Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2013

Vụ án Thái Sư Lê Văn Thịnh hóa rồng

Sau các cuộc hội thảo làm sáng tỏ oan trái của Thái sư Lê Văn Thịnh, năm 2009, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chọn đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh là một trong 4 di tích trọng điểm của tỉnh để tu bổ, tôn tạo chào mừng Đại lễ 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Trước quá trình tôn tạo, một cuộc khai quật nhỏ đã diễn ra. Các nhà khảo cổ phát hiện thêm 2 bộ phận nữa của tượng rồng đá. Một bộ phận là bàn chân rồng nguyên vẹn với móng vuốt sắc nhọn. Các nhà khoa học xác định hai bộ phận này có chất liệu và phong cách tạo tác phù hợp với pho tượng rồng cắn thân trong miếu Xà Thần từ thời Lý. Tuy nhiên, hai bộ phận này chưa khớp với phần thân đứt hai bên pho tượng.
Đền thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.
Có một số luồng ý kiến phân tích ý tưởng nghệ thuật của pho tượng này. Có ý kiến cho rằng, pho tượng biểu thị sự hối hận của vua Lý Nhân Tông. Tượng rồng có đôi tai, thì một bên lành, một bên bị bịt kín. Điều này biểu thị việc vua Lý nghe lời xiểm nịnh của gian thần.

Việc rồng tự cắn thân, xé mình thể hiện cho việc đau lòng khi gây ra nỗi oan trái của Lý Nhân Tông với người thầy của mình là Lê Văn Thịnh. Rồng tượng trưng cho vua, nên lý giải này không phải không có lý.

Luồng ý kiến khác cho rằng pho tượng chỉ là một lá bùa để cầu mưa thuận gió hòa, giống như tượng rồng đặt dưới giếng ở chùa Phật Tích mà thôi.

Nhưng phần lớn ý kiến vẫn tin rằng, pho tượng đặc biệt, vừa giống rồng, lại vừa giống rắn này là biểu thị cho nỗi oan trái của Thái sư Lê Văn Thịnh, bị triều đình ghép tội “hóa hổ giết vua”.

“Vụ án hồ Dâm Đàm” là một vụ án nổi tiếng trong lịch sử nước nhà, được chính sử ghi chép tỉ mỉ, chi tiết.

Chuyện rằng, Lê Văn Thịnh thông minh uyên bác, đỗ thủ khoa của khoa thi Minh kinh bác học thời Lý (1075), là khoa thi đầu tiên khi đó của nước nhà, cũng là khoa thi đầu tiên của Văn miếu Quốc Tử Giám ở Thăng Long. Vì đỗ thủ khoa, nên ông được coi là vị “trạng nguyên” đầu tiên của Việt Nam, còn danh hiệu trạng nguyên thực sự thì đến đời Trần Thái Tông (1246) mới có.
Bài vị trên bàn thờ Thái sư Lê Văn Thịnh.
“Trạng nguyên” Lê Văn Thịnh được vời vào dạy học cho vua, sau giữ chức Thị lang bộ binh, rồi lên tới chức Thái sư, tột đỉnh vinh quang trong triều.

Thế nhưng, vào đúng lúc đỉnh cao sự nghiệp, thì ông bị vu tội “hóa hổ giết vua”, vào năm 1096. Vì ông có tư tưởng đổi mới, liêm chính, nên bị lắm kẻ xiểm nịnh, tìm cách hãm hại, song cũng lắm người ủng hộ, bảo vệ ông.

Truyền thuyết người dân trong làng kể rằng, trong buổi luận tội Lê Văn Thịnh, các quan thù ghét đều đưa ra quan điểm chặt đầu ông. Tội giết vua phải chu di cửu tộc, xưa nay vẫn thế. Một vị quan văn hỏi: “Tội giết vua thì chu di cửu tộc, nhưng tội giết thầy thì xử thế nào?”. Vua Lý Nhân Tông, là học trò của Lê Văn Thịnh, nghe thế thì miễn tội chết, cho đi đày ở Thao Giang, vùng đất thuộc Phú Thọ ngày nay.
Xé thân mình.
Đại Việt sử ký toàn thư chép về vụ án “hóa hổ giết vua”, có đoạn như sau: “Bấy giờ vua ra hồ Dâm Đàm, ngự trên thuyền nhỏ xem đánh cá. Chợt có mây mù nổi lên, trong đám mù nghe có tiếng thuyền bơi đến, tiếng mái chèo rào rào, vua lấy giáo ném. Chốc lát mây mù tan, thấy trong thuyền có con hổ, mọi người sợ tái mặt, nói: “Việc nguy rồi!”.

Người đánh cá là Mục Thận quăng lưới trùm lên con hổ, thì ra là Thái sư Lê Văn Thịnh. Vua nghĩ Thịnh là đại thần có công giúp đỡ, không nỡ giết, đày lên trại đầu Thao Giang. Trước đấy Lê Văn Thịnh có gia nô người nước Đại Lý (vùng Vân Nam, Trung Quốc) có phép thuật kỳ lạ, cho nên mượn thuật ấy toan làm chuyện thí nghịch”.


Đấy là chính sử chép thế, nhưng trong làng Bảo Tháp, các cụ xưa đã truyền khẩu một câu chuyện như sau: Thái sư Lê Văn Thịnh được cử sang Trung Quốc học tập, tiếp thu tinh hoa nước bạn. Ông được một thầy giỏi đào tạo. Khi về nước, thầy nhìn trò bảo: “Con là học trò xuất sắc nhưng khi về nước con sẽ gặp họa”.

Nói rồi, ông tặng trò Thịnh chiếc áo kỳ lạ để phòng thân. Mỗi khi mặc chiếc áo đó vào, trông ông dữ tợn như hổ, không ai dám bắt nạt, cướp nhìn thấy chạy xa.

Chính vì ông có chiếc áo kỳ lạ đó, lại có nhiều kẻ nịnh thần trong triều oán ghét, nên mới bịa ra chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh hóa hổ giết vua, gây nên sự hàm oan lớn.
Ông Nguyễn Đức Đam bên miếu Xà Thần.
Gần 1.000 năm qua, vụ án kỳ lạ trên vẫn thách thức không biết bao nhiêu sử gia. Đã có vô số tác phẩm viết về nghi án này.

Cho đến tận cuối thế kỷ 20, kịch gia Tào Mạt nổi tiếng nước nhà vẫn viết tác phẩm “Bài ca giữ nước” kể về chuyện Thái sư Lê Văn Thịnh “hóa hổ giết vua”. Vở kịch nổi tiếng trong Nam ngoài Bắc, nhưng nó như sự sỉ nhục với người làng Bảo Tháp cũng như 14 ngôi làng quanh vùng thờ ông như Thành Hoàng làng của mình.

Người dân ở đây không bao giờ tin Thái sư Lê Văn Thịnh, người con của làng quê, tài năng uyên bác, đức độ tuyệt vời, lại có thể là kẻ giết ông hề già và bán rẻ đất nước bằng cách lót đường đưa giặc vào.

Vậy nên, ngày đó, người dân Bảo Tháp đã cùng các làng thảo đơn gửi lên Sở VHTT Hà Bắc (cũ) để kiện, rồi Bộ VHTT (cũ), yêu cầu ngừng biểu diễn vở kịch này.

Dù chính sử ghi chép tội đồ của Thái sư Lê Văn Thịnh, nhưng người dân trong vùng vẫn nhất nhất tin ông vô tội. Ông đã bị sự ti tiện của đám gian tham hãm hại. Việc ai đó tạc một pho tượng thân rắn, nhưng tư thế và móng vuốt của rồng, tự cắn xé thân mình, rồi chôn xuống đất, nơi là nhà ông ở, rồi là đền thờ ông, đã thể hiện rõ niềm tin vô tội của ông.

Không biết do vô tình hay ý trời, nhưng vào đúng cái thời điểm người dân vác đơn đi kiện cho nỗi oan khiên của ông Thành Hoàng làng, thì pho tượng rồng kỳ lạ đã phát lộ sau 900 năm nằm dưới lòng đất.

Ngay thời điểm đó, Nhà nước đã mở các cuộc hội thảo ghi nhận công lao của Thái sư Lê Văn Thịnh, xóa bỏ hoàn toàn những xuyên tạc về ông trong lịch sử. Và cũng gần như ngay lập tức, đền thờ vị thái sư này được công nhận là Di tích văn hóa lịch sử cấp quốc gia.

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ, giảng viên ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, ông từng được thấy qua ảnh một chiếc ấn đồng thời Tây Hạ có hình ảnh con rắn tự cắn vào mình tương đối giống với “ông rồng” ở đền thờ Lê Văn Thịnh. Điều đáng chú ý là Tây Hạ, vương triều tồn tại từ năm 1032 đến 1227, tương đương với nhà Lý ở Việt Nam.

Theo ông Vĩ, tượng “ông rồng” có chất liệu bằng đá cát kết, rồi nét điêu khắc cũng mang phong cách Lý hoặc trước Lý. Điêu khắc từ thời Trần đến Hậu Lê không tỉa tót đến từng đường nét như vậy.

Không có nhận xét nào: