Thứ Sáu, 19 tháng 7, 2013

Chiến tranh Việt Nam 1965 - 1973 (Phần 2)

 NHỮNG GHI CHÉP CỦA THAM MƯU TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN GIA QUÂN SỰ LIÊN XÔ TẠI VIỆT NAM

Tháng 5-1967 tôi được bổ nhiệm làm Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Sau khi làm xong mọi thủ tục cho chuyến xuất ngoại, ngày 9-6-1967 tôi đến Việt Nam trên một máy bay vận tải quân sự. Đi với tôi trên máy bay này còn có một nhóm chuyên gia lắp ráp thuộc một nhà máy chế tạo máy bay đã cung cấp cho Việt Nam những chiếc máy bay tiêm kích, ngoài ra còn có các bác sĩ quân y sang Việt Nam để thay thế các đồng chí đã mãn hạn công tác tại đây. Sau mấy giờ bay chúng tôi hạ cánh xuống thành phố Ômxcơ, lấy thêm nhiên liệu và sau 3 giờ bay đã hạ cánh ở Iếccút. Chúng tôi lưu lại ở đây một ngày và sáng ngày 11-6 thì cất cánh bay đến Bắc Kinh.

Tại Bắc Kinh đã có sự chậm trễ vì những nguyên nhân không rõ. Người Trung Quốc bảo là Hà Nội đang bị ném bom, nhưng về sau chúng tôi được biết đã không có chuyện đó. Chúng tôi nghỉ qua đêm tại khách sạn của sân bay, dùng bữa tại nhà ăn của khách sạn. Ở Trung Quốc thời kỳ ấy là đỉnh điểm của cái gọi là "Cách mạng văn hoá". Ngoài chúng tôi ra, hầu như không có khách trong sân bay. Trong cả ngày hôm ấy chỉ có hai máy bay Trung Quốc IL- 14 và một chiếc AN-8 hạ cánh xuống sân bay này với một vài hành khách. Người Trung Quốc ăn mặc rất nghèo nàn. Lính biên phòng Trung Quốc và các nhân viên trong sân bay đã có thái độ đúng mực đối với chúng tôi, thậm chí có thể nói rằng với thái độ hoan nghênh, nhưng họ không lộ thái độ này với những đồng bào của mình.

Sau chót, vào buổi chiều ngày 12-6 chúng tôi bay đến Việt Nam và vào lúc 20 giờ theo giờ Hà Nội - chúng tôi hạ cánh xuống sân bay quân sự Nội Bài cách Hà Nội 40 kilômét.

Lúc ấy là đêm tối của vùng nhiệt đới. Trời có mây, nhiệt độ không khí là +33oC. Có vài chiếc đèn pha chiếu sáng khu vực sân bay. Chúng tôi vừa bước ra khỏi máy bay thì nghe thấy còi báo động? Lập tức người ta tắt đèn, thế là mọi cái chìm vào bóng tối đen kịt. Có một máy bay trinh sát của Mỹ bay qua. Sau đó vài phút người ta cho bật vài chiếc đèn pha nhỏ.

Ra đón chúng tôi có đại diện Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Bộ Tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, ngoài ra còn có đại diện Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Cũng chiếc máy bay ấy đưa tốp chuyên gia quân sự Liên Xô đã mãn hạn công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trở về nước. Sau khi máy bay được bốc dỡ hành lý và sau khi chia tay với những đồng chí trở về Liên Xô, chúng tôi lên xe về Hà Nội.
Ngay khi về tới nơi chúng tôi đã phải bắt tay vào công việc khó khăn và nặng nề giải quyết những nhiệm vụ phức tạp được đặt ra cho các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Tôi tiếp nhận công việc do Đại tá N. I. Vancôvích bàn giao trước khi đồng chí trở về Liên Xô. Chính phủ Việt Nam đã tặng thưởng đồng chí ấy Huân chương Lao động hạng II, Huy Chương Hữu nghị, còn Bộ Quốc phòng tặng đồng chí ấy Huy hiệu "Chiến thắng trận đầu - 5-8" (ngày 5-8-1964 các chiến sĩ tên lửa Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ đầu tiên đến ném bom Bắc Việt Nam) và trao cho đồng chí ấy con dao của tên phi công Mỹ bị bắn rơi làm kỷ niệm.

Ở Việt Nam Dân chủ cộng hòa các chiến sĩ tên lửa là những người nổi tiếng nhất. Khi tiểu đoàn tên lửa phòng không xuất hiện dù bất kỳ ở đâu, thì dân chúng địa phương cũng dành cho họ sự quan tâm và chú ý đặc biệt. Họ tình nguyện đào hào, đắp tường che chắn, giúp ngụy trang các trận địa hỏa lực. Dân quân địa phương tổ chức canh gác suốt ngày đêm khu vực có các trận địa chiến đấu của các chiến sĩ tên lửa, họ tạo ra những lá chắn vững chắc chống bọn gián điệp và bọn phá hoại của địch.

Người Việt Nam gọi tên lửa Liên Xô là "Rồng lửa". Khi thấy trên bầu trời có tên lửa bắn rơi máy bay Mỹ họ tự hào hô lớn: "Tên lửa của ta đó!".

Các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc binh chủng tên lửa phòng không - không quân và các binh chủng khác đều có mặt và làm việc cùng các quân nhân Việt Nam trực tiếp trong các đơn vị quân đội trên các trận địa chiến đấu và trong các sân bay. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã được huấn luyện và tự thể hiện được khả năng của mình qua các trận chiến đấu thì chủ yếu có mặt tại các trận địa phòng không tại các khu vực cửa ngõ Thủ đô Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là thành phố Hà Nội và khu vực cửa ngõ hải cảng lớn nhất của đất nước là thành phố Hải Phòng. Một số tiểu đoàn tên lửa phòng không tác chiến theo kiểu phục kích.

Dưới đây là những hồi ức kiểu đánh phục kích của một chuyên gia quân sự Liên Xô đã làm việc trong nhóm này, Trung tá Alếchxanđrơ Iacốplép (người ghi là V. Surưghin, Đài chỉ huy số 27, ghi ngày 2-2-1990):

"… Các tiểu đoàn đã bí mật rút vào rừng. Tại đó họ triển khai trên các trận địa đã được chuẩn bị từ trước và... nằm im.

Trong vòng mấy ngày họ nghiên cứu tình hình bầu trời, các khu vực máy bay địch thường hoạt động, chuẩn bị các dữ liệu và chỉ sau đó mới thực hiện tác xạ.

Một chiếc máy bay Mỹ F-105 đã bay trên một thung lũng nhỏ kẹp giữa hai ngọn núi. Không mang theo bình xăng phụ, với trọng lượng nhẹ tối đa - nó là máy bay trinh sát và cũng là mồi nhử. Phía sau nó ở đâu đó có một tốp máy bay xung kích. Sau vài phút từ đám mây vọt ra một cặp máy bay "Con ma". Thế là cuộc "phục kích" lên tiếng. Quả tên lửa đầu tiên đã quật ngã chiếc máy bay đi đầu. Như một ngọn đuốc cháy rực chiếc máy bay ấy đã đâm vào cánh rừng. Chiếc máy bay đi theo nó gấp rút lượn vòng, tấn công vào trận địa giả và rơi vào hỏa lực của pháo cao xạ.

Loạt đạn ngắn của các khẩu pháo cao xạ đã cho nó một đòn chí mạng. Nó chỉ còn cách vỡ tan trong không trung và trở thành một đống mảnh vụn rơi xuống đất. Trên bầu trời trống không bật ra một chiếc dù. Mấy phút sau cả chiếc máy bay lên thẳng được phái đến cứu tên phi công cũng bị tiêu diệt nốt.

Nhưng một lúc sau trận địa tên lửa đã gánh chịu một trận bắn phá bằng tên lửa và bom của một tốp lớn các máy bay cường kích. Nhưng những quả bom ấy đã nổ ở chỗ trống vắng. Tiểu đoàn tên lửa đã trên đường hành quân rồi. Ở đây mọi chuyện được quyết định trong vài phút. Sau khi phóng tên lửa nếu như trong vòng 40 phút mà tổ hợp tên lửa phòng không và các khẩu đội chiến đấu của nó không rời khỏi trận địa thì trên thực tế nó không có cơ hội còn nguyên vẹn. Máy bay Mỹ ném bom rất chính xác.

Trung đoàn chúng tôi được sự yểm trợ của các khẩu đội pháo cao xạ và họ đã làm việc này một cách xuất sắc..."

Các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam sống trong những điều kiện không dễ dàng. Họ phải làm quen với khí hậu nhiệt đới rất khắc nghiệt đối với người châu Âu khi mà nhiệt độ không khí suốt ngày ở ngưỡng từ +35oC đến +40oC, Còn độ ẩm là từ 80% đến 100%. Họ sống trong những nhà lán làm bằng tre và lá cọ, hoặc trong những nhà bạt nằm ẩn trong rừng. Nhiều khi phải hành quân vào ban đêm băng qua những ngôi làng với những ngôi nhà bằng đất đã bị ngập nước mưa, dưới làn bom và các vụ bắn phá bằng tên lửa của địch. Vào những thời điểm tác chiến thì tình hình rất gian khổ. Trong các cabin điều khiển của bộ khí tài tên lửa phòng không nhiệt độ lên đến +70oC, vậy mà các khẩu đội lại phải có mặt liên tục nhiều giờ liền trong những hộp kim loại bị hun nóng ấy. Bộ quân phục của các quân nhân Liên Xô trong các cabin điều khiển ấy gồm mũ sắt trên đầu và chiếc quần đùi. Mồ hôi trên thân thể tuôn ra như suối. Ở phía dưới ghế ngồi của các trắc thủ vận hành thiết bị là những vũng mồ hôi không bao giờ khô.

Điều gây khó chịu và thậm chí còn làm hại sức khoẻ là một số lượng lớn các loại côn trùng khác nhau. Trong số đó có nhiều loài có nọc độc, còn một số loài côn trùng (chúng tôi gọi chúng là loài côn trùng "chứa chất phốt pho") khi rơi từ cây cối vào thân thể con người đã để lại những vết rộp trên da, chúng bắt đầu mưng mủ và trong thời gian dài không khỏi. Ở đâu đâu cũng thấy nhiều rắn độc gây ra những vết cắn chết người. Các bác sĩ quân y Liên Xô có vắc xin để tiêm cho người bị rắn cắn nhưng cách đó không phải lúc nào cũng có tác dụng.

Tại những điểm dân cư nông thôn, trong các ngôi làng dịch vụ y tế rất kém cỏi: Nước trong các giếng nước địa phương và trong các con sông thì rất bẩn và chứa nhiều loại vi trùng gây bệnh. Loại nước này hoàn toàn không thể sử dụng để uống và nấu ăn. Chỉ sau khi đun sôi rất lâu thứ nước ấy mới sử dụng vào việc nấu ăn được.

Việc ăn uống của các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc trong các đơn vị quân đội Việt Nam được thực hiện thông qua tổ phục vụ của đơn vị gồm một số chiến sĩ Việt Nam. Sĩ quan quân vụ mua thực phẩm tại các hợp tác xã và của dân chúng địa phương. Các chuyên gia quân sự Liên Xô trả tiền cho việc ăn uống và số tiền ấy là không nhỏ. Trên thực tế phần lớn số tiền (hơn 60%) được nhận bằng đồng tiền nước sở tại - đồng Việt. Nam - đều chi vào việc mua thực phẩm. Thức ăn chủ yếu được nấu theo kiểu Việt Nam và rất giản dị.

Nói về sinh hoạt đời thường thì các chuyên gia quân sự Liên Xô ở trong hoàn cảnh khó khăn. Xin dẫn ra đây những hồi ức của Trung úy binh chủng tên lửa V. A. Bôrixencô: "Liệu có thể nói về một sinh hoạt đời thường không? Tám tháng ở trên xe, tự mình phải tác chiến, sau đó chúng tôi còn phải kèm cặp các bạn Việt Nam, cũng trong tư thế trên xe. Thông thường chúng tôi thu xếp chỗ ngủ qua đêm ở rìa các ngôi làng, trong các nhà chứa nông cụ. Chúng tôi ngủ trên những chiếc giường gấp hoặc trên những chiếc chõng có trải đệm, phía bên trên treo chiếc mùng chống các loại côn trùng chích đốt, cứ như vậy đến sáng. Không hề có tủ lạnh, không hề có quạt máy, vòi tắm - những thứ ấy chỉ có trong mơ. Khi chúng tôi ở trên các trận địa thì mỗi tuần người ta tổ chức tắm nước nóng một lần - đun nước nóng bằng lò".

Các chuyên gia Liên Xô rất nhớ nhà, nhớ gia đình, người thân và bạn bè, nhớ quê hương thân yêu. Về chuyện này có một bài hát do các quân nhân Liên Xô sáng tác tại Việt Nam.

Dò dẫm trong đêm trên các đầm lầy Việt Nam,
Trong rừng rậm sương mù dày đặc.
Trong những trái tim Nga, vết thương đang thổn thức,
Việt Nam ơi! Nỗi đau của Người có trong tim tôi.
Người thân yêu ơi, đợi anh về em nhé.
Anh gõ cửa nhà em một sáng tháng Năm trời đẹp,
Em dang tay cười đón lấy anh nơi bậc cửa,
Tặng anh nụ hôn cháy bỏng với rượu nồng.
Ta mong sao gặp ngọn gió hiền hoà,
Để vơi bớt những nặng nề trong hơi thở,
Ở mảnh đất nơi ta đang bảo vệ
Trên hành tinh bị Thượng đế đọa đầy..

Điệp khúc:
Cầu mong số phận để chúng tôi còn nhìn lại
Những cánh rừng, ngọn đồi và bầu trời nước Nga.
Số phận ơi xin đừng nghiệt ngã,
Cho chúng tôi sống trở về nước Nga
.

Thời gian có mặt của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại không giống nhau, tùy thuộc ngành chuyên môn và nhu cầu cần thiết. Thời gian ấy dao động trong khoảng từ vài tháng đến một năm. Thời hạn có mặt tại Việt Nam đến hai năm chỉ áp dụng đối với ban lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam: đối với Trưởng đoàn chuyên gia, Phó trưởng đoàn phụ trách công tác chính trị và Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia.

Sau khi mãn hạn công tác ở Việt Nam các chuyên gia Liên Xô được đổi số tiền Việt Nam chưa tiêu hết thành các chứng phiếu của "Dịch vụ ngoại thương" có đường vạch mầu tím. Tại các cửa hàng "Bạch dương" có thể dùng các chứng phiếu ấy để mua một số mặt hàng. Những phiếu chứng nhận ấy có giá trị bằng đồng rúp trong nước, trong khi ấy ở những nước khác không có chiến tranh thì các chuyên gia Liên Xô nhận được các chứng phiếu có đường vạch màu vàng hoặc "không có vạch". Những phiếu chứng nhận ấy có trị giá cao gấp 5 lần và hơn thế so với đồng rúp ở Liên Xô. Ngoài ra, những mặt hàng khan hiếm và có chất lượng tốt nhất lại không thể mua được bằng chứng phiếu có vạch màu tím.

Dưới đây là những hồi ức của Đại tá A. Đ. Iarôxlápxép là người đã phục vụ hơn một năm tại Việt Nam, đã đào tạo huấn luyện hai trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam và đã trực tiếp tích cực tham gia trong các trận đánh - về việc sau ngày trở về Tổ quốc ông đã cố gắng sử dụng các chứng phiếu vạch màu tím được cấp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để mua những mặt hàng cần thiết.

“Từ Việt Nam tôi trở về Liên Xô vào tháng 1-1968. Lúc đó thời tiết lạnh cóng, mà tôi thậm chí không có áo măng tô, còn tất cả quần áo của tôi đã bị rách nát sau thời gian sống ở trong rừng rậm. Tôi phóng xe đến cửa hàng "Bạch dương" với hy vọng mua cho mình chiếc măng tô kha khá để khỏi mang dáng vẻ của một kẻ như vừa ra khỏi nhà tù. Trong cửa hàng "Bạch dương" có nhiều mặt hàng tuyệt hảo. Tôi rất thích chiếc áo măng tô bằng da, có lót bằng lông thú, hợp với khổ người tôi. Tôi đề nghị chị bán hàng cho mua chiếc măng tô ấy và cho đo thử. Chị ta hỏi:

- Bác có chứng phiếu loại nào ạ?

Lúc đó tôi chưa biết rằng có những chứng phiếu khác nhau. Tôi trả lời cô bán hàng:

- Sao lại có nhiều loại chứng phiếu? Tôi có loại chứng phiếu bình thường - rồi tôi rút ra những chứng phiếu có đường vạch tím .

Cô bán hàng nở nụ cười và nói:

- Chiếc măng tô này chỉ được mua bằng loại tiền tự do chuyển đổi hoặc bằng những chứng phiếu không có vạch.

Vậy là tôi không mua được chiếc măng tô mà tôi thích.

Nhưng trong khi đó các chuyên gia quân sự chúng tôi lại tự hào với nhiệm vụ quan trọng và khó khăn mà họ đã hoàn thành vẻ vang tại Việt Nam. Vì vậy mà tại đó đã ra đời những vần thơ sau đây:
Chúng tôi đã quen với những lần báo động và những trận bom,
Chúng tôi sẽ thấy buồn tẻ ở miền đất thân thương.
Chúng tôi không muốn đến Cuba và Aicập,
Chúng tôi chẳng thèm những đồng tiền có vạch mầu vàng
.

Ở nhà, gia đình của các chuyên gia quân sự Liên Xô nhận số lương của các sĩ quan và các hạ sĩ quan theo mức lương chức vụ sau cùng của họ tại Liên Xô.



Trong suốt nửa cuối của năm 1965 máy bay Mỹ đánh phá các mục tiêu khác nhau hầu như trên toàn lãnh thổ Bắc Việt Nam. Tại phần lớn các tỉnh của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, việc phòng thủ chống không quân địch nhằm bảo vệ các mục tiêu đóng trên phạm vi các tỉnh ấy đều được thực hiện bởi lực lượng pháo cao xạ, các máy bay tiêm kích thuộc lực lượng không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam và một số tiểu đoàn tên lửa phòng không độc lập hoạt động ở "những ổ phục kích".

Việc chiến đấu với kẻ địch, nhất là với một kẻ địch như các phi công Mỹ sử dụng các máy bay chiến đấu hiện đại, được trang bị vũ khí mạnh, mang nhiều tên lửa các loại, kiểu "không đối đất", "không đối không", cũng như mang những loại bom khác nhau, công việc chiến đấu ấy, ngoài trình độ chuyên nghiệp cao và khả năng giỏi điều khiển các phương tiện kỹ thuật chiến đấu, thì còn đòi hỏi cả những phẩm chất tinh thần tâm lý cao, ý chí kiên cường như sắt thép.

Dưới đây là những dòng mô tả tâm trạng bản thân trong quá trình diễn ra trận đánh, do Trung úy Binh chủng tên lửa phòng không V. A. Bôrixencô viết:

"Có lẽ tất cả anh em chúng tôi đều là những người được phúc tinh chiếu mệnh. Đã nhiều lần chúng tôi bị oanh tạc và bị ném bom, nhưng chỉ bị hoảng sợ và biến đổi sắc mặt, chứ không hề hấn gì. Thật là điều kinh khủng và khó chịu mỗi khi bom nổ làm cho tất cả ruột gan cứ trào lên tận cuống họng, còn tai thì ù tịt đi. Mọi thứ ở chung quanh đều bị bụi bao phủ, chẳng còn nhìn thấy gì, hoàn toàn mông lung. Thế là trong đầu vụt hiện lên những sự việc rời rạc trong cuộc đời và nhất là hình bóng người mẹ.

Tôi sẽ không bao giờ quên được trường hợp sau đây: có một lần còi báo động vang lên. Tôi bỏ bữa sáng, lao vào cabin điều khiển, ngồi vào vị trí chiến đấu của mình theo ca trực chiến. Dọc theo con đường có những hào giao thông. Trong những con hào ấy có các chiến sĩ Việt Nam ẩn nấp. Họ thuộc khẩu đội 2 (khẩu đội bệ phóng). Họ gọi tôi xuống hào giao thông để dùng súng tiểu liên bắn vào máy bay địch nhưng tôi không thuộc khẩu đội bệ phóng, vị trí của tôi là ở trong cabin điều khiển. Tôi vẫy tay cho họ báo cho họ biết tôi không xuống hào mà chạy tiếp vào cabin điều khiển.

Trong trận đánh này bọn Mỹ ném bom xuống trận địa của tiểu đoàn... Những cây cối chung quanh trận địa không còn một cọng lá. Thật là một cảnh tượng hãi hùng".

Ngày 12-4-1966 lần đầu tiên trên bầu trời Việt Nam Dân chủ cộng hòa đã xuất hiện những chiếc máy bay ném bom chiến lược hạng nặng 8 động cơ của Mỹ - những chiếc B-52 xuất phát từ căn cứ trên đảo Guam. Trước đó, bộ chi huy Mỹ chỉ sử dụng những máy bay ném bom kiểu ấy để ném bom xuống Nam Việt Nam.

Lúc đầu, các máy bay B-52 ném hàng trăm quả bom ở phía tây - nam lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, ở vùng biên giới với Lào. Ngoài loại bom phá thông thường, Mỹ còn sử dụng những quả bom nổ chậm cỡ lớn.

Ngày 29-4-1966 các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 1000 trên bầu trời tỉnh Bắc Thái.

Vào thời gian ấy tại sân bay quân sự Nội Bài có các chuyên gia không quân Liên Xô làm việc. Đó là nhóm chuyên gia về loại máy bay MIG-17 do Thiếu tá Manxép đứng đầu, và nhóm chuyên gia về loại máy bay MIG-21 do Thiếu tá Anchiukhin đứng đầu.

Họ huấn luyện các chiến sĩ không quân Việt Nam nắm vững kỹ thuật hàng không và kỹ thuật lái máy bay. Đội ngũ phi công và đội ngũ kỹ thuật viên của lực lượng không quân Việt Nam đã từng học tại các trường không quân ở Liên Xô trong khuôn khổ các chương trình đào tạo rút ngắn. Còn khâu thực hành khai thác các máy bay chiến đấu và tác chiến trên không thì họ tiến hành tại Việt Nam trong quá trình chiến đấu chống không quân Mỹ.

Các kỹ thuật viên quân sự, các kỹ sư và các phi công Liên Xô đã giúp các chiến sĩ không quân Việt Nam kinh qua khâu thực hành này.

Hàng ngày họ làm việc 12 giờ và nhiều hơn thế. Các phi công Liên Xô thể hiện tinh thần anh hùng khi họ cất cánh trên những chiếc máy bay kiểu "Xpáccơ”: không được trang bị vũ khí. Bất cứ lúc nào sân bay Nội Bài cũng có thể bị phong tỏa bởi các máy bay Mỹ và những chiếc "Xpáccơ" có tốc độ chậm có thể bị bắn hạ. Nhưng những chuyến cất cánh như vậy là cần thiết cho việc huấn luyện các phi công Việt Nam. Chỉ trong một đêm miền nhiệt đới ngắn ngủi các phi công Liên Xô đã tìm cách thực hiện xoay vòng được 20 chuyến bay huấn luyện hoặc nhiều hơn thế.

Đầu tháng 5-1966, trong một chuyến bay đêm quanh sân bay do các Đại úy phi công Vlađimia Mikhailôvích Cavarin và Vlađimia Nicôlaiêvích Vaghin thực hiện (trước khi đưa các phi công Việt Nam "lên không" trên chiếc máy bay kiểu "Xpáccơ") một máy bay Mỹ đã truy đuổi chiếc "Xpáccơ” của họ. Các phi công Liên Xô đã phải hạ cánh thẳng xuống sân bay, không có các thiết bị định hướng.

Nhóm chuyên gia kỹ thuật máy bay do Đại úy Mikhain Mikhailôvích Bêrêdơnhích đứng đầu gồm có các Trung úy Nicôlai Đimitơriêvích Xốtnhicốp, Paven Goócbunốp và Valentin Culêsốp. Họ huấn luyện đội ngũ kỹ thuật viên Việt Nam về bảo trì và sửa chữa các máy bay IL-28. Những chuyến bay đêm bằng máy bay IL-28 trên bầu trời Việt Nam do hai đội bay Liên Xô thực hiện, đó là các đội bay của Đại úy V. M. Cavêrin và Đại úy V. N. Vaghin. 

Ngay từ khi các tổ hợp tên lửa phòng .không Liên Xô bắt đầu hoạt động ở Việt Nam, phía Mỹ đã sử dụng rộng rãi các loại vũ khí rất nguy hiểm là tên lửa "Sraicơ" để triệt hạ các đài điều khiển tên lửa.

Tiểu đoàn tên lửa phòng không, do Trung tá Vaxili Grigôriêvích Sécnhexốp chỉ huy, là một trong số những đơn vị đầu tiên bị tên lửa "Sraicơ" oanh tạc.

Tháng 5-1966 các chiến sĩ Việt Nam của tiểu đoàn này đã tác chiến độc lập. Đa số các chuyên gia Liên Xô trong tiểu đoàn đã trở về nước hoặc được chuyển sang những trung đoàn tên lửa phòng không mới được thành lập của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong tiểu đoàn chỉ còn lại một tốp nhỏ chuyên gia quân sự Liên Xô, gồm bốn sĩ quan và một số chiến sĩ để giúp các quân nhân Việt Nam trong tác chiến và khắc phục những hỏng hóc. Trong thời gian chiến đấu, các chuyên gia quân sự Liên Xô trong tiểu đoàn đã có mặt cách trận địa hỏa lực 300 mét để sẵn sàng ngay khi cần thiết, khắc phục những hỏng hóc của các khí tài chiến đấu. Có một sĩ quan - Thượng úy Viachexláp Anđrêêvích Mancốp lúc ấy có mặt trong cabin điều khiển "U". Đúng lúc ấy máy bay địch bắn phá tiểu đoàn bằng tên lửa và cả ném bom nữa. Nhưng bom rơi không chính xác do tiểu đoàn này có được sự yểm trợ tốt của các chiến sĩ pháo cao xạ đã tạo một lưới lửa chặn đường các máy bay lao xuống tấn công. Các quả tên lửa từ máy bay phóng xuống đã nổ trên trận địa và ở gần trận địa, còn bom thì rơi ra ngoài trận địa. Bỗng nhiên trên không trung có tiếng rít, thế rồi ở trung tâm trận địa - nơi có cabin điều khiển "P" vang lên một tiếng nổ. 

Dưới đây là những lời mô tả của Trung úy V. A. Bôrixencô - người thuộc tiểu đoàn này về những gì đã xảy ra:

“Cảm thấy điều chẳng lành, chúng tôi đã chạy tới trung tâm trận địa và bắt đầu lôi ra khỏi cabin điều khiển những chiến sĩ Việt Nam bị thương. Tôi lập tức lao vào cabin "U", nơi có đồng chí Mancốp. Tôi nhìn thấy đồng chí ấy trong chiếc áo sơmi mầu sáng đẫm máu đang cùng với một chiến sĩ Việt Nam lôi một người nào đó ra khỏi cabin điều khiển.

- Anh Xlava, bị làm sao hả? Anh bị thương à?

- Vớ vẩn, tôi bị lấm bẩn thôi.

Nói không ngoa, lúc ấy đã có bao nhiêu người bị hy sinh và bị thương thì tôi không nhớ nhưng ở cabin điều khiển “A" thì tổn thất là 100%. Kỹ thuật viên người Việt ở hệ thống "K" bị mảnh tên lửa cắm vào bụng, đồng chí vận hành máy phát lệnh vô tuyến bị vào mắt, còn kỹ thuật viên ở hệ thống phát lệnh thì bị mất cánh tay trái vì mảnh tên lửa.

Hóa ra, tiểu đoàn chúng tôi bị tên lửa "Sraicơ" bắn trúng".

Sau này các chiến sĩ tên lửa Liên Xô và Việt Nam đã học được cách phát hiện thời điểm máy bay địch phóng tên lửa "Sraicơ" và hướng nó vào phía khác, chệch ra khỏi trận địa chiến đấu. Nhưng tất cả những việc đó không đơn giản và đòi hỏi phải có trình độ nghệ thuật chiến đấu cao của các trắc thủ vận hành ở tất cả các hệ thống của bộ khí tài tên lửa phòng không, cũng như đòi hỏi phải có sự nhịp nhàng ăn ý tuyệt vời của các khẩu đội, đặc biệt ở cabin điều khiển "U".

Để bảo vệ các cabin của đài điều khiển tên lửa thuộc bộ khí tài tên lửa phòng không khỏi bị thiệt hại do mảnh của tên lửa "Sraicơ", của bom bi và mảnh của các loại bom phá và sát thương thông thường khác, người ta che chắn khắp chung quanh cabin điều khiển ấy, trong khả năng có thể, bằng những tấm bện bằng rơm rất dầy để mảnh bom và mảnh tên lửa mắc lại ở trong đó.

Năm 1966 trong quá trình huấn luyện các trung đoàn tên lửa phòng không mới được thành lập, cũng như các đơn vị khác của Quân đội nhân dân Việt Nam, Trưởng đoàn có vấn quân sự Liên Xô tại Việt Nam, Thiếu tướng G. A. Bêlốp và Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia là Đại tá N. I. Vancôvích đã giữ liên lạc thường xuyên với Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Họ cũng đảm nhiệm việc lãnh đạo chung đối với tất cả các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Thiếu tướng A. M. Đdưda trực tiếp đảm nhiệm việc lãnh đạo các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc trong các đơn vị thuộc Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Ông cũng lãnh đạo nhóm chuyên gia tên lửa. Tháng 11-1966 ông đã được Thiếu tướng pháo binh V. X. Kixhanxki và Thiếu tướng không quân Tudốp thay thế. Đến cuối năm 1966 Thiếu tướng Tudốp đã được Anh hùng Liên Xô - Thiếu tướng không quân V. P. Xensencô thay thế.

Trong những năm 1965 - 1966 các chuyên gia quân sự Liên Xô gồm các tướng lĩnh, sĩ quan, hạ sĩ quan và những chiến sĩ bình thường khác đã có những đóng góp to lớn vào việc thành lập Binh chủng tên lửa phòng không của Việt Nam.

Từ tháng 12-1966 không quân Mỹ chuyển các cuộc bắn phá vào hướng đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng. Bọn Mỹ đã nhiều lần tìm cách ném bom đánh sập cây cầu Long Biên bắc qua sông Hồng nối Hà Nội với vùng ngoại ô Gia Lâm. Cây cầu nổi tiếng ấy có chiều dài hơn 1,5 km do người Pháp xây vào năm 1903. Ở giữa cầu là con đường sắt, còn ở hai bên có đường cho ôtô và xe súc vật kéo (chiều ngang của mỗi đường bên không lớn, chỉ có thể đi thành một hàng xe mà thôi). Chiều xe chạy là ở phía bên trái cầu. Cây cầu này có ý nghĩa rất to lớn đối với cuộc sống của Việt Nam. Bầu trời phía trên cây cầu là khu vực hỏa lực cao xạ rất dầy đặc và bọn Mỹ đã không thể băng qua được lưới hỏa lực này.

Ở phía hạ lưu sông Hồng đã xây dựng những cầu phao chắc chắn để qua sông trong trường hợp cầu Long Biên bị phá hủy. Các cầu phao ấy là những bè mảng được kết nối với nhau từ những thân tre thả xuống nước. Về ban đêm những cầu phao ấy hoạt động hết công suất, còn ban ngày chúng được tháo dỡ ra và được bố trí dọc hai bờ và được giấu trong các bụi cây bên bờ sông.

Không quân Mỹ cố gắng cắt đứt giao thông trên đường số 5, nên chúng đã liên tục ném bom các khu vực trên con đường này. Phi công Mỹ thậm chí còn săn đuổi những chiếc ôtô đi lẻ, bắn đạn rốc két và thả bom bi nhưng giao thông trên con đường này vẫn tiếp tục hoạt động.

Tháng 7-1966 Bộ chỉ huy Liên Xô đã quyết định thành lập tại khu vực thành phố Đusanbe, một trung đoàn tên lửa phòng không gồm các chiến sĩ tên lửa Liên Xô, được đặt dưới quyền chỉ huy của Đại tá Alếchxây Đmitơriêvích Iarôxlápxép với mục đích sẽ đưa trung đoàn này sang Việt Nam.

Trung đoàn này gồm 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không, một tiểu đoàn kỹ thuật, một đài chỉ huy và ban tham mưu của trung đoàn. Tất cả các đơn vị trực thuộc đều được biên chế với các chuyên gia được đào tạo rất tốt và có trình độ chuyên môn cao gồm các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ thường.

Giữa tháng 9-1966 các khẩu đội chiến đấu thuộc đài chỉ huy, thuộc ban tham mưu, thuộc các tiểu đoàn tên lửa phòng không số 1 và số 2 và thuộc tiểu đoàn kỹ thuật (tổng cộng gồm 200 người) đã đáp các chuyến bay đặc biệt trên ba máy bay, bay theo lộ trình Đusanbe - Iếccút - Bắc Kinh - Hà Nội. Đến ngày 17-9 thì họ đã tới Hà Nội.

Nhóm chuyên gia quân sự thứ hai của Liên Xô gồm các khẩu đội chiến đấu thuộc các tiểu đoàn tên lửa phòng không số 3 và số 4 từ Liên Xô đã tới Hà Nội trên hai chiếc máy bay vào ngày 1-2-1967. Còn các phương tiện chiến đấu của trung đoàn thì được gửi đi bằng đường xe lửa.

Các đơn vị trực thuộc trung đoàn này đã được triển khai trong các khu rừng rậm của huyện Trại Cau thuộc tỉnh Bắc Thái. Tại khu vực triển khai, trung đoàn được cải tổ thành Trung tâm huấn luyện số 8 của Binh chủng tên lửa phòng không. Tại trung tâm này đã thành lập các khối huấn luyện cho các tiểu đoàn tên lửa phòng không, tiểu đoàn kỹ thuật và đài chỉ huy. Toàn bộ đội ngũ sĩ quan của các đơn vị trực thuộc trung đoàn này đều trở thành đội ngũ giảng viên, còn số hạ sĩ quan và binh sĩ thường thì trở thành các huấn luyện viên trực tiếp huấn luyện thực hành.

Từ ngày 10-10-1966 mở đầu giai đoạn 1 của khóa huấn luyện chiến đấu với thời hạn 4 tháng. Trong giai đoạn này đã tiến hành khâu đào tạo - huấn luyện cá nhân cho các trắc thủ và tổ chức các khẩu đội chiến đấu (các phân đội). Giai đoạn này kết thúc vào ngày 8-2-1967. Trong quá trình huấn luyện ở giai đoạn 1 các vị đại diện của bộ chỉ huy Liên Xô và Việt Nam đã nhiều lần tới thăm Trung tâm huấn luyện này.

Ví dụ, ngày 8-10-1966 Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Phùng Thế Tài đã đến thăm Trung tâm huấn luyện.

Từ ngày 11 đến ngày 15-11-1966 là thời gian làm việc tại trung tâm này của nhóm sĩ quan Liên Xô, đứng đầu là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Thiếu tướng G. A. Bêlốp. Còn tháng 12 là thời gian làm việc tại trung tâm của Phó Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô phụ trách công tác chính trị, Đại tá M. E. Bôrixencô, trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc Binh chủng tên lửa phòng không, Thiếu tướng pháo binh V. X. Kixlianxki, sĩ quan thuộc Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, Đại tá V. Ph. Bêliacốp .

Năm 1966 máy bay Mỹ đã thực hiện 47.910 lần chiếc, đánh phá Bắc Việt Nam và đã thực hiện 6.810 vụ bắn phá vào 5.596 cơ sở. Ngoài ra, máy bay Mỹ đã thực hiện hơn 600 phi vụ trinh sát 

Trong một năm đó các đơn vị Binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 376 trận đánh, tiêu diệt 221 máy bay địch. 

Tổng cộng từ ngày 1-1 đến 31-12-1966 các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam và dân quân tự vệ đã tiêu diệt 773 máy bay Mỹ và bắt làm tù binh nhiều phi công trên những máy bay bị bắn rơi.

Năm Mới 1967 đã đến - đó là năm con dê theo lịch phương Đông.

Theo truyền thống, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh phát biểu chúc mừng nhân dân cả nước nhân dịp Năm Mới.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng nhận được các thiệp chúc mừng với những vần thơ ấy:

Xuân về xin có một bài ca,
Gửi chúc đồng bào cả nước ta
Chống Mỹ hai miền đều đánh giỏi,
Tin mừng thắng trận nở như hoa!

Xuân 1967
Hồ Chí Minh

Năm 1967 Mỹ tăng cường những hành động xâm lược chống lại Bắc Việt Nam. Không quân Mỹ ngày đêm tiếp tục bắn phá một cách có hệ thống trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Bộ chỉ huy Mỹ âm mưu qua hành động phá hủy cầu cống làm tê liệt giao thông đường sắt và giao thông đường bộ; bằng hành động ném bom phá hủy các nhà máy điện, đê điều và những công trình có tính chất chiến lược khác; phá hoại nền kinh tế của đất nước, gieo rắc sự hoảng loạn và nỗi khiếp sợ trong nhân dân Việt Nam.

Trong tháng 2, tháng 3, tháng 4-1967 các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt 168 máy bay Mỹ.

Ngày 9-5-1967 đã xảy ra cuộc bắn phá dữ dội. Ở vùng tây nam Hà Nội đã xuất hiện những tốp máy bay Mỹ đầu tiên, trong đội hình mỗi tốp có bốn chiếc. Những loạt đạn đã lên tiếng - đó là các đơn vị phòng không đã khai hoả. Đã nghe thấy những tiếng bom nổ, tiếng máy bay gầm rít, sau đó là những tiếng nổ inh tai của các tên lửa phòng không và các quả đạn pháo cao xạ. Chỉ trong nháy mắt đội hình chiến đấu của các máy bay Mỹ đã bị rối loạn bởi hỏa lực mạnh mẽ của tên lửa phòng không và pháo cao xạ do các đơn vị phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam bảo vệ Thủ đô bắn lên.
Những loạt đạn cứ mạnh lên. Giữa bầu trời thành phố người ta trông thấy những tên lửa phòng không nổ, và thế là hai chiếc máy bay Mỹ bị lửa bao trùm rơi xuống, kéo theo những vệt khói đen kịt. Các máy bay địch phóng loạn xạ các quả tên lửa "không đối đất" vào các khu dân cư của thành phố. Một quả tên lửa như vậy đã nổ bên cạnh Sứ quán Trung Quốc.

Mấy giờ sau tại diễn ra cuộc oanh kích mới. Lại diễn ra trận đánh chống kẻ địch trên trời. Các máy bay Mỹ tìm cách ném bom phá hủy khu vực có nhà máy điện Hà Nội.

Trong ngày hôm ấy đã có 7 máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, nhưng thành phố cũng chịu nhiều thiệt hại. Đã có các ngôi nhà bị phá hủy, đã có người chết.

Vào những ngày tiếp theo còi báo động réo liên tục. Máy bay địch ném bom các tỉnh lân cận.

Ngày 21-5 lại xảy ra một cuộc bắn phá nữa: máy bay Mỹ đã ném bom nhà máy điện Hà Nội. Trong trận đánh trả cuộc tấn công này một chiếc máy bay F-105 bị tên lửa phòng không bắn hạ đã rơi xuống đường phố, ngay cạnh ngôi nhà ở của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ cộng hòa Ilia Xécghêêvích Sécbacốp.

Các cuộc bắn phá tiếp diễn suốt ngày hôm ấy. Hết đợt này đến đợt khác, máy bay Mỹ đã ném bom Hà Nội và các vùng phụ cận. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không, pháo cao xạ và các máy bay tiêm kích của Việt Nam đã có những trận chiến đấu liên tục. Trong ngày hôm ấy đã có 9 máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Ngày 10-2-1967 Trung tâm huấn luyện số 8 đã được thành lập. Tất cả các sĩ quan, hạ sĩ quan và binh sĩ thuộc trung đoàn đến từ Đusanbe đã được phiên chế về các tiểu đoàn tên lửa phòng không 41, 42, 43, 44 và tiểu đoàn kỹ thuật thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 263.

Những sĩ quan chỉ huy các đơn vị Liên Xô gồm có: Tham mưu trưởng trung đoàn, Trung tá Catusép; Kỹ sư trưởng trung đoàn, Thiếu tá E. I. Lêpikhốp; Phó chỉ huy trung đoàn phụ trách công tác chính trị, Trung tá V. A. Crúpnốp; chỉ huy Tiểu đoàn tên lửa phòng không 41, Trung tá I. V. Bônđarencô; chỉ huy Tiểu đoàn 42, Thiếu tá V P. Nôvicốp; chỉ huy Tiểu đoàn 43, Thiếu tá R. G. Iacubốp; chỉ huy Tiểu đoàn 44, Thiếu tá V. I. Gniđin; chỉ huy Tiểu đoàn kỹ thuật, Thiếu tá I. X. Philin. Các sĩ quan quân y của trung đoàn gồm có: bác sĩ trưởng của trung đoàn, Đại úy quân y Sicát; bác sĩ của trung đoàn, Thượng úy quân y V. V. Xpiranđê. 

Sĩ quan Việt Nam chỉ huy trung đoàn này là Trung tá Bùi Đăng Tứ (Бyн Дah Tы). 

Từ ngày 11-2-1967 trên thực tế đã bắt đầu công tác tổ chức thành lập các khẩu đội chiến đấu Việt Nam thuộc các tiểu đoàn tên lửa phòng không, sở chỉ huy và toàn bộ trung đoàn, cũng như công tác chuẩn bị cho các khẩu đội Liên Xô sẵn sàng chiến đấu.

Đến cuối tháng 4-1967 tất cả các tiểu đoàn tên lửa phòng không trong đó có tiểu đoàn kỹ thuật, đã tiếp nhận xong các khí tài chiến đấu mới vừa được gửi tới từ Liên Xô theo đường sắt qua lãnh thổ Trung Quốc.

Từ ngày 21-4-1967 bắt đầu giai đoạn 3, giai đoạn kết thúc khóa huấn luyện. Trung đoàn nhận nhiệm vụ chiến đấu: triển khai đội hình chiến đấu tại khu vực phòng không Hà Nội để bảo vệ Thủ đô từ phía tây nam. Các tiểu đoàn tên lửa phòng không nhận nhiệm vụ chiến đấu và được triển khai trên các trận địa phóng tên lửa. Tiểu đoàn kỹ thuật đã triển khai quy trình kỹ thuật và bắt đầu chuẩn bị các quả tên lửa cho các tiểu đoàn tên lửa phòng không. Sở chỉ huy của trung đoàn đóng cạnh làng Lai Xá ở phía tây nam Hà Nội.

Các tiểu đoàn bắt đầu các phiên trực chiến và đã thực hiện các trận chiến đấu. Lúc đầu các trận chiến đấu được thực hiện bởi các khẩu đội chiến đấu Liên Xô, sau đó bởi các khẩu đội hỗn hợp Việt - Xô: từ ngày 21-4: ở Sở chỉ huy trung đoàn và ở Tiểu đoàn tên lửa phòng không 42, còn từ ngày 23-4: ở Tiểu đoàn tên lửa phòng không 44, còn từ đầu tháng 5-1967 thì ở các Tiểu đoàn 41 và 43.

Vào cuối giai đoạn 3 của khóa huấn luyện, các bộ khí tài tên lửa đã được hoàn toàn chuyển giao cho các khẩu đội Việt Nam. Các chuyên gia Liên Xô chỉ giúp đỡ họ khi cần thiết trong công tác chiến đấu và khắc phục những hỏng hóc phát sinh.

Ngày 25-4-1967 Tiểu đoàn 44 đã đánh trận đầu tiên, với 2 quả tên lửa đã bắn rơi một máy bay địch, và đến ngày 30-4, Tiểu đoàn 42 cũng với 2 quả tên lửa, đã bắn rơi một máy bay Mỹ nữa.

Trong thời gian huấn luyện và tác chiến, đa số các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc trong các khẩu đội thuộc các tiểu đoàn tên lửa phòng không đã thể hiện sự hiểu biết tuyệt vời về khí tài, sự tháo vát, tinh thần kiên cường, khả năng tìm lối thoát trong những tình huống khó khăn, lòng dũng cảm, chủ nghĩa anh hùng. Dưới đây xin dẫn ra một số ví dụ về điều này:

Ngày 5-5-1967 máy bay Mỹ thực hiện trận bắn phá dữ dội vào các mục tiêu ở ngoại thành Hà Nội, có sự yểm trợ của những phương tiện gây nhiễu mạnh bằng sóng âm và bằng các xung điện phản hồi. Sở chỉ huy trung đoàn trao nhiệm vụ cho Tiểu đoàn tên lửa phòng không 44 phải tiêu diệt các mục tiêu trên không đang tới gần. Sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn này, Thiếu tá V. I. Gniđin, đã ra lệnh cho sĩ quan điều khiển tên lửa là Thượng úy L. P. Makhơlai tìm mục tiêu đã bị phát hiện.

Vào thời điểm ấy trên màn hình các máy tín hiệu xuất hiện một số điểm sáng cạnh các mục tiêu và có những đợt nhiễu âm thanh. Thượng úy Makhơlai đã phân biệt được trong tình huống phức tạp và thay đổi rất nhanh ấy trên màn hình các máy tín hiệu, chộp lấy mục tiêu để bám sát nó - đó là chiếc máy bay gây nhiễu bằng các xung điện phản hồi. Anh đã báo cáo điều này với sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn. Viên sĩ quan điều khiển tên lửa người Việt ngồi bên cạnh đã báo cáo cho sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn của mình rằng không phải mục tiêu bị chộp, mà đó là vật nhiễu.

Thượng úy Makhơlai một lần nữa kiểm tra tín hiệu phản hồi và báo cáo rằng điểm sáng đã bị chộp theo dõi là sóng phản hồi từ mục tiêu thực sự và có thể bắn vào mục tiêu này. Mặc dù điểm sáng bên ngoài mục tiêu hiện lên rất yếu trên nền những sóng nhiễu mạnh trên màn hình của các máy tín hiệu, nhưng các trắc thủ bám sát mực tiêu bằng tay là các binh nhất V. Đ. Riátnhanưi và M. P. Bôlétxki và binh nhì V. Ia. Cudơnhexốp đã thao tác rành mạch và tự tin để bám sát mục tiêu theo chế độ theo dõi bằng tay.

Chỉ có nghệ thuật cao, sự kiên định, những động tác đầy tự tin và rành mạch của người sĩ quan Liên Xô phụ trách thao tác dẫn đường tên lửa và của toàn thể khẩu đội chiến đấu thuộc đài chỉ huy của tiểu đoàn mới cho phép khai hỏa và tiêu diệt chiếc máy bay của địch, nghĩa là giành chiến thắng trong trận này.

Binh nhất V. M. Lixixki trong trận này đã thao tác khéo léo trong khi vận hành hệ thống điều khiển bệ phóng. Vào thời điểm căng thẳng nhất, khi sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn tập trung sự chú ý vào phân tích tình hình trên không, thì các quả tên lửa đã được chuẩn bị đã kết thúc loạt phóng. Binh nhất Lixixki đã chủ động tự mình đưa loạt tên lửa thứ hai vào tư thế chuẩn bị sẵn sàng. Nhờ vậy tiểu đoàn đã có thể khai hỏa đúng vào thời điểm cần phóng tên lửa.

Khẩu đội trực đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu cũng đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu trong tình huống phức tạp. Đài trưởng là Thượng úy M. I. Bôxắc hường xuyên thông báo cho chỉ huy tiểu đoàn về tình hình trên không, cung cấp các toạ độ chính xác và những nhận định chính xác về mục tiêu.

Trong trận đánh này, chỉ huy bệ phóng là binh nhì V Ph. Máctưnốp đã thể hiện tinh thần quyết tâm và sự tháo vát. Sau khi phóng tên lửa đi rồi thì lập tức cần nạp quả tên lửa mới lên bệ phóng. Lúc này các chiến sĩ Việt Nam trong khẩu đội của Máctưnốp đã hành động thiếu tự tin do lo ngại địch tấn công vào trận địa tên lửa. Binh nhì V. Ph. Máctưnốp bằng tấm gương của bản thân và bằng lời động viên đã lôi cuốn theo mình các chiến sĩ Việt Nam, nhờ vậy kịp thời nạp tên lửa vào bệ phóng. Do đó Tiểu đoàn đã có thể tiếp tục chiến đấu.

Ở Tiểu đoàn tên lửa phòng không 44, trong trận đánh ngày 1-5-1967 trắc thủ vận hành máy bám sát mục tiêu bằng tay và phụ trách xác định góc phương vị, binh nhất V. V. Cudơmisép là người đầu tiên phát hiện ra tên lửa "Sraicơ" tách khỏi mục tiêu. Điều này đã cho phép sĩ quan điều khiển tên lửa có thể kịp thời điều khiển và hướng tên lửa "Sraicơ" đi chệch khỏi trận địa của tiểu đoàn. Khi các máy bay bổ nhào lần thứ hai để ném bom thì tiểu đoàn này đã phóng tên lửa vào chúng và bắn rơi 2 máy bay. Nhân sự kiện này mà khẩu hiệu chiến đấu nhan đề: "Tiểu đoàn chúng ta không sợ tên lửa "Sraicơ" mà chính Cudơmích của chúng ta lại là nỗi hiểm nguy cho tên lửa “Sraicơ" đã ra đời.

Ngày 19-5 Tiểu đoàn tên lửa phòng không 43 đã xung trận và đã bắn rơi 1 máy bay A-6, đến ngày 21-5 Tiểu đoàn 41 cũng bắn rơi một máy bay A-6. Đó là sự mở đầu những trận chiến đấu của Trung đoàn tên lửa phòng không 263 mới được thành lập.

Trong trận đánh ngày 21-5-1967 khẩu đội ở đài chỉ huy của Tiểu đoàn tên lửa phòng không 43 đã thể hiện nghệ thuật chuyên môn cao và tinh thần kiên định. Sĩ quan điều khiển tên lửa, Thượng úy I. A. Écsốp, các trắc thủ vận hành máy bám sát mục tiêu bằng tay là hạ sĩ V. D. Xubôtin và binh nhất A. N. Khơmađêép, trong tình huống phức tạp khi các máy bay địch sử dụng thủ đoạn gây nhiễu bằng xung điện phản hồi - vẫn tiếp tục theo dõi mục tiêu một cách tự tin.

Vào thời điểm tên lửa được phóng đi, máy bay địch còn sử dụng các hình thức gây nhiễu thụ động, tạo ra một đám mây nhiễu ở phía trước mục tiêu. Nhưng ngay cả trong tình huống gây nhiễu phức tạp ấy các chiến sĩ Liên Xô vẫn phân biệt được một cách tự tin mục tiêu thực trên nền những chấm mục tiêu giả, khai hỏa bắn rơi máy bay địch. 

Sau khi các quân nhân Việt Nam nắm khá vững những công việc tác chiến tại các vị trí của mình và đã có thể tác chiến độc lập (sau khoảng một tháng rưỡi tác chiến) các khẩu đội Liên Xô được cắt giảm. Vào cuối giai đoạn 3 của khóa huấn luyện, số lượng các khẩu đội Liên Xô tại các tiểu đoàn tên lửa phòng không đã được cắt giảm xuống còn 10-12 người trong mỗi tiểu đoàn. Đấy là những chuyên gia thuộc những chuyên ngành phức tạp nhất và quan trọng nhất.
Việc huấn luyện và đưa các trung đoàn tên lửa phòng không khác của Quân đội nhân dân Việt Nam vào chiến đấu cũng diễn ra đại thể như vậy.

Sau đây là thành tích chiến đấu của Trung đoàn tên lửa phòng không 263 kể từ ngày nó bắt đầu triển khai các trận địa phóng tên lửa - từ ngày 2-4 đến ngày 30-6-1967. Trong thời gian này trung đoàn đã thực hiện: 18 trận do các khẩu đội chuyên gia, 14 trận do các khẩu đội Việt - Xô tiến hành với 28 máy bay bị bắn rơi và 1 chiếc bị thương. Tổng cộng trung đoàn này đã đánh 32 trận, với 28 máy bay Mỹ bị bắn rơi và 1 máy bay Mỹ bị thương.

Đã có nhiều quân nhân thuộc Trung tâm huấn luyện số 8 được tặng thưởng các phần thưởng cao quý của Chính phủ vì tinh thần dũng cảm và chủ nghĩa anh hùng thể hiện qua các trận chiến đấu chống bọn xâm lược Mỹ.

Đại tá A. Đ. Iarôxlápxép đã được tặng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Sao đỏ được trao tặng cho: Trung tá I. V. Bônđarencô, Thiếu tá V. P. Nôvicốp, Thiếu tá V. I. Gniđin, Thiếu tá R. G. Iacubốp, Trung tá Catusép, Thiếu tá E. I. Lêpikhốp, Trung tá V. A. Crúpnốp, Thượng úy L. P. Makhơlai, Thượng úy I. A. Écsốp, Thượng úy V. A. Malôletốp, Đại úy Sicát.

Ngoài số những đồng chí nêu trên, đã có 15 người được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ, 12 người được tặng Huy chương Dũng cảm, 4 người được tặng Huy chương Chiến công.

Khi tiến hành các cuộc bắn phá Hà Nội, các thành phố khác và các điểm dân cư của Việt Nam, bọn Mỹ đã sử dụng rộng rãi những quả bom bi. Bộ phận kíp nổ trong loại bom này được cấu tạo theo cách khiến nó được kích hoạt khi văng ra khỏi bom mẹ hoặc khi chạm vào mặt đất và chỉ được phát nổ chậm sau vài phút đến 2 ngày. Khi nổ các viên bi văng ra tung toé, gây ra những vết thương rất trầm trọng cho mọi người. Bọn Mỹ đã sử dụng loại bom này chính là để gây sát thương cho người, thường là nhằm chống lại dân thường. Phía Mỹ còn sừ dụng loại bom bi hình trụ, có cánh lái ở đuôi. Những quả bom bi này được sơn màu vàng và có hình dáng giống quả dứa, vì thế mà chúng tôi gọi chúng là bom dứa.

Ngày 5-6-1967 tại tỉnh Thanh Hoá, ở khu vực cầu Hàm Rồng, một máy bay Mỹ thuộc phi đội trinh sát, chiếc 8E-992 đã bị bắn rơi. Đó là chiếc máy bay Mỹ thứ 2000 bị bắn rơi trên bầu trời Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tên phi công lái máy bay này là Thiếu tá Côlin H. Haina thuộc biên chế tàu sân bay "Bônông Risớt", đã bị bắt làm tù binh.

Nhân sự kiện này Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đã gửi thư cho các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Dưới đây là nội dung bức thư ấy:

Hà Nội ngày 24-6-1967
Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam
Gửi các chuyên gia quân sự Liên Xô đang công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà.

Nhân dịp Quân đội nhân dân miền Bắc Việt Nam tiêu diệt chiếc máy bay Mỹ thử 2000 và nhân thắng lợi to lớn của nhân dân và Quân giải phóng miền Nam Việt Nam trong Chiến dịch đông - xuân 1966 - 1967, chúng tôi vui mừng báo tin thắng lợi này đến các đồng chí.

Thưa các đồng chí

Trong hơn 2 năm gây ra cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam, bọn xâm lược Mỹ đã chịu thất bại nhục nhã. Đã có hơn 2000 máy bay bị tiêu diệt và hàng nghìn tên phi công kẻ cướp Mỹ đã bị bắt làm tù binh, đã có 75 tàu chiến và tàu phá hoại của Mỹ và của ngụy quyền tay sai của chúng bị đánh chìm và bị hư hại. Như vậy quân và dân miền Bắc Việt Nam đã giành được thắng lợi to lớn và toàn diện.

Thưa các đồng chí

Đảng Cộng sản, Chính phủ và nhân dân Liên Xô đã cử các đồng chí sang đây để giúp đỡ và kề vai sát cánh với chúng tôi chiến đấu chống xâm lược Mỹ. Các chiến sĩ Xôviêt đã thể hiện những phẩm chất và những truyền thống tốt đẹp của nhân dân Liên Xô, của Quân đội Liên Xô tinh thần quốc tế cộng sản cao quý, tinh thần quên mình và lòng dũng cảm. Bằng mồ hôi và máu của mình các đồng chí đã có những đóng góp đáng kể vào thắng lợi chung của nhân dân Việt Nam, đã củng cố hơn nữa tình hữu nghị và tình đoàn kết chiến đấu giữa nhân dân và quân đội hai nước Việt Nam và Liên Xô. Trong công tác và chiến đấu các đồng chí đã đạt được nhiều thành tích sáng chói.

Nhân dịp này, Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam nhiệt liệt chúc mừng các đồng chí về những thành tích đã đạt được, và bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc của nhân dân và quân đội Việt Nam đối với Đảng Cộng sản Liên Xô, Chính phủ Liên Xô, nhân dân Liên Xô, Quân đội Liên Xô và tất cả các đồng chí. Thông qua các đồng chí, chúng tôi xin chuyển lời chào của Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam đến các đồng chí chuyên gia đã từng công tác trước đây tại Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, đến các đồng chí chuyên gia đã bị thương và những đồng chí bị đau yếu, cũng như đến các gia đình của các đồng chí đã hy sinh tại Việt Nam.
Bộ Tổng tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam


Tháng 6-1967 một nhóm chuyên gia không quân Liên Xô đã tới Việt Nam. Họ tiến hành lắp ráp và hiệu chỉnh những chiếc máy bay được chở từ Liên Xô đến để viện trợ không hoàn lại cho lực lượng không quân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Vào thời kỳ ấy những chiếc máy bay này là những máy bay chiến đấu hiện đại nhất - đó là những chiếc MIG-21 và những máy bay khác.

Khi nhận xét về những chiếc máy bay tiêm kích MIG-21 của Liên Xô, các phi công Việt Nam đã nói rằng "đây là những chiếc máy bay tuyệt vời, dễ dàng điều khiển và cơ động. Trong chiến đấu những máy bay này còn vượt trội hơn cả những loại máy bay hiện đại nhất của Mỹ đang hoạt động tại Việt Nam".

Ngày 24-7-1967 là vừa tròn hai năm kể từ ngày binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam - được thành lập với sự giúp đỡ của Liên Xô - đánh trận đầu tiên với không quân Mỹ và đã thể hiện những phẩm chất chiến đấu cao.

Nhân ngày kỷ niệm quan trọng này báo "Nhân Dân", cơ quan Trung ương của Đảng Lao động Việt Nam - trong số 4853, ấn hành ngày 24-7-1967 đã đăng xã luận "Bộ đội tên lửa anh hùng".

Bài xã luận đã nêu lên những hoạt động chiến đấu anh hùng của Binh chủng tên lửa phòng không, những thành tích và ý nghĩa to lớn của binh chủng tên lửa phòng không đối với việc giành thắng lợi hoàn toàn trước bọn xâm lược Mỹ; đã nêu danh Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên anh hùng, các Tiểu đoàn tên lửa phòng không 61 và 63 là những tiểu đoàn đã bắn rơi hàng chục máy bay Mỹ, họ tên của những vị chỉ huy anh hùng dũng cảm của các tiểu đoàn ấy, đó là: sĩ quan chỉ huy trung đoàn, Trung tá Nguyễn Tuyên (Hryeн Tyeн), các sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, các Thiếu tá Hồ Sĩ Hữu (Xo Ши Xыy) Và Nguyễn Văn Hinh (Hryeн Baн Xинь). Các Sĩ quan dẫn đường tên lửa, các Thượng úy Phạm Trường Uy (Фaм Чыонг Yи) Và Lã Đình Chi (Лa Динь Tьи). Và những chiến sĩ tên lửa xuất sắc khác.

Bộ chỉ huy của Việt Nam cũng nêu lên những cố gắng to lớn của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong việc xây dựng Binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam và đưa binh chủng này vào chiến đấu. Trực tiếp trong điều kiện chiến đấu, trong các cuộc đánh trả những cuộc bắn phá của không quân Mỹ, các chuyên gia Liên Xô đã huấn luyện cho các quân nhân Việt Nam nghệ thuật bắn tên lửa, kỹ năng chỉ huy phối hợp tác chiến của tiểu đoàn, của trung đoàn, của một nhóm trung đoàn.

Nhằm giải quyết các nhiệm vụ nâng cao chất lượng của binh chủng phòng không, cải tiến tổ chức hoạt động tác chiến, cũng như để kiểm tra hoạt động của các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc trong các đơn vị quân đội Việt Nam, và để giúp cải thiện điều kiện sinh hoạt của các chuyên gia, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, Tham mưu trưởng, các sĩ quan trong Ban tham mưu của Đoàn chuyên gia thường lui tới các đơn vị quân đội. Tại đó, qua việc tiếp xúc trực tiếp với các chuyên gia quân sự Liên Xô nhiều vấn đề đã được giải quyết. Sau đây xin dẫn ra một chuyến công tác như vậy xuống các đơn vị.

Chiều ngày 2-8-1967, tôi và sĩ quan cấp cao của Ban tham mưu Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Trung tá Ôlếch Đmitơriêvích Xmirnốp đã đi trên chiếc GAZ-69, do đồng chí Minh, chiến sĩ lái xe người Việt lái để tới một trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam có các trận địa chiến đấu tại khu vực phòng không Hà Nội. Trung đoàn này đóng cách Hà Nội 50 km. Chúng tôi qua cầu Long Biên để vượt sông Hồng, ngoặt sang đường đi Hải Phòng, đi qua khu vực Gia Lâm, sau đó đi qua sân bay Hà Nội, đi tiếp 15 km thì rẽ xuống con đường liên xã dẫn tới nơi đóng quân của trung đoàn.

Một trận mưa không lớn đã đổ xuống làm đường trở nên nhão nhoét. Khi xe chúng tôi ra khỏi thành phố thì trời đã tối. Vào lúc 20 giờ chúng tôi tới nơi. Đơn vị tên lửa này đóng quân trên một địa hình bị chia cắt ở trong rừng. Dưới tán lá cây đan dầy là những ngôi nhà lán bé nhỏ làm bằng tre nứa và lợp lá cọ. Bên cạnh đó có một con suối nhỏ nhưng không thể tắm được, vì trong con suối ấy có nhiều rắn độc. Chung quanh là những bụi cây cao, vơi những dây leo chằng chịt.

Chúng tôi triệu tập cuộc họp các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc ở trung đoàn này: trưởng nhóm, Trung tá Iuri Mikhailôvích Bôsnhắc và cùng với ông là 10 sĩ quan Liên Xô. Chúng tôi đã thảo luận với họ về tất cả mọi vấn đề của công việc tác chiến, tình trạng khí tài chiến đấu, quan hệ với ban chỉ huy người Việt Nam, cùng những mặt khác của đời sống sinh hoạt. Chúng tôi uống trà Việt Nam và nằm ngủ trong một ngôi chùa mà người ta đưa chúng tôi đến nghỉ đêm.

Không thể nào ngủ được: nhiệt độ không khí là +38oC, độ ẩm là 95%, vô cùng ngột ngạt, có hàng tỷ con muỗi. Vào lúc 5 giờ sáng chúng tôi thức dậy, ăn sáng và đến sở chỉ huy trung đoàn, vì vào 6 giờ sáng có thể sẽ có cuộc oanh tạc của không quân Mỹ.

Sở chỉ huy trung đoàn đặt ở trong làng, giữa những rặng cây rậm rạp: những cây tre cao vút, những bụi chuối và nhiều loại cây khác trong đó có các loại cây ăn quả mà tôi không rõ thuộc loại nào.

Bản thân Sở chỉ huy là một hầm lòng chảo sâu khoảng 1,5 mét trong nền cát. Không thể đào sâu thêm nữa vì gặp phải nước. Phía trên có một mái đỡ nhỏ. Trang thiết bị của Sở chỉ huy đều là những thứ theo tiêu chuẩn thông thường: có 2 bản đồ - bản đồ về tình hình chung và bản đồ chiến đấu, một chiếc bàn của chỉ huy và của tham mưu trưởng trung đoàn với thiết bị chỉ huy tập trung, bàn của các nhân viên, thiết bị liên lạc cần thiết, các bảng và biểu đồ cần thiết.

Chúng tôi đã làm quen với ban chỉ huy của trung đoàn này. Sĩ quan chỉ huy trung đoàn là Thiếu tá Sơn (Шон), chính ủy là Thiếu tá Đậu (Дау), tham mưu trưởng là Đại úy Tẩu (Tay).

Người ta chỉ vừa kịp báo cáo với tôi về tình hình thì cuộc oanh kích đã bắt đầu. Một tốp tám chiếc F-105 đang tiến về khu vực chiến đấu của trung đoàn. Có hai chiếc lọt vào khu vực chiến đấu của tiểu đoàn thứ hai. Tiểu đoàn này đã phóng hai quả tên lửa và bắn rơi một chiếc. Tên phi công đã kịp nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Có một số máy bay nữa bay ở rìa khu vực tác chiến. Khi có hai chiếc lọt vào khu vực tác chiến của tiểu đoàn thứ ba thì không thể khai hỏa được, bởi vì ở đó đang có các máy bay MIG-21 của ta hoạt động. Sau đó nghỉ xả hơi vì không có mục tiêu. Chúng tôi bước ra ngoài trời, nóng khủng khiếp: +41oC, chúng tôi ra mồ hôi như tắm.

Vào lúc 11 giờ bắt đầu cuộc oanh tạc thứ hai. Đã có đến 18 chiếc F-105 và F-4C bay ở ngoài mà không bay vào khu vực tác chiến của tiểu đoàn chúng tôi. Ở phía trước mặt chúng tôi có nghe thấy pháo cao xạ khai hoả, sau đó là những tiếng bom nổ. Nhưng sau đấy các máy bay Mỹ không xuất hiện trong khu vực tác chiến của chúng tôi nữa, do vậy chúng tôi đi ăn trưa. Sau bữa trưa tôi đã cùng làm việc với ban chỉ huy người Việt của trung đoàn và với các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại Sở chỉ huy. Đến chiều chúng tôi lên đường trở về Hà Nội.

Ngày 9-8-1967 Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Thiếu tướng G. A. Bêlốp, Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia là Đại tá B. A. Vôrônốp, Trưởng nhóm chuyên gia tên lửa phòng không, Thiếu tướng pháo binh V. X. Kixlianxki và Trưởng nhóm chuyên gia không quân, Thiếu tướng không quân V. P. Xensencô đã gặp Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cuộc họp này thảo luận vấn đề tăng cường công tác phòng không đối với Thành phố Hà Nội, vì theo tin tình báo của Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam, bọn Mỹ đang chuẩn bị thực hiện vào những ngày sắp tới một cuộc oanh tạc dữ dội bằng không quân vào thành phố Hà Nội.

Ngoài việc xem xét nhiều vấn đề khác nhau về tác chiến, trong cuộc họp này chúng tôi còn kiến nghị cần phải đưa tất cả tiểu đoàn tên lửa phòng không đang "phục kích" tại những khu vực khác nhau trong nước trở về khu vực phòng không bảo vệ Hà Nội và Hải Phòng Tại đó các tiểu đoàn tên lửa này phải sẵn sàng trong đội hình chiến đấu.

Các đồng chí Việt Nam đồng ý với những đề nghị của chúng tôi, nhưng đồng thời cũng lưu ý rằng không cần vội vã vì còn đủ thời gian và không quân Mỹ sẽ bắt đầu oanh kích sớm nhất sau 4-5 ngày nữa. Thế nhưng không quân Mỹ đã đánh phá thành phố Hà Nội chỉ sau đó 2 ngày.

Sự việc xảy ra ngày 11-8-1967. Vào lúc 14 giờ, tôi cùng với sĩ quan tham mưu của Đoàn chuyên gia là Thiếu tá Víchto Vlađimirôvích Sépsúc đến Cục Liên lạc đối ngoại Bộ Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. Tại đây một viên sĩ quan của Cục là Đại úy Phan (Фан) cùng viên trợ lý đã chờ chúng tôi. Chùng tôi chào nhau, uống chén trà truyền thống của Việt Nam và bắt tay vào việc. Chúng tôi xử lý một khối lượng lớn các tài liệu mật tại một trong những căn phòng ở trên tầng hai thuộc cánh trái của tòa nhà hai tầng bằng gạch. Có một cô binh nhất người Việt giúp chúng tôi trong công việc này.

Vào lúc 16 giờ 15 phút một số toán máy bay tiêm kích ném bom F-105 và một nhóm yểm trợ gồm những chiếc máy bay tiêm kích F-4C của Mỹ từ nhiều hướng khác nhau đã bắt đầu đánh phá thành phố Hà Nội. Toán thứ nhất có tổng cộng gần 70 máy bay.

Khi còi báo động vang lên thì những chiến sĩ bảo vệ Thủ đô của Việt Nam đã ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Các đơn vị phòng không đã dũng cảm đón nhận cuộc bắn phá ồ ạt này. Trên bầu trời có những vệt lửa phun ra từ những tên lửa phòng không vừa được phóng đi. Trước mắt chúng tôi một quả tên lửa đã hạ gục một chiếc máy bay Mỹ. Lưới lửa cao xạ đã chặn đường bọn xâm lược. Đội hình các máy bay Mỹ bị tản ra.

Chung quanh chúng tôi toàn là những tiếng nổ inh tai nhức óc. Tiếng gầm rú của máy bay, những tiếng nổ của tên lửa phòng không và đạn pháo cao xạ, tiếng bom nổ - tất cả những tiếng nổ ấy đã làm tai chúng tôi ù đặc.

Sau đó 15 phút lại bắt đầu đợt bắn phá thứ hai. Thành phần toán máy bay này có khoảng 60 chiếc, cùng loại máy bay như đợt trước đó.

Không quân Mỹ đánh phá chủ yếu vào cầu Long Biên bắc qua sông Hồng và khu vực Gia Lâm nằm ở phía tả ngạn con sông này.

Máy bay địch sử dụng bom phá và bom bi, phóng các loại rốc két, tên lửa "Sraicơ" và tên lửa "Bunpáp". Có hai nhịp lớn ở giữa cầu bị phá hủy và đổ ụp xuống sông cùng với những chiếc ôtô và người qua lại lúc ấy trên cầu. Ngoài ra có một nhịp cầu bị hư hại nghiêm trọng. Toàn bộ phía bờ trái chìm trong lửa. Các kho nhiên liệu vả nhiều công trình khác bốc cháy. Lần này thì nhà máy điện của thành phố không bị hề hấn. Nhà ở và những công trình dân sinh ở các khu phố trung tâm cũng như ở ngoại thành Hà Nội đã bị phá hủy. Rất nhiều dân thường, kể cả trẻ em đã bị chết và bị thương.



Trong trận này các lực lượng phòng không đã bắn rơi 7 máy bay Mỹ.

Trong công cuộc đánh trả không quân Mỹ thì bất ký thành phố nào, bất kỳ một tỉnh nào trong nước cũng có thể được nêu gương về lòng dũng cảm. Nhưng thành phố Hà Nội là biểu tượng về tinh thần kiên cường trong cuộc chiến đấu thần thánh của nhân dân Việt Nam. Mỗi khi máy bay Mỹ tiến hành cuộc bắn phá dữ dội thường lệ vào Thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì từ các loa phát thanh đặt ngoài phố lại vang lên:

“Đồng bào chú ý! đồng bào chú ý! Máy bay địch cách Hà Nội 60 km! Cách Hà Nội 50 km,... cách 40 km,... cách 30 km... Báo động khẩn cấp!".

Đến lúc ấy Hà Nội trở thành pháo đài. Một bức tường lửa vững chắc được dựng lên chặn đường của bọn cướp trên không.

Sang ngày hôm sau, tức là ngày 12-8-1967, vào lúc 7 giờ 15 phút lại bắt đầu trận đánh phá thường lệ của không quân địch vào thành phố Hà Nội. Có gần 100 máy bay tham gia cuộc bắn phá này. Các mục tiêu bắn phá chủ yếu là cầu Long Biên, phía tả ngạn thành phố Hà Nội và vùng ngoại ô cách Hà Nội 10-15 km về phía tây - bắc, khu vực Gia Lâm và Cầu Đuống.

Còi báo động liên tục rú. Trong suốt cả ngày hôm ấy những cuộc oanh tạc của những tốp nhỏ máy bay địch vẫn tiếp diễn. Các chiến sĩ tên lửa và pháo cao xạ của khu vực phòng không Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ. 

Ngày 21-8-1967 không quân Mỹ lại ném bom ác liệt Thành phố Hà Nội và vùng phụ cận.

Vào lúc 11 giờ 15 phút bắt đầu cuộc bắn phá. Cuộc bắn phá này được thực hiện làm 3 đợt, cách nhau 5 phút. Trong mỗi đợt bắn phá đều có toán máy bay xung kích gồm 24 chiếc tiêm kích ném bom F-105 và hơn 40 chiếc tiêm kích hộ tống F-4C. Tổng cộng đã có hơn 200 lần chiếc hoạt động.

Những nơi bị ném bom là trung tâm thành phố, các khu vực đông dân cư ở các vùng phụ cận phía bắc và phía nam, cầu Long Biên và cầu Đuống, nhà máy điện và nhiều cơ sở khác. Còi báo động, những loạt đạn pháo cao xạ, những loạt đạn súng bắn ra từ các cụm súng máy phòng không, những tiếng tên lửa nổ, bom nổ, tiếng gầm rít của các động cơ máy bay phản lực - tất cả những cái đó hòa thành một chuỗi tiếng gầm không ngớt. Bọn Mỹ sử dụng các quả bom có thiết bị định vị tự động do Anh sản xuất để đánh phá nhà máy điện Hà Nội.

Tại khu vực Gia Lâm và nhà máy điện Hà Nội người ta thấy một bức tường khói và bụi dầy đặc, những cột lửa và khói che lấp cả bấu trời. Báo yên, rồi lại báo động. Báo yên trở lại, rồi lại báo động. Một quả tên lửa “Sraicơ" rơi vào bệnh viện, bên cạnh một nhà thờ Công giáo, ở gần hồ Hoàn Kiếm. Tòa nhà bị phá hủy. Nhiều bệnh nhân và nhân viên y tế ở đó đã bị sát hại. Có nhiều thương vong trong dân thường.

Lực lượng phòng không - không quân đã bắn rơi 8 máy bay Mỹ: 3 chiếc do các máy bay tiêm kích Việt Nam bắn hạ, còn 5 chiếc khác là do bị tên lửa bắn rơi. Ngoài ra trong lúc diễn ra trận oanh tạc có 2 máy bay Mỹ đâm vào nhau và bị nổ tung. Trong các trận đánh ấy đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 2200.

Ngày 22-8-1967 vào lúc 7 giờ 10 phút sáng lại bắt đầu cuộc oanh tạc dữ dội của không quân Mỹ vào Hà Nội. Một khu phố ở trung tâm thành phố bị san phẳng hoàn toàn. Những phố bị bắn phá là phố Huế, Ngô Thì Nhậm, Mai Hắc Đế và những phố khác. Có nhiều nhà ở, hiệu thuốc, phòng giáo dục của quận Hai Bà Trưng, nhà máy dệt kim, nhà máy rượu bị phá hủy. Lại có thêm nhiều dân thường bị chết. Có 22 người - phụ nữ và trẻ em - bị vùi lấp trong đống đổ nát của một tòa nhà. Suốt ngày còi báo động vang lên. Suốt ngày hôm ấy có những tiếng nổ. Mọi vật chung quanh đều ám khói thuốc súng.

Trong ngày hôm ấy các chiến sĩ bảo vệ Hà Nội đã bắn rơi 5 máy bay Mỹ.

Ngày 23-8-1967, vào lúc 15 giờ 15 phút còi báo động lại vang lên. Lại bắt đầu đợt bắn phá mới của máy bay Mỹ vào Hà Nội. Lại vang lên những tiếng nổ, lại những sự'tàn phá và chết chóc.

Trong ngày hôm ấy đã có 8 máy bay Mỹ bị bắn rơi.

Trong tất cả những trận đánh căng thẳng ấy của bộ đội phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam, các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng đã kề vai sát cánh chiến đấu cùng với các chiến sĩ Việt Nam.

Không quân Mỹ vẫn tiếp tục tăng cường đánh phá các công trình thủy lợi trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - các đập nước và đê điều ở các tỉnh Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Thái Bình, Hà Tây, Quảng Ninh. Mục đích của những cuộc bắn phá ấy là làm đồng ruộng và các điểm dân cư ngập chìm trong nước. Hậu quả của việc phá hoại đê điều là mức nước trên các con sông hầu như đạt đến đỉnh điểm. 

Ngày 31-8-1967, trong thời gian diễn ra trận đánh trả cuộc bắn phá của máy bay hải quân Mỹ vào thành phố Hải Phòng đã xảy ra một trường hợp chưa từng thấy: Tiểu đoàn tên lửa phòng không 73 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 285 với một quả tên lửa, đã bắn rơi cùng lúc 3 máy bay Mỹ bay trong đội hình dầy đặc. Vụ đó diễn ra như sau:

Vào lúc 7 giờ 20 phút đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu của Tiểu đoàn 73 đã phát hiện ở khoảng cách 60 km có một tốp máy bay yểm trợ gồm một số máy bay tiêm kích F-4A. Bọn này là mồi nhử để phát hiện các tổ hợp tên lửa phòng không. Sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, Đại úy Khánh (Xaнь) và đồng nghiệp Liên Xô của anh đã quyết định để tốp này lọt qua, không cho thiết bị phát sóng hoạt động.

Sau vài phút, ở khoảng cách 28 km, lại phát hiện tốp thứ hai gồm 4 chiếc máy bay hải quân AD-4 bay theo đội hình rất sát. Ở khoảng cách 23 km, tên lửa thứ nhất được phóng lên. Ở khoảng cách 19 km quả tên lửa ấy trực tiếp bắn trúng chiếc AD-4 bay ở giữa tốp. Sức nổ mạnh của tên lửa và của chiếc máy bay chở đầy nhiên liệu và số bom chưa thả đã làm nổ tung thêm hai chiếc bay ở phía trái và phía bên phải. Các tên phi công trên hai chiếc máy bay ấy - một thiếu tá và một đại úy - đã kịp nhảy dù và bị bắt làm tù binh. Còn tên phi công của chiếc máy bay thứ nhất đã chết.

Sau 7 giây, cách quả tên lửa thứ nhất (chúng được bắn theo khoảng cách), quả tên lửa thứ hai nổ, bắn trúng vào mảnh của các máy bay đang rơi. Chiếc máy bay thứ tư cũng bị hư hại, nhưng nó đã vòng trở lại được và thậm chí còn bay được đến bờ vịnh và rơi ở đó.

Vào thời gian ấy, Trung tá Bùi Đăng Tứ (Бyй Дaн Tы) là sĩ quan chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không 285, còn Đại tá Blincốp là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này.

Có nhiều trận địa hỏa lực giả của Binh chủng tên lửa phòng không. Từ những vật liệu có sẵn trong tay người ta làm ra những mô hình của các bộ khí tài tên lửa phòng không và các quả tên lửa. Phải nói rằng các máy bay Mỹ thường hay ném bom và bắn tên lửa vào các trận địa giả ấy. Việc này xảy ra là vì các phi công Mỹ đã lầm tưởng các trận địa giả là những trận địa thật. Nhưng cũng có trường hợp phi công cố tình ném bom các trận địa ấy, mặc dù biết đó là trận địa giả, bởi vì phi công ấy không muốn bị nguy hiểm, còn khi trở về sân bay của mình, y báo cáo đã tiêu diệt mục tiêu bằng cách đưa ra phim chụp. 

Trong tháng 8-1967 các lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiêu diệt tổng cộng 116 máy bay Mỹ, trong đó các máy bay tiêm kích của Việt Nam đã tiêu diệt được 14 chiếc, tên lửa tiêu diệt được 27 chiếc.

Trong các năm 1967 - 1968 Trung đoàn tên lửa phòng không 238 (là trung đoàn thứ hai) đã hoạt động trong những điều kiện rất gian khổ, chiến đấu tại các khu vực phía nam của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (khu vực Vĩ tuyến 17); tại tỉnh Quảng Bình huyện Vĩnh Linh, khu vực sông Bến Hải. 

Nhiệm vụ chủ yếu của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn 238 là chiến đấu chống các máy bay ném bom chiến lược B-52. Những máy bay ném bom có 8 động cơ ấy chở được 27 tấn bom, bay với tốc độ tối đa hơn 1000 km/giờ và bay ở tầm cao thực tế 15.500 m, có căn cứ tại đảo Guam trên Thái Bình Dương và tại căn cứ không quân Utapao ở Thái Lan. Những chiếc máy bay ấy, được chế tạo ra để bay trên những khoảng cách xa và chở bom hạt nhân, đã được trang bị lại để chở những quả bom phá thông thường. Từ tháng 4-1966 những máy bay này đã thường xuyên ném bom vào các khu vực phía nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tại khu vực này không quân Mỹ có ưu thế trên không, do vậy chỉ có thể tác chiến chống lại chúng theo kiểu "phục kích". Trung đoàn 238 đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ này.

Ngày 17-9-1967, tại khu vực Vĩnh Linh các tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc Trung đoàn 238 lần đầu tiên đã bắn rơi 2 máy bay ném bom chiến lược hạng nặng B-52 của không lực Hoa Kỳ.

Trong trận máy bay B-52 đánh phá có ba trong số bốn tiểu đoàn đã bị loại khỏi vòng chiến đấu bởi những đợt tập kích của tốp máy bay yểm trợ. Chỉ còn một tiểu đoàn là Tiểu đoàn 1 còn ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Ở tiểu đoàn này trong đại đội bệ phóng chỉ có ba bệ phóng - trong số sáu bệ phóng - là ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu với những quả tên lửa đã được chuẩn bị sẵn sàng. Ba bệ phóng còn lại cũng bị loại khỏi vòng chiến đấu vì bị máy bay Mỹ phá hủy.

Khi hai chiếc B-52 bay vào tầm bắn của Tiểu đoàn 1 thì những tiểu đoàn kia đã lần lượt bị bắn phá. Đã có hai quả tên lửa được phóng vào chiếc máy bay ném bom thứ nhất, chỉ có một quả tên lửa được phóng vào chiếc máy bay thứ hai. Thế nhưng cả hai chiếc máy bay B-52 ấy đã bị bắn hạ.

Những chiếc máy bay ấy rơi trên lãnh thổ miền Nam Việt Nam trong vùng phi quân sự.

Đại tá Vaxih Grigôriêvích Baicốp là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn 238.

Nhân chiến thắng này, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa Hồ Chí Minh đã gửi thư đặc biệt cho các chiến sĩ tên lửa, còn tiểu đoàn tên lửa bắn rơi máy bay B-52 được tặng thưởng Huân chương Chiến công.

Ngày 29-10-1967 Trung đoàn 238 lại bắn rơi thêm một chiếc B-52, sau đó đã bắn rơi thêm ba máy bay B-52 nữa và nhiều máy bay loại khác. Tổng cộng Trung đoàn tên lửa phòng không 238 đã bắn rơi 6 máy bay B-52.

Vì những thành tích cao trong chiến đấu, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã phong tặng danh hiệu "Anh hùng” cho Trung đoàn 238.

Nhưng sau những trận đánh phá của không quân địch, Trung đoàn 238 đã chịu những tổn thất nghiêm trọng về người và khí tài. Do vậy, trung đoàn được rút ra khỏi khu vực phía nam để củng cố lại.

Sau khi được bổ sung tăng cường, vào tháng 5-1969 Trung đoàn 238 lại xung trận tại tỉnh Quảng Bình. Trong thời gian đó Đại tá Iuri Ivanôvích Mukhanốp là trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này.

Cuối năm 1967 đã diễn ra những trận đánh đặc biệt căng thẳng. Ví dụ, chỉ trong 14 ngày (từ ngày 24 đến ngày 27-10, từ ngày 17 đến ngày 20-11 và từ ngày 14 đến ngày 19-12) bộ đội tên lửa phòng không đã đánh 283 trận, tiêu diệt 115 máy bay Mỹ.

Cũng vào thời gian này, trong những lần đánh phá các mục tiêu trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phía Mỹ đã lần đầu tiên sử dụng loại tên lửa mới chống ra đa có tên "Stanđa". Xét về cách sử dụng thì loại tên lửa này cũng giống tên lửa "Sraicơ" và được sử dụng trước hết nhằm đối phó với các đơn vị tên lửa phòng không. Về cấu tạo nó cũng giống tên lửa "Sraicơ", nhưng nó nặng hơn và có kích thước lớn hơn. Mảnh của tên lửa "Stanđa" cũng lớn hơn mảnh tên lửa "Sraicơ", và số lượng mảnh của nó cũng nhiều hơn. Phạm vi hiệu quả sát thương của tên lửa "Stanđa" rất lớn: nó bao trùm hầu như toàn bộ trận địa phóng tên lửa của một tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Ngày 23-10-1967 trên bầu trời Hà Nội đã có 10 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó tên lửa đã bắn rơi máy bay của phi công "máu xanh" Thiếu tá không quân Mỹ Giôn X. Mắckên.

Thiếu tá Giôn X. Mắckên là con trai của Đô đốc Giôn Mắckên - Tư lệnh lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu và là cháu của Đô đốc Giôn Mắckên - Tư lệnh chỉ huy tất cả các tầu sân bay của Mỹ tại Thái Bình Dương trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Thiếu tá Giôn X. Mắckên phục vụ trên tàu sân bay "Phorextơn" và vào tháng Sáu năm ấy suýt chết cháy trên tàu sân bay này. Vụ cháy xảy ra do một quả tên lửa bị trục trặc và nổ. Y được chuyển sang tàu sân bay "Ôrixcan". Chính từ tàu sân bay này y tiếp tục tham gia bắn phá lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho đến khi bị bắn rơi trên vùng trời Hà Nội.

Vụ xuất kích thứ 23 của Giôn X. Mắckên đánh vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã kết thúc trong làn nước của hồ Trúc Bạch tại Hà Nội. Khi máy bay bốc cháy y đã nhảy dù xuống hồ và bị bắt làm tù binh. Trong cuộc thẩm vấn, khi được hỏi về hoạt động của các lực lượng phòng không ở khu vực Hà Nội, viên phi công Mỹ đã tuyên bố thế này: "Chung quanh Hà Nội hỏa lực rất dày đặc và rất chính xác. Về loại tên lửa "đất đối không" thì những tên lửa này bắn khá chính xác vào mục tiêu. Tôi đã ở ngay bên trên mực tiêu khi tôi phát hiện thấy những quả tên lửa đang lao về phía mình. Sau đó là một tiếng nổ rung chuyển. Còn giờ đây tôi là tù binh..."

Ngày 24-10-1967 các chuyên gia quân sự Liên Xô ở Trung đoàn tên lửa phòng không 274 chỉ huy trung đoàn này là Thiếu tá Quang (Kyaнr), trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này là Đại tá A. Đ. Iarôxlápxép đã cùng các quân nhân Việt Nam tiến hành những trận đánh gay go trong những tình huống phức tạp trên bầu trời chống lại cuộc tấn công dữ dội của không quân Mỹ đánh vào Hà Nội. Trung đoàn này đã phóng 6 quả tên lửa và bắn rơi 2 máy bay Mỹ.

Tiểu đoàn tên lửa phòng không thứ nhất do Trung tá Êphimencô chỉ huy đã bắn rơi một máy bay F-4. Trong khi diễn ra trận đánh này, trong điều kiện phức tạp trên bầu trời, sĩ quan điều khiển tên lửa Thượng úy A. A. Pôsnhép, các binh sĩ vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay Iu. M. Bêdukhốp, M. Iu. Ivansích, N. G. Pêrêpêlixa và trắc thủ theo dõi bản đồ hỏa lực là binh nhất Tikhônốp đã thao tác tuyệt vời. Khi xuất hiện những sự trục trặc tại một trong số các kênh thì việc nhanh chóng nạp lại các quả tên lửa vào những bệ phóng thuộc kênh hoạt động tốt đã được đảm bảo bởi Đại úy G. Ph. Pôlêvích và binh nhất V. I. Mácsencô cùng với khẩu đội người Việt.

Tiểu đoàn tên lửa phòng không thứ hai, do Thiếu tá Côvalép chỉ huy, cũng đã bắn hạ được 1 máy bay F-105, sau đó lại bị máy bay địch bắn tên lửa và ném bom.

Khi ban tham mưu của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô biết tin về việc Tiểu đoàn 2 của trung đoàn đã bị không quân địch bắn phá, tôi đã cùng với phiên dịch viên Việt Nam, Thiếu úy Phê và chiến sĩ lái xe Minh đi trên chiếc xe GAZ-69 đến tiểu đoàn này để nhìn thấy tận mắt những gì đã xảy ra và nếu cần thì giúp đỡ khôi phục tư thế sẵn sàng chiến đấu của tiểu đoàn này. Trận địa của tiểu đoàn này cách Hà Nội 25 km, cách làng Phú Châu không xa. Chúng tôi tiến đến trận địa. Các phương tiện và dụng cụ ngụy trang đã được dỡ bỏ. Từ phía trên những bức tường cao được đắp theo hình móng ngựa chúng tôi thấy vươn ra những mũi tên lửa đáng sợ. Cũng thấy cả những cột ăngten xoay của đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu, các ăngten hình nón của ca bin điều khiển "P", mái che của đài điều khiển tên lửa và cụm phát điện bằng máy nổ.

Ra đón chúng tôi là các sĩ quan chỉ huy của Tiểu đoàn 2: Thiếu tá Liên Xô Côvalép và Đại úy Việt Nam Nguyễn Văn Thới (Hryeн Baн Tхои) Hai sĩ quan này báo cáo rằng - tiểu đoàn đã trong tư thế sẵn sàng cấp 1 - đang tiến hành kiểm tra tất cả các hệ thống của tổ hợp tên lửa phòng không sau khi vừa bị máy bay địch bắn phá.

Chúng tôi đã xem xét tất cả các khí tài chiến đấu của tiểu đoàn và các thiết bị kỹ thuật của trận địa hỏa lực. Chúng tôi cũng xem xét nơi các quả bom và tên lửa của địch đã phát nổ. Chúng tôi nghe báo cáo của sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn, của sĩ quan điều khiển tên lửa, của các sĩ quan chỉ huy các khẩu đội cũng như của các sĩ quan, hạ sĩ quan và anh em binh sĩ báo cáo về hành động trong quá trình diễn ra trận đánh, cũng như về hoạt động của các khí tài chiến đấu. Sau đấy chúng tôi tiến hành phân tích chi tiết về trận đánh đó: chúng tôi đánh giá tình hình sẵn sàng chiến đấu của tiểu đoàn và hành động của đội ngũ chiến sĩ trong tiểu đoàn gồm cả các quân nhân Liên Xô và Việt Nam, tổng kết trận đánh.

Dưới đây là diễn biến trận đánh của Tiểu đoàn 2 trong ngày 24-10-1967.

Vào lúc 15 giờ Sở chỉ huy trung đoàn ra lệnh vào vị trí sẵn sàng cấp 1.

Lúc 15 giờ 30 phút tiểu đoàn phát hiện ba tốp mục tiêu đang đến gần từ hướng tây - nam.

Lúc 15 giờ 33 phút tiểu đoàn bắn vào tốp mục tiêu thứ nhất gồm 4 máy bay F-105. Một chiếc bị bắn rơi.

Lúc 15 giờ 38 phút đài điều khiển tên lửa đã phát hiện mục tiêu ở khoảng cách 15 km. 5 giây sau khi đài điều khiển tên lửa phát sóng thì các trắc thủ vận hành thiết bị bám sát mục tiêu bằng tay đã phát hiện trên màn hình tín hiệu có một chấm tên lửa "Sraicơ", khác với tín hiệu của các máy bay trong tốp mục tiêu ấy.

Bằng một mẹo đã thuần thục người ta đã hướng tên lửa "Sraicơ" đi chệch sang hướng khác, và nó đã nổ cách trận địa 200 mét. Sau đó, trong suốt một giờ đã có vài tốp máy bay địch tìm cách tiêu diệt tiểu đoàn này. Từ hướng đông - bắc một chiếc F-4 dùng tên lửa "Bunpáp" và bom bi bắn phá. Tên lửa và bom bi đã nổ cách đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu có 12 mét, gây ra những hư hại nhỏ cho đài này nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến tư thế sẵn sàng chiến đấu của nó: sức nổ đã làm bật tung cửa cabin của đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu và làm cho máy phát sóng bị ngừng hoạt động. Mặc dù bị choáng do sức ép của tên lửa nhưng sĩ quan chỉ huy đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu - Thượng úy V. N. Iuđin đã thực hiện mọi biện pháp cần thiết để nhanh chóng phục hồi tư thế sẵn sàng chiến đấu của đài.

Cuộc bắn phá vẫn tiếp tục. Do bom nổ gần trận địa nên các máy phát sóng ở cabin điều khiển "P" cũng ngừng hoạt động. Kỹ thuật viên trưởng ở cabin điều khiển "P" là Thượng úy V. V. Gôriasi đã thể hiện sự tháo vát bằng cách khẩn cấp đưa đài điều khiển tên lửa vào chế độ tác chiến, dùng phương pháp cơ khí để đóng các công tắc rơ le thời gian khởi động các máy phát sóng. Nhờ vậy đã khôi phục sớm trước thời hạn tư thế sẵn sàng chiến đấu.

Tốp máy bay gồm 4 chiếc F-4 bay đến từ hướng đông - nam đã dùng rốc két và bom bi oanh tạc trận địa tiểu đoàn này. Có một quả bom bi rơi cách trung tâm trận địa 200 mét, còn một quả bom bi khác đã rơi cách trung tâm trận địa 250 mét. Không có thiệt hại về khí tài và về người.

Trong trận đánh này, nhằm mục đích không để cho các máy bay tấn công tiếp cận được trận địa của tiểu đoàn ở khoảng cách gần nhất và loại trừ khả năng ném bom và bắn chính xác các tên lửa "không đối đất" trong khi tiểu đoàn tên lửa này không thể khai hỏa được bằng những quả tên lửa thật, khẩu đội chiến đấu của tiểu đoàn này đã sử dụng chiến thuật phóng giả tên lửa vào các mục tiêu. Việc này được tiến hành bằng cách hướng sóng vô tuyến của trạm dẫn đường tên lửa vào mục tiêu và khởi động máy phát lệnh vô tuyến - đó là mẹo "phóng giả tên lửa". Ngay khi máy phát lệnh vô tuyến được khởi động thì các máy bay tấn công lập tức đổi hướng và tránh sang phía khác.

Hành vi này của các phi công địch chứng tỏ máy bay của chúng được trang bị thiết bị trinh sát thu sóng vô tuyến phát tín hiệu cho phi công biết có tên lửa đang phóng vào máy bay của chúng.

Trong trận chiến đấu thắng lợi ấy tất cả các khẩu đội của tiểu đoàn này đã thu được kinh nghiệm chiến đấu lớn.

Sau khi trở về Hà Nội, tôi đã báo cáo về các hoạt động chiến đấu của toàn thể đội ngũ nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn này - Trung đoàn tên lửa phòng không của Hải quân nhân dân Việt Nam - lên Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại Việt Nam là Trung tướng V. N. Abramốp. Căn cứ vào kết quả trận đánh, Trung tướng Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã ra Thông báo số 158 ngày 25-10-1967.

Thông báo đã nêu rõ sự thành thạo tuyệt vời trong chiến đấu, nghệ thuật và sự tháo vát, tinh thần dũng cảm và tinh thần anh dũng của các chuyên gia quân sự Liên Xô Những người xuất sắc nhất trong số đó đã được đề nghị Chính phủ khen thưởng.

Ngày 25-10-1967 cả hai tiểu đoàn tên lửa phòng không của Hải quân Việt Nam mỗi tiểu đoàn đã bắn rơi thêm 1 máy bay Mỹ. Như vậy là trong hai ngày trung đoàn này đã bắn rơi 4 máy bay Mỹ.

Trong tháng 10-1967 tổng cộng đã có 131 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó 38 máy bay bị bắn rơi do tên lửa. Trong suốt cả cuộc chiến tranh đây là số lượng máy bay Mỹ lớn nhất bị tên lửa bắn rơi trong một tháng.

Các phi công máy bay tiêm kích của Việt Nam bắn rơi 13 máy bay Mỹ, 29 chiếc máy bay bị bắn rơi do pháo cao xạ.

Ngày 6-11-1967, trong trận đánh trả các cuộc oanh tạc của máy bay Mỹ vào Hà Nội, tên lửa đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thử 2500. Đến ngày 7-11, lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã bắn rơi thêm 6 chiếc máy bay địch trên bầu trời Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Ngày 19-11-1967, trong các trận đánh của bộ đội tên lửa, pháo cao xạ và các máy bay tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam đã có 17 máy bay Mỹ bị tiêu diệt, trong đó 12 chiếc bị tiêu diệt trên bầu trời Hà Nội. Đây là con số kỷ lục các máy bay bị bắn rơi trong một ngày trong 2 năm gần nhất tính đến thời điểm đó của cuộc chiến tranh.

Ngày 25-11-1967, chiếc máy bay Mỹ thứ 2600 đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội.

Trong tháng 11-1967 các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi tổng cộng 131 máy bay địch, trong đó các đơn vị tên lửa phòng không bắn rơi 39 chiếc, các máy bay tiêm kích của Việt Nam bắn rơi 14 chiếc.

Trong tháng 12-1967 không quân Mỹ vẫn tiếp tục những cuộc bắn phá dã man trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong suốt sáu ngày liên tiếp, từ ngày 14-12, máy bay địch đã bắn phá Hà Nội, đường số 5 Hà Nội - Hải Phòng, thành phố và cảng Hải Phòng, cũng như các thành phố khác và các làng mạc, các cây cầu và các bến phà qua sông.

Trong tất cả những ngày ấy, bộ đội tên lửa, pháo cao xạ và các máy bay tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành những trận chiến đấu gay go với không quân Mỹ. Chỉ trong sáu ngày ấy đã có 30 máy bay địch bị bắn hạ.

Trong các trận đánh trên bầu trời Hà Nội, các lực lượng phòng không đã dùng tên lửa bắn rơi máy bay của tên chỉ huy căn cứ không quân Mỹ tại Còrạt (Thái Lan) và viên phó của y - Đại tá không quân Giôn P. Phin và Étuốt B. Bácđét.

Hai tên này phái các phi công dưới quyền đi ném bom Bắc Việt Nam, sau đó chúng đích thân cất cánh thực hiện phi vụ kiểu mẫu đánh vào Hà Nội, thế là chúng lọt vào tầm hỏa lực chính xác của tên lửa phòng không.

Trong tháng 12-1967 trên bầu trời Bắc Việt Nam đã có 75 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có 37 chiếc bị bắn rơi do tên lửa phòng không và 13 chiếc bị bắn rơi trong các trận không chiến với máy bay tiêm kích của Việt Nam.

Trong năm 1967 không quân Mỹ đã thực hiện 52.809 lần chiếc đánh phá vào lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và đã thực hiện 10.729 vụ bắn phá vào 8.008 mục tiêu.

Năm 1967, trong các trận đánh trả các cuộc tấn công cửa không lực Mỹ, các lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn hạ tổng cộng 1067 máy bay địch. Bộ đội tên lửa phòng không đã tiến hành 1218 trận đánh và đã tiêu diệt được 435 máy bay Mỹ. Các máy bay tiêm kích của Việt Nam đã thực hiện 1754 phi vụ chiến đấu, đã tiến hành 129 trận không chiến, trong đó đã bắn hạ được 129 máy bay Mỹ.

Cuối năm 1967 do mãn hạn công tác, Thiếu tướng pháo binh V. X. Kixlianxki, Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về binh chủng tên lửa phòng không đã trở về Liên Xô. Thiếu tướng pháo binh N. I. Cunliacốp đã sang thay thế ông.

Mãn hạn công tác, Trưởng nhóm. chuyên gia quân sự Liên Xô về không quân, Anh hùng Liên Xô, Thiếu tướng không quân V. P. Xensencô cũng đã trở về Liên Xô. Thiếu tướng không quân E. N. Anxiphêrốp đã sang thay thế ông trong chức vụ này.

Ngày 17-3-1968, vào lúc 2 giờ đêm, chiếc máy bay Mỹ thứ 2800 đã bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội đã bắn rơi. Đó là chiếc máy bay cường kích hạng nặng A-6 có tên "Intơruđơ" của hải quân.

Cả hai tên phi công trên chiếc máy bay bị bắn rơi đã nhảy dù và tiếp đất: một tên rơi xuống hồ, còn tên thứ hai thì rơi xuống ruộng lúa và đều bị bắt làm tù binh. Đây là những phi công của không quân hải quân, các đại úy 3 sao Đâyli Uôntơ Đôxơ và Etvin Áctơ Suman.

Cũng vào ngày hôm ấy có 6 máy bay siêu âm tối tân "cánh cụp cánh xoè" F-111 của Mỹ được chuyển đến căn cứ không quân Tắcli ở Thái Lan. 

Ngày 28-3 chiếc máy bay F-111A thực hiện phi vụ đầu tiên của mình để bắn phá các mục tiêu ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nó đã bị hỏa lực pháo cao xạ bắn rơi trên bầu trời Hà Tĩnh ngay khi nó vừa xâm nhập vào không phận Bắc Việt Nam. Chiếc máy bay này rơi xuống rừng rậm, cả hai phi công đều chết.

Ngày 30-3-1968 hỏa lực tên lửa phòng không đã bắn rơi chiếc F-111A thứ hai trên bầu trời Hà Tây. Sau đó ít lâu chiếc F-111A thứ ba đã bị bắn rơi. Từ đó trở đi người Mỹ đã không sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam nữa.

Vào thời gian đó, trưởng các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong các trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam gồm có: Đại tá Craxốpxki, Trung tá Côdúp, Trung tá Taraxencô, Trung tá Crưlốp, Đại tá Xmirnốp, Đại tá Cônkin, Đại tá Cốttômốp, Trung tá Ivanốp, Đại tá Labutin, Đại tá Lêbêđép, Trung tá Mukhanốp, Đại tá Đmitriép, Trung tá Giuravlép và những đồng chí khác.

Vào thượng tuần tháng 4-1968 tôi trở về Liên Xô nghỉ phép. Cùng bay về Liên Xô với tôi còn có 6 chuyên gia quân sự Liên Xô nữa đã mãn hạn công tác ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chúng tôi mua vé đi máy bay IL-14 của Trung Quốc và đã đáp chuyến máy bay gần nhất đến Bắc Kinh, có dừng chân ở Nam Kinh. Ở Nam Kinh, chúng tôi được bố trí trong một khách sạn. Không một lời giải thích, chúng tôi phải ở lại đó suốt cả một tuần. Tuy nhiên, người ta không thu tiền ăn ở của chúng tôi trong khách sạn. Chúng tôi được ăn ba bữa một ngày tại phòng ăn của khách sạn với những món ăn Trung Quốc, đầy đủ và ngon. Sau đó, máy bay của chúng tôi có hạ cánh một lần trước khi bay tới Bắc Kinh. Từ Bắc Kinh chúng tôi đáp máy bay Liên Xô về Mátxcơva.

Ngày 21-4-1968, tại Mátxcơva tôi được Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Liên Xô kiêm Tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô là Nguyên soái Paven Phêđôrôvích Batixki tiếp. 

Tôi đã báo cáo tỉ mỉ về diễn biến chiến sự tại Việt Nam và về hoạt động của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại đó. Trong buổi báo cáo của tôi còn có mặt một số tướng lĩnh thuộc các Tổng cục của Bộ Quốc phòng Liên Xô. 

Vị Tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô cũng đã được nghe những đề nghị về việc giải quyết một số vấn đề liên quan đến hoạt động của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, cũng như những kiến nghị về việc sử dụng kinh nghiệm của cuộc chiến tranh Việt Nam vì lợi ích của các lực lượng vũ trang Liên Xô. Nguyên soái Batitxki trả lời rằng tuy ông là Thứ trưởng Quốc phòng Liên Xô, nhưng ông không thể giải quyết nhiều vấn đề đã đặt ra, vì trên thực tế không có khả năng tìm ra một giải pháp cho những vấn đề ấy ở cấp lãnh đạo cao nhất của Bộ Quốc phòng. 

Ngày 23-4-1968 tôi đã trình bày bản báo cáo chi tiết về cuộc chiến tranh Việt Nam tại Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô trước một nhóm đông đảo các tướng lĩnh - Thủ trưởng các Tổng cục của Bộ Tổng tham mưu và những sĩ quan khác. 

Đã xảy ra trường hợp rất đáng nhớ với tôi khi tôi đề đạt nguyện vọng được đi nghỉ tại nhà nghỉ. Sau cuộc kiểm tra y tế tại Trung tâm khám bệnh đa khoa số 1 của Bộ Quốc phòng Liên Xô, tôi nhận được kết luận rằng đối với tôi việc nghỉ ở bờ biển phía nam tại Crưm là điều chống chỉ định. Tôi tìm cách giải thích rằng tôi từ một nước nhiệt đới là Việt Nam về nước để nghỉ ngơi, rằng ở Việt Nam đang có chiến tranh và sau kỳ nghỉ tôi sẽ trở lại đó. Nhưng người ta thậm chí chẳng muốn nghe tôi trình bày. Chỉ sau khi có sự can thiệp của Cục trưởng Cục quân y Bộ Quốc phòng Liên Xô tôi mới có cơ hội nhận giấy chứng nhận đến nghỉ tại nhà nghỉ "Alusta". Đó là một ví dụ về bệnh quan liêu mà chúng tôi thường hay gặp phải.

Cuối tháng 5-1968, sau kỳ nghỉ tôi trở lại Việt Nam để tiếp tục công tác với chức danh Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ngày 8-6-1968 chiếc tàu biển "Pôrônaixcơ" đã đưa một nhóm các chuyên gia quân sự Liên Xô cập cảng Hải Phòng. Đó là những chuyên gia về kỹ thuật ra đa, có nhiệm vụ đưa ra những biện pháp nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài tên lửa phòng không trong điều kiện địch sử dụng các biện pháp gây nhiễu vô tuyến điện tử và các tên lửa chống ra đa kiểu "Sraicơ".

Trên đường đi trong vùng biển Nam Triều Tiên tàu “Pôrônaixcơ" đã gặp phải các tàu chiến của Hạm đội 7 Hải quân Hoa Kỳ, trong đó có tàu sân bay "Intơprai". Những chiếc trực thăng cất cánh từ tàu sân bay này đã tìm cách kiểm soát lộ trình của con tàu "Pôrônaixcơ".

Trưởng nhóm chuyên gia vừa tới là Đại tá Víchto Xécghêêvích Kixêlép, nhóm chuyên gia này gồm có: các Trung tá V. V. Nôvicốp, Iu. A. Xápsencô, Ô. V. Xapôrốpxki và Đại úy L. P. Xamôđurốp.

Sau một thời gian chuẩn bị kỹ lưỡng, nhóm chuyên gia này cùng với các chuyên gia quân sự Việt Nam đã đến nơi làm việc. Vị trí được chọn làm đài quan sát đã cho phép quan sát hoạt động của không quân Mỹ thông qua các phương tiện vô tuyến điện tử và quang học, cũng như bằng mắt thường. Toàn bộ các máy móc của nhóm chuyên gia này được ngụy trang cẩn thận và thường xuyên tiến hành ghi nhận các cuộc phát sóng vô tuyến và những cuộc đàm thoại vô tuyến của không quân Mỹ hoạt động tại khu vực này.

Nhờ kết quả sự hợp tác, các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam đã thu thập được những dữ liệu quan trọng và rất nhiều tư liệu thực tế để trên cơ sở đó đưa ra những khuyến cáo hữu hiệu nhằm tăng khả năng của các bộ khí tài tên lửa phòng không chống lại các thủ đoạn gây nhiễu xét về phương diện chiến thuật, cũng như về phương diện kỹ thuật. Ngoài ra còn đề ra những biện pháp bảo vệ các tổ hợp tên lửa phòng không chống lại các tên lửa chống ra đa như kiểu tên lửa "Sraicơ". Không những thế, các phương tiện sử dụng sóng vô tuyến để làm giả mục tiêu và đáp trả đã được sử dụng để bảo vệ các cơ sở công nghiệp, trong đó có Nhà máy điện Uông Bí.

Các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục đánh trả bọn xâm lược Mỹ bằng tất cả các phương tiện phòng không có trong tay. Ngày 25-6-1968 trên bầu trời tỉnh Quảng Bình người ta đã bắn rơi chiếc máy bay Mỹ thứ 3000.

Tháng 7-1968 Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã quyết định lập ra Huy chương "Vì tinh thần đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược". Huy chương này được trao tặng cho các chuyên gia Liên Xô thay cho Huy chương Hữu nghị sau khi họ mãn hạn công tác tại Việt Nam. Cũng vào thời điểm ấy đã có quyết định trao tặng các huân chương chiến đấu của Việt Nam cho các chuyên gia quân sự Liên Xô đã có những công lao đặc biệt.

Từ ngày 1-11 đến 31-12-1968 đã bắn rơi thêm 16 máy bay Mỹ các loại. Trong năm 1968 tổng cộng đã có 557 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó các máy bay tiêm kích của Việt Nam đã bắn rơi 47 chiếc và tên lửa phòng không đã bắn rơi 119 máy bay địch.

Trong thời gian từ ngày 5-8-1964 đến ngày 1-11-1968 không quân Mỹ đã thực hiện xuất kích 168.156 lần chiếc và đã tiến hành 29.200 cuộc ném bom và bắn rốc két vào 23.989 cơ sở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã thả hơn 3,5 triệu tấn bom.

Cũng trong thời gian đó, lực lượng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam đã bắn rơi 3.243 máy bay Mỹ, trong đó có 3 máy bay tối tân F-111A và 6 chiếc máy bay ném bom chiến lược B-52.

Đồng thời, Binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam đã tiến hành 1.988 trận đánh, tiêu diệt 1.044 máy bay Mỹ, trong đó có 6 máy bay B-52 và 1 chiếc F-111A.

Các máy bay tiêm kích của Quân đội nhân dân Việt Nam trong thời gian ấy đã thực hiện xuất kích hơn 3.000 lần chiếc, tiến hành 327 trận không chiến giữa các tốp máy bay và các trận đánh riêng lẻ và đã tiêu diệt được 251 máy bay Mỹ. Kết quả các trận không chiến trong những năm 1967 - 1968 đã dẫn đến tỷ lệ tổn thất là 1:3 (4) cho không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Cũng trong thời gian kể trên các lực lượng pháo cao xạ và các khẩu đội súng máy phòng không đã tiêu diệt hơn 1500 máy bay. Qua đó thấy rằng nếu được sử dụng đúng cách thì pháo cao xạ cũng là một sức mạnh đáng sợ ngay cả đối với các máy bay phản lực hiện đại và nếu được phối hợp với bộ đội tên lửa phòng không và không quân thì pháo cao xạ có thể gây ra những tổn thất rất nghiêm trọng cho các máy bay trong lúc chúng tấn công.

Khi nói đến kết quả các trận đánh của bộ đội phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam, cần nêu rõ rằng đã diễn ra những trận đánh chống lại một kẻ địch rất mạnh. Bộ chỉ huy của Mỹ đã sử dụng những kiểu máy bay hiện đại nhất đã được trang bị cho không quân và hải quân Hoa Kỳ, trong đó có các máy bay chiến lược B-52, các máy bay F-111A, các máy bay trinh sát SR-71 cũng như các loại bom và tên lửa tối tân. Bộ chỉ huy Mỹ đã tổ chức tác chiến một cách rành mạch và có bài bản.

Các phi công được đào tạo cực tốt, đặc biệt các phi công thuộc lực lượng hải quân. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ được đặt ra, các phi công ấy đã thể hiện tinh thần kiên trì, luôn luôn thay đổi chiến thuật tác chiến và đã thường xuyên sử dụng các thủ đoạn gây nhiễu để đối phó với các phương tiện phòng không của miền Bắc Việt Nam.

Nhưng bất chấp tất cả sự hùng hậu và sức mạnh của không quân Mỹ, các đơn vị Binh chủng tên lửa phòng không, không quân Việt Nam và pháo cao xạ, cũng như binh chủng kỹ thuật vô tuyến của Quân đội nhân dân Việt Nam, với sự tham gia của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã giành được nhiều thắng lợi và gây ra những tổn thất to lớn cho kẻ địch về máy bay và về lực lượng phi công.

Tháng 12-1968, sau khi mãn hạn công tác, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung tướng không quân Vlađimia Nikitôvích Abramốp đã trở về Liên Xô. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã tặng thưởng ông Huân chương Chiến công hạng nhất, Huy chương “Vì tình thần đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược" và Huy hiệu "chiến thắng trận đầu tiên - 5-8". Trung tướng pháo binh Bôrít Alếchxanđrôvích Xtônnhicốp được bổ nhiệm và đã đến Việt Nam đảm nhiệm chức vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ năm 1971 đến năm 1973 Thiếu tướng Nicôlai Cônxtantinôvích Mácximencô đã đảm nhiệm chức vụ này. Từ tháng 12-1972 đến năm 1975 Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Thiếu tướng Anatôli Ivanôvích Khiupênen.

Tháng 2-1969, tôi cùng với một sĩ quan trong Ban tham mưu của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Thiếu tá L. N. Ôtơriakhin và phiên dịch viên Việt Nam - Thiếu úy Lộc đã đi trên hai chiếc xe, do các chiến sĩ Việt Nam lái, để thực hiện chuyến kiểm tra Quân khu 4 của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trong chuyến đi này chúng tôi đã đến các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Quảng Bình, vùng bờ biển Đông. Chúng tôi đã có mặt tại các thành phố Nam Định, Vinh, huyện Vĩnh Linh. Ở đâu chúng tôi cũng nhìn thấy những hậu quả nặng nề của những trận bom và bắn phá của máy bay Mỹ, một số lượng rất nhiều hố bom và hố tên lửa do máy bay bắn xuống các đồng ruộng, xuống các khu dân cư và vùng phụ cận. Có nhiều làng mạc và thị trấn bị phá hủy hoàn toàn, các đồng ruộng không thể cày cấy được nữa, phải mất vô cùng nhiều công sức mới khôi phục lại được.

Chúng tôi cũng đi qua cây cầu huyền thoại Hàm Rồng. 

Cây cầu này bắc qua con sông Mã bị kẹp giữa hai bờ dốc đứng. Cầu này kết nối một trong số những tuyến vận tải quan trọng nhất của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chạy từ Hà Nội về phía nam, về phía Vĩ tuyến 17. Không quân Mỹ đã ném nhiều bom và phóng hàng nghìn quả rốc két xuống cây cầu này. Các tầu thuộc Hạm đội 7 của Mỹ cũng từ biển bắn phá cây cầu này. Khắp giàn cầu lỗ chỗ vết đạn. Nhưng cây cầu này vẫn đứng vững và hoạt động. Các đội sửa chữa của Việt Nam, chỉ trong vài giờ sau cuộc oanh kích, chủ yếu vào ban đêm, đã khắc phục xong những chỗ hư hại và bị phá hủy trên cây cầu. Người ta đã phong danh hiệu "Anh hùng" cho cây cầu này. Hỏa lực ngăn chặn mạnh mẽ của các khẩu pháo cao xạ đã không để cho các máy bay Mỹ thả bom chính xác vào cây cầu ấy.

Ngày 18-7-1965 tên phi công Mỹ sừng sỏ, Trung tá Đantơn, đã nhận lệnh trực tiếp của Bộ trưởng Quốc phòng Mắcnamara phá hủy bằng được cầu Hàm Rồng. 27 phút sau khi cất cánh, máy bay của Đantơn đã bị bắn rơi, còn bản thân y đã nhảy dù và bị bắt làm tù binh cách cây cầu này không xa.

Chúng tôi đã đến thăm trận địa của đơn vị pháo cao xạ của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đơn vị này được trang bị các khẩu pháo cao xạ 100 mm của Liên Xô. Ngoài ra chúng tôi còn đến thăm khẩu đội cao xạ có cỡ nòng nhỏ được bố trí trên đỉnh một lèn đá cao bên bờ sông, ở gần cây cầu. Chúng tôi chúc các chiến sĩ cao xạ Việt Nam giành được thắng lợi trong các trận đánh bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Chúng tôi đến thăm làng Kim Liên quê hương vị lãnh tụ của nhân dân Việt Nam - Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Hồ Chí Minh. Ngôi làng này nằm ở phía nam tỉnh Nghệ An.

Đây thật sự là vương quốc nhiệt đới. Một ngôi nhà khiêm tốn, mái được lợp bằng lá cọ. Tại ngôi nhà này Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng sống cùng với người thân trong gia đình. Bài trí trong nhà rất khiêm tốn. Một chiếc giường to bằng gỗ mà trên đó thời thơ ấu Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ngủ cùng với người cha của mình - một thầy giáo. Trên các kệ giá có những cuốn sách: các sách về địa lý, những sách giáo khoa cổ. Chúng tôi đã chăm chú ngắm nhìn mọi thứ, trao đổi với những cán bộ của bảo tàng này, ghi cảm tưởng trong sổ dành cho các vị khách danh dự. Tại đây, một lần nữa chúng tôi nhận thức được rằng nhân dân Việt Nam rất trân trọng lịch sử của mình.

Tháng 4-1969 thời hạn công tác của tôi tại Việt Nam đã kết thúc. Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã trao tặng cho tôi Huân chương Chiến công hạng II, Huy chương “Vì tinh thần đoàn kết chiến thắng giặc Mỹ xâm lược" và Huy hiệu "Chiến thắng trận đầu - 5-8". Đại tá Xécgây Alếchxanđrôvích Métvêđép đã đến Việt Nam thay thế tôi và được bổ nhiệm vào chức vụ Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Năm 1971, Đại tá Van Iacốplêvích Titatrúc đã thay thế Đại tá Métvêđép trong chức vụ kể trên.

Cuối cùng phải nêu rõ rằng trong tất cả các giai đoạn của cuộc chiến tranh, các chuyên gia quân sự Liên Xô đã dành sự giúp đỡ to lớn cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Họ đã làm việc trong những điều kiện vô cùng gian khổ, không tiếc sức khoẻ và sinh mạng mình. Họ đã hoàn thành một cách mẫu mực nghĩa vụ quân nhân của mình và đã có đóng góp quý giá vào sự nghiệp của nhân dân Việt Nam đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, hệ thống phòng không hiện đại, hùng mạnh tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được xây dựng. Hệ thống này gồm có: Binh chủng tên lửa phòng không, pháo cao xạ, các phi đội máy bay tiêm kích, Binh chủng kỹ thuật vô tuyến, hệ thống các đài chỉ huy và các phương tiện liên lạc.

Lực lượng phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được hình thành trong quá trình diễn ra những trận chiến đấu phòng thủ chống các cuộc tấn công của lực lượng không quân và hải quân Hoa Kỳ.

Đã có những cố gắng đặc biệt to lớn trong việc xây dựng hệ thống phòng không ở các khu vực Hà Nội và Hải Phòng.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh, đặc biệt trong thời kỳ không quân Mỹ hoạt động mạnh nhất vào những năm 1967 và 1968, tại các khu vực này đã xây dựng được lực lượng phòng không mạnh nhất. Đã có nhiều ý kiến nhận xét về sức mạnh của lực lượng phòng không Việt Nam của các phi công Mỹ đã từng tham gia đánh phá Bắc Việt Nam, cũng như của Bộ chỉ huy quân sự và báo chí Mỹ.

Qua những lời khai của các phi công Mỹ bị bắt làm tù binh chúng tôi được biết chúng rất sợ thực hiện các phi vụ đánh phá tại khu vực Hà Nội, vì tại đấy lực lượng phòng không đã gây cho chúng những tổn thất rất lớn.

Khu vực này được ghi là "khu vực số 6" trên không đồ địa hình của không quân. Các phi công Mỹ gọi các phi vụ bay đến khu vực này là khu vực "quan tài" (“6 tấm").

Tờ "Thời báo Niu Oóc" đăng bài cho biết các sĩ quan Mỹ đã đánh giá lực lượng phòng không của Bắc Việt Nam bao gồm các tên lửa phòng không, pháo cao xạ và các máy bay tiêm kích là hệ thống phòng không phức tạp nhất, có lẽ là hữu hiệu nhất mà họ chưa từng thấy.

Những so sánh sau đây đã nói lên sức mạnh của hệ thống phòng không của Bắc Việt Nam. Theo các số liệu chính thức của Mỹ thì trong cuộc chiến tranh Việt Nam không quân Mỹ bị tổn thất 1 máy bay trên 60 lần chiếc xuất kích, trong khi ấy trong chiến tranh Triều Tiên không quân Mỹ bị tổn thất 1 máy bay trên 750 lần chiếc xuất kích.

Có thể phân kỳ hoạt động của các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam thành những giai đoạn như sau:

Năm 1965 và 1966 là những năm xây dựng hệ thống phòng không hùng hậu và mạnh mẽ của Việt Nam trong quá trình đánh trả các cuộc bắn phá ngày càng gia tăng của các máy bay thuộc lực lượng không quân và lực lượng hải quân Hoa Kỳ;

Những năm 1967 và 1968 (đến ngày 1-11) là những năm dồn sức căng thẳng nhất trong quá trình đánh trả những cuộc tấn công dữ dội với số lượng lớn của không quân Mỹ. Năm 1967 là năm làm phá sản các kế hoạch xâm lược của Hoa Kỳ.

Cuối năm 1968, những năm 1969 - 1971 là những năm đối phó với hoạt động trinh sát trên không của Mỹ và giáng trả các cuộc đánh phá của không quân Mỹ vào các tỉnh phía nam của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Năm 1972 là thời gian đánh trả những cuộc bắn phá của không quân Mỹ vào các cơ sở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trong đó có thành phố Hà Nội và Hải Phòng, với việc sử dụng số lượng lớn các máy bay ném bom chiến lược B-52.

Các số liệu tham khảo

Theo các số liệu chúng tôi nắm được thì trong thời gian chiến tranh - từ ngày 5-8-1964 đến ngày 31-12-1972 trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã có 4181 máy bay Mỹ bị bắn rơi. Trong số đó, pháo cao xạ bắn rơi 2568 chiếc (60%), không quân bắn rơi 320 chiếc (9%), tên lửa phòng không bắn rơi 1293 chiếc (31%) trong đó có 54 máy bay ném bom chiến lược B-52.

Năm 1965 các lực lượng phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi 834 máy bay chiến đấu.

Năm 1966 - 773 chiếc, trong đó có 221 máy bay bị tên lửa tiêu diệt.

Năm 1967 - 1067 chiếc, trong đó lực lượng tên lửa phòng không bắn rơi 435 chiếc, không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam bắn rơi 129 chiếc, pháo cao xạ bắn rơi 503 chiếc.

Năm 1968 - 557 chiếc, trong đó tên lửa phòng không bắn rơi 119, không quân Việt Nam bắn rơi 47 chiếc.

Năm 1969 - 71 chiếc

Năm 1970 - 43 chiếc.

Năm 1971 - 56 chiếc.

Năm 1972 - 922 chiếc, trọng đó có 34 pháo đài bay B-52, 90% trong số đó do tên lửa bắn rơi.
Thành phố Mátxcơva, ngày 25- 12- 1994



Tiêu đề: Re: Chiến tranh Việt Nam là thế đó 1965 - 1973
Gửi bởi: SaoVang trong 03 Tháng Tư, 2009, 01:24:37 PM

ĐẠI TÁ
MÔIXÊÉP ANATÔLI PÊTRÔVÍCH

Công dân danh dự của Thành phố Hà Nội.

Ông sinh ngày 12-6-1926 tại tỉnh Oóclốp. Bắt đầu tham gia công tác từ năm 1942.

Gia nhập Hồng quân từ tháng 4-1943.

Ra mặt trận từ tháng 10-1943 cho đến khi kết thúc chiến tranh: là trắc thủ - khẩu đội phó Khẩu đội 242 thuộc Trung - đoàn pháo cao xạ của phương diện quân Bêlarútxia.

Từ tháng 4-1950 đến tháng 4-1952 là học viên Trường sĩ quan pháo cao xạ Gitômi - Cờ đỏ. Sau khi tốt nghiệp Trường sĩ quan ông được cử về công tác tại trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ 235 Putilốp - Kirốp mang tên Lênin. Tại đây ông tiếp tục phục vụ với các chức vụ: cán bộ kỹ thuật, trạm trưởng, tiểu đoàn phó tiểu đoàn kỹ thuật về trang bị tên lửa.

Từ tháng 9-1967 đến tháng 8-1968, ông đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam với chức vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô trong các tiểu đoàn kỹ thuật thuộc binh chủng tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1970 đến năm 1977 ông là kỹ sư trưởng thuộc Tổng cục 4 Bộ Quốc phòng Liên Xô.

Từ tháng 1-1975 đến tháng 1-1977 làm chuyên gia tại Li bi.

Ông đã được thưởng Huân chương Chiến tranh vệ quốc hạng II, Huân chương Sao đỏ và 15 huân, huy chương khác, trong đó có Huân chương Chiến công và Huy chương Hữu nghị vủa Việt Nam.

CUỘC THÍ NGHIỆM Ở HÀ NỘI

Tháng 9- 1967, các đoàn tầu hỏa chở khách Mátxcơva - Bắc Kinh và Bắc Kinh - biên giới Việt - Trung, sau khi bị lưu lại hai tuần tại Thủ đô Bắc Kinh, đã đưa 14 sĩ quan tên lửa, trong đó có tôi, đến nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi lúc đó mang quân hàm thiếu tá, nguyên là tiểu đoàn phó kỹ thuật ngành công trình tên lửa thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không cận vệ 236 Quân khu phòng không Mátxcơva được bổ nhiệm chức Trưởng đoàn chuyên gia của tiểu đoàn kỹ thuật thuộc các trung đoàn tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam. Chức trách của tôi là kiểm tra và giúp đỡ cán bộ chiến sĩ các đơn vị trong việc sử dụng, vận hành tên lửa, thiết bị công nghệ tiếp nhiên liệu, lắp ráp tên lửa, kiểm tra thiết bị trục nâng, thành phần nhiên liệu và các xe máy vận chuyển nạp tên lửa. Chúng tôi thuộc biên chế của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh bộ đội tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Lúc đó Liên Xô đã đưa sang giúp Việt Nam các bộ tên lửa phòng không. Các bộ khí tài tên lửa phòng không đó là vũ khí tuyệt vời trong cuộc chiến đấu với không quân Mỹ.

Trong các cuộc đánh phá các mục tiêu ở miền Bắc Việt Nam thường có hàng trăm máy bay ném bom và máy bay tiêm kích cùng tham gia. Mục tiêu chính của chúng là triệt tiêu nền kinh tế của Việt Nam và từ đó buộc Việt Nam phải đầu hàng.

Một dẫn chứng là trong tháng 10-1967, không quân Mỹ đã thực hiện 4.830 lần chiếc máy bay và đã đánh phá 158 mục tiêu, trong tháng 11 -3.100 lần chiếc cất cánh, ném bom 90 mục tiêu. Hàng ngày chúng đã tiến hành các chuyến bay trinh sát: ban ngày chúng dùng máy bay SR-71, ban đêm - máy bay A-6 của hải quân. Đặc biệt ngày nào chúng cũng ném bom đánh phá thành phố Hà Nội và các vùng phụ cận, cảng Hải Phòng, các tuyến đường sắt và đường bộ chiến lược Hà Nội - Hải Phòng và Hà Nội - biên giới Việt – Trung, các con đường đó đã đưa hàng quân sự và kinh tế vào Việt Nam.

Mùa thu năm 1967 chúng đã ném bom và đánh phá vùng ven đô - khu Kim Liên, trường Đại học Bách khoa do Liên Xô giúp xây dựng, Bộ Tư lệnh phòng không - không quân và các khách sạn, nơi có một bộ phận chuyên gia chúng tôi ở. Do có sự uy hiếp lớn đến tính mạng của các chuyên gia quân sự Liên Xô nên Chính phủ Việt Nam đã quyết định cho chúng tôi sơ tán vào các khu dân cư ở trong rừng, cách Hà Nội 20 - 25 km (khu B).

Về cơ bản phi công Mỹ đã hoàn thành nhiệm vụ được giao đối với việc hủy diệt các mục tiêu, nhưng chúng cũng bị những tổn thất rất lớn. Nhằm giảm bớt tổn thất cho chúng và làm giảm hiệu lực của việc sử dụng khí tài tên lửa phòng không của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người Mỹ đã áp dụng các biện pháp đánh khác nhau như: gây nhiễu chủ động và nhiễu thụ động, dùng các loại tên lửa tự dẫn "không đối đất" ("Sraicơ") đánh vào các đài điều khiển tên lửa của các tiểu đoàn tên lửa, đánh bom vào các trận địa của các tiểu đoàn kỹ thuật.

Nhưng trong sự hiệp đồng với các chuyên gia quân sự Liên Xô, các cán bộ chiến sĩ tên lửa Việt Nam đã học được cách sử dụng có hiệu quả vũ khí mạnh mẽ của mình và tiếp tục gây cho không quân Mỹ những tổn thất lớn. Ví dụ, chỉ riêng trong tháng 10, trong 212 trận đánh, không quân Việt Nam đã bắn rơi 88 và bắn bị thương 39 máy bay địch. Bộ chỉ huy Việt Nam hàng ngày đã công bố số lượng máy bay địch bị bắn rơi. Tại các thành phố, sau mỗi trận đánh đều đăng tải trên các bảng thông tin đặc biệt những số liệu chiến thắng ngày một tăng.

Nhưng người Mỹ vẫn tiếp tục hoàn thiện những phương thức chiến đấu chống tên lửa phòng không của chúng ta. Một trong những phương thức đó là nghiên cứu và áp dụng các biện pháp gây nhiễu tích cực đối với kênh vô tuyến ngắm mục tiêu của tên lửa. Vấn đề là ở chỗ trong ruột của quả tên lửa là một khối FR-15 có hai kênh: vô tuyến điều khiển và vô tuyến ngắm mục tiêu. Kênh này cho phép liên tục “thông báo" bằng tín hiệu trả lời về tọa độ của tên lửa đối với tín hiệu hỏi của đài chỉ huy điều khiển, nhờ đó đài điều khiển đưa ra và phát lệnh điều khiển tên lửa.

Ngay trong tháng 9 - tháng 10, khi chiến đấu, trên các màn hình của các đài điều khiển tên lửa của ta đã phát hiện thấy những trường hợp cá biệt xuất hiện nhiễu tích cực cường độ yếu của địch đối với kênh vô tuyến ngắm mục tiêu. Nhưng khi đó chúng ta chưa thực sự quan tâm đến hiện tượng đó: bởi vì các chuyên gia - đại diện của các tổng công trình sư cho rằng, về lý thuyết, việc sử dụng các dạng nhiễu này đánh vào kênh vô tuyến ngắm mục tiêu là có thể, nhưng xác suất thực tế của việc gây các loại nhiễu dó là không đáng kể. Và trên thực tế, đến tháng 12, không thấy xuất hiện các loại nhiễu đó.

Đến tận bây giờ tôi vẫn còn nhớ tới cái ngày 15-12-1967, mọi sự đã đảo lộn. Trong ngày hôm đó một tốp lớn máy bay Mỹ bay trong đội hình như thể đi diễu binh, đánh phá Hà Nội và các vùng lân cận. Khi chúng bay vào vùng hỏa lực có hiệu quả của các tiểu đoàn tên lửa phòng không của ta, như thường lệ, ta đã phóng tên lửa để tiêu diệt chúng. Ta đã phóng đi 29 quả tên lửa, thì một số quả đã tự rơi do các trạm điều khiển không bắt được các tên lửa, bởi vì người Mỹ lần đầu tiên đã sử dụng ồ ạt một phương thức mới - gây nhiễu đối với kênh vô tuyến ngắm mục tiêu. Kênh này đã bị khống chế hoàn toàn và do vậy các đài điều khiển "đã bị mù”, các đài này không nhìn thấy các tên lửa của mình, còn kênh thứ hai - kênh vô tuyến điều khiển - đã không thể điều khiển được đường bay của các tên lửa, vì không có tọa độ của tên lửa. Các tên lửa mất điều khiển có động năng rất lớn đã rơi xuống đất. 

Sự kiện này đã gây tổn thương tới tinh thần của cán bộ chiến sĩ tên lửa Việt Nam và nhân dân địa phương. 

Nhân có sự kiện trên, Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã đề nghị Đại sứ quán Liên Xô giúp đỡ. Đại sứ Liên Xô tại Hà Nội I. X. Sécbacốp đã lập tức họp với các chuyên gia quân sự chúng tôi về vấn đề này. Chỉ có một số người rất hạn chế tham gia cuộc họp này. Trung tướng V N. Abramốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Thiếu tướng N. I. Cunbacốp, Trưởng đoàn chuyên gia tên lửa phòng không, A. M. Elixép, đại diện Tổng công trình sư đài chỉ huy tên lửa và một số chuyên gia khác.

I. X Sécbacốp đã thông báo rằng, sau khi báo cáo Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng về tình hình đã diễn ra, lãnh đạo nhà nước đã chỉ thị cho ngành công nghiệp Liên Xô phải có những biện pháp cấp thiết nhằm khôi phục lại khả năng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa phòng không ở Việt Nam. Sau đó đại sứ nói rằng Mátxcơva đã giao cho đại sứ đồng thời chỉ đạo các chuyên gia đang công tác tại Việt Nam (tùy theo khả năng của mình) tiến hành các công việc và biện pháp bổ sung cần thiết nhằm làm thất bại các biện pháp chống trả của không quân Mỹ đối với các bộ khí tài tên lửa phòng không của Liên Xô.

Trong quá trình bàn luận kéo dài và căng thẳng, chúng tôi đã đi đến kết luận rằng trong những điều kiện lúc đó có một lối thoát duy nhất là tự tiến hành các thí nghiệm nhằm chỉnh lại các tần số làm việc của đài điều khiển tên lửa và các thiết bị phản hồi, đồng thời nâng cao công suất các máy phát tín hiệu phản hồi của tên lửa.

Khi phát biểu, A. M. Elixêép, đại điện Tổng công trình sư đài điều khiển tên lửa nói rằng, việc chỉnh lại tần số của đài điều khiển tên lửa có thể không có khó khăn gì đặc biệt và có thể hoàn thành trong một thời gian tương đối ngắn - vài ngày.
Để xác định thí nghiệm về các thông số lượng và chất và những khả năng chỉnh khối điều khiển tên lửa, tôi đã đề nghị mở riêng các khối tên lửa FR-15, sau đó ghi thành văn bản những kết quả thu được.

Đồng chí đại sứ quan tâm hỏi: "Làm việc đó để làm gì và cần bao nhiêu thời gian?"

Tôi đã báo cáo rằng muốn thu được những số liệu thí nghiệm cần: lấy ra từ bộ phụ tùng dự trữ 15-20 khối FR-15, một trạm kiểm tra thử nghiệm di động để tiến hành kiểm tra từng phần và tổng hợp cho các tên lửa và các khối của tên lửa, một máy phát điện di động và ba ngày làm việc.

Mặc dù các đại diện của Tổng công trình sư phản đối quyết liệt việc mở khối FR-15 (với lý do là khối này tuyệt mật), nhưng đồng chí đại sứ I. X. Sécbacốp đứng ra nhận toàn bộ trách nhiệm về việc tiến hành cuộc thí nghiệm sắp tới

Đồng chí nói: "Cần gì phải bí mật nữa? Người Mỹ đã khám phá ra bí mật đó rồi, họ đã sử dụng nhiễu và đã dùng nhiễu phá các tần số điều khiển tên lửa của ta. Tôi cho phép tiến hành các thí nghiệm này".

Nhờ có được sự thỏa thuận trong cuộc họp nên đã có một quyết định sơ bộ: lập tức bắt tay vào công việc và cố gắng đưa tần số đã chỉnh lớn hơn 3 mêgahéc.

Ngay sau cuộc họp, đoàn chúng tôi gồm Đại tá I. Séctôbitốp, Đại uý V. Gôncharencô, các Thượng uý B. Axlamốp, V. Béclốt, A. Gôncharencô, N. Chirơcốp v.v. đã bắt tay vào công việc. Chúng tôi đã làm việc liên tục, không ngủ, không nghỉ ba ngày đêm ở trong rừng. May thay, trong các khối FR-15 đã có dự phòng một chút độ tự cảm và dung lượng nên đã cho phép chỉnh được tần số và tăng được công suất của máy trả lời. Nhưng dải tẩn số của việc chỉnh các khối có sự khác nhau. Vì vậy, sau khi kết thúc công việc thí nghiệm, tại cuộc họp tiếp sau chúng tôi đã quyết định: một số bộ khí tài tên lửa phòng không ở các trung đoàn sẽ được chỉnh tần số dưới 3 mêgahéc, một số được chỉnh 1,5 mêgahéc, số còn lại không thay đổi gì.

Quyết định đó cho thấy rằng, việc có ba dải tần số khác nhau đã làm cho người Mỹ trong một thời gian nhất định bị lầm lẫn và giúp chúng ta trong một thời gian ngắn tổ chức được một bộ khí tài tên lửa phòng không đã được chỉnh cùng một cơ số đạn tên lửa phục kích tại khu vực Hà Nội. Nhiệm vụ đó đã được thực hiện trước khi đón năm Mới. Nhưng do thời tiết xấu nên không quân Mỹ đã tạm dừng các cuộc đánh phá.

Đầu tháng 1-1968 thời tiết khá hơn và Mỹ đã quyết định tiếp tục đánh phá Thủ đô Hà Nội có sử dụng tất cả các loại nhiễu phá kênh vô tuyến bắt mục tiêu. Nhưng lần này chúng bị thất bại cay đắng. Chúng ta đã sẵn sàng chờ chúng. Tất cả các đài chỉ huy điều khiển của ta làm việc ở ba chế độ. Các bộ khí tài tên lửa phòng không chưa chỉnh sẽ không phóng tên lửa.

Ngay từ loạt phóng đầu tiên, bộ khí tài đã chỉnh 3 mêgahéc nằm trong đội hình phục kích đã bắn rơi chiếc máy bay dẫn đầu của địch. Bọn phi công Mỹ rất bất ngờ trước sự đổi thay đó. Đội hình bay của chúng bị hoảng loạn và chúng bay tháo thân trở về.

Cuộc thí nghiệm của chúng tôi đã thành công. Công việc chỉnh lại các bộ khí tài tên lửa của tất cả 10 trung đoàn tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam được tiếp tục thực hiện với tốc độ gấp rút. Mỗi một ngày số lượng các bộ khí tài tên lửa được chỉnh lại đã tăng lên. Đó thực sự là một khối lượng lao động khổng lồ: sau khi chỉnh lại các tham số, tần số, có trên một nghìn tên lửa đã được kiểm tra từng phần và kiểm tra tổng hợp, số tên lửa này đã được phân loại theo những đặc điểm tần số mới, được đặt mã số bổ sung ghi rõ trên lý lịch máy về những thông số đã thay đổi và đã phân tán tên lửa một cách thích hợp.

Đã tổ chức các buổi học tập và hướng dẫn cho toàn bộ sĩ quan và chuyên viên đầu ngành Việt Nam ở tất cả các trung đoàn tên lửa phòng không và các tiểu đoàn kỹ thuật. Trong quá trình chỉnh sửa cũng đã giải quyết các vấn đề khoa học kỹ thuật về nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài tên lửa trong những điều kiện có nhiễu âm thanh tích cực đánh vào sóng phản hồi. Khả năng chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam đã được khôi phục lại hoàn toàn.

Bây giờ cũng như trước đây, trong quá trình đánh phá, bọn xâm lược đã bị tổn thất nhiều hơn. Trong vòng một tháng rưỡi của năm 1968, kể từ ngày 1-1, trong quá trình phóng 12 lần đầu đã phóng đi 20 quả tên lửa, kết quả bắn rơi 5 máy bay F-105 của Mỹ. Ngay trong 20 lần phóng tiếp sau đó đã phóng 27 quả tên lửa, kết quả hạ được 9 máy bay Mỹ. Như vậy, sự hiểu biết tuyệt vời về kỹ thuật chiến đấu, tinh thần chủ động sáng tạo, mưu trí và tinh thần kiên định của các chuyên gia Liên Xô đã đảm bảo duy trì được những tính năng chiến đấu và những tính năng vận hành của các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 ở trình độ cao. Điều đó cũng có nghĩa là giữ được uy tín của đất nước chúng tôi và đập tan được những kế hoạch của giới quân sự Mỹ. Đã có văn bản báo cáo tường tận về công việc chúng tôi đã làm gửi từ Hà Nội về Mátxcơva cho Tổng tư lệnh Bộ đội phòng không Liên Xô.

Cần nói thêm rằng, chỉ riêng trong tháng 4-1968, ngành công nghiệp của đất nước chúng tôi đã đưa sang Việt Nam các linh kiện mới để cải tiến các khối FR-15 dưới dạng làm tấm che cho các khối đó. chúng tôi chưa thể kiểm tra được hiệu quả của những công việc cải tiến đó bởi vì tình hình lúc đó không được thuận lợi đối với không quân Mỹ tại Việt Nam, nên chúng tạm ngừng đánh phá Việt Nam đến cuối năm.

Cuối cùng, với lòng biết ơn sâu sắc tôi xin một lần nữa nêu tên họ của các đồng chí của mình đã cùng tôi phục vụ trong điều kiện khó khăn, nhưng rất vinh quang tại Việt Nam, họ đã không tiếc sức mình, không tiếc thời gian để duy trì sẵn sàng chiến đấu cao cho các bộ khí tài tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là: V. I. Séctobitốp, B. N. Pôcrốpxki, B. Axlamốp, V. I. Béclốt, A. G. Côpâykin, H. V. Chirơcốp, V. N. Nêcraxốp, A. N. Côvalép, V. K. Gôncharencô, Iu. Xirôcốp.
Thành phố Mátxcơva, tháng 1- 2001


BÊLỐP ALẾCHXÂY MIKHAILÔVÍCH

Ông sinh ngày 29-3-1924 tại tỉnh Goócky, đảng viên Đảng Cộng sản Liên Xô từ năm 1946, tham gia Chiến tranh giừ nước vĩ đại và Chiến tranh chống Nhật.

Ông gia nhập Quân đội Liên Xô tháng 8-1942 Năm 1943 tốt nghiệp Trường Sĩ quan pháo phòng không Goócky và được cử ra mặt trận. Là trung đội trưởng trung đội hỏa lực, sau đó là đại đội trưởng thuộc tiểu đoàn pháo cao xạ Hạm đội miền Bắc.

Tháng 1-1945 ông được điều động về Cảng Xôviêt ở miền Đông. Là tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn pháo cao xạ, sau đó là trướng phòng huấn luyện chiến đấu của sư đoàn, trung đoàn trưởng Trung đoàn pháo cao xạ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương.

Năm 1960, sau khi được đào tạo lại, ông được bổ nhiệm làm trung đoàn trưởng Trung đoàn tên lửa phòng không.

Từ tháng 9-1967 đến tháng 8-1968 ông tham gia chiến đấu ở Việt Nam với chức vụ Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn tên lửa phòng không 278 Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ năm 1968 ông là Trưởng phòng huấn luyện chiến đấu của Quân đoàn phòng không thành phố Lơvốp.

Từ năm 1974 đến năm 1977 ông là Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô của bộ đội tên lửa phòng không tại Li bi.

Từ năm 1977 đến năm 1979, là sĩ quan cao cấp Cục huấn luyện Bộ Tổng tham mưu Bộ đội phòng không Liên Xô.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Cờ đỏ, Huân chương Sao đỏ, Huân chương Chiến tranh giữ nước hạng II và 17 huân, huy chương khác, trong đó có Huân chương Chiến công và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

Ông mất ngày 18-9-2002.    

BÚT KÝ CỦA TRƯỞNG ĐOÀN CHUYÊN GIA QUÂN SỰ LIÊN Xô TẠI TRUNG ĐOÀN TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Đã hơn 20 năm trôi qua kể từ lúc tôi được cử giữ chức Đoàn trưởng của một trong các đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô sang giúp đỡ cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam anh em trong cuộc đánh trả các cuộc đánh phá ồ ạt của không quân và hải quân Mỹ vào nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Đoàn chúng tôi gồm các sĩ quan trẻ - các chuyên gia về tất cả các lĩnh vực của bộ khí tài tên lửa phòng không X-75A được trang bị cho Binh chủng phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đoàn chuyên gia nhỏ này có đại diện một số dân tộc, sắc tộc của đất nước chúng tôi, điều này được thấy qua danh sách các chuyên gia dưới đây:

Trung tá V. I. Sêpốtcốpxky - người Do Thái,
Thiếu tá A. P. Môixêép - người Nga,
Thiếu tá B. Mốpchan - người Ucraina,
Thiếu tá P. I. Nagorơnưi - người Ucraina,
Đại uý T. D. Coócnâytrúc - người Ucraina, 
Đại uý L. V. Craxnốp - người Nga,
Thượng uý A. V. Báccốpxky - người Nga,
Thượng uý A. I. Xôlôviép - người Nga,
Thượng uý G. I. Tơcát - người Ucraina, 
Trung uý V. I. Isencô - người Ucraina,
Trung uý A. Iu. Lôgôgiắc - người Bêlarútxia,
Trung uý A. V. Lútsép - người Nga,
Trung uý K. K. Pítxêlanri - người Grudia.

Tất cả chúng tôi lần đầu tiên gặp nhau tại một Cục thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên Xô vào tháng 8-1967, tại đây chúng tôi đã làm quen với nhau, làm các thủ tục giấy tờ cần thiết và ngày 1-9-1967 lên tầu hỏa đi qua Trung Quốc đến Việt Nam.

Chúng tôi lưu lại Trung Quốc gần hai tuần, chúng tôi được thấy nhiều điều mà trước đây chỉ được thấy qua các phương tiện truyền thông đại chúng.

Tối ngày 17-9, chúng tôi qua biên giới Trung - Việt, đường sắt dừng lại tại biên giới. Tất cả đường ôtô trên lãnh thổ Việt Nam đều đã bị tàn phá, khắp nơi đều thấy các hố lớn do bom phá gây ra.

Đi suốt đêm, chúng tôi mới đến được sông Hồng, bên kia sông là thành phố Hà Nội, lúc này chiếc cầu bắc qua sông - con đẻ của Éphen nổi tiếng đã bị phá sập.

Rất thú vị khi được gặp trên phà qua sông Hồng người “đồng hương" - chiếc canô với nhãn hiệu "Xôrơmôvơ đỏ" (tôi lớn lên bên bờ sông Vônga, gần thành phố Goócky). Những giờ phút đầu tiên trên đất nước Việt Nam đầy đau thương đã gây cho các bạn trẻ trong đoàn chúng tôi những ấn tượng sâu sắc. Trong số họ tôi là người duy nhất tham gia cuộc Chiến tranh giữ nước vĩ đại, số anh em còn lại lần đầu tiên thấy hậu quả của chiến tranh và hậu quả của những trận ném bom dã man đó đã làm cho họ hết sức xúc động và căm phẫn. Những tình cảm đó đã được in sâu vào tâm hồn các chuyên gia quân sự Liên Xô và ngày càng tăng lên trong quá trình công tác, nhất là ở các vùng giới tuyến phía Nam, ở quân khu 4.

Đoạn đường dài từ Mátxcơva đến nơi công tác, thời gian lưu lại Trung Quốc đã được chúng tôi tận dụng để tìm hiểu nhau, để gần gũi và làm quen với nhau, để tạo ra môi trường đồng chí tốt đẹp trong đoàn quốc tế chúng tôi, điều này về sau đã giúp chúng tôi rất nhiều trong việc giải quyết nhiệm vụ làm chuyên gia trong những điều kiện chiến đấu rất phức tạp và trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, chưa quen.

Chúng tôi đến Việt Nam khi cuộc chiến tranh “leo thang" do Mỹ gây ra ở vào thời điểm ác liệt nhất.

Ngày 7-4-1965, khi phát biểu ở Bantimo, Tổng thống Mỹ Giônxơn tuyên bố. "Chúng ta thấy rằng cần nói chuyện bằng súng đạn và máy bay...". Và ngày 16-5-1967, tờ báo "Times" đã viết: "Sự thật tàn nhẫn là ở chỗ ngài Giônxơn cũng đã vươn tới đỉnh cao của sự leo thang, mọi điều đều chứng tỏ, thậm chí leo đến nấc thang cuối cùng, ông ta cũng không thể đạt được mục đích làm lay chuyển tinh thần của đối phương".

Còn tinh thần của nhân dân và lực lượng vũ trang Việt Nam trực tiếp phụ thuộc vào khả năng đánh trả có hiệu lực đối với quân xâm lược và giáng cho chúng những đòn chí mạng.

Cần phải có những phương tiện phòng không hiện đại để chống lại các phương tiện tập kích đường không hiện đại của Mỹ. Chúng đã sử dụng các phương tiện đó đánh phá có hệ thống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ tháng 1-1965. Lúc đó sự viện trợ quân sự của chúng tôi cho Việt Nam chủ yếu nhằm giúp cho các đồng chí Việt Nam xây dựng được hệ thống phòng không có khả năng chống trả các cuộc tập kích của không quân Mỹ.

Từ tháng 9-1967 đến tháng 8-1968, đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô do tôi phụ trách đã làm việc tại Trung đoàn tên lửa phòng không 278 của Quân đội nhân dân Việt Nam. Trung đoàn được thành lập và được trang bị các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75A vào cuối năm 1966. Tháng 10 trung đoàn triển khai các trận địa chiến đấu, bắt đầu các hoạt động chiến đấu ngày 22-10-1966. Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô do Đại tá I. G. Xukhôvêép dẫn đầu đến từ quân khu phòng không Ba cu đã làm việc ở trung đoàn này trước đoàn chúng tôi. 

Vài ngày sau khi đến trung đoàn, chúng tôi cùng với các chuyên gia đến trước tìm hiểu tình hình kỹ thuật của bộ khí tài tên lửa, mức độ sẵn sàng chiến đấu của các tiểu đoàn và cả trung đoàn. Chúng tôi thắm thiết, bịn rịn chia tay các bạn được về Tổ quốc, ngay sau đó, đoàn chúng tôi bắt tay vào làm việc căng thẳng.

Trung đoàn 7 - đó là phiên hiệu được đặt theo thứ tự thành lập các đơn vị đã được Bộ Tư lệnh phòng không dùng làm đơn vị cơ động. Trung đoàn thường thay đổi khu vực đóng quân của các tiểu đoàn và sở chỉ huy, chủ yếu ở các tỉnh phía nam Hà Nội (Hoà Bình, Thanh Hoá), trên các hướng không quân địch thường đánh phá dồn dập .

Các tiểu đoàn tên lửa của trung đoàn thường chiến đấu đánh địch từ các trận địa phục kích, từ các trận địa không được thiết kế về mặt kỹ thuật, không có sự hiệp đồng hỏa lực với các đơn vị tên lửa phòng không bên cạnh (vì số lượng các đơn vị đó còn ít)...

Lúc chúng tôi đến, trung đoàn đóng quân tại tỉnh Hòa Bình, cách Hà Nội 20 - 30 km về phía nam và tây nam và nằm trong thành phần của cụm tên lửa phòng không Hà Nội. Trung đoàn đã có kinh nghiệm chiến đấu nhất định, tất cả các tiểu đoàn đều đã tham gia chiến đấu, nhiều lần bị địch đánh phá, thấy được nỗi đau thương qua những thương vong và cảm nhận được sự vui sướng khi giành được thắng lợi trong những lần phóng tên lửa có hiệu quả. Và mặc dù những lần phóng có hiệu quả chỉ chiếm một phần ba nhưng cũng cho thấy rằng, với sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, trong một khoảng thời gian ngắn, cán bộ chiến sĩ Việt Nam đã nắm được kỹ thuật tên lửa phòng không phức tạp và học được cách sừ dụng kỹ thuật đó trong chiến đấu.

Nhiệm vụ của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô chúng tôi là đảm bảo tinh thần thường xuyên sẵn sàng chiến đấu cho các bộ khí tài tên lửa đã triển khai trên các trận địa, giúp khôi phục lại các bộ khí tài đó sau khi bị hư hỏng, nâng cao trình độ phóng tên lửa cho cán bộ chiến sĩ trực tiếp tham gia tác chiến (gồm: tiểu đoàn trưởng, các đại đội trưởng, các đài trưởng kỹ thuật vô tuyến điện, sĩ quan điều khiển), hoàn thiện trình độ hiệp đồng nhịp nhàng giữa các kíp trực của các sở chỉ huy các tiểu đoàn và trung đoàn, và trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả hoả lực của các tiểu đoàn và nâng cao hiệu quả chỉ huy của các tiểu đoàn.

Ngay từ khi bắt tay vào công việc, chúng tôi đã đặc biệt chú ý đến việc tập trung nâng cao trình độ hiểu biết về kỹ thuật cho cán bộ chiến sĩ các tiểu đoàn, nếu thiếu điều đó thì không thể nghĩ đến việc sẵn sàng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa phòng không. Chúng tôi phải giải quyết những nhiệm vụ đó trong tình hình thường xuyên bị không quân địch đánh phá (vào thời điểm này địch đã sử dụng tới 150 lần chiếc máy bay của không quân và hải quân trong một ngày đêm). Cần phải tính toán rất kỹ càng công việc của các kíp trắc thủ khi tiến hành các trận đánh, phân tích kỹ những nguyên nhân của các lần phóng tên lửa không thành công, phân tích kỹ những điểm mới trong chiến thuật của không quân địch, trong các phương pháp khắc phục các hình thức mới của địch gia tăng sử dụng vô tuyến điện tử để đối phó với hệ thống tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Những thiệt hại lớn về máy bay khi đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã buộc Lầu Năm góc phải tìm kiếm các phương tiện tác chiến điện tử mới. Sau hai năm gây chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, R. Raxen, Chủ tịch Hội đồng quốc phòng Hạ viện Mỹ viết: "Số máy bay bị bắn rơi tại Việt Nam nhiều gấp hai lần máy bay bị bắn rơi trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Những tổn thất thực sự hầu như đã cao gấp hai lần số liệu được công bố chính thức (Hãng thông tấn AP, ngày 7-2-1967).

Tuần báo Mỹ New Sun ra ngày 15-5-1967 đã công bố các số liệu sau: "Mỹ đã chi 5.800 triệu đô la cho cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân chống miền Bắc Việt Nam, trong đó 2.500 triệu đô la là giá trị của các máy bay bị bắn rơi, chưa kể 1.500 triệu chi cho việc mua máy bay mới để thay vào chỗ máy bay bị rơi". Vào thời điểm này, giá trung bình của một chiếc máy bay là khoảng một triệu đô la). Tờ New York Times ra ngày 22-12-1967 viết: "Báo cáo của ngài Mắcnamara chỉ khẳng định rằng: "nước Mỹ sẽ bị thiệt hại ít, nếu ngừng việc ném bom đánh phá Bắc Việt Nam và có thể bị tổn thất nhiều hơn nữa nếu cứ bám lấy việc leo thang"".

Nhưng "sự bám lấy việc leo thang" vẫn tiếp diễn. Địch tăng thêm lực lượng tham gia đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tăng cường độ các cuộc ném bom đánh phá. Dọc theo bờ biển Việt Nam thường xuyên có 2-3 chiếc hàng không mẫu hạm Mỹ tham gia đánh phá, vào các thời điểm đánh phá ồ ạt đã có tới 4-5 chiếc. Đó là 10 phi đội máy bay cường kích hải quân A-4F, A-6A và sáu phi đội máy bay tiêm kích hải quân F-8A, và cả các loại máy bay của không quân Mỹ đậu tại các sân bay Thái Lan và Nam Việt Nam (Đà Nẵng); khoảng 100 chiếc F-105 và 180 chiếc F-4C "Phan tôm" (con ma).

Các máy bay do thám RF-101, RF-4 và các máy bay do thám - máy bay gây nhiễu RB-66 cũng tham gia vào các cuộc đánh phá. Trước mỗi trận đánh phá chúng đều tổ chức do thám trận địa tên lửa phòng không của ta và sau khi đánh phá lại do thám kết quả đánh phá.

Chúng cũng tăng thêm các phương tiện và phương thức tác chiến điện tử của không quân chống binh chủng tên lửa phòng không Việt Nam. Chúng bắt đầu đánh phá Hà Nội bằng nhiều tốp máy bay lớn (12, 16, 28, 32 và đôi khi 60 chiếc), kết hợp với việc sử dụng ồ ạt các loại nhiễu đối với các đài ra đa của binh chủng tên lửa phòng không Việt Nam. Đội hình chiến đấu - "các phân đội rồng rắn", lúc bắt đầu bay, đội hình rất gần nhau, khi cách các đội hình chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không Việt Nam khoảng 50 - 60 km, chúng lại tản ra. Từ 1/3 đến 2/3 lực lượng được tách ra để đánh vào các trận địa của các tiểu đoàn tên lửa phòng không Việt Nam.

Khi đánh vào các tiểu đoàn tên lửa phòng không chúng thường xuyên dùng tên lửa có cánh "Sraicơ" dài 3 mét, sải cánh 900 - 920mm, trọng lượng khi phóng 227 kg, tốc độ thực tế 930 mét/giây, tầm bay xa 40 km, tầm phóng 14 - 18km, hệ thống dẫn đường - thụ động, bay theo chùm sóng, số lượng rãnh 2200, bán kính công phá 15m). Đó là phương tiện tác chiến điện tử rất tàn bạo, nó đòi hỏi cán bộ chiến sĩ tên lửa ta phải ra sức tìm kiếm giải pháp phòng tránh chúng. Tính chất phức tạp của cuộc chiến đấu với “Sraicơ" là ở chỗ bề mặt phản chiếu của các tên lửa này rất nhỏ, trong điều kiện các màn hiển thị của các đài điều khiển tên lửa bị các loại nhiễu âm thanh tích cực và nhiễu xung - trả lời bịt kín thì rất khó phát hiện ra được nét chấm rất bé nhỏ của tín hiệu phản lại của "Sraicơ". Máy bay địch đã ba mươi lần phóng tên lửa “Sraicơ" vào các tiểu đoàn của Trung đoàn 7.

Ngày 22-12-1966, hai cặp máy bay F-4C cách nhau 40 phút đã phóng 4 quả tên lửa "Sraicơ" vào Tiểu đoàn tên lửa phòng không 91, một quả đã trúng mục tiêu và tiểu đoàn đã phải ngừng chiến đấu khá lâu. Ngày 22-8-1967, từ độ cao 3,5 km và ở tầm xa 20 - 25km, một máy bay tiêm kích F-105 đã phóng hai quả "Sraicơ" xuống Tiểu đoàn 91. Ta đã kịp phát hiện thấy địch phóng tên lửa và quay ngoắt ăngten sang một bên, tên lửa bay chệch hướng và rơi cách đài điều khiển tên lửa của ta 3-4 km.

Đêm 11-3-1968, hai chiếc F-4 đã phóng hai quả "Sraicơ", nhưng nhờ ta đã dùng các biện pháp trên, nên cả hai quả đều bị bay chệch. Ở thành phố Vinh, ngày 27-5-1968, ba máy bay F-4 đã đánh vào tiểu đoàn này. Bị che khuất bằng các loại nhiễu âm thanh tích cực rất mạnh nên các sĩ quan và các trắc thủ điều khiển tên lửa bằng tay đã không phát hiện thấy địch phóng "Sraicơ”. Do bị bắn trúng trực tiếp nên hệ thống giàn ăngten của cabin "PA" bị hỏng, các cabin "UA" và "AA" cũng bị hỏng nặng. Tất cả các tiểu đoàn khác của trung đoàn đều bị địch đánh phá bằng tên lửa "Sraicơ", nhưng nhờ có các biện pháp phòng tránh nên không có tiểu đoàn nào bị thiệt hại.

Các sĩ quan điều khiển và kíp trắc thủ bám sát mục tiêu bằng tay của cabin "UA" Tiểu đoàn 93 đã hành động chuẩn xác nhất, địch đã 12 lần dùng tên lửa "Sraicơ" đánh vào tiểu đoàn, nhưng trong tất cả các trường hợp, tiểu đoàn vẫn giữ được an toàn.

Tháng 10 là tháng căng nhất về mức độ bị đánh phá trong năm 1967. Trong tháng 10-1967 đã tiến hành 50% các trận đánh so với cả năm 1966. Địch đã đánh phá các thành phố Hà Nội, Hải Phòng, đường số 1 (nối từ Hà Nội đến Trung Quốc), đường số 5 - Hà Nội - Hải Phòng, sân bay Nội Bài, các tiểu đoàn tên lửa phòng không. Đêm 24 rạng ngày 25, sáng và trưa ngày 25-10, địch đã dùng các tốp từ 12 - 26 máy bay đánh vào sân bay. Ngày 24-10, trong các trận đánh trả địch, ta đã bắn rơi 5 máy bay: trong đó có một chiếc A-4 do Tiểu đoàn tên lửa phòng không 93 bắn hạ, ngày 25-10 ta lại bắn rơi 8 chiếc.

Từ ngày 24-10-1967 đến ngày 1-11-1967 địch đã bị mất gần 40 máy bay. Trong những ngày đó, Tiểu đoàn 93 đã đánh 5 trận, bắn rơi 3 máy bay: hai chiếc F-105 và một chiếc A-4. Đợt này tiểu đoàn bị máy bay cường kích A-4 của hải quân Mỹ đánh hai lần, chúng đã dùng bom phá, bom sát thương và bom bi.

Công sự của trận địa tên lửa Việt Nam rất đảm bảo về kỹ thuật và xác suất ném bom không chính xác rất lớn nên tiểu đoàn không bị thiệt hại gì. Nhưng sáng ngày 6-11-1967, địch dùng bốn máy bay F- 105 từ độ cao 1,5 - 2 km, được các nhiễu âm thanh tích cực rất mạnh che chở, bổ nhào với góc độ 10-20o, đã đánh hỏng tất cả các ca bin của đài điều khiển tên lửa và làm hư hại toàn bộ đường dây cáp điện của tiểu đoàn. Địch đã ném xuống tiểu đoàn 16 quả bom phá và tám thùng bom bi mẹ. 

Các quả bom bi "Graiphrút" (địch bắt đầu sử dụng để đánh các tiểu đoàn tên lửa phòng không từ tháng 4-1966) được đặt trong một cái vỏ gồm hai nửa, có kích thước 2,5 x 0,4 mét, được gắn với nhau bằng đai và đinh vít. Bên trong thùng có 6 ngăn. Mỗi quả bom mẹ chứa được 300 - 640 quả bom bi. Trọng lượng một quả bom bi là 420 g, vỏ dầy 7 mm. Mỗi quả bom chứa 390 hòn bi, kích thước 5 mm. Chất nổ của nó là hetrogen, trọng lượng 100 g.

Quả bom mẹ có ngòi nổ ký hiệu M10024A1 đặt ở phía đầu. Từ tháng 4-1967 chúng đã dùng ngòi nổ chậm. Thời gian nổ chậm là từ 1-3 phút đến 2-3 giờ, đôi lúc tới 48 giờ. Hố do một quả bom bi nổ gây ra rộng bằng vành một chiếc mũ sắt úp, bán kính của các mảnh bom là 20 - 25mm, sức phá 10 - 15m, chiều cao của các viên bi bay lên - 1,7m, tức là bằng chiều cao của người, tầm bay ngang - dưới 10 cm so với mặt đất.

Trận địa phóng tên lửa của tiểu đoàn bị nham nhở chằng chịt các hố bom bi như người bị rỗ do bệnh đậu mùa. Bom bi đã đâm thủng các vỏ xe của đài điều khiển tên lửa và làm hỏng các khối điện tử, 100% hệ thống dây cáp điện - mạch máu của tổ hợp khí tài tên lửa phòng không bị hỏng nặng. Tôi còn giữ đến bây giờ một quả bom bi không nổ để nhớ mãi trận ác liệt đó.

Địch đã bị thất bại thảm hại trong các trận đánh vào cuối tháng 10-1967. Tại Hà Nội, chỉ trong vòng một tuần lễ chúng đã bị mất bốn đại tá (trong đó có một liên đội trưởng không quân), chín trung tá, trong đó có một đại tá và ba trung tá bị bắt làm tù binh. Trong số tù binh này có cả Giôn Xít nây Máckên - con trai và là cháu nội của các viên đô đốc hải quân danh tiếng của Mỹ. Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, ông nội y chỉ huy toàn bộ hạm đội Mỹ, còn cha y chỉ huy toàn bộ lực lượng hải quân Mỹ ở châu Âu (giờ đây con trai ông ta bị bắt làm tù binh sau khi nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch) .

Mặc dù bị mất nhiều máy bay và phi công, cường độ các cuộc đánh phá của không quân Mỹ vào các mục tiêu của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa vẫn không giảm đi mấy. Các tháng tiếp sau của năm 1967 - 1968 vẫn tiếp tục các trận đánh phá ồ ạt. Có hai đợt tạm dừng đánh phá ngắn từ 1-4 và từ 1-11-1968.

Kẻ thù muốn bắt nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải quỳ gối, đã đưa vào sử dụng nhiều lực lượng và phương tiện đánh phá mới. Máy bay do thám SR-71, bay cao và bay nhanh, được đưa vào trang bị năm 1966 thường xuyên bay trên bầu trời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ đã đánh phá các khu vực nam Vĩ tuyến 18, tại khu vực này vào tháng 3-1968 lần đầu tiên ta bắn rơi hai máy bay tiêm kích ném bom F-111 mới nhất của không quân Mỹ.

Không quân Mỹ đã thực hiện trên 80% các cuộc đánh phá trong những điều kiện gây nhiễu rất mạnh đối với các trạm ra đa và không chỉ riêng đối với các kênh ngắm mục tiêu. Lần đầu tiên vào mùa thu năm 1967 địch đã dùng nhiễu đánh vào kênh điều khiển tên lửa dưới mặt đất.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã chia sẻ mọi nỗi nhọc nhằn với cán bộ chiến sĩ Việt Nam trong tình hình chiến đấu căng thẳng, đã làm việc cả ngày lẫn đêm, đã không tiếc sức lực, đã tận tình truyền lại những kiến thức và kinh nghiệm sử dụng kỹ thuật tên lửa phòng không mới của mình trong chiến đấu cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong quá trình cùng làm việc đã xây dựng được những quan hệ hữu nghị, anh em chân tình giữa cán bộ chiến sĩ Liên Xô và Việt Nam ở tất cả các cấp.

Các đồng chí Việt Nam đã hết sức cố gắng tìm mọi cách để giảm bớt những điều kiện sinh hoạt chưa quen đối với chuyên gia quân sự Liên Xô tại những nơi tạm nghỉ giữa các đợt chiến đấu. Mặc dù tình hình hết sức phức tạp và khó khăn do các cuộc đánh phá liên tục đối với từng khu dân cư, thậm chí với từng ngôi nhà nhỏ đơn độc, mặc dù trung đoàn đóng quân tại các khu vực liền sát với thủ đô nhưng chúng tôi vẫn được ở trong các ngôi nhà gỗ khô ráo, chúng tôi đã ngủ trên các giường xếp có mắc màn, chúng tôi đã mang theo những thứ đó trong tất cả các cuộc chuyển quân thay đổi địa điểm công tác. Chúng tôi ăn uống bình thường xét về mặt calo, nhưng rất đơn điệu: xúp nấu từ thực phẩm cô đặc, cơm, hiếm khi có thịt (thịt lợn, hoặc gà vịt) và chủ yếu là đồ hộp. Hoàn toàn không có sữa, bánh mỳ - chỉ có bánh mỳ trắng, đưa từ Hà Nội vào.

Tháng 4-1967, sau khi cùng trung đoàn chuyển vào Vĩ tuyến 18 (khu vực thành phố Vinh), chúng tôi đã ở trong các lán thấp được đào khoét vào sườn đồi, sườn núi, phía trên được che, lợp bằng tre, nứa và lá cọ hoặc rơm. Khi trời mưa thường hoặc mưa to nước đều chảy vào trong lán. Không được phơi quần áo ở ngoài lán, lộ bí mật. Để ngụy trang bếp, phải làm bếp trong lán, sát vách lán. Để dẫn khói ra khỏi bếp, chúng tôi đã đào trên sườn đồi một rãnh ống sâu, dài, chạy ngoằn ngoèo, phủ các cành cây lên rồi phủ thêm một lớp đất. Lỗ thông khói nằm rất xa bếp và khói hầu như đã bị đất hút hết .

Mấy lần chúng tôi định nướng bánh mì trong những điều kiện đó nhưng không nướng được và phải mấy tháng trời (từ tháng 4 đến tháng 7) chúng tôi đã phải sống không có bánh mì. Không thể đưa bánh mì từ Hà Nội vào được. Việc chuyển báo chí và thư từ từ quê hương sang cho chúng tôi thực sự là một việc hiếm hoi. Thư và báo đến rất chậm suốt trong bốn tháng chúng tôi chỉ nhận được thư và báo có hai lần.

Để chào mừng 50 năm Cách mạng Tháng Mười, trong những lúc nghỉ giữa các trận đánh, chúng tôi đã cố gắng dốc hết sức mình vào công việc nhằm nâng cao trình độ kỹ thuật tên lửa cho cán bộ chiến sĩ phòng không Việt Nam, vào việc khôi phục trang bị khí tài hỏng hóc, vào việc tổ chức tiến hành công tác kiểm tra định kỳ cho các bộ khí tài tên lửa, vào việc duy trì sẵn sàng chiến đấu thường xuyên cho các bộ khí tài đó. Anh em chúng tôi đã trưởng thành trông thấy - hoàn cảnh chiến đấu đã làm cho họ cứng rắn hơn, có trách nhiệm hơn và gắn bó với nhau hơn.

Nhưng sự mệt mỏi và căng thẳng thần kinh đã cho họ hiểu được chính mình. Chúng tôi rất may mắn là trong đoàn chúng tôi có bác sĩ Bôrít Mốpchan, đồng chí không chỉ chữa chạy cho anh em, mà còn chơi đàn baian và hát rất hay trong những phút nghỉ giải lao. Đúng vậy, anh em không chỉ nghe đàn và nghe hát, mà còn tự ca hát rất say mê với các bài dân ca Nga và các bài ca Liên Xô yêu thích cùng với đàn đệm của bác sĩ.

Trong những ngày lễ kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, sau đó là 50 năm Lực lượng vũ trang Liên Xô đáp lại các buổi chiêu đãi giản dị của chúng tôi nhân các ngày lễ đó, các đồng chí Việt Nam đã tổ chức các buổi tiếp khách long trọng đối với chúng tôi - có các bài phát biểu, các lời chúc mừng và có cả liên hoan văn nghệ của đồng bào địa phương.
Trong buổi lễ trọng thể ngày 7-11-1967, theo đề nghị của lãnh đạo địa phương, tôi đã trồng một cây Hữu nghị - một cây cọ non.

Chúng tôi cũng cảm nhận được sự quan tâm từ Mátxcơva. Rất phấn khởi là trước các ngày lễ lớn chúng tôi đã nhận được những gói quà thực phẩm khiêm tốn (trong đó quý nhất là một chiếc bánh mì gối đen - chúng tôi đã nhớ và thèm nó từ lâu) và các tấm thiệp chúc mừng của Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô và Bộ Tư lệnh phòng không Liên Xô. Còn có cả các thư chúc mừng của Bộ Quốc phòng Việt Nam.

Trung tướng không quân V. N. Abramốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã nhiều lần đến thăm chúng tôi. Là một người hay quan tâm, tốt bụng; đồng chí nghiên cứu rất tường tận công việc của chúng tôi, luôn giúp đỡ chúng tôi trong việc giải quyết các vấn đề mới phát sinh liên quan đến việc nhanh chóng đưa các bộ khí tài tên lửa bị hỏng hóc trở lại đội ngũ chiến đấu giúp chúng tôi trong các vấn đề sinh hoạt.

Sau khi Trung tướng đến thăm, tinh thần của anh em phấn chấn hẳn lên, tăng thêm ý thức trách nhiệm đối với công việc chúng tôi đang làm, tăng thêm lòng tin vào việc hoàn thành thắng lợi sứ mệnh quốc tế của mình. Đồng chí thường xuyên triệu tập các trưởng đoàn chuyên gia từ các trung đoàn về Hà Nội để trao đổi kinh nghiệm, phân tích, tổng kết thực tế đấu tranh với các phương tiện tập kích đường không hiện đại của địch. Địch thường xuyên thay đổi chiến thuật sử dụng các phương tiện đó, thường xuyên hoàn thiện các phương tiện tác chiến điện tử chống lại các bộ khí tài tên lửa phòng không của ta. Chúng tôi đã cùng nhau bàn bạc đề ra các cách giải quyết và kiến nghị đối với các công trình sư, các nhà công nghiệp và cả đối với chính chúng tôi - các chuyên gia quân sự Liên Xô - trực tiếp vận dụng các kiến nghị đó trong chiến đấu.

V. X Kixlianxki, N. I. Cunbacốp, I. A. Côxman, B. A. Vôrônốp, N. M. Xêbalin, các đoàn trưởng chuyên gia ở các trung đoàn M. I. Aghêép, N. A. Blincốp, Iu. M. Bôxnhắc, B. X. Báclamốp, L. M. Gôncharốp, X. Ph. Enhiacốp, kỹ sư V. A. Tơcasencô và các đồng chí khác đã bỏ ra nhiều công sức để tổng kết kinh nghiệm sử dụng các bộ khí tài tên lửa trong chiến đấu và đề xuất các kiến nghị về phương pháp làm việc trong điều kiện địch tác động mạnh về vô tuyến điện tử. Trung tướng V. N. Abramốp đã chỉ đạo và điều hành toàn bộ công việc đó của các chuyên gia quân sự, các đại diện Viện nghiên cứu khoa học và công nghiệp. Các cán bộ chính trị, tuy không nhiều lắm, như M. E. Bôrixencô, E. I. Pôlivaicô, A. T. Trômbachép, K. M. Pôgôdép, v.v đã làm những công việc quan trọng và rất cần thiết đối với chuyên gia quân sự Liên Xô đang làm việc ở Việt Nam.

Các cán bộ của Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam, đứng đầu là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền I. X. Sécbacốp đã làm việc căng thẳng có hiệu quả để giúp các chuyên gia quân sự Liên Xô giải quyết thành công mọi nhiệm vụ được giao, cũng như thực hiện được những hình thức giúp đỡ quan trọng khác mà đất nước chúng tôi dành cho Việt Nam. Đồng chí Đại sứ luôn lắng nghe những báo cáo của các Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô và đã phát biểu trong các cuộc họp của chuyên gia với những thông báo và đánh giá chính trị rất quý báu.

Cuối năm 1967, Tổng thống Mỹ Giônxơn đánh giá tình hình ở Việt Nam như là "đường hầm không lối thoát". Nhưng tướng Uyham Oétmolen, Tư lệnh quân đội Mỹ tại Việt Nam và Chính phủ Mỹ đã giải quyết việc rút ra khỏi đường hầm không lối thoát đó bằng cách gia tăng sức mạnh quân sự, đẩy mạnh các hoạt động quân sự ở miền Nam Việt Nam và tăng cường đánh phá nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Đội quân trên 500 nghìn người của Mỹ (7 sư đoàn, trong đó 5 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn lính thủy đánh bộ), cùng tham chiến với trên 310 nghìn lính và trên 400 nghìn bảo an binh của quân đội chính quy cộng hòa miền Nam Việt Nam chống lại các chiến sĩ yêu nước của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Lực lượng của Mặt trận mỗi ngày một phát triển và hùng mạnh hơn. Kết cục, bọn xâm lược vẫn bị thất bại.

Đêm 31-1-1968 - ngày Tết năm Mới của Việt Nam - các chiến sĩ Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã đồng loạt tiến công vào các căn cứ quân sự Mỹ ở miền Nam Việt Nam, gây cho chúng rất nhiều tổn thất về sinh lực và trang bị kỹ thuật. Mặc dù cuộc tiến công chững lại, nhưng cuộc tiến công đó đã nói lên rằng những chiến sĩ yêu nước Việt Nam có đủ khả năng tiến hành các chiến dịch ồ ạt, nó đã đánh một đòn tâm lý rất mạnh đối với người Mỹ và đẩy bộ chỉ huy quân sự Mỹ đi đến một quyết định tuyệt vọng hơn - tiến hành cuộc chiến nhằm tiêu diệt sinh lực đối phương và tiêu diệt những người dân ủng hộ Mặt trận.

(Đúng sau đó một tháng rưỡi, ngày 16-3-1968, đã diễn ra một cuộc thảm sát đẫm máu: chỉ một trung đội lính Mỹ do Trung uý Colly chỉ huy (đại đội "Charly") đã tàn sát hơn 100 dân thường Việt Nam tại làng Mỹ Lai (xã Sơn Mỹ)).

Theo đuổi quyết định này, khi ném bom đánh phá các khu dân cư ở miền Bắc Việt Nam, mặc dù nhà cửa ở các khu vực này đã bị tàn phá, cũng như khi đánh vào các trận địa tên lửa, bộ chỉ huy quân sự Mỹ đã sử dụng rộng rãi hơn các loại bom bi có thời gian nổ chậm khác nhau. Chúng cũng sử dụng nhiều hơn các loại bom từ trường nổ chậm. Bom từ trường chỉ phát nổ khi lọt vào vòng từ trường của bất kỳ vật thể kim loại nào chuyển động - xe tô, xe đạp, người đi bộ có mang theo vũ khí hoặc có các vật kim loại trên quần áo. Chúng ném các quả bom đó từ các độ cao không lớn dọc theo các con đường và những quả bom đó nằm dưới mặt đất, chờ thời cơ phát nổ, thời gian gây tang tóc kéo dài tới 100 ngày.

Tháng 4-1968, Trung đoàn tên lửa phòng không 278 đủ biên chế tới (lúc này Tiểu đoàn tên lửa phòng không 94 đã nhận được bộ khí tài tên lửa mới và đã được bổ sung đủ quân sô) đã chuyển quân vào Quân khu 4 - Vỹ tuyến 18, ở hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Trung đoàn đã phải hành quân theo các con đường bị bom cày phá, các con đường vòng tránh, các bến phà trong đêm tối, qua nhiều con sông mà cầu đã bị địch đánh sập, suốt cuộc hành quân luôn bị không quân địch quấy phá.

Càng đi sâu xuống phía Nam bao nhiêu, chúng tôi càng cách xa vành đai phòng thủ Hà Nội bấy nhiêu, do vậy càng phải hết sức tuân thủ các biện pháp ngụy trang, phải tuân thủ hệ thống tín hiệu bằng cờ trên tất cả các đoạn đường: nếu cờ trắng được giơ lên - có thể đi được, nếu cờ đỏ phải lập tức ẩn nấp - trên không có máy bay địch.

Sau một chặng nghỉ ngắn tại khách sạn sơ tán của thị xã Thanh Hóa (tại đây, các phóng viên của chúng tôi thường dừng chân nghỉ lại: tháng 3-1966 - Anđrây Cruxinxki, phóng viên báo Sự thật thanh niên Cômxômôn, tháng 6-1966 - Iôna Anđrônốp, phóng viên báo Thời mới, tháng 8-1967 – Áccađi Áccanốp, tháng 10-1967 - các phóng viên báo Sự thật và Tia lửa Ivanxêđrốp và Alếchxanđrơ Xêricốp, nhiều lần đến đây là phóng viên báo Tin tức Mikhain Ilinxki), chúng tôi lại tiếp tục hành quân về phía Nam.

Nhiệm vụ của trung đoàn chúng tôi là ngăn chặn ý đồ của bộ chỉ huy quân địch trong việc chặn đường vận chuyển quân, vũ khí, đạn dược và các vật tư kỹ thuật khác tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Để thực hiện mưu đồ đó địch đã dùng mọi biện pháp có thể, dốc hết vào những nỗ lực tuyệt vọng. Dải đất hẹp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nằm giữa Vĩ tuyến 19 và 17 đã bị không quân địch đánh phá liên tục, suốt ngày đêm trong mọi điều kiện, thậm chí cả những lúc điều kiện thời tiết phức tạp nhất. Ban đêm, chúng sử dụng rộng rãi pháo sáng.

Tại đây chúng tôi đã phải chịu đựng những ngày tháng nóng bỏng nhất - cả về mặt thời tiết (nhiệt độ không khí thậm chí về ban đêm trên 30oC, độ ẩm trên 90%), cả về mặt chiến đấu. Tại Quân khu 4, địch đã hoàn toàn bá chủ trên không, chúng đã rượt đuổi đánh từng chiếc ôtô, bắn từng người khi chúng phát hiện thấy, ban đêm, thậm chí chúng còn đánh cả vào các nguồn phát sáng nhỏ bé như đèn pin chẳng hạn.

Tại một làng gần lán của chúng tôi, ban đêm, sau một trận mưa rào, các cháu bé dùng đèn pin soi để bắt ốc về ăn. Ngay lúc đó máy bay trinh sát thường xuyên bay lượn đã phát hiện được và ngôi làng đã bị ném bom. Hầu hết các cháu bé bị giết chết, số cháu còn sống sót đã bị tàn phế.

Trong một ngày trời đẹp, một chiếc máy bay cường kích trinh sát của hải quân Mỹ RA-5C "Vigilenti" đã bay qua trên lán chúng tôi, ở độ cao 100m. Cả nhóm đang làm việc ở Tiểu đoàn 92, tôi ở lại lán viết báo cáo, vừa bước ra khỏi lán và ngay lúc đó nhìn thấy rõ tên phi công lái máy bay trinh sát bay ngay trên đầu mình. Ngay đêm đó chúng tôi phải chuyển đi nơi khác, và ngày hôm sau máy bay địch đã đến ném 5 quả bom phá và 5 quả bom bi mẹ xuống nơi chúng tôi vừa rời đi.

Tiểu đoàn tên lửa phòng không - là mục tiêu rất dễ bị phát hiện và là mục tiêu quan trọng, vì vậy ở vùng này chúng tôi phải dùng chiến thuật phục kích để đánh.

Các tiểu đoàn tên lửa ẩn nấp trong rừng, ban đêm cơ động ra trận địa bệ phóng đã lựa chọn trước, nhưng không triển khai cả 6 bệ phóng, mà chỉ triển khai 3 bệ, sử dụng một kênh điều khiển tên lửa. Sáng sớm, chúng tôi phóng tên lửa, có thể thành công hoặc không thành công và tiểu đoàn đã bị lộ, sau trận đánh phải thu hồi ngay khí tài trang bị và rút về nơi ẩn nấp. Nhưng không phải lúc nào cũng làm được việc đó

Địch thường dùng nhiều tốp máy bay tổ chức theo các thê đội theo thời gian và độ cao để tiến hành các trận đánh phá. Chúng lập tức tập trung một số cặp máy bay F-4, F-8, A-4 đánh vào tiểu đoàn tên lửa đã bị phát hiện.

Ngày 12-5, Tiểu đoàn tên lửa phòng không 94 đã bắn rơi 1 máy bay F-4, ngay ngày 16, tiểu đoàn bị một số tốp F-4, F-8 yểm trợ đánh phá. Tiểu đoàn tạm thời phải rời vị trí.

Cũng trong ngày hôm đó, 12-5, Tiểu đoàn tên lửa phòng không 93 cũng bắn rơi 1 máy bay A-4. Nhưng địch đã dùng một số tốp máy bay cường kích và tiêm kích bay bổ nhào với góc 45 - 60o đánh vào tiểu đoàn dữ dội, toàn bộ trang bị khí tài của Tiểu đoàn không thể sửa chữa khôi phục lại được

Bây giờ toàn đoàn chuyên gia chúng tôi phải tập trung mọi cố gắng cho Tiểu đoàn tên lửa phòng không 92, tiểu đoàn đã đánh thắng một số trận và còn nguyên vẹn. Chúng tôi đã quyết định dùng tiểu đoàn này vào các trận đánh đêm. Cần phải làm việc hết sức ăn ý giữa tất cả các kíp chiến đấu để khi trời bắt đầu tối đưa tiểu đoàn từ nơi ẩn nấp ra trận địa triển khai, điều chỉnh và phối hợp các hệ thống, tiến hành trận đánh, nhanh chóng thu hồi trang bị khí tài và trước khi trời sáng phải quay về nơi ẩn nấp.

Đêm 18-6, Tiểu đoàn tên lửa phòng không 92 đã tổ chức một trận đánh có hiệu quả với hai chiếc F-4 "Con ma" bay theo các tham số hướng đi không lớn, ở độ cao 3 - 3,5km, mỗi chiếc cách nhau 1,5 - 2 km. Khi bắt được mục tiêu chiếc thứ nhất, lập tức bám sát nó, Tiểu đoàn trưởng quyết định tiêu diệt nó bằng hai quả tên lửa ở giữa vùng sát thương. Quả thứ nhất phóng và bắt được mục tiêu bằng chùm sóng bám sát mục tiêu, quả thứ hai - không phóng được. Chúng tôi quyết định "phóng theo kênh thứ ba". Tên lửa đã rời bệ phóng và được điều khiển bình thường. Mục tiêu thứ nhất bị tiêu diệt bằng quả tên lửa đầu tiên, sau đó lập tức bám sát các điểm của mục tiêu thứ hai và tiến hành phóng lần thứ hai theo kênh thứ hai.

Tên lửa đã bay lên và được điều khiển bình thường. Cự ly gặp mục tiêu - 15km. Mục tiêu thứ hai bị tiêu diệt. Như vậy trong trận này chỉ tiêu hao 3 quả tên lửa, tiểu đoàn đã diệt được 2 máy bay "Con ma".

Các bạn Việt Nam đã tặng tôi một miếng nhãn hiệu của một trong hai chiếc máy bay F-4 bị bắn rơi để làm kỷ niệm. Trên nhãn có dòng chữ: 
AIRCRAFT mod. F-4   
PART. No 32-710002-321
SERIAL No RR45-42
MODIFICATION 
INCORPORATED
 

Các đại đội pháo cao xạ phòng không loại nhỏ đã tham gia bảo vệ có hiệu quả cho các tiểu đoàn tên lửa phòng không. Tại Quân khu 4, các đại đội pháo cao xạ hạng trung cũng hoạt động tốt. Cả hai loại pháo này đều bị nhũng tổn thất, nhưng vẫn tiếp tục dũng cảm chiến đấu với kẻ thù.

Chúng tôi cũng được theo dõi, quan sát một số trận đánh của các phi công Việt Nam lái máy bay MIG-17 và MIG-21. Ngày 16-6-1968, một chiếc MIG-21 phát hiện chiếc máy bay đi sau (một trong hai chiếc F-4), tiến sát đến chiếc máy bay đó ở cự ly phóng, phóng một quả tên lửa, rồi quay ngoặt lại, hạ độ cao và bay thật thấp trở ra phía bắc. Thoạt đầu chiếc F-4 vẫn tiếp tục bay theo hướng bay cũ, không mất độ cao, nhưng lúc đó chúng tôi thấy một luồng sáng rất lớn, phun ra từ ống xả của động cơ. Sau mấy giây nó đột nhiên giảm tốc độ và bắt đầu rơi. Sau đó đã có một tiếng nổ rất lớn. Chiếc F-4 dẫn đầu lượn vòng trên khu vực chiếc máy bay bị bắn rơi gần 40 phút, với hy vọng là phi công của chiếc máy bay đó kịp nhảy dù ra ngoài, chúng sẽ liên lạc bằng vô tuyến điện với nhau: nhưng chẳng có hy vọng gì. Lại thêm một tên giặc lái Mỹ đầy nợ máu đi đến kết cục không vẻ vang gì trên đất Việt Nam.

Chúng tôi cũng nhiều lần được quan sát những tên phi công lái máy bay Mỹ bị hỏa lực phòng không Việt Nam bắn rơi, bay lơ lửng trên những chiếc dù nhiều mầu sắc sặc sỡ Chúng đã bị những người dân Việt Nam bắt giữ, cứu chữa và giải ra Hà Nội.

Nhiều lần chúng tôi đã phải nghe những tiếng gào khóc ầm ĩ, kéo dài và đau thương của những người phụ nữ Việt Nam bị mất con hoặc mất chồng. Cuộc chiến tranh tàn khốc đó đã đem lại biết bao đau thương và tai họa cho nhân dân Việt Nam.

Kết quả của cuộc đấu tranh anh dũng của nhân dân Việt Nam có sự giúp đỡ toàn diện và vô điều kiện của chúng tôi là đã làm thất bại mọi kế hoạch của Lầu Năm góc. Chính quyền Mỹ buộc phải ngồi vào bàn đàm phán kéo dài hơn 4 năm.
Ngày 10-5-1968, tại Pa ri đã đạt được thỏa thuận về việc bắt đầu các cuộc đàm phán giữa các đại diện của Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giải quyết tình hình ở Việt Nam, ngày 13-5-1968 đã diễn ra cuộc gặp đầu tiên giữa Hariman với đại diện của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cuộc gặp này đã cho thấy rằng các cuộc đàm phán sẽ khó khăn và kéo dài, trong lúc đó Mỹ vẫn tiếp tục gia tăng các cuộc đánh phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Nếu trong tháng 4-1968 không quân Mỹ chỉ đánh phá 3500 lần ở khu vực nam Vĩ tuyến 19, trong tháng 5 chúng đã đánh phá 4700 lần, thì trong tháng 6 số trận đánh phá đã lên tới 5200 lần. Trung bình chúng sử dụng 170 lần chiếc máy bay trong một ngày đêm.

Tờ báo Pháp Phigarô, số ra tháng 10-1968 đã viết: "Mỹ đã thực hiện các cuộc ném bom đánh phá khốc liệt nhất trong toàn bộ lịch sử chiến tranh ở Đông Nam Á. Khu vực giữa Vĩ tuyến 17-19 chỉ dài có 200 km, rộng 60-80 km bảy tháng liền đã phải chịu đựng các cuộc đánh phá với cường độ không thể nào tưởng tượng được. Đó là sự ngổn ngang của sắt thép, khói lửa và máu xương. Tất cả những cái đó đều do các cuộc ném bom đánh phá gây nên. Chúng không hề thương tiếc một tòa nhà, một căn lều, một con đường nhỏ nào cả".

Việc tập trung các cuộc đánh phá vào nhiều khu vực dọc lãnh thổ nhỏ bé này đã cho thấy một con số thống kê khủng khiếp - 3 quả bom trên một mét vuông.

Nhưng ý chí của nhân dân Việt Nam không hề lay chuyển. Nhân dân Việt Nam vẫn đứng vững trong mọi hoàn cảnh và đã chiến thắng. 

Trong số ra tháng 12 của tạp chí New Sun, bình luận viên nổi tiếng U. Lípman đã viết: "Chúng ta phải thừa nhận rằng quân đội Mỹ không thể kiểm soát được châu Á. Sự nhục nhã và thấp hèn mà chúng ta đã phải trải qua ở Việt Nam sẽ nói lên điều đó".

Ngày 27-1-1973, Hiệp định đình chiến và lập lại hòa bình ở Việt Nam đã được ký tại Pa ri.

Tháng 8-1968, sau khi hoàn thành đợt công tác tại Việt Nam, chúng tôi đã rất bịn rịn chia tay những người bạn chiến đấu Việt Nam và trở về Tổ quốc với niềm vui là đã hoàn thành nghĩa vụ quốc tế một cách tự nguyện. Sau khi trải qua lò lửa chiến tranh, các bạn trẻ của chúng tôi đã trưởng thành. Các đồng chí trung uý đã được phong thượng uý và đã được bồi dưỡng tốt hơn về trình độ nghiệp vụ so với những người chưa được sang Việt Nam. Qua mười năm sau khi công tác ở Việt Nam, tôi gặp lại Trung uý A. Iu. Lôgôgiác, Trưởng kíp trắc thủ ca bin "PA” nay là Trung tá, Lữ đoàn trưởng một lữ đoàn tên lửa phòng không.

Chúng tôi hy vọng rằng Hội cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam - là thành viên của Hội Nga - Việt hữu nghị, cùng với những công việc khác sẽ đóng góp sức mình vào sự nghiệp khôi phục tình hữu nghị huynh đệ của những cựu chiến binh đã tham gia chiến tranh ở Việt Nam, đóng góp vào việc tiếp tục phát triển và củng cố tình hữu nghị và hợp tác giữa nhân dân hai nước Nga và Việt Nam.
Ngày 5-9- 1989 tại làng Bình Minh

TRUNG TƯỚNG
VÔRÔBIÉP MÁC IVANÔVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học - kỹ thuật, Viện sĩ danh dự Viện hàn lâm Metrôlôgia.

Ông sinh ngày 29-1-1921 tại tỉnh Ulianốp. Năm 1941 tốt nghiệp Trường sĩ quan pháo phòng không Sơcalốp. Ra mặt trận từ tháng 5-1941 đến tháng 5-1945, là trung đội trưởng trung đội hoả lực, đại đội trưởng đại đội pháo cao xạ, tham mưu trưởng tiểu đoàn độc lập (Tiểu đoàn 261 pháo cao xạ độc lập của Bộ Tư lệnh), trung đoàn phó Trung đoàn pháo phòng không 186 thuộc Tập đoàn quân 19.

Năm 1952 tốt nghiệp Học viện kỹ thuật vô tuyên điện pháo binh ở thành phố Kháccốp. Ông tiếp tục phục vụ tại Quân khu phòng không Mátxcơva với các chức vụ trung đoàn trưởng, kỹ sư trưởng, quân đoàn phó và quân đoàn trưởng quân đoàn phòng không đặc nhiệm.

Từ năm 1967 đến năm 1969 Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Ông được thưởng Huân chương Lênin, Huân chương Chiến tranh giữ nước hạng I và hạng II, Huân chương Sao đỏ, Huân chương Lao động Cờ đỏ, các huy chương "Quân công”, “Bảo vệ vùng Bắc cực Liên Xô”, "Chiến thắng phát xít Đức”, các huân chương và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

CẢI TIẾN VỀ MẶT TÁC CHIẾN BỘ KHÍ TÀI TÊN LỬA PHÒNG KHÔNG XA-75 “ĐVINA” TRONG QUÁ TRÌNH CHIẾN ĐẤU

Qua các sự kiện ở Việt Nam, trong quá trình chống trả một cách sinh động giữa hệ thống phòng không của ta và không quân địch cần phải chỉ rõ một đặc điểm nổi bật - đó là việc cải tiến về mặt tác chiến bộ khí tài tên lửa phòng không trong quá trình chiến đấu cùng với việc tu chỉnh thực tế trực tiếp bộ khí tài tại các đơn vị bộ đội.

Tình hình diễn ra ở Việt Nam năm 1966 đã thôi thúc việc này: không quân Mỹ đã luôn hoàn thiện chiến thuật đánh phá, đã đặt các máy gây nhiễu vô tuyến điện trên các máy bay, việc đó đã làm giảm hiệu quả hỏa lực của các bộ khí tài tên lửa phòng không. Nếu vào thời kỳ đầu chiến dịch (1965) chỉ tiêu hao 1-2 quả tên lửa cho một máy bay bị bắn rơi, thì đến năm 1966 lượng tiêu hao đó đã tăng lên 3-4 quả (tính trung bình). Bộ khí tài tên lửa phòng không XA-75 "Đvina" bắn không có hiệu quả đối với các mục tiêu bay thấp. Lúc bấy giờ ở Việt Nam không có loại khí tài tên lửa phòng không nào khác, chỉ có thể đánh trả quân địch bằng cách nâng cao khả năng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa phòng không hiện có bằng con đường cải tiến.

Công tác thiết kế theo đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng Liên Xô đã được bắt đầu vào giữa năm 1966. Các quyết định được thông qua đã được đưa ra thử nghiệm tại trường bắn, bao gồm cả việc bắn đạn thật vào bia. Trong quá trình làm việc, chúng tôi thường xuyên vận dụng kinh nghiệm của các lần bắn theo báo cáo của chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam và các kiến nghị của đại diện các phòng thiết kế trong thành phần đoàn nghiên cứu khoa học đang làm việc tại Việt Nam.

Các bộ khí tài được chuyển giao tiếp sau đó cho Việt Nam đều đã được cải tiến. Chúng tôi đã gửi phụ tùng, linh kiện, các khối máy, trang bị dây dợ, tài liệu kỹ thuật sang Việt Nam để tổ chức cải tiến các bộ khí tài ngay tại các đơn vị bộ đội. Đã thành lập và cử sang Việt Nam đoàn chuyên gia công nghiệp (trên 80 người, do Iuri Alếchxanđrôvích Visnhép, công tác ở xí nghiệp kỹ thuật sản xuất đầu đạn tên lửa của Bộ công nghiệp vô tuyến điện) phụ trách.

Giữa năm 1967 ba đội cải tiến đã cùng với các đại diện quân đội bắt tay vào việc cải tiến. Các đội trưởng và đại diện quân đội đó là: Camanđinốp và Lesưxin, Xencốp và Duép, Xôcôlốp và Canđưba. Mặc dù gặp rất nhiều khó khăn - điều kiện dã ngoại, khí hậu nhiệt đới nóng bức và ẩm ướt, máy bay Mỹ thường xuyên đánh phá - các đội cải tiến vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. các bộ khí tài tên lửa mới được cải tiến lần đầu tiên đã bắn hạ được nhiều máy bay với lượng tiêu hao tên lửa ít hơn và trong vùng sát thương rộng hơn (điều rất quan trọng là ở các độ cao không lớn, dưới 300m).

Tôi đã bay sang Hà Nội vào buổi tối ngày 6-11-1967 (máy bay chỉ được hạ cánh vào ban đêm), tôi chuyên trách về công tác cải tiến. Ngày hôm sau, trong buổi chiêu đãi tại Đại sứ quán Liên Xô nhân dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười, tôi đã được gặp các đồng chí trong Bộ Tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Việc đầu tiên là họ đã tỏ ra hài lòng với những kết quả cải tiến. Một người trong số họ đã nói rằng chiếc máy bay thứ 2500 của Mỹ bị một quả tên lửa của bộ khí tài cải tiến bắn rơi để chào mừng "50 năm Cách mạng Tháng Mười”.

Ngày 11-11, tôi gặp Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí cho biết về đặc điểm của các hoạt động chiến đấu, về những kết quả mới nhất và những thất bại của binh chủng tên lửa phòng không Việt Nam, đồng thời nêu lên hiệu quả của việc cải tiến; đồng chí đã thông báo cho tôi rằng, theo tin tức nhận được, bọn Mỹ dự định sẽ tăng cường tác động vô tuyến điện, do đó đồng chí đề nghị chúng tôi tiếp tục đề ra các biện pháp để nâng cao khả năng chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa. Sau đó tôi đã báo cáo về những kế hoạch của chúng tôi, nói riêng, là về việc trang bị cho đài điều khiển tên lửa một thiết bị quang học để ngắm bắt mục tiêu, việc này tạo khả năng phóng được tên lửa vào các máy bay gây nhiễu vô tuyến điện và giúp cho các trạm điều khiển tránh được sự tàn phá của tên lửa tự tìm mục tiêu "Sraicơ" phóng xuống theo chùm sóng vộ tuyến điện, đồng chí Phùng Thế Tài đồng ý cho thực hiện ngay những kế hoạch đó. 

Tiếp đó tôi đề nghị giúp đỡ chúng tôi trong việc tổ chức các cuộc thí nghiệm nhằm đánh giá chỗ yếu của các máy bay Mỹ với mục đích thu nhận được những số liệu kinh nghiệm để nghiên cứu chế tạo ra đầu đạn tên lửa mới có góc độ rộng. Chúng tôi cho rằng chùm mảnh đạn sẽ có góc tung ra rộng hơn so với đầu đạn hiện nay chắc chắn sẽ phủ được các mục tiêu đang cơ động. Đề nghị của chúng tôi đã được chấp thuận. Các vấn đề và kế hoạch còn lại sẽ được bàn với Bộ Tư lệnh phòng không, việc đó chúng tôi đã làm trong ngày hôm sau. Đồng chí Đặng Tính (Дань Tинь) - chính ủy kiêm Tư lệnh binh chủng phòng không không quân - đã đánh giá cao kết quả cải tiến các bộ khí tài tên lửa phòng không. Đồng chí nói rằng các bộ khí tài cải tiến đã đem lại kết quả khả quan - tính trung bình, binh chủng tên lửa phòng không đã dùng 4-5 quả tên lửa để diệt được một mục tiêu, đối với các bộ khí tài chưa được cải tiến phải mất nhiều tên lửa hơn, trong nhiều trường hợp mất tới 10 quả tên lửa.

Tình hình đó giữ được đến giữa tháng 12. Nhưng đến ngày 14-12, thời tiết khá hơn, đã xuất hiện những tia nắng trong mây, bọn Mỹ không thể chờ đợi được thêm nữa. Lúc 12 giờ 30 phút, hai đợt máy bay đánh vào Hà Nội, lúc 13 giờ 15 phút là đợt thứ ba. Chúng ném bom đánh cầu Long Biên bắc qua sông Hồng. Bắt đầu thời kỳ đánh phá ác liệt cường độ cao. Một thông báo náo động được truyền đi: ngày 15-12, Trung đoàn 236 (trung đoàn Hà Nội) đã phóng 8 quả tên lửa và tất cả đều mất điều khiển rồi rơi ngay sau khi phóng. Ngày 16, Trung tá Vinh - Phó kỹ sư trưởng Binh chủng tên lửa phòng không đã thông báo với tôi rằng ở các trung đoàn khác cũng xảy ra hiện tượng tên lửa rơi ngay sau khi phóng: đã phóng đi 29 quả tên lửa mà chỉ tiêu diệt được 2 chiếc máy bay, 11 quả tên lửa bị mất điều khiển và rơi ngay.

Cần chú ý đến một điều là "các dạng" của hiện tượng này trong tất cả các trường hợp đều giống nhau, chúng tôi cho rằng nguyên nhân của việc mất điều khiển và rơi tên lửa, có lẽ là do nhiễu vô tuyến điện. Ngay lập tức phản ứng từ phía Việt Nam hoàn toàn khác. Cuối ngày 15-12, trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 đã nói với Đại tá N. I. Cunbacốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trung đoàn rằng: "Liên Xô cho chúng tôi những tên lửa xấu. Chỉ có như vậy thôi" .

Thậm chí một người am hiểu về kỹ thuật, trung đoàn phó Trung đoàn Hà Nội, ngày 17-12 cũng nói với Đại tá Gôncharốp: "Các đồng chí cho chúng tôi những tên lửa cũ, quá thời hạn sử dụng. Các tên lửa này được đưa tới từ Ba Lan, Tiệp Khắc, Đức, được sơn lại ở trong kho tại thành phố Iếccút (thật là quá am hiểu) và chuyển sang đây cho chúng tôi".

Như Gônchacốp đã nói với tôi, họ còn bóc được sơn từ một số tên lửa, như họ nói, dưới lớp sơn còn thấy cả các khuôn trổ cũ, nhưng họ không chỉ cho chúng tôi.

Lúc đó Anatôli Mikhailôvích Elixêép, Phó tổng công trình sư của phòng thiết kế đặc biệt thuộc Nhà máy kỹ thuật vô tuyến điện Mátxcơva, Épghênhi Vaxilêvích Épxicốp - đại diện quân sự của phòng thiết kế đặc biệt, Vlađimia Alếchxêêvích Rưbin, Tổng công trình sư của Nhà máy tên lửa "Avangarđ" đang có mặt ở Việt Nam đã cùng với các chuyên gia Liên Xô ở các trung đoàn tiến hành việc phân tích khẩn cấp các lần phóng tên lửa có tên lửa bị rơi và đi đến kết luận rằng nguyên nhân của các thất bại là do bị nhiễu vô tuyến điện đối với kênh điều khiển tên lửa. Hơn nữa, họ đã tuyên bố rằng, theo sự đề xuất của họ, có thể có khả năng tránh được nhiễu và ở đây họ có thể thử làm một số việc để thực hiện ý định này. 

Mặc dù trên thực tế chúng tôi chẳng nghi ngờ gì đối với việc này, tất cả là do nhiễu, chúng tôi đã thống nhất với Bộ Tư lệnh binh chủng tên lửa phòng không về việc tiến hành kiểm tra kỹ lưỡng tình trạng máy móc của đài chỉ huy điều khiển và tên lửa ở các đơn vị. Chúng tôi đã tổ chức một đoàn chuyên gia hỗn hợp do Đại tá N. I. Cunhacốp phụ trách để làm việc này.

Tôi đã báo cáo với Đại sứ I. X. Sécbacốp về những việc trên. Được sự đồng ý của đại sứ, tôi đã có cuộc trao đổi thẳng thắn với bộ chỉ huy Quân đội nhân dân Việt Nam có liên quan đến những tuyên bố về việc Liên Xô đưa sang những "tên lửa xấu” và đề nghị Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam cho được gặp gấp. Ngày 21-12, Đại tá Phùng Thế Tài, Phó Tổng tham mưu trưởng đã mời tôi đến gặp. Cùng tôi trong buổi gặp có Trung tá Gieledơnhiác, người đã ghi lại tường tận những điều cả hai bên đã trao đổi. Tôi còn giữ lại được băng ghi âm cuộc nói chuyện, nhưng ở đây tôi chỉ nêu lên những nét chung.

Tôi nói, trong một số trường hợp tên lửa rơi ngay sau khi phóng, nguyên nhân chỉ có thể là do nhiễu vô tuyến điện. Trong buổi làm việc tôi đã đề nghị chuyển giao cho chúng tôi máy gây nhiễu còn giữ được của các máy bay bị bắn rơi gần đây nhất, hỏi thêm phi công bị bắt làm tù binh và dùng một bộ khí tài tên lửa phòng không làm các thí nghiệm trong khi địch đánh phá.

Trong lời đáp lại, thoạt đầu đồng chí Phùng Thế Tài đã nói một cách xã giao, rằng theo ý kiến của chúng tôi, có thể có một số nguyên nhân: có thể việc sản xuất tên lửa chưa chất lượng, bảo quản chưa tốt, kiểm tra chưa đúng, chưa đầy đủ, sai sót của các kíp trắc thủ, v.v. cũng có thể do nhiễu vô tuyến điện. Ông nói tiếp, vì vậy không nên vội vã mà phải nghiên cứu vấn đề này một cách toàn diện và sâu sắc.

Tôi đã nói với đồng chí đó: cần phải làm gấp - nếu  không các bộ khí tài tên lửa sẽ bị nhiễu "bóp chết" và tôi tiếp tục đề nghị phải dùng một bộ khí tài tên lửa để làm các thí nghiệm và khai thác thêm phi công tù binh. Về việc nghi ngờ chất lượng sản xuất tên lửa hoặc tăng thêm thời gian bảo quản tên lửa, tôi đã nhất quyết và hoàn toàn loại trừ những điều đó, đồng thời giải thích rõ rằng điều đó không thể có, rằng trong cùng một lúc, không phải ở một bộ khí tài tên lửa phòng không mà ở một số bộ khí tài đã có tới hai mươi quả tên lửa bị rơi "theo một dạng". Ở Liên Xô, chúng tôi đã bảo quản các tên lửa đó đúng theo các tiêu chuẩn, có nạp sẵn nhiên liệu trong mười năm, rồi sau đó mới đưa ra bắn tại trường bắn. Cũng có xảy ra những trục trặc cá biệt, nhưng tính chất của sự trục trặc đó khác nhau, nhưng ở đây chỉ có một tính chất đồng nhất.

Đồng chí Phùng Thế Tài đã trả lời rằng sẽ chỉ thị cho hỏi cung tiếp các phi công tù binh và hôm sau sẽ thông báo kết quả. Về việc dùng một bộ khí tài để làm thí nghiệm, đồng chí nói: "Chúng tôi sẽ nghiên cứu vấn đề này, sẽ trao đổi và trả lời sau”.

Về phần lấy khẩu cung của các phi công tù binh, đồng chí Phùng Thế Tài đã giữ đúng lời hứa; 16 giờ ngày hôm sau, người ta đã mời tôi đến Bộ Tổng tham mưu, tại đây trợ lý của đồng chí Phùng Thế Tài đã báo cáo kết quả lấy khẩu cung bốn phi công bị bắn rơi trong những ngày gần đây nhất. Chúng không hề giữ bí mật quân sự, đã khai khá tỉ mỉ về các thiết bị gây nhiễu được đặt trên máy bay, về các bản hướng dẫn cho phi công chiến thuật tác chiến trong các vùng sát thương của bộ khí tài tên lửa phòng không, đã vẽ lại đồ thị phương hướng của thiết bị gây nhiễu.

Điều quan trọng nhất là đã nhận được thông báo rằng cuối tháng 11, đầu tháng 12 người Mỹ sẽ đặt lên các máy bay máy gây nhiễu mới "chống lại việc phát hiện và chống lại tên lửa khi nó đang bay".

Tất cả chúng tôi và các cán bộ lãnh đạo Việt Nam đều đã sáng tỏ và ngày 24 tháng 12, Tư lệnh binh chủng tên lửa phòng không đã thông báo rằng họ tiếp thu tất cả các đề nghị và dành một bộ khí tài tên lửa để làm các thí nghiệm.

Ngay trong trận đánh phá đầu tiên đã xác định được sự thật về việc có nhiễu "chống tên lửa khi nó đang bay". Lúc đầu các kíp trắc thủ được hướng dẫn cách hành động trong điều kiện có nhiễu, về sau các đại diện của các tổ thiết kế (Elixêép, Rưbin, v.v.) và các chuyên gia quân sự (Môixêép, v.v ) đã linh hoạt giải quyết nhiệm vụ "trung lập hóa" sự tác động của nhiễu bằng cách điều chỉnh một cách thích hợp thiết bị của đài điều khiển tên lửa và tên lửa. A. P. Môixêép đã trình bày cặn kẽ phần về tên lửa.

Cũng cần phải nói lên một điều là sở dĩ người Mỹ có thể chế tạo ra được thiết bị gây nhiễu vô tuyến điện đánh vào kênh tên lửa là do chúng đã nghiên cứu bộ khí tài tên lửa “Đvina" giống như vậy do Ixraen thu được trong cuộc chiến tranh với Ai Cập rồi trao lại cho Mỹ.

Đêm 28 rạng ngày 29-12-1967 tôi rời Hà Nội, ngày 31-12 về đến Mátxcơva. Ngay sau năm Mới tôi đã được triệu tập đến gặp đồng chí Đ. Ph. Uxtinốp, Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Ở đây, với sự có mặt của các Bộ trưởng Bộ Công nghiệp vô tuyến điện và Bộ Công nghiệp hàng không, các Tổng công trình sư thiết kế vũ khí tên lửa phòng không, Tổng tư lệnh bộ đội phòng không Liên Xô, các chuyên viên của Hội đồng công nghiệp quốc phòng, tôi đã báo cáo về tình hình chung ở Việt Nam và riêng về phần trang bị vũ khí. Đồng chí Uxtinốp đã trực tiếp giao nhiệm vụ cho các bộ trưởng và tất cả cán bộ có mặt tại đó: phải khẩn trương và ưu tiên áp dụng các biện pháp giúp đỡ toàn diện cho Binh chủng phòng không Việt Nam và nâng cao khả năng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa phòng không "Đvina".

Và cứ như vậy, chúng tôi tiếp tục công việc cải tiến bộ khí tài tên lửa theo mức độ tích luỹ kinh nghiệm chiến đấu Nhờ kết quả cải tiến "Đvina" đã khác trước, tính năng của nó đã được tăng lên rõ rệt: để tiêu diệt các loại máy bay khi tiến vào mục tiêu ở độ cao không lớn, giới hạn vùng sát thương giảm xuống dưới 300m, còn tầm tiếp cận dưới 5 km; để đối phó việc máy bay địch cơ động tránh tên lửa trong vùng hỏa lực, chúng tôi đã tiến hành cải tiến máy móc của đài chỉ huy điều khiển tên lửa và cải tiến phần đầu đạn của tên lửa với góc bay của các mảnh đạn lớn hơn; nâng cao khả năng phòng chống nhiễu cho máy móc của đài điều khiển tên lửa; giảm thời gian đưa bộ khí tài vào chế độ sẵn sàng xuống dưới 30 giây. Đã đưa cơ cấu phóng giả vào máy chỉ huy điều khiển tên lửa để tăng thêm khả năng chiến thuật - phỏng tạo tín hiệu vô tuyến điện của việc phóng tên lửa.

Khi nhận được tín hiệu này trong máy thu vô tuyến đặt trên máy bay các phi công của máy bay chiến thuật sẽ lập tức cơ động tránh tên lửa, việc đó làm cho chúng phải thoái thác việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu và giúp cho các trắc thủ của đài chỉ huy tên lửa có thể phân biệt được chúng với các máy bay ném bom hạng nặng B-52 trên các màn hiển thị. Việc mở cơ cấu "phóng giả” trong sự hiệp đồng với không quân tiêm kích phòng không đã đảm bảo được ưu thế cho các phi công Việt Nam trong trận không chiến, bởi vì khi phi công Mỹ buộc phải cơ động tránh tên lửa, chúng sẽ bị mất thế của mình trong trận chiến đấu.

“Đvina" cải tiến đã có khả năng, kể cả trong những điều kiện phức tạp, bắn rơi máy bay các loại của Mỹ (trừ máy bay SR-71). Bằng chứng là năm 1972 - năm cuối cùng của cuộc chiến tranh phá hoại: đã phóng 1155 lần, tiêu hao toàn bộ 2059 quả tên lửa, hạ được 421 máy bay. Tiêu hao trung bình 4,9 quả tên lửa cho một mục tiêu.

Ở đây cũng cần phải biểu dương tài nghệ của các khẩu đội bệ phóng tên lửa phòng không, việc họ vận dụng sáng tạo những kiến nghị của các chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong thời gian không quân Mỹ đánh phá, các khẩu đội bệ phóng tên lửa phòng không đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng và tài nghệ cao. Đặc biệt, cần phải biểu dương tài nghệ cao của các trắc thủ đài điều khiển tên lửa khi phóng tên lửa trong tình hình nhiễu phức tạp. Đặc biệt điều đó đã được thể hiện vào tháng 12-1972 khi đánh trả các cuộc tập kích đánh phá ồ ạt vào Hà Nội, lúc đó đã phóng 134 lần, tiêu hao tổng cộng 239 quả tên lửa, bắn rơi 31 máy bay ném bom chiến lược B-52 của Mỹ. Đối với bọn Mỹ đây là một đòn kinh hoàng buộc chúng phải ký Hiệp định Pari về chấm dứt chiến tranh ngày 27-1-1973.

Ngày 7-1-1972; Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, khi tổng kết kết quả chiến tranh có sự tham gia của đoàn đại biểu từ Liên Xô sang (tôi cũng có mặt trong đoàn) và lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, đã nói: “tự tay tôi ghi): "... Nếu không có trận bộ đội tên lửa phòng không đánh thắng B-52 ở Hà Nội, thì các cuộc đàm phán ở Pari chắc còn kéo dài và chắc chưa ký được hiệp định, do đó thắng lợi của bộ đội tên lửa phòng không là thắng lợi chính trị...".

Và thực tế trong thắng lợi này có công lao to lớn của các chuyên gia công nghiệp quốc phòng Liên Xô, những người đã đảm bảo chất lượng cao của vũ khí trang bị, và của các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện đào tạo các kíp chiến đấu Việt Nam và thường xuyên giúp đỡ ngay tại các trận địa chiến đấu. 
Mátxcơva, năm 2003


THƯỢNG UÝ - KỸ SƯ
ANÔXỐP ALẾCHXANĐRƠ MIKHAILÔVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học - kỹ thuật, người được giải thưởng Lênin trong lĩnh vực khoa học và kỹ thuật

Ông sinh ngày 26-12-1936 tại thành phố Mátxcơva.

Năm 1960 tốt nghiệp trường Đại học hàng không Mátxcơva, ngành kỹ sư thiết bị vô tuyên điện tử cho máy bay.

Từ năm 1960 đến năm 1986 ông làm việc tại Viện Nghiên cứu khoa học Mátxcơva, chuyên ngành thông tin vô tuyến, kỹ sư trưởng, trưởng phòng, phó tổng công trình sư về hệ thông thông tin vệ tinh.

Từ năm 1986 đến năm 2003 ông làm việc trong lĩnh vực thông tin vệ tinh tại nhiều xí nghiệp ở Mátxcơva.
Hiện nay ông là Phó Tổng giám đốc Viện Nghiên cứu khoa học Mátxcơva chuyên ngành thông tin vô tuyên.

Từ tháng 12-1967 đến tháng 8-1968 ông là thành viên của Đoàn chuyên gia khoa học quân sự làm nhiệm vụ đặc biệt tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Được tặng thưởng Huân chương "Chiến sĩ lao động lão thành”, "Chiến đấu dũng cảm”, và Huy hiệu “Chiến thắng trận đầu 5-8” của Việt Nam.

BÀI HÁT ĐÃ RA ĐỜI NHƯ THẾ ĐÓ

Điều này đã xảy ra từ lâu, cách đây một phần ba thế kỷ. Việt Nam, những năm 1967 - 1968. Tôi còn nhớ rất rõ, rất tường tận những sự kiện của những năm tháng đó. Vâng, không thể nào quên được quá khứ - hôm nay không nhìn thấy được thì ngày mai làm sao mà nhận ra nó?. Lúc đó tôi ở trong đoàn chuyên gia khoa học quân sự được thành lập từ các chuyên gia quân sự (chủ yếu là các chuyên viên của các Học viện quân sự và Viện Nghiên cứu khoa học Bộ Quốc phòng), và cả các chuyên gia - cán bộ thiết kế của các ngành công nghiệp quốc phòng, Bộ công nghiệp vô tuyến điện, Bộ công nghiệp ôtô máy kéo).

Đoàn làm công việc thu thập và nghiên cứu các loại chiến lợi phẩm của kỹ thuật hàng không quân sự Mỹ: đạn, mìn chưa nổ và phế liệu của các máy bay Mỹ bị bắn rơi. Những thứ đó trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam có tới trên 4 nghìn và chúng tôi tất nhiên có đủ việc để làm, không có lúc nào nhàn rỗi để buồn.

Hiện nay đoàn chúng tôi đôi lúc còn được gọi bằng một từ không lấy gì thú vị cả "Đội quân chiến lợi phẩm", lúc đó ở Việt Nam người ta đã gọi chúng tôi là "Sư đoàn hoang dã". Ở đó sư đoàn ấy ra sao? Chúng tôi chỉ có mấy người, nhưng mọi chuyện thường xảy ra đối với chúng tôi: lúc thì cái gì đó nổ, lúc thì cái gì đó cháy. Mọi sự thú vị của tình thế lúc đó là ở chỗ chúng tôi đặt "căn cứ" trong một căn buồng nhỏ trong tòa nhà của Đại sứ quán Liên Xô ở Hà Nội và "trưng bày" trong đó mọi thứ. Lúc bấy giờ chúng tôi bẩn lắm, mệt mỏi, râu tóc rậm rạp sau một chuyến đi thu tập trở về, mọi người đều tránh xa chúng tôi.

Và ngay từ khi đó, tại Việt Nam đã xuất hiện tám dòng đầu tiên cho bài ca của chúng tôi về những ngày đó. Các dòng ca đó theo làn điệu của một bài hát khác từ một cuốn phim cũ về chiến tranh giữ nước vĩ đại. Không có tên phim, không có tác giả âm nhạc và lời ca, tôi thực sự không nhớ ra được. Rất tiếc, phim đó đã được chiếu lâu rồi Tôi còn nhớ rõ giai điệu - một giai điệu thiết tha và lời hát theo giai điệu đó:

Quả tên lửa rực sáng lên, rồi lao xuống,
Như một ngôi sao rực cháy. 
Nếu ai đó đã được thấy đôi lần,
Thì người đó không bao giờ quên ..


Phần hai của bài hát được hình thành ngay tại đây, tại nhà. Năm tháng trôi đi, nhưng trí nhớ của con người vẫn giúp chúng tôi giữ lại được biết bao điều tốt và điều thú vị, còn những điều dở thì đã trôi đi, đã lùi vào dĩ vãng.
Và cuối cùng phần kết của bài hát đã được hình thành mới đây thôi, khi chúng tôi tổ chức các cuộc họp mặt, số bạn bè cũ ngày một ít đi - đội ngũ của chúng tôi vơi dần, và những lần đó hồi ức của chúng tôi lại đậm thêm nỗi buồn và thương nhớ.

Tôi đã hát bài đó cho các bạn của mình trong "Sư đoàn hoang dã" - họ rất thích. Chỉ có những ai thuộc nhóm người ít ỏi đã tham gia các sự kiện đó mới hiểu được bài hát đó nói về điều gì? Trong bài hát này có nhiều điều khó hiểu đối với những người không am hiểu "công việc của những ngày tháng đã trôi đi từ lâu”. Có nhiều từ tiếng nước ngoài mặc dù mọi cái đều ăn khớp, những từ không tách được khỏi bài ca. Chúng ta đều có con cháu. Tôi cho rằng, con cháu của tất cả chúng ta phải tò mò muốn biết những gì đã xảy ra với cha ông của họ trước đây. Có Trời mới biết được, có thể có những người ngoài cuộc cũng tò mò muốn biết. Nói tóm lại, tôi đã quyết định viết chút ít về cái thời đã qua, để mọi người có thể hiểu được lời bài hát của chúng tôi.

Nhưng nỗi sợ hãi không lùa chúng tôi vào cái hầm chật chội

Đến ngày 1-4-1968 bọn Mỹ đã không tiếc bom, không tiếc tên lửa ném xuống Việt Nam. Và ngay sau ngày 1-4, không biết bọn chúng có chuyện gì nực cười - tạm ngừng đánh phá. Nhưng trước đó, trong tháng 3, ngoài các cuộc đánh phá ban ngày, chúng còn tăng cường đánh về đêm. Hoặc là chúng gấp rút thực hiện kế hoạch liều chết, hoặc để đón ngày vui trước thần Khơnhia Tima, hoặc còn một lý do nào khác - tôi cũng không hiểu nổi, nhưng chúng đã gửi đến "phục vụ” Hà Nội và các vùng lân cận bom đạn, tên lửa suốt ngày đêm.

Cũng cần nói rằng đó là một điều chẳng hay ho gì khi tôi bị quấy rầy mất ngủ suốt một tháng trời. Tất cả được bắt đầu từ những hồi còi báo động và thông báo qua loa phóng thanh: "Đồng bào chú ý! Đồng bào chú ý" và liên tục thông báo máy bay địch cách Hà Nội bao nhiêu cây số. Nhờ vậy chúng tôi cũng hiểu được tiếng Việt rất nhanh.

Lúc bấy giờ chúng tôi ở tại một khách sạn ở trung tâm thành phố, gần Nhà hát Lớn, đứa em sinh đôi của Nhà hát “Grand Opéra" ở Pari. Ngay phía sau nhà hát là sông Hồng, có một chiếc cầu bắc qua, do chính Éphen xây. Cầu đã bị bom đánh hỏng. Ngay gần chiếc cầu hỏng có một chiếc cầu phao. Cầu phao này cũng bị địch thường xuyên đánh phá, trong thời gian chúng tôi ở đây, chiếc cầu phao vẫn không việc gì. Trên nóc Nhà hát Lớn có một hệ thống còi báo động với nhiều chiếc loa to, dài, từ phòng ngủ của chúng tôi trên tầng ba của khách sạn, chúng tôi nhìn thấy rõ từng chi tiết của hệ thống còi này. Khi chiếc còi đó rú lên, anh phải lấy hai bàn tay bịt tai lại, tiếng rú của nó động đến toàn thân anh - công suất của nó lớn lắm. Tôi nghĩ rằng nỗi sợ hãi kinh khủng đó đã lôi chúng tôi lên từ cõi chết.

Sau khúc nhạc mở đầu đó điều chủ yếu đã diễn ra - cuộc ném bom bắn phá. Nằm dưới gầm cầu thang cách âm, chúng tôi vẫn nghe thấy tiếng pháo cao xạ bắn, tiếng mảnh bom, đạn rơi ào ào xuống mái nhà, tiếng máy bay gầm rít, v.v.. Kết thúc trận đánh phá, còi báo yên. Được một lúc lại còi báo động. Người ta nói sự tra tấn cực kỳ khốc liệt nhất đối với con người là suốt mấy ngày đêm liền không được ngủ - không một ai có thể chịu đựng được: Sau tháng 4-1968, chúng tôi có thể dễ dàng tự đánh giá được bản thân mình. Cả ngày mệt nhừ người và có lúc vừa đi vừa ngủ. Sau hơn một tuần lễ chúng tôi đã quen dần, có thể ngủ được trong thời gian địch đánh phá, giữa hai hồi còi báo động.

Một độc giả tinh ý nói: "Vậy là, tác giả bị lôi cuốn - dưới gầm cầu thang cách âm... hẳn là đã ngủ ngon trong hầm trú ẩn gần đó, và đã ngồi lâu đến tê chân tại đó".

Không, chúng tôi đã không ngủ ngon, mặc dù ngay trong khách sạn cũng có hầm tránh bom. Vấn đề không phải ở chỗ chúng tôi là những hiệp sĩ tuyệt vọng như thế. Tuy nhiên, cần nói rằng, ở đây mà yếu bóng vía thì chẳng làm được việc gì. Thực chất là ở chỗ khác. Như mọi người đều biết, bêtông không chịu được ẩm ướt, với độ ẩm nhiệt đới, hầm tránh bom sẽ tích tụ nước rất nhanh, không bao giờ khô ráo và là vương quốc của muỗi - các bức vách, trần hầm được một lớp muỗi sống phủ đầy, còn dưới sàn hầm nước ngập tới mắt cá chân.

Chúng tôi sợ muỗi hơn cả máy bay Mỹ. Các sinh vật đó là các con vật truyền bệnh viêm não địa phương, còn độc hại hơn cả bệnh viêm não ở Xibêri, bởi vì cùng một lúc nó tác hại đến lưng và não bộ... và vô phương cứu chữa. Đến các con trâu là sức kéo tại địa phương cũng bị loại bệnh viêm não này đánh gục. Những con trâu mắc chứng bệnh này thường có triệu chứng sổ mũi, chúng trở nên đờ đẫn, ngã vật ra, nhưng sau đó thường lại hồi phục. Nếu như con muỗi ngay từ đầu đã đốt con trâu đó vào buổi trưa, thì buổi tối nó không đốt người nào nữa. Tiếc thay, điều này không phải lúc nào cũng như vậy.

Thưa độc giả tinh ý, chúng tôi chẳng có thể chui rúc xuống đâu cả và những dòng chữ này vẫn tìm thấy chỗ của mình trong bài ca.

Những chiếc "Phan tôm” (Con ma) chọc thủng các tầng mây

Tôi xin vi phạm trình tự trình bày một chút. Trong ca từ của bài hát "Phan tôm" có nhắc lại những "hầm nhà chật chội" trước đây, nhưng tôi muốn trước hết, mô tả bối cảnh chung.

Máy bay tiêm kích ném bom nhiều tác dụng F-4 “Con ma" là một trong những máy bay thành công nhất trong toàn bộ lịch sừ hàng không của Mỹ. Nó được Mỹ sử dụng trong mấy chục năm liền. Tốc độ lớn - cao hơn 2,5 lần tốc độ tiếng động, tính cơ động, sức chở bom - 5,5 tấn đã cho phép sử dụng nó ở Việt Nam để giải quyết những nhiệm vụ chiến đấu khác nhau. Các máy bay tiêm kích MIG-17, MIG-21 của ta đã tham gia các trận không chiến với chúng. Máy bay "MIG" nhẹ hơn nhiều so với các máy bay "Phan tôm", vì vậy máy bay ta có tính cơ động cao về chiều thẳng đứng và được trang bị các tên lửa "không đối không", các tên lửa có tính năng cao hơn các tên lửa Mỹ “Sperôi" (chim sẻ).

Một phi công có kinh nghiệm có thể tránh được "chim sẻ" chỉ cần kịp thời làm động tác cơ động lượn vòng, còn đối với tên lửa của ta ít người có cơ hội tránh được. Nếu cộng thêm vào đó tinh thần dũng cảm của các phi công Việt Nam, những người bảo vệ đất nước mình, bảo vệ cha mẹ mình, thì có thể hiểu được kết quả chung cuộc của các trận không chiến - để hạ được một máy bay Việt Nam, Mỹ phải mất trên hai, ba mươi máy bay.

Máy bay "Phan tôm" có một đặc điểm nổi bật là dễ bị phát hiện qua vẻ ngoài. Đầu chúi xuống, đuôi ngóc lên, nhìn hình cắt ngang giống như một con cá trắm. Một lần chúng tôi đã được nhìn thấy rõ hình cắt ngang của con cá trắm đó.

Sau chuyến đi công tác, chúng tôi trở về vùng ngoại ô. Hôm đó trời nắng đẹp. Bầu trời trong xanh, không một gợn mây. Còn độ 7 - 8 km nữa thì đến Hà Nội. Chúng tôi đi đến một vùng trống trải, nhìn thấy trên bầu trời Hà Nội có những vệt trắng kéo dài của tên lửa và máy bay - đang diễn ra trận chiến đấu. Người chỉ huy ra lệnh dừng lại, tất cả chúng tôi rời khỏi ôtô và phân tán theo địa hình. Việc đó không phải là thừa, vì bất cứ vật gì di động trên các con đường đều có thể bị bắn phá, thậm chí có cả máy bay chỉ chuyên đi săn lùng - "những kẻ đột nhập", chủ yếu chúng bay dọc theo các con đường và lùng diệt.

Chúng tôi lao ra khỏi ôtô và phân tán ra nhưng chẳng biết nấp vào đâu - xung quanh là các ruộng lúa ngập nước có mấy khóm cây và những hố bom. Chúng tôi men theo mấy bờ ruộng khô tránh xa con đường được độ 100 mét và đứng tụm lại hai, ba người một tốp, rồi nhìn về bầu trời Hà Nội. Và bất thình lình, không biết từ đâu một chiếc máy bay bay về phía chúng tôi, nó bay sát mặt đất. Chúng tôi đứng lặng yên - chẳng biết chạy đi đâu. Nhưng chiếc máy bay đó bay sang một bên, gần đến mức trên nền trời sáng thấy rõ được hình cắt ngang của con cá trắm với đầy đủ các chi tiết, nhưng cũng thấy được trong buồng lái hình bóng tối sẫm của tên phi công.

Trong thời khắc căng thẳng nhất, lúc chiếc máy bay bay sát lại phía chúng tôi, một tràng súng máy đại liên phòng không đã bắn chiếc máy bay đó. Khẩu súng máy đó đặt rất gần chỗ chúng tôi, được ngụy trang bằng các bụi cây mà chúng tôi vừa trông thấy, nên chúng tôi không nhìn thấy khẩu súng máy. Loạt đạn đó không bắn trúng chiếc "Phan tôm", nhưng nó đã làm chúng tôi choáng tai, ngay lập tức, như có một mệnh lệnh, chúng tôi nằm rạp cả xuống.

Chiếc "Phan tôm" bay đi mất. Chúng tôi rũ bụi quần áo và quay trở lại xe, người nọ bảo người kia, chẳng quái gì mà phải sợ, rằng chiếc "Phan tôm" sau khi đánh nhau đã sợ phải co chân bay là mặt đất, và nó chẳng có gì làm ta sợ cả, v.v.. Sau đó lại râm ran các chuyện cười, kiểu "ê, này đũng quần cậu ướt đẫm rồi kìa".

Sau trận đánh phá, cầu phao qua sông Hồng trở lại làm việc bình thường, chúng tôi qua cầu bình an vô sự trở về Hà Nội. Nhưng lúc đó chúng tôi đã hiểu được máy bay "Phan tôm" mang dáng hình của một con cá - một con ác thú.

Sraicơ” bị mù
“Sraicơ" cũng là tên của một loài chim. Tên lửa này thuộc loại "không đối đất" dùng để tiêu diệt các bộ khí tài tên lửa phòng không của ta. Tại sao lại chính là của ta? Tên lửa "Sraicơ" có đầu đạn tự dẫn hướng vào các tín hiệu của máy vô tuyến định vị của các khí tài tên lửa phòng không của ta, các bộ khí tài này đã được người Mỹ nghiên cứu rất kỹ. Ixraen đã trao các bộ khí tài thu được ở Ai Cập cho Mỹ.

Đầu đạn tự dẫn của tên lửa "Sraicơ" đã lao thẳng vào bộ khí tài tên lửa phòng không theo chùm sóng của chính máy vô tuyến định vị của đài điều khiển tên lửa phát ra. Ngay từ lúc còn đang bay cách mục tiêu vài mét, ngòi nổ đã làm việc, một liều thuốc nổ 30 kg phá đầu đạn kim loại chứa hàng nghìn mảnh đạn, mỗi mảnh 4 milimét khối. Các mảnh đó "chọc thủng" mọi thứ nằm trên mặt đất ra đa, tên lửa, dây cáp điện.

Tưởng như mọi việc đã chẳng ra gì, nhưng... thời điểm phóng "Sraicơ" từ máy bay xuống cũng nhìn thấy được trên màn hình ra đa của bộ khí tài tên lửa phòng không. Chỉ còn một việc đơn giản: tắt máy phát trong một khoảng thời gian nhất định, "Sraicơ" bị mất tia định hướng và bay theo luồng ánh sáng trắng. Nhiều quả tên lửa "Sraicơ" đã bay vào các khu dân cư của Hà Nội và đã bắn xuyên thủng phá hủy các mục tiêu khác.

Một trong những quả "bị bịt mắt đó" đã đâm vào góc biệt thự hai tầng của Tuỳ viên quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Một phần nhà bị đổ, hai tầng nhà bị hỏng. Nếu như việc đó xảy ra vào ban đêm, chắc đã có nhiều người bị thương. Nhưng sáng hôm sau, đa số những người ở trong ngôi biệt thự đó đã lại đến công sở làm việc. Ở trong nhà lúc đó chỉ có Tuỳ viên quân sự và phu nhân, họ ở trong một phần nhà còn nguyên vẹn nên không việc gì. Lần này, tướng A. I. Lêbêđép, Anh hùng Liên Xô, phi công không quân ném bom tầm xa đã bay suốt cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại, gặp may.

Và từ đó trong bài ca có hai dòng: "... và đến ông trời cũng không biết được, "Sraicơ" bị bịt mắt sẽ bay đến đâu”.

Còn các mảnh tên lửa thì có thể cắm lên các thân cây, lên tường nhà hoặc hòa vào với rác rưởi trên đường phố. Khi từ Việt Nam về nước tôi đã mang theo và giữ cùng các vật kỷ niệm, tặng phẩm khác - vỏ một quả bom bi để trong một cái hộp.

Tôi muốn nói đôi lời về bom bi. Nhờ trời, đã không có chuyện gì xảy ra đối với những người trong "Sư đoàn hoang dã" và trong bài ca cũng không hề nhắc tới. Nhưng tôi nghĩ rằng, bạn đọc sẽ rất thú vị khi được biết "ý tưởng sáng tạo" của con người trên con đường chém giết lẫn nhau đã đạt tới đỉnh cao nào.

Viên đạn làm gãy xương, nhưng xương gãy có thể làm xương lành lại được. Viên bi thép khi đâm vào vải mềm hoặc xương nó chọc thủng chúng tới từng mẩu nhỏ và không thể liền lại được.

Bom bi - không lớn, hình tròn, kích thước bằng quả cam. Vỏ bom làm bằng hợp kim nhẹ chứa gần ba trăm viên bi thép - có thể trông thấy các viên bi này ở phía ngoài vỏ và đếm được. Vào thời bấy giờ F-105 là máy bay hiện đại nhất, ví dụ nó có thể mang theo bốn thùng bom bi mẹ, mỗi thùng chứa mấy trăm quả bom bi con. Hãy thử hình dung xem trên một con đường có nhiều người đi lại, quân sự hay dân thường, không quan trọng, càng đông càng "tốt". Một chiếc máy bay bay đến, thả xuống các thùng bom bi, hết thùng này đến thùng khác...

Chúng tôi cũng phóng "Sraicơ”

Quanh tòa nhà Đại sứ quán Liên Xô, nơi chúng tôi ở có một bãi đất rất rộng. Tại đây có một bể bơi tuyệt vời, dài 25 mét, có cả cầu nhảy, rất nhiều cây cối, nhà hóng mát và một bãi trống. Trên bãi trống thường có một chiếc rơmoóc, đậu trên rơmoóc có cái gì đó được phủ bạt. Đến lúc đó chúng tôi cũng chẳng biết đấy là cái gì. Nhưng sau đó người ta nói với chúng tôi rằng ở đó có một chiếc động cơ của "Sraicơ". Chiếc máy bay đã bị bắn rơi trước khi nó phóng tên lửa "Sraicơ" xuống. Xác của nó rơi xuống đầm lầy Động cơ nguyên liệu rắn của "Sraicơ" hầu như còn nguyên vẹn, nhưng ở dưới đầm lầy nhiên liệu bị ướt sũng. Vì tên lửa nặng và cồng kềnh nên lúc đó chưa đưa được cả quả tên lửa về Mátxcơva. Nhiệm vụ đặt ra là phải lấy được mẫu nhiên liệu, không lấy từ ống xả, mà lấy từ bên sườn hoặc từ phía sau, chỗ mà nhiên liệu còn giữ được tốt.

Hiện nay đã trải qua ba mươi năm, khó có thể hình dung được đoàn chuyên gia chúng tôi đã phải làm việc trong hoàn cảnh không có thùng xe bọc thép, không có thiết bị chuyên dụng, lúc nào cũng có thể mạo hiểm cuộc sống. Dụng cụ lao động là dao, dũa, búa tay và tuốcnơvít. Chúng tôi hiểu rằng, phải hết sức cẩn trọng, vì có thể một phần nhiên liệu còn khô lúc đó có thể phát nổ, và khi đó... Và thực sự đã là như vậy. 

Các cửa sổ của tòa nhà Đại sứ quán trổ ra hành lang, do đó tránh được ánh nắng rọi vào trong các phòng. Chúng tôi đặt ngoài hành lang một cái bàn, hai cái ghế tựa rộng rãi và thoáng. Có thể bước qua cửa sổ để ra ngoài hành lang. Buồng của chúng tôi ở ngay tầng một và để đi ra sân của tòa nhà chúng tôi thường không qua cửa ra vào, mà qua cửa sổ - vì là Sư đoàn hoang dã.

Và hôm đó, cũng như mọi khi, hai ông "tranh thủ” đã trèo cửa sổ ra chỗ rơmoóc. Sau một tiếng rưỡi đồng hồ, bất thình lình nghe thấy một tiếng rít và một tiếng rầm nhỏ. Tôi vội lao ngay ra ngoài sân. Chiếc động cơ đang lăn dưới các bánh xe của chiếc rơmoóc trong đám bụi và khói mù mịt. Từ bên sườn động cơ phát ra một tia lửa sáng trắng. Mất tăm dấu vết của các ông "tranh thủ”. Thật phúc đức, số nhiên liệu khô cũng không còn nhiều lắm, ngay sau đó lửa đã tắt, chiếc rơmoóc bị cháy. Các đám cháy đã tạo ra một cột khói đen bay lên trời. Nghe thấy tiếng kẻng báo động từ xa vọng lại. Tiếng kẻng mỗi lúc một gần. Sau bức tường bao quanh lãnh thổ của Đại sứ quán có các xe chữa cháy đỗ. Có một chiếc thang bắc qua tường. Tôi vội leo lên tường, vẫy tay.

- Tốt lắm, tốt lắm? - Có nghĩa là mọi việc đã tốt đẹp.

Các xe cứu hỏa quay đi. Chiếc rơmoóc bị cháy trụi, xuất hiện các ông "tranh thủ” còn nguyên vẹn, không bị bỏng. Cả hai đều là vận động viên phản ứng nhanh, chuồn ngay. Chỉ có một người bị cháy mất cái áo vét, buộc phải vứt đi.

Tối hôm đó trưởng đoàn chúng tôi bị vị đại sứ triệu đến. Trưởng đoàn quay về buồn xỉu, nhưng không nói gì với chúng tôi. Đoàn trưởng của chúng tôi là người thông minh, biết điều, nhận thức đúng mọi sự việc.

Như vậy là "chúng tôi cũng đã phóng "Sraicơ"".

Bác” Xêmenức

Trong đoàn chúng tôi chủ yếu là những người trạc 30 tuổi nhưng có một vài đồng chí nhiều tuổi hơn. Một trong số họ là một chuyên gia về tất cả các loại đạn dược, một người hiền lành, rất dễ chịu, gấp rưỡi tuổi chúng tôi, những lúc vui chúng tôi thường gọi là "Bác" Xêmenức. Trong tiếng Việt từ "Bác" thường được người trẻ tuổi dùng để gọi người lớn tuổi hơn với lòng kính trọng. Trong công việc của chúng tôi ông là một chuyên gia có trình độ cao, điều này chúng tôi đã được chứng kiến nhiều lần. Nhưng có một lần đã xảy ra một sự kiện mà độc giả đã được biết về việc “phóng" động cơ tên lửa "Sraicơ" và từ đó chúng tôi đã được gắn cái biển tên "Sư đoàn hoang dã"

Trong góc căn buồng của chúng tôi ở Đại sứ quán có một chiếc két hai ngăn và cạnh đó có hai cái hòm. Chiếc két và hai cái hòm chứa đủ mọi thứ do các đoàn trước để lại cho chúng tôi "làm của thừa kế”. Lúc rảnh việc, đôi khi Xêmenức vô tình lục lọi trong đó, bất ngờ thấy được một chiếc kíp nổ mà lần đầu tiên ông nhìn thấy. Đó là một cái ống hình xilanh có đuôi. Chưa biết đó là cái gì?

Xêmenức phải kìm lòng mất mấy ngày. Nhưng rút cục chẳng kiềm chế được mãi và ông hỏi mọi người: kiếm đâu được cái cưa để bóc lớp vỏ bọc ngoài ra. Không tìm đâu ra cưa và Xêmenức đã trấn tĩnh lại. Nhưng sự thể chưa phải đến đây là hết. Một hôm, ông lặng lẽ trèo qua cửa sổ đi ra ngoài hành lang và đi luồn ra ngoài. Chẳng ai để ý đến việc đó - đó là chuyện thường ngày. Một lúc sau có tiếng nổ đanh và tiếng va chạm của vật kim loại phát ra và vật đó lăn trên nền đá của hành lang. Sau đó mới xác định được là cái đục đã văng ra, tiếp đó thấy Xêmenức xuất hiện, ông ta cười gượng. Ông đã băng mấy ngón tay trái bằng một chiếc khăn tay, tay phải cầm cái đục. Xêmenức để đục xuống bậu cửa sổ, rồi đi ra ngoài. Lúc về tay lại có chiếc búa. Búa bị văng ra bãi cỏ, ông tìm mãi mới thấy.

Đó cũng còn là may, không bị mất ngón tay nào, tuy đục và búa văng đi, nhưng việc chọn nơi hành động không đạt lắm. Sau đó Xêmenức thú nhận rằng sở dĩ ông ta chọn hành lang, theo ông là chỗ hẻo lánh nhất, ở đó tất cả các cửa sổ đều đóng kín. Điều tai hại nhất, mọi việc đã xảy ra ngay dưới các cửa sổ của Đại sứ quán. Chiều hôm đó đoàn trưởng của chúng tôi được đại sứ triệu đến để khiển trách.

Xin thông báo với các bạn đọc: từ tháng 5-1965 đến tháng 12-1968, đoàn khoa học - quân sự chúng tôi làm việc trong những điều kiện địch ném bom bắn phá và rải mìn xuống địa hình, đã thu thập được và gửi về Liên Xô trên 800 các loại mẫu trang bị và kỹ thuật quân sự của Mỹ, trong đó có các loại đạn dược, các bộ phận máy bay, tên lửa, các thiết bị trinh sát vô tuyến điện tử và thiết bị chụp ảnh.
Bài hát


Bây giờ, nếu bạn đọc có thể kiên trì cùng tác giả đi đến phần kết, thì bạn đọc có thể hiểu được bài ca của chúng tôi nói lên điều gì. Tôi cũng hy vọng rằng bạn đọc sẽ hiểu được có bao nhiêu điều đã gửi gắm vào nhũng dòng ngắn gọn tặng những người đã ở Việt Nam cách đây một phần ba thế kỷ.

Những cây cọ đung đưa giữa đất trời Hà Nội
Giữa những hồi còi báo động, giữa những tiếng ve kêu,
Trên bầu trời lũ "Phan tôm" gầm thét xé toạc những đám mây. 
Nỗi kinh hoàng không xua được chúng tôi vào căn phòng hẹp –

Ai mà biết được, đâu là nơi kết thúc cuộc đời
Đến ông trời cũng không sao biết được,
Chiếc “Sraicơ" mù quáng rơi xuống đâu.
Chúng tôi cũng phóng “Sraicơ"

Và cũng hiểu ra ngay tức khắc,
Tại bể bơi đã trình lên
Với vua Thủy tề cùng lũ thủy thần.
Nếu ở đâu đó không có tiếng nổ,

Từ trên trời đã đưa xuống Bác Xê,
Bác Xêmenức đã gây ra tiếng nổ,
Ngay dưới cửa sổ của Ngài đại sứ.
Thời đó đã xa lắm rồi.

Quanh bàn hôm nay vắng bóng bao người –
Nhắc lại kỷ niệm về ai đó,
Còn ai đó vĩnh viễn đã ra đi.
Chúng ta nghiêng mình tưởng nhớ họ,

Rồi sau nhớ lại những năm qua,
Những gì diễn ra ở nơi đó 
Tuổi trẻ chúng ta ở Hà Nội. 
Hãy nâng cốc:
“Một trăm gram”!
“Một trăm gram”!

Tái bút.

Tôi đã đọc lại những gì đã viết và cũng suy ngẫm lại. Từ đó đến nay cuộc sống ở đất nước chúng tôi đã có biết bao thay đổi. Cái chính là những giá trị. Hiện nay đó là đồng tiền. Chẳng lẽ chúng tôi đến Việt Nam vì tiền? Lớp trẻ hiện nay liệu có hiểu được chúng tôi không? Một người trẻ tuổi đọc điều này và nói: không phải là một cuộc chiến tranh mà là một sự tiêu khiển. Và nhắc lại điều này để làm gì? Chui vào Việt Nam dưới bom đạn, tiêu tốn mất bao tiền bạc, của cải, còn đất nước mình thì bỏ quên.

Chúng ta hãy tha thứ cho sự trơ trẽn của lớp người trẻ tuổi chúng ta. Tôi cho rằng, ở họ cái đó như là những cái lông của con nhím - để bảo vệ tránh cái cuộc sống đang đổ sập xuống chúng ta. Chúng ta hãy bình tĩnh tìm hiểu việc

Một là, về sự "tiêu khiển". Ở Việt Nam, nước Mỹ đã bị chết 57 nghìn người - gấp mười lần trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai. Chúng đã ném xuống Việt Nam gần 14 triệu tấn bom, đạn và mìn - gấp nhiều lần chúng đã sử dụng ở khắp mọi nơi trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Hiện nay, người phản biện trẻ tuổi của tôi, hãy lấy một tấm bản đồ địa lý, hãy so sánh lãnh thổ Việt Nam và châu Âu mà so sánh sự chết chóc gấp mấy chục lần trên từng tấc đất Việt Nam trong cái cuộc "tiêu khiển" đó.

Hai là, về sự hồi tưởng lại. Hiện nay "chỗ dựa chính của nền văn minh phương Tây và sự đảm bảo dân chủ trên toàn thế giới", trên thực tế - thế giới bị cày xới - ai muốn làm gì thì làm. Muốn cho Irắc đổ máu cứ làm, muốn Nam Tư đổ máu - không có vấn đề gì. Và cứ thế mãi sao? Liệu tên Vua Bóng tối đã hút đủ số máu ấy chưa hay nó sẽ còn thèm khát những số nạn nhân tế thần lớn hơn nữa? Đối với loài người hiện nay không có vấn đề gì quan trọng hơn. Cần phải biết nhiều, để giải đáp được đúng vấn đề này, cần phải biết thật là nhiều, trong đó có việc cần phải biết xem có phải luôn luôn tình hình là như vậy. Hãy nhớ lại.

Tháng 8-1972 ở Paris có các cuộc đàm phán hòa bình. Mỹ ép buộc Việt Nam rất nhiều, nói một cách đơn giản, những điều kiện không thể chấp nhận được. Tất nhiên là Việt Nam không chấp thuận những điều kiện đó. Thế rồi ra sao? Chiếc dùi cui lớn của tôi đâu? Phái đoàn Mỹ rời khỏi Pari và ngay trong tháng 12 cuộc tấn công bằng không quân rất ồ ạt vào Việt Nam lại tiếp diễn. Máy bay xuất phát từ tất cả các căn cứ xung quanh - gần tám trăm máy bay, trong đó có gần hai trăm máy bay B-52. Mỗi chiếc B-52 chở tới 27 tấn bom... đánh vào các khu dân cư?! Ở đây mới thấy được hết sự tàn bạo. Trong 12 ngày đầu đánh phá đã có 81 máy bay bị bắn rơi, có 34 chiếc B-52 Trong đó 31 chiếc B-52 do các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 bắn rơi. Còn thiệt hại của Việt Nam. Bị thiệt hại 13 bộ khí tài tên lửa, nhưng sau hai tuần đã khôi phục lại được và chỉ có một bộ khí tài không thể khôi phục được.

Và cuối cùng suy đi tính lại mãi và lặng lẽ quay trở lại Pari, tại đó Mỹ đã chịu ký Hiệp định trong tháng 1-1973 với sự thất bại thảm hại.

Ba là, về tiền bạc. Đúng, chúng ta đã bỏ ra nhiều, rất nhiều tiền của để giúp Việt Nam. Nhưng hãy nói xem, người phản biện trẻ của tôi, anh đã không tiếc bỏ ra bao nhiêu "tiền của" của chính mình cho thắng lợi của chính nghĩa ở quy mô này? Và đây chính là thắng lợi của chính nghĩa trên phạm vi toàn thế giới. Chẳng lẽ đây lại là một sự mua chuộc? Tôi không tin.
Chỉ tiếc rằng, trong thế kỷ XX này lại có một ngày lễ hội "tràn đầy nước mắt". Thông thường, sau lễ hội, mây đen sẽ kéo đi và mang theo cái gì đó. Và điều đó có nghĩa là đám mây đen sẽ nhanh chóng tan đi.

Cuối cùng điều phức tạp nhất - về đất nước của chúng ta. Ở đây, anh bạn phản biện trẻ của tôi, gần đúng - trên thực tế chúng ta đã thua. Nhưng trong cuộc chiến nào? Trong cuộc chiến tranh lừa dối, mua chuộc làm bùng lên những bản năng thú vật. Chẳng lẽ chúng ta lại có thể đứng trong cuộc chiến đó, nếu như đội quân thứ năm đã bắt đầu ngay từ đầu. Và đội quân này đã được lập ra bằng tiền bạc. Về vấn đề này "anh bạn Bill" phải cay đắng nêu lên trong phiên bế mạc cuốc họp ủy ban thống nhất các tham mưu trưởng ngày 25-12-1995. Thậm chí ông ta đã chỉ định một lượng tiền phải chi tiêu - nhiều triệu đô la. Với số tiền đó có thể mua được bao nhiêu "nhà dân chủ”? Tại đây ông ta đã ca ngợi những lợi nhuận đầu tiên đến lúc đó đã thu được, bằng những kế hoạch chia cắt nước Nga. Một báo cáo rất súc tích. Tôi khuyên mọi người hãy tìm hiểu báo cáo đó, đặc biệt là những người cho đến bây giờ vẫn đeo trên đôi tai mình một sợi mì "dân chủ” của "những người độc lập" với các phương tiện thông tin đại chúng của chúng ta.

Liệu có hổ thẹn không nếu tham gia chơi trong cuộc chiến này? Không - thật cay đáng. Vi sinh vật phá hủy thân thể con người, con người ốm đau và thậm chí có thể chết một cách khổ sở, cay đắng. Nhưng một ai đó khôn ngoan có ý chí, sẽ đặt lên bàn cân một bên là "con người", còn bên kia là "kẻ chiến thắng" anh ta - dân đen vi sinh vật?
Mátxcơva, năm 2000

THIẾU TƯỚNG
XTUCHILỐP ALẾCHXANĐRƠ IVANÔVÍCH

Ông sinh ngày 18-9-1920 tại tỉnh Cuốcgan.

Gia nhập Hồng quân từ năm 1938. Tham gia chiến tranh Phần Lan và Chiến tranh giữ nước vĩ đại. 

Năm 1941, là đại đội trưởng, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn trượt tuyết ở Lêningrát.

Năm 1942, tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn bộ binh, sĩ quan tham mưu mặt trận phía Tây.

Năm 1943 học viên Học viện quân sự Phrunde.

Năm 1944, tham mưu trưởng Trung đoàn bộ binh phương diện quân Lêningrát.

Năm 1945 - 1946 học viên Học viện quân sự Phrunde.

Từ năm 1947 đến năm 1957 là sĩ quan cao cấp Cục tác chiến, tham mưu phó sư đoàn, trung đoàn trưởng, tham mưu trưởng sư đoàn bộ binh cơ giới Quân khu Duyên hải.

Năm 1958 - 1959 học viên lớp quân sự cao cấp Học viện sĩ quan Quân chủng phòng không mang tên Du cốp.

Từ năm 1959 đến năm 1962, trưởng phòng tác chiến Quân đoàn phòng không Dacápcadơ.

Từ năm 1963 đến năm 1967 tham mưu trưởng Quân đoàn 20 Tập đoàn quân phòng không độc lập số 4.

Từ tháng 8-1968 đến tháng 12-1969 tham gia chiến đấu ở Việt Nam, trưởng đoàn chuyên gia phòng không thuộc Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô.

Từ năm 1970 đến năm 1976, tham mưu phó rồi tham mưu trưởng Tập đoàn quân phòng không độc lập số 4.

Được thưởng Huân chương Chiến tranh giữ nước vĩ đại hạng 1, Huân chương Sao đỏ, Huân chương Lao động Cờ đỏ, "Vì sự nghiệp phục vụ Tổ quốc" hạng III, Huân chương Chiến công hạng II và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam, và 20 huân chương của Liên Xô.

CUỘC CHIẾN TRANH THỨ BA CỦA TÔI

Năm 1968 tập đoàn quân đội Mỹ ở Đông Nam Á có khoảng 500 nghìn quân. Lực lượng chính của tập đoàn này tập trung ở miền Nam Việt Nam.

Lực lượng không quân Mỹ - 1500 máy bay chiến đấu đặt căn cứ trên 2-3 hàng không mẫu hạm của Binh đoàn không quân xung kích số 77 ở vịnh Bắc Bộ - 200 đến 300 máy bay, ở miền Nam Việt Nam - 800 máy bay, ở Thái Lan - 250 máy bay, ở Philíppin - 150 máy bay. Máy bay ném bom chiến lược B-52 ở Thái Lan đậu tại căn cứ không quân Utapao.

Trong suốt các năm 1968 - 1969 thành phần và tập đoàn không quân Mỹ không thay đổi. Ở thời kỳ này các hoạt động chiến đấu có những đặc điểm riêng. Không quân Mỹ tạm ngừng đánh phá vào các mục tiêu Bắc Việt Nam, nhưng lại tích cực hoạt động ở Quân khu 4 (phía nam miền Bắc Việt Nam, trên Vĩ tuyến 17). Khu 4 là một khu vực quan trọng đảm bảo liên lạc với miền Nam Việt Nam, vì vậy không quân Mỹ hoạt động rất tích cực tại đây. Hàng ngày, từ trên các hàng không mẫu hạm nhiều tốp (phi đội) máy bay bay lượn phía ngoài vùng phóng của các tiểu đoàn tên lửa phòng không, đã đánh phá và phóng các tên lửa điều khiển thụ động "Sraicơ".

Tại Quân khu 4, máy bay Mỹ vẫn thường xuyên tiếp tục sử dụng các loại bom, trong đó có các loại bom từ trường, bom bi đánh vào các trận địa, các khu dân cư, nhất là đường số 1 chạy dọc theo khu vực phía Nam. Bom bi (500 quả trong một trái bom mẹ) được máy bay ném xuống từ độ cao 200-300 mét. Bốn máy bay rải bom bi xuống đường và các khu dân cư dài tới 2.000 - 3.000 mét.

Máy bay, tàu chiến Mỹ đã sử dụng nhiễu một cách tích cực và có hiệu quả: nhiễu xung phản hồi, nhiễu âm thanh tích cực, nhiễu thụ động.

Trên màn hình của các phương tiện ra đa, vô tuyến điện có thể quan sát được các nhiễu xung - hiển thị dưới dạng một số lớn các chấm giả của các mục tiêu trên không, việc đó gây khó khăn hoặc loại bỏ hoàn toàn khả năng phân biệt các chấm đó với các mục tiêu thật.

Nhiễu âm thanh tích cực tạo nên một vệt sáng trên màn hình, do đó và làm mất khả năng quan sát mục tiêu.

Nhiễu tiêu cực (thụ động) - đó là các dải bằng kim loại mỏng được máy bay tung ra phía trước, dọc theo đường bay. Các dải bằng kim loại này có khả năng phản xạ sóng ra đa rất lớn, lớn hơn nhiều so với máy bay và vì vậy các hệ thống bám sát mục tiêu của bộ khí tài tên lửa "phải quét đi quét lại nhiều lần" để tách các nhiễu đó ra.

Từng chiếc máy bay chiến đấu có đặt thiết bị gây nhiễu chuyên dụng (KS - 135) và các hạm tầu của hải quân Mỹ đi tuần trong vịnh Bắc Bộ đã thả nhiễu.

Các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa đã có kinh nghiệm đối phó với tên lửa "Sraicơ": kịp thời phát hiện máy bay phóng tên lửa, quay ăngten sang một bên tránh đường thẳng trực tiếp: tên lửa "Sraicơ" sau khi được máy bay phóng ra vẫn bay về phía trận địa của tiểu đoàn, ngay lập tức các trắc thủ tắt điện cao thế của ăngten, làm cho “Sraicơ" mất khả năng tiếp tục bay theo chùm sóng do khí tài tên lửa phát ra. Tên lửa "Sraicơ" bay sang hướng khác, lệch hướng trận địa của tiểu đoàn, lúc này kíp trắc thủ phóng tên lửa hoặc tiếp tục điều khiển tên lửa đánh chiếc máy bay đã phóng "Sraicơ".
Tại Quân khu 4, sau khi hất được tên lửa "Sraicơ" sang một bên, các sĩ quan của đoàn chuyên gia của trung đoàn đã tìm đến được chỗ nó rơi. Một quả tên lửa "Sraicơ" chưa nổ đã được đưa về Hà Nội, sau đó đưa về Mátxcơva.

Máy bay tốc độ cao SR-71 thường bay ở khu vực trung tâm của miền Bắc Việt Nam. Máy bay SR-71 từ căn cứ trên đảo Ôkinaoa của Nhật Bản, bay qua lãnh thổ Việt Nam theo hướng Hải Phòng - Hà Nội và tiếp đó, bay về Thái Lan ở độ cao 24000 mét với tốc độ 3000 km/giờ.

Máy bay không người lái được máy bay vận tải phóng đi từ vịnh Bắc Bộ theo đường bay qua khu vực Hải Phòng, Hà Nội và xuống phía Nam qua Quân khu 4 ở độ cao 200 - 300 mét, tốc độ 1000 km/giờ. Máy bay không người lái có hai camêra chụp ảnh, phim rộng 5 mm. Chúng bay cả ban ngày và ban đêm. Trong các chuyến bay đêm, khi chụp ảnh chúng đã dùng đèn chiếu sáng của bản thân để chụp. Ban ngày và ban đêm các tiểu đoàn tên lửa phòng không chỉ dùng một quả tên lửa để bắn máy bay không người lái. Hiệu quả bắn rất cao. 

Các chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không ở Việt Nam đã hoàn thành hai nhiệm vụ có liên quan với nhau.

- Thứ nhất: đảm bảo hiệu quả và kết quả cao trong việc sử dụng trang bị và kỹ thuật chiến đấu;

- Thứ hai: hàng ngày huấn luyện cho các kíp chiến đấu Việt Nam biết sử dụng thành thạo và độc lập vũ khí trang bị của Liên Xô trong chiến đấu, không cần có sự trợ giúp của chúng tôi.

Bộ tham mưu chuyên gia quân sự về phòng không gồm các sĩ quan được đào tạo tốt, đã qua thực tế, nắm chắc lý thuyết, được điều đến từ các tập đoàn, binh đoàn phòng không, các chuyên gia của các trường bắn, các viện nghiên cứu khoa học và thiết kế, các kỹ sư của ngành công nghiệp.

Để hoàn thành chức trách của các trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cấp trung đoàn tại Việt Nam, các đồng chí đó đã từng chỉ huy binh chủng tên lửa phòng không cấp quân đoàn và sư đoàn phòng không, các Sĩ quan - chuyên gia của các hệ thống khí tài tên lửa phòng không có kinh nghiệm tốt về lý thuyết và thực tế công tác, đã tham gia bắn tại các trường bắn của chúng tôi. 

Nhiệm vụ quan trọng nhất của các cơ quan tham mưu và tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô là đảm bảo hiệu quả cao trong việc sử dụng khí tài trong chiến đấu và độ bền chắc của vũ khí. Chúng tôi thường xuyên nghiên cứu chiến thuật, phương thức và phương pháp hoạt động chiến đấu của không quân Mỹ, nghiên cứu các phương tiện chiến đấu mới địch đang sử dụng. Điều đó đòi hỏi chúng tôi phải nghiên cứu tìm ra và áp dụng các biện pháp chiến thuật, kỹ thuật và tổ chức mới để giảm bớt hoặc loại trừ được hiệu quả của các phương tiện mới của địch.

Một trong những nhiệm vụ đó là tổng hợp kinh nghiệm chiến đấu, đưa ra được những quyết định và đề xuất mới, trong đó có các kiến nghị về huấn luyện chiến đấu cho các lực lượng phòng không không quân Việt Nam và cả cán bộ chiến sĩ chúng tôi.

Chúng tôi lập tức báo cáo những điều quan trọng nhất mới xuất hiện trong quá trình chiến đấu ở đây về Mátxcơva (về Bộ Tổng tham mưu, Tham mưu trưởng Binh chủng phòng không). Còn các vấn đề khác chúng tôi đưa vào các báo cáo chiến đấu, các bản tin tổng hợp, thông báo tác chiến.

Trong những ngày đầu năm 1969, từ Hải Phòng một chiếc ôtô chở đến Đại sứ quán Liên Xô tại Hà Nội thêm một chiếc máy bay không người lái. Khi xem thân chiếc máy bay này thì thấy không có các thiết bị bên trong. Thiếu tá Lê Sơn, Chính ủy trung đoàn tên lửa phòng không gửi cho tôi một bức thư bằng tiếng Nga có nội dung sau:

“Đồng chí Thiếu tướng Xtuchilôp kính mến! Đã lâu rồi chúng tôi không có quà gì gửi cho đồng chí. Mấy ngày qua bọn xâm lược Mỹ chỉ gửi 'tặng" chúng tôi xác một chiếc máy bay không người lái, đó là xác chiếc máy bay do Tiểu đoàn 53 của trung đoàn chúng tôi thu được. Chúng tôi xin gửi tặng đồng chí xác chiếc máy bay không người lái đó để làm kỷ niệm. Đây là xác chiếc máy bay không người lái thứ năm do trung đoàn chúng tôi bắn rơi trong những ngày đầu năm 1969. Chúng tôi xin chúc đồng chí giành được nhiều thắng lợi mới trong công tác”.

Vì thực tế chúng tôi không tìm thấy điều gì bổ ích cho mình từ xác chiếc máy bay không người lái đó, chúng tôi đã mở cổng hàng rào Đại sứ quán và sau gần một giờ các chiến sĩ Việt Nam đã đưa được xác chiếc máy bay này để vào nơi làm vật kỷ niệm.

Ít ngày sau chúng tôi cùng với Đại tá Lê Văn Tri (Лe Bан Чи), Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Việt Nam đáp máy bay trực thăng từ Hà Nội xuống Hải Phòng. Tại đây, theo kế hoạch, trong hai trung đoàn tên lửa phòng không có các đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc có một đoàn cán bộ kỹ thuật tên lửa, một đoàn chung.

Chúng tôi đã tổng hợp kết quả công tác ở các trung đoàn trong một buổi tổng kết. Ngày hôm đó, ban chỉ huy sư đoàn đã chiêu đãi chúng tôi một bữa cơm trưa trọng thể, sau đó tại nhiệm sở của mình chính ủy sư đoàn đã cho chúng tôi xem hai chiếc camêra chụp ảnh của chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi đêm hôm trước. Một trong hai chiếc camêra đó vẫn còn nguyên vẹn. Tôi cầm chiếc camêra đó lên và đề nghị đồng chí Lê Văn Tri tặng nó cho tôi để đánh dấu cái đêm chiếc máy bay không người lái bị bắn rơi, tôi đang có mặt ở trung đoàn này. Đồng chí Lê Văn Tri lấy lại chiếc camêra từ tay tôi rồi trao lại cho tôi và nói lời cảm ơn đối với các chuyên gia quân sự Liên Xô. Chiếc camêra đó đã được chuyển từ Hà Nội về Mátxcơva và một thời gian sau chúng tôi nhận được lời cảm ơn của Cục tình báo Bộ Tổng tham mưu, đánh giá cao hiệu quả công tác của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô và bộ đội phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam.

Việc thay đổi thường xuyên phương thức và các hoạt động của không quân Mỹ đã buộc chúng tôi phải nhanh chóng ứng phó đối với những thay đổi đó, ngoài ra chúng tôi còn phải ra sức vận dụng vào thực tế kinh nghiệm tác chiến đã tích lũy được.

Nhiệm vụ của bộ tham mưu chuyên gia quân sự Liên Xô đối với bộ đội tên lửa phòng không là truyền đạt lại cho các sĩ quan mới sang thay thế những đặc điểm của các hoạt động chiến đấu, tình hình cụ thể của từng trung đoàn và giúp họ nhanh chóng bắt tay vào công việc. Ngoài ra, cũng phải giới thiệu cho họ biết những truyền thống của nhân dân Việt Nam, nói cho họ biết về cách ứng xử trên lãnh thổ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cái chính là nghiên cứu các cải tiến do các chuyên gia ngành công nghiệp đã tiến hành tại đây, ngay tại thực địa. Còn một đặc điểm nữa - ở đây đang sử dụng các bộ khí tài tên lửa thế hệ đầu tiên. Các sĩ quan trẻ không biết được tường tận những đặc điểm của các bộ khí tài này. Vì vậy phải cho họ nghiên cứu tìm hiểu kỹ. Các chuyên gia kỹ thuật tên lửa thuộc Binh chủng tên lửa phòng không đã làm công việc này tại khu "B", cách Hà Nội 30 km. Công việc đòi hỏi phải tiến hành trong mười ngày.

Chúng tôi cũng tiến hành thay đổi về mặt tổ chức cho phù hợp bằng việc thay đổi chuyên gia trong trung đoàn tên lửa phòng không. 

Sau khi hết hạn công tác, toàn bộ đoàn chuyên gia của trung đoàn được rời khỏi Việt Nam, một đoàn chuyên gia mới sang thay họ, đôi khi cũng bị muộn. Như vậy, có lúc trung đoàn không có chuyên gia Liên Xô, còn các chuyên gia mới sang không thể bắt tay ngay vào việc thực hiện đầy đủ các chức trách.

Những tháng cuối năm 1968, sau khi trao đổi và chấp thuận đề nghị của chúng tôi về cách thức mới trong việc thay phiên các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn của Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã bắt tay thực hiện việc đó. Trước hết, trong một thời gian nhất định, một nửa đoàn chuyên gia trung đoàn do đoàn trưởng hoặc kỹ sư trưởng dẫn đầu về nước trước, nửa đoàn còn lại tiếp tục ở lại trung đoàn. Sau một thời gian nhất định, đoàn chuyên gia mới sẽ đến thay thế đoàn đã về nước. Sau 10 ngày chuẩn bị ở khu "B", được sự giúp đỡ của nửa đoàn chuyên gia còn lại, đoàn chuyên gia mới có thể hoàn toàn bắt tay vào công tác thực tế. Sau 2-4 tháng, nửa đoàn còn lại sẽ được nửa đoàn mới sang thay thế. Mấy tháng sau những đề nghị của chúng tôi đã được thực tế xác định là đúng.

Đến năm 1968 bộ tham mưu của chuyên gia quân sự phòng không Liên Xô đã soạn thảo xong các khuyến nghị riêng về sử dụng trang bị khí tài và duy trì trang bị khí tài trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Tất cả các khuyến nghị đó đã được chuyển cho Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Việt Nam. Đáng tiếc, các kíp chiến đấu và các cơ quan tham mưu thường không vận dụng các khuyến nghị đó vào thực tế hoặc có vận dụng nhưng rất chậm. Đôi khi các chuyên viên Việt Nam không biết cách sử dụng các tài liệu đó. Tình hình truyền đạt và tiếp nhận các khuyến nghị như vậy, cả về phía Việt Nam, cả về phía chúng tôi đều chưa khắc phục được.

Tất nhiên, chúng tôi cũng hiểu được rằng trong thời gian tác chiến rất khó có thể tổ chức và tiến hành được việc nghiên cứu có kết quả những nguyên nhân thất bại, sự vi phạm một số quy tắc kỹ thuật, không thể nhanh chóng đề ra được những khuyến nghị và vận dụng các khuyến nghị đó một cách linh hoạt, vì vậy chúng tôi đã thay đổi cách thức truyền đạt và vận dụng các khuyến nghị của chúng tôi.

Khi cần áp dụng một cái gì mới và quan trọng vào thực tế chúng tôi đã giao nhiệm vụ cho các đoàn chuyên gia trung đoàn và đoàn kỹ sư tên lửa nghiên cứu vấn đề đó. Trong buổi giao ban tháng tới chúng tôi sẽ xem xét nội dung các khuyến nghị, đề ra các cách giải quyết cụ thể đối với các khuyến nghị đó và giao nhiệm vụ cho tất cả các đoàn chuyên gia trung đoàn bắt đầu vận dụng các khuyến nghị đó bằng việc huấn luyện cho cán bộ chiến sĩ của trung đoàn.

Quan hệ giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với Bộ Tư lệnh phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, với các cấp chỉ huy, với cán bộ chiến sĩ các trung đoàn rất thân thiện, nhưng cũng có những hiện tượng ngoài mong muốn do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra.

Như đầu năm 1968, tại Trung đoàn tên lửa phòng không 236 (trung đoàn được thành lập đầu tiên) có ba tiểu đoàn tên lửa phòng không và một tiểu đoàn kỹ thuật được phong danh hiệu "Anh hùng", ban chỉ huy trung đoàn (có thể quyết định này đã được Bộ Tham mưu phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam phê chuẩn) đã quyết định, sau ba năm liên tục tham gia chiến đấu họ có thể tự duy trì vũ khí trang bị của trung đoàn trong trạng thái sẵn sàng chiến đấu và có thể tiến hành chiến đấu có kết quả? không cần sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Sau khi khước từ sự giúp đỡ của các chuyên gia quân sự Liên Xô, trung đoàn đã bắn một - hai lần có kết quả, sau đó cả bốn tiểu đoàn bắt đầu một loạt các lần bắn không có kết quả. Ban chỉ huy trung đoàn nhiều lần từ chối đề nghị của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về việc phải sửa chữa những hỏng hóc và hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa. Các kíp chiến đấu của các tiểu đoàn và chuyên gia của trung đoàn định tự mình tiến hành hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa.

Kết quả của việc tiến hành "cuộc thí nghiệm" đó tại trung đoàn là các bộ khí tài tên lửa đã không có khả năng chiến đấu, mỗi tiểu đoàn đã bắn hai - ba lần không có kết quả, toàn trung đoàn đã bắn trên mười lần.

Sau mỗi lần tiểu đoàn bắn không có kết quả, đoàn chuyên gia trung đoàn lại đề nghị cho kiểm tra và hiệu chỉnh máy móc. Những đề nghị đó vẫn không được chấp nhận. 

Tình hình đó làm cho cán bộ, chiến sĩ các tiểu đoàn mất lòng tin vào khả năng chiến đấu của vũ khí Liên Xô, chúng tôi không thể bỏ mặc việc đó và đã đề nghị Bộ Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam phải lập tức kiểm tra trạng thái kỹ thuật của các bộ khí tài tên lửa của trung đoàn và dùng lực lượng chuyên gia quân sự Liên Xô tiến hành hiệu chỉnh máy móc. Các chuyên gia Liên Xô - các kỹ sư tên lửa trung đoàn làm việc ở ba tiểu đoàn, còn các kỹ sư của bộ tham mưu chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không không quân thì làm việc ở tiểu đoàn thứ tư.

Trong cuộc họp tại trung đoàn đo đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân chủ trì, Đại tá N. I. Rumianxép, Trưởng đoàn kỹ thuật tên lửa và Đại tá M. I. Crưlốp, Trưởng đoàn chuyên gia ở trung đoàn đã báo cáo về kết quả làm việc.

Sau khi tiến hành kiểm tra và chỉnh lại các bộ khí tài tên lửa, mỗi tiểu đoàn của trung đoàn tên lửa phòng không đã bắn một lần. Đã bắn rơi được bốn máy bay Mỹ.

Qua kiểm tra và làm việc ở Trung đoàn 1 cho thấy rằng các kỹ sư Liên Xô và kỹ sư Việt Nam, về nhiều vấn đề đã có những cách nhìn nhận khác nhau đối với các chỉ số và dung sai cho phép quyết định trạng thái sẵn sàng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa. Vì vậy, chúng tôi lập tức thảo ra mục lục các chỉ tiêu dung sai có thể cho phép xác định mức độ sẵn sàng về mặt kỹ thuật của bộ khí tài tên lửa (phần vô tuyến điện, phần điện tử của tên lửa v.v.).

Chúng tôi đã trao tài liệu đó cho Bộ tham mưu phòng không không quân và Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở các trung đoàn để chỉ đạo khi hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa và để huấn luyện cho các kíp trắc thủ của các tiểu đoàn. Chúng tôi cũng đề cập đến việc bắt buộc phải có sự cùng tham gia của chuyên gia quân sự Liên Xô trong việc hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa.

Sau khi làm việc xong ở Trung đoàn 1 chúng tôi đã tiến hành công tác của đoàn chuyên gia tại trường kỹ thuật quân sự, nơi đào tạo hạ sĩ quan cho binh chủng tên lửa phòng không. Trường đóng ở trong rừng, thuộc khu vực thị xã Lạng Sơn, gần biên giới Trung Quốc. Đoàn chuyên gia Liên Xô gồm các sĩ quan - giáo viên của các trường quân sự của chúng tôi do Đại tá N. K. Xukhnô phụ trách.

Tại đây chúng tôi đã kiểm tra việc tổ chức quá trình học tập, đã có một số thay đổi đối với chương trình học tập có tính đến kinh nghiệm đã rút ra tại Trung đoàn 1, đã khắc phục một số sai sót trong việc tổ chức học tập.

Các đồng chí Việt Nam hàng ngày đã thấy và trong công việc đã khẳng định được rằng các chiến sĩ Xôviết đang hoàn thành một cách trung thực nghĩa vụ quốc tế của mình, phục vụ hết lòng hết dạ và dũng cảm cho sự nghiệp đấu tranh chống quân xâm lược, thể hiện tình cảm hết sức quý trọng đối với nhân dân và các chiến sĩ Việt Nam.

Các sĩ quan, hạ sĩ quan, chiến sĩ Xôviết hàng ngày chịu đựng những nguy hiểm và sống trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt, đã dũng cảm và quên mình hoàn thành chức trách của mình. Đó là các sĩ quan thuộc Bộ tham mưu phòng không: Đại tá N. V. Abramốp, E. M. Antônốp, N. I. Rumianxép, Đ. N. Chécnưsép, L. V. Xôlômin, G. V. Đriga, R. A. Barơcốpxki, E. I. Pôlivaicô, B. A. Vôrônốp; Trung tá: P. A. Sácsátkin, A. N. Sumacốp, I. A. Canavin, B. A. Vinacurốp, I. Ia. Macarencô, P. I. Xamôilencô. Các trưởng đoàn chuyên gia tại các trung đoàn tên lửa phòng không: Đại tá M. I. Crưlốp, V. I. Lêbêđép, A. N. Ivanốp, V. N. Cônkin, A. P. Xmirơnốp, V. I. Giuravlép, V. X. Taraxencô, V P. Côctômốp, A. I. Đmitriép, V. G. Tatannốp, Iu. K. Labutin, I. I. Écmôlencô, v.v..

Chuyên gia chúng tôi ở trong các lán bằng tre nứa hay trong các đình chùa của đạo Phật. Mỗi đoàn chuyên gia chúng tôi có một máy phát điện cơ động và một máy chiếu phim mang từ Liên Xô sang. Phòng giao tế (ngoại vụ) đảm bảo cho đoàn những điều kiện tối cần thiết - ăn uống, chỗ ở và xe cộ đi lại. Anh em chúng tôi trả tiền ăn bằng tiền Việt Nam đồng.
Lương thực thực phẩm phần chính là gạo, thịt bò, thịt trâu, mỡ lợn, các loại rau xanh, trong đó có cả măng (tre non), đó là món ăn thứ nhất.

Khí hậu nóng bức chiếm tới ba phần tư thời gian trong năm và ẩm ướt suốt năm - người phương Bắc chúng tôi khó chịu nổi. Ban ngày mồ hôi nhễ nhại đầy người, về đêm thì ẩm ướt. Chỉ cần căng thẳng một chút là đã đẫm mồ hôi. Chúng tôi thường có câu nói bông đùa "Ma đam không có, mồ hôi có, tinh thần cao".

Trong thời gian ở Việt Nam chúng tôi đã phải đi công tác rất nhiều, khắp đất nước và ở nhiều nơi, vì anh em chúng tôi đã tham gia chiến đấu tại các trung đoàn tên lửa phòng không trên toàn lãnh thổ miền Bắc Việt Nam. Các cuộc tiếp xúc với anh em chúng tôi tại các địa phương, với các cán bộ chỉ huy trung đoàn và tiểu đoàn Việt Nam đã tạo cho chúng tôi khả năng giải quyết được nhiều vấn đề cấp thiết và tác động tốt đến công việc.

Việc tổ chức các chuyến đi công tác, đặc biệt là vào Quân khu 4, có những phức tạp nhất định. Thường đi vào đó phải mất 2 ngày hoặc 2 đêm, mà phải đem theo mọi thứ: lương thực, thực phẩm, nước, nhiên liệu và thậm chí cả củi để nấu cơm. Ngoài ra, đoạn đường lại dài, nhiều phà qua sông, đường bị bom đạn làm hư hỏng nặng, chúng tôi rất mệt mỏi. Cũng không loại trừ khả năng bị rơi vào các trận ném bom đánh phá của máy bay Mỹ.

Từ những ngày đầu cùng cộng tác với Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Việt Nam, chúng tôi đã tạo được các mối quan hệ công tác tốt đẹp và hoàn toàn hiểu biết lẫn nhau. Chúng tôi đã giải quyết được nhiều vấn đề trong các buổi làm việc trực tiếp - Lê Văn Tri nói tiếng Nga tốt.

Các buổi gặp và làm việc đã diễn ra theo thời gian có hẹn trước, thường là một - hai lần trong một tháng; nhưng thường diễn ra theo sự đề xuất của một trong hai bên, còn có các buổi làm việc thêm. Các buổi gặp và làm việc thêm thường diễn ra tại các trận địa hay các sở chỉ huy và bao giờ cũng có kết quả.

Trong các buổi làm việc với đồng chí Lê Văn Tri (nhất là trong những tháng đầu cùng làm việc) đã có hiện tượng như thế này: khi chúng tôi đề xuất ra điều gì mới, các đồng chí Việt Nam lại nói về các kiến nghị cũ. Trong những trường hợp đó, chúng tôi đã giải thích rằng những thay đổi này là do việc người Mỹ sử dụng các phương tiện đánh phá mới, do những thay đổi trong chiến thuật của địch gây ra hoặc do những cải tiến mới của các nhà công nghiệp chúng tôi tiến hành, nhưng mới kết thúc, tạo ra.

Chúng tôi thường tổ chức các chuyến đi công tác chung với đồng chí Lê Văn Tri xuống các đơn vị bộ đội. Tại đó, chúng tôi đã tổ chức các cuộc cùng kiểm tra tình trạng kỹ thuật của vũ khí và giải quyết được nhiều vấn đề thực tế.

Các cuộc gặp gỡ và làm việc của tôi với Đại tá Phùng Thế Tài, Tổng Tham mưu phó Quân đội nhân dân Việt Nam chuyên trách Binh chủng phòng không không quân thường xuyên diễn ra. Tại các buổi làm việc này chủ yếu là trao đổi thông tin.

Chủ tịch Hồ Chí Minh mất ngày 2-9-1969. Ngày 6-9 đoàn đại biểu Liên Xô do đồng chí A. N. Côxưghin, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô dẫn đầu đã đến Hà Nội để dự lễ tang.

Tang lễ trọng thể đã được tổ chức sáng ngày 9-9 tại Hà Nội, trên Quảng trường Ba Đình.

Tối ngày 9-9, trước khi rời Hà Nội về nước, đồng chí Côxưghin và các thành viên khác trong đoàn đã gặp lãnh đạo Đại sứ quán và Ban chỉ huy đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, gồm Thiếu tướng A. I. Xtuchilốp, Thiếu tướng không quân E. N. Anchipherốp và Đại tá A. M. Trômbachép.

Đồng chí A. N. Côxưghin nới rằng, đồng chí muốn nghe các đồng chí quân sự báo cáo. Tôi đã tự giới thiệu và báo cáo là đang phụ trách đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không và báo cáo về ba vấn đề:

- Những nhiệm vụ chuyên gia quân sự Liên Xô phải thực hiện;

- Làm mọi cách để chứng tỏ được ở đây trang bị vũ khí của chúng ta và hiệu quả của việc sử dụng trang bị vũ khí;

- Mối quan hệ của chúng tôi với các đồng chí Việt Nam.

Cuối tháng 9-1969 chúng tôi nhận được chỉ thị của Bộ Tổng tham mưu Liên Xô đề nghị phải thông báo qua các phương tiện thông tin về một số vấn đề nêu trong chỉ thị.

Đồng thời cũng nhận được chỉ thị cho các tướng B. A. Xtônnhicốp, A. I. Xtuchilốp, E. N. Anchipherốp, cùng về Mátxcơva với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền I. X. Sécbacốp.

Ở Mátxcơva, tại Bộ Tổng tham mưu, chúng tôi đã báo cáo với Nguyên soái Liên Xô N. V. Dakharốp, Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng X. A. Xôcôlốp, Thứ trưởng thứ nhất Bộ Quốc phòng, Thượng tướng I. P. Đagaép, Tổng cục trưởng Tổng cục 10 về tình hình trên chiến trường và tình hình công việc của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam.

Ngày 14-10-1969, chúng tôi lại rời Mátxcơva sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tháng 12-1969 nhân việc tôi hết nhiệm kỳ công tác ở Việt Nam trở về nước, các đồng chí Việt Nam đã tổ chức chiêu đãi trọng thể. Tại cuộc chiêu đãi, Thiếu tướng Trần Sâm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã phát biểu.

Trong bài phát biểu của mình, trước hết Thiếu tướng Trần Sâm nói về vai trò của Đảng và chính phủ Liên Xô trong việc giúp đỡ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược. Trước đây các nhà lãnh đạo Việt Nam chỉ nói đến sự giúp đỡ của nhân dân Liên Xô.

Đây là một số đoạn trích trong lời phát biểu của đồng chí Trần Sâm:

“Cho phép tôi thay mặt Bộ Quốc phòng nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhiệt liệt chúc mừng và thành thật cảm ơn Thiếu tướng Xtuchilốp về việc đã hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ do Đảng và Chính phủ Liên Xô giao phó trong việc giúp đỡ binh chủng tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh của chúng tôi chống đê quốc Mỹ.

Trong thời gian công tác tại Việt Nam, đồng chí Xtuchilốp đã cùng chia sẻ với chúng tôi những khó khăn lớn đã thể hiện tác phong làm việc hết mình, đã mang hết sức mình để chỉ đạo các chuyên gia phòng không giúp họ hoàn thành nhiệm vụ của mình. Đồng chí thường xuyên trao đổi với Bộ Tư lệnh phòng không không quân nhiều ý kiến quý giá về các vấn đề khác nhau nhằm mục đích không ngừng nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu và khả nấng chiến đấu của họ, đồng chí đã đóng góp vào việc phát triển Binh chủng tên lửa phòng không non trẻ của chúng tôi.

Nhân dịp này, chúng tôi xin bày tỏ lòng biết ơn chân thành đối với Đảng, Chính phủ và nhân. dân Liên Xô về việc không ngừng giúp đỡ to lớn và có hiệu quả đối với nhân dân Việt Nam trong công cuộc bảo vệ miền Bắc Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống Mỹ xâm lược, để giải phóng miền Nam Việt Nam và thông nhất đất nước".

Đại sứ Liên Xô Ilia Xécgêêvích Sécbaeốp đã chuyển toàn văn lời phát biểu của Thiếu tướng Trần Sâm (đã dịch ra tiếng Nga) về Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô: Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô, Bộ Ngoại giao Liên Xô, và nhấn mạnh rằng điều đó đã nói lên nhiều điều.
Thành phố Craxnôdnamenxcơ, năm 2003

ĐẠI TÁ
SÁCSÁTKIN PIỐT ANĐRÊÊVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật.

Ông sinh ngày 14-2-1926 tại thành phố Pôntava.

Sau khi giải phóng Ucraina năm 1943 ông học tại trường Trung cấp kỹ thuật đường sắt Đnhéprôpêtơrốpxki: nhưng chưa tốt nghiệp, ông đã tình nguyện tham gia Hồng quân và được biên chế về Tiểu đoàn huấn luyện số 1 của Trung đoàn bộ binh dự bị 163.

Năm 1948 ông tốt nghiệp Trường sĩ quan pháo binh Đnhéprôpêtơrốpxki và tiếp tục phục vụ với. chức vụ chỉ huy trung đội trinh sát của trung đoàn pháo binh ở thành phố Belưi Chéccốp.

Năm 1959, ông tốt nghiệp Học viện vô tuyến điện pháo binh Kháccốp.

Từ năm 1959 đến năm 1975 ông công tác tại Viện Nghiên cứu khoa học số 2 Bộ Quốc phòng Liên Xô. .

Từ tháng 10-1968 đến tháng 8-1969, ông tham gia chiến đấu ở Việt Nam với chức vụ Trưởng nhóm chuyên gia tác chiến điện tử. 

Ông được thưởng 14 huy chương, trong đó có hai Huy chương Chiến công và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam

CHIẾN TRANH ĐIỆN TỬ Ở VIỆT NAM

Khi nói về khái niệm "chiến tranh" chúng ta thường liên tưởng đến việc bắn súng, các vụ nổ, các cuộc ném bom bắn phá, đến sự chết chóc, đến việc tàn phá các khu dân cư phá hủy trang bị kỹ thuật của các bên tham chiến và việc mỗi bên đều tìm cách phòng tránh sự thiệt hại. Tất cả những điều đó đều diễn ra tại Việt Nam trong những năm Mỹ xâm lược chống lại đất nước này từ năm 1964 đến 1973.

Nhưng, ngoài những sự việc nêu trên, cuộc chiến tranh ở Việt Nam còn có một đặc điểm nổi bật, đó là sử dụng rộng rãi các phương tiện vô tuyến điện từ, một mặt để tăng hiệu quả của phương tiện đánh phá, và mặt khác, để bảo vệ một cách chắc chắn chống lại các phương tiện đó và tăng hiệu quả tối đa trong việc tiêu diệt chúng.

Tính đến điều đó, Bộ chỉ huy quân sự Mỹ tại Việt Nam đã đề ra một loạt các biện pháp nhằm hạ thấp khả năng chiến đấu của các phương tiện tác chiến điện tử của Quân đội nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống lại không quân Mỹ, không chỉ bằng việc tiêu diệt các phương tiện đó mà cả bằng việc dùng các loại nhiễu vô tuyến điện để chế áp.

Ảnh chụp trên máy bay cho thấy rõ đài điều khiển tên lửa của tiểu đoàn tên lửa phòng không X-75 bị phá hoại sau khi bị tên lửa tự dẫn "Sraicơ" bắn trúng. Trên một tấm ảnh sau cho thấy một thời điểm nhiễu vô tuyến điện tác động vào đài điều khiển tên lửa (hiện trên màn hiển thị của sĩ quan điều khiển).

Song song với các cuộc chiến tranh thông thường là cuộc chiến tranh vô tuyến điện tử. Để nghiên cứu các phương tiện và phương thức tiến hành cuộc chiến tranh này và để đưa ra các kiến nghị về phòng tránh cho các phương tiện vô tuyến điện tử của Quân đội nhân dân Việt Nam trước các loại nhiễu và duy trì được khả năng chiến đấu của các phương tiện đó trong cuộc chiến đấu với không quân Mỹ, các chuyên gia chuyên ngành của Liên Xô đã sang Việt Nam công tác.

Trong suốt thời gian dài tác chiến, các loại nhiễu đã được các trắc thủ của các kíp chiến đấu nghiên cứu qua hình ảnh trên các màn hiển thị của các phương tiện tác chiến điện tử. Kết quả quan sát đã cho phép kịp thời đưa ra những kiến nghị để cải tiến kỹ thuật các hệ thống của đài điều khiển tổ hợp tên lửa phòng không X-75 và thường xuyên hoàn thiện các quy tắc phóng tên lửa.



Để tránh sự ảnh hưởng của các loại nhiễu đó hoặc chí ít làm yếu chúng, cần phải có các quyết sách độc đáo về mặt kỹ thuật.

Cần phải nghiên cứu một cách tỉ mỉ đặc điểm của các loại nhiễu, điều này chỉ có thể làm được nhờ máy chuyên dụng. Tháng 5-1968, một đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô chuyên trách do Trung tá Vích to Xécghêêvích Kixêlép dẫn đầu đã sang Việt Nam. Đoàn đã đem sang một bộ khí tài kỹ thuật cần thiết và triển khai bộ khí tài đó ở khu vực không quân Mỹ hoạt động tích cực nhất. Trong một thời gian ngắn chúng tôi đã huấn luyện cho các chuyên viên và một khẩu đội Việt Nam do Thiếu tá Đỗ Văn phúc (До Ван Фук) phụ trách sử dụng chiếc máy đó.

Tháng 10 năm đó tác giả của bài viết này đã sang thay đoàn trưởng V. X. Kixêlép.

Do không còn liên hệ tác chiến vòi phân đội của Đỗ Văn Phúc, trong khi các hoạt động của không quân Mỹ được sự yểm trợ của các loại nhiễu vẫn tiếp tục, nên việc nghiên cứu nhiễu tiếp tục được tiến hành thông qua việc quan sát trên màn hình của các thiết bị vô tuyến điện tử. Trong tất cả các trường hợp quan sát, mối quan tâm nghề nghiệp của người quan sát chỉ được thỏa mãn khi trên không đang xuất hiện máy bay đang đánh phá dưới sự yểm trợ của các loại nhiễu vô tuyến điện và khi người quan sát ở ngay tại màn hiển thị của các phương tiện vô tuyến điện tử.

Đường tới địa điểm đóng quân của tiểu đoàn tên lửa phòng không, nơi chúng tôi dự định quan sát quá trình chiến đấu của kíp chiến đấu trong điều kiện không quân Mỹ gây nhiễu là một con đường dài và rất xấu. Tiểu đoàn bố trí trên một bãi đất phẳng vùng trung du, cách rất xa các con đường cái dễ đi. Tốc độ của xe là 10 - 20 km/giờ. Mấy chiếc bánh của chiếc xe GAS-69 cuốn bụi dày đặc, gió hất bụi vào đầy người chúng tôi: ngột ngạt, đường nhiều ổ gà xóc kinh người: nhiều lần xe hất tung người chúng tôi lên: đầu đập cả vào khung sắt của mui bạt, mồ hôi chảy lòng ròng, quyện với bụi chảy xuống cổ, chui cả vào mắt, làm cho cả mắt và da đều bị ngứa.

Còn mấy kilômét cuối cùng chúng tôi phải đi bộ lách qua các lùm cây rậm rạp. Xe phải dừng lại dưới tán một cây cổ thụ. Tiếp đó chúng tôi đi theo đồng chí phiên dịch: vì chỉ có anh ấy mới biết hướng đi, chúng tôi lò dò đi theo một con đường mòn hẹp, chen chúc giữa các lùm cây nhiệt đới, lúc này chúng tôi phải bám thật sát nhau, không dám rời một bước. Một lúc sau: sau cái lùm cây bất ngờ xuất hiện mấy chú bé người địa phương. Chúng thầm thì gì đó với nhau và đi theo sau chúng tôi, cách trận địa độ 2-3 mét. Anh em bộ đội bảo vệ trận địa không cho chúng đi tiếp.

Các chiến sĩ tên lửa vui vẻ đón tiếp chúng tôi như những người khách quý: họ giới thiệu các sĩ quan trong kíp chiến đấu, mời chúng tôi ngồi quanh chiếc bàn được che bằng bạt, mời chúng tôi uống chè tươi rất thơm. Trong khi uống nước chúng tôi đã nói chuyện về tình hình trên không và công tác chiến đấu. Được biết, tiểu đoàn đã bắn rơi một số máy bay không người lái và một máy bay của hải quân Mỹ.

Thời gian này Mỹ đã tăng cường do thám miền Bắc Việt Nam bằng các máy bay do thám siêu âm SR-71. Các phương tiện ra đa vô tuyến điện của tiểu đoàn nhiều lần phát hiện và bám sát được máy bay SR-71: đã hai lần bắn nhưng cả hai lần bắn đều không có kết quả - máy bay bay ở ngoài tầm hỏa lực.

Các tiểu đoàn tên lửa phòng không khác cũng nhiều lần bắn máy bay SR-71. trong những điều kiện tưởng như rất thuận lợi, nhưng đều không kết quả. Máy bay này thường được hộ tống bằng việc gây nhiễu hoặc là ở ngoài phạm vi của đất nước, hoặc là từ máy bay trực tiếp phát ra. Nhưng nhiễu cũng không ảnh hưởng quyết định đến kết quả phóng tên lửa. Nguyên nhân chính của các lần phóng tên lưa không thành công là máy bay thường bay với tốc độ cao và luôn cơ động, sau khi tên lửa phóng ra, máy bay đã kịp cơ động và ra khỏi tầm hỏa lực của tên lửa phòng không.

Cuộc chuyện trò của chúng tôi bị gián đoạn bởi một tín hiệu báo động: trong vùng quan sát của trạm ra đa đã phát hiện có một mục tiêu trên không. Cán bộ chiến sĩ kíp chiến đấu vội lao ngay ra các bệ phóng chiếm lĩnh vị trí chiến đấu trong các cabin của đài chỉ huy, ngồi trước các màn hình và các bàn điều khiển. Chúng tôi vội tới ngay các màn hình của sĩ quan điều khiển, ngay lập tức trên các màn hình xuất hiện các dải nhiễu nhẹ. Trên nền của các dải nhiễu đó đã quan sát được một vệt sáng rõ của mục tiêu. Rõ ràng, đây là máy bay do thám không người lái. Nhưng tiểu đoàn trưởng quyết định không bắn vì mục tiêu sắp vượt ra ngoài tầm hỏa lực của tiểu đoàn.

Ngồi trong xe chỉ huy đóng kín với tâm trạng chờ trận đánh, đặc biệt là trong lúc địch đang đánh phá, khi trên màn hình có thể quan sát thấy chấm sáng của mục tiêu cùng với các dải nhiễu, đòi hỏi phải có một sức kiên trì chịu đựng rất cao. Cần phải có sức chịu đựng đó không phải là do sự chật chội bức bối và nhiệt độ cao trong cabin (trên 50oC), mà còn do không rõ ý đồ của các máy bay địch định đánh vào trận địa này hay vào các khí tài kỹ thuật được bố trí trên trận địa.

Qua kết quả phân tích nhiều số liệu đặc trưng cho quỹ đạo bay (đường bay) của mục tiêu và hoạt động chiến đấu của tiểu đoàn tên lửa bên cạnh, đã xác định được rằng mục tiêu được chúng tôi phát hiện trên màn hình và bám sát thì ở độ cao 10 km và đã lọt vào vùng hỏa lực của tiểu đoàn bạn và đã bị tiểu đoàn bạn (láng giềng) bắn rơi. Đó đích thực là máy bay trinh sát không người lái. Đã phát hiện thấy xác của chiếc máy bay đó cách tiểu đoàn 16 - 18 km.

Máy bay địch gây nhiễu cho hoạt động của bộ khí tài tên lửa bay ở cự ly cách tiểu đoàn gần 100 km.

Khi trở về chúng tôi khởi hành vào lúc trời bắt đầu tối. Bóng đêm buông xuống rất nhanh. Các đèn pha được che bằng mấy tấm tôn ngụy trang, chỉ quét trên mặt đường một vệt sáng rất hẹp. Dưới ánh đèn pha rất hẹp đó, chẳng trông thấy gì trên con đường trước mặt. Tốc độ trong đêm tối chỉ độ 7 - 10 km/giờ. Mặc dù có chậm nhưng vẫn đi được.

Bằng cách này hay cách khác, phải vượt qua mọi khó khăn và một loạt những hạn chế về mặt hành chính sự vụ, chúng tôi phải đúc kết được các số liệu về nhiễu, không phải chỉ bằng máy móc chuyên dụng mà cả bằng các phương thức tự tạo.

Việc phân tích kết quả quan sát bằng mắt và đo đạc các nét đặc trưng của nhiễu bằng máy móc đã giúp tác giả xác định được cơ chế tác động của nhiễu đối với hệ thống bám sát mục tiêu, dẫn đến làm cho tên lửa phóng ra không đạt hiệu quả.

Văn bản về cơ chế tác động của nhiễu đã được chuyển cho các công trình sư của các đài chỉ huy điều khiển bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 và Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam.

Theo đề nghị của Thiếu tá Đỗ Văn Phúc chúng tôi đã tổ chức các buổi học để nâng cao nghiệp vụ cho các chuyên viên Việt Nam. Nội dung học tập đã được thảo luận và được trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam (Tướng B. A. Xtônhicốp và A. I. Xtuchicốp) Phê chuẩn.

Buổi học đầu tiên đề cập đến các yếu tố mấu chót của thuyết xác suất, bao gồm cơ sở của quá trình phân tích các vấn đề, do phía Việt Nam đặt ra. Buổi học đầu tiên rất hấp dẫn đối với học viên - các sĩ quan phòng khoa học quân sự Bộ Tư lệnh phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Nhưng sau khi kết thúc buổi học lãnh đạo đoàn chuyên gia đã nói với tôi rằng có thể không cần đề cập tới chuyên đề này, bởi vì trong những điều kiện đang diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt với bọn xâm lược Mỹ, đối với các sĩ quan Việt Nam trước hết phải có những kiến thức thực tế đảm bảo cho việc nâng cao hiệu quả các lần phóng tên lửa trong những điều kiện bị địch gây nhiễu, chứ không phải là lý thuyết. 

Mặc dù phía Việt Nam có những nhận xét trái ngược nhau về việc tiếp nhận chuyên đề này của chúng tôi, hơn nữa, sau này chuyên đề đó được tiếp tục bằng các buổi học sau chỉ đề cập tới việc trao đổi kinh nghiệm và trao đổi những kỹ năng thực tế trong việc phân tích các tín hiệu do máy móc chuyên dụng nhận được.

Đến lúc này, kết quả công việc của đoàn chúng tôi là đã xác định được cơ chế hình thành, xác định được cơ chế chính xác và "công nghệ" tác động của nhiễu do máy bay SR-71 phát ra để đánh vào máy móc của bộ khí tài tên lửa phòng không. Tại một buổi học chúng tôi đã truyền đạt cho các chuyên gia Việt Nam những thông số này.

Tác giả đã thực hiện gần 50 giờ giảng dạy cho các chuyên viên Việt Nam. Các buổi học này cũng được tổ chức trong các buổi họp tổng kết thường kỳ của chuyên gia quân sự Liên Xô.

Trong đoàn Việt Nam có 18 - 20 sĩ quan, phần lớn trước đây đã học tập tại các nhà trường của Liên Xô nhưng chưa học xong đã được gọi về nước để tham gia kháng chiến chống quân xâm lược Mỹ. Các học viên rất chăm chú học tập: đưa ra nhiều câu hỏi về nội dung của các buổi học. Thiếu tá Đỗ Văn Phúc nói rằng sau khi nghiên cứu các giáo án của các bài giảng: lãnh đạo Bộ Tư lệnh phòng không không quân Quân đội nhân dân Việt Nam định dùng tài liệu đó in thành sách giáo khoa để huấn luyện cho các chuyên gia Việt Nam.

Trong số những người thường xuyên tham gia các buổi học tập và quan tâm nhiều đến các vấn đề được đưa ra thảo luận có Thiếu tá Đỗ Văn Phúc, Thượng uý Hùng (Xuн), phó của đồng chí Phúc: các sĩ quan Hiền, San, Dục, Mạnh (Xиен, Шaн, Зук Maнь) (rất tiếc không nhớ được đủ tên họ của các đồng chí đó), Đặng Đình Vinh (Данr Динь Винь). Phan Thuận (Фан Txyaн), Trần Xuân Hiển (Чан Xуан Xиeн), Hoàng Văn Hoa (Xоанг Baн Xoa) v. v. . . .

Năm 1972: Thượng uý Hùng đã được phong danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam vì đã anh dũng chiến đấu. Ngày 5-8-1990 tại Mátxcơva, trong buổi họp mặt của những người đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam, tôi đã gặp Đỗ Văn Phúc: lúc này mang quân hàm Đại tá, đảm nhận chức Tuỳ viên quân sự, hải quân và không quân trực thuộc Đại sứ quán Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Liên Xô. Cuộc gặp mặt rất vui vẻ và thắm thiết. 

Những kết quả làm việc của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong lĩnh vực chiến tranh vô tuyến điện tử ở Việt Nam được tổng hợp nêu lên trong giáo trình chuyên môn do Bộ Quốc phòng Liên Xô ấn hành dùng trong các nhà trường của Binh chủng phòng không Liên Xô.

Năm 1972, trong cuộc thi các tác phẩm khoa học quân sự của Bộ Quốc phòng Liên Xô mang tên M. V. Phrunde, cuốn giáo trình này đã được giải về chuyên đề này (giải nhất là tác phẩm của Bộ Tổng tham mưu Bộ Quốc phòng Liên Xô). Hiện nay giáo trình này được dùng trong các chuyên khoa tại các nhà trường quân sự.

Tôi xin có đôi lời về cuộc sống và làm việc ở đây. Trong một buổi lên lớp, sau khi xong phần mở đầu, đa số học viên gục đầu xuống tập tài liệu, rồi ngủ thiếp đi. Nguyên nhân là đêm qua trời rất nóng, nhiệt độ không hề tụt xuống +43oC. Đêm đó tôi ở trên tầng 4 khách sạn Kim Liên và nhiều lần tỉnh dậy vì rất khó thở, mồ hôi đầy mặt, cổ và ngực. Đồng chí phiên dịch nói "còn chúng tôi nằm dưới tầng 1 và suốt đêm chẳng ngủ được chút nào", cuối cùng phải cho hoãn buổi học.

Không khí nóng bức bao phủ toàn thân thể con người ngay sau khi ra khỏi máy bay, sau khi họ đến Việt Nam từ những vĩ tuyến Bắc, nó có tác dụng tốt đến hoạt động của máy móc động lực. Tuy nhiên, với độ ẩm 99% và nhiệt độ không khí 35oC suốt ngày đêm bao trùm người dân phương Bắc trong vòng 2-3 tháng liền thì điều đó thật khó chịu nổi: mỗi bước chuyển động đều làm toát rất nhiều mồ hôi, sự suy nghĩ bị ngưng đọng, làm cho những suy nghĩ khó trở thành một câu trọn vẹn.

Hàng ngày phải thay và giặt quần áo. Để cho bề ngoài dễ coi, phải có 4-5 bộ đồ để thay đổi. Tuỳ khả năng, hai - ba ngày là phải tắm, nhất là sau chuyến đi qua một con đường bụi đỏ. Nếu không có vòi tắm, đành phải chịu vậy.

Do trời nóng bức như vậy, nên lúc nào cũng cảm thấy nóng và khát nước. Chỉ được uống nước đã đun sôi. Chỉ cần mấy giọt nước tắm từ vòi hoa sen rơi vào miệng là bị rối loạn tiêu hóa mất 2-3 ngày.

Hàng ngày, bất kỳ thời gian nào trong năm, từ 18 giờ 30 đến 19 giờ trời đã tối hẳn, và từ 4 giờ 30 đến 5 giờ trời đã sáng. Mầu xanh lá cây và mầu da cam của các loại cây nhiệt đới xanh tươi quanh năm đã vẽ lên một bức tranh phong cảnh tuyệt đẹp. Không sao quên được vẻ đẹp của những bông sen hồng tươi thắm phủ khắp các mặt hồ. Rất ngạc nhiên khi thấy những cây phượng hoa đỏ; sau đó quả dài tới nửa mét đung đưa dọc theo các phố, các khu dân cư trông tựa như những quả dưa chuột dài rất đẹp.

Một khung cảnh khủng khiếp đập vào mắt người ta khi thấy những khóm cây khuynh diệp chạy dài mấy kilômét bị rụng hết lá, chỉ còn trơ lại những thân cây sau khi bọn Mỹ rải chất làm rụng lá cây đã biến chúng thành hàng rào chết, cây khô, màu xám xịt.

Và tất nhiên, các buổi gặp gỡ với những người dân Việt Nam bình dị là những cuộc gặp gỡ không thể quên được. Khi xe của chúng tôi dừng lại ở một khu dân cư thì lập tức bầy trẻ nhỏ vây quanh ngay, chúng rất vui vẻ hô vang: "Liên Xô! Liên Xô! Tốt tốt!". Rồi người lớn cũng xúm lại. Trong số họ có người bập bẹ nói được tiếng Nga. Câu chuyện xoay quanh việc giải thích chúng tôi là ai, từ đâu đến, làm gì ở Việt Nam, lũ trẻ thì sờ mó, vuốt ve quần áo, tay chúng tôi. Người lớn thì bắt chặt tay chúng tôi.

Phương tiện giao thông chính ở Việt Nam là xe đạp. Trên xe chở tất cả mọi thứ: vợ chồng, con cháu, dụng cụ gia đình, gà hoặc vịt, thậm chí cả các chú lợn con chỉ buộc vào cái đèo hàng.

Nhưng, mặc dù phong cảnh thiên nhiên bao quanh vô cùng dẹp. mặc dù tình cảm nồng thắm và mến khách của nhân dân địa phương, mặc dù các đồng chí Việt Nam rất cố gắng tạo điều kiện cho sinh hoạt của chúng tôi bớt khó khăn (và thực sự chủ nhà đã làm được nhiều), nhưng nỗi nhớ quê hương không lúc nào nguôi đi. Tác giả xin có vài dòng nói về nỗi nhớ quê:

Có biết bao bài ca, về những người đi biển,
Có biết bao điệu múa hoặc lời ca,
Về những người trên đồng ruộng
Còn những người đến Việt Nam, biết phải làm gì?

Ôm lấy ngưòi thân và nói: "Tôi đã ở Việt Nam".
Không được uống nước - từ giếng thay từ vòi,
Ngắm nhìn phụ nữ, cũng không nên.
Nhất là những người đẹp, Đúng thế, sợ không

Nhưng các bạn ơi, cũng phải vượt qua thôi.
Trăng treo trên đỉnh đầu,
Ở đây trời đẹp quá, thật như trên thiên đường,
Nhưng không sánh sao được với phương Bắc, với Cuxca.

Nhưng còn có gì quý hơn đất nước quê hương.
Ở đấy đầy khoai tây, cà chua và chuối
Những thứ đó không phải lần đầu được thấy, được ăn.
Lúa xanh rờn trải khắp những đồng nước bao la...

Biết nói gì, kể gì với bạn về những điều đã thấy, đã nghe
Ở đây không đài, không vô tuyến,
Ở đây không có báo, chỉ có phim,
Ở đây chỉ có mơ ước trở về nhà,
Ở đây ngày lễ thiếu rượu nho. .

Muốn kết dòng thơ này bằng mấy chữ, trên trái đất này
Có Liên Xô - Quê hương vĩ đại 
Ở đó có ngôi nhà yêu quý - vợ và con
Tổ quốc đã gửi chúng tôi tới đây giúp bạn trong hoạn nạn.
Tháng 12- 1968

Tôi xin kết thúc những hồi ức của mình về Việt Nam. Đã hơn ba mươi năm kể từ ngày trở về nhà. Nhưng mãi mãi để lại trong ký ức tôi những quãng thời gian ở nước bạn Việt Nam, những giây phút đón và tiễn tại sân bay Gia Lâm, cả hai lần đón và tiễn ở Hà Nội đều có còi báo động phòng không.

Quên sao được những cuộc gặp mặt với mọi người trong các Viện bảo tàng, các công viên, cùng chiến đấu làm việc với các chiến sĩ Việt Nam anh hùng.

Chúc nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa mọi sự tốt lành.
Thành phố Tờve, năm 2003
 
THIẾU TƯỚNG
PÔDƠĐÊÉP ANATÔLI PHILIPPÔVÍCH

Ông sinh ngày 22-3-1930 tại tỉnh Upha.

Năm 1953, ông tốt nghiệp Trường sĩ quan pháo phòng không số 3 tại thành phố Alúcxna (Lát via), năm 1965 - tốt nghiệp Học viện chính trị quân sự mang tên Lênin. Ông phục vụ trong Binh chủng phòng không với chức vụ trung đội trưởng trung đội vô tuyên điện thuộc Trung đoàn cận vệ pháo cao xạ phòng không số 242

Từ năm 1955 đến năm 1962 tham gia công tác Đoàn Thanh niên Cômxômôn, sau đó là trung đoàn phó phụ trách chính trị của trung đoàn tên lửa phòng không, Trưởng phòng chính trị của lữ đoàn; sư đoàn; quân đoàn phòng không.

Từ tháng 3-1970 đến tháng 3-1971 làm Phó trưởng đoàn chuyên gia phòng không phụ trách chính trị trong đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. .

Ông kết thúc phục vụ trong lực lượng vũ trang Liên Xô năm 1988 với chức vụ tuỳ viên Hội đồng quân sự - trưởng phòng chính trị của tập đoàn quân phòng không.

Ông được thưởng Huân chương Sao đỏ, Huân chương Vì sự nghiệp phục vụ Tổ quốc trong các lực lượng vũ trang Liên Xô hạng III, Huân chương chiến công hạng III và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam và 18 huân, huy chương khác.

THỬ LỬA

Thay lời mở đầu

Hồi ức, hồi ức, hồi ức... Như sóng trào của biển cả, các đợt sóng kỷ niệm cứ trào lên, không sao lắng xuống được, lúc thì dấy lên những tình cảm ấm áp đối với Tổ quốc vĩ đại những tấm lòng tốt và sự biết ơn đối với mọi người, lúc thì bối rối tâm hồn, thức tỉnh nghĩa vụ đối với những người đồng nghiệp, đồng chí vì trong cuộc sống có điều gì đó quan trọng, cốt yếu chưa làm được thật đến nơi đến chốn.

Hồi ức bắt chúng ta phải quay về với quá khứ...

Một vấn đề làm tôi thường xuyên day dứt: nếu bạn có điều linh cảm, liệu bạn có dám nói ra cho mọi người biết điều đó không? Tôi có ý định trả lời câu hỏi đó nên đã ngồi xuống bàn trước một tờ giấy trắng. Kết quả sẽ thu được gì tùy bạn đọc phán quyết.

Trong cuộc sống của một con người có những sự kiện thậm chí chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian ngắn nhưng đã trở thành kỷ niệm không thể phai mờ, không bao giờ quên. Đối với tôi, sự kiện đó là chuyến công tác đặc biệt ở Việt Nam những năm 1970 - 1971. 

Tất cả đều đã bắt đầu, có lẽ cũng như đối với tất cả những ai đã có điều kiện tham gia chuyến công tác như vậy: cuộc nói chuyện với các thủ trưởng, những lời dặn dò tiễn đưa của bạn bè, hành trang cần thiết.

Tôi đặc biệt nhớ lại các buổi tiễn đưa và chia tay với những người ruột thịt và những người bạn thân. Ngày 22-3-1970 tôi đã cùng bạn bè tổ chức sinh nhật - tôi tròn 40 tuổi. Có lẽ đây là một ngày kỷ niệm tốt đẹp nhất Nhưng khi niềm vui của ngày kỷ niệm hòa lẫn nỗi buồn của cuộc chia tay sắp tới đã tạo ra một cảm giác chờ đợi hồi hộp khó giải thích và một sự dịu dàng trìu mến và biết ơn của những người ruột thịt và bạn bè, đặc biệt của vợ và các con.

Chúng tôi ngồi quanh bàn liên hoan, tôi cảm thấy mọi người nhìn tôi với ánh mắt chăm chú lạ thường: họ nhìn tôi mong muốn giúp tôi một việc gì đó và tôi giữ mãi cái không khí quây quần ấm cúng và hạnh phúc gia đình.

Chúng tôi hồi tưởng lại năm 1941 chúng tôi đã tiễn những người cha và những người anh mình ra trận bằng những đôi mắt tràn đầy nước mắt...

Trong ngôi nhà tôi, cũng như lúc đó, cũng có một cái gì lo lắng, mặc dù đất nước chúng tôi đang ở trong thời bình.

Và như vậy, đoàn chúng tôi có 22 người, chúng tôi bay chuyến bay đặc biệt trên chiếc máy bay IL-18 qua Tasken, Carachi, Cancútta đến Hà Nội.

Tại sân bay Tasken máy bay nạp đầy nhiên liệu, lại bay tiếp, sau một giờ vượt qua biên giới, tiếp đó bay ở nước ngoài. Lần đầu tiên tôi rời xa Tổ quốc. Qua các cửa sổ của máy bay thấy những dải tuyết của dãy Pamia. Tổ quốc thân yêu, liệu bao lâu nữa tôi mới gặp lại Người?

Đường thật là dài. Đủ thời gian cho những suy tư. Điều gì đang chờ đợi chúng tôi ở phía trước, chúng tôi cũng mang máng biết được, nhưng chúng tôi hiểu rằng cuộc sống rất phức tạp và muôn hình muôn vẻ, đặc biệt là tróng chiến tranh. Theo chúng tôi, cuộc sống sẽ đem lại cho chúng tôi những bất ngờ và ngạc nhiên.

Hôm nay có một số người hỏi: vì sao chúng ta phải giúp đỡ Cuba, Ai Cập, Việt Nam? Khi ngồi trên máy bay, chúng tôi không đặt ra cho mình những câu hỏi đó.

Qua lịch sử chúng ta hiểu được rằng nước Nga là một thành lũy vững chắc, đã tham gia vào chính trị thế giới: hai lần nước Nga vĩ đại đã cứu châu Âu thoát khỏi những trận đánh chiếm của Óocđa vàng, giải phóng khỏi những đội quân lớn của Napôlêông và khỏi họa diệt chủng của chủ nghĩa phát xít. Và hãy nhớ lại những cuộc hành quân giải phóng của Đại tướng quân Xuvôrốp và Đô đốc Usacốp vào nước Italia, của Tướng Xcôbelép vào các vùng Ban căng, các đoàn tàu chiến Nga vào Pháp và thậm chí đến cả Mỹ! Rõ ràng đó là tất yếu lịch sử: "Dân tộc vĩ đại (nước Nga), cần phải có những hành động vĩ đại".

Trong cuộc sống có những sự việc không giống nhau, số mệnh của con người không ai giống ai.

Ông bố vợ tôi, Xtêpan Alếchxêêvích Đrôcốp - Đại đội trưởng đại đội phòng không, đã phục vụ trong một trung đoàn mà ban tham mưu đóng ở thị trấn Rôitốp tỉnh Mátxcơva. Từ trung đoàn này ông được cử đi làm nghĩa vụ quốc tế ở Tây Ban Nha và hy sinh năm 1937, khi bảo vệ bầu trời Mađrít.

Năm 1970, tôi cũng lại từ thị trấn Rôitốp, nơi tôi đang sống với gia đình, để đến đất nước Việt Nam xa xôi và chưa hề biết đến. Khi tiễn tôi, bà cô yêu quý của tôi là Galina Alếchxêépna đã nói:

- Có lẽ đây là số mệnh đặc biệt của gia tộc quân sự chúng ta. Đã đến lượt cháu đi giúp nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh gay go ác liệt chống bọn xâm lược Mỹ. Cháu hãy đừng lo lắng gì cho cả nhà, mọi việc sẽ ổn thôi!

Phải bắt đầu từ đâu với những suy tư đó, thời gian trôi đi lúc nào không biết, và sáng sớm ngày 24-3-1970, chúng tôi đã hạ cánh xuống sân bay của Thành phố Hà Nội. Mọi người đã đón chúng tôi theo đúng nghi thức. Họ là những ai, hồi sau sẽ rõ.

Ở Việt Nam

Tôi được cử sang nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với tư cách là Phó Trưởng đoàn công tác chính trị của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô trong Binh chủng tên lửa phòng không không quân. Đã có một cuộc trao đổi công tác tại Đại sứ quán Liên Xô ở Việt Nam với tướng B. A. Xtônnhicốp, Trưởng đoàn, Đại tá A. T. Trômbatrép, Phó đoàn phụ trách công tác chính trị và Đại tá V. A. Guđê, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về binh chủng tên lửa phòng không không quân. Ngay từ những ngày đầu tôi đã bận bù đầu vì bao nhiêu sự kiện diễn ra. Ngày 27-3 tôi được bầu làm Bí thư Đảng ủy của toàn đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô.

Cũng cần nói rằng, tôi đã có ít nhiều kinh nghiệm trong việc tổ chức công tác đảng - công tác chính trị, mà tôi đã tích lũy được tại các đơn vị tên lửa phòng không của binh chủng phòng không và ở Cục chính trị quân khu phòng không Mátxcơva.
Kinh nghiệm của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại cho thấy rằng điều chủ yếu trong nội dung công tác đảng - công tác chính trị là các vấn đề giáo dục về đạo đức tâm lý. Việc đánh thắng quân thù trước hết tuỳ thuộc vào tinh thần đạo đức của chiến sĩ.

Thời kỳ sau chiến tranh, trong quân đội Xôviết, trong công tác giáo dục cán bộ và chiến sĩ cũng rất quan tâm đến việc giáo dục về đạo đức, tâm lý cho những người bảo vệ Tổ quốc, đặc biệt là sau khi xuất hiện các loại vũ khí tập thể và vũ khí giết người hàng loạt.

Tôi đã nhiều lần thuyết giảng về chuyên đề này. Trong hoàn cảnh hòa bình mọi việc đều rõ ràng và dễ hiểu. Nhưng trong hoàn cảnh chiến đấu thực sự con người sẽ tự thể hiện mình như thế nào? Hiểu được tâm trạng của họ, nâng cao và giữ vừng tinh thần đạo đức của họ, hướng họ vào việc hoàn thành vô điều kiện nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt máy bay địch - đó là một việc hoàn toàn khác hẳn.

Tôi hy vọng rằng các đồng tác giả của cuốn sách này nhất định sẽ viết tường tận, tỉ mỉ về quá trình huấn luyện đào tạo kỹ thuật tên lửa phòng không cho các chiến sĩ Việt Nam, những khó khăn trong quá trình đó, về những con người tuyệt vời, về những hành vi của họ, và cuối cùng, về những kết quả hoạt động của chuyên gia Liên Xô và các kíp chiến đấu Việt Nam trong cuộc chiến đấu với không quân địch. Binh chủng tên lửa phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam đã được phong tặng danh hiệu "Anh hùng" vì đã lập được nhiều chiến công xuất sắc trong cuộc chiến đấu chống trả cuộc tập kích bằng đường không của giặc Mỹ.

Trung tâm của những sự kiện sẽ được miêu tả là những con người - bằng trí thông minh và những bàn tay tài giỏi của họ, những quả tên lửa đã được phóng đúng mục tiêu.

Thưa độc giả kính mến, tôi cũng rất vinh dự được chia sẻ những hồi ức của mình về công tác đảng - công tác chính trị đã giúp cho các chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ chiến đấu bằng việc giúp đỡ trên tinh thần quốc tế đối với các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong những năm đầu (1965 - 1967) ở Việt Nam đã có các trung tâm huấn luyện hoạt động để đào tạo, huấn luyện cán bộ chiến sĩ phòng không Quân đội nhân dân Việt Nam, giúp họ vận hành thành thạo các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 "Đvina". 

Trong thành phần của các trung tâm này, khi đưa trung đoàn tên lửa phòng không đã được huấn luyện lại ra trận địa chiến đấu, có các cán bộ chính trị trong biên chế giữ các chức vụ trung đoàn phó các trung đoàn của Liên Xô và cao hơn nữa. Trong số các cán bộ chỉ huy và cán bộ chính trị có nhiều người đã tham gia chiến đấu, đó là các anh hùng Liên Xô V. P. Xenchencô và A. I. Lêbêđép, các cán bộ chỉ huy dày dạn kinh nghiệm A. M. Đdưda, G. A. Bêlốp, M. E. Bôrixencô, N. V. Bagienốp, M. N. Xưgancốp, Ph. P. Ilinức, B. I. Môdaép, I. K. Prôxcuốcnin, K. V. Davátxki, V. V. Phêđôrốp, V. V. Nedenxki, V. X. Kixhanxki, A.. M. Bêlốp, V. N. Abramốp, A. T. Trômbachép, B. A. Vôrônốp, I. I. Xmiếcnốp, P. I. Xuxlốp, E. I. Pôlivaicô, B. A. Xtônhicốp, v.v..

Họ là những người đầu tiên mang tiếng nói của Đảng đến với cán bộ chiến sĩ Việt Nam và truyền lại kinh nghiệm của cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại cho họ. Trong nhiều năm ở Việt Nam những cán bộ chính trị dày dạn kinh nghiệm M. Ph. Bácxuchencô, K. M. Pôgôdép, Đ. G. Sencôvin, M. Trôphimốp, A. Xumacốp, A. G. Xitnicơp, E. P. Iglin, v.v. đã hoàn thành xuất sắc nghĩa vụ của mình.

Các cán bộ chiến sĩ Xôviết, từ người lính tới cấp trung đoàn trưởng đã được đào tạo, huấn luyện tốt trong mọi lĩnh vực để có thể giúp đỡ một cách thiết thực về mặt kỹ thuật quân sự cho nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh anh dũng chống lại bọn ác quỷ của thế kỷ XX. Trình độ cao của các chuyên gia quân sự Liên Xô được cử sang công tác tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được đảm bảo bằng hệ thống giáo dục cộng sản chủ nghĩa, bằng sự giáo dục về đạo đức - chính trị và tâm lý phổ cập trong cả nước và trong các lực lượng vũ trang Liên Xô. Thêm vào đó đất nước chúng tôi thường cử sang Việt Nam các chuyên già có đẳng cấp cao trong lĩnh vực quân sự.

Những năm tiếp sau vẫn tiếp tục, nhưng có một chút thay đổi về chức năng của các chuyên gia quân sự Liên Xô. Số lượng chuyên gia giảm đi. Năm 1970 - 1971, tổng số chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam còn độ 300 người, trong đó có 3 cán bộ chính trị.

- A. T. Trômbachép, Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô ở Việt Nam phụ trách công tác chính trị;

- A. Ph. Pôdơđê, Phó trưởng đoàn chuyên gia phụ trách công tác chính trị của Binh chủng tên lửa phòng không không quân;

- P. I. Baranốp, cán bộ tuyên huấn của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. .

Chúng tôi được giao nhiệm vụ huấn luyện (dạy) cho các trưởng đoàn chuyên gia của các trung đoàn và các bí thư chi bộ đảng thực hành công tác chính trị và giáo dục chính trị trong điều kiện chiến đấu.

Đã thực hiện chế độ học tập bằng phương pháp dùng các cuộc tập huấn hàng tháng để truyền đạt cho các cán bộ lãnh đạo những kiến thức về chủ nghĩa Mác - Lênin và các buổi tọa đàm với các bí thư chi bộ về nội dung học tập, về thực tế công tác đảng - công tác tổ chức.

Để dẫn chứng, tôi xin trình bày kế hoạch tiến hành các cuộc tập huấn cho cán bộ lãnh đạo vào cuối tháng 7-1970. Tại cuộc tập huấn này đã nghiên cứu các vấn đề sau;

- Kết quả công tác của các sĩ quan làm việc tại các trung đoàn trong tháng 7 và nhiệm vụ của tháng 8. Báo cáo viên là B. A. Xtônhicốp, Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô;

- Về việc hoàn thành cuộc chiến đấu với máy bay trinh sát không người lái. Báo cáo viên là V. A. Guđê, Trưởng đoàn chuyên gia của Binh chủng tên lửa phòng không không quân thuộc đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô;

- Về những đặc điểm của tình hình quân sự - chính trị trên chiến trường và nhiệm vụ phổ biến và quán triệt tình hình đó cho cán bộ và chiến sĩ trong giai đoạn hiện tại. Báo cáo viên là A. T. Trômbachép, Phó trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô.

- Về công tác của các bí thư chi bộ, của các trưởng đoàn chuyên gia ở các trung đoàn về nhiệm vụ giáo dục cho cán bộ chiến sĩ tinh thần trách nhiệm đối với việc hoàn thành tất đẹp nhiệm vụ của Đảng và Chính phủ Liên Xô. Báo cáoviên là A. Ph. Pôdơđêép - Phó trưởng đoàn chuyên gia phụ trách công tác chính trị của Binh chủng tên lửa phòng không không quân.

Tại buổi bế mạc đợt tập huấn, P. I. Baranốp đã đọc báo cáo: "Những tội ác man rợ của đế quốc Mỹ tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong 5 năm chiến tranh vừa qua".

Cần nhớ rằng, trong việc lựa chọn những người dự định đưa sang làm công tác đặc biệt, Tổng cục 10 Bộ Tổng tham mưu Tổng cục chính trị Quân đội Xôviết và hạm đội hải quân đã hết sức cẩn trọng, có xét đến năng lực của từng cán bộ lãnh đạo (trưởng đoàn) phải là cán bộ chỉ huy và cán bộ giáo dục đối với cấp dưới của mình. Phương pháp chính là trực tiếp gặp riêng.

Với tình cảm chân thành, tôi xin nêu tên tuổi các sĩ quan - trưởng các đoàn chuyên gia ở các trung đoàn. Đó là A. X. Lixunốp, Iu. V. Kixlixưn, A. V. Radin, V. T. Phrôlốp, G. P. Ácgunốp đồng hương của tôi từ Uran tới, N. N. Côchin, V Rưbác, V. P. Cácpencô, N. G. Cônarép, V. P. Xrômúc, V. V. Smanencô (đoàn công trình tên lửa), V. N. Belốprốp (đoàn binh chủng tên lửa phòng không), A. V. Blagôđêrốp (Trường kỹ thuật quân sự), Ia. I. Xtêpanencô (đoàn nhà máy A-31) v.v..

Trên thực tế, các bí thư chi bộ còn đảm nhận thêm chức trách của các cán bộ chính trị. Các cán bộ tổ chức lại thành thạo công tác giáo dục chính trị, đó là các đảng viên - sĩ quan: I. M. Đrắc, V. X. Đavưnốp, V. P. Ôxipốp, P. I. Coócnép, V. V. Xốtnicốp, V. A. Titốp, V. Ph. Climencốp, V K. Oócchianốp, M. Đ. Vaxiliép, V. T. Mốcriac, V. X. Xmiếcnốp và V. K. Pôpốp. Để tránh nhầm lẫn, tôi cố tình không nêu cấp bậc, vì tất cả chúng tôi sang đây đều mặc thường phục, không đeo quân hàm để phân biệt. Tôi xin lỗi trước tất cả các đồng chí, nếu chưa nêu được tên tuổi các đồng chí ở đây.

Chúng tôi thường kỳ họp đảng ủy, tại các cuộc họp này, chúng tôi đã bàn bạc các vấn đề nâng cao vai trò của những người cộng sản trong việc thực hiện nhiệm vụ chiến đấu các vấn đề đời sống và sinh hoạt thời chiến thường ngày. B. A. Xtônnicốp, V. A. Guđê, Iu. V. Côlenkin, E. M. Antônốp v.v. đã đọc báo cáo trong các cuộc họp này. Ngoài ra, còn nghe các báo cáo của các bí thư chi bộ.

Tổ chức đảng của đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam đã tích cực tham gia công tác của Đảng bộ Đại sứ quán Liên Xô tại Việt Nam (Bí thư là A. K. Nhekhôrôxép).

Đặc biệt cần phải nhấn mạnh vai trò tích cực và sự quan tâm thường xuyên của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam Ilia Xécghêêvích Sécbacốp đối với Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Ông là nhà ngoại giao cao cấp, người đã tham gia Chiến tranh giữ nước vĩ đại, đã thấu hiểu được những khó khăn và những vấn đề phức tạp mà hàng ngày chúng tôi thường gặp phải ở đất nước Việt Nam. Sự sáng suốt của đồng chí và có thể nói không cường điệu rằng sự quan tâm như ruột thịt của đồng chí đối với chúng tôi đã làm cho tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô kính trọng và biết ơn.

Với tư cách là Phó trưởng đoàn chuyên gia tên lửa phòng không không quân phụ trách công tác chính trị, tôi thường xuyên làm việc với Thiếu tá Hồ Quang Tín (Xo Kyaнr Tинь) Trưởng phòng đối ngoại Bộ Tư lệnh phòng không – không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Chuyên môn nghiệp vụ cao, có tri thức, có tình người: biết nhanh chóng phân tích và đánh giá tình hình - tôi không thể liệt kê hết được phẩm chất của người đồng chí tuyệt vời này. Tôi luôn với lòng biết ơn nhớ lại thời kỳ cùng công tác với đồng chí ấy. Nhờ sự giúp đỡ của đồng chí Tín chúng tôi đã kịp thời nắm được những thông tin cần thiết và toàn diện vào thời điểm đó đã thực hiện hàng loạt các biện pháp cấp thiết và bổ ích.

Chúng tôi đã cùng với Bộ Tư lệnh phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam tổ chức một số cuộc họp bàn tròn, tại đây, chúng tôi đã nghiên cứu các vấn đề lịch sử Cách mạng tháng Mười vĩ đại và những truyền thống chiến đấu của Hồng quân và các lực lượng vũ trang Liên Xô. Tất cả các biện pháp được tiến hành để tiếp tục củng cố tình hữu nghị chiến đấu và tình đoàn kết giữa quân đội và nhân dân hai nước chúng ta.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô rất có cảm tình với đồng chí Lê Văn Tri, Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, đồng chí Đặng Tính, Chính ủy, đồng chí Hoàng Ngọc Diêu (Xyaнr Hrok Зиey), Tham mưu trưởng, đồng chí Vũ Xuân Vinh (By Cyaн Bинь) Tham mưu phó, đồng chí Nguyễn Xuân Mậu (Hryeh Cyaн May), Phó chính ủy - Cục trưởng Cục chính trị. Họ rất cởi mở và giản dị, quan tâm chu đáo và tận tâm đối với chúng tôi trong những điều kiện chiến tranh ác liệt và chúng tôi luôn trân trọng những tình cảm đó.

Nhờ sự giúp đỡ của Bộ Tư lệnh phòng không - không quân, chúng tôi thường xuyên tổ chức được các chuyến đi công tác của lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô xuống các đơn vị phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, nơi các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn của chúng tôi đang công tác. Trong điều kiện chiến tranh tổ chức được những chuyến đi như vậy không phải đơn giản. Nhưng các đồng chí Việt Nam đã giúp đỡ tận tình. Các chuyến đi công tác đó đã giúp lãnh đạo Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô rất nhiều trong việc nắm được tất cả các sự kiện, hiểu được nội dung công việc và tâm tư của mòi người ở các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn, tận mắt chứng kiến việc họ đã thực hiện như thế nào những yêu cầu của bản "Quy chế đối với chuyên gia quân sự Liên Xô khi công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa".

Tôi cũng rất phấn khởi được tìm hiểu những đặc điểm của công tác tổ chức giáo dục chính trị đối với cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong những điều kiện chiến đấu, điều đó ít nhiều giúp tôi nắm bắt tình hình và trao đổi kinh nghiệm.

Một lần tôi cùng trưởng đoàn chuyên gia tên lửa phòng không - không quân Iu. V. Côlenkin đi vào khu vực phía Nam, đến đoàn chuyên gia trung đoàn của đồng chí A. Radin và đã đề nghị được gặp cán bộ chiến sĩ của trung đoàn tên lửa phòng không để chuyển lời chào của các chiến sĩ quân khu phòng không Mátxcơva và thông báo kinh nghiệm về nâng cao tinh thần sẵn sàng chiến đấu đã tích lũy được ở các đoàn chuyên gia thuộc các trung đoàn khác.

Chính ủy trung đoàn đã hứa với chúng tôi rằng sau khi kết thúc khoá học chính trị sẽ tổ chức cuộc gặp mặt. 

Đến cuối ngày thứ hai kể từ khi chúng tôi đến đoàn chuyên gia, các đồng chí ở đây mới báo cáo là có khả năng tổ chức được cuộc gặp mặt.

Cuộc gặp diễn ra rất tốt đẹp. Các cán bộ chiến sĩ Việt Nam rất chú ý lắng nghe, sôi nổi trao đổi các vấn đề đã được nghe và đôi lần đề nghị chúng tôi kể lại việc đảm bảo sẵn sàng chiến đấu của Binh chủng phòng không quốc gia trong những điều kiện hòa bình. Họ hoàn toàn không hiểu tại sao phải sẵn sàng chiến đấu, nếu như máy bay Mỹ không bay trên lãnh thổ chúng tôi?

Chúng tôi đã giải thích: "Sở dĩ như vậy, vì ở nước chúng tôi thường xuyên duy trì sẵn sàng chiến đấu cao và mỗi ngày, theo lệnh của trung đoàn các kíp chiến đấu của Binh chủng phòng không quốc gia phải trực chiến để bảo vệ không phận của Liên Xô".

Sau khi trở về Hà Nội tôi đã trao đổi những cảm nghĩ của mình với đồng chí Vũ Trọng Cảnh (By Цoнr Kaнь) Cục phó Cục chính trị về thời gian học chính trị ở các trung đoàn dài quá. Đây là câu trả lời của đồng chí Cảnh:

- Đảng chúng tôi có vũ khí rất sắc bén - đó là sự tôi luyện về tư tưởng của nhân dân chúng tôi. Chúng tôi vững tin vào điều đó và chúng tôi thường xuyên quan tâm đến sự kiên định về tư tưởng của cán bộ chiến sĩ chúng tôi. Chúng tôi không hề tiếc thời gian để làm việc đó. Nếu cần thiết và tình hình cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành học tập chính trị suốt cả tuần. Nếu cần sẽ tiến hành cả tháng, chừng nào mỗi một chiến sĩ, hạ sĩ quan và sĩ quan còn chưa nhận thức được thực chất chính trị và quân sự của nhiệm vụ đang đặt ra và chưa xác định được vị trí của mình và tham gia vào nhiệm vụ đó. 
Đồng chí Tùng (Tунг) chính ủy Trung đoàn tên lửa phòng không 263 cũng nói lên ý đó trong buổi trao đổi với tôi. Đó phải chăng là bí mật của tinh thần đạo đức cao của toàn dân, huống gì nói đến quân đội?

Trong phạm vi quốc gia cũng có nhiều biện pháp khác để duy trì tinh thần đạo đức cao của nhân dân và quân đội.

Trong thời gian công tác ở nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tại các thành phố lớn, cũng như các khu dân cư tôi không hề gặp những người tàn tật do chiến tranh gây ra, những người ăn mày, ăn xin. Tất cả họ được đưa vào các nhà dành riêng cho người tàn tật, người nghèo, ở đó họ được chăm sóc và nuôi dưỡng. Cũng không có trẻ em lang thang, tất cả các cháu mồ côi cha mẹ trong chiến tranh đều được cưu mang, trước tiên là nhờ họ hàng thân thích.

Trong nước có những luật lệ rất nghiêm khắc của thời chiến đối với việc vi phạm những quy tắc đạo đức xã hội - trộm cướp, ăn cắp tài sản quốc gia và tài sản riêng, không thực hiện chế độ tiết kiệm tất cả các loại vật tư đều bị xử phạt rất nghiêm ngặt.

Quân đội và nhân dân hoạt động trong một thể thống nhất. Xin nêu một ví dụ nhỏ. Khi đoàn cán bộ lãnh đạo chuyên gia quân sự Liên Xô đi xuống các đơn vị, các đồng chí Việt Nam xếp củi lên chiếc xe phục vụ để nấu cơm. Tôi hỏi:

- Cần gì phải mang những thứ không cần thiết đó đi?

- Đây là tài sản riêng của ngành hậu cần phòng không - không quân, - một đồng chí trả lời. - Trên đường đi không được lấy bất cứ thứ gì. Dọc đường tất cả mọi thứ hoặc là của người dân, hoặc là của các hợp tác xã, hoặc là của nhà nước.

Trong phạm vi trao đổi kinh nghiệm về công tác đảng, công tác chính trị trong việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ trong tình hình chiến đấu, theo sáng kiến của chúng tôi, tháng 1-1971 đã tổ chức được một cuộc hội thảo chuyên đề. Đại tá Tiến (Tиен), cục trưởng Cục Tuyên huấn Tổng cục chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia hội thảo. Cùng với đồng chí còn có 13 người nữa. Theo đánh giá của đồng chí Tiến, cuộc hội thảo rất thú vị và bổ ích cho tất cả những người tham gia. Căn cứ vào kết quả hội thảo người ta đã đề xuất việc soạn thảo một kế hoạch hoạt động chung nhằm tiếp tục cải tiến công tác đảng - công tác tư tưởng đối với bộ đội phòng không - không quân trong tình hình chiến đấu và đối với cả chuyên gia quân sự Liên Xô.

Các sách báo chính trị đưa từ Liên Xô sang có ý nghĩa quan trọng trong việc giáo dục tư tưởng cho cán bộ chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Các đồng chí đảng viên ở các tổ chức đảng cấp trung đoàn của đoàn chuyên gia Liên Xô có đủ các loại sách báo. Cán bộ chính trị và các đảng viên Việt Nam giỏi tiếng Nga thường xuyên sử dụng các sách báo đó.

Chính sự có mặt và làm việc tận tụy hàng ngày của các chuyên gia quân sự và không chỉ có chuyên gia quân sự mà cả các chuyên gia dân sự Liên Xô tại Việt Nam đã có ý nghĩa đặc biệt trong việc củng cố lòng tin của nhân dân Việt Nam vào thắng lợi đối với bọn xâm lược Mỹ.

Những người dân Xôviết đã đánh thắng chủ nghĩa phát xít năm 1945, đem lại uy tín lớn lao và lòng kính trọng đối với người Việt Nam, họ là biểu tượng của lòng dũng cảm, kiên cường và chủ nghĩa anh hùng chân chính.

Sự xuất hiện của người Xôviết "Liên Xô", ở bất cứ khu vực nào hay tỉnh nào của Việt Nam đều tạo ra một không khí vui vẻ, náo nức đối với người dân địa phương, những nụ cười đôn hậu của người lớn, sự hân hoan và thán phục của bọn trẻ.

Sự tôn trọng đó của người dân Việt Nam đối với chúng tôi không phải là một hiện tượng bình thường của tập tục xã giao phương Đông, mà là kết quả tất yếu của lao động căng thẳng và tự giác của các chuyên gia Liên Xô, hàng ngày làm việc trong điều kiện nguy hiểm đối với tính mạng. Mọi nơi mọi lúc các chuyên gia Liên Xô đã nêu gương: cần phải thể hiện mình như thế nào trong chiến đấu. Tôi xin nhắc lại việc các chuyên gia chúng tôi đã dạy cho các cán bộ chiến sĩ Việt Nam cách đánh một chọi một “ai thắng ai?" - khi không quân Mỹ bắt đầu sử dụng tên lửa chống ra đa "Sraicơ" để chế áp bộ khí tài tên lửa phòng không - là đủ nói lên điều đó.

Máy bay địch đã được trang bị các thiết bị xác định vị trí của các trạm ra đa của đài điều khiển tên lửa của tiểu đoàn khi nó phát sóng vào không trung. Sau khi phát hiện thấy tiểu đoàn tên lửa, tên giặc lái từ một cự ly nhất định sẽ phóng tên lửa "Sraicơ".

Các trắc thủ điều khiển phải thấy được trên màn hình ra đa vệt sáng đậm của mục tiêu vào thời điểm tên lửa Sraicơ" được phóng ra (tách ra) khỏi máy bay. Khi phát hiện thấy phóng "Sraicơ", sĩ quan điều khiển phải lập tức quay ăngten của đài chỉ huy điều khiển sang một bên và tạm ngắt nguồn điện cao thế của máy phát sóng. Và mặc dù "Sraicơ" được trang bị thiết bị nhớ, nhưng điều đó lại tạo cho nó đánh không trúng tiểu đoàn, vì trong thiết bị này có dùng loại nhiễu tiêu cực (thụ động) dẫn đường theo chùm sóng ra đa của khí tài tên lửa phòng không.

Sau đó, chỉ dựa vào kinh nghiệm và bản năng của mình, thể hiện sức chịu đựng và tính tự chủ cao, sĩ quan điều khiển lại phát sóng vào ăngten và kíp chiến đấu lại tiếp tục điều khiển tên lửa của mình đánh vào mục tiêu. Bài toán giữa sự sống và cái chết chỉ tính bằng giây.

Mối nguy hiểm nhất là ở chỗ trong những điều kiện nhiễu mạnh, kíp trắc thủ có thể không nhận ra được vệt sáng đậm của mục tiêu trong thời điểm địch phóng tên lửa 'Sraicơ" và lúc đó đài chỉ huy điều khiển tên lửa sẽ không tránh khỏi bị đánh trúng - địch đã thắng - một chọi một. Cái giá phải trả cho sự sai sót là mạng sống.

Trong trường hợp tương tự nếu biết vận dụng có kết quả phương pháp đó sẽ bảo vệ được bộ khí tài tên lửa phòng không và tiêu diệt được máy bay địch. Chỉ có những người có tinh thần dũng cảm phi thường và gan dạ mới thực hiện được phương pháp này.

Con người, bất cứ ai, cũng thấy sợ chiến tranh. Nữ thi sĩ Iulia Đrunhina, một người đã từng ở ngoài mặt trận, trong bài thơ của mình đã viết: "Người nào nói rằng trong chiến tranh không thấy sợ, người đó không biết gì về chiến tranh...".

Thực ra, con người ai cũng lo cho cuộc sống của mình, lo bị mất những người ruột thịt, mất những người thân, người mình yêu quý. Trong dẫn chứng của chúng tôi, kíp trắc thủ biết rằng, sau vài giây họ có thể bị hy sinh. Muốn nhảy ra khỏi ca bin chỉ huy và chui vào nơi ẩn nấp. Tuy nhiên, ý thức trách nhiệm, nghĩa vụ buộc tất cả mọi người phải ở nguyên tại chỗ và thực hiện nhiệm vụ chiến đấu tiêu diệt bọn xâm lược Mỹ.

Chủ nghĩa anh hùng chính là ở chỗ tinh thần đạo đức đã thắng bản năng tự vệ tự nhiên.

Đó chỉ là một trường hợp, nhưng nó thể hiện rõ sức mạnh của nghị lực và tinh thần đạo đức cao của con người Xôviết
Trong điều kiện chiến tranh có những khoảnh khắc tạm thời yên ắng. Trong những giờ phút đó chúng tôi thường sinh hoạt văn nghệ quần chúng, thi đấu thể thao, xem phim. Để làm việc này tại phần lớn các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn đều có máy chiếu phim di động. Hàng tháng lại đổi phim. Nhưng những cuốn phim hay thường bị giữ lại ở các đơn vị lâu hơn, anh em không muốn chia tay với các nhân vật mình yêu thích trong phim, đặc biệt là với các nhân vật nữ. Điều đáng nói là họ ít được tiếp xúc với một nửa thế giới loài người - phái đẹp.

Tại các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn thậm chí còn tổ chức liên hoan phim Liên Xô và Việt Nam. Trong các buổi chiếu phim, các đồng chí Việt Nam thường đến chỗ chúng tôi, trong đó có cả dân địa phương.

Các sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam qua sách báo và phim ảnh đã biết rất rõ các anh hùng dân tộc của chúng tôi: Paven Coócsaghin, Sapaép, Alếchxây Marêxêép, Dôia Côxmô- Đemianxcaia, các anh hùng thanh niên cận vệ và các anh hùng khác, chúng tôi đã lấy tấm gương của họ để giáo dục cho thế hệ trẻ Xôviết. Không phải ngẫu nhiên trong các buổi tổ chức trọng thể nhân các ngày lễ lớn của nhà nước Liên Xô và Việt Nam, phía Việt Nam đã đề nghị kết thúc bằng việc chiếu phim về các anh hùng Liên Xô trong nội chiến và chiến tranh giữ nước vĩ đại, về lịch sử của đảng và đoàn thanh niên Cômxômôn.

Cán bộ chiến sĩ và đồng bào địa phương Việt Nam đã xem cuốn phim của anh em Vaxilêvích "Sapaép" đến hơn một chục lần. Có trường hợp phải chiếu đi chiếu lại bộ phim này suốt đêm. Trong các buổi chuyện trò với cán bộ chiến sĩ phòng không - không quân Việt Nam, họ nói vì sao họ thích phim này: "Chúng tôi thích phim "Sapaép" bởi vì nó hợp với tâm hồn và mong muốn của chúng tôi, và vì nó cho thấy vì sao Quân đội Xôviết đã giành được nhiều thắng lợi vẻ vang như vậy. Chúng tôi cần có Sapaép và các chiến sĩ Hồng quân. Họ sẽ dạy chúng tôi cách đánh thắng kẻ thù”.

Các sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam rất thích trò chuyện với chúng tôi, thích nghe chúng tôi kể chuyện về cuộc sống của người dân Xôviết, về những công trình xây dựng lớn, về Mátxcơva, về những thành tựu chinh phục vũ trụ.

Các chuyên gia quân sự cũng tham gia vào các buổi liên hoan văn nghệ chung, tại các buổi liên hoan, có trình diễn các bài hát Liên Xô, các bài hát dân tộc Nga và Việt Nam, đọc thơ của bất kể tác giả nào. Ví dụ, bài thơ nổi tiếng của nhà thơ C. Ximônốp "Đợi anh về" được đọc trong tất cả các đêm liên hoan.

Tại một đơn vị phòng không gần Hà Nội, tôi đã tham gia một buổi liên hoan tổ chức chung với các cán bộ Đại sứ quán Liên Xô. Tôi đã đọc một đoạn bài thơ của Mácgarita Alighê "Tanhia" nói về chiến công của một cô gái Xôviết, một nữ đoàn viên thanh niên Cômxômôn - Dôia Côxmô- Đemianxcaia. Có lúc tôi cảm thấy rằng người nghe hiểu được tôi không cần qua phiên dịch: trên khoé mắt các chiến sĩ trẻ, nhất là các chiến sĩ gái đầy nước mắt. Buổi liên hoan kết thúc, mọi người đứng dậy và bắt đầu đồng thanh hô vang: "Tình bạn! Tình bạn!"

Đồng chí Nguyên, chính trị viên đã phát biểu kết thúc buổi liên hoan:

- Có thể sáng mai sẽ có một trận đánh với bọn giặc Mỹ, chúng ta sẽ chiến đấu dũng cảm và kiên cường, như người nữ du kích Xôviết Dôia đã chiến đấu?

Trong các chuyên gia quân sự và các chuyên gia khác đã từng công tác ở Việt Nam vào những thời gian khác nhau có nhiều người rất có năng khiếu và có tài - các thi sĩ các nhạc sĩ, những người đọc và ngâm thơ. Trong những tác phẩm của mình họ đã nói lên tâm tư tình cảm của con người, những nỗi niềm mong nhớ hướng về Tổ quốc, gia đình, người thân yêu, tình bạn, tình anh em chiến đấu.

Nicôlai Tcasencô đã làm bài thơ "Xcoóckin ở Việt Nam!'. Nhiều bài thơ của M. Tôncachép đã được phổ nhạc và được đưa vào tập bài hát "Những giấc mộng Việt Nam". M. Poócnhiagin đã viết lời và nhạc bài "Người bạn" Iu. Gachinxki đã làm nhiều bài thơ như: "Chiều Hà Nội", Những đống tuyết nhiệt đới", "Cây thánh giá phương Nam". V. Cúplêvaxki đã viết nhiều bài hát hay. Nhiều người đã mang các băng catsét và các cuốn vở chép lại các bài ca đó về Liên Xô để nhớ lại các bạn chiến đấu trong những ngày tháng gay go ác liệt. Xin dẫn ra đây lời tuyệt đẹp của bài ca do V. Bôgđanốp viết:
Nhớ về Tổ quốc

Màn đêm buông xuống, trời se lạnh,
Những ngôi sao sáng khuất xa xa,
Gió hiu hiu thổi lay cành lá,
Sóng gợn lăn tăn dọc sông Hồng...

Sông ở thủ đô nước Việt, không ngủ được,
Lòng buồn xao xuyên lặng yên bên cửa sổ.
Trăng soi lấp lánh, tim rung động,
Chim giang đôi cánh đưa ta về với nước Nga.

Tuyết rơi phủ khắp sông cùng núi,
Đất Mẹ thân yêu trải mãi xa,
Mặt trời rạng chiếu suốt đông, hè
Thuỳ dương ngả bóng điện Cremlanh.


Tôi đã viết rằng tình hữu nghị và tình đoàn kết anh em giữa các chiến sĩ quốc tế Xôviết và những người bạn chiến đấu Việt Nam được củng cố bằng những giọt máu cùng đổ ra.

Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và lãnh đạo Quân đội nhân dân Việt Nam đã đề ra những biện pháp đặc biệt để đảm bảo an toàn cho chuyên gia quân sự Liên Xô. Nhưng chiến tranh vẫn là chiến tranh, không có chết chóc thì không còn là chiến tranh. Rất tiếc, trong số các đồng chí chúng ta đã có nhiều người hy sinh. Đó là việc đã xảy ra ngày 11-4-1970.

Trong thời gian nghỉ giữa các trận đánh phá của không quân Mỹ, chín chuyên gia quân sự Liên Xô cùng với các đồng chí Việt Nam đã tham gia ngày thứ bảy cộng sản chủ nghĩa. Họ đã thu dọn các phòng học của một ngôi trường làng và sửa lại con đường đến trường. Đồng chí phiên dịch tên Sâm (Шaм) và một thanh niên Liên Xô - đoàn viên thanh niên Cômxômôn Vlađimia Garơcusa làm việc gần nhau, họ đào đất bên lề đường và xúc đất đắp lên mặt đường để lấp các hố bom. Không ai lường trước được tai hoạ...

Bỗng nhiên vang lên một tiếng nổ lớn. Những người đứng ở gần nơi phát ra tiếng nổ nhìn thấy một vài người ngã sóng xoài trên mặt đất. Sau này mới biết, lúc làm việc họ đã bổ cuốc trúng một quả bom bi nằm dưới đất (năm 1967 Mỹ đã nhiều lần ném bom ồ ạt xuống đây). Có lẽ đến lúc đó vẫn còn những quả bom chưa nổ nằm dưới đất. Khi bị cuốc chạm vào, quả bom đó đã phát nổ. Một số người đã bị thương. Người đầu tiên bò dậy khỏi mặt đất là Vôlôđia. Vôlôđia bị thương ở bụng và đầu. Các đồng chí và các bạn Việt Nam đến cứu chữa ngay. Đồng chí phiên dịch vẫn nằm dưới đất - tay chân đầy máu. Người thương binh Vôlôđia, một chàng trai Xôvìết bình dị quê ở Caxnôđa yêu cầu Trưởng đoàn trước hết hãy cấp cứu cho thương binh Sâm, sau đó mới đến mình.

Xe cứu thương đã đến và đưa các thương bình đã được sơ cứu về bệnh viện. Vôlôđia tỏ ra rất dũng cảm, suốt dọc đường cứ hỏi thăm tình hình của các thương binh khác.

Các bác sĩ quân y viện Việt Nam và bác sĩ ngoại khoa Liên Xô Ôlếch Lentxnhe (đến từ Lêningtát) đã tận tình cứu chữa cho Vôlôđia: nhưng ngày 29-4-1970 thần chết đã cướp đi cuộc sống của người anh hùng. Lúc đó đồng chí mới 23 tuổi.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô, các cán bộ Đại sứ quán, các bạn Việt Nam đã tiễn đưa hạ sĩ Vlađimia Ivanôvích Garơcusa, trưởng trạm máy phát điện điêden của Trung đoàn tên lửa phòng không 237 Quân đội nhân dân Việt Nam về nơi an nghỉ cuối cùng. Đồng chí Sâm, phiên dịch quân đội cũng bị thương do quả bom bi gây ra cũng tham gia tang lễ. Trong lễ tang ngắn gọn và đau thương, đồng chí Sâm nói: "Gia đình tôi đông anh chị em nhưng hôm nay tôi có thêm một người anh nữa. Vlađimia từ nay đã là người anh ruột thịt của tôi, không bao giờ tôi quên điều đó".

Đó là số phận của những con người, tình đoàn kết chiến đấu giữa hai quân đội chúng ta được vun đắp bằng xương máu.
Hạ sĩ V. I. Garơcusa đã được Chính phủ Liên Xô truy tặng Huân chương Sao đỏ, và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng Huân chương Chiến công hạng III.

Ở Việt Nam các đồng chí thường hỏi: điều gì đã giúp các đồng chí lúc nào cũng bình tĩnh và thản nhiên, lúc nào cũng sẵn sàng hành động

Tôi đã luyện được phương pháp làm việc riêng cho mình. Vấn đề là ở chỗ - luôn luôn tự nhắc nhở mình: "Điều này quan trọng và cần thiết cho sự nghiệp lớn". Nếu như anh hiểu được rằng sắp phải xa cách một năm, thì hãy phân chia thời gian thành các khoảng nhất định. Hãy chờ sự kết thúc của từng khoảng thời gian đó và ghi lại. Anh càng bận công việc bao nhiêu thì thời gian trôi đi nhanh bấy nhiêu. Và cứ như vậy cho tới khi kết thúc nhiệm kỳ.

Đặc biệt khó khăn nhất là vào quãng thời gian chót. Trong trường hợp này cần có một cách suy nghĩ mới: "mọi việc sẽ tốt đẹp. Chỉ còn lại một ít thời gian - một tuần, mấy ngày, mấy giờ. Lúc đó mình sẽ thấy nhẹ nhõm, thảnh thơi. Và điều chính là đừng có lười trong việc thường xuyên viết thư về cho gia đình, cho vợ con, người thân và bạn bè. Khi nhận được thư và trả lời thư, anh đã tự giúp mình và người thân giảm bớt nỗi ưu phiền xa cách.

Chỉ có trong xa cách mới cảm nhận được sự quý giá của những bức thư. Tôi đã tự nghiệm thấy điều đó. Đọc đi đọc lại nhiều lần các bức thư, lúc thì nở một nụ cười thầm, lúc thì trầm tư u buồn, một nỗi buồn nhớ khó tả... Và mỗi lần lại như vậy, mong chờ kỳ thư tới, mong tin nhà.

Trong các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn, các chuyên gia quân sự thường xuyên sống cùng với nhau và cùng chung chịu mối nguy hiểm chết người, họ đã gắn bó với nhau không phải chỉ ở bề ngoài, mà là tình bạn của những người đàn ông thực sự, họ đọc thư cho nhau nghe và cùng trao đổi những tin tức từ gia đình.

Hiểu được giá trị như vậy của thư từ ở đây, lãnh đạo đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã lập một hệ thống riêng chuyên trách việc phân phối, chuyển thư theo từng địa chỉ. Trong tất cả các đoàn chuyên gia cấp trung đoàn đều có một hòm thư riêng. Khi có chuyến bưu điện thư từ mới đến, lập tức được phân loại theo tên họ, địa chỉ, hòm thư, giao cho người chuyển thư đến tận tay người nhận.

Phía Việt Nam thường xuyên cung cấp xe, phương tiện giao thông để có thể đưa thư từ và báo chí đến chỗ các chuyên gia quân sự Liên Xô một cách nhanh nhất. Hệ thống làm việc này rất chính xác và không có sự kêu ca khiếu nại nào đối với việc chuyển thư từ, báo chí của chúng tôi. Và việc chuyển thư về Liên Xô cũng làm như vậy.

Tôi đã gặp một số đồng chí đang sống trong cảnh xa cách rất nặng nề: đã lâu không nhận được thư, họ buồn nhớ và lãnh đạm, uể oải, họ bắt đầu uống rượu, dùng các loại thuốc gây nghiện. Cần phải có những lời khuyên giải chân tình và sự giúp đỡ thiết thực của bạn bè đối với những anh em đó. Chúng tôi đã cứu họ, lôi cuốn họ quan tâm đến người khác, giao nhiều công việc cho họ. Họ buồn chán, thích ở trần và sợ làm việc.

Các buổi tối chúng tôi thường tụ họp lại với nhau. Hát những bài hát về những thảo nguyên bao la bát ngát, về những rặng cây xanh, về những bầy chim sơn ca, về những người ruột thịt, người yêu, người thân, bè bạn. Đây là một liều thuốc tốt và có hiệu quả giúp tránh khỏi nỗi buồn chán và u sầu.

Hãy hình dung xem, buổi tối, ngoài phố nhiệt độ +40oC oi ả lũ ve sầu kêu ra rả và từ các cửa sổ vọng ra bài dân ca Nga êm dịu thiết tha. Nhiều khi trong các buổi tối có nhiều người Việt Nam tụ tập đứng dưới cửa sổ nhà chúng tôi nín thở lắng nghe, sau đó đồng thanh hoan hô rất to. Họ rất thích các bài hát của chúng tôi. Nhân dịp tổ chức các ngày lễ lớn của Liên Xô hầu như tất cả các đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã tập trung tại nhà ăn lớn của khách sạn Kim Liên. Tại đây đã vang lên những bài hát Nga tuyệt vời do dàn đồng ca của mấy trăm giọng hát nam thực hiện. Hãy tin rằng những bài hát của chúng tôi đã vang lên một cách tuyệt vời ở bất cứ lục địa nào trên trái đất này và bao giờ cũng để lại dấu ấn trong những trái tim của những người dân địa phương. Đồng chí Đại sứ Lia Xécghêêvích Sécbacốp của chúng tôi cũng rất thích nghe dàn đồng ca của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô và dộng chí không bỏ qua một tiết mục nào.

Và sáng hôm sau lại tiếp tục làm việc - huấn luyện cán bộ chiến sĩ Việt Nam, điều chỉnh máy móc hoặc sửa chữa khí tài. Và cứ như thế suốt ngày này sang ngày khác.

Chính phủ Liên Xô đánh giá cao lao động quên mình của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong sự nghiệp giúp đỡ quốc tế đối với nhân dân Việt Nam đang chiến đấu trong những năm 1965-1975. Tổng cộng có 2190 người đã được tặng thưởng huân chương và huy chương chiến đấu của Liên Xô. Ngoài ra, trên 3 nghìn chiến sĩ quốc tế đã được tặng thưởng huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tôi xin trích một đoạn trong bài thơ của bốn tác giả đã nêu.
Ngày tháng đã trôi qua,
Tôi đã hoàn thành nghĩa vụ, .
Trở về với gia đình, bạn hữu
Nhưng không bao giờ chúng tôi quên 
Bạn tôi - Việt Nam đang chiến đấu.


Để kết thúc câu chuyện của mình, tôi muốn nói mấy điều sau:

Tháng 5-2001, sau 30 năm, trong thành phần của Đoàn đại biểu Hội cựu chiến binh đã tham gia chiến đấu ở Việt Nam, tôi có diễm phúc được trở lại Việt Nam. Chúng tôi đã tận mắt thấy rằng nhân dân Việt Nam đã có một bước tiến rất lớn trong hòa bình xây dựng và cả xã hội có thái độ vô cùng tôn kính đối với những người cựu chiến binh. Chúng ta có thể học người Việt Nam điều này.

Qua chuyến thăm này chúng tôi lại khẳng định được một cách chắc chắn rằng hiện nay nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không chỉ quan tâm đến việc củng cố quan hệ kinh tế, mà cả sự hợp tác về kỹ thuật - quân sự với chúng tôi. Tình hữu nghị giữa hai nước chúng ta cần phải được phát triển và củng cố hơn nữa.

Trong hồi ký của mình tôi đã viết lại đúng những gì đã diễn ra trong những năm tháng ấy - với tất cả những nỗi gian truân với những biến động thăng trầm và những niềm vui hiếm hoi. Tôi cố kể lại hết về tất cả mọi chuyện không hề cường điệu và thêu dệt thêm.

Tất nhiên, những sự kiện của những năm 70 của thế kỷ XX còn phong phú hơn nhiều những gì tôi viết, vì thực ra có nhiều điều đã bị quên. Tôi không viết nhật ký, chỉ còn giữ lại một quyển sổ tay nhỏ ghi lại một số việc và tên họ một số người.

Cuối cùng tôi xin được nói rằng những chi tiết, những cảm nghĩ, những suy nghĩ tôi đã viết chỉ muốn nói lên một sự thật là: mỗi con người Xôviết bất kể phải làm gì, bất kể số phận đã đưa anh ta đi đến đâu, thì anh ta vẫn mãi là một con người luôn trung thành với lý tưởng và nghĩa vụ của mình. Điều đó luôn luôn giúp con người đó chịu đựng được mọi thử thách.

Không thể quên được kinh nghiệm đó. Sau này kinh nghiệm đó còn có ích nhiều cho cán bộ chiến sĩ Liên bang Nga.
Thành phố Xônnhesơnago năm 2002

THIẾU TƯỚNG
BLAGÔĐÊRỐP ANATÔLI VAXILIÊVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học quân sự, Giáo sư, Viện sĩ thông tấn Viện Hàn lâm Khoa học quân sự.

Ông sinh ngày 27-1-1927 tại tỉnh Calinin.

Năm 1947 ông vào học tại Trường Cao đẳng Hải quân Caxpiê và tốt nghiệp năm 1951. Ông tiếp tục phục vụ trên các tàu tuần dương “Sapaép”; “Áckhanghenxcơ”, “Cách mạng tháng Mười" trong một hải đội thuộc Hạm đội Biển Bắc với các chức vụ chỉ huy tháp pháo trên chiến hạm, chỉ huy tiểu đoàn pháo nòng cỡ lớn, chỉ huy đơn vị pháo chiến đấu trên tuần dương hạm.

Năm 1965 ông đã tốt nghiệp xuất sắc với Huy chương vàng Học viện sĩ quan Binh chủng phòng không mang tên Giucốp và tốt nghiệp khoa nghiên cứu sinh thuộc Học viện quân sụ nói trên.

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ, 16 huy chương, trong đó có Huy chương Vì các chiến công, Huân chương Chiến công hạng III của Việt Nam và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam. 
TRÍCH NHẬT KÝ CỦA TRƯỞNG NHÓM CHUYÊN GIA QUÂN SỰ LIÊN XÔ TẠI TRƯỜNG KỸ THUẬT - QUÂN SỰ CỦA QUÂN CHỦNG PHÒNG KHÔNG - KHÔNG QUÂN QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM

Tôi có mặt tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa từ ngày 28-8-1970 đến ngày 24-7-1971, với chức vụ Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự của quân chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Trường này đóng tại xã Văn Phú, huyện Phù Ninh, cách thành phố Việt Trì 3 km (Việt Trì là trung tâm hành chính của tỉnh Vĩnh Phú). Nhóm chuyên gia này gồm 26 người, phân thành 4 tổ.

Tổ chuyên gia về tên lửa phòng không có 9 người, thuộc các trường quân sự phòng không Minxcơ, Iarôxláp, Goócki và thuộc Trung tâm huấn luyện bộ đội tên lửa phòng không ở Côxtêrêvô, gồm: các Trung tá I. A. Vlaxencô, A.N. Baranốp, các Thiếu tá A. I. Cricun, V. M. Mitơrôphanốp, A. A. Xítnhicốp, V.M. Sêscô, V.X. Xmiếcnốp, M.A. Alêsin. Tổ trưởng tổ chuyên gia này là Thiếu tá Alếchxanđrơ Ivanôvích Cricun.

Tổ chuyên gia về kỹ thuật vô tuyến điện gồm có 4 người thuộc các trường binh chủng phòng không ở Craxnôia, Vinnhút và thuộc Tập đoàn quân phòng không Lêningrát: các Thiếu tá V. M. Cápralốp, A. Đ. Đavứtkin, G. M. Xôcôlốp và Đại úy Ph. M. Cuncô. Tổ trưởng tổ chuyên gia này là Thiếu tá Valentin Mikhailôvích Cápralốp.

Tổ chuyên gia về phòng không không quân gồm 7 người thuộc Viện Hàn lâm công trình không quân mang tên giáo sư N. E. Giucốpxki, thuộc các trường hàng không và kỹ thuật quân sự: các Trung tá M. A. Clôsikhin, M. M. Saiđulin, các Thiếu tá Iu. I. Sêrêxốp, V. A. Kimxtasơ, X. E. Gigulép, các Đại uý E. P. Cácpốpxki, V. P. Ruxcốp. Tổ trưởng tổ chuyên gia này là phó tiến sĩ khoa học kỹ thuật, Trung tá Mikhain Alếchxanđrôvích Clôsikhin.

Tổ chuyên gia về các máy kiểm tra - đo đạc gồm có 4 người thuộc các trường kỹ thuật vô tuyến điện ở Kiép và Vinnhút của binh chủng phòng không: các Trung tá A. Ia. Khôrép, A. A. Nêven, Thiếu tá E. C. Vécvâycô, Thượng úy N.I. Luscô. Tổ trưởng tổ chuyên gia này là Trung tá Anatôli Iacôvlêvích Khôrép.

Trong nhóm chuyên gia tại trường này có một bác sĩ thường trực: trước tháng 4-1971 là Thượng úy G. P. Madin, sau đó là Thiếu tá N.T. Beng.

Tôi giữ chức vụ Trưởng nhóm chuyên gia trong điều kiện chúng tôi thay thế nhóm chuyên gia trước đó theo kế hoạch, làm rõ vai trò và vị trí của nhóm chuyên gia chúng tôi trong việc giải quyết những nhiệm vụ trước mắt và những nhiệm vụ mới, vạch kế hoạch hoạt động huấn luyện chiến đấu và hoạt động hàng ngày của nhóm trong một năm và trong từng tháng, công tác giáo dục chính trị trong nhóm chuyên gia và hoạt động của tổ chức đảng trong nhóm chuyên gia này. 

Vì rất nhiều người trong nhóm chuyên gia này bay cùng với tôi đến Việt Nam trên chuyến bay thuê bao, theo lộ trình Mátxcơva - Tasken - Carachi - Cancútta - Hà Nội, cho nên tôi đã làm quen với nhiều đồng chí ngay từ trước khi đến Trường kỹ thuật quân sự của Việt Nam và tôi đã thấy rõ đó là những sĩ quan tốt, có thể trông cậy vào họ trong chiến đấu.

Ngày 31-8-1970 Trưởng nhóm chuyên gia về tên lửa phòng không và về lực lượng không quân thuộc Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Đại tá V.A. Guđê đã giới thiệu tôi với nhóm chuyên gia làm việc tại Trường kỹ thuật quân sự của Việt Nam. Ông cũng nêu lên những nhiệm vụ dưới đây của nhóm chuyên gia tại trường này:

- Huấn luyện các học viên biết sử dụng trong chiến đấu các bộ khí tài tên lửa phòng không, trạm ra đa, bảo trì các máy bay tiêm kích và vận hành các máy móc kiểm tra - đo đạc;

- Nâng cao trình độ chuyên môn kỹ thuật của đội ngũ giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự của bộ đội phòng không - không quân nhằm phục vụ công tác giảng dạy cho các học viên;

Tham gia khắc phục những hư hỏng và trục trặc của vũ khí và các phương tiện kỹ thuật chiến đấu tại các đơn vị phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam và của cơ sở vật chất - huấn luyện tại Trường kỹ thuật quân sự Việt Nam;

- Soạn thảo các chương trình học tập và các tài liệu giáo khoa nhằm hoàn thiện quá trình huấn luyện và học tập tại trường này;

- Tham gia trang bị các yếu tố của cơ sở phòng thí nghiệm - học tập của trường này;

- Tư vấn cho ban chỉ huy của trường về các vấn đề tổ chức, thực hiện, kiểm tra và kiểm kê quá trình học tập.

Tháng 9, Đại tá V. A. Guđê đã phê duyệt kế hoạch công tác của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô cho niên khóa 1970 - 1971.

Các kế hoạch công tác giáo dục chính trị hàng tháng của nhóm chúng tôi thì do các vị phó phụ trách công tác chính trị của Trưởng nhóm chuyên gia về tên lửa phòng không - không quân (thuộc Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô) Trung tá A. Ph. Pôdơđêép, còn từ tháng 4-1971 là Trung tá G. G. Xaphônốp phê duyệt.

Ngay từ những ngày đầu tiên có mặt nhóm chuyên gia chúng tôi tại Trường kỹ thuật quân sự Việt Nam, sự chú ý chủ yếu dành cho việc nhanh chóng đưa các chuyên gia quân sự Liên Xô tham gia vào hoạt động huấn luyện chiến đấu trong quá trình giảng dạy - huấn luyện cho các học viên và đội ngũ giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự. Nhằm mục đích ấy, chúng tôi đã tiến hành hội nghị về phương pháp huấn luyện và các buổi hội thảo về phương pháp huấn luyện, cũng như các hội nghị về những vấn đề phương pháp tổ chức lên lớp với các học viên, soạn thảo các chương trình học tập, viết các tài liệu giáo khoa, tiến hành các buổi tư vấn và lên lớp với các giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự của Việt Nam, tổ chức thao tác và tập luyện với các khí tài trong điều kiện của Trường kỹ thuật quân sự.

Vào đầu tháng 9, nhằm đảm bảo sinh hoạt hàng ngày và hoạt động của nhóm chuyên gia Liên Xô, chúng tôi đã lập ra các ban (các hội đồng) hoạt động thường trực: ban hậu cần, hội đồng phòng truyền thống Lênin, ban biên tập báo tường, tổ học tập tiếng Việt, ủy ban thể thao, tốp đồng ca, bổ nhiệm cán bộ chịu trách nhiệm về trạm phát điện lưu động.

Ngày 2-9-1970 nhóm chuyên gia chúng tôi đã tham gia cuộc mít tinh nhân kỷ niệm 25 năm ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Lần đầu tiên chúng tôi được nhìn thấy một tập thể hết sức đông đảo các học viên, giảng viên, ban chỉ huy, các cán bộ chính ủy, các đại diện chính quyền của tỉnh và của huyện đã quan tâm đến những vấn đề đào tạo cán bộ quân sự trong thời gian chiến tranh.

Ngày 2 và 8-9 đã diễn ra những cuộc họp đầu tiên với trưởng phòng huấn luyện, Thiếu tá Bảo và Phó Giám đốc của trường là thiếu tá Cung đã nói rõ thêm nhiệm vụ của những người tốt nghiệp trường này, trình độ chuyên môn khởi điểm của những người được cử đi học, họ phải có kinh nghiệm tác chiến có sử dụng vũ khí và khí tài quân sự; đã phối hợp các nhiệm vụ của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong các khoa không quân tiêm kích, bộ đội tên lửa phòng không, bộ đội kỹ thuật vô tuyến điện, đã ấn định các cuộc gặp gỡ hàng tuần với trưởng phòng huấn luyện diễn ra vào thứ 5 và những cuộc gặp gỡ hàng tháng (từ ngày 20 đến ngày 25) với Giám đốc của Trường kỹ thuật quân sự và mỗi khi thấy cần thiết.

Ngày 10-9 trưởng phòng đo đạc kiểm tra của Cục Kỹ thuật thuộc Bộ Tư lệnh phòng không - không quân, Thiếu tá Tấn đã tới thăm trường. Đồng chí này đã tham dự buổi lên lớp với các học viên của tổ máy kiểm tra - đo đạc, do Trung tá A. Ia. Khôrép tiến hành. Buổi học đã được đánh giá cao về nội dung, cũng như về phương pháp giảng bài. Sau buổi học đó, trong cuộc họp với trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, với các giảng viên về môn máy đo đạc kiểm tra A. Ia. Khôrép và N. I. Luscô đã có sự thỏa thuận về các vấn đề dạy phần lý thuyết máy đo đạc - kiểm tra, tiến hành thực tập và sát hạch, sự sẵn sàng của các giáo cụ trực quan và các dụng cụ.

Ngày 14-9, tại cuộc họp đầu tiên của tổ chức đảng đã bầu ra Thường vụ Đảng ủy gồm các đồng chí V. X. Xmiếcnốp, A. Ia. Khôrép, A. A. Lixiutin, E. C. Vécvâycô, A. A. Nêven.

Ngày 21-9 đã diễn ra buổi giới thiệu nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô với Giám đốc mới của Trường kỹ thuật quân sự của bộ đội phòng không - không quân, Trung tá Trần Nhẫn (Цaн Hьян) Đồng chí ấy, trước khi đến nhận nhiệm vụ tại trường này, đã phục vụ tại Cực Kỹ thuật Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam. Trước nữa, đồng chí Trần Nhẫn đã tốt nghiệp Trường kỹ thuật tên lửa phòng không tại Kiép và Học viện pháo binh Lêningrát của Liên Xô. Đồng chí thông thạo tiếng Nga. Vì vậy với tư cách là chuyên gia bên cạnh Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự của Việt Nam, tôi giao tiếp với đồng chí ấy khá dễ dàng và sự giao tiếp ấy có lợi cho cả hai phía.

Quãng thời gian phục vụ quân đội tiếp theo của đồng chí Trần Nhẫn rất đáng chú ý. Tháng 5-1971 lúc đầu đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc, rồi về sau được cử làm Giám đốc Trường sĩ quan phòng không tại thị xã Sơn Tây. Sau thời gian làm Giám đốc trường sĩ quan này, đồng chí được cử làm Cục trưởng Cục Kỹ thuật Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, sau đó trở thành Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau chiến tranh được theo học tại Học viện quân sự của Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, được phong quân hàm thiếu tướng, về sau được phong quân hàm trung tướng.

Trong cuộc gặp gỡ với các chuyên gia quân sự Liên Xô, đồng chí Trần Nhẫn đã thông báo với các đồng chí Liên Xô về những sự kiện quan trọng nhất trong sinh hoạt quốc tế, đặc biệt ở khu vực Đông Nam Á.

Cũng trong ngày hôm đó đã diễn ra buổi làm việc đầu tiên giữa đồng chí Trần Nhẫn và A. V. Blagôđêrốp, Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự và Tổ trưởng tổ chuyên gia về kỹ thuật vô tuyến điện V. M. Cápralốp. Về phía Việt Nam, những người tham dự cuộc họp này gồm có Phó Giám đốc của Trường kỹ thuật quân sự, đồng chí Cung (Kунь) trưởng phòng phụ trách phục vụ các chuyên gia quân sự Liên Xô và giảng viên tiếng Nga trước chiến tranh, đồng chí Hiệp (Xиeп) và cán bộ phiên dịch Nguyên (Hryзн).

Những vấn đề thảo luận gồm có: vấn đề biên chế các chuyên gia quân sự Liên Xô cho các năm 1971 - 1972; vấn đề thời hạn các chuyên gia hoàn thành công việc sau khi đến trường này từ sau ngày 1-9; vấn đề các đề án xây dựng cơ sở phòng thí nghiệm - huấn luyện; vấn đề sự hợp tác giữa các trưởng khoa và các giáo viên của Trường với các chuyên gia quân sự Liên Xô về tên lửa phòng không, không quân tiêm kích, kỹ thuật vô tuyến điện và máy kiểm tra - đo đạc trong quá trình soạn thảo các chương trình giảng dạy và các tài liệu giáo khoa.

Ngày 7-10, Tham mưu trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không, Đại tá I. C. Bêlốp, và Trưởng phòng quan hệ đối ngoại Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tá Tính (Tинь) đã đến thăm nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự.

Trong cuộc họp với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn và Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự A. V. Blagôđêrốp, Đại tá I. C. Bêlốp đã nêu vấn đề triển vọng sử dụng các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự trong thời gian 1971 - 1972. Giám đốc của Trường kỹ thuật quân sự đã phát biểu về vấn đề này. Đồng chí ấy đã trình bày những kiến nghị về biên chế các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Thực chất các kiến nghị ấy như sau: phía Việt Nam muốn cắt giảm số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường này bằng cách tuyển lựa các chuyên gia nắm vững một số hệ thống chuyên môn. Ví dụ, trong các bộ khí tài tên lửa - phòng không: hệ thống xác định tọa độ, hệ thống phát lệnh và máy phát lệnh vô tuyến; trạm kiểm tra - thử nghiệm di động và tên lửa phòng không có điều khiển; về kỹ thuật hàng không: cấu trúc của máy bay và cấu trúc của động cơ; các thiết bị liên lạc vô tuyến điện và thiết bị ra đa của máy bay, và v.v..

Trong dự thảo thoả thuận về biên chế các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự, Đại tá I. C. Bêlốp đề nghị bảo lưu khả năng biệt phái 2 - 3 chuyên gia quân sự Liên Xô đến Trường này, thay vì 1 chuyên gia, trong trường hợp gặp khó khăn trong việc đáp ứng yêu cầu tuyển lựa các chuyên gia thông thạo một số hệ thống. Các đồng chí Trần Nhẫn và Tính, cũng như Phó Chính ủy của Trường này là đồng chí Tuyên (Tузн), cũng tham dự buổi họp này, đã đồng ý với điều bảo lưu ấy.

Ngày 14-10, Phó Trưởng đoàn phụ trách công tác chính trị của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Đại tá A. T. Trômbachép cùng các sĩ quan của phòng chính trị và của ban tham mưu P. P. Baranốp và I. X. Lônin đã đến thăm nhóm chuyên gia quân sự tại: Trường kỹ thuật quân sự. Đại tá Trômbachép đã có cuộc họp với A. V. Blagôđêrốp Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự.

Đồng chí Baranốp P. P. đã trình bày trước nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô bản báo cáo về các vấn đề khó khăn trong đời sống trong nước và địa vị quốc tế của Liên Xô.

Ngày 16-10 cán bộ phụ trách công tác chính trị của phòng phục vụ chuyên gia Liên Xô là Trung úy Thuật (Tkyat), thông qua phiên dịch viên trưởng Lã (Лa), đã truyền đạt cho Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự thông tin dưới đây:

Nghị định của Bộ Nội vụ và Bộ Văn hóa của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về các quy định sử dụng máy quay phim và máy ảnh và các bản phác họa trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; về các biện pháp an ninh mà các chuyên gia quân sự Liên Xô cần tuân thủ khi tiếp xúc với dân chúng địa phương trong tình hình có những tư tưởng thù địch trong các tầng lớp tàn dư thuộc các giai cấp bóc lột, hoạt động của bọn phá hoại, bom và mìn hẹn giờ. Tất cả những trường hợp chuyên gia quân sự Liên Xô đi ra ngoài khu vực cư trú có hàng rào dây thép gai bao quanh phải được thỏa thuận - thông qua ban chỉ huy của Trường kỹ thuật quân sự – với các cơ quan an ninh quốc gia của tỉnh Vĩnh Phú. Đề nghị lập các bản kế hoạch hàng tháng về những lần ra khỏi khu vực cư trú của chuyên gia để tìm hiểu đời sống của nhân dân khu vực kế cận với Trường kỹ thuật quân sự.

Ngày 21-10, trong cuộc họp của Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn, với sự tham dự của Trưởng phòng phục vụ chuyên gia, đồng chí Hiệp và phiên dịch viên Nguyên, đã thảo luận các vấn đề: cách thức và thời hạn áp dụng các đề cương chuyên đề nghiên cứu các môn học, do các giảng viên Liên Xô và Việt Nam soạn thảo, vào quá trình học tập; tăng cường trách nhiệm về các tài liệu phương pháp giảng dạy do các giảng viên Việt Nam và Liên Xô cùng soạn thảo và về việc xác định các chỉ số và các tiêu chí đánh giá chất lượng của các tài liệu ấy; soạn thảo các chương trình giảng dạy các môn học mới đối với Trường kỹ thuật quân sự về nguyên lý tự động hóa và đo đạc vô tuyến điện.

Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đã thông báo với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự về ý định của một số giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự muốn hướng công việc của các chuyên gia quân sự Liên Xô vào việc soạn thảo các tài liệu giáo khoa chủ yếu về các vấn đề các số liệu tính toán thiết kế của các cụm linh kiện và các thành tố của vũ khí và kỹ thuật quân sự. Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự khuyến cáo không thực hiện những đề nghị ấy và chỉ sử dụng các chuyên gia quân sự Liên Xô theo chức năng trực tiếp - với tư cách là những chuyên gia vận hành.

Ngày 3- 11, đã có cuộc họp với đồng chí Nhật, Trưởng phòng huấn luyện mới của Trường kỹ thuật quân sự để thảo luận về quá trình học tập tại các khoa của bộ môn tên lửa phòng không, không quân tiêm kích và kỹ thuật vô tuyến điện, trình độ chuyên môn của các giảng viên Việt Nam. Đã xác định rõ các nhiệm vụ của chuyên gia quân sự Liên Xô. Cùng tham dự cuộc họp này còn có các tổ trưởng các tổ chuyên gia của các bộ môn: tên lửa phòng không, không quân tiêm kích và kỹ thuật vô tuyến điện A. I. Cricun, M. A. Clôsikhin, V. M. Cápralốp, Trưởng phòng phục vụ chuyên gia quân sự Liên Xô Hiệp và phiên dịch viên Nguyên.

Mở đầu cuộc họp, đồng chí Nhật truyền đạt cho những người có mặt trong cuộc họp này sự đánh giá cao của ban chỉ huy Trường kỹ thuật quân sự về phương pháp giảng dạy do các chuyên gia quân sự Liên Xô soạn thảo, và đã xác định rõ các nhiệm vụ đặt ra cho Trường kỹ thuật quân sự: những đối tượng được tuyển vào học sẽ là những học sinh đã học xong lớp 7 phổ thông, tại trường này họ sẽ có được trình độ học vấn lớp 10 về toán học (với những phần toán học cao cấp), về vật lý và hóa học.

Các hình thức đào tạo gồm có; đào tạo trực tiếp tại trường và đào tạo hàm thụ. Thời hạn học tập 3 năm: năm thứ nhất - học đến trình độ hết trung học phổ thông, năm thứ hai và năm thứ ba - học các nguyên lý kỹ thuật cơ bản và đào tạo chuyên môn. Khi đến tham dự các bài giảng của các chuyên gia quân sự Liên Xô, các giảng viên Việt Nam phải có đủ trình độ chuyên môn; phương pháp cơ bản để nắm vững kiến thức và các kỹ năng về các môn học phải là tự học và đào sâu kiến thức chuyên môn dưới sự chỉ đạo của các giảng viên là chuyên gia quân sự Liên Xô.

Đã xác định rõ sự cần thiết phải mời các chuyên gia quân sự Liên Xô - về các hệ thống cụ thể thuộc các bộ môn. tên lửa phòng không, không quân tiêm kích và kỹ thuật vô tuyến điện - đến Trường kỹ thuật quân sự.

Ngày 6-11 đã diễn ra cuộc họp long trọng của toàn đội ngũ Trường kỹ thuật quân sự và các chuyên gia quân sự Liên Xô để kỷ niệm 53 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười vĩ đại.

Những người đã đọc báo cáo gồm có: chính ủy Trường kỹ thuật quân sự là đồng chí Tiên (Tиен) và trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự, đồng chí A. V. Blagôđêrốp.

Ngày 7-11, nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, nhân ngày lễ này, đã tổ chức buổi đón tiếp long trọng. Những người được mời và đã tham dự buổi tiếp đón long trọng này gồm có: Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Vĩnh Phú Kim Ngọc (Kим Hrok), chủ tịch ủy ban hành chính tỉnh Vĩnh Phú Nguyễn Thành Độ (Hryeн Txaнь До), Bí thư Huyện ủy huyện Phù Ninh Nguyễn Văn Thung (Hryeн Baн Txyн), Chủ tịch ủy ban hành chính huyện Hán Văn Hy (Xaн Baн xи), chủ tịch ủy ban hành chính xã Văn Phú Cao Mạnh Hùng (Kao Maнь Xyнь), Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn, Chính ủy Trường kỹ thuật quân sự Vũ Tiên (By Tиен), Trưởng phòng huấn luyện Nguyễn Văn Nhật (Hryeh Baн Hьят), Trưởng phòng phục vụ chuyên gia quân sự Liên Xô Trần Đức Hiệp (Цан Дык Xиеп), cán bộ chính trị của Phòng phục vụ chuyên gia Hoàng Thiện Thuật (Xoaнr Tхиен Txyat), các phiên dịch viên Lã, Nguyên, Hoè (Xyз); Long (Лohr).

Buổi tiếp đón này, cũng như hai buổi tiếp tân khác: ngày lễ dân tộc của nhân dân Liên Xô - ngày lễ đón năm Mới 1971 - và ngày lễ đón năm Mới theo âm lịch (Tết) của nhân dân Việt Nam, đều diễn ra trong không khí hữu nghị và tin cậy lẫn nhau.

Tiện thể xin nói thêm rằng tất cả những ngày hội trong nhóm chuyên gia - chủ yếu đó là những ngày sinh của các giảng viên, được tổ chức một lần trong tháng dành cho tất cả những người có ngày sinh trong tháng đó, - đều nhất thiết có mời các đồng chí Việt Nam tham dự. Thông thường, đó là Giám đốc của Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn, Chính ủy Vũ Tiên, Phó Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Thanh (Цан Txaнь), các trưởng khoa và các phiên dịch viên. Cách tổ chức như vậy các ngày hội đã cho phép, một mặt, củng cố quan hệ, sự phối hợp hành động và quan hệ tin cậy giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô và các đồng chí Việt Nam, mặt khác, cho phép hoàn toàn loại bỏ việc sử dụng rượu ở các cá nhân và ở các nhóm lẻ.

Ngày 11-11 đã diễn ra cuộc họp - thông qua phiên dịch viên Nguyên - giữa Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự và tổ trưởng tổ chuyên gia quân sự Liên Xô về các bộ môn máy kiểm tra - đo đạc A. Ia. Khôrép với Trưởng phòng kế hoạch của Trường kỹ thuật quân sự, đồng chí Thường và với tổ trưởng các lớp bổ túc sĩ quan là đồng chí Nại. Được sự ủy nhiệm của Trưởng phòng huấn luyện, đồng chí Thường thông báo cho biết Bộ tư lệnh phòng không - không quân đã đáp ứng đề nghị của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự và thông báo với ban chỉ huy Trường kỹ thuật quân sự là đồng ý mở một khóa học mới về chuyên ngành “đo đạc vô tuyến điện” và chuyên ngành mới của các học viên tốt nghiệp - "kỹ thuật viên về máy kiểm tra - đo đạc". Thời gian học của khóa học này là 200 - 250 ngày.

Ngoài ra, cũng có sự chấp thuận đối với đề nghị của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự tổ chức tại Trường khóa học "Nguyên lý tự động hóa". Học viên của tất cả các khoa phải theo học khóa này trong khoảng 240 giờ.

Đã có thỏa thuận về các vấn đề soạn thảo chương trình giảng dạy, đề cương chuyên mục và các tài liệu giáo khoa dành cho việc đào tạo các kỹ thuật viên về công tác đảm bảo tìm kiếm - cứu hộ phi công.

Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự đã đề nghị tổ chức giai đoạn đào tạo cuối cùng của các học viên khoa tên lửa phòng không bằng việc tổ chức phối hợp tác chiến cho các khẩu đội trong tiểu đoàn tên lửa trong thời gian 3 - 4 ngày. Những ngày đầu là tổ chức khâu thu dọn khí tài chiến đấu, hành quân, triển khai khí tài chiến đấu; ngày thứ hai là tổ chức tác chiến; ngày thứ ba là tổ chức thu dọn khí tài, hành quân, triển khai khí tài. Đã có thông báo rằng đề nghị ấy sẽ được nghiên cứu.

Khoảng từ giữa tháng 10-1970 trong những chuyến đi Hà Nội và trong những lần đi ra ngoài phạm vi nơi cư trú của chúng tôi đều có thông báo rằng tại các điểm dân cư các hầm trú ẩn cá nhân và các hầm trú ẩn tập thể bắt đầu được sửa sang lại đề phòng không quân Mỹ tái diễn những cuộc bắn phá. Sau một thời gian ngắn tạm ngừng các vụ đánh phá các tỉnh trung tâm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đất nước này đã tăng cường cảnh giác đề phòng những cuộc bắn phá mới. Sự cảnh giác của dân chúng không phải là vô lý.

Ngày 21-11, vào khoảng 2 giờ 15 phút chúng tôi, các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự, đã bị đánh thức bởi cuộc bắn phá tàn khốc nhất của không quân Mỹ tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong năm 1970 đã bắt đầu diễn ra.

Nhóm chuyên gia Liên Xô đã tỉnh giấc vì tiếng gầm rú của động cơ những máy bay phản lực bay thấp, vì tiếng rít của các tên lửa phòng không có điều khiển và tiếng đạn pháo cao xạ nổ và hình như cả những tiếng bom nổ ở các hướng tây - nam và nam. Bằng mắt có thể nhìn thấy các máy bay bay theo hướng khoảng 2700. Đêm ấy có trăng, sao, trời rất sáng. Các máy bay bay ở độ cao 3 - 5 km trong chế độ đội hình tăng cường. Đã nghe thấy nhiều tiếng bom nổ. Đến sáng, từ 8 giờ đến 12 giờ những tiếng nổ diễn ra theo từng đợt.

Về sau chúng tôi mới hay biết rằng trong đêm hôm ấy bọn Mỹ đã thực hiện chiến dịch giải cứu các phi công bị bắt làm tù binh tại một trại giam ở gần thị xã Sơn Tây, cách Hà Nội 40km. Trong việc tổ chức chiến dịch này có sự tham gia của các sĩ quan cao cấp của Bộ quốc phòng Mỹ. Ý đồ của chiến dịch này là: chuẩn bị dồn dập trong 4 tháng cho việc đổ bộ trực thăng tại Phloriđa, ở một địa điểm giống với trại giam ở gần thị xã Sơn Tây; tung quân đổ bộ từ Thái Lan, băng qua Lào, bay dọc theo sông Mê Công tới địa điểm có trại giam các phi công tù binh; đổ bộ các nhóm đánh cướp, nhóm đảm bảo và yểm trợ; giải cứu các phi công và đưa họ trở về Thái Lan theo lộ trình ngược lại; thực hiện các hành động dồn dập có phối hợp của các máy bay chiến thuật của hải quân và của các máy bay gây nhiễu sóng vô tuyến để che giấu mục đích thực sự của chiến dịch giải cứu các phi công Mỹ bị bắt làm tù binh.

Chiến dịch này đã được thực hiện hoàn toàn ăn khớp với ý đồ đã dự định, nhưng đã không đạt được mục tiêu chủ yếu của chiến dịch này. Nhóm đánh chiếm đã làm chủ trại giam mà lẽ ra phải có những phi công tù binh, nhưng tại trại này đã không có những phi công ấy. Khoảng 1 tuần trước khi diễn ra chiến dịch này, phía Việt Nam đã chuyển các phi công tù binh đến một địa điểm khác. Đội máy bay trực thăng đổ bộ của Mỹ đã trở về Thái Lan mà không bị tổn thất.

Ngày 29-11, trong cuộc họp với Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, Bí thư tổ chức đảng của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô V. X. Xmiếcnốp, tổ trưởng tổ chuyên gia về không quân tiêm kích M. A. Clôsikhin, với sự tham dự của Chính ủy Trường kỹ thuật quân sự, đồng chí Tiên, Trưởng phòng phục vụ chuyên gia, đồng chí Hiệp và phiên dịch viên Hoè, Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn đã thông báo tỉ mỉ về tình hình tại các mặt trận và về cuộc đánh phá của không quân Mỹ ngày 21-11. Đồng chí Giám đốc cũng đã thông báo về quyết định của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II cho Trường kỹ thuật quân sự. Giám đốc và Chính ủy của Trường đã đề nghị ban đồng ca nghiệp dư của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự biểu diễn văn nghệ cho toàn thể đội ngũ của Trường và dân chúng các làng kế cận thuộc xã Văn Phú vào ngày 22-12 nhân kỷ niệm 26 năm thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Đề nghị này đã được chấp thuận.

Vào thời điểm ấy trong nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đã hình thành một tốp nhỏ những người yêu ca hát, những bài hát được trình diễn là những bài hát của Nga và Ucraina, những bài hát về cuộc chiến tranh yêu nước và những bài hát trữ tình của hải quân, của không quân, v.v..

A. Ia. Khôrép đặc biệt rất yêu thích ca hát. Có một lần, đồng chí đã đề nghị tập hát những bài hát tiếng Việt để tạo bầu không khí hữu nghị giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với toàn thể đội ngũ Trường kỹ thuật quân sự và nhân dân các làng ở gần trường. Người phiên dịch thường trực của Khôrép về bộ môn máy kiểm tra - đo đạc là đồng chí Cao Văn Lã là một người hát rất hay và đã đồng ý giúp. Câu chuyện bắt đầu từ việc A. Ia. Khôrép đề nghị tôi - nhằm đẩy mạnh thu hút các chuyên gia quân sự Liên Xô tham gia tập hát các bài hát Việt Nam - trong tư cách là Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự hãy hết sức tích cực và kiên trì học thuộc không chỉ phần lời của bài hát mà đây là chủ yếu nhất - còn nắm chắc ngữ điệu khi trình bày bằng tiếng Việt. Có 5 người mở đầu, thấy thích. Thế là chẳng bao lâu sau gần như mọi người đã tích cực học hát các bài hát Việt Nam.

Cần phải nói rằng niềm đam mê ca hát đã giúp rất nhiều cho các chuyên gia quân sự Liên Xô chịu đựng những khó khăn trong lao động sư phạm và cuộc sống trong điều kiện khí hậu nóng ẩm, hoạt động học tập - chiến đấu căng thẳng cùng với các học viên và giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự. Và không chỉ có thế. Tất cả chúng tôi đều tin chắc rằng việc cùng nhau tập hát và hát các bài hát Việt Nam đã cố kết chúng tôi thành một tập thể ngày càng quý trọng đất nước Việt Nam nhỏ bé và nhân dân đất nước này, một dân tộc đã đứng lên chiến đấu chống lại Hoa Kỳ, nước hùng mạnh nhất trong số các nước tư bản chủ nghĩa.

Ngày 14-12 Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn, trong cuộc họp của toàn thể các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường này, đã thông báo nội dung bức thư của Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi đồng bào cả nước nhân việc Mỹ mở rộng các hành động xâm lược, thông báo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa nhân sự kiện này và về tình hình trên các mặt trận. Tại cuộc họp này cũng đã giới thiệu vị Phó Giám đốc mới của Trường kỹ thuật quân sự, Trung tá Thành (Txaнь). Sau cuộc họp này đồng chí Trần Nhẫn thông báo với Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô A. V. Blagôđêrốp và Bí thư tổ chức đảng của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô V. X. Xmiếcnốp về cách thức tổ chức kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và về việc Trường kỹ thuật quân sự được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng II.

Cũng trong ngày hôm đó sĩ quan cao cấp thuộc ban tham mưu của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại tá B. I. Côtennhicốp đã đến thăm nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự. Đại tá Côtennhicốp thông báo thêm cho nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại rường kỹ thuật quân sự về lời kêu gọi của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam gửi nhân dân cả nước trước hành động Mỹ mở rộng xâm lược và về sự cần thiết phải nâng cao ý thức tổ chức và tinh thần cảnh giác.

Đầu tháng 12 tôi nhận được thông tin từ trụ sở: Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho biết vào hạ tuần tháng 12 nhóm chuyên gia tại đây phải chuẩn bị sẵn sàng đón tiếp nhà văn, nhà thơ và nhà soạn kịch nổi tiếng và được nhân dân Liên Xô và hầu hết nhân dân toàn thế giới yêu mến - đó là Cônxtantin Mikhailôvích Ximônốp.

Đương nhiên, mặc dù rất bận rộn với công tác huấn luyện và phương pháp giảng dạy theo thời khóa biểu lên lớp tại Trường kỹ thuật quân sự, song chúng tôi đã bắt đầu gấp rút chuẩn bị cho cuộc đón tiếp vị khách hết sức danh tiếng ấy. Chúng tôi đã đọc và ôn lại tất cả những tài liệu có trong tủ sách tuyển chọn của chúng tôi và rút ra những tác phẩm của Ximônốp và những gì viết về Ximônốp, chúng tôi đã học thuộc lòng một số bài thơ của Ximônốp. Chúng tôi đã chuẩn bị hát cho ông nghe 2 bài hát bằng tiếng Việt mà chúng tôi dự định sẽ trình bày vào ngày 22-12, kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. 

Vậy là vào ngày 20-12 Cônxtantin Mikhailôvích Ximônốp đã đến thăm nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự. Cùng đi với ông còn có Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, trung tướng N. C. Mácximencô, phu nhân của ông là bà Dôia Alếchxanđrốpna và người tháp tùng ông là Thiếu tá Tính.

Trong khoảng 2 giờ liền nhà văn Ximônốp đã kể về hoạt động sáng tác của ông, về những khó khăn, trở ngại mà ông đã gặp phải trên đường đời. Ông đã nói nhiều và sôi nổi về chiến tranh, về tình đồng đội trong quân ngũ, về Tổ quốc và lòng trung thành với nghĩa vụ, về những nỗi niềm của mình sau Đại hội XX của Đảng Cộng sản Liên Xô. Ông đã chia sẻ với chúng tôi về những dự định văn chương của mình. Ông nói rằng đã thôi làm thơ. Chúng tôi đã rất lấy làm tiếc rằng lúc đó chúng tôi không có sẵn máy ghi âm.

Tôi xin đi chệch ra ngoài những hồi ức về cuộc gặp gỡ của chúng tôi với nhà văn Ximônốp, và tôi phải nói rằng sau chuyến đi thăm Việt Nam, Xìmônốp lại trở lại với thơ. Năm 1971 nhiều bài trong số những bài thơ ấy đã được đăng trên báo "Pravđa", sau đó được in trong cuốn sách “Việt Nam - Mùa đông năm 70".

Có một bài thơ viết về các chuyên gia quân sự Liên Xô. Bài thơ ấy có nhan đề "Chuyên gia":

Thật khó ngủ trong chiếc màn chống muỗi,
Suốt cả tháng Chạp mưa rơi tầm tã,
Ước gì ở đây có tuyết! Nhưng chẳng có ai.
Gửi điều kỳ diệu ấy đến nơi này...

Những cô gái Mátxcơva, Rôxtốp, Lêningrát,
Mong sao tôi tốt vía,
Mong sao có những bức thư của chồng - tất cả đều ổn –
Sẽ đến tay vợ vào những ngày năm Mới

Ở nơi xa xăm ấy, xa cách chồng 
Họ lao động với cả lương tâm Xôviêt,
Cho dù chúng ta chưa kịp viết
Tiểu thuyết, những câu chuyện về họ.

Họ không ném bom vào phụ nữ.
Họ không tưởng nhớ vô duyên về Chúa.
Họ không giết người - họ cứu người.
Lường tâm họ trong sáng như pha-lê.

Lao động của họ hiến dâng cho nhân dân khổ đau .
Do vậy lao động ấy là thiêng liêng, và vẫn lặng lẽ.
Tôi mang những bức thư của họ vào dịp năm Mới.
Mong sao tôi tốt vía...


Sau buổi chuyện trò hết sức lý thú, bổ ích và thú vị với nhà văn Ximônốp, chúng tôi đã tổ chức bữa liên hoan ăn trưa để chào mừng ông. Trong bữa liên hoan này có Trung tướng N. C. Mácximencô cùng phu nhân, ban chỉ huy của Trường kỹ thuật quân sự, Trưởng phòng phục vụ các chuyên gia quân sự Liên Xô là đồng chí Hiệp và các phiên dịch viên.

Khi chuẩn bị cho buổi gặp gỡ này, chúng tôi đã mua những chai rượu cô nhắc thượng hạng của xứ Ácmênia: “đơvin", "Ácmênia", “Đặc sản". Nhân đây cũng xin nói rằng ở Việt Nam loại rượu cô nhắc này có giá thấp hơn nhiều so với giá ở Liên Xô.

Khi mọi người ngồi vào bàn thì Ximônốp chỉ trông thấy các chai rượu cô nhắc, ông liền hỏi: "Vậy ở chỗ các đồng chí không có rượu vốtca?”. Tất nhiên, cũng có cả rượu vốtca, cả trong bữa ăn trưa, cả trong nhiều cuộc nâng cốc. Ximônốp đã hồ hởi uống rượu vốtca. Trong bữa liên hoan ấy, chúng tôi tiếp tục nói về lòng dũng cảm, về chủ nghĩa yêu nước, về danh dự của người sĩ quan, chúng tôi đã đọc các bài thơ của ông, đã nghe những câu chuyện thầm kín về cuộc đời chinh chiến của phóng viên C. M. Ximônốp và đã hát các bài hát bằng tiếng Nga, tiếng Ucraina và tiếng Việt. Nhà văn Ximônốp rất ngạc nhiên khi thấy chúng tôi trình bày khá hay các bài hát bằng tiếng Việt Nam. Các đồng chí Việt Nam có mặt trong bữa liên hoan ấy cũng tỏ ra ngạc nhiên về điều này.

Nhà văn Ximônốp đã nhận được câu hỏi chuẩn bị sẵn của chúng tôi: "Trong số những bài thơ của ông bài thơ nào được yêu mến nhất, bài nào nghiêm túc nhất và bài nào không nghiêm túc nhất?".

Và đây là câu trả lời của ông: "Bài thơ được yêu mến nhất là bài "Đợi anh về”, bài nghiêm túc nhất là bài thơ “Aliôsa, anh còn nhớ chăng những con đường về Xmôlenxcơ..." và bài thơ không nghiêm túc nhất là bài "Truyện cổ tích về thành phố Prôpôixcơ".

Bài thơ nói sau cùng trên đây đã không được xuất bản trong một thời gian dài. Ông cho biết, chỉ mãi những năm gần đây nhất mới được in trên tạp chí "Tổ quốc". Tôi xin dẫn ra đây một số câu trong bài thơ ấy: 

Khi ta mệt mỏi vì chiến tranh,
Vì tiếng nổ của đạn pháo, vì những đoàn quân,   
Thì cùng với bạn hữu ta sẽ kiếm ra tiền
Để cùng đến thành phố Prôpôixcơ.

………………………………………

Chắc là ở thành phố Prôpôixcơ
Con người sẽ đắc tội đến cùng kiểu Nga
Anh ta sẽ uống rượu - như trên thiên đường - không cần thức nhắm.
Anh ta uống rượu khi trời mưa, khi trời lộng gió, khi tuyết rơi.

Chúng ta sẽ sống ở nơi ấy lặng thinh
Đến khi nào mọi người tìm thấy chúng ta.
Đến khi nào hơi rượu nồng
Chỉ đường cho vợ tìm thấy ta

Và thế là trong hơi thở dịu hiền của vợ
Tất cả chúng ta sẽ uống cạn vò rượu
Rồi chúng ta sẽ gọi tên thành phố Prôpôixcơ
Thành thành phố Prôtơrêdơvenxcơ,
Khiến các bà vợ chúng ta vui sướng.


(Chú thích: Chơi chữ: Prôpôixcơ - thành phố say rượu; Prôtơrêdơvenxcơ - thành phố tỉnh rượu.)

Giờ đây có thể đọc toàn văn bài thơ này, chẳng hạn, trong văn tập: "Ximônốp C. Những bài thơ và những bài trường ca. - L: Nhà văn hiện đại. 1990". Tuy bài thơ trên đây được gọi là "Truyện cổ tích", nhưng thật ra thành phố Prôpôixcơ là có thật. Ngày nay nó có tên gọi là Xlápgôrốt.

Chúng tôi đã cùng chụp ảnh với nhà văn Ximônốp và Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung tướng N. C. Mácximencô để kỷ niệm ngày các nhân vật này đến thăm nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự.

Vào hai ngày 21 và 22-12 nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự đã tham gia các hoạt động long trọng kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và lễ trao tặng Huân chương Chiến  công hạng II cho trường. Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự A. V. Blagôđêrốp đã trao tặng Giám đốc trường này cuốn sách "Chiến tranh giữ nước vĩ đại trong những năm 1941 - 1945", và trao tặng Chính ủy của trường cuốn sách “Đảng Cộng sản trong chiến tranh giữ nước vĩ đại". Các chuyên gia Liên Xô đã cùng với ban chỉ huy của trường tham dự các hoạt động thể thao của các khoa tên lửa phòng không, khoa không quân tiêm kích và khoa kỹ thuật vô tuyến điện, trong trận đấu bóng chuyền giữa các đội bóng chuyền của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô và của Phòng huấn luyện Trường kỹ thuật quân sự. Sau đó đã tham quan phòng triển lãm phản ánh sinh hoạt của Trường kỹ thuật quân sự trong 4 năm qua.

Ngày 22-12, vào lúc 7 giờ tối, tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô và ban chỉ huy của Trường kỹ thuật quân sự đã tham dự buổi biểu diễn văn nghệ nghiệp dư được tổ chức ngoài trời, có sân khấu dành cho những người lên biểu diễn. Đến xem buổi biểu diễn văn nghệ hôm ấy, ngoài các học viên, các giảng viên, công nhân viên của Trường kỹ thuật quân sự, còn có đông đảo bà con các làng gần đó. Những người tham gia biểu diễn văn nghệ là tốp đồng ca của các chuyên gia quân sự Liên Xô có 26 người trong danh sách, và số người hát là 23 người.

Chúng tôi đã hát các bài: "Lênin sống mãi" và "Tiếng chuông báo động ở Bukhenvan" bằng tiếng Nga và "Du kích quân” bằng tiếng Việt Chúng tôi đã cùng với tốp đồng ca của Phòng phục vụ chuyên gia trình bày bài "Cô gái Vácsava" bằng tiếng Nga và bài "Kết đoàn" bằng tiếng Việt. Tất cả các bài hát đều nhận được sự hoan nghênh và cổ vũ nồng nhiệt của khán giả. Còn những bài hát được trình bày bằng tiếng Việt nhận được những tràng vỗ tay rầm rộ của khán giả đứng cổ vũ và ban chỉ huy của Trường kỹ thuật quân sự thì lên sân khấu chúc mừng và hoan nghênh từng người tham gia đội đồng ca của chúng tôi. Bài hát "Du kích quân" đã được chúng tôi trình diễn 2 lần do khán giả yêu cầu.

Sau lễ kỷ niệm 26 năm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đặc biệt sau buổi chúng tôi biểu diễn các bài hát bằng tiếng Việt, chúng tôi nhận thấy đã có sự chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng tốt đẹp trong tình cảm của ban chỉ huy Trường, của các viên chính ủy, của các giảng viên, các học viên và của bà con các làng xung quanh dành cho chúng tôi. Mọi người đã tin cậy chúng tôi hơn, chào hỏi và tiễn đưa vui vẻ, quan tâm nhiều hơn đến việc giải quyết các vấn đề sinh hoạt của chúng tôi và - đây là điều quan trọng hơn cả - tỏ ra cố gắng nhiều hơn trong việc lĩnh hội các môn học do chúng tôi giảng dạy và gần như lập tức thực hiện những khuyến cáo của chúng tôi trong hoạt động chuyên môn.

Từ ngày 23-12, theo đề nghị của đồng chí Hoà (Xoa), Trưởng khoa tên lửa phòng không, tổ chuyên gia quân sự Liên Xô về bộ môn tên lửa phòng không đã tham gia công tác trợ giúp sửa chữa các bộ khí tài tên lửa phòng không của Trường.

Ngày 11-1-1971 đã diễn ra cuộc họp của Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn, với sự có mặt của Trưởng phòng phục vụ chuyên gia Hiệp và phiên dịch viên Long.

Mở đầu cuộc họp, Giám đốc Trần Nhẫn đã phát biểu nhận định tình hình chính trị - quân sự ở Đông Dương. Sau đó đã giải quyết những vấn đề dưới đây:

1. Về việc thay thế đồng chí V. P. Ruxcốp, chuyên gia về thiết bị liên lạc vô tuyến trong máy bay, do đã mãn hạn công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong thời gian 11 tháng rưỡi đồng chí Ruxcốp đã thực hiện khối lượng công tác giảng dạy và soạn giáo trình như sau: đã soạn thảo các chương trình học cho 15 môn học với tổng thời lượng 3108 giờ; đã soạn các đề cương chuyên mục nghiên cứu về hai môn học với tổng thời lượng 536 giờ; đã soạn thảo tài liệu giáo khoa cho một môn học với thời lượng 120 giờ; đã giảng bài 164 giờ; đã thực hiện 10 giờ tư vấn. Theo định mức được áp dụng trong các trường cao đẳng ở Liên Xô thì tổng khối lượng công tác giảng dạy và soạn giáo trình là 1418 giờ. Tổng khối lượng trên đây do đồng chí đã thực hiện trong thời gian công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là 1833 giờ. Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự quyết định thay thế là cần thiết. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô khác tại Trường kỹ thuật quân sự cũng đã thực hiện khối lượng công việc tương tự.

Song, những chuyên gia đã hoàn thành các trách nhiệm của mình một cách đặc biệt có hiệu quả và với cường độ đặc biệt là các Trung tá A. Ia. Khôrép và A. A. Nêven. Chỉ riêng khối lượng công tác giảng dạy và soạn giáo trình trong thời gian công tác tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lên đến hơn 1700 giờ.

2. Về việc giảng bài cho các giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự. Theo đề nghị của chúng tôi, Giám đốc của Trường đã phê chuẩn thời gian lên lớp là từ 14 giờ 30 phút đến 16 giờ 30 phút, mỗi tuần hai lần, khi cần thiết thì lên lớp từ 7 giờ sáng. Đặc biệt chú ý đến việc dạy phương pháp soạn thảo các tài liệu giáo khoa. Cần có phương pháp khác nhau trong quá trình huấn luyện cho các giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự về chủ đề các buổi lên lớp, cũng như về thành phần các học viên.

3. Vấn đề lên lớp cho tất cả các giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự về môn sư phạm và tâm lý học. Người lên lớp sẽ là đồng chí A. V. Blagôđêrốp. Chủ đề - sẽ thỏa thuận với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự.

4. Vấn đề sử dụng đồng chí M. M. Saiđulin, chuyên gia về lắp đặt dụng cụ trên máy bay, cùng lên lớp giảng dạy với các giảng viên Trường kỹ thuật quân sự tại một sân bay gần nhất. Ý kiến của Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự là: việc lên lớp là cần thiết, nhưng sẽ trả lời sau khi có sự thỏa thuận với Bộ tham mưu của bộ đội phòng không - không quân.

5. Về vấn đề để bác sĩ của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô G. N. Madin lên lớp giảng về chủ đề: "Các chất độc hại trong các loại nhiên liệu tên lửa và phương pháp sơ cứu khi bị nhiễm độc" cho các giảng viên khoa tên lửa phòng không của Trường kỹ thuật quân sự. Quyết định đưa ra là: những bài giảng như vậy là quan trọng và cần thiết. Buổi lên lớp đầu tiên sẽ diễn ra trong tháng 2, sau đó hàng tháng sẽ có lên lớp giảng.

Ngày 20-1. Bí thư Đảng ủy Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Trung tá A. Ph. Pôdơđêép đã đến thăm nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự. Đồng chí Pôdơđêép đã tìm hiểu hoạt động của nhóm chuyên gia tại đây, tham dự cuộc họp đảng, trao đổi với các đảng viên.

Từ ngày 2 đến ngày 6-2 tại Hà Nội đã diễn ra các cuộc họp của tất cả các trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô và các Bí thư tổ chức đảng. Đã có dịp gặp gỡ với nhiều đồng chí trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại các trung đoàn - là những sĩ quan đã tốt nghiệp Học viện sĩ quan chỉ huy của binh chủng phòng không. Chúng tôi đã có dịp nhớ đến các đồng chí cùng học tại Học viện. Được biết, đa số các bạn đồng môn của tôi - những sĩ quan thuộc khóa tốt nghiệp Học viện vào năm 1965 - đều đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam.

Trên thực tế, sau Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, chỉ có binh chủng phòng không của Liên Xô đã có dịp trải qua kiểm nghiệm chiến đấu, qua những trận chiến đấu phòng không chống lại các phương tiện tấn công hiện đại nhất từ trên không của Hoa Kỳ.

Ngày 17-2 đã có cuộc họp của Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô và Bí thư tổ chức đảng V. X. Xmiếcnốp với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn và Chính ủy Vũ Tiên. Đồng chí Trần Nhẫn thông báo về kế hoạch cải tổ Trường kỹ thuật quân sự sẽ diễn ra vào tháng 4 và tháng 5. 

Trên cơ sở Trường kỹ thuật quân sự của Binh chủng phòng không - không quân sẽ thành lập Trường kỹ thuật không quân. Tổ chuyên gia quân sự Liên Xô thuộc bộ môn không quân phòng không ở lại trường này, tổ trưởng là Trung tá M. A. Clôsikhin. Các chuyên gia thuộc bộ môn tên lửa phòng không, kỹ thuật vô tuyến điện, máy kiểm tra - đo đạc thì sẽ phải chuyển sang Trường sĩ quan phòng không ở Sơn Tây. Nhiệm vụ của các tổ chuyên gia thì vẫn như vậy

Ngày 23-2, theo lệnh của Bộ chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại Trường kỹ thuật quân sự đã tham gia buổi lễ trọng thể kỷ niệm Ngày Quân đội Xôviết và Hải quân Xôviết, tham gia buổi biểu diễn văn nghệ nghiệp dư tại Câu lạc bộ của Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Sau buổi biểu diễn của tốp đồng ca chúng tôi với 3 bài hát bằng tiếng Việt đã được những người tham dự buổi lễ nhiệt hệt hoan nghênh, chúng tôi đã được mời đến dự buổi chiêu đãi do Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa I. X. Sécbacốp tổ chức để chúc mừng chúng tôi.

Trong buổi tiếp, Đại sứ Sécbacốp thông báo rằng Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam đã đánh giá cao nhóm chuyên gia chúng tôi vì đã biết tạo dựng các quan hệ hữu nghị thực sự và đầy tin cậy với ban chỉ huy và toàn thể đội ngũ của Trường kỹ thuật quân sự, và cần phải phổ biến kinh nghiệm này đến những nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô khác. Chúng tôi rất hài lòng với sự đánh giá như vậy về hoạt động của nhóm chuyên gia chúng tôi.

Ngày 15-3 đã có cuộc họp với trưởng phòng huấn luyện của Trường kỹ thuật quân sự là đồng chí Nhật. Đồng chí Nhật đã đánh giá cao các buổi lên lớp và các tài liệu giảng dạy và các tài liệu giáo khoa của các giảng viên chúng tôi. Đồng chí ấy thông báo đã thành lập ủy ban thẩm định chất lượng bản dịch các tài liệu giáo khoa, trong đó có 1 - 2 giảng viên của các khoa và 1 - 2 phiên dịch viên. Đồng chí cũng thông báo rằng Bộ tư lệnh phòng không - không quân đã quyết định tổ chức các khoá học về máy kiểm tra - đo đạc gồm 2 nhóm.

Nhóm thứ nhất sẽ bắt đầu lên lớp từ giữa tháng 4. Số lượng của nhóm này có 20 người. Thời gian khóa học là 4 tháng. Yêu cầu đối với học viên là trung sĩ thì phải học xong lớp 7 - lớp 9 và có kinh nghiệm làm việc trong quân đội từ năm 1966. Cần giảng dạy cho họ về những nguyên lý chung về máy kiểm tra - đo đạc; những nguyên lý về kỹ thuật vô tuyến điện và điện tử phải do các giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự giảng.

Nhóm thứ hai bắt đầu lên lớp từ đầu tháng 5. Thời gian của khóa học là 3 tháng. Số lượng học viên nhóm này gồm 20 người. Đối tượng học viên là những người được cử làm trợ lý về máy kiểm tra - đo đạc làm việc tại các phòng kỹ thuật của các đơn vị quân đội. Những học viên này cũng phải học về các nguyên lý lý thuyết chung về máy kiểm tra - đo đạc và về cấu tạo các dụng cụ cụ thể. Các giảng viên của Trường kỹ thuật quân sự phải đảm nhiệm phần đào tạo về công tác bảo trì máy kiểm tra - đo đạc.

Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô A V. Blagôđêrốp đã yêu cầu phải có người thay thế các giảng viên về bộ môn máy kiểm tra - đo đạc A. Ia. Khôrép và N. I. Luscô để đảm bảo tính chất liên tục của công tác giảng dạy ở các lớp học này sau khi các giảng viên đó rời khỏi Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Cũng trong ngày hôm ấy đã có buổi gặp của Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô và Bí thư tổ chức đảng V. X. Xmiếcnốp với Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn và Chính ủy Vũ Tiên.

Đồng chí Vũ Tiên thông báo với chúng tôi về những nhiệm vụ mới mà Bộ tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân đặt ra, đó là; chuyển các tổ chuyên gia của các bộ môn tên lửa phòng không, kỹ thuật vô tuyến điện và máy kiểm tra - đo đạc sang Trường sĩ quan phòng không ở Sơn Tây. Việc này sẽ diễn ra sau khoảng 2 tháng nữa. Sau khi chuyển đến đơn vị mới các nhiệm vụ vẫn sẽ như trước kia, nhưng cần đặc biệt tập trung chú ý vào soạn thảo các tài liệu giáo khoa.

Đồng chí Trần Nhẫn đã thông báo về tình hình trên các mặt trận và về hoạt động chiến đấu của trung đoàn pháo cao xạ được thành lập gồm các học viên của Trường kỹ thuật quân sự và của trung đoàn hoạt động ở khu vực Đường 9 - Nam Lào dưới quyền chỉ huy của Thiếu tá Bảo, cựu trưởng phòng huấn luyện thuộc Trường kỹ thuật quân sự.

Ngày 3-4, Giám đốc Trường kỹ thuật quân sự Trần Nhẫn, với sự có mặt của cán bộ chính trị của Phòng phục vụ chuyên gia Thuật và phiên dịch viên Long, đã chúc mừng Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô nhân ngày khai mạc Đại hội XXIV Đảng Cộng sản Liên Xô. Đồng chí Nhẫn đã thông báo nội dung bài phát biểu của Bí thư thứ nhất Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn tại Đại hội XXIV của Đảng Cộng sản Liên Xô. Đồng thời điểm chi tiết về diễn biến và kết quả của chiến dịch Đường 9 - Nam Lào, đã kể về những thủ đoạn chiến thuật mà quân đội ngụy ở Nam Việt Nam và quân Mỹ đã áp dụng nhằm phá hoại "Đường mòn Hồ Chí Minh". Quân địch đã không đạt được các mục tiêu đề ra: Kết quả là 15.400 binh lính và sĩ quan Mỹ - ngụy chết và bị thương.

Ngày 19-4 đã có cuộc họp với Thiếu tá Cung, Phó Giám đốc Trường kỹ thuật không quân mới được thành lập thay cho Trường kỹ thuật quân sự của Binh chủng phòng không - không quân, với sự có mặt của Tổ trưởng tổ chuyên gia về phòng không không quân, Trung tá M. A. Clôsikhin, Bí thư tổ chức đảng V. X. Xmiếcnốp, Thiếu tá Minh (Mинь), Đại úy Quế (Kyэ), chính trị viên của Phòng phục vụ chuyên gia Thuật và phiên dịch viên Tư (Tы).

Thiếu tá Cung đã thông báo về việc đồng chí ấy và Thiếu tá Minh được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc của Trường kỹ thuật không quân, Đại úy Quế được bổ nhiệm làm Trưởng phòng huấn luyện của Trường. Trường này sẽ đào tạo các kỹ thuật viên không quân, các sĩ quan dẫn đường, các sĩ quan dự bị, các phó ban tham mưu của các trung đoàn không quân. Tại trường này sẽ tổ chức các khóa đào tạo sĩ quan của các trung đoàn không quân. Đồng chí ấy cũng thông báo rằng sau này tất cả các vấn đề tổ chức quá trình học tập sẽ được thỏa thuận với Trung tá M. A. Clôsikhin.

Ngày 15-5 nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô, gồm các tổ chuyên gia về tên lửa phòng không, kỹ thuật vô tuyến điện và máy kiểm tra - đo đạc, đã chuyển sang Trường sĩ quan của Binh chủng phòng không tại Sơn Tây.

Ngày 17-5 đã diễn ra cuộc gặp gỡ đầu tiên với Giám đốc Trường sĩ quan phòng không, Thượng tá Tiến (Tиен). Những người có mặt trong cuộc gặp gỡ này gồm có A. V. Blagôđêrốp, Bí thư tổ chức đảng, V. X. Xmiếcnốp và Trưởng ban kế hoạch của Phòng huấn luyện của Trường.

Cuộc họp đã quyết định:

- Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô chuyển đến từ Trường kỹ thuật quân sự vẫn thực hiện các nhiệm vụ như trước kia;

- Nhằm thỏa thuận về các vấn đề tổ chức và thực hiện quá trình học tập, Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô sẽ gặp Trung tá Trần Nhẫn - người mới được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Trường sĩ quan phòng không - mỗi tháng 2 lần, khi cần thì nhiều hơn,

- Nhằm giải quyết các vấn đề trước mắt, hàng tuần các tổ trưởng chuyên gia về các bộ môn tên lửa phòng không, kỹ thuật - vô tuyến điện và máy kiểm tra - đo đạc sẽ làm việc với các trưởng khoa;

- Những cuộc tư vấn của các giảng viên của Trường sẽ diễn ra trong khuôn viên cư xá của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Ngày 19-6 đã có cuộc họp với Phó Giám đốc Trường sĩ quan phòng không Trần Nhẫn, với sự có mặt của chuyên gia quân sự Liên Xô về bộ môn máy kiểm tra - đo đạc A. Ia. Khôrép, Trưởng phòng phục vụ chuyên gia Thuật và các phiên dịch viên Tư và Túc (Tyk), để thảo luận các vấn đề biên chế của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại trường này đến khi mãn hạn công tác. 

Cuộc họp đã quyết định:   

- Các chuyên gia quân sự Liên Xô về môn máy kiểm tra - đo đạc A. Ia. Khôrép và P. I. Luscô có nhiệm vụ lên lớp giảng bài cho lớp bổ túc sĩ quan thuộc bộ môn máy kiểm tra - đo đạc trước khi lên đường thuộc Liên Xô vào ngày 17-7;

- Các chuyên gia về bộ môn hệ thống phát lệnh và trạm kiểm tra - thử nghiệm di động V. M. Sêscô và A. A. Lixiutin có nhiệm vụ lên lớp giảng bài và tiến hành các bài thực tập với các học viên trong nhóm học số 50;

- Chuyên gia Liên Xô về trạm ra đa P-12 Crincô có nhiệm vụ lên lớp giảng bài trong các buổi học của các trưởng trạm ra đa tại Bộ Tham mưu Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam;

- Các chuyên gia Liên Xô về máy đo cao vô tuyến điện di động và về trạm ra đa P-15 A. Đ. Đavứtkin và G. M. Xôcôlốp có nhiệm vụ lên lớp và tiến hành tư vấn với các giảng viên của trường về môn vận hành trạm ra đa;

- Các chuyên gia Liên Xô về bộ khí tài tên lửa phòng không A. I. Crincun, I. A. Vlaxencô và V. M. Mitơrôphanốp có nhiệm vụ hoàn tất việc soạn thảo các tài liệu giáo khoa theo kế hoạch;

- Các chuyên gia quân sự Liên Xô V. M. Cápralốp, M. A. Aliôsin, A. A. Xítnhicốp, A. A. Nêven và E. C. Vécvâycô đã hoàn thành công tác giảng dạy và soạn tài liệu giảng dạy theo kế hoạch.

 Nhằm mục đích bồi dưỡng trình độ soạn giáo trình của các giảng viên Việt Nam, chúng tôi đã kiến nghị tổ chức cho các chuyên gia Liên Xô tham dự các buổi lên lớp của họ với các học viên, tiếp sau đó sẽ tiến hành phân tích tại các khoa. Sáng kiến này đã được tán thành và được đem ra thực hiện.

Vào các ngày 19 - 20-7, Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không, Đại tá Iu. V. Côlenkin đã đến thăm nhóm chuyên gia của chúng tôi tại Trường sĩ quan phòng không. Cùng đi với đồng chí ấy còn có phó trưởng nhóm phụ trách chính trị là Trung tá G. G. Xaphônốp, các sĩ quan thuộc phòng chính trị và thuộc ban tham mưu P. P. Baranốp và I. X. Lônin.

Phần lớn nhóm chuyên gia này của chúng tôi đã đáp máy bay về nước vào các ngày 10, 17 và 24-7 theo lộ trình Hà Nội - Viêng Chăn - Cancútta - Carachi - Tasken - Mátxcơva. Theo đánh giá của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Trường kỹ thuật quân sự thuộc bộ đội phòng không - không quân và của Trường sĩ quan phòng không thì nhóm chuyên gia của chúng tôi đã hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ đề ra về đào tạo các cán bộ quân sự cho Quân đội nhân dân Việt Nam trong điều kiện chiến tranh. Toàn thể các chuyên gia thuộc nhóm chúng tôi đã an toàn trở về với gia đình và các đơn vị cũ của mình.

Với lòng biết ơn tôi hồi tưởng về tất cả các đồng chí Liên Xô và Việt Nam đã cùng tôi hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ quốc tế của mình, bất chấp những điều kiện cực kỳ gian khổ của hoạt động giảng dạy và học tập chiến đấu trong thời chiến.
Thành phố Tờve, năm 2002

CLÂYMÊNỐP PHÊĐO IVANÔVÍCH

Ông sinh ngày 12-2-1911 tại thị trấn mỏ Iudôpca (hiện nay là thành phố Đônhét) thuộc vùng mỏ Đônbát, trong một gia đình thợ mỏ.

Năm 1927 ông bắt đầu cuộc đời lao động, làm công nhân trong một xí nghiệp mỏ.

Từ năm 1934 đến năm 1938 ông làm công tác lãnh đạo các công việc hầm mỏ, về sau là kỹ sư trưởng của mỏ “Pôtdemgadơ" tại thành phố Goóclốp.

Năm 1935 ông tốt nghiệp Học viện công nghiệp Đônhét.

Từ năm 1938 đến năm 1943 ông là kỹ sư trưởng, về sau là Giám đốc công ty “Pôtdemgadơ" ở Mátxcơva.

Từ năm 1943 đến năm 1949 ông là trưởng phòng, sau đó là Trưởng ban công nghiệp khí đốt của ủy ban kế hoạch nhà nước Liên Xô.

Từ năm 1953 đến năm 1957 ông là kỹ sư trưởng của Tổng cục khí đốt dưới lòng đất của Bộ công nghiệp than Liên Xô.

Từ năm 1957 đến năm 1960 ông là Thư ký khoa học trong ủy ban Hợp tác khoa học - kỹ thuật Xô - Trung.

Từ năm 1960 đến năm 1971 ông là Phó tham tán về các vấn đề kinh tế của Sứ quán Liên Xô tại Cộng hòa Ghinê.

Từ năm 1971 đến năm 1978 ông là Tham tán kinh tế của Sứ quán Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông đã được tặng thưởng 3 Huân chương Lao động Cờ đỏ, Huân chương Danh dự, các Huân chương: Lao động hạng I và Hữu nghị, 9 Huy chương của Liên Xô, trong đó có Huy chương Lao động vẻ vang, Lao động vẻ vang trong Chiến tranh vệ quốc vĩ đại ngoài ra còn được tặng Huy hiệu danh dự Vinh quang thợ mỏ hạng I và hạng II, Huy hiệu Cán bộ xuất sắc của ủy ban Nhà nước về hợp tác kinh tế.

Ông mất ngày 11-8-2002.

HỒI ỨC VỀ THỜI GIAN CÔNG TÁC TẠI VIỆT NAM

Tôi có dịp sang công tác tại Việt Nam, làm tham tán kinh tế của Sứ quán Liên Xô tại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, vào thời kỳ rất khó khăn của cuộc chiến đấu mà nhân dân Việt Nam tiến hành nhằm giải phóng miền Nam Việt Nam và thống nhất Tổ quốc - từ năm 1971 đến năm 1978. Tôi đón nhận nhiệm vụ này rất hồi hộp nhưng đồng thời với lòng biết ơn về sự tin tưởng đã dành cho tôi. Vào lúc đó tôi đã ở tuổi 60, tôi đã có khá nhiều kinh nghiệm sống và kinh nghiệm nghề nghiệp, cũng như kinh nghiệm công tác ở nước ngoài. Điều đó cho tôi niềm hy vọng là tôi sẽ không phụ sự tin tưởng dành cho tôi.

Tất nhiên, tôi đã hình dung những khó khăn có thể đến với tôi trong thời gian làm việc tại Việt Nam. Nhưng tôi đã gặp phải những vấn đề nghiêm trọng hơn là tôi tưởng. Ngay khi máy bay sắp hạ cánh ở Hà Nội, tôi đã nhìn thấy - qua các ô cửa máy bay - những cánh đồng lúa mênh mông chìm ngập trong nước, những điểm dân cư bị chìm ngập trong nước. Cảnh tượng này làm tôi bị chấn động. Khi đến Hà Nội tôi được biết đã có gần 500 nghìn héc ta lúa bị thiệt hại do lũ lụt, có nhiều nhà cửa bị hư hỏng, có nhiều súc vật bị chết. Ở đoạn chảy qua Hà Nội mức nước sông Hồng đã vượt quá mức 12 mét và đe dọa làm vỡ đê bao quanh thành phố này.

Ngay sau khi đến Hà Nội tôi đã được Thủ tướng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Phạm Văn Đồng tiếp. Sau khi chúc mừng tôi đã tới Hà Nội và chúc công tác thành công, Thủ tướng hứa sẽ dành sự giúp đỡ cần thiết để tôi hoàn thành sứ mạng của mình. Đồng thời Thủ tướng Phạm Văn Đồng còn nhờ chuyển đến Chính phủ Liên Xô lời đề nghị tìm kiếm khả năng và giúp đỡ Việt Nam khẩn cấp khắc phục hậu quả của lũ lụt.

Tất nhiên, lời đề nghị này đã lập tức được chuyển về Mátxcơva. Chỉ sau vài ngày, Chính phủ Liên Xô đã quyết định gửi 3 chuyến máy bay chở thuốc men, thực phẩm, quần áo, lều bạt và các hàng hóa khác tới Hà Nội. Tại sân bay, khi tiếp nhận số hàng này, Bộ trưởng Trần Hữu Dực của Việt Nam đã thay mặt Chính phủ bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Liên Xô về sự trợ giúp này. Cần nói rằng trong việc khắc phục hậu quả tàn phá của trận lũ lụt này có sự tham gia tích cực của tất cả các chuyên gia Liên Xô có mặt lúc đó tại Việt Nam.

Bộ máy của tham tán kinh tế đã phải làm việc trong điều kiện chính trị - quân sự và kinh tế phức tạp, và tuy gặp khó khăn, nhưng đã nhanh chóng giải quyết các nhiệm vụ được đặt ra.

Vào thời gian đó tại Việt Nam, với sự trợ giúp kỹ thuật của Liên Xô, đã tiến hành xây dựng 26 công trình khác nhau. Tại những công trình ấy đã có 467 chuyên gia Liên Xô làm việc. Trong số những công trình lớn nhất có thể kể ra, chẳng hạn, Nhà máy nhiệt điện Uông Bí, Nhà máy thuỷ điện Thác Bà, các mỏ than, nhà máy sửa chữa thiết bị mỏ ở Cẩm Phả, công trình mở rộng cảng Hải Phòng, một số nhà máy chè, v.v.. Các chuyên gia Liên Xô đã cùng với các kỹ sư Việt Nam tiến hành các công việc thăm dò địa chất để tìm kiếm dầu mỏ, khí đốt, bốc xít, apatít và nhưng loại quặng hữu ích khác, các công việc khảo sát để phục vụ công trình xây dựng nhà máy thuỷ điện tương lai.

Cũng trong thời gian ấy đã diễn ra công việc tích cực xây dựng các công trình quân sự tại các vùng khác nhau ở trong nước. Nhưng đối với ban lãnh đạo Liên Xô và ban lãnh đạo Việt Nam, công trình đặc biệt là công trình xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh - người con vĩ đại của nhân dân Việt Nam và được nhân dân Liên Xô hết sức quý trọng. 

Các chuyên gia quân sự Liên Xô đã giúp các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong việc nắm vững các phương tiện kỹ thuật quân sự của Liên Xô - kỹ thuật tên lửa, hàng không, các phương tiện thông tin, kỹ thuật tăng - thiết giáp, kỹ thuật hải quân, v.v.. Họ đã nghiên cứu các vấn đề về cung cấp các phương tiện kỹ thuật ấy và vũ khí, cũng như giúp đào tạo các quân nhân cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Cần đặc biệt nêu rõ rằng Liên Xô đã giúp đỡ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa rất nhiều cả trong việc đào tạo các cán bộ của nền kinh tế quốc dân, cũng như cho các lực lượng vũ trang. Từ năm 1964 đến năm 1977 đã có hơn 7000 công dân Việt Nam được gửi sang Liên Xô để học tập và đã có 6214 chuyên gia dân sự Liên Xô được cử sang công tác tại Việt Nam.

Bất chấp lời hứa sẽ chấm dứt tất cả các cuộc không kích vào Việt Nam từ ngày 1-11-1968, nhưng từ ngày 21-9-1971 Mỹ lại ném bom. Vậy là đất nước Việt Nam lại bị vấy máu. Những cuộc ném bom đặc biệt tàn bạo đã được thực hiện nhằm vào các công trình được xây dựng trong khuôn khổ hợp tác Việt - Xô, trước hết nhằm vào các nhà máy điện. Ví dụ, đã có hơn 1500 quả bom được ném xuống Nhà máy nhiệt điện Uông Bí. Tổng cộng đã có 46 công trình bị hư hỏng do hậu quả của những cuộc ném bom liên tiếp.

Vào những ngày ấy đã diễn ra cuộc gặp thứ hai của tôi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Tại cuộc gặp này Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã đề xuất việc tạm thời sơ tán về nước - trong thời gian xảy ra các cuộc ném bom của không quân Mỹ - đa số các chuyên gia Liên Xô, ngoại trừ các chuyên gia khảo sát địa chất phục vụ Nhà máy thuỷ điện Hòa Bình tương lai, các chuyên gia địa chất và khoan dầu khí.

Tháng 10-1972 các cuộc ném bom đã chấm dứt, đã xuất hiện triển vọng hòa bình ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhằm buộc nhân dân Việt Nam phải chấp nhận các điều kiện giải pháp của mình mà từ ngày 18-12-1972 Mỹ lại tiến hành các cuộc ném bom và bắn phá ồ ạt vào lãnh thổ Việt Nam. Đây là những cuộc ném bom tàn bạo nhất trong suốt tất cả những năm chiến tranh ở Việt Nam. Nền kinh tế của đất nước Việt Nam bị tổn thất to lớn. Hành động phong tỏa biển và thả thuỷ lôi chung quanh tất cả các cảng của Bắc Việt Nam đã làm trầm trọng thêm tình hình đất nước. Các chuyên gia Việt Nam thẩm định tổng thiệt hại của Việt Nam trong các năm diễn ra cuộc xâm lược của Mỹ - 1965 - 1972 - là 10 tỷ đô la. Tôi nghĩ rằng con số ấy là thấp, vì chiến tranh đã đẩy nền kinh tế của Việt Nam lùi lại hơn 10 năm.

Tháng 10-1971 Đoàn đại biểu Đảng - Chính phủ Liên Xô đã có cuộc viếng thăm chính thức nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kết quả cuộc viếng thăm chính thức này là việc ký kết Hiệp định song phương về việc Liên Xô trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam xây dựng và hiện đại hóa 10 công trình mới, trong đó có mỏ than Mông Dương, nhà máy ximăng, nhà máy thiếc liên hợp. 3 trường dạy nghề kỹ thuật với quy mô mỗi trường có 800 - 1000 học sinh, và những công trình khác. Hiệp định này đã bổ sung đáng kể khối lượng công việc cho bộ máy của tham tán kinh tế. Cần phải nói rằng tính đến thời điểm ấy Liên Xô đã trợ giúp kỹ thuật trong việc xây dựng, cải tạo và mở rộng hơn 50 công trình khác nhau ở Việt Nam.

Sau khi ký kết Hiệp định Pari về lập lại hòa bình ở Việt Nam vào tháng 1-1973 - chúng tôi rất vui mừng về sự kiện này cùng với các bạn Việt Nam - miền Bắc Việt Nam đã bắt tay vào công cuộc xây dựng hòa bình. Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt các kế hoạch khôi phục thời kỳ 1973 - 1975 và bắt tay khởi thảo kế hoạch 5 năm phát triển nền kinh tế quốc dân của đất nước trong các năm 1976 - 1980.

Cuộc viếng thăm của Đoàn đại biểu Đảng - Chính phủ Việt Nam, do các đồng chí Lê Duẩn và Phạm Văn Đồng dẫn đầu, sang thăm Liên Xô hồi tháng 7-1973 đã có ý nghĩa to lớn đối với việc thực hiện thành công các kế hoạch ấy. Trong tiến trình các cuộc hội đàm, phía Liên Xô thông báo rằng Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô và Chính phủ Liên Xô đã quyết định coi toàn bộ khoản viện trợ trước kia đã dành cho Việt Nam là khoản viện trợ không hoàn lại. Ngoài ra, đã ký kết hiệp định về việc Liên Xô trợ giúp kỹ thuật cho Việt Nam trong việc khôi phục 13 công trình bị tàn phá trong những năng chiến tranh, cũng như xây dựng 15 công trình mới.

Trong những ngày ấy đã diễn ra cuộc gặp thường ký và rất đáng ghi nhớ của tôi với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Trong cuộc gặp này Thủ tướng nêu vấn đề đưa trở lại Việt Nam các chuyên gia Liên Xô trước kia đã được sơ tán. Vậy là họ đã nhanh chóng bắt đầu trở lại làm việc tại Việt Nam. Nhiều chuyên gia ấy sang Việt Nam cùng với gia đình. Điều này đã tạo thêm khó khăn cho cả chúng tôi, cho cả các đồng chí Việt Nam trong khâu đảm bảo nhà ở cho những người mới tới. Nhưng dần dần chúng tôi đã cùng nhau giải quyết được cả những vấn đề phức tạp ấy. Đến thời điểm kết thúc thời gian công tác của tôi tại Việt Nam - tháng 10-1978 - tại 56 công trình hợp tác Việt - Xô đã có hơn 650 chuyên gia Liên Xô làm việc.

Những chuyên gia Liên Xô làm việc tại Việt Nam trong những năm tháng đó đã tỏ rõ mặt ưu việt nhất của họ. Nhiều người trong số họ đã tham gia cuộc chiến tranh chống nước Đức phát xít, công cuộc khôi phục nền kinh tế quốc dân Liên Xô sau chiến tranh. Do vậy họ đã làm việc với thái độ thấu hiểu và với ý thức trách nhiệm to lớn. Ở khắp mọi nơi sự hợp tác chung sức giữa các chuyên gia Liên Xô và các chuyên gia Việt Nam đã biến thành tình hữu nghị bền vững và có hiệu quả.

Có thể dẫn ra đây nhiều ví dụ về tình cảm tốt đẹp của nhân dân Việt Nam đối với các công dân Liên Xô, nhưng để làm việc này thì cần phải viết ra không phải một trang giấy. Nói chung tôi phải nói rằng toàn thể tập thể các công dân Xôviết làm việc hồi đó tại Việt Nam (các cán bộ của Sứ quán Liên Xô, của cơ quan đại diện thương mại, của bộ máy tham tán kinh tế, các chuyên gia dân sự và các chuyên gia quân sự, các nhà báo) đã sống một cuộc sống đồng thuận. Thường khi chúng tôi đã cùng với các đồng chí Việt Nam cùng nhau tổ chức các cuộc họp chung về sản xuất, các cuộc họp của các tổ chức đảng và những cuộc họp long trọng chung, các cuộc thi đấu thể thao và các buổi biểu diễn văn nghệ nhân dịp kỷ niệm các ngày lễ của Liên Xô hoặc của Việt Nam.

Tôi còn nhớ rất rõ những ngày tháng 4 mùa Xuân năm 1975. Ngày ấy toàn thể nhân dân Việt Nam, từ trẻ đến già, và cả chúng tôi nữa đã đón chào ngày giải phóng miền Nam Việt Nam. Sau đó tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội thống nhất đã tuyên bố đổi tên nước Việt Nam thống nhất thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sự kiện này cũng được đón chào hết sức nhiệt liệt trên toàn quốc. Tháng 12 năm sau, Đại hội IV của Đảng cộng sản Việt Nam đã phê chuẩn kế hoạch 5 năm tiếp theo về phát triển kinh tế quốc dân của Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam trong các năm 1976 - 1980. Kế hoạch này nêu ra những quy mô to lớn về xây dựng công nghiệp, do đó, đã mở ra những triển vọng mới của công cuộc hợp tác kinh tế Việt - Xô.

Tháng 12-1975 đã ký hiệp định bổ sung về việc Liên Xô viện trợ kinh tế và kỹ thuật cho Việt Nam trong việc xây dựng gần 40 công trình. Trong số những công trình xây dựng lớn nhất có cụm thuỷ điện Hòa Bình, Nhà máy nhiệt điện Phả Lại, mỏ Khe Tam và những xí nghiệp khác mà về sau đã trở thành một trong những bộ phận hợp thành quan trọng nhất của kế hoạch 5 năm tương lai.

Cần nói riêng về cụm thuỷ điện Hòa Bình, bởi vì nó không chỉ cung cấp điện cho đất nước hôm nay, mà còn vĩnh viễn giải thoát Bắc Việt Nam khỏi những trận lụt lội tàn phá của các con sông Hồng và sông Đà, tạo điều kiện thuận lợi cho việc tưới nước hàng trăm nghìn héc ta đất canh tác và cho sự phát triển kinh tế của toàn khu vực tây - bắc của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Trong những năm làm việc tại Việt Nam tôi đã yêu quý đất nước này với thiên nhiên phong phú và rất đẹp, với những người dân yêu lao động, dũng cảm và đôn hậu. Trong ký ức tôi còn lưu lại những cuộc gặp gỡ với nhiều nhà hoạt động nhà nước Việt Nam, các nhà lãnh đạo của nhiều ngành kinh tế quốc dân, các nhà khoa học và các chuyên gia. Những cuộc tiếp xúc với họ luôn luôn là việc làm lý thú và rất bổ ích đối với tôi. Nhưng những cuộc gặp diễn ra nhiều lần với Thủ tướng Phạm Văn Đồng vẫn là những cuộc gặp đáng ghi nhớ nhất và quý báu nhất. Ông chăm chú nghe tất cả những vấn đề mà tôi nêu ra, ông biết nhanh chóng tìm ra giải pháp cần thiết. Điều đó luôn luôn là định hướng tốt cho tôi trong công việc.

Về các vấn đề cụ thể thuộc công việc của tôi, thì tôi thường xuyên gặp gỡ với nhiều vị Bộ trưởng Việt Nam: Đỗ Mười, Hà Kế Tấn, Nguyễn Chân, Đinh Đức Thiện và nhiều nhân vật khác. Đáng ghi nhớ nhất là những cuộc gặp gỡ và trao đổi diễn ra nhiều lần với đồng chí Đỗ Mười vào thời gian chúng tội xây Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh và một số công trình quan trọng khác. Tôi đã có nhiều dịp cùng với đồng chí Đỗ Mười đến thăm các công trình quan trọng nhất nhằm mục đích thảo luận tại chỗ về những vấn đề cụ thể dang gây trở ngại cho quá trình thi công, và chúng tôi luôn luôn tìm được giải pháp cần thiết. Tôi rất hài lòng hồi tưởng lại những cuộc gặp gỡ với đồng chí Nguyễn Văn Hiệu, nhà khoa học nổi tiếng của Việt Nam, viện sĩ, người đã nhận giải thưởng Lênin, trong dịp xây dựng Trung tâm nghiên cứu khoa học tại Hà Nội.

Sự kiện gây xúc động nhất và không thể nào quên được đối với tôi là lễ khánh thành Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh vào tháng 5-1975. Lễ khánh thành này có sự tham dự của đoàn đại biểu cấp cao của Liên Xô, và đã trở thành sự kiện lớn trong sinh hoạt chính trị - xã hội của đất nước. Một sự kiện khác cũng mang ý nghĩa lịch sử đối với tôi, đó là lễ khánh thành tuyến đường sắt Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh dài 1700km. Tuyến đường sắt này đã tạo những điều kiện cần thiết để liên kết kinh tế hai miền Bắc - Nam, cũng như để khôi phục sự giao lưu và quan hệ giữa người dân của hai miền đất nước.

Sau khi trở về Tổ quốc vào năm 1978 và nghỉ hưu, vào những năm sau đó tôi vẫn thường xuyên gặp gỡ với các đồng chí Việt Nam. Những cuộc gặp này diễn ra trong khuôn khổ hoạt động của Hội hữu nghị hai nước chúng ta, và những cuộc gặp gỡ ấy đã tạo cơ hội cho tôi có thể thường xuyên theo dõi đời sống tại Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và luôn luôn gợi nhớ về thời kỳ tôi đã làm việc tại đất nước tươi đẹp này và về những con người tuyệt diệu mà tôi đã từng có dịp gặp gỡ tại đó.
Mátxcơva, năm 2000

ĐẠI TÁ
PIATÔÉP TAUNÔ PHÊĐÔRÔVÍCH

Ông sinh ngày 7-10-1937 tại Bắc Carêlia

Năm 1955 ông tốt nghiệp trung học phổ thông và vào học tại Trường pháo binh - tên lửa số 3 ở Lát via. Sau khi tốt nghiệp trường này vào năm 1958 ông trở thành sĩ quan chỉ huy trung đội hỏa lực tại thành phố Xêvêrôđvintcơ, sau đó ông chỉ huy đại đội trong Quân đoàn phòng không độc lập số 10.

Năm 1961 ông học xong khóa đào tạo lại về bộ khí tài tên lửa phòng không và tiếp tục tại ngũ, là sĩ quan chỉ huy đại đội kỹ thuật độc lập của bộ đội phòng không trên bán đảo Rưbasi.

Năm 1969 ông tốt nghiệp xuất sắc và với Huy chương vàng Học viện sĩ quan phòng không Cờ đỏ mang tên Giucốp và được bổ nhiệm giữ chức phó chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không.

Từ tháng 7-1971 đến tháng 7-1972 ông tham gia chiên đấu tại Việt Nam, với cương vị Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô tại các Trung đoàn tên lửa phòng không 236 và 275 của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Từ tháng 12-1973 đến tháng 12-1977 ông chỉ huy Trung đoàn tên lửa phòng không “C200" thuộc Quân khu phòng không Mátxcơva.

Từ năm 1977 đến năm 1984 ông là trưởng ban tác chiến của Quân đoàn phòng không Đặc nhiệm. Từ năm 1984 đến năm 1990 ông là trưởng ban huấn luyện tác chiến, trưởng ban tác chiến, Cục phó Cục tác chiến thuộc Ban tham mưu của Quân khu phòng không Mátxcơva. .

Ông được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ, Huân chương Vì phục vụ Tổ quốc trong các lực lượng vũ trang Liên Xô hạng III, Huân chương Chiến công hạng III của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và 15 huy chương, trong đó có Huy chương Hữu nghị của Việt Nam.

CHÚNG TÔI CÒN NHỚ CUỘC ĐẤU TRANH CHUNG

Chuyến công tác của tôi sang Việt Nam bắt đầu khá bất ngờ. Vào đầu tháng 6-1971, vào tối thứ sáu, tôi nhận được lệnh kiểm tra sức khoẻ để đến một đất nước có khí hậu nóng ẩm, làm mọi thủ tục xuất cảnh đi công tác ra nước ngoài. Đúng 9 giờ sáng thứ hai phải có mặt tại hội đồng quân sự của quân khu. Dù muốn hay không thì người ta cũng không đưa ra những câu hỏi đặc biệt.

Thời gian ấy Tư lệnh Binh chủng phòng không của Liên Xô là Nguyên soái Liên Xô P. Ph. Batixki. Ông chỉ thị: tất cả những ai có thể được bổ nhiệm làm chỉ huy trung đoàn tên lửa phòng không thì phải có kinh nghiệm chiến đấu. Tôi biết ơn ông sâu sắc về chỉ thị này.

Nhóm chúng tôi được chuẩn bị không lâu. Các thẻ đảng thì được chuyển giao lên Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tất cả mọi giấy tờ công vụ thì được chuyển giao cho Tổng cục 10 của Bộ Tổng tham mưu. Chúng tôi được phát thường phục: bộ complê đầy ấn tượng, bộ quần áo làm việc trong rừng rậm, giầy. Chúng tôi được tiêm những mũi tiêm chủng ngừa theo các quy định của y tế thế giới và đã được cấp các giấy chứng nhận tiêm chủng quốc tế. Quân phục của chúng tôi đã được gửi chuyển về đơn vị cũ: còn các sổ lương thì được chuyển cho vợ và báo cho họ địa chỉ sau này - "Mátxcơva - 400", hòm thư 327.

Một cuộc thực tập ngắn trên khí tài chiến đấu (bộ khí tài tên lửa phòng không X-75, là loại tên lửa được cung cấp cho Việt Nam vào thời gian đó) tại bãi thử vũ khí Capuxtin Iarơ.

Trước khi máy bay cất cánh, người ta trao cho chúng tôi những tấm hộ chiếu xuất cảnh ra nước ngoài. Chúng tôi bay trên máy bay hành khách thông thường, loại máy bay IL-18, theo lộ trình: Mátxcơva - Tasken - Cabun - Carachi - Cancútta - Viêng Chăn - Hà Nội.

Tất nhiên, tất cả chúng tôi mặc complê, cổ thắt cravát (tuyệt đối theo hướng dẫn) giống như vừa trong lò ấp chui ra. Nhưng trẻ con cũng hiểu ra rằng 50 người đàn ông trẻ, tóc ngắn, ăn mặc chỉnh tề ấy đang trên đường sang Việt Nam, bởi vì đó là điểm "nóng" nhất trên hành tinh vào thời kỳ ấy.

Tại sân bay Hà Nội, những người ra đón chúng tôi là các đồng chí quân nhân Liên Xô: họ mặc quần sóc, áo sơ mi ngắn tay và đi những đôi "dép" Việt Nam. Chúng tôi như thể đã lọt vào tiền sảnh của một nhà tắm nước nóng. Hết sức nóng và hết sức ẩm ướt, không khí bốc lên mùi đặc trưng và còn có một cái gì đó chỉ đặc trưng cho vùng nhiệt đới.

Trong những năm chiến tranh, toàn miền Bắc Việt Nam, về phương diện hành chính, được phân thành các quân khu. Trong mỗi quân khu ấy đều có chính quyền dân sự và chính quyền quân sự - Tư lệnh quân đội trong quân khu với biên chế của mình và các đơn vị quân đội trực thuộc.

Quân khu 4 gồm những tỉnh phía nam của Bắc Việt Nam và đặc khu Vĩnh Linh là khu trực tiếp kế cận với Nam Việt Nam chạy dọc vĩ tuyến 17 (người Việt Nam gọi đặc khu này là "bức tường thép Vĩnh Linh").

Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô của chúng tôi làm việc với các tiểu đoàn tên lửa phòng không hoạt động tại Quân khu 4, nơi có những tuyến đường bộ chủ yếu nối Việt Nam với Lào - đó là đường số 12, 20, 10, 18, 16 và con đường số 15 nối liền những con đường đó với nhau. Đường số 15 chạy từ bắc xuống nam dọc theo chân dãy núi Trường Sơn.

Đó là những con đường vận chuyển những hàng hóa chủ yếu phục vụ các lực lượng yêu nước ở Nam Việt Nam và Lào - vũ khí, đạn dược, lương thực, nghĩa là tất cả những gì cần thiết để đảm bảo cho bộ đội. Tất nhiên, những con đường ấy và những ngọn đèo băng qua dãy núi Trường Sơn, những cây cầu, những bến phà vượt sông, những đường ngầm qua sông, những đoàn xe đang trên đường vận chuyển, những kho tàng, những binh trạm, các đơn vị tên lửa phòng không, pháo cao xạ đều là những mục tiêu cần lưu ý chặt chẽ của không quân và hải quân Mỹ, của không quân trinh sát cũng như không quân tấn công.

Vì vậy, tổ chuyên gia quân sự Liên Xô do tôi lãnh đạo trong trung đoàn tên lửa đã phải thường xuyên di chuyển dọc theo đường số 15: hồi tháng 8 - tháng 9-1971 chúng tôi di chuyển giữa con đường số 12 và con đường số 20, hồi tháng 10 - tháng 11 thì chúng tôi di chuyển giữa các con đường số 20 và số 10, còn từ tháng 11-1971 đến tháng 5-1972 thì chúng tôi có mặt không xa cách chỗ giao nhau của đường số 15 và đường số 20. Cách làm này là nhằm đưa chúng tôi đến gần nhất với nơi có các trận địa chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa đang hoạt động trong khu vực này.

Tôi đến tiếp nhận tổ chuyên gia này vào những ngày đầu tháng 8, và tôi muốn nhanh chóng được làm quen với ban chỉ huy của trung đoàn này, nhưng người ta bảo tôi: "Hãy để sau này. Mọi người còn rất bận rộn, trung đoàn này vừa mới tới nơi và đang triển khai tại những trận địa mới".

Tôi không vật nài. Về sau tôi đã hiểu ra rằng có thể giải thích nhiều điều bằng từ "Hãy để sau này".

Trong khoảng 2 tuần lễ đầu, các bạn Việt Nam dành để thăm dò tìm hiểu tôi. Sau đó, viên phó chỉ huy trung đoàn, sau câu chuyện trao đổi kéo đài, đã đề nghị tôi đưa ra những khuyến cáo cho họ về tác chiến trong vùng rừng núi, ít ra cũng giải đáp cho 20 câu hỏi. Có đến 90% những câu hỏi ấy được tôi sẵn sàng trả lời và có thể đưa ra ngay lập tức những khuyến cáo. Nhưng ngay khi ấy phiên dịch viên trưởng đã giúp tôi, trong giờ giải lao.người phiên dịch này gợi ý: "Đồng chí chỉ huy, bây giờ không nên đưa ra bất kỳ lời khuyến cáo nào hết. Đồng chí hãy bảo là "Hãy để sau này". Đồng chí cần có vài ngày để suy nghĩ mọi điều, tham khảo ý kiến của cấp trên. Người Việt Nam không có thói quen trả lời ngay nếu chưa suy nghĩ kĩ. Họ có thể xem đây là một người thiếu nghiêm túc".

Tôi đã làm theo cách đó. Tôi một lần nữa nêu lên toàn bộ phần lý thuyết, về Hà Nội tham khảo ý kiến các đồng chí của mình. Tôi đã vững tin vào ý kiến của mình qua những cuộc trao đổi và tham khảo ý kiến các vị chỉ huy trong nhóm chuyên gia tên lửa phòng không, sau đó tôi trở "về nhà", về Quân khu 4.

Thông qua đồng chí trưởng phòng phục vụ, tôi yêu cầu triệu tập cuộc họp các vị lãnh đạo trong trung đoàn: các viên chỉ huy các tiểu đoàn, các viên phó của họ, các sĩ quan điều khiển tên lửa, các sĩ quan chỉ huy tất cả các cấp tham gia chiến đấu - tất cả những ai không bận vào công tác tác chiến. Tại sở chỉ huy chính của trung đoàn (một phòng họp rộng nhất) người ta đã chuẩn bị sẵn bản đồ, bảng phấn, các sổ ghi chép.

Vào một ngày đã hẹn trước, tôi cùng viên kỹ sư trưởng, phiên dịch viên và tổ bảo vệ đến sở chỉ huy vào lúc 8 giờ. Từ lúc ấy cho đến 20 giờ, có nghỉ giải lao, chúng tôi đã đưa ra những khuyến cáo về tất cả những vấn đề đã được nêu ra và trả lời tất cả các câu hỏi mà phía Việt Nam quan tâm. Họ quan tâm nhiều vấn đề, có cả những câu hỏi không liên quan đến những vấn đề chiến đấu: hoàn cảnh gia đình, nơi công tác và v.v..

Về câu hỏi: "Đồng chí sĩ quan sinh ra ở địa phương nào?", tôi trả lời rằng tôi đã sinh ra và lớn lên ở nơi cách Bắc Cực 40km, nơi mà 8 tháng là mùa đông, còn lại là mùa hè, mùa hè và mùa hè. Câu trả lời này gây cú sốc thực sự cho tất cả những người có mặt – “liệu có sống ở đó được chăng?". Nhìn chung, những cuộc gặp gỡ và những buổi làm việc với các sĩ quan của trung đoàn này đã diễn ra rất tốt và nhờ vậy "tảng băng đã bắt đầu tan".

Ngay ngày hôm sau (ngày 20-8-1971) sĩ quan chỉ huy trung đoàn Tân (Tзн) Và sĩ quan phòng trinh sát của trung đoàn Tường (Tынr) đã đến gặp chúng tôi. Hai vị ấy đã làm quen với nhóm chuyên gia chúng tôi (thật ra đây là nhóm chuyên gia mới), giới thiệu về tình hình, trình bày các vấn đề của mình. Có vô số những vấn đề cần giải quyết. Sau đây tôi sẽ nói về điểm này.

Vài ngày sau các viên phó chỉ huy và phó chính ủy Phấn ((Фэн) và Tất (Tэт) cũng đến nơi ở của nhóm chuyên gia chúng tôi; đến tháng 9 thì phó chính ủy Sơn (Шон), đến tháng 10 có phó chỉ huy và phó chính ủy Cam (Kам) và Duynh (Зюм) đến gặp chúng tôi. Chúng tôi đã cùng với họ thỏa thuận tất cả các vấn đề về công việc chung, về việc tổ chức và tiến hành các cuộc kiểm tra và lên lớp.

Theo yêu cầu của họ, chúng tôi đã đưa ra những khuyến cáo về những vấn đề phức tạp nhất trong khâu tổ chức chiến đấu của các tiểu đoàn và công tác đảm bảo toàn diện cho các tiểu đoàn. Những ý kiến khuyến cáo ấy đã được chấp nhận và được kiểm tra trong thực tiễn chiến đấu các đồng chí Việt Nam đã nhận thấy rõ sự thống nhất trong những quan điểm của chúng tôi và ý nguyện chân thành của chúng tôi muốn giúp đỡ họ đến mức tối đa trong cuộc chiến đấu chống kẻ thù. Dần dần chúng tôi đã có được những quan hệ tin cậy, cầu thị với ban chỉ huy của trung đoàn. 

Nếu như trong khâu đánh giá các phương án tác chiến tình hình đều diễn ra tốt đẹp, thì tất cả chúng tôi đã phải có nhiều nỗ lực để có được sự hiểu biết rành mạch về những vấn đề như tổ chức như thế nào đội hình chiến đấu trong hoàn cảnh hết sức phức tạp đó, đảm bảo khâu thông tin bằng ra đa cho trung đoàn, sử dụng như thế nào đài điều khiển tên lửa, đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu, các chốt quan sát bằng mắt thường, xác định những khả năng chỉ huy tập trung, và các tiểu đoàn cần hành động ra sao trong trường hợp chỉ huy phi tập trung (trường hóp này thường xảy ra nhiều nhất trong hoàn cảnh các tiểu đoàn tác chiến theo phương án phục kích tại các khu vực giáp biên giới).

Những thông tin bằng ra đa về kẻ địch thường đến chậm 3 - 4 phút, khi mà các mục tiêu đã bay trên đầu hoặc đã bay qua các đội hình chiến đấu. Tuy nhiên ở phía các bạn Việt Nam lại rất phát triển hệ thống các chốt quan sát bằng mắt thường. Những chốt này đồng thời cũng làm chức năng các chốt điều chỉnh sự di chuyển, đặc biệt trên các tuyến đường mặt trận. Trên thực tế, đội ngũ trực tại các chốt liên tục thông tin về hoạt động của máy bay địch. Hơn nữa, đó là những thông tin đầy đủ: thành phần, số lượng, loại máy bay trong nhóm bay, cách sắp xếp đội hình bay. Họ thậm chí còn có thể xác định mục đích của các phi vụ của máy bay địch (trinh sát, trinh sát kèm theo tấn công, hoặc các tốp máy bay tấn công có kèm theo các tốp đảm bảo và yểm hộ).

Trên toàn lãnh thổ Việt Nam, tại mỗi điểm dân cư, dân chúng đều được thông báo máy bay địch đến gần bằng cách gõ kẻng - số lần gõ kẻng tương ứng với khoảng cách 1 chục kilômét để tính khoảng cách của các máy bay đến điểm dân cư.
Số lượng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô trong trung đoàn chúng tôi gồm có 10 người với trình độ chuyên môn cao thuộc mọi hệ thống trong bộ khí tài tên lửa phòng không. Mỗi chuyên gia Liên Xô đều nắm được 4 - 5 ngành chuyên môn ở cấp độ "kiện tướng" hoặc chuyên gia loại I. Đó là những bạn chiến đấu đáng tin cậy có khả năng tự chủ và lòng dũng cảm đặc biệt.

Kỹ sư trưởng là Thiếu tá Xtanhixláp Xécghêêvích Nôvôxêlốp.

Tiểu đoàn kỹ thuật gồm có Thiếu tá Alếchxây Xvétcốp (đồng chí này cũng là chính ủy ngoài biên chế của nhóm chuyên gia), các Thiếu tá Vaxili Ruđacốp, Lêônít Pêkhôta.

Đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu "P-12" - có Trung úy Xécgây Alếchxêêvích Nicônôvích.

Cabin "U" - có các sĩ quan điều khiển là các Đại úy Nicôlai Baranốp, Lép Nicôlaêvích Ivanốp.

Cabin "A" - có Đại úy Anatôli Bôbưrơ (hệ thống xác định toạ độ), Trung úy Mikhain Dapôrôgiét, các Đại úy Anatôli Aphricantốp, Xôcôlốp, Thiếu tá Ivan Buđiacốp (hệ thống phát lệnh), Đại úy Nicôlai Mácximốp, Trung úy Alếchxây Ôđinhét (máy phát lệnh vô tuyến, hệ thống phát lệnh).

Cabin "P" - có các Đại úy Xécgây Titốp, Bôrít Malixki, Ivan Bêlacaiúc.

Đại đội bệ phóng - có Thiếu tá Xécgây Vaxiliép, Thượng úy Piốt Alếchxanđrốp, Thiếu tá Xécgây Titốp, Đại úy Cônxtantin Coóckin.

Các chuyên gia về năng lượng - có Thiếu tá Anatôli Bôbưrơ, Đại úy Ôlếch Mukhin.

Nhóm chuyên gia chúng tôi có nhiệm vụ cụ thể và rõ ràng: đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu và hiệu quả chiến đấu cao của trung đoàn (lúc đầu là Trung đoàn tên lửa phòng không 275, sau đó là Trung đoàn tên lửa phòng không 236, cũng như của các tiểu đoàn độc lập thuộc các trung đoàn khác) .

Sau một năm, số lượng trong nhóm chuyên gia chúng tôi đã được thay thế gần như toàn bộ.

Nhân vật đặc sắc nhất trong nhóm chuyên gia chúng tôi là Trung úy Misa Dapôrôgiét. Anh cao gần 2 mét, có thân hình lý tưởng với mái tóc màu sáng, mắt xanh và đẹp trai. Anh này đã giải cứu cho chúng tôi mỗi khi trên đường hành quân chúng tôi thỉnh thoảng dừng chân tại những thôn nhỏ đặc biệt hẻo lánh. Lập tức tất cả dân chúng bỏ công việc đang làm và chạy đến vây quanh chúng tôi. Tất nhiên, chủ yếu gồm các chị em phụ nữ thuộc mọi lứa tuổi và trẻ em, vì đàn ông đã đi chiến đấu.

Khi phiên dịch viên cho họ biết chúng tôi là người Liên Xô thì thật khó tả nổi bằng lời phản ứng của dân chúng. Những đôi mắt nhỏ bé của họ bỗng trở nên tròn xoe vì ngạc nhiên và vui sướng. Khi chúng tôi bước ra khỏi xe để thư giãn thì anh Misa Dapôrôgiét lập tức trở thành trung tâm của sự chú ý của mọi người.

Tôi bảo anh ta; "Anh Misa ơi, hãy chịu đựng nhé. Hãy để cho chúng tôi có cơ hội nghỉ ngơi chút ít". Và anh ấy đã chịu đựng. Các cô gái sờ vào người anh, nhìn vào mắt, vào tai, vuốt mái tóc vàng của anh. Họ có nhận xét chung là: chưa từng thấy những người đàn ông như vậy. Còn các cậu bé thì cố sờ vào mông anh Misa rồi bỏ chạy. Các phiên dịch viên sau đó đã giải thích như sau: họ tin rằng nếu sờ được vào chỗ nào đó đặc sắc ở người đàn ông khác thì ta sẽ có được chỗ đó trên người ta. Trong thời gian ấy chúng tôi đã kịp xả hơi, thư giãn. Có lệnh: "Lên xe!", thế là chúng tôi lại tiếp tục đi

Lép Ivanốp là sĩ quan điều khiển tên lửa bẩm sinh. Khi anh ấy thao tác chiến đấu thì hoàn toàn tập trung, rất thành thạo, "đánh hơi" thấy mục tiêu và không biết sợ gì cả. Khi ở bên ngoài ca bin điều khiển anh ấy là "đèn tín hiệu” báo nguy. Anh ấy cảm nhận được nguy hiểm đang đến gần một cách nhanh hơn những người khác đến vài phút.

Có lần chúng tôi đi đến trận địa tiểu đoàn vào ban ngày trong khu vực bị dốt trụi (dọc theo hai phía dãy núi, ở khoảng cách 5km, phía bên phải và phía bên trái, bọn Mỹ đã phá huỷ rừng rậm bằng bom, bằng napan, rải chất độc hóa học), hố bom này đè lên hố bom khác, nhưng các bụi cây thì cứ ngoan cố mọc lên từ lòng đất. Ở nơi trống trải nhóm nhỏ chúng tôi - gồm khoảng 10 người cùng với tổ bảo vệ và phiên dịch viên - đã "lọt vào tầm ngắm" của hai máy bay "Con ma". Chúng liền vòng trở lại để ném bom. Tôi ra lệnh: "Mọi người tản ra và nấp vào các hố bom". Tất cả mọi người đều nấp trong các hố bom, chỉ có anh Ivanốp nấp trong một bụi cây. Khi mọi chuyện đã kết thúc, tôi hỏi: "Tại sao cậu không nấp trong hố bom, mà lại chui vào bụi cây?". Anh ta trả lời: "Bọn chúng nhìn thấy tất cả chúng ta nấp trong các hố bom, nhưng không nhìn thấy tôi nấp trong bụi cây". Thế là không thể làm gì được với anh ta.

Công việc của chúng tôi chủ yếu diễn ra vào ban đêm. Tiểu đoàn tên lửa di chuyển (trong điều kiện rừng rậm, tốt hơn nên dùng cách nói "được lôi đi" đến địa điểm phục kích. Vào ban đêm chúng tôi đi theo đường mòn đến trận địa, với đội hình từng người nối đuôi nhau, để đến sáng thì hiệu chỉnh máy móc, kiểm tra mọi thứ và đưa ra kết luận - "Tiểu đoàn đã trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Có thể khai hỏa".

Vậy là chúng tôi đi từng người một, nối đuôi nhau. Tối đen. Những đêm ở vùng nhiệt đới nói chung là tối đen: cộng vào đó là tán lá rừng nhiệt đới che lấp trên đầu. Để đề phòng bất trắc, chúng tôi chỉ rọi đèn pin bên dưới bàn chân, để khỏi vô tình bị đi chệch đường hoặc xéo phải một con vật gì đó cắn vào chân. Kính đèn pin được dán bằng giấy màu đen, chỉ ở giữa có một lỗ tròn với đường kính 5 milimét. Bỗng nhiên ở phía trên đầu nghe thấy tiếng gầm của chiếc máy bay "Con ma", còn ở phía sau nghe thấy tiếng cành cây gãy cạnh đường mòn, ấy là anh Lép Ivanốp "đang ẩn nấp" tránh "Con ma", vì biết đâu “Bỗng dưng nó phát hiện thấy thì sao?". Không thể nào thuyết phục được anh ấy tin rằng không thể nào từ trên trời phát hiện được chúng tôi.

Phiên dịch viên trưởng Cảnh (Kaнь) thường xuyên làm việc cùng chúng tôi. Đó là một người rất đáng chú ý. Anh ấy có trình độ đại học, ngoài tiếng Nga, anh ấy còn thông thạo tiếng Trung Quốc và tất cả các phương ngữ tiếng Việt và ngôn ngữ các dân tộc chủ yếu ở Việt Nam - chỉ tính riêng ở Bắc Việt Nam đã có đến 39 dân tộc như vậy. Anh ấy thuộc lòng các quy tắc xạ kích và Bản giải thích cho các quy tắc ấy (đó là một cuốn sách dày khoảng 700 trang) và có thể lên lớp giảng bài về những quy tắc ấy. Anh ấy có tình cảm hữu nghị chân thành đối với chúng tôi và đối với Liên Xô. Chúng tôi đã nhanh chóng tìm được tiếng nói chung với anh. Anh ấy đã giúp tôi hiểu nhiều về Việt Nam, về con người Việt Nam và tiếng Việt. Đó là một thế giới hoàn toàn khác. Cần phải hết sức nhanh chóng hiểu rõ và chấp nhận thế giới ấy.

Nhờ anh Cảnh giúp mà sau 4 tháng tôi đã hiểu tiếng Việt khá tốt. Sau đó người phiên dịch chỉ cần phiên dịch từ tiếng Nga ra tiếng Việt mà thôi. Tôi hiểu người Việt Nam nói gì, nhưng bản thân tôi lại không thể nói tiếng Việt được.

Công việc đầu tiên của chúng tôi ở Trung đoàn tên lửa phòng không 275 là phân tích vụ phóng tên lửa không thành công của Tiểu đoàn 69 đã phóng đi vào ngày 15-8-1971 nhằm hạ máy bay không người lái BQM - 34A. Kết luận cơ bản rút ra là: mặc dù gặp phải điều kiện khai hỏa phức tạp nhưng nguyên nhân khiến phóng không thành công 2 quả tên lửa ấy là những sai sót của người chỉ huy lần phóng tên lửa ấy - phó chỉ huy tiểu đoàn - trong việc xác định phương pháp điều khiển tên lửa và phương pháp kích nổ đầu đạn, ngoài ra còn có sự sai lệch của một thông số của mạch điều khiển tên lửa, sai lệch đến 2 lần so với thông số bình thường. Hậu quả là đường bay của tên lửa ở trong trạng thái "bị treo” và bộ phận kích nổ bằng vô tuyến đã được kích nổ từ mặt đất. Viên sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn ấy báo cáo rằng trong lần tác chiến trước đây khi phóng các tên lửa theo mạch kể trên thì không một mục tiêu nào bị tiêu diệt. Chúng tôi đã tìm ra nguyên nhân dẫn đến thất bại liên tục và đã khắc phục nguyên nhân ấy.

Trong vòng 3 tháng trời chúng tôi đã nhiều lần đến làm việc ở tất cả các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 275 và đã có được những tình cảm tốt đẹp, hữu nghị với tất cả mọi người.

Đội ngũ các chiến sĩ tên lửa ở Trung đoàn tên lửa phòng không 275 đã được đào tạo chưa đầy đủ, ban chỉ huy còn thiếu kinh nghiệm chỉ huy và kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng không lấy đâu ra những người khác. Mỗi tiểu đoàn đều có trong biên chế thời chiến của mình 3 khẩu đội chiến đấu với đầy đủ quân số. Một khẩu đội xử lý các phương tiện kỹ thuật trong thời gian 1 - 2 tuần lễ, khẩu đội thứ hai thì tiến hành lựa chọn và xây dựng trận địa, còn khẩu đội thứ ba thì học tập và nghỉ ngơi.

Những người chỉ huy các (tất cả) tiểu đoàn đều là những người mang quân hàm thượng úy (theo biên chế thì phải là trung tá), các viên phó của họ, các tham mưu trưởng đều là các sĩ quan mang quân hàm trung úy. Các đại đội thì được đặt dưới quyền chỉ huy của các thiếu úy, các trung sĩ. Các trung sĩ lại đảm nhiệm các chức vụ quan trọng và hệ trọng - các trưởng ban, các sĩ quan điều khiển tên lửa. Tại các tiểu đoàn tên lửa phòng không không có một chuyên gia nào có trình độ chuyên môn cấp đại học hoặc trung cấp, những người đảm nhận tất cả các chức vụ sĩ quan đều là những người chỉ tốt nghiệp trung học phổ thông. Đa số các sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn tên lửa chỉ có 1 năm kinh nghiệm chiến đấu, tối đa là 2 năm chiến đấu. Có 7 thượng úy và thiếu úy trong các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 275 có 5 - 6 năm kinh nghiệm chiến đấu; từ các trắc thủ vận hành bình thường họ đã trở thành các sĩ quan điều khiển tên lửa, các trưởng ban chuyên môn.

Chỉ có ở tiểu đoàn kỹ thuật thì những chức vụ chủ chốt mới thuộc về các sĩ quan có trình độ đại học dân sự và có 6 năm kinh nghiệm chiến đấu. Nhưng bộ đội tên lửa phòng không của Việt Nam là tinh hoa của dân tộc. Họ là những chiến sĩ kiên cường, kiên định, biết hy sinh quên mình và dũng cảm. Họ hiểu không nhiều về chiến thuật, về kỹ thuật, nhưng họ rất có mong ước hiểu nhiều. Họ thường bị kiệt sức vì mệt nhọc, nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu.

Toàn thể các chiến sĩ đều rất kiên trì nghiên cứu phần cấu tạo vật chất của tên lửa, các sơ đồ, học tập và tiến hành vô số những buổi thực tập về tác chiến. Các bạn Việt Nam đã học thuộc lòng tất cả những khuyến nghị của chúng tôi và đã nhiều lần thực tập trong thực tế. Ở đây phương pháp đã giúp ích là phương pháp đã được nghiên cứu đề xuất tại Liên Xô, tại căn cứ của Trung đoàn tên lửa phòng không 48 của chúng tôi (thành phố Iarôxláp) - đó là phương pháp đào tạo trong 2 tuần lễ các trắc thủ vận hành bằng tay thiết bị bám sát mục tiêu, được lựa chọn qua các kỳ trắc nghiệm những chiến sĩ hoàn toàn chưa được huấn luyện và đưa lên trình độ tối thiểu cấp 3.

Bằng phương pháp này, từ những chiến sĩ dù mới chỉ có kinh nghiệm chiến đấu không đáng kể vẫn có thể đào tạo họ rất nhanh chóng trở thành các trắc thủ vận hành máy bám sát bằng tay có đẳng cấp cao. Mức độ chính xác trong việc bám sát mực tiêu ở chế độ bám sát bằng tay do họ thực hiện đôi khi còn vượt mức độ chính xác trong chế độ tự động bám sát mục tiêu. Điều này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng trong trường hợp bám sát mục tiêu trên nền có gây nhiễu và có “các sóng phản hồi địa vật" (đây là tín hiệu phản hồi từ các địa vật lồi lõm), khi hệ thống tự động bám sát đơn giản là "bị vô hiệu”.

Trong khu vực tác chiến của Trung đoàn tên lửa phòng không 275 người ta đã xây dựng 15 trận địa chính cho các tiểu đoàn, ngoài ra còn có hệ thống các trận địa phóng dự phòng và các trận địa giả. Mỗi tiểu đoàn có 2 - 3 trận địa phóng tên lửa chính và 2 - 3 trận địa dự phòng.

Vào cuối tháng 8- 1971 bắt đầu mùa mưa ở khu vực chúng tôi. Hơn thế, nó bắt đầu bằng một trận bão mạnh và trận lụt gây ra thảm họa lớn - người bị chết, những diện tích gieo trồng bị ngập nước, nhiều gia súc bị chết. Tất cả những nơi đóng quân của các tiểu đoàn hoàn toàn bị ngập nước, và nước tràn khắp mọi nơi. Ở các quả tên lửa nằm trên bệ phóng và trên các xe chở - nạp tên lửa, tất cả các tấm dán bảo vệ đều bị bong ra, nước thấm vào bên trong. Tất cả các bộ giảm áp trong khí tài đều ngập trong nước. Chúng tôi cùng với các bạn Việt Nam đã phải có nhiều nỗ lực để khắc phục hậu quả của trận bão và lũ lụt, bảo vệ khí tài đối phó với nhũng trận mưa suốt ngày đêm.

Trận bão ấy rất mạnh. Xin hãy hình dung mà xem: khối nước bay gần như song song với mặt đất, với những trận gió thổi ào ào, nước dâng lên trông thấy được. Phải vất vả lắm chúng tôi mới dùng dây níu giữ được nhà bạt của chúng tôi khỏi bay đi. Trong nhà bạt ấy, ở độ cao 1 mét rưỡi, chúng tôi bảo quản tài sản quý báu nhất của chúng tôi - đó là chiếc máy quay phim, máy chụp ảnh, hòm tủ sách, máy phát điện mini và các đồ dùng cá nhân. Cơn bão ập đến từ hướng tây - nam và sau vài giờ nó hơi yếu đi một chút lại trở lại từ hướng đông - bắc. Trong 1 năm chúng tôi đã phải chịu 18 cơn bão. Sau cơn bão và những trận mưa xối xả thì nói chung không thể nào di chuyển được các khí tài. Những con suối biến thành những dòng thác hung dữ, những vùng đất thấp đều bị ngập nước.

Mùa mưa cũng đã trở thành trở ngại cả cho các phi vụ của không quân địch. Chúng tôi lợi dụng tình hình đó để khắc phục hậu quả của trận bão và trận lũ lụt, để chuẩn bị các khẩu đội sẵn sàng chiến đấu vào mùa khô. Công việc chiến đấu đòi hỏi phải có sự chú ý thường xuyên.

Vào thời gian ấy (từ tháng 9 đến tháng 10-1971) nhờ công sức của đội quân công nghiệp Liên Xô mà trong tất cả các bộ khí tài tên lửa phòng không đều đã có những cải tiến, hoàn thiện có tác dụng nâng cao khả năng chống nhiễu của mạch hồi trong đài điều khiển tên lửa, đã làm tăng 2,5 - 3 lần độ Điều khiển chính xác tên lửa nhằm vào mục tiêu đang cơ động. Đã sử dụng chế độ thông tin giả trong mạch của máy vô tuyến phát lệnh: Trong cơ cấu của đài điều khiển tên lửa có sử dụng máy "Bông tuyết" để các khẩu đội luyện tập trong điều kiện bị gây nhiễu. Đã giảm độ dao động trong mạch điều khiển tên lửa khi chuyển đổi các tỷ lệ

Tất cả mọi nỗ lực đều tập trung vào khâu kiểm tra và hiệu chỉnh khí tài, lần lượt tiến hành các công việc theo quy định bảo trì về cơ khí, sau đó về điện, tiến hành sấy khô máy móc, đặc biệt sấy khô các quả tên lửa. Với các pháo thủ thì chúng tôi tiến hành những buổi lên lớp nghiên cứu sâu về các yếu lĩnh bắn.

Vấn đề phức tạp nhất là vấn đề lựa chọn và xây dựng các trận địa tại vùng có các đèo núi để tổ chức các cuộc phục kích, sau đó là vấn đề di chuyển các tiểu đoàn đến các trận địa phóng tên lửa mới. Trên thực tế vào mùa mưa không thể làm được việc này vì không có đường di chuyển. Khi mùa mưa kết thúc và sau mùa bão lũ thì vấn đề cơ động cũng phức tạp do không quân Mỹ hoàn toàn khống chế bầu trời.

Hàng ngày không quân địch thực hiện trung bình 65 phi vụ tốp vào ban ngày, và 30 - 35 phi vụ tốp vào ban đêm. Các máy bay của hải quân Mỹ (có 2 tàu sân bay đậu cách bờ 160 - 190km) chủ yếu bắn phá các mục tiêu gần bờ biển, còn các máy bay của không quân Mỹ thì bắn phá các bến phà, các đèo, các địa điểm sơ tán khí tài, các trận địa pháo cao xạ, các kho tàng, các căn cứ. Có 12 máy bay trinh sát không người lái hoạt động tại đây.

Đôi khi thời gian tiểu đoàn tên lửa phòng không di chuyển đến trận địa phục kích kéo dài vài ngày bằng những chiếc xe di chuyển lẻ tẻ hoặc với những tốp nhỏ. Chỉ có những người rất lạc quan mới có thể gọi những con đường trong khu vực tác chiến của trung đoàn tên lửa chúng tôi là những con đường. Chúng tôi phân loại những con đường ấy căn cứ vào số lần "mông bị va đập trong một phút". Đa số các con đường ở mặt trận đều là những con đường có tần suất 120 "cú va đập mông" trên 1 phút. Các bộ khí tài tên lửa có trọng lượng lớn, cho nên khi cơ động phải di chuyển với tốc độ cao để vượt qua khu vực cần vượt trong khoảng thời gian trên trời không có các máy bay trinh sát hoặc máy bay tấn công của địch. Thông thường, việc cơ động được tiến hành vào ban đêm, không bật đèn pha, còn ở những khu vực nguy hiểm thì cũng không sử dụng đèn cốt.

Chẳng hạn, trên đường số 12 có một đoạn dài khoảng 15km liên tục bị bắn phá bằng súng cối và bằng những súng máy cỡ lớn của các nhóm biệt kích địch mà bọn Mỹ thường xuyên thả xuống đỉnh dãy núi Dăng Màn (Bị mây phủ kín quanh năm"). Và chẳng có cách nào đánh bật bọn biệt kích ấy ra khỏi nơi ấy. Mà cũng chẳng ngoặt sang phía nào cả: ở bên trái là núi đá thẳng đứng dầy đặc: ở phía bên phải là vực thẳm. Thật khó hiểu được, bằng cách nào mà các chiến sĩ lái các chiếc xe xích kéo pháo hạng trung và các xe nạp tên lửa và những loại chiến xa khác lại có thể tìm cách đưa những chiếc xe ấy vượt qua những đoạn đường như vậy cùng với những ca bin nặng nhiều tấn, với những quả tên lửa, những bệ phóng, trong bóng tối hoàn toàn, với tốc độ tối đa.

Sau những cuộc cơ động như vậy và sau khi triển khai khí tài trên trận địa thì nhất thiết phải kiểm tra kỹ lưỡng, khắc phục những sự hư hỏng và trục trặc. Đối với những quả tên lửa thì sau cuộc hành quân dài 200km và xa hơn thế sẽ phải kiểm tra lại chúng ở trạm kiểm tra - thử nghiệm di động. Nếu trận địa nằm ở biên giới với nước Lào thì cần đưa các quả tên lửa cách xa biên giới ít nhất 50km để tiến hành kiểm tra, nhằm "khỏi để lộ" cho trạm trinh sát vô tuyến điện trên mặt đất của địch biết việc nghiên cứu các bộ phát sóng phản hồi của tên lửa.

Trong khi tổ chức hoạt động tác chiến của các trung đoàn tên lửa phòng không cần phải tính đến vô vàn những "điều nhỏ nhặt" ấy. Cần phải xem xét lại một cách sáng tạo nhiều luận điểm về chiến thuật và về các quy tắc bắn có tính đến những điều kiện địa - vật lý và chiến thuật hành động của kẻ địch trên bầu trời.

Theo các số liệu được cung cấp bởi đại úy Trần Văn Duy, trưởng phòng trinh sát của Sư đoàn 377 bộ đội phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, thì từ cuối tháng 9 đến giữa tháng 11-1971 tại địa phận tỉnh Quảng Bình đã có 714 tốp máy bay của không quân và của hải quân Mỹ hoạt động (F-4: F-105, A-6, A-7, OV-10, tổng cộng có 965 máy bay). Những máy bay này đã tiến hành trinh sát và đánh phá các mục tiêu trên các tuyến đường.

Ngoài ra, hàng ngày có 8 - 10 tốp máy bay hoạt động dọc theo các tuyến đường chạy từ các ngọn đèo ở biên giới vào sâu trong lãnh thổ -Việt Nam. Trong số đó có 3 - 4 tốp máy bay có sử dụng vũ khí gắn trên thân máy bay. 90% số cuộc ném bom được thực hiện bằng những máy bay đơn lẻ. Thông thường thì những trận bắn phá ồ ạt được các tốp máy bay 3 chiếc thực hiện. Trong thời gian ấy, đã có đến 325 tốp B-52 (971 lần chiếc) hoạt động tại các điểm chốt giữ trên các tuyến đường ấy. Không quân Mỹ đã sử dụng các loại bom bi đã bị luật pháp quốc tế nghiêm cấm, các loại đạn nổ gây sát thương rộng, bom napan, các chất độc hại để diệt cây cối, tiến hành những trận bom rải thảm dẫn đến hậu quả là nhiều điểm dân cư đã thật sự bị san phẳng.

Không quân Mỹ đã tàn phá một cách có bài bản và dã man tột độ các công trình cơ sở hạ tầng của tỉnh Quảng Bình (còn từ tháng 4-1972 thì chúng thực hiện hành động này trên toàn lãnh thổ Bắc Việt Nam): các cơ sở công nghiệp: cầu cống, các bến phà, các bệnh viện, trường học. Chỉ cần nêu rõ rằng mỗi người dân ở tỉnh Quảng Bình, gồm cả các trẻ sơ sinh: đã phải hứng chịu 40 tấn bom mỗi năm, là có thể thấy rõ điều này. Chúng tôi đã chứng kiến những trận ném bom kiểu "rải thảm" do các máy bay ném bom chiến lược B-52 thực hiện đối với các điểm dân cư vô tội. Máy bay Mỹ ném bom không những các mục tiêu quân sự, mà còn săn tìm những chiếc xe đơn lẻ, tìm diệt những người dân lao động trên các đồng lúa.

Ban lãnh đạo nước Việt Nam đã kêu gọi nhân dân: khi làm việc ngoài đồng chị em phụ nữ cần mặc những chiếc áo nhuộm màu bảo vệ thay cho những chiếc áo màu trắng truyền thống để gây khó khăn cho các phi công Mỹ không thể ném bom và bắn trúng những người đang làm việc ở ngoài đồng; không được giết, mà phải bắt sống làm tù binh các phi công Mỹ đã nhảy dù từ những máy bay bị bắn rơi, để bắt chúng tính sổ đến bù những thiệt hại vật chất do những cuộc ném bom gây ra.

Lòng căm thù đối với các phi công Mỹ lên đến mức là sau khi nhảy dù khỏi máy bay, các phi công ấy thực sự đã trở thành bia thịt trước khi chúng chạm đất. Bom bi và bom napan chống lại phụ nữ và trẻ em không thể nào khiến cho người ta tỏ lòng độ lượng đối với kẻ xâm lược. Mỗi người dân có khả năng cầm súng đều bắn vào máy bay địch. Tại tỉnh Quảng Bình có đài kỷ niệm vinh danh khẩu đội súng máy phòng không đã dùng súng đại liên bắn rơi máy bay F-4 (“con ma"). Người ít tuổi nhất trong khẩu đội ấy là một cụ già 65 tuổi.

Không chỉ có con người, mà cả các gia súc cũng được huấn luyện cho quen với chiến tranh. Trên các cánh đồng người ta có đào những đường hào dành cho trâu bò. Khi có báo động máy bay, chúng được lùa xuống đó và chờ đến khi kết thúc cuộc ném bom.

Lợn, gà - thực phẩm chính của các chiến sĩ - cũng ẩn nấp trong các đường hào khi có báo động, khi vang lên tín hiệu "Báo yên - lên đường" thì chẳng cần có lệnh bổ sung chúng cũng vào chỗ của mình trong các chiếc cũi trên thùng xe.

Tôi xin dẫn ra đây một vài ví dụ để thấy tình hình lúc đó phức tạp đến mức nào.

Tháng 10-1971, Tiểu đoàn tên lửa phòng không 68 được chuyển lên trận địa chiến đấu cách biên giới Lào - Việt 7km, trên đường 20. Nhiệm vụ của tiểu đoàn là tiêu diệt máy bay B-52. Lúc đầu nhóm chuyên gia chúng tôi đi bằng xe hơi để đến tiểu đoàn này, về sau đi bằng xe xích kéo pháo hạng trung, rồi sau nữa đi bộ theo đường mòn. Vào thời gian ấy, dọc theo đường 20 hàng ngày trung bình có 6 máy bay B-52 hoạt động. Ban ngày tiểu đoàn này bất động, mọi công việc chỉ tiến hành vào ban đêm, tuyệt đối tuân thủ mọi biện pháp ngụy trang. Tối ngày 6-11 chúng tôi bắt đầu tiến hành các công việc, sáng sớm ngày 7-11, sau khi kết thúc mọi việc kiểm tra và hiệu chỉnh khí tài và đưa ra kết luận bằng văn bản về tư thế sẵn sàng chiến đấu của tiểu đoàn này, chúng tôi rút khỏi trận địa. Theo kế hoạch, chúng tôi sẽ làm việc lần lượt tại các tiểu đoàn 69, 66, 67.

Ngày 9-11, vào lúc 21 giờ, Tiểu đoàn tên lửa phòng không 68 đã giao chiến với tốp B-52 và các tốp máy bay yểm trợ. Căn cứ theo các thông tin do đơn vị kỹ thuật vô tuyến điện cung cấp, đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu của tiểu đoàn này đã phát hiện các tốp mục tiêu ở cự ly 75km. Ở cự ly 35km đài điều khiển tên lửa của bộ khí tài tên lửa phòng không đã phát sóng nhưng đã không nhìn thấy mục tiêu do bị nhiễu rất mạnh. Do vậy đã chuyển sang chế độ tương đương. Lần thứ hai đài điều khiển tên lửa lại phát sóng ở cự ly 25km. Vẫn không thấy mục tiêu - lại chuyển sang chế độ tương đương. Lần thứ ba lại phát sóng ở cự ly 19km. Cường độ nhiễu đã giảm. Đã phát hiện thấy 3chiếc B-52 ở khoảng cách 16km, độ cao 10km - vậy là đã chộp được mực tiêu, tiểu đoàn dã sẵn sàng phóng tên lửa.

Đúng vào thời khắc này 2 quả tên lửa kiểu "Sraicơ" chống ra đa đã nổ cách ca bin ăngten "P" 6 mét. Do bị nhiễu nên khẩu đội đã không phát hiện thấy các máy bay Mỹ đã phóng các quả tên lửa chống ra đa. Đài quan sát bằng mắt đã ghi nhận 2 máy bay F-105 đã phóng các tên lửa “Sraicơ" khi các máy bay này phóng qua phía trên tiểu đoàn này, nhưng đài quan sát bằng mắt đã không thể báo cáo được vì đúng vào lúc ấy nó cũng bị ném bom.

Tiểu đoàn bị loại khỏi vòng chiến. Trên các cột ăngten có hơn 70 lỗ thủng, có hơn 10 đoạn dây cáp dẫn đến ăngten và dây cáp cao thế bị đứt. Tại bệ phóng các đường dây cáp truyền dẫn điện và cáp điều khiển bị bật ra khỏi bệ phóng. Không có thiệt hại về người. Trong suốt 10 ngày sau đó các máy bay B-52 đã không xuất hiện ở khu vực này.

Ngày 18-11, trong cuộc gặp làm việc với sĩ quan chỉ huy và chính ủy của trung đoàn, chúng tôi đã thỏa thuận dứt khoát rằng chúng tôi là những chiến sĩ chứ không phải là các nhà ngoại giao. Cho nên chúng tôi sẽ nói một cách thẳng thắn về tất cả mọi công việc tác chiến của chúng tôi. Chúng tôi phải biết rõ mọi vấn đề nảy sinh trong công tác đảm bảo khả năng sẵn sàng chiến đấu của trung đoàn. Chúng tôi thỏa thuận sẽ gặp ban chỉ huy trung đoàn vào ngày thứ sáu hàng tuần để lên kế hoạch làm việc chung và giải quyết những vấn đề nảy sinh.

Chúng tôi đã cùng với các đồng chí Việt Nam phân tích kỹ lưỡng từng trận đánh, rút ra những kết luận. Mà mỗi trận đánh đều là kết quả của việc chuẩn bị kỹ lưỡng khí tài và con người, là sự kết hợp giữa tinh thần dũng cảm, tinh thần kiên cường và lòng tin vào chiến thắng. Bằng những nỗ lực chung: chúng tôi đã phấn đấu để tạo ra thái độ nâng niu và quý trọng đối với các khí tài, đối với các quy tắc bắn, kiên trì bồi dưỡng ý thức không sợ sai lầm, biết suy nghĩ về phương thức bắn trong đội hình nhóm tiểu đoàn và về sự yểm trợ cho nhau. Những điều này đã có tác dụng tốt trong các trận đánh diễn ra trong tháng 1 (10 cuộc khai hỏa), đặc biệt là những trận đánh trong tháng 4 (28 cuộc khai hỏa) và trong tháng 5 (20 cuộc khai hỏa) năm 1972. Đó là thời gian mở đầu những hoạt động quân sự mang tính chất quyết định của Quân đội nhân dân Việt Nam và của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam ở phía nam vĩ tuyến 17.

Vào ngày 22-11 Tiểu đoàn 66 đã vào chiếm lĩnh trận địa này, dần dần triển khai khí tài vào ban đêm: ngày 26-11 đã triển khai xong một bệ phóng, ngày 27-11 đã triển khai xong bệ phóng thứ hai.

Bất chấp địa hình rừng núi, song cuộc hành quân đã diễn ra bình thường, chỉ có một rơmoóc chở ăngten xác định vị trí góc (chúng tôi đã sử dụng bộ ăngten của Tiểu đoàn 68) và một xe chở và nạp tên lửa bị đổ, ngoài ra các cánh lái và bộ ổn định trên một tên lửa đã bị gãy. Tiểu đoàn này đã sẵn sàng chiến đấu và đến ngày 3-12, vào lúc 6 giờ 12 phút, với 2 quả tên lửa đã bắn rơi máy bay trinh sát chiến thuật O-2A. 

Tên trung tá phi công thuộc lực lượng không quân Mỹ đã bị bắt làm tù binh. Vào thời điểm ấy, chúng tôi đang có mặt ở đài chỉ huy số 2 tại trận tuyến thuộc khu vực đường số 20. Một cô gái mang súng đã giải tên phi công ấy - với hai tay bị trói - đến đài chỉ huy số 2. Tên phi công đã nhảy dù trót lọt, nhưng khi tiếp đất, mắt của hắn đã đụng phải một cành tre làm cho hắn bị ngất xỉu. Trong chiếc máy bay bị bắn rơi và trên người tên phi công đã tìm thấy những dụng cụ máy móc đảm bảo cho việc cứu hộ phi công.

Cô gái phát hiện ra tên phi công Mỹ ấy là nữ chiến sĩ thuộc tiểu đoàn công binh. Cô đã giằng lấy và đập vỡ chiếc máy định vị vô tuyến điện đính trên bộ quân phục bay của tên phi công, tước vũ khí trên người hắn, bản đồ bay cùng với các loại tài liệu, trói hắn lại. Cô gái chờ đến khi tên phi công tỉnh lại, dí súng vào người hắn và giải hắn về sở chỉ huy. Hóa ra, bọn Mỹ cũng hiểu rất rõ ngôn ngữ của vũ khí. Còn cô gái ấy có thân hình nhỏ hơn tên tù binh của mình đến 5 lần. Tên tù binh được chuyển gấp về Hà Nội. Chắc chắn, đây là tên tù binh quan trọng, bởi vì chỉ sau một ngày nhóm chúng tôi đã được trao tặng phần thưởng danh dự của Chủ tịch nước - một lẵng hoa sen thiêng liêng. Ở Việt Nam người ta xem đó là phần thưởng cao quý hơn mọi huân chương và huy chương.

Cơ quan tìm kiếm - cứu hộ của lực lượng không quân Mỹ đã tìm cách giải cứu tên phi công thứ hai. Các máy bay A-6, F-4 và các trực thăng đã phong tỏa khu vực có khả năng tìm thấy tên phi công này. Nhằm không để tên phi công này bị tóm cổ làm tù binh, trong chu vi có đường kính 20km bọn Mỹ đã phun đầy chất tạo sương mù OB. Bọn Mỹ đã phát điên lên. Chúng tăng cường số lần đánh phá quân khu 4, với 150 tốp phi vụ mỗi ngày. Chỉ cần phát hiện thấy một cột khói ở trong rừng là chúng ném bom ngay. Nhưng những con đèo vẫn rộng mở cho các đoàn xe đi qua.

Vào cuối tháng 11-1971, khi các tiểu đoàn tên lửa phòng không bắt đầu cơ động trong khu vực có các trận địa chiến đấu để tổ chức các cuộc phục kích ở các con đèo, thì trong suốt một tuần lễ chúng tôi đã "bị mất" tin tức về tiểu đoàn 69.
Vào tháng 8 tiểu đoàn này từ một trung đoàn khác đã được nhập vào Trung đoàn 275. Sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn này là người có khá nhiều kinh nghiệm, các chiến sĩ của tiểu đoàn này là những người dày dạn trận mạc, không phải là lính mới. Viên sĩ quan chỉ huy của tiểu đoàn này hiếm khi nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia quân sự Liên Xô, anh ấy nói "tự tôi có thể làm được mọi việc mà".

Nhưng xảy ra tình huống là tiểu đoàn này phải "chui" vào một nơi rất bất lợi cho việc tổ chức phục kích trong khu vực đường 16 (đây là góc đoạn đường biên giới Lào - Việt). Dốc núi thẳng, chung quanh toàn là rừng rậm không có đường đi. Khi cố gắng đưa cabin "U" vào nơi dành cho nó thì chiếc xe xích kéo pháo hạng trung kéo cabin này đã giật mạnh. Hậu quả là hộp đựng các dây cáp dẫn ra và dẫn vào khối VK- 1 đã bị bật phăng ra hoàn toàn. Mà không có hộp chứa các đường dây cấp dẫn vào khối VK- 1 thì tiểu đoàn "bị chết dí" cùng với tất cả các cabin của mình, các quả tên lửa và các bệ phóng của mình.

Nhóm phục vụ kỹ thuật của trung đoàn cùng với các phương tiện sửa chữa lại không thể đến chỗ ấy được. Chúng tôi đành mang theo ba lô lên xe ôtô (trong ba lô có võng, màn chống muỗi, các đồ dùng cá nhân, biđông đựng nước, ống nhòm, máy ảnh), đội mũ sắt lên đầu rồi lên đường. Khi hết con đường có thể đi bằng xe GAZ-69 thì chúng tôi chuyển sang xe xích kéo pháo hạng trung. Quãng đường 15km cuối cùng chúng tôi đi bộ theo "Đường mòn Hồ Chí Minh".

Chúng tôi thẩm định tình hình tại chỗ và thấy gay go. Trong hộp có hàng chục đường dây cáp - các tuyến cáp có bọc lưới kim loại cho đến các tuyến cáp đường dây liên lạc - và tất cả các dây cáp ấy đều "bị đứt". Chúng tôi nhóm họp, thảo luận với nhau và bắt tay vào công việc. Để tiến hành công việc thì chỉ có các dụng cụ được cấp cho tiểu đoàn, các cờ lê, tuôcnơvit, mỏ hàn. Phải làm cho tất cả các tuyến cáp "thông suốt", phải tìm ra phần tương ứng của đoạn dây bị đứt, hàn chúng lại, bọc lớp cách điện, kiểm tra sự thông suốt của mạch điện. Chúng tôi đã làm việc liên tục 2 ngày, không hề có giải lao. Nhờ có sự tôi luyện và cố gắng của các chuyên gia quân sự Liên Xô mà khối VK- 1 đã được phục hồi, máy móc đã được kiểm tra.

Công tác kiểm tra chức năng đã cho thấy tiểu đoàn đã ở trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi kết luận bằng văn bản rằng tiểu đoàn này có thể khai hỏa. Sau đó, chúng tôi đã yên tâm trở về căn cứ của mình. Sau đó 2 ngày chúng tôi nhận được tin cho biết tiểu đoàn này đã phóng tên lửa trúng đích. Tuy nhiên, sĩ quan chỉ huy tiểu đoàn này tỏ ra không hài lòng. Đồng chí ấy khao khát bắn rơi B-52, nhưng lại chỉ hạ được máy bay trinh sát - đó là chiếc máy bay gây nhiễu RB-66. Đây cũng là mục tiêu quan trọng và quý giá. 

Kể từ đó trở đi viên chỉ huy Tiểu đoàn 69 cố gắng bằng mọi cách nhấn mạnh sự quý trọng của anh ấy đối với chúng tôi. Đôi khi anh ấy yêu cầu cử nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô đến chỗ anh ấy thậm chí trong trường hợp không đặc biệt cần thiết.

Sau trường hợp này các chuyên gia của Liên Xô trong đơn vị công binh tên lửa phòng không ở Hà Nội đã phát biểu rằng nhóm chuyên gia chúng tôi ở đây đã làm được điều không thể làm được trong những điều kiện dã chiến.

Bây giờ xin nói vài lời về cuộc sống của chúng tôi trong điều kiện dã chiến.

Suốt 4 tháng trời chúng tôi sống ở căn cứ nằm dưới chân một núi đá (vách núi thẳng đứng và cao 300 mét) trong những ngôi nhà tạm bợ. Nơi đóng quân ở cách khoảng 3km, mới tới điểm giao nhau của hai con đường số 15 và số 20 và bến phà Xuân Sơn qua con sông nhỏ, nước chảy xiết. Địa điểm này thường xuyên "thu hút" các máy bay trinh sát và máy bay bắn phá của Mỹ. Vì vậy từ mỗi căn nhà tạm ấy người ta đào con hào chạy đến tận cửa hang núi. Khi có nguy hiểm thì chạy xuống đường hào rồi chạy vào hang. Trong hang núi bom không với tới được.

Nếu có cơ hội chúng tôi tổ chức ngày tắm hơi. Các bạn Việt Nam của chúng tôi không thể nào hiểu được tại sao chúng tôi lại tắm xông hơi và tắm bằng nước nóng trong khi ở ngoài trời nóng bức ghê gớm. Chúng tôi tìm cách dùng những tấm phên nứa làm thành các buồng tắm, trong đó có những hòn đá được hun nóng và nước.

Còn tại một địa điểm đóng quân nhóm chúng tôi đã rất gặp may: cách đó không xa có nguồn nước nóng, có tác dụng chữa bệnh. Bể nước nóng khá lớn, cho nên cả nhóm có thể cùng lúc tắm nước nóng. Nhưng xuất hiện một sự bất tiện: không biết vì sao dân chúng địa phương lại biết thời điểm chúng tôi đến tắm nước nóng. Cho nên đúng vào lúc chúng tôi tắm thì có rất nhiều khán giả vây quanh nguồn nước nóng, đó là các chị phụ nữ và trẻ em. Lúc đầu chúng tôi rất ngượng, về sau thấy quen.

Vào những ngày thời tiết xấu, vào các buổi tối, đôi khi cả vào ban đêm chúng tôi mang theo máy chiếu phim, màn ảnh chiếu bóng, máy phát điện đến một ngôi làng gắn nhất. Chúng tôi báo trước cho dân chúng địa phương, rồi sau đó chiếu phim cho họ xem. Người Việt Nam đặc biệt thích bộ phim hoạt hình "Hãy đợi đấy!" không cần có phần lời dịch. Bà con Việt Nam có thể xem mãi tất cả các bộ phim chúng tôi có và họ vui sướng như các trẻ em. Hoặc, ví dụ như bộ phim chiến đấu kể về các chiến sĩ trinh sát của Liên Xô xâm nhập vào thành phố nghỉ mát ở Crưm đã bị bọn Đức chiếm đóng, cũng là bộ phim rất được khán giả Việt Nam yêu thích. Hình như cuốn phim ấy có tên là "Sứ mạng bất khả thi".

Trong khi chờ kỹ thuật viên chiếu phim thay cuộn phim tiếp theo, người phiên dịch giải thích nội dung của đoạn phim đang được chiếu cho người xem. Bà con có thể xem bộ phim ấy mấy lần. Nhất là các đồng chí Liên Xô ở Hà Nội không hào phóng lắm với chúng tôi trong việc cung cấp những bộ phim mới. Chúng tôi cũng chẳng có gì để trao đổi với các nhóm lân cận (tại Quân khu 4 còn có 2 nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô nữa hoạt động) - họ cũng giống như tình cảnh của chúng tôi.

Các bạn Việt Nam thường xuyên cảnh báo cho chúng tôi về nguy cơ bị quân địch tấn công trên bộ (nếu không có bộ phận bảo vệ thì không ra ngoài và không nên đi một mình, đặc biệt là khi làm việc trên các trận địa chiến đấu). Sáng ngày 25-12 đài quan sát bằng mắt của Tiểu đoàn 67 đã phát hiện thấy có 3 tốp lính dù đổ bộ sâu vào khu vực đường 20. Như vậy, nguy cơ bị tấn công là có thật, và những kẻ tấn công rõ ràng sẽ không phải là bọn nghiệp dư. Các chuyên gia quân sự Liên Xô có gì để đối phó với chúng? Chúng tôi làm việc trong điều kiện không mang vũ khí và hoàn toàn không mang theo các giấy tờ.

Có lần, khi gần kết thúc công việc tại một tiểu đoàn, tôi đã đề nghị viên chỉ huy tiểu đoàn này chỉ cho tôi trên bản đồ địa điểm đóng quân của chúng tôi. Người chỉ huy ấy cho tôi xem bản đồ. Hóa ra tiểu đoàn này đặt trận địa chiến đấu trên lãnh thổ Lào, cách biên giới quốc gia 10km.

Đến nay, khi nhớ lại thời kỳ chiến đấu, có thể đưa ra những kết luận nhất định nào đấy.

Có thể chia một cách ước lệ thời gian hoạt động của nhóm chuyên gia chúng tôi thành 3 giai đoạn.

Giai đoạn thứ nhất - tháng 8-1971 - cuối tháng 3-1972.

Giai đoạn thứ hai - cuối tháng 3 - tháng 4-1972.

Giai đoạn thứ ba - tháng 5 - tháng 7-1972.

Ở giai đoạn thứ nhất, nhiệm vụ của các tiểu đoàn thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 275 là gây tổn thất tối đa cho kẻ địch trong mưu toan của chúng định cắt đứt các con đường tiếp tế cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và cho du kích Lào và Campuchia (các con đường 12, 20, 16, 18 và các ngọn đèo băng qua dãy núi Trường Sơn).
Để chống lại các bộ khí tài tên lửa phòng không, không quân địch đã sử dụng tất cả kho vũ khí mà chúng có, tiêu diệt bằng hỏa lực, tất cả các phổ gây nhiễu, các tên lửa chống ra đa, thủ đoạn cơ động tích cực chống pháo cao xạ.

Bọn Mỹ biết khá rõ về bộ khí tài tên lửa phòng không X-75. Chúng biết rõ tất cả những mặt mạnh và mặt yếu của X-75. Chúng cũng biết rõ tầm bắn và tầm tiêu diệt mục tiêu, những thông số về tần số. Nhưng chúng vẫn sợ bộ khí tài này. Chúng chỉ phái các phi công có nhiều kinh nghiệm nhất, có khả năng "tránh" tên lửa, đến hoạt động ở vùng có sự hoạt động của các bộ khí tài tên lửa - phòng không X-75.

Chỉ trong một tuần lễ của tháng 1-1972 mỗi tiểu đoàn thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 275 đều bị hứng chịu 2 tên lửa chống ra đa. Tổn thất về người đã xảy ra ở nơi nào không kịp chuẩn bị nơi trú ẩn. Ban chỉ huy của các trung đoàn và của các tiểu đoàn đã giữ bí mật con số tổn thất của mình. Tôi cho rằng làm như vậy là đúng. Kẻ địch không được biết rõ hiệu quả hành động của chúng.

Các dây cáp bị mảnh tên lửa "Sraicơ" làm đứt ở nơi nào chưa kịp che lấp những dây cáp ấy. Khi các ăng ten ở đài điều khiển tên lửa bị các lỗ thủng thì vẫn có thể phóng tên lửa được. Đồ thị của hướng không thay đổi nếu như lỗ thủng không lớn hơn 15 x 15 xăngtimét. Song, cần vá lỗ thủng để nước không lọt vào bên trong ăngten.

Chúng tôi có những hồi ức tốt đẹp nhất về Trung đoàn tên lửa phòng không 275. Bảy tháng cùng làm việc chung trong những điều kiện phức tạp nhất dã tạo cơ hội gắn kết nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô và các khẩu đội chiến đấu của trung đoàn, đem lại kinh nghiệm hết sức phong phú về tổ chức và tiến hành tác chiến trong điều kiện rừng núi nhiệt đới.

Các khẩu đội chiến đấu của các tiểu đoàn đã vượt tất cả các định mức có thể có trong công tác thu dọn khí tài. Chỉ sau 35 phút, tối đa là sau 40 phút sau khi phóng tên lửa là mọi việc đã được hoàn thành. Chuyến xe chở khí tài cuối cùng rút khỏi trận địa. Nếu không khẩn trương như vậy thì nhất định không tránh khỏi bị đòn trả đũa của không quân địch, do các máy bay trinh sát thường xuyên có mặt trên bầu trời chỉ điểm. Ở độ cao 4,5 km, khi trên bầu trời không có mây và vào ban đêm, từ trên máy bay ở cách xa 60 - 70km có thể nhìn thấy tên lửa phòng không được phóng đi.

Ngay từ tháng 1-1972 ban chỉ huy của trung đoàn tên lửa phòng không đã được biết về những sự kiện sẽ diễn ra sắp tới đó là cuộc tấn công lớn băng qua Vĩnh Linh tiến vào phía nam nhằm giải phóng Nam Việt Nam. Tại cuộc gặp ngày 15-1-1972 với viên chỉ huy trung đoàn và chính ủy của trung đoàn diễn ra tại một sở chỉ huy tiền phương, viên chỉ huy trung đoàn đã tuyên bố rằng bộ đội tên lửa phòng không "đang chuẩn bị cho những trận đánh lớn và những chiến thắng to lớn" và yêu cầu tăng cường công tác giải trình các yếu lĩnh bắn và hiệu chỉnh khí tài. 

Căn cứ vào nhiều dấu hiệu chúng tôi cũng đã cảm nhận được những sự kiện quan trọng đang đến gần. Trung đoàn chúng tôi nhận thêm 240 quả tên lửa. Cần phải giúp đỡ lên kế hoạch bảo trì những tên lửa ấy, vận chuyển, bảo quản chúng.

Những trận đánh tại Quân khu 4 vẫn tiếp diễn. Trong 2 ngày - ngày 16 và ngày 17-2-1972 bộ đội tên lửa phòng không đã bắn rơi 5 máy bay, pháo cao xạ bắn rơi 1 chiếc. Đã có 6 phi công bị bắt làm tù binh - 4 Thiếu tá, 1 Đại úy, 1 Trung úy.

Ngày 24-2 các tiểu đoàn 67 và 68 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 275 đã lên đường đi về phía nam để giúp sức cho các đơn vị đang chiến đấu của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, 1 tiểu đoàn đã bị loại. Trung đoàn chỉ còn lại 1 tiểu đoàn. Thế là từ tháng 3 chúng tôi bắt đầu làm việc với Trung đoàn tên lửa phòng không 236 (đây là Trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Việt Nam).

Với ban chỉ huy Trung đoàn 236 và với đội ngũ các chiến sĩ thuộc các tiểu đoàn của trung đoàn này thì làm việc dễ dàng hơn nhiều so với công việc ở Trung đoàn 275. Đến thời điểm ấy chúng tôi đã tích luỹ được kinh nghiệm phong phú, mà về phía các bạn Việt Nam thì bộ phận chủ chốt cũng đã có kinh nghiệm chiến đấu cũng như kinh nghiệm làm việc chung với các chuyên gia Liên Xô. Mỗi tiểu đoàn đều đã có thành tích chiến đấu - đã tiêu diệt được từ 30 đến 50 máy bay Mỹ.

Sau khi chuẩn bị kỹ lưỡng trong suốt tháng 3-1972, trung đoàn này đã được chuyển vào Quân khu 4, trên thực tế là đến những trận địa chiến đấu mà chúng tôi đã được biết đến rồi. Đó là những trận địa trước kia của Trung đoàn tên lửa phòng không 275. Tất nhiên, chúng tôi cùng lên đường theo trung đoàn này. Chúng tôi đã sống mấy ngày tại một khách sạn của thị xã Đồng Hới, còn ngày 1-4, khi có 3 sư đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam bắt đầu tiến quân vào Nam Việt Nam băng qua vĩ tuyến 17 – thì chúng tôi lại vào ở trong các hang núi. Trong 7 ngày đầu tháng 4, các trận đánh đã diễn ra liên tiếp. Các máy bay của không quân và hải quân Mỹ đã dồn hết sức nhằm đè bẹp bộ đội tên lửa phòng không và pháo cao xạ của Bắc Việt Nam đang yểm trợ cuộc tiến quân của bộ binh.

Tại khu vực diễn ra cuộc tiến quân, có 2 trung đoàn tên lửa phòng không giao chiến với không quân địch dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của pháo cao xạ. Bộ Tư lệnh các lực lượng vũ trang của Mỹ đã điều 4 tàu sân bay đến vịnh Bắc Bộ, đã tung vào trận những lực lượng cơ bản của không quân Mỹ đóng căn cứ ở Thái Lan và Nam Việt Nam. Các trận đánh đã diễn ra ở phía tây Sài Gòn, ở phía nam vĩ tuyến 17 và ở khu vực giáp ranh giữa Lào, Bắc Việt Nam và Nam Việt Nam.

Các tiểu đoàn tên lửa phòng không của chúng tôi đã hứng chịu các cuộc tấn công của các máy bay của hải quân và của không quân Mỹ, cũng như hứng chịu những cuộc bắn phá trong tầm bắn của các khẩu pháo đặt trên các chiến hạm Mỹ. Các máy bay ném bom chiến lược B-52 chủ yếu ném bom vào các đơn vị bộ binh đang mở cuộc tấn công.

Có thể xét về cường độ các trận đánh căn cứ vào con số sau đây: chỉ trong 4 ngày, 4 tiểu đoàn thuộc 2 trung đoàn tên lửa phòng không đã có 24 cuộc khai hỏa, đã phóng đi 36 quả tên lửa, đã bắn rơi 13 máy bay địch. Nếu cộng vào đó những cuộc ném bom liên tục, hỏa lực của pháo cao xạ và của các súng máy cao xạ, hỏa lực từ các chiến hạm bắn vào thì có thể hình dung được tình hình diễn biến ra sao. Trước thời điểm ấy, cũng như sau thời điểm ấy tôi và các đồng chí của tôi không nếm trải cảnh tượng nào như thế nữa.

Tình hình gây nhiễu của địch diễn ra đến mức là nhiều khi xảy ra tình trạng quá tải ở các mảng thu tín hiệu của đài điều khiển tên lửa, các màn hình thật sự đen ngòm. Trong những trường hợp này chúng tôi phóng tên lửa vào các tốp máy bay ném bom chiến lược B-52 theo phương pháp sau đây: 2 tiểu đoàn lần lượt bắn mỗi lần 2 - 3 tên lửa theo chỉ thị mục tiêu từ đài chỉ huy sư đoàn, theo phương pháp 3 điểm - góc phương vị, khoảng cách, độ cao. Phương pháp kích nổ đầu đạn tên lửa - khoảng cách thời gian kích nổ 11,5 giây.

Các trận giao chiến dữ dội giữa bộ đội tên lửa phòng không với không quân địch tại khu vực vĩ tuyến 17 đã diễn ra cho đến ngày 7-4 còn những trận đánh với cường độ nhỏ hơn thì diễn ra đến cuối tháng 4. Đầu tháng 5, Trung đoàn tên lửa phòng không 236 đã di chuyển về vùng ngoại vi Hà Nội để nghỉ lấy lại sức, bổ sung quân số bị thương vong và yểm trợ từ xa cho Thủ đô. Tại các trận địa này Trung đoàn 236 đã có 23 cuộc khai hỏa, đến cuối tháng 6 trung đoàn này lại nhận nhiệm vụ mới - di chuyển về phía nam, đến Quân khu 4 để tích luỹ kinh nghiệm chiến đấu trước thềm các trận đánh mùa thu trên toàn lãnh thổ của đất nước, đặc biệt là ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng. Nhóm chuyên gia chúng tôi vẫn tiếp tục làm việc với Tiểu đoàn 68 còn lại của Trung đoàn 275, đôi khi nhóm chúng tôi cũng đến Tiểu đoàn 86.

Trong suốt thời gian hoạt động tại Quân khu 4, không một ai trong nhóm chuyên gia chúng tôi làm việc trong trung đoàn bị thương, mặc dù có nhiều lần các chuyên gia Liên Xô bị rơi vào hỏa lực của địch trên đường hành quân cũng như trên các trận địa.

Có một lần mảnh tên lửa "Sraicơ" đã gây thương tích cho viên sĩ quan thuộc đơn vị công binh tên lửa từ Hà Nội vào để trợ giúp kỹ thuật, mà cũng do thiếu kinh nghiệm. Tại một tiểu đoàn đã xảy ra trục trặc ở khối thiết bị đồng bộ của các bệ phóng. Sau khi thông báo với tiểu đoàn về tư thế sẵn sàng cấp 1, sĩ quan này quyết định kiểm tra hoạt động của khối thiết bị đồng bộ trong bệ phóng. thế là anh ấy nhô người ra khỏi đường hào, mặc dù tôi đã hết sức nghiêm cấm rằng trong lúc diễn ra trận đánh không được nhô người ra. Đúng vào thời điểm ấy quả tên lửa "Sraicơ" chống ra đa đã phát nổ, mảnh của nó cắm vào gan viên sĩ quan ấy. Trong điều kiện dã chiến, các bác sĩ Việt Nam đã nhanh chóng phẫu thuật cho anh ấy: đã gắp mảnh đạn ra và khâu lá gan lại. Sĩ quan bị thương ấy nằm 3 ngày trong hang núi, ở chỗ tôi. Ngay khi tình hình trên bầu trời cho phép, anh ấy đã được chuyển về Hà Nội.

Trong thời gian một năm công tác ở Việt Nam, các tiểu đoàn của các trung đoàn - trong đó nhóm chúng tôi đã làm việc đã bắn tên lửa 77 lần, tiêu diệt 34 máy bay của không quân và của hải quân Mỹ, trong đó có 4 máy bay ném bom chiến lược B52, 22 máy bay tiêm kích ném bom F-4, F-8 và F-105, 5 máy bay trinh sát và chỉ huy OV-10, O-2A, 2 máy bay đặc nhiệm AS-130 và 1 chiếc L-19. Còn có 9 máy bay bị bắn rơi không được xác nhận (chúng rơi xuống những khu vực núi non khó đến được ở phía nam vĩ tuyến 17). Đã bắn 135 quả tên lửa, tính trung bình cứ 4 tên lửa hạ được 1 máy bay. Tôi thiết nghĩ, đây là kết quả không tồi.

Từ Việt Nam chúng tôi mang về được những gì?

Đó là kinh nghiệm chiến đấu, khả năng đánh giá tình hình một cách thực tế trong mọi hoàn cảnh, kỹ năng tìm ra cách tiếp cận đúng đắn đến với mọi người để hoàn thành nhiệm vụ chiến đấu trong những điều kiện hết sức phức tạp. Tất cả những ai đã đi qua "Đường mòn Hồ Chí Minh" thì có sự đánh giá hoàn toàn khác về điều thiện và điều ác cũng như về chính cuộc sống.

Ngay cả những vị tướng và những sĩ quan làm việc tại Ban tham mưu của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam cũng không thể hiểu đầy đủ rằng làm sao chúng tôi có thể phục vụ quân ngũ trong rừng rậm nhiệt đới được. Đến cuối tháng 3 - đầu tháng 4-1972, khi cuộc tiến công ồ ạt đã bắt đầu diễn ra ở Nam Việt Nam và những trận đánh trong khu vực vĩ tuyến 17 thì chúng tôi, những sĩ quan trưởng các nhóm chuyên gia trung đoàn làm việc tại Quân khu 4 đã được triệu tập về Hà Nội, được thông báo về tình hình, được giải thích rõ về những nhiệm vụ, sau đó chúng tôi được hướng dẫn rất lâu về việc phải xây dựng như thế nào Phòng Lênin tại nhóm chuyên gia (làm việc này trong các hang núi và trong các nhà tạm), phải bầu chọn như thế nào hội đồng phụ trách Phòng Lênin, thảo luận như thế nào những cuốn sách đã đọc và những bộ phim đã được xem, và những vấn đề khác tương tự như vậy.

Không nên nghĩ rằng chúng tôi đánh giá thấp vai trò của công tác đảng - chính trị và công tác giáo dục - chính trị. Chúng tôi đã tiến hành các cuộc họp của đảng, tiến hành cả các buổi sinh hoạt chính trị cũng như những buổi thông báo tình hình chính trị. Nhưng tất cả những công việc ấy được thực hiện trong những khoảng thời gian không làm công việc chính của mình.

Để cán bộ thông tin tình hình chính trị có thể dùng máy thu thanh thu được các buổi phát thanh từ Liên Xô, thì mỗi lần làm việc này anh ta phải trèo lên đỉnh núi đá (cao không dưới 300 mét), chỉ đứng trên đỉnh núi ấy mới “bắt" được những bản tin mới nhất. Trong khi ấy bọn Mỹ đã “chiêu đãi" chúng tôi rất có bài bản bằng những chương trình phát thanh mang tên "Theo yêu cầu của các chuyên gia quân sự Liên Xô". Các đài phát thanh của chúng đặt trên các chiến hạm trong vịnh Bắc Bộ thì rất mạnh. Ngoài ra, theo định kỳ chúng còn thả truyền đơn nhằm quyến rũ chúng tôi cũng như các bạn Việt Nam bằng "những điều tuyệt diệu về dân chủ và tự do". Chúng hiểu rõ vai trò của vũ khí truyền thông. 

Ngoài ra tôi còn đem về nước 2 quả bom bi. Trong lần cuối cùng đi theo "Đường mòn Hồ Chí Minh" để đến tiểu đoàn hỏa lực người phiên dịch hỏi tôi xem tôi muốn đem gì từ Việt Nam về nước. Tôi trả lời rằng tôi muốn đem theo về nước quả bom bi. Lúc ấy chúng tôi đang có mặt tại một căn cứ. Anh phiên dịch gọi một cô gái đến - cô ấy là chỉ huy trung đội công binh và báo lại cho cô biết đề nghị của tôi. Cô gái mỉm cười dịu dàng và bảo chúng tôi đi theo cô ấy. Cách đó đúng 100 mét có một hố bom to, trong đó chứa đầy ắp những quả bom bi chưa nổ và những quả bom nổ chậm đã được tháo ngòi nổ. Cô gái khoát tay ra hiệu, ý muốn nói rằng "các anh hãy chọn đi". Tôi chỉ vào hai quả bom bi mà tôi thích và trông giống như quả dứa. Cô gái thản nhiên cầm lấy 2 quả bom bi, tháo ngòi nổ, rồi đặt chúng vào rìa đống lửa. Cô gái chờ đến khi thuốc nổ nóng chảy ra, hắt thuốc nổ đi, gõ gõ vào hòn đá, rồi tặng 2 quả bom ấy cho tôi.

Tại trạm hải quan ở Tasken thậm chí không có ai quan tâm xem trong hành lý của chúng tôi có những gì. Mọi người thừa biết rằng chẳng có gì để đem từ nơi đó về nước. Chỉ mong sao còn sống để trở về.

Sau này tôi đã chuyển những quả bom ấy vào bảo tàng của Trung đoàn tên lửa phòng không 48 (thành phố Iarôxláp). Đến nay chẳng còn trung đoàn ấy, cũng chẳng còn bảo tàng.

Tôi nghĩ rằng 1 năm chiến đấu chống không quân Mỹ tại Việt Nam là "năm thăng hoa" của tôi. Đó chính là thời gian mà vì nó người ta đã huấn luyện chúng tôi ở các trường quân sự và các Học viện. Đó chính là thời gian mà vì nó chúng tôi đã phục vụ trong quân ngũ, và khi cần chúng tôi phải đứng lên bảo vệ Tổ quốc mình, cũng như chúng tôi đã đứng trong cùng một đội ngũ với các chiến sĩ Quân đội Việt Nam để bảo vệ sự nghiệp chính nghĩa.

Cho đến nay tôi vẫn vững tin rằng chiến sĩ quốc tế chủ nghĩa là một từ xứng đáng. Bất chấp tất cả những xung đột chính trị nhất thời. Nếu có tên cướp xông vào nhà người hàng xóm, dù tên cướp ấy khoác chiếc áo gì, thì nghĩa vụ của anh là giúp đỡ người hàng xóm đánh đuổi và tiêu diệt tên cướp ấy.

Cần phải làm cho mọi người biết rõ và nhớ đến cuộc chiến tranh ở Việt Nam chống xâm lược Mỹ. Thất bại của Mỹ trong cuộc chiến tranh ấy, những tổn thất lớn về máy bay và về nhân mạng, cũng như sự hùng mạnh của Liên Xô đã kiềm chế ý đồ xâm lược của Mỹ trong suốt khoảng 20 năm.

Giờ đây chỉ có thể ngăn chặn bọn xâm lược ấy bằng những nỗ lực tập thể. Sự tham lam và tư tưởng điên rồ muốn thống trị thế giới của những con rối cầm quyền ở Mỹ sẽ giúp làm hồi sinh các lực lượng phản kháng. Không thể dùng bom, napan và lưỡi lê áp đặt tự do và dân chủ cho bất cứ một dân tộc nào, cho bất cứ một nền văn minh nào.

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày đó, nhưng tôi mãi mãi nhớ về cuộc chiến đấu chung của chúng tôi với các bạn Việt Nam, tôi vẫn chăm chú theo dõi những thành tích của Việt Nam. Tôi vẫn hồi tưởng đến đất nước tuyệt diệu ấy và dân tộc tuyệt diệu ấy. Đó là dân tộc chiến đấu. Đó là dân tộc chiến thắng. Tôi tự hào vì trong thắng lợi của nhân dân Việt Nam trước bọn xâm lược cũng có sự đóng góp của chúng tôi - những chuyên gia quân sự Liên Xô, những người đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Tôi vui mừng thấy rằng các bạn Việt Nam đã không đánh mất những thành quả chiến thắng và đã tìm thấy con đường phát triển của mình và đang vững bước đi theo con đường ấy dưới sự lãnh đạo của những người cộng sản.
Mátxcơva, tháng 4-2004


ĐẠI TÁ
CÔNACỐP VÍCHTO IACỐPLÊVÍCH

Ông sinh ngày 22-12-1932 tại tỉnh Xtalingrát.

Năm 1954 ông tốt nghiệp khoa kỹ thuật vô tuyến điện trường Cao đẳng kỹ thuật vô tuyên điện ở Kháccôp và được phân công công tác tại Quân khu phòng không Mátxcơva.

Từ năm 1955 đến năm 1958 ông được cử làm trưởng nhóm tại trung tâm kỹ thuật vô tuyến điện điều khiển tên lửa của tập đoàn quân đặc nhiệm.

Từ năm 1958 đến năm 1968, ông là kỹ sư, sau đó là kỹ sư trưởng của Phòng công binh tên lửa trong Ban tham mưu của quân đoàn đặc nhiệm.

Từ năm 1968 đến năm 1985 ông phục vụ tại Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô với chức vụ sĩ quan cao cấp của nhóm ứng dụng chiến đấu thuộc ban đặc biệt, sau đó là sĩ quan tham mưu cao cấp thuộc Văn phòng Tư lệnh bộ đội tên lửa phòng không Liên Xô.

Trong thời kỳ này ông tham gia vào công cuộc giúp đỡ quốc tế trong lĩnh vực chuyển giao kỹ thuật tên lửa phòng không cho các binh sĩ của Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên, Ấn Độ, Ai Cập, Cộng hòa Dân chủ Đức, Xiri, Tiệp Khắc, Hunggari, Angiêri.

Từ tháng 10-1971 đến tháng 3-1972 ông tham gia chiến đấu tại Việt Nam với chức vụ trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về sửa chữa và chuẩn hóa máy kiểm tra - đo đạc trong các bộ khí tài tên lửa phòng không

Ông là hội viên Hội cựu chiến binh. 

Ông đã được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ, Huân chương Vì phục vụ Tổ quốc trong lực lượng vũ trang Liên Xô hạng III. Huy hiệu Chiến sĩ quốc tế và 15 huy chương các loại.

Ông được Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng III và Huy chương Vì tình hữu nghị chiến đấu và tình đoàn kết.

CUỘC CHIẾN TRANH VIỆT NAM - QUA SỰ ĐÁNH GIÁ CỦA NGƯỜI ĐÃ THAM GIA -
MỘT SĨ QUAN BỘ TỔNG THAM MƯU BINH CHỦNG PHÒNG KHÔNG LIÊN XÔ

Đối với tuyệt đại đa số nhân dân Nga và nhân dân Liên Xô thì cuộc chiến tranh ở Việt Nam là cuộc chiến tranh chưa được biết đến.

Tôi có dịp quan sát cuộc chiến tranh diễn ra tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có thể nói là từ trên xuống và từ dưới lên. Trong giai đoạn đầu, với trách nhiệm của một sĩ quan thuộc Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không thuộc Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô, tôi trực tiếp tham gia xử lý, phân tích các báo cáo của các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, tham gia soạn thảo các tài liệu thông tin phục vụ bộ đội tên lửa phòng không Liên Xô, có sự phân tích hoạt động tác chiến của Binh chủng tên lửa phòng không tại Việt Nam. Trong những năm 1971 - 1972 tôi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy trực tiếp tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 

Chuyện này bắt đầu như sau. Năm 1967, kho tài liệu mật của ban tham mưu Quân đoàn phòng không đặc nhiệm - tại đây tôi là kỹ sư chính trong ban công binh tên lửa - có nhận được tài liệu giáo khoa "Sử dụng Binh chủng tên lửa phòng không trong chiến đấu theo kinh nghiệm tác chiến ở Việt Nam". Tác giả tài liệu giáo khoa này là nhóm sĩ quan của Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô. Đây là kinh nghiệm đầu tiên về tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không.

Binh chủng tên lửa phòng không ra đời từ sau cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại, vào đầu những năm 1950. Hệ thống tên lửa phòng không cố định đầu tiên được triển khai nhằm bảo vệ thủ đô của Liên Xô - thành phố Mátxcơva. Đó là giai đoạn lịch sử trong quá trình phát triển của Binh chủng phòng không Liên Xô, còn chính hệ thống này là kết quả của những thành tựu xuất sắc của nền khoa học Xôviết, nhờ những chiến công lao động của những người lao động thuộc công nghiệp quốc phòng và của những nỗ lực to lớn của các sĩ quan, các tướng lĩnh và binh sĩ Quân đội Liên Xô.

Vào nửa cuối những năm 1950, Binh chủng tên lửa phòng không đã bắt đầu được cung cấp các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75. Những bộ khí tài này là nền tảng của công cuộc phòng thủ trên không để bảo vệ các cơ sở hành chính và công nghiệp lớn khác.

Năm 1965 những bộ khí tài tên lửa phòng không đầu tiên X-75 cũng được triển khai tại các tuyến phòng thủ Hà Nội, Hải Phòng và tại các khu vực biên giới phía nam của Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Tôi bắt đầu chăm chú nghiên cứu kinh nghiệm tác chiến đầu tiên của bộ đội tên lửa phòng không tại Việt Nam. Tôi đã tranh thủ mọi cơ hội để nghiên cứu tài liệu giáo khoa "Sử dụng Binh chủng tên lửa phòng không trong chiến đấu theo kinh nghiệm tác chiến tại Việt Nam". Tôi lại càng quan tâm đến tài liệu này vào quý hai năm 1968, khi mà tại Ban tham mưu của quân đoàn người ta thông báo cho tôi biết rằng tôi chuẩn bị được chuyển sang công tác tại Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không thuộc Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô.

Tháng 9-1968 tôi được bổ nhiệm làm sĩ quan cao cấp trong nhóm ứng dụng chiến đấu tên lửa phòng không thuộc ban đặc biệt của Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không Liên Xô. Các nhiệm vụ chính của ban đặc biệt là: tổ chức và đảm bảo các công việc triển khai - tại các nước thân hữu và các nước đang phát triển - các đơn vị bộ đội tên lửa phòng không, vận hành các bộ khí tài tên lửa phòng không, huấn luyện các khẩu đội chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không tại các trung tâm huấn luyện của Liên Xô và trực tiếp tại nước ngoài; phân tích kinh nghiệm tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không trong các cuộc chiến tranh cục bộ, chuyển giao kinh nghiệm ấy cho bộ đội tên lửa phòng không của Liên Xô và của các nước có triển khai các bộ khí tài tên lửa phòng không của Liên Xô.

Tôi đã có dịp tham gia trong việc nghiên cứu và phân tích các báo cáo được Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa gửi về. Đó là những bản báo cáo hàng tháng, hàng quý, nửa năm và hàng năm. Cho đến nay tôi vẫn nhớ cấu trúc của các bản báo cáo ấy.

Mỗi báo cáo đều có các phần:

1. Tình hình chính trị - quân sự.

2. Chiến thuật hoạt động của không quân Mỹ.

3. Nhóm phương tiện phòng không và những thay đổi của nó trong thời gian được báo cáo.

4. Các cuộc khai hỏa chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không.

5. Thiệt hại trong chiến đấu. Sửa chữa và khôi phục các khí tài.

6. Kết luận. Các kết luận và kiến nghị.

Ở phần thứ nhất trình bày các quan điểm của ban lãnh đạo chính trị và của Bộ Chỉ huy của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về mục tiêu, tính chất, chiến lược và chiến thuật tiến hành chiến tranh.

Ở phần "Chiến thuật hoạt động của không quân Mỹ" trình bày quá trình hoàn thiện và phát triển việc sử dụng không quân Mỹ trong chiến đấu tại Đông - Nam Á. Chúng tôi đặc biệt quan tâm đến tài liệu trong phần này. Chúng tôi là những cán bộ chuyên môn trong bộ máy trung ương của Bộ Quốc phòng, cho nên chúng tôi hiểu rõ rằng xét trên góc độ quân sự thì chiến trường Đông - Nam Á, cuộc chiến tranh ở Việt Nam là bãi thử lớn để đánh giá - trong điều kiện chiến đấu - những tính năng kỹ thuật - chiến thuật của các phương tiện tấn công từ trên không của Mỹ, và để đưa ra những phương hướng và những biện pháp thực tế nhằm hoàn thiện những phương tiện ấy và chiến thuật sử dụng chúng trong chiến đấu.

Việc hoàn thiện các phương tiện tấn công từ trên không đã làm nảy sinh các biện pháp tương ứng nhằm hoàn thiện các phương tiện phòng không và hoàn thiện chiến thuật sử dụng các phương tiện phòng không trong chiến đấu. Sự đối đầu hỗ tương ấy diễn ra tại Việt Nam. Nhưng kết quả của sự đối đầu ấy là quá trình phát triển và hoàn thiện vũ khí, kỹ thuật quân sự, các phương pháp sử dụng chúng trong chiến đấu trong các quân đội Mỹ và Liên Xô. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam đã dẫn đến bước nhảy vọt mạnh mẽ trong sự phát triển của khoa học quân sự, của các xí nghiệp thuộc tổ hợp công nghiệp - quân sự, các công nghệ hiện đại. Cuộc chiến tranh ấy cũng tác động mạnh đến việc đào tạo các cán bộ quân sự.

Những người trực tiếp tham gia các hoạt động tác chiến tại nước Việt Nam xa xôi ấy gồm có các quân nhân của Quân đội nhân dân Việt Nam, các khẩu đội chiến đấu thuộc một số đơn vị và phân đội của Quân đội Liên Xô, các quân nhân của Quân đội Mỹ. Tuy nhiên, trong cuộc chiến tranh ấy, nhằm mục đích đạt được những kết quả và những ưu thế của các bên đối địch, đã diễn ra sự đối đầu về tiềm lực khoa học và nhân lực được che giấu trong một thời gian dài nhưng có thể cảm nhận thấy giữa hai siêu cường quốc của thời kỳ ấy - Mỹ và Liên Xô.

Trong cuộc chiến tranh ấy, ở cách xa Việt Nam, đã diễn ra cuộc đối đầu thường xuyên về trí não của hàng trăm nghìn, có thể là của hàng triệu người trên các mặt trận chiến đấu vô hình giữa các nhà khoa học trong các viện nghiên cứu khoa học và các phòng thiết kế, giữa các viên tướng và các sĩ quan tại các phòng làm việc của các bộ tổng tham mưu và các bộ tham mưu của các binh chủng thuộc các lực lượng vũ trang Mỹ và Liên Xô, giữa các khẩu đội chiến đấu tại các bãi thử vũ khí.

Những kết quả tích cực của cuộc đối đầu tổng hợp ấy đã được đem áp dụng trong quân đội các quốc gia có sử dụng kỹ thuật quân sự của Mỹ và Liên Xô.

Tôi là chuyên gia về tên lửa phòng không. Vì vậy, tôi có thể đưa ra một sự đánh giá, trên phương diện chuyên môn, về kết quả cuộc đối đầu giữa các phương tiện tấn công từ trên không và binh chủng tên lửa phòng không.

Năm 1971 tôi được phái sang công tác tại Việt Nam. Nhưng trong thời gian từ năm 1968 đến năm 1971 tôi đã tham gia trong cuộc chiến tranh ấy dưới hình thức phân tích các báo cáo của các chuyên gia quân sự Liên Xô gửi về từ chiến trường, vạch ra những biện pháp hoàn thiện và phát triển binh chủng tên lửa phòng không, đào tạo các cán bộ tên lửa phòng không của Liên Xô, của Việt Nam, của các nước thành viên Hiệp ước Vácsava, của binh chủng tên lửa phòng không Ai Cập, Xiri, Ấn Độ, Bắc Triều Tiên.

Trong bài viết này không thể trình bày được hết mọi tổng kết về cuộc chiến tranh Việt Nam. Vì vậy, tôi sẽ trình bày những điểm chính - đó là những sự thay đổi của các phương tiện tấn công từ trên không của Mỹ và chiến thuật hoạt động tác chiến của Mỹ trong những năm chiến tranh Việt Nam diễn ra như thế nào?

Vào thời kỳ đầu chiến tranh, khi binh chủng tên lửa phòng không của Việt Nam còn yếu cả đội ngũ nhân lực và trình độ chuyên môn, các máy bay Mỹ bay đến ném bom các thành phố và các mục tiêu quân sự với đội hình dày đặc với tốc độ trung bình, không có các phương tiện tháp tùng, không sử dụng các biện pháp gây nhiễu. Trong những điều kiện đơn giản như vậy, các phương tiện tấn công từ trên không của Mỹ đã đạt được những thắng lợi to lớn. Hậu quả là những thành phố, những trận địa quân đội các cầu cống, đường sá, hải cảng bị tàn phá, những tổn thất lớn về người, sự tàn phá nền kinh tế. Phương tiện phòng không chủ yếu là pháo cao xạ, lại không có hiệu quả. Tình hình trở nên gay cấn. Các phương tiện phòng không không có khả năng bảo vệ ngay cả những cơ sở chủ yếu của đất nước.

Theo đề nghị của ban lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ban lãnh đạo chính trị của Liên Xô và Bộ Tổng tham mưu đã thực hiện những biện pháp khẩn cấp: mùa xuân 1965 chúng ta đã đưa các phương tiện kỹ thuật chiến đấu của các bộ khí tài tên lửa phòng không cùng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để triển khai, vận hành các phương tiện kỹ thuật ấy và huấn luyện các khẩu đội Việt Nam tiến hành tác chiến. Về sau các chuyên gia của nền công nghiệp quốc phòng Liên Xô cũng được phái đến Việt Nam để sửa chữa và nhanh chóng hoàn thiện các khí tài chiến đấu. Trong Sứ quán Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã thành lập bộ máy của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Trong một thời gian ngắn đã triển khai được khoảng 15 trung đoàn tên lửa phòng không với cơ cấu biên chế mỗi trung đoàn có 4 tiểu đoàn tên lửa phòng không.

Các trung đoàn tên lửa phòng không được triển khai ở 3 vùng chủ yếu: tại các tuyến phòng thủ của Hà Nội, Hải Phòng và ở khu vực liền kề với Nam Việt Nam dọc theo vĩ tuyến 17.

Sau ngày 24-7-1965 binh chủng tên lửa phòng không của Việt Nam bắt đầu phát triển rất nhanh. Hiệu quả của các đơn vị ấy đã liên tục tăng lên. Đã ghi nhận những trường hợp dùng 1 tên lửa bắn rơi được 2 máy bay địch bay theo đội hình dày đặc.

Không quân Mỹ bắt đầu chịu những tổn thất to lớn. Với mức tổn thất 10% và nhiều hơn thế số máy bay hoạt động trên bầu trời thì, về nguyên tắc, các phi công sẽ tránh xa khỏi vùng thuộc tầm bắn của bộ đội tên lửa phòng không.

Thế là bắt đầu những sự tìm kiếm nhanh chóng để có được chiến thuật khắc phục tác hại của các phương tiện phòng thủ bằng tên lửa chống máy bay. Những tìm kiếm ấy đưa đến kết quả là đã sử dụng những phương pháp hữu hiệu để chống lại các phương tiện phòng không của Việt Nam. Dưới đây xin kể ra những phương pháp chủ yếu.

Trong các tốp máy bay tấn công, các máy bay bay tản ra nhiều, bằng cách tăng khoảng cách và mật độ giữa các tốp máy bay ấy. Để tiếp cận mục tiêu có hiệu quả, Mỹ đã sử dụng những tốp máy bay đảm bảo nhiều thành phần: trinh sát trên không, các tốp tảo thanh trên không trung, các máy bay gây nhiễu, các tốp máy bay đánh lạc hướng, các tốp máy bay dùng hỏa lực khống chế trận địa tên lửa.

Mỹ sử dụng rộng rãi các thủ đoạn chiến thuật mới. Không quân Mỹ bắt đầu bay ở tầm thấp và cực thấp bên ngoài vùng phủ sóng ra đa và bên ngoài tầm phát hiện của các đài điều khiển tên lửa. Chúng sử dụng khéo léo những địa hình đồng bằng tự nhiên nằm giữa các ngọn núi, là những địa hình mà các trạm ra đa của các phương tiện trinh sát phòng không không quan sát được.

Đã xuất hiện những phương cách mới để khắc phục các vùng nằm trong tầm quan sát được của các phương tiện phòng không. Chúng bắt đầu sử dụng những máy bay trinh sát không người lái, cỡ nhỏ và hữu hiệu kiểu như BQM-34 để trinh sát các mục tiêu từ trên không. Nhằm dùng hỏa lực khống chế các đài điều khiển tên lửa và các đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu của các phương tiện phòng không, Mỹ sử dụng rộng rãi các loại bom, các loại đạn rốc két và các tên lửa chống ra đa như kiểu tên lửa “Sraicơ". Không quân Mỹ bắt đầu áp dụng rộng rãi tầm bay thấp, cơ động tránh tên lửa, dùng hỏa lực khống chế và những biện pháp chiến thuật khác.

Để tiêu diệt sinh lực, Mỹ sử dụng các loại bom bi.

Hiệu quả của tên lửa phòng không giảm hẳn. Một bộ phận lớn các máy bay đã tiếp cận được mục tiêu, tiêu diệt các bộ khí tài tên lửa phòng không ngay trên trận địa.

Để bổ sung số lượng tên lửa phòng không bị tổn thất, Liên Xô đã gấp rút cung cấp các bộ khí tài tên lửa phòng không, khí tài chiến đấu. Những bộ khí tài tên lửa bị hư hại thì được phục hồi lại ở ngay trên trận địa nhờ sự trợ giúp của các chuyên gia quân sự Liên Xô.

Nhưng những biện pháp ấy đã không đảm bảo được tính chất ổn định của hệ thống phòng không bằng tên lửa. Cần có những biện pháp có tính chất quyết định nhằm cải tiến các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 thông qua việc hiện đại hóa căn bản những bộ khí tài này. Những biện pháp được áp dụng đã đưa đến kết quả là hiệu quả của những bộ khí tài ấy đã tăng lên đáng kể trong điều kiện diễn ra cuộc đối chọi bằng các phương tiện vô tuyến điện, không quân Mỹ áp dụng tầm bay thấp, cơ động tránh tên lửa, dùng hỏa lực khống chế và những biện pháp chiến thuật khác.

Các hướng chủ yếu trong việc hiện đại hóa là: nâng cao khả năng chống nhiễu, cải tiến mạch cộng hưởng điều khiển nhằm mở rộng tầm tiêu diệt và khả năng đối phó với các máy bay có sử dụng biện pháp cơ động tránh tên lửa, phòng tránh tên lửa chống ra da bằng cách sử dụng, tại trận địa, các phương tiện phát sóng đánh lạc hướng và một loạt biện pháp có tính chất tổ chức - kỹ thuật. Đã mở rộng đáng kể các tính năng chiến đấu của tên lửa. Quá trình cải tiến bộ khí tài tên lửa phòng không diễn ra liên tục. Để đối phó lại với mỗi phương pháp chiến thuật mới của các phương tiện tấn công từ trên không của địch, phía chúng ta đã tìm kiếm các phương sách và phương pháp giảm hiệu quả của các phương tiện tấn công từ trên không.

Bắt đầu áp dụng rộng rãi phương pháp cơ động tiểu đoàn tên lửa nhằm tổ chức phục kích bất ngờ phóng tên lửa vào máy bay địch.

Cần phải nêu rõ rằng bên cạnh những hướng hiện đại hóa hữu hiệu đối với các bộ khí tài tên lửa phòng không thì cũng đã từng tồn tại những hướng thiếu suy tính kỹ, không đáp ứng sự mong đợi. Có người đề xuất sử dụng kênh quang học để phóng tên lửa trong điều kiện địch sử dụng các biện pháp gây nhiễu mạnh bằng sóng vô tuyến điện.

Để thực hiện biện pháp này trong cabin thu - phát của đài điều khiển tên lửa, người ta đặt một cabin nhỏ bằng kim loại, trong đó có bố trí một ống nhòm quang học có tầm nhìn nhỏ. Trong điều kiện khí hậu nóng ẩm của Việt Nam và kích thước nhỏ của cabin thì pháo thủ của khẩu đội không thể làm việc được. Tầm nhìn để phát hiện lại không đủ. Độ chính xác của khâu bám sát mục tiêu lại không cao. Kênh quang học phụ trợ ấy đã không được sử dụng trong thực tế. Tuy vậy, sau này kênh quang học đã được cải tiến đáng kể và biến thành kênh truyền hình - quang học.

Các phương tiện tấn công từ trên không đã sử dụng đặc biệt hiệu quả phương pháp gây nhiễu bằng sóng vô tuyến điện. Ở giai đoạn tác chiến ban đầu các máy bay gây nhiễu cho các đài điều khiển tên lửa và đài trinh sát - chỉ thị mục tiêu trên thực tế đã làm tê liệt hoạt động của các phương tiện này. Không thể phóng tên lửa đánh mực tiêu được hoặc những lần phóng tên lửa cũng kém hiệu quả do những sai sót lớn ở khâu điều khiển tên lửa tiếp cận mục tiêu, vì lý do tín hiệu phản hồi từ mục tiêu bị sai lệch do nhiễu.

Việc tìm kiếm các phương pháp sử dụng các tên lửa phòng không chiến đấu trong điều kiện địch sử dụng phương pháp gây nhiễu bằng sóng vô tuyến điện đã trở thành nỗi đau đầu chủ yếu của các nhà chế tạo ra những bộ khí tài tên lửa phòng không, của các cán bộ ở các viện nghiên cứu khoa học và các chuyên gia ở Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô.

Để phục vụ công tác phân tích những cuộc phóng tên lửa chiến đấu trong điều kiện địch sử dụng biện pháp gây nhiễu bằng sóng vô tuyến điện và để chuẩn bị các biện pháp nâng cao hiệu quả của những lần phóng tên lửa, một nhóm đặc biệt đã được thành lập, gồm các chuyên gia làm việc tại các phòng thiết kế, các viện nghiên cứu khoa học, các sĩ quan của bính chủng tên lửa phòng không.

Nhóm nghiên cứu này đã làm việc trong một thời gian dài ở Việt Nam tại các đơn vị chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không. Trên cơ sở những tài liệu nghiên cứu của nhóm chuyên gia này người ta đã tiến hành một loạt các công việc hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa phòng không, áp dụng vào thực tiễn các biện pháp có tính chất tổ chức - kỹ thuật, cải tiến những bản hướng dẫn và cẩm nang dùng cho hoạt động tác chiến của các khẩu đội.

Những biện pháp này đã cho phép nâng cao hiệu quả của những lần phóng tên lửa của bộ đội tên lửa phòng không trong điều kiện máy bay địch có sử dụng các biện pháp gây nhiễu tích cực và gây nhiễu thụ động. Tuy nhiên, đã không đạt được những kết quả tích cực một cách căn bản. Theo quan điểm của tôi, một trong những nguyên nhân chủ yếu là cơ sở vật chất - huấn luyện yếu trong khâu đào tạo các khẩu đội chiến đấu của tiểu đoàn trong điều kiện địch sử dụng các biện pháp đối phó bằng sóng vô tuyến điện.

Lực lượng không quân Liên Xô không có đủ số máy bay gây nhiễu để đảm bảo công tác huấn luyện cần thiết cho các khẩu đội chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không tại các bãi thử vũ khí, tại các trung tâm huấn luyện và tại nơi đóng quân cố định. Các bộ phỏng tạo tên lửa huấn luyện cần thiết cho bộ đội tên lửa phòng không kiểu "AK-KORD" đã được nghiên cứu chế tạo và đem sử dụng cho bộ đội tên lửa phòng không bị chậm trễ nhiều so với thời điểm các máy bay bắn phá của Mỹ sử dụng rộng rãi các phương pháp gây nhiễu.

Tuy nhiên, cần nêu rõ rằng kinh nghiệm tác chiến tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của các bộ khí tài tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất đã được áp dụng có kết quả trong việc đạt được, trong một thời gian rất ngắn, bước nhảy vọt về chất lượng và hiệu quả hoạt động của binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô và của những nước khác được cung cấp các bộ khí tài tên lửa ấy.

Công tác này được tiến hành theo các hướng chủ yếu sau đây:

1. Hiện đại hóa các bộ khí tài tên lửa phòng không và các đài trinh sát - chỉ thị mục tiêu.

2. Áp dụng những nguyên tắc mới trong cấu tạo các cụm đơn vị tên lửa phòng không.

3. Cải tiến đáng kể các tài liệu quy chuẩn về tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không trong điều kiện không quân Mỹ sử dụng các phương pháp hiện đại nhằm đối phó với hệ thống phòng không bằng tên lửa và nhằm giáng các đòn đánh phá vào các trung tâm hành chính - công nghiệp và các trận địa quân đội.

4. Áp dụng những phương pháp và phương thức hiện đại hơn trong khâu chuẩn bị chiến đấu. Nghiên cứu chế tạo và áp dụng các bộ thiết bị phỏng tạo - huấn luyện. Chuyển từ phương pháp huấn luyện chiến đấu cho các trắc thủ của các khẩu đội sang phương pháp tổ chức hiệp đồng đồng bộ các khẩu đội, các đại đội, các tiểu đoàn, các đơn vị và các hên đội.

5. Nắm vững các phương thức phục hồi tại các trận địa và tại các cơ sở sửa chữa đối với những bộ khí tài tên lửa phòng không bị hư hỏng.

Tôi xin đề cập đến những hướng phát triển chủ yếu của binh chủng tên lửa phòng không trên cơ sở những tổng kết chiến tranh. Kinh nghiệm chiến tranh ở Việt Nam đã cho thấy rằng cách bố trí đội hình các cụm tên lửa phòng không theo những nguyên tắc trước chiến tranh đã không đảm bảo hiệu quả và tác dụng của chúng nữa. Các khoảng cách giữa các tiểu đoàn tên lửa là quá lớn và không đảm bảo sự yểm trợ lẫn nhau bằng hỏa lực của các tiểu đoàn kế cận. Nếu máy bay địch ở trong tầm tiêu diệt của một tiểu đoàn, thì các tiểu đoàn bên cạnh không thể bắn chiếc máy bay ấy. Các vùng tiêu diệt mục tiêu của những tiểu đoàn ấy không chồng lên nhau. Hệ thống hỏa lực chỉ có một lớp. Với hệ thống hỏa lực như vậy, thì thông thường chỉ có một tiểu đoàn có thể phóng tên lửa theo lộ trình chuyển động của máy bay. Như vậy, đã không thể thực hiện được nguyên tắc đã biết về tập trung hỏa lực.

Ở Việt Nam các cụm đơn vị tên lửa phòng không đã được xây dựng trên cơ sở những bộ khí tài tên lửa phòng không cùng loại hoạt động trên cùng một băng tần sóng vô tuyến, với sự chênh lệch nhỏ của các tần số làm việc của các tiểu đoàn bên cạnh. Với nguyên tắc cơ cấu như vậy thì khả năng chống nhiễu của các cụm đơn vị tên lửa phòng không là thấp. Một máy bay gây nhiễu có thể phát sóng gây nhiễu trên băng tần sóng vô tuyến của tất cả hoặc của đa số các tiểu đoàn được triển khai trên tuyến phòng thủ một mực tiêu (như thường thấy, đó là cơ cấu có 4 tiểu đoàn).

Nhằm khắc phục những khiếm khuyết chủ yếu ấy của binh chủng tên lửa phòng không - đã được phát hiện ra nhờ những tổng kết chiến tranh ở Việt Nam - trong một thời gian tương đối ngắn người ta đã nghiên cứu và áp dụng nguyên tắc mới trong cơ cấu các cụm đơn vị tên lửa phòng không ở Liên Xô.

Trên tuyến phòng thủ các cơ sở lớn, thay vì các cụm đơn vị tên lửa phòng không cùng loại thì người ta xây dựng các cụm tên lửa phòng không hỗn hợp gồm những bộ khí tài tên lửa thuộc kiểu khác nhau với tầm bắn ngắn, trung bình và xa trên những băng tần sóng vô tuyến khác nhau, với những khoảng cách không lớn theo chiều ngang và chiều sâu. Những cụm đơn vị tên lửa phòng không có cơ cấu đội hình như vậy đã đảm bảo tuyến phòng thủ vòng tròn vững chắc như nhau, với hệ thống hỏa lực nhiều lớp ở dải tần rộng về độ cao tiêu diệt mục tiêu. Những cụm đơn vị tên lửa kiểu này đã trở nên có khả năng chống nhiễu một cách vững chắc. Trong điều kiện địch sử dụng hỏa lực để chế áp các trận địa chiến đấu thì sức sống của các cụm đơn vị tên lửa ấy được tăng lên đáng kể.

Để giảm các độ cao tầm bắn của bộ khí tài tên lửa phòng không, ở các đơn vị người ta đã có nhiều cố gắng trong việc chuyển các tiểu đoàn đến các trận địa mới, có lợi hơn, có sử dụng các cao điểm tự nhiên của địa hình để bố trí các ca bin thu - phát của đài điều khiển tên lửa. Đôi khi những cao điểm như thế được tạo ra một cách nhân tạo tại các trận địa được xây dựng sẵn. Các quân chủng phòng không của nước nhà đã có những cố gắng phi thường trong việc tạo ra các cụm đơn vị tên lửa phòng không có cơ cấu hỗn hợp. Thông thường toàn bộ công việc to lớn này được tiến hành bằng phương thức nội lực, tức là bằng lực lượng và các phương tiện của các phân đội và các đơn vị bộ đọi tên lửa phòng không.

Kinh nghiệm tác chiến của bộ đội tên lửa ở Việt Nam đã được phổ biến và áp dụng không những trong binh chủng phòng không của Liên Xô, mà còn ở những nước khác. Người ta sử dụng những phương pháp khác nhau. Ví dụ, ban đặc biệt của chúng tôi đã chuẩn bị bản thảo và thông qua một nhà xuất bản chuyên trách in ra những bản thông báo kỹ thuật bằng nhiều thứ tiếng. Trong những bản thông báo ấy đăng tải những điểm tổng kết chiến tranh và những đề xuất về cải tiến cơ cấu các cụm đơn vị tên lửa phòng không trên cơ sở có xét đến kinh nghiệm cửa cuộc chiến tranh ấy.

Những thông tin thu thập được trong quá trình tác chiến ở Việt Nam đều được phổ biến rộng rãi trong các trường quân sự của Liên Xô, kể cả tại các trường quân sự có các cán bộ chuyên môn quân sự của nước ngoài theo học.

Kinh nghiệm này đã được sử dụng tại các trung tâm huấn luyện bộ đội tên lửa phòng không, là nơi đào tạo và huấn luyện các khẩu đội tên lửa phòng không của Việt Nam và của những nước khác. Có hai trung tâm như vậy: ở gần thành phố Craxnôvốtxcơ - tại khu vực ga xe lửa Iangátgia - và tại vùng ngoại ô Ba cu. Kinh nghiệm này đã được áp dụng trong các cuộc phóng tên lửa chiến đấu tại các bãi thử vũ khí Asulúc thuộc tỉnh Axtơrakhan. Tại các trung tâm huấn luyện ấy và tại bãi thử vũ khí người ta đào tạo các khẩu đội chiến đấu thuộc các phân đội và các đơn vị tên lửa phòng không của Ai Cập.

Trong cuộc chiến tranh 7 ngày hồi tháng 6-1967, trên thực tế không quân Ixraen đã tiêu diệt hoàn toàn cụm đơn vị tên lửa phòng không gồm 7 tiểu đoàn tên lửa phòng không X-75 tại khu vực kênh Xuyê. Cụm đơn vị tên lửa phòng không này được cấu tạo theo các nguyên tắc cũ của Liên Xô, với hệ thống hỏa lực một tầng, không có sự yểm trợ cho nhau bằng hỏa lực. Các trận địa tên lửa phòng không thì không có được những công trình kỹ thuật bảo vệ ẩn nấp và không được ngụy trang. Không quân Ixraen đã giành được sự khống chế bầu trời và trên thực tế đã tự do đánh phá các cơ sở của Ai Cập. Ban lãnh đạo của Liên Xô và Bộ chỉ huy các lực lượng vũ trang Liên Xô lại bắt đầu có những mối quan tâm mới. Nhưng giờ đây là ở vùng Cận Đông và trong cuộc đối phó với không quân Ixraen.

Cần phải nêu rõ rằng không quân của Ixraen đã sử dụng tất cả các phương pháp chọc thủng hệ thống phòng không mà không quân Mỹ đã sử dụng ở Việt Nam. Bộ chỉ huy Liên Xô, trước hết là Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không đã khẩn trương thực hiện một cách đồng bộ các công tác kỹ thuật - quân sự phức tạp nhằm thành lập các cụm đơn vị bộ đội tên lửa phòng không của Ai Cập trên cơ sở có tính đến kinh nghiệm hết sức phong phú ở Việt Nam. Giờ đây, các sĩ quan thuộc Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô làm việc cho hai mặt trận: cuộc chiến tranh vẫn tiếp tục ở Việt Nam, lại có thêm không ít mối quan tâm đảm bảo xây dựng một cụm đơn vị tên lửa phòng không thực sự mới, mạnh hơn ở Cận Đông.

Nhằm đảm bảo thực hiện toàn bộ khối lượng công việc đồng bộ, trong Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không đã lập ra các nhóm hành động. Trên thực tế, mỗi buổi sáng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không báo cáo với Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô về kết quả các hoạt động tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không trong ngày hôm trước, về các kết luận và những kiến nghị. Để xây dựng bản báo cáo người ta đã chuẩn bị các bản đồ, các biểu đồ, các hình vẽ và những công việc khác.

Các sĩ quan thuộc Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không đã làm việc cả ngày lẫn đêm, không tiếc sức mình và thời gian. Nhằm đảm bảo hoạt động tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không tại Ai Cập, người ta đã sử dụng tối đa kinh nghiệm của cuộc chiến tranh tại Việt Nam. Tựa hồ như đã tồn tại chiếc cầu vô hình Hà Nội - Mátxcơva - Cai rô. 
Vẫn tiếp tục công tác phổ biến kinh nghiệm của cuộc chiến tại Việt Nam trong Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô và của các nước tham gia Hiệp ước Vácsava. Người ta đã sử dụng mọi hình thức và phương pháp. Bộ chỉ huy Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô đã tổ chức một cách có hệ thống những buổi thuyết trình và các buổi báo cáo về các ứng dụng chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không tại Việt Nam: trong các cuộc họp của giới chỉ huy Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô và của các nước tham gia Hiệp ước Vácsava, tại các bãi thử vũ khí và tại các trung tâm huấn luyện, trước đội ngũ giáo sư giảng viên của các trường quân sự.

Mùa xuân 1969. Tôi được giao nhiệm vụ: chuẩn bị cho Tư lệnh bộ đội tên lửa phòng không Liên Xô bài thuyết trình "Sử dụng Binh chủng tên lửa phòng không trong chiến đấu trong điều kiện các phương tiện tấn công từ trên không của địch thực hiện đánh phá ồ ạt ở nhiều độ cao, sử dụng rộng rãi các hình thức nhiễu bằng sóng vô tuyến điện, thực hiện cơ động tránh tên lửa đất đối không và dùng hỏa lực khống chế các trận địa chiến đấu, dựa trên kinh nghiệm hoạt động tác chiến ở Đông Nam Á và tại Cận Đông. Đã có những sơ đồ đồng bộ được chuẩn bị phục vụ cho phần nội dung của bài thuyết trình. Bài thuyết trình này được chuẩn bị để trình bày trước Bộ chỉ huy Binh chủng phòng không của khối Hiệp ước Vácsava tại cuộc họp làm việc diễn ra tại Kiép, trong Trụ sở Bộ Tham mưu Quân khu Kiép. 

Tôi có mặt trong nhóm các sĩ quan tên lửa phòng không đến thành phố Kiép để đảm bảo công việc của Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không tại cuộc họp này. Cuộc họp này được chủ trì bởi Tổng tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô P.Ph. Batíxki.

Tôi còn nhớ những tình tiết nổi lên sự quý trọng ngưỡng mộ của các vị Tư lệnh binh chủng phòng không của các nước Hiệp ước Vácsava đối với vị Tư lệnh này, một nhân vật có trình độ chuyện môn, nghiêm khắc, nhưng đôi khi quá cứng rắn.
Tôi xin dẫn ra đây một tình tiết xảy ra trong cuộc họp hôm ấy. Tại Phòng báo chí người ta tổ chức một cuộc thi giữa các bộ tham mưu qua các tấm bản đồ. Cuộc thi có sơ đồ như sau: nhóm tác chiến công bố phương án tấn công của phương tiện tấn công từ trên không. Các bộ tham mưu của Binh chủng phòng không các nước Hiệp ước Vácsava phải đánh giá tình hình, đưa ra quyết định đánh trả cuộc tấn công và truyền đạt quyết định ấy đến các đơn vị bộ đội tên lửa phòng không.

Phương án bị thua trong cuộc thi là phương án đánh trả cuộc tấn công của không quân địch vào Buđapét. Vị Tư lệnh Binh chủng phòng không của Hunggari báo cáo với Nguyên soái P. Ph. Batixki về những kết luận và quyết định đánh trả cuộc tấn công. Vị Tư lệnh này đã truyền đạt trong khoảng thời gian 20 phút cho các đơn vị bộ đội về sự đánh giá tình hình trên bầu trời và quyết định đánh trả cuộc tấn công của địch.

Trong suốt 20 phút ấy Nguyên soái Batixki im lặng nghe. Sau khi bản báo cáo kết thúc ông tiến đến vị Tư lệnh Binh chủng phòng không của Hunggari, nhìn thẳng vào mặt vị này và nói:

"Đồng chí đã đánh giá tình hình và truyền đạt quyết định đến các đơn vị bộ đội mất 20 phút. Trong khoảng thời gian này máy bay địch đã lao được đến thành phố Buđapét và đánh phá thành phố này rồi. Ai hành động theo cách như vậy? Kẻ ngu ngốc hoặc tên phản bội. Nếu là kẻ ngu ngốc thì cần phải phế truất khỏi chức vụ. Nếu là tên phản bội thì phải bị đem xử bắn. Chỉ được phép truyền đạt quyết định ấy - hành động theo phương án phòng không, ngoại trừ... - trong vòng 2 - 3 phút mà thôi, và liệt kê những công việc cần thực hiện bổ sung".

Tiếp đó, Nguyên soái nói thêm: "Đồng chí đừng giận tôi nhé. Ở nước chúng tôi cũng có nhiều vị chỉ huy mắc phải bệnh nói nhiều. Họ cho rằng càng nói dài dòng thì càng tỏ ra am hiểu nhiều hơn. Nhưng đối với chúng ta, mỗi giây thời gian đều quý giá. Tất cả mọi người cần tuân theo nguyên tắc này".

Các sĩ quan làm việc tại bộ máy trung ương của Bộ Quốc phòng thật là vất vả. Công việc hàng ngày ở đây rất căng thẳng, cực nhọc, đôi lúc phải làm việc trong điều kiện không đơn giản. Ngoài công việc phân tích phức tạp, bản thân chúng tôi phải cắt dán các bản đồ và biểu ngữ, đặt ra tình huống, xây dựng các sơ đồ và hình vẽ. Có nhiều vị chỉ huy thuộc cấp cao đã hoàn toàn không hiểu được và không đánh giá được xem ngay cả một sĩ quan thừa hành tài ba nhất phải mất bao nhiêu thời gian để chuẩn bị báo cáo, sơ đồ. Vì thế, họ thường hay phát ra mệnh lệnh chỉ với một nội dung: "Đến sáng phải hoàn thành"'.

Và thế là chúng tôi lại lao vào công việc? Mệnh lệnh là mệnh lệnh. Trong cuốn Bộ Tổng tham mưu trong những năm chiến tranh tướng Stêmencô đã nhận xét một cách có lý rằng "các sĩ quan trong Bộ Tổng tham mưu làm việc như những cỗ máy, tưởng chừng như họ chẳng bao giờ biết mệt mỏi. Nhưng những công việc nặng nhọc về thể xác và thần kinh đã gây hậu quả. Sau chiến tranh đã có nhiều sĩ quan buộc phải xuất ngũ vì lý do sức khoẻ và chỉ sống thêm được vài năm sau khi thôi công tác tại Bộ Tổng tham mưu'.

Nhưng đồng thời tôi cũng cảm ơn số phận. Tôi đã có dịp được nghe thấy và nhìn thấy nhiều điều thú vị và bổ ích trong những năm phục vụ tại bộ máy trung ương. Vì công việc mà tôi đã có dịp được tiếp xúc với những vị chỉ huy nổi tiếng của quân đội, với các nhà khoa học, những nhà chế tạo vũ khí. Đã phải học hỏi nhiều điều trong quá trình giải quyết những nhiệm vụ phức tạp, trong đó có công việc phân tích các hoạt động tác chiến ở Việt Nam.

Còn bây giờ xin nói về những công việc của tôi ở Việt Nam. Đầu năm 1971. Tôi được lệnh dẫn đầu và chuẩn bị một nhóm chuyên gia quân sự để tiến hành tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa công tác chuẩn hóa và sửa chữa thường kỳ các máy kiểm tra - đo đạc phục vụ công tác kiểm tra và hiệu chỉnh các bộ khí tài tên lửa phòng không và các trạm kiểm tra - thử nghiệm di động, cũng như phục vụ kiểm tra và hiệu chỉnh các thiết bị, máy móc trong tên lửa.

Đó là nhiệm vụ chính thức và chủ yếu của tôi trong thời gian biệt phái sang Việt Nam. Nhiệm vụ thứ hai và không chính thức là đánh giá công việc tổ chức và cách thức các chuyên gia quân sự trong bộ máy của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thu thập các tài liệu phục vụ cho việc phân tích hoạt động tác chiến của bộ đội tên lửa phòng không và chuẩn bị các báo cáo gửi Bộ Quốc phòng.

Cần tổ chức công việc này theo phương cách hiện diện tại trận địa của các tiểu đoàn, các đài chỉ huy của các đơn vị tên lửa phòng không. Đánh giá công tác xây dựng các trận địa ấy, cách bảo quản vũ khí và các phương tiện kỹ thuật chiến đấu tại trận địa. Có cả nhiệm vụ nghiên cứu sự phối hợp hoạt động giữa các nhóm chuyên gia quân sự : Liên Xô tại các trung đoàn tên lửa phòng không với các quân nhân Việt Nam.

Công việc chuẩn bị cho chuyến đi công tác sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được tiến hành theo hai hướng chính: chuẩn bị nhân sự của nhóm, cũng như chuẩn bị khí tài các dụng cụ, linh kiện, phụ kiện và vật liệu dự trữ.

Để phục vụ các nhiệm vụ chuẩn hóa các máy kiểm tra - đo đạc và các trạm kiểm tra - thử nghiệm di động ở nước ngoài, Văn phòng Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không Liên Xô đã thành lập một Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường và một khẩu đội tương ứng gồm các sĩ quan, các hạ sĩ quan và binh sĩ.

Các phương tiện kỹ thuật chủ yếu gồm: Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường - các dụng cụ chuẩn về đo đạc, được sử dụng để đánh giá độ chính xác của các dụng cụ và của các trạm kiểm tra thử nghiệm - di động được sử dụng tại các trận địa nhằm thực hiện công việc hiệu chỉnh trực tiếp các đài điều khiển tên lửa, các đài trinh sát và chỉ thị mục tiêu, cũng như các máy móc trong tên lửa.

Do vậy, Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường đã đảm bảo độ chính xác trong việc hiệu chỉnh các đài điều khiển tên lửa và các tên lửa và nhờ vậy, đảm bảo độ chính xác của khâu điều khiển tên lửa tiếp cận mục tiêu, tức là đảm bảo hiệu quả của những lần phóng tên lửa và nói chung, hiệu quả chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không. Theo thông lệ, mỗi năm tiến hành quy chuẩn một lần.

Điều đó có nghĩa là tại mỗi nước có triển khai tác bộ khí tài tên lửa phòng không do Liên Xô sản xuất, Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường phải làm việc mỗi năm một lần. Các máy móc lập chuẩn của Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường được bố trí theo hai cách: trong một phòng thí nghiệm lưu động được thiết kế đặc biệt hoặc trong những contenơ đặc biệt. Các contenơ đặc biệt ấy được máy bay hoặc tàu biển, đôi khi bằng cả hai cách ấy, chuyển đến nước "X".

Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường được chuyển sang Việt Nam bằng phương án hỗn hợp (đường không và đường biển): các máy bay hoặc xe lửa chở phòng thí nghiệm ấy đến Vlađivôxtốc hoặc đến Nakhốtca, tiếp đó được chở bằng tầu biển.
Nhiệm vụ của chúng tôi không chỉ là cung cấp đầy đủ các dụng cụ quy chuẩn cần thiết cho phòng thí nghiệm, mà còn tiếp nhận, theo đơn đặt hàng, một số lượng cần thiết các linh kiện vô tuyến điện và các phụ kiện dự trữ để tiến hành sửa chữa nhỏ hàng ngày tại chỗ ở nước ngoài.

Các sĩ quan của phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường đảm nhiệm chủ yếu công việc chuẩn bị phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường để chuyển sang Việt Nam. Tôi đảm nhận việc tổ chức và kiểm tra công việc chuẩn bị ấy bằng cách đến phòng thí nghiệm được bố trí tại thành phố Liubécxư ở gần Mátxcơva.

Không có đủ số lượng cán bộ chuyên môn của phòng thí nghiệm trung ương để tiến hành công việc ở tất cả các nước. Vì vậy đã phải triệu tập một bộ phận sĩ quan trực tiếp từ các đơn vị quân đội có chuyên môn về lập chuẩn.

Chẳng hạn, để phái sang làm việc tại Việt Nam, người ta đã thành lập một nhóm gồm 12 chuyên gia quân sự. Tôi được cử làm trưởng nhóm chuyên gia này.

Sau khi tiến hành tuyển chọn kỹ lưỡng các đối tượng được giới thiệu thì bắt đầu công việc chiếm nhiều thời gian là chuẩn bị thủ tục xuất ngoại cho từng chuyên gia.

Tiếp theo là khâu tập hợp các kết luận y tế về sức khoẻ, các giấy chứng nhận tiêm chủng ngừa các loại bệnh truyền nhiễm. Ngoài ra còn thu thập những bản nhận xét công tác của mỗi chuyên gia, có chữ ký nhận xét của thủ trưởng đơn vị.

Tôi đã nhiều lần đến nhiều nước cùng với các tổ công tác để thực hiện nhiệm vụ, nhưng chưa có lần nào xảy ra trường hợp có ai đó trong số các chuyên gia được lựa chọn bị loại và không được cử ra nước ngoài.

Vậy là đội công tác đã được thành lập. Các quân nhân được giới thiệu đến từ các đơn vị quân đội đã được triệu tập và bố trí tại Mátxcơva, trong nhà khách của Bộ Quốc phòng. Vé máy bay thì tự chúng tôi mua theo giấy giới thiệu của Bộ Tổng tham mưu. Rồi lên đường.

Chúng tôi đi trên loại máy bay IL-18. Cùng với nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô chúng tôi, đi trên chuyến bay này còn có 30 chuyên gia của xí nghiệp kỹ thuật - sản xuất chủ đạo thuộc Bộ công nghiệp vô tuyến điện. Nhiệm vụ của họ là hiện đại hóa các bộ kỹ thuật tên lửa phòng không X-75 nhằm hoàn thiện các khả năng chiến đấu trên cơ sở kinh nghiệm những thành tích chiến đấu ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Trưởng nhóm chuyên gia này là đồng chí Ivan Pêtơrôvích Sápcun. 

26 giờ bay trên máy bay. Những nơi hạ cánh dừng chân là: Tasken, Carachi (Pakixtan), Cancútta (Ấn Độ), Viêng Chăn (Lào). Chúng tôi cảm thấy khó chịu qua chuyến bay. Các múi giờ thay đổi. Bị mất cảm giác định hướng ngày và đêm.
Thế là đã tới sân bay Hà Nội, nơi tiếp đón các phái đoàn chính thức. Rà đón chúng tôi có 5 sĩ quan Việt Nam. Đã diễn ra một cuộc gắp mặt nhỏ. Bộ Tổng tham mưu đã chỉ định tôi, trưởng nhóm, nhân danh tất cả các chuyên gia Liên Xô đi trên chuyến bay đó phát biểu ý kiến. Tôi phát biểu trong tinh thần ngày ấy là sẵn sàng giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh em trên tinh thần quốc tế trong cuộc chiến đấu anh dũng của họ chống đế quốc Mỹ.

Chúng tôi được bố trí tại khu chung cư Kim Liên thuộc thành phố Hà Nội. Có một số tòa nhà 3 tầng, có hàng rào, có trạm bảo vệ ở cổng vào khu chung cư. Tại khu nhà khách này chỉ có các chuyên gia ngoại quốc sinh sống. Họ đến từ các nước anh em thuộc Hiệp ước Vácsava, từ Bắc Triều Tiên. Ngoài ra, trong khu này còn có các nhân viên phục vụ. Tất cả mọi người đều sắp xếp thời gian thoải mái và có y phục thoải mái. Chỉ có các chuyên gia đến từ Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên được mặc đồng phục màu đen có đeo huy hiệu mang hình Kim Nhật Thành trên ve áo. Họ  xếp hàng tập thể dục buổi sáng, dưới sự chỉ huy của người đứng đầu. Chúng tôi được bố trí 2 - 3 người mỗi phòng. Khó có thể gọi khu này là khách sạn. Nó giống với doanh trại quân đội nhiều hơn.

Tôi và đồng chí phó của tôi được bố trí trong một phòng đôi Trong phòng này có 2 chiếc giường thô sơ làm bằng ván gỗ, 2 chiếc ghế và 2 tủ con ở đầu giường. Phía trên giường có chiếc màn chống muỗi gắn trên một khung gỗ. Không có màn thì không thể ngủ được. Những con muỗi dữ tợn như lũ chó. Chúng tôi lên giường, vào trong màn và dùng đèn pin soi kỹ, dắt màn cẩn thận xuống đệm, ít phút sau ta cảm nhận thấy có vài con muỗi đã bằng cách nào đó lọt được vào trong màn. Ta thức dậy, bật đèn pin và tìm kiếm, rồi giết những con vật ghê tởm ấy. Mỗi đêm phải mất vài lần như vậy. Những chuyến bay dài, những đêm ngủ không yên, phải thích nghi với múi giờ mới - những điều này gây ra chứng đau đầu, hoàn toàn uể oải và buồn ngủ. Chỉ đến ngày thứ ba tôi mới ít nhiều hứng thú làm việc .

Nhưng ở đây lại xuất hiện những điều khó chịu mới. Phiên dịch viên tới và thông báo rằng theo tin tức tình báo thì đêm ấy có thể sẽ có cuộc bắn phá vào Hà Nội. Người ta chỉ cho chúng tôi biết hầm trú ẩn dành cho nhóm chúng tôi. Chúng tôi xem xét nó. Hầm trú ẩn chật chội và bị ngập nước đến một nửa. Các nhân viên khách sạn dùng xô tát nước ra khỏi hầm. Người ta khuyên chúng tôi ngủ trong bộ đồ thể thao và mang theo đèn pin để có thể nhanh chóng xuống cái hầm trú ẩn ẩm ướt đó. Tất nhiên, đã không có được sự nghỉ ngơi và giấc ngủ yên lành.

Chúng tôi đã tuân theo các quy tắc ấy trong suốt mấy ngày. Nhưng ngủ trong bộ đồ thể thao thì nóng không thể chịu nổi. Do vậy, chúng tôi chuyển sang phương châm “Muốn đến đâu thì đến, biết đâu mọi chuyện sẽ ổn". Thế là chúng tôi nằm ngủ không mặc quần áo chỉnh tề. Những sự cảnh báo về những cuộc bắn phá được đưa ra đều đặn. May mắn là khu khách sạn của chúng tôi đã không bị bắn phá. Bọn Mỹ biết rõ rằng trong khu này có các chuyên gia ngoại quốc cư trú, và rõ ràng là chúng sợ xảy ra xìcăngđan quốc tế nên đã không bắn phá khu này.

Phòng thí nghiệm kỹ thuật đo lường của chúng tôi được triển khai trong một ngôi nhà một tầng, trong khuôn viên của khu doanh trại quân đội thuộc sân bay Gia Lâm.

Chúng tôi đến nơi làm việc bằng một chiếc xe buýt công vụ với sự tháp tùng của phiên dịch viên là một quân nhân Việt Nam. Tên đồng chí ấy là Hồ Lân (Xo Лан). Nhưng anh ấy đề nghị gọi anh ấy bằng tên Nga là Côlia. Đồng chí Colia học tiếng Nga trong thời gian đồng chí ấy là trắc thủ trong một khẩu đội chiến đấu huấn luyện tại Liên Xô. Anh ấy nói tiếng Nga không tồi. Tôi hiểu những gì anh ấy nói. Anh ấy thường xuyên bổ túc kiến thức về tiếng Nga. Anh ấy lắng nghe các chuyên gia trong nhóm chúng tôi nói với nhau.

Đôi khi anh ấy không thể hiểu được những từ có phần thô lỗ mà các binh sĩ Liên Xô đôi khi đã dùng trong những cuộc trò chuyện tâm tình ở nơi hút thuốc. Nhiều lúc anh ấy đến gặp tôi và nói: "Đồng chí chỉ huy, hãy giải thích mấy câu chữ do các chuyên gia của đồng chí dùng, vì tôi không thể hiểu được những từ ngữ ấy". Mà những từ ngữ ấy đôi khi là những từ ít khi tôi được nghe thấy và không thể giải thích rõ ràng nội dung ý nghĩa của các từ ngữ ấy.

Phải thấy rằng các bạn Việt Nam thông thạo tiếng Nga một cách nhanh chóng đến kỳ lạ. Chỉ trong 6 tháng huấn luyện ở Liên Xô thế mà họ đã có thể giao tiếp với chúng tôi bằng tiếng Nga.

Chúng tôi làm việc tại phòng thí nghiệm từ 8 giờ sáng đến 18 giờ, có nghỉ ăn trưa. Tại cơ sở làm việc không tổ chức bếp nấu ăn. Ở đó thường xuyên có những phích nước trà xanh. Thức uống này làm nguôi cơn khát thường xuyên trong điều kiện khí hậu Việt Nam.

Người ta đưa đến cho chúng tôi bữa ăn do nhà ăn của khách sạn nấu. Ở đó có nấu các món ăn Âu và các bữa trưa với các món Việt Nam. Sau khi nếm thử món ăn Việt Nam chúng tôi đã nhanh chóng không dùng nó nữa. Cái gọi là "bữa trưa kiểu Việt Nam" thật khá đơn điệu. Đó là món nấu nóng của người Nga, phở, một món ăn hơi giống món thứ nhất và món thứ hai.

Trong suất ăn trưa kiểu Việt Nam hình như có mọi thứ: thịt và cá, bún phở và bắp cải, trứng và ớt, cơm và thậm chí có cả dứa.

Trong số các món ăn Âu thì các bạn Việt Nam cố gắng nấu những món mà chúng tôi đã quen ăn ở quê nhà. Khâu ăn uống được thực hiện bình thường, nhưng tương đối đắt. Nó chiếm gần một nửa số lương của chúng tôi nhận bằng tiền đồng Việt Nam.

Sau bữa trưa chúng tôi lại đi xe đến nơi làm việc và đến chiều mới trở về.

Lộ trình của chúng tôi đi qua thành phố và qua một chiếc cầu xe lừa nổi tiếng bắc qua sông Hồng. Như đã biết, cây cầu này được xây dựng theo thiết kế của kỹ sư người Pháp Ép phen, ông này là tác giả của tháp Ép phen nổi tiếng ở Pa ri.
Cây cầu này thường chịu những cuộc đánh phá của máy bay Mỹ, nhưng nó lại được nhanh chóng sửa chữa. Để đảm bảo giao thông, trong thời gian cây cầu đường sắt này được sửa chữa, cạnh cầu này người ta đã bắc một cầu phao. Hàng ngày có đến 4 lần chúng tôi qua cầu này. May mắn là những lúc xe chúng tôi qua cầu thì cây cầu này không bị đánh phá.

Trước khi bắt đầu công việc tại Phòng thí nghiệm này, chúng tôi lên một kế hoạch chi tiết về công việc của chúng tôi và thời gian biểu tiếp nhận các máy kiểm tra - đo đạc và các trạm kiểm tra - thử nghiệm di động được chuyển đến từ các trận địa chiến đấu. Kế hoạch này được sự phê duyệt của Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tá Lê Văn Tri 

Đáng tiếc, không hiếm trường hợp bị vỡ kế hoạch tiếp nhận các dụng cụ và các trạm kỹ thuật thử nghiệm di động. Người ta giải thích cho tôi rằng điều đó là do thiếu phương tiện vận tải: các tiểu đoàn tên lửa phòng không thường xuyên phải di chuyển nơi đóng quân, do khâu thông tin liên lạc kém, do các phương tiện vận chuyển bị bắn phá trên đường đi, v.v..
Thành thử, chúng tôi thường xuyên phải khẩn khoản yêu cầu vị đại diện Việt Nam tại phòng thí nghiệm này - một kỹ sư quân sự Việt Nam - có những biện pháp khắc phục. Không ít trường hợp phòng thí nghiệm này bị ngừng cung cấp nguồn điện. Với những biện pháp kiên trì tôi đã triển khai được một trạm phát điện cục bộ chạy bằng máy điêden.

Với những khó khăn lớn chúng tôi đã đảm bảo được hoạt động của phòng thí nghiệm này. Đối với từng cụm máy kiểm tra - đo đạc và trạm kỹ thuật thủ nghiệm di động đều lập biên bản ghi các công việc đã thực hiện. Trong các biên bản ghi rõ tên gọi của tất cả các dụng cụ, số hiệu sản xuất của chúng, bản liệt kê những khiếm khuyết và trục trặc đã được phát hiện, các công việc đã được thực hiện về hiệu chỉnh và sửa chữa, số linh kiện vô tuyến điện đã tiêu hao.

Các bạn Việt Nam đã quyết định sử dụng chúng tôi, như người ta vẫn thường nói! một cách hết công suất. Trong bản thỏa thuận giữa 2 bên có ghi nhiệm vụ của chúng tôi là quy chuẩn và sửa chữa nhỏ. Tuy nhiên, chúng tôi đã tiếp nhận các dụng cụ trong tình trạng mà nhiều thứ trong số dụng cụ ấy không thể phục hồi lại được ngay cả trong điều kiện có nhà máy. Chúng bị hư hỏng do bị mảnh bom và bị đạn rốcket.

Chúng tôi đã làm tất cả những gì có thể làm được trong điều kiện của chúng tôi. Nhưng chúng tôi đã buộc phải sử dụng một số lượng lớn linh kiện vào khâu sửa chữa. Khoảng sau 1 tháng tôi đã nhận ra rằng với nhịp độ tiêu hao như vậy các bộ linh kiện dự trữ và dụng cụ chuyên dùng (ZIP) thì chỉ sau 1 - 2 tháng nữa là phòng thí nghiệm của chúng tôi sẽ phải ngừng hoạt động. Cần phải có những biện pháp khẩn cấp và bất thường.

Tôi gửi báo cáo về Mátxcơva, trong đó có những ý kiến luận chứng và đề nghị gửi bổ sung cho tôi các bộ linh kiện dự trữ và dụng cụ chuyên dùng và các linh kiện thay thế. Trong một thời gian dài tôi không nhận được trả lời. Tôi hiểu rằng cần phải tìm kiếm những khả năng khác để đảm bảo hoạt động liên tục cho phòng thí nghiệm của chúng tôi.

Tôi kiên trì giải thích, tôi đề nghị và yêu cầu vị Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam cho phép chuyển một phần các thiết bị sửa chữa của xí nghiệp sửa chữa tên lửa phòng không của Việt Nam đến phòng thí nghiệm của chúng tôi để chúng tôi sử dụng tạm thời. Với chủ trương này tôi đã đến xưởng sửa chữa A-31 cách Hà Nội 50 - 60km. Tôi đã thảo luận với các chuyên gia Liên Xô và Việt Nam về các biện pháp đảm bảo hoạt động của phòng thí nghiệm của chúng tôi.

Chúng tôi liệt kê các thiết bị và các linh kiện cần được vận chuyển về Hà Nội. Tôi đã được Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, tướng Mácximencô cho phép điều 2 chuyên gia sửa chữa của Liên Xô thuộc xưởng A-31 đến làm việc tại phòng thí nghiệm. Phòng thí nghiệm của chúng tôi hoạt động nhịp nhàng. Tôi cảm thấy yên tâm, khí thế cũng được tăng cường. Các nhiệm vụ được hoàn thành.

Sau một tháng, tôi nhận được 1 contenơ với những linh kiện cần thiết đã được yêu cầu gửi từ Mátxcơva sang để phục vụ công việc sửa chữa. Tôi hiểu rõ rằng sẽ hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra cho tôi và cho toàn nhóm chúng tôi. 

Các chuyên gia quân sự Liên Xô được cử đến làm việc tại các trung đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam thường hay báo cáo với ban chỉ huy Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô về những trường hợp các tiểu đoàn tên lửa phòng không khẩn cấp thu dọn khí tài, rồi di chuyển đến những trận địa khác. Sau đó vài giờ không quân Mỹ đã ném bom và bắn phá vào các trận địa bỏ trống với những mô hình tên lửa giả.

Phải nói rằng chiến thuật di chuyển cơ động các tiểu đoàn và phóng tên lửa từ trận địa phục kích đã được sử dụng rất rộng rãi và có hiệu quả trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhằm mục đích tăng hiệu quả và khả năng sinh tốn của các đơn vị tên lửa phòng không, ở Liên Xô, trong một thời gian ngắn, trong từng cụm đơn vị tên lửa phòng không cũng thiết lập hệ thống trận địa giả và các trận địa dự phòng. .

Phòng thí nghiệm của chúng tôi hoạt động chủ yếu tại cơ sở nằm trong khu vực sân bay Hà Nội. Sau những nỗ lực lâu dài những bộ dụng cụ và trạm kiểm tra thử nghiệm di động đã chuyển đều đặn tới đó. Tại phòng thí nghiệm này thường xuyên có mặt một phiên dịch viên người Việt và một chuyên gia về kỹ thuật đo đạc thuộc Bộ Tham mưu Binh chủng tên lửa phòng không của Quân đội nhân dân Việt Nam. Thông qua 2 quân nhân Việt Nam này tôi đã giải quyết mọi vấn đề nảy sinh về tổ chức và kỹ thuật. Chúng tôi đã cùng nhau xem xét kết quả công việc ở từng tiểu đoàn. Trên một bức ảnh đã ghi lại một buổi gặp làm việc như vậy. Trên tấm ảnh có tôi, phiên dịch viên và viên kỹ sư. Nhìn thấy rõ bảng chỉ tiêu, một vật điển hình cho thời kỳ còn chế độ Xôviết. 

Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri đã 2 lần đến phòng thí nghiệm để có cuộc gặp làm việc với tôi. Tôi đã trình bày để đồng chí ấy thấy rõ sự cần thiết của việc tôi mỗi tuần một lần xuống các trận địa chiến đấu của các tiểu đoàn tên lửa phòng không cùng với 2 - 3 sĩ quan trợ lý của tôi để kiểm tra các dụng cụ đo đạc trực tiếp đặt trên các bảng linh kiện của các khối và các hộp tủ có trong các đài điều khiển tên lửa, và để kiểm tra khả năng hoạt động của các dụng cụ đã được sửa chừa trong quá trình tiến hành đo đạc các thông số của đài điều khiển tên lửa. Nhưng mục đích chủ yếu của tôi là xem xét và đánh giá việc xây dựng các trận địa của các bộ khí tài tên lửa, vấn đề ngụy trang cho các bộ khí tài ấy, bảo dưỡng, bảo trì, bảo quản khí tài.

Tôi đã đưa ra những kết . luận chính từ việc quan sát công việc tại các trận địa chiến đấu của các tiểu đoàn: những hầm trú ẩn dành cho khí tài và cho các khẩu đội tỏ ra thô sơ và không đảm bảo bảo vệ được khí tài và sinh lực khi trận địa bị tấn công bằng bom và rốc két. Cũng đã không thấy có những nỗ lực lớn trong công tác gìn giữ bảo quản các khí tài Liên Xô tại các trận địa.

Không hiếm trường hợp phòng thí nghiệm tiếp nhận những trạm kiểm tra - thử nghiệm di động hoàn toàn mới. Khi kiểm tra chúng, chúng tôi phát hiện thấy tình trạng han gỉ trầm trọng ở các khung kim loại, các linh kiện, các tấm gắn các khối linh kiện v. v.. Phần cách điện ở những đường cáp nguồn và cáp công nghệ đã bị hư hỏng nhiều do chuột bọ. Tại các trận địa đã không sử dụng những trạm kiểm tra thử nghiệm di động ấy. Chúng được cất giữ trong núi, trong các hang động với những điều kiện khí hậu khiến cho chỉ trong một thời gian ngắn các phương tiện kỹ thuật trở nên vô dụng: Mà trạm kiểm tra thử nghiệm di động là phòng thí nghiệm đắt tiền được đặt trên xe buýt. Trong các đơn vị bộ đội tên lửa phòng không Liên Xô, chúng ta cảm thấy luôn luôn khan hiếm những trạm kiểm tra thử nghiệm di động ấy.

Các khẩu đội tên lửa phòng không Việt Nam thường xuyên vi phạm các quy tắc bắn, theo đó lần lượt bắn 2 - 4 quả tên lửa vào mục tiêu trên không. Rõ ràng các bạn Việt Nam đã tiết kiệm tên lửa, cho nên nhiều khi chỉ bắn quả tên lửa thứ hai sau khi quả tên lửa thứ nhất được phóng đi không đem lại kết quả. Với phương pháp bắn như vậy, các khẩu đội nhiều khi đã không kịp phóng quả tên lửa thứ hai hoặc thứ ba vào mục tiêu. Trong khi ấy mục tiêu đã thoát khỏi tầm bắn và bổ nhào bắn phá chúng ta.

Các chuyên gia Liên Xô đã dứt khoát yêu cầu tuân thủ các đòi hỏi ấy của quy tắc bắn. Các bạn Việt Nam đã đồng ý nhưng họ vẫn tiếp tục tiết kiệm tên lửa. 

Điều đáng trân trọng ở các bạn Việt Nam là họ bảo vệ đến mức tối đa các chuyên gia nước ngoài. Các chuyên gia quân sự Liên Xô bị tổn thất tương đối ít. Sau khi có được kinh nghiệm cần thiết, các bạn Việt Nam thường tiến hành các trận đánh một cách độc lập. Và trong khi diễn ra trận chiến đấu họ đã cố gắng che chở và bảo vệ các chuyên gia quân sự Liên Xô. Tôi cảm nhận rõ điều này qua bản thân tôi. Trong những lúc làm việc tại trận địa đã xảy ra những trường hợp các tiểu đoàn bất ngờ vào trận để đánh trả các cuộc tấn công đã được trông đợi. Những trường hợp ấy chúng tôi lập tức được đưa xuống các đường hào hoặc vào hang núi. 

Các bạn Việt Nam có thái độ thế nào với chúng tôi? Không thể đưa ra cùng một câu trả lời được. Tại các cuộc gặp chính thức, bề ngoài họ tỏ thái độ quý trọng và quan tâm. Sau khi chúng tôi tới Hà Nội, Bộ Quốc phòng của Việt Nam Dân chủ cộng hòa tổ chức buổi đón tiếp long trọng. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã tới dự. Tất cả 12 chuyên gia thuộc nhóm chúng tôi và 30 chuyên gia công nghiệp quân sự Liên Xô đều được mời tới buổi đón tiếp ấy. Trong buổi đón tiếp này cũng có mặt vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Tướng N. C. Mácximencô.

Đã có những lời chúc rượu, những bài diễn văn của cả hai phía. Phía Việt Nam tuyên bố chắc chắn về thắng lợi sắp tới cảm ơn Liên Xô, toàn thể nhân dân Liên Xô về sự giúp đỡ. Phía Liên Xô đã hứa không tiếc sức lực và thời gian trong việc thúc đẩy đạt đến thắng lợi trước chủ nghĩa đế quốc Mỹ.

Mặc dù hoàn cảnh thời chiến, nhưng bộ chỉ huy của Việt Nam đã thường xuyên quan tâm đến đời sống và sự nghỉ ngơi của chúng tôi. Cứ mỗi tháng một lần chúng tôi được tổ chức đi tham quan thành phố Hà Nội và các vùng phụ cận của thành phố. Người ta cũng không quên làm công tác tư tưởng với chúng tôi. Theo định kỳ, chúng tôi được mời nghe những buổi thuyết trình về những chiến công anh hùng của nhân dân Việt Nam trong cuộc đấu tranh chống Pháp và chống Mỹ. Tại Hà Nội đã tổ chức cuộc triển lãm thường xuyên được bổ sung các hiện vật, tại đây đã trưng bày các phương tiện của không quân Mỹ bị tiêu diệt. Chúng tôi đã xem triển lãm với một sự quan tâm lớn.

Việc đi nghe các buổi thuyết trình luôn luôn được đặt dưới sự giám sát của các cán bộ chính trị thuộc bộ máy của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Các cán bộ chính trị này đòi hỏi tiến hành các buổi thuyết trình và các buổi hội thảo trong nhóm chuyên gia chúng tôi về công tác bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin. Đành phải sử dụng thời gian buổi tối của cá nhân vào công việc này. Không thiếu các sách báo chính trị. Ở mỗi khách sạn đều có góc đỏ có các tờ báo, tạp chí, trong đó có tạp chí Người cộng sản, Đảng viên cộng sản trong các lực lượng vũ trang. Nhưng trong góc đỏ lại chỉ có vài cuốn phim của Liên Xô. Chúng tôi đã xem đi xem lại vài lần những cuốn phim ấy. Vậy là cả ở Việt Nam công tác giáo dục chính trị của chúng tôi vẫn được tiếp tục. Các cán bộ chính trị đã chứng minh rằng họ không vô dụng. Họ đã hoàn toàn chứng tỏ sự hiện diện của mình ở Việt Nam là hợp lý.

Trong ngày diễn ra các buổi sinh hoạt chính trị của Việt Nam, hoạt động của phòng thí nghiệm chúng tôi thường bị ngừng trệ. Lưới điện thì bị ngắt hoặc trạm phát điện cục bộ ngừng hoạt động. Những cố gắng triệu tập thợ vận hành máy điêden đang tham gia các buổi sinh hoạt chính trị là vô hiệu. Về sau tôi đã không có những cố gắng như vậy nữa.
Phải nêu rõ rằng ban lãnh đạo chính trị và bộ chỉ huy quân sự của Liên Xô đã thường xuyên dành sự quan tâm đến cuộc chiến tranh Việt Nam.

Để soạn thảo một trong số những văn bản về Việt Nam, tôi đã có bản sao bức thư riêng của L.I. Brêgiơnhép gửi Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam Lê Duẩn. Trong bức thư này ông Brêgiơnhép thông báo cho biết các quân nhân Việt Nam không phải lúc nào cũng trao đầy đủ cho các chuyên gia quân sự Liên Xô những tài liệu đã thu thập được về tác động của các hình thức gây nhiễu bằng sóng vô tuyến điện đối với các bộ khí tài tên lửa phòng không của Liên Xô. Tình trạng này không cho phép đưa ra những biện pháp kịp thời nhằm nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài ấy. Bức thư ấy đã có tác dụng nhất định.

Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô, Nguyên soái P. V. Batixki đã đích thân có mặt tại Việt Nam và đã đề ra tại chỗ những biện pháp cần thiết để giải quyết những nhiệm vụ cấp bách.

Hoạt động của tất cả các chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đều được Sứ quán Liên Xô kiểm soát và chỉ đạo. Đại sứ Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Sécbacốp triệu tập tôi đến để nghe tôi thông báo về công việc: về quan hệ với phía Việt Nam.

Các bộ trưởng, những nhân vật quan trọng khác cũng đã đến Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tôi còn nhớ cuộc viếng thăm Việt Nam của bà E. A. Phuốcxêva, nguyên Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô, Bộ trưởng Văn hóa Liên Xô. Tình huống đưa đẩy khiến tôi đã có dịp được báo cáo với bà về công tác của mình.
Chuyện là thế này. Sau khi chúng tôi hoàn thành nhiệm vụ, bộ chỉ huy quân sự của Việt Nam đã mời nhóm chúng tôi và nhóm chuyên gia công nghiệp quân sự Liên Xô nghỉ 3 ngày tại khu an dưỡng ở gần Hải Phòng, trên bờ vịnh Hạ Long huyền thoại.

Đến tối, vào giờ ấn định, chúng tôi đến phòng ăn để dùng bữa tối. Ở chính giữa phòng ăn, phía sau những chiếc bàn đã được xếp lại với nhau là một nhóm các bạn Việt Nam và các cán bộ Sứ quán Liên Xô đã ngà ngà hơi men.

Bà Phuốcxêva ngồi ở giữa. Chúng tôi ngồi ở chỗ dành cho chúng tôi, phía đối diện với bà Phuốcxêva. Bà nhìn chúng tôi, trò chuyện với vị đại diện của Sứ quán, hình như bà hỏi xem chúng tôi là ai. Vài phút sau bà đứng dậy và tiến về phía bàn chúng tôi. Tôi đứng dậy, tiến lại phía bà, tự giới thiệu, báo cáo với bà về thành phần nhóm chúng tôi, mục đích chuyến công tác của chúng tôi và lý do chúng tôi có mặt ở nơi này. Sau khi nghe tôi báo cáo xong, bà bắt đầu hỏi về quan hệ của các bạn Việt Nam với chúng tôi sinh hoạt của chúng tôi được đảm bảo như thế nào. Tôi trả lời rằng trong hoàn cảnh chiến tranh, cuộc sống của chúng tôi như vậy là hoàn toàn bình thường, chúng tôi không gặp phải những sự thiếu thốn lớn. Quan hệ giữa chúng tôi và phía Việt Nam mang tính chất cầu thị. Cuộc trao đổi diễn ra khoảng 15 phút. Sau đó bà Phuốcxêva vào ngồi sau chiếc bàn.

Sau đó một lúc, nhóm chuyên gia công nghiệp quân sự Liên Xô tới phòng ăn. Bà Phuốcxêva lại gần một người trong số họ, rồi hỏi họ là ai và họ làm công việc gì ở Việt Nam. Điều làm mọi người ngạc nhiên là: người được bà hỏi thì lại trả lời bằng câu hỏi: "Còn bà là ai?". Sau khi biết đây là những người công nhân, bà Phuốcxêva đã gọi một nhân viên quầy bar người Việt và yêu cầu mang đến bàn của các chuyên gia công nghiệp quân sự Liên Xô 5 chai rượu mạnh và bà sẽ thanh toán tiền cho 5 chai rượu ấy.

Sau khi bữa tối kết thúc, phiên dịch viên của chúng tôi đã mời toàn thể nhóm chúng tôi đến câu lạc bộ để tham dự buổi biểu diễn văn nghệ nghiệp dư của các bạn Việt Nam chào mừng bà Phuốcxêva.

Tôi còn có hai dịp được gặp bà Phuốcxêva tại Việt Nam. Trước khi lên máy bay rời Hà Nội, bà Phuốcxêva đã đến câu lạc bộ của Sứ quán để gặp gỡ với các nhà ngoại giao và với các chuyên gia Liên Xô. Tại cuộc gặp mặt ấy bà đã trả lời các câu hỏi của mọi người.

Tôi lại có dịp được gặp bà Phuốcxêva một lần nữa. Chúng tôi rời Hà Nội trên cùng một chuyến máy bay với bà. Chặng dừng chân đầu tiên là Mianma. Tại đó bà Phuốcxêva đã rời sân bay. Chắc đó cũng là một chuyến viếng thăm chính thức.
Sau chuyến đến thăm Việt Nam bà Phuốcxêva sống không được bao lâu nữa. Chắc là công việc quá nặng nhọc đã làm suy sụp cơ thể bà. Ngay trong những lần được gặp bà, tôi đã chú ý đến vẻ mặt mệt nhọc và đau yếu của bà đầy những nếp nhăn, mặc dù ngày trước bà là người phụ nữ rất đẹp.

Các nhà hoạt động nổi tiếng trong lĩnh vực văn hóa cũng đã đến thăm Việt Nam. Tại Việt Nam lần đầu tiên tôi đã được tham dự cuộc gặp gỡ của giới sáng tác với nhà thơ nổi tiếng Épghênhi Éptusencô.

Cuộc gặp mặt này đã để lại ấn tượng lớn và có tác động tình cảm mạnh mẽ đối với mọi người. Nhà thơ Éptusencô đã rất hào hứng đọc các bài thơ của mình. Ông đã kể về những sự truy bức mà ông đã phải gánh chịu vì những phát biểu chân thành của mình, về những trở ngại trong việc in ấn những bài thơ của ông.

Trong thời gian ngắn ngủi có mặt tại Việt Nam, nhà thơ này đã viết được một số bài thơ tuyệt vời. Tôi đặc biệt thích bài thơ Bánh mì đen. Trong bài thơ này ông mô tả các chuyên gia Liên Xô đã mang sang Việt Nam bánh mì đen như là món quà quý báu nhất.

Trong bài thơ Đường số 1, nhà thơ mô tả những chiến tích anh hùng của nhân dân Việt Nam trong việc đảm bảo công tác vận chuyển hàng hóa, kỹ thuật, và bộ đội từ miền Bắc vào miền Nam Việt Nam.

Công việc của nhóm tôi đã tới hồi kết thúc. Mặc dù gặp một loạt khó khăn về phương diện tổ chức - kỹ thuật, song nhiệm vụ đã hoàn thành. Đã mở đầu giai đoạn quan trọng là chuẩn bị và ký biên bản hai bên về những công việc đã được thực hiện.

Trước khi lên đường trở về nước, toàn thể nhóm chúng tôi đã được mời tới dự buổi chiêu đãi tại Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong buổi chiêu đãi này chúng tôi được trao tặng các Huy chương Vì tình hữu nghị và tình đoàn kết trong đấu tranh, các huy hiệu kỷ niệm “Chiến thắng trận đầu - 5-8" - để ca ngợi chiến công của bộ đội tên lửa Việt Nam tiêu diệt chiếc máy bay đầu tiên của Mỹ (ngày 5-8-1964), cũng như các quà tặng kỷ niệm - những bức tranh sơn mài truyền thống của Việt Nam.

Trong buổi tiếp đón này, các bạn Việt Nam đã chân thành cảm ơn chúng tôi về công sức lao động và sự giúp đỡ đã dành cho họ. Họ đã xin lỗi vì trước ngày tôi lên đường họ chưa kịp đề nghị Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tặng thưởng cho tôi Huân chương Chiến công.

Tháng 4-1972 tôi cùng nhóm của mình đã đáp máy bay về Mátxcơva.

Các phương tiện kỹ thuật của phòng thí nghiệm của chúng tôi, do 2 sĩ quan tháp tùng, đã được tàu biển chuyển từ Hải Phòng về nước. Trong lúc bốc xếp các phương tiện của phòng thí nghiệm lên tàu thì cảng Hải Phòng bị ném bom. Chiếc tàu biển đã bị hư hại, một bộ phận thiết bị của phòng thí nghiệm cũng đã bị hư hại.

Đã hơn 30 năm trôi qua kể từ ngày trở về từ Việt Nam. Nhưng cho đến nay có nhiều sự kiện và sự việc vẫn còn lưu lại trong ký ức.

Tôi mãi mãi nhớ đến nước Việt Nam của những năm chiến tranh: các chị phụ nữ mặc quần đen và những chiếc áo nâu. Còn vào những ngày lễ thì y phục sang trọng của họ vẫn là chiếc quần màu đen nhưng chiếc áo thì màu trắng. Thường thường họ đi chân đất. Loại dép phổ biến nhất là loại dép tự tạo: đế cao su làm từ vỏ lốp ôtô cũ, còn quai dép thì làm từ những chiếc săm ôtô.

Lao động thủ công cực nhọc. Chị em làm việc trên các đồng lúa, gần như ngập trong nước đến thắt lưng, họ cấy lúa. Hầu như không trông thấy máy cày. Trâu được sử dụng để cày, bừa. Người ta dùng đòn gánh và những chiếc thúng để quẩy hàng. Mọi công việc được thực hiện dưới cái nóng làm kiệt sức và độ ẩm 100%.

Ăn uống thật đạm bạc. Khẩu phần điển hình gồm rau bắp cải và ít cơm. Các ngôi nhà trong làng chủ yếu làm bằng tre. Mái lợp bằng lá cọ hoặc bằng rơm rạ. Trong nhà đồ dùng là những chiếc giường chõng trải chiếu.

Tôi hiểu, nguyên nhân chủ yếu của cảnh sống như vậy là chiến tranh. Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phấn đấu thống nhất Bắc Nam bằng cái giá phải trả là những tổn thất to lớn về người, những khổ đau của nhân dân.

Sau khi trở về nước, tôi vẫn tiếp tục nghiên cứu đề tài Việt Nam tại Bộ Tổng tham mưu. Mấy tháng sau từ Hà Nội người ta đã gửi cho tôi, như đã hứa, tấm Huân chương Chiến công hạng III.

Cần nói rõ rằng những sĩ quan đã trải qua kinh nghiệm chiến đấu ở Việt Nam nhiều khi đã được cử giữ chức vụ cao hơn.
Không lâu sau khi trở về nước, người ta đã thuyên chuyển tôi từ Ban đặc biệt - tại đây tôi đã giữ chức vụ Trung tá theo biên chế - sang công tác tại Bộ tham mưu Binh chủng tên lửa phòng không Liên Xô với chức vụ tương ứng với quân hàm đại tá. Tôi bắt đầu nghiên cứu các vấn đề nội bộ của Binh chủng tên lửa phòng không. Nhưng kinh nghiệm về Việt Nam được tôi luôn luôn sử dụng trong thời gian phục vụ sau này trong quân đội.
Sau 30 năm tình hình trên thế giới đã thay đổi đến mức không thể nhận ra được. Tình hữu nghị không gì phá vỡ được giữa các nước xã hội chủ nghĩa đã bị phá vỡ. Phe xã hội chủ nghĩa đã sụp đổ. Còn nước Mỹ thì từ chỗ là "kẻ thù độc ác nhất của nhân dân Liên Xô" đã trở thành "đối tác làm ăn”. Các tổng thống của hai nước đã gần như trở thành bạn hữu. Còn chúng tôi, các cựu chiến binh của Nga và Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam, trong những năm gần đây đôi khi có gặp gỡ nhau ở Mátxcơva. Xin hãy chú ý: cho đến nay họ vẫn kiêu hãnh đeo những tấm huân chương mà họ được tặng vì Việt Nam. Giờ đây chúng tôi không coi nhau là kẻ thù, ngắm nhau qua thước ngắm trên đầu súng và qua các màn hình ra đa, mà đã ngồi cùng nhau chung những chiếc bàn như những người bạn, như là những con người bình thường đã từng trải qua chiến tranh. Chúng tôi bắt tay nhau, tặng quà kỷ niệm và chúc rượu lẫn nhau.

Chúng tôi cùng nhau thảo luận đề án hợp tác xuất bản cuốn sách: “Hồi ức của các cựu chiến binh Nga và Mỹ về cuộc chiến tranh Việt Nam”. Nhưng những đề án ấy đã bị thất bại. Người Mỹ có nguyện vọng và tiền bạc. Chúng tôi thì chỉ có nguyện vọng. Người Mỹ có khả năng trông cậy vào các tổ chức cựu chiến binh của mình và vào nguồn tài chính của cá nhân để vượt đại dương đến với chúng tôi, mời chúng tôi tới dự bữa ăn thân mật tại nhà hàng.

Còn tổ chức của chúng tôi thì tồn tại chỉ nhờ vào số tiền đóng góp của cá nhân các cựu chiến binh. Những khoản chi chủ yếu của những khoản đóng góp ấy là để mua những vòng hoa viếng các đồng chí của chúng tôi qua đời hàng năm - những cựu chiến binh tham gia chiến tranh việt Nam - và để mua những món quà khiêm tốn tặng các bạn cựu chiến binh còn sống nhân ngày sinh của họ.

Mục đích chủ yếu của các cựu chiến binh Mỹ khi thực hiện các chuyến sang thăm chúng tôi là tìm kiếm tin tức và tài liệu về các đồng đội của mình đã hy sinh hoặc đã mất tích tại Việt Nam. Xin nêu ra đây một ví dụ. Ngày 30-6-1997 tôi và những cựu chiến binh khác đã được mời đến Cung sĩ quan của Binh chúng phòng không để gặp gỡ với nhóm cựu chiến binh Mỹ đã tham gia chiến tranh Việt Nam, do ông Rô bớt Mít thượng nghị sĩ bang Niu Hem sơ dẫn đầu. Ông Rô bớt Mít còn là đồng Chủ tịch ủy ban Liên chính phủ Nga Mỹ về tìm kiếm tù binh và những người mất tích.

Các cựu chiến binh Mỹ chăm chú tìm hiểu các hiện vật trưng bày trong Bảo tàng. Tại đây có một mảng hiện vật không lớn liên quan đến cuộc chiến tranh Việt Nam. Nhìn vào mảng hiện vật thì khó có thể hiểu được và đánh giá được toàn diện sự tham gia và sự đóng góp của các quân nhân chúng tôi vào thắng lợi của Việt Nam.

Trong khi xem Bảo tàng, các cựu chiến binh Mỹ luôn luôn đề nghị: xin hãy kể và hãy cho xem mọi tài liệu và hiện vật liên quan đến tin tức về các phi công Mỹ. Trong bảo tàng này, chúng tôi không có những tài liệu ấy và không thể có những tài liệu ấy. 

Sau cuộc tham quan Bảo tàng, các cựu chiến binh Nga và Mỹ lại tiếp tục cuộc gặp mặt. Thượng nghị sĩ Rô bớt Mít đề nghị chúng tôi, trong các bài phát biểu, hãy đặc biệt chú ý đến vấn đề: liệu chúng tôi có những tin tức gì về các phi công Mỹ bị bắn rơi và mất tích ở Việt Nam, và tại Việt Nam chúng tôi có gặp những phi công Mỹ ấy không.

Vị thượng nghị sĩ ấy đề nghị tôi phát biểu trước tiên. Tôi nói rằng chưa hề trông thấy các phi công Mỹ bị bắt, nhưng đã nhìn thấy những buồng giam họ khi họ là tù binh ở Việt Nam. Họ đề nghị tôi mô tả địa điểm có những buồng giam ấy. Sau đó tôi đã chia sẻ những kết luận của mình về cuộc chiến tranh ấy. Vị thượng nghị sĩ ấy đã chăm chú nghe các bài phát biểu của tất cả các cựu chiến binh chúng tôi.

Các vị nghĩ rằng ở đất nước chúng ta có ai đó quan tâm đến chúng tôi? Chỉ mãi đến năm 1990, 18 năm sau khi từ Việt Nam trở về Tổ quốc, tôi mới nhận được "Giấy chứng nhận quyền hưởng các ưu dãi" vì đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Về cơ bản tất cả những ưu đãi đều mang tính chất thuần tuý tượng trưng. Còn những ưu đãi thật sự thì không được thực hiện. Ví dụ, người ta đã chấm dứt việc phát thuốc miễn phí tại các hiệu thuốc ở Mátxcơva. Không ai hoàn trả tiền cho các hiệu thuốc. Vậy mà tất cả các căn bệnh của tôi lại được phát hiện tại phòng khám bệnh đầu tiên sau khi tôi từ Việt Nam trở về. Tôi nghĩ rằng đây không phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên. Khí hậu khắc nghiệt, sự căng thẳng về thể xác và tinh thần đã dẫn đến hậu quả của nó.

Để nhận được "Giấy chứng nhận quyền hưởng các ưu đãi” thì đã phải có những nỗ lực to lớn của vị Cựu Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam là Thượng tướng V. N. Abramốp. Chỉ có nhân vật này, trước kia đã từng giữ chức Phó Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không của Liên Xô, mới có thể hóa giải mọi trở ngại quan liêu của các quan chức trong Bộ Tổng tham mưu, yêu cầu làm thủ tục và trao cho tôi "Giấy chứng nhận quyền hưởng các ưu đãi" và huy hiệu "Chiến sĩ quốc tế chủ nghĩa".

Tướng V. N. Abramốp đã có đóng góp to lớn vào việc thành lập tổ chức xã hội các cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam, đảm bảo sự hoạt động của tổ chức này, tổ chức và tiến hành tất cả các cuộc gặp mặt của chúng tôi, kể cả với các cựu chiến binh Mỹ. Mặc dù giữ cương vị và quân hàm cao, nhưng ông luôn luôn đối xử với chúng tôi như các đồng nghiệp. Chúng tôi đã nhiều lần đến thăm ông tại nhà riêng.

Đáng tiếc là năm 1994 ông đã qua đời. Mong rằng những ký ức của tôi về ông sẽ là phần nhỏ trong sự quý trọng to lớn và sự biết ơn của tất cả các cựu chiến binh tham gia chiến tranh Việt Nam dành cho ông.

Trước mặt tôi là bản phụ lục của Đạo luật liên bang "Về các cựu chiến binh", được Đuma quốc gia thông qua ngày 16-12-1994. Bản Phụ lục này đã liệt kê các quốc gia và các thời kỳ diễn ra chiến sự ở nước ngoài có sự tham gia chiến đấu của các công dân Liên bang Nga. Bản liệt kê này nêu lên 17 quốc gia mà trên lãnh thổ những quốc gia ấy, vào những thời kỳ khác nhau, các quân nhân nước Nga đã từng tham chiến. Đó là Tây Ban Nha, Trung Quốc, Triều Tiên, Mông Cổ, Angiêri, Ai Cập, Yêmen, Việt Nam, Xyri, Ănggôla, Môdămbích, Êtiôpia, Ápganixtan, Campuchia, Bănglađét, Lào, Libăng.

Những cuộc chiến tranh kéo dài nhất là cuộc chiến tranh ở Ápganixtan (hơn 10 năm) và cuộc chiến tranh ở Việt Nam (13 năm).

Bắt đầu từ năm 1970 cho đến tận bây giờ, hàng năm vào Ngày đáng ghi nhớ 5-8 (ngày 5-8-1964 - ngày Mỹ mở đầu cuộc xâm lược chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - được kỷ niệm tại Việt Nam như Ngày tưởng nhớ những người đã hy sinh trong cuộc chiến tranh ấy) chúng tôi lại tụ hội gặp nhau ở Mátxcơva.

Lúc đầu chúng tôi họp nhau tại Vườn hoa trước Nhà hát Lớn - dưới chân tượng đài Các Mác. Trước kia, những cựu chiến binh đến tham gia cuộc gặp mặt không chỉ gồm những cựu chiến binh đến từ Mátxcơva và tỉnh Mátxcơva, mà còn có cả các cựu chiến binh đến từ những vùng miền khác của Liên Xô.

Đến dự cuộc gặp mặt của chúng tôi còn có các cán bộ của Sứ quán nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cuộc gặp mặt có chương trình thật đơn giản: tổng kết hoạt động của tổ chức cựu chiến binh trong 1 năm qua, tưởng niệm các cựu chiến binh đã qua đời trong năm qua, chụp ảnh kỷ niệm, bữa ăn thân mật tại quán ăn hoặc nhà hàng.

Để kết thúc, tôi muốn bày tỏ nguyện vọng và niềm hy vọng rằng chúng ta và tất cả các thế hệ sau này được hưởng một cuộc sống không có chiến tranh lạnh và chiến tranh nóng. Mong rằng tất cả những cuộc chiến tranh đã qua đi sẽ lưu lại trong ký ức như những trang bi thảm trong lịch sử loài người.

Mong rằng trên các đường phố Hà Nội và Sài Gòn sẽ là những người dân Việt Nam đi trên xe đạp và xe gắn máy, chứ không phải là những người ngoại bang cưỡi trên xe tăng và xe bọc thép.

Mong rằng bên cạnh người dân Việt Nam sẽ là những khách du lịch người Nga, chứ không phải là các chuyên gia quân sự.
Thế giới cần có hòa bình, chứ không cần chiến tranh.
Thị trấn Đaria, ngày 12-2- 1998

ĐẠI TÁ
XÔDRANỐP ANATÔLI KHÁTGIMURATÔVÍCH

Phó tiến sĩ khoa học quân sự.

Ông sinh ngày 4-3-1939 tại thành phố Bacu, thuộc Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Xôviêt Adécbaigian.

Năm 1957 ông vào học tại Trường kỹ thuật không quân Kiếcxanốp và đã tốt nghiệp trường này năm 1960. Ông tiếp tục phục vụ trong quân đội với chức vụ chỉ huy trung đội, kỹ thuật viên trưởng của một tiểu đoàn tên lửa phòng không trong tỉnh Đônhét.

Từ năm 1963 đến năm 1968 ông theo học tại Học viện kỹ thuật vô tuyên điện mang tên Gôvôrốp thuộc binh chủng công binh tại thành phố Kháccốp. Sau khi tốt nghiệp Học viện, ông là chỉ huy phó, rồi chỉ huy trưởng đại đội kỹ thuật vô tuyến điện của tiểu đoàn tên lửa phòng không, phó chỉ huy, rồi chỉ huy tiểu đoàn tên lửa phòng không thuộc Quân khu phòng không Bacu, trưởng ban huấn luyện chiến đấu, Tham mưu trưởng Ban chỉ huy Phòng vệ dân sự thành phố Grôdnưi.

Từ tháng 12-1971 đến tháng 9-1972 ông đã tham gia chiến đấu tại Việt Nam, với chức vụ kỹ sư trưởng Ban công binh tên lửa thuộc Nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh Bộ Tư lệnh phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông đã được tặng thưởng 10 huy chương, trong đó có Huy chương Chiến công và Huy chương Hữu nghị của Việt Nam. 

300 NGÀY TRÊN ĐẤT NƯỚC VIỆT NAM ANH HÙNG

Sáng ngày 3-12-1971 chúng tôi hạ cánh ở sân bay Hà Nội. Sau những ngày giá buốt ở Mátxcơva, Hà Nội đón chào chúng tôi bằng khí trời nóng bức. So với Mátxcơva thì mức chênh lệch nhiệt độ ở đây là hơn 50 độ. Ra đón chúng tôi có đại diện cấp Vụ thuộc Bộ Ngoại giao Việt Nam, Trung tá Hùng (Xyнr) và một Cán bộ chính trị thuộc Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam, Trung tá G. G. Xaphrônốp. Trong buổi đón tiếp chúng tôi được tặng những bó hoa lớn và sặc sỡ đến kỳ lạ.

Chúng tôi được ngồi bên chiếc bàn, mời uống trà xanh. Chúng tôi kể về bản thân, về công việc phục vụ trong quân ngũ, về gia đình. Trung tá Hùng phác họa tóm tắt tình hình chính trị - quân sự ở Đông Dương, đặc biệt ở Việt Nam. Trung tá Hùng lưu ý rằng sắp tới Mỹ có thể bắt đầu ném bom trên toàn lãnh thổ Bắc Việt Nam. Vì vậy, sự giúp đỡ của chúng tôi sẽ hết sức cần thiết.

Tôi vừa nghe Trung tá Hùng, vừa nhìn vào cửa sổ, ngắm thiên nhiên và nghĩ: "Tại sao con người lại đánh nhau, tại sao lại huỷ diệt cảnh đẹp như thế, tại sao người ta lại ném bom lãnh thổ nước khác?".

Trong chuyến đi lần đầu đến các tỉnh phía nam của Bắc Việt Nam tôi đã nhìn thấy nhiều hố bom và hố đạn rốc két. Cũng có cả những hố bom mới xuất hiện - hậu quả của trận bom vừa xong.

Khi còn ở Liên Xô tôi đã đọc sách báo kể về nhân dân Việt Nam anh hùng, về cuộc chiến đấu gần 30 năm của họ để bảo vệ nền độc lập. Tôi khâm phục tinh thần anh hùng của người Việt Nam và đứng về phía họ. Vậy là giờ đây tôi đã đứng bên họ. Điều đã chinh phục tôi là tinh thần đoàn kết và chủ nghĩa yêu nước của nhân dân, lòng tin của nhân dân vào chiến thắng. Mặc dù miền Bắc Việt Nam phải đương đầu với cường quốc đế quốc hùng mạnh nhất, song điều tuyệt đối rõ ràng là Hoa Kỳ sẽ không bao giờ thắng trong cuộc chiến tranh này. Tôi đã đi đến kết luận như vậy sau mỗi cuộc trao đổi trò chuyện với những người dân Việt Nam.

Trong những chuyến công tác thường xuyên trên các nẻo đường của Việt Nam, chúng tôi được những tốp dân chúng đón tiếp. Chủ yếu đó là các chị phụ nữ, người già và những "đàn" rất đông các em nhỏ cởi trần luôn làm cho tôi nhớ đến ba đứa con của tôi ở quê nhà. Hễ có cơ hội là tôi luôn luôn đãi kẹo các em. Tôi rất thích ngắm trẻ em chơi đùa, cười và vui sướng với cuộc đời của chúng. Trước kia tôi chưa bao giờ được nhìn thấy những cánh rừng cây khuynh diệp, rừng nứa và chuối, các lâm trường trồng cao su những cây dừa, những cây mít, những đồi trồng dứa, và dĩ nhiên, cả những cánh rừng nhiệt đới. Tôi luôn luôn chiêm ngưỡng vẻ đẹp của thiên nhiên Việt Nam. Chính vì vậy mà tôi càng căm ghét chiến tranh. Tôi cho rằng cuộc chiến tranh tàn bạo và vô nhân ấy không thể không khiến những con người bình thường phải ghê tởm và căm ghét những kẻ đã gây ra cuộc chiến tranh ấy.

Tôi là con của một nông dân, vì vậy tôi cảm nhận được và gần gũi với những nỗi trăn trở của nông dân Việt Nam. Trong cái nóng không thể chịu nổi, suốt cả ngày dầm mình trong nước, với những chiếc nón lá của mình, bất chấp những cuộc ném bom bắn phá thường xuyên diễn ra, những người nông dân Việt Nam vẫn canh tác những ruộng lúa của mình để nuôi gia đình và quân đội.

Tôi đã hiểu vì sao những cô gái còn rất trẻ, với những chiếc cuốc và xẻng trong tay, đã xây dựng và khôi phục những con đường; vì sao có hàng trăm và hàng nghìn dân thường, thậm chí cả trẻ em, đã đến giúp xây dựng các trận địa mới cho các đơn vị tên lửa phòng không: họ đã dùng tay đắp các bức tường bao quanh các bệ phóng, họ chặt cây cối để xây các con đường dẫn vào trận địa.

Tôi thật sự khâm phục dân tộc Việt Nam vừa đánh trả những cuộc tấn công của không quân Mỹ, vừa tiếp tục lao động ngoan cường để hoàn thành các nhiệm vụ do Chính phủ đề ra.

Tất cả những điều đó khẳng định chân lý đúng đắn: chiến tranh đòi hỏi phải cống hiến toàn bộ sức lực, và toàn dân đứng lên bảo vệ Tổ quốc. Có thể nói không ngoa rằng lao động của công nhân và nông dân Việt Nam thực sự là chiến công, rằng nhân dân Liên Xô đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng tập thể giống như vậy trong những năm tiến hành cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Chiến tranh đã làm thay đổi sâu sắc toàn bộ lối sống của người Việt Nam. Suốt 30 năm chiến tranh đã trở thành nội dung của cuộc sống. Lúc đầu, đặc biệt trong thời kỳ đầu, chúng tôi cảm thấy tâm lý của mình khó thích nghi với hoàn cảnh chiến tranh.

Tôi đã sống ở Việt Nam 300 ngày - từ tháng 12-1971 đến tháng 9-1972. Trong nhóm chuyên gia công trình tên lửa của chúng tôi có mặt các chuyên gia thuộc tất cả các hệ thống trong bộ khí tài tên lửa phòng không. Tôi rất trân trọng hồi tưởng về tất cả những đồng chí đã cùng tôi thực hiện nghĩa vụ quốc tế ở Việt Nam. Tất cả các chuyên gia ấy đều có trình độ đại học về kỹ thuật quân sự, họ hết sức giỏi trong nghiệp vụ của mình và là những bạn chiến đấu tốt

Tôi muốn nêu tên tất cả những người ngày ấy là thành viên trong nhóm chuyên gia công trình tên lửa làm việc trong Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam: Trưởng nhóm - Trung tá Ghêoócghi Tikhônôvích Ôcốp, phó trưởng nhóm - Trung tá Vlađimia Aphanaxiêvích Baranốp, Thiếu tá Valentin Páplôvích Mascốp, Đại úy Anhít Iliaxôvích Ascarốp, Thiếu tá Anatôli Khátgimuratôvích Xôdranốp, Đại úy Vaxili Alếchxanđrôvích Lômốpxép, Thiếu tá Víchto Đimitơriêvích Macarôskin, Thượng úy Alếchxây Iacốplêvích Iacôvencô, Thiếu tá Vlađimia Nicôlaêvích Mukhin, Đại úy Nicôlai Nicôlaêvích Pôgrếpnhác, Thiếu tá Aphricantốp.

Trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không làm việc trong Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam là Đại tá Ivan Stêpanôvích Pudanốp - một con người và một vị chỉ huy tuyệt vời, một con người hết sức đứng đắn, được chúng tôi quý trọng và rất dễ làm việc với ông.

Tham mưu trưởng của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về phòng không là Đại tá Alếchxanđrơ Bôrixôvích Xôcôlốp - hoàn toàn trái ngược với nhân vật I.X. Pudanốp.

Nhóm chuyên gia quân sự phòng không có các nhiệm vụ chính dưới đây:

- Kiểm tra trạng thái kỹ thuật của vũ khí và tư thế sẵn sàng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa phòng không;

- Khắc phục những hỏng hóc phức tạp trong các khí tài chiến đấu;

- Giúp đào tạo các khẩu đội chiến đấu;   

- Tiến hành các buổi lên lớp với tập thể đơn vị liên quan đến những sự hoàn thiện và những đặc điểm hiệu chỉnh máy móc sau những lần hoàn thiện;

- Giúp khôi phục các bộ khí tài tên lửa phòng không bị hư hỏng trong những cuộc bắn phá của không quân Mỹ;

- Cùng với các chuyên gia Việt Nam thuộc Phòng kỹ thuật của Binh chủng phòng không - không quân Quân đại nhân dân Việt Nam đã tiến hành phần tích những cuộc phóng tên lửa, phân tích các nguyên nhân khiến tên lửa bị rớt, và những biện pháp khác giúp nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài tên lửa phòng không.

Từ những ngày đầu tiên có mặt ở Việt Nam nhóm chuyên gia công trình tên lửa chúng tôi - làm việc tại Phòng kỹ thuật của Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam - chủ yếu đã hoạt động vào ban đêm, di chuyển vào các buổi sáng hoặc chiều tối, nghỉ ngơi vào buổi trưa kéo dài không quá bốn giờ.

Trên thực tế, chúng tôi đã vài lần đi xe xuyên suốt dọc ngang toàn bộ đất nước Việt Nam. Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ hoạt động với Phòng kỹ thuật của Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Chúng tôi đã có những quan hệ công việc chặt chẽ với các đồng chí Việt Nam. Họ tin cậy chúng tôi, còn chúng tôi thì cố gắng thực hiện trung thực nghĩa vụ quốc tế của mình. Tôi phải nói thật rằng gánh nặng chủ yếu trong công tác duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu cao của khí tài đã trút lên vai các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc trong các trung đoàn tên lửa phòng không và tất nhiên lên vai những quân nhân Việt Nam phục vụ trong các tiểu đoàn tên lửa phòng không. Có nhiều khi chính chúng tôi đã học tập ở các bạn Việt Nam kinh nghiệm sử dụng các bộ khí tài tên lửa phòng không trong chiến đấu trong một cuộc chiến thực sự chống lại một kẻ thù hết sức hùng mạnh - Hoa Kỳ.

Tôi muốn đặc biệt nhận xét rằng các sĩ quan và hạ sĩ quan Việt Nam rất chăm chỉ, được đào tạo không tồi trong việc sử dụng thực tế các bộ khí tài tên lửa phòng không.

Họ thành thạo, - như những cỗ máy, - trong việc thao tác các công việc được quy định, họ có thể, bằng trí nhớ, kể ra và chỉ ra bất kỳ điều mục nào, thuộc hết các thông số của mọi tín hiệu hoặc của mọi lệnh, nhưng họ lại hoang mang khi gặp phải một sự hỏng hóc phức tạp. Nhưng chỉ cần một lần chỉ ra và cho họ thấy bằng cách nào có thể loại trừ một sự hỏng hóc nào đó thì họ ghi nhớ rất lâu. Ngay cả các trắc thủ Liên Xô vận hành thiết bị không phải lúc nào cũng tỏ ra cần mẫn như vậy. Trong đội ngũ các sĩ quan Việt Nam có nhiều chuyên gia giỏi và thành thạo. Đa số họ đã học tại các trường quân sự ở Liên Xô.

Hầu như tất cả các sĩ quan chỉ huy và các chuyên gia đầu đàn đều nói thạo tiếng Nga. Điều này tạo điều kiện dễ dàng hơn cho công việc chung của chúng tôi.

Về phương diện chiến thuật, các đồng chí Việt Nam hành động một cách có hiểu biết, họ tổ chức các cuộc phục kích, đặc biệt ở các tỉnh phía nam. Họ xây dựng các trận địa trong rừng rậm để triển khai các bộ khí tài tên lửa phòng không trên những tuyến có nhiều khả năng bay qua nhất của không quân Mỹ. Sau khi triển khai bộ khí tài tên lửa phòng không tại trận địa mới, chúng tôi đã cùng với họ hiệu chỉnh bộ khí tài. Chỉ sau khi thực hiện xong khâu này mới phóng tên lửa vào tốp máy bay đánh phá.

Chiến thuật này tỏ ra đúng, vì họ đã tính đến tình hình là sau khi phóng tên lửa họ gần như không có cơ hội còn nguyên vẹn. Do vậy, tiểu đoàn phải di chuyển đến trận địa mới. Họ đã giải quyết nhiệm vụ này hết sức xuất sắc. Những ai phục vụ tại các bộ khí tài tên lửa phòng không X-75 thì đều biết rằng những bộ khí tài này rất cồng kềnh, thật vất vả mỗi khi thay đổi hướng quay của nó, đặc biệt ở trong các khu rừng rậm, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới, nhất là trong mùa mưa.

Nhưng, điều làm chúng tôi ngạc nhiên là các bạn Việt Nam đã thực hiện việc này rất nhịp nhàng và nhanh chóng. Nhờ vậy đã bảo vệ được các bộ khí tài tên lửa phòng không, và điều chủ yếu nhất là bảo vệ được con người. Tôi luôn luôn khâm phục trước việc các chàng trai Việt Nam mảnh khảnh ấy đã chịu đựng được những tải trọng lớn không tưởng tượng nổi ấy.

Bắt đầu từ tháng 12-1971 không quân Mỹ càng ngày càng tăng cường độ những cuộc ném bom. Nếu trước đó chúng chỉ ném bom các cơ sở quân sự, thì từ giữa tháng 12 chúng bắt đầu ném bom các xí nghiệp công nghiệp, trường học, bệnh viện và các công trình thuỷ lợi. Chẳng hạn, ngày 27-12-1971 chúng ném bom một trường học (tỉnh Quảng Bình), có 30 em bị chết; ngày 28-12-1971 chúng ném bom một trường ở thôn Hưng Lộc (tỉnh Nghệ An) làm 3 em học sinh chết, 8 em bị thương.

Số tổn thất của phía Mỹ cũng tăng lên. Tôi xin đưa ra đây các số liệu về số máy bay bị bắn rơi do phía Việt Nam cung cấp, tính từ ngày 26 đến ngày 31-12-1971:

Ngày 26-12 có 5 máy bay bị bắn rơi,

Ngày 27-12 có 1 máy bay bị bắn rơi,

Ngày 28-12 có 3 máy bay bị bắn rơi,

Ngày 29-12 có 1 máy bay bị bắn rơi,

Ngày 31-12 có 7 máy bay bị bắn rơi.

Tháng 4-1972 không quân Mỹ đã dùng máy bay B-52 ném bom ồ ạt vào các khu đông dân của thành phố Hải Phòng và các tỉnh phía nam của Bắc Việt Nam. Trong những lần ném bom tiếp đó không quân Mỹ đã tiến hành ném bom rải thảm xuống các thành phố và làng mạc Việt Nam.

Không phải mọi chuyến đi công tác của chúng tôi đều không bị tổn thất. Ví dụ, vào đêm 25 rạng ngày 26-12-1971 nhóm chúng tôi chuẩn bị khí tài cho Tiểu đoàn 52 thuộc Trung đoàn tên lửa phòng không 267 để đánh trả các cuộc bắn phá của không quân Mỹ.

Tiểu đoàn 52 được triển khai ở phía nam thành phố Vinh.

Đến sáng, khẩu đội chiến đấu của tiểu đoàn tiến hành kiểm tra hoạt động của đài điều khiển tên lửa và cho đài này phát sóng. Trên màn hình xuất hiện các mục tiêu di chuyển về hướng thành phố Vinh. Lệnh báo động được phát ra. Các bệ phóng cho phát lệnh "khởi động đồng bộ".

Sau lần phóng tên lửa thứ nhất và thứ hai, các bạn Việt Nam bắt đầu đưa chúng tôi ra khỏi nơi triển khai của tiểu đoàn. Tôi và Thiếu tá V.Đ. Macarôskin dừng lại và bắt đầu quan sát xem các tên lửa được phóng đi như thế nào.

Bất ngờ có một tiếng nổ mạnh ở ngay bên cạnh. Chúng tôi ngã lăn ra đất, mọi vật chung quanh trở thành màu trắng. Có ai đó hét toáng lên rằng bọn Mỹ sử dụng vũ khí hóa học. Chúng tôi lại không có mặt nạ phòng độc.

Sau khi định thần lại đôi chút, chúng tôi bắt đầu đứng dậy và nhìn thấy đất và cây cối chung quanh đều bị phủ một lớp bột trắng; quả tên lửa "Sraicơ" tự tìm mục tiêu do máy bay Mỹ phóng xuống đã rơi trúng kho phân bón ở cách đài điều khiển tên lửa không xa.

Các bạn Việt Nam chạy tới và kêu to: “Đồng chí Víchto" và còn nói những câu gì đó nữa.

Anh Víchto Macarôskin nằm sóng soài trên mặt đất cách chỗ tôi không xa. Anh ấy bị thương - máu chảy từ lưng ra và từ phía ngực trái. Các bạn Việt Nam băng bó cho anh. Trong biên chế nhóm chuyên gia chúng tôi không có ngay cả một y sĩ, hiển nhiên là để tiết kiệm tiền. Cùng với các bạn Việt Nam, tôi và Thiếu tá Vlađimia Nicôlaêvích Mukhin đã đưa đồng chí Víchto đến bệnh xá xã tại một ngôi làng cách thành phố Vinh không xa và chúng tôi luôn có mặt bên cạnh đồng chí ấy. Các chuyên gia Liên Xô khác đã được các bạn Việt Nam đưa đến một nơi an toàn. Các bạn Việt Nam luôn luôn bảo vệ nhóm chuyên gia chúng tôi.

Tôi đặc biệt muốn nói rõ dân chúng địa phương đã có thái độ như thế nào về trường hợp bất hạnh này. Rõ ràng là đài phát thanh đã đưa tin một sĩ quan Liên Xô đã bị thương. Thế là chỉ một giờ sau đó hàng loạt các đoàn đại biểu đến trạm xá xã. Những đoàn đến trạm xá xã gồm có các em trong đội thiếu niên tiền phong và các thầy giáo, các bác nông dân và công nhân, các đại diện bộ chỉ huy Quân khu 4, các vị lãnh đạo thành phố Vinh. Họ bày tỏ sự cảm thông, mang hoa tặng cho người bị thương, đề xuất muốn giúp đỡ người chuyên gia bị thương ấy.

Tôi đặc biệt nhớ một phụ nữ đã đứng tuổi. Mặc dù đã có tuổi và sức khoẻ kém, nhưng người phụ nữ ấy vẫn gắng sức đến thăm người chuyên gia bị thương. Người ta nói với tôi rằng người phụ nữ ấy là một trong số những nữ du kích đầu tiên cầm súng đánh bọn thực dân Pháp. Người phụ nữ ấy đã được gặp Chủ tịch Hồ Chí Minh và có được một số phần thưởng chiến đấu. Đáng tiếc là tôi đã không ghi lại họ tên của người phụ nữ ấy.

Đồng chí Macarôskin vẫn tỉnh táo. Chúng tôi cảm ơn những người đã đến thăm, cảm ơn sự quan tâm và sự thông cảm của họ. Thế đấy, dân chúng Việt Nam đã dành sự quan tâm như vậy cho một đồng đội của chúng tôi bị thương. Tất cả họ đều nói những lời tốt đẹp về đất nước Liên Xô, bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ trong cuộc chiến đấu chống quân xâm lược.
Viên bác sĩ trưởng của quân y viện Quân khu 4 đã đến trạm xá. Đó là Thiếu tá Trần Quang Vy (Чан Kyaнr Bий), nữ bác sĩ Trung uý Đào Thị Oanh (Дao Tий Oaнr), Các bác sĩ của Quân y viện Hà Nội, và cùng đến với họ còn có Đại tá Nicôlai Grigôriêvích Rômanốp - bác sĩ phẫu thuật thuộc Viện quân y Tasken.

Đến đêm thì V. Đ. Macarôskin được phẫu thuật. Đáng tiếc là người ta đã không lấy hết được tất cả các mảnh đạn ra khỏi cơ thể đồng chí ấy, vì không có máy chiếu X quang. Khi đồng chí Macarôskin tỉnh dậy sau gây mê, bác sĩ Rômanốp đã chìa cho anh ấy xem hai mảnh đạn đã được gắp ra khỏi cơ thể anh ấy, nhưng đã không nói gì về những mảnh đạn còn nằm lại trong cơ thể. 

Đồng chí Macarôskin đã bình phục, cùng với chúng tôi đi công tác thêm nửa năm, hoàn thành tốt nghĩa vụ của mình, nhưng dần dần những cơn đau tăng lên vì các mảnh đạn đã bộc lộ. Vậy là anh ấy đã được chuyển về nước, về vùng ngoại ô Mátxcơva. Tại đó, đồng chí ấy còn trải qua 2 lần phẫu thuật. Nhưng vẫn không gắp được hết mảnh đạn, vì chúng nằm ở phần tim và trong thận. Đồng chí Macarôskin đã phục viên với quân hàm trung tá.

Tôi nghĩ, đồng chí ấy đã thể hiện chủ nghĩa anh hùng đích thực khi vẫn ở lại quân ngũ ngay cả sau khi bị thương. Vì chiến tích ấy, V. Đ. Macarôskin đã được tặng thưởng Huân chương Sao đỏ.

Tôi còn lưu giữ bức ảnh chụp chung với đồng chí ấy ở khách sạn Kim Liên, trong căn phòng của chúng tôi, sau khi Macarôskin bình phục. Trên tường của căn phòng ấy có treo tấm ảnh của vợ anh ấy.

Cũng còn lưu giữ cả tấm bản đồ Việt Nam do viên sĩ quan chỉ huy Tiểu đoàn tên lửa phòng không 52 tặng cho Macarôskin, tại nơi anh bị thương, trên bản đồ ấy có ghi số hiệu của Trung đoàn tên lửa phòng không.

Năm 2000 tôi đã chụp lại tấm bản đồ này, khi tôi đến thăm anh Víchto Đimitơriêvích tại thành phố Ôrêkhôvô - Duêvô, nơi cư trú của anh ngày ấy.

Tôi cũng không thể không nhắc đến Thượng uý Mikhain Brinđicốp. Vào trưa ngày 8-9-1972 anh ấy đã bị thương trong cuộc bắn phá và ném bom của không quân Mỹ vào trận địa của binh chủng tên lửa phòng không ở phía bắc Hà Nội. Khi chạy vào cánh rừng, anh đã rơi vào một địa hình trống trải, và khi chỉ cách bìa rừng vài chục mét, anh đã bị thương, vì anh đã lọt vào vùng bom bi.

Trong bom mẹ thường chứa đến 400 quả bom bi, trong mỗi quả bom bi con lại có đến 400 viên bi.

Sau lần thả bom bi mẹ, chiếc máy bay F-4 (“con ma") vòng lại, bổ nhào một lần nữa và thả quả bom mẹ thứ hai. Vậy là anh Bnnđicốp lại dính thêm hàng chục mảnh bom nữa. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô, các bạn Việt Nam đã hiến máu, nhưng đã không thể cứu được anh ấy. Anh Brinđicốp đã mất vào ngày 10-9-1972 tại Hà Nội do các vết thương. Sau 10 ngày, chúng tôi mới đưa quan tài kẽm đựng thi hài của anh lên máy bay để đưa về Liên Xô, vì 2 tuần lễ mới có 1 chuyến bay.

Tôi muốn kể thêm về những chuyến đi công tác của chúng tôi đến điểm tận cùng phía nam của Bắc Việt Nam. Do những cuộc ném bom ngày càng gia tăng cường độ, cho nên những chuyến đi của chúng tôi về phía nam đã diễn ra trong những điều kiện cực kỳ gian khổ. Không quân Mỹ bắt đầu ném bom ồ ạt không chỉ các thành phố và làng mạc, mà chúng còn ném bom, bắn phá cả các cây cầu và những tuyến đường chiến lược.

Chúng tôi càng di chuyển về phía nam theo con đường số 1 các bạn Việt Nam gọi đường số 1 là “con đường sống" - thì lại càng thường xuyên gặp những hố bom và hố đạn hoàn toàn mới xuất hiện.

Có hàng nghìn phụ nữ và các cô gái trẻ làm việc trong việc khôi phục những con đường vừa bị tàn phá và xây dựng những con đường mới. Một số người dùng trâu, bò và xe đạp thồ để chuyển đất đá, những người khác thì dùng tay đập vỡ những tảng đá ấy, số người còn lại thì dùng đòn gánh quẩy các sọt đựng đá dăm.

Chiếc xe "UAZ" của chúng tôi leo từ từ lên núi. Phiên dịch viên Tuấn (Tyaн) kể cho chúng tôi nghe về con đèo duy nhất trên đường số 1 - Đồng Lộc. Anh ấy cho biết bọn Mỹ ném bom con đèo này cả ngày lẫn đêm đã mấy năm liền. Chúng tôi hỏi anh: tại sao giờ đây máy bay Mỹ lại không ném bom con đèo này. Anh Tuấn mỉm cười và bảo rằng giờ này các phi công Mỹ đang nghỉ ăn trưa, sau giờ nghỉ trưa chúng sẽ tới.

Tôi đặc biệt còn nhớ các cô gái ngồi trên đỉnh một quả đồi. Các cô có nhiệm vụ quan sát các quả bom được máy bay thả xuống. Bọn Mỹ đã thả nhiều bom nổ chậm. Các cô gái ấy quan sát những quả bom đang rơi. Nếu chúng không nổ thì một cô gái phải chạy đến đó để đánh dấu chỗ quả bom rơi.

Mới đây, tại Cung Hữu nghị, nhân dịp kỷ niệm 28 năm Ngày toàn thắng của Việt Nam, các nghệ sĩ Việt Nam đã trình bày bài hát nói về những cô gái anh hùng ấy. Ngày nay ở ngã ba Đồng Lộc huyền thoại, người ta đã dựng một đài tưởng niệm. Vào thời kỳ ấy tôi đã có dịp 3 lần đi trên con đèo này.

Tôi còn lưu giữ những hồi ức tốt đẹp về Việt Nam, về dân tộc Việt Nam, về tất cả những người công dân nước chúng ta đã có mặt trong những ngày gian khổ ấy bên cạnh dân tộc anh hùng ấy. Tôi hy vọng rằng quan hệ hữu nghị truyền thống ấy sẽ được gìn giữ.
Khimki, ngày 18-5-2003

THƯỢNG TƯỚNG
KHIUPÊNEN ANATÔLI IVANÔVÍCH

Ông là giáo sư tiẾn sĩ khoa học quân sụ. Ông sinh ngày 2515-1928 tại thành phỐ LêNIngrát, trong một gia đình công nhân.

Năm 1947 ông tốt nghiệp trường đào tạo pháo binh Lêningrát, năm 1950 ông tốt nghiệp Trường pháo binh Lêningrát số 2.

Năm 1961 ông tốt nghiệp Học viện sĩ quan pháo binh.

Ông đã trải qua cuộc đời phục vụ quân ngũ từ chức vụ chỉ huy trung đội đến chức vụ Tư lệnh tập đoàn quân phòng không độc lập, Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không của Liên Xô.

Năm 1991 ông kết thúc cuộc đời phục vụ quân ngũ với chức vụ Giám đốc Học viện sĩ quan Cờ đỏ của Binh chủng phòng không Liên Xô mang tên Nguyên soái Giucốp.

Từ năm 1995 ông là Chủ tịch Hội đồng thông nhất Liên hiệp cựu chiến binh của Binh chủng phòng không.

Từ tháng 12-1972 đến tháng 1-1975 ông đã tham gia công cuộc giúp đỡ quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam, với cương vị Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Ông đã được tặng thưởng các Huân chương Cờ đỏ, Sao đỏ, Cờ đỏ Lao động, Vì phục vụ Tổ quốc trong các lực lượng vũ trang Liên Xô hạng II và hạng III, Huân chương Chiến công hạng I (của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa) và 29 huy chương.

GIAI ĐOẠN KẾT THÚC CỦA CUỘC CHIẾN TRANH TRÊN KHÔNG

Những năm tháng qua đi nhanh chóng, và như lời một bài hát, chúng ta không kịp chạy theo - "...hết năm này lại đến năm khác cứ trôi đi". Vậy là hơn 30 năm đã trôi qua sau sự kiện có lẽ mang ý nghĩa tuyệt vời nhất trong cuộc đời tôi cuộc đời của một quân nhân chuyên nghiệp, của một chiến binh thuộc Binh chủng phòng không của đất nước chúng ta.

Xin kể theo trật tự..

Tháng 2-1972. Sở chỉ huy của quân đoàn độc lập thuộc Binh chủng phòng không. Những buổi huấn luyện. Tư lệnh tập đoàn quân này là Thượng tướng P. Ph. Sêvêlép đã dùng máy bảo mật chuyên dùng để trao đổi với Tổng tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô P. Ph. Batixki, và cung cấp ý kiến nhận xét tốt về một người nào đó, đề nghị không đụng đến người sĩ quan ấy, hãy để sĩ quan ấy tiếp tục phục vụ trong tập đoàn quân này vì lý do là thời gian đảm nhiệm chức vụ còn chưa nhiều.

Sau khi kết thúc báo cáo, Tư lệnh tập đoàn quân Sêvêlép đưa tôi vào phòng làm việc của mình, truyền đạt quyết định của Tổng tư lệnh Binh chủng phòng không về việc phái tôi tham gia vào chuyến công tác đặc biệt - làm Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và hỏi ý kiến tôi.

Bước ngoặt ấy trong cuộc đời phục vụ quân ngũ của tôi thật hoàn toàn bất ngờ.

Thứ nhất, tôi chỉ mới có 8 tháng (gồm cả thời gian nghỉ phép) ở chức vụ Phó Tư lệnh thứ nhất của Tập đoàn quân độc lập thuộc Binh chủng phòng không Liên Xô.

Thứ hai, chức vụ Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là chức vụ cực kỳ trọng trách không chỉ về phương diện quân sự, mà cả trên phương diện chính trị và là chức vụ được đảm nhiệm bởi các viên tướng của Binh chủng phòng không Liên Xô đã trải qua trường học to lớn là phục vụ quân đội với các chức vụ rất quan trọng và đã có kinh nghiệm của cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Tôi chỉ có thể đưa ra một câu trả lời: "Tôi sẽ không phụ sự tin cậy". 

Chúng tôi (tôi và vợ tôi, bà Valentina Pêtrốpna) đã trải qua đợt kiểm tra y tế, sau đó trải qua sự kiểm tra của Hội đồng quân sự của Binh chủng phòng không Liên Xô và qua những cấp có thẩm quyền khác.

Từ ngày 1-4 tôi theo học khóa học 3 tháng thuộc Học viện ngoại ngữ của quân đội. Tiện đây xin nói thêm, việc tổ chức các khoá học này là quyết định sáng suốt của vị Tổng tham mưu trưởng Các lực lượng vũ trang Liên Xô, Đại tướng V. G. Culicốp. Các khóa học này cung cấp những kiến thức cần thiết cơ bản về đất nước sẽ đến: chế độ nhà nước và chế độ chính trị, kinh tế, chính trị, lực lượng vũ trang, những đặc điểm về điều kiện địa lý, thiên nhiên và khí hậu, ngôn ngữ, v.v.. Những kiến thức này cần thiết ngay trong nhưng giờ đầu tiên có mặt tại nước sở tại, trong cuộc làm quen đầu tiên với những quân nhân dưới quyền.

Sau đó là nghỉ phép, 10 ngày nhận các chỉ thị và hướng dẫn tại Tổng cực 10 của Bộ Tổng tham mưu. Ngày 14-12-1972 tôi đáp máy bay sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Sau suốt một ngày đêm bay một mạch bằng máy bay IL-18 theo lộ trình Mátxcơva - Tasken - Đêli - Cancútta - Rănggun - Viêng Chăn - Hà Nội, đến sáng ngày 15-12 chúng tôi đã tới thủ đô của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Thành phố Hà Nội (sân bay Gia Lâm). Sau Mátxcơva đông giá thì ở đây cảm thấy ấm áp lạ thường và thậm chí có phần ngột ngạt, nắng chói chang.

Đã diễn ra cuộc đón tiếp ấm áp tại sân bay với các đại diện của Quân đội nhân dân Việt Nam, với Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô, Tướng Mácximencô, làm thủ tục các giấy tờ, đi xe về Hà Nội. Trên dọc đường đi có dịp làm quen lần đầu tiên với hậu quả các cuộc ném bom của không quân Mỹ vào các vùng ngoại thành, các xí nghiệp, cây cầu bắc qua sông Hồng và vào các mục tiêu khác. Chúng tôi đã tận mắt nhìn thấy những hành động dã man của bọn thực dân mới Hoa Kỳ. Ngay từ những giờ đầu tiên có mặt ở Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, những gì được nhìn thấy đã buộc tôi phải đánh giá theo cách mới đối với quan niệm về cuộc xung đột vũ trang ở Đông Nam Á.

Chúng tôi thu xếp chỗ ở tại khách sạn. Sau đó là buổi giới thiệu tôi với vị Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Liên Xô tại Hà Nội Ilia Xécghêêvích Sécbacốp, với tùy viên quân sự và với các cán bộ trong Sứ quán Liên Xô và của các nhóm đại diện. Cuộc làm quen với thành phần nhân sự trong bộ máy của Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Đâu đâu cũng thấy bầu không khí thân thiện, cố gắng nói rõ tình hình (quân sự, chính trị, kinh tế) của Việt Nam và nói chung ở Đông - Nam Á. Đến tối Đại sứ tổ chức buổi đón tiếp nhỏ. .

Sang ngày hôm sau là cuộc gặp mặt với Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thiếu tướng Phùng Thế Tài, sau đó ít lâu là cuộc gặp mặt với Tổng Tham mưu trưởng, Đại tướng Văn Tiến Dũng. Phía Việt Nam đánh giá cao các chuyên gia quân sự Liên Xô và bày tỏ lòng biết ơn về sự giúp đỡ dành cho nước Việt Nam anh em và bày tỏ mong muốn tiếp tục các truyền thống đó.

Ngày 17-12 đã diễn ra cuộc gặp với Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri và Chính ủy, Đại tá Hoàng Phương (Xoaнr Фыoнr). Tại buổi gặp này đã có sự đánh giá cao và cụ thể về hoạt động của các chuyên gia quân sự Liên Xô trong Binh chủng phòng không - không quân, đã đề cập đến khả năng những cuộc bắn phá của máy bay sẽ được tiếp tục trong những ngày tới đây và về quyết định đánh trả những cuộc bắn phá ấy. Sau đó bữa chiêu đãi cơm tối đã diễn ra trong bầu không khí thân mật. Trong buổi chiêu đãi này tôi đã được giới thiệu các món ăn Việt Nam và tôi đã thích những món ăn đó.

Buổi chiều tối (khoảng 19 giờ) ngày 18-12, trong lúc diễn ra cuộc tiếp đón của Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, đã vang lên còi báo động máy bay địch. Không quân Mỹ đã mở đầu chiến dịch trên không mang tên "Lainơ Bếchcơ - 2" bằng một trận bắn phá ồ ạt mà lực lượng nòng cốt của trận bắn phá này là những máy bay ném bom chiến lược B-52.

Bất giác tôi nhớ lại tháng 9-1941, Lêningrát, cuộc dội bom ồ ạt của không quân Đức vào thành phố thân yêu của tôi tiếng nổ của những trái bom, tiếng nổ vang dậy, những sự tàn phá. Thoạt đầu cảm thấy sợ. Còn giờ đây vẫn lại đứng dưới làn bom rơi, hơn nữa lại là những quả bom của một nước "văn minh" nhất thế giới. Những quả bom giờ đây có sức công phá lớn hơn nhiều so với những quả bom trong cuộc chiến tranh ngày trước. Có thể hình dung được những quả bom ấy gây nên những sự tàn phá như thế nào, nỗi khủng khiếp như thế nào đối với dân thường, những người dân hoàn toàn chẳng có tội tình gì.

Vào lúc 12 giờ ngày 19-12 chúng tôi đã sơ bộ tổng kết cuộc đánh trả của binh chủng phòng không - không quân của Việt Nam chống lại 3 cuộc đánh phá dữ dội ban đêm của không quân chiến lược. Tổng cộng đã bắn rơi 5 máy bay: 2 chiếc B-52, 2 chiếc F-4, 1 chiếc F-111.

Chúng tôi đã tiến hành phân tích cặn kẽ các hoạt động tác chiến, nêu lên những điểm tích cực cũng như những điểm thiếu sót trong hoạt động của sở chỉ huy và của các khẩu đội binh chủng phòng không - không quân, đưa ra những đề xuất, đặc biệt trong vấn đề điều khiển của các khẩu đội thuộc sở chỉ huy của các trung đoàn.

Thời kỳ phục vụ quân ngũ của tôi ở Việt Nam mở đầu như vậy. Đến nay, khi người ta hỏi tôi: "Đồng chí có những ấn tượng ban đầu như thế nào về thời gian có mặt ở Việt Nam?" thì tôi trả lời bằng một câu hỏi: Tại sao, trên cơ sở pháp lý nào mà ban lãnh đạo chính trị - quân sự của nước Mỹ lại quyết định gây ra cuộc chiến tranh chống nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, sử dụng những phương pháp man rợ chống lại nhân dân Việt Nam? Phải chăng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và nhân dân Việt Nam đã đe dọa nền độc lập của Hoa Kỳ, phải chăng họ có thể dùng biện pháp kinh tế và quân sự để xâm chiếm và nô dịch nhân dân Mỹ? Thật là điều ngu xuẩn, điên rồ. Những nguyên nhân và những nhân tố quyết định cuộc xâm lược của Mỹ ở Việt Nam lại nằm ở chỗ khác.

Thứ nhất, đó là những tài nguyên kinh tế, chính là các tài nguyên thiên nhiên (thiếc, chì, cao su, vàng, than đá, dầu mỏ, v. v.).

Thứ hai, đó là vị trí hết sức quan trọng về mặt chiến lược - quân sự của nước Việt Nam trong khu vực Đông - Nam Á. Cựu đại sứ Mỹ ở Sài Gòn - Cabốt Lốt - năm 1965 đã tuyên bố như sau:

"Ai nắm Việt Nam trong tay mình thì người ấy có cơ hội quyết định tương lai của Philippin và Đài Loan - ở phía đông, nắm được Thái Lan và Mianma với lúa gạo dồi dào - ở phía tây, nắm được Malaixia và Inđônêxia với nguồn cao su và thiếc - ở phía nam".

Đối với Mỹ, nếu để mất ảnh hưởng của mình tại các nước Đông Dương thì có nghĩa là bị mất đi chính trái tim của Đông - Nam Á và phá vỡ mắt xích trung tâm quan trọng nhất trong hệ thống to lớn các căn cứ quân sự mà Mỹ đã phủ lên các nước thuộc khu vực này của thế giới, như một mạng nhện.

Sau hết, đó là những nhân tố mang tính chất chính trị. Đông Dương là khu vực mà tại đó chủ nghĩa đế quốc Mỹ đã quyết định giáng đòn chủ yếu vào phong trào giải phóng dân tộc, bởi vì chính ở đây phong trào này có quy mô gây đe dọa cho chủ nghĩa đế quốc và có thể - bằng sức mạnh nêu gương của mình - khởi động tất cả những nước khác ở Đông - Nam Á.
Việt Nam (Đông Dương) là nơi xung đột giữa lợi ích của chủ nghĩa xã hội và những ý đồ xâm lược của chủ nghĩa đế quốc. Tướng Mỹ Taylo, sau này là Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam, một trong số những kẻ khởi xướng gây ra cuộc xung đột quân sự này, đã từng tuyên bố. "Tại khu vực này chúng ta giao chiến với hệ thống xã hội chủ nghĩa thế giới và đặc biệt với phong trào giải phóng dân tộc. Nếu chúng ta bẻ gãy cổ người Việt Nam thì chúng ta bẻ gãy cổ được phong trào giải phóng dân tộc và làm cho các nước nhỏ phải sợ hãi".

Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là nước xã hội chủ nghĩa và cố gắng truyền bá những tư tưởng xã hội chủ nghĩa ra toàn cõi Việt Nam. Về phía mình, chính quyền Sài Gòn lại có tham vọng phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa. Như vậy, tại đây có sự đụng độ giữa những lợi ích của các nước lớn nhất trên thế giới (Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc) và những lợi ích của chính các dân tộc ở Việt Nam.

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam được mở đầu như một cuộc nội chiến (giữa Bắc và Nam). Hoa Kỳ đã ủng hộ chế độ Sài Gòn bù nhìn, đã khai thác mọi con đường gián tiếp để ủng hộ nó và tổ chức cuộc xâm nhập trực tiếp bằng quân sự vào Nam Việt Nam. Đồng thời chúng tiến hành việc này một cách trắng trợn. Về phần mình Liên Xô bắt đầu sự giúp đỡ toàn diện và ủng hộ toàn diện dành cho nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, về phương diện chính trị, kinh tế và quân sự.

Điều hợp lý là nhớ lại lịch sử cuộc xâm lược của Mỹ ở Đông Dương

Chủ nghĩa đế quốc Mỹ bắt đầu xâm nhập vào Đông Dương ngay từ ngày thực dân Pháp còn thống trị tại đó - trong thời kỳ nổ ra cuộc kháng chiến lần thứ nhất vào những năm 1946 - 1954. Dưới thời Tổng thống Tơruman nước Mỹ đã giúp bọn thực dân Pháp bằng những nguồn tài chính to lớn. Dưới thời Tổng thống Aixenhao, sự can thiệp mang những hình thức rõ rệt hơn: Mỹ đã hoàn toàn thay thế Pháp và tự đảm nhận vai trò trực tiếp mở rộng xâm lược. 

Ngay từ năm 1955 tại Sài Gòn đã thiết lập chế độ bù nhìn của Ngô Đình Diệm. Tên Ngô Đình Diệm đã đề nghị Mỹ đưa quân vào Nam Việt Nam. Năm 1962 số lượng quân nhân Mỹ ở Nam Việt Nam đã là 5.576 người, đến tháng 10-1963 đã lên đến con số 16,7 nghìn.

Năm 1963 Mỹ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam. Các chiến hạm thuộc Hạm đội 7 của Mỹ bắt đầu tiến hành những vụ khiêu khích quân sự trực tiếp trong Vịnh Bắc Bộ. Những cuộc khiêu khích này, đến ngày 5-8-1965, đã biến thành những cuộc ném bom của không quân Mỹ đánh vào các mục tiêu trên bờ thuộc lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 5-1965 Mỹ đã đảm nhận thực hiện trực tiếp những hoạt động tác chiến chống lại Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tăng cường áp lực quân sự trực tiếp lên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Vậy là đã bắt đầu cuộc kháng chiến lần thứ hai của nhân dân Việt Nam, nhưng giờ đây là cuộc kháng chiến chống chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Năm 1968 tại Nam Việt Nam đã tập trung một khối lượng to lớn về lực lượng và phương tiện: 520 nghìn quân Mỹ, 59 nghìn quân của Ôxtrâylia, Nam Triều Tiên, Thái Lan. Ngoài ra, quân đội riêng của Sài Gòn có 750 nghìn người.

Mặc dù vậy, năm 1968 lực lượng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, với sự giúp đỡ và ủng hộ của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đã triển khai cuộc tấn công mạnh mẽ. Chính sách "bình định" đã hoàn toàn bị phá sản. Tại Pari, vào tháng 5-1968 đã bắt đầu diễn ra cuộc đàm phán. Từ ngày 1-11-1968 những cuộc ném bom bắn phá Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chấm dứt (sau này được biết chỉ là tạm thời).

Tổng thống Níchxơn đề ra chủ trương mới, cái gọi là "học thuyết Guyam". Học thuyết Níchxơn là sự thể hiện tập trung những nguyên tắc của chủ nghĩa thực dân mới hiện đại. Trên phương diện chính trị - quân sự học thuyết này đề ra chiến lược mới đối với Đông Dương. Thực chất của chiến lược này là tiến hành chiến tranh chống Việt Nam bằng sức của chính người Việt Nam. Đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Bâncơ đã giải thích mục tiêu của "Việt Nam hóa" là “thay màu da của những xác chết".

Mặt khác, Oasinhtơn tìm cách rút một bộ phận quân Mỹ, "giảm chi phí" cuộc chiến tranh, làm dịu dư luận xã hội (từ tháng 1-1961 đến tháng 3-1973 Mỹ đã bị tổn thất ở Việt Nam hơn 57 nghìn nhân mạng, gần 2 nghìn người bị mất tích và hơn 300 nghìn người bị thương. Đây là số tổn thất lớn hơn 10 lần so với số tổn thất của Mỹ trong Chiến tranh thế giới thứ hai). Hy vọng chủ yếu nhằm vào việc vũ trang lại cho quân đội Sài Gòn bằng những ký thuật quân sự hiện đại. Trong hai năm "Việt Nam hóa" tổng quân số đã tăng lên thành 1.050 nghìn người.

Mỹ đã rút bộ binh, nhưng tăng cường lực lượng không quân và hạm đội. Từ năm 1969 đến năm 1972 Mỹ đã cung cấp cho chế độ Sài Gòn: 574 máy bay, 863 trực thăng, 580 xe tăng, 1200 khẩu pháo và súng cối, 60000 ôtô, 1800 xe vận tải bọc thép. Từ ngày 1-1- 1961 đến 27-1-1973 tổng cộng Mỹ đã chi phí cho cuộc chiến tranh Việt Nam 140 tỷ đô la.

Sự giúp đỡ của Liên Xô (chống xâm lược Mỹ)

Đáp lại đề nghị của ban lãnh đạo Bắc Việt Nam đề nghị ban lãnh đạo của Liên Xô giúp đỡ đánh trả cuộc xâm lược của Mỹ, Hội đồng Bộ trưởng Liên Xô đã quyết định dành sự giúp đỡ toàn diện cho Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trên cơ sở quyết định này đã thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô để cử sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Việc thành lập Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô bắt đầu được tiến hành từ mùa xuân 1965 trên cơ sở các quân khu phòng không Mátxcơva và Bacu. Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đầu tiên (gần 100 người) đã tới Việt Nam vào tháng 4-1965.

Thời kỳ đầu Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Trưởng nhóm chuyên gia quân sự về tên lửa phòng không, Đại tá A. M. Đdưda, từ tháng 9- 1965 Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam là Thiếu tướng G. A. Bêlốp.

Đến cuối năm 1966 số lượng chuyên gia quân sự Liên Xô hoạt động tại 4 trung tâm huấn luyện đã lên đến 786 người. Sau này, trong thành phần Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô còn có cả các phi công, lực lượng kỹ thuật - kỹ sư các chuyên gia hải quân, chuyên gia xe tăng, các chuyên gia y tế. Trong thời gian chưa đầy một năm các chuyên gia quân sự Liên Xô đã huấn luyện và đào tạo 10 trung đoàn tên lửa phòng không, 3 trung đoàn kỹ thuật vô tuyến, 2 trung đoàn không quân tiêm kích.

Việc huấn luyện các chiến sĩ tên lửa Việt Nam được thực hiện theo phương châm gấp rút, với nguyên tắc "hãy làm theo tôi". Mặc dù có những khó khăn và phức tạp trong việc đào tạo, nhưng đến ngày 24-7-1965 các khẩu đội Liên Xô đã bắn rơi 3 máy bay Mỹ. Phía Mỹ đã bị sốc. Đã chấm dứt sự thống trị trên bầu trời và những cuộc ném bom không bị trừng phạt xuống các cơ sở của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Những trận đánh đầu tiên do các khẩu đội Liên Xô thực hiện, còn các quân nhân Việt Nam, tuy tham gia vào tất cả các trận chiến đấu, nhưng trong tư cách thực tập và các trắc thủ dự phòng. Trong các trận đánh sau đó tất cả các công đoạn chuẩn bị phóng tên lửa và điều khiển tên lửa do các khẩu đội Việt Nam thực hiện, còn các chuyên gia tên lửa Liên Xô thì bọc lót cho bọ, nhanh chóng sửa chữa các sai sót và khắc phục những trục trặc phát sinh. Trong các trung đoàn tên lửa phòng không đã đi vào hoạt động có những nhóm nhỏ các chuyên gia quân sự Liên Xô ở lại giúp, gồm 10 - 15 người.

Các chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại các trường huấn luyện quân sự của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng đóng vai trò quan trọng trong việc đào tạo đội ngũ nhân lực của Binh chủng phòng không - không quân của Việt Nam. Chỉ trong thời gian 1966 - 1967 tại các trung tâm huấn luyện tại Liên Xô đã có 5 trung đoàn tên lửa phòng không của Việt Nam được đào tạo, với tổng số khoảng 3000 người.

Trong các hoạt động tác chiến bản thân các chuyên gia quân sự Liên Xô lần đầu tiên đối mặt với kẻ địch như vậy trên bầu trời. Họ đã đưa ra những khuyến cáo và những chỉ dẫn về quy tắc bắn: bắn vào các mục tiêu cơ động, bắn vào các mục tiêu trong điều kiện địch sử dụng các kiểu gây nhiễu, trong điều kiện địch sử dụng các loại bom được la de chỉ thị mục tiêu, bắn tên lửa trong điều kiện đối phó với các phương tiện chống tên lửa của ta, như loại tên lửa không đối đất "Sraicơ" (Stanđa ARM") về kỹ thuật ngụy trang, kỹ thuật xây dựng các trận địa, di chuyển, cơ động các bộ khí tài tên lửa phòng không và về những vấn đề khác về tổ chức và tiến hành các trận chiến đấu chống máy bay và các trận chiến đấu trên không.

Nhằm giảm bớt tổn thất về lực lượng phi công, từ năm 1969 bộ chỉ huy của Mỹ bắt đầu sử dụng nhiều hơn các loại máy bay không người lái để trinh sát từ trên không đối với toàn lãnh thổ Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Trong điều kiện địch tích cực sử dụng các hình thức gây nhiễu và các máy bay không người lái bay ở tầm thấp nhất, hiệu suất bắn trúng của các tên lửa phòng không vào mục tiêu máy bay không người lái là 15 tên lửa trên một mục tiêu bị tiêu diệt. Đồng thời, bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân của quân đội nhân dân Việt Nam cũng có những hoài nghi nhất định về những khả năng chiến đấu của bộ khí tài tên lửa phòng không X-57 trong việc tiêu diệt các mục tiêu loại đó.

Cho nên, cần phải thực hiện tại chỗ các biện pháp nâng cao hiệu quả của các bộ khí tài tên lửa phòng không và khôi phục uy tín của các phương tiện kỹ thuật quân sự của Liên Xô. Nhằm mục đích này, Tham mưu trưởng của nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô về tên lửa phòng không, Đại tá E. M. Antônốp và là chuyên gia bên cạnh Tham mưu trưởng Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam (sau này là Thiếu tướng, tiến sĩ khoa học quân sự, giáo sư) ngay trong tháng đầu tiên đến làm việc đã thực hiện một cuộc phân tích cặn kẽ những lần phóng tên lửa chiến đấu trong năm 1969, đã đề xuất những khuyến cáo khắc phục các khiếm khuyết được phát hiện trong hoạt động tác chiến của các bộ khí tài tên lửa phòng không.

Tháng 11-1969 ông đã trình bày những kết quả phân tích và đưa ra những khuyến cáo tương ứng tại các cuộc họp chuyên môn của các trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô.làm việc tại các trung đoàn tên lửa phòng không. Trước đấy cũng đã có nêu ra một loạt nguyên nhân đã được phát hiện gây ra hiệu suất thấp của các phương tiện phòng không. Tuy nhiên, sự thay thế định kỳ các chuyên gia quân sự Liên Xô đã có kinh nghiệm chiến đấu bằng những chuyên gia quân sự Liên Xô mới tới và chưa quen với những điều kiện tác chiến tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và trong một số trường hợp là thái độ đòi hỏi chưa đầy đủ đối với các khẩu đội chiến đấu người Việt trong các tiểu đoàn tên lửa phòng không, - tất cả những yếu tố đó, trên một mức độ nào đó, đã làm giảm hiệu quả của những lần phóng tên lửa. Ngoài ra, kẻ địch trên không cũng bắt đầu sử dụng những thủ đoạn chiến thuật mới trong việc khắc phục tầm bắn của bộ đội tên lửa phòng không.

Sau khi tiến hành các cuộc họp chuyên môn kể trên với các chuyên gia quân sự Liên Xô tại Hà Nội, đã diễn ra rất nhiều buổi lên lớp về quy tắc bắn tên lửa vào các mục tiêu bay ở tầm thấp trong những điều kiện phức tạp và về những vấn đề cấp bách nhất của lý thuyết bắn tên lửa phòng không có điều khiển. Các Trung tá V. A. Guđê và E. M. Antônốp đã chuẩn bị và tiến hành những buổi lên lớp với bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam.

Trong một thời gian sớm nhất, kết quả của những biện pháp được đưa ra nhằm nâng cao hiệu quả chiến đấu của bộ đội tên lửa phòng không đã bắt đầu bộc lộ. Đã có 20 máy bay không người lái bị tiêu diệt trong một thời gian ngắn, hiệu suất đạt được lên tới 8 tên lửa trên một mục tiêu bị tiêu diệt, có một máy bay ném bom chiến lược (B-52) bị tiêu diệt, trong điều kiện có gây nhiễu tích cực, bởi quả tên lửa đuổi theo (đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam).
Khi xác định cung cấp các loại vũ khí và khí tài quân sự bộ linh kiện dự trữ và dụng cụ chuyên dùng, các yếu tố hợp thành, thì người ta đã sử dụng kinh nghiệm do quân đội Liên Xô đã tích luỹ được trong việc vận hành và khai thác máy móc thiết bị trong những điều kiện khí hậu khác nhau của Liên Xô. Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô, bộ đội công trình tên lửa, bộ đội kỹ thuật vô tuyến của Binh chủng phòng không Liên Xô đã luôn luôn duy trì liên hệ với Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa về các vấn đề vận hành và khai thác, cũng như sử dụng các bộ khí tài tên lửa phòng không và các bộ khí tài ra đa trong chiến đấu.

Cần nêu rõ hoạt động có hiệu quả - xin nói thẳng rằng trong những điều kiện như vậy thì hoạt động này mang tinh thần anh hùng - của các đại diện nền công nghiệp quốc phòng trong việc khôi phục các phương tiện kỹ thuật bị hư hại, và chủ yếu là trong việc hiện đại hóa những phương tiện kỹ thuật ấy. Hơn 7 năm trời đồng chí Ivan Pêtơrôvích Sápcun đã lãnh đạo đội quân công nghiệp quốc phòng. Lao động của ông đã được đánh giá xứng đáng bằng những phần thưởng cao quý của Liên Xô. Còn Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thì đã tặng Huân chương Chiến công cao quý với tất cả các hạng cho đồng chí Sápcun. Đồng chí là người duy nhất ở Liên Xô nhận được loại huân chương ấy với cả ba hạng (đồng chí đã mất vào tháng 10-2003).

Tổng cục 4 của Bộ Quốc phòng Liên Xô và cá nhân Cục trưởng Cục 1, Trung tướng M. I. Vôrôbiép đã thật sự chú ý đến vấn đề đảm bảo cung cấp liên tục vũ khí và các phương tiện kỹ thuật quân sự, chất lượng của vũ khí và việc lựa chọn vũ khí cho Quân đội nhân dân Việt Nam. Đồng chí Vôrôbiép đã nhiều lần sang Việt Nam với nhóm cán bộ công nghiệp quốc phòng và các chuyên gia thuộc Tổng cục 4 của Bộ Quốc phòng Liên Xô. Những công lao của đồng chí Vôrôbiép cũng đã được đánh giá bằng những phần thưởng cao quý của Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Bộ Tổng tham mưu Binh chủng phòng không Liên Xô đã dành sự giúp đỡ có hiệu quả cho Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô. Để thực hiện điều này, vào những thời kỳ tác chiến Bộ Tổng tham mưu đã cử các nhóm tướng lĩnh và các sĩ quan sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Kinh nghiệm chiến đấu tại Việt Nam đã được đem ra nghiên cứu trong các đơn vị thuộc Binh chủng phòng không của Liên Xô. Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không của Liên Xô đã ra lệnh thành lập một ủy ban chuyên trách vấn đề này, đứng đầu là Phó Tư lệnh Binh chủng tên lửa phòng không, Trung tướng X. Ph. Vikhorơ. Đã có những thay đổi trong các văn bản quy chuẩn, các phương tiện kỹ thuật quân sự của Liên Xô được hiện đại hóa. 

Tổng Tư lệnh Binh chủng phòng không Liên Xô, Nguyên soái Liên Xô P. Ph. Batixki (ông đã có vài lần thăm Việt Nam), Tổng Tham mưu trưởng, Thượng tướng V. Đ. Xôdinốp, các tướng Ph. M. Bônđarencô, X. Ph. Vikhorơ, A. C. Vancốp đã có đóng góp to lớn vào việc hình thành Binh chủng phòng không - không quân của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Từ ngày 11-7-1965 đến ngày 3-12-1974 đã có 6359 tướng lĩnh và sĩ quan và gần 4,5 nghìn binh sĩ và hạ sĩ quan thuộc lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Giai đoạn kết thúc cuộc xâm lược của Mỹ tại Việt Nam

Năm 1972 tình hình ở Việt Nam đã trở nên căng thẳng rõ rệt.

Ngày 30-3-1972 bộ đội của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã chuyển sang tấn công ở miền Nam Việt Nam trên 3 hướng: hướng bắc, hướng trung tâm và hướng nam. Trong giai đoạn đầu họ đã giành được những thắng lợi đáng kể. Phía Mỹ đáp lại bằng hành động mở rộng phạm vi hoạt động của không quân ra toàn lãnh thổ Việt Nam.

Ngày 15-4 Mỹ đã thực hiện phong tỏa đường biển (thả thuỷ lôi) của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tại cảng Hải Phòng có 18 tầu biển nước ngoài bị phong toả, trong số đó có 10 tầu của Liên Xô. Tình hình của các lực lượng yêu nước trở nên phức tạp. Với sự yểm trợ của không quân Mỹ, quân đội Sài Gòn đã có sự kháng cự quyết liệt. Tổng thống Níchxơn (trước khi diễn ra cuộc bầu cử) đã quyết định leo thang chiến tranh.

Từ tháng 6, chiến sự ở miền Nam Việt Nam có tính chất kéo dài. Sau khi đã có được những thắng lợi nhất định và mong muốn củng cố những thắng lợi ấy bằng con đường ngoại giao, ban lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và của Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã đưa ra sáng kiến hòa bình mới.

Tại Pari cuộc đàm phán lại được nối lại. Cả hai phía đều đã có những nỗ lực to lớn. Dự thảo Hiệp định đã được thảo xong, nhưng việc ký kết bị kéo dài. Lợi dụng thời gian tạm ngừng bắn, Mỹ đã tăng cường giúp đỡ cho chế độ Sài Gòn, cung cấp cho nó gần 600 máy bay và trực thăng, hơn 10 nghìn tấn trang thiết bị các loại.

Ở giai đoạn chót của cuộc đàm phán, phía Mỹ đã đưa ra một loạt điểm sửa đổi không thể chấp nhận được đối với các đại diện của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

Ngày 13-12 Mỹ đã đình chỉ cuộc đàm phán, hứa sẽ trừng phạt Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, và sẽ buộc Chính phủ Bắc Việt Nam phải ký bản hiệp ước với những điều kiện của Mỹ.

Cuộc chiến trên không của Mỹ chống Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bước vào giai đoạn mới. Trên thực tế, Mỹ đã tung ra tất cả những lực lượng không quân và hải quân hiện có của Mỹ ở Đông - Nam Á để chống lại Việt Nam. Các hoạt động tác chiến của lực lượng không quân. Mỹ diễn ra hồi tháng 12-1972 là đỉnh điểm của toàn bộ cuộc chiến trên không của Mỹ - chống lại Việt Nam Dân chủ cộng hòa.

Theo ý đồ của ban lãnh đạo chính trị - quân sự của Mỹ thì những cuộc dội bom dữ dội và ồ ạt vào thủ đô của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Thành phố Hà Nội - và vào những thành phố khác thuộc các tỉnh trung tâm cần phải phá vỡ việc điều khiển đất nước, làm suy sụp tinh thần của nhân dân Việt Nam, bẻ gãy ý chí kháng cự của nhân dân Việt Nam và qua đó buộc ban lãnh đạo của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa phải ký hiệp định theo những điều kiện có lợi cho Mỹ. Đồng thời còn thực hiện nhiệm vụ tiếp tục tàn phá các cơ sở quân sự và kinh tế, các tuyến giao thông, đè bẹp hệ thống phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Để giải quyết các nhiệm vụ đề ra và để đạt được mục tiêu chính trị cơ bản, bộ chỉ huy của Mỹ tại chiến trường đã thực hiện - từ ngày 18 đến ngày 30-12-1972 - chiến dịch tấn công từ trên không được hoạch định kỹ lưỡng, với việc điều động tất cả lực lượng không quân: không quân chiến lược, không quân chiến thuật và máy bay của hải quân. Tổng cộng trong chiến dịch này đã huy động hơn 800 máy bay chiến đấu, trong đó có 83 máy bay ném bom chiến lược B-52, 36 máy bay chiến thuật F-111, 54 máy bay của hải quân A-7D đã có sẵn tại khu vực chiến trường.

Một bộ phận lực lượng thuộc Hạm đội 7 đã được huy động để đảm bảo chiến dịch trên không này. Hoạt động đánh phá kiểu đơn lẻ (và theo tốp) cũng như những hoạt động tác chiến riêng lẻ đã được thay thế bằng việc sử dụng ồ ạt tất cả các loại máy bay theo kế hoạch thống nhất và theo ý đồ thống nhất, dưới một sự chỉ huy thống nhất với sự phân công rõ ràng các nỗ lực của các loại máy bay căn cứ theo các nhiệm vụ được phân công, theo các khu vực đóng căn cứ và thống nhất theo thời gian.

Chiến dịch trên không này đã được tiến hành có tính đến kinh nghiệm chiến đấu đã tích luỹ được, với việc vận dụng các quan điểm mới trong nghệ thuật tác chiến và trong chiến thuật, trong điều hành và đảm bảo cho quân đội. Chiến dịch này cũng là sự thử thách thường lệ và mạnh mẽ nhất đối với vũ khí mới, những thủ đoạn mới và các phương thức tác chiến mới.

Cơ sở của ý đồ chiến dịch ấy là:

- ngay trong những giờ đầu tiên của chiến dịch phải giành cho được sự thống trị tuyệt đối trên bầu trời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bằng những trận đánh phá vào các sân bay, phong tỏa các sân bay từ trên không, đè bẹp các phương tiện phòng không;

- giáng những đòn đánh phá ồ ạt vào cơ sở chủ yếu của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - Thành phố Hà Nội, cũng như vào cảng Hải Phòng, vào các cơ sở hành chính - công nghiệp và các tuyến giao thông ở các tỉnh trung tâm của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, có dành một số lực lượng đáng kể để đảm bảo cho các nhóm oanh tạc, dùng pháo trên các chiến hạm thuộc Hạm đội 7 bắn phá vào các mục tiêu dọc bờ biển và các tuyến giao thông;

- đánh phá liên tục vào các cơ sở (đánh phá cả ngày lẫn đêm).

Chiến dịch trên không này được tiến hành trong hai giai đoạn: giai đoạn thứ nhất - từ 18 đến 24-12, giai đoạn hai - từ 26 đến 30-12. Vào ngày 25-12, Ngày lễ Giáng sinh của các tín đồ Công giáo, đã không ghi nhận được một phi vụ nào của không quân Mỹ trên lãnh thổ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Trong giai đoạn đầu, mỗi đêm có 2 - 3 đợt oanh tạc ồ ạt bằng không quân chiến lược, giữa những đợt oanh tạc của không quân chiến lược là các hoạt động của các máy bay tiêm kích - ném bom tối tân nhất F-111, ban ngày thì không quân chiến thuật và các máy bay của hải quân thực hiện các cuộc đánh phá. Trong giai đoạn thứ hai, không quân chiến lược thực hiện 1 - 2 cuộc oanh tạc ồ ạt mỗi ngày. Số lượng đợt oanh tạc giảm đi được bù lại bằng việc tăng số lượng máy bay trong mỗi đợt oanh tạc, từ 26 chiếc tăng lên thành 72 chiếc, mật độ máy bay tăng từ 0,2 chiếc/phút lên thành 1,25 chiếc/phút, thay vì một hướng đã tăng lên thành 2 - 3 hướng bay đột nhập.

Các hướng tác chiến chính là hướng tây và đông - nam. Trong cả chiến dịch đã có 34 đợt oanh tạc ồ ạt được thực hiện, với 2814 lần chiếc (ban đêm có 1910 lần chiếc), cường độ trung bình ngày đêm là 234 lần chiếc (ban đêm là 151 lần chiếc).

Lực lượng oanh tạc chính yếu là không quân chiến lược. Nó tạo thành cơ sở của các cuộc oanh kích ồ ạt của lực lượng không quân và lần đầu tiên không quân chiến lược được sử dụng với số lượng lớn như vậy.

Cấu trúc cuộc oanh tạc của không quân chiến lược gồm:   

- Nhóm thứ nhất (các máy bay F-4) - là nhóm gây nhiễu thụ động và phong tỏa các sân bay - bay ở tuyến đầu, bay trước các nhóm máy bay oanh tạc (B-52) 15 phút, ở độ cao 6- 7km.

- Nhóm thứ hai (F-105) - là nhóm phát hiện và khống chế các phương tiện phòng không (4 - 6 máy bay được trang bị tên lửa chống tên lửa phòng không kiểu "Sraicơ", "Stanđa ARM") - bay trước 1 - 2 phút trước khi xuất hiện các nhóm máy bay oanh tạc mục tiêu, bay ở độ cao 3 - 4km.

- Nhóm thứ ba (F-4) - nhóm này trực tiếp yểm hộ các nhóm oanh tạc (có 2 - 4 máy bay F-4 yểm trợ 1 tốp B-52) - bay ở độ cao 8 - 9km.

- Nhóm thứ tư là nhóm oanh tạc, mỗi tốp gồm 3 chiếc B-52, bay trung bình ở độ cao 10,4km.

Các máy bay chiến thuật và các máy bay của hải quân đảm bảo cho các hoạt động tác chiến (60%), thực hiện các cuộc oanh tạc (36%), tiến hành trinh sát (4%).

Trong chiến dịch kể trên địch đã đặc biệt chú ý đến khâu tổ chức và tiến hành chỉ huy, và đảm bảo toàn diện.

Căn cứ theo kế hoạch thống nhất và ý đồ thống nhất thì công tác chỉ huy chung do trung tâm điều hành cơ động ở Thái Lan đảm nhiệm, công tác chỉ huy các hoạt động chiến đấu thì do Trung tâm chỉ huy tác chiến ở Sài Gòn đảm nhiệm, còn công tác chỉ huy trực tiếp thì do Sở chỉ huy trên không đảm nhiệm.

Khâu đảm bảo bao gồm: trinh sát, khống chế các phương tiện-vô tuyến - điện tử, trực tiếp yểm trợ cho các nhóm máy bay oanh tạc và yểm trợ bằng hỏa lực của các tàu chiến.

Đối với Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam thì chiến dịch trên không kể trên của không quân Mỹ không phải là điều bất ngờ cả trên phương diện chiến lược, cả trên phương diện chiến thuật. Trước khi diễn ra chiến dịch trên không này của không quân Mỹ, phía Việt Nam đã thực hiện một loạt biện pháp: sắp xếp lại các đơn vị quân đội; hoàn thiện công tác kỹ thuật xây dựng các trận địa và khâu ngụy trang các trận địa; các đơn vị và các phân đội chiến đấu đã trải qua thực tiễn chiến đấu tại Quân khu 4, v.v..

Các khâu chuẩn bị, tổ chức và tác chiến đều được thực hiện theo đúng các luận điểm cơ bản của học thuyết chiến tranh nhân dân: tích cực tiêu diệt lực lượng địch, bảo vệ và củng cố lực lượng của mình; dùng lực lượng ít để thắng kẻ địch có ưu thế về số lượng; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh thông thường, kết hợp chặt chẽ hoạt động chiến đấu của quân chính quy với hoạt động chiến đấu của quân địa phương và dân quân tự vệ. Do đó, nhiệm vụ của bộ đội tên lửa phòng không, của bộ đội pháo ca xạ, của không quân tiêm kích là tiêu diệt địch, bảo toàn lực lượng của mình.

Tính đến ngày 18-12 đã có 62% các tiểu đoàn tên lửa phòng không, 64% các tên lửa chiến đấu, 38% máy bay tiêm kích, khoảng 9% phi công (bay đêm, Đài hiển thị tầm trung), 25% sân bay chiến đấu cơ động, - đã trong tư thế sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu.

Sự đánh giá tình hình do bộ chỉ huy Binh chủng phòng không - không quân đưa ra là chính xác. .

Ngày 16-12 chúng tôi đã được cảnh báo về khả năng địch tiến hành các đòn oanh tạc, đến ngày 17-12 đã xác định được chính xác thời gian diễn ra đợt oanh tạc thứ nhất.

Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân, Đại tá Lê Văn Tri (sau này là Trung tướng) đã triệu tập họp tất cả các sĩ quan chỉ huy sư đoàn và trung đoàn tại Sở chỉ huy trung tâm và giao nhiệm vụ chiến đấu cho họ. Nhiệm vụ chủ yếu của bộ đội tên lửa phòng không và pháo cao xạ là tiêu diệt các máy bay ném bom B-52. Như vậy, nhiệm vụ chủ yếu không phải là phòng thủ cơ sở, tức là không để địch đánh phá cơ sở, mà chủ yếu là bắn rơi máy bay. Nhiệm vụ của không quân tiêm kích là chỉ hành động bằng những lực lượng thường trực.

Trong 11 ngày đêm đã tiêu diệt dược 81 máy bay (trong đó có 34 máy bay B-52, 3 máy bay F-111).

Hoạt động của các binh chủng có đặc điểm dưới đây:

Bộ đội tên lửa phòng không là lực lượng chủ lực trong việc giải quyết các nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống phòng không của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Bộ đội tên lửa phòng không đã đánh trả 25 cuộc oanh tạc ồ ạt, đã phóng tên lửa 181 lần, phóng đi 321 tên lửa (6 tên lửa bắn rơi 1 máy bay), đã bắn rơi 54 máy bay (trong đó đã bắn rơi 31 chiếc máy bay B-52).

Đã có 135 lần phóng tên lửa vào các máy bay B-52, đã phóng 224 quả tên lửa, bắn rơi 31 máy bay B-52, tức là 90% tổng số máy bay B-52 bị bắn rơi trong thời gian đó (hiệu suất là 0,23; 7,9 tên lửa bắn rơi 1 máy bay).

Đã có 46 lần phóng tên lửa vào các máy bay chiến thuật và máy bay của hải quân, đã phóng đi 77 quả tên lửa, bắn rơi 23 máy bay (hiệu suất là 0,5, tốn 3,3 tên lửa cho 1 máy bay bị hạ).

Rất đáng thú vị khi so sánh 2 trận đánh của sư đoàn phòng không Hà Nội: ngày 19-12 - từ 4 giờ 40 phút đến 5 giờ 46 phút, và ngày 26-12 - từ 22 giờ 45 đến 23 giờ 40 phút.

Ngày 19-12: cuộc oanh tạc được tiến hành từ một hướng, mật độ là 0,6 máy bay/phút. Đã thực hiện 19 lần phóng tên lửa, phóng đi 35 quả tên lửa, bắn rơi được 1 máy bay B-52. 

Ngày 26-12: cuộc oanh tạc được tiến hành từ 3 hướng, mỗi chiếc ở trong phạm vi 10 - 15km, mật độ bay - 1,5 máy bay/phút. Đã thực hiện 24 lần phóng, đã phóng đi 45 quả tên lửa, tiêu diệt được 6 máy bay B-52.

Mặc dù gặp những điều kiện tác xạ phức tạp hơn, nhưng ngày 26-12 lại đạt được những kết quả cao hơn hẳn. Trong cuộc đánh trả đợt oanh tạc ngày 19-12, người ta thấy bộc lộ tình trạng thiếu kinh nghiệm tác chiến trong việc đánh trả cuộc oanh tạc ồ ạt trong những điều kiện đài điều khiển tên lửa bị gây nhiễu mạnh, sử dụng chưa thành thạo các chế độ hoạt động tích cực và thụ động của đài điều khiển tên lửa, số lượng tên lửa phóng đi bị hạn chế (do lượng dự trữ ít), những sai sót trong khâu nhận biết mục tiêu - 5 lần bắn (gần 20%) nhằm vào các máy bay thuộc lực lượng không quân chiến thuật.

Bộ đội tên lửa phòng không chịu những tổn thất không lớn. Đã có 10 cuộc bắn phá vào các trận địa tiểu đoàn tên lửa phòng không, trong đó có 4 cuộc bắn phá không gây thiệt hại cho khả năng sẵn sàng chiến đấu ~đó là những trận địa đã để trống hoặc các trận địa giả), một cuộc bắn phá trong tên lửa "Sraicơ") đã hoàn toàn làm mất khả năng sẵn sàng chiến đấu, không thể phục hồi được khí tài; còn ở 5 tiểu đoàn còn lại thì khí tài bị hư hại một phần và đã được phục hồi sau 12 - 15 ngày.

Binh chủng tên lửa phòng không được phong danh hiệu Anh hùng".

Pháo cao xạ: giữ vai trò quan trọng trong việc đối phó với các mục tiêu bay thấp, trong việc bảo vệ các trận địa tên lửa phòng không, bảo vệ các sân bay, cầu cống, v.v.. Đã bắn rơi 20 máy bay (24%), trong đó có 1 máy bay B-52 và 3 máy bay F-111.

Không quân tiêm kích đã có 10 trận không chiến, đã bắn rơi 7 máy bay (2 chiếc B-52 - 7%), tổn thất trong các trận không chiến - 3 máy bay.

Bộ đội kỹ thuật vô tuyến diện chủ yếu đảm bảo cung cấp thông tin về tình hình trên bầu trời cho quân đội và dân chúng biết. Đã phát hiện và đã bám sát 2875 máy bay (mỗi ngày 239 chiếc). Thiệt hại - một đài ra đa bị loại. Cần nêu rõ hoạt động có kết quả của các đại đội ra đa ở hai bên sườn (làm điểm tựa) trong điều kiện bị nhiễu mạnh. .

Nhìn chung cần thừa nhận những hoạt động chiến đấu của Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam là có hiệu quả. Có thể khẳng định điều đó bằng những ví dụ:

Trong Chiến tranh thế giới thử hai, cứ 1000 lần chiếc máy bay cất cánh thì có 9 chiếc bị bắn rơi, ở Triều Tiên cứ 1000 lần chiếc máy bay cất cánh thì có 4 chiếc bị bắn rơi, còn tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cứ 1000 lần chiếc cất cánh thì có 7 chiếc bị bắn rơi, riêng trong tháng 12-1972 thì cứ 1000 lần chiếc cất cánh có 34 chiếc bị bắn rơi.

Trong cuộc đấu này người thắng là bộ đội phòng không Việt Nam.

Ngày 30-12-1972 sau khi chịu những tổn thất nặng nề, Mỹ đã từ bỏ việc tiếp tục chiến dịch và đã không đạt được mục tiêu chính trị.

Cuộc đàm phán ở Pari được nối lại. Và đến ngày 27-1-1973 đã diễn ra lễ ký kết Hiệp định "Về chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình ở Việt Nam".

Theo Hiệp định, tất cả các hành động sử dụng vũ lực trên bộ, trên không và trên biển đều bị cấm và các bên đã cam kết như sau:

1. Hoa Kỳ chấm dứt hoạt động quân sự tại miền Nam Việt Nam;

- chấm dứt ném bom các cơ sở của Việt Nam Dân chủ ông hòa;

- trong thời hạn 2 tháng phải rút quân đội ra khỏi miền Tam Việt Nam; 

- gỡ mìn tại các khu vực nội thuỷ thuộc lãnh hải Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

2. Trong thời hạn 2 tháng, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả hết các tù binh Mỹ cho phía Hoa Kỳ.

3. Trong thời hạn 1 năm (28-1-1973 - 28-1-1974) Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Chính quyền Sài Gòn trao trả tù binh cho nhau.

Việc rút quân Mỹ ra khỏi miền Nam Việt Nam có nghĩa là chấm dứt việc các quốc gia nước ngoài chiếm đóng lãnh thổ Việt Nam trong gần 100 năm.

Tại các vùng giải phóng của miền Nam Việt Nam chính quyền cách mạng đã được củng cố. Đến ngày 30-4-1975 thành phố Sài Gòn đã được giải phóng khỏi chế độ bù nhìn, đến ngày 2-7-1976 thì diễn ra việc tái thống nhất miền Nam và miền Bắc Việt Nam thành một quốc gia thống nhất - Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Vậy là chính nghĩa đã toàn thắng trên đất nước Việt Nam.

Nhân dân Việt Nam đã có thể chiến thắng trong cuộc đánh trả xâm lược Mỹ cũng nhờ, ở mức độ đáng kể, vào sự giúp đỡ của Liên Xô dành cho Việt Nam, vả lại đó là sự giúp đỡ rất lớn. Từ năm 1953 đến năm 1991 trên thực tế sự hợp tác kỹ thuật - quân sự đã diễn ra trên mọi phương diện. Trong thời gian kể trên tổng khối lượng vũ khí và kỹ thuật quân sự được cung cấp lên đến 15,7 tỷ đô la. Số lượng vũ khí đã cung cấp gồm có: 2000 xe tăng, 1700 xe bọc thép, 7000 khẩu pháo và súng cối, hơn 5000 pháo cao xạ và súng máy cao xạ, 158 bộ khí tài tên lửa phòng không, hơn 700 máy bay chiến đấu, 120 máy bay trực thăng, hơn 100 tàu chiến: đã đưa vào hoạt động 117 cơ sở quân sự" (báo "Độc lập", số 126 ra ngày 21-10-1998). 

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự Liên Xô cũng đã đóng góp phần to lớn vào thắng lợi của Việt Nam. Họ đã anh dũng và hy sinh quên mình trong khi thực hiện nghĩa vụ quân nhân để giúp nhân dân Việt Nam theo tinh thần quốc tế chủ nghĩa.

Theo các số liệu của Tổng cục Tác chiến Bộ Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, thì từ ngày 11-7-1965 đến ngày 31-12-1974 đã có 6359 sĩ quan và tướng lĩnh và hơn 4500 binh sĩ và hạ sĩ quan của các lực lượng vũ trang Liên Xô tham gia chiến đấu tại Việt Nam. Tổn thất về người trong thời gian đó là 13 người, trong đó 4 người hy sinh trên các trận địa chiến đấu. 

Đã có 2190 quân nhân Liên Xô được tặng các phần thưởng nhà nước của Liên Xô, đã có hơn 3000 chuyên gia quân sự Liên Xô được tặng thưởng các huân chương và huy chương của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tháng 2-1973, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên Xô tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa Ilia Xécghêêvích Sécbacốp đã đánh giá công lao của các chuyên gia quân sự Liên Xô như sau: "... các chuyên gia quân sự Liên Xô đã hoàn thành một cách vẻ vang nhiệm vụ của mình. Bằng công lao chiến đấu của mình, họ đã tạo cơ hội và mở đường cho việc thiết lập quan hệ ngoại giao tốt đẹp với Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - tiền đồn của chủ nghĩa xã hội ở Đông - Nam Á. Giờ đây những quan hệ kinh tế sẽ phải được khởi động...".

Vị Đại sứ Liên Xô đã đánh giá cao như vậy về Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là có cơ sở: Bản thân ông Đại sứ Liên Xô, người từng tham gia cuộc Chiến tranh vệ quốc vĩ đại của Liên Xô. đã ra mặt trận. Do vậy, ông đã đi sâu vào nhiều vấn đề của công việc phục vụ quân ngũ, các công việc và quan hệ giữa các chuyên gia quân sự Liên Xô với các quân nhân Việt Nam, đã thường xuyên quan tâm đến sinh hoạt và những điều kiện sống của các chuyên gia quân sự Liên Xô, đã cung cấp cho chúng tôi những bài học về những phong cách ngoại giao và ứng xử tế nhị,

Ông Sécbacốp đã đảm nhiệm chức vụ Đại sứ từ năm 1964 đến tháng 11-1974. Đó là những năm diễn ra sự can thiệp quân sự mạnh nhất của Mỹ ở Đông Dương. Ông Sécbacốp đã đón tiếp nhóm đầu tiên của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô và trên thực tế ông đã cùng với họ ở đây đến ngày kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.

Trong đợt đánh trả chiến dịch trên không mang tên “Lainơ Bếchcơ - 2" Đại tá C. X. Babencô (sau này là Trung tướng), trưởng nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô bên cạnh Tư lệnh Binh chủng phòng không - không quân Quân đội nhân dân Việt Nam đã thiết lập được những quan hệ mang tính chất hết sức cầu thị, thân hữu và đầy tin cậy với vị Tư lệnh phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, Đại tá Lê Văn Tri. Ông cũng rất có uy tín với Bộ tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam.

Thông thường những khuyến cáo của ông đều luôn luôn được chấp nhận và thực hiện. Về phần mình, ông Babencô luôn được phía Việt Nam cung cấp kịp thời những tin tức chính xác tạo điều kiện cho các chuyên gia Liên Xô đưa ra những đề xuất đáp ứng tình hình mới xuất hiện. Chúng tôi sử dụng tài liệu này trong quá trình nghiên cứu xử lý các vấn đề về tổ chức tác chiến chống kẻ địch hiện đại trên không, hiện đại hóa và hoàn thiện vũ khí và khí tài quân sự cũng như trong việc đề ra nhiệm vụ kỹ - chiến thuật cho vũ khí và khí tài quân sự mới.

Kỹ sư trưởng về tên lửa phòng không, Đại tá M. E. Xapencô đã có những cố gắng to lớn. Duy trì khí tài trong tư thế sẵn sàng chiến đấu trong những điều kiện của Việt Nam, nhất là trong thời gian tác chiến, - đó là nhiệm vụ vô cùng phức tạp. Trong quá trình hiện đại hóa các khí tài đã có sự tham gia của Đại tá M. E. Xapencô. Ông đã quy định chế độ kiểm tra gắt gao đối với chất lượng những sự cải tiến. Các khí tài chỉ được chuyển giao cho phía Việt Nam sau khi đã có quyết định phê chuẩn của Đại tá Xapencô.

Thiếu tướng không quân, Anh hùng Liên Xô M. I: Phêxencô được cử làm Trưởng nhóm chuyên gia không quân Liên Xô bên cạnh Tư lệnh không quân Việt Nam. Đồng chí Phêxencô cũng được các phi công của lực lượng không quân Quân đội nhân dân Việt Nam rất tín nhiệm. Nhiệm vụ chủ yếu của ông là đào tạo các phi công chiến đấu và các kíp sĩ quan cho sở chỉ huy. Theo thông lệ, trong các trận không chiến phần thắng thuộc về các phi công Việt Nam. Tháng 12-1972 Mỹ đã bị tổn thất 7 máy bay trong các trận không chiến, phía Việt Nam chỉ bị tổn thất 3 chiếc.

Tham mưu trưởng của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô là Đại tá Ilisencô. Phải nêu rõ rằng nhìn chung hoạt động của ban tham mưu được tổ chức khá bài bản và tốt. Tinh thần này cũng được truyền cho các nhóm chuyên gia quân sự Liên Xô làm việc tại các trung đoàn. Họ là những chuyên gia trực tiếp làm việc trong các đơn vị quân đội. Có thể biểu dương các nhóm chuyên gia mà các trưởng nhóm là Trung tá Xêrưi và Trung tá V. I. Philíppốp. Tất cả các chuyên gia quân sự Liên Xô trong các nhóm này đều đã nhận được các phần thưởng của Chính phủ Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Tôi cũng phải biểu dương công tác của đỏng chí Xuxlốp Paven Ivanôvích, Phó Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam của tôi. Đồng chí ấy rất quan tâm đến vấn đề cải thiện điều kiện sinh hoạt của đội ngũ Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam và đã làm được nhiều việc theo hướng này. Trong những thời kỳ đặc biệt nguy hiểm đồng chí đã luôn luôn có mặt cùng toàn thể đội ngũ chuyên gia.

Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã giữ liên lạc thường xuyên với Bộ Tổng tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam thông qua Phó Tổng tham mưu trưởng, Thiếu tướng Phùng Thế Tài (sau này là Thượng tướng). Về cơ bản, chúng tôi đã cùng đồng chí Tài giải quyết mọi vấn đề về hợp tác kỹ thuật - quân sự. Trường hợp giải quyết những vấn đề phức tạp nhất thì chúng tôi gặp Tổng tham mưu trưởng, Đại tướng Văn Tiến Dũng, thỉnh thoảng có gặp Bộ trưởng Quốc phòng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thông thường, trước khi bước vào thảo luận, các vấn đề được nghiên cứu kỹ lưỡng và chỉ sau đó mới đưa ra quyết định.

Cả trong thời gian yên tĩnh, hoạt động của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô cũng rất căng thẳng. Cần tiến hành phân tích sâu sắc các hoạt động tác chiến của Binh chủng Phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam, thu thập một khối lượng lớn các số liệu về các trận đánh của bộ đội phòng không và về các trận không chiến, về tổ chức, lập kế hoạch, chỉ huy các phân đội, các đơn vị và các liên đội thuộc Binh chủng Phòng không - không quân, về hoạt động và khả năng của lực lượng không quân Mỹ ở Đông - Nam Á, đánh giá tình hình và đề ra những đề xuất cụ thể không chỉ đối với phía Việt Nam, mà cả đối với Binh chủng phòng không Liên Xô.

Những cuộc gặp gỡ đặc biệt quý báu - đó là những cuộc gặp gỡ với Tư lệnh Binh chủng Phòng không - không quân, Tướng Lê Văn Tri, cũng như - trong khuôn khổ đội ngũ chiến đấu - với các vị chỉ huy các sư đoàn phòng không, các trung đoàn, các tiểu đoàn (các phi đội, đại đội) thuộc binh chủng phòng không, tại các trường quân sự.

Cuối năm 1973, theo đề nghị của phía Việt Nam, chúng tôi bắt đầu soạn thảo các điều lệnh chiến đấu của Binh chủng phòng không - không quân của Quân đội nhân dân Việt Nam và các binh chủng khác. Có một nhóm sĩ quan (8 người) từ Liên Xô sang Việt Nam. Họ là các cán bộ thuộc Học viện Phòng không và thuộc các trường quân sự Liên Xô. Công việc của họ đã diễn ra trong vài tháng cùng với bộ máy của Trưởng Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam. Chúng tôi đã giúp phía Việt Nam trong việc chọn địa điểm, cơ cấu và thiết lập mô hình Học viện quân sự. Các công việc hiện đại hóa và sửa chữa vũ khí và khí tài quân sự vẫn được tiếp tục. Vậy là công việc cũng đủ làm.

Chúng tôi đã có cơ hội kỷ niệm cùng nhau những ngày quốc khánh của Liên Xô và của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, tổ chức những cuộc thi đấu thể thao, tham quan các bảo tàng và những địa điểm lịch sử của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. 
Chỉ có hoạt động nhịp nhàng của cả tập thể, nhận thức rõ. các nhiệm vụ được giao phó, trình độ chuyên nghiệp, ý thức cao về nghĩa vụ và trách nhiệm mới có thể giúp chúng tôi, các chuyên gia quân sự Liên Xô, trụ vững một cách vẻ vang trước những thử thách như vậy và xứng đáng với lòng biết ơn của nhân dân Việt Nam.

Trong những năm 1973 - 1974 đã có một số đoàn đại biểu từ Liên Xô sang Việt Nam Dân chủ Cộng hòa để giải quyết các nhiệm vụ khác nhau về hợp tác kỹ thuật - quân sự. Ví dụ, tháng 2-1973, đoàn đại biểu do Tướng M. Xécgâysích, Chủ nhiệm Tổng cục công trình thuộc ủy ban Nhà nước về hợp tác kinh tế của Liên Xô, dẫn đầu đã nghiên cứu các vấn đề giúp đỡ Quân đội nhân dân Việt Nam trong lĩnh vực phục hồi các khí tài chiến đấu, hiện đại hóa các khí tài chiến đấu, chuyển giao cho Liên Xô những khí tài chiến tranh đã tịch thu được của Mỹ. Sau đó một năm đã có một nhóm tướng lĩnh và sĩ quan thuộc Tổng Cục 10 của Bộ . Tổng tham mưu các lực lượng vũ trang Liên Xô, do Tướng Vintilốp dẫn đầu, sang Việt Nam làm việc, với nhiệm vụ kiểm tra hoạt động của Đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô tại Việt Nam và giúp đỡ họ.

Từ ngày 21 đến 28-12-1974 đã diễn ra cuộc viếng thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của đoàn đại biểu quân sự Liên Xô, đứng đầu là Tổng Tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Xô, Đại tướng V. G. Culicốp. Đoàn đại biểu quân sự này được mời sang dự kỷ niệm 30 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam. Lần đầu tiên có một đoàn đại biểu quân sự ở cấp cao như vậy đến thăm Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Buổi đón tiếp đoàn đã diễn ra hết sức nồng nhiệt với nội dung phong phú và diễn ra ở trình độ cao. Các ủy viên Bộ Chính trị Đảng Lao động Việt Nam - Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam Văn Tiến Dũng - đã có cuộc hội đàm với Tướng Culicốp. Hoạt động của đoàn đã được các phương tiện thông tin đại chúng đưa tin rộng rãi và có được sự hưởng ứng hết sức tích cực.

Kết quả hoạt động của đoàn là sự củng cố hơn nữa tình hữu nghị giữa Liên Xô và Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, phát triển hơn nữa công cuộc hợp tác kỹ thuật - quân sự giữa hai nước Liên Xô và Việt Nam và giữa các lực lượng vũ trang của hai nước. Quy chế "chuyên gia quân sự Liên Xô" được thay bằng quy chế "cố vấn quân sự Liên Xô"; thay vì chức Trưởng đoàn chuyên gia quân sự Liên Xô đã áp dụng chức vụ Trưởng cố vấn quân sự bên cạnh Bộ trưởng Quốc phòng của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Chuyến công tác biệt phái của tôi tại Việt Nam đã kết thúc ngày 15-12-1974. Song vì có chuyến viếng thăm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Tổng tham mưu trưởng các lực lượng vũ trang Liên Xô nên ngày tôi trở về Mátxcơva đã được chuyển sang tháng 1-1975.

Ngày 9-1-1975 chúng tôi lên máy bay trở về nước. Nhân dịp kết thúc đợt công tác của tôi tại Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Đại sứ Liên Xô, Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Tư lệnh Binh chủng Phòng không - không quân đã tổ chức những buổi tiếp đãi nồng ấm, thân tình, đã diễn ra những buổi dạ tiệc gia đình giữa chúng tôi chia tay với các chuyên gia Liên Xô và các bạn Việt Nam.

Buổi chia tay với các tập thể chuyên gia quân sự Liên Xô, với ngoại giao đoàn, với tùy viên quân sự, với các bạn Việt Nam đã diễn ra với tình cảm bịn rịn. Chúng tôi để lại một phần trái tim của mình tại đây, tại đất nước Việt Nam trải qua nhiều đau thương. Cuộc tiễn đưa tại sân bay cũng nồng ấm như vậy.

Chúng tôi rời khỏi Việt Nam với ý thức của những người đã hoàn thành vẻ vang nghĩa vụ quốc tế. Cả đến hôm nay chúng tôi vẫn mang ý thức ấy.

Đối với cá nhân tôi, thời gian có mặt tại Việt Nam là một trường học lớn về cuộc sống của một quân nhân chuyên nghiệp và là của một công dân của Liên Xô vĩ đại. Tôi lấy làm kiêu hãnh và vinh hạnh mang danh hiệu chiến sĩ quốc tế chủ nghĩa.

Tôi đã có cơ hội xem xét lại nhiều điều trong sự đánh giá những quan niệm của tôi về hòa bình, về binh nghiệp của một chiến sĩ thuộc Binh chủng phòng không. Lại một lần nữa tôi nhận thức rõ rằng chủ nghĩa đế quốc vẫn không thay đổi bộ mặt thật của mình là tên sen đầm tàn ác cho dù nó có ngụy trang bằng những mặt nạ nào chăng nữa. Vì lợi nhuận, bọn tư bản sẽ đạp bằng mọi nền tảng tinh thần và đạo lý. Nghề của tôi là bảo vệ Tổ quốc, đó không phải là một khẩu hiệu, không phải là lời hiệu triệu. Nó đã trở thành kim chỉ nam cho sự hoàn thiện một cách liên tục tri thức, những khả năng, những kỹ năng, nắm chắc không chỉ các nguyên lý, mà cả chiều sâu nghề nghiệp, sự nhận thức về ý nghĩa của nghề nghiệp và về quyền sống, để ngăn chặn những kẻ xâm lược mới trên trái đất, không cho chúng phá hoại lao động hòa bình của chúng ta, sự bình yên và sự yên tĩnh của chúng ta.
Mátxcơva, ngày 10-11-2003

HẾT



Không có nhận xét nào: