Thứ Sáu, 19 tháng 4, 2013

Chùa Keo, Thái Bình - Ngôi chùa độc nhất vô nhị ở Việt Nam

Thái Bình – mảnh đất của những cánh đồng phì nhiêu, tươi tốt. Nằm bên bờ sông Hồng, một trong hai con sông lớn nhất Việt Nam (sông Hồng, Sông Cửu Long). Bởi vậy Thái Bình luôn đón nhận được những lớp phù sa phì nhiêu bồi tụ. Nó chính là chất liệu để làm nên đặc trưng truyền thống nông nghiệp lúa nước nơi đây, để rồi những đặc trưng đó đã quy định những giá trị văn hóa của vùng đất này – văn hóa nông nghiệp lúa nước.

Không chỉ được thiên nhiên ưu đãi, nằm ở vị trí Đông Bắc của Việt Nam, Thái Bình còn nằm trong dòng chảy văn hóa 4000 năm lịch sử của dân tộc. Bởi vậy, bên cạnh những đặc trưng riêng thì Thái Bình còn mang trong mình những đặc trưng văn hóa chung, trong số những đặc trưng ấy thì dấu ấn của Phật Giáo là rất đậm nét. Dấu ấn Phật Giáo không chỉ được thể hiện trong đời sống tinh thần của người dân, mà nó còn được cụ thể hóa thành hình thức bên ngoài - đó chính là những ngôi chùa. Việc xây dựng những ngôi chùa với mục đích phục vụ tín ngưỡng tôn giáo, nhưng đồng thời ngoài ý muốn chủ quan nó đã tạo nên một phong cách kiến trúc rất độc đáo, góp phần tạo nên sự đa dạng, phong phú hơn cho hệ thống kiến trúc Việt Nam. Trong số những đóng góp độc đáo về mặt kiến trúc mà Phật giáo để lại, thì chùa Keo Thái Bình là một minh chứng điển hình. Được xây dựng dưới thời kì phát triển cực thịnh của Phật giáo (thời Lý – Trần), chùa Keo Thái Bình được đánh giá là “một kiệt tác nghệ thuật bằng gỗ, tiêu biểu cho kiến trúc cổ Việt Nam thế kỉ XVII” (Non nước Việt Nam – 2007 – NXB Tổng Cục Du Lịch).

1. Khái quát về lịch sử Phật giáo về sự tích Thiền sư Dương Không Lộ
Quê hương của Phật giáo là Ấn Độ. Người sáng lập là Thái tử Tất-đạt-đa (Siddhartha). Sau 49 ngày tu luyện dưới gốc cây Pipal (Boddhi – “Bề Đề”) thì Ngài đã đạt đạo, tìm ra quy luật của cuộc đời và nỗi khổ đau của dân chúng. Từ đó Ngài cùng 5 người bạn đi khắp nơi để tuyên truyền tư tưởng của mình. Ngài đươc tôn là Buddha (đấng sáng tạo, đấng giác ngộ, người Việt gọi là Bụt, Phật) và trở thành người sáng lập ra Phật giáo.

Đạo Phật du nhập vào nước ta khoảng thế kỉ thứ II (SCN). Trong lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc ta, đạo Phật và các nhà sư đã có đóng góp rất lớn, từ các triều đại vua chúa phong kiến trước đây, cũng như trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ vừa qua. Nhiều nhà sư đã cống hiến trọn đời mình cho nền độc lập, tự do của đất nước và sự bình yên phát triển của dân tộc.
Trong số các nhà sư đó có thánh tổ Dương Không Lộ thiền sư – người đã có công trong việc xây dựng chùa Keo (Thái Bình) và hiện nay đang được thờ tự trong chùa.

Theo sử sách: Thiền sư họ Dương, húy là Minh Nghiêm, hiệu là Không Lộ, người làng Giao Thủy, phủ Hà Thanh nối đời làm nghề đánh cá. Mẹ người họ Nguyễn ở Hải Dương. Thiền sư sinh ngày 14/09 năm Bính Thìn (1016), xuất thân làm nghề chài lưới, song đức Không Lộ lại là người có chí hướng đạo thiền. Năm 29 tuổi đi tu, đến năm 44 tuổi (1059) ngài tu tại chùa Hà Trạch cùng các đạo sư Đạo Hạnh, Giác Hải kết bạn chuyên tâm nghiên cứu đạo Thiền.

Năm 1060 ba ông đã sang Tây Trúc để tu luyện về đạo Phật. Năm 1061 thời vua Lý Thánh Tông, sư về nước dựng chùa Nghiêm Quang tiền thân của chùa Keo (Thần Quang Tự) ngày nay.

Từ đó ông đã chu du khắp vùng rộng lớn của châu thổ Bắc Bộ, dựng chùa, truyền bá đạo Phật và được suy tôn là vị tổ thứ 9 của phái Thiền Việt Nam. Ông đã có công chữa bệnh cho vua Lý Thánh Tông và được vua phong làm quốc sư triều Lý. Ngày 03/06/1094 đức Dương Không Lộ viên tịch, thọ 79 tuổi. Đến 1167 đời vua Lý Anh Tông, nhà vua xuống chiếu đổi tên chùa Nghiêm Quang thành chùa Thần Quang để tưởng nhớ đến ngài Dương Không Lộ.

2. Quá trình xây dựng chùa Keo
Căn cứ vào hai tấm bia đá thì chùa Keo có tên là Thần Quang và có xuất xứ liên quan đến chùa Nghiêm Quang do thiền sư Không Lộ làm năm 1061 tại làng Giao Thủy-Nam Định, văn bia ghi lại như sau:

“Nghiêm Quang Tự làm năm Tân Sửu (1061) đời vua Lý Thánh Tông. Năm 1167 vua Lý Anh Tông ban chiếu sửa chùa và đổi tên thành Thần Quang Tự”.

Mô tả quang cảnh chùa Thần Quang thời Lý ở ấp Giao Thủy văn bia còn ghi lại: “nơi thờ Phật nước Nam đâu đâu cũng có, nhưng chỉ có chùa Thần Quang ở vùng Dũng Nhuệ, làng Giao Thủy (tên nôm 
là làng Keo) là nơi danh thắng bậc nhất từ Bắc tới Nam:
Phía chu tước (trước) dòng Xà Giang chầu vào bao la vạn khoảnh.
Phía huyền vũ (sau) sông Hoàng Giang vòng lại mênh mông ngàn tầm.
Bể Nam Hải uốn quanh từng khúc phô hình giải lụa xanh lam.

Dây rừng cây tua tủa vươn cao như búi tóc mây sắc lục. Thật là một cõi Tây Trúc trong chốn Tùy Lâm vậy. Nào ngờ, nước sông lũ lụt tràn đầy, đến nỗi ngôi chùa trôi dạt”.
Nhất định phải có người đại phúc đại đức, kết hợp với đại nhân duyên, đại lực lượng mới có thể xây dựng lại được.

Căn cứ vào văn bia chùa Keo thì chùa Keo do một vị quan lớn thời Lê-Trịnh đứng ra khởi công xây dựng lại, đó là quận công Hoàng Nhân Dũng ở làng Tứ Quán, phủ Hải Thanh. Vì lúc bấy giờ đang có cuộc nội chiến Trịnh-Nguyễn nên chúa Trịnh chỉ cấp cho nhà chùa 100 cây gỗ lim còn tất cả vật liệu khác đều do nhân dân tự đóng góp lên cả. Chính và vậy Hoàng Nhân Dũng đã phải mất 19 năm ròng đi vận động quyên góp (1611-1630), đến tháng 7/1630 ông đã mời được 42 hiệp thợ và khởi công công trình. Chỉ trong vòng 28 tháng toàn bộ công trình đã được khánh thành (11/1632).

Trải qua gần 400 năm tồn tại, nhưng những công trình chính của chùa Keo như: tam quan, chùa Phật, gác chuông, v.v… vẫn còn gần như nguyên vẹn từ thời Lê Trung Hưng đến nay. Nó đã trở thành nét kiến trúc độc đáo góp phần làm phong phú hơn trong cơ cấu kiến trúc của Việt Nam.

3. Kiến trúc chùa Keo
Chùa keo là một quần thể kiến trúc bao gồm nhiều hạng mục công trình. Bên cạnh những hạng mục công trình còn khá nguyên vẹn, thì do thời gian tàn phá nên nhiều công trình đã được trùng tu, tôn tạo, thay thế nên mang tính hiện đại hơn. Nhưng dù có sự biến đổi nó vẫn giữa được những nét đặc sắc riêng của phong cách kiến trúc một thời. Ở đây chỉ xin tập trung vào những công trình kiến trúc mang tính tiêu biểu, còn những công trình mang màu sắc hiện đại thì chỉ mang tính đề cập.

Chùa Keo có một phong cách kiến trúc rất độc đáo. Với chất liệu chủ yếu bằng gỗ và với những đường nét chạm trổ rất tinh xảo đã tạo cho nơi đây một phong cách riêng.
Toàn cảnh chùa Keo xây dựng thời đó gồm 21 công trình với 157 gian. Hiện nay chùa Keo còn 17 công trình với 128 gian. Đó là các công trình kiến trúc chính như: chùa Phật, điện Thánh, gác chuông, hành lang và khu tăng xá, vườn tháp, v.v…
3.1. Hệ thống Tam Quan
Trong kiến trúc các ngôi chùa nói riêng và nhiều hệ thống công trình khác ở Việt Nam nói chung, thì Tam Quan là một tiểu công trình không thể thiếu, Tam Quan chính là lối đi nằm ở phía trước của ngôi chùa, gồm 3 lối đi, nhưng nó không thuần túy chỉ là cái cửa ra vào, mà nhiều tam quan còn là những kiệt tác kiến trúc.
Hệ thống tam quan chùa Keo được chia thành hai hệ thống: Tam quan ngoại và tam quan nội. Từ mặt đê theo bậc tam cấp đi xuống, qua một khoảng sân rộng sẽ đến Tam Quan Ngoại. Đây là một ngôi nhà ba gian không có tường bao, không có cửa. Toàn bộ hệ thống công trình được nâng đỡ bởi 4 hàng cột gỗ lim vững chắc, nó tạo nên một không gian mở, thoáng mát để du khách nghỉ chân trước khi vào lễ chùa.

Đáng chú ý nhất là hệ thống Tam Quan Nội, đây là một công trình kiến trúc khá độc đáo của riêng chùa Keo. Thông thường hệ thống Tam Quan hoặc là 4 trụ biểu lớn tạo thành ba lối đi vào chính diện công trình kiến trúc, hoặc là được xây dựng như một ngôi nhà với ba cửa vào (như Đại Cung Môn – lối vào Tử Cấm Thành trong kinh Thành Huế). Nhưng ở Tam Quan Nội chùa Keo, thoạt đầu đứng từ bên ngoài nhìn thì đây là một ngôi nhà ba gian, có hiên có cửa đàng hoàng, nhưng khi lên hiên thì thấy ngôi nhà này chỉ có ba hàng cột, toàn bộ cánh cửa, ngưỡng cửa lắp vào hàng cột cái, hàng cột cái này lại chọi thẳng vào nóc nhà. Đằng trước và đằng sau chỉ còn một hàng cột, hàng cột này vừa là cột hiên cũng vừa là cột quân. Vì vậy mà không có long, nhìn phía nào cũng chỉ thấy cửa, thấy hiên. Đó chính là lối kiến trúc theo thuyết “sắc sắc không không” của đạo Phật.
Đặc biệt bộ cánh cửa gian giữa Tam Quan, bộ cánh cửa này gồm hai cánh, mỗi cánh cao 2,2m rộng 1,3m khi khép lại tạo thành một bức phù điêu hoàn chỉnh, chạm đề tài “lưỡng long mẫu tử chầu nguyệt”. Chính giữa hai cánh cửa chạm một mặt nguyệt lớn, mỗi bên cánh cửa chạm một con rồng mẹ và một con rồng con, phía góc dưới chạm con nghê con tất cả đều đang hướng về mặt nguyệt.

Sự hài hòa được người nghệ nhân thể hiện ở chỗ: trên phiếm gỗ lim với độ chạm sâu không quá 3cm mà người nghệ nhân vẫn thể hiện rất chuẩn xác luật xa gần, tối sáng của nghệ thuật chạm trổ truyền thống. Thân rồng khúc ẩn khúc hiện, bầy rồng con xa con gần, quyện lấy nhau. Rồng mẹ đầu tóc dữ dội, thân uốn nhiều lần, rồng con dáng vẻ thảnh thơi núp sau bóng mẹ. Toàn bộ môi, râu, bờm rồng dường như bốc lửa. Mây ám thân rồng, chỗ bốc lên thành mây lửa, chỗ chúc xuống thành rừng giáo mác, thân rồng chìm trong biển lửa cháy rực. Đường chạm sắc sảo, nét khắc tinh vi, bố cục chặt chẽ khiến các con linh vật vốn không có thật trở nên sống động lạ thường.

3.2. Quần thể kiến trúc bên trong chùa
Quần thể kiến trúc bên trong chùa được thiết kế theo kiểu “nội nhị công, ngoại nhất quốc”.
Khu thờ Phật có 3 tòa nhà: tòa Ông Hộ và tòa Tam Bảo nối với nhau qua tòa Ông Muống thành chữ công (I) thứ nhất (theo chữ Hán).
Khu đền Thánh có 3 tòa: tòa Thiêu Hương và tòa Thượng Điện nối với nhau qua tòa Phụ Quốc tạo thành chữa Công (I) thứ hai.
Hai dãy hành lang mỗi bên 33 gian nối qua hai tòa tả vu, hữu vu – gác chuông và Tam Quan Nội thành ô chữ Quốc bao bọc bên ngoài. Mỗi chữ Công thờ một thân chủ, chữ Công phía trước thờ Phật, chữ Công phía sau thờ Thiền sư Dương Không Lộ. Đó cũng là lối kiến trúc “Tiền Phật hậu Thánh”.
Trong khu thờ Phật thì tòa Ông Hộ có 7 gian với tổng chiều dài 24m, rộng 6m. Nơi đây mái cao lồng lộng, hệ thống kẻ tiền chạm trổ công phu, kẻ góc cách điệu thành cá hóa rồng hoặc chạm rồng phượng. Hệ thống chắn gió chỗ chạm rồng quỳ, chỗ chạm long ẩn, long ám, long quần. Rồng bay trên mây, rồng vui cùng nghê sấu. Nhiều tấm chắn gió chạm hoa văn sóng nước cuốn thành hoa dây, song cuốn thành hoa cúc, hoa sen, thành hình con Dơi theo kiểu “Ngũ phúc lâm môn” cách điệu. Các đầu dư bẩy, kẻ đều chạm rồng, những đầu rồng to khỏe, mắt tròn trợn ngược, nanh sắc như mác, miệng ngậm viên ngọc, râu bện vào nhau, tóc bờm vút về sau như thế rồng bay. So với những con rồng thời Nguyễn thì những con rồng thời Lê Trung Hưng lúc bấy giờ không có độ mềm mại, tinh xảo bằng. Nhưng nó cũng đã thể hiện được nét tư duy rất độc đáo của các nhà kiến trúc xưa.

Tòa Ông Muống và tòa Tam Bảo nhỏ hơn tòa Ông Hộ, hai nhà này làm theo kiểu “Lòng thuyền tứ trụ, thượng dường hạ kẻ”. Đường soi nét bào bóng nuật tạo vẻ thanh nhã. Bức cuốn thư gian trung tâm tạo hình con phượng lớn, mào mỏ phượng cất cao như nhụy sen cách điệu, đôi cánh xòe ra như hai cánh quạt lồng đan chéo nhau. Dáng phượng nửa đậu, nửa bay trông thật đẹp mắt.

Cách khu thờ Phật một khoảng sân nhỏ là khu đền Thánh, nơi đây thờ thiền sư Dương Không Lộ. Nhưng đền Thánh được xây dựng hoành tráng hơn khu chùa Phật. Riêng bộ mái chia thành 4 loại: tòa Phụ Quốc mái chảy, tòa Giá Roi theo kiểu hồi riêng, hai tòa Thiêu Hương, Thượng Điện theo lối chéo đao, tàu góc. Trên bờ nóc chỗ trổ chìm, chỗ đắp nổi hoa chanh, bờ cánh chỗ tỉa chỗ thủng đường dây hoa thị. Xô hồi kìm nóc khá đẹp. Ngạc long ôm bờ nóc, râu bờm dựng đứng, nanh nhọn, mắt tròn, đuôi cuộn ngược.

Trong khu đền Thánh, các tảng đá kê chân cột đều chạm cánh sen. Các đầu củng, chắn phong đều được chạm trổ hết sức công phu. Trên các chắn phong rồng mẹ dắt díu đàn con vui đùa với thú. Thú cưỡi lưng rồng, thú túm râu rồng, thú đu trên chum mây lửa.

Đặc biệt, ở đây tất cả các bẩy, kẻ đều có con sơn chống đỡ hai đầu. 42 con sơn ngoại chạm 42 con rồng với các dáng vẻ khác nhau, chỗ này rồng cuộn 4 vòng, 5 vòng quanh con sơn, chỗ kia rồng tì ngực vào cột dồn hết sức dơ đầu đỡ kẻ. 42 con sơn nội nhỏ hơn nhưng chạm trổ công phu hơn, cái thì chạm rồng bốc lửa đưa đầu đội bẩy, cái lại chạm rồng đang khom lưng uốn mình cõng đấu hoặc chạm nghê thần cõng kẻ, đội hoành, đạp đấu với đường chạm nét rất sắc sảo, tinh vi.

3.3. Gác chuông chùa Keo
Nói đến kiến trúc chùa Keo không thể không nói đến kiến trúc của gác chuông, đây được coi là công trình kiến trúc độc đáo nhất, trở thành điểm nhấn cho ngôi chùa (xét về mặt kiến trúc).

Từ mặt nền lên đến bờ nóc cao hơn 11m, được cấu trúc 3 tầng mái tạo dáng hài hòa to đẹp. Khung chịu lực chính là 4 cột lớn cao 5m, đường kính 0,6m đặt trên 4 tảng đá lớn chạm cánh sen thắt cổ đồng. Mỗi góc dựng một cột góc và hai cột hiên, liên kết bằng hệ thống xà ngang, xà nách, kẻ góc tạo thành khung gánh lực vững chắc. Mỗi tầng trên thu lại so với tầng dới là 0,4m. Liên kết với tầng dưới qua hệ xà dầm. Riêng tầng 3 thu lại nhỏ hơn, không có cột thông xuống thềm tầng dưới. Các dàn đấu ăn mộng thước thợ với dầm tầng hai. Mộng đấu định vị mặt bằng tầng 3 tải trọng bộ mái tầng này. Mái tầng 3 khác với mái 2 tầng dưới, mái được làm dốc hơn, chiều dài phía trên của mái ngắn hơn chiều dốc.

Từ trên cao nhìn xuống, gác chuông chùa Keo trông giống như mái nhà Rông của đồng bào dân tộc Tây Nguyên. Cấu trúc các tầng nhẹ nhàng, khỏe đẹp. Dưới hệ thống tàu mái của mỗi tầng xếp 84 cánh rui bay thành 3 tầng, 28 cum lớn liên kết với nhau bằng những thanh xà mảnh như dàn cánh tay đỡ mái. Hệ thống dàn rui bay này được được đặt trên dàn đấu củng đối trọng vào bên trong qua 3 hàng tay đòn thẳng gối tựa xà lách. Ba quả chuông đồng nặng gần 2 tấn treo chính tâm gác chuông cùng sức nặng của dàn mái tạo lực trọng trường kéo các mộng luôn gắn kết chặt với nhau tạo thế vững chắc cho gác chuông.

Nhờ tỉ lệ giữa các tầng cân đối, độ thu trả vừa phải giữa các tầng hiên, tầng mái, cự ly giãn cách giữa các cột chuẩn xác khỏe về lực, đẹp về dáng. Vì vậy đứng ở bất kỳ vị trí nào ngắm bất kì góc độ nào gác chuông chùa Keo đều đẹp cả.

Với tất cả những nét độc đáo thì Chùa Keo (Thái Bình) đã được nhà nước công nhận là danh lam thắng cảnh ngay từ năm 1960 và hiện nay đã được liệt kê vào danh sách các thắng cảnh đặc biệt quan trọng của quốc gia.

Trải qua gần 400 (377 năm) tồn tại và phát triển, trước những thăng trầm của lịch sử, những biến cố của thời gian, những bất thường của thời tiết trên những chất liệu chủ yếu bằng gỗ của ngôi chùa thì rất nhiều các công trình trong chùa đã bị xuống cấp, đặc biệt gác chuông (công trình nổi bật nhất trong chùa). Trước tình hình đó đòi hỏi các cơ quan chức năng, chính quyền và cư dân địa phương phải có các biện pháp để trùng tu, tôn tạo giữ gìn sự nguyên trạng của ngôi chùa để ngôi chùa mãi là “một kiệt tác kiến của thế kỷ XVII”.

3.4. Biện pháp bảo tồn và phát triển
3.4.1. Người dân địa phương
Người dân địa phương đóng một vai trò rất quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi chùa. Người dân địa phương chính là kho tàng dân gian – nơi lưu giữa lại những lễ hội truyền thống đặc trưng của chùa. Đó chính là phần hồn, cái ẩn sau kiến trúc để tăng thêm phần hấp dẫn của một ngôi chùa. Vì vậy để phát huy được yếu của cư dân địa phương đòi hỏi các cơ quan quản lí cần tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục ý thức người dân về việc bảo tồn và phát huy giá trị của ngôi chùa, đồng thời phục dựng, tổ chức lại các lễ hội truyền thống để thu hút đông đảo sự tham gia của người dân địa phương và du khách thập phương trên cơ sở đó sẽ góp phần vừa bảo tồn, vừa phát huy được những giá trị của ngôi chùa.

3.4.2. Các cơ quan chức năng
Nhận thức rõ về tầm quan trọng về việc bảo vệ và tôn tạo một di tích mang tầm quốc gia, các cơ quan chức năng đã đưa ra nhiều biện pháp hữu hiệu trong việc trùng tu, tôn tạo và phát huy những giá trị của ngôi chùa.
+ Trước sự xuống cấp của chùa do thời gian thì các cơ quan chức năng đã nhiều lần trùng tu tôn tạo.
+ Cho đặt những hòm công đức mục đích kêu gọi lòng hảo tâm của du khách thập phương để tăng thêm nguồn kinh phí trong việc trùng tu tôn tạo chùa.

Bên cạnh đó để phát huy hơn nữa những giá trị của chùa Keo thì các cơ quan chức năng cần: Tập trung đưa chùa Keo không chỉ là nơi tín ngưởng tâm linh với du khách thập phương thông qua những lễ hội, mà cần phải đưa chùa Keo trở thành điểm du lịch thông qua việc thiết kế những tua tuyến tham quan liên kết nhiều các di tích với nhau trong đó có chùa Keo. Trên cơ sở đó góp phần phát huy những giá trị của chùa Keo làm cơ sở cho việc trùng tu tôn tạo chùa, đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh chùa Keo tới du khách .

Kết luận
Với vẻ đẹp về mặt kiến trúc, sự linh thiêng về mặt tâm linh thì chùa Keo thực sự trở thành điểm tham quan hấp dẫn đối với du khách gần xa, đồng thời là niềm tự hào của người dân nơi đây. Nhưng trước sự tàn phá của thời gian, của thiên nhiên, sự xâm hại của con người… thì đòi hỏi các cơ quan chức năng và người dân địa phương cần phải phối kết hợp với nhau một cách chặt chẽ trong việc bảo tồn và phát huy những giá trị của ngôi chùa, để ngôi chùa mãi là: “Kiệt tác kiến trúc của thế kỷ XVII”.

Tài liệu tham khảo
- Mai Ngọc Chừ (1999), Văn hóa Đông Nam Á, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội.
- Trần Độ (1989), Văn hóa Việt Nam tổng hợp 1989-1995, Nxb ban văn hóa văn nghệ Trung Ương.
- Giáo hội Phật giáo Việt Nam, tỉnh hội Phật giáo Thái Bình (2007), Sơ lược lịch sử chùa Keo Thái Bình.
- Tổng cục du lịch Việt Nam, trung tâm công nghệ thông tin du lịch (2007), Non nước Việt Nam.
Phần tóm tắt:
Chùa Keo (Thái Bình) với chất liệu chủ yếu bằng gồ, những đường chạm trổ tinh vi, những cấu trúc đường nét sắc sảo kết hợp với lối kiến trúc đặc trưng theo lối “Nội nhị công, ngoại nhất quốc”, đặc biệt là vẻ đẹp của gác chuông Chùa Keo, đó là sự kết hợp hài hòa giữa chất liệu gỗ với những đường cong nét đao tạo nên sự khỏe về lực nhưng đẹp về dáng. Tất cả đã hội tụ lại nơi đây để rồi những điều đó tạo nên một kiệt tác kiến trúc một thời trong lịch sử kiến trúc Việt Nam.
 Một số hình ảnh về chùa Keo



















Sưu tầm./.

Không có nhận xét nào: