Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Từ chiến trường khốc liệt (Live from the battefield) - Peter Arnett. Phần 2

CHIẾN DỊCH TẾT MẬU THÂN

Tôi chứng kiến sự thay đổi của Sài Gòn, từ một thành phố quyến rũ với những công viên cây xanh, những lối đi nhỏ rợp bóng, những tòa nhà sơn trắng thành một thành phố quân đội đồn trú tạp nham. Đi bộ về văn phòng dọc đường Pasteur và Từ Độ, trở thành con đường đầy thử thách qua những bãi rác không được quét dọn, có những bao đựng cát dựng xung quanh, qua những xe tải quân sự với tiếng động cơ và tiếng còi rú inh tai.

Vẻ đẹp của Sài Gòn đã biến mất: Những cô gái trẻ trung duyên dáng trong các bộ áo dài bằng lụa đã từ lâu nhường lại trung tâm thành phố cho đám người tạp nham của chiến tranh, với những cựu chiến binh tàn tật trườn người bằng nạng, khua phần tay chân còn lại đi xin thức ăn và tiền; Những kẻ chào hàng đê tiện thô bạo, giật tay áo bạn, buôn bán chợ đen và thuốc phiện; Những đứa trẻ đường phố trong những bộ quần áo rách rưới, khuôn mặt cáu bẩn van nài: “cho cháu năm đồng đi, cháu đói, ông là số một, hãy cho cháu năm đồng", cùng lúc đang cố gắng ăn trộm ví của bạn.

Khi bắt đầu cuộc chiến, chính quyền đã thử bảo vệ Sài Gòn khỏi những ảnh hưởng do việc xây dựng quân đội diện rộng ở vùng nông thôn nhưng đã thất bại. Sự nghèo khó của một thành phố đầy lính là cơ hội cho một số kẻ đầu cơ phất lên làm giàu. Xuất hiện trào lưu dùng máy nghe nhạc, máy điều hòa và những điều kiện cơ bản của cuộc sống Mỹ - tất cả đều được người Sài Gòn mới phất sử dụng bên cạnh một xã hội Việt Nam truyền thống.

Tháng 1-1968 người Mỹ có mặt khắp mọi nơi trên đường phố. Những nhóm cố vấn chính trị ở nhiều cấp bậc trong chính phủ quyết định tương lai của quốc gia. Văn phòng Công tác Xã hội Liên minh thuê một nhà chiêm tinh chuyên nghiệp tên là Thái Sơn đưa ra những dự đoán cho năm tới "Thuận lợi về phía chính phủ và bất lợi cho kẻ thù" trong khi các nhân viên Mỹ khác thì giúp đỡ quyết định màu ánh đèn vòi phun nước ở khu trung tâm Sài Gòn là màu gì, cây nào nên được chặt đi để dựng máy tính tiền đỗ xe, và thư viện Bảo tàng quốc gia có nên áp dụng hệ thống phân chia thập phân Dewey.

Những người quản lý thành phố rụt rè chiến đấu lại, ra lệnh tất cả những biển hiệu, cửa hàng phải bằng tiếng Việt hoặc ít nhất tiếng Việt phải lớn hơn gấp ba lần so với tiếng Anh, vì vậy Nhà may Botany thì trở thành Bo Ta Ny, quán bar Dolly thì thành Da-ly, Bar Texas thì thành Te-xa và bar Ohio thì thành O-HAI-O.

Sài Gòn vẫn là vùng được yêu thích hơn so với các thành phố khác xa hơn về phía bắc và so với các chiến trường nơi tôi dành quá nhiều thời gian của mình. Có một cảm giác thoải mái an toàn trong một Sài Gòn xáo trộn. Những vụ nổ pháo binh, tiếng bom vang trời không xa từ vùng nông thôn, không khí bừa bãi của thành phố cho thấy cảm giác một ngày nào đó cuộc chiến sẽ kéo về thành phố. Tôi biết răng tham nhũng ở Sài Gòn là cái giá cần thiết tất cả chúng tôi phải trả cho chiếc ô quyền lực của Mỹ che chở chúng tôi, những gia đình có vợ là người Việt và những người bạn của họ cũng cảm nhận như vậy, dù hủy hoại văn hóa truyền thống của họ và lối sống sau thuộc địa họ bắt đầu tận hường sẽ biến mất.

Tôi quá tự tin về sự an toàn của Sài Gòn và khả năng sống sót của chính mình nên tôi đã kết hôn với một người phụ nữ Việt Nam và làm cha hai đứa trẻ, Andrew Kim và Elsa Christina. Tôi không ở Sài Gòn khi vợ tôi sinh Andrew nhưng khi Elsa chào đời vào tháng 10-1967 thì tôi lái xe đưa Nina và mẹ cô ấy tới khoa phụ sản ở tầng ba của Bệnh viện nhà thờ thánh Paul từ sáng sớm, chờ đợi cùng Nina trong phòng chờ tới cơn trở dạ và chạy theo cô ấy vào phòng sinh.

Tôi hy vọng sẽ dành vài ngày ở cùng bọn trẻ khi trở lại Sài Gòn vào tháng 1-1968 kể từ chuyến đi viết bài trước Tết. Trước đây, ngày lễ là dấu hiệu nghỉ ngơi giữa hai cuộc chiến và một lần nữa cả cộng sản và Sài Gòn tiếp tục truyền thống khi tuyên bố ngừng bắn phá.

Thành phố im lặng vào chiều 29. Thậm chí những người bán rong trên đường cũng đã về nhà, những kẻ bụi đời, lang thang tụ tập trong những lối đi vào cửa hàng, đếm tiền hoặc nằm dài lười nhác trên vỉa hè. Tôi lái xe qua đường Nguyễn Huệ, qua kênh Khánh Hội và dọc đường Trịnh minh. Nhà hàng Guillaume Tell trang trí giấy màu sặc sỡ với những dải pháo treo trước cổng. Những nhà riêng trong thành phố có pháo bông và cờ. Mọi người chuẩn bị tổ chức một cái Tết xa xỉ nhất vì bị thuyết phục bởi sự tuyên truyền của chính phủ rằng mối đe dọa của quân đội cộng sản được đẩy lùi vào biên giới quốc gia và chiến thắng đang tới gần.

Đêm đó tôi viết một bài phân tích về cuộc khủng hoảng đang phát triển tại căn cứ lính thủy đánh bộ ở Khe Sanh mà tôi đã ở đó cả tuần trước, một vài người so sánh điểm yếu của nó với sự bố trí của người Pháp tại Điện Biên Phủ và tương lai của những căn cứ quân sự ở xa là sự chú ý của chỉ huy tối cao Mỹ.

Buổi sáng hôm sau, nỗi lo lắng của họ càng lớn hơn bởi những cuộc tấn công không mong đợi trên diện rộng của cộng sản tại sáu thành phố miền Trung và khu vực phía Bắc phá bỏ quyết định ngừng bắn trong những vùng này. Vào giờ giới nghiêm ban đêm, Sài Gòn không bị cản trở khi hàng nghìn người đổ ra đường đón giao thừa, tết Mậu Thân, năm con Khỉ.

Tôi tham gia chuẩn bị cùng gia đình, chúng tôi vui vẻ làm theo sự chỉ dẫn từ cha của Nina, kho tri thức truyền thống và là nhà đạo diễn cho các hoạt động có tính chất tôn giáo của gia đình. Nina và các chị em được yêu cầu mặc áo dài nhưng họ có vẻ thích những bộ đồ Tây hơn. Chúng tôi tập trung vào buổi tối muộn ở phòng khách rộng rãi của bố mẹ, sáng rực với những bông hoa tươi. Cha của Nina mặc một áo choàng màu xám bên ngoài bộ đồ vest. Khi cả gia đình cúi đầu khấn, ông hát tạ ơn đức Phật ở bàn thờ nhỏ với những que hương đang cháy, xung quanh là những đĩa kẹo và hoa quả, phần cho linh hồn của ông bà tổ tiên. Bên ngoài ngôi nhà lợp ngói vàng, chúng tôi đốt những ống pháo treo trên cành cây gỗ dái ngựa lâu năm.

Tiếng ồn ào trong sân sau pha lẫn tiếng nổ từ vùng lân cận và ngay tức thì lan ra toàn bộ thành phố. Đó là lần đầu tiên trong nhiều năm, Sài Gòn được phép đốt pháo. Sau đó chúng tôi trao nhau bao lì xì màu đỏ đựng những đồng tiền mới may mắn. Chúng tôi nhâm nhi sâm oanh, đánh giá vận may của nhau trong nghề kinh doanh và cùng ăn bữa tối.

Khi chúng tôi về nhà, cha của Nina hướng dẫn chúng tôi những quy định nghiêm ngặt của nghề hàng hải do những biểu cột chiêm tinh của chúng tôi quyết định. Và tôi lái quanh co cùng với Nina xem xét cẩn thận nếu tôi lái về hướng Tây là xúc phạm những linh hồn tốt lành.

Tiếng nổ của những tràng pháo gần đó thức tỉnh tôi và tôi gọi cho Ed White ở văn phòng. Anh ta vừa hoàn thành xong phần tóm tắt tin tức buổi tối và quá mệt mỏi để nói chuyện phiếm. Anh ta nói: “Peter, giờ là 1 giờ 15 sáng rồi, tôi chuẩn bị về nhà đây".

Tôi ngủ chập chờn được một lúc, máy điều hòa trong phòng ngủ chúng tôi kêu ủ ù có tiếng ồn ào đập vào cửa sổ như thể ai đó đang dùng búa đập vào mành cửa. Tôi biết rằng đây không phải là tiếng pháo từ chiến trường mà là một súng máy cự li lớn đang bắn phá ở đại lộ Pasteur cách đó không xa. Đây là một loại vũ khí có mức độ sát thương lớn không được sử dụng ở Sài Gòn từ sau vụ đảo chính Tổng thống Ngô Đình Diệm cách đó bốn năm. Tôi vội vàng đưa Nina, Elsa, Andrew và người giúp việc vào phòng tắm lợp mái mà tôi nghĩ an toàn hơn phần còn lại của căn hộ và che họ bằng những chiếc đệm giường.

Tôi mở cửa sổ phòng ngủ, chứng kiến cuộc chiến đã tới thành phố. Những viên đạn lửa rít qua bầu trời gần Dinh Tổng thống, Đại sứ quán Mỹ và những tiếng lựu đạn, rocket nổ vang trời trong đêm. Tôi gọi tới văn phòng và Bob Tuskman trả lời, giọng anh ta the thé vì kích động: "Lạy Chúa, chúng đang bắn phá thành phố”. Tôi nói tôi đang trên đường tới văn phòng.

Tôi nhìn vào nhà tắm nhận ra vợ con tôi cũng nguy hiểm như những người tôi thường chụp ảnh trong những ngôi làng bị oanh tạc ở vùng nông thôn. Tôi lưỡng lự một lúc, miễn cưỡng để họ ở lại một mình tới khi đưa ra lí do chẳng có chỗ nào cho họ đi cho tới khi trời sáng. Tôi nói với Nina tôi sẽ trở về với họ khi cô ấy đang dỗ Elsa mới ba tháng tuổi. Khi tôi thận trọng mở cửa căn hộ, súng máy lại đồng loạt bắn phá, nhả đạn theo hướng Dinh Tổng thống ở đường Công Lý cách đó hai tòa nhà.

Tôi chờ ngớt tiếng súng mới bước ra ngoài trong ánh sáng đèn, giơ hai tay lên tỏ sự thân thiện với những tay súng máy có thể nhìn thấy sau hàng rào bao cát trên đường. Tôi mặc áo sơ mi, quần vải, mỉm cười và thét lên: "Báo chí, phóng viên" và đi bộ về phía họ. Không có phản ứng gì, tôi tiếp tục đi xuống đại lộ Pasteur tới đường Lê Thánh Tôn, cẩn thận qua một chốt gác bên ngoài Tòa thị chính thành phố và tới tòa nhà Den, người gác cổng gốc Ấn Độ nhanh chóng mở cửa để tôi vào

Ed White ở trong văn phòng cùng Tuskman, George Esper và tất cả đều làm việc trên điện thoại, chuyển những bản tin bổ sung về New York. Chúng tôi cần những thông tin trực tiếp, do vậy tôi giật lấy chìa khóa xe jeep của văn phòng, khởi hành cùng các phóng viên ảnh John Nance và Joe Holloway.

Tôi lái tới đường Tự Do, tới nhà thờ ở quảng trường F.Kennedy. Hành trình của chúng tôi tới Đại sứ quán bị chặn lại bởi những xe jeep chở đầy cảnh sát quân đội Hoa Kỳ. Một trong số họ yêu cầu chúng tôi rời đi và chúng tôi không ở đó để cãi nhau.

Chúng tôi quay trở lại nhưng quyết định tới đó bằng đường khác, qua những đại lộ vắng người, qua chợ trung tâm, lên dường Lê Văn Duyệt tới gần nhà hàng Club Hippique. Bắn phá vẫn tiếp diễn ở Dinh Tổng thống. Chúng tôi ngoặt sang đường Nguyễn Du để nhìn gần hơn và trực tiếp quan sát cuộc tấn công.

Những tràng nổ dài của các loại vũ khí bắn phá tự động quét lia trên đầu chúng tôi, Holloway và Nance quát tôi dừng lại. Tôi bật đèn và cả ba chúng tôi nhảy xuống dưới xe khi đạn bay tới những hàng rào bao cát của sĩ quan Meyerkord đóng ngay sau chúng tôi.

Chúng tôi ở đó khoảng nửa giờ, nỗi sợ hãi đe dọa mạng sống tới khi một xe jeep cảnh sát quân đội người Australia tới cứu, yểm trợ cho chúng tôi bằng một loạt đạn giúp tôi có thời gian quay đầu xe và chạy đi. Chúng tôi hiểu rằng chúng tôi bị một đội biệt kích Việt Cộng rút lui từ cuộc tấn công ở cổng phía nam Dinh Tổng thống không thành công, lánh tạm vào một khách sạn của dân chưa hoàn thành ở bên kia đường tấn công.

Khoảng 4 giờ 30 phút sáng khi chúng tôi trở lại văn phòng thì có cuộc gọi từ Trưởng phòng thông tin USLS Barry Zorthian nói muốn có câu chuyện chính xác về những gì đang diễn ra và bảo tôi nên gọi điện cho Điều phối nhiệm vụ Mỹ, cựu chiến binh George Jacobson, người hiện đang rơi vào bẫy của du kích Việt Cộng ở biệt thự của ông ta trong sân đại sứ quán. Jacobson nói với tôi rất nhiều biệt kích cộng sản đã vượt tường và đang nấp trong sân đại sứ quán, bắn những loạt súng bazoca vào mặt tiền tòa nhà công lý tám tầng mới xây để vào trong.

Cửa sổ phòng ngủ của Jacobson bị một trái rocket đập vỡ, và ông ta nói đã tự trang bị cho mình một quả lựu đạn trong tình huống cuối cùng. Ông ta vẫn tỏ ra khá bình tĩnh, một cựu chiến binh từng phục vụ chín năm ở Việt Nam và những lời bình luận cuối cùng của ông ta là Việt Cộng "đang tính đến bùng nổ to lớn trên toàn cầu với những hoạt động của họ". Tôi ngạc nhiên về những lời bình luận từ một sĩ quan lâu năm, sợ hãi núp trong phòng ngủ nhưng lại cố tìm ra lời giải thích đáng tin cậy cho những gì đang diễn ra.

Khi viết câu chuyện đó, tôi khó có thể tin vào sự táo bạo liều lĩnh của Việt Cộng không chỉ tấn công vào Đại sứ quán Mỹ mà khi chúng tôi nhận các cuộc điện thoại quanh thành phố thì họ cũng tiến hành các cuộc phản công dữ dội vào hàng tá mục tiêu khác trên toàn Sài Gòn. Lúc này là thời cơ cho họ tới bước quyết định.

Trong dự đoán cuối năm 1967, tôi đã khoác lác về quan điểm lạc quan vào cuộc chiến và dự đoán "những trận chiến lớn nhất và đẫm máu nhất vẫn sẽ tiếp diễn ở Việt Nam" nhưng không bao giờ trong sự tưởng tượng dù là điên rồ nhất rằng tôi có thể chứng kiến cuộc chiến ngay tại cửa nhà mình. Đó có thể là sự táo bạo công khai như Jacobson đã nói với tôi nhưng rõ ràng đó là câu chuyện mà chúng tôi không thể lờ đi.

Ngay sau đó chúng tôi lại đi về phía đại sứ quán. Lần này đi bộ qua công viên phía trước Dinh Tổng thống, tránh lính gác quân đội. Chúng tôi dễ dàng nhận thấy những nhân viên an ninh trong bóng tối, trú ẩn phía sau cây trong công viên và họ cũng chẳng buồn cố gắng ngăn khi chúng tôi đi vòng quanh nhà thờ bằng gạch đỏ, về phía đường Duy Tân tới đại lộ Thống Nhất và rẽ phía đông bắc về phía Đại sứ quán Mỹ.

Những đợt nổ rocket và tiếng đạn kéo chúng tôi đi xa hơn về phía đại lộ, qua văn phòng chỉ huy của tòa nhà RMK-BRJ xây dựng kiểu Texas tới đường Hai Bà Trưng, nơi có tòa nhà đại sứ quán sáu tầng phía sau bờ tường bê tông cao 8 foot vượt trên chúng tôi trong bóng tối. Chúng tôi lách dọc theo đường và núp mình càng gọn càng tốt bên cạnh hàng rào. Đại lộ này là hành lang bắn phá, tiếng súng oanh tạc liên tục trên đầu chúng tôi, rơi phịch vào thân cây và tường. Cảnh sát quân đội Mỹ ở Tiểu đoàn 716 đã chiếm được tầng trên một căn hộ bên kia đường và hướng đạn của họ vào sân Đại sứ quán. Việt Cộng ở bên trong bắn trả lại.

Ánh sáng đầu tiên của hoàng hôn màu xám soi rõ quang cảnh. Giữa đường là chiếc xe mui kín Citroen đen, người lái xe đã nhảy ra phía sau bánh xe bằng thép. Nance chạy lại nơi trú ẩn sau chiếc xe, theo dõi tòa nhà Đại sứ quán gần hơn nhưng chạy gấp trở lại khi có bắn phá gần chúng tôi. Bên ngoài cửa đại sứ quán là hai xe bất động khác. Những mảng bê tông vỡ văng đầy bụi mà Việt Cộng tạo ra lấy lối vào sân Đại sứ quán.

Tôi phân vân không biết chuyện gì xảy ra với George Jacobson, không biết ông ta có còn ở trong nhà của mình không. Tôi luồn trở lại đường Hai Bà Trưng, giải thích dự đoán của ông ta với một đại úy lính thủy đánh bộ trẻ tên là Robert O'Brien đến cùng lực lượng lính thủy đánh bộ tăng cường, đang nói trên bộ đàm trong xe jeep ở góc đường. Anh ta nói đã hiểu vấn đề và đang liên lạc bộ đàm với nhân viên của Đại sứ quán bên trong tòa nhà để tiếp sức cho họ và khuyên họ phải cố gắng chịu đựng vì phản công là quá nguy hiểm trong bóng tối.

Tôi nhìn thấy những cảnh sát quân đội bò dọc theo máng nước, đường đi bộ cạnh tường Đại sứ quán tiến lên phía trước chúng tôi, di chuyển vào vị trí tấn công trong khi những người khác dàn thế trận yểm trợ. Tôi cố kìm mong muốn chạy tới chiếc điện thoại gần nhất thông báo về văn phòng thay vì ở lại giữ vị trí. Tại vị trí này chỉ có Phóng viên thường trú duy nhất Don North của truyền hình ABC tham gia cùng chúng tôi và anh ta không cạnh tranh với AP. Một tá trực thăng Hueys tiến thấp vào khu vườn sở thú Sài Gòn cuối đại lộ. Họ hướng về phía chúng tôi. Tôi nhận ra họ cố gắng tiến hành một cuộc tấn công vào đại sứ quán.

Nance trở lại vị trí quan sát thuận lợi của mình thì một binh nhì nhảy lên đập vai vào chiếc cửa sắt của Đại sứ quán. Nó bật tung và cảnh sát quân đội ùa vào sau tiếng nổ lựu đạn tay và súng máy tự động. Chúng tôi có thể nhìn thấy chiếc trực thăng đầu tiên đang cố gắng hạ cánh trên mái nhà Đại sứ quán. Trong hàng rào đạn bắn, nó bay đi và biến mất. Ngay sau đó rất nhiều lính ở phía trong cửa để ra đường cùng chúng tôi chĩa súng về những tầng giữa của tòa nhà.

Việt Cộng không chỉ ở trong sân mà họ đã chiếm lĩnh được tầng trên của Đại sứ quán. Tôi hỏi một lính trông nhếch nhác xem có chắc không và anh ta đáp lại, "ôi Chúa ơi, có chứ, chúng tôi đang bắn lên đó đây, cúi cái đầu xuống". Tôi chạy tới văn phòng của một công ty xây dựng ở bên đường, một lính gác đã cho tôi sử dụng điện thoại ở tiền sảnh.

Ed White lặng lẽ đọc bài viết của tôi. Tôi không cần phải nhắc rằng tôi đang chứng kiến một trong những cảnh giật gân nhất của toàn bộ cuộc chiến và tôi nhanh chóng trở lại góc đường Hai Bà Trưng nơi những đồng nghiệp của tôi đang tập trung có Tom Buckley và Charles Mohr của tờ Thời báo New York, Peter Braestrup và Lee Lescaze của tờ Washington Post và Francois Sully của tờ Tin tức hàng tuần. Chúng tôi trao đổi thông tin với nhau, buôn chuyện cùng lính và sĩ quan, chờ đợi tiến triển tiếp theo.

Mọi chuyện không diễn ra trong một giờ. Cuộc tấn công trực thăng lần thứ hai bắt đầu và lần này chúng tôi nhìn thấy lính ở Sư đoàn 101 nhảy xuống từ mái nhà Đại sứ quán. Tôi nhìn thấy phóng viên thường trú Howard Tuckner của NBC và phóng viên quay phim của anh ta, Võ Huỳnh đi theo một đội cảnh sát quân đội qua cổng trước vào bên trong sân Đại sứ quán.

Ngay sau đó chúng tôi tiến vào cùng họ, ngạc nhiên với cuộc chiến dữ dội bên trong. Một lỗ thủng lớn trên bức tường bảo hộ, biểu tượng của Hoa Kỳ bị bắn thủng rơi xuống từ phía trên cửa, tiền sánh hỗn độn. Có một nhóm Việt Cộng đã chết trong bộ đồ xanh nâu, đeo băng tay màu đỏ và một vài xác người Mỹ, máu của họ bắn tóe trên lối đi và tường.

Chúng tôi giật mình hoảng hốt với loạt súng từ phía sau tòa nhà Đại sứ quán. Chúng tôi nhanh chóng chạy ra phía sau để xem, George Jacobson xuất hiện tát nhợt từ biệt thự của mình. Một tay Việt Cộng đột nhập vào nhà ông ta, trốn trong nhà tắm, cố gắng bắn ông ta bằng khẩu súng trường tự động. Jacobson đã giết kẻ tấn công bằng hai phát súng lục mà ai đó đã ném cho ông ta từ trước đó.

Tướng Westmoreland tới ngay sau đó. Sự tự tin của ông ta không nhàu nhĩ như bộ quần áo kaki đang mặc. Ông ta nói với phóng viên rằng Việt Cộng đã mang một lượng lớn chất nổ để thổi tung Đại sứ quán nhưng "Kế hoạch hoàn hảo của kẻ thù đã thất bại". Đó là cách đánh giá thiếu quan sát mà rất nhiều người trong giới báo chí nhận xét, chúng tôi không hoàn toàn tin khi ông ta quả quyết không một người lính Việt Cộng nào vào được tòa nhà chính của Đại sứ quán.

Chúng tôi trích dẫn đầy đủ những nhận xét của ông ta nhưng kèm theo những gì chúng tôi đã chứng kiến tại hiện trường rằng có loạt đạn bắn phá từ những phòng phía trên trong các bài viết của mình. Về mặt kĩ thuật, vị tướng đó đúng và thực tế chúng tôi công nhận 19 du kích Việt Cộng từ lực lượng 10.000 người trải khắp thành phố đã gây bất ngờ cho lính gác Đại sứ quán, giết năm người trong số họ khi nổ tung bức tường bảo vệ để lấy lối vào, chiếm cứ khu vườn trong vòng sáu tiếng nhưng thực sự chưa vào được bên trong tòa nhà chính.

Tôi lắng nghe Westmoreland tự tin tuyên bố lực lượng Mỹ đã vào vị trí phòng thủ còn kẻ thù thì đã bỏ chạy. Tôi lắng nghe trong sự hồi tưởng những lời nói của người tiền nhiệm ông ta, Tướng Paul D.Harkins tại đường băng Tân Hiệp vào tháng 1-1963 khi ông ta nói với David Halberstam và tôi rằng tuy trận Ấp Bắc tổn thất lớn cho cả người Mỹ và Cộng hòa nhưng là một chiến thắng về phía chúng tôi vì “kẻ thù đã bỏ chạy".

Sáu năm và một nửa triệu lính Mỹ sau đó, trận chiến Ấp Bắc lại bất ngờ đến với Sài Gòn và mọi thành phố trong cả nước và lời đáp lại từ chỉ huy tối cao của Mỹ vẫn chỉ là lạc quan. Nhưng không giống trận chiến trước đây khi Việt Nam là vấn đề mơ hồ trong phản công khi chiến dịch Tết Mậu Thân lại xảy ra trong một năm bầu cử tổng thống Mỹ, khi ánh sáng của những bản tin truyền hình và những câu trả lời cũ kĩ sẽ không còn đủ sức nữa.

TIÊU DIỆT THÀNH PHỐ ĐỂ CỨU NÓ


Điều ngạc nhiên đã kết thúc. Chiến dịch Tết Mậu Thân tràn qua Sài Gòn giống như sóng thủy triều trên vùng đất bồi đắp. Bốn triệu người dân thành phố hoảng sợ ẩn náu sau những cánh cửa khóa trái và cửa sổ buông rèm. Du kích Việt Cộng có vũ trang di chuyển vào những vùng đông dân và chiếm đóng đường phố, những biệt thự, các chùa... dường như chuẩn bị sẵn sàng chiến đấu tới cùng.

Các nhân viên AP trên đường đi làm bắt gặp những câu chuyện đau lòng về những vụ chạm trán. Ba người bị giết trên đường gần ngôi nhà của một nhân viên truyền ảnh bằng radio ở Chợ Lớn. Phóng viên ảnh Dân Văn Phước ngồi hoảng sợ trong bóng tối tại nhà riêng ở Gia Định khi Việt Cộng đập cửa nhà anh ta và hàng xóm, yêu cầu mọi người ra ngoài đường, bắn súng chỉ thiên với lời tuyên bố họ đã giải phóng thành phố, một nhân viên kĩ thuật phòng ảnh đi bộ ở cuối hẻm gần chùa Ấn Quang, giật mình bị một tá lính Việt Cộng có vũ trang vây lại nhưng họ để anh ta đi sau khi thuyết giảng những tôi ác của chính quyền.

Ursula Faas gọi cho Horst từ nhà ở Chợ Lớn để kể một cảnh sát bị bắn chết trên đường lái xe về nhà. Horst nói với cô ta đóng cửa sổ lại, khóa cửa ra vào và chờ ở đó đến khi hết bạo loạn. Giống như đối với chúng tôi, anh ta không kiên nhẫn với những trách nhiệm cá nhân.

Tôi đưa Nina và bọn trẻ rời căn hộ đến nhà bố mẹ nhưng sau đó cũng có rất ít thời gian tới thăm họ. Chúng tôi biết chúng tôi đang làm tin về sự kiện lớn nhất trong nghề nghiệp của mình.

Chúng tôi nhận ra bốn nghìn lính cộng sản nhận nhiệm vụ tấn công trung tâm Sài Gòn và gấp hai lần số đó đang chiến đấu ở vùng ngoại ô. Giống như lính Hy Lạp huyền thoại trốn trong ngựa gỗ để thâm nhập vào thành Troy, Việt Cộng đã sử dụng yếu tố bất ngờ để bắt đầu cuộc tấn công của mình. Một số cải trang và giấu vũ khí trong những xe chở hoa và những nông phẩm mang ra chợ thành phố. Những người khác đi bằng xe bus và xe máy ga mang theo những tài liệu giả mạo chữ kí, lấy vũ khí giấu trước đó trong những ngôi nhà an toàn.

Các nhân viên Mỹ nghi ngờ sự yên ắng của Việt Cộng trong dịp Tết và dự đoán về sự bùng nổ tức giận của công chúng. Nhưng dường như người dân Việt Nam quá hoảng sợ để tức giận và giữ cái đầu của họ lắng xuống.

Tại sở chỉ huy ở Biên Hòa, John Paul Vann nói rằng "Chúa ơi, chúng tôi biết rằng Việt Cộng sẽ làm điều gì đó, nhưng không tin đây là sự thật", anh ta lau mặt, lắc đầu. Chiến dịch Mậu Thân khẳng định lời cảnh báo của anh ta. Anh ta luôn tranh luận rằng số phận miền Nam Việt Nam dựa vào việc tăng cường động cơ và khả năng của chính lượng lực vũ trang, nhưng Việt Cộng tận dụng sự yếu kém muôn thuở của quân đội Cộng hòa, đặc biệt là hàng rào an ninh lỏng lẻo quanh Sài Gòn và 43 tỉnh thành. 

Khi chúng tôi vất vả làm tin về chiến dịch Mậu Thân, tìm hiểu ý nghĩa của nó thì mức độ đầy đủ của cuộc tấn công trở nên rõ ràng. Chúng tôi ra đường vào bình minh, dành thời gian đi cùng cảnh sát quân đội dọc các con đường đầy xác người, ngụp lặn qua những đoạn giao nhau cùng lính Việt, qua những vùng rocket và cháy nổ, ngồi trên xe tăng Mỹ và xe bọc thép.

Tôi dành một ngày đi cùng Tiểu đoàn Không vận 8 gồm người Việt đến sân gôn Sài Gòn, nơi cuộc chiến khắc nghiệt nhuốm đầy máu trên các kênh đào và mặt sân bị thủng do súng cối và rocket nổ. Đêm đó tôi viết: "Giống như phát bóng thứ bảy của sân gôn duy nhất Sài Gòn bạn có thể ngắm bắn bằng khẩu súng lục hai nòng vào trụ sở chỉ huy của một đại đội lính Việt Cộng".

Tôi cảm nhận mình đủ hiểu thành phố để tự đi. Đôi khi tôi lái xe dọc bên đường và các ngõ tới thăm những người bạn và người quen đang bị cuộc chiến và nỗi sợ hãi cô lập. Đặc vụ chiến tranh tâm lý Rón Flemming đồng ý để tôi vào nhà của anh ta sau khi tôi bấm còi vài phút. Anh ta cảnh báo tôi cẩn thận khi chúng tôi đi qua bức tường. Quần áo của Flemming lấm bẩn và anh ta không cạo râu trong vài ngày. Anh ta buộc một khẩu súng ở đùi và mang theo khẩu súng trường M-14 trên tay.

"Ngoài kia chẳng có luật nào hết, mọi người hãy tự cứu lấy mình", anh ta thì thào, vươn người hết cỡ, ngắm khẩu súng trường của mình cẩn thận phía trên bức tường và kéo cò súng. Có một lính Việt Cộng đang trốn trong tòa nhà bên cạnh, "kẻ bắn tỉa hàng xóm thân thiện", người đang quấy rầy ngôi nhà anh ta. Tiếng nổ vang dội xung quanh khu vực những tòa nhà bằng bê tông kiên cố.

Tôi ngạc nhiên với sự tinh thông của Flemming. Anh ta là dân thường, tốt nghiệp Đại học Harvard trước đó ba năm và giờ đi vòng quanh với bộ dạng một tay lính người Ấn Độ. Khi tôi rời khỏi đó, tay bắn tỉa hàng xóm bắt đầu bắn và Flemming đáp trả lại. 

Cuối ngày thứ ba của chiến dịch Mậu Thân, thành phố vẫn im lìm với lệnh giới nghiêm 24 giờ, tôi viết một bài phóng sự: "Cửa hàng duy nhất mở cửa trên toàn bộ Sài Gòn ngày thứ sáu là những cửa hàng bán quan tài". Những người thợ nề liên tục xẻ cưa và đóng những tấm ván bằng gỗ để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng muốn mua những chiếc quan tài trang trí biểu tượng tôn giáo lòe loẹt.

Tôi biết rằng trong cuộc chiến tàn khốc đó, có rất nhiều xác chết không được xác minh sẽ không thể được chôn cất tươm tất, trang nghiêm. Thực tế tôi phát hiện ra nơi yên nghỉ cuối cùng của họ là ba cái mộ lớn do những xe ủi đào trong một nghĩa trang cổ bỏ không phía tây Sài Gòn. Mỗi mộ là một hố dài chứa 600 xác chết xếp chồng năm tầng, một cố gắng không thành công để giảm bớt mùi thối rữa bằng cách rắc lớp vôi bột lên trên. Các nhân viên nghĩa trang nói rằng hầu hết các xác chết là những người Việt Cộng nhưng tôi nhận ra trong hai ngôi mộ tập thể ấy có cả xác phụ nữ và trẻ em nằm bên cạnh những người đàn ông và họ là những gia đình bị chết trong cuộc chiến mà không ai xác nhận.

Một người đàn bà thổn thức giật tay tôi và nói đã mất con trai và không ai tình nguyện giúp bà ta lật hàng trăm cái xác lên để tìm nó. Và tôi cũng không thể giúp bà ta. Rất nhiều trẻ em đường phố lượn lờ quanh đó với khăn mùi xoa buộc quanh mặt chống mùi và những chiếc túi phình to đầy vật ăn cắp từ những xác chết. Chúng tìm kiếm những xe tải chở rác đến cùng những xác chết.

Bob Tuckman phàn nàn anh ta quá nhiều việc ở văn phòng tới mức chẳng thể ra ngoài xem chuyện gì diễn ra, do vậy tôi rủ anh ta đi cùng tôi một vòng quanh thành phố. Anh ta chui ngay vào xe jeep nhỏ của AP và chúng tôi lái dọc theo những con đường vắng vẻ như Lê Lợi, Trần Hưng Đạo, về phía khu người Hoa của Chợ Lớn, nơi cuộc chiến đang tiếp diễn. Chẳng ai cố gắng lập lại trật tự ở đó. Chúng tôi lái xe qua trạm xăng ở góc đường Bùi Hữu Nghĩa nơi có sáu xác chết nằm thối rữa trong ánh nắng mặt trời buổi trưa, máu từ những vết thương của họ đã khô đóng thành mảng đen trên vỉa hè và cơ thể của họ biến dạng không thể nhận ra.

Tôi giải thích cho Tuckman rằng lực lượng cảnh sát Sài Gòn đã biến mất vào đêm xảy ra chiến dịch Mậu Thân và họ không xuất hiện trở lại. Ưu thế của lực lượng quân đội là dọn sạch Việt Cộng trước khi họ dọn sạch các con đường. Chúng tôi tiếp tục đi dọc các đường phố lớn, Chợ Lớn thường tấp nập buôn bán nhưng giờ không một bóng người. Cuối cùng chúng tôi tới một trường đua trên con đường có các tòa nhà bị phá hủy hoàn toàn. Đại úy của Tiểu đoàn Lính thủy đánh bộ người Việt 6 phàn nàn rằng: "Chiến đấu ở vùng ngoại ô dễ hơn nhiều so với ở đây".

Tuckman lưu ý tình hình còn tồi tệ hơn trong những khu vực của thành phố do Việt Cộng kiểm soát. Anh ta tái nhợt đi khi tôi nói tôi vừa đi qua một phần đó. "Chết tiệt", anh ta lẩm bẩm, "Chúng ta đang mạo hiểm mạng sống ngoài này". Tôi đồng tình, "ít nhất anh là Trưởng phân xã, người cùng chia sẻ sự mạo hiểm của chúng ta".

Thực tế tôi muốn được chạm trán trực tiếp với những người lính cộng sản ở Sài Gòn, một cơ hội không bao giờ có ở vùng nông thôn, nơi cả hai bên bắn trước rồi hỏi sau. Rất nhiều phóng viên ở thành phố và Huế bị rơi vào tay Việt Cộng. Phóng viên người Hàn Quốc Kim Kyung-kuk đã bị giết ở Sài Gòn cùng một trong những nhân viên đại sứ quán của anh ta.

Nhưng một trong những phóng viên được tha người Ý, Alessandro Casella sau này kể lại cho tôi nghe anh ta và ba phóng viên truyền hình thường trú người Pháp trải qua ba giờ giam cầm trong một căn nhà ở Chợ Lớn như thế nào và họ được đối xứ rất lịch sự, được mời trà trong khi bị canh gác. Trước khi được thả, họ được một người đàn ông giới thiệu ông ta là đại diện báo chí của Mặt trận giải phóng Dân tộc.

Đây là mặt khác của cuộc chiến tranh mà chúng tôi không nên bàn luận. Chúng tôi buộc phải tìm hiểu những mặt trái của chiến trường liên quan tới những điều không thỏa đáng của người Mỹ hay miền nam Việt Nam hơn là tài năng của Việt Cộng. Không có hạn chế nào với những bài viết của chúng tôi về sự dũng cảm hay tội lỗi của binh lính Mỹ.

Chúng tôi có thể ca ngợi hay cười chê những chiến thuật của chỉ huy Hoa Kỳ như những nhân tố đem lại thắng lợi hay thất bại. Dễ hiểu rằng trong khi chúng tôi có thể viết tiêu cực về kẻ thù thì chúng tôi không được tập trung vào ưu điểm quân đội của họ đang là nhân tố leo thang của chiến tranh, cũng như chiến lược bất tài của người Mỹ.

Nếu chúng tôi viết rằng những kẻ tấn công Việt Cộng và lực lượng Hà Nội nhìn chung được huấn luyện xuất sắc, có động lực tốt và tin tưởng vào động cơ cách mạng của họ thì đồng nghĩa với việc chúng tôi bị buộc thôi việc ở AP. Chúng tôi bị các biên tập cản trở khi nói rằng xung đột Việt Nam chứa đựng các nhân tố quan trọng của nội chiến mặc dù mỗi người Việt Nam đều biết sự thật đằng sau nó.

Tôi hiểu sự lúng túng của giới công chúng Mỹ về tiến trình chiến tranh. Chính phủ của họ nói rằng những người cộng sản đã bị khống chế và con trai của họ sẽ nhanh chóng trở về. Sau đó là đến Tết. Tôi ngạc nhiên về mức độ rộng lớn của chiến dịch chứ không phải tính chất kiên cường hay táo bạo. Kĩ năng, sự bền bỉ và khả năng tiến lên của du kích Việt Cộng trong những điều kiện khó khăn nhất chưa bao giờ được minh chứng rõ ràng cho tới tận chiến dịch Tết Mậu Thân.

Tôi nói chuyện với gia đình Nina về nỗi sợ hãi nếu rơi vào tay Việt Cộng. Gia đình Nina là mục tiêu tiềm năng vì họ chạy trốn khỏi Hà Nội từ nhiều năm trước, trốn chạy những người cộng sản. Nhưng Thảo, người giúp việc nhỏ tuổi nhất nói to bằng giọng tự tin. Em nói không sợ bởi vì những người cộng sản chỉ quan tâm tới việc tấn công "những người giàu và những người Mỹ" và em vô hại vì em nghèo khó.
Em không phải là người ủng hộ tích cực cho những kẻ tấn công và tôi phân vân có phải hàng triệu người khác ở Sài Gòn có cảm thấy thông cảm cho phía cộng sản hay không. Tôi chẳng bao giờ theo đuổi câu chuyện đó vì giả thuyết đó không thích hợp trong không khí chính trị thời đại.

Lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ không thể đưa ra lời giải thích thích đáng cho chiến dịch Tết Mậu Thân vì họ lúng túng khi thể hiện sự coi thường đối với Việt Cộng và khả năng quân sự của người Bắc Việt. Sự kính trọng ngày càng lớn của lính bộ binh Mỹ dành cho "ngài Charle" cái tên họ gọi trước đó, dành cho lính cộng sản ở chiến trường.

Trong một cuộc phỏng vấn với Wes Gallagher tới Sài Gòn vào tháng 2 để tập hợp nhân viên, Westmoreland gọi Tết là "Chiến trường phồng ra" một cụm từ liên quan tới cuộc phản công thất bại của quân đội Đức chống lại lực lượng liên minh tại Bastogne gần cuối Chiến tranh thế giới thứ hai.

Đối với Westmoreland, Tết chỉ là ván bài liều lĩnh cuối cùng của Việt Cộng trước chiến thắng chắc chắn xảy ra với quân đội Hoa Kỳ. Sự tự tin của ông ta không hề lung lay, ông ta tin tường chiến thắng sẽ đến nếu có thêm một lần leo thang chiến tranh nữa.

Lệnh giới nghiêm làm cho việc đi lại quanh thành phố vào buổi tối rất nguy hiểm. Các nhân viên AP thường ngủ lại trong văn phòng hàng đêm. Chúng tôi ngủ trên võng, hoặc bàn và nhai vội những gói đồ ăn dành cho lính chiến trường mà Bob Tuckman mang về từ văn phòng thông tin quân đội Hoa Kỳ ở Khách sạn Rex bên kia đường. Chúng tôi hiểu rằng các tờ báo và đài truyền hình ở Hoa Kỳ và nhiều nơi khác trên thế giới đều ngạc nhiên với màn kịch mở ra ở Việt Nam.

Phòng ngoại sự AP yêu cầu những bài phân tích, phỏng vấn, những bài tường thuật và những bài phóng sự. Sài Gòn là trung tâm của câu chuyện. Ở Huế, lính cộng sản chiếm toàn bộ cố đô khi bắt đầu chiến dịch Mậu Thân và tham gia vào cuộc chiến tàn khốc với lính thủy đánh bộ Hoa Kỳ đang cố gắng chiếm lại ưu thế. Câu chuyện thứ ba là ở căn cứ lính thủy đánh bộ tại Khe Sanh mà John Wheeler đang đơn thương độc mã viết trong hoàn cảnh ác liệt nhất

Chúng tôi dành nhiều bài vở và ảnh cho văn phòng New York. Horst vẫn tiếp tục chụp ảnh dù anh ta vừa mới hồi phục vết thương rất nặng trong cuộc hành quân với lính bộ ở Sư đoàn 1 cách hai tháng trước. Chân trái của anh ta vẫn còn phải băng bó.

Một hôm một tay người Việt trông rắn mặt đi ủng và mặc quần quân đội, áo thường phục bước vào vớt bốn cuộn phim, tự giới thiệu mình là Huỳnh Công Phúc. "Tôi nghe nói AP trả năm đô la cho mỗi bức hình", anh ta hỏi. "Tôi có những bức hình từ cuộc chiến lớn". Không ai gặp anh ta trước đây nhưng trong một cuộn phim âm bản, Horst nhìn thấy bức hình đại tá miền Nam Việt Nam ôm đứa con đã bị chết với những giọt nước mắt đang chảy. Đó là một trong những bức ảnh đáng nhớ nhất của chiến dịch Mậu Thân. Anh ta trở lại nhiều lần cùng các bức hình nhưng rồi một ngày xin lỗi vì phải làm công việc thường nhật của mình. “anh làm gì?” Horst hỏi và Phúc nói, "Tôi có một công việc rất đơn giản. Tôi là người kiểm duyệt báo chí của chính phủ".

Những bức hình chiến dịch Mậu Thân càng khắc sâu ấn tượng rằng chính sách của Mỹ đã bị hủy diệt. Những hình ảnh được gửi đi các báo và được đưa lên truyền hình gây chấn động lớn.

Hàng ngày, những cảnh tượng khủng khiếp trên đường phố vẫn dược ghi lại qua những bức hình. Phóng viên ảnh AP Lê Ngọc Cung trở về một chiều cùng một cuộn phim cho thấy những hình ảnh rùng rợn về việc hành hình một Việt Cộng bị thương ở cầu Bình Lợi. Một nhóm lính thủy đánh bộ người Việt bắn anh ta khi anh ta nằm bị thương trong đống đổ nát ở một lán gỗ tồi tàn. Những chuỗi ảnh nhạy cảm hơn nằm trong máy ảnh của Eddie Adams. Tôi đang ở trong văn phòng thì Eddie chạy vào, chiếc áo chống đạn của anh ta lõng thõng. "Chết tiệt", anh ta nói. "Tướng Loan bắn một người ngay trước mắt tôi", anh ta hổn hển. Anh ta giơ ra cuộn phim. "Tôi hy vọng đã chụp được".

Tướng Nguyễn Ngọc Loan là chỉ huy Cảnh sát Quốc gia Việt Nam Cộng hòa, một con người đáng sợ, điều hành một tổ chức đáng sợ với phong cách khoa trương và tính khí thích lên cò. Khi chúng tôi chờ đợi cuộn phim được tráng ra, Eddie nói với chúng tôi anh ta đi cùng đội của NBC ở Chợ Lớn. Họ có mặt tại chỗ giao nhau ở chùa Ấn Quang thì nhìn thấy lính thủy đánh bộ người Việt dẫn một tù binh nhếch nhác, tay bị trói đằng sau về phía tướng Loan. Các phóng viên tiếp cận tay cảnh sát trưởng. Khi họ tới gần, Loan đưa khẩu súng lục lên ngang vai, bắn vào đầu tù nhân Việt Cộng. Khi hạ súng xuống, Loan quay sang đám phóng viên và nhận xét với một nụ cười nhạt nhẽo, "Bọn chúng đã giết rất nhiều người Mỹ và nhiều người dân của tôi" rồi bỏ đi.

Một vài phút sau đó nhân viên phòng tối giao đống phim cho Horst để soi ảnh qua kính lúp. Thường ngày hay có sự cạnh tranh nghề nghiệp giữa Horst và Eddie nhưng hôm đó không phải như vậy. Horsl lẩm nhẩm "chết tiệt" và giao nó cho Eddie trong tiếng thốt sửng sốt. Ở đó khoảnh khắc của thần chết, sự thể hiện dã man trên khuôn mặt tay tướng cảnh sát, đôi tay dang rộng, đặt khẩu súng lục lên vai và chỉ cách mặt nạn nhân vài centimét, khuôn mặt tù nhân lộ rõ sự sợ hãi vai viên tướng xoay mình khi anh ta bắt đầu bắn. Kĩ thuật quay phim của phóng viên NBC Võ Sửu đã bắt được khoảnh khắc vàng của toàn bộ cảnh đó bằng cuộn phim màu, nhưng bức hình của Eddie Dam được đưa lên trang nhất của những tờ báo quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Eddie chưa hoàn toàn hài lòng với bức ảnh mang lại cho anh ta giải thưởng Pulitzer, ghi tên anh vào lịch sử ngành nhiếp ảnh Mỹ. Anh ta cảm thấy đã phản bội những nỗ lực chiến tranh của nước Mỹ và hủy hoại danh tiếng của tay cảnh sát trưởng người Việt. Anh ta cảm thấy tay cảnh sát trưởng đó bị đẩy vào tình huống quá khích chỉ bởi những áp lực của chiến dịch Mậu Thân. Tôi không đồng ý với suy nghĩ đó. Bức ảnh của anh ta bắt được cái hồn man rợ của tướng Loan và cuộc chiến tranh.

Sự lộn xộn trên các đường phố ở Sài Gòn và những trận chiến mở rộng ở thành lũy cố đô Huế làm chỉ huy tối cao Mỹ điên tiết vì muốn điều khiển dòng chảy tuyên truyền. Cũng giống như vậy khi khủng hoảng đạo Phật năm 1963, đảo chính những năm 1964 và 1965, tình hình hoàn toàn vượt khỏi tầm kiểm soát không thể ngăn được những ảnh hường tiêu cực. .

AP tham gia tất cả các buổi họp chỉ thị Sài Gòn và viết toàn bộ những quan điểm công khai về các sự kiện gồm những đánh giá tình báo rằng cộng sản đưa ra những đánh giá lầm lớn. Phía cộng sản rõ ràng chịu nhiều tổn thất trên các trận tuyến và đang nhường chỗ cho lực lượng đồng minh. Trong khi đó những đơn vị tác chiến Mỹ cảm thấy hài lòng rằng họ đã dọn sạch thành phố và giành chiến thắng thì dân thường lại không chia sẻ cảm giác chiến thắng với họ. Run sợ, trốn trong nhà, có hàng trăm nghìn người tị nạn chỉ ở vùng đất Sài Gòn.

Hầu hết mọi tổn hại cũng như cuộc tấn công của cộng sản là cách đánh giá khắc nghiệt để đẩy lùi họ. Chúng tôi chứng kiến toàn bộ các tòa nhà của thành phố Sài Gòn trở thành những vùng bắn phá tự do của máy bay gắn súng (gunship) và xe tăng. Từ một trực thăng trên cao những luồng khói trải trên thành phố giống như vết chân của gã khổng lồ đi ủng có đóng đinh. Những hố xấu xí xuất hiện trên nền đất thành phố nơi từng có rất nhiều nhà và con đường nhỏ có Chợ Lớn, gần sân vận động Cộng Hòa và trường đua.

Lực lượng Mỹ AP dụng những chiến thuật đã được hoàn thiện ở vùng nông thôn vào. Trực thăng quân đội Hoa Kỳ thổi tung Việt Cộng, vang dội phía trên thành phố cùng những khẩu súng máy nhả đạn và rocket vào cộng đồng dân cư bên dưới. Những kẻ thả bom người Việt san bằng những lán nhà lợp lá của cư dân nghèo khó dọc kênh. Xe tăng và xe bọc thép chở lính. Những đội lính Mỹ mắt mở to ngạc nhiên, vừa trở về từ những cánh đồng và rừng rậm, phải đối mặt với trận chiến không quen thuộc ở những hẻm nhỏ trong vùng đông dân cư này.

Chiến dịch tết Mậu Thân lan rộng từ Sài Gòn tới toàn bộ vùng nông thôn, phát triển trên 36 thị xã và 64 thị trấn. Những người cộng sản xuất hiện từ những cánh đồng và rừng rậm, tràn qua lực lượng an ninh chính phủ vào khu trung tâm dân cư. Chỉ vài ngày trước đó, chỉ huy trưởng nhiệm vụ Bình định Hoa Kỳ, Robert Komer khoác lác với đám phóng viên rằng con đường quốc lộ 1 được mở từ Sài Gòn thông tới biên giới DMZ (khu phi quân sự) với phía Bắc Việt Nam. Khi tôi gặp John Paul Vann ở Biên Hòa ngay sau khi cuộc tấn công bắt đầu, anh ta nói hài hước về chuyện đó. "Đường quốc lộ có thể mở nhưng hãy cẩn thận những thành phố và thị trấn dọc con đường, rất nguy hiểm".

Những bản tin đến từ vùng ngoại ô nói về sự tàn phá chưa từng có Eddie Adams tới thăm thị xã Mỹ Tho và Vĩnh Long và trở về cùng những bức ảnh chiến trường. Anh ta nói với tôi: "Sự tàn phá thật ác liệt cậu biết không. Sự hủy diệt vẫn còn âm ỉ, người dân yên lặng nhìn chúng tôi căm thù, chúng tôi, những người Mỹ, họ không thích chúng tôi ở đó vì ném bom và dùng súng trực thăng".

Tôi muốn tự rình đi xem. Vào ngày 7-2 tôi đi cùng trực thăng không vận Caribou của quân đội Hoa Kỳ cùng nhiều phóng viên khác tới thăm Bến Tre, thị xã thuộc tỉnh Kiến Hòa, nép mình trên đoạn uốn khúc sông Mê Kông chảy qua đồng bằng, đó là địa hình cuối cùng vào biển Đông. Kiến Hòa luôn là tỉnh đầu tiên khi đánh giá những chương trình phản công của Mỹ và những hành động của chính phủ. Tôi đã ở đó một 1 tháng trước khi cuộc phản công bắt đầu.

Trực thăng vận của chúng tôi lao lên ầm ĩ trong không khí mỏng manh buổi sáng về phía nam. Tôi nhanh chóng nhận ra chúng tôi bay không đúng độ cao, khoảng 609m, khoảng cách mà bất kì ai ở dưới đất nếu muốn cũng có thể bắn hạ. Quy trình thông thường đối với phi công là bay tầm đỉnh ngọn cây hoặc cao hơn nhiều, tránh xa tầm bắn của súng trường.

Dick Swanson, một phóng viên ảnh của tạp chí Life ngồi cạnh tôi làm cử chỉ cắt ngang cổ khi anh ta nhìn ra qua cửa sổ trực thăng. Mười phút sau, có tiếng nổ lớn trong khoang hành khách. Cơ trưởng đang đứng ở cửa ra vào buồng phi công và anh ta ngã gục. Tôi đoán anh ta bị trúng đạn. Tay phi công nhìn lại đánh giá tình hình khi chiếc máy bay lắc và lao xuống dốc.

Ngay lập tức tôi nghĩ rằng động cơ đã hỏng và máy bay sẽ nổ. Những biểu hiện hoảng sợ tương tự hiện trên các khuôn mặt đồng nghiệp, chỉ một trường hợp ngoại lệ là Jack Foisie của tờ Thời báo Los Angeles, một tay phóng viên trẻ nhưng hói đầu thét câu yêu thích của mình vào thời điểm vui vẻ hoặc sợ hãi "Yahoo". Rất may, chúng tôi hạ cánh an toàn và tiếp tục tới Bến Tre. Mọi người nhận ra cơ trưởng chỉ bị ngất. Khi chúng tôi hạ cánh, Swanson lôi ra một khẩu súng trường từ trong túi đựng máy ảnh.

Những xe jeep đang đợi ở đường băng rải nhựa ven rừng đưa chúng tôi vào thành phố. Tôi để các đồng nghiệp đi trước, đi bộ về chòi gác bằng gỗ gần một lán quân đội, tôi nhìn thấy Thiếu tướng Chester L.Brown, sĩ quan lực lượng Không quân Hoa Kỳ, người đã cho tôi đi cùng trên trực thăng L-19 nhỏ bé của anh ta trong chuyến thăm lần trước. Browne đồng ý lái xe đưa tôi vào thành phố bằng xe jeep của mình. Anh ta cảnh báo tôi sẽ sốc khi chứng kiến Bến Tre bị tàn phá và rất nhiều người chết. "Đó là sự đáng tiếc cho người dân", anh ta giải thích, trong sự lúng túng phổ biến kiểu này, người dân không biết đâu là vùng chiến, họ không biết nơi nào để trốn, và một số vũ khí chúng ta đang sử dụng là vũ khí đánh phá cấp vùng thay vì chống lại những mục tiêu cụ thể. Cách đó làm mọi người bị thương".

Ở vùng ngoại ô thành phố chúng tôi nhìn thấy những hàng dừa tan hoang, ngọn cây đã bị xé nát. Những ngôi nhà, cửa hàng ven đường sụp đổ. Khi chúng tôi lái xe dọc con đường chính hướng về phía trung tâm thương mai, Thiếu tướng Brown nóí rằng trong những cuộc tấn công ban đêm anh ta thả bom xuống các con đường chính đông đúc mà "đèn trên đường không bao giờ tắt", anh ta nói.

Chúng tôi đi qua khu nhà bê tông 2,3 tầng hoang vắng. Khu chợ Kiến Hòa từng rất đẹp, nơi tôi đã mua sầu riêng và khế cách đó ba tuần giờ đã là một đống đổ nát. Chúng tôi tới trung tâm hành chính của thành phố dọc bên bờ sông có căn cứ Đội Cố vấn Quân đội Hoa Kỳ 93 chìm ngập trong hàng rào bao cát. Ngôi nhà của tỉnh trưởng và trung tâm điều hành chiến lược người Việt được che chắn qua khu vực cỏ rậm. Từ vùng đất bên trong căn cứ, tôi nhìn qua sông sang bờ bên kia những ngôi nhà mái lá dài hai dặm đã đổ nát. Những ngôi nhà ở bờ phía tây và bắc của thị xã được xây bằng nhau giờ là những đống gạch vữa lởm chởm.

Tôi hỏi chỉ huy trưởng, cố vấn quân đội, bao nhiêu người dân chết và ông ta dự đoán khoảng 500 đến 1.000 người. "Nhưng chúng tôi không bao giờ biết chính xác vì nhiều gia đình bị chôn vùi dưới đống gạch vữa". Tôi từng gặp ông ta trước đây và tôi thích ông ta. Tôi hỏi ông ta làm sao điều đó có thể xảy ra, có quá nhiều người dân chết theo kiểu đó trong một thành phố 35 nghìn dân. Ông ta nhìn vào cuốn ghi chú của tôi, lắc đầu và đáp, "Không ai trong chúng tôi có thể nói điều đó anh biết đấy, chúng tôi không thể công khai nhận xét đối tác người Việt nhất là vào những lúc như thế này".

Một giọng lẩm bẩm từ đám đông sĩ quan người Mỹ quanh ông ta và tôi làm cử chỉ đặt bút vào túi áo ngực và nhét cuốn ghi chú vào thắt lưng quần. Tôi nói: "Bây giờ, các anh biết đấy. Tôi từng ở đó trước đây hãy nói cho tôi, tin tôi và tôi sẽ không dẫn lời các anh về bất kì điều gì gây tổn hại tới các anh, tôi không bao giờ làm điều đó. Hầu hết cả nhóm về chốt làm nhiệm vụ nhưng người chỉ huy ở lại nói chuyện, và suốt buổi sáng tôi luôn theo kịp các sĩ quan khi uống cà phê hoặc đi cùng họ quanh chốt.

Một bức tranh hỗn loạn hiện ra và lạc lõng trong sự phòng thủ của thành phố. Việt Cộng thâm nhập giống như họ đã làm ở Sài Gòn và bắt đầu tấn công lực lượng phòng thủ chưa sẵn sàng, một nửa vẫn còn xả láng trong khi kỳ nghỉ đã qua.

Một thiếu tướng giúp bảo vệ khu cố vấn Mỹ nói với tôi quyết định sử dụng những loại vũ khí ác liệt nhất chống lại Việt Cộng. "Họ là bạn của chúng ta ở ngoài đó, chúng ta chờ đợi đến khi không còn lựa chọn nào khác", ông ta khẩn nài. "Trưởng nhân viên người Việt gọi phản công không quân trên nóc nhà của người hàng xóm vì những người cộng sản đã chiếm giữ nó. Vị trí của chính chúng tôi đang bị đe dọa, trung tâm chính phủ đã bị chiếm đóng gần hết. Vì vậy cần tiêu diệt thành phố để cứu lấy nó".

Một đại úy Mỹ nói rằng lúc đầu sở chỉ huy quân đoàn ở Cần Thơ còn lưỡng lự khi ra quyết định sử dụng lực lượng trong thành phố. "Chúng tôi đã phải đấu tranh, họ không thích ý kiến đó", ông ta nói cho tới khi chiến lược được duyệt, máy bay dội bom napan và đạn cùng trực thăng trang bị vũ khí và pháo binh.

Một trung úy Mỹ chứng kiến vụ ném bom nói với tôi, "Những nơi duy nhất mà họ không động tới là những căn cứ của người Mỹ, khu vực chỉ huy của tỉnh trưởng và bệnh viện; những nơi khác đều nằm trong mục tiêu của họ". Lính Mỹ ở Sư đoàn 9 cuối cùng cũng vào Bến Tre để cứu thành phố sau hai ngày chiến đấu.

Khi chúng tôi lái xe về đường băng, tôi hứa với Thiếu tướng Brown rằng sẽ không trích lời anh ta về bất cứ điều gì gây ảnh hưởng tới nghề nghiệp của anh ta. Anh ta cảm ơn tôi. Điều đó dù sao cũng không tệ, anh ta nói: "Có thể có nhiều xác chết hơn, tôi nghĩ tôi cứu hàng trăm người dân." Anh ta nói, vào giữa buổi sáng anh ta được lệnh chỉ huy tấn công không quân vào mục tiêu được nói đến là "một nghìn Việt Cộng" đang lẩn trốn phía bắc thành phố. Anh ta hạ thấp trực thăng định vị của mình, nhìn thấy nhóm phụ nữ và trẻ nhỏ mang theo chăn và đồ đạc gia đình, trốn chạy khỏi những ngôi nhà đã bị tàn phá. "'Một số Việt Cộng có thể nằm trong số họ nhưng hầu hết đã đi di tản, tôi sẽ không dội bom napan xuống họ, do vậy tôi hủy bỏ tấn công không quân như đã lên kế hoạch".

Trong chuyến bay về Sài Gòn tôi nghĩ về những gì đã chứng kiến và nghe thấy ở Bến Tre, cụm từ trong cuốn sổ ghi chú của tôi là: “cần tiêu diệt thành phố để cứu nó" hiện ra như một lời bình luận cho thế tiến thoái lưỡng nan cần thiết của chiến dịch Mậu Thân.

Tại văn phòng AP, tôi ngồi trước máy chữ khá lâu trong đêm. Cuối cùng tôi bắt đầu: Bạn nên chĩa súng và hướng trực thăng thả bom vào điểm nào trên các con đường ở chính thành phố của mình? Những tổn thất của người dân vô tội trở nên không liên quan miễn là kẻ thù bị tiêu diệt?

Câu trả lời cho cả hai câu hỏi này chính là những giờ phút đầu tiên ở trận chiến Bến Tre, một thị xã của Đồng bằng sông Cửu Long từng yên bình với 35.000 người. "Cần phải tiêu diệt thành phố để cứu lấy nó", một thiếu tướng Hoa Kỳ nói. Sự tàn phá thị xã này được thực hiện trong hơn 50 tiếng".

Tôi viết tám trang và đưa chúng cho người đánh telex chuyển tài liệu đó về Phòng Ngoại sự New York vào lúc 3 giờ sáng. Tôi nằm trên võng trong phòng của Trưởng phân xã và ngủ tới tận khi Tuckman bước vào lúc sáng sớm. Tối đó Tuckman nhận được cuộc điện thoại từ một nhân viên ở văn phòng thông tin quân đội Hoa Kỳ yêu cầu tôi tiết lộ danh tính vị thiếu tướng đã đưa ra câu nói đó mà tôi nhấn mạnh trong bài viết của mình. Tôi từ chối thẳng thừng vì chúng tôi buộc giấu tên những nguồn tin quan trọng.

Đây là mơ hồ đầu tiên của tôi về mức độ gây tranh cãi từ bài viết của mình. Ngày hôm sau, Phòng Ngoại sự AP nói rằng lời trích dẫn đó vang dội ở Fleet Street, London tới Seoul, Hàn Quốc và trở thành chủ đề bình luận ở Hoa Kỳ.

Một thư kí trong văn phòng của Barry Zorthian nói mức độ đón nhận đoạn thông điệp đó cho thấy Tổng thống Johnson yêu cầu được biết tên vị thiếu tướng đó. Vài ngày sau phóng viên thường trú của Wall Streetjoumal, Peter Kann nói cho tôi biết một trực thăng chở đầy sĩ quan lâu năm của Mỹ đã hạ cánh ở Bến Tre yêu cầu biết tên kẻ đưa ra lời nói đó.

