Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Tấn thảm kịch và những bài học về Việt Nam - Phần 2 (Robert S.McNamara)


8

NGỪNG NÉM BOM NHÂN DỊP LỄ GIÁNG SINH,
MỘT CỐ GẮNG ĐI ĐẾN ĐÀM PHÁN KHÔNG THÀNH
NGÀY 29/7/1965 - 30/1/1966


Tôi đã nghe người ta nói về sự khác nhau giữa kết quả và hậu quả: kết quả là những gì người ta mong đợi, còn hậu quả là những gì người ta nhận được. Điều này chắc chắn áp dụng được cho những giả thuyết của chúng tôi về Việt Nam trong mùa hè và mùa thu năm 1965. Thực tế trùng hợp với những dự đoán. Chúng tôi vừa bắt đầu thực hiện kế hoạch tăng đáng kể quân ở Việt Nam thì nó cũng trở nên rõ ràng rằng có lý do khiến phải đặt câu hỏi về chiến lược mà dựa vào đó, kế hoạch này được xây dựng lên. Một cách chậm chạp, khả năng hạn chế đến đau đớn và thất vọng của các hoạt động quân sự trở nên rõ ràng một cách cay đắng. Tôi vẫn luôn tin mọi vấn đề đều có thể giải quyết được, nhưng lúc đó tôi đã thấy mình đang đối mặt với một vấn đề không thể giải quyết được, một vấn đề có liên quan tới uy tín quốc gia và sự sống của con người.

Cảm giác của tôi về cuộc chiến dần dần chuyển từ lo lắng sang hoài nghi, rồi thất vọng hụt hẫng, rồi đau khổ. Sự chuyển biến này không phải do sự mệt mỏi, như đôi khi vẫn được viện làm lý do, mà bởi vì sự lo lắng đang tăng lên của tôi trước việc ngày càng có nhiều người bị giết và đơn giản là chúng tôi đã không đạt được những mục tiêu của mình.



Trong những ngày sau tuyên bố 28/7/1965 của Tổng thống Johnson, hầu hết người dân Mỹ - trí thức, nghị sĩ, báo chí, dân thường - đã bày tỏ ủng hộ đối với quyết định của Tổng thống. Cuối tháng Tám, khi cuộc trưng cầu của Viện Gallup hỏi: “Bạn đồng ý hay không đồng ý với cách Chính quyền Johnson đang giải quyết tình hình ở Việt Nam?”, thì 57% đồng ý trong khi có 25% không đồng ý so với tỷ lệ 48% và 28% hai tháng trước đó. Một cuộc điều tra của Harris hồi tháng Chín cho thấy “tỷ lệ người Mỹ ủng hộ lời tuyên bố Việt Nam là mảnh đất để nước Mỹ đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản ở châu Á là 70-30” và cuộc điều tra chỉ ra rằng “đa số công chúng tin là cuộc chiến tranh Việt Nam sẽ còn kéo dài nhiều năm nữa”1.


Vào chính lúc này, khi sự ủng hộ của công chúng cho cuộc chiến tranh trở nên vững chắc hơn lúc nào hết, thì đã xuất hiện những dấu hiệu của sự rắc rối. Tại một cuộc họp của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) ngày 5/8, Max Taylor, người trở thành cố vấn của Tổng thống sau khi Henry Cabot Lodge (Jr.), trở lại Sài Gòn nhận nhiệm kỳ đại sứ lần thứ hai, đã dự đoán một cách tin tưởng là cuộc tấn công của cộng sản sẽ bị đánh bại vào cuối năm và năm 1966 có thể sẽ là “một năm quyết định” đối với nước Mỹ2. Nhưng cùng ngày hôm ấy, Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân đã hoàn tất một trò chơi chiến tranh mới. Sigma II-65, gây nghi ngờ về những dự đoán của Max và những giả thuyết tạo cơ sở cho chiến lược quân sự của chúng tôi. Trái với niềm tin là chúng tôi có thể tiến hành các chiến dịch quy mô lớn ở trên bộ và giành được chiến thắng, bản báo cáo về kế hoạch Sigma II-65 cho thấy “cảm giác của những người tham gia là việc Việt cộng áp dụng chiến lược tránh các trận đánh lớn với quân Mỹ sẽ làm cho chiến thuật truy lùng và tiêu diệt gặp khó khăn... Kinh nghiệm chiến đấu trong các khu rừng và chiến tranh du kích của Việt cộng... sẽ gây ra những khó khăn, thậm chí đối với cả lính chính quy Mỹ được trang bị tốt và có tính cơ động cao”. Về việc ném bom, bản báo cáo lưu ý: “Có cảm giác là... giới lãnh đạo Hà Nội sẽ chịu đựng được sự trừng phạt đang được thực hiện... dựa vào thực tế đây là một nước với một nền kinh tế tự cung tự cấp xoay quanh mô hình làng tự lực… Các hoại động công nghiệp đóng một phần hạn chế trong toàn bộ nền kinh tế, do đó việc quấy phá nó có vẻ là một cái giá chấp nhận được3.

Những kết luận của bản báo cáo làm cho tôi lo lắng nhiều nhưng dường như lại ít có ảnh hưởng đối với những người khác ở Lầu Năm Góc và trong Chính phủ. Điều này có thể đã phản ánh thực tế là tin tức trong tháng Tám về Việt Nam là đáng khích lệ. Quân Mỹ đã giành được một thắng lợi quan trọng trong trận giao chiến lớn đầu tiên với Việt cộng diễn ra từ ngày 18/8 đến ngày 21/8 tại bán đảo Sơn Trà, phía Nam căn cứ lính thủy đánh bộ ở Chu Lai. Chiến dịch này cùng với hàng loạt lời phát biểu trên tạp chí Newsweek trong mùa thu năm 1965 của Bernard Fall, một học giả nổi tiếng về Đông Dương, người nhấn mạnh tầm quan trọng quyết định của việc Mỹ ngày càng có mặt ở Việt Nam, đã thuyết phục nhiều người là nỗ lực của Mỹ không thể thất bại.*4
______________________________________
1. Xem The Washington Post, 27/8 và 12/9/1965.
2. Xem Bản tóm lược cuộc họp thứ 554 của NSC, 5/8/1965, 6 giờ chiều, NSF LBJL.
3. Sigma II-65, Báo cáo cuối cùng, tr. D-4 và D-5, LBJL.
* Nỗi lo lắng tăng lên về tính hiệu quả của các chiến dịch quân sự của Mỹ đã làm cho Fall từ bỏ niềm tin là công nghệ và sức mạnh của nước Mỹ không thể không áp đảo. Trước khi qua đời năm 1967, ông ta đã thay đổi lập trường mà ông ta đã thể hiện trên tạp chí Newsweek năm 1965.
4. Xem “Kính ngắm”, Newsweek, 27/9/1965, và “Người thực tế”, Newsweek, 11/10/1965 và cả Bernard Fall, “Cuộc chiến chớp nhoáng ở Việt Nam”, Nước Cộng hoà mới, 9/10/1965, tr. 17-21 và 13/11/1965, tr. 33-34.

Khi quân Mỹ đổ vào Việt Nam, Tướng Westmoreland đã đưa ra một bản báo cáo đặc biệt nêu lên mục tiêu của Mỹ ở Nam Việt Nam và chiến lược quân sự nhằm đạt được mục tiêu đó. Với đầu đề “Khái niệm về các chiến dịch ở Việt Nam Cộng hoà”, bản báo cáo ra ngày 1/9/1965 đã xác định những mục tiêu của chúng tôi là “kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam Cộng hoà bằng cách làm cho Việt cộng và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà (Bắc Việt Nam) tin là không thể có thắng lợi về quân sự được, và từ đó buộc họ đi đến một hiệp định có lợi cho Việt Nam Cộng hoà (Nam Việt Nam) và nước Mỹ”. Cuộc chiến tranh trên bộ sẽ được tiến hành theo ba giai đoạn với một thời gian biểu cụ thể. Giai đoạn 1 sẽ chặn các bước tiến của cộng sản - “để tránh thua trận” - và sẽ kéo dài tới ngày 31/12/1965. Giai đoạn 2 sẽ bao gồm việc tấn công các lực lượng cộng sản và mở rộng chương trình bình định nhằm “giành trái tim và tình cảm” của nông dân Nam Việt Nam. Chương trình này sẽ kéo dài từ ngày 1/1 tới ngày 30/6/1966. Trừ phi cộng sản đầu hàng thì giai đoạn 3 sẽ được đưa vào để “phá tan hay làm mất hiệu quả của các đơn vị có tổ chức còn lại của Việt cộng và các khu căn cứ của chúng”. Nó có thể sẽ kéo dài từ ngày 1/7/1966 tới tận ngày 31/12/1967. Bản báo cáo nhấn mạnh rằng “vì các lý do chính trị và tâm lý, cuộc xung đột phải luôn giữ tính chất Việt Nam”. Hiển nhiên là điều kiện này đã không được đáp ứng1.

Westmoreland cũng sơ lược cho thấy ông ta đã lập kế hoạch như thế nào để thực hiện những trách nhiệm của mình với chiến lược quân sự hai gọng kìm mà Tổng thống, Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân và các quan chức cấp cao, kể cả tôi, đã chấp nhận làm cơ sở để kết thúc cuộc chiến tranh. Gọng kìm chính - cuộc chiến tranh trên bộ - dự định cho Hà Nội và Việt cộng thấy là họ không thể giành được miền Nam bằng vũ lực. Gọng kìm phụ - ném bom miền Bắc - với ý định làm giảm ý chí và khả năng hỗ trợ Việt cộng của Hà Nội và cũng nhằm làm tăng cái giá mà họ phải trả để thực hiện được điều đó. Chúng tôi đã tin là hai gọng kìm sẽ đưa đến một giải pháp.

Một vài nhà phê bình đã quả quyết là nước Mỹ thiếu một chiến lược quân sự ở Việt Nam. Thực ra chúng tôi cũng có một chiến lược - nhưng việc thực hiện nó có những sai lầm lớn. Chiến lược của Westmoreland ngầm cho rằng bình định và ném bom sẽ ngăn chặn cộng sản bù đắp lại những thiệt hại do quân đội Mỹ và Nam Việt Nam gây ra cho họ thông qua việc tuyển quân ở miền Nam và chi viện từ miền bắc. Giả thuyết quan trọng đó đã đánh giá sai hoàn toàn về khả năng bổ sung thêm quân của cộng sản ở miền Nam giữa lúc chiến tranh và tiếp viện từ miền Bắc bất chấp các cuộc không kích của chúng tôi. Hơn nữa, các nhà lãnh đạo quân sự và dân sự Mỹ đều cho rằng quân đội Mỹ và Nam Việt Nam có thể đánh xé lẻ Việt cộng và quân chính quy của Bắc Việt Nam trong một cuộc chiến tranh thông thường. Sau đó khả năng cơ động và hoả lực của Mỹ cùng với ném bom ngăn chặn hàng tiếp tế và quân tiếp viện từ miền Bắc vào, sẽ buộc họ phải đi đến một giải pháp. Nếu Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam từ chối chiến đấu theo những điều kiện của chúng tôi và quay trở lại với chiến thuật đánh-và-rút, như một số người nghĩ thì chúng tôi cho rằng quân Mỹ và Nam Việt Nam được hỗ trợ mạnh mẽ bởi chương trình bình định, có thể sẽ tiến hành thành công cuộc chiến tranh chống du kích. Và cuối cùng, chúng tôi đã cho rằng chương trình bình định ở miền Nam sẽ là chính sách bảo đảm chặn không cho những phần tử nổi dậy có thể nhận được hàng tiếp tế và bổ sung thêm quân ở miền Nam. Westmoreland đã vạch ra một chiến lược như vậy tại cuộc họp ngày 17/7 của chúng tôi ở Sài Gòn và tôi đã đề cập đến chiến lược này trong bản cáo báo ngày 20/7 của tôi gửi Tổng thống.

Tất cả những giả thuyết này của chúng tôi đều tỏ ra sai lầm. Chúng tôi đã không buộc được Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam chiến đấu theo những điều kiện của chúng tôi. Chúng tôi đã không thực hiện được một cuộc chiến tranh chống du kích có hiệu quả. Và ném bom cũng không làm giảm được xuống dưới mức cần thiết việc vận chuyển quân và hàng hoá vào miền Nam, hay làm yếu được ý chí tiếp tục cuộc chiến của miền Bắc.

Với sự đồng ý ngầm của Washington, Westmoreland đã tiến hành một cuộc chiến tranh gây tiêu hao sinh lực, mà mục tiêu chính của nó là phát hiện và tiêu diệt dần Việt cộng và các đơn vị quân chính quy của Bắc Việt Nam. Không có bất kỳ một sự lựa chọn nào khác ngoài chiến lược tỏ ra có khả năng tồn tại là chiến lược “tìm và diệt”; trong khi quyết định không xâm chiếm Bắc Việt Nam bởi có nguy cơ bị cuốn vào một cuộc chiến tranh với Trung Quốc và/hoặc Liên Xô (một nguy cơ mà chúng tôi quyết tâm hạn chế tối đa) và chúng tôi chần chừ mở rộng các chiến dịch trên bộ sang Lào và Campuchia. Westmoreland lý luận là tiêu diệt Việt cộng và các đơn vị chính quy của Bắc Việt Nam sẽ có thể ổn định Sài Gòn về chính trị và giành được sự tin tưởng của người dân Nam Việt Nam, từ đó buộc kẻ thù phải hoặc rút lui hoặc đàm phán về một giải pháp có lợi cho Nam Việt Nam.
_____________________________________
1. USMACV, “Quan niệm về các chiến dịch tại Việt Nam Cộng hoà”, 1/9/1965, tài liệu của Capital Legal Foundation, Hộp số 58F, LBJL.

Nhà lịch sử quân sự và cựu Trung tá chuyên nghiệp Andrew F. Krepinevich đã buộc tội Westmoreland là tự dối mình. Ông ta đưa ra lý lẽ là Westmoreland “đã chỉ đơn giản phát triển một chiến lược để phù hợp với phương thức hoạt động, cơ cấu quân và học thuyết được quân đội thích hơn”. Ông ta tiếp tục giải thích: “Từ bỏ cơ hội giành chiến thắng bằng cách đánh hủy diệt có tính chất quyết định vào Bắc Việt Nam, quân Mỹ nhận thấy rằng chiến lược tiêu hao sinh lực là phù hợp nhất với kiểu chiến tranh mà quân đội đã được chuẩn bị để tham gia... Không gì khác ngoài sự phát triển tự nhiên của phương thức tổ chức để đạt thắng lợi là dựa vào tấm lá chắn sự giàu có, ưu thế về công nghệ của Mỹ và lòng căm thù sâu sắc của dân tộc về những thương vong của binh lính Mỹ”. Krepinevich giải thích tiếp:

Trong khi xây dựng chiến lược, Việt Nam sử dụng các phương pháp quân sự đã thành công trong các cuộc chiến tranh trước đây, quân đội đã làm tổn thương khả năng chiến thắng của mình trước... các hoạt động nổi dậy với một cái giá chấp nhận được. Trong khi tập trung vào việc làm tiêu hao sinh lực của địch chứ không phải vào việc đánh bại kẻ thù bằng cách cắt sự tiếp cận của họ với dân chúng, MACV đã bỏ lỡ mọi cơ hội để giáng cho quân nổi dậy một đòn chí mạng... Ngoài ra, trong những nỗ lực nhằm gây tổn thất lớn nhất về quân sự cho cộng sản, quân đội vẫn thường bỏ qua yếu tố quan trọng nhất trong chiến lược chống nổi dậy - đó là nhân dân1.

Tướng William E. Depuy, sĩ quan chiến dịch và người lập kế hoạch chính của Westmoreland thời kỳ 1965 - 1968, trong một cuộc phỏng vấn năm 1988 đã đưa ra một quan điểm tuy khác lạ nhưng không kém mạnh khi ông ta nói: “(Chúng ta) rốt cuộc đã thấy rằng chúng ta đã không thể kéo (Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam) vào các cuộc chiến thường xuyên hơn nữa để có thể chiến thắng họ trong một cuộc chiến tranh tiêu hao... Chúng ta đã kiêu ngạo vì chúng ta là người Mỹ và chúng ta là những người lính và những lính thủy đánh bộ, và chúng ta có thể thực hiện được điều đó, nhưng hoá ra đó lại là một quan niệm sai lầm, trong khi họ có những vùng đất thánh và thựctế là Đường mòn Hồ Chí Minh không bao giờ bị khép lại. Đó là một quan niệm quân sự sai lầm”2.

Tại sao lại thất bại? Tướng Bruce Palmer (Jr.), người mà trước đây tôi đã từng trích dẫn quan điểm của ông về chiến tranh bằng không quân, đã đưa ra một lời giải thích mang tính thôi thúc. Palmer viết: “Các Tham mưu trưởng vì đã thấm nhuần tư tưởng “có thể làm được”, nên đã không thể đưa ra... một lời bác bỏ, hay tỏ ra thiếu trung thành”.3

Điều đó chắc chắn giải thích một phần nguyên nhân thất bại. Nhưng Tổng thống, tôi và những người khác trong số những cố vấn dân sự của Tổng thống phải chia sẻ gánh nặng trách nhiệm vì đã tán thành tham gia chiến tranh du kích với những chiến thuật quân sự thông thường chống lại một kẻ thù sẵn sàng chấp nhận những mất mát to lớn ở một đất nước không có ổn định chính trị cần thiết để tiến hành các chiến dịch quân sự và bình định có hiệu quả. Điều đó đã không thể làm được và đã khống được thực hiện.
________________________________
1. Andrew F. Krepinevich, Quân đội và Việt Nam (Baltimore: Nhà xuất bản trường Đại học Tổng hợp Johns Hopkins, 1986), tr. 164, 196 và 259.
2. CRS phỏng vấn tướng William E. DePuy, 1/8/1988, trích dẫn trong Chính phủ Mỹ, phần 4, Tháng 7/1966- 1/1968 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1994), tr. 50.
3. Palmer, Cuộc chiến tranh 25 năm, tr. 45-46.

Mùa thu năm đó, cộng sản đã đáp lại việc leo thang quân sự của chúng tôi bằng cách tuyển thêm quân ở miền Nam, củng cố hệ thống phòng không ở miền Bắc và đẩy mạnh việc vận chuyển quân và hàng tiếp viện theo Đường mòn Hồ Chí Minh. Đơn giản là họ thích ứng với sự hiện diện ngày càng tăng của Mỹ. Đầu tháng Chín, Westmoreland đã đề nghị tăng thêm 35.000 quân nữa, nâng tổng số từ 175.000 lên 210.000 vào cuối năm. Sức ép tăng thêm quân mỗi ngày lại lên cao. Giữa tháng Mười, Westmoreland gửi cho chúng tôi những dự tính về các yêu cầu của năm 1966 đã được sửa đổi. Thay cho con số 275.000 vào tháng 7/1966 mà trước đây ông ta yêu cầu, nay ông ta đòi 325.000 với khả năng sau này còn tăng nữa và không đảm bảo là Mỹ sẽ đạt được những mục tiêu của mình1.

Những yêu cầu tăng thêm quân của Westmoreland làm tất cả chúng tôi lo lắng. Chúng tôi lo đây sẽ là sự khởi đầu của một cam kết không giới hạn. Đà của chiến tranh và khả năng không đoán trước được của sự kiện tràn ngập trong những tính toán cuối tháng 7 của Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân và những dự đoán đầu tháng 9 của Westmoreland. Tôi đã cảm thấy mọi chuyện đang tuột dần ra ngoài sự kiểm soát của chúng tôi.

Nỗi lo sợ ấy đã tăng lên khi các Tham mưu trưởng đề nghị mở rộng các cuộc không kích vào Bắc Việt Nam bao gồm các mục tiêu ở Hà Nội và Hải Phòng và các khu vực khác gần biên giới với Trung Quốc. Tổng thống và tôi đã bác bỏ đề nghị của họ, một phần vì chúng tôi nghi ngờ là những cuộc tấn công như vậy sẽ làm suy yếu đáng kể khả năng duy trì của Việt cộng ở miền Nam hoặc thuyết phục Hà Nội từ bỏ, nhưng cũng một phần vì những hành động như vậy sẽ làm tăng nguy cơ của một cuộc đối đầu với Trung Quốc, như đã từng xảy ra ở Triều Tiên 15 năm trước đó2.

Giữa lúc sự chia rẽ ngày càng tăng trong Chính phủ xung quanh chiến dịch trên không, tôi đã đề nghị Tổng thống chỉ định một nhóm đặc biệt nghiên cứu về ảnh hưởng của việc ném bom đối với ý chí và khả năng tiếp tục cuộc chiến của Hà Nội. Tổng thống Johnson đã đồng ý và chỉ định Tommy Thompson, Max Taylor, John McNaughton và Bill Bundy. Nhóm Thompson, như sau này người ta biết đến, ngày 11/10 đã đệ trình một bản báo cáo. Những kết luận của nhóm giống với những đánh giá và lập luận của Tổng thống và tôi. Leo thang chiến tranh trên không có thể gây ra một phản ứng mạnh mẽ về quân sự của Trung Quốc và/hoặc Liên Xô. Đặt thủy lôi ở Hải Phòng và các cảng khác có thể làm đắm các tầu của Liên Xô và làm cho Bắc Việt Nam ngày càng phụ thuộc vào việc vận chuyển đường bộ từ Trung Quốc, qua đó tăng ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với Hà Nội. Bắc Việt Nam dường như không chịu đàm phán trong khi đang bị tấn công. Nhóm Thompson gợi ý dừng ném bom một thời gian dài để thử mối quan tâm của Hà Nội đối với các cuộc đàm phán3.
___________________________________
1. Xem WB, VNMS, Chương 31, tr. 31-32.
2. JCSM-670-65, Wheeler gửi McNamara, 2/9/1965, mô tả trong PP, t.4, tr. 29; và McNamara gửi Wheeler, “Ném bom đánh phá Bắc Việt Nam”, 15/9/1965, Tập biên bản 330, Lưu trữ Quốc gia.
3. Xem Báo cáo của Thompson, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ của Lot số 85, D 240 (Tài liệu của William Bundy).

Tại những nơi khác ở châu Á, các sự kiện xảy ra trong mùa xuân năm 1965, sau này mới nhận ra, đã làm thay đổi quan trọng cán cân lực lượng ở khu vực và làm giảm đáng kể lợi thế của Mỹ ở Việt Nam. Tuy nhiên, vào lúc đó, chúng tôi đã không nhận ra những ý nghĩa của các sự kiện đó.

Trung Quốc chịu một vài thoái trào nghiêm trọng. Đầu tháng 8, xung đột bùng nổ giữa Ấn Độ, đồng minh của Liên Xô, và Pakistan, đồng minh của Trung Quốc, về lãnh thổ Kashmir dưới chân dãy Himalayas. Trung Quốc đã khai thác việc Ấn Độ đang bận tâm với cuộc khủng hoảng để đưa quân tới biên giới với Ấn Độ và đòi hỏi những nhượng bộ về lãnh thổ. Nhưng Ấn Độ đã thắng trong cuộc xung đột với Pakistan, đặt quân Trung Quốc ở vào thế yếu và rồi phải nhanh chóng rút lui. Kết quả thực tế về mặt địa - chính trị là Liên Xô được, còn Trung Quốc thì mất.

Trung Quốc cũng bị mất cơ sở ở Inđônêxia, nơi đang rung chuyển bởi một cuộc điều chỉnh liên minh chính trị lớn vào tháng 10. Cho đến lúc đó, rõ ràng là Giacácta đang chuyển động theo quỹ đạo của Trung Quốc. Chẳng hạn, ngày 17/8, nhà lãnh đạo của Inđônêxia Sukamo chỉ trích mạnh mẽ Washington và đã nói tới một trục “Bắc Kinh -Giacácta - Hà Nội - Phnôm Pênh”. Nhưng chẳng bao lâu sau đảng Cộng sản Indônêxia (PKI) được Trung Quốc ủng hộ đã tiến hành một cuộc đảo chính mà cuối cùng đã thất bại thảm hại. Tư tưởng chống cộng và tư tưởng bài ngoại tràn qua đất nước; trong vụ bạo lực sau đó, Sukamo đã bị đánh đổ và khoảng 300.000 đảng viên của PKI bị giết. Quốc gia lớn nhất và đông dân nhất ở Đông Nam Á này đã thay đổi hướng đi và giờ đây nằm trong tay của những người dân tộc chủ nghĩa độc lập do Suharto lãnh đạo (Suharto vẫn nắm quyền cho tới nay). Trung Quốc ban đầu hy vọng một chiến thắng to lớn, nhưng thay vào đó đã phải chịu một sự tụt hậu mãi mãi.

George F. Kennan, mà chiến lược ngăn chặn của ông là một nhân tố quan trọng trong cam kết quân sự của chúng tôi với Nam Việt Nam, đã đưa ra lý luận tại cuộc điều trần của Thượng viện ngày 10/2/1966, là “Trung Quốc đã phải chịu một thất bại lớn ở Inđônêxia,... một sự kiện có ý nghĩa quan trọng và hạn chế mọi hy vọng bành trướng quyền lực của họ”. Sự kiện này đã làm giảm nhiều lợi ích của Mỹ ở Việt Nam. Ông ta đã quả quyết là hiện nay tồn tại ít những con domino và chúng dường như đều không có mấy khả năng sụp đổ*1.

Quan điểm của Kennan đã không được chúng tôi chú ý, và do đó, không có ảnh hưởng đối với những hành động của chúng tôi. Nhưng những lời phát biểu ngày 2/9/1965 của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc, Nguyên soái Lâm Bưu thì lại làm được điều đó. Trình bày khái niệm “chiến tranh nhân dân” Lâm đã kêu gọi “các vùng nông thôn trên thế giới” (các nước đang phát triển) chiếm lấy “các thành phố” (các quốc gia công nghiệp hoá) thông qua các cuộc cách mạng vũ trang trong nước. Ông ta chế nhạo quân Mỹ ở Việt Nam và nói “cuộc chiến đấu cổ điển”, của nhân dân Việt Nam chắc chắn đem đến thất bại nhục nhã cho một nước Mỹ đã vươn ra quá xa. Chính quyền Johnson - kể cả tôi - đã coi lời phát biểu trên là hiếu chiến và hung hăng, cho thấy dấu hiệu sẵn sàng của một nước Trung Quốc bành trướng, nuôi dưỡng lực lượng “trong nước” trên toàn thế giới và giúp họ lấn tới khi thời cơ đến. Những nhận xét của Lâm đối với chúng tôi dường như là một biểu hiện rõ rệt của cơ sở của thuyết Domino.

Nhìn lại, ta có thể thấy những sự kiện của mùa thu năm 1965 là những bước lùi rõ ràng đối với Trung Quốc, dẫn đến việc nước này hướng vào giải quyết những vấn đề trong nước và tiến hành cuộc Cách mạng Văn hoá vào năm sau. Chuỗi những sự kiện tiêu cực này đã dẫn đến việc Trung Quốc rút lui khỏi sự tham gia tích cực vào các công việc quốc tế trong hơn một thập kỷ. Nhưng bị loá mắt bởi những giả thuyết của chúng tôi và bận rộn với cuộc chiến đang nhanh chóng leo thang, chúng tôi - như hầu hết các nhà lãnh đạo phương Tây khác tiếp tục nhìn nhận Trung Quốc như là một mối đe doạ nghiêm trọng ở châu Á và các nơi khác trên thế giới.
_____________________________________
* Tôi chắc là George sẽ thấy đau đớn khi nghĩ rằng một quan chức cấp cao của Chính phủ Mỹ coi cuộc can thiệp vào Việt Nam là một sự mở rộng lôgic của “chiến lược ngăn chặn”. Không chắc là ông ta đã hình dung ra việc mở rộng chiến lược này ra trên toàn cầu đến mức độ này.
1. Trích dẫn trong Điều trần về Việt Nam (New York: Vintage Books, 1966), tr. 140.

Trong khi Trung Quốc chuyển sang hướng nội, thì nước Mỹ đã tăng sự hiện diện của mình ở Việt Nam. Cuộc chiến tranh ngày càng mang vẻ bề ngoài và hơi hướng của một doanh nghiệp Mỹ. Điều này đã làm nổ ra một vài lời phê phán ở Mỹ, nhưng các cuộc thăm dò vẫn tiếp tục cho thấy sự ủng hộ rộng rãi của công chúng đối với chính sách của Tổng thống Johnson. Tại Quốc hội, khoảng mười Thượng nghị sĩ và bảy mươi Hạ nghị sĩ đã lên tiếng chỉ trích nặng nề - kể cả những nhân vật có thế lực như William Fulbright, Mike Mansfield và Wayne Morse - nhưng nói chung, ngành lập pháp vẫn ủng hộ. Báo chí, chỉ trừ một vài nhà bình luận nổi tiếng, cũng tiếp tục ủng hộ Tổng thống.

Cho tới thời gian đó, biểu tình phản đối chiến tranh xảy ra lác đác và hạn chế, và không gây được sự chú ý. Rồi buổi chiều ngày 2/11/1965 đã đến. Vào lúc tranh tối tranh sáng ngày hôm ấy, một thành viên trẻ của Hội Bạn hữu tên là Norman R. Morrison, cha của ba đứa con và là một cán bộ của Stoney Run Friends Meeting ở Baltimore, đã tự thiêu cách cửa sổ văn phòng ở Lầu Năm Góc của tôi có 40 feet (12 mét). Anh ta đã tự đổ xăng lên mình. Lúc người anh ta bốc cháy, anh ta đang bế đứa con gái một tuổi trên tay. Những người đứng ngoài đã kêu lên “Cứu lấy đứa bé” và anh ta đã ném đứa con ra. Cô bé sống sót và không bị thương.

Sau cái chết của Morrison, vợ anh ta đã đưa ra một tuyên bố:

Norman Morrison đã hy sinh cuộc đời mình để bày tỏ mối lo ngại về tổn thất lớn lao về sinh mạng và sự đau khổ của con người do chiến tranh ở Việt Nam gây ra. Anh đã phản đối sự dính líu sâu về quân sự của Chính phủ vào cuộc chiến tranh này. Anh đã cảm thấy rằng mọi người dân phải nói ra những lời phán xét của mình đối với hành động của đất nước mình1.

Cái chết của Morrison không chỉ là một bi kịch đối với gia đình anh ta, mà còn là một bi kịch đối với tôi và đất nước. Đó là lời phản đối sự giết chóc đang tàn phá cuộc sống của biết bao thanh niên Việt Nam và Mỹ.

Tôi đã phản ứng lại nỗi kinh hoàng về hành động của anh ta bằng cách che đậy những tình cảm của mình và né tránh nói về những tình cảm đó với bất cứ ai – thậm chí với cả gia đình tôi. Tôi biết Marg và ba đứa con chúng tôi cùng chia sẻ những tình cảm về chiến tranh của Morrison cũng như những người vợ và những đứa con của một vài đồng nghiệp trong nội các của tôi. Và tôi tin là tôi hiểu và chia sẻ một vài suy tư của anh ta. Có nhiều điều Marg và tôi và bọn trẻ lẽ ra phải nói tới, nhưng vào những lúc như thế này tôi lại thường suy tư một mình - đây là một sư mềm yếu sâu sắc. Sự kiện này đã làm sự căng thẳng trong nước trở nên sâu sắc thêm vì sự bất đồng và chỉ trích chiến tranh tiếp tục tăng.

Ba tuần sau, ngày 27/11, có khoảng hai vạn đến ba vạn rưởi người phản đối chiến tranh đã tuần hành về Nhà Trắng. Được SANE (Ủy ban Chính sách hạt nhân lành mạnh) bảo trợ và đi đầu là Sanford Gottlieb, một trong những nhà tổ chức chống chiến tranh tích cực và có trách nhiệm nhất, cuộc tuần hành đã diễn ra hoà bình và trật tự. Vài ngày sau Tiến sĩ Benjamin Spock, bác sĩ nhi khoa nổi tiếng toàn đất nước, và Giáo sư H. Stuart Hughes của Trường Đại học Harvard, Đồng Chủ tịch của SANE, đã gửi cho Hồ Chí Minh một bức điện cho biết SANE đã bảo trợ cuộc tuần hành và giục Người chấp nhận lời đề nghị đàm phán của Mỹ. Họ viết: “Các cuộc biểu tình vẫn sẽ tiếp tục nhưng sẽ không dẫn đến sự rút lui của Mỹ”2.

Tiếp theo sau đó, đã có thêm nhiều cuộc biểu tình.

Có lẽ một số người sẽ ngạc nhiên vì tôi cảm thấy thông cảm sâu sắc đối với những mối lo ngại của những người phản đối. Mary McGrory, một nhà bình luận cho tờ Washington Star, đã nêu được chính xác thái độ của tôi trong bài viết của cô ngày 3/12/1965:

Bộ trưởng Quốc phòng Robert S. McNamara coi những cuộc biểu tình gần đây không có gì đáng báo động, cũng không có gì đáng phải thất vọng.

Ý kiến của ông ta rõ ràng là thiểu số trong Lầu Năm Góc, nhưng nhà quản lý dân sự của bộ máy quân sự này lại là một người ủng hộ tự do ngôn luận.

Ông nói: “Dân tộc này có một truyền thống bảo vệ tự do ngôn luận và quyền có bất đồng chính kiến. Các chính sách của chúng ta trở nên mạnh hơn nhờ có tranh luận”.

Ngài Bộ trưởng là một người sùng bái Norman Thomas, nhà lãnh đạo xã hội chủ nghĩa đáng tôn kính, nhà hùng biện có ấn tượng nhất tại cuộc biểu tình hôm thứ Bảy tuần trước của chúng ta ở đây. Nhưng ông ta đặt vấn đề về luận điểm của Thomas là “sẽ thà nhìn thấy nước Mỹ cứu vớt linh hồn mình hơn là giữ thể diện ở Đông Nam Á”.

McNamara hỏi: “Anh cứu vớt linh hồn mình như thế nào? Anh có cứu vớt linh hồn mình bằng cách thoát ra khỏi tình huống này bằng cách thực hiện những cam kết của mình?”3.
________________________________________
1. New York Times, 3/11/1965, tr.1.
2. Xem New York Times, 29/11/1965.
3. PSRSM, 1965.

Trong khi các cuộc phản đối dâng lên trên khắp nước Mỹ thì việc Bắc Việt Nam và Việt cộng mở rộng các chiến dịch quân sự đã buộc Westmoreland phải xem xét lại và tăng đáng kể dự trù xin quân của mình. Trong khi đó, một vài người trong chúng tôi ở Washington, lại nỗ lực tìm cách đi đến đàm phán. Hai vấn đề này đã bao trùm các cuộc tranh luận trong chính quyền suốt các tháng 11, 12 và tháng giêng.

Ngày 7/11/1965, tôi gửi cho Tổng thống một bản báo cáo, bản báo cáo này cùng hai bản báo cáo khác vào các ngày 30/11 và 7/12 đã tạo cơ sở cho phần lớn các cuộc thảo luận vài tuần sau đó. Bản báo cáo mở đầu với lời lẽ như sau:

Quyết định hồi tháng Hai về việc ném bom Bắc Việt Nam và việc thông qua tháng bảy các cuộc triển khai quân giai đoạn 1 chỉ có ý nghĩa nếu chúng hỗ trợ chính sách lâu dài của nước Mỹ là ngăn chặn nước Trung Quốc cộng sản. Trung Quốc - giống nước Đức năm 1917, giống như nước Đức ở phía Tây và nước Nhật ở phía Đông vào những năm cuối thập kỷ 30 và Liên Xô năm 1947 - hiện ra như một cường quốc lớn đe doạ làm giảm tầm quan trọng và ảnh hưởng của chúng ta trên thế giới và tổ chức cả châu Á chống lại chúng ta tuy xa xôi nhưng cũng không kém phần nguy hiểm.

… Có ba mặt trận đối mặt với nỗ lực lâu dài kiềm chế Trung Quốc (nhận thức rằng Liên Xô “kiềm chế” Trung Quốc ở phía Bắc và Tây Bắc): (a) mặt trận Nhật Bản - Triều Tiên; (b) mặt trận Ấn Độ - Pakistan; và (c) mặt trận Đông Nam Á. Những quyết định ngày nay đòi hỏi nhiều đầu tư về con người, tiền bạc và danh dự quốc gia vào Nam Việt Nam, chỉ có ý nghĩa khi phù hợp với những nỗ lực thường xuyên có tầm ảnh hưởng tương đương tại những nơi khác ở châu Á và ở trên hai mặt trận chính khác. Những xu hướng ở châu Á đang đi theo hai hướng - đều ngược lại những lợi ích của chúng ta; không có lý do nào để bi quan quá mức về khả năng của chúng ta trong một hay hai thập kỷ tới... ngăn chặn Trung Quốc đạt được những mục tiêu của họ cho tới khi lòng nhiệt tình của họ giảm đi. Tuy nhiên, công việc - thậm chí nếu chúng ta có thể chuyển một vài trách nhiệm sang một số nước châu Á - sẽ còn đòi hỏi mối quan tâm, tiền của và đôi khi, rủi ro thay, cả sinh mạng của người Mỹ nữa.

Bất cứ quyết định tiếp tục chương trình ném bom Bắc Việt Nam và bất cứ quyết định triển khai quân giai đoạn 2 nào - bao gồm cả thiệt hại đáng kể về lính Mỹ như thường xẩy ra, những nguy cơ tiếp tục leo thang và việc đầu tư nhiều hơn danh dự nước Mỹ - phải được xem xét dựa trên những tiền đề liên quan tới những lợi ích lâu dài của chúng ta ở châu Á.

Tôi đã trích những đoạn dài ở trên vì sau này nhận thấy chúng cho ta một dẫn chứng về việc đánh giá hoàn toàn sai lầm về “Mối đe doạ của Trung Quốc” đối với an ninh của chúng ta, đã ảnh hưởng đến toàn bộ tư duy của chúng ta. Trong số những sai lầm khác, có những sai lầm là đã không xét đến sự thù địch hàng thế kỷ giữa Trung Quốc và Việt Nam (mà đã lại bùng lên sau khi Mỹ rút khỏi khu vực này), hay những bước lùi về thế lực của Trung Quốc do những sự kiện gần đây ở Ấn Độ, Pakistan và Inđônêxia gây ra, như tôi vừa mới nói ở trên. Tuy nhiên, theo tôi nhớ và theo những ghi chép, chúng phản ảnh quan điểm của tất cả, hay gần như tất cả, các nhà lập chính sách cấp cao của Mỹ. Ở đây, lại vẫn là sự thiếu chuyên sâu và thiếu hiểu biết về lịch sử đã phá hoại nghiêm trọng chính sách của Mỹ.

Bản báo cáo của tôi tiếp tục với một nhận định đáng buồn về tình hình ở Nam Việt Nam. Nó ghi nhận cuộc chiến tranh du kích tiếp tục ở mức độ cao các cuộc tấn công, phá hoại và khủng bố của Việt cộng đã không cho thấy dấu hiệu giảm bớt nào; Chính phủ Thiệu-Kỳ vẫn tồn tại, nhưng chúng làm được bao nhiêu; và tồi tệ hơn cả là việc kiểm soát chính trị của Sài Gòn ở vùng nông thôn, nơi phần lớn người dân Nam bộ sinh sống, đã suy yếu.

Sau khi trích nêu mục tiêu chính trị hiện thời của chúng tôi ở Nam Việt Nam - một nhà nước độc lập, phi cộng sản - tôi viết tiếp: “Vấn đề là liệu cuối cùng, chúng ta có nên chuẩn bị sẵn sàng cho một giải pháp thoả hiệp... mà có thể sớm gặp phải hay không”. Sau khi phân tích các kế hoạch thay thế mà chúng tôi có được, tôi đề nghị: (1) tăng lính Mỹ lên 350.000 vào cuối năm 1966 so với con số 275.000 mà Westmoreland đã ước tính vào tháng 7; (2) ngừng ném bom một tháng, tương tự như đề xuất của tôi hồi tháng 7 và khuyến nghị của Nhóm Thompson hồi tháng 10; và (3) cố gắng hết sức để bắt đầu các cuộc đàm phán. Tôi nhận thấy là các cuộc đàm phán vào lúc đó dường như khó có thể thành công, nhưng tôi đã lý giải là ngừng ném bom “sẽ tạo cơ sở cho việc ngừng ném bom một lần nữa, có lẽ là vào cuối năm 1966, và nó sẽ tạo khả năng cho một giải pháp”. Nếu ngưng ném bom mà chứng tỏ không có kết quả thì tôi kiến nghị tăng cường các cuộc tấn công Sấm Rền nhằm vào Bắc Việt Nam - không phải để giành chiến thắng (điều mà tôi cho là không thể thắng bằng không quân, mà chỉ là một kiểu huỷ diệt) mà là một gọng kìm của chiến lược hai gọng kìm của chúng tôi để chứng minh cho Việt cộng và Bắc Việt Nam thấy là họ không thể thắng ở miền Nam, đồng thời trừng trị Hà Nội vì tiếp tục hỗ trợ cuộc chiến tranh.

Tôi đã không can đảm. Quả thực, tôi đã có nói với Tổng thống là “không một hành động nào trong các hành động đó đảm bảo rằng sẽ thành công. Có một nguy cơ tuy nhỏ, nhưng có ý nghĩa, là kế hoạch mà tôi gợi ý... sẽ làm cho người Trung Quốc hoặc người Nga leo thang chiến tranh. Con số những lính Mỹ bị chết trận có thể lên đến 500 -800 một tháng. Và điều khó khăn là Việt Nam Dân chủ Cộng hoà/Việt cộng sẽ vẫn kiên trì theo đuổi, đối chọi một cách có hiệu quả với chúng ta theo công thức một-đổi-một... và mặc dù rất cố gắng, chúng ta sẽ vấp phải sự trì trệ ở mức cao hơn vào đầu năm 1967”.

Nhưng tôi không thấy có cách nào khác. Tôi chỉ có thể kết luận là “cơ hội tốt nhất đạt được mục tiêu của chúng ta và tránh một thất bại đắt giá về chính trị của dân tộc là phải kết hợp các bước đi chính trị, kinh tế và quân sự được miêu tả trong bản báo cáo này. Nếu được thực hiện mạnh mẽ, thì chúng ta sẽ có được cơ hội tốt nhất để đạt được một giải pháp có thể chấp nhận được cho vấn đề, trong một thời gian hợp lý”1.

Ban đầu, Tổng thống bày tỏ hoài nghi sâu sắc đối với những kiến nghị của tôi. Trong hồi ký của mình. Tổng thống viết: “Việc ngừng ném bom trong tháng năm đã thất bại và tôi đã cho rằng Hà Nội chắc chắn sẽ coi ngừng ném bom là một dấu hiệu yếu thế”. Cũng có những người tốt và những lời tranh luận hay phản bác lại: Dean Rusk tỏ ra hoài nghi là Hà Nội sẽ đáp lại một cách tích cực; Bus Wheeler và Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân đoán là Bắc Việt Nam sẽ khai thác việc này về mặt quân sự và lầm tưởng hành động của chúng tôi là sự yếu kém; Henry Cabot Lodge cho là việc này sẽ làm nhụt chí Nam Việt Nam và tạo hố ngăn cách Sài Gòn và Washington; Clark Clifford, một cố vấn của Tổng thống, sợ là nó sẽ cho thấy sự thiếu cương quyết của nước Mỹ và không tăng áp lực nhằm đánh Bắc Việt Nam mạnh hơn nữa. Tôi biết là tôi phải đối mặt với một cuộc chiến khó khăn2.
________________________________________
1. “Phương hướng hành động ở Việt Nam”, Phác thảo đầu tiên chưa sửa chữa, 3/11/1965, gửi cho Tổng thống ngày 7/11, RSMP.
2. Xem Lyndon Baines Johnson, Ưu điểm; những triển vọng của chức Tổng thống, 1963-1969, (New York: Holt, Rinehart và Winston, 1971), tr. 234.

Mọi việc dẫm chân tại chỗ mất vài tuần, trong khi Tổng thống về trang trại ở Texas dưỡng bệnh sau khi phẫu thuật mật, còn Dean đã đi Mỹ Latinh. Lúc đó, ý kiến trong Chính phủ về việc ngừng ném bom đã bắt đầu thay đổi khi chúng tôi nhận được tin trên mặt trận quân sự, sự chỉ trích nặng nề về lập trường đàm phán của chúng tôi và một dấu hiệu từ Liên Xô cho thấy họ sẽ tìm cách giúp để bắt đầu các cuộc đàm phán nếu chúng tôi ngừng ném bom.

Trận giao tranh lớn đầu tiên giữa lính Mỹ và lính Bắc Việt Nam xảy ra từ ngày 14- 19/11/1965 ở Thung lũng Ia Đrăng ở miền tây Trung bộ của Nam Việt Nam, gần biên giới Campuchia. Hai trung đoàn quân Bắc Việt Nam đã đánh nhau với Sư đoàn 1 Quân thiết giáp và Tiểu đoàn 1 thuộc Sư đoàn 7 Quân thiết giáp trong một trận đánh dữ dội giữa vùng cỏ voi và những ụ kiến cao bằng đầu người. Khi trận chiến đấu kết thúc Bắc Việt Nam đã để lại hơn 1.300 người chết. Có 300 lính Mỹ đã bị giết. Thoạt nhìn, trận Ia Đrăng dường như là một chiến thắng quân sự vang dội của Mỹ. Những binh sĩ Mỹ, như người ta trông đợi, đã chiến đấu can đảm và anh dũng. Nhưng quân Bắc Việt Nam đã lựa chọn địa điểm, thời gian và thời lượng tham chiến. Đây là trường hợp luôn xảy ra trong suốt cuộc chiến.

Trận Ia Đrăng đã khẳng định những tin tình báo từ MACV cho biết, việc vận chuyển vào Nam của địch lớn hơn nhiều so với dự đoán. Do vậy, lúc này, rõ ràng là có chín trung đoàn của Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam, trái ngược lại ba báo cáo trước đó. Các trung đoàn của Việt cộng cũng đã tăng lên hơn hai lần, từ năm lên mười hai. Mức độ chuyển quân đã tăng ba lần, từ ba trung đoàn một tháng vào cuối năm 1964, lên ít nhất là chín trung đoàn trong một tháng. Và tất cả đều xảy ra vào giữa một chiến dịch ném bom căng thẳng để ngăn chặn của Mỹ1.

Westmoreland đã xem xét những xu hướng này và đã kết luận đúng đắn là cấp độ quân địch trong tương lai sẽ cao hơn nhiều so với dự tính của ông ta. Do đó, ngày 23/11, ông ta đã đánh điện cho Washington đề nghị thêm 200.000 quân nữa trong năm 1966 - gấp hai lần dự tính hồi tháng bảy của ông ta. Như vậy tổng số quân Mỹ ở Việt Nam sẽ tăng lên 410.000 vào cuối năm 1966, trái với dự tính ban đầu là 275.000 quân2.

Bức điện đến như một đòn làm tiêu tan hy vọng. Nó có nghĩa là việc gia tăng mạnh mẽ về số binh lính Mỹ - đáng tranh cãi là không có giới hạn - và cùng với nó là khả năng ngày càng có nhiều lính Mỹ bị thiệt mạng. Lời đề nghị này và những hậu quả của nó lớn tới mức mà tôi quyết định cùng với Bus Wheeler bay đi Sài Gòn để tự mình đánh giá tình hình.

Các cuộc gặp của tôi với Lodge, Westmoreland, Bus và Oley Sharp vào các ngày 28 và 29/11 đã khẳng định những lo ngại xấu nhất của tôi. Lòng dũng cảm và nhuệ khí của binh lính Mỹ đã cho tôi nhiều ấn tượng, nhưng tôi đã thấy và được nghe nhiều vấn đề. Sự hiện diện của Mỹ dựa trên một bát thịt đông: bất ổn định chính trị tăng lên; bình định đã bị chấm dứt; hiện tượng đào ngũ của Quân đội Nam Việt Nam đã tăng vọt. Điều đã đánh động cho tôi và có thể làm thay đổi thái độ của tôi là đề nghị của Westmoreland tăng 400.000 quân Mỹ vào cuối năm 1966 với khả năng là thêm ít nhất 200.000 quân nữa trong năm 1967, cộng với một điều hiển nhiên là Bắc Việt Nam có thể vận chuyển được 200 tấn hàng mỗi ngày dọc theo Đường mòn Hồ Chí Minh, bất chấp các cuộc ném bom rải thảm ngăn chặn - nhiều hơn mức cần thiết để hỗ trợ các hoạt động của cộng sản, nếu tính cả số hàng hoá mà Việt cộng giành được ở miền Nam. Điều này đã được nói đến trong những nhận xét của tôi với báo chí khi tôi rời Sài Gòn:

Chúng tôi đã không còn bị thua trận... Nhưng mặc dù thực tế là chúng ta đã thành công,... (Việt cộng và Bắc Việt Nam) đã bù đắp được những tổn thất hết sức nặng nề mà họ đã phải chịu. Mức độ vận chuyển đã tăng lên, và tôi nghĩ là điều này cho thấy một quyết định rõ ràng của Hà Nội tăng mức độ của cuộc xung đột... Quyết định của Việt cộng (và Quân đội Bắc Việt Nam) đương đầu và chiến đấu (trong trận Ia Đrăng gần đây), việc họ nhận thức được mức độ quân chúng ta có thể đưa đến để chiến đấu với họ, và biểu hiện quyết tâm tiến hành cuộc chiến tranh của họ chỉ có thể dẫn đến một kết luận duy nhất. Đây sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài3.

Tôi trở về Washington và đưa ra hai phương án để Tổng thống quyết định: đi đến một giải pháp thoả hiệp (thấp hơn mục tiêu của chúng tôi về một Nam Việt Nam độc lập và phi cộng sản) hoặc đáp ứng những yêu cầu của Westmoreland và tăng cường ném bom Bắc Việt Nam. Tôi cảnh cáo là phương án hai sẽ không đảm bảo thành công, số lính Mỹ chết trận có thể lên đến 1.000 một tháng và đầu năm 1967 chúng tôi có thể gặp phải một tình huống “không quyết định” với mức độ bạo lực, tàn phá và chết chóc thậm chí còn cao hơn.
___________________________________
1. William C. Westmoreland, Báo cáo của một quân nhân, (Thành phố Garden: Doubleday, 1976; New York: Da Capo, 1989), tr. 154; và Báo cáo cho Tổng thống, 30/11/1965, RSMP.
2. MACV 41485, Westmoreland gửi CINCPAC, 23/11/1965, LBJL.
3. Thông cáo Báo chí nhân dịp tới Sài Gòn, 29/11/1965.

Tôi không nói là tôi chọn phương án nào trong hai phương án khốn khổ này. Nhưng tôi đã nói là nếu các mức độ quân số và các cuộc không kích của Mỹ được gia tăng, thì chúng tôi nên mở đầu bằng việc ngừng ném bom ba đến bốn tuần trước khi tiến hành. Suy nghĩ của tôi đơn giản như tôi đã trình bày với Tổng thống: “Tôi vô cùng lo ngại nếu chúng ta dấn sâu vào một cuộc chiến tranh với mức độ cao hơn đáng kể ở Việt Nam mà lại không thử thông qua ngừng ném bom để kết thúc cuộc chiến tranh, hay ít ra cũng làm cho nhân dân thấy rõ là chúng ta đã làm hết sức mình để chấm dứt cuộc chiến”1.

Phương án thứ nhất tôi trình bày - giữ vững lập trường về quân sự và chấp nhận một giải pháp thoả hiệp chính trị - đã không nhận được sự quan tâm nghiêm túc. Những người khác thì không giải quyết vấn đề còn tôi thì không thúc đẩy vấn đề. Lẽ ra tôi phải làm điều đó, mặc dù tình hình ở Nam Việt Nam cho thấy Chính phủ Sài Gòn khó tồn tại được trước sự thách thức của cộng sản.

Phương án thứ hai - ngừng ném bom - ban đầu chỉ được đón nhận một cách tương đối lạnh nhạt trong chính phủ, nhưng đã nhận được thêm sự quan tâm nhờ hai diễn biến vào tháng 11. Một loạt các cuộc tranh luận giữa Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc mới qua đời Adlai Stevenson và Tổng Thư ký Liên hợp quốc U Thant đã làm cho công chúng chú ý qua một bài báo của Eric Sevareid trên tạp chí Look. Bài báo ám chỉ nước Mỹ không sẵn sàng đàm phán2. Và trong một bữa trưa kín đáo với Mac Bundy ngày 24/11, Đại sứ Liên Xô ở Washington Anatoly Dobrynin đã nói là nếu Mỹ dừng ném bom từ hai đến ba tuần, Mátxcơva sẽ dùng ảnh hưởng của mình làm cho Hà Nội phải đàm phán3. Không nghi ngờ gì nữa, lúc đó ông ta đang hành động theo chỉ thị. Đây là cơ sở cho các cuộc tranh cãi tiếp theo.

Buổi chiều ngày 2/12, cuộc tranh luận bắt đầu với thái độ nghiêm chỉnh khi tôi điện thoại cho Tổng thống Johnson ở trang trại của ông. Tôi nói cho Tổng thống biết là từ khi ở Sài Gòn về, tôi đã “ngày càng tin tưởng là chắc chắn chúng tôi nên nghĩ đến một hành động nào khác chứ không phải hành động quân sự là chương trình duy nhất... Bản thân tôi tin là chúng ta nên tiến về phía trước và tăng ngân sách, tăng cường sức mạnh (và) tăng các cuộc triển khai quân để dần dần đáp ứng những yêu cầu của Westmoreland. Nhưng tôi nghĩ là nếu chúng ta chỉ làm duy nhất có việc đó, thì đó là tự sát và chắc chắn là chúng ta nên kèm theo đó - hay thậm chí, có thể, tiến hành trước đó - một hành động nào khác”. Mối quan ngại của tôi là: “Tôi nghĩ đưa 300.000, 400.000 lính Mỹ tới đó mà không thể đảm bảo được nó sẽ dẫn đến cái gì là một sự mạo hiểm và là một vấn đề kinh khủng”. Tôi đã thúc giục Johnson kèm theo các cuộc triển khai thêm quân trên bộ “với một chương trình chính trị - ngừng bắn hay một sáng kiến nào đó của Tổng thống”. Tổng thống nghe một cách không hứa hẹn4. Tôi cho Tổng thống biết Dean, Mac Bundy và tôi sẽ xem xét các phương án khác trước khi đến thăm ông.

Năm ngày sau đó, chúng tôi đã tổ chức các cuộc tranh luận tập trung ở Washington. Cuối thời gian đó, phần lớn những cố vấn của Tổng thống đều ủng hộ việc thử ngừng ném bom. Tôi chuẩn bị một bản giác thư khác, lần này kiến nghị tăng quân của Westmoreland được thông qua, và đưa ra một phương pháp dần từng bước tiến tới một cuộc ngừng ném bom dài mà tôi hy vọng có thể khởi đầu một phản ứng dây chuyền dẫn tới giải pháp cuối cùng. Ngày 7/12, Dean, Mac và tôi đã đi Texas để bảo vệ ý kiến của mình.

Tổng thống thận trọng nghe, nhưng vẫn hoài nghi. Ông cũng thấy những nguy cơ mà Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân lo ngại - đó là việc tăng cường sự xâm nhập bị hiểu sai là biểu hiệu của sự yếu kém, là trở ngại tiềm tàng của việc nối lại các cuộc ném bom. Một chuỗi những nhận xét cho thấy Tổng thống thất vọng và bối rối: “Kế hoạch nào là tối ưu?”, “Chúng ta đang ngày càng dấn sâu thêm. Xe của tôi đã bị xa lầy. Tôi không muốn có một chiếc máy ủi đến và đưa tôi lên”, “Chúng ta đã ở đâu khi tôi bắt đầu, tôi sẽ quay trở lại chỗ chúng ta đã xuất phát”5.

Tổng thống cân nhắc vấn đề và sau đó, ngày 17/12/1965 đã gọi chúng tôi vào Phòng Nội các để thảo luận hai ngày cuối cùng. Vươn người ra trước cho tới khi ngực tỳ vào chiếc bàn ô van rộng, khai mac phiên họp đầu tiên, Tổng thống nói ông sẵn sàng “liều được ăn cả” nếu có kết quả. Ngày hôm ấy và hôm sau, tôi đã nhấn mạnh ý kiến của mình, đã có lúc nêu lên những quan ngại sâu sắc và những hy vọng mỏng manh của tôi:

McNamara: Giải pháp quân sự cho vấn đề là không chắc chắn, một trong ba hay một trong hai phương án. Rốt cuộc, chúng ta phát tìm ra... một giải pháp ngoại giao.

TỔNG THỐNG: Thế thì dẫu chúng ta có làm gì trên chiến trường đi nữa, vẫn không có được thắng lợi chắc chắn hay sao?

McNamara: Đúng. Chúng ta đã quá lạc quan...

RUSK: Tôi lạc quan hơn, nhưng tôi không thể chứng minh được.

McNamara: Tôi nói: chúng ta có thể không tìm ra được một giải pháp quân sự. Chúng ta cần xem xét các cách khác... Phương pháp hành động quân sự của chúng ta không phải là một con đường dẫn tới một kết thúc thành công... Điều này dường như mâu thuẫn. Tôi đề nghị các ngài về một sự gia tăng lớn ở Việt Nam – 400.000 quân. Nhưng cùng lúc đó, nó có thể dẫn đến việc leo thang và những kết quả không mong muốn. Tôi gợi ý là bây giờ chúng ta xem xét những cách giải quyết khác6.

Johnson rời các cuộc họp, từ chối thử ít nhất là một cuộc ngừng ném bom ngắn, nhưng theo tôi, vẫn chưa dứt khoát. Ngày 22/12, Nhà Trắng và Sài Gòn tuyên bố một cuộc ngừng bắn 30 giờ, kể cả việc ngừng ném bom trên toàn Bắc Việt Nam, bắt đầu từ đêm Giáng sinh. Khi Tổng thống trở về Texas trước Lễ Giáng sinh, tôi tiếp tục hy vọng ông ta sẽ cho phép một cuộc ngừng ném bom dài, vì những nỗ lực đi đến đàm phán. Các vấn đề chững lại ở đó, khi tôi đưa gia đình đi nghỉ ở Aspen, Colorado.
__________________________________
1. Báo cáo cho Tổng thống, 30/11/1965, RSMP.
2. Xem Eric Sevareid, “Những giờ phút khó khăn cuối cùng của Adlai Stevenson”, Cái nhìn, tháng 11/1965, tr. 81-86.
3. Xem WB, VNMS, Chương 33, tr. 18.
4. 2/12/1965, 12 giờ 15 trưa, Mục 6512.01, PNO số 5, PR, LBJL.
5. Xem Ghi chép của George Bundy ngày 7/12/1965, trong tải liệu của McGeorge Bundy, LBJL.
6. Xem Ghi chép của Jack Valenty ngày 17 và 18/12/1965, tài liệu trong MNF, LBJL.

Buổi sáng Lễ Giáng sinh, Tổng thống quyết định kéo dài việc ngừng “có tính chất nghi lễ” thêm một hoặc hai ngày nữa. Khi nhận được tin, tôi đã làm một điều mà trước đó tôi chưa bao giờ làm cả: tôi đã sử dụng sự gần gũi của riêng tôi với Tổng thống để nhanh chóng đạt được sự đồng ý của Tổng thống mà vượt qua mặt các đồng nghiệp của tôi.

Khu Mountain Chalet là một khu nhà nghỉ khiêm tốn nhưng được ưa chuộng ở trung tâm vùng Aspen, tôi còn nhớ là chúng tôi đã trả bốn đôla một đêm cho cái phòng chung cho bọn trẻ. Tối 26/12, từ khu Mountain Chalet, tôi đã gọi điện tới trang trại của Tổng thống. Cú điện thoại của Bộ trưởng Quốc phòng cũng chẳng có mấy riêng tư vì tôi phải gọi Tổng thống của nước Mỹ qua người trực điện thoại. Tuy nhiên, tổng đài của Nhà Trắng đã nhanh chóng nối máy cho tôi nói chuyện với Tổng thống đang ở nhà một người bạn ở Mound Mountain, Texas.

Tổng thống nhanh chóng đồng ý khi tôi xin được đến trang trại một mình để bàn về Việt Nam. Sau đó, tôi gọi cho Lầu Năm Góc và yêu cầu cho một chiếc phản lực của Không quân tới đón tôi ngày hôm sau. Ngày 27/12, một người bạn đã lái xe đưa tôi tới Grand Junction, nơi chiếc máy bay đang đợi. Lúc 6 giờ 30 phút chiều tôi đến trang trại LBJ ở ngoại vi Austin.

Tổng thống và Bà Bird đã đón tôi ở đường băng. Chúng tôi về khu nhà chính của trang trại và ăn tối cùng con gái Luci của họ. Sau bữa tối, Tổng thống và tôi ngồi lại riêng ở phòng khách. Liền ba giờ sau đó chúng tôi đã thảo luận bên lò sưởi về việc ngừng ném bom. Tôi nhấn mạnh nhận định của mình là các cuộc đàm phán nảy lửa có khả năng dẫn đến hoà bình nhiều hơn là những bất lợi quân sự trong việc trì hoãn ném bom trở lại.

Tổng thống chăm chú lắng nghe, cân nhắc những thuận lợi và những khó khăn. Cuối cùng, Tổng thống đồng ý kéo dài lệnh ngừng ném bom vô thời hạn và tăng cường nỗ lực ngoại giao để đưa Hà Nội đến bàn đàm phán. Chúng tôi thoả thuận là tôi sẽ gọi điện cho Dean Rusk và những người khác ở Washington để giải thích Tổng thống muốn điều gì được thực hiện. Mặc dù Dean không ủng hộ kéo dài lệnh ngừng ném bom, nhưng ông ta cũng đồng ý vì ông ta hiểu rằng tôi đã thuyết phục được Tổng thống rồi.

Sau bữa sáng ngày hôm sau, từ văn phòng nhỏ của Tổng thống ở trang trại, chúng tôi đã gọi điện đi nhiều nơi. Tôi đã điện thoại cho Averell Harriman, ông ta đã sốt sắng đồng ý khi Tổng thống đề nghị ông ta thúc đẩy sự hỗ trợ đàm phán ở Đông Âu. Chúng tôi cũng gọi cho George Ball, người được Tổng thống giao trách nhiệm điều phối cuộc tấn công ngoại giao và Arthur Goldberg, người kế nhiệm của Adlai Stevenson làm Đại sứ tại Liên hợp quốc, được Tổng thống chỉ thị phải gặp U Thant và Giáo hoàng.

Đầu giờ chiều, tôi rời trang trại và về Aspen, rất hài lòng với những sự việc vừa qua. Tuy nhiên, tôi vẫn cảm thấy một ý thức tội lỗi vì đã qua mặt các bạn tôi để giành chiến thắng cho ý kiến của mình. Đó là lần duy nhất tôi làm như vậy trong bảy năm làm Bộ trưởng Quốc phòng*.
____________________________________
* Vì chuyến đi của tôi đến Trang trại LBJ đã không được nói đến trong những phần viết về nguồn gốc của lệnh ngừng ném bom, tôi bắt đầu nghi ngờ trí nhớ của mình. Do vậy, khi tôi viết những đoạn này, tôi đã đề nghị thư viện Johnson tìm những cuốn nhật ký của Tổng thống, để làm bằng chứng cho những gì tôi có liên quân. Họ đã tìm thấy một bản ghi chép chi tiết các sự kiện, kể cả chi tiết là chúng tôi đã dùng bữa tối có “chim cun cút, cơm, đậu và tráng miệng bằng bánh pudding”.

Lệnh ngừng ném bom miền Bắc kéo dài hơn một tháng trên cơ sở từng ngày cho tới cuối tháng 1/1966. Nhưng tranh cãi về các động thái chính trị và các hành động quân sự đã diễn ra suốt giai đoạn này.

Chính quyền đã mở một cuộc tấn công ngoại giao mở rộng và dữ đội. Ngoài những phái đoàn của Harriman và Goldberg, chính quyền đã cử phó Tổng thống Humphrey đến Philippin và Ấn Độ, Trợ lý Ngoại trưởng G. Mennen Williams “Xà phòng” và Thomas Mann tới châu Phi và Mỹ Latinh. Họ đã công bố mong muốn bắt đầu các cuộc hoà đàm của Washington. Dean cũng ban hành một chương trình mười bốn điểm mời Bắc Việt Nam tham gia “các cuộc đàm phán không có các điều kiện tiên quyết”.

Suốt thời gian ngừng ném bom, Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân đã thúc giục ngay lập tức nối lại các chiến dịch chống miền Bắc, quả quyết là việc ngừng ném bom đã đặt quân đội Mỹ “vào thế bất lợi quân sự nghiêm trọng và ngày một tăng”. Tôi đã nói với họ là tôi sẽ khuyên Tổng thống làm việc đó nếu họ có thể cho tôi thấy việc ngừng ném bom đang gây tác hại đối với chúng tôi ở miền Nam1.

Họ đã không trả lời.

Trong khi đó, Mỹ đã tăng cường các cuộc không kích dọc Đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào và các Tư lệnh chiến trường của Mỹ ở Nam Việt Nam đã đẩy mạnh các chiến dịch trên bộ. Đầu tháng giêng họ đã tiến hành cuộc tấn công lớn nhất cho tới lúc đó, nhằm vào Việt cộng gần Sài Gòn, và cuối tháng tổ chức chiến dịch đổ bộ lớn nhất kể từ cuộc đổ bộ Inchon ở Triều Tiên vào tỉnh Quảng Ngãi trên vĩ tuyến 14. Ngày càng có thêm lính Mỹ được đưa đến Việt Nam.

Ngày 10/1, cuộc tranh luận tiếp tục ở Nhà Trắng. Johnson cho rằng lệnh ngừng ném bom đã không đem lại điều gì, nên sẵn sàng bắt đầu ném bom trở lại trong vòng vài ngày. Tôi kiến nghị Tổng thống thêm thời gian cho lệnh ngừng ném bom và cả khả năng bắt đầu đàm phán vì tôi cảm thấy cho tới cuối tháng, không có bất kỳ sự bất lợi quân sự nào đang chờ đợi. Bus không tán thành. Ông ta đã phát biểu thay mặt cho các Tham mưu trưởng: “Mỗi ngày một khác”2.

Ngày 12/1, Oley Sharp đã thúc giục nối lại và tăng cường ném bom, bao gồm cả việc phá huỷ, ngăn chặn các tuyến đường giao thông từ Trung Quốc. Ông ta đưa ra lý lẽ là một chiến địch như vậy sẽ “đưa kẻ thù tới bàn hội nghị hoặc làm cho quân nổi dậy yếu đi do thiếu sự hỗ trợ”. Sáu ngày sau, các Tham mưu trưởng cũng đã thể hiện sự tán thành trong một bản thư báo3.

Tuy nhiên, ngày 18/1/1966, tôi đã nhận được một bản phân tích cho thấy quân đội Bắc Việt Nam mỗi tháng có thể vận chuyển được 4.500 quân cùng với hàng hoá, đủ hỗ trợ cho một cố gắng chiến đấu đáng kể ở Nam Việt Nam, bất chấp chiến dịch ngăn chặn của chúng tôi. Điều này đã cho thấy một mức độ ném bom nặng với khối lượng đã được phản ánh bằng thực tế của tháng 12/1965 là chúng tôi đã thả gấp rưỡi lượng bom đã sử dụng vào tháng cao điểm ở cuộc Chiến tranh Triều Tiên4. CIA khẳng định như vậy trong bản phân tích riêng của mình. Ủy ban Dự đoán quốc gia của CIA đã kết luận là thả thủy lôi ở các cảng và ném bom các mục tiêu bổ sung như các sân bay, các kho dầu, các nhà máy điện theo đề xuất của Oley Sharp và các Tham mưu trưởng cũng sẽ không có ảnh hưởng đáng kể gì đối với hoạt động, chiến đấu của các lực lượng cộng sản ở Nam Việt Nam. Phó Giám đốc Kế hoạch của CIA, Dick Helms đã thẳng thắn nêu quan điểm với Tổng thống tại một cuộc họp ngày 22/1: “Tăng cường ném bom miền Bắc không thể chặn được việc vận chuyển hàng hoá vào miền Nam”5.
_________________________________
1. Xem JCSM16-66, Wheeler gửi McNamara, 8/1/1966; và Ghi chép của Jack Valenty ngày 3/1/1966, cuộc họp tại Nhà Trắng, trong MNF, LBJL.
2. Xem Ghi chép của Jack Valenty ngày 10/1/1966, cuộc họp tại Phòng Nội các, 1 giờ 10 trưa, sách đã dẫn.
3. CICPAC 120205Z, Sharp gửi Bộ Tham mưu liên quân, 12/1/1966; và CSM-41-66, Wheeler gửi McNamara, 18/1/1966, LBJL.
4. Văn phòng Lịch sử Không quân, Căn cứ Không quân Bolling, Washington, D.C.
5. Xem John T. McNaughton, “Vài lời bình về việc ném bom Bắc Việt Nam”, 18/1/1966, trong PPW, LBJL; BNE Báo cáo đặc biệt, trích dẫn trong Chính phủ Mỹ của Gibbons, phần 4, tr. 153; và Ghi chép của Jack Valenty ngày 22/1/1966, cuộc họp tại Nhà Trắng, trong MNF, LBJL.

Cuộc tranh cãi quanh việc liệu ném bom có thể và không thể làm được gì là vòng tranh luận cuối cùng về không lực đã từng theo suốt cả Chiến tranh thế giới thứ II và cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Cuộc tranh luận đã tăng lên suốt hai năm sau và cho tới nay, vấn đề vẫn được bàn cãi.

Dẫu sao, Tổng thống đã gặp phải một quyết định khó khăn. Nhà bình luận báo Walter Lippmann đã nêu tình thế khó khăn của Tổng thống trong một bài đăng giữa tháng giêng. Lippmann viết: “Về bản chất, Tổng thống phải lựa chọn giữa một cuộc chiến tranh lớn hơn hoặc một hoà bình không mấy hấp dẫn”. Richard Russell đã nhắc lại suy nghĩ đó tại Thượng viện: “Tôi cho rằng chúng ta phải quyết định, liệu chúng ta có sẵn sàng có hành động cần thiết để chiến thắng cuộc chiến tranh ở Việt Nam và đem lại một quyết định cho cam kết của chúng ta hay không. Giải pháp thay thế khác duy nhất mà tôi có thể thấy là rút khỏi Việt Nam và điều này đại đa số người Mỹ không sẵn sàng thực hiện”1.

Sáng 17/1, tôi đã cho Tổng thống Johnson biết những suy nghĩ của tôi. Tôi nói với Tổng thống: “Cảm tưởng riêng của tôi là... chúng ta nên thận trong kéo dài lệnh ngừng ném bom qua Tết (cuối tháng giêng), cho Bắc Việt Nam một thời gian đủ dài để đáp lại một trong những đề nghị tiếp xúc, và để tạo lập vững chắc trong suy nghĩ của công chúng Mỹ và quốc tế là chúng ta đã cho họ một khoảng thời gian hợp lý để đáp ứng”.

Tổng thống đáp: “Tôi nghĩ là ngài biết chỗ dựa của tôi ở đâu và tôi cảm thấy gì về điều đó. Trừ ngài ra, tôi nghi là chúng ta đã đi khá xa và tôi không lấy làm tiếc về việc này. Tôi muôn kiên trì, hiểu biết và có lý; mặt khác, tôi nghĩ là ngài biết khuynh hướng tự nhiên của tôi”2.

Sự ám chỉ đã rõ ràng: Johnson rõ ràng đã tin rằng lệnh ngừng ném bom là một sai lầm và chiến dịch ném bom phải được nối lại. Mặc dù tôi vẫn tin là Hội đồng các Tham mưu trưởng liên quân đã đánh giá quá cao hiệu quả của việc đánh phá ngăn chặn, nhưng lúc đó tôi nhận thấy tiếp tục ném bom là cần thiết. Chúng tôi đã phải nối lại cuộc ném bom để tránh sự chỉ trích rằng việc ngừng ném bom đã đẩy mạnh hơn các cuộc hành quân và để tránh có các tín hiệu sai cho Hà Nội và Bắc Kinh và nhân dân Mỹ. Tuy nhiên, Dean và tôi đều sợ áp lực của cánh hữu đòi tấn công các mục tiêu gần biên giới Trung Quốc như đã từng xảy ra ngay trước khi Bắc Kinh can thiệp vào cuộc Chiến tranh Triều Tiên. Chúng tôi kêu gọi chương trình ném bom phải được kiểm soát chặt và có hạn chế hơn so với mong muốn của các Tham mưu trưởng để giảm tối đa nguy cơ Trung Quốc can thiệp.

Lúc bấy giờ, Tổng thống tìm kiếm một sự nhất trí chung cho quyết định mà ông có kế hoạch đưa ra. Ngày 28/1, Tống thống cho gọi bốn trong số “những nhà thông thái” (Clark Clifford, Arthur Dean, Allen Dulles và John McCloy). Họ đã thông qua việc nối lại các chiến dịch không quân tiến công miền Bắc và tăng thêm lính Mỹ ở miền Nam. Tại một cuộc họp của Hội đồng an ninh quốc gia hai ngày sau đó Tổng thống quyết định chấm dứt lệnh ngừng ném bom. Một cuộc thăm dò của Harris đưa ra cùng ngày đã ghi nhận là “đại đa số người Mỹ sẽ ủng hộ một cuộc leo thang chiến tranh ngày lập tức, kể cả các cuộc ném bom toàn bộ Bắc Việt Nam, và tăng số lính Mỹ lên 500.000”3.
__________________________________
1. Newsweek, 17/1/1966; và Ghi chép tại Quốc hội, 24/1/1966, t.112, tr. 965-966.
2. 17/1/1966, 9 giờ 15 sáng, Mục M6601.01, PNO số 1, PR, LBJL.
3. Xem Ghi chép của Jack Valenty ngày 28/1/1966, cuộc họp của “Các nhà thông thái”, MNF, LBJL; Ghi chép của Bromley Smith về cuộc họp thứ 556 của NSC, 30/1/1966, NSCMF; NSF, LBJL; và The Washington Post, 31/1/1966.

Việc ngừng ném bom vào dịp Lễ Giáng sinh đã tạo được những ảnh hưởng gì? Một số nhà phê bình cho là tăng cường các cuộc tấn công bằng không quân của Mỹ vào Đường mòn Hồ Chí Minh trên đất Lào và các chiến dịch trên bộ ở Nam Việt Nam trong suốt thời gian ngừng ném bom đã ảnh hưởng không tốt tới bất kỳ thông điệp nào mà chúng tôi tìm cách chuyển. Trong bất cứ trường hợp nào, thất bại trong việc tạo ra những kết quả ngoại giao gần như chắc chắn đã làm Tổng thống Johnson chua xót về những cuộc ngừng ném bom quá dài.

Nhiều nhà quan sát đã chỉ trích hình mẫu ngoại giao công khai của chúng tôi là ấu trĩ hay còn tệ hơn thế. Chester Cooper sau đó đưa ra lời bình luận:

Khi cần đến những dụng cụ tinh xảo thì chúng ta lại dùng một chiếc búa tạ. Khi cần có bước đi bí mật và thận trọng thì chúng ta lại bước tới với sự hào nhoáng của cuộc diễu binh ngày 4/7. Khi một đề nghị bất ngờ có thể đã khuấy động sự quan tâm của Hà Nội thì chúng ta lại đưa vào ống kính của công chúng mọi động thái cường điệu. Thay vì tăng tối đa tác dụng của kế hoạch hoà bình trọn gói 14 điểm thì chúng ta lại chôn vùi nó trong các chuyến đi bất ngờ, ầm ĩ và hào nhoáng của những nhân vật quan trọng. Tóm lại, Tổng thống đang hành động như người chỉ đạo một rạp xiếc có ba sân khấu chứ không phải là đầu mối của một cuộc diễn tập về ngoại giao đã được vạch ra cẩn thận1.

Nếu Cooper đúng, thì tất cả chúng tôi, những người cố vấn cho Tổng thống về vấn đề này, phải cùng chịu trách nhiệm.

Chính quyền đã tiến hành một nỗ lực ngoại giao âm thầm. Ngày 29/12 chính quyền đã chỉ thị cho Đại sứ Mỹ tại Mianma” Henry A. Byroade, thông báo cho đối tác Bắc Việt Nam của ông ta là Tổng Lãnh sự Vũ Hữu Bình là lệnh ngừng ném bom có thể được kéo dài nếu Hà Nội đáp lại “bằng những đáp ứng nghiêm túc cho hoà bình”. Vài ngày sau, Đài Hà Nội lên án việc ngừng ném bom là một “sự lừa gạt” và nhắc lại “điểm thứ ba” của mình là “công việc nội bộ của Nam Việt Nam phải được giải quyết... theo chương trình của... Mặt trận Dân tộc Giải phóng” (cánh tay chính trị của Việt cộng). Và ngay sau khi lệnh ngừng ném bom hết hiệu lực, ông Bình đã tới gặp Byroade chỉ để nhắc lại lập trường cứng rắn của Hà Nội đáp lại bức thông điệp mà Byroade đã trao cho ông ta2.

Lệnh ngừng ném bom đã thành công? Rõ ràng là nó đã không ngay lập tức dẫn đến đàm phán. Nhưng vào lúc đó, một số ít người ủng hộ đã nghĩ là nó sẽ làm được điều đó. Chúng tôi coi đó là một bước đi trong một quá trình mà cuối cùng có thể đem lại một giải pháp thương lượng, và từ đó kết thúc chiến tranh.

Có phải đó là một bước đi như vậy không? Nếu không thì có phải nó thất bại vì sự vụng về của chúng tôi hay vì sự không khoan nhượng của Hà Nội, hay vì một sự tổng hợp nào đó của cả hai? Chúng ta sẽ không biết được câu trả lời cho tới khi Hà Nội công khai những hồ sơ của họ.
______________________________________
1. Cuộc viễn chinh thất bại: Mỹ ở Việt Nam của Chester L. Cooper, (New York: Dodd, Mead, 1970), tr. 296.
2. Xem Bản tin Quốc tế tiếng Anh của Thông tấn xã Việt Nam, 4/1/1966, in lại trong Điều trần, tr. 133; và Embtel 394 (Rangoon), Byroade gửi Rusk, 31/1/1966, in lại trong sách đã dẫn, tr. 141 - 142.

9

KHÓ KHĂN CÀNG TRẦM TRỌNG
NGÀY 31/1/1966 - 19/5/1967


Khi tôi bắt đầu viết chương này, thì một cuốn sách của George C. Herring, một nhà sử học đã dành sức lực nghiên cứu cuộc chiến tranh Việt Nam hơn một thập kỷ qua, được xuất bản - Ông viết:

Ảnh hưởng của McNamara bắt đầu bị suy giảm sau cuộc tạm ngừng ném bom tháng 12/1965. Ông Bộ trưởng Quốc phòng đã ủng hộ mạnh mẽ việc ngừng ném bom cùng với việc đưa ra sáng kiến hoà bình. Và Johnson, bực tức và đi ngược lại với đánh giá của chính ông, đã thông qua nó. Khi sáng kiến bị thất bại, như Johnson đã tiên đoán trước đó, thì tính luôn luôn đúng đắn của McNamara bị thách thức và Tổng thống đã cho rằng McNamara phải chịu trách nhiệm về một thất bại nghiêm trọng trong chính sách. Sau tháng 12/1965, ông Bộ trưởng Quốc phòng, một thời rất ngoan cường, đã ngày càng nghi ngờ khả năng giành thắng lợi trong cuộc chiến bằng con đường quân sự; và sự hoài nghi của ông đã ngày càng tăng và được thể hiện ngày càng rõ ràng trong các khuyến nghị chính sách của ông ta, và ảnh hưởng của ông càng bị suy giảm hơn. Ở một số thời điểm vào cuối thời kỳ đương nhiệm của ông, ông còn không được tiếp xúc với một số nguồn thông tin, vì tinh thần phản chiến ngày càng tăng của mình và vì mối quan hệ đáng ngờ với Thượng nghị sĩ Robert Kennedy1.

Tôi mong rằng Herring đúng. Ảnh hưởng của tôi - và do vậy trách nhiệm của tôi như là một thành viên chủ chốt trong việc hoạch định chính sách Việt Nam vẫn tiếp tục cho tới khi tôi rời Lầu Năm Góc vào cuối tháng 2/1968. Tôi đã nghi ngờ và ngày càng trở nên nghi ngờ hơn vào khả năng của chúng ta đạt được các mục tiêu chính trị ở Việt Nam bằng các biện pháp quân sự, thế nhưng điều này công làm cho tôi bớt dính líu vào việc hình thành chính sách về Việt Nam.

Trong 15 tháng từ sau cuộc ngừng ném bom nhân dịp Lễ Giáng sinh, cuộc chiến và những thương vong của nó tăng lên mạnh mẽ; những thảo luận về chiến lược mặt đất, bình định, và đặc biệt về ném bom đã gia tăng rất nhiều; và áp lực của cuộc chiến lên chính quyền Johnson, lên gia đình tôi và tôi đã tăng lên dường như hàng ngày. Sự bất hoà có đất để phát triển mặc dù sự ủng hộ của quần chúng thì nhìn chung vẫn còn rất mạnh. Thêm ba cố gắng nhỏ bé và nghiệp dư nữa để thúc đẩy đàm phán bị thất bại, và giai đoạn này kết thúc với việc Tướng Westmoreland lại yêu cầu leo thang chiến tranh. Lần này, ông đề nghị tăng chêm 200.000 quân nữa cùng với việc mở rộng phạm vi địa lý của cuộc chiến tranh. Cả Westy và các Tham mưu trưởng liên quân khác đều cho rằng chương trình này sẽ đòi hỏi phải động viên lực lượng dự bị, cũng như toàn bộ khả năng quân sự của đất nước bao gồm cả khả năng sử dụng vũ khí hạt nhân. Họ cũng nhận thấy rằng những hành động này sẽ dẫn đến cuộc đối đầu với Trung Quốc hoặc Liên Xô ở Đông Nam Á hay một vùng nào khác, thế nhưng họ cho rằng những biện pháp này là cần thiết để rút ngắn cuộc chiến tranh mà nếu làm khác đi - theo họ tiên đoán - sẽ kéo dài khoảng 5 năm hoặc hơn nữa.

Tất cả điều này cho thấy chính sách của chúng ta đang thất bại. Ném bom và các hoạt động mặt đất đã không có tác dụng và những sáng kiến ngoại giao, như chúng đã có, tỏ ra vụng về và không hiệu quả. Nhưng sự thật tàn nhẫn này đã dẫn tôi đến một kết luận, trong một bản phúc trình đầy kịch tính gửi lên Tổng thống Johnson ngày 19/5/1967, rằng bây giờ đã là lúc chúng ta cần thay đổi mục tiêu của mình ở Việt Nam và phương cách mà chúng ta sử dụng để đạt được những mục tiêu đó. Bản phúc trình đã báo hiệu sự rạn nứt giữa chúng tôi về vấn đề Việt Nam và cuối cùng dẫn đến sự ra đi của tôi.
_____________________________________
1. George C. Herring: LBJ và Việt Nam: Một dạng khác của chiến tranh (Austin: Nhà xuất bản Trường Đại học Tổng hợp Texas, 1994), tr. 11.

Năm 1966 bắt đầu bằng một sự kiện gây ấn tượng sâu sắc cho tôi: McGeorge Bundy rời chính quyền. Tháng 11/1965, John McCloy và Henry Ford II, đứng đầu một uỷ ban tìm kiếm một vị chủ tịch cho Quỹ Ford Foundation, đã gặp và đề nghị Mac giữ chức này. Công việc qủa thật là béo bở: Quỹ Ford là một quỹ lớn nhất của nước Mỹ với chi phí khoảng 200 triệu đôla mỗi năm cho việc phát triển tài năng nhân loại trên toàn thế giới.*

Trong thời gian McCloy phỏng vấn Mac vào chức vụ trên. Ông cũng phỏng vấn tôi, mặt dù tôi nghi rằng ông không coi tôi xứng đáng được bằng Mac. Trong trường hợp nào đi nữa, tôi biết rằng tôi không xứng đáng và đã nói với McCloy như vậy. Hơn nữa, tôi cảm thấy mình có trách nhiệm không được rời chính quyền vào thời kỳ này, dù công việc mà Quỹ Ford đang làm rất hấp dẫn tôi.

Sự ra đi của Mac Bundy là một tổn thất to lớn. Mac và tôi không phải lúc nào cũng đồng ý với nhau, tuy nhiên ông đã phục vụ chính phủ với một tư duy có trật tự với chất lượng cao, và với một sự kiên quyết rằng chúng ta phải tập trung vào những vấn đề đối ngoại quan trọng đối với đất nước, dù chúng khó khăn đến đâu. Có thể ông rời chính quyền chỉ bởi vì sự hấp dẫn của công việc ở Quỹ Ford, tuy nhiên tôi nghi ngờ điều đó. Tôi đoán rằng lý do thật sự là ông thất vọng sâu sắc với cuộc chiến. Và tôi tin là ông không chỉ thất vọng vì cách xử sự của Tổng thống mà cả với cách hoạch định chính sách của cấp chóp bu cả ở Washington và Sài Gòn. Tất nhiên, ông có những lý do chính đáng để cảm thấy như vậy.

Walt Rostow đã thay thế Mac làm cố vấn an ninh quốc gia. Ông là một người đặc biệt thông minh với một nhân cách gần gũi và cởi mở với các đồng sự. Thế nhưng Walt rất không coi trọng việc chúng ta dính líu vào Việc Nam, việc tiến hành các hoạt động, và viễn cảnh của việc chúng ta đạt được các mục tiêu chính trị, quân sự ở đó. Với bản chất lạc quan ông có khuynh hướng hoài nghi bất cứ báo cáo nào không thể hiện được rằng chúng ta đang tiến bộ. Nhiều năm sau, tại một hội nghị của thư viện Lyndon Johnson tháng 3/1991, ông vẫn tiếp tục cho rằng việc Mỹ quyết định can thiệp vào Việt Nam, và cách chúng ta tiến hành cuộc chiến là có lợi cho cả dân tộc ta và khu vực1.
____________________________________
* Mọi người có thể nghĩ thế nếu tính đến việc đã huy động 2000 nhà trí thức và phân tích chính sách có khả năng nhất của thế giới (với chi phí 100.000 đôla mỗi người: thù lao, chi phi và nghiên cứu) để tập trung vào những vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội và an ninh gay cấn nhất của nhân loại đang phải đối phó. Như tôi đã rút ra nhận xét sau này sau 17 năm là thành viên của Hội đồng quản trị của Quỹ Ford, Quỹ này đã làm tất cả vì việc đó dưới sự lãnh đạo của Mac. Khi tôi trở thành Chủ tịch của Ngân hàng Thế giới, tôi đã mượn hoặc đánh cắp nhiều ý tưởng của họ liên quan đến kế hoạch hoá dân số, giảm đói nghèo, nghiên cứu nông nghiệp và bảo vệ môi trường - những ý tưởng hết sức bổ ích, cho Ngân hàng Thế giới và cho tôi, trong việc đối phó với những vấn đề của các nước đang phát triển.
1. Xem Thời Johnson: Hội nghị bàn tròn về Việt Nam do Ted Gittinger hiệu đính (Austin: LBJL, 1993), tr. 126-128, 163-176.

Khi cuộc ngừng ném bom nhân dịp Lễ Giáng sinh kết thúc vào cuối tháng 1/1966, Tổng thống Johnson hỏi quan điểm của tôi về cuộc chiến ở Việt Nam. Trong bản phúc trình ngày 24/1/1966, tôi đã trình bày với Tổng thống niềm tin của tôi rằng cộng sản đã quyết định tiếp tục tiến hành một cách mạnh mẽ cuộc chiến ở miền Nam. Họ có vẻ tin rằng cuộc chiến sẽ kéo dài, và thời gian sẽ ủng hộ họ, và rằng họ có sức chịu đựng hơn hẳn chúng ta. Họ nhận thấy rằng sự can thiệp ồ ạt của Mỹ năm 1965 là tín hiệu về quyết tâm của chúng ta tránh khỏi bị thất bại và Mỹ sẽ có thể đổ thêm quân vào là điều có thể xảy ra. Tôi lập luận rằng những người cộng sản vì vậy có thể tăng quân bằng cách tăng cường tuyển quân ở miền Nam và gia tăng thâm nhập từ miền Bắc. Các Tham mưu trưởng liên quân và tôi dự tính rằng họ sẽ nâng số tiểu đoàn chiến đấu của họ lên 50% trong năm 1966 và để duy trì lực lượng này phải cung cấp 140 tấn hậu cần một ngày, sử dụng không quá 70% khả năng của đường mòn Hồ Chí Minh.

Để hạn chế sự tăng quân này tôi khuyến nghị tăng thêm 200.000 quân Mỹ (như Westy đã yêu cầu trước đó), đưa tổng số quân Mỹ từ 179.000 lên 368.000 vào cuối năm, và tăng cường các hoạt động không quân theo như kế hoạch. Thế nhưng tôi cảnh cáo rằng những cố gắng tăng cường này không có nghĩa sẽ tạo nên một bức màn chắn ngăn chặn được các hoạt động của kể địch ở Việt Nam, bởi vì bom có thể làm giảm, nhưng không thể ngăn chặn được luồng cung cấp từ Bắc vào Nam.

Điều này dẫn tôi đến một nhận định ảm đạm sau:

Mặc dù những người cộng sản sẽ tiếp tục phải gánh chịu thiệt hại nặng nề vì những hoạt động của bộ binh và không quân của ta, chúng ta cũng chờ đợi họ, sau khi biết được ý đồ của Mỹ muốn tăng quân, họ sẽ tăng lực lượng của mình và thử nghiệm các khả năng và ý chí của Mỹ duy trì xung đột và thương vong ở mức độ cao hơn (số lính Mỹ có thế bị chết trận khi triển khai các hoạt động đã được đề xuất, dự kiến có thể lên tới 1.000 người một tháng)... Vì vậy, nó kéo theo cuộc xung đột thậm chí sẽ cao hơn thế, dù rằng với sự triển khai quân đã được khuyến cáo, đầu năm 1967 chúng ta sẽ phải đối phó với một sự cân bằng về quân sự ở mức cao hơn nhiều, với việc cuộc bình định được thực hiện một cách khó khăn và với yêu cầu triển khai thêm lính Mỹ ở đây.

Triển vọng này củng cố thêm niềm tin của tôi, rằng Mỹ cần tiến hành các cuộc đàm phán dẫn tới một giải pháp ngoại giao cho cuộc xung đột. Tôi hy vọng những nỗ lực ngày càng gia tăng của chúng ta sẽ “đưa Hà Nội tới bàn đàm phán và dẫn tới một kết cục có thể chấp nhận được của cuộc chiến”1.

Trong khoảng giữa năm 1965 đến năm 1967, Westy tăng cường theo đuổi chiến lược làm tiêu hao sinh lực địch nhằm gây cho quân Việt cộng và Bắc Việt Nam bị thương vong nhiều hơn số quân họ có thể thay thế. Nhưng thực tế đã chứng minh khác hẳn. Dù rằng Westy, tôi và nhiều người khác có mong muốn khác hẳn thế nào đi nữa, bằng chứng vẫn cho thấy rằng đối phương của chúng ta - bằng sự kết hợp việc tuyển mộ người ở miền Nam và sự xâm nhập từ miền Bắc - đã tăng mạnh số quân chiến đấu của họ. Quân Việt cộng và quân Bắc Việt Nam tăng mạnh về quy mô trong suốt năm 1966 và cả bước sang năm 1967.

Ngay từ khi chúng ta bắt đầu dính líu vào Việt Nam, quân Nam Việt Nam chỉ cung cấp được cho chúng ta những thông tin tình báo nghèo nàn và những báo cáo không chính xác. Đôi khi những sự thiếu chính xác này lại là những cố gắng có chủ ý nhằm làm cho chúng ta hiểu sai; vào những lúc khác, chúng lại là sản phẩm của chủ nghĩa lạc quan quá mức. Và đôi khi chúng lại chỉ phản ánh tình trạng khó khăn của việc đánh giá các tiến triển của tình hình một cách chính xác.

Nhưng tôi khăng khăng đề nghị rằng chúng ta phải cố gắng đánh giá tiến triển của tình hình. Như tôi đã từng nhấn mạnh, ngay từ những năm còn học ở Trường đại học Harvard, tôi đã tuân theo một quy tắc là việc chỉ nghĩ ra một mục tiêu và kế hoạch để thực hiện nó thôi thì chưa đủ; bạn phải giám sát kế hoạch để xác định xem liệu có đạt được mục tiêu đó không. Nếu như bạn phát hiện ra rằng bạn đang không đạt được mục tiêu thì hoặc là bạn phải xem xét lại kế hoạch, hoặc là bạn phải thay đổi mục tiêu của mình. Tôi tin rằng, trong khi chúng ta không thể tìm kiếm được cái gì rõ ràng như là đường ranh giới mặt trận, chúng ta có thể tìm ra được các biến số có thể chỉ rõ chúng ta thắng lợi hay thất bại. Vì vậy, chúng tôi đã đánh giá các mục tiêu bị tàn phá ở miền Bắc, việc phá hoại giao thông ở Đường mòn Hồ Chí Minh, số người bị bắt giữ, số vũ khí thu được, số xác quân địch chết trận...

Việc thống kê số tử thi quân địch chết trận là một cách xác định tổn thất của đối phương; chúng tôi làm việc đó vì một trong những mục tiêu của Westy là đạt được tới cái gọi là điểm giao nhau mà tại điểm đó các thương vong của quân Việt cộng và Bắc Việt Nam lớn hơn là họ có thể chịu đựng được. Để đạt được điểm đó, chúng tôi cần phải có vài khái niệm về những gì mà họ có thể chịu đựng được và những tổn thất của họ là gì.

Những người chỉ trích nói rằng việc thống kể số tử thi quân địch chết trận là một ví dụ về sự ám ảnh của tôi đối với những con số. “Thằng cha McNamara”, họ nói, “cố gắng đếm số lượng tất cả mọi thứ”. Rõ ràng là, có những thứ bạn không thể đếm được: danh dự và sắc đẹp chẳng hạn. Nhưng với những gì anh có thể đếm được thì anh phải đếm. Tổn thất về người là cái phải đếm khi tiến hành cuộc chiến tranh làm tiêu hao sinh lực địch. Chúng tôi cố gắng dùng việc thống kê số tử khi quân địch như là một thước đo để giúp chúng tôi vạch ra những gì chúng tôi cần phải làm ở Việt Nam để giành thắng lợi trong cuộc chiến trong khi quân lính của chúng ta ít bị rủi ro nhất. Mọi cố gắng nhằm kiểm soát những tiến triển của tình hình ở Việt Nam trong suốt nhiệm kỳ làm Bộ trưởng Quốc phòng của tôi đều nhằm vào những mục tiêu đó, nhưng những báo cáo thường hay đánh lừa tôi.
_____________________________________
1. Báo cáo cho Tổng thống, chủ đề: Tổng quan về tình hình quân sự ở Việt Nam, 24/1/1966, RSMP.

Vào mùa xuân năm 1967, Wesly kết luận rằng cuối cùng thì điểm giao nhau đó đã đạt được, số quân địch là ổn định và, có lẽ, đã giảm bớt. Ngược lại, CIA chưa bao giờ đánh giá rằng sức mạnh của quân địch bị giảm sút. Trong một bản báo cáo vào ngày 23/5/1967, các nhà phân tích của CIA đã kết luận: “Mặc dù các cuộc hành quân “Tìm và diệt” ngày càng có hiệu quả... quân cộng sản Việt Nam vẫn tiếp tục tăng cường lực lượng chủ lực, bằng cả việc xâm nhập vào từ miền Bắc và tuyển mộ ở ngay địa phương... Có vẻ như những người cộng sản có thể tiếp tục giữ vững được sức mạnh tổng hợp của họ trong những năm tiếp theo (nhấn mạnh của tác giả)”1.

Bất kể đánh giá nào là đúng - của Westy hay của CIA - tôi chỉ cảm thấy yên tâm chút ít, bởi vì quân Việt cộng và Bắc Việt Nam vẫn kiểm soát được phần lớn những thương vong của họ trong cuộc chiến tranh du kích ở địa hình rừng rú bằng cách lựa chọn chiến đấu ở đâu, khi nào và trong bao lâu. Hơn nữa, mùa xuân năm 1967, họ đã có đủ số quân (lực lượng) để ngăn chặn bất kỳ một sự mở rộng trọng yếu nào của chương trình bình định - đặc biệt là ở vùng nông thôn, nơi phần lớn người dân Nam Việt Nam sinh sống.

Sự bất đồng giữa Westmoreland và CIA làm cho chúng ta thất vọng nhưng không ngạc nhiên. Mặc dù chúng ta đã cố gắng đánh giá tiến triển của tình hình một cách thực tế nhưng việc thu thập các số liệu chính xác vẫn còn khó khăn. Những số liệu mà chúng tôi có được đã tạo nên những sự khác biệt lớn trong phân tích, mà sự tranh cãi này là một ví dụ. CIA cho rằng Bắc Việt Nam có một sức chịu đựng lớn hơn nhiều so với chính phủ (và Westy) đánh giá. Hoá ra CIA đã đúng.

Chúng ta sẽ phải quyết định chấp nhận cách giải thích nào? Nhiệm vụ này vô cùng phức tạp khi mà chúng ta thậm chí còn không chắc chắn về tính chính xác của các bản báo cáo mà những cách giải thích này lấy làm cơ sở. Không còn nghi ngờ gì nữa, thỉnh thoảng chúng tôi lại nhận được những báo cáo không đúng. Những năm về sau, điều này dẫn đến một loạt những sự việc đau đớn khi hãng tin CBS đã nhầm lẫn khi miêu tả rằng Westy đã lừa dối Tổng thống và tôi. Vấn đề được nhắc tới là báo cáo của Westy về cái gọi là mệnh lệnh chiến đấu của kể địch - sức mạnh của quân Việt cộng và Bắc Việt Nam trên chiến trường.

Một bộ phim tài liệu “Phóng sự của CBS” năm 1982, nhan đề “Kẻ thù không đếm được: một sự lừa dối về Việt Nam”, đã đưa ra luận điệu rằng Westy ra lệnh cho các sĩ quan tình báo cao cấp của mình nói giảm bớt đi một cách có chủ ý về sức mạnh của quân địch nhằm chứng minh cho những luận điệu của ông ta về những tiến triển trong tình hình quân sự. Thực thế, CBS lý luận rằng bằng cách báo cáo giảm đi một cách có chủ ý về sức mạnh của quân Việt cộng và Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam. Westy đã có thể chứng minh về những tiến bộ thông qua chiến lược làm tiêu hao sinh lực địch của mình lớn hơn so với thực tế đạt được. Tôi nêu vấn đề đó bây giờ để làm rõ rằng, trong khi có sự khác biệt sâu sắc giữa Westy và tôi về tiến trình cuộc chiến ở Nam Việt Nam, (và giữa tôi với Bộ Tham mưu liên quân về cuộc chiến tranh bằng không quân ở Bắc Việt Nam), những sự khác biệt này không hề phản ánh mâu thuẫn cá nhân hay sự thiếu tin tưởng.

Sự dính líu của tôi với bộ phim đó của CBS bắt đầu từ ngày 6/6/1981, một thời gian ngắn trước khi tôi rời khỏi chức vụ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới về nghỉ hưu, khi người làm chương trình phóng sự của CBS, George Crile III gọi điện thoại tới phòng làm việc cho tôi. Crile, người mà tôi biết có tính chất xã giao - nguyên là con rể của các bạn tôi Joe và Susan Mary Alsop - nói rằng hãng CBS đang chuẩn bị một chương trình về Việt Nam trong đó anh ta biết là tôi sẽ muốn tham gia. Anh ta nói rằng hãng CBS đã có được bằng chứng rõ ràng, với những chứng cớ của các quan chức thuộc Military Assistance Command, của Việt Nam và CIA cung cấp, chứng minh rằng tướng Westmoreland đã cố tình lừa dối Tổng thống và tôi về “Mệnh lệnh chiến đấu”.

Tôi nói với Crile rằng tôi không tin vào điều đó. Anh ta trả lời rằng những bằng chứng này là rõ ràng không thể chối cãi. Tôi tiếp tục bác bỏ một khả năng như vậy. Cuối cùng Crile hỏi tôi liệu anh ta có thể phác thảo ra và chứng minh những lời buộc tội đó trong một cuộc gặp với tôi hay không. Tôi nói rằng gần như hoàn toàn chắc chắn là tôi sẽ không thay đổi ý kiến của mình, nhưng vì mối quan hệ đã có trước đây với nhau, tôi đồng ý gặp anh ta.

Chúng tôi gặp nhau vào cuối ngày 16/6. Trong suốt cuộc nói chuyện kéo dài 30 phút tại văn phòng của tôi ở Ngân hàng Thế giới và trong lúc ngồi trên xe tô đi về nhà tôi, Crile đưa ra những bằng chứng của mình. Sự việc chung quy lại là thế này: Westy báo cáo lên trên sức mạnh của địch là x, trong khi mà một số sĩ quan tình báo quân sự của ông ta, với sự hỗ trợ của một số nhà phân tích của CIA, dự tính phải là x + y. Hãng truyền hình CBS cho là Westy đã ra lệnh cho các nhân viên dưới quyền của mình đưa những con số thấp hơn vào các bản báo cáo của MACV về các hoạt động quân sự ở Việt Nam gửi Washington.

Một vấn đề về kỹ thuật, rất mơ hồ và thậm chí là khó nắm bắt, cuộc bàn cãi xoay quanh vấn đề đưa ra những nhận định rõ ràng về “kẻ thù”. Mỹ phải đối phó với một lực lượng vô cùng đa dạng của kẻ địch ở Việt Nam - các đơn vị quân đội chính quy của Bắc Việt Nam, bộ đội Bắc Việt Nam thâm nhập vào Nam Việt Nam để lấp chỗ trống, quân du kích Việt cộng được tuyển mộ ở miền Nam và biên chế thành các đơn vị quân sự, và một tập hợp rộng rãi dân quân tự vệ. Những dân quân tự vệ này bao gồm từ những người nông dân được trang bị súng trường và tổ chức thành những đơn vị quân sự không chính thức tới những người dân ở nông thôn mặc quần áo bà ba màu đen, thực hiên các nhiệm vụ phá hoại và thông tin. Vấn đề là ở chỗ phải sử dụng chỉ giới nào khi báo cáo về “sức mạnh của quân địch”. Westy loại trừ các lực lượng phi chính quy nhiều hơn so với một số sĩ quan tình báo của ông ta và một số nhà phân tích của CIA.
___________________________________
1. Báo cáo của CIA cho SC SỐ 01399/67, 23/5/1967, “Tình hình ở Việt Nam: phân tích và đánh giá”, tr. 1-2; “CIA 80-82 (Tài liệu về mệnh lệnh chiến đấu của Việt cộng, tháng 5/1967)”, tài liệu của Capital Legal Foundation, Hộp số 3, LBJL.

Sự bất đồng ý kiến - trong nội bộ của MACV và trong giới tình báo ở Washington - trở nên gay gắt hơn. Tình trạng này kéo dài và được giám đốc CIA là Dick Helms, Tổng thống, tôi và các quan chức cao cấp khác của chính phủ biết đến. Nó đã làm dấy lên mối xúc cảm sâu sắc đến tận ngay cả sau cuộc chiến tranh. Một số nhân vật đã từng phản đối sự đánh giá tình hình của Westy đã đồng ý trả lời phỏng vấn của CBS, trong đó họ tuyên bố - hoặc thẳng thắn hoặc ngấm ngầm - rằng ông ta cố tình và trắng trợn lừa dối Tổng thống Johnson và tôi. Trong số này có cả nhân chứng chính của bản kế hoạch đó và là “người buôn bán tin tức” nhà cựu phân tích của CIA Sam Adams.

Khi gặp Crile, tôi đã giải thích cho anh ta tại sao tôi lại cho rằng một lời buộc tội như vậy là thiếu đúng đắn. Anh ta đã không tin tôi. Bộ phim tài liệu đã được chiếu vào tối 23/1/1982. Westy đòi hãng truyền hình này phải xin lỗi và khi hãng này không làm như vậy, ông đã đâm đơn kiện họ về tội bôi nhọ người khác và đòi bồi thường 120 triệu đôla vào mùa thu năm đó.

Mặc dù biết rằng vụ xét xử này sẽ là một cuộc đối đầu kinh tởm, “bẩn thỉu”, nhưng vì lòng ngưỡng mộ sâu sắc đối với những gì mà Westy đã cống hiến cho đất nước chúng ta trong mấy thập kỷ qua, tôi đã tình nguyện làm chứng đứng về phía ông ta vào mùa hè năm 1983.

Luật sư của Westy, ông Dan Burt, người của Cơ quan pháp luật thành phố (Capital Legal Foundation), biết rằng Crile đã bí mật - và không được tôi cho phép - ghi âm lại một số cuộc nói chuyện bằng điện thoại của ông ta với tôi. Tin tưởng rằng những cuốn băng ghi âm này sẽ chứng minh lập luận của Westy là Crile biết trước khi cuốn phim được chiếu, rằng lý do để tin vào những lời buộc tội đó là không có cơ sở, Burt tìm cách lấy được những cuốn băng ghi âm này. Theo lời ông ta, nhóm luật sư của CBS ban đầu đã bác bỏ việc có những cuốn băng này. Một người phụ trách chương trình tin tức của CBS, người đã lập chương trình buổi đó đã nói với Burt rằng thư ký của Crile nói những cuốn băng đó nằm ở dưới đáy ngăn bàn bên trái. Chúng không có ở đó. Về sau người ta tìm thấy chúng trong một chiếc vali ở nhà Crile - nhưng những đoạn băng có ghi lại lời bác bỏ của tôi đối với những lập luận chống lại Westy đã bị xoá sạch1.

Cùng lúc, CBS đề nghị tôi cung cấp bằng chứng. Tôi đồng ý. Ngày 26-27/3/1984, trong khi tôi cung cấp các bằng chứng, luật sư của hãng tin, ông David Boies bắt đầu bằng việc nói ông ta cho rằng tôi sẽ không phản đối việc quay video buổi làm việc này. Khi tôi hỏi liệu việc quay video đó sẽ được sử dụng như thế nào, ông ta trả lời, “bằng bất cứ cách nào mà chúng tôi lựa chọn”. Khi tôi hỏi liệu điều đó có bao gồm việc phát cả trên chương trình TV thương mại không, ông ta trả lời có. Vị luật sư của tôi đã khuyên tôi rằng nếu như tôi không thể nhớ các chi tiết về những sự kiện đã xảy ra cách đây 16 năm, tôi cần trả lời một cách đơn giản rằng “tôi không nhớ”. Tôi có thể hình dung rất rõ tác dụng của việc 20 đến 30 lần lặp đi lặp lại như vậy được truyền đi trên TV trong chương trình “Tin tức buổi tối của CBS”. Vì thế, tôi nói tôi không đồng ý cho quay video buổi làm việc đó. Boies nói bằng một giọng doạ nạt rằng CBS có quyền pháp lý đòi hỏi tôi phải cho phép quay video. Tôi nói, thay vào đó tôi sẽ vào tù. Cuối cùng Boies quyết định tiến hành công việc mà không có quay video nhưng bảo lưu quyền đề cập lại vấn đề sau này. Nhưng ông ta đã không bao giờ đề cập lại nữa. Về sau tôi được biết rằng Dick Helms, cũng được toà án gọi để cung cấp bằng chứng cho vụ xét xử này, và cũng đã từ chối không cho quay video khi ông cung cấp các bằng chứng cho toà. Hãng truyền hình đã đưa ông ra toà. Nhưng sau nhiều tháng và nhiều chi phí lớn về pháp lý Dick đã thắng kiện.

Trong những bằng chứng mà tôi đưa ra và trong phát biểu trước toà vào ngày 6/12/1984, tôi nói rằng Tổng thống và tôi có biết về những ý kiến khác nhau về tình hình của quân địch trong nội bộ MACV và CIA trong năm 1966-1967; rằng tôi thiên về những dự tính toàn bộ hơn (và lớn hơn); rằng Westy đã không hề cố gắng lừa dối chúng tôi; và rằng, cứ cho rằng ông ta đã cố làm như vậy đi chăng nữa - điều mà không ai hiểu được - thì ông ta cũng đã không thể thành công bởi vì chúng tôi có đủ các kênh thông tin để lựa chọn. Boies tìm cách làm mất hiệu lực các bằng chứng mà tôi đưa ra bằng cách lập luận rằng tôi đã trước sau như một trình bày sai về tiến triển của tình hình quân sự ở Việt Nam. Cuộc xử án kết thúc vào tháng 2/1985 bằng việc giải quyết ở bên ngoài toà án, cả hai bên đều cho rằng mình thắng lợi. Nhưng rất buồn là sự kết hợp của việc chiếu cuốn phim này với việc đưa tin rộng rãi trên báo chí về phiên toà xét xử về tội bôi nhọ người khác này đã làm xói mòn lòng tin của nhân dân Mỹ vào sự thống nhất của chính phủ và các vị lãnh đạo của chính phủ này, cả quân sự lẫn dân sự.
__________________________________
1. Xem Vấn đề danh dự của Don Kowet (New York: Macmilan, 1984), tr. 100-101, 276-282.

Mặc dù có những bất đồng trong đánh giá tình hình, Westy và tôi đã cố gắng hết sức mình để cho số quân Mỹ ở chiến trường được cung cấp đầy đủ và bảo vệ chu đáo. Khi cuộc chiến trở nên nóng bỏng, ác liệt hơn và nỗi giận dữ tăng lên, một số người chỉ trích trong chính quyền của Johnson đã lập luận rằng sự thiếu thốn về vật chất đã làm tổn thương tới sự an toàn của quân lính của chúng ta. Nhưng thực tế không phải là như vậy. Như Bus Wheeler viết cho tôi hôm 23/4/1966, “Không hề có sự thiếu thốn trong các nguồn cung cấp cho quân lính ở Việt Nam để đến nỗi gây tác động bất lợi cho các cuộc hành quân chiến đấu hay sức khỏe hoặc phúc lợi của binh lính. Không một cuộc xuất kích bằng không quân nào (một cuộc xuất kích là một chuyến bay tấn công của một máy bay) đã được yêu cầu bị huỷ bỏ. Trên thực tế, sự hỗ trợ về không quân đối với các lực lượng của chúng ta là không gì có thể so sánh được trong lịch sử”1.

Lính Mỹ ở Việt Nam phải đối phó với nhiều trở ngại và các điều kiện cực khổ: một kẻ thù không đội trời chung và khó nắm bắt, các bãi mìn giăng bẫy và các cuộc mai phục, kiến lửa và đỉa, rừng rậm, đầm lầy, và cái nóng ngột ngạt. Ở những nơi có sự tham chiến của các đơn vị lớn, quân Mỹ thường giành thắng lợi. Họ chiến đấu một cách dũng cảm. Họ đáp lại lời kêu gọi của đất nước mình và vượt qua nhiều khó khăn - kể cả “ở đất nước đó” và, thật buồn, là cả sau khi về nước nữa.

Nhưng vấn đề, từng gây tranh cãi không phải là lòng dũng cảm của binh lính Mỹ ở Việt Nam mà là họ phải chiến đấu như thế nào trên chiến trường. Vấn đề này trở thành trọng tâm của sự bất đồng to lớn giữa Westy và lực lượng lính thủy đánh bộ (cùng với một số nhân tố trong quân đội) trong thời kỳ này. Cho rằng chiến lược “tìm và diệt” đang đùa bỡn với sức mạnh của quân Việt cộng và Bắc Việt Nam, những người chỉ trích - đặc biệt là trong lực lượng hải quân - thiên về chiến lược chống chiến tranh du kích xen kẽ, kết hợp việc bảo vệ dân chúng với việc giải phóng dần dần các làng xã mà Việt cộng kiểm soát. Mặc dù bị chia rẽ sâu sắc, giới quân sự chưa bao giờ thảo luận một cách đầy đủ về những bất đồng của họ trong các hoạt động chiến lược hay bàn bạc về chúng một cách cụ thể với tôi. Trên cương vị là Bộ trưởng Quốc phòng, đáng lẽ ra tôi đã phải buộc họ làm cả hai việc đó.

Chiến lược làm tiêu hao sinh lực địch của Westy phần lớn dựa vào sức mạnh bom đạn. Đạn súng cối và bom napan được trút xuống như mưa ở những vùng căn cứ của Việt cộng và quân Bắc Việt Nam ở Nam Việt Nam. Thường là khó phân biệt những người nào là lính chiến đấu và những người nào không phải là lính chiến đấu. Trong khoảng thời gian từ năm 1965 đến năm 1967, lực lượng không quân Mỹ và Nam Việt Nam đã thả hơn 1 triệu tấn bom ở miền Nam, gấp hơn hai lần so với số bom ném xuống miền Bắc2. Chiến sự làm cho số thương vong trong dân thường tăng lên và hàng loạt trại tị nạn bẩn thỉu ra đời. Sự huỷ diệt và nỗi thống khổ ngày càng tăng đổ lên đầu một đất nước mà đáng ra chúng ta phải giúp đỡ, làm cho tôi vô cùng day dứt. Điều đó, cũng phá huỷ, tuy không cố ý nhưng sâu sắc, chương trình bình định được lập ra nhằm mở rộng an ninh tới vùng nông thôn và giành lấy “trái tim và khối óc” của người dân Nam Việt Nam. Và nó làm tổn thương tới bất kỳ cố gắng nào nhằm giành được sự ủng hộ của dân chúng đối với chính quyền Sài Gòn - điều cốt yếu để đánh bại được Việt cộng.

Một chế độ quan liêu thối nát ở Sài Gòn và sự phối hợp kém chặt chẽ giữa quân Nam Việt Nam và quân Mỹ (và ngay cả giữa quân Mỹ với nhau nữa) cũng đã kìm hãm những cố gắng của chúng ta. Những nguồn ngân quỹ được hứa hẹn dành cho nhiều dự án không bao giờ tới được đích của nó, và nhiều quan chức địa phương xem cuộc bình định là một mối đe doạ đối với những bổng lộc và quyền lực của họ. Người dân ở các làng xã bị tổn thương bởi cuộc chiến tranh thường đón nhận những nỗ lực này bằng sự hờ hững và thận trọng. Chúng ta chưa bao giờ trình bày một cách đầy đủ về việc kế hoạch này phải được chỉ đạo tiến hành ra sao và do ai chỉ đạo, đặc biệt là đối với một chính phủ thiếu hiệu quả và thiếu trách nhiệm ở Nam Việt Nam. Khi chúng ta cố gắng thúc đẩy nhanh tiến bộ của các cuộc bình định, chúng ta chỉ càng bị thất bại nhanh hơn.

Vào mùa thu năm 1966, tôi khuyến nghị Tổng thống tổ chức lại việc thực hiện kế hoạch bình định này - lúc đó đặt dưới sự kiểm soát của Đại sứ Mỹ tại Việt Nam. Tôi thuyết phục để chúng ta đặt cả các cuộc hành quân quân sự lẫn các kế hoạch bình định dưới sự chỉ huy trực tiếp của MACV. Đề nghị này gây ra sự phản đối quan liêu mạnh mẽ ở cả Sài Gòn lẫn Washington, do đó tôi đã thay đổi chiến thuật. Tôi khuyến nghị việc tập trung quyền chỉ huy và làm rõ trách nhiệm, đặt các cuộc hành quân quân sự dưới sự chỉ đạo của Westy và kế hoạch bình định dưới sự chỉ đạo của Phó đại sứ William Porter. Sau một cuộc thử sức, nếu kế hoạch trên không đem lại kết quả, tôi khuyến nghị đặt cả hai hoạt động trên dưới sự chỉ đạo của Westy. Điều này đã không bao giờ được thực hiện, và đó là một sai lầm nghiêm trọng3.
_______________________________________
1. Thông điệp viết tay của Tướng Wheeler, 23/4/1966, tài liệu của Robert S. McNamara, Bộ Quốc phòng.
2. George C. Herring, Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ: Hoa Kỳ và Việt Nam, 1950-1975, xuất bản lần thứ 2 (New York: Knopf, 1986), tr. 151.
3. Xem Báo cáo của R. W. Komer gửi Tổng thống, 13/9/1966, NSF, LBIL; và báo cáo cho Tổng thống, chủ đề: Đề nghị các hoạt động tại Việt Nam, 14/10/1966, RSMP.

Trong khi đó, cuộc chiến tranh bằng không quân được tăng cường. Các cuộc không kích chống lại Bắc Việt Nam tăng lên từ 25.000 vụ năm 1965 lên 79.000 vụ năm 1966 và 108.000 vụ năm 1967, và số lượng bom đạn ném xuống đây tăng từ 63.000 tấn lên 136.000 tấn, rồi 226.000 tấn1. Các cuộc ném bom đã làm cho miền Bắc bị tàn phá; nó hướng việc sử dụng nguồn nhân lực và vật lực, mà lẽ ra có thể đã được sử dụng vào mục đích quân sự, sang hướng khác; nó cản trở việc điều động người và của cho miền Nam. Nhưng cái giá phải trả là nặng nề: các phi công Mỹ bị mất tích; các phi công Mỹ bị bắt đã giúp cho Hà Nội có được những con tin; số thường dân bị thương vong tăng lên gấp bội. Hơn thế nữa, việc một siêu cường liên tục đánh phá một đất nước nhỏ bé đã tạo cho Bắc Việt Nam một công cụ tuyên truyền có sức mạnh. Và, cuối cùng, việc ném bom đã không đạt được các mục tiêu cơ bản của nó: trong khi chiến dịch Sấm Rền được đẩy mạnh, tình báo Mỹ dự đoán rằng số quân xâm nhập vào miền Nam tăng từ khoảng 35.000 quân trong năm 1965 lên 90.000 trong năm 1967, trong khi đó ý chí của Hà Nội tiếp tục cuộc chiến đấu vẫn rất vững chắc2.

Tôi không tin rằng cuộc ném bom chiến lược sẽ đem lại hiệu quả trừ khi nó nhằm vào các mục tiêu là các cơ sở sản xuất, không cho sản xuất ra các sản phẩm cơ bản, và ngăn chặn việc sử cụng các sản phẩm và phương tiện thay thế. Nhưng các cơ sở sản xuất cho Bắc Việt Nam và Việt cộng lại nằm ở Liên Xô và Trung Quốc. Mỹ không thể đánh phá các mục tiêu này trừ phi sử dụng các biện pháp chính trị (chứ không phải là quân sự). Cũng tương tự, tôi cho rằng việc ném bom để ngăn chặn việc gửi người và vật chất cho miền Nam sẽ chỉ có hiệu quả trong những trường hợp đặc biệt. Dường như việc này không thể có được hiệu quả trong trường hợp ở Bắc Việt Nam và Lào, vì đặc điểm địa hình, nhu cầu được cung cấp vật chất thấp, và khả năng thay thế các con đường lựa chọn và các phương tiện cấp phát, đặc biệt là trong môi trường có nhiều sức lao động như ở Bắc Việt Nam. Tất cả những điều này đã đưa tôi đi đến kết luận rằng không một khối lượng bom nào ném xuống miền Bắc - trừ phi là một sự huỷ diệt có tính chất diệt chủng, điều mà không một ai tính tới - có thể chấm dứt nổi cuộc chiến tranh.

Các Tham mưu trưởng liên quân lại nhìn nhận theo cách khác và gây sức ép đòi thực hiện một kế hoạch ném bom nhiều tham vọng hơn trong mùa xuân năm 1966. Họ chủ trương tấn công các kho xăng dầu ở Hà Nội và Hải Phòng với lập luận rằng việc này sẽ giáng cho Bắc Việt Nam một đòn chí tử. Tổng thống và tôi ngần ngại trong việc tấn công những kho này vì nhiều lý do, trong đó có mối nguy hiểm rằng một tàu của Liên Xô ở gần đó có thể vô tình bị trúng bom dẫn đến nguy cơ về một cuộc đối đầu giữa hai siêu cường hạt nhân.*

Cuối cùng, vào cuối tháng 6/1966, chúng tôi đã cho phép thực hiện các cuộc không kích này. Các cơ sở dự trữ xăng dầu bị đánh phá, nhưng thiệt hại chỉ gây trở ngại cho Bắc Việt Nam trong một thời gian ngắn. Họ nhanh chóng thích nghi được với tình hình, phân tán xăng dầu đựng trong những thùng chứa ở dưới mặt đất và dấu những chiếc thùng hình ống có dung tích 55 galông rải rác trên khắp cả nước và bù đắp lại những thiệt hại của các cuộc oanh tạc này bằng việc lấy dầu từ nguồn dầu lửa đã được tăng lên, vận chuyển bằng tàu hoả từ Trung Quốc và bằng việc lấy dầu từ các tàu chở dầu của Liên Xô neo ở ngoài khơi xuống chở bằng xà lan, sau đó các xà lan sẽ vận chuyển số xăng dầu này tới các điểm trung chuyển nằm rải rác dọc theo nhiều cửa sông ở vùng đồng bằng sông Hồng.
_________________________________
1. Herring, Cuộc chiến dài nhất của nước Mỹ, tr. 146.
2. Sách đã dẫn, tr. 149.
* Mối lo ngại của chúng tôi về nguy cơ của một cuộc đối đầu với Liên Xô đã được minh chứng vào mùa hè sau đó, khi tôi được triệu đến Lầu Năm Góc vào một buổi sáng chủ nhật. Matxcơva phản đối rằng các máy bay của Mỹ đã oanh tạc một trong những chiếc tàu buôn của họ đang neo dậu ở cảng Cẩm Phả, đông bắc Hải Phòng. Nắm chắc sau một cuộc điều tra do Đô đốc Hải quân Oley Sharp tiến hành rằng câu chuyện này không có giá trị, tôi rạ lệnh cho văn phòng phụ trách các vấn đề của dân chúng ra một tuyên bố phản đối gay gắt. Vài tuần sau đó, tư lệnh không quân Mỹ ở vùng Thái Bình Dương, Tướng John D. Ryan, trong một chuyến công du tới Thái Lan, đã biết được rằng 4 máy bay Mỹ đúng thực là đã ném bom trúng chiếc tàu này của Liên Xô trong khi tấn công những trận địa pháo phòng không ở gần đó. Khi những chiếc máy bay này trở về căn cứ ở Thái Lan sau khi hoàn thành nhiệm vụ, 2 trong số 4 phi công nói trên đã báo cáo lại vấn đề này cho viên chỉ huy phi đội của họ, một đại tá, người sau đó đã ra lệnh huỷ cuốn phim chụp các nục tiêu và sửa lại những báo cáo sau trận đánh đó. Viên đại tá này về sau đã bị đưa ra toà án quân sự và phải nộp tiền phạt. Theo tôi được biết, đây là trường hợp duy nhất trong suốt 7 năm tôi làm việc ở Bộ Quốc phòng, một lời nói dối một trăm phần trăm của một sĩ quan quân sự đã tác động đến sự hiểu biết và giải thích về một sự kiện của tôi.

Thất bại của các cuộc không kích trong tháng 6 nhằm ngăn cản ý đồ và khả năng của Bắc Việt Nam trong việc tiếp tục hậu thuẫn cho cuộc chiến tranh ở miền Nam đã làm tôi phải tính tới các phương án khác. Vào mùa hè năm 1966, tôi đề nghị một nhóm các nhà khoa học nổi tiếng làm việc theo hợp đồng với khoa JASON của Viện Phân tích các vấn đề về quốc phòng của Lầu Năm Góc - trong đó có George Kistiakowsky, nguyên là cố vấn về khoa học của Tổng thống Eisenhower và Jerome Wiesner, Chủ tịch của MIT - nghiên cứu về vấn đề này. Nhóm này kết luận rằng việc ném bom thực sự không đem lại hiệu quả và khuyến nghị việc lập một “barie” như là một biện pháp thay thế để kiểm soát việc thâm nhập của miền Bắc vào miền Nam. Đây là phương pháp lần đầu tiên tôi đã nghĩ tới vào mùa xuân năm 1966, sẽ gồm việc lập ra một vành đai phức tạp gồm mìn và các máy cảm ứng dọc theo đường giới tuyến quân sự và vùng đất hình cán xoong xuống phía tây của Lào. (Các máy nhạy cảm này sẽ hướng dẫn các máy bay của chúng ta tấn công các lực lượng địch đang di chuyển). Việc dựng lên hàng rào này sẽ phải chi phí tốn kém, nhưng vì việc ném bom tỏ ra không có hiệu quả, tôi đã cho phép lập hàng rào này và cử Trung tướng Alfred D. Starbird giám sát việc thực hiện kế hoạch này. Các Tham mưu trưởng phản ứng một cách lạnh nhạt đối với sáng kiến này nhưng không phản đối mạnh mẽ. Một khi được dựng lên, hàng rào này nhằm mục đích tăng tổn thất của các cuộc thâm nhập từ miền Bắc vào và nó đã làm được điều đó*.

Trong khi đó, các Tham mưu trưởng liên quân lại tiếp tục gây áp lực đòi thực hiện các cuộc không kích ác liệt hơn nữa chống lại miền Bắc trong mùa thu 1966 và bước vào năm 1967. Những bất đồng của chúng tôi được đưa ra ánh sáng trong các cuộc chất vấn ở Thượng viện. Khi Bus Wheeler và tôi phát biểu điều trần trước Uỷ ban về các vấn đề quân sự của Thượng nghị viện vào tháng 1, đã xảy ra một cuộc trao đổi ý kiến như sau:

Bộ trưởng Quốc phòng McNamara: Tôi không tin rằng cho tới nay việc ném bom cũng như bất kỳ một cuộc ném bom nào mà tôi dự tính sẽ thực hiện trong tương lai, sẽ giảm được một cách đáng kể, số người và của cải đang đổ vào miền Nam.

Thượng nghị sỹ Cannon: Các cố vấn quân sự có nhất trí với ông về vấn đề này không?

Bộ trưởng Quốc phòng McNamara: Tôi cho rằng Tướng Wheeler sẽ trả lời câu hỏi này.

Tướng Wheeler: Như tôi đã trình bày, tôi cho rằng việc ném bom miền Bắc của chúng ta đã làm giảm được số người và của đổ vào miền Nam. Tôi không hề làm giảm hiệu quả của việc này xuống mức như một số người khác làm1.

Những tuyên bố trên đây ám chỉ bất đồng đang trở nên sâu sắc giữa Tham mưu trưởng và tôi, sự xích mích tất yếu - và ngày càng tăng - mà nó gây ra.
______________________________________
* Giải thích của tôi về hàng rào chống thâm nhập này (hay như một số người gọi là hàng rào McNamara) chủ yếu dựa vào hồi ức chứ không phải là vào các số liệu thời đó - phần lớn là bởi vì bản kế hoạch JASON tháng 8/1966 còn cần phải chờ để được loại ra khỏi số tài liệu thuộc bí mật quốc gia.
1. Điều trần trước Ủy ban Quân sự và Đánh giá của Thượng nghị viện về bổ sung ngân sách và quyền hạn cho năm tài chính 1967, 23/1/1967, tr. 70.

Qua nhiều tháng dài thảo luận về chiến lược mặt đất, bình định và ném bom, những nỗ lực khởi động tiến trình dẫn đến một giải pháp thương lượng lại được tiếp tục, tuy nhiên chúng không liên tục, nghiệp dư và không có kết quả.

Các nhà phê bình thường nói rằng chính quyền Johnson không bao giờ làm chủ được một công việc tinh tế là khởi sự hoà bình ở giữa thời kỳ tiến hành chiến tranh có giới hạn. Ba cố gắng ngoại giao thời kỳ này đã cho thấy bằng cớ của những lời buộc tội này: phi vụ Ronning mùa xuân 1966 và hai phi vụ khác có mật danh Marigold vào nửa cuối năm 1966 và Sunflower vào đầu năm1967. Ba phi vụ này đã phản ánh quan điểm chung của chúng ta nhằm giành một giải pháp chính trị ở Việt Nam năm 1966 và đầu năm 1967, và tại sao chúng ta thất bại.

Sau kế hoạch chết yểu ngừng ném bom nhân dịp Lễ Giáng sinh mà các nhà phê bình thường buộc tội là đã dẫn đến sự gia tăng thương vong của Mỹ và tăng sức ép mở rộng ném bom bằng không quân. Tổng thống rõ ràng trở nên do dự hơn về những sáng kiến tiếp theo. Tuy nhiên, điều làm ông khó chịu hơn là chỉ hai tháng sau ông lại phải đối phó với một cố gắng như vậy. Lần này, nó bắt nguồn không phải từ tôi mà từ Thủ tướng Canađa Lester Pearson. Vào tháng 3, một nhà ngoại giao và là một tay nghiên cứu cự phách về Viễn đông của Canađa đã nghỉ hưu - ông Chester A. Ronning đã tới Hà Nội và mang về một thông điệp của Thủ tướng Bắc Việt Nam Phạm Văn Đồng rằng, nếu như Mỹ chấm dứt ném bom miền Bắc “vĩnh viền và không điều kiện, chúng tôi sẽ nói chuyện”1.

Người Canađa xem bức thông điệp này của ông Phạm Văn Đồng là một cử chỉ hoà bình có thiện chí chân thật; đối với họ, đây dường như là một bước tiến vượt ra khỏi lập trường của Hà Nội trước đây khăng khăng đòi Mỹ chấp nhận kế hoạch 4 điểm trước khi có đàm phán. Nhiều người ở Washington không đồng tình như vậy. Họ nghi ngờ những lời chỉ trích công khai trước đây của Pearson và Ronning về chính sách đối với Việt Nam của Washington và cảm thấy rằng những lời lẽ của ông Đồng chứa đựng sự mơ hồ thông minh và có chủ ý - chẳng hạn việc sử dụng từ “nói chuyện” chứ không phải là “đàm phán” dường như chỉ ngụ ý về những cuộc tiếp xúc ban đầu, chứ không phải những cuộc thảo luận thực chất. Hơn thế nữa, Tổng thống ngần ngại ngừng ném bom một lần nữa mà không có một sự nhân nhượng có đi có lại nào từ phía Hà Nội. Vì vậy, chính quyền Johnson đã bác bỏ việc ngừng ném bom lần nữa. Nhìn lại quá khứ chúng ta đã sai lầm khi không đề nghị Ronning ít ra là cũng thăm dò kỹ hơn nữa ý nghĩa những lời lẽ của ông Đồng.
__________________________________
1. Xem Herring, Ngoại giao bí mật, tr. 160.

Ít tháng sau, vào tháng 6/1966, đai diện của Ba Lan tại ICC*. Januscz Lewandowski, trở về Sài Gòn sau một chuyến công du tới Hà Nội, với cái mà ông gọi là “một đề nghị hoà bình rất dặc biệt”. Ông nói rằng những người Bắc Việt Nam sẵn sàng đi tới một “thoả hiệp chính trị” để chấm dứt cuộc chiến tranh và sẵn sàng “đi một chặng đường dài” đề đạt được điều đó. Lewandowski đã thông báo việc này cho Trưởng đoàn ngoại giao ở Sài Gòn lúc đó, Đại sứ Italia Giovanni D’Orlandi. D’Orlandi thông báo lại cho Đại sứ Henry Cabot Lodge và Lodge đã báo cáo về Washington. Kênh thông tin này được biết đến với biệt danh “cúc vạn thọ” (Marigold)1. Các cuộc thảo luận bí mật diễn ra suối mùa hè giữa Lewandowski và ông Lodge cao gầy lênh khênh ẩn mình ở hàng ghế sau của chiếc xe riêng, đi tới văn phòng hoặc nhà riêng của D’Orlandi để trách bị theo dõi.

Trong tháng 9, Tổng thống uỷ quyền cho Arthur Goldberg đọc một bài diễn văn quan trọng ở Đại hội đồng Liên hợp quốc, trong đó Goldberg thông báo Mỹ sẽ chấm dứt hoàn toàn ném bom Bắc Việt Nam chừng nào mà Mỹ được bảo đảm chắc chắn kín đáo hay công khai, rằng bước đi này sẽ được đáp lại ngay lập tức bằng một cuộc xuống thang tương ứng và phù hợp của phía bên kia”2.

Kể từ cuộc ngừng ném bom nhân dịp Lễ Giáng sinh năm 1965, chúng ta khăng khăng đòi Hà Nội phải giảm các hoạt động trên mặt đất của họ cùng lúc với việc Mỹ ngừng ném bom. Người Bắc Việt Nam có vẻ coi việc này như là một cố gắng nhằm buộc họ xuống thang dưới sự đe doạ của việc tiếp tục ném bom. Họ bác bỏ việc có bất kỳ một sự thay đổi nào dưới sức ép như vậy. Nhằm xóa bỏ hố ngăn cách trong lập trường của hai bên, bấy giờ chúng ta nói một cách thực chất: “Hãy đưa ra cho chúng tôi những đảm bảo bí mật về một cái gì đó hơn là “nói chuyện”, và chúng tôi sẽ ngừng ném bom ngay lập tức sau đó chúng tôi hy vọng rằng các ngài sẽ đáp lại bằng việc giảm các cuộc thâm nhập và các hoạt động quân sự ở miền Nam”. Việc nay được đưa ra để nhằm lấy lại danh dự cho Hà Nội do việc giảm các hoạt động quân sự của họ được biết đến dưới cái tên Công thức giai đoạn A - giai đoạn B.

Dựa trên công thức mới này, vào tháng 11, Lewandowski tuyên bố có sự đảm bảo của Bắc Việt Nam đồng ý gặp gỡ với Mỹ tại Vácsava bắt đầu vào ngày 5/12/1966. Vào ngày 2 và 4/12, máy bay Mỹ oanh tạc các mục tiêu mới ở xung quanh Hà Nội theo kế hoạch đã định sẵn cho ngày 10/11 nhưng bị hoãn lại do thời tiết xấu. Người Ba Lan phản ứng một cách giận dữ việc định trước thời gian không may mắn này, nhưng vẫn thoả thuận tiếp tục như đã định. Đại sứ Mỹ tại Ba Lan John Gronouski đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan Adam Rapacki vào ngày 6/12, phía Bắc Việt Nam không có mặt. Tuy vậy, phía Ba Lan vẫn tiếp tục cố gắng để làm cho hai bên tiếp xúc được với nhau. Gronouski và Rapacki gặp lại nhau vào ngày 13/12. Đúng vào ngày hôm đó (và cả ngày hôm sau đó nữa). Mỹ lại ném bom các mục tiêu ở xung quanh Hà Nội - lần này với cường độ tăng gấp đôi so với các cuộc ném bom hồi đầu tháng 12.

Vì sao một việc như vậy lại có thể xảy ra? Các quan chức cao cấp Mỹ nghi ngờ rằng Hà Nội có thể đã hiểu lầm các cuộc oanh tạc vòng hai này ngay trước các cuộc nói chuyện. Lodge, Gronouski, Thứ trưởng Ngoại giao Nicholas Katzenbach, Tommy Thompson và tôi đã gắng sức thuyết phục Tổng thống hoãn chúng lại. Nhưng Johnson, vẫn còn bị ảnh hưởng bởi những tác động về sau của cuộc ngừng ném bom dịp Lễ Giáng sinh, cảm thấy rằng việc hoãn ném bom có thể sẽ được đánh giá là một sự suy yếu. Và ông đã bác bỏ đề nghị của chúng tôi.

Lập tức có phản ứng. Ngày 15/12. Rapacki thông báo với Gronouski rằng những cuộc ném bom của Mỹ đã chấm dứt các cuộc nói chuyện. Một quan chức Đại sứ quán Liên Xô ở Washington về sau này nói với John McNaughton: Matxcơva tin rằng đã từng có một bầu không khí thuận lợi cho các cuộc đàm phán, nhưng những vụ oanh tạc đó đã “phá hoại bầu không khí này”. Ông nói thêm là có những lực lượng ở Hà Nội muốn thoả hiệp nhưng họ đã không thể “trở nên tích cực được trong một hoàn cảnh mà bom đạn đang rơi xuống Hà Nội”3.
_____________________________________
* ICC là cơ quan được thành lập năm 1954 để giám sát việc thực hiện Hiệp định Geneva, bao gồm đại diện các nước Canada, Ấn Độ và Ba Lan.
1. Embtel 5840 (Sài Gòn), Lodge gửi Rusk, 29/6/1966, phần trích trong sách đã dẫn, tr. 231-239.
2. Xem bài của Goldberg 22/9 trong New York Times, 23/9/1966.
3. Báo cáo về cuộc nói chuyện giữa McNaughton và Bộ trưởng Zinchuk, 3/1/1967, Báo cáo gửi Tổng thống - Walt Rostow, NSF, LBJL.

Liệu có phải là những vụ ném bom trong tháng 12 ấy đã phá vỡ các cố gắng nghiêm chỉnh dẫn tới hoà bình không? Một quan chức Mỹ, theo dõi những động thái này, Chet Cooper, cho rằng Bắc Việt Nam “ở mức tối đa có thể được... đã giành cho Lewandowski một giấy phép đi săn chứ không phải là một cam kết dứt khoát nào”. Về sau, Nick Katzenbach đã mô tả kế hoạch Marigold là “đồ rởm”.

Có lẽ cả hai người đã đúng hoặc là không ai đúng cả.

Ít tuần sau đó, sáng kiến hoà bình thứ ba (mang tên Hoa hướng dương) đã dẫn đến một thất bại hoàn toàn và lố bịch hơn nữa - một kế hoạch đã có lúc làm căng thẳng nghiêm trọng quan hệ Mỹ - Anh. Sáng kiến này bao gồm ba hướng tiếp xúc riêng biệt... Tiếp xúc trực tiếp với Đại sứ quán Việt Nam ở Matxcơva, một bức thư riêng của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh; và một cố gắng của Thủ tướng Anh Harold Wilson thông qua Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin.

Sáng kiến này được bắt đầu tháng 1/1967, khi người Nga thông báo cho Đại sứ quán của chúng ta ở Matxcơva rằng nếu chúng ta đề nghị gặp đại biện lâm thời của Bắc Việt Nam, các cuộc tiếp xúc ban đầu có thể đạt kết quả và có thể dẫn đến những cuộc nói chuyện nghiêm chỉnh. Một quan chức cao cấp của Mỹ đang ở Matxcơva lúc đó là John Guthrie, đã gặp quan chức của Hà Nội, ông Lê Trang vào ngày 10/1. Guthrie báo cáo lại rằng ông Trang tỏ ra bối rối, chỉ im lặng nghe và không nói gì. Tuy nhiên, ông ta đã mời Guthrie quay trở lại gặp lần thứ hai. Trong lần gặp gỡ đó, Guthrie đã phác hoạ một kịch bản về việc cuộc chiến tranh sẽ kết thúc như thế nào: một cuộc ngừng bắn, tiếp theo đó là rút quân, tổ chức bầu cử, sự tham gia có tính chất chính trị của Mặt trận Dân tộc Giải phóng, và cuối cùng là thống nhất Bắc và Nam Việt Nam. Ông Trang lại nghe một cách lặng lẽ. Một tuần sau đó, vào ngày 27/1, ông ta mời Guthrie đến một lần nữa. Lần này, ông Trang đón tiếp Guthrie bằng một cuộc luận chiến dài và có tính chất chỉ trích.

Ngày 6/2, Thủ tướng Wilson đón Alexei Kosygin đến thăm chính thức London. Một đợt ngừng ném bom ngắn ngủi nhân dịp Tết cổ truyền của Việt Nam vừa mới được bắt đầu. Wilson và Kosygin bàn về tuyên bố cách đó không lâu của Bộ trưởng Ngoại giao Bắc Việt Nam Nguyễn Duy Trinh rằng cuộc nói chuyện “có thể bắt đầu” nếu như cuộc ném bom được ngừng vô điều kiện. Khi Kosygin không thể, hay là không muốn, đảm bảo rằng các cuộc nói chuyện sẽ bắt đầu sau khi ngừng ném bom. Wilson đưa ra công thức giai đoạn A - giai đoạn B. Những bằng chứng về việc Bắc Việt Nam tăng cường thâm nhập đã làm cho Tổng thống có quan điểm cứng rắn hơn đòi hai bên cùng xuống thang, trong bức thư riêng gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh ngày 8/2. Mỹ yêu cầu Wilson huỷ bỏ công thức giai đoạn A - giai đoạn B và thay vào đó một công thức mới: Washington sẽ ngừng ném bom nếu Hà Nội ngừng thâm nhập vào miền Nam. Wilson phản ứng một cách tức giận nhưng vẫn chuyển đề nghị đó tới Kosygin.

Sau đó, Mỹ miễn cưỡng chấp nhan đề nghị vào giây phút cuối cùng của Wilson là kéo dài việc ngừng ném bom nhân dịp Tết thêm vài tiếng đồng hồ để Kosygin có thể chuyển công thức mới đó cho Hà Nội. David K.E. Bruce, vị Đại sứ có năng lực của chúng ta tại London và là một người bạn cũ của tôi (sau này tôi là người túc trực bên quan tài trong tang lễ của ông) đề nghị kéo dài thêm 48 tiếng đồng hồ. Tổng thống chỉ đồng ý trong 6 tiếng. Kosygin hứa sẽ làm những gì có thể, nhưng ông tỏ ra giận dữ. Bruce gọi điện thoại cho Dean Rusk nói rằng giới hạn về thời gian này là vô lý; Kosygin không thể liên lạc với Hà Nội và có được trả lời trong một khoảng thời gian ngắn như vậy. Ông yêu cầu Dean gặp Tổng thống và đề nghị kéo dài thêm vài ngày.

Dean từ chối, và có lẽ là ông ta đã đúng. Tôi ở trong Phòng họp nội các và đã lên tiếng ủng hộ Tổng thống khi, trong lúc bực tức, ông nói rằng chúng ta đã kéo dài việc ngừng ném bom hai lần và bác bỏ việc kéo dài thêm nữa. Quyết định này của ông dựa trên bằng chứng là Bắc Việt Nam đã tăng cường các vụ xâm nhập trong thời gian mỗi cuộc ngừng ném bom này, và lời khẳng định của Tổng tham mưu trưởng liên quân rằng điều đó đã làm tăng thêm thương vong của lính Mỹ ở Nam Việt Nam. Thêm nữa, trong trường hợp này, chúng tôi được biết về một cuộc chuyển quân rất lớn của Bắc Việt Nam. Việc ném bom được tiếp tục, thậm chí trước cả khi Wilson có cơ hội nhận được trả lời từ phía Nga.

Hai năm sau, Wilson nói trước một nhóm khán giả truyền hình: “Tôi cho rằng chúng tôi lúc ấy đã đi rất gần tới đích... sau đó tất cả mọi việc đã bị phá hỏng”. Ông nói việc kéo dài ngừng ném bom trong 48 tiếng đồng hồ có thể đã mang lại kết quả. Cùng lúc đó, Tommy Thompson, một lần nữa được cử làm Đại sứ ở Matxcơva, báo cáo rằng viên Đại sứ Liên Xô ở Washington, ông Anatoly Dobrynin đã nói, “Những tuyên bố của Kosygin ở London... không phải là được làm bằng không khí” - nói cách khác, người Nga có lý do để tin rằng Bắc Việt Nam đã sẵn sàng đi tới đàm phán1.

Vậy Wilson và Kosygin có đúng không? Một lần nữa, chúng ta lại không bao giờ có thể biết được. Nhưng tôi biết chắc một điều: chúng ta đã thất bại thảm hại trong việc liên kết và phối hợp các hoạt động quân sự và ngoại giao của chúng ta khi chúng ta tìm kiếm sự kết thúc cho cuộc chiến tranh này.
______________________________________
1. Trích dẫn của Wilson trong The Washington Post, 26/7/1969; và Embtel 5015 (Mátxcơva), Thompson gửi Rusk, 19/5/1967, NSF, LBJL.

Từ đầu năm 1966 đến giữa năm 1967, sự ủng hộ của công chúng đối với chính sách Việt Nam của chính quyền đáng ngạc nhiên là vẫn mạnh, mặc dù số lính Mỹ thương vong tăng lên và các phương tiện thông tin đại chúng ngày càng soi xét cuộc chiến một cách kỹ lưỡng hơn. Sau lệnh ngừng ném bom nhân dịp Lễ Giáng sinh, các cuộc thăm dò dư luận cho thấy khoảng hai phần ba người Mỹ có thái độ trung dung về cuộc chiến tranh. Chẳng hạn ngày 28/2/1966, Louis Harris đã báo cáo: “Hiện nay ở trong nước có sự nhất trí về một điểm đối với cuộc chiến tranh Việt Nam: nhân dân Mỹ mong muốn kết thúc chiến tranh trong danh dự, nhưng tỷ lệ cho rằng chúng ta phải tiếp tục và đi đến cùng là 2-1”. Tuy nhiên Harris cũng cho thấy “trong công chúng Mỹ ngày càng có sự chia rẽ giữa những người tán thành một nỗ lực quân sự tổng hợp để rút ngắn chiến tranh và những người mong muốn đàm phán hơn là mạo hiểm leo thang chiến tranh”. Harris kết luận: “Nếu có sự vận động về quan điểm ở nước Mỹ thì sẽ là theo hướng tìm kiếm một giải pháp quân sự cho cái mà nhiều người cho là sự bế tắc thất vọng”1. Những người tán thành cách đề cập “ráng kết thúc hay rút ra” của Thượng nghị sĩ Richard Russell dường như đang nhận được sự ủng hộ của công chúng.

Sức ép từ cánh tả kêu gọi chúng tôi xuống thang hay rút lui lên đến cực điểm đầu năm 1968 với sự chống đối mạnh mẽ đã đóng góp vào quyết định của Tổng thống Johnson không ra tái cử. Nhưng đó không phải là mối lo ngại chính của chúng tôi trong năm 1966 và hầu hết năm 1967. Tổng thống, Dean và tôi lo lắng nhiều về sức ép của cánh hữu. Phái điều hâu đã buộc tội chúng tôi là đang bắt quân đội chiến đấu mà một tay bị trói sau lưng, và họ đòi chúng tôi tung ra toàn bộ sức mạnh quân sự của nước Mỹ.

Tuy nhiên, chúng tôi tin là trong một thế giới hạt nhân, một cuộc chiến tranh không có giới hạn ở Việt Nam đã đặt ra những nguy cơ hoàn toàn không thể chấp nhận được đối với nước Mỹ và cả thế giới nữa. Vì thế, theo lời Dean thì “điều có thể giải quyết được một cách có lương tâm thì chúng tôi lại cố làm một cách lạnh lùng”. Bà Bird đã thấy được thế tiến thoái lưỡng nan của chúng tôi khi bà viết trong nhật ký của mình: một luồng không khí khó chịu đang treo lơ lửng trên đầu mọi vật. Khí chất của dân tộc chúng ta dường như là bạn phải hoặc sôi nổi, cuồng nhiệt, chiến đấu và ráng kết thúc, hoặc chúng ta phải rút ra. Đánh một cuộc chiến có giới hạn thì thật khó khăn không thể tin được”2.

Mặc dầu vậy, sự bất đồng chính kiến thể hiện bằng lời và bằng bạo lực của cánh tả bắt đầu tăng lên, đặc biệt là ở các trường đại học. Những người bất đồng thường xuyên nhằm vào tôi như là biểu tượng của “cỗ máy chiến tranh”của nước Mỹ. Trong một tuần vào tháng 6/1966, giáo viên và sinh viên ở hai trường đại học Amherst và New York đã bỏ ra ngoài khi tôi lên nhận học vị danh dự. Trước đó không lâu, những người đứng gác biểu tình đã huýt sáo chế diễu tôi khi tôi phát biểu trước lớp tốt nghiệp của Kathy, con gái thứ của tôi, ở Trường Đại học Chatham.

Tôi tôn trọng quyền bất đồng chính kiến của sinh viên và tinh thần của họ qua hành động như vậy. Tại Chatham tôi đã phát biểu: “Ngày nay trong một số sinh viên đang có sự phản đối nghiêm trọng: Nhưng dù một số cuộc phản đối cực đoan này có thể đem lại sự an ủi gì cho kẻ thù của chúng ta... thì chúng ta vẫn phải hiểu thật rõ các nguyên tắc và những ưu tiên của chúng ta. Đây là một quốc gia mà trong đó, quyền tự do phản đối là hết sức cơ bản”. Một dịp khác tôi đã nói: “Tôi không cho rằng chúng ta lại có thể có dân chủ mà không có tự do bất đồng quan điểm”. Lúc đó tôi đã tin như vậy và cho đến nay tôi vẫn tin3.
______________________________________
1. The Washington Post, 28/2/1966.
2. Nhiều lý do vì sao, Charlton và Moncrieff, tr. 115, và nhật ký ngày 5/1/1967, Bà Bird Johnson, Tập nhật ký của Nhà Trắng (New York: Holt, Rinehart và Winston, 1970), tr. 469.
3. Phát biểu tại lễ trao bằng ở trường Chatham, 22/5/1966, PSRSM, 1966, t.7, tr. 2333.

Điều làm tôi lo nhất trong các chuyến đi thăm các trường là tôi nhận ra rằng mức độ phản đối chính sách Việt Nam của chính quyền cũng tăng lên cùng danh tiếng của trường và thành tích học tập của sinh viên. Tại Amherst, những sinh viên phản đối sự có mặt của tôi đều đeo băng tay. Tôi đã đếm số lượng và tính tỷ lệ những sinh viên phản đối theo bốn nhóm: sinh viên tốt nghiệp hạng kém, sinh viên tốt nghiệp hạng yếu, sinh viên tốt nghiệp hạng trung bình và sinh viên tốt nghiệp hạng ưu. Tôi bàng hoàng vì các tỷ lệ tăng lên theo mức học vấn xét theo kết quả học tập. Một số trong các cuộc biểu tình lớn nhất và căng thẳng nhất của sinh viên xảy ra ở những trường hàng đầu như Berkeley và Stanford.

Cuộc biểu tình đầu tiên và tồi tệ đã nổ ra tại Trường Đại học Harvard mùa thu năm 1966. Giáo sư Richard Neustadt của Trường Kennedy thuộc Đại học Harvard đã mời tôi đến phát biểu trước một nhóm sinh viên đại học. Cùng thời gian này, Henry Kissinger, người đang giảng bài tại một cuộc hội thảo về quan hệ quốc tế của sinh viên tốt nghiệp của trường Harvard, đã mời tôi đến gặp lớp của ông ta. Tôi đã nhận lời mời của cả hai người và kéo dài chuyến đi của mình để tới thăm cả trường học cũ, Trường Kinh doanh Harvard.

Ngày 7/11 tôi tới Cambridge mà không có các nhân viên an ninh đi kèm, vì đây là thói quen của tôi khi tôi đi bất cứ đâu trên đất Mỹ trong suốt bảy năm là bộ trưởng.*

Người lái xe của tôi, trước đây đã từng lái cho Franklin Roosevelt khi ông ta còn là Trợ lý Bộ trưởng Hải quân dưới thời Tổng thống Wilson, đôi khi cũng có đem theo khẩu súng ngắn, và lúc nào cũng có một ống xịt hơi cay trông giống một cây bút máy ở khoang sau của chiếc limousine. Một hôm, sau khi dự một cuộc họp của gia đình Kennedy để kiểm điểm các kế hoạch cho nơi chôn cất vị Tổng thống bị sát hại, tôi hỏi Eunice Shriver (em gái của Tổng thống Kennedy) xem cô ta có cần đi nhờ xe không. Cô ta nhờ tôi đưa đến khách sạn Wardman Park. Khi tôi và Eunice đang cho xe chạy dọc Đại lộ Connecticut, tôi đã cho cô ta xem ống xịt hơi cay hoạt động như thế nào. Tôi hạ cửa sổ xuống một ít, đặt khẩu súng lên cửa sổ rối ấn. Vì chúng tôi đang phóng rất nhanh nên trong xe có một khoảng chân không, và đã hút luồng khí trở vào trong xe. Eunice, theo kế hoạch, sẽ đọc một bài diễn văn tại Wardman Park, bắt đầu nghẹt thở và thét lên. Đến khi chúng tôi về đến nơi thì cô ta đã bất tỉnh.

Chuyến viếng thăm của tôi tới Trường Kinh doanh Harvard diễn ra một cách trật tự và cuộc trao đổi với sinh viên đại học ở khu Nhà Quincy bên kia sông Charles - mặc dù hết sức sôi động và gần như là cãi nhau - đã làm tôi hứng thú cao độ. Tuy nhiên, rắc rối bắt đầu khi tôi rời Nhà Quincy để đến lớp của Henry Kissinger ở tại Hội trường Langdell chỉ cách nhau có mấy dãy nhà. Nhà Quincy nằm trên Phố Mill, một con đường lát gạch chỉ đủ rộng cho xe hơi. Trường đã cho một chiếc xe và một cảnh sát đưa tôi đến Langdell. Khi tôi bước vào xe thì một đám đông sinh viên đã nhanh chóng quây quanh xe.

Rồi thì chẳng ra trời đất gì nữa. Đám sinh viên bám chặt quanh xe và bắt đầu lắc chiếc xe. Do sợ cả tôi và anh ta cùng bị hại, người lái xc đã cài số thật mạnh và bắt đầu lái xe lao vào đám sinh viên đứng tụ ở phía trước.

Tôi thét lên: “Dừng lại! Anh sẽ cán chết ai đó mất!”

Anh giật cài số lùi và lùi xe lại phía sau. Lúc này đám sinh viên đã tập trung hết ở đằng sau. Tôi nói: “Tôi ra khỏi đây”.

“Ngài không thể làm thế được. Họ sẽ tấn công ngài”. Anh ta cảnh cáo.

Đến lúc này đám đông đã lên tới vài trăm thanh niên đang tức giận. Nếu ai đã từng gặp phải một đám đông bất trị thì chắc biết nó đáng sợ như thế nào. Tôi đẩy cửa, bước ra khỏi xe và dõng dạc nói: “Được rồi, các bạn, tôi sẽ trả lời một hai câu hỏi của các bạn. Nhưng hãy nhớ lấy hai điều: chúng ta ở giữa một đám đông hỗn loạn và ai đó có thể sẽ bị thương mà tôi thì không muốn điều đó. Năm phút nữa tôi có một cuộc hẹn”.

Tôi hỏi ai là người cầm đầu chịu trách nhiệm, và một anh chàng tên là Michael Ansara, Chủ tịch Hội sinh viên dân chủ của Trường Harvard (một nhóm chống đối cấp tiến) đem đến một chiếc micrô. Tôi gợi ý là chúng tôi sẽ đứng lên mui xe để có thể nhìn thấy mọi người và mọi người có thể nhìn thấy chúng tôi.

Tôi bắt đầu: “Trước khi các bạn hỏi, tôi muốn các bạn biết rằng tôi đã từng sống bốn năm hạnh phúc nhất ở Trường Đại học Berkeley, California, tôi cũng đã làm một số điều mà các bạn đang làm hôm nay”.

Lời tôi nói đã được đón nhận bằng những tiếng huýt sáo chế nhạo và đám đông xô đẩy. Nghĩ rằng có thể ngăn chặn được bạo lực bằng cách làm rõ cho đám đông thấy là sự đe doạ của họ sẽ không làm cho tôi sợ nên tôi đã nói thêm: “Khi đó tôi còn cứng rắn hơn cả các bạn và hôm nay tôi còn cứng rắn hơn nữa. Khi đó tôi nhã nhặn hơn và tôi hy vọng là ngày hôm nay tôi còn nhã nhặn hơn thế”.

Sau một vài câu hỏi, điều rõ ràng là mối nguy hiểm chỉ càng tăng lên, cho nên tôi đã kết thúc lời phát biểu, nhảy xuống xe, chạy vội qua chiếc cửa Nhà Quincy mà người lái xe đã mở cho tôi và thấy mình ở trong một đường ngầm chạy dài qua vài dãy nhà và nối liền với một số toà nhà của Harvard. Người đã hộ tống tôi qua đường ngầm rắc rối là Barney Frank, một sinh viên đại học của Harvard sau này đã trở thành hạ nghị sĩ Mỹ của khu vực bầu cử Quốc hội số 4 ở bang Massachusetts. Frank và tôi đã ra khỏi đường ngầm, thoát khỏi đám sinh viên và ngoi lên ở sân trường Harvard. Tôi vẫn giữ lời hứa gặp lớp của Kissinger tuy hơi mất bình tĩnh. Sau đó tôi đã dành nửa giờ trấn tĩnh lại bằng cách đảo qua một trong những cửa hàng sách dễ chịu ở khu Harvard Square.
_____________________________________
* Ba mươi năm qua, thế giới đã thay đổi nhiều: ngày nay, khi chơi quần vợt ở Washington, tôi thường thấy ở các sân gần kề, các quan chức Nội các hay vợ hoặc chồng của họ phải được các nhân viên an ninh bảo vệ, thậm chí ngay cả khi giải trí.

Sau đó, tôi đã ăn tối cùng Dick Neustadt và những người bạn là giáo viên khác ở Harvard. Cuộc nói chuyện thẳng thắn nhưng thân tình. Tôi tin là lần đầu tiên tôi đã nói lên cảm tưởng của mình rằng, vì chiến tranh đã không diễn ra như người ta hy vọng nên các học giả tương lai chắc chắn sẽ muốn nghiên cứu vì sao. Tôi đã nghĩ là chúng ta nên tìm cách tạo điều kiện cho việc nghiên cứu như vậy nhằm giúp tránh những sai lầm tương tự trong tương lai. Suy nghĩ này cuối cùng đã được ghi vào “Tài liệu của Lầu Năm Góc”.

Ngay sau khi trở về Washington, tôi đã nhận được một bức thư của ông John U. Munro hiệu trưởng Trường Harvard về sự việc đã xảy ra. Ông ta viết:

Tôi hy vọng ngài sẽ chấp nhận lời xin lỗi sâu sắc của chúng tôi về cuộc đối chất bất nhã và ngỗ ngược do các thành viên cộng động của Hội sinh viên trường Harvard gây ra ngày hôm qua. Chúng tôi rất cảm ơn ngài đã vui lòng dành thời gian đi thăm để nói chuyện với các sinh viên, và chúng tôi rất lấy làm buồn phiền về sự việc không vui đã xảy ra. Sự thô lỗ và sự đối đầu như vậy không có chỗ trong trường đại học. Chúng tôi bàng hoàng vì nó lại xảy ra ở Harvard.

Ngày hôm sau tôi đã viết thư cảm ơn ông Hiệu trưởng Munro:

Dẫu sao cũng không cần phải xin lỗi. Đã từng có bốn năm sống sôi động ở Berkeley nên tôi tin là tôi hiểu mối quan tâm sâu sắc của sinh viên đối với những vấn đề sống còn của thời đại chúng ta và mong muốn của họ bày tỏ mối quan tâm đó theo cách gây sự chú ý của công chúng. Đôi khi tất cả chúng ta để cho lòng nhiệt tình vượt cả lý trí, nhưng không nên lấy những thái độ sai trái ấy làm cơ sở để ngăn chặn ý kiến bất đồng. Bất đồng ý kiến vừa là đặc quyền và vừa là biện pháp phòng ngừa của những người tự do ở khắp nơi1.

Tình cảm chống chiến tranh tiếp tục hướng vào tôi từ nhiều phía. Có lúc lại là từ những người tôi yêu quý nhất. Tôi và Marg vẫn rất gần gũi với cả Jackie và Bobby Kennedy, vẫn thường nói chuyện với họ qua điện thoại và tới thăm mỗi khi có thời gian. Bobby đã trở thành một trong những người bạn tốt nhất của tôi. Khi mới gặp lần đầu, anh ta trông có vẻ là một người dạn dày và cứng rắn, luôn tin là trong chính trị mục đích chứng minh cho phương tiện. Nhưng trong tám năm biết nhau tôi thấy anh ta đã trở nên già dặn hơn tới ba mươi tuổi về những giá trị và sự hiểu biết về thế giới.

Một số người trong và ngoài chính quyền ngạc nhiên vì tôi vẫn rất gần gũi với gia đình Kennedy, mặc dù Tổng thống Johnson nghi ngờ họ. Quan hệ căng thẳng giữa Johnson và Bobby ai cũng biết. Nhưng cũng như Henry Ford II đã không quan tâm tới việc liệu tôi có sống ở Ann Arbor hay từ chối quyên góp cho đảng viên Cộng hoà hay không khi tôi làm ra lợi nhuận, Lyndon Johnson chấp nhận mối quan hệ thân thiết của tôi với gia đình Kennedy vì ông hiểu được lòng trung thành của tôi đối với Nội các và với bản thân ông ta. Điều này vẫn đúng ngay cả khi tôi và Tổng thống mâu thuẫn không thể giảng hoà được quanh vấn đề Việt Nam.

Tất nhiên là Jackie không phải là một mối đe doạ đối với Tổng thống như Bobby, nhưng bà cũng có suy nghĩ sâu sắc không kém gì người em chồng về những vấn đề nổi bật lúc bấy giờ. Vào một thời điểm, trong suốt quá trình lâu dài tôi nghi ngờ về sự khôn ngoan trong kế hoạch của chúng tôi, Jackie, người bạn yêu quý mà tôi rất ngưỡng mộ đã hết sức giận dữ và đầy nước mắt, hướng sự phẫn nộ vào tôi. Tôi đã bị áp đảo bởi những tình cảm của bà đến nỗi ngày nay tôi vẫn, nhớ như in sự việc xảy ra.

Marg đang đi xa nên tôi đã đến New York ăn tối cùng Jackie. Ăn xong chúng tôi ngồi trên chiếc tràng kỷ trong thư viện nhỏ của căn hộ của bà ở khu Manhattan trao đổi về tác phẩm của Gabriela Mistral, nhà thơ Chilê và là người giành giải Nobel. Cả hai chúng tôi đều thích bài thơ “Lời cầu nguyện” của bà. Đó là một lời thỉnh cầu Chúa xá tội cho người đàn ông mà Mistral yêu, người đã tự tử. Bài thơ có đoạn: “Người nói anh độc ác? Người quên là con mãi mãi yêu anh... Yêu (như NGƯỜI hiểu rõ) thật đắng cay”.

Quả thực Jackie là một người phụ nữ đẹp tuyệt vời. Nhưng bà cũng hết sức nhạy cảm. Không biết có phải những cảm xúc của bà là do bài thơ hay do tôi đã nói điều gì mà bà đã trở nên rất buồn và rất phê phán cuộc chiến tranh. Dù sao bà cũng trở nên căng thẳng đến nỗi không nói được gì. Bỗng nhiên bà bùng lên. Bà quay sang tôi và bắt đầu đấm vào ngực tôi, theo đúng nghĩa đen, đòi tôi phải “làm một việc gì đó để chấm dứt sự giết chóc!”.
__________________________________
1. Folder “M”, Hồ sơ tài liệu cá nhân.

Cuộc đối đầu của tôi với những người phản đối khác ngày càng trở nên gay gắt và khó chịu hơn. Một trong những cuộc đối đầu là vào tháng 8/1966, khi tôi và gia đình đang chờ lên máy bay ở sân bay Seattle, sau cuộc leo núi ở Mount Rainier với Jim và Lou Whittaker (Jim là người Mỹ đầu tiên chinh phục Đỉnh Everest) thì một người đàn ông tiến lại và la lên: “Tên sát nhân!” và nhổ vào mặt tôi. Rồi trong kỳ nghỉ Lễ Giáng sinh, trong khi tôi và Marg đang ăn trưa trong nhà hàng trên đỉnh núi Aspen, một phụ nữ đi tới bàn của chúng tôi và hét to lên đủ để cả phòng nghe thấy: “Kể thiêu sống trẻ em! Máu vẫn còn dính lên tay ngươi đấy!”

Những sự cố đó đương nhiên làm tôi buồn rầu. Đáng buồn hơn là những căng thẳng này đã ảnh hưởng tới gia đình tôi. Marg bị vết loét dạ dày nguy hiểm phải phẫu thuật vào mùa hè năm sau. Craig, con trai tôi, mới đang ở tuổi vị thành niên, một thời gian sau cũng bị một vết loét như vậy.

Đôi khi, một khoảnh khắc thanh thoát lại làm dịu được cơn đau đầu và sự căng thẳng. Tháng 11/1966, một trong những nhà thơ được ưa thích nhất của Liên Xô, Yevgeny Yevtushenko, đã sang thăm Mỹ. Bằng một cử chỉ đặc trưng “vươn rộng cánh tay” mà những người trong gia đình Kennedy thường làm, Bobby đã mời nhà thơ dự buổi dạ tiệc lớn ở nhà mình ở Hickory Hill. Khoảng 2 giờ 30 phút sáng, sau khi tôi và Yevtushenko đã nói chuyện hàng giờ về thơ ca, về chiến tranh lạnh, về Việt Nam và hàng trăm chủ đề khác nữa, tôi hỏi nhà thơ xem ông ta đang ở khách sạn nào và chúng tôi có thể đưa ông ta về được không vì ông ta đã uống nhiều rồi. Ông nhận lời, lái xe của tôi đã đưa ông, Marg và tôi về khách sạn Statler. Khi ra khỏi xe, ông ta quay lại và nói: “Họ nói ngài là một con thú. Nhưng tôi thấy ngài là một con người”.

Cũng cùng thời gian này, đã có một tình tiết thú vị sau một buổi tối với Sam Brown. Trong số các bạn bè của các con tôi, Sam đã từng tổ chức và dẫn đầu các cuộc phản đối lớn của công chúng chống các chính sách của chính quyền ở Việt Nam. Sau một cuộc tuần hành như vậy trước Nhà Trắng, Sam đã đến nhà chúng tôi cùng ăn tối. Ăn xong, cậu ta và tôi đã nói chuyện hàng giờ trong thư viện. Khi đứng dậy ra về cậu ta đã nói những lời chia tay: “Ồ, tôi đoán là không ai yêu thích những ngọn núi như ngài lại có thể hoàn toàn bất lương cả”.*

Mối quan tâm của Quốc hội và dư luận trở nên sâu sắc trong mùa thu năm 1966. Những người thuộc phái tự do và ôn hoà tăng cường đòi hỏi đàm phán, trong khi những người phái bảo thủ đòi có hành động quân sự mạnh hơn nữa. Cùng lúc, các phương tiện thông tin bắt đầu đưa ra những tin tức ngày càng mạnh mang tính hoài nghi về diễn biến của cuộc chiến. Neil Sheehan đã viết một bài cho số tạp chí New York Times Magazine ra ngày 9/10/1966 với đầu đề “Không phải bồ câu nhưng không còn là diều hâu nữa”, trong đó anh ta viết rằng trong chuyến đi Việt Nam đầu tiên với tư cách một phóng viên của UPI (Liên hiệp báo chí quốc tế) trong những năm 1962-1964 anh ta đã từng tin vào những mục tiêu cơ bản của Mỹ. Nhưng sau chuyến đi thứ hai, với tư cách là phóng viên của Times, anh ta nhận ra là mình đã “ngây thơ khi tin là những người Việt Nam phi cộng sản có thể đánh bại cuộc nổi dậy cộng sản và xây dựng được một cơ cấu xã hội lành mạnh và tiến bộ”.
_____________________________________
* Gần ba mươi năm sau, khi Tổng thống Clinton đề cử Sam Browrn làm Đại sứ Mỹ tại Hội nghị về An ninh và Hợp tác ở châu Âu (CSCE), những người bảo thủ trong thượng nghị viện đã phản đối mạnh mẽ vì những hoạt động chống chiến tranh của anh ta. Sam đã nhờ tôi viết một bức thư thay mặt anh ta gửi Uỷ ban Đối ngoài của Thượng nghị viện và tôi đã vui vẻ làm. Nhưng việc đề cử anh ta đã không được thông qua và anh ta đã nhậm chức ở CSCE không phải với hàm Đại sứ.

Mối quan hệ của chính quyền với Quốc hội đã lạnh nhạt sau một sự cố đáng tiếc có liên quan đến Bobby Kennedy, vào thời điểm này là Thượng nghị sĩ của New York và là một người phái bồ câu trong vấn đề Việt Nam. Đầu tháng 2/1967, Bobby từ Paris trở về và người ta ngờ rằng ông có vẻ có một gợi ý thăm dò hoà bình chính đáng của Bắc Việt Nam. Chuyện đã lọt ra ngoài tới tạp chí Newsweek và câu chuyện đã được in trong số phát hành ngày 5/2. Tổng thống Johnson chồm lên tức giận vì tin rằng Bobby đã để lọt tin này ra ngoài nhằm tạo thế cho bản thân. Bobby đã không làm điều đó. Ngày 6/2, Tổng thống đã gặp Bobby và có tin nói ông bảo Bobby: “Năm nay chiến tranh sẽ kết thúc và khi đã kết thúc rồi thì tôi sẽ tiêu diệt ông và bất cứ ai trong đám bạn bồ câu của ông. Sáu tháng nữa ông sẽ đi đứt về chính trị”1.

Tổng thống Johnson không khi nào hướng sự tức giận và nghi ngờ vào tôi như ông ta đã làm đối với Bobby. Nhưng sự thù hằn của họ đặt tôi vào thế khó xử. Johnson biết là tôi và Bobby vẫn thường xuyên nói chuyện và thường thì chủ đề bao giờ cũng là Việt Nam. Tôi hết sức thận trọng để không phản bội sự tin tưởng của Tổng thống, và không đề cập bất cứ chuyện gì để Bobby có thể sử dụng để chống Tổng thống về mặt chính trị. Tôi không bao giờ do dự nói cho Tổng thống biết tôi nghĩ gì và tôi cũng hoàn toàn cởi mở với Bobby những cảm nghĩ của tôi về Việt Nam.

Những căng thẳng và sức ép tích tụ đã ảnh hưởng tới tất cả chúng tôi những người phải đưa ra các quyết định, và tôi cũng không đứng ngoài số đó. Trong năm 1967, đã vài đêm tôi phải uống thuốc ngủ mới ngủ được. Bạn tôi, David Lilienthal, cựu Chủ tịch Ủy ban năng lượng nguyên tử, đã tâm sự trong nhật ký của mình trong thời kỳ này rằng anh ta nhận thấy “vẻ mệt mỏi, ưu phiền và không còn hoạt bát nữa ở vị Bộ trưởng Quốc phòng”. Tờ The Washington Post ngày 21/5/1967 đã đưa tin là cả tôi và Dean đã bắt đầu lộ vẻ căng thẳng của chiến tranh. Dean viết trong hồi ký của mình là sang năm sau ông ta đã “mệt bã người” và hàng ngày sống bằng “aspirin, rượu scotch và bốn gói Larks”. Trong năm 1967 ông ta đã dần dần rơi vào tình trạng đó2.

Phần vì những bản tin trên báo và vì tôi tin là sẽ có thể có lợi hơn cho Tổng thống về chính trị nếu thay thế tôi và Dean, nên mùa xuân năm 1967 tôi đã nói với ông ta: “Chúng ta không nên... loại trừ... việc thay thế những phụ tá chủ chốt trong chính phủ Mỹ để đáp lại lời chỉ trích rằng Washington đang mệt mỏi và úa tàn”3.
_______________________________________
1. Robert Kennedy đã kể lại câu chuyện này với tôi. Xem cả Robert Kennedy và thời ông ta, Arthur M. Schlesinger (Jr.) (Boston: Houghton Mifflin, 1978), tr. 768-769.
2. Biên bản của David Lilienthal (New York: Harper và Row, 1964 - 1983), t.6, tr. 418; Như tôi đã thấy nó, Rusk, tr. 417.
3. Bản nháp Báo cáo cho Tổng thống, 19/5/1967, tr. 19, RSMP.

Vì mỗi ngày lại có một sáng kiến ngoại giao mới nên nỗi thất vọng, vỡ mộng và đau khổ của tôi ngày càng sâu sắc thêm. Tôi không thấy có cách nào khả dĩ để chiến thắng hay chấm dứt được cuộc chiến tranh tàn phá và ngày càng tốn kém này.

Nỗi lo lắng của tôi càng tăng lên, có thêm nhiều cuộc nổi dậy của Phật tử ở Nam Việt Nam. Vào mùa xuân năm 1966, việc giết hại lẫn nhau này đã khẳng định sự mỏng manh và thiếu tính hấp dẫn đối với công chúng của chính quyền Sài Gòn. Tôi buồn phiền vì người Nam Việt Nam đánh lẫn nhau trong khi đối phương ngấp nghé ngoài cửa. Đỉnh cao của cuộc khủng hoảng là vào đầu tháng 4 khi tôi và John McNaughton chuẩn bị cho cái mà chúng tôi gọi là một “Kế hoạch rút lui có thể” dựa trên cơ sở tin rằng “mặc dù tình hình quân sự diễn ra không tồi, nhưng tình hình chính trị lại đang trong cơn “hấp hối” và thậm chí, triển vọng dự đoán về quân sự là sự bế tắc đang leo thang”. Chúng tôi kết luận là chúng tôi cần xem xét, nhân thời cơ có những rắc rối này, để Mỹ giảm cam kết1.

Trong cuộc họp ngày 2/4/1966, Tổng thống đã có lời phát biểu khó hiểu về “việc sẵn sàng có một lựa chọn khủng khiếp - có thể lấy một chỗ đứng ở Thái Lan”. Điều này cho thấy Tổng thống cũng có hướng tương tự2. Nhưng Tổng thống, tôi và những người khác vẫn sợ về những chi phí quốc tế và trong nước có thể nảy sinh từ việc rút lui. Cuộc khủng hoảng ngay sau đó đã kéo dài một thời gian ngắn nữa khi chính phủ Nam Việt Nam sử dụng vũ lực để dẹp những vụ lộn xộn.

Nhìn lại, tôi vô cùng ân hận vì tôi đã không tiến hành một cuộc tranh luận với mục đích thăm dò xem liệu có thể thắng một đòn quân sự ngay trên nền của bãi lầy chính trị hay không. Sau này, một điều trở nên rõ ràng là sức mạnh quân sự, đặc biệt khi được một cường quốc bên ngoài sử dụng, không thể đem lại trật tự trên một đất nước không tự quản nổi chính mình. Hôm nay tôi vẫn tin như vậy.

Hầu hết các đồng nghiệp của tôi nhìn tình hình khác tôi. Họ thấy (hay họ muốn thấy) tiến bộ chính trị và quân sự vững chắc. Mùa hè năm 1966, Dean nhận xét rằng “tình thế đã đến độ Bắc Việt Nam không thể thành công”. Walter viết: “Thưa Tổng thống, ngài có thể nhận thấy khắp nơi: hoạt động của Hà Nội được sự ủng hộ của Trung cộng không còn được coi là làn sóng của tương lai nữa... Chúng ta không chỉ đứng đó thôi mà đang tiến lên”. Lodge điện về “khía cạnh quân sự của cuộc chiến tranh này đang tiến triển tốt đẹp... Điều này có nghĩa là thực sự và cũng là nguy cơ duy nhất nếu nhân dân Mỹ mất lòng tin và quyết định “đưa các chàng trai về nước”. Thực sự, đây sẽ là quân cờ Domino đầu tiên bị đổ”. Và trợ lý về Việt Nam của Nhà Trắng Robert W. Komer đã báo cáo sau chuyến đi Nam Việt Nam là ông ta “vừa là người lạc quan và vừa là người thực tế”. Trong số những cố vấn cấp cao của Tổng thống, có ít sự ủng hộ đối với quan điểm tôi đã trình bày với Averell Harriman ngày 23/6/1966 là không thể có một giải pháp quân sự có thể chấp nhận được và do vậy, chúng ta nên “tiếp xúc trực tiếp” với Bắc Việt Nam và Việt cộng để tìm ra giải pháp tối ưu có thể đạt được3.
___________________________________
1. Văn bản kèm theo (đề ngày 5/4/1966) của “Vài suy nghĩ về Việt Nam”, 4/4/1966, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ của Lot 70D 207.
2. Xem Ghi chép của Jack Valenty ngày 2/4/1966, cuộc họp tại MNF, LBJL.
3. Rusk, Báo cáo về cuộc Hội đàm với Trần Văn Độ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nam Việt Nam, 28/6/1966, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ Trung tâm, Pol -7 Viet S; Rostow gửi Tổng thống, 25/6/1966, Báo cáo gửi Tổng thống, NSF, LBJL; Embtel 5830 (Sài Gòn), Lodge gửi Rusk, 29/6/1966, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ Trung tâm, Pol 27 Viet S; Báo cáo của Komer gửi Tổng thống, 1/7/1966, PPW, LBJL; và Tốc ký của Harriman báo cáo về cuộc hội đàm với McNamara, 23/6/1966, Tài liệu của W. Averell Harriman, Vụ Văn bản viết tay, Thư viện Quốc hội.

Năm 1966 trôi qua và mối bất đồng của tôi với các cố vấn cấp cao khác của Tổng thống ngày càng sâu thêm. Sự bất đồng ngày càng thêm sâu sắc rõ rệt. Tại một cuộc họp mùa thu năm ấy, Lodge báo cáo rằng, nước Mỹ đã thành công trong “cuộc chiến tranh quân sự” và ông ta hy vọng đến mùa xuân sang năm sẽ có “một tình hình quân sự rất khác”. Westmoreland cũng nhất trí1. Sau khi một lần nữa đi thăm Nam Việt Nam vào giữa tháng 10, tôi đã không thấy như vậy.

Trong một bản báo cáo dài tôi đã cho Tổng thống biết tôi đã thấy “không có cách nào hợp lý để sớm chấm dứt chiến tranh”. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng tới suy nghĩ của tôi và tôi đã nêu chi tiết và không giấu diếm điều gì:

Tinh thần chiến đấu của kẻ địch đã không bị bẻ gãy. Rõ ràng họ đã điều chỉnh để thích ứng với việc chúng ta muốn chặn đứng nỗ lực giành thắng lợi quân sự của họ và họ đã áp dụng chiến lược quấy rối chúng ta cho đến khi chúng ta phải rút ra (một chiến lược làm mệt mỏi tinh thần dân tộc của chúng ta). Họ biết là chúng ta đã không thể, và họ tin là chúng ta chắc chắn sẽ không thể chuyển hoá những chiến công của chúng ta ra “những thành phẩm”, đó là nhuệ khí của kẻ thù bị bẻ gẫy và những thắng lợi chính trị của Chính phủ Nam Việt Nam.

Một điều khích lệ đối với chúng ta ở Việt Nam trong năm qua là số lượng lớn quân địch bị chết trận, đó là kết quả của những chiến dịch quân sự lớn. Dù có sự phóng đại trong các báo cáo thì số tổn thất của địch là hơn 60.000 một năm. Nhưng tuyến xâm nhập dường như sẽ là những con đường một chiều đi đến cõi chết cho quân Bắc Việt Nam. Tuy nhiên, không có dấu hiệu tinh thần của kẻ địch đang bị bẻ gẫy và có vẻ họ có thể bù đắp những mất mát của mình bằng việc xâm nhập từ ngoài miền Bắc vào và tuyển mộ thêm ở miền Nam.

… Chiến dịch Bình định dù gì cũng đã không tiến lên được. Khi so sánh với hai hay bốn năm về trước thì các lực lượng quân địa phương và quân du kích của đối phương hiện lớn hơn; các cuộc tấn công, khủng bố và phá hoại đã tăng lên về quy mô và mức độ;... chúng ta chỉ kiểm soát thêm được chút ít dân cư; cơ sở chính trị của Việt cộng phát triển mạnh ở hầu khắp đất nước, đem lại cho đối phương thuận lợi lớn về thông tin tình báo; không đâu có được an ninh đầy đủ (thậm chí ngay ở sau phòng tuyến của lính thuỷ đánh bộ Mỹ); ở nông thôn, địch gần như hoàn toàn kiểm soát về ban đêm.

Chương trình Sấm Rền ném bom miền Bắc cũng không ảnh hưởng mấy đến việc xâm nhập hay bẻ gãy tinh thần của Hà Nội. Giới tình báo tán thành về những hiện thực này.

Về bản chất, nhìn từ góc độ của cuộc chiến có tầm quan trọng, chúng ta thấy mình trong tình thế chẳng tốt đẹp hơn chút nào (trong tình cảm và lý trí của người dân). Cuộc chiến quan trọng này phải do chính người Việt Nam chiến đấu và chiến thắng và họ tự quyết định số phận của cuộc chiến. Ngay từ đầu, chúng ta đã biết điều này. Nhưng sự thật đáng buồn là trong các năm 1961, 1963 và 1965 chúng ta đã không tìm ra được công thức, chất xúc tác, để huấn luyện và khích lệ họ có những hành động hữu hiệu.

Chúng tôi phải làm gì trong tình huống bất hạnh này? Tôi thấy không nên và cũng không thể đưa ra được câu trả lời “khả dĩ” nào cả. Tôi chỉ có thể khuyên Tổng thống về lâu dài nên giữ ổn định ở mức dính líu quân sự của Mỹ, trong khi vẫn đẩy mạnh tìm kiếm đàm phán với hy vọng là những nỗ lực tổng hợp này sẽ ngăn chặn phía bên kia làm cho chúng tôi mệt mỏi, tránh được sự leo thang vô tận của các cuộc triển khai quân của Mỹ, tránh nguy cơ của một cuộc chiến tranh lớn hơn và tăng triển vọng của một giải pháp thương lượng bằng cách tiếp tục gây sức ép.
______________________________________
1. Báo cáo của Lodge, 3/10/1966, Tài liệu của Henry Cabot Lodge (Jr.), Hiệp hội Lịch sử Massachusets; và “Các luận điểm chính trị của COMUSMACV”, 3/10/1966, Tài liệu của Westmoreland, Trung tâm Lịch sử quân sự Mỹ.

Dù hy vọng gì đi nữa, tôi cũng đã thừa nhận “triển vọng xấu” là trong vòng hai năm tới, cuộc chiến tranh sẽ đi đến một kết cục thoả đáng. Các chiến dịch quy mô lớn chắc chắn sẽ không đem lại kết quả đó; các cuộc đàm phán cũng vậy. Trong khi chúng tôi tiếp tục theo đuổi cả hai hướng trên để có được một giải pháp trong thời gian ngắn thì chúng tôi cũng nên nhận thấy rằng thắng lợi từ các hướng này chỉ là một khả năng chứ không phải là một điều chắc chắn (nhấn mạnh trong nguyên bản)*.1

Đó là một bức tranh ảm đạm, đau đớn đến tột cùng. Nhưng khi đó tôi không thấy cách gì tốt hơn.

Nói chung, Trợ lý Ngoại trưởng Nick Katzenbach có cùng quan điểm với tôi. Nick trước đây là Tổng Chưởng lý, nhưng đã được chuyển sang Bộ Ngoại giao, vì Tổng thống không hài lòng với cách điều hành của Dean ở Bộ Ngoại giao. CIA mô tả lời đánh giá tình hình của tôi là “sâu sắc, dễ hiểu và rất giống với đánh giá của chúng ta”. Nhưng các Tham mưu trưởng liên quân không nghĩ như vậy. Tờ Pentagon Papers nhận xét về phản ứng của họ là “nhanh chóng và quyết liệt như dự đoán” - một sự tổng hợp chính xác về tâm trạng của các Tham mưu trưởng. Họ đã phản ứng mạnh mẽ trước nhận định của tôi về tình hình quân sự, kiến nghị của tôi về việc không triển khai thêm quân Mỹ và lời khuyên của tôi là chúng ta hãy gây sức ép mạnh hơn nữa để đàm phán trong khi chú trọng hàng đầu vào việc bình định và tự ổn định chính trị ở miền Nam. Thái độ khó chịu của họ mạnh đến mức họ đã yêu cầu tôi chuyển cho Tổng thống các quan điểm của họ và tôi đã làm như vậy2.

Mâu thuẫn giữa tôi và các Tham mưu trưởng liên quân là công khai nhưng cũng không ai nói ra điều đó. Tại sao? Vì hầu hết mọi người đều muốn tránh đối đầu. Họ thích làm êm các mâu thuẫn này hơn là bộc lộ chúng một cách công khai. Đồng thời, tôi nghĩ rằng Lindon B. Johnson, giống như mọi Tổng thống khác, muốn tránh một sự chia rẽ công khai giữa các thuộc hạ của mình, đặc biệt là trong lúc đang có chiến tranh. Do vậy, chúng tôi đã gạt các bất đồng quan điểm sang một bên. Đó là hành động đầy nhân bản. Nhưng, tôi lấy làm tiếc là Tổng thống, Dean và tôi đã không trực tiếp giải quyết được mối bất đồng giữa chúng tôi với các Tham mưu trưởng và thảo luận với họ một cách thẳng thắn và đầy đủ.
_____________________________________
* Để đạt được những mục tiêu này, tôi đã kiến nghị một hướng hành động nhiều gọng kìm: ổn định số lính bộ binh ở miền Nam ở mức 470.000 quân; dựng một hàng rào chống xâm nhập dọc Đường mòn Hồ Chí Minh; giữ ổn định các cuộc không kích Sấm Rền chống miền Bắc; đẩy mạnh kế hoạch bình định.
1. Xem Báo cáo của R. W. Komer gửi Tổng thống, 13/9/1966, NSF, LBIL; và báo cáo cho Tổng thống, chủ đề: Đề nghị các hoạt động tại Việt Nam, 14/10/1966, RSMP.
2. George A. Carver (Jr.) gửi Richard Helms, 15/10/1966, chủ đề: Bình luận về Báo cáo chuyến đi của Bộ trưởng McNamara, “McNaughton V.III - Muộn hơn ở Việt Nam... (2)” PPW, Hộp số 3, LBJL, PP, t.4, tr, 356; và JCSM-672-66, Wheeler gửi McNamara, 14/10/1966, “Việt Nam, Báo cáo JCS, T. II”, CF, VN, Hộp số 193, NSF, LBJL.

Sự bất đồng và mâu thuẫn tiếp tục kéo dài, thậm chí đã trở thành giữa các cá nhân với nhau. Tháng 12, Lodge nói với Tổng thống rằng ông hy vọng “tình hình quân sự sẽ sáng sủa trong năm 1967” và tình hình chính trị cũng sẽ được cải thiện, nhưng ông nói thêm: “Phải mất tới 5 năm mới hoàn thành được công việc đó”. Sau khi đi thăm Sài Gòn vào đầu tháng 2/1967, Bus báo cáo “Việt cộng/quân đội Bắc Việt Nam không có hy vọng chiến thắng ở miền Nam được nữa”. Và chưa đầy 6 tuần sau đó, vào ngày 18/3/1967, Westy yêu cầu tăng thêm 200.000 quân (nâng tổng số từ 470.000 lên 670.000); kêu gọi mở rộng các chiến dịch trên bộ tại Lào và Campuchia; chủ trương ném bom và thả mìn Bắc Việt Nam mạnh hơn nữa; và tính đến khả năng tấn công bằng không quân và bộ binh vào phía bắc khu phi quân sự. Điều này có nghĩa là huy động lực lượng dự bị, tăng cường quân chính quy lên 500.000 quân và chi thêm 10 tỷ đôla mỗi năm vào cuộc chiến - một khoản tăng thêm cho chi phí 25 tỷ đôla đã trực tiếp rót vào Đông Nam Á trong toàn bộ ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc là 71 tỷ đôla1.

Chúng tôi thảo luận về các đề nghị này tại Nhà Trắng ngày 27/4. Trong hồi ký của Westy, ông ta nói rằng tôi đã “moi” từ ông ta xem phải mất bao nhiêu thời gian để “giảm dần sự dính líu của Mỹ”, nếu lực lượng của Mỹ được tăng thêm 200.000, 100.000 hoặc giữ ở mức 470.000. Ông ta đã trả lời, thời gian tương ứng là 2 năm, 3 năm và 5 năm. Tại một thời điểm của cuộc họp, Tổng thống Johnson hỏi ông ta: “Khi chúng ta tăng thêm quân thì quân địch không biết tăng thêm quân của họ à? Nếu vậy thì bao giờ mới kết thúc được?”2.

Tại cuộc họp này, Bus nhận xét “chiến dịch ném bom đang tiến tới chỗ mà chúng ta phải tiến công các mục tiêu cố định quan trọng, trừ các cảng”. Để phù hợp với tình hình này, tại buổi tiệc trưa ngày thứ ba mùng 2/5/1967, tôi khuyên Tổng thống không những bác bỏ đề nghị của các Tham mưu trưởng mở rộng các cuộc ném bom (trừ các nhà máy điện còn lại), mà chỉ hạn chế các cuộc ném bom vào các khu vực nằm dưới vĩ tuyến 20 (“eo đất” phía nam của Hà Nội và Hải Phòng, nơi quân đội và hàng tiếp tế đều phải qua đây để vào miền Nam).

Tôi hiểu và thông cảm với nỗi lo lắng của giới quân sự trong việc kiềm chế các cuộc phản công của đối thủ. Nhưng tôi đã đưa ra khuyến nghị căn cứ vào một số nhân tố như: nhận xét của Bus ngày 27/4; tôi tin rằng ném bom và rải mìn các cảng sẽ có nguy cơ phải đối đầu với Liên Xô; các kết luận của Edmund Rice. Tổng lãnh sự Mỹ tại Hồng Công và Ngài Robert Thompson ở Malaixia rằng chiến dịch ném bom Sấm Rền làm ý chí của Hà Nội tăng thêm hơn là bị tiêu diệt; con số thiệt hại về phi công Mỹ tính trung bình trên mỗi phi vụ ném bom ở phía Bắc vĩ tuyến 20 gấp 6 lần con số thiệt hại ở dưới vĩ tuyến này; luận điểm của tôi là kết quả ném bom phía Bắc vĩ tuyến này không biện minh được cho sự thiệt hại nhiều hơn sinh mạng Mỹ. Cy Vance, Nick Katzenbach, Dick Helms, Walt Rostow, Bill Bundy và cả Mac Bundy ủng hộ kiến nghị của tôi là gửi cho Tổng thống một bản phúc trình riêng vào ngày 3/5, nằm ngoài báo cáo của chính phủ nhưng vẫn giữ liên hệ với Tổng thống. Phân tích của CIA ủng hộ quan điểm này3.
___________________________________
1. Xem Ghi chép của Rostow về cuộc họp với Tổng thống, Thứ Sáu, 17/12/1966, Austin, Texas (đề ngày 19/12/1966), Hồ sơ của Walt W. Rostow, Hộp số 3, NSF, LBJL; Tài liệu kèm theo Bản tóm lược về cuộc họp thứ 568 NSC, 8/2/1966, NSCMF, LBJL; và COMUSMACV 09101 gửi CINCPAC, “Yêu cầu của Quân đội” 18/3/1967, PPW, LBJL.
2. Trích dẫn trong Báo cáo của một quân nhân, Westmoreland, tr. 299; đánh giá của Westy và nhận xét của Johnson trong “Ghi chép tại các cuộc hội đàm với Tổng thống, ngày 27/4/1967”, PPW, LBJL.
3. Báo cáo gửi Tổng thống, chủ đề: Dự thảo chương trình ném bom đánh phá Bắc Việt Nam, ngày 9/5/1967; William Bundy, “Các nét đại cương cho chiến dịch ném bom trong thời gian còn lại của năm 1967”, 9/5/1967; George Bundy gửi Tổng thống, Báo cáo về chính sách Việt Nam, 3/5/1967; Báo cáo tình báo của CIA 0642/67, “Tình trạng tinh thần hiện nay ở Bắc Việt Nam”, 12/5/1967; Báo cáo tình báo của CIA 0643/67, “Đòn tiến công bằng ném bom trên đất Bắc Việt Nam trong tháng 4/1967; 12/5/67; và Báo cáo tình báo của CIA 0649/67, 23/5/1967, tất cả trong CF, VN, NSF, LBJL.

Cuối tháng đó, những lo lắng và mối ngờ vực của tôi được thể hiện trong một bản phúc trình dài và đầy mâu thuẫn gửi cho Tổng thống ngày 19/5/1967. Đưa ra những quan điểm mà sau này tờ Pentagon Papers mô tả là “cấp tiến”, bản phúc trình nói rõ mối nghi ngờ của tôi về chiều hướng phát triển của các sự kiện và bản phúc trình này đã mở màn cho một cuộc tranh cãi gay gắt hơn nữa. Vì tầm quan trọng của nó, tôi xin trích nhiều đoạn ra đây. Tôi mở đầu:

“Bản phúc trình này được viết vào thời điểm không còn giải pháp hợp lý nào. Điều chắc chắn là Hà Nội đã quyết định không ngồi vào bàn đàm phán cho đến khi kết thúc cuộc bầu cử ở Mỹ vào tháng 11/1968. Tiếp tục chính sách ôn hoà hiện nay của chúng ta, trong khi tránh một cuộc chiến tranh lớn hơn, sẽ không làm thay đổi quyết tâm của Hà Nội và cũng không được nhân dân Mỹ đồng tình; tăng cường lực lượng và chiến tranh chống miền Bắc xem ra không làm thay đổi ý chí của Hà Nội và rất dễ kéo sâu chúng ta vào Đông Nam Á và vào sự đối đầu nguy hiểm, nếu không phải là chiến tranh, với Trung Quốc và Liên Xô; và chúng ta không sẵn sàng đương đầu với điều đó. Vì vậy, chúng ta phải chọn lựa giữa các giải pháp không hoàn hảo”.

Tôi tiếp tục trình bày về tình hình tại nước Mỹ:

Cuộc chiến tranh ở Việt Nam ít được người dân ở Mỹ quan tâm đến. Nó càng trở nên ít được quan tâm khi đang leo thang - cuộc leo thang gây ra nhiều thương vong cho Mỹ, làm tăng thêm mối lo ngại rằng nó sẽ phát triển thành một cuộc chiến tranh lớn hơn, sự thiệt hại càng lớn đối với trong nước, và làm cho dân thường ở miền Nam và Bắc Việt Nam ngày càng kiệt sức do phải chịu đựng quá nhiều. Hầu hết người Mỹ không hiểu tại sao chúng ta lại có mặt ở đất nước đó và hầu hết, mặc dù không biết tại sao, nhưng với nhận thức muộn màng, đều tin rằng dù sao chúng ta cũng không nên dính sâu vào đó. Tất cả đều mong muốn chấm dứt cuộc chiến tranh và trông đợi Tổng thống chấm dứt nó. Thắng lợi. Hay là bằng cách nào đó.

Tâm trạng này làm nền chính trị Mỹ mất đi tính kiên nhẫn. Tiếc là nó lại làm cho Hà Nội thêm kiên nhẫn (dư luận chung cho rằng Hà Nội sẽ chờ đợi cho tới khi có kết quả cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tháng 11/1968).

Tại Nam Việt Nam:

(Ở Việt Nam) cuộc “chiến lớn” ở miền Nam giữa Mỹ và các đơn vị vũ trang Bắc Việt Nam (NVA) đang tiến triển tốt. Chúng ta đã tránh được thất bại quân sự năm 1965; chúng ta đã giành được thế chủ động quân sự năm 1966; và từ đó chúng ta đã gây cho địch nhiều thiệt hại nặng nề, bẻ gãy được một số khả năng tiến công nào đó của họ... (Nhưng) trên toàn Nam Việt Nam, sự tiếp tế vẫn tiếp tục được đổ vào ở quy mô lớn. Đối phương vẫn duy trì được khả năng phản công cả trên quy mô lớn và nhỏ...

Rất tiếc là, cuộc “chiến khác” chống Việt cộng vẫn không có tiến triển gì. Tham nhũng tràn lan. Một nhóm người nước ngoài đang nắm trong tay quyền kiểm soát chính quyền. Chế độ mục ruỗng... Dân chúng tỏ ra thờ ơ... Mặt trận Dân tộc giải phóng (NLF) tiếp tục kiểm soát những phần đất rộng lớn ở Nam Việt Nam và chương trình bình định tỏ ra ít có được kết quả. Quân đội của Chính quyền Nam Việt Nam (ARVN) thì mệt mỏi, thụ động, có xu hướng thoả hiệp và chậm chạp trong việc thực hiện các kế hoạch bình định.

Tại Bắc Việt Nam:

“Quan điểm của Hà Nội về việc thương lượng chưa bao giờ tỏ ra là mềm mỏng và cởi mở... Họ tỏ ra không quan tâm đến một giải pháp chính trị và quyết tâm đọ sức với Mỹ trong một cuộc chiến tranh mở rộng... Vẫn không có những dấu hiệu là chiến dịch ném bom làm suy giảm ý chí kháng cự hoặc khả năng của họ vận chuyển hàng tiếp tế cho miền Nam. Hà Nội không có biểu hiệu chấm dứt chiến tranh quy mô lớn và khuyên Việt cộng rút lui vào rừng. Người Bắc Việt Nam tin rằng họ đúng; họ coi chế độ của Kỳ là bù nhìn; họ tin thế giới đứng về phía họ và rằng nhân dân Mỹ không chống lại họ. Do đó mặc dầu họ cũng có thể có các phe phái chủ trương các bước đi khác nhau, song họ tin rằng trong cuộc chiến trường kỳ này, họ là người có mục tiêu hơn chúng ta”.

Và trong khối cộng sản:

“Mục tiêu chủ đạo của Liên Xô là tiếp tục tránh dính líu trực tiếp vào cuộc chiến tranh và ngăn ngừa không để vấn đề Việt Nam gây ảnh hưởng đến các khía cạnh khác trong quan hệ Xô - Mỹ, đồng thời ủng hộ Hà Nội ở mức vừa đủ để giữ uy tín của Liên Xô trong thế giới cộng sản quốc tế.

Trung Quốc vẫn còn đang quá bận rộn với cuộc Cách mạng văn hoá của mình. Chính quyền Bắc Kinh vẫn khuyên Hà Nội không đàm phán và tiếp tục chống lại cố gắng của Liên Xô hình thành một mặt trận thống nhất bảo vệ Bắc Việt Nam. Chẳng có lý do gì để nghi ngờ rằng Trung Quốc giữ cam kết của họ về việc sẽ can thiệp nếu Hà Nội yêu cầu và rất có vẻ là Bắc Kinh sẽ can thiệp theo cách riêng của họ nếu họ tin rằng sự tồn tại của chế độ Hà Nội là có lợi cho họ.

Tiếp đó, tôi trình bày một cách cẩn thận và khá dài về tính hợp lý trong phương án hành động do Westy đưa ra:

“Những người chủ trương triển khai thêm quân ở miền Nam tin rằng cùng với sự triển khai quân đó, chiến tranh sẽ sớm chấm dứt. Không ai trong số họ cho rằng lực lượng bổ sung là cần thiết để tránh thất bại; một số ít cho rằng lực lượng bổ sung là đúng lúc; tất cả những người có chủ trương này đều tin rằng nếu muốn kết thúc chiến tranh nhanh hơn thì phải đưa thêm quân vào. Họ lập luận rằng chúng ta đã tránh được thất bại quân sự năm 1965; chúng ta đã giành thế chủ động quân sự vào năm 1966 và từ đó làm thiệt hại nặng nề đối phương, làm tê liệt phần lớn khả năng tiến công của họ và do đó phá được quyền kiểm soát dân cư của họ; và thậm chí chiếm được thế chủ động về quân sự lớn hơn đối với quân chủ lực và các khu căn cứ của đối phương sẽ làm cho đối phương thiệt hại nặng nề hơn, đánh bại các cố gắng của họ và loại bỏ được nhiều hơn nữa quyền kiểm soát dân cư của họ, nhiều hơn mức mà với số quân hiện nay chúng ta đã làm được. Điều này, họ lập luận tiếp, sẽ nhanh chóng tạo ra một tình hình mới ở Nam Việt Nam mà các nỗ lực bình định của chúng ta có thể bắt rễ và tiến triển; đồng thời - do tiến bộ của chúng ta ở miền Nam và do thất bại nặng nề của đối phương - nó sẽ nhanh chóng buộc Hà Nội phải suy nghĩ theo hướng có lợi cho việc kết thúc chiến tranh với những điều kiện hợp lý.

Nhưng biện pháp này chứa đựng những nguy cơ và tác động ngược trở lại cần phải được lưu ý đến:

Việc tăng thêm 200.000 quân có liên quan đến việc huy động quân dự bị và việc tăng thêm 500.000 quân... đương nhiên sẽ phải đưa ra Quốc hội thảo luận và những sức ép trong nước không thể tránh khỏi đòi phải hành động mạnh hơn nữa ở ngoài Nam Việt Nam. Những tiếng khóc than vốn đã nhiều sẽ càng nhiều hơn vì “những thương vong của binh sĩ trên chiến trường”. Hành động của chúng ta sẽ bao gồm ném bom ồ ạt - không chỉ ở phạm vi các mục tiêu đã được thông qua mà cả các mục tiêu chiến lược (mục tiêu dân sự) như đê điều, cầu cống và thả mìn các cảng ngăn tàu bè Liên Xô và các nước khác. Các hành động liên quan khác do sức ép của tình hình sẽ là các hoạt động quân sự lớn trên đất liền ở Lào, Campuchia và rất có thể cả ở Bắc Việt Nam. Vũ khí hạt nhân chiến thuật và các loại vũ khí hoá học, vi trùng, tia phóng xạ có sức phá huỷ hạn hẹp có thể được sử dụng nếu như Trung Quốc nhảy vào cuộc chiến ở Việt Nam hoặc Triều Tiên hay nếu Mỹ gặp thiệt hại quá lớn trong việc sử dụng các loại vũ khí thông thường không đem lại kết quả như mong muốn.

Điều đơn giản là, sự leo thang chiến tranh có nguy cơ đẩy cuộc chiến tranh hoàn toàn thoát ra ngoài vòng kiểm soát. Tôi cảm thấy rằng cần phải ngăn chặn hiểm hoạ này. Tôi nói với Tổng thống:

Có lẽ có một giới hạn mà nhiều người Mỹ và phần lớn cộng đồng quốc tế không cho phép Mỹ vượt qua. Thật chẳng đẹp đẽ gì hình ảnh một cường quốc lớn nhất thế giới hàng tuần giết hại và gây thương tích cho 1.000 dân lành nhằm buộc một dân tộc nhỏ bé và lạc hậu phải khuất phục trong một vấn đề mà các giá trị của nó đang gây tranh cãi gay gắt. Có thể tưởng tượng được là nó sẽ dẫn đến lệch lạc trong ý thức dân tộc của người Mỹ với cái giá phải trả rất đắt và bóp méo hình ảnh nước Mỹ trên thế giới - nhất là khi Mỹ muốn Bắc Việt Nam phải chịu những thiệt hại đủ để gọi là “chiến thắng”.

Vì tất cả những điều đó mà tôi hết sức chống lại đề nghị của Westy. Tôi nhấn mạnh rằng cần phải xem xét Việt Nam trong một khung cảnh châu Á rộng hơn. Trong khi thể hiện quan điểm khác xa với quan điểm những năm trước đây của mình, tôi lấy dẫn chứng về thất bại của chủ nghĩa cộng sản ở Inđônêxia cùng với cuộc Cách mạng Văn hoá đang diễn ra ở Trung Quốc và chỉ ra rằng xu thế ở châu Á giờ đây là có lợi cho Mỹ, do vậy, tầm quan trọng của Nam Việt Nam giảm đi. Tôi kêu gọi chúng ta “hãy loại bỏ những điểm mơ hồ trong các mục tiêu căn bản của chúng ta” và đặt chính sách của chúng ta dựa trên hai nguyên tắc:

1. Cam kết của chúng ta chỉ nhằm để cho nhân dân Nam Việt Nam được quyết định tương lai của họ.

2. Cam kết này sẽ chấm dứt nếu đất nước này không tự cứu lấy mình.

Theo đó, tôi đề nghị một chiến lược chính trị - quân sự với khả năng thoả hiệp: chỉ ném bom ngăn chặn sự tiếp tế bằng đường bộ qua khu vực “yết hầu” ở dưới vĩ tuyến 20; chỉ giới hạn tăng thêm 30.000 quân và sau đó phải ấn định mức quân tối đa; và thông qua một lập trường mặc cả linh hoạt, đồng thời tích cực tìm kiếm một giải pháp chính trị.

Tôi thẳng thắn thừa nhận những khó khăn của giải pháp này:

Một số người sẽ khăng khăng cho rằng gây sức ép, một sức ép vừa đủ đối với Bắc Việt Nam, có thể đem lại kết quả hoặc chúng ta sẽ đạt được một thắng lợi mà không phải trả một cái giá cụ thể nào trong việc tập trung đánh phá con đường tiếp tế, nhiều người sẽ lập luận rằng không có một lực lượng quân sự lớn hơn sẽ làm kéo dài cuộc chiến tranh, nguy cơ thất bại trong cuộc chiến và làm cho con số thương vong của lính Mỹ đang chiến đấu ở đó tăng lên; một số khác cho rằng... Hà Nội sẽ phản công một cách hung hăng và đòi hỏi nhiều hơn;... và sẽ có những người đưa ra khả năng là một sự thay đổi trong luận điệu của Mỹ có thể gây ra “một cuộc tháo chạy” qua lối Thái Lan, Lào và đặc biệt tại Nam Việt Nam, có thể đe doạ sự vững mạnh của chính quyền, tinh thần của quân đội, mất sự ủng hộ trong dân chúng. Uy tín của nước Mỹ và Tổng thống sẽ bị tổn hại phần nào.

Nhưng tôi đánh giá giải pháp này có những khó khăn và rủi ro ít hơn so với bất kỳ giải pháp nào khác. Sau khi suy nghĩ rất nhiều, đấu tranh tư tưởng và nghiên cứu tìm hiểu, tôi rút ra kết luận - và tôi nói thẳng với Tổng thống Johnson là “cuộc chiến tranh ở Việt Nam đang giành được một động lực thúc đẩy của riêng nó là phải chấm dứt” và giải pháp của Westy “sẽ dẫn đến một tai hoạ lớn cho dân tộc”.

Mặt khác, tôi tin rằng giải pháp do tôi đề nghị “tạo ra những lợi thế tổng hợp là một đòn bẩy cho thương lượng và tiến tới kết thúc chiến tranh theo những điều kiện vừa ý chúng ta, hỗ trợ cho vị thế chung của chúng ta đối với Liên Xô, cải thiện hình ảnh của chúng ta trong cộng đồng quốc tế, giảm nguy cơ đối đầu với Trung Quốc, với Liên Xô và giảm thiệt hại của Mỹ”1.

Walt Rostow đã không đúng khi mô tả các phản ứng của tôi là làm nổi lên “những cảm giác mạnh mẽ đến mức nguy hiểm” trong Chính phủ. Phải chăng tôi có thể giải quyết những vấn đề đặt ra cho chúng ta với ít tổn hại tới Tổng thống, và trên hết, rút ngắn cuộc chiến? Bây giờ tôi tin là tôi đã có thể và lẽ ra đã phải làm được. Hồi đó, tôi không biết làm thế nào để đạt được điều này. Ngày nay, đối với tôi rõ ràng là bản tường trình của tôi đã trực tiếp hướng tới kết luận rằng dù thông qua đàm phán hay chiến tranh trực tiếp đi chăng nữa, thì lẽ ra chúng tôi đã phải bắt đầu rút ra khỏi Nam Việt Nam. Rất có khả năng là chúng tôi đã có thể làm được như vậy với những điều kiện không kém gì các điều kiện mà gần 6 năm sau chúng ta phải chấp nhận, mà không gây thiệt hại nhiều hơn cho an ninh của Mỹ, và cái giá phải trả về người, về chính trị và xã hội cho cả nước Mỹ và Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều.
_______________________________________
1. Phác thảo Báo cáo cho Tổng thống, chủ đề: Những hoạt động trong thời gian tới tại Việt Nam, 19/5/1967, CF, VN, NSF, LBJL.


10

BẤT HÒA VÀ RA ĐI
NGÀY 20/5/1967 - 29/2/1968


Bản tường trình ngày 19/5/1967 của tôi gửi cho Tổng thống gây ra một cuộc tranh luận lớn. Nó làm cho cuộc cãi vã vốn đã gay gắt càng gay gắt thêm trong chính quyền. Bản tường trình này đã dẫn đến một cuộc điều trần căng thẳng và gay gắt tại Quốc hội và đặt tôi vào thế đối chọi với các Tham mưu trưởng liên quân và có những lời đồn đại rằng họ dự định sẽ từ chức tập thể. Nó làm tăng nhanh tiến trình chia rẽ giữa Tổng thống Johnson và tôi, và đẩy nhanh hơn việc tôi rời khỏi Lầu Năm Góc.

Một loạt các sự kiện vào mùa hè và mùa thu năm đó buộc Tổng thống và các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng và Hội đồng An ninh quốc gia phải tập trung vào vấn đề Việt Nam. Chúng tôi phải đối mặt với một trận đại hồng thủy các cuộc khủng hoảng và các vấn đề khác: cuộc chiến tranh Trung Đông dẫn đến việc lần đầu tiên lập đường dây nóng giữa Washington và Matxcơva, chương trình chống tên lửa đạn đạo của Liên Xô để doạ phá vỡ thế cân bằng hạt nhân giữa Đông và Tây; đám mây đen của một cuộc xung đột giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề Síp đe doạ sườn phía đông của NATO; các cuộc bạo động về sắc tộc tại các thành phố lớn của Mỹ; và tất nhiên, các cuộc biểu tình chống chiến tranh, kể cả một nỗ lực lớn nhằm đóng cửa Lầu Năm Góc. Báo chí bắt đầu đưa tin về những hội chứng trầm uất của các quan chức cấp cao, trong đó có cả tôi. Tổng thống Johnson bắt đầu đưa ra những ám chỉ là ông sẽ không ra tái tranh cử vào năm 1968.

Bốn tuần sau khi bản tường trình của tôi được đưa ra, các Tham mưu trưởng liên quân đã đáp lại không dưới bảy bản tường trình khác gửi cho Tổng thống và tôi. Như tờ Pentagon Papers về sau nhận xét là “ngành công nghiệp giấy của Washington đã phá vỡ mọi kỷ lục sản xuất của mình từ trước đến nay”1.

Các Tham mưu trưởng đặc biệt phản đối khuyến nghị của tôi là chúng ta “phải xoá bỏ sự không rõ ràng trong các mục tiêu tối thiểu của chúng ta” ở Việt Nam. Như tôi đã nói, tôi đã yêu cầu là chính sách của chúng ta phải dựa trên hai nguyên tắc: “(1) Cam kết của chúng ta chỉ để nhằm bảo đảm là nhân dân Nam Việt Nam được tự quyết định tương lai của họ”, và “(2) Cam kết này sẽ chấm dứt nếu bản thân họ không tự cứu lấy mình”. Công thức này - theo các Tham mưu trưởng - “không hỗ trợ cho chính sách quốc gia đúng đắn của Mỹ và mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam và không nên xem xét thêm nữa”. Họ nói rằng phát biểu của tôi mâu thuẫn với chính sách và mục tiêu hiện nay của Mỹ như đã được vạch ra trong NSAM 288 (Bị vong lục về Đạo luật an ninh quốc gia số 288) mà họ vẫn xem là một tài liệu hướng dẫn về chính sách đối với cuộc chiến.

Trên thực tế, NSAM 288 là bản thông báo tóm tắt đề ngày 17/3/1964 của Mac Bundy gửi cho Dean Rusk, tôi, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và một số người khác, trong đó nêu rõ Tổng thống đã quyết định thực hiện những lời khuyên mà tôi đệ trình lên trong một báo cáo vào ngày hôm trước. Bản báo cáo đó nói rằng: “Tôi khuyến nghị Ngài thông báo rõ cho các cơ quan của chính phủ rằng chúng ta sẵn sàng cấp viện trợ và giúp đỡ cho Nam Việt Nam chừng nào mà họ còn kiểm soát được các cuộc nổi dậy”. Nhưng bản báo cáo còn có phần quan trọng là: “Đã có và hiện đang có những lý do có cơ sở về những hạn chế trong chính sách hiện nay của chúng ta – người Nam Việt Nam phải giành chiến thắng trong cuộc chiến của chính họ2. Các Tham mưu trưởng đã nhầm lẫn: chính sách của chúng ta vẫn chưa thay đổi. Nhưng họ cũng đúng: trong những năm vừa qua, chính sách của chúng ta không được thực hiện đúng.

Câu hỏi chính yếu nhất vẫn còn đó: nếu Chính quyền Nam Việt Nam không giành và giữ được sự ủng hộ của dân chúng và đánh bại quân nổi dậy - như sự việc đã diễn ra như vậy - liệu chúng ta có làm thay cho họ không?

Các Tham mưu trưởng cũng kêu gọi mở các cuộc tấn công mạnh hơn nữa của Mỹ bằng lục quân, hải quân và không quân chống miền Bắc. Ý nghĩ của họ về điều này mạnh tới mức họ yêu cầu tôi chuyển các khuyến nghị của họ lên Tổng thống và tất nhiên, tôi đã làm như vậy. Ngày 20/5, họ gửi cho tôi một bản ghi nhớ khác nhắc lại quan điểm của họ là xâm lược Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia là cần thiết, kể cả việc triển khai quân Mỹ ở Thái Lan và hoàn toàn có thể sử dụng vũ khí hạt nhân ở phía nam Trung Quốc. Họ nhấn mạnh: tất cả những điều này nói lên nhu cầu cần phải huy động lực lượng dự bị của Mỹ3. Việc họ sẵn sàng mạo hiểm sử dụng lực lượng hạt nhân làm tôi khiếp đảm.
____________________________________
1. PP t.4, tr. 177.
2. Xem FRUS, 1964-1968, t.1, tr. 172-173 và 153-167.
3. Xem JCSM-286-67, Báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ đề: Các chiến dịch chống lại Bắc Việt Nam, 20/5/1967; và JCSM-288-67, Báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, chủ đề: Tư thế của quân đội Mỹ trên thế giới, 20/5/1967, CF, VN, NSF, LBJL.

Để giải quyết mối bất đồng của tôi với các tướng lĩnh về việc ném bom, tôi yêu cầu Giám đốc CIA Dick Helms cho các chuyên gia phân tích của Cục tình báo CIA đánh giá về các khả năng. Bản báo cáo của họ khẳng định dứt khoát: “Chúng tôi không tin bất cứ một kế hoạch nào trong các kế hoạch đó... có thể làm giảm khối lượng vũ khí quân sự và hàng hoá thiết yếu đủ sức tác động đến cuộc chiến tranh ở miền Nam hoặc có thể làm nhụt quyết tâm của Hà Nội tiếp tục cuộc chiến tranh”. Theo CIA, kết luận này dựa trên những thực tế rõ ràng là “khả năng trội hơn hẳn của họ trên hệ thống giao thông... tạo cho họ một cơ sở vững chắc là hầu như không một chiến dịch đánh phá nào có thể vô hiệu hoá được hệ thống hậu cần đến mức có thể làm giảm dòng người và của từ miền Bắc vào Nam Việt Nam”1.

Các tướng lĩnh phản bác lập luận này và tiếp tục gây sức ép đòi mở chiến dịch ném bom leo thang từng bước.

Mâu thuẫn sâu sắc không chỉ giữa các quan chức dân sự với quân sự mà cả trong nội bộ giới quân sự với nhau. Ví dụ, khoảng thời gian này, Tư lệnh Hải quân Paul Nitze và tôi nhận được một báo cáo ngắn từ một đơn vị có tên là Nhóm đánh giá về Việt Nam của Hải quân. Tôi nhớ lại, vào khoảng thời gian gần đây, khi ông Eugene Carrol, một Chuẩn đô đốc về hưu, đã gửi cho tôi một tập hồi ký của một người trước đây phụ trách nhóm này là Chuẩn đô đốc Gene R. La Rocque. Nội dung của nó:

Khoảng năm 1967, Paul Nitze, Tư lệnh Hải quân, gọi tôi đến văn phòng của ông và nói rằng sau cuộc hội kiến với Bộ trưởng MacNamara, ông ta, Paul Nitze muốn tôi thành lập một nhóm khoảng 10 Đô đốc và một Tướng hải quân để đánh giá tình hình ở Việt Nam và kiến nghị những biện pháp quân sự của Mỹ.

Nitze nói rõ ràng ông ta và ông MacNamara không quan tâm các sự kiện đã xảy ra vì họ đã biết rất rõ các sự kiện ấy. Thay vì đó, ông yêu cầu nhóm tập trung đánh giá tình hình từ năm 1967 và các phương án mà Mỹ có thể thực hiện.

Căn cứ vào chỉ thị của Tư lệnh Hải quân, tôi đã lập một nhóm gồm 10 Đô đốc và một Chuẩn tướng Hải quân để bắt tay vào công việc. Trong thời gian thăm Việt Nam, chúng tôi đã thảo luận với các Tướng Westmoreland, Momyer, Cushman và với các Đô đốc và phụ tá của họ. Chúng tôi đã đặt nhiều câu hỏi cho các sỹ quan ở mọi cấp bậc, binh sĩ trên chiến trường cũng như các sĩ quan, binh lính trên tàu ngoài khơi Việt Nam và tại các cửa sông.

Trong vòng sáu tháng, nhóm đã lên được một loạt các phương án bao gồm việc xây dựng một bức tường dọc theo đường giới tuyến bắc và biên giới phía tây của Nam Việt Nam, thả mìn các hải cảng, oanh kích ồ ạt và đánh phá tuyến giao thông trên sông Hồng. Các phương án này và các phương án khác bị xem là kém hiệu quả để có thể giành một thắng lợi về quân sự.

Một phương án khác nữa là đưa quân Mỹ đến Bắc Việt Nam, mà theo đánh giá của Hải quân, đòi hỏi phải có thêm ít nhất 500.000 quân Mỹ nữa ở khu vực này. Nhóm của tôi quả quyết rằng điều này chắc chắn sẽ dẫn đến việc Trung Quốc can thiệp vào Bắc Việt Nam...

Đánh giá của nhóm chúng tôi cho thấy rằng khó có thể đạt được một thắng lợi quân sự ở Việt Nam và chúng tôi dự định báo cáo chính thức điều này cho Tư lệnh Hải quân, Bộ trưởng Quốc phòng và các quan chức của Lầu Năm Góc. Do tính chất không chính thức của nhóm, do thiếu sự chỉ đạo chính thức để thành lập nhóm và do tình hình chính trị hiện tại liên quan đến Nhà Trắng, đã cản trở việc giới thiệu đánh giá của nhóm. Phó Tham mưu tác chiến, Đô đốc Horacio Rivero nói với tôi với tư cách cá nhân là việc phân phát bản báo cáo này sẽ phương hại đến cuộc chiến tranh mà Mỹ đang tiến hành và tương lai của tôi trong lực lượng hải quân. Do sự phản đối cương quyết của ông, tôi đã không gửi báo cáo này đi các nơi.

Trong lá thư kín của mình, Đô đốc Carrol nói với tôi: “Chính đầu óc độc lập và quyết định báo cáo các sự thật liên quan đến tình hình ở Việt Nam của tướng La Rocque, chứ không phải quan điểm chính trị, đã dẫn đến việc ông sớm ra khỏi Hải quân sau một quãng đời binh nghiệp thăng tiến nhanh của ông ta. Carroll và La Rocque trở thành những người chỉ trích có tiếng về quan điểm quân sự của Mỹ2.
___________________________________
1. Richard Helms gửi Robert S. McNamara, 1/6/1967 và Tài liệu kèm theo, Báo cáo của CIA số 196752/67, chủ đề: Đánh giá các chương trình được lựa chọn để ném bom Bắc Việt Nam, 1/6/1967, sách đã dẫn.
2. Eugene J. Carroll (Jr.), Chuẩn Đô đốc Hải quân Mỹ (đã về hưu), gửi Jane Moore, 24/9/1993 và các tài liệu kèm theo, RSMP.

Sự chỉ trích dữ dội của các tướng lĩnh đối với các bản ghi nhớ không làm tôi lay chuyển. Ngày 13/6, Cy Vance và tôi lại đề nghị Tổng thống bác bỏ kế hoạch của họ. Chúng tôi viện dẫn bản phân tích của CIA và nói rằng, chúng tôi tin chắc rằng một cuộc leo thang quy mô lớn sẽ dẫn đến thảm hoạ: Không một kiểu phá hoại lật đổ nào ở Hà Nội lại có thể ép được Bắc Việt Nam xuống thang, chừng nào họ còn tin tưởng rằng họ có cơ hội thắng được “cuộc chiến tranh tiêu hao” ở Nam Việt Nam... Những hành động để lật đổ Hà Nội sẽ đẩy chúng ta vào cuộc chiến tranh với Liên Xô và Trung Quốc”. Chúng tôi còn lập luận rằng kế hoạch của các Tham mưu trưởng sẽ phải trả giá bằng rất nhiều sinh mạng Mỹ: rất nhiều mục tiêu mà họ đề nghị đánh phá được bảo vệ rất chắc chắn và đánh vào đó sẽ bị thiệt hại, qua mỗi trận đánh, số thiệt hại sẽ gấp nhiều lần nếu thực hiện theo kế hoạch của chúng tôi. Ngày 13/6 Tổng thống chấp thuận các khuyến nghị của chúng tôi1.

Giờ đây bạn đọc chắc phải phân vân – nếu như trước đây các bạn không bị lừa dối - là làm thế nào mà các quan chức dân sự và quân sự vốn có kiến thức, cần cù và dày dạn kinh nghiệm lại thất bại trong việc trình bày một cách có hệ thống và thấu đáo các câu hỏi, mà câu trả lời của chúng đã tác động một cách sâu sắc đến sinh mạng của các công dân của chúng ta và sự thịnh vượng của đất nước chúng ta. Nói một cách đơn giản, một cách đề cập hợp lý và có trình tự như vậy đã bị gạt bỏ do có “quá nhiều vấn đề”, kết quả của thực tế là Việt Nam chỉ là một trong vô số vấn đề chúng ta phải đối phó.

Mỗi một vấn đề mà Washington phải đối phó trong những năm 60 đã lý giải mối quan tâm sâu sắc của Tổng thống và các cộng sự của ông. Cuối tháng 5/1967, chúng tôi nhận được các báo cáo của CIA về khả năng một cuộc xâm lăng của Ai Cập vào Israel. Rất có thể các nước Arập khác như Gioócđani và Xiry sẽ ủng hộ Ai Cập. Và chúng tôi sợ rằng nếu cần đạt mục tiêu của mình là tiêu diệt Nhà nước Do Thái thì Ai Cập sẽ nhận được sự ủng hộ của Liên Xô. Israel tất nhiên cũng nhận được thông tin tương tự.

Cuộc gặp đã được chuẩn bị từ lâu giữa Tổng thống Johnson và Thủ tướng Anh Harold Wilson, dự kiến tiến hành vào ngày 2/6 để xem xét những lợi ích chung trên thế giới giữa hai nước. Đúng ngày gặp gỡ đó, bóng ma cuộc chiến tranh Arập - Israel đã chiếm hết chương trình nghị sự cuộc họp. Chúng tôi đã trao đổi tin tình báo và kết luận của chúng tôi về kết quả của cuộc xung đột. Chúng tôi đã nhất trí về mọi vấn đề, kể cả kết luận không một chút nghi ngờ gì là Israel sẽ thắng. Tôi nhớ là một bên đoán rằng Israel sẽ thắng trong 10 ngày; bên kia cho là chỉ trong vòng 7 ngày. Nhưng chúng tôi cũng cho rằng hậu quả của một cuộc chiến tranh như vậy thì khó mà đoán trước được và khó mà kiểm soát được, và do đó chúng tôi phải làm tất cả để ngăn chặn nó.

Tình báo CIA rất tuyệt vời song cũng rất lo ngại. Họ báo cáo rằng Israel có kế hoạch đánh phủ đầu Ai Cập. Xét từ một góc độ, đòn đánh chặn trước của Israel sẽ làm Israel ít thiệt hại hơn. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là nếu Israel đánh trước, thì họ sẽ có nguy cơ bị một sự ủng hộ công khai của Mỹ, nếu như sự can thiệp của Mỹ là cần thiết để ngăn chặn Liên Xô nhảy vào.

Cuối tháng 5, Ngoại trưởng Israel Abba Eban đã đi thăm Washington và Tổng thống Johnson đã mời ông ta về khu nhà nghỉ ở Nhà Trắng. Tại đây, Tổng thống đã yêu cầu Dean và tôi cùng đề nghị Eban thuyết phục. Nội các Israel huỷ bỏ kế hoạch đánh phủ đầu. Chúng tôi nghĩ là mình đã thành công. Trái lại, Israel đã tiến công Ai Cập ngày 5/6. Cuộc chiến kéo dài sáu ngày, và trong vòng sáu ngày, Ai Cập, Gioócđani và Xiry đã chịu thất hại nặng nề, để mất bán đảo Sinai, dải Gada, bờ Tây sông Gioócđan và cao nguyên Gôlan.

Ngày 5/6, như thường lệ, tôi đến Lầu Năm Góc lúc 7 giờ sáng. Khoảng một tiếng sau, điện thoại của tôi đổ chuông và một giọng nói vang lên. “Tôi là tướng Smith tại phòng Chiến tranh (Chúng tôi có một đô đốc hoặc một viên tướng trực 24 giờ trong ngày và bảy ngày trong tuần). Smith nói: “Thủ tướng Kosygin đang ở đầu “dây nóng” và yêu cầu được nói chuyện với Tổng thống. Tôi phải trả lời ông ta như thế nào?”

Tôi hỏi: “Tại sao anh lại gọi cho tôi?”.

Anh ta trả lời: “Vì đường “dây nóng” kết thúc ở Lầu Năm Góc”.
________________________________________
1. Phác thảo Báo cáo cho Tổng thống, chủ đề: Nội dung và các phương án lựa chọn cho các hoạt động quân sự chống lại Bắc Việt Nam, 12/6/1967, CF, VN, NSF, LBJL.

Từ cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba, đường “dây nóng” được thiết lập vào tháng 8/1963 nhưng chưa hề được sử dụng, ngoại trừ việc kiểm tra chất lượng của nó. Tôi thậm chí không biết rằng các mạch điện báo lại nằm trong phòng tôi. Tôi nói với viên tướng: “Chuyển mạch sang Phòng Xử lý tình hình của Nhà Trắng và tôi sẽ gọi cho Tổng thống”.

Tôi biết Tổng thống đang ngủ nhưng tôi vẫn gọi vào chỗ ông. Đúng như tôi dự đoán, một sĩ quan trực bên ngoài phòng ngủ của Tổng thống trả lời điện thoại. Tôi nói với anh ta là tôi muốn nói chuyện với Tổng thống.

Anh ta nói: “Tổng thống đang ngủ và không muốn bị đánh thức dậy”.

“Tôi biết, nhưng cứ đánh thức ông ấy dậy”.

Về sau, tôi mới biết Tổng thống đã được Dean và Walt Rostow thông báo qua điện thoại về cuộc khủng hoảng này vào hồi 4 giờ 30 sáng. Ông nhấc máy: “Điều quái quỷ gì mà anh lại gọi tôi vào giờ này?” - ông ta càu nhàu với giọng ngái ngủ.

“Thưa Tổng thống, Kosygin sử dụng đường dây nóng muốn nói chuyện với Ngài. Chúng tôi phải trả lời thể nào?”

“Chúa ơi, chúng ta nói gì đây” - ông trả lời.

“Tôi đề nghị: tôi sẽ nói với ông ta rằng Ngài sẽ có mặt tại phòng Xử lý tình hình trong vòng 15 phút nữa. Trong thời gian đó, tôi sẽ gọi cho Dean và chúng tôi cùng gặp Ngài ở đó”.

Những ngày tiếp theo, chúng tôi trao đổi các thông điệp với Kosygin qua đường dây nóng. Tình hình trở nên đặc biệt căng thẳng vào ngày 10/6 khi Israel đánh bại Xiry. Có lúc, Kosygin đã nói: “Trên thực tế, nếu các ông muốn chiến tranh, các ông sẽ có chiến tranh”. Tất nhiên, chúng tôi không hề muốn điều đó.

Do đâu mà Thủ tướng Liên Xô lại đi tới kết luận như vậy? Ông ta nói như vậy bởi vì sau khi đánh bại Ai Cập và Gioócđani, Israel dường như chuẩn bị tiến đánh Damascus. Tổng thống Johnson trả lời Kosygin rằng Israel sẽ chấp nhận ngừng bắn một khi cao nguyên Gôlan được đảm bảo an ninh. Đồng thời, Tổng thống cho Hạm đội 6 tiến gần vào bờ biển Xiry để khẳng định với Liên Xô rằng Mỹ sẽ đáp lại mọi hành động của họ trong khu vực này. Trong vòng vài tiếng đồng hồ, Israel và Xiry chấp nhận ngừng bắn và Hạm đội 6 ngừng tiến về phía đông. Việc trao đổi các thông điệp đã làm sáng tỏ tình hình. Nhưng khoảng thời gian ngắn đó đã phản ánh mối quan hệ giữa Mỹ và Liên Xô trong thời kỳ chiến tranh lạnh tế nhị như thế nào. Nó phần nào lý giải tâm trạng của các tướng lĩnh muốn “áp đảo” ở Đông Dương. Và nó phản ánh rằng có rất nhiều vấn đề gay gắt khác mà chúng ta phải đối phó nên không thể tập trung hết vào vấn đề Việt Nam.


Giờ đây, tôi thấy rõ là các chính sách và chương trình của chúng ta ở Đông Dương đã phát triển theo một hướng mà chúng ta đã không lường trước được và cũng không mong muốn như vậy; và sự thiệt hại về người, chính trị xã hội và kinh tế là không thể tưởng tượng được. Chúng ta đã thất bại. Tại sao lại thất bại như vậy? Có thể ngăn chặn được sự thất bại đó không? Bài học rút ra từ kinh nghiệm của chúng ta là gì để những người khác tránh được thất bại tương tự? Càng ngày tôi càng nghĩ là các nhà học giả chắc sẽ muốn tìm hiểu các vấn đề này một khi chiến tranh kết thúc.

Tháng 6/1967, tôi quyết định yêu cầu John McNaughton, trợ lý của tôi về các vấn đề an ninh quốc tế (ISA), thu thập các tài liệu cho các học giả tương lai sử dụng. Tôi bảo anh ta thu thập thật nhiều, kể cả các tài liệu của Bộ Ngoại giao, CIA và Nhà Trắng. Bởi vì tôi muốn công việc được thực hiện càng khách quan càng tốt, nên tôi nói với John là mình sẽ không tham gia vào việc của John. Tôi chỉ thị cho John: “Bảo các nhà nghiên cứu của anh đừng có ngần ngại. Hãy chi vào những chỗ đáng chi”. Có lẽ, xuất phát từ một sự thôi thúc tương tự, tôi phải nói ra điều này: tôi đã không bao giờ nghĩ là mình sẽ nói kế hoạch này cho Tổng thống hoặc Ngoại trưởng biết. Tuy nhiên, nó hoàn toàn không có gì bí mật và nó không thể bí mật được vì liên quan đến 36 chuyên gia nghiên cứu và phân tích.

Việc thu thập tài liệu được tiến hành từ ngày 17/6/1967 - một tháng trước khi McNaughton chết trong một vụ tai nạn máy bay - dưới sự chỉ dạo của Leslie H. Gelb - một thành viên của ISA lúc đó và hiện nay là Chủ tịch Hội đồng Quan hệ đối ngoại. Anh ta cùng nhóm cửa mình tập hợp các bản ghi nhớ, các tài liệu phản ánh quan điểm, các bức điện và các báo cáo chiến sự của 20 năm qua. Mấy năm sau, Leslie nói với một chuyên gia nghiên cứu: “Tất cả những gì tôi đã làm là nhấc điện thoại lên và nói “Ngài McNamara yêu cầu”... tôi đi gặp người này người kia, giải thích về công việc nghiên cứu và nói tôi cần các loại tài liệu như sau... Họ trả lời “Vâng, tất nhiên rồi”... Không ai từ chối một điều gì”1.
_______________________________
1. Trích dẫn trong Tài liệu và tài liệu: Tính toán trong cuộc chiến giữa luật pháp và chính trị quanh những tài liệu của Lầu Năm Góc của Sanford J. Ungar (New York: Dutton, 1972 tr. 20-21).

Đầu năm 1969, tiếp tục việc thu thập các tài liệu cho các nhà học giả, họ đã hoàn thành công trình nghiên cứu dài 7.000 trang về chính sách của Mỹ đối với Việt Nam từ Chiến tranh thế giới thứ II. Tài liệu này có những hạn chế, một phần do sự hạn chế tự nhiên của lịch sử, viết theo diễn biến của sự kiện, và mộ phần vì Leslie và nhóm của anh không được đọc các tài liệu của Nhà Trắng và một số tài liệu tuyệt mật của Bộ Ngoại giao. Nhưng nói chung công trình thật tuyệt và nó đã đạt mục tiêu của tôi: từ đó trở đi hầu như mọi công tác nghiên cứu về Việt Nam ở các mức độ khác nhau đều dựa vào đó.

Nhưng một tài liệu có nhiều liên quan đến Việt Nam như vậy, ngoài là một cố gắng giúp các học giả, nó còn là một bài học với những hậu quả ngoài mong muốn. Năm 1971, Daniel Ellsberg, một cộng tác viên của Gelb, đã tiết lộ tài liệu này cho tờ New York Times. Các biên tập viên đặt tên là Tài liệu Lầu Năm Góc và bắt đầu đăng các đoạn trích làm mất mặt các quan chức ở cả hai chính quyền Johnson và Nixon. Khi đoạn trích đầu tiên được đăng vào thứ bẩy, 13/6; Bộ Tư pháp của Tổng thống Nixon phản ứng ngay lập tức và sử dụng các phương tiện pháp lý có trong tay để ngăn chặn việc đăng tải thêm.

Mặc dù, đã ra khỏi Bộ Quốc phòng từ lâu, song tôi thấy mình cũng liên quan trực tiếp đằng sau sự kiện. Tối thứ hai, ngày 16/6, Trưởng Văn phòng tại Washington của tờ The Times, James B. “Scotty” Reston và Sally, vợ ông ta, dùng cơm tối với Marg và tôi tại nhà tôi. Điện thoại bỗng đổ chuông, một cú điện cho Scotty và ông nói chuyện điện thoại tại phòng đọc sách. Ít phút sau, ông trở lại, tay cầm một mảnh giấy. Ông nói rằng các biên tập viên và luật sư của The Times đã dự thảo một tuyên bố “từ chối một cách lễ phép” yêu cầu của Viên chưởng lý John Mitchell là hãy ngừng việc công bố thêm tài liệu này. Tiếp đó ông đọc cho chúng tôi nghe dự thảo luyên bố đó và hỏi tôi nghĩ gì. Tôi nói tờ The Times nên tiếp tục đăng bài về tài liệu đó nhưng phải bảo vệ lập trường của mình bằng cách nói rõ rằng The Times sẽ tuân thủ yêu cầu của Toà án Tối cao. Cuối cùng. Toà án Tối cao, tất nhiên, cho phép The Times tiếp tục công việc.

Vì tài liệu này mà những người dính líu vào việc ra các quyết định trong chiến tranh Việt Nam như chúng tôi bị xoi mói và chỉ trích nhiều hơn bao giờ hết. Những lời đồn đại lan tràn được đăng tải trên báo chí là tại sao tôi lại thực hiện tài liệu này. Một bài báo thậm chí còn lập luận rằng tôi làm như vậy là theo lệnh của Robert Kennedy để phá hoại uy tín của Johnson (LBJ) và giúp Bobby trong cuộc tranh cử năm 1968. Điều đó thật vớ vẩn. Nhưng sau này khi Dean hỏi tôi sao không nói cho ông ta và Tổng thống biết về công việc đó, tôi cảm thấy xấu hổ thật sự. Lẽ ra tôi phải nói cho họ biết.

Dean Rusk là một trong những người phụng sự hết sức mình cho nước Mỹ mà tôi từng biết. Cống hiến của ông cho Tổng thống và cho chức vị Tổng thống được thức hiện dưới nhiều hình thức khác nhau, không chỉ ở thời kỳ mùa hè năm 1967.

Dean gọi điện cho tôi vào một chiều hè nóng nực và hỏi liệu ông có thể đến văn phòng của tôi không. Tôi trả lời ông ta rằng Bộ trưởng Ngoại giao không phải đến văn phòng của Bộ trưởng Quốc phòng, mà ngược lại. “Không, không”, ông nói, “đây là công việc cá nhân”. Tôi nói tôi không cần biết đó là việc chung hay việc riêng, tôi sẽ đến văn phòng của ông trong vòng 15 phút nữa.

Khi tôi đến, ông kéo một chai rượu Uýtxky từ ngăn kéo bàn ra rót uống và nói: “Tôi phải từ chức”. Tôi nói: “Anh điên rồi à, anh nói cái gì vậy?”

Ông nói con gái ông đang định lấy một người bạn học da đen ở Trường đại học Stanford và ông không thể đặt một gánh nặng chính trị như vậy lên vai Tổng thống. Có lẽ bạn đọc ngày nay khó có thể hình dung điều gì đã diễn ra trong đầu ông ấy. Nhưng đối với tôi khi ấy nó cho thấy rất rõ là ông ấy tin rằng vì ông là một người miền Nam, làm việc cho một vị Tổng thống cũng là người miền Nam, thì một cuộc hôn nhân như vậy - nếu ông không từ chức hoặc ngăn chặn nó - sẽ đưa đến bao nhiêu lời chỉ trích cả ông lẫn Tổng thống.

Tôi hỏi ông đã nói việc này với Tổng thống chưa, ông trả lời chưa, ông không muốn Tổng thống phải chịu gánh nặng của ông.

“Chịu gánh nặng của anh, ma quỷ”, tôi nói, “anh sẽ thật sự làm Tổng thống chịu gánh nặng nếu anh từ chức và tôi biết ông ta sẽ không cho phép đâu. Nếu anh không nói cho Tổng thống hay thì tôi sẽ nói”.

Cuối cùng Dean đã nói với Tổng thống và Tổng thống phản ứng như tôi dự đoán - cùng với lời chúc mừng cho đám cưới sắp đến của con gái ông. Theo tôi biết, cuộc hôn nhân hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến Dean và Tổng thống – cả về mặt chính trị lẫn cá nhân.

Đầu tháng 7/1967, Tổng thống cử tôi đi thăm Việt Nam để đánh giá tình hình thêm một lần nữa. Tôi đưa cả Nick Katzenbach và Bus Wheeler đi theo. Đến Sài Gòn, chúng tôi được nghe các báo cáo lạc quan của Tướng Westmoreland và Ellsworth Bunker, một nhà ngoại giao nổi tiếng, người kế nhiệm Lodge làm Đại sứ của Mỹ tại Nam Việt Nam từ tháng 4. Westmoreland nói “Tình hình không phải là bế tắc, chúng ta đang thắng chậm nhưng chắc chắn và nhịp độ có thể tiến nhanh nếu chúng ta củng cố những thắng lợi của mình”. Bunker nói chung cũng lặp lại nhận định đó. Ông ta cũng tin tưởng rằng chúng ta đang chiến thắng, nhưng bổ sung thêm một điều cực kỳ quan trọng (điều cốt lõi trong quan điểm của Tổng thống Kennedy): “Cuối cùng, họ (người Nam Việt Nam) phải tự giành thắng lợi trong cuộc chiến này”. Westmoreland không ủng hộ quan điểm đó và yêu cầu thêm 200.000 quân Mỹ. Tôi không đồng ý với lý do như Bunkcr đã nói1.

Tiến độ chậm chạp của cuộc chiến, thương vong gia tăng và sự chia rẽ trong nước làm Tổng thống hết sức thất vọng và lo lắng. Khi Nick, Bus và tôi báo cáo kết quả cuộc khảo sát chuyến di vào ngày 12/7, Tổng thống hỏi: “Chúng ta có thể thắng được cuộc chiến tranh chết tiệt này không?”

Những báo cáo lạc quan mà tôi nhận được tại Sài Gòn cũng có lúc giảm bớt mối nghi ngờ lâu nay của tôi về tiến triển của cuộc chiến ở Nam Việt Nam. Tôi nói với Tổng thống: “Không có sự bế tắc về mặt quân sự” và nói rằng nếu chúng ta thực hiện đúng kế hoạch, chúng ta sẽ thắng – tất nhiên còn tuỳ thuộc vào hoạt động của Chính quyền Nam Việt Nam. Nhưng tôi vẫn nghi ngờ tính hiệu quả của việc ném bom và tôi nói với Tổng thống là tôi vẫn chống lại yêu cầu đòi tăng thăm quân2. Những diễn biến sau đó lại cũng sống lại và tái khẳng định mối ngờ vực của tôi về cuộc chiến tranh trên bộ.

Đến nay, quan điểm của tôi về việc ném bom Bắc Việt Nam đã trở thành công khai và trở thành vấn đề tranh cãi gay gắt. Những người tự do và ôn hoà chỉ trích Tổng thống Johnson là đã không xuống thang chiến tranh, trong khi những kẻ diều hâu ở cả hai đảng - được sự ủng hộ của các Tham mưu trưởng liên quân - đòi mở rộng cuộc chiến tranh. Nhóm thứ hai này làm Tổng thống, Dean và tôi lo ngại nhất. Các cuộc bỏ phiếu thăm dò cho thấy thái độ của dư luận chuyển theo hướng của nhóm này. Chẳng hạn theo như cuộc điều tra Harris vào giữa tháng 5, số người ủng hộ việc tăng cường sức ép quân sự nhỉnh hơn số người ủng hộ việc rút quân (tỷ lệ 45% - 41%)3.

Sự hiếu chiến đang trỗi dậy được phản ánh chính ngay trong tiểu ban điều tra về khả năng sẵn sàng của Ủy ban quân lực Thượng viện do ông John Stennis (người thuộc đảng Dân chủ, bang Missisipi) làm chủ tịch. Stennis và các đồng sự của ông ta - Stuart Symington (đảng Dân chủ, bang Montana), Henry Jackson (đảng Dân chủ, bang Washington), Howard Cannon (đảng Dân chủ, bang Nevada), Robert Byrd (đảng Dân chủ, bang West Virginia), Margaret Chase Smith (đảng Cộng hoà, bang Maine), Strom Thurmond (đảng Cộng hoà, bang South Carolina) và Jack Miller (đảng Cộng hoà, bang Iowa) có thái độ cứng rắn về việc sử dụng sức mạnh không quân và trong nhiều tháng đã chỉ trích mạnh mẽ chính sách của chính quyền về kế hoạch oanh kích. Khi họ, thông qua các Tham mưu trưởng liên quân, biết được rằng Tổng thống đã chấp thuận khuyến nghị của tôi duy trì việc ném bom hạn chế, thì họ làm dữ hơn. Họ tuyên bố ý định gọi các nhà lãnh đạo quân sự cao nhất và tôi ra điều trần.

Các cuộc điều trần diễn ra vào tháng 8, là nhằm gây sức ép buộc Nhà Trắng phải hủy bỏ kế hoạch ném bom hạn chế. Mặc dù họ không làm được điều đó, song Tổng thống Johnson đánh giá cuộc điều trần này là một thảm hoạ chính trị. Sau đó, Tổng thống nói với Bus: “Các tướng lĩnh của ông đã tiêu diệt chúng tôi bằng các cuộc điều trần của họ trước Uỷ ban của Stennis. Chúng ta đã bị sát hại trong cuộc điều trần đó”4.

Ngay trước cuộc điều trần Tổng thống nhắc nhở rằng tôi sẽ phải đối mặt với sự nóng bỏng của cuộc điều trần. Tôi nói: “Tôi không sợ sự nóng bỏng đó bởi vì tôi biết những gì chúng ta đang làm là đúng đắn”. Ông nhìn tôi không nói thêm câu nào. Tất nhiên, giác quan chính trị của Tổng thống nhạy cảm hơn tôi5.
______________________________________
1. Westmoreland, “Các cuộc họp báo của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam, 7-8/7/1967- Ước định của COMUSMACV”, Bộ Ngoại giao, Hồ sơ Lot 70 D 48; và Bunker CF, VN, NSF, LBJL.
2. Harri Middleton, LBJ: Những tháng năm trong Nhà Trắng (New York: Abrams, 1990), tr. 178; và Ghi chép tại cuộc họp ngày 12/7/1967, Ghi chép của Tom Johnson về các cuộc họp, LBJL.
3. New York Times, 17/5/1967.
4. Ghi chép tại bữa trưa thứ ba ngày 17/10/1967, Ghi chép của Tom Johnson về các cuộc họp, LBJL.
5. Ghi chép tại bữa trưa thứ ba ngày 8/8/1967, LBJL.

Cuộc điều trần kéo dài bảy ngày, trong khoảng thời gian từ ngày 9/8 đến 29/8, được tiến hành theo các phiên họp hành chính, là một trong những quãng thời gian căng thẳng nhất trong đời tôi. Thượng nghị sĩ Stennis nói rõ quan điểm của mình trong bài phát biểu khai mạc. “Vấn đề đang nổi lên trong quốc hội là liệu có khôn ngoan hay không khi ta đưa quân đến đó và để mặc họ với cuộc chiến tranh du kích mà không cố gắng cắt đứt sự tiếp tế của kẻ địch một cách có hiệu quả… Quan điểm của cá nhân tôi là sẽ là sai lầm khủng khiếp và có lẽ là sai lầm chết người nếu chúng ta không ném bom hoặc chỉ ném bom hạn chế”.

Tiếp đó một loạt các tướng lĩnh hải quân, không quân và lục quân, kể cả tất cả năm Tham mưu trưởng và năm vị chỉ huy cao cấp của chiến dịch ném bom lần lượt phát biểu. Người nào cũng hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Stennis. Nội dung chính họ trình bày trước các nghị sĩ là:

    * Một cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc là quan trọng và là một phần không thể thiếu trong chiến lược chiến tranh ở miền Nam.

    * Các cuộc ném bom đã gây thiệt hại to lớn cho miền Bắc, ngăn chặn sự xâm nhập về người và sự tiếp tế của miền Bắc, hạn chế con số các lực lượng có thể chống cự ở miền Nam, giảm khả năng của các lực lượng đó tiến hành các trận đánh lớn, giảm số thương vong của lính Mỹ.

    * Nếu không có các cuộc ném bom đó, miền Bắc đã có thể tăng giấp đôi lực lượng của họ ở miền Nam, theo đó chúng ta buộc phải tăng thêm 800.000 quân với chi phí thêm khoảng 75 tỷ đôla.

    * 500.000 người Bắc Việt Nam phải khắc phục thiệt hại do việc ném bom, nếu không họ sẽ được rảnh rang hỗ trỡ trực tiếp cho các cuộc nổi dậy ở miền Nam.

    * Chấm dứt ném bom bây giờ sẽ là một “thảm hoạ”, kết cục là Mỹ thiệt hại nhiều hơn và chiến tranh lan rộng khó có thể xác định được.

    * Các cuộc ném bom kém hiệu quả hơn nhiều so với khả năng - và vẫn còn có thể có hiệu quả cao - nếu các nhà lãnh đạo dân sự quan tâm đến lời khuyên của giới quân sự và từ bỏ sự kiểm soát hạn chế đối với chiến dịch... Nhịp độ chậm chạp của các cuộc oanh kích, việc tập trung ném bom các vị trí quan trọng ở phía nam Hà Nội, Hải Phòng, việc chúng ta không động chạm đến vùng đất thánh của họ ở Campuchia, thất bại trong việc vô hiệu hoá cảng Hải Phòng - những điều này và các quy định khác đã làm cho các cuộc ném bom không đạt được thắng lợi quyết định.

    * “Học thuyết dần dần” và sự trì trệ kéo dài trong việc thông qua các mục tiêu thực sự quan trọng đã tạo cho miền Bắc có thời gian xây dựng hệ thống phòng không vững chắc, gây thiệt hại cho phi công và máy bay Mỹ và để cho Bắc Việt Nam có thể sẵn sành chống trả với các cuộc đánh phá vào các cơ sở của họ (chẳng hạn cơ sở xăng dầu, nhiên liệu) bằng cách xây dựng và phân tán các kho dự trữ1.

Các tướng lĩnh và các đô đốc phàn nàn nhiều nhất về điều mà theo họ là vấn đề cốt lõi: cách thức tiến hành cuộc chiến tranh - thêm nữa lại bị giới dân sự ở Washington cản trở. Theo họ, đây là lý do không giành được thắng lợi và gây thiệt hại cho quân lính. Tôi tin tưởng chắc chắn rằng chúng ta đang bảo vệ sinh mạng lính Mỹ mà không phương hại đến thành công của chúng ta trong cuộc chiến này.

Cuối cùng, vào ngày 25/8, Tiểu ban mời tôi phát biểu. Tôi chỉ còn một cách để phản biện. Tôi bắt đầu bài điều trần của mình bằng cách lưu ý các nghị sĩ rằng chiến dịch ném bom có ba mục tiêu:

    1. Làm giảm số lượng và/hoặc tăng thiệt hại của sự xâm nhập về người và vật chất tiếp tế từ miền Bắc vào miền Nam.

    2. Nâng cao tinh thần cho người Nam Việt Nam, vì vào thời điểm bắt đầu chiến dịch oanh kích, họ phải chịu những sức ép quân sự nặng nề.

    3. Làm cho các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam thấy rõ rằng chừng nào họ còn tiếp tục xâm nhập miền Nam, họ sẽ phải trả giá tại miền Bắc.
______________________________________
1. Xem PP, t.4, tr. 199.

Đó là những mục tiêu đặt ra khi chúng ta bắt đầu cuộc ném bom từ tháng 2/1965 và đến tháng 8/1967 mục tiêu của chúng ta vẫn như vậy. Tôi dành cả ngày phân tích một cách kiên nhẫn và có hệ thống các mục tiêu đó cho các nghị sĩ và giải thích về những hạn chế hiện nay của việc ném bom. Tôi nói là chúng ta biết rằng không một quy mô nào của cuộc ném bom – kiểu ném bom huỷ diệt miền Bắc và nhân dân miền Bắc, mà không một người có trách nhiệm nào đề nghị một kiểu ném bom như vậy - có thể làm giảm dòng người và vật chất chi viện vào miền Nam xuống dưới mức đủ để duy trì mức độ hoạt động hiện nay của đối phương. Cũng không một quy mô ném bom hủy diệt nào có thể bẻ gãy ý chí của miền Bắc tiếp tục cuộc chiến tranh. Tôi nhấn mạnh rằng chúng ta không thể thay thế chiến trường miền Nam bằng cuộc chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc và cái giá chiến thắng bằng không quân không rẻ chút nào đối với chúng ta.

Tôi nói với các Thượng nghị sĩ rằng lý do để ném bom các đường tiếp tế không mang ý nghĩa quyết định, bởi vì Bắc Việt Nam có một hệ thống giao thông rất đa dạng và đầy ý chí quật cường bao gồm đường sắt, đường bộ, đường thuỷ và đường mòn. Trên các con dường này tàu hoả, ôtô, sà lan, thuyền, các loại phương tiện dùng sức người, xe đạp (mỗi loại có thể chở được 500 pound, 1pound=450g). Hệ thống giao thông này rất thô sơ, dễ bảo dưỡng và có thể chịu được hơn gấp nhiều lần khối lượng vận chuyển tiếp tế cho các chiến dịch ở miền Nam. Đó mới là vấn đề. Các nghiên cứu tình báo đánh giá rằng quân địch ở miền Nam chỉ cần 15 tấn/ngày các nhu yếu phẩm không phải thực phẩm được cung cấp từ ngoài vào. Tuyến hậu cần từ Bắc vào Nam, dưới sự oanh kích ác liệt cũng có khả năng vận chuyển 200 tấn một ngày. Tôi chỉ ra rằng cho đến giờ chúng ta đã tiến hành 173.000 phi vụ ném bom vào Bắc Việt Nam, một con số rất lớn so với các cuộc tấn công của quân Đồng minh vào nước Đức trong Chiến tranh thế giới thứ II. 90% số phi vụ đó là nhằm vào các tuyến tiếp tế.

Tiếp đó, tôi quay sang vấn đề các mục tiêu cố định ở miền Bắc: nhà máy, xí nghiệp, nhà máy điện, đê điều và kho tàng. Các mục tiêu này chỉ chiếm 10% các đợt oanh kích. Tôi giải thích rằng chúng tôi ra các quyết định đánh các mục tiêu này trên cơ sở phân tích từng mục tiêu một, cân nhắc giữa tầm quan trọng về mặt quân sự của mục tiêu và thiệt hại sinh mạng của lính Mỹ và người Việt Nam, và tránh nguy cơ mở rộng cuộc chiến tranh. Các tướng lĩnh đã đưa ra 359 mục tiêu, trong số đó có 302 mục tiêu - tức 85% - đã được Tổng thống và tôi đồng ý. Còn 57 mục tiêu còn lại, các tướng lĩnh cho rằng 7 cái có giá trị hạn chế, 9 mục tiêu là các cơ sở xăng dầu loại nhỏ chiếm gần 6% dự trữ của Bắc Việt Nam; 25 mục tiêu không phải xăng dầu, ít quan trọng và nằm trong khu vực phòng thủ vững chắc, theo tôi, những nơi này không đáng để hy sinh sinh mạng Mỹ vào đây. Năm mục tiêu khác nằm sát Trung Quốc; và 11 mục tiêu còn lại đang nghiên cứu.

Tôi cố gắng phân tích rõ là tầm quan trọng mà chúng ta gắn cho các mục tiêu cố định thể hiện nhận thức sai lầm cơ bản về nhu cầu kinh tế đơn giản của Bắc Việt Nam và năng lực tiến hành chiến tranh dựa vào bên ngoài của họ. Mặc dù chúng ta đã vô hiệu hoá 85% công suất sản xuất điện của Bắc Việt Nam, nhưng tổng sản lượng điện của họ chỉ chưa bằng 1/5 sản lượng điện của nhà máy điện Potomac Electric Power Company ở Alexandria, bang Virginia. Hơn nữa, Liên Xô và Trung Quốc, chứ không phải các nhà máy xí nghiệp ở Bắc Việt Nam, cung cấp hầu hết trang thiết bị chiến tranh cho họ.

Tôi chỉ ra rằng các báo cáo hàng tháng mang tên “Đánh giá về các cuộc ném bom Bắc Việt Nam” do CIA và Cục tình báo Quân đội làm và được gửi cho tất cả các quan chức dân sự và quân sự cao cấp và gửi thẳng cho Tổng thống đều kết luận: “Chiến dịch ném bom từng bước đã buộc Bắc Việt Nam phải có những thay đổi lớn trong hệ thống phòng không và phân tán các hoạt động sản xuất. Tuy vậy, Bắc Việt Nam hiện vẫn duy trì được khả năng hỗ trợ cho miền Nam và Lào, hoặc nâng cao khả năng chiến đấu và cơ cấu quân đội”1.
_________________________________
1. Xem, thí dụ như, Báo cáo của CIA/DIA S-2408/AP4AS, Đánh giá việc ném bom Bắc Việt Nam (ngày 18/7/1967), tháng 7/1967, tr.2, CF, VN, NSF, LBJL.

Tôi nói với các Thượng nghị sĩ rằng nếu chúng ta tiếp tục muốn mở rộng chiến tranh bằng không quân, thì sẽ có một mục tiêu mới có thể ai đó sẽ đề nghị thêm là “ném bom và thả mìn các hải cảng, nhất là cảng Hải Phòng, nhằm ngăn chặn nguồn viện trợ từ bên ngoài vào Việt Nam để cung cấp cho miền Nam”. Nhưng tôi giải thích một cách tỉ mỉ là tại sao điều đó khó có thể thực hiện. Tôi nói có thể sẽ không có vấn đề là các cuộc ném bom như vậy sẽ ngăn cản được nhiều việc nhập vào Việt Nam các trang bị chiến tranh.

“Nhưng khối lượng thấp hơn hiện nay cũng có thể đáp ứng phần quan trọng cho Bắc Việt Nam tiếp tục cuộc chiến chống Nam Việt Nam. Như tôi đã nói, ước tính nhu cầu trung bình cho một ngày là 15 tấn hàng hoá phi lương thực. Con số này có thể lớn hơn gấp năm lần và vẫn là ít vì Bắc Việt Nam thực tế nhập trung bình khoảng 5.800 tấn/ngày. Và khả năng nhập khẩu của họ còn lớn hơn nhiều. Các cảng cùng với đường bộ, dường sắt từ Trung Quốc có khả năng vận chuyển khoảng 14.000 tấn/ngày.

Cảng nhập lớn nhất của Bắc Việt Nam là Hải Phòng. Hàng nhập bao gồm các loại thiết bị phục vụ chiến tranh như xe ôtô, máy phát điện, máy móc xây dựng, nhưng chủng loại này chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong số hàng biển nhập khẩu. Phương tiện quân sự nhập qua đường biển, nếu có, thường rất ít (theo ước tính của các nguồn tin tình báo, mỗi ngày họ nhập 550 tấn thiết bị quân sự). Hơn nữa, sự phụ thuộc nặng nề vào cảng Hải Phòng vì lý do thuận tiện hơn là sự cần thiết. Hải Phòng là nơi có các phương tiện nhập khẩu dễ dàng nhất và rẻ tiền nhất. Nếu cảng này và các cảng khác bị đóng cửa - theo giả thiết không thực tế là việc đóng cửa các cảng này sẽ cắt đứt mọi hàng nhập qua đường biển - Bắc Việt Nam vẫn có khả năng nhập trên 8.400 tấn một ngày bằng dường sắt, đường bộ và đường sông. Và thậm chí, nếu bị oanh tạc, khả năng vận tải bằng đường bộ, đường sắt, đường sông Hồng có thể giảm xuống còn 50% thì Bắc Việt Nam vẫn duy trì khoảng 70% khối lượng hàng nhập khẩu hiện nay. Vì nhập khẩu hàng ngày các trang thiết bị quân sự và vật dụng phục vụ chiến tranh cộng lại ít hơn con số này rất nhiều, nên dường như rõ ràng là cắt đứt đường nhập khẩu trên biển sẽ không ngăn được Bắc Việt Nam tiếp tục duy trì mức độ hoạt động quân sự hiện nay ở miền Nam...

Bờ biển Bắc Việt Nam dài 400 dặm. Có rất nhiều địa điểm phù hợp cho hoạt động bốc dỡ tại bờ biển. Việc thả mìn cảng Hải Phòng hoặc phá huỷ hoàn toàn cảng này sẽ không thể ngăn được việc bốc dỡ hàng trên các tàu nước ngoài ở ngoài khơi. Chặn đứng có hiệu quả việc chuyên chở bằng sà lan này, thậm chí chấp nhận sự hư hại không tránh khỏi đối với tàu nước ngoài, sẽ chỉ làm cho họ phụ thuộc hoàn toàn vào vận tải bằng đường bộ qua Trung Quốc cộng sản. Biên giới hai nước này dài khoảng 500 dặm tính theo đường chim bay”1.

Lý do chống lại việc mở rộng chiến tranh đã rõ ràng. Tất cả việc phải làm là hãy nhìn vào các con số. Nhưng bài tường trình của tôi đã gây ra một cuộc tranh cãi khá gay gắt.

Thương nghị sĩ Cannon không quan tâm thảo luận các mục tiêu của chúng tôi. Trái lại, ông ta xoáy vào việc tôi không sẵn sàng nghe theo lời khuyên của giới quân sự về việc sử dụng sức mạnh ở Việt Nam. “Cho tới tháng 10/1965”, ông nói, “các mục tiêu này... đã được các Tham mưu trưởng liên quân nhất trí đưa ra. Tôi không rõ là Ngài có tin tưởng các thành viên của liên quân hay không... chỉ vì lí do là những khuyến nghị của họ về các vấn đề và mục tiêu quân sự không được thực hiện”.

Tôi đáp lại rằng “Hiến pháp quy định Tổng Tư lệnh quân đội là một người dân sự, là Tổng thống và tôi tin chắc rằng ông ta sẽ không làm theo một cách mù quáng những lời khuyên của các cô vấn quân sự. Vì vậy Ngài phải thấy rằng theo Hiến pháp, Tổng thống đôi khi hành động ngược lại với các lời khuyên của các cố vấn của mình”.

“Hiến pháp”, tôi nói tiếp, “thừa nhận rằng các nhân tố khác chứ không phải các nhân tố quân sự hạn hẹp phải được Tổng tư lệnh quyết định và tất nhiên thực tế đã diễn ra như vậy. Không hề có chuyện tin tưởng hay không vào các Tham mưu trưởng. Nếu chúng ta không tin tưởng họ thì họ không phải là các Tham mưu trưởng”2.

Từ lúc đó, cuộc thảo luận dịu dần. Cuộc nói chuyện giữa Thượng nghị sĩ Thurmon là tôi trở nên căng thẳng trong phòng điều trần:

“Thưa Ngài Bộ trưởng, tôi vô cùng thất vọng về phát biểu của Ngài, tôi nghĩ đó là một phát biểu xoa dịu cộng sản. Đó là một phát biểu nhân nhượng cộng sản. Đó là một phát biểu không có ý chí”.

Tôi phản ứng một cách mạnh mẽ: “Không có một nhân chứng nào trước Ủy ban này... nói rằng việc thông qua 57 mục tiêu... sẽ rút ngắn một cách đáng kể cuộc chiến tranh”3.

Kết thúc một ngày dài và cố gắng hết sức, tôi đưa ra một kết luận. Nó là lời biện hộ cho lý lẽ:

“Tính chất khốc liệt và kéo dài của cuộc chiến tranh ở Nam Việt Nam tạo ra mong muốn phải thay thế nó bằng một kiểu oanh kích mới chống Bắc Việt Nam. Nhưng dù mong muốn này như thế nào, một sự thay đổi như vậy đối với tôi hoàn toàn là ảo tưởng. Theo đuổi mục tiêu này không chỉ là điều vô vọng mà còn mạo hiểm sinh mạng Mỹ và dân tộc chúng ta, đó là điều tôi không thể kiến nghị”4.
_____________________________________
1. Lời khai của Robert S. McNamara, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, 25/8/1967, “Cuộc chiến tranh trên không chống lại Bắc Việt Nam”, Điều trần trước Tiểu ban tiền điều tra của Ủy ban Quân sự Thương nghị viện Mỹ (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1967), tr. 280-281.
2. Sách đã dẫn, tr. 304-305.
3. Sách đã dẫn, tr. 297
4. Sách đã dẫn, tr. 282.

Tiểu ban nhất trí đưa ra một báo cáo chỉ trích tôi một cách gay gắt vì làm thu hẹp cuộc chiến tranh. Với lập luận “kiểm soát chặt chẽ và các nguyên tắc hạn chế trong việc sử dụng sức mạnh không quân Mỹ theo một phương cách mang lại hiệu quả hạn chế”, các Thượng nghị sĩ kết luận: “Bằng sự sáng suốt, chúng ta không thể yêu cầu lực lượng mặt đất của chúng ta tiếp tục chiến đấu ở miền Nam, trừ khi chúng ta sẵn sàng tăng cường chiến tranh bằng không quân ở miền Bắc theo phương cách có hiệu quả nhất có thể được... Tính lôgic và sự thận trọng đòi hỏi quyết định này phải đi liền với sự nhất trí trong đánh giá của giới quân sự chuyên nghiệp”1.

Ngay sau cuộc điều trần, có các tin nói rằng lời điều trần của tôi đã gây ra gần như một cuộc nổi dậy trong các Tham mưu trưởng. Mấy năm sau: một nhà báo tên là Mark Perry viết một bài đăng dưới bức ảnh của tôi là Bus đã triệu tập một cuộc họp các Tham mưu trưởng và họ quyết định từ chức tập thể. Tư lệnh lực lượng Hải quân, Tướng Wallace Greene và Tham mưu trưởng lực lượng Hải quân, Đô đốc Thomas Moorer bác bỏ điều này. Tôi cũng nghi ngờ điều đó2.

Nhưng sự khác biệt trong các nhận định đã chia rẽ chúng tôi. Và những mâu thuẫn nảy sinh từ sự khác biệt đó đã gây ra bệnh “Stress” gây tử vong.

Đầu tháng 9, Bus bị một cơn đau tim nặng và cuối cùng ông đã chết vì bệnh này. Nhưng trước cuối năm đó, Bus trở lại làm cố vấn trong các cuộc họp kín và các cuộc điều trần công khai của chính quyền dưới hình thức trực tiếp nhưng không trực diện và lộ liễu, giống như hình ảnh của ông ta tại cuộc điều trần của Stennis.Và tất cả các sĩ quan quân sự cao cấp khác làm việc cùng tôi bảy năm qua vẫn là những người tận tuỵ và trung thành với vị Tổng tư lệnh của họ và với dân tộc họ.

Trong thời kỳ này, những bất đồng sâu sắc về vấn đề Việt Nam trong giới cố vấn của Tổng thống càng trở nên rõ ràng qua hai cuộc liên lạc giữa Giám đốc CIA Richard Helms với Tổng thống Johnson. Hôm 29/8, Dick gửi cho Tổng thống đánh giá của cá nhân ông ta về hiệu quả của việc ném bom miền Bắc, nêu rõ từ tháng 3/1967, mỗi tháng chúng ta đã bay hơn 10.000 chuyến bay công kích ném bom chống lại Bắc Việt Nam - tăng 55% so với cùng thời kỳ này năm 1966. Mặc dù việc leo thang này và “bất chấp những khó khăn gian khổ, những thiệt hại kinh tế, một loạt những vấn đề trong quản lý và hậu cần do cuộc không chiến gây ra”, ông kết luận, “Hà Nội vẫn đáp ứng được nhu cầu của mình và giúp đỡ cho cuộc xâm nhập của họ ở Nam Việt Nam. Con đường giao thông kinh tế và quân sự quan trọng vẫn tiếp tục hoạt động” (nhấn mạnh của tác giả)3.
______________________________________
1. Thông cáo báo chí của John Stennis, Chủ tịch, Tiểu ban tiền điều tra của Ủy ban Quân sự Thượng nghị viện Mỹ, 31/8/1967.
2. Bốn sao của Mark Perry (Boston: Houghton Mifflin, 1989), tr. 163-166.
3. Báo cáo của Richard Helms cho Tổng thống, chủ đề: Hiệu quả của tăng cường chiến tranh trên không chống lại Bắc Việt Nam, 29/8/1967: và Tài liệu kèm theo của Walt W. Rostow gửi Tổng thống, 29/8/1967, 5 giờ 55 chiều, NSF, LBJL.

Hai tuần sau, vào ngày 12/9, ông gửi cho Tổng thống bức thư thứ hai vô cùng đặc biệt, cùng với một báo cáo dài 33 trang. Những tài liệu này chỉ mới gần đây mới được loại ra khỏi danh mục tài liệu bí mật quốc gia. Trong thư, ông cảnh tỉnh Tổng thống: “Báo cáo kèm theo đây rất nhạy cảm, đặc biệt nếu sự hiện diện của nó bị tiết lộ. Tôi gửi cho ngài trong một phong bì được niêm phong cẩn thận”. Bức thư viết tiếp:

Vì một phần công việc của tôi là nghiên cứu những điều bất trắc và vì sự dính líu của chúng ta ở Việt Nam có rất nhiều khía cạnh, mới đây, tôi yêu cầu một trong những nhà phân tích tình báo có kinh nghiệm nhất của tôi ở Cơ quan dự báo quốc gia (ONE) thử trình bày xem Mỹ sẽ được những gì ở cuộc chiến đó. Phương tiện mà ông ta chọn cho việc đó là một báo cáo về: “Những dấu hiệu của một kết cục không thuận lợi ở Việt Nam”. Tôi tin là Tổng thống sẽ thấy lý thú. Những báo cáo này chưa gửi và sẽ không gửi cho bất cứ quan chức nào trong chính phủ ( nhấn mạnh trong nguyên bản).

Không nêu lý do, người viết đã tham khảo khoảng trên dưới 30 người trong cơ quan này. Ở đây có sự đa dạng đáng kể về quan điểm cũng như về chi tiết và mức độ nhấn mạnh. Nhưng bản báo cáo đã mô tả sự nhất trí hoàn toàn của những người được hỏi ý kiến, vượt xa sự mong đợi khi đề cập một chủ đề khó như vậy.

Tôi muốn nhấn mạnh rằng báo cáo này được viết ra không phải nhằm tranh luận nên hay chưa nên kết thúc chiến tranh vào lúc này. Chúng tôi không phải là người theo chủ nghĩa thất bại. Báo cáo chỉ có tính chất như một giả thuyết mà tác giả tự đặt ra cho mình, ví dụ như hậu quả của một kết cục không thích hợp như vậy sẽ có tác động như thế nào đối với chính sách và những lợi ích của Mỹ nói chung1.

Helms đã đúng khi nói báo cáo này là một chất nổ chính trị. Sau khoảng hơn hai chục trang báo cáo và phân tích sắc sảo, báo cáo kết luận:

Cuộc thảo luận trước đã bàn rộng rãi tới nhiều lĩnh vực và khả năng. Bất cứ kết luận nào dù rất chính xác hoặc đầy lòng tin cũng không thể hiện được những điều đã được nêu ra và vượt ra ngoài điều mà một đánh giá đúng mức cho phép. Dưới đây là những cảm giác lớn và cần thiết mà báo cáo này muốn thể hiện:

a) Kết quả không thuận lợi ở Việt Nam sẽ là một thất bại lớn đối với uy tín về sức mạnh của Mỹ; nó sẽ giới hạn ảnh hưởng của Mỹ, làm hại tới các lợi ích khác của chúng ta ở mức độ nào đó không thể thấy trước được.

b) Có thể là những tác động chính sẽ không thường xuyên phá hoại khả năng của đất nước ta nhằm đóng vai trò của mình như là một cường quốc thế giới trong vấn đề trật tự và an ninh ở nhiều khu vực.

c) Thiệt hại tiềm tàng xấu nhất có thể là một kiểu tự đánh mình: chia rẽ nội bộ sẽ hạn chế khả năng tương lai của chúng ta dùng sức mạnh và tài nguyên một cách khôn khéo và triệt để, dẫn tới việc mất lòng tin của người khác về khả năng lãnh dạo của Mỹ.

d) Những hậu quả về mất ổn định sẽ vô cùng lớn đối với chính khu vực Đông Nam Á, nơi mà một số quốc gia có thể phải đương đầu với bất ổn định nội bộ và sức ép mạnh mẽ từ bên ngoài và có thể xuất hiện việc co cụm lại với nhau; những tác động tương tự có thể cùng diễn ra hoặc tiềm ẩn ở những khu vực khác nhau.

Bản báo cáo kết thúc với những câu như thế này:

Bất cứ một phân tích trung thực và tỉnh táo nào đều phải kết luận rằng, nếu Mỹ chấp nhận thất bại ở Việt Nam, nó sẽ phải trả một giá nào đó dưới dạng những phiêu lưu mới mà thành công ở đó sẽ loại bỏ. Sự tuyệt vọng của một cường quốc thế giới, một khi đã giao phó các nguồn to lớn và uy tín cho một xí nghiệp quân sự, ở mức độ nào đó phá hoại hệ thống an ninh chung mà nó duy trì. Trong trường hợp Việt Nam, đó dường như không phải là một mẫu số chung cho phép những mạo hiểm cuối cùng được tính toán một cách đáng tin cậy, ngược với cái giá rõ ràng và tức thì của việc tiếp tục cuộc chiến. Dầu rằng những người phải đưa ra những lựa chọn tuyệt vọng đều biết điều đó rồi. Nếu phân tích này có đề xuất một cuộc thảo luận, nó cũng chỉ nhằm gợi ra rằng những cuộc phiêu lưu có thể được hạn chế hơn và dễ kiểm soát được hơn so với những lập luận đã nêu lên trước đây (nhấn mạnh thêm)2.

Trước khi viết cuốn sách này, tôi chưa hề được đọc bức thư đó. Theo chỗ tôi biết Tổng thống Johnson cũng chưa bao giờ đưa cho ai đọc.
_______________________________________
1. Báo cáo của Richard Helms cho Tổng thống, 12/9/1967, CF, VN, Hộp số 259/260, NSF, LBJL.
2. “Gợi ý về việc rút lui không thuận lợi tại Việt Nam”, 11/9/1967, sách đã dẫn.

Một vài người sẽ nói sự thật này tự nó để lộ ra tính hay giấu giếm, một đặc tính riêng của Tổng thống, không tránh khỏi việc đưa ra những quyết định không hoàn hảo về Việt Nam. Bình luận về nội dung dự thảo trước đó của cuốn sách này, một trong những cố vấn thân cận nhất của ông đã viết rằng tôi đã không nhấn mạnh một cách đúng mức điểm yếu trong cách đưa ra quyết định của LBJ: “Ông ta không thích làm việc theo kiểu quyết định tập thể - ông ta muốn trao đổi với từng người một. Trong bất cứ bối cảnh nào, ông cũng không muốn ai nhìn thấy những nước bài khiếm khuyết của mình. Ví như sự miễn cưỡng trong việc nghiên cứu những “thuật ngữ hoà bình” có thể chấp nhận được đã buộc những lần ngừng ném bom đi đến thất bại. Tóm lại, cách làm ăn của ông là một nhấn tố quan trọng dẫn đến những khiếm khuyết - được thể hiện liên tục trong cuốn sách - trong cách quản lý cuộc chiến của chính quyền”.

Giống như tất cả chúng tôi, Lindon Johnson đôi khi cũng gây khó khăn cho chính mình. Có lần, một cố vấn cao cấp trình cho ông một bức thư nêu vấn đề tiền đề cơ bản dẫn đến việc chúng ta dính líu vào cuộc chiến, và việc không cho phép ông thảo luận với động nghiệp; chắc chắn không phải là cách điều hành chính phủ. Người ta cũng có thể chỉ ra những ví dụ về cái gọi là phong cách chuyên quyền của Johnson. Nhưng tôi nghĩ đơn giản là do thất bại của Tổng thống đối với những nhân tố như vậy. Những người dưới quyền phải tìm cách bù đắp cho những đặc tính riêng trong phong cách của Tổng thống của họ. Trách nhiệm của chúng tôi vẫn là xác định những mâu thuẫn trong chính sách, buộc chúng xuất hiện và tranh luận về chúng. Giá mà chúng tôi làm được như vậy, thì chúng tôi đã có thể thay đổi được chính sách.

Bức thư kín của Dick Helms cho thấy rằng vào mùa thu năm 1967, những nhà phân tích cao cấp nhất của CIA đã tin là đáng lẽ chúng ta có thể rút khỏi Việt Nam mà không làm hại đến Mỹ hoặc an ninh của phương Tây. Trong lúc họ trình bày quan điểm đó, tôi cũng nói với Tiểu ban Stennis về nhận định - được các nhà phân tích CIA/DIA ủng hộ - rằng chúng ta không thể thắng trong cuộc chiến bằng cách ném bom miền Bắc. Trong bức thư ngày 10/5, tôi đã báo cáo rằng chúng ta sẽ tiếp tục gánh chịu những thương vong nặng nề ở Nam Việt Nam mà chẳng có gì bảo đảm rằng chúng ta sẽ chiến thắng ở đó.

Tuy nhiên trước những nhân tố như vậy, người ta sẽ giải thích ra sao về thất bại của chính quyền trong việc đẩy mạnh hơn theo hướng đàm phán và dự tính trước việc rút quân? Câu trả lời là các Tham mưu trưởng liên quân và nhiều người khác trong chính phủ có quan điểm hoàn toàn khác về tiến bộ của cuộc chiến. Các thành viên có ảnh hưởng của Quốc hội cũng như công chúng cũng chia sẻ quan điểm này và những ý kiến của họ cũng làm cho Tổng thống bị ảnh hưởng nặng nề.

Quan điểm chống đối bùng lên tấn công tôi dữ dội trên một cột báo được xếp đặt ngày 7/9. Bài báo viết:

Có những dấu hiệu cho thấy rằng chính quyền đang chán ngấy với những quyết định sai lầm, giả dối và sự hiếu chiến độc tài của Robert Strange McNamara, người chưa bao giờ đúng về Việt Nam hay những vấn đề quân sự khác. Dấu hiệu quan trọng có thể thấy được về lầm lỗi của McNamara trong chính quyền LBJ là sự thực rằng lần đầu tiên những người lính dường như được tự do lên tiếng phản đối McNamara... Sự thực về việc các Tham mưu trưởng đang công khai đấu tranh với ông ta, đối với tôi điều đó chỉ có thể có nghĩa là giờ đây người ta có những hiểu biết nhất định rằng Nhà Trắng đang rút đi một phần sự giúp đỡ1.

Tác giả của bài báo này chẳng phải ai khác ngoài Bary Goldwater.
_____________________________________
1. Barry Goldwater, “Phải chăng McNamara kém nổi tiếng?”, Hiến pháp Atlanta, 7/9/1967.


Trong thực tế, sau những buổi tường trình ở Tiểu ban Stennis, Chính quyền Johnson đang thực hiện những sáng kiến ngoại giao mạnh mẽ với Hà Nội mà họ đã đưa ra. Sáng kiến bí mật được biết với mật hiệu Pennsylvania, được tiến hành trong tháng 7 và kéo dài được ba tháng; giúp mở ra cuộc gặp giữa đại diện của Mỹ và những người Bắc Việt Nam ngày 10/5/1968 tại Paris.

Khoảng giữa tháng 6, khi tôi về văn phòng của mình tại Lầu Năm Góc vào một sáng thứ hai sau mấy ngày vắng mặt, tôi thấy trên bàn mình một tập điện từ khắp thế giới gửi về; trong đó có bản sao bức điện của Henry Kissinger gửi cho Dean Rusk. Lúc đó Henry đang dự Hội nghị Pugwash - Hội nghị quốc tế của các nhà khoa học và trí thức - và ông báo cáo rằng ông đã có một cuộc tiếp xúc mà cuộc tiếp xúc này có thể thu hút sự chú ý của chúng tôi. Ông đã gặp Herbert Marcovich, một người Pháp, sẵn sàng đứng ra dàn xếp cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa Mỹ và Bắc Việt Nam để nghiên cứu những điều kiện cho hoà bình. Một người Pháp thứ hai, Raymond Aubrac, cũng xuất hiện khi Henry bày tỏ sẵn sàng thông báo với Washington vấn đề này. Bây giờ ông hỏi phải trả lời họ thế nào.

Tôi gọi John McNaughton và hỏi xem đã xử lý thế nào với bức điện này. Ông ta trả lời là chưa làm gì cả.

Tôi hỏi theo ông thì cần làm gì.

Ông đáp một cách nghi ngại: “Ông nghĩ thế nào?”

“Tôi hỏi ông trước cơ mà”, tôi nói.

Ông ta nói: “Chúng ta đã có hàng loạt các thử nghiệm chết yểu để mở đàm phán mà không có kết quả và lần này có thể lại là một trong những cái chết yểu đó. Nhưng tại sao chúng ta lại không thăm dò bằng những cách mà chúng ta không phải tốn kém và mạo hiểm?”. Tôi hoàn toàn đồng ý và nói sẽ mang bức điện này tới bữa ăn trưa cùng Dean và Tổng thống vào thứ ba này.

Hôm sau, trong lúc ăn trưa, khi tôi nêu vấn đề này ra, Dean và Tổng thống nói: “Ồ, Bob, đây chỉ là một trong những ngõ cụt tối tăm chẳng dẫn tới đâu cả. Trước đây chúng ta đã thất vọng về chúng rồi. Thôi quên đi”. Họ có đủ lý do để cảm thấy như họ đã làm. Nhưng dù vấn đề này rõ ràng thuộc về trách nhiệm của Bộ trưởng Ngoại giao, cuối cùng tôi cũng thuyết phục họ để cho tôi xử lý. Tôi hứa sẽ làm bằng cách nào đó để cho Mỹ không bị xấu hổ.

Sau đó tôi có hàng loạt cuộc trao đổi với Henry. Bước đi đầu tiên của tôi là tìm hiểu về lai lịch của Aubrac và Marcovich. Hoá ra Aubrac là người xã hội chủ nghĩa cánh hữu và Marcovich là một nhà khoa học. Qua mấy tuần, Aubrac tỏ ra là người khôn ngoan hơn về chính trị. Ông là bạn cũ của Hồ Chí Minh - người đã ở trong nhà Aubrac ở Paris khi sang đàm phán với Chính phủ Pháp năm 1946 và là cha đỡ đầu của con gái Aubrac.

Tôi cũng hỏi Henry xem chúng ta phải tiếp tục như thế nào. Ông đã cho những lời khuyên vô giá về cách tiếp cận với những người Bắc Việt Nam và đáp lại những đề nghị của họ, và tỏ ra là một người đưa tin vô cùng chính xác về những thông điệp giữa hai bên.

Tới đầu tháng 7, chúng tôi đã tới thời điểm mà tôi tin là cần phải đề nghị Aubrac và Marcovich tới Hà Nội. Tôi yêu cầu họ trình bày phương thức giai đoạn A - giai đoạn B, trong đó Mỹ sẽ tạm ngừng hoặc chấm dứt ném bom trên cơ sở Bắc Việt Nam cam kết sẽ có hành động tương tự đáp lại.

Aubrac và Marcovich đến Hà Nội ngày 21/7. Ông Hồ Chí Minh đang ốm nhưng đồng ý gặp ông bạn cũ Aubrac. Sau đó Aubrac và Marcovich gặp và thảo luận rất lâu với Thủ tướng Phạm Văn Đồng. Sau khi họ trình bày, Thủ tướng nói: “Chúng tôi muốn chấm dứt ném bom không điều kiện và nếu điều đó diễn ra thì chẳng còn trở ngại gì đối với đàm phán”. Ông tỏ thiện chí sẵn sàng duy trì kênh này, gợi ý Aubrac và Marcovich tiếp tục gửi tin tức cho ông qua Tổng Lãnh sự Bắc Việt Nam tại Paris Mai Văn Bộ1.

Trong lúc Aubrac và Marcovich ở Hà Nội, tôi nghỉ để chăm sóc Marg. Vết loét của nhà tôi ngày càng đau và rõ ràng là cần phải mổ. Cuộc giải phẫu đã được thực hiện tại Bệnh viện Đại học Johns Hopkins vào đầu tháng 7 và làm cho nhà tôi rất yếu và vô cùng đau đớn. Vì thế chúng tôi quyết định sẽ đi nghỉ ở Wyoming. Marg, Craig và tôi bay tới Jakson Hole, ở chân dãy Teton thuộc Rockies, một trong những nơi hùng vĩ nhất trên thế giới. Ở đó, trong khi Marg nghỉ ngơi trong một quán nhỏ, tôi và Craig leo lên ngọn Grand Teton. Cùng đi với chúng tôi có hai nhóm nữa của hai bố con ông Stan Resor, thư ký quân đội của tôi và bố con ông Glen Exum, người đã từng đi đầu trên con đường của chúng tôi 30 năm trước. Đó là một chuyến nghỉ ngơi tuyệt vời, kết hợp những vận động cơ thể đến mệt người với vẻ đẹp hùng vĩ của những ngọn núi cao, sự thoả mãn khi hoàn thành một chặng đường gian khổ và đôi khi nguy hiểm, và cảm nhận mạnh mẽ về sự đồng hành gắn bó con người với nhau trong những hoàn cảnh như vậy.

Sau khi leo núi, Craig và tôi thuê một chiếc xe, sáng tạo ra một kiểu giường ở ghế sau cho Marg và đi xuống Aspen, Colorado. Chúng tôi mong được nhìn thấy ngôi nhà nghỉ mà chúng tôi đang xây gần làng Snowmass - và muốn kiểm tra những hư hỏng do những người biểu tình chống chiến tranh gây ra. Họ đã hai lần tìm cách đốt ngôi nhà này. Những năm sau đó, theo như báo cáo của FBI thì còn nhiều lần họ muốn phá. Ví dụ như sau khi Patty Hearst bị bắt vì những hoạt động của “Quân đội giải phóng Symbion” trong những năm 70, mật vụ đã tìm thấy trong nhà xe của nhóm này ở Berkeley sơ đồ nền ngôi nhà ở Snowmass của chúng tôi. Mỗi phòng ngủ của chúng tôi đều được ghi rõ tên người sử dụng. Một buổi chiều, sau một chặng dài đi bộ trong vùng núi Aspen, trên đường trở về ngôi nhà chúng tôi thuê, Craig và tôi thấy ngôi nhà đã bị một đám đông những người biểu tình bao vây. Chúng tôi vội tránh đi ngay. Ngay sau sự kiện này, chúng tôi bỏ dở chuyến đi nghỉ và bay về nhà ở Washington.
_____________________________________
1. Xem Báo cáo của Chester L. Cooper cho Ủy ban Đàm phán, 2/8/1967, trong Herring, Ngoại giao bí mật, tr. 717-725, đặc biệt là tr. 720.

Ngày 26/7/1967, Aubrac và Marcovich rời Hà Nội và trở về Paris. Họ về đến nơi được một tiếng thì Henry gặp họ và gửi cho chúng tôi ý kiến nhện xét của họ. Tôi đã thảo luận về bức điện của ông với Tổng thống và Dean trong bữa ăn trưa hôm thứ ba, ngày 8/8. Tôi nói: “Đây là bức điện lý thú nhất về vấn đề đàm phán kể từ trước đến nay”1. Tôi được phép thảo những hướng dẫn mới gửi Henry. Ngày hôm sau tôi đọc cho thư ký:

THƯ GỬI TIẾN SĨ KISSINGER

Ông có thể chuyển cho những người liên lạc với ông thông điệp sau đây và đề nghị họ chuyển tới ông Phạm Văn Đồng:

Hoa Kỳ sẵn sàng ngừng ném bom và thả mìn phong toả Bắc Việt Nam nếu việc đó ngay lập tức mang lại những cuộc thảo luận có tính xây dựng giữa đại diện của Hoa Kỳ và DRV (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà) để tìm kiếm một giải pháp cho vấn đề giữa hai bên. Chúng tôi cho rằng, trong quá trình thảo luận, dù công khai hay bí mật, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sẽ không lợi dụng việc hạn chế hoặc tạm ngừng ném bom. Nếu về phía họ có bất cứ hành động nào như vậy thì rõ ràng sẽ không phù hợp với những hoạt động theo hướng tìm giải pháp cho những vấn đề giữa Mỹ và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà mà đàm phán nhằm đạt được...

Hoa Kỳ sẵn sàng có tiếp xúc riêng ngay lập tức với nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà để thăm dò về cách đề cập trên hoặc bất cứ gợi ý nào mà Việt Nam Dân chủ Cộng hoà muốn đề nghị theo hướng đó.

Ngày 11/8, Tổng thống phê chuẩn bức thư và Henry trở về Paris. Ở đó, bắt đầu từ ngày 17/8 ông và Chester Cooper tổ chức hàng loạt những cuộc gặp gỡ với Aubrac và Marcovich. Theo Chet, những người Pháp “liên tục ép chúng ta là bằng cách nào họ có thể thuyết phục Bắc Việt Nam rằng Mỹ thực sự quan tâm đến đàm phán trong khi việc ném bom của chúng ta đã đạt đến mức kỷ lục về độ dữ dội”. Họ hỏi liệu trong chuyến đi Bắc Việt Nam sắp tới của họ, Mỹ có giảm bớt ném bom như là một dấu hiệu cho Hà Nội thấy rằng Mỹ rất coi trọng sứ mạng của họ”. Henry và Chet hứa sẽ nêu vấn đề với Washington, và họ làm thật. Ngày 19/8, Tổng thống đồng ý sẽ ngừng ném bom Hà Nội trong phạm vi bán kính 10 dặm từ ngày 24/8 đến ngày 4/9, để đảm bảo an toàn cho Aubrac và Marcovich, đồng thời chứng minh vai trò có hiệu lực của Henry với tư cách là trung gian hoà giải2.

Có điều chúng tôi không lường trước hoặc là chưa nhạy bén để chặn trước hàng loạt những cuộc tấn công lớn vào Bắc Việt Nam ngay trước khi ngừng ném bom theo kế hoạch. Vì thời tiết Bắc Việt Nam rất xấu nên không quân và hải quân đã xây dựng một kế hoạch dự trữ về các mục tiêu sẽ bị đánh phá. Ngày 20/8, khi trời quang mây, Mỹ đã tiến hành hơn 200 chuyến bay tiêm kích mà trước đó bị hoãn vì thời tiết nhiều hơn bất cứ ngày nào từ trước đến nay. Việc ném bom dữ dội gần Hà Nội, Hải Phòng và vùng gần biên giới Trung Quốc diễn ra liên tục trong hai ngày tiếp theo.

Aubrac và Marcovich đã chẳng bao giờ có dịp nói với Hà Nội. Ngày 21/8, Bắc Việt Nam từ chối đơn xin thị thực của họ với lời giải thích rằng những trận ném bom làm cho việc thăm Hà Nội trở nên quá nguy hiểm. Theo Aubrac kể lại, những người Bắc Việt Nam còn nói thêm một cách châm chọc rằng cho phép họ đến vào thời điểm đó “sẽ làm hại đến uy tín của chúng tôi và cuối cùng là cả các ông”. Một lần nữa chúng ta lại thất bại một cách thảm hại trong việc phối hợp các hoạt động quân sự và ngoại giao3.
_____________________________________
1. Ghi chép tại cuộc họp 8/8/1967. Ghi chép của Tom Johnson về các cuộc họp, LBJL.
2. Cooper, Cuộc chiến chớp nhoáng thất bại, tr. 379.
3. Ngoại giao bí mật do Herring hiệu đính, tr. 745.

Tuy vậy, cả hai bên vẫn để ngỏ cửa. Ngày 8/9 Marcovich nói với ông Bộ rằng Henry có thể sẽ đến Paris vào ngày 9/9 và ở lại trong khoảng 10 ngày. Ông Bộ nhận xét rằng giá mà không có việc ném bom Hà Nội hồi đó thì “sẽ có cái gì đó diễn ra trôi chảy”. Chúng tôi đảm bảo sẽ không có việc ném bom Hà Nội, nhưng những cuộc tấn công vào các vùng khác vẫn tiếp tục. Trong đó có cuộc oanh kích dữ dội vào Hải Phòng ngày 11/9. Hôm đó, Hà Nội bác bỏ đề nghị ngày 9/9 của chúng ta với thái độ vô cùng tức giận. Tuyên bố của họ có đoạn viết: “Thông điệp của Mỹ được chuyển sau khi leo thang tấn công ( Hải Phòng) và đe doạ tiếp tục tấn công Hà Nội. Rõ ràng là họ muốn tạo ra một tối hậu thư gửi nhân dân Việt Nam... Chỉ khi nào Mỹ ngừng không điều kiện việc ném bom và tất cả các hoạt động chiến tranh chống lại nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, thì lúc đó mới có khả năng có đàm phán”1.

Bình luận về những phát triển này, trong bức điện gửi về Washington, Henry nói rằng Mỹ có hai lựa chọn: “a) chấp nhận nội dung của thông điệp đó và chấm dứt kênh liên lạc A-M; hoặc b) coi bức thông điệp đó như là bước đi thứ nhất trong một quá trình thoả thuận phức tạp”. Tất cả chúng tôi đồng ý nhưng chưa chuẩn bị sẵn sàng để đưa ra những đề nghị có thể đưa Hà Nội tới bàn đàm phán2.

Hai tuần trước đó, sự thiếu chuẩn bị về tư tưởng của chúng tôi đã bộc lộ rõ trong câu chuyện giữa tôi và Averell Harriman, một viên chức Bộ Ngoại giao được giao nhiệm vụ theo dõi bất cứ cuộc đàm phán nào về Việt Nam nếu có. Averell đã khuyên rằng nếu chúng ta thực sự quan tâm đến đàm phán, chúng ta sẽ phải xác định lại mục tiêu của mình. Ông chỉ rõ rằng những người Bắc Việt Nam sẽ chẳng bao giờ đầu hàng chúng ta không điều kiện. Tôi đồng ý và nói vì thế chúng ta phải “quyết định rằng cách duy nhất để giải quyết vấn đề là thành lập một chính phủ liên hiệp. Chúng ta không thể tránh được điều đó”. Averell đồng ý. Nhưng thật đáng buồn, chẳng ai trong chúng tôi có thể buộc chính phủ thảo luận về vấn đề cơ bản đó, và chẳng có một đề nghị nào như vậy được chuyển cho Hà Nội3.

Ngày 12/9, Tổng thống, Dean và tôi nói chuyện với nhau về bức điện của Henry. Tổng thống nêu vấn đề tại sao chúng ta lại không thể dừng ném bom nếu việc đó nhanh chóng dẫn đến đàm phán. Tôi đồng ý. Nhưng Dean hỏi lại: “Chúng ta sẵn sàng trải qua hàng loạt những cuộc thảo luận mà chẳng có kết quả gì không?”. Chúng tôi nhượng bộ nhau và gửi cho Henry một bức điện để chuyển cho ông Bộ qua Marcovich. Ngày 13/9. máy bay Mỹ lại ném bom xung quanh Hà Nội và Hải Phòng. Henry báo cáo rằng hôm đó khi ông gặp Marcovich, Marcovich đáp lại rằng mỗi lần tôi mang đến một thông điệp, chúng ta lại ném bom vào trung tâm thành phố của Việt Nam. Nếu việc này xảy ra một lần nữa, ông ấy sẽ chẳng còn sẵn lòng đứng ra làm liên lạc nữa”4.

Ngày 20/9, trong bữa ăn trưa ngày thứ ba, chúng tôi lại thảo luận vấn đề này. Nick Katzenbach kiên quyết muốn duy trì kênh này với lý do kể từ tháng 2 đến nay, đây là lần đầu tiên có đối thoại và “giọng điệu trao đổi thông tin đỡ chát chúa hơn trước”. Ông nói thêm: “Điều quan trọng là kéo họ vào nói chuyện, thậm chí với cái giá là không tấn công vào trong phạm vi Hà Nội”.

Walt Rostow phản đối: “Tôi không thấy có gì liên quan giữa ném bom và đàm phán”.

“Tôi không nghĩ chúng ta đang chuẩn bị đạt được đàm phán bằng việc ném bom”. Nick đáp lại gay gắt. Dù ông ta, Dean và tôi đồng ý rằng việc ném bom từng mục tiêu nhất định ở miền Bắc có ảnh hưởng rất nhỏ đối với cuộc chiến, chúng tôi không có khả năng giải quyết theo một phương thức có thể đưa Hà Nội đến bàn đàm phán. Và thế là cuộc thảo luận lại tiếp tục5.
____________________________________
1. Embtel 3070 và 3097 (Paris), trích trong sách đã dẫn, tr. 736-738.
2. Embtel 3143 (Paris), Thư của Kissinger, 11/9/1967, Hồ sơ của Walt W. Rostow, NSF, LBJL.
3. Báo cáo về Cuộc hội đàm với Bộ trưởng McNamara, 22/8/1967, Tài liệu của W. Averell Harriman, Vụ Văn bản viết tay, Thư viện Quốc hội.
4. Ghi chép của Jim Jones tại cuộc chiêu đãi hàng tuần, 12/9/1967, MNF, LBJL; và Embtel 3242 (Paris), của Kissinger, 13/9/1967, Hồ sơ của Walt W. Rostow, NSF, LBJL.
5. Ghi chép của Tom Johnson tại cuộc chiêu đãi hàng tuần, 26/9/1967, Ghi chép tại các cuộc họp, LBJL.

Cuối ngày hôm đó, Nick gửi cho Tổng thống một bức thư đề nghị chúng ta tiếp tục mở kênh Pennsylvania. Ông viết rằng đó là quan điểm riêng của ông và không biết liệu Dean có đồng ý không. Bức thư mở đầu: “Tầm quan trọng của hoạt động của Kissinger ở Paris nằm trong thực tế: đó là một việc gần gũi nhất mà chúng ta chưa làm để thiết lập đối thoại với Bắc Việt Nam”. Vì Bắc Việt Nam liên tục nêu vấn đề ném bom leo thang là làm tổn hại đến đàm phán, nên Nick đề nghị Tổng thống “loại bỏ tất cả mọi nghi ngờ có thể xảy ra” về sự chân thành của những cố gắng theo hướng đàm phán của chúng ta. Ông giải thích:

Tôi không tin rằng giờ đây Hà Nội có thể đàm phán nghiêm chỉnh. Nhưng tôi nghĩ rằng điều quan trọng là cả trong hoàn cảnh và quan hệ công khai, chúng ta kiểm nghiệm đầy đủ khả năng đó. Tôi không nghĩ là chúng ta phải trả giá nặng nề trong việc hoãn đánh phá một tỷ lệ rất nhỏ những mục tiêu ở Bắc Việt Nam. Chúng ta biết rằng phá hủy những mục liêu đó trong tuần này hay tuần sau có thể hoàn toàn không có ý nghĩa đối với việc tiến hành chiến tranh. Có những cơ hội bên ngoài có thể có một số tác động đối với việc tìm kiếm hoà bình. Và tôi sẽ sử dụng cơ hội đó - cái mà tôi thừa nhận là rất nhỏ bé - bởi lẽ kết quả lại rất lớn lao1.

Tổng thống miễn cưỡng chấp nhận lời khuyên của Nick. Ngày 29/9 ông đã có bài diễn văn quan trọng ở San Antonio, Texas, dựa trên sáng kiến Pennsylvania, được biết tới với tên gọi “Phương thức San Antonio”. Bài diễn văn đi xa hơn những tuyên bố công khai của Mỹ trước đây qua việc tuyên bố chúng ta sẽ dừng ném bom nếu có sự bảo đảm riêng là điều này ngay lập tức sẽ dẫn tới những cuộc thảo luận thực sự, và trên giả thiết là Bắc Việt Nam sẽ không lợi dụng về quân sự. Có nghĩa là sẽ không tăng dòng chảy của người và hậu cần vào miền Nam.

Bài diễn văn của Tổng thống không làm Hà Nội xúc động. Khi Marcovich gặp ông Bộ hôm 2/10. Tổng lãnh sự Bắc Việt Nam gọi nó là “điều nhục mạ”2.

Hà Nội tiếp tục chỉ trích đề nghị của chúng tôi là có điều kiện và phụ thuộc vào “những cuộc thảo luận tích cực ngay lập tức”. Chúng tôi từ chối không thay đổi về từ ngữ, thậm chí có lần tôi lập luận rằng điều đó không quan trọng như vậy. Nếu chúng ta dừng ném bom, chúng ta cũng có thể tiếp tục bất cứ lúc nào, bất chấp những gì ta đã nói, nếu Bắc Việt Nam không đàm phán thực sự. Cuộc tranh cãi vẫn tiếp tục trong chính quyền nhưng chẳng đạt được sự thống nhất hơn trước tí nào.

Ngày 18/10, chúng tôi gặp để thảo luận xem có nên từ bỏ kênh Pennsylvania hay không. Với mức độ khác nhau, Dean, Nick, Walt, Max Taylor và Henry kiến nghị cứ giữ kênh này. Các tư vấn của Tổng thống là Abe Fortas, Clark Clifford đòi đóng nó lại. Tôi phản đối mạnh. Tôi tin rằng nếu chúng ta dừng ném bom, sẽ có đàm phán ngay; rằng những khả năng hiện có sẽ dẫn tới một giải pháp; rằng chúng ta phải vận động theo hướng một giải pháp trong vòng 12 tháng tới vì chúng ta không thể duy trì lâu hơn sự ủng hộ của công chúng đối với cuộc chiến. Tổng thống chỉ thị cho Henry thông báo cho Bắc Việt Nam về sự tiếp tục sẵn sàng đàm phán của chúng ta nhưng cũng bày tỏ sự không hài lòng của chúng ta về những kết quả đã đạt được3.
__________________________________
1. Báo cáo gửi Tổng thống của Nicholas deB. Katzenbach, chủ đề: Thương lượng với Bắc Việt Nam, 26/9/19ó7, Hồ sơ của Walt W. Rostow, NSF, LBJL.
2. Xem Herbert Marcovich gửi Henry Kissinger, 2/10/1967, NSF, LBJL.
3. Ghi chép cuộc họp tại Phòng Nội các ngày 18/10/1967, Ghi chép của Tom Johnson về các cuộc họp, LBJL.

Ngày 20/10, ông Bộ từ chối gặp Aubrac và Marcovich với lời nhận xét “không có gì mới để nói, tình hình đang xấu đi. Chẳng có lý do gì để nói chuyện nữa”. Điều đó đánh dấu sự kết thúc của Pennsylvania, trừ việc nó đặt cơ sở cho đàm phán trong năm 19681.

Ngày hôm sau, thứ bảy, 21/10/1967, 20.000 người biểu tình chống chiến tranh diễu hành về phía Lầu Năm Góc, quyết tâm đóng cửa toà nhà.

Chúng tôi được biết trước về cuộc biểu tình này rất sớm. Hôm 20/9, Tổng thống gặp tôi và những người khác để thảo luận cách đối phó với nó. Tôi nói với ông rằng chúng ta đang đứng trước một vấn đề khó khăn - khó khăn vì Lầu Năm Góc không có hệ thống phòng thủ tự nhiên. Đó là một toà nhà lớn - lớn nhất thế giới khi nó được xây dựng trong Chiến tranh thế giới thứ II - có đường nhựa và các sân cỏ bao quanh. Bạn có thể đi tới từ cả năm phía.

Chúng tôi quyết định cho quân đội được trang bị súng trường bao quanh ngôi nhà, đứng sát vai nhau ở chính giữa con đường nhựa quanh nhà, bố trí cho cảnh sát đứng giữa binh lính và những người biểu tình. Chúng tôi biết rằng lính đứng một hàng sẽ không thể có khả năng ngăn chặn đám đông hàng nghìn người lao vào toà nhà - trừ khi họ nổ súng, điều mà chúng tôi không có ý định cho phép. Vì thế, tôi và Bus cùng với những viên chỉ huy của ông đồng ý chuyển một lực lượng tăng cường vào trong sân trung tâm của Lầu Năm Góc, đó là một sân cỏ mà các viên chức thích ngồi sưởi nắng trong lúc ăn trưa. Nếu sức ép của đám đông làm vỡ hàng rào lính, những người lính từ bên trong toà nhà sẽ đổ ra để bịt nó lại. Để không gây căng thẳng, chúng tôi quyết định thả lực lượng tăng cường xuống sân bằng máy bay lên thẳng vào ban đêm.

Tôi nói với Tổng thống rằng sẽ không một khẩu súng nào được nạp đạn nếu tôi không cho phép và tôi không có ý định cho phép. Tôi nói thêm rằng Bus, Phó Tổng thanh tra Warren Christopher và tôi sẽ đích thân điều khiển hoạt động từ trong trụ sở của tôi và trên nóc Lầu Năm Góc.

Vào ngày hôm trước cuộc biểu tình, Thứ trưởng phụ trách Lục quân David E. Mc Giffert phân phát cho tất cả binh lính cảnh sát tham gia một bức thư qua Tư lệnh Lục quân. Bức thư nêu rõ đường lối chỉ đạo nhiệm vụ của họ:

Trong việc giúp đỡ chính quyền dân sự, chúng ta phải làm một việc rất khó khăn và tế nhị nhằm giữ vững những quyền được Hiến pháp thừa nhận như tự do hội họp và biểu thị tình cảm, đồng thời cũng bảo vệ những hoạt động và tài sản của chính phủ. Chúng ta không thể tha thứ việc phạm luật, nhưng chúng ta cũng không tha thứ việc can thiệp vào việc thực hiện hợp pháp những quyền được nêu trong Hiến pháp...

Chúng ta phải tránh hành động thái quá hoặc mềm yếu. Chúng ta phải cư xử đúng mực và cứng rắn. Chúng ta phải hành động với phương châm hạn chế đến mức tối thiểu khả năng đổ máu hay thương vong; hạn chế tối thiểu việc sử dụng vũ lực vì nhiệm vụ của chúng ta là bảo vệ các nhân viên (quân sự và dân sự), các hoạt động và tài sản của chính phủ2.

Gần ba thập kỷ sau khi đọc lại những dòng chữ của Dave tôi vẫn cảm thấy vô cùng tự hào về tinh thần nghề nghiệp và trách nhiệm khi quân đội và cảnh sát Mỹ thực hiện một nhiệm vụ tưởng như không thể làm được.

Tờ The Washington Post đưa tin:

Cuộc biểu tình có hai phần riêng biệt.

Phần thứ nhất là đám đông tại Reflecting Pool, nằm giữa tượng Washington và Đài tưởng niệm Lincoln. Phần này đòi tôn trọng nhân quyền và sở thích con người, đám đông ở đây khoảng hơn 50.000 người, rất trật tự và phần lớn là sinh viên các trường cao đẳng. Nhóm thứ hai ở trước Lầu Nam Góc có ít hơn, khoảng 20.000 người, như Lầu Năm Góc cho biết. Những hàng đầu của nhóm này có khoảng 3.000 người, gồm những kẻ gây rối, tạo ra một vết thương sâu cho phong trào chống chiến tranh3.
_______________________________________
1. Xem Embtel 5545 (Paris), 20/10/1967, trong Ngoại giao bí mật của Herring, tr. 769.
2. Báo cáo cho Bộ Tham mưu liên quân, Quân đội Mỹ của David E. McGiffert, 20/10/1967, Biểu tình chống Việt Nam, Tài liệu của Warren Christopher, Hộp số 8, LBJL.
3. “Im lặng tập hợp chống sự xấu xa” của Jimmy Breslin, The Washington Post, 22/10/1967, tr. A-1 và A-10.

Đúng là ở những hàng đầu toàn là những kẻ gây rối. Chúng dùng mọi phương tiện để khiêu khích những người lính, gây đụng độ. Những phụ nữ trẻ cọ ngực họ vào những người lính đang bồng súng trường đứng nghiêm, và thậm chí kéo cả khoá quần của những người lính, nhưng họ vẫn không xê dịch. Những người biểu tình ném bùn, biển báo, truyền đơn, gậy gộc và đá vào những người lính. Họ vẫn không rời vị trí. Một làn sóng những người biểu tình cố phá vỡ hàng rào, nhưng những người lính tựa lưng vào cánh cửa Lầu Năm Góc và quân tăng cường ở bên trong tràn ra hỗ trợ, cản đám đông lại. Một vài người biểu tình vào được bên trong toà nhà nhưng nhanh chóng bị đẩy ra. Cuối cùng đám đông bắt đầu tan rã. Nhưng vẫn còn hàng nghìn người ở lại đến đêm và đốt lửa trên sân. Những người biểu tình cuối cùng ở lại cho đến tận chiều hôm sau.

Trong bài báo nói về cuộc biểu tình của The Post có đoạn: “Mặc dù rất có khả năng nổ ra bạo lực trong khoảng thời gian suốt từ chiều đến tối, nhưng đã không có tin gì về tiếng súng và không một người nào bị thương nặng”1.

Từ trên nóc nhà và một số điểm quan sát khác, tôi theo dõi toàn bộ sự việc. Nhiều năm sau, một phóng viên hỏi tôi có sợ không. Tất nhiên là tôi sợ. Một đám đông không kiểm soát nổi là một điều đáng sợ nhưng may mắn thay, trong trường hợp này nó đáng sợ nhưng vô hiệu. Trong lúc đó, tôi không thể không nghĩ rằng giá mà những người biểu tình có kỷ luật hơn - như Gandhi - họ có thể đạt được mục tiêu là nhốt chúng tôi ở bên trong. Tất cả điều họ cần làm chỉ là nằm trên vỉa hè quanh toà nhà. Chúng tôi sẽ không thể có đủ thời gian chuyển họ đi để mở cửa Lầu Năm Góc.


Tổng thống Johnson tiếp tục hỏi ý kiến góp ý. Để giúp quyết định cho những gì ông cần thay đổi - nếu có - trong khi tiến hành chiến tranh, Tổng thống nài nỉ Mac Bundy cho biết những đánh giá của mình và yêu cầu Những nhà thông thái (Wise Men) họp mặt lại vào ngày 2/11*.

Ngày 17/10, Mac trả lời bằng một bức thư. Quan điểm của ông ta - được tóm tắt trong tuyên bố “Tôi nghĩ rằng chính sách của Tống thống vẫn đúng và những chứng cớ trên chiến trường là có trọng lượng và đáng khích lệ” - phản ánh rằng ông nhất trí với Những nhà thông thái. Mỉa mai thay, trong cùng bức thư đó Mac khuyên Tổng thống: “Tôi sẽ không quá nghe những ai từ xa đến và chỉ dành có một ngày để xem xét chứng cớ”2. Đáng ra ông có thể viết thêm: “ Đặc biệt là đừng nghe theo một nhóm người, dù có thông thái thế nào, chỉ nghe có một phần của bằng chứng”.

Nhóm người tụ họp quanh chiếc bàn lớn trong Văn phòng Nội các sáng ngày 2/11 có khác một chút so với nhóm người năm 1965. Khi Những nhà thông thái yêu cầu Tổng thống cam kết có một lực lượng cần thiết để giữ cho Việt Nam không rơi vào vòng kiểm soát cộng sản. Paul Hoffman, George Kistiakowsky và Arthur Larson vắng mặt - họ không được mời vì người ta biết họ chống chính sách về Việt Nam của Johnson. Bob Lovett và Jack McCloy cũng vắng mặt; họ có được mời nhưng không thể dự được. Mười một người dự gồm Dean Acheson, George Ball, Omar Bradley, Mac Bundy, Clark Clifford, Art Dean, Doug Dillon, Abe Fortas, Cabot Lodge, cựu quan chức ngoại giao Bob Murphy và Max Taylor.

Khi khai mac cuộc họp, Tổng thống nêu năm câu hỏi:

1. Chúng ta có thể làm gì với những điều ta chưa làm ở Nam Việt Nam?

2. Đối với miền Bắc, chúng ta có nên tiếp tục những việc đang làm, có nên thả mìn phong toả các cảng, phá đê điều hay là chấm dứt hoàn toàn ném bom miền Bắc?

3. Chúng ta có nên theo đuổi một chính sách thụ động, sẵn sàng đàm phán, nên ráo riết tìm kiếm đàm phán hay là chúng ta nên rút lui?

4. Chúng ta có nên rút khỏi Việt Nam?

5. Chính quyền nên đi những bước tích cực gì để thống nhất đất nước và giữ quan hệ tốt hơn với dân chúng?

Johnson đã đặt ra những câu hỏi đúng. Nhưng, như kiểu chơi poker, ông đã giữ lại những hiểu biết quan trọng mà Những nhà thông thái cần để đưa ra những câu trả lời có thông tin đầy đủ. Đêm trước, họ đã được Bus Wheeler và George Carver, chuyên gia về Việt Nam của CIA. thông báo nên vẫn tiếp tục lạc quan về cuộc chiến. Nhưng họ không hề nhận được một tài liệu viết nào. Đặc biệt, họ không nhận được bản báo cáo có tính phá phách của Thiếu tướng Hải quân La Rocque rằng không có khả năng giành chiến thắng quân sự ở Việt Nam. Họ cũng không được xem bản phân tích của Dick Helms về sự giới hạn và khả năng kiểm soát được của những mạo hiểm trong việc Mỹ rút ra.
______________________________________
1. Richard Harwood, “Hạn chế công việc cho quân đội”, sách đã dẫn.
* Xem chương 7, cuộc họp lần thứ nhất của Những nhà thông thái vào tháng 7/1965.
2. Báo cáo của McGeorge Bundy cho Tổng thống, chủ đề: Bình luận cho cuộc thảo luận về Việt Nam - tháng 10/1967, 17/10/1967, NSF, LBJL.

Và, tôi thật thất vọng khi Tổng thống không cho họ biết bức thư tôi đã trình ông hôm trước. Trong thư, tôi trình bày những đánh giá của mình về sự bế tắc mà vì nó chúng ta đã làm đất nước đi chệch hướng cùng với những nhận định của tôi về cách giải quyết bế tắc. Ngay trong trang đầu, tôi đã chỉ rõ thực tế khắc nghiệt mà chúng ta sẽ phải đối phó: “Tiếp tục tiến trình hoạt động hiện nay của chúng ta ở Đông Nam Á sẽ nguy hiểm, phải trả giá bằng sinh mạng và sự bất bình của nhân dân Mỹ”. Không nói dài dòng, tôi chỉ rõ là tôi hiểu Tổng thống sẽ thấy rất khó khăn khi xem xét việc từ bỏ những suy nghĩ cũ về Việt Nam và thay đổi hướng đi. Và tôi kiến nghị như sau: “Bức thư gửi kèm theo phác hoạ một chương trình thay thế (cho chương trình chúng ta hiện đang theo đuổi )”.

Tôi đảm bảo với Tổng thống là “bức thư trình bày quan điểm cá nhân của tôi”, và nói thêm: “Vì những quan điểm này có thể khác với quan điểm của Tổng thống, nên tôi chưa cho Dean Rusk, Walt Rostow hay Bus Wheeler xem. Sau khi đọc, nếu Tổng thống muốn tôi thảo luận với họ những đề nghị của tôi và báo cáo lại cho Tổng thống kiến nghị chung của chúng tôi, thì tôi sẽ làm như vậy”. Tôi hy vọng sau khi nghiên cứu, Tổng thống sẽ cho phép tôi phân phát bức thư này cho các cộng sự dân sự và quân sự để thảo luận kỹ càng và chi tiết hơn. Tôi nhận ra rằng những kiến nghị này sẽ gây tranh cãi và có thể hoàn toàn không khôn ngoan, nhưng nó nêu lên những câu hỏi cơ bản đòi phải có câu trả lời.

Như chúng ta sẽ thấy, điều đó đã không xảy ra.

Tôi bắt đầu bức thư bằng việc xem xét tình hình năm tới. Tôi nhấn mạnh rằng tôi tin chắc chắn là “cứ tiếp tục tiến trình hiện nay của chúng ta thì tới cuối năm 1968 chúng ta vẫn chưa đến gần hơn với thắng lợi, dưới con mắt của công chúng Mỹ, là ngăn chặn việc những người ủng hộ chúng ta dính líu vào Việt Nam ngày càng giảm đi”. Nhưng, trong thời gian đó chúng ta sẽ “phải đối phó với những yêu cầu về tăng cường thêm lực lượng mặt đất, dẫn đến việc tăng cường động viên hoặc gọi thêm lực lượng dự trữ”. Và điều này sẽ dẫn đến việc nâng số thương vong của Mỹ lên gấp đôi vào năm 1968. Tôi trích dẫn những số liệu dự tính chính xác nhất mà chúng ta có: “Thêm khoảng 10.900 đến 15.000 quân Mỹ chết, 30.000 đến 45.000 người nữa bị thương phải vào bệnh viện”.

Tôi nhắc lại là đã nhiều lần tôi nói về việc ném bom: nó sẽ chẳng làm giảm cuộc xung đột ở miền Nam xuống dưới mức hiện nay và cũng không đập tan được ý chí chiến đấu của miền Bắc. Tôi nhấn mạnh:

Không gì có thể phá vỡ ý chí đó ngoài lòng tin rằng họ sẽ chẳng bao giờ thắng. Lòng tin này sẽ chỉ xuất hiện khi họ rút ra kết luận là Hoa Kỳ sẵn sàng ở lại Việt Nam bất kể bao lâu để đảm bảo độc lập của nhân dân Nam Việt Nam. Không thể mong kẻ thù rút ra kết luận đó trước công chúng Mỹ. Và công chúng Mỹ, thất vọng bởi tốc độ chậm chạp của tiến bộ, sợ cuộc leo thang tiếp tục và hoài nghi về sự chân thành của tất cả mọi phương thức hoà bình, không hề tỏ ra có ý chí theo đuổi mục tiêu đó. Chỉ mấy tháng nữa chúng ta sẽ chịu sức ép ngày càng tăng vì mở rộng chiến tranh và không còn sự ủng hộ đối với sự tham gia của Mỹ trong cuộc chiến này. Những lời kêu gọi đòi Mỹ rút quân sẽ ngày càng tăng.

Theo ý kiến tôi, có một câu hỏi rất thực tế là liệu trong những hoàn cảnh như vậy, chúng ta có khả năng duy trì những cố gắng ở Nam Việt Nam trong một thời gian cần thiết để hoàn thành những mục tiêu của chúng ta ở đó hay không.

Tôi nhấn mạnh rằng kiến nghị của các Tham mưu trưởng liên quân là nhanh chóng kết thúc cuộc xung đột. Mở rộng diện của cuộc chiến - về địa lý và tăng cường ném bom - chẳng mang lại hy vọng đáng kể gì trong khi lại tiến hành những cuộc phiêu lưu lớn là mở rộng chiến tranh. Vì vậy, tôi kết luận là cách thức duy nhất có thể thấy được là: “Ổn định các hoạt động quân sự của chúng ta ở miền Nam, cùng với việc tỏ rõ là những trận tấn công bằng không quân của chúng ta vào miền Bắc không cản trở đàm phán dẫn đến một giải pháp hoà bình”. Tôi kiến nghị những bước đi cụ thể:

    * Tuyên bố chính sách duy trì ổn định.

    * Dừng ném bom Bắc Việt Nam vào trước cuối năm để mang lại đàm phán.

    * Xem xét lại những hoạt động trên bộ ở miền Nam để giảm thương vong của Mỹ, chuyển cho người Nam Việt Nam trách nhiệm lớn hơn trong việc bảo vệ an ninh của chính họ và giảm bớt thiệt hại chiến tranh cho Nam Việt Nam.1
_____________________________________
1. Báo cáo cho Tổng thống, chủ đề: Kế hoạch 15 tháng cho các chiến dịch quân sự ở Đông Nam Á, 1/11/1967, RSMP.

Các nhà thông thái không hề có manh mối về những gì đang diễn ra. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi không có thông tin gì mới, họ trả lời dựa trên những hiểu biết trước đây về tình hình quân sự và chính trị ở Nam Việt Nam. Đối với cuộc chiến trên bộ ở miền Nam, họ nhìn thấy những cải thiện và tiến bộ lớn, yêu cầu Tổng thống tiếp tục chương trình đang thực hiện. Với việc ném bom Bắc Việt Nam, tất cả, trừ George Ball, đồng ý cần phải tiếp tục. Với vấn đề đàm phán, 8 trên 11 người dự đoán cộng sản sẽ chẳng bao giờ đàm phán. Một khi kẻ thù hiểu rằng họ sẽ không bao giờ thắng, họ sẽ dễ dàng giảm thù địch và cuối cùng là từ bỏ. Với việc liệu chúng ta có nên rút ra hay không, tất cả nhất trí nói không nên. Cuối cùng, với việc làm thế nào để thống nhất nhân dân Mỹ, họ khuyên nhấn mạnh “ánh sáng ở cuối đường hầm”, thay cho các cuộc chiến đấu, cái chết và hiểm họa1.

Điều này thể hiện những kiến thức đã được tích luỹ của quá trình lập chính sách đối ngoại của Mỹ. Những người lãnh đạo giàu kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực của họ, những người đã dành hai thập kỷ qua để giải quyết - một cách thành công - với những thách thức và hiểm họa của cuộc chiến tranh lạnh. Nếu họ cảm thấy như họ đã làm, Ellsworth Bunker và Westy tiếp tục báo cáo cho Tổng thống những tiến bộ ở chiến trường thì làm sao mong đợi Tổng thống có thể phá bỏ những suy nghĩ đã thành nếp của mình để nhìn thẳng vào những sự thật không mấy thoải mái và những lựa chọn không dễ chịu mà tôi đã trình với ông hôm trước?

Tôi chẳng hề nhận được câu trả lời của Tổng thống về bức thư của tôi*. Mãi sau này, tôi mới được biết là ông đã gửi một bản sao thư đó cho Dean Rusk để xử lý, với chỉ thị là không được cho ai xem. Ông cũng yêu cầu Walt Rostow cho biết nội dung của bức thư nhưng không được lộ tên tác giả cho Nick Kalzenbach, Max Taylor, William Westmoreland, Eusworth Bunker, Clark Clifford và Abe Fortas để hỏi ý kiến.

Mãi đến khi tôi bắt đầu nghiên cứu để viết cuốn sách này, tôi mới phát hiện hoặc biết được phản ứng của họ. Ở một cực là Nick, người bày tỏ sự đồng ý hầu như hoàn toàn. Ở cực khác là Abe Fortas. người nghĩ rằng tác giả của bức thư có thể đã chứng kiến quá nhiều những - cuộc biểu tình phản đối. Ông viết:

“Bản phân tích và những kiến nghị hầu như hoàn toàn dựa trên cơ sở đánh giá của dư luận Mỹ và một giả thiết không nói ra như là tác động mà nó nên có. Tôi hoàn toàn không đồng ý... Tôi không thể nghĩ ra cái gì xấu hơn cái chương trình được gợi ý... Chắc chắn nó sẽ làm nảy sinh ra những đòi hỏi rút quân ở đất nước và, thực tế nó phải được đánh giá về cái mà nó là hiện thân: một bước trong tiến trình rút quân. Và theo ý kiến tôi, nó không phải là sự khuyên giải nội bộ, mà là sự không thừa nhận nội bộ (mà nó xứng đáng được hưởng), nó là một liều thuốc bổ mạnh mẽ đối với hiệu lực của cộng sản Trung Quốc trên thế giới; một bước lùi đối với những con bài domino châu Á (nhấn mạnh trong nguyên bản)2.

Clark Clifford cũng không thích bức thư. Ông viết: “Tôi không đồng ý với những kiến nghị nêu trong thư... Tôi tin là tiến trình hành động được nêu trong đó sẽ làm chậm lại chứ không đẩy nhanh khả năng kết thúc cuộc xung đột”. Đối với đề nghị ngừng ném bom của tôi, ông nói: “Tôi bối rối không hiểu nổi lôgic”. Ông lập luận rằng, ổn định hoá “cần được giải thích chính xác, đúng như tự nó có: một cố gắng uể oải và tuyệt vọng để tìm lối thoát cho cuộc xung đột mà chúng ta đã mất ý chí và quyết tâm”. Ông nói thêm: “Tổng thống và tất cả mọi người xung quanh ông muốn kết thúc chiến tranh. Nhưng tương lai của con cháu chúng ta yêu cầu chúng ta phải đạt được những mục tiêu của mình khi kết thúc cuộc chiến, đó là ngăn cản sự xâm nhập của Bắc Việt Nam được Trung Quốc và Liên Xô viện trợ”3.

Mac Bundy, người mà Johnson không hỏi ý kiến về bức thư của tôi gửi đến cho Tổng thống một bản bình luận tóm tắt về cuộc họp của Những nhà thông thái. Ông yêu cầu Tổng thống tổ chức một cuộc xem xét lại ở cấp cao để “có thể định ra một khuôn mẫu của việc giảm dần chi phí lâu dài trong vòng 5 đến 10 năm. Điều mà tôi nghĩ là hầu hết các quan chức sáng suốt nhất ở Việt Nam có thể dự tính được”. Ông viết tiếp: “Nếu vấn đề này rõ ràng hơn vấn đề khác, thì chúng ta chỉ đơn thuần là không tiếp tục đi với tốc độ hiện nay trong một thời gian dài như vậy”4.

Tại sao Tổng thống Johnson lại không buộc phải thảo luận công khai và đầy đủ về những vấn đề đang làm các cố vấn cao cấp nhất của ông bị chia rẽ một cách rõ ràng và sâu sắc? Có lẽ thất bại này của ông bắt nguồn từ việc ông nhận ra rằng vấn đề Việt Nam rất khó; rằng chẳng có giải pháp nào làm hài lòng, chẳng có cách nào làm cho các cố vấn của ông nhất trí với nhau. Có lẽ ông thấy rõ rằng quyết định về việc thay đổi chiều hướng của cuộc chiến tranh tùy thuộc vào ông, mà tự ông không thể đưa ra quyết định đó.

Bức thư ngày 1/11 của tôi đã làm được một việc: nó đã làm căng thẳng giữa hai người rất yêu mến và tôn trọng nhau - Lyndon Johnson và tôi - đến tan vỡ. Bốn tuần sau, Tổng thống Johnson thông báo về việc tôi được bầu làm Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và việc tôi rời khỏi Bộ Quốc phòng vào một ngày chưa cụ thể.
_____________________________________
1. Xem Tóm lược và Ghi chép của Jim Jones tại cuộc họp của Tổng thống với Cố vấn Chính sách Ngoại giao, Thứ Năm, 2/11/1967, MNF, LBJL.
* Thư viện Johnson giữ bức thư của Walt Rostow gửi Tổng thống ngày 4/12/1967. Thư viết: “Đây là thư trả lời của Tổng thống gửi Bộ trưởng McNamara thể hiện sự nhất trí đối với tất cả những lời khuyên gửi cho Tổng thống”. Nhưng Tổng thống Johnson chưa hề gửi cho tôi bức thư đó.
2. Bình luận của Abe Fortas, 5/11/1967, NSF, LBJL.
3. Báo cáo của Clark Clifford, 7/11/1967, sách đã dẫn.
4. Báo cáo của McGeorge Bundy cho Tổng thống, chủ đề: Bình luận cho cuộc thảo luận về Việt Nam ngày 2/11- 2/11/1967, Hồ sơ Chỉ định của Tổng thống, 10/11/1967, LBJL.

Cho đến ngày nay, tôi không biết là tôi từ bỏ vị trí hay là tôi bị buộc thôi việc. Có lẽ là cả hai.

Đã từ lâu, tôi quan tâm đến các nước đang phát triển. Ngày 18/5/1966, trong một bài diễn văn gây nhiều tranh cãi trước Hiệp hội các chủ bút báo Mỹ tại Montreal, tôi đã nói về chủ đề đó. Tôi nói: “Trong chúng ta... có chiều hướng chỉ nghĩ về vấn đề an ninh của mình hoàn toàn như một vấn đề quân sự”. Tôi không đồng ý. “Một quốc gia có thể đạt đến điểm mà họ không mua an ninh cho chính họ đơn giản bằng việc mua nhiều hàng quân sự hơn, và chúng ta đang đạt đến điểm đó”. Tôi tin là quan hệ giữa chi phí quân sự và an ninh có dạng là một đường cong; trong đó lên đến một điểm mà an ninh tăng cường khi chi phí quân sự tăng. Sau đó đường cong trở nên phẳng, thậm chí có thể đi xuống. Tôi thấy rằng trong năm 1966, Hoa Kỳ nằm trên đoạn phẳng của đường cong đó. Tôi tin là ngày nay chúng ta cũng đang nằm trên đoạn phẳng đó.

Tôi nói với các chủ bút, thay bằng việc tăng chi phí quân sự, chúng ta cần giúp “những nước đang phát triển thực sự cần và yêu cầu chúng ta giúp đỡ, và những nước, với tính cách một tiền đề cần thiết, sẵn sàng và có khả năng tự giúp”. Tôi lưu ý rằng khoảng cách nguy hiểm hiện có giữa các nước giàu và nghèo đang ngày càng rộng ra và sự nghèo khổ trong các quốc gia làm nảy sinh căng thẳng về chính trị và xã hội và thường bùng lên thành xung đột giữa các quốc gia. Tóm lại, tôi tin rằng chúng ta sẽ đạt tới an ninh hơn bằng cách chuyển việc chi tiêu những đồng đôla hạn hẹp cho quốc phòng sang viện trợ nước ngoài.

Người ta không chờ đợi để nghe một bài diễn văn như vậy của một Bộ trưởng Quốc phòng trong thời gian chiến tranh. Nó làm cho phái điều hâu trong Quốc hội tung ra những lời chỉ trích gay gắt và Tổng thống khá đau lòng (với ai thì chưa rõ). Nhưng nó phản ánh niềm tin của tôi. Đó là những niềm tin đã giúp hình thành câu trả lời của tôi cho George Woods vào mùa xuân năm 1967, khi trong bữa ăn trưa ông ta nói với tôi về 5 năm nhiệm kỳ Chủ tịch Ngân hàng Thế giới của ông, kết thúc vào ngày 31/12, và ông mong tôi thay ông. Tôi bày tỏ rất quan tâm, tuy vậy nói thêm rằng tôi đã nói với tất cả những người đã đưa những đề nghị tương tự về công việc, trong đó có một bạn làm ăn ở Wall Street đề nghị trả tôi 2,5 triệu đôla mỗi năm, theo giá đôla năm 1967, rằng tôi sẽ không xem xét tất cả những vấn đề như vậy khi nào Tổng thống còn muốn tôi tiếp tục cương vị hiện nay.

Khi đó tôi đã báo cáo câu chuyện trên cho Tổng thống và không có gì xảy ra. Cho đến khoảng tháng 9 hay tháng 10, trong lúc hoàn toàn bất ngờ, Tổng thống hỏi xem có gì tiến triển thêm không. Tôi nói với Tổng thống là tôi vẫn quan tâm đến đề nghị của George nhưng sẽ tiếp tục ở lại Bộ Quốc phòng tới chừng nào mà Tổng thống vẫn cần.

“Ông xứng đáng được hưởng của chính phủ này những gì ông muốn”, Tổng thống nói. “Nghĩa vụ của tôi là giúp ông và ông có thể có những gì nằm trong phạm vi quyền lực của tôi”.

“Người dân có nghĩa vụ với Tổng thống, chứ không phải ngược lại”, tôi đáp. Chúng tôi bỏ lửng ở đó.

Ngày 8/11, George đến thăm cơ quan tôi và chúng tôi cùng đi xe đến Nhà Trắng vì tôi phải dự bữa ăn trưa ở đó. Ông ta nói Chủ tịch mới của Ngân hàng sẽ được bầu sớm và ông dự kiến nói với Joe Fowler - Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng của Hoa Kỳ, người có nhiệm vụ xem xét những người được giới thiệu - rằng tôi là ứng cử viên của ông. Nhưng mãi nhiều năm sau George mới nói với tôi về những cái mà Joe và Tổng thống đã làm. Trước khi trình tên tôi cho ban giám đốc Ngân hàng, Joe đã trình bày rõ việc tiến cử với Tổng thống. George nói rằng chính Joe cũng đang hy vọng trở thành chủ tịch nên ông ta nói với LBJ rằng theo tập quán phải trình lên tên ba người. Theo cách riêng của mình, Tổng thống đáp lại: “Ôkê, đó là McNamara, McNamara. McNamara”.

Ngày 27/11, tờ Financial Times London đưa một tin đồn về việc đề cử tôi. Hai ngày sau, George và năm giám đốc của Ngân hàng Thế giới đến cơ quan tôi và đề nghị tôi giữ cương vị đó. Tôi nhận lời. Ngày hôm sau, Tổng thống Johnson thông báo tôi sẽ rời Lầu Năm ngóc để sang Ngân hàng Thế giới.

Một trong những điều mỉa mai nhất là tôi không biết liệu bản thân Tổng thống có biết chính xác tại sao và như thế nào mà tôi lại bỏ đi. Ông ta biết rằng tôi trung thành với Tổng thống và với bản thân ông ta. Và, như tôi vừa nói, tôi cũng cảm nhận được những tình cảm mạnh mẽ của ông đối với tôi, dù chúng tôi có bất đồng sâu sắc trong vấn đề Việt Nam. Chắc là ông cho rằng tôi đã nghĩ đến chuyện từ chức, và tôi tin là ông cảm thấy nhẹ nhõm khi tôi đã không làm như vậy. Vậy thì tại sao tôi lại bỏ đi? Không phải vì tôi ốm đau, dù báo chí có đưa những chuyện như vậy và Tổng thống nói với các trợ lý của mình rằng ông lo tôi có thể tự tử, như Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên của Truman là James V. Forrestal đã làm. Từ đó có một giả thiết chung là tôi gần như sụp đổ về tinh thần và sức khoẻ. Tôi không làm sao cả. Chắc chắn là tôi cảm thấy căng thẳng. Tôi bất hoà với Tổng thống Hoa Kỳ. Tôi không tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi của tôi, và tôi bị căng thẳng như ở trong địa ngục. Nhưng tôi không phải điều trị thuốc men, không dùng ma tuý, trừ việc thỉnh thoảng dùng mấy viên thuốc ngủ và chưa hề có ý định tự tử.

Sự thật là tôi đã đi đến kết luận và nói thẳng với Tổng thống rằng, chúng ta không thể đạt được mục tiêu ở Việt Nam bằng bất cứ biện pháp quân sự nào; và vì thế chúng ta phải tìm kiếm một mục tiêu chính trị nhỏ bé hơn thông qua đàm phán. Tổng thống Johnson không sẵn sàng chấp nhận điều đó. Điều trở nên rõ ràng với cả hai chúng tôi là tôi sẽ không thay đổi nhận định của mình và Tổng thống cũng không thay đổi ý kiến. Phải nhượng bộ một cái gì đó.

Từ đó đến nay, nhiều bạn bè của tôi đã nói với tôi rằng, tôi đã sai lầm khi không từ chức để phản đối chính sách của Tổng thống. Cho phép tôi giải thích tại sao. Ngoại trừ Phó Tổng thống, Tổng thống là quan chức được bầu duy nhất của ngành hành pháp. Ông chỉ định từng quan chức trong nội các, những người chẳng có cử tri nào khác ngoài Tổng thống. Đó là điều tại sao các quan chức chính quyền là người phải có trách nhiệm với nhân dân. Quyền hành và địa vị pháp lý của một quan chức trong nội các do Tổng thống quy định. Tuy thế, cũng có sự thật là do thường xuyên xuất hiện trước công chúng nên một số quan chức chính phủ có quyền lực không phụ thuộc vào Tổng thống.

Ở mức độ nào đó, tôi có quyền lực như vậy, và một số người nói đáng lẽ tôi nên tận dụng quyền đó bằng cách từ chức, không thừa nhận chính sách Việt Nam của Tổng thống và cầm đầu những người tìm cách buộc phải thay đổi.

Tôi tin là việc đó sẽ là một cuộc xung đột giữa trách nhiệm của tôi với Tổng thống và lời thề bảo vệ Hiến pháp.

Tôi sẽ không bao giờ quên những lời Dean Acheson đã nói với tôi. Dean nói rằng, khi còn làm Thứ trưởng Bộ Tài chính hồi đầu những năm 30, dưới thời Franklin Roosevelt, ông đã thấy mình không thể chấp nhận chính sách tiền tệ của Tổng thống. Do đó ông lặng lẽ từ chức. Roosevell nói với ông rằng ông là quan chức duy nhất mà Tổng thống biết, đã từ chức như Hiến pháp quy định. Tôi chưa hề quên bài học đó*.

Nói một cách đơn giản dù có bất đồng sâu sắc với Lyndon Johnson về vấn đề Việt Nam, tôi vẫn trung thành với Tổng thống và trung thành với Nội các. Tôi cũng cảm nhận được tình cảm mạnh mẽ của ông đối với tôi. Hơn thế nữa, cho đến hôm ra đi tôi vẫn tin là có thể tác động được những quyết định của ông ta. Vì vậy, tôi thấy có trách nhiệm phải ở lại vị trí của mình.
__________________________________________
* Cy Vance cũng làm giống như vậy vào mùa xuân 1980, với tư cách Bộ trưởng Bộ Ngoại giao. Bất đồng với những cố gắng của Tổng thống Carter nhằm cứu những con tin của Sứ quán Mỹ ở Iran và cảm thấy ông không còn có ảnh hưởng đối với những quyết định của Tổng thống, ông nói với Carter ông dự định từ chức - sau khi vụ cứu đó được tiến hành, dù thành công hay thất bại.

Trong thời gian ba tháng, kể từ 29/11 đến khi tôi rời Lầu Năm Góc, cuộc khủng hoảng đã lên đến đỉnh cao: quân đội của Bắc Việt Nam, bao vây căn cứ lính thuỷ đánh bộ ở Khe Sanh, một khu vực ở tận phía Tây Bắc của Nam Việt Nam; ngày 23/1/1968, Bắc Triều Tiên bắt tàu tình báo Pueblo của Mỹ ở vùng biển quốc tế ngoài bán đảo Triều Tiên; một tuần sau Việt cộng đột nhập vào Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, mở đầu cuộc phản công Tết Mậu Thân đẫm máu.

Ngày 27/2/1968, hoạt động chính thức cuối cùng của tôi trong vấn đề Việt Nam là phản đối việc Westy nhắc lại đề nghị đưa thêm 200.000 quân trên cơ sở kinh tế, chính trị và đạo đức. Sau đó, người thay tôi là Clark Cliffod cũng cùng chung ý kiến. Gần đến ngày ra đi, tôi viết bức thư này cho Lyndon B.Johnson:

Ngày 23/2/1968

Tổng thống kính mến:

Tôi không biết nói gì để bày tỏ với Ngài những tình cảm trong trái tim tôi.

Năm mươi mốt tháng trước đây Ngài yêu cầu tôi phục vụ trong Nội các của Ngài. Đời tôi, chưa có thời kỳ nào có nhiều đấu tranh hoặc thoả mãn như vậy. Cuộc đấu tranh có lẽ sẽ gian khổ hơn nhiều và niềm sung sướng cũng nhỏ bé đi nhiều, nếu tôi không nhận được sự giúp đỡ hết lòng của Ngài trong mỗi bước đi.

Chẳng có ai lại không tự hào khi phục vụ trong một chính quyền từng đạt được những tiến bộ như Ngài đã làm trên các lĩnh vực nhân quyền, y tế, giáo dục. Trong chốc lát không thể vượt qua một trăm năm sao lãng. Nhưng Ngài đã đẩy, kéo và thuyết phục cả nước đi vào những cải cách cơ bản mà từ đó con, cháu tôi sẽ được hưởng trong nhiều thập kỷ tới. Tôi biết cái giá Ngài đã phải trả, cả trong đời tư lẫn trên chính trường. Mỗi công dân trên đất nước chúng ta đều mắc nợ với Ngài.

Tôi sẽ không nói lời tạm biệt - Ngài biết là Ngài không thể không gọi và tôi sẽ trả lời.
Thân ái,
BOB1.

Marg cũng đã viết cho Tổng thống và phu nhân Bird và nhận được một bức thư trả lời xúc động của LBJ, trong đó có đoạn:

Cả hai chúng tôi đều cảm thấy trống trải vì sự chia ly này. Bà biết rằng nếu tôi phải đợi một “thời gian thuận tiện” để ra đi cùng với Bob thì chỉ cần khoảng 24 tiếng đồng hồ trước khi tôi rời nhiệm sở. Tôi chưa hề khâm phục hoặc quý ai hơn chồng bà. Còn đối với những ngày tới, đó là những ngày huy hoàng với những điều hứa hẹn như trong thư bà đã viết, chúng ta sẽ không thay đổi. Tôi và phu nhân Bird sẽ không bao giờ thay đổi tình cảm của chúng tôi đối với cả hai ông bà. Những tình cảm này mãi mãi nằm trong sự khâm phục và biết ơn của chúng tôi.
Thân yêu,
LBJ2.

____________________________________
1. Thư gửi Tổng thống, “McNamara, Robert”, Hồ sơ Tên tuổi nổi tiếng của Nhà Trắng, Hộp số 6, LBJL.
2. LBJ gửi Margie McNamara, 7/2/1968, “McNamara, Robert S.”, Hồ sơ Tên, Hồ sơ Trung tâm Nhà Trắng, Hộp số 318, LBJL.

Ngày 29/2, khi Tổng thống tới dự buổi lễ chia tay của tôi tại Lầu Năm Góc, chúng tôi cùng vào thang máy lên Văn phòng tôi. Khi đang lên, cầu thang bị kẹt và dừng ở giữa các tầng nhà. Trung sĩ điều khiển thang gọi điện khẩn cấp cho bộ phận bảo dưỡng qua điện thoại cấp cứu. Người thợ bảo dưỡng hỏi lại: “Chỗ ông quá tải à?”. “Chúng tôi chắc thế”, viên trung sĩ đáp lại. Chúng tôi bị kẹt ở đó tới 10 hoặc 15 phút. Chẳng cần phải nói, Bộ phận mật vụ vô cùng hoảng hốt. Cuối cùng, một mật vụ trèo lên qua nóc thang máy và giải thoát cho chúng tôi.

Sau đó, chúng tôi đi tới sân duyệt binh trước lối vào River của Lầu Năm Góc. Dù chẳng có ai thấy không khí hội hè vì chúng ta đang có chiến tranh, nhưng thủ tục lễ tân vẫn phải được chấp hành. Bên quân đội tổ chức một lễ tiễn đầy đủ thủ tục, có đủ diễn văn, dàn nhạc, đội danh dự, bắn đại bác chào và diễu hành của các máy bay phản lực của không quân và hải quân. Dường như rất đúng lúc, buổi lễ lại diễn ra trong bão tuyết và mưa nên buộc phải huỷ việc trình diễn của các máy bay và cắt ngắn chương trình. Mọi người ra về rét run và ướt như chuột.

Ngày hôm trước, tại phòng phía Đông của Nhà Trắng, Tổng thống Johnson đã trao tặng tôi Huân chương Tự do, trước sự họp mặt của gia đình, bạn bè và các viên chức ở Washington. Bảy năm trước, cũng chính trong căn phòng này tôi đã tự hào tuyên thệ nhậm chức. Là một người được coi là lãnh đạm nhưng đã nhiều lần tôi cũng bị xúc động. Hôm đó cũng vậy. Khi đến lượt lên phát biểu, tôi nhìn vào Tổng thống và mở đầu: “Hôm nay tôi không thể tìm được lời để bày tỏ những gì trong trái tim tôi”. Sau đó tôi chẳng thể nào nói được gì hơn khi nén lại những tình cảm lẫn lộn giữa tự hào, biết ơn, tuyệt vọng, buồn bã và thất bại. Giá mà có thể nói được thì tôi sẽ nói thế này:

Hôm nay, tôi kết thúc 1558 ngày giao tiếp thân mật nhất với những người rắc rối nhất mà tôi từng biết. Nhiều người trong phòng tin rằng Lyndon Johnson là một người thô lỗ, kém cỏi, hay thù oán, nhiều mưu mẹo và giả dối. Có lẽ có những lúc ông đã thể hiện những cá tính này. Nhưng ông ấy còn có nhiều, nhiều hơn thế. Tôi tin rằng trong những thập kỷ tới, lịch sử sẽ đánh giá ông đã làm được nhiều hơn thế.

Ví dụ như qua việc ban hành những luật như Luật về quyền dân sự; Luật về quyền bầu cử và pháp chế về một Xã hội vĩ đại nhằm cảnh tỉnh chúng ta phải có trách nhiệm đối với những người nghèo khó, tàn tật và những nạn nhân của định kiến chủng tộc. Ông đã làm được nhiều hơn bất cứ một lãnh tụ chính trị nào khác ở thời đại chúng ta. Nhưng với Việt Nam - một cuộc chiến tranh mà ông thừa kế - và phải thú nhận là cả ông lẫn chúng ta đều không quản lý được một cách khôn khéo, chúng ta sẽ còn phải cùng nhau giải quyết lâu dài những vấn đề đó.

Mười ba năm sau, vào ngày 16/1/1981, tôi quay lại phòng phía Đông cùng với Marg. Lần này chính bà là người được hưởng vinh dự, còn tôi là người chứng kiến. Tổng thống Carter trao tặng bà Huân chương Tự do vì đã có công trong việc thành lập Hội Đọc sách là nền tảng, một chương trình nhằm khuyến khích những người tàn tật trẻ đọc sách. Marg đang ở giai đoạn cuối của cuộc chiến đấu đằng đẵng chống lại bệnh ung thư. Mười bảy ngày sau buổi lễ đó, khi bà chết, trên toàn quốc, tổ chức của bà đã có tới 70.000 người tình nguyện tham gia.

11

NHỮNG BÀI HỌC VIỆT NAM


Việc dính líu của tôi tới Việt Nam đã kết thúc sau khi tôi rời Phòng họp phía Đông. Còn cuộc chiến tranh tất nhiên còn kéo dài thêm bảy năm nữa. Đến khi Mỹ, cuối cùng, rút khỏi Nam Việt Nam năm 1973, chúng ta đã mất 58.000 người cả nam lẫn nữ, nền kinh tế của chúng ta đã bị tàn phá bởi những chi phí cao và bất hợp lý cho cuộc chiến tranh trong nhiều năm liền; và sự thống nhất chính trị của xã hội chúng ta bị tan nát và hàng thập kỷ sau vẫn không khôi phục được.

Liệu những cái giá quá cao đó có được biện minh hay không?

Các ông Dean Rusk, Walt Rostow, Lý Quang Diệu và nhiều nhà địa - chính trị trên toàn cầu tới ngày hôm nay đều đưa ra câu trả lời khẳng định. Họ kết luận rằng nếu không có sự can thiệp của Mỹ vào Việt Nam thì sự bành trướng của cộng sản - cả Liên Xô và Trung Quốc - có thể đã lan rộng hơn ra Nam và Đông Á, bao gồm sự kiểm soát cả Inđônêxia. Thái Lan và có khả năng cả Ấn Độ. Có người còn đi xa hơn và cho rằng Liên Xô đã có thể đi tới chỗ mạo hiểm hơn, mở rộng ảnh hưởng ở những nơi khác trên thế giới như ở Trung Đông, nơi họ có thể đã tìm cách không chế các nước sản xuất dầu lửa. Những điều nay có thể đúng, nhưng tôi thật sự nghi ngờ các đánh giá đó.

Cho đến khi các hồ sơ lưu trữ của Liên Xô, Trung Quốc và Việt Nam được mở ra cho các học giả, thì chúng ta sẽ được biết thêm về ý đồ của những nước này, nhưng dẫu sao nếu không có những thông tin đó thì chúng ta cũng biết rằng trong suốt bốn thập kỷ chiến tranh lạnh, nguy cơ xâm lược của cộng sản là có thực và rất đáng kể. Mặc dù trong những năm 1950, 1960, 1970 và 1980, phương Tây đã thường nhận thức sai và do đó đã cường điệu hoá sức mạnh của phương Đông và khả năng thực hiện sức mạnh đó, nhưng việc không tự bảo vệ được mình trước sự đe doạ đó thật là điên rồ và vô trách nhiệm.

Ngày nay tôi thường hỏi liệu hành động và ảnh hưởng của Liên Xô hoặc Trung Quốc trong những năm 70 và 80 có khác không nếu Mỹ không dính líu vào cuộc chiến tranh ở Đông Dương, hay nếu chúng ta rút khỏi Việt Nam từ đầu và giữa thập kỷ 60. Nếu vậy thì rõ ràng hai điều kiện làm cơ sở cho quyết định của Tổng thống Kennedy đưa các cố vấn quân sự Mỹ sang Nam Việt Nam đã không được đáp ứng và quả thực đã không thể đáp ứng được: đã không có ổn định chính trị và có vẻ không bao giờ đạt được điều đó; và người Nam Việt Nam, ngay cả khi có sự giúp đỡ về huấn luyện và hỗ trợ về hậu cần, cũng đã không có khả năng tự bảo vệ mình.

Với những số liệu này - và đó cũng là thực tế - tôi tin chúng ta đã có thể, và lẽ ra đã nên rút khỏi Nam Việt Nam hoặc là cuối năm 1963 - giữa tình hình hỗn độn sau khi Diệm bị ám sát, hoặc là cuối năm 1964 hay đầu năm 1965 - trước tình trạng suy yếu về chính trị và quân sự của Nam Việt Nam. Và như bảng dưới đây cho thấy, ít nhất đã có ba cơ hội khác để rút lui.

Tôi không tin rằng sự rút lui của Mỹ và bất cứ một trong những thời điểm này, nếu được giải thích hợp lý cho người Mỹ và cho thế giới, lại làm cho Tây Âu phải đặt câu hỏi về sự hỗ trợ của chúng ta dành cho NATO và thông qua đó là sự đảm bảo của chúng ta đối với an ninh của họ. Tôi cũng không tin là Nhật Bản lại coi các hiệp ước an ninh của chúng ta kém tin cậy. Ngược lại, có thể chúng ta đã nâng cao được uy tín của mình bằng việc rút khỏi Việt Nam và bảo tồn sức mạnh cho những cuộc chiến khác ở một nơi nào đó.
(http://i255.photobucket.com/albums/hh125/chuongxedap/Qsu/Bangto52.jpg)

(*) Bảng này cùng tất cả các số liệu do Trung tâm Lịch sử Quân sự của Quân đội Mỹ (U.S Army Center for Military History), Wasington, D.C. cung cấp

(**) Tính đến 31/12/1968, số lính Mỹ bị chết trong giao tranh ở Việt Nam tổng cộng là 30.568 người.

Có lúc người ta nói là thế giới sau chiến tranh lạnh sẽ khác nhiều với thế giới của quá khứ đến nỗi những bài học Việt Nam không còn tính thực tiễn hoặc không còn liên quan gì đến thế kỷ XXI cả. Tôi không đồng ý. Nếu chúng ta muốn học từ kinh nghiệm của mình ở Việt Nam, trước tiên chúng ta phải chỉ ra những thiệt hại của chúng ta. Có 11 nguyên nhân chính gây ra thảm họa của chúng ta tại Việt Nam:

    1. Từ đó tới nay, chúng ta đã đánh giá sai các ý định địa - chính trị của đối phương (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng được Trung Quốc và Liên Xô ủng hộ) và chúng ta đã thổi phồng những nguy cơ đối với nước Mỹ trước những hành động của họ.

    2. Chúng ta đã đánh giá nhân dân và các nhà lãnh đạo Nam Việt Nam theo kinh nghiệm của chính chúng ta. Chúng ta đã nhìn thấy ở họ niềm khao khát và quyết tâm chiến đấu giành tự do và dân chủ. Chúng ta đã đánh giá hoàn toàn sai các lực lượng. chính trị trong nước.

    3. Chúng ta đánh giá thấp sức mạnh của chủ nghĩa dân tộc thúc đẩy một dân tộc (trong trường hợp này là Bắc Việt Nam và Việt cộng) đấu tranh và hy sinh cho lý tưởng và các giá trị của nó, và cho đến nay, chúng ta vẫn tiếp tục đánh giá thấp chủ nghĩa dân tộc ở nhiều nơi trên thế giới.

    4. Những đánh giá sai lầm của chúng ta về bạn và thù phản ánh sự thiếu hiểu biết cơ bản của chúng ta về lịch sử văn hóa và chính trị của nhân dân trong vùng, và về nhân cách, thói quen của các nhà lãnh đạo. Chúng ta có thể đã có những sai lầm tương tự đối với Liên Xô trong những cuộc đối đầu như Berlin, Cuba và Trung Đông chẳng hạn, nếu chúng ta không có những lời khuyên của Tommy Thompson, Chip Bohlen và George Kennan. Các nhà ngoại giao lâu năm này đã dành hàng chục năm để nghiên cứu đất nước, con người và các nhà lãnh đạo Liên Xô, tại sao họ lại hành động như vậy và họ sẽ phản ứng với hành động của chúng ta như thế nào. Những lời khuyên của họ rõ ràng là vô giá trong quá trình hình thành các đánh giá và quyết định của chúng ta. Không có đối tác nào ở Đông Nam Á để các quan chức cấp cao tham khảo ý kiến khi đưa ra những quyết định về Việt Nam.

    5. Khi đó chúng ta đã không nhận ra được những hạn chế của các thiết bị quân sự kỹ thuật cao và hiện đại, lực lượng quân sự và học thuyết quân sự trong khi đối đầu với những phong trào nhân dân được thúc đẩy cao và không bình thường. Chúng ta cũng đã không điều chỉnh được chiến thuật quân sự của chúng ta cho phù hợp với nhiệm vụ chinh phục trái tim và khối óc của người dân thuộc một nền văn hoá hoàn toàn khác.

    6. Chúng ta đã không thể lôi kéo được Quốc hội và nhân dân Mỹ vào một cuộc thảo luận đầy đủ và chân thành về những cái lợi và những cái hại của một cuộc dính líu quân sự quy mô lớn của Mỹ ở Đông Nam Á trước khi chúng ta bắt đầu hành động.

    7. Sau khi hoạt động bắt đầu được tiến hành và các sự kiện không lường trước đã đẩy chúng ta xa khỏi hướng đi ban đầu, chúng ta đã không duy trì được sự ủng hộ của công chúng, một phần vì chúng ta đã không giải thích được đầy dủ việc gì đang diễn ra và tại sao chúng ta lại hành động như vậy. Chúng ta đã không chuẩn bị cho công chúng hiểu được những sự việc phức tạp mà chúng ta gặp phải và làm thế nào để có phản ứng tích cực đối với việc cần thay đổi hướng hành động khi dân tộc đối mặt với những đại dương chưa khám phá và một môi trường xa lạ. Sức mạnh sâu thẳm nhất của một dân tộc không nằm ở mũi nhọn quân sự mà ở sự đoàn kết của dân tộc. Chúng ta đã không duy trì sự đoàn kết đó.

    8. Chúng ta đã không nhận ra rằng cả nhân dân lẫn lãnh đạo của chúng ta đều không sáng suốt. Khi nền an ninh của chúng ta không bị đe doạ, những đánh giá về những gì là lợi ích tốt nhất của nhân dân và đất nước khác của chúng ta cần phải được thử nghiệm trong một cuộc thảo luận cởi mở trên diễn đàn quốc tế. Chúng ta không có quyền tối cao để định hình mọi dân tộc theo hình ảnh của chính chúng ta, hoặc theo hình ảnh mà chúng ta chọn.

    9. Chúng ta đã không thco nguyên tắc là các hoạt động quân sự của Mỹ - ngoài những hoạt động nhằm đáp lại những mối đe doạ trực tiếp tới nền an ninh của chính chúng ta - cần được thực hiện chỉ khi có sự phối hợp với các lực lượng đa quốc gia và được cộng đồng quốc tế hoàn toàn ủng hộ.

    10. Chúng ta đã không nhận ra rằng trong những công việc quốc tế cũng như trong những khía cạnh khác của đời sống, có những vấn đề mà không có một giải pháp tức thời nào có thể giải quyết được. Đối với những người đã dành cuộc đời mình cho một niềm tin và cho việc giải quyết các vấn đề khó khăn thì điều nói trên thật khó chấp nhận. Nhưng đôi khi, chúng ta buộc phải sống trong một thế giới chưa hoàn chỉnh và lộn xộn.

    11. Đằng sau rất nhiều lỗi lầm này, có sự thất hại của chúng ta trong việc tổ chức một đội hình hàng đầu các chi nhánh điều hành để giải quyết có hiệu quả những vấn đề chính trị và quân sự cực kỳ phức tạp, có liên quan đến những rủi ro to lớn và các chi phí, mà nhất là những thiệt hại về người khi dùng các lực lượng quân sự trong những điều kiện ràng buộc trong một khoảng thời gian dài. Chúng ta sẽ phải trả giá đắt cho sự yếu kém về tổ chức nếu như đây là khó khăn duy nhất đặt ra cho Tổng thống và các cố vấn. Nhưng không phải chỉ có vậy. Sự yếu kém về tổ chức lại cùng tồn tại với một loạt những khó khăn trong nước và quốc tế mà chúng ta gặp phải. Do đó, chúng ta đã thất bại trong việc phân tích và thảo luận một cách tích cực và cẩn thận về các hoạt động của chúng ta ở Đông Nam Á - những mục tiêu, rủi ro và chi phí nếu chọn cách khác để giải quyết và sự cần thiết phải thay đổi đường lối khi thất bại đã trở nên rõ ràng - kiểu phân tích và thảo luận đó chính là những nét đặc trưng cho các thảo luận của Ủy ban điều hành trong thời gian khủng hoảng tên lửa Cuba.

Tóm lại, đó là những thất bại chính của chúng ta. Mặc dù chúng xuất hiện rời rạc nhưng ở một mức nào đó, chúng có liên quan với nhau: thất bại ở một khía cạnh này lại góp phần hoặc tạo nên thất bại ở khía cạnh khác. Mỗi thất bại đó, đến lượt mình, lại trở thành một mớ bòng bong.

Khi chỉ ra những sai lầm này, chúng ta có thế viết nên bài học Việt Nam và giúp chúng ta có thể áp dụng chúng trong thế giới sau chiến tranh lạnh.

Có những bằng chứng rõ ràng cho thấy từ khi chiến tranh lạnh kết thúc vào giữa những năm 80, các quốc gia trên toàn thế giới rất chậm xem xét lại các chính sách đối ngoại và quốc phòng, một phần bởi họ chưa nhìn thấy rõ những gì nằm ở phía trước.

Khi Irắc xâm lược Côoét, cuộc nội chiến ở Nam Tư cũ và các thảm hoạ ở Chechnya, Xômali, Haiti, Xuđăng, Burundi, Acmênia và Tatgikixtan đã rõ ràng, thế giới của tương lai chắc chắn sẽ không thể không có chiến tranh, giữa những nhóm riêng biệt của một dân tộc và lan rộng qua cả biên giới quốc gia. Những căng thẳng về sắc tộc, tôn giáo và chủng tộc sẽ vẫn còn tồn tại. Chủ nghĩa dân tộc vẫn sẽ là một lực lượng mạnh mẽ trên toàn thế giới. Các cuộc cách mạng chính trị sẽ nổ ra như những bước tiến của thời đại. Các tranh cãi về lịch sử xung quanh vấn đề biên giới chính trị sẽ còn kéo dài. Sự chênh lệch về kinh tế giữa các quốc gia sẽ ngày công lớn vì công nghệ và giáo dục sẽ phổ biến không đồng đều trên thế giới. Những nguyên nhân ẩn sau cuộc xung đột của Thế giới thứ ba đã tồn tại trước khi chiến tranh lạnh kết thúc vẫn còn. Những nguyên nhân ấy sẽ còn được bổ sung thêm bởi những xung đột tiềm tàng giữa các nước thuộc Liên Xô và những căng thẳng thường xuyên ở Trung Đông. Chính những căng thẳng đó trong 45 năm qua đã gây ra 125 cuộc chiến tranh làm 40 triệu người chết ở Thế giới thứ ba1.

Về phương diện này, thế giới của tương lai cũng sẽ không khác gì thế giới của quá khứ - các cuộc xung đột trong nội bộ và giữa các quốc gia sẽ không mất đi. Nhưng quan hệ giữa các nước sẽ thay đổi đáng kể. Trong những năm sau chiến tranh, Mỹ đã có quyền lực và Mỹ đã sử dụng quyền lực đó để định hình thế giới theo như ý chúng ta chọn lựa. Nhưng sang thế kỷ tới, điều đó sẽ không thể có được.

Nhật Bản rốt cuộc sẽ đóng vai trò ngày càng to lớn lên trường quốc tế, sử dụng quyền lực về chính trị và kinh tế lớn hơn và người ta hy vọng nó sẽ đảm nhận vai trò về chính trị và kinh tế lớn hơn. Cũng có thể nói như vậy về các nước Tây Âu. Năm 1993, Tây Âu đã đi một bước đáng kể nhằm tiến tới sự hoà nhập kinh tế. Có thế tiếp theo sẽ là sự thống nhất về chính trị (tuy có những ý kiến phản đối Hiệp ước Maastricht) và điều đó sẽ củng cố cho thế lực của châu Âu trong nền chính trị thế giới.

Giữa thế kỷ tới, một số nước mà trước đây ta vẫn gọi là Thế giới thứ ba sẽ phát triển mạnh về cả dân số lẫn sức mạnh kinh tế để trở thành những lực lượng chủ yếu trong các mối quan hệ quốc tế. Ấn Độ có thể có số dân lên tới 1,6 tỷ, Nigeria: 400 triệu, Brazil: 300 triệu. Nếu Trung Quốc đạt được những mục tiêu kinh tế đầy tham vọng của năm 2000, vẫn duy trì mức tăng trưởng kinh tế khá nhưng không đặc biệt cao trong 50 năm tới, thì 1,6 tỷ người Trung Quốc sẽ có thu nhập bằng thu nhập đầu người của Tây Âu vào giữa thế kỷ XX. Tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc sẽ vượt Mỹ, Tây Âu, Nhật hoặc Nga. Thực sự Trung Quốc sẽ là một cường quốc đáng được tính tới. Những con số này tất nhiên còn mang tính chất dự đoán nhưng tôi cứ đưa chúng ra để nhấn mạnh quy mô của những thay đổi trước mắt.

Trong khi còn là một trong những quốc gia hùng mạnh nhất thế giới, Mỹ sẽ vẫn sống trong một thế giới đa cực và chính sách đối ngoại cùng các chương trình quốc phòng cần phải được điều chỉnh theo hiện thực đó. Trong một thế giới như vậy, rõ ràng cần phải phát triển các quan hệ mới giữa các cường quốc - trong đó có ít nhất là năm quốc gia và khu vực: Trung Quốc, châu Âu, Nhật, Nga và Mỹ, và quan hệ giữa các cường quốc với các quốc gia khác.
____________________________________
1. “Thế giới sau chiến tranh lạnh và các gợi ý của nó trong chi phí quân sự tại các nước đang phát triển” của Robert S. McNamara, Hội nghị của Ngân hàng Thế giới về phát triển kinh tế, Washington, D.C., 25/4/1991, tr. 33.

Rất nhiều nhà lý luận chính trị - đặc biệt là những người thuộc nhóm “hiện thực” - dự đoán sẽ có sự quay trở về nền chính trị quyền lực truyền thống. Họ lập luận rằng việc không có cạnh tranh về tư tưởng giữa Đông và Tây sẽ thúc đẩy việc quay trở lại các mối quan hệ truyền thống dựa trên những yêu cầu về kinh tế và lãnh thổ, tức là Mỹ, Nga, Tây Âu, Trung Quốc, Nhật và Ấn Độ sẽ tự tìm cách đi của mình trong khu vực, trong khi vẫn ganh đua để thống trị những nơi khác có điều kiện tốt hơn trên thế giới. Quan điểm này được ông Michael Sandel, giáo sư Trường đại học Harvard, diễn đạt như sau: “Chiến tranh lạnh kết thúc không có nghĩa là cuộc cạnh tranh có quy mô toàn cầu giữa các siêu cường đã hết. Một khi phương diện hệ tư tưởng đã phai nhạt đi thì cái còn lại không phải là hoà bình và hoà hợp, mà là một nền chính trị toàn cầu kiểu cũ dựa trên những cường quốc thống trị giành ảnh hưởng và theo đuổi những lợi ích nội hộ của họ1.

Henry Kissinger, một người thuộc trường phái hiện thực, cũng có một kết luận tương tự.

“Chiến thắng trong chiến tranh lạnh đã đẩy nước Mỹ vào một thế giới có nhiều điểm tương đồng với hệ thống nhà nước của châu Âu ở thế kỷ XVIII, XIX... Không có sự de doạ về tư tưởng hay chiến lược làm cho dân tộc tự do theo đuổi các chính sách đối ngoại dựa trên các quyền lợi trước mắt của dân tộc. Trong một hệ thống quốc tế được đặc trưng bởi năm hay sáu cường quốc chủ yếu và nhiều quốc gia nhỏ khác, phải có trật tự như trật tự trong những thế kỷ trước của thế giới, kể từ khi chúng ta tránh và cân bằng được những quyền lợi dân tộc cạnh tranh nhau”2.

Quan niệm của Kissinger và Sandel về quan hệ giữa các quốc gia trong thế giới sau chiến tranh lạnh đã được hình thành vững chắc về mặt lịch sử, nhưng theo tôi, chúng sẽ không phù hợp với thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau của chúng ta. Không một quốc gia nào, kể cả Mỹ, có thể đứng một mình trong một thế giới mà trong đó các quốc gia gắn bó chặt chẽ với nhau về kinh tế, môi trường và an ninh. Hiến chương Liên hợp quốc đưa ra một khuôn khổ hợp lý hơn cho các mối quan hệ quốc tế trong thế giới như vậy so với mô hình của học thuyết về chính trị dựa trên sức mạnh đưa ra.

Không phải chỉ có mình tôi nghĩ vậy. Carl Kaysen, nguyên Giám đốc Viện nghiên cứu nâng cao ở Princeton có nói: “Hệ thống quốc tế dựa trên việc sử dụng sức mạnh quân sự quốc gia như sự bảo đảm tối hậu cho nền an ninh và dựa trên việc đe doạ sử dụng lực lượng quân sự làm cơ sở của trật tự thế giới đó, không phải là hệ thống duy nhất có thể có. Để tìm kiếm một hệ thống khác (dựa trên an ninh tập thể)..., không còn là theo đuổi một ảo tưởng mà là một nhu cầu cần thiết để cố gắng đạt được mục tiêu”3.
___________________________________
1. Trích dẫn trong New York Times, 31/12/1989.
2. Henry Kissinger, Nền ngoại giao (New York: Simon và Schuster, 1994), tr. 805.
3. “Phải chăng chiến tranh đã lỗi thời?” của Carl Kaysen, An ninh quốc tế, t.14, số 4 (mùa xuân năm 1990), tr. 63.

Và George F. Kennan, trong lễ kỷ niệm sinh nhật thứ 90 tổ chức tại Ủy ban Đối ngoại ngày 15/2/1994 đã nhận xét rằng, lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, không có cuộc xung đột tiềm tàng nào giữa các cường quốc đe doạ nền hoà hình thế giới. Chính nền hoà bình giữa các cường quốc - ít nhất là trong thời gian ngắn - làm cho chúng ta có thể theo đuổi tầm nhìn của mình về thế giới sau chiến tranh lạnh, và đồng thời ngăn chặn thất bại bằng cách duy trì khả năng tự bảo vệ và bảo vệ quyền lợi của chúng ta, nếu thế giới quay lại với thời kỳ đối địch giữa các siêu cường.

Duy trì được khả năng đó không có nghĩa là chi phí quốc phòng vẫn phải được giữ ở mức quá cao như hiện nay. Ví dụ, ở Mỹ, chi phí quốc phòng trong năm tài chính 1993 tổng cộng là 291 tỷ đôla - nhiều hơn năm 1980 là 25 % tính theo đồng đôla đã được điều chỉnh theo lạm phát. Hơn nữa, Chương trình quốc phòng 5 năm của Tổng thống Clinton trong các năm tài chính 1995 - 1999 dự định giảm chi phí dần dần từ mức của năm 1993. Chi phí quốc phòng năm 1999 ước tính sẽ chỉ thấp hơn 3% so với thời Nixon, thời kỳ giữa cuộc chiến tranh lạnh, nếu tính theo đồng đôla đã điều chỉnh theo lạm phát1. Mỹ chi phí cho quốc phòng nhiều gần bằng tổng chi phí của tất cả các nước trên thế giới cộng lại.

Một chương trình quốc phòng như vậy không phù hợp với quan điểm của tôi về thế giới sau chiến tranh lạnh hoặc với chương trình tài chính trong nước, một chương trình cũng không kém phần thiết yếu đối với an ninh. Giả sử rằng trong những cuộc xung đột nằm ngoài khu vực NATO, ví dụ như ở Irắc, Iran hay bán đảo Triều Tiên, chúng ta sẽ hành động đơn phương không có sự giúp đỡ quân sự của các cường quốc khác; và giả sử rằng chúng ta phải sẵn sàng đón nhận đồng thời hai cuộc đối đầu như vậy. Tôi cho những giả thiết này có thể được tranh cãi.

Trước khi các quốc gia có thể phản ứng theo kiểu tối ưu đối với kết thúc chiến tranh lạnh, họ cần có một tầm nhìn - một mô hình khái niệm - về một thế giới không bị thống trị bởi sự thù địch Đông - Tây đã định hình các chương trình đối ngoại và quân sự trên toàn thế giới trong hơn 40 năm qua. Trong thế giới mới đó, tôi tin các mối quan hệ giữa các quốc gia phải được hướng tới năm mục đích sau:

    1. Bảo đảm cho các quốc gia không bị ngoại xâm, các biên giới sẽ không bị thay đổi bằng vũ lực.

    2. Thể chế hoá các quyền của các nhóm dân tộc thiểu số trong các quốc gia, chẳng hạn như người Cuốc ở Iran, Irắc và Thổ Nhĩ Kỳ, và trao cho họ phương cách để đền bù những thiệt hại của họ mà không dùng đến bạo lực.

    3. Xây dựng một cơ chế để giải quyết các xung đột khu vực và xung đột trong nội bộ các quốc gia mà không có hành động đơn phương của các cường quốc.

    4. Tăng sự giúp đỡ về kỹ thuật và tài chính cho các nước đang phát triển để giúp họ đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế xã hội.

    5. Bảo đảm giữ gìn môi trường thế giới như một nền tảng cho sự phát triển bền vững cho mọi người.

Tóm lại, chúng ta cần phấn đấu để xây dựng một thế giới trong đó quan hệ giữa các nước sẽ dựa trên các quy định của luật pháp, một thế giới mà an ninh quốc gia sẽ được hậu thuẫn bởi một hệ thống an ninh tập thể. Việc ngăn chặn xung đột, giải quyết xung đột, các chức năng gìn giữ hoà bình cần thiết để hoàn thành các mục tiêu kể trên sẽ do các cơ quan đa phương, một Liên hợp quốc được tổ chức và củng cố lại cùng các tổ chức khu vực mới và được mở rộng, thực hiện.
____________________________________
1. Ngân sách quốc gia Mỹ: Các bảng có liên quan tới lịch sử năm tài chính 1995 (Washington: Văn phòng in ấn của Chính phủ Mỹ, 1994), tr. 86.

Đó là cách nhìn của tôi về thế giới sau chiến tranh lạnh*.

Cách nhìn như vậy nói ra thì dễ chứ để đạt được thì khó. Mục tiêu là rõ ràng; nhưng làm thế nào để đạt được nó thì lại là cả một vấn đề. Tôi không có một công thức diệu kỳ, cũng chẳng có lộ trình nào, dù là đơn giản, để đạt được thành công cả. Tôi biết rằng sẽ chẳng thể nào có được cách nhìn như vậy trong vòng một tháng, một năm hay thậm chí cả một thập kỷ. Chỉ có các lãnh tụ cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp với tính kiên trì, bền bỉ, mới đạt được nó một cách chậm chạp, tiến dần từng bước nhỏ. Vậy nên tôi xin tự động viên rằng hiện nay chúng ta đang tiến lên theo hướng này.

Trong thế giới sau chiến tranh lạnh, để đối phó với các cuộc xung đột không thể tránh khỏi xảy ra giữa các dân tộc, trong khi cần phải giảm đến mức tối thiểu nguy cơ sử dụng lực lượng quân sự cũng như thương vong dù sự dính líu ở mức thấp nhất, có thể đòi hỏi phải có các nhà lãnh đạo. Phụ thuộc vào vấn đề trước mắt, vai trò lãnh đạo có thể được chuyển giao giữa các quốc gia. Thường là Mỹ sẽ là nước nắm giữ vai trò này. Tuy nhiên, Mỹ phải chấp nhận quyết định chung của tập thể trong một hệ thống an ninh tập thể và điều này sẽ gây khó khăn cho chúng ta. Tương tự như vậy, nếu như hệ thống này sẽ tồn tại thì các quốc gia khác (ở đây là Đức và Nhật) bắt buộc phải chịu chia sẻ những chi phí và mạo hiểm về chính trị, giá phải trả về tài chính, cũng như mối đe dọa về thương vong và đổ máu - và điều này sẽ rất khó khăn đối với họ.

Nếu nước Mỹ và các cường quốc chủ chốt khác tuyên bố rõ cam kết của họ đối với một hệ thống an ninh tập thể như vậy, và nếu họ cũng đã tuyên bố sẽ bảo vệ các quốc gia chống lại các cuộc tiến công, thì việc Irắc xâm lược Côoét năm 1990 có thể đã không xảy ra. Tương tự nếu Liên hợp quốc hay NATO đã hành động khi xung đột ở Nam Tư nổ ra vào đầu những năm 90, thì cuộc tàn sát hàng chục ngàn nạn nhân vô tội đã có thể bị chặn lại. Tuy vậy, đến nay tôi sợ rằng Bosnia đã rơi vào một dạng vấn đề mà hiện chưa tìm được một giải pháp nào có thể chấp nhận hoặc ít nhất là không có một giải pháp phi quân sự nào.

Trong thế giới sau chiến tranh lạnh, nước Mỹ cũng cần làm rõ được rằng nó sẽ phải sử dụng lực lượng quân sự ở đâu và như thế nào. Điều này đòi hỏi có một tuyên bố rõ ràng về các mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Mỹ. Bốn chục năm qua, mục đích của chúng ta thật rõ ràng: kiềm chế một nước Liên Xô bành trướng. Tuy nhiên, hiện nay đó có thể không còn là mục tiêu cho những nỗ lực của chúng ta nữa; chúng ta đã mất đi kẻ thù của mình. Vậy chúng ta phải đặt cái gì vào chỗ của nó bây giờ? Ngày 27/9/1993 Tổng thống Clinton đã nói tại Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng: “Mục tiêu hàng đầu của chúng ta là phải mở rộng và tăng cường cộng đồng các nền dân chủ của thế giới dựa trên cơ sở kinh tế thị trường”. Ngay trong tuần đó, Anthony Lake, cố vấn an ninh quốc gia đã lặp lại điều này và tuyên bố rằng: “Kế tục của học thuyết kiềm chế sẽ phải là một chiến lược mở rộng - mở rộng cộng đồng của các nền dân chủ có kinh tế thị trường tự do trên thế giới”1. Việc thiết lập một cách khái quát như vậy những mục liêu của chúng ta là chưa đủ.
____________________________________
* Viện Brookings vừa xuất bản một công trình nghiên cứu do Janne E. Nolan làm chủ biên, Trật tự thế giới: Hợp tác và An ninh trong thế kỷ XXI (1994), trong đó 20 nhà hoạch định chính sách và học giả khai thác hệ thống địa-chính trị tương tự như tôi đã trình bày ở đây.
1. Bill Clinton, “Đối đầu với thách thức của thế giới bao la”, Đại hội đồng Liên hợp quốc, New York, 27/9/1993; và Anthony Lake, “Từ ngăn chặn tới mở rộng”, Trường Nghiên cứu Quốc tế cấp cao thuộc trường Đại học Tổng hợp Johns Hopkins, Washington, D. C., 21/9/1993.

Nước Mỹ rõ ràng là không thể và không cần thiết phải can dự vào mọi cuộc xung đột đang tăng lên với nguyên nhân là do một quốc gia - nào đó đang cố gắng tiến tới nền dân chủ tư bản - chẳng hạn, chúng ta đã tỏ ra thực sự đúng đắn khi không ủng hộ bằng quân sự cố gắng của Eduarđ Sevardnadze nhằm dựng lên một nền dân chủ ở Georgia. Chúng ta cũng không thể dùng quân sự để cố gắng ngăn chặn mọi cuộc tàn sát những người dân vô tội. Hiện có hơn một chục cuộc chiến đang lan nhanh trên khắp thế giới: ở Bosnia, Burundi, Georgia, Irắc, Kashmir, Rwanda, Sudan và Yemen, đó mới chỉ là tên một số ít trong số các cuộc chiến. Sắp tới đây có thể còn có các cuộc xung đột nghiêm trọng nổ ra tại Kosovo, Lesotho, Macedonia và Zaire. Nếu như tất cả những cuộc xung đột này nổ ra thì chúng ta nên can thiệp vào đâu. Cả nước Mỹ lẫn mọi cường quốc khác đều không thể có một câu trả lời rõ ràng cho câu hỏi này? Các câu trả lời chỉ có thể trở nên rõ ràng sau khi đã trải qua các cuộc tranh luận căng thẳng qua nhiều năm, trong quốc gia của chúng ta, giữa các nước lớn và trong các Hội đồng của những tổ chức quốc tế.

Chúng ta phải đặt ra những tiêu chí rõ ràng quy định nước ta hoặc các quốc gia khác sẽ sử dụng lực lượng quân sự như thế nào. Những nguyên tắc chỉ đạo việc đánh trả cuộc xâm lăng vượt qua biên giới quốc gia có thể là tương đối đơn giản và rõ ràng. Tuy nhiên, khi sự việc có liên quan tới các cố gắng nhằm duy trì hoặc khôi phục lại trật tự chính trị và ngăn chặn cuộc tàn sát hàng loạt trong các quốc gia, chẳng hạn trong nội bộ Rwanda năm 1994, các nguyên tắc đó còn xa mới quy định cho điều này.

Đang có nhiều vấn đề then chốt được đặt ra như: con người phải chịu khổ đau đến mức nào thì chúng ta mới có phản ứng? Theo một hiệp định của Liên hợp quốc năm 1989 đã được chính thức hoá thành hiệp ước toàn cầu và trở thành luật quốc gia của chúng ta năm 1989, Mỹ đã đồng ý tham gia vào việc ngăn chặn nạn diệt chủng. Nhưng diệt chủng là gì? Tháng 6/1994, trong khi công nhận việc giết hại hơn 200 nghìn người Rwanda là “những hành động diệt chủng”, Chính phủ Mỹ từ chối không công nhận việc giết người này nằm trong các điều khoản của hiệp định1. Liệu có những trường hợp nào khác không phải diệt chủng mà vẫn minh chứng được là cần thiết phải can thiệp không? Chúng ta cần phải can thiệp ở điểm nào, khi ngoại giao phòng ngừa thất bại và nạn giết người rất có thể xảy ra, hay chỉ can thiệp khi việc tàn sát đang leo thang? Chúng ta cần phản ứng ra sao khi những quốc gia dính líu vào các cuộc xung đột, như trường hợp Nam Tư chẳng hạn, kêu ca rằng sự can thiệp từ bên ngoài này rõ ràng xâm phạm vào chủ quyền của họ? Chúng ta đã từng thấy Tổ chức thống nhất châu Phi (OAU) và Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) đã nhiều lần không ủng hộ việc can thiệp kiểu như vậy.

Vượt lên trên tất cả, các tiêu chí quy định việc can thiệp cần phải công nhận rằng: như chúng ta đã học được ở Việt Nam, lực lượng quân sự chỉ có khả năng hạn chế, nhằm tạo cơ sở thuận lợi cho quá trình xây dựng quốc gia. Lực lượng quân sự tự nó không thể khôi phục lại một “quốc gia đã thất bại” được.

Cần phải làm cho nhân dân Mỹ thấy rõ rằng: dù cho có nhiều may mắn lắm thì các câu hỏi như vậy cũng đòi hỏi nhiều năm mới có thể giải đáp được. Tuy vậy, chúng ta cũng cần phải thúc đẩy cuộc tranh luận trong lòng đất nước chúng ta và trong khuôn khổ các diễn đàn quốc tế. Một số vấn đề có thể không bao giờ được giải quyết: cũng có thể có những khi chúng ta phải thừa nhận chúng ta không thể nào sửa chữa được tất cả mọi lỗi lầm. Không thể chắc chắn rằng những kết luận của chúng ta về việc sử dụng vũ lực để duy trì trật tự trong một thế giới không hoàn hảo thế này là thích hợp. Do vậy, chúng phải được xem xét lại nhằm chống lại những mong muốn của các quốc gia khác có quyền lợi tương tự muốn tham gia vào quyết định này nhằm giúp thực hiện nó và chia sẻ những cái giá phải trả của nó - đây lại là một bài học khác nữa về Việt Nam.

Có những khi, việc Mỹ can thiệp quân sự sẽ được biện minh không phải do lòng nhân đạo hay gìn giữ hoà bình, mà để bảo vệ nền an ninh quốc gia. Rõ ràng là, một khi xuất hiện mối đe doạ đối với Tổ quốc, chúng ta cần phải và sẽ hành động đơn phương sau khi đã có các cuộc tham khảo thích hợp với Quốc hội và nhân dân Mỹ. Nếu như mối đe doạ đó ít trực tiếp nhưng vẫn có sự nghiêm trọng tiềm tàng, chẳng hạn, tình trạng xung đột ở Kosovo hoặc Macedonia, có thể làm bùng nổ một cuộc xung đột lớn hơn trên bán đảo Bancăng, lôi kéo theo Hy Lạp, Thổ Nhĩ Kỳ, và có thể cả Italia tham gia, thì trong trường hợp đó, đối sách của chúng ta sẽ như thế nào? Tôi xin nhấn mạnh rằng, chúng ta sẽ chỉ hành động theo một quyết định đa phương đã được thông qua và gánh nặng đó phải chia sẻ - đây lại là một bài học nữa về Việt Nam.
________________________________________
1. Xem The Washington Post, 11/6/1994, tr. A1.

Những cuộc chiến tranh trên thế giới mà chúng ta tham gia sau chiến tranh lạnh dường như xảy ra thường xuyên hơn là “những cuộc chiến tranh hạn chế” giống như ở Việt Nam. Tại Hội nghị ở Thư viện Lyndon Baines Johnson tháng 3/1991, Tướng Westmoreland đã đưa ra lời bình luận về Việt Nam rất phù hợp với trường hợp này. Đề cập những điểm đã bó buộc cuộc chiến tranh Việt Nam trong tình trạng hạn chế, ông nói: “Vào thời điểm đó, tôi cảm thấy chúng tôi bị trói tay”, mặc dầu vậy “chúng tôi vẫn buộc phải tán thành việc Tổng thống Johnson không cho phép mở rộng tầm địa lý của cuộc chiến tranh (nhấn mạnh trong nguyên bản)1. Chắc chắn Việt Nam đã dạy cho chúng ta hiểu được là khó khăn kinh khủng đến thế nào khi phải chiến đấu trong các cuộc chiến tranh hạn chế để dẫn tới những vết thương trong lòng nước Mỹ trong suốt các giai đoạn dài. Tuy nhiên, nơi nào cuộc chiến tranh hạn chế được ưa thích hơn chiến tranh không hạn chế thì những tình trạng khó khăn kiểu như vậy sẽ tăng lên. Trước khi dính líu vào các cuộc xung đột như vậy, nhân dân Mỹ cần phải hiểu được những khó khăn mà họ sẽ phải đương đầu; giới quân sự Mỹ cũng phải biết và chấp nhận những giới hạn mà họ sẽ phải tuân theo; còn các lãnh tụ và những người dân của chúng ta cũng phải được chuẩn bị tinh thần để giảm bớt tổn thất và rút quân nếu như tình hình cho thấy các mục tiêu có hạn của chúng ta không thể đạt được với những hiểm nguy ít hơn và cái giá phải trả có thể chấp nhận được.

Chúng ta cũng phải rút kinh nghiệm từ bài học Việt Nam về việc: làm cách nào chỉ huy các cuộc chiến tranh hạn chế một cách có hiệu quả. Nguyên nhân chính của sự thất bại nằm trong việc chúng ta đã không lập ra được bộ máy các quan chức dân sự và quân sự ở cấp cao có khả năng điều hành công việc. Chúng ta đã liên tục thất bại trong việc giải quyết một loạt các vấn đề cơ bản, như câu chuyện sửng sốt của tôi về quá trình hoạch định chính sách đã tiết lộ; sự thất bại của chúng ta trong việc xác định những vấn đề đó đã không được thừa nhận; và những bất đồng sâu sắc giữa các cố vấn của Tổng thống về cách thức thực hiện đã bị ỉm đi và không được tháo gỡ.

Như tôi đã nói, điều này một phần là do sự thất bại của chúng ta trong việc tổ chức một cách quy củ. Không có một quan chức cấp cao nào ở Washington chuyên theo dõi về Việt Nam. Trong khi Tổng thống, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, Cố vấn an ninh quốc gia, Chủ tịch Hội đồng liên quân và những người cộng sự của họ đang phân tán tư tưởng bởi một loạt các vấn đề rối ren và cấp thiết khác, một vài những khiếm khuyết của chúng ta - chẳng hạn như chúng ta đã không thường xuyên thảo luận các tình huống rất cơ bản - là điều có thể hiểu được. Lẽ ra, để tránh điều này, chúng ta phải thành lập một cơ quan chuyên trách ở cấp cao nhất - như Churchill từng gọi là Hội đồng chiến tranh - chỉ để theo dõi vấn đề Việt Nam mà thôi, ít ra, cơ quan này phải bao gồm các Thứ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng, Cố vấn An ninh quốc gia, Chủ tịch Hội đồng liên quân và Giám đốc CIA. Cơ quan này phải có cuộc họp hàng tuần với Tổng thống vào thời gian nhất định để bảo đảm các cuộc thảo luận đủ dài và không bị ngắt quãng. Các cuộc họp hàng tuần này phải được mở rộng thành các cuộc họp hàng tháng với sự tham gia của Đại sứ Mỹ và Tư lệnh quân đội Mỹ ở Việt Nam. Các cuộc họp phải mang tính cởi mở và thẳng thắn trong thảo luận giống như Ủy ban điều hành từng có trong thời kỳ khủng hoảng tên lửa ở Cuba - điều đã góp phần ngăn chặn xảy ra tai hoạ. Công việc tổ chức tượng tự cần phải được thiết lập để điều hành tất cả các hoạt động quân sự trong tương lai.

Cuối cùng, tôi phải thừa nhận rằng rất khó tiên đoán và kiểm soát được kết quả của các cuộc tham chiến bằng quân sự với quy mô lớn - nhất là trong thời đại của các loại vũ khí hủy diệt rất hiện đại. Bởi lẽ đó, cần phải tránh các cuộc tham chiến như vậy, chỉ trừ khi nền an ninh quốc gia của chúng ta bị đe doạ một cách công khai và trực tiếp. Đây là những bài học Việt nam. Cầu Chúa chúng ta tiếp thu được.
_____________________________________
1. Trích dẫn trong Thời đại Johnson của Gittinger, tr. 76.

Tôi muốn thêm lời kết về Việt Nam.

Cho phép tôi được bày tỏ một cách chân thành và thẳng thắn. Tôi muốn mình được hiểu rõ: Hợp chủng quốc Hoa Kỳ đã chiến đấu ở Việt Nam trong suốt tám năm vì những điều được tin rằng là đúng đắn và chính nghĩa. Bằng cuộc chiến này, các chính quyền của cả hai đảng tìm cách bảo vệ nền an ninh của chúng ta, ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa cộng sản độc tài và thúc đẩy nền dân chủ chính trị với quyền tự do cá nhân. Các chính quyền của Kennedy, Johnson và Nixon đã đưa ra các quyết định, và bằng các quyết định đó kêu gọi sự hy sinh, cống hiến và, đúng là, đã gây ra sự đau khổ ghê gớm dưới danh nghĩa của các mục đích và giá trị đó.

Sự nhận thức sau rõ hơn sự nhận thức trước. Câu ngạn ngữ này một thời được nhắc đến trong các hành lang, đúng với mọi người, trong mọi hoàn cảnh, ở mọi thời gian. Người ta là những con người: họ có thể phạm sai lầm. Tôi thừa nhận với sự thật đau xót và trái tim nặng trĩu rằng câu ngạn ngữ đó đúng với tôi và với giới lãnh đạo Mỹ thuộc thế hệ tôi liên quan đến Việt Nam. Mặc dù trong sự nhận thức, chúng tôi đã cố gắng hành động đúng - và đã từng tin rằng chúng tôi hành động đúng - sự nhận thức sau này đã chứng tỏ chúng tôi sai. Chúng tôi đã đánh giá quá cao tác động của việc để mất Việt Nam đối với nền an ninh của phương Tây và đã không tuân thủ nguyên tắc cơ bản là xét cho cùng, nếu người Nam Việt Nam muốn được cứu vớt thì họ phải thắng cuộc chiến bằng chính bản thân họ. Đi trệch khỏi sự thật cơ bản này, chúng ta đã tập trung công sức ngày một nhiều hơn trên một nền tảng vốn đã mất ổn định. Lực lượng quân sự bên ngoài không thể thay thế cho sự ổn định và trật tự chính trị mà chỉ có thể do người dân tự lập ra cho chính họ.

Cuối cùng, tôi muốn đề cập đến số phận của những người lính Mỹ đã chiến đấu ở Việt Nam và không bao giờ trở về. Có phải sự thiếu khôn ngoan trong việc can thiệp của chúng ta đã vô hiệu hoá nỗ lực và sự hy sinh của họ? Tôi nghĩ là không. Họ không làm ra những quyết định. Họ là những người đáp theo tiếng gọi của dân tộc, ra đi chiến đấu. Họ đã đi tới nơi chết chóc nhân danh cho dân tộc. Và họ đã cống hiến cuộc sống của mình cho Tổ quốc và những lý tưởng của Tổ quốc họ. Sự thiếu khôn ngoan trong các nỗ lực của chúng ta ở Việt Nam không làm cho sự cống hiến, hy sinh của họ giảm bớt đi tính cao cả. Đó mãi mãi là tấm gương cho tất cả chúng ta. Chúng ta hãy học từ sự cống hiến, hy sinh của họ, và như thế tăng giá trị và danh dự cho hành động của họ.

Khi tôi kết thúc cuốn sách, tôi nhớ tới một đoạn từ bài thơ “Lâu đài” của Rudyard Kipling. Tôi đọc bài thơ này lần đầu tiên cách đây ngần 60 năm. Lời thơ của Kipling ngày càng có ý nghĩa lớn lao trong suốt cuộc sống của tôi. Giờ đây chúng vẫn ám ảnh tôi.

Khi tôi là Vua và cũng là Thợ nề -
Là chủ nhân chân chính, tài hoa
Dọn đất, san nền tôi xây cung điện
Có khác gì những bậc vua cha.

Tôi xuống chiếu, đào xuống tầng tôi muốn
Chẳng bao lâu đã qua lớp phù xa.
Chợt bắt gặp một cung đình đổ nát,
Đấng quân vương đã xây tự bao giờ.

Chẳng đáng giá chút nào về kiểu cách.
Cũng chẳng hề có thiết kế thông minh.
Rải rác, ngổn ngang và không mục đích
Là tàn dư những chân móng vô tình.

Trong gạch vữa, phũ phàng, bề bộn
Nét chữ trên từng phiến đá hằn sâu:
“Đến sau ta là một Người xây dựng,
Nói với hắn rằng, ta đã biết từ lâu...”

Tôi thoăn thoắt trong đường hào mới mở
Nơi công trình từng ấp ủ sẽ mọc lên.
Đập những mảng tường, nhặt từng viên đá
Cắt gọt, sửa sang, tôi xếp lại cho liền.

Lấy đá của người xưa nung thành vôi,
Rồi hoà với nước, tôi đem quét.
Chọn những món quà của người đã khuất.
Với tâm hồn sung sướng vô biên.

Chẳng coi thường và cũng không kiêu hãnh
Khi tách rời mỗi thứ một nơi.
Tôi đọc được trên móng nền đổ nát
Tình cảm trong tim người xây dựng lâu đài.

Tưởng như anh đứng lên và nài nỉ.
Và dường như tôi đã hiểu qua rồi.
Những hình bóng trong mơ anh từng theo đuổi,
Dẫu chỉ là những gì dự định mà thôi.

      *
   *      *

Khi là Vua và cũng là Thợ nề
Trên đỉnh cao rực rỡ nhất trong đời,
Tôi nghe thấy những lời từ sâu thẳm.
Gọi thì thầm, nói với riêng tôi:

“Kết thúc là một điều cấm kỵ”
“Lễ nghi kia đã được thực hiện rồi”
“Cung điện này rồi cùng chung số phận”
“Triều đại sau cũng sẽ phá đi thôi”.

Tôi gọi lính về từ đường hào, mỏ đá,
Từ bến cảng xa xôi, từ những con tàu.
Tất cả những gì đã làm xong đều bỏ lại.
Cho niềm tin vào những năm vô vọng mai sau.

Tôi chỉ khắc sâu vào trong thớ gỗ,
Và chạm lên trên đá rắn một câu:
“Đến sau ta là một người xây dựng,
Nói với hắn rằng ta đã biết từ lâu!”


Mỗi một con người sống với những ước mơ chưa được thực hiện và những mục đích chưa hoàn thành. Lẽ dĩ nhiên tôi cũng vậy. Nhưng giờ đây, khi mà một thế kỷ của sự xung đội đẫm máu sắp kết thúc, chúng ta có cơ hội nhìn vào tương lai với niềm hy vọng mới: chiến tranh lạnh đã kết thúc. Trước mắt chúng ta là những bài học Việt Nam - những bài học đó có thể được nghiên cứu và áp dụng. Chúng ta phải nhận thấy rõ hơn những hiểm hoạ của một thế giới chứa đựng hàng ngàn loại vũ khí hạt nhân, và chúng ta phải có những hành động cần thiết để tránh thảm hoạ hạt nhân. Chúng ta đã có sự hiểu biết hơn về những khả năng - và cả những hạn chế - của các Tổ chức đa phương trong việc hạn chế và giảm bớt những cuộc xung đột trong nội bộ các dân tộc và giữa các dân tộc. Bởi vậy, lẽ nào chúng ta lại không có cơ sở để tin rằng thế kỷ XXI, dẫu vẫn chưa là thế kỷ của sự bình yên, sẽ không còn chứng kiến sự giết hại thêm 160 triệu người nữa do chiến tranh? Tất nhiên, đó không những là niềm hy vọng của chúng ta, niềm mơ ước của chúng ta, mà còn là mục tiêu kiên định của chúng ta nữa. Ai đó có thể cho rằng lời tuyên bố như vậy là ngây thơ, đơn giản hoá, lí tưởng hoá và viển vông. Nhưng là những con người, những công dân của một cường quốc lớn có khả năng tác động đến các sự kiện trên thế giới, liệu chúng ta có thể sống trong hoà bình mà không quyết tâm đạt được nó?

PHỤ LỤC

NHỮNG HIỂM HỌA HẠT NHÂN TRONG NHỮNG NĂM 60
VÀ NHỮNG BÀI HỌC CHO THẾ KỶ XXI


Chúng ta và toàn nhân loại sống trên trái đất đang đứng trước nguy cơ huỷ diệt hạt nhân. Các kế hoạch chiến tranh hôm nay của nước Mỹ chuẩn bị cho việc bất ngờ sử dụng vũ khí hạt nhân cũng giống hệt như chúng đã từng có trong những năm 19601. Nhưng người dân Mỹ bình thường thì không nhận ra được sự thật này. Không nghi ngờ gì là, họ ngạc nhiên và hài lòng bởi lời tuyên bố của Tổng thống Bush và Tổng thống Yeltsin vào tháng 6/1992 đã thoả thuận giảm đáng kể các kho vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga. Ngày nay, trên thế giới có tới 40.000-50.000 đầu đạn hạt nhân với sức hủy diệt lớn gấp một triệu lần so với năng lượng của quả bom đã san phẳng thành phố Hiroshima. Cứ cho là với những cắt giảm do Hiệp ước START 1 đề ra thì tổng số vũ khí hạt nhân đã được kiểm kê sẽ giảm xuống còn xấp xỉ 20.000. Bush và Yeltsin đã đồng ý tiếp tục cắt giảm hơn, để đến năm 2003, năm cường quốc hạt nhân công khai chỉ còn tổng cộng khoảng 12.000 đầu đạn hạt nhân. Đó là một động thái rất được mong đợi. Nhưng dù cho Thượng nghị viện Mỹ và Quốc hội Nga có phê chuẩn hiệp ước đi chăng nữa, và điều đó không chắc chắn gì, thì nguy cờ huỷ diệt trên toàn cầu tuy có được giảm đi phần nào, vẫn còn lâu mới bị tiêu diệt. Tôi nghi ngờ là nếu có một ai đó còn sống sót, thì cũng có thể nhận thấy sự khác biệt lớn giữa một thế giới nổ tung bởi 12.000 đầu đạn hạt nhân và một thế giới với nguy cơ bị tiến công bởi 40.000 đầu đạn. Vậy chúng ta không thể đi tiếp được nữa chăng? Chắc chắn câu trả lời phải là có.

Việc chiến tranh lạnh kết thúc, cùng với sự hiểu biết ngày càng tăng về sự vô dụng của vũ khí hạt nhân và nguy cơ lớn có liên quan đến sự tồn tại tiếp tục của chúng, đã hướng sự chú ý vào cả cơ hội và tính khẩn cấp mà do đó năm cường quốc hạt nhân (Mỹ, Nga, Pháp, Vương quốc Anh và Trung Quốc) cần phải xem xét lại các mục tiêu sức mạnh hạt nhân lâu dài của họ. Chúng ta nên bắt đầu bằng một cuộc tranh luận rộng rãi về ba chiến lược hạt nhân thay thế mà tôi sẽ vạch ra. Tôi tin rằng một cuộc thảo luận như vậy sẽ hỗ trợ cho kết luận là chúng ta nên trở lại một thế giới phi hại nhân, nếu có thể được, và tôi nhấn mạnh những từ đó.

Để hỗ trợ cho quan điểm của mình tôi sẽ nêu lên ba ý:

1. Kinh nghiệm của cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba năm 1962, và cụ thể là điều đã học được gần đây, cho thấy rõ ràng là: một khi mà chúng ta và các cường quốc hạt nhân khác vẫn có những kho lớn chứa vũ khí hạt nhân, thì chúng ta sẽ phải đương đầu với nguy cơ chúng được sử dụng.

2. Nguy cơ đó giờ đây không còn chính dáng trên cơ sở quân sự.

3. Những năm gần đây đã có một sự thay đổi dáng kể trong suy nghĩ của các chuyên gia an ninh hàng đầu của Tây Âu về việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong quân sự. Ngày càng nhiều người trong số họ, mặc dầu chắc chắn không hẳn là đa số, đang có những quan điểm tương tự như tôi.

Trước hết, hãy nhìn lại cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba. Giờ đây, mọi người nhận thấy rằng những hành động của Liên Xô, Cuba và Mỹ vào tháng 10/1962 đã đưa ba quốc gia đến bên miệng hố chiến tranh. Nhưng lúc đó người ta đã không biết và cho tới nay, nhiều người vẫn không nhận ra là thế giới đã đến kề bên bờ vực của một thảm hoạ hạt nhân. Không nước nào trong số ba nước liên quan trên đã có ý định gây ra những hiểm họa như vậy.

Cuộc khủng hoảng bắt đầu vào mùa hè và đầu mùa thu năm 1962. khi Liên Xô di chuyển các tên lửa hạt nhân và máy bay ném bom tới Cuba một cách bí mật và với ý định lừa gạt rõ ràng. Những tên lửa và máy bay ném bom này được hướng vào các thành phố dọc bờ biển phía Đông của nước Mỹ. Những bức ảnh do một máy bay do thám U-2 chụp được vào ngày chủ nhật, 14/10/1962, đã buộc Tổng thống Kennedy phải chú ý tới việc triển khai quân. Tổng thống và các cố vấn quân sự, cố vấn an ninh dân sự nhận thấy rằng hành động của Liên Xô đặt ra một mối đe dọa cho phương Tây. Do đó, Tổng thống Kennedy đã cho phép bắt đầu một cuộc phong toả hải quân đối với Cuba, có hiệu lực từ ngày thứ tư, 24/10. Công việc chuẩn bị cho các cuộc không kích và một cuộc đổ bộ cũng dậm dịch tiến hành. Các kế hoạch đối phó bất ngờ đề xuất một cuộc không kích trong ngày đầu tiên với 1080 lần xuất kích. Tổng cộng 180.000 lính đã được tập hợp tại các hải cảng ở phía đông nam của Mỹ để chuẩn bị đổ bộ xâm lược. Cuộc khung hoảng đã lên đến đỉnh điểm vào các ngày thứ bảy, 27/10 và chủ nhật, 28/10. Nếu ngày chủ nhật, 28/10 mà Khrushchev không công khai tuyên bố rằng vào ngày thứ hai, 29/10 ông ta sẽ cho rút các tên lửa, thì đa số các cố vấn quân sự và dân sự của Kennedy sẽ đề nghị tiến hành các cuộc tấn công.

Để hiểu được điều gì đã gây ra cuộc khủng hoảng và làm thế nào để tránh những cuộc khủng hoảng như vậy trong tương lai, những quan chức cấp cao của Liên Xô, Cuba và Mỹ từng tham gia tham vấn cho các quyết định liên quan đến cuộc khủng hoảng đã gặp nhau tại năm cuộc hội nghị kéo dài hơn năm năm và hội nghị tổ chức ở Havana, Cuba vào tháng giêng năm 1992 do Fidel Castro chủ toạ là hội nghị cuối cùng. Với kết luận của hội nghị lần thứ ba ở Matxcơva vào tháng giêng năm 1989, rõ ràng các quyết định của cả ba quốc gia trước và trong cuộc khủng hoảng đã bị bóp méo do thông tin không chính xác, sự định giá và tính toán sai.
_______________________________________
1. Xem Tuyên bố của William Perry gửi Trung tâm Stimson, 20/9/1994; và Họp báo của Bộ Quốc phòng, 22/9/1994.

Tôi chỉ nêu ra đây bốn trong số nhiều ví dụ:

1. Trước khi các tên lửa của Liên Xô được đưa vào Cuba mùa hè năm 1962, Liên Xô và Cuba đã cho là Mỹ có ý định xâm lược nhằm lật đổ Castro và loại bỏ chính phủ của ông ta. Chúng ta đã không có bất kỳ một ý định nào như vậy.

2. Mỹ tin Liên Xô sẽ không bao giờ đặt các đầu đạn hại nhân ra ngoài lãnh thổ Liên bang Xô viết, nhưng họ đã làm điều đó. Mặc dù lúc đó CIA cho biết không có vũ khí hạt nhân ở hòn đảo này, nhưng chúng tôi biết rằng đến tháng 10/1962 các đầu đạn tên lửa của Liên Xô thực sự đã được chuyển tới Cuba và hướng vào các thành phố của Mỹ.

3. Liên Xô tin là vũ khí hạt nhân có thể được bí mật đưa vào Cuba mà không bị phát hiện, và Mỹ sẽ không phản ứng khi sự việc bị lộ tẩy. Ở đây họ cũng đã lầm.

4. Cuối cùng, những người sẵn sàng thúc giục Tổng thống Kennedy phá huỷ các tên lửa của Liên Xô bằng một cuộc không kích và tiếp theo là một cuộc đổ bộ xâm lược đã lầm khi tin là Liên Xô sẽ không đáp lại bằng quân sự. CIA báo cáo là vào lúc đó có 10.000 quân của Liên Xô ở Cuba. Tại hội nghị Mátxcơva, những người tham dự được biết thực ra trên hôn đảo này đã có 43.000 lính Liên Xô cùng với 270.000 lính Cuba được vũ trang đầy đủ. Theo lời các vị Tư lệnh của họ, cả hai đội quân trên đã “quyết chiến đấu đến cùng”. Các quan chức Cuba ước tính họ đã mất 100.000 lính. Người Liên Xô, kể cả Bộ trưởng Ngoại giao lâu năm Andrei Gromyko và cựu Đại sứ tại Liên hợp quốc Anatoly Dobrynin, hoàn toàn tin rằng chúng tôi sẽ nghĩ là trước một thất bại thê thảm như vậy, họ sẽ không phản ứng lại bằng quân sự ở một nơi nào đó trên thế giới. Rất có thể kết quả lẽ ra đã là cuộc leo thang không thể kiểm soát.

Trước khi kết thúc hội nghị ở Mátxcơva, chúng tôi đã nhất trí là chúng tôi có thể rút ra hai bài học lớn từ cuộc thảo luận của chúng tôi: (1) trong thời kỳ của vũ khí công nghệ cao này, giải quyết khủng hoảng là một việc nguy hiểm, khó khăn và không chắc chắn; (2) do thông tin sai lệch, đánh giá và tính toán sai, như tôi vừa liệt kê, không thể đoán trước được một cách tin tưởng những hậu quả của hành động quân sự giữa các siêu cường. Do vậy, chứng ta phải hướng sự chú ý và sức lực vào việc tránh khủng hoảng..

Năm 1962, trong thời kỳ khủng hoảng, một vài người chúng tôi - cụ thể là Tổng thống Kennedy và tôi - đã tin rằng nước Mỹ đang gặp phải mối đe doạ lớn. Hội nghị ở Mátxcơva đã khẳng định sự đánh giá đó. Nhưng trong hội nghị Hanava, chúng tôi biết được là cả hai chúng ta, và chắc là còn nhiều ngươi khác, đã đánh giá thấp một cách trầm trọng những nguy cơ này. Chúng tôi đã được cựu Tham mưu trưởng Hiệp ước Vacsava, Tướng Anatoly Gribkov, cho biết là vào năm 1962 quân đội Liên Xô ở Cuba đã không chỉ có các đầu đạn hạt nhân của tên lửa tầm trung, mà còn có cả bom hạt nhân và các đầu đạn hạt nhân chiến thuật. Các đầu đạn hạt nhân chiến thuật sẽ được sử dụng để chống lại quân đổ bộ xâm lược của Mỹ. Như tôi đã nói, lúc đó CIA cho biết là không có vũ khí hạt nhân ở Cuba.

Tháng 11/1992, chúng tôi còn biết thêm qua một bài báo trên báo chí Nga. Vào đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng, quân Liên Xô ở Cuba đã có tổng số 162 đầu đạn hạt nhân với ít nhất là 90 đầu đạn chiến thuật. Ngoài ra, ngày 26/10/1962 là thời điểm cực kỳ căng thẳng, do dự đoán sẽ có một cuộc đổ bộ xâm lược của Mỹ, nên các đầu đạn đã được chuyển từ các kho tới các vị trí gần các bệ phóng*. Ngày hôm sau Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Rodion Malinovsky nhận được điện của Tướng Issa Pliyev. Tư lệnh quân đội Liên Xô ở Cuba, thông báo về hành động này. Malinovsky đã chuyển bức điện tới Khrushchev. Khrushchev gửi trả lại bức điện với dòng chữ “thông qua” viết nguệch ngoạc. Rõ ràng có khả năng trong trường hợp Mỹ tấn công, mà như tôi đã nêu, nhiều người trong chính phủ Mỹ, quân sự cũng như dân sự, đều sẵn sàng đề nghị điều này với Tổng thống Kennedy, quân đội Liên Xô ở Cuba sẽ quyết định thà sử dụng những vũ khí hạt nhân của họ còn hơn là để mất chúng1.
______________________________________
* Tướng Gribkov đã trình bày chi tiết những điểm này tại một hội nghị của Trung tâm Wilson tại Washington, D.C., ngày 5/4/1994. Tôi cũng có mặt tại hội nghị này.
1. Xem Anatoly Dokochaev, “Những lời cuối cho tin giật gân: 100 ngày cho cuộc phiêu lưu hạt nhân”, Krasnaya Zvezda, 6/11/1992, tr. 2; và V. Bardurkin phỏng vấn Dimitri Volkogonov trong “Chiến dịch Anadyr”, Trud (NGA-ND), 27/10/1992, tr. 3.

Chúng ta không cần đoán xem sự việc sẽ xảy ra như thế nào mà vẫn có thể biết chắc được kết quả.

Mặc dù đội quân xâm lược của Mỹ không được trang bị các đầu đạn hạt nhân chiến thuật vì Tổng thống và tôi không cho phép, nhưng  không ai tin là nếu quân đội Mỹ bị tấn công bằng vũ khí hạt nhân thì nước Mỹ sẽ kiềm chế không đáp lại bằng hạt nhân. Và liệu điều đó sẽ đi đến đâu? Nhất định là thảm hoạ. Không chỉ những tổn thất của chúng tôi ở Cuba sẽ lớn và hòn đảo sẽ bị tàn phá, mà còn có nguy cơ của một cuộc chiến tranh hạt nhân vượt ra ngoài biên giới Cuba.

Tôi muốn nhấn mạnh một điểm: con người có thể sai lầm. Tất cả chúng ta đều có thể mắc sai lầm. Trong cuộc sống hàng ngày, những sai lầm đó đều đắt giá nhưng chúng ta nên tìm cách rút ra bài học từ đó. Trong một cuộc chiến tranh thông thường, những sai lầm phải trả giá bằng mạng người, có khi tới hàng ngàn nhân mạng. Nếu sai lầm có ảnh hưởng đến các quyết định liên quan tới việc sử dụng sức mạnh hạt nhân thì sẽ dẫn đến sự phá huỷ toàn bộ các xã hội. Do đó, sự kết hợp giữa sai lầm của con người và vũ khí hạt nhân sẽ đem lại nguy cơ lớn của một thảm hoạ tiềm tàng.

Phải chăng có một lời bào chữa về quân sự cho việc tiếp tục thừa nhận nguy cơ đó? Câu trả lời là không.

Trong cuốn: “Vũ khí hạt nhân sau cuộc chiến tranh lạnh”, Carl Kaysen, George W. Rathjens và tôi đã chỉ ra rằng những người khởi xướng sử dụng vũ khí hạt nhân “đã chỉ tạo ra được một khung cảnh có vẻ hợp lý cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân một tình thế không có khả năng trả thù, hoặc là trả thù một quốc gia phi hạt nhân hoặc một quốc gia yếu hơn về quân sự, khi đó người sử dụng hoàn toàn tin tưởng vào khả năng hạt nhân của mình để hoàn toàn giải giáp được quân phía bên kia sau cuộc tiến công đầu tiên”. Chúng tôi nói thêm: “thậm chí trong trường hợp như vậy thực ra không tạo được một cơ sở đầy đủ cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến tranh. Chẳng hạn, mặc dù, quân Mỹ đã hai lần ở vào tình thế tuyệt vọng trong cuộc chiến tranh Triều Tiên (lần đầu tiên ngay sau cuộc tấn công của Bắc Triều Tiên vào năm 1950 và lần thứ hai khi Trung Quốc vượt qua Yalu), nhưng nước Mỹ đã không sử dụng vũ khí hạt nhân. Thời kỳ đó, Bắc Triều Tiên và Trung Quốc không có khả năng hạt nhân và Liên Xô chỉ có một khả năng không đáng kể”. Lý lẽ của chúng tôi dẫn đến kết luận là việc sử dụng vũ khí hạt nhân trong quân sự được giới hạn trong việc ngăn chặn đối thủ sử dụng. Do đó, nếu đối thủ của chúng ta không có vũ khí hạt nhân thì chúng ta cũng không cần phải có1.

Một phần bởi chúng ta ngày càng hiểu rõ rằng, trong cuộc khủng hoảng tên lửa chúng ta đã đến gần thảm hoạ tới chừng nào, nhưng cũng vì nhận thức ngày càng cao về sự thiếu tác dụng quân sự của thứ vũ khí này, đã có một sự thay đổi có tính chất cách mạng trong suy nghĩ về vai trò của vũ khí hạt nhân. Sự thay đổi này phần lớn diễn ra trong ba năm qua. Nhiều nhà lãnh đạo quân sự Mỹ, trong đó có cả hai cựu Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, một cựu Tư lệnh tối cao lực lượng Quân đội đồng minh ở châu Âu và cả một sĩ quan không quân cấp cao hiện đang đương chức, giờ đây sẵn sàng đi xa hơn cả thoả thuận giữa Bush và Yeltsin. Một số đi đến chỗ tuyên bố, như tôi đã từng tuyên bố, rằng mục tiêu lâu dài, nếu có thể đạt được, chính là việc quay trở lại một thế giới phi hạt nhân.

Tuy vậy, điều này lại là một vấn đề gây tranh cãi. Đa số các chuyên gia an ninh phương Tây - cả quân sự lẫn dân sự - vẫn tiếp tục tin rằng đe doạ sử dụng vũ khí hạt nhân sẽ ngăn chặn được chiến tranh. Cố vấn an ninh Quốc gia của Tổng thống Carter, ông Zbigniew Brzezinski, đã lập luận rằng kế hoạch loại trừ vũ khí hạt nhân “là một kế hoạch nhằm đảm bảo cho thế giới được an toàn đối với một cuộc chiến tranh thông thường. Và vì vậy tôi không nhiệt tình lắm với kế hoạch này”. Báo cáo của một Ủy ban tư vấn do cựu Bộ trưởng Quốc phòng Richard Cheney lập ra và do cựu Bộ trưởng Không quân Thomas Reed làm Chủ tịch, đã đưa ra một quan điểm về cơ bản tương tự như vậy. Chính quyền hiện nay cũng tỏ ra ủng hộ quan điểm đó2. Dù sao chăng nữa, thậm chí nếu người ta có chấp nhận luận điểm này, thì cũng phải công nhận rằng việc ngăn chặn xâm lược bằng quân đội thông thường luôn kèm theo một cái giá cao phải trả về lâu dài: nguy cơ chiến tranh hạt nhân.
_________________________________
1. Xem Ngoại giao, mùa thu 1991, tr. 95.
2. Xem “Mỹ chào mừng Kế hoạch quân sự của Liên Xô, nhưng tuyên truyền loại bỏ Hiệp ước” của John J. Fialks và Frederick Kemps, Thời báo phố Uôn, 17/1/1986; “Vai trò của vũ khí hạt nhân trong trật tự thế giới mới” của Thomas C. Reed và Michael O. Wheeler, tháng 12/1991, và Xem Tuyên bố của William Perry gửi Trung tâm Stimson, 20/9/1994; và Họp báo của Bộ Quốc phòng, 22/9/1994.

Không mấy người biết rằng Bộ trưởng Ngoại giao dưới thời Tổng thống Eisenhower, John Foster Dulles, đã nhận ra vấn đề này từ giữa những năm 50. Trong một báo cáo tuyệt mật gửi Tổng thống, chỉ mới được công bố vài năm trước, Dulles đã đi xa tới mức tuyên bố: “Sức mạnh nguyên tử là một sức mạnh to lớn đến nỗi không thể dùng để sử dụng vào mục đích quân sự của bất kỳ nước nào”. Vì vậy, ông ta đã đề nghị “công khai hoá khả năng vũ khí nguyên tử nhiệt hạch để ngăn chặn xâm lược” bằng cách giao quyền kiểm soát vũ khí hạt nhân cho Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với quyền lực tối cao1.

Những năm gần đây, mối quan ngại của Dulles lại được các chuyên gia an ninh nổi tiếng khác nhắc tới, mặc dù tôi nghi là công chúng đã nhận thức được những quan điểm của họ. Những quan điểm này đã được phản ánh trong ba bản báo cáo và hàng loạt những tuyên bố đã được công khai hoá, nhưng không được phổ biến rộng rãi.

Cả ba báo cáo này đều đã được công bố từ năm 1990:

1. Năm 1991, trong một báo cáo do Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã về hưu, Tướng David C. Jones ký, một ủy ban của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ có nêu: “Vũ khí hạt nhân chỉ được sử dụng không ngoài mục đích ngăn chặn... cuộc tấn công hạt nhân của bên ngoài”. Ủy ban này tin rằng số vũ khí hạt nhân của Mỹ và Nga có thể được giảm xuống còn 1.000 - 2.000 đầu đạn2.

2. Tạp chí Foreign Affairs số mùa xuân năm 1993 đã đăng một bài đồng tác giả của một Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân đã về hưu khác, Đô đốc William J. Crowe (Jr.). Bài báo kết luận tới năm 2000, Mỹ và Nga, mỗi bên có thể giảm số lượng vũ khí hạt nhân chiến lược xuống còn 1.000-1.500. Bài báo này sau đó đã được phát triển thành sách, còn bổ sung: “Con số 1.000-1.500 cũng không phải là mức thấp nhất có thể đạt được vào đầu thế kỷ XXI”3.

3. Và tháng 8/1993, Tướng Andrew J. Goodpaster, cựu Tư lệnh tối cao của các lực lượng đồng minh của NATO ở châu Âu, đã công bố bản báo cáo trong đó ông ta nói rằng năm cường quốc hạt nhân hiện nay cần phải giảm số lượng kho hạt nhân xuống còn “không hơn 200 ở mỗi nước” và “cuối cùng sẽ là mức số không” (nhấn mạnh trong nguyên bản)”.4.
_____________________________________
1. Xem John Foster Dulles và ngoại giao của Chiến tranh lạnh do Richard H. Immerman hiệu đính (Princeton: Nhà xuất bản Trường Đại học Tổng hợp Princeton, 1990), tr. 47-48.
2. Học viện Khoa học quốc gia, “Tương lai quan hệ hạt nhân Mỹ-Xô” (Washington, D.C., 1991), tr. 3.
3. Giảm bớt hiểm hoạ hạt nhân: Con đường duy nhất thoát khỏi bờ vực thảm của McGeorge Bundy, William J. Crowe (Jr.) và Sidney O. Drell (New York: Nhà xuất bản Hội đồng Quan hệ đối ngoại, 1993), tr. 100.
4. “Nút thắt tiếp theo trong lực lượng hạt nhân: bước tiếp theo của năng lượng hạt nhân” của Andrew J. Goodpaster, Hội đồng Atlantic, Washington D.C., tháng 8/1993.

Ba bản báo cáo trên đây không phải là những điều đáng ngạc nhiên. Trong gần 20 năm, ngày càng có nhiều chuyên gia an ninh quân sự lẫn dân sự của phương Tây tỏ ý nghi ngờ về sự hữu ích của vũ khí hạt nhân trong quân sự. Sau đây là những điều họ đã nói:

    * Đến năm 1982, năm trong số bảy Tham mưu trưởng về hưu của Bộ Tham mưu quân đội Anh đã bày tỏ tin tưởng rằng tiến hành sử dụng vũ khí hạt nhân, theo như chính sách của NATO, sẽ dẫn đến thảm hoạ. Lord Louis Mountbatten, Tổng Tham mưu trưởng từ năm 1959 đến 1965, vài tháng trước khi bị sát hại vào năm 1979 đã nói: “Với tư cách là một nhà quân sự tôi không thấy ích lợi của bất kỳ một loại vũ khí hạt nhân nào”. Và Nguyên soái Lord Carver, Tổng Tham mưu trưởng từ năm 1973 đến 1976, vào năm 1982 đã viết rằng ông hoàn toàn phản đối mọi sáng kiến sử dụng vũ khí hạt nhân của NATO1.

    * Henry Kissinger, Cố vấn an ninh quốc gia kiêm Bộ trưởng Ngoại giao của Tổng thống Nixon, vào năm 1979, khi phát biểu tại Brussels đã nói rõ rằng ông tin Mỹ sẽ không bao giờ khơi mào một cuộc tấn công hạt nhân chống Liên Xô, dù có bất cứ sự khiêu khích nào. Ông nói: “Các đồng minh của chúng tôi ở châu Âu không nên cứ yêu cầu chúng tôi nhắc lại những đảm bảo chiến lược mà chúng tôi không thể có, hoặc nếu có, chúng tôi cũng không nên thực hiện bởi vì nếu chúng tôi làm, tức là chúng tôi đã mạo hiểm với việc phá huỷ nền văn minh”2.

    * Đô đốc Noel Gayler, cựu Tổng Tư lệnh không quân, bộ binh và hải quân Mỹ tại Thái Bình Dương, năm 1981 có nhận xét: “Việc sử dụng vũ khí hạt nhân vì mục đích quân sự là không hợp lý. Lý do thích hợp duy nhất cho việc sử dụng vũ khí hạt nhân là để ngăn chặn đối phương sử dụng vũ khí hạt nhân”3.

    * Cựu Thủ tướng Tây Đức, ông Helmut Schmidt đã tuyên bố trong một cuộc trả lời phỏng vấn đài BBC năm 1987: “Phản ứng linh hoạt là vô lý (chiến lược của NATO đề xuất sử dụng vũ khí hạt nhân để đáp lại một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân của Khối Hiệp ước Vacsava). Không phải là lỗi thời, nhưng vô lý... Ý tưởng của phương Tây ra đời trong những năm 1950 nói rằng chúng ta phải sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân trước để bù đắp cái được gọi là sự thiếu hụt thông thường của chúng ta, đã chưa bao giờ thuyết phục được tôi”4.

    * Người ta đã trích dẫn lời của Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên dưới thời Tổng thống Nixon, Melvin Laird, trong tờ The Washington Post ngày 12/4/1982: “Giờ đây mục tiêu của chúng ta phải là phương án số không về vũ khí hạt nhân trên toàn thế giới được kiểm soát đầy đủ... Những vũ khí này... vô dụng đối với các mục đích quân sự”5.

    * Cựu Tham mưu trưởng không quân Mỹ và trước đó từng là Tư lệnh của lực lượng không quân chiến lược, Tướng Larry Welch gần dây đã nói lên suy nghĩ trên bằng những lời lẽ sau: “Việc ngăn ngừa hạt nhân phụ thuộc vào những ai tin rằng họ sẽ phạm phải một hành động hoàn toàn phi lý nếu sử dụng”6.

    * Và tháng 7/1994, Tướng Charles A. Horner, Tham mưu trưởng lực lượng vũ trụ Mỹ đã tuyên bố: “Vũ khí hạt nhân đã lỗi thời. Tôi muốn được hoàn toàn thoát khỏi chúng”7.
_________________________________________
1. Xem Ảo tưởng và hiện thực về hạt nhân (New York: Viking, 1982), tr. 70; và Thời báo Chủ nhật (London), 21/2/1982.
2. “Nền Quốc phòng của NATO và mối đe doạ từ Liên Xô” của Henry Ktssinger, Sự sống còn tháng 11-12/1979, tr. 266.
3. Trích dẫn trong Biên bản của Quốc hội, 1/7/1981
4. Đài BBC phỏng vấn Stuart Simon, 16/7/1987.
5. Xem The Washington Post, 12/4/1982.
6. Larry Welch gửi Adam Scheinman, 21/3/1994.
7. Thế giới Boston, 16/7/1994.

Đầu những năm 1960, tôi cũng đã đi đến những kết luận tương tự như vậy. Trong các cuộc đàm đạo dài mang tính cá nhân của tôi, trước tiên là với Tổng thống Kennedy và sau này với Tổng thống Johnson, tôi đã không dè đặt đề nghị họ trong bất kỳ trường hợp nào cũng không nên khơi mào việc sử dụng vũ khí hạt nhân. Tôi tin, họ đã chấp nhận những khuyến nghị của tôi1. Nhưng cả tôi lẫn họ đều đã không thể thảo luận quan điểm của mình một cách công khai, bởi vì nó trái với chính sách đã được xác định của NATO.

Ngày nay, cùng với những quan điểm hoàn toàn mâu thuẫn về vai trò của vũ khí hạt nhân của một bên là chính phủ và những người theo Brzezinski và Reed, còn bên kia là Goodpaster, Laird và Schmidt - nhưng với sự thừa nhận của tất cả các bên là sử dụng vũ khí hạt nhân chống lại đối phương được trang bị vũ khí hạt nhân chắc chắn sẽ dẫn tới thảm hoạ - có nên chăng chúng ta ngay lập tức đi vào thảo luận những giá trị của các mục tiêu lâu dài của năm cường quốc hạt nhân một cách công khai?

Chúng ta có thể lựa chọn trong ba phương án sau:

1. Tiếp tục chiến lược “ngăn ngừa mở rộng” hiện nay. Điều này có nghĩa là hạn chế số đầu đạn của cả Mỹ và Nga ở mức khoảng 3.500 ở mỗi nước, con số này đã được cả Tổng thống Bush và Tổng thống Yeltsin tán thành.

2. Lực lượng phòng ngừa tối thiểu - như một Ủy ban của Viện Hàn lâm khoa học quốc gia Mỹ đề xuất và được Tướng Jones và Đô đốc Crowe ủng hộ - hai cường quốc hạt nhân chính lưu giữ không quá 1.000 - 2.000 đầu đạn ở mỗi nước.

3. Như Tướng Goodpaster và tôi mạnh mẽ ủng hộ, cả năm cường quốc hạt nhân quay trở lại một thế giới phi hạt nhân, nếu có thể được*.

Nếu chúng ta có đủ dũng khí để thoát khỏi tư tưởng đã chỉ đạo chiến lược hạt nhân của các cường quốc hạt nhân trong hơn 40 năm qua, tôi tin là chúng ta thực sự có thể “bắt ông thần chui lại vào trong lọ”. Nếu chúng ta không làm được như vậy thì có nguy cơ thế kỷ XXI sẽ phải gánh chịu một bi kịch hạt nhân.

Andrei Sakharov nói: “Làm giảm nguy cơ hủy diệt nhân loại trong một cuộc chiến tranh hạt nhân phải được hoàn toàn ưu tiên so với tất cả những mối quan tâm khác”2. Ông ta đã đúng.
_______________________________________
1. “Vai trò quân sự của vũ khí hạt nhân” của Robert S. McNamara, Ngoại giao, mùa thu năm 1983, tr. 79.
* “Nếu có thể được” nói tới việc cần thiết phải duy trì sự bảo vệ chống lại “sự bùng nổ” hay việc mua sắm vũ khí của bọn khủng bố. Phong trào tiến tới loại trừ vũ khí hạt nhân có thể được thực hiện theo nhiều bước, như Tướng Goodpaster và tôi đã gợi ý.
2. Xem Tuyên bố của Bộ trưởng Perry gửi Trung tâm Stimson.

CÁC NHÂN VẬT


DEAN ACHESON (ĐIN ACHEXƠN): Bộ trưởng Ngoại giao từ năm 1949 đến năm 1953 trong chính quyền Truman, sau này là một thành viên có ảnh hưởng trong nhóm cố vấn về chính sách đối ngoại cho đến khi ông qua đời năm 1969. Đã từng làm cố vấn cho Tổng thống Johnson về vấn đề Việt Nam với tư cách là một thành viên của Nhóm các nhà thông thái từ năm 1965 đến năm 1968.

RAYMOND AUBRAC (RAYMÔNG ÔBRA): Đảng viên Đảng Xã hội cánh tả của Pháp, nguyên là thành viên nhóm Kháng chiến, người bạn lâu năm với ông Hồ Chí Minh, cùng với Herbert Marcovich, đóng vai trò trung gian với Bắc Việt Nam trong thời gian sáng kiến hoà bình Pennsylvania tháng 7-10/1967.

GEORGE W. BALL (GIOOCGIƠ BÔN): Thứ trưởng Ngoại giao từ năm 1961 đến năm 1966 trong các chính quyền Kennedy và Johnson. Từng là cố vấn pháp luật cho Chính phủ Pháp. Ông tin rằng lợi ích của Mỹ ở châu Âu quan trọng hơn nhiều so với ở châu Á.

ERNEST R. BREECH (ÊCNÉT BRICHƠ): Phó Chủ tịch điều hành của Công ty ôtô Ford từ năm 1946 đến năm 1960.

DAVID K. E. BRUCE (ĐAVIT BRUXƠ): Một trong những quan chức cấp cao nhất về chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm 1960. Đại sứ Mỹ tại Vương quốc Anh trong các chính quyền Kennedy và Johnson.

MCGEORGE BUNDY (MÁC GIOOCGIƠ BƠNĐY): Giáo sư và Hiệu trưởng của Trường Đại học Harvard, từng là cố vấn an ninh quốc gia của Tổng thống Kennedy và Johnson từ năm 1961 đến năm 1966. Được giữ làm cố vấn không chính thức cho Lyndon Baines Johnson, và là thành viên Nhóm các nhà thông thái từ năm 1966 đến năm 1968.

WILLIAM P. BUNDY (UYLIAM BƠNĐY): Anh trai của McGeorge Bundy. Tham gia nhiều vào việc hoạch định chính sách đối với Việt Nam với tư cách là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, phụ trách an ninh quốc tế trong chính quyền Kennedy và Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao phụ trách Viễn Đông trong chính quyền Johnson.

ELLSWORTH BUNKER (ENXƠUỐT BƠNKƠ): Là một nhà doanh nghiệp và một nhà ngoại giao Mỹ đã từng làm Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam dưới thời Tổng thống Johnson và Nixon từ năm 1967 đến năm 1973.

GEORGE A. CARVER, JR. (GIÓCGIƠ CAVƠ, CON): Nhà phân tích tình báo của CIA về Đông Nam Á trong những năm 1960. Thường xuyên thông báo cho các cố vấn cấp cao và Nhóm các nhà thông thái về tình hình Việt Nam.

CLARK M. CLIFFORD (CLAC CLIPHỚT): Luật sư ở Washington và là cố vấn cho các Tổng thống đảng Dân chủ từ thời Tổng thống Truman. Cố vấn không chính thức cho Lyndon Baines Johnson về vấn đề Việt Nam và là thành viên Nhóm các nhà thông thái từ năm 1965 đến 1967. Tháng 3/1968 được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Quốc phòng.

WILLIAM E. COLBY (UYLIAM CÔNBAI): Trùm CIA tại Sài Gòn từ năm 1959 đến năm 1962. Sau trở thành chuyên gia hàng đầu về Việt Nam của cơ quan này và chỉ đạo chương trình chống du kích ở miền Nam. Sau này là Giám đốc CIA trong các chính quyền Nixon và Ford.

JOHN B. CONNALLY, JR. (GIÔNXƠN CÔNNALI, CON): Cộng sự về chính trị của Lyndon Johnson, sau trở thành Bộ trưởng Hải quân trong chính quyền Kennedy từ năm 1961 đến năm 1962. Về sau làm Thống đốc bang Texas và Bộ trưởng Ngân khố trong Chính quyền Nixon.

CHARLES DE GAULLE (SÁCLƠ ĐỜ GÔN): Lãnh tụ của các lực lượng tự do Pháp trong Chiến tranh thế giới thứ II và là nhà lãnh đạo nước Pháp thời kỳ sau chiến tranh. Ủng hộ việc trung lập hoá Việt Nam và phê phán việc dính líu về quân sự ngày càng sâu vào Đông Dương của Mỹ trong những năm 1960.

EVERETT M. DIRKSEN (EVƠRET ĐICXƠN): Thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà của bang Illinois và lãnh tụ thiểu số ở Thượng nghị viện trong những năm 1960. Ủng hộ chính sách đối với Việt Nam của chính quyền Johnson.

BERNARD B. FALL (BÉCNA PHÔN): Sinh ra ở Pháp, là học giả và nhà bình luận về Đông Dương, được nhiều người kính phục. Ban đầu ủng hộ chính sách của Mỹ ở Việt Nam, nhưng ngày càng trở nên hoài nghi và phê phán chính sách đó. Năm 1967 bị giết trong khi đang đưa tin ở Nam Việt Nam.

HENRY FORD II (HENRI PHO II): Cháu nội của nhà sản xuất ôtô đầu tiên - Henry Ford, và là Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty ôtô Ford từ năm 1945 đến năm 1957. Sau Chiến tranh thế giới thứ II đã thuê McNamara và những người thành đạt rất nhanh khác làm việc cho mình.

MICHAEL V. FORRESTAL (MAICƠN PHORESƠTAN): Con trai Bộ trưởng Quốc phòng James V. Forrestal, Trợ lý của W. Averell Harriman và là ủy viên của Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) từ năm 1962 đến năm 1965. Ủng hộ việc phế truất anh em họ Ngô ở Nam Việt Nam.

ABE FORTAS (ABÊ PHOTAT): Luật gia ở Washington, Chánh án Toà án Tối cao (1965- 1969) và có chân trong nội các riêng của Lyndon Baines Johnson. Cố vấn cho Johnson về Việt Nam và các vấn đề khác.

J. WILLIAM FULBRIGHT (UYLIAM PHUNBRAI): Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Arkansas từ năm 1945 đến năm 1975 và là Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện. Đã làm cho Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ được thông qua tại Quốc hội năm 1964. Sau này đã quay ra phản đối cuộc chiến tranh và tổ chức các buổi điều trần chỉ trích cuộc chiến tranh.

ROSWELL L. GILPATRLC (RÔSƠOEN GHINPATƠRIC): Luật sư phố Wall, nguyên là quan chức của Chính quyền Truman, Thử trưởng Bộ Quốc phòng từ năm 1961 đến năm 1964. Mùa xuân năm 1961, đã chủ trì một cuộc kiểm điểm liên ngành về chính sách đối với Việt Nam.

ARTHUR J. GOLDBERG (ÁCTUA GÔNBÉC): Bộ trưởng Lao động (1961 - 1962), Chánh án toà án Tối cao (1962-1965), Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (1965-1968). Thúc đẩy việc thương lượng với Bắc Việt Nam.

BARRY GOLDWATER (BARI GÔNOATƠ): Thượng nghị sĩ theo trường phái bảo thủ của bang Arizona và là ứng cử viên Đảng Cộng hoà ra tranh cử Tổng thống năm 1964, vận động tranh cử với cương lĩnh chống cộng gay gắt và đã bị Lyndon Johnson đánh bại hoàn toàn. Phê phán gay gắt những hạn chế đối với các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

ANDREW J. GOODPASTER (ANĐƠRIU GUTPASƠTƠ): Trợ lý quân sự của Tổng thống Eisenhower, thành viên Hội động Tham mưu liên quân trong Chính quyền Johnson và sau này là Tư lệnh tối cao quân đồng minh ở châu Âu. Mùa hè năm 1965 đã chủ trì một nghiên cứu về các chiến dịch quân sự của Mỹ ở Việt Nam.

WALLACE M. GREEN, JR. (OALITXƠ GRIN, CON): Sĩ quan chỉ huy lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ năm 1964 đến năm 1968.

PAUL D. HARKINS (PÔN HÁCKIN): Tư lệnh, Bộ Chỉ huy cố vấn quân sự của Mỹ ở Nam Việt Nam từ năm 1962 đến năm 1964. Phản đối cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Luôn lạc quan về tiến bộ trong cuộc chiến tranh chống Việt cộng.

W. AVERELL HARRIMAN (AVƠREN HARIMAN): Trợ lý Ngoại trưởng Phụ trách các vấn đề Viễn Đông và Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách về các vấn đề chính trị dưới thời Tổng thống Kennedy và là Đại sứ đặc biệt dưới thời Tổng thống Johnson. Dẫn đầu các phái đoàn của Mỹ tại Hội nghị Geneva về Lào (năm 1962) và các cuộc hoà đàm ở Paris (năm 1968). Ủng hộ việc lật đổ Diệm.

RICHARD HELMS (RICHỚT HENMƠ): Phó giám đốc CIA phụ trách kế hoạch (1962-1965), Giám đốc CIA (1966-1973). Đã cố vấn cho Tổng thống về tình hình chính trị và quân sự ở Nam Việt Nam và hiệu quả của việc ném bom Bắc Việt Nam.

ROGER HILSMAN, JR. (RÔGIƠ HINSMAN, CON): Người kế nhiệm của Harriman làm Trợ lý Ngoại trưởng, phụ trách các vấn đề Viễn Đông từ năm 1963 đến năm 1964. Đóng vai trò chủ chốt trong việc thúc đẩy đảo chính Diệm.

HỒ CHÍ MINH: Lãnh tụ cộng sản của phong trào đấu tranh giành độc lập của nước Việt Nam hiện đại. Đã lãnh đạo Việt Minh trong cuộc kháng chiến chống Pháp từ năm 1946 đến năm 1954 và lãnh đạo Bắc Việt Nam và Việt cộng trong cuộc chiến tranh chống Chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ từ năm 1954 cho đến khi ông qua đời năm 1969.

HAROLD K. JOHNSON (HARÔN GIÔNSƠN): Tham mưu trưởng lục quân Mỹ từ năm 1964 đến năm 1968. Đã chất vấn về hiệu quả của việc ném bom trong những cuộc thảo luận với các Tham mưu trưởng khác. Ủng hộ việc nhanh chóng tăng cường lực lượng bộ binh ở Việt Nam.

LYNDON BAINES JOHNSON (LINĐƠN BAINƠ GIÔNSƠN): Tổng thống thứ 36 của nước Mỹ từ năm 1963 đến năm 1969. Phản đối đảo chính lật đổ Diệm khi làm Phó Tổng thống dưới quyền Kennedy. Khi là Tống thống, ông đã làm cho sự dính líu về quân sự của Mỹ ở Việt Nam sâu thêm. Là một nhà cải cách trong nước, nhưng chiến tranh đã làm tan vỡ sự nhất quán trong những quan điểm chính trị của ông.

U. ALEXIS JOHNSON (ALÊXIS GIÔNSƠN): Đại sứ chuyên nghiệp, đã từng làm Phó Đại sứ tại Nam Việt Nam dưới quyền Maxwell Taylor từ năm 1964 đến năm 1965.

NICHOLAS DEB. KATZENBACH (NICÔLAS KÁTZENBACH): Quyền Chưởng lý (1964- 1965) và là Thứ trưởng Ngoại giao (1966- 1969). Đã bảo vệ quyền của Tổng thống Johnson đưa quân Mỹ vào Việt Nam theo Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Chủ trương tìm kiếm một giải pháp bằng thương lượng cho cuộc chiến.

GEORGE F. KENNAN (GIÓCGIƠ KENNƠN): Trưởng Ban Hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao cuối những năm 1940, đã có ý tưởng về chiến lược ngăn chặn để kiềm chế sự bành trướng của Liên Xô. Chiến lược này đã làm cơ sở cho an ninh của phương Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Sau này làm Đại sứ tại Liên Xô (1952) và tại Nam Tư (1961 - 1963).

JOHN F. KENNEDY (GIÔN KENƠĐI): Sinh năm 1917. Là Tổng thống thứ 35 của nước Mỹ từ năm 1961 đến năm 1963. Nắm quyền tối cao đối với chính sách của Mỹ trong thời kỳ hoạt động du kích đang lên mạnh ở Nam Việt Nam và suy tàn của chế độ Diệm. Bị ám sát ngày 22/11/1963, ba tuần sau khi Diệm chết.

ROBERT F. KENNEDY (RÔBỚT KENƠĐI): Sinh năm 1925. Là Chưởng lý (1961-1964) và Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang New York (1965-1968). Cố vấn thân cận nhất của Tổng thống John F. Kennedy. Là người ngày càng phê phán sự dính líu của Mỹ ở Việt Nam. Bị ám sát khi đang chờ đảng Dân chủ đề cử ra tranh cử chức Tổng thống vào tháng 6/1968.

NIKITA S. KHRUSHCHEV (NIKITA KHƠRÚTSÔP): Lãnh tụ Liên Xô từ năm 1958 đến năm 1964. Ủng hộ các cuộc chiến tranh “giải phóng dân tộc” trong thế giới thứ ba. Đối đầu với Mỹ trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba vào tháng 10/1962.

HENRY A. KISSINGER (HENRI KITXINHGIƠ): Giáo sư Trường đại học Harvard, trung gian của Mỹ trong sáng kiến hoà bình Pennsylvania năm 1967. Được Tổng thống Nixon bổ nhiệm làm Cố vấn an ninh quốc gia, với tư cách đó ông đã đàm phán cho Hiệp định Paris năm 1973, chấm dứt sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam. Bộ trưởng Ngoại giao trong chính quyền Nixon và Ford.

ROBERT W. KOMER (RÔBỚT KÔMƠ): Ủy viên Hội đồng An ninh quốc gia (NSC) (1960-1965). Trợ lý đặc biệt của Tổng thống Johnson (1965-1966), Giám đốc Chương trình bình định của Mỹ ở Nam Việt Nam (1967-1968).

ALEXEI KOSYGIN (ALẾCHXÂY KÔSƯGIN): Thủ tướng Liên Xô từ năm 1964 đến năm 1980. Ông đã cùng với Thủ tướng Anh Harold Wilson làm trung gian giữa Mỹ và Bắc Việt Nam vào năm 1967. Đã gặp các quan chức Mỹ tại Glassboro, bang New Jersey vào tháng 6/1967 để thảo luận về việc hạn chế cuộc chạy đua vũ khí chiến lược.

LÝ QUANG DIỆU: Thủ tướng Singapore từ năm 1965 đến năm 1990. Ủng hộ việc Mỹ can thiệp vào Việt Nam, coi đó là cần thiết để ngăn chặn sự bành trướng của cộng sản ở Nam và Đông Á.

CURTIS E. LEMAY (CƠTIS LƠMÂY): Tham mưu trưởng lực lượng Không quân Mỹ (1961-1965 ) và vào năm 1968 đã cùng chạy đua tranh chức Phó Tổng thống với George Wallace. Ủng hộ các cuộc không kích không hạn chế ở Bắc Việt Nam.

LÂM BƯU: Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Có một bài phát biểu quan trọng vào tháng 9/1965 kêu gọi tiến hành chiến tranh du kích ở các nước thế giới thứ ba. Năm 1971 đã chết trong một tai nạn máy bay bí hiểm.

HENRY CABOT LODGE, JR. (HENRI CABỐT LỐT, CON): Cựu thượng nghị sĩ đảng Cộng hoà và ứng cử viên chức Phó Tổng thống. Hai nhiệm kỳ làm Đại sứ của Mỹ ở Nam Việt Nam - lần thứ nhất từ năm 1963 đến năm 1964; lần thứ hai từ năm 1965 đến nam 1967. Đóng vai trò chủ chốt trong việc lật đổ chế độ Diệm.

ROBERT A. LOVETT (RÔBỚT LÔVÉT): Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh phụ trách Không quân trong Chiến tranh thế giới thứ II - kể cả việc chỉ đạo đơn vị của Mcnamara; là Thứ trưởng Ngoại giao (1947-1949); là Bộ trưởng Quốc phòng trong thời kỳ chiến tranh Triều Tiên (1951-1953). Là cố vấn về các vấn đề an ninh quốc gia, kể cả vấn đề Việt Nam cho các Tổng thống Kennedy và Johnson. Là thành viên Nhóm các nhà thông thái từ năm 1965 đến năm 1968.

MAI VĂN BỘ: Quan chức ngoại giao của Bắc Việt Nam tại Paris trong những năm 1960. Là đầu mối tiếp xúc của Hà Nội với Mỹ tại các cuộc gặp thăm dò đàm phán, kể cả những cuộc gặp có sự tham gia của Henry Kissinger vào năm 1967.

MIKE MANSFIELD (MAICƠ MANXPHIN): Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ của bang Montana (1945-1977), lãnh tụ phe đa số tại Thượng nghị viện (1961-1977). Là người đầu tiên ủng hộ Diệm. Sau này chuyển sang chống chiến tranh.

MAO TRẠCH ĐÔNG: Lãnh tụ của Trung Hoa cộng sản từ năm 1949 đến năm 1976. Ủng hộ về chính trị và giúp đỡ về hậu cần cho Bắc Việt Nam trong chiến tranh Việt Nam. Tiến hành cuộc Cách mạng Văn hoá ở Trung Quốc vào những năm 1966-1976.

HERBERT MARCOVICH (HƠBỚT MACÔVÍC): Nhà khoa học Pháp, thành viên nhóm Pugwash, đã cùng với Raymond Aubrac làm trung gian đàm phán với Bắc Việt Nam trong dự án Pennsylvania năm 1967.

JOHN J. MCCLOY (GIÔN MÁCLOY): Trợ lý Bộ trưởng Chiến tranh dưới thời Franklin D. Roosevelt; Chủ tịch Ngân hàng Thế giới và là Công sứ ở vùng lãnh thổ của Đức do Mỹ chiếm đóng dưới thời Truman. Là cố vấn cho L. B. Johnson về Việt Nam trong Nhóm các nhà thông thái.

JOHN A. MCCONE (GIÔN MÁCCÔN): Nhà công nghiệp bang California, quan chức của Ủy ban Năng lượng nguyên tử trong chính quyền Eisenhower và là Giám đốc CIA dưới thời các Tổng thống Kennedy và Johnson từ năm 1961 đến năm 1965.

DAVID L. MCDONALD (ĐAVIT MÁCĐÔNAN): Chỉ huy các chiến dịch hải quân của Mỹ từ năm 1963 đến năm 1967. Tán thành không kích Bắc Việt Nam năm 1964, ủng hộ sự can thiệp của Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ.

JOHN T. MCNAUGHTON (GIÔN MÁCNAUTƠN): Cố vấn chung của Lầu Năm Góc (1962-1964) và là Trợ lý Bộ trườn g Quốc phòng phụ trách an ninh quốc tế (1964-1967). Tham gia vào việc lập chính sách về Việt Nam. Ngày càng trở nên hoài nghi về cuộc chiến.

THOMAS H. MOORER (TÔMÁT MURƠ): Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương từ năm 1964 đến năm 1965 và sau này là chỉ huy các chiến dịch hải quân. Lập chương trình cho các đội tuần tiễu DESOTO ở Vịnh Bắc Bộ.

WAYNE MORSE (OAINƠ MOSƠ): Thượng nghị sĩ bang Oregon từ năm 1943 đến năm l969, đi đầu trong việc chỉ trích sự dính líu của Mỹ vào cuộc chiến tranh Việt Nam ở Quốc hội. Là một trong hai Thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu chống Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ.

BILL MOYERS (BIN MOIƠ): Cộng sự lâu năm về chính trị của Lyndon Johnson, từng là quan chức của đội quân hoà bình trong chính quyền Kennedy và là thư ký báo chí của Tổng thống Johnson từ năm 1965 đến năm 1966.

NGÔ ĐÌNH DIỆM: Người đứng đầu chính phủ Nam Việt Nam từ năm 1954 đến năm 1963. Bị lật đổ và ám sát trong cuộc đảo chính tháng 11/1963, dẫn tới một thời kỳ dài bất ổn định chính trị ở Nam Việt Nam.

NGÔ ĐÌNH NIIU: Em trai Ngô Đình Diệm và là người đứng đầu lực lượng an ninh của Nam Việt Nam. Việc đàn áp Phật tử của ông ta đã châm ngòi nổ cho cuộc đảo chính tháng 11/1963 và ông ta cũng bị giết trong cuộc đảo chính này.

NGUYỄN CAO KỲ: Sinh năm 1930. Tư lệnh Không lực (1964-1965), Thủ tướng (1965-1967), Phó Tổng thống (1967-1971) của Chính phủ Nam Việt Nam. Một trong những sĩ quan trẻ - “những con ngựa non”, đã lên nắm quyền sau khi Diệm chết.

NGUYỄN KHÁNH: Sinh năm 1927. Là một nhân vật cao cấp trong cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Đứng đầu chính phủ Nam Việt Nam từ năm 1964 đến năm 1965. Lúc đầu phản đối, nhưng sau lại ủng hộ hành động quân sự của Mỹ chống Bắc Việt Nam.

NGUYỄN VĂN THIỆU: Sinh năm 1929. Là một viên tướng, đến năm 1965 trở thành người đứng đầu Chính phủ Nam Việt Nam. Lên nắm quyền sau cuộc đảo chính lật đổ Diệm. Giữ chức Tổng thống cho đến khi Nam Việt Nam sụp đổ vào mùa xuân năm 1975.

BÀ NHU: Vợ Ngô Đình Nhu. Những lời phát biểu đầy tính kích động của bà ta vào mùa hè và mùa thu năm 1963 đã làm cho các Phật tử ở Nam Việt Nam tức giận và làm cho Mỹ xa lánh chế độ Diệm.

PAUL H. NITZE (PÔN NÍTDƠ): Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng (1961-1963), Bộ trưởng Hải quân (1963-1967), Thứ trưởng Quốc phòng (1967-1969). Ủng hộ việc leo thang quân sự của Mỹ vào năm 1965; sau này bắt đầu chất vấn tính thực tế của chiến lược Mỹ dính líu vào Việt Nam.

FREDERICK E. NOLTING, JR (PHRÊĐƠRÍC NÔNTING, CON): Quan chức ngoại giao chuyên nghiệp, đã từng làm Đại sứ Mỹ tại Nam Việt Nam từ năm 1961 đến năm 1963. Phản đối việc lật đổ chế độ Diệm.

BRUCE B. PALMER, JR. (BRUSƠ PANMƠ, CON): Phó Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở Việt Nam (1967), Phó Tham mưu trưởng quân đội Mỹ (1968-1973). Sau này chỉ trích chiến lược tiêu hao được thực hiện ở Việt Nam.

PHẠM VĂN ĐỒNG: Cùng với ông Hồ Chí Minh sáng lập ra phong trào Việt Minh và là Thủ tướng của Bắc Việt Nam từ năm 1950 đến năm 1986. Ông là người phát ngôn ngoại giao thường xuyên của Hà Nội trong chiến tranh Việt Nam.

STANLEY RESOR (STANLI RÊSO): Bộ trưởng Lục quân từ năm 1964 đến năm 1969.

WALT W. ROSTOW (OANTƠ RÔSTÔV): Ủy viên Hội đồng An ninh quốc gia (1961), Giám đốc cơ quan hoạch định chính sách của Bộ Ngoại giao (1961-1966), và là Cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống Johnson (1966-1969). Chủ trương có hành động quân sự mạnh mẽ chống lại Bắc Việt Nam.

DEAN RUSK (ĐIN RAXCƠ): Bộ trưởng Ngoại giao trong các chính quyền Kennedy và Johnson từ năm 1961 đến năm 1969. Luôn ủng hộ việc Mỹ can thiệp mạnh vào Việt Nam, tin rằng phải ngăn chặn sự xâm nhập của cộng sản.

RICHARD B. RUSSELL, JR. (RISÁC RASEN, CON): Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Georgia từ năm 1933 đến năm 1971 và là Chủ tịch Ủy ban quân lực của Thượng nghị viện trong những năm 1950 và 1960. Là một iếng nói có thế lực và ảnh hưởng trong các vấn đề quân sự. Chất vấn về sự sáng suốt của việc Mỹ can thiệp quân sự vào Việt Nam, nhưng lại ủng hộ cuộc chiến tranh khi mà cam kết đã được thực hiện.

U.S. GRANT SHARP, JR. (GRĂNG SÁP, CON): Tổng tư lệnh vùng Thái Bình Dương từ năm 1964 đến năm 1968. Phụ trách các chiến dịch không quân của Mỹ trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Luôn thúc ép tăng cường ném bom Bắc Việt Nam.

DAVID M. SHOUP (ĐAVID SÚP): Được thưởng Huân chương Danh dự trong Chiến tranh thế giới thứ II và là sĩ quan chỉ huy Lực lượng lính thủy đánh bộ Mỹ từ năm 1959 đến năm 1963. Sau khi nghỉ hưu trở thành người chỉ trích cuộc chiến tranh Việt Nam.

JOHN C. STENNIS (GIÔN STENNÍT): Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ bang Mississippi và là ủy viên có ảnh hưởng của Ủy ban quân dịch của Thượng nghị viện trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Là người chỉ trích theo đường lối cứng rắn đối với việc hạn chế hoạt động quân sự của Mỹ ở Việt Nam trong thời kỳ chính quyền Johnson.

ADLAI E. STEVENSON III (AĐƠLAI STIVENSƠN III): Ứng cử viên chức Tổng thống của đảng Dân chủ năm 1952 và năm 1956. Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc từ năm 1961 đến năm 1965. Tán thành các cuộc đàm phán với Bắc Việt Nam ngay trước khi bị chết năm 1965.

SUKARNO (XUCÁCNÔ): Nhà lãnh đạo Inđônêxia từ năm 1949 đến năm 1965. Xu hướng đi theo quỹ đạo của Trung Quốc của ông đã khuấy động một cuộc đảo chính quân sự vào mùa thu năm 1965, trong cuộc đảo chính này ông đã bị lật đổ.

MAXWELL D. TAYLOR (MACXOEN TAYLO): Cố vấn quân sự đặc biệt của Tổng thống Kennedy (1961-1962), Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (1962-1964), Đại sứ Mỹ ở Nam Việt Nam (1964-1965), Cố vấn đặc biệt của Tổng thống Johnson về Việt Nam (1965-1968).

U THANT (U THAN): Nhà ngoại giao Mianma và là Tổng Thư ký Liên hợp quốc từ năm 1961 đến năm 1971. Thúc đẩy một giải pháp thông qua thương lượng cho cuộc xung đột ở Việt Nam và đôi khi đóng vai trò môi giới cho một giải pháp như vậy.

LLEWELLYN THOMPSON (LƠOENLIN TÔMSƠN): Đại sứ chuyên nghiệp và là chuyên gia hàng đầu về Liên Xô trong những năm 1960. Đã cố vấn cho các chính quyền Kennedy và Johnson về mục đích và thái độ của Liên Xô trong cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba và trong cuộc chiến tranh Việt Nam.

ROBERT THOMPSON (RÔBỚT TÔMSƠN): Sĩ quan quân sự Anh, sau khi trực tiếp chỉ đạo những nỗ lực chống nổi loạn ở Malaixia trong những năm 1950, đã làm cố vấn cho Chính phủ Mỹ và Bộ Chỉ huy quân sự Mỹ ở Việt Nam từ năm 1961.

CHARLES B. “TEX” THORNTON (SÁCLƠ “TEX” THÔNTƠN): Chủ nhiệm chương trình kiểm soát số liệu của lực lượng không quân trong thời Chiến tranh thế giới thứ II và là người tổ chức nhóm những người thành đạt nhanh. Đã đàm phán với Công ty ôtô Ford về việc thuê họ làm việc vào tháng 11/1945.

STROM THURMOND (STƠRÔM THƠMÔNG): Thượng nghị sĩ (sau là Nghị sĩ thuộc đảng Cộng hoà) của bang Nam Carolina từ năm 1954. Là người lớn tiếng chỉ trích chính sách của Chính quyền Johnson ở Việt Nam của cánh hữu. Ủng hộ việc sử dụng không hạn chế sức mạnh quân sự của Mỹ.

CYRUS R. VANCE (XIRÚT VANXƠ): Cố vấn chung của Lầu Năm Góc (1961-1962), Bộ trưởng Lục quân (1962-1964), Thứ trưởng Quốc phòng (1964-1967), nhà thương thuyết hoà bình ở Paris (1968). Sau này là Ngoại trưởng trong Chính quyền Carter.

VÕ NGUYÊN GIÁP: Tư lệnh lực lượng Việt Minh trong cuộc chiến tranh chống Pháp và là Bộ trưởng Quốc phòng của Bắc Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Chính quyền Nam Việt Nam và Mỹ. Chú trọng khía cạnh chính trị và ngoại giao của chiến tranh du kích.

PAUL C. WARNKE (PÔN OANKƠ): Luật sư ở Washington, vào Bộ Quốc phòng năm 1966 làm cố vấn chung và là Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách an ninh quốc tế từ năm 1967 đến năm 1969.

WILLIAM C. WESTMORELAND (UYLIAM OETMÔLEN): Tư lệnh thuộc Bộ chỉ huy cố vấn quân sự Mỹ ở Việt Nam (1964-1968) và là Tham mưu trưởng quân đội Mỹ (1968-1972). Chủ trương tiến hành chiến tranh bằng các lực lượng bộ binh Mỹ trong thời kỳ đầu của cuộc chiến tranh Việt Nam. Theo đuổi chiến lược tiêu hao thông qua các chiến dịch “tìm và diệt”.

EARLE G. “BUS” WHEELER (IALƠ “BUÝT” UYLƠ): Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân từ năm 1964 đến năm 1970. Là nhân vật quân sự quan trọng ở Washington theo dõi cuộc chiến tranh Việt Nam.

HAROLD WILSON (HARÔN UYNSƠN): Thủ tướng Anh từ năm 1964 đến năm 1970 (thuộc Công Đảng), đã cùng với Thủ tướng Liên Xô Alexei Kosygin làm trung gian trong một sáng kiến thương lượng không thành giữa Mỹ và Bắc Việt Nam vào đầu năm 1967.

EUGENE ZUCKERT (ƠGIEN GIẮCƠ): Bộ trưởng Không quân từ năm 1961 đến năm 1965.

THƯ MỤC CÁC TÁC PHẨM XUẤT BẢN ĐƯỢC CHỌN


Renata Adler. Sự coi thường mạo hiểm: Westmoreland chống lại CBS và Sharon chống lại Time. New York: Knopf, 1986.

George W. Ball. Quá khứ có một cấu trúc khác: Hồi ký. New York: Norton, 1982.

Larry Berman. Cuộc chiến tranh của Lyndon Johnson: Con đường đến bế tắc ở Việt Nam. New York: Norton, 1989.

Larry Berman. Lập kế hoạch cho một bi kịch: Mỹ hoá cuộc chiến tranh ở Việt Nam. New York: Norton, 1982.

Michael R. Beschloss. Những năm khủng hoảng: Kennedy và Khrushchev, 1960-1963. New York: Harper Collins, 1991.

Bob Brewin và Sydney Shaw. Việt Nam trong thử thách. New York: Atheneum, 1987.

Joseph A. Califano, Jr. Chiến thắng và Bi kịch của Lyndon Johnson: Những năm ở Nhà Trắng. New York: Simon & Schuster, 1991.

Michael Charlton và Anthony Moncrieff. Nhiều nguyên nhân tại sao: Mỹ lại dính líu vào Việt Nam. New York: Hill & Wang, 1978.

Jeffrey J. Clarke. Quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, tập 3, Lời khuyên và sự ủng hộ: Những năm cuối, 1965-1973. Washington: Trung tâm lịch sử quân sự của Quân đội Hoa Kỳ, 1988.

Clark Clifford cùng với Richard Holbrooke. Cố vấn cho Tổng thống: Hồi ký. New York: Random House, 1991.

Mark Clodfelter. Những hạn chế của Không lực: Mỹ ném bom miền Bắc Việt Nam. New York: Free Press, 1989.

Chester L. Cooper. Cuộc thập tự chinh thất bại: Hoa Kỳ ở Việt Nam. New York: Dodd, Mead, 1970.

Alain C. Enthoven và K. Wayne Smith. Bao nhiêu thì đủ? Hình thành chương trình Phòng thủ, 1961-1969. New York: Harper & Row, 1971.

Leslie H. Gelb cùng Richard K. Betts. Sự mỉa mai của Việt Nam: Hệ thống đã hoạt động. Washington: Brookings Institution, 1979.

Wiliiam Conrad Gibbons. Chính phủ Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam: Vai trò và mối quan hệ hành pháp và lập pháp, phần 2, 1961-1964. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1985.

William Conrad Gibbons. Chính phủ Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam: Vai trò và mối quan hệ hành pháp và lập pháp, phần 3, tháng 1-7/1965. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1988.

William Conrad Gibbons. Chính phủ Mỹ và cuộc chiến tranh Việt Nam: Vai trò và mối quan hệ hành pháp và lập pháp, phần 4, tháng Bảy 1965- tháng Giêng 1968. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1994.

Ted Gittinger. Những năm tháng của Johnson: Một cuộc họp bàn tròn về Việt Nam. Austin: Thư viện Lyndon Baines Johnson, 1993.

Phin G. Goulding. Khẳng định hay phủ nhận: Thông báo cho nhân dân về An ninh Quốc gia. New York: Harper & Row, 1970.

Henry F. Graff. Nội các ngày thứ Ba: Cân nhắc và quyết định về hoà bình và chiến tranh dưới sự điều khiển của Lyndon B. Johnson. Englewood Cliffs: Prentice Hall, 1970.

David Halberstam. Những người giỏi nhất và những người thông minh nhất. New York: Random House, 1972.

David Halberstam. Sự hình thành của bãi lầy. New York Random House, 1965.

Ellen J. Hammer. Cái chết tháng 11: Hoa Kỳ ở Việt Nam, 1963. New York: Dutton, 1987.

William M. Hammond. Quân đội Hoa Kỳ ở Việt Nam, những công việc chung: Quân đội và các phương tiện thông tin, 1962-1968. Washington: Trung tâm lịch sử quân sự của Quân đội Hoa Kỳ, 1988.

George C. Herring. Cuộc chiến tranh dài nhất của Hoa Kỳ: Hoa Kỳ và Việt Nam, 1950-1975, tái bản lần thứ hai. New York: Knopf, 1986.

George C Herring. LBJ và Việt Nam: Một kiểu chiến tranh khác. Austin: Nhà in Trường Đại học Texas, 1994.

George C. Herring. Ngoại giao thầm lặng của cuộc chiến tranh Việt Nam: Những tài liệu đàm phán của Lầu Năm Góc. Austin: Nhà in Trường Đại học Texas, 1983.

Roger Hilsman. Làm suy chuyển một quốc gia: Chính trị của chính sách đối ngoại trong Chính quyền John F. Kennedy. Garden City: Doubleday, 1967.

Townsend Hoopes. Những hạn chế của việc can thiệp: Một tài liệu nội bộ về chính sách leo thang của Johnson đã được thay đổi như thế nào. New York: McKay, 1969.

Walter Isaacson. Kissinger: Tiểu sử. New York: Simon & Schuster, 1992.

Lyndon Baines Johnson. Ưu thế: Những triển vọng của chức Tổng thống, 1963-1969. New York: Holt, Rinchart và Winston, 1971.

Stanley Karnow. Việt Nam: Một lịch sử. Tái bản lần thứ hai. New York: Viking, 1991.

William W. Kaufmann. Chiến lược McNamara. New York: Harper & Row, 1964.

Doris Kearns. Lyndon Johnson và giấc mơ Mỹ. New York: Harper & Row, 1976.

Henry Kissinger. Ngoại giao. New York: Simon & Schuster, 1994.

Don Kowet. Một vấn đề của danh dự. New York: Macmillan, 1984.

David Kraslow và Stuart H. Loory. Bí mật tìm kiếm hoà bình ở Việt Nam. New York: Random House, 1968.

Andrew F. Krepinevich, Jr. Quân đội và Việt Nam. Baltimore: Nhà in của Trường Đại học Johns Hopkins, 1986.

Anthony Lake. Di sản của Việt Nam. New York: Nhà in của Trường Đại học New York, 1976.

Guenter Lewy. Người Mỹ ở Việt Nam. New York: Nhà in của Trường Đại học Oxford, 1978.

Raphael Littauer và Norman Uphoff. Cuộc không chiến ở Đông Dương, tái bản có sửa đổi. Boston: Nhà in Beacon, 1972.

Edward J. Marolda và Oscar P. Fitzgerald. Hải quân Hoa Kỳ và cuộc xung đột Việt Nam, tập 2, Từ viện trợ quân sự đến tham chiến, 1959-1965. Washington: Trung tâm Lịch sử Hải quân, 1986.

Bill McCloud. Chúng ta nên kể gì về Việt Nam cho con em chúng ta? Norman: Nhà in Trường Đại học Oklahoma, 1989.

Robert S. McNamara. Bản chất của an ninh: Những suy nghĩ khi đương chức. New York: Harper & Row, 1968.

William M. Momyer. Không lực trong ba cuộc chiến tranh. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1978.

Janne E. Nolan. Sự tham gia toàn cầu: Hợp tác và An ninh trong thế kỷ XXI, Washington: Brookings Institution, 1994.

Frederick Nolting. Từ niềm tin đến bi kịch: Những hồi ức chính trị của Frederick Nolting, Đại sứ của Kennedy tại Việt Nam thời kỳ Diệm. New York: Praeger, 1988..

Bruce Palmer, Jr.. Cuộc chiến 25 năm: Vai trò quân sự của Mỹ ở Việt Nam. Lexington: Nhà in của Trường Đại học Kentucky,1984.

Các ghi chép của Lầu Năm Góc: Lịch sử của những quyệt định về Việt Nam của Bộ Quốc phòng Mỹ, Thượng nghị sĩ Gravel, các tập tái bản lần thứ 5. Boston: Nhà in Beacon, 1971.

Mark Perry. Bốn ngôi sao. Boston: Houghton Mifflin, 1989.

Richard M. Pfeffer. Liệu còn có những Việt Nam nữa chăng?: Cuộc chiến tranh và tương lai chính sách của Hoa Kỳ. New York: Harper & Row, 1968.

Richard Reeves. Tổng thống Kennedy: Hồ sơ quyền lực. New York: Simon & Schuster, 1993.

James Reston. Hạn cuối cùng: Hồi ký. New York: Random House, 1991.

W. W. Rostow. Khuếch trương quyền lực: Một cố gắng trong lịch sử gần đây. New York; Macmillan, 1972.

Dean Rusk tự sự cùng Richard Rusk. Như tôi đã thấy. New York. Norton, 1990.

William J. Rust. Kennedy ở Việt Nam. New York: Scribner, 1985.

Herbert Y. Schandler. Những điều chưa làm được của một Tổng thống: Lyndon Johnson và Việt Nam. Princetown: Nhà in của Trường Đại học Princetown, 1977.

Arthur M. Schlesinger, Jr. Robert Kennedy và Thời đại mình. Boston: Houghton Mifflin, 1978.

Arthur M. Schlesinger, Jr. Một ngàn ngày: John F. Kennedy ở Nhà Trắng. Boston: Houghton Mifflin, 1965.
John Schlight. Không lực Hoa Kỳ ở Đông Nam Á, cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam: Những năm tấn công, 1965-1968
. Washington: Phòng Lịch sử Không quân, 1988.

Robert Shaplen. Cuộc cách mạng thất bại: Nước Mỹ ở Việt Nam. New York: Harper & Row, 1965.

Deborah Shapley. Lời hứa và Sức mạnh: Cuộc đời và những giây phút của McNamara. Boston: Little, Brown, 1993.

U. S. Grant Sharp. Chiến lược của thất bại: Việt Nam nhìn lại. Novato: Nhà in Presidio, 1978.

U. S. Grant Sharp và W. C. Westmoreland. Báo cáo về chiến tranh ở Việt Nam, 1964-1968. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1968.

Neil Sheehan. Lời nói dối bóng bẩy: John Paul Vann và Hoa Kỳ ở Việt Nam. New York: Random House, 1988.

Jack Shulimson. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Việt Nam: Một cuộc chiến tranh mở rộng, 1966. Washington: Phân ban Bảo tàng và lịch sử quân đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, 1982.

Jack Shulimson và Charles M. Johnson. Lính thuỷ đánh bộ Mỹ ở Việt Nam: Đổ bộ và Xây dựng lực lượng, 1965. Washington: Phân ban Bảo tàng và lịch sử quân đoàn lính thuỷ đánh bộ Mỹ, 1978.

Theodore C. Sorensen. Kennedy, New York: Harper & Row, 1965.

Maxwell D. Taylor. Những thanh gươm và những lưỡi cày, New York: Norton, 1972.

Henry L. Trewhitt. McNamara. New York: Harper & Row, 1971.

Sanford J. Ungar. Báo chí và văn bản: Về trận chiến luật pháp và chính trị xung quanh những văn bản của Lầu Năm Góc. New York: Dutton, 1972.

Uỷ ban quân dịch của Thượng nghị viện Quốc hội Hoa Kỳ. Không kích vào miền Bắc Việt Nam: Các cuộc điều trần trước Tiểu ban Điều tra việc sẵn sàng chiến đấu, 9-29 tháng 8, 1967. Quốc hội thứ 90, kỳ họp thứ nhất, 1967. Nhà in của Uỷ ban.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ, 1961-1963, tập 1, Việt Nam, 1961. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1988.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ, 1961-1963, tập 2, Việt Nam, 1962. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1990.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ, 1961-1963, tập 3, Việt Nam, 1-8/1963. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1991.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ, 1961-1963, tập 4, Việt Nam, 8-12/1963. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1991.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ. Quan hệ ngoại giao của Hoa Kỳ, 1964-1968, tập 1, Việt Nam, 1964. Washington: Nhà in của Chính phủ Mỹ, 1992.

Brian VanDeMark. Đi vào bế tắc: Lyndon Johnson và việc leo thang chiến tranh ở Việt Nam. New York: Nhà in Trường Đại học Oxford, 1991.

Các cuộc điều trần về Việt Nam. Do J. William Fulbright giới thiệu. New York: Vintage Books, 1966.

William C. Westmoreland. Ghi chép của một người lính. Garden City: Doubleday, 1976.

LỜI CẢM ƠN


Tôi biết ơn sâu sắc nhiều người và nhiều cơ quan về sự giúp đỡ của họ trong việc hoàn thành cuốn sách này. Nhưng Brian VanDeMark là người tôi mang ơn nhiều hơn cả.


Trong suốt bảy năm làm Bộ trưởng Quốc phòng, tôi không viết nhật ký và khi rời Lầu Năm Góc, tôi chỉ mang theo người một cặp bìa ba đai đựng các thư báo tối mật của tôi trình lên Tổng thống Kennedy và Johnson. Lẽ ra tôi đã không nhận viết cuốn sách này nếu như Brian, một giáo sư sử học trẻ của Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis, tác giả cuốn Lún vào bãi lầy viết về Việt Nam, và là người hỗ trợ cho Richard Holdbrooke trong việc viết cuốn tự sự của Clark Clifford, không đề nghị sẽ giúp tôi. Trước hết, nhiệm vụ của anh là bảo đảm rằng tôi giữ trung thành với các ghi chép và băng ghi âm hiện có, nếu có thể được, và nếu có điều gì trái ngược với trí nhớ của tôi thì đã có những ghi chép đó. Và anh ta thực hiện nhiệm vụ hoàn thiện tác phẩm.

Nhưng anh còn làm được hơn thế nhiều. Chúng tôi đã bắt đầu bằng việc chia thời gian bảy năm liên quan tới Việt Nam của tôi thành các giai đoạn. Với mỗi một giai đoạn, anh ta lại tìm kiếm và trích những tài liệu từ các thư viện của các Tổng thống Kennedy và Johnson, các hồ sơ lưu trữ của Bộ Quốc phòng, Cơ quan Lưu trữ quốc gia và cả các nguồn công khai khác. Ngoài ra, còn có tư liệu từ các cuộc phỏng vấn riêng, các nhân chứng sống, thư trả lời các câu hỏi được viết sẵn, các bài báo và sách đã được xuất bản. Từ tất cả những nguồn đó, Brian đã cung cấp cho tôi một bộ “hồ sơ”, đúng ra là hàng trăm tài liệu ở mỗi một giai đoạn. Dựa trên những tài liệu này, tôi viết bản thảo đầu tiên cho mỗi chương. Sau đó Brian soát lại bài viết của tôi để kiểm tra lại độ chính xác về lịch sử. Trong quá trình này, anh đã làm bài viết cân đối và rõ ràng. Đúng ra mà nói, tôi đã không thể viết nổi cuốn sách này nếu không có sự cộng tác của anh.

Nhiều người khác cũng đã rộng lòng giúp đỡ tôi trong việc chuẩn bị viết cuốn sách.

Tôi cảm ơn những người đã chia sẻ các bài viết của họ với tôi, cụ thể là Raymond Aubrac, McGeorge Bundy, William Bundy, Roswell Gilpatric, Nicholas Katzenbach, Phó Đô đốc Eugene Caroll và Đô đốc Hải quân Mỹ đã về hưu R. LaRocque, Paul Warnke và Adam Yarmolinsky.

Có những người đã giúp tôi rất nhiều trong việc đọc bản thảo một cách kỹ lưỡng và có phân tích, dẫu là toàn bộ hay một phần tác phẩm, như: McGeorge Bundy, William Bundy, Douglas Cater, Chester Cooper, Ben Eisman, Clayton Fritchey, Ginsburg Marion và Vernon Goodin, Phil Goulding, David Humburg, Nicholas Katzenbach, Ernest May, Blanche Moore, Rechard Neustadt, Robert Pastor, Walter Pincus, Trung tướng không quân về hưu Robert Pursley, Elliot Richardson, Thomas Schelling, Arthur Schlesinger (Jr.), Paul Warnke, Thomas Winship, và Adam Yarmolinsky. Tôi đã không chấp nhận tất cả những lời gợi ý của họ, một số người đã đưa ra những quan điểm khác hoặc không đồng tình với lời nhận xét của tôi, dẫu sao tôi vẫn ghi nhận (và đánh giá cao) từng người trong số họ.

Còn có nhiều người đã giúp tôi theo những cách khác nhau.

William Gibbons và George Herring, hai học giả về Việt Nam nổi tiếng, đã sẵn lòng cho tôi tham khảo bản thảo của các chuyên khảo của họ trước khi cho xuất bản. Nicole Ball đã nghiên cứu số người bị chết bởi các cuộc chiến tranh ở thế kỷ XX. Martin Kaplan đã tạo thuận lợi cho việc trao đổi thư từ của tôi với Raymond Aubrac. Blanche Moore đã giúp tôi về các bản dịch và tranh ảnh. Còn John Newman thì giúp tôi về tất cả các tài liệu tình báo.

Sở dĩ tôi đã chọn Random trong số bốn nhà xuất bản để in cuốn sách này là vì Peter Osnos, Giám đốc Phân ban Times Book của nhà xuất bản. Peter là một biên tập viên tuyệt vời, uyên bác và đã tham gia vào việc viết sách cùng với tôi ngay từ đầu. Anh ta đã khuyến khích tôi vào những lúc thích hợp và động viên tôi vào những lúc tưởng chừng như tôi sắp sửa bỏ cuộc. Anh ta và cộng tác viên biên tập của mình là Geoffrey Shandler đã làm rất nhiều việc để hoàn thiện dàn bài và mạch chuyện. Những nhân viên khác của Nhà xuất bản Random, những người đã giúp xuất bản cuốn sách này như biên tập viên sửa bản in Susan M.S. Brown, nhà thiết kế trình bày Naomi Osnos, bộ phận in ấn và quảng cáo cho cuốn sách, tất cả đã làm việc nhiệt tình và có hiệu quả.

Tôi luôn dựa vào nhận xét và lời khuyên quý báu của Sterling Lord, người giúp tôi về mặt văn học. Lord đã nhiệt tình giúp phát triển dự án này từ chỗ trứng nước tới khi hoàn thành.

Nỗ lực của tôi đã được Bộ Quốc phòng giúp đỡ và tạo nhiều điều kiện: Mfred Goldberg, nhà sử học của Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng và các cộng sự của mình là Stuart Rochester, Lawrence Kaplan, Ronald Landa và Steven Rearden đã đọc bản thảo để vừa soát lỗi vừa đặt câu hỏi cho những chỗ khó hiểu. Họ đã đưa ra nhiều gợi ý hữu ích. Giám đốc hành chính và Quản trị lâu đời của Lầu Năm Góc, “Doc” Cooke, đã khẩn trương giúp đỡ các yêu cầu của tôi về tư liệu. Harold Neeley, phụ trách ghi âm tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng cùng với Brian Kinney và Sandra Meagher thuộc Ban loại bỏ tài liệu khỏi danh sách bí mật quốc gia và nghiên cứu lịch sử đã đưa ra một loạt các tài liệu hữu ích khác nhau. Ban Lịch sử của Bộ Tham mưu liên quân cũng đã xử lý các bức thư được phân loại một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Mặc dù bận rộn, nhưng bốn quan chức trong Chính phủ đã dành thời gian để tiến hành tìm kiếm những hồ sơ thuộc quyền hạn của họ trong các báo cáo của tôi tại Lầu Năm Góc và trong các Kho lưu trữ quốc gia, đó là cựu Bộ trưởng Quốc phòng Les Aspin; Ngoại trưởng Warren Christopher; Cố vấn An ninh quốc gia Anthony Lake; và Cựu Giám dốc CIA Woolsey. Tôi cảm ơn tất cả những người đó.

Lần đầu tiên, những hồ sơ trước kia bị hạn chế hoặc không được phép đưa ra, nay được sử dụng tại đây, đã tỏ ra có giá trị đặc biệt trong công việc chuẩn bị cho cuốn sách của tôi. Đó là hồ sơ về “Lịch sử Bộ Tham mưu liên quân và cuộc chiến tranh Việt Nam” của Bộ Tham mưu liên quân đã được công khai hoá; những cuốn băng ghi âm các bài phát biểu của Tổng thống Kennedy trong các cuộc họp về Việt Nam tại Nhà Trắng vào mùa thu năm 1963; băng ghi các cuộc nói chuyện bằng điện thoại của Tổng thống Johnson trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến năm 1968. Tôi xin cảm ơn Tướng John Shalikashvili, Burke Marshall và Harry Middleton vì đã thu xếp cho tôi được nghe các cuốn băng quan trọng đó.

Nhiều cơ quan khác đã sẵn lòng giúp đỡ đúng lúc và vô cùng cần thiết, và tôi mong muốn được ghi nhận những đóng góp của họ ở đây: Thư viện John Fitzgerald Kennedy, Boston, Massachusetts: Charles Daly, Bradley Gerratt, Suzanne Forber, Mary Boluch, Stuart Culy, Allan Goodrich, William Johnson, June Payne, Maura Porter, và Ron Whealan; thư viện Lyndon Baines Johnson, Austin, Texas: Harry Middleton, Regina Greenwell, John Wilson, Claudia Anderson, Jacquie Demsky, Jeremy Duval, Ted Gittinger, Linda Hanson, Tina Houston, Mary Knill, Irene Parra, Philip Scott và Jennifer Warner; Phòng Lịch sử Bộ Ngoại giao: William Zlany, David Hamphrey, và Glann LaFantasie; trung tâm Lịch sử Quân sự: Vincent Demma; Phòng Lịch sử Không quân: Wayne Thompson; Phòng Quản lý và Thông tin của Ủy ban An ninh quốc gia: Nancy Menan và David Van Tassel; Văn phòng Kho Lưu trữ quốc gia của các Thư viện Tổng thống: John Fawcett và Edie Price.

Cô Jeane Moore, cô thư ký không hề có một lời phàn nàn của tôi đã làm việc trong suốt bao nhiêu đêm và bao nhiêu kỳ nghỉ cuối tuần với một số lượng bản thảo và những lần sửa đổi nhiều không sao đếm xuể để ra được sản phẩm cuối cùng này.

HẾT

1 nhận xét:

Angelika nói...

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple@gmail.com)