Chủ Nhật, 4 tháng 8, 2013

Sự lừa dối hào nhoáng (Phần 1) - Neil Sheehan

LỜI NÓI ĐẦU

Cuốn sách này buộc tôi đối mặt với sự thật bi đát của cuộc chiến tranh ở Việt Nam và nhận thấy chúng ta không bao giờ thắng được. Trong quá khứ chiến tranh luôn là một thực nghiệm “tích cực” của nền văn hóa Hoa Kỳ, một cuộc vận động tinh thần nhằm tăng cường sự thống nhất của những người tham gia.

Nhưng cuộc chiến tranh này người ta cho là sai lầm hoặc bị lên án về đạo đức, bằng mọi cách đã tiến hành vô bổ. Đây là cuộc chiến tranh “tiêu cực” đầu tiên trong lịch sử Hoa Kỳ và đất nước phải chịu đựng nhiều khó khăn.

Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai, các nhà lãnh đạo của chúng ta sát thực tế hơn, sau đó chúng ta trở nên giàu có và mạnh đến nỗi mất khả năng suy nghĩ sáng suốt. Kiêu căng thay thế thực tiễn, các chỉ huy quân sự và dân sự của chúng ta không thể dễ dàng chấp nhận thua cuộc ở Việt Nam. Các chính quyền nối tiếp nhau tự dối mình, hài lòng về ảo tưởng chúng ta có thể có mặt vĩnh viễn ở đất nước này. Người Mỹ trở thành nạn nhân của chính mình hơn là của kẻ địch. Bài học cay đắng thật khó chấp nhận !

Nếu ở lại Việt Nam chúng ta phải trả giá gánh nặng thường xuyên về tài chính. Nhất là chúng ta nhức nhối dai dẳng bởi vết thương tinh thần khi cố thống trị một dân tộc không bao giờ chấp nhận chúng ta. Người Việt Nam chẳng bao giờ chấp nhận một sự thống trị nào hết của nước ngoài. Lịch sử chứng tỏ họ không ngừng chiến thắng, đẩy lùi quân xâm lược dù là người Trung Hoa, Mông Cổ, Mãn Châu, Pháp và dĩ nhiên cả người Mỹ.

NEIL SHEEHAN


BUỔI TIỄN BIỆT

Họ đến đưa tang anh, trong ngôi nhà nguyện lợp ngói đỏ cạnh cổng nghĩa trang. Sáu con ngựa xám buộc vào chiếc xe hòm đưa quan tài ra đến mộ. Đội quân nhạc chờ đợi Đoàn quân danh dự của trung đoàn có lịch se từ thời Cách mạng, xếp thành hàng trước hành lang trắng của nhà nguyện. Binh lính bận đồng phục màu xanh nước biển viền vàng, những máu sắc truyền thống của Hợp chủng quốc. Bộ quần áo quá nóng do thời tiết và độ ẩm trong buổi sáng ngày thứ sáu mùa hè ở Washington nhưng lễ tang chính thức xóa đi sự bức bối đó. John Vann, lính chiến ở Việt Nam được an táng ở Arlington ngày 16 tháng 6 năm 1972.

Cuộc chiến tranh này kéo dài hơn bất cứ cuộc chiến nào khác trong lịch sử Hoa Kỳ và chia rẽ người Mỹ hơn bất cứ tranh chấp nào khác kể từ cuộc chiến tranh Nam – Bắc. Từ những trận chiến không có anh hùng ấy, người ta đang chôn cất một trong những nhân vật quyến rũ nhất. Sức mạnh và nét độc đáo trong tính cách của anh, lòng can đảm anh thể hiện trong những thời khắc nguy ngập, hình như hội tụ những đức tính mà người Mỹ tôn sùng. Hết lòng vì cuộc chiến, kiên lòng đến mức ám ảnh là hình tượng cố kết của Mỹ ở Việt Nam. Anh trở thành hình mẫu, với những ảo tưởng, ý đồ, sự kiêu căng và lòng ham muốn chiến thắng. Trong lúc những người khác bị đánh bại, thất vọng bởi thời gian hoặc mất đi sự đánh giá mơ hồ, chống đối chiến tranh thì anh đã kiên trì trong cuộc viễn chinh để cứu vớt cái không cứu vãn được, tranh thủ chiến thắng trong sự nghiệp bị lên án này. Sau mười năm chiến đấu, trước đấy một tuần lễ anh chết vào một đêm chiếc trực thăng của anh phát nổ trong mưa và sương mù gần trên cao nguyên Nam Việt Nam. Anh vừa ngăn chặn gần thị xã Kontum một cuộc tấn công của quân đội Bắc Việt Nam đáng lẽ kết thúc tai hại cho quân lính Hoa Kỳ.

Tất cả những người đến đây đưa tang anh tượng trưng cho những chia rẽ và những vết thương cuộc chiến mang tới cho xã hội Mỹ. Đồng thời hầu hết họ cũng bị anh lôi kéo. Một số đến vì họ đã ca ngợi và vẫn luôn chia sẻ lý tưởng của anh; những người khác đã xa rời nhưng vẫn coi anh là một người bạn; những người khác nữa, anh đã gây ảnh hưởng xấu đối với họ nhưng họ vẫn thương cảm cho số phận của anh. Tuy cuộc chiến tranh còn kéo dài ba năm nữa và tiếp tục làm chết nhiều người nhưng những người có mặt ở Arlington buổi sáng tháng Sáu năm 1972 ấy có cảm giác họ cùng với John Vann đã chôn vùi cuộc chiến và mười năm ở Việt Nam. Vann chết, những gì còn lại chỉ là phần viết thêm.

Anh đến Sài Gòn tháng Ba năm 1962, mang hàm trung tá, 37 tuổi, tình nguyện làm cố vấn quân sự cho một Sư đoàn bộ binh Nam Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long. Khi ấy chiến tranh còn là một cuộc phiêu lưu. Tháng Chạp trước đấy tổng thống John F. Kennedy giao cho quân đội Hoa Kỳ nhiệm vụ tiêu diệt một cuộc nổi dậy của Cộng sản và bảo vệ miền Nam Việt Nam, quốc gia độc lập có một chính phủ do người Mỹ dựng lên cầm đầu ở Sài Gòn.

Vann có những đức tính của một người chỉ huy. Anh đã là một đứa trẻ khốn khổ ở miền Nam, sinh ra trong cuộc khủng hoảng kính tế tiếp theo cuộc khủng hoảng năm 1924 ở một khu người da trắng nghèo Norfolk bang Virgina. Thời gian đầu đến Việt Nam, bạn bè và cấp dưới chế giễu vì do anh không bao giờ đổi màu. Thường hành quân cùng bộ binh Nam Việt Nam nhưng dù đi dưới nắng gắt, làn da hung của anh chỉ đỏ hồng lên một ít.

Thể trạng anh có vẻ ốm yếu, cao một mét bảy mươi và nặng 67 kilô. Nhưng sinh khí và uy quyền đặc biệt bù đắp thừa thãi cho vẻ ngoài gầy gò. Anh có một sinh lực cho phép làm trong một ngày công việc đòi hỏi cường độ gấp đôi đối với người khác. Mỗi đêm anh chỉ cần ngủ bốn tiếng đồng hồ, cũng có thể bớt xuống hai tiếng khi công việc kéo dài nhưng vẫn minh mẫn. Nếu cần anh có thể dễ dàng làm việc 16 trong 24 tiếng mà vẫn đủ thì giờ nghỉ ngơi, giải trí.

Ảnh hưởng bao trùm của anh đối với những người khác do nét cứng rắn giọng mũi và sự dứt khoát, sắc sảo. Anh luôn biết mình muốn gì và phải làm như thế nào, có tài giải quyết những vấn đề hàng ngày đặt ra trong những hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt của thời chiến. Tính tình và sự giáo dục của quân đội ở trường trung, đại học hình thành nên một tinh thần vừa hoàn toàn tận tụy với nhiệm vụ vừa đủ tỉnh táo để suy xét những lý lẽ sâu xa của vấn để. Anh biểu lộ lòng tin và tinh thần của nước Mỹ sau chiến tranh, muốn rằng mọi thách thức đều có thể giải quyết bằng nghị lực và trí thông minh, kỹ thuật, tiền bạc sử dụng có phương pháp và tùy trường hợp, cả sức mạnh quân sự.

Vann không sợ gì hết. Ban đêm anh thường có mặt ở các đồn tiền tiêu do quân Nam Việt Nam đóng giữ; những công sự nhỏ ấy biệt lập, xây bằng gạch, bằng túi cát và rơm, luôn bị tấn công và bản thân anh cũng cầm súng giúp binh lính đẩy lùi những người đi đánh chiếm. Anh lái xe trên những đường mòn không ai dám đi vì sợ phục kích, đơn giản chỉ nhằm chứng tỏ có thể làm được việc đó. Anh đậu trực thăng ngay giữa một thị trấn bị bao vây để giúp đỡ quân đồn trú, không quan tâm đến đạn phòng không như thách thức với cái chết. Trong 10 năm ấy anh nổi tiếng. Không bao giờ anh ngừng giáp mặt với những hiểm nguy. Anh nói, vận may luôn luôn ở bên anh.

Vann không ngần ngại trước những nguy cơ làm hại sự nghiệp của mình. Đó là năm đầu tiên anh đến Việt Nam, từ tháng 3 năm 1962 đến tháng 4 năm 1963. Trong lúc là cố vấn quân sự một sư đoàn bộ binh Nam Việt Nam ở đồng bằng sông Cửu Long anh nhanh chóng hiểu ra cuộc chiến tranh sẽ đi đến chỗ thất bại. Đại sứ Mỹ và Tổng tư lệnh quân đội báo cáo với chính quyền Kennedy là mọi việc trôi chảy và họ sẽ thắng. Lúc ấy Vann đánh giá, và sau này không bao giờ thay đổi, họ chỉ có thể thắng bằng áp dụng một chiến lược và một chiến thuật thật chính xác. Khi anh biết Tổng tư lệnh và ban tham  mưu của Sài Gòn không nghe và tờ trình của anh làm mếch lòng họ, anh chuyển đánh giá của mình bằng tài liệu chứng minh gủi lên những nhà phân tích chiến tranh. Được điều về Lầu Năm Góc sau năm đầu ở Việt Nam, anh mở một chiến dịch cố gắng thuyết phục các nhà lãnh đạo quân sự phải thay đổi chiến lược để tránh sự thất bại của Hoa Kỳ. Anh thất bại hoàn toàn. Do đã 20 năm phục vụ tích cự, anh quyết định giải ngũ ngày 31 tháng 7 năm 1963, một cử chỉ mà phần lớn bạn bè cho là phản khách cho phép anh bày tỏ rõ ràng quan điểm về cuộc chiến tranh. Đúng là điều Vann đã viết trên các báo, tạp chí, đã phát biểu trên truyền hình và trong các buổi diễn thuyết công cộng.

Anh trở lại Việt Nam vào tháng 3 năm 1965, làm trong Cơ quan phát triển quốc tế (AID) phụ trách một chương trình vì hòa bình, không trở về Hoa Kỳ nữa trừ những kỳ nghỉ ngắn hạn. Anh bắt đầu làm việc ở một trong những tỉnh nguy hiểm nhất miền Tây Nam Bộ và cuối năm 1966 chịu trách nhiệm điều phối chương trình cho 11 tỉnh bao quanh thủ đô. Trong những năm đó Vann không ngừng tố cáo những cuộc ném bom hàng loạt và mù quáng tiêu diệt dã man những làng xóm hòng ngăn cản Việt Công dựa vào dân chúng. Nông dân  bị chuyển hàng loạt , tập trung vào những trại tị nạn ngoại vị. Vann không ngần ngại đem hết sức lực để đạt mục đích của mình và xem việc sử dụng sức mạnh đối với những người dân vô tội không những bị lên án về đạo đức mà còn là một hành động quân sự ngu ngốc.

Năm 1967  những phát ngôn thẳng thắn đã gây cho anh những rắc rối với chính quyền. Anh cảnh báo họ, cuộc chiến tranh toàn diện do tướng William Westmoreland mong muốn với đội quân 475.000 lính Mỹ sẽ thất bại, an ninh ngày càng bị đe dọa ở nông thôn vì những người cộng sản Việt Nam ngày càng lớn mạnh. Sự chỉ trích này được chứng minh đúng vào ngày 31 tháng Giêng năm 1968 khi những người cộng sản chọn dịp Tết để mở cuộc tấn công bất ngờ vào tất cả các thành phố, thậm chí vào đến khuôn viên Đại sứ quán Hoa kỳ ngay trung tâm Sài Gòn. Cuộc chiến hao tổn đúng là một thất bại và Westmoreland bị rút về nước.

Dù Vann đã làm gia đình mình và người thân đau khổ nhưng anh là người trung thực với bạn bè, với cộng sự và cấp dưới. Sau cuộc tấn công dịp Tết, người bạn Việt Nam anh rất gần gũi, nguyên trung tá và là tỉnh trưởng rời quân đội để làm chính trị, tổ chức một cuộc vận động bàn bạc về chiến tranh và đề xướng phong trào chống chế độ Sài Gòn. Giới quân sự Mỹ nghi ngờ người bạn của Vann tìm cách cùng những người cộng sản hình thành một chính phủ liên hợp mà ông ta giữ vị trí hàng đầu. Vann không đồng ý với ý đồ của bạn nhưng lại mạo hiểm để cố tránh cho bạn bị ngồi tù. Anh suýt bị cách chức và gủi trả về Hoa Kỳ. Vann cũng bất đồng về cuộc chiến tranh như người bạn Mỹ tốt nhất của anh, Daniel Ellsberg, thời gian đầu đã cùng anh đấu tranh chống cuộc chiến Việt Nam. Ellsberg tham gia một tổ chức chống chiến tranh ở Hoa Kỳ, trong lúc Vann tiếp tục có mặt trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Nhưng tình bạn của họ vẫn luôn nguyên vẹn. Khi Vann chết, Ellsberg sắp bị tòa án liên bang xét xử vì đã sao chép và phổ biến những tài liệu mật của Lầu Năm Góc. Vann báo tin sẽ đến làm chứng cho anh. Ellsberg khóc vì mất đi người bạn gần gũi nhất.

Mặc dù không xu thời, Vann dần dần được thăng tiến trong hệ thống cố vấn Mỹ. Những phẩm chất lãnh đạo và nhiệt tình chiến đấu làm anh dễ dàng được đề bạt, hơn nữa những người cầm quyền ở Sài Gòn và Washington bấy giờ bất đồng ý kiến với anh về đường hướng chiến tranh chứ không phải là chấm dứt nó. Tháng Năm năm 1971 anh được chỉ định làm cố vấn cho toàn vùng cao nguyên và những tỉnh duyên hải, có quyền hành đối với mọi lực lượng quân đội Mỹ trong vùng và với tất cả nhân viên dân sự, quân sự trong chương trình bình định. Vị trí của anh thực tế tương đương một trung tướng, một trường hợp không có trong lịch sử quân đội Hoa Kỳ trước đây vì Vann chỉ là một viên chức của Cơ quan phát triển quốc tế. Ngoài ra anh có quan hệ thân tình với viên tướng Việt Nam chỉ huy vùng này nên được phép cùng ông ta chỉ huy không chính thức 158.000 binh lính. Ảnh hưởng của anh trong lòng chính quyền Mỹ và chính quyền Sài Gòn làm anh trở thành một người Mỹ quan trọng nhất ở đất nước này sau đại sứ và tổng tư lệnh. Với những hiểu biết và đức tính can trường , anh trở thành một người Mỹ không thay thế được ở Việt Nam.

Quan điểm chính trị của Vann là tổng hợp hệ thống lòng tin độc đáo của Hoa Kỳ, sau chiến tranh được nâng lên vị trí mạnh nhất thế giới. Chính tầm đố đối với thế giới còn lại đã đưa nước Mỹ gây chiến với Việt Nam trong độ sung sức của mình. Vann cho rằng những dân tộc khác nhỏ yếu sẽ tự nhiên chấp nhận quyền lãnh đạo của Mỹ. Anh tin chắc Hoa Kỳ luôn giữ được vị trí lỗi lạc của mình. Anh không nghĩ nước Mỹ hành động vì kiêu ngạo mà ngược lại với quyền lực vững vàng, nhân ái, sức mạnh giữ gìn hòa bình đưa lại thịnh vượng cho những dân tộc không cộng sản, độ lượng san sẻ những thành quả công nghiệp, kỹ thuật với những người đang sống khó khăn vì nghèo nàn, bất công và luật pháp yếu kém. Nguyên tắc của anh : nước Mỹ luôn luôn đúng, thậm chí có những sai lầm thì ý đồ vẫn tốt đẹp. Lập trường chống cộng của anh rất đơn giản : tất cả những người cộng sản đều là kẻ thù của Mỹ và do đó là kể thù của trật tự và tiến bộ.

Anh đã thấy rõ những sai lầm trong cuộc chiến ở Việt Nam nhưng không vì thế mà kết luận bản thân chiến tranh là một điều xấu và không thể chiến thắng được. Anh không thể chấp nhận sự thất bại hoặc thay đổi cách nhìn của mình đối với nước Mỹ. Mùa xuân trước đó, trong lúc nhiều người thất vọng trước qui mô tấn công của bộ đội Bắc Việt, anh đã nói : Không, chúng ta không rút lui, chúng ta trụ vững và chiến đấu. Anh đã chiến đấu, đã thắng lợi và chết. Vì vật một số người ở nghĩa trang Arlington ngày 16 tháng 6 năm 1972 ấy tự hỏi với cái chết, họ có chôn vùi điều gì đó hơn chiến tranh và mười năm ở Việt Nam không. Có lẽ cũng là kết thúc cho niềm tin một nước Mỹ luôn luôn vô tội.

Người đã tham gia tích cực vào sự khai sinh chính quyền Nam Việt Nam, tướng Edward Lanslaide, đứng ở bậc thềm hành lang chào bạn bè và những người quen biết bước vào nhà nguyện. Ông về hưu đã bốn năm và sống một mình sau cái chết của bà vợ trước đó mấy tháng. Một người xiết chặt tay ông nói : “ Xin thành thật chia buồn vì chuyện vợ ông, Ed”. Với nụ cười quen thuộc, Lanslade đáp “Cám ơn”, giọng nói bây giờ đã mệt mỏi nhiều vì tuổi tác.

Khó hình dung được con người 64 tuổi, với vẻ bề ngoài ấy là tác giả huyền thoại về hoạt động bí mất của CIA ở Philippines. Ở đấy ông đã đạo diễn cho Ramon Magsaysay, tổng thống tương lai của nước Cộng hòa thân Mỹ, trong suốt chiến dịch tiêu diệt sự nổi dậy của những người Huks vào năm 1954. Ai nghĩ rằng con người bình thường ấy trong bộ quần áo màu nâu sáng trước đây là sứ giả nổi tiếng của nền dân chủ Mỹ trong những năm chiến tranh lạnh, “đại tá Hillandale” tài ba trong cuốn tiểu thuyết bán chạy thời kỳ ấy : NGƯỜI MỸ THẦM LẠNG kể về những người Mỹ thấm nhuần lý tưởng cách mạng của chính họ, đã làm thế nào để những người châu Á thất bại với hệ tư tưởng cộng sản ở phương Đông.

Lansdale đến Sài Gòn trước Vann 8 năm, vào năm 1954 ngay sau những thành công của ông ở Philippines. Thời kỳ ấy Hoa Kỳ cố gắng mở rộng quyền lực ở Việt Nam để thay thế người Pháp, tan vỡ vì thất bại ở Điện Biên Phủ. Hy vọng mới của người Mỹ ở Sài Gòn đặt vào viên quan lại Thiên chúa giáo Ngô Đình DIệm, đối đầu với bao nhiêu kẻ thù, hình như không thể đạt được mục đích. Chống lại ông ta là những nhà chính trị kình địch, hai giáo phái và một tổ chức tội phạm. Hai giáo phái và tổ chức tội phạm có quân đội riêng. Lansdale đã chiến thắng tất cả những lực lượng ấy, tránh được sự lộn xộn cho phép những người Việt Nam cộng sản miền Bắc vượt vĩ tuyến 17 chiếm miền Nam. Ông đã thuyết phục chính quyền Eisenhower, rằng Diệm có thể thống trị và miền Nam Việt Nam trở thành một quốc gia liên minh với Mỹ.

Dưới hành lang nhà nguyện, ngay sau lưng Lansdale là trung tá Lucien Conein, người đã hợp tác với ông trong việc tạo dựng chính quyền Nam Việt Nam. Conien vừa cứng rắn vừa tình cảm là một kẻ phiêu lưu sinh ở Paris và được nuôi dưỡng tại Kansas. Ông sung vào quân đội Pháp ngay từ đầu Thế chiến thứ hai. Sau thất bại của nước Pháp và Hoa Kỳ tham chiến, ông vào Cơ quan phục vụ chiến lược, tiền thân của CIA, nhảy dù xuống Đông Dương năm 1945 dưới biệt danh “trung úy Laurent” để chỉ huy những trận đánh chống quân đội Nhật. Mười năm sau ông giúp Lansdale đáng kể trong phối hợp những công việc bí mật. Năm 1954 Lansdale trở về Hoa Kỳ, Conein ở lại Sài Gòn. Năm 1963 ông thành công trong thiên hướng nghề nghiệp cao nhất : tổ chức một cuộc đảo chính thắng lợi. Ông là nhân vật quan hệ với các tướng lĩnh Nam Việt Nam, thúc đẩy việc lật đổ người mà Lansdale đã bao vất vả để củng cố vị trí. Ngô Đình Diệm đã không còn cần cho Hoa kỳ trong những năm trước đó. Với chế độ gia đình trị ông ta làm trở ngại cho hành động của chính quyền Kennedy đối với phong trào nổi dậy của cộng sản. Diệm và em trai là Ngô Đình Nhhu bị giết trong cuộc đảo chính.

Joseph Alsop, nhà báo nổi tiếng , đã vào trong nhà nguyện. Ông ngồi trên một trong những chiếc ghế dài bên trái, bận bộ quần áo khiêm tốn màu xanh do người anh của ông cắt may với chiếc nơ xanh có chấm trắng trên áo sơ mi trắng. John Kennedy coi trọng những lời khuyên và tình bạn của ông bằng cách dừng lại nhà ông ở Washington lúc nửa đêm, vào đêm được đề cử tranh cử năm 1961, cùng ăn với ông một bát xúp thịt rùa. Alsop có mặt ở đám tang của Vann hoàn toàn hợp lẽ. Ông là cháu của Théodore Roosevelt, người vào đầu thế kỷ là người khởi xướng và là chiến binh của chiến tranh châu Mỹ La tinh. “Cuộc chiến tranh nhỏ tuyệt đẹp” này, như một người bạn và cộng sự của Roosevelt đánh giá thời kỳ ấy, đã đưa lại Philippines cho Hoa Kỳ, làm nước Mỹ trở thành một cường quốc ở Thái Bình Dương và khởi đầu bước đi tới Việt Nam. Alsop là người thừa kế điển hình của tinh hoa Ăng-glô Xác-xông, bờ biển phía đông ấy đã ấn định cho cả nước những nguyên tắc về cái đẹp, đạo đức và sự tôn trọng trí tuệ. Ông dành cuộc đời để công khai bảo vệ chủ nghĩa bành trướng mà tổ tiên ông đã theo đuổi. Ông xem Việt Nam như một thử nghiệm ý chí và khả năng của Hoa Kỳ theo đuổi đường lối ấy và không ngừng biện hộ cho cuộc chiến tranh này. Sáu mươi mốt tuổi ông vẫn là con người của những tương phản như trước đây. Chiếc đầu to đối lập với thân hình mảnh dẻ và khuôn mặt nhiều nếp nhăn càng tô đậm, thái quá vì đôi kính tròn rộng lớn bằng đồi mồi màu tối. Nhà duy mỹ này thu thập những đồ gỗ Pháp, đồ sứ cổ Trung Hoa và tranh sơn dầu Nhật Bản; sưu tầm đầy đủ về nghệ thuật và khảo cổ học, ông biết rất rõ những nền văn minh cổ Hy Lạp và Trung Đông; tốt và trung thực với bạn bè, giao tiếp giỏi; ông là cha đỡ đầu của khoảng ba chục đứa trẻ. Ngược lại trong nghề nghiệp ông cũng đấu tranh hung dữ như ông chú của mình. Ông không xem những người bất đồng với ông lầm lẫn hoặc thiếu suy xét mà mô tả họ như những người ngu xuẩn hành động vì những động cơ ti tiện hoặc ích kỷ. Trong những năm cuối đời của Vann, Alsop liên tục bảo vệ quan điểm của anh trên báo chí. Ông đến để tỏ một sự thương mến đặc biệt đối với anh, người khác hẳn ông về nguồn gốc và tính cách.

Ngồi bên cạnh Alsop là một đại tướng ba sao ( Trong quân đội Mỹ, chỉ huy binh đoàn là đại tướng một sao; chỉ huy sư đoàn, hai sao; chỉ huy Quân đoàn : ba sao; chỉ huy binh chủng : bốn sao. Riêng đại tướng tổng tư lệnh mang hàm năm sao), một chiến binh khác mà ông cũng rất hâm mộ : William DePuy. Thanh mảnh, năm mươi hai tuổi, da đồng, người vững chắc, là hình ảnh người lính tự tin, tranh phục chỉnh tề, nguyên mẫu của thế hệ chỉ huy đã dẫn dắt người của mình chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và sau đó sang Việt Nam như những viên tướng có thói quen chiến thắng. Trí thông minh kèm theo năng khiếu đặc biệt toát lên tầm nhìn gan dạ và vững vàng. Ông xác nhận những phương pháp chiến đấu của quân đội Mỹ áp dụng trong Thế chiến thứ hai là toàn diện và không ai thắng nổi : vận hành một cỗ máy chết người, tiêu diệt kẻ địch bằng sức mạnh thần kỳ của lưới lửa mà nền kỹ thuật công nghiệp Mỹ có khả năng tạo ra. DePuy đã xây dựng cỗ máy ấy ở Việt Nam. Chỉ huy hành quân của Westmoreland năm 1965 khi Lyndon Johnson với sự cam kết của Kennedy mở rộng chiến tranh toàn diện, ông đã hoạch định chiến lược hủy diệt tiến tới đè bẹp những người Việt Nam cộng sản. Chiến lược đó nhằm đào tận gốc những người trận chiến du kích Việt cộng và tiêu diệt những toán quân Bắc Việt nhanh hơn số lượng chính phủ Hà Nội có thể đưa vào bằng đường mòn Hồ Chí Minh. Như vậy binh lính Việt Nam cộng sản sẽ bị tàn sát đến mức bẻ gãy ý chí của những người sống sót và chỉ huy của họ. Westmoreland ban thưởng DePuy về tài năng chiến lược bằng giao cho ông này chỉ huy Sư đoàn bộ binh số một. Sư đoàn “Anh cả đỏ”. DePuy khác với những tướng lĩnh khác là dội hỏa lực vượt quá khả năng và đuổi những sĩ quan thuộc quyền phản ứng về mức độ tấn công dữ dội ông đưa ra. Ông tranh chấp với Vann vốn khinh thường những chiến lược ấy, Vann cho rằng chiến tranh hủy diệt gây ra chết chóc tàn phá vô ích cũng như hao tổn binh lính Mỹ và lãng phí đạn dược. Tuy vậy năm 1972 DePuy tác động qua Washington buộc Vann sử dụng sức mạnh của trọng pháo, máy bay lên thẳng, máy bay tiêm kích ném bom và pháo đài bay B-52 chống lại quân đội Bắc Việt ở Kontum. Khi Vann chết DePuy tôn vinh anh theo cách của mình : “ Anh ấy chết như một người lính”. Vì thế ông ngồi trong nhà nguyện bên cạnh người bảo vệ mình tốt nhất, Joseph Alsop.

Thượng nghị sĩ Edward Kennedy đến chậm, đúng trước lúc buổi lễ bắt đầu vào 11 giờ. Ông vào nhà nguyện ý tứ như một người dòng họ Kennedy vẫn thế và đến ngồi ở một chiếc ghế dài phía cuối. Người em út nhà Kennedy chống đối cuộc chiến tranh mà anh cả ông đã lôi kéo đất nước vào. Khác với Vann, ông không còn tin vào lời cam kết của ông anh trong diễn văn tranh cử và được khắc trên bia mộ :” Mong mỗi dân tộc, dù họ muốn điều tốt hoặc điều xấu cho chúng ta, đều biết rằng, chúng ta sẽ trả bằng bất cứ giá nào, chịu đựng bất cứ gánh nặng nào, trải qua bất cứ thử thách nào, ủng hộ bất cứ bạn bè nào, chống đối bất cứ kẻ thù nào để đảm bảo và gìn giữ thắng lợi của tự do”. Nền tự do John Kennedy và cộng sự theo đuổi là vượt qua biển cả áp đặt trật tự Mỹ vào “biên giới mới”. Giá phải trả để cố gắng tổ chức trật tự thế giới là cuộc chiến tranh ở Việt Nam và giá ấy đối với Edward trở thành quá cao. Anh của ông, Robert cũng đã bắt đầu chống đối cuộc chiến tranh này trước khi bị ám sát và ngủ yên dưới ngôi mộ khiêm tốn bên cạnh ngôi mộ lớn của ông anh. Edward Kennedy và John Vann trở thành bạn thân vì Edward chia sẻ với Vann mối quan tâm đến sự khốn khổ của những người nông dân Việt Nam. Cũng như Vann, ông đã cố gắng thuyết phục chính phủ tiến hành cuộc chiến tranh này một cách hợp lý và ôn hòa. Ông tự nhận nhiệm vụ làm giảm nhẹ đau đớn của những người dân bị thương trong chiến tranh và những nông dân bị đuổi ra khỏi nhà cửa. Ông sang Việt Nam để nhận thấy nỗi khốn khổ của họ, chứng minh trước lưỡng viện, tác động một sức ép chính trị để nhận được những điều kiện sống nhân đạo hơn trong các trại tị nạn, bệnh viện và để chấm dứt những cuộc dội bom mù quáng xuống các vùng nông thôn. Ông quan hệ thư từ với Vann trao đổi những thông tin cần thiết để tác động có ảnh hưởng hơn với chính quyền Washington.

Daniel Ellsberg, người kỵ sĩ đào tẩu khỏi cuộc viễn chinh ngồi trên chiếc ghế dài thứ hai bên phải, ngay phía sau gia đình Vann. Ông vừa xuống máy bay từ Los Angeles, nơi các luật sư của ông đang chạy cho phần cuối cùng trước ngày xét xử ông. Ông trở thành một người bị đào thải của xã hội khép kín những sĩ quan bí mật, trước kia đã xem ông là một người trong bọn, bây giờ họ cho ông là một kẻ phản bội vì chỗ ngồi công khai của ông trong nhà nguyện. Ông không có vẻ là một người bị đào thải, vẫn ăn mặc như họ, như người ta dạy ông ở Havard, bộ quần áo hoàn toàn cổ điển với sợi nhỏ màu xanh, áo sơ mi phù hợp và một chiếc khăn quàng buộc chặt. Bốn mươi mốt tuổi, ông để tóc dài hơn thời kỳ cắt lối bàn chải, ông gặp Vann lần đầu ở Việt Nam cách đây bảy năm. Những lọn tóc xám đậm bao quanh vầng trán cao làm dịu đi những nét góc cạnh của khuôn mặt gầy rám nắng.

Ellsberg là một nhân vật rất phức tạp. Bố mẹ là người Do Thái trung lưu cải đạo Thiên Chúa giáo, ông vừa trí thức vừa là người hành động, có thiên bẩm phân tích đặc biệt. Cá tính của ông mạnh đến nỗi nhiều khi thoát ra khỏi mọi kiểm soát, tình cảm luôn luôn tranh chấp nhau, có thể vừa là một nhà lãng mạn xuất sắc vừa là một tu sĩ khổ hạnh phức tạp. Khi đã tin điều gì ông sẽ tin đến cùng và là người cổ động cuồng nhiệt cho điều đó. Ông đã tranh thủ những lợi thế nhà nước tạo cho để học hành lâu dài, tạo được một vị trí nổi bật giữa tập thể những viên chức dân sự, quân sự phục vụ chính phủ thời kỳ Thế chiến thứ hai. Ông chứng minh khả năng chiến đấu của mình qua ba năm là đại úy Hải quân. Trường đại học Havard chọn ông lúc còn ở quân đội làm thành viên của hội những sinh viên trẻ xuất chúng, cho phép ông bảo vệ học vị tiến sĩ. Rồi ông được tập đoàn máy bay quân sự tuyển mộ cho kế hoạch chiến tranh hạt nhân chống lại Liên Xô, Trung Hoa và những nước cộng sản khác. Do vậy ông biết rõ những bí mật nối tiếp nhau của đất nước. Sự thành công của ông ở tập đoàn cho ông ông những tiếp xúc với Lầu Năm Góc, được bổ nhiệm làm trợ lý đặc biệt của thứ trưởng Quốc phòng về những vấn đề an ninh quốc tế, thực chất là phụ trách đối ngoại của quân đội.

Năm 1965 mong muốn hoạt động vì quyền lợi Mỹ, ông tình nguyện sang Việt Nam chỉ huy một đại đội Hải quân. Người ta bài bác vì vị trí trong chính quyền của ông quá cao không nên làm một việc tầm thường như thế. Ông bèn xoay sở sung vào kíp mới của Lansdale khi ông này trở lại Việt Nam năm 1965 nhằm cố gắng cải tổ lại chính quyền Sài Gòn và thực thi một chương trình bình định có hiệu quả. Hai năm sau Ellsberg trở lại tập đoàn nghiên cứu chiến tranh hạt nhân, suy sụp về một chuyện tình duyên và yếu sức vì bệnh gan. Nhưng nhất là ông chán nản về sự bạo tàn ngày càng tăng của cuộc chiến tranh hủy diệt Westmoreland sử dụng và về sự từ chối của chínhq uyền Mỹ áp dụng một chiến lược khác, cách duy nhất để bào chữa cho những cuộc giết người, tàn phá làng mạc. Cuộc tấn công dịp Tết năm 1968 kéo ông khỏi sự chán nản. Ông đã kết luận vũ lực tàn bạo ở Việt Nam là điên rồ vô đạo đức. Trong lương tâm ông thấy cần ngăn chặn cuộc chiến tranh này. Mùa thu năm 1969 ông bí mật sao in 7.000 trang tối mật trong tài liệu lưu trữ của Lầu Năm Góc về Việt Nam, bắt đầu chiến dịch phản đối chiến tranh bằng một bức thư ngỏ trên báo chí đòi rút quân Mỹ khỏi Việt Nam trong vòng một năm. Báo NEW YORK TIMES đăng câu chuyện “Tài liệu của Lầu Năm Góc” trong một loạt bài vào tháng Sáu và Bảy năm 1971. Ellsberg bị buộc tội theo lệnh của tồng thống Richard Nixon với ý định cho ông vào tù càng lâu càng tốt. Suốt cuộc đời phục vụ một cường quốc, lúc bắt đầu nghỉ Ellsberg đến để chôn người bạn mà chiến tranh đã cướp đi của ông.

Ông ngồi cùng với gia đình người chết theo đề nghị của Mary Janes, vợ của Vann trong hai mươi năm cho đến lúc họ ly dị nhau tám tháng trước đây. Chị thấy cần có sức mạnh của tình bạn trong lúc này và chị tán đồng ảnh hưởng của ông đối với Jesse, cậu con trai 21 tuổi của chị đang ngồi  bên cạnh Ellsberg trên chiếc ghế hàng thứ hai. Chị cũng muốn ông sát cánh với gia đình chị như một thách thức, muốn những người đang trong nhà nguyện bực bội vì hiểu rằng chị ngưỡng mộ hành động chống chiến tranh của ông và chia sẻ những ý tưởng của ông. Năm trước chị cũng đã nói thế với hai nhân viên FBI đến nhà chị hỏi về quan hệ giữa Vann và Ellsberg.

Mary Janes tự cho mình là vợ góa của Vann dù họ đã ly dị. Nhưng đó vốn chỉ là một trạng thái ức chế do thất vọng, một sự tự hủy hoại trả đũa cuộc hôn nhân chỉ còn là hình thức sau khi Vann trở lại Việt Nam năm 1965 và ở lại hẳn. Anh là mối tình của chị thời trẻ; người đàn ông đầu tiên chị biết rõ, bố của năm đứa con của chị - bốn con trai ngồi gần chị trong nhà nguyện và một con gái đã lấy chồng, không đến được vì đang sinh đứa cháu gái đầu tiên của Vann. Mary Janes cố bám lấy cuộc hôn nhân ấy càng lâu càng tốt. Chị không thể yêu một người đàn ông khác như đã yêu anh. Nuôi dạy con và gìn giữ tình nghĩa vợ chồng, theo nền giáo dục và bản tính của chị, một thiên hướng cũng khẩn thiết như anh đối với chiến tranh.

Khi lấy John lúc 18 tuổi, vừa học xong trung học chi hơi tròn trĩnh nhưng rất quyến rũ với mái tóc nâu lượn sóng, đôi mắt màu hạt dẻ và khóe miệng rõ nét. Gia đình, Nhà thờ, Tổ quốc là những giá trị mà bố mẹ và những thành viên khác của tầng lớp trung lưu là những gì đã khắc sâu vào tâm trí chị. Vì vậy, thời con gái chị mơ ước một cuộc hôn nhân thanh thản và một gia đình nồng ấm. Tuổi trẻ trải qua một môi trường bình lặng, chị hy vọng cũng được như thế trong hôn nhân và gia đình. Tuy cố gắng nhiều chị đã không thành công. Chiến tranh và sự cần thiết có mặt người bố đã gây rối loạn cho đứa con trai thứ hai của chị, Jesse. Chủ nghĩa yêu nước và xã hội thủ cựu mà chị không bao giờ nhắc đến đã được Jesse cảm nhận theo cách khác.

Bốn mươi bốn tuổi Mary Jane Vann vẫn giữ được vẻ ngoài dễ mến khi chị ăn mặc tử tế, trang điểm và chải tóc gọn gàng như chị đã làm sáng nay vì lễ tang. Chị nghĩ thật mỉa mai khi Vann về nhà lần cuối cùng đúng vào dịp lễ Giáng sinh, lúc mà chị mong có anh bên cạnh chị vì họ đã quen biết nhau trong ngày lễ và cũng chính con trai đầu của chị, John Allen sinh vào hôm đó. Chị nhớ lại tất cả những ngày lễ Giáng sinh anh không có mặt. Ngày được tin anh chết, chị tìm trong tủ bộ quân phục diễu hành màu xanh đậm viền vàng mà hôm nay đội quân danh dự đang mặc. Có lần anh đã nói với chị anh muốn được chôn cất trong trang phục ấy. Chị tìm không thấy, có lẽ anh đã mang sang Việt Nam. Đến Washington, người ta nói với chị quan tài đã đóng kín, dù sao cũng không mặc cho anh được. Chị đã nhớ ra đi trong dịp Giáng sinh cuối cùng, tuy đã ly hôn, anh vẫn ôm hôn chị lên má thay vì bắt tay chào từ biệt như anh thường làm những năm trước.

Nhạc tang đã ngừng và nhà nguyện trở nên im lặng. Buổi lễ sắp bắt đầu. Mary Jane nghe bên ngoài hô hiệu lệnh và tiếng bồng súng chào của đội danh dự. Tuy lần đầu tham dự loại lễ nghi quân đội này nhưng đã là vợ lính, chị biết người ta sắp đưa quan tài John ra khỏi nhà nguyện. Giữ tiếng khóc thầm chị nghĩ bây giờ anh thực sự chết rồi.

Chiếc quan tài phủ lá cờ, đặt trên xe do hai người trong đội quân danh dự đẩy lăn từ từ trên con đường chính. Những dây phủ quan tài do tám quan chức cầm đi theo hai hàng bốn người. Ellsberg biết năm người trong bọn họ. Ba người khác là hai đại diện Cơ quan phát triển quốc tế và một đại tá Nam Việt Nam, tùy viên quân sự ở Đại sứ quán, thay mặt Chính phủ. Mệt mỏi và cay đắng, Ellsberg nhận thấy năm người kia đúng là những người phù hợp để đi theo chiếc quan tài của Việt Nam.

Tiếp theo là những tướng lĩnh trong đồng phục trắng mùa hè. Trước hết là Westmoreland bây giờ là tham mưu trưởng quân đội, vị trí do tổng thống Johnson bổ nhiệm sau khi cách chức chỉ huy của ông ở Việt Nam. Ông đi đầu hàng bên phải, vị trí danh dự theo quy định. Khi Hoa Kỳ mở rộng chiến tranh ở Việt Nam năm 1965, với phong thái lịch sự và tự hào ông có vẻ là hiện thân của niềm kiêu hãnh và sự thành công của quân đội. Giờ đây, bảy năm sau, bề ngoài vẫn là hình mẫu của một viên tướng 58 tuổi, là tham mưu trưởng, ông đại diện cho chính thể chế của quân đội ấy công nhận Vann là một người của họ tuy anh đã chết. Một quân đội cảm nhận thất bại mà không biết lý do. Westmoreland dù sao cũng không bao giờ hiểu. Quân đội dám tự hào ở Việt Nam không thể không hy vọng một biện minh cuối cùng cho những mục tiêu của mình. Đó là điều mà Vann ngấm ngầm cố gắng làm. Trong trận đánh cuối cùng ở rừng núi, với binh lính Nam Việt Nam được quân đội Hoa Kỳ yểm trợ, anh cố gắng làm điều mà người Mỹ đã không thực hiện được. Quân đội cũng biế không bao giờ Vann rời hàng ngũ. Cuối cùng anh trở thành viên tướng chiến đấu như anh vẫn mong tuy anh là viên chức dân sự và từ chối chấp nhận thất bại, anh là hiện thân của hình mẫu lãnh đạo.

Tướng Bruce Palmer, tham mưu phó và là người cùng thời với Westmoreland, bạn đồng môn ở trường quân sự West Point năm 1936, đi đầu hàng bên trái. Ông đã phục vụ ở Việt Nam trong cương vị phó của Westmoreland sau khi chỉ huy đoàn quân viễn chính tổng thống Johnson gửi sang cộng hòa Dominique năm 1965 để ngăn chặn đất nước Caribes nhỏ bé này theo gương Cuba của Fidel Castro. Binh lính nhảy dù và hải quân do Palmer chỉ huy đã tạo điều kiện cho Ellsworth Bunker, nay là đại sứ ở Sài Gòn, áp đặt một chính phủ thân Mỹ ở Cộng hòa Donique. Palmer nguyên là cấp trên của Vann những năm 50 khi ông là đại tá chỉ huy trung đoàn bộ binh thứ 16 ở Đức và Vann là đại úy ở đại đội súng cối. Palmer còn nhớ Vann là đại đội trưởng giỏi nhất dù anh là người khó điều khiển nhất. Bốn ngày trước khi Vann chết, Palmer đã gửi cho anh một thư khen  ngợi về cuộc hành quân ở Kontum và anh đã nhận nó trước khi chết.

Người sĩ quan thứ ba mặc đồng phục trắng là đại tướng Richard Stilwell, chỉ huy hành quân ở Ban tham mưu. Ông là một trong những người không nuối tiếc việc Vann từ chức năm 1963. Ông đến Sài Gòn tháng Tư, đúng lúc Vann đi Washington và Lầu Năm Góc, cố gắng thuyết phục giới tinh hoa của quân đội rằng Hoa Kỳ đã đi sai đường và phải thay đổi chiến lược. Năm 1963 Stilwell là thiếu tướng, chỉ huy những cuộc hành quân của tướng Paul Harkins người tiền nhiệm Westmoreland. Stilwell vận dụng trí thông minh nổi bật của mình để bác bỏ những luận chứng của Vann và những quân nhân chiến đấu khác cũng nghĩa cuộc chiến tranh sẽ thất bại. Thái độ của Stilwell không có gì ngạc nhiên đối với những người biết rõ ông. Niềm tin không lay chuyển vào chính quyền khiến ông trung thành với cấp trên. Ông mong ước đạt tới vinh quang trong sự nghiệp, nhưng ông không bao giờ với được vị trí tổng tư lệnh. Tốt nghiệp West Point, là một trong những người đứng đầu, sau Westmoreland và Palmer hai năm, với tham vọng và khả năng , ông sung vào bộ binh trong Thế chiến thứ hai, phục vụ ở Châu Âu cùng sư đoàn với DePuy. Sau đó, năm 1964, Stilwell được cử sang Sài Gòn trở thành tham mưu trưởng cùng Westmoreland, tổng tư lệnh mới. DePuy đến lượt cũng sang Việt Nam nắm vị trí cũ của Stilwell, chỉ huy hành quân. Như vậy là Stilwell giám sát DePuy thực hiện chiến lược hủy diệt sẽ mang lại cho họ chiến thắng. Stilwell tiến tới thấy mình nhầm lẫn về Vann và đi đến chỗ khâm phục anh. Do đó vì tình cảm ông đề nghị được ở trong hàng ngũ danh dự đưa Vann ra mộ.

Phía sau Westmoreland là một viên chức dân sự thanh mảnh, thẳng thắn trong bộ quần áo màu xanh biển. Đôi kính gọng nhựa làm nổi rõ khuôn mặt gầy và bình thường. Phải nhận kỹ sau đôi kính cái nhìn cương quyết của đôi mắt cận thị mới hiểu được sự cứng rắn trong tính tình của ông. Đấy là William Colby, một sếp CIA, người chiến đấu bí mật, sẽ được bổ nhiệm phó trưởng ban kế hoạch, chức danh chỉ những hoạt động bí mật, để cuối cùng trở thành trưởng tình báo, giám đốc CIA.

Nếu William Colby sinh vào thế kỷ thứ XVI, tính tình và tư tưởng ông chắc đã đưa ông gia nhập Hội thánh Jesus sống cuộc đời một người lính bảo hoàng. Ở thế kỷ XX, ông vào CIA để trở thành một người lính của chiến tranh lạnh. Tính cách nổi bật của ông là sự cần thiết phục vụ và lòng ham thích bí mật. Nhảy dù xuống nước Pháp bị chiếm năm 1944 là một chỉ huy 24 tuổi sau khi bắt đầu tìm hiểu ở Anh về công việc phá hoại và khủng bố, cùng với Lucien Conein, ông dẫn dắt một toán kháng chiến Pháp chống quân phát xít. Nhưng đối với ông chiến tranh không kết thúc bằng việc Đức đầu hàng chín tháng sau đó. Chủ nghĩa cộng sản vô thần, đối với Colby là một phong trào phát xít mới. Lòng tin vào Thiên chúa giáo La mã thừa hưởng của bố, một đại tá cải giáo và bà mẹ người Ireland làm cho ông nhiệt tâm chống cộng cũng như đã hăng hái chống phát xít. Vấn đề là biết được bên nào bị đánh bại trước tiên.

Khác với Lansdale, Colby không phải là một nhân vật nổi danh về hoạt động bí mật. Ông xử sự kín đáo và kiên trì, thực thi những chỉ thị của chính phủ Hoa Kỳ đối với Việt Nam trong phần lớn 12 năm trước. Đầu năm 1959, phó rồi trưởng bộ phận CIA ở Sài Gòn, sau đó trở thành phó rồi trưởng chỉ huy tất cả những hoạt động bí mật ở Viễn Đông. Ông đã chỉ đạo những kế hoạch đầu tiên chống du kích ở  miền Nam. Theo lệnh của tổng thống Kennedy, ông tiến hành lại cuộc chiến tranh bí mật chống cộng sản miền Bắc bị bỏ rơi sau thời kỳ Lansdale. Ông tung các toán nhảy dù , đưa vào bờ biển những toán khủng bố và phá hoại người Việt Nam được CIA huấn luyện để bắt đầu đánh du kích chống chính quyền Hà Nội như Việt cộng đã tiến hành ở miền Nam. Năm 1967 ông giúp Robert Komer, cựu thành viên CIA mà Ellsberg nhận ra trong số những người đi theo quan tài, mở chiến dịch PHƯỢNG HOÀNG nhằm mục đích giết, cầm tù hoặc buộc đầu hàng những thành viên của Chính phủ cộng sản bí mật mà du kích Việt cộng bố trí trong những vùng nông thôn miền Nam. Hàng chục nghìn người Việt Nam bị giết hoặc tù đày. Phong trào hòa bình đã kết tội Clby giết người và là tội phạm chiến tranh. Tranh áp phích có ảnh của ông với hàng chữ “giết người” dán khắp những tòa nhà của các trường đại học Washington. Nhưng không sự lên án nào làm lung lay lòng tin của Colby về việc làm chính đáng của mình và ông vững tin hành động của mình là cần thiết và đúng đắn. Thái độ hiền lành nhã nhặn và không phải không tính toán, vẫn làm nao núng lòng người như trước. Năm 1968 Komer rời Việt Nam, Colby lãnh đạo mọi chương trình bình định và như vậy là cấp trên của Vann, đánh giá cáo tài năng của anh. Vann xông xáo, bộc lộ mình và Colby thích hoạt động trong bóng tối, tiến tới kính trọng lẫn nhau.

Hai người lính đặt chiếc quan tài phủ cờ ở đầu lối đi chính trước bàn thờ. Những nhân vật đi theo đến ngồi trên ghế đầu bên trái, có bộ trưởng Ngoại giao William Rogers và bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird.

Sau khi cha tuyên úy cầu nguyện xong bài thuyết giáo, Robert Komer đứng dậy, tới trước đọc điếu văn.

Komer nguyên là tướng chỉ huy công cuộc bình định mà báo chí mệnh danh là “cuộc chiến tranh khác ở Việt Nam”. Hơi tầm thước và hói bẩm sinh, trong đoàn hộ tống quan tái, ông khác những người mặc thường phục màu tối vì bận bộ quần áo xám sáng may theo kiểu LonDon những năm 50. Ông phải mặc thế vì để đọc điếu văn cần có áo gi-lê và chỉ có bộ quần áo màu hè độc nhất có gi-lê.

Tổng thống Johnson tin rằng Komer có biệt tài giải quyết những vấn đề, gửi ông sang Việt Nam năm 1967 để sáp nhập thành một tổ chức duy nhất và gắn bó những chương trình bình định của nhiều cơ quan dân sự. Komer thực hiện nhiệm vụ này thật tốt và cố gắng hết sức để bình định Việt Nam. Ông như một con chó săn, lao vào công việc một cách hung hăng, tin tưởng, thậm chí có phần gian ác. Ông láu lỉnh bỏ qua những thủ tục bàn giấy và thích biệt hiệu “đèn hàn” bạn bè và kẻ thù đặt cho. Vann giúp Komer xây dựng tổ chức rất hiệu quả và là thuộc hạ trung thành nhất của ông để thực hiện kế hoạch bình định.

Những người cộng sản Việt Nam đã hủy hoại nghiêm trọng sự nghiệp của Komer bằng cuộc tấn công Tết năm 1968. Trước cuộc tấn công ông ta mắc sai lầm nghĩ rằng Hoa Kỳ đang thắng trong cuộc chiến, ông báo cáo với tổng thống và công khai tuyên bố thắng lợi là chắc chắn và hiển nhiên. Sau cuộc tấn công, sự có mặt của ông trở nên phiền phức đối với chính quyền Johnson và ông rời Sài Gòn cuối năm 1968. Từ đó ông tiếp tục làm việc ở Washington, định kỳ sang Việt Nam và viết báo cáo. Ông giải thích, Vann và các bạn xông vào chiến đấu để còn có thể chiến thắng; miền Nam Việt Nam trụ vững đủ lâu dài để những người cộng sản kiệt sức và bỏ cuộc. Sáng hôm ấy ba trăm con người tập trung trong nhà nguyện lắng nghe giọng nhỏ nhẹ của Komer, ông già cứng rắn đứng bên cạnh quan tài ca ngợi Vann.

Ông tán dương “lòng dũng cảm, tính cách, nghị lực, sức mạnh, lòng dũng cảm của John Vann mà chúng ta đã biết rõ”. Những lời ấy phấn khích như cách ông già Komer đã lao vào chiến tranh.

“Với những người đã làm việc cùng anh, nhận ở anh lời khuyên và gợi ý; anh là con người tóc hung gầy nhỏ, nói giọng mũi của nông dân Virginia, làm việc như một máy phát điện, chỉ ngủ mỗi đêm bốn tiếng, ít nhất mỗi ngày hai lần làm nổ bom mìn. Anh biết thực tế những gì xảy ra hơn bất cứ ai trong chúng ta và luôn luôn thông báo với chúng ta. Và tất cả những ai trong chúng ta còn sống vẫn đang lắng nghe anh.

Đấy là John Vann mà chúng ta nhớ mãi. Anh tự hào là một nhân vật được nói đến nhiều và đảm nhận đến tận cùng vai trò đó.

Tôi chưa từng biết người nào có tư duy phê phán không mệt mỏi và tính trung thực tuyệt đối như thế. Bao giờ anh cũng nói điều anh nghĩ về thất bại cũng như chiến thắng. Vì điều đó và vì kinh nghiệm lâu dài của anh, anh là người được báo chí kính trọng hơn bất cứ nhân vật có chức quyền nào. Anh nói thẳng không chỉ với các nhà báo và cộng sự mà cả với những tổng thống, bộ trưởng, đại sứ, các tướng lĩnh, không quan tâm đến hậu quả. Một hôm tôi được lệnh, không đùa, phải phạt Vann thật nặng. Tôi đã trả lời tôi không muốn và không thể vì nếu có ba người khác như Vann, chúng ta sẽ rút ngắn thời hạn chiến tranh đi một nửa”.

Mary Jane đã không nghe cha tuyên úy nói gì, bây giờ lắng nghe Komer. Giọng nói và lời của ông làm chị bình tĩnh lại. Ý nghĩa của nó không quan trọng bằng sự thích thú được nghe những lời ca tụng của một người nói năng hăng hái.

“Nếu John ít ảo tưởng, Komer tiếp tục, anh sẽ không bị dằn vặt về hành động của mình ở Việt Nam : anh phải bảo vệ quyền lợi của nhân dân miền Nam Việt Nam mà anh mong tự do cho họ. Anh biết rõ người Việt Nam hơn, hợp tác chặt chẽ hơn với họ, chia sẻ những thử thách cũng như niềm vui hơn bất cứ một người Mỹ nào khác. Anh cảm thấy trong các làng của họ như ở nhà mình, qua đêm ở đấy thường xuyên hơn tại các bàn giấy ở Sài Gòn.

Trong vai trò nào anh cũng là một người có khả năng tiên phong, không lùi bước trước mối nguy hiểm nào và không bao giờ đòi hỏi người khác làm điều mình không làm. Theo anh người chỉ huy phải đi đầu, dù nguy hiểm đến mấy. Thậm chí anh là hiện thân của mẫu người không có gì không thể được. và tôi không hề gặp trong số nhiều  nghìn người cùng phục vụ hoặc dưới sự chỉ huy của anh một người nào không ca ngợi anh. Anh đã bồi dương, gợi ý cho cả một thế hệ chiến sĩ Việt Nam và Mỹ, đã là người thầy, bạn chiến đấu, nỗi nhớ, niềm khích lệ và người bạn của chúng ta”.

Komer bị cuốn theo vấn đề và lời nói của mình. Giọng của ông rõ ràng và sắc sảo hơn như mỗi lần ông cảm động. Ông giải thích vì sao Vann được chôn cất ở Arlington :

“Vì anh là mẫy mực hoàn hảo nhất của người lính mà thời gian cuối cùng ở Việt Nam đã thỏa mãn, ý muốn kín đáo đi đầu những toán quân Mỹ. Nhưng John hơn một người lính : anh hoàn toàn hiểu rõ sức mạnh của súng đạn không phải là giải pháp duy nhất.

Chúng ta mong, Komer nói tiếp, sự cố gắng chủ động của anh, lâu đài anh xây dựng sẽ là nước Việt Nam, trong tự do và hòa bình mà anh vì nó đã chiến đấu tích cực.

Và dù sự tranh chấp bi thảm sẽ kết thúc như anh mong muốn hoặc khác đi, tất cả những người đã cùng phục vụ với Vann sẽ nhớ mãi anh. Đấy không phải một người người ta có thể dễ dàng quên. Vì vậy hôm nay chúng ta chào một trong những người anh hùng đích thực nhất của cuộc chiến tranh thảm khốc và không được lòng dân mà anh đã hy sinh tất cả để phục vụ. Không, John, chúng tôi sẽ không quên anh. Anh là người tốt nhất mà chúng tôi đã mất”.

Ellsberg trước đây làm việc cùng Komer, đã có những quan hệ tốt, không còn một cảm tình nào nữa dù ông ta đã hào phóng ca ngợi người bạn chung của họ. Ông còn gì chúng với Komer và tất cả những người trong nhà nguyện này tiếp tục bảo vệ cuộc chiến tranh. “Phải, ông tự nhủ và bực tức thay đổi lại lời nói cuối cùng của Komer : anh là người bạn tốt nhất mà chúng tôi đã phản bội”.

Cha tuyên úy đọc những câu kinh cuối cùng rồi ban phước, trưởng ban tổ chức buổi lễ đề nghị mọi người đứng dậy. Ban nhạc bắt đầu chơi một bài trong lúc quan tài được đẩy ra cửa lớn. Những người hộ tống đi trước thành hàng đôi hai bên vòm vải xanh kéo dài ra hành lang. Các viên tướng và đại tá người Việt chào theo kiểu quân sự và những người mặc thường phục đặt bàn tay phải lên ngực còn quan tài được đưa lên chiếc xe hòm phủ vải đen có sáu con ngựa kéo. Người chỉ huy dàn trống đưa chiếc gậy bạc lên cao rồi hạ ngay xuống. Quân nhạc nổi lên theo đoàn người đi suốt 900 mét từ nhà nguyện đến nghĩa trang.

Đoàn quân nhạc đi trước, chơi khúc hành quân theo đề nghị của Mary Jane vì là điệu nhạc yêu thích của Vann : CUỘC HÀNH QUÂN CỦA ĐẠI TÁ BOGIE anh được nghe trong phim CẦU QUA SÔNG KWAI. Sau khi xem phim ấy, anh mua ngay chiếc đĩa và hình như nghe không chán. Sau đoàn quân nhạc là đội danh dự rồi những người không mang cờ, những người cầm dây phủ quan tài đi hàng đôi. Cha tuyên úy đi trước chiếc xe hòm. Phía sau là gia đình người chết trong những chiếc xe Cadillac đen do hãng quân khí Vann làm việc một thời gian ngắn sau khi giải ngũ cho mượn. Mặc dầu trời nắng và đường xa phần lớn những người tham dự do kính trọng Vann đã đi bộ sau những chiếc xe thay vì đi xe của họ.

Cứ như thế, đoàn người đi qua không để ý đến những đài chiến thắng “cuộc chiến tranh đẹp đẽ” chống Tây Ban Nha năm 1898, đẩy biên giới phía tây của Hoa Kỳ qua Thái Bình Dương, từ San Francisco đến tận Manilla, kết thúc thời đại đế quốc Mỹ mà niềm tin đã bị chôn vùi trong ngày đó. Đài thứ nhất xây dựng để tưởng niệm 385 người lính tử trận suốt cuộc chiến tranh năm 1898 ấy, ít hơn người chết ở Việt Nam trong một tuần. Xa hơn một chút về bên trái sừng sững một đài khác, cột buồm của chiến hạm Maine, vớt được từ những mảnh tàu bị nổ tung và bị đắm ở hải cảng La Havana làm chết 266 sĩ quan và thủy thủ tạo điều kiện cho nước Mỹ nóng lòng chiếm đóng nước Tây Ban Nha đang hủy hoại không tự bảo vệ được. Đi xuống con đường nghĩa trang đoàn người qua một đài khác hình nhọn, tạc sơ sài bằng đá xám, tưởng niệm những người chết của trung đoàn kỵ binh thứ nhất , những người tình nguyện mà ông chú của Alsop tuyển mộ và dẫn đến vinh quang trong khúc dạo đầu của chiến công dễ dàng ấy.

Xung quanh ngôi mộ của Vann không có vạt đất nào mới đào có thể làm nhớ lại những chiến trường ở Việt Nam. Mộ được đặt trong một bụi cây lớn theo bờ dốc hướng về bậc thềm Đài tưởng niệm và mồ Chiến sĩ vô danh tập trung những người tử trận trong chiến tranh thế giới thứ nhất, thứ hai và chiến tranh Triều Tiên. Những cuộc đánh nhau liên tiếp ấy làm cho các thế hệ quân sự Mỹ thành thạo về lễ tiết đối với người sống và người chết. Khi những buổi lễ tiến hành vào mùa đông trên các thềm cỏ của Lầu Năm Góc, cỏ bị sương giá làm cháy sém được nhuộm màu xanh. Các nhà chức trách cũng chú ý giữ gìn như vậy ở Arlington để mọi vật dễ trông hơn. Những người đào huyệt phủ lên đất mới đào một tấm thảm cỏ tổng hợp người ta thường dùng trên sân thể thao. Hai hàng ghế xếp bằng kim loại phủ vải xanh được đặt bên phải ngôi mộ dành cho gia đình và những người thân.

Mary Jane ngồi ghế sau chiếc limuzin đen đầu tiên. Khi Edward Kennedy trong nhà nguyện đi ra lại gần để chào, chị hạ kính xe xuống đáp lễ. Chị không nâng tấm kính lên lại và nghe được bản nhạc mình đã đề nghị. Chị nghĩ các nhà chức trách cho bài hát không đúng chỗ trong đám tang chính thức của một người anh hùng chiến tranh và sẽ cấm chơi. Thế nhưng nhạc trưởng xướng nhịp ngay lúc tám trung sĩ đồng phục xanh, mỗi bên bốn người nắm lấy đầu dây đòn quan tài nhấc ra khỏi xe hòm.

Mary Jane xúc động nghe bản nhạc. Đấy là bản NHỮNG BÔNG HOA SẼ RA SAO do các chiến binh hòa bình sáng tác, lan sang những người lính Mỹ ở Việt Nam, trở thành phổ biến thời kỳ ấy, có lẽ nổi tiếng nhất vì nó gợi lên cho từng người về cuộc chiến tranh họ đang tham gia. Đoàn quân nhạc không ngừng chơi bản nhạc đơn giản, lặp đi lặp lại trong lúc các trung sĩ đưa quan tài tới mộ.

Đấy là bản nhạc của Mary Jane cũng như bản CUỘC HÀNH QUÂN CỦA ĐẠI TÁ BOGIE là của John. Một bản nhạc gửi gắm nhiều điều : nỗi buồn của một bà mẹ có những trẻ trai chết ở Việt Nam, những hủy hoại trách nhiệm của chế độ cầm quyền về cuộc chiến làm con trai Jesse của chị chống đối chính quyền và chiến tranh, những hy vọng mỏi mòn về cuộc hôn nhân chị mơ ước, cái chết của người đàn ông chị muốn giữ lại vì chị đã yêu bất kể những gì xảy ra.

Bây giờ cha tuyên úy bước đến ngôi mộ, theo sau chiếc quan tài bốn trung sĩ khiêng đi. Trung úy chỉ huy đội danh dự đứng nghiêm, lưỡi gươm tuốt trần, mũi gươm hướng về ngôi mộ. Phía sau ông những người lính bồng súng thẳng đứng trước mặt. Người mang cờ nghiêng lá quân kỳ chào chiếc quan tài. Quân nhạc tiếp tục chơi.

Lá cờ phủ quan tài được đưa lại cho Peter Vann, xếp hình tam giác những ngôi sao lên mặt trên. Peter đã hỏi xin mẹ và chị đã đồng ý vì, 16 tuổi, cậu là đứa con nhỏ nhất. Cậu đứng dậy, cha tuyên úy đưa cho cậu vào cuối buổi lễ, sau khi đội danh dự bắn ba loạt súng rồi tiếng kèn tiễn biệt người chết, cha tuyên úy đọc lời kinh cuối cùng và chúc phúc.

Peter vừa 6 tuổi lúc bố cậu sang Việt Nam lần đầu. Thực sự cậu không thấy buồn cho đến lúc nhận lá cờ vì cậu ít biết về bố, càng vì không được dạy dỗ thành một trí thức. Cậu bao giờ cũng thích sửa chữa lặt vặt xe cộ. Chiến tranh kéo dài đến nỗi cậu quên kẻ thù ở phía nào. Hôm trước khi gia đình đến Đại sứ quán Việt Nam để được chính quyền Sài Gòn truy tặng ân hiệu cao nhất cậu hỏi đây là Đại sứ quán miền Nam hay miền Bắc. Nhận lá cờ cậu bắt đầu khóc, hy vọng khi chết bố không ghét cậu vì những cuộc tranh cãi của bố con khi Vann về nghỉ phép. Cậu cũng hy vọng bố không hổ thẹn vì cậu đã khóc. Bố cậu vẫn luôn chế giễu những giọt nước mắt của các con trai mình, coi đó là biểu hiện yếu đuối.

Con trai cả của Vann, John Allen, 24 tuổi không đứng dậy, như tục lệ, để nhận những lời chia buồn của bộ trưởng Ngoại giao Rogers thay mặt tổng thống Nixon, của bộ trưởng Quốc phòng Laird, của Westmoreland và những quan chức khác đi ra sau buổi lễ trước hàng ghế gia đình đang ngồi. John Allen biết rằng nếu anh không đứng dậy những người khác trong gia đình cũng không đứng dậy. Anh chỉ biết những người kia qua truyền hình và báo chí, chấp nhận tang lễ chính thức ở Arlington vì nghĩ đây là dịp ca tụng người bố vốn sung sướng về cảnh huy hoàng này. Anh nghĩ một số trong những người này hoặc người khác như họ chịu một phần trách nhiệm khi bố anh buộc phải giải ngũ năm 1963. Anh cho rằng phải lấy lại một ít công bằng khi bắt tất cả phải cúi xuống bắt tay mẹ, anh và các em và làm họ tôn vinh bố mình.

Ellsberg đứng bên phải ngôi mộ, gần với gia đình người chết. Ông có mặt ở đây cũng khiếm nhã như trong nhà nguyện. Các quan chức không khỏi đi qua sát bên ông sau khi chào gia đình. Rogers chỉ nhìn tò mò, Laird không biết có ông khi nhìn thẳng về phía trước. Ellsberg không trông thấy họ, mắt nhìn đăm đăm vào quan tài, nghĩ đến đêm đầu tháng Ba năm 1971.

Vann nghỉ phép ở Washington và Ellsberg chờ anh đến quá nửa đêm để về nhà nói chuyện. Cuối cùng anh đến và ở qua đêm. Thời kỳ ấy Ellsberf cộng tác với NEW YORK TIMES. Cho đến gần sáng lần đầu tiên hai người nói đến những tài liệu của Lầu Năm Góc mà Ellsberg đã sao chép bí mật, chấp nhận gửi lại một bản để đăng báo ( Tác giả Neil Sheehan đoạt giải báo chí Pulitzer với tác phẩm HỒ SƠ LẦU NĂM GÓC khi còn là phóng viên của New York Times ). Và như vậy Ellsberg bị kết tội, đứng trước một cơn sóng gió.

Jesse lại nghĩ về chiến tranh. Cái chết của bố hiện rõ hơn bao giờ hết làm cậu và những người khác bắt đầu chấp nhận thực tế. Jesse thấy thái độ tích cực về cuộc chiến tranh này là tội lỗi, không thể tiếp tục dung thứ lâu hơn. Cậu là đứa con trai của người bố không chịu đựng được cậu tự do sống như ý muốn. Cậu quyết định tặng bố một món quà vĩnh biệt, trung thực với thái độ cậu cho là đúng : bỏ trên quan tài một nửa tấm thẻ quân dịch. Rồi cậu hoàn thiện món quà ấy bằng đưa nửa tấm thẻ còn lại cho tổng thống Nixon khi gia đình đến Nhà Trắng nhận truy tặng sau lễ an táng. Jesse vẫn luôn từ chối lệnh gọi nhập ngũ hàng năm nhưng việc đó bây giờ không làm cậu bị kết tội nữa, nó chỉ chứng tỏ lòng trung thực và thái độ cương quyết của cậu. Cậu không còn bị đe dọa gọi ra dưới cờ. Mấy năm trước đây cậu suýt vào tù vì chống đối. Cơ quan tuyển mộ Colorado đã xếp cậu vào đám người phạm pháp vì không phục tùng. Anh cả cậu, John Allen bèn mặc đồng phục sĩ quan dự bị, đến nói với bà thư ký là bố họ có một vị trí quan trọng ở Việt Nam. Anh thuyết phục bà tạm thời thay đổi thể chế cho Jesse, không đủ điều kiện phục vụ vì bị thần kinh. John Allen tự làm theo sáng kiến của mình không tham khảo bố và em, đảm nhận vai trò chủ gia đình trong lúc bố đi vắng. Anh biết Jesse vẫn tiếp tục từ chối lệnh gọi nhập ngũ và bố anh không chấp nhận lập luận của Jesse. Mấy tháng trước khi bố chết Jesse nhận được một chỉ thị mới : cậu hoàn toàn không phù hợp để phục vụ trong quân đội, Jesse không hiểu vì sao cơ quan tuyển mộ miễn trừ cho anh như thế. Đã từ lâu anh không còn thấy mình bị thần kinh, không một khuyết tật gì về tinh thần và thể xác.

Có ai đó đưa cho Jesse một bông hồng để cậu đặt lên quan tài. Cậu lấy thẻ quân nhân ra, xé đôi, bỏ một nửa dành cho Nixon vào túi áo, một nửa cho bố vào giữa cành hoa, để tất cả lên chiếc khay xám, bên cạnh hoa của mẹ, các anh và bà con cảu bố. Cậu nói với bố : « Đấy là tất cả những gì bây giờ con có thể tặng bố, những gì con có thể làm ». Rồi cậu quay lại, đến nói chuyện với Ellsberg đang chờ tới Nhà Trắng. Jesse nghĩ đến việc sẽ làm khi đứng trong phòng bầu dục dự lễ và, Nixon sẽ đưa tay bắt tay cậu. Thay vì bắt tay cậu sẽ đưa cho ông nửa tấm thẻ. Sự việc sẽ khá rõ. Tội đầu tiên đối với luật pháp là từ chối thẻ quân dịch và tội thứ hai là xé rách nó. Jesse tự hỏi đưa nửa còn lại cho tổng thống Hoa Kỳ có phải là tội thứ ba không. Cậu không muốn vào nhà tù nhưng cậu nghĩ cử chỉ phản đối ấy cũng đáng làm. Một trong những người bạn cậu đã vào nhà tù liên bang vì từ chối gia nhập quân đội.

Một cậu em của Jesse, Tommy, 18 tuổi thấy cậu xé thẻ quân dịch làm đôi, hỏi cậu làm gì. Ngập ngừng cậu giải thịch điều định làm với Nixon, Tommy không thể giữ bí mật, nói lại với Peter lúc họ đi đến Nhà Trắng. Hai chiếc môtô rú còi vượt đèn đỏ vì buổi lễ dự kiến vào đúng trưa và không được để tổng thống phải đợi. Tommy tán thành hành động của Jesse. Anh cho rằng bản thân Nixon chằng thương xót gì những người chết, những thương binh và những nạn nhân khác, cuộc chiến tranh này không trực tiếp đụng chạm đến ông ta và những người thân của ông. Anh hình dung nét mặt của Nixon khi Jesse đưa cho ông tấm thẻ bị xé. Anh nghĩ có lẽ lần này chiến tranh sẽ động chạm đến cuộc sống của ông.

Peter vốn phấn khởi được gặp tổng thống, bảo ý định của Jesse thật ngu ngốc.

Ở Nhà Trắng, gia đình họ được đưa vào phòng Roosevelt, cách phòng bầu dục mấy bước chân là phòng của tổng thống, để chờ mấy phút. Nixon đã dự xong cuộc họp về cải cách xã hội được bắt đầu trong lúc tiến hành đám tang ở Arlington. Người chị cùng mẹ của Vann, Dorothy Lee từ Virginia tới, những người anh em khác, Frank, đốc công ở một xí nghiệp xây dựng và Eugène., trung sĩ không quân đều có mặt để dự lễ truy tặng.

Jesse cố bình tĩnh quan sát tấm thảm sàn trong phòng. Cậu đang nghĩ tấm thảm trong phòng Roosevelt làm không tốt và cậu có thể làm tốt hơn thì John Allen lại gần. Người anh cả cũng nhận thấy thái độ lạ lùng của em ở nghĩa địa và câu chuyện giữa Peter và Tommy trên xe làm anh quan tâm.

-   Đừng làm thế Jesse, anh bảo em.
-   Sao lại không ? Jesse hỏi.
-   Vì ngày hôm nay không thuộc về em, người anh nhỏ giọng trả lời vì sợ người khác nghe. Đây là ngày của bố. Vì thế mà ông đã sống và chết. Đừng hạ thấp ông bằng việc làm đó.

Ngày John Allen xem như vinh quang của bố sẽ biến thành số không. Báo chí ở Nhà Trắng sẽ phủ kín hiện tượng này. Quang cảnh một chàng trai tóc dài, con trai của người chiến binh huyền thoại ở Việt Nam, đưa cho tổng thống tấm thẻ quân dịch xé đôi sau khi để nửa kia trên mộ cha thật là câu chuyện đẹp đẽ đối với họ !

Tommy đoán được việc gì xảy ra, lại gần để bảo vệ Jesse.

-   Nhưng đây là lòng tin chắc chắn của anh ấy !

Cả ba tranh luận để biết Jesse tỏ thái độ chống đối chiến tranh có quan trọng hơn vinh quang chính thức về sự  nghiệp của cha họ không. Những ông chú bác của Jesse cũng tới cố thuyết phục cậu.

-   Nếu cậu định làm thế, chú sẽ không dự buổi lễ nữa, Frank, ông chú thấp và hói nói
-   Thì chú cứ làm như chú muốn, Jesse trả lời. Cháu tự biết phải làm gì.

Chú Engène, với những chiếc lon tay trên áo, đỏ bừng mặt như bố Jesse mỗi khi nổi giận :

-   Jesse, bố cháu là anh của chú và chú biết ông lâu hơn cháu. Ông tin tưởng mãnh liệt vào việc của ông làm và nếu cháu làm thế là tát vào mặt ông ấy đấy.
-   Hãy để cháy yên, Jesse trả lời. Cháu biết cháu phải làm gì.

John Allen đi lại chỗ mẹ. Sau khi trang điểm trong phòng rửa mặt chị nói chuyện với Dorothy Lee trong một góc phòng. Chị có vẻ bình tĩnh trong chiếc áo dài bình dị màu xanh râu nhưng mang kính để che đôi mắt đỏ.

-   Mẹ ơi, John Allen nói với chị, Jesse muốn đưa lại cho Nixon tấm thẻ quân dịch. Không thể để em nó làm thế.

Mary Jane dằn tiếng nấc như khi trong nhà nguyện người ta đưa quan tài đi. Bà đến với Jesse :

-   Mẹ xin con, Jesse, vì bố mẹ xin con đừng làm như thế. Ngày hôm nay là của bố chứ không phải của con, của mẹ hay của ai khác. Con sẽ làm nhục bố.

Lời mẹ làm Jesse nao núng nhưng cậu không dễ xiêu lòng.

Người đại diện mặc thường phục của Bộ Quốc phòng giám sát buổi lễ cùng một đại úy, chạy ra ngoài tìm quan chức Nhà Trắng. Họ gặp tướng Brent Scowcroft, tùy viên quân sự của tổng thống ở tiền sảnh. Ông đi vào phòng Roosevelt để xem gia đình đã sẵn sàng chưa. Ông có biết Vann một ít và yêu mến anh. Hai người báo cáo với ông những gì đã xảy ra và cho người đi tìm John Allen; anh con trai cả, người đã báo với họ những ý định của Jesse.

-   Không thể được ! Scowcroft nói.
-   Chúng tôi không biết làm thế nào để ngăn cản, John Allen nói. Nó đã quyết định làm.

Scowcroft vào phòng bầu dục báo cáo ngắn gọn việc xảy ra với tổng thống và đề nghị cho chậm lại một ít để ông giải quyết vấn đề này. Scowcroft, sĩ quan tham mưu vững vàng, nổi tiếng về cách giải quyết với những khủng hoảng.

Ông vào phòng Roosevelt, kéo Jesse ra một góc, bình tĩnh nói chuyện với cậu :

-   Anh nghe này, mặc cho anh nghĩ thế nào, buổi lễ này là dành tôn vinh bố anh. Anh không thể làm hỏng nó. Nếu anh không hứa sẽ thôi chuyện đó, chúng tôi buộc phải hủy bỏ buổi lễ.

Jesse đã bị lay chuyển vì lời phàn nàn của mẹ và lời khuyên của chú Frank khác với những người khác đã cố bình tĩnh phân tích với cậu. Giọng nói dứt khoát của viên tướng còn tác động mạnh hơn. Cậu hiểu khai thác trường hợp của bố vì lợi ích riêng của mình chắc chắn về đạo đức là không thể chấp nhận được. Và vì không thể hành động với lương tâm thanh thản nên cậu nén lại. Dù sao cũng không có sự lựa chọn nào khác.

-   Được rồi, được rồi, cậu trả lời tướng Scowcrot, tôi xin hứa không làm thế.

Scowcroft nắm cánh tay cậu rồi ngoảnh lại hỏi John Allen :

-   Cậu ấy làm hay không ?
-   Nếu đã nói, em nó sẽ giữ lời, John Allen trả lời.

Viên tướng trở lại phòng bầu dục để báo với tổng thống buổi lễ có thể bắt đầu.

John Alen đưa mẹ đến chỗ tổng thống, theo sau là các em trai, bà cô và hai ông chú. Tổng thống ngồi sau bàn trống đang xem tập hồ sơ. Ông gấp hồ sơ, đứng dậy, quay người đón họ ở giữa gian phòng. Bàn giấy không có gì, tập hồ sơ nghiên cứu tới phút chót, bước lại trước những người được mời đến, tất cả những cái đó là thủ tục Richard Nixon tiếp khách. Ông bày tỏ tình cảm ới Mary Jane và John Allen rồi bắt tay những người khác. Đến lượt Jesse, Tommy nghe Nixon thì thầm “Cảm ơn”. Nhưng Jesse quá cảm động khi nắm tay Richard Nixon, không chú ý biểu hiện ấy của tổng thống. Cậu chỉ nhận thấy Nixon có một bàn tay to.

Roges và Laird cũng theo họ vào phòng. Mary Jane ngạc nhiên thấy cả Alsopo vì chị không rõ vị trí của ông trong hệ thống Washington và tự hỏi vì sao một nhà báo được đối xử như một thành viên gia đình. Biết rõ tình bạn của ông đối với Vann, Nixon đã mời Alsop dự buổi lễ trước các nhà báo khác để nghe ông nói riêng với gia đình.

Thợ ảnh của Nhà Trắng dàn mọi người theo hàng trừ Alsop để chụp ảnh chính thức. Ông bố trí cho họ thành nửa vòng tròn phía sau bàn, trước mành che những cửa sổ lớn trang trí hai lá cờ, băng sao và biểu tượng phủ tổng thống, phía trên là hai con chim ưng vàng. Tổng thống đứng giữa Mary Jane và John Allen. Khi người thợ ảnh bấm máy, Richard Nixon có một nụ cười nhẹ. Ở bức ảnh tiếp theo ông rõ ràng có vẻ khó chịu hơn.

Chụp ảnh xong, Richard Nixon nói ngắn gọn với gia đình. Ông nói cái chết của Vann như một mất mát cho riêng ông cũng như của đất nước và nhân danh dân chúng Hoa Kỳ ông tỏ lời chia buồn. Ông thể hiện tình bạn với Vann và kính trọng sâu sắc việc làm của anh ở Việt Nam mà ông đặc biệt tán thành. Vann gặp ông lần cuối ngay tại phòng này trong một đợt phép ngắn. Nixon nói qua buổi họp ông nhận thấy họ chia sẻ với nhau sự đồng cảm về chiến tranh, Vann đã đưa lại cho ông những ý nghĩa mới trong cách nhìn chiến tranh và những mong muốn của nhân dân Nam Việt Nam.

Richard Nixon cố gắng dịu dàng với gia đình Vann những nỗi bực tức bề ngoài về trường hợp Jesse và kiểu cách tự nhiên của ông đã chống lại ông. Ông mỉm cười quá nhiều trong trường hợp kém vui như thế, ông chuyển ánh mắt luôn, không bao giờ đặc biệt vào một ai. John Alen giống bố, có thói quen hướng nhìn thẳng vào mắt người đối thoại. Tổng thống luôn tránh cái nhìn của anh và quay đi khi mắt họ giao nhau. Việc thiếu thành thật của ông càng trầm trọng thêm vì hóa chang che bộ râu rậm để phòng ống kính truyền hình. Gia đình Vann chưa bao giờ thấy đàn ông hóa trang trừ trên sân khấu, ngạc nhiên được tiếp ở Nhà Trắng với một tổng thống mặt đầy phấn. Họ có cảm giác dự một buổi diễn. Cái chết của Vann tạo lý do cho Richard Nixon có một hoạt kịch với quần chúng mà ông đóng vai chính khi trao huân chương cho một anh hùng dân tộc.

Tổng thống càng làm họ bực mình hơn khi trong bài phát biểu đã nhấn mạnh hai lần ý muốn truy tặng Huân chương Danh dự cho Vann nhưng bị luật pháp cản trở vì về mặt pháp lý Vann là một viên chức dân sự. Do vậy, Nixon giải thích, ông buộc lòng phải quyết định truy tặng Vann Huân chương Nhà nước loại hai, Huân chương Tự do của phủ tổng thống. Không ai trong gia đình cho Vann không xứng đáng được tặng thưởng cao nhất. Peter tự nhủ đang lẽ tổng thống hoặc tìm mọi cách truy tặng cha anh Huan chương Danh dự hoặc biết điều im đi cho.

Những trợ lý tổng thống cho những phóng viên và máy quay truyền hình vào. John Allen nhận huân chương cho cha vì Mary Jane không còn là vợ hợp pháp của Vann. Anh đứng trước mặt tổng thống, bên phải chiếc bàn trước những lá cờ lớn và cờ nhỏ của những binh chủng khác nhau, cán dài cắm bên nhau trên có con chim ưng vàng.

Scowcroft dán mắt nhìn vào Jesse.

Trước khi trao huân chương cho John Allen, tổng thống đọc :

“Chiến sĩ vì hòa bình và là người yêu nước của hai dân tộc, tên họ của John Paul Vann sẽ được tôn vinh lâu dài, đồng thời những người tự do sẽ nhớ đến cuộc đấu tranh nhằm bảo vệ nền độc lập cho miền Nam Việt Nam..

Anh đã phục vụ với tư cách là chiến sĩ trong quân đội và trong các cơ quan dân sự trong 10 năm, để lại dấu ấn về con người, về nghề nghiệp và lòng quả cảm không ai bằng; với sự tận tụy cao cả và hy sinh lớn lao.

Là một người Mỹ vĩ đại, người chỉ huy số một , tổng thống tiếp tục đọc , anh có mặt bên cạnh La Fayette trong hàng ngũ những anh hùng đã vì quyền lợi một dân tộc dũng cảm khác”.

Mary Jane nhìn tất cả những cái đó từ bên ngoài. Nhưng chị không bằng lòng với vẻ giả dối của buổi lễ, càng không chấp nhận huân chương loại hai Nixon truy tặng Vann.

“Thật nhục nhã, John, chị âm thầm nói với anh như đã nói chị yêu anh khi đặt bông hồng trên chiếc quan tài. Đây là một đám tang loại hai. Cả lũ chó má ấy tiếp tục hạ nhục anh”.

I - DẤN THÂN VÀO CUỘC CHIẾN

Mười năm trước, gần trưa ngày 23 tháng Ba năm 1962, khi bước những bước dài qua cánh cửa tự động của văn phòng đại tá Daniel Boone Porter ở Sài Gòn, anh không có vẻ một người dễ bị đánh bại. Thấy viên trung tá trẻ bước vào với bộ quần áo ka-ki hồ bột và chiếc mũ cát-két xanh, Porter có cảm giác nếu đại tướng tổng tư lệnh giao cho anh này chỉ huy cuộc chiến tranh, John Vann sẽ trả lời :” Vâng, thưa đại tướng” và nắm lấy quyền chỉ huy. Nhìn vào khuôn mặt sẽ trở thành biểu tượng trong tương lai của Vann, không ai nghĩ số phận mỉa mai muốn anh suýt không bao giờ đến Việt Nam. Chuyến bay đáng lẽ anh phải đến Sài Gòn tháng Ba năm 1962 cùng 93 binh lính khác biến mất dưới Thái Bình Dương. Anh đã lỡ chuyến bay vì nóng lòng muốn ra trận quên cả gia hạn lại hộ chiếu. Trong lần kiểm tra cuối cùng một nhân viên bàn giấy nhận thấy giấy tờ quá hạn đã buộc anh ở lại. Ít lâu sau chiếc máy bay mất tích, Hội Chữ thập đỏ điện cho Mary Jane báo tin chồng chị đã biến mất trong Thái Bình Dương. Mary Jane trả lời họ mọi việc an toàn, anh đã điện thoại cho chị và sẽ đi một chuyến bay khác. Đại diện Hội Chữ thập đỏ gặng bảo chắc chắn chị nhầm, chồng chị không có mặt và danh sách hành khách bao giờ cũng đáng tin.

Thời kỳ ấy, tất cả xáo động và lẫn lộn. Tổng thống Kennedy vừa thành lập ở Sài Gòn, vào tháng Hai năm 1962, ban chỉ huy mới của bộ phận viện trợ quân đội Mỹ ở Việt Nam (MACV), đứng đầu là tướng Paul Harkins, tham mưu trưởng của George Patton, thiên tài quân sự trong Thế chiến thứ hai. Tổng thống chuẩn bị tăng gấp bốn lần số lượng binh lính Mỹ ở Việt Nam, đưa từ 3.200 người đầu năm lên 11.300 vào dịp Giáng sinh. Đại tá Porter phải miễn cưỡng mất nhiều thì giờ hỏi han những người mới đến và úy lạo họ. Văn phòng ông đặt trong một trại lính kỵ binh Pháp cũ ẩn sau những cây to của đại lộ ồn ào nối trung tâm Sài Gòn và khu người Hoa của Chợ Lớn. Trại lính là tổng hành dinh một trong những Quân đoàn của chính quyền Sài Gòn, chính thức mang tên Quân lực Cộng hòa Việt Nam (ARVN), được người Mỹ có thói quen biến tên viết tắt thành biệt hiệu gọi là “Arvin”. Porter vừa là cố vấn của thiếu tướng Việt Nam chỉ huy Quân đoàn và các sĩ quan khác dưới sự đảm bảo liên lạc với các đơn vị khác nhau trong Ban tham mưu. Năm 1962 ở Việt Nam máy điều hòa nhiệt độ không phổ biến như máy chữ trong các phòng làm việc của quân đội Mỹ. Porter và những người phó làm việc như những người Pháp trước họ, trong những gian phòng cao trần mở ra các nhà cầu bên ngoài dọc theo hai tầng nhà bằng gạch xây. Những nhà cầu nhìn ra một khu diễn tập cũ để cỏ choán và rác bụi, đi qua không nhìn thấy bên trong. Chúng dùng làm hành lang và đón luồng gió mát hiếm có, sau khi qua những cánh cửa tự động như trong phim cao bồi, bị trộn lẫn vào gió những quạt điện đồ sộ treo ở trần nhà.

Anh trung tá đứng trước Porter có tài lay chuyển tư tưởng người khác. Dù nắng nóng, anh cẩn thận giữ quần áo không mất ly và chào nhanh nhảu hơn phần lớn các sĩ quan khác trước khi được mời ngồi. Ngoài ra anh không có gì đáng chú ý. Porter nghĩ trước mặt mình là một trong những con gà trống gây gổ xông vào giữa đàn gà mái trong trang trại vùng Boston, nơi bố ông, có một cửa hàng ngũ cố và cỏ khô. Khi anh cất chiếc mũ cát két ngồi xuống, người ta càng thấy phong thái bình tĩnh. Chiếc mũi thẳng quá lớn so với khuôn mặt gầy; lỗ mũi mở rộng trên miệng rộng và ngang bằng. Những nét ấy càng lộ rõ do vầng trán cao, mái tóc hung cắt ngắn theo tập quán lính Mỹ những năm năm mươi, sáu mươi. Nhưng đôi mắt xám xanh làm người ta chú ý và bộc lộ tính tình của anh. Đấy là đôi mắt diều hâu nhỏ, sâu dưới hàng lông mày rậm. Thân hình mềm dẻo, toàn xương và bắp thịt, nhanh nhẹn lạ lùng, là một trong những vận động viên thể thao giỏi nhất ở trường và trong quân đôi. Anh rất chú trọng về hình thể : không hút thuốc, ít uống rượu và giữ gìn sức khỏe bằng chơi bóng rổ, có khả năng nhảy lộn vòng mạo hiểm.

Vann trả lời rất tự tin những câu hỏi của Porter về kinh nghiệm quân sự. Khi tình nguyện sang Việt Nam anh đề nghị được sử dụng vào việc khó nhất, làm cố vấn một sư đoàn bộ binh Nam Việt Nam. Trong chín sư đoàn Việt Nam cộng hòa, ba thuộc Quân đoàn Porter làm cố vấn. Vann mới thăng trung tá được 10 tháng, việc bổ nhiệm theo ý của Porter vì nhiều sĩ quan khác có thâm niên nhiều hơn anh.

Anh tỏ ra tin tưởng khi bàn với Porter khả năng đảm nhiệm chức vụ. Lời đoan chắc của con gà trống này không phải để khoa trương với viên đại tá 52 tuổi, mái tóc bạc, thân hình đồ sộ với thái độ thận trọng tiềm ẩn những hiểu biết nghiệp vụ và tính tình cứng rắn. Ngay từ bước đầu sự nghiệp, 30 năm về trước, thiếu úy trong đội bảo vệ quốc gia Texas, ông đã học tính gan lỳ cần thiết miễn là viên sĩ quan biết mình phải làm gì. Ông đang tìm một người gan dạ không theo công giáo để thay trung tá Frank Clay, con trái tướng Lucius Clay hiện là cố vấn Sư đoàn 7 bộ binh, sư đoàn quan trọng nhất vùng bắc đồng bằng sông Cửu Long. Mùa hè này Clay phải thuyên chuyển.

Porter đã  nghiên cứu rất kỹ lý lịch của Vann, nhận thấy anh đã chỉ huy một trung đội thâm nhập vào sau lưng địch ở Triều Tiên và cũng chứng tỏ có tài tổ chức ở vị trí tham mưu. Anh là một chuyên gia về hậu cần, hiện tượng khan hiếm, đối với sĩ quan bộ binh, nổi tiếng chỉ huy quân chiến đấu, lại có bằng đại học quản trị. Porter chính đang tìm một sĩ quan vừa là người tổ chức và chiến đầu vì hai đặc tình này cần thiết để phối hợp nỗ lực chiến tranh ở bắc đồng bằng sông Cửu Long. Càng trao đổi quan điểm Porter càng tin chắc Vann thực hiện được nhiệm vụ ấy do táo bạo và có một thái độ xây dựng. Tuy Porter mới ở Việt Nam ba tháng, ông đã lùng sục khắp vùng và tham dự nhiều cuộc hành quân chống du kích cộng sản. Kinh nghiệm cho ông thấy để đánh thắng phải có những người Mỹ chỉ cho các chỉ huy quân đội Sài Gòn phải tiến hành cuộc chiến ra sao và cũng đẩy được họ ra trận.

Porter thông báo với Vann ông xem anh như người kế nhiệm tạm thời Clay và chỉ quyết định vào phút chót. Trong lúc chờ đợi, Vann được thử thách một thời gian về những nhiệm vụ khác nhau.

Ngay sau bữa ăn trưa, Vann được chỉ định vào công việc đầu tiên. Porter giải thích có một tay trước ông, với thói quen suy nghĩ của một cán bộ bàn giấy ở Lầu Năm Góc và hình như đã trở về đó, bố trí một mạng lưới tin học làm công tác hậu cần cho các sư đoàn Nam Việt Nam và các lực lượng tại chỗ. Trung tá Việt Nam phụ trách hậu cần của Quân đoàn và các sĩ quan của ông không hề biết cách đưa yêu cầu cung cấp vào máy tính. Trung tá Mỹ cố vấn cho họ về hậu cần cũng không. Thay vì nhận được những bộ phận rời hoặc trang bị đang cần, họ bị ngập bởi một đống giấy tờ không hiểu nổi mà Porter đưa cho Vann. Anh thử có thể rút ra được điều gì không ? Ông dẫn vann vào văn phòng hậu cần, giới thiệu anh với những sĩ quan Mỹ làm việc ở đấy và bố trí chỗ cho anh.

Cuối buổi chiều Vann trở lại gặp Porter với một cuốn sổ nhiều trang tự anh đánh máy. Anh ghi lại câu chữ lí nhí của máy điện toán khó hiểu, mô tả đơn giản nguyên tắc của hệ thống và trình bày một phương pháp thực hành cho phép các sĩ quan hậu cần Việt Nam và các cố vấn Mỹ dốt đặc tin học, có thể dùng phương pháp ấy để nhận được những bộ phận rời và vật liệu yêu cầu. Porter hoàn toàn kinh ngạc. Ông chỉ biết sơ qua về điện toán nhưng chắc chắn công việc Vann làm nếu giao cho một sĩ quan khác dù là chuyên gia hậu cần cũng mất ít nhất hai ngày. Thế mà con người này chỉ trở lại sau vài giờ với một giải pháp tốt hơn ông mong đợi ! Và trong buổi chiều hôm ấy tuy chưa nói với anh, Porter quyết định con gà trống hung này sẽ được bổ nhiệm vào Sư đoàn 7.

Hai tháng tiếp đó, Porter cố sử dụng những tài năng khác của Vann để chuẩn bị cho anh nhận nhiệm vụ. Trong ba Quân đoàn Việt Nam, Quân đoàn thứ ba thuộc quyền Porter quan trọng nhất và xảy ra nhiều trận đánh nhất. Vùng hoạt động của ông trải rộng từ đầu bán đảo Cà Mau, cực nam lên đến những tỉnh bao quanh Sài Gòn về phía bắc. Để Vann làm quen với cuộc chiến tranh, Porter cử anh cùng sư đoàn đồn trú làm nhiệm vụ tấn công bằng máy bay lên thẳng những đồn điền cao su phía bắc Sài Gòn trong những rừng gỗ tếch, gỗ gụ dưới chân cao nguyên. Ông cũng giao cho anh tuần tra ở phía nam trong những đồng lúa đồng bằng sông Cửu Long. Vann hành quân với hai sư đoàn ở đó, đến những tỉnh trong vùng và những trung tâm nông thôn mà các quận trưởng sống cùng gia đình, bố trí trụ sở trong những ấp chiến lược có lôt cốt và dây thép gai phòng vệ. Để Vann quen thuộc với thiếu thốn của ban tham mưu Nam Việt Nam, Porter cử anh đến thực tập ở các trung đội hành quân và thông tin của sư đoàn.

Sáng 21 tháng Năm năm 1962, Vann bắt tay Porter rồi lên một chiếc xe Jeep. Anh ra khỏi trại kỵ binh cũ của lính Pháp với lòng hăng say thường ngay lao vào hệ thống giao thông đủ loại phương tiện của Sài Gòn. Đến Phú Lâm anh ra khỏi vùng ven tây nam thành phố. Một toán quân đang dựng những ăng ten đồ sộ trên đồng lúa cũ đã bị xe ủi đất Mỹ san bằng. Trạm radio tần số cao Phú Lâm nối liên lạc với tổng hành dinh của tướng Harkins ở Sài Gòn trong hệ thống liên lạc mở rộng với mạng lưới điện thoại, điện tín của Lầu Năm Góc. Những ăng-ten mới, tiếng nói cuối cùng của kỹ thuật công nghiệp truyền đi những tín hiệu điện tử ra ngoài tầng đối lưu, mở rộng bán kính hoạt động của quyền lực tổng tư lệnh ra toàn vùng Đông Nam Á, ra miền Bắc đỉnh núi Trường Sơn, những ruộng nước trung tâm đồng bằng, hải cảng, các sân bay Nam Việt Nam và vượt núi rừng đến tận căn cứ không quân Urbon ở Thái Lan, đồng minh thứ hai mà nước Mỹ cam kết bảo vệ ở phần thế giới này.

Vann tăng tốc độ chiếc Jeep về hướng nam đi trên con đường trải nhựa hai làn về phía đồng bằng sông Cửu Long. Gió thổi mạnh vào mặt càng làm anh phấn khích. Anh đi nhận nhiệm vụ ở tổng hành dinh Sư đoàn 7 bộ binh tại Mỹ Tho cách đấy 56 cây số. Porter bổ nhiệm anh vào vị trí tốt nhất trong vùng, giao cho anh chỉ huy lực lượng Mỹ giữa trung tâm cuộc chiến.

Vùng sư đoàn 7 chiếm phần lớn nửa bắc đồng bằng, quyết định số phận cuộc tranh chấp : 9.600 cây số vuông trải rộng trên năm tỉnh từ Đồng Tháp Mười đến biên giới Campuchia ở phía tây và bờ biển ở phía đông. Hai triệu dân sống ở đấy, một phần bảy tổng dân số 14 triệu người Việt Nam năm 1962, sản xuất hơn một phần bảy lương thực thực phẩm trong nước. Chính quyền Sài Gòn đã bỏ phần lớn phía nam đồng bằng cho cộng sản. Ngược lại ở phía bắc 38.000 quân lính Sài Gòn đối mặt gần 15.000 chiến sĩ Việt cộng, luôn luôn là địa bàn tranh chấp giữa hai đối thủ. Chính phủ mà người Mỹ bảo trợ ở miền Nam Việt Nam không thể tồn tại nếu mất đi vùng giàu nhân lực và tài nguyên như thế ngay đầu thủ đô.

Thách thức và trách nhiệm phải gánh chịu không làm Vann sợ hãi; anh tiếp nhận với niềm vui lẫn với kiêu hãnh. Với tâm tính những người Mỹ năm 1962, anh cho là không có gì khó hiểu hoặc không thực hiện được, điều gì không biết anh sẽ khám phá ra. Anh không có kinh nghiệm về chiến tranh du kích ngoài những cuộc hành quân lật đổ tiến hành cùng trung đội ở Triều Tiên nhưng 37 tuổi, anh đã trải qua 19 năm chuẩn bị chiến đấu. Chống du kích chỉ là một dạng khác của chiến tranh và anh sẽ học tập để có thắng lợi. Năm trước theo chỉ thị của tổng thống Kennedy , quân đội bắt đầu phổ biến cho sĩ quan những phương pháp đấu tranh có hiệu quả với chiến tranh du kích. Theo nhận xét thực địa, Porter đã phát triển một số ý kiến cụ thể về vận dụng học thuyết trừu tượng ấy trong hoàn cảnh Việt Nam. Vann cũng đã có thể xác nhận đúng qua những quan sát của mình từ hai tháng nay.

Vann không biết gì về người Việt Nam, về văn hóa lịch sử của họ. Nhưng anh không cho sự thiếu hụt ấy là một trở ngại trong hoạt động chống du kích. Kinh nghiệm hạ sĩ quan của anh ở Triều Tiên, Nhật Bản khẳng định những người châu Á không phải là những người không xâm nhập được. Vì vậy Lansdale là một trong những người hùng của anh. Lansdale biết thực hiện ở châu Á như thế nào. Ông ta cảm thấy người châu Á là những người mà người ta có thể hiểu rõ khát vọng để khai thác có lợi cho mình. Vann tin chắc anh có thể biết điều gì kích thích những sĩ quan Việt Nam, sẽ hợp tác và động viên họ hoạt động cho chính lợi ích của họ và của Hoa Kỳ. Việc người Pháp bị đánh bại ở Đông Dương đối với anh không liên quan đến vấn đề này. Người Mỹ không phải thực dân như người Pháp trước đây. Quân đội của họ không nhục nhã bị người Đức chiến thắng trong Thế chiến thứ Hai. Vann đã thấy quân đội Mỹ thua trận ở Triều Tiên nhưng không bao giờ thua một cuộc chiến tranh. Trong lịch sử người ta không thấy người Mỹ có sai lầm như những dân tộc khác. Người Mỹ khác những người khác. Lịch sử không theo cách thông thường đối với họ.

Vann không hề ngần ngại giết những người cộng sản hoặc những ai chiến đấu vì họ, cũng không băn khoăn gì khi thấy những người Việt Nam đánh nhau bên cạnh những người Hoa Kỳ đã chết, để thực hiện những mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam. Anh đã được tập giết những người Đức, Nhật Bản trong Thế chiến thứ Hai, thậm chí đình chiến đến trước khi anh làm việc đó. Trong chiến tranh Triều Tiên anh đã giết những người Triều Tiên cộng sản và đưa những người chiến đấu bên cạnh anh vào chỗ chết không chút ân hận. Anh cho rằng anh và những người đồng hương có quyền, với điều kiên có tính toán, không ngoan tác động về cái sống và cái chết của những người khác khi cần đánh nhau. Định đề ấy được chống đỡ bằng niềm tự hào là một trong những sĩ quan giỏi nhất của quân đội Hoa Kỳ, quân đội mạnh nhất thế giới nhưng anh cũng ý thức rằng anh và quân đội ấy là một thực thể lớn nhất mở rộng của tính kiêu ngạo : anh là một trong những người bảo vệ nước Mỹ.

Khi Vann sang Việt Nam năm 1962, nước Mỹ đã có được uy lực lớn nhất trong lịch sử. Hoa Kỳ bố trí 850.000 quân lính và cong chức dân sự ra ngoài biên giới trong 106 nước. Từ tổng hành dinh Thái Bình Dương trong núi rừng trên Trân Châu Cảng đến hạm đội Subic Bay ở Philippines và những lô cốt bê tông đến đường ranh giới Triều Tiên, 410.000 người được rải ra trong bộ binh, hải quân và lực lượng không quân ở Thái Bình Dương. Ở Châu Âu và Trung Đông từ những cơ sở tên lửa hạt nhân dấu kín ở đồng bằng yên tĩnh nước Anh đên những bãi thao diễn chiến xa ở biên giới Tiệp Khắc, những tàu sân bay của Hạm đội 6 trên Địa Trung Hải, những trạm sóng điện tử dọc biên giới Xô viết ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iran, 410.000 bộ binh, thủy quân, không quân khác túc trực. Nếu thêm vào đó những nhà ngoại giao, nhân viên CIA và các đại diện chính thức của cơ quan dân sự khác nhau cùng vợ con họ, khoảng 1.400.000 người Mỹ phục vụ đất nước họ ở nước ngoài trong những năm  1962. John Vann tự cho mình là một trong những chỉ huy của đoàn quân viễn chinh gồm cố vấn, phi công lái máy bay lên thẳng và máy bay ném bom, như một thành viên của những lực lượng đặc biệt mà tổng thống Kennedy vào tháng Mười một năm 1961 đưa sang miền Nam Việt Nam, tiền đồn bị đe dọa của đất nước ông ở Đông Nam Á. Trong lúc gió quất mạnh vào mặt trên con đường Mỹ Tho, anh quyết tâm hơn bao giờ hết không để những người cộng sản thắng trận ở phía bắc đồng bằng sông Cửu Long.

Vào cuối tháng Năm năm 1962 này đồng bằng sông Cửu Long có khung cảnh của một thiên đường sung túc. Ngọn gío mùa khăc nghiệ đấu tháng thúc đẩy nhanh hạt lúa nảy mầm, những ngọn mạ xanh sẵn sàng vào giai đoạn hai trong cuộc sống người nông dân Việt Nam : đợt cấy lúa trong ruộng nước trải dài mênh mông hai bên đường.

Chiếc xe của Vann thường bị lính giữ lại đầu một cây cầu để nhường đường cho đoàn xe đi ngược chiều. Những cây cầu một chiều do người Pháp xây dựng dựa trên những cột chống bằng sắt hình cánh cung choán hết bề ngang. Các lô cốt bê tông sừng sững gần cầu mâu thuẫn với hình ảnh tình tứ ấy. Vann quan sát loại đồn lũy kiên cố chằng chịt dây thép gai bao quanh và những người lính tuần tra trên cầu. Năm phút trước đó vượt qua một con kênh anh đã nghĩ những cây dừa lớn ven bờ có thể đột ngột phun ra một ngọn lửa từ họng một khẩu súng tự động nhằm vào chiếc Jeep. Anh nhận ra trời mưa thúc đẩy những cây mía phát triển nhanh, khá cao và rậm đủ cho một tiểu đoàn bộ binh ẩn nấp. Anh tự hỏi không biết trên đường bên kia sông có chăng một Việt cộng đang chờ một chiếc xe như xe anh. Những chiếc xe Jeep là đích bắn ưu tiên vì thường là xe của sĩ quan. Nếu có Việt cộng chờ anh hắn anh ta phải ngồi sau một ngôi mộ trong những nghĩa trang nhỏ giữa ruộng đồng. Đấy sẽ là một người rất kiên trì, không để phí dịp may, luôn ở tình trạng báo động, ngón tay trên ngòi nổ nối dây vào quả bom chôn ở đường đêm trước cẩn thận phủ lớp nhựa đường che chăn. Anh ta chờ đợi để làm nổ tung chiếc Jeep và những người trên xe.

Vậy là đã 17 năm đất nước này biết đến chiến tranh. Những đứa trẻ lớn nhất trong số bán dừa và dứa ở các điểm kiểm soát chắc cũng nhớ được những năm cuối của cuộc tranh chấp đầu tiên. Nó bắt đầy từ năm 1945 khi người Pháp cố áp đặt nền đô hộ trở lại Việt Nam, Campuchia và Lào. Cuộc chiến tranh thứ nhất này kết thúc bằng sự nhục nhã của Pháp ở khu vực lòng chảo Điện Biên Phủ năm 1954. Ba năm hòa bình ngắt quãng tiếp theo. Chiến tranh lại nổ ra năm 1957 giữa những người Việt cộng và chế độ Sài Gòn của Ngô Đình DIệm, một quan lại Lansdale đưa lên nắm quyền. Năm 1961 sức chống đối mạnh đến nỗi tổng thống Kennedy buộc phải đưa quân đội Hoa Kỳ sang giữ chính quyền Diệm khỏi bị lật đổ. Những người Mỹ và chính quyền Sài Gòn gọi đối thủ của họ là Việt cộng, tên gọi tắt những người cộng sản Việt Nam, các cố vấn đơn giản hóa đi thành V.C, tiếng lóng trong thông tin điện đài là “Victor Charly”. Nhưng bản thân họ xác định là Quân đội giải phóng và gọi cuộc chiến tranh thứ hai này là cuộc Chiến tranh giải phóng. Họ cho rằng hai cuộc tranh chấp là hai giai đoạn của công cuộc giải phóng Việt Nam : giai đoạn thứ hai chỉ là tiếp nối giai đoạn đầu để đạt được những mục đích cơ bản của cuộc chiến tranh chống Pháp.

Trong ngày 21 tháng Năm năm 1962 này không có một Việt cộng, một quả mìn nào trên đường Mỹ Tho. Vann không gặp sự cố gì trên đường đến tổng hành dinh của phái đoàn cố vấn quân sự Sư đoàn 7 bộ binh trên con đường chính về phía bắc cách thành phố 500 mét. Người lính Việt Nam đứng gác mở cổng sắt để chiếc Jeep vào. Những ngôi nhà trước đây là một trường dòng rồi nhà trẻ mồ côi trước khi chuyển sang làm một vị trí phỉ báng của chiến tranh. Các cố vấn Mỹ vẫn gọi là “chủng viện” ghi nhớ xuất xứ đầu tiên và hai chữ thập trắng trang trí ngôi nhà nguyện đầu sân nhắc nhở khách ra vào về nguồn gốc tôn giáo của cơ sở. Thế lực quân sự Mỹ trở thành những người có cổ phần chính về bất động sản ở Việt Nam, thuê cơ sở này ở một giáo khu Thiên chúa giáo di cư từ Bắc Việt Nam đang thiếu nguồn tài chính. Khi Frank Clay mà Vann kế nhiệm đến Mỹ Tho năm trước, bộ phận biệt phái Mỹ chỉ có một trung sĩ và bảy sĩ quan mà ba sinh hoạt với các trung đoàn ở những nhà khác. Lúc đó một ngôi nhà rộng ở Mỹ Tho cũng hoàn toàn đủ. Nhưng khi Clay được biết quân số sẽ tăng lên hai mươi vào mùa xuân 1962 và tiếp tục tăng mạnh ( cuối năm 1962 vượt quá 200 sĩ quan và binh lính), anh đã thuê và tân trang chủng viện phù hợp hơn với nhiệm vụ.

Ngôi nhà một tầng kiến trúc theo kiểu Pháp dễ trông nhưng đơn điệu, xây bằng gách trát vữa xi măng, lợp ngói đỏ. Nhà hình chữ L mà chiều dài nhất dọc theo một con kênh. Tầng trệt được bố trí làm văn phòng. Phần còn lại cải tạo thành phòng ngủ các sĩ quan, nhà tắm, nhà vệ sinh, sàn nhảy, câu lạc bộ và một phòng ăn chúng khá rộng để chiếu phim hai ngày một lần. Những cuốn phim, thịt nướng trên than củi ngày chủ nhật và rượu hạ giá mỗi buổi tối là những đặc ân của cuộc sống lính Mỹ ở nước ngoài. Vann và một số sĩ quan cao cấp có lợi hơn là được bố trí ở những phòng nhỏ trên tầng phía trên văn phòng. Ngoài ra là những chỗ ngủ của lính. Sân dùng làm chỗ đậu xe Jeep, xe tải nhưng đồng thời là sân bóng chuyền mà ngay lúc đến Vann cho dăng một tấm lưới trên nền sân bóng rổ của học sinh chủng viện.

Mấy đêm sau khi các cố vấn được bố trí ăn ở, vào đầu tháng Năm, những người Việt công đến thăm làm họ hiểu mình không ngoài tầm tấn công. Một toán nhỏ luồn giữa bãi chuối phía bên kia đường bắn vào phòng ăn lúc đang chiếu phim. Các trung sĩ, một số có tuổi qua Chiến tranh thế giới thứ Hai hoặc chiến tranh Triều Tiên, cười thoải mái khi nhìn thấy các đại úy chưa bao giờ gặp súng đạn, mặc quần đùi áo lót, đội mũ, chạy tất tưởi vung súng ngắn cỡ 45, loại khó bắn trúng một người giữa ban ngày. Những người Việt thường kỳ lặp lại việc tập dượt này, dấu mình trong rặng dừa bên kia dòng kênh sau ngôi nhà. Một số chơi bắn một loạt đạn vào máy lọc nước rồi biến mất trong đêm, không gây được những thiệt hại nghiêm trọng ngoài vài vết sụt lở ở tường. Sáng hôm sau các cố vấn phát hiện thấy một lá cờ Việt cộng, sao vàng trên hai băng xanh và đỏ, phất phới trên ngọn cây.

Một đơn vị Việt cộng nhất định sẽ chiếm được chủng viện trong mấy phút. Vài chục lính quốc gia trong đội phòng vệ dân sự chịu trách nhiệm về chỗ trú quân, tỏ ra thân mật nhưng quá tự do trong việc bảo vệ các cố vấn nước ngoài. Những người Mỹ cũng không đủ sức tự bảo vệ vì họ không đủ quân số bố trí phục vụ các cố vấn Sư đoàn 7 ban ngày và chống chọi với những đợt tấn công ban đêm trong lúc những người khác vội vàng mang vũ khí chạy ra vị trí chiến đấu. Hơn thế, phần nửa quân số không thường trực ở chủng viện : họ phân tán khắp vùng về các tiểu đoàn, trung đoàn trong các thành phố chính bên cạnh các tỉnh trưởng hay làm việc ở các trung tâm thao diễn các lực lượng bộ binh. Vann hết sức đề phòng cố không chồng chéo với nhiệm vụ cố vấn nhưng ở đây anh chấp nhận nguy cơ bị tấn công để có thể làm tròn nhiệm vụ của bộ phận biệt phái. Vả lại thái độ của Việt cộng chứng tỏ họ không có ý định tiêu diệt các cố vấn trên giường ngủ. Đầu những năm sáu mươi, người Mỹ còn là những người được ưu đãi ở miền Nam Việt Nam. Thời kỳ này những người cộng sản hạn chế những cuộc tấn công đối với họ vì không muốn gây ra sự can thiệp ồ ạt của Mỹ. Họ hy vọng sự nhẫn nại bao dung cuối cùng lôi kéo được cảm tình của dân chúng Mỹ.

Tổng hành dinh Sư đoàn 7 Quân lực cộng hòa bố trí trong một trại lính cũ của Pháp, ở trung tâm Mỹ Tho. Thành phố với 40.000 dân năm 1962, quan trọng nhất miền Bắc vùng đồng bằng, là tỉnh lỵ, một thành phố lớn đối với người Mỹ. Như phần lớn các thành phố lớn vùng đồng bằng, tỉnh lỵ ở gần sông, thuận tiện cho thuyền bè qua lại. Dưới thời Pháp chiếm đóng, Mỹ Tho trở thành một pháo đài và trung tâm hành chính đồng thời là một nút xuất cảng gạo. Khi Vann đến, thành phố ít thay đổi, vẫn thể hiện là một vùng hoạt động sôi nổi nhiều công ăn việc làm cho nông dân quanh vùng. Phần lớn lúa gạo sản xuất ra ở vùng đồng bằng này cung cấp cho miền Nam Việt Nam. Các kho tàng không ngớt tích trữ rồi chuyển gạo đi Sài Gòn và những tỉnh khác.

Thành phố là nơi giải trí buổi tối hoặc chiều chủ nhật đối với những người Mỹ. Các cố vấn thường đi ăn trong các nhà hàng Trung Hoa hoặc ngồi uống bia, nước giải khát quanh những bàn quán ngoài trời. Họ thưởng thức ở đây làn gió nhẹ mát mẻ của vùng đồng bằng lúc hoàng hôn, ngắm nhìn những cô gái trên đường và xem tàu bè chất hàng ở bến sông. Những người Trung Hoa táo bạo bán mọi thứ trong quán hàng từ những mảnh vải để nông dân may áo quần bà ba cho đến những chất kích dục. Chợ trung tâm đượm mùi các loại hương liệu. Bên cạnh những quầy cá và quả cây, có những người châm cứu dùng kim làm dịu đau, những phù thủy buôn bán cỏ cây làm thuốc và chữa theo phép thần thánh cho những người cả tin khờ dại. Thương nhân Trung Hoa và Việt Nam sống trong nhà xây chắc chắn. Người nghèo đành ở nhà gỗ tồi tàn. Một trong những ngôi nhà có ấn tượng nhất là biệt thự người Pháp xây dựng cho công sứ. Nằm trên đại lộ chính, biệt thự có những khu vườn đẹp bao quanh tuy không được chăm nom cẩn thận, có một sân tennis mà người Mỹ có quyền sử dụng. Ngôi nhà dành cho một thiếu tá quân đội Nam Việt Nam mà tổng thống Diệm bổ nhiệm làm tỉnh trưởng. Người đồng chức với Vann, đại tá Huỳnh Văn Cao, chỉ huy Sư đoàn 7, do không được đặc quyền, đành ở một ngôi nhà khiêm tốn hơn, được canh gác chặt chẽ trên một con đường ở khu bên cạnh. Ông sống ở đấy một mình, để bà vợ và baỷ đứa con ở Sài Gòn.

Vann đánh giá phải cấp thiết chuyển hướng cuộc chiến ở phía bắc vùng đồng bằng. Tháng Ba năm 1962 Việt cộng có sáng kiến về chiến lược và chiến thuật : chính họ quyết định nhịp độ chiến tranh vào lúc nào và đánh như thế nào. Quân lính Sài Gòn ở thế phòng ngự và đành hành động theo diễn biến của chiến tranh du kích thay vì chủ động đối với kẻ thù. Riêng con đường lớn từ nam Sài Gòn đến Mỹ Tho, chia làm hai ngả tây và nam đi sâu vào vùng đồng bằng, ban ngày có thể đi một chiếc Jeep nhưng ban đêm đi hai chiếc thì khôn ngoan hơn. Trong năm tỉnh những người việt cộng đã vô hiệu hóa đường loại hai bằng đào hầm hố giữa đường và phá hỏng cầu. Chưa đến lúc nông dân quanh vùng phá sập hoàn toàn như họ đã làm ở phía nam đồng bằng và sẽ làm nếu chiến tranh không ngừng đúng lúc. Để di chuyển trên những con đường còn dùng được, sĩ quan quân đội Sài Gòn cho rằng phải có ít nhất một trung đội tháp tùng để đảm bảo xe cộ không rơi vào trận địa phục kích. Dù toàn thể dân chúng phía bắc đồng bằng không đi theo Việt cộng, đại bộ phận hoặc tán thành mục đích kháng chiến hoặc ngấm ngầm giúp đỡ trong im lặng làm hao mòn những cố gắng của chính quyền Sài Gòn. Chính phủ miền Nam Việt Nam, không dựa được vào sự hợp tác của các tầng lớp nông dân trong lúc họ lại cần thiết cho cuộc nổi dậy của phong trào cộng sản thắng lợi. Năm 1962 ở miền Nam Việt Nam, 85 % dân số sống ở nông thôn. Được đào tạo về thống kê, Vann thấy rõ những tiềm lực may mắn của một xã hội như vậy tạo đà cho sự phát triển sức mạnh chiến tranh du kích cộng sản. Hai triệu dân trong vùng Sư đoàn 7, thực tế hoặc có khả năng nằm trong tay Việt cộng. Trừ số 15% sống ở Mỹ Tho hoặc các thành phố khác. Vấn đề không đặt ra là trong hai đối thủ bên nào có lực lượng quân sự mạnh. Vann đánh giá hai đại đội gồm 180 người của đội quân thường trực Nam Việt Nam với trang bị vũ khí Mỹ, được máy bay ném bom hỗ trợ, có thể di chuyển đến bất cứ đâu trong vùng. Tuy vậy, theo lối ẩn dụ anh nói trước các sĩ quan trong mùa hè, việc hành quân của binh lính Sài Gòn qua các nơi có hiệu quả như một chiếc tàu biển : khi các đội quân của Quân lực Cộng hòa đến chỗ nào đấy họ làm cho Việt cộng chạy như làn tàu rạch nước trên biển. Nhưng khi họ đi qua, những người V.C quay trở lại ngay.

Trước khi rời Sài Gòn, Vann đề ra với Porter những mục tiêu làm nền cho một chiến lược mới nhằm lật nhào xu hướng thất bại và đưa lại thắng lợi cho cuộc chiến tranh. Là những người lính họ phải tấn công để dồn ép và tiêu diệt lực lượng chiến đấu của du kích. Chiến thuật thường dùng của Quân lực Cộng hòa được gọi đúng nghĩa là “càn quét” và thúc tiến lên phía trước nhiều tiểu đoàn phân tán. Nhưng Porter nhận thấy cách hành quân ấy, có hiệu quả trong triển khai một sư đoàn bọc thép trên lãnh thổ Đức, không phù hợp để chống lại những nông dân riêng lẻ trên đồng ruộng. Ông mong muốn Vann sử dụng lối cơ động của máy bay lên thẳng để nhanh chóng di chuyển, đưa các đơn vị tấn công đến vị trí, gây hoang mang cho Việt cộng buộc họ phải bắn lẫn nhau và tan rã. Để đưa ra cách hành quân ít bài bản này, Vann phải thuyết phục đại tá Cao chấp nhận một công thức, không làm ông ta mất mát nhưng thực tế đưa lại cho người Mỹ toàn quyền đối với đơn vị của ông. Với lối nói “cùng xây dựng kế hoạch”, Vann và Cao xem như cùng chuẩn bị chung những cuộc hành quân nhưng trên thực tế Cao chỉ thực hiện những gì Vann và các phó của anh quyết định.

Về nguyên tắc Vann thực hiện chức năng phó trong một tháng để làm quen với nhiệm vụ trước khi Clay ra đi, dự kiến vào tháng Sáu. Nhưng anh không phải chờ lâu để thay thế. Clay hành quân ở Đồng Tháp Mười nhày 23 tháng Năm, hai ngày sau khi Vann đến. Từ máy bay lên thẳng anh cố đuổi theo bắn khoảng hai chục Việt cộng về hướng bộ binh Quân lực Cộng hòa. Nhưng những người đảng viên cộng sản bắn vào máy bay Clay đang ngồi cùng một trung tá ban tham mưu. Phi công lái trúng đạn vào chân còn những người trên máy bay bị thương vì mảnh vỡ do làn đạn xuyên qua. Clay được đưa về Sài Gòn chữa trị rồi đi phép tám ngày ở Hong Kong. Vậy là Vann nắm quyền chỉ huy và tiếp tục trong tháng Sáu trong lúc Clay đi kiểm tra vùng cao nguyên và đồng bằng miền biển phía bắc Sài Gòn. Anh được chỉ định là chuyên gia về chiến tranh du kích ở trường Chiến tranh Quốc gia của Washington và muốn nắm được những điều kiện chiến đấu trong vùng này.

Việc Vann nắm quyền chính thức chỉ huy vào cuối tháng Sáu tiến hành ở sân chủng viện không lễ tiết, không chào cờ hoặc diễu binh như tục lệ chuyển giao quyền trong quân đội Mỹ. Clay đã không cho phép làm lễ vì rất dễ xúc động, anh sẽ bối rối rơi nước mắt trước người của mình. Dù sao anh cũng không được lựa chọn vì năm 1962, các cố vấn không có quyền treo cờ sao ở nơi trú quân. Họ cũng không được nhận một loại huân, huy chương nào. Clay và những người sống sót trong máy bay lên thẳng không được nhận huy hiệu mặc nhiên thưởng cho những quân nhân bị thương trong chiến tranh và gia đình họ cũng không được nhận truy tặng. Tổng thống Kennedy hy vọng ít để lộ sự có mặt của Mỹ ở Việt Nam sẽ hạn chế những hậu quả chính trị trong nước bởi ý thức Hoa Kỳ đang trong tình trạng chiến tranh.

Cuối tháng Năm, Clay đã đưa bộ phận cố vấn biệt phái lên mức độ hành quân. Vann nỗ lực thể hiện những bước đầu hứa hẹn ấy. Trận đánh Clay bị thương ngày 23 tháng Năm tạo co Vann một bước đấu thuận lợi “cùng nhay xây dựng kế hoạch” với Cao. Kết quả dựa vào tính ngoan cường và vận may của Clay cũng như tài năng chiến thuật của đại úy Richard Ziegler, 30 tuổi, cựu trung phong đội bóng đá của trường quân sự West Point năm 1954. Clay rất giận vì thấy Cao, bao giờ cũng lịch sự từ chối không để người Mỹ đóng một vai trò trong kế hoạch hành quân; càng cáu kỉnh hơn về những thất bại liên tiếp của Cao. Giữa tháng Năm anh từ chối cung cấp máy bay lên thẳng cho ông ta nếu không chấp nhận hợp tác với người Mỹ. Porter cũng theo đuổi mục đích ấy, tán thành với Clay và được tướng Harkins đồng ý. Cao nhường bước và chấp nhận làm thử. Bây giờ Clay cần một sĩ quan có khả năng lên kế hoạch chi tiết tấn công. Sĩ quan duy nhất có một số kinh nghiệm trong lĩnh vực này là Ziegler đến chủng viện từ đầu tháng Tư. Kinh nghiệm của anh hạn chế trong ba tháng làm phó chỉ huy hành quân một tiểu đoàn bộ binh ở Nhật. Để xây dựng kế hoạch hành quân anh nhận những bản đồ của ban tham mưu Pháp từ 1954 và một bản báo cáo của phòng thông tin từ nhiều tuần, chắc chắn đã lỗi thời. Báo cáo này thông báo một tiểu đoàn Việt cộng diễn tập đâu đấy trong một vùng 10 cây số vuông ở Đồng Tháp Mười.

Ziegler có năng khiếu kết hợp kế hoạch hành quân chung với một vấn đề quân sự riêng. Nhất là anh biết thể hiện những ý kiến của mình, vẽ chi tiết hành quân lên bản đồ với những mũi tên lớn chỉ giờ, vị trí các đơn vị, hướng và mục tiêu tiến đánh. Với tài liệu ấy, các chỉ huy trên thực địa biết chính xác phải hành quân như thế nào.

Trong trường hợp cụ thể này, Ziegler thiếu thông tin để có câu trả lời hợp lý. Để có nhiều cơ may tìm được Việt cộng trong mười cây số vuông ấy, phải cho quân tiến hành một loạt thăm dò ở nhiều hướng. Khi một đơn vị thám báo gặp Việt cộng, máy bay lên thẳng đưa ngay những đội dự bị đến hiện trường còn những đơn vị bộ binh sẽ tiến lên đẩy kẻ thù đến nơi gọi là “vùng tiêu diệt”.

Báo cáo của văn phòng 2 đã quá hạn. Trong báo cáo tiểu đoàn Việt cộng rời vùng này, sẽ trở lại vào hai giờ sáng ngày 23. Nhưng một tiểu đoàn khác không nêu trong báo cáo chậm lại trong vùng. Vậy là một đơn vị thám báo của Ziegler rơi vào trận địa có số lượng đáng kể Việt cộng bị lộ và máy bay tiêm kích ném bom đến tàn sát ngay . 95 Việt cộng bị chết, 24 bị bắt làm tù binh trong đó có chính trị viên tiểu đoàn, tiểu đoàn trưởng bị chết. Ba mươi ba vũ khí, quan trọng nhất trong du kích chiến, bị tịch thu trong đó có một súng đại liên Mỹ, một súng cối và nhiều tiểu liên. Đơn vị du kích kia trở lại lúc hai giờ sáng cũng bị tổn thất nặng nề.

Cao vô cùng sung sướng về chiến thắng thực sự đầu tiên của sư đoàn. Vai trò nửa bí mật của các cố vấn cho phép ông ta công khai nhận thắng lợi một mình.

Vann cũng rất xúc động. Anh nghiên cứu những sĩ quan phó của Clay để quyết định bố trí, gọi riêng Ziegler vào tổng hành dinh tạm thời bố trí bên cạnh một đường bay. Anh bảo :” Anh sẽ là người xây  dựng kế hoạch hành quân của tôi”. Anh giải thích nhân thắng lợi này và dựa vào tính tự hào của Cao để thể chế hóa sự việc “cùng xây dựng kế hoạch” và nắm lấy quyền kiểm soát sư đoàn.

“Chúng ta sẽ xếp đặt trật tự trong mọi việc và điều hành sư đoàn như một đơn vị lính Mỹ. Sẽ có một người Mỹ trong mỗi đơn vị. Tôi trực tiếp làm việc với Cao và anh với chỉ huy hành quân của ông ta. Như vậy chúng ta sẽ tác động họ làm theo ý muốn chúng ta”.

Khi Vann gợi ý Ziegler và đại úy Việt Nam phụ trách hành quân cùng nhau xây dựng kế hoạch cho những hoạt động tương lai, Cao trả lời đấy là một ý kiến rất hay. Ông ta cũng đồng ý với những giai đoạn Vann nêu lên để đưa những cố vấn Mỹ đầy đủ vào cơ cấu sư đoàn đến mức không biết ai nói gì với ai nữa. Cao cũng tán thành việc cố vấn phụ trách thông tin của Vann, đại úy James Drummond, một người kín đáo ba mươi tư tuổi, cũng như Ziegler hình như sinh ra để giữ vị trí ấy – hợp tác làm việc với sĩ quan Việt Nam phụ trách văn phòng 2. Thế mà cho đến nay, Cao đã cấm anh ta không trao đổi một thông tin gì cho người Mỹ.

Cao cũng chấp nhận những cố vấn Mỹ được phiên chế vào những bộ phận khác nhau, hành chính và tin học. Ông ta đồng ý với đề nghị của Vann tổ chức một trung tâm hành quân chiến thuật đóng vai trò theo dõi hoạt động quân sự trong năm tỉnh, thông báo với Cao và Vann mọi trường hợp khẩn cấp, giữ vững liên lạc với ban tham mưu từng tỉnh và tổng hợp những đề nghị can thiệp máy bay để hỗ trợ các tiền đồn bị bao vây. Trung tâm này phải hoạt động 24/24 giờ. Bản đồ và máy điện thoại bày trên một chiếc bàn rộng ở tầng trệt nhà Cao. Do gia đình ở lại Sài Gòn Cao chỉ cần cho mình một căn phong, một bếp ăn còn thì bố trí một ban tham mưu nhỏ làm việc ở đấy. Ziegler và đồng nghiệp Việt Nam của anh xây dựng kế hoạch tác chiến tại đây, mở cho người Mỹ một nguồn thông tin mới.

Cuộc hội ý ngắn hàng ngày với tổng chỉ huy là một tập quán của quân đội Hoa Kỳ, Vann gợi ý hàng ngày tiến hành vào lúc 16 giờ, lúc sư đoàn không hành quân. Cao đề nghị làm ở gian phòng chiến tranh trên tầng, trang bị đầy đủ hơn Trung tâm hành quân ở tầng trên, có một bục diến giải dưới chân bản đồ. Ziegler và đồng nghiệp báo cáo về tất cả những cuộc hành quân trong vùng. Drummond và đại úy văn phòng 2 nói về khả năng thông tin, những người khác phụ trách nhân sự, thông tin, phát biểu khi cần. Cao ngồi ở hàng đầu trước bục với Vann bên cạnh và Faust, Dam ngồi phía sau. Trước khi Ziegler và sĩ quan tác chiến xác định một cuộc tấn công Việt cộng bằng máy bay lên thẳng, Vann trình bày trước ở cuộc hội ý để Cao có thể chỉ thị từng người nên làm thế nào cho hoàn chỉnh theo ý ông ta.

Lúc đầu Ziegler nghi ngờ hiệu quả của những hội ý hàng ngày đó, có vẻ công thức như ở trường bộ binh. Nhưng anh mau chóng nhận thấy Vann dùng nó để kích thích tính kiêu ngạo của Cao, chỉ là một đại tá nhưng thích tỏ ra như một vị tướng. Trong những cuộc hội ý ngắn ấy ông ta tha hồ phát biểu ý thức của mình theo kiểu chiến lược lớn. Trong lúc Cao trổ tài hùng biện trong buổi đầu, Vann thì thầm với Ziegler :

“Anh đừng bận tâm về những gì ông ta nói. Về chủng viện tôi sẽ giải thích cho anh phải làm như thế nào.”

Và sự việc cứ như thế, Vann trình bày kế hoạch tấn công bằng máy bay lên thẳng trên tấm bản đồ choán hết bức tường ở văn phòng tác chiến ở chủng viện. Ziegler tổng hợp những ý kiến của Vann và của anh ta trong kế hoạch cuối cùng được Vann xác nhận và Cao chấp nhận. Họ giết được nhiều Việt cộng và Cao rất phấn khởi.

Cao cũng hoạt động theo đề nghị của Vann muốn lôi kéo những đơn vị Sài Gòn về chiến thuật tác chiến từng trung đội, bước đầu cần thiết để khống chế Việt cộng trong việc đánh nhau giữa những đơn vị nhỏ, đặc điểm cuả cuộc chiến tranh này. Mười nghìn lính Nam Việt Nam trong vùng tập dượt đầy đủ trong thời bình. Họ có thể thao diễn gần như đúng đắn, không như trường hợp 28.000 quân địa phương. Vann nhanh chóng phát hiện ra mặc dù 1,65 tỷ đô-la người Mỹ rót vào với danh  nghĩa hỗ trợ quân sự từ năm 1955, giữa năm 1961 và sự đào tạo cho là của 650 cố vấn đem lại, rất ít binh lính thường trực hoặc địa phương biết sử dụng chính xác tầm ngắm để bắn trúng mục tiêu, càng không thể bắn trúng một Việt cộng. Quân đội Nam Việt Nam và lính địa phương được người Pháp xây dựng và người Mỹ cố gắng vá víu lấy tổ chức này. Quân đội là một hỗn hợp sĩ quan và binh lính Việt Nam từ đội quân thuộc địa Pháp và đội quân cũ của nước Pháp tạo ra năm 1948 cho Bảo Đại, vị hoàng đế đã hợp tác với lực lượng thuộc địa. Quân đội được tổ chức theo hình mẫu tam tam chế của những sư đoàn cũ bộ binh Mỹ : ba trung đoàn trong một sư đoàn, ba tiểu đoàn thành một trung đoàn và ba đại đội một tiểu đoàn.

Song song có hai lực lượng địa phương mà tốt nhất là lính Bảo an xuất xứ từ lính Khố xanh, một tổ chức lính thuộc địa trước chiến tranh và lính Cảnh sát, tạo dựng dưới chế độ Nhật thời kỳ cuối chiến tranh. Ở các tỉnh, quân đội được tổ chức thành đại đội và tiểu đoàn đặt trực tiếp dưới quyền tỉnh trưởng. Vùng của sư đoàn có khoảng 10.000 lính Bảo an. Lực lượng địa phương lính cảnh sát quần áo lôi thôi, được người Pháp tuyển dụng chiếm giữ những tháp canh bằng gạch và những tiền đồn trát đất họ xây dựng trong chiến tranh để áp đặt cai trị thuộc địa và bây giờ chính quyền Sài Gòn cố giữ lại, tổ chức thành trung đội ở cấp huyện đội quân được gọi là Đội tự vệ bố trí số lượng tối đa (18.000 người) và trang bị vũ khí tổi thiểu trong năm tỉnh. Cảnh sát đành dùng những súng cũ của người Pháp; người được tuyển mộ là dân địa phương, không mặc đồng phục, thậm chí bận blouse và quần pyjama đen nông dân mặc đi làm. Đội tự vệ cũng như quân bảo an chỉ chiến đấu vì đồng tiền.

Để bù đắp sự thiếu tập dượt ấy, Vann tổ chức một “lớp bồi dưỡng” ba tuần lễ cho đội quân thường trực trong một trại lính cũ Clay đã cải tạo ở làng Tân Hiệp cách con đường đi Sài Gòn 9 cây số gần đường bay Mỹ Tho. Cao đồng ý để chín tiểu đoàn trong sư đoàn lần lượt theo học. Khi không hành quân binh lính phải tiếp tục tập bắn và thao tác từng đơn vị nhỏ ở nơi đóng quân. Những khóa bồi dưỡng lính địa phương mà Clay đã bắt đầu được Vann triển khai rộng.

Nhưng Cao không thuận tình với những lý lẽ của Vann đã thống nhất với Porter muốn kìm hãm sự nổi dậy của cộng sản, phải phát huy việc đánh nhau với Việt cộng trong đêm tối. Cao xanh mặt, cau lại khi Vann trình bày phải dạy cho binh lính tuần tra và phục kích ban đêm.

“Ra ngoài ban đêm nguy hiểm lắm !” Cao trả lời. Không phải riêng ông ta sợ hoạt động ban đêm mà cả năm tỉnh trưởng đều lo ngại. Những báo cáo họ làm về tuần tra, phục kích ban đêm chỉ để nhằm đánh lừa người Mỹ. Không một người lính nào rời đồn sau lúc mặt trời lặn và kẻ nào mạo hiểm cũng không ra quá xa con kênh gần nhất làm một giấc ngủ ngắn trên đê.

Không thuyết phục được, Vann bất chấp : anh ra nghiêm lệnh cho mọi sĩ quan hoặc trung sĩ Mỹ chịu trách n hiệm tập dượt phải đi tuần tra đêm mỗi tuần ít nhất một lần. Cao và các tỉnh trưởng có thể coi như không biết có lệnh ấy và diễu cợt Vann : thực ra các cố vấn không thể đi phiêu lưu riêng một mình. Nhưng Cao biết Porter ủng hộ Vann ở điểm này và Harkins cũng thuyết phục tổng thống Diệm về sự cần thiết phải hoạt động ban đêm. Tháng Mười một, sự tranh chấp xảy ra khi chính quyền Kennedy cố thúc ông tiến hành những cải cách chính trị và hành chính thay thế sự can thiệp quân sự của Mỹ. Nhưng từ đó quan hệ giữa Diệm và bộ chỉ huy cao cấp Mỹ đã được cải thiện. Những chỉ thị của phủ tổng thống tán dương thái độ hòa giải với người Mỹ khi không có nguy cơ gì. Cao và các tỉnh trưởng tỏ ra đồng ý và những cuộc tuần tra ban đêm bắt đầu với nhịp độ hạn chế nhưng đều đặn. Vann nêu gương bằng cách xuống các đơn vị tham gia hành quân chớp nhoáng ban đêm ít nhất mỗi tuần một lần, đôi lúc hai lần. Do chỉ cần hai tiếng đồng hồ ngủ, anh dễ dàng thức đêm.

Để giải đáp những phản bác của Cao sợ anh chết hoặc bị bắt làm tù binh, Vann chấp nhận nguyên tắc chỉ ra ngoài với những đơn vị mười hai người. Anh biết nếu khéo tổ chức có nhiều cơ may phục kích có kết quả và ít bị tấn công. Rất đáng tiếc là anh không bao giờ bắt gặp Việt cộng . Thế mà anh cảm thấy họ ở đấy và di chuyển trong bóng đêm. Anh báo với Porter rất khó khăn với đội quân Nam Việt Nam ấy. Binh lính thường trực hoặc địa phương kém xa Việt cộng về các mặt. Họ sợ giáp mặt kẻ thù. Anh nhận thấy mỗi lần nghe tiếng động trong đêm có thể là của Việt cộng đi về hướng anh giăng bẫy, một trong những lính Việt Nam ho hoặc lên quy lát súng trường hay gây tiếng động gì đấy làm hỏng tất cả. Việc đó rất thường xảy ra chứ không tình cờ. Porter đã khám phá ra cảm giác thấp kém ấy của binh lính Nam Việt Nam, sung sướng thấy lần đầu trong cuộc chiến tranh này Hoa Kỳ có một sĩ quan bộ binh đue kinh nghiệm và sáng suốt làm việc trên lưỡi dao. Để giải quyết tất cả những vấn đề ấy phải có thông tin và giải thích. Vann cung cấp cho ông cả hai với quyền hạn và khả năng của mình. Những kết luận của anh được các tướng tá ban tham mưu xem như là những nghiền ngẫm vô lý của một đại úy trẻ.

Vann thực hiện lời hứa với Ziegler mỗi đơn vị tham gia hành quân sẽ có một cố vấn Mỹ đi theo. Mục đích của anh không chỉ để kiểm soát chặt chẽ. Anh đánh giá những đội quân Sài Gòn sẽ tấn công quyết liệt hơn nếu viên chỉ huy Việt Nam luôn có bên cạnh một sĩ quan hoặc trung sĩ Mỹ khuyến khích và hỗ trợ. Anh cũng hy vọng đà hăng hái của Mỹ sẽ lây truyền.

Dù sao tinh thần mãnh liệt của Vann cũng tác động đến đoàn cố vấn quân sự. Không khí nhiệt tình dưới sự chỉ huy của Clay, sĩ quan can đảm, biết suy tính và chăm chỉ đã được ca tụng và yêu mến trong các đoàn quân. Anh đã hai lần nhận Ngôi sao bạc, phần thưởng cao thứ ba trong nước khi dẫn đầu xe tăng chống quân Đức ở Bắc Phi và Italia. Với Vann, không khí càng sôi nổi hơn. Khi các cố vấn trở về chủng viện, kiệt sức vì đi hai ngày dưới trời nắng và trong bùn ruộng, họ nghe tiếng nói lanh lảnh và thân thuộc :

“Nào ! Các đội bóng chuyền ra sân!”

Anh nghỉ ngơi ít hơn họ và trong mấy phút tất cả đã đứng trước lưới trên sân. Nếu đội của anh bắt đầu thua anh hét lên, đấm vào cột để kích thích đồng bọn hăng hái hơn. Anh không ngừng phản công lối chơi của một đại úy người Hawaii cao một mét tám mươi hai, nặng chín mươi hai kilô, Peter Kama, mười năm sau phục vụ dưới quyền anh ỏ vùng cao nguyên.

Chiến tranh ở Việt Nam năm 1962 còn là một cuộc phiêu lưu “những cuộc hành quân đứt đoạn nhất mà chúng tôi được biết” như một sĩ quan nói – biết bao nhiêu vấn đề Vann và bộ phận biệt phái phải đương đầu để cải thiện tinh thần chiến đấu của những đội quân Sài Gòn. Mối nguy hiểm thường xuyên và những đợt bắn tỉa ngẫu nhiên gây tình trạng căng thẳng và gay go của cuộc chiến tranh. Khi Vann đến Mỹ Tho vào cuối tháng Năm 1962, gần 20 người Mỹ đã chết ở Việt Nam và không một cố vấn nào ở Sư đoàn 7 gặp chuyện không may ấy. Những người ở lâu nhất trong bọn họ mong tìm lại được niềm kích thích về tranh chấp họ có trước đây còn những người trẻ sốt ruột muốn thử thách. Sư đoàn trưởng Charles Timmes đã là trưởng Phái đoàn hỗ trợ quân sự (MAAG) đầu tiên, từ đó trở thành một cơ quan gắn liền với những chương trình huấn luyện và trang bị. Timmes đã được giải thưởng đặc biệt khi cầm đầu một tiểu đoàn lính dù nhảy xuống Normandie vào ngày đổ bộ của quân Mỹ lên châu Âu. Một hôm ông nói ở chủng viện :

“Đây không thực sự là một cuộc chiến tranh nhưng là cuộc chiến tranh chúng ta có. Vậy chúng ta cứ làm!”.

Nhận xét này đặt ra nhiều điều hơn một lời kích động phiêu lưu. Những người này là lính chuyên nghiệp, một đội quân trên bộ trong 8 năm sử dụng chiến lược “càn quét” của tổng thống Eisenhower. Nhiệm vụ được giao lúc đó hình như chỉ chiếm đóng những cơ sở phóng xạ hoang tàn của Đông Âu, Nga, Trung Quốc sau khi không quân, hải quân chiến thắng trong Chiến tranh thế giới lần hai và triển khai máy bay, tên lửa trong một cuộc tàn sát nhiệt hạch. Ngân sách quân sự phân tán, bộ binh trở thành một kẻ đi xin. Bây giờ bộ binh có một tổng thống, John Kennedy, muốn nó là “Lưỡi gươm … dụng cụ có hiệu quả của chính sách đối ngoại”, theo công thức của cố vấn tổng thống là đại tướng nổi tiếng Maxwell Taylor, Kennedy muốn lực lượng quân sự cho phép ông sử dụng sức ép ở mức độ cần thiết để thi hành đường lối của mình bất cứ ở nơi nào. Ông hình dung một lực lượng bộ binh phát triển hơn, được tăng cường sức mạnh bằng kỹ thuật mới nhất về cơ động và vũ khí, để trở thành lưỡi gươm cần thiết cho chiến lược “phản ứng linh hoạt”, Taylor sáng tạo ra từ ngữ này để chống lại sự liên kết bề ngoài của đường lối không hợp lý tàn sát hàng loạt của Eisenhower. Quan điểm chiến lược ấy là sự vận dụng hợp lý lý thuyết “chiến tranh hạn chế” ông trình bày trong một cuốn sách hay sau khi ở Bộ tổng tham mưu về nghỉ hưu năm 1959. Kennedy vui thích áp dụng những luận thuyết này của ông, đã sử dụng trong đợt tuyên truyền tranh cử tổng thống năm 1960. Sau khi được bầu ông lấy lý thuyết này làm chiến lược quốc gia và chọn Taylor làm cố vấn quân sự của Nhà Trắng.

Tổng thống mới và người xung quanh ông cho cuộc chiến tranh du kích mà Vann quyết định đè bẹp ở phía bắc vùng đồng bằng, là hình thức thách đố ầm ĩ nhất những người cộng sản cho đến lúc này. Fidel Castro nắm quyền ở Cuba sau một cuộc cách mạng và những cuộc nổi dậy tương tự thật đáng sợ ở thế giới thứ ba, những nước nghèo của Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh. Vì thế Kennedy đã chỉ thị cho quân đội trên bộ sử dụng Việt Nam như một cơ sở thí nghiệm phát triển những kỹ thuật chống nổi dậy. Nikita Khrusev đã trình bày chiến lược chiến tranh du kích ở Hội nghị các đảng cộng sản ở Moscow tháng Giêng năm 1961. Ông tuyên bố Liên bang Xô viết muốn tránh một cuộc chiến tranh hạt nhân với Hoa Kỳ nhưng ủng hộ “những cuộc chiến tranh giải phóng và những cuộc nổi dậy” ở những nước nghèo của thế giới thứ ba. Trung Quốc chung sức vào việc đó. Kennedy lên án những cuộc cách mạng ấy, gọi là “chiến tranh lật đổ và tấn công bí mật”. Cuộc chiến tranh ở Việt Nam như vậy vượt quá một thử nghiệm lý thuyết của Taylor về chiến tranh hạn chế. Năm 1962 vấn đề là ai thắng ai, “Thế giới tự do” hay là “Thế giới cộng sản”.

Đầu những năm 60 người Mỹ ít chú ý đến sự bất đồng giữa Liên Xô và Trung Quốc cũng như rạn nứt khác trong khối họ gọi là “chủ nghĩa cộng sản quốc tế”. Sự thù địch giữa Moscow và Bắc Kinh đã lộ rõ trong một thời gian. Khrusev đã cắt mọi viện trợ cho Trung Quốc và gọi về nhiều nghìn kỹ thuật viên Xô viết đang thực hiện những chương trình phát triển lớn. Những người Mỹ cũng không hiểu hậu quả việc cắt đứt quan hệ giữa Tiệp Khắc và Liên Xô năm 1948 do một phong trào quốc gia có thể được những người cộng sản trong nước lãnh đạo. Vann và người Mỹ thời kỳ ấy đã quen xem thế giới chia làm hai : trắng và đen. Lý tưởng của họ chi phối nếp suy nghĩ và sự nhìn nhận ấy càng củng cố thói quen vốn có. Khuôn mẫu quân đội phản ánh cách nhìn thế giới gộp tất cả những nước cộng sản vào công thức “khối Trung-Xô”.

Dù không ai trong phân đội có lòng tin như Vann về cuộc phiêu lưu anh dẫn dắt với tinh thần năng nổ của một thập tự chinh, họ đều là những người được tin cậy. Các đại úy đều từ một nơi đào tạo. Phần lớn bọn họ mang trên áo những đôi cánh quân dù với phù hiệu của lực lượng lục quân ưu tú. Ziegler là một ví dụ điển hình. Anh hai năm là giáo viên trường lục quân ưu tú; một buổi sáng được biết phòng nhân sự của Lầu Năm Góc đã chọn 150 đại úy xuất sắc sang Việt Nam làm cố vấn quân sự mà anh là một người trong bọn họ. Con trai một thương gia, anh trở thành ngôi sao bóng đá ở trường trung học, vào trường quân sự West Point vì muốn “là một con cá lớn trong một hồ lớn” như anh nói với đội bóng và nhất là tiếp tục học không mất tiền.

Uy tín lớn của Vann càng phát triển sự liều lĩnh trong phân đội và tạo một hương vị đặc biệt cho cuộc phiêu lưu này. Sự kính trọng tài năng cấp trên trở thành đáng ca tụng khi chỉ huy trưởng thêm vào đó sự gan dạ. Nhưng nếu ngoài hiểu biết và can đảm anh dấn thân vào cuộc chơi, anh trở thành huyền thoại. Các sĩ quan nhát gan đề phòng lòng ham thích nguy hiểm ở những người thường họ xem đúng chỉ là những cái đầu nóng. Nhưng họ thầm thán phục, mong mình cũng tin tưởng vào vận may như thế và có thể dẫn dắt đồng đội với sức mạnh như thế. Vann là một nhân vật huyền thoại nhiều may mắn.

Vann biết những con đường nào bị Việt cộng cắt đứt, những đường nào còn dùng được vì anh không ngừng đi xe Jeep ngang dọc qua những đợt thường xuyên về trung tâm thị trấn, ra các tiền đồn hoặc về các thôn xóm làng hẻo lánh. Để kiểm soát đường sá, người Mỹ có thói quen bay trực thăng hoặc máy bay thám thính. Như vậy ít nguy hiểm hơn. Trên bầu trời không có mìn, không bị phục kích. Vann cho rằng phương pháp ấy không đáng giá gì. Để biết bao nhiêu đất đai bị Việt cộng kiểm soát, những chỗ nào còn vào được phải đến xem tại chỗ. Anh nói theo xu hướng thống kê : “Lạy Chúa, chỉ cần suy tính một ít, người ta có thể chạy trên những con đường ấy với 95% may mắn thoát được”. Anh tránh những vòng tròn cố hữu và cố gắng không trở lại nơi xuất phát, không chần chừ lâu một chỗ, không để Việt công có thì giờ xác định vị trí của anh và tổ chức phục kích. Anh từ chối không đem theo đội bảo vệ xem như đoàn tháp tùng tối thiểu, sợ làm chậm bước tiến của mình, anh tự lái xe và đi thật nhanh. Anh lính Việt Nam Cao cử làm lái xe cho anh ngồi phía sau với khẩu liên thanh. Thực tế nếu có trường hợp bám theo và lái xe bị thương hoặc chết có lẽ sẽ phải dừng lại. Anh muốn chắc chắn không bao giờ có chuyện ấy vì xác định việc thoát thân tùy thuộc vào tính cơ động và mình sẽ không bao giờ bị bắt làm tù binh.

Porter không cố kìm hãm anh. Ông biết nếu ra lệnh cho Vann đừng lao vào nguy hiểm anh vẫn làm mà không nói với ông. Những cuộc tuần tra đêm của Vann cung cấp cho ông những thông tin từ một người có kinh nghiệm mà ông hoàn toàn tin tưởng.

Các cố vấn ở chủng viện vui vẻ chờ các sĩ quan ban tham mưu từ Sài Gòn đến thị sát và Vann dành cho họ một dịp theo cách của anh. Cánh bàn giấy nói chung tới với trang bị hoàn hảo của một người chiến đấu, mũ rộng vành và dao săn dắt trong ủng. Họ thông báo không chỉ tham dự những cuộc hội ý ở chủng viện mà muốn “xuống tận chỗ có đánh nhau”. Một lần Vann mỉm cười trả lời với một sĩ quan tham mưu anh đã chuẩn bị, đề nghị sẵn sàng từ bốn giờ rưỡi sáng tiến hành “một cuộc thám thính nhỏ”.

Đến 4 giờ 20 phút trong lúc người khách còn buộc dây giày trong phòng ngủ sĩ quan ở tầng trên chủng viên, Vann đã uống xong cà phê và đứng dưới thang gác gọi :

“Nhanh lên ông, sẵn sàng đi rồi đây!”.

Đèn pin chiếu trong bóng tối, Vann đưa ông ta lên xe Jeep giải thích hai người cùng đi “kiểm tra an ninh” trên đường Bến Tre, 15 cây số về phía nam, từ đó họ tiếp tục đến cuộc hành quân đang tiến hành. Vann ngồi sau tay lái, để một khẩu súng bắn nhanh và một số lựu đạn lên ghế bên cạnh. Cùng lúc đó anh trình bày cho người đi cùng phải giả chết như thế nào nếu rơi vào ổ phục kích để khỏi bị giết. Sau đó anh nổ máy, hô  người gác Việt Nam mở cổng và lao nhanh trên con đường Bến Tre.

Viên sĩ quan tham mưu nghĩ họ được một trung đội lính Việt Nam tháp tùng hoặc ít nhất có một xe cố vấn khác. Nhưng ông thấy đơn độc trên một chiếc xe Jeep lao qua bóng tối của cây cối, xa xa thỉnh thoảng có ánh lửa ngọn nến hay đèn dầu trong một ngôi nhà nông dân cùng với kẻ điên kia cầm tay lái. Trong luồng gió Vann kêu lên với ông ta sẵn sàng nhả đạn nếu gặp rào chắn của Việt cộng vì anh sẽ lao vào, không muốn bị bắt sống rồi nhốt vào cũi như một con khỉ. Con đường có sông chắn ngang phải qua phà càng làm vị khách căng thẳng thần kinh. Chiếc phà được quân lính gác và người Việt Nam qua lại chỉ là những nông dân bình thường đi chợ. Ông khách ngây thơ không chú ý thấy người gác và chưa bao giờ ở giữa một đám đông nông dân. Nói chung việc thử nghiệm ấy đủ cho sĩ quan tham mưu muốn ở lại Bến Tre chờ máy bay lên thẳng đưa trở về Sài Gòn. Nhưng nếu khách thuộc loại người như Vann, thích thú sáng kiến kiểu ấy thì lần sau đến chủng viện ông ta sẽ được hoan nghênh. Thực tế cuộc đi trước bình minh ấy không phải không nguy hiểm. Vann đã bị du kích rình bắn tỉa nhiều lần. Nhưng anh nhận thấy nói chung Việt cộng giữ rào chắn trên đường thường về ngủ từ bốn giờ rưỡi sáng.

Thiếu tá Herbert Prevost là người duy nhất trong phân đội hình như cũng thích mạo hiểm như Vann. Phi công 38 tuổi, vẻ tinh ranh, lái máy bay liên lạc của Sư đoàn 7. Thể chế không lực rất có thể đã quyết định việc ném bom chiến lược là phương pháp tốt nhất để thắng trong chiến tranh. Provost là một người tác chiến đơn độc. Anh lái những chiếc máy bay nhỏ, thích chiến đấu một mình, được thưởng huân chương trong Thế chiến thứ Hai, ngày anh phát hiện một đoàn xe tăng Đức ẩn náu trong rừng chờ đánh xe tăng Mỹ, tưới lên một loại vũ khí cháy mới, bom napalm; lái phụ bị liên thanh xe tăng bắn chết, máy bay của Prevost bị hỏng đến mức độ thợ máy phải cho vào đống sắt cũ nhưng anh đã hạ cánh như có phép lạ. Việc phục kích của quân Đức bị bại lộ, năm chiếc xe tăng và trang bị cháy thiêu.

Ở Việt Nam hình như Prevost khôn ngoan hơn. Anh được Không lực giao cho chiếc máy bay nhỏ nhất họ có, chiếc Cessna quan sát. Một động cơ, hai chỗ ngồi, chỗ phía trước cho người lái và chỗ kai cho người quan sát, chiếc Cessna không trang bị vũ khí. Nhiệm vụ của Prevost là điều phối những yêu cầu hỗ trợ máy bay tiêm kích – ném bom và phương tiện vận chuyển cho Sư đoàn 7 và lực lượng bộ binh của năm tỉnh theo sự chỉ huy của Sư đoàn 2 Không quân Sài Gòn dưới mệnh lệnh tướng Harkins. Anh được giao chiếc Cessna để liên lạc với ba đại úy không quân làm việc cho anh ở các tỉnh.

Prevost là một diễn viên xiếc trên trời có đầu óc sáng tạo. Anh thuyết phục Vann cho anh hai khẩu súng mới loại nhẹ, Armalite, sẽ trở thành khẩu M-16 khi sử dụng như vũ khí chuẩn của bộ binh. Quân đội đang thử nghiệm và giao cho Sư đoàn 7 một đại đội để xem quân lính đánh giá thế nào và xác định hiệu lực chống chiến tranh du kích. Armalite có một nút chọn bắn bán hoặc hoàn toàn tự động, dùng đạn nhỏ hơn nhưng nhanh hơn khẩu M-1 cũ nhiều. Tính năng rất nhanh gây những vết thương nặng nhưng không chết. Prevost gắn hai khẩu súng giữa những thanh ngang đôi cánh máy bay Cessna sáng tạo một hệ thống dây cho phép anh từ buồng lái kéo cò súng bắn vào Việt cộng. Anh cũng có thể ném lựu đạn vào họ, đôi khi anh dùng bom 10 kilô kiếm được trong quan hệ với một phi đội nhỏ đóng quân tại sân bay cũ của Pháp ở Biên Hòa.

Tiểu phi đội gồm máy bay có chong chóng trong Thế chiến thứ hai và chiến tranh Triều Tiên, máy bay hai động cơ A-26 Invaders dùng ném bom tầm thấp và băn liên thanh trước mũi súng. Cũng có những máy bay – tập lái T-28 Trojan chuyển thành những máy bay ném bom bằng cách xếp dưới những liên thanh 50, bom, rốc két, những bình chứa napalm. Tuy những khí cụ ấy thuộc Không lực Hoa Kỳ, người ta đã sơn lại chuyển sang màu Không lực Việt Nam. Phi công Sài Gòn dùng ngôi sao trắng trong vòng tròn xanh của đồng minh mới. Nhưng ở người Mỹ huy hiệu ấy nổi lên trên những gạch đỏ, trắng , xanh, người Việt Nam dùng những màu của chính phủ Sài Gòn đỏ và vàng. Chỉ cần vài hộp sơn để máy bay Mỹ trở thành máy bay Việt Nam. Phi công Hoa Kỳ không bao giờ bay không có một sĩ quan trẻ hay hạ sĩ Không lực Sài Gòn ngồi ghế sau. Như vậy nếu một máy bay bị bắn hạ, chính quyền Kennedy có thể tự bào chữa như trong nhiều trường hợp phi công Mỹ chỉ thực hiện “một buổi tập dượt” cho học trò của mình. Những phi công Mỹ khác được bố trí hẳn ở Không lực Việt Nam để huấn luyện và cố vấn cho phi công Sài Gòn sử dụng máy bay tiêm kích – ném bom T-28 và Skyraiders từ thời chiến tranh Triều Tiên. Những giáo viên ấy trở thành phi công trong những không tập chống Việt cộng, luôn luôn với một người Việt ngồi ghế sau. Số phóng viên báo chí ở Sài Gòn không bao giờ đựoc phép vào sân bay  Biên Hòa để xem hệ thống ấy hoạt động như thế nào.

Trừ những thời kỳ cao điểm hành quân phải ở lại sở chỉ huy để chi viện máy bay cho sư đoàn, Prevost thích đưa Vann, Ziegler hoặc cố vấn văn phòng 2 Jim Drummond đi thám sát trên chiếc máy bay nhỏ của mình. Vann muốn bay thấp để nghiên cứu mặt đất tốt hơn; Prevost càng muốn xuống thấp hơn nữa sát hẳn ngọn lúa và chỉ bay lên để vượt hàng cây to. Mấy tháng sau Prevost thay đổi nhiệm vụ và người thay thế không biết rõ vùng này. Anh hỏi Vann có bay ở độ cao 500 mét xem như hợp lý để tránh làn đạn vũ khí nhẹ. Vann trả lời :

“Cộng tất cả các chuyến bay, thiếu tá Prevost chưa bao giờ tổng hợp đủ 500 mét độ cao trong suốt thời gian anh ở đây”.

Xu hướng phiêu lưu trong cuộc chiến tranh này được mở rộng vì sự gắn bó tình cảm mà nhiều cố vấn cảm thấy đối với người Việt Nam : chính vì họ và đất nước họ mà người Mỹ sang chiến đấu ở đây. Các đại úy cố vấn cho những thiếu tá tiểu đoàn ở lại với họ trong trại hoặc khi di chuyển, ăn thực phẩm Việt Nam và chấp nhận những điều kiện sống của các sĩ quan họ đến giúp đỡ. Các trung sĩ đến dạy bắn súng cho lính cũng thế. Các cố vấn của lính bảo an và cảnh sát cùng sống ở trại huấn luyện và đi theo những đội quân địa phương trong hoạt động hằng ngày chống Việt cộng. Những tiếp xúc qua lại ấy đã phát triển tình cảm mến ở người Mỹ.

Những người lính Việt Nam tò mò nhổ lông tay người Mỹ mà đối với họ không bình thường vì thân thể họ nhẵn hoàn toàn. Họ xin thuốc lá, cười sằng sặc khi một người Mỹ nhăn mặt lùi lại trước mùi nước mắm ở đâu cũng dùng và thêm đạm tổng hợp vào thức ăn. Họ phá lên cười khi một trong những gã cao lớn người nước ngoài lảo đảo và ngã xuống trong một chiếc thuyền thúng nông dân dùng để qua sông ngòi.

Vann đặc biệt mến những người lính ấy trong quân thường trực hoặc địa phương, là những người nông dân như đối thủ Việt cộng của họ. Có lẽ cũng vì thân hình anh tương đối nhỏ, không vượt quá chiều cao trung bình của họ là một mét năm mươi càng làm anh gần họ hơn. Tranh bị Mỹ bao giờ cũng quá rộng, quá nặng đối với họ. Mũ đội trùm mặt; súng bán tự động năm kilô cũng như khoảng năm mươi kilô phải mang suốt ngày. Nhưng điều thán phục  nhất ở họ là tính tình vui vẻ và sự dẻo dai. Người ta dễ lầm về vẻ ngoài của họ cũng như của đất nước họ. Tuy mảnh khảnh nhưng họ mạnh mẽ hơn những người dân châu Á khác. Điều ấy không thấy rõ vì quần áo Mỹ che khuất thân hình gân guốc của họ. Nguồn gốc nông dân làm tâm lý họ chai sạn với những cố gắng về thể chất và không bao giờ phàn nàn bởi việc đi bộ lâu dưới nắng nóng. Họ đùa vui với nhau và khi bị thương cũng không kêu van. Khả năng chịu đựng đau đớn hình như do một phần của nền văn hóa. Họ nằm dài, bất động, khẽ rên hoặc cắn răng chịu đau. Vann kết luận họ có tiềm lực trở thành quân lính tốt, xứng đáng chiến thắng trong cuộc chiến tranh này và không thấy đời mình bị hủy hoại.

Năm đầu ở Việt Nam John Vann thấy cần thiết có giải pháp tranh chấp bằng quân sự. Vì vậy anh tập trung hoạt động theo  ưu tiên đề ra với Porter : tiêu diệt lực lượng xung kích của Việt cộng bằng những đòn tấn công bất ngờ của máy bay lên thẳng. Những toán quân đối phương trước hết là những tiểu đoàn tinh nhuệ cộng sản gọi là “quân chủ lực” mà người Mỹ gọi là “thường trực” và những tiểu đoàn, đại đội tuyển chọn ở địa phương gọi là “quân địa phương”. Những tiểu đoàn chủ lực có khoảng 250 đến 300 người vào cuối tháng Năm năm 1962, phụ trách một vùng hai, ba tỉnh còn quân địa phương nói chung ở tỉnh sở tại. Các cố vấn có xu hướng gộp lại, gọi là “mũ cứng” vì họ đội mũ hình lưng rùa, theo hình ảnh những chiếc mũ thuộc điạ người Pháp dùng ở Đông Dương. Họ làm mũ bằng một chiếc khung tre bọc vải hoặc ni-lông xanh. Bộ đội chủ lực và địa phương đều là lính trong thời gian liên tục. Đồng phục của  họ do gia đình hoặc phụ nữ có cảm tình trong xóm làng may cho, có thay đổi trong những năm đầu. Họ chiến đấu trong trang phục áo bà ba đen hoặc sơ-mi và quần kaki nhưng những người thường trực cũng được trang bị quân phục chiến đấu màu xanh. Đồng phục thao diễn của Việt cộng mang theo trong những túi trên lưng đề phòng những buổi lễ tiết, nói chung thống nhất : sơ-mi và quần màu xanh đậm thường bán ở chợ. Quân chủ lực phân biệt bởi hiệu quả chiến đấu rất cao và động cơ chính trị, được trang bị những vũ khí tốt nhất lấy của kẻ địch. Tất cả sĩ quan và phần lớn hạ sĩ quan gọi là “khung” đều là đảng viên Đảng cộng sản. Một số tiểu đoàn địa phương chiến đấu ngang với quân thường trực.

Trong năm tỉnh thuộc Sư đoàn 7, Jim Drummond ước tính vào cuối năm qua những thông tin thu thập được, có khoảng 2.000 Việt cộng thường trực và 3.000 quân địa phương. Rõ ràng chiến lược cộng sản đã thành công. Việt công ngày càng chiếm được nhiều vũ khí, cho phép họ tấn công nhiều hơn và mạnh hơn. Kết quả là quân bảo an và cảnh sát của chính quyền Sài Gòn trở nên nhút nhát hơn, co cụm lại trong các đồn bốt và trung tâm, ngày càng bỏ nông thôn cho Việt cộng. Vann xác định để ngăn chặn lòng hăng hái cách mạng ấy, phương pháp nhanh nhất là bẻ gãy thanh sắt xung kích. Nếu quân thường trực và địa phương bị giết hoặc tan rã, những người cộng sản không còn sức tập hợp được những lực lượng cần thiết để phục kích những đoàn xe và toán quân Sài Gòn ban ngày tỏa ra trong vùng để cố giữ quyền lực của chế độ. Việt cộng không thể bất thần đột nhập dễ dàng vào các tiền đồn. Trật tự được thiết lập lại từng ít một và có thể tiến lên yên ổn lâu dài. Vann nói “Sự yên ổn có lẽ chiếm 10% của vấn đề hoặc là 90%; dù sao chính 10% của 90% đầu tiên là đáng kể. Không yên ổn, không có gì chúng ta làm tồn tại được lâu dài”.

Anh nghĩ càng phát triển quá trình nhấn chìm lực lượng chủ lực và địa phương quân vòng quay chiến tranh càng bất lợi cho Việt cộng. Kết luận này như hầu hết người Mỹ ở Việt Nam thời kỳ ấy dựa vào sự tin chắc rằng nông dân Việt Nam đứng ngoài cuộc đấu tranh chính trị. Việc phần lớn họ trong vùng có vẻ cảm tình với Việt cộng hoặc dửng dưng thể hiện họ không đánh giá cao vấn đề chính trị : nông dân không được bồi dưỡng về lý tưởng, những người Mỹ cho là như vậy. Trừ một số ít đặc biệt than phiền chính quyền địa phương của Sài Gòn, nông dân nghiêng về phía mạnh hơn. Vann càng tin chắc thế vì anh quan sát ở Triều Tiên nông dân  hình như không có ý thức chính trị gì. Họ hành động theo quyền lợi của các nhà cầm quyền lúc đó. Anh xác định tất cả những người nông dân châu Á mong muốn trước hết là hòa bình và yên ổn để có thể cày bừa ruộng đất. Họ ít quan tâm những người xây dựng luật lệ và thiết lập trật tự là cộng sản hay tư bản.

Khi nông dân thấy những đại đội, tiểu đoàn chiến đấu Việt cộng ngày càng bị tiêu diệt , họ sẽ hiểu những người cộng sản không thắng được. Và nếu Sài Gòn cũng không lừa phỉnh họ, họ sẽ bắt đầu nghiêng về chế độ này. Những thông tin nắm được nhiều hơn vì nông dân sẵn lòng nói. Như vậy sẽ dễ dàng bắt được mục tiêu và tiêu diệt lực lượng Việt cộng còn lại. Những người cộng sản cũng mất cơ sở của sức mạnh chiến đấu : nông dân phân tán trong xóm làng. Việt cộng gọi họ là Đội quân du kích nhân dân. Ban ngày họ là nông dân và ban đêm là chiến sĩ, chiến đấu theo mệnh lệnh của cấp trên hoặc do bột phát. Drummond ước tính trong vùng có khoảng 10.000 người, đại diện một lực lượng đáng kể của đội quân thường trực, địa phương, và chính quyền Việt cộng. Đội quân du kích địa phương ấy là một dự trữ nhân lực, một mạng lưới thông tin khắp nơi, nguồn trinh sát, dẫn đường biết rõ địa dư, thái độ của xóm làng, một lực lượng vận chuyển khí giới, thương binh, người chết trong trận chiến và là những đại diện có mặt mọi chỗ để thực hiện ý đồ của chính quyền cộng sản bí mật.

Những người nổi dậy từng lúc ấy trở lại là những nông dân hiền lành trong cuộc sống, Vann đánh giá như vậy. Chính quyền Sài Gòn, được người Mỹ giúp đỡ, có thể tiến hành có hiệu quả giai đoạn sau đây : xác định và bắt giữ những người cộng sản bí mật xúi giục cuộc nổi dậy, lãnh đạo chính quyền bí mật thu hút nông dân phục vụ các đơn vị du kích. Viện trợ kinh tế, xã hội của Hoa Kỳ nhằm giúp dễ dàng tập hợp nông dân. Việc tài trợ khoan giếng lấy nước sạch và xây dựng  nhà tiêu góp phần loại trừ ký sinh trùng và các bệnh đường ruột. Những phòng khám chữa bệnh được hình thành, các trường tiểu học chống nạn mù chữ cho trẻ con; lợn Yorkshire thay thế lợn đen, hạt giống tốt và phân bón sẽ tăng sản lượng lúa. Vann cho rằng phải 10 năm để tạo nên một xã hội nông dân với những người nông dân thịnh vượng và một chính quyền địa phương chống lại mọi cố gắng nổi dậy của cộng sản. Và anh nghĩ không cần quá sáu tháng để đè bẹp lực lượng du kích cộng sản phía bắc vùng đồng bằng và bắt đầu chu trình bình định mới trong vùng sống còn này của đất nước.

Vann may mắn có Jim Drummond làm sĩ quan thông tin và Ziegler làm sĩ quan tác chiến. Anh lại tỏ rõ đức tính lãnh đạo của mình khi biết giá trị của Drummond và thả lỏng cho anh này hoạt động. Đồng thời anh làm cho công việc của anh ta phối hợp với công việc của Ziegler, như vậy hai người thành nhóm cần thiết để thực hiện chương trình sáu tháng của anh.

Sự bí mật bảo vệ những chiến sĩ Việt cộng và hoạt động của chính quyền cộng sản. Chừng nào vị trí địa dư và sự di chuyển của họ còn bí mật, họ có thể tập dượt và chuẩn bị rất an toàn để bất ngờ tấn công. Nhưng, lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh , sự bảo vệ này không còn nữa. Drummond đã cất đi tấm khiên ấy nhờ vào kinh nghiệm thông tin Hoa Kỳ có được qua hai cuộc thế chiến và chiến tranh Triều Tiên.

Drummond say mê tìm hiểu về con mồi của mình. Những gì dính líu đến chiến tranh du kích làm anh quan tâm. Anh thu thập những khẩu súng săn Việt công sản xuất thủ công trong các xưởng nhà tranh cung cấp cho những người khởi nghĩa địa phương đến mẫu phỏng sơ đẳng nhưng có hiệu quả như những vũ khí tinh vi như súng tiểu liên Thompson. Thậm chí anh quan sát cách cắt, may đồng phục để xem có khác nhau giữa tỉnh này tỉnh khác, vùng này vùng khác không. Vann ngạc nhiên về sự say mê ấy. Anh hiểu không cần nhắc nhở Drummond như những sĩ quan thông tin khác rằng gạn hỏi tù binh, đọc tài liệu tìm được của địch không đủ mà phải đi thực địa để hiểu kẻ địch và thu thập vô số chi tiết không bao giờ có được ở bàn giấy. Drummond đã hai lần nhận Ngôi sao đồng khi là lính bộ binh ở Triều Tiên, ngay lúc đến vào cuối tháng Tư đã đi hành quân và Vann thường gặp anh ở thực địa.

Tuy khôn khéo, những người Việt cộng cũng có điểm yếu : họ trở thành bảo thủ. Chủ nghĩa cộng sản đã dạy họ đừng bao giờ mắc sai lầm về những hành động có thể dự đoán được nhưng là con người, họ là nạn nhân của những thói quen. Những người này tiến hành cũng cuộc chiến tranh ấy, kẻ địch ấy, trên đồng ruộng ấy đã quá lâu nên không khỏi ngã quỵ trước điểm yếu của loài người là thói quen. Drummon đã nhận thấy điều đó từ đầu và nói với Vann. Vann cố nài Cao cho sĩ quan thông tin của ông ta hợp tác với Drummond chính là để khai thác tối đa điểm yếu này của Việt cộng cũng như để kiểm soát sư đoàn tốt hơn. Từ đó Drummond tạo dựng một tổ chức thông tin cho phép Vann đạt thắng lợi trong sáu tháng.

Với người phó của mình, một trung sĩ chuyên về thông tin, Drummond giải thích ở Văn phòng 2 của Cao làm thế nào để nắm được một tiểu đoàn và đại đội địch. Rất kiên trì trung sĩ hướng dẫn cho người Việt Nam sắp xếp từng loại báo cáo, tin, báo, thư , bản đồ và những tài liệu khác để khai thác những gì có thể có ích. Tất cả những thông tin đều tập hợp, chọn lọc theo loại cùng hồ sơ, bản đồ và phiếu tham khảo. Nhờ việc tổ chức như vậy, mọi thông tin mới được bổ sung ngay để biết rõ hơn một đơn vị và tiến tới dự đoán hành động của đơn vị ấy.  Những đặc điểm đặc biệt được ghi cẩn thận sử dụng như loại vân tay cho phép Drummond theo dõi một phân đội với từng mảng thông tin xem như vô nghĩa.

Thời kỳ ấy hỏa lực những tiểu đoàn Việt cộng kém hẳn quân đội Sài Gòn; họ chỉ thu thập lẫn lộn súng đạn của Pháp, của Mỹ lấy được từ binh lính Sài Gòn. Một số tiểu đoàn có một súng cối, những tiểu đoàn khác không có; chỉ hai tiểu đoàn có hai tiểu liên cỡ 30; những đơn vị khác may mắn thì có một. Biểu thống kê vũ khó của họ cho phép đo mức độ đe dọa của họ và dùng làm phiếu chỉ dẫn. Drummond và trung sĩ của anh xây dựng một bảng quân số từng tiểu đoàn và lý lịch các sĩ quan, hạ sĩ trong tiểu đoàn. Cán bộ Việt cộng dùng tên giả để tự bảo vệ nhưng vì họ là người địa phương nên lâu dần cũng biết được lý lịch, tính cách và thái độ của họ. Biệt hiệu cũng giúp cho việc xác định đơn vị. Drummond đôi khi chụp cả ảnh những người chết hoặc thu nhặt ảnh lúc tập kích vào chỗ trú quân của họ. Những người Việt Nam đa cảm dù nguy hiểm họ cũng thích giữ kỷ niệm của bè bạn. Có những trung đội đứng tất cả thành hàng để chụp ảnh như một lớp học sinh trung học. Một hồ sơ đặc  biệt được xây dựng để xác định phạm vi hành quân quen thuộc của từng tiểu đoàn hoặc đại đội. Việc họ di chuyển được ghi lại để biết nơi họ thường xuất phát và những xóm họ dừng lại trong những buổi tuần tra. Drummond cũng quan tâm đến con đường họ dễ rút lui nếu bị tấn công.

Drummond phát hiện thấy người Việt Nam cùng làm nhiệm vụ, đại úy Lê Nguyên Bình, một giáo dân miền Bắc di cư vào Nam sau thất bại của Pháp năm 1954, là một sĩ quan quá đắn đo bị Cao và người Mỹ đánh giá thấp. Anh thân mật và chỉ đề nghị trao đổi thông tin. Trước đây người ta ít chú ý đến anh ta, thậm chí Cao không phản đối sự hợp tác vì không có sĩ quan Mỹ chuyên trách thông tin bên cạnh. Không có người nào Cao có thể tin tưởng về nghiệp vụ báo cáo với ông ta những đức tính của Bình. Những thông tin Drummond và trung sĩ trao đổi với Bình quá sơ sài và có những lỗ hổng lớn. Drummond ngạc nhiên về sự xác đáng trong hồ sơ của Bình. Anh cũng ngạc nhiên được biết anh bạn Việt Nam bố trí một hệ thống có hiệu quả về những người đưa tin bí mật. Bình xây dựng đã một năm và tự điều hành, sợ thành viên trong nhóm có cán bộ cộng sản thâm nhập. Anh trả lương những người do thám của mình do một quỹ đen theo chế độ thực hiện trong quân đội Pháp. Người đưa tin có hiệu lực nhất của anh là một lái trâu, có lý do đi khắp miền Bắc vùng đồng bằng để mua bán trâu cho nông dân Việt Nam. Ông ta ra vào vùng Việt cộng kiểm soát không bị nghi ngờ gì. Ông cũng có thể được cử đi xác định nguồn tin của những người khác hoặc thu thập một tin tức cụ thể.

Vann sử dụng một nguồn thông tin khác: nhà truyền giáo đạo Tin lành tại Mỹ Tho. Cũng như các đồng sự, ông ta nghĩ phải tuyên truyền chống cộng sản đồng thời với truyền đạo. Ông phấn khởi trao đổi với Vann thường kỳ đến tiếp xúc những gì ông biết được qua giáo dân các thành phố ngoại vi.

Do lo ngại về an toàn, những người Việt cộng thường tự để lộ mình. Khi họ tập trung trong một xóm làng để nghỉ họ giáo dục dân chúng hoặc khi chuẩn bị tấn công, họ có thói quen hạn chế hoạt động của dân. Nếu chính quyền Sài Gòn cảnh giác, việc giảm số lượng nông dân đi chợ là một chỉ dẫn có Việt cộng trong vùng.

Như mọi tổ chức quân đội tốt, Việt cộng chú trọng vào hiệu quả. Qua năm tháng họ thu xếp thuyền bè để có chỗ rộng rãi hơn. Những hộp, xoong chảo, bì gạo, củi dự trữ hoặc lọ nước mắm được thu gọn về phía trước để phía sau có chỗ ngồi hay nằm. Như vậy không khó khăn gì thấy rõ những chiếc thuyền ấy không phải của nông dân.

Những trại huấn luyện và bệnh viện thường trực được ngụy trang cẩn thận trong rừng Đồng Tháp Mười gần biên giới Campuchia ở phía tây. Những cơ sở khác ở phía đông trong lau lách đầm lầy, rừng cọ, rừng dừa rất khó vào. Họ cũng có thể ẩn nấp trong rừng hoặc đầm lầy khi dừng lại ngủ trong quá trình hành quân vì mỗi Việt cộng mang theo một chiếc võng mắc vào hai cây. Nhưng sức khỏe không đảm bảo nếu ngủ mãi ngoài trời trong một đất nước gió mùa dễ nhiễm bệnh sốt rét và nhiều loại côn trùng và muỗi. Hơn nữa theo lý thuyết cộng sản họ chỉ có thể sống khi cùng ở với nông dân. Vì vậy những lúc có thể họ ngủ trong xóm làng. Để không là gánh nặng cho nhân dân những vùng đông người, họ xây dựng các trạm, các chỗ ở chắc chắn. Những đường có hầm hố là những nới nhân dân tập trung do họ kiểm soát và như vậy dễ dàng thấy họ dừng lại chỗ nào. Lúc đầu những ngôi nhà họ làm giống như nhà nông dân nhưng nếu chú ý người ta phát hiện ra không có vật nuôi xung quanh, không trồng trọt gì trừ đôi khi có một mảnh vườn nhỏ.

Việt cộng không biết, dấu hiệu vô hình những hoạt động của họ bị do thám trên bầu trời nắm bắt. Việc do thám điện tử của quân đội Hoa Kỳ bắt đầu hoạt động khắp nước Việt Nam vào năm 1962 dưới tên mật mã vô tư là “đơn vị nghiên cứu sóng điện thứ ba”. Tháng Sáu quân số trong đơn vị lên đến 400 kỹ thuật viên mà đa số hoạt động ngoài vùng quân sự của sân bay Tân Sơn Nhất gần Sài Gòn. Họ dùng những máy bay De Havilland để di chuyển trong rừng thưa. Tên cốt “Rái cá biển” cũng vô tư như thân hình một động cơ dài và nặng của nó. Nhưng nó chở cả một toán chuyên gia trang bị dụng cụ rất tinh vi về truyền tin và định vị trực tiếp. Những máy bay này quay vòng nhiều giờ trên trời cao ở những vùng nghi có Việt cộng để bắt và ghi làn sóng địch. Việt cộng dùng những máy phát Mỹ cũ thời Thế chiến thứ hai lấy được của lực lượng Sài Gòn hoặc Pháp. Họ phát ra tiếng nếu liên lạc trong địa phương nhưng dùng tín hiệu mooc với những chấm, gạch nếu phải truyền đi xa. Những truyền tin của họ đều theo mật mã, hạn chế đến mức tối thiểu nên họ nghĩ là an toàn.

Nhờ “Rái cá biển” người Mỹ không chỉ giải mã được cốt của họ mà những buổi truyền tin cũng tự phản lại họ. Mỗi người đánh mooc theo một nhịp điệu khác nhau. Giọng nói cũng thế, mỗi khi ghi được, có thể so sánh và xác định được. Mặt khác những buổi truyền tin điện tử thay đổi theo từng trạm. Những phương pháp tinh vi của người Mỹ cho phép bắt làn song, phân tích và chọn lọc những loại thông tin dó. Kết quả truyền về cho Drummond theo một bản đặc biệt. So sánh dữ liệu của việc do thám điện tử này với những thông tin khác thường biết được một trạm phát sóng thuộc về một đại đội hay tiểu đoàn cụ thể. Do những do thám trên trời phần lớn định vị được những tin tức phát đi, dễ dàng theo dõi hoạt động của một đơn vị và vạch rõ lên bản đồ.

Với tất cả những thông tin từ những nguồn khác nhay, Drummond bắt đầu làm rõ tình hình và cung cấp cho Vann những tin tức chiến thuật mới về vị trí và ý đồ của một số đơn vị thường trực hoặc quân địa phương. Dù những điều đó nhiều khi bị hạn chế, Vann biết khá đủ để từ tháng Sáu bắt đầu một cuộc tấn công có hệ thống.

Những do thám từ bầu trời cũng cho phép Vann có kế hoạch tấn công có hiệu quả hơn. Những người cộng sản Việt Nam không còn lợi dụng được lợi thế của thời gian và địa hình như thời kỳ chiến tranh chống Pháp và chống Diệm trước khi có sự can thiệp từ Mỹ. Trước kia họ có thể ẩn nấp trong những pháo đài tự nhiên không đột nhập được. Đặc biệt vùng Đồng Tháp Mười, vùng sư đoàn Vann, có những vùng kín đáo nhất và nổi tiếng nhất. Vùng đầm lầy rộng lớn, lau sậy cao bằng đầu người, cây bụi và rừng bao trùm phần lớn hai tỉnh tây bắc đồng bằng sông Cửu Long gần Campuchia. Vùng này không có đường vào, rất ít dân cư vì đất sét đen chua phèn không thích hợp trồng lúa tuy hàng năm nước sông tràn ngập. Để tới được một chỗ nương náu của Việt cộng phải hai, ba ngày đi bộ mệt nhọc. Những địa điểm Việt cộng bố trí trong vùng dân cư đông cũng tránh được bị phát hiện bất chợt. Nhờ hệ thống báo động của những người nông dân có cảm tình, họ được biết trước nhiều ngày, ít nhất cũng nhiều giờ trước khi các toán quân Sài Gòn đến.

Máy bay lên thẳng cho phép vượt qua rào cản địa hình, giảm thiểu thời gian và cố gắng trong những ngày kiệt sức. Hầu hết những chỗ ẩn náu của Việt cộng cách tỉnh lỵ hoặc thị trấn do chính quyền Sài Gòn kiểm soát ít nhât 30 cây số. Những máy bay lên thẳng H-21 Shawnee quân đội Mỹ gửi sang Việt Nam là những máy móc lỗi thời, thừa hưởng của chiến tranh Triều Tiên giống như một đoạn ống to có hai rô-to lớn trước và sau mà phi đoàn gọi là “quả chuối bay”. Dù sao cũng là một máy bay lên thẳng có thể chở một tá lính, mỗi giờ bay 120 cây số với bán kính 30 cây số trong 15 phút. Loại mới hơn , H-34 Choctaw Hải quân được mệnh danh “cá ngựa”, giống như một con nòng nọc, chở số lượng lính với bán kính như vậy trong 13 phút, bay 140 cây số mỗi giờ. Mười bốn máy bay lên thẳng đủ để vận chuyển đơn vị tấn công, thông thường một nửa tiểu đoàn 165 người cùng vũ khí, trang bị, tiếp tế trong vài ngày. Nửa giờ sau, máy bay trở về với một lực lượng can thiệp thứ hai, đổ quân dọc đường Việt cộng rút lui hoặc lẩn tránh. Họ chỉ được báo động vào phút chót nếu phi công bay sát ngọn cây vào những cây số sau cùng vì tiếng động máy bay hướng về mặt đất.

Công nghệ Mỹ còn cung cấp cho Vann một loại máy khác làm Việt cộng kinh hoàng khi gặp phải. Đấy là một hộp hình chữ nhật cơ động, bọc hợp chất nhôm với những cánh mở và cửa, trang bị một động cơ mạnh tác động vào các vòng sắt bọc bánh xe mỗi bên. Phương tiện chuyên chở quân bọc hợp chất M.113 này gắn liên thanh hạng nặng cỡ 50 ở phía trước. Một tá chiến cụ này chuyển về sư đoàn trong tháng Sáu có thể vận chuyển một đại đội 140 người. Con quái vật di chuyển trên cạn hoặc lội nước 10 tấn này qua những ruộng ngập nước với 15 thậm chí 30 cây số mỗi giờ, vòng sắt nghiến nát bờ ruộng và chồm lên khi gặp trở ngại. Không có vũ khí chống tăng , không loại đạn nào của súng máy Việt cộng có thể xuyên thủng lớp vỏ bọc. Đại đội bộ binh theo hiệu lệnh nhảy ra từ cánh cửa sau và tấn công dưới sự yểm trợ ghê gớm của 12 súng máy hạng nặng.

Đại tá Cao ngày càng hài lòng và hợp tác dần dần theo số lượng Việt cộng bị giết và vũ khí bắt được tăng đều đặn. Vann chắc chắn có thể thực thi những yếu tố cuối cùng của kế hoạch đưa Sư đoàn bộ binh thứ 7 “đúng như một sư đoàn Mỹ”, mở một trận hủy diệt không thương tiếc tất cả những tiểu đoàn thường trực và địa phương ở mạn bắc vùng đồng bằng. Chỉ còn biến Cao thành một chỉ huy hiếu chiến. Để đạt một trận tầm cỡ ấy, Vann phải tạo Cao, theo ngôn từ của chính anh, thành một “con hùm của Việt Nam”.

 Nhưng vấn đề là Cao không có gì ra vẻ một con hùm. Ông ta chỉ giống một con mèo rừng ở hình dáng béo nhờn và tính cách ranh mãnh. Ông ta thiếu móng vuốt. Vann nghĩ có một cách khắc phục thiếu hụt ấy. Anh sẽ là đối thủ với người hùng của anh, Lansdale.

NGƯỜI MỸ TRẦM LẶNG, một cuốn tiểu thuyết đã tô điểm cho huyền thoại Lansdale và tác động đến Vann, thực tế là một tài liệu tuyên truyền chính trị “viết như viễn tưởng nhưng dựa vào những sự việc” để cảnh báo người Mỹ rằng Hoa Kỳ đang thất bại trước chủ nghĩa cộng sản trong cuộc chiến lý tưởng của những người Á Châu. Xuất bản năm 1958, cuốn sách được bán chạy nhất rồi lên phim, được xem như một mẫu mực chính trị nghiêm túc trong những năm 60. Nhân vật chính trong cuốn tiểu thuyết nhận thấy những nhà chiêm tinh học cũng được kính trọng như những nhà bác học ở Mỹ và không người lãnh đạo nào có một quyết định quan trọng mà không hỏi nhà chiêm tinh học của mình. Do vậy ông ta có thể thao túng những sự kiện chính trị bằng cách thuyết phục thủ tướng là nhà chiêm tinh học giỏi nhất thế giới. Cũng như nhân vật chính trong sách sử dụng chiêm tinh học, Vann dùng tính kiêu ngạo để biến Cao thành hùm và để những người cộng sản Việt Nam hứng chịu hậu quả.

Huỳnh Văn Cao, 34 tuổi vào mùa hè năm 1962, được bổ nhiệm cầm đầu một sư đoàn lúc 29 tuổi. Một kẻ được thăng chức rất nhanh ở bất cứ một quân đội nào. Được một nhà báo Mỹ hỏi về việc được thăng chức nhanh chóng đáng ngạc nhiên, ông ta đưa gậy chỉ vào mình và nói “Trực giác chỉ huy!”. Gian “phòng chiến tranh” của ông trên tầng một ngôi nhà ở là bản sao phòng tác chiến của Napoléon. Để sự bắt chước được hoàn hảo, cửa chính phải mở giữa tấm bản đồ phủ kín tường, vào đúng tỉnh quan trọng nhất trong vùng. Ông ta có viết tự truyện dưới dạng một cuốn tiểu thuyết nhan đề LỚN LÊN TRONG LỬA ĐẠN. Ông thích huyênh hoang và không bao giờ rời chiếc gậy nhỏ bằng gỗ ngoại màu sẫm đánh bóng kỹ.

Nhan đề cuốn tự truyện của Cao có phần lừa phỉnh. Ông không tham gia nhiều trận đánh và không bao giờ chọn binh nghiệp vì không có thiên hướng gì. Ông thiếu can đảm và bình tĩnh. Trong một cuộc hành quân, đầu óc quá căng thẳng ông ra khỏi lều chỉ huy để nôn và ra lệnh pháo thôi bắn chặn yểm trợ một đơn vị bộ binh tấn công Việt cộng. Ông bảo tiếng ồn làm ông bệnh. Qua đào tạo hời hợt trong quân đội Pháp và Mỹ, ông có vẻ thông thạo về quân sự, nhưng không có tính chiến đấu. Trí thông minh và sự pha trò lừa gạt gây ấn tượng cho những tướng Mỹ đi thanh tra vì họ không bao giờ gặp ông lúc căng thẳng.

Bằng cách nào thì sự thông thạo không dính líu gì đến việc thăng tiến như chớp và việc ủy nhiệm ông ta chỉ huy Sư đoàn 7 hai bên con đường chính cách thủ đô Sài Gòn 50 cây số. Ông được chỉ định vì quê quán miền Trung, là giáo dân, sinh ra và được nuôi dạy ở cố đô Huế, thành phố gắn với Diệm. Ở đó bố mẹ anh ta quan hệ thân mật với họ Ngô Đình. Như phần lớn con cái nhà quan hợp tác với Pháp trong Thế chiến thứ hai, ông chọn nghiệp binh vì đây là nghề duy nhất có vị trí trong một đất nước không dùng đủ nhân lực chứ không phải vì ông muốn chiến đấu.

Ông nhanh chóng được thăng cấp trong quân đội Nam Việt Nam dưới thời Pháp, trở thành một chỉ huy đại đội rồi sĩ quan tham mưu một tiểu đoàn. Những chức vụ ấy chỉ là hình thức, thực tế không dựa vào năng lực chỉ huy và kinh nghiệm chiến đấu vì người Pháp bị người Mỹ thúc ép xây dựng nhanh một quân đội bản xứ, không có thì giờ làm cho dạn dày hoặc thử thách các sĩ quan trẻ.

Cao được Diệm chú ý năm 1954 khi được bổ nhiệm vào văn phòng một tiểu đoàn bảo vệ quyền lợi tổng thống đấu tranh với những đối thủ không cộng sản, có Lansdale hướng dẫn. Diệm lấy Cao về phủ tổng thống đưa vào ban tham mưu của mình, mấy tháng sau cho làm chỉ huy trưởng. Diệm cho rằng hai năm giúp việc ở phủ tổng thống và thái độ trước đây của gia đình Cao là sự chuẩn bị tốt nhất cho việc nhận trách nhiệm phụ trách một Sư đoàn. Trước hết, vào năm 1957 Cao được giao những đơn vị nhỏ hơn, sau đó ông theo một lớp thực tập đào tạo ba tháng ở Hoa Kỳ rồi được bổ nhiệm chỉ huy Sư đoàn 7 bộ binh.

Cao có trách nhiệm chủ yếu là lúc nào cũng sẵn sàng nhảy về Sài Gòn để cứu tổng thống và gia đình nếu có những toán quân đội không phục tùng làm đảo chính như các sĩ quan dù tháng Mười một năm 1960 đã làm không thành. Diệm bố trí một hệ thống liên lạc đặc biệt bằng điện đài trực tiếp với Cao và những chỉ huy sư đoàn khác cùng các tỉnh trưởng. Không phải chỉ vì để gia đình ở lại Sài Gòn mà cao biến nhà ở của mình thành một tổng hành dinh thực sự, có hệ thống liên lạc thứ hai giống như một hệ thống của sư đoàn trong trại lính Pháp cũ; nhà ông ta có thể dùng làm cơ sở chỉ huy trong trường hợp cấp dưới phản bội, chiếm lấy ban tham mưu chính thức.

Về lý thuyết Cao nhận mệnh lệnh của thiếu tướng lữ đoàn trưởng đồng cấp với Porter ở Ban tham mưu Sài Gòn. Trên thực tế Cao trực tiếp với Diệm và không quan tâm đến những chỉ thị không phù hợp với tổng thống. Giải thích sự sùng báo tổng thống, ông ta nói “ Cụ là hoàng đế của tôi!”. Hoàng đế của Cao là một người quỷ quyệt, bố trí một loạt thiết bị an ninh. Dù Cao là một sĩ quan tin cậy, khác với thiếu tướng lữ đoàn trưởng không kiểm soát được những đội quân của ba sư đoàn trong Quân đoàn mình, ông ta không vì thế mà không bị những sĩ quan cấp dưới dị nghị. Thiếu tướng tỉnh trưởng Mỹ Tho cũng cầm đầu một liên đội xe bọc thép của sư đoàn. Diệm chỉ định ông ta để bảo vệ mình trong trường hợp Cao có những ý nghĩ đáng lo ngại hoặc sẽ tuột khỏi tay mình vì một lý do nào đó. Xe tăng có thể bảo vệ hoặc giết chết tổng thống. Thiếu tướng thuộc một gia đình địa chủ ở đồng bằng sông Cửu Long liên kết với họ Ngô Đình. Ông là một người anh em họ nhưng rất thân với một sư đoàn trưởng khác đã đưa quân đến cứu Diệm năm 1960. Như những tỉnh trưởng khác, thiếu tướng tỉnh trưởng Mỹ Tho báo cáo trực tiếp với tổng thống, về nguyên tắc “lãnh đạo dân sự”.

Mùa hè năm 1962, Vann xác định rõ những điểm yếu của Cao cũng như tình trạng lộn xộn theo ý muốn của chính quyền không ngăn cản anh biến Cao thành một chỉ huy quân sự ngổ ngáo. Anh nghĩ nếu làm cho Cao có vẻ một con hùm, tính kiêu ngạo buộc ông ta chơi vai trò đó cho dù ông ta chỉ là một con mèo đực lớn.

Trong những tháng Sáu và Bảy mỗi lần sư đoàn giết được vài chục Việt cộng, Vann tâng bốc Cao và những đức tỉnh chỉ huy trưởng của ông ta. Anh ca ngợi Cao ngay trước mặt các nhà báo đến lấy tin còn Cao mỉm cười lắng nghe. Từ cuối năm 1962 chính quyền Kennedy bãi bỏ lệnh cấm các nhà báo đi theo những cuộc tấn công của máy bay lên thẳng và những cố vấn khi đi hành quân. Không bao giờ Vann nói công khai bất cứ điều gì làm lộ cách chơi của anh. Ngược lại trong bữa ăn tối sau buổi lễ ở chủng viện đêm trước cuộc hành quân anh khuyên báo chí “nhấn mạnh mặt tích cự” để khuyến khích đồng minh. Faust, Ziegler và những sĩ quan khác thích thú thấy Vann tác động Cao trong một cuộc hành quân. Để Cao chỉ huy như anh muốn, Vann dùng chiến lược “ Tôi biết điều ông sẽ làm sau đó vì ông là người chỉ huy như vậy”. Trước khi Cao kịp hỏi anh muốn nói thế nghĩa là gì, Vann nói là đã nghe Cao nói về kế hoạch tấn công tiếp theo. Phần nhiều Cao mỉm cười và xác nhận : đúng, tôi đã nghĩ vậy và ra lệnh như Vann mong đợi. Nếu Cao không đồng tình gợi ý của Vann, ông ta vẫn mỉm cười thân mật và nói có ý kiến hay hơn. Vann không chấp nhận tất cả nhưng anh giữ ý không phản bác trước mặt quan chức Mỹ hoặc Việt Nam. Anh dành lại sau đó nói riêng với Cao,

Vann giật dây con rối không uổng công. Thái độ của Cao chứng tỏ điều đó. Ông ta trở nên kiêu căng, tự mãn hơn nhưng cũng biết có thể thăng tiến trong nghề nghiệp nhờ vào hình ảnh của người anh hùng Vann đưa ông ta lên và nhờ thực tế sư đoàn ông giết nhiều Việt cộng hơn những sư đoàn khác. Vann tâm sự với Ziegler chắc chắn kế hoạch sẽ đưa lại kết quả khi anh đánh một cú mạnh để tiêu diệt quân du kích. Theo nhịp độ Việt cộng bị đánh mãi, mỏi mệt, có ngày họ vi phạm một sai lầm nghiêm trọng, khi cố gắng thoát khỏi một cuộc tấn công bằng máy bay lên thẳng. Ngày hôm ấy Vann dự kiến giết hoặc bắt sống một tiểu đoàn khi tiêu diệt các đại đội tập trung ở cuộc chiến.

Anh hình dung khả năng một cuộc thắng lợi nhờ xác định trong tháng Sáu một cuộc tấn công đặc biệt và thuyết phục Cao ra quân vào tháng Bảy. Anh chuẩn bị chỉ cho Việt cộng thấy bóng tối không phải chỉ dành riêng cho họ. Lần đầu tiên trong cuộc chiến tranh này anh tung ra một cuộc tấn công bằng máy bay lên thẳng ban đêm gây bất ngờ cho địch trong giấc ngủ trước khi trời sáng.

Vann càng tin cuộc hành quân thành công vì bây giờ Cao đã đủ tin anh để mạo hiểm, điều mà không bao giờ ông ta chấp nhận. Khi Vann đưa ra dự kiến đầu tháng Bảy, với lời khuyến cáo quen thuộc “Phải khôn ngoan!”, Cao chấp nhận nhưng cố gắng có một sự lựa chọn về mục tiêu Vann nêu lên. Với Prevost lái máy bay, Vann đi quan sát theo lời đề nghị của Cao. Anh chỉ thấy một số lều có thể thỉnh thoảng hơn một chục chiến binh Việt cộng tập hợp tại đó. Anh phỉnh Cao để làm ông ta đổi ý và trấn an rằng những đơn vị tấn công sẽ không bị tổn thấy. Cao càng lo ngại rõ rệt vì những chỗ Vann chọn để đổ bộ ban đêm và ngày tiếp đó xa tầm pháo bắn. Các toán quân đành dựa vào máy bay tiêm kích – ném bom yểm trợ. Hy vọng của Vann càng tăng vì cuối cùng thuyết phục được Cao chấp nhận mức độ mạo hiểm hơn bình thường.

Vann hy vọng tấn công và lần này xóa sổ Tiểu đoàn 504 quân đội thường trực Việt cộng, một trong hai đơn vị bị thiệt hại nặng trong cuộc hành quân ngày 23 tháng Năm do Ziegler lên kế hoạch. Một toán quân Tiểu đoàn 504 sống sót sau trận đánh cuối tháng Năm xin hàng và xin ân xá. Diệm không cho phép một ân xá nào đó đối với Việt cộng cùng đồng minh của họ và việc xin hàng không có trả lời. Drummond theo dõi dấu vết tiểu đoàn đến đầu Đồng Tháp Mười. Theo một số thông tin, những bộ phận của tiểu đoàn kia bị đánh tan tác ngày 23 tháng Năm có thể sát nhập vào 504. Drummond biết tất cả các đơn vị ấy đang được tổ chức lại và đang trong thời kỳ huấn luyện nhưng một trong các đại đội của 504 được nông dân cảm tình nuôi dưỡng ở nhiều làng trong vùng hợp lưu hai con sông nhỏ cách biên giới Campuchia 15 cây số. Họ chuẩn bị vào đêm tới sẽ rời nơi ẩn nấp, tấn công tiền đồn bảo vệ một trang trại nông nghiệp lớn của giáo dân miền Bắc di cư. Drummond đánh giá có một đại đội thường trực và quân địa phương tập trung gần các làng trên tiếp sức cho cuộc tấn công và có khả năng phát hiện ra những đơn vị khác trong những cuộc đổ bộ ban ngày tiếp theo.

Vann chọn nơi hợp lưu làm điểm đổ bộ ban đêm vì những tin tức về đại đội ở đó còn mới và đầy đủ được Drummond thu thập mà cũng vì vùng chữ Y hai con sông tạo thành phi công dễ xác định hơn trong bóng tối. Để kiểm tra lại, Vann đi thám thính lần cuối bằng máy bay lên thẳng cùng Drummond và ra lệnh cho những phi công khác bay qua hai lần ở độ cao 500 mét, cách nhau 10 phút để Việt cộng nghĩ là chuyến bay thường lệ chứ không nhằm theo dõi họ. Drummond ngồi xổm ở cửa mở, cầm chắc chiếc máy chống gió chụp nhiều bức ảnh còn Vann hỏi phi công có phân biệt rõ đoạn nối hai con sông trong ánh sáng mờ không. Họ đều xác nhận được.

Đại úy Bình, đồng nghiệp với Drummond ở sư đoàn biết một thợ ảnh Mỹ Tho. Anh đưa phim in ra cỡ 25 x 20 và phân phát cho phi công, những người có trách nhiệm về trận đánh và các đại đội trưởng để họ nhận rõ mục tiêu. Cuộc đổ quân ban đêm đầu tiên này sẽ tiếp theo năm cuộc khác nữa với mục đích bắt gọn mọi Việt cộng tìm cách chạy về hướng Bắc và sau đó do thám những điểm đáng nghi ngờ dọc một con kênh chảy về phía tây tới Campuchia. Trạm chỉ huy của Cao sẽ cách Mỹ Tho 60 cây số về tây bắc trong lán trại một đường bay đổ quân ở Mộc Hóa, gần mấy nhà tranh, trại gỗ, xung quanh một nhà thờ,một ngôi chùa và nhà ở của tỉnh trưởng . Ở đây Vann giữ ba đại đội dự phòng.

Vann và Cao thống nhất để khi con mồi đứng lên, quân dự phòng sẽ tung ra phía trước Việt cộng để tiêu diệt họ. Với khoảng ba chục máy bay lên thẳng họ sẽ nhanh chóng di chuyển quân lính trên khu vực không có lau sậy đầm lầy này. Dĩ nhiên một số đổ quân không hiệu quả gì. Quân lính sẽ là dự phòng và máy bay lên thẳng lai bốc lên đưa tới những vùng săn lùng Việt cộng trốn chạy. Cuộc đổ bộ đầu tiên tiến hành với loại máy bay mới H-34 Choctaw có trang bị bay đêm.

Vào lúc năm giờ sáng ngày 20 tháng Bảy năm 1962, mười sáu chiếc H-34 lượn trong đêm trước khi lần lượt đổ xuống cánh đồng Mộc Hóa được giới hạn bằng những điểm sáng. Vann và các cố vấn đã bố trí đốt lửa những xô đựng cát tẩm dầu xung quanh khu đất. Máy bay đến từ cơ sở Hải quân trên sân cũ của máy bay tiêm kích Nhật trong Thế chiến thứ hai ở Sóc Trăng mạn đồng bằng phía dưới. Hai đại đội lính Việt Nam mà một được trang bị súng bắn nhanh Armalite, được tâp hợp tại đây một ngày trước. Tổ chức lại thành ba trung đội tấn công,  binh lính xếp theo hàng cách nhau đều đặn từng nhóm 12 người mỗi máy bay. Sau một cuộc hội ý nhanh của cố vấn với phi công, động cơ khởi động và những ngọn lửa xanh, vàng từ ống xả lại chọc thủng màn đêm.

Cánh tay gập lại trước mặt chống cát bụi cánh quạt tung lên, những người lính bộ binh Nam Việt Nam nhỏ thó trèo lên khối máy bay. Bên trong ánh sáng yếu ớt từ tấm bảng điều khiển và những chiếc đèn vàng của buồng lái. Họ ngồi bệt xuống, đưa một tay vịn vào nhau hoặc nắm lấy dâi đai ni-lông dọc theo thành máy bay. Mặt khác họ cố giữ súng khỏi rơi hoặc tránh cụng đầu vào nhau trong lúc phi công mở hết tốc lực. Tiếng ồn dội lại từ buồng lái rung lên. Sau va chạm và đung đưa, máu bay lên thẳng nghiêng về phía trước để bốc lên tiếp nối nhau thành hàng với ánh đèn nhấp nháy trong đêm.

Lính Việt Nam sợ hãi. Có thể thấy nỗi sợ trên mặt họ. Ngược lại các đại úy Mỹ phấn khích vì sắp sửa hành động. Cũng như Vann và đồng nghiệp trong năm đầu này, họ nghĩ bây giờ đi chiến đấu để đến ngày thắng lợi vì lợi ích của đất nước.

Bốn mươi lăm phút sau họ xác định được ánh sáng xanh hình chữ Y nổi lên qua mảng sẫm cây cối bao quanh những ngôi nhà dọc theo bờ sông. Máy bay hạ xuống ba điểm lựa chọn ở chỗ nối hai con sông, tắt đèn báo để không làm bia cho một Việt cộng tình cờ gặp báo động. Sĩ quan Sài Gòn và các đại úy Mỹ hét lên để át tiếng động cơ và binh lính đứng dậy ra trước cửa. Bánh xe bắn tung nước ruộng vào sáu giờ ba phút, 15 phút trước bình mình; 200 người nhảy xuống nước đến đầu gối, bắt đầu lội đến các ngôi nhà. Phi công bốc lên, lại bay về phía đông và khu Mộc Hóa cách 25 cây số, đến gặp lại 13 “quả chuối bay” từ Tân Sơn Nhất tới để lấy quân vận chuyển tiếp. Trong lúc đó một chiếc hai động cơ C-47 bay trên đầu những người tập kích, thả pháo sáng như mặt trời nhân tạo xua tan bóng đêm cuối cùng.

Vann hình như chơi không may. Xóm làng chỉ còn đàn bà, trẻ em và người già. Ngồi ở ghế sau chiếc máy bay quan sát Cessna để dò tìm Việt cộng suốt đầu buổi sáng và điện thoại liên lạc với các cố vấn của mình, Vann rủa thầm nghĩ rằng cuộc tấn công ban đêm đầu tiên này được lính thủy đánh bộ thực hiện với biết bao công phu đã không đưa lại kết quả gì cả. Đại đội của Tiểu đoàn 504 mà Drummond tưởng ở chỗ hai con sông giao nhau đã đi từ hôm trước. Một trung đội lính địa phương ở trong một xóm đã thoát theo dọc sông; thực ra máy bay lên thẳng của quân đội từ Sài Gòn đến chậm nửa tiếng làm lỡ cuộc đổ quân biệt kích có nhiệm vụ chặn đường. Vann trở về Mộc Hóa cố gắng giải quyết tình huống bất ngờ này và cho tiếp tục chuyển quân. Anh không tìm được giải pháp và cuộc tập kích tiếp theo chậm mất hai tiếng rưỡi. Giận sôi lên, anh thấy người ta vạch một con số không trên bản đồ.

Cuộc đổ quân thứ tư nhằm mục tiêu hai xóm cách 11 cây số phía trên, dọc con kênh từ con sông đi về hướng tây và Campuchia. Vann chọn địa điểm này vì anh cho rằng Việt cộng có thể xây dựng cơ sở ở đây, thuận lợi vận chuyển đường thủy. Sử dụng hai mươi chín máy bay lên thẳng hiện có, anh lần lượt đưa đi hai lực lượng tấn công vào phía bắc các xóm lúc chín giờ năm mươi phút sáng. Họ gặp 150 quân nổi dậy. Lần này Vann ở lại trạm chỉ huy. Liên lạc điện thoại cho anh biết một số Việt cộng bắn súng tự động và phần lớn mặc đồng phục ka-ki, điều gần như chắc chắn đây là đội quân thường trực. Kết quả, thông tin của Drummond là chính xác. Vann bù lại cho sự thiếu hụt cụ thể bằng dùng địa hình phát hiện Việt cộng có thể ở chỗ nào và dựa vào kỹ thuật thăm dò của Ziegler để thẩm tra linh cảm của mình.

Những người Việt cộng thấy pháo sáng trong những buổi tập kích ban đêm và quan sát máy bay lên thẳng trong những cuộc đổ quân ban ngày. Phản ứng đầu tiên họ nghĩ là mạng lưới dăng ra không đủ xa để với tới họ và nếu ở nguyên tại chỗ sẽ an toàn hơn phân tán ngay từng toán nhỏ về phía biên giới Campuchia cách đấy bảy cây số về phía bắc và chỉ ba bốn cây số về phía tây dọc theo con kênh. Lầm lỗi đầu tiên ấy nghiêm trọng hơn khi họ phạm một sai lầm không tha thứ được trong chiến tranh; chạy đến chỗ tàn sát quân địch đã chuẩn bị.

Tấn công gần biên giới, Vann biết xu hướng Việt cộng sẽ chạy sang Campuchia. Họ đã đào những hầm trú ẩn cá nhân ngụy trang kín dưới những rặng cây, bờ bụi trên đường. Đáng lẽ sử dụng những hầm đó chống cự chờ đến đêm có cơ hội thoát ra, họ sợ hãi sau loạt đạn đầu như Vann dự kiến, bỏ chỗ ẩn được che phủ chạy lộn xộn hy vọng tìm nơi an toàn.

Năm phút sau cuộc đổ quân thứ tư, một người quan sát Việt nam trên máy bay nhận ra một đoàn khoảng 100 Việt cộng chạy lộ liễu qua cánh đồng lau lách cao 60 phân đến hai mét, ngập nước gần một mét. Có những người lội giữa lau sậy, những người khác chống những con thuyền nhỏ chở hơn một chục đồng đội. Người quan sát đề nghị cho gọi máy bay tiêm kích – ném bom. Đây là lúc Vann đã chờ đợi từ tháng Năm. Anh gợi ý với Cao để máy bay quần cho đến lúc máy bay lên thẳng chuẩn bị đủ nhiên liệu và đưa đơn vị dự phòng thứ nhất đến để bắt đầu bao vây tiêu diệt. Cao không bao giờ chống đối một cuộc tập kích không quân. Ông ta ra lệnh.

Đạn súng máy cỡ 50 và ca-nông 20 ly trên máy bay xả xuống làm bắn tung nước. Đạn rốc-két nổ trên những chiếc thuyền bay từng mảnh. Những thùng nhôm chứa bom napalm lần lượt rơi xuống vỡ ra trong lau sậy trùm lên Việt cộng một chùm hoa vàng. Nhìn từ bầu trời quang cảnh đẹp lạ lùng. Trong ánh sáng xanh buổi sáng người ta không hề ý thức đến nỗi kinh hoàng bên dưới trong lò lửa. Trên những chiếc máy bay theo đúng lệnh chỉ huy, với vũ khí không thể chiến bại, người ta có cảm giác vui thích đầy sức mạnh. Phi công hiếm khi biết một cuộc săn lùng nào đẹp hơn. Điện đài thường xuyên vang lên những tiếng nói phấn khích bằng ngôn ngữ Việt Nam, Pháp, Anh hoặc trao đổi với người quan sát điều khiển tầm bắn. Máy bay cánh quạt của họ, Skyraider và Trojan phù hợp với lối bắn trong hành quân vì phi công có thể bổ nhào thong thả hơn và nhắm vào mục tiêu dễ dàng hơn. Lúc máy bay chúi xuống, gió rít bên thân, đạn súng cối và rốc-két tóe lửa dưới cánh. Người ta có thể nghĩ là một cuốn phim Thế chiến thứ hai khi những anh hùng lực lượng Không quân cho quân Đức, quân Nhật một bài học xứng đáng. Những bóng người nhảy ra khỏi thuyền tránh loạt đạn. Trên khoảng đất trống trải rất ít người thoát khỏi. Rồi máy bay bồng bềnh trên lau sậy. Các cố vấn của Vann đếm được khoảng bốn chục xác chết . Lính bộ binh, súng máy và súng bán tự động cũng bắn vào Việt cộng đang hoảng loạn nhưng máy bay làm chết nhiều người nhất.

Trong lúc máy bay tiếp tục tấn công và máy bay lên thẳng vẫn đổ quân, Vann kích thích Cao tổ chức thu hoạch cuối cùng vụ mùa đã chuẩn bị biết bao công phu này. Hai lực lượng dự phòng được thành lập thêm vào đơn vị đã có. Với ba đơn vị này họ có thể chặn đứng cuộc rút lui của Việt cộng bất cứ về hướng nào. Khi máy bay lên thẳng lấy đủ nhiên liệu, đơn vị dự phòng thứ nhất gồm hai đại đội xuất phát từ đường bay Mộc Hóa đổ quân xuống mạn bắc giữa Việt cộng và biên giới Campuchia. Những toán biệt kích ra quân từ chín giờ năm mươi phút sáng được lệnh dừng lại ở “tư thế rào chắn”. Hai đại đội mạn bắc tiến về phía họ theo chiến thuật thông thường “búa và đe”. Những Việt cộng thoát được làn đạn máy bay ẩn nấp trong lau sậy sẽ bị giết hoặc bắt sống bởi “lưỡi búa” từ mạn bắc xuống hoặc bị đè bẹp trên “đe” nếu họ tìm cách chạy về mạn nam. Vann lên một chiếc máy bay lên thẳng khuyến khích các chỉ huy Sài Gòn và nắm được những gì xảy ra để hướng dẫn Cao có hiệu quả trong lúc hoạt động đã đi vào giai đoạn cao độ.

Các phi công máy bay lên thẳng chuyên chở quân dự phòng nhận thấy Việt cộng đi về biên giới phía tây. Điều này không làm Vann bận tâm vì đã dự kiến hoạt động này và đã nói với Cao trước khi ra quân. Để chắc chắn mọi việc tiến hành tốt anh gọi điện cho Faust thay thế anh trong lúc vắng mặt ở cơ sở chỉ huy, bảo nhắc Cao gửi đơn vị dự phòng thứ hai về mạn tây bắc chặn toán Việt cộng này với chỉ thị đánh bạt họ về “chiếc đe”. Faust làm anh an tâm : đã có sự nhắc nhở này và Cao đã đồng ý.

Chiến thắng Vann dự kiến chuyển biến thành cơn ác mộng bất ngờ bắt đầu một cách thật bối rối. Anh săp  bay đến chỗ máy bay tấn công và có thể chứng kiến hiệu quả trên cánh đồng lau sậy, dừng lại để xem việc chỉ huy tiểu đoàn biệt kích bây giờ đang dàn trận làm nhiệm vụ “chiếc đe”. Mọi người vui vẻ. Họ phát hiện ra một súng cối 81 thêm vào nhiều vũ khí hạng nhẹ thu được của Việt cộng. Anh khen ngợi họ và bay lên để kiểm tra bước tiến về mạn nam của lực lượng dự phòng đổ quân ở mạn bắc. Lên đến độ cao anh ngạc nhiên nhận thấy binh lính ở nguyên nơi đổ quân. Hạ máy bay xuống để hỏi xem vì sao, anh được đại úy chỉ huy trả lời nhận lệnh của chỉ huy trung đoàn phải ở tại chỗ bố trí “tư thế hàng rào chắn”. Vann bảo như thế thật vô lý. Những toán biệt kích đàu đã làm rào chắn và đại tá Cao ngay từ lúc ra quân có lệnh cho tiến về mạn nam càng nhanh càng tốt. Đại úy trả lời “ Vâng, nhưng chỉ huy trung đoàn vừa có lệnh qua điện đài phải đóng quân lại không tiến lên”.

“Nhưng lạy Chúa ! Vann kêu lên, một chỉ huy trung đoàn có thể vượt qua mệnh lệnh của đại tá Cao từ khi nào vậy ?”.

Viên đại úy ngơ ngác không nói gì. Vann hét lên :

“Ông ta có biết những Việt cộng ông định giết hoặc bắt sống đang thoát ra trong lúc ông chần chừ như thế không ?”.

Đại úy nhún vai. Vann đề nghị anh gọi cho tổng hành dinh trung đoàn giải thích tình hình và xin phép tiến lên. Vann trở lại những toán biệt kích đầu tiên để xem chỉ huy trung đoàn có ra lệnh họ tiến về mạn bắc không. Không, họ được lệnh là giữ vững vị trí. Vann quay về đội quân dự phòng. Đại úy nói đã liên lạc với trung đoàn, hỏi kỹ và lại nhận được lệnh ở nguyên tại chỗ. Vann gọi cố vấn của mình ở tổng hành dinh trung đoàn và Faust để Cao giải quyết ngay sự lẫn lộn này. Không có kết quả. Anh cố gắng thuyết phục viên đại úy tiến lên và Vann chịu trách nhiệm. Đại úy từ chối. Vann quay lại toán thứ nhất cố thuyết phục đại úy tấn công lên mạn bắc. Không kết quả. Bốn mươi phút trôi qua trong bàn cãi vô vọng như thế trong lúc Việt công tiến gần đến biên giới Campuchia. Còn những máy bay lên thẳng phải đổ lực lượng dự phòng thứ hai không thấy đến. Khi Vann gọi về tổng hành dinh đòi giải thích. Faust trả lời hình như Cao chối bỏ lời hứa. Anh bèn trở về Mộc Hóa cố vực dậy tình hình.

Đến nơi, anh nhảy ra máy bay chạy lại lán tổng hành dinh nói với Cao phải ra lệnh đơn vị dự phòng thứ  nhất tiến lên và cử ngay đơn vị thứ hai về phía tây bằng những máy bay đang có tại chỗ, nếu không Việt cộng thoát ra hết. Cao trả lời ông không thể làm như thế.

-   Tại sao vậy ? Vann hỏi.
-   Vì chỉ huy trưởng Trung đoàn 10 không muốn san sẻ thắng lợi của mình cho một trung đoàn khác.

Chỉ huy trưởng Trung đoàn 10 ấy là người đã ra lệnh cho lực lượng dự phòng ở lại tại chỗ. Đấy là một trong các tiểu đoàn của ông ta được thả từ đợt bay đầu tiên xuống còn những đơn vị dự phòng thuộc về những trung đoàn khác.

Vann kinh ngạc đến nỗi không tìm ra lời, hiện tượng hiếm có ở anh.

“Sao ?” Anh nói, nhìn thẳng vào mắt Cao.

Cao bình tĩnh mỉm cười, nhắc lại điều vừa nói.

Vann phải đấu tranh để kìm mình lại. Anh kéo Cao riêng ra tránh làm ông ta lúng túng trước cấp dưới. Anh bảo không thể để một ai đó ganh tị làm cản trở thắng lợi của cuộc chiến. Chính ông ta chỉ huy sư đoàn, phải vượt qua người dưới quyền để ra lệnh. Không có nguy cơ nào cả. Quân số của họ vượt xa Việt cộng. Cao chỉ có hai người chết và một chục bị thương và hiện có thể 200 Việt cộng đang sống đi về phía Campuchia. Cao không thể để thoát những người cộng sản để sau này trở lại chiến đấu. Ông phải bảo vệ danh tiếng một chỉ huy năng nổ. Hôm nay ông có dịp thực hiện một chiến công chưa từng có, có thể nắm bắt cả một tiểu đoàn Việt cộng, không hành động thì có vẻ như một người hèn.

Cao vẫn vô cảm và nói không muốn làm phật lòng chỉ huy trung đoàn.

Nhưng rồi Vann cũng thuyết phục được Cao cho triển khai đội quân dự phòng về mạn nam; họ không lên đường trước hai giờ chiều, nghĩa là ba tiếng sau cuộc đổ quân trước. Việc Vann cố nài ép đưa lại cho Cao chút ít cố gắng. Binh lính tìm lại được một khẩu súng máy hạng nặng cỡ 50 Việt cộng bỏ lại. Họ cũng phát hiện ra bảy kẻ nổi dậy ẩn mình dưới nước thở bằng thân lau sậy, bị bắn hạ khi bỏ chạy; thu được một số vũ khí hạng nhẹ khác. Cao cho tập hợp ngay chiến lợi phẩm. Ông ta cho máy bay lên thẳng mang khẩu súng cối và vũ khí bắt được trong đợt tập kích lần đầu về và báo cáo với tổng hành dinh Sài Gòn để khoe khoang về những vật đã tịch thu. Vann hầu như tiếc về khẩu súng máy Cao lấy được nhờ anh khi thấy tổng tham mưu trưởng Sài Gòn và một đại tá những ô và a! trước khẩu cối, súng máy và hai mươi bảy vũ khí hạng nhẹ mà phần lớn là súng Pháp có quy lát Cao cho trình bày trước lán trên dãy bàn phủ vải trắng như những chiến tích.

Tổng hành dinh sư đoàn cũng mê mải vì trong niềm phấn khởi Cao bỏ cả việc chỉ huy hành quân, được phần lớn các phó của ông ta bắt chước. Sau này Vann phải tuyên bố trong một báo cáo theo quy định :”Tập trung được sự chú tâm của chỉ huy và ban tham mưu theo dõi được những cuộc hành quân tiếp tục là một khó khăn lớn nhất”. Anh sững sờ thấy viên tướng Sài Gòn cho là không có gì đáng chê trách trong thái độ của Cao và cũng tỏ ra chẳng hơn gì ông này. Cao cũng để sổng mất 80 đến 100 Việt cộng ở phía đông khu vực trong lúc Vann mệt nhoài cố đẩy lực lượng dự phòng lên một cách vô ích. Những Việt cộng ấy của Tiểu đoàn 504 chậm lại một ngày ở chỗ tiếp giáp hai con sông. Không một trong hai tiểu đoàn Sài Gòn nào phát hiện và đuổi theo họ mặc dù cố vấn Mỹ thúc giục. Cao cũng không động đậy khi Vann đề nghị. Một chiếc A-26 bay phía trên và Cao với sở thích bình thường về tấn công máy bay, cử đi những máy bay ném bom. Phi công cho rằng giết được 25 Việt cộng. Vann đi máy bay lên thẳng kiểm tra cẩn thận tại chỗ. Lần này máy bay nhấn chìm lau sậy và bụi cây. Không có một xác người nào.

Hôm sau Vann lại phải nhận những tin tức xấu hơn. Cao để lỡ một dịp phá hỏng điều gì đó đối với chủ nghĩa cộng sản quan trọng hơn một tiểu đoàn. Trong rừng phía trên xóm có trại huấn luyện quan trọng nhất miền bắc đồng bằng. Thẩm vấn mười một tù nhân biết một trong hai đơn vị đó là đại đội huấn luyện mà Drummond không phát hiện ra. Đơn vị kia là một đại đội của Tiểu đoàn 504 phụ trách bảo vệ trại. Phần còn lại gồm những thanh niên ở các đội cảnh sát địa phương được tuyển chọn để bổ sung vào các tiểu đoàn thường trực. Đã bốn tháng nay trong trại, họ được đào tạo sử dụng vũ khí, chiến thuật, phương pháp ngụy trang và những kỹ thuật khác về chiến tranh lật đổ. Drummond phát hiện dưới tán cây có bốn lớp học trang bị bảng đen và trong hai nhà khác là nơi đào tạo về y tế.

Phi công rùng mình lo sợ thấy khẩu súng máy hạng nặng Mỹ cỡ 50 có thể trở thành vũ khí chống máy bay trong những bàn tay có kinh nghiệm. Rõ ràng Việt cộng bắt đầu huấn luyện đánh máy bay lên thẳng. Cảm giác ấy được nhanh chóng khẳng định. Hăng hái thu thập chiến lợi phẩm ngày hôm sau, Cao cử đi hai toán cùng những kíp mìn. Họ phát hiện dưới nước có một chân súng loại tương tự nhưng không có ống, không có máy. Tù binh khai đại đội huấn luyện có ba súng máy cỡ 50 và họ tập cho thanh niên bắn máy bay. Drummond và đồng sự Việt Nam Bình tìm thấy trong trại những tài liệu giảng dạy giải thích phải bắn phía trước máy bay như thế nào để đón đường bay. Một tài liệu khác chỉ rõ số hiệu ba khẩu súng máy, chắc lấy được của Pháp hoặc của đơn vị Nam Việt Nam vùng khác vì Bình biết ở Sư đoàn 7 không mất khẩu nào. Tù binh kể lại có những Việt cộng dũng cảm cố dùng súng máy bắn hạ máy bay tiêm kích – ném bom trước khi bị giết hoặc chạy trốn.

Sự thất bại hoàn toàn khiến Vann khổ tâm hơn là bất ngờ. Anh không tưởng tượng được trước đây hai mươi bốn giờ đã chuẩn bị tỉ mỉ đến thế, phối hợp tài năng của Ziegler và Drummond và dùng mọi biên pháp mà Cao đã biến tất cả thành số 0. Theo Vann và luật lệ sĩ quan, không thể hy sinh người của mình để quân địch thoát khỏi như Cao đã làm. Việt cộng bị thiệt hại nhiều nhưng còn khoảng 300 thoát được, sẽ có nhiều người sống sót để khôi phục lại các đơn vị. Khung cán bộ sẽ được tăng cường và Tiểu đoàn 504 có thể lại tấn công những tiền đồn và tổ chức những đợt phục kích khác.

Một bê bối chung đáng lẽ đã kết thúc cuộc chơi cùng với Cao nhưng anh muốn theo đuổi mặc dù thất bại. Hơn thế anh sẽ bị tướng Harkins cách chức vì đường lối quan hệ thân mật giữa cố vấn Mỹ và các đồng cấp Việt Nam. Khi một nhà báo của Hiệp hội báo chí xin đi máy bay lên thẳng từ Sài Gòn đến Mộc Hóa, Vann cho biết cảm giác từ đầu đến cuối những việc diễn ra theo kế hoạch đã xây dựng. Anh nói việc đổ bộ ban đêm của lính thủy đánh bộ là một “công việc xuất sắc”.

“Họ đổ quân đúng theo giờ quy định và lần đầu hình như chúng ta làm cho Việt cộng hoàn toàn bất ngờ”.

Khi Cao thông báo các toán quân của ông và máy bay đã giết đến con số kỷ lục 131 Việt cộng trong một cuộc hành quân thành công nhất trong chiến tranh và một trong số mười một tù binh là đại diện ban chấp hành huyện ủy cộng sản. Vann ý từ không cải chính trước các nhà báo. Anh phải xác định lại sự thật trong báo cáo mật gửi cho Porter và Harkins,  nói cụ thể số Việt cộng bị giết “không quá 90”. Anh đành nén giận nhìn Cao nhận vinh quang của người anh hùng vì không muốn sự thật làm mờ sự nghiệp của ông ta.

Diệm hài lòng đến mực cho Cao tổ chức diễu hành chiến thắng gây ấn tượng nhất ở Sài Gòn kể từ cuộc thao diễn chào mừng thắng lợi năm 1955 của lính dù sau khi diệt đội quân riêng của Bình Xuyên kình địch với Diệm. Đài phát thanh Sài Gòn và báo chí của chính phủ ca ngợi “chiến thắng lớn nhất trong chiến tranh”. Cuộc diễu hành tổ chức vào ngày thứ bảy để thu hút được số lượng lớn nhất viên chức và gia đình đi trong hàng ngũ. Những cô gái đẹp mặc quần áo cổ truyền Việt Nam, áo dài tha thướt xẻ hai bên thân đón tiếp Cao và các sĩ quan của ông ở ngoại vi thành phố để trao tặng dây hoa. Cao vào Sài Gòn đứng trên chiếc xe Jeep chào dân chúng hai bên đường cho đến địa điểm tập trung. Đi đầu các sĩ quan ông ta theo con đường chính đến Nhà hát nhạc vũ kịch Pháp cũ bây giờ là nhà Quốc hội của Diệm. Quân lính đều mặc quần áo chiến đấu, đi ủng, đội mũ sắt cứng trừ Cao với đặc quyền một vị tướng và để được chú ý nổi bật, đội cát-két kiểu bóng chày đang trở thành mốt trong quân đội Mỹ. Ông ta cầm chiếc gậy nhỏ trong tay và một khẩu Colt 45 trong bao da đeo bên hông. Một bệ rộng đặt trước thềm nhà hát trưng bày cho công chúng xem những vũ khí thu được. Huân, huy chương được trao cho nhiều sĩ quan binh lính và bộ trưởng Bộ Quốc phòng gắn một chiếc huân chương trên lá cờ cảu Sư đoàn 7. Cao được đưa vào phủ tổng thống để Diệm tuyên dương công trạng.

Tương phản giữa sự lập lờ đối với công chúng và sự trung thực trong báo cáo mật của Vann chỉ dội thêm tiếng vang về dấu hiệu cảnh báo anh đã thầm lưu ý với thượng cấp. Bây giờ anh biết rõ những bất cập của việc chỉ huy quân đội Sài Gòn mà anh đã nêu ra dần dần trong những báo cáo trước để bắt đầu hiểu tầm cõ những vấn đề đặt ra cho phái đoàn cố vấn. Các bạn đồng nghiệp và anh được giao dẫn dắt một cuộc chiến bộ binh với một quân đội về cơ bản không hề muốn chiến đấu. Vann đã linh cảm điều ấy khi mới đến chủng viện. Clay bị đánh bại, bị thương trên máy bay lên thẳng vì viên chỉ huy quân đội Việt Nam từ chối đuổi theo thậm chí không bắn vào một trung đội Việt cộng chạy trốn lộ liễu trên đồng ruộng. Và Clay đích thân đuổi theo với hai máy bay lên thẳng. Lần này chỉ huy sư đoàn để sổng quân nổi dậy nhiều hơn mười năm lần. Sự nhát gan ấy đưa đến hốt hoảng thực sự về những nguy cơ và thấy bại tự chuốc lấy. Vann viết “Một tình trạng tệ hại được dựng lên, vì những người chỉ huy dù ở cấp bậc nào cũng không làm gì cả vẫn chỉ huy thậm chí được thăng cấp còn những người xông vào nguy hiểm có thể bị giáng chức nếu không thành công hoặc thất bại nặng”. Mặt khác các sĩ quan Nam Việt Nam không hiểu trách nhiệm của họ. “Những ganh tị ti tiện giữa chỉ huy sư đoàn và đại đội đặt trên nhiệm vụ chủ yếu là tiếp cận tiêu diệt địch và quay lưng lại nhiệm vụ. Các chỉ huy tuân theo mệnh lệnh phù hợp với h ọ và không biết hoặc điều chỉnh những mệnh lệnh khác”. Nếu những cố vấn Mỹ phải thực hiện nhiệm vụ với quân đội Nam Việt Nam, họ phải ý thức được tầm quan trọng của những thiếu sót đó và có những biện pháp thích đáng để cứu chữa. Vann cảnh báo với Porter và Harkins “Trừ phi đào tạo lại toàn bộ quân đội Việt Nam để chỉ huy theo thứ bậc mà nền tảng là tuân thủ mệnh lệnh, người ta không bao giờ đạt đến hiệu lực chiến đấu ở mức độ chấp nhận được”.

Một sĩ quan quân đội Hoa Kỳ được đào tạo chiến đấu hết sức mình với những gì người ta cung cấp. Thừa nhận khả năng thất bại không có nghĩa chấp nhận nó mà ngược lại là một kích thích phải kiên trì, hình dung thất bại sẽ không xảy ra. Thái độ ấy ở Vann rõ rệt hơn ở đại bộ phận các sĩ quan vì anh kiêu hãnh không bao giờ để một thách thức thắng mình. Anh công nhận một phần lời thanh minh của Cao giải thích viên chỉ huy Trung đoàn 10 đã cản trở ông đuổi theo Việt cộng. Anh không đồng tình với Cao nhưng biết ông ta có những vấn đề với các tỉnh trưởng và nghĩ rằng việc chỉ huy có lẽ do một người thân tín khác của Diệm đảm nhiệm.

Thực ra Cap có quan niệm lành mạnh về cuộc chiến tranh này. Ông ta không dấu diếm ý  muốn ngăn cản chủ nghĩa cộng sản áp đặt nền chuyên chế nghiêm khắc ở miền Nam. Ông nói, khi nắm quyền họ sẽ từ bỏ lời hứa chia ruộng đất cà những quyền lợi khác của nông dân. Họ sẽ tàn sát những người thực sự hoặc có khả năng đối lập, thiết lập hợp tác xã nông nghiệp, xóa bỏ tôn giáo, phá hủy những tập tục Việt Nam và một số tự do cá nhân mà nhân dân miền Nam được hưởng dưới chế độ Diệm để xây dựng xã hội độc tài mác-xít.

Vann cũng nghĩ những người cộng sản sẽ phạm tất cả những tội ác ấy nếu họ thắng trong chiến tranh. Anh kết luận tuy Cao có lỗi ông ta nhưng là người yêu nước Việt Nam, một người dân tộc trung thực muốn đưa lại cho đất nước giải pháp thích hợp của một chính phủ chống cộng sản ở Sài Gòn, hiện đại hóa dần dần với sự giúp đỡ của Hoa Kỳ. Anh đồ chừng miền Nam Việt Nam đối với Cao cũng như đất nước Hoa Kỳ đối với anh và với thời gian anh có thể khuyến khích lòng tự trọng, khiến ông ta xử sự như một nhà chỉ huy quân sự mà nước ông đang cần.

Sự kiện ngày 20 tháng Bảy đối với Vann như vậy trở thành mặt trái chứ không phải một thất bại. Tháng Tám,, anh gửi về cho Mary Jane một bức ảnh Cao và anh đứng bên nhau trước lều vải trong một cuộc hành quân. Anh cho   tô màu tấm phim đen trắng ở một cửa hàng Mỹ Tho để có vẻ hiện thực hơn. Vann nhìn ống kính và Cao nhìn vào Vann. Ở lưng tấm ảnh, Vann viết bằng bút bi :

Vann và Cao
Tháng Tám năm 1962
Kíp US Việt Nam tốt nhất để đánh thắng những người cộng sản

Dù Vann muốn bỏ Cao, anh cũng không có khả năng nào để làm được. Đầu mùa thu 1962 anh đã trở thành tù nhân của chò trơi của anh “Cao, con hùm” nhờ số lượng Việt cộng bị giết theo chất lượng kế hoạch bố trí và thông tin cũng như tác động của kỹ thuật công nghiệp Mỹ : máy bay lên thẳng, xe bọc thép và máy bay tiêm kích – ném bom. Vann bị mắc vào bẫy của thành công bề ngoài. Trong bốn tháng sau khi anh đến, số lượng Việt cộng bị giết ở Sư đoàn 7 do tập kích trên bộ và bằng máy bay lên thẳng là 4.056 người kể cả những người hỗ trợ ở làng xóm, bằng cả trong nước cộng lại. Con số này được sĩ quan Sài Gòn cung cấp gồm cả tổng kết những cuộc tấn công của quân bảo an và cảnh sát địa phương mà người Mỹ không bao giờ có mặt để xác định. Dù số liệu nói quá lên 50% - tỷ lệ mà cố vấn Mỹ cho là hợp lý ở miền Nam Việt Nam – 2.000 người chết trong 4 tháng là một tổn thất nghiêm trọng cho Việt cộng ở mạn bắc vùng đồng bằng. Đúng là không một tiểu đoàn thường trực hoặc địa phương nào bị tiêu diệt, nghĩa là không có một số lượng chết như thế để đủ người sống củng cố lại đơn vị. Nhưng con số đã khá cao để chẳng bao lâu họ sẽ bị loại khỏi vòng chiến đấy. Vann bắt đầu tin tưởng nếu anh có thể giữ nhịp điệu hành quân như hiện nay, tác động dồn dập sẽ đập tan được lực lượng của Việt cộng dù cao từ chối trả lương tình nguyện cho bộ binh. Sáu cuộc hành quân trong tháng Tám và tháng Chín được trả bằng hàng trăm thiệt hại của Việt cộng. Ngày 18 tháng Chín một cuộc tập kích khác ở Đồng Tháp Mười vào Tiểu đoàn 502 quân thường trực còn có kết quả lớn hơn nhiều “chiến thắng lớn” trên giấy của ngày 20 tháng Bảy. Một đại đội Việt cộng và hàng trăm quân địa phương phối hợp bị xe bọc thép hủy diệt hoàn toàn.

Việt cộng cố gắng tổ chức một hàng phòng ngự phía sau bờ ruộng ngập nước nhưng những con quái vật bánh vòng sắt nghiền nát hết và bắn vào họ trong lúc đạn của họ nảy lên một cách vô ích trên vỏ thép. Phía trong xe tăng lính đứng trước cửa xe bắn xối xả. Khẩu súng máy lớn 50 bố trí phía trước cắt ngang những người chạy trong bùn bết vào chân, nước cao đến thắt lưng. Những người sống sót cố ẩn mình trong nước thở bằng cọng lau rỗng hoặc để hở mũi trên mặt nước. Nhưng những lái xe bọc thép phá vỡ mưu mẹo ấy bằng chuyển động mười tấn sắt của họ từ trước ra sau làm dồn sóng. Lựu đạn của quân lính Sài Gòn cũng làm họ lộ mặt. Khi một trong bọn họ bị lộ, lái xe tiến về phía ấy, chồm lên nghiến nát họ nếu họ chưa bị đạn giết chết.

Ngày hôm ấy 158 Việt cộng bị giết và 60 bị bắt sống. Vann gửi cho Mary Jane mẩu cắt ở bài báo trang nhất bằng tiếng Anh ở Sài Gòn, Times of Viet Nam. Anh viết trên đề mục bằng chữ lớn “Cuộc tàn sát lớn nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam”. Diệm khen thưởng Sư đoàn 7 phần thưởng quân công của quân đội Nam Việt Nam, một dải tết sợi nhiều màu tất cả quân lính mang ở vai trái, theo tập tục Pháp được Hoa Kỳ và các quân đội phương Tây sau đó bắt chước. Đây là lần đầu tiên phần thưởng này được tặng cho cả một sư đoàn AVRN. Diệm thông báo với Cao có ý đinh thăng chức cho ông ta cấp tướng và ủy nhiệm ông ta chỉ huy một Quân đoàn.

Về phần mình Vann trở thành cố vấn tin cậy của tướng Harkins. Không phải vì những báo cáo của  anh trở nên lạc quan hơn. Chúng vẫn được viết với sự thật tàn ác, đặc điểm của báo cáo ngày 20 tháng Bảy. Một trung tá nào đó có lẽ đã trình bày các sự kiện tích cực hơn, phù hợp với ý muốn thắng lợi của quân đội, nhưng Vann không nương nhẹ các khía cạnh. Chủ đề luôn trở lại là anh và các cố vấn là không thể tiến lên với mục tiêu lâu dài : biến quân đội Việt Nam ARVN thành một quân đội có thể chiến đấu và đánh bại chiến tranh du kích. Harkins có vẻ không bối rối trước những tiêu cực trong các báo cáo của Vann. Viên tướng và ban tham mưu của ông đánh giá, trong cuộc chiến tranh không có mặt trận này, cách đo tốt nhất những tiến bộ đạt được là số lượng Việt cộng bị giết, theo lối  nói của bàn giấy là “việc tính toán xác chết”. Sĩ quan tham mưu Sài Gòn phụ trách trình bày một cách quen thuộc với những người mới đến và khách đến thăm theo lối nói ít rùng rợn hơn “Trong một cuộc chiến tranh không có một chiến tuyến nào, chỉ số tốt nhất về những tiến bộ đạt được là chỉ số thiệt hại”.

Các sĩ quan báo chí của Harkins khuyến khích các phóng viên mặt trận đến các phân đội của Vann và đi theo những cuộc hành quân của sư đoàn 7. Các đại biểu Quốc hội, những tướng tá và nhân vật dân sự của Lầu Năm Góc luôn được cử đến để nghe một bản trình bày của kíp Vann – Cao, những quán quân về số lượng người bị giết. Theo chiến lược của mình, Vann dạy cho Cao thành chuyên gia về thông tin tỏa sáng tinh thần tấn công trên bục phòng chiến tranh trong nhà ở của ông ta. Vann cũng bố trí cho Cao những bản đồ và đồ thị maù cũng như những cuốn phim dương bản không làm mất vẻ đẹp của dụng cụ dùng ở Lầu Năm Góc. Nếu Cao luôn là nhân vật trung tâm của những cảnh ấy, thì Vann chỉ giới thiệu một cách ngắn gọn. Anh đã học nghệ thuật trình bày cô đọng khi còn là thiếu tá trẻ ở tổng hành dinh quân đội Mỹ ở châu Âu. Anh tập dượt ở đó đến mức làm chủ sự hài hòa của những thống kê và những chuyện kể truyền cảm có tác dụng mạnh và gây được lòng tin ở người nghe. Sau khi anh đi khỏi đó đã lâu người ta vẫn nhớ đến anh như một sĩ quan báo chí tốt nhất. Ở Việt Nam anh cũng tác động mạnh đến thính giả. Nếu có thì giờ, thường hiếm trường hợp ấy, Vann đưa viên tướng hoặc quan chức Lầu Năm Góc lên phòng khách tầng một của chủng viện để trao đổi riêng nhưng với giọng khác hẳn. Nếu không anh để cho ban tham mưu của Harkins tỉ mỉ truyền đạt lại những gì anh trình bày trong các báo cáo. Nhưng những chính trị gia và các nhà báo không bao giờ được hưởng ân huệ đặc biệt đó.

Cao khoái trá về những lời khen và triển vọng được gắn những ngôi sao cấp tướng. Ông ta thông báo với các phóng viên đến tổng hành dinh của ông :” Hôm nay tôi giết được 50 Việt cộng”. Ông bắt đầu biết rõ nghề quảng cáo. Mỗi lần “việc tính toán xác chết” lên đến con số tương đối cao, ban tham mưu của Harkins hoặc phủ tổng thống, chắc chắn báo chí – gồm cả phóng viên Pháp và Việt Nam – đưa người thắng trong cuộc chiến này lên hàng đầu. Horst Faas, nhà nhiếp ảnh của Hiệp hội báo chí, người hai lần được giải thưởng Pulitzer trong 10 năm ở Việt Nam, một hôm đến trước các nhà báo khác. Ông thấy Cao đang dựng lại trận đánh. Lính Nam Việt Nam kéo thân thể những Việt cộng đặt vào vị trí chiến đấu với vũ khí bị tịch thu trước mặt. Cao bước đĩnh đạc, chiếc gậy nhỏ trong tay, hướng dẫn việc dàn cảnh.

Nhiều người phó của Vann khó chịu về chiếc mũ dắt lá rừng Cao đội khi ra khỏi lều. Họ bắt đầu nghĩ Cao làm hơi quá đáng; ông ta xoa tay khi máy bay tiêm kích – ném bom hoặc xe bọc thép thực hiện được một chiến công và tự hào đã giăng bẫy Việt cộng.

Theo lời Ziegler, bây giờ ông ta chơi lối lám tướng. Ông lắng nghe Vann nói cần phải khôn ngoan, để anh giải thích một ít nữa rồi bĩu môi chán nản, tuyên bố không muốn tranh cãi nhiều. Nếu Vann cố gặng, ông đứng dậy nói “Ông là một cố vấn. Tôi là chỉ huy trưởng và chính tôi quyết định”.

Vann cố tự chủ nhưng những người phó của anh biết anh tự kìm mình khó khăn đến mức nào. Anh đỏ mặt và giọng mũi của anh càng khàn. Trở về chủng viện anh để cảm giác thất vọng của mình bùng lên, chửi Cao với  những lời rủa thừa kế từ thời thơ ấu nghèo khổ ở ngoại ô Norfolk.

Trong một cuộc tranh cãi, anh ra hiệu cho Faust và những cố vấn khác đi ra rồi nắm cánh tay kéo Cao lại trước tấm bản đồ. Từ xa những phó của anh thấy anh chỉ nhiều lần vào chỗ hổng Việt cộng thoát ra. Họ nghe anh nói với Cao giọng nhỏ cố nén giận. Cao phải cáng đáng trách nhiệm tinh thần của sĩ quan và binh lính. Ông ta phải bịt lối ra và tiêu diệt tiểu đoàn ấy không để Việt cộng sống sót. Các cố vấn chờ đợi Cao ra lệnh cho bộ binh lên máy bay lên thẳng. Vann nổi nóng và ý kiến của anh chắc chắn sẽ có giá trị. Lần này Cao không ra vẻ tướng nữa. Ông ta đành ra khỏi lều không nói một tiếng. Faust bắt đầu tự hỏi Cao có phải là một cộng sản bí mật không.

Nhờ những thiệt hại Vann gây ra cho Việt cộng, anh được tướng Harkins coi trọng đến mức khi Maxwell Taylor trở lại Nam Việt Nam trong đợt kiểm tra ngắn vào tháng Chín, anh là một trong những sĩ quan được mời đến ăn trưa cùng ông ta ở chỗ Harkins tại Sài Gòn. Đã gần một năm trôi qua kể từ đợt Taylor sang đây vào mùa thu năm 1961 thúc đẩy nhanh quyết định của Kennedy đưa lực lượng quân sự Mỹ can thiệp vào cuộc chiến tranh. Lần này Taylor sang xem có những tiến bộ gì sau một năm. Vann được chọn đại diện cho các cố vấn cấp sư đoàn cùng ba người khác cấp thấp hơn, một thiếu tá và hai đại úy. Họ sẽ trình bày với Taylor ý kiến thẳng thắn của mình về tình hình khu vực đang đánh nhau.

Vann rất phấn khởi vì dịp may được nói hết những suy nghĩ của mình với một người có khả năng tác động đường lối đến cấp cao nhất và vực dậy tình hình. Kennedy đưa Taylor đã về hưu năm 1961 ra làm cố vấn quân sự. Tháng Bảy, tổng thống xác định lòng tin của mình khi cử ông này làm tham mưu trưởng quân đội. Khi được phát biểu, Vann có ý định trình bày với Taylor quan điểm trung thực và tàn nhẫn như đã nói trong những báo cáo mật gửi Harkins. Anh thất vọng nhận thấy những lo ngại của anh không làm nảy sinh tinh thần khẩn cấp như anh hy vọng ở Harkins. Porter thông cảm với điều đó nhưng không tác động được với cấp trên. Chính anh John Vann ấy, tháng Năm trên đường đi Mỹ Tho, tin tưởng sẽ thắng trong cuộc chiến tranh, đến tháng Chín chẳng còn tin chắc có thể hoàn thành nhiệm vụ đựoc giao trong khuôn khổ áp đặt và lo ngại cho tương lai.

Thành công ngoài mặt làm giảm nhẹ sự lo toan của anh nhưng không làm mất hẳn hoặc bớt đi. Anh vẫn hy vọng tiêu diệt các tiểu đoàn Việt cộng qua mặt Cao vốn không có trách nhiệm, anh không biết dự tính có thể làm được không. Có nhiều cơ may những quân nổi dậy cộng sản sớm muộn sẽ không sợ nữa và chiến đấu thông minh hơn và như vậy sẽ kết thúc việc tàn sát dễ dàng. Trong lúc chờ đợi, thậm chí anh không đạt được những mục tiêu tối thiểu đã xác định với Porter. Sau bước đầu sốt sắng, Cao không hợp tác nữa trong những vấn đề sơ đẳng như việc huấn luyện quân lính tập bắn và chiến thuật bộ binh. Ông ta không bao giờ cho phép tiểu đoàn nào tham gia hết ba tuần lớp họcVann tổ chức ở trung tâm Tân Hiệp và không một quân lính nào khi về trại thực hiện một động tác giống như đã được huấn luyện. Những báo cáo hàng tháng của các cố vấn đều đặn nêu lên phần lớn thời gian các đơn vị “nghỉ ngơi”. Khi một tiểu đoàn đến Tân Hiệp, mấy ngày sau Cao gọi trở về phần nhiều là để đuổi theo một toán Việt cộng đánh chiếm một vị trí tiền tiêu hoặc phục kích. Vann chắc chắn Cao cũng biết như anh trong trường hợp ấy không thể có kết quả vì Việ cộng đã chuẩn bị cẩn thận việc rút lui. Nhưng Cao không bao giờ muốn nhận ra điều đó. Vann nghi ngờ ông ta đi săn lùng một con mồi không tìm thấy duy nhất chỉ để tạo cho phủ tổng thống có cẳm giác ông ta luôn ở tình trạng báo động. Sau đó ông ra lệnh cho tiểu đoàn về trại “nghỉ ngơi” thay vì trở lại trung tâm huấn luyện. Việc đào tạo quân lính chiến đấu không phải một trong những ưu tiên của Cao. Ông ta cho rằng họ đã được tập dượt kỹ.

Cao cũng cản trở những cố gắng của Vann muốn mở rộng việc tuần tra và phục kích ban đêm nhằm hạn chế Việt cộng tự do nổi dậy ban đêm. Cao chỉ tỏ ra đồng ý lúc ban đầu vì Diệm chỉ thị phải thỏa thuận với  người Mỹ khi không thiệt hại gì và ông cũng muốn dễ mến với cố vấn mới. Một khi bước ấy đã qua, ông ta trở lại với thái độ ông cho là hợp lý. Một buổi sớm vừa ăn sáng xong, ông được tin Vann đi tuần tra cả đêm chỉ với năm người. Cao giận dữ mời Vann đến và hét lên dữ dội nếu anh không thôi những ngu ngốc ấy, ông sẽ xin một cố vấn khác. Vann có muốn một sĩ quan Mỹ cấp bậc cao đến trung tá bị bắt hoặc giết để tổng thống Diệm quở mắng ông,Cao, về trách nhiệm và sẽ không bao giờ tha thứ cho ông việc ông đẩy chính phủ vào chỗ lúng túng ? Sự nghiệp của ông sẽ tan vỡ thậm chí Diệm sẽ cho ông vào tù ! Vann trả lời anh chấp hành lệnh của Porter phải hành động ban đêm và tất nhiên phải có người chỉ huy các toán. Anh nhắc lại với Cao anh không phải một người không chuyên và đã học được ở Triều Tiên cách hành quân ban đêm với một toán nhỏ ít nguy hiểm hơn với một phân đội lớn. Cao trong tình trạng giận dữ và sợ hãi đến mức Vann thấy nên có sự thỏa hiệp nếu anh muốn tiếp tục cử sĩ quan, hạ sĩ quan đi tuần tra ban đêm. Anh thống nhất với Cao những sĩ quan cấp cao của sư đoàn chỉ hành quân ban đêm với quân số ít nhất là một đại đội. Còn những sĩ quan cấp thấp và hạ sĩ quan, họ vẫn tiếp tục đi cùng đơn vị nhỏ. Cao cầm chân những người Mỹ như thế rồi ông dùng sức ép một cách khác. Những sĩ quan trẻ và hạ sĩ quan của Vann rất khó tập hợp được những người nhận đi với họ. Cao đã có những chỉ thị cho quân lính mình.

Nhưng Vann còn những lo toan khác ngoài việc tập luyện và tuần tra ban đêm. Anh bị tác động bởi sức bật của Việt cộng. Drummond cho biết một số tiểu đoàn bị anh đánh tan đã có đủ quân số thay thế. Drummond cũng phát hiện thấy mặc dù số lượng bị giết chết trong vùng của sư đoàn từ đầu chiến tranh đến nay rất nhiều, tổng quân số lực lượng thường trực và địa phương của Việt cộng trong năm tỉnh vẫn không thay đổi. Những đơn vị thoát khỏi Vann đã phát triển quân số và bù vào số lượng mất mát của những đơn vị khác. Nghiêm trọng hơn, Drummond được biết trong các làng xóm thuộc vùng này những người nổi dậy nhiều hơn rất nhiều con số 10.000 ước tính lúc đầu. Không biết chính xác con số, anh thấy sự chênh lệch ấy thật lớn. Như vậy có nghĩa những người cộng sản có một lực lượng dự trữ để bổ sung thiệt hại lớn hơn Vann nghĩ.

Trên chiếc xe Jeep đưa anh tới Mỹ Tho sáng hôm 11 tháng Chín năm 1962 ấy, anh nhắc lại cùng một cường độ điều anh đã nói năm 1956 những gì anh sẽ nói với Taylor trong bữa ăn trưa để lưu ý ông ta trong khi anh trình bày quan điểm của mình.Anh phải rất cẩn thận để không tỉ ra là người báo động. Vả lại Vann không tự cảm thấy mình là người chủ trương thất bại. Anh vừa được kích thích vừa lo ngại và anh muốn chia sẻ với Taylor hy vọng lẫn sự e ngại ấy. Khi tổng tham mưu trưởng quân đội biết được sự thật, ông sẽ nói với Kennedy và khi tổng thống đã hiểu điều gì xảy ra ở Việt Nam, tổng thống có sức ép với Diệm còn Taylor cũng làm thế với Harkins và Vann không còn phải lo lắng nữa.

Khi anh bước qua những bậc thềm ngôi nhà Harkins, mấy phút trước mười hai giờ rưỡi, anh cũng có dáng điệu vững chắc trong bộ quân phục kaki với chiếc mũ lưỡi trai như lúc anh đến trình diện Porter hồi đầu tháng Ba. Giấy mời của anh được viết tay trên một tấm thiếp trang trí cờ hiệu đại tướng bốn sao trên nền đỏ. Ngôi nhà là một khối trắng ở khu sang trọng của Sài Gòn, trước đây do những nhân vật cao cấp Pháp ở. Một con đường vòng bao quanh bãi cỏ được chăm sóc chu đáo. Quản lý ngôi nhà là một trung sĩ Mỹ, còn lại là công nhân Việt Nam. Bức tường cao bảm đảo cuộc sống riêng tư và an ninh nhưng cách đấy không xa là bể bơi và sân tennis Câu lạc bộ thể thao của cộng đồng người nước ngoài và xã hội thượng lưu Việt Nam.

Maxwell Taylor trở về Hoa Kỳ sau bữa ăn trưa ấy hai ngày. Buổi sáng trước khi đi ông họp báo trong phòng khách danh dự sân bay Tân Sơn Nhất. Ông gạt bỏ những câu hỏi của một số nhà báo về khả năng căng thẳng giữa những cố vấn Mỹ và các đồng sự Sài Gòn. Ông nói :

“Phải có mặt tại chỗ để cảm nhận được sức mạnh của tinh thần quốc gia, sự chống trả của nhân dân Việt Nam đối với hoạt động nổi dậy lật đổ đang đe dọa. Cảm giác tôi thu nhận được là một phong trào dân tộc rộng lớn, tất nhiên được người Mỹ giúp đõ chừng mực nào đó nhưng chủ yếu là một phong trào của những người Việt Nam bảo vệ đất nước họ chống một kẻ thù nguy hiểm và độc ác”.

Vann trở lại Mỹ Tho với những nỗi lo sợ vẫn nguyên vẹn. Anh giải thích điều đó trong một bản tóm tắt về bữa ăn trưa ghi phía sau lưng giấy mời trước khi xếp vào hồ sơ :

“Một dịp trình bày quan điểm với tướng Taylor với tư cách một trong bốn cố vấn (2 đại úy, 1 thiếu tá và tôi). Bữa ăn trưa kéo dài một giờ mười lăm phút. Nội dung chung của cuộc nói chuyện : Harkins trình bày sự nhìn nhận của mình và gạt bỏ những điểm quan trọng tôi muốn nêu lên”.

Trước mắt, Vann rất bận rộn vì mặc dù số lượng thiệt hại của Việt cộng tăng lên, Hoa Kỳ không đánh vào vấn đề cơ bản, việc cung cấp vũ khí cho quân đội do bị quân nổi dậy lấy được. Phái đoàn viện trợ Mỹ cung cấp cho Việt cộng vũ khí Mỹ một cách không chấp nhận được. Từ mùa xuân 1962, 28.000 quân thường trực vùng đất Sài Gòn trong phạm vi sư đoàn đã thay đổi loại súng Pháp cũ có quy-lát bằng súng tự động Mỹ. 10.000 quân bảo an được trang bị một số lượng lớn vũ khí bộ binh US, từ súng M-1 đến liên thanh và súng cối. 18.000 cảnh sát khiêm tốn hơn nhận các-bin nửa tự động cỡ 30, liên thanh nhẹ Thompson và BAR. Nhưng Harkins và ban tham mưu của ông, trước khi đẩy nhanh chương trìng hiện đại hóa vũ khí, không thấy trước việc không nên phân phối một khẩu súng nào cho những tiền đồn do địa phương quân chốt giữ mà không được xóa bỏ hoặc tăng cường. Nếu không đây là những chỗ quân nổi dậy trực tiếp lợi dụng món quà hậu hĩnh của Mỹ. Việc đã xẩy ra đúng như thế. Bảo an quân và cảnh sát giữ 776 tiền đồn của mạn bắc vùng đồng bằng là mục tiêu chính của Việt cộng. Phần lớn những tiền đồn ấy tiếp thu của quân Pháp (có 2.500 tiền đồn trên địa phận Quân đoàn 3) rất dễ nhận thấy : những tháp xây bằng gạch mà Vann gọi là “những chiếc quan tài gạch” chỉ nửa tá cảnh sát và những lô cốt tam giác tường đất có đường hào bao quanh được bố trí không quá một tiểu đội. Xóa bỏ những “trung tâm cung cấp cho người Việt” như Vann và các cố vấn đặt tên, là một việc nữa trong những ưu tiên anh thống nhất với Porter. Anh đã cho kiểm tra tất cả những vị trí ấy và đích thân tới nhiều chỗ. Sau đó anh đề nghị Cao và các tỉnh trưởng biến 776 tiền đồn ấy thành 216 trại có quân số ít nhất là một đại đội có khả năng tự bảo vệ cho đến lúc lực lượng tăng cường tới. Những trang trại ấy cũng dùng làm cơ sở tuần tra và hành quân địa phương. Cao và các tỉnh trưởng đều trả lời không thể xóa bỏ những tiền đồn, biểu tượng cho quyền lực thống trị và Diệm không bao giờ cho phép. Vann đã tranh luận để họ báo cáo với tổng thống, giữ lại những biểu tượng ấy thật vô lý vì thực tế chúng làm lung lay chính quyền. Hệ thống tiền đồn ấy không chỉ ngu ngốc về mặt quân sự mà còn là sự độc ác. Phần lớn cảnh sát đưa gia đình đến các lô cốt vì nếu họ ở ngoài làng, Việt cộng sẽ bắt giữ làm con tin buộc lính trong đồn đầu hàng. Xác chết và những người đàn bà, trẻ con bị què cụt sau những đợt tấn công là tài liệu tốt cho các nhà nhiếp ảnh của cơ quan thông tin Mỹ. Không lập luận nào của Vann có tác dụng. Anh nhận thấy Cao và các tỉnh trưởng đều gắn bó vô lý với những đồn bốt ấy cũng như Diệm. Những đồn tiền tiêu bị Việt cộng tấn công và bị phá hủy trước khi họ rút đi. Ngay sau đó, các tỉnh trưởng cho xây dựng lại.

Những người cộng sản Việt Nam tuyển mộ nông dân theo khả năng vũ khí cung cấp cho họ. Việc hiện đại hóa trang bị thể hiện ở sự tăng trưởng quân số và các loại súng các-bin, tiểu liên Mỹ mà các đơn vị thường trực và địa phương quân lấy được. Chẳng những không làm gì để ngăn chặn việc cướp trang bị Mỹ ở các đồn điền tiền tiêu mà Harkins còn luôn khuyến khích các cố vấn phân phối nhanh vũ khí mới mặc dù Vann và những cố vấn khác đã cảnh báo. Như vậy là họ sẽ chạm trán với một lực lượng Việt cộng ngày càng trang bị vũ khí tốt hơn. Và nếu chiến dịch tiêu diệt kẻ địch vì lý do nào đó bị gián đoạn hoặc chậm lại, những người cộng sản sẽ có đủ điều kiện khôi phục lực lượng để tấn công, tước đoạt vũ khí Mỹ và trở thành một đối thủ vô cùng đáng sợ hơn Vann có thể tưởng tượng.

Cuộc chiến tranh này mang một dáng vẻ bỉ ổi vượt quá, bởi thái độ muôn thuở của quân đội Sài Gòn đối xử với nông dân – coi họ như một dân tộc bị chiếm đóng, cướp gà, vịt, hành hạ phụ nữ. Vann đã thấy tù binh bị ngược đãi, bị giết ở Triều Tiên. Những tháng đầu chiến tranh, người Bắc Triều Tiên thường giết những người Mỹ bị họ bắt. Người Mỹ cũng trả thù lại khi có thể. Vann vẫn xem là ngu ngốc khi giết một người có thể khai thác được thông tin. Nhưng anh hiểu binh lính căm giận quá mức trước cái chết của bè bạn nên đã có những hành động bạo hung bạo như vậy. Nhưng những gì anh thấy hoặc nghe ở Triều Tiên vẫn không làm anh đủ khả năng hình dung sự tàn ác của quân đội Sài Gòn đối với những người bị bắt.

Điều tệ hại anh biết là một sĩ quan can đảm, một đại úy gốc Campuchia tên Thưởng chỉ huy đại đội biệt kích ưu tú. Người của Thưởng, phần đông cũng người Campuchia, là binh lính thiện chiến nhất của Sư đoàn 7. Vị trí của Thưởng tương đương chức vụ chỉ huy một tiểu đoàn vì trong chiến đấu thường được giao dưới quyền một đại đội biệt kích thứ hai. Cao tin tưởng đặc biệt Thưởng và đội quân  này, không ngần ngại cử đi hành quân riêng lẻ, điều mà Vann không bao giờ nhận được với một đại đội bộ binh thường.

Đại úy Thưởng muốn có vẻ hung tợn. Ziegler lúc đầu huấn luyện cho đại đội biệt kích này và thỉnh thoảng cùng đi hành quân, nhớ lại anh ta là một người sức lực và tương đối cao lớn có nước da đậm của người Campuchia, mũi tẹt, rộng và cặp môi dày. Anh ta đeo kính râm gọng kim loại to. Khẩu Colt 45 bỏ trong bao da mang vai và trước ngực là một dây đeo đạn dự trữ. Thưởng gia nhập quân nhảy dù Pháp rất lâu trước khi người Mỹ thuyết phục Diệm tổ chức những đội biệt kích để chống chiến tranh du kích. Anh ta tự hào về những tiền bối của mình. Đầu hổ với hàm răng mở to, người Mỹ nghĩ ra để làm huy hiệu cho quân lính biệt kích may vào vai áo bên trái những trước túi ngực bên phải là đôi cánh quân nhảy dù Pháp. Anh ta vẫn giữ của lính dù boj quân phục ngụy trang và bê-rê đỏ hoặc chiếc mũ lưỡi trai. Trong một bao ở thắt lưng, anh ta luôn mang một vũ khí Mỹ điển hình, một dụng cụ ưa thích : con dao Bowie, lưỡi nặng, dài 35 phân mà James Bowie đã làm cho nổi tiếng trước khi tự sát ở Alamo.

Ziegler đã ghi vào danh mục những kỹ thuật Thưởng và quân biệt kích sử dụng, thấy có 12 cách. Anh đặt gọi đó là “những phương pháp cứng rắn”, một từ ngữ dùng vào tra tấn “

1 – Buộc xoắn bằng sợi dây thép gai;
2 – Lóc từng mảng da lưng;
3 – Nghiền nát bằng xe cộ hoặc một con trâu;
4 – Dúi đầu xuống bùn trong một phút rưỡi;
5 – Kéo tai thật căng;
6 – Chạy điện bằng máy điện thoại ( Hai dây máy điện thoại chạy pin nối với dương vật đàn ông hoặc âm hộ và vú của đàn bà. Quay máy có thể thay cho chạy dòng điện theo ý muốn);
7 – Bắt ngồi trên một cái mai ( Lưỡi dụng cụ này xếp được, do quân đội Mỹ cung cấp để đào hố cá nhân được chôn chặt xuống đất. Người tù trần truồng ngồi trên đầu cán bị kẻ tra hỏi dùng hết sức nhấn người xuống);
8 – Găm dao vào lưng ( Thưởng trói quặt tay người tù ra sau buộc con dao Bowie ở cổ tay mũi hướng về lưng. Nạn nhân buộc tựa vào một cây to. Thưởng đặt tay vào ngực người tù hỏi vừa nhấn mạnh tay);
9 – Dùng nước làm ngạt thở ( Bắt buộc người tù uống nước cho đến khi dạ dày trương lên đau đớn. Hoặc dùng giẻ ướt bịt mũi và đổ nước vào họng);
10 – Đánh dữ dội vào cẳng chân’
11 – Giữ đầu chúi xuống đất, tì gối ép mạnh lên lưng và bẻ khớp vai;
12 – Đánh vào bụng cho đến khi người tù nôn ra và bất tỉnh.

Ziegler làm dấu hoa thị ở số 11, nó phù hợp với hai bức ảnh anh chụp được và dán bằng băng dính trên trang đối diện trong nhật ký của anh. Người ta thấy một lính biệt kích bẻ sai khớp vai một tù nhân và đánh vào dương vật trong lúc người này đang ở trên đất. Ba người bị bắt khác, bị trói tay, do những biệt kích khác canh giữ, đang chờ đến lượt mình. Họ can đảm lạ lùng trước cảnh những người bạn bị tra tấn. Họ quay nhìn rất kiên cường như tập hợp lòng dũng cảm chịu đựng thử thách khi bọn lính hành hạ họ. Mỗi lần Ziegler cố gắng can ngăn Thưởng và lính biệt kích, thì chúng sẽ dấu anh. Nhưng cảm giác bất lực và lo lắng càng mạnh hơn khi những người tình nghi bị bắt ngay tại làng họ. Vì đàn bà, trẻ con bám lấy họ, cầu khẩn biệt kích đừng bắt đi cho đến lúc chúng đấm đá đuổi họ ra xa. Và nếu sự tra tấn , giết hại tiến hành trước mặt các gia đình như thường xảy ra, tiếng kêu van, rên khóc của đàn bà, trẻ con chứng kiến càng làm nao lòng Ziegler hơn là thấy những ngược đãi.

Zieger kể với Vann những điều ấy. Nhưng không chỉ riêng gì lính biệt kích. Vann đã nghe những câu chuyện tương tự từ những cố vấn khác của sư đoàn và những đại úy, thiểu tá làm việc với quân bảo an và cảnh sát. Anh bối rối khi được biết những tù nhân bị bắt được công bố biến mất trước khi được dẫn lên các sĩ quan thông tin của sư đoàn, Drummond và Bình. Vốn có xu hướng nghi ngờ những gì chính mình không nhìn thấy, anh tự nhủ không biết những câu chuyện ghê gớm ấy có phải do những chàng trai trẻ mới thấy chiến tranh lần đầu thổi phồng lên không. Một đêm tháng Bảy anh cùng Ziegler đi theo đại đội của Thưởng phục kích ở huyện Cai Lậy cách Mỹ Tho 25 cây số về phía tây. Có nhiều may mắn chiến thắng vì đây là vùng của một pháo đài du kích mà đa số nông dân có cảm tình với cộng sản từ cuộc chiến tranh chống Pháp.

Mờ sáng, 7 Việt cộng nghĩ là an toàn, đi qua ruộng ngay trước mặt đại đội. Thưởng chờ họ đến cách dưới một trăm mét mới ra lệnh bắn rồi bao vây, bắt sống. Họ chỉ bị thương nhẹ. Thưởng bắt tù binh xếp thành hàng, rút dao Bowie ra và bắt đầu trò chơi ưa thích. Anh ta đi lại trước mặt những người bị bắt, bảo nhẹ nhàng phải nói thật và sẽ không tha thứ nếu có người nói dối. Anh ta vung lưỡi dao lên không rồi đột ngột dang cánh tay, nắm tóc một nông dân trẻ kéo đầu ra sau cắt ngay cổ họng. Anh ta lại đi tới, lui vừa nhẹ nhàng nói muốn biết rõ sự thật trong lúc nạn nhân rúm người trên mặt đất tay ôm cổ co dật. Những tù binh khác bắt đầu run rẩy như Thưởng muốn. Vann không bao giờ nghĩ anh ta sát hại tù binh trước mắt mình. Anh nghĩ anh ta chỉ dọa họ sợ cho đến lúc anh ta cắt cổ nạn nhân đầu tiên.

-   Bảo anh ta ngưng trò thối ấy đi ! Vann kinh ngạc thét lên với Ziegler thay vì với Thưởng.
-   Đấy là cách hỏi của anh ta, Ziegler rùng mình trả lời trong lúc Thưởng cắt cổ người thứ hai.
-   Nhân danh Chúa ! Vann kêu, lần này nhảy tới chỗ Thưởng. Tôi bảo ngưng trò thối ấy !

Thưởng cắt nhanh cổ người thứ ba để chứng tỏ tiếng kêu của Vann không làm anh ta nao núng, múa dao chỉ những người sống sót bảo thẳng vào mặt Vann :

-   Ông muốn giữ chúng à ? Cứ đưa chúng đi đi !

Anh ta không hiểu lời chửi rủa của Vann, lau máu ở lưỡi dao vào quần, cho dao vào bao và bỏ đi.

Một trong bốn người sống sót bị thương ở chân. Máy bay lên thẳng Vann gọi đến để mang tù binh đi chỉ lượn trên đồng ruộng ngập nước mà không đỗ xuống. Thời kỳ ấy do thiếu phụ tùng thay thế, phi công sợ hỏng máy nên không dám cho bánh xe dính bùn. Vann ôm người bị thương trên tay bỏ lên máy bay. Phi công lúc ấy lùi lại làm hai người lăn xuống nước. Tuy chân bị thương, anh Việt cộng ôm lấy Vann đẩy lên và leo lên sau. Ziegler và ba người kia lên theo họ.

Sau chuyến đi ấy, Vann tin rằng những chuyện khác cũng không phải do người ta nói quá lên và việc tra tấn, giết người là những việc thường ngày. Là sĩ quan Mỹ, anh ngần ngại trong việc phê phán đồng minh. Đến cuộc họp cố vấn tiếp đó anh đề nghị không bao giờ để cho những việc bẩn thỉu ấy tung ra ngoài nhưng mỗi lần xảy ra cần cho anh biết và cố gắng ngăn cản họ.

Anh trao đổi những kết luận của mình với Cao và phân tích để ông ta có những biện pháp kỷ luật, tỏ ra với sĩ quan, binh lính là ông lên án những hành động ấy.

Cao lắng nghe Vann, nhận thấy cần làm cái gì đó nhưng không thi hành kỷ luật Thưởng hoặc một người nào khác và không có chỉ thị gì mới về việc đối xử đúng đắn với tù binh. Kết quả duy nhất Vann nhận thấy là Cao cho các sĩ quan biết ông ta không muốn người Mỹ tham dự vào những hành động đáng tiếc. Một số đơn vị có thói quen làm những việc tàn ác khi nghĩ rằng các cố vấn không thấy. Nhưng phần đông, đặc biệt Thưởng và người của anh ta vẫn tiếp tục như cũ.

Vann có báo cáo việc này với Porter và Harkins hy vọng Harkins can thiệp với Chính phủ Sài Gòn. Anh đã dự kiến không trình bày kỹ với Taylor vì có thể kết quả sẽ ngược lại : một viên tướng đi thanh tra không thích những chuyện tra tấn và giết người. Bao giờ ông ấy cũng sợ bê bối với báo chí. Vann thấy nên tập trung vào một nỗi kinh hoàng khác làm anh thương tâm hơn vì đụng chạm đến nhiều người : việc máy bay ném bom và pháo bắn mù quáng vào các làng xóm, giết và làm bị thương nhiều người dân thường, phá hủy nhà cửa, gia súc của họ, lực lượng Sài Gòn sẽ ngày càng mất cảm tình của dân chúng. Vann có một lý do đặc biệt để nêu vấn đề với Taylor, vì Harkins và những sĩ quan cao cấp của không lực đều liên lụy trong vấn đề này.

Porter đã báo động với Vann về cuộc tàn sát dân thường này trong tháng Ba. Bản thân ông, tháng Giêng đến Việt Nam đã trực tiếp thấy những cái chết vô ích. Ông đã tham dự một cuộc đột kích bằng trực thăng vào một xóm nhà ở Đồng Tháp Mười. Người ta bảo với ông đây là một “làng Việt cộng”. Trước khi các trực thăng đỗ xuống, máy bay ném bom đã tấn công để uy hiếp tinh thần Việt cộng và ngăn cản sự chống cự. Chiến thuật “dội bom trước” đã cũ và được sử dụng lại vào cuối chiến tranh Triều Tiên.

Khi Porter nhảy từ trực thăng xuống cùng những toán tấn công ông không thấy một Việt cộng nào mà chỉ những xác ông già và đàn bà giữa những đổ nát bị bom napalm thiêu cháy. Ông nghe tiếng kêu giữa cột kèo nhà gãy đổ đang cháy : một đứa bé nằm trong bùn gào khóc đòi mẹ. Porter không thấy được người mẹ, chắc bà đã chết hoặc bị vùi lấp đâu đó và đứa bé được đưa đến trại trẻ mồ côi. Không có một Việt cộng nào trong vùng, không một hố cá nhân hoặc dấu hiệu gì chứng tỏ họ vừa ở đấy. Xóm này chắc chắn dưới sự kiểm soát của những người cộng sản cũng như toàn vùng; mặt khác không thấy có một thanh niên nào. Nhưng rõ ràng không một Việt công nào ở trong xóm lúc máy bay ném bom hoặc họ đủ kinh nghiệm để bỏ trốn an toàn khi thấy máy bay thám thính tới. Bom đạn chỉ giết hại đúng những người mà Porter nghĩ đến Việt Nam là để bảo vệ họ chống cộng sản.

Vann chia sẻ lý tưởng của Porter. Một quân nhân trong danh dự và ý thức về nhiệm vụ không giết hại hoặc làm bị thương những người dân thường. Qua những đợt khảo sát trong khu vực sư đoàn, ngay cả trước khi nhận quyền chỉ huy anh nhận thấy Porter không nói quá. Trong năm đầu ở Việt Nam,, Vann đã ít nhất 15 lần chứng kiến những người già, đàn bà và trẻ con bị các đợt ném bom giết hại. Mỗi lần như vậy những cái chết thật vô ích.

Đại úy Bình, đồng sự với Drummond, nhớ lại một sự kiện xảy ra ở tỉnh Biên Hòa phía nam Mỹ Tho. Sau một đợt máy bay tấn công, một số nông dân bị chết và một người đàn bà bị thương nặng. Vann gọi ngay trực thăng đưa bà đến bệnh viện. Bình thấy anh đỡ bà trên tay đưa tới máy bay, từ từ nâng bà lên cửa để hai người trong đội bay đặt bà vào cáng. Khi phi công nổ máy bay lên, Vann quay lại, Bình nhận thấy áo sơ mi và quần anh đầy  máu của người bị thương. Bình nghĩ “Đấy là một người Mỹ thực sự quan tâm đến người khác. Không một sĩ quan Sài Gòn nào làm điều ấy”. Anh tiến đến xin lỗi Vann nhưng họ chỉ nhìn vào mắt nhau vì Bình quá cảm động không nói được lời nào.

Những người chết hoặc tàn tật ấy vì ý muốn hoặc vì sức mạnh, làm Vann điên giận : không những việc ấy trái ngược với lý tưởng, nó còn là một cách tệ hại dẫn dắt cuộc chiến tranh này. Cuộc chiến tranh chống du kích đòi hỏi phải làm chủ chặt chẽ phi pháo. Anh tự nhủ không có bất cứ một người Mỹ nào có thể hình dung những nông dân Việt Nam mất đi người thân trong gia đình, bạn bè, nhà cửa lại không nổi giận như nông dân Mỹ, trong những trường hợp tương tự. Những người Việt Nam này có một giải pháp : trung thành với một chính phủ và quân đội khác để trả thù.

Vann khó tin được sự tách biệt hoàn toàn khi tự do thả lỏng cho máy bay ném bom và pháo binh. Chỉ một phát súng bắn tỉa đủ làm cả một tiểu đoàn dừng lại và đại úy chỉ huy đòi hỏi máy bay tấn công hoặc pháo bắn chặn vào làng xóm có người bắn tỉa đó. Vann lấy việc đó giải thích cho viên đại úy và Cao. Thật là kỳ cục để một phát súng bắn lẻ chặn được cả một tiểu đoàn và thực sự là tội ác khi qua đó triệt hạ cả một làng. Tại sao không co một tiểu đội đi vòng bắt người bắn, làm cho anh ta sợ hoặc giết đi trong khi cả đơn vị cứ tiến lên ? Dân chúng cần đội quân bảo vệ chứ không phải để tiêu diệt họ.

Các tỉnh trưởng và quận trưởng bố trí móc-chi-ê và súng cối 105 theo cách có thể quay tròn 360 độ và bắn được mọi hướng. Trong một đợt hành quân, Vann ở lại chậm trong lều chỉ huy để cập nhật những sự kiện trong ngày. Anh chỉ một mình với sĩ quan trực và mấy người lính. Một tiếng nói vang lên trong máy bộ đàm. Sĩ quan trực cầm máy, trao đổi ngắn, đến chỗ bản đồ xác định cái gì đó rồi quay lại máy trả lời.

-   Có gì xảy ra thế ? Vann hỏi.
-   Quận trưởng hỏi chúng ta có quân lính trong xóm này không. Anh kia chỉ một điểm ở bản đồ trả lời. Một nhân viên của ông ta bảo có Việt cộng ở đấy và ông muốn bắn pháo vào.
-   Anh trả lời ông ta thế nào ?
-   Tôi bảo chúng ta không còn ai ở đấy.
-   Thế ông ta không kể đến những dân trong xóm đó sao ?

Người sĩ quan nhún vai. Cách đấy mấy cây số, mócchiê bắt đầu dội vào trong đêm.

Vann phát hiện ra đấy là cách làm thông thường trong toàn khu vực Sư đoàn 7. Các tỉnh trưởng, quận trưởng có quyền nã pháo vào các hướng bất kể ngày đêm. Thậm chí họ không cần đến báo cáo mơ hồ của một nhân viên mật tố giác hôm trước hoặc hôm kia có một số Việt cộng ở một xóm bên cạnh. Vả lại Vann nhận xét, những nhân viên mật ấy tỉnh trưởng tuyển dụng theo ngân sách riêng, trả tiền theo số báo cáo, không bao giờ báo để bom đạn dội xuống những làng có gia đình họ sống. Ngoài ra các sĩ quan Sài Gòn vận dụng theo cách riêng của mình chiến thuật tàn sát và câm đoán. Tùy theo trạng thái tinh thần của họ, các tỉnh trưởng hoặc các chỉ huy quân đội Nam Việt Nam chọn một địa điểm trên bản đồ, chỗ lội qua con ngòi hoặc con sông, một ngã tư đường, một rặng dừa hoặc bất cứ chỗ nào họ cho rằng Việt cộng lúc đó có ở đấy. Và họ ném bom, bắn pháo vào những mục tiêu ấy. Không một quan sát viên nào chỉnh, sửa đường bắn. Pháo binh tính hướng và tầm bắn trên bản đồ. Nhưng rất khó bắn trúng mục tiêu nếu chỉ dựa vào bản đồ, hơn nữa những tài liệu cũ của Pháp họ sử dụng nói chung đã sai lạc; những xóm làng hoặc mục tiêu họ chọn không còn trên bản đồ nữa. Cách bắn hoàn toàn không hợp lý hình như không làm các sĩ quan Sài Gòn bận tâm, vì đã không có biện pháp nào khác sau khi Vann chỉ trích những sai lầm ấy.

Trừ một số người như Bình, không ai có vẻ hối hận khi đạn bom đánh vào những người dân chứ không phải Việt cộng như thường vẫn xảy ra. Dù sao Vann cũng thuyết phục được Cao không dội bom trước khi tấn công bằng máy bay lên thẳng : vừa làm hỏng tác động bất ngờ vừa vô ích vì Việt cộng sẽ bị chấn thương vì máy bay đến bất ngờ. Ngoài điều đó, anh có lập luận, trách cứ, kêu van mấy cũng không hiệu quả. Cao và các sĩ quan khác trả lời với Vann những nạn nhân là người xấu, là thân nhân Việt cộng. Các chỉ huy tiểu đoàn bị Vann chửi rủa vì đã triệt hạ một làng và dân chúng, dẫn anh đến xem một cây to có găm cò hiệu Việt cộng hoặc một khẩu hiệu tuyên truyền viết trên tường một ngôi nhà. John Vann đến Việt Nam để chiến đấu với những chiến binh khác chứ không phải với bố, mẹ , vợ con họ. Việc những người đó là bà con của những người  nổi dậy – và chắc chắn có cảm tình và giúp đỡ họ - không vì thế mà mất đi danh nghĩa những người dân thường. Đáng lẽ Chính phủ Sài Gòn phải cố gắng tranh thủ họ bằng cách đối xử công bằng để rồi họ thuyết phục con trai hoặc chồng họ rời bỏ hàng ngũ cộng sản.

Vann kết luận Cao và các sĩ quan Sài Gòn muốn giết những người ấy, phá nhà, giết gia súc, không phải một cách có hệ thống mà thường để làm họ sợ. Lý thuyết bình định của họ nhằm khủng bố nông dân để họ không giúp quân nổi dậy. Cũng vì thế mà Cao và các nhà chỉ đạo dân sự không làm gì để ngăn chặn những hành động tra tấn và bắn giết. Họ cho như vậy là có ích. Thái độ của họ chứng tỏ “Phải cho những kẻ ấy một bài học, chỉ cho họ thấy chúng ta mạnh và cứng rắn đến mức nào”. Câu trả lời Vann nhận được của Cao khi anh chỉ trích những cuộc dội bom đạn mù quáng là phi pháo nói lên sức mạnh của chính phủ và nó buộc dân chúng phải kính trọng.

Khi Porter và Vann đề nghị Harkins phản đối việc tàn sát đó họ thấy ông ta cũng có tầm nhìn hạn chế như những người Việt. Thay vì dùng ảnh hưởng của mình để ngăn chặn những cuộc dội bom, ông ta vẫn tạo điều kiện cho họ làm. Porter và Vann sững sờ vì thất bại của mình.

Viên tướng tư lệnh đến vùng đồng bằng để có những cuộc họp ngắn chỉ thị cho tổng hành dinh hoặc các thủ phủ. Ông đi trên một chiếc máy bay hai động cơ dành cho các sĩ quan cao cấp. Thân máy bay sơn trắng để khác biệt với màu xanh của Không quân. Buồng chính bố trí 8 chỗ ngồi với bàn xếp để làm việc hoặc ăn uống, phía sau là một quầy rượu nhỏ. Harkins cẩn thận giữ gìn cốt cách lịch sự nhà binh. Porter hầu như luôn luôn là người đi cùng nhân danh sĩ quan Mỹ cao cấp nhất trong vùng. Thường Harkins cũng mang theo một sĩ quan Sài Gòn, khi ông đến vùng Sư đoàn 7. Vann và Cao được đề nghị cùng đi.

Bay trên một vùng do Việt cộng kiểm soát, Vann và Porter lưu ý Harkins về những dấu hiệu có mặt họ : đường hầm đào xuyên đồng ruộng để ngăn mương ngòi, sự đổ nát của một đồn tiền tiêu. Khi họ trải bản đồ, Cao và sĩ quan Sài Gòn chỉ vị trí một “làng Việt cộng” hoặc một “xưởng vũ khí” và nói thêm “Phải dội bom vào đấy”.

Biết Porter và Vann phản ứng, Harkins bèn hỏi ở những nơi ấy có dân thường không.

-   Không, không, chúng đều là Việt cộng, Cao trả lời.
-   Chúng đã hoàn toàn bị cộng sản mua chuộc, sĩ quan Sài Gòn nói thêm. Sau đó khi chỉ có họ với nhau, Vann và Porter giải thích cho Harkins làng cho là “làng Việt cộng” cũng giống như tất cả những làng của nông dân vùng đồng bằng. Những người Việt cộng đi qua đó để nghỉ đêm và có thể còn lại vài người làm quận trưởng lo ngại. Nhưng nếu dội bom nhiều cơ may họ sẽ thoát khỏi. Họ có những hầm kín dưới đất, sẽ nhảy vào khi máy bay xuất hiện. Nhưng hàng trăm người dân khác thiếu chuẩn bị hơn, hoảng sợ và sẽ bị sát hại. Việt cộng hướng dẫn nông dân đào hầm dưới nền nhà phủ rơm dùng làm giường. Như vậy họ có một chỗ ở chắc chắn tại chỗ nếu nhà cửa không bị dội bom napalm hoặc lân tinh đốt cháy.

Về “xưởng vũ khí” Cao chỉ trên bản đồ, Vann và Porter giải thích, qua những thông tin nhận được, trong làng ấy Việt cộng có chế tạo súng với những ống mạ kẽm, nhưng “xưởng” là một túp lều giống như những lều khác. Hoàn toàn may rủi nếu túp lều ấy trúng bom trong đợt dội bom vào làng.

Harkins khó chấp nhận được những điều họ nói. Ông nhìn họ và không tin khi họ khẳng định Cao và sĩ quan Sài Gòn nói dối. Ông ta có cảm tưởng những từ “làng Việt cộng” và “xưởng vũ khí” gợi lên cho ông những hình ảnh trong Thế chiến thứ hai với một trại lính Đức lớn và một xưởng vũ khí khổng lồ. Vì Harkins không bao giờ đi với bộ binh, ông ta không thể nhận thấy những hình ảnh ấy sai khác đến mức nào. Vann và Porter cũng không thuyết phục ông được, theo lối nói của Vann những cuộc dội bom “giết chết nhiều, rất nhiều dân thường hơn Việt cộng và kết quả là củng cố hàng ngũ những người nổi dậy”. Harkins bỏ ngoài tai những lời phản đối của hai người và những ngôi làng bị dội bom. Ông ta cũng không kìm hãm đạn pháo, điều mà ông dễ dàng làm khi trang bị vũ khí cho quân lính Sài Gòn.

Các cố vấn Mỹ của hai sư đoàn khác của Quân đoàn cũng đánh giá như Porter và Vann, những cuộc dội bom rất tai hại về mặt chính trị và vô ích về quân sự. Một trong bọn họ là một nhân vật có thế lực, nói chung quan điểm có trọng lượng đối với cấp trên : trung tá Jonathan Fred Ladd, cố vấn Sư đoàn 21 bộ binh quân đội Nam Việt Nam ở phía nam vùng đồng bằng. Bố ông là thiếu tướng, trước kia là bạn và là cấp trên của Eisenhower và Westmoreland. Bản thân Fred Ladd đã là trưởng ban tham mưu của Mac Arthur thời gian đầu chiến tranh Triều Tiên và được tặng thưởng huân chương.

Harkins coi trọng những lập luận của Ladd trong những vấn đề khác nhưng không nghe ý kiến về những nạn nhân dân thường của những trận bom.

Những cuộc bàn cãi bao giờ cũng kết thúc cùng một cách. Khi Cao hoặc một sĩ quan Sài Gòn nêu lên vấn đề “một xưởng vũ khí Việt cộng” hoặc các mục tiêu tương tự, Harkins chứng tỏ sự đồng ý, nói với một giọng đe dọa hơn là hỏi “ Thế thì các ông chờ gì mà không xóa chúng trên bản đồ ?”. Ông cho Porter và Vann hiểu ông đã chán ngấy những than phiền về dân thường, bị thiệt hại nhưng vẫn lịch sự lắng nghe họ.

Đấy không phải trường hợp của thiếu tướng Rollen “Buck” Anthis, người phi công hoạt bát chỉ huy toàn bộ Không lực Hoa Kỳ. Tên của Porter bị bêu xấu ở tổng hành dinh Sư đoàn 2 Tân Sơn Nhất. Không lực Hoa Kỳ có ảnh hưởng nhiều hơn những quân lực khác đối với đồng sự Sài Gòn để xây dựng một lực lượng không quân Mỹ - Việt. Trung tâm hành động Tân Sơn Nhất kiểm soát tất cả các phái bộ Nam Việt Nam thực tế nằm trong tay những sĩ quan Mỹ. Tướng Anthis lúc đầu cho rằng những than phiền của Porter là thổi phồng và chỉ có một số tình huống riêng lẻ. Tuy ở cấp tá, Porter không sợ trực tiếp với viên tướng. Ông mời Anthis đến thực địa xem xác đàn bà, trẻ con bị phi công giết hại. Viên tướng lần đầu phản ứng giận dữ và có thái độ ngày càng cừu địch. Họ xoay quanh những lập luận ấy. Anthis công nhận có thể có một số người vô tội bị chết nhưng đó là thảm kịch không thể tránh khỏi của chiến tranh và dù sao mọi người đều biết chiến tranh là điều đáng phỉ nhổ ! Porter đáp lại không phải chỉ một số dân thường mà một số lớn hơn nhiều và đây không phải là một cuộc chiến bình thường. Anthis trả lời chính Porter phóng đại ; chỉ huy không quân Việt Nam và những sĩ quan quân đội nói với ông người chết phần lớn là quân nổi dậy và những cuộc dội bom đã gây thiệt hại nhiều cho cộng sản. Porter lại nói người ta đã lừa dối thiếu tướng, cố gắng thuyêt phục ông này với báo cáo của Vann giải thích những cuộc dội bom có nguy cơ ném “những người ấy vào tay Việt cộng”. Anthis không cho rằng việc ném bom gây lợi thế cho cộng sản. Porter tiếp tục bảo nếu Anthis không sợ sự thật, tại sao không đi xác nhận thực địa các nạn nhân bị máy bay giết chết ? Anthis bèn lùi lại với một lập luận pháp lý : bản thân ông cũng như các sĩ quan của ông không ai có sáng kiến ném bom. Những cuộc tấn công bằng máy bay đều do yêu cầu chính thức của chính quyền địa phương, những sĩ quan chịu trách nhiệm về quân lực Nam Việt Nam, những tỉnh trưởng và quận trưởng.

-   Nhưng nếu ông nghĩ nạn nhân sẽ là đàn bà, trẻ con và người già, ông sẽ không chấp nhận những đề nghị ấy, đúng không ? Porter cố gặng.
-   Không. Nhưng không phải chúng tôi đòi hỏi những cuộc tấn công đó. Chính những người Việt Nam. Anthis trả lời.

Ông ta dựa vào cách đó và cứng cỏi đến mức nổi giận để kết thúc cuộc tranh cãi. Không bao giờ ông nhận lời Porter đi thực địa nữa.

Porter chỉ là đại tá, cố vấn một Quân đoàn, không đương đầu nổi với một viên tướng không quân. Anh không như Vann. May cho anh, anh không có dịp đối đầu với Anthis vì anh sẽ không ở lâu trên cương vị cố vấn Sư đoàn 7. Anh hiểu sâu vấn đề. Mỗi một lực lượng đều muốn đóng vai trò lớn nhất có thể được ỏ Việt Nam từ khi tổng thống Kennedy đưa Hoa Kỳ can thiệp vào chiến tranh. Vị trí của Không lực sẽ tăng tỉ lệ thuận với việc dội bom. Nếu người ta hạn chế sức mạnh của nó như phải làm, nó sẽ không làm được việc gì đáng kể nữa trong cuộc chiến này. Lợi ích riêng của Anthis cũng như của lực lượng ông là phải nghĩ những cuộc dội bom tạo thuận lợi cho mọi cố gắng chiến tranh, cho nên ông ta tin. Giáp mặt với xác chết đàn bà và trẻ con sẽ là sự ức chế nhiệt tình của mình. Vann không qui trách nhiệm cho Không lực. Người sai lầm là tướng Harkins đã không hiểu bản chất của cuộc chiến tranh và không kìm hãm xu hướng tự nhiên của tội ác.

Việc ném bom mỗi tháng càng ác liệt dần khi Anthis và ban tham mưu của ông tăng cường sức mạnh không quân Mỹ - Việt. Cuối năm 1961, Không quân Sài Gòn có 70 máy bay. Đến tháng Chín năm 1962 số lượng ấy tăng lên gấp đôi, phi công có thể là Mỹ hoặc Việt. Lực lượng Không lực Hoa Kỳ có 70 máy bay ở tiểu hạm đội Biên Hòa và những đơn vị khác. Số lượng phi công Mỹ ở Việt Nam cũng tăng với nhịp điệu ấy : tháng Mười hai năm 1961 có 400, tháng Chín 1962 lên 2.000, bằng một phần ba quân số Sài Gòn, khoảng 6.500. Mánh lới sơn máy bay B-52 và T – 28 theo màu sơn Không lực Việt Nam che đậy sự phát triển lực lượng không quân Mỹ. Các nhà báo không thể nhận thấy vì bị cấm vào khu vực sân bay Biên Hòa với lý do đây là một “căn cứ Việt Nam” và Chính phủ Sài Gòn không cho phép. Vann theo rõi sự tăng trưởng ấy qua số lượng tăng nhanh các “chuyến bay” và khối lượng tăng liên tục về bom, đạn rốc két, napalm mà máy bay trút xuống. Các chuyến bay thực tế tăng gấp bốn lần, từ 251 trong tháng Giêng 1962 lên 955 vào tháng Tám và không một dấu hiệu nào chứng tỏ đường cong ấy đổi hướng.

Theo thủ tục bàn giấy cổ điển, Anthis và ban tham mưu sáng tạo ra những mục tiêu để giữ vững sự phát triển của các phi đoàn. Do những dịp tấn công các đơn vị Việt cộng được xác định hạn chế vì tính chất cuộc chiến tranh, một loạt mở rộng “những mục tiêu xây dựng trước” được tưởng tượng ra : “ những nơi tập trung Việt cộng, tổng hành dinh, các kho vũ khí, các xưởng sản xuất vũ khí” thực ra là những nơi Cao gọi là “làng Việt cộng”. Trong báo cáo từng cuộc hành quân, tất cả những gì được dựng lên đều được gọi là “khối nhà” để tránh phân biệt giữa những lều lán Việt cộng, nhà ở nông dân hoặc chuồng lợn của họ. Đồng thời danh từ ấy thỏa mãn cánh bàn giấy muốn chứng tỏ những cuộc dội bom có kết quả rõ qua số lượng “các khối nhà” bị cháy hoặc phá hủy. Dĩ nhiên những báo cáo chính thức đều ghi tất cả là những “khối nhà Việt cộng”. Trong tháng Chín máy bay ném bom làm nát vụn bình quân mỗi tuần lễ một trăm, theo Vann có thể quan sát trong khu vực mình, phần lớn là những nhà tranh của nông dân.

Luật lệ quy định ở nơi nào và lúc nào có một cuộc tấn công bằng máy bay cho phép kẻ quan sát trên máy bay L-19 quyết định ai chạy trốn đều là Việt cộng. Cảm giác ghê rợn do máy bay rú trên đầu kích động phần lớn nông dân dù đàn ông, đàn bà và mọi lứa tuổi phải bỏ chạy. Kẻ quan sát gọi điện cho máy bay “Đã trông thấy Việt cộng” rồi chỉ mục tiêu. Sau khi nã súng làm tan tác những người chạy trốn, quan sát viên và phi công đếm số người chết hoặc xem như đã chết và viết báo cáo. Số lượng những “người bị máy bay bắn chết” tự khắc được tính là Việt cộng cộng thêm vào số người chết mà ban tham mưu của Harkins đánh giá, làm cơ sở cho kết luận tiến triển thuận lợi của chiến tranh. Vann nghĩ ra một lời khinh bỉ gọi những kẻ quan sát “vua của những kẻ giết người”.

Anh cho rằng nghiên cứu Việt cộng cũng có lợi. Những người cộng sản Việt Nam anh đã nghĩ hình như độc ác, không có tình thương. Từ đầu người ta đã nói với anh họ tra tấn chém giết tù binh cũng độc đoán như quân đội Sài Gòn. Anh phát hiện thấy nó không đúng sự thật, và dù họ khá đạo đức giả để thường vi phạm lý tưởng của họ, cấm tra tấn hành hạ, thì họ cũng làm có chọn lọc. Triết lý của họ đối với tù binh cũng đơn giản. Họ có thể hạ sát những người bị thương trầm trọng vì không cứu chữa được. Những người què cụt hoặc bị thương nhẹ được chia làm hai nhóm sau khi thẩm vấn : những người Việt cộng nghĩ có thể quy thuận hoặc cải hối, đứng trung lập và những người họ cảm thấy vẫn luôn thù địch. Những người sau này, nói chung là sĩ quan, hạ sĩ quan, thường bị sát hại , một số có tra tấn. Những người khác đều được giáo dục lại trong những trại tập trung bí mật, ở các vùng xa. Chế độ giáo dục là làm việc, học sách, học chính trị và ăn uống tổi thiểu. Việc tập trung như thế trung bình kéo dài ba đến sáu tháng rồi tù binh được trả tự do.

Những người Việt cộng khủng bố với sự phân biệt tương đối. Họ có thể sát hại mù quáng : ném lựu đạn vào đám người xem phim quảng cáo mà cơ quan thông tin Mỹ cung cấp cho chính quyền Sài Gòn, giết hoặc làm bị thương những người qua lại khi tấn công các trụ sở, vợ con lính cảnh sát khi đánh chiếm các đồn tiền tiêu. Nhưng điển hình là họ ám sát có chọn lọc những đại diện chính quyền ở các làng và những người cố bám theo chế độ Sài Gòn. Họ cố giải thích cho nhân dân lý do việc hành quyết. Họ găm vào xác nạn nhân một “thông báo tử hình” kèm theo bảng ghi những “tội ác” của người bị ám sát, nêu cụ thể “đã chồng chất nợ máu đối với nhân dân”. Bản án được Việt cộng xét xử dưới danh nghĩa “Tòa án nhân dân huyện Cai Lậy”. Những người cộng sản Việt Nam tìm cách thuyết phục dân chúng, những đại diện thực sự của pháp luật và trật tự là chính họ chứ không phải chính quyền Sài Gòn. Những bản án tử hình nhằm thực thi pháp luật chứ không phải những vụ ám sát. Việc áp dụng lối khủng bố ấy có hai mục tiêu, làm lung lạc tinh thần của những người chống đối họ trong chính quyền Sài Gòn, vừa chỉ rõ những người cộng sản không làm hại gì những người không chống đối họ và chỉ dùng đến việc xử tử khi đã thuyết phục không hiệu quả. Nguyên lý ấy vừa thắt chặt họ với nông dân vừa gây nên cho quần chúng có cảm giác yên ổn khi có Việt cộng bên mình. Khi một đơn vị quân thường trực hoặc điạ phương dừng lại trong một làng, quân lính cư xử thật tốt, không bao giờ lấy trộm hoặc hành hạ phụ nữa như quân lính Sài Gòn, họ trả tiền mua thực phẩm và giúp dân làm ruộng.

Những mất mát bắt đầu từ ngày mồng 5 tháng Mười năm 1962, ba tuần lễ sau khi Taylor trở về Hoa Kỳ, mang ấn tượng về những tiến bộ từ một năm nay của cuộc chiến. Hôm ấy sư đoàn tổ chức một cuộc hành quân trong vùng du kích kiểm soát ở ven đồng bằng Tháp Mười phía tây Mỹ Tho , đột kích tiểu đoàn 514 Việt cộng.

Việc trực thăng đổ quân tiến hành không có trở ngại gì. Một phân đội 40 người thuộc đại đội biệt kích của đại úy Thưởng tiến trên đồng ruộng ngập nước về hướng một xóm khả nghi. Cuộc hành quân này là một phần của kế hoạch Ziegler nhằm thăm dò vùng này, gây sợ hãi làm đối phương chạy lộ liễu. Thưởng chia đại đội thành phân đội để phủ khắp vùng. Mục tiêu phân đội hướng tới là một xóm điển hình của vùng đồng bằng, sau một con kênh dẫn nước tưới ruộng. Con đê khá lớn dọc theo con mương bảo vệ làng xóm tránh lụt được viền một hàng cây to và những bụi cây dày. Khi những phần tử đi đầu của phân đội biệt kích đến cách đê 30 mét, một loạt súng nổ vang. Lính biệt kích không thấy được Việt cộng đang bắn vào mình. Nấp dưới hầm cá nhân đào trong đê dưới hàng cây và được ngụy trang, họ không bị phát hiện từ đồng ruộng và từ máy bay thám thính bay trên đầu.

Bốn mươi biệt kích phần lớn bị giết hoặc bị thương trong loạt súng đầu. Việt cộng nhảy ra khỏi hàng cây, ẩn mình sau những bờ ruộng để tiêu diệt phân đội. Nhờ sự dũng cảm của cố vấn Mỹ trong đại đội, đại úy James Torrence, một chàng trai lực lưỡng hai mươi chín tuổi, đã tránh bị tiêu diệt toàn bộ. Anh tập hợp sau một bờ vùng những người sống sót và bị thương nhưng còn bắn được, đẩy lùi nhiều đợt tấn công của quân địch.

Vann đưa máy bay lên thẳng đến viện trợ ngay nhưng những bộ phận khác của Tiểu đoàn 514 xông tới bắn vào  máy bay. Hai chiếc trúng rất nhiều đạn phải hạ cánh bị gặp nạn. Một trong hai chiếc ấy có Vann. Những loạt súng tự động bắn hạ hai người lính Mỹ bắn súng máy và giết hoặc làm bị thương đa số lính Việt Nam trên máy bay. Vann thoát nạn, chỉ bị xây xát vì mảnh đạn. Anh bắn hết băng đạn vào Việt cộng và kêu vài người lính sống sót kéo những người bị thương. Trong lúc một Việt cộng cố hạ anh, bắn thủng thân máy bay, anh phải trở lên đầu máy hãm động cơ mà anh phi công trẻ vẫn để thế trong lúc hoảng sợ nhảy xuống đất chạy trốn. Sau này gửi cho Mary Jane mảnh báo đăng ở báo quân đội Viễn Đông, anh ghi bên cạnh bài viết về máy bay lên thẳng “Ba mươi mốt viên đạn. Anh đã là trong số người bị hạ lần đầu”. Khi trở về phân đội anh chỉ thấy Torrence và sáu biệt kích nguyên vẹn : mười bốn người chết và hai mươi người khác bị thương. Vann đề nghị thưởng Ngôi sao đồng cho Torrence vì lòng dũng cảm nhưng bị từ chối vì tổng thống Kennedy cấm khen thưởng trong năm 1962 ở Việt Nam. Dù vậy sau ba năm Vann cũng đề nghị cho anh này được phần thưởng ấy. Torrence chết chín năm sau đó, ở chức vụ thiếu tá, khi máy bay lên thẳng của anh bị bắn hạ cũng ở đồng bằng sông Cửu Long trong lúc anh làm việc cho Vann.

Máy bay ném bom tấn công bằng napalm và rốc két. Nhưng lần này Việt cộng không hoảng sợ. Họ náu mình dưới hầm cho đến khi có thể trật tự rút lui, len lỏi qua các bụi cây. Họ mang theo đồng độ chết hoặc bị thương, sau khi đã cẩn thận nhặt vỏ đạn rỗng bằng đồng để sau này cho thuốc súng làm đạn mới.

Vann thấy hiệu năng của họ rất đáng lo ngại. Một số chỉ huy Việt cộng dạy người của họ không để sợ hãi lấn át lý trí, cần xoay sở chiếm lấy phần thắng. Thời kỳ chiến tranh dễ dàng đã qua. Sư đoàn 7 bắt đầu phải sử dụng bộ binh. Nhà báo David Halberstam vừa tới Việt Nam, là phóng viên NEW YORK TIMES, đi cùng một tiểu đoàn khác của sư đoàn, khá gần để nghe tiếng súng liên thanh và thấy máy bay bổ nhào. Tối hôm đó, trong cuộc họp Vann giải thích cho anh cách đánh vừa qua chứng tỏ Việt cộng bây giờ đã biết làm thế nào để hạn chế kỹ thuật công nghệ Mỹ đem lại cho quân đội Sài Gòn. Những tù binh Việt cộng cho biết các sĩ quan lưu ý nếu họ bắn đồng loạt vào máy  bay lên thẳng, họ sẽ hạ được chúng. Lập luận ấy có hiệu quả. Trong tương lai, những người lính bình thường ít sợ hãi hơn. Thái độ ấy cũng làm tăng uy tín của họ đối với nông dân vốn sợ hãi “những con chim sắt to lớn” như họ gọi.

Tổng cộng trong sư đoàn có 20 người chết và 40 người bị thương. Những tổn thất ấy không đáng kể so với tổn thất trong tương lai và không quá nghiêm trọng qua bản tổng kết những trận đánh bộ binh trong bất cứ cuộc chiến tranh nào. Nhưng vẫn là nghiêm túc so với những con số không đáng kể của những cuộc hành quân trước đây của sư đoàn, khi rất nhiều Việt cộng bị giết.

Cao hành động tốt hơn Vann nghĩ. Ông ta xác định tình huống xảy ra không làm chậm nhịp độ những cuộc hành quân tấn công. Chỉ cần “khôn ngoan hơn” trong tương lại. Vann nhận ra sự cần thiết phải đề phòng, đặc biệt trong vùng có cây cối. Kể từ nay mỗi đơn vị phải có người đi trước thăm dò địa hình. Vann tự nhủ Cao bây giờ phải tiếp tục kinh nghiệm và ông ta ít nóng nảy hơn lần sau khi họ gặp một hoàn cảnh khó khăn. Anh nhớ lại sự nghiệp của mình đã không bị ảnh hưởng bởi sự thiệt hại ấy. Mặt khác phải qua một thời gian trước khi những tiểu đoàn Việt cộng khác học được cách đánh nhau tốt  như 514. Ngoài ra, trận tàn sát của xe bọc thép ngày 18 tháng Chín, trước đó chỉ hai tuần rưỡi, đánh một đòn vào tinh thần, làm chậm sự phát triển của Việt cộng.

Ba ngày sau khi đại đội biệt kích bị phục kích, một đại đội lính bảo an của tỉnh khác đụng đầu với một đơn vị chủ lực Việt cộng và bị chết 18 người. Họ cố gắng chống trả và tính sổ được 18 xác Việt cộng. Cao không hành động gì : đấy không phải một cuộc hành quân của sư đoàn ông nên ông không có trách nhiệm.

Rồi tai họa xảy đến. Hôm sau Cao mời Vann đến gấp. Ông ta kinh hoàng cho biết sáng nay vừa được Diệm triệu tập về phủ tổng thống để giải thích những mất mát trong hai trận đánh. Họ cùng nhay chuẩn bị lời trình bày mà Cao học thuộc lòng trước khi lên máy bay đi Sài Gòn vào mờ sáng hôm tiếp đó. Vann cho rằng Cao có thể tự bảo vệ được. Cuộc phục kích là một bài học nặng nề mà quân lính phải rút kinh nghiệm. Và Diệm không trách cứ gì được ông ta về trường hợp của quân bảo an.

Sau đó Cao kể lại với Vann ông ta không thể giải thích gì. Ông vào đến tiền sảnh của văn phòng Diệm và mong được tiếp đầu tiên. Một trợ lý bảo ông chờ. Những người khác vào gặp tổng thống rồi đi ra. Cao ngồi suốt ngày trong một góc. Không ai đề nghị ông đi ăn trưa. Cuối buổi chiều người trợ lý đưa ông vào gặp người ông đã gọi là “hoàng đế của tôi”.

Diệm không ghê tởm tranh cãi khi ông ta thấy mình lợi thế. Ông nổi tiếng về độc thoại, se dụng thủ thuật này với thuộc hạ có vấn đề và với các sĩ quan Mỹ có thể đưa ra những câu hỏi rắc rối. Ông nói liền nhiều giờ, không biết đến ý khách muốn ngắt lời mình , vừa hút liên tiếp loại thuốc lá nội đại giống như thuốc Gauloises xanh. Bằng cách ấy ông không thể bị phản bác. Cao chịu đựng cuộc độc thoại nặng nhọc này. Diệm trách mắng ông ta nghe các cố vấn Mỹ quá nhiều và chuốc lấy nguy hiểm trong những cuộc hành quân tấn công. Kết quả là bị mất mát quá nặng. Nếu muốn trở thành tướng, chỉ huy một Quân đoàn như đã manh nha khả năng ấy thì phải khôn ngoan hơn nhiều. Cao bị trả về không được ăn bữa tối.

Trở về Mỹ Tho, Cao từ bỏ hệ thống mà Vann đã nghiên cứu tỉ mỉ kèm theo một kế hoạch chi tiết. Ông ta hoàn toàn không quan tâm đến tài năng của Ziegler, đến những cuộc hội ý mà trước đây ông hoan nghênh nữa. Ông tự mình chuẩn bị tất cả những cuộc hành quân đến từng chi tiết và đến phút chót Vann mới phát hiện ra. Cao thể hiện sự khôn ngoan đến mức suốt 14 cuộc tấn công sau đó, từ giữa tháng Mười đến tháp Chạp, chỉ có 3 người lính bị chết và theo báo cáo, trong những tình huống “tình cờ”. Ông ta sử dụng dịch vụ thông tin vào mục đích Vann và Drummond không bao giờ ngờ tới : những thông tin giúp ông tấn công vào chỗ chắc chắn không có Việt cộng. Để tránh mọi rủi ro, ông dự kiến trong kế hoạch tấn công một lối ra dế khám phá qua đó Việt cộng có thể chạy thoát trong trường hợp có vài người ngẫu nhiên ở trong vùng này. Faust gọi đó là “lỗ hổng”. Còn vấn đề thiệt hại của kẻ địch, Cao nhân số lượng người chết do máy bay oanh tạc nhiều hơn lên so với trước đây.

Cuối cùng Vann hiểu vì sao Cao luôn luôn từ chối đưa những toán quân dự trữ đi bao vây, tiêu diệt một tiểu đoàn Việt cộng. Cao biết rằng nếu quân nổi dậy bị vây, họ trở lại tấn công và sẽ xẩy ra cuộc chiến giáp lá cà. Một tiểu đoàn thiện chiến của những người cộng sản sẽ bị tiêu diệt hoặc bị cầm tù vì nếu các toán quân Nam Việt Nam thất bại, Cao và Vann có thể tiếp sức bằng máy bay lên thẳng, điều mà những người cộng sản không làm được. Nhưng Cao cũng có những thiệt hại và sẽ rắc rối với Diệm. Ông ta sẽ không bao giờ được thăng cấp tướng và có lẽ sẽ đổ vỡ. Sau khi máy bay lên thẳng và xe bọc thép làm Việt cộng hoảng sợ và máy bay bắn được một số người, dấn thân vào nguy hiểm sẽ khôg có lợi nữa. Bản tổng kết tốt và ông ta chỉ cần có thể để được khen và thăng cấp. Lệnh cho các toán dự trữ không được động tĩnh ngày 20 tháng Bảy do Cao đưa ra chứ không phải do chỉ huy trung đoàn. Có một lời giải thích đơn giản cho thái độ lạ lùng ấy cũng như cho nhiều hành động của phía Việt Nam mà những người Mỹ ngây thơ tưởng rằng là vì họ ngu ngốc, dốt nát hoặc vì “tính cách phương Đông”.

Vann đi sâu vào vấn đề và phát hiện Diệm từ lâu đã bí mật ra lệnh miệng cho Cao và những chỉ huy khác không được lao vào những cuộc tấn công đưa lại những thiệt hại nghiêm trọng, đặc biệt đối với đội quân thường trực như trường hợp ngày 5 tháng Mười. Vann chưa hiểu đầy đủ chế độ để phân tích nguyên nhân. Lý do về căn bản cũng tương đối đơn giản.

Diệm và thân cận xem thiệt hai trong những cuộc hành quân tấn công Việt cộng là lý do chủ yếu của cuộc đảo chính không thành tháng Mười một năm 1960. Gia đình họ Ngô cho rằng sĩ quan dù của quân đội Nam Việt Nam, những kẻ xúi giục làm phản cấu kết với các phần tử chính trị đối lập bất mã bởi những thiệt hại trong chiến đấu. Đối với họ cũng như các nhà chính trị, gia đình họ Ngô tạo điều kiện cho Việt cộng tiến lên. Họ cũng não lòng thấy sĩ quan và quân đội của họ bị hy sinh cho những người như Cao, người mà tổng thống và gia đình bổ nhiệm vào những vị trí quyền lực. Họ Ngô không bao giờ tìm hiểu những nguyên nhân sâu xa của cuộc đảo chính năm 1960 và không chấp nhận một ai dám đương đầu với mình. Họ không học hỏi gì, tin chắc những gì họ làm là đúng đắn và đạo đức. Họ không muốn lại có đảo chính và do đó chống đối những cuộc tiến công mang lại thiệt hại nghiêm trọng.

Tổng thống và gia đình cũng không muốn đưa quân đội Nam Việt Nam ra chiến đấu vì quân đội là chỗ dựa chính của quyền lực. Người Mỹ cho Quân lực Cộng hòa có nhiệm vụ bảo vệ miền Nam Việt Nam, còn đối với gia đình họ Ngô, nhiệm vụ chính của nó là bảo vệ chế độ ; việc tồn tại của chế độ được ưu tiên cao nhất. Để cho Quân lực Cộng hòa gặp rủi ro trong chiến tranh là làm Chính phủ lâm nguy. Việc kiểm soát quân đội cho phép họ đè bẹp những người đối lập không cộng sản. Họ nghĩ dù phần lớn đất đai miền Nam Việt Nam có vào trong tay những người cộng sản, một đội quân nguyên vẹn cho phép họ đứng vững khá lâu ở Sài Gòn và một số trung tâm lớn chờ Washington gửi quân đội Mỹ và Hải quân đến cứu. Họ khẳng định Hoa Kỳ, sức mạnh lớn nhất trên thế giời không thể để chính phủ chống cộng sản của họ rơi vào tay những nhà lãnh đạo Hà Nội. John Stirling, phóng viên tờ Times của Lon Don ở Sài Gòn năm 1962, nhận xét tế nhị hơn những người Mỹ hiểu rõ thái độ của Diệm và gia đình, thích lặp đi lặp lại “ Mục đích chính của đất nước này là chống cộng sản”. Họ Ngô Đình không hề nghĩ thái độ của họ phải trả giá rất đắt bằng máu người Việt Nam. Họ sẵn sàng chấp nhận  mọi thiệt hại trong hành động bảo vệ mình vì đó là cách duy nhất giữ được hệ thống các đồn tiền tiêu, cơ sở quyền lực của họ ở nông thôn. Mất mát quan trọng nhất rơi vào những người lính cảnh sát bảo vệ họ. Nhưng họ Ngô không quan tâm đến cái chết của những người nông dân ấy. Chế độ được giữ vững và tính mạng của những người nông dân ấy không đáng kể. Họ có thể được thay thế bằng những lính đánh thuê khác với khoảng một trăm phrăng mỗi tháng chuyển thành đồng bạc. Diệm không xem họ ra gì đến mức cấm họ vào sở ở tỉnh, một loại tập trung mà việc chữa bệnh cho lính cảnh sát thật sơ đẳng. Ở đấy thiếu thuốc men do nhân viên lấy bán ra ngoài. Chấy rận và hố xí ngoài trời làm ô nhiễm môi trường. Ngược lại, đối với tổng thống và gia đình, một đội quân thường trực đảm  bảo cho họ đương đầu với mọi hoàn cảnh.

Vann cố gắng thuyết phục Vao sự cấm đoán của Diệm thật vô lý về mặt quân sự : những người cộng sản sẽ thắng trong cuộc chiến nếu quân đội Nam Việt Nam không chịu đương đầu và bổn phận của Cao phải nói lên điều đó với tổng thống. Vann không biết hết sự khôn khéo của người đối thoại đã biến thành hợp lý những gì có lợi cho ông ta và anh còn quá tin vào sự kiêu căng của Cao. Ông ta chuyển hóa sự từ chối chiến đấu bằng một vỏ bọc thiên tài. Ông gửi một bức thư cho toàn sư đoàn ngày 31 tháng Mười năm 1962 nhân kỷ niệm lần thứ Bảy ngày thành lập sư đoàn, trong đó ông so sánh sự chỉ huy của ông ở miền Bắc vùng đồng bằng với sự chỉ huy của tướng Võ Nguyên Giáp ở Điện Biên Phủ. Theo tuyên bố của Cao, tướng Giáp là người bị thiệt hại lớn “ Năm 1954 ở Điện Biên Phủ, chiến thuật của Võ Nguyên Giáp tồi và nhận thức sai đến nỗi hàng nghìn người dân và binh lính chết một cách vô ích để giành được thắng lợi”.

Khi Vann báo cáo với Porter và Harkins về lệnh bí mật của Diệm. Harkins đến gặp tổng thống để xác định ý kiến. Diệm đã sẵn sàng trả lời. Ông ta biết lập luận của người Mỹ về tính tấn công trong chiến đấu. Đấy là triết lý của họ. Diệm thấy cách đặt vấn đề như vậy là sai. Ông không chấp nhận sự lựa chọn giữa việc đưa quân đội đến chỗ nguy hiểm và thấy cộng sản thắng trong cuộc chiến. Ông cho rằng việc dội bom đạn bằng máy bay hoặc pháo binh có hiệu quả hơn chiến đấu bằng bộ binh. Thực tế đã không một sĩ quan nào theo lý luận của người Mỹ càng củng cố lòng tin của ông. Dĩ nhiên những người đồng ý với các cố vấn không dám mạo hiểm nói ra. Ông ta cũng tin tưởng đã bắt đầu thắng lợi trong cuộc chiến tranh với chiến lược khôn khéo phù hợp với nhận thức của ông về cách khống chế nông dân. Ông tập trung họ vào các “ấp chiến lược”. Người ta xây dựng khắp nông thôn hàng nhiều nghìn trại tập trung có công sự, dây thép gai bao bọc. Người Mỹ tài trợ chương trình bình định này và cung cấp dây thép ga. Diệm nghĩ làm như vậy sẽ tách rời dân chúng với cộng sản, tát cạn nước trong đó con cá nổi lên đã tha hồ vùng vẫy. Với chương trình “ấp chiến lược” sẽ không cần bộ binh chiến đấu nữa.

Diệm và gia đình tăng cường thói quỷ quyệt trong quan hệ với người Mỹ. Họ không ngần ngại thể hiện sự bất đồng khi đối đầu có lợi cho họ. Họ phát hiện thấy người Mỹ nhạy cảm với những áp lực và đe dọa bê bối. Họ cũng hiểu cách tốt nhất để lợi dụng các đại sứ Mỹ, rằng tướng lĩnh và nhân viên CIA thường đồng tình với họ, nói những gì họ thích nghe là nói dối. Họ Ngô biết những nhân vật quan trọng ấy thường thỏa mãn, sẽ báo cáo với Washington những gì người ta nói với họ, mà không tìm hiểu xem đó có phải là sự thật không.

Khi Harkins hỏi Diệm có đúng ông ta ra lệnh cho các sĩ quan đừng mạo hiểm để thất thoát, Diệm bèn nói dối. Dĩ nhiên điều ấy không đúng, ông ta khẳng định. Ngược lại, ông đã nhấn mạnh với các chỉ huy quân đội và các tỉnh trưởng phải hăng hái hơn, ra lệnh tấn công không ngần ngại quân Việt cộng mỗi khi có thể. Harkins không vặn hỏi. Ông bắt đầu nhận những bảng tổng kết giả về thiệt hại của cộng sản của Cao và chuyển về Washington không ý kiến gì. Vann đề nghị Porter không cho phép Cao sử dụng máy bay lên thẳng để chấm dứt trò hề ấy. Porter bảo Harkins không đồng ý.

Những quan hệ giữa những người bị lợi dụng và những người lợi dụng có ý nghĩa nước đôi. Vann nghĩ đã điều khiển Cao nhưng Cao chỉ làm theo ý mình. Hai tổng thống Mỹ, Eisenhower và Kennedy gửi sang Sài Gòn những người có giá để điều khiển Diệm vì lợi ích của Hoa Kỳ nhưng những người họ Ngô ĐÌnh cứ làm theo ý họ.

Trong tháng Mười một và Mười hai, Vann giận dữ và thất vọng nhận thấy những tiến bộ của những người cộng sản : họ chiếm được nhiều đồn tiền tiêu hơn, bắt được vũ khí hiện đại Mỹ nhiều hơn, phục hồi lại các tiểu đoàn của họ ở mạn bắc vùng đồng bằng. Vann đã mắc sai lầm cùng với Cao như thần tượng của anh, Lansdale cùng với Diệm, người đã đưa anh sang Nam Việt Nam vào buổi đầu cuộc phiêu lưu này.

II
DI SẢN CAY ĐẮNG


“Xem này ! Họ dẫm lên chân tôi!” Trong máy bay đưa ông ta trở lại Sài Gòn, Diệm phấn khởi nói, nhìn đôi giày xây xát và bụi bặm vốn đen nhánh sáng nay.

Ông miễn cưỡng đến đây vì từ trước tới nay ông ta vẫn thỏa mãn cai trị trên bàn giấy phủ tổng thống. Bây giờ ông hài lòng đã nghe lời Lansdale và những người Mỹ vây quanh ông. Trong số đó có Everet Bumgardner, quê ở một thành phố nhỏ của Virgina như Vann, đã bắt đầu cuộc chiến tranh tâm lý ở Việt Nam những năm năm mươi lúc còn là nhiếp ảnh gia của hãng Thông tấn Mỹ. Anh hoan hỷ về chuyến bay này, vào năm 1955, một trong những cuộc đi thăm đầu tiên của Diệm đến một vùng do cộng sản kiểm soát, một vùng “giải phóng” như họ  nói. Từ sáng sớm máy bay bay đến cảng nhỏ Tuy Hòa trên bờ biển miền Trung mà người Pháp không chiếm đóng do không đủ quân số, để lại cho mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh trong chín năm cuộc chiến tranh đầu. Những người nổi dậy vừa rút về cảng Qui Nhơn lên tàu Ba Lan và Nga đưa họ ra khỏi vĩ tuyến 17 theo Hiệp định Geneve.

Việt Minh đã phá sân bay nên phi công của CIA phải đậu chiếc hai động cơ già cỗi C-46 xuống một đám ruộng. Máy bay vừa ngừng lại, nông dân từng đoàn hăng hái chạy đến làm Bumgardner sợ họ bị chết vì chong chóng trước khi phi công tắt máy. Khi Diệm xuất hiện, đám đông người ùa qua vệ sĩ suýt dẫm lên bóng người nhỏ, béo tròn mặc như tất cả những nhân vật chính phủ, một bộ quần áo lanh trắng, thắt cà vạt đen. Náo nức thấy và sờ vào người ông ta, nông dân dẫm chân trần lên giày ông, để lại dấu vết của cuộc đón tiếp nồng nhiệt.

Không ai ở Sài Gòn nghĩ đến điều đó dù Ngô Đình Nhu em ông và là cố vấn chính trị đã cử nhiều người đến tổ chức nhiều ngày trước cuộc đón tiếp ở Tuy Hòa. Chặng đường đi qua thành phố liên tiếp được hoan nghênh. Trẻ con vẫy những lá cờ nhỏ bằng giấy vẽ biểu tượng của chính quyền Sài Gòn : ba gạch ngang đỏ trên nền vàng. Bumgardner ngạc nhiên, ít nhất 50.000 người, có thể đến 100.000 đứng chật sân vận động nghe Diệm phát biểu. Ông nói về những cái xấu của chủ nghĩa cộng sản của cụ Hồ và Việt Minh là bù nhìn của Nga và Tàu, lên án cụ Hồ muốn phá tan những truyền thống Việt Nam để áp đặt một chế độ độc tài vô thần lên đất nước. Giọng nói giả tạo gốc Huế hình như không cản trở khả năng truyền đạt của ông. Đám đông hét lên đồng tình và vỗ tay mỗi lần ông ngừng lời. Bumgardner chụp ảnh những gương mạt phấn khích và ghi chép để viết bài đăng ở một tạp chí của cơ quan thông tấn Mỹ phát hành trong tất cả các nước không cộng sản. Những tài liệu này cũng phục vụ cho các báo chí bạn ở Việt Nam và nước ngoài.

Trở lại Sài Gòn sau cuộc đón tiếp nhiệt tình đó, Bumgardner kết luận, những nông dân và người thành phố ở Việt Nam vui mừng được thoát khỏi sự đè nén của cộng sản và chào con người kia như là người giải phóng cho họ . Chắc chắn những người Mỹ ở Việt Nam thành công trong việc đưa Diệm lên thành một anh hùng dân tộc đối mặt với người lãnh đạo của phía bên kia.


Lansdale muốn làm cho Diệm thành một Ramon Magsaysay khác, một người châu Á cấp tiến, trung thành với những nguyên tắc chống cộng sản. Như vậy miền Nam Việt Nam sẽ biến thành nước Philippines những năm năm mươi, một khuôn mẫu dân chủ có hiệu quả đế quốc Mỹ áp đặt ở châu Á.

Những nhà kiến thiết chế độ này là Dean Acheson, bộ trưởng ngoại giao của Truman, hai anh em Dulles trong chính quyền Eisenhower, John Foster ở Bộ ngoại giao và Allen ở CIA. Họ không quá ngây thơ nghĩ rằng có thể xuất cảng nền dân chủ sang tất cả các nước trên thế giới. Hoa Kỳ đã bắt đầu xây dựng ở Tây Đức, Nhật Bản và thuộc địa cũ của họ là Philippines. Họ lựa chọn trong số nước dân chủ hoặc độc tài cải lương. Chiến lược của họ nhằm tổ chức thế giới không cộng sản thành một hệ thống đồng minh hoặc lệ thuộc vào Hoa Kỳ, được sức mạn quân sự của họ bảo hộ, công nhận ưu thế của họ trên trường quốc tế, sáp nhập vào hệ thống kinh tế của đồng đô la và nền thương mại Mỹ đóng vai trò quyết định.

Ho Kỳ không tìm cách có những “thuộc địa” kiểu Châu Âu, khái niệm làm phật ý quan điểm chính trị của người Mỹ. Họ xác định hệ thống đế quốc của họ không thiệt hại gì cho những dân tộc khác. Một “lợi ích cá nhân tỏa sáng” là hình thức vị kỷ quốc gia duy nhất được họ chấp nhận. Những người Mỹ cho rằng thể chế của họ là một hình thức mới rất có ưu thế trong những vấn đề quốc tế. Nó không bóc lột các dân tộc như chế độ thực dân của các đế quốc Châu Âu thế kỷ XIX, cũng không phá hoại sự tự do cá nhân và các giá trị nhân văn khác như chế độ độc tài của Liên Xô, Trung Quốc và các đồng minh cộng sản. Thay vì các thuộc địa, Hoa Kỳ tìm kiếm những chính phủ bản xứ ngoan ngoãn theo ý muốn Mỹ, nếu có thể phụ thuộc vào một sự giám sát gián tiếp, hoạt động thay thế sức mạnh Mỹ. Mục đích cuối cùng là áp đặt cho đồng minh hoặc nước phụ thuộc sự thống trị mà mọi nước đế quốc cần để thực hiện ý muốn của mình trên thế giới vừa tránh được cơ cấu chế độ thực dân lỗi thời.

Những người cộng sản và phái hữu nói chung cho rằng chế độ đế quốc Mỹ ấy là một dạng quỷ quyệt hơn chế độ thực dân kiểu châu Âu. Họ gọi là “chế độ thực dân mới”. Nhưng đối với đa số người Mỹ những năm năm mươi và đầu sáu mươi, chính những người cộng sản mới thực sự là thực dân mới. Các nhà lãnh đạo của họ, đặc biệt ở châu Á, phản bội đất nước họ, đi theo học thuyết Mác – Lênin Chua Âu, dưới thế lực của Liên Xô. Lansdale so sánh Hồ Chí Minh với kẻ phản bội lớn của cách mạng Mỹ, Benedict Arnold ( Tướng Mỹ trong chiến tranh giành độc lập. Bị chi phối bởi những lời trách móc viên tướng này đã đề nghị Washington trả West Point cho người Anh năm 1780. Việc bại lộ, Benedict Arnold đã chạy sang hàng ngũ người Anh, chống lại những người đồng hương yêu nước) : “Bi kịch cuộc chiến tranh cách mạng giành độc lập của Việt Nam, ông ta viết, là việc “Benedict Arnold của họ” đã đạt được. Hồ Chí Minh được một nhóm Đảng hỗ trợ, bị người Nga và Trung Quốc lôi kéo, đã bí mật thay đổi mục tiêu chiến đấu. Thay vì đấu tranh cho nền độc lập chống thế lực thực dân Pháp, ông đã hướng cuộc chiến tranh đánh những người Pháp và sáp nhập Việt Nam vào đế quốc thực dân mới cộng sản”.

Philippines năm 1954 là mẫu mực hoàn hảo nhất của đế quốc Mỹ. Đã là một nước thuộc địa, nước này được độc lập vào năm 1946. Để thay thế, Hoa Kỳ được thuê dài hạn trong 99 năm 23 căn cứ quân sự, đặc biệt hải cảng Subic Bay và sân bay Clark. Những dịch vụ quân sự và thông tin tiếp tục hoạt động như phụ trợ cho người Mỹ. Chính phủ còn chống cộng sản hơn cả anh em Dulles và các hòn đảo cung cấp cho Hoa Kỳ một lực lượng nhân lực được huấn luyện để chiến đấu với phong trào cộng sản Châu Á.

Thế nhưng cách đây mấy năm, mô hình đó bị phá sản. Nông dân bất bình với chủ đất và cảm giác chung của nhân dân về sự sụp đổ của một chính phủ phản động đã gây nên sự nổi dậy của Hukbalahap do những người cộng sản lãnh đạo. Cuối năm 1949, những người Huk có đến 15000 chiến binh vũ trang và có một triệu người có cảm tình. Bộ chính trị của họ hoạt động bí mật ở ngay trung tâm Manila; ở hòn đảo chính Lucon, các xã trưởng và trưởng đồn cảnh sát đồng mưu với quân nổi dậy vì sợ hoặc do cảm tình; quân đội và cảnh sát không có hiệu lực; những cuộc bầu cử chỉ làm một trò hề gian lận và doạ nạt đến mức những người Huk công khai tuyên bố phải dùng súng đạn để thay đổi chính phủ chứ không phải những phiếu bầu. Họ báo trước sẽ chiếm tất cả các đảo trong quần đảo Philippines trong vòng hai năm.

Trong những thời kỳ khủng hoảng đó, Lansdale đã xây dựng biện pháp của mình. Ông là người xúc tác và hướng dẫn ở hậu trường các hành động cứu nguy. Ông nhận thấy Ramon Magsaysay là loại chỉ huy có phép màu và trung thực có thể tập hợp những ai không thích một chính phủ cộng sản nhưng đang không người dẫn dắt và mất định hướng. Con trai một chủ trang trại đồng thời là giáo viên, từ Thế chiến thứ hai Magsaysay bắt đầu làm việc hướng dẫn các đoàn ô tô chuyên chở cho những người bảo vệ Mỹ và Philippines ở Bataan. Cuối chiến tranh, ông ta cầm đầu mấy nghìn quân kháng chiến chống Nhật. Năm 1950 trong cao trào nổi dậy người Huk và lúc ấy vị trí không cao lắm, ông nhận làm bộ trưởng Bộ Quốc Phòng. Hướng tới các mô hình nước ngoài, có nghị lực dồi dào nhưng thiếu định hướng, đầu óc hiếu kỳ có ý thức về những vấn đề xã hội, ông cần có những cố vấn kinh nghiệm.

Đấy là vai trò của Lansdale. Trongg một chuyến đi qua các đảo với danh nghĩa sĩ quan thông tin của Không quân nghiên cứu về người Huk, ông nung nấu một số ý đồ trấn áp cuộc khởi nghĩa. Sau đó ông trở lại Philippines với vai trò của CIA. Là người nhã nhặn dễ kết bạn, Lansdale nhanh chóng gần gũi với bộ trưởng mới của bộ Quốc phòng. Họ ở cùng nhau trong trại binh Mỹ. Những buổi tối họ cùng nhau nghiên cứu những vấn đề hiện hành. Hai người hợp thành một kíp tuyệt vời và những người Huk phải hứng chịu hậu quả của một cuộc phản công xuất sắc. Với Lansdale là người hướng dẫn Magsaysay tổ chức một cơ quan tình báo giỏi, cải tổ quân đội và cảnh sát thành những tổ chức có kỷ luật về tinh thần và thực lực. Ông sa thải những sĩ quan lười và biến chất, bổ nhiệm những chỉ huy năng động biết thuyết phục dân chúng rằng quân đội có mặt để bảo vệ chứ không phải để tàn phá họ. Binh lính bắt đầu đối xử lịch sự và dễ chịu với dân chúng. Những người dân thường bị thương trong những cuộc đụng độ cũng được cứu chữa như quân nhân trong các bệnh viện nhà binh. Magsaysay cho phép nông dân bị bóc lột được đối xử công bằng trước tòa án và đề nghị các luật sư quân đội bào chữa cho họ trước các chủ điền. Bất cứ ai ở Philippines cũng có thể gửi thư khiếu nại lên bộ trưởng Bộ Quốc Phòng và được xem xét. Ông giải thích với mọi người chính phủ chăm sóc họ. Ông áp dụng luật bầu cử và để cho công dân có quyền thay đổi chính phủ. Ông cũng tạo cho người Huk có một sự lựa chọn : đầu hàng để được ân xá hoặc chạy theo nguy cơ ngày càng lớn bị vào tù hoặc chết. Năm 1953 cuộc nổi dậy bị dập tan, những người nổi dậy bị phân tán thành những băng nhóm đơn độc nhanh chóng bị cảnh sát quét sạch. Năm ấy Magsaysay được bầu là tổng thống Philippines.

Lansdale trở về tổng hành dinh CIA ở Washington như một nhân vật quan trọng. Cục tình báo chưa bố trí ở những tầng nhà hiện đại ở Langley tại Virgina mà chiếm gần Bộ Quốc Phòng một ngôi  nhà cũ bằng gạch với một biển đề vô nghĩa ở cổng « Bộ Hải quân. Viện nghiên cứu y học ». Lansdale nổi tiếng làm ra những phép lạ, trở thành chuyên gia của CIA về chiến tranh du kích và lật đổ.

Ông được cử sang Việt Nam trong sự thất vọng sau khi Điện Biên Phủ sụp đổ, ngày 7 tháng Năm năm 1954. Trong một cuộc họp ở Washington bốn tháng trước đó, trước khi quyết định sẽ đi Sài Gòn, ông hỏi John Foster Dulles phải làm gì ở đấy. Ông Ngoại trưởng này đã trả lời «  Điều ông đã làm ở Philippines ». Lansdale được hưởng những ân huệ đặc biệt chính phủ dành cho những người làm ra phép lạ. Ông phải hợp tác với đại sứ Mỹ và tổng chỉ huy Phái đoàn viện trợ quân sự nhưng không phụ thuộc vào họ. Ông bố trí kíp riêng của mình và trực tiếp báo cáo với Washington thông qua CIA.

Đêm ông vừa đến, ngày 1 tháng Sáu năm 1954, Việt Minh tổ chức mừng chiến thắng quân Pháp bằng phá hủy kho đạn dược Tân Sơn Nhất, sau này báo chí viết là « làm rung chuyển Sài Gòn suốt đêm ». Không phải một bước đầu hứa hẹn đối với một người say đắm chiêm tinh học nhưng ông không xao xuyến trước nỗi buồn càng tăng của Sài Gòn. Khi người Pháp chấp nhận bỏ rơi miền Bắc cho Việt Minh tại Hội nghị Geneve ngày 21 tháng Bảy năm 1954, ông đã quyết định những biện pháp cụ thể để đạt mục đích và làm sống lại thành công của ông ở Philippines : ông cắm vào miền Bắc những nhóm kháng chiến cản trở cộng sản trong việc điều hành và xây dựng lại nửa đất nước và làm chậm việc can thiệp vào miền Nam. Đồng thời ông cố sức củng cố vị trí của Diệm.

Tháng Sáu 1954, CIA tác động Bảo Đại để đề nghị Diệm làm thủ tướng Chính phủ. Tuy cựu hoàng đã ra đi từ tháng Tư sang hẳn Cote d’Azurc, ông ta vẫn mang danh là quốc trưởng. Diệm được chính thức bổ nhiệm ngày 7 tháng Bảy năm 1954, 5 tháng sau khi Lansdale đến Việt Nam và hai tuần trước khi Hiệp định Geneve được ký kết. Chính quyền Eisenhower vội vàng tìm một nhà lãnh đạo Việt Nam có thể tin tưởng được trong lúc nước Mỹ trực tiếp can thiệp vào Việt Nam thay  thế người Pháp đã sa sút. Không có nhiều ứng cử viên và Diệm có vẻ là người thích hợp nhấ. Niềm tin tôn giáo cuồng nhiệt của ông đối với người Mỹ là một chứng chỉ chống cộng không chê được. Khác với phần lớn các nhà chính trị không cộng sản khác mà người Mỹ biết, ông được xem như một nhà yêu nước, không hợp tác với người Pháp vì không nhận chức vụ gì trong chính phủ Bảo Đại. Ông đưa lại cho những nhân vật Mỹ một cảm giác thật tốt : thượng nghị sĩ Mike Mansfield, giáo chủ Spellman, John Kennedy , bấy giờ là nghị sĩ bang Massachusetts, người cha có ảnh hưởng đến John, Joseph. Thẩm phán William O Douglas năm 1953 đã viết về ông : « Diệm là một anh hùng .. được người Việt Nam tôn sùng vì ông trung thực, độc lập và đã đương đầu với ảnh hưởng của người Pháp ». Một lời nhận xét như vậy là một đảm bảo. Người Mỹ không biết rõ đất nước này để có một tầm nhìn ít đơn giản hơn về hành động trước đây của Diệm. Dù họ có muốn nắm được nhiều hơn về ông cũng không được, thời gian không đủ để làm một cuộc điều tra : trong thời kỳ sôi động này hình như những người cộng sản chỉ tạm ngừng ít lâu để củng cố quyền lực ở miền Bắc trước khi chiếm toàn bộ miền Nam.

Everest Bumgardner nhớ lại chuyến đi thắng lợi ở Tuy Hòa như một thử thách của Lansdale và kíp mình để biến Diệm thành một Magsaysay khác và Việt Nam thành Philippines. Bumgardner cũng đến Sài Gòn sau Điện  Biên Phủ không lâu. Tuy ông không thuộc ê-kíp của Lansdale nhưng thường gặp ông này vì thành viên Cơ quan Thông tấn Hoa Kỳ ( USIS) được tham dự các hoạt động là điều họ nhiệt tình thực hiên. Lansdale lúc nào cũng hoạt động, xúc tác và tổ chức như ông đã làm ở Philippines. Đôi khi ông bận đồng phục phi công nhưng không bao giờ mặc bộ quần áo trắng, cravát đen bắt buộc đối với những người chính quyền Pháp trước đây mà Diệm và các nhà ngoại giao thường mặc. Phần lớn thời gian ông mặc quần thể thao và sơ mi ngắn tay. Bumgardner nhận thấy người Việt Nam kính trọng ông vì ông lo về số phận của họ. Một trong những người Mỹ hiếm hoi nói về chiến tranh du kích và chống chiến tranh du kích, một người hành động đã đạt nhiều kết quả. Nếu ai muốn biết việc gì đã xảy ra hoặc cần việc gì bất thường, chỉ cần đến gặp Lansdale hoặc một người trong kíp ông, chẳng hạn như Lucien Conein, « con người cắng rắn » gốc Pháp, nhân viên CIA dưới vỏ bọc là thiếu tá bộ binh. « Lou » Conein từ Đức tới, nơi ông phụ trách điệp viên ở các nước phía Đông. Ông được chuyển sang Đông Dương để bố trí những mạng lưới kháng chiến ở miền Bắc. Lansdale đưa ông về vì là sĩ quan cũ duy nhất về nhiệm vụ đặc biệt còn hoạt động, đã đánh bại người Nhật ở Đông Dương với một đội đặc công thuộc địa Pháp và Việt Nam. Ông đã xây dựng một mạng lưới trong những người sau này trở thành những sĩ quan quân đội Pháp. Những thành viên khác của nhiệm vụ đặc biệt ở Đông Dương trong Thế chiến thứ hai đã làm việc cho cụ Hồ và Việt Minh tất yếu Lansdale không dùng.

Bumgardner gặp Lansdale lần đầu tiên ở Hải Phòng, hải cảng lớn của miền Bắc Việt Nam. Mùa hè năm 1954 ở đây bắt đầu cuộc di tản 900.000 người vào miền Nam. Việc di cư gần một triệu người rời bỏ miền Bắc được cộng sản gọi là một sự kiện chủ yếu về tương lai của Diệm và miền Nam Việt Nam. Lansdale là người xúi giục và phối hợp. Diệm đã cố xây dựng một tổ chức những người tị nạn mà nhanh chóng bị sa lầy vào tệ nạn quan liêu hội họp. Các Đại sứ quán Pháp và Mỹ chậm chạp vô ích. Lansdale nắm lấy mọi việc : dẫn dắt Diệm, quân đội Mỹ và những người Pháp cùng làm việc với nhau, nhận được của Hải quân Mỹ những phương tiện của Hạm đội 7 để chở một phần ba người tị nạn theo đường biển, vận động người Pháp ký một hợp đồng chở đường không của Công ty Vận chuyển hàng không dân sự. CIA lợi dụng dịp này để lén lút đưa vào miền Bắc những nhân viên mật với trang bị vũ khí theo kế hoạch của Lansdale. Lansdale cũng để thâm nhập những người tình nguyện Philippines do CIA trả lương. Bumgardner đặc biệt nhớ đến một giám mục Mỹ lai Philippines đã hình thành một tổ chức giúp những người tị nạn vượt qua hàng rào Việt Minh được ông cung cấp ăn uống ở Hải Phòng cho đến lúc họ được chuyển hết vào miền Nam. Ông ta sử dụng tiền giả Pháp và Việt Minh để mua thực phẩm cho họ và hối lộ những người cảnh sát miền Bắc muốn ngăn cản những người ra đi. Ông phá rối những người cộng sản đến mức họ bắn vào văn phòng ông ở Hải Phòng để cố ám sát ông.

Bumgardner được cử đến Hải phòng để khai thác tài liệu cho những bào báo, ảnh chụp, chứng minh những người bỏ miền Bắc ra đi, như Washington nói ,  « vì hoan nghênh Thế giới tự do và lên án những người cộng sản », không phải đều là người Công giáo. Không phải dễ dàng làm được điều ấy vì thực tế hai phần ba số đó, hơn sáu trăm nghìn người đúng là người Công giáo. Phần lớn ba trăm nghìn người khác có lý do đặc biệt để trốn chạy : gia đình sĩ quan, binh lính Việt Nam trong quân đội Pháp thực dân cũ, những người Trung Hoa sợ Chính phủ cộng sản tịch thu tài sản buôn bán của họ, một số ít người dân tộc Nùng đứng về phía nước Pháp, những người Việt Nam quốc tịch Pháp. Những người Công giáo đứng về phía người Pháp thay vì phía tự do thuộc địa phận Giám mục đông nam đồng bằng sông Hồng. Phần đông họ sợ bị trả thù và muốn được che chở bởi chính phủ của một đạo hữu.

Lansdale dùng những biện pháp để những người Công giáo còn ngần ngừ chọn đi theo con đường ấy. Diệm được cử ra miền Bắc thuyết phục các giám mục. Các cha cố bắt đầu giảng đạo ở các giáo xử. Họ giải thích trong những bài thuyết giáo rằng Đức mẹ đã vào Nam và giáo dân phải đi theo. Lansdale tung ra một chiến dịch tuyên truyền bôi đen những điều kiện sống đang chờ họ dưới chế độ Việt Minh. Người của ông ta phân phối những truyền đơn có vẻ như của chính phủ cách mạng Hồ Chí Minh, loan truyền dư luận xôn xao và in ra những tờ lịch dân gian Việt Nam. Lansdale nói cụ thể trong báo cáo mật :  « Những nhà chiêm tinh Việt Nam nổi tiếng được mua chuộc để đưa ra những tiên đoán thảm họa sẽ xảy ra do trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Việt Minh ». Hôm sau ngày phân phối một tờ truyền đơn giả dối đặc biệt bi thảm, số lượng người đăng ký di tản tăng gấp ba lần. Theo một lời đồn cẩn mật, người Mỹ sẽ thả bom nguyên tử lên vùng Việt Minh sau thời hạn di chuyển người ấn định cuối cùng vào tháng Năm năm 1955 của Hiệp định Geneve. Những người di tản đến Hải Phòng với những tờ truyền đơn cho là do Việt Minh in, vẽ ba vòng tròn bị bom hạt nhân phá hủy trên mặt bằng thành phố Hà Nội.

Những tàu lớn của Hạm đội 7 chuyển đi cả toàn bộ nhiều làng. Tổng cộng, 65% người Công giáo miền Bắc di cư vào miền Nam. Chính phủ Hoa Kỳ dành 93 triệu đô la cho việc xây dựng nơi ăn ở của họ trong năm 1955 và 1956. Cuộc di cư này tạo cho Diệm một hạt nhân vững chắc những thuộc hạ cuồng tín. Những toán quân đầu tiên được tin cậy đưa vào bảo vệ phủ tổng thống Sài Gòn năm 1954 gồm toàn bộ cảnh sát Công giáo người Bắc Việt Nam.

Tác phẩm của Lansdale vào những năm 1954 và 1955 chứng tỏ tính cách và tầm nhìn của một con người có thể tác động cả quá trình lịch sử. Không có ông ta, cuộc phiêu lưu của Mỹ vào Việt Nam có thể bị nhận chìm ngay từ đầu. Cho dù Diệm có được Washington lựa chọn, ông ta cũng không thể tồn tại nếu không có Lansdale bên cạnh. Người Pháp bị bật ra ngoài. Họ không để lại được đội quân viễn chinh ở miền Nam dù Hoa Kỳ có đảm nhận về tài chính. Tinh thần của họ đã sa sút cùng cực và người Ả-rập ở Algieria trong đó có một triệu thực dân châu Âu sinh sống, bắt đầu nổi dậy năm 1954 lôi kéo nước Pháp vào một cuộc chiến tranh thuộc địa mới. Có vẻ như người Pháp tuân thủ những cam kết của h ọ ở Geneve sẽ tổng tuyển cử ở miền Nam Việt Nam vào tháng Bảy năm 1956 để xác định giữa Chính phủ Sài Gòn được Pháp bảo trợ hoặc Chính phủ Hồ Chí Minh ở Hà Nội, ai sẽ lãnh đạo một đất nước Việt Nam tái thống nhất. Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve nói rất rõ những thỏa thuận không có nghĩa một sự chia cắt vĩnh viễn đất nước và « giới tuyến tập kết ở vĩ tuyến 17 chỉ là tạm thời và không trường hợp nào được coi là một biên giới chính trị hoặc đất đai ». Không ai nghi ngờ những người cộng sản sẽ thắng trong cuộc tổng tuyển cử, hoặc hợp pháp hoặc gian lận khôn khéo hơn những đối thủ miền Nam. Thực tế họ có một tổ chức tốt hơn và dân số miền Bắc đông hơn. Eisenhower năm 1954 công nhận, nếu việc bầu cử tự do tổ chức ở cả hai miền, Hồ Chí Minh sẽ thắng với 80% phiếu. Dưới con mắt nhiều người Việt Nam ông đã là người cha của đất nước. (Dù sao thì đã không có và không bao giờ có những cuộc bầu cử trung thực trong một miền Việt Nam nào !) Một cuộc thắng lợi của cộng sản năm 1956 đã cho phép những người Pháp cứu vớt vẻ ngoài khi rút quân đội viễn chinh. Họ  mang theo những người quốc tịch Pháp và phần lớn những người Việt đứng về phía họ, Dù cuộc bầu cử năm 1956 không thành, nước Pháp chắc chắn cũng tìm được một lý do biện hộ để bỏ rơi miền Nam. Dù lối thoát có nặng nề đến đâu, Hoa Kỳ cũng không có sự lựa chọn nào khác là chấp nhận một nước Việt Nam thống nhất và cộng sản. Eisenhower đã quyết định không gửi quân đội Mỹ sang thay thế quân Pháp. Tướng Matthew Ridyway, tham mưu trưởng quân đội đã thuyết phục tổng thống không thực h iện một cuộc can thiệp với lý do của một đất nước và những vấn đề chính trị của nó sẽ khiến lính Mỹ mất hút trong một vũng bùn. Mặt khác cuộc chiến tranh Triều Tiên vừa mới kết thúc, dư luận Mỹ kịch liệt phản đối Hoa Kỳ nhũng tay vào một cuộc chiến tranh mới ở châu Á.

Lansdale ngăn cản việc tranh chấp ở Việt Nam kết thúc bằng thắng lợi hoàn toàn của Hồ Chí Minh vào năm 1956 hoặc sớm hơn nếu người Pháp bỏ đi trước đó. Miền Nam Việt Nam thực sự là một tạo dựng của Edward Lansdale. Ông ta lừa gạt những sĩ quan ủng hộ Bảo Đại của đội quân quốc gia Việt Nam khi họ định lật đổ Diệm năm 1954 và tổ chức bãi nhiệm họ. Ông điều khiển xuất sắc chiến dịch mùa xuân năm 1955 đè nát những đọi quân được người Pháp trả lương của hai phái tôn giáo Cao Đài, Hòa Hảo và những đội quân của xã hội tội phạm Bình Xuyên. Những toán này, trước là cướp trên sông, được miễn trừ ở Sài Gòn và không bị cảnh sát kiểm soát ; đổi lại họ cam kết làm chấm dứt nạn khủng bố của Việt Minh trong thành phố, điều  mà họ thực hiện có nhiều hiệu quả.

Tướng J.Lawton Collins, đại sứ mới nhận nhiệm vụ từ mùa thu 1954 đã nói với Diệm tiến lên từ từ và thỏa hiệp với các phe phái. Lansdale ngược lại, khuyến khích ông này theo xu hướng tự nhiên, tiêu diệt phe phái, khẳng định quyền lực của chính phủ trung ương, mua chuộc và lừa gạt để vô hiệu hóa một số thủ lĩnh, giết chết những người không lừa gạt hoặc mua chuộc được. Nhờ quan hệ đã có với các sĩ quan, Conein giúp Lansdale lôi kéo quân đội quốc gia Việt Nam về với Diệm. Lập luận của ông đơn giản và có sức thuyết phục trong tương lai chính Hoa Kỳ sẽ tài trợ và trang bị trực tiếp cho họ chứ không qua trung gian người Pháp nữa. Nếu muốn ở lại quân đội và được thăng câp, tốt nhất là đi theo Diệm và Lansdale, người được mọi cấp cao ở Washington nghe theo. Lòng can đảm của Conein và việc huấn luyện của ông về những công việc đặc biệt là chủ bài mấu chốt của toán hành động Lansdale cho ra đời nhân danh Diệm cho Bình Xuyên một số « đòn gãy gục ». Từ đầu tháng Ba năm 1955 đến tháng Năm, Lansdale hầu như hàng ngày ở phủ tổng thống và qua nhiều đêm với Diệm để khuyến khích ông này xây dựng kế hoạch hành động với tài năng chiến thuật ông đúc rút được trong chiến đấu với người Huk mà Diệm đang thiếu. Không có mưu mẹo của Lansdale, sự nhạy cảm làm những cú táo bạo và danh tiếng về « phép lạ » ở Philippines mà ông nhận được ở Washington, Diệm đã bị xóa sổ.

Việc ấy cũng dễ xảy ra. Đại sứ Collins cho Lansdale là một người tin vào trực giác lãng mạn và Diệm là một kẻ hoang tưởng. Tháng Tư năm 1955 ông bay về Washington gần như thuyết phục được John Foster Dulles loại bỏ hai người này, trở lại hợp tác với người Pháp vốn khinh ghét Diệm và Lansdale, khuyến khích các giáo phái và Bình Xuyên kháng chiến. Nếu ý kiến của Collins được coi trọng, có nhiều khả năng người Pháp đã theo diễn biến các sự kiện kết thúc bằng việc những người cộng sản nắm được miền Nam. Allen Dulles tổ chức một cuộc họp với người em John Foster, Collins và Frank Wisner chỉ huy các vụ hành động bí mật của CIA, cấp trên của Lansdale. Khi là sĩ quan về những công việc đặc biệt trong Thế chiến thứ hai, Wisner đã chứng kiến việc Hồng quân và cảnh sát mật của Stalin chiếm Romania. Kinh nghiệm kinh khủng ấy đã tạo ra một chiến sĩ chống cộng cũng kiên cường như Lansdale.

Collins giải thích Lansdale thật điên khi cho rằng có thể xây dựng một chính phủ vững chắc xung quanh Diệm. Diệm hoàn toàn không có kinh nghiệm cai trị, không có cảm tình với mọi người, từ chối đối xử hợp lý hơn với các phe phái và không mở rộng chế độ dựa vào những nhà chính trị khác. Triển vọng duy nhất đối với Mỹ là thay thế Diệm bằng một người khác không cộng sản mà người Pháp chấp nhận được và mong rằng ông này sẽ thành lập được một chính phủ nào đó. Khả năng thành công sẽ hạn chế theo dư luận hiện tại nhưng ít nhất cũng có một hy vọng. Với Diệm và Lansdale thì chẳng có gì.

Wisner bảo vệ Lansdale. Ông hầu như không biết gì về Việt Nam, không hề biết về châu Á nhưng người Mỹ đã thành công ở nơi khác, tại sao không có thể thành công ở Việt Nam ? Ông giải thích đã đến Philippines, gặp Magsaysay và thấy Lansdale đã hoàn thành tốt công việc ở đó. Triển vọng ở Việt Nam chắc chắn rất tốt ; Lansdale cũng xác nhận thế trong báo cáo. Dù sao cũng có một cơ may và Lansdale đã chứng tỏ tài năng, trực giác của mình trong những vấn đề người khác không giải quyết được. Vậy phải ủng hộ ông ấy.

John Foster Dulles không cùng chia sẻ lòng tin với Wisner. Ông gửi cho Đại sứ quán ở Sài Gòn một bức điện ngày 27 tháng Tư, chỉ thị cho người phụ trách phái đoàn tìm một người khác thành lập chính phủ. Ngày hôm sau, trước khi Đại sứ quán kịp hành động, Diệm được Đại sứ quán của mình ở Washington cho biết quyết định của Dulles, đã hỏi ngay Lansdale về tin ấy. Lansdale bảo đảm với ông, dù ông nghe được thế nào, Việt Nam cũng cần có một người lãnh đạo và Hoa Kỳ vẫn ở sau lưng ông. Ông ta thuyết phục Diệm ngay chiều hôm đó cho tấn công quân Bình Xuyên đã bắt đầu bắn súng cối vào phủ tổng thống và giết binh lính của quân đội Việt Nam. Nhưng 2.500 người của xã hội đen không đủ sức đương đầu với những tiểu đoàn Lansdale tập hợp được với sự giúp đỡ của Conein. Trong 9 giờ chiến đấu, quân Bình Xuyên trước đây chiếm giữ trung tâm Sài Gòn bị đánh tan tác phải trốn vào khu phố người Hoa ở Chợ Lớn. Sau trận thất bại này, các giáo phái không có vẻ đáng sợ nữa. Dulles vội vàng hủy bỏ chỉ thị và Đại sứ quán đốt bức điện. Từ lúc này, không còn bóng che vào sự tin tưởng ở Lansdale. Hoa Kỳ đã có sự lựa chọn. Như Dulles đã nói :”người ta nhào xuống nước” với Diệm.

Tháng Mười năm 1955, Lansdale đóng dấu ấn dứt khoát vào sự cam kết của Mỹ. Ông giúp Diệm tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý gian lận để hạ bệ quốc trưởng Bảo Đại và bổ nhiệm Diệm làm tổng thống nước Cộng hòa mới Việt Nam. Vì đây là một lý do chính đáng, việc gian lận trong bầu cử có thể chấp nhận được ! Diệm thu được 98,2% phiếu bầu, hơn nhiều số phiếu Hồ Chí Minh đạt được ở miền Bắc. Và dù những nhóm kháng chiến gài lại ở Bắc Bộ bị Việt Minh quét sạch, Lansdale đã hoàn thành nhiệm vụ ở miền Nam. Ông củng cố vị trí của Diệm và gia đình, đưa ra một chính phủ trung ương bề ngoài có vẻ vững chắc. Chính sự thành công này đã gây ra cuộc chiến tranh thứ hai ở Việt Nam mà Vann phải chiến đấu 7 năm sau đó.

Mãi về sau này nhớ lại cuộc đón tiếp Diệm ở Tuy Hòa năm 1955, Bumgardner bỗng hiểu ra mình đã nhận thức sai lầm về cuộc trình diễn. Ông nhớ đám đông trên sân vận động hình như không chú ý lắm về những điều Diệm nói khi họ vỗ tay hoan hô. Những khuôn mặt tươi cười, thái độ ồn ào nhưng mắt nhìn trống rỗng. Ông hiểu ngay : đám đông không nghe gì cả.

Buổi lễ đối với người xem chỉ là một ngày nghỉ ngơi. Họ đã tập trung khá nhiều dưới thời Việt Minh trong cuộc chiến tranh thứ nhất để biết rằng khi cán bộ trong đám đông ra hiệu thì phải vỗ tay. Những người tổ chức mà Nhu, em trai Diệm đã cử, đứng lẫn trong đám đông ra hiệu. Những người nông dân ngoan ngoãn nghe theo. Thời kỳ ấy, người Việt Nam trung lưu cũng không biết rõ Diệm, người dân ở nông thôn hẻo lánh càng không. Họ đã chán cảnh những năm cách ly với bên ngoài, hân hoan vì chiến tranh đã chấm dứt. Việc một máy bay hạ cánh, đưa tới một nhân vật cao cấp nói chuyện với họ làm họ vui mừng như gặp ngày lễ. Họ xô đẩy Diệm và dẫm lên chân, dù ông là thủ tướng nước Nepal thì cũng vậy.

Phần lớn những người đến xem đó có quan hệ gia đình với những người nổi dậy đã ra miền Bắc. Khi bắt đầu cuộc chiến tranh thứ hai, vùng đồng bằng Tuy Hòa đã trở thành một căn cứ mạnh nhất của Việt Minh miền Nam mà nhân dân hoàn toàn chống lại chính quyền Diệm. Bumgardner nhận ra mình ngốc đến mức nào cũng như những người Mỹ khác khi nghĩ có thể dựng Diệm thành một anh hùng dân tộc so sánh được với Hồ Chí Minh. Không ai tán thành Diệm trừ những người công giáo và tính cách, thái độ chính trị, xã hội của ông ta không bao giờ có người ủng hộ. Việc cai trị của ông chỉ có thể là phá hoại.

Lansdale ở Việt Nam đã là nạn nhân của thành quả của ông ở Philippines. Những người thành công trong những đợt khủng hoảng lớn thường bị sa bẫy khi nghĩ rằng mình đã tìm ra một sự thật chung. Lansdale đã xây dựng định đề như phần lớn cấp trên của ông, kinh nghiệm Philippines cũng có giá trị ở Việt Nam. Kinh nghiệm ấy không là gì cả. Người Philippines, những người bạn của ông những năm 40, 50 , là một dân tộc độc nhất không điển hình như các dân tộc châu Á khác. Những người Philippines của Lansdale là những người Mỹ da màu. Ngoài một số chi tiết về thân hình họ cũng giống người Việt Nam như Lansdale vậy. Họ kỷ niệm ngày độc lập của họ vào 4 tháng Bảy như người Mỹ. Họ nói tiếng Anh sử dụng tiếng lóng Mỹ hơi sai lạc, thích nhạc Jazz và những dạng khác của văn hóa Mỹ. Người ta thấy những tên họ như đại tá “mike” Barbero, phó của Magsaysay về chiến tranh tâm lý mà người kế nhiệm là thiếu tá “Joe” Crisol, cả hai cùng làm việc với một sĩ quan khác “Frisco Johnny” San Juan. Những cuộc hành quân của họ chống người Huk mang tên mật như “Bốn bông hồng”, tên của loại rượu Whisky ưa thích hoặc “Omaha” kỷ niệm cuộc đổ bộ lên Normandie. CIA tuyển mộ những người Philippines vào những hoạt động của họ ở những nước châu Á khác chính vì họ có tư duy Mỹ. Khi người ta gặp một người Philippines trong một văn phòng hoặc một kho nguyên liệu, có nghĩa là CIA cách đấy không xa.

Lansdale đã tác động một dân tộc mà quan niệm sống được hình thành từ gần nửa thế kỷ Mỹ bảo trợ và bởi ảnh hưởng phương Tây hơn ba trăm năm thuộc địa Tây Ban Nha trước cuộc chiến tranh năm 1898. Gần 95% dân chúng là những người công giáo, Philippines là quốc gia công giáo độc nhất ở châu Á. Trong cuộc chiến tranh chống Nhật, người Philippines và Mỹ gắn bó khăng khít với nhau và sức mạnh chỉ có thể hiểu bởi những người cùng nhay đối đầu với cái chết trong chiến đấu. Có nhiều anh hùng người Philippines (65.000) hơn người Mỹ (15.000) trong việc bảo vệ bán đảo Bataan. Quá trình đi đến cái chết tiếp đó, 2.300 người Mỹ chết và người Philippines hơn ba lần ( giữa 5.000 và 7.500, người ta không biết con số chính xác). Khi những toán quân của tướng Mac Arthur đổ bộ từ sà lan lên vịnh Leyte ngày 20 tháng Mười năm 1944 để giải phóng các đảo, hai người lính của Sư đoàn 24 bộ binh, mỗi người phất một ngọn cờ lệnh trên bãi biển : lá cờ đầy sao và lá cờ xanh đỏ với mặt trời trong một tam giác trắng của Philippines. Ngọn cở Mỹ cũng gây xúc động cho người Philippines như cờ của họ vì họ thấy ở đấy tinh thần độc lập và sự giải phóng khỏi nền độc tài. Những người Philippines của Lansdale thấy họ muốn đạt  mục đích gì. Họ như 11 cầu thủ bóng đá rất giỏi nhưng không thành lập được một đội bóng vì thiếu huấn luyện viên. Lansdale là người huấn luyện viên ấy nhưng chỉ thắng khi những người khác thực hiện lối chơi như ông. Nghe Diệm nói với Lansdale ông ta đã chống lại người Pháp và xem chủ nghĩa cộng sản vô thần như một điều ghê tởm, định kiến của Lansdale dẫn đến những giả thuyết sai cũng như Vann sau n ày nghe Cao. Ông nghĩ hoàn toàn bình thường khi một nhà lãnh đạo Việt Nam được Hoa Kỳ trực tiếp bảo trợ và gắn bó với những người cấp cao Mỹ. Lansdale xem những người công giáo di cư từ miền Bắc là những người yêu nước đã “chiến đấu để giải phóng đất nước khỏi người Pháp” cho đến khi phát hiện ra họ bị lừa gạt và lôi kéo vào một âm mưu cộng sản; họ chạy trốn vào Nam để tạo dựng một “nước Việt Nam” tự do. Trong một báo cáo mật, ông viết Hải Phòng trong những tháng cuối cùng của việc di tản “nhắc lại thời kỳ những người mở đường Mỹ ở thế kỷ XVII”. Ông không thấy gì sai trong việc Hoa Kỳ chọn những người công giáo đề giúp đỡ họ. Ông thấy hoàn toàn đúng khi có một người công giáo làm tổng thống mà ông quan niệm là một “người Việt Nam tự do”.

Thiểu số người công giáo có một khuyết tật. Lansdale rất lo lắng làm cho họ phân biệt giữa những “thực dân” Mỹ và Pháp. Nhưng sự phân biệt hời hợt ấy không dựa vào một sự phân biệt sâu sắc. Bây giờ ông đối mặt với lịch sử Việt Nam chứ không phải Philippines. Quyết định dựa vào dân công giáo và chọn trong đó một chính phủ Sài Gòn đúng như ông thông báo cho những người Mỹ đến thay thế người người Pháp. Những người chuyển theo Thiên chúa giáo được người Pháp sử dụng như một đội quân thứ năm thâm nhập vào nước Việt Nam truyền thống và được quan chức thực dân khen thưởng. Nhân dân coi họ là một giáo phái có xu hướng ngoại lai. Sau khi người Pháp ra đi, lẽ tự nhiên họ tìm kiếm một người bảo trợ nước ngoài khác. Họ nói với Lansdale với cách họ nghĩ ông này muốn nghe.

Diệm không tin vào một chính phủ nghị viện tuy hai năm rưỡi lưu vong ở Hoa Kỳ ông học để hiểu được hệ thống nhà nước Hoa Kỳ khiến cho Lansdale có cảm giác ngược lại. Công bằng xã hội cũng không làm ông quan tâm. Ông không muốn điều chỉnh cơ cấu truyền thống người Pháp đã sắp xếp cố định. Diệm là một người phản động cực đoan, quyết định thành lập một triều đại gia đình mới trong một đất nước đã lỗi thời. Ở thế kỷ thứ X họ Ngô đã cai trị ít lâu. Diệm tự thấy mình cầm đầu một triều đại thứ hai thay thế họ Nguyễn mất tín nhiệm vì một Bảo Đại thoái hóa. Gia đình giúp ông cai trị theo truyền thống. Ông chỉ có một nhân nhượng với thời đại mới chấp nhận được gọi là “tổng thống”. Việc bất bình với Pháp thật dữ dội nhưng về những vấn đề nhỏ và yêu sách về chính trị bị gạt bỏ do việc bổ nhiệm ông làm thủ tướng của Bảo Đại. Diệm thừa hưởng của cựu hoàng một chính quyền đầy phản động và bè phái Việt Nam, một quân đội, cảnh sát và nạn quan liêu từ chế độ thực dân Pháp. Ông để cho Hoa Kỳ đưa ông ra thay thế. Điều đã thành công ở Philippines có tác dụng ngược lại ở Việt Nam; ở đây sẽ là không yêu nước nếu hợp tác với người Mỹ, đồng thời với chủ nghĩa thực dân, áp bức và không công bằng xã hội.

Ám ảnh về những hình ảnh của Cách mạng Mỹ, Lansdale không thể hình dung đã chọn sai địa bàn hay là trở thành phía thù địch trong một nước châu Á rầm rộ cách mạng dân tộc. Sức mạnh lý tưởng Mỹ cũng ngăn cản những người như Bumgardner và Vann hình dung khả năng ấy. Thế mà đó là những gì đã xảy ra ở Việt Nam. Một cuộc cách mạng dân tộc đang tiến hành ở đây và Hoa Kỳ không là gì cả. Nước Mỹ và đồng minh với bên sai trái khi cung cấp trang bị và tài chính cho người Pháp hòng lập lại chế độ thực dân trị của họ. Nước Mỹ lại lặp lại sai lầm ấy khi đưa Diệm và gia đình ra nắm quyền lực.

Tháng Giêng năm 1946, trung úy Alfread Kitts được chuyển đến Hải Phòng. Kitts là con trai một sĩ quan pháo binh, tham gia đội đua ngựac của Hoa Kỳ trong Đại hội Thể thao năm 1932 và 1936. Kitts vào quân ngũ năm 1943 khi vừa tốt nghiệp trung học, phục vụ ở Philippines rồi được cử sang Bắc Bộ Việt Nam. Anh cầm đầu một toán 26 lính phụ trách trả tù binh Nhật về nước chất trên những chuyến tàu Liberty. Kitts nói được một ít tiếng Pháp và có thể trò chuyện với những sĩ quan và binh lính Việt Minh kiểm soát thành phố. Người Việt Nam rất thân mật với người Mỹ. Không bao giờ họ nói về “chủ nghĩa cộng sản” và chỉ nói về mong muốn độc lập và hy vọng những người Mỹ giúp họ để đạt được điều đó. Thời kỳ ấy Hồ Chí Minh thu hẹp những xác tín cộng sản và vai trò của Đảng trong cuộc cách mạng dân tộc để xây dựng một mặt trận chính trị rộng rãi trong nước và tranh thủ sự hỗ trợ của Hoa Kỳ để tránh việc người Pháp quay trở lại.

Kitts chứng kiến ở Hải Phòng những chuyến ra đi đầu tiên của quân đội Pháp, ngày 6 tháng Ba năm 1946. Anh tưởng là quân đội Hoa Kỳ : mũ, quân phục, ủng, tất cả là Mỹ, kể cả sà lan vận chuyển, vũ khí hạng nặng và xe cộ Mỹ cấp cho nước Pháp tự do của De Gaulle để chống lại quân Đức và Nhật.

Sĩ quan và binh lính Việt Minh giận dữ khi thấy binh lính Pháp tới. Họ đã chấp nhận đội quân đồn trú Pháp ở Hải Phòng, Hà Nội và một số thành phố lớn khác ở lại tại chỗ để tự bảo vệ nếu bất chợt bị tấn công và đổi lại được hứa hẹn trả độc lập từng phần. Nhưng người Pháp nhanh chóng vi phạm lời hứa. Những sự kiện kèm theo tiếng súng nổ bắt đầu ngay. Những sĩ quan Việt Nam vẫn quan hệ thân mật với Kitts và những người Mỹ khác, chưa nói gì như sau này Việt Minh trách cứ họ đã trang bị súng đạn cho người Pháp. Hình như họ tiếp tục xem Kitts và lính Mỹ vẫn là đồng minh của họ, khác với quân đội thực dân. Họ tin vào lời tuyên bố của Hoa Kỳ về mục đích chiến đấu trong Thế chiến thứ hai và không quên việc đồng minh chống Nhật. Những hành động của Cục tình báo chiến lược OSS ( Office of Strategic Services : Cục tình báo quân đội có trước khi CIA được thành lập năm 1947) đã nhận thấy Việt Minh là nhóm kháng chiến duy nhất tổ chức khá và bám sát khắp đất nước để cung cấp thông tin về người Nhật, cứu phi công Mỹ bị bắn hạ và hoạt động quấy phá sau lưng địch. OSS đã cho một phái đoàn huấn luyện xuống giúp một trong những ban tham mưu bí mật của Hồ Chí Minh ẩn náu trong rừng phía bắc đồng bằng sông Hồng, chưa kể đã cung cấp hàng nghìn súng trường, tiểu liên và khí cụ khác trang bị cho các đội quân Việt Minh.

Những sĩ quan Bắc Việt Nam ra lệnh cho các toán quân của họ không lầm lẫn binh lính của Kitts với người Pháp, không bắn vào họ. Điều này ngày càng trở nên khó khăn đối với người lính Việt Minh vì số lượng người Pháp ngày càng tăng, yêu sách càng nhiều và sự va chạm xảy ra liên tiếp. Kitts tự nhủ : “ Làm sao nhận ra được một người Pháp hay một người Mỹ khi họ lái chiếc xe jeep như nhau và bận cùng đồng phục ?”. Một buổi tối anh cùng hai sĩ quan về trại, bị bắn từ một rào chắn. Họ kịp nhảy xuống đất nhưng chiếc xe bị hỏng nặng. Hôm sau Kitts đến tìm đại đội trưởng trẻ chỉ huy phân đội, trình bày rõ anh đến bến cảng trở về bằng những con đường nào và đề nghị đại đội trưởng bảo quân lính mình cẩn thận hơn trước khi bắn. Viên đại đội trưởng xin lỗi và hứa sẽ bảo người của mình lưu ý đoạn đường Kitts đi. Anh sẽ hướng dẫn kỹ hơn để về sau quân lính của mình không nhầm lẫn người Mỹ và người Pháp. Anh nói : “Nhưng anh biết đấy, người của tôi háo hức muốn đánh nhau!”. Kitts cười. Anh không một chút tình cảm nào với người Pháp. Người sĩ quan Việt Minh cũng cười.

Đến tháng Bảy năm 1946 những cuộc đụng độ trở nên thường xuyên đến nỗi giữ lại một toán quân Mỹ ở Hải Phòng rất nguy hiểm. Kitts và người của anh được lệnh chuyển giao cho người Pháp trách nhiệm đưa người Nhật về nước và rút đi. Kitts nhớ mãi mấy chữ những người Việt Nam biết tiếng Anh viết lên tường một ngôi nhà ở cảng “Chúng tôi muốn người Mỹ”.

Nhưng nếu người Việt Nam muốn nước Mỹ thì nước Mỹ đã không muốn họ. Đối với Hồ Chí Minh, những năm 1945 và 1946 lặp lại những thất vọng và ức chế ông đã biết ngay sau cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ nhất. Thời kỳ ấy tổng thống Hoa Kỳ là Woodrow Wilson; lần này là Hary Truman. Tên các ông ấy khác nhau, một cuộc chiến tranh mới nổ ra và một phần tư thế kỷ trôi qua nhưng thái độ của họ vẫn thế.

Khi Wilson tuyên bốn 14 điểm ngày 8 tháng Giêng năm 1918, ông Hồ coi trọng con người và bản tuyên bố ấy. Wilson đã nói các dân tộc bị lệ thuộc có quyền tự quyết định vận mệnh mình và trong luật lệ “của mọi tuyên bố thực dân … những quyền lợi của dân tộc bị trị phải có trọng lượng tương tự” như quyền lợi của thế lực thực dân. Dân tộc Mỹ phối hợp với nước Anh, Pháp và những nước Đồng Minh khác vì “cuộc chiến tranh cuối cùng cho nền tự do nhân loại”. Wilson đã xác định nguyên tắc bao gồm 14 điểm và đã được các lực lượng Đồng Minh tán thành :”Đấy là nguyên tắc công bằng cho mọi dân tộc và quốc tịch quyền được sống trong những điều kiện bình đẳng về tự do và an toàn giữa họ với nhau dù họ mạnh hay yếu”. Tổ chức xã hội các nước sắp thành lập sẽ chú trọng tới việc đối xử đúng đắn ấy với tất cả các dân tộc.

Ông Hồ rất xúc động, với số tiền ít ỏi kiếm được ở Paris bằng công việc sơn những đồ cổ Trung Hoa giả và chụp ảnh, đã thuê một bộ quần áo chỉnh tề ra mắt ỏ Hội nghị hòa bình năm 1919, Wilson và các nhà lãnh đạo các quốc gia đồng minh khác đến đấy bàn bạc về Hiệp ước Varsailless và Hiến chương Liên Hợp Quốc. Ở Paris thời kỳ ấy, người  Việt Nam 28 tuổi ấy, đôi mắt đặc biệt lanh lợi, có vẻ vụng về trong chiếc áo đuôi tôm với cra-vát trắng bắt chước cách ăn mặc khác lạ của một người hào hoa phong nhã châu Âu. Ông mang tới một bản điều trần những tố cáo của người Việt Nam về chế độ thực dân Pháp. Ông bắt chước Wilson chia làm 8 điểm tạo cho người Việt Nam cơ may bù lại những thiệt thòi họ phải chịu. Ông không đòi độc lập nhưng tự trị trong lòng thuộc địa Pháp. Không một thành viên nào trong phái đoàn Mỹ hay một phái đoàn khác nhận tiếp ông. Ông hiểu việc tự quyết định của Wilson chỉ áp dụng cho người Séc, Ba Lan và những dân tộc da trắng khác ở Đông Âu dưới sự chiếm đóng của Đức và Áo – Hung nhưng không phải cho người da nâu, da vàng châu Á, càng không phải cho người da đen ở châu Phi. Điểm thứ Năm của Wilson về “những đồi hỏi đối với thực dân” chỉ đơn giản giải quyết việc phân chia giữa những người chiến thắng các thuộc địa của Đức ở châu Phi và châu Á.

Hai mươi sáu năm sau, ngày 15 tháng Tám năm 1945, ngày Nhật Hoàng Hirohito tuyên bố đầu hàng, Hồ Chí Minh đề nghị Truman thực hiện đầy đủ những cam kết thời chiến và áp dụng những tuyên bố của tổng thống tiền nhiệm Franklin Roosevelt đã mất. Đại diện Việt  Minh ở Côn Minh, Trung Quốc đề nghị Hoa Kỳ “những người quán quân của nền dân chủ” biến nước Việt Nam thành một nước bảo hộ của Mỹ “với thể chế như Philippines trong một thời hạn không xác định” trước khi độc lập hoàn toàn. Hai tuần lễ sau, ngày 2 tháng Chín năm 1945, trong khi phái đoàn Nhật Bản cúi xuống chiếc bàn trải thảm xanh trên boong chiến hạm Missouri để ký các văn kiện đầu hàng không điều kiên, Hồ Chí  Minh đọc tuyên ngôn độc lập và công bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân Chủ Cộng hòa. Ông phát biểu trước đám đông 50 vạn người tập họp trên quảng trường Ba Đình của Hà Nội. Ông bắt đầu bằng một câu trong bản Tuyên ngôn độc lập của mười ba thuộc địa Mỹ do Jefferson công bố ngày 4 tháng Bảy năm 1776:” Mọi người sinh ra đều có quyền bình đẳng ..”. Trong lúc ông nói, trên bầu trời xuất hiện máy bay tiêm kích P.38. Viên phi công tò mò bổ nhào trên quảng trường và đám đông cho hành động ấy như biểu hiện chào mừng của nước Mỹ gửi tới đất nước Việt Nam.

Hồ Chí Minh không nhận được lời đáp nào của Hoa Kỳ về lời đề nghị bảo hộ nhưng những tuyên bố chung của Truman khuyến khích ông tiếp tục. Lời tuyên bố quan trọng đầu tiên về những vấn đề quốc tế, ngày 27 tháng Mười năm 1945 là 12 điểm hoàn toàn trong truyền thống Wilson. “Đường lối đối ngoại của Hoa Kỳ dựa trên những nguyên tắc cơ bản về quyền và sự công bằng”. Rồi ông đưa ra 12 điểm chủ yếu của đường lối ấy. Ba điểm trong số đó hình như áp dụng trực tiếp vào Việt Nam.

-   Chúng tôi nghĩ tất cả những dân tộc còn yếu trong tương lai sẽ tìm lại được chủ quyền và nền độc lập …
-   Chúng tôi nghĩ tất cả những dân tộc sẵn sàng tự lãnh đạo đất nước phải có quyền lựa chọn, tự do khẳng định đất nước mình không có một nguồn ngoại lai nào can thiệp. Điều đó đúng với Châu Âu, Châu Á, Châu Phi cũng như với tây bán cầu.
-   Chúng tôi không chấp nhận mọi chế độ chính trị do một lực lượng nước ngoài nào áp đặt.

Kết cục, Hồ Chí Minh phản đối Truman khi Hoa Kỳ quyết định nước Pháp đại diện cho Việt Nam, Lào, Campuchia ở Hội đồng Viễn Đông trong Liên Hợp Quốc vừa thành lập. Ông Hồ tuyên bố nước Pháp đã mất hết quyền về tinh thần hoặc pháp lý thống trị Đông Dương vì trong Thế chiến thứ hai, chính phủ Vichy “đã nhục nhã bán Đông Dương cho Nhật và phản bội Đồng Minh” từ năm 1940, hợp tác với người Nhật cho đến năm 1945 quân chiếm đóng gạt chính quyền thực dân Pháp và trực tiếp cai trị. Ngược lại, Việt Minh đã “đánh bại không thương tiếc phát xít Nhật” bên cạnh Hoa Kỳ. Ông Hồ gửi cho Truman và ngoại trưởng James Byrnes 11 bức điện và thư trong 18 tháng mà không nhận được trả lời. Ông cũng kêu gọi sự giúp đỡ của Clément AttLee, thủ tướng Anh, tổng tư lệnh Chiang Kaishel của Trung Hoa Dân quốc và Joseph Stalin của Liên Xô. Không người nào trả lời.


Tiêu đề: Re: Sự lừa dối hào nhoáng
Gửi bởi: TraitimdungcamHP trong 18 Tháng Tư, 2008, 11:56:54 AM

Tháng Chín năm 1945, về quân đội Pháp chiếm đóng Bắc Bộ, Hồ Chí Minh chỉ có người trao đổi là bí thư thứ nhất Đại sứ quán Mỹ ở Paris. Ông đến đấy cố lần cuối cùng thỏa hiệp với những người Pháp đầy tự tin và luôn hiếu chiến, đề nghị người Mỹ biến Việt Nam thành “một vùng trù phú cho tư bản và xí nghiệp của họ”. Ông tỏ ý cho biết nếu Hoa Kỳ bảo vệ người Việt Nam chống người Pháp, ông để họ sử dụng Vịnh Cam Ranh, một trong những hải cảng đẹp, nước sâu nhất thế giới. Chỗ ấy sau này quân đội Mỹ bố trí một trong những cơ sở lớn nhất về không lực, hải quân và cung cấp trang bị cho cuộc chiến tranh thứ hai ở Việt Nam. Ngày 14 tháng Chín năm 1946 ông Hồ ký một tạm ước với nước Pháp và trở về Hà Nội.

Đến tháng Mười, người Pháp phản bội thỏa thuận, nắm lấy việc kiểm tra thuế quan và tài chính ở Hải Phòng. Họ muốn làm mất chủ quyền của Chính phủ Hồ Chí Minh. Tháng Mười một, trong việc kiểm tra hàng hóa của một thương nhân người Hoa, một cuộc tranh chấp nổ ra và hai mươi lính Pháp bị thiệt mạng. Tướng Pháp Jean Etienne Valluy quyết định dựa vào sự kiện này để cho “một bài học nghiêm khắc … và làm cho những nhà lãnh đạo Việt Nam hiểu rõ tình hình hơn” – Đại tá Debes mà phó tổng lãnh sự Mỹ ở Hà Nội đã xác định trong một báo cáo gửi về Bộ Ngoại giao là “nổi tiếng vì tham ô và tàn bạo” được lệnh ném bom Hải Phòng. Ngày 23 tháng Mười một năm 1946, pháo binh, tàu chiến Pháp và máy bay do Mỹ cung cấp bắn phá suốt ngày. Sáu nghìn thường dân Việt Nam chết. Việt Minh hiểu ngay bài học, Hồ Chí Minh trong năm cuối cùng này đưa tay ra với người Mỹ, tóm tắt bằng một lời cảnh báo: “Chúng ta đơn độc; chúng ta chỉ phải dựa vào bản thân chúng ta thôi”.

Vào 20 giờ 4 phút ngày 19 tháng Chạp năm 1946, biệt động đội Việt minh phá nổ nhà máy điện trung tâm của Hà Nội và thành phố chìm trong bóng tối hoàn toàn. Đấy là dấu hiệu tấn công qui mô lớn chống quân đồn trú Pháp ở tất cả các tỉnh miền Bắc và miền Trung Việt Nam. Bây giờ không có gì ngăn được cuộc chiến tranh giành độc lập lần thứ nhất nữa.

Những thư từ và điện tín của Hồ Chí Minh ngay từ đầu đã được xếp vào hồ sơ cho những nhà viết sử tương lai. Hoa Kỳ đã bỏ rơi người Việt Nam và những dân tộc Đông Dương khác cho người Pháp rất lâu trước khi ông Hồ tuyên bố độc lập ở quảng trường Ba Đình. Việc ông là cộng sản không liên quan gì đến việc này. Lịch sử muốn chính phủ Mỹ đối kháng với chủ nghĩa thực dân Châu Âu ởchâu Á. Đấy là một truyền thuyết gợi ra do sự huyênh hoang của Wilson, Roosevelt và ác cảm riêng của một số nhân vật lớn như Douglas Mac Arthur đối với chế độ thực dân kiểu cũ. Nhưng chính phủ Hoa Kỳ nhân danh đất nước không cố làm sụp đổ những đế quốc thực dân Châu Âu vào cuối thế chiến thứ hai.

Franklin Roosevelt muốn giải phóng các dân tộc Đông Dương bằng một quá trình, bắt đầu bằng đặt nước thuộc địa dưới sự ủy nhiệm 25 năm sau chiến tranh. Tháng Giêng năm 1944 ông đã nói với bộ trưởng Ngoại giao Cordell Hull :”nước Pháp đã chiếm đất nước này gần một thế kỷ và hoàn cảnh 30 triệu dân ở đấy tồi tệ hơn cách đây 100 năm. Các dân tộc Đông Dương có quyền được hơn thế”.

Churchill và những người Anh có ảnh hưởng, họ không thể nhận thấy mặt trời cũng bắt đầu lặn trên đất đai của Rudyard Kipling. Họ sợ đặt Đông Dương dưới sự ủy nhiệm làm sụp đổ quyền lực của họ ở Ấn Độ và phần còn lại của đế quốc họ, đúng là điều Roosevelt đã có ý nghĩ. De Gaulle, bị tác động bởi thất bại năm 1940 và sự thông đồng của một bộ phận quân đội, của lớp trung, thượng lưu với chủ nghĩa và phát xít Nhật dưới chế độ Vichy, bị ám ảnh bởi tầm nhìn : khôi phục vinh quang của đế quốc Pháp, tiếp tục nhiệm vụ khai hóa của nước Pháp ở Đông Dương. Sự chống đối của người Anh và quyết tâm của De Gaulle dẫn Roosevelt đến bỏ rơi kế hoạch của mình. Ngày 5 tháng Giêng năm 1945 ông thông báo với Lord Halifax, đại sứ Anh ở Washington rằng ông không chống đối nước Anh đưa người Pháp trở lại Đông Dương. Ông chỉ mong không công khai công nhận việc Pháp chiếm lại đất nước ấy. Một tháng sau ở hội nghị Yalta, ông còn đi xa hơn chấp nhận chính thức một đề nghị của Bộ Ngoại giao có lợi cho Pháp đặt lại nền đô hộ.

Sau cái chết của Roosevelt, ngày 12 tháng Tư năm 1945, Hary Truman tạo điều kiện dễ dàng cho Pháp chiếm đóng lại. Tổng thống mới và các cố vấn có đủ lý do để hy sinh những người Việt Nam, Campuchia, Lào, theo quan niệm của người Pháp là gánh nặng của người da trắng. Hoa Kỳ tán tỉnh Liên Xô để họ giúp đập tan hoàn toàn nước Nhật; họ cũng không kém xem nước Nga là mối đe dọa tương lai. Averell Harriman, một trong những nhà xây dựng đường lối đối ngoại sau chiến tranh, lúc ấy là đại sứ ở Moscow, vội vã trở về Washington trong chiếc máy bay ném bom B-24 để báo động với Truman, nói với ông này họ có nguy cơ bị một “sự xâm chiếm dã man của châu Âu” đe dọa. Để kiến thiết châu Âu thời hậu chiến loại trừ được lực lượng Xô Viết và cắm chắc lực lượng Hoa Kỳ, Truman và các cố vấn cần có sự hợp tác của nước Pháp. Họ muốn sử dụng các hải cảng, sân bay và căn cứ quân sự của Pháp để chống lại cái gọi là sự đe dọa của Hồng quân Stalin. Họ công nhận chế độ thực dân Pháp kiểu thế kỷ XIX sẽ không thực hiện được trên thế giới thời hậu chiến. Về tinh thần họ cảm thấy không thoải mái khi đồng lõa với việc Pháp trở lại Đông Dương và lo lắng thấy nước Pháp sa vào một cuộc tranh chấp với thời gian và tốn kém không có giới hạn. Tuy thế Truman thừ nhận quyết định của Roosevelt. Tháng Năm năm 1945, bốn tháng trước khi chưa người nào biết ở Hà Nội sẽ có chính phủ loại nào, ông cho Georges Bidault, bộ trưởng Ngoại giao của De Gaulle biết Hoa Kỳ không bao giờ đặt lại vấn đề “dù ngầm ý, việc Pháp thống trị Đông Dương”. Truman đã theo Roosevelt, để người Anh đảm nhận việc người Pháp trở lại. Người Anh hoan hỉ làm việc đó, hy vọng thuộc địa của họ được vững vàng.

Viên tướng Sư đoàn Anh Douglas Gracey đến Sài Gòn ngày 13 tháng Chín năm 1945 với một lực lượng can thiệp hỗn hợp gồm người Gurkhas, lính Ấn Độ và lính dù Pháp. Ông giải phóng những quân lính Vichy bị quân chiếm đóng Nhật tước vũ khí và cầm tù trong tháng Ba sau bốn năm rưỡi hợp tác. Ông tăng cường đội quân bằng cách sáp nhập 17.000 lính Nhật nên việc giái giáp ở miền Nam Việt Nam chậm lại mấy tháng để có thể đánh nhau với người Việt Nam với mục tiêu duy nhất “Khôi phục trật tự”. Đầu tháng Mười những người lính Pháp khác đến, được chở trên những tàu Hải quân Hoàng gia kèm theo chiến hạm Richelieu và khu trục hạm Triomphant. Tướng Philipe Leclerc, người giải phóng Paris , bay đến Sài Gòn để chỉ huy đội quân viễn chinh. Với những đội quân Ấn Độ và Nhật giúp đỡ, ông đuổi quân Việt Minh ra khỏi thành phố và đi khá sâu vào đồng bằng sông Cửu Long, chiếm Mỹ Tho vào ngày 25 tháng Mười. Mấy ngày sau đó, Cần Thơ, tỉnh chính vùng đồng bằng cũng rơi vào tay quân Pháp. Vào đầu tháng Chạp năm 1945 Leclerc chỉ huy 21.500 lính Pháp ở miền Nam Việt Nam, trong đó có Sư đoàn 2DB và xe tăng Mỹ. Theo đề nghị của Anh, Truman cung cấp cho người Pháp 800 xe jeep và xe tải. Ông giải thích vì chuyển từ Việt Nam đi quá phức tạp. Người Pháp cũng nhận được những phương tiện đổ bộ đường thủy và tàu chiến để chinh phục lại đất nước này. Tàu sân bay đầu tiên, Dixmude bắn phá Bắc Bộ là một tàu chiến Mỹ và phi công lái máy bay ném bom Mỹ. Mùa thu năm 1945, Hải quân Mỹ chuẩn bị cho việc đổ bộ quân Pháp lên Hải Phòng, với sự giúp đỡ của các toán quân Nhật, đã tháo gỡ  bom mìn ở hải cảng chính họ đã phong tỏa thời kỳ chiến tranh để ngăn chặn quân Pháp của chính phủ Vichy và kẻ thù của họ là quân Nhật.

Tàu bay và khí cụ lấy của quân Đức bổ sung cho việc trang bị của Mỹ cho phép người Pháp có khá đầy đủ vũ khí để trụ vững cho đến cuối năm 1946. Ba tuần lễ sau khi cuộc chiến tranh ở Hà Nội bắt đầu trong tháng Chạp, Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ thông báo với Chính phủ Pháp có thể mua tất cả các loại vũ khí của họ theo ý muốn “trừ việc dùng vào những hoạt động ở Đông Dương”. Như vậy có nghĩa thực tế nước Pháp có thể gửi toàn bộ khí tài hiện có ở châu Âu để rồi khôi phục lượng dự trữ bằng vũ khí mới của Mỹ. Năm 1947, Truman cho Pháp vay 160 triệu đô la để mua xe cộ, máy bay rõ ràng dùng cho Đông Dương. Cùng năm ấy nhiều trăm triệu đô la giúp đỡ theo kế hoạch Marshall bắt đầu lấy lại sinh khí cho nền kinh tế Pháp, giảm nhẹ gánh nặng cho một cuộc chiến tranh thực dân. Tất cả những thư từ, điện tín của Hồ Chí Minh cũng như bản ghi nhớ cuộc trao đổi cuối cùng của ông ở Đại sứ quán Paris đều được Bộ Ngoại Giao Mỹ xếp vào hồ sơ “Bí mật hàng đầu”. Những văn bản này chỉ được công bố sau 25 năm sau với những hồ sơ của Lầu Năm Góc.

do khác ít cao thượng hơn. Nghe những lời lẽ huyênh hoang của các tổng thống, những người da vàng, da nâu đã quên mất Hoa Kỳ là một sức mạnh thực tế và có quyền, có khả năng kỳ lạ biện  minh về một số xếp đặt quyền lợi cho họ. Việc họ trở thành lực lượng hùng hậu nhất thế giới sau chiến thắng ở Thế chiến thứ hai càng phát triển khuynh hướng thanh minh cách xử sự của họ thường với những lý do không đẹp. Ngoài ra những người châu Á lạc quan dựa vào Hoa Kỳ bảo trợ đã không hiểu người Mỹ tiêm nhiễm chủ nghĩa phân biệt chủng tộc đến mức tự họ không nhận thấy mình đang chơi trò hai mặt ở châu Á. Trên bậc thang các xưởng máy trong chiến tranh, người ta thường nghe hát bài :

Vừa làm vừa ca hát
Hitler chỉ đạt số không
Mussolini là kẻ lông bông
Người Nhật trông càng tệ hại


Người Nhật không tệ hại và người Đức là những kẻ thù nguy hiểm, quỷ quái nhất. Nước Nhật không bao giờ đủ tiềm năng quân sự để uy hiếp Hoa Kỳ. Nhưng Đức thì có. Việc phát triển bom nguyên tử trở thành cấp thiết khi các nhà bác học Mỹ và châu Âu định cư xác định có lẽ Hiler tiến hơn trong cuộc chạy đua “bom siêu việt” chỉ để cho Hoa Kỳ và Anh Quốc lựa chọn giữa việc đầu hàng hoặc bị tiêu diệt. Khả năng kỹ thuật của Nhật Bản bị hạn chế đến mức những khí cụ lớn không làm gì được trong những trận chiến ban đêm và thời tiết xấu vì việc phát triển ra đa và vũ khí hạt nhân ở ngoài tầm với của khoa học trong công nghiệp của họ. Bên cạnh hiệu quả tàn ác, phe phát xít sử dụng những phương tiện của một xã hội công nghiệp hóa để thủ tiêu 12 triệu người trong đó có 6 triệu người Do Thái trong các trại tập trung, những hành động hung bạo của Nhật, dù dã man, độc ác cũng chỉ là chuyện vặt.

Người Mỹ sợ và ghét hai kẻ thù ấy tỷ lệ nghịch với sự đe dọa của họ. Việc thăm dò của Bộ Tài chính cho thấy một chiến dịch quảng cáo dựa trên sự căm hờn đối với người Nhật bản được nhiều tín phiếu bảo vệ quốc gia hơn với người Đức. Những cuộc điều tra tỏ tõ người Mỹ trung lưu phê phán người Nhật là “báng bổ, vô nhân đạo, sức vật, xảo trá, bất nghĩa “. Sự quảng cáo tín phiếu vậy là dựa vào tính hung bạo của người Nhật. Cơ quan điều tra liên bang FBI đã bắt một số tên quốc xã gốc Mỹ nhưng những người Mỹ gốc Đức nói chung không lo ngại gì.

Sau trận Trân Châu Cảng, một làn sóng đồn đại kích động được báo chí và quân đội khuyến khích lan truyền ở California và các bang ven bờ biển Thái Bình Dương : những người Mỹ gốc Nhật liên lạc bằng dấu hiệu với tàu ngầm, gửi thông tin bằng làn sóng mật cho hạm đội xâm lược, lấy cắp vũ khí và vẽ bản đồ hướng dẫn quân Nhật sau khi đổ bộ. Chính phủ đề ra một chương trình tập hợp tình nguyện ở nội địa nhưng không ai tiếp nhận những kẻ nhập cư ấy. Câu trả lời của toàn quyền Idaho thật điển hình : “Những người Nhật sống như những con chuột, sinh sản như những con chuột, cư xử như những con chuột. Chúng tôi không muốn chứa chấp họ”. Mùa xuân năm 1942 quân đội tập hợp 150.000 người Mỹ gốc Nhật trong đó có 60.000 công dân sinh tại Mỹ, đưa họ vào các trại tập trung ở những vùng đất khô cằn ở phía tây. Tòa án tối cao xác nhận điều đó được xem là vụ vi phạm nhân quyền lớn nhất trong lịch sử nước Cộng Hòa.

Thế nhưng người ta không bao giờ phát hiện ra một hành động do thám hoặc phạm pháp nào của người Mỹ gốc Nhật Bản. Quân đội vẫn đòi hỏi Nisei – người ta gọi những người Nhật sinh ra ở Mỹ như vậy – ra mặt trận khi đến tuổi nghĩa vụ. Và gia đình của họ vẫn ở các trại tập trung suốt thời gian chiến tranh. Một nghìn hai trăn Nisei tình nguyện đi chiến đấu để chứng tỏ lòng yêu nước; những người khác để phiên chế vào các đơn vị không phàn nàn gì. Đoàn quân 4a42 của họ trở thành một trong những đoàn quân được khen thưởng nhiều nhất và được tổng thống tuyên dương bốn lần trong các mặt trận Ý và Pháp. Phương châm của đoàn quân do chính các chiến sĩ lựa chọn là :” Hãy nhớ tới Trân Châu Cảng “. Nhưng quân đội vẫn tách những người Nhật ấy khỏi lính chiến đấu da trắng, thực hiện việc phân tách như đối với những người da đen thời kỳ ấy.

Nếu người Việt Nam là những người châu Âu da trắng, Roosevelt và Truman không dễ dàng phó mặc họ cho chủ nghĩa thực dân hành hạ. Những nhìn nhận vể chủng tộc đã điều tiết những mệnh lệnh về chiến lược. Lời cảnh báo cao quí của Truman trong diễn văn tháng Mười năm 1945, trong đó ông khẳng định Hoa Kỳ từ chối “công nhận một chính phủ do lực lượng nước ngoài áp đặt cho một quốc gia” ( điểm thứ 12 trong bản tuyên bố của Wilson vốn đã kích thích Hồ Chí Minh kêu gọi ông bảo vệ chống người Pháp) chứng tỏ chủ nghĩa phân biệt chủng tộc có tính hai mặt của các nhân vật Hoa Kỳ không thay đổi từ thời Wilson. Lời tuyên bố của Truman hướng về Liên Xô đã áp đặt nền thống trị các quốc gia da trắng ở Đông Âu. Nếu Truman bối rối về những hành vi khắc nghiệt của họ ở đấy, xem ra ông không băn khoăn về những tàn khốc của người Pháp khi chinh phục lại Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Vả lại ông cũng chẳng quan tâm đến cuộc tàn sát trong tháng Mười một năm 1946, giết hại 6000 thường dân Việt Nam ở Hải Phòng khi quân Pháp tấn công miền Bắc Việt Nam.

Ông Hồ và Việt Minh cộng sản chỉ là một yếu tố ngẫu nhiên không đưa lại lợi ích gì cho những nhân vật Nhà nước Mỹ.

Ưu thê vượt trội của những người cộng sản cầm đầu cuộc cách mạng Việt Nam tạo lý do cho những người có trách nhiệm ở Hoa Kỳ tiến hành ở Việt Nam điều mà Washington dù sao cũng đã có ý định làm. Họ mau chóng quên đi những cảnh ngộ buổi đầu, tự biện minh việc bắt người Việt chịu những khổ sở của một cuộc chiến tranh còn kéo dài bảy năm rưỡi nữa là để ngăn chặn đế quốc Xô viết ( đúng hơn là Trung Hoa Xô viết) bành trướng ở Đông Nam châu Á. Các thế hệ những quan chức Mỹ nối tiếp nhau không ngừng phát biểu như vậy.

Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông trở thành cộng sản phải chăng do một bất ngờ về đường lối chính trị của Pháp ? Những vị quan lại ấy, các nhà nho Việt Nam là những nhà lãnh đạo tất nhiên của một dân tộc mà người nước ngoài luôn luôn muốn chinh phục và dẹp yên không được. Ở đất nước chúng ta hiếm có những tấm gương như thế : người Ireland trong số đó, người Việt Nam cũng vậy. Sức kháng chiến dữ dội của họ là cả một truyền thuyết. Và là lịch sử nhắc nhở những người sống không bao giờ được làm nhục người chết.

Hệ thống trị đất nước của người Việt Nam phỏng theo người Trung Hoa. Nước Trung Hoa do một hoàng đế cai trị dựa vào một hệ thống quan lại. Vua ở Việt Nam là hình ảnh thu nhỏ của “con Trời” ở Bắc Kinh; các quan lại là những người có học thức điều hành việc nước, được bổ nhiệm vì tỏ rõ sự uyên bác về triết học Khổng Tử do một khoa thi theo cách Trung Quốc lựa chọn. Cũng như ở Trung Quốc, các quan lại hình thành một tầng lớp xã hội; giới trí thức bàn giấy trở thành lớp quý tộc mà thực tế nông dân nghèo không với tới được.

Chế độ thực dân Pháp bẻ gãy hàng ngũ quan lại Việt Nam. Để bảo tồn vị trí họ bắt đầu phục vụ người Pháp, chuyển thành quan chức của nước ngoài và mất tính hợp pháp lãnh đạo đất nước. Họ cũng trở nên tha hóa trong xã hội. Nhà nước độc quyền bán rượu, thuốc phiện và những điều kiện bó buộc trong các đồn điền cao su cùng những lạm dụng khác biến thực dân Pháp thành một chế độ bóc lột. Những quan lại cùng hợp tác hàng ngày tham gia vào những tội ác chống dân tộc họ, lâu dần không cảm thấy tội lỗi nữa. Một số ít trong bọn họ không chịu cúi đầu trước những người Âu châu dã man. Sự chống đối lúc đầu đem lại nỗi sỉ nhục và cảnh đói nghèo cho họ để rồi về sau cứu với gia đình và đất nước. Dưới con mắt nông dân, qua những hình ảnh kháng chiến chống ngoại xâm, họ giữ được vai trò lãnh đạo tất nhiên trong xã hội Việt Nam. Họ tự cảm thấy và truyền lại cho con cháu nỗi sỉ nhục không nguôi chừng nào đất nước chưa  được giải phóng. Các nhà lãnh đạo Đảng cộng sản phần lớn là con cháu của những gia đình quan lại ấy phân hóa dưới chế độ thực dân vì một số hợp tác với kẻ thống trị trong lúc những người khác vẫn theo con đường chính trực.

Những bậc tiền bối trong gia đình và đường lối chính trị của Hồ Chí minh là mẫu mực cho người Việt Nam noi theo. Bố ông Hồ, sinh ra ở Nghệ An, một tỉnh bắc Trung Bộ Việt Nam, nổi tiếng về hoạt động chống Pháp, là một nhà Nho môn đồ của Khổng Tử. Làm quan ở Bình Định, một tỉnh phía nam, ông bị sa thải vì ý thức yêu nước. Bối cảnh chính trị của nước chiếm đóng không khỏi ảnh hưởng đến số phận những người dân của nước bị chiếm đóng. Vì thế những người Philippines của Lansdale lấy nền dân chủ Mỹ làm khuôn mẫu, có hai đảng phái chính chống đối chế độ thực dân. Jawaharlal Nehru và phần lớn các nhà lãnh đạo vì nền độc lập Ấn Độ là những nhà xã hội Anh về đường lối. Lẽ tự nhiên khi Hồ Chí Minh ở Paris trong Thế chiến thứ nhất đã theo những người xã hội vì đây là nhóm chính trị độc nhất ở Pháp nghiêm túc bảo vệ nền độc lập của những nước thuộc địa.

Năm 1920 Đảng Xã hội Pháp bị cuốn hút vào một trong những tranh luận quan trọng nhất của lịch sử : ở lại Quốc tế thứ II được hình thành tại Paris năm 1889 hoặc đi theo tổ chức cách mạng hơn nhiều là Quốc tế thứ II do Lênin sáng lập ở Moscow năm 1919 để bảo vệ quyền lợi Bôn sê vích. Ông Hồ kể lại trong một bài báo đăng 40 năm sau đó, ông đã tham gia những cuộc tranh luận, rất chú ý lắng nghe, không hiểu hết những vấn đề nêu ra nhưng nhận thấy vấn để chế đột thực dân không được bàn đến. Mà điều ông muốn biết trước hết là “trong hai quốc tế, quốc tế nào đứng về phía nhân dân các nước thuộc địa ?”. Người ta nói với ông là Quốc tế thứ III. Vào mùa xuân, một người bạn Pháp đưa cho ông một bản sao báo cáo của Lênin in trong báo Nhân đạo ( L’Humanité) : “ Luận cương về những vấn đề dân tộc và thuộc địa”. Ông tả lại phản ứng của mình khi đọc bài ấy trong gian phòng nhỏ đang ở :” Trong luận cương có những danh từ chính trị khó hiểu. Cố gắng đọc đi đọc lại cũng nắm được vấn đề cấn thiết, tôi cảm nhận ở đây bao cảm động, nhiệt huyết, sáng tỏ và tin tưởng ! Tôi khóc lên vì vui mừng. Ngồi một mình trong phòng tôi kêu lên rất to như nói với đông đảo quần chúng :

Hỡi những người đau khổ, những đồng bào của tôi ! Đây là điều chúng ta cần ! Đây là con đường giải phóng của chúng ta ! ».

Trong những cuộc tranh luận tiếp theo, ông Hồ không ngồi im lặng. Ông chế diễu những người chống đối Lênin bằng câu hỏi đơn giản này : « Nếu các ông không lên án chế độ thực dân, nếu các ông không đấu tranh bên cạnh các dân tộc thuộc địa bị áp bức thì các ông làm loại cách mạng gì ? ».

Ở hội nghị Tours tháng Chạp năm 1920, ông bỏ phiếu cho phía cực tả và trở thành một trong những người sáng lập Đảng cộng sản Pháp.

Đảng Cộng sản Pháp cử ông đi Moscow vào mùa hè năm 1923 tham dự Hội nghị quốc tế nông dân. Được bầu vào Ban chấp hành , ông ở lại Liên bang Xô viết một năm nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin và những chiến thuật cách mạng ở Trường Đại học Phương Đông. Cuối năm 1924 ban chấp hành Quốc tế cộng sản cử ông đi Quảng Đông làm phiên dịch cho Phái đoàn chính trị và quân sự bên cạnh Đảng cách mạng dân tộc Trung Hoa, Đảng Quốc dân của Tôn Dật Tiên trong đó những người cộng sản Trung Quốc còn hợp tác với  nhòm Tưởng Giới Thạch. Ít lâu sau khi đến ông viết một báo cáo thông báo đã hình thành tổ chức cộng sản bí mật đầu tiên của lịch sử Việt Nam : Thanh niên cách mạng đồng chí hội, gồm ông và tám nhà yêu nước khác, đồng hương của ông sống ở Quảng Đông. Ông đi Hàng Châu, Thượng Hải và những thành phố khác để nói chuyện với những người Việt Nam xa quê hương, thuyết phục họ hình thành một tổ chức vững chắc vì quyền lợi dân tộc.

Âm vang những hoạt động của ông lan truyền về Việt Nam, nhiều nhà yêu nước trẻ tuổi tìm đến hội của ông. Những người chấp nhận quan điểm kinh tế xã hội của ông có cùng một lý do như đã làm ông đi theo Lênin. Qua những bài học ông trình bày về chiến lược và chiến thuật cách mạng Lêninít, họ hiểu : xã hội cộng sản là đích tối cao và phương pháp đạt tới phải qua nền độc lập dân tộc. Phần lớn những người thấy ở ông Hồ điều mình tìm kiếm ở Quảng Châu, Quảng Đông cũng như sau này ở Việt Nam, đều là con cái lớp quí tộc có học thức bị tước đoạt quyền lợi. Một trong những người đầu tiên theo ông ở Quảng Châu là một sinh viên 17 tuổi, Phạm Văn Đồng, bố ông là quan lại, thư ký riêng cho nhà vua trẻ Duy Tân. Bố ông Đồng bị cách chức khi người Pháp phế ông vua 18 tuổi đày ra đảo Réunion vì ông này xúi giúc một cuộc nổi dậy trong số những người lính Việt Nam Pháp tuyển mộ đi đánh nhau trong cuộc Chiến tranh thế giới thứ nhất. Ông Đồng trở thành một trong những người hợp tác thân cận nhất của ông Hồ, lãnh đạo phái đoàn Việt Nam ở Hội nghị Geneve năm 1954 và trở thành thủ tướng Chính phủ miền Bắc Việt Nam. Nhưng trước đó ông đã trải qua sáu năm trong tuổi thanh niên ở nhà tù Côn Đảo. Người Pháp đào ở đây những hầm nhốt tù dưới đất phía trên gắn song sắt ; những « chuồng cọp » này nổi tiếng trong chiến tranh mà người Mỹ dùng giam những người nổi dậy Việt cộng.

Một tổ chức của giai cấp vô sản dưới sự lãnh đạo của tầng lớp quí tộc bản xứ hoàn toàn bất thường so với các đảng cộng sản. Alexander Woodside, nhà sử học người Canada chuyên về Việt Nam đã gọi đây là cuộc cách mạng của các « quan lại mác-xít ». Trường Chinh, nhà lý luận, Lê Đức Thọ, nhà thương lượng khôn khéo mà Henry Kissinger gặp ở bàn đàm phán Paris năm 1968 và Võ Nguyên Giáp, nhà lãnh đạo quân sự lớn của nước Việt Nam mới, tất cả đều xuất thân từ tầng lớp quý tộc trí thức ấy. Những người lao động chân tay và nông dân đều không có mặt trong hàng ngũ ưu tú này. Trong số đó ngoại trừ có một trong những người bạn và cộng sự của tướng Giáp, ông Văn Tiến Dũng, chỉ huy một sư đoàn trong chiến tranh chống Pháp rồi tham mưu trưởng quân đội miền Bắc : một người công nhân cũ của một xưởng dệt ở Hà Nội. Năm 1963 Đảng chính thức thừa nhận đại bộ phận đảng viên xuất thân tầng lớp tiểu tư sản.

Hạt nhân không phá vỡ được này của tầng lớp quý tộc Việt Nam hoạt động theo tiếng gọi của đất nước. Ngày 8 tháng Hai năm 1941, khi Hồ Chí Minh vượt qua biên giới nam Trung Quốc sau 30 năm lưu vong, cuộc Chiến tranh thế giới thứ hai xảy ra và sự cắt đứt quan hệ giữa các nước Đồng minh và chính quyền thực dân Pháp vốn hợp tác với quân đội Nhật hình như là dịp thuận lợi cho ông khơi nguồn một cuộc nổi dậy giành chiến thắng. Ban chấp hành trung ương ông triệu tập trong một xóm hẻo lánh ở Pắc Bó gồm những người sáng suốt và chín chắn trong chiến đấu. Họ chấp nhận thực thi chiến lược tinh vi ông đề nghị. Người ta giảm mục tiêu phấn đấu của Đảng về cuộc cách mạng xã hội để hình thành liên minh rộng rãi với những người không cộng sản vào một mặt trận dân tộc : Tổ chức mới gọi là Việt Nam độc lập đồng minh hội, từ đó được gọi tắt là Việt Minh. Nhiệm vụ của Việt Minh , như trong lời tuyên bố của ông Hồ, là tiến hành một cuộc chiến tranh « cứu nước, đuổi Nhật, Pháp và bè lũ phản động Việt Nam ».

Bốn năm tiếp theo những « quan lại cộng sản » thành công kỳ diệu trong việc chuẩn bị về quân sự. Truyền thống chung là một trong những lý do chủ yếu cho phép họ thực hiện được nhiều điều trong thời gian ít ỏi như vậy và cho họ sự gắn bó cần thiết để trong lịch sử nước mình vận dụng những nguyên lý mác xít – Lêninít vào cuộc cách mạng trong điều kiện đặc biệt của xã hội Việt Nam. Khác với những dân tộc nhỏ bé khác làn nạn nhân của những cường quốc láng giếng, người Việt Nam không chỉ có những người hy sinh vì lý tưởng. Noi theo ông cha và những gương sáng trong lịch sử kháng chiến thắng lợi chống xâm lược nước ngoài, họ cũng thành công như tổ tiên của họ.

Người Việt Nam đã phải mất một nghìn năm nổi dậy và hy sinh để giành được nền độc lập đối với Trung Quốc vào năm 938 sau Thiên Chúa giáng sinh. Trong 900 năm tiếp đó cho đến lúc người Pháp đến vào năm 1850, mỗi triều đại mới lên cầm quyền ở Trung Quốc đều sang xâm lược Việt Nam. Từng thời kỳ buộc phải đẩy lùi quân phương Bắc và tình trạng chiến tranh liên miên với những nước láng giềng ít đe dọa hơn họ phải đối mặt trong việc bành trướng xuống phía Nam bán đảo, thêm một nhiệm vụ quân sự vào nền văn hóa Việt Nam. Văn minh Trung Hoa không ưa chuộng người lính. Trung Quốc đào tạo ra những tri thức đồng thời là những người hành động, những quan lại cai trị học trò của Khổng Tử. Họ xứng đáng được noi theo về kiến thức và giá trị đạo đức trong xử thế. Người lính chiến được xem là người hạ đẳng, được dung nạp khi cần thiết nhưng không bao giờ được ca ngợi. Về căn bản không có gì tốt trong nghệ thuật chiến tranh. Lý tưởng Trung Hoa có thay đổi trong xã hội Việt Nam. Người anh hùng trở thành người tri thức và người hành động cũng là một người lính được tôn trọng, vị quan lại chiến đấu. Người Việt Nam ít người hùng hiền lành như Lincoln. Những anh hùng của họ, như có thể thấy các tượng nhỏ trang trí trên các giá sách, trên bàn, là những người đàn ông cưỡi ngựa hoặc voi, bận áo giáp cầm gươm. Nữ anh hùng truyền thuyết cũng thế, hai chị em bà Trưng nhảy xuống sông tuẫn tiết năm 43, không chịu hàng quân Tàu khi thua chạy. Lòng can đảm rất được mến chuộng trong văn hóa Việt Nam. Lê Lợi giải phóng đất nước dưới 20 năm bị Trung Hoa đô hộ qua một cuộc chiến tranh 9 năm trong thế kỷ XIV, lập một triều đại mới có một nhận định thường được lặp đi lặp lại « Tuy mạnh yếu từng lúc khác nhau, song hào kiệt đời nào cũng có ». Những cuộc chiến tranh với cường quốc phương Bắc cũng đưa người Việt Nam đi đến xây dựng lý luận cơ bản của học thuyết quân sự của họ : một lực lượng rõ ràng nếu được lãnh đạo đúng có thể đánh thắng một lực lượng mạnh hơn. Khái niệm độc nhất ấy trong truyền thống quân sự đã trở thành động lực cho lý thuyết của họ. Việc rèn luyện quân đội Việt Nam, dựa vào lịch sử, giải thích rằng để chiến thắng phải tiêu hao dần dần , làm cạn kiệt sức kháng cự của quân địch. Những lực lượng Việt Nam phải sử dụng cách rút lui nhanh sau cuộc tấn công chớp nhoáng, những hoạt động làm chậm chễ, những cuộc phục kích, quấy rối bằng các toán quân du kích. Quân địch bị lôi kéo vào những cạm bẫy trong rừng, đồi núi và những vùng đáng sợ khác tiêu hao hết sinh lực, còn người Việt Nam sử dụng chính những nơi ấy để ẩn náu và khôi phục lực lượng. Cuối cùng khi đối phương kiệt sức và rối loạn, cuộc chiến được kết thúc bằng những đòn phản công mạnh mẽ nhưng nhanh nhẹn, bất ngờ và dồn dập tối đa. Vị tướng giỏi nhất thời xưa, Trần Hưng Đạo, đã dùng chiến thuật ấy chống quân Mông Cổ tràn từ sa mạc Gobi làm kinh hoàng thế giới châu Á và chinh phục nước Trung Hoa, xâm lược Việt Nam năm 1284 rồi năm 1287. BINH THƯ YẾU LƯỢC của Trần Hưng Đạo viết cho binh tướng trở thành một giáo huấn cho nền quân sự Việt Nam. Một trăm năm mươi năm sau Lê Lợi cũng dùng những biện pháp ấy đánh đuổi hết tướng tá quân Minh.

Ba thế kỷ rưỡi sau bài học vẫn không mai một. Năm 1789 năm Cách mạng Pháp, một viên tướng được ông Giáp và ông Dũng đặc biệt thán phục là người giỏi nhất về hành quân chớp nhoáng và tấn công bất ngờ, đập tan cuộc xâm lược cuối cùng của Trung Hoa, lần này do triều đình nhà Thanh tiến hành. Nguyễn Huệ, sau này trị vì với danh hiệu hoàng đế Quang Trung, thần tốc theo dọc bờ biển Việt Nam lên đến châu thổ sông Hồng Hà không vì tính chất thiêng liêng của lễ Tết, ngày đầu năm âm lịch mà cả người Việt Nam và người Trung Quốc đều tôn trọng. Ông ta bất ngờ đánh tan đội quân xâm lược vô cùng mạnh hơn đang dựng trại chỗ gần Hà Nội bây giờ. Ông tấn công vào nửa đêm ngày mồng năm của lễ hội trong lúc quân Thanh đang ngủ say sau những bữa yến tiệc ban ngày. Từ đó người ta tổ chức lễ chiến thắng hàng năm vào ngày mồng năm Tết như là một chiến tích lẫy lừng trong lịch sử Việt Nam. Năm 1968 cũng là một ngày như thế.

Những võ công và truyền thống kháng chiến chống ngoại xâm là một bộ phận tất yếu của lịch sử nước Việt Nam trước thời kỳ thuộc địa. Nó thấm vào văn học nghệ thuật truyền thống và tâm tính của tầng lớp nông dân đồng thời là di sản của tấng lớp quan lại. Những điền trang - trại  lính là một yếu tố quyết định sự bành trướng của phần bắc Việt Nam đến vùng đồng bằng sông Cửu Long. Cuộc « Nam tiến » ấy là một thiên anh hùng ca khác của lịch sử Việt Nam kéo dài trên 450 năm, từ đầu thế kỷ XIV đến cuối thế kỷ XVIII. Việc thờ cúng tổ tiên những người nông dân tiến hành cùng với niềm tin ngưỡng vật linh và Phật giáo bao gồm lòng tôn kính linh hồn những chiến tướng – quan lại nhiều đền thờ được xây dựng tôn vinh họ ở những vùng trung tâm nông nghiệp và lễ thờ cúng là một phần trong đời sống nông dân ; trách nhiệm lễ bái họ cho là một vinh dự thiêng liêng. Một người nước ngoài thấy người nông dân Việt Nam còng lưng trên ruộng có thể nghĩ hình như họ cam chịu, nhưng không nên xem sự dè dặt và chăm chỉ làm lụng của họ là sự phục tùng. Khi họ vùng lên vì quyền lợi và được chỉ đạo tốt, họ là những người chiến đấu đáng sợ, chỉ cần ít lâu để trở thành người lính. Cuộc sống vất vả trên đồng ruộng chuẩn bị cho họ về những khắt khe của một trại lính và kỷ luật tập thể cần thiết cho việc cày cấy ruộng ngập nước chuẩn bị cho họ làm quen với luật lệ tập thể ở chiến trường. Họ cứng rắn và khôn ngoan trong chiến đấu và lòng can đảm được đề cao trong văn hóa truyền thống thúc đẩy họ tự chứng minh sự dũng cảm để được bạn bè kính trọng.

Người Pháp đã có thể đè bẹp dân tộc này ở thế kỷ thứ XIX với một tổ chức Châu Âu cùng kỹ thuật, vũ khí hiện đại hơn, vào thời kỳ nền văn minh Việt Nam cũng như Trung Quốc đang trong tình trạng đình trệ. Nhưng đã không thể xóa bỏ lịch sử của họ. Những cuộc nổi dậy liên tiếp nhau chứng tỏ người Pháp không bao giờ bẻ gãy được nghị lực của dân tộc này. Những biểu tượng, và gương sáng của quá khứ tiềm ẩn Trần Hưng Đạo, Lê Lợi và Nguyễn Huệ chờ đợi một thế hệ mới hồi sinh, phát động đất nước vùng lên chống lại.

Khi Hồ Chí Minh và các học trò của mình khơi dậy quá khứ nối liền với hiện tại, nhân dân Việt Nam có thể đối mặt với kẻ thù do học tập lịch sử. Người Pháp không phải là một giống người châu Âu thượng đẳng mà chỉ là một kẻ xâm lược khác từ ngoài vào, vậy là có thể đánh thắng. Nhóm quan lại và những nhóm xã hội khác hợp tác với người Pháp không còn là những người có đặc quyền người ta phải phục tùng mà cũng là những « quân lang sói » như Hồ Chí Minh gọi tên, đã từng là những con tin của quân Tàu chiếm đóng. Bao giờ cũng có những quan lại sẵn sàng cuồng tín vì kẻ xâm lược nước ngoài hoặc vì tiền, vì thuộc các nhóm phiến loạn không phục tùng hoặc vì họ nghĩ việc chinh phục sẽ kéo dài, tốt nhất là bám vào để có vị trí cho mình và gia đình trong trật tự mới ấy. Lịch sử Việt Nam không thiếu những « tên phản động bán mình » theo cách nói  của những người cộng sản. Những nông dân và dân nghèo thành thị trong tổ chức mật thám, cảnh binh và quân lính thuộc địa tra tấn, giết hại đồng  loại vì người Pháp. Người Tàu cũng đã tuyển mộ loại này để bổ sung vào hàng ngũ tay sai. Không khí tệ hãi xã hội, mưu mô xảo trá và sự thối nát lan tràn ở Huế, ở triều đình Bảo Đại và các quan chức cấp cao là dấu hiệu muôn thuở của một triều đại xuống dốc không thể bảo vệ đất nước nữa và phải bị quét sạch bởi những chiến sĩ – quan lại yêu nước.

Trong Thế chiến thứ hai, những người này sống trong rừng núi ven biên giới Trung Quốc phát triển tổ chức Việt Minh để vận động một phong trào toàn quốc. Nhớ lại công cuộc di trú anh hùng, Hồ Chí Minh gọi cuộc tiến về các làng xã, ruộng đồng vùng đồng bằng là « tiến xuống phía Nam ». Những cơ sở rừng núi được mệnh danh Lê Lợi, Quang Trung và những anh hùng khác của cuộc kháng chiến xưa kia. Cuối năm 1944, Việt Minh đã có nửa triệu người tham gia mà ba phần tư là người miền Bắc và miền Trung. Họ do một Đảng Cộng sản lãnh đạo lúc ấy không quá năm nghìn đảng viên. Lời kêu gọi vẫn nhấn mạnh vào lòng yêu nước và một số yêu sách xã hội nhằm tập hợp nông dân mà không làm những điền chủ giàu có yêu nước lo sợ.

Mùa xuân năm 1945, người Nhật đánh giá đúng người Pháp Vichy đã đổi hướng, trở thành những « người Pháp tự do » trong lúc nước Nhật đang thất bại trong cuộc chiến. Những cú đánh mạnh của quân đội Thiên Hoàng khắp Đông Dương ngày mồng 9 tháng Ba lúc hai mươi mốt giờ ba mươi không những thủ tiêu chính quyền thực dân và giải giáp quân đội mà còn đánh một đòn sinh tử cho chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương. Nỗi sợ hãi của nhiều người Việt Nam đối với những ông thầy châu Âu tan biến khi thấy họ bị bắn, bị đánh bại và kéo lê ở các trại lính còn vợ con họ bị những người lùn da vàng làm nhục. Áp lực của chính quyền trung ương đột nhiên biến mất còn những vùng nông thôn Bắc Bộ lâm vào nạn đói tệ hại nhất trong lịch sử. Giữa cuối năm 1944 và mùa hè năm 1945, từ bốn trăm nghìn đến hai triệu nông dân và vợ con chết đói. Người ta không thể biết con số chính xác vì chính quyền không làm được thống kê nữa và người Nhật đã bỏ nông thôn lui về thành thị. Nạn đói là hậu quả của việc người Pháp thu vét lúa gạo theo lệnh người Nhật để làm chất đốt cho các xưởng của quân đội Thiên Hoàng hoặc gửi sang Nhật. Các chủ điền đại bộ phận ở miền Bắc lúc đầu bị phá sản rồi trải qua nạn đói, không thể mua hạt giống để gieo cấy cũng không có thực phẩm cho gia đình nữa. Việc thu gom lúa gạo do các lý trưởng, chánh tổng, cấp cai trị thấp nhất của chính quyền thuộc địa, có cảnh binh giúp đỡ thực hiện. Những người Việt Nam ấy tiếp tục tịch biên lúa gạo cho người nước ngoài trong lúc chính đồng bào của họ chết đói cho thấy một ví dụ lạ lùng về sự tha hóa đạo đức của chế độ thực dân.

Khi các tổ chức Việt Minh thâm nhập vào nông thôn, nạn đói đã nhấn chìm nông dân vào mức độ tột cùng của thất vọng và căm hờn. Việt Minh bèn ra một lệnh cũng quan trọng như về độc lập dân tộc « Phá các kho thóc để cứu đói ». Các chiến sĩ cách mạng phá những kho tích lũy gạo của các điền chủ đem phân phát cho dân. Đổi lại, nông dân giúp họ bắt giữ các lý trưởng, chánh tổng. Những người này bị thay thế bởi chính quyền Việt Minh trong các « Hội đồng nhân dân » được các đơn vị tự vệ gồm những người nông dân vũ trang bằng dao, bổ cào và liềm hái. Khi nước nhật đầu hàng ngày 15 tháng Tám năm 1945, ông Giáp có hơn 5000 chiến sĩ phần lớn được trang bị vũ khí Mỹ do OSS cung cấp ; họ được đa số tầng lớp nông dân miền Bắc phục tùng không điều kiện.

Rồi như các đợt sóng vỗ bờ : ngày 17 tháng Tám, « Hội đồng khởi nghĩa » phất cao ngọn cờ cách mạng Việt Minh, ngôi sao vàng năm cánh trên nền đỏ trong một cuộc tập  hợp lớn. Mít tinh tổ chức ở nhà hát thành phố Hà Nội do các công chức Việt Minh dựa vào sự ủng hộ của chính phủ bù nhìn Bảo Đại được người Nhật dựng lên. Người lên diễn đàn đầu tiên vừa cất lời thì những lá cờ Việt Minh phất lên trong gian phòng đầy ắp người và trên diễn đàn. Một chiến sĩ cách mạng, được những người bảo vệ có súng ngắn bao quanh, giật lấy micro kêu gọi khởi nghĩa « giành lại đất đai của tổ tiên ». Cảnh binh có nhiệm vụ bảo vệ cuộc mít tinh ngả theo họ và buổi họp biến thành một cuộc biểu tình rầm rộ ủng hộ Việt Minh, tiếp đó là cuộc diễu hành suốt đêm trên đường phố. Những ngày tiếp theo, nhiều nghìn nông dân đổ ra thành phố. Đại diện của Bảo Đại chạy trốn. Đội quân đồn trú bảo vệ thành phố bị cầm tù và vũ khí được phân phát cho những người khởi nghĩa. Ba mươi  nghìn lính Nhật đóng ở Hà Nội từ chối bảo vệ chế độ bù nhìn. Họ chỉ đành giữ gìn những ngôi nhà của Nhà băng Đông Dương và binh trại của họ.

Cuối tháng Tám năm 1945 Bảo Đại thoái vị tại thủ đô hoàng gia Huế trong một buổi lễ tầm vóc đáng kể đối với người Việt Nam. Hoàng đế, nhân danh quốc gia cho đến khi người Pháp bẻ gãy biểu tượng, chuyển giao quyền hành hợp pháp cho các đại diện của Hồ Chí Minh. Mặc áo bào nhà vua, chít khăn vàng, ông đứng trên tường thành cửa Ngọ Môn của hoàng cung giữa thành phố Huế. Bảo Đại trao lại cho phái đoàn Việt Minh ấn tín triều đình và thanh kiếm nhà vua. Ngọn cờ vương quốc hạ xuống từ cột cờ đồ sộ trên cồng thành và lá cờ đỏ sao vàng của Cách mạng được kéo lên thay thế. Nhà vua cuối cùng của triều Nguyễn trở thành công dân Vĩnh Thụy, được phong làm « cố vấn chính trị tối cao » của chính phủ Hồ Chí Minh cho đến lúc ông ta rời đất nước vào đầu năm 1946.

Trái với  những xác định sau này của các quan chức Hoa Kỳ, những Đảng Cộng sản khác không giúp đỡ gì người Việt Nam trong cuộc chiến tranh chống Pháp của họ. Người Trung Quốc còn bận rộn trong cuộc chiến với Tưởng Giới Thạch. Những đồng minh Pháp buổi ban đầu cũng bỏ rơi họ. Với hy vọng thắng lợi trong những cuộc bầu cử năm 1945 và 1946, Đảng Cộng sản Pháp thực ra đang lo tránh mọi hành động mất lòng dân và im lặng về lời tuyên bố lịch sử để các thuộc địa độc lập. Những đồng chí cũ của Hồ Chí Minh khuyên không nên chống lại việc chính quyền thực dân quay trở lại vì một cuộc chiến tranh giành độc lập trở ngại cho đường lối ngoại giao của Liên bang Xô Viết.

Những người Việt Nam không nhận được của Moscow một sự giúp đỡ nào vì Stalin chẳng có lợi gì để tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc cách mạng của họ. Ông không chia sẻ hy vọng về thắng lợi bầu cử của những người cộng sản Pháp vì ông sáng suốt hiểu rằng Hoa Kỳ không bao giờ cho phép có một chính phủ cộng sản ở Paris dù được bầu hợp pháp hay không. Tuy vậy ông mong Đảng cộng sản Pháp tranh thủ được quần chúng vì lợi ích chính trị có một pháo đài cộng sản mạnh ở nước Pháp. Ông cũng muốn các nhà chính trị cánh tả không chú ý khi ông đang củng cố sự chi phối của Xô viết ở Đông Âu, con đường xâm nhập vào nước Đức giữa hai cuộc tranh chấp và là mối bận tâm hàng đầu về an ninh đối với Stalin.

Trên thực tế, những người cộng sản Pháp còn vượt quá sự từ chối giúp đỡ. Họ đồng tình với việc chinh phục lại thuộc địa. Maurice Thorez, tổng bí thư Đảng cộng sản Pháp là phó chủ tịch Hội đồng chính phủ ba phái tiến hành chiến tranh chống Việt Minh năm 1946. Ông chú tâm để các thành viên Hội đồng dân tộc không cản trở việc bỏ phiếu tiến hành những biện pháp khẩn cấp và chi phí quân sự cho cuộc chiến tranh Đông Dương.

Những điều kiện ấy thay đổi vào năm 1949 với cuộc chiến tranh lạnh và các đội quân của Mao Trạch Đông tiến xuống biên giới Bắc Việt Nam. Trong bốn năm đầu của cuộc chiến tranh chống Pháp, người Việt Nam, như ông Hồ, nói « hoàn toàn đơn độc ». Việc xây dựng quân đội của họ là một sáng kiến quân sự xứng đáng với những chiến công của tổ tiên họ. Họ đã có những tiến bộ đáng kể khi ông Hồ mất hết hy vọng thỏa thuận một tạm ước với người Pháp, đã cho phá vỡ trung tâm Hà Nội vào đêm 19 tháng Chạp năm 1946. Trong một năm bốn tháng tiếp theo cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945, ông Giáp và các phó của ông đã biến đội quân nhỏ bé 5000 người thành một lực lượng mười vạn người giá trị chiến đấu không đồng đều, từ những toán du kích ở đồng bằng sông Cửu Long đến những tiểu đoàn thường trực ở Bắc và Trung bộ Việt Nam. Việc trang bị của họ lẫn lộn các loại vũ khí : súng Pháp già cỗi với các cỡ đạn khác nhau, súng Nhật tước của quân đội Thiêh Hoàng, súng Mỹ do Trung Hoa Dân quốc bán giấu giếm. Họ cũng sử dụng những khẩu các-bin Mỹ và Steven Anh sản xuất thô thiển trong những xưởng thủ công với máy móc của các xưởng máy Pháp cũ hoặc các xưởng nghành đường sắt. Thậm chí họ cử thợ lặn xuống tìm vũ khó và trang bị trong các tàu Nhật bị đắm ở vịnh Bắc Bộ. Nhiều nghìn sĩ quan binh lính và kỹ thuật viên Nhật Bản đào ngũ thay vì được đưa về nước là bộ khung cán bộ của các xưởng và huấn luyện viên cho các chiến sĩ tương lai. Những người đào ngũ Nhật Bản do ông Giáp và các thủ trưởng Việt Minh khác lãnh đạo, những người này đã được rèn luyện trong Hồng quân Trung Quốc hoặc đào tạo ở học viện quân sự đệ tam quốc tế xây dựng ở Hoàng Phố năm 1925. Người Việt Nam đã có một quân đội quốc gia. Người Pháp phải đánh nhau 3 tuần mới kiểm soát được Hà Nội và phải gần ba tháng mới giải phóng hết những cơ sở đồn trú bị vây hãm.

Việc tuyển mộ và tập luyện quân không ngừng tăng tiến sau đêm quyết định ở Hà Nội. Vũ khí nhiều hơn và chất lượng tốt hơn tước được của quân Pháp hoặc mua ở Tàu và Thái Lan. Các tướng Tàu quốc dân ở miền Nam Trung Quốc hoặc ở đảo Hải Nam sẵn sàng vì tiền đổi súng đạn Hoa Kỳ cung cấp chọ họ đánh cộng sản. Việt Minh duy trì cho đến thời kỳ chiến tranh Triều Tiên một phái đoàn thường trực mau súng đạn ở Bangkok trên cùng đường phố với cơ quan thông tin Mỹ. Tiền không có mùi vị chính trị đối với người Thái. Vũ khí được đưa về trên lưng vật nuôi, trên xe đạp hoặc xe bò kéo đến cơ sở Việt Minh trong vùng biên giời phía Bắc. Nhiều loại được chở lậu bằng thuyền và tàu đánh cá từ Hải Nam đến vô số các vũng nhỏ bở biển phía bắc hoặc trên 350 cây số Việt Minh kiểm soát, đúng vào chỗ mấy năm sau đó Bumgardner chứng kiến Ngô Đình Diệm đến thăm vùng « giải phóng ». Ông Giáp đã bắt đầu tổ chức các chiến binh miền Bắc thành đơn vị cỡ Sư đoàn trước khi những người cộng sản Trung Quốc bố trí quân ở biên giới vào cuối năm 1949, mở ra triển vọng một sự giúp đỡ tăng tiến. Con người sống bằng nghề dạy học môn lịch sử ở một trường trung học Hà Nội, đã giảng dậy ở đây vể cuộc cách mạng Pháp và những trận đánh của Napoléon, đã chứng tỏ là một vị tướng trí thức nổi tiếng, có khả năng sử dụng chiến lược truyền thống Việt Nam chống lại người Pháp.

Từ cuối năm 1949 đến mùa thu năm 1950, ông Giáp tiêu hao quân Pháp trong những núi rừng bao quanh đồng bằng sông Hồng. Tướng Marcel Carpentier mất phương hướng, hốt hoảng và phạm vào sai lầm người Việt Nam đã dự kiến. Ông ra lệnh thoát ra cấp tốc khỏi các tỉnh biên giới vào năm 1950. Các đoàn quân Pháp đi vào con đường số 4 ngoằn nghèo giữa những núi đá vôi và rừng vùng biên giới. Quân của ông Giáp đã chờ họ ở đấy và con đường của đế quốc Pháp là con đường kết thúc thảm hại của nền đế quốc ấy. 6000 binh lính đội quân thực dân Pháp biến mất tại đây. Việt Minh chiếm đủ khí giới, quân nhu, xe hơi, xe bọc thép và thiết bị các loại để trang bị cho toàn bộ một Sư đoàn. Đây là thất bại tệ hại nhất của đế quốc Pháp ở hải ngoại. Chiến thắng này của ông Giáp là màn mở đầu cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Cú sốc tâm lý của thảm bại này có lẽ sẽ đẩy nhanh những cuộc thương lượng để chấm dứt chiến tranh nếu nước Pháp bị bỏ mặc với những nguồn lực của mình. Nhưng chính quyền Truman vừa giao ước đóng góp một sự giúp đỡ quân sự trực tiếp và hào phóng đã khuyến khích người Pháp tiếp tục cuộc chiến.

Từ năm 1950, nhiệm vụ của ông Giáp và các sĩ quan chủ yếu là trang bị cho quân đội dày dạn của họ bằng xe pháo Xô-viết, những súng phòng không và khí cụ hạng nặng khác nhanh chóng đưa tới cùng những huấn luyện viên Trung Quốc để nâng tổ chức lên thành một lực lượng chiến đấu hiện đại. Cần nhiều năm để đạt tới điều đó, đánh dấu bởi những sai lầm và thất bại. Nhưng điều chủ yếu đã được thực hiện vì quân đội được thế giới chú ý năm 1954 và viết nên thiên anh hùng ca mới trong lịch sử Việt Nam được xây dựng từ rất lâu trước khi chiếc xe tải đầu tiên chở vũ khí Xô-viết vượt qua biên giới Trung Quốc.

Việc lãnh đạo cuộc chiến tranh giành độc lập do Hồ Chí Minh và các học trò của ông lãnh đạo đã in đậm hình ảnh nhân dân trong trí những người Việt Nam và cụ thể hóa một số vấn đề cơ bản của cuộc sống chính trị. Cả toàn dân tham gia từ những trẻ em vừa lớn lên đi do thám và đưa tin đến những bậc ông bà có thể khôn khéo biện bác với tư cách những người già. Những người Việt Nam có ba thái độ lựa chọn : gia nhập hàng ngũ những người cộng sản để giải phóng đất nước, hợp tác với người Pháp vì những lý do khác nhau hoặc không tham gia vào cuộc tranh chấp này về đạo đức và chính trị quan trọng nhất thời đại ấy như một số ít người làm, đặc biệt là Ngô Đình Diệm. Cuộc chiến tranh làm ông Hồ trở thành người cha của nước Việt Nam mới : do vậy một người yêu nước là một  người cộng sản hoặc một người có cảm tình. Người đứng về phía Pháp là một kẻ hợp tác, như những người phe Pétain ở Vichy. Người nào từ chối tham gia, như Diệm, bị loại trừ khỏi cuộc đấu tranh và lối sống chờ thời dẫn đến hư không.

Những người có trách nhiệm ở Hoa Kỳ tỏ ra không thể chấp nhận những thực tế ấy ở Việt Nam. Tuy ông Hồ không kêu gọi trực tiếp người Mỹ nữa, ông đã cẩn thận để ngỏ cửa, hy vọng một ngày nào đó có một sự thỏa thuận. Đầu năm 1949, Geogre Abbott, nhà ngoại giao đã có cuộc nói chuyện thống thiết với ông Hồ ở Paris tháng Chín năm 1946, cố gắng lưu ý Dean Acheson với ý tưởng ông Hồ có lẽ là một Tito châu Á. Việc cắt đứt giữa Tito và Stalin bấy giờ đã thành chính thức và năm 1949, Washington chấp nhận tình trạng thù địch gần với cuộc tranh chấp vũ trang giữa Liên Xô và Nam Tư. Abbott đã nêu lên một nét đặc biệt trong thái độ của những người cộng sản Việt Nam :

« Chế độ cộng sản Việt Nam có nét đặc biệt là rất ít tuyên truyền chống Mỹ. Dĩ nhiên điều đó không phải do đường lối chính thức của đảng không biết. Đây nhìn bề ngoài là dấu hiệu Hồ Chí Minh còn giữa hy vọng nhận được hỗ trợ của người Mỹ đối với một chính phủ Việt Minh dưới quyền ông hoặc ít nhất cũng được họ chấp nhận nếu họ không giúp đỡ ».

Dean Acheson nhân danh bộ trưởng Ngoại giao của chính quyền Truman đã đưa vấn đề Đông Dương vào đường lối chính trị của Hoa Kỳ ngay từ đầu. Nhận xét của Abbott không kích thích ông sửa đổi cách phân tích của ông. Đối với Truman và các nhân vật khác của hai đảng, sự việc đã được xác định tất cả mọi phong trào cộng sản là những con tốt của một đất nước tập quyền tối cao do Kremlin lãnh đạo và Joseph Stalin là một Hitler mới tiến tới chinh phục thế giới. Mặc dù thái độ hiển nhiên của Tito, họ không tin được một thủ lĩnh cộng sản có thể có mục tiêu chính là nền độc lập của nước mình. Người Mỹ giúp đỡ Tito nhưng không thoải mái, xem ông là một biến dạng. Họ không trân trọng sự hiện diện của một chủ nghĩa cộng sản quốc già và không hiểu rằng Stalin dù quái gở đến mấy, trong đường lối ngoại giao cũng có những mục tiêu hạn chế. Việc nhận định sai lầm này hình như do không nhận thức được hoàn cảnh phức tạp của thế giới. Nếu Tito, Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông là những người quốc gia đồng thời là những người cộng sản, nếu những nền văn hóa, lịch sử khác nhau có thể dẫn những nước cộng sản phát triển theo những hướng khác nhau thì thế giới vô cùng phức tạp hơn những người Mỹ ấy hình dung. Xu hướng tự nhiên đẩy họ đến chỗ hình dung một toàn cầu phân biệt rạch ròi một cách đơn giản với một bên Thiện một bên Ác.

Acheson có ý định tìm một giải pháp thay thế chống cộng sản đối với ông Hồ. Ông xác định sai lầm cơ bản của đường lối chính trị Pháp xuất xứ từ chế độ thực dân kiểu cũ. Nếu nước Pháp thiết lập một chính phủ bản xứ và tuyên bố nền độc lập cho Việt Nam, những nhà lãnh đạo mới sẽ có cơ may tranh thủ được sự gắn bó của quấn chúng tương đương hoặc cao hơn đối thủ Hồ của họ. Thực tế Acheson muốn người Pháp áp dụng thể chế Mỹ vào Đông Dương. Việc tìm kiếm một giải pháp thay thế chống cộng ấy càng tăng nhanh khi lực lượng Mao Trạch Đông bắt đầu thắng trong cuộc chiến tranh Quốc – Cộng ở Trung Quốc. Chính phủ Truman bèn nhử mồi nước Pháp bằng lời hứa giúp trực tiếp về kinh tế và quân sự cho cuộc chiến nếu họ bỏ lề lối cũ của thế ký XIX để áp dụng một đường lối hợp lý. Kết quả sáng kiến Mỹ ấy biến cuộc tranh chấp thuộc địa thành một cuộc chiến tranh chống cộng sản mà giải pháp là Bảo Đại.

Bảo Đại trở về Việt Nam năm 1949 su một thời gian lưu vong ở Hồng Kông để nắm lại ngôi vua dưới sự bảo trợ của người Pháp và người Mỹ. Đối với một ông vua đã mất tín nhiệm và đã thoái vị không phải dễ dàng xem như không có việc gì xảy ra và được quần chúng ủng hộ, đặc biệt với tính cách như Bảo Đại. Tuy vậy ông ta không kể đến buổi lễ năm 1945 đầy biểu tượng với người Việt Nam khi ông giao lại những vật tượng trưng quyền lực của mình cho các đại diện của ông Hồ. Ông cố gắng không chính thức đòi lại ngôi vua. Ông dùng danh từ « Quốc gia » Việt Nam để phân biệt với « Vương quốc » và lấy danh hiệu chính thức là Quốc trưởng. Ông nói chính phủ của ông thực tế là người kế nhiệm nền Cộng hòa Việt Nam mà ông Hồ đã công bố năm 1945.

Truman và Acheson công nhận chế độ Bảo Đại là chính phủ hợp pháp của Đông Dương vào đầu năm 1950. Acheson tuyên bố ông Hồ là « kẻ thù sinh từ của nền độc lập Đông Dương » và Bảo Đại đại diện cho « tinh thần quốc gia thực sự ». Nhưng nhà lãnh đạo quốc gia này có những khó khăn trong ngôn ngữ bản xứ. Được các gia sư Pháp dạy dỗ ở Huế và ở Pháp ba năm thời niên thiếu, Bảo Đại không thể nói, đọc và viết đúng tiếng Việt Nam. Tháng Năm năm 1950 Acheson chính thức thông báo sự giúp đỡ kinh tế, quân sự như đã hứa với người Pháp để đổi lấy Bảo Đại.

Quốc trưởng mới vội vã bán nhượng quyền một tổ chức cờ bạc, đĩ điếm và thuốc phiện ở Chợ Lớn cho ông bạn Bảy Viễn, trùm xã hội đen Bình Xuyên để nhận phần trăm tiền lãi. Ông ta cũng bổ nhiệm Bảy Viẽn làm tướng đội quân quốc gia Việt Nam người Pháp thành lập và người Mỹ trang bị cho Bảo Đại. Kẻ « xa hoa bạc nhược » ấy , như một nhà báo Pháp định danh còn ý thức về vai trò của mình trong cuộc sống hơn Acheson nhiều. Một hôm người ta cho ông ta biết người thân tín của ông, một cô gái to béo tóc vàng ông đem theo từ bờ biển Azur ( Bờ biển phía Nam nước Pháp) đang trác táng công khai với người Pháp. Ông trả lời « Vâng, tôi biết. Cô ấy chỉ hành nghề của mình. Nhưng trong hai người, kẻ thực sự đĩ điếm là tôi ».

Không có một giải pháp có thể nào chống được cộng sản ở Đông Dương. Từ năm 1930 người Pháp và thất bại của những người dân tộc đã dọn đường cho Hồ Chí Minh. Sau một cuộc nổi dậy không thành, Sở mật thám Pháp đã tróc tận gốc đảng dân tộc không cộng sản lớn nhất, Quốc dân đảng theo kiểu Trung Quốc. Các lãnh tụ bị lên máy chém, những người sống sót chạy trốn sang Trung Quốc. Những người không cộng sản không khôi phục lại phong trào trước sự đàn áp của thực dân Pháp vì họ đều thuộc tầng lớp tinh hoa của thành thị, không quan tâm đến những đổi thay xã hội cần thiết để được dân chúng ủng hộ. Những người cộng sản thời kỳ ấy cũng bị đánh khắc nghiệt sau một cuộc nổi dậy tổ chức chưa tốt, kết thúc bằng cuộc tàn sát nông dân của đội quân Lê dương nước ngoài. Một cuộc nổi dậy của nông dân lần thứ hai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long vào tháng Mười một năm 1940 cũng bị nhấn chìm đặc biệt độc ác do những nhà cầm quyền Vichy. Những người cộng sản từ đó rút bài học kinh nghiệm vì mối quan tâm của họ về mục tiêu xã hội bao giờ cũng đưa họ dựa vào cơ sở của sự bất bình.

Hồ Chí Minh lên nắm quyền ở Hà Nội chấm dứt giai đoạn là những người dân tộc không cộng sản. Xung quanh ông là những người cứng rắn và được tôi luyện : Phạm Văn Đồng không phải người duy nhất nếm trải những nhà tù Pháp ; người vợ trước của ông Giáp, cũng là cán bộ tích cực của Đảng, chết trong một nhà tù Pháp năm 1943. Thời kỳ tiếp theo Thế chiến thứ hai, những người Quốc dân đảng sống sót và những đảng phái tương tự cố hình thành một tổ chức ở Bắc Bộ chống lại Việt Minh. Ông Hồ bèn tiêu diệt họ. Hàng trăm những người có trách nhiệm trong các đảng phái này bị bắt và hành quyết. Từ tháng Tám năm 1945 những người cộng sản tổ chức một phong trào ám sát có lựa chọn. Khoảng bốn chục nhân vật chính trị bị giết. Trong số đó có Ngô Đình Khôi, anh trai cả của Diệm phụ trách về công giáo và thủ hiến tỉnh Quảng Nam cho đến lúc người Pháp bãi chức vì âm mưu với người Nhật chống lại họ.

Những người cộng sản không tìm cách loại bỏ tất cả những kẻ chống đối chính trị. Họ giết những đối thủ hăng hái nhất hoặc những người họ nghi ngại sẽ hợp tác với người Pháp. Khái niệm về dân chủ còn xa lạ ở Đông Dương và hai bên đối địch tiêu diệt lẫn nhau. Diệm thường kể lại với người Mỹ, cộng sản đã ám sát anh ông ta như thế nào. Ông quên nói anh ông đã mưu mô với người Nhật để ám sát các nhà lãnh đạo Việt Minh.  Những người cộng sản biết được, vội giết ông ta và con trai trước khi ông hành động. Ngoài những cuộc hành quyết có kế hoạch ấy, những người nông dân Việt minh tàn sát hàng nghìn người bị nghi ngờ có cảm tình với người Pháp, đặc biệt ở Sài Gòn và vùng đồng bằng sông Cửu Long trong cuộc chinh phục lại thuộc địa năm 1945 – 1946.

Những người dân tộc không cộng sản sống sót sau đợt tàn sát của chế độ thực dân và những người cộng sản được Truman và Acheson khuyến khích hợp tác với người Pháp thông qua Bảo Đại thể hiện sự sa sút đáng khinh. Trong nhiều năm các nhà báo Mỹ và quan chức Đại sứ quán tiếp tục trân trọng những vỏ bọc trống rỗng ấy. Những người lãnh đạo các phe nhóm không cộng sản có nhiều tham vọng và biết khôn khéo khoa trương thanh thế. Nhưng không một phe nhóm chính trị nào đại diện cho điều mà người Pháp gọi là « một tá các ông ».

Hoa Kỳ cũng chịu trách nhiệm như những người Pháp về những đau khổ của cuộc chiến tranh thứ nhất dù thỉnh thoảng họ định phủi tay về sự cứng đầu và ngu ngốc của người Pháp. Trong 9 năm ấy có khoảng 250.000 đến 1.000.000 dân Đông Dương bị tiêu diệt, 200.000 đến 300.000 Việt Minh bị giết trong chiến đấu, kéo theo cái chết của 95.000 lính thuộc địa người Việt Nam, Algeria, Maroc, Senegal , Campuchia, Lào, Đức và những người Tây Âu trong đội quân Lê dương. Thời kỳ Điện Biên Pủh, khi Eisenhower vào Nhà Trắng, Hoa Kỳ chi 80% tài chính cho cuộc chiến tranh của Pháp ở Đông Dương. Những người trong chính phủ Mỹ không bao giờ công nhận trách nhiệm của họ trong cuộc tàn sát này. Sự khôn khóe trút mọi sai lầm cho người Pháp miễn trừ cho họ gánh nặng tinh thần chất lên người.

Sau khi Hoa Kỳ và Edward Lansdale ủy nhiệm cho Ngô Đình Diệm khoản còn lại của chế độ thực dân Pháp ở Đông Dương, ông này truất phế Bảo Đại nhưng sử dụng cho nền cộng hòa lá cờ hoàng gia có ba sọc đỏ trên nền vàng. Ông thải hồi cảnh sát trưởng Bình Xuyên và giữ nguyên sở Cảnh sát và An ninh quốc gia ấy. Những đổi thay ông đưa lại không phải là những việc làm tốt nhất. Con người Lansdale đưa lên là người lãnh đạo « nước Việt Nam tự do » đã gây ra cuộc chiến tranh thứ hại của Việt Nam.

Trong 4 năm tiếp theo Hiệp định Geneve năm 1954, ông Hồ và các cộng sự cộng sản đối mặt với nhiều vấn đề ở miền Bắc không giải quyết được : xây dựng lại một đất nước bị tàn phá, nuôi sống số dân 14 triệu người trong vùng thiếu hụt và bị cắt lúa gạo  nhập truyền thống từ miền Nam, thiếu kỹ thuật viên và một nền công nghiệp cũ kỹ mà họ muốn phát triển và hiện đại hóa. Đồng thời họ phải tiến hành một cuộc cách mạng xã hội biến miền Bắc thành một quốc gia mác-xít.

Những sai lầm họ mắc phải càng làm họ bận bịu thêm. Trường Chinh, tổng bí thư của Đảng không kiểm soát nổi lòng cuồng nhiệt trong cải cách ruộng đất. Hàng nghìn địa chủ lớn nhỏ chết, trong số đó có một số lượng đáng kể đảng viên là nạn nhân của những cuộc thanh trừ hoặc xử tử trước tòa án sai lệch của nhân dân thời kỳ ấy. Hồ Chí Minh tự kiểm điểm về những sai lầm ấy, hủy bỏ các tòa án, ra lệnh tất cả những người bị giam giữ phải được thả ra và phát động một « chiến dịch sửa chữa sai lầm » để ổn định tinh thần quần chúng. Trường Chinh bị rút khỏi nhiệm vụ tổng bí thư của Đảng. Võ Nguyên Giáp xác nhận trong những « sai lầm, chúng ta đã hành quyết quá nhiều người trung thực ... và nhìn thấy kẻ địch khắp nơi, chúng ta áp dụng lối khủng bố, mở rộng ra quá xa ..Tệ hơn nữa, nhục hình cuối cùng được xem như một việc làm bình thường ».

Chính quyền Eisenhower có ý định duy trì việc chia cắt nước Việt Nam, biến giới tuyến tạm thời tập kết ở vĩ tuyến 17 do Hiệp định Geneve qui định thành một biên giới quốc tế. Hội đồng an ninh Hoa Kỳ bí mật quyết định phá hoại những thỏa thuận ở Geneve ngay sau khi vừa ký. Washington sử dụng Ngô Đình Diệm vốn nhiệt tình hợp tác để ngăn cản tổng tuyển cử trong cả nước Việt Nam như lời tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Geneve ấn định vào tháng Bảy năm 1956. Nhưng nếu Diệm lo càn trở một cuộc tuyển cử mà ông biết mình sẽ thất bại thì không một trong hai bên Việt Nam nào từ bỏ đòi hỏi sự thống trị trên cả nước. Vả lại ba băng đỏ trên lá cờ của Bảo Đại rồi của Diệm là hình ảnh ba miền Việt Nam : Bắc, Trung và Nam. Liên Xô cũng dự họp ở Geneve với Anh quốc nhưng cuối những năm năm mươi, Khrusev theo đuổi đường lối « cùng tồn tại hòa bình ». . Để hòa giải với Hoa Kỳ, ông từ chối hậu thuẫn cho những yêu cầu của Hà Nội đòi tiến hành tổng tuyển cử. Trong một cuộc bàn luận ở Hội đồng Bảo an đầu năm 1957 sau khi người Mỹ đòi kết nạp miền Nam Việt Nam vào Liên Hợp Quốc, đại biểu Xô viết đề nghị giải quyết vấn đề bằng chấp nhận cả miền Bắc và miền Nam vì ỏ Việt Nam có hai quốc gia riêng rẽ.

Hồ Chí Minh phản kháng không quyết liệt lắm. Những biến động trong nước quá bận rộn và ông rất phụ thuộc vào sự giúp đỡ của Liên Xô để xây dựng lại miền Bắc nên hình như đành để đất nước bị chia cắt, dù sao vẫn là tạm thời. Người ta thấy một chứng cứ, có lẽ rõ hơn ông muốn, trong bức thư công khai năm 1956 cho 130.000 quân lính và cán bọ chính quyền Việt Minh tập kết ra miền Bắc cùng gia đình sau Hội nghị Geneve, Đảng đã bảo họ có thể trở về sau cuộc tổng tuyển cử năm 1956. Ông Hồ cố giải thích vì sao không thế : « Đường lối của chúng ta là củng cố miền Bắc chiếu cố miền Nam ». Diệm sẽ giải quyết vấn đề tiến thoái lưỡng nan của Hồ Chí Minh.

Jean-Baptiste Ngô Đình Diệm ( người Thiên Chúa giáo thường đặt một tên Pháp thêm vào tên họ Việt Nam) đã 53 tuổi. Ông cũng lạ lẫm như Lansdale về thực tiễn chính trị và xã hội của đất nước sau 4 năm lưu vong trở về ngày 7 tháng Bảy năm 1954. Nhưng việc không biết là do ông muốn thế. Đây là một người mê muội về ảo tưởng quá khứ của vương triều. Ông vào Sài Gòn một cách đặt biệt, ngồi trong chiếc xe kéo phủ rèm và không một người Việt Nam nào tập hợp dọc đường để nhìn vị thủ tướng mới có thể thấy ông ta và bản thân ông cũng chẳng quan tâm để thấy họ. Một thành viên trong gia đình một hôm nói về ông : « Ông đến từ một hành tinh khác ».

Ông nói với người Mỹ gia đình ông thuộc dòng dọi quan lại cao cấp từ thế kỷ XVI. Thực ra ông nội ông xuất thân từ gia đình bình thường, một người làm nghề đánh cá như một số người cho biết, có nghĩa là Diệm nói quá lên để tô vẽ thành hình ảnh quan lại. Gia đình phất lên nhờ ông bố của Diệm, Ngô Đình Khả được đoàn truyền đạo của Pháp lựa chọn đưa lên làm linh mục và học tiếng Pháp trong một trường tôn giáo ở Malaysia. Trong lúc Khả ở bên ấy hầu hết những người trong gia đình ở Đông Dương bị nhốt vào một nhà thờ và thiêu sống. Cuộc tàn sát này đưa lại hậu quả những cuộc chém giết giữa các đoàn truyền đạo và không theo đạo dẫn đến việc can thiệp của Pháp năm 1858 và một cuộc chiến kéo dài 29 năm cho đến khi thành lập Liên bang Đông Dương.

Nước Pháp lợi dụng Thiên chúa giáo có hệ thống hơn nhiều các nước Châu âu khác để mở rộng thuôc địa. Những đoàn truyền giáo đến Việt Nam vì vinh quang của Chúa trời và của nước Pháp, những cải hóa mới của họ đóng một vai trò chủ yếu trong việc chinh phục đất nước này. Khi các ông vua hành quyết những người theo đạo mà họ coi là một bộ phận xâm lược của nước ngoài, nước Pháp biện minh việc can thiệp quân sự của họ là cần thiết để buộc tôn trọng « sự tự do tín ngưỡng ». Việc can thiệp càng kéo theo những cuộc tàn sát nhiều hơn, tạo điều kiên can thiệp mạnh hơn và cuối cùng là sự chiếm đóng vĩnh viễn. Phần lớn những người theo đạo đầu tiên vốn có đất đai bị tàn phá nghèo hèn đi và những người mới từ nguồn gốc thấp kém. Người Pháp đến là dịp họ bước lên trên bậc thang xã hội. Và do sợ hậu quả nếu Pháp thất bại, họ bắt tay phục vụ người nước ngoài. Những người chiếm đóng mới tuyển mộ họ vào quân đội, lấy những người có học nhất làm phiên dịch, và do có thể tin cậy vào họ, bổ nhiệm họ vào những vị trí quan lại, nhất là những người hạn chế về nho học. Các linh mục trong những tu viện giúp chính quyền thực dân cung cấp những viên chức hăng hái. Về mặt cá nhân, những giáo dân chống lại người Pháp với lòng yêu nước như những người Việt Nam khác nhưng cộng đồng tôn giáo cho thái độ ấy là chống đối, nói chung gây cho giáo dân một trạng thái bất ổn và phụ thuộc vào nước ngoài. Theo tập quán dân gian, các nhà thờ và đại giáo đường phải được xây dựng dựa vào tiền của, đất đai lấy của những người yêu nước và những người bị hành tội. Những giáo dân đặc biệt bị các gia đình trí thức bị tước quyền lợi như gia đình ông Hồ phỉ nhổ. Trong bản buộc tội nổi tiếng của ông chống chế độ thực dân, « Bản án chế độ thực dân Pháp », xuất bản ở Paris năm 1925, Hồ Chí Minh mô tả các linh mục Thiên chúa giáo Việt Nam như những chim săn mồi cướp đất.

Làm lễ rửa tội ở Nhà thờ thánh và việc biết tiếng Pháp đưa lại cho bố ông Diệm một chiếc áo quan lại sau khi từ Malaysia trở về. Sau đó ông được thăng chức thượng thư bộ Lễ ở Huế rồi về thị vệ đại thần của vụa Thành Thái. Khi người Pháp phế truất ông vua họ nghi có âm mưu chống lại họ vào năm 1907, ông Khả buộc phải rút lui nhưng nhờ quan hệ của ông đối với triều đình và nhà thờ, ông đảm bảo được tương lai cho các con trai trong chính quyền thuộc địa. Khôi được bổ nhiệm tỉnh trưởng tỉnh Quảng Nam, một người anh khác của Diệm, ông Thục được phong linh mục và cuối Thế chiến thứ Hai trở thành giám mục tỉnh Vĩnh Long, giáo phận quan trọng nhất ở miền Nam. Thái độ hai mặt của gia đình đặc trưng bởi việc Thục từ chối không hợp tác với ba giám mục khác trong nước khi những ông này ủng hộ bản tuyên ngôn độc lập của Hồ Chí Minh năm 1945 trong nhiệt tình yêu nước buổi ban đầu.

Diệm là một trong những người đầu tiên tốt nghiệp trường hành chính Pháp ở Hà Nội và bắt đầu sự nghiệp làm quan huyện. Năm 1930 là tỉnh trưởng một tỉnh nhỏ miền Trung, ông ta bắt đầu giúp người Pháp tàn sát cuộc khởi nghĩa đầu tiên của nông dân do Đảng Cộng sản phát động. Diệm bỏ công nghiên cứu chủ nghĩa Mác – Lênin mà luận thuyết về cách mạng xã hội và chủ nghĩa vô thần tác động đến ông như một sự rút phép thông công, một thể hiện chống Thiên chúa giáo. Năm 1933, mới 32 tuổi , quá trình làm việc cứng rắn, tính lương thiện và sự nhạy bén chính trị được xác lập đến mức người Pháp chấp nhận bổ nhiệm ông làm thượng thư bộ Lại của Bảo Đại lúc ông vua này 18 tuổi. Nhà vua trẻ chưa phải một kẻ sa đọa, quan tâm đến Diệm đang muốn cải tổ hệ thống quan lại suy đồi và thuyết phục người Pháp cho triều đình tự chủ hơn để cai trị đất nước với đám viên chức có hiệu quả, trong sạch. Người Pháp từ chối thay đổi bất cứ điều gì về nguyên trạng họ đã hoàn toàn hài lòng. Bảo Đại bèn quên ngay những cải cách để lao vào hưởng lạc. Điều đó kéo theo việc Diệm từ chức, nổi tiếng về sự thiếu mềm dẻo mà bởi nó thời niên thiếu ông thường bị bố đánh.

Trong 21 năm tiếp đó, ông không giữ một vị trí xã hội nào hoặc một công việc hưởng lương nào. Cho đến những năm cuối của Thế chiến thứ hai, ông sống bằng lợi tức tài sản khiêm tốn của gia đình, dành thời gian đi săn, cưới ngựa, chụp ảnh và chăm nom vườn hồng. Ông vẫn sống độc thân, đi lễ, sáng nào cũng cầu nguyện, viết và nói về chính trị nhưng không bao giờ tham gia một hoạt động nào. Những đảo lộn của Thế chiến thứ hai đưa ông trở lại con đường chính trị nhưng vẫn ở ngoài rìa. Ông mặc cả với người Nhật không có hiệu quả để làm thủ tướng chính trị bù nhìn Bảo Đại, trốn tránh Việt Minh đã bắt và cầm tù ông, từ chối đề nghị của Hồ Chí Minh vào trong chính phủ liên hợp và trở lại trốn tránh. Ông lại mặc cả không có kết quả với Bảo Đại và người Pháp, cuối cùng đi sống lưu vong năm 1950, lúc đầu ở Hoa Kỳ rồi Bỉ và Pháp vì ông sợ Việt Minh mà người Pháp từ chối bảo vệ ông. Hai mươi mốt năm chờ đợi càng thể hiện những đặc điểm trong tính cách của ông, cố chấp và bó mình vào tầm nhìn phản động của một quá khứ đế chế chưa bao giờ có ở Việt Nam, trừ một nhóm nhỏ những người quốc gia chống chính quyền, ông ngày càng chìm vào quên lãng cho đến khi Hoa Kỳ kéo ông ra vào năm 1954.

Ngô Đình Nhu, người em trẻ nhất của Diệm được bổ nhiệm làm cố vấn tổng thống. Đây là một tri thức có tư tưởng thanh trừng, mảnh mai, cao ráo hơn Diệm vốn béo tròn, bước đi như vịt. Ông ta ham thích quyền lực và mưu mô đôi khi gần như mê mệt. Ngoài việc hút thuốc điếu nhiều như anh, ông còn thường xuyên hút thuốc phiện. Làn da ông có màu vàng đặc biệt mà người Việt Nam xác định là đặc điểm của những người nghiện. Người ta nói, nếu chích da ông, thuốc phiện sẽ tóe ra. Nhưng không ai dám liều chích da của Nhu. Ông là lực lượng mạnh thứ hai trong nước nhờ 13 tổ chức thông tin và cảnh sát ông tạo dựng và giám sát để bảo vệ gia đình. Những cơ quan này có toàn quyền bắt, bỏ tù và hành quyết không xét xử. Nhu học trường Des Chartes ở Pháp và làm việc ở Viện lưu trữ hoàng gia ở Huế cho đến năm 1945. Năm 1950 ông ta lao vào chính trị chống cộng sản bằng cách thành lập  một nghiệp đoàn Thiên chúa giáo. Đây là vấn đề chủ yếu của gia đình Ngô Đình : khi mất hy vọng vào Bảo Đại không bao giờ có thể là giải pháp chống cộng đối với Hồ Chí Minh, CIA chuyển lại cho Nhu những cơ sở cần thiết để Diệm trở thành thủ tướng.

Nhu chịu trách nhiệm về mớ hỗn độn, thay thế những kỹ thuật phát xít và cộng sản mà chế độ dựa vào. Ông ta say mê chế độ độc tài. Thời kỳ ông học ở Pháp, người ta thấy ở đấy có nhiều môn đồ của Mussolini, Hitler và những tổ chức phát xít thịnh hành dưới chế độ Vichy. Nhu đã trở thành một người thán phục Hitler. Sau khi Lansdale ra đi vào tháng Chạp năm 1956, Lou Conein ở lại Sài Gòn, là người liên lạc của CIA bên cạnh Bộ nội vụ của Diệm. Ông mệnh danh Nhu « con người cười nửa miệng » do nụ cười thường xuyên nhăn nhó của ông này, nhất là khi ông chế diễu những người khác. Khi họ cùng nhau bay dọc đất nước, Nhu ba hoa về uy tín tuyệt vời của Hitler trong việc động viên dân tộc Đức và làm họ luôn luôn phấn khởi. Nhu cũng đọc Marx và Lê nin như Diệm và thèm muốn nếp kỷ luật của những người cộng sản và khả năng huy động quần chúng của họ. Tóm lại, Nhu vay mượn lẫn lộn những hình thái độc tài khác nhau từ cực tả đến cực hữu. Đảng chính trị chính của chế độ ông ta thành lập là một hội kín, đảng Cần lao với mục đích bí mật thâm nhập vào tầng lớp sĩ quan, cơ quan hành chính và các trung tâm kinh doanh và trí thức. Trong buổi lễ kết nạp, những thành viên mới phải quỳ xuống và ôm hôn bức chân dung của Diệm.

Nhưng một quốc gia thực sự phải có một tổ chức quần chúng và Nhu thành lập « Đoàn thanh niên Cộng hòa » cho dù phần lớn thành viên là công chức, không phải bao giờ cũng rất trẻ. Ông ta theo mẫu « đoàn quân áo nâu » của Hitler như cho bận màu xanh, sơ mi, mũ bê rê và quần. Về cách ăn mặc, ông ta cũng học theo một nguồn cảm hứng khác, tổ chức Quốc dân đảng của Tưởng Giới Thạch, năm 1930 thành lập tương tự theo gợi ý của các cố vấn quân sự Đức. Nhu cố dụng « những sơ mi xanh như Hitler đã làm với các xung tập kích, như một cơ quan không chính thức nhằm tạo ra lòng trung thành của những người xung quanh, để do thám và duy trì trật tự. Ông say sưa tổ chức những cuộc mít tinh lớn của Đoàn thanh niên Cộng hòa ở Sài Gòn và các tỉnh lớn theo sự đồng ý của Diệm cho phép ông đóng vai trò lãnh tụ của tổ chức này. Ông long trọng vào sân vận động hoặc sân bóng trên chiếc máy bay lên thẳng nhỏ Alouette mà gia đình mua cho ông. Trước khi ông đọc diễn văn trên khán đài, những đoàn viên « Sơ mi xanh » quỳ một chân xuống biểu hiện sự phục tùng, giơ cánh tay chào lối phát xít và hô to khẩu hiệu tôn vinh lãnh tụ.

Vợ Nhu, bà Nhu hoặc có vẻ triều đình hơn : bà Ngô như bà thích được gọi như thế, chi phối chồng và ông anh chống. Phỏng vấn bà trong lâu đài tổng thống, người ta biết cả thế giới tinh thần và vật chất của gia đình. Bà nổi tiếng về sắc đẹp thời trẻ trong một gia đình giàu có. Bố bà, Trần Văn Chương, một địa chủ lớn và luật gia dưới thời thuộc Pháp, đã là bộ trưởng Ngoại giao trong chính phủ bù nhìn thân Nhật ngắn ngủi. Bà có những nét táo bạo sau những năm trưởng thành, say mê tìm kiếm quyền lực và thái độ có phần giả tạo. Bà cón hết sức quyến rũ và thích chứng tỏ điều đó, bước vào phòng khách có cuộc phỏng vấn bận chiếc áo dài lụa mở rộng hình chữ V trước ngực thay vì bó sát cổ như thói thường, đi giày gót nhọn để có vẻ cao lớn hơn. Bà ngồi trong một chiếc phô tơi phủ gấm và diễn giải dài dòng về sự cần thiết chấp nhận những hy sinh để chiến thắng cộng sản. Vừa nói, những ngón tay tô móng vừa mân mê cây thánh giá khảm kim cương đính vào sợi dây vàng đeo ở cổ ( Bà cải giáo từ đạo Phật sang đạo Gia tô sau khi cưới Nhu). Thỉnh thoảng một người đầy tớ đưa trà vào hoặc trả lời một mệnh lệnh gì đó. Đầy tớ toàn đàn ông. Họ bước vào cúi đầu xuống, chân lướt nhẹ trên sàn, cúi xuống thấp hơn nữa và trả lời mệnh lệnh bằng tiếng « Dạ ạ ạ » kéo dài, là tiếng đáp « vâng » quỵ lụy của đầy tới các gia đình quý tộc cổ, rồi họ quay ra , lưng vẫn còng xuống.

Ngoài xã hội, bà Nhu tự khẳng định như một phụ nữ đầy ấn tượng. Bà thành lập một tổ chức tương tự như của chồng. PHONG TRÀO PHỤ NỮ LIÊN ĐỚI, trong đó bà cũng đóng vai trò lãnh tụ và dùng các bà để do thám và duy trì trật tự. Những phụ nữ trẻ nhất được tổ chức thành đội tự vệ trang bị súng tay Mỹ. Bộ đồng phục màu xanh giống đồng phục các đoàn viên của chống bà tuy mũ đội có ấn tượng hơn : một chiếc mũ xanh rộng vành thay vì chiếc bê-rê. Bà Nhu tự phong mình là người kiểm duyệt nền đạo đức ở miền Nam Việt Nam. Trong một nước tình trạng đa thê vốn thường tình, bà làm cho Quốc hội dễ bảo của Diệm biểu quyết một « Luật gia đình » cấm việc ly dị và qui định những đứa con của vợ hai hoặc vợ lẽ là không hợp pháp. Bà cũng cho áp dụng một « Luật bảo vệ đạo đức », cấm những điệu nhảy, những bài hát tình « bất cứ ở đâu », cấm thuyết duy linh và khoa học huyền bí loại thịnh hành ở giáo phái Hòa Hảo, Cao Đài và những dạng khác phần lớn người Việt Nam đang thực hiện ; việc sử dụng thuốc ngừa thai được xem như một tội trọng bị phạt 5 năm tù giam cho trường hợp tái phạm. Một dân biểu có tham vọng làm mình nổi lên thậm chí gợi ý luật pháp phải cấm đàn bà Việt Nam mang vú giả nhưng các bạn đồng sự nhận xét như vậy tạo ra một vấn đề phức tạp vô ích buộc phải tuyển thêm những cảnh sát viên bổ sung. Nỗi oán giận bà chuốc vào mình thường thể hiện bằng những lời bàn tán thô bỉ. Những người đàn bà Việt Nam rêu rao những đĩ điếm ở các quán bar Sài Gòn áp dụng lối mặc áo hở cổ hình chữ V không phải là một trùng hợp ngẫu nhiên. Còn những chuyện ngồi lê đôi mách về quan hệ xác thịt của bà với ông anh chồng thì không có một chứng cớ gì. Bà trở thành mục tiêu thích thú của sự tuyên truyền cộng sản, luôn gọi bà theo tên con gái, theo phong tục Việt Nam là một cách chửi rủa người đàn bà có chồng. Tên khai sinh của bà là Trần Lệ Xuân, có nghĩa là « những giọt nước mắt mùa xuân ».

Họ Ngô Đình áp đặt vào miền Nam Việt Nam những thành viên xa lạ trong phe cánh của họ ; các giáo dân, những đồng hương miền Trung hoặc những người hợp tác với họ ở miền Bắc. Những người dân miền Bắc không theo đạo Gia-tô nhưng di cư vào miền Nam vì đã chiến đấu bên cạnh người Pháp, liên minh với giáo dân để thừa hưởng lợi lộc của chế độ. Tất cả những người tin cậy ấy được Diệm và gia đình đưa hàng loạt vào hàng ngũ sĩ quan, chính quyền và cảnh sát. Nông dân vùng đồng bằng sông Cửu Long bị dưới quyền những người xa lạ miền Bắc, nói chung kiêu ngạo và biến chất được bổ nhiệm đứng đầu các tỉnh, huyện. Nhưng Diệm còn đi xa hơn. Ông ta bãi bỏ chính thể đứng đầu thôn ấp gồm những nông dân xuất sắc luôn đảm nhiệm việc thu thuế, giải quyết tranh chấp và thực hiện chức năng hành chính cơ sở. Những người nông dân nghèo nói chung không thích họ nhưng ít nhất cũng biết rõ họ và những người quản lý cộng đồng này biết mình có thể đi đến đâu. Năm 1956 cố ngăn cản những người có cảm tình với Việt Minh và những kẻ chống đối khác, bí mật kiểm soát các hội đồng thôn ấp, Diệm ra sắc lệnh các thành viên hội đồng sẽ do các tỉnh trưởng, quận trưởng chỉ định. Như vậy những người xa lạ thuộc phe pháo của gia đình bắt đầu thâm nhập đến thôn ấp, đặt ra cho nông dân miền Nam những yêu sách bạc đãi chưa từng có. Lansdale ngây thơ biết bao khi cho rằng ông xây dựng các ê-kíp giáo dân miền Bắc hoạt động với tính chất công dân để tuyên truyền chống Việt Minh trong nông dân miền Nam. Ông hoàn toàn thất vọng vì không thành. Nhưng ông còn bối rối hơn khi phát hiện thất, đúng lúc trước khi trở về Hoa Kỳ vào cuối năm 1956, Diệm càng ngày càng củng cố được địa vị thì càng hành động trái ngược với những lời khuyên của ông về các vấn đề xã hội và chính trị.

Tiếp đó Diệm tấn công vào ruộng đất. Trong các vùng Việt Minh chiếm đóng phía nam vĩ tuyến 17 trước Hiệp định Geneve, suốt 350 cây số miền Trung và những vùng đất đồng bằng sông Cửu Long họ trưng thu những đồn điền lúa gạo của Pháp và ruộng đất của những « kẻ phản động Việt Nam » cấu kết với chế độ thuộc địa. Ruộng đất ấy đã chia lại cho dân cày không có ruộng. Nông dân cũng tự mình làm cuộc cải cách ruộng đất trong đại bộ phận phần còn lại trong nước, kể cả những vùng dưới sự thống trị của các phe phái. Phần lớn các chủ điền bỏ đồng ruộng chạy trốn vào các thành phố. Nông dân phân phối lại ruộng đất hoặc không trả tiền thuê đất nữa. Trong một nước 85% dân số sống ở nông thôn và lợi tức dựa vào ruộng đất, khó tìm được một vấn đề nhạy cảm về mặt xã hội kinh tế và chính trị lớn hơn đất đai.

Lansdale và những người Mỹ khác có trách nhiệm làm áp lực với Diệm, để ông ta đưa ra chương trình cải cách ruộng đất của mình nhằm cắt cỏ dưới chân những người cộng sản, chấm dứt những bất công về điền địa ở miền Nam. Ý muốn ấy của người Mỹ lúc đầu có vẻ là một bài toán khó hiểu đối với Diệm, vốn chống đối mọi sửa đổi cơ cấu xã hội truyền thống. Ông muốn trả lại cho các điền chủ càng nhiều đất đai để họ bảo trợ cho chế độ của mình. Nông dân vẫn phải là nông dân. Cuộc hành trình về Tuy Hòa năm 1955 dạy cho ông thích về nông thôn, dù đi bộ. Ông cần có một nghi thức nào đó và chú tâm để mọi việc đi vào trật tự trong tương lai. Ngoài những bài diễn văn chính thức, ông nói chuyện thân mật với các nhóm chủ trang trại. Không bao giờ ông đặt những câu hỏi nghiêm túc để biết nguyện vọng của họ. Ông cho rằng nhiệm vụ của mình là nói với họ phải làm gì và nhiệm vụ của họ là vâng lời. Ông giải quyết bài toán khó hiểu bằng tuyên bố một kế hoạch cải cách ruộng đất vừa hành động ngược lại.

Diệm lấy lại của nông dân tất cả ruộng đất Việt Minh đã chia cho họ, thủ tiêu quyền sở hữu người ta đã cấp cho họ. Ông tịch thu tài sản thuộc về người Pháp phân phối lại cho những người di cư công giáo miền Bắc thay vì dân cày miền Nam. Phần còn lại trả cho các điền chủ cũ đã hợp tác với người Pháp hoặc bất cứ ai là chỗ dựa của chế độ có điều kiện mua. Cuộc cải cách của Diệm quy định trần cao nhất là 100 hecta mỗi đầu người nhưng họ Ngô Đình khuyến khích chính quyền làm ngơ trước những mánh lới bất kể. Càng dễ dàng vì bộ trưởng phụ trách cải cách cũng là một điền chủ. Để tránh khó khăn, chỉ cần chia đất thành lô theo tên các thành viên trong một gia đình. Chính quyền cũng tịch thu những đất đai nông dân bỏ lại để trả cho chủ cũ. Một số ít dân cày miền Nam may mắn được giữ lại ruộng đất bỗng thấy họ phải trả tô hàng năm tuy trước đây Việt Minh bảo thuộc về họ một cách hợp pháp. Nhưng nỗi căm giận của họ không là gì so với những chủ ruộng khác bây giờ trở thành tá điền nhờ vào « cải cách »/. Năm 1958, Diệm đạt được mục tiêu của mình. Triệt để dựa vào lực lượng quân đội và cảnh sát ông ta lập lại ở đồng bằng sông Cửu Long đã dẫn đến việc trước chiến tranh, 2% chủ ruộng chiếm 45% đất đai, còn lại một nửa dân cày không có gì.

Sự lộn xộn kéo theo mất mát tài sản. Ngu dốt và bận tâm vào giữ gìn quyền lực loại trừ mọi việc. Diêm hoàn toàn không chú ý đến quân bảo an và cảnh sát. Năm 1954 khi trở lại nắm quyền, Diệm nghĩ không cần đến bộ binh và thay bằng máy bay chiến đấu – ném bom. Cho đến cuối cùng ông không ngừng khuyến cáo những cuộc ném bom bừa bãi và van nài người người Mỹ cung cấp máy bay và trọng pháo nhiều hơn. Cuộc chiến chống Bình Xuyên và các phe phái dạy cho ông giá trị một đội quân thường trực để bảo vệ chế độ. Vì vậy ông hết sức chú tâm đến lực lượng Quân đội cộng hòa nặng nề mà các tướng lĩnh Hoa Kỳ đang xây dựng cho ông qua cơ quan hỗ trợ quân sự với lập luận thiếu thuyết phục là Việt Minh sẽ tiến đánh vượt vĩ tuyến 17 như kiểu Triều Tiên. Diệm không nghĩ rằng những tổ chức địa phương vững chắc cũng quan trọng để tồn tại. Ông để cho các lực lượng được giam đảm bảo an ninh địa phương trở ngược lại là nguồn mất an ninh chính của dân chúng nông thôn, hàng ngày chứng tỏ « sự vô chính phủ thất thường » của chế độ, như một quan sát viên Mỹ đã nói thời kỳ ấy. Các tỉnh trưởng có chăm lo một ít vì họ cần đến những đội quân bảo an tuy trang bị kém và hiếm được trả lương. Họ dùng súng để cưỡng đoạt dân chúng thay lương. Còn lính cảnh sát được đối xử tệ hại đến mức trông có vẻ quân trộm cắp. Họ không ngừng lấy cắp, hãm hiếp phụ nữ và đánh đập nông dân nếu có gan chống cự. Nhân dân thôn quê luyến tiếc nhớ lại, lần cuối cùng họ biết được nền an ninh và một chính quyền đúng đắn là thời kỳ Việt Minh hoặc chính trị thần quyền của các giáo phái.

Đã chịu nhiều đau khổ trong cuộc chiến tranh chống Pháp, nhân dân miền Nam có thể thích nghi một thời gian với họ Ngô Đình nếu mùa hè năm 1955, được Hoa Kỳ khuyến khích và giúp đỡ, Diệm không tung ra một chiến dịch chống cộng sản.

Sau Hiệp định Geneve, Việt Minh không tập kết tất cả ra miền Bắc. Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cộng sản để lại miền Nam tám đến mười nghìn cán bộ quân sự và dân sự bí mật. Cơ quan thông tin Mỹ gọi họ cùng danh từ Lansdale dùng để gọi những kẻ hoạt động chống cộng ông ta đưa vào thâm nhập miền Bắc « những người nằm vùng ». Nhiều người trong số họ là đảng viên của Đảng. Họ cất giấu vũ khí nhưng được lệnh không dùng bạo lực và không xúi giục nổi dậy chống Diệm. Ngược lại họ phải giữ vỏ bọc nông dân và những người chịu trách nhiệm ở thôn ấp, những người làm công ở thành phố, phu kéo xe hoặc giáo viên. Đồng thời họ bí mật vận động nhân dân đòi tổng tuyển cử trong cả nước vào năm 1956. Họ phải tiến hành cuộc « cuộc đấu tranh chính trị » như Hồ Chí Minh nói trong bức thư tháng Sáu năm 1956.

Ev.Bumgardner đã có thể xác nhận năm 1955 các hội viên Việt Minh thực sự bỏ những căn cứ của họ trong vùng đầm lầy và rừng núi và thôi đấu tranh vũ trang. Năm ấy trong lúc ông đi xe Jeep về Sài Gòn với một người bạn, họ bỗng quyết định làm một cú táo bạo, trở lại một trong những căn cứ vững vàng nhất của Việt Minh, chiến khu C trong rừng núi phía bắc tỉnh Tây Ninh. Chỉ với một tấm bản đồ cũ, họ đi vào con đường dẫn đến căn cứ ngay trước khi tính đến hành động thiếu khôn ngoan của họ. Kinh nghiệm cuối cùng ngạc nhiên hơn lo ngại. Bumgardner đã sợ rừng là nơi ẩn náu của những người nổi dậy, tự nhủ họ sẽ để hai người đi qua vì chiến tranh đã kết thúc. Ông thấy một chỗ hoàn toàn hoang vắng nhưng còn mọi dấu hiệu chứng tỏ Việt Minh vừa ở đó. Những chiếc cầu sắt bị phá hủy, các tấm thép vứt xuống sông để cản trở bước tiến của các đoàn quân Pháp. Đang là mùa khô, Bumgardner có thể trên chiếc xe bốn bánh di động quay quanh những chiếc cầu qua được bên kia sông. Những con đường chứng tỏ đây là một căn cứ du kích đi sâu vào rừng, bóng những cây gỗ tếch, gỗ gụ cao 20 mét ngăn cản ánh sáng lọt xuống đến cây bụi. Bumgardner và anh bạn suốt cuộc hành trình không thấy một người nào.

Mười nghìn cán bộ được tin cậy nhận lệnh ở lại miền Nam không riêng những Việt Minh tại chỗ. Đất nước đầy đàn ông, phụ nữ phối hợp chiến đấu trong làng xóm, làm việc trong các tổ chức địa phương hoặc là những người đưa tin, liên lạc bên cạnh những lực lượng cách mạng. Trong đó cũng có những người cảm tình, nói chung là gia đình và thân thuộc của những cán bộ tập kết ra Bắc hoặc hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Những người ấy không phải cộng sản nhưng là bộ phận lớn đi theo cộng sản vì chủ nghĩa dân tộc. Ngoài ra danh từ « Kháng chiến » được gọi để tưởng nhớ những chiến sĩ chống phát xít của nước Pháp bị chiếm đóng, luôn nhuốm màu thi vị. Vì vậy đêm cuối cùng trước khi Điện Biên Phủ bị thất thủ, Việt Minh truyền đi trên loa Bài ca các chiến sĩ của cuộc Kháng chiến Pháp để chê trách những người bị bao vây lần này chiến đấu vì một lý do bất công. Cả những tay anh chị Bình Xuyên trước đây tàn sát Việt Minh, nghe những bài hát về Kháng chiến trong các sòng bạc của họ. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, tiếng gọi « Việt Minh » có một sức truyền cảm huyền bí đầy tự hào và lãng mạn. Những người Việt Nam còn dè dặt vì thiếu can đảm bỗng nhớ lại họ đã là những « người chiến đấu trong Kháng chiến ». Khó lòng không cảm thấy tự hào sau nỗi nhục nhã đồng bào của họ từ lâu phải chịu vì những ông chủ Châu Âu.

Diệm không hiểu nếu truy hại Việt Minh, ông cũng đánh vào khối quần chúng Việt Nam rộng lớn không cộng sản luôn nghĩ về quá khứ với nỗi xúc động yêu nước. Ông cũng không gây được sự quay ngoắt lại với Việt Minh ở những người vẫn coi họ là những người yêu nước. Trong suốt cuộc chiến tranh chống Pháp, ông Diệm ẩn mình hoặc sống lưu vong nên không chia sẻ những tình cảm ấy – những thành viên khác trong gia đình ông cũng thế. Với lòng tị hiềm cộng sản, tất cả những gì là Việt Minh đều xấu. Những ai không phải đảng viên cũng bị lây nhiễm. Như bà Nhu nói họ đã bị « đầu độc ». Những cán bộ « nằm vùng » sẽ khuấy động để đòi tổng tuyển cử năm 1956 và tương lai có thể xúi dục chiến tranh du kích. Như vậy phải điểm danh họ, bắt giam và hạ sát họ. Những người có vẻ hối hận đã cấu kết với cộng sản được phép thú nhận tội lỗi với dân chúng. Còn lại sẽ đưa cách ly trong những « trại cải huấn »   cho đến khi trí óc bị tiêm nhiễm của họ hoàn toàn xóa sạch mọi ý nghĩ chống đối. Còn những người có cảm tình hoặc đã biết hoặc đang bị nghi vấn như gia đình những cán bộ tập kết ra Bắc hoặc bị giết, hoặc phải cách ly với những thành phần không bị mua chuộc trong dân chúng và được giám sát kỹ để không có khả năng gây rối loạn.

Chính phủ Mỹ cũng nóng lòng như người thay thế họ ở Sài Gòn « quét sạch » theo lối nói của Lansdale, những « cán bộ nằm vùng » Việt Minh và khủng bố những người có cảm tình khác cho đến khi họ vĩnh viễn quy phục. Lập luận của Mỹ cũng giống như lập luận của họ Ngô Đình. Đảng cộng sản Việt Nam lãnh đạo Việt Minh, dĩ nhiên mọi cán bộ Việt Minh là cộng sản. Những người không phải bị đảng viên là những người « bị lừa gạt », phải đối xử như đồng lõa. Trong việc phân tích tình hình thời kỳ ấy, CIA và toàn thể các cơ quan thông tin Mỹ thừa nhận cán bộ Việt Minh ở miền Nam xử sự đúng đắn. Một trong những báo cáo nói cụ thể « những người cộng sản miền Nam  nói chung có thái độ yên lặng. Họ bỏ qua không khai thác vô số dịp chống đối chế độ Diệm ». Tuy vậy thái độ hòa bình ấy của « cán bộ nằm vùng » không được kể đến trong lập luận Mỹ. Một báo cáo khác giải thích « Việt Minh , dù yên lặng tương đối, là mối đe dọa lớn tiềm tàng đối với Diệm ». Những ý đồ Mỹ sau đó thể hiện trong giọng điệu đơn giản sử dụng để mô tả những hành động bạo lực. Hoa Kỳ cần « một chính phủ chống cộng sản mạnh và vững chắc » ở Sài Gòn. Một trong những « vấn đề cơ bản » để đạt mục tiêu ấy là « đập tan mọi phương pháp hoạt động quân sự và dân sự của Việt Minh ở miền Nam ».

Một ê-kíp chuyên gia của CIA đưa sang giải quyết « những vấn đề cơ bản » ấy đến Sài Gòn vào tháng Sáu năm 1955. Họ là tổ chuyên gia dân sự đầu tiên của chế độ Diệm, được cử đi dưới vỏ bọc một nhóm của trường Đại học quốc gia Michigan hiển nhiên được tài trợ bởi cơ quan Quản lý hợp tác quốc tế sau này trở thành AID (Cơ quan phát triển quốc tế). Nhiệm vụ của họ dạy cho cảnh sát và các cơ quan thông tin Việt Nam những phương pháp Mỹ có hiệu quả hơn để « vạch mặt và triệt tận gốc những người cộng sản ».

Ê-kíp chuyên gia của CIA không cần dạy cho thành viên ngành cảnh sát thường trực, bảo an và các tổ chức an ninh khác của Nhu thực hiện việc đàn áp như thế nào. Họ đã được người Pháp huấn luyện rất kỹ. Với sự tàn bạo cuồng tín và sự vụng về, họ hoàn toàn có thể nhầm mục tiêu, bắt những người vô tội và để sổng những người cộng sản chính cống. Vả lại người Mỹ không thuyết phục được họ nắm hồ sơ chính xác và trao đổi thông tin với những cơ quan khác để xây dựng một hình thái tổng thể về tổ chức Đảng cộng sản ở miền Nam. Nhưng những cánh sát viên Việt Nam rất biết hành hạ. Những phụ nữ bị bắt nói chung đều bị hãm hiếp và tra tấn, vì việc hãm hiếp được xem như món tiền thưởng của đao phủ. Nhờ tra tấn người ta khai thác được tên họ. Tên họ trở thành những con người, đến lượt bị bắt và tra tấn. Lại có những tên họ của nạn nhân tương lai, cứ thế theo cấp số nhân. Tất cả những người bị bắt không phải bị tra tấn tất cả. Đao phủ không có thì giờ khai thác hết. Mỗi người đều có nguy cơ nhận một viên đạn vào đầu. Thực tế Diệm cho phép các tỉnh trưởng bắn bỏ những người  tình nghi không cần xét hỏi. Một số có may mắn vào trại tập trung. Việc trả tự do là một ngoại lệ vì đã bị bắt bớ có nghĩa là phạm tội.

Không ai biết bao nhiêu cán bộ cộng sản thực sự hoặc tình nghi thuộc về Đảng bị giết hại còn chiến dịch được gia tăng mạnh vào nửa cuối năm 1955 để đạt đỉnh cao bạo lực năm 1956 và 1957. Những kẻ giết người không có thói quen nêu con số chính xác về nạn nhân của họ và sau một thời gian nào đó nhịp độ gia tăng đến mức không ai tìm được con số cụ thể nữa. Nhưng mức độ tàn sát chắc chắn được tính đến rất nhiều nghìn người. Việc bắt bớ thường tiến hành về đêm. Cảnh sát mặc thường phục có quân bảo an hoặc cảnh sát đi theo, bao vây ngôi  nhà và bắt trói những người đàn ông, đàn bà họ đi tìm kiếm. Nếu nạn nhân phải hành quyết ngay, là trường hợp thường gặp, người bị kết tội được dẫn ra đường cái hoặc một con đường gần làng để hạ sát. Xác người để tại chỗ để hôm sau gia đình đến tìm. Là một cảnh cáo đối với những người khác.

Ít nhất cũng có 50.000 người may mắn hơn được đưa tới các trại tập trung. Đây là con số chế độ chính thức thừa nhận đã cầm tù để « cải huấn » vào cuối chiến dịch năm 1960. Thiếu con số thống kê đáng tin cậy, người ta không bao giờ biết được bao nhiêu chục nghìn người được đưa tới sau hàng rào dâp thép gai và bao nhiêu trong số đó bị hủy hoại trong các trại. Cảnh sát và những cơ quan khác của chế độ đã phục vụ người Pháp, áp dụng một cách tự nhiên phương pháp thử lòng trung thành như trước đây. Tất cả những ai chống đối người Pháp đều bị nghi ngờ phản bội Diệm.

Những buổi lễ từ bỏ lỗi lầm Nhu phỏng theo những « tòa án nhân dân » của cộng sản được tổ chức khắp nơi đồng thời với bắn giết và đưa đi trại tập trung là một biên pháp tâm lý chứng tỏ sự khoan dung của chế độ đối với những người xứng đáng. Trong thôn ấp, những người nông dân, đàn ông và đàn bà có hoạt động Việt Minh trước đây, được phép sám hối để cứu mình theo ý thích bất thần của tỉnh trưởng hoặc quận trưởng. Để việc chối bỏ của họ gây xúc động hơn, người ta thường bắt họ lặp lại những việc đã làm. Chòm xóm tập trung nghe họ kể những hành động hung bạo họ phạm phải vì Hồ Chí Minh và những ma quỷ cộng sản. Người ta bảo họ xin tổng thống Diệm nhân từ tha thứ, dẫm chân lên và vứt vào lửa lá cờ đỏ sao vàng năm cánh đối với họ thời chiến tranh chống Pháp là biểu tượng của một nước Việt Nam hồi sinh. Ở các thành phố, những buổi lễ hình thức lớn hơn với những chối bỏ tập thể. Những bức ảnh của Hồ Chí Minh, những giấy tờ tuyên dương, hình thức khen thưởng trong các đơn vị chiến đấu Việt Minh và tất cả những kỷ niệm khác về cuộc kháng chiến đều bị đốt cháy. Tháng Hai năm 1956 ở Sài Gòn các viên chức và gia đình họ bị tập trung hàng loạt tham dự một buổi lễ sám hối tập thể của hai nghìn Việt Minh cũ.

Bumgardner nhớ lại thời kỳ ấy Cơ quan thông tấn Mỹ (USIS) phát hiện danh từ « Việt Minh » có một nghĩa mở rộng là yêu nước và Diệm đã phục vụ cho cộng sản khi gọi tất cả những người Việt Minh là « bọn Đỏ ». Vì vậy những chuyên gia Mỹ về chiến tranh tâm lý sáng tạo ra chữ « Việt cộng », viết tắt của những người Việt Nam cộng sản và thuyết phục báo chí Sài Gòn dùng chữ ấy. Họ nghĩ rằng danh từ mới này có nghĩa xấu vì trong từ điển của họ « chủ nghĩa cộng sản » đồng nghĩa với « xấu ». Nhưng Diệm sử dụng danh từ này với thái độ dè dặt. Không phải chỉ riêng ông có khó khăn trong việc áp dụng mưu mẹo này của USIS. Mùa xuân năm 1959 trung tướng Samuel Myers thể hiện sự hài lòng về chiến dịch chống cộng sản của Diệm trước một cuộc họp thượng nghị viện về quan hệ quốc tế. Ông khoe khoang « quân nổi loạn Việt Minh ... bị gậm nhấm liên tục đến mức không còn là một mối đe dọa lớn của Chính phủ nữa ». Chỉ đến đầu năm 1960, nhờ những nỗ lực của Bumgardner và đồng sự mà danh từ « Việt cộng » được dùng thông thường trong cộng đồng người Mỹ và chính phủ Sài Gòn. Nhưng cũng như bao thao tác giải phẫu thẩm mỹ người Mỹ đưa ra, điều đó không thay đổi được lịch sử của người Việt Nam. Người ta gọi họ như thế nào tùy thích, Việt Minh vẫn luôn là Việt Minh.

Gia đình Ngô Đình không chỉ hài lòng bỏ tù, tra tấn và ám hại những cựu binh kháng chiến còn sống ; họ tấn công cả vào người chết, một sự thóa mạ nặng nề nhất vào nền văn hóa Việt Nam. Diệm ra lệnh xúc phạm tất cả những đài liệt sĩ và nghĩa trang Việt Minh. Lòng tôn kính tổ tiên, sự hiếu thảo và những quan hệ gia tộc ở Việt Nam hun đúc ở những lễ tang và giữ gìn mồ mả, thành một tập tục linh thiêng. Nông dân tuổi cao lúc có điều kiện khi còn sống đã mua quan tài đảm bảo cho lễ tang của mình thật xứng đáng. Vann và các cố vấn Mỹ khác năm 1962 cho rằng nếu người Việt khi có thể đều mang những người chết đi là để che giấu thiệt hại. Đấy không phải lý do chính. Những người sống vượt nguy hiểm để mang theo những xác chết vì họ biết những người chết được chôn cất tử tế là điều quan trọng. Lời nguyền rủa nhục nhã nhất đối với một người Việt Nam là xúc phạm đến mồ mả tổ tiên họ. Triều đại anh hùng Nguyễn Huệ bị kình địch phá tan sau khi ông chế. Trước khi tra tấn và giết hại, họ làm nhục con ông bằng cách buộc chứng kiến người ta khai quật xương của bố và để cho những người lính bình thường đái vào. Người Pháp đào mồ mả tổ tiên của Phan Đình Phùng, người nổi dậy chống lại họ kiên cường nhất vào cuối thế kỷ XIX và trưng bày di hài để cố đập tan lòng can đảm của ông.

Hiệp định Geneve qui định những nhóm hỗn hợp Việt Minh, quân đội Pháp và quân đội Nam Việt Nam có quyền đi lại ở hai miền để tìm kiếm di hài những người tử trận và tập hợp vào những nghĩa trang cố định. Người Pháp biến thung lũng Điện Biên Phủ thành một thánh địa cho 8.000 lính Pháp và 3.000 lính Việt Nam trong quân đội thực dân Pháp chết tại đó. Tháng Năm năm 1955 một nhóm hỗn hợp Pháp – Nam Việt Nam đến Điện Biên Phủ để nhận thi hài và chuẩn bị xây dựng một hầm lớn chứa hài cốt tôn vinh các nạn nhân của hai phía với lực lượng lao động do tướng Giáp cung cấp. Diệm, ngược lại, đã chọn cách đái tượng trưng vào mồ mả những người Việt Minh miền Nam. Ông cấm các nhóm miền Bắc đi lại trong miền Nam và ra lệnh dỡ bỏ mọi đài tưởng niệm, nghĩa trang Việt Minh có ở đó. Ở miền Bắc các nhà lãnh đạo cộng sản không san bằng các nghĩa trang nhưng để trả đũa, họ bãi bỏ những giấy phép đi lại của người Pháp và Nam Việt Nam. Những người chết ở Điện Biên Phủ vẫn còn đấy. Với lòng thù hận chủ nghĩa cộng sản, Diệm đã từ chối một đám tang tôn vinh người chết của chính quân đội ông ở miền Bắc.

Thời kỳ ấy ở Hoa Kỳ chiến dịch chống cộng sản của Diệm không được biết bao nhiêu và từ đó đến nay thực tế không có gì được xuất bản. Những năm đó, báo chí Mỹ không quan tâm nhiều đến Việt Nam. Các quan chức CIA ở Sài Gòn, các nhà ngoại giao và tướng lĩnh đã có thể nói lên một ít ghê tởm nếu họ nghiêm túc quan sát vấn đề tra tấn. Họ vờ không biết, xem những sự giết chóc và trại tập trung như một sự thanh lọc cần thiết của xã hội miền Nam Việt Nam và không muốn người ta lưu ý đến những mặt khó chịu. Ngược lại, họ nhấn mạnh những tàn khốc ở miền Bắc, sử dụng sự thẳng thắn của ông Giáp và các nhà lãnh đạo cộng sản khác nhận sai lầm để tuyên truyền. Một sự thật thà như vậy không còn có ở người Mỹ sau Thế chiến thứ hai và được xem như một dấu hiệu yếu đuối mà không hiểu thực tế đấy là một dấu hiệu của sức mạnh,

Tôi ý thức được chiến dịch chống cộng sản ấy khi đi theo các cuộc hành quân nhân danh nhà báo, cùng các tiểu đoàn quân đội Nam Việt Nam những năm 1962 và 1963. Trong các làng do cộng sản kiểm soát thường có những ngôi mộ do Việt cộng xây lên. Nói chung đấy chỉ là những tấm đá hoặc gỗ cắm vào trong đất trên đó khắc bên cạnh tên họ, ngày mất : « Bị quân đội bù nhìn giết hại ». Tôi nhận thấy những ngày tháng đầu tiên vào những năm 1955 và 1956, được coi là những năm hòa bình trước khi Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh thứ hai. Tôi tìm hiểu thì được biết thời kỳ ấy, Diệm mở một chiến dịch chống cán bộ bí mật miền Bắc ở lại tại chỗ sau Hội nghị Geneve để nhen nhóm một cuộc nổi dậy. Người ta biết rất ít về việc này trừ những người chết tính đến hàng nghìn. Lúc ấy tôi không cảm thấy nặng nề về vấn đề ấy vì thời kỳ đó, cũng như hầu hết những người Mỹ tôi thấy giết những người cộng sản và đồng lõa không có gì xấu. Chỉ rất lâu sau này tôi có đủ thông tin về chiến dịch ấy mới hiểu phần nó đóng góp trong cuộc chiến tranh thứ hai và hậu quả khổng lồ của hành động ấy do Hoa Kỳ đồng lõa với Diệm và gia đình gây ra.

Đầu năm 1957, cán bộ cộng sản gốc ở miền Nam không còn nhiều. Những cuộc bắn giết, trại tập trung, rời bỏ hàng ngũ đã lấy đi hai nghìn hoặc hai nghìn rưỡi trong số tám hoặc mười nghìn của năm 1955. Lịch sử bí mật của Đảng , quân đội Hoa Kỳ chiếm được năm 1966 và những cuộc thẩm vấn tù binh Việt Minh đào ngũ trong cuộc chiến đấy lần thứ hai lộ rõ những gì đã xảy ra. Hồ Chí Minh và những người cộng sản có trách  nhiệm khác cần phải xây dựng lại miền Bắc bị người Pháp tán phá và thảm họa về cộng cuộc cải cách ruộng đất , không muốn có một cuộc chiến tranh khác vào năm 1957. Họ chỉ thị cho cán bộ ở lại miền Nam tiếp tục tránh cuộc nổi dậy vũ trang, áp dụng chiến lược « ẩn mình lâu dài » vừa đấu tranh chính trị. Nhưng chiến dịch chống cộng sản của Diệm buộc những người này không theo lệnh và « làm trái đường lối của Đảng » như tài liệu mật đã nói. Để giữ mạng sống, họ buộc phải phát động một cuộc nổi dậy chống họ Ngô và Mỹ. Tài liệu giải thích : « Để chống lại một kẻ thù như vậy, không thể chỉ đấu tranh chính trị nữa. Cần thiết phải có đấu tranh vũ trang ...Kẻ thù không bao giờ cho chúng ta nghỉ ngơi ».

Cán bộ cộng sản ở miền Nam quyết định đánh, phát hiện thấy do từ gia đình họ Ngô và người Mỹ, miền Nam đã chín muồi để khởi nghĩa. Họ tiếp xúc với những người quốc gia không cộng sản vốn là đồng chí của họ trong kháng chiến chống Pháp và thấy những người này sẵn sàng lại góp phần mình trong cuộc chiến đấu mới vì bị Diệm săn lùng nhiều. Những băng nhóm du kích, tàn kích của quân đội Cao Đài, Hòa Hảo sẵn sàng quên quá khứ vì mục đích chung. Nhưng quan trọng hơn cả, đại đa số nông dân quyết định đương đầu với một cuộc chiến tranh  mới để tống khứ những người nước ngoài đã thay thế người Pháp ấy. Chế độ người Mỹ áp đặt lên cho họ đã trở thành không chịu nổi. Cán bộ miền Nam cầm đầu cuộc  nổi dậy giải thích rằng người Mỹ, giàu và mạnh hơn người Pháp, áp dụng  một kiểu thực dân mới còn tham tàn hơn. Vì vậy, họ chọn tên « phản động » đặc biệt xấu xa ấy. Diệm, gia đình và bọn vô lại điền chủ của hắn cũng như những kẻ cuồng tín ở Việt Nam. Cán bộ Việt Nam gọi là chế độ « Mỹ - Diệm ». Phần lớn nông dân tin ở họ vì lời giải thích có một  ý nghĩa đối với mình. Kỷ niệm về thời kỳ Pháp mờ dần nhưng họ nhớ lại chưa bao giờ bị đối xử tệ hại như « Mỹ - Diệm » đã làm đối với họ.

Một buổi chiều năm 1962, trong một trại Lực lượng đặc biệt của Mỹ, tôi hỏi một thanh niên bị thương và bị bắt trong một trận phục kích. Người y tá Mỹ băng bó vết thương của anh khéo léo và dịu dàng. Chàng trai đỡ căng thẳng, không còn sợ bị tra tấn và giết chết. Tôi hỏi anh vì sao anh đi theo du kích. Anh trả lời :

-   Để giải phóng đất nước tôi.
-   Khỏi những ai ?
-   Khỏi những người Mỹ và Diệm.
-   Nhưng làm sao anh có thể giải phóng đất nước khỏi Diệm vì Diệm vốn độc lập, không tuân theo lệnh người Mỹ ?
-   Không, Diệm cùng một giuộc với người Mỹ.

Tôi cố gắng làm cho anh hiểu không thể như thế vì ông ta thường hành động trái với ý muốn của Chính phủ Hoa Kỳ.

-   Không, anh trả lời. Diệm cùng một giuộc với người Mỹ.

Câu trả lời ấy tôi thấy có vẻ do một cuộc tẩy não và tôi chuyển sang vấn đề khác.

Cán bộ Việt Minh miền Nam cùng với những đồng chí kháng chiến cũ và các đồng minh mới của các giáo phái bắt đầu tấn công trả đũa gia đình họ Ngô và người Mỹ  vào đầu năm 1957, ám sát những cảnh sát và xã trưởng bị oán ghét mà Diệm bổ nhiệm. Đầu năm 1958 chiến dịch được phát động và những đơn vị du kích mặc nhiên hình thành. Bernad Fall, chuyên gia Pháp – Mỹ của Việt Nam đánh giá có gần bảy trăm người có trách nhiệm trong thôn xã bị giết trong năm đầu nổi dậy, từ mùa xuân năm 1957 đến mùa xuân 1958 ; năm tiếp theo những vụ ám sát tăng lên gấp đôi. Vào tháng Chín năm 1958, quận trưởng một huyện gần Mỹ Tho, một vùng Cao Đài rất vững mạnh trong chiến tranh chống Pháp, rơi vào phục kích và bị giết giữa ban ngày trên đường đi Sài Gòn. Cuối năm 1958 cán bộ miền Nam đặt Hà Nội trước một việc đã rồi : cuộc khởi nghĩa của miền Nam Việt Nam.

Hồ Chí Minh và những nhà lãnh đạo Hà Nội bây giờ đã sẵn sàng lãnh đạo. Trong lúc miền Nam dấy lên một cuộc chiến mới, miền Bắc của ông Hồ đã ổn định. Năm 1959 rút được bài học sai lầm các quan chức cộng sản khôi phục được lòng tin vào chế độ sau thất bại của cuộc cải cách ruộng đất. Sản xuất lúa gạo và các sản phẩm nông nghiệp khác vẫn hạn hẹp đưa miền Bắc vào sự thiếu thốn kinh niên nhưng cũng đủ để nuôi quần chúng. Với sự giúp đỡ về kinh tế của Liên Xô và Trung Quốc, việc khôi phục đưa nền công nghiệp gốc Pháp trở lại mức sản xuất của Thế chiến thứ hai vào năm 1957 và một kế hoạch ba năm đưa ra năm 1958 tạo dựng cơ sở cho công nghiệp nặng trong tương lai. Một nhà máy luyện thép mới, độc nhất ở Đông Nam Á, sẽ xây dựng vào năm 1960 gần vùng mỏ thép Thái Nguyên, 75 cây số về phía bắc Hà Nội. Một chính phủ Việt Nam mắc những sai lầm ở Việt Nam và sửa chữa theo cách Việt Nam tranh thủ được sự tha thứ mà nhân dân sẽ từ chối đối với bất cứ chế độ nào ảnh hưởng của người nước ngoài. Vann và những người Mỹ khác nhìn vào những bức ảnh của miền Bắc, thấy đầy là một đất nước nghèo, cuộc sống có vẻ buồn tẻ và lập thành đội ngũ, suy luận là chế độ đó bị chán ghét. Đúng, có căm hờn và chống đối nhưng không là gì so với miền Nam. Đại bộ phận dân chúng trung thành với chính phủ của họ. Trên những bức ảnh, một dấu hiệu tỏ rõ thái độ của những người Việt Nam ở miền Bắc nhưng người Mỹ khong bao giờ nhận thấy : không hề có dây thép gai. Những đồn cảnh sát, những cơ quan của Chính phủ Hà Nội và các thành phố, các làng miền Bắc không có hệ thống lưới thép, lô cốt bảo vệ như khắp nơi ở Sài Gòn và các vùng còn lại ở miền Nam. Những người cộng sản Việt Nam không sợ nhân dân của họ.

Cuối năm 1958, Hồ Chí Minh bí mật cử vào miền Nam Lê Duẩn, người sau này là tổng bí thư của Đảng để kiểm tra xem cuộc khởi nghĩa có rộng khắp và có hiệu quả như báo cáo không. Ông Duẩn sinh ở miền Trung, suốt cuộc chiến tranh chống Pháp ở miền Nam, trở thành người chịu trách nhiệm của Việt Minh trong vùng Sài Gòn và đồng bằng sông Cửu Long. Đầu năm 1959, ông trở ra Hà Nội đề nghị với Đảng đảo ngược lại đường lối tiến hành cuộc cách mạng bị gián đoạn. Ông Hồ và tập thể Bộ Chính trị đồng tình. Ban chấp hành trung ương được triệu tập họp vào tháng Năm phê chuẩn quyết định của các nhà lãnh đạo. Cuộc chiến tranh thứ hai chính thức bắt đầu.

Vào mùa thu sau những đợt mưa gió mùa, những đường mòn qua Lào bắt đầu khô ráo cũng là lúc hàng trăm cán bộ đầu tiên xâm nhập vào miền Nam. Họ là những người tiên phong của hàng nghìn người tiếp theo qua các năm, tất cả là những cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc sau Hiệp định Geneve. Những cán bộ tại chỗ, trái lệnh của Đảng và phát động khởi nghĩa, tự phân biệt mình với những người mới đến. Họ gọi những người này là « cán bộ mùa thu » còn họ là « cán bộ mùa đông ». Những danh hiệu ấy không quan hệ gì với các mùa. Chúng thể hiện lòng tự hào của những người ở lại và sống sót qua « mùa đông khủng bố của Diệm ». Nhiều năm sau, một « cán bộ mùa đông » giải thích cho người Mỹ tại sao các đồng chí và ông ta có thể phát động cuộc khởi nghĩa thứ hai nhanh như vậy :

« Không phải vì cán bộ có tài gì đặc biệt .. Nhưng dân chúng đã như một đống rơm. Chỉ cần bỏ vào đấy một que diêm ».

Cuộc kháng chiến mới bắt đầu nảy sinh ở miền Nam dưới dạng như cuộc kháng chiến đầu. Ban chấp hành trung ương của miền Nam đã lãnh đạo Việt Minh từ địa đầu vùng đồng bằng đến tận những đồn điền cao su phía bắc Sài Gòn thực hiện nhiệm vụ cũ dưới một tên mới : trung ương cục miền Nam Việt Nam. Bộ chỉ huy các vùng lại xuất hiện đảm nhiệm lãnh đạo thế hệ thứ hai các chiến sĩ bí mật dọc bờ biển miền Trung. Những người mới vào sát nhập với người cũ hình thành khung sĩ quan, hạ sĩ quan có kinh nghiệm của những đơn vị chiến đấu. Họ cũng làm chức năng vận động chính trị và tổ chức chính quyền của chính phủ cách mạng bí mật mà Đảng bắt đầu xây dựng theo hình ảnh của chính phủ thời kỳ chống Pháp.

Các đơn vị du kích tăng quân số năm lần, khoảng 2.000 người sống sót năm 1957 lên gần 10.000 chiến sĩ, bắt được 5.000 vũ khí của quân đội Sài Gòn vào năm 1960. Khi Kennedy quyết định can thiệp vào tháng Mười một năm 1961, họ có hơn 16.000 chiến sĩ, chiếm thêm 6.000 vũ khí. Việc nổi dậy nhanh chóng ấy dẫn Hồ Chí Minh công khai tuyên bố vào cuối năm 1960, một tái hiện của quá khứ : mặt trận Việt Minh cũ, ngày 20 tháng Cháp trở thành Mặt trận giải phóng dân tộc miền Nam Việt Nam. Sự khác biệt giữa hai mặt trận là những nhà lãnh đạo chính thức của Mặt trận dân tộc giải phóng được cẩn thận chọn lựa trong số các nhân vật khoa học chủ chốt. Chủ tịch ủy ban trung ương, ông Nguyễn Hữu Thọ, một luật sư Sài Gòn cánh tả, trong quá khứ đã hợp tác với Đảng. Ông bị Diệm bắt, thoát khỏi nhà tù nhờ những người cộng sản. Cũng như mọi người có tên trong ủy ban trung ương (trong đó có một đại diện của Bình Xuyên cải tổ), ông Thọ không có thực quyền. Mặt trận thực tế do các đảng viên lãnh đạo, bí mật hoặc ít được biết rõ, xâm nhập trong số những người khác.

Kinh nghiệm trong quá khứ dạy cho những người cộng sản biết giá trị của một Mặt trận dân tộc cho phép những người không cộng sản dễ dàng tham gia hơn. Họ không cần đăng ký vào Đảng. Mặt trận giải phóng dân tộc hoạt động như Việt Minh trước đây để lãnh đạo chiến tranh du kích và từng thời kỳ làm cách mạng xã hội. Đồng thời đấy cũng là tấm màn che để những người có trách nhiệm ở Hà Nội giấu mình chỉ đạo cuộc tranh chấp bên kia giới tuyến 17. Hoa Kỳ bằng lời nói đã biến giới tuyến tập kết tạm thời của Hội nghị Geneve thành một biên giới quốc gia, và tiếng nói của nước mạnh nhất thế giới đã có trọng lượng. Các nước không cộng sản về sau phải công nhận Mặt trận dân tộc là đại diện chính thức của du kích miền Nam sẽ có khó khăn nếu do Hà Nội lãnh đạo chính thức. Những trí thức Mỹ và Châu Âu sau này tham gia vào phong trào hòa bình chống sự can thiệp của Mỹ sẽ có những vấn đề về lương tâm nếu họ phải bảo vệ một sự nổi dậy ở miền nam do Đảng cộng sản miền Bắc kiểm soát rõ ràng. Tổ chức do Hà Nội thành lập cho phép mỗi người tin vào điều họ muốn tin.

Qua năm tháng và tăng cường cải chính, Mặt trận cuối cùng đạt được lòng tin cậy thực sự. Các tác giả châu Âu và Mỹ viết nhiều sách về họ. Chính phủ Hoa Kỳ rồi cũng phải công nhận sự hiện diện và tính độc lập của họ bằng chấp nhận phái đoàn của họ ngồi vào bàn thương lượng ở Paris ngang hàng với Sài Gòn. Cầm đầu phái đoàn có bà Nguyễn Thị Bình, đảng viên bí mật của Đảng cộng sản mà người ông là quan lại đánh nhau với người Pháp từ đầu thế kỷ. Khi không cần thoái thác nữa, tổng thư ký Mặt trận giải phóng, một kiến trúc sư Sài Gòn bí mật gia nhập Đảng sau khi hoạt động Việt Minh thời kỳ chiến tranh thế giới, đã giải quyết việc chọn một trong hai con đường với sự trung thực mà những nhà cách mạng Việt Nam biết thể hiện :

« Hà Nội và Mặt trận riêng rẽ về mặt chính thức nhưng thực ra bao giờ chúng tôi cũng là một : một Đảng duy nhất, một chính phủ, một thủ đô, một nước duy nhất ».

Người Việt Nam cả hai phía ở miền Nam không bị nhầm về lối dàn cảnh ấy. Họ biết Việt Minh đã trở lại và họ tham gia vào một việc phục hồi lịch sử. Lá cờ của Mặt trận dân tộc mới là một mô phỏng nhẹ nhàng theo biểu tượng Việt Minh. Nền có hai màu đỏ và xanh nhưng vẫn có ngôi sao vàng năm cánh ở giữa. Nỗi lo sợ của những sĩ quan thông tin Mỹ những năm năm mươi đã được thực hiện nhưng như một trong những điều tiên tri mà chính họ đã tham gia hoàn tất. Hoa Kỳ tìm cách tiêu diệt Việt Minh cũ bằng cách cho cái tên Việt cộng. Như thế là họ tạo ra một Việt Minh mới vô cùng đáng sợ hơn Việt Minh mà người Pháp đã phải đương đầu.

Đầu mùa hè năm 1962, lần đầu tiên tôi đi theo cuộc hành quân bằng trực thăng với một tiểu đoàn thuộc Sư đoàn 7 của Vann. Cũng như mọi phóng viên trẻ, tôi mong được tham dự một cuộc đánh nhau thực sự giữa Quân đội Việt Nam Cộng hòa và Việt cộng. Trong tâm trí tôi cũng như tâm trí những người Mỹ khác vừa mới đến Việt Nam như Vann, Việt cộng là một thế hệ chiến sĩ khác hẳn Việt Minh. Tôi hình dung Việt Minh của cuộc chiến thứ nhất bao gồm những nhà yêu nước, những nhà cách mạng dân tộc đứng dưới mệnh lệnh của Hồ Chí Minh vì những người cộng sản đã cầm đầu phong trào độc lập trong cuộc chiến đấu chống Pháp. Chiến tranh kết thúc, người Pháp đã về nước. Hoa Kỳ can thiệp vào miền Nam Việt Nam để khuyến khích chủ nghĩa dân tộc. Việt cộng chỉ là những người nông dân lầm đường, bị lừa đứng về phía xấu, phía những người cộng sản ở khắp nơi là kẻ thù của những người tốt.

Chiếc máy bay lên thẳng của Hải quân tôi ngồi đang ở vị trí thứ tư hoặc thứ năm. Mục tiêu của chúng tôi là một căn cứ Việt cộng trong vùng Đồng Tháp Mười. Tôi nghe những tràng súng máy tự động đặt phía trước trong lúc chúng tôi đậu xuống giữa lau sậy cao lút người. Nhìn qua vai người bắn súng máy, tôi thấy khoảng nửa tá bóng người chạy trên đồng ruộng, cách chúng tôi 100 mét. Súng cầm tay, túi xắc trên lưng, họ mặc đồng phục màu xanh lá cây và đội chiếc mũ hình con rùa như tôi đã thấy trên ảnh những Việt Minh thời kỳ chiến tranh chống Pháp. Đấy là những Việt cộng thường trực của một trong những tiều đoàn lực lượng chính quy. Hải quân xác định tầm bắn sai. Tất cả Việt cộng đều chạy thoát dọc theo con kênh đến bìa rừng cách đấy 700 mét.

Đại úy Nam Việt Nam chỉ huy sư đoàn rề rà ít nhất trong 15 phút, nghiên cứu bản đồ và nói điện thoại với tổng hành dinh trước khi ra lệnh cho đội quân tiến lên. Một sĩ quan đã có tuổi, nói tiếng Pháp, cầm chiếc can theo phong cách những sĩ quan thuộc địa cũ. Sư đoàn dừng lại trước một nhóm lều nông dân cách rừng khoảng một trăm mét. Chỉ có một ông già và mấy đứa trẻ con. Bố mẹ chúng chắc chắn đã lẩn trốn. Đại úy Quân đội Cộng hòa bắt đầu hỏi ông già, hiển nhiên về những người nổi dậy, không ngớt dùng chữ « Việt Minh ». Người nông dân trả lời cũng như thế. Tôi hỏi một nhà báo Việt Nam của cơ quan báo chí quốc tế đi theo chúng tôi :

-   Tại sao ông ta gọi họ là Việt Minh ?
-   Đối với người Mỹ và quan chức chính phủ Sài Gòn họ là Việt cộng, anh trả lời, nhưng ở đây mọi người vẫn luôn gọi họ là Việt Minh.
-   Tại sao ?
-   Vì họ giống Việt Minh, hành động như Việt Minh.

Mọi người đều đã biết Việt Minh quay trở lại. Vì thế thái độ của họ là vậy : viên đại úy thật khôn ngoan, Cao sợ quá mức bình thường, Diệm muốn giữ cho quân đội của ông ta nguyên vẹn. Chỉ những người Mỹ không biết. Họ không biết rõ người Việt Nam, cả những người đồng minh họ dựa vào để thực hiện ý muốn, và những địch thủ họ phải đối mặt.

Không biết gì về những việc trước đây của cuộc chiến tranh, người ta cử anh tới để đánh thắng, Vann vẫn nghĩ vào cuối năm 1962 về giải pháp quân sự : thúc đẩy quân đội Nam Việt Nam chiến đấu và đập tan những sư đoàn thường trực ở Đồng Tháp Mười. Anh không thể thuyết phục mình thay đổi mục tiêu biến Cao thành một viên tướng chiến đấu.

Ngày 22 tháng Chạp năm 1962, Diệm thông báo tổ chức lại Quân đội Cộng hòa Việt Nam. Trước đó đất nước được chia làm 3 Quân đoàn. Ông ta tách Quân đoàn ba làm hai. Sài Gòn và vành đai các tỉnh bao quanh từ đông sang tây về phía bắc vẫn giao nhiệm vụ cho Quân đoàn ba. Ông thành lập một Quân đoàn mới Quân đoàn bốn bao trùm đồng bằng sông Cửu Long, tổng hành dinh đóng tại Cần Thơ. Ông thăng Cao lên thiếu tướng để khen thưởng sự khôn ngoan hạn chế những mất mát và tin tưởng giao cho Quân đoàn bốn. Việc thay đổi ấy cũng bổ sung thêm cho Vann vì Sư đoàn 7 bây giờ bao gồm thêm hai tỉnh vào năm tỉnh lúc ban đầu, nghĩa là toàn bộ nửa phía bắc của vùng đồng bằng với ba triệu hai trăm nghìn dân số.

Vann được thông báo về những gì xảy ra và mấy ngày trước khi Diệm tuyên bố, anh đi Sài Gòn với một giác thư đưa lên tướng Harkins. Anh đề nghị cho gặp để tự mình chuyển thư, giải thích anh đặc biệt thích hợp với vai trò tổng tư lệnh. Bản tường trình của anh viết theo lời văn ngoại giao sử dụng thích hợp. Anh nhắc lại với viên tướng, với sự phê chuẩn của ông, anh đã hoạt động như thế nào để tạo cho Cao « một hình ảnh nhà lãnh đạo quân sự » trước con mắt các nhà báo, các sĩ quan và các nhân vật Mỹ. Không may, Vann tiếp tục, « tướng Cao không chứng tỏ được tư thế thực sự tấn công. Ông ta cần một cố vấn quyết tâm để kích thích ». Vann trình bày quan điểm của mình. Dan Porter, con người xứ Texas tinh ranh và ương bướng phải đến Cần Thơ theo tướng Cao, là cố vấn mới của ông ấy. Nhưng kỳ hạn phục vụ sẽ kết thúc vào tháng Hai và anh trở về Hoa Kỳ. Harkins đã chỉ định đại tá John Powers Conner sắp sang sẽ thay thế anh. Đại tá Connor là một người dễ thương nhưng nguyên tắc và Vann không nghĩ ông này có thể « kích thích » được Cao. Mặt khác việc thiếu kinh nghiệm ở Việt Nam đưa ông ta vào thế bất lợi. Vì vậy Vann đề nghị một cố vấn khác cho Cao, một sĩ quan mà anh đã là huấn luyện vuên quân biệt kích sau chiến tranh Triều Tiên dưới quyền ông ấy.  « Có nguy cơ tỏ ra tự mãn, tôi xin gợi ý đại tá Wilbur Wilson làm cố vấn cho tướng Cao nhằm tăng cường hiệu lực hoạt động của ông trong mùa xuân này. Tính cách và kinh nghiệm của ông ấy hoàn toàn phù hợp để tướng Cao đạt được mức tối đa và vùng đồng bằng đưa lại nhiều cơ may đập tan Việt cộng ».

Ý nghĩ dùng Wilson kích thích Cao làm anh thích thú nhưng sự gợi ý của anh không kém nghiêm túc. Anh thán phục Wilson cũng như Porter nhưng với những lý do khác nhau. Wilbur Wilson là một truyền thuyết trong quân đội Hoa Kỳ. Đấy là một sĩ quan dù to khỏe, má hõm và hàm dô ra, năm 1962 đã 53 tuổi. Ông có biệt danh « Hòm than » vì một trong những cách thức lập dị của ông để đảm bảo kỷ luật. Khi đi kiểm tra các phòng, ông bắt buộc than xếp trong hòm hoàn toàn đều đặn, không chấp nhận một vien nào không đúng chỗ. Đấy là một trong nhiều mưu mẹo thực hiện trong nhiều năm để có một kỷ luật hoàn hảo.  Tuy có những điều kỳ cục ấy, ông có tài năng của những chỉ huy lớn kích động lòng tự hào của thuộc cấp mà ông đối xử tử tế và coi trọng. Ông dành sự nghiêm khắc và thật thà tàn bạo cho những người ngang hàng hoặc cấp trên. Ông vừa qua một năm làm cố vấn chính của Quân đoàn phụ trách cao nguyên và những tỉnh ven biển miền Trung. Năm 1962, vùng này ít đánh nhau và Wilson không có dịp trổ hết tài năng. Điều lạ là người đồng cấp của quân đội Nam Việt Nam, một sĩ quan dù cũ của quân đội Pháp, rất thích rượu Whisky, không chịu nổi những sĩ quan Mỹ đạo đức giả và quá tốt với ông ta, tán đồng tính thô bạo của Wilson.

Harkins cám ơn Vann về giác thư của anh và không hề lưu  tâm đến. Đại tá Connor được chỉ định làm cố vấn cho Cao.

Trong chín tháng đầu anh vừa trải qua, Vann thất vọng vì những người Việt Nam coi như anh đã giúp đỡ. Hai tuần lễ rưỡi sau, trong một thôn ấp có tến là Bắc, qua trận đánh lớn đầu tiên của Mỹ, anh phát hiện thấy sự hăng hái và lòng can đảm của những người Việt Nam mà anh có nhiệm vụ đánh thắng này.

III
TRẬN ẤP BẮC


Ba ngày sau lễ Noel 1962, Sư đoàn 7 bộ binh qua trung gian tướng Harkins, nhận được lệnh ban tham mưu hỗn hợp của Quân đội Cộng hòa đánh chiếm một đài phát thanh sóng Việt cộng đang hoạt động ở ấp Tân Thới cách tây bắc Mỹ Tho vài chục cây số. Hoa Kỳ đã dựa vào công nghệ bí mật để tấn công cuộc nổi dậy ở miền Nam. Đơn vị dò sóng thứ ba trong cơ quan thông tin quân đội ở Tân Sơn Nhất thám thính bầu trời từ một máy bay Canada hạng nặng Otters dùng bay trên rừng thưa đã phát hiện và xác định vị trí đài địch nhờ tranh bị hiện đại.

Thông báo về cuộc tấn công này gây phấn chấn cho Vann và toàn nhóm. Cuộc hành quân đầu tiên trong năm mới với một chỉ huy Việt Nam mới, nhất là có cơ may một cuộc khởi đầu. Tham mưu trưởng của Cao, trung tá Bùi Đình Đạm kế nhiệm thủ trưởng cũ được phong tướng chỉ huy Quân đoàn vừa thành lập ở Cần Thơ không thực sự vui vẻ trong lòng, vì Đạm, người bé nhỏ, bản chất hiền lành, là một người quản lý thành thạo nhưng ngần ngại đảm đương gánh nặng tâm lý của việc chỉ huy. Cao thuyết phục được ông ta nhận nhiệm vụ vì ông không muốn để vị trí lại cho một đối thủ có khả năng và biết có thể kiểm soát được Đạm. Bùi Đình Đạm là một người công giáo miền Bắc, vậy là có thể tin tưởng về mặt chính trị nên Diệm quyết định chấp nhận ý muốn của Cao. Ông thăng Đạm lên đại tá và giao cho Sư đoàn 7.

Đạm thể hiện lòng trung thành trong những quan hệ cá nhân mỗi lần có dịp và muốn hợp tác với người Mỹ. Vì vậy ông đồng ý với đề nghị của Vann phục hồi lại hệ thống xây dựng kế hoạch chung mà Vann bãi bỏ sau thất bại của quân biệt kích hồi tháng Mười. Vann gửi ngay một điện tín cho đại úy Richard Ziegler, trưởng ban tác chiến tài năng của anh, đề nghị bỏ dở kỳ nghỉ Noel ơ Hong Kong trở về ngay chuyến bay đầu tiên. Mọi người, kể cả Cao được người ta trao đổi về kế hoạch tác chiến của Ziegler, đều tán thành với anh. Con người khoan dung, Đạm chỉ có một thay đổi : ông lùi cuộc tấn công dự kiến vào sáng mồng một đầu năm lại hai mươi bốn tiếng đồng hồ. Ông giải thích đánh thức các phi công máy bay lên thẳng Mỹ vào bốn giờ sáng sau những yến tiệc ban đêm là không hợp lý.

Vậy là sáng ngày mồng tháng Giêng 1962, trên con đường đất của sư đoàn ở Tân Hiệp diễn ra quang cảnh thường hay lặp lại trong cuộc chiến tranh này. Cái tĩnh lặng của bình minh và sự tươi mát của không khí vùng đồng bằng bị khuấy động vì tiếng ồn áo, khí xả và bụi đất cuộn lên của những chiếc máy bay lên thẳng trong khi những trung đội bộ binh chỉnh đốn hàng ngũ để lên máy bay. Vann bay lúc sáu giờ rưỡi ngồi ở chiếc ghế sau một chiếc thám thính L-19 để quan sát việc đổ bộ của đại đội thứ nhất ở bắc Tân Thới.

Tướng Harkins và bộ tham mưu Sài gòn của ông xem Việt cộng với sự khinh khi cố hữu của những binh lính một cường quốc nhìn quân du kích những nước yếu, gọi họ là « những con người nhỏ bé rách rưới ». Ngược lại, những chiến binh tại chỗ như Vann cảm thấy kính phục họ. Nhưng tất cả đều hy vọng một ngày nào đó đối thủ khá ngây ngô rời bỏ hệ thống chiến đấu bí mật để lộ liễu đánh nhau. Đấy chỉ là một ước muốn trong tâm niệm vì không một sĩ quan Mỹ nào trong đó có Vann chờ đợi điều đó thực hiện được. Việc xóa sổ quân biệt kích trong tháng Mười là kết quả của một cuộc phục kích, tiếp theo đó là sự rút lui thành công mặc dù đạn pháo và bom bỏ khốc liệt. Việt công không cố thay đổi những cú đánh với các toán quân Sài Gòn. Tuy thất vọng về những từ chối bỏ cạm bẫy lặp đi lặp lại của Cao, Vann không thể ngăn mình hy vọng một ngày nào đó quân du kích sẽ ngả theo sự thiếu khôn ngoan táo tợn này. Đấy là cách độc nhất có thể nhấn chìm cả một tiểu đoàn. Vann và những sĩ quan Mỹ khác say sưa, mơ tới số phận mọi tiểu đoàn Việt cộng dấn thân vào một cuộc đánh dằn mặt. Việc tàn sát đối thủ kém vũ khí của các toán quân Sài Gòn với xe tăng, trọng pháo và máy bay ném bom ít xứng đáng với truyền thống thượng võ của quân đội Hoa Kỳ.

Trong lúc Vann quan sát 10 « quả chuối bay » H-21 chở đại đội bộ binh hạ xuống làn nước xám đen của đồng ruộng lúc bảy giờ ba mươi và đổ quân an toàn, anh không thể biết mình sắp thấy mong ước chung được thực hiện. Trong cuộc tranh chấp mà những hợp đồng không lối thoát nối tiếp nhau, hình như không cái nào có một giá trị nội tại, hôm ấy một hiện tượng đặc biết sắp xảy ra : Việt cộng đứng lên đánh nhau.

Phía bên kia, chỉ huy Tiểu đoàn 261 Việt cộng đã chuẩn bị xong lúc mười giờ đêm hôm trước trận đánh. Tên ông và tên các sĩ quan, hạ sĩ quan khác không được biết do truyền thống bí mật của họ. Hai tháng sau, trong một cuộc hành quân bất thường vào ban đêm, Quân đội Cộng hòa bắt được một báo cáo mật về trận đánh và những sự kiện trước đó : người ta chỉ thấy tên một sĩ quan cấp dưới đánh tìm một lối ra và một số lính thường xứng đáng được ghi nhận đặc biệt về lòng dũng cảm trong chiến đấu.

Những thông tin do các trinh sát bầu trời cung cấp và những tin tức khác Jim Drummond, sĩ quan thông tin của Vann và đồng sự Việt Nam của anh này thu thập được cho thấy ấp Tân Thới là tổng hành dinh của quân địa phương. Đài phát sóng được một đại đội tương cường khoảng một trăm hai mươi quân chủ lực bảo vệ. Ziegler đã tính toán Tân Thới sẽ bị tấn công từ ba hướng khác nhau. Một tiểu đoàn khoảng 320 người sẽ được máy bay lên thẳng đổ xuống phía bắc để tiến vào phía nam vào làng. Hai sư đoàn quân bảo an lần lượt từ phía nam tiến lên riêng rẽ nhau. Một đại đội bộ binh trên mười ba chiếc của đoàn xe bọc thép M-113 cũng từ phía nam thọc lên phía bắc dọc theo sườn phía tây. Đoàn xe được bố trí để có thể di chuyển đến điểm tiếp xúc nếu Việt cộng vừa đánh vừa lùi. Từng đơn vị trong ba tiểu đoàn sẵn sàng chiến thắng một đại đội du kích với sự yểm trợ của phi pháo. Trường hợp gặp khó khăn, xe tăng M-113 và đội bộ binh trên xe là một lực lượng dự trữ lưu động và là một lực lượng đánh bật quân địch. Đạm bố trí hai đại đội bộ binh khác dự trữ ở Tân Hiệp, có thểt gửi đến bằng máy bay lên thẳng. Không ai nghĩ có hơn 120 Việt cộng. Ziegler thậm chí cho rằng không biết có đến con số ấy không. Những tin tức hình như khác cụ thể, cho đến lúc sau cuộc tấn công ngưới ta phát hiện thấy đài phát sóng đã chuyển đi hai ngày trước rồi.

Lần này tất cả đều sai. Số lượng Việt cộng có hơn ba lần, tập hợp trong làng Tân Thới và ấp Bắc ngay phía dưới. Ban chỉ huy Tiểu doàn 261 và tổng hành dinh được khoảng 320 quân chủ lực và du kích địa phương bảo vệ ở đấy. Thêm vào đó khoảng ba mươi địa phương quân làm nhiệm vụ trinh sát, bổ sung, vận chuyển vũ khí và những người bị thương.

Ban chỉ huy và ban chấp hành Việt cộng tỉnh liên lạc qua điện đài đã biết sáng mồng 2 tháng Giêng sẽ có một cuộc tấn công. Họ không rõ mục tiêu chính xác vì không biết đài phát sóng đã bị bao vây nhưng cho là trong vùng Tân Thới và ấp Bắc. Họ dự kiến sẽ có một cuộc tấn công ngay đầu mùa khô vào vành đai những làng họ kiểm soát dọc bìa rừng từ Đồng Tháp Mười . Hai ấp trên là một phần trong vùng cách con kênh lớn làm biên giới cánh đồng ba cây số. Cán bộ thông tin Việt cộng ở Mỹ Tho đã cảnh báo những người có trách nhiệm trong tỉnh cuộc hành quân sắp xửa xảy ra khi họ nắm được 71 xe tải chở vũ khí và vật dụng cung cấp từ Sài Gòn tới. Ngày mồng 1 tháng Giêng, ban chấp hành tỉnh đã có đủ thông tin để suy đoán cuộc tấn công sẽ tiến hành vào sáng hôm sau.

Vann hài lòng về những lý lẽ khiến các nhà lãnh đạo du kích quyết định ở lại và đánh nhau. Họ cho rằng phải như vậy đẻ khôi phục lòng tin của các đội quân và nông dân tham gia. Vann đã gây trở ngại đáng kể cho cuộc cách mạng của họ ở phía bắc vùng đồng bằng trong mùa hè – thu với những đợt tấn công Việt cộng dựa vào máy bay, xe tăng và sự phối hợp đúng đắn về kế hoạch tác chiến thành thạo của Ziegler cùng hiệu quả công tác thông tin của Drummond. Những cuộc tàn sát đã làm các chiến sĩ cơ sở lo ngại. Họ bắt đầu đặt vấn đề về thái độ của các lãnh đạo, về khả năng hướng dẫn họ tồn tại và chiến thắng công nghiệp chết người của Mỹ vừa nắm bắt được họ trong những chỗ ẩn náu cho đến nay chưa bị lộ. Một số người đã xin rới quân ngũ trở về với gia đình. Nhiều nông dân nhận thấy người Mỹ vô cùng mạnh, khó khăn hơn người Pháp và tự hỏi Việt Minh mới có thể đánh thắng họ không. Báo cáo mật về các cuộc tiến cộng thừa nhận những thất bại không lường hết được đã đặt việc kiểm soát của Đảng trong « những vùng giải phóng » này, cơ sở phát triển của cuộc cách mạng, đang đứng trước nguy hiểm. Những người nông dân cần được thuyết phục rằng chính phủ bí mật của Đảng đã trở về và những lực lượng du kích có thể bảo vệ họ chống lại sự tàn phá của quân đội Sài Gòn và những máy móc chết người Mỹ.

Các chỉ huy Việt cộng và những người có trách nhiệm ở tỉnh đã ở tuổi tứ tuần với quá khứ phục vụ trong kháng chiến chống chế độ thực dân Pháp và chống Nhật. Dù chiến tranh kết thúc ra sao họ cũng không ra đi. Họ không thể trở về miền Bắc kể cả nếu họ muốn vì những cán bộ mất tinh thần không được ngoài ấy hoan nghênh. Họ cũng không nghĩ đến chạy trốn vì không chấp nhận khả năng thất bại của cuộc cách mạng. Một trong những bài viết bí mật của họ thời kỳ ấy giải thích sự cần thiết phải dạy cho lớp trẻ không để một cuộc đấu tranh kéo dài và những thử thách đánh bại, đồng thời là tóm tắt thái độ của chính họ : « Chúng ta phải dạy cho họ thắng không kiêu, bại không nản, cho đến lúc chúng ta hoàn thành Giải phóng miền Nam và thống nhất đất nước ».

Họ nghiên cứu khí cụ máy móc Mỹ, sáng tạo các biện pháp hy vọng khống chế được chúng và vận dụng thuyết phục các sĩ quan trẻ, hạ sĩ quan và chiến sĩ, nếu không sợ và khéo léo sử dụng các nơi ẩn nấp, ngụy trang mảnh đất vùng đồng bằng đủ bảo vệ họ hành quân, chiến đấu. Những cố gắng của họ đưa lại thắng lợi trong cuộc tập kích quân biệt kích cách Tân Thới mấy cây số về phía Tây Bắc. Họ đã có thể bắn hạ hai chiếc máy bay lên thẳng bổ sung quân kể cả chiếc máy bay của Vann. Đơn vị chủ yếu đạt được chiến thắng nhỏ nhưng có ý nghĩa đó, Đại đội 1 của Tiểu đoàn 514, bây giờ đang chờ đợi ở Tân Thới trong ngày thứ hai năm mới này.

Phản ứng của Diệm về sự thất baih của quân biệt kích, việc chấp nhận hèn hạ của Cao về chiến lược tự hủy hoại của « hoàng đế của ông ta », việc Harkins không tin Vann và tán thành với Diệm đã tạo cho Việt cộng hai tháng rưỡi nghỉ ngơi. Các chỉ huy đại đội và tiểu đoàn dùng thời gian ấy thay thế những mất mát, huấn luyện những chiến thuật mới và sử dụng vũ khí Mỹ bắt được. Tháng Giêng năm 1963, những đồn tiền tiêu Harkins không triệt hạ trước kia hào phóng phân phối vũ khí hiện đại Mỹ để chuyển súng Pháp cũ của họ cho tự vệ địa phương. Phần lớn bộ binh Việt cộng được trang bị súng bán tự động M-1 hoặc tiểu liên Thompson. Mỗi đại đội có một súng máy cỡ 30 và hầu hết trung đội đều có hai súng tự động Browning. Đạn và lựu đạn quá nhiều. Như vậy, Hoa Kỳ và Sài Gòn đã phát triển đáng kể hỏa lực của kẻ thù.

Nhưng cán bộ Đảng miền Bắc vùng đồng bằng không thấy rằng Cao gian dối trong các cuộc hành quân. Họ vẫn nghĩ lực lượng Sài Gòn tìm cách bao vây và tiêu diệt họ như Vann đã cố gắng làm không hiệu quả. Họ nhận thấy những yếu tố tấn công bây giờ gồm quân số quan trọng hơn, từ hai đại đội của tiểu đoàn tiến lên toàn bộ một tiểu đoàn. Họ suy luận các chỉ huy Quân đội Cộng hòa và cố vấn Mỹ trở nên khôn ngoan hơn trong việc hành quân bao vây.

Tân Thới và ấp Bắc là một trong những « vùng giải phóng » quan trọng nhất của miền đồng bằng. Để làm nản chí những cuộc đột kích của lực lượng Sài Gòn, phương pháp tốt nhất là chống cự có hiệu quả để gây khó khăn và bất lợi cho kẻ địch. Lãnh đạo Việt cộng không có ý định cố bám tại chỗ giữ đất. Họ chấp nhận đánh nhau, hy vọng có thể vận dũng kỹ thuật chiến đấu và hành quân, cho rằng đã khá tiến bộ để có thể dấn thân vào nguy hiểm. Dù sao sớm hay muộn họ cũng bị o ép và đây cũng là một dịp thuận lợi. Họ có lợi thế về đất đai. Tuy là mùa khô, vùng này có nhiều sông lạch nên nông dân giữ được đồng ruộng ngập nước suốt năm.

Trong hai ấp Việt cộng cũng có lợi thế chiến đấu trong môi trường quen thuộc với lòng dũng cảm của những người bảo vệ xóm làng mình. Tất cả đều là dân vùng đồng bằng kể cả sĩ quan, hạ sĩ quan, đảng viên cộng sản. Đây là trường hợp đặc biệt của Tiểu đoàn 514 mà Đại đội 1 ở Tân Thới và gần nửa số quân Đại đội 1 tiểu đoàn 216 chở ở ấp Bắc đến từ vùng Mỹ Tho.

Về phương diện lịch sử, đây là mảnh đất lý tưởng cho một cuộc chiến đấu quyết định. Nông dân vùng ven Đồng Tháp Mười này đã theo những người cộng sản từ cuộc khởi nghĩa đầu tiên chống Pháp vào tháng Mười một năm 1940. Người Pháp đập nát cuộc nổi dậy bằng dội bom san bằng phần lớn thôn ấp. Người bị cầm tù do tàu thủy đưa về Sài Gòn, ban đêm đổ vào các kho hàng ở bến tàu dưới ánh sáng đèn chiếu. Chúng xâu dây thép gai qua mu bàn tay buộc họ thành hàng dài. Nhưng nông dân địa phương không vì thế mà hoảng sợ. Trong 9 năm kháng chiến họ luôn luôn theo tiếng gọi của Việt Minh.

Bốn giờ sáng, trinh sát của du kích địa phương phân tán nhiều cây số trong vùng xung quanh hai ấp nghe tiếng động cơ ô tô. Liên lạc chạy ngay đi báo cáo, chỉ huy tiểu đoàn lập tức ra lệnh chuẩn bị chiến đấu. Quân lính đêm trước đã tập dượt, nắm lấy vũ khí ra những vị trí được xác định trong hố cá nhân nông dân đã giúp họ đào và ngụy tranh dưới tán cây.

Tân Thới nối liền ấp Bắc theo một con kênh hai bên bờ là những hàng cây che khuất những hoạt động giữa ban ngày. Như vậy hai ấp hình thành hai vị trí tương hỗ. Viên chỉ huy tập trung lực lượng chủ yếu trong ấp Bắc, chỗ khó tự vệ hơn : đại đội 1 của tiểu đoàn ông được bổ sung hai trung đội bắn giỏi với một súng máy cỡ 30 và phía nam hoặc phía tây. Mà từ phía nam có một nhánh suối chảy về phía tây với hàng cây bao phủ. Ông bố trí một trung đội bộ binh trong những chiếc hố dưới tán cây, trên bờ suối ; ở đây họ nhìn thông thoáng ra đồng ruộng phía nam.

Phía tây ấp Bắc, một con kênh tưới chảy theo hướng bắc nam, trên bờ là một con đê rộng đầy cây. Viên chỉ huy bố trí phần đại đội còn lại trong những chiếc hố dưới cây. Con đê hẹp nhất cũng được một mét, ngoài ra thì rộng hơn nhiều, chỗ khống chế cả cánh đồng. Do địa hình không đồng đều nông dân xây dựng con đê và con đập không theo một đường thẳng mà khúc khuỷu giữa đồng ruộng, cho phép Việt cộng bắn chéo binh lính tấn công. Hai khẩu súng máy và những kẩu Browning tự động cũng bố trí để có « một tầm bắn chéo » theo lối nói của quân đội Mỹ. Viên chỉ huy rải nửa lực lượng – Đại đội 1 của tiểu đoàn 514, được một trung đội của tỉnh tăng cường – một cách tương tự dọc theo con đê kênh tưới bao ba phía lộ ra của Tân Thới.

Từ trên không hoặc ngoài đồng ruộng, người ta chỉ có thể thấy hai ấp là những pháo đài giống nhau của một chiến lũy. Trong những hàng cây là sự xen lẫn bình thường của cây cối vùng đồng bằng : chuối, dừa, tre, cọ và những cây gỗ cứng dùng trong xây dựng, dưới gốc là bụi rậm dày đặc. Dưới sự hướng dẫn của các sĩ quan, áp dụng kỹ thuật này trong chiến tranh chống Pháp, nông dân và các chiến sĩ đào hố mà không làm khô héo lá cây. Đất đào lên được mang đi xa rải phân tán. Khi lớp bảo vệ tự nhiên không đủ, người ta cắt cành lá tươi trồng phía trên và xung quanh các hố. Tất cả hình như hoàn toàn tự nhiên, kể cả đối với máy bay thám thính bay thấp hoặc máy bay lên thẳng.

Những hố cá  nhân được đào khá sâu để đứng trong đó. Những chỗ để súng máy và Browning rộng hơn những hố khác chứa được hai người, xạ thủ và người nạp đạn. Nhờ độ sâu, người lính có thể cuộn mình lại dưới đáy để tránh phi pháo. Họ chỉ bị thương nếu bị bắn thẳng hoặc một tia napalm đủ gần để đốt cháy hoặc làm họ ngạt thở. Một quả đạn súng cối chỉ giết họ nếu nổ thật chính xác trên hố hoặc ở một góc độ rất gần. Trừ phi Việt cộng dại dột ra khỏi hầm lúc máy bay đang bay trên đầu còn thì đạn pháo, rốc két không có hiệu quả.

Con kênh tưới phía sau đê, rộng khoảng hai mét và nước lên đến người dùng làm hào liên lạc. Người ta có thể di chuyển trong đó ngoài tầm nhìn và tầm bắn của quân địch. Họ lội bì bõm hoặc di chuyển nhanh trên những chiếc xuồng nhỏ nông dân đẽo từ những cây gỗ tròn. Khi máy bay xuất hiện, Việt cộng có thể nhảy xuống nước ẩn mình hoặc chui vào cây cối trên bờ. Chính theo con đường này, người ta tiếp tế đạn dược cho các chiến sĩ trong hầm, chuyển thương binh, gửi lực lượng bổ sung tới và các sĩ quan, hạ sĩ quan đi kiểm tra, khuyến khích quân lính. Đàn bà, trẻ em và người già trong sáu trăm dân số ấp Bắc cùng số lượng tương tự của Tân Thới chạy ẩn nấp vào những đồng ruộng bên cạnh khi vừa có báo động. Một số thanh  niên ở lại chăm sóc thương binh và làm liên lạc.

Sương mù buổi sáng là yếu tố may mắn quyết định trận đánh này. Nó trải rộng toàn vùng che phủ quang cảnh từ bầu trời : lơ lửng trên đồng ruộng, nó bao trùm cây cối và mái nhà trong thôn ấp. Vann không thể nhận được 30 máy bay lên thẳng anh cần để vận chuyển một lần toàn bộ tiểu đoàn. Quân đội gặp khó khăn khi giữ lại những chiếc H-21 cũ từ chiến tranh Triều Tiên. Mặt khác Harkins ưu tiên cho một cuộc hành quân khác cùng ngày có tên mật là « mũi tên bốc cháy », sử dụng đến 1.200 lính dù và một tiểu đoàn bộ binh. Sau một đợt dội bom dày đặc, họ phải chộp bất ngờ và tiêu diệt tổng hành dinh chính của cộng sản miền Nam Việt Nam trong rừng vùng chiến khu C, pháo đài cũ miền tây bắc Sài Gòn mà 8 năm trước Bumgardner đã thiếu khôn ngoan đi qua. Cuộc hành quân hoàn toàn thất bại vì người ta không bao giờ tìm được tổng hành dinh. Nhưng vì lý do đó mà Vann đành hài lòng về 10 chiếc H-21 để vận chuyển nhiều đợt các tiểu đoàn của sư đoàn mình đến khu vực đổ bộ phía bắc Tân Thới.

Sương mù dày đặc xung quanh đường băng xuất phát Tân Hiệp. Tuy nhiên phi công lái máy bay lên thẳng cũng cất cánh được với đại đội thứ nhất trước 7 giờ sáng một ít và tìm được một khoảng trống phía bắc Tân Thới để đổ quân. Rồi sương mù càng dày đặc, phi công từ chối mạo hiểm, sợ đụng nhay trong khi bay hoặc cùng mất luôn với đại đội 2 và 3. Vann và Đạm quyết định lùi những chuyến bay gần hai tiếng rưỡi cho đến 9 giờ 30 khi mặt trời lên khác cao làm quang đãng bầu trời. Trong thời gian đó, đại đội 1 phải chờ tại chỗ. Nếu không có điều đó, cuộc chiến có thể bắt đầu ngay và kết cục có thể sẽ khác. Vì trong lúc nghỉ ngơi ấy, đội quân bảo an tiến từ phía nam đụng độ với trung đội du kích ngụy trang dưới cây cói của con suối ở ngay phía nam ấp Bắc. Sự kiện tình cờ này làm nổ ra cuộc chiến từ một cuộc xô xát kịch tính và lộ liễu gây bao tác động đến chiến tranh và cuộc đời Vann.

Việt cộng biết quân bảo an tiến lại gần. Chỉ huy tiểu đoàn báo với chỉ huy đại đội ấp Bắc, trung đội của ông ẩn mình đầu ngọn suối sẽ bắn trước. Nhân viên điện đài sử dụng máy móc bắt được của Mỹ theo dõi hành động của các đội quân Sài Gòn qua làn sóng họ dùng. Quân đội Cộng hòa không dùng những biện pháp an toàn, truyền đi những tọa độ bản đồ nên Việt công dễ dàng xác định được. Trinh sát Việt cộng chạy phía trước quân bảo an xác nhận những thông tin điện đài. Quân lính dưới hầm cá nhân cuối cùng thấy những toán quân của tiểu đoàn thứ nhất quân bảo an tiến thành hàng về phía họ trên những con đường mòn và đường đê hẹp. Đội viên du kích địa phương nhanh chóng chiếm vị trí trong bụi cây dừa bên phải : họ có nhiệm vụ tấn công quân địch đi hàng dọc vào bên sườn sau khi quân chủ lực bất ngờ đánh vỗ mặt.

Dự kiến cây cối có thể gây những bất ngờ, đại úy chỉ huy tiểu đoàn bảo an mỗi lúc càng tiến lên thận trọng. Ông dừng lại dọc một con đê, cách cây cối khoảng 150 mét và cử trinh sát  đi thăm dò. Việt cộng để họ lại gần 30 mét mới nổ súng. Các toán quân Sài Gòn vừa đánh vừa rút lui, bì bõm trong bùn, nước ; chính lúc ấy các đội viên du kích trong bụi cây dừa bắn từ sườn bên phải. Chỉ huy đại đội và phó của ông ta bị bắn chết sau mấy giây. Phần còn lại của tiểu đoàn nấp sau con đê đáng lẽ phải bắn súng máy để bảo vệ đồng đội, họ lại nấp vào chân đê còn một số vung súng bắn không ngắm đích. Vậy là quân lính rút lui nhận đạn từ hai phía. Lúc ấy là 7 giờ 45.

Hai tiếng đồng hồ tiếp đó, viên chỉ huy tiểu đoàn vòng quanh cố đánh bật Việt cộng ra không có kết quả. Quan sát viên pháo binh kém cỏi quá hoặc ban tham mưu dã chiến không để anh ta điều chỉnh tầm bắn : trường hợp nào thì những loạt đạn pháo quân bảo an yêu cầu đều dội vào sau lưng Việt cộng hết, không trúng vào hàng ngũ của họ. Toàn cuộc tách chiến ngưng lại trước 10 giờ một ít, khi viên chỉ huy tiểu đoàn bị thương nhẹ ở chân.

Vann không biết gì về cuộc đánh nhau này cho đến khi nó kết thúc. Thiếu tá Lâm Quang Thọ, tỉnh trưởng Định Tường chịu trách nhiệm về lực lượng của tỉnh, bình thường phải dưới lệnh của Đạm trong trận đánh này, giữ lại không thông báo với anh. Thọ là người Diệm cho cầm đầu trung đoàn bọc thép của Mỹ Tho để bảo vệ cho mình chống đảo chính vì ông này con một gia đình điền chủ vùng đồng bằng, liên minh với họ Ngô Đình. Thọ không ra lệnh cho tiểu đoàn bảo an thứ hai đến cứu gấp tiểu đoàn thứ nhất và cũng không làm gì để sửa chữa tầm bắn cố vấn Mỹ đã thông báo qua điện đài. Ông không đến tại chỗ để tổ chức một cuộc phản công tuy chỉ cách ban tham mưu dã chiến không tới 3 cây số. Khi những thiệt hại đã lên tới 8 người chết và 14 bị thương kể cả viên đại úy bị thương ở chân, ông xử sự như một sĩ quan Sài Gòn : giao cho người khác đánh nhau thay mình. Ông điện thoại đề nghị Đạm đưa hai đại đội dự phòng ở đường bay ra phía sau lưng Việt cộng ở phía Nam. Về lý thuyết, bị đánh từ phía sau, quân địch phải rời bỏ vị trí. Nhưng Thọ không làm thế mà đổ các toán quân trên đồng ruộng, ông ta đưa bia đỡ đạn cho những quân chủ lực Việt cộng còn lại ở phía tây dọc theo con kênh tưới.

Vann bay trên một chiếc L-19 ở phía bắc Tân Thới để theo dõi hoạt động của đại đội thứ ba vừa đổ bộ trước đó mấy phút. Ziegler gọi điện cho anh thông báo lời đề nghị của Thọ và Đạm muốn anh đến ấp Bắc chọn một chỗ đổ bộ những toán quân dự phòng. Khi nhìn thấy ấp Bắc, Vann bỗng nghi ngờ. Anh chợt nghĩ quân Việt cộng chống trả lính bảo an ở phía nam có lẽ chỉ là một trong những yếu tố của lực lượng quan trọng hơn đã rút lui trước bước tiến của các đơn vị phía bắc. Nếu như vậy ấp Bắc sẽ là nơi tập hợp quân hợp lý. Anh quan sát thôn ấp và những hàng cây trong 15 phút. Phi công lái chiếc máy bay nhỏ bay ngang dọc ở độ cao 100 mét, kiêu hãnh như một con chim ưng trên bầu trời. Rồi theo đề nghị của Vann, anh đâm thẳng xuống bay là là trên ngọn cây.

Dù đã có kinh nghiệm, Vann không thấy một ai trừ việc dựa vào làn đạn bắn tung tóe xung quanh lính bảo an, đoán chừng hàng ngũ Việt cộng ẩn nấp ở phía nam. Những Việt cộng khác ẩn trong hầm cá nhân dọc con kênh tưới ở phía tây để chiếc máy bay nhỏ bay lượn, kìm nèn ý muốn bắn vì đã biết cuộc đọ sức. Tuy ấp Bắc có vẻ tĩnh lặng, Vann vẫn nghi ngờ rặng cây phía tây. Anh liên lạc với chiếc L-19 khác chỉ đường cho 10 chiếc máy bay lên thẳng H-21 chở đại đội dự phòng thứ nhất. Những chiếc H-21 nặng nề được bổ sung nằm trong những chiếc máy bay lên thẳng chiến đấu mới vừa nhận của Hoa Kỳ. Uy nghi, năng động trên bầu trời, nhanh chóng nhờ động lực mạnh, những chiếc HU-1A này được phi công gọi là « Huey », trang bị hai súng máy 7,62 ở mỗi bên dưới thân máy bay và những giỏ rốc két. Người phi công cùng đi điều khiển bằng điện những súng máy qua một bảng ngắm nhả đạn cùng rốc-két ngay tại chỗ ngồi. Vann chỉ thị cho trưởng phi công những chiếc H-21 đổ đại đội dự phòng xuống cách hai hàng cây phía nam và phía tây 300 mét. Anh cũng chỉ rõ một con đường có thể vào ra trong vùng ít nguy hiểm nhất.

Những báo cáo có hệ thống trong năm 1962 giữa các nhà quân sự Mỹ không được xác định chặt chẽ. Các đơn vị máy bay lên thẳng cho rằng họ không phụ thuộc vào các cố vấn Mỹ. Ngoài ra, Vann bị phần đông phi công ghét do phong cách chỉ huy và kinh nghiệm bay luôn đẩy anh đến chỗ khẳng định quyền lực của mình. Có lẽ họ không lưu ý đến những chỉ dẫn của một cố vấn bình thường nhưng với Vann, họ muốn chứng tỏ biết rõ hơn anh về máy bay lên thẳng và việc chọn chỗ đổ quân ở vùng đang chiến đấu. Phi công chiếc máy bay đi đầu không cần biết đến những chỉ thị của Vann và tiến đến một chỗ cách hàng cây phía tây 200 mét. Ba trăm mét Vann xác định cũ thể là khoảng cách tầm bắn của súng nhẹ cỡ 30 trở nên ít hiệu lực. Về tầm nhìn, làn đạn và những yếu tố khác, 100 mét là hoàn toàn khác giữa trúng và không trúng đích.

Trong lúc Vann truyền đi những lời chỉ dẫn, viên chỉ huy tiểu đoàn Việt cộng thông báo với đội quân của mình chuẩn bị bắn hạ máy bay lên thẳng. Nhân viên điện đài nghe làn sóng của Quân đội cộng hòa , đã báo cáo với ông máy bay sắp đến. 10 giờ 20 phút, sương mù đã tan. Những thân hình to lớn màu xanh đậm của những chiếc H-21 và Huey tách ra rõ ràng trong ánh sáng mặt trời.

Trung sĩ nhất Arnold Bowers, 29 tuổi, quê ở một vùng sản xuất sữa ở Minnesota, thuộc quân số Sư đoàn 101 vận chuyển hàng không, nghe tiếng rít của viên đạn đầu tiên đâm thủng vỏ nhôm chiếc máy bay lên thẳng lúc anh còn cách mặt đất 15 mét. Đã 8 tháng ở Việt Nam, lần đầu tham gia chiến tranh, anh chưa bao giờ đánh nhau ngoài vài trận mở màn với những tay súng bắn lẻ. Mặc dù tiếng động cơ ầm ào, anh tiếp tục nghe tiếng đạn xuyên qua thân máy bay trước khi bánh xe máy bay đậu xuống ruộng và anh nhảy xuống nước đến đầu gối với trung úy Quân đội cộng hòa và những người khác.

Xa tiếng ồn động cơ, Bowers nhận rõ hơn tiếng chát chúa của vũ khí tự động và súng trường bắn ra từ tấm màn lá cây trước mặt. Đạn nổ bốn bên và rít bên tai. Anh lao về phía trước, bùn bám vào bốt, theo bản năng áp dụng những bài học người ta dạy cho là may mắn nhất để sống là nằm xuống bắn cho đến khi hạ được và giết chết đối thủ. Nhưng viên trung úy và lính bộ binh Việt Nam suy luận một cách khác. Họ nằm im phía sau con đê đầu tiên cách đấy 15 mét.

Trung sĩ Bowers kêu lên với trung úy phải bắn trả và di chuyển để ẩn nấp nếu không họ sẽ bị tàn sát trên đồng ruộng. Trung úy cho rằng ông không hiểu Bowers nói gì tuy khi họ trên đường ra đi thì tiếng Anh của ông nói rất sõi. Vả lại viên sĩ quan Việt Nam đã theo học trường bộ binh Fort Benning. Bowers là trung sĩ tác chiến của đoàn cố vấn nhưng anh luôn tình nguyện đi tuần tra và chiến đấu. Vann hoan nghênh lòng dũng cảm của anh, sáng hôm ấy hỏi có đi cùng các đơn vị dự phòng đang thiếu cố vấn Mỹ và Bowers đã nhận lời. Anh lại kêu lên với viên trung úy. Người sĩ quan Việt Nam  nhìn anh với đôi mắt sợ hãi rồi nằm dí xuống đất bùn để phơi người ít nhất trước làn đạn.

Bowers nhìn về bên phải mình thấy một trung sĩ Quân đội Cộng hòa đã xuống từ một máy bay khác dẫn đầu một trung đội đi về hàng cây phía nam. Họ cúi gập người tiến lên phía sau con đê. Anh nhảy về hướng của họ, không bận tâm về làn đạn, đi thật nhanh trong bùn, vừa cúi người đi theo viên trung sĩ. Anh muốn trung đội tiếp tục tiến lên không ngập ngừng dừng lại. Anh nhận thấy trong các cuộc hành quân trước, các hạ sĩ quan Việt Nam khác với các sĩ quan, hình như hoan nghênh việc người ta giúp đỡ và xem một trung sĩ Mỹ có mức độ cao hơn họ để chịu trách nhiệm nếu tình hình xấu đi. Anh cũng nhận xét đấy không phải là những người thành thị như các sĩ quan mà là những nông dân trước đây thích chiến đấu hơn.

Vừa bò anh vừa nghĩ điều gì sẽ xảy ra. Anh tiến lên cùng trung đội về hướng cây cối phía nam, cố vòng về phía sau Việt cộng ở phía tây. Khi anh đã khởi xướng, những trung đội khác đi theo họ. Có cây cối bảo vệ ít nhất họ cũng thiết lập được một căn cứ nhằm bắn, đỡ được sức ép dồn lên đậi đội trên đồng ruộng quân du kích đang tập trung hỏa lực vào. Càng tiến lên càng ít đạn rít quanh mình. Họ đã đi được khoảng 150 mét, tới gần hàng cây thì Bowers bỗng thấy một bóng người chạy luồn qua cây, suy đoán ngay đó là một liên lạc viên Việt cộng. Người kia lo làm nhiệm vụ, không trông thấy họ. Bowers không được báo trước tình hình ấp Bắc trước khi lên máy bay và không biết Việt cộng bố trí ở bờ xa con suối anh đang đi tới. Thấy người liên lạc, anh hiểu có lẽ họ ở đấy. Điều đó không làm anh bận tâm tuy không trang bị vũ khí đầy đủ lắm : anh chỉ có một khẩu tiểu liên với hai băng 30 viên đạn. Nhưng khi đã vào trong hàng cây họ có thể dựa vào cây cối tự bảo vệ như Việt cộng.

Bỗng viên trung sĩ, phía sau anh 15, 20 mét gọi anh bằng tiếng Việt lẫn tiếng Anh bồi. Bowers nhìn lại. Viên trung sĩ ra hiệu cho anh trở lại, chỉ điện đài mang theo và hướng viên trung úy phía sau để giải thích có lệnh quay trở lại. Bowers thốt ra « Đồ thối ». Anh giơ tay ra hiệu cho trung sĩ tiến lên và tiếp tục cúi người vươn tới hàng cây. Được mấy mét, anh ngoái cổ nhìn. Chỉ còn một mình anh. Trung sĩ và cả trung đội đã lại chỗ trung úy.

Từ trên máy bay thám thính, Vann bất lực nhìn những chiếc trực thăng nối tiếp nhau bị bắn hạ. Đã nhiều tháng nay các sĩ quan Việt cộng huấn luyện người của họ, dự kiến một sự kiện bất thần như thế. Cuối mùa hè trước, một phi công H-21 ngạc nhiên thấy một người Việt ở chỗ trống quỳ một chân xuống đất ở phía trước khoảng 75 mét. Anh ta nâng súng chĩa vào người Mỹ đứng ở cửa máy bay. Trong lúc người chỉ huy máy bay nắm lấy khẩu tiểu liên, anh Việt cộng thay vì lợi dụng cơ hội ngắm bắn thì hướng súng vào phía trước chiếc trực thăng bắn vào không khí hai lần. Kinh ngạc, người Mỹ định thần lại và bắn chết anh. Anh Việt cộng ấy bắt đầu không tốt nhưng những người khác sẽ làm đúng hơn. Người ta đã thử kỹ thuật bắn khác nhau mà những người săn bắn dùng để hạ vịt, ngỗng đang bay bằng súng trường. Vận dụng vào chiến tranh chỉ cần bắn máy bay khi đã vào trong tầm đạn. Những cán bộ Vann thấy gần biên giới Campuchia ngày 20 tháng Bảy đã dạy kỹ thuật này cho những người sử dụng súng máy 50 cũng như những người được trang bị súng riêng lẻ. Những bản sao được phân phát cho tất cả để giải thích cách tính góc bắn tùy theo tốc độ máy bay : tốc độ càng lớn góc bắn càng lớn, thay đổi từ chiếc H-21 chậm đến chiếc Huey nhanh hơn, thậm chí cả máy bay ném bom mà sĩ quan Việt cộng cũng cho là dễ đánh miễn tính đúng tầm bắn. Đối với một chiếc H-21, lúc tốt nhất là chờ nó bay chậm lại để hạ xuống. Một bài viết giải thích : « Bình thường, góc bắn tốt nhất trong trường hợp này là bắn đón một khoảng cách bằng hai phần ba thân máy bay ». Tất nhiên mọi tính toán góc bắn trở thành vô ích khi chiếc trực thăng đã đậu xuống đổ quân.

Những sai sót con số trong cuộc chơi phỏng đoán này không quan trọng. Điều chủ yếu là khắc sâu vào tâm trí chiến sĩ khái niệm bắn đón. Huấn luyện viên tập dượt cho họ không ngần ngại thực hiện điều đó. Để tiết kiệm đạn dược, việc tập luyện tiến hành ở những trại bí mật ở Đồng Tháp Mười với đạn giả bắn vào các hình mẫu trực thăng hoặc máy bay các tông lướt dọc theo một sợi dây cáp giữa hai cây to. Để xác định chất lượng bắn phía trước các mô hình, chiến sĩ dựa vào đường đạn vạch xanh đỏ đặt đều đặn trong bộ phận nạp đạn. Việc luyện tập đặc biệt kỹ đối với những người sử dụng súng máy hạng nặng, có khả năng bắn hạ máy bay tiêm kích – ném bom.

Các sĩ quan nhấn mạnh cần tự kiềm chế cho đến lúc cả một tiểu đội, trung đội hoặc đại đội có thể cùng bắn. Đợt bắn tập trung có nhiều may mắn làm hư hỏng hoặc hạ được máy bay.

Trưởng phi đội H-21 không thể phục vụ nhiều hơn cho Việt cộng khi không nghe theo chỉ thị của Vann. Do người ta báo trước có « Victor Charlies » dưới hàng cây phía nam, anh suy ra ở phía tây không có, bắt đầu hướng dẫn những chiếc trực thăng của anh về biên giới phía tây của Tân Thới. Các chiến sĩ Tiểu đoàn 514 nổ súng trong lúc các đồng chí ấp Bắc của họ được kích thích đột xuất vì nghĩ những con « chim sắt » đến trong tầm bắn của mình. Mười chiếc H-21 tiếp tục bay phía trên hàng cây của kênh tưới rồi quay lại lần lượt đậu xuống ruộng ngập nước cách khoảng 200 mét. Hàng ngũ Việt cộng đủ thời gian tự kiềm chế sự kích thích và nỗi lo sợ ban đầu để bình tĩnh điều chỉnh tầm bắn.

Ngay khi loạt súng bắt đầu, các phi công phụ của năm chiếc Huey hộ tống điều chỉnh súng dội đạn súng máy và rốc két vào hàng cây. Bình thường điều này buộc đối thủ câm lặng nhưng lần này Việt cộng bắn trả hàng loạt. Đạn súng máy của họ nhắm vào những chiếc Huey từ khi chúc xuống, đuổi theo suốt đường bay cho đến khi ra ngoài tầm bắn. Phi công trực thăng không nhắm chính xác được, cành lá cây che khuất những chiếc hầm cá nhân nên các loạt đạn không có hiệu quả. Hơn nữa, họ kinh ngạc về việc bắn trả bất ngờ và đạn pháo đâm thủng máy bay họ.

Mỗi chiếc H-21 bị bắn trúng nhiều lần. Những chiếc cuối cùng bị nặng nhất vì đích bắn ít đi, Việt cộng bắn tập trung hơn. Một chiếc trực thăng, nhất là thân to như H-21, có thể trúng nhiều đạn vẫn hoạt động được miễn không bị bắn vào cơ quan sống còn. Tất cả những máy bay đều lại cất cánh trừ một chiếc. Phi công điện báo không điều khiển được nữa. Anh tắt máy và cùng với phi công phụ, hai nhân viên tổ lái xuống nhập vào Quân đội Cộng hòa trên ruộng đất.

Trong giai đoạn ngắn, sự ngây ngô cho rằng chiến tranh là một cuộc phiêu lưu, chấm dứt vào ngày hôm ấy. Các tổ bay trực thăng gắn bó với nhau theo một nguyên tắc rất chặt chẽ về tình đồng đội : mọi tổ bay bị bắn hạ phải được cứu ngay dù họ ở trong những toán quân Sài Gòn gần đấy. Vì thế một trong những chiếc H-21 trở lại tìm các bạn. Nó đậu xuống chỗ tồi tệ nhất, giữa chiếc máy bay bị hạ và con đê. Chiếc máy bay bị Việt cộng bắn bất động ngay.

Nguyên tắc về tình đồng đội khiến người ta muốn tiến hành một cuộc thử sức mới, lần này gồm hai tổ lái. Viên chỉ huy phi đội Huey thông báo qua điện đài ông ta sẽ làm việc đó. Ông hạ độ cao bay trên xác hai chiếc máy bay để nhìn rõ người trên mặt đất trong lúc những chiếc Huey khác bắn khắp các phía, cố gắng vô hiệu hóa lửa đạn của Việt cộng. Chỉ huy phi đội hạ cánh xuống phía sau hai chiếc H-21 che chắn làn đạn cho ông. Khi lại gần, tốc độ máy bay giảm mạnh đến mức ông lơ lửng một lúc trên không. Tiếng súng nổ được tăng cường ngay, các loạt đạn không ngừng xuyên qua máy bay cho đến lúc trúng bánh lái chính. Chiếc Huey nhào về bên phải, vỡ tan trên ruộng phía sau hai chiếc kia 50 mét. Việt cộng vừa lập được một kỷ lục mới. Trong năm phút, họ bắn hạ 4 trực thăng vì một chiếc H-21 khác bị thương nặng buộc phải hạ cánh trên ruộng cách đấy một cây số, tổ lái không bị thiệt hại được cứu thoát. Mười lăm chiếc máy bay bị bắn trúng nhiều lần , chỉ còn một chiếc Huey là còn nguyên vẹn.

Bowers đứng dậy chạy lại chỗ thảm họa. Nước ở đây cạn hơn, chỉ còn đất ướt gần những xác máy bay nên anh tiến đến nhanh hơn. Khi anh lại gần, động cơ phản lực nổ một tiếng lạ lùng. Thoát khỏi trọng lượng chiếc chong chóng lớn nhất, nó quay tít mù tại chỗ. Bowers sợ nó nóng đỏ lên, nổ và bắn lửa vào bình chất đốt. Phi công ngồi ghế bên trái ra được, lảo đảo tiến về một mô đất anh nghĩ có thể tránh đạn. Bowers kêu lên gọi anh nhưng không được trả lời. Anh hiểu, anh ta quá hoảng hốt không thể giúp anh cứu phi công kia và trưởng tổ lái vẫn còn trong máy bay.

Chiếc trực thăng gần như bị lật ngược lại. Cánh cửa bên phải gãy nát từng phần, Bowers đẩy được chiếc cửa sổ đủ để mở thắt lưng người phi công và đưa anh ra ngoài. Anh ta cũng bị chấn động  mạnh và bị một vết cắt ở chân nhưng còn khá ý thức để quàng cánh tay vào cổ Bowers và dựa vào người cứu mình khập khiễng bước lại chỗ mô đất.

Bowers chạy trở lại tìm trưởng tổ lái, một trung sĩ da đen già tên là William Deal. Động cơ phản lực vẫn phát ra tiếng động lạ và thỉnh thoảng lại một viên đạn Việt cộng đập nát vào thân máy bay. Deal bị buộc chặt vào chiếc đại ghế phía sau khẩu súng máy. Ông thực tế bị treo ngược do góc lật của chiếc trực thăng. Hy vọng duy nhất đưa ông ra trước khi máy bay nổ tung là kéo phía trước. Bowers chui vào trong, nghĩ rằng Deal bất tỉnh sau cú sốc. Những chiếc mũ nhựa của phi công được trang bị máy nghe và ống nói để nghe đài và liên lạc nội bộ. Sợi dây mũ của Deal rối tung. Anh bỏ chiếc mũ ra, thấy mình đã cố gắng cứu một người chết. Deal đã nhận một viên đạn vào đầu, chắc là chết ngay.

Động cơ phản lực dứt hẳn những tiếng ồn đáng sợ : chắc bị cháy không nổ. Bowers quyết định dù sao cũng đưa Deal ra khỏi xác máy bay. Công việc ở trang trại và trong quân đội đã tôi luyện anh , người có thân hình một nông dân to khỏe. Bố mẹ anh người Ireland và Đức đến đời thứ ba di cư sang Minnesota sau khi trải qua những mỏ than ở Bắc Dakota. Anh cao hơn Vann, gầy và tay dài nhưng cũng cứng cáp, thanh mảnh như thế. Ngược lại, Deal to lớn và nặng, không dễ dàng đưa ông ta ra ngoài. Bowers khó khăn xóc nách, kéo ông trong ruộng ngập người, ngón tay bấu vào bộ đồng phục xám của ông. Tiếng nổ giống tiếng súng ba-dô-ka Việt cộng bắn bống làm Bowers hiểu ra việc làm của mình là kỳ cục. Anh tự nhủ “Mẹ kiếp, mình chẳng làm gì được cho ông ta. Ông ấy chết rồi”. Anh để xác ông tại ruộng, không có cảm giác bất kính vì ở chỗ ấy đất khô ráo.

Cuộc chiến tranh này của nước Mỹ lần đầu tiên được đưa lên truyền hình, con trai Deal 7 tuổi, thấy (ở New Jersey chỗ ông ở) bố mình trên màn hình cùng một ngày được tin ông tử trận. Cả gia đình tập trung xem một phóng sự về hình ảnh cuộc hành quân trước. Đứa bé kêu lên với mẹ. “Mẹ nhìn xem ! Bố đấy”. Sáu giờ sau đó người ta chuyển đến bức điện của Lầu Năm Góc.

Bowers bò lại chiếc H-21 thứ hai bị bắn hạ, thấy một thành viên tổ lái ngồi trong nước bên cạnh bánh xe máy bay. Tiếng nổ Bowers cho là tiếng đạn ba-dô-ka nói lên ý định của viên chỉ huy Việt công tuyên dượng sự thành công của quân mình. Ông muốn thiêu cháy vỏ những chiếc trực thăng, đã cử một trung đội đến hàng cây phía bắc, hi vọng đốt cháy những chiếc máy bay bằng lự đạn do súng bắn ra. Bowers nghe tiếng nổ của một trong những lựu đạn ấy. Nhưng trực thăng nằm ngoài tầm và lựu đạn tung ra nổ trên không, không trúng đích. Đốt cháy máy bay có một tác động tâm lý lớn nên viên chỉ huy tiểu đoàn không bỏ dự định của mình. Thậm chí ông hy sinh sáu đạn pháo 60 quý giá, vũ khí nặng nhất ông hiện có. Những viên đạn cũng không trúng đích, chỉ nước và bùn tung tóe lên vì vào năm 1963, những người sử dụng chưa có đầy đủ kinh nghiệm. Khi Bowers đến bên chiếc H-21, người ta đã thôi bắn.

Chàng trai ngồi xổm trong nước bên cạnh bánh xe là một binh nhất bắn súng máy phía sau. Anh giải thích phi công đã đến chỗ các toán quân Quân đội cộng hòa phía sau đê, bỏ anh lại cùng anh bạn, trưởng tổ lái Donald Braman, 21 tuổi, bị thương nằm lại bên trong. Anh chỉ hàng cây nói :”Tôi không đưa anh ấy ra được. Mỗi lần tôi thử trèo lên, chúng bắn ngay”. Bowers bảo anh ta bò lại chỗ đê các phi công đang ẩn nấp cùng viên trung úy Việt Nam để anh lo việc anh bạn.

Khi Bowers đứng dậy vào trong máy bay, Việt cộng trông thấy và nổ súng. Nhưng thân chiếc H-21 cắm trong ruộng khiến họ bắn quá cao. Khi Bowers vào bên trong thì họ mất hút. Hàng loạt đạn nổ phía trên thân  máy bay có cái gì đáng sợ nhưng Bowers tự nhủ mình có may mắn đạn bắn không trúng nếu đứng trên đất chỗ Braman nằm dài giữa hai cánh cửa. Việt cộng nhanh chóng thôi lãng phí đạn trên một chiếc máy bay chết.

Braman còn hoàn toàn sáng suốt, hình như không bị thương nặng. Anh trúng đạn trong khi cuồng nhiệt bắn súng máy vào Việt cộng lúc hạ cánh, bắn hết một băng đạn, đang cúi xuống nạp đạn thì bị bắn vào vai. Bowers cắt bộ quần áo bay để xem kỹ vết thương. Có vẻ không nặng. Viên đạn nguồn gốc Mỹ gây một vết thương sạch sẽ, vào từ đầu vai thoát ra chỗ xương bả vai. Có máu ở lỗ ra nhưng tương đối ít. Binh lính nói chung có những mảnh băng khẩn cấp. Bowers dùng mảnh băng của Braman bịt lỗ đạn vào và lấy cái của anh đắp vào vết thương dưới bả vai, dùng một đoạn băng quàng qua cổ và vai để giữ những băng dán tại chỗ. Anh đặt Braman nằm xuống đất để ép chặt vết thương ngăn máu chảy. Bowers nhận thấy người bị thương vào trong máy bay sẽ được an toàn hơn nằm trên ruộng nước bẩn có thể làm vết thương nhiễm trùng. Anh giải thích và Braman hiểu ra ngay.

Bowers cho Braman uống nước trong bình của mình rồi nằm dài cạnh anh ta mấy phút nói chuyện. Anh thấy chàng trai cố giữ bình tĩnh và muốn giúp anh ta. Braman rút ví trong túi ra để trên sàn, dùng bàn tay khỏe lấy chiếc ảnh vợ ép túi nhựa và nói :

-   Này anh, tôi  mong muống có thể trở về nhà gặp lại cô ấy.
-   Anh yên tâm, không bị thương nặng. Mọi việc sẽ rất tốt và người ta sẽ đưa anh ra.

Bowers nói bây giờ anh phải đi nhưng không đi xa và không bỏ rơi đồng đội. Anh bò lại cửa , lăn xuống ruộng vừa bắn ngay một loạt đạn.

Viên trung úy Quân đội Cộng hòa lại hiểu rõ tiếng Anh khi Bowers lại gần và hỏi ông vì sao ngắt việc tấn công bên sườn vào hàng cây phía nam. Viên trung úy giải thích phải tập trung quân trong tình thế ấy. Bowers nhận thấy suy luận đầu của anh đúng, đại đội ở lại trên đồng ruộng sẽ bị thiệt hại hơn rất nhiều việc tấn công, Không động đậy gì cho phép Việt cộng trước hết tập trung bắn vào trực thăng sau đó bình tĩnh tấn công đại đội. Do một số lớn người chết và bị thương bị bắn vào lưng và mông, Bowers nghĩ một số đối thủ trèo lên cây bắn xuống nên trúng vào những người nấp sau mô đất. Con đê từ đó Việt cộng bắn ra không đủ cao để có góc nhìn cần thiết. Trung đội chiếm hàng cây phía bắc để cố bắn vào trực thăng cũng tham gia tàn sát cùng cánh sườn trái. Những binh lính sống sót của Quân đội Cộng hòa, bị thương hay không bây giờ áp sát vào nhau nằm dính xuống đất như trung úy của họ. Phần đông thậm chí không đáp lại những loạt bắn rời rạc của kẻ địch chỉ cốt làm nản lòng một số táo bạo như lính bảo an lúc sáng đưa súng lên cao hơn đê, bắn một loạt mù quáng. Để trả lời, hàng chục viên đạn đúng hướng nổ tan trên đê hoặc lướt trên đỉnh, đủ làm kẻ bạo gan hạ thấp vũ khí không hề muốn bắt đầu lại.

Bowers có ý kéo họ ra khỏi tình hình xấu này và chuyển Braman cùng những người bị thương khác ra khỏi đó. Phải dùng trọng pháo và máy bay kéo Việt cộng ra khỏi chỗ ẩn nấp sau đê. Anh không trông thấy Việt cộng (suốt cả ngày chỉ thấy ba người) nhưng qua tiếng nổ và làn đạn, họ chỉ có thể dưới hàng cây của con đê. Viên trung úy Việt Nam có một điện đài nhiều làn sóng. Trước khi lên máy bay, người ta đã cần thận cho Bowers biết làn sóng của Vann sử dụng trong chiếc L-19 liên lạc với Ziegler ở trung tâm chỉ huy sư đoàn và mật hiệu của Vann “Topper Six”. Bowers sẽ dùng đài của viên trung úy tiếp xúc với Vann, giải thích vị thế đáng buồn của đại đội và các tổ lái để anh chỉ thị cho trọng pháo và máy bay. Bowers đã quen thuộc vấn đề này. Anh đã là người quan sát rồi trung sĩ trong một đại đội súng cối. Trận địa súng cối và đại bác 105 ly được rải dọc những con đường chính của vùng đồng bằng về phía nam và con kênh về phía đông để bắn được khắp vùng. Bowers nói với trung úy anh cần đài phát của ông và giải thích lý do. Trước đây, việc sử dụng một điện đài Việt Nam không bao giờ được đặt vấn đề với người Mỹ nên Bowers không mang theo. Viên trung úy từ chối, nói phải luôn luôn trực làn sóng để nhận mệnh lệnh của sư đoàn mình. Bowers năn nỉ : trọng pháo hoặc việc tấn công máy bay sẽ cứu họ vì Việt cộng có thể xông ra và tiêu diệt họ. Viên trung úy khăng khăng từ chối.

Người quan sát trọng pháo sung vào đại đội, một thiếu úy có chiếc đài phát khác có nhiều làn sóng nằm dài cách chỉ huy đại đội 10 mét. Anh đang tiếp xúc với trạm chỉ huy trung tâm bắn súng của sư đoàn ở sân bay Tân Hiệp để chuyển mệnh lệnh cho các trận địa pháo. Thỉnh thoảng anh đề nghị bắn một loạt nhưng sợ quá, không ngẩng đầu lên nhìn đạn súng cối rơi xuống đâu để điều chình tầm bắn trúng chỗ Việt cộng chiếm giữ như ý định của Bowers. Đạn rơi xuống ruộng giữa Việt cộng và đại đội. Bowers đã cùng hành quân với quan sát viên này, biết vốn tiếng Anh của anh ta rất hạn chế nên anh chỉ nói đơn giản :” Kéo dài thêm 100 mét!”. Người kia sợ hãi, có vẻ không nghe, không hiểu gì. Anh bò lại gần, bảo :” Đưa điện đài cho tôi! Tôi sẽ điều chỉnh tầm bắn!”. Quan sát viên và chỉ huy sư đoàn nói không thể ủy thác cho anh : quan sát viên phải thường xuyên tiếp xúc với trọng pháo. Bowers hiểu hai người sợ nếu anh nói vào điện đài, có lẽ họ sẽ nhận được lệnh cùng hoạt động, phải đứng dậy từ sau mô đất bảo vệ. Tám quả đạn súng cối như vậy là bắn vào khoảng trống. Lúc ấy, người lính mang đài sau lưng bị một viên đạn khác loại khỏi công việc làm. Người quan sát nắm vội xuống đất dúi người vào bùn.

Họ bất động trên đồng ruộng đã nửa giờ bỗng trên bầu trời xuất hiện hai bóng máy bay ném bom Skyraider cho thấy khả năng được cứu. Chiếc thứ nhất thả napalm không trúng Việt cộng, rơi phía sau kênh tưới, xuống những chiếc nhà tranh mà một số đã bị máy bay Huey đốt cháy. Nhưng nắng gay gắt đến nỗi trên toàn cánh đồng thật khó thở. Chỗ họ nằm không khí rất nặng nề. Bowers tự nhủ những người trước mặt họ, gần lửa hơn, làm sao chịu đựng được nắng nóng ngột ngạt này. Anh nhổm dậy xem Việt cộng có chạy trốn không. Nhiều lính bộ binh Sài Gòn nghĩ rằng thử thách đã qua cũng đứng dậy để nhìn cảnh máy bay bắn và bỏ bom xuống những mái nhà đang cháy. Bỗng nhiên bên cạnh Bowers hai người lính bị bắn ngã xuống chết ngay. Những người khác lại nằm vội xuống đất. Bowers ngồi xổm một lúc. Anh không chắc Việt cộng vẫn ở lại, quan sát hàng cây để phát hiện một dấu hiệu hoạt động. Không thấy động tĩnh gì. Xem ra Việt cộng vẫn ở đấy. Lần đầu tiên từ khi đến Việt Nam, Bowers bắt đầu cảm thấy khâm phục Việt công.

-   Nào, đưa điện đài cho tôi ! Anh kêu lên với viên trung úy. Phải thiêu sống chúng ! Tôi sẽ bảo máy bay ném napalm xuống ngọn cây.
-   Không, không, viên trung úy lắc đầu trả lời. Napalm gần quá, gần chúng ta quá !

Có một lúc Bowers đã hình dung bắn hạ viên trung úy để lấy chiếc đài như anh có lẽ sẽ làm đối phó với một sĩ quan Mỹ hèn nhát để đại đội lính dù gặp nguy hiểm nhưng rồi anh bỏ ngay ý nghĩ ấy. Anh tuân lệnh như mọi hạ sĩ quan tốt khác. Quân đội đã nói với anh ở Việt Nam anh chỉ là một cố vấn, không có một quyền chỉ huy nào và đấy không phải “cuộc chiến tranh của họ”. Trong tuần lễ đào tạo anh theo học ở Carolina Bắc, trước khi anh ra đi vào tháng Ba trước, anh nhận được chỉ thị xử sự “tế nhị và ngoại giao” với những người Việt Nam. Anh nhìn dọc theo con đê : những lính bộ binh sững sờ dán chặt xuống đất. Nếu Việt cộng bỏ chỗ ẩn nấp xông ra, không thể tập hợp được những người này đứng lên tự bảo vệ và họ sẽ bị giết hết. Lúc ở trên trực thăng băng bó Braman, anh thấy một gói thuốc lá và bao diêm trong hộp, đã bỏ vào túi áo. Anh bỏ hút thuốc lá đã một tháng nay, cược với trung sĩ bạn một chai Whisky nếu anh hút lại. Bây giờ điều đó không quan trọng nữa. Anh nằm dài ra đất, đầu gối lên đê châm một điếu thuốc hút.

Trên chiếc ghế sau của chiếc máy bay thám thính nhỏ, Vann bị tù túng, sôi lên vì giận và ức chế. Một trong những cố vấn của anh và ba tổ lái trực thăng đã rơi xuống và thậm chí anh không biết họ chết hay bị thương. Những người Mỹ ấy và lính bộ binh Quân đội Cộng hòa trong sư đoàn anh đang có nguy cơ bị tiêu diệt mà anh không thể tìm ai đi cứu họ.

Ngay khi chiếc Huey bị bắn hạ, anh đã mở đài đặt giữa hai chân theo làn sóng của đại úy James Scanlon và Robert Mays. Đấy là những cố vấn của đại đội vận chuyển những toán xe bọc thép M-113 anh nắm được cách một cây số rưỡi về tây bắc. Scanlon, 31 tuổi, nhỏ người và gân guốc, kà cố vấn trung đoàn xe bọc thép Mỹ Tho do tỉnh trưởng Thọ chỉ huy. Mays, 32 tuổi, một người Texas đi õng ẹo nói năng kín đáo, là phó của Scanlon và cố vấn cho đại úy Lý Tòng Bá, chỉ huy đại đội M-113.

“Valrus, Toppers Six đây. Tôi muốn nói với anh”. Vann thả nút bấm để Mays hoặc Scanlon có thể trả lời”.

“Topper Six. Valrus đây. Tôi nghe anh”. Đấy là Scanlon và “Valrus” là mật danh điện đài của các cố vấn M-113.

“Valrus, tôi có ba, tôi nhắc lại, ba trực thăng bị bắn hạ và một đại đội bộ binh bị cầm chân trên đồng ruông phía đông nam các anh, ở ba, không, chín, năm, ba, chín”. Vann nhắc lại tọa độ trên bản đồ để chắc chắn Scanlon hiểu rõ. “Nói với người phối hợp với anh (rõ ràng nói về đại úy Bá) cử nhanh xe tăng đến đấy. Làm sao cho ông ta hiểu tình hình khẩn cấp. Anh nói đi”.

-   Hiểu rõ, Topper Six. Còn gì không ?
-   Topper Six đây. Hết

Vann bảo phi công L-19 đâm xuống lượn trên xác máy bay và lính bộ binh nấp sau đê. Anh nhận thấy Quân đội Cộng hòa không có một cố gắng đáp lại cái mà anh gọi trong một báo cáo của anh “lưới lửa sấm sét” xuất phát từ hàng cây phía tây ấp Bắc. Tiếng nổ của đạn súng máy và đạn lửa thỉnh thoảng lóe lên xung quanh thân máy bay làm người ta hiểu rõ Việt cộng muốn có máy bay thêm vào tấm bảng săn bắn của họ nhưng thân hình hẹp và ngắn của nó là một mục tiêu khó trúng hơn nhiều so với trực thăng. Vann thuyết phục phi công lướt qua lưới đạn với vài vòng phụ để nắm rõ hơn tình hình đại đội và những tổ lái Mỹ. Chiếc máy bay nhỏ lướt đi nguyên vẹn.

Trong lúc họ lấy lại độ cao sau vòng bay cuối cùng, Scanlon trở lại điện đài với những tin xấu :

-   Tôi có một vấn đề, Topper Six. Người phối hợp với tôi không muốn nhúc nhích.
-   Quân nhà thổ ! Hắn không hiểu rất khẩn cấp à ?
-   Tôi đã mô tả tình hình đúng như anh nói nhưng ông ta trả lời “Tôi không nhận mệnh lệnh của người Mỹ”.
-   Được rồi. Tôi sẽ gọi lại, Valrus.

Vann chuyển làn sóng để gặp Ziegler ở lều chỉ huy gần đường bay Tân Hiệp. Anh vắn tắt giải thích những gì xảy ra và bảo đề nghị đại tá Đạm ra lệnh cho đại úy Bá đưa những chiếc M-113 đến ấp Bắc ngay. “Tình hình tuyệt đối gay cấn”. Vann nằn nì. Qua những cuộc nói chuyện điện đài, mọi người ở trại chỉ huy đã biết trực thăng bị thiệt hại. Một lúc sau, Ziegler trở lại báo cáo cho Vann rằng Đạm đã chấp nhận và đang ra lệnh qua làn sóng của sư đoàn.

Ở vị trí 300 mét phía trên ấp Bắc, Vann có thể thấy những khối chữ nhật to lớn của 13 chiếc xe bọc thép. Anh đề nghị phi công bay trên chúng, đổi làn sóng gọi lại Scanlon, lưu ý anh này về cột khói bắt đầu lên từ những nhà bị cháy ở ấp Bắc.

“Nói với người phối hợp của anh, tôi chuyển một mệnh lệnh của chỉ huy sư đoàn ông ta, Vann nói. Ông ta phải hướng đoàn xe tới cột khói ấy. Và phải đi ngay !”.

Đại úy Bá cho đơn vị mình lên đường tới ấp Bắc. Nhưng hầu như ngay sau đó, họ bị một con kênh bờ rất dốc chặn lại. Một địa hình như thế là trở ngại duy nhất làm chậm bước tiến của những chiếc M-113 trong vùng đồng bằng. Những xe lội nước lên xuống để qua sông không có vấn đề gì nhưng xe bánh xích không bám được vào bùn ở bờ đi lên để chuyển 10 tấn trọng lượng. Mọi người phải xuống , chặt cây và cành lót đường để chiếc xe đầu tiên bám vào bò lên, vùi hết cành cây vào bùn. Khi qua được rồi, nó phải kéo những xe khác bằng dây cáp cho đến khi tất cả vượt qua trở ngại. Con kênh phía trước mặt ít nhất cũng phải một giờ mới qua bên kia được. Cũng có khả năng tìm một chỗ khác bờ kênh thấp hơn và bánh xe có thể bám để vượt. Nhưng đại úy Bá không xoay sở gì. Ngược lại, ông ta để nhiều phút nói điện đài bằng tiếng Việt. Scanlon hiểu một ít, có cảm giác ông ta xin chỉ thị của cấp trên. Rồi Bá lại tránh né. Ông ta không muốn đi. Vượt qua con kênh sẽ rất lâu. Ông chỉ những hàng bộ binh đi trên ruộng gần đấy nói “Tại sao họ không cử bộ binh đi đến ?”. Những quân lính ấy thuộc Đại đội 3 của Sư đoàn từ phiá bắc xuống Tân Thới, vừa đổ quân hơn một tiếng đồng hồ. Do vận chuyển Đại đội 2, 3 chậm mất hai tiếng rưỡi, Vann thu xếp để trực thăng đổ họ xuống quá phía nam so với dự kiến ban đầu để liên lạc với đại đội đầu tiên đổ quân lúc 7 giờ 3 phút. Scanlon ngạc nhiên thấy Bá từ chối. Phong cách táo tợn của ông ta thường tương phản với sự thận trọng quá đáng của phần đông sĩ quan Quân đội Cộng hòa.

Lý Tòng Bá cùng tuổi với các đồng chức Mỹ, kém hơn Scanlon 10 tháng. Ông cùng chiến đấu với họ thay vì kháng cự vì ông là con một điền chủ giàu có vùng đồng bằng, trước đây phục vụ đế quốc Pháp vì rất tin tưởng. Bạn chơi của Bá là con trai những tá điền của bố ông. Ông đã chăn trâu cùng với họ, cưỡi lên lưng trâu, che nắng bằng chiếc nón cổ truyền vùng nông thôn mà bây giờ ông đề nát bằng những khối sắt to lớn của mình. Rồi ông vào học trường sĩ quan Huế và các bạn tuổi thơ của ông trưởng thành với những hướng khác nhau. Phần lớn trong bọn họ đi theo Việt Minh.

Bá là một người thông minh và trong một nước thường đàn bà được chú ý về sắc đẹp chứ đàn ông thì không, ông có một phong thái rất đẹp. Tổ tiên ông phần lớn là cư dân vùng đồng bằng : nhiều dòng máu Việt, một ít Trung Hoa và có lẽ cả Campuchia vì nước da đậm hơn. Bản tính ông vui vẻ, thực sự thích đánh nhau. Một xu hướng thái quá nào đó, có phần hơi anh hùng hẳn đã dẫn ông chọn vũ khí bọc thép và những năm cuối cùng chiến tranh Pháp, chỉ huy một đơn vị cơ giới ở miền Bắc Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục được đáo tạo quân sự một năm ở trường Saumur Pháp rồi một năm nữa ở Mỹ, ở Fort Kanox bang Kentucky.

Scanlon ngạc nhiên ở chỗ trước đây không bao giờ Bá tỏ ra ngần ngừ. Nghe nói có Việt cộng ở đâu đó, Bá xông tới liền. Đại đội M-113 của ông được mọi người xem là sự phối hợp vô địch giữa cơ động sắt thép và sức mạnh của lưới lửa. Người ta cho rằng Việt cộng có mấy khẩu ca-nông không giật cỡ 57 lý có thể bắn hạ xe bọc thép nhưng cho đến nay chưa có khẩu nào hoạt động. Những khẩu súng máy hạng nặng cỡ 50 bố trí phía trước 12 trong số 13 xe bọc thép của đại đội là những vũ khí đáng sợ mà những viên đạn bọc thép có thể xuyên qua mọi tường ngăn bằng đất hoặc cắt đôi những cây to. Người ta vừa trang bị cho chiếc xe thứ 13 một súng phóng lửa trục quay thay thế súng máy. Mỗi chiếc xe chở 12 người mang liên thanh Browning và M-1, được huấn luyện nhảy xuống tấn công địch phối hợp với tăng. Bá thường được cử đi hành quân đơn độc vì người ta cho rằng đơn vị của ông có thể chiến thắng tất cả những gì Việt cộng sử dụng. Giác quan chỉ huy, lòng can đảm của ông cộng thêm tác động của những con quái vật thép , như cuộc tàn sát ngày 18 tháng Chín đã thể hiên, đưa lại kết quả là đại đội M-113 giết và bắt sống Việt cộng nhiều hơn bất cứ đơn vị nào trong sư đoàn.

Bá tuyên bố không di chuyển và tốt hơn nên cử bộ binh tới gây ra nửa tiếng xô xát sôi động. Mays và Bá làm một cuộc đi bộ thăm dò  nhanh, phát hiện thấy phía sau con kênh thứ nhất còn một con kênh thứ hai cũng dốc như thế. Phải mất hai tiếng đồng hồ đoàn M-113 mới vượt được quãng đường này. Bá dựa vào trở ngại này biện minh cho việc không di chuyển được. Scanlon và Mays hết sức kêu gọi tình cảm nhân đạo của ông vì ba tổ lái trực thăng và một đại đội bộ binh có nguy cơ bị giết hoặc cầm tù, nhưng ông không tỏ ra bị tác động.

“Chúng tôi không thể vượt qua kênh”, ông nói lại và cho rằng tiểu đoàn bộ binh sẽ đến được ấp Bắc nhanh hơn nhiều.

Scanlon và Mays cùng ngồi với ông trong một chiếc xe bọc thép nhanh chóng gào lên còn ông vẫn trả lời không. Vann bay vòng tròn phía trên họ, giận dữ với ba người cố thúc các cố vấn buộc Bá di chuyển đoàn xe, bảo thái độ của ông ta thật xấu hổ. Bá hiểu rõ tiếng Anh, nghe tất cả những gì Vann nói vì đài của họ có trang bị loa phóng thanh.

Scanlon có thể nhận thấy cơn giận của Vann qua giọng nói của anh càng gay gắt trong quá trình tranh cãi.

“Tôi bảo anh làm cái gì đó nhưng anh không làm gì cả ! Anh hét lên với Scalon. Tại sao anh không đá vào đít đồ đốn mạt ấy ? Hắn đã có lệnh của chỉ huy sư đoàn”.

Scanlon bèn nói với Bá :

-   Ông sợ à ?
-   Không,
-   Thế tại sao không tới đó ? Chúng ta ở lại đây như những thằng ngốc để nhìn hai con kênh. Tôi chắc chắn nếu tìm đường chúng ta có thể thấy một chỗ khác vượt qua được.

Bá lặp lại lý luận của mình. Giọng nói của Vann mỗi lúc càng thé lên làm rung loa phóng thánh :

-   Lạy Chúa, thật không tha thứ được ! Tay con hoang ấy có những chiếc xe bọc thép và súng máy hạng nặng mà sợ Việt cộng chỉ có vũ khí nhẹ. Có điều gì đó không ổn với tay ấy đấy ?
-   Chúng tôi đã cố hết sức. Topper Six, Scanlon trả lời.
-   Cố hết sức, thật bẩn thỉu ! Đấy là một trường hợp khẩn cấp. Mọi người ở đằng kia đang gặp nguy hiểm. Tôi muốn các anh buộc tay hèn hạ ấy nhúc nhích đít lên.

Scanlon biết Vann nổi xung khi người ta làm trái kế hoạch của anh. Cho đến nay, hình như luôn có quan niệm tốt của người phó nên tránh được những lời nói thô tục nhưng tình hình này hoàn toàn mới. Scanlon hình dung anh ngồi trên ghế sau chiếc máy bay nhỏ, nghiến răng, mặt giận dữ đỏ lên như nắng hun cháy sau gáy, đường gân nổi cả lên. Scanlon có khá nhiều kinh nghiệm để hiểu cơn giận của anh không chĩa vào cá nhân Mays và mình mà vì anh nghĩ cơ may thành công duy nhất là nhục mạ Bá và la mắng cố vấn của mình để tăng sức ép vào viên đại úy Việt Nam. Nhưng Scanlon nghĩ Bá có lý khi cho rằng bộ binh tới ấp Bắc nhanh hơn các loại vũ khí hạng nặng . Vann cũng như các sĩ quan ít quen với xe bọc thép không biết đến thời gian cần cho hàng chục tấn để qua một con sông và còn những con kênh nữa giữa con kênh này với ấp Bắc. Do biết rõ Vann, anh nghĩ cố vấn trưởng có những lý do khác để cố gặng và đề nghị xe bọc thép đảm nhiệm đi cứu. Về điều đó anh có lý nhưng anh sai lầm tưởng Vann không biết có vấn đề khi phải qua một con sông.

Chính vì hoàn toàn có ý thức về những việc đó mà anh càng thêm giận dữ. Tháng Chín trước anh đã yêu cầu một kíp thợ làm cầu nhỏ cho đại đội để bộ binh không phải dừng lại chặt cây và cành nhánh. Đề nghị ấy cũng như bao điều khác không được ban tham mưu Harkins đáp ứng. Anh phải cử xe bọc thép đến ấp Bắc vì anh biết dựa vào tiểu đoàn bộ binh không được việc gì. Khi chỉ huy của họ đã hiều người ta đề nghị mình tấn công vỗ mặt Việt cộng trong hầm, ông ta sẽ bố trí để tiểu đoàn ông không bao giờ đến được ấp Bắc. Kết quả duy nhất là mở cho Việt cộng con đường rút về phía bắc. Xe bọc thép của Bá là cách cứu người của anh đồng thời tiêu diệt kẻ địch.

Còn một lý do khác để anh cáu kỉnh trút giận vào các cố vấn và Bá vì không thể nén được nỗi bực bội và thất vọng đã năm tháng rưỡi nay từ sự thất bại ngày 20 tháng Bảy. Nỗi giận dữ điên khùng của anh không ngừng phát triển sau khi Cao công khai gian dối về những cuộc hành quân. Anh đã báo trước ngày kết thúc sẽ đến nếu Harkins không buộc Cao phải chiến đấu và nếu để cho Việt cộng tự trang bị vũ khí từ các đồn tiền tiêu. Không có gì trong tất cả những điều ấy xẩy ra nếu tổng chỉ huy ở Sài Gòn nắm lấy trách nhiệm. Ngày tính sổ đã đến và viên đại úy đoàn M-113, một trong những sĩ quan hiếm hoi chấp nhận được trong quân đội mục ruỗng này bây giờ cũng xử sự như những con vật hèn hạ còn lại. Anh, John Vann, định dịch chuyển 13 con quái vật 10 tấn trên hơn một cây số đồng ruộng và kênh rạch để cứu vớt thảm họa, đơn giản chỉ vẩy chiếc đũa thần trong một chỗ ngồi quan sát. Anh hỏi lại Ziegler xem có đúng là Đạm đã ra lệnh cho Bá tiến lên không. Đạm xác nhận. Nhưng người ta chẳng bao giờ chắc chắn những tay ấy nói gì trong đài. Họ nói dối với mọi người, kể cả với chính họ.

Điều mà Vann không biết vì trong cơn giận anh không còn lập luận sáng suốt để hiểu thái độ ngập ngừng của Bá, đó là sự sợ hãi vô cớ về một cuộc đảo chính Diệm và gia đình đã làm Bá tiếng thoái lưỡng nan đến mức nào. Mệnh lệnh của Đạm không đủ mà phải từ thiếu tá Thọ. Nhưng không ai dám hỏi ông này. Trước tháng Chạp, đại đội của Bá trực tiếp thuộc về Sư đoàn 7. Tổng thống Diệm nhận ra rằng dù xe bọc thép không có hiệu quả bằng xe tăng trong trường hợp có đảo chính, chúng cũng là một yếu tố nguy hiểm để lật đổ chế độ. Ông bèn quyết định tìm một bảo đảm mới chống nguy cơ này. Khi tổ chức lại các lực lượng quân đội trong tháng Chạp, ông rút hai đại đội M-113 vùng đồng bằng thuộc sư đoàn để sát nhập vào trung đoàn bọc thép của Thọ. Đạm đã ra lệnh cho Bá tiến về ấp Bắc nhưng Bá không tiếp xúc được với Thọ hỏi để xem có đồng ý không và ông ta sợ di chuyển mà Thọ không phê chuẩn. Theo ông biết, phủ tổng thống không hài lòng về những sự kiện ấp Bắc. Với quyền lợi cá nhân, có lẽ Thọ không muốn một trong những thuộc hạ của mình tham gia vào đó. Nếu ông tiến đến và Thọ không đồng ý, ông có thể bị quở trách hoặc thải hồi. Sự nghiệp của ông đã bị cản trở vì những lý do chính trị. Ông theo đạo Phật, và đã bị kết tội bất công có cảm tình với những người cầm đầu cuộc đảo chính không thành năm 1960. Tuy ông đã được minh oan, Diệm vẫn theo dõi ông và chậm bổ nhiệm lên cấp bậc cao.

Có lòng can đảm nhưng Bá là một người khôn ngoan. Không phải một con người tất cả vì nghề nghiệp như Vann. Ông đã là một sĩ quan trong quân đội thuộc địa thua trận và bây giờ chiến đấu cho một chế độ bảo thủ. Ông xử sự đúng như một người được đào tạo trong một hệ thống mà kho có nghi ngại, tốt nhất là chẳng làm gì cả. Ông không làm gì.

Lời mắng chửi của Vann qua đài chỉ làm sự việc tồi tệ thêm và càng tăng sự chống đối của Bá, ngoài lòng tự ái cá nhân đã đến chỗ bực tức về tính cách bề trên của những người Mỹ ấy. Vann vẫn thân mật với ông, quan hệ của họ thắng thắn và dễ dàng trừ những lúc Vann quá độc đoán. Lúc ấy Bá thấy anh đặc biệt dễ ghét. Bá không thể biết lời nói tục tằn của anh do những cảm xúc bị kìm nén và bản thân anh cũng tù túng do hệ thống Mỹ. Trong quân đội Hoa Kỳ, khi tình hình chiến đấu trở nên khủng hoảng và một sĩ quan cấp trên chịu trách nhiệm, ông ta ra những mệnh lệnh ngắn gọn và mọi người thực hiện ngay. Trong tình huống xấu hiện tại, Vann không thể ngăn mình trở lại thái độ ấy.

Sau nửa tiếng kêu van, Bá mềm lòng và để Scanlon lên một chiếc xe bọc thép đi về phía nam, cố tìm một chỗ dễ vượt qua mà ông đã xem xét trước khi bị tắc nghẽn bởi hai con kênh. Vann lại bay đi, thử cố gắng làm cho đội quân bảo an tiến lên đánh bật Việt cộng ra khỏi ấp Bắc.

Phi công của anh bay nhiều lượt phía trên đơn vị quân nổi dậy đã nổ súng dọc con suối phía nam ấp. Phía dưới anh , binh lính uể oải nằm, đầu gối lên bờ ruộng, nghỉ ngơi hoặc thậm chí ngủ một giấc ngắn. Nếu Việt cộng còn ở hàng cây trước mặt họ đã ngừng bắn và những toán quân Sài Gòn đáp lễ. Vann kết luận Việt cộng dưới hàng cây phía nam, sau khi chặn quân bảo an, đã chú ý đến đại đội dự phòng đổ bộ phía sau họ. Dù sao quân bảo an đã ở một vị thế lý tưởng để quay sang phải uy hiếp quân địch dọc kênh tưới đầu phía tây ấp Bắc. Vann gọi Ziegler đề nghị Đạm làm thế nào để Thọ ra lệnh tấn công cánh sườn dễ bị đánh này.

Trung úy của Vann đi cùng quân bảo an cũng không có quyền sử dụng điện đài liên lạc với chỉ huy của mình ngay trên đầu, từ khi quân dự phòng đổ bộ lúc 10 giờ 20, cố hết sức thuyết phục viên đại úy Việt Nam làm đúng như ý muốn. Việt cộng thôi bắn ngay khi những chiếc trực thăng hạ cánh và viên trung úy cũng rút ra kết luận như Vann. Anh nằn nì viên sĩ quan chỉ bị thương nhẹ ở chân cho quân tiến về chùm cây dừa chỗ một trung đội Việt cộng đang phục kích. Dựa vào cây cối, họ sẽ xoay ngược lại tình thế. Viên đại úy Việt Nam chỉ lặp lại lệnh của thiếu tá Thọ bắt anh phải ở « vị thế tạm ngừng ». Thọ không muốn quân bảo an của ông thiệt hại thêm nữa. Khi Đạm tiếp xúc với ông, đề nghị cho quân tiến đán vào cánh sườn, ông lờ đi.

Từ trên máy bay, Vann có thể thấy tiểu đoàn bảo an thứ hai tiến từ phía tây nam, sục sạo tỉ mỉ các thôn ấp. Thọ không vội thấy họ đến ấp Bắc. Tiểu đoàn bộ binh tới từ phía bắc cũng chưa tới Tân Thới.

Một giọng nói tiếng Anh âm Việt Nam, chắc là của viên trung úy ẩn sau con đê ấp Bắc bỗng vang lên trong đài của Vann thông báo hai trong số phi công trực thăng bị thương nặng. Vann cố kéo dài cuộc nói chuyện để biết chi tiết hơn nhưng giọng nói không trả lời.

Anh đề nghị phi công quay lại phía trên những chiếc M-113 ở độ bay thấp. Xe bọc thép vẫn ở nguyên chỗ ấy. Đã 11 giờ 10 phút, như vậy là trực thăng nằm trên ruộng đã 45 phút và anh đề nghị Bá đi cứu ngay. Bá từ chối hợp tác trong trường hợp khẩn cấp như vậy làm anh không tưởng tượng nổi. Mười phút trước đây, khi đi xem quân bảo an, qua Ziegler anh đã đề nghị Đạm gặp trực tiếp Bá trên đài ra lệnh cho ông ta đến ngay ấp Bắc. Đạm xác định đã làm như Vann đề nghị. Trở lại phía trên họ, Vann thấy Mays bên cạnh Bá trên xe bọc thép.

-   Valrus, Topper Six đây. Tôi muốn nói chuyện với anh
-   Topper Six, Valrus đây,  Mays trả lời, Anh nói đi
-   Ông Chúa đồng cấp của anh có định thực hiện mệnh lệnh không ?
-   Không, Topper Six. Ông ta tiếp tục  nói không thể qua kênh kịp giờ được và sư đoàn phải cử bộ binh đi thôi.

Vann không thể chịu đựng lâu hơn nữa :

“Valrus, anh có thể nắm quyền chỉ huy được không ? anh có thể không, hay cũng thối tha ?”.

Giọng của Vann trong loa trở thành một tiếng kêu thé lên. Mays sửng sốt về câu hỏi ấy. Dĩ nhiên anh có thể dẫn dắt những chiếc M-113 đến ấp Bắc được nhưng anh biết quân lính không đi theo anh nếu Bá không ra lệnh. Anh sợ cơn giận của Vann và trả lời lấp lửng :

-   Hiểu rồi. Topper Six, tôi cũng có thể làm việc đó.
-   Thế thì hạ ngay cho tôi loại thối nát trẻ con ấy đi và lên đường ngay !

Mays không trả lời. Anh nhìn Bá. Hai người tôn trọng nhau. Họ trở thành bạn thân trong bốn tháng Mays là cố vấn đơn vị . Bá vẫn im lặng nhưng nét mặt thể hiện “Anh sẽ giết tôi chắc ?”. Mays nhắc lại với Bá buổi sáng họ đã đi qua một con kênh, có lẽ cũng là con kênh trước mặt họ. Tại sao không quay lùi lại, vượt đoạn kênh ấy theo hướng đông đi về ấp Bắc ? Bá đồng ý. Ông nắm lây đài ra lệnh cho đại đội. Những người lái xe nổ máy và bánh xe lăn trong bùn trên con đương đi ấp Bắc.

Vann lo ngại về tình thế những tốp bay đang ở trên ruộng. Nếu hai người trong bọn họ bị thương nghiêm trọng, phải có lệnh lại đưa trực thăng đến cứu nhưng lần này tính toán kỹ hơn. Anh trở về tổng hành dinh Tân Hiệp để lấy nhiên liệu và thảo luận kế hoạch với Ziegler cùng các phi công. Vann nghĩ tình hình đại đội dự trữ có lẽ tốt hơn. Theo anh thấy từ bầu trời, người ta chỉ thỉnh thoảng bắn vào họ. Ở phía nam, về phía quân bảo an, tất cả đều im lặng, có thể Việt cộng đang tìm cách ra khỏi vùng này. Anh đề nghị đài truyền tin của sư đoàn tìm hiểu xem Bowers còn sống không, bảo anh ta đến đài cho những thông báo tin cậy được. Không có trả lời, chắc vì viên trung úy Việt Nam không đáp.

Anh trình bày kế hoạch : với máy bay của mình, anh sẽ làm mồi để biết Việt cộng còn nhiều không, bay nhiều lần sát cây nhử cho kẻ địch bắn. Phi công máy bay lên thẳng cho rằng anh điên, đi tìm chỗ chết nhưng anh vẫn chấp nhận. Ba chiếc Huey còn có khả năng xả súng máy vào quân thù. Chiếc thứ tư bị bắn vào chỗ sống còn, phải sửa chữa mới bay được. Nếu máy bay Vann chỉ bị bắn nhẹ hoặc không bị bắn là bằng chứng Việt cộng không còn lực lượng mạnh chiếm ấp Bắc. Những chiếc Huey sẽ đến bắn súng máy và thả rốc-két vào những hàng cây phía nam và phía tây, giam chân những người còn ở lại phía sau. Trong lúc đó, một chiếc H-21 đến bốc người đi. Một chiếc thứ hai ở trên không ngăn chặn mọi bất ngờ. Ngay lúc đó, Vann vẫn có cảm giác sai là Việt cộng ở phía nam góp phần bắn hạ trực thăng và còn là một đe dọa nghiêm trọng. Các phi công cũng muốn cứu người bị thương đã đồng ý kế hoạch của anh.

Bowers không đoán ra chính Vann đang ở trên chiếc L-19 nhỏ, đột ngột gầm rú xuất hiện trên những chiếc trực thăng và ngọn cây. Anh nghĩ đấy là viên chỉ huy cắt cổ của lực lượng không quân Herbert Prevost luôn thách đố Việt cộng bắn hạ. Bowers cho rằng “Việc đó sẽ xảy ra ngày hôm nay đây”. Anh biết Việt cộng vẫn ở trong hàng cây phía tây trước mặt anh vì trước đó một ít, Braman làm ồn trong thân máy bay H-21 chỗ anh nằm trên đất, họ đã bắn ngay. Bowers bò đến máy bay, kéo theo một loạt đạn mới khi anh đẩy cánh cửa tìm lại Braman. Anh hỏi ông có điều gì không ổn không, Braman trả lời tất cả trở nên im lặng nên ông tưởng mọi người đã đi hết và bỏ rơi ông. Ông không muốn nâng lưng lên, sợ máu ở vết thương sẽ chảy. Vì thế, ông dùng chân gõ vào thành nhôm để có ai đó lưu ý. Bowers xác định với ông chưa ai đi cả và đã báo động với những người khác còn đấy. Thân hình uy nghi của chiếc H-21 lại khiến Việt cộng bắn quá cao và phần trên thân có nhiều lỗ thủng mới.

Tình trạng sức khỏe của Braman có vẻ vẫn khá. Bowers quan sát vết thương. Không có máu tươi và Braman không bị choáng. Ông chỉ xúc động hơn vì nằm chờ đợi đơn độc. Bowers lại cho ông uống và nằm dài bên ông để an ủi làm ông yên tâm. Đội cứu nạn đang trên đường tới và ông nằm yên lặng trong máy bay được an toàn hơn, Bowers bảo. Trước khi ra đi, anh đặt bình nước bên cạnh để ông lấy uống khi khát. Rất lạ là Việt cộng không bắn khi anh lăn từ cánh cửa xuống đất và cúi khom người trở lại con đê tuy anh chắc chắn họ không rời mắt khỏi anh.

Vann và phi công lái chiếc L-19 lượn ngoắt ngoéo trước Việt cộng, cố làm mục tiêu hấp dẫn. Vann không chỉ bay sát ngọn cây bảo vệ anh vì khó thấy mà nhắm bắn một vật lạ ngang trên cành lá. Anh bảo phi công bay hai lần phía trên những chiếc trực thăng theo một đường song song hàng cây phía tây, dễ dàng cho tầm bắn. Lần thứ ba họ bay theo góc 45 độ để cũng phơi mình chiếc máy bay nhỏ trước làn đạn của hàng cây phía nam. Bowers tự nhủ :” Prevost, đồ ngu, lần này thì thực sự anh bay tìm họ!”.

Không một phát đạn. Việt cộng rất kỷ luật, áp dụng nguyên tắc không bắn máy bay quan sát và chờ xem điều gì sẽ xảy ra tiếp. Bowers nghe tiếng trực thăng lại gần, thấy một chiếc H-21 tiến thẳng về phía anh trên ruộng. Phi công lái cố đậu xuống thế nào để những chiếc bị hạ nằm giữa mình và hàng cây phía tây như người lái chiếc Huey bị bắn nát đã muốn. Lần lượt ba chiếc trực thăng chiến đấu xuất hiện, bắt đầu bắn súng máy và rốc két vào những hàng cây phía nam và phía tây. Ngay lúc đó, Bowers nghe tiếng nổ hàng loạt của súng tự động và súng trường từ kênh tưới. Vừa thấy trực thăng, chỉ huy tiểu đoàn Việt cộng ra lệnh bắn. Máy bay Huey một lần nữa lãng phí một nửa số lượng đạn vào hàng cây phía nam. Sai lầm và phi tác dụng cảu súng máy và rốc két đối với những người trong hầm dưới cây cùng cành lá đưa lại kết quả là đạn đối phương không ngừng rít trên đầu Bowers về phía chiếc trực thăng. Phi công đậu xuống khoảng 30 mét phía sau chiếc Huey bị hạ nhưng thông báo ngay qua đài phải bay lên vì bị bắn quá nhiều. Một số những yêu cầu không được đáp ứng và máy bay khó khăn giữ vững trên không. Được phi công của Vann giúp đỡ, chiếc máy bay thoát được và bay đi khoảng một cây số đến đúng chỗ xe bọc thép của Bá đã qua một con kênh.

Đã gần trưa. Việt cộng lại lập được một kỷ lục mới. Ít nhất họ cũng đã loại khỏi vòng chiến đấu 5 chiếc trực thăng. Họ cũng lừa được Vann ngây ngô lần thứ hai. Hơn bao giờ hết, anh quyết định bắt họ phải trả giá vì đã biến anh thành trò cười.

Vann có lẽ được an ủi nếu biết mọi việc ở bên kia cũng không được tốt lắm. Chỉ huy tiểu đoàn 261 của lực lượng chủ lực và hội đồng tỉnh đã dự tính cho quân đội Sài Gòn một bài học nghiêm khắc rồi rút lui có trật tự. Họ muốn làm lại cuộc đánh biệt kích ngày mồng 5 tháng Mười trên qui mô lớn hơn. Nhưng càng hoạt động, cơ may càng giảm sút. Đến tra, 350 người bị vây hãm trong một cuộc đối mặt không cân sức, không có khả năng thoát ra trước bóng tối lúc mười chín giờ rưỡi. Viên chỉ huy ngần ngại rút về Tân Thới sau khi bắn hạ 4 trực thăng trong buổi sáng vì theo sự thôi thúc của Vann, các toán quân của Sư đoàn 7 Quân đội Cộng hòa tiến vào ấp từ phía bắc không quay lại để cứu đại đội dự phòng và các tổ lái trực thăng. Đến 12 giờ 15, cuối cùng tiểu đoàn Sài Gòn đến Tân Thới. Thay vì tiến hành thăm dò trước khi tấn công, viên chỉ huy Quân đội Cộng hòa để bộ binh mò mẫm tiến lên, kẹt vào lưới lửa của đại đội quân địa phương Việt cộng nấp sau các bờ đất. Du kích đưa Quân đội Cộng hòa vào một ngõ cụt nhưng lối thoát qua Tân Thới cũng bị ngăn chặn. Con đường duy nhất ra khỏi chiến trường ở về phía đông với đồng ruộng và đầm lầy trống trải. Đi qua đó giữa ban ngày sẽ kết thúc bằng một cuộc tàn sát của máy bay ném bom.

Hai đại đội du kích ấp Bắc và Tân Thới dựa vào nhau nhưng cũng độc lập với nhau. Nếu chạy khỏi một trong hai ấp, các toán quân ấp kia có thể cũng lâm vào sợ hãi. Thậm chí nếu cả hai trụ lại, họ sẽ bị sức ép một lúc từ quá nhiều phía nên kháng cự kém hiệu quả. Vann đang muốn tiêu diệt họ cũng như viên chỉ huy Việt cộng, người cố cứu họ, đều biết tiến thoái lưỡng nan đến như thế nào. Hoặc 350 người ở lại với tư thế chiến đấu và một số chết, nhưng trụ lại được cho đến tối, đại bộ phận sẽ thoát. Hoặc họ rời bỏ vị trí bỏ chạy, đại bộ phận sẽ bị tàn sát. Kinh nghiệm chiến đấu chống một lực lượng lớn hơn và khả năng suy xét sáng suốt trong tình hình rối rắm và bạo lực rất cần thiết để hiểu cái giá phải trả cho cuộc chiến. Vann và viên chỉ huy Việt cộng, cả hai đều có kinh  nghiệm và khả năng ấy. Vann cố gắng làm cho đối thủ bỏ chạy để có thể giết họ. Viên chỉ huy Việt cộng sử dụng sự thành thạo thu thập được trong kháng chiến chống Pháp và sự hiểu biết của những trận đánh khác trong cuộc chiến tranh này để truyền lại cho các chiến sĩ mình ý muốn trụ lại, chiến đấu và sống để tiếp tục chiến đấu.

Nhưng những người lính thấy rõ nguy cơ trước mắt hơn mối nguy hiểm tương lai đáng sợ hơn. Trung đội quân chủ lực cuối phía nam con suối ấp Bắc và quân địa phương đi theo họ bắt đầu nứt vỡ trước buổi trưa. Trung đội trưởng bị thương nhẹ được đưa đến trạm cứu thương ấp Bắc. Nếu trung đội không bị cản trở do đội quân bảo an, họ đã đánh chặn sườn, lộ mình cho đại đội dự phòng ở phía sau. Xem ra họ không biết đồng đội của họ ở kênh tưới đã vô hiệu hóa đại đội dự phòng, giết hoặc làm bị thương hơn một nửa quân số 102 người. Họ được trinh sát địa phương báo một tiểu đoàn bảo an khác đang tiến về phía họ. Một trong những khẩu súng liên thanh hỏng hóc không sửa được. Họ báo cáo với chỉ huy đại đội ấp Bắc, họ đang trong tình trạng xấu và đề nghị cho rút lui. Viên chỉ huy chấp nhận với ý định bố trí hai trung đội trong những hầm cá nhân mới ở đầu kênh tưới để bảo vệ cánh sườn phía nam. Vừa đánh vừa rút lui, quân lính không tôn trọng triệt để nguyên tắc ngụy trang. Một máy bay trinh sát của không quân Nam Việt Nam trông thấy họ và gọi máy bay ném bom. Tuy ít người chết và bị thương, những người khác tản mác và bắt đầu lội ngược sông đến nơi tương đối an toàn ở Tân Thới thay vì đến nhận lệnh chỉ huy ở đại đội ấp Bắc. Một trinh sát viên được cử đi tìm họ đưa về nhưng vì sợ quá, họ từ chối. Chỉ huy đại đội buộc phải giảm lực lượng bảo vệ kênh tưới mà xe M-113 đang dần dần tiến đến để tăng cường lớp bọc sườn phía nam. Ông nghĩ như Vann và viên trung úy Mỹ, quân bảo an của thiếu tá Thọ sẽ tấn công hàng cây phía nam chỗ hai trung đội đã bỏ đi. Một trung đội không thể hoạt động có hiệu quả chống một tiểu đoàn. Nếu quân bảo an tấn công khá kịch liệt, chắc chắn họ sẽ vòng cánh sườn tiến về phía sau những công sự ở kênh tưới làm vị thế của ấp Bắc không giữ được.

Chỉ huy đại đội ấp Bắc lo ngại, đề nghị Tân Thới chi viện để thay thế những trung đội mất đi. Chỉ huy tiểu đoàn từ chối. Các chiến sĩ ở Tân Thới đã chăn được tiểu đoàn Quân đội Cộng hòa nhưng họ chỉ là một đại đội đối mặt với một tiểu đoàn gồm ba đại đội lúc nào cũng có thể được tăng cường một đơn vị biệt kích cách đấy 10 phút đi bộ. Trong tình trạng ấy, viên chỉ huy tiểu đoàn không thể mạo hiểm việc gì làm yếu lực lượng bảo vệ Tân Thới. Tình hình thật bấp bênh và hai vị trí độc lập với nhau nên ông không thể tự cho phép mình để mất một. Ông bảo viên chỉ huy đại đội ấp Bắc phải giữ vững chỉ với những người hiện có.

Việt cộng ở con đê kênh tưới ấp Bắc chỉ bị thương 5 người trong suốt buổi sáng chiến đấu nhưng quyết tâm đã yếu đi vì máy bay bắn, trọng pháo dội, không kể đến triển vọng không thể thực hiện được : chặn những chiếc xe bọc thép với vũ khí hạng nhẹ của họ. Buổi trưa, trọng pháo Sài Gòn lại bắn nhưng cũng chẳng có hiệu quả gì. Quan sát viên gần nhất ở chỗ tiểu đoàn Tân Thời. Anh ta chỉ cố điều chỉnh tương đối tầm bắn vào ấp Bắc dựa vào những cột khói của một quả bom phốt pho tình cờ. Từ lúc thử dùng trực thăng cứu không được, Vann không còn hình dung vị trí ẩn nấp của Việt cộng nữa. Anh chỉ đòi đạn cối được hướng vào hàng cây phía tây. Tuy tổng hành dinh sư đoàn nhắc đi nhắc lại việc điều chỉnh tầm bắn sẽ do một quan sát viên trong một chiếc L-19 nhưng sĩ quan chỉ huy trọng pháo không bao giờ nhận được. Đạn cối tiếp tục dội vào ấp làm tan tành những ngôi nhà trống của nông dân.

Về lý thuyết, Vann có thể chọn cố vấn trọng pháo của anh trực tiếp chỉ huy đội pháo và bản thân anh hướng dẫn tầm bắn từ chiếc L-19 của mình. Nhưng đây là trường hợp cuối cùng mà chính Vann cũng không thể tự cho phép mình. Nắm lấy đội trọng pháo có nghĩa là tước đi của các sĩ quan Sài Gòn một vũ khí cơ bản. Đạm, người chịu trách nhiệm trọng pháo và chỉ huy đội pháo nói trên đều từ chối và Vann phải từ bỏ ý định. Ở giai đoạn đầu tiên này của chiến tranh, các cố vấn Mỹ phụ thuộc vào nhiều hạn chế từ trên giữ họ ở vai trò cố vấn, không làm nhiệm vụ chỉ huy. Và những đồng cấp Sài Gòn của họ biết điều đó. Vann không có sự lựa chọn nào khác là tiếp tục đề nghị sĩ quan trọng pháo tiếp xúc với quan sát viên không quân Việt Nam ở máy bay L-19 của ông ta. Nhưng về phía Việt Nam không suôn sẻ : điều gì là đúng đối với trọng pháo cũng có giá trị đối với không quân, rơi vào đúng ngày Vann đang cần.

Những người kiểm soát không quân trên máy bay L-19 của họ, những phi công Việt Nam và Mỹ trên máy bay ném bom của không quân do tướng Anthis tạo dựng, hôm ấy xử sự như bình thường khi người ta báo với họ pháo binh bị hạn chế tầm bắn vào một thôn ấp. Họ tấn công vào những ngôi nhà rách nát của nông dân, chuồng trâu bò gà viẹt ở ấp Bắc và Tân Thới, làm tan tành những cơ cấu thô sơ bằng bom, rốc két, đốt cháy tất cả bằng napaml. Không bao giờ xuống đất để nắm được đã đánh Việt cộng ra sao, họ không biết hành động của họ vô hiệu quả đến mức nào. Trên một chiếc máy bay, họ không dễ hiểu được lô gíc của quang cảnh bên dưới. Phi công dĩ nhiên không suy luận nếu Việt cộng ở trong nhà giữa ấp, họ không thể bắn những người tấn công trên ruộng vì cành lá xung quanh che khuất. Phản ứng của người phi công đâm xuống trước cây cối um tùm tự nhiên dẫn anh đến bắn vào bộ khung lớn nhất do con người xây dựng. Không quân Pháp cũng làm thể trong cuộc chiến tranh thứ nhất, phá hủy nhà cửa của nông dân trong lúc Việt Minh ngồi hầm dưới cây cối bên đê nhìn họ. Khi những phi công của Không lực Hoa Kỳ sau này bỏ bom miền Bắc Việt Nam, họ cũng làm đổ nát các nhà trường, đình chùa vì tất nhiên đó là những tòa nhà lớn nhất ở cộng đồng nông thôn.

Vann không nghĩ phải gọi cho Prevost để ông này giúp anh bỏ bom con đê vì anh có cảm giác sai là Prevost đã đến tổng hành dinh Cần Thơ. Thực ra Prevost đang chuẩn bị hành lý khi ông nghe tin những chiếc trực thăng bị hạ. Ông đến ngay Tân Hiệp, mượn một chiếc L-19 ở Việt Nam để đi thanh tra trận địa. Một khi hai người ở trên không, họ không còn tiếp xúc với nhau nữa. Vann không thể tự mình hướng dẫn một cuộc không kích vì anh bị cấm triệt để nói trực tiếp với phi công Mỹ ở máy bay ném bom. Không lực Việt Nam rất ghen tỵ với những đặc quyền của anh mà Anthis và ban tham mưu của ông ở Sài Gòn cũng bảo vệ nên Harkins không dung túng cho đề nghị của Vann : cho phép những người Mỹ đảm bảo trách nhiệm khi phi công máy bay ném bom là người Mỹ, phần lớn trường hợp trong thời kỳ ấy. Chỉ những thanh tra không quân Việt Nam có quyền chỉ đạo các cuộc tấn công. Vann khẩn nài Đạm để Không lực Việt Nam đừng đốt cháy nhà cửa nữa mà bỏ bom napalm vào hàng cây. Nhưng không một lời nào có vẻ có hiệu lực đối với hành vi không suy nghĩ của những người bay.

Dù vậy, tất cả những việc ấy cũng làm Việt cộng không chịu đựng nổi. Tiếng đạn cối rít, những vụ nổ làm rung chuyển đất , sức nóng của nhà đang cháy, khó thở vì bom napalm rút hết dưỡng khí, tiếng ồn ào ma quỷ của súng máy 50, ca-nông bắn nhanh, những loạt rốc két và tiếng gầm rú của máy bay ném bom nhào xuống, tất cả những cái ấy làm thần kinh và nỗ tai khó chịu nổi. Rồi trước 13 giờ một ít Việt cộng thấy những chiếc M-113 tiến lại dần dần trên đồng ruộng. Còn 7 giờ nữa mới tối, họ không thể tránh đánh nhau với những cỗ máy đáng sợ ấy. Những người trong những nơi trú ẩn thấy lại những cảnh tàn sát mà những vật cồng kềnh ấy gây ra trước đây.

Tình trạng thật báo động vì ban chỉ huy Việt cộng không có vũ khí chống tăng, không thể hình dung một chiến thuật chiến đấu chống M-113 có hiệu quả. Để cố truyền cho các toán quân can đảm đứng lên chống xe bọc thép với vũ khí nhẹ và lựu đạn, các huấn luyện viên đã lên một bản danh sách những điểm yếu của xe bọc thép. Tất cả những nhận xét của họ đều sai trừ hai điểm : người bắn súng máy trên đỉnh đứng sau giá súng để lộ từ thắt lưng trở lên. Họ cũng nghĩ có thể bắn trúng lái xe qua khe ngắm. Đấy cũng là một điểm yếu của chiến cụ. Nói chung, lái xe mở lá chắn trước mặt, thoải mái và dễ chịu hơn, như thế có thể đi nhanh hơn; nguy cơ bị bắn trúng không lớn qua những hoạt động trước nên không giữ tấm chắn đóng kín. Nếu họ hạ tấm chắn để tránh đạn, họ chỉ trông thấy qua một hệ thống gương và khối lăng trụ, hạn chế tầm nhìn đến 100 độ. Người lái không được tự do điều khiển xe và phải lăn bánh dần dần. Các chỉ huy Việt cộng cũng đã truyền thụ cho chiến sĩ tập trung bắn vào M-113 như đã bắn máy bay. Mỗi tiểu đội hoặc trung đội phải chọn chiếc xe gần nhất bắn tập trung vào đấy.

Những chiếc M-113 được gửi sang Việt Nam do các sĩ quan Mỹ ngạo mạn về ưu thế sức mạnh súng đạn của quân đội Hoa Kỳ. Súng máy không cần màn bảo vệ vì có thể dìm mọi chống trả bằng vài tràng đạn bắn ra gấp đôi và sức tàn phá gấp ba những gì Việt cộng có mạnh nhất. Lý thuyết ấy có giá trị với điều kiện có thể thấy mục tiêu và điều khiển súng khéo léo để bắn được liên tục. Súng cỡ 50 như một con ngựa hoang. Bước giật lùi và có xu hướng nâng cao nòng súng, đưa đạn lên trời. Vấn đề càng nghiêm trọng khi người lính điều khiển là một người Việt Nam thấp nhỏ. Muốn tầm bắn chính xác phải tập bấm chân vào đường vành tấm chắn để cố sức giữ chắc khẩu súng. Nhưng binh sĩ của Bá tập luyện được chăng hay chớ.

Chỉ huy tiểu đoàn Việt cộng bố trí 75 người ở con đê kênh tưới đoàn xe M-113 đang hướng tới. Ông đặt hai khẩu súng máy 30 ở những chỗ xa để có thể bắt được mọi mục tiêu dưới làn đạn bắn chéo.

Để tăng cường quyết tâm của các toán quân, cả buổi sáng ông không ngừng lần lượt khuyến khích họ. Khi tiểu đoàn ấp Bắc bắn hạ trực thăng, ông thông báo ngay những “chiến thắng” ấy cho binh sĩ ở Tân Thới đang phải đối đầu với tiểu đoàn của Sư đoàn 7 Sài Gòn. Khi quân Tân Thới đẩy lùi được tiểu đoàn, tin về “chiến thắng” này được truyền đến ngay cho binh sĩ ấp Bắc đang chờ xe bọc thép. Chỉ huy ấp Bắc và các phó của ông sử dụng con để như một chiến hào liên lạc. Họ lội bì bõm trong nước đến ngang lưng, đi từ hố này đến hố khác dọc bờ dưới tán cây để máy bay không trông thấy. Họ không ngớt nhắc lại với quân mình những điểm yếu của xe bọc thép và cố thuyết phục sẽ đạt kết quả nếu binh sĩ sử dụng trí não cũng tốt như vũ khí. Dù sao quân lính cũng không đi đâu được trước khi trời tối. Nếu phải chết, họ chết vinh quang trong chiến đấu hơn là bỏ chạy và bị xẻ thành mảnh như trâu bò. Họ chú ý để mỗi chiến sĩ kiểm tra kỹ vũ khí. Nhân công chở những hòm đạn Mỹ trên thuyền con, theo con kênh đưa đến phân phát cho họ. Chiến sĩ bộ binh bị thương được chuyển về hậu phương trên  thuyền và có những người tình nguyện địa phương thay thế. Có ba người bị thương khác là cán bộ, có lẽ là đảng viên như các sĩ quan và đại bộ phận hạ sĩ quan trong đại đội. Để làm gương họ từ chối về điều trị ở trạm cứu thương và ở lại tại chỗ. Cán bộ đưa ra một khẩu hiệu mà những người dưới hố cá nhân lần lượt nhắc lại “Chết tại vị trí chiến đấu còn hơn … Chết ở vị trí chiến đấu còn hơn …”

Xe bọc thép mất một thời gian lâu để vượt qua những con kênh ngăn cách ấp Bắc. Bowers phía sau con đê nhìn ra tự hỏi có phải họ vẫn nghỉ ngơi để ăn uống không. Trên bầu trời, Vann nóng lòng không biết bao giờ những chiếc M-113 mới đến ấp Bắc. Giữa cảnh chán nản của tiểu đoàn bị chặn đứng trước Tân Thới và sự tiến triển yếu ớt của tiểu đoàn thứ hai quân bảo an từ tây nam lên, anh chỉ còn điện thoại la mắng Mays để anh này thúc giục Bá. Không có những chỗ lội qua sông dễ dàng, người ta phải chặt cây và cành nhánh mất hết thời gian. Dù được trả lương để đánh nhau, họ không hề muốn mạo hiểm cuộc sống của mình một cách vô ích. Vì vậy, họ làm việc nhịp độ rất chậm, tự nhủ nếu kéo dài thời gian Việt cộng sẽ có đủ thì giờ rút lui. Bá cũng không vội vì những lý do riêng và chú ý không thúc giục. Chỉ đến một giờ chiều, họ mới nhận được qua điện đài lệnh của thiếu tá Thọ phải tấn công ấp Bắc.

Khi những chiếc xe bọc thép tiến đến con kênh cuối cùng, cách những chiếc trực thăng bị hạ khoảng 500 mét và cách con để kênh tưới 700 mét, viên chỉ huy du kích quyết định hy sinh một nửa số 12 quả đạn cối 60 ly ông đã bí mật thu lại. Một số nổ khá gần hai chiếc M-113 làm những người trong xe sợ hãi nhưng không quả nào trúng đích. Súng cối bắn gián tiếp, đạn theo hình vòng cung không chính xác; dĩ nhiên chúng không có ích nhiều đối với xe bọc thép. Để sống sót, với vũ khí hạng nhẹ và lựu đạn họ phải thực hiện một chiến công từ trước tới lúc đó chưa bao giờ có.

Mays nghĩ rằng súng cối do một đơn vị khác của Quân đội Cộng hòa bắn sai mục tiêu.

-   Topper Six, bải việc bắn súng cối ngừng lại, anh đề nghị Vann.
-   Tôi rất muốn thế, Valrus, nhưng không phải của chúng ta. Vann trả lời với lối hài hước mỉa mai anh có thể nói trong những lúc khó khăn.

Còn Scanlon trong một chiếc xe khác, nhận thông tin ấy do Mays truyền lại, hoan nghênh lối hài hước ấy nhưng nghĩ Vann lầm đã hình dung đó là đạn cối của Việt cộng. Scanlon cho rằng ở ấp Bắc chưa có súng cối. Trên máy bay của mình, anh thấy mọi mặt có vẻ tĩnh lặng. Người ta không bắn ở phía trực thăng nữa và bên phải ngay dưới hàng cây buổi sáng có trung đội Việt cộng, anh thấy những ngọn lửa nhỏ quân bảo an đang thổi cơm và nấu thịt gà họ ăn cắp trong thôn ấp. Scanlon tự nhủ :”Tốt rồi, bây giờ đã kết thúc hẳn. Chỉ còn chuẩn bị dọn dẹp và đưa các phi công và những người bị thương đi thôi”.

Đấy hình như cũng là ý nghĩ của những người ở đại đội M-113. Họ còn làm việc chậm hơn. Đáng lẽ phải chặt cành nhành, phần lớn  trong số họ lại đứng trên bờ kênh để nhìn một đợt tấn công của không quân. Máy bay ném bom vào một thôn ấp mà Việt cộng rút đi đã lâu vẫn luôn là một cảnh không thiếu. Nghĩ đến những người bị thương, Scanlon đi tới một toán lính bảo họ làm việc đi. Họ chỉ cười. Anh đi tìm một chiếc búa đưa cho một người trong bọn họ. Họ miễn cưỡng bắt đầu chặt cây.

Thấy cũng phải 45 phút nữa tất cả xe bọc thép mới sang hết qua kênh, Mays đề nghị Bá để anh chỉ huy đại đội bộ binh. Anh chuyển hai chiếc súng máy 50 trong năm phút. Vann để yên cho họ làm. Nếu còn một số Việt cộng chậm lại trong ấp, một đại đội bộ binh và hai súng máy dễ dàng tiêu diệt họ. Bá chấp nhận. Bây giờ đã được Thọ cho phép, ông ta không căng thẳng nữa và cũng có cảm giác dù sao Việt cộng cũng đi hết rồi.

Mays nghĩ còn có Việt cộng ở đấy. Biết Vann theo dõi chăm chú những gì diễn ra trên chiến trường, anh nghĩ Vann xác định đúng nguồn gốc của súng cối. Loạt bắn hầu như chấm dứt ngay, anh kết luận đấy là một đợt bắn chặn bảo vệ cuộc rút lui. Anh không thể hình dung một số lượng quan trọng Việt cộng vẫn ở lại khi họ thấy đoàn xe M-113 từ lâu trong quá trình tiến đến chậm chạp.

Anh ngạc nhiên về câu trả lời của Vann khi anh trao đổi ý kiến chuyển dịch hai khẩu súng máy và cho bộ binh tiến lên.

“Không, lạy Chúa ! Anh ta thất thanh kêu lên. Hãy cho xe bọc thép tiến đến”.

Không cần giải thích anh đã suy nghĩ gì. Là người lính chuyên nghiệp có kinh nghiệm, Mays hiểu : Vann cho rằng đang có lực lượng mạnh Việt cộng ở ấp Bắc và anh muốn Mays dẫn xe bọc thép đến gấp buộc họ bỏ chạy ra chỗ trống phía đông để anh có thể tiêu diệt họ. Mays cũng biết rõ như Vann khi những chiếc M-113 vào đến ấp, tất cả những Việt cộng trong ấp Bắc sẽ bắn trước khi rút chạy.

Đã 13 giờ 45 phút. Từ khi Vann gọi khẩn cấp đại đội xe bọc thép cách đấy một cây số rưỡi, đã trôi qua 3 giờ 20 phút. Ba chiếc xe vượt qua con kênh : chiếc xe chỉ uy của Bá dừng lại kéo dây cáp một chiếc thứ tư, xe của trung úy Chớ, thuộc hạ chiến đấu hạng nhất của Bá và một người nữa. Mays lên xe của Chớ đi về hướng những chiếc trực thăng. Anh muốn nhanh chóng đưa những người Mỹ bị thương vào trong xe bọc thép trong trường hợp súng nổ. Viên chỉ huy tiểu đoàn Việt cộng ra lệnh cho binh sĩ kiểm tra súng đạn. Cuộc chiến đấu chờ đợi lâu nhưng nổ ra chóng vánh.

Khi hai chiếc xe bọc thép tiến về phía những chiếc trực thăng, súng cối Việt cộng bắn ba quả đạn cuối cùng. Mays không kể đến những phát nổ và bùn bắn tóe lên; anh cho chỉ là một chiến thuật làm chậm bước tiến. Anh nghĩ “Cho một loạt đạn là chúng chuồn thôi”. Chớ đích thân nắm lấy khẩu súng máy và Mays ngay bên cạnh anh. Anh nhìn thấy ba trong số phi công phía sau con đê trước chiếc H-21 trong đó có Braman bị thương, ra hiệu cho Chớ quay xe về bên phải trực thăng và dừng lại bên cạnh các phi công. Anh cúi xuống hỏi họ những người bị thương và những thành viên tổ lái khác ở đâu. Thực ra phải chờ một sĩ quan đảm nhận trách nhiệm về người của mình và những người bị thương nặng. Hai phi công sống sót của chiếc Huey có vẻ ngơ ngác và người thứ ba, một thượng sĩ của một chiếc H-21 trả lời không biết làm Mays bực bội. Lúc đó trung sĩ Bowers bì bõm trong ruộng bước tới nói một người tổ lái bị thương ngay trong chiếc trực thăng phía sau và phải đưa anh ta đi. Mays nhảy từ M-113 xuống. Anh bắt đầu tiến lại thì chỉ huy tiểu đoàn Việt cộng ra lệnh bắn. Cả hàng cây rung lên. Bowers không dừng lại và Mays bình tĩnh bước sau anh ta mặc dù đạn rít khắp nơi. Khẩu súng máy của Chớ và của xe M-113 kía nổ túng như búa đập trả lời tiếng súng của du kích. Mays còn phân biệt được trong cảnh ầm ào ấy tiếng rung của khẩu súng máy ở đầu bên phải con đê kênh tưới.

Mays cùng Bowers trèo vào trực thăng đưa Braman vào chỗ an toàn sau ba giờ rưỡi anh ta chờ cứu. Anh đã chết. Bowers kinh ngạc không tin được, lật người xem xét. Anh ta không bị vết thương mới nào và vết thương ở vai không có dấu hiệu chảy máu. Sau này khi mọi việc đã xong, Bowers bị ám ảnh cho rằng có lẽ mình sai lầm khi để anh trong trực thăng mạo hiểm vì một vết thương khác hoặc nhiễm trùng vì nước bẩn. “Có lẽ nếu có bạn, anh ấy vẫn hy vọng và còn sống”, anh tự nhủ. Ý nghĩ có thể mình chịu trách nhiệm về cái chết của Braman ám ảnh anh trong nhiều năm.

Một cử động đột ngột của Mays đưa Bowers trở về thực tại. Mays đứng lên trong ca-bin. Một tay súng xuất sắc Việt cộng ngắm anh qua cửa sổ đóng kín suýt bắn trúng anh với hai phát đạn nhanh. Mays kêu lên phải đưa ba phi công vào chỗ an toàn trong xe bọc thép. Cả hai nhào xuống ruộng đến chỗ chiếc xe và Bowers giúp Mays đưa những người lái máy bay lên qua cửa lật sau xe. Mays quyết định trong lúc này làm hơn nữa là điên rồ, hơn nữa Bowers đã thông báo với anh Deal chết rồi và nói thêm, ngoài Braman, những người khác không cần thiết chuyển đi ngay. Bowers từ chối đề nghị của Mays vào ẩn trong xe M-113; anh muốn tập hợp những người sống sót ở đại đội bộ binh Việt Nam của anh, đã lom khom đi dọc theo con đê.

Khi Mays lên xe, anh mới biết người lái đã chết vì một viên đạn trúng đầu. Chớ xuống nói với Bá qua điện đài. Mays nghĩ nếu anh vẫn còn chỗ súng máy chắc anh cũng chết. Mays gọi Vann đang bay để thông báo anh đã tìm được ba phi công và hai người trong tổ lái trực thăng đã chết. Rồi đài im bặt. Một viên đạn Việt cộng cắt ngang.

Hai chiếc M-113 khác theo chỉ thị của Bá lại gần, vòng về bên trái trực thăng để che chắn cho những người trên ruộng dọc con đê. Scanlon nắm lấy một cái móc chiếc xe thứ hai đang đi và nhảy lên.

Đối với Scanlon, Việt Nam cũng là cuộc chiến tranh đầu tiên của anh. Cũng như Bowers và Mays, anh vào binh nghiệp vì Triều Tiên. Nhưng giống các bạn, ý muốn của quân đội tăng cường sức mạnh ở châu Âu, chống lại thách đố của Xô-viết đã ngăn cản anh tham gia chiến đấu ở Viễn Đông. Cuối cùng anh ở lại trong quân đội vì các sĩ quan Mỹ những năm 50 phải làm tròn nghĩa vụ và sở thích du lịch vô cùng quan trọng với họ. Nó giàu có hơn cuộc sống đời thường của một viên chức nhà băng Saint Louis. Scanlon, sĩ quan dù và xe bọc thép, tiêm nhiễm niềm tin của quân đội Hoa Kỳ tấn công là cách tự vệ tốt nhất và hiếu chiến cho phép thắng trận trong những cuộc chiến tranh. Niềm tin ấy dẫn anh đến đồng ruộng này với khẩu súng ngắn theo điều lệ cầm tay trong lúc anh không thấy đạn nảy lên trên chiếc xe bọc thép của anh.

Hai chiếc M-113 của Scanlon vòng về phía trái những chiếc trực thăng như Bá ra lệnh, tiến thẳng về khẩu súng máy ngụy trang gần chỗ con đê kênh tưới đâm ra ruộng. Khi những chiếc xe bọc thép ngang hàng với trực thăng súng máy trên xe nổ một tràng về phía hàng cây được Việt cộng trả lời ngay bằng đợt bắn tập trung cũng như thế. Xe bọc thép dừng lại, cánh cửa sau hạ xuống và các trung đội bộ binh nhảy xuống ruộng triển khai thành hình cánh quạt. Những chiếc M-113 lại tiến lên tấn công phối hợp; binh lính bước tới súng cầm tay như một vòi tưới, phun ra phía trước hàng tràng. Binh lính Nam Việt Nam được Scanlon và những giáo viên Mỹ khác huấn luyện theo cách này, đã trở thành máy móc đối với họ. Trước đây, họ thực hiện như vậy khi một toán Việt cộng không may thoát được trước khi xe bọc thép đến đã mạo hiểm bắn lại. Như vậy, sức mạnh lưới lửa của súng máy trên xe được tăng cường bằng những loạt bắn của bộ binh. Scanlon là một trong những người nhảy xuống đầu tiên, rút súng ngắn cầm tay. Anh không định bắn ai nhưng khẩu súng là một phần trong trang bị sĩ quan và có thể có ích để tự vệ. Anh rút nó ra theo phản xạ vì vai trò của anh cần thiết phải hướng dẫn binh lính chiến đấu và đi cùng với họ để xem việc gì sẽ xảy ra.

Một lính bộ binh bị trúng đạn ngay. Khẩu súng máy lúc đầu sai mục tiêu vì tầm bắn của Việt cộng từ một bụi chuối bên trái xa hơn nhưng không làm bị thương người nào. Súng giật lùi nâng cao nòng súng và Scanlon thấy đạn xé tan ngọn cây. Một loạt đạn mới của Việt cộng bắn vào M-113 làm người bắn súng máy hiểu ra mình lầm, lần này hướng vào con đê kênh tưới trước mặt, đạn lại xé tan những hàng cây con. Scanlon kêu lên “Thằng ngu ! Nó bắn toàn lên không, trên đầu chúng”.

Đáng buồn là cả người bắn súng máy, cả Scanlon và không ai khác nữa thấy được một kẻ thù. Trước mặt họ chỉ là một bức tường xanh lá cây lớn. Chỗ hợp lý độc nhất phải là ở chân bức tường ấy nhưng cây cối dày đặc đến mức không thể phân biệt được ngọn lửa nòng súng thường để lộ chỗ để súng.

Chiếc xe bọc thép mới tiến được mấy mét thì một người lính đứng cạnh khẩu súng máy bị bắn. Anh ta sợ nhảy vào trong xe vừa tiếp tục tưới mưa đạn. Những Việt cộng mà Scanlon nghĩ không có ở ấp Bắc đối mặt với những chiếc M-113 hoàn toàn khác với điều anh đã hình dung. Anh vẫn giữ kỷ niệm của những trận đánh trước, họ sợ hãi chạy trước đoàn xe như đàn vịt từ bụi cây thoát ra khi chó và người đi săn lại gần. Anh hiểu ngay họ sẽ bị chết hoặc bị thương hết nếu không ẩn sau khối bọc thép. Anh bập bẹ tiếng Việt, bảo người lái xe dừng lại và ra hiệu gọi những người khác trở lại.

Tính hiếu chiến và niềm tin vào hỏa lực bám sâu vào Scanlon đến mức anh không bao giờ hình dung được việc tốt nhất cần làm là lùi lại, phân tích tình hình và trở lại với một giải pháp hay hơn tấn công trực diện. Người ta vẫn dạy cho anh khi không thấy được đối thủ, phải bắn dìm đầu họ xuống. Anh nghĩ súng máy bắn vào gốc hàng cây đủ sức kìm chế Việt cộng để người lái đưa xe bọc thép đến gần khống chế súng máy địch và lính bộ binh có thể tấn công dưới sự bảo vệ của xe bọc thép.

Người bắn súng máy không muốn ra đứng ở vị trí khi Scanlon ra mệnh lệnh “Đứng dậy, nhân danh Chúa, và bắn vào gốc hàng cây !”. Anh nắm áo kéo anh ta ra ngoài, hét lên cố chỉ dẫn bằng tiếng Việt cho đến lúc anh ta nắm lấy súng.

Người lái chiếc M-113 bắt đầu lùi. Scanlon nhận thấy chiếc xe bỏ lại một người bị thương trên ruộng, anh kêu lên ra hiệu. Người lái nghe tiếng trở lại chỗ người bị thương nhưng không ai muốn ra khỏi xe để nhặt lên. Scanlon nhảy xuống chạy tới. Một lính bộ binh can đảm hơn những người khác cũng nhảy theo giúp anh đưa người bị thương lên đặt nằm trên sàn xe. Trong lúc họ làm thế, hai lính bộ binh khác bị trúng đạn. Người bắn súng máy chiếc M-113 thứ hai cũng sợ hãi, trốn vào bên trong vừa bắn hàng loạt lên trời. Scanlon chạy tới, chửi rủa cho đến khi anh ta lên lại vị trí “Bắn vào gốc hàng cây!”.

Tổ lái hai chiếc M-113 sợ ; lái xe đóng tấm chắn phía trước chống đạn. Việt cộng thôi bắn khi những chiếc bọc thép lùi. Lúc đầu, lái xe đi về phía bên phải những chiếc trực thăng, chỗ những chiếc xe bọc thép của Mays tiến lại. Nhưng cho rằng chỗ ấy căng thẳng, họ chuyển hướn g về phía con kênh. Scanlon hét lên bảo dừng lại, ra hiệu lái xe của anh đi về phía trực thăng nhưng anh ta lắc đầu. Anh bèn bảo viên trung sĩ trưởng xe và những người khác trong nhòm phải trở lại tấn công Việt cộng vì những người lính bị thương và nằm im tránh đạn đang dựa vào họ. Viên trung sĩ trả lời đã có ba người bọn họ bị thương và thế là đủ. Người lái xe vẫn đi về phía con kênh. Scanlon không muốn đồng lõa với cách rời bỏ hàng ngũ đó. Anh thấy Bowers ngồi xổm ở bờ đê vẫy anh. Anh nhảy xuống chạy lại đấy.

Bowers quyết định tốt hơn là tìm lại những sĩ quan cố vấn khác vì không hy vọng có thể thực hiện được việc gì có ích với những người sống sót trong đại đội dự phòng của anh.Mấy phút trước đây, anh cố gắng tổ chức một cuộc tấn công và bây giờ cảm thấy những cố gắng của mình thật buồn cười. Khi thấy xe bọc thép của Scalon tiến đến, anh hướng dẫn người của mình thao diễn chiến thuật xe bọc thép phối hợp bộ binh như anh đã tập cho họ. Khẩu hiệu của trường bộ binh là “Theo tôi!”. Theo tập quán tốt nhất, Bowers đã lom khom chạy dọc con đê, kêu lên bằng tiếng Việt “Tấn công !” rồi anh đứng lên vung khẩu súng máy về hướng binh lính Sài Gòn để họ theo anh và chạy theo xe bọc thép về phía quân địch. Tiến chưa đầy 20 bước, lần thứ hai trong ngày anh có cảm giác đơn độc. Anh ngoảnh lại, đúng là chỉ một mình ! Khi những chiếc M-113 trở lại, Bowers quay lại về con đê, may mắn không ai đi theo. Còn vài người lính bị bắn chết nữa. Không sao. Đấy như đã là số phận của những người chết hôm ấy. Anh báo tin với Scanlon, Braman và Deal chết rồi và Mays đã đưa đi ba phi công. Scanlon hỏi anh những người đi máy bay khác ở đâu và Bowers dẫn anh này đến chỗ con đê, trước những chiếc trực thăng rồi họ nằm quan sát cuộc chiến diễn ra quyết định giữa những Việt cộng nhỏ thó và những chiếc bọc thép to mạnh.

Cùng lúc ấy , Bá đến ở cánh sườn phải đã có Mays. Xe của ông kéo hai chiếc sang kênh, để lại một tiếp tục kéo và cùng chiếc kia chạy lên dẫn đầu cuộc hành quânh. Ông đứng ở rìa nắp đậy phía sau khẩu súng máy. Đây là chỗ ông thích vì có tầm nhìn tổng quát tốt nhất và khi có dịp cũng muốn lia vài băng đạn. Thấy ông đi đến, Mays nắm lấy ống nói đài của Chớ. Anh định bảo Bá không nên tấn công trực diện mà đi xa về bên phải để lại gần hàng địch quân ở đầu con đê kênh tưới. Họ vẫn là bia ngắm của súng máy và trung đội dàn quân ở đấy nhưng việc tập trung tầm băn yếu hơn trước hàng cây. Cây chỗ này thưa nên Mays đã thấy khẩu súng máy và anh Việt cộng đứng phía sau. Chuyển hướng như vậy, họ sẽ làm giảm đáng kể hỏa lực của đối phương và bắn được tối đa. Khi đã giết được những người bắn súng máy, họ có thể dồn hỏa lực của mình vào suốt hàng cây từ đầu đến cuối và dồn đuổi hết Việt cộng.

Lúc chiếc xe bọc thép của Bá lại gần, Mays đang sắp nói thì ông ta từ nắp đậy bước xuống, chắc chỉnh cái gì đó ở ống nghe để liên lạc với những người khác và phối hợp tấn công. Chiếc xe nhảy lên trên một ụ đất đúng lúc ông bước xuống. Khẩu súng máy quay trên giá đỡ đập vào đầu. Ông ngã vào trong xe, gần như bất tỉnh.

Đại đội tạm thời thiếu chỉ huy trưởng. Người phó của Bá có khả năng và kinh nghiệm có thể đảm nhiệm ngay việc chỉ huy và Mays sẽ dễ dàng bàn bạc vì ông nói tiếng Anh nhưng lại bị bệnh thương hàn đang nằm bệnh viện. Chớ tuy hiếu chiến trong đánh nhau riêng lẻ, xem ra không đảm đương nổi trách nhiệm ấy. Do Mays không thể trao đổi với Bá trước khi ông gặp tai nạn, ông không chỉ thị được cho Chớ tấn công vào cánh sườn bên phải. Tiếng Anh của Chớ rất hạn chế và tiếng Việt của Mays không hơn gì. Anh chỉ biết nói “tấn công” và “đồng loạt”, nhắc lại với Chở bằng cử chỉ nhưng 20 phút tiếp đó không có một hành động phối hợp nào. Bốn xe bọc thép , được tăng cường ba chiếc khác đã vượt qua kênh (năm chiếc hèn nhát ở lại), bắn những phát riêng lẻ vào hàng cây rồi cùng lùi lại.

Hai mươi phút ấy thật kinh khủng. Trong những hành động bấp bênh ấy, nạn nhân, chết hoặc bị thương đại bộ phận là những người bắn súng máy. Việt cộng dễ bắn trúng họ nhất vì thân hình hiện rõ trên những chiếc xe bọc thép. Nói chung đó là những trung sĩ có trách nhiệm vể tổ lái cũng như về tiểu đội bộ binh họ chở đi. Hệ thống này được người Mỹ đưa ra để xe bọc thép và bộ binh hình thành một đội gắn liền với nhau. Các hạ sĩ quan đứng sau súng máy cũng vì những lý do ấy, đặc biệt có tầm nhìn bao quát để chỉ huy quân lính. Vì người Mỹ nói với họ có thể tin tưởng tuyệt đối vào hiệu lực vũ khí đáng sợ của họ và trong những lần trước không có gì nguy hiểm xảy ra nên các trung sĩ không biết chỉ huy tổ lái và bộ binh lúc ẩn tránh trong xe. Khi bắt đầu bắn, mỗi người áp dụng những bài đã học khác nhau, không nghĩ đến hậu quả. Trung sĩ nhất của đại đội, cũng là bạn gần gũi hơn cả của Bá trèo lên khẩu súng máy sau khi đã săn sóc cho đại úy của mình. Ông ra lệnh cho chiếc M-113 tiến lên tấn công vào hàng cây và chỉ một lát sau đã ngã xuống , tử thương vì một viên đạn vào yết hầu. Trong 20 phút Bá bất tỉnh, khả năng nắm lại quyền kiểm soát những chiếc xe bọc thép tan đi nhanh chóng. Các trưởng xe hoặc chết hoặc bị thương được những người ít kinh nghiệm hơn thay thế và tinh thần các toán quân bắt đầu rạn nứt.

Đã đến lúc kỹ thuật công nghiệp Mỹ bổ sung cho những suy yếu của con người. Chiếc M-113 trang bị súng phun lửa đưa từ tháp pháo ra chiếc ống dài như một nòng súng. “Đấy đấy ! Kết thúc rồi ! Tay ấy sẽ phun lửa vào toàn bộ hàng cây !”. Scanlon bình luận với một trong những phi công trực thăng nằm cạnh anh phía sau con đê. Chiếc xe bọc thép lại cách hàng cây 100 mét, đủ gần để tia xăng bắt lửa đốt cháy những người sợ sệt trong lúc đạn vẫn tiếp tục nảy lên trên vỏ thép. Người điều khiển cho chiếc ống quay từ đầu này đến đầu kia như một cách đe dọa đáng sợ rồi dừng lại đúng trước mặt để thiêu cháy quân địch. Anh ta nhấn nút. Một tia lửa ra khỏi ống rồi tắt ngay. Tổ lái không trộn đủ chất đông dính với xăng để lửa tiếp tục cháy. Scanlon rên rỉ :

“Ồ, lạy Chúa ! Như một chiếc bật lửa Zippo !”

Anh phi công bị thương ở cánh tay, triết lý hơn :

“Bình thường thôi ! Mọi việc đều hỏng thì cái đó làm được gì !”.

Vann bay vòng vòng trên chiến trường, khổ sở vì thất vọng trước quang cảnh ấy : Việt cộng bắn hạ xạ thủ súng máy, xe bọc thép lùi dần nối tiếp nhau và ống phun lửa gặp sự cố. Đây là lúc kỳ quái nhất của một ngày điên cuống. Anh rủa Bá đã không tập hợp tất cả M-113 đồng thời tấn công, chửi Harkins đã cản trở anh tác động trong quá trình cuộc chiến. Anh cũng ngạc nhiên như những người khác thấy Việt cộng không rời bỏ trận địa chạy trốn trước xe bọc thép. Anh không chịu đựng nổi khi không thể hành động trước mặt trái bất ngờ này. Anh những muốn nói với Mays và kẻ đồng cấp ngu dốt của anh ta rằng, nếu sử dụng súng máy quá nguy hiểm thì chỉ việc đóng các cửa xe xông vào hàng cây ; khi đã ở trên đê họ đổ quân lính bộ binh ra đi tàn sát Việt cộng trong các hố. Nhưng anh không có cách nào nói được với Bá hoặc Mays : những làn sóng điện bố trí ở M-113 không cùng tần số với những làn sóng trên máy bay thám thình L-19. Đã bao nhiêu tháng nay Vann đề nghị Sài Gòn bố trí để máy bay anh có thể liên lạc trực tiếp với xe bọc thép mà không được.

Trong các hố cá nhân, Việt cộng không thể cho phép mình tính toán gì nữa : họ chiến đấu để tránh bị tiêu diệt. Sau khi bị súng máy đánh vào đầu, Bá đã đủ hồi sức để tập hợp bảy , tám chiếc xe và tung một đợt tấn công phối hợp vào hàng cây. Nhưng còn ê ẩm vì cú đánh, choáng váng về cái chết của viên trung sĩ nhất và ngạc nhiên thấy Việt cộng vẫn tiếp tục chiến đấu, ông không đủ tâm trí sáng suốt để chú ý đến lời kêu gọi của Mays trong đài báo tấn công vào cánh sườn phải. Ông quá choáng nên không nhận ra cần buộc bốn hoặc năm xe sợ sệt ở lại phía sau gần con kênh phải tiến lên tăng cường cuộc tấn công. Theo bản năng, ông đã bỏ rơi chiến thuật Vann muốn thấy ông áp dụng : đóng mọi cửa ra vào và lao tới. Vann không biết một sĩ quan xe bọc thép như Bá đã học được, không phải không có lý do, không bao giờ mạo hiểm như vậy mà đối với một lính bộ binh có thể là sáng tạo. Các thấy ở những trường Pháp, Mỹ đã dạy ông,chỉ có những kẻ điên mới mù quáng tung xe bọc thép vào rừng. Bộ binh địch lúc nhúc ngay quanh xe, ném lựu đạn vào khi có một lỗ mở và bắn hạ bất cứ ai ở ngoài. Bá cũng biết bên kia đê có nước. Nếu ông lao tới, xe có đủ đà vượt qua đê chìm vào kênh tưới. Nước vào qua các lỗ thông hơi ngập hết máy. Những chiếc xe sẽ chúi hẳn xuống, không sử dụng được súng máy, xung quanh là Việt cộng. Giải pháp duy nhất nảy ra trong trí óc còn bối rối của ông là mở một con đường giữa cây cối với những súng máy, súng tự động và tất cả những vũ khí bộ binh có thể sử dụng; phải thận trọng lên đê không nhào sang bên kia rồi đi dọc hàng hố cá nhân Việt cộng nếu họ không chạy trốn trước khi ông vào chu vi đề kháng của họ.

Những chiếc xe bọc thép tiến lên theo hàng lộn xộn trong bùn và nước ruộng. Hai mươi phút hành động riêng lẻ và rời rạc, một số lớn trung sĩ tử thương dẫn đến tâm trạng ngập ngừng trong lúc tình hình đòi hỏi một quyết định dứt khoát. Bá khó khăn trong việc phối hợp những chiếc xe mà các tổ lái đã mất tinh thần. Việc tấn công dè dặt và các chiến binh không dứt khoát, Người lái không muốn lộ người ra, ngồi trong xe cố điề khiển xe bằng hệ thống quang học. Không quen và tầm nhìn hạn chế làm họ tiến chậm hơn bình thường tăng nguy cơ súng máy dễ trúng đạn Việt cộng cũng như lính bộ binh đứng trên xe bắn vũ khí hạng nhẹ. Lái xe trông không rõ dẫn đến việc không giữ được thăng bằng xe, cản trở lưới lửa của bảy hoặc tám chiếc xe tập trung chính xác. Một số xạ thủ súng máy mới từ chối đứng sau súng mà ngồi trong tháp pháo bắn thẳng cánh, nghĩa là đưa đạn lên trời.

Qua từng giây, Bowers càng khâm phục trình độ quân sự của kẻ địch. Anh mê nhất việc Việt cộng giữ vững lòng can đảm và chiến đấu thông minh chống những con quái vật sắt xám thẫm gần đến thế. Họ không phân tán tầm bắn dọc theo hàng những kẻ tấn công mà tập trung vào xe gần nhất. Bowers nhìn những viên đạn địch nhảy trên vỏ thép từ làn bắn chéo cho đến lúc giết chết hoặc làm bị thương xạ thủ hoặc một lính bộ binh. Người lái ngập ngừng rồi dừng lại. Việt cộng bèn ngừng bắn hoặc vì tiết kiệm đạn hoặc để bắn tập trung vào chiếc xe đi đầu. Cuộc tấn công thất bại. Một số lái xe bắt đầu lùi. Kể cả Chớ hiếu chiến có Mays ngồi cùng xe cũng để tổ lái rút lui sau khi súng máy bị bắn trúng.

Chiếc xe bọc thép của Bá và một, hai xe khác tiếp tục tiến, chẳng mấy chốc đã cách con đê kênh tưới 15, 20 mét. Những lính đánh thuê Sài Gòn không mong muốn một trận chiến như vậy nhưng họ là người Việt và một số cũng can đảm khi đã vào trung tâm hành động. Tinh thần của Việt cộng bắt đầu rạn nứt ; một lúc nữa một trong những con quái vật 10 tấn ấy trèo lên đê và lòng quyết tâm chống cự sẽ tan biến. Tổ lái trên những chiếc xe bọc thép khác bị đánh lấy lại can đảm trở lại chiến đấu. Sĩ quan và hạ sĩ quan Việt cộng không khống chế nỗi sợ hãi được nữa. Binh lính của họ sẽ nhảy ra khỏi hố bảo vệ chạy trốn và bắt đầu cuộc tàn sát như trường hợp thường xảy ra trước đây.

Tiểu đội trưởng Dũng chặn ngay những chiếc xe lại. Anh nhảy ra khỏi hố cá nhân, đứng thẳng trước những vật to cồng kềnh. Nỗi sợ hãi của anh cùng các bạn khi thấy chúng phần lớn do chúng xấu xí quỷ quái. Phía trước tận cùng bằng một mõm rộng phình ra hai con mắt là đèn pha. Dũng lấy ở thắt lưng ra một quả lựu đạn, rút chốt đưa cánh tay ra sau ném vào một trong những con quái vật. Quả lựu đạn rơi trên đỉnh một chiếc M-113 nổ một tiếng lớn và bùng lên ngọn lửa. Trước sự dũng cảm của anh, binh sĩ trong đội vượt qua nỗi sợ, rởi chỗ ẩn nấp theo gương anh cũng ném lựu đạn. Một người khác tên là Sơn bắn súng phóng lựu đạn dọc theo hàng xe bọc thép. Ở chỗ nằm Bowers thấy hai quả nổ phía trên xe. Dũng xem ra không việc gì nhưng ba người bạn chết, những thành viên khác trong tiểu đội bị thương vì đạn của quân đội Sài Gòn hoặc vì mảnh lựu đạn của họ. Không biết trong xe có bao nhiêu nạn nhân. Điều đó không quan trọng. Tiếng nổ xé tai và những ngọn lửa cũng đủ để làm tan một ít can đảm còn lại của các tổ lái. Bá cho phép lái xe lùi và những xe khác đi theo. Cuộc tấn công thất bại. Bá quá kinh ngạc và bối rối, không bắt đầu lại được nữa. Dù sao các tổ xe của ông mất tinh thần đến nỗi nếu ông muốn làm họ cũng không nghe theo. Mays trong xe của Chớ cố thử hai đợt mới để đánh vòng vào sườn quân địch và giết các xạ thủ súng máy ở đầu bên phải. Họ bị đẩy lui với giá mạng sống của hai xạ thủ súng máy và những lính bộ binh khác. Lúc này là 14 giờ 30. Việt cộng đã hoàn thành điều tưởng như không thể làm được.

Chống đỡ với bi kịch này là màn khôi hài rùng rợn do Cao tưởng tượng ra. Khi được tin bốn trực thăng bị bắn hạ, lúc 11 giờ 30 sáng hôm ấy từ tổng hành dinh ở Cần Thơ, viên tướng đi máy bay đến Tân Hiệp. Ông ta sợ báo chí công bố tin này và lo ngại tổng thống Diệm sẽ có thái độ đối với ông khi được biết bản tổng kết thiệt hại mỗi lúc một cao hơn. Chắc chắn Diệm sẽ quy trách nhiệm cho ông. Ông tức giận Vann và Đạm đã đưa ông vào một ngõ cụt tồi tệ, một tình thế buộc phải đánh nhau với Việt cộng. Khi biết xe bọc thép của Bá cũng thất bại, làm bia cho quân địch bắn dễ dàng, ông bắt đầu tìm cách tránh khỏi cuộc chiến này, đổ trách nhiệm thất bại lên một người nào đó.

Vann đang bay trên ấp Bắc, quan sát đợt cố gắng cuối cùng của Chớ trong xe bọc thép ở đầu con đê thì được Dan Porter gọi điện cho biết kế hoạch của Cao rút khỏi vấn đề rắc rối. Porter đến Tân Hiệp cùng Cao, báo tin mật Cao đã xin một tiểu đoàn lính dù ở tổng hành dinh Sài Gòn. Vann đề nghị  Porter thả lính dù trên đồng ruộng và đầm lầy phía đông Tân Thới và ấp Bắc, lối thoát duy nhất của Việt cộng không thể diễn ra ban ngày nhưng là đường rút lui hợp lý của họ về đêm.

“Topper Six, tôi đã nói với ông ta như thế nhưng ông bảo sẽ sử dụng họ ở phía bên kia”. Porter trả lời.
“Tôi sẽ đến ngay”, Vann đáp, và lệnh cho phi công lái nhanh chóng trở lại Tân Hiệp.

Anh hiểu ngay trò chơi của Cao. Như sau này anh viết trong báo cáo gửi Harkins, Cao có ý đồ dùng tiểu đoàn dù không phải để bẫy và tiêu diệt Việt cộng mà như một “trình diễn sức mạnh .. hy vọng các đơn vị quân địch thôi chiến đấu để cuộc chiến bất đắc dĩ này kết thúc.”

Vann từ chiếc máy bay nhỏ bước xuống, sải dài bước chân vào lều chỉ huy. Anh nói với cao không thể phí phạm máu chẳng được gì, phải khép bẫy đối với Việt cộng và tiêu diệt họ. Porter bảo vệ anh và cả hai khẩn nài : nhân danh người chỉ huy chịu trách nhiệm, ông không có sự lựa chọn nào khác. “Ông phải thả lính dù ở kia”. Vann nói vừa đưa ngón tay vào tấm bản đồ hành quân lớn, chỉ sườn trống ở phía đông hai ấp. Anh giận dữ và vung tay đến mức suýt làm đổ giá đỡ bản đồ.

Cao không nhạy cảm với tính hợp lý quân sự ấy. “Như vậy không khôn ngoan. Như vậy không khôn ngoan”, ông không ngớt nhắc lại và giải thích tốt hơn nên thả lính dù xuống phía tây, phía sau những chiếc M-113 và quân bảo an để liên kết với những đơn vị này. “Chúng ta phải tăng cường”. Sau này, Vann phải tóm tắt lôgic của Cao bằng công thức “Họ đã chọn cách tăng cường sự thất bại”.

Anh lại một lần nữa mất bình tĩnh :

“Nhưng lạy Chúa ! Anh hét lên, ông muốn họ bỏ chạy ư ? Ông sợ phải đánh nhau. Ông biết rõ họ sẽ chuồn khỏi lối ấy và đó là điều ông muốn”

Cảm thấy bị dồn ép, Cao lấy giọng gay gắt của viên tướng nói với một trung tá.

“Tôi là tướng. Ở đây tôi chỉ huy và đấy là quyết định của tôi”.

Thiếu tướng Trần Thiện Khiêm, trưởng ban tham mưu hỗn hợp từ Sài Gòn đến theo yêu cầu của Cao, chứng kiến cuộc cãi nhau kịch liệt không có một ý kiến phản đối nào cả. Harkins không tới và không cử một thuộc hạ nào đến thăm dò lý do thiệt hại chưa từng có về năm chiếc trực thăng; vậy là không một viên tướng Mỹ nào trong lều để vung sao lên có lợi cho Vann và Porter. Để xoa dịu Vann, Cao cho rằng đã đưa giờ hành quân lên sớm hơn. “Sẽ tiến hành vào lúc 16 giờ”. Vann quay trở lại máy bay thám thính của mình. Anh đã hiểu tranh cãi lâu hơn nữa sẽ vô ích và hy vọng lính dù đến địa điểm khá sớm để còn có lợi một phần nào.

Cả buổi chiều, anh tự hỏi bao giờ lính dù sẽ đến và cố thuyết phục Cao, Đạm và Thọ, biến sự thất bại lớn nhất trong chiến tranh thành thắng lợi lớn nhất. Còn có khả năng chuộc lại lỗi lầm. Chỉ cần tập hợp hai tiểu đoàn bảo an và đại đội xe bọc thép của Bá, tổ chức một đợt tấn công phối hợp vào ấp Bắc. Dù lính M-113 mất tinh thần đến mấy, ít nhất họ cũng hỗ trợ được lính bộ binh bằng những loạt đạn súng máy hạng nặng và Việt cộng không thể chống cự lại một sức mạnh như thế. Cao cũng như Thọ không thể hiểu con đường hợp lý và đạo đức duy nhất là tấn công, chấp nhận những thất bại mới tương đối nhỏ, minh oan cho sự hy sinh của những người đã bị giết hoặc bị thương.

Thực tế tiểu đoàn bảo an thứ hai đã đến ấp Bắc trong lúc xe bọc thép của Bá tấn công và do một trung úy trẻ có tài chỉ huy. Anh thấy ngay có thể hỗ trợ Bá bằng cách vòng qua sườn phải, tấn công hàng phòng thủ Việt cộng từ phía nam, điều đáng lẽ tiểu đoàn thứ nhất đã phải làm. Anh điện đàm xin phép Thọ tấn công và bố trí ngay một đại đội để tranh thủ thời gian. Thọ bảo anh phải chờ. Suốt buổi chiều và sau khi Bá bị đánh bại, viên trung úy đã ba lần xin phép tấn công.

Prevost đã chuẩn bị trận địa cho anh khi buộc khẩu súng máy của địch ở góc phải con đê im lặng do cuộc tấn công bằng máy bay duy nhất có hiệu quả trong trận đánh. Việc đó xảy ra lúc 15 giờ 40 phút, chậm mất một giờ để hỗ trợ Bá nhưng đủ sớm cho quân lính bảo an. Vann tìm được Prevost ở trạm chỉ huy ngay sau khi cãi nhau với Cao. Anh đề nghị phải làm gì để chuộc lại sự thất bại hoàn toàn của những đợt tấn công bằng máy bay. Anh chỉ trên bản đồ hàng phòng ngự của Việt cộng và khẩu súng máy anh dò thấy cuối buổi sáng trong việc cứu hụt máy bay trực thăng. Prevost mượn một máy bay quan sát L-19 khác và Đạm ra lệnh cho một người Việt Nam ngồi ở ghế sau để điều chỉnh tầm bắn một chiếc A-26 khi cần can thiệp.

Lúc đầu Prevost tôn trọng nguyên tắc, để người quan sát viên Việt Nam kiểm soát chiếc máy bay ném bom hai động cơ. Anh nhận định người phi công Mỹ lãng phí vô ích hai thùng napalm và quả bom 50 kilô. Prevost bèn quyết định vi phạm nguyên tắc, thuyết phục quan sát viên Việt Nam để anh điều khiển chiếc A-26. Anh bay nhiều lần dọc theo hàng cây. Lúc đầu, anh phi công nóng lòng với những bài học Prevost dạy cho anh tiến lại gần và bổ nhào trong lúc súng máy nhả đạn, có xu hướng xuống quá dốc đứng và bay lên quá sớm. Đạn thường không trúng mục tiêu. Ban tham mưu của trung tâm hành quân hỗn hợp ở Tân Sơn Nhất vẫn nghe những cuộc liên lạc điện đài. Một trong những sĩ quan cũ biết Prevost và nhận ra tiếng nói của anh, bảo những người khác “Nghe này, Herb đang dạy cho phi công tiến đánh một đợt tấn công”. Khi anh phi công biết bổ nhào đúng, Prevost bảo bắn một loạt rốc két đúng vào góc đê. Khẩu súng máy của Việt cộng im bặt, xạ thủ bị giết hoặc bị thương. Ban chỉ huy trọng pháo phạm sai lầm gọi chiếc A-26 trở lại vì muốn lại bắn vào mặt đất. Nhưng không phải sự vụng về ấy làm cho chiến công của Prevost trở thành vô ích. Mỗi lần viên trung úy bảo an xin phép tấn công, Thọ đều ra lệnh chờ đã. Với thời gian ấy, ông ta mất oan ba người chết và bị thương.

Mỗi lần Vann hỏi Ziegler vì sao tiểu đoàn lính dù chưa được thả xuống và Ziegler chất vấn Cao, ông ta ra cửa lều nhìn trời. “Đáng lẽ họ phải đến rồi, ông nói. Việc này do Sài Gòn làm chậm”. Thực ra ông đã thu xếp để thả lính dù lúc 18 giờ, nghĩa là một giờ rưỡi trước khi trời tối. Như vậy họ chỉ vừa tập hợp lại, bố trí một chu vi bảo vệ trong đêm, không có thì giờ tổ chức tấn công, hoàn toàn phù hợp đối với Việt cộng.

Quân lính dù trên bảy chiếc hai động cơ vận tải C.123 nhảy xuống lúc 18 giờ 5 phút. Nghe làn sóng đài Quân đội Cộng hòa, người chỉ huy tiểu đoàn Việt cộng biết họ sẽ đến từ hai tiếng trước đó. Nhưng ông không biết chính xác địa điểm nhảy dù, ra lệnh cho chỉ huy đại đội Tân Thới sẵn sàng di chuyển một bộ phận chiến sĩ để chống lại quân dù nếu chúng đe dọa.

Khác với đồng đội của họ ở ấp Bắc, các đội quân Việt cộng ở Tân Thới còn tương đối sung sức. Cuộc chiến đấu của họ với Sư đoàn 7 mới hạn chế trong việc đấu súng. Đại úy Kenneth Good, người California, 32 tuổi, cố vấn tiểu đoàn ưa chuộng của Vann và là sĩ quan có tính quần chúng nhất phân đội, bị chết tại đó. Anh đi thăm dò để cố lay chuyển các toán quân bất động. Bị thương, một thời gian lâu mất máu vì viên đại úy người Việt đi cùng không báo cho ai anh đã trúng đạn. Chỉ hai giờ sau, tình cờ một cố vấn khác phát hiện ra và Vann cho chuyển anh đến tận đường bay, chỉ mấy phút sau thì anh chết. Hai giờ rưỡi sau cái chết của Good, quân lính dù đến được tiểu đoàn hoan nghênh và một loạt kèn chào đón. Nhưng không ai động đậy cũng không bắn một phát súng hỗ trợ lực lượng tăng cường từ bầu trời.

Người ta không bao giờ biết trưởng phi vụ Mỹ hoặc trưởng chỉ huy nhảy dù người Việt đã phạm sai lầm phù hợp với việc bố trí của chỉ huy Việt cộng. Lính dù nhảy xuống phía cuối chứ không phải vào đầu địa điểm cách nhau đến gần một cây số. Do vậy, nhiều người trong bọn họ hạ xuống trước vị trí quân địch ở phía tây và tây bắc Tân Thới thay vì xuống phía sau chỗ bảo vệ của lính bảo an và xe bọc thép ở ấp Bắc như Cao dự kiến. Một sai lầm như vậy có thể xảy ra ở mọi cuộc hành quân nhảy dù nên Vann và Porter đã khẩn thiết cho thả quân sớm hơn vào buổi chiều. Việt cộng bắt đầu bắn vào lính dù khi họ đang xuống.

Khác với quân thường trực, những đội không quân Sài Gòn gồm những người lính kiên cường. Các sĩ quan dù Pháp đã là hiệp sĩ trong quân đội thực dân, những người lãng mạn thể hiện tình bạn và lòng can đảm trong cái chết để chuộc lại những ngu ngốc đè nặng lên số phận. Đồng đội Việt Nam của họ vẫn giữ lại ký ức về họ và cố gắng hành động với lòng dũng cảm của những thần tượng Pháp. Nhưng bây giờ họ buộc phải chiến đấu trong điều kiện tồi tệ, không thể tự tổ chức lại trong bóng tối mỗi lúc một gia tăng, còn quân địch gần như bắn liên hồi. Họ đành tấn công từng phần theo đơn vị nhỏ trước khi một đêm xuống kết thúc cuộc đấu. Việt cộng chỉ thiệt hại một ít trong khi gây cho họ những thiệt hại nặng : 19 người chết, 33 bị thương trong đó có hai cố vấn Mỹ, một đại úy, một trung sĩ.

Để chắc chắn Việt cộng có thể thoát khỏi trong đêm, Cao không cho phép máy bay C-47 thả pháo sáng như Prevost đề nghị nhằm soi tỏ đường rút lui của quân địch. Vann muốn đồng ruộng và đầm lầy phía đông Tân Thới và ấp Bắc được chiếu sáng như ban ngày và trọng pháo oanh tạc. Anh đề nghị 600 đạn súng cối. Cao cho một trăm. Rồi ông ta ra lệnh cho trọng pháo chỉ bắn bốn quả mỗi giờ. Ông biện bạch cấm thả pháo sáng vì lính dù không muốn  bị quân địch phát hiện. Việc họ yêu cầu như vậy thật đáng ngờ và Vann cãi lại, giải thích dù sao pháo sáng cũng không chiếu rõ họ được vì họ ở bên kia Tân Thới. Những lý lẽ riêng của Cao vẫn có giá trị hơn và trận địa chỉm trong bóng tối.


Những “con vật nhỏ rách rưới” bắt người Mỹ phải chấp nhận. 350 Việt cộng đã giữ vững trận địa và hạ nhục một quân đội hiện đại với quân số lớn gấp bốn lần, trang bị xe bọc thép, trọng pháo, trực thăng và máy bay ném bom. Để đối chọi, vũ khí mạnh nhất của họ là một khẩu móc-chi-ê nhỏ, cỡ 60, được xem là vô dụng. Họ có 18 người chết và 39 bị thương, thiệt hại tương đối nhẹ trong cuộc chiến mà người Mỹ và những người Việt Nam do họ bảo vệ đã dội vào nhiều nghìn loạt đạn súng thường và súng máy hạng nặng,  600 đạn súng cối, napalm và bom cùng những quà tặng khác chở trên 13 máy bay và năm trực thăng chiến đấu. Riêng những chiếc Huey đã trút xuống hàng cây ấp Bắc 8400 đạn súng máy và một trăm rốc két. Với vũ khí hạng nhẹ, Việt cộng đã gây gấp bốn lần thiệt hại cho họ, giết được khoảng 80 lính Sài Gòn, làm bị thương hơn 100; ba người Mỹ chết và 8 người khác bị thương, 5 chiếc trực thăng bị bắn hạ. (Sau này, chính quyền Sài Gòn công nhận có 63 người chết và 109 bị thương, làm giảm nhẹ thiệt hại bằng bỏ sót những mất mát của đại đội dự phòng trước ấp Bắc). Việt cộng gây ra những tổn thất ấy mà tiết kiệm đạn dược. Từ những loạt đạn đầu bắn nhau với quân bảo an cho đến những loạt cuối cùng với lính dù, họ chỉ dùng khoảng 5000 đạn súng thường và súng máy.

Viên chỉ huy tiểu đoàn quyết định rút lui vào 22 giờ, địa điểm tập kết là ngôi nhà một nông dân ở đầu phía nam Tân Thới. Suốt cả ngày, ông đảm nhận việc chỉ đạo chiến đấu, quyết định số phận mọi người với kinh nghiệm và suy tính của một người lính thực thụ, ý thức chỉ hy sinh người của mình cho chiến thắng. Bây giờ ông tổ chức cuộc rút lui cũng thận trọng như thế để rồi sau này lại chiến đấu. Hai đại đội phải đi từng đợt theo đơn vị nhỏ gần với ngôi nhà. Đại đội ấp Bắc đã bắt đầu rút hàng phòng ngự trước mặt những chiếc M-113 từ cuối buổi chiều ngược theo con sông nối liền hai ấp. Trong khi rút lui, mỗi trung đội của từng đại đội được phân công bảo vệ phía sau trong trường hợp quân đội Cộng hòa dám tấn công vào ban đếm. Hai giờ trước khi đi, viên chỉ huy đã cử hai trinh sát địa phương thăm dò đường rút về phía đông và tập hợp ghe thuyền chở những người bị thương theo kênh đến trạm cứu thương của căn cứ gần nhất. Khi trinh sát chở về, ông bàn bạc với các sĩ quan của mình để chọn con đường chắc chắn nhất. Ông cử một tiểu đội trở lại ấp Bắc tìm xác Dũng và đồng đội để được chôn cất theo vinh dự dàng cho họ. Dũng đã đứng lên trước xe bọc thép và trước các bạn còn sống, bị máy bay hoặc một loạt trọng pháo bắn chết một lúc sau đó. Tiểu đội trở về không có xác đồng đội, không tìm được trong bóng tối và sợ có tiếng động trong xóm vì những chiếc M-113 đóng quân ban đêm gần đấy. Trong báo cáo trận đánh họ viét “Đồng chí Dũng đã không thể trở về với chúng ta”.

Lúc 22 giờ, hai đại đội theo hàng dọc đi về hướng căn cứ Đồng Tháp Mười. Dân quân địa phương và nông dân ấp Bắc, Tân Thới đã hỗ trợ họ trong suốt cuộc chiến cũng đi theo một con đường khác về chỗ trú ẩn trong những rừng dừa lân cận. Đi đầu là các toán quân chủ lực của Tiểu đoàn 261 đã chống cự ở ấp Bắc. Giữa hàng quân , lính bộ binh mang những người bị thương và những người chết sẽ được làm lễ an táng trang trọng. Quân địa phương của Tiểu đoàn 514 đi đoạn hậu với một trung đội bảo vệ phía sau. Những người này di chuyển trong tình đồng đội và đã có thói quen bước đi trong đêm. Họ chuyển những người bị thương xuống thuyền đang chờ trên kênh. Hàng quân tiếp tục đi đến một chỗ lội qua sông, tiến lên không bị phát hiện và về đến trại lúc 7 giờ sáng. Họ đã làm được nhiều hơn việc thắng một trận, mang về một thắng lợi theo kiểu Việt Nam cũng như tổ tiên hộ đã làm từ nhiều thế kỷ. Họ đã chiến thắng quân địch mạnh hơn họ.

Vann tỏ lòng tôn kính họ lúc họ vừa bắt đầu rút lui. Điều đó đúng đã đến với anh vì anh là người báo tin của số phận. Không có anh, Bá có lẽ còn lờ đờ khá lâu để đến ấp Bắc quá chậm chiến đấu. Trong quyết định phải thắng quân địch, anh hối thúc buộc xe bọc thép tiến nhanh. Như vậy, anh dồn ép cuộc chiến đến mức nhục mạ cao độ quân lực Sài Gòn và đưa lại chiến thắng cho Việt cộng.

Đêm ấy tôi đi xe đến Tân Hiệp cùng Nicholas Turner, người New Zealand, thông tín viên hãng thông tấn Reuter và Nguyễn Ngọc Rao, phóng viên UPI. Những tin tức chúng tôi nắm được ở Sài Gòn về năm chiếc trực thăng bị bắn hạ, những đội quân được máy bay chở đến thả giữa chiến trường thật kỳ lạ khiến chúng tôi quyết định đến tại chỗ để xem điều gì đã xảy ra. Chúng tôi sợ bị bắt hoặc cầm tù ở một trong những rào chắn thường Việt cộng ngăn chặn về đêm. Nhưng chắc chắn chúng tôi mạo hiểm hơn hiều khi ngồi trên chiếc Triumph nhỏ của Turner đi mỗi giờ 100 cây số trên con đường nhựa hai chiều.

Cao đang trong tình trạng không muốn nói chuyện với chúng tôi. Ông ta bước ngang dọc trước lều chỉ huy, không ngớt đưa hai tay lên vuốt tóc như bị chi phối bởi một cơn thần kinh. Khi tôi tiến lại để hỏi ông một vài câu, ông nhìn thẳng vào tôi một lúc rồi  nói những câu rời rạc và đi xa ra.

Một trong những đại úy  của Vann đi tìm anh cho chúng tôi. Vann đưa chúng tôi lại cuối đường băng, xa ánh sáng những ngọn đèn treo trên dây lều. Anh không muốn Cao, Đạm và những sĩ quan Việt Nam khác thấy anh nói chuyện với chúng tôi. Anh rất thật thà nhưng đêm ấy cố nén giận, nghĩ đến hậu quả của việc báo chí công bố những chi tiết tệ hại của sự tan vỡ này. Anh kể với chúng tôi Việt cộng đã chống cự như thế nào trước sự tấn công của xe bọc thép và những đợt dội bom hàng loạt. Anh nhìn về phía ấp Bắc ban đêm trong lúc người ta nghe xa xa tiếng ì ầm của trọng pháo và đạn pháo sáng thỉnh thoảng soi rõ bầu trời mặc dù Cao đã có lệnh cấm. Rồi anh nói với chúng tôi :

“Họ thật dũng cảm, họ đã cho chúng ta một hình ảnh đẹp về bản thân họ ngày hôm nay”.

1 nhận xét:

Angelika nói...

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple @ gmail)