Ít nhất chỉ huy quân đội tin rằng vị thiếu tá đưa ra lời trích dẫn đó thực sự tồn tại. Một vài đồng nghiệp của tôi tỏ ra nghi ngờ về tính xác thực của nó. Bill Tuohy của tờ Thời báo Los Angeles viết sau một chuyến thăm Bến Tre, rằng người Mỹ "nghi ngờ lời công bố đó được tạo ra theo khuôn mẫu”, và mỉa mai trích lời một cố vấn dân sự Hoa Kỳ giấu tên nói rằng: "điều đó nghe quá súc tích và thông minh để được nói ra ngay tại hiện trường". Nhưng những cấp trên của AP vẫn tin tưởng thông tin của tôi.

Tôi trở lại Bến Tre vài tuần sau đó và thấy rằng chẳng có gì thay đổi nhiều. Thành phố vẫn bị tàn phá. Một số công dân Mỹ sẵn sàng được trích dẫn công khai. Vài sĩ quan tôi đã nói chuyện trong chuyến thăm trước đó kéo tôi sang bên và hỏi xem họ có phải chịu trách nhiệm về câu nói nổi tiếng đó không, họ đều chú ý lời bình luận đó và tóm tắt cảm nhận của họ khi nghe thấy lời bình luận. Họ nói rằng lời trích dẫn đó trở nên nổi tiếng trong quân đội và sẽ là thảm họa nếu họ biết ai là tác giả.

Joseph Alsop cân nhắc bình luận bài viết về Bến Tre của tôi, không phải không mong đợi bởi anh ta hiếm khi bỏ lỡ cơ hội bình luận giới báo chí Sài Gòn. Anh ta viết rằng chúng tôi ở giữa những gì anh ta gọi là "đá và chỗ cứng," chịu tội đồng lõa với kẻ thù nếu cuộc chiến thất bại và cười nhạo cho sự ngu ngốc nếu cuộc chiến thắng lợi.

Quan điểm của Alsop về chiến tranh là anh ta chỉ thỉnh thoảng tới thăm và sau đó ở trong sự che chắn của nhân viên quân đội, chính phủ lâu năm nhất, trở mặt điên dại với những gì chúng tôi viết rằng chúng tôi không bao giờ xem trọng lời anh ta nói. Tôi chạm trán Alsop tại một tiệc tối cho vài phóng viên do Đại sứ Mỹ Ellsworth Bunker tổ chức, người đã nhậm chức năm trước đó.

Sau khi tôi đưa ra vài bình luận về tình hình quân đội, Alsop nhìn tôi qua bàn và nói: “cậu còn non nớt để tạo ra những lời trích dẫn phải không?". Tôi không quen với lễ nghi khách mời danh dự trong thế giới quý tộc mà Alsop thừa hưởng, nhưng tôi biết phải làm gì, một cuộc phản công trực tiếp cần một lời đáp trả trực tiếp, một bài học tôi học được khi còn là đứa trẻ trên những con đường của Bluff. Tôi đẩy chiếc ghế ra sau và đi vòng quanh bàn với nắm đấm bên tay phải giơ lên đe dọa, và tôi nghe tiếng cười cổ vũ của những gã dự tiệc.
Alsop đứng dậy. Anh ta có thể đã nhìn thấy sự tức giận trong đôi mắt tôi. Trước khi tôi quyết định có nên đấm anh ta hay không thì đại sứ Bunker đứng giữa chúng tôi. "Peter, quay trở lại, ngồi xuống," ông ta đề nghị, tay ông ta ấn vào vai tôi. Và sau đó ông ta quay sang Alsop: “Còn Joe, cậu lắm chuyện thật, câm miệng lại".

Tổng thống Johnson đặt chức danh cho Tướng Westmoreland là Tổng tham mưu vào ngày 23-3, bảy tuần sau chiến dịch Tết Mậu Thân. Thật ngốc nghếch khi tin rằng đó là thăng chức. Tờ Tin tức Sài Gòn do người Việt làm chủ giật tít: "Westmoreland thăng tiến". Và có ít sự bất bình từ Chỉ huy chiến trường Mỹ sẽ rời chiến trường với một chút vinh dự và rất nhiều trách nhiệm.

Cách đây chín ngày, vào 14-3 tổng thiệt hại người Mỹ ở Việt Nam đã qua con số 20.000; tổn thất 3.500 trực thăng và máy bay. Sự thuyên chuyển Westmoreland mang đến những câu trả lời thú vị từ những sĩ quan trong hàng ngũ nhân viên của ông ta mà chúng tôi liên lạc với họ. Họ nói về người thay thế ông ta, Tướng Creighton D.Abram, sĩ quan xe tăng trước đây như một lính lâu năm và một nhà chiến thuật khôn ngoan hơn, "Một người lãnh đạo mà chúng tôi nên có từ lâu," lời nhận xét của một đại tá làm tôi ngạc nhiên. Tay đại tá đã dành hai năm trước đó chỉ để quảng bá những thành tựu của Westmoreland.

Gallagher yêu cầu Faas và tôi đánh giá tình hình Việt Nam tại cuộc họp hàng năm của Ban giám đốc AP ở New York vào tháng 4. Tôi mong đợi chuyến đi. Tôi có rất ít đầu mối về những ý kiến đánh giá khách quan từ công chúng Mỹ vì tôi chôn vùi ngày qua ngày để viết về cuộc chiến, nhưng tôi cũng biết những cuộc biểu tình chống chiến tranh ở các thành phố Mỹ. Gallagher làm tôi hoảng sợ khi hỏi tôi lời khuyên về việc con trai của ông ta muốn đi tới Canada để tránh quân dịch.

Một ngày trước khi tôi tới New York, Tổng thống Johnson đã tuyên bố ông ta sẽ không tranh cử nhiệm kì thứ hai. Ông ta dừng tất cả các chiến dịch không quân và đường thủy chống lại miền Bắc Việt Nam với nỗ lực kết thúc chiến tranh. Các nhân viên AP mà tôi gặp dường như đều bị thuyết phục cuộc chiến đã kết thúc, nhưng những hoạt động chống chiến tranh thì không thấm tháp với những lời đề nghị hòa bình khi Horst và tôi chứng kiến ở một cuộc mít tinh biểu tình chống chiến tranh ở Công viên Trung tâm.

Tại Sheep Meadow, hàng nghìn người biểu tình mang theo pa nô hát vang: "Địa ngục, không, chúng tôi sẽ không đi" hay “Hòa bình bây giờ, hòa bình bây giờ" và "Này này, LBJ (Lyndon Baines Johnson) ngày hôm nay ông đã giết bao nhiêu đứa trẻ?".

Horst lưu ý những người biểu tình mang theo những bức ảnh phóng to của AP từ Việt Nam, gồm bức ảnh hành quyết trên đường của Eddie Adams. Những gì làm tôi ngạc nhiên là một nhóm thanh niên trẻ chống lại quân dịch Mỹ diễu hành qua công viên mang theo những lá cờ Việt Cộng lớn. Trong rất nhiều năm tôi ở Việt Nam tôi chưa bao giờ nhìn thấy một lá cờ Việt Cộng bay tự do ngoài những món quà lưu niệm nhặt được, bay nhẹ trên một xe tăng hoặc từ ba lô của một người lính. Ở Mỹ, nó có chỗ trong cuộc diễu hành.

Thượng nghị sĩ Harry Byrd ở bang Virginia, một đảng viên Dân chủ bảo thủ là một thành viên của Ban giám đốc AP. Ông ta yêu cầu tôi làm chứng trước ủy ban Vũ trang của Thượng viện Mỹ. Tôi không muốn liên quan tới công chúng trong cuộc tranh cãi chiến tranh nên từ chối. Ngay sau đó tôi nhận được thư tín từ Robert Kennedy trong chiến dịch tranh cử tổng thống yêu cầu tôi tóm tắt cho ông ta về cuộc chiến. Tôi được tâng bốc và hăm hở tuân theo bởi tôi nghĩ có thể dựa vào sự chín chắn của ông ta.

Gallagher suy nghĩ lời đề nghị của tôi với sự thích thú và từ chối: "Cậu đã từ chối cơ hội làm hài lòng một trong những thành viên Ban giám đốc AP và mong đợi tôi đồng ý điều này sao?".

Buổi tối trước khi trở lại Việt Nam, tôi đi bộ ra khỏi Khách sạn American ở Midtown Manhattan và xuống đường Broadway. Tôi nghe thấy một người bán báo thét lên: "Những vụ giết người ở Sài Gòn, Những vụ giết người ở Sài Gòn, tới và mua đi". Tôi bước ngay lại và anh ta giao cho tôi một tờ Tin tức hàng ngày New York có bức hình khủng khiếp trên trang nhất về những cơ thể đẫm máu được đắp phủ cạnh một xe jeep nhỏ. Một trong những nạn nhân có thể là người bạn cũ ở Bangkok của tôi John Cantwell, người đã bỏ AP sang làm cho tờ Time trước đó một năm. Anh ta đã chết trên đường Chợ Lớn cùng ba đồng nghiệp khác, những nạn nhận trong một trận mai phục của Việt Cộng.

Tôi bị sốc. Họ còn trẻ và năng nổ. Tôi tự hỏi về chính mình. Tôi là chồng của một người vợ chung thủy, cha của hai đứa con nhỏ và nhất quyết trở về cuộc chiến. Tôi được biết từ Trưởng phòng nhân sự AP, Keith Fuller rằng Tổng thống Johnson lại chú ý tới tôi một lần nữa. Ông ta mời nhân viên AP tới văn phòng riêng vào tháng 3 sau bữa ăn trưa gồm hamberger và sữa, ông ta lưu ý ông ta đã quyết định đưa Barry Zorthian ra khỏi Việt Nam "bởi vì ông ta đã ở đó quá lâu”.

Sau đó Tổng thống hỏi: "Giờ thì có phải tay Peter Arnett người Australia cũng ở Việt Nam quá lâu phải không?".

Buổi sáng hôm sau, tôi lên chuyến bay Pan Am Clipper trở lại Sài Gòn. 

NHỮNG NGƯỜI BỊ LÃNG QUÊN

Tôi trở lại Việt Nam cuối mùa hè năm 1968 với niềm tin rằng cuộc chiến sẽ nhanh chóng kết thúc bởi những đàm phán hòa bình đã bắt đầu ở Paris và việc đánh bom miền Bắc Việt Nam đã dừng. Nixon tranh cử với lời hứa về một "kế hoạch bí mật để kết thúc chiến tranh" điều giúp ông ta đắc cử. Khi tôi về vùng nông thôn, tôi chứng kiến cả hai bên tranh giành tuyên bố lãnh địa trong hy vọng ngừng bắn. Điều đó kết thúc chiến tranh bắn phá nhưng lại bắt đầu chiến tranh chính trị.

Về cơ bản, ngừng bắn chẳng bao giờ diễn ra. Thay vào đó là nỗ lực nhanh chóng kết thúc chiến tranh, chính quyền Nixon cố gắng kết thúc đề tài người Mỹ bằng cách rút lui nhẹ nhàng, giữ thể diện và tiếp tục xây dựng lực lượng miền Nam Việt Nam tiếp tục chiến đấu.
Rút lui được xem là chiến thuật quân sự khó nhất và chúng tôi bắt đầu viết về tinh thần, nhuệ khí của những lính Mỹ và cảnh ngộ của những người còn lại giúp lực lượng Cộng hòa. Cuối tháng Sáu chúng tôi nghe thấy doanh trại Lực lượng Đặc nhiệm của Ben Hét bị chiếm đóng. Những tay pháo binh và kỹ thuật Mỹ bị giam ở đó.

Ngày 26-6-1969, kỉ niệm năm thứ 7 đến Việt Nam của tôi. Tôi cố gắng tới thăm doanh trại bằng cách đi nhờ một trực thăng quân sự Mỹ tới Kontum, bay cùng Ollie Noonan, một phóng viên ảnh tự do cho AP và phóng viên truyền hình Don Webster của CBS và đội của anh ta. Doanh trại xa xôi nằm trên ngọn đồi gần biên giới Lào hỗn loạn, những hàng rào thép gai han rỉ, những bao cát và những lối đi đầy bùn. Khi chúng tôi đi qua cửa chính thì tiếng đạn súng lao tới làm chúng tôi co rúm lại, xuống hào trú ẩn.

Đội CBS đi vòng quanh doanh trại phỏng vấn đội Đặc nhiệm, còn Noonan và tôi dừng lại ở đội pháo binh Mỹ ở đồi phía bắc, nơi chúng tôi gặp gỡ với hàng tá lính không cạo râu, cáu bẳn nói rằng họ bị sở chỉ huy quên lãng, không được tắm nước sạch trong năm ngày, uống nước bụi bẩn đầy chất codit, đựng nước mưa mùa khô trong những chiếc áo poncho.

Những lời phàn nàn tức giận của họ như thiếu đạn dược và thức ăn, sự an toàn lỏng lẻo và đó là những điều nghiêm trọng nhất tôi từng nghe tới ở Việt Nam. Những người Mỹ cảm nhận họ là những người bị treo trên cây vì chỉ huy tối cao Hoa Kỳ nhận thấy Bến Hết là một cơ hội cho quân đội Cộng hòa thể hiện trách nhiệm và họ đã không can thiệp vào.

Chỉ huy đội pháo, Đại úy John Horalek nói rằng dù như vậy nhưng họ vẫn cố gắng làm công việc của mình trong nhuệ khí đang mất dần. “Nếu chúng tôi ở đây giúp đỡ phòng thủ thì chẳng có gì còn lại của Bến Hết cả", anh ta đang nói, thì một luồng đạn pháo cối bay tới rơi ngay giữa hàng pháo binh của anh ta. Lính bị bắn tới tấp với những mảnh đạn được đưa đi hoặc tự kéo lê vào một boongke tốt tăm để chữa trị.

Dưới ánh nến thỉnh thoảng sáng hơn bởi ánh đèn bập bùng từ chiếc đèn máy điện, Horalek và các bác sĩ đang giúp những người bị thương với niềm hy vọng trực thăng cứu viện sẽ đến không lâu. Ngay sau khi chúng tôi chuẩn bị rời khỏi đó thì lính pháo binh mất điều xa xỉ cuối cùng: một luồng đạn pháo dã vào boongke nơi họ để chiếc ti vi đen trắng 12 inh.

Sự tỉnh ngộ trong doanh trại phản ánh cuộc khủng hoảng rộng lớn hơn về lòng tin vì Mỹ cố gắng rút ra khỏi cuộc chiến mà không cần tìm kiếm giải pháp hoặc chấp nhận thất bại. Tôi đặt nhan đề cho câu chuyện của mình là “Những người đàn ông bị lãng quên của Bến Hết" và cố gắng viết về những đắng cay bao trùm khu vực đó.

Tổng tư lệnh Bộ tham mưu Liên quân Hoa Kỳ, Tướng Earle Wheeler phàn nàn câu chuyện với Thượng nghị sĩ Harry Byrd và với Gallagher, người rất hài lòng với bài viết của tôi. Những lời lẽ cuối cùng về sự việc đó là lời của những người lính Bến Hết trong một bức thư gửi cho tôi theo địa chỉ văn phòng AP ở New York ngày 7-7:

“Chúng tôi là những người lính của đội pháo, Tiểu đoàn 3, Pháo binh 3 mong muốn được thể hiện sự biết ơn và lời cảm ơn sâu sắc nhất của mình tới một người phóng viên đã mang bóng tối ra ánh sáng. Trong khi anh ở tại đội pháo A mặc dù chỉ là thời gian ngắn nhưng anh đã chứng kiến tình thế khó khăn của chúng tôi. Một vài ngày sau khi anh đi, chúng tôi đã nhận được thư và báo từ nhà, và những người đàn ông của Đội pháo A cuối cùng cũng được đọc câu chuyện của chính họ. Anh sẽ không thể tin được nhuệ khí của chúng tôi lên cao như thế nào khi biết những người ở nhà hiểu được cái địa ngục chúng tôi đang phải trải qua, và biết chúng tôi không còn là những người lính bị lãng quên nữa. Điều này mang đến cho chúng tôi hy vọng và lòng tin mới vào đất nước chứng ta. Chúng tôi nhận được hàng tấn đạn dược, và thực phẩm tiếp tế. Những phóng viên như anh đã phải đấu tranh sinh tồn tại những điểm nóng để có được sự thật và viết nên sự thật, xứng đáng với lòng biết ơn của những người lính Đội pháo A. Cảm ơn chúa vì những người đàn ông dũng cảm và chịu đựng giống như anh".

Những nỗ lực quân sự của Mỹ ở Việt Nam đang tan rã được chứng minh rõ ràng nhất bằng vụ thảm sát Mỹ Lai, và hơn nữa là những lời đồn đại về một số sĩ quan không thực hiện mệnh lệnh, nghiện thuốc phiện, giết người. Horst và tôi gặp một ví dụ về nhuệ khí binh lính đang tan ra như mây khói khi chúng tôi tiếp tục nhiệm vụ buồn tẻ tìm lại xác của Ollie Noonan, người đã chết trong vụ nổ trực thăng cuối tháng 8 ở thung lũng Sông Chàng xa xôi phía nam Đà Nẵng.

Horst tham gia cùng Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn bộ binh Tia chớp 196 di chuyển theo sườn núi đá của Núi Lớn xuống vị trí vụ nổ. Tôi ở lại căn cứ doanh trại tiểu đoàn ở trung tâm vùng hạ cánh trên đỉnh núi cùng chiếc bộ đàm liên lạc với Horst và truyền thông tin về văn phòng Sài Gòn khi thi thể Ollie được tìm thấy. Đại đội A của tiểu đoàn đang tản ra tìm kiếm. Họ rơi vào mê cung những hầm của người Bắc Việt và bị tổn thất nặng nề.

Sau đó năm ngày, những người đàn ông đó lĩnh đủ. Đại tá Robert C.Bacon yêu cầu Đại đội trưởng, Trung úy Eugene Shurtzir tiến về mục tiêu phía trước. "Tôi xin lỗi thưa ngài, những người của tôi từ chối đi. Chúng tôi không thể ra ngoài," Shurtz gọi bộ đàm trở lại. Khi Horst nghe thấy, Đại tá Bacon hỏi: “xin hãy nhắc lại, anh có nói với họ điều này có nghĩa là không tuân lệnh trong trận chiến không?".

Câu trả lời là: "Tôi nghĩ họ hiểu nhưng một số đơn giản đã lĩnh đủ họ mất nhuệ khí rồi. Có những cậu bé ở đây chỉ còn 90 ngày nữa là rời Việt Nam. Họ muốn về nhà bình yên. Vấn đề ở đây là tâm linh".

Đại tá Bacon chen vào: "Anh đang nói về các binh nhì hay các hạ sĩ?" và Trung úy Shurtz đáp lại "Đó là khó khăn ở đây, chúng tôi gặp cả khó khăn chỉ đạo, hầu hết đội của chúng tôi và các chỉ huy trung đội đã bị giết hoặc bị thương".

Đại tá Bacon lặng lẽ khuyên anh ta: "Hãy đi nói chuyện với họ một lần nữa và nói với họ rằng theo những gì chúng ta biết thì giờ các boong ke đều trống không, Việt Cộng đã rút. Nhiệm vụ của Đại đội A là tìm kiếm xác chết. Họ không có lý do gì để sợ. Hãy đếm xem bao nhiêu người thực sự không muốn đi".

Trung úy quay trở lại đội lính sau vài phút. "Đại tá, họ sẽ không đi, và tôi không đề nghị giơ tay vì tôi sợ rằng tất cả sẽ ngấm ngầm với nhau”. Cuối cùng Đại tá ra lệnh cho anh ta: "Bỏ lại những người lính ở trên đồi và điều động đơn vị không quân chỉ huy tới mục tiêu."

Tôi chờ đợi ở sở chỉ huy tiểu đoàn thì Đại tá Bacon gọi bộ đàm giúp đỡ, yêu cầu hai nhân viên của ông ta tới hiện trường để nói chuyện lí lẽ với Đại đội A để "cho họ lời động viên và ném họ vào chỗ cụt". Tay đặc phái viên đó là sĩ quan tiểu đoàn, Thiếu tướng Richard Waite, một cựu binh dày dạn kinh nghiệm ở Việt Nam và Trung sĩ Okey Blankenship đến từ Panther, West Virginia. Họ không để tôi lên máy bay nhưng đồng ý nói chuyện với tôi sau đó.

Họ nhìn thấy những lính bộ binh ngồi mệt mỏi trong những đám cỏ lau, một số có những kí hiệu hòa bình khắc trên mũ và một số khác thì có chuỗi hạt quanh cổ. Những khuôn mặt râu ria, những bộ trang phục nhàu nát đầy máu. Một người đang khóc, những người khác thì tức giận và giải thích tại sao họ không di chuyển, rằng họ chán ghét cuộc chiến không có hồi kết, ở những cánh rừng trong cái nóng, sự nguy hiểm thường trực của những trận bắn phá bất ngờ ban ngày và những cuộc tấn công súng cối, những cuộc tấn công tìm kiếm của kẻ thù ban đêm. Họ nói họ thiếu ngủ và phải làm việc cật lực. Họ không có thư trong nhiều tuần, không có thức ăn nóng và những thứ nhỏ nhặt khác khiến cho cuộc hành quân là không thể chịu đựng được.

Trung sĩ Blankenship nói với tôi anh ta nhìn vào những tay lính 18 và 19 tuổi hiểu rằng có một thế hệ khác biệt với họ không chỉ về tuổi tác mà là quan điểm. Một lính trẻ cãi rằng đơn vị của anh ta chịu đựng quá nhiều và không nên tiếp tục nữa. Nhưng Blankenship, một người đàn ông nóng tính đáp lại giận dữ với một lời nói dối trắng trợn - một đại đội bộ binh khác còn 15 người và họ vẫn đang di chuyển. Khi một người hỏi tại sao họ lại làm vậy, anh ta đáp, "Có lẽ họ có điều gì đó hơn những gì các cậu có một chút".

Tay lính thét lên giận dữ: "Đừng gọi chúng tôi là những kẻ hèn nhát, chúng tôi không phải là những kẻ hèn nhát," và chạy về phía tay trung sĩ với nắm đấm giơ lên. Blankenship quay lưng lại và đi tới nơi Trung úy Shurtz đang chờ đợi với vẻ chán chường. Anh ta quay lại và thấy những người lính của Đại đội A đang chuyển động, nhặt súng, đứng xếp đội hình lỏng lẻo và theo anh ta xuống sườn núi trở lại trận chiến.

Đại đội A tới được hiện trường vụ nổ vào cuối ngày, lấy được xác của Ollie Noonan và những người khác. Horst và tôi bay trở ra căn cứ Hoa Kỳ ở Chu Lai, tôi viết nguệch ngoạc câu chuyện của mình trong cuốn ghi chú trong khi Horst cố gắng liên lạc với văn phòng AP Sài Gòn bằng điện thoại. Cuối cùng khi anh ta liên lạc được thì tôi có thể đọc bài viết nghìn từ về sự khó nhọc của Đại đội A. Câu chuyện truyền nhuệ khí ở Mỹ. Có một bài bình luận đáng quan tâm về những gì người phụ trách chuyên mục James Reston gọi là "luồng hơi nổi loạn" trong quân đội và cuối cùng cần kết thúc việc giết chóc những cậu bé Mỹ ở Việt Nam và mang tất cả họ về nhà.

Trung úy Shurtz bị điều động khỏi Đại đội A, được cứ tới nhiệm vụ ít trách nhiệm hơn ở sư đoàn. Không có hành động nào chống lại những người lính của anh ta. Nhưng câu chuyện về những người lính miễn cưỡng của Đại đột A đang trở thành câu chuyện của chiến tranh.

ĐỤNG ĐỘ GALLAGHER

Mười lăm tháng sau khi Richard Nixon đắc cử, ông ta ra lệnh đổ bộ quân Mỹ vào Campuchia. Ông ta không chỉ làm những người biểu tình ở Hoa Kỳ sửng sốt mà cả giới báo chí Sài Gòn khi bắt đầu chiến lược lâu dài giới hạn chiến tranh mặt đất với Việt Nam. Vào ngày đầu tiên đổ bộ, ngày 1-5-1970, tôi bay tới Campuchia cùng chỉ huy vùng chiến thuật người Việt, Tướng Đỗ Cao Trí bằng trực thăng Huey của ông ta.

Tướng Trí là một sĩ quan trẻ khoa trương, đội mũ nồi màu đỏ và mang theo gậy chỉ huy. Ông ta được coi là chỉ huy chiến trường, và quan trọng hơn là thích thể hiện với phóng viên phương Tây. Vào giữa buổi trưa, ông ta sà xuống đội hình xe tăng người Việt, tránh những tay súng bắn tỉa, yêu cầu họ tiếp tục di chuyển. Ông ta chỉ huy những xe dẫn đầu, nhảy vào chiếc xe bọc thép cá nhân, chỉ chiếc gậy của mình về vị trí tay súng bắt tỉa trong một làng nông thôn nhỏ phía trước và thét mệnh lệnh bắn trả.

Vùng biên giới không được Chính phủ Campuchia canh gác và từ lâu được coi là khu căn cứ của cộng sản. Đó là khu vực thường bị lực lượng Bắc Việt thâm nhập. Tuần trước tôi đi cùng Steve Bell của ABC (Hãng truyền hình của Úc) và đội của anh ta trên đường quốc lộ 1 tìm kiếm Tiểu đoàn lính bộ miền Nam mà chúng tôi nghĩ ở phía trước. Chúng tôi lái xe tới tận thị xã Svây Riêng của Campuchia. Ở đó hoang vắng, trông nguy hiểm do vậy chúng tôi lái xe trở lại theo đường đã đi.

Đổ bộ diện rộng gây ngạc nhiên cho cộng sản và đẩy họ trở lại sâu trong rừng, rời bỏ những kho lương thực, đạn dược và vũ khí dưới lòng đất. Phản công lúc đầu còn yếu và không khí hoang mang phổ biến trong các lực lượng Mỹ. Tại một chốt pháo trong vùng "lưỡi câu" của chiến dịch tôi kí tên mình cho một số sĩ quan trẻ, những người mới đến Việt Nam gần đây và nhận ra tên tôi trong một số tên, bài.

Đổ quân vào Campuchia gây tranh cãi là câu chuyện lớn nhất ở Việt Nam từ chiến dịch Mậu Thân. Sự cạnh tranh xuất hiện để đáp ứng những yêu cầu của các biên tập viên lo lắng chỉ ra khủng hoảng đầu tiên to lớn của chính quyền Nixon. Các phóng viên và nhiếp ảnh đổ ra khắp vùng chiến tìm kiếm những tin sốt dẻo.

Ngày 3-5, tôi đi cùng trên trực thăng vận C-130 của Không lực Hoa Kỳ tại sân bay Tân Sơn Nhất hướng về Lộc Ninh, chở đầy lính Mỹ. Chúng tôi xếp theo hàng, bám vào những sợi dây treo trên ca bin. Chúng tôi gặp phải đợt gió mùa lắc đảo máy bay làm hầu hết hành khách gồm cả tôi buồn nôn.

Sau đó tôi xuống trực thăng ở chốt tiền đồn lính biệt kích người Việt và gặp một sĩ quan Mỹ phanh ngực, ướt đẫm mồ hôi, có lẽ anh ta đang chịu đựng sự mệt mỏi của chiến trường. Trong một chuỗi lời lẽ tục tĩu thét ra, anh ta nói cho tôi những gì anh ta nghĩ về báo chí và rút ra khẩu súng 45 li dọa tôi và yêu cầu tôi rời ngay lập tức, may mắn là tôi được một vài sĩ quan Việt Nam Cộng hòa cứu. Họ thuyết phục tôi nên ở phòng tuyến tiếp theo mà quan sát.

Trong mọi hoàn cảnh tôi vui vẻ đi cùng một trực thăng cứu tế lực lượng thiết giáp Mỹ bị lính cộng sản đào hào chặn bên ngoài thị trấn Snuol và đang chờ hỗ trợ không quân dọn sạch đường đi phía trước. Đại tá chỉ huy nói rằng đội xe tăng buộc phải rút lui khỏi Snuol lúc sáng và sẽ phản công vào hôm sau. "Tôi được cử tới đây vì đây là trung tâm của các hoạt động Bắc Việt; là nơi giao vận và tiếp tế của họ. Chúng tôi không có lựa chọn nào khác là chiếm lấy nó". Đại tá còn cho tôi sử dụng trực thăng của ông ta trong hành trình bay trở lại Ninh Lộc viết bài về chiến trường. Vào buổi tối tôi đã trở về để chuẩn bị cho cuộc tấn công vào buổi sáng.

Khi trời rạng sáng, một làn sóng tấn công không quân qua các rừng cao su và vào thành phố cách chúng tôi một dặm. Khói bụi đất đỏ từ gạch vữa và khói đen cuộn lên trời. Trong khi dừng bắn vào lúc 9 giờ sáng, tôi cùng Lon Diniel của UPL và đội tin NBC leo lên những xe tăng di chuyển về phía trước trên đường. Những người lính căng thẳng và không chắc những người lính cộng sản đã rút lui dù tất cả đều cho rằng tấn công không quân ác liệt tới mức rất ít người có thể sống sót.

Snuol là thị trấn chỉ có hai dãy nhà. Có lẽ nó từng là bức tranh với vài con đường trồng cây và hoa ở những khu vườn đằng trước, nhưng tất cả những ngôi nhà và cửa hàng bằng bê tông hai tầng bị bom hủy diệt và chỉ một hàng những cửa hàng bằng gỗ còn tồn tại, những cánh cửa ra vào khóa và cửa sổ bị chặn. Những người Mỹ tìm kiếm mọi thứ từ đống tàn tích và tôi nhìn thấy một người lính chạy ra từ một cửa hàng mì Trung Hoa đang bốc cháy, trên tay đầy rượu Campuchia, một tay phiên dịch tiếng Việt đằng sau anh ta giật lấy một thùng sô đa đưa vào một xe tăng.

Chúng tôi quan sát những người lính khác phá những cánh cửa những cửa hàng còn lại, ăn trộm đồng hồ và mang ra những thiết bị điện tử trước khi cho tòa nhà bốc cháy. Một người lính mang ra một va li đầy giầy mới về xe tăng của mình, những người khác mang ra những chiếc xe máy và buộc chúng vào tháp súng ở xe của họ. Sau khoảng một giờ cướp phá, một sĩ quan tới thét lên: "Tránh xa những thứ đó ra, chúng ta đang hành quân". Những tay lính cười và leo lên xe tăng.

Tôi sốc với cảnh tượng đó. Suốt thập kỷ trước, sự thái quá của quân đội miền Nam Việt Nam luôn là mối lo lắng thường trực đối với các cố vấn Hoa Kỳ. Bây giờ những người Mỹ không quan tâm đến những quy định cơ bản của chiến tranh phản công rằng không được lợi dụng dân thường. Những thói quen tệ hại nhất của học trò giờ đang được thầy giáo sử dụng.

Đầu giờ chiều, Lon Daniels và tôi đi nhờ một trực thăng tiếp tế hướng về phía nam và hạ cánh ở Tây Ninh. Ở đó có trực thăng không vận Caribou của quân đội Hoa Kỳ đang khởi động để bay trở lại Sài Gòn. Vào cuối buổi chiều, chúng tôi đã ở trong một taxi qua những con đường thành phố trở về văn phòng.

Chúng tôi không nói chuyện nhiều với nhau trên đường về nhà. Tôi biết Daniels đang suy nghĩ xây dựng bài viết. Anh ta là một phóng viên có kĩ năng, có danh tiếng với những cụm từ biến đổi đầy màu sắc. Tôi biết rằng mình đã có đủ tài liệu cho ngày hôm đó. Chiếc taxi đỗ tại văn phòng của tôi trước. Tôi nói tạm biệt và bước đi lặng lẽ vào tòa nhà.

Khi chiếc taxi biến mất ở góc đường, tôi đóng cửa thang máy và ngay sau đó ngồi vào máy đánh chữ. Tôi viết câu chuyện với rất nhiều chi tiết và nó trở nên huyên náo với dịch vụ tin quốc tế. Cùng với bài báo, Horst chuyển ba bức hình tôi đã chụp ở Snuol. Trong khi còn rất nhiều thời gian cho các báo buổi sáng ở Mỹ thì tôi về nhà mệt mỏi.

Tôi ngủ dậy muộn và trở lại văn phòng vào buổi trưa. Không có lời chào hỏi thông thường. Tôi biết có điều gì đó không ổn thì Horst tới chỗ tôi, đặt tay lên vai tôi và nói: "Tôi có thể hiểu nếu anh bỏ việc". Trưởng phân xã lúc ấy, Dave Mason, đưa cho tôi thông tin từ biên tập ngoại sự Ben Bassett nót về những điều không hài lòng của New York với bài tin của tôi. Tôi đã quen với quan điểm này từ chính phủ nhưng chưa bao giờ mong đợi điều này từ AP:

"Chúng ta đang ở giữa tình hình có trách nhiệm cao của Mỹ liên quan tới Đông Nam Á và phải bảo vệ những bài tin của chúng ta ở thế trung lập và làm dịu cảm xúc. Đặc biệt, hôm nay chúng tôi đã bỏ phần cướp bóc và những thứ đại loại như vậy ra khỏi bản nháp của Arnett vì chúng tôi không nghĩ đó là bản tin vì những thứ như vậy xảy ra trong chiến tranh và trong bối cảnh hiện tại có thể là sự kích động".

Triều đại của Keng là “bối cảnh hiện tại" mà Bassett ngụ ý tới. Bốn sinh viên đã bị bắn chết bởi nhân viên an ninh quốc gia bang Ohio. Đồng nghiệp Richard Pyle đang nhìn tôi, chờ đợi. Tôi nổi tiếng là có tính cách nóng nảy khi bị chọc tức và điều này chắc chắn đủ lí do để tức giận.

Tôi đã không bùng nổ. Tôi biết rằng quyết định đó được đưa ra vội vàng. Tôi đã thua trận nhưng hy vọng sẽ chiến thắng cuộc chiến bằng cách nào đó tôi sẽ làm cho rõ ràng với AP tầm quan trọng của tất cả những gì chúng tôi đã làm ở Việt Nam trong suốt những năm dài, từ đấu tranh của Browne với Chính quyền Diệm đến những ngày đạo đức giả của Johnson và những cái chết của nhân viên chúng tôi.

Các nhân viên Sài Gòn không thể tin chúng tôi được yêu cầu không tuân theo những hướng dẫn làm tin cả thập kỉ rồi. Dave Mason gọi điện cho Gallagher và nói với ông ta rằng có "một cuộc khủng hoảng lòng tin" trong văn phòng.

Tôi cất tiếng khóc cay đắng từ trái tim: "Tôi bị quyết định của New York xúc phạm về nghề nghiệp, giết chết tất cả câu chuyện và những bức ảnh liên quan tới vụ cướp phá Snuol, họ cho rằng đó là sự kích động chứ không phải bản tin. Cá nhân tôi cũng buồn với lời nhận xét của biên tập ngoại sự Bassett rằng đó là một bài tin mang cảm xúc. Để lờ đi những vấn đề bẩn thỉu trong việc đổ bộ của Mỹ vào Campuchia chắc chắn sẽ có việc lờ đi nhiệm vụ của một phóng viên. Tôi thấy rằng giờ không thể thỏa hiệp bài tin của mình thích hợp với quan điểm chính trị Mỹ. Tôi dự định tiếp tục viết về chiến tranh theo cách của nó diễn ra và sẽ để trách nhiệm ngăn chặn tin bài cho New York".

Để làm cho tình hình tệ hơn, chuyện của Lon Daniel gồm chuyện cướp bóc đã lan tràn toàn nước Mỹ và được tờ Washington Post sử dụng như là bài xã luận hàng đầu về tính chất vô vị trong chính sách đối với Việt Nam.

Tôi rò rỉ câu chuyện cho Kevin Buckley của tạp chí Newsweek biết để buộc AP phải tiết lộ ra, và tuần sau đó một bài báo xuất hiện trong tờ tạp chí đó trích lời của Gallagher khi chấp nhận rằng ông ta đã "sai lầm trong việc đánh giá".

Sáu năm sau khi Gallagher nghỉ hưu, ông ta nói rằng bịt miệng câu chuyện của tôi là một trong những lỗi lầm lớn nhất từng làm.

KẾT THÚC NỖI ÁM ẢNH

Sau khi đổ bộ vào Campuchia, tôi cảm thấy suy xét về sự xuất sắc của Việt Nam khi quan sát chính quyền mở rộng chiến tranh. Tôi sợ rằng tôi sẽ không còn là người quan sát không thiên vị nữa. Cũng như những người khác đã vỡ mộng trước tôi, tôi cảm thấy tức giận khi chiến tranh độc đoán về giải pháp, những tin, bài hay những sự hy sinh khủng khiếp dường như đóng góp rất ít để kết thúc chiến tranh. Tôi muốn bỏ đi. Tôi đã sẵn sàng.

Horst dường như cũng cảm thấy vậy, và chúng tôi quyết định sẽ cùng bỏ đi, giống như chúng tôi đã đến cùng nhau hơn 8 năm trước. Nina rất vui mừng tới sống ở thành phố New York, nơi cô ấy từng là nhân viên quản lí thuốc, nhưng AP lại có ý khác, gợi ý chúng tôi chuyển tới Hồng Kông hoặc như Gallagher nói với tôi, "Một nơi nào ở trong cộng đồng của Anh giống như Canada sẽ chấp nhận quốc tịch của cậu". Nhưng Nina không từ bỏ và tôi thì có tham vọng với những thành công của đồng nghiệp giống như David Halberstam và Neil Sheehan, những người đang xây dựng nghề nghiệp lâu dài.

AP cuối cùng cũng đồng ý với yêu cầu của chúng tôi, và chúng tôi lập kế hoạch rời đi. Tôi hăm hở rằng Horst và tôi sẽ tiếp tục hợp tác, điều đã hỗ trợ chúng tôi rất tốt và gợi ý chúng tôi sẽ là một đội lâu năm. Nhưng AP không thích ý kiến đó và cuối cùng Horst không sẵn lòng cắt đứt sợi dây đã buộc chặt anh ta với châu Á. Anh ta quyết định chuyển tới Singapore. Có một bức hình cuối cùng chụp toàn bộ nhân viên AP và tiệc ngập sâm banh tại sân bay. Và chúng tôi đi tới những điều tốt đẹp, tôi nghĩ vậy.

Tôi rời Sài Gòn mùa hè năm 1970 với niềm tin rằng những ngày làm tin của tôi đã kết thúc. Chúng tôi nán lại ở Hồng Kông một tuần để tôi may vài bộ đồ mới. Tôi đặt hai bộ cỡ to hơn bình thường để hợp với những gì tôi nghĩ sẽ là diện mạo mới của mình với cảnh tượng New York ít say sưa hơn.

Tôi làm choáng văn phòng AP khi đưa cả gia đình vào Khách sạn Pierre ở đại lộ số 5, Manhattan, nơi tôi đã được dẫn tới và nghĩ rằng đó là tòa nhà kiểu Pháp nhưng lại là nơi hơn thế và đắt đỏ hơn.

Khi chúng tôi tới nơi thì nhận ra đang đi chung thang máy với Tricia Nixon, con gái của Tổng thống.

Trưởng nhân sự AP, Keith Fuller ngồi trong tiền sảnh rộng rãi nhâm nhi rượu Scotch và Soda cùng cái nhìn sửng sốt trên khuôn mặt. "Tôi thường tự hỏi không biết nơi này thực sự trông như thế nào bên trong", anh ta nói. Chúng tôi ở Pierre một thời gian ngắn trước khi thuê được một căn hộ thoải mái ở Riverdale. Một vài đồng nghiệp phóng viên từ Sài Gòn là hàng xóm của tôi và chúng tôi vui mừng ổn định ruột cuộc sống không có chiến tranh.

Wes Gallagher cảnh báo tôi sẽ phải "tắm” về tài chính bằng cách rời bỏ phong cách sống thoải mát của Đông Nam Á dành cho Mỹ và ông ta đã đúng. Tôi phải trả thuế thu nhập, lần đầu tiên trong đời và hiểu rõ nỗi vất vả đi lại và nhiệm vụ trong một môi trường chuyên nghiệp. Tom Buckley, trở lại tờ Thời báo New York ở New York, viết cho tôi, "Chào mừng đến thành phố duy nhất trên thế giới khó sống hơn cả Sài Gòn".

Trụ sở AP ở số 50 trung tâm thương mại Rocketfeller. Toàn bộ tầng 4 dành cho thu thập và xử lý tin tức, nơi các biên tập viên với khuôn mặt xanh xao trên bản nháp làm theo ca. Khi tôi đi tới Phòng Ngoại sự, những máy telex truyền về những bài tin thô từ văn phòng nước ngoài của AP và tôi ngó liếc những câu chuyện về Sài Gòn chỉ để chắc rằng không có gì thay đổi nhiều.

Gallagher quyết định nhiệm vụ đầu tiên của tôi là viết một chuỗi những câu chuyện về Hoa Kỳ. Ông ta yêu cầu Horst tới từ Singapore trong vòng ba tháng chụp các bức hình. Horst và tôi tiếp cận nhiệm vụ "gặp gỡ với Mỹ" như khi chúng tôi viết về chiến tranh: chúng tôi thuê một xe ở San Francisco và đi theo bản năng.

Trong những ngày đầu tiên, chúng tôi tới thăm những người dân hippies ở quận Haight - Ashbury, nói chuyện với những gã nghiện rượu ở các khu nhà ổ chuột và gặp gỡ các nhà hoạt động xã hội người da đỏ bất hợp pháp chiếm đóng nhà tù Alcatraz. Chúng tôi có ý định chuẩn bị những bài tin thông thường nhưng nhanh chóng rơi vào rắc rối với Gallagher, ông ta không thích bài tin đầu tiên của tôi. Đoạn tin ông ta gửi là: "tránh xa những khu nhà ổ chuột và vùng dành riêng cho người da đỏ, đó không phải là người Mỹ tôi muốn các cậu gặp".

Chúng tôi lờ đi lời khuyên của ông ta. Trong ba tháng đi lại, Chúng tôi có thể chụp nhiều ảnh mang vẻ đẹp nguyên sơ và nhiều công dân thẳng thắn hơn tôi tưởng. Tôi dùng hết 27 cuốn ghi chú cho các cuộc phỏng vấn.

Giải quyết với tất cả tài liệu của chúng tôi thành những bài tin dễ đọc mất rất nhiều công sức của các biên tập tin và ảnh, dẫn đến nhiều cuộc tranh cãi. Hai ngày trước khi chuỗi tin bắt đầu, Gallagher gọi tôi tới văn phòng ông ta. Ông ta đã đầu tư rất nhiều tiền và nhân viên vào chuỗi bài đó nhưng nó lại đi theo hướng ông ta không mong đợi, ông ta đặc biệt tức tối với những bức ảnh mở đầu của câu chuyện chính ngày Chủ nhật mà tôi bắt đầu theo dạng một bức thư:

"Kính gửi Horst, chúng ta đã già đi hơn một trăm ngày khi chuyến thăm Hoa Kỳ của chúng ta kết thúc để hiểu rõ về các phòng tắm trong nhà nghỉ, những chiếc xe ô tô thuê và những kế hoạch chuyến bay. Nhưng chúng ta đã học được bao nhiêu? Tôi nhớ lời nhận xét của anh: "Chúc may mắn, cậu sẽ cần điều đó", anh lắc đầu và bắt tay tôi cùng lúc luồng gió lạnh thổi qua Trung tâm thương mại Rocketfeller ở New York. Anh đã hoàn thành những bức hình cửa mình và đang quay trở lại Đông Dương đêm đó để viết về chiến tranh. Nhưng anh thương cảm cho tôi vì tôi đang ở Mỹ mà trong ý nghĩ của anh, những khu rừng bê tông chứa đựng những nguy hiểm không rõ ràng và không an toàn hơn những khu rừng xanh ở Việt Nam".

Gallagher không nói với tôi quá thẳng thắn nhưng tôi tin ông ta đã mong đợi Horst và tôi có cái nhìn tích cực và lạc quan hơn về Hoa Kỳ. Ông ta nói: “Đó không phải là lỗi của các cậu, tôi chỉ không cử các cậu đi làm một câu chuyện giống như vậy". Tôi vội vàng cam đoan với ông ta, "Wes, giờ thì không thể làm được gì nữa, nhưng tôi nghĩ những biên tập người Mỹ của các tờ báo thực tế về đất nước của họ hơn ông nghĩ".

Cuối buổi sáng chủ nhật đó, tôi lái xe xuống cao tốc West Side tới lối đi đường 42 và tìm một cửa hàng tạp chí ở quảng trường Times, nơi đã bán hết các tờ báo của thành phố. Tôi tìm số báo chủ nhật từ vùng nông thôn để xem các biên tập chân thành người Mỹ đối xử thế nào với những người nước ngoài nhận xét đất nước của họ. Tờ Boston Globe đưa câu chuyện lên trang nhất, tờ lndianapolis Star và Binghamton Press cũng vậy. Tôi lái xe trở về trụ sở AP nơi họ lưu giữ việc sử dụng câu chuyện đó: trang nhất ở tờ Houston Omaha, Lincoln. Nebraska, Tulsa, và mục phóng sự ở tờ Chicago. Philadelphia, Kansas và Detroit.

Tuy nhiên Gallagher vẫn không chắc phải làm gì với tôi. Ông ta cử tôi vào Phòng Phóng sự, một vùng đất ưu tiên cho những tay viết tài năng ở tầng 6. Tôi thích thú làm việc cùng Sau Pett, Hugh Mulligan và những đồng nghiệp tài giỏi khác, nhưng tôi không thể chịu được tốc độ chậm chạp ở đó. Một trong những phóng viên phóng sự phát cáu với tôi vì đánh máy quá nhanh. "Cậu đang tạo ra tiền lệ", anh ta phàn nàn.

Nhiệm vụ đầu tiên của tôi là biên tập một câu chuyện phóng sự về tình trạng của tạp chí Mỹ. Os Elliot, biên tập tờ Newsweek tham gia một trong các cuộc phỏng vấn của tôi đã phàn nàn: "Cậu đang làm cái quái quỷ gì với những câu chuyện giống như thế này, Arnett? Cậu là phóng viên hành động".

Sự không hài lòng về tôi ngày càng tăng đã đến tai Gallagher. Một hôm ông ta gọi tôi vào văn phòng nói rằng tôi đã không làm việc tốt và cử tôi tới Phòng Tổng hợp ở tầng 4, làm tin cho những nhân viên phóng sự lâu năm. Tiếng máy telex làm tôi cảm thấy dễ chịu hơn và tôi có những nhiệm vụ làm tin thực sự như cuộc nổi loạn nhà tù ở Attica, New York. Trực thăng đổ bộ cùng lính dã chiến và những viên đạn bay tới số người bị thương giống như trong một cuộc chiến tranh, 30 tù nhân và 10 con tin chết chỉ trong bốn phút. Điều đó cũng tương tự.

Tháng 10-1971, Gallagher gọi tôi là một phóng viên thường trú đặc biệt "khi công nhận sự thật rằng cậu cho thấy tài năng lớn như một phóng viên trong nước mà cậu đang làm ở nước ngoài." Tôi gấp bộ đồ Hồng Kông quá cỡ của mình, đặt chúng vào hòm để sau này dùng vì tôi không có ý định tăng cân trong công việc mới này.

CHUYẾN ĐI SANG BÊN KIA CHIẾN TUYẾN

Tôi đã theo dõi tiến trình của cuộc chiến với sự quan tâm và vui mừng trở lại khi Gallagher cử tôi trở lại Sài Gòn đầu năm 1972. Tôi viết về vụ tấn công quân đội mới của người Bắc Việt ở vùng phi quân sự hóa và Tây Nguyên được biết đến như Chiến dịch Lễ Phục sinh. Đó là lúc tất cả lính dã chiến Mỹ ra khỏi chiến trường về nhà;

Đổ bộ Campuchia cách đó hai năm đẩy mạnh áp lực chính trị với chính quyền Nixon kết thúc cuộc chiến của người Mỹ trong chiến tranh. Chỉ những đơn vị tiếp tế và hỗ trợ ở lại, mọi cố gắng ở Paris trong vòng ba năm thỏa thuận hạ cánh mà người Mỹ đã thất bại và những cố vấn quân sự Hoa Kỳ vẫn còn ở trong chiến trường cùng lính Việt vẫn còn nguy hiểm và đe dọa mạng sống.

Báo chí tập trung viết về số ít người Mỹ còn lại và có xu hướng tập trung vào những sĩ quan có trách nhiệm nhất, giống như trong những ngày đầu tiên của chiến tranh. Tôi lái xe nhiều giờ trên con đường 13 tới khu vực chiến trường để thăm Trung tá Burr Mt.Willey, cố vấn lực lượng Việt Nam. Vào thời điểm đó, gặp hàng tá những tay viết tin nổi tiếng nhất ở Việt Nam trốn trong hào bên đường tránh những cuộc tấn công pháo cối và đạn là bình thường.

Ngày 19-6, Willey bị rocket bắn trúng, cùng lúc đó Moose, con chó lai màu xám của ông ta lóc cóc theo sau. Cả hai đều chết. Cái chết của ông ta vô nghĩa vì đó là hoàn cảnh cho sự rút lui của Mỹ, cho thấy Việt Nam trở nên ít quan trọng với Hoa Kỳ.

Vài ngày sau đó, John Paul Vann chết trong vụ nổ máy bay gần Kontum, sau một thập kỷ lần đầu tiên tôi gặp ông ta ở Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi thấy rằng những lời dự đoán thảm khốc của ông ta đã trở thành sự thật và ngày càng tiến triển cho tới khi ông ta trở thành người Mỹ có thâm niên ở Tây Nguyên.

Tôi đã mất nguồn tin tốt nhất và cũng là một người bạn tốt. Tôi gặp khó khăn với cái chết của ông ta. Hai tuần trước đó, Vann đưa tôi đi bằng trực thăng Huey của mình từ Plâycu tới Quy Nhơn ở vùng biển miền Trung. Ông ta lượn quanh những sườn đồi dốc quanh đèo Mang Yang nơi có đội Cơ động, đơn vị tác chiến 100 của Pháp đã bị tiêu diệt trong một trận mai phục nổi tiếng của Việt Minh vào năm 1953.
Ông ta nói với tôi: "Nếu tôi chết ở đây, tôi muốn được chôn ở Việt Nam giống như những người Pháp đã chết, đứng thẳng và hướng vế quê hương."

Nhưng Vann đã được chôn ở Nghĩa trang quốc gia Arlingtơn ngay ngoại ô Washington, D.C cùng những vinh dự quân đội. Khi giới báo chí tiếp tục đưa tin những tổn thất ở Việt Nam và Canlpuchia, những người bạn phóng viên ảnh của tôi là Larry Burrows của tạp chí Life và Koicha Sawada của UPL nằm trong số những người đã chết.

Nhiệm vụ năm 1972 kéo dài trong 7 tháng mệt mỏi viết và đánh giá tình hình ở cả Việt Nam và Campuchia. Hoa Kỳ cuối cùng cũng thỏa hiệp với Bắc Việt cả công khai và bí mật. Các quan chức nói rằng mọi việc sẽ tiến hành trước bầu cứ tổng thống tháng 11.

Chẳng có điều gì xảy ra về các cuộc thương lượng khi tôi đang trên đường về nhà vào tháng 9. Tôi dành cuối tuần ở Paris, nơi người ta đồn Henry Kissinger đang thỏa thuận bí mật với một chính khách Bắc Việt tên là Lê Đức Thọ.

Tôi thích thú quan sát từ ban công phòng mình trong Khách sạn Claridge ở Champs-Elysee, sau khi ăn tối ngon lành và đang ngủ thì cấp trên ở Phòng Ngoại sự AP gọi cho tôi từ New York vào lúc 4 giờ sáng giờ Paris với lời nhắn khẩn cấp gọi điện cho Gallagher. Tôi biết rằng kỳ nghỉ ngắn ngủi của mình đã kết thúc. Cuộc gọi đó chắc phải có điều gì quan trọng bởi nhân viên của chúng tôi hiếm khi cho phép bị quấy rầy vào cuối tuần. Gallagher đi thẳng vào vấn đề: "Cậu có muốn đi tới Hà Nội không?".

Tôi thở gấp, mặc dù lúc đó tôi cảm thấy cảm xúc dâng trào quen thuộc. Hà Nội là trung tâm của Bắc Việt, nơi đã thách thức một cường quốc mạnh nhất trên thế giới cả một thập kỷ. Rất ít người phương Tây từng tới đó. Đó vẫn còn là điều huyền bí.

Gallagher giải thích có ba tù binh người Mỹ được thả ở Hà Nội cho phái đoàn chống chiến tranh như một cứ chỉ thiện chí, và tôi được mời tham gia vào đoàn đó với tư cách phóng viên duy nhất. Rõ ràng những người cộng sản đang tạo ra cử chỉ công khai nhằm gây ảnh hưởng tới cuộc đàm phán hòa bình. Ông ta nói tôi trở về ngay lập tức, nói chuyện với nhà tài trợ rồi thông báo cho ông ta. Ông ta nói đã giữ chỗ trước về dự án đó và những người liên quan. Văn phòng chính phủ lo ngại rằng sáng kiến cá nhân có thể đe dọa tiến trình hòa bình.

Tôi rời Paris trong chuyến bay TWA đầu tiên, biết rằng chuyến đi đó là hiện thực thì tôi sẽ là nhân chứng cho sự khởi đầu kết thúc chiến tranh. Mặc dù Chính phủ Hoa Kỳ nghi ngờ về sự kiện đó và việc thả tù binh Mỹ được coi như bằng chứng người Bắc Việt sẵn sàng thỏa hiệp. Vấn đề trung tâm của đàm phán hòa bình là số phận của rất nhiều tù binh Mỹ.

Tôi trở về vào giữa buổi chiều, bắt taxi tới Đại lộ Waldo ở Riverdale, tới nhà của Cora Weiss, người cùng với các nhà hoạt động xã hội chống chiến tranh khác sẽ tham gia chuyến đi tới Hà Nội. Hai thành viên của đoàn, nhà hoạt động xã hội vì hòa bình David Dellinger và giáo sư Trường Đại học Yale Rev.William Sloan Coffin là những nhân vật quốc gia. Bà Weiss ít được công chúng biết đến hơn. Nhưng tôi hiểu ngay rằng bà ta là nguồn động viên của chuyến đi. "ở đây cậu được xem xét", bà ta thẳng thừng nói với tôi dẫn tôi vào phòng khách, nơi có ba đứa con nhỏ đang ngồi và chồng bà, Peter đang chuẩn bị pizza.

Cora Weiss là một phụ nữ đẹp với mái tóc xoăn nâu và nụ cười rạng rỡ có thể nhanh chóng đổi thành sự khinh miệt. Điện thoại trong phòng bếp reo thường xuyên. Cora nói với tôi nó được FBI và các cơ quan chính phủ cài ghi âm. "Trong vườn của Martha (nơi bà ta có một ngôi nhà) máy ghi âm to tới mức điện thoại khục khặc và nhảy lên suốt đêm dài, và tưởng tượng điều đó khi đang nằm trên giường với chồng", bà ta nói. Bà ta đã phản đối với nhân viên an ninh của Văn phòng chính phủ người đó nói rằng: "Đó không phải máy ghi âm của tôi, của tôi không mạnh như vậy, đó là của Laird". Melvin Laird là Bộ trưởng quốc phòng.

Cora nói với tôi rằng nhóm của bà ta lúc đầu mời phóng viên thường trú của CBS Mike Wallace. Khi anh ta từ chối, họ mời phóng viên tờ Thời báo New York Gloria Emerson nhưng cô ta nói không thể đảm bảo việc đưa tin mở rộng. Gloria đã giới thiệu tôi. Thông báo với tôi rằng tôi là lựa chọn thứ ba của họ, bà ta nói: "Họ nói với tôi, anh là một phóng viên tốt, công bằng nhưng với chúng tôi, anh cũng phải là người cộng tác dễ chịu; chúng ta có cả một hành trình dài để đi"'

Bà ta nói rằng nếu tôi được chọn, tôi sẽ phải là thành viên của bên chính thức để làm hài lòng quy định hành chính của người Bắc Việt Tôi nhận ra nhóm đó gồm Minnie Lee Gartley, người mẹ của một trong những phi công hải quân được thả, và Olga Charles, vợ của một phi công khác. Trong mọi hoàn cảnh, tôi chưa có điều kiện tiếp cận với tất cả những người tham gia và các nhà hoạt động của họ.

Cora tranh luận thẳng thắn một đống quy định cơ bản cho phép tôi thực hiện nghề nghiệp mà không vi phạm bí mật của họ. “tôi không muốn anh nói chuyện với CIA và tôi không muốn anh làm nguy hiểm tới việc trao đổi tù nhân tương lai", bà ta nói. "Tôi không mong đợi sự thông cảm chính trị của anh cho nguyên nhân của chúng tôi nhưng tôi mong sự thông cảm cá nhân của anh với những gì chúng tôi đang làm".

Tôi hỏi bà ta mong đợi những câu chuyện được viết như thế nào và bà ta đáp: “một câu chuyện chính xác và đầy đủ về chuyến đi". Tôi cố gắng thuyết phục Cora rằng tôi chuyên nghiệp và nhã nhặn. Sau hai giờ nói chuyện, tôi dường như đã thuyết phục được Cora, con cái và chồng bà ta nhưng bà ta yêu cầu thêm một cuộc gặp với David Dellinger. Ông ta sẽ đưa ra quyết định cuối cùng vào đêm đó.

Tôi mong đợi một cuộc đối đầu nhưng ông ta là một quý ông dễ chịu với khiếu hài hước châm biếm. Khi ông ta tới căn hộ của tôi, tôi mời bia, ông ta vui vẻ đồng ý. Ông ta vừa chứng kiến một cuộc tuyệt thực phản đối chiến tranh dài. Sau cuộc nói chuyện ngắn, ông ta nói cảm thấy những bài tin trung thực và chính xác của một phóng viên độc lập là điều mong muốn nhất của mọi người trong chuyến đi và ông ta đồng ý tôi đi. Ông ta chỉ phân vân là người Bắc Việt sẽ phản ứng ra sao.

Ngày hôm sau Wes Gallagher khuyên tôi nên cẩn thận về những gì tôi hành động và những gì tôi viết. Cả Anthony Lewis của tờ Thời bảo New York và Jane Fonda đã gánh chịu cơn sóng nhận xét về chuyến thăm Hà Nội của họ đầu năm đó. Wes nhìn tôi dưới những vết nhăn: "Peter, đó là danh tiếng của cậu và cả của tôi trong chiến tuyến lần này".

Cora Weiss nhấn mạnh với tôi về yêu cầu bí mật trong mọi sắp xếp Bà ta bị thuyết phục rằng FBI và cơ quan an ninh chính phủ khác sẽ cản trở họ. Bà ta cũng rất lo lắng về những máy ghi âm điện thoại tới mức xử lý mọi chuyện bằng viết tay, đặc biệt với các dịch vụ du lịch, những người yêu cầu sử dụng điện thoại trả tiền.

Bà ta đồng ý với những người Bắc Việt họ sẽ hộ tống ba phi công được thả trên toàn bộ đường bay về Hoa Kỳ, nhưng bà ta lo lắng Bộ quốc phòng Hoa Kỳ sẽ can thiệp dành quyền bảo trợ các phi công nơi nào đó trong hành trình trở về nhà. Do vậy, bà ta tư vấn một hành trình trở về khác thường, từ Hà Nội qua Bắc Kinh và Mátxcơva, sau đó Copenhagen trên hành trình trở lại New York.

Để giành được sự tán thành, tôi mời mọi người sâm banh khi chúng tôi cất cánh ở sân bay Kennedy và tôi giữ trôi chảy mối quan hệ trong phần còn lại cuộc hành trình. Đoàn đi gồm Richard Falk, một chuyên gia luật quốc tế để lộ ra sự khôn ngoan lặng lẽ. Reverend Coffin là một người đồng hành du lịch huyên náo, đầy nhiệt huyết và tin rằng phong trào chống chiến tranh của người Mỹ thích thú quyền gia nhập với người Bắc Việt. "Chúng ta gần với họ hơn cả người Nga hay người Trung Quốc bởi vì chúng ta muốn chiến tranh kết thúc và họ biết điều đó".

Chúng tôi bay chặng đường cuối cùng trên chuyến bay quốc tế từ Viêng Chăn, bay qua những ngọn núi hồng của Lào và thung lũng có dòng sông bị đánh bom của miền Bắc Việt Nam để hạ cánh gập ghềnh tại sân bay Gia Lâm ở ngoại ô Hà nội. 

Máy bay của chúng tôi là chiếc duy nhất trên mặt đất. Những tòa nhà sân ga khiêm tốn, phản chiếu ảm đạm so với những khu ngổn ngang nhà chứa máy bay, tòa nhà bảo dưỡng và sân ga tại sân bay Tân Sơn Nhất từng là sân bay bận rộn nhất trên thế giới. Chúng tôi được một đoàn nhân viên người Việt đón. Họ ra máy bay cùng những người lính đội mũ sao đỏ và những khẩu AK 47 trên vai.

Khi cửa mở, tôi hăm hở xuống máy bay, tới tòa nhà sân ga, bắt đầu đánh bản tin bằng chiếc máy đánh chữ nhỏ của mình. Tôi nhận ra phóng viên thường trú Richard Dudman của tờ tin St.Louis Post Dispatch chuẩn bị rời đi. Tôi đoán anh ta có thể là người đưa thư cho tôi. Các nhân viên Việt Nam và lính an ninh tập trung xung quanh tôi, ngạc nhiên khi tôi đánh máy và lưỡng lự ngăn tôi giao bản tin cho Dudman, họ đòi phải đọc nó trước nhưng máy bay chuẩn bị rời, Dudman đặt nó vào túi áo khoác và lên đường trong chuyến bay trở về Viêng Chăn.

Trú ngụ trong một boong ke có bao cát tại sân bay từ một cuộc tấn công bằng bom từ xa, Cora Weiss lịch sự quở trách tôi, giải thích tôi giờ là thành viên chính thức của đoàn và chúng tôi cần phải theo mọi thủ tục. Tôi đồng ý là sẽ chú tâm hơn nhưng cảm thấy mình là một phóng viên trước và nhiệm vụ phái viên chỉ đứng thứ hai.

Sự kích động của chuyến đi thăm thủ đô phía bên kia là câu chuyện tin choán hết thời gian, mặc dù một vài phóng viên đã đả động tới hành trình xuất phát đó. Nhưng tôi có những chi tiết sốt dẻo: việc thả ba tù nhân chiến tranh Mỹ được giam giữ trong nhà tù "Hỏa Lò" ở Hà Nội và sự có mặt của một người mẹ tù nhân, một người vợ đang run lên hạnh phúc nhưng lại lo sợ về mối nguy hiểm bất ngờ khi tới thăm vùng chiến.

Các nhân viên an ninh yêu cầu chúng tôi ở trong những ngôi nhà bên đường cách Hà Nội khoảng 2 dặm vì đợt tấn công không quân phía xa của Mỹ và có hơn hai lệnh báo động vào buổi chiều đầu tiên sau khi chúng tôi lấy phòng ở Khách sạn Hòa Bình. Bộ váy bằng lụa hoa của Olga Charles dính đất, nhàu vết bẩn. Khi tới khách sạn, cô ta vừa bước vào phòng tắm thì chuông báo động rú lên khiến cô ta mặc quần áo từ phòng tắm chạy xuống mê hồn trận những phòng đằng sau và hành lang tới căn hầm bằng bê tông trú ẩn. Nhìn thấy chúng tôi ngồi đó, cô ta nói: "Tôi thật ngốc nghếch khi nghĩ rằng Washington sẽ dừng ném bom trong khi chúng ta ở đây".

Tôi được một cô gái trẻ tên Liên hộ tống khi rời khách sạn và đi bộ quanh thành phố. Cô ta phàn nàn với tôi về việc có ít đồ ăn. Cô ta đổ lỗi việc đánh bom của người Mỹ đã cắt giảm nguồn cung cấp lương thực, thực phẩm từ vùng nông thôn. Sự vất vả làm cô ta trông già hơn tuổi và khi tôi hỏi cô ta có người yêu chưa, cô ta có muốn lấy chồng không, cô ta đều trả lời "không" với cả hai câu hỏi. Cô ta đang thực hiện "Ba điều hoãn: hoãn yêu, hoãn cưới, hoãn có con" tới tận khi chiến tranh kết thúc.

Hà Nội trông mệt mỏi như cô ta; bụi bao trùm thành phố giống như tờ giấy gói bằng nhựa, đóng kín quá khứ. Những tòa nhà thuộc địa của người Pháp cũ to lớn, sạch sẽ nhưng mờ nhạt. Trong một số cửa hàng nhỏ ở khu phố đông dân cư, những màu sơn đã ngả màu thời gian và những căn nhà bằng gỗ đang mục rũa. Xe điện kiểu Pháp cũ kĩ leng keng chạy dọc cùng những xe đạp thong dong. Vài động cơ gắn máy bấm còi trên đường phố là những di vật từ những chiếc xe đã qua sử dụng của Liên Xô.

Người dân mặc những bộ đồ màu tối, thường là quần đen và áo trắng hoặc xám. Tôi nghĩ về Sài Gòn, nơi tôi vừa ở đó cách đấy một tuần, một thành phố mang vẻ bề ngoài hào nhoáng với những xe máy, xe ô tô thể thao, nước hoa, xịt tóc và sự khác nhau rất lớn trên đường phố giữa người giàu và người nghèo.

Cô gái phục vụ bay ở Khách sạn Hòa Bình nói cô ta chỉ có mỗi chiếc áo màu trắng và đôi quần màu đen, "và tôi phải giặt chúng mỗi đêm để mặc vào ngày hôm sau". Tôi nghĩ tới những người giúp việc tôi thuê ở Sài Gòn thường mặc những bộ áo dài lụa và mang túi đính hạt cườm.

Hầu hết mọi nơi trong thành phố, người dân Sài Gòn sống với cuộc chiến diễn ra ở xa vùng nông thôn. Ở Hà Nội cuộc chiến đến, rít trên cánh những máy bay ném bom. Tôi nhận ra một bảng tin to ở quảng trường chính của thành phố với bản đồ miền Nam Việt Nam trang trí những ngôi sao chiến thắng màu đỏ trên các vùng chiến trường và tôi nhận ra khi nhìn thấy bản đồ tương tự trang trí ở quảng trường Lam Sơn và cũng ghi nhận chiến thắng ở những chỗ tương tự.

Tôi chứng kiến cảnh người dân Hà Nội rất khẩn trương mỗi khi nghe tiếng loa phát ra: “Máy bay địch cách 70km", "Máy bay địch cách 50km", rồi còi báo động vang lên khi máy bay tấn công trong bán kính 40 km. Mọi người nhanh chóng tìm hầm trú ẩn dọc trên các đường phố hoặc những dân phòng đẩy họ vào những nơi trú ẩn rộng hơn bên cạnh Công viên Thống Nhất ở trung tâm thành phố. Sau đó là sự im lặng nặng nề, một sự im lặng khi mọi người chờ đợi những chiếc máy bay ném bom tới gần thế nào và mức độ bắn phá ra sao.

Những người chị em song sinh của Nina sống ở Hà Nội, một người em trai bằng tuổi tôi là giáo viên dạy toán ở một trường học có vợ và gia đình trẻ, còn người chị là bác sĩ quân y, một người anh khác sống ở Hà Nội đã chết cách đó nhiều năm vì bị ốm. Họ ở lại cách đây 18 năm khi gia đình Nina di tản vào Nam. Trong một buổi tiệc ngay sau khi tôi tới Hà Nội, một người đàn ông Việt Nam tầm trung niên giới thiệu anh ta là trợ lý tại Đại sứ quán Ấn Độ và là anh em đồng hao của tôi. Tôi lặng lẽ hỏi anh ta để thỏa mối quan tâm của mình.

Chúng tôi tiếp nhận ba phi công Mỹ tại cuộc họp báo lớn ngay sau khi tới, trong hội trường đầy các phóng viên và camera truyền hình từ các tổ chức báo chí cộng sản. Sự kiện được tổ chức nhằm mục đích tuyên truyền tối đa. Những phi công xuất hiện trên sân khấu mỉm cười trong bộ đồ mới may, nói những lời đánh giá cao người bắt giam mình và hy vọng việc thả họ sẽ nhanh chóng đem lại hòa bình.
Minnie Gartley và Olga Charles dành cả buổi sáng tại hiệu làm đẹp ở trung tâm Hà Nội. Bà Garley ôm chầm đứa con trai tóc vàng cao lớn, Trung úy Mark Gartley bị giam giữ bốn năm. Olga Charles hôn chồng, Trung úy Norris Charles bị giam giữ 10 tháng. Phi công thứ ba, Thiếu tướng Không lực Edward Elias là người bị bắn hạ trước đó bốn tháng, anh ta đã mong đợi vợ hoặc cha tới đón, nhưng anh ta dường như thất vọng. Tôi là phần thưởng an ủi của anh ta. Chúng tôi được xếp ở chung tại khách sạn.

Thiếu tướng Elias là người kín đáo nhất trong ba người và yên lặng hơn khi anh ta đọc thư của mình và biết rằng chuyến đi này gây nên tranh cãi như thế nào và vì sao gia đình anh ta không tới Hà Nội bởi sự phản đối của Bộ quốc phòng. Tôi nghĩ anh ta bị phá rối khi có một phóng viên ầm ầm đánh những tin bài trong phòng muộn vào buổi tối, nhưng anh ta tiếp tục giữ sự quan tâm cho chính mình.

Sau một vài ngày, Thiếu tướng Elias trở nên nói nhiều hơn và nói cho tôi nghe về cuộc sống ở trại giam và anh ta so sánh những giấc mơ đó như thế nào với những người bạn của anh ta. Trong hai tháng đầu tiên ở trại giam không ai có mơ ước cả. Tháng thứ ba họ bắt đầu mơ đến thức ăn. Và sau tháng thứ tư họ mơ tới tình dục.

Trong một chuyến đi thực tế, chúng tôi đi theo lộ trình mà Jane Fonda và viên Chưởng lý Hoa Kỳ Ramsey Clark đã đi đầu năm đó, lái xe về phía nam tới thành phố Nam Định và nhà thờ Phát Diệm, cả hai nơi đều bị máy bay Mỹ đánh bom tàn khốc. Khi chúng tôi nhảy dựng vì xóc dọc theo những đường cao tốc hẹp trước khi bình minh, câu nói dập khuôn về cộng sản Việt Nam luôn là “sức mạnh con kiến" và sự thích ứng đặc biệt của người dân đối với hoàn cảnh khó khăn trở nên sống động trước mắt chúng tôi.

Những trái bom nổ thẳng vào các đường xe ô tô hoặc trên những con đường dọc theo, chúng tôi chứng kiến những bóng người làm việc với những đống đổ nát. Những người khác chuyển đống đổ nát ném vào các hố bom. Trời sáng, chúng tôi đi qua đoạn giao đường sắt ở Phủ Lý, chúng tôi nhìn thấy những bóng người đó là những người phụ nữ. Họ san lấp hố bom.

Chiếc ô tô mui kín Volga kiểu Nga chở chúng tôi đang đi bị sa lầy, những người phụ nữ lội ra khỏi bùn đất, tập trung xung quanh chúng tôi, họ cười, hướng dẫn và đẩy xe chúng tôi lên đường. Đối với Thiếu tướng Elias đi cùng với tôi, một phi công Mỹ kinh nghiệm từng thường xuyên lái máy bay do thám, đó là bài học, tận mắt chứng kiến vùng nông thôn.

"Có nhìn thấy những đống mộ đằng kia không?", Elias hỏi tôi khi chờ phà qua sông nơi cầu đã bị phá hủy. Tôi nhìn thấy cảnh tượng đồng quê với những con bò đang gặm cỏ trên mảnh đất thanh bình. Chúng là những hầm bắn phá máy bay với họng súng bên dưới", Elias nói. "Chỉ cần máy bay tới và họ sẽ nhả đạn ra thổi tung. Những thứ này rất khó quan sát. Đó phải là những chuyên gia am hiểu hình ảnh mới nhìn ra chúng". Khi mặt trời lên, Elias quay bên nọ bên kia. “Nhìn thấy vị trí hỏa lực đó không? Chúng là loại 85s, còn cái kia có cả nửa tá 50 li". Với tôi, tất cả đều trông giống như những cây chuối.

Những gì bất ngờ với phi công đó là việc mở rộng đường tiếp tế của miền Bắc Việt Nam, một minh chứng cho những năm đánh bom của Mỹ đã thất bại về mục đích. Từ khi rời Hà Nội lúc 4 giờ sáng tới khi chúng tôi trở về 8 giờ tối hôm sau, chúng tôi gặp những đoàn xe hộ tống bên đường đi, và hàng đống thùng đựng đầy xăng. Suốt thời gian ban ngày, chúng tôi đi qua nhiều xe tải vận chuyển đỗ dưới gốc cây. Chúng trông dễ bị nguy hiểm nhưng Norris Charles nói với tôi: "Chúng tôi không bao giờ nhìn thấy những thứ này từ trên không và khi ai đó muốn xuống gần để xem thì coi chừng, blam blam".

Mark Gartley nhớ lại khi bay trên vùng đó cách đây vài năm: tưởng là không có người ở nhưng thực ra rất đông đúc sự sống. Elias nhận xét đó là chiến thuật chống lại tư tưởng: "Tôi chỉ phân vân là chiến thuật còn đi xa đến đâu nữa bởi người Việt Nam thường đánh bại điều đó".

Một ngày sau khi chúng tôi trở về Hà Nội, một nhân viên tên là Liễu vẫy tôi lại một bàn ở góc tiền sảnh Khách sạn Hòa Bình. Ông ta nắm chặt ba bản sao bài viết tôi đã viết trước đó 8 tiếng về chuyến đi thực tế. Thông thường ông Liễu nở nụ cười thân thiện và nói tiếng Việt, nhưng lúc này ông ta có khuôn mặt giận dữ, sử dụng tiếng Anh có thể hiểu được nhưng đứt quãng.

“Ông Arnett", ông ta bắt đầu, "Tôi biết ông có quyền để viết bất kì điều gì ông muốn về nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Tuy nhiên, trong đoạn thông tin này có những điều mà chúng tôi thật sự không hài lòng" và do vậy bắt đầu cuộc tranh cãi dài cả tiếng đồng hồ về bản tin mà ông ta khẳng định quá nhiều nhấn mạnh về tính tiêu cực.

"Chúng tôi buộc những phi công tuyên bố những lời buộc tội về sự tàn phá", ông ta nói. Tôi thấy rằng đó là những gì ông ta hiểu tôi như sự có mặt thường thấy của những phóng viên ảnh và phóng viên bộ đàm, những chất vấn các quan chức tỉnh và những người nói rằng họ là nạn nhân bị thả bom, những người đã hỏi các thành viên của đoàn với hàng loạt câu hỏi kiểu như: "Các ông nói gì về sự hủy diệt do máy bay Mỹ gây ra”

Cuối cùng tôi cũng giới hạn mối quan tâm của ông Liễu đối với hai đoạn trong bài viết của mình. Trong một đoạn tôi viết rằng nhân viên địa phương dường như đặt quá nhiều câu hỏi và làm phiền những người phụ nữ Mỹ. Trong đoạn khác tôi trích lời của Mark Gartley: "Anh ta cảm thấy người Bắc Việt thất vọng khi anh ta không công khai buộc tội chiến tranh".

Tôi đồng ý xóa bỏ ý nghĩa của từ "Pushing" bởi vì ông Liễu dịch nghĩa đơn thuần của từ này có nghĩa "Forcing", nhưng tôi nài nỉ giữ lại lời trích dẫn của Gartley. Ông Liễu dường như hài lòng với chiến thắng nhỏ nhoi của mình, bắt tay tôi và nói rằng bản tin sẽ được đánh máy chuyển đến văn phòng Paris của AP ngay lập tức. Sự thỏa thuận tương tự xảy ra với mỗi câu chuyện tôi viết nhưng người Bắc Việt không nài nỉ sự thay đổi nào liên quan tới mức độ nghề nghiệp.

Liên lạc từ một Hà Nội bị chiến tranh tàn phá với thế giới bên ngoài giới hạn vài giờ mỗi ngày tới Paris và Hồng Kông. Những bài viết dài của tôi có xu hướng chất đống tại bưu điện, văn phòng đánh máy và khi tôi phàn nàn việc chậm trễ, cô Liên nói với tôi: "Thứ nhất là ông gửi quá nhiều và thứ hai nước tôi là một nước nông nghiệp chứ không phải nước công nghiệp, do vậy không nên mong đợi những điều kì diệu từ chúng tôi".

Một buổi chiều chúng tôi được gặp Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Đồng tại nơi ở chính thức của ông gần lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Chúng tôi nhâm nhi trà và nói chuyện khoảng một tiếng, sau đó chúng tôi đi dạo quanh sân bỏ qua cái nóng buổi chiều. Tôi quan tâm tới sự chân thành giữa các thành viên của nhóm chống chiến tranh và lãnh dạo người Việt. Thủ tướng Phạm Văn Đồng vỗ vai tôi và ca ngợi những bài viết của tôi từ mặt trận.

Khi trở lại khách sạn, tôi thảo luận với Cora Weiss rằng bà ta và đội của bà ta tin quan điểm của Chính phủ Bắc Việt hơn của chính họ. Cora đáp rằng chính sách của Mỹ đi ngược với hòa bình thế giới nên tương lai của Việt Nam nên hoàn toàn nằm trong tay những người Việt, Mỹ không có quyền ở đó và rút quân là giải pháp duy nhất.

Trước khi rời Hà Nội, chúng tôi được triệu tập tới một tòa nhà chính phủ ở trung tâm trong một căn phòng trống vài hàng ghế cùng những chai bia địa phương và những chiếc ly to trên bàn. Bảy người Mỹ bước vào vận bộ đồ nhà tù với đôi tay dang rộng và khuôn mặt nặng nề. Họ ôm chúng tôi và hét ra lời chào hỏi.

Họ là một vài người trong hơn 400 phi công Mỹ bị giam giữ ở Hà Nội và tất cả đều muốn về nhà. Họ khó nói hết cảm xúc của mình, và cuộc nói chuyện diễn ra - những bức thư từ gia đình, cuộc sống trong trại giam, những lời nhận xét về chiến tranh. Tất cả đều sẵn sàng chống lại chính sách của Chính phủ Mỹ. Tôi không biết có bao nhiêu người tù khác cũng có suy nghĩ giống vậy hay do những áp lực mà họ chịu đựng.

Cuộc nói chuyện tiếp diễn. Những ly bia cùng chạm và bạn có thể gần như quên đi những người đàn ông này là tù nhân cho tới khi nhận ra bạn chạm vào họ qua bàn thì vực sâu là vô hạn. Chúng tôi có thể rời căn phòng đó, leo lên máy bay về nhà, còn họ là những con tin cho những thương lượng hòa bình mà cả hai bên đều không muốn kết thúc. Một nhân viên Bắc Việt nhanh chóng đứng lên, tuyên bố chuyến bay của chúng tôi khởi hành. Những người tù uống cạn ly và được giải đi.

Hành trình trở về nhà cùng những phi công được thả tự do theo cảm nhận chính trị thì nguy hiểm như những chuyến bay trước đây đã làm họ bị bắt.

Bắc Kinh là điểm dừng lại đầu tiên của chúng tôi. Rõ ràng chúng tôi không hoàn toàn được nghênh đón. Chúng tôi được xếp vào một xe bus và đưa về một khách sạn khiêm tốn qua đêm. Họ nói chúng tôi không được rời khỏi phòng và những người lính gác vào vị trí ở hành lang để tăng cường sự hạn chế. Nhưng Bắc Kinh dễ chịu với Washington, xa Lầu Năm góc và do vậy an toàn.

Cora coi Mátxcơva là điểm nguy hiểm đầu tiên vì mối quan hệ thân thiện giữa Tổng thống Nixon và lãnh đạo Xôviết, Leonid Brezhev. Bà ta lo lắng những người Xôviết sẽ cho phép những phi công do phía Hoa Kỳ yêu cầu được bay về nhà độc lập, xì hơi quả bóng công khai mà tôi góp phần tạo ra.

Trong thời gian dừng chân ở thành phố của người Serbirian của Novosibirsk, một hướng dẫn viên du lịch thông báo một phái đoàn các nhân viên Đại sứ quán Mỹ sẽ đón chuyến bay của chúng tôi khi hạ cánh ở Mátxcơva. Cora mong đợi họ sẽ yêu cầu ngay lập tức cho những người phi công được tự quyết định.

Mọi người tập trung trong một quán cà phê sân bay để bàn bạc về kế hoạch hành động. Lúc đầu, Thiếu tá Elias kiên quyết tuân theo mệnh lệnh. Khi chúng tôi rời Hà Nội, ông ta nói với mọi người: "Tôi sẽ đi cùng những nhân viên Mỹ đầu tiên yêu cầu điều đó". Mark Gartley bị ảnh hưởng bởi mẹ và do vậy là phi công hợp tác nhất. Norris Charles và Olga nhìn chung tránh tranh luận.

Richard Falk, tay luật sư của chúng tôi cho rằng vào lúc đó không một phi công nào phải tuân lệnh hợp pháp với các mệnh lệnh của một sĩ quan cấp trên và do vậy sẽ không bắt buộc đáp lại lời đề nghị của các nhân viên đại sứ quán nếu họ không muốn làm vậy. Nhưng đó chỉ là ý kiến của anh ta. Những phi công lo lắng rằng từ chối mệnh lệnh trực tiếp thông báo với Đại sứ Mỹ là chống đối quân sự. Vấn đề đó không rõ ràng. Cuối cùng luật sư Falk đã giành chiến thắng với mọi người.

Sân bay quốc tế Mátxcơva thường là một trong những khu an toàn nhất thế giới nhưng vào đêm đó về cơ bản chính quyền Xôviết đã rút hết lính gác. Chúng tôi bước xuống máy bay trong sự chào đón nồng nhiệt của giới báo chí quốc tế, các nhân viên phương Tây đủ loại, các nhân viên hàng không, và những người đứng kín xung quanh hò hét và xô đẩy. Tôi nhận ra Murray Fromson của bản tin CBS trong đám đông và cảm thấy anh ta bám vào vai tôi khi hét lên một câu hỏi mà tôi không thể nghe thấy trong tiếng ồn.

Chúng tôi tiến lên phía trước lối vào sân ga và bị tắc trong hành lang khi tôi nghe thấy tên tôi được gọi bằng giọng trầm, tôi quay lại và nhìn thấy Lữ đoàn trưởng, Tướng Sam Wilson, tùy viên quân sự Đại sứ quán Mỹ mà tôi đã biết ở Việt Nam. Ông ta mời tôi nghỉ một đêm thoải mái ở đại sứ quán nhưng tôi nhớ chỉ thị của Cora tránh tiết lộ với chính quyền và tôi từ chối ông ta.

Một nhân viên tự giới thiệu mình là nhà ngoại giao Mỹ cố gắng chặn hành trình của những phi công nhưng bị Coffin gạt sang bên. Falk liếc tay đó và thét lên: "ông không có quyền ra lệnh những người đàn ông này trong địa phận nước ngoài" và sau đó chúng tôi đều ở trong sân ga tới tận khi kết thúc ở văn phòng hàng không SAS.

Nhân viên đại sứ quán giải thích anh ta được chỉ thị giúp đỡ những phi công một chuyến bay thoải mái về nhà bằng trực thăng của Không lực Hoa Kỳ và đó sẽ là mong muốn chung của tất cả mọi người. Olga Charles nhìn về phía Norris, nghiến răng từ từ lắc đầu mặc dù chồng cô ta có lẽ muốn chấp nhận lời đề nghị nhưng anh ta kiên quyết: "Điều chúng tôi quan tâm nhất là được trở về như cách chúng tôi đã lập ra, trên một chuyến bay dân sự cùng nhau".

Nhân viên đại sứ quán rất thất vọng nhưng không đưa ra mệnh lệnh trực tiếp. Thay vì đó anh ta lặng lẽ nhận xét trước khi rời: "Tôi tôn trọng những mong muốn của các anh và sẽ thông báo cho Washington điều đó". Bên trong căn phòng nhỏ, căng thẳng biến mất và Cora Weiss nở nụ cười rạng rỡ, tuyên bố nồng ấm rằng: "Tôi tự hào vì các bạn, các bạn đã hoàn thành" và bà ta bắt tay tất cả.

Chúng tôi tới Copenhagen vào sáng hôm sau, có một buổi họp báo ngắn theo dự định. Một vài nhân viên ở Đại sứ quán Mỹ đi trên máy bay cùng chúng tôi gồm một sĩ quan là bác sĩ quân y mang theo một va li lớn với kích cỡ có thể chứa cả gian hàng. Tôi nói với Coffin rằng cái va li đó có thể chứa những bộ quân phục.

Tôi đã đúng. Tay sĩ quan đã thuyết phục họ như thế nào tôi không chắc nhưng ba người lính của chúng tôi thay đổi sau một giờ ngoài sân bay Kennedy, làm thất vọng Minnie Gartley rất nhiều, bà cố nén sự tức giận khi đứa con trai rời máy bay cùng hai phi công kia trong sự hộ tống của quân đội.

Vào lúc này tôi đã kiệt sức. Tôi giao câu chuyện của mình cho một phóng viên AP khi làm xong thủ tục nhập cảnh. Khi đi qua đám đông, tôi cảm thấy một đôi tay trên vai mình, một phóng viên ảnh đang nhìn tôi và sau đó nhìn thấy thẻ báo chí New York trên cổ tôi. Một đồng nghiệp gọi anh ta: “anh ta không phải là một trong số họ sao?" và tay phóng viên ảnh đáp lại: "à, anh ta là một trong những người tốt" và tôi hiểu, sau đó tôi trở về ngôi nhà ở New York.

BẮT ĐẦU CỦA KẾT THÚC
 

Tất cả các đơn vị hỗ trợ quân đội Mỹ đều rút khỏi Việt Nam vào tháng 3-1973 sau khi Chính quyền Nixon cuối cùng đưa ra thỏa hiệp kết thúc chiến tranh. Những người Mỹ khởi hành về nhà cùng với rất ít động cơ còn lại cho giới báo chí viết về Việt Nam. Câu chuyện ra khỏi phạm vi radar của truyền thông. Các biên tập và những nhân viên truyền hình đã dành hàng triệu đô la vào Việt Nam. Đó là cuộc chiến tranh gây tranh cãi và được viết nhiều nhất trong lịch sử Mỹ. Họ vui vẻ được tiết kiệm chi phí. Ngành tin tức mệt mỏi viết về chiến tranh giống như công chúng mệt mỏi đọc về nó. Văn phòng Sài Gòn đóng cửa hoặc cắt giảm nhân sự. Câu chuyện về Việt Nam chuyển từ những trang đầu hàng đêm xuống những trang cuối của tờ báo cạnh mục Dear Abby.

Tôi đang ổn định trong một căn hộ mới thuê phía đông Manhattan và cố gắng từ bỏ những kinh nghiệm ở Việt Nam, tiếp tục với các chủ đề khác. Nhưng tôi vẫn còn mềm yếu với những bài hát quyến rũ của Việt Nam. Khi biên tập nhân sự AP Lou Boccarli và biên tập tin ngoại sự, Nate Polowetzky yêu cầu tôi trở lại vào mùa hè năm 1973, tôi đã không từ chối. Nina nhớ những người chị và cha mẹ vẫn còn sống ở Sài Gòn, do vậy cô ấy và bọn trẻ đi cùng.

Nhiệm vụ của tôi là tìm hiểu xem miền Nam Việt Nam có thể tồn tại được không nếu không có sự tài trợ của Quốc hội hay binh lính Mỹ. Vào tháng 4, trong một bài phát biểu tại Đại học Minnesota, tôi đã dự đoán sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam "trong vòng bốn năm". Sức mạnh của phía Bắc Việt tiếp tục tăng lên và sự yếu thế của miền Nam không bao giờ thay đổi. Tôi miêu tả thỏa hiệp hòa bình như một cơ chế cho phép Hoa Kỳ rút lui trong danh dự. Henry Kissinger đã nói với những người bạn của ông ta rằng mưu kế đó là "sự tạm ngừng lịch sử" giữa việc rút lui của Mỹ và chiến thắng cua người Việt Nam.

Sài Gòn không muốn đối mặt với sự đen tối tương lai; thành phố không muốn công nhận rằng một thập kỉ chiến tranh và những thỏa thuận hòa bình nó đẻ ra là không mang lại kết quả gì và là sai lầm.

Người bạn của tôi là Hà Thúc Cần đang xây một ngôi nhà khang trang gần sân bay theo phong cách kiến trúc của người Chăm phổ biến ở các bờ biển miền Nam. Anh ta trở thành người sưu tập rượu mạnh, buôn bán đồ cổ và những đồ vật trong những thôn và làng trước đây không tới được do chiến tranh. Hà Thúc Cần là tay liều mạng, đi sâu vào vùng nông thôn, nơi không lính chính phủ nào dám đi. Anh ta nói sự dừng lại trong chiến tranh khi cả hai đều đánh giá được tương lai và điều này giúp anh ta đi lại tự do.

Tôi có ấn tượng rằng thời điểm chính trị căng thẳng đã tới, một hòa bình giả giống như trước Chiến tranh thế giới thứ hai, sự hưng thịnh cuối cùng trước sự thật của mùa đông. Tôi thuê một xe tải Chevy có dịch vụ và người lái xe đi từ Sài Gòn ra phía bắc càng xa càng tốt cùng Andrew, đứa con 9 tuổi của tôi. Một thập kỷ theo đuổi tin bài trong thành phố và nông thôn dọc theo các con đường tôi đã trải qua và tôi muốn Andrew chứng kiến để nhớ điều đó trong tương lai khi đất nước nó sinh ra không còn tồn tại nữa.

Chúng tôi tận dụng thời gian, khởi hành vào giữa buổi sáng ngày 10-5, một ngày nóng, sương mù. Những thùng đồ uống nhẹ và những hộp thức ăn lắc đằng sau xe khi chúng tôi qua những chốt an ninh bên ngoài Sài Gòn và hướng theo quốc lộ 1 từng được biết đến là con đường Trung Hoa bởi vì nó dẫn tới cố đô Huế.

Chúng tôi đi qua Biên Hòa và trụ sở quân đoàn Mỹ đã bị phá hủy tại Long Bình. Tôi nhận ra những hố cá nhân bên đường đã lấp. Khi Andrew uống Coke thì tôi thết đãi nó bằng vài câu chuyện chiến tranh và nó gật đầu tỏ vẻ thích thú, tôi nghĩ tốt hơn nó nên quen dần với điều đó bởi vì chúng tôi sẽ ở trên đường khoảng mười ngày và tôi có rất nhiều câu chuyện để kể.

Chúng tôi dừng lại ăn trưa tại một nhà hàng bên đường ở thị xã Xuân Lộc, nơi có những đứa trẻ vây quanh chúng tôi xin tiền, nói rằng chúng có những người cha người Mỹ. Một phiên dịch của AP đi cùng chúng tôi, Trần Đình Hương nói cho chúng tôi rằng bọn trẻ muốn cha của chúng quay trở lại nhưng sẽ lấy trộm tiền của chúng tôi nếu chúng tôi sơ ý

Chúng tôi hy vọng tới thị xã bờ biển của Phan Thiết trước khi trời tối trên con đường cao tốc uốn éo theo những núi đá và qua những bài cát. Rất ít xe qua lại. Những dặm cuối cùng đánh dấu bằng những lá Cờ Chính phủ cùng các ca nô màu vàng với ba dòng chữ ngang màu đỏ treo giống như phong cách phơi khô của người diễn từ cây tới vách đá. Tổng thống Thiệu sinh ra ở Phan Thiết và người dân vui vẻ thể hiện lòng yêu nước của họ.

Thị xã này cũng là quê hương của loại nước mắm rất nổi tiếng được làm từ cá lên men đựng trong những bình đất nung tròn có đính mác xếp chụm hàng trăm lọ bên ngoài các cửa hàng và các chợ. Mùi nồng nặc đó tỏa ra từ các nhà máy bên bờ biển lan tỏa toàn bộ không gian.

Tôi đã hiểu rằng cần tôn trọng các ngành nghề truyền thống địa phương. Khi tôi phát hiện ra điều quan trọng về chính trị của Wicolsin một năm trước đó, tôi tình cờ tới một thị trấn nhỏ của Union Grove và viết rằng những gì tôi nghĩ là một câu chuyện hài hước về cuộc tranh cãi địa phương về nhà máy sản xuất dưa cải bắp và mùi độc hại đó. Ngày hôm sau hội đồng thị trấn Union Grove tức giận tuyên bố tôi là người không được chấp nhận. Tôi có cảm giác người Việt Nam cũng nhạy cảm tương tự về mùi vị yêu thích của họ.

Sáng hôm sau tôi đến thăm một đội người Mỹ ở tỉnh. Trong một vài tháng từ khi có thỏa thuận hòa bình, 260 cố vấn và sĩ quan đã giảm xuống chỉ còn 3 người đại diện. Họ không vui vẻ nói chuyện với tôi và phàn nàn về mệnh lệnh che giấu tin tức đối với họ do Đại sứ quán Mỹ thực hiện. Họ biết ngày càng ít diễn biến cuộc chiến; chính quyền Sài Gòn hiếm khi thông tin cho họ, thậm chí họ quản lí hàng triệu đô la viện trợ của Mỹ đối với tỉnh.

Tôi hỏi về chuyện tham nhũng xem các sĩ quan địa phương có đồng ý với những gì thường được gọi là hối lộ ở "mức độ có thể chấp nhận" và một người Mỹ thốt ra phẫn nộ: "Tôi mệt mỏi khi phải nghe về mức độ hối lộ có thể chấp nhận được. Chẳng có mức độ nào là có thể chấp nhận được. Nếu họ có cơ hội lấy một chút tiền thì sau đó họ sẽ lấy hết luôn". Đồng nghiệp của anh ta nói thêm: "Tôi nói với đại sứ quán hoặc tôi sẽ viết một bản báo cáo về việc hối lộ, và họ đơn giản nói rằng, quên chuyện đó đi, Nhà Trắng có thể đọc và gây rắc rối". Họ gợi ý rằng chuyện lờ đi trách nhiệm chính là triệu chứng không khác gì với số phận của đất nước, một sự thờ ơ chính trị song hành với rút quân.

Người dân địa phương dần quen với việc trở về của người Mỹ, đặc biệt là những phụ nữ đã sống với những người Mỹ, có con với họ và bị bỏ lại phía sau. Những người nước ngoài mới đến tham gia vào bức tranh đó là người từ các quốc gia trung lập được giao nhiệm vụ kiểm soát quốc tế, tới giám sát việc thực hiện thỏa thuận hòa bình. Với rất ít hoặc không có chính quyền can thiệp vào, họ có thời gian và quyền lực trong tầm tay các nhà bảo vệ hòa bình đã chuyển một số cô gái cùng bọn trẻ nhỏ vào phòng ở khách sạn.

Chúng tôi xa rời mùi vị nước mắm Phan Thiết và lái xe về phía Phan Rang trong gió biển thổi qua cửa xe đang mở. Cái nóng lấp lánh trên những dải muối, sáng màu ôliu trải tới chân đồi rồi sang phía tây.

Tôi luôn yêu đoạn đường cao tốc trải nhựa này, chạy qua nơi có tính chất lịch sử, vương quốc cuối cùng của người Chăm pa. Những ngọn tháp bằng gạch đỏ vẫn đứng đó, thậm chí những người trung thành đã xây dựng nói cách đây rất lâu bị người Việt Nam đánh bại trong hành trình tiến về phía nam kiên trì bền bỉ của họ. Người phiên dịch của tôi, ông Hương, nói rằng ý nghĩa của từ Bình Thuận là "hòa bình của đất nước, hòa bình trong suy nghĩ".

Sự mơ màng của tôi lay động khi Andrew cỉi tay về cửa sổ và hét lên: "Nhìn kìa cha, xe tăng, xe tăng". Chúng tôi lại gần để xem. Đó là một chiếc xe tăng nhỏ của Nhật dựng trên bệ một đài tưởng niệm những người Nhật xâm chiếm đã chết. Tôi nói với Andrew đó là một cuộc chiến sai lầm. Khi đã qua vịnh Phan Rí, chúng tôi bắt gặp nhiều sự kiện đáng nhớ mới xảy ra, hai xe tăng cỡ trung của Mỹ hỏng trong một khu quân đội của người Việt bỏ trống.

Tại tỉnh Phan Rang, Đại tá Trần Văn Tiêu nói với tôi lực lượng của anh ta không muốn thừa nhận bất cứ lãnh thổ nào của Việt Cộng và người của anh ta nghi ngờ rằng việc ngừng bắn có thể có hiệu quả. Một nhân viên Mỹ thông báo cho tôi rằng người Nam Việt Nam đổ lỗi cho một chuỗi các cuộc đụng độ xung quanh sân bay và về phía chân đồi hủy hoại việc ngừng bắn. Anh ta phàn nàn: “quân đội Việt Nam Cộng hoà sẽ không ngừng chiến đấu, chúng ta đã tạo ra một con quái vật như thế nào. Chúng ta thường kêu ca quân đội Việt Nam Cộng hòa chưa bao giờ muốn chiến đấu bây giờ chúng ta lại kêu ca họ không dừng lại".

Tôi tiếp tục đi theo bờ biển trên quốc lộ 1 qua các đụn cát và dốc đá, đi về phía căn cứ Mỹ trước đây ở vịnh Cam Ranh, nơi Tướng Westmoreland đã quyết định nhổ neo hệ thống tiếp viện cho cuộc chiến Tây Nguyên. Hàng nghìn lính Mỹ đổ mồ hôi và chửi thề trong cái nóng khi họ bắt đầu và kết thúc thời gian nghĩa vụ trong tòa nhà triển khai nhân sự lớn tại sân bay.

Cơn gió thổi tung lớp cát nóng của bán đảo Cam Ranh khi chúng tôi lái xe qua, bến cảng vắng và những tòa nhà căn cứ trên bán đảo chỉ còn là những đống gạch đổ nát, giống như thành phố ma cổ kính ở Nevada và Arizona. Nơi lộn xộn đó đã từng đón chào Tổng thống Johnson hai lần tới thăm. Những đèn giao thông tối đen ở chỗ giao nhau được gọi là “quảng trường thời gian".

Mỹ đã rót một phần tư tỷ đô la vào vịnh Cam Ranh và một số người đã từng mơ ước nó sẽ trở thành biểu tượng cho sự có mặt lâu dài của người Mỹ trên đất châu Á. Những gì chúng tôi chứng kiến ngày hôm đó là một đôi tất rúm ró treo trên dây và một bức thư tình trên cát, nét chữ mờ dần theo ánh mặt trời, một số đoạn miêu tả tình ái, kết thúc viết "hãy hủy bức thư này khi anh đọc xong." Nhưng người nhận đã ném nó vào thùng rác.

Ở bãi biển cát trắng uốn cong tại thành phố Nha Trang một biển hiệu sơn trắng to bằng tiếng Anh và tiếng Việt nói rằng bãi biển dành cho Không lực Cộng hòa - "Người Mỹ chỉ vào nếu được mời." Trong vòng sáu năm người Mỹ đã cấm người Việt vào khu vực biển Nha Trang cũng với biển hiệu tương tự và bây giờ những người địa phương đang trả thù. Tôi hỏi tỉnh trưởng Khánh Hòa, Đại tá Lý Bá Phạm về điều đó và ông ta chỉ cười nói rằng những tay phi công của ông ta rất can đảm. Ông ta nói thêm: “người thực sự muốn người Mỹ rời đi là cộng sản; mục tiêu của người Bắc Việt là tự chiến đấu với miền Nam và tôi nghĩ họ thật khôn ngoan".

Tỉnh trưởng trong trang phục quân đội gọn gàng rót trà cho chúng tôi, lắng nghe khi tôi kể về sự bất an ở Mỹ đối với chiến tranh và mong muốn của hầu hết người dân là quên về nó. Ông ta đáp lại: “Chẳng có lí do gì để Hoa Kỳ từ bỏ hoàn toàn và không đảm bảo tự do, dân chủ cho miền Nam Việt Nam". Chúng tôi nói chuyện một lúc và cuối cùng ông ta thể hiện sự bực tức với tôi: "Làm sao Hoa Kỳ có thể từ bỏ tất cả trong thất bại?".

Con đường phía bắc từ Nha Trang chạy dọc theo bãi biển đẹp nhất ở Đông Nam Á, những vịnh đá cùng những hàng dừa và những ngôi nhà lợp mái lá, nơi có những thuyền đánh cá bằng gỗ xếp dọc bãi biển. Con đường cao tốc gập ghềnh theo những mũi đất ở Vũng Rô, từ đây về phía bắc là những cánh đồng phì nhiêu của vùng đất bằng phẳng trải dài về phía tây tới cao nguyên Đắc Lắc và các thành phố cao nguyên của Plâycu và Buôn Ma Thuột.

Ở Tuy Hòa, tôi gặp một sĩ quan Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ trước đây ở khu cố vấn Hoa Kỳ chỉ vào một đồng nghiệp trẻ với mái tóc vàng dài tới vai “đây là những gì dịch vụ nước ngoài có. Những gã này không làm nhiệm vụ chiến trường, họ ra biển, họ tới các hồ ở Đà Lạt. Chúng tôi biết nơi nào những xác chết được chôn, nơi nào có tham nhũng và sự bất tài, gã mới đó không muốn biết".

Sự chuyển đổi từ tình trạng chiến tranh sang tình trạng ngừng chiến được thể hiện rõ nhất ở Quy Nhơn, một trung tâm thương mại nhộn nhịp, những tòa nhà cũ kĩ, không được sơn. Tôi bắt đầu hiểu rõ hơn bức tranh về sự khó khăn của chính phủ miền Nam Việt Nam. Ba mươi lá cờ Việt Cộng bay phấp phới từ một ngọn đồi nhỏ chỉ cách chốt quân sự của chính phủ khoảng hơn 600m. Các nhân viên Mỹ nói với tôi Bình Định vẫn là vùng chiến, cộng sản chiếm giữ chân đồi, các ngọn núi và không thể đánh bật họ ra khỏi vị trí.

Vào một đêm, chúng tôi tới cố đô Huế, qua những cung điện trang trí hoa văn và những khu vườn um tùm đổ nát. Tôi cố gắng chỉ cho Andrew về di sản văn hóa của Việt Nam nhưng nó thích thú chơi ở chốt an ninh bằng bê tông của người Pháp trước đây dọc đường đi và xem những tay chơi mặc đồ flanen trắng tham gia vào "cuộc gặp tennis của các tỉnh phía bắc" tại một câu lạc bộ thể thao của người Pháp trước đây. Thành phố vẫn nằm trong vùng chiến, quân đội Bắc Việt đổ bộ qua vùng phi quân sự hóa vào Chiến dịch Phục sinh năm 1972 và họ không trở về nhà, để lại mọi thứ qua sông Thạch Hãn và để lại Quảng Trị trong đổ nát.

Tôi nhớ Quảng Trị là một tỉnh khá phát triển. Bây giờ nó như mảnh đất trên cung trăng, các tòa nhà đã bị san bằng và cướp phá. Cột điện và điện thoại bị kéo đổ. Một sĩ quan người Việt lái xe đưa chúng tôi tới bờ sông nơi có thể nhìn sang phía bên kia khu lán của người Bắc Việt. Một thập kỷ trước Quảng Trị là trung tâm tinh thần của gia đình Tổng thống Ngô Đình Diệm và cũng chính của Việt Nam, một vấn đề về phản công cho 8 nghìn cố vấn quân sự Mỹ.

Tôi nghĩ rất nhiều về mức độ bất hạnh xảy ra từ đó nhưng tay sĩ quan người Việt chỉ quắc mắt với tôi. Anh ta giải thích về hướng những xe ủi phía tây trong khung cảnh bằng phẳng khi những người cộng sản nâng cấp con đường 548 được xem như sự lựa chọn cho mùa mưa trên đường mòn Hồ Chí Minh chạy qua các ngọn núi.

Từ con đường mới mở rộng này, miền Bắc có thể cung cấp sức người sức của để đánh áp đảo miền Nam. Chúng tôi lái xe về phía tây cố đô Huế tới thăm một trung đoàn của Sư đoàn Lính bộ Cộng hoà 1 đang phòng thủ bảo vệ một thung lũng vào thành phố.

Chỉ huy trưởng đơn vị, Đại tá Võ Toàn thật thà một cách tàn nhẫn. Ông ta nói nếu những người cộng sản tấn công bằng sức mạnh thì ông ta không có sự phản kháng chính xác và sẽ rút quân trở lại thành phố nếu máy bay ném bom B-52 và máy bay chiến đấu của Mỹ không tới giúp. Tôi giải thích với ông ta rằng quốc hội Mỹ chuẩn bị ngừng đánh bom. Vị đại tá lắc đầu từ chối.

Trở lại Sài Gòn, tôi phỏng vấn một người quen ở Đại sứ quán Mỹ, một người quan sát hiểu biết sâu sắc tình hình Việt Nam tên Frank Scotton, người đưa ra đánh giá thẳng thừng về sự khủng hoảng. Anh ta nói rằng Hoa Kỳ không còn cố gắng chiến thắng trong cuộc chiến nữa cũng như không ngăn chặn nổi việc tiếp quản không thể tránh được của cộng sản.

“Miền Nam Việt Nam chống cộng sản ngày nay giống như băng trên sông. Bạn có thể bước qua trên băng ngay bây giờ, bạn có thể lăn những viên đá qua nó nhưng con sông bên dưới đang chảy rất nhanh và băng đang tan". Những trích dẫn từ anh ta là một chuỗi những bài viết ở AP của tôi xuất hiện trên các tờ báo của Mỹ ngày 15-7.

Ngày hôm sau, 16-7, nhân viên báo chí của Tổng thống Thiệu, Hoàng Đức Nhã, đọc câu chuyện của tôi trên tờ Pacific Stars anh Stripes, gọi cho tôi tới văn phòng anh ta để quở trách. Lần đầu tiên một nhân viên người Việt thách thức việc tác nghiệp của tôi. Nhã là cháu trai của Tổng thống Thiệu, nổi tiếng vì từng thét vào mặt Henry Kissinger trong buổi bàn thảo cuối cùng cho thỏa thuận hòa bình. Bây giờ anh ta thét vào tôi: "Làm sao anh có thể viết những thứ như thế này, đồ rác rưởi, đó không thể là sự thật, chính phủ của tôi muốn trục xuất anh".

Tôi cảm thấy tôi nợ anh ta một lời giải thích. Tôi nói với tay thư kí báo chí phương pháp của tôi và bối cảnh đi lại của tôi không chỉ lái xe tới Huế mà cả những chuyến thăm tới Tây Nguyên và Đồng bằng sông Cửu Long. Tôi đề cập bối cảnh chính trị của Mỹ và học thuyết Kissinger, mà tôi hiểu Mỹ có những người bạn không thường niên nhưng có những sở thích thường niên và bây giờ Việt Nam không phải là một trong những mối quan tâm hàng đầu của họ. Sự đề cập của tôi tới Kissinger đã làm giảm thái độ của Nhã. Sau một giờ, chúng tôi nói lời tạm biệt thân ái và anh ta không đề cập tới việc trục xuất tôi nữa.

SÀI GÒN SỤP ĐỔ


Vào cuối tuần thứ ba tháng 3-1975 tảng băng đã vỡ. Tôi đọc tin đó ở tờ Thời báo New York khi lái xe đi làm vào sáng thứ hai trên đoạn đường ngầm. Nhan đề nói rằng Tổng thống Thiệu đang bỏ mặc vùng Tây Nguyên rơi vào tay cộng sản, các khu đô thị của Kontum, Plâycu và Ban Mê Thuột đang bị từ bỏ. Tôi muốn hét to lên rằng chiến tranh cuối cùng đang kết thúc.

Tôi tới Phòng Ngoại sự AP, ở tầng 4 nơi biên tập viên đang gập lưng trên máy telex từ Sài Gòn gửi về. "Hãy nhìn này, toàn bộ hỗn độn", anh ta giật bản mới nhất từ George Esper, một câu chuyện về di cư không có tổ chức rộng lớn từ vùng cao nguyên tới ven biển miền Trung. Hàng nghìn người trốn thoát qua những con đường ít được sử dụng.

Tôi nói với Nate Polowetzky rằng tôi cảm thấy điều này đang kết thúc và tôi muốn đi tới Việt Nam ngay. Anh ta nói tôi báo cáo với sếp, Gallagher không hoàn toàn bị thuyết phục với niềm tin của tôi. Ông ta còn một năm nữa về hưu và đã dành rất nhiều thẩm quyền của mình cho câu chuyện Việt Nam. Nhưng ông ta nắm lấy tay tôi và nói: "Tới đó đi, và chúng ta sẽ cần rất nhiều người chết tiệt hơn tham gia với cậu nếu cậu đúng". Tôi đã lên đường vào ngày hôm sau.

Sài Gòn choáng váng và tức giận. Người dân thích lờ đi hơn là hiểu biết, ngu ngốc ủng hộ một Tổng thống đã không quan tâm tới số phận chiến trường. Nguyễn Văn Thiệu không mong muốn thỏa hiệp với bất kì giải pháp chính trị có lí nào cả với những người cộng sản đã kết án miền Nam sự hủy diệt quân đội. Nhưng từ chiến dịch Mậu Thân trở đi - chỉ với sự giúp đỡ chiến đấu đáng kể của người Mỹ - người dân Sài Gòn hành động như thể không cần tính toán đáng kể nào nữa, rằng họ đã chiến thắng trong cuộc đấu tranh của mình. Bây giờ đất nước của họ đang bị hủy hoại.

Esper gặp tôi ở sân bay nói rằng chính phủ vừa từ bỏ một phần tư phía bắc của đất nước gồm các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên Huế. Vùng Tây Nguyên đã ra đi, miền Nam Việt Nam bị thu nhỏ một nửa trong vòng một tuần. Anh đồng hao với tôi là Đại tá Nguyễn Minh châu nói đã nghe về một cuộc đảo chính có thể lật đổ Tổng thống, rằng lãnh đạo người Việt bị đổ lỗi về các cuộc rút quân chiến trường.

Những người bạn cũ hỏi tôi những người Mỹ và những chiếc máy bay B52 đã cứu họ trước đây giờ ở đâu? Tôi cố gắng giải thích với họ rằng chính sách Việt Nam của Mỹ đã hết lòng tin. Vì những lí do hoàn toàn không liên quan tới Việt Nam, Nixon đã bị cách chức và rời Nhà Trắng vì một vụ scandal nội bộ. Vị Tổng thống mới Gerald Ford bị quốc hội hạn chế sử dụng ngân quỹ cho các hoạt động chiến trường ở Đông Nam Á.

Mỗi ngày, những tin bài miêu tả một đất nước hoàn toàn sụp đổ không ngừng tuôn chảy. Gallagher yêu cầu tăng nhân lực, và một số Trưởng phân xã khu vực của AP bay tới. Trong một cuộc chiến, nơi các nhân viên của ông ta đã giành được 5 giải thưởng Pulitzer, Gallagher quyết tâm duy trì điều thuận lợi có tính chất cạnh tranh tới cùng. Các tổ chức thông tin khác cũng cho thấy sự quan tâm mới trở lại trong câu chuyện.

Trên các con đường tràn ngập lo lắng của Sài Gòn và trong các nhà hàng Pháp, tôi gặp các đồng nghiệp báo chí trước đây đã lâu không gặp trong nhiều năm. Malcom Browne đã trở lại cùng vợ mình, Lê Liễu, để viết cho tờ Thời báo New York. Đối thủ cạnh tranh cũ UPL của tôi, Lon Daniels đã trở lại. Mỗi ngày bảng tên phóng viên lại dài ra. Tất cả chúng tôi ở đó ghi lại khoảnh khắc cái chết đang đến gần của miền Nam Việt Nam, tất cả chúng tôi cùng đặt mức độ biểu cảm trong câu chuyện nhưng cố gắng để nó đi theo cách vốn có.

Vào ngày 24-3, tôi đi nhờ chuyến bay sáng sớm đưa thư của không quân Mỹ tới Đà Nẵng, nơi những người phòng thủ rút quân từ Quảng Trị và Huế đang tập hợp. Đà Nẵng chỉ là nơi quan trọng thứ hai so với Sài Gòn, thủ đô của một triệu người với các khu vực dân cư và thương mại trải dài theo bến cảng.

Thành phố vốn được miêu tả như một thành trì có khu tiếp viện quân sự khá lớn ở căn cứ không quân cùng những máy bay và trực thăng chiến đấu tốt sẵn sàng hỗ trợ lực lượng phòng thủ và khi chúng tôi hạ cánh tới đó, nó dường như yên lòng.

Bức tranh trên mặt đất thật không dễ chịu. Tôi nhận thấy một thành phố gần như sụp đổ. Những đám đông xung quanh các đoạn đường đứng cãi nhau và thét lác, những người lính đi không mục đích trên đường, vũ khí của họ thả lỏng trên vai, không giống như vị trí của lực lượng phòng thủ đang chuẩn bị chiến đấu sinh tử.

Lãnh sự Mỹ, Al Francis, hy vọng rằng vận chuyển hàng không như đã định sẽ nhanh chóng di chuyển hàng chục nghìn người vô gia cư để cứu một số nơi ở phía nam. Nhưng buổi sáng hôm sau bức tranh bất ngờ đen tối. Sà lan và thuyền chở người di tản quân sự nhếch nhác từ Huế đổ vào cảng và dỡ những lô hàng của họ.

Những con đường chính gần cảng nhanh chóng bị tấn công cùng những người lính bị tước vũ khí hoặc mất, những đôi vai cúi xuống mệt mỏi. Những người sống sót là con số còn lại của hai sư đoàn lính bộ tốt nhất ở Việt Nam. Những người mà tôi nói chuyện kể cho tôi nghe về sự sụp đổ hoàn toàn của lực lượng phòng thủ ở cố đô và sự di cư lộn xộn từ các bãi biển dưới làn đạn dữ dội. Điều đó nhắc tôi nhớ tới các câu chuyện đã nghe về cuộc di tản tại Dunkirk trong Chiến tranh thế giới thứ hai.

Cuối buổi chiều, lời đồn đại lan khắp thành phố rằng những người cộng sản đã tiến vào cổng thành phố. Tiếng súng vang dội trên đường phố thuyết phục tôi tìm kiếm sự an toàn trong khách sạn, nơi các phóng viên khác đang ở đó.

Khoảng nửa đêm, một nhân viên trẻ người Mỹ triệu tập chúng tôi tới lãnh sự. Al Francis vẽ ra một bức tranh tăm tối nhất về tình hình an ninh, ông ta tuyên bố không còn chịu trách nhiệm về sự an toàn của chúng tôi nữa và nói rằng chúng tôi nên rời khỏi thành phố vào buổi sáng. Điều đó tốt cho chúng tôi vì chúng tôi cũng đã chứng kiến đủ.

Tiếng rocket nổ đánh thức tôi, những viên đạn đầu tiên do những người cộng sản bắn trong cuộc tấn công Đà Nẵng. Tôi tự hỏi tốc độ tấn công của Việt Cộng. Huế cách 50 dặm về phía bắc và đã sụp đổ một ngày trước đó và bây giờ các đơn vị pháo binh di chuyển qua núi và ở trong phạm vi thành phố.

Chúng tôi lái xe tới sân bay trong xe tải của lãnh sự. Có các nhóm người vội vã cùng hướng và tập trung ở cổng sân bay. Giữa buổi sáng, sân ga tắc nghẽn bởi đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang muốn rời đi. Đám đông dường như bị kích động và tấn công chuyến bay đầu tiên, chiếc 727 Hàng không Thế giới mà chúng tôi đã được đặt chỗ. Cảnh sát, an ninh sân bay bắt đầu thét lên và nổ súng lên trời, đẩy đám đông lùi lại, cuối cùng bằng cách nào đó việc khởi hành cũng được thực hiện. Tôi chỉ biết ơn vì đã rời đi an toàn.

Ba ngày sau đó, George Esper sử dụng nguồn tin Sài Gòn của anh ta là người đầu tiên biết rằng Đà Nẵng đã rơi vào tay cộng sản nhưng chúng tôi nhanh chóng biết rằng “rơi" là từ chưa chuẩn mà phải dùng từ "thổi tung" mới miêu tả chính xác hơn.

Một cộng tác viên ảnh người Việt tới văn phòng chúng tôi vào cuối tuần đó cùng những bức hình từ Biển Đông và Ngũ hành sơn nói lên sự thật. Những khẩu pháo binh và xe tăng đã được chuyển tới Việt Nam từ các kho tiếp viện quân đội Mỹ để bảo vệ Đà Nẵng bị bỏ không trên các bãi cát vàng, nòng súng không hướng về phía các thung lũng núi, nơi những người cộng sản Chiếm lĩnh. Tổng thống Thiệu từng huênh hoang tuyên bố một tuần trước đó rằng vùng đó sẽ được bảo vệ tới người cuối cùng. Nhưng lính của ông ta đã từ bỏ một trong những căn cứ quân sự hùng mạnh nhất ở Thái Bình Dương không một cuộc giao tranh nào.

Đó không chỉ là sự sụp đổ của Đà Nẵng. Điều đó còn thuyết phục tôi rằng Sài Gòn cũng sẽ bị sụp đổ. Vào đầu tháng 4, tôi viết một bài phân tích cuộc tấn công của cộng sản ở thành phố là điều hoàn toàn không thể tránh khỏi. Câu chuyện đó được in ở một tờ báo tiếng Anh tờ Sài Gòn Post. Chính phủ đáp lại việc rút lui chiến trường là kết quả không tránh khỏi khi tập hợp lực lượng quân đội bảo vệ Sài Gòn và khu vực đông dân cư quanh đó. Sau đó chúng tôi biết rằng vịnh Cam Ranh thất thủ cùng với khu vực dọc bờ biển Nha Trang.

Gallagher gọi tôi trở lại Mỹ để tham gia cuộc họp thành viên hàng năm của AP ở New Orleans. Tôi đang đặt hãng hàng không thương mại thì được đề nghị một chỗ về nhà trên máy bay của Hàng không Thế giới chở trẻ em mồ côi Việt Nam cho những gia đình nhận con nuôi ở Mỹ. Nó giúp tôi trở lại đúng thời gian cùng một bài tin.

Ed Daley là người mời tôi đi chuyến đó, một chủ tịch nhiều màu sắc của hàng máy bay độc quyền đóng ở Oakland. Ông ta là người to béo, đội mũ nồi giống nhân vật trong cuốn truyện tranh nổi tiếng "Terry và những tên cướp biển". Ông ta đeo súng lục, cài thắt lưng da quanh cái bụng béo của mình.

Daley dường như không bị cuộc khủng hoảng hăm dọa; rất nhiều máy bay đắt tiền của ông ta đậu ở sân bay đầy nguy hiểm Tân Sơn Nhất để thực hiện lời hứa của nhiều người nhất có thể. Ông ta bất chấp sự nguy hiểm khi yêu cầu một máy bay của công ty tới Đà Nẵng chở những người di tản từ sân bay, thậm chí cả sau khi cộng sản đã chiếm được thành phố.

Hầu hết đồng nghiệp của tôi viết về Daley như người tìm kiếm tiếng tăm, lo lắng cứu những hành trình mới cho hãng hàng không của ông ta ở Mỹ. Họ dị ứng với phong cách thô bạo và to tiếng của ông ta, đặc biệt là sở thích chiến đấu lại những cuộc tranh cãi trên bàn ăn tối khi ném khẩu súng lục lên bàn. Một lần khác tôi đáng lẽ đã bỏ đi nhưng cả thế giới đang nhượng bộ và dường như vẫn có chỗ cho một tay giang hồ tỷ phú với một hạm đội máy bay chở hàng.

Chúng tôi tập hợp một đêm tại khu nhà kho xa sân bay, nơi có máy bay chở hàng DC-8 đã bí mật đỗ trong phần tối của đường băng. Daley và nhân viên của ông ta đặt những tấm nệm gỗ dọc theo sàn máy bay, những chiếc chăn cuốn và gối cho 70 đứa trẻ mà ông ta đã tập hợp. Một nhóm phụ nữ người Mỹ đi cùng chuyến bay để giúp những đứa trẻ. Họ là những người sống nhờ vào các nhân viên Mỹ và là những công nhân hạnh phúc được trở về nhà.

Tay phi công Ken Healey nói với tôi máy bay bị từ chối khởi hành vì lo sợ du kích Việt Cộng tấn công. Daley gạt rắc rối sang một bên và yêu cầu Healey khởi động máy, trượt trên đường băng và cất cánh mà không cần giấy phép. Healey tuân lệnh thậm chí khi đài quan sát thét vào anh ta: "Đừng cất cánh, đừng cất cánh, bạn không có giấy phép".

Tôi ở trong ngăn phía sau cùng những đứa trẻ và xem chúng lật lưng lại khi máy bay rú lên lao vào bầu trời, hướng tới căn cứ không quân Yokota ở Nhật Bản và từ đó tới Oakland, California, 25 giờ tới nơi an toàn. Chuyến bay ấn tượng của Daley chiếm nhan đề lớn trên các tờ báo Mỹ và sự khởi đầu của ông ta có kết quả thuyết phục nhân viên Mỹ cần đối mặt với khủng hoảng và bắt đầu di chuyển những người phụ thuộc tình nguyện nhất từ Sài Gòn.

Đối với các nhà xuất bản ở New Orleans, tôi giải thích "Thật không dễ dàng miêu tả về những khu vực xung quanh dễ chịu như thế này trong một thành phố đáng yêu của Mỹ, những khủng hoảng bao trùm người Sài Gòn, những người bằng cách nào đó tham gia vào chiến dịch to lớn của Mỹ tạo cho miền Nam Việt Nam một bức tường thành chống lại cộng sản".

Họ hỏi tôi bao lâu thì Sài Còn sụp đổ. Tôi đoán rằng thành phố sẽ sụp đổ trong tháng. Họ dường như hoảng sợ. Nina cũng vậy. Cô ấy nài nỉ được trở lại Sài Gòn cùng tôi nơi bố mẹ và chị em cô ấy mắc kẹt cùng những người còn lại. Tôi nói với Tom Buckley rằng tôi sẽ cố gắng hết sức để cứu gia đình Nina. Anh ta nói: "Peter, cậu không đủ nặng kí để làm điều đó".

Trở lại Sài Gòn, hầu hết mọi người chúng tôi biết đều muốn rời đi và sẵn sàng ra đi bằng mọi giá. Thông tin lộn xộn về sự sụp đổ của Đà Nẵng lan ra khắp miền Nam với những người sống sót tuyệt vọng. Mỗi ngày hàng trăm người Việt xếp hàng xin visa tại Đại sứ quán Mỹ. Khi miền Nam Việt Nam sụp đổ, hàng người đó càng dài hơn. Hàng nghìn người khác đang chờ đợi tại nhà với hành lí đóng sẵn bởi vì họ đủ tiêu chuẩn để được di tản theo kế hoạch di tản 200 nghìn người Việt mà cuộc sống có thể bị nguy hiểm bởi mối liên hệ của họ với 20 năm chính sách của Mỹ.

Tôi sắp xếp cho Nina và gia đình cô ấy bay tới Wellington trong một chuyến bay đặc biệt được thuê để di tản nhân viên ngoại giao New Zealand và tôi lái xe đưa họ tới đại sứ quán vào buổi sáng họ khởi hành. Họ chỉ được phép mang một túi nhỏ hành lý. Đây là lần thứ ba họ mất gần hết mọi thứ. Dưới sự sắp xếp đặc biệt với Đại sứ quán Mỹ, chúng tôi có thể di tản toàn bộ nhân viên Việt Nam của AP và gia đình của họ. Tôi có thể đưa hai chị em của Nina và chồng của họ tới Philipptn trên chuyến bay C-130s của lực lượng không quân Mỹ.

Buổi sáng sau đó, một sĩ quan lâu năm người Việt đang ngồi trong văn phòng của Esper, nói chuyện với ông ta. Chỉ huy tối cao quân đội hiếm khi tìm kiếm chúng tôi, mối quan hệ đối lập của chúng tôi còn tồi tệ hơn vào những năm đó. Esper giới thiệu tôi với Trung tướng Nguyễn Văn Minh, tổng chỉ huy đơn vị đồn trú Sài Còn, một nhân vật then chốt trong công tác phòng thủ của thành phố. Chúng tôi đã gặp nhau trước đó nhưng tôi không chuẩn bị cho cái ôm của ông ta hay những lời khen ngợi dạt dào về khả năng báo chí của tôi.

Vị tướng nhanh chóng nêu rõ mục đích của chuyến viếng thăm. Ông ta muốn chúng tôi cung cấp cho ông ta tọa độ những con tàu của hạm đội 7 Hoa Kỳ ngoài biển và dấu hiệu gọi ID bộ đàm, điều có thể khiến ông ta đến với tự do trong chiếc trực thăng lên thẳng của mình nếu kết thúc đến quá nhanh. Ông ta giải thích tạm thời chỉ huy tối cao Mỹ không sẵn sàng cung cấp thông tin này cho ông ta nhưng sẽ cung cấp khi thực sự cần thiết.

Minh muốn bản lề an toàn hơn. Ông ta không làm gì để che giấu sự chắc chắn rằng Sài Gòn sẽ thua. Ông ta kêu ca có một sư đoàn không được đào tạo chỉ có 6 nghìn lính bảo vệ thành phố. Sự thông minh của ông ta chỉ ra rằng có 16 sư đoàn Bắc Việt đang tập trung tấn công thành phố.

Chúng tôi giải thích rằng thông tin quân sự mà ông ta mong muốn là thông tin mật và chúng tôi không biết nhưng sẽ tư vấn chính quyền Mỹ về những mong muốn của ông ta. Vị tướng ra về với lời hứa sẽ giữ liên lạc. Tôi biết chúng tôi đã gặp được một nguồn tin vô giá.

Có những nhân viên ở Đại sứ quán Mỹ, Hội đồng Quan sát và Kiểm soát quốc tế vẫn bám lấy niềm tin sẽ có một kết thúc chiến tranh trong thương lượng và một giải pháp vẫn giữ được Sài Gòn như một chính phủ trung lập. Tôi hoài nghi khi lần đầu tiên nghe những bản tin này vì tôi tận mắt chứng kiến sự sụp đổ bất ngờ của Đà Nẵng, Huế và những thất bại của mỗi thành phố dọc biển và vùng cao nguyên.

Tôi thấy không có lí do giải thích sự khủng khiếp của người Bắc Việt gác vũ khí ở cửa ngõ Sài Gòn. Trưởng nhân viên CIA, Thomas Polgar là người đề xuất đầu tiên vị trí này. Từ những gì tôi chứng kiến từ tưởng tượng của các nhà ngoại giao Ba Lan, Hungary và những người khác đang giải quyết với các cơ quan cộng sản ở Hà Nội và những văn phòng có thể nói điều gì đó làm lệch hướng quan tâm khỏi những nhiệm vụ thực sự của các lực lượng quân sự của họ.

Tôi chạm trán Mal Browne và vợ của ông ta ở quán cà phê Givral. Tôi hỏi tại sao bà không rời khỏi đất nước cùng với những người khác. Nhưng Mal cười với tôi tự tin và nói: "Peter, sẽ không có trận chiến cuối cùng đâu, tin tôi đi. Tôi là người đã ngấm tốt hơn với tất cả các mặt trong đời". Mal là một phóng viên mà tôi kính trọng và là người bạn mà tôi ngưỡng mộ nhưng tôi nghĩ ông ta đã sai về chuyện này. “Mal", tôi nói, "anh đã dạy tôi chỉ viết những gì nhìn thấy chứ không phải những gì nghe thấy và những gì tôi nhìn thấy là cuộc chiến quyết liệt cuối cùng ở ngay trong thành phố”.

Trụ sở New York càng ngày lo lắng về sự an toàn của chúng tôi khi hồi chuông cảnh báo đã gióng lên quanh Sài Gòn. Chúng tôi dược nhắc nhở các tổ chức thông tin Mỹ sẽ đóng cửa khi Đại sứ Graham Martin đưa ra mệnh lệnh trên chuyến di tản trực thăng cuối cùng. Chúng tôi được nói tuân theo hình thức khi sự sụp đổ của Phnôm Pênh ở Cămpuchia nơi hầu hết các nhân viên AP đã rút và chỉ một số ở lại. Chúng tôi bắt đầu lập kế hoạch đưa mọi người rời khỏi Việt Nam.

Trong vòng buổi trưa ngày thử hai, 27-4, Tướng Minh gọi điện cho tôi với lời mời tới thăm nhà ông ta ở gần Dinh Tổng thống. Chúng tôi nhâm nhi trà Trung Quốc nóng và ông ta giải thích kết thúc đã tới gần và sự khôn ngoan của ông ta cho thấy lực lượng cộng sản tới gần Biên Hòa ở hướng đông và Củ Chi ở hướng tây và tất cả chuẩn bị dồn vào từ mọi hướng theo hình com pa. Có những pháo binh lớn xếp hàng để thổi tung Sài Gòn thành từng mảnh, các đơn vị thám thính của cộng sản thử đụng độ với lực lượng phòng thủ của Sài Gòn. Ông ta miêu tả những gì gọi là "nhiễm độc khủng hoảng" đang tràn ngập lực lượng Sài Gòn. Đội hình chỉ huy và lãnh đạo đã mệt mỏi, tan rã và khởi hành trong những trực thăng dành cho những chỉ huy chạy trốn.

Tôi nói rằng tôi vẫn đang cố gắng tìm kiếm tọa độ yêu cầu cho hành trình của ông ta nhưng ông ta vẫy tay gạt đi và nói đã biết vị trí chung của hạm đội và khi thời gian đến sẽ bay ra để tìm.

Ông ta chỉ cho tôi xem ngôi nhà được trang hoàng như cung điện với những bức tranh sơn mài lớn về phong cảnh Việt Nam truyền thống có những người phụ nữ vấn tóc ngồi bên bể nước và những con ngựa đang phi nước đại.

Ông ta lắc đầu buồn bã: "Giờ đã quá muộn để tôi mang được chúng đi" và quay sang tuyên bố "Những thứ này là của cậu, tất cả cho cậu. Tôi biết cậu đánh giá cao nghệ thuật và đây là bức đẹp nhất của Việt Nam". Tôi khẳng định với ông ta rằng tôi cũng không thể mang những bức tranh ra khỏi Việt Nam nhưng ông ta cố nài nỉ và khi tôi ra đến vườn thì hai tay lính đã buộc những bức tranh lên nóc một chiếc xe jeep. Tôi nói với Tướng Minh rằng, tôi có mấy việc lặt vặt phải làm và sẽ trở về muộn. Sau đó, tôi lái xe đi và biết rằng tôi sẽ không thể gặp lại Tướng Minh hay những bức tranh đó nữa. 

Vào sáng sớm ngày thứ ba, đường băng và những nhà ga tại sân bay Tân Sơn Nhất đầy súng pháo binh mà cộng sản kéo xuống từ núi. Đạn bắn phá thức tỉnh thành phố. Tôi nhảy ra khỏi giường tại Khách sạn Caravelle khi những viên đạn đầu tiên chạm đất lúc 4 giờ sáng và chạy lên nóc khách sạn nơi có vài đồng nghiệp đã tập trung, máy bay và các tòa nhà bốc cháy.

Một bình minh đầy lửa toé lên những mái nhà Sài Gòn, chúng tôi nhìn thấy rất nhiều người dân đang chứng kiến như chúng tôi, một vài chiếc trực thăng dũng cảm chiến đấu với những tay súng dưới mặt đất, những khẩu súng nhỏ nhả đạn khi những chiếc tên lửa bay về phía họ. Tôi nhìn thấy hai máy bay rơi xuống.
Tôi điện thoại cho Esper từ quầy bay Khách sạn Caravelle. Chúng tôi đồng ý rằng trận bắn phá có thể kết thúc việc di tản ở sân bay và thực hiện phương án 4, sự rút lui cuối cùng.

Tấn công rocket cũng kết thúc những bài nói chuyện xa hơn về thỏa thuận chính trị. Khi việc vận chuyển hàng không bị hủy bỏ, quyết định di tản nhân sự cần thiết bằng trực thăng được đưa ra. Đó là cơ hội cuối cùng rời đi. Esper cộc lốc thông báo tình hình về New York và ba chúng tôi sẽ ở lại, Esper, tôi và Matt Franjola.

Gallagher phản đối việc để Franjola ở lại vì ông ta lo điều đó tăng thêm nguy hiểm cho tất cả chúng tôi, nhưng ông ta đồng ý khi Esper khuyên nhủ: "Franjola quyết tâm ở lại và nếu chúng ta buộc anh ta rời đi, anh ta sẽ ở lại cho người khác. Yêu cầu ông xem xét lại và hãy để tôi làm câu chuyện này một cách tích cực nhất". Tôi biết nên đưa ra lời giải thích đầy đủ hơn cho quyết định ở lại của chính mình vì với nhiều người, điều đó dường như là điên rồ, đặc biệt là với Ninh. Tôi hứa sẽ rời đi khi tới lúc.

Tôi gửi một thông điệp cho Gallagher nói rằng tôi đã ở Việt Nam từ đầu, tôi cảm thấy đáng mạo hiểm ở đó để viết về những giờ khắc cuối cùng khi kết thúc.

Tôi không nói cho ông ta biết ý định nhỡ chuyến bay cuối cùng nếu ông ta nài nỉ tôi rời đi.

30-4-1975


Brian Eltis của CBS, gọi cho văn phòng AP lúc 11 giờ. Đại sứ quán khuyên anh ta việc rút lui toàn bộ bắt đầu. Matt Franjola và tôi tham gia cùng Ed White tại điểm đón xe bus gần văn phòng chúng tôi nơi các đồng nghiệp đang đi bộ tới hoặc bằng xe ô tô. Không ai nói gì. Những người chứng kiến cuộc chiến từ đầu đều ủ rũ. Bob Shaplen của tờ Người New York mắt đỏ hoe và Ma1 Browne không giống như tính cách trầm lặng. Anh ta là người lập dị trong cách kết thúc với chiếc mũ sắt cũ kĩ của Đức đặt trên đầu.

Ed White viết về cuộc chiến lâu như tôi và đã bước vào tuổi trung tuần. "Chúa ơi, tôi ghét bỏ đi theo cách này", anh ta nói khi trèo lên chiếc xe thứ hai. Anh ta quay sang tôi: "Cậu có chắc cậu đang làm điều đúng đắn không," và tôi đáp lại "Có Chúa, đúng". Một phóng viên thường trú trẻ lao tới, míc cầm trong tay, tập hợp lời bình luận phút cuối cùng. khi anh ta bước lên xe bus, tôi nghe anh ta tuyên bố trong chiếc microphone của mình, "Giới báo chí đang rời đi, tất cả đã kết thúc".

Không, tôi tự nói với mình, không thật sự.

Mọi thứ tôi viết về Việt Nam đã hiện ra vào ngày hôm nay và tôi cảm thấy mình buộc phải chứng kiến lời từ biệt cuối cùng. Franjola và tôi leo lên xe jeep theo sau những xe bus tới nhà của Đại sứ Mỹ nơi họ chỉ dẫn. Khi chúng tôi đỗ xe ở điểm dừng, một sĩ quan quân đội Cộng hoà mặc quân phục chạy tới và năn nỉ chúng tôi đưa ra sân bay. Tôi nhận ra anh ta là nhân viên Bộ Thông tin. Tôi nói anh ta sẽ không bao giờ qua nổi cửa sân bay vì những người gác sẽ đẩy lính trở lại. Anh ta thay quần áo trên đường, ném bộ đồ đồng phục ra phía sau cây và mặc chiếc quần bình thường cùng áo thể thao. Anh ta giới thiệu một đứa trẻ nhỏ là con trai của anh ta và nói với tôi rằng họ là những thành viên duy nhất của gia đình sẽ rời đi vì vợ anh ta cùng con gái sẽ ở lại

Tôi nhìn vào Matt và chúng tôi hiểu phải làm gì. Những chiếc xe bus đang xa rời, Matt và tôi nói họ vào xe jeep của chúng tôi. Chúng tôi lái trước một xe bus và cố gắng dừng nó lại. Chúng tôi gõ vào cửa tới tận khi người lái xe mở ra, thét vào chúng tôi: "Các cậu muốn cái khỉ gì?", một chuỗi những tiếng kêu không kiên nhẫn từ những người đang chờ đợi. Tôi đẩy tay sĩ quan Cộng hoà và con trai của anh ta lên xe bus đông đúc với sự kháng cự của những người bên trong. Tôi nói anh ta chịu đựng cuộc chiến đấu nếu bất kì ai cố gắng ném họ ra ngoài.

Matt và tôi lái xe qua những cổng sân bay được canh gác phía sau xe bus, đi qua hàng tá những xe đậu dọc theo đường. Khi những đồng nghiệp của chúng tôi nhận ra Matt và tôi cố gắng ở lại, họ chúc mừng vài câu và ném chìa khóa xe ô tô của họ cho chúng tôi rồi nói vị trí đỗ xe.

Những giờ khắc cuối cùng của Sài Gòn ướt át. Gió mùa đến trong một cơn mưa lớn. Từ mát tòa nhà Den, tôi chứng kiến bóng tối của những chiếc trực thăng biến mất vào đêm. Phía dưới ánh đèn đường một số người đang nhìn lên bầu trời và ra dấu hiệu, với một số túi hành lí nhỏ trên tay. Nhưng giờ đã quá muộn để bay đi. Buổi tối đó trực thăng đã đi hết, tôi leo xuống văn phòng AP ở tầng 4 nơi phiên dịch của chúng tôi, ông Hương và gia đình đang nằm trên sàn nhà.

George Esper cố gắng đưa họ tới địa điểm di tản tại đại sứ quán vào buổi sáng nhưng đám đông quá thô bạo tiến sát gần hàng rào. Esper gọi điện tới đại sứ quán, thậm chí nhân viên còn không trả lời. Anh ta đã ngồi trên chiếc bàn đó hàng thập kỷ viết ra những đoạn mở đầu trên chiếc máy đánh chữ Underwood cổ lỗ. Anh ta chẳng bao giờ nhận được sự công nhận nghề nghiệp xứng đáng. Những tin bài của anh ta xuất hiện trên nhiều báo hơn bất kì phóng viên nào khác trong những năm gần đây nhưng anh ta vẫn không được biết tới. Vào lúc 3 giờ sáng trong một thành phố chuẩn bị đón chờ cái chết, anh ta đang cố gắng gọi điện để chuyển tin, bài. Esper lo lắng xem anh ta đã viết đủ cho ngày hôm đó chưa và tôi đoán rằng anh ta đã gửi khoảng 10 nghìn từ về New York.

Anh ta gầy hốc hác và đôi mắt đầy mệt mỏi. Tôi nói với anh ta: "Hãy loại bỏ những thứ chết tiệt này ra khỏi đây, George. Chúng ta cần ngủ một chút". Anh ta lẩm bẩm một mình và trở lại máy tetex.

Tôi nhận thấy một số thông tin từ các biên tập viên yêu cầu viết về số phận các nhà báo của họ, còn những người khác yêu cầu tin ngoại sự của chúng tôi và một số từ văn phòng AP ở châu Âu và Mỹ cùng phiếu ghi điểm về việc sử dụng các câu chuyện của chúng tôi.

“Không có thông tin nào trong các thông tin này là quan trọng cả", tôi nói với anh ta. “Giờ chúng ta là những người duy nhất còn lại đây, không có người phát ngôn của chính phủ, không nhân viên báo chí với những dự đoán thứ hai cho câu chuyện của chúng ta, không nhân viên đại sứ quán nào vui vẻ vẫy tay từ chối những gì chúng ta đã viết. Họ cách chúng ta 10.000 dặm. Lần này chúng ta viết theo cách của chúng ta, George, họ sẽ không có sự lựa chọn nào khác".

George quyết định chống lại cơn buồn ngủ và đánh máy những ghi chú khó chịu tới Phòng Ngoại sự New York kêu ca về việc ùn tắc thông điệp và tôi hy vọng anh ta đã gửi được nó. Tôi không đợi để xem. Tôi đi xuống bằng chiếc cầu thang tốt, băng qua quảng trường Lam Sơn ẩm ướt tới Khách sạn Caravelle. Tôi vừa chạm vào chiếc giường thì tỉnh lại bởi tiếng thét phía dưới cửa sổ. Tôi kéo rèm sang bên, mặt trời làm lóa mắt tôi một lúc. Tôi có thể nhìn thấy cuộc khởi nghĩa ở quảng trường. Tôi nghĩ mình đang mơ nhưng đó là sự thật. Cướp phá bắt đầu.

Tôi cạo râu, tắm nước lạnh và chọn chiếc áo sơ mi giản dị màu xám. Tôi lên phía trên cầu thang tới phòng ăn tối, nghi ngờ bữa sáng được phục vụ. Nhưng tôi đã nhầm, những người phục vụ mặc đồng phục vẫn làm việc bình thường. Phía dưới, đường phố nhộn nhịp hướng về phía bến sông Sài Gòn, nơi những con thuyền thương mại và hải quân neo đậu. Biển là địa điểm trốn thoát cuối cùng.

Tôi nhìn thấy những nhóm người chờ đợi trên mái những tòa nhà cao ở trung tâm thành phố, liếc nhìn bầu trời. Họ không biết là nó đã kết thúc, tôi phân vân, nhưng sau đó là tiếng kêu quen thuộc của trực thăng lính thủy đánh bộ Mỹ, bay vòng quanh tháp đôi nhà thờ lớn ở quảng trường John F.Kennedy và đậu trên mái nhà Đại sứ quán Mỹ, một người phục vụ đưa tôi chiếc ống nhòm và tôi nhìn thấy một nhóm lính thủy đánh bộ vận quần áo chiến đấu chạy ra từ phía sau bức tường chắn bằng bao cát ở trên mái Đại sứ quán và bước lên trực thăng. Chưa đầy một phút họ đã đi, những nhân viên Mỹ cuối cùng đã rời khỏi Sài Gòn.

Tôi gọi điện cho Esper ở văn phòng cùng câu chuyện đó. Thậm chí trước khi chiếc trực thăng cuối cùng biến mất khỏi biển, tin tức nó rời đi đã ở trong văn phòng những tổ chức thông tin lớn trên thế giới.

Franjola cùng tôi ăn sáng. Tôi đang cố gắng dạy cho anh ta giọng New Zealand của tôi để giả dạng bất kì phe tham chiến nào với rất ít thành công. Chúng tôi xuống đường nơi những xe jeep chở lính Cộng hòa cùng súng giơ lên, lái như điên trong thành phố. Không có âm thanh của trận chiến. Bây giờ họ không phải sợ ai nữa, sĩ quan cấp trên của họ đã rời đi hết. Chúng tôi đi qua ba trạm xăng góc phố nơi những cột bơm xăng đã bị nhổ lên và những người lái xe hút bằng xi phông xăng trực tiếp vào xe ô tô của họ.

Chúng tôi lái xe tới Đại sứ quán Mỹ. Con đường phía trước trải đầy giấy in, các tài liệu bị xé nát, sách viết và các tờ báo. Cổng các tòa nhà hành chính được mở rộng và một tay lính trẻ người Việt nhảy dựng lên trong hành lang thét bằng tiếng Anh: "Bây giờ nó là Đại sứ quán của chúng tao" khi anh ta chế nhạo. Chúng tôi lên nóc Đại sứ quán phát hiện ra gần 100 người Việt vẫn ngồi ở đó, chờ đợi. Họ định ở lại đó tới khi những chiếc trực thăng quay trở lại đón và tôi không nỡ lòng nào nói với họ rằng tất cả đã kết thúc.

Chúng tôi trở lại văn phòng. Cầu thang kẹt đầy những người Việt trốn sau những bức tường bê tông dày đảm bảo an toàn và rất nhiều người tập trung trong lối đi bên ngoài văn phòng. Họ hiểu nhầm hoạt động của chúng tôi với chính quyền và họ tin rằng chúng tôi có thể bảo vệ họ.

Bên trong văn phòng, Esper đang điều hành việc truyền tin radio từ Sài Gòn cùng ông Hương và ngay sau đó người phiên dịch thét lên từ phòng vô tuyến: Vị Tổng thống mới bổ nhiệm Dương Văn Minh (hay còn gọi là "Minh lớn"), người dẫn đầu cuộc đảo chính chống lại Tổng thống Diệm năm 1963 đã tuyên bố đầu hàng vô điều kiện. Bây giờ ông ta đang chính thức giao đất nước cho người cộng sản.

Esper đánh máy bản tin và nhanh chóng đưa nó cho người đánh máy in telex. Câu chuyện là bằng chứng cụ thể với thế giới rằng chiến tranh đã kết thúc. Phòng Ngoại sự New York nhanh chóng gửi cho chúng tôi thông điệp rằng bản tin đầu hàng của chúng tôi đến trước năm phút so với của UPL, cho thấy trong khi các cuộc chiến có thể bắt đầu và kết thúc và những người lãnh đạo dựng lên hoặc sụp đổ thì người quyết định quan trọng duy nhất trong kinh doanh tin tức chính là người đầu tiên có câu chuyện.

George rất vui với chiến công của mình, đứng dậy, giang tay và tuyên bố anh ta sẽ đi xuống đường xem chuyện gì đang diễn ra. Anh ta ngồi tại bàn đã bốn ngày liên tục và tôi chúc anh ta may mắn nhưng anh ta chạy trở lại máy đánh chữ chỉ trong vòng năm phút, mặt xám ngắt.

Trong khi băng qua quảng trường Lam Sơn, một đại tá cảnh sát người Việt trong bộ quân phục trang trọng bắt chuyện anh ta và lắp bắp với vốn tiếng Anh lắp ráp: "Đã kết thúc rồi" trước khi bước khoảng mươi bước, thể hiện khuôn mặt sắc lạnh, nói tạm biệt bức tượng gần đó sau đó giơ khẩu súng lục 4.5 li bắn vào đầu mình. Trong một khoảnh khắc George đã nghĩ viên đạn đó dành cho mình và anh ta viết câu chuyện xảy ra với đôi tay vẫn còn run sợ.

Franjola bước vào và tuyên bố đơn giản: "Dù sao họ đã ở đây". Tôi nhìn lên và hỏi anh ta: "Ai ở đây?", anh ta đáp lại, Việt Cộng. Tôi đang lái xe ra phía sau Đại sứ quán Anh thì một chiếc xe jeep màu đen đi tới cùng một người ngồi trên nóc mặc áo sơ mi trắng, quần đen và đi giày. Anh ta mang theo khẩu AK-47 và thét tôi bằng tiếng Anh: “Mọi người về nhà" và trong xe jeep là những người khác, tất cả đều mặc áo đen. Hơn nữa họ đang vẫy cờ Việt Cộng".

Tôi xem đồng hồ của mình: 11 giờ 25 phút sáng. Tôi nói với George sẽ đi ra ngoài xem xét tình hình. Một đám lính Cộng hòa chạy tới đường Tự Do, nhảy lò cò vì họ đang tháo bỏ giầy, áo và quần trong khi chạy. Họ chạy qua tôi và biến mất trong một hẻm.

Tôi nghe tiếng còi bịp bịp inh tai của một xe tải. Một chiếc xe lớn tiếp tục lăn bánh về phía sông Sài Gòn. Trái tim tôi ngừng đập: đó là chiếc Molotova của Nga và đằng sau xe là nhóm binh sĩ cộng sản trẻ mặc quân phục mỏng màu xanh có mũ sao. Khuôn mặt của họ đầy vẻ nghiêm trang và phân vân khi họ nhìn lên những tòa nhà cao tầng ở trung tâm Sài Gòn, có lẽ là những khu xây dựng cao tầng đầu tiên mà họ từng nhìn thấy. Người dân Sài Gòn ở trên các con đường cũng xuất hiện trong sự ngạc nhiên. Tôi nhìn thấy một người vẫy một xe tải và sau đó tiếp tục đi. Băng rôn Việt Cộng màu xanh da trời và xanh lá cây lớn bất ngờ được kéo lên ở cột cờ của Khách sạn Caravelle. Nhân viên ở đó chắc đã bí mật khâu nó trong một tuần.

Tôi lên tầng trên. Điều này là kết thúc của tất cả những gì mà một thế hệ Mỹ đã chiến đấu chống lại và mấy đời tổng thống đã âm mưu ngăn cản. Cái kết thúc đến quá nhanh và thoái trào, mọi người nhốn nháo trên lối đi cầu thang đẩy vào người tôi và một ai đó hỏi: "Có chuyện gì đang xảy ra vậy?", tôi trả lời "Việt Cộng ở bên ngoài".

Tôi lách qua đám đông tụ tập quanh cửa văn phòng và cảm thấy mệt mỏi quỵ xuống. Esper nhìn tôi. Tôi hoàn toàn cứng lưỡi. George dìu tôi lại một máy đánh chữ: "Peter, có vấn đề gì không vậy”, tôi nghe thấy anh ta hỏi. Tôi ra hiệu lấy giấy và đánh bản tin bắt đầu bằng: "Sài Gòn, 30-4 quân giải phóng chiếm đóng Sài Gòn một cách thanh bình ngày hôm nay, họ hành quân trên những đại lộ đầy cây bên đường trên những xe tải của Nga cùng cờ bay phấp phới: Người dân Sài Gòn đứng chứng kiến hai bên đường. Không một tiếng súng nổ".

Tôi lảo đảo về phía phòng máy in telex, nhét trang giấy cho người điều hành máy telex, Tammy. Anh ta đọc bản tin, há hốc mồm và cố gắng trốn khỏi căn phòng. Esper và tôi đẩy vai anh ta xuống, sau đó anh ta biến mất khỏi cửa văn phòng và ra đi trong nhiều ngày.

Esper và tôi rất ngạc nhiên khi liên lạc của chúng tôi vẫn bình thường, chính quyền Việt Nam Cộng hòa đang bỏ trốn không cắt đường dây. Nhưng chúng tôi biết rằng bất kì lúc nào phạm vi liên lạc của chúng tôi với văn phòng New York có thể bị cắt bởi những người nắm quyền mới ở Sài Gòn.

Matt và tôi xuống đường một lần nữa, nhìn thấy những xe tải của Nga trên đường Tự Do, với số lượng lớn. Mọi người đổ ra bên đường, nỗi sợ hãi về một thảm kịch tức thời đã biến mất. Một người lính Cộng hòa mặc quần ka ki và áo phông trắng đứng phía trước tôi, tôi chứng kiến anh ta xé chiếc hình ID từ vòng cổ và ném chúng xuống đất.

Tôi đi qua cổng Bộ quốc phòng ở đường Gia Long và đi vào sân, nơi có nhiều sĩ quan Cộng hòa mặc quân phục với những người dân mặc quần áo màu đen được cho là các cán bộ cộng sản. Khi tôi giơ máy ảnh lên, một trong các sĩ quan Sài Gòn nói với tôi bằng tiếng Anh: "Đừng chụp" và anh ta giơ tay lên. Tôi mỉm cười và tiếp tục chụp, tự nghĩ: "Tôi không nghĩ bạn ở vào vị trí để ra lệnh nữa phải không?".

Tay quay phim người Úc Neil Davis tiến lại phía tôi ở đường Pasteur từ Dinh Tổng thống. Anh ta ở đó một phút trước khi một xe tăng quân giải phóng đâm qua cửa chính bằng sắt. Anh ta nói đội quân nhảy xuống và đi lên ban công tầng trên, nơi họ giương một băng rôn lớn của Việt Cộng.

Tôi trở lại văn phòng nói cho Esper biết điều này thì tiếng súng dữ dội nổ ra ngay ngoài cửa sổ của chúng tôi. Một nhóm quân giải phóng bò qua những bụi cây trong công viên ở phía dưới chúng tôi tiến về phía Tòa Thị chính, nơi một số lính phòng thủ đang yếu ớt chống trả. Quân giải phóng đang yểm trợ nhau khi họ di chuyển nhanh về phía trước gần tới tòa nhà và sau đó tiến nhanh.

Tòa nhà nhìn sang công viên từ phía bên kia đường là Khách sạn Rex, nơi Barry Zorthian và nhóm chuyên gia thông tin của ông ta dành nhiều năm nói cho chúng tôi rằng người Mỹ đang chiến thắng.

Ngay sau đó một người Việt Nam trẻ tên là Kỳ Nhân, một trong những phóng viên ảnh cộng tác với chúng tôi bước vào văn phòng, cùng hai chiến sĩ quân giải phóng. Tôi chợt nghĩ đến việc bị bắt hoặc giam giữ. Tôi tự nói với mình rằng tất cả chuyện này đều đáng giá bởi vì chúng tôi đã chuyển được câu chuyện ra cho thế giới. Esper thậm chí không nhìn lên từ chiếc điện thoại, anh ta đang cố gắng sử dụng điện thoại văn phòng Sài Gòn cho một cuộc gọi dài về Mỹ, một đồng nghiệp rất ấn tượng với sự ngoan cố của George đã nói rằng anh ta sẽ ở trên điện thoại nếu những người cộng sản chiếm Sài Gòn.

Tôi đi tới chào hai vị khách. Một trong số họ có súng AK-47 đeo trên vai, người kia rõ ràng là cấp trên vì anh ta mang súng lục của Nga trong vỏ bao bằng da ở thắt lưng. Khi tôi tiến tới họ, Kỳ Nhân vung rộng cánh tay và giải thích bằng tiếng Anh "Tôi đảm bảo sự an toàn cho văn phòng AP. Anh không có lí do gì phải lo lắng". Tôi nhìn anh ta ngạc nhiên bởi vì trong nhiều năm anh ta bán những bức hình về chiến tranh cho chúng tôi và anh ta là một đồng nghiệp cấp dưới khá bị động.

Tôi nhanh chóng hiểu tại sao anh ta quá vui như vậy. Anh ta nói mình là điệp viên của Việt Cộng trong mười năm và nhiệm vụ của anh ta là điều phối với giới báo chí quốc tế ở Sài Gòn. Chúng tôi thậm chí chưa bao giờ mảy may nghi ngờ anh ta.

Người phóng viên ảnh vẫy tay về phía tôi và nói "Tôi đã nói cho họ về AP, về anh, rằng các anh đều là những người tốt và họ tới đây thăm các anh như những người bạn". Những vị khách lặng lẽ của chúng tôi cũng đang mỉm cười, và George đứng dậy bắt tay chào mừng cũng như tôi cảm ơn vì chúng tôi không phải là tù nhân của họ. Họ cùng chúng tôi ăn bánh nướng và uống Coca Cola nhưng từ chối uống cognac mà tôi đã giữ trong ngăn bàn cho những dịp đặc biệt.

Tôi gợi ý với Esper nên phỏng vấn họ. Họ trả lời các câu hỏi của anh ta. Bình Huân Lâm và Trần Việt Cả đều là trung sĩ, cả hai đều 25 tuổi, và đến từ Hà Nội. Họ giải thích họ là lính bộ binh, đơn vị của họ đã tấn công Biên Hòa thắng lợi hai ngày trước đó, và tiến vào Sài Gòn cùng lữ đoàn xe tăng sáng 30-4. Họ chỉ cho tôi xem hành trình của họ về những vùng trên bản đồ văn phòng và họ tự tin tới mức tôi đoán họ là điệp viên.

George vào phòng telex, bắt đầu chuyển trực tiếp về New York cuộc phỏng vấn đầu tiên với những người chiến thắng của Sài Gòn. Hai người lính theo anh ta vào trong, nhìn và không hiểu gì. Hệ thống tin đến của AP kêu lạch cạch ở chiếc máy telex thứ hai.

Tôi xé một trong những câu chuyện từ máy và yêu cầu Kỳ Nhân dịch cho họ và anh ta đọc bằng tiếng Việt: "Tổng thống Ford tuyên bố việc di tản người Mỹ từ Việt Nam khép lại một chương trong kinh nghiệm của người Mỹ. Tổng thống yêu cầu mọi người Mỹ tránh tố cáo lẫn nhau về quá khứ, hãy nhìn về phía trước. Có rất nhiều mục tiêu mà chúng ta phải cùng nhau chia sẻ và cùng nhau làm việc để hoàn thành nhiều nhiệm vụ lớn lao". Những vị khách người Việt tới thăm trông hài lòng.

Franjola và tôi trở lại đường phố thấy đám đông ra khỏi chỗ ẩn nấp, hòa cùng những người lính chiến thắng và nói chuyện trên các góc phố hoặc tụ tập ở vỉa hè. Một giờ trước đó, dân chúng còn e ngại, nhưng rồi lấy lại sự tự tin tức khắc.

Tôi gặp một nhân viên cao cấp của Bộ Ngoại giao, một người bạn thân của gia đình Nina, đi dạo cùng vợ trên đường Tự Do và ông ta giật tay áo tôi: "Peter" ông ta nói, "Tôi không hiểu điều này. Tôi đến Paris cùng lực lượng giải phóng Pháp năm 1945 và họ tổ chức bằng cách cướp phá một số nơi. Họ bắn một số gái điếm và ngay sau đó là những hành động tàn ác khác chống lại những người cộng tác. Nhưng những người cộng sản này họ chẳng phản ứng gì hết". Vợ ông ta xen vào: "Họ quá tôn trọng chúng tôi. Tôi không hiểu nổi".

Ấn tượng chính của tôi là sự sụp đổ hoàn toàn của chính quyền Sài Gòn tới mức chính quyến Bắc Việt đưa những cán bộ tuyên truyền giỏi hòa vào cùng đám đông, tuyên truyền chiến thắng củ họ.

Trong khi lái xe ra sân bay trên đường Công Lý, chúng tôi gặp một đội tuần tra của quân giải phóng như vừa ra khỏi những trang sách hướng dẫn về chiến thuật chiến tranh du kích, cả trăm người di chuyển hàng đôi dọc theo vỉa hè trên những đôi dép cao su. Bộ đồng phục rộng thùng thình của họ bay phấp phới trong gió và người chỉ huy mang theo những vũ khí chiến đấu nhẹ. Ngay phía sau họ là những súng cối loại lớn và những khẩu súng máy cự li lớn được ngụy trang trên đường đi.

Đây là những nét cắt sắc nét về lực lượng quân đội Bắc Việt. Họ là lính bộ binh cộng sản thách đố những trận tấn công B-52 trên đường mòn trong rừng, là những người vượt qua bom napan và pháo binh bảo vệ các thị xã, thành phố và các căn cứ quân sự họ đã kiên trì và cuối cùng giành chiến thắng. Sự ngoan cường của họ là điều khó hiểu với một thế hệ các nhà lập kế hoạch quân sự Mỹ. Tôi không cảm thấy mình hiểu rõ hơn quyết tâm của họ khi chứng kiến họ đi qua tôi hai lần trong cái nóng buồi chiều của thành phố đã bị đánh bại.

Chiếc máy telex vẫn kêu chiều đó khi tôi trở lại văn phòng AP, George nói rằng tôi nên viết một câu chuyện trình bày cảm nghĩ của tôi Tôi bắt đầu: "Trong mười ba năm viết về Chiến tranh Việt Nam tôi chưa bao giờ mơ nó kết thúc theo cách như buổi chiều hôm nay. Tôi nghĩ rằng nó có thể kết thúc bằng một cuộc thanh toán chính trị giống như ở Lào. Thậm chí một trận đánh sinh tử với thành phố còn lại trong tàn phá. Nhưng sự đầu hàng hoàn toàn chỉ diễn ra hai giờ sau khi có cuộc gặp thân mật trong văn phòng AP ở Sài Gòn với một người Bắc Việt mặc quần áo chiến trường có vũ trang và phụ tá của an h ta - một chiếc bánh và coke?. Đó là cách mà chiến tranh Việt Nam kết thúc với tôi vào ngày hôm nay”.

Tôi gõ chiếc máy chuyển tin, nó cuộn vào máy nên tôi đánh lại nhưng chiếc máy kẹt đôi lần và ngừng hẳn. Tôi thử lại các phím một lần nữa nhưng không có tín hiệu gì. Chỉ vài phút sau 7 giờ tối, chế độ mới cuối cùng cũng rút giắc cắm thông tin liên lạc của chúng tôi với thế giới, hệ thống cung cấp tin từ Sài Gòn bị vô hiệu hóa. Tôi nhìn vào những ghi chép nguệch ngoạc của mình, nghĩ rằng thế giới có thể tiếp diễn mà không cần những triết lí của mình. Tôi gọi Esper: “Đó là như vậy George".

Giờ chẳng biết làm gì ngoài việc chờ đợi xem chính quyền sẽ quyết định làm gì với chúng tôi. Một mặt tôi cám ơn vì điều này. Tất cả chúng tôi đều kiệt sức. Esper, Franjola và tôi rời văn phòng và đi bộ về Khách sạn Caravelle. 

Một số lượng lớn các nhà báo châu Âu ở lại. Hàng đêm nhiều người trong chúng tôi tụ tập ở phòng ăn Khách sạn Caravelle để trao đổi thông tin, không còn cạnh tranh nữa vì mọi liên lạc đã bị cắt.

Giới báo chí Anh có quyền tới hầm rượu đại sứ quán bỏ không của họ. Họ chiếm mỗi buổi chiều để làm sống lại ban đêm của họ. Tôi kết bạn với một tay người Pháp, người nắm giữ các chìa khóa của Đại sứ quán New Zealand từ những nhà ngoại giao đã rời đi. Anh ta tới văn phòng của đại sứ và đóng dấu cấp hộ chiếu, visa cho những người bạn Việt Nam của anh ta mệt mỏi tìm cách hợp pháp để đi ra ngoài. Các tài liệu đó được đóng dấu chính thức và được kí bằng những nét cong. Tôi rất thích thú với công việc của người bạn Pháp đó và anh ta mời tôi đi bằng phương tiện của đại sứ quán. Tôi lái quanh Sài Gòn trong xe mui kín màu đen sang trọng với biển số ngoại giao, cờ New Zealand bay phấp phới trên nóc.

Hầu hết chúng tôi được dành hai ngày để khởi hành, để lại nhóm người làm tin phía sau trong vài tuần gồm có Esper. Sau 25 ngày sống dưới chế độ mới, chúng tôi lên xe bus cho chuyến đi cuối cùng tới sân bay Tân Sơn Nhất và bay tới Viêng Chăn, Lào và sau đó về nhà. Những người lính trẻ Việt Nam lục soát hành lý của chúng tôi một cách lịch sự. Họ cho phép chúng tôi mang theo tất cả phim của mình nhưng họ không tế nhị với đồ đạc cá nhân và thậm chí còn tịch thu chiếc gạt tàn là quà kỉ niệm của Khách sạn Caravelle mà một số phóng viên đã nhét vào trong túi của họ.

Có 82 người chúng tôi leo lên chiếc máy bay của Nga có cờ đỏ sao vàng sơn ở đuôi máy bay. Chúng tôi ra khỏi đường băng đi qua những tàn tích của trực thăng vận và máy bay chiến đấu. Khi chúng tôi cất cánh, lời reo vang ở khoang hành khách. Chúng tôi hành động liều lĩnh và sống sót. Tôi chuyền cho mọi người cùng uống chai Johnnie Walker đen mà tôi đã kiếm được từ văn phòng của Đại sứ New Zealand.

PHẦN THỨ BA

1975 – 1990
CẮT BỎ NHỮNG TRÓI BUỘC


Tôi cảm thấy thoải mái khi làm việc ở AP và những đồng nghiệp ở đó. Tôi dự định rằng đó là công việc cả đời mình. Đó là truyền thống cống hiến trong ngành bán tin. Tôi mong đợi tới lúc đeo huy hiệu ba mươi năm và nghỉ hưu một cách thoải mái. Nhưng tình bạn thân thiết mà chúng tôi chia sẻ ở văn phòng Sài Gòn không có ở văn phòng New York.

Tôi đóng vai trò là người lập dị. Tôi không làm hài lòng cái nhìn ảm đạm không sáng tạo của ban quản lí AP. Tôi để mái tóc mỏng dài tới gần vai. Tôi đứng về phía người lao động trong cuộc đấu tranh nội bộ giữa quản lí và đồng nghiệp của hệ thống tin tức, một quyết định làm tức giận cấp trên của tôi.

Wes Gallagher phải đảm bảo rằng tôi được trả lương tốt và không có tranh cãi cá nhân gì với tổ chức tin tức, nhưng tôi không tránh khỏi những liên quan tới các thành viên đồng nghiệp từng làm việc cùng tôi. Một số người trong ban quản lí rất tức giận vì tôi là phóng viên duy nhất trong cấp bậc của mình tham gia vào đám phường hội. Tôi còn làm họ tức hơn khi tham gia vào hàng người biểu tình bên ngoài Trung tâm thương mại Rocketfeller số 50. Đánh giá nhân sự năm 1977 được coi là tệ nhất mà tôi từng có.

Tháng 4-1981 tôi được cử tới Atlanta, Georgia để viết một câu chuyện thu hút sự chú ý của toàn quốc về cuộc tìm kiếm kẻ giết người hàng loạt.

Một sáng, tôi đang đứng bên ngoài Khách sạn lnn Quality, chờ đợi một quan chức xuất hiện để phỏng vấn thì nhìn thấy một đồng nghiệp AP trước đây, Richard Blystone. Anh ta ở Atlanta để thỏa thuận lại hợp đồng của mình với hệ thống truyền hình cáp, Công ty truyền thông Ted Turner (CNN) thành lập trước đó một năm. Blystone đã bỏ AP sau khi công việc thành công để làm cho CNN ở Lon don.

Ba hệ thống, CBS, NBC và ABC đã chiếm lĩnh chân trời truyền hình và tôi phân vân với sự táo bạo của anh ta. CNN là tổ chức truyền thông còi cọc cùng những tham vọng lớn và lượng khán giả nhỏ. Công nghệ truyền hình cáp không phổ biến với toàn bộ nước Mỹ. Nhưng Blystone quả quyết rằng anh ta chưa bao giờ có nhiều niềm vui như vậy.

Anh ta thuyết phục tôi tới thăm trụ sở Drive Techwood của CNN và gặp phó Giám đốc Burt Reinhardt. Anh ta cảnh báo ông chủ của anh ta sẽ rất lỗ mãng, và Reinhardt quả đúng với lời quảng cáo đó. Câu đầu tiên của ông ta dành cho tôi là: "Đó chỉ là những gì cậu đang làm ở đây thôi hả?" khi tôi đề cập rằng Blystone nói anh ta có rất nhiều niềm vui ở CNN và tôi tò mò muốn xem những gì đang diễn ra khiến tôi hối hận vì đã đến.

Khi tôi chuẩn bị bỏ đi, Reinhardt nhận xét: "Oh, dù sao hãy thử lên hình đi" và tôi nghĩ chuyện đó chẳng mất gì. Ông ta đưa ra những chỉ dẫn với người phụ tá: "Để anh ta nhìn thẳng vào camera và nói về mình trong vòng vài phút".

Ngày hôm sau ông ta gọi cho tôi: "Hãy nói nghiêm túc về chuyện này". CNN đưa ra chức danh phóng viên thường trú quốc gia và trả lương nhiều hơn AP trả cho tôi một chút. Không một chút lưỡng lự tôi đồng ý. Kẻ du hành 47 tuổi đang đỗ trên một hành trình mới ở những vùng biển chưa được thám hiểm.

Các đồng nghiệp AP của tôi hiểu được điều không hài lòng của tôi vì vậy không ai ngạc nhiên với quyết định của tôi.

Vội vã tháo bỏ những trói buộc, tôi cầm bức thư xin nghỉ việc dòng chữ còn nóng hổi trên tay và quyết tâm trình bày với Lou Boccardi, Giám đốc điều hành tin tức.

Những đồng nghiệp AP tổ chức tiệc chia tay trong khu vườn trên nóc một tòa nhà chọc trời gần Trung tâm Rocketfeller, một vài nhân sự của AP tham dự, hàng tá bạn bè phòng tin nói rằng họ rất tiếc nhìn thấy tôi ra đi.

Trong buổi tối cảm động và say sưa đó, họ mở ra một bản copy ảnh lớn của Anh thế kỷ XVIII về một người đưa thư bị gông cùm bởi một con vít cỡ lớn. Họ đưa nó cho tôi một cách khách sáo, phóng viên thường trú đặc biệt Paul Pen tuyên bố. "Arnett, anh bị trói chặt bởi AP và đừng bao giờ quên điều đó", có nhiều tiếng huýt sáo, tiếng cười và cụng li.

Không dễ chia sẻ cảm xúc thực sự của tôi với bất kì ai bởi tôi nghi ngờ họ có thể hiểu được điều đó. Tôi bỏ đi bởi những gì tôi học được ở AP và những gì tôi đã học để yêu sự li kì khi viết về chiến tranh, những điều không có sự thay thế. Tôi sợ điều đó sẽ không xảy ra nữa

TRONG HẦM HÀO CÙNG CNN

Tôi nói rõ với CNN tôi muốn ở trong những vùng chiến sự nóng nhưng đồng ý rằng đầu tiên tôi phải học làm quen với phương tiện mới. CNN chấp nhận. Lần đầu tiên bước vào phòng tin và được một nhà sản xuất lâu năm chào đón, Ted Kavanau, người làm tôi hoảng khi tuyên bố: "Tôi sẽ làm cho cậu nổi tiếng trên hình. Chỉ cần cậu nhớ là "Có công mài sắt có ngày nên kim!".

Ông ta nắm vững huyết mạch và công việc làm tin của bản tin lúc 10 giờ Metromedta thành công ở thành phố New York. Ông ta muốn CNN trở nên khác biệt mà hệ thống truyền hình truyền thống không làm được, mang đến tinh thần cạnh tranh và thú vị cho bản tin địa phương tới những kênh quốc gia. Sự nhiệt tình của ông ta khó mà diễn tả.

Một quan điểm khác của CNN giống với tôi hơn đó là từ Reese Schonfeld người Ted Turner đã chọn điểu hành công ty. Ông ta muốn CNN có mặt đầu tiên tại hiện trường trong mọi câu chuyện lớn và phát hình trước các hãng khác cho dù là chính trị hay ngộ độc thức ăn.

Tôi rất vui làm quen với phương tiện truyền thông mới. Tôi phát hiện ra giọng nói là nhân tố quan trọng hơn vì nhiều người lắng nghe tin tức, thậm chí không xem hình. Tôi cũng mất một thời gian để làm quen với khuôn mặt mình trên hình. Tôi không dám công nhận với các đồng nghiệp trước đây rằng tôi trang điểm.

Nhiệm vụ truyền hình đầu tiên ở nước ngoài của tôi là tới El Salvador mùa thu năm 1981. Một số nhà quan sát sợ rằng nó đang trở thành một "Việt Nam thứ hai" bởi Mỹ ủng hộ một chính phủ hà khắc chống lại lực lượng du kích cánh tả. Reese Schonfield cử tôi đi chủ yếu chứng minh quan điểm mà ông ta sẽ đưa ra ở hội nghị quốc gia những nhà truyền hình vào tháng 10: hệ thống hoàn chỉnh của ông ta sẽ làm tin về những điểm nóng của thế giới.

Tôi biết ơn được quay trở lại làm tin về chiến tranh. Đó là những gì tôi đã được hứa. Tôi vui mừng sử dụng video và âm thanh để kể những câu chuyện, nhưng truyền hình trực tiếp vẫn là điều không thể vào lúc đó. Chúng tôi đi lại ít. Chúng tôi không có thiết bị biên tập do vậy tôi chuyển toàn bộ video về Atlanta vài ngày một lần cùng bản đọc phát thanh mà tôi viết và ghi âm. Tôi làm việc dưới sự hướng dẫn chung từ CNN. Tôi phát hiện ra bản tin truyền hình là sự cố gắng của cả đội.

Tại El Salvador, chúng tôi đã chứng kiến những dã man gây sốc. Những đội quân tử thần cánh hữu hoạt động về đêm dưới sự bảo vệ của quân đội bắt những người nghi ngờ không trung thành với chế độ. Chúng tôi lái xe vòng quanh mỗi buổi sáng, chụp hình những thi thể mới chết của nông dân và sinh viên trên vỉa hè. Ở bờ lở dung nham cũ phía sau núi San Salvador, chúng tôi đi bộ giữa những bộ xương người lớn và trẻ em bị giết gần đây vẫn mặc những bộ đồ rách nát, xương của họ được róc sạch sẽ bởi những chú kền kền đậu trong rừng cây gần đó.

Tôi bắt đầu nhận ra kích động là một phần trong cơn đau đẻ của CNN và đam mê là nhân tố trong quá trình sáng tạo của tất cả các bản tin truyền hình. Những cơn thịnh nộ của Reese Schonfeld xung quanh phòng truyền hình trực tiếp ở Atlanta là triệu chứng của sự điên cuồng hoang dại. Khi tôi gợi ý với Schonfeld rằng tôi cần vài chỉ dẫn khi giải quyết với phương tiện truyền thông mới, ông ta cười: "Cậu đã đi tới trường: trường học bơi - hoặc - chìm của bản tin truyền hình".

Tôi nói với CNN tôi sẵn sàng mọi nhiệm vụ, mọi nơi và rằng tôi thích hành động hơn, rằng tôi muốn làm tin về các cuộc chiến nhỏ đang lan ra toàn cầu. Tôi nghi ngờ sẽ có một cuộc xung đột khác quan trọng như Việt Nam, nhưng miễn là có các cuộc chiến đang diễn ra thì cần làm tin về chúng. Tôi không thấy công việc của mình có gì khác những phóng viên chuyên mục.

Ed Turner, Phó chủ tịch của CNN cử tôi tới Afghanistan viết về cuộc đấu tranh du kích chống lại quân đội Xôviết nhưng ông ta nói rất khó mang theo thiết bị truyền hình cồng kềnh vào đất nước đó. "Cậu là người sẽ đi tới Afghanistan" và đó là những gì tôi đã làm vào tháng 9-1982, cho nhiệm vụ viết bài từ tạp chí Parade. Tôi đi tới thành phố biên giới của Pakistan, Peshawar cùng phóng viên ảnh tự do Ed Hille và tham gia cùng sự hộ tống của nhóm Hồi giáo Jamiat.

Trong trang phục địa phương, chúng tôi lê bước 13 giờ qua đèo ở núi vào thung lũng Kunar. Những viên đá sỏi lớn trên đường làm cho chuyến đi như địa ngục. Chúng tôi lội qua con sông chảy siết Kunar vào nửa đêm trên một chiếc bè làm từ lốp xe tải đã bị thủng. Chúng tôi không thể chịu được sự trừng trị từ những tảng đá và chúng tôi ướt sũng khi sang tới bờ bên kia. Chúng tôi ở một tuần cùng đội lính chiến đấu du kích người Hồi giáo mà nhiệm vụ của họ là mai phục đội hình quân đội Liên Xô trên con đường Jalalabad. Chúng tôi ăn bánh mì làm bằng ngô, hạt đậu đỏ và ngủ trong những hang đá.

Làm tin về những câu chuyện nguy hiểm cho truyền hình là một gánh nặng lớn hơn so với trước đây vì tôi luôn cần một đội đi cùng. CNN cử tôi tới Iran năm 1982 trong một chuyến thăm được chính phủ tài trợ, và trên đường về, nhóm chúng tôi được cử làm tin về cuộc xâm chiếm Leban của Israel.

Các thành viên trong nhóm của tôi, Vito Maggiolo và George McCarger từ bỏ dù được tăng lương. Vito nói với tôi: “Chúng tôi không ký hợp đồng với CNN để bị bắn". Tôi đã cãi nhau với họ để tiếp tục hành trình. Tôi biết hệ thống sẽ không trả thêm tiền cho họ và nhiệm vụ sẽ đổ vỡ nếu họ khước từ. Cuối cùng, tôi thuyết phục họ đi cùng với tôi tới Beirut, và khi chúng tôi bay vào Damascus, Syria, bước chân đầu tiên của cuộc hành trình, tôi biết rằng sự an toàn của họ là trách nhiệm của tôi.

Hai ngày sau khi chúng tôi tới, người Israel tiến về bờ biển và bao vây phía tây Beirut cùng xe tăng và pháo binh. Chúng tôi nhìn thấy những khẩu súng lớn trên đường đi và trong những khu vườn bên sườn đồi. Chúng tôi lái xe tới vị trí của họ mỗi buổi sáng để xem họ bắn phá những người Palestin. Sau đó chúng tôi lái xe trở lại phía tây Beirut, kiểm tra mức độ tàn phá và chứng kiến người Palestin bắn trả.

Những buổi chiều muộn, các đoàn phóng viên truyền hình tụ tập trên nóc khách sạn, những chiếc camera chốt trên giá ba chân, chĩa lên bầu trời khi những máy bay Israel tới với nhiệm vụ thả bom hàng ngày. Chiếc camera quay trong khi chúng tôi rút vào vị trí trú ẩn khi những mảnh đạn như mưa rơi trên mái nhà. .

Đội CNN nhỏ của chúng tôi sát cánh bên nhau mọi lúc. Chúng tôi thuê một taxi Mercedes với một lái xe tin cậy đi vòng quanh vùng mặt trận. Lãnh đạo PLO, Yasser Arafat, có một văn phòng trong tòa nhà cao luôn dưới làn đạn của Israel. Khi chúng tôi muốn phỏng vấn ông ta, chúng tôi lái xe trong phạm vi một khu phố và chờ đợi cho lượt đạn nổ dừng lại. Sau đó chúng tôi lái xe dọc con đường tối, lối vào có bao bọc cát trước hàng rào chiếm giữ.

Hàng ngày chúng tôi đều vào trại người lánh nạn của Sabra nơi một chỉ huy quân đội người Palestin lập ra trụ sở chỉ huy ở trong một giáo đường và sẵn sàng tóm tắt cho chúng tôi về tình hình quân sự. Tôi may mắn và vui mừng vì không phóng viên ảnh hay kĩ thuật viên truyền hình nào bị thương khi làm nhiệm vụ cùng tôi.

Nhưng cuối cùng, ở Santiago, Chile, vào mùa thu năm 1983 sự may mắn đã không đến khi chúng tôi làm tin về sự quấy rối của người dân xung quanh lễ kỉ niệm thứ 10 của chế độ độc tài quân sự của Tổng thống Augusto Pinochet. Willis Perry người quay phim của tôi và là một gã người Mỹ lai Phi cao lớn.

Trong suốt cuộc biểu tình ở bãi họp chợ, một đội xe cảnh sát tấn công đám đông. Chúng tôi chạy sang bên đường. Willis quay sang giơ camera lên vai vừa khi chiếc xe bus cảnh sát chạy qua điểm giao phía sau tôi. Súng nổ ra từ cửa sổ. Tôi nghe thấy tiếng rít của đạn cao su. Wlillis đứng ngay phía sau tôi và tôi nghe thấy anh ta thở hổn hển: "Tôi bị bắn", khi anh ta ngã xuống đất, thả camera của mình vào tay tôi. Anh ta bị bắn vào ngực, vết thương khá sâu.

Nếu tôi cao hơn 7,6cm thì tôi đã bị bắn vào mặt.

Tôi đề nghị giao nhiệm vụ quay phim cho người phụ trách âm thanh Tyron Edward bởi vì CNN không có tiến để thay thế Willis - người đã được đưa về nhà phục hồi sức khỏe.

Chúng tôi đi vào sáng sớm Chủ nhật ngày 25-9 khi hầu hết giới báo chí đang thư giãn. Tôi cần băng hình cho bài phân tích tin về những lựa chọn chính sách của Mỹ ở Trung Mỹ, và tôi đang hy vọng có thêm một số hình ảnh về người lính trong chiến dịch. Mỹ đang tiêu tốn hàng triệu đô la hỗ trợ quân đội cho Chính phủ Salvador nhưng những kẻ phản công cánh tả đang chiến đấu lại.

Người lái xe đưa chúng tôi đi dọc đại lộ Pan American phía đông thành phố. Chúng tôi nhìn thấy những máy bay thả bom ở phía xa những ngọn đồi. Chúng tôi lái xe về phía ném bom tới chỗ đường giao nhau đầy bùn có lính canh gác từ chối cho chúng tôi qua. Ngay sau đó vài nhóm người dân đi vội vã trên đường mang theo những người thân bị thương và kêu ca rằng máy bay chính phủ bắn vào họ trong thị trấn Tenancingo. Tôi cảm thấy không thể chờ đợi ở bùng binh nữa và không có lựa chọn nào khác là đi bộ để có câu chuyện. Chúng tôi phân phối thiết bị nặng và đi bộ.

Tới gần Tenanctngo, chúng tôi nhìn thấy những trực thăng định vị ngay phía trên đầu và chúng tôi trốn vào khu rừng bên đường. Khi tới gần thành phố, máy bay ném bom A-37 của chính phủ hiện ra trên bầu trời gầm rú, lao vào đường ném bom. Một trực thăng có vũ trang ở trên tầm ngọn cây với nòng súng bắn lóe và chúng tôi chạy vào một ngôi nhà đá cổ nơi lực lượng du kích cánh tả có vũ trang đã chiếm đóng. Họ bắt chúng tôi vào canh gác, kiểm tra thẻ báo chí và sau đó hộ tống chúng tôi qua thành phố.

Gần góc tòa nhà cuối phố bị bom oanh tạc trên con đường đầy sỏi, xác rất nhiều phụ nữ và trẻ em nằm ngang trên đường. Tôi chứng kiến Edwards bị sốc nhưng anh ta đã ghi được hình ảnh hiện trường. Có nhiều nhóm lính du kích xung quanh đó. Họ chiếm đóng Tenacingo sáng hôm đó và chiếm lấy khu đồn trú quân đội chính phủ: Ném bom là tiếp sau phản ứng tức giận. Rõ ràng thương vong trên đường và bên trong những ngôi nhà bị tàn phá là người dân thường đáng lẽ ra chính phủ phải bảo vệ họ.

Khi chúng tôi rời đi, lính du kích đang rút khỏi thành phố. Một sĩ quan nói với tôi, "Nếu chúng tôi ở lại đây sẽ có nhiều trận ném bom hơn nữa và nhiều dân thường sẽ bị chết"' Tàn phá Tenancingo là biểu hiện của sự leo thang khác trong chiến tranh Salvador.

Chúng tôi trở lại khách sạn ở thủ đô vào nửa đêm và xem lại đoạn băng đã quay. Tôi viết lời bình bắt đầu bằng “Thần Chết đã ghé thăm Tenancingo vào ngày Chủ nhật. Thần Chết nán lại cả ngày hôm đó ở thành phố xa xôi này của Salvador, cướp lấy mạng sống nhiều phụ nữ, trẻ em và đàn ông". Kĩ thuật viên âm thanh Duncan Finch, làm hai nhiệm vụ như một người biên tập hình. Mặc dù anh ta kiệt sức nhưng vẫn ngồi trước máy biên tập và bắt đầu chắp nối các đoạn hình theo lời bình của tôi. Anh ta là một kĩ thuật viên cẩn thận. Khi tôi tỉnh dậy vào bình minh thì anh ta đang làm đoạn video cuối cùng.

Mặt trời mọc khi tôi lái xe dọc đường bờ biển tới sân bay quốc tế và chuyển câu chuyện bằng chuyến bay của Taca Airline sớm nhất tới Miami. Nó tới Mỹ vào khoảng buổi trưa và được phát lần đầu trên CNN ngay chiều hôm đó và được phát lại nhiều lần sau này. Đó là câu chuyện bi kịch nhất mà tôi từng làm cho truyền hình. Một nhà phê bình của tờ Los Angeles hàng tuần nhận xét: "Cảnh phim thật tới mức tôi quá ngạc nhiên khi nó được chiếu. Một lời khen ngợi cho CNN".

Đại sứ người Salvador ở Washington, Rivas Gallont ngay lập tức phản đối rằng câu chuyện đó là giả, đổ lỗi cho lính du kích về sự tàn phá và phủ định bất kì cuộc ném bom nào. Đại sứ quán Mỹ ở Salvador lúc đầu cho rằng việc ném bom chỉ là tình cờ nhưng khi điều tra cho thấy trách nhiệm thuộc về Lực lượng Không quân Salvador. Tôi lại giành được một giải thưởng báo chí cho câu chuyện đó, giải thường Công việc xuất sắc Sigma Delta Chi thứ ba của mình.

Nếu là một phóng viên báo in, tôi sẽ cố gắng viết về vụ đánh bom sử dụng lời nói từ những nhân chứng còn sống nhưng bản tin truyền hình chỉ có thể thuyết phục được khi có hình ảnh trên hình. Do vậy tôi đã hiểu những điều khoản với phương tiện truyền thông rằng tôi có vai trò ngang hàng với kĩ thuật của truyền hình.

Trong câu Chuyện về Tenancingo, tôi đã học được sự nhấn mạnh của hình ảnh và đánh bại chiều hướng thiên về miêu tả của mình. Hình ảnh tự nói câu chuyện của nó. Morey Safer từng khuyên tôi viết từ góc độ truyền hình để đảm bảo mọi hình ảnh được sử dụng đúng mục đích. Tôi cố gắng bù đắp điểm yếu bằng những xoay sở học được từ AP. Tôi ở lại cùng với nhóm để chỉ dẫn về những câu chuyện.

Tôi cố gắng gửi những bản tin được chỉnh sửa hoàn chỉnh sẵn sàng sử dụng tới trụ sở Atlanta hàng ngày từ bất kì nơi nào, thường là chuyển theo đường hàng không để tiết kiệm tiền. Đối với những câu chuyện lớn, tôi thấy các hệ thống lớn thường lãng phí hàng nghìn thước phim để chọn cho được hình ảnh hoàn hảo. Nếu có thể tôi sử dụng từng inh trong mỗi hình ảnh của máy quay. Các hệ thống khác hay thay đổi về sở thích tin tức của họ, thường bỏ qua những thông tin hay khi họ tập trung vào mối quan tâm tin tức ngày hôm đó. CNN thì có rất nhiều thời gian để phát hình, mọi thứ tôi gửi về đều lên hình sớm hay muộn.

Cạnh tranh về khối lượng, ban quản lí CNN cố gắng thúc ép tất cả các văn phòng làm việc theo cách đó bởi chi phí bỏ ra có hiệu quả. Lấy được tin phát hình đầu tiên và nhiều về số lượng quan trọng hơn là làm cho nó hay. những hệ thống khác cố gắng làm bản tin theo một khuôn mẫu nghệ thuật, chắt lọc trong bản tin khoảng 30 phút hàng ngày. Họ là tạp chí giấy bóng. CNN là hệ thống cung cấp tin và tôi đã quen, một tờ báo với hàng tá phiên bản, bắt đầu câu chuyện từ sáng sớm và nói về nó cả ngày.

Một số nhà phê bình bắt đầu nhận ra hệ thống truyền hình không độc quyền về độ trôi chảy. Tháng 12-1984, nhà phê bình của Thời báo Los Angeles, Howard Rosenberg chỉ ra bản tin của tôi về nạn đói của người Ethiopi: "Arnett và đội của anh ta đã thêm vào danh mục truyền hình những hình ảnh có sức nặng". Khối lượng thông tin của CNN truyền tải cùng dung lượng của nó. Hàng triệu người Mỹ bắt đầu đăng kí truyền hình cáp.

Tôi bắt đầu thoải mái với việc tập hợp hình ảnh và chuẩn bị bản tin truyền hình hoàn chỉnh. Tôi thấy rằng truyền hình trực tiếp khó hơn. Reese Schonfeld bắt đầu điều hành CNN với lời hứa về những bản tin truyền hình trực tiếp khắp thế giới. Về lý thuyết điều này là có thể nhưng thực tế rất khó thực hiện.

El Salvador, mùa hè 1983. Biên tập ngoại sự Von Essen quyết định CNN là hãng đầu tiên có chương trình truyền hình trực tiếp bản tin về bùng nổ chiến tranh. Chúng tôi dựng máy quay trên mái nhà của Khách sạn Camino Real, kết nối bằng dây cáp xuống tường nhà và cắm vào máy phát tín hiệu sóng ngắn trong phòng chúng tôi.

Khi tôi đứng trước máy quay trong ánh nắng chói chang buổi trưa, nhà sản xuất Gerlind Younts cố gắng lắng nghe lời chỉ dẫn từ đạo diễn. Tôi không thể nghe được những gì họ nói đành thực hiện ba phút bình luận trực tiếp theo ám hiệu. Gerlind cố gắng hết sức nhưng những lời chỉ đạo trên điện thoại không rõ ràng. Cô ta ra kí hiệu tay bắt đầu phần truyền hình của tôi quá muộn.

Tôi đã đứng trên truyền hình vài phút và bị câm tiếng. Khi tôi bắt đầu, đạo diễn nói với Gerlind đẩy nhanh phần của tôi và cô ta ra hiệu tay nhiều hơn. Tôi nhìn chằm chằm vào cô ta, máy quay và khung cảnh nông thôn sáng sủa phía sau mái nhà khách sạn và tôi muốn ở nơi nào đó khác trên thế giới hơn là trực tiếp trên CNN

Thời gian trôi qua, tôi tiến bộ hơn. Sự thành thạo của tôi ngày càng tăng dường như gây ấn tượng cho Burt Reinhaut. Ông ta cứ tôi tới Nhật cuối mùa hè năm 1985 để chuẩn bị chương trình truyền hình trực tiếp thời lượng một tiếng về lễ kỉ niệm lần thứ 40 vụ ném bom nguyên tử Hiroshima. Chương trình phát sóng vào đầu buổi tối trước hai chương trình quan trọng nhất của hệ thống, Moneyline và Crossfire. Trưởng phân xã ở Tokyo John Lewis nói rằng chúng tôi có kinh phí quá nhỏ nên chúng tôi phải phụ thuộc vào sự sắp xếp của các tổ chức truyền hình địa phương.

Khi tới thời gian phát sóng, tôi cảm thấy mình đang bị sức ép với những trách nhiệm nặng nề vì chương trình quá lớn, rất khó để hoàn thành. Đội sản xuất nhỏ và tôi làm việc suốt đêm để hoàn thành những yêu cầu cuối cùng của câu chuyện. Tôi kiệt sức khi đứng ở vị trí cao của Công viên Hòa bình, Hiroshima. Máy quay cách xa 200 thước vì giới hạn vị trí, quá xa để quay cận cảnh tôi hoặc vị trí của những chuyên gia mà tôi sẽ nói chuyện.

Tình hình còn tệ hơn khi lễ kỉ niệm bắt đầu muộn vài phút làm hỏng mọi kế hoạch của CNN. Và tôi một lần nữa không thể liên lạc được với đạo diễn Bod Furnad của CNN ở vùng Atlanta xa xôi.

Gerlind và Elsa cố gắng giúp đỡ tôi giải quyết vấn đề khi đứng lẫn vào đám đông bên dưới, giơ lên những kí hiệu bằng bìa cứng mà trên đó họ viết ám thị. Khi tôi liên lạc được với Furnad trên điện thoại, ông ta hỏi tôi chuyện khỉ gì đang diễn ra và tôi trả lời bằng một lời chửi thề. Ông ta đáp lại gay gắt: "Tất cả chúng tôi đều nghe thấy điều đó" điều đó có nghĩa nó được phát trực tiếp.

Tôi nhục nhã bởi toàn bộ trình diễn ở Hiroshima và cảm thấy đau khổ trong nhiều tuần. Ed Turner và Jeannee Von Essen cố gắng làm tôi cảm thấy tốt hơn khi tôi trở về Atlanta. Họ đảm bảo với tôi chuyện đó không tệ đến vậy. Nhưng Reinhardt đã có quyết định cuối cùng. Khi tôi bước vào văn phòng của ông ta, Chủ tịch CNN gào lên: "Đó là một tiếng đồng hồ truyền hình tệ nhất mà tôi từng xem trong đời mình".

Ở nơi khác thì đó là kết thúc nghề nghiệp nhưng với CNN lại là khởi đầu của bản tin trực tiếp truyền hình. Tôi chỉ phải thử lại lần nữa. Tôi đã ở El Salvador đầu mùa thu khi thành phố Mexico chịu trận động đất lớn. Chúng tôi bay tới thành phố đêm đó. Lửa bùng ra khỏi phạm vi điều khiển, gạch ngói từ các tòa nhà văn phòng và căn hộ đổ đầy trên các đường phố lớn.

Chúng tôi tham gia cùng hệ thống truyền hình khác khi sử dụng vệ tinh truyền hình di động mới để truyền tín hiệu về Mỹ. Chúng tôi truyền hình trực tiếp tại một điểm từ đống đổ nát của một tòa nhà nơi những đứa trẻ mới sinh được cứu. Các phóng viên thường trú của CNN xếp hàng cùng Tom Brokaw của NBC và Peter Jennings của ABC để tới lượt lên hình trực tiếp.

Tháng 10, núi lửa phun trong vùng núi phía trên dòng sông định cư của người Comlombia ở Armero, bùn, tàn tro đổ xuống các ngọn đồi dốc, thung lũng và chôn vùi cộng đồng trong hai mươi thước tạp chất. Von Essen đưa tôi 5.000 đô la và nói trở về nhà khi tiêu hết tiền.

Tôi chi tiêu tốt nhất có thể, thuê taxi mỗi buổi sáng vào thành phố của Bogota và lái xe nhiều giờ trên những con đường lộng gió Andean tới khi chúng tôi tới nơi thảm họa. Chúng tôi lội hai giờ qua đám bùn, kéo máy quay và thiết bị âm thanh tới Armero nơi 20 nghìn người bị chôn vùi trong đống đổ nát. Đó là một bản tin hấp dẫn.

Các hệ thống khác làm tin về Armero với máy bay được thuê ở sân bay Bogota để chở đội của họ và nhà sản xuất tới đường băng gần hiện trường thảm họa. Họ chuẩn bị xe bốn bánh chạy qua đám bùn  của Armero. Họ dời đi khi chúng tôi tới. Họ sẽ trở lại Bogota đúng lúc cho truyền hình buổi tối và có một đêm ngủ ngon. Một nhà sản xuất ABC nói với tôi rằng ông ta tiêu tốn 100.000 đô la thuê máy bay trong tuần đầu tiên của thảm họa.

Tôi và cả đội kiệt sức trở về khi khoản tiền chi tiêu đạm bạc của chúng tôi hết sau tám ngày. Tôi cảm thấy kiệt sức. Được ở trên đường với những bản tin lớn là giấc mơ đã thành sự thật của tôi, nhưng CNN đòi hỏi cố gắng của những người siêu phàm. Lần đầu tiên trong đời tôi nghĩ tới chuyện từ bỏ. 

Sau khi tôi được biết CNN đang tìm một Trưởng phân xã mới ở Mátxcơva, tôi nộp đơn cho vị trí đó. Von Essen cảnh báo tôi vị trí đó sẽ không đi lại nhiều bởi việc làm tin của chúng tôi tập trung vào thủ đô. Điều đó tốt với tôi lúc này.

NHỮNG CHÂN TRỜI MỚI 

Trước khi đến Mátxcơva, tôi trở thành công dân Mỹ. Tôi đã nghĩ về điều đó trong nhiều năm qua kể từ ngày tôi đặt chân lên đất Mỹ năm 1971. Tôi sống ở Mỹ với tư cách không phải là người nhập cư mà là một nhà báo.

Tôi bắt đầu nghĩ về bản thân như một công dân của thế giới và ngần ngại khi những người bạn Mỹ quở trách tôi vì không cống hiến nhiều hơn cho đất nước nơi tôi sống và được trả lương trong nhiều thập kỷ. Tôi nhìn nước Mỹ trong con mắt một phóng viên thường trú nước ngoài. Nước Mỹ không phải quê hương của mình, thậm chí là của cả con cái tôi khi Andrew và Elsa lớn lên trên mảnh đất này.

Cuối cùng tôi bắt đầu suy nghĩ giống như một người Mỹ. Điều đó hình thành khi tôi làm tin về cuộc khủng hoảng bắt cóc con tin nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Iran mùa đông năm 1979. Tôi được cử tới Teheran vào ngày Giáng sinh. Tại tòa nhà giam giữ 50 nhà ngoại giao từ ngày 4-11 bởi những người ủng hộ Ayatollah Khomeini, số phận các con tin Mỹ vẫn không rõ ràng.

Khu vực đó chiếm khoảng 1 phần tư dặm trên đường Teleghan, được trang trí những panô chính trị bên ngoài tường đại sứ quán và trên những tòa nhà cao hai bên đường. Những panô bằng tiếng Anh liên tục được dán lên, nào là "Nước Mỹ không thể dọa một quốc gia đã chọn tử vì đạo từ thần Chết", nào là "Truyền thống của Mỹ là giết người". Hàng ngày, những đám đông tức giận, đi xe vào thành phố từ vùng nông thôn, diễu hành dọc đường, đôi khi mang theo hình nộm của Tổng thống Carter mà họ đốt trong tiếng reo hò ủng hộ.

Nhiệm vụ của tôi trở thành sự cầu nguyện hàng đêm, một cử chỉ ủng hộ cho những người bị bắt và sự thách thức đối với đám đông người Iran, những người đánh đập vào các phóng viên tập trung ở cổng. Những câu chuyện của tôi bắt đầu phản ảnh sự tức giận của bản thân. Tôi viết về cuộc biểu tình trước đại sứ quán như thể là một “hành lang tức giận" của người Teheran dựng lên. Thậm chí tôi cảm thấy, niềm vui cống hiến biến mất, và tôi phát hiện những câu chuyện nhạy cảm của mình đang đánh trúng tim đen của các biên tập báo Mỹ. Họ thể hiện tâm lý đó dưới những nhan đề lớn trên trang nhất.

Tôi ngạc nhiên với đam mê của chính mình nhưng đó chỉ là khởi đầu những đổi thay của tôi. Tôi đã luôn ôm lấy văn hóa Mỹ. Bây giờ tôi bắt đầu quan tâm cả chính trị địa phương và các cuộc thi thể thao. Điều đó xảy ra vài năm từ khi tôi bắt đầu cảm nhận mình giống như một người Mỹ thực thụ.

Cao trào cuối cùng chính là sự phá vỡ cuộc hôn nhân 20 năm của tôi với Nina, người chịu căng thẳng lâu ngày vì việc vắng nhà do công việc phải đi lại thường xuyên của tôi. Tôi đang làm việc với rất nhiều người trẻ. Tôi đã gặp Gerlind Younts, sau này là biên tập viên cho CNN ở văn phòng Washington.

Tôi cảm nhận ở Gerlind sở thích mạo hiểm mà tôi cũng có. Chúng tôi chuyển tới Atlanta và cô ấy trở thành nhà sản xuất của tôi. Nina và những đứa trẻ ở lại New York nơi Elsa học cấp ba và Andrew học đại học. Là công dân Mỹ trở thành phần logic trong những chân trời mới của tôi.

Tôi đã thề nguyện tại buổi lễ ở Atlanta, bang Georgia cùng một nhóm nhỏ những người châu Á, Phi và Âu. Mọi người tự hào khi chúng tôi giơ tay phải nói lời thề bổn phận với tổ quốc mới. Tôi cảm thấy đó là sự phá vỡ sạch sẽ với quá khứ.

CNN cho tôi sáu tuần học tiếng Nga và tôi cố gắng hết sức để học những kiến thức cơ bản. Tôi đã nhìn thấy một điều gì đó ở thế giới cộng sản, từng tới Hà Nội, Havana, phỏng vấn Fidel Castro và có một chuyến đi làm tin tới Bắc Triều Tiên. Thế giới cộng sản nghiêm khắc và buồn tẻ vì vậy Mátxcơva không có gì làm tôi ngạc nhiên.

Văn phòng Mátxcơva của CNN có vai trò quan trọng không chỉ là một phòng thường trú sản xuất tin bài đơn thuần mà còn thể hiện ước mơ của Ted Turner về việc quốc tế hóa của hãng tin. Con trai của Teddy Turner, J.r đang làm việc ở đó như một kĩ thuật viên.

Khi tôi hỏi mọi người ở CNN về Ted Turner, họ miêu tả ông ta như một người lập dị nhiều tiền, một thiên tài về truyền thông vệ tinh và thương mại. Họ kính trọng ông ta vì Ted Turner luôn biết kinh doanh, có đủ tiền trả cho nhân viên chứ không phải vì sự hiểu biết ngành truyền thông của ông ta. Tham vọng quốc tế hóa hãng tin CNN của ông ta được xem như lý tưởng hóa những mong ước ngây thơ.

Tôi cũng có những nghi ngờ của mình. Nhưng khi ông ta hiểu ra phải để việc điều hành các đội thể thao của mình cho những người quản lí của họ, Ted Turner rời công việc điều hành CNN cho những người quản lí bản tin và hiếm khi can thiệp.

Danh tiếng của ông ta ở Liên Xô đã giúp tôi làm việc vào đầu năm 1986 dễ dàng. Các nhân viên của Bộ Ngoại giao nhiệt tình giúp đỡ tôi. Tình thân ái trong quan hệ của chúng tôi với chính quyền Liên Xô không mất đi trong một thế giới báo chí phương Tây không đáng tin cậy.

Sự chỉ dẫn duy nhất tôi nhận được từ trung tâm là sản xuất càng nhiều câu chuyện càng tốt. Tôi nói với các nhân viên của mình, tôi muốn đưa điều gì đó lên hình hàng ngày và họ từ từ nới lỏng những quy định nghiêm ngặt về làm tin vốn dĩ không bao giờ có ở báo chí phương Tây nhiều thập kỷ, cho phép tôi phỏng vấn các quan chức nổi tiếng như Ngoại trưởng Andrei Gromyko và cung cấp các đầu mối tiếp cận lực lượng cảnh sát và quân đội.

Trong những tháng đầu tiên, chúng tôi làm tin về hậu quả sau thảm họa hạt nhân Chernobyl. Câu chuyện dễ dàng hơn tôi tưởng vì chính quyền Xôviết rơi vào tình trạng bất ổn bởi áp lực đạo đức của Tây Âu dưới sự đe dọa đầu độc hạt nhân.

Nhiệm vụ của tôi tại Mátxcơva diễn ra song hành với bối cảnh thăng tiến sự nghiệp của Mikhail Gorbachev. Chính sách thay đổi xã hội của ông ta đã đánh dấu một kỉ nguyên mới khi chính quyền Xôviết tiếp tục vi phạm lời hứa đối với cộng đồng Do Thái về việc mở rộng tự do và tăng thêm số lượng visa nhập cảnh.

Người Do Thái thường đi tới các đường phố Mátxcơva cùng biển hiệu trong các cuộc biểu tình bất ngờ. Chớp lấy thời cơ, chúng tôi thường làm tin về họ khi cảnh sát hay những gã KGB chạy vào dòng người, bắt người Do Thái và đẩy họ vào xe tải.

Một hôm tôi bị gọi tới Bộ Ngoại giao và được giáo huấn nhắc nhở về việc làm tin vô trách nhiệm. Tôi đáp lại rằng, phản ánh các cuộc biểu tình chỉ là một cách trình bày định nghĩa của CNN về bản tin. "Nhưng họ chỉ là người Do Thái", người chất vấn nói.

Cao trào của vấn đề này bùng nổ vào tháng 2-1987 trên con phố Arbat rải đầy đá sỏi đóng băng, con phố sáng tạo nổi tiếng ở Mátxcơva. Các nhà hoạt động xã hội Do Thái quyết định thử thách giới hạn chính sách cải cách của Gorbachev bằng cách tài trợ một chuỗi các cuộc biểu tình kéo dài hàng tuần nhằm thả tự do cho Joseph Begun - một nhà đối lập ra khỏi nhà tù chính trị ở Siberia.

Vợ anh ta, Ina Begun và những người tham gia khác bị cản trở trong những ngày đầu, nhưng vào cuối tuần chính quyền trở nên rất kiên nhẫn. Vào ngày 3-2, một đội gián điệp KGB hùng hậu tấn công đoàn biểu tình và giới báo chí bằng cách đấm đá, xô đẩy dòng người trên lối đi. Gerlind mang theo thiết bị âm thanh, cô ấy bị xô ngã và dẫm lên. Người quay phim của chúng tôi, Gay Shore, cố gắng giữ vị trí và phải lùi lại để bảo vệ thiết bị. Còn tôi, sau khi hứng chịu trận đấm đá, tôi bị kéo lê tới một hẻm và bị đánh gục xuống đất.

Tôi đã nhận ra nhân viên an ninh Mátxcơva theo dõi tôi. Hai kĩ thuật viên đặt máy nghe trộm ở buồng điện thoại ngoài cửa căn hộ. Cảnh sát đã cắt dây cáp thiết bị của chúng tôi.

Vào ngày Chủ nhật, 7-12, là ngày Gorbachev bay tới gặp Tổng thống Reagan trong cuộc gặp cấp cao đầu tiên tại Washington, D.C, những người biểu tình Do Thái tập hợp tại công viên nhỏ trước Bộ Ngoại giao Mátxcơva. Chính phủ cử những người biểu tình và cuộc ẩu đả xảy ra. Chúng tôi ở giữa. Có tiếng va đập, la thét và chửi bới. Khi tôi cố gắng giúp các đồng nghiệp tác nghiệp thì bị một cảnh sát to lớn, mặc thường phục kéo sang một bên bắt đi.

Tôi trình thẻ phóng viên nhưng bị nhiều nhân viên KGB mặc thường phục kéo ngã qua đám đông và ném tôi vào một chiếc xe bus, nơi tôi bị các nhân viên an ninh có vũ trang canh giữ. Một cảnh sát giẫm gót chân lên hộ chiếu của tôi trước khi ném nó vào xe cho tôi. Khi xe bus đã đi xa, tôi làm cử chỉ từ nhẫn nhục với một nhân viên quay phim, người ghi hình sự việc của tôi. Tôi bị giữ tại đồn cảnh sát gần Bộ Ngoại giao, nơi một nhân viên cố ép tôi vào tội gây rối trật tự công cộng. Tờ Thời báo New York và Bưu diện Washington chỉ trích hành động của các nhân viên KGB trong phần xã luận.

CNN phản đối chính quyền Xôviết và nhận được một lời xin lỗi.

Trong phạm vi hiểu biết của chúng tôi, cuộc biểu tình của người Do Thái vào tháng 12 là lần cuối cùng Mátxcơva có hành động cứng rắn.
Tôi đồng ý ở lại Mátxcơva ba năm cho CNN, nhưng tôi trở nên mệt mỏi với áp lực công việc và yêu cầu rời đi sau hai năm. Tôi trở về nhà sau khi Reagan về.

CNN cử tôi tới văn phòng Washington như một phóng viên thường trú an ninh quốc gia. Đó không phải là công việc mang lại cho tôi nhiều bản tin truyền hình. Hầu hết nguồn tin của tôi không muốn lên hình hoặc bị lộ diện. Chuyên đề gồm FBI và CIA, hai cơ quan chính phủ đặc biệt không sẵn sàng giúp đỡ báo chí nói chung hoặc cá nhân tôi nói riêng. Tôi không bận tâm.

Xôviết đã làm tôi kiệt sức và tôi cần nạp lại năng lượng cho mình. Nhưng khi chứng kiến những câu chuyện lớn trôi qua trước mắt mình, tôi lại không vui. Tôi không được điều động làm tin trong chuyến thăm lịch sử của Gorbachev tới Bắc Kinh và vụ thảm sát tại quảng trường Thiên An Môn hay những biến động ở Đông Âu dẫn tới kết thúc Chiến tranh lạnh.

CNN đang sử dụng nhân viên trẻ hơn và một lần nữa tôi lo lắng về những ngày làm tin chiến tranh của mình đã kết thúc nhưng tôi tặc lưỡi, kiềm chế lời phàn nàn với Ed Turner. Tôi tự hứa với mình, rằng không bao giờ tôi vận động hành lang một cách hăng hái. Tôi không muốn liều lĩnh với tính cách khát khao. Tôi hy vọng những gì đã giành được trong hành trình tác nghiệp đời mình là lời biện hộ hiệu quả nhất.

Dù sao tôi cũng biết ơn công việc của mình. Sự thịnh vượng đã thay đổi CNN giống như âm thanh đã biến đổi Hollywood. Rất nhiều chuyên gia mà bắt đầu là Công ty bản tin truyền hình cáp không theo quy tắc này đã ra đi hoặc bỏ việc trong sự tức giận. CNN ngày càng giống những hệ thống truyền hình khác, thậm chí cả việc sa thải nhân viên.

Tôi sống thoải mái ở Washington cùng với số phận của mình nhưng không dễ gì chấp nhận nó. Hy vọng đã lóe lên. Mùa hè năm 1989 tôi được cử tới Nam Phi 2 tháng làm về chuỗi các sáng kiến hòa bình quốc tế mà Ted Turner gợi ý. Tôi đi tới Namibia, Angola, Zaize, Mozambique, Nam Phi và hành trình đó đã thắp lại ngọn lửa trong tôi.

Buổi tối ngày 19-12-1989, tôi ở nhà xem CNN truyền hình về khủng hoảng ở Panama. Trong vài giờ, các cuộc điện thoại từ những người dân nói về việc xây dựng lực lượng quân đội Mỹ bất ngờ được truyền hình trực tiếp. Họ suy xét rằng Mỹ đổ bộ vào Panama nhằm hất cẳng Manuel Noriega, người có thế lực khét tiếng nhưng không còn được lòng Chính quyền Bush. Tôi đã phỏng vấn Noriega trước đó vài năm khi ông ta còn là đồng minh của Mỹ và tôi quen thuộc với đất nước đó. Điện thoại reo và đó là Ed Turner. Ông ta nói muốn cử tôi tới Panama: "Anh là lựa chọn đầu tiên của chúng ta để tới đó". Tôi hoan hỉ lên đường sáng hôm sau.

Đó là Cuộc đấu tranh đầu tiên như sự kiện truyền thông. CNN tương đương với các hệ thống khác về nhân viên và kĩ thuật. CNN thuê máy bay Jumbo L1011 của hàng không Phương Đông ra khỏi Miami và bay vào căn cứ quân sự Howard ở Canal Zone. Chúng tôi mang theo thiết bị biên tập và đĩa vệ tinh riêng. Quân đội từ chối rất nhiều phóng viên vì tuyên bố rằng không có chỗ cho họ nhưng tôi là một trong mười nhân viên của CNN được ở lại.

Chúng tôi thiết lập trung tâm truyền hình tại câu lạc bộ sĩ quan Quarry Heights trong vài ngày. Hơn 50 nhân viên làm tin cả nam lẫn nữ sử dụng hai nhà vệ sinh và khẩu phần ăn đạm bạc, ngủ trên các bàn, sân bằng bê tông. Charles Jaco và tôi thay phiên nhau cùng các phóng viên thường trú của các hệ thống khác truyền hình trực tiếp hàng giờ từ thiết bị vệ tinh trong sân.

Chúng tôi ra ngoài cùng lính khi có thể và sục sạo thành phố Panama tìm kiếm các câu chuyện. Lầu Năm góc ngăn cản công việc làm tin về những cuộc tấn công xâm chiếm lúc đầu nhưng chúng tôi có thể theo sau những đánh giá về thảm họa và tổn thất. Tướng Noriega lẩn trốn, tránh né cuộc tấn công đầu tiên, nhưng khi ông ta xuất hiện vào ngày giáng sinh tại nơi ở của Papal Nuncio, CNN lập nơi làm tin trên tầng năm của Holiday Inn nhìn về phía đó và bắt đầu truyền tin 24 giờ một ngày.

Quân đội cố gắng quấy nhiễu về mặt tâm lí: bật nhạc rock ở mức độ chói tai, âm thanh được cả thế giới nghe thấy trên CNN. Chúng tôi truyền hình trực tiếp tới khi Noriega đầu hàng quân đội Mỹ vào ngày 3-1-1990.

Câu chuyện ở Panama cho thấy CNN có khả năng truyền hình trực tiếp về cuộc khủng hoảng lôi cuốn như thế nào. CNN bây giờ có kĩ thuật, kĩ năng và tài chính để thực hiện các chương trình truyền hình trực tiếp bất kì nơi nào trên thế giới.

PHẦN THỨ TƯ
1990 – 1991

BAGHDAD
Chúng tôi lái xe trên con đường lộng gió từ Thung lũng Jordan tìm kiếm sự kiện vào tháng 10-1990. Tôi vu vơ nhìn gió bụi cuộn lên chân trời sa mạc, chạy qua khung cảnh khô cằn dưới ánh mặt trời tối sầm nhưng khi nhìn rõ trong tầm mắt, tôi nhận thấy luồng gió bụi kia đang ào tới bởi một tác động nào đó.

"Đó không phải là cơn bão bụi!", tôi kêu lên với các đồng nghiệp CNN đang ngủ trong xe. Mikhail, kĩ thuật viên âm thanh, giụi mắt nhảy ra xe xuống đường. Yehuda, nhân viên quay phim vạm vỡ theo sau, chạy tới lắp ráp thiết bị cồng kềnh của họ. Bám sát với nhau như những lữ khách sa mạc, họ quay về phía cơn lốc cát đang bắt đầu phát ra ánh sáng đèn. Tôi đứng xem thích thú. Chúng tôi đã tìm thấy hành động của mình!

Đó chính là những chiếc xe tăng to lớn lăn bánh ra khỏi đám mây bụi cát, nòng súng của nó thổi tung những mục tiêu trên sườn đồi phía xa. Yehuda cười khi chỉnh độ nhấn máy quay. Khuôn mặt Mikhail nhễ nhại mồ hôi cũng nở nụ cười. Những người này là những cựu binh trong làng báo chí, họ đã làm tin cuộc xâm chiếm ở Leban một thập kỷ trước đây.

Trong một lúc, tôi tin rằng chúng tôi đang nhìn thấy sự thật. Nhưng khoảnh khắc đó trôi qua. Những gì chúng tôi đang chứng kiến chỉ là đợt tập trận của lực lượng xe tăng quân đội Israel ở sa nạc Negev. Hành động thực sự cách đó một nghìn dặm băng qua những sa mạc nhiều đá của Jordan và trập nơi 30 quốc gia chống lại Saddam Hussein. Tôi bị nhầm chỗ và thật sự không vui vì điều đó.

Cuối buổi chiều hôm đó, chúng tôi lái xe về dọc theo bờ biển Chết khi những tia nắng mặt trời cuối cùng tắt dần sau bức tường đá và ghé thăm pháo đài trên đỉnh đồi cổ xưa của Masada trong ánh sáng bạc. Tôi mê hoặc với vở kịch của Masada. Truyền thuyết nói rằng những người phòng thủ người Do Thái tự kết liễu mạng sống của mình vào năm 79 sau công nguyên để tránh bị rơi vào bàn tay báo thù của quân La Mã. Có những bằng chứng kinh hoàng về cuộc vây hãm vẫn còn được nhìn thấy rõ trên sa mạc, một bức tường đá đỏ được các nô lệ La Mã lăn chuyển tới bờ vực để chặn người phòng vệ.

Tôi tự an ủi mình bằng những truyền thuyết về những cuộc chiến tranh ở miền Trung Đông thời cổ đại vì dường như không có khả năng tôi sẽ làm tin về cuộc chiến hiện tại. Tôi chuyển tới Israel vài tháng trước với tư cách là một phóng viên thường trú đóng ở Jerusalem, và CNN năn nỉ tôi ở lại Israel theo sát cuộc khủng hoảng từ phía đó. Đó là một nhân tố quan trọng trong câu chuyện, họ nói với tôi. Khủng hoảng xảy ra khi người Israel đối mặt với sự đe dọa tấn công hóa học cura người Iraq. Nhưng tôi đoán Israel chỉ là màn diễn phụ.

Sự buồn bã của tôi càng lớn dần khi trước Giáng sinh, người sản xuất Robert Wiener và phóng viên thường trú John Holliman tới từ Baghdad để nghỉ ngơi vài ngày. Họ dự định quay trở lại Iraq cho những chuẩn bị cuối cùng khi ngày 15-1 tối hậu thư của Liên hợp quốc dành cho Saddam Hussein rút quân ra khỏi Kuwait hết hạn.

Trong buổi gặp gỡ tại Bar Fink, Wiener khó lòng kìm chế sự phấn khích của mình, rằng người Iraq đã cho phép CNN thiết lập văn phòng truyền thông đặc biệt ở Baghdad nếu chiến tranh nổ ra. Không những thế, chính phủ còn cho phép họ ở lại để làm tin về cuộc chiến. Tôi rất ấn tượng với tài năng của Wiener nhưng cũng rất ghen tị. CNN sẽ làm tin trực tiếp từ hai phía và tôi bị tắc trong vũng nước phía sau, một đương đầu quân sự lớn nhất có thể xảy ra kể từ khi Chiến tranh Việt Nam tàn lụi.

Tôi được Kimberly Moore an ủi, một phụ nữ trẻ từ Lakeland, Florida mà tôi gặp sau khi Gerlind Younts và tôi đi theo con đường riêng của mình một năm trước đó. Kimberly là thực tập sinh ở CNN, và tới Jerusalem tham gia cùng tôi. Cô ta có công việc với chương trình tin tức bằng tiếng Anh hàng ngày của Truyền hình Israel. Chúng tôi hủy bỏ kế hoạch kỳ nghỉ giáng sinh ở Paris vì chúng tôi không muốn ở ngoài nếu chiến tranh xảy ra.

Đầu tháng 1, mọi thứ CNN đưa lên hình liên quan tới cuộc khủng hoảng vùng Vịnh. Cả thế giới đang tính từng ngày tới khi cuộc chiến tranh nổ ra. Sự cứng đầu của Saddam Hussein mời gọi sự trả thù kinh hoàng. Phản kháng dường như vô ích. Mỹ bày binh bố trận rộng lớn và những cỗ máy chiến tranh đồng minh đã tập hợp sẵn sàng nghiền nát ông ta. Đồng minh làm rõ mục tiêu đầu tiên sẽ là Baghdad. Baghdad đặc biệt là điểm yếu vì khả năng tấn công bằng bom của lực lượng liên minh rất lớn nếu chiến tranh xảy ra.

Khi tôi phỏng vấn Thủ tướng Israel, Yitzhak Shamir, vào ngày 10-1, tôi đề cập rằng CNN có một đội làm tin ở Baghdad và ông ta nhìn tôi ngạc nhiên: "Họ có điên không vậy? Có phải họ muốn viết một cuốn sách hay cái gì đó không?". Rất nhiều phóng viên đã rời khỏi Baghdad, Đại sứ quán Mỹ tư vấn số còn lại cũng nên rời đi.

Khi trở về văn phòng, tôi được thông báo là gọi điện về cho biên tập quốc tế CNN, Eason Jordan ở Atlanta. Ông ta nói với tôi đội hình CNN ở Baghdad đang bắt đầu lỏng lẻo, một số người sẵn sàng rời đi. Và rằng tôi có đến đó để giúp họ không vì Baghdad sắp là nơi nguy hiểm nhất trên thế giới trong một vài ngày tới. Dĩ nhiên là tôi muốn tới đó! Đó không phải là câu hỏi hay trả lời về sự dũng cảm; tôi chỉ tin có thể làm những gì phải làm và tôi có thể sống sót. Eason lại hỏi khi nào tôi có thể đi. "Ngay lập tức", tôi đáp.

Tôi nói với Kimberly, ngày hôm sau tôi sẽ đi Baghdad. Cô ấy đã chịu đựng sự kêu ca của tôi nhiều tháng nhưng bây giờ cô ấy lại lo ngại cho tôi. Cô ấy lái xe tiễn tôi ra sân bay Tel Aviv Ben - Gurton vào ngày 11-1, năm ngày trước khi Saddam Hussein phải rút khỏi Kuwait hoặc đối mặt với chiến tranh.

Sân bay đang trong tình trạng báo động và lính chiến trường có mặt ở khắp nơi. Rất nhiều hãng hàng không phải hủy bỏ chuyến bay trong khu vực. Chỉ sáu trăm dặm cách xa từ Tel Aviv tới Baghdad nhưng tôi không thể bay thẳng tới đó mà phải đi khoảng cách gấp hai lần qua Cairo và Amman, Jordan.

Hàng không Ai Cập không gặp vấn đề gì trên sa mạc Negev, nơi vài tuần trước đó tôi đã chứng kiến xe tăng tập luyện chiến tranh. Tôi chuyển sang máy bay hàng không Jordan bay tới Amman, vì Jordan vẫn là người hàng xóm thân thiện duy nhất của Iraq và Amman vẫn là sân bay quốc tế duy nhất phục vụ Baghdad.

CNN thiết lập căn cứ tiền phương ở đó, thuê tiền sảnh rộng lớn tại Khách sạn Philadelphia, tắp đặt thiết bị biên tập và một đống lớn thiết bị kĩ thuật cao nhấp nháy tín hiệu thu phát sóng. Một nhóm kĩ thuật viên và những người làm tin đang chuẩn bị công việc của họ, báo cáo thường xuyên được gửi về trụ sở CNN ở Atlanta.

Tôi gặp Dominic Roberston, một kĩ thuật viên trẻ CNN người Anh đang chuẩn bị vào Baghdad với tôi ngày hôm sau. Anh ta đang tháo một điện thoại vệ tinh cầm tay, giật mác và con số ở trên đó. Nic nói sẽ mang lén vào Baghdad bởi vì người Iraq sẽ không cho phép mang nó vào. Điện thoại vệ tinh có thể sử dụng bất kì lúc nào và liên lạc tới bất kì nơi đâu trên thế giới. Đó là thiết bị thông tin mới nhất không thể thiếu được. 

Nhưng Nic không chắc anh ta có thể làm được điều đó. "Khi tôi vào Baghdad tháng 9 năm ngoái, mọi người còn lấy cả radio xách tay của tôi", anh ta nói với tôi khi bắt đầu giấu những phần điện thoại trong một tá túi và hộp chứa dụng cụ, băng hình và thức ăn. Nhưng anh ta biết sự kiểm soát sẽ là gì. Tôi quan sát chàng trai trẻ làm việc với các thiết bị đầy sự tương đồng trong tư tưởng. 

Chiếc điện thoại vệ tinh trị giá 52 nghìn đô la nếu bị phát hiện nó sẽ bị tịch thu. CNN sẵn sàng mạo hiểm mất dụng cụ đắt tiền đó, nó đã mở kho bạc của mình và đang tiêu tốn hàng triệu đô la vào việc làm tin truyền hình về cuộc chiến một cách đầy đủ nhất. Nhân viên CNN ở Amman nói với tôi rằng sự đóng góp đó chỉ có sau rất nhiều cuộc chiến nội bộ. Ban kĩ thuật của CNN sợ rằng thiết bị truyền hình ảnh có thể cho phép chúng tôi truyền hình trực tiếp từ Baghdad - rất hữu ích với kẻ thù nếu rơi vào tay họ. Thiết bị trị giá nửa triệu đô la rải khắp các thùng tại Khách sạn Philadelphia chờ sự đồng ý cho vào từ Iraq.

CNN đầu tư nhiều cho câu chuyện hơn là cạnh tranh. Buổi sáng hôm sau tại sân bay Amman, tôi gặp hai đồng nghiệp từ Truyền hình CBS, phóng viên thường trú Lan Pissey và nhà sản xuất Larry Doyle. Doyle là người đàn ông lực lưỡng có tiếng táo bạo nhưng anh ta trông không vui, uống vài chai bia. Tôi thích Doyle. Anh ta từng mượn tiền tôi ở Panama để trả hóa đơn khách sạn. Và anh ta là người trong suốt cuộc đảo chính ở Guatemala năm 1983 cho phép CNN sử dụng băng video của mình khi người quay phim làm chúng tôi thất vọng.

"Các cậu, tôi cần các cậu bây giờ", Doyle nói. Anh ta giải thích rằng Pissey và anh ta được cử tới Baghdad mà không có phóng viên quay phim. Ban quản lí CBS không sẵn lòng cung cấp đủ bảo hiểm để thuyết phục các kĩ thuật viên lên đường. "Đây là hệ thống của Ed Murrow và Walter Cronkite và chúng tôi không có một đội đi cùng trong câu chuyện quan trọng nhất của năm", Doyle nói. "Chúng tôi sẽ gõ cửa của cậu để lấy video khi việc quay phim bắt đầu”.

Chuyến bay đến Baghdad muộn và đông đúc, đám đông các nhà ngoại giao và phóng viên vào phòng chờ. Không có nhiều người ở phòng khởi hành, chỉ vài nhà ngoại giao người Iraq và các thương gia người Jordan, Palestin và ba đội truyền hình từ các tổ chức tin châu âu.
Tracy Fleming, phát thanh viên trẻ CNN, đi cùng Nic Roberston và tôi tới Baghdad sau khi nghỉ ngơi. Cô ta nói muốn ở lại trong suốt thời gian chiến tranh. Cô ta nhìn tôi như bùa may mắn. “họ nói anh là áo chống đạn", cô ta tuyên bố.

Nic không quyết tâm lắm. Anh ta nói rằng nếu CNN không có khả năng đảm bảo, anh ta có thể rút ra ngay lập tức trong trường hợp anh ta muốn dời. Anh ta sẵn sàng mang thiết bị điện thoại vệ tinh vào nhưng không phải ở lại. Rất ít người ở bất kì tổ chức làm tin nào khác muốn ở lại, anh ta nói.

Tôi ngồi cùng các nhân viên trẻ của CNN trong chuyến bay 40 phút tới Baghdad. Phía dưới chỉ là sa mạc cháy khô tràn ngập ánh nắng mặt trời và những ngọn đồi trọc thấp bé. Tôi chưa bao giờ tới Baghdad nhưng đó không phải là vấn, đề với tôi, khung cảnh của khủng hoảng nhìn chung là giống nhau.

Khi chúng tôi xuống sân bay, Nic đi trước tôi vào khu vực hải quan. Anh ta mang theo giá thiết bị đĩa vệ tinh nặng thờ ơ dưới tay mình, như định nói với người Iraq đó chỉ là khung của máy quay. Chúng tôi chuyển phần còn lại của thiết bị vào năm xe đẩy và lăn chúng tới nhân viên hải quan đang chờ. Phần điều khiển nằm cùng với thức ăn, máy thu phát âm cầm tay trong hộp đồ dùng điện tử, đĩa ô bằng nhôm trong túi đầy quần áo.

Các nhân viên dò xét cẩn thận thiết bị của đội truyền hình phía trước chúng tôi, xé các hộp băng tách nhau. Nic hơi tái mặt đi một chút nhưng anh ta cũng giữ được bình tĩnh.

Khi tới lượt chúng tôi, một nhân viên hải quan mở hộp đầu tiên và nhìn thấy mảnh điều khiển. Nic nói nó dành cho biên tập hình. Tay nhân viên gật đầu và đẩy sang bên. Thiết bị cáp đã đi qua nhưng Nic mất radio sóng ngắn thay thế. Tay nhân viên đặt nó phía sau anh ta trên bàn tịch thu. "Tôi nghĩ họ sử dụng những thứ này để nghe VOA và BBC", Nic thì thào với tôi.

Thanh tra hải quan lục lọi túi quần áo và tìm thấy đĩa vệ tinh, một thiết bị khéo léo được làm bằng lưới dây bạc giống như một chiếc ô gãy không còn sử dụng. Nic giải thích với ông ta rằng nó được sử dụng để che máy quay - "ở đây mặt trời rất nóng," anh ta nói như thể một người Iraq không biết điều đó. Tay nhân viên đã không mở nó ra.

Kiểm soát đã tiến hành được nửa giờ. Một chiếc vali bằng nhôm được mở ra. Bên trong là một modem, thiết bị được sử dụng để bắt tín hiệu từ đường dây điện thoại tới máy tính. Đó là phần quan trọng của thiết bị mà không thể được ngụy trang và cần thiết cho điện thoại vệ tinh. Khi chúng tôi đặt nó lên bàn, nó trông thật to. Nic đã cảnh báo tôi rằng người Iraq luôn luôn tịch thu modem.

“Đây là bộ điều chỉnh điện áp", Nic giải thích với họ, cười vì sự miêu tả kĩ thuật chi tiết cho việc sử dụng nó. Tay thanh tra lắng nghe cẩn thận tất cả và sau đó nhìn thẳng vào mắt Nic.

- Không, đó là một modem - Tay thanh tra phản bác Nic.

- Đó không phải là modem - Nic trừng mắt cãi lại.

- Đó là một cái modem - Tay thanh tra tiếp tục khẳng định.

- Không - Nic đáp trả một cách tự tin, lên cao giọng - Đây không phải là một cái modem. Đây là bộ điều khiển điện áp?

Có những phút hòa khí hơn và sau đó tay thanh tra nhún vai để nó qua.

Tôi nghĩ chúng tôi đã làm được điều đó. Nhưng sau đó tay thanh tra phát hiện ra thiết bị điện thoại cầm tay và mỉm cười gọi một đồng nghiệp khác tới xem. Nic bảo vệ một cách kịch liệt. "Các ông không thể giữ nó, tôi cần nó cho công việc của tôi". Lần này thì sự phản kháng của anh ta thất bại. Thiết bị cầm tay bị cấm. Vị trí của nó là nằm trên bàn tịch thu.

Giữa sự hỗn độn ở sân bay, lái xe người Iraq của chúng tôi tới. Anh ta cầm lấy đĩa vệ tinh bằng kim loại mà Nic mang trên tay ra xe ô tô. Khi chúng tôi chất những phần còn lại của thiết bị, tôi chúc mừng Nic. Anh ta đã gần như vượt qua tất cả nếu không phải vì chiếc điện thoại cầm tay quan trọng.

Anh ta cười chiến thắng. "Peter, đó chỉ là một phần của bộ máy mà không quan trọng. Tôi có thể cắm vào bất kì điện thoại nào trong khách sạn để thay thế nó".

Tôi leo lên chiếc xe có mui của Nhật đang đợi sẵn, thở phào với sự thành công của Nic. Con đường sân bay dẫn tới đại lộ Qadisiya Expressway, đại lộ sáu tầng hiện đại, có những ngôi nhà sàn và những hàng cây rợp bóng ở vùng xung quanh. Nó rất giống một số nơi ở Queens, New York giữa sa mạc.

Niềm vui của tôi được tới Baghdad làm tin trở nên lớn hơn. Từ những ngày còn nhỏ, tôi đã rùng mình với vẻ đẹp kì lạ của quần đảo Ảrập. Hoa quả sấy khô của cửa hàng hoa quả địa phương đã tới trong những chiếc hộp từ Basra. Tôi đã đọc trong những cuốn sách ở trường rằng, khu vườn treo Babylon là một trong những kì quan của thế giới cổ đại. Những bài hát của dòng nhạc Kismet thêu dệt bức thảm dài trong trí tưởng tượng của tôi. Bây giờ tôi đã già hơn và khôn ngoan hơn nhưng chiếc thảm thần kì báo chí đã mang tôi đi từ New Zealand và sau hơn 35 năm, đã đưa tôi tới nơi hằng mong ước trong những ngày thơ ấu.

Người lái xe taxi của chúng tôi, Omar Hussain al- Aiad, một người Iraq nhiều tuổi với bộ râu cắt tỉa gọn gàng giống như hầu hết những người đàn ông địa phương. Khi chúng tôi vào thành phố, anh ta chỉ ra các địa điểm: trụ sở Đảng xã hội Ba'ath Quốc tế của Saddam Hussein, khu vực lễ hội và diễu hành ở Công viên Zawra. Chúng tôi đi qua đài tưởng niệm chiến thắng, hai cổng vòm bằng thép lớn được tạo bởi những thanh kiếm vắt chéo vào nhau do những đôi bàn tay bằng nhôm nắm.

Omar nói với tôi một cách tự hào rằng Saddam Hussein đã dùng phần tay dưới của mình làm hình mẫu, được làm to 48 lần về kích cỡ. Mọi người nói sắt dùng cho toàn bộ công trình đó từ chiến lợi phẩm mũ và xe tăng thu được trong chiến tranh với Iran, hàng nghìn những chiếc mũ của người Iran dùng để trang trí cho phần móng của đài tưởng niệm.

Ra khỏi đường cao tốc, chúng tôi lái xe qua đoạn đường hầm bằng bê tông, bên cạnh trung tâm hội nghị hiện đạt lớn. Phía bên trái là Khách sạn Al- Rashid. Tòa nhà mười bốn tầng cao nhất trong cả khu phố. Hàng rào cao mười thước bao quanh khách sạn.

Chúng tôi lái xe quanh vòi phun nước lớn tỏa ra từ các bình đựng nước gia làm bằng kim loại màu nâu. Phía trên công trình, là tượng một phụ nữ bằng đồng thiếc vươn tay lên trời. Nó làm tôi nhớ tới nghệ thuật chuyên chế của cộng sản Bắc Triều Tiên. Đoạn đường lái xe vòng quanh được tô điểm bằng những bụi hoa dẫn tới cổng chính của khách sạn. Tôi bước lên những bậc đá cẩm thạch. Mặt chính tiền sảnh được làm bằng đá cẩm thạch màu xám sẫm lớn và màu be khắc hình cấp số nhân.

Manawer, một người đứng ở cổng giới thiệu mình. Anh ta cao như vận động viên trung phong bóng rổ, chiều cao của anh ta được tô điểm bằng khăn xếp đỏ thẫm cuốn quanh đầu. Anh ta mặc bộ quần áo truyền thống Ả rập. Khi anh ta tiến tới bắt tay tôi, chiếc áo ngoài không thắt và tôi nhìn thấy anh ta đang mặc một áo vest màu be nhỏ, quần ống bó nhiều sóng màu trắng và đi giày xỏ ngón.

Những người khuân vác Sudan mang hành lí, chào đón chúng tôi bằng tiếng Anh. Trên một bức tường đá cẩm thạch tôi nhìn thấy một thẻ bài có hai bức rèm nhung đỏ thẫm viền vàng. Câu viết đề tặng nói rằng khách sạn được mở năm 1982 "suốt thời đại của Saddam Hussein".

Lối vào ấn tượng và lấp lánh. Tôi mong đợi nhìn thấy hàng máy bán tự động. Bốn chiếc đèn chùm bằng thủy tinh lớn treo trên trần nhà giống như những tổ ong bằng pha lê, và những cửa kính cao dẫn tới khu đi dạo trong vườn. Nhưng có rất ít đồ đạc, chỉ vài cây để trong bình và một bức hình Saddam Hussein cỡ lớn mặc trang phục.

Tiền sảnh khách sạn tối và ảm đạm. Từ xa có một bảng hiệu trên cửa “Bar Sheherazade". Tôi tiến tới bàn lễ tân dài bằng gỗ dái ngựa, đăng kí phòng với một người đàn ông trong bộ lễ phục màu đen, chiếc áo vest và quần kẻ sọc màu xám. Tôi đoán rằng khách sạn phục vụ đám đông hiện đại hơn.

Nic Roberston chỉ tới một góc nơi mấy người Arập đang ngồi nói chuyện tại một chiếc bàn gỗ cạnh hàng điện thoại công cộng và nhìn về phía chúng tôi. "Họ là những người giám sát", Nic nói. Các nhân viên Iraq đã được cử tới để hộ tống các phóng viên và theo dõi mọi thứ họ làm bên ngoài khách sạn.

Tôi bước vào một thang máy với ánh đèn mờ cuối tiền sảnh. Nó lắc lư tới tầng 9, nơi có văn phòng CNN. Tôi phát hiện có sự giám sát bên trong: một nhân viên an ninh người Iraq đang ngồi trong buồng bằng gỗ gần thang máy và anh ta theo dõi khi tôi bước ra hành lang tới khu vực CNN.

Tôi nghe thấy giọng nói quen thuộc đang nói trên điện thoại ở phòng 906. Đó là nhà sản xuất Robert Wiener, đang nói chuyện với trụ sở CNN ở Atlanta. Anh ta đang sử dụng điện thoại Four-wire, một thiết bị liên lạc đặc biệt với Atlanta. Anh ta nói chuyện bằng micro-phone cắm từ hộp truyền tín hiệu bằng thép màu đen nhỏ trên bàn. Nó giống như hệ thống liên lạc quốc tế, liên kết bốn đường dây điện thoại giữa Baghdad và Atlanta. Những đường dây phụ làm cho tốc độ chuyển lời nói tốt hơn.

Thiết bị four-wire làm hỏng hệ thống bàn phím khách sạn và các hệ thống đang bật lên khác. Nó được truyền trực tiếp tới thiết bị truyền sóng ngắn tới Amman và sau đó bằng vệ tinh về Mỹ. Chỉ có CNN làm việc với chính quyền Iraq và được phép sử dụng hệ thống. Đó là quân bài của chúng tôi. Chúng tôi có thể liên lạc về Mỹ bất kì khi nào muốn và ngược lại.

Weiner đứng lên ôm chầm lấy tôi. Anh ta không cạo râu trong nhiều ngày và đeo kính đen. Anh ta cảm ơn tôi vì đã tới đây. "Tôi muốn anh biết", anh ta chen vào nhanh chóng, "Chúng tôi có thể đưa anh ra khỏi nơi này bất kì khi nào muốn. Tôi đã thuyết phục Atlanta thuê một máy bay và sẵn sàng ở Amman cho những trường hợp khẩn cấp".

"Cho tôi ra khỏi đây hả Robert? Tôi vừa mới tới mà".

Anh ta gạt sang một bên với vẻ bí ẩn. Anh ta nói với tôi mong muốn lớn lao của anh ta là thay thế lực lượng nhân viên làm tin về chiến tranh đang tan rã, những nhân viên chủ chốt, những người đã hứa với anh ta sẽ ở lại đến phút cuối nhưng giờ họ đang thay đổi. "Những lời hứa trước Giáng sinh giờ đã thay đổi vào năm mới", Robert than vãn. Anh ta nói hầu hết đội của anh ta vẫn ở Baghdad chỉ bởi anh ta đảm bảo có thể đưa họ ra đi khi có khủng hoảng.

Với giọng điệu căng thẳng, Robert nói với tôi các giải pháp bốc hơi của nhân viên CNN đồng nghĩa với lòng tin ngày càng tăng trong giới báo chí ở Baghdad rằng ở lại khi chiến tranh xảy ra có thể sẽ là tự vẫn. Anh ta muốn làm tin nhưng không muốn bất kì ai chết để làm điều đó. Anh ta nhắc lại câu chuyện đồn thổi giữa các nhà báo ở Ảrập những người nói rằng Baghdad sẽ bị đánh bom trở về thời kì đồ đá khi chiến tranh bắt đầu. Các phi công ở các chuyến máy bay Hải quân Mỹ ở Vịnh bị trích lời khi nói rằng Khách sạn Al- Rashid sẽ được dùng làm mốc cho chiến dịch đánh bom bởi nó là tòa nhà to nhất trong thành phố.

- Do vậy - tôi nói với Robert - một trận ném bom đúng nghĩa phải biết sự khác nhau giữa căn cứ chiến lược và một khách sạn chứ?

- Nhưng thế nào nếu chúng là một và giống nhau - Anh ta đáp lại một cách lo lắng.

Sự rối loạn của Wiener thật đáng thương. Khoảnh khắc dễ chịu nhất của anh ta là khi thuyết phục chính quyền Iraq cho phép CNN ở lại làm tin về sự khắc nghiệt của chiến tranh với thế giới. Nhưng chính bản thân anh ta lại không động viên nhân viên trong công ty vào thời khắc “nước sôi lửa bỏng". “anh không hiểu đâu, Peter", anh ta nói với tôi "Tôi chịu trách nhiệm về tất cả những người này ở CNN. Anh chỉ chịu trách nhiệm với bản thân mình. Họ phải biết sự thật, tất cả những gì đang diễn ra".

Tôi không tranh cãi. Robert chân thành. Tôi cố gắng vượt ra ngoài cơn sốt đồn thổi và những suy đoán, tìm hiểu tình hình và tự mình cân nhắc với những tiêu chuẩn của tôi.

Tôi hỏi anh ta sự an toàn của khách sạn. Anh ta chỉ ra ngoài  một căn phòng về phía những vách ngăn làm bằng bê tông trên mỗi cửa sổ được cho là bảo vệ những viên đạn bay tới. Kính của cửa sổ chỉ dày vài centimét. "Anh phải đi xem các boong ke của khách sạn", Robert nói, "một nghìn người có thể trốn dưới đó".

Anh ta chỉ cho tôi phòng lưu trữ của CNN bên kia hành lang văn phòng. Nước đóng chai chất tới trần nhà. Thức ăn đựng đầy các thùng giấy. Có những thùng bánh, kẹo, pho mát, thịt hộp. Có các hộp nến, diêm, đèn pin, đèn dầu, giường cắm trại, chăn, màn chống muỗi. Và những thùng whiskey Scoth, rượu vang và rượu mạnh của Ý. Đó là kho chung.

Tôi kinh ngạc "Anh phải xem sự an toàn điện tử của chúng ta", anh ta tiếp tục một cách hân hoan. "Nó được chất bằng tiền".

“Anh nghĩ gì? Peter. Anh đã nhìn qua tất cả rồi. Anh sẽ ở lại chứ?"'

“Robert, tôi còn ở đây vì lí do gì nữa? tất nhiên là tôi sẽ ở lại"'

Tôi hỏi anh ta xem có ở lại cùng tôi không. Anh ta đáp lại: "Tôi tạo dựng điều này. Tôi phải ở lại. Tôi đã buộc thòng lọng xung quanh  cổ chúng ta. Chúng ta sẽ đung đưa cùng nhau”. 

Khi trời tối, một số ít sẵn sàng chia sẻ số phận với chúng tôi. Tôi tới phòng khai thác chính của CNN, Bernard Shaw ở trong hành lang. Anh ta đã tới trước một vài ngày để phỏng vấn Saddam Hussein và vẫn đang đợi. Anh ta nói sẽ ở lại miễn là cảm thấy khôn ngoan. "Tôi không muốn ở lại", Bernie nói, "nhưng phải có ai làm điều đó". 

Vào bữa sáng hôm sau tôi gặp Ingrid Formanek, một nhà sản xuất CNN. Ingrid đã giúp CNN làm tin về sự sụp đổ cộng sản ở Đông Âu, cô ta thành thạo năm thứ tiếng và biết cách giải quyết những điểm có vấn đề. Cô ta đề nghị đưa tôi đi một vòng quanh thành phố. Tôi đã tới Baghdad cùng một bó tài liệu và báo mà tôi đã vớ được từ hệ thống thông tin nhưng câu chuyện tôi muốn viết là một câu chuyện bình thường, một câu chuyện có thể nhìn và tự mình nghe thấy.

Chúng tôi tham gia cùng Ala'a ai- Ani, từ Bộ Thông tin, một nhân viên cao lớn, u sầu là người giám sát CNN. Ala'a chào tôi vui vẻ bằng tiếng Anh hạn chế và sau đó nói cho tôi Saddam Hussein xuất sắc như thế nào. Tôi lắng nghe một cách lịch sự. 

Tôi nói chuyện với Ala'a khi lái xe vào thành phố, cố gắng đánh giá anh ta. Anh ta quan trọng với chúng tôi như người hướng dẫn và phiên dịch. Tôi hiểu nhiều về Iraq qua đôi mắt anh ta. Anh ta chưa bao giờ đi xa. Anh ta nói với tôi có một phòng trong khách sạn dưới hành lang của tôi.

Chúng tôi tích trữ sáu bình nước khoáng. Ingrid mua những thùng đào Mỹ và các khối pho mát Camember. Một người bán hàng đi qua với thùng chà là khô, có lẽ nặng 20kg và tôi muốn mua toàn bộ. Chà là khô là thức ăn vận chuyển đường biển và giàu năng lượng.

Ingrid nhìn tôi khi tôi kiểm tra hạn dùng. "Anh mong đợi gì vậy? Chiến tranh thế giới thứ ba? Trận đánh tồi tệ này sẽ kết thúc vào cuối tuần" nhưng Ingrid vẫn mua mặc những dự đoán của mình. Cô ta chất lên xe whiskey loại nặng và cô-nhác.

Robert thất vọng vì chúng tôi không tìm thấy rượu Vodka ở khu chợ địa phương. "Tôi đoán chúng ta có thể khắc phục ở thị trường ngoại hối trước khi giá tăng", anh ta nói, "Có ai muốn mua mấy thứ này trừ chúng ta đâu".

Vào buổi chiều Robert và tôi đi tới Bộ Thông tin gặp một số quan chức cấp cao. Anh ta đi qua tiền sảnh, vẫy một số nhân viên an ninh khi họ tới. Chúng tôi đi qua nơi chạm trổ trang trí ở phòng hội nghị phía trong. Robert chỉ tay một bức chân dung lớn của Saddam Hussein trong trang phục truyền thống khi chúng tôi vào thang máy của nhân viên lên tầng tám. "Ngài Sadoun", Robert gọi một người Iraq vạm vỡ đang đứng chờ chúng tôi bước tới. Họ ôm nhau thân thiện.

Tôi nghe thấy âm thanh "Ngài Robert" từ người Iraq đó khi ông ta hôn Robert vào hai má. Không ai cạo râu trong vài ngày, tôi hầu như nghe thấy má của họ bị cào. Người Iraq lúc nào cũng vậy, sử dụng sự kính cẩn khi gọi chúng tôi.

Sau khi được giới thiệu, Sadoun al - Jenabi săm soi tôi. Đôi tay to toàn thịt của ông ta nghiến lấy tay tôi.

“Ngài Peter", ông ta nói giọng vang. "Ngài công bằng với chúng tôi, chúng tôi sẽ công bằng với ngài. Chúng tôi yêu quý ngài Robert, chúng tôi yêu quý CNN. Chào mừng".

Tôi không quen những lời công khai như vậy. Tôi không mong đợi những lời đó từ bất kì nhân viên chính phủ nào và đặc biệt không phải từ một nhân viên cấp cao của một đất nước chuẩn bị gây chiến. Robert nài nỉ tôi gặp sếp của Sadoun là Naji al - Hadithi, Tổng giám đốc ở Bộ Văn hóa.

Naji là một quan chức Iraq quan trọng, người không đơn giản tiếp xúc ngay lập tức với báo giới nước ngoài. Ông ta đến, Robert vòng tay ôm và họ cùng trao đổi nụ hôn. 

Vị quan chức đó mỉm cười với tôi qua cặp kính dày. Đó là nụ cười nồng ấm và thân thiện. Ông ta nói tiếng Anh hoàn hảo: "Chúng tôi vui vì ông ở đây, ông Arnett ạ. Chúng ta sẽ làm việc cùng nhau thân thiện". Robert đẩy Naji sang bên và thì thầm điều gì đó vào tai ông ta.

Tôi nhớ tới một ứng cử viên chính trị nhận lời khuyên khẩn cấp từ một cố vấn hay một người đánh cược lắng nghe sự may mắn từ người đánh cá ngựa thuê. Robert nói anh ta nói với Naji rằng CNN cảm thấy câu chuyện Baghdad là một phần quan trọng trong làm tin về chiến tranh. Naji gật đầu quả quyết khi chúng tôi rời đi.

Tôi ngạc nhiên với sự tự tin của Robert, nhưng tôi không sẵn sàng dừng lại sự cảnh giác cua mình. Vài tháng trước đó, nhà báo Fazard Bazoft bị hành quyết vì tội gián điệp không có căn cứ ở Iraq. Bộ Thông tin đã đồng ý cấp visa cho anh ta và chịu trách nhiệm bảo vệ anh ta suốt chuyến thăm. Họ là những quan chức tương tự đã nói họ yêu quý CNN.

Khi tôi hỏi Robert điều đó, anh ta cười. "Peter, anh làm những gì phải làm. Không có vị trí ở đây. Họ hoặc là yêu anh hoặc là ghét anh". Anh ta nói đang ép Naji cho phép chúng tôi sử dụng truyền hình di động mặt đất ở Amman. Sếp của Naji, Bộ trưởng Thông tin đã hứa với Robert ông ta sẽ đề cập vấn đề đó với Sadam Hussein, một người bạn thời thơ ấu của ông ta. Thiết bị vệ tinh cho phép chúng tôi truyền hình trực tiếp từ Baghdad. Nếu nó tới theo dự định thì CNN sẽ làm nên lịch sử báo chí.

Sự táo bạo trong kế hoạch của Robert làm tôi rối trí. Anh ta rõ ràng giành được sự tin tưởng của các quan chức Iraq và đã thuyết phục họ rằng CNN sẽ có mặt trong suốt cuộc chiến. Điều không chắc chắn duy nhất chính là sự lo lắng của nhân viên CNN.

Trở lại khách sạn, Ingrid nói với tôi Nhà Trắng tuyên bố thời hạn cuối cùng rời khỏi Iraq từ Kuwait hết hạn vào giữa đêm ngày thứ ba giờ New York. Còn hai ngày nữa.

Robert tin rằng tấn công đầu tiên bằng bom của đồng minh sẽ làm tê liệt thành phố, sáu chiếc cầu trên sông Tigris sẽ là mục tiêu chiến lược. Anh ta gợi ý chúng tôi nên chuyển tới Khách sạn Sheraton ở bên kia sông, vì Khách sạn al- Rashid đầy mùi chính trị, một phần trong dự án xây dựng của chính phủ.

Tôi có ý kiến chúng tôi có thể ở lại gần các trung tâm của chính phủ. Nếu chiến tranh xảy ra đó là cách duy nhất chúng tôi có thể có mặt trên các đường phố của Baghdad cùng sự hỗ trợ và bảo vệ của các nhân viên chính phủ. Bằng cách ở lại trong sự giam hãm đầy không gian của khu vực Khách sạn Al - Rashid, chúng ta sẽ có những người giám sát trong tầm tay cộng với tầm nhìn cuộc chiến đặc biệt từ những căn phòng tầng 9. Robert cho rằng điều đó đủ thuyết phục để ở lại.

Đêm hôm đó tôi viết bản tin đầu tiên từ Baghdad về nhiệm vụ hòa bình cuối cùng của Tổng thư kí Liên hợp quốc Perez de Cuellar đã thất bại. Khi dời đi, ông ta trông cau có. Khi ở Paris, ông ta được hỏi chiến tranh có xảy ra không. "Chỉ có Chúa mới biết", ông ta đáp lại.
Vào buổi sáng thứ hai ở Baghdad, tôi thức giấc biết rằng chiến tranh có thể bắt đầu vào ngày hôm sau. Lúc đó là 5 giờ 30 phút sáng. Phòng của tôi vẫn tối. Tôi làm một ghi chú trong đầu về những thứ cần ngay lập tức. Một chiếc đèn là cần thiết bởi vì khi chiến tranh nổ ra không nghi ngờ điện sẽ mất. Nến, nước khoáng và thức ăn đóng hộp.

Tôi đoán và cầu nguyện khách sạn sẽ không là mục tiêu của những máy bay chiến tranh của đồng minh vì có quá nhiều người nước ngoài lánh nạn ở đây. Nhưng tôi phân vân về nhân viên của khách sạn, hầu hết là người Sudan, Ấn Độ và Pakistan, những nhân viên hợp đồng. Tôi được nói rằng lý do duy nhất họ ở lại vì ban quản lí khách sạn đã tịch thu hộ chiếu của họ.

Mặt trời lên cao khi tôi tới nơi làm việc của CNN. Robert đang ngồi tại một bàn ăn bừa bộn, khuỷu tay chống, một khay có kem đang chảy. Anh ta nói với tôi biên tập hình Tracy Flemming sẽ rời đi. "Tôi đang gọi máy bay cho cô ấy vào sáng mai". CNN đang gửi vào một chiếc Rockwell Sabreliner, với giá 15 nghìn đô la.

Tôi nói với Robert điều đó sẽ tốt hơn cho chúng ta, Tracy nên đi nếu trái tim của cô ấy không muốn ở lại. Anh ta không được an ủi. Tracy là một trong số ít nhân viên đầu tiên cam kết ở lại. Bây giờ Tracy đang rời đi. Tình hình bắt đầu xấu đi. Robert đang chứng kiến sự tan rã trong nội bộ của mình.

Tôi nói với anh ta kế hoạch của anh ta có thể lập lại nếu chúng ta nghĩ lại về ưu thế nhân viên. Anh ta không lắng nghe, lo lắng cho sự an toàn của nhân viên, và sau đó là những thiết bị có giá trị, rồi đến trách nhiệm nghề nghiệp cần được xem xét. CNN chưa bao giờ gặp những chuyện như vậy. Tôi nhìn thấy cái cau mày và khuỷu tay bị ướt của Robert, cảm ơn Chúa rằng tôi chưa bao giờ rơi vào vị trí quản lí.

Tôi nói với Robert cần phải giảm tối thiểu lượng nhân viên nếu bom bắt đầu rơi. Tôi đang lo lắng Trung tâm sẽ yêu cầu tất cả chúng tôi ra khỏi Baghdad nếu những tổ chức thông tin khác rút nhân viên của họ. Tôi theo kịp Robert trong hành lang. "Trong toàn bộ cuộc nói chuyện của anh với Atlanta, anh hãy nói với họ rằng không chỉ tôi muốn ở lại làm tin về cuộc chiến mà tôi còn tin sẽ sống sót trong chuyện này. Nhớ rằng tôi đã có 13 năm kinh nghiệm khi tới đây".

Còn ai nữa sẽ ở lại? Khoảng cách giữa tôi và những nhân viên CNN trẻ dường như quá lớn. Tôi đã đến quá muộn để chiếm được lòng tin của họ. Tôi thấy Nic Robertson trong phòng làm việc cẩn thận thử nghiệm điện thoại vệ tinh. Chúng tôi biết rằng rất ít tổ chức thông tin khác có thể cạnh tranh với chúng tôi. Khi xem anh ta tập trung vào chiếc điện thoại, tôi biết rằng tôi cần Nic. Trong một thời gian ngắn tôi đã hiểu anh ta là một người táo bạo, khéo léo và chính trực. Anh ta khẳng định thiết bị ở trạng thái hoạt động và mỉm cười trong chiến thắng.

"Nic, chúng tôi cần anh điều khiển thiết bị này. Anh là chìa khóa hoạt động của chúng ta ở đây". Tôi mỉm cười hy vọng với anh ta. Nic không lẩn tránh: "Peter, tôi biết tôi được cần. Mọi thứ có thể xảy ra. Anh cần một kĩ sư. Nhưng tôi không quyết định ở lại".

Tôi tin anh ta. Khi những người khác đưa ra quyết định tương tự tôi biết họ đang đưa ra lời xin lỗi và đơn giản là trì hoãn quyết định chắc chắn rời đi. Tôi hiểu Nic. Anh ta có sự uyên thâm bên trong, sự tách biệt từ tâm trạng lo âu dễ hiểu xâm chiếm quanh chúng tôi.

“Tôi biết, Peter. Có những người tin rằng anh là người yêu chiến tranh điên cuồng, người có thể làm mọi chuyện vì một câu chuyện", Nic nói.

Tôi cố gắng để giải thích: "Nic, chìa khóa với tôi là chẳng làm điều gì chỉ để tiêu khiển và tôi làm rất cẩn thận. Tôi đánh giá tình hình ở đây. Chúng ta có thể sống sót. Tôi chỉ đơn giản làm những gì tôi được trả để làm. Nếu tôi ra khỏi đây, tôi cảm thấy mình sẽ phải trả lại tấm séc bởi vì nó là sự báo hại cho công ty đã thuê tôi như một phóng viên. Nếu CNN yêu cầu tôi ra khỏi đây, Ted Turner nên trả lại cho công chúng tiền của họ cùng những lời hứa đưa ra khi ông ta kí hợp đồng với họ, những người đăng kí hệ thống tin tức 20 giờ của ông ta. Chúng ta không thể bước ra khỏi bản tin".

Nic đang mỉm cười. "Điều đó cũng hay, Peter. Thế còn cuộc sống riêng tư của anh? Tôi có cuộc sống riêng. Cô ta không muốn tôi ở đây. Cô ta lo lắng về tôi và gọi điện cho tôi hàng ngày. Peter! Nói thẳng nhé: Tôi sợ.".

Anh ta hơn tôi ở điểm đó. Tôi đã luôn đặt công việc lên trên, và tôi không tự hào vì điều đó.

- Nic, anh có thể rời khỏi đây và không ai đề cập tới chuyện này một lần nữa. Nhưng anh sẽ luôn luôn biết rằng anh đã bỏ lỡ câu chuyện lớn nhất từng có. Nếu anh không thử nghiệm bản thân ở đây thì đó sẽ là nơi nào?

- Có phải anh muốn nói những gì chúng ta làm ở đây tách biệt giữa người đàn ông và cậu bé?

- Không - tôi đáp lại thẳng thừng - chẳng có gì liên quan tới vấn đề đại trượng phu ở đây cả. Đó chỉ là vấn đề nghề nghiệp. Nó cho chúng ta nhìn rõ về sự lựa chọn và những trách nhiệm của chúng ta. Tôi không đề cập tới Luật sửa đổi Thứ nhất và những trách nhiệm đặc biệt của chúng ta theo Hiến pháp vì cậu không phải là người Mỹ và không ai nghĩ nhiều về những vấn đề này nữa. Nhưng không cần phải nói, có rất nhiều người trong thế giới này rất quan tâm tới những gì đang diễn ra ở Baghdad. Họ sẽ thực sự đánh giá cao nếu chúng ta ở đây để nói cho họ biết điều đó.

Tôi nhận thấy đang chiến thắng nên tôi tiếp tục:

- Nic, vấn đề duy nhất mà tôi nghe thấy bàn tán quanh khách sạn này là sự sống sót. Không ai nói về trách nhiệm báo chí cả. Nhưng nếu đó là sự sống sót mà anh quan tâm, thì đây là đánh giá của tôi về những gì đang diễn ra.

Tôi nói rằng Khách sạn al-Rashid là một cấu trúc kiên cố và thích hợp làm tin khi bom tới. Nơi trú ẩn trong khách sạn được thắp sáng đủ, có điều hòa bởi những người điều hành khẩn cấp. Tôi nói với anh ta tôi nghi ngờ rằng khách sạn là mục tiêu và không có lí do lô gíc gì để đánh bom nó. Có nhân viên báo chí và người dân sống ở đó, phụ nữ và trẻ em. Tôi có những tranh luận của mình với Lầu năm góc suốt 13 năm trước nhưng tôi chưa bao giờ sợ mình sẽ bị Chính phủ Mỹ ám sát.

Lực lượng không quân sẽ sử dụng các trận đánh bom đúng cách. Họ sẽ hướng tới các vị trí quân sự đặc biệt. Họ đã công khai nói rằng sẽ không có ném bom rải thảm xuống thành phố. Tôi nói với anh ta mọi thứ có thể xảy ra, Khách sạn al-Rashid có thể sống sót nếu bị đánh bom tình cờ. "Điều đó có thể rất đáng sợ. Nic. Nhưng có thể sống sót". Nic mỉm cười với tôi. "Điều gì sẽ xảy ra Peter, ai sẽ nhặt xác tôi trong vài tuần tới. Bạn gái tôi hay CNN?".

Cuối buổi sáng tôi đi xuống khu vực mua sắm trung tâm thành phố để có hình ảnh về việc chuẩn bị chiến tranh. Giờ ít người ở trên đường hơn. Những xe chở đầy tài sản cá nhân hướng ra khỏi thành phố. Truyền hình Iraq gửi tới những đoạn băng về quốc hội ủng hộ chính sách của Saddam Hussein về việc phản kháng, ủng hộ chiến tranh hơn là rút khỏi Kuwait. Tất cả nam giới trên 15 tuổi đều được cấp vũ khí cầm tay. Chiến tranh dường như là điều không tránh khỏi.

Sau đó, trong khi chúng tôi ngồi quanh khu vực làm việc CNN, Bernie Shaw tới trong bộ đồ tắm để mượn máy đánh chữ di động của tôi. Anh ta đã phỏng vấn Thứ trưởng Ngoại giao, Nizar Hamdoon ở hậu trường sáng ngày hôm đó. Wall Street đáp lại ngay với bản truyền hình của anh ta, thị trường chứng khoán lên hơn 30 điểm.

Bernie trở lại phòng anh ta, nhưng trong vài phút lại bò ra khỏi giường vì trụ sở Atlanta lo lắng. Chúng ta có hay không có hòa bình?
Bernie tiếp tục lên hình nhấn mạnh khá tốt bản tin của mình về những điều kiện nhân nhượng được đưa ra ở Hội nghị hòa bình quốc tế. Các đồng minh từ chối dứt khoát những hội nghị như thế này.

Wall Street rút lui.

Sự kiện đó cho tôi thấy CNN được cả thế giới xem và tin tưởng. Chúng tôi phải có câu chuyện theo đúng nghĩa và phải làm rõ ràng.
Tháp đồng hồ thế kỷ XIX trên sân ga Baghdad mờ trong sương dày đặc buổi sáng nhưng tôi có thể nghe thấy tiếng chuông rung. Một, hai, ba, bốn, năm, sáu, bảy, tám. Đó là ngày 16-1. Thời hạn cuối cùng đã qua và Saddam Hussein không nhúc nhích.

Kĩ thuật viên quay phim của CNN Mark Beil lo căng thẳng quanh hình ảnh rõ ràng về tháp đồng hồ cổ bằng gỗ. Nic Robertson chỉnh microphone ở thiết bị âm thanh. Tôi nhìn lên bầu trời xám và lắng nghe chăm chú. âm thanh những bước chân ở sân ga là những gì tôi nghe thấy.

Tôi trở lại Khách sạn al-Rashid để phát hình. Tôi được biết Tổng thống Bush đã kí chỉ thị an ninh quốc gia phát động chiến tranh mà không cần chọc thủng phòng tuyến ngoại giao. Tôi miêu tả những gì nhìn thấy trên đường phố, những người qua đường thầm lặng, các nhóm thanh niên mặc đồng phục chờ đợi phương tiện tới. Tôi trích lời một người Iraq nói rằng Saddam Hussein và George Bush đều là những người đàn ông ngu ngốc dấn mình vào sự tàn phá.  

Thời hạn rút quân đã qua, giới báo chí bắt đầu rời đi. Larry Doyle của CBS nhảy vào phòng chúng tôi. "Chúng ta ra khỏi đây", anh ta tuyên bố. Doyle nói rằng hầu hết mọi người đều cố gắng lao tới phần đất giáp biên giới Jordan. Văn phòng trụ sở của anh ta cho rằng Baghdad sẽ bị đánh bom tối hôm đó.

Chủ tịch CNN Tom Johnson muốn nói chuyện với tôi trên điện thoại. Ông ta hiểu tôi muốn ở lại nhưng ông ta lo lắng cho nhân viên của mình. Khi là Chủ tịch Thời báo Los Angeles, ông ta đã phải tìm xác hai trong các phóng viên thường trú yêu thích của ông ta từ chiến trường ở Trung Đông và Trung Mỹ, ông ta không muốn lại làm điều đó.

Tôi đảm bảo tôi không có ý định trở thành con số thống kê. Tôi chỉ ra rằng Baghdad có số dân là 4 triệu người và nếu tôi ở lại con số đó trở thành 4 triệu lẻ 1!

Saddam Hussein đã xâm chiếm Kuwait một ngày sau khi Tom Johnson đảm nhiệm CNN. Ông ta đã tiêu tốn hàng triệu đô la chuẩn bị cho chiến tranh và gửi hơn 100 nhân viên tới Trung Đông. Sự lựa chọn của ông ta là rút mọi người ra khỏi Baghdad, chuyển tới vị trí an toàn hơn ở ngoại ô thành phố hoặc là để chúng tôi ở lại.

Suốt tuần đó, người phát ngôn của Nhà Trắng, Marlin Fitzwater nói với Johnson: "người của ông ở Baghdad là ở trong nấm mồ nguy hiểm". Ông ta đã nói chuyện với Phó Chủ tịch Dan Quayle, người đã nói với ông ta rằng Bush rất lo lắng. Chính Tổng thống cũng thể hiện sự lo lắng về sự có mặt của người bạn ông ta Bernie Shaw ở Iraq và giục Tom "đưa anh ta ra khỏi đó".

CNN dao động và sau đó Ted Turner đi ngược với lời chỉ dẫn dành cho nhân viên quản lí của CNN: "Chúng ta là hệ thống quốc tế và chúng ta bắt buộc phải làm tin về câu chuyện từ Baghdad nếu chúng ta có thể. Chúng ta nên cho những người của chúng ta cơ hội được làm điều đó. Nhưng chúng ta cũng nên cho họ cơ hội dời đi nếu họ muốn vậy. Tôi không muốn quan điểm của mình bị bất kì ai hủy bỏ". Chính tôi cũng không thể nói điều đó tốt hơn.

Buổi tối ngày 16-1, có sáu nhân viên khác dự định rời đi trên trực thăng thuê vào sáng hôm sau. Họ nghĩ có thể ra khỏi Baghdad trước khi chiến tranh bắt đầu. Wiener và Nic Robertson quyết định ở lại.

Tối muộn hôm đó, Walter Cronkite lên hình từ văn phòng Washington của CNN, một người đàn ông lớn tuổi của truyền hình trong tâm trạng đầy triết lí khi nói chuyện về nhóm các phóng viên thường trú Mỹ ở lại thủ đô của kẻ thù trong những ngày đầu của Chiến tranh thế giới thứ hai.

"Tôi không nghĩ sự nguy hiểm ở Berlin hay Tokyo hay bất kì đâu lại đặc biệt sắp xảy ra như đối với Baghdad hôm nay", "Tôi nghĩ quyết định ở lại một nơi rõ ràng là vùng chiến sự nguy hiểm, nơi đạo đức của con người được xem xét ở các phòng tuyến có thể coi là quyết định khó khăn nhất mà bất kì người làm báo nào từng phải đối mặt. Điều đó cũng khó khăn với chính người quản lí của anh ta".

Ông ta cũng dự đoán các nhà tuyên truyền ở Mỹ sẽ không vui nếu việc làm tin của chúng tôi gợt lên sự thông cảm cho người Iraq. Cronkite cho tôi vài lời khuyên thân thiện trên truyền hình. "Peter, anh là tài sản vô cùng quý giá với việc làm tin dũng cảm trên thế giới. Anh đã chứng minh điều đó. Đừng đứng trên sân khấu lần này nữa. Nếu anh có thể xem xét tất cả những điều đó. Tại sao thì anh đã biết, bảo trọng, chàng trai".

Trong một khoảnh khắc tôi nhìn trừng trừng vào chiếc micro-phone bốn dây. Tôi đã không mong đợi nghe điều này từ Walter Cronkite, một trong những hình mẫu vai trò của tôi.

Tôi nói với ông ta là tôi không có gì còn lại để chứng minh cả: “Đây chỉ là câu chuyện lớn nhất trên thế giới vào thời điểm này và tôi muốn làm tin về nó nhiều như có thể".

NGÀY THỨ NHẤT 17-1

Chúng tôi bồn chồn đi lại. Sau khoảng hai giờ sáng, Mark Biello bắt đầu dựng máy quay ở cửa sổ trong trường hợp có điều gì xảy ra bên ngoài. Nic đang nói chuyện với tôi.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ. Trời Baghdad không có trăng, "một đêm của những máy bay thả bom" mà một ai đó từng nói với tôi ở Việt Nam, khi máy bay chiến tranh có thể đến bất ngờ.

Nic hơi nghiêng đầu một chút, hình như anh ta nghe thấy tiếng máy bay? Tôi nói với anh ta rằng anh ta đang mơ. Anh ta bước qua hành lang tới một phòng có cửa sổ mở. Sau đó anh ta chạy lại, mặt xúc động.

Trong khoảnh khắc tiếp theo, một vệt sáng hiện ra rõ hơn trên bầu trời phía nam. Nic như chùng xuống. Tôi lắc đầu không thể tin nổi. Thông tin tình báo cho rằng Tổng thống Bush sẽ chờ vài ngày trước khi ra lệnh máy bay ném bom.

Những âm thanh của tiếng súng bắn lên trời báo hiệu rằng chiến tranh đã bắt đầu. Tôi liếc nhìn đồng hồ trong giờ phút lịch sử: 2 giờ 32 phút sáng.

Trong những ngày làm tin báo viết của mình, phút làm nên sự khác biệt giữa tin sốt dẻo còn trong truyền hình trực tiếp, giây làm nên sự khác biệt.

Tôi lảo đảo về vị trí làm việc. Điện thoại four-wire vo ve lời mời truyền hình. Nic đã sẵn sàng, biến mất ở hành lang. Anh ta mở cửa mọi lối đi giữa phòng anh ta và sự an toàn nơi trú ẩn tránh bom mười tầng phía dưới. Bernie Shaw đang quỳ xuống, nhìn ra ngoài cửa sổ tầng 9 khi mò mẫm tìm microphone. "Đến với Baghdad, đến với Baghdad", anh ta thét lên, những ngón tay bấm nút điều khiển. "Điều gì đó đang xảy ra. Điều gì đó đang xảy ra".

Trái tim tôi như ngừng đập. Bernie là người đầu tiên với câu chuyện. Nhưng sự thất vọng cạnh tranh của tôi biến mất khi tôi nhìn ra ngoài cửa sổ phía sau anh ta.

Vệt sáng đỏ tới mức dường như mặt trời mọc trở lại. Chuỗi ánh sáng vàng trải trên nền trời mặc dù phản lại từ chiếc đèn chùm lớn và tôi dám chắc chúng là những viên đạn lửa từ súng trên máy bay.

Mark Biello di chuyển cẩn thận khi lắp ráp lại một trong những máy quay của anh ta. Không phát được hình vào thời điểm này. Người quay phim đang cố gắng lấy hình để sử dụng sau đó. Tôi giúp anh ta thì nghe thấy Bernte gọi: "Peter Arnett, tham gia cùng tôi ở đây". Atlanta đang truyền hình trực tiếp chúng ta, cắt ngang cuộc phỏng vấn với Bộ trưởng Quốc phòng Caspar Weinberger.

Bernie bắt đầu, “bầu trời Baghdad sáng rọi. Chúng ta đang nhìn thấy những vệt sáng tràn khắp bầu trời phải không Peter?". Khi tôi đẩy mặt mình tới chiếc microphone, tôi nói lắp bắp sự quan sát của mình về "những vệt sáng lớn trên bầu trời, những hiệu ứng giống như sấm chớp".

Bên ngoài, đèn vẫn sáng trong các tòa nhà và đường phố. Tiếng còi báo động bắt đầu rú lên khắp thành phố, nhưng mọi người dân Iraq đã tỉnh giấc từ lâu.

Khi John Holliman bước vào phòng, đèn khách sạn đã tắt cũng như các tín hiệu truyền thông bốn dây của chúng tôi. Tôi nghĩ, tất cả kế hoạch, tất cả những đấu tranh, tất cả tiền... đều đổ xuống sông. Thế giới ngoài cửa sổ chúng tôi nổ còn chúng tôi là những người đứng bên trong không giúp được gì.

Tôi thấy Biello ở phòng bên cạnh và giúp anh ta dựng các máy quay nhỏ ở một số cửa sổ trước khi dời tới vị trí ẩn nấp. Khi trở lại nơi làm việc, tôi nhìn thấy Holliman núp dưới cửa sổ, nhìn lên trong đêm sợ hãi và nói vào chiếc microphone bốn dây mà anh ta gắn với sợi dây dài.

"Chào Atlanta, Atlanta. Đây là Holliman. Tôi không biết là các bạn có thể nghe thấy tôi bây giờ hay không nhưng tôi sẽ tiếp tục nói chuyện với các bạn lâu như có thể". Holliman đặt pin mới vào bốn dây để khởi động lại. Ánh đèn vàng hoa tiêu lóe lên nhưng Atlanta không nhận được tín hiệu. Holliman đặt microphone ra ngoài cửa sổ thu âm thanh đêm đó. Cửa sổ của chúng tôi rung lên. Chúng tôi mở cửa ra vào kết nối các phòng để có toàn cảnh. Sau đó, khi nghỉ vai độc thoại của mình, Holliman nghe thấy lời đáp từ Atlanta. Họ đã lắng nghe anh ta khoảng mười phút, chờ cho anh ta dừng lại để họ chen vào.

John nhảy múa trong niềm vui khi trận bom lớn nổ tung ba toà nhà làm rung chuyển căn phòng khách sạn. Tôi đoán đó là trụ sở đảng Ba'ath của Saddam Hussein.

“David, đây là một đêm đặc biệt. Tuyệt biết bao được ở cùng cậu" Holliman đang nói chuyện trực tiếp từ Baghdad với người dẫn chương trình David French. Chúng tôi chuyển microphone qua lại cho nhau giống như gậy nghỉ ngơi.

Giám đốc sản xuất ở Atlanta, Bom Furnad, cổ động trên đường dây. Giọng ông ta náo nhiệt.

- Các bạn làm điều đó đi. Cả thế giới đang xem!

Vào lúc ba giờ sáng. Cuộc tấn công đầu tiên kết thúc. Một xe cứu thương màu trắng chạy dọc đại lộ có cây phía dưới chúng tôi, ánh đèn màu xanh lấp lóe và còi báo động rú lên. Không có thứ gì khác chuyển động. Bầu trời phía nam tối lại, nhưng ở phía đông, trên Dinh tổng thống, những tay súng lo lắng bắn thường xuyên, đạn lửa uốn trên bầu trời .

Một trong các biên tập hình của CNN, Kris Krizmanich, nhìn lên tôi e sợ. Cô ta đang ngồi xổm trên sàn nhà dựa vào tường, ho lặng lẽ. Ngay sau đó cô ta về nơi trú ẩn cùng Wiener.

Tôi giao microphone cho Holliman. "Oh, oh, bây giờ có một trận bắn phá lớn ở phía tây vị trí chúng ta. Và chúng ta chỉ nghe thấy whoa,... Nó là vụ nổ trên không lớn mà chúng ta thấy. Nó đang đặc kín bầu trời..." Mắt của Holliman lồi ra giống như bài văn của anh ta. Tiếng vang cuộc chiến kĩ thuật nhấn chìm chúng tôi.

Giờ tới lượt tôi. Tôi dựa gần chiếc microphone. Khách sạn đang rung chuyển. Tôi ngó ra ngoài cửa sổ và giọng tôi chết trong cổ họng. "Tôi nghĩ, John, vụ nổ trên không đã thổi tung trung tâm viễn thông". Tiếng vang của bom nổ đi qua chúng tôi.

Tôi cố gắng nói bình tĩnh nhưng dường như có âm sắc cao giọng mà tôi không thể nào kiềm chế được. "Bây giờ các bạn có thể nghe thấy tiếng bom. Nếu các bạn vẫn ở đây cùng chúng tôi, các bạn có thể nghe thấy tiếng bom. Chúng tấn công về trung tâm thành phố”. Tôi nhắm mắt lại và giơ microphone lên, để cả thế giới nghe âm thanh của cuộc chiến vang qua cửa sổ, âm thanh dội lại từ những vụ nổ làm răng tôi va vào nhau.

Tôi chuyển microphone cho Holliman, người đoán liên lạc truyền thông của chúng tôi với Mỹ cuối cùng sẽ bị ngắt. "Tôi sẽ hỏi nếu anh có thể nghe thấy chúng tôi ở Washington và Atlanta. Các anh vẫn có thể nghe thấy chúng tôi chứ?".

Giọng của phát thanh viên David French trên chiếc micro-phone kêu lách cách đảm bảo với chúng tôi, "John, chúng tôi vẫn nghe thấy anh. Tiếp tục đi. Chúng tôi vẫn nghe thấy anh".

Holliman giải thích: "Các bạn biết đấy, khi các bạn nhìn thấy đường dây truyền thông liên lạc ra bên ngoài thế giới bị tấn công bằng một quả bom thì phải tiếp tục kiểm tra để chắc rằng vẫn liên lạc được".

French ngắt quãng bằng thông báo từ sở chỉ huy của Mỹ ở Ả Rập rằng chiến tranh đã bắt đầu. "Tôi nghĩ thông tin này là thừa với các bạn. Các bạn đang xem nó", anh ta bình luận ngắn gọn. Chúng tôi đã hành động trước Văn phòng báo chí của Lầu Năm góc khoảng 27 phút về sự bắt đầu của Chiến tranh vùng Vịnh?

Tôi bắt tay Holliman. John cho tôi lên hình sau khi kết luận rằng: “tôi sẽ nói cho các bạn biết rằng kinh nghiệm của tôi trong cuộc chiến là giới hạn, tôi tự hào nói điều đó. Nhưng tôi nghĩ khi mặt trời mọc vào ngày mai, kinh nghiệm của tôi sẽ nhiều lên rất nhiều".

Khi mặt trời mọc, vẫn còn khoảng bốn giờ nữa. Chúng tôi không mong đợi máy bay giảm bớt oanh tạc hay những yêu cầu của CNN bình luận trực tiếp. Cổ họng của tôi rát mỏi, nói luôn mồm không dứt. Đầu tôi nhức, tôi cảm thấy cánh tay và lưng đau ê ẩm. Chúa ơi, tôi bị phát ban, ít nhất tôi đã không ngất.

Chúng tôi tạm dừng khá lâu. Đường dây liên lạc dường như đảm bảo. Chiến tranh đang gào rú trên đầu chúng tôi giống như trận bão được dự đoán trước. Mối quan tâm lớn nhất của tôi là tránh xuất hiện một cách ngu ngốc trước khán giả trên toàn thế giới. Tôi thề tránh việc nói liên mồm, ủy mị và phỏng đoán - chỉ truyền những gì tôi nhìn thấy. Thiển cận là một trong những hiểm họa của truyền hình trực tiếp nhưng lưỡng lự là một tội ác đạo đức, không dễ dàng để nói trước khi bạn nghĩ.

Có tiếng rít bên ngoài cửa sổ. Holliman dựa vào vai tôi về phía microphone. "Oh, đó nghe như tiếng rocket. Nó khá gần". Tôi đảm bảo với anh ta, "Tôi nghĩ là rocket đang tới gần, nhưng không hướng về phía chúng ta, John". Anh ta cười theo phản xạ tự nhiên. Tiếng gầm rú của phi cơ ném bom lập tức rú lên cùng những luồng khói đen dày đặc phụt ra từ các toà nhà chính phủ chỉ cách 1 dặm rưỡi. Trận ném bom căng thẳng và tiến gần hơn về phía khách sạn. Có rất nhiều mục tiêu trong khu vực của chúng tôi.

Tất cả các ngọn đèn ở Baghdad đều tắt trừ phòng chúng tôi, nơi chiếc đèn khẩn cấp đang lóe lên trên trần nhà. Khi nhận ra điều đó, John quay về phía tôi: "Peter, tại sao chúng ta không nhìn thấy nếu tắt ngọn đèn đó đi. Nếu chúng ta phải đập nó thì hãy làm đi. Hãy tắt ngọn đèn đó". Ánh sáng lấp lóe là quan trọng với mọi di chuyển của chúng tôi trong phòng, để tìm nước khoáng, để điều khiển truyền thông bốn dây, để tránh đâm vào ghế và các hộp dụng cụ.

Tôi nói với anh ta không phải lo lắng. Đối với tôi dường như những máy bay ném bom và tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp tấn công những mục tiêu đã được quyết định trước. Khách sạn al - Rashid là mục tiêu chỉ khi Lầu Năm góc quyết định như vậy và nếu chúng tôi nằm trong danh sách ném bom thì không căn phòng tối nào có thể cứu được chúng tôi.

Ánh sáng lấp lóe tiếp theo về phía đông nam và theo sau là hơn mười vụ nổ. Chúng là nơi lọc dầu trên sông Tigris. Những biểu tượng bền vững của Iraq hiện đại bị dọn sạch trong một giây. Sức nóng của trận bắn phá thổi qua cửa sổ khách sạn mở của chúng tôi.

Giờ lại tới lượt tôi ở chiếc microphone đã bật. Tôi nói rằng tất cả các quả bom dường như đều ngắm thẳng tới mục tiêu. Tôi cố gắng để mô tả rõ. Chúng tôi có thể nhìn thấy rất nhiều từ độ cao tầng 9, tất nhiên không phải hết mọi thứ. Chúng tôi không biết chuyện gì đang diễn ra ngoài đó. Tôi biết rằng trong những khoảnh khắc đầu tiên quan trọng của cuộc chiến, ý kiến công chúng có thể hình thành đối với bản tin của chúng tôi. Chúng tôi có đường dây mở với thế giới; không có sự kiểm duyệt ở cả hai đầu. Những người giám sát Iraq đã rời vào trú ẩn trong các boong ke.

Bernie Shaw tham gia cùng chúng tôi. Anh ta ở dưới hầm tránh bom của khách sạn và đang thở hổn hển khi cố gắng leo lên chín lượt cầu thang trong bóng tối. Anh ta đã tới microphone, nhưng Holliman lấy nó lại từ anh ta. "Bernie, bạn và tôi đã có một quy định từ những ngày cả hai chúng ta phát thanh. Anh luôn luôn cảnh báo tôi đừng bao giờ lên hình khi hụt hơi. Tôi sẽ dành cho anh một khoảng thời gian để lấy lại hơi".

Chuông điện thoại trong phòng bất ngờ reo và chúng tôi nhảy lên. Bernie nhấc máy nghe khi John hò la trong phòng, "Có phải điều gì đó mà những người xem của chúng ta muốn biết à” Holliman dường như quyết định để cả thế giới nghe lén mọi cử động của mỗi người chúng tôi. Đó là điện thoại của khách sạn giục chúng tôi rời khỏi phòng và đi xuống nơi trú ẩn. Tôi nghĩ rằng việc làm tin của chúng tôi đã hết.

Từ khi đánh bom bắt đầu, tôi đã chờ đợt nhân viên an ninh bước vào phòng và ngăn cản chúng tôi. Theo Bernie, tất cả các nhân viên truyền thông của chúng tôi đã tập hợp trong nơi trú ẩn dưới hầm và bị giữ lại bởi các nhân viên có vũ trang. Những người này cùng máy thu bán dẫn bắt kênh BBC đang phát phần bình luận trực tiếp của chúng tôi. Sự phản kháng cạnh tranh đang tới điểm bùng nổ.

Tôi tính đến sự bối rối trong những giờ đầu tiên của cuộc chiến, để tiếp tục cho cửa sổ phát thanh của chúng tôi mở. Tôi nghi ngờ Chính phủ Iraq từng có ý định để ba chúng tôi, các phóng viên truyền hình - những quan sát không có giám sát - truyền những hình ảnh cho toàn bộ khán giả trên thế giới biết thời điểm quan trọng như thế này.

Mọi bước chân ngoài khách sạn và mọi cuộc phỏng vấn trong suốt khủng hoảng vùng Vịnh được chính quyền Iraq kiểm duyệt. Những thông tin trì hoãn là sự quan trọng quân sự sống còn. Nếu các đồng nghiệp của chúng tôi ở nơi tránh bom có thể làm chủ điều đó. Tôi đoán các nhân viên quân sự ở Baghdad cũng có thể làm được.

Chúng tôi nghe thấy truyền hình CNN từ Tel Aviv, một phóng viên nói Bộ Ngoại giao Israel đang xem CNN và đài phát thanh quốc gia Israel đang phát phần bình luận của chúng tôi, các nhân viên quản lí của CNN khẳng định điều đó. 

Holliman đề nghị Bernie một chiếc sandwich kẹp cá thu. Có tiếng gió thổi qua cửa sổ mở và Holliman đề cập thậm chí vậy nhưng tất cả chúng tôi vẫn đang toát mồ hôi. Mọi thứ chúng tôi nói đều được truyền trực tiếp. Cảm ơn chúa wiener đã không ở đó với vốn từ vựng phong phú của anh ta.

Chúng tôi có nhiều thời gian trên hình. Cuộc tấn công diễn ra cứ 15 phút một lần. Chúng tôi so sánh cuộc đánh bom với một triệu con đom đóm với màn trình diễn pháo hoa ngày 4-7, với cơn bão, với sao băng, với tàu vũ trụ khởi hành. Shaw nói rằng nó giống như trung tâm của địa ngục.

Chúng tôi hiếm khi phủ định lẫn nhau, nhưng có một lần Bernie thách thức sự miêu tả của Holliman về một vụ ném bom như là "cái đẹp". Anh ta bình luận đanh thép, "John, điều đó với tôi không đẹp".

Chúng tôi chạy hết từ mặt bên này khách sạn tới mặt bên kia để kiểm tra khung cảnh. Dồn dập bom và tên lửa tấn công các khẩu pháo bắn phá máy bay, vị trí radar, các bộ ngành chính phủ, mục tiêu công nghiệp, các đầu mối liên lạc với chiến trường Kuwait. Nhưng chúng tôi có thể nhìn thấy những chiếc cầu vẫn nằm trên sông Tigris.

Có tiếng đập cửa. Tôi nhìn Bernie, John và gợi ý họ trốn đi. Tôi sẽ giải quyết việc quấy rầy. Holliman luồn vào phòng kế bên rúc xuống một chiếc giường. Shaw vào một phòng và trốn dưới bàn.

Tôi bật công tắc điện thoại, đèn màu vàng và mở cửa. Ba chiếc đèn pin rọi vào mặt tôi và tôi bị đẩy vào trong phòng. Họ là những nhân viên an ninh và to cao hơn tôi rất nhiều. Một người xoay tôi vào tường trong khi những người khác đi vòng quanh phòng của chúng tôi, mở tủ và đóng các cửa sổ. Họ lấy máy quay của chúng tôi khỏi khung máy và mang chúng ra hành lang yêu cầu tôi xuống boong ke. Không còn cách nào khác, tôi buộc phải đi xuống cầu thang.

Tôi ngồi xuống trong lối cửa ra vào. Tôi tuyên bố rằng tôi sợ bị giam giữ. Tôi chứng minh bằng đôi tay run lên sợ hãi trong một khoảng không đóng kín. Tôi nói rằng tôi đã có 10 năm ở Việt Nam và những trận đánh bom bên ngoài không làm tôi lo lắng nhưng ở đây trong một căn phòng đóng kín tôi như phát điên.

Những nhân viên an ninh cố gắng một cách hời hợt kéo tôi đi và sau đó bỏ đi cùng máy quay của chúng tôi. Tôi nhìn theo ánh đèn pin của họ biến mất vào cầu thang và sau đó trở lại phòng.

Atlanta nghĩ rằng họ đã mất chúng tôi. David French đã nói với khán giả, "Tôi không mong muốn cảnh báo bất kì ai" nhưng sự liên lạc với chúng tôi đã bị mất. Wolf Blitzer truyền tin từ Lầu Năm góc rằng tắc nghẽn điện tử cuối cùng đã làm chúng tôi mất phát sóng. Tôi bật hệ thống bốn dây lên và nói với Atlanta rằng chúng tôi đã trở lại nhiệm vụ.

Bernie nói anh ta lo tất cả chúng tôi có thể bị rời đi. "Tôi sẽ chuyển míc cho John, cho anh, Peter, và tôi sẽ trốn dưới bàn, không phải vì tôi sợ những gì đang diễn ra ngoài kia mà tôi muốn đảm bảo nếu có cuộc làm phiền khác và nếu hai anh bị đưa đi thì ít nhất còn một trong chúng ta sẽ ở đây".

Bây giờ các phát thanh viên đang gọi chúng tôi là "Những cậu bé của Baghdad" khi Bernie lên hình thì có tiếng gõ cửa mạnh một lần nữa ngắt quãng anh ta. Anh ta thì thào: "Chúng ta phải trốn" và ném microphone vào tôi.

Tôi tắt tín hiệu để kiểm tra cửa và nghe thấy David French tuyên bố: "Cảm ơn rất nhiều các quý ông. Chúng tôi đoán đó không phải là người bán hàng Fuller Brush".

Đó là Wiener. Anh ta cố gắng ra khỏi chỗ ẩn nấp. Bốn người chúng tôi nghe trên hệ thống bốn dây bài phát biểu của Tổng thống Bush đưa ra những yêu cầu tối thiểu cho việc dừng ném bom: rằng lực lượng của Saddam Hussein phải rời Kuwait và ông ta phải tuân theo những giải pháp của Liên hợp quốc.

Tiếng vang các vụ nổ nhấn mạnh bài phát biểu của Tổng thống. Khi Bush nói: "Đây sẽ không phải là một Việt Nam khác", thì tôi đang nghĩ về chuỗi các cuộc tấn công của Mỹ bên ngoài Hà Nội khi tới thăm vào năm 1972. Mỹ đã dừng những cuộc tấn công ác liệt nhất tới tận khi kết thúc cuộc chiến. Nói theo cách này thì đây mới chỉ là điểm khởi đầu.

Ingrid Formanek, người cũng thoát ra thành công, đi lên từ boong ke và nói với chúng tôi có một cuộc biểu tình "đả đảo Bush" khi các nhân viên an ninh khách sạn đi vòng quanh các nơi trú ẩn cùng vũ khí tự động và mặt nạ khí gas.

Chúng tôi bật cuộc họp báo của Bộ trưởng quốc phòng Dick Cheney. một phóng viên hỏi ông ta có lo lắng đánh bom ở Baghdad đã giết người dân thường hay không. Ông ta đáp lại: "Việc làm tin tốt nhất mà tôi từng xem về những gì diễn ra ở Baghdad là trên kênh CNN. Dựa vào những lời bình luận từ đội làm tin CNN ở khách sạn ở Baghdad, cuộc tấn công vào các mục tiêu với độ chính xác cao đã thành công, ít nhất đó là thông báo theo CNN".

Vào lúc bình minh, không gian trở nên yên ắng hơn. Chúng tôi vui vẻ ngồi vào ghế thay đổi vị trí sau khi nằm trên bụng và bò trên đầu gối. Tôi nhắc khán giả nhớ sự yên tĩnh không có nghĩa là kết thúc của bất kì điều gì vì “những phát súng đầu tiên trong cuộc chiến đã được bắn ra".

Không có dấu hiệu gì về phản ứng của Saddam Hussein. Tôi nghĩ ông ta cũng gan lì. "ông ta đã nói rõ vài tuần trước ông ta chào đón cuộc chiến này và chuẩn bị để chiến đấu. Chiến trường của ông ta là khẩu hiệu “Allah Akbar - Allah vĩ đại".

Sương mù trở lại. Có những dấu hiệu giao thông trên xa lộ tám làn phía trước khách sạn. Chúng tôi nhìn thấy xe cứu hỏa đi qua bầu trời phủ đầy khói đen dày đặc.

Tôi tỉnh dậy vào khoảng trưa, phát hiện ra hậu quả của trận ném bom qua đêm: toilet mất nước. Tôi rửa mặt bằng nước khoáng. Điện không có lại trong khách sạn. Holliman đang gõ bản phát thanh bằng máy đánh chữ di động của tôi vì máy tính không hoạt động và tôi cười với chính mình. Mọi người trêu khi tôi mang nó tới khách sạn vài ngày trước đó. Có phải tôi không biết chúng tôi đang ở trong thời đại máy tính đâu?

Điện thoại four-wire vẫn hoạt động nhưng vì lúc đó vào sáng sớm ở Mỹ và có rất ít cuộc gọi truyền hình trực tiếp. Không gian làm việc của chúng tôi lộn xộn khi đội xếp đồ rời đi. Dãy phòng khách sạn đã trở thành nhà của CNN và các đồng nghiệp truyền thông trong vòng 5 tháng.

Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ khách sạn. Từ xa, phía sau Trường đại học Baghdad, khói đen cuồn cuộn từ nhà máy lọc dầu. Do ra trên sông Tigris. Nhiều khói đen hơn bao quanh chân trời phía nam nơi tập trung công nghiệp năng lượng và hóa học của Iraq. Bụi nâu và khói trùm lên từ vùng thành phố lâu đời nơi có đạn tên lửa bắn thẳng tàn phá Bộ Quốc phòng. Những tòa nhà cao các bộ của chính phủ vẫn không bị tàn phá. Giao thông thưa thớt trên các đường lớn của thành phố.

Saddam Hussein không hoảng sợ với sức tàn phá của những đợt tấn công phủ đầu. Nic Robertson đã gặp ông ta trước đó ở trung tâm viễn thông trên đường đi gửi thông điệp tới người dân của ông ta rằng "nguồn gốc của các trận chiến" đã bắt đầu. Nic nói Saddam vận quân phục chỉnh trang, trông "rất cương quyết, có sự quyết đoán trong bước chân của ông ấy". Nếu như các đồng minh đang mong đợi cú đấm hạ gục một lần, thì điều đó không xảy ra.

Đến lượt tôi truyền hình cùng Holliman khi Bernie ngủ, miêu tả các trận đánh bom cứ nửa giờ một lần hoặc nói chuyện về Baghdad và các cửa hàng đã đóng cửa, những hạn chế trên ống kính máy quay. Tôi hiểu chúng tôi không còn độc quyền với câu chuyện nữa, và một số các tổ chức thông tin khác đã công khai điện thoại vệ tinh của họ và bắt đầu làm tin dưới sự kiểm soát của các quan chức Iraq.

Tôi dần nhận ra chúng tôi đã trở thành một phần của câu chuyện. Các phát thanh viên CNN thường hỏi về sức khỏe của chúng tôi. Molly Mccoy nhắc lại một lời bình luận mà tôi đã nói trước đó rằng tôi cảm thấy “tương đối an toàn" trong Khách sạn al-Rashid. Cô ta hỏi những người khác cảm thấy thế nào và tôi trả lời rằng họ không chia sẻ sự tự tin của tôi, một bình luận mang đến lời xì xào tán thành từ đám đông CNN tụ lại.

Tất cả đều kết thúc lúc 7 giờ tối khi Holliman đang truyền hình trực tiếp. Người giám sát của chúng tôi, Ala'a, bước vào nơi làm việc, kéo tay áo tôi và thì thào rằng chúng tôi phải đóng cửa. Sau đó anh ta quay sang Holliman và đặt ngón tay chặn ngang cổ họng anh ta.

Holliman giả vờ không nhận ra, nói cao giọng, "Ngài Ala'a, ngài muốn tôi làm gì thưa ngài? Tôi không hiểu. Ngài phải nói với tôi". Tay nhân viên đó đã không đi tới microphone nhưng trước sự năn nỉ của chúng tôi, buộc anh ta lưỡng lự đưa ra lời giải thích: Bộ viễn thông yêu cầu đóng cửa.

Wiener bước vào phòng tuyên bố kiểm duyệt quân đội đã ban sắc lệnh, truyền hình trực tiếp bản tin bị cấm và chúng tôi phải đóng cửa ngay lập tức. Wiener nói vào microphone: "Đây là điều mà chúng tôi không hề muốn làm".

Wiener và Holliman không sẵn sàng nhượng bộ phần việc của họ. CNN đã chiếm được sự chú ý yêu thích trong suốt cuộc thảm sát Thiên An Môn khi các nhà sản xuất chống lại các yêu cầu của một nhân viên Trung Quốc đóng cửa việc phát hình. Tôi đoán rằng các đồng nghiệp của tôi đang cố gắng làm chiến thuật tương tự như vậy.

Tôi muốn dừng lại. Cảm nhận của tôi là chúng tôi đã tận dụng được chiếc cửa sổ đặc biệt. Chúng tôi đã truyền hình trực tiếp 17 tiếng đồng hồ mà không có một giây kiểm duyệt. Chúng tôi đã chứng kiến thủ đô Baghdad trong cuộc tấn công khủng khiếp. Chúng tôi nêu rõ mọi mục tiêu bị tấn công mà chúng tôi biết và chỉ ra rất nhiều mục tiêu chưa bị tấn công. Chúng tôi nói mọi thứ và bất kì điều gì chúng tôi muốn về cuộc chiến và Saddam Husseint ở ngay trong vườn sau của ông ta. Chúng tôi đã có tin hoàn toàn sốt dẻo so với các đối thủ cạnh tranh vào đêm chiến tranh bắt đầu. Và tất cả chúng tôi cần ngủ.

Tôi lợi dụng thứ hạng. Tôi lấy microphone từ Holliman. "Do vậy John, tôi sẽ quyết định cắt thông tin liên lạc bởi vì tôi là phóng viên lâu năm ở đây".

Phát thanh viên chịu trách nhiệm ở Atlanta, Bob Cain đang đáp lại khi tôi bước đi khỏi hệ thống bốn dây mà các cậu bé của Baghdad đã có “Những bài tin đầu tiên và họ có thể chỉ truyền hình những bài tin cuối cùng. Chúng tôi sẽ giữ liên lạc với các bạn".

Chúng tôi đi xuống boongke khi lời đồn đại lan khắp khách sạn al-Rashid nằm trong danh sách ném bom đêm hôm đó. Tôi không cãi nhau với niềm tin của Weiner có sự nguy hiểm sắp xảy ra khi anh ta đón đầu lối đi. Tôi đấu tranh với sự hoảng sợ nhìn thấy quanh mình. Tôi tự vấn bản thân và với những người khác lí do gì cho phía đồng minh ném bom khách sạn, đặc biệt bây giờ sự có mặt của chúng tôi đã quá rõ ràng trong mắt công chúng. Thậm chí nếu khách sạn bị ném bom, tôi nghĩ những nơi trú ẩn không đủ vững chắc cho chúng tôi sống sót.

Các boongke đông đúc và ánh đèn lờ mờ với năng lượng khẩn cấp Những nhà vệ sinh bắt đầu bốc mùi. Đám đông CNN cố gắng khoanh vùng góc ngủ cho chúng tôi bằng chăn từ tầng trên nhưng những người khác tràn quanh nó.

Tôi nằm cạnh một quan chức Bộ Thông tin, Jalil alSekh, người đã mang cả gia đình tới trú ẩn: hai đứa con gái tuổi vị thành niên, Rand và Reem, cùng vợ ông ta, lsahra và mẹ vợ Saffia. Họ thân thiện. Họ nói chuyện về trận tấn công của người Iran sống sót trong suốt cuộc chiến chỉ vừa mới kết thúc. Họ chuyền nhau một chai nước khoáng và vài quả cam. Họ không có chỗ nào để đi. Họ bị tắc trong suốt thời gian vừa rồi và đang cố gắng vượt qua. Tôi bắt đầu quen dần.

NGÀY THỨ HAI

Hầu hết nhân viên CNN trừ tôi, Nic và Robert, khởi hành giữa buổi sáng trên chuyến taxi dài tới biên giới Jordan. Vì những trận tấn công không quân phá hoại giao thông trên đường cao tốc, chi phí của chuyến đi lên tới năm nghìn đô la tiền mặt cho một xe. 

"Giờ còn lại ba", Nic nhận xét khi chúng tôi bước trở lại tiền sảnh khách sạn. Tôi có cảm giác lẫn lộn. Chúng tôi ở đó không có người quay phim, biên tập để tập hợp lại như một đột truyền hình. Tôi sẽ phải tiếp tục phát thanh giọng mình trên hệ thống bốn dây trong khi NBC và BBC còn lại ở Baghdad với đội truyền hình đầy đủ.

Mặt tích cực là chúng tôi đã làm rõ ràng những ai không muốn ở lại Điều đó dễ thực hiện hơn vì không cần lo lắng và bối rối đưa ra mọi quyết định đối với chúng tôi. Wiener sốc khi tôi nói vậy nhưng tôi không có ý coi thường những người đã bỏ đi. Tôi chỉ muốn xúc tiến công việc. Nhưng giờ giới báo chí co lại còn một nhóm, thậm chí người Iraq động viên tất cả ở lại.

Wiener chuyển hoạt động của CNN tới quầy bar Sheherazade ở tiền sảnh vì thang máy không còn hoạt động nữa. Nhân viên khách sạn mang xuống các hộp thiết bị. Ban quản lí không phản đối bởi tiền sảnh bây giờ là một vùng chiến, những cửa sổ bằng kính đóng lại và quầy lễ tân đóng cửa.

Nic lắp đặt lại thiết bị four-wire. Chúng tôi mất vị trí toàn cảnh thành phố nhưng tiền sảnh lại gần với nơi trú ẩn mà chúng tôi tụ tập bất kì khi nào còi báo động kêu mỗi nửa giờ hoặc hơn. Và ghế da dễ chịu hơn sàn nhà.

Chúng tôi bắt đầu nhận được phản ứng chính thức đầu tiên đối với các cuộc tấn công không quân, và tôi lo lắng cho sự bắt đầu câu chuyện. Khi còi báo động rú bên ngoài và đèn chùm rung ở tiền sảnh, Giám đốc Thông tin, tướng Nai al - Hadithi đọc cho chúng tôi thông cáo đầu tiên của chỉ huy Lực lượng Vũ trang Iraq, chê cười Tổng thống Bush và ca ngợi việc phòng thủ trên không của Baghdad.

Sau đó chúng tôi lái xe tới Bộ Thông tin cách đó vài dãy phố cho cuộc họp khác với Bộ trưởng Thông tin Latif Jassim - người lặp lại những dòng thông cáo của chính phủ. Sau đó, chúng tôi phát hiện ra chiếc taxi của chúng tôi đã bỏ đi vì một đợt tấn công không quân chỉ cách đó vài tòa nhà. Chúng tôi nhanh chóng đi nhờ trở lại khách sạn.

Tôi vội vàng lợi dụng vị trí của CNN. Tôi nói với các quan chức việc cần thiết để chúng tôi truyền lại những câu chuyện nhằm làm rõ sự có mặt của chúng tôi ở đây. Tiết lộ bản tin chỉ làm tăng suy xét tiêu cực ở nhà. Họ sẵn lòng lắng nghe tôi nhưng không chắc phải thực hiện như thế nào. Không ai trong số họ đối mặt với khủng hoảng như vậy trước đây.

Cuối cùng chúng tôi cũng được thông báo có thể sử dụng điện thoại tối hôm đó.

Tôi núp mình trong cầu thang lén viết bản tin bằng máy đánh chữ suốt cuộc tấn công không quân dài. Ala'a ngồi bên cạnh chúng tôi, quan sát cẩn thận và tuyên bố sẽ là người kiểm duyệt chính thức, tôi rất vui. Tôi đã sợ rằng chúng tôi sẽ bị các nhân viên quân đội kiểm duyệt. So với những người kiểm duyệt chính thức mà tôi từng làm việc ở Sài Gòn của Ngô Đình Diệm, ở Hà Nội và ở những câu chuyện bị hạn chế khác trên khắp thế giới thì Ala'a là chấp nhận được. Các nhân viên CNN luôn vui vẻ với phong cách lịch sự của Ala'a. Nhưng với tôi, anh ta là rào chắn giữa những bài tin của tôi và thế giới bên ngoài.

Bản tin của tôi là nội dung đầy đủ về cuộc họp chúng tôi nhận được từ các quan chức Bộ Thông tin cùng một số lời bình về cuộc sống dưới sức ép bom đạn ở Khách sạn al-Rashid. Ala'a chẳng cắt bỏ đoạn nào. Lúc đầu chúng tôi được nói là ghi âm bản tin nhưng anh ta đã để tôi đọc nó trực tiếp trên điện thoại ở quầy bar Sheherazade. Anh ta ngồi cạnh tôi trong suốt bản tin. Ánh sáng những vụ nổ phản chiếu trên các tấm gương trên tường.

Còi báo động rú lên. Khi tôi hoàn thành, Bob Cain, phát thanh viên ở Atlanta, đề cập vài câu hỏi, nhưng tôi phải nói với anh ta rằng theo chỉ dẫn thì tôi không được phép trả lời. Tôi nghe thấy anh ta nói với khán giả: "Toàn bộ bài tin của Arnett đã bị các nhân viên giám sát của Iraq kiểm duyệt và anh ta không thể thêm bất kì điều gì cho tới khi được các nhân viên kiểm duyệt cho phép".

Đó không phải là một thử thách hoàn toàn dễ chịu. Tôi vui vì được tiếp tục làm tin nhưng lại lo lắng vì những hạn chế. Tôi nói với Robert cần phải thuyết phục những người Iraq cho phép chúng tôi mở rộng phát thanh đáp ứng sự mong đợi mà bản tin trực tiếp trước đây của chúng ta đã làm.

NGÀY THỨ BA

Chúng tôi vẫn bị từ chối được phép khám phá bên ngoài khu vực khách sạn. Tuy nhiên bạn không phải đi xa để thấy những gì đang xảy ra: đường chân trời của Baghdad thay đổi ngay trước mắt chúng tôi. Cuối buổi sáng đó, trung tâm viễn thông, một trong các tòa nhà lớn ở thành phố biến thành đống gạch nát.

Hệ thống liên lạc four-wire của chúng tôi với Atlanta chết cùng với trung tâm đó, và nó là liên lạc trực tiếp của chúng tôi. Nhưng chúng tôi vẫn còn điện thoại vệ tinh, hộp kim loại sáng bóng được giấu dưới hộp cá thu đóng hộp trong phòng cung cấp. Đã tới lúc lộ ra sự tồn tại của điện thoại với người Iraq, thậm chí chúng tôi mạo hiểm mất nó. Họ không phản đối thiết bị này nhưng đề nghị chúng tôi chỉ sử dụng dưới sự giám sát.

Chúng tôi kéo vali to ra quầy bar tiền sảnh. Với niềm hân hoan hiện rõ, Nic bắt đầu lắp ráp thiết bị công nghệ cao. Nhưng bản tin đầu tiên của tôi một giờ sau đó mang đến thông tin buồn: giới báo chí phương Tây bị yêu cầu ra khỏi đất nước. Chúng tôi buộc phát đóng gói hành lí.

Các đồng nghiệp truyền hình thất vọng như tôi, nhưng chúng tôi không cố gắng cùng nhau để cái thiện điều này, quan hệ của chúng tôi với họ đã trở nên bất tiện. Cuộc chạy đua truyền hình đầu tiên của CNN đã gây sửng sốt và có những ảnh hưởng nhất định. Có cảm giác là tính hiếu chiến hơn là tình bạn giữa những người ở lại phía sau. Họ đã có điện thoại vệ tinh và các đội quay phim đã sẵn sàng. Họ cuối cùng cũng ở vị trí cạnh tranh tốt hơn và sẵn sàng đẩy mạnh lợi thế.

Niềm đam mê nhanh chóng được đẩy lên cao khi người Iraq quyết định CNN có thể ở lại trong khi các hãng khác phải ra đi. Người Iraq quyết định chiến trường cạnh tranh tin tức của chúng tôi. Những tháng ngày lập kế hoạch và làm chính trị của Wiener đã được bù đắp.

NGÀY THỨ TƯ

Các đối thủ của chúng tôi phản đối nhưng cũng nhanh chóng rời khách sạn bởi các nhân viên không đủ kiên nhẫn. Nic và tôi ăn bữa sáng bí mật trong phòng dự trữ của CNN với pho mát và bánh quy, Wiener đi vòng quanh khách sạn giả vờ trong số sắp dời đi. Không ai ngu ngốc tin điều đó.

Một phóng viên ảnh tự do, Jana Schneider tìm thấy nơi chúng tôi trốn và đập cửa phòng xin được ở cùng đội CNN bởi cô ta là người Mỹ. Cô ta thật điên rồ. Tôi không thể đổ lỗi cho cô ta nhưng nhìn cô ta từ chối thẳng thừng.

Cuối buổi sáng đó tôi gặp Robert ở tiền sảnh cùng Sadoun, viên chức cao cấp của Bộ Thông tin tại khách sạn. Người Iraq đó đầy tự tin. Robert đã nói với tôi Sadoun nổi tiếng với giới báo chí vì anh ta vui tính và được đảng yêu quý. Vì được phép trở thành bạn nhậu với các phóng viên phương Tây, anh ta chắc phải được chính quyền tin tưởng.

Sadoun nói với tôi giờ mọi người đã đi, anh ta có thời gian để quan tâm tới “mối quan tâm cá nhân" trong nhu cầu của chúng tôi. Tôi hỏi anh ta đó là những quy định nào và anh ta đếm trên đầu ngón tay bằng vốn tiếng Anh hoàn hảo của mình. Không thông tin hậu cần, không thông tin quân sự, không đi lại mà không được phép. Tôi hỏi anh ta vậy thì còn lại cái chết tiệt gì và anh ta mỉm cười với tôi, "không bình luận". Tôi hy vọng là anh ta đang đùa. 

Tôi ngủ một giấc buổi chiều trong dãy phòng CNN thì tiếng nổ lớn rung chuyển khách sạn lay tôi tỉnh. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy hai tên lửa thon dài phóng trên Trung tâm Hội nghị, qua đường và quay quanh khách sạn phía trên tôi, hướng về trung tâm Baghdad. Vũ khí chống máy bay trên mái tòa nhà phía sau chúng tôi khai hỏa các loạt bắn choáng váng. Tôi đoán tên lửa đang tới là loại Tomahawks. Tôi đã xem những bức hình về chúng nhưng chưa bao giờ nhìn thấy ở ngoài cả. Chúng bay quá gần khách sạn tới mức hình dáng dài của chúng vừa tầm cửa sổ phòng. Tôi cảm thấy có thể thò ra ngoài và chạm vào đầu tròn của chúng.

Tiếng nổ bên dưới có lẽ là viên thứ ba. Tôi chạy xuống tiền sảnh và nhìn thấy bức tường kính dày ở quầy bar Sheherazade đã vỡ. Đồ đạc lung tung. Bụi đầy không khí. Khói đen bốc lên từ vườn qua bể bơi.

Tôi thở phào vì không đồng nghiệp CNN nào nằm trong đống đổ vỡ đó. Nhưng khi tôi thấy họ dưới boong ke, họ tin rằng vừa thoát chết trong gang tấc. Wiener la lên: "Tôi biết khách sạn sẽ bị tấn công sớm hay muộn mà". Anh ta đang nói chuyện với Nic trong quầy bar thì bị ngã bởi trận nổ ở vườn bên ngoài.

Khi chúng tôi kiểm tra hiện trường thì chỉ một phần đạn tên lửa cày vào khu vực nhân viên khách sạn trống không, có lẽ sau đó nó bị những tay súng chống máy bay bắn hạ. Cả Nic và Robert không ai bị thương nhưng chuyện đó làm họ hoảng. Người Iraq thông báo với chúng tôi chắc chắn phải dời khách sạn "tới một nơi an toàn hơn" ở vùng nông thôn, nhưng điều đó không làm cho ai trong chúng tôi cảm thấy bớt lo lắng.

Tôi lo lắng CNN sẽ yêu cầu tôi đi cùng với họ. Tôi đảm bảo với Tom Johnson tôi có thể thực hiện nghề nghiệp trong môi trường hạn chế. Ngược lại với điều lo sợ của tôi, Johnson đề nghị "sự ủng hộ đầy đủ nhất". Tôi được động viên rằng hệ thống luôn ở phía sau tôi.

Đêm hôm đó trong boong ke khách sạn, đài truyền hình Iraq phát sóng cuộc phỏng vấn những phi công đồng minh và người Mỹ bị bắt cho những người ở Baghdad, những người vẫn có nguồn cung cấp điện. Các gia đình Iraq và Jordan đông kín vì sự an toàn của nơi trú ẩn. Họ vui mừng với cảnh đó khi những tù nhân chiến tranh mặc quân phục, bị khuất phục lưỡng lự kết tội chính phủ của họ trong lời đối đáp với người thẩm vấn không chiếu mặt.

Tôi biết đó sẽ là một câu chuyện gây tranh cãi. Tôi đã trải qua điều đó với các tù nhân chiến tranh Mỹ ở Hà Nội. Tôi ghi chú và viết nguệch ngoạc bài tin phát thanh của mình vì máy đánh máy di động của tôi đã bị ăn cắp hoặc bị phá trong đống đổ nát của quầy bar. Tôi phải đọc phần viết của mình cho Sadoun bởi vì chữ viết của tôi hơi khó đọc. Anh ta đồng ý điều đó.

Bây giờ Sadoun tới tiền sảnh điều hành phần tin đọc trên điện thoại của tôi. Tôi lên danh sách tên các phi công và phần nhận xét của họ về chính sách chiến tranh của đồng minh. Tôi trích lời Saddam Hussein hứa đối xử nhân đạo với họ khi chiến tranh kết thúc trong chiến thắng của ông ta.

Tôi tiếp tục nói ngoài những gì Sadoun đồng ý và bắt đầu trả lời những câu hỏi của phát thanh viên Reid Collin. Sadoun đang nói chuyện với Robert. Tôi nói rằng một phi công băng bó ở tay và hai phi công khác có khuôn mặt thâm tím. Tôi so sánh lời thú tội quay phim này với những tù nhân phi công Mỹ buộc phải nhận xét cuộc chiến ở Hà Nội.

Tôi biết rằng CNN dán nhãn tất cả các tin, bài của tôi bị hạn chế bởi các nhân viên kiểm duyệt Iraq. Sự có mặt của Sadoun trên thực tế là điều hạn chế về mặt nào đó, nhưng những câu hỏi của các phát thanh viên CNN bắt đầu có hiệu lực. Tôi nhận thấy tôi có thể truyền tải sắc thái về tình hình ở Baghdad trong các cuộc đối thoại thông thường mà không thể trong bản viết bị kiểm duyệt của mình. Tôi đang cảm thấy thoải mái hơn về các khả năng.

Tối muộn hôm đó người Iraq cho chúng tôi phỏng vấn ghi âm và Nic chuyển bản âm về Atlanta thông qua điện thoại vệ tinh. Không phải lo lắng về sự cạnh tranh, chúng tôi tận dụng thời gian của mình.

Giám đốc thông tin, Naji al- Hadithi hỏi tôi xem có muốn phỏng vấn tù nhân chiến tranh ngày hôm sau không. Con người phóng viên trong tôi muốn điều đó nhưng con người từng trải trong tôi nhắc nhở nên dừng lại.

Tôi nói chuyện với Ed Turner bằng điện thoại vệ tinh về lời đề nghị đó. Tôi nhắc anh ta nhớ về sự tranh cãi khi các nhà báo bị chỉ trích gay gắt về các tù nhân chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Tôi nói tôi hiểu vị trí của CNN ở Baghdad nhạy cảm như thế nào và rằng chúng tôi tự nguyện ở đây. Tôi nói tôi hiểu nếu anh ta từ chối cơ hội cho các cuộc phỏng vấn.
"Mẹ kiếp, Arnett", Turner nói. "Làm câu chuyện đó đi".

NGÀY THỨ NĂM

Nic và Robert khởi hành vào bình minh tới biên giới. "Và giờ thì còn một", Nic châm biếm khi bắt tay tôi lên taxi. Khi vẫy tạm biệt họ, tôi nghĩ về lời bình luận tạm biệt của Robert trong cảm xúc của khoảnh khắc, nói rằng tôi là "người cuối cùng của nòi giống đang tiệt chủng" các phóng viên thường trú bởi vì tôi đang ở lại. Tôi biết anh ta đã nhầm: có những phóng viên trẻ cũng cảm nhận như tôi vậy. Không phải tất cả số họ đều ở trong danh sách nhân viên của CNN.

Tôi đi bộ trở lại tiền sảnh khách sạn nhét tiền vào chiếc áo khoác bằng da. Robert đưa tôi 40 nghìn đô la, chúng tôi phải trả tất cả các hóa đơn bằng tiền mặt. Đêm hôm trước tôi đã cắt đường chỉ ở áo khoác và giấu 60 nghìn đô la khác bởi vì tôi không tin sự an toàn của khách sạn. những tập hóa đơn hàng trăm đô la làm cho tôi trông to hơn gấp đôi.

Tôi gặp Sadoun ở tiền sảnh và anh ta chúc mừng tôi vì ở lại, trao tôi những nụ hôn thường dành cho Robert. Tôi không hôn trả lại. Tôi cố gắng giữ khoảng cách. Đó không phải là phong cách của tôi để làm bạn với các nhân viên. Như tôi quan tâm khi Robert dời đi, anh ta đã mang hết toàn bộ quan hệ đi cùng. Giờ chúng tôi chơi theo quy luật của tôi và Sadoun.

Thái độ của anh ta thay đổi nhanh chóng. Anh ta nói tôi nên bắt đầu đóng gói để chuyển tới khu vực khác. Tôi bướng bỉnh. Tôi năn nỉ muốn biết tại sao và anh ta thú nhận chính phủ quan tâm về sự an toàn của Khách sạn al-Rashid. Cùng với Trung tâm Hội nghị ngay bên cạnh, đó là nơi trình diễn của chế độ.

Tôi muốn ở lại thường thức những gì thoải mái nhỏ nhoi còn lại vì tôi nghi ngờ có nơi tốt hơn thế ở đâu đó. Tôi loại bỏ mọi cãi cọ. Tôi nói với anh ta, tôi tin lí do duy nhất khách sạn không bị tấn công vì giới báo chí đã làm cho nó nổi tiếng. Tôi nói với anh ta sự thật tôi biết Tướng Norman Schwarzkopf từ những năm đầu tiên của chiến tranh Việt Nam và tôi sáng tạo thêm một chút: Schwarzkopf không bao giờ chĩa máy bay đánh bom của ông ta vào một người bạn.

Tôi nói rằng quyết định của tôi ở lại là chắc chắn vì những gì còn lại ở khách sạn. Chúng tôi đang nói chuyện thì sếp của Sadoun, Naji al- Hadithi tới và chúng tôi tiếp tục đối thoại ở mức độ căng thẳng hơn. Cuối cùng họ đồng ý trì hoãn việc chuyển đi.

Quản lí lễ tân, bà Nihad tới cảm ơn tôi vì đã đảm bảo sự an toàn cho khách sạn. Tôi chấp nhận sự đánh giá cao của bà ấy với nụ cười buồn bã. Tôi biết rằng nếu tôi sai, không ai còn lại để tranh cãi chuyện đó. Và nếu Israel quyết định trả đũa Baghdad bằng những cuộc tấn công tên lửa Scud vào Tel Aviv, tôi nghi ngờ họ sẽ dành sự ưu ái đặc biệt với Khách sạn al-Rashid.

Khi ổn định lại tôi phát hiện ra mình không phải là phóng viên duy nhất được phép ở lại Baghdad. Ba phóng viên Nga bị kẹt lại vì không có tiền trở về nhà ở Mátxcơva, cùng với một số phóng viên người Jordan và một phóng viên Tây Ban Nha. Tôi vẫn có một lợi thế không thể bác bỏ được, là sợi dây liên lạc duy nhất với thế giới bên ngoài.

Buổi chiều muộn đó, tôi cố gắng lắp ráp điện thoại vệ tinh. Tôi đã xem Nic và viết lời chỉ dẫn của anh ta ở cuốn ghi chú nhưng tôi không phải là tay cừ khôi về khoản đó.

Tom Johnson cho tôi những chỉ dẫn đặc biệt về chiếc điện thoại đó: Không ai có thể sử dụng nó trừ CNN; tôi chỉ nên gọi cho Atlanta và không nơi nào khác. Anh ta nói Lầu Năm góc đảm bảo rằng chúng tôi sẽ là người sử dụng duy nhất đường liên lạc âm thanh ra ngoài đất nước Iraq.

Tôi hiểu rõ ràng. Một trong các mục đích tấn công không quân trong hai ngày đầu tiên là đánh phá hoàn toàn liên lạc của Iraq. Chúng tôi có ảnh hưởng mở đầu bằng điện thoại. Tôi không vui vẻ đưa ra lời xin lỗi cho quân đội Mỹ tống khứ chúng tôi ra khỏi công việc.

Lắp ráp chiếc điện thoại đó quả là khó. Sadoun và Mohammed, nhân viên quay phim của hệ thống truyền hình Thế giới, một trong vài phóng viên của Jordan ở lại đã giúp đỡ tôi. Chúng tôi kéo chiếc vali nặng tới vườn. Cơn gió lạnh đang thổi và những ngón tay của chúng tôi run lên.

Đầu tiên chúng tôi bắt đầu với phần điều khiển năng lượng gas nhỏ, và sau đó là nối dây lên đĩa cùng vệ tinh xa Ấn Độ Dương để truyền tín hiệu. Một bàn phím nhỏ thử tiến độ của chúng tôi. Sau đó tới modem, chúng tôi nối với trạm mặt đất ở Nauy cho thông với phòng quốc tế CNN ở Atlanta. Bây giờ là đầu buổi tối. Khoảng một phút trôi qua trước khi tôi nghe thấy chuông điện thoại kêu và Eason Jordan ở trên đường dây. Tôi đấm vào lưng Mohammed. Chúng tôi đã làm được.

Còi báo động tấn công không quân bắt đầu rú lên cùng lúc chúng tôi kết nối đường dây. Phát thanh viên Jonathan Mann ở trên đường dây. Sau phần bài tin của tôi, anh ta hỏi tôi xem chính quyền Iraq có cố gắng phục hồi khủng hoảng và xáo trộn mà "người dân ở Iraq đang mất lòng tin vào Saddam Hussein, rằng viên thuốc thôi miên ông ta dành cho họ giờ đang bị xé tung bởi những trận bom hạ cánh xuống Iraq?".

Tôi liếc nhìn Sadoun. Anh ta đang mỉm cười thân ái với tôi và không thể nghe thấy phần thông tin tới. Tôi nói với Jonathan rằng, người Iraq đã có 8 năm chuẩn bị cho việc đánh bom trong suốt cuộc chiến với Iran và dường như có sự tự tin yên lặng hơn là khủng hoảng ở Baghdad nhưng bức tranh đó có thể khác ở đâu đó.

Sadoun đưa phóng viên người Tây Ban Nha, Alfonso Rojo tới điện thoại và hỏi anh ta có thể gọi điện về văn phòng của mình ở Madrid không. Tôi nhắc Sadoun về những giới hạn của tôi và yêu cầu chuyển đoạn tin qua văn phòng Atlanta. Rojo đồng ý.

Các phóng viên khác tới. Họ vui mừng, cuốn ghi chú nắm chặt trong tay họ. Một phụ nữ người Jordan, Leila Dhib, bắt đầu lên danh sách các tổ chức cô ta làm việc, gồm một hãng thông tấn lớn trên hầu hết châu lục. Sau đó là những người Nga muốn sử dụng điện thoại.

Tôi nói chuyện với Ed Turner trên đường dây và giải thích tình hình. Ông ta đáp lại rõ ràng: "Không ai được sử dụng điện thoại đó trừ CNN và anh chịu trách nhiệm về điều này". Tôi có ấn tượng rằng ông ta quan tâm tới việc làm tin sốt dẻo cho cả thế giới hơn là lo lắng cho tôi nhưng dù sao thì lời chỉ dẫn cũng đã rõ ràng.

Khi cuộc gọi kết thúc, tôi tháo phần modem đút vào túi, đề phòng trường hợp Sadoun với kiến thức về công nghệ mới hấp dẫn muốn tự mình sử dụng điện thoại đó.

Sadoun năn nỉ vì sự an toàn, tôi nên ngủ qua đêm trong boongke nhưng tôi nghĩ anh ta muốn để mắt tới tôi. Gia đình của Jalil cho tôi một chỗ gần họ trên sàn nhà cứng. Tôi mang chăn từ phòng dự trữ của CNN cho cả gia đình. Nơi trú ẩn đông đúc nhưng chỉ những đứa trẻ nhỏ nhất mới có thể ngủ được, mùi nhà vệ sinh càng tệ hơn và sự căng thẳng làm cho hầu hết mọi người tỉnh giấc.

Những người trong boongke trở thành những gương mặt quen thuộc. Cạnh tôi là gia đình Tawtieq, một người mẹ và hai đứa con gái chuyền nhau phích trà nóng của Iraq và mời tôi những chiếc bánh bích quy ngọt và sanwich thịt nướng. Người mẹ bật khóc khi còi báo động rú lên, vùi đầu vào chăn khi toà nhà rung chuyển. Con gái lớn của bà ta, Laheeb, một giáo viên công nghệ nha khoa tại Học viện Y học Baghdad hết sức an ủi bà.

Sadoun và những người bạn giám sát nằm ườn ra trong nhóm gần đó. Tất cả đều nói trôi chảy tiếng Anh và trong những tháng khủng hoảng đã trở nên gần gũi với rất nhiều phóng viên tới thăm. Họ cười rất nhiều về những điểm yếu của các đồng nghiệp của tôi. Tôi tiếp tục tác nghiệp của Robert, mang những chai Scoth và cognac xuống và chuyển vòng quanh tới tận khi họ gục. Tôi uống xã giao và điều đó giúp tôi có thể ngủ.

Khi họ vượt qua nỗi sợ hãi ban đầu, Sadoun và những người trông coi có niềm vui khi trêu chọc tôi về việc đánh bom. Vì tôi chia sẻ sự nguy hiểm với họ, họ dường như miễn trách nhiệm cho tôi. Sadoun tin Mỹ đã bắt đầu ném bom vội vàng và có thể được thuyết phục dừng lại khi hiểu ra vị trí của Iraq. Anh ta cho rằng đòi hỏi thuộc về lịch sử của Iraq đối với Kuwait là hợp lí, nhưng những chi tiết đó có thể thương lượng "giữa những người bạn. "Anh ta không phải là người đàn ông khôn khéo. Anh ta nói rõ với tôi lí do duy nhất mà CNN được mời ở lại vì những bài tin của chúng tôi có giá trị với nguyên nhân của Iraq. Tôi động viên anh ta vì tôi tin nhu cầu của anh ta và của tôi giống nhau.

Sadoun cũng nói tới nguyên nhân của người Palestine mà Saddam Hussein từng công bố. Tôi phô trương thanh thế không xấu hổ về sự thân mật của mình với giới chức Palestine những người tôi đã biết trong suốt năm tôi ở Israel - chỉ trước khi tôi được cử tới Baghdad.

Dân số boong ke gồm một tá người châu Âu từ đoàn hòa bình quốc tế, những người tới làm rõ nguyên nhân của người Iraq. Một số lượng lớn hơn trong số họ ở tại một trại ban sơ tại biên giới giữa Iraq và Saudi, nơi họ hy vọng hình thành lá chắn con người. Tôi thấy trò chuyện với các nhà hoạt động xã hội căng thẳng hơn là với người Iraq bởi họ phản đối cuộc chiến đinh tai và không chịu đựng cuộc tranh luận nào. Sadoun nói với tôi chính phủ anh ta trả toàn bộ chi phí cho họ và sẽ đưa họ về nhà sớm vì nhiệm vụ của họ đã thất bại.

NGÀY THỨ SÁU

Một phóng viên trẻ tự do người Anh được đưa tới khách sạn đêm hôm đó, và Sadoun giới thiệu tôi với cậu ta ở bữa sáng. Tên cậu ta là Bruce Cheesman. Cậu ta trông gầy và hoảng sợ. Tôi đã hỏi Sadoun về cậu ta đêm hôm trước sau khi một nhà sản xuất CNN nói với tôi cậu ta đã được thông báo mất tích. Sadoun nói anh ta tìm thấy cậu ta trong tù; cậu ta bị bắt đêm hôm chiến tranh bắt đầu khi đi lang thang quanh Baghdad tìm điện thoại. Cậu ta bị nhầm là một phi công Mỹ bị bắn hạ. Sadoun miêu tả cậu ta như nạn nhân của "một sự hiểu lầm". Tôi gian lận quy định một chút và để Cheesman gọi điện cho bố mẹ của mình. Cậu ta nói với tôi tống giam cậu ta là tội ác. Cậu ta nhẵn túi và mất hộ chiếu. Tôi đưa cho Cheesman chìa khóa vào phòng dự trữ của CNN và nói cậu ta ăn ở đó.

Naji, Giám đốc Thông tin tổng hợp tới khách sạn cùng một tin choáng váng. Chính phủ ông ta đã quyết định cho phép CNN mang vào đĩa vệ tinh truyền hình di động, cho phép chúng tôi lưu giữ hình ảnh và những tin, bài trực tiếp từ chiến trường. Thiết bị nặng đó vẫn đang ở Amman và sẽ được chở qua sa mạc nguy hiểm bị đánh bom. Tôi lo lắng CNN sẽ không tìm được ai mạo hiểm cho chuyến đi vất vả đó. Nhưng họ đã tìm được.

Sự ẩn dật của tôi để chứng kiến nhiều hơn về chiến tranh đã được đền đáp. Ala'a lái xe đưa tôi đi qua phía Tây Baghdad. Anh ta bắt đầu giảng dạy tôi về việc ném bom của đồng minh, nhưng quận Mansur giàu có mà chúng tôi đang lái xe qua không có dấu hiệu gì tàn phá. Các cửa hàng và công việc kinh doanh đều đóng cửa nhưng chúng tôi đi qua rất nhiều quầy rau và hoa quả tấp nập. Xe ô tô xếp hàng ở những trạm xăng mở cửa. Xe tải chở nước đầy các can. Xe cộ trở lại thành phố chất đầy hành lí. Cú sốc đầu tiên của cuộc chiến dường như đang lắng xuống.

Vùng ngoại ô nghèo hơn cũng không bị ảnh hưởng nhưng khi qua cầu bắc qua đường trong khu liên hiệp nông công nghiệp ở Abu Garib, tôi nhìn thấy từ xa những gì còn lại của một tòa nhà lớn. Chúng tôi lái xe dọc con đường cao tốc chính Jordan tới đó, đi vào con đường bụi qua bức hình lớn Saddam Hussein dỗ một đứa trẻ đau buồn bị mờ.

Biển chỉ dẫn nhỏ ở cổng vào có một dòng chữ qua loa "Nhà máy sản xuất sữa trẻ em," bằng tiếng Anh và tiếng Ảrập. Công trình khó được coi là một tòa nhà. Những bức tường bằng phiến nhôm và mái bị rơi xuống mặt đất, phản ánh nắng mặt trời ban ngày khắc nghiệt vào mặt chúng tôi. Dầm mái nhà bằng thép cong và đen lại. Máy móc ở dưới là đống lộn xộn kim loại nấu chảy.

Ala'a dang tay ra trong cử chỉ xác nhận. Đây là bằng chứng của ruột trận đánh bom bừa bãi, chỉ là nhà máy sản xuất sữa trẻ em trong vùng nông thôn, anh ta nói với tôi. Mục đích của nó là vì sức khỏe trẻ em Iraq. "Tổng thống Bush của anh đã nói ông ta sẽ không đánh bom các mục tiêu dân sự, vậy hãy nhìn đi".

Ala'a giới thtệu vài nhân viên là phóng viên quay phim Tin truyền hình Thế giới, Mohammed, và nhà sản xuất của anh ta, Michel Haij di chuyển tự do quanh đống đổ nát. Các nhân viên đó nói rằng nhà máy sản xuất hai mươi tấn thức ăn cho trẻ con mỗi ngày, và bị tàn phá trong trận tấn công thứ hai và chủ nhật trước. Họ nói không ai bị thương vì 300 công nhân đã làm xong ca tối của họ. Họ chỉ về phía đổ nát cho tôi xem những máy làm thìa nhựa cùng hàng nghìn các ống hút trên sàn nhà. Có những chiếc xe bằng sắt chở đầy bột sữa dọc một bức tường. Tôi nhìn thấy các túi bị đốt thành tro.

Có một số tài liệu nằm ở đó. Tôi bí mật nhặt lên bỏ vào túi của mình. Một là kế hoạch bằng biểu đồ đầy đủ của công trình được gọi "Nhà máy sữa trẻ em Iraq" do những nhà xây dựng vẽ ra, Công nghệ Sodeteg của Pháp. Sản phẩm sữa được trình bày trong các tài liệu khác như năng lượng đường và chiết xuất mạch nha. Hàng rào dây thép gai xung quanh khu vực. Một tháp canh bằng gỗ vắng vẻ nằm ở góc. Nó giống như một nhà máy sản xuất vô tội. Tôi vác đầy tay các gói bột để phát cho những đứa trẻ ở khách sạn bởi chúng kêu ca không có sữa.

Lúc 8 giờ 30 tối ngày 23-1, tôi phát bản tin đầu tiên về sự tàn phá của nhà máy. Tôi đưa ra chi tiết những gì nhìn thấy và trích lời các nhân viên khi nói rằng đó là nguồn cung cấp thức ăn cho trẻ em duy nhất ở Iraq. Tôi không thấy bằng chứng nào cho thấy nhà máy đã được sử dụng vì bất kì mục đích nào khác. Phát thanh viên Patrick Emory không hỏi tôi câu nào về câu chuyện đó. Anh ta quan tâm hơn tới những cuộc tấn công tên lửa Scud của Iraq vào Tel Aviv.

NGÀY THỨ BẢY

Tôi lạnh giá thức dậy sau khi nghỉ đêm đầu tiên trong phòng khách sạn của chính mình từ lúc cuộc chiến bắt đầu. Sadoun để tôi ở tầng trên vì việc ném bom dường như xa khu vực khách sạn. Tôi thích thú với chiếc đệm mềm, nhún nhảy của chiếc giường đơn nhưng tôi để chăn rơi xuống đất và bên ngoài những cửa sổ mở là tiếng rú vang của trận ném bom ở xa và gió mùa đông lạnh.

Tôi đốt nến trong phòng tắm đổ nước khoáng đóng chai vào bồn và cạo râu trong ánh sáng lập lòe. Tôi cố gắng giữ sạch sẽ hàng ngày dù có bất cứ chuyện gì xảy ra. Điều đó đòi hỏi phải bước vào bồn tắm trống không và chà xà phòng, đổ những bình nước lạnh hơn lên mình. Là người duy nhất trong cả tầng khách sạn, tôi cảm thấy tự do hít thở.

Tôi tìm kiếm tất cả các phòng, mở lấy khăn sạch nhưng ai đó đã làm điều đó trước tôi. Vẫn không có dịch vụ dọn phòng. Ga trải giường của tôi bẩn thỉu. Tôi đang hết cả quần áo sạch. Tôi giặt tất và quần áo lót bằng nước suối và cũng dội toilet bằng nguồn dự trữ đang hết dần. Yêu cầu kinh khủng nhất từ một người khách ghé thăm phòng là, "Anh có thể làm ơn cho tôi dùng nhà vệ sinh một lát được không?”

Tôi hết áo sơ mi và bổ sung bằng một số trang phục rẻ tiền từ nguồn kinh phí eo hẹp từ cửa hàng một đô la của chính phủ. Chúng tôi cũng phải đấu tranh với việc ăn cắp đèn pin thường xuyên. Khi nhìn ra ngoài cửa sổ, tôi thấy các vị khách đang tập trung uống nước ở bồn trang trí trong vườn khách sạn và giặt quần áo của họ trong bể bơi. Sáng kiến hay.

Tôi đi vào phòng ăn sáng được chuyển sang bên cạnh cho an toàn. Một số phục vụ người Pakistan trong những áo khoác màu trắng đứng lo lắng. Không có thực đơn. Thức ăn được xếp trên bàn gồm: trứng luộc, vài lát bánh mì ôi, vài quả cam héo và hộp Jelly ổi. Những người phục vụ rót cà phê nhạt từ chiếc bình bằng thép. Tôi có kho lớn dự trữ thức ăn thô tùy ý sử dụng và bổ sung khẩu phần bữa sáng đạm bạc với pho mát, bánh qui.

Tôi ngồi chung bàn với Said, một doanh nhân người Palestin từ Jordan đã ở lại để chăm sóc nhà máy phân bón của ông ta ở ngoại ô Baghdad. Said biết thành phố rất rõ và có mối liên hệ tại công ty nước Zulal. Ông ta bán cho tôi 40 bình nước uống. Ông ta tới cùng nhiều thùng pho mát dê Pháp ướp bằng dầu ô liu tăng thêm vị cho các bữa ăn của chúng tôi. Người lái xe mới của tôi, Sabah, mua cho tôi những ổ bánh mì phải nhai kỹ, không có men mà vợ anh ta làm nóng lại mỗi buổi sáng. Bữa trưa và bữa tối đạm bạc như bữa sáng. Khẩu phần chính là loại thịt hầm không nhận biết được, tráng miệng là bánh lăng bị ôi.

Cuộc chiến đã được một tuần. Một nhà sản xuất của CNN nói với tôi trên điện thoại, Lầu Năm góc thừa nhận không có kết thúc nhanh chóng và rằng chiến dịch đánh bom sẽ tiếp tục. Tôi đi thăm dò Baghdad cùng Ala'a, người làm phiên dịch cho tôi những thông cáo quân đội của chính phủ ca thán các đợt tấn công nhiều hơn vào khu công nghiệp và than khóc về việc mất nhà máy sản xuất sữa cho trẻ em.

Mọi người đi quanh khu chợ chính gần miếu thờ Khazmir, mua hoa quả, rau và những lát thịt tươi. Người dân đã thích nghi với khủng hoảng và không còn sợ là mục tiêu bị ném bom nữa. Khi tiếng còi cảnh báo của lực lượng phòng không không quân rú lên, họ hầu như không còn bị kích động. Vụ nổ từ bên kia sông làm chấn động cả chợ nhưng mọi người dường như không ngạc nhiên hơn một chiếc xe bị nổ.

Sadoun cầm bản tin tường thuật về chuyến đi và bắt đầu kiểm duyệt. Tâm trạng anh ta xen kẽ giữa cái búng đồng ý và sự khắt khe. Anh ta đang đọc phần viết về chuyến thăm trung tâm thành phố. Tôi đã viết rằng hệ thống nước "đang bắt đầu hoạt động trở lại". Anh ta quay sang tôi, giơ bút lên "Anh mong đợi tôi bỏ qua cái đó không?", tôi bảo vệ rằng nó vô hại.

"Đó không phải là vấn đề an toàn, đó là ngữ pháp," anh ta trách mắng tôi, “anh đặt phó từ giữa “to" và động từ nguyên thể". Anh ta sửa nó bằng một nét vẩy. Tôi nhớ Sadoun tự hào là người tốt nghiệp văn học Anh của Trường Đại học Scotland.

Mặc dù Sadoun khó khăn với thông tin quân sự, kiểm duyệt phần tham khảo với việc phòng thủ không quân của Baghdad và những dự đoán chúng tôi có về sự tàn phá bom với thành phố, tôi cảm thấy có lí do để đấu tranh với công việc của mình. Tôi đã nắm rõ điện thoại vệ tinh và làm tin thường xuyên về CNN. Và tôi vượt qua giới hạn kiểm duyệt với những lời đáp không chính thức với các câu hỏi từ Atlanta.

NGÀY THỨ TÁM

Trong bản tin BBC lúc bình minh, người phát ngôn của Nhà Trắng, Marlin Fitzwater gọi tôi là kẻ nói dối. Tổng thống đã xem phóng sự của tôi về nhà máy sản xuất sữa trẻ em và Fitzwater nói rằng họ không hài lòng. Ông ta nói đó là "nơi sản xuất vũ khí sinh học".

Fitzwater tuyên bố sản xuất sữa trẻ em là sự trơ tráo; ông ta miêu tả CNN như "ống dẫn thông tin đánh lạc hướng đối phương của Iraq".
Những bài tin đầu tiên của CNN về các cuộc tấn công Baghdad đáp ứng sự đồng ý của chính quyền Mỹ bởi vì sự quan sát của chúng tôi về độ chính xác đánh bom đã giúp ích cho chính sách của Mỹ. Bây giờ tôi lại đang nhìn thấy mặt tiêu cực, và rõ ràng Nhà Trắng đang thay đổi giọng.

Tôi gặp Sadoun tại bữa điểm tâm sáng và anh ta che tay vui vẻ. "Anh đã làm cho người Mỹ tức giận hả?” anh ta cười. Tôi nói với anh ta CNN sẽ buộc tôi đưa ra bằng chứng xác thực nhà máy đó là đúng với những gì tôi nói. Anh ta đảm bảo: Mọi người ở Baghdad đều biết đó là nhà máy sữa trẻ em. Người Pháp đã xây dựng và điều hành nó trong nhiều năm.

Dùng bữa sáng với tôi, Said nói chen vào: - Peter, tôi đã ở đó vài lần. Nó sản xuất bột sữa.

Đêm hôm trước tôi đã cho anh ta một gói sữa tìm thấy ở nhà máy. Anh ta xé góc, đổ nó vào cốc cà phê và nhâm nhi.

Tôi nói với Sadoun những hình ảnh chúng ta gửi đi vẫn không đủ. Tôi cần tài liệu thuyết phục về lịch sử của nhà máy.

Tôi cũng đã nhân cơ hội này yêu cầu Sadoun cho tôi thoải mái hơn khi làm tin. Tôi cần tự do trên điện thoại để đáp lại những câu hỏi từ các phát thanh viên CNN, không giới hạn thời gian để nói về câu chuyện. Tôi nói phải chứng kiến nhiều hơn những gì đang diễn ra trong thành phố và vùng ngoại ô bởi vì chiến dịch đánh bom đang tiếp diễn hơn một tuần và tôi phải chủ yếu phát thanh từ Iraq.

Sadoun ôm lấy vai tôi. Anh ta cười thân thiện. Tôi nhớ một người Ảrập nói rằng kẻ thù của kẻ thù của mình là bạn của mình. Anh ta ghét Nhà Trắng, Nhà Trắng ghét tôi và do vậy tôi được chấp nhận. Anh ta nói: "Peter, người Mỹ cho rằng họ là các chuyên gia ném bom chính xác phải không? Họ cho rằng họ chỉ phá hủy các mục tiêu quân sự. Ồ hôm nay tôi sẽ đưa anh đi vòng quanh Baghdad và chỉ cho anh thấy".

Tôi lái xe cùng Ala'a và các nhà báo khác tới quận Iwadhi ở phía tây bắc, nơi có khu phố kinh doanh sầm uất nằm trong đống đổ nát. Có một hố bom sâu 15 thước bên vỉa hè. Những cửa kính bị đập trong một giáo đường gần đó nhưng những người dân địa phương nói không có ai bị thương.

Chúng tôi tới thăm quận Suma ở phía bắc nơi được nói là bị tấn công hai lần. Cách Khách sạn al-Rashid nửa dặm, chúng tôi lái xe tới con đường nhỏ nơi có ba ngôi nhà riêng bị phá hủy, một số người dân được cho là bị thương. Trong vòng hai giờ, chúng tôi nhìn thấy ba ví dụ về những sự tàn phá mà người dân hứng chịu. Chúng tôi lái xe qua vài tòa nhà truyền thông và các bộ bị tàn phá trước đó trong cuộc chiến và làm tin về sự tàn phá đó. Đối với tôi những trận tấn công không quân chính xác hơn những gì Sadoun muốn tôi tin.

Khi tôi trở về vào buổi trưa làm bài tin đầu tiên trong ngày, phát thanh viên Rick Moore đề cập tới lời phàn nàn liên tục của Nhà Trắng về câu chuyện nhà máy sữa trẻ em và hỏi "Có phải anh bị nhầm lẫn không?". Tôi xác nhận mình chỉ làm tin những gì tôi nhìn thấy. Chúng tôi được phép đi bộ quanh khu vực bị tàn phá và kiểm tra kĩ lưỡng. Tôi nói sẽ lo lắng nếu có chất sinh học và hóa học được sản xuất ở đó bởi vì như vậy tôi đã bị nhiễm độc. Tôi nhắc anh ta chúng tôi được phép quay hình thêm về sự tàn phá đó, thiết bị đang trên đường đến từ Amman, Jordan và có thể được các chuyên gia kiểm duyệt đồng ý.

Khi anh ta hỏi thông tin về nhà máy sữa trẻ em đáng tin cậy như thế nào, tôi nói chúng tôi hỏi mọi người đã gặp nhưng không thể đảm bảo tính xác thực về câu trả lời của họ. Tôi nói với anh ta: "Tôi đã học được ở Việt Nam chỉ tin vào những gì nhìn thấy. Tôi có sự hoài nghi bẩm sinh vì tôi là một nhà báo. Tôi chỉ có thể xác nhận những gì mắt tôi có thể nhìn". Rick nhấn mạnh có phải tôi bị ép phải nói những gì không có và đang bị chỉ dẫn làm tin theo hướng của Iraq không? Tôi nói rằng đó không phải là vấn đề. Người Iraq hầu hết đều quan tâm tôi không đưa ra thông tin có lợi cho phía đồng minh.

Rick kết thúc khi nói: "Chúng tôi yêu cầu khán giả nhớ rằng bản tin của Peter từ Baghdad dựa vào những công bố chính thức của Chính phủ Iraq và bất kì quan sát cá nhân nào anh ta có thể đưa ra. Tất nhiên mọi hoạt động của anh ta đều được giới hạn bởi Chính phủ Iraq và anh ta không được tiếp cận độc lập với những nguồn tin bên ngoài".

Kết thúc buổi đó, tôi cảm thấy thậm chí tổ chức thông tin của chính mình cũng nghi ngờ khả năng đánh giá thực tế của mình. Tôi lo lắng sức ép chính trị từ phía Chính phủ Mỹ có thể quyết định những gì tôi đang làm. Tôi đã kinh nghiệm với những chuyện tương tự ở Việt Nam và Trung Mỹ.

Sadoun lắng nghe tôi và dường như bối rối. Anh ta nói, "Họ muốn bằng chứng hả? Ngày mai tôi sẽ đưa anh đi. Chúng ta sẽ đi tới nơi nào đó để cho anh thấy sự tàn phá bừa bãi. Anh sẽ có bằng chứng của mình".

NGÀY THỨ CHÍN

Chúng tôi chở đầy đồ cho chuyến đi dài về phía bắc, "ra khỏi Samara", như Sadoun giải thích. Samara là vị trí khảo cổ học quan trọng, một trung tâm văn hóa của người Mesopotan cổ. Nó cũng nổi tiếng là trung tâm lớn công nghệ hóa học Iraq.

Như thường lệ Ala'a đi cùng. Chúng tôi trở thành bạn sau khi tôi hành động như người trung gian giúp đỡ anh ta và cô tiếp tân xinh đẹp ở Khách sạn al-Rashid thuyết phục gia đình giàu có của cô ta đồng ý mối quan hệ của họ. Ala'a đang cố gắng nâng cao vốn tiếng Anh của mình và sử dụng nhanh bất kì một cụm từ không quen thuộc nào. Ngày hôm trước tôi đã bổ sung từ “đá vào mông" vào vốn từ của anh ta.

Con đường phía bắc đưa chúng tôi ra khỏi vùng ngoại ô ngổn ngang của Baghdad dọc theo con sông Tigris về phía Mosul. Đó là một ngày ẩm ướt, âm u và không lí tưởng cho tấn công không quân. Trong giờ đầu tiên, chúng tôi đi qua nhiều cộng đồng dân cư bên đường nhỏ, không nơi nào có dấu hiệu đánh bom tàn phá. Những người dân buôn bán tại các quầy bánh mì, hoa quả và chân dung Saddam Hussein trong quân phục, bộ quần áo Ảrập và bộ đồ phương Tây xuất hiện ở các quảng trường và trên đường.

Vùng nông thôn bằng phẳng với những nông trang và rừng cây rợp bóng. Tại một đoạn đường giao nhau, tôi nhìn thấy một xe tải hộ tống tên lửa Scud và máy phóng tốc độ tăng tốc hướng tây về khu vực gần Israel. Ala'a chạm ngón tay trên miệng trong lời cảnh báo im lặng. Xe tăng và xe tải quân đội rú vang đi qua chúng tôi tiến về Baghdad và tôi đoán hệ thống phòng thủ thủ đô đang được tăng cường thêm các đơn vị từ phía bắc. Điều đó cũng có nghĩa đây là thông tin quân đội mà tôi không được phép tiết lộ.

Sau hai giờ, mặt đất đầy cát mặc dù tôi có thể nhìn thấy những ngọn đồi trùng trùng phía xa. Khi chúng tôi đi qua Samara có vết tích đào bới khảo cổ, dặm dài những ụ đất khai quật và những bức tường cổ và hào đổ nát. Phía sau là lớp khói đen cuồn cuộn ở chân trời phía đông.

Chúng tôi nhanh chóng ở vùng đất đầy bụi rậm và đá bán sa mạc. Các tòa nhà hỗn hợp nằm dọc đường đi tới phía tây đang cháy âm ỉ. Ala'a miêu tả nó như một "cơ sở đào tạo kĩ thuật". Từ xa vài dặm, tôi nhìn thấy một cộng đồng dân cư bên sườn đồi dốc cằn cỗi. Đó là thị trấn Al Dour, Ala'a nói, là nơi sinh sống của lực lượng lao động của viện kĩ thuật. Chúng tôi tiến vào trung tâm thị trấn. Các ngôi nhà xây bằng gạch bê tông màu xám và trông khá mới.

Chúng tôi lái xe về hướng tây nam và rẽ vào một góc phố, một số tòa nhà thành phố bị san bằng trong trận động đất và chúng tôi không thể đi qua các con đường. Tôi đi bộ qua những ngôi nhà mái đổ nát, tường bị sập và rễ cây bật gốc. Tôi đếm tổng số 23 nhà bị tàn phá trước khi dừng lại. Có một hố bom trước một toà nhà. Đằng trước một giáo đường bị oanh tạc nặng nề là một hố sâu gần 30m và dài khoảng 50m. Tại một đường giao nhau có bốn hố bom khá gần nhau như thể xếp thành một nhóm. Chúng sâu tới mức trông giống như vụ khai quật móng một tòa nhà cao chọc trời .

Ata'a đi xung quanh nhóm người dân địa phương nói với tôi có 24 người dân bị giết trong vụ đánh bom. Những gia đình có người thân bị giết nhìn tôi đầy hận thù. Nếu tôi tới Al Dour một mình thì có lẽ đã bị tấn công thô bạo. Các quan chức địa phương nói rằng vụ đánh bom xảy ra vào sáng sớm ngày 21-1, ngày thứ năm của cuộc chiến. Không có nơi tránh bom trong thị trấn bởi họ tin khu vực dân cư không có gì phải sợ. Chúng tôi được đưa tới một nghĩa trang địa phương có 24 ngôi mộ mới chôn.

Các quan chức khẳng định không có mục tiêu quân sự ở Al Dour và một người nói với tôi: "Hãy nhìn về chân trời. Anh sẽ chẳng nhìn thấy gì". Tôi đã nhìn thấy khói bốc lên từ "cơ sở đào tạo kĩ thuật" vài dặm phía nam. Dường như theo tôi có thể Al Dour bị đánh bom tình cờ bởi máy bay của đồng minh tấn công căn cứ quân sự.

Trong đống đổ nát của một ngôi nhà tôi tìm thấy bản copy bìa mềm bị rách cuốn tiểu thuyết Hội chợ phù hoa của Thackeray. Trang đầu viết tên Raeda Abdul Aziz, người chết trong vụ tấn công, những người hàng xóm nói rằng, cậu bé đó 19 tuổi đang học Văn học Anh tại Đại học Baghdad. Cậu ta có rất nhiều ghi chú ở lề và trong một tờ giấy riêng cậu ta viết: "Rebecca Sharp không phải là người tốt bụng và độ lượng. Cô ta nói rằng cả thế giới đối xử với cô ta tồi tệ. Nhưng thế giới đối xử với con người như họ xứng đáng được hướng. Thế giới là một tấm gương. Nếu bạn nhìn nó tức giận thì nó sẽ nhìn lại bạn tức giận. Nếu bạn cười với nó... nó sẽ là người bạn tốt bụng và nhân hậu".

Tôi cầm cuốn tiểu thuyết méo mó đì như một vật kỉ niệm nhưng không có ý định đề cập nó trong bản tin truyền hình của mình. Tôi biết sẽ phải đấu tranh với trái tim mình rất nhiều khi làm tin về cuộc đánh bom gây tranh cãi về người dân Iraq trong không khí không ủng hộ hiện tại.

Sadoun không thay đổi gì trong câu chuyện của tôi, thậm chí tôi đã viết xe tải đi lại nhiều trên đường. Holliman truyền hình bản tin buổi tối và tôi miêu tả đầy đủ mức độ tàn phá và phần tin về những người sống sót. Trong phần bình luận đầu tiên, anh ta nói với tôi nhiều người Mỹ nghĩ tôi đang bị lừa bịp.

Người xem sẽ phải quen khi nghe những bản tin giống như vậy về Al Dour, tôi đáp lại. Bạn không thể trút xuống hàng nghìn tấn bom trên một đất nước với 17 triệu dân mà không mong đợi tổn thương dân thường. Tôi nói vào năm 1966 Harrison Salisbury của tờ Thời báo New York được đưa tới những nơi ở miền Bắc Việt Nam, nơi các cộng đồng dân cư bị đánh bom và người dân bị thương trong những đợt tấn công không quân của Mỹ. Anh ta bị bình luận rất nhiều khi làm tin về mức độ tàn phá.

Tôi nói bây giờ tôi hy vọng tất cả chúng ta đều hiểu quy luật của chiến tranh, nhưng Holliman xen vào, "Không có cách nào, điều này chỉ là sự kiện dàn trước cho bạn chứng kiến phải không? Ý tôi là nó không thực sự xảy ra phải không, Peter?".

Tôi muốn đấm vào mũi anh ta nhưng không thể, ít nhất tôi muốn hét lên lời báng bổ nhưng quy định truyền hình đã kìm tôi, tôi nói chậm rãi, "Không thể nào là một sự kiện dàn xếp, John. Tôi đã nhìn thấy sự tàn phá của bom qua 17 cuộc chiến diễn ra trong vòng 30 năm qua. Nó đáp ứng đầy đủ cấp độ và sự hiện diện của một trận đánh bom. Những người dân xác nhận điều đó. Đây không phải là sự dàn xếp".

Holliman hỏi tôi có ý kiến mới nào về việc làm tin chiến tranh từ phía kẻ thù không. Tôi đáp lại tôi hy vọng người Mỹ đủ tinh tế để biết những người dân vô tội đang bị tổn thương trong cuộc chiến và Nhà Trắng có thể thanh minh điều đó trong bức tranh rộng hơn về cuộc chiến. "Tôi nghĩ chút nhỏ nhặt chúng tôi đóng góp ở đây có giá trị".

Anh ta hỏi tôi đánh giá những nỗ lực chiến tranh lớn hơn nhưng tôi không thể đưa ra. Tôi nói tôi không biết chiến tranh sẽ đi xa ra sao ngoài điểm quan sát bị giới hạn của mình. Tôi không thể xác nhận Lầu Năm góc tuyên bố rằng đồng minh có sức mạnh không quân đánh bại lực lượng Iraq. Từ những tờ báo địa phương, tôi trích lời Saddam Hussein nói rằng sự tàn phá mà đất nước phải gánh chịu sẽ chứng minh cho một chiến thắng toàn vẹn. Tôi nghĩ điều này có nghĩa những mất mát của ông ta là to lớn.

Khi Holliman hỏi liên tiếp các câu hỏi, mưa dột qua chiếc ô của Sadoun làm ướt áo anh ta và tôi đang khàn giọng. Tôi cũng đói. Tôi nói với John liên lạc sắp cắt, tiếng ồn quá tải và tắt tín hiệu. Một điều thuận lợi khi một mình một câu chuyện là không ai ở xung quanh để cãi lại những quyết định như vậy.

NGÀY THỨ MƯỜI

Atlanta nói với tôi, Bob Simon của CBS và đội của anh ta mất tích tại vùng chiến ở Kuwait. Họ được cho là bị quân đội Iraq bắt giữ. Tôi chạm trán Bob ở Jerusalem một tháng trước, anh ta nói với tôi báo chí bị hạn chế rất ngặt nghèo ở chiến trường Ảrập, anh ta phải láu hơn họ để có được tin. Tôi đề cập trường hợp của anh ta với Naji và nhờ xác nhận.

Tôi cũng thúc ép Naji cứu xe tải CNN cùng hệ thống truyền hình vệ tinh di động bị tắc ở biên giới Jordan trong tuyết dày. Đội truyền hình CNN tập hợp gọi về Atlanta nói rằng họ lạnh và hoảng sợ. Naji gửi hai phái viên có quyền hạn mang họ trở vào nhưng họ không tìm thấy đội. Tôi giục các nhân viên thứ lại lần nữa.

Tom Johnson nói với tôi xe tải có chữ CNN sơn màu đỏ tươi trên nóc và đảm báo các nhân viên sẽ an toàn. Họ trông hoài nghi nhưng vẫn đi, tôi chất đầy thức ăn cho họ từ phòng dự trữ và cho họ vài trăm đô la tiền đi lại.

Hôm nay Naji không cạo râu và mệt mỏi. Ông ta nói tôi trông như đang thưởng thức cuộc chiến. Ông ta đúng. Tôi làm tin hàng ngày và câu chuyện thú vị rất nhiều với chính tôi. Hãng WTN gửi băng qua người đưa thư mỗi sáng cho CNN sử dụng, hình ảnh kết hợp với phần tin điện thoại của tôi. Tôi nói với Naji, CNN muốn tôi phóng vấn các quan chức cao cấp của chính phủ, ngoài các cơ quan tuyên truyền. “Thế cậu muốn ai, Saddam Hussein hả?". Ông ta bật cười. Tôi hỏi ông ta tại sao không 

"Thật may là có tôi đấy", Naji nói, "Vị lãnh đạo đó còn nhiều việc quan trọng hơn để làm". 

Ông đề nghị tôi chuyến đi về phía nam tới An Najaf, một thành phố Hồi giáo linh thiêng, trung tâm Hồi giáo quan trọng thứ ba sau Mecca và Medina. Ông ta cho rằng An Najaf đã bị "đánh bom dã man".

Vào ngày thứ tư trong chuyến đi, chúng tôi được đưa tới những vùng có dân cư bị tàn phá trong chiến tranh. Tôi không phàn nàn vì mỗi nơi là một câu chuyện thảm họa. Đó vốn là những gì tạo nên chiến tranh. Tôi yêu cầu tới thăm những vị trí quân sự bị tàn phá nhưng lời đề nghị của tôi đã bị từ chối vì vấn đề an ninh.

Tôi không bận tâm những bài tin của tôi viết về một phía chiến tuyến của câu chuyện. Mỗi ngày chỉ huy tối cao liên minh ở Ảrập tuyên bố danh sách các mục tiêu quân sự Iraq đã bị tiêu diệt, thậm chí đưa ra băng hình ngư lôi những vụ tấn công thành công cho truyền thông. Nhưng họ không đề cập tới những tổn thất của dân thường. Tôi biết các quan chức Iraq tin mối quan tâm của họ được đáp ứng bằng cách nhấn mạnh vào nạn nhân vô tội của chiến tranh. Tôi cảm thấy phần tin của mình đáp ứng hơn cả mục tiêu tuyên truyền của họ.

Khi những chỉ trích của CNN và của Arnett ngày càng tăng thì những người giám sát càng trở nên dễ bao hơn, họ nới lỏng sự kìm kẹp hơn một chút. Tôi biết mình đang trượt trên băng mỏng.

Trong chuyến đi 300 dặm tới An Najaf, tôi nhận thấy nhiều xe tăng và những người đi mua sắm vào thứ bảy tấp nập trong các khu chợ, những nông dân đang làm việc trên các cánh đồng lúa mì và các trang trại chà là. Dù đánh bom thì trung tâm An Najaf vẫn sống động.

Ngồi ghế phía sau trên đường trở về, tôi viết bài trên giấy khổ rộng, kẹp đèn pin dưới cằm. Màn đêm buông xuống vừa khi chúng tôi tới ngoại ô phía nam Baghdad, một trận tấn công không quân lớn bắt đầu ở khu công nghiệp về phía bên trái đường cao tốc. Nó gần tới mức người lái xe của chúng tôi tắt đèn, đi theo ánh sáng của trận chiến chống trả máy bay. Ala'a giục anh ta, và lo lắng như tôi để thoát khỏi nguy hiểm. Nhưng ở trong trung tâm thành phố vẫn có tiếng vang chói tai của những đợt bom tấn công - một đợt tấn công khác vào nhà máy lọc dầu Dora và tiếp tục đợt tấn công vào sân bay Muthand của chính phủ gần khách sạn.

Tiền sảnh của Khách sạn al-Rashid tối và trống không. Sadoun ở trong boong ke kí phần tin của tôi mà không thay đổi gì. Anh ta nói với người giám sát khác đang quan sát cuộc gọi của tôi về Atlanta và nói rằng anh ta "quá mệt".

Chúng tôi kéo vali điện thoại nặng ra vườn. Trong cái lạnh, tôi gặp rắc rối với việc điều chỉnh hệ thống âm thanh. Người quay phim, Mohammed của WTN, đã giúp tôi. Bobbie Battista ở bàn phát thanh và cô ta giữ tôi trên điện thoại khoảng 15 phút với các câu hỏi gây nhiều khó chịu cho người giám sát, anh ta muốn trở lại nơi trú ẩn vì nghe tiếng bom rơi nhiều hơn, tôi có thể nói chuyện thoải mái hơn bình thường.

Bobbie hỏi tôi có nghe cuộc nói chuyện nào về hòa bình từ những người chúng tôi gặp không. Tôi nói có những bằng chứng bất hạnh về cuộc chiến, một quan điểm tôi đã nghe thấy trong các cuộc đối thoại với những người dân Iraq ở trong khách sạn và trên đường. Một người bán thảm trong thành phố đã lặng lẽ nguyền rủa ngày Saddam xâm chiếm Kuwait vì việc buôn bán quá tệ.

Tôi nói với Battista nhiều người Iraq đang lắng nghe những quan điểm của phía đồng minh trên các buổi phát thanh sóng ngắn từ BBC và Đài tiếng nói VOA. Cô ta hỏi tôi "có phát triển quan hệ, để nói chuyện với những người giám sát của mình không?". "Cô muốn điều đó giống như hội Stockholm phải không", tôi cười, "Khi những người bị bắt giống hệt những người đang giam giữ họ hả?" có lẽ Atlanta nghĩ tôi đã mất sự lạnh lùng của mình.

Có phải các nhà sản xuất đã không lắng nghe buổi phát hình của tôi và đoán gì đó khác chăng? Tôi hy vọng các nhà bình luận của mình sẽ không đánh đồng sự nhã nhặn của tôi với những người giám sát là không trung thành. Nếu tôi thực sự được những người Iraq tin tưởng, tôi đã không cần người giám sát.

Đêm đó Sadoun nói anh ta đã nhận được tin đầu tiên từ người vợ mang bầu và mẹ vợ. Khi trận dội bom bắt đầu, họ đã trốn tới nhà một người họ hàng ở ngôi làng xa xôi. Họ an toàn. Naji cũng gửi gia đình ông ta về vùng nông thôn và lo lắng vì không nhận được tin tức gì từ họ. Gia đình của Jalil hài lòng cùng anh ta trong boong ke. Họ chuyền nhau thức ăn, hát những bài hát vào đầu buổi tối và cười rất nhiều khi trận bom ở xa.

Sau vài chai Scoth và cô-nhắc của tôi, những người giám sát trở nên huyên náo. Sadoun nói anh ta lúng túng với sự đáp trả của Mỹ về việc xâm chiếm Kuwait của Iraq. Anh ta hành động vì bị tổn thương "Trong hàng chục năm chúng tôi nhìn người Mỹ như những người bạn và hãy xem giờ các bạn đã làm gì với chúng tôi", anh ta phản ứng. "Nước Mỹ sẽ không bao giờ lấy được lòng tin trở lại ở Iraq".

Tôi cố gắng cắt ngang điệu bộ tự mãn của Sadoun. Tôi nói nước Mỹ và thế giới tức giận với Saddam Hussein và chính ông ta là người chịu trách nhiệm. Bây giờ Iraq đang phải trả giá cho chính sách "bên miệng hố chiến tranh" của ông ta và điều đó thật đáng xấu hổ. Anh ta lắng nghe mà không có nhiều sự phẫn nộ. Một trong những người giám sát trẻ hơn chen ngang, "Sadoun sẽ kiểm duyệt anh nếu anh nói điều đó trên hình". Sadoun vẩy ngón tay to lớn của mình vào tôi và cười “đừng thử, thưa ông Peter".

Tôi hỏi xem họ cảm nhận như thế nào về Saddam Hussein. Họ đáp lại với sự cảm thông. Ông ta là người thống trị, quyền lực tối cao và chỉ đơn giản là vậy. Một số người đã nhìn thấy ông ta trong các buổi diễu hành. Không ai trong những người giám sát đã gặp ông ta, họ ở những vị trí quá thấp. Tôi có cảm nhận thậm chí ít người trong số họ nằm trong Đảng Ba'ath xã hội chủ nghĩa, một tổ chức chính trị mà Saddam điều hành đất nước qua đó.

Trên đường về phòng, tôi đi lang thang qua tiền sảnh. Bầu trời cao quang đãng. Tôi mở cửa trước và nhìn thấy hình dáng to lớn của một chiếc xe đỗ ở đường lát xe vào nhà. Khi mắt tôi đã quen vớt ánh sáng, tôi nhận ra đó là một dàn phóng tên lửa Scud nằm ngay ở sân trước. Nếu Lầu Năm góc biết thì khách sạn al-Rashid sẽ biến mất. Tôi đóng cửa và nhón chân đi về phòng.

NGÀY THỨ MƯỜI MỘT

Sadoun hối hả tới chỗ tôi ở tiền sảnh trong buổi chiều muộn ngày thứ mười một của cuộc chiến và nói tôi phải chuẩn bị để phỏng vấn một "VIP". Anh ta từ chối tiết lộ chi tiết, giục tôi đi thay áo thể thao và áo khoác da bằng bộ đồ trang trọng hơn. Tôi mặc chiếc quần len tối màu và áo khoác thể thao màu xám. Tôi đã không mang bộ vest nào tới chiến trường. Tôi đoán cuộc phỏng vấn là với Jassim, Bộ trưởng Thông tin. Tôi viết vội vài câu hỏi để hỏi ông ta.

Khi trở lại tiền sảnh, tôi được bốn người đàn ông trong trang phục tối màu, mái tóc cắt ngắn hộ tống, khiêng tôi lên tầng trên. Tôi ra hiệu cầu cứu nhưng Ala'a phản kháng, anh ta nói rằng tôi không nên lo lắng và theo sau từ khoảng cách xa.

Bên trong căn phòng trống, bốn người đàn ông nói tôi cởi quần áo để khám xét. Tôi nghi ngờ không ai khác ngoài Saddam yêu cầu kiểm tra an ninh ngặt nghèo như thế. Khi tôi đang theo đuổi ý nghĩ ấy, họ lấy từng phần quần áo của tôi và kiểm tra kĩ càng, lần ngón tay theo các đường khâu áo khoác, lộn túi quần và ngó vào bên trong quần áo lót của tôi. Họ gõ vào đế giày, tháo bút bi và lục ví. Họ kiểm tra cả cơ thể không quần áo của tôi.

Sau khi tôi mặc quần áo, họ đề nghị tôi rửa tay bằng thuốc tẩy uế trong bồn rửa và tôi đoán điều đó vì tôi sẽ bắt tay lãnh đạo của họ. Tôi không bị yêu cầu rửa miệng, làm tôi tin sẽ không phải hôn ông ta. Họ đặt cuốn ghi chú, ví và bút của tôi vào một túi nhựa để trả lại sau và đưa tôi xuống tiền sảnh.

Trong khi chờ đợi, tôi nghe thấy giọng nói quen thuộc từ lối vào tiền sảnh. Tôi nhận ra khuôn mặt tỏa sáng của Vito Maggiolo, nhà sản xuất CNN từ Washington mà tôi đã làm việc cùng ở Leban và Nic Robertson. Họ đã hộ tống thiết bị truyền hình CNN từ Jordan. Tôi biết chắc hẳn đó là chuyến đi khủng khiếp đày đọa và tôi muốn chào họ nhưng tôi được cảnh báo giữ im lặng, không được nói với bất kì ai, vì vậy tôi nói: "Đừng tới gần, đừng nói chuyện với tôi". Vito nhìn tôi như thể tôi bị điên.

Một trong những lính gác giật tay áo tôi và ra hiệu cho tôi đi. Ở lối vào khách sạn, một chiếc BMW màu đen đời mới đang chờ sẵn, động cơ đã khởi động, cửa mở. Tôi bước vào bên trong và chào người lái xe. Không đáp lại, anh ta lập tức đi tới con đường 14 tháng 7.

Tôi ngồi phía sau trong sự thoải mái của chiếc xe và thưởng thức khoảnh khắc hiếm hoi đó. Một cuộc phỏng vấn với người đàn ông đáng sợ nhất thế giới. Chúng tôi lái xe qua cầu Cộng hòa vào đại lộ Qadisiya ở phía bắc đi qua trung tâm viễn thông đã bị tiêu diệt. Không có chiếc xe nào khác trên đường. Chúng tôi sang đường Palestine và người lái xe nhìn qua vai xem chúng tôi có bị bám theo không. Chỉ có vài chiếc xe trên đường. Ngay sau đó, chúng tôi vào khu dân cư sinh sống ở phía tây bắc thành phố, nơi tôi chưa từng tới. Từ những biển hiệu trên đường tôi biết đó là quận Cairo.

Trong ánh sáng chập choạng, tôi nhìn thấy hai bên đường có những ngôi nhà bằng gỗ hai tầng có hoa và cây xanh ở vườn phía trước. Chúng tôi dừng lại ở một căn nhà. Không khí thanh bình hơn tưởng tượng. Người lái xe mở cửa và một người đi về phía tôi, chỉ tôi vào trong và không nói một lời.

Tôi đi qua lối hành lang tối vào một căn phòng lớn sáng ánh đèn ti vi. Ba máy quay hướng vào căn phòng được trang trí sang trọng. Nó giống như dàn cảnh trong phim của Hollywood. Bức tường trắng được trang trí các hình màu vàng, những chiếc bình lớn được bày ở các góc. Trên một tấm thảm sang trọng in biểu tượng chính thức của Iraq có hai chiếc ghế thoải mái trải lụa đa-mát trắng.

Vài người đàn ông trong phòng, gồm có Bộ trường Jassim. Một người được giới thiệu là thư kí riêng của Saddam, một người khác là họ hàng của ông ta. Họ thờ ơ. Tất cả đều mặc trang phục quân đội. Tôi nhận ra người phiên dịch từ băng hình mà tôi đã xem từ các cuộc phỏng vấn. Anh ta nói họ đã xem tôi trên CNN.

Saddam Hussein được mong chờ trong giây lát, nhưng sau khoảng nửa giờ ông ta vẫn chưa tới. Để phá vỡ sự yên lặng, tôi hỏi Jassim về Bob Simon người vẫn bị mất tích, và ông ta bùng nổ sự tức giận, nghi ngờ tôi quan tâm tới một nhóm người Mỹ hơn là tôi quan tâm tới số phận của Iraq.

Saddam Hussein, tôi đã nghe nói thậm chí còn khó đoán biết hơn. Nhưng tôi không bị hăm dọa, tôi đoán tôi được triệu đến vì có lí do và tôi sẽ sống sót qua thử thách đó. Về mặt tâm lí, tôi có một lợi thế. Ông ta là kẻ trốn chạy. Ông ta là mục tiêu của những máy bay ném bom chứ không phải tôi. Tôi cảm thấy tôi có thể chủ động trước ông ta.

Cửa mở và Saddam Hussein bước vào một mình. Ông ta mặc một bộ đồ xanh thẫm, một áo choàng mỏng và mũ len xám. Ông ta cao hơn những trợ lý xung quanh. Ngay sau đó ông ta xin lỗi và đi ra chuẩn bị cho buổi phỏng vấn. Người phiên dịch đi cùng ông ta để thay bộ đồ thường phục.

Khi Saddam trở lại, ông ta tiến tới phía tôi và giơ tay ra. Ông ta bắt tay chặt, trông thoải mái. Bộ râu của ông ta được tỉa gọn gàng và mái tóc đen thưa được cắt tỉa hoàn hảo. Tôi nhớ tới hình ảnh Hollywood cổ về những người Latin yêu nhau. Ông ta có thể đã thử giọng cho một vai, có lẽ là người đóng thế cho Cesar Romeo. Bộ đồ của ông ta được may cao cấp và đeo cà vạt hoa đỏ thẫm thời trang.

Qua người phiên dịch, Saddam hỏi tôi tại sao ở lại Baghdad. Tôi nói tôi làm những điều như vậy vì kiếm sống. Ông ta mỉm cười thân thiện. Đó là một loại công việc nguy hiểm, ông ta nói, có lẽ đây là lần cuối cùng tôi phải làm. Tôi nhớ ông ta đã từng nói đấy là nguồn gốc của mọi cuộc chiến.

Tôi nói với ông ta thế giới rất muốn nghe những gì ông ta nói.

“Anh có mang theo một danh sách dài các câu hỏi tới đây không đấy?", ông ta hỏi. Tôi nói tôi sẽ hỏi những gì thế giới muốn câu trả lời. Đó là một lời nhận xét khoa trương và tôi lập tức hối hận điều đó, nhưng dường như ông ta không để ý. Ông ta cầm tay tôi và hướng tôi về phía dàn cảnh. "Hỏi tôi những gì anh muốn", ông ta nói.

Tôi biết phỏng vấn Saddam Hussein ở giữa cuộc chiến này sẽ là điều gây tranh cãi. Những người từng nhận xét quyết định của CNN ở lại Baghdad và tức giận chúng tôi đã chỉ ra những hậu quả đánh bom của đồng minh sẽ càng tức giận hơn. Tôi quyết tâm càng không thoả hiệp với Saddam càng tốt.

CNN chắc chắn sẽ phát toàn bộ cuộc phỏng vấn đó. Mọi lời tôi thốt ra sẽ được nghiên cứu kĩ lưỡng. Tôi không gọi Saddam bằng chức danh trang trọng. Tôi bắt đầu trực tiếp vào mỗi câu hỏi hoặc hầu hết là dùng từ “ông". Sau này tôi mới biết người phiên dịch bắt đầu các câu hỏi của tôi bằng tiếng Ảrập: "Thưa ngài", "Lãnh đạo cao quý" hay "Người vĩ đại".

Tôi quan sát thấy ném bom đã đẩy Baghdad vào bóng tối, và chỉ huy tối cao Mỹ đã tuyên bố họ sẽ giành chiến thắng. Saddam đáp lại rằng ánh sáng chói chang nhất vẫn đang chiếu sáng, ánh sáng trong tâm hồn người dân, và các đồng minh không gặt hái chiến thắng từ việc đánh bom, xấu hổ vì bắt đầu những cuộc tấn công từ đầu.

Câu trả lời của ông ta dài dòng, quanh co. Tôi biết không thể cố gắng dừng được, để xem xét các chiến thuật khác nhau nhưng tôi biết phải có những trả lời đáng giá hơn từ phía ông ta. Tôi nhận xét chỉ trong vài ngày ném bom, Iraq phải gánh chịu nhiều sự tàn phá hơn là trong 8 năm chiến tranh của nó với Iran. Saddam coi khinh điều đó. Người dân và quân đội của ông ta vẫn quyết tâm chiến đấu.

Tôi muốn biết số phận của lực lượng không quân ông ta đã rót toàn bộ cho cuộc chiến Iran và việc sử dụng dầu của ông ta như một loại vũ khí ở Kuwait. Ông ta lờ đi trong các câu trả lời của mình. Những hạn chế phiên dịch làm tôi khó khăn thúc ép ông ta trả lời chính xác.

Tôi cố gắng khiêu khích khi hỏi về quyết định của ông ta sử dụng các phi công đồng minh bị bắt như lá chắn con người tại các căn cứ chiến lược và mặc dù chính ông ta chỉ trích Hiệp định Giơnevơ nhưng cách xử sự của ông ta không tuân theo các thỏa thuận chỉ đạo trong chiến tranh. Saddam lật ngược câu hỏi, đổ lỗi cho phương Tây về quy định nhân đôi hạn chế những người dân mang nguồn gốc Iraq trong đất nước của họ khi chiến tranh bắt đầu, sau đó phàn nàn về cách đối xử tù nhân của ông ta.

Tôi cảm thấy việc gây áp lực có hiệu quả. Saddam phàn nàn Tổng thống Bush kêu gọi đối thoại giải quyết khủng hoảng chỉ như cái vỏ cho việc xây dựng chiến tranh của ông ta mà thôi. Ông ta quả quyết với giọng cay đắng bị lừa khi thả tự do cho 5 nghìn vị “khách" phương Tây và Nhật mà chính quyền Iraq đã giữ ở Baghdad trong vài tuần khi cuộc khủng hoảng vẫn đang diễn ra". Những kẻ đạo đức giả chính trị ở Phương Tây đã nói gì vào thời điểm đó? Họ nói rằng bắt giữ người nước ngoài sẽ dẫn tới chiến tranh. Họ nói để họ đi sẽ ngăn chặn chiến tranh xảy ra. Chúng tôi hối hận đã thả họ. Nhưng nếu chúng tôi giữ 5 nghìn người phương Tây và Nhật ở đây thì Bush có tấn công Baghdad không?".

Tôi cảm thấy tôi đang tiến tới. Saddam đang trở nên phát điên. Ông ta thoát ra khỏi sự hùng biện hơn, bộc lộ mình hơn. Tôi ép tiếp ông ta về những kế hoạch chiến tranh. Đó sẽ là vấn đề then chốt của buổi phỏng vấn. Tôi nói có nhiều suy đoán về chiến tranh bộ sắp tới và nỗi sợ hãi về những kho vũ khí huyền thoại và khả năng chống trả của ông ta. Ông ta nghĩ chiến tranh bộ sẽ diễn ra bao lâu? Bao nhiêu tổn thương ông ta mong đợi sẽ giáng vào kẻ thù của mình?

Saddam dường như thích câu hỏi đó, nhưng khi trả lời nó, ông ta tiết lộ nhiều hơn một chút mà sẽ làm cho những người nghe thấy nhận định ông ta trong sự khinh miệt. Ông ta khoác lác: "Người Iraq sẽ chiến đấu theo cách sẽ giành chiến thắng mang lại cho họ sự thán phục của nhân loại". Nhưng ông ta đe dọa: "Rất nhiều máu sẽ đổ xuống, rất nhiều máu".

Ông ta dang tay ra miêu tả mức độ của nó và cảnh báo: “chúng tôi nói đến máu của tất cả các phía- Mỹ, Anh, Pháp, Saudi và tất nhiên máu của Iraq. Và không để các tay chính trị không có định kiến lừa đảo các bạn một lần nữa khi chia trận chiến giữa trên không và mặt đất - chiến tranh là chiến tranh". Ông ta mỉm cười: "Họ không nói điều này là cuộc chiến chỉ tính bằng ngày sao? Họ đã sai khi đánh giá và sẽ lại sai tiếp".

Tôi đề cập đến nỗi sợ hãi lớn nhất của những người chống đối ông ta, những vũ khí hủy diệt lớn của ông ta. Trước đó ông ta từng đe dọa tàn phá một nửa đất nước Israel bằng thứ vũ khí đó, nhưng ông ta đã không sử dụng nó trong những cuộc tấn công bằng tên lửa Scud vào Tel Aviv. Lực lượng đồng minh ở vùng Vịnh đã chuẩn bị cho các cuộc tấn công hóa sinh. Cuối cùng ông ta có mớ kho vũ khí lợi hại của mình không?

Saddam dừng lại: "Chúng tôi sẽ sử dụng vũ khí tương đương với những vũ khí chống lại chúng tôi. Chúng tôi đã cho các bạn thấy chúng tôi chân thật với những lời nói của mình như thế nào. Các bạn thử chúng tôi, chúng tôi đáp lại như đã hứa".

Ông ta nói nước đôi, do vậy tôi đưa đẩy: "Các lực lượng đa quốc gia đã nói rằng họ sẽ không sử dụng vũ khí hóa học chống lại ông. Có phải điều đó có nghĩa nếu họ không sử dụng thì ông cũng không?".

"Những gì tôi nói là chúng tôi nên sử dụng những loại vũ khí tương đương với những vũ khí chống lại chúng tôi", ông ta đáp lại. Dường như ông ta đang rút lại lời đe dọa của mình, do vậy tôi đẩy thêm chút nữa. Tôi nói rằng tên lửa Scud của Iraq được gọi là El Hussein có thể mang theo đầu đạn hạt nhân, sinh học, hóa học. "Có phải đến lúc này, ông đã sử dụng những loại vũ khí này?".

Saddam lưỡng lự một lúc. "Chúng tôi là một dân tộc tuân theo những giá trị truyền thống. Tất cả những lợi thế không quân anh thấy đã không đánh bật chúng tôi ra khỏi lộ trình của một chiến trường cân bằng. Chúng tôi vẫn giữ được vị trí cân bằng của mình. Chúng tôi đã sử dụng tên lửa với các đầu đạn thường".

Có phải ông ta thất vọng Israel đã không đáp lại trực tiếp với các cuộc tấn công tên lửa của ông ta, chuyển đổi phân cực lớn hơn của thế giới Ảrập. Saddam trả lời bằng điệp khúc cũ, đó là "Những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái trong hành lang chính quyền Mỹ dẫn tới cuộc chiến tranh đang được trả lương".

Nếu những cơ sở sản xuất hạt nhân của ông bị tiêu diệt, như Lầu Năm góc tuyên bố? Tôi hỏi. Ông ta giả vờ phẫn nộ và cho tôi một bài giảng nhỏ về an ninh. "Anh muốn tôi nói về điều này, mặc dù Chính quyền Mỹ đưa ra những hạn chế, thậm chí những thông tin đơn giản nhất về cá nhân những người lính ở Ảrập phải không? Họ hạn chế những chi tiết đơn giản nhất về chiến dịch quân sự của họ. Và họ nói họ là dân chủ. Anh miêu tả Iraq như sự độc tài thì làm sao anh có thể mong đợi chúng tôi đưa ra chi tiết quan trọng này?".

Lờ đi câu hỏi của tôi Saddam tự mình độc thoại về đạo đức của người Iraq. "Điều gì là quan trọng với cá nhân người Iraq để duy trì sự nguyên vẹn, âm thanh về lòng trung thành, âm thanh về sự tự tin, âm thanh về lòng tin. Bất kì những kẻ xâm lược tàn phá gì, miễn là người Iraq vẫn còn nguyên, còn nghe được và còn sống, thì sau đó họ có thể xây dựng lại tốt hơn những gì đã bị tiêu diệt".

Tôi cảm thấy mình đã giữ được vị trí. Và khi Saddam hầu như lắng xuống và hài hòa. Sự căng thẳng duy nhất ông ta biểu lộ là trong cái nháy mắt nhanh của mình (theo tạp chí Time, có phóng viên đếm ông ta nháy mắt 40 lần một phút so với thông thường chỉ có 25 lần.)

Tôi nói với Saddam mỗi chỉ huy chiến trường trong lịch sử đều có những nghi ngờ dành cho chiến trường phía trước. "ông có bất kì nghi ngờ gì không?".

"Không có, thậm chí một phần triệu" ông ta đáp lại. Những người phụ tá của Saddam đang sốt ruột. Tôi nhìn đồng hồ.

Câu hỏi cuối cùng, tôi hỏi Saddam Hussein hy vọng gì về ảnh hưởng của buổi phỏng vấn đối với nước Mỹ và thế giới. Ông ta nghĩ một lúc và sau đó cổ động "Những người ra đường, biểu tình chống lại cuộc chiến này." ông ta cảm ơn họ vì "phản đối cuộc chiến được trả lương không chính đáng chống lại người dân chúng tôi". Tôi chắc rằng nó được xem vì những gì như vậy.

Cuộc phỏng vấn kéo dài 90 phút và có thể tiếp diễn lâu hơn nữa. Song tôi muốn dừng lại. Saddam đứng dậy mỉm cười thân thiện, bắt tay tôi. Ông ta dường như hài lòng với phần trình diễn của mình. Ông ta đã chiếm được thời gian làm tuyên truyền. Ông ta đã có được thông điệp ra ngoài. Tôi cảm thấy ông ta thể hiện sự ngoan cố và đạo đức giả.

Saddam vẫy tay một phóng viên ảnh chụp suốt trong buổi phỏng vấn. Chúng tôi đứng cùng nhau trên nền tường trang trí vàng và cười vào ống kính. Vị lãnh đạo người Iraq nói vài lời với những người phụ tá rồi đi ra.

Đội truyền hình chọn những đoạn hình đẹp từ buổi quay. Một máy quay được đặt tập trung vào Saddam, một chiếc vào tôi và chiếc thứ ba quay toàn cảnh. Khi chúng tôi lấy băng, Jassim động vào vai tôi và nói để chúng xuống. Ông ta nói chúng sẽ được chuyển tới khách sạn vào buổi sáng. Tôi vội vàng từ chối. Người Iraq thường bị nghi ngờ xáo trộn băng hình về các cuộc gặp với Saddam. Chúng tôi thỏa hiệp. Jassim sẽ chuyển các băng hình cho tôi vào nửa đêm. Tôi đoán rằng điều đó chỉ đủ cho ông ta sao chúng chứ không đủ thời gian để biên tập.

Tôi trở lại tiền sảnh tối om của khách sạn. Tôi đi xuống boong ke tìm Vito và đội CNN và gặp Sadoun, người vỗ vào tay tôi và làm tôi chết ngạt trong các nụ hôn. Anh ta thét bằng tiếng Ảrập với đám đông rằng tôi đã gặp Tổng thống. Boong ke rực lên tiếng vỗ tay. Tôi bị các giám sát khác tấn công. Các gia đình tới chỗ tôi, mỉm cười, động vào tay tôi, hỏi các câu hỏi.

Vito nói trong sự ngạc nhiên: "Chúa ơi, cậu là anh hùng ở đây". Tôi nói cần nói chuyện với Atlanta về buổi phỏng vấn, chúng ta có thể phát nó trên vệ tinh vào buổi sáng.

Nic Robertson nhanh chóng lắp điện thoại. Tôi nói chuyện với Tom Johnson trên đường dây, ông ta muốn có ngay một câu chuyện lúc đó và nối tôi với phát thanh viên. Tôi cưỡng lại vì phải tập hợp các ghi chú của mình nhưng ông ta nài nỉ và trong vòng vài giây tôi đã lên hình trực tiếp.

Tôi nói rằng đó là cuộc phỏng vấn ớn lạnh, bởi vì Saddam Hussein không biểu lộ cảm xúc gì ngoài sự tự tin tối cao, thậm chí khi đất nước của ông ta đã bị thổi tung thành từng mảnh. Ông ta thừa nhận việc xâm chiếm Kuwait và không thỏa hiệp. Nhưng ông ta đã nói sẽ không sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt. Saddam đến như một người đàn ông ngoan cố, không thỏa hiệp, tôi nói. Nếu có điều gì tôi cảm thấy thì cuộc phỏng vấn sẽ chỉ làm tăng thêm quyết tâm của phương Tây tiếp tục với cuộc chiến mà thôi.

Tôi được hỏi cuộc phóng vấn diễn ra ở đâu. Trong một căn nhà cá nhân ở ngoại ô thành phố, tôi đáp lại. Sadoun đang lắc nắm đấm vào tôi "Anh sẽ làm ông ta bị giết với những chi tiết đó", anh ta thì thào.

Các cuốn băng hình tới vào nửa đêm như đã hứa. Người bưu tá gửi kèm một tập ảnh buổi phỏng vấn được phóng viên ảnh của Tống thống in ra.

Khi bình minh, một phụ tá của Sadoun đập cửa phòng và nói tôi gửi băng phỏng vấn về Jordan cùng xe bưu kiện vì họ không nhận được giấy phép thiết lập vệ tinh truyền hình. Tôi lo lắng. Tôi đã nhận ra có thể có cuộc tranh luận ở Iraq về việc cho phép truyền hình trực tiếp chiến tranh. Nếu họ thậm chí không sẵn lòng chuyển băng cuộc phỏng vấn với chính Tổng thống thì họ có thể hủy bỏ vụ đó.

Tôi quyết định nếu chúng tôi không thể làm trực tiếp thì sẽ không gửi cuộc phỏng vấn. Tôi căng thẳng với Sadoun cả ngày, nói với anh ta những cuộn băng trên đường tới Jordan để chuyền với cả thế giới thông qua vệ tinh của chúng tôi ở Amman. Khi quá muộn để chuyển cuộc phỏng vấn trên mặt đất, tôi tới thăm anh ta trong boong ke và nói anh ta không có sự lựa chọn nếu muốn cuộc phỏng vấn được phát. Chúng tôi phải phát trực tiếp.

Sadoun nghi ngờ tôi phản bội. Anh ta nói đang gặp rắc rối lớn. Anh ta đã nhờ một người phụ tá đưa sếp của anh ta, Naji tới khách sạn. Naji giải thích vấn đề. Chính phủ tin rằng việc phát cuộc phỏng vấn từ Baghdad sẽ mang tới sự trả đũa cho khách sạn và người Mỹ sẽ làm mọi thứ để Saddam im. Tôi tranh cãi người Mỹ chỉ muốn nghe những gì Saddam nói. Eason Jordan, biên tập viên chuyên mục quốc tế ở Atlanta đã nói với tôi trên điện thoại CNN đang nhận hàng trăm cuộc điện thoại về cuộc phỏng vấn.

Naji không vui, Sadoun buồn rầu. Họ đi cùng nhau. Nhưng vào giữa buổi tối, Naji trở lại. “Được rồi, Peter. Chúng tôi sẽ làm theo cách của ông lần này".

Nic và kĩ thuật viên Jay Ayer nhảy vội đi lắp ráp máy phát tín hiệu trong vườn Khách sạn al - Rashid. Trong ánh sáng đèn pin mờ, và đèn bão, họ cùng lắp ráp những miếng bánh cắt lớn của chiếc đĩa. Họ kéo máy phát điện lớn về phía xa vườn để giảm độ ồn và dựng lều làm nhà phát tín hiệu. Tiếng rít tấn công của không quân không ngừng. Có nhiều trận bom vào những đêm trước rung chuyển chấn động mặt đất. Bầu trời thắp sáng trong trận địa bắn trả của máy bay.

Các kĩ thuật viên cuối cùng cũng hoàn thành xong thiết bị vệ tinh truyền tín hiệu 23 nghìn dặm trên bầu trời và nhận được tín hiệu từ Atlanta.

Chúng tôi sẵn sàng cho việc quay cuộn băng đầu tiên thì một trận bom khá gần làm mọi người chạy vào trong. Khi chúng tôi ẩn náu ở cầu thang, Nic đề cập tới một điều đang làm anh ta lo lắng. Anh ta nghe thấy các tín hiệu phát ra bởi một máy truyền tín hiệu năng lượng, loại chúng tôi đang sử dụng, có thể thu hút những quả bom định vị. Điều đó có thể là một tên lửa hoặc được bắn từ một chiếc máy bay có thể lẫn vào tín hiệu của chúng tôi và bay theo lộ trình của nó tới nguồn. Anh ta nói rằng nếu chúng tôi truyền bất kì tín hiệu nào sẽ làm nguy hiểm chính mình và khách sạn. Anh ta đề nghị bỏ chuyện đó. Margret Lowrie, một phóng viên thường trú từ Amman, ủng hộ anh ta. Vito nhắc cho họ nhớ rằng chúng tôi đã sử dụng công nghệ tương tự của điện thoại vệ tinh mà không bị sao. Tôi giục tiếp tục.

Chúng tôi bắt đầu phát cuộc phỏng vấn lúc một giờ sáng. Eason Jordan nói với chúng tôi trên điện thoại rằng phòng tin CNN ở Atlanta đã rất vui khi nó tới.

Tôi chuẩn bị lên hình lúc 4 giờ sáng giờ Baghdad mở đầu chương trình bản tin buổi tối với phát thanh viên Bernie Shaw. Dave Rust đặt máy quay dưới lối đi bộ bằng bê tông. Sau đó tôi lên hình, ánh đèn sáng của máy quay chiếu vào mắt tôi và giọng nói quen thuộc của Bernie trong tai tôi. Như thể có bản đọc, những trận bom nổ phía xa bắt đầu rít lên làm nhạc nền của chúng tôi.

Shaw muốn biết tất cả về cuộc phỏng vấn, và hỏi rất nhiều câu hỏi. Khi chúng tôi nói chuyện, Ala'a bắt đầu cảnh báo về các quả bom đang dội xuống. Anh ta muốn chúng tôi dừng truyền hình. Chúng tôi là ánh sáng duy nhất ở Baghdad cùng những máy bay ném bom trên bầu trời. Anh ta nài nỉ chúng tôi tắt đi. Chúng tôi tiếp tục phát hình trong bóng lối, máy quay dùng ánh sáng những trận bắn phá máy bay phía sau tôi.

Bernie nói con gái của tôi Elsa đang xem ở Boston và tôi nói: “cha yêu con, con gái yêu, hãy tiếp tục xem". Anh ta hỏi cảm giác như thế nào khi lên hình khắp thế giới, làm tin từ thủ đô của kẻ thù trong trận tấn công. Tôi nói nhớ tới lần truyền những bài tin cho AP bằng Morse từ Jakarta. "Anh có tin được không, từ những kí tự Morse tới việc nói trực tiếp với cả thế giới là mất 30 năm? ô, đó có thể là tóm tắt nghề nghiệp của tôi, Bernie à".

Tôi tiếp tục nói trong bản phát hình của Bernie khoảng vài phút sau bài tin của tôi. Bill Moyers nhớ lại đã ở trong Nhà Trắng "Lyndon Johnson thường tức giận với các bài tin của Arnett ra khỏi Việt Nam. Johnson thường nói, “cậu biết đấy anh ta phải có sự thông cảm với cộng sản".

Shaw đáp lại: "Và tất nhiên giờ có tình huống tương tự của Nhà Trắng, Bush và Lầu Năm góc phản ứng tiêu cực với một số bản tin do Peter Arnett của CNN làm".

Tôi kéo tai nghe ra. Tôi mệt. Tôi đã không ngủ trong vòng 30 tiếng.

"BAGHDAD PETE”

Vào cuối tháng 1, người Iraq bắt đầu cho nhiều nhà báo vào hơn để làm tin về cuộc chiến. Không có nhà báo Mỹ nào trong nhóm đầu tiên của 20 nhóm tới và tôi vận động Sadoun cho thêm các tổ chức tin tức lớn vào. Anh ta nói CNN là đủ rồi nhưng tôi tranh luận sự tin tưởng của tôi sẽ mạnh hơn nếu những người Mỹ khác nhìn thấy và làm tin về những gì tôi đang làm.

Một số hãng tin phàn nàn CNN đang nhận đặc quyền từ những người Iraq. Một số cho rằng chúng tôi đã thỏa thuận để chia sẻ vệ tinh với chính phủ. Tôi đã cho phép Sadoun gọi cho Đại sứ quán Iraq trên đường dây của CNN để cấp visa cho các nhà báo. Anh ta đã đồng ý nói bằng tiếng Anh và tôi lắng nghe. Sadoun, một số đồng nghiệp nói có thể dễ dàng đã sử dụng telex trong Bộ Thông tin để trì hoãn việc cấp visa của anh ta. Tôi nói với họ anh ta quá sợ dời khỏi khách sạn nhưng họ không tin tôi.

Tại một buổi họp nơi những người tới thăm phàn nàn về những hạn chế với giới báo chí, Sadoun nói: “Nếu bạn có bất kì vấn đề nào chỉ cần hỏi Peter Arnett. Anh ta là người giám sát của chúng tôi". Sự trêu đùa của anh ta cho tôi vào chút nước nóng.

Khu vườn Khách sạn al-Rashid trở thành trung tâm liên lạc; vài chiếc điện thoại vệ tinh giờ đã được sử dụng, ăngten ô dựng ra, máy phát năng lượng kêu vo vo. CNN đồng ý cho phép phóng viên VOA ở Iraq sử dụng điện thoại của chúng tôi, và tôi tự ý để cho các phóng viên khác gọi điện về nhà. Tôi không còn lo lắng khách sạn sẽ bị đánh bom.

Nhưng vì chúng tôi có hệ thống phát tín hiệu truyền hình duy nhất và trụ sở ở Atlanta đòi trả trước khi chúng tôi truyền hình cho các tổ chức truyền hình khác nên chúng tôi phải đấu tranh với các phóng viên thường trú tức giận không chuyển hình ảnh của họ tới khi văn phòng của họ có tiền tới. Thay vì bị nói sau lưng hoặc thậm chí bị nhận xét là bất lịch sự, tôi là trung tâm của rất nhiều xích mích và càu nhàu.

Áp lực làm tôi nản lòng. Thậm chí sau khi đội CNN tới, tôi cô đơn về đêm và thỉnh thoảng cảm thấy mệt mỏi. Ném bom luôn luôn gần hơn trong bóng tối. Tôi đã cầu hôn Kimberly trên điện thoại vệ tinh và sung sướng khi cô ấy chấp nhận. Sadoun, người quan sát như thường lệ, đã chúc mừng tôi.

Giờ cùng với một đội hoàn chỉnh trong thành phố, tôi có thể đạt được những bài tin hiệu quả hơn. Chúng tôi chuyển mọi thứ xuống từ những tầng trên của khách sạn, và thiết lập Studio trong quầy bar của tiền sảnh. Người quay phim Dave Rust vui mừng được ra chiến trường với tôi

Một hôm chúng tôi tới thăm đống đổ nát của nhà máy sữa thì bắt gặp sáu tên lửa đầu đạn hạt nhân tầm thấp bay trên đầu tới trung tâm Baghdad. Sau khi Dave Rust quay hình tên lửa, chúng tôi đuổi theo chúng vào thành phố và tới hai khu vực có người dân nơi người Iraq nói rằng hai viên đạn tên lửa đã bắn tới. Khói từ nhà máy điện Dora gần đó cho thấy những viên khác đã trúng mục tiêu.

Sự có mặt của Rust cho phép tôi miêu tả sinh động toàn bộ cuộc sống ở đây. Chúng tôi tham gia các buổi giảng ở một nhà thờ Tin lành. Chúng tôi đi lang thang qua khu chợ đồng nổi tiếng, nơi mọi người mua đèn và thùng chứa nước. Chúng tôi chiếu những đứa trẻ chơi bên bờ sông Tigris và những bà mẹ giặt quần áo trong dòng nước.

Tôi liên tục đề nghị Naji cho phép tới thăm chiến trường Kuwait nhưng ông ta từ chối. Ngày 6-2, ông ta cho phép chúng tôi tới thăm An Nasiriya, 40 dặm từ phía nam thành phố Basra. Con đường cao tốc chúng tôi đang đi nằm trong sự tấn công của các máy bay chiến tranh liên minh. Tôi nhìn thấy một xe chở khách nhỏ bị đạn tên lửa bắn trúng. Có ánh lửa bốc lên. Khi chúng tôi đi qua, tôi nhìn thấy nóc xe bị tung và hành khách bên trong bị thương, nhưng người giám sát không cho phép chúng tôi dừng lại.

Hai cây cầu chính của An Nasirya bị đánh sập trong trận ném bom và lần đầu tiên chúng tôi được phép chụp ảnh. Người Iraq trước đây phân biệt những mục tiêu quân sự và những giới hạn máy quay của chúng tôi. Tôi đã cố gắng thuyết phục Sadoun nhiều tuần để được mở rộng phạm vi làm tin. Trước đó, anh ta đã nói không thể tới thăm các ngân hàng và bưu điện bị tàn phá.

Chúng tôi trở lại Baghdad vào tối muộn hôm đó. Chúng tôi lên hình trực tiếp vào nửa đêm nhưng có báo động máy bay tấn công trong suốt buổi truyền hình và người giám sát mới, Mahmoud, bước vào ngay phía trước máy quay để dừng buổi phát hình. Anh ta lo lắng rằng ánh đèn sáng của chúng tôi sẽ thu hút máy bay tấn công. Chúng tôi tiếp tục với đèn pin chiếu vào mặt tôi.

Ngày hôm sau, chúng tôi được phép tiến gần hơn tới chiến trường. Chúng tôi đi tới Basra, thành phố mà từ đó việc xâm chiếm Kuwait đã bắt đầu. Nó hầu như nằm trong tầm nhìn của biên giới. Chúng tôi lái xe dọc theo những đường tách biệt và những làn đường nông thôn để tránh các cuộc không kích, nhưng chúng tôi đã đi qua đống đổ nát của những chiếc xe tải và xe tăng chở dầu.

Chúng tôi đi qua Basra trên một chiếc cầu duy nhất có thể đi qua được, và nhận thấy thành phố nằm giữa cuộc chiến. Máy bay tấn công từ bầu trời phía trên. Họ lái xe chạy bom dội và chạy quanh những tên lửa bắn từ mặt đất. Mọi người nhốn nháo tìm nơi trú ẩn khi tiếng còi báo động thường xuyên rú lên.

Basra là một mục tiêu lớn có cảng và căn cứ quân sự mở rộng. Kết quả là có nhiều sự tàn phá với căn cứ dân sự hơn là ở Baghdad. Chúng tôi tới thăm một bệnh viện bị tiêu diệt và một giáo đường bị san phẳng. Chúng tôi ở lạt Khách sạn Sheraton Basra, một khách sạn từng rất đẹp nay đã biến thành boong ke, tiền sảnh và hành lanh có bao bọc cát, các cửa sổ bị bịt kín. Vào bữa tối hôm đó, bàn ăn rung lên đến nỗi dao và dĩa ăn của chúng tôi rơi xuống sàn.

Tôi rất vui khi có sự đa dạng trong tin, bài nhưng vị khách đầu tiên tôi chọn phỏng vấn trực tiếp ở Baghdad có thể là một sai lầm. Ông ta là Anthony Lawrence, một thành viên Mỹ của Đội hòa bình Vịnh vừa trở về từ chuyến đi ba tuần tại biên giới Saudi sau thất bại không ngăn được. Vị quan chức Washington giọng mềm mại được truyền hình với lời yêu cầu ủng hộ cảm động rằng, tất cả người Mỹ tham gia vào phong trào ủng hộ hòa bình trước khi cuộc xung đột "trở thành hủy diệt hàng loạt".

Mặc dù tôi cố cân bằng sự công kích của ông ta với những câu hỏi đúng chỗ nhưng tôi đã nhận được điều tồi tệ nhất của phần đổi lại. Rất nhiều người ủng hộ ông ta tập trung trong vườn khách sạn để xem và vỗ tay. Các nhà sản xuất CNN không vui vẻ.

Nhóm phóng viên đầu tiên tham gia cùng chúng tôi ở Baghdad rời đi ngày 8-2, họ chỉ được cấp visa 1 tuần. Một nhóm khác tới, gồm những người Mỹ đầu tiên từ khi chiến tranh bắt đầu, một đội làm tin truyền hình ABC do phóng viên thường trú Bill Blakemore dẫn đầu. CNN được miễn các yêu cầu về visa và ở lại.

Những người Mỹ tới cùng thư, thông điệp và giờ tôi đã biết đầy đủ sự tranh cãi quanh phần tin của tôi. Những cuộc gọi vô số của tôi tới trụ sở CNN ở Atlanta hầu hết dành cho bản tin từ Baghdad. Tôi đã nhận được những bài tin không thường xuyên về phản ứng tiêu cực ở Mỹ và nơi nào đó trên thế giới, lúc đầu từ những cuộc trò chuyện điện thoại với con gái tôi Elsa, đang làm phóng viên ở tờ Boston Clohe, sau khi tốt nghiệp Đại học Harvard.

Bây giờ tôi hiểu tôi bị lên án ở quốc hội. Đại diện Lawrence Coughlin của Pennsylavania đã buộc tội: "Arnett là thánh Joseph Geobbel của chế độ giống Hitler của Saddam Hussein". Tom Johnson đã nhận được một bức thư từ 34 thành viên quốc hội phàn nàn về phần làm tin của tôi "giúp tên độc tài loạn trí có miệng tuyên truyền tới hơn một trăm quốc gia".

Các thành viên bảo thủ của quốc hội Anh đã so sánh tôi với những kẻ phản bội của Chiến tranh thế giới thứ hai. Những tay vẽ tranh biếm họa chính trị thích thú minh họa nhóm tôi với Saddam Hussein như một "video Benedict Arnold". Một tổ chức cánh hữu cực đoan đặt nick tôi là "Baghdad Pete" và biểu tình kêu gọi CNN không phát hình tôi. Charlton Heston mô tả tôi như một kẻ phản bội.

CNN vẫn để các bài tin của tôi "bị kiểm duyệt" và liên tục các thẩm vấn hàng ngày từ các phát thanh viên. Nhưng nó đang ngày càng làm nhiều hơn: ba lần một ngày, hệ thống phát cả những bức thư và fax về sự phàn nàn từ phía người xem - những người phẫn nộ tôi làm tin từ phía kẻ thù. Hàng nghìn các cuộc gọi, thư và fax tới CNN hàng ngày. CNN sử dụng các câu chuyện của tôi thường xuyên, nhưng cũng đề cập đến một vị tướng không lực đã nghỉ hưu, người ủng hộ quan điểm Lầu Năm góc và coi thường phần tin của tôi.

Ngày 7-2, Thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa Lan Simpson của Wyming nói với các phóng viên tại một bữa tiệc trưa ở Capitol Hill rằng tôi là "Những gì chúng ta thường gọi một người thông cảm...Anh ta đã rất năng động ở Chiến tranh Việt Nam và anh ta đã giành được giải thường Pulitzer phần lớn là bởi vì những tư liệu chống chính phủ của anh ta. Và anh ta đã cưới một người Việt Nam có anh trai là Việt Cộng. Tôi gọi đó là những người Thông cảm trong những ngày đầu của tôi ở Chiến tranh thế giới hai".

Trong một lần trả lời điện thoại từ tờ Washington Post, Simpson nói đã được cung cấp thông tin "bởi một người AP có liên quan đến việc làm tin Chiến tranh Việt Nam. Một người đàn ông có danh tiếng lớn. Anh ta nói không biết tên của người anh rể hay cái gì là hoạt động Việt Cộng được cho là của anh ta".

Tôi cũng không. Một trong ba người anh em trai của Nina đã chết những năm 1950. Người thứ hai, một dược sĩ, chết ở miền Bắc Việt Nam những năm 1960. Người thứ ba là một giáo viên dạy toán sống ở Hà Nội và không có hoạt động chính trị gì cả.

Simpson là một nhân vật có quyền lực ở Capitol Hill, sau đó là Nghị sĩ phụ trách dân tộc thiểu số và là bạn thân của Tổng thống Bush. Đầu những năm 1980, tôi đã phỏng vấn ông ta và làm việc cùng nhân viên của ông ta về luật nhập cư mà ông ta thảo ra. Lần cuối cùng vào tháng 4 tôi gặp Simpson ở Jerusalem khi ông ta trở về nhà từ cuộc gặp với Saddam Hussein ở Baghdad.

Tại một cuộc họp báo, ông ta chỉ trích sự không nhạy cảm của các phóng viên phương Tây với vị lãnh đạo Iraq. Sau này lộ ra rằng ông ta đã nói với Saddam Hussein: "Vấn đề của ông nằm ở chỗ truyền thông phương Tây chứ không phải với Chính phủ Mỹ. Miễn là ông tách biệt khỏi truyền thông, giới báo chí - nó là một giới báo chí kiêu căng và bợ đỡ - tất cả họ đều tự coi mình là những thiên tài chính trị. Đó là những gì phóng viên làm. Họ rất hay chỉ trích. Những gì tôi khuyên là ông nên mời họ tới đây tự chứng kiến".

Bạn bè ủng hộ tôi. David Halberstam nói với tờ Washington Post thích Nghị sĩ nhưng không phải "sự xấu xa của ông ta thậm chí khi đề cập một người giống như Nina và liên hệ tới việc làm tin kì lạ của Peter như thể anh ta thông cảm với phía bên kia. Ông ta hoàn toàn sai. Tôi biết gia đình họ và những lời buộc tội đặc biệt đau đớn với họ".

Tờ Washington Post lên án Simpson, “Nếu Peter Arnett đã ở ở bất kì nơi nào để liếm gót giày và khúm núm với Saddam Hussein như Alan Simpson trong chuyến thăm nhà độc tài Iraq tháng 4 năm ngoái thì chúng tôi có thể hiểu tại sao phóng viên thường trú CNN lại đang bị tấn công về những bài phỏng vấn và phần tin của anh ta. Nhưng so sánh với những gì Nghị sĩ Simpson và một số đồng nghiệp của ông ta trên chuyến thăm đó đã làm để nịnh Saddam Hussein và làm cho họ cảm mến ông ta thì ông Arnett nhìn xuống gắt gỏng... Peter Arnett đang kiên cường ở Baghdad. Còn ở nhà đây, Alan Simpson đã trượt trong chất nhờn".

Và CNN kháng cự lại các cuộc gọi về việc di dời vị trí của tôi. Ngày 12-2, Ed Turner đưa ra một tuyên bố: “Một số từ ngữ và hình ảnh là đau thương nhưng đó là chiến tranh. Việc kiểm duyệt là phiền hà nhưng đó là những hạn chế trong các nước, gồm cả Mỹ". Ông ta kết luận: "Arnett và CNN ở đó để tất cả những người xem của chúng ta có thể ở đó, không hoàn hảo, hạn chế và nguy hiểm như vốn có".

NỔI GIẬN Ở AMILRIYA


Sáng sớm ngày 13-2, tiếng vang từ các vụ nổ đánh thức giấc ngủ của tôi. Sau đó, tôi ngồi ăn sáng cùng Vito và Dave thì Sadoun tới, nước mắt chảy dài: "Có Chúa, đây là điều tồi tệ nhất, đây là điều tồi tệ nhất", anh ta hổn hển, lau mặt. Anh ta nói một nơi trú ẩn các cuộc không kích của người dân đã bị đánh bom sáng nay và một số người bạn, thư kí của anh ta có thể đã bị chết.

Chúng tôi chạy tới bãi đỗ xe. Những phóng viên khác đã được báo động, gồm có Bill Blakemore của ABC. Tôi nói người lái xe theo sau chúng tôi. Chúng tôi lái xuống đường Yaga về phía quận Amiriya. Đó là khu vực dân cư trung lưu sinh sống mà tôi chưa tới đó trước đây. Những chiếc xe jeep quân đội vượt qua chúng tôi trên đường Jordan, còi báo động của chúng rú lên. Một chiếc xe cứu thương đảo ra từ vài tòa nhà phía trước chúng tôi.

Chúng tôi đỗ bên cạnh đường. Khói dày đặc tỏa ra từ mái một tòa nhà bằng bê tông ngay phía trước mặt. Một đám đông lớn bu lại trên đường. Tôi nhìn thấy tấm biển trên cột điện với biển hiệu giao thông của một người đang chạy, với từ "Trú ẩn" viết bằng tiếng Anh và tiếng Ảrập. Tôi đẩy lối đi qua hàng rào dây xích vây xung quanh tòa nhà đang bốc cháy.

Hoạt động ứng cứu diễn ra điên cuồng trong sân phía trong. Linh cứu hỏa đang phun nước lên bệ tên lửa và vào chiếc cửa bằng sắt mở vào tòa nhà. Những người khác thâm nhập bằng lối vào khác bị tắc nghẽn. Sĩ quan quân đội mặc quân phục đang hò hét bằng mệnh lệnh. Một chiếc xe tải đang đỗ vào lối đi và lính cứu hỏa trở xuống cùng những bọc được gói trong chăn và cờ Iraq bỏ vào xe. Đám đông lầm rầm trong sự đau đớn khi họ xuất hiện mang xác chết đi. Có một biển hiệu bằng tiếng Ảrập trên tòa nhà, Ala'a tạm dịch là "Văn phòng Trú ẩn công cộng biên phòng dân sự số 25".

Dave tiếp tục chạy máy quay. Chúng tôi đi quanh lối vào chính. Tôi nhìn thấy Jassim đang nói chuyện với thị trưởng của Baghdad. Tôi chen vào giữa họ khi Dave bắt đầu quay qua vai tôi. Tôi hỏi Jassim chuyện gì xảy ra. Ông ta nói hai quả bom định vị chính xác đã ném xuống nơi trú ẩn khoảng 4 giờ 50 phút sáng hôm đó. Ông ta khẳng định đó là nơi trú ẩn cho người dân.

Tôi hỏi Dave và tôi có thể vào bên trong không, ông ta yêu cầu một lính cứu hỏa đi theo chúng tôi. Chúng tôi đi xuống lối vào bằng bê tông dốc qua chỗ ngập nước và sau đó lên một cầu thang tối. Tôi nghẹt thở vì khói và trượt trên bậc thang. Sức nóng làm tôi ngạt thở. Có mùi hôi thối kinh khủng của thịt cháy. Với đèn máy quay sáng trước mặt, Dave vững chân hơn và dẫn đầu. Chúng tôi lò dò qua đống đổ nát và bước vào phòng trống ở tầng trên.

Đèn rọi sáng một khung cảnh khủng khiếp. Những người lính cứu hỏa bò quanh đống đổ nát. Sự cô lập tách khỏi các bức tường. Lửa vẫn cháy ở đống quần áo và đệm giường. Dave di chuyển về phía trước. Chân tôi trượt vào cái gì đó mềm, một xác chết cháy khô. Hai lính cứu hỏa đẩy tôi sang bên, một cơ thể khác trong tay họ. Lúc sau ánh sáng ban ngày chiếu qua một lỗ lớn trên mái nhà bằng bê tông dày gần 13m. Các thanh chống bằng sắt đã bị vặn cong.

Tôi đi ra ngoài. Người quản lí cư trú, Hassan Janadi gặp tôi ở lối vào Anh ta kích động dự đoán khoảng hơn 400 người dân đã ở trong khu cư trú đó, hầu hết là phụ nữ và trẻ em. Một số bị kẹt sau những cánh cửa sắt đóng bởi sức nóng quá lớn. Anh ta nói người dân địa phương mang giường và thức ăn của họ tới boong ke. Đây là một trong hai mươi nơi trú ẩn tương tự trong thành phố được xây vào năm 1984. Ala'a đang lau nước mắt. "Làm sao nước Mỹ có thể làm điều này?".

Tôi để Vito lại và đi cùng với Dave, Ala'a, người lái xe trở lại khách sạn. Tôi đi qua tiền sảnh, gọi Sadoun, "Cử cho tôi một người giám sát". Biên tập viên trực đêm ở phòng quốc tế CNN trên đường dây. Tôi nói với anh ta tôi cần phải lên hình trực tiếp ngay lập tức. Khi tôi đợi, Sadoun tới. "Không kiểm duyệt hôm nay. Nói những gì anh muốn về chuyện này. Chúng tôi hoàn toàn chẳng có gì phải che giấu cả" anh ta nói.

Khi phát thanh viên hỏi chuyện gì đang xảy ra, tôi đáp lại: "Có một thảm hoa lớn ở đây, một bi kịch, một nơi trú ẩn máy bay của người dân bị tiêu diệt". Một nhà sản xuất đã sẵn sàng trên đường dây. "Hãy làm đi", anh ta hướng dẫn. Tôi hoàn thành phần bản tin của mình.
Hình chúng tôi gửi về vụ đánh bom gồm những hình ảnh bi thương nhất về cuộc chiến. Nhưng Sadoun nói: “người Đức đang gửi những bức hình còn tệ hơn các bạn". Tôi nói rằng chúng tôi không phát phần xác chết trên CNN.

Khi Reid Collins lên hình vài giờ sau tôi trích lời của quản lí nơi trú ẩn nói rằng 200 xác chết đã được tìm thấy, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em.

Reid chen vào: “Peter, chỉ huy Mỹ ở Riyadh nói rằng đó không thực sự là nơi trú ẩn mà là một boong ke điều khiển và điều hành quân sự thì đúng hơn". Lầu Năm góc cho rằng nơi trú ẩn đó được tăng cường cho mục đích quân sự.

Cuối buổi tối tôi nghe thấy lời tuyên bố chính thức từ Nhà Trắng giải thích vụ tấn công nơi trú ẩn, rằng những chỉ đạo quân sự được đưa ra trực tiếp từ bộ máy chiến tranh Iraq từ nơi trú ẩn đã bị tiêu diệt, và rằng nó được sơn và ngụy trang để tránh tàn phá. Không ai biết tại sao dân thường lại ở đó.

Khi tôi trở lại nơi trú ẩn đó lần thứ hai. Tôi leo lên mái nhà cùng một tá các nhà báo khác. Chúng tôi không nhìn thấy sơn hay sự ngụy trang nào. Những người dân tôi gặp ở hiện trường nói rằng họ đã sử dụng nơi trú ngụ này từ khi chiến tranh bắt đầu. Tôi nhìn thấy một cần ăngten cao 3m nhưng không có bằng chứng của trung tâm chỉ huy công nghệ cao. Nơi trú ẩn nằm giữa trung tâm của cộng đồng dân cư ngoại ô xung quanh là một giáo đường, một trường học và một siêu thị.

Đó không phải là việc của tôi để cãi nhau với chính phủ Mỹ. Họ có lực lượng gián điệp công nghệ và những nguồn thông tin đặc biệt ngoài khả năng của tôi. Không một khoảnh khắc nào tôi tin lời lên án của người dân Iraq rằng nơi trú ngụ đã là mục tiêu của Lầu Năm góc để giết dân thường. Toàn bộ chiến dịch đánh bom tới thời điểm đó dù sao đã được chỉ ra. Tất cả các khu vực dân cư sinh sống bị tiêu diệt mà tôi nhìn thấy hầu hết là mục tiêu quân sự.

Vẫn có một số mục tiêu - như căn cứ sử dụng hai mục đích nơi cả nhân viên và người dân làm việc cùng nhau - mở rộng khả năng cho những tổn thất vô tội. Nơi trú ẩn Amiriya có thể nằm trong danh mục đó, bị nghi ngờ vừa là trung tâm chỉ huy quân sự vừa là nơi trú ẩn của người dân.

Một số cơ quan bộ, chính phủ chuyên giải quyết các công việc hành chính đã bị tàn phá hoặc tiêu diệt trong tuần trước: Ba bưu điện đã bị đánh bom ở Baghdad. Hai trong những chiếc cầu qua sông Tigris ở trung tâm Baghdad chủ yếu người dân sử dụng đã bị đánh sập mặc dù quân đội hầu hết đi lại qua chiếc cầu hiện đại về phía bắc và phía nam của thủ đô lại không bị đánh bom. Đêm hôm trước, trong khi tôi làm tin trực tiếp, ba tên lửa lao vào trung tâm hội nghị lớn từ Khách sạn al-Rashid bị cháy suốt đêm.

Kết luận cuối cùng công khai về vụ đánh bom nơi trú ẩn là ít cuộc tấn công hơn được chỉ đạo ở Baghdad. Nhưng dù sao, cuộc tấn công đã sửa đổi thói quen của rất nhiều người trong thủ đô. Nhân viên Khách sạn al-Rashid cho thấy sở thích bất ngờ của họ là ngủ ở các phòng trọ bên ngoài.

Khi tôi phỏng vấn Chủ tịch của PLO, Yasser Arafat tại đại sứ quán của ông ta, ông ta nói rằng người Iraq đã chỉ cho ông ta một nơi trú ẩn máy bay nhưng ông ta thích tự lo liệu lấy.

Phóng viên thường trú Bản tin truyền hình Độc lập Brent Sadler nói với tôi rằng anh ta đã tới thăm một nơi trú ẩn rộng hơn gần cầu 14 tháng 7 mà trống không. Một số người nói thậm chí họ không ngủ trong các hầm của họ. Cứ khi nào có bom trên trời, không ai cảm thấy an toàn. Cái giá cho việc xâm chiếm Kuwait là đặt cuộc sống của mọi người vào nguy hiểm.

Một cuộc diễu hành khá lớn ở Amirya với những khẩu hiệu chống Mỹ ngày hôm sau nổ ra. Đó là cuộc biểu tình công khai đầu tiên mà tôi chứng kiến từ khi chiến tranh bắt đầu. Người dân dường như không quan tâm họ có thể trở thành mục tiêu ném bom.

Đó chỉ đơn giản là một kháng cự công khai. Không khí của Baghdad trở thành nơi của sợ hãi, hăm dọa và cam chịu. Các đồng nghiệp báo chí của tôi nói về những phản kháng không lường trước với những người qua đường phàn nàn về Saddam Hussein.

Một hôm, một thanh niên trẻ tới chỗ chúng tôi đang phỏng vấn những người chủ cửa hàng và hét lên anh ta ghét chính phủ và chạy đi. Ala'a nói rằng nếu chúng tôi sử dụng video đó anh ta sẽ buộc phải điều tra người thanh niên đó, do vậy tôi phải cắt bỏ đoạn hình có người thanh niên.

Khi tờ Thời báo New York trích nguồn tin quân đội tuyên bố Khách sạn al-Rashid là nơi trú ẩn cho một trung tâm liên lạc quân sự lớn trong một tầng hầm phụ bí mật. Lầu Năm góc nói rằng việc tiêu diệt nơi trú ẩn Amirya vì nó là trung tâm chỉ huy quân sự. Có phải tiếp theo là chúng tôi?

Có gần 150 dân thường đang sống trong khách sạn gồm các phóng viên và các nhà ngoại giao. Tôi nhanh chóng kiểm chứng điều này. Tôi gặp người quản lí khách sạn Gahzi Ali Ismail và năn nỉ rằng tôi phải được đi thăm ngay lập tức và hoàn toàn cơ sở của ông ta. Khi ông ta đưa Sadoun vào cuộc bàn bạc, tôi yêu cầu được phép chiếu máy quay qua bất kì cửa nào tôi muốn.

Họ đồng ý không hề phản đối. Dave và tôi hướng vào tầng hầm và qua các boong ke, người quản lí mở các phòng kho và tủ. Chúng tôi tới một phòng rộng mà ông ta nói rằng trung tâm hệ thống liên lạc nội bộ của khách sạn. Tôi nghĩ chúng tôi đã tìm thấy điều gì đó: hai người đàn ông đang làm việc ở bàn phím. Đó chỉ là nhân viên của khách sạn. Chúng tôi nhìn qua các đường hầm nối liền tầng hầm với các tòa nhà khác và các cửa lật ở trên sàn. Sau một giờ, tôi thông báo không có dấu hiệu tồn tại nào của một trung tâm chỉ huy.

Buổi sáng hôm sau tờ Thời báo New York trích lời các quan chức Mỹ ở Washington nói rằng khách sạn "giờ có thể là địa điểm chỉ huy chính của Iraq" nhưng xác nhận nó không bị đánh bom bởi vì sự có mặt của dân thường. Đó giống như trò đùa rất tệ dành cho tôi nhưng tôi không chắc lắm. Tôi có thể đã nhầm lẫn chiến tranh tuyên truyền với chiến tranh thật.

Tôi chưa bao giờ hoàn toàn chắc chắn về những người ở trong các phòng khách sạn và tất cả chúng dùng để làm gì. Khách sạn đang có lợi thế đặc biệt và tôi biết rằng người Iraq sẽ không lưỡng lự sử dụng nếu nó cần cho mục đích của họ.

Sự tranh cãi về vụ đánh bom nơi trú ẩn Amiriya chuyển sự chú ý về độ tin tưởng của tôi sang Lầu Năm góc. Những hình ảnh gây sốc đến mức mọi người bắt đầu đặt câu hỏi về chính sách. Một số người tranh cãi rằng hậu quả của một cuộc đánh bom lấy đi mạng sống của hơn 300 người dân có thể bị lờ đi, đặc biệt trong một cuộc chiến tranh công nghệ cao nơi những lỗi lầm như vậy không mong đợi xảy ra.

Công chúng tự nhiên tin vào những người ra thông cáo quân đội và sự xác nhận của họ về sự hoàn hảo của công nghệ và sự chính xác tuyệt đối. Bây giờ các nhà sản xuất CNN nói với tôi, thư gửi tới hệ thống bắt đầu chuyển sang yêu quý tôi với ít lời hơn gọi tôi là phát ngôn viên của Saddam Hussein, và nhiều người đề cập tới nhu cầu về quyền được biết của công chúng.

Vào giữa tháng 2 ở Baghdad, một tháng sau khi có trận đánh bom đầu tiên, người Iraq bắt đầu nói về thỏa thuận. Các mục tiêu quân sự và công nghiệp cơ bản bị tàn phá ở Iraq. Quân đội ở Kuwait đã bị nghiền nát. Yevgeny Primakov, một phái viên do lãnh đạo Xôviết Mikhail Gorbachev phái đi để thuyết phục Saddam rời khỏi Kuwait trước khi chiến tranh mặt đất bắt đầu.

Khi chúng tôi nói chuyện với ông ta tại Khách sạn al-Rashid, ông ta tự tin về hòa bình. Chính phủ Iraq thậm chí tuyên bố họ đã sẵn sàng rút khỏi Kuwait, bằng chứng rõ ràng rằng ý chí của Saddam đang nao núng. Nhưng lời đề nghị đó kèm theo quá nhiều điều kiện không thể chấp nhận được với Tổng thống Bush.

Tuy nhiên, lời đề nghị rút lui được công bố trên Đài tiếng nói Baghdad tiết lộ nhiều điều về thái độ của người dân. Họ muốn chiến tranh kết thúc. Chúng tôi chụp ảnh người dân bắn súng lên trời trong trung tâm thành phố. Họ tấn công chúng tôi khi chúng tôi đi bộ trên đường Jamouri. Họ lờ đi những người giám sát và bộc phát cảm nhận của họ.

Một người đàn ông nói bằng tiếng Anh: "Thế giới không cho chúng ta sự lựa chọn nào. Chúng ta phải rời khỏi Kuwait". Một người khác nói rằng chẳng có gì phải tiếp tục phản kháng: "Không thức ăn, không thuốc men, không điện. Do vậy chúng ta có thể làm được gì?".

Một người giám sát đẩy tôi sang bên và nói với tôi rằng Bob Simon và đội của anh ta đã bị bắt ở Baghdad. Anh ta thậm chí còn lái xe đưa tôi qua trụ sở gián điệp nơi Bob Simon bị giữ ở đó và tôi đã chứng nhận điều đó trên hình. Tôi nghi ngờ người Iraq đang cố gắng chuyển một thông điệp tới Lầu Năm góc rằng không được tấn công tòa nhà đó, nhưng họ đã thất bại. Vài ngày sau đó, trụ sở bị đánh bom, các nhân viên của CBS không bị thương và vẫn sống trong hầm.

Ngày 19-2, tôi chia sẻ nhiệm vụ làm tin, lên hình trực tiếp vào buổi sáng, trưa và tối cùng phóng viên thường trú CNN Christiane Amanpour. Chúng tôi đi nhiều hơn tới vùng nông thôn nhưng những vụ đánh bom tình cờ có ít tin tức hơn bởi những cố gắng phút cuối cho một hòa bình trước khi chiến tranh mặt đất sẽ bắt đầu.

Trong những chuyến đi tới Samawa và Kebala ở phía nam và Kirkuk ở phía bắc, tôi nhận thấy có ít các vụ đánh bom hơn, các máy bay đồng minh đang tập trung tiêu diệt lực lượng Iraq ở Kuwait. Giao thông trên đường cao tốc tấp nập, chủ yếu là các xe tải chở quân, một thực tế mà chúng tôi không được phép đề cập tới.

Một đêm trên hình, Bob Cain hỏi tôi xem chiến dịch đánh bom có thành công trong việc ngăn chặn sự đi lại của quân đội trên một đường cao tốc lớn mà tôi đã đi không? Tôi nói với anh ta: "Có rất nhiều phương tiện giao thông trên đường và không có nhiều dân thường".

Những cố gắng để đạt được hòa bình thương lượng trở thành trung tâm của những bài tin của chúng tôi. Điện Kremltn tìm kiếm một sự thỏa hiệp; Bộ trưởng Ngoại giao Tariq Aziz dành một chuyến thăm được báo giới quan tâm tới Mátxcơva.

Vài ngày sau đó, 21-2, Iraq tuyên bố qua Liên Xô, mong muốn bắt đầu "việc rút quân đầy dủ và vô điều kiện" khỏi Kuwait. Theo sau là bài phát biểu tham chiến từ Saddam Hussetn nói rằng nếu lời đề nghị bị từ chối thì Iraq sẽ chiến đấu như ông ta từng gọi trước đó "the mother of battles" tới chiến thắng.

Tổng thống Bush cho Saddam 48 giờ để rút toàn bộ quân ra khỏi thành phố Kuwait và hoàn thành việc rút quân khỏi đất nước đó trong một tuần. Saddam từ chối tối hậu thư. Ngày thứ sáu, 23-2, Bush tuyên bố bắt đầu chiến tranh mặt đất.

BUỔI TRUYỀN HÌNH CUỐI CÙNG


Chiến tranh mặt đất đến nhanh và tàn khốc. Lực lượng Iraq ở Kuwait trốn chạy. Đối với các nhà báo ở Baghdad, việc làm tin trở nên thật tồi tệ bởi vì thủ đô bị chia cắt và tất cả bản tin của chúng tôi phải dựa vào các chương trình phát thanh quốc tế. Người dân Baghdad khủng hoảng. Họ lắng nghe những bản tin tương tự về sự sụp đổ nhanh chóng của lực lượng quân đội chính phủ.

Vào sáng ngày 26-2, Saddam Hussein chính thức kêu gọi lực lượng của ông ta rút khỏi Kuwait. Những người giám sát ở khách sạn vui mừng ôm hôn nhau. Tôi không thấy bàn tay xiết chặt trên chiến thắng, không sự hối hận vì mất Kuwait, chỉ là sự giải tỏa thách thức đã kết thúc.

Tôi chứng kiến những người lính mất nhuệ khí lác đác trong thành phố trở về từ chiến trường ở phía nam. Họ bị tước vũ khí ở ngoại ô Baghdad. Chúng tôi không được phép chụp ảnh hay phỏng vấn họ. Baghdad trở nên rộng mở cho các cuộc tấn công.

Tôi tỉnh dậy mỗi buổi sáng trong suốt cuộc chiến tranh mặt đất và nhìn ra cửa sổ xem các trực thăng vũ trang có xuất hiện trên bầu trời không, xem Tướng Schwarkopf có dàn những chiếc xe tăng của ông ta trên đường tới thủ đô không. Không có gì ngăn cản ông ta tiến tới Baghdad từ vị trí tiền phương trên sông Euphrates nếu Bush yêu cầu. Nhưng những mệnh lệnh đó chẳng bao giờ được đưa ra. Mà rõ ràng Bush cũng mong muốn thoát khỏi cuộc chiến.

Trận đánh bom cuối cùng của Baghdad xảy ra vào đầu giờ sáng ngày 28-2 ở ngoại ô phía nam trước gần 1 giờ khi Bush tuyên bố chiến tranh kết thúc. Những cuộc tấn công đã tiếp diễn trong vòng 43 ngày. Đài phát thanh Baghdad tuyên bố Iraq đã chiến thắng.

Tôi tới trung tâm vào đầu giờ chiều trên các con đường đầy người dân đã đi ẩn náu trong nhiều tuần. Thanh niên chơi đá bóng trên đường, những người tàn tật ngồi xe lăn và đang thưởng thức ánh nắng mặt trời. Tôi không hề tìm thấy sự hối hận của bất cứ ai khi rời khỏi Kuwait.

Điều khoản đầu tiên của việc ngừng bắn là thả tự do ngay lập tức cho tất cả tù nhân chiến tranh quân đội. Bob Simon và đội của anh ta cũng được tự do, và ở lại đêm đó trong khách sạn trước khi về nhà.

Kết thúc chiến tranh kéo theo những cuộc nổi dậy của người dân Kurdish ở phía bắc và người Shia ở phía nam, nhưng chúng tôi không được phép tới thăm. Trên đài phát thanh quốc tế, chúng tôi nghe nói người dân tập hợp hàng nghìn người, chiếm các tòa nhà chính phủ và các doanh trại, tận dụng điểm yếu của chính quyền trung ương.

Nhưng Saddam vẫn đủ lực lượng quân sự để giải quyết cuộc nổi loạn. Bộ trưởng Thông tin ở Baghdad cho chúng tôi vài chi tiết. Chúng tôi vẫn truyền hình trực tiếp mỗi ngày nhưng có ít tin tức hơn bởi vì chúng tôi không được phép tới những vùng có rắc rối.

Tôi mệt mỏi và ho rất nhiều. Tôi gầy đi. Tôi muốn rời Baghdad. Sadoun tức giận với các kế hoạch của tôi. Anh ta nói với tôi rằng tất cả các tổ chức tin tức sẽ bị trục xuất trong vài ngày. Chỉ CNN có thể ở lại nếu tôi tiếp tục ở lại. Tôi cảm thấy giống như một vụ bắt con tin. Tôi cô đơn. Nhưng tôi cảm nhận tôi không có sự lựa chọn nào khác là ở lại, thậm chí câu chuyện đã chuyển sang Kuwait được tự do và các thành phố chiến trường Iraq nơi chiến tranh nhân dân vượt ngoài tầm với của chúng tôi.

Sadoun khắc nghiệt, nói rằng chúng tôi chỉ được phép làm tin các câu chuyện của chính phủ công khai. Tôi bảo vệ rằng sự đàn áp của Chính phủ Iraq với các dân tộc thiểu số đang được phát khắp thế giới từ các vùng chiến mới và những gì chính phủ của anh ta đang nói với tôi bắt đầu trở nên nực cười.

Những người Iraq cho rằng chẳng có gì diễn ra trừ những doanh nhân mà tôi gặp ở Baghdad và các nhà ngoại giao Ảrập chuyển cho tôi những thông tin về các cuộc đàn áp dã man đối với người dân Kurd và Shia. Nhưng tôi không thể sử dụng nó. Tôi thậm chí có những bản tin có giá trị về cuộc tấn công trong những khu người Shia ở thủ đô và sự đàn áp thô bạo của họ.

Một số phóng viên thường trú ở đó cũng bực mình với những hạn chế. Lee Hoffstader của tờ Washington Post, người đang sử dụng phương tiện liên lạc của CNN, thử sự kiên nhẫn của Sadoun bằng cách nộp những bài viết gồm những chỉ trích về Saddam Hussein. Người giám sát đó tức giận. Hoffstader nói với tôi là Sadoun xé nát bài tin.

Các phát thanh viên CNN không để cho vấn đề chìm xuống. Bất kì khi nào Christian hoặc tôi lên hình, họ hỏi dồn chúng tôi các câu hỏi về cuộc nổi dậy. Sadoun trở nên tức giận. Anh ta yêu cầu chúng tôi không đáp lại và tôi phải thông báo với CNN rằng những câu hỏi như vậy thậm chí không nên đưa ra. Điều đó là quá nhiều. Tôi nói với anh ta rằng chúng tôi không thể thực hiện công việc của mình theo cách đó. Đây không phải thời điểm cao trào của chiến tranh để đưa ra những yêu cầu đó. Sadoun đáp lại, "Điều này còn nhạy cảm hơn cả chiến tranh". Tôi đoán anh ta cũng chịu áp lực lớn.

Tôi tự gây rắc rối cho mình. Tôi phàn nàn với Naji rằng chúng tôi không thể tiếp tục kiểu đó, chúng tôi muốn dòng chảy thông tin thường xuyên. Do vậy họ quyết định kết thúc sự khổ cực của tôi. Sadoun tới khi tôi đang ăn tối muộn để thông báo rằng CNN sẽ phải rời đi vào buổi sáng. Cuối cùng chúng tôi đã được ra đi.

Tôi thở phào. Câu chuyện đã tới điểm chết. Bản tin còn lại duy nhất là sự khởi hành trước mắt của chúng tôi. Tôi triệu tập Dave và chúng tôi lắp điện thoại vệ tinh gọi về Atlanta. Tôi dẫn đầu và truyền hình trực tiếp không cần đợi người giám sát. Lần đầu tiên tôi không có gì để mất. Atlanta không hài lòng chỉ với phỏng vấn điện thoại. Họ muốn tôi lên hình.

Sadoun đồng ý buổi truyền hình cuối cùng và cử một người giám sát trẻ tôi không biết mặt để giám sát tôi. Anh ta thậm chí không quan tâm tới những gì tôi nói. Anh ta đứng dưới bóng râm trong vườn vừa hóng tai nghe vừa nói chuyện với Christian còn Dave cài microphone vào áo tôi và chỉnh ánh sáng.

Frank Sesno đang dẫn chương trình từ Washington. Tôi tiết lộ mọi thứ mình biết. Tôi nói khoảng nửa giờ. Tôi nói rằng Saddam Hussein có thể vẫn duy trì quyền lực vì vị trí chính trị của ông ta còn nguyên và vẫn có lực lượng an ninh lớn để đàn áp mọi cuộc nổi loạn. Tôi nói rằng người Iraq nhận biết rõ về chiến thắng trên chiến trường nhưng không có vị trí để làm nên một sự thay đổi chính phủ.

Người giám sát vẫn đang nói chuyện với Christiane. Tôi không muốn đi quá xa. Nếu những nghị sĩ của Iraq đang xem tôi bằng đĩa vệ tinh của họ, thì tương lai của người giám sát trẻ kia sẽ rơi vào lâm nguy. Tôi nói với Sesno tôi đang để dành nhiều lời bình luận hơn cho Amman, "nơi tôi không cần thiết gây phiền hà cho bất kì nhân viên địa phương nào"

Sesno yêu cầu tôi phát biểu cảm nhận hai tháng ở Baghdad và về những lời bình luận với phần tác nghiệp của tôi. Tôi nói rằng cả thế giới đã ngừng đánh bom Baghdad và tôi là nhân chứng của điều đó. Tôi tự hào ở đó.

Sesno hỏi tôi có biết mình nổi tiếng không. Tôi nói với anh ta một phóng viên từ Ankara nói rằng phụ nữ ở Thổ Nhĩ Kì đặt tên cho con họ theo tên tôi, thậm chí là con gái. Một phóng viên Vatican nói rằng Giáo hoàng muốn gặp tôi. Tôi nói rằng tôi không cảm thấy có gì khác từ lần đầu tiên tôi tới Baghdad cách đó hai tháng, chỉ đơn giản là mệt mỏi hơn thôi .

Chúng tôi dành một ngày đóng gói hành lí và ra đi vào sáng sớm ngày hôm sau. Sadoun hôn tôi lần cuối cùng. Anh ta lại không cạo râu và râu cứng cào má tôi. "Tôi học rất nhiều từ anh, Peter ạ", anh ta nói nghiêm trọng. Sadoun luôn quá nhạy cảm, quá cường điệu. Tôi nghĩ anh ta ít quý tôi. Chúng tôi chia sẻ rất nhiều và không giống là một cặp bạn bè trong thời đại ngôi làng toàn cầu. Tôi biết tôi sẽ nhớ anh ta. Nhưng tôi không bao giờ nghi ngờ về nơi anh ta đặt lòng trung thành của mình.

Đội hộ tống của chúng tôi hướng theo con đường qua sa mạc, qua rất nhiều tháp truyền thông bị phá hủy, xe tăng bị đốt và những hố bom. Trạm biên giới Iraq đã sống sót trong chiến tranh. Các nhân viên kiểm tra giấy xuất cảnh và vẫy tay cho chúng tôi qua. Những người Jordan mau chóng mời chúng tôi dùng trà.

Vito và tôi cùng đi chung taxi tới Amman. Đã quá nửa đêm và chúng tôi đã trải qua 14 tiếng trong hành trình từ Baghdad thì chiếc taxi bị hỏng trên sa mạc trong khi còn một giờ nữa thì đến nơi. Tôi đi bộ trên con đường tối và một lúc sau vẫy đi nhờ một chiếc xe tải, ánh đèn pha dừng lại. Tôi nghe thấy giọng thét tên tôi từ ca bin. Tôi phân vân không hiểu ai biết tôi trong một chiếc xe tải ở giữa sa mạc Jordan. Một người lái xe Palestin đội khăn xếp trèo ra và bắt đầu đấm vào tay tôi. Anh ta là một fan hâm mộ. Anh ta đã xem các buổi phát hình của tôi trên đài Truyền hình Jordan. "Peter Arnett, CNN, chào mừng", anh ta nói .

Tôi gọi Vito và chúng tôi leo lên xe tải. Tôi rất ngạc nhiên vì được nhận ra nhưng tôi cám ơn được đi nhờ nhiều hơn. Khi chúng tôi tới khách sạn, một đám đông các đồng nghiệp báo chí đang chờ ở đó họ vây quanh Vito và tôi, chụp hình và thét những câu hỏi về Baghdad. Tầng trên là văn phòng CNN, tôi vội vàng vào Studio phát hình trực tiếp và lần đầu tiên được Frank Sesno phỏng vấn, sau đó là Larry Kinh. Không có người giám sát xung quanh. Tôi bỗng nhớ tới Sadoun.

Năm giờ sáng, CNN cuối cùng cũng để tôi một mình. Phòng ngủ ấm. Toilet sạch sẽ. Có nước nóng. Ga trải giường trắng tinh. Khách sạn al-Rashid dường như đã xa rời trong ký ức.
*
*   *

Tháng 3-1997, cùng với đội quay phim của CNN tôi đã phỏng vấn trùm khủng bố Osama Bin Laden ở nơi ẩn nấp trên núi của ông ta ở Afghanistan. Vào thời điểm đó, Bin Laden ít được công chú ng biết đến, nhưng ông ta đã bị các cơ quan tình báo quốc tế theo dõi như một người cuồng tin Hồi giáo nguy hiểm với nguồn tài chính cá nhân đáng kể. Trong bài phỏng vấn của mình, Bin Laden tuyên bố một cuộc thánh chiến với Mỹ và hứa sẽ gây ra nhiều xung đột và thiệt hại quân đội nhằm xóa bỏ sự ảnh hưởng của phương Tây trong thế giới Hồi giáo. Vào thời gian phỏng vấn ông ta, những mối đe dọa của Bin Laden từ những ngọn núi phía xa chỉ là lối nói hoa mĩ rỗng tuếch. Nhưng khi cuộc tấn công không tặc mà ông ta tổ chức tấn công vào Tòa nhà Thương mại thế giới ngày 11-9-2001 giết chết 3.000 người dân đã làm tha y đổi trật tự thế giới.

HẾT

Không có nhận xét nào: