh, lựu đạn.

Đòn đánh bất ngờ

Đến đợt tấn công thứ 2, mìn bộ binh ĐH5 và lựu đạn, AK nổ giòn giã phía cánh phải thuộc tổ Trung Tuyến. Tổ 1 của Bảy Vĩnh “thất nghiệp”, chẳng bắn được phát nào vì toàn bộ lực lượng địch chuyển qua hướng Tây. Thiệt hại nặng sau đợt 2, Mỹ tấn công đợt 3 một lúc nữa thì yếu dần, tới 12h trưa nghỉ ngơi. 5 chiếc trực thăng lên bốc số thương vong về hướng Sài Gòn.

Đến 13h30 chiều 26/4, phía Mỹ vẫn im phăng phắc. Thắc mắc, Bảy Vĩnh cùng Trung Tuyến vọt lên khỏi công sự, thấy máy bay trinh sát bay vè vè trên cao và phía căn cứ 5, có một làn khói xanh đỏ bốc lên phân tuyến hai bên. Tất cả nhào xuống hầm, pháo dội tới ầm ầm, rung chuyển đất đai, công sự. Một miểng pháo cắt trúng bắp vế cô giao liên tên Tài. Chịu đựng pháo dập hơn 20 phút, ngưng tiếng nổ, cụm trưởng Bảy Vĩnh nhào lên, thấy chiếc trinh sát vẫn bay vè vè trên cao, thêm tiếng phản lực ầm ỳ đang lượn vòng chuẩn bị bổ nhào tấn công.

Năm 1967, “Anh cả Đỏ” tham gia một cuộc hành quân lớn đánh vào khu Tam giác sắt Củ Chi.
Năm 1967, “Anh cả Đỏ” tham gia một cuộc hành quân lớn đánh vào khu Tam giác sắt Củ Chi.

Bảy Vĩnh thét to để toàn bộ anh em chui vào hầm ngầm thì đất rung lên bần bật. 5 lượt phản lực, mỗi lượt 2 chiếc, mỗi chiếc chứa 2 quả bom tạ đánh xuống. Chưa xong, tới 3 lượt phản lực gồm 6 chiếc nhào tới thả bom xăng, bom napal đốt trụi cả trận địa. Mùi khói, mùi chất lân tinh, mùi xăng bay xộc vào hầm. Tiếng máy bay trinh sát vẫn vè vè trên trời.

Người Mỹ có vẻ đã quá sức chịu đựng với sự gan lỳ của quân Việt Cộng mấy ngày qua chặn đường cả một đoàn quân “Anh cả Đỏ” nức tiếng, nên điều luôn một lượt B57 nữa tham chiến. Chiếc B57 thứ nhất vừa thả xong một đợt, Bảy Vĩnh xách khẩu CKC ra khỏi công sự, nhằm vào đầu chiếc B57 thứ 2 đang bổ nhào xuống cắt bom. Mục tiêu vừa hiện rõ, chưa kịp bóp cò súng thì Bảy Vĩnh đã thấy một vật đen lao thẳng vào mình, chỉ kịp thu súng chui tọt xuống hầm thì quả bom đã nổ sau lưng ông chừng 10m, tạo thành hố bom sâu hoắm.

Đợt oanh kích mang tính hủy diệt kéo dài hơn 1 giờ đồng hồ, tới gần 16h30 mới chấm dứt. Máy bay trinh sát rút, Bảy Vĩnh hô anh em bung vào khu vực Mỹ đóng quân lúc sáng lục soát, thu được 3 khẩu AR15, 1 khẩu M79, hơn 300 viên đạn AR15, 20 viên M79, vố số đồ hộp, bình tông Inox. Ước mơ của Cụm trưởng A20 từ hơn 1 năm trước, là làm sao có được khẩu M79 để nghiên cứu giờ mới thành hiện thực. Ước tính ngày 26/4 toàn cụm tiêu diệt được 40 lính Mỹ.

Phục kích máy bay

Sau 3 ngày liên tục quần thảo với sư đoàn “Anh cả Đỏ”, nằm trên nắp hầm địa đạo thấy mùi khét, mùi cháy toàn trận địa. Nghĩ lại những cuộc đối đầu mấy ngày qua, thi gan thử sức với một đội quân chính quy, một sư đoàn nổi tiếng đánh đâu thắng đó của Mỹ, diệt hơn 100 tên mà toàn Cụm chỉ có 2 người bị thương… khiến cho Bảy Vĩnh không thể chợp mắt, nằm tính toán đánh vét thêm một trận nữa.

Mới hơn 4h sáng 27/4, cụm trưởng Bảy Vĩnh gọi Tuyến, Cảnh, Trong, Lợi ra khỏi hầm hầm. 5 bóng người cắt rừng mà đi, hướng về phía quân Mỹ đóng quân, phía căn cứ 5, nơi chiều hôm trước lính Mỹ rải khói phân tuyến gọi phản lực đánh bom hủy diệt căn cứ 3. 7h sáng, 2 chiếc trực thăng chở đồ tiếp tế bay lên, treo lơ lửng trên ngọn cây rồi từ từ đáp xuống.

Máy bay trực thăng quân đội Mỹ xả đạn súng dọn đường cho quân lính tấn công vào một căn cứ của ta tại bắc Tây Ninh, tháng 3/1965.
Máy bay trực thăng quân đội Mỹ xả đạn súng dọn đường cho quân lính tấn công vào một căn cứ của ta tại bắc Tây Ninh, tháng 3/1965.

Bảy Vĩnh ra hiệu cho Cảnh dùng khẩu M79 vừa thu được, nhắm hướng rừng có tiếng cánh quạt máy bay ầm ầm bắn liên tục 5 – 6 quả M79 hình cầu vồng vào. Bị tấn công bất ngờ, một chiếc trực thăng thoát vội lên, vừa lướt qua khoảng trống, đang ở tầm thấp thì dính loạt AK của Lợi bắn lên, cố rùng mình bay về hướng sông Sài Gòn. Chiếc thứ 2 vừa bốc lên khỏi ngọn cây thì Trong cho luôn 2 loạt AK, chiếc trực thăng chao đảo, đổi hướng bay 180 độ, ngược ra cánh đồng Suối Bà Tươi rơi xuống.

Hơn 8h sáng 27/4, một trực thăng hai cánh quạt đáp xuống cánh đồng Suối Bà Tươi, mấy phút sau bay lên, dưới bụng treo lủng lẳng xác chiếc trực thăng dính 2 loạt AK do Trong bắn lúc sáng. Chiếc bị thương còn lại không rõ số phận ra sao. Chừng 9h, thêm một chiếc trực thăng cập xuống khu rừng lúc sáng, bốc số lính bị thương do đạn M79 Cảnh bắn trúng, mang về Sài Gòn chữa trị. Cũng vào lúc này, có tiếng xe tăng rộ lên từ nông trường chạy vào khu vực lính Mỹ trú quân, vừa bị A20 dùng M79 tập kích hồi sáng.

Đoàn xe dừng lại khoảng 15 phút thì tiếp tục rộ máy, hướng căn cứ 3 khoảng vài chục mét thì ngoặt ra khu rừng nhô ra ở cầu Cám, theo đường ven rừng đi vào hướng Bời Lời. Đoàn xe đi hàng đôi, so le, có xe M41 đi đầu mở đường, tiếp đến là đoàn tăng M118, có xen kẻ mấy xe khoang sau rất to dùng chở bộ binh, tổng cộng hơn 80 chiếc. Như vậy, đến trưa 27/4/1967, toàn bộ cánh quân Sư đoàn 1 “Anh cả Đỏ” của Mỹ bị A20 chặn đánh mấy ngày qua đã được bốc theo đoàn xe tăng và bộ binh tăng viện, lọt vào mật khu Bời Lời.

5. Đi “săn” xe tăng Mỹ

Chỉ vài quả mìn chống tăng, một khẩu B40, “đàn trâu” M41, M118 tiếp tục bỏ mạng lại cửa ngõ Bời Lời bởi cách đánh sáng tạo nhưng cực kỳ dũng cảm của cán bộ, chiến sỹ Cụm A20.
 
Trưa 27/4/1967, toàn bộ cánh quân Sư đoàn 1 Anh cả Đỏ của Mỹ được bốc theo đoàn xe tăng và bộ binh tăng viện, lọt vào mật khu Bời Lời. Anh em A20 được rảnh rỗi một buổi chiều ngày 27. Cụm trưởng Bảy Vĩnh trở vào khu vực Mỹ vừa đóng quân nghiên cứu cách đánh chặn xe tăng Mỹ trên đường ra, ngụy trang lại bãi mìn tăng cài từ hôm 24/4 để chống càn, nhưng chưa nổ được quả nào.

Thắt thòng lọng bắt “trâu thép”

Sáng sớm 28/4, Bảy Vĩnh cùng Trung Tuyến, Cảnh, Trong xách theo một khẩu B40, 4 quả đạn, 3 khẩu AK lên đường về lại căn cứ 3, chặn đánh địch. Cụm trưởng Bảy Vĩnh dự tính chắc chắn hôm đó đoàn tăng phải trở ra sau khi bị chặn đánh sâu trong rừng Bời Lời. Đúng như dự tính, hơn 8h, tiếng máy xe tăng ầm ỳ từ hướng Bời Lời theo ven rừng đi ra.
Chiếc M41 dẫn đầu, xuyên qua mõm rừng nhô. Vừa thoát khỏi mõm rừng thì cán phải quả mìn do Bảy Vĩnh cài, đất cát tung lên phủ kín cả xe. Chiếc M118 đi sau lách vội sang trái, tính mở đường khác tiến lên, vượt quá nửa đầu chiếc M41 thì dính quả mìn điện. Một tiếng nổ vang lên, từ nơi quan sát chỉ cách bãi mìn 40 – 50m, có thể thấy mấy lính Mỹ từ trên xe văng xuống đất.
Ảnh: Tăng M48 cuả “Anh cả Đỏ” trong 1 cuộc hành quân ở Tây Ninh 1967. Ảnh tư liệu.
Ảnh: Tăng M48 cuả “Anh cả Đỏ” trong 1 cuộc hành quân ở Tây Ninh 1967. Ảnh tư liệu.

Chiếc M118 đi vị trí thứ 3 thấy vậy lách sang phải xác chiếc M41, chồm lên vừa quá một thân xe. Từ công sự, Cảnh đưa khẩu B40 lên. Một tiếng nổ, lửa bao trùm chiếc M118 thứ 2. Lúc này, thêm một chiếc M118 trờ tới ngay bên phải chiếc M118 vừa trúng đạn, Cảnh bắn thêm phát đạn thứ 2, diệt thêm 1 chiếc nữa. Nhờ khói trắng tỏa ra từ công sự, bọn địch phát hiện ra nơi Cảnh ngồi bắn.

Tất cả hỏa lực trên đoàn xe tăng còn lại đồng loạt hướng vào khai hỏa, cày tung đất đá. Còn 2 quả đạn, Cảnh tính nhào lên công sự diệt thêm 1 – 2 chiếc xe tăng nữa, nhưng Bảy Vĩnh ra lệnh rút. Bãi mìn cài 6 quả, mới nổ 2, còn 4, thế nào chúng cũng còn dính nữa. Một chiếc M41 từ phía sau trườn lên, lách sang phải, tưởng thoát ra ngoài bãi mìn, sẽ che chắn được cho đồng đội trọng thương, nhưng lại dính quả mìn thứ 3, nằm luôn tại trận sau một tiếng nổ rất ấm, bụi đất tung lên mù mịt.

Lợi dụng lúc bọn lính Mỹ chưa kịp hoàn hồn, đang loay hoay lo cứu thương, 4 người của A20 thoát khỏi công sự, chạy về địa đạo. 5 chiếc xe ra đến cửa rừng bị đánh gục chỉ trong vài chục phút, khiến toàn bộ đội hình hành quân rút lui của Mỹ phải thay đổi hướng đi, không dám men theo rừng nữa mà cắt thẳng vào rừng, vừa đi vừa bắn như vãi đạn cho đến khi thoát hết ra trảng trống phía Nông trường. Đoàn xe tăng lúc vào Bời Lời trưa 27/4 có hơn 80 chiếc, sáng hôm sau trở ra chỉ còn hơn 40 chiếc.

Đối diện “chuột chũi”

Sau trận đánh ngày 28/4 diệt 5 xe tăng Mỹ, căn cứ tạm yên một thời gian. Còn 3 quả mìn tăng chưa nổ, Bảy Vĩnh cho anh em đào lên, đem về cài lại gần căn cứ. Lúc này, căn cứ 3 của A20 đã bị hủy diệt nặng nề, nên tất cả di dời sang ở tạm căn cứ của A12 cách đó chừng 400m. Sau một thời gian chống càn, hàng phải ngưng lại, nay tiếp tục vận chuyển về Phòng.

9h ngày 7/5/1967, tiếng xe tăng ầm ỳ từ hướng Bời Lời vọng lại. Chừng một tiếng sau, một xe M41 đột ngột xuất hiện, cách tổ phục kích chỉ 10m. Còn 4 quả B40, đạn đã lên nòng, Trung Tuyến hướng thẳng khẩu B40 vào giữa thân xe, một tiếng nổ to vang lên, lính trên xe ngã nhào xuống đất. Súng từ các xe tăng phía sau bắn tới điên cuồng như vãi đạn chừng 10 phút, một chiếc M118 xông lên, định cán qua nóc hầm.

Khoảng cách còn 7 – 8m, Tuyến bồi quả B40, lửa bao trùm chiếc xe tăng M118. Mục tiêu B40 đã bị lộ, tất cả các loại súng trên các xe tăng còn lại tập trung bắn thẳng vào nóc nhà hầm, Trung Tuyến bị thương ở cánh tay. Tất cả rút vào sâu trong địa đạo.

Để đối phó với lực lượng giải phóng chuyên ẩn sâu trong địa đạo đánh du kích, Mỹ đã đưa sang miền Nam Việt Nam một lực lượng đặc biệt tinh nhuệ, gọi là chuột chũi, chuyên săn lùng du kích. Trận đánh sáng 7/5, Mỹ đưa lực lượng này để tìm kiếm các chiến sĩ A20. Khi Trung nâng nhẹ nắp hầm thì phát hiện 2 chuột chũi có súng và đèn pha sáng đang ở dưới hầm.

Trung rút chốt lựu đạn thả xuống, đậy cửa hầm lại. Sau một tiếng nổ trong lòng đất, tất cả lặng yên. Trong lòng địa đạo nóng hầm hập, mồ hôi túa ra ướt đẫm, Trung cởi áo ngồi canh cửa hầm. Khoảng 14h, tiếng động ầm ầm trên nóc hầm, rồi đất đá rơi xuống đầu. Mỹ dùng xe ủi phá hầm để cứu 2 tên lính bị trúng lựu đạn lúc trước. Một lính Mỹ nhào xuống bắt Trung, nhưng anh thoát được, chạy sâu vào trong địa đạo.

Lúc trời sẩm tối, khi đang gác cửa hầm, Châu thấy 2 lính Mỹ đầu gắn đèn pha bò vào, liền tiêu diệt bằng hai phát đạn, thu 1 súng AR15, 1 súng ngắn, 1 dao dài, đập vỡ đèn pha. 3h ngày 8/5/1967, để tránh đơn vị bị tiêu diệt, Bảy Vĩnh quyết định mở đường máu, dẫn một toán anh em bò thoát khỏi vòng vây xe tăng địch, về lại căn cứ 3, số còn lại giao cho Trung Tuyến chỉ huy nằm lại địa đạo.

Sáng, tất cả đội hình chui xuống nhà ngầm, nghe tiếng xe tăng địch nổ máy liền dùng M79 bắn về phía đội hình xe tăng. Sau mấy loạt bắn trả, lính Mỹ gọi thêm pháo dập vào khu vực căn cứ 3 hơn 20 phút rồi ngưng hẳn. Sau đó, chúng cho một trực thăng đáp xuống bốc xác 2 lính Mỹ bị tiêu diệt vừa tìm được, rồi cùng xe tăng đồng loạt nổ máy rút lui. 12h ngày 8/5/1967, toàn bộ A20 gặp lại nhau, mừng mừng tủi tủi.

6. Bí mật đến phút chót

Chiều 22/8/1968 là một ngày tang thương nhất trong lịch sử cụm A20. Khi đang phục vụ đợt 3 tổng công kích tại Sài Gòn, cụm trưởng Bảy Vĩnh nhận được tin căn cứ A20 trúng bom B52 rải thảm, 7 cán bộ, chiến sỹ hy sinh, mộ gửi lại đất thép Bời Lời bị bom rải thảm không tìm lại được dấu vết.
 
Sau hy sinh của 7 cán bộ, chiến sỹ, dù tổn thất là khá lớn, A20 bước vào trận chiến bám trụ địa bàn, lập căn cứ mới giữa tình hình địch tổ chức phản kích, đánh lấn ra trên toàn chiến trường, thiết lập vành đai trắng xung quanh Sài Gòn.

Bám trụ “vùng đất chết”

Cuối năm 1968 đến cuối năm 1969, Bời Lời là nơi địch đã thua đau, lữ thiết giáp 195 Mỹ vào tham chiến, dùng xe ủi có xe tăng bảo vệ san phẳng tất cả cây cối, gò đồi ở khu vực căn cứ. Biệt kích Mỹ luồn sâu vùng căn cứ phục kích. B52 ném bom hủy diệt tất cả những nơi nghi có người còn sống sót. Toàn vùng Bời Lời biến thành vùng đất chết, duy nhất còn cụm A20 bám trụ lại đến phút cuối cùng, ngày nằm dưới lòng đất, đêm đêm cài mìn săn xe tăng Mỹ. 12 xe tăng M48, M41 và M118 (5 chiếc bị bắn bằng B40 và 7 chiếc trúng mìn) tiếp tục bị A20 tiêu diệt.

Cuối tháng 11/1969, A20 nhận lệnh rút toàn cụm về Phòng để củng cố lực lượng. Sau 8 năm bám trụ kiên cường, đêm Noel 24/12, toàn cụm hành quân rút lui, vượt qua nhiều vòng vây của Mỹ, về Phòng tình báo Miền lúc bấy giờ đã ở đất bạn Campuchia. Đến tháng 2/1970, A20 nhận lệnh trở lại chiến trường, địa điểm được chọn là Bến Tre. Sau gần 2 tháng hành quân, vượt vùng Đồng Tháp Mười, 30/4/1970, toàn Cụm về đứng chân tại xã An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre, bắt đầu xây dựng lại căn cứ và thiết lập đường dây, chuyển hàng về Phòng, sau một thời gian đứt đoạn.

Các chiến sĩ Cụm H67 ở căn cứ An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre năm 1972.
Các chiến sĩ Cụm H67 ở căn cứ An Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre năm 1972.

Mới đặt chân lên xã An Phước hơn 20 ngày, thì quận trưởng Chi khu Trúc Giang đã chỉ huy lính tới càn, mục đích đóng bót cầu Đình, xóa căn cứ của xã, phía sau ấp chiến lược. Ba đại đội bảo an càn vào, kèm pháo chi viện, A20 (lúc này đổi thành H67) mới đến, chưa kịp xây dựng xong căn cứ, đã tổ chức đội hình chống càn. Kinh nghiệm đánh Mỹ ở Bời Lời nay dùng chống ngụy đi càn. 6 đợt tấn công của 3 đại đội bảo an trong ngày 24/5 bị bẻ gãy, 35 tên địch bị tiêu diệt.

Trận đánh này H67 đã củng cố lòng tin cho anh em mới và khiến địa phương tin cậy, vì từ trước tới nay ở xã chưa từng có trận chống càn nào diễn ra như vậy. 2 khẩu M16 và đạn thu được, H67 tặng luôn cho đội du kích xã. Trận chống càn 24/5/1970 chỉ mới là màn “chào hỏi” địa phương, còn suốt 5 năm bám trụ trên địa bàn xã An Phước, H67 với những trận chống càn kinh điển của mình đã khẳng định niềm tin trong lòng dân địa phương, giúp phong trào du kích từ chỉ “cài và rút” đến lúc mạnh dạn tấn công, vây hãm, bức rút nhiều đồn bốt địch.

Vẫn mãi là dấu hỏi

Tháng 11/1971, tiểu đoàn (D) 401 ngụy quân chủ lực của tỉnh Bến Tre, là tiểu đoàn quen tác chiến chống du kích khét tiếng, bí mật hành quân tiến đánh các vùng giải phóng Giồng Trôm, Ba Tri, Bình Đại, Mõ Cày, Thạnh Phú. Trong vùng hành quân gặp bất kể dân thường hay du kích là bắt, chạy là bắn ngay. Một ngày tháng 4/1973, D401 phát hiện các dấu đường mòn dẫn đến căn cứ An Phước, nên tổ chức càn vào, cả trung đội địch tổ chức xung phong, bị H67 đánh bật ra, ngay loạt đạn đầu đã hạ gục 5 – 6 tên.

Địch phải gọi pháo từ Bến Tre chi viện. Trận đánh kéo dài mấy tiếng đồng hồ, địch bị thiệt hại 37 tên. Tháng 4/1973, D401 lại tổ chức càn vào, 4 đợt tấn công đều bị đánh bật ra, thiệt hại hơn 30 tên nữa. Bị 2 trận đòn đau, D401 càng cay cú. Gần 9h đêm 25/5, trời tối đen, D401 hành quân lặng lẽ, dùng 2 đại đội ép sát mép vườn dẫn vào căn cứ H67.

Trên máy PRC25, Cụm đã phát hiện có địch nên tổ chức phục chờ. Trời đổ mưa như trút, D401 không nhìn thấy đường, nên ém quân chờ trời sáng. Mãi 8h sáng, địch mới vào tầm bắn gần của các tay súng H67, chỉ cách 5m, loạt AK vang lên hất cả bọn xuống mương. Sau 2 đợt tấn công bị đánh bật ra, địch gọi pháo bắn chi viện. Dứt đợt pháo, đại đội đi đầu xung phong đợt 3, bị quét rụng gần hết, chỉ còn một ít lấp ló trong bụi chối, cụm trưởng Bảy Vĩnh “tặng” luôn một trái M79.

Qua đầu giờ chiều, đại đội 2 tiếp viện đi lạc hướng, vào chéo góc với căn cứ, làm mồi ngon cho Trung Tuyến cho nổ quả đạn 105 ly, hất 14 – 15 tên rơi xuống hố bom. Qua máy PRC25 nghe thấy tên Đại đội trưởng Đại đội 2 thều thào báo về Tiểu đoàn rằng đã bị thương. Tiểu đoàn trưởng 401 hạ giọng: “tụi bay chỉ còn nước năn nỉ tụi nó cho vào lấy xác”. Biết D401 đã xuống tinh thần, Cụm trưởng Bảy Vĩnh lệnh anh em ngưng bắn để đối phương vào lấy xác.

Trận đánh làm nức lòng quân dân địa phương, sơ bộ ước tính D401 thiệt hại 75 tên. Sau trận đòn phục thù này, suốt mấy năm sau, D401 những lần phải đi càn, đều tìm đường né qua căn cứ, càn lấy lệ. Từ 20/4/1975, chiến sỹ Tâm của H67 được biệt phái theo sát huyện ủy Châu Thành để giúp đỡ giải phóng huyện.

Sử dụng máy PRC 25 được phòng trang bị từ 1972, trong ngày 30.4, mặc dù Sài Gòn đã giải phóng, nhưng bọn lính tề, ấp còn chống đối, Tâm liên tục lên máy giả danh chi khu Trúc Giang kêu gọi các đồn, bốt, yếu khu trên đường tiến quân buông súng đầu hàng quân giải phóng, tiết kiệm xương máu cho du kích địa phương.

Ngày 1/5/1975, khi đã giải phóng hoàn toàn chi khu Trúc Giang, nhìn trên bản đồ quân sự, thấy địch chấm dấu hỏi to đùng màu đỏ về các vị trí căn cứ của H67, cho thấy địch vẫn chưa biết là đơn vị nào nhưng đã gây rất nhiều thiệt hại cho chúng. Suốt 5 năm bám trụ tại Bến Tre, H67 gây dựng được lòng tin tuyệt đối với địa phương về truyền thống bám trụ chống càn của mình. Đụng độ 17 trận càn cấp tiểu đoàn với D401, D415, D420 ngụy, H67 luôn bảo vệ vững chắc căn cứ, đường dây thông suốt, tự tăng gia sản xuất và giữ bí mật tuyệt đối về đơn vị cho đến ngày giải phóng.

Sưu tầm và tổng hợp: Báo Đất Việt

Không có nhận xét nào: