Thứ Năm, 4 tháng 4, 2013

Khám phá Thánh địa Cát Tiên ở Lâm Đồng


ImageView.ashx
Gạch xây tháp TK 7-9, Cát Tiên

Thánh địa Cát Tiên đang hiện diện tại Bảo tàng Lịch sử Việt Nam trong một cuộc trưng bày kéo dài tới tận tháng 4 năm sau.

Cả 2 di tích đều phân bố dọc theo tả ngạn sông Đạ Đờng (sông Cái) - một trong hai nguồn của sông Đồng Nai.

Những phát hiện và các cuộc khai quật khảo cổ học ở Lâm Đồng từ năm 1983 đến nay đưa đến kết quả bất ngờ, gây chấn động lớn trong giới khoa học, nghiên cứu lịch sử và khảo cổ về vùng đất Nam Tây Nguyên này, đặc biệt là sự xuất lộ của khu Thánh địa Cát Tiên và di chỉ tiền sử Phù Mỹ.

Theo TS Nguyễn Tiến Đông, đây là quần thể di tích xây gạch ảnh hưởng Bà la môn giáo, trông giống tháp Chăm, nhưng không sừng sững trên nặt đất mà chìm lấp đâu đó dưới lòng đất và bụi rậm.
Đúng ra, phải gọi là phế tích. Giới khoa học thu được 1.140 hiện vật từ 8 đợt khai quật khá độc đáo gồm: vàng, bạc, đá quý, gốm sứ, đồng, sắt, gạch ngói và đá.

Nhà khảo cổ đánh giá Linga và Yoni (tượng trưng cho sinh thực khí của nam và nữ) tìm thấy ở đây lớn nhất Đông Nam Á, có một số mẫu cao tới 210 cm và bằng nhiều chất liệu: sa thạch, thạch anh, bạc bọc đồng, đồng lõi đá...

Sự phổ biến của Linga-Yoni cùng hình bò Nadin, rắn thần, tượng Ganesa chứng tỏ Thánh địa mang đậm tính Bà la môn giáo, chính xác hơn là Hindu giáo.

Các nhà khoa học Pháp đã không phát hiện ra di tích khảo cổ học Cát Tiên dù Nam Tây Nguyên không phải là địa bàn xa lạ với họ. Công này thuộc về giới khảo cổ Việt Nam và được coi là “phát hiện lớn của khảo cổ học Việt Nam thế kỷ 20”.

TS Đông nói: “Thánh địa tồn tại vào khoảng thế kỷ 8- 10, chủ nhân của nó là ai xin để chúng tôi bàn cãi và tranh luận. Nhưng theo tôi đây là nơi cư trú của một cộng đồng rộng lớn, tôi chưa dám nói là của người Mạ, Stiêng hay không”.

Tuy nhiên, theo báo cáo khai quật lần thứ 6 của TS Đào Linh Côn và TS Bùi Chí Hoàng, “Quần thể di tích Cát Tiên có quy mô lớn, mang đặc điểm của một quốc gia cổ, có sự phát triển khá sớm, có quan hệ rộng rãi với nhiều nền văn hóa khác ở vùng Nam Đông Dương và thế giới bên ngoài. Niên đại của di tích được đoán định vào thế kỷ 4-9 sau Công nguyên”.

Giới khảo cổ còn chùng chình khi phát ngôn về Thánh địa. Trả lời Tiền phong, TS Nguyễn Tiến Đông không khẳng định liệu còn tiến hành cuộc khai quật mở rộng nào nữa ở khu vực lân cận Thánh địa hay không.

TS Phạm Quốc Quân - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Việt Nam cho biết: Trước mắt chúng tôi sẽ cố gắng tư liệu hóa một cách cao nhất những gì thu được.

Nếu tiếp tục khai quật và với tình trạng bảo quản như hiện nay, sẽ rất khó khăn. Hội đồng di sản quốc gia cũng đồng ý là không khai quật nữa.

Thánh địa Cát Tiên được công nhận di tích lịch sử quốc gia năm 1997, gần đây được Hội Di sản văn hóa Việt Nam xúc tiến lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới.

THỬ TÌM HIỂU MỐI QUAN HỆ CỦA CÁT TIÊN
VỚI ÓC EO – PHÙ NAM VÀ CHĂMPA

Khu di tích Cát Tiên thuộc địa phận thôn 1, xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng được phát hiện vào năm 1984. Trong hai đợt điều tra, đào thám sát năm 1985 và 1986 các cán bộ nghiên cứu Khảo cổ Viên KHXH tại Tp.Hồ Chí Minh (nay là Viện KHXH vùng Nam Bộ) và cán bộ Nhà Bảo tàng tỉnh Lâm Đồng đã phát hiện được 12 gò đất có dấu vết kiến trúc cổ bằng gạch cùng nhiều cấu kiện kiến trúc bằng đá, vật thờ bằng đá… theo nhận định ban đầu, khu di tích này có mối quan hệ với văn hóa Óc Eo ở đồng băng sông Cửu Long và có niên đại đoán định khoảng thế kỷ VIII – X sau công nguyên (Võ Sĩ Khải, Đỗ Đình Truật,1986). Từ năm 1994 đến 1998, Viện Khảo cổ học Hà Nội đã phối hợp với nhà Bảo tàng Lâm Đồng tiến hành liên tiếp 4 cuộc khai quật tại Cát Tiên, làm xuất lộ bốn phế tích kiến trúc tháp thờ (Gò A1, Gò 2A, 2B, Gò 4) và một đền  mộ (Gò 5) xây chủ yếu bằng gạch, đã phát hiện được 335 hiện vật bằng đá, bằng kim loại cùng khoảng 400 mảnh vỡ của các loại đồ đựng bằng gốm.

Tháng 3 năm 2001, một cuộc hội thảo khoa học về khu di tích Cát Tiên đã được tổ chức tại huyện Cát Tiên. Trong hội thảo, các ý kiến đều thống nhất khẳng định Cát Tiên là thánh địa của một tiểu vương quốc cổ chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ…, là khu di tích có quy mô lớn, số lượng hiện vật đa dạng và rất phong phú… Cát Tiên là đỉnh cao tựu chung nhiều tinh hoa trên nhiều lĩnh vực mà không một di tích nào hiện biết trên khu vực có thể so sánh được. trong tổng thể các kiến trúc ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở nam Đông Dương, loại hình kiến trúc phát hiện ở Cát Tiên gần gũi với các kiến trúc Chămpa và Chân Lạp, đồng thời cũng có nhiều điểm tương đồng với hệ thống các di tích văn hóa Óc Eo và hậu Óc Eo ở Nam Bộ; Cát Tiên là nơi hội tụ của nhiều luồng văn hóa khác nhau trong thời kỳ lịch sử. Dựa vào đặc điểm các kiến trúc phát lộ, đặc bệt là tấm mi cửa, và cột đá có trang trí hoa văn thu được tại phế tích tháp 2A so sánh với các hiện vật  tương tự tìm thấy ở kiến trúc Sambor Prei Kuk (Campuchia) và Pô SaInư (Bình Thuận)… những người khai quật khung niên đại cho khu di tích từ khoảng cuối thế kỷ VII đến thế kỷ IX sau công nguyên (Nguyễn Tiến Đông, 2002) hoặc từ thế kỷ IX đến thế kỷ XII sau công nguyên (Lê Đinh Phụng, 2001).

Vấn đề chủ nhân của khu di tích Cát Tiên đã có nhiều ý kiến trái ngược  nhau. Theo giáo sư Trần Quốc Vượng, thánh địa Cát Tiên nằm  trong không gian văn hóa xã hội Mạ có nghĩa là nó thuộc “vương quốc Mạ” (Trần Quốc Vượng, 2001). Giáo sư Lương Ninh thì cẩn thận cho rằng “chủ nhân Cát Tiên là dân bản địa vẫn tồn tại sinh sống từ xưa đến nay ở thượng lưu sông Đồng Nai, một bộ phận nói ngôn ngữ Nam Á, bộ phận mà ngày nay được gọi là người Mạ, họ không thể là Khmer, là Chăm và cả là Phù Nam. Họ không có yếu tố Nam Đảo, yếu tố biển” (Lương Ninh, 2001). Ngược lại với các giáo sư,có ý kiến cho rằng chủ nhân của khu di tích Cát Tiên không thể là người Mạ. tín ngưỡng Balamon giáo của khu di tích hoàn  toàn xa lạ với các tín ngưỡng hiện nay của các dân tộc bản địa thượng nguồn sông Đồng Nai. Thánh địa Cát Tiên là một  trong những tiểu quốc đã được hình thành sau khi Phù Nam tan rã,chủ nhân của khu di tích này là hậu duệ của chủ nhân văn hóa Óc Eo (Lê Đình Phụng, 2001).

Sau hội thảo, công việc khai quật nghiên cứu di tích Cát Tiên đã được lãnh đạo Viện KHXH Việt Nam giao cho Trung tâm nghiên cứu khảo cổ Viện KHXH vùng Nam Bộ trực tiếp thực hiện. Từ cuối năm 2001 đến năm 2004 Trung tâm nghiên cứu khảo cổ Viện KHXH vùng Nam Bộ đã phối hợp với nhà Bảo tàng Lâm Đồng tiến hành điều tra điền dã, đào thám sát, khai quật hàng chục điểm trên các gò cao và vùng thấp trong và quanh khu vực Cát Tiên . Kết quả, đã phát hiện thêm nhiều loại hình di tích, di vật mới, gồm các dấu vết di chỉ cư trú ngay trong phạm vi di tích kiến trúc và các khu vực khác nhau trên chiều dài nhiều cây số dọc sông Đồng Nai, các kiến trúc tháp thờ (Gò 3, Gò 8 (gò Ông Định), Gò Đức Phổ), đền thờ (Gò 6A, Gò 6B), đài  thờ xây bằng gạch có máng nước thiêng (Somastra) nguyên là kiến trúc mộ xây thành đài  thờ, cấu trúc mộ gạch hình khối vuông (03CT.H2), kiến trúc nhà dài (Gò 2C, Gò 2D, Gò 8B, Gò 8C) , đường dẫn nước xây bằng gạch (03CT.H1) từ sau các tháp Gò 2A, 2B, Gò 3 chảy sang và một số kiến trúc chưa xác định như bờ tường Gò 6C, sàn gạch ở hố 03CT.H1, sàn gạch ở hố 03CT.H3…Ngoài ra, tại các kiến trúc Gò 2 và kiến trúc Gò Đức Phổ đã xác định các “tháp nhỏ” hay “tháp cổng” nằm ở phía Đông, Đông-Bắc xây liền với tường gạch dày bao quanh tháp ở ba phía Tây, Nam và Bắc đồng thời là bồn chứa nước với hệ thống dẫn nước ngầm trong tường để dẫn nước đến các máng hoặc đến các vòi chảy ra ngoài.

Di vật phát hiện rất đa dạng với nhiều loại hình mới: tượng nữ thần Uma đứng trên đầu con trâu, hộp bạc chạm gò hình sư tử, linga bằng đồng đúc rỗng (cao 0,52m đường kính 0,25m); 1 hộp bạc hình linga phồn thực, bên trong có chứa một linga bằng vàng, 3 hộp bằng gốm hình linga phồn thực, bên trong mỗi hộp có chứa, một loại linga bằng bạc, bằng sắt và một linga bằng ngà đã bị mủn nát cùng với những ly cốc cao chân bằng đồng, con dấu khắc hình giống chữ Ả Rập (?), khuôn đúc đồ trang sức, bàn nghiền (pesani) cùng loại hũ, bình có vòi, chân đèn ly chén nhỏ bằng gốm, nắp vung mặt trên lõm, cà ràng hình mõm thú… đã bổ sung và làm phong phú thêm cho bộ sưu tập hiện vật Cát Tiên. Trong đó, bộ sưu tập linh vật thờ linga, linga – yoni được làm từ nhiều loại chất liệu khác nhau: linga bằng sa thạch, bằng thạch anh, bằng đá thủy tinh trong, linga bằng vàng, bằng bạc, bằng đồng, bằng sắt, bằng ngà, và bằng gốm là sưu tập hiện vật quý hiếm mà cho tới nay chưa có một di tích khảo cổ nào ở Việt Nam và Đông Nam Á có được; sưu tập đồ trang sức bằng vàng và hàng trăm lá vàng có khắc vẽ, chạm nổi đề tài hình người, hình thần, hình động vật, thực vật… thuộc tín ngưỡng tôn giáo Ấn Độ thể hiện với nhiều phong cách nghệ thuật khác nhau là nguồn tư liệu quý góp phần làm sáng tỏ các vấn đề quan hệ, chủ nhân và giá trị của di tích.

Bằng phương pháp phân tích phóng xạ các bon (C14) và phương pháp phân tích so sánh đối chiếu đã định niên đại của di tích từ thế kỷ IV – XI sau công nguyên và có sự diễn biến qua hai giai đoạn, tương tự các giai đoạn phát triển của văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo và văn hóa Chămpa. Trong đó các di chỉ cư trú, mộ táng và đền thờ thuộc giai đoạn sớm, có niên đại C14 và niên đại đoán định vào thế kỷ IV – VII, các kiến trúc tháp thờ, nhà tháp, đài thờ có niên đại khoảng từ thế kỷVII – XI. Như vậy, Cát Tiên nằm ở vùng giao thoa giữa văn hóa Chămpa và văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo và đồng đại với các nền văn hóa này, vấn đề đặt ra là mối quan hệ giữa Cát Tiên với các văn hóa này như thế nào?

1. Với văn hóa Óc Eo: Cát Tiên tuy nằm sâu trong nội địa, xa trung tâm văn hóa Óc Eo ở vùng Tây Nam Bộ nhưng qua tư liệu khảo cổ đã thấy, di tích này có mối quan hệ giao lưu, ảnh hưởng trực tiếp rất rõ nét từ văn hóa Óc Eo thể hiện qua các loại hình di tích cư trú, kiến trúc và mộ táng cùng các sưu tập hiện vật phát hiện được ở khu di tích này:

- Di chỉ cư trú phát hiện ở Cát Tiên mang đặc điểm của loại hình cư trú vùng cao ven sông, ven suối khác với lối sống trên cọc nhà sàn ở vùng sình lầy, trũng thấp vùng Tây Nam Bộ. Nhưng tại đây, ngoài những hiện vật bằng đá (bàn mài, hòn ghè) những mảnh gốm thô pha cát mịn màu xám, hoặc xám ghi là sản phẩm tại chỗ, trong địa tầng cư trú tại khu vực Cát Tiên còn tìm thấy những mảnh đá thử vàng, khuôn đúc đồ trang sức, bàn nghiền (pesani), nhiều mảnh gốm mịn, vòi bình, nắp vung lởm mặt trên cùng nhiều mảnh miệng ca ràng (bếp lò) hình mõm thú và những ly, chén nhỏ bằng đất nung có dấu vết của một tạp chất màu đen dưới đáy có quan hệ đến nghề nấu kim loại đúc đồ trang sức… mang đặc điểm của loại hình di vật văn hóa Óc Eo.

- Di chỉ mộ táng hiện ở Cát Tiên không nhiều, gồm một ngôi mộ còn khá nguyên trong hố 03CT.H2 và dấu vết kiến trúc mộ nằm bên dưới đài thờ Gò 7.

Trong số đó, ngôi mộ trong hố 03CT.H2 có cấu trúc hình khối vuông xây bằng gạch, chính giữa có hố vuông thông từ đáy lên đến bề mặt giống loại hình mộ táng Óc Eo. Việc tìm thấy trong hố vuông 1 bình có vòi có chứa tro than, xương cốt người cùng những lá vàng cắt thành hình bông hoa, mảnh vàng nguyên hoặc bị xé nhỏ cho thấy chủ nhân ngôi mộ là cư dân sống ở ven biển thuộc ngữ hệ Malayo – Polinesien chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ; mộ phát hiện ở bên dưới kiến trúc đài thờ gò 7 đã bị phá hủy và thay đổi chức năng thành đài thờ, nhưng ở bên dưới vẫn còn dấu vết của một khối trụ gạch vuông  cao nhiều lớp có lỗ vuông thông từ dưới lên và được đá tấn chung quanh bên ngoài hoàn toàn giống với mộ hỏa táng đặc trưng văn hóa Óc Eo phát hiện ở Nền Chùa (Kiên Giang), Đá Nổi (An Giang) và Gò Tháp (Đồng Tháp)… là bằng chứng về mối quan hệ có từ khá sớm giữa cư dân Cát Tiên với cư dân Óc Eo – Phù Nam, đồng thời xác định có hai giai đoạn phát triển sớm muộn của khu di tích này.

Kiến trúc tôn giáo rất đa dạng gồm các tháp thờ, nhà dài hay nhà tháp, đền thờ, đài thờ, đường nước… được phát hiện ở nhiều nơi. Trong đó các đền thờ hay đền mộ Gò 6A và 6B thuộc loại kiến trúc lộ thiên, câu tạo chỉ có phần nền và móng xây bằng gạch, có mặt quay về hướng Đông bẻ góc vuông nhiều lần,chính tâm nằm lệch về phía tây, giống với kiến trúc Miếu Bà Chúa Xứ và Gò Tháp Mười ở khu di tích Gò Tháp (Đồng Tháp) có niên đại đoán định khoảng thế kỷ VI – VII. Việc phát hiện Linga bằng đồng còn đứng tại chỗ trên tâm đỉnh kiến trúc Gò 6B làm liên hệ đến hình Linga đứng trên đền tháp khắc vẽ trên lá vàng trong mộ Đá Nổi (Thoại Sơn – An Giang) có niên đại đoán định thế kỷ V – VI. Ngoài ra dọc theo tường vách các cạnh Bắc, Nam và Tây của hai kiến trúc này còn có dấu vết những lỗ đào để dựng cột làm mái che tương tự các kiến trúc gò Năm Tước ở Bình Tả (Long An) thuộc thời kỳ hậu Óc Eo và kiến trúc gò Chiêu Liêu, Gò Ông Tùng thuộc thời kỳ Óc Eo sớm ở vùng Đồng Nai đã cho thấy các kiến trúc này đã tồn tại trong thời gian khá dài trải qua hai thời kỳ phát triển sớm và muộn.

Các kiến trúc thuộc loại hình tháp thờ (gò 1A, Gò 2A, 2B, Gò 3, Gò 4, và Gò 8) và kiến trúc đền tháp (Gò Đức Phổ) chỉ còn lại nền, móng và phần dưới của tường vách nên khó có thể xác định đặc điểm, kỹ thuật xây dựng để tìm hểu mối quan hệ của chúng.dựa những dấu vết còn lại cùng những hiện vật  thu được trên mặt nổi cho thấy loại kiến trúc này không nằm trong phạm trù văn hóa Óc Eo – Phù Nam mà chỉ có thể so sánh chúng với kiến trúc tháp Chăm ở vùng Ninh Thuận, Bình Thuận và các tháp Bình Thạnh, Chóp Mạt (Tây Ninh) mà niên đại được định vào thế kỷ IX. Tuy nhiên, nếu xét từng cấu trúc xây trong lòng tháp cũng như đặc điểm của hiện vật thu được ở đấy cho thấy có dấu ấn của văn hóa Óc Eo – Phù Nam đó là: cấu trúc một trụ khối trụ gạch vuông cao nhiều lớp, mỗi lớp có bốn viên xây theo lối nối đầu nhau tạo lỗ vuông, chính giữa thông từ đáy lên đến mặt nền kiến trúc (Gò1A, Gò2A, Gò 6, Gò 7); cấu trúc hình gần vuông xếp bằng gạch tạo ô vuông ở giữa (Gò 2B, Gò 3, Gò Đức Phổ) hoặc chỉ là một hố vuông đào sâu xuống đất sinh thổ (Gò 6B) và trong tất cả các cấu trúc này đều có chôn theo đồ vật mà chủ yếu là những lá vàng, nhẫn vàng, bông hoa bằng vàng, đá quý và bán quý...

Hiện vật  thu được ở Cát Tiên rất phong phú và đa dạng gồm nhiều loại hình, chất liệu, kích cỡ khác nhau, phản ánh nhiều mặt của đời sống xã hội, tâm linh của cư dân ở đây và trong quan hệ với cư dân ở các vùng đất khác. Tại đây, trừ một số hiện vật lạ như bốn hộp hình Linga phồn thực làm bằng bạc và bằng đất nung màu nâu đen có thể là sản phẩm tại chỗ, những hiện vật bằng vàng, bằng đồng thuộc văn hóa Chăm; hiện vật hình ống bằng đồng, hộp bạc có hình sư tử nằm cùng các mô típ hoa văn lạ, con dấu tròn bằng đá có khắc chữ giống cổ tự Ả Rập, viên đá quý màu phớt tím chạm hình con dê hoặc con sói… có thể có nguồn gốc từ bên ngoài, phần lớn số còn lại có dáng dấp của hiện vật văn hóa Óc Eo – Phù Nam mà nổi bật nhất là bộ sưu tập Linga, linga – yoni làm bằng rất nhiều chất liệu khác nhau và sưu tập hiện vật vàng chôn trong kiến trúc. Trong đó sưu tập linga có hai loại chính:

Linga có cấu tạo ba phần (trên hình trụ tròn, phần giữa bát giác, phần dưới vuông) chiếm số lượng lớn, trong đó có những linga làm từ đá sa thạch thường có kích thước lớn, được chế tác riên sau đó mới gắn vào bệ yoni, thuộc loại linga có đầu trên cong  tròn, mí ở phía dưới được diễn tả khá hiện thực, tỷ lệ giữa ba phần tương ứng với nhau, khác với linga đầu bằng trong văn hóa Chăm thường có tỷ lệ các phần không đều nhau. Nhìn chung loại linga này có có đặc điểm cấu tạo khá giống với linga ở vùng đồng bằng Nam Bộ có niên đại khoảng thế kỷ V – IX sau công nguyên. Những linga bằng vàng đều có kích thước nhỏ (cao trung bình chưa đến 2cm)có đặc điểm chung là kích thước giữa ba phần tương ứng nhau, đầu cong tròn, mí phía trước khá hiện thực giống với linga vàng tìm thấy trong một kiến trúc nhỏ hình khối trụ vuông xây bằng gạch ở ấp Tân Hiệp B, thị trấn Óc Eo thuộc khu di tích Óc Eo – Ba Thê.

Loại linga cấu tại chỉ có một phần hình trụ tròn, có đầu trên tròn được làm từ sa thạch, thạch anh, đá thủy tinh trong. Loại linga này khá phổ biến trong các di tích văn hoá cổ ở vùng cao, vùng đất giồng, đất xám, đất phù sa cổ của Nam Bộ mà niên đại đoán định khoảng từ thế kỷ IX – X hoặc muộn hơn. Tuy nhiên trong số các linga thu được ở Cát Tiên, chỉ có bộ linga – yoni đá thủy tinh trong ở gò 2A có dạng tương tự linga – yoni ở Thới Sơn (An Giang), các linga khác đều có yếu  tố mới lạ như linga bằng sa thạch ở Gò Đức Phổ có phần dưới tạc liền với bệ yoni, trên thân làm rời có chốt mộng gắn vào phần dưới; linga bằng thạch anh ở gò 4 và linga bằng đồng gò 6B là những sản phẩm được chế tác bằng chất liệu mới với trình độ kỹ thuật cao, chưa từng gặp trong văn hóa Chămpa cũng như trong các di tích văn hóa cổ ở Nam Bộ.

Về hiện vật vàng: dựa vào đặc điểm của những hình trang trí trên hiện vật vàng ở Cát Tiên đã có thể phân biệt được hai phong cách nghệ thuật tạo hình khác nhau: nghệ thuật khắc vẽ và nghệ thuật chạm nổi. trong đó, hiện vật vàng được tạo hình bằng kỹ thuật khắc vẽ (hay khắc miết) chiếm số lượng rất lớn, có mặt trong tất cả các kiến trúc và mộ táng với những hình người, hình thần nhân, hình động vật (voi, bò, trâu, rùa, cá sấu, rắn, chim…), thực vật (bông sen, hoa bốn cánh), hình các vật  thờ, vật tùy thân của các vị thần (đinh ba, bánh xe, ốc, vajra), chữ viết… mang đạm nét Ấn giáo là nghệ  thuật kim hoàn của văn hóa Óc Eo ở miền Tây Nam Bộ. Trong số này, thể hiện rõ nhất là sưu tập những lá vàngkhắc vẽ hình người hay thần có ngực nở, chân nhỏ như mang ủng trong tư thế đứng hoặc ngồi (Gò 6A, 6B); hình các con thú đang đứng, nằm có đầu ngẩn về phía trước hay cúi xuống hoặ kiểu bố trí bò nandin cùng những dòng chữ Phạn trên các lá vàng ở Gò 1A và Gò 3… đều cùng cách thức với hình khắc vẽ trên vàng ở di tích Đá Nổi (An Giang), Nền Chùa, Kè Một (Kiên Giang). Đặc biệt, những lá vàng nhỏ có khắc vẽ hình động vật với nét đơn giản tìm thấy được ở Gò Đức Phổ, những hình thú, những chữ lạ và nhẫn vàng tiết diện hình chữ “C” ở Gò 6B giống một cách kỳ lạ  với hiện vật phát hiện trong mộ táng Óc Eo ở Gò Tháp (Đồng Tháp)… là bằng chứng xác định mối quan hệ, giao lưu trao đổi kinh tế, văn hóa mật thiết giữa cư dân Cát Tiên với cư dân Óc Eo – Phù Nam.

2.Cát Tiên với văn hóa Chăm. Về mặt địa lý, Cát Tiên nằm ở phía tây cạnh xứ Kauthara và Panduranga của Chămpa, trên địa bàn các tỉnh Khánh Hòa và Phan Rang – Ninh Thuận ngày nay. Đây là vùng đất mà theo tài liệu lịch sử đã từng là thuộc quốc của Phù Nam, nên mối quan hệ giao lưu kinh tế văn hóa giữa Cát Tiên với Chămpa có thể nói là quan hệ “láng giềng gần gũi” mà đặc biệt là sau khi Phù Nam bi Chân Lạp đánh bại. Điều này được thể hiện qua các loại hình di tích kiến trúc và di vật như sau:

- Các kiến trúc tháp, nhà tháp có thể liên hệ được với kiến trúc ở phần đất phía Nam của Chămpa đặc biệt với tháp Hòa Lai nhưng có kỹ thuật xây dựng chưa cao, các phù điêu, hình như hình trang trí không nhiều không nguy nga, tráng lệ bằng kiến trúc Chăm. Hiện vật có liên hệ với Chămpa thu thập  trên bề mặt của các kiến trúc không nhiều, chỉ ghi nhận được,một cột đá của tháp Hòa Lai (Ninh Thuận) và hai vòng đeo tay bằng đồng có núm tròn chạy vòng quanh thân ở Gò Đức Phổ có nét gần gũi với hình núm vú chạm nổi trên các đài thờ, bệ thờ linga – yoni thuộc phong cách Bình Định, pho tượng Uma có mũ đội có trang trí hoa văn giống mũ có nhiều tượng người Trà Kiệu và mảnh vàng chạm nổi hình thần có trang phục gần gũi với người thổi sáo trên lá nhĩ ở Pô Nagar. Ngược lại trong lòng kiến trúc ở Gò tháp 1A và Gò 6A đã phát hiện nhiều hiện vật vàng có quan hệ gần gũi với Chămpa thể hiện qua các hình người, hình thần, hình động vật, hình bông hoa, bệ thờ, các vật tùy thân của vị thần Ấn Độ giáo được tạo bằng kỹ thuật chạm nổi phồng thuộc nghệ thuật tạo hình văn hóa Chămpa mà dáng dấp của nó thể hiện rất rõ trên tượng tròn hay bán tròn trong các kiến trúc tháp Chămpa. Ngoài ra, ở Gò tháp 2A đã xác định nhiều lá vàng được tạo hình bằng cách khắc vẽ của nghệ thuật Óc Eo nhưng lại thể hiện những người đầu đội mũ rộng vành có chóp hình trụ hoặc hơi  nhọn là kiểu mũ đội vào thời kỳ Tiền Angko và Chămpa vào thế kỷ IX – X. Trong số này, có nhiều hình người trên cùng một lá vàng có thể là biểu tượng của các dikpala, các vị  thần  tượng trưng cho bảy ngày trong tuần, các Deva hay các vì tinh tú trên trời… có thể liên hệ với các tượng đá, hình tạc nổi trên đá trong các kiến trúc Trà Kiệu, Mỹ Sơn của văn hóa Chămpa thể hiện mối liên hệ gắn bó giữa hai vùng đất này có từ khá sớm. Đặc biệt, việc tìm thấy rất nhiều hiện vật vàng chạm nổi thể hiện trình độ kỹ thuật cao của nghề kim hoàn văn hóa Chămpa tập  trung trong tháp Gò 1A – ngôi tháp đồ sộ nhất, dựng trên gò cao nhất và có bộ linh vật thờ Linga – Yoni bằng đá lớn nhất vùng Đông Nam Á là bằng chứng cho thấy sau thời kỳ Óc Eo – Phù Nam, văn hóa Chămpa đã có một vị trí rất quan trọng ở vùng Cát Tiên.

3.Niên đại và giai đoạn phát triển: những khai quật và nghiên cứu dấu vết văn hóa vật chất ở Cát Tiên, đã mang lại nhiều tư liệu mới, góp phần xác định nội hàm của di tích là một trung tâm tôn giáo của một quốc gia chịu ảnh hưởng của văn hóa Ấn Độ ở vùng Nam Tây Nguyên. Nhà nước Cát Tiên xưa có phạm vi phân bố khá rộng, bao gồm các huyện Cát Tiên, Đạ Tẻh (Lâm Đồng), Tân Phú (Đồng Nai) và Bù Đăng (Bình Phước), tồn tại trong khoảng thời  gian từ thế kỷ IV – XI sau công nguyên, với hai giai đoạn phát triển:

- Giai đoạn đầu, từ thế kỷ IV – VII sau công nguyên; Đây là  thời kỳ văn hóa Óc Eo – Phù Nam mà trung tâm chủ yếu ở miền Tây Nam Bộ đang ở đỉnh cao của sự phát triển. Vương quốc Phù Nam chinh phục nhiều vùng đất bao gồm toàn bộ Nam Việt Nam, Campuchia, Hạ Lào, Thái Lan và bán đảo Mã Lai, trong đó có Cát Tiên là vùng đệm nằm giữa Phù Nam và Chămpa. Do đó, việc chinh phục mở rộng ảnh hưởng về phía Bắc của Phù Nam bắt buộc phải tập trung củng cố thế và lực tại Cát Tiên. Chính vì đặc điểm này mà khảo cổ học đã tìm thấy ở đây nhiều di tích, di vật có quan hệ với Óc Eo – Phù Nam qua từng thời đoạn.

- Di chỉ cư trú: phân bố trên phạm vi rộng quanh khu vực phía Bắc gò 2, phía Tây gò 3 và phía Đông hố 03CT.H2… trong tầng văn hóa, ngoài gốm bản địa đã tìm  thấy đá thử vàng, cà ràng hình mõm thú, ly chén nhỏ thuộc hiện vật văn hóa Óc Eo. Do đó, niên đại của di chỉ vào  thế kỷ thứ IV – VI sau công nguyên là phù hợp.

- Các di chỉ mộ táng và đền thờ mộ (Gò 6A, 6B) cùng những di vật chôn dưới đáy của di tích này có nhiều nét tương đồng với loại hình di tích, di vật trong văn hóa Óc Eo như nhẫn tiết diện hình chữ C, lá vàng khắc vẽ hình người, hình động vật, chữ viết, những viên đá quý, đá thủy tinh giống với hiện vật trong mộ hỏa táng ở Đá Nổi và Gò Tháp là bằng chứng cho thấy, thời kỳ này cư dân Cát Tiên chịu ảnh hưởng sâu đậm văn hóa Óc Eo – Phù Nam và có thể đã có một bộ phận cư dân Óc Eo – Phù Nam sinh sống ở vùng Cát Tiên. Ngoài ra, tại Gò 6A đã phát hiện được 4 lá vàng có hình người và hình bò Nadin chạm nổi phồng theo phong cách nghệ thuật kim hoàn văn hóa Chămpa, trong đó,3 lá vàng chạm người nhào đất và nặn đồ gốm, đầu đội mũ trùm kín đến vai rất giốngvới loại mũ trên đầu tượng thần bán thân bằng đất nung và tượng Yaksa bán tròn bằng sa thạch ở Trà Kiệu có niên đại trước thế kỷ VII. Với nguồn tư liệu này và với kết quả định niên đại C14 đã cho thấy nhóm di tích các mộ  táng có niên đại thế kỷ VI – VII và đền thờ vào thế kỷ VII – VIII là có thể chấp nhận được.

- Giai đoạn thế kỷ VIII – XI. Đây là thời kỳ Chân Lạp đã hoàn thành việc thôn tính Phù Nam ở miền Tây Nam Bộ nhưng lực lượng chính trị và quân sự của nó chưa ảnh hưởng đến vùng đất phía Đông nước Phù Nam cũ là Đông Nam Bộ, Nam Trung Bộ và Nam Tây Nguyên sau đó quy tụ về vùng hồ Tonle Sap để củng cố và khôi phục thế lực, lập vương triều Tiền Angkor. Nhân lúc này, nhiều tiểu quốc nguyên là chư hầu của Phù Nam trong đó có Cát Tiên đã độc lập và tiếp tục phát triển. vào thời kỳ này, có  thể do việc phòng chống nguy cơ từ Chân Lạp, Nhà nước Cát Tiên đã duy trì quan hệ truyền thống với các vùng lãnh thổ cũ của Phù Nam đặc biệt có sự liên kết chặt chẽ với vùng Kauthara và Panduranga của Chămpa và qua đó liên hệ với bên ngoài. Trong quá trình nay, Cát Tiên đã tiếp nhận những yếu tố mới, kết hợp với yếu tố văn hóa truyền thống bản địa tạo nên bản sắc văn hóa riêng của Cát Tiên. Tại Cát Tiên – nơi có địa thế “đắc địa” vốn là vùng cư trú và những đền đài mộ táng đã có từ trước đó, cư dân Cát Tiên lần lượt dựng lên những tháp thờ, đền tháp, nhà tháp, đài thờ, hồ nước thiêng (baray) theo tín ngưỡng tôn giáo họ tôn thờ, biến nơi đây thành điểm linh thiêng – trung tâm tôn giáo phục vụ các tín đồ trong vùng. Để định niên đại cho các kiến trúc này, trước hết phải có những nhận thức về diễn biến của lịch sử, sự thay đổi quan niệm tư duy nhận thức sẽ dẫn tới thay đổi mặt bằng kiến trúc, sự thay thế vào hay bớt đi những vật thờ trong kiến trúc. Nhưng chỉ những đồ vật chôn sâu dưới đáy kiến trúc là không thay đổi nếu không bị đào lấy đi. Bởi vậy, việc xác định niên đại, mối quan hệ và có thể là cả chủ nhân của kiến trúc chủ yếu phải dựa vào các sưu tập hiện vật chôn trong lòng kiến trúc. Các hiện vật dựng thờ trên bề mặt có tác dụng hỗ trợ  và xác định thời gian tồn tại  của kiến trúc.

- Kiến trúc gò 1A là kiến trúc lớn nhất, có hiện vật chôn theo nhiều nhất trong các kiến trúc ở Cát Tiên. Linga đặt trên bệ Yoni trong tháp thuộc loại cấu tạo ba phần tương ứng với nhau, gần gũi với các linga văn hóa Óc Eo – hậu Óc Eo mà niên đại đoán định  thế kỷ VI – IX. Tượng Ganesa có trang phục không rõ nét, trên cánh tay đeo vòng  trang sức, kiểu ngồi xếp bằng để lộ hai bàn chân giống tượng Phật, tương tự tượng Ganesa thế kỷ X ở Nam Bộ. có thể đây là pho tượng thể hiện sự kết hợp tín ngưỡng bản địa với tôn giáo Ấn Độ và những tượng có đồ trang sức đeo trên thân thường ở giai đoạn sau thế kỷ IX. Các hiện vật vàng chôn trong tháp biểu hiện sự liên hệ với hai nền văn hóa Óc Eo – Phù Nam và văn hóa Chămpa. Trong đó, nhóm linga bằng vàng có cấu tạo ba phần tương ứng nhau giống linga vàng trong văn hóa Óc Eo và có thể là sản phẩm của văn hóa này; sưu tập những lá vàng có hình được tạo bằng cách khắc vẽ là hiện vật điển hình của văn hóa Óc Eo, đặc biệt nhiều hình chạm rất giống với hiện vật vàng trong mộ 85ĐN.M4 của di tích Đá Nổi (An Giang)có niên đại đoán định thế kỷ V – VI. Nhóm hiện vật được tạo hình bằng phương háp chạm nổi rồi cắt chung quanh rìa đạt trình độ kỹ thuật, thẩm mỹ cao thuộc nghệ thuật kim hoàn văn hóa Chăm. Trong số này, những hiện vật chạm hình các vị  thần đều có khuôn mặt lớn, đôi mũ vành rộng giống hình chạm trên vàng trong kiến trúc gò 6A và giống các tượng thần, tượng người trong điêu khắc văn hóa Chăm ở Trà Kiệu có niên đại thế kỷ VII và X, do vậy có thể định niên đại kiến trúc tháp 1A vào cuối thế kỷ IX. Riêng những yoni bằng đất nung và linga là hình cuội hình trụ tròn tìm thấy trong kiến trúc là những hiện vật ở vào thời kỳ muộn do người đời sau mang tới để thờ mà niên đại đoán định khoảng  thế kỷ X – XI.

- Kiến trúc gò 2 gồm các kiến trúc 2A, 2B, 2C, 2D và  tháp cổng cùng bức tường bao quanh. Đây là nhóm kiến trúc phức tạp, bởi một số cấu kiện kiến trúc bằng đá ở đây có đặc điểm gần gũi với cấu kiện đá thời kỳ hậu Óc Eo, tiền Angkor và Chămpa có niên đại thế kỷ VIII; ngói hình cánh chim của kiến trúc nhà dài có thể vào thế kỷ X – XI. Ngược lại,hiện vật chôn dưới đáy tháp 2A có hình khắc vẽ theo truyền thống nghệ thuật kim hoàn Óc Eo và có một số ít hiện vật mang dấu ấn của hiện vật Óc Eo ở Nền Chùa (Kiên Giang) và Đá Nổi (An Giang) mà niên đại được định vào thế kỷ V – VI. Tuy nhiên, phân tích những hình nam thần khắc vẽ trên vàng ở đây cho thấy nhiều trong số họ đầu đội mũ rộng vành có chóp nhọn hoặc chóp gần hình trụ là loại muc chỉ xuất hiện vào cuối thế kỷ X trong văn hóa Chăm và Tiền Angkor; những hình nữ thần khắc vẽ với bộ ngực phì nhiêu làm liên tưởng đến nghệ thuật điêu khắc văn hóa Chăm vào thế kỷ IX – X và một số la vàng khắc vẽ nhiều hình người có thể liên hệ đến tượng của 8 dikpala, 9 vị thần linh Ấn Giáo hay 9 vị tinh tú trên trời và 7 vị thần tượng trưng cho 7 ngày trong tuần thường gặp trên đá  trong các kiến trúc Chăm có niên đại  thế kỷ X, linga – yoni bằng đá thủy tinh trong của tháp 2A là di vật muộn, ở Nam Bộ nó được xếp vào thế kỷ IX – XI. Từ sự phân tích, so sánh trên có thể định niên đại cho kiến trúc gò 2A và cả 2B vào nửa đầu thế kỷ X. Các kiến trúc nhà dài và tháp cổng – bồn nước cùng bức tường vây quanh có đường dẫn nước ngầmcó niên đại giữa cuối thế kỷ X. Sự hiện diện của các cấu kiện kiến trúc đá có liên hệ với Chân Lạp, Chămpa có thể do người thiết kế xây tháp đã từng sống hay “du học” ở đó, đã chọn lọc, sao chép lại các mô hình này mang về.

- Kiến trúc tháp Gò 3 có quy mô nhỏ hơn và ở vị trí thấp hơn so với Gò 2. dựa vào vị trí của các hiện vật chôn trong hộc dưới đáy tháp (chính giữa hộc là lá vàng lớn khắc vẽ hình rắn naga 7 đầu uốn thành hình lòng chảo chứa đầy tro có nắp đậy là lá vàng khắc hình bông sen tám cánh; xung quanh và bên dưới là các lá vàng nhỏ có chữ viết và các viên đá quý; ở các cạnh và các góc là những lá vàng khắc vẽ hình voi hoặc rùa) cho thấy có đặc điểm giống với các mộ thờ phật giáo phát hiện ở gò Thành (Tiền Giang) và Gò Xoài (Bình Tả Long An) thuộc thời kỳ hậu Óc Eo có niên đại C14 và niên đại đoán định vào thế kỷ VIII. Việc phát hiện trong hố thờ gò 3 lá vàng có hình rắn uốn thành hình lòng chảo để đựng tro có thể là hình tượng rắn bảo vệ di hài đức Phật và hình các con voilà biểu tượng cho các vị  thần trấn giữkiến trúc thờ của đạo phật… đã cho phép nghĩ rằng, chủ nhân tháp này có liên hệ đến đạo phật. Sự có mặt của linga – yoni  trng phạm vi kiến trúc này có thể vào  thế kỷ IX – X khi tín ngưỡng Siva là thần chủ ở Cát Tiên.

Tháp Gò 4 có đặc điểm tương đồng với các tháp 2A và 2B, việc phát hiện linga bằng đá thạch anh chỉ có một phần hình trụ tròn được chế tác rất tinh xảo cho phép xác định niên đại của tháp vào cuối thế kỷ IX.

Đền thờ mộ Gò 5 là một kiến trúc khá đặc biệt mà theo những người khai quật,có hướng quay về phía Nam, gạch xây tường vách rất thẳng và rất đều đặn. ngôi mộ thờ có tâm là khối trụ vuông thông từ đáy lên tới bề mặt tương tự các cấu trúc trong lòng tháp Gò 1A, đền thờ Gò 6B và trụ vuông của ngôi mộ bên dưới đài thờ Gò 7 và giống với các cấu  trúc mộ trong văn hóa Óc Eo có niên đại vào thế kỷ VI – VII. Tuy nhiên, việc phát hiện linga – mukha mà phía trước có đầu Siva đội mũ chóp nhọn cao vút là yếu tố muộn, có niên đại sớm nhát vào thế kỷ IX.

Đài thờ gò 7 là một kiến trúc lạ dạng hình khối vuông xây bằng gạch có máng nước thiêng dài trên 7m từ bệ thờ ra đến tường gạch phía Bắc do xây đè lên ngôi mộ thuộc truyền thống văn hóa Óc Eo nên có thể định niên đại cho kiến trúc này vào thế kỷ IX.

Kiến trúc Gò 8 (gò Ông Định) gồm tháp thờ ở phía  Tây và nhà dài ở phía Đông tương tự các kiến trúc Gò 1 và Gò 2. Đây là di tích mà trên bề mặt tìm được nhiều hiện vật bằng đồng có giá trị tìm hiểu mối quan hệ văn hóa giữa Cát Tiên với các vùng đất khác. Việc phát hiện tượng  thần Ganesa thân hình mập mạp có bả vai nhô cao và  tượng Uma chiến thắng quỷ trâu có đeo đồ trang sức, mũ đội trên đầu có môt típ hoa văn hình răng cưa giống mũ trên tượng người Trà Kiệu thuộc thế kỷ X. Do đó, niên đại kiến trúc gò 8 phải ở vào cuối thế kỷ IX đầu thế kỷ X hoặc muộn hơn.

Kiến trúc Gò Đức Phổ thuộc loại hình đền tháp có tường dày đồng thời là hệ thống dẫn nước ngầm xây bao quanh.hiện vật thu được trong kiến trúc thuộc hai nhóm rất khác biệt nhau: nhóm dưới đáy kiến trúc là những hiện vật quý có đặc điểm của loại hiện vật mộ táng Óc Eo ở Gò Tháp có niên đại thế kỷ VI – VII. Nhóm thứ hai là những hiện vật phát hiện trên bề mặt kiến trúc gồm vòng đeo tay đồng, ly cốc đồng, mảnh đá có chữ cổ, co dấu, linga – yoni, mảnh bạc có hình chạm nổi…trong đó: bộ linga – yoni chỉ có phần  trụ tròn được ghép lại với nhau bằng mộng chốt là kỹ thuật chế tác tinh vi xuất hiện vào thời kỳ muộn, miếng bạc chạm nổi hình người cầm đinh ba trong tư thế đứng, chân trái như đạp lên  thân một con rắn, đầu đội mũ hai tầng, mặc quần cộc hay sampot xếp nếp, cạp nhô lên khỏi thắt lưng, vạt vắt chéo sang trái tương tự hình người chạm trên lá nhĩ tháp Po Nagar và với tượng tròn tiền Angkor có niên đại từ cuối thế kỷ IX đến giữa thế kỷ X. Với những hiện vật trên có thể nghĩ rằng di tích Đức Phổ có hai thời đoạn xây cất: thời kỳ đầu có thể là kiến trúc mộ có niên đại cuối thế kỷ VII đầu thế kỷ VIII; thời kỳ sau là kiến trúc đền tháp khoảng thế kỷ IX – XI.

Về vấn đề chủ nhâncủa Cát Tiên hiện nay và trong nhiều thời gian tới nữa vẫn không ai có thể đưa ra câu trả lời chắc chắn. Bởi cho đến nay, tuy các nhà khảo cổ đã khai quật nhiều lần ở rất nhiều địa điểm khác nhau trong khu vực này, nhưng vẫn chưa có thông tin nào về cốt sọ người cổ giành cho các nhà nhân học để xác định chủ nhân của di tích. Sẽ là quá sớm khi nói chủ nhân của di tích là của người Mạ với chỉ một yếu tố vì nó nằm  trong địa bàn cư trú của dân tộc Mạ. ngoài ra còn bởi cho đến tận nay, trên địa bàn Cát Tiên nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung, khảo cổ học chưa tìm thấy bằng chứng mang tính mắt xích để có thể liên hệ Cát Tiên với các di tích được cho là của tộc người hiện đang sinh sống trên vùng đất lâm Đồng. Song trong di chỉ cư trú Cát Tiên đã tìm thấy gốm thô trong di tích Phù Mỹ (Cát Tiên, Lâm Đồng) đồng thời phát hiện được dấu vết xương cốt người trong vò hoặc chum chôn trong mộ gạch dạng Óc Eo… với những phát hiện trên bước đầu cho phép xác định, cư dân Cát tiên có nguồn gốc bản địa, họ là hậu duệ của lớp người cổ sống ở vùng Đông Nam Bộ - Nam Tây Nguyên từ khoảng 5000 năm đến 2000 năm cách ngày nay. Vào thời kỳ đầu của lịch sử, thế kỷ IV – VII, c dân ở vùng đất này phụ thuộc vào Phù Nam, chịu ảnh hưởng sâu đạm của văn hóa Óc Eo, có quan hệ giao lưu, trao đổi kinh tế với cư dân văn hóa Chămpa thuộc ngữ hệ Malayo – Polinesien và tiếp xúc với văn minh Ấn Độ. Sau khi Phù Nam suy vong, nhà nước Cát Tiên đã có sự liên kết chặt chẽ với láng giềng gần gũi Chămpa với các vùng đất khác. Tại Cát Tiên, ngoài cư dân bản địa là chủ yếu còn có cư dân Malayo – Polinesien ở vùng biển lên và có thể cả cư dân thuộc ngữ hệ Môn – Khmer ở phía tây sang. Cũng như vương quốc Phù Nam, Cát Tiên trong suốt thời gian tồn tại nhiều thế kỷ là một vùng  đất hay một quốc gia đa dân tộc.


Sưu tầm: Nguồn Báo Lâm Đồng vàTrung Tâm Khảo Cổ - Viện KHXH vùng Nam Bộ Nay là (Viện Phát triển Bền Vững Vùng Nam Bộ)

Không có nhận xét nào: