Thứ Năm, 21 tháng 2, 2013

Sự nghiệp của một tổng thống bị đổ vỡ - L.Johnson và Việt Nam (H.Y.Schandler) - Phần 2

CHƯƠNG TÁM
TỔNG THỐNG ĐẮN ĐO

Bản báo cáo của ông Clifford đã được trình lên Tổng thống tại buổi họp ở Nhà trắng vào buổi tối ngày 4 tháng 3. Bản sao báo cáo đã được phân phát cho mỗi người tham dự (1). Ông Clifford đã vạch ra rằng bản báo cáo của ông đã phân biệt rõ ràng giữa những nhu cầu hiện nay về vấn đề xa hơn nữa của toàn bộ chiến lược và vị thế quân sự, ông cảm thấy là những đề nghị ngắn hạn của ông là nhu cầu cấp bách để đáp ứng tình hình trước mắt ở Việt Nam, cũng như những trường hợp bất trắc khác có thể xảy ra tại đó và ở một nơi nào khác. Nhưng ông hiểu rõ là trong thời gian dài hơn, sẽ còn có nhiều khó khăn, ông cảm nghĩ rằng Tổng thống cần phải cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định thêm những biện pháp mới (2).

Ông Walt Rostow vẫn khó chịu với những viên chức dân sự trong Bộ quốc phòng, những người đã soạn thảo hầu hết bản báo cáo và ông đã vạch ra cho thấy tính chất cực kỳ bi thảm của một số đoạn trong bản báo cáo. Sau đó, Tổng thống đã công nhận là thật sự ông đã phát hiện thấy một cảm giác bi quan sâu sắc không những chỉ trong bản báo cáo mà còn cả trong số những người ngồi chung quanh bàn họp nữa.

Tổng thống nói: “tôi chưa hề bao giờ thấy một số những người kiên quyết ủng hộ hoạt động của chúng ta ở Washington nhằm đối phó với chiến trường Đông Nam Á lại có thể chán nản đến như thế sau vụ Tết" (3).

Nhưng chính ông lại đã cảm thấy phấn khởi do tin tức chi tiết mà ông đã nhận được hàng ngày của các đại diện của ông ở Sài Gòn. Thực vậy, ngày chủ nhật 24 tháng 2, một ngày sau khi Tướng Wheeler rời Sài Gòn, Tướng Westmoreland trong một cuộc phỏng vấn có tính chất bao quát dành cho Wes Callagher của hãng Associated Press đã so sánh cuộc tấn công của quân địch với trận Bulg trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II và đã phát biểu ý kiến cho rằng địch quân đã bị đánh bại về mặt quân sự. Hình ảnh đáng khuyến khích này đã được nhắc lại trong nhiều báo cáo khác và đã lên đến điểm cao nhất trong một điện văn ngày 3 tháng 3, trong đó tư lệnh chiến trường đã báo cáo là tại khắp nơi ở Việt Nam, các lực lượng Hoa Kỳ đang chuyển sang thế Tổng tấn công" (4).

Cuộc thảo luận liên quan đến vấn đề chiến lược trên lộ vẫn tiếp diễn trong bữa ăn trưa ngày thứ Ba ở Nhà Trắng vào ngày hôm sau (5). Cuộc đàm luận đã xoay quanh vấn đề liệu có nên hành động phần nào tỏ ra cương quyết và dứt khoát lúc ban đầu mới xảy ra cuộc khủng hoảng, như giới quân sự đã biện hộ không, hay là nên đối phó với tình hình từng bước một.

Ông Rostow đã hối thúc Tổng thống nên thăm mọi miền đất nước để vận động và kêu gọi mọi người hãy dồn nỗ lực tối đa để đối phó lại những cuộc tấn công của quân địch, để thúc đẩy sớm đi đến chấm dứt chiến tranh.

Những cuộc thăm dò ý kiến quần chúng đã cho thấy có một sự gia tăng rõ rệt đối vớt việc quần chúng ủng hộ chiến tranh sau sự kích động mạnh của những vụ tấn công vào dịp Tết.

Ông Rostow cảm nghĩ rằng tác động của sự tập họp nhiều người lại này đối với dư luận quần chúng sẽ phải tiếp tục tiến hành. Quan niệm này cho là đa số những công dân có chiều hướng sẵn sàng ủng hộ những người lãnh đạo của đất nước, không cần biết lý do. Như thế ông Rostow có cảm tưởng là dư luận quần chúng đáng chú ý này chỉ có thể được hình thành khi nào Tổng thống đã tỏ rõ lập trường. Khi đó quần chúng sẽ bị ảnh hưởng sâu xa và có khuynh hướng ủng hộ lập trường ấy.

Như ông Rostow đã nhận thấy: “ta không thể có bất cứ một dư luận quần chúng nào đối với một vấn đề cho đến khi Tổng thống nói rõ điều mà ông muốn làm. Nếu Tổng thống chứng minh được việc làm của ông là đúng thì quần chúng sẽ tán thành. Đáng lẽ Tổng thống đã có thể tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng đối với vấn đề gọi nhập ngũ quân dự bị vào lúc đó, nhưng với thời gian sự ủng hộ này đã giảm bớt” (6).

Nhưng Tổng thống đã không sẵn sàng đưa ra bất cứ một hành động mạnh mẽ nào trong lúc này. Trong khi duyệt xét lại cuộc thảo luận kéo dài ngày hôm trước, Tổng thống Johnson đã biểu lộ là ông "sắp sửa phải thực hiện một sự thay đổi cơ bản trong chiến lược hiện nay". Tổng thống đã nhìn nhận là hiện nay Hoa Kỳ đang thực hiện thêm sự cam kết đối với Việt Nam, vấn đề này tùy thuộc vào những cố gắng hơn nữa của chính người Việt Nam.

Rõ ràng là ông đã chấp nhận hướng đi mới này và chỉ khi ông Clifford đưa ra bất cứ những biện pháp nào xét thấy cần thiết để làm tăng thêm hiệu năng của quân đội cộng hòa Việt Nam, cung cấp cho họ thêm các máy bay trực thăng, súng trường M-16 và thiết bị khác. "Hãy đưa cho Nam Việt Nam dụng cụ tốt nhất mà chúng ta có thể cung cấp cho họ". Tổng thống đã nói như thế.

"Như mọi người trong chúng ta đã thấy nó...". Ông Rostow nhắc lại lời của Tổng thống... “là chúng ta không thể gởi thêm người Mỹ được trang bị bằng súng trường M-16 sang Việt Nam mà chính người Việt Nam không có được súng M-16 do họ làm ra. Chúng ta phải làm sao sản xuất đủ những súng trường M-16 để gởi cho người Việt Nam sử dụng hơn là gửi quân của chúng ta sang đó”

Trong khi buổi họp đi đến kết thúc, Tổng thống chỉ thị Tướng Wheeler thông báo cho Tướng Westmoreland "hãy quên con số 100.000 quân đi (nguyên văn). Nói với ông ta 22.000 là con số tối đa chúng ta có thể chấp thuận cho ông ta trong lúc này".

Tuy nhiên, có bằng chứng chắc chắn là Tổng thống thật sự chưa xác định dứt khoát vấn đề xin thêm quân. Rõ ràng là đã không có một điện tín nào được gửi cho Tướng Westmoreland để thông báo rõ về quyết định này.

Những cuộc thảo luận tiếp theo sau giữa những cố vấn của Tổng thống ở Nhà Trắng và trong những cuộc thăm dò dư luận tại Tòa nhà quốc hội hình như cho thấy vấn đề gửi thêm số quân lớn hơn sang tiếp Việt Nam vẫn còn đang tranh luận.

Tuy thế, sự nghi ngờ nào đó đã được reo rắc trong tâm trí của Tổng thống Johnson về hiệu lực và sự cần thiết về việc tăng cường thêm một số lượng quân to lớn ở Việt Nam. Sau này Tổng thống Johnson đã nói với những cố vấn của ông là họ đã làm giảm bớt tính quyết liệt và quyết định của ông trong buổi họp ngày 4-3:

“Khi ấy tôi đã hầu như sẵn sàng cho gọi nhập ngũ một số lớn quân dự bị không phải chỉ để thỏa mãn nhu cầu ở Việt Nam mà thôi mà còn để củng cố toàn bộ tư thế quân sự của chúng ta, đồng thời yêu cầu Quốc hội cho phép gọi nhập ngũ thêm những quân trừ bị chọn lọc và vẫn tiếp tục đẩy mạnh dự luật tăng thêm thuế trên cơ sở ấy. Tôi đã thay đổi ý kiến sau khi đã nghe báo cáo của các cố vấn và tôi đã thấy được những gì đang xảy ra trên bộ ở Việt Nam".

Đường lối giải quyết hoàn toàn tiêu cực trong bản báo cáo của ông Clifford đối với bất cứ sáng kiến thương lượng mới nào đã làm cho Tổng thống bối rối. Tuy nhiên, trong khi thảo luận đề tài này gởi các cố vấn của ông .... Ông đã lại không được làm.

Ông Philip Habib, đại diện Bộ ngoại giao, người đã tháp tùng Tướng Wheeler đi Sài Gòn đã báo cáo cho ông Bộ trưởng ngoại giao đó là dư luận chung ở Sài Gòn dường như cho rằng Hoa Kỳ sẽ phải đương đầu với một cuộc khủng hoảng lớn, xét về môi trường ở Nam Việt Nam sau cuộc tấn công Tết, nếu Hà Nội chịu chấp nhận công thức San Antonio và tiến hành việc tiến hành việc thương lượng với chúng ta vào lúc ấy.

Kể từ đầu năm ấy. các ông Nitze, Katzenhach và Rostow đã làm việc trong một ủy ban đặc biệt ở cấp thứ trưởng chuyên về việc triển khai những vấn đề khác, lập trường về thương lượng của Mỹ trong trường hợp cuộc đàm phán thật sự bắt đầu Theo ông Nitze, nhóm này đã đi đến kết luận là sáng kiến hòa bình có thể thực hiện được sau khi cuộc tấn công đông xuân của địch quân đã bị đánh bại. "chậm lắm là vào tháng 5 hoặc tháng 6".

Kể từ đầu mùa xuân 1965, Mỹ đã biểu lộ ý định sẵn sàng tiến hành những cuộc đàm phán hoặc thương lượng với phe địch. Nhưng sự sẵn sàng thương lượng này đã luôn luôn được cân nhắc với sự cần thương lượng trên thế mạnh. Mặc dù một số ý kiến đã được đề xuất để phác ra một chiến lược thương lượng nhưng đã không đạt được sự đồng ý đáng kể về những vấn đề thương lượng then chốt. Vì thế những nỗ lực nhằm đưa Mỹ và Bắc Việt Nam ngồi vào bàn hội nghị đã luôn luôn bị chìm đi vì nguyên do hiểu lầm, ngoan cố, thiếu phối hợp, không tin nhau hoặc biểu lộ sự thiếu thiện chí qua việc duy trì sự chủ động về quân sự (8).

Ông Dan Ruck đã bị chỉ trích vì đã quan niệm vấn đề Việt Nam như chủ yếu là một vấn đề quân sự. Không có gì nghi ngờ là những mặt quân sự của cuộc đấu tranh ở Việt Nam được công nhận là chủ yếu, nếu không phải là được chú ý đặc biệt. Tuy nhiên điều này đã không làm cho ông Rusk phải áy náy. Ông đã diễn tả vai trò của ông như sau:

"Trước kia Tổng thống Johnson thường nói rằng Bộ trưởng Mc Namara là cánh tay phải của ông trên phương diện ngăn chặn không để cho Bắc Việt Nam có khả năng chiếm Nam Việt Nam và trên cơ sở đó tôi là cánh tay trái của ông, cố tìm cách đưa vấn đề này đến chỗ kết thúc bằng những phương pháp chính trị".

Ruck đã tự coi ông như vị cố vấn riêng của Tổng thống thay vì là người sáng tạo và biện hộ cho một chính sách đặc biệt. Ông có chiều hướng thiên hơn về việc đưa ra nhung đường lối hành động có thể lựa chọn để Tổng thống quyết định rồi sau đó theo dõi việc thi hành quyết định của Tổng thống.

Ông Ruck chỉ tham dự buổi họp đầu tiên của nhóm công tác đặc biệt của ông Clifford tại Lầu Năm Góc và đã không trở lại dự những buổi họp kế tiếp. Ông đã đưa ra lời đề nghị của ông cho một người mà ông quan tâm, đó là Tổng thống Lyndon Johnson. Bộ trưởng ngoại giao đã chống lại việc quân đội xin tăng thêm nhiều lực lượng Mỹ sẽ làm cho Việt Nam viện lẽ để tránh việc đưa ra những biện pháp cần thiết để phục hồi lại sinh lực cho bộ máy chính quyền và quân sự. Như ông Ruck đã nhận định tình hình:

"Tôi cảm thấy chúng ta có đủ lực lượng ở Việt Nam lúc đó để làm việc gì cần phải làm. Cảm tưởng của tôi là chúng ta sẽ tạo nên được một thế quân sự ở Nam Việt Nam vào cuối năm 1967, do đó Bắc Việt Nam không tài nào có thể tràn ngập bằng hành động quân sự. Tôi nghĩ rằng ở Hà Nội đã nhận thấy điều đó, cuộc tấn công tết năm 1968 đã chứng minh cho thấy".

Ông Ruck đã cho rằng Tổng thống đã hành động sai khi hỏi Tướng Weslmoreland có cần thêm quân không. Lẽ tất nhiên bản chất của quân đội là luôn luôn xin thêm quân. Trước kia Tướng Marghell thường nói với tôi như sau: "Hãy cấp cho các tướng lãnh một nửa số quân mà họ xin và sau đó tăng gấp đôi nhiệm vụ phải thi hành”.

Ông Rusk cũng hiểu rõ tình trạng lực lượng dự bị chiến lược bị cạn sạch nhưng ông đã đưa ra một quan điểm thực tế như sau: "Đã có sự quan tâm về lực lượng dự bị chiến lược tại đất nước này, vì thế tôi có thể hiểu được những ai muốn xây dựng lại lực lượng này. Nhưng ngay cả về điểm này tôi tuyệt đối không đồng ý với những ai quan tâm đến việc cần phải thực hiện ngay tức thì. Về một ý nghĩa nào đó, những lực lượng ở Việt Nam khi ấy đã là lực lượng Tổng dự bị nếu cần đến nó tại một địa điểm có ưu tiên cao hơn. Vì thế cho nên tôi đã không quan tâm mấy về lực lường Tổng dự bị" (9).

Ông Rusk cũng đã không cho việc Tướng Wheeler yêu cầu tăng thêm quân là một biện pháp khẩn cấp nhằm ngăn ngừa một thảm họa ở Việt Nam. Ông nói: “tôi thật sự đã không nghi ngờ về khả năng đối phó với tình hình của các lực lượng của ta" (10). Những lực lượng của Nam Việt Nam, Mỹ và những lực lượng chủ yếu khác của các đồng minh ở Nam Việt Nam vẫn còn nguyên vẹn và có đủ khả năng khôi phục lại tình hình (11).

Ông Rusk đã nhận thấy số 206.000 quân do quân đội yêu cầu là một con số để đối phó với tình hình bất ngờ xảy ra, một phầân có liên quan đến lực lượng Tổng dự bị. "Trong hoàn cảnh nào đó, chúng ta có thể cần đến một lực lượng to lớn ấy, song tôi thiết nghĩ những trường hợp xảy ra bất ngờ khi đó đã không còn đáng ngại nữa" (12). Hai nữa ông Rusk đã tin rằng những cuộc thương lượng chỉ có thể đạt được kết quả chừng nào mà những hoạt động "quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam đã cho Bắc Việt Nam thấy khá rõ là họ không thể thắng được bằng quân sự” (13).

Nhưng ông đã thừa nhận là mặc dù cuộc tấn công Tết đã là một sự thất bại về quân sự theo quan điểm của Bắc Việt Nam, song hậu quả của nó đã có thể gây nên những thay đổi quan trọng ở Mỹ, ảnh hưởng chính trị và tâm lý đã rất khác ở Mỹ. Nó chỉ có thể đưa đến kết luận là cuộc tấn công Tết đã là một thành công xuất sắc theo quan điểm của Bắc Việt Nam. Rủi ro thay những mối bất đồng ở ngay trong nước Mỹ hầu như đã khuyến khích Hà Nội cứ kiên gan tiếp tục cuộc chiến tranh với hy vọng được về mặt quân sự (14).

Vì thế ông Rusk cảm thấy rằng cách duy nhất để loại bỏ khó khăn đi từ "bãi chiến trường đến bàn hội nghị" là phải làm sao tranh thủ trở lại niềm tin của quần chúng, có như thế Mỹ mới có thể tiếp tục gây sức ép quân sự với Bắc Việt Nam. Ông nhận thấy việc gây sức ép quân sự này là một tiền đề cần thiết cho những cuộc thương lượng, và ông phát biểu như sau:

“Trong một giai đoạn họ tỏ ra ít mong muốn thương thuyết vì họ nghĩ rằng họ đang đi đến chiến thắng về mặt quân sự. Trong phần còn lại của một giai đoạn họ đã tỏ ra ít khích lệ đi đến thương thuyết vì họ cho rằng những sự chia rẽ bên trong nước Mỹ làm cho họ xét thấy không cần thiết phải tiến hành việc thương thuyết" (15).

Như vậy theo quan điểm của ông Rusk, những cuộc thương lượng với Hà Nội có thể sẽ không đem lại kết quả trong tình huống đang diễn ra lúc ấy, Bắc Việt Nam đã tỏ ra ít mong muốn thương thuyết tiếp theo sự chấn động mạnh về tâm lý của cuộc tấn công Tết đối với nhân dân Mỹ và như đã trình bày sơ qua ở trên, việc khởi đầu những cuộc thương thuyết trong hoàn cảnh hiện nay có thể tỏ ra tai hại cho chính phủ Nam Việt Nam trong khi họ đang cố gắng tập họp trở lại nhân dân của họ. Nhưng xét thấy cần phải đưa ra một sáng kiến nào đó để phục hồi niềm tin vào chính quyền và bằng cách ấy làm cho trong nước còn có thể chịu để cho cuộc chiến tranh cứ tiếp diễn cho đến khi quân địch nhận thức được là họ không thể chiếm ưu thế về quân sự.

Ông Rusk nhận thấy là ý nghĩ của ông được phản ánh trong một bài báo do một nhóm trí thức Anh đã soạn thảo trong đó có Barbara Ward, người đã được Đại sứ Anh ở Washington, Patrick Dean giới thiệu đến gặp ông. Bài báo đã cố gắng mô tả một đường lối giải quyết bằng cách hoặc Hoa Kỳ rút lui khỏi Nam Việt Nam hoặc tiến hành một cuộc xâm lược ồ ạt vào miền Bắc và cho biết là những người cộng sản đã phát sinh ra một lối giải quyết mà người Mỹ cần phải chấp nhận và thực hiện:

“Đường lối ấy được gọi là "vừa đánh vừa đàm", đến một thời điểm thuận tiện nào đó trong mùa xuân này, Mỹ phải tiến hành hai việc cùng một lúc, ngừng ném bom và động viên thêm binh lính gửi sang Việt Nam. Họ cần phải công bố là họ sẵn sàng đàm phán bất cứ lúc nào, đề cử những người có nhiệm vụ điều đình làm cho dư luận thế giới chú ý, nhắc nhở Hà Nội những đề nghị đàm phán và tiến hành một cuộc tấn công hòa bình quan trọng, đồng thời họ sẽ phải tăng cường các lực lượng vũ trang của họ ở Nam Việt Nam và tiếp tục bàn về "công cuộc bình định" (16).

Ông Rusk đã chuyển bài báo này lên Tồng thống vào ngày 1-3, trước khi bản báo cáo của Nhóm công tác đặc biệt của ông Clifford được trình cho Tổng thống. Việc làm này tự nó đã là một việc trái với thông lệ, do đó Tổng thống hiểu được là bài báo đã được ông Rusk thật sự quan tâm.

Trong khi cuộc thảo luận đang tiếp diễn ngày 1-3, ông Rusk đã đề nghị với Tổng thống là hầu hết các vụ ném bom ở Bắc Việt Nam có thể ngừng tiến hành trong mùa mưa mà không gây nguy hiểm lớn về mặt quân sự.. Tổng thống đã hiểu được là ông Rusk đã có ý nghĩ gì khi đưa ra ý kiến này. Vì không thấy có đề nghị thương thuyết nào khác, Tổng thống đã chộp lấy khả năng này. Ông đã nói với ông Rusk: "Hãy thực sự tiến hành việc đó đi" (17).

Ngày hôm sau trong buổi họp lúc ăn trưa. Ông Rusk đã đề nghị đoạn văn sau đây được đưa vào bài diễn văn mà Tổng thống sẽ đọc về Việt Nam trong tương lai gần, đoạn văn ấy như sau:

"Sau khi tham khảo ý kiến các đồng minh của chúng ta, tôi đã chỉ thị là những cuộc tấn công ném bom của Mỹ vào Bắc Việt Nam phải được giới hạn trong phạm vi những vùng nào được dính liền với khu vực chiến trường. Không một người yểm trợ tối đa cho các binh sĩ của chúng ta đang chiến đấu Không hiểu biện pháp mà tôi vừa đưa ra có thể là một bước đưa đến hòa bình hay không, điều ấy để Hà Nội xác định. Chúng ta sẽ theo dõi tình hình một cách thận trọng" (18).

Sau đó ông Rusk đọc một bị vong lục do ông đã soạn thảo, nội dung triển khai và làm sáng tỏ thêm đề nghị tạm ngừng ném bom nói trên. Ông đã quan niệm việc ngừng ném bom cục bộ như một đường lối hành động thay cho việc gửi thêm quân sang Việt Nam. Ông đề nghị là hành động này phải được công bố không điều kiện.

Việc này sẽ làm cho đề nghị hấp dẫn hơn về hai phương diện. Trước hết, nếu Hà Nội bác bỏ thái độ tỏ thiện ý, lúc đó với sự ủng hộ gia tăng thêm của quần chúng, Hoa Kỳ sẽ rảnh tay tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh như trước kia. Thứ hai là nếu Hà Nội bày tỏ bất cứ một phản ứng tích cực đối với đề nghị của Mỹ, việc này ông Rusk nghi ngờ đã xảy ra. Lúc đó việc đưa ra một đề nghị được tuyên bố không điều kiện sẽ có nhiều khả năng dẫn đến đàm phán hơn.

Vì thế, ông Rusk đưa ra ý kiến nên chọn đề nghị của ông thay thế cho công thức San Antonio, với những chỗ bắt chẹt rắc rối là “không được lợi dụng" và phải "đi ngay đến cuộc đàm phán thiết thực". Ông Bộ trưởng ngoại giao đã cố gắng thuyết phục nên tránh những cuộc “tranh cãi cao xa về từ ngữ". Thay vì thế, vấn đề cần được đặt ở mức độ hành động trên thực tế. Ông nói thầm, điều quan trọng là đừng thêu dệt lời phát biểu bằng đủ thứ "điều kiện" hoặc “giả thuyết", "chỉ cần chấp nhận hành động". Ông nói "và hãy xem liệu có ai có khả năng làm được gì với đề nghị trên không" (19).

Tuy nhiên, bị vong lục của ông Rusk đã đưa ra một điều kiện được hiểu ngầm đối với việc duy trì bất cứ một sự tạm ngưng ném bom như thế. Một cuộc tạm ngừng ném bom mà chỉ có thể là lật "sáng kiến hòa bình" nếu phía bên kia đáp ứng lại, quyết định tái ném bom sẽ chỉ được ban hành sau khi đã thấy rõ ý định của Hà Nội. Nếu Bắc Việt Nam không chịu đáp ứng lại đề nghị bằng cách hoặc đề nghị tiến hành cuộc đàm phán về hòa bình hoặc đáp lại bằng hành động quân sự thì cuộc ném bom lại được tiếp tục trở lại. Vì thế, phản ứng của phía bên kia sẽ không bị vội đánh giá. Hoa Kỳ sẽ chờ và xem xét trước khi quyết định tái ném bom (20).

Bị vong lục của ông Rusk đã phát biểu rõ ràng là mục đích của sự cắt xén bớt cuộc ném bom hạn chế là để bù lại sự chống đối cuộc chiến tranh của quần chúng không ngừng gia tăng, nhưng việc này cũng có thể đưa đến phản ứng thuận lợi nào đó của Hà Nội. Trong bất cứ tình huống nào, theo lý lẽ của bị vong lục đưa ra, một sự ngừng ném bom cục bộ sẽ không đưa đến những mối nguy hiểm vào thời gian đó trong năm.

Trong bất cứ tình huống nào, điều kiện thời tiết cũng gây nên một sự giảm bớt ném bom. Ông Rusk cảm thấy là mùa có gió mùa đông bắc là một thời điểm tốt để thực hiện việc tỏ thiện ý này. Việc ngừng ném bom cục bộ sẽ không có nghĩa là một sự hy sinh lớn về quân sự vì trong mùa mưa hầu hết những lần xuất kích của máy bay đều được tập trung vào phần đất phía Nam của Bắc Việt Nam. Việc hướng nỗ lực ném bom của Hoa Kỳ trở lại Lào vào giai đoạn này đã được Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cho là điều tất nhiên (21).

Thêm nữa, ông Bộ trưởng ngoại giao đã tính đến hai điều kiện, theo đó chiến dịch ném bom của Mỹ sẽ tiếp tục tiến hành lại ngay tức khắc: như là một cuộc tấn công lớn của địch quân vào Khe Sanh hoặc một làn sóng tấn công thứ hai vào các thành phố ở Nam Việt Nam. Ông Rusk đã diễn tả những ý nghĩ của ông như sau:

"Tôi phải thú nhận là tôi đã cho rằng việc ném bom ở khu vực xa về hướng bắc có thể gác sang một bên được, đứng trên quan điểm quân sự mà nói tôi đã không tin là tỷ lệ 5% những lần xuất kích của các máy bay được tập trung vào vùng đó có thể tạo nên những hiệu quả có thể so sánh được trên chiến trường so với cái giá phải trả" (22). 

Nhưng ông Rusk cũng giống như Tổng thống, đã chống lại một cuộc ngừng ném bom toàn bộ. "Chúng tôi đã ý thức bổn phận đối với người chiến hữu hoạt động trên bộ và không lấy đi phương tiện yểm trợ họ ở trên bộ, ở khu phi quân sự hoặc trên đường mòn Hồ Chí Minh. Trong trường hợp Hà Nội không tỏ ra có dấu hiệu đúng đắn nào muốn điều đình thì một việc ngừng ném bom hoàn toàn sẽ gây cho các chiến hữu hoạt động trên bộ Nam Việt Nam nhiều gian khổ. Vì vậy, tôi đã chỉ tán thành một cuộc ngừng ném bom cục bộ mà thôi, chứ không ngừng hoàn toàn" (23)

Ông Clifford rõ ràng đã không chống lại đề nghị của ông Rusk. Tuy nhiên, ông cảm thấy là những điều kiện để tái ném bom cần phải nêu rõ và công bố cho mọi người biết. Nhưng ông Rusk đã tỏ ra cứng rắn, “điều đó không thể đem lại kết quả, sự trao đổi điều kiện đáp ứng sẽ không thực hiện được”, ông nói thế (24).

Quan niệm một cuộc tạm ngừng ném bom cục bộ như một phương cách đưa đến thương thuyết dĩ nhiên không phải là một điều mới mẻ trong chính quyền. Những vụ ngừng ném bom trong những ngày trước đây đã được tiếp nối bằng những đề nghị kéo dài thêm nếu Hà Nội tỏ rõ thiện chí sẵn sàng điều đình. Cuộc tạm ngừng ném bom trong tháng 12.1965 và tháng 1.1966 đã được tiếp nối bởi một nỗ lực ngoại giao ồ ạt để đưa Bắc Việt Nam đến chỗ tiến hành đàm phán.

Những nỗ lực tương tự kể cả một lá thư của Tổng thống Johnson gửi Chủ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu ông hãy biểu lộ xem Hoa Kỳ có thể mong chờ một sự đáp ứng như thế nào đối với một cuộc ngừng ném bom đã được thực hiện trong thời gian ngừng bắn vào dịp Tết 1967 (25).

Gần đây hơn, trong tháng 5.1967, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara và cả ông Walt Rostow đã biện hộ trước Tổng thống một cuộc ngừng ném bom ở khu vực Bắc vĩ tuyến 20 (26). Và vào tháng 11.1967, ông McNamara đã chính thức đề nghị với Tổng thống một cuộc ngừng ném bom Bắc Việt Nam vào cuối năm. Những lý do của ông đưa ra tương tự với những lý do mà ông Rusk đã trình lên Tổng thống trong tháng ba.

Ông McNamara đã viết như sau: “cuộc ngừng ném bom sẽ nhằm hai mục tiêu. Chúng tôi hy vọng sẽ có thể đạt được một sự phản ứng của Hà Nội, bằng cách tiến hành một sự giảm bớt phần nào hoạt động tiến công, bằng một hành động hướng về đàm phán, hoặc thực hiện cả hai. Tối thiểu, nếu Hà Nội không có một phản ứng nào, điều này sẽ chứng tỏ là tại Bắc Việt Nam chứ không phải tại Mỹ đã ngăn chặn một cuộc dàn xếp hòa bình" (27).

Mặc dù ông Rusk lúc đầu đã chống lại cuộc ngừng ném bom tháng 12-1965, ông đã nhanh chóng đi đến kết luận là những cuộc tạm ngừng ném bom như thế xét ra có ích. Trong năm 1965 ông đã cho biết là mối quan tâm trước hết của ông là có thể chứng minh cho nhân dân Mỹ hiểu là chúng ta đã làm đủ mọi cách chúng ta có thể làm được để tìm con đường đi đến một cuộc dàn xếp hòa bình.

Thứ hai, ông nói “mục đích quốc gia sâu sắc nhất của chúng ta là làm thế nào đạt được những mục tiêu của chúng ta bằng hòa bình chứ không phải bằng chiến tranh. Nếu có một dịp may trong mười hoặc hai mươi cơ hội mà một biện pháp đã giải quyết như thể có thể đưa đến một cuộc dàn xếp... thì tôi sẽ nắm lấy ngay”.

Sau hết, ông đã cho rằng những cuộc ngừng ném bom sẽ giúp cho việc đặt trách nhiệm tiếp tục cuộc chiến tranh vào đúng chỗ, vì cuộc ném bom miền Bắc của chúng ta mà hòa bình bị cản trở (28).

Ông Rusk vẫn tiếp tục giữ lập trường này trong những năm kế tiếp. Ông đã cho rằng vai trò của ông là tìm đến một giải pháp bằng đường lối ngoại giao cho cuộc chiến tranh. Những quan điểm cuối cùng của ông đối với vấn đề ném bom Bắc Việt Nam đã được nêu lên với Tổng thống đã phản ứng lại bị vong lục ngày 1.11 của ông McNamara.

Vào lúc ấy, ông Rusk đã tỏ sự không hài lòng của ông về việc đặt vấn đề ném bom như một phương cách để đi đến hòa bình. Ông đã đề nghị Hoa Kỳ cần phải thực hiện vừa đủ việc ném bom khu vực phía Bắc vĩ tuyến 20 để ngăn cản không để cho Bắc Việt Nam di chuyển những pháo phòng không xuống phía Nam và giam chân một số lớn những nhân lực bận rộn với việc sửa chữa những chỗ hư hỏng và duy trì giao thông liên lạc như thế để họ không được gửi xuống miền Nam tham gia chiến đấu

Tuy nhiên ông đã cảm thấy là chúng ta cần phải “đưa tấn tuồng ra khỏi vấn đề ném bom" bằng cách bỏ bớt những hạn chế tấn công ở khu vực Hải Phòng - Hà Nội. Ông Rusk đã không cho rằng chúng ta lại có thể cho phép dành ra một khi đất thánh hoàn toàn không đụng tới tại phần đất phía bắc của Bắc Việt Nam và việc này có tác dụng loại bỏ sự thúc đẩy đi đến hòa bình".

Vì thế ông đã tỏ ra hoài nghi là một cuộc tạm ngừng ném bom kéo dài như ông McNamara đã đề nghị sẽ có thể dẫn đến thương thuyết. Thái độ của ông đối với một vụ tạm ngừng ném bom nào (nghĩa là không có tính cách vĩnh viễn) đều được xem như một tối hậu thư. Chúng tôi hiểu rõ chiến lược "vừa đánh vừa đàm của họ. Đối với những người ở ngoài cuộc từng hối thúc việc ngừng ném bom đều cho rằng cho đến nay thời gian tạm ngừng ném bom vẫn hãy còn chưa đủ” (29). 

Đối với Tổng thống Johnson, một cuộc tạm ngừng ném bom không phải là một đề nghị hòa bình có sức hấp dẫn. Kinh nghiệm về vụ tạm ngừng ném bom 37 ngày và những sáng kiến ngoại giao tiếp theo đó trong tháng 12.1965 - tháng 1.1966 đã tác động đến ông trong phần còn lại của nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Hai người bạn tâm tình chí thân và là những cố vấn không chính thức, ông Portas và Clifford, theo sự thuật lại đã nói với ông là cuộc tạm ngừng ném bom trong tháng một là "sự sai lầm tệ hại nhất" của ông trong cuộc chiến tranh Việt Nam. Họ đã nhắc đi nhắc lại nhiều lần những nỗ lực ngoại giao không đem lại kết quả vào đầu năm 1966, vừa nói riêng vừa nói công khai, bất cứ lúc nào một cuộc tạm ngừng hoặc ngừng hẳn ném bom đã được đề nghị (30).

Tổng thống đã giải thích vấn đề này như sau: “chúng ta đã ngừng ném bom không phải một hoặc hai lần mà tất cả tám lần khác nhau từ 1965 đến đầu năm 1966. Năm lần khác chúng tôi đã loại bỏ những cuộc tấn công và những mục tiêu quân sự ở bên trong hoặc chung quanh Hà Nội và Hải Phòng với từng thời gian kéo dài, kết quả thật sự của tất cả những vụ tạm ngừng ném bom đã là một con số 0 đối với chúng tôi, bởi vì quân địch đã lợi dụng các cuộc tạm ngừng ném bom để củng cố vị trí của họ, vội vã tuồn người, hàng tiếp tế và đồ thiết bị từ Bắc Việt Nam để đưa xâm nhập ồ ạt vào miền Nam" (31).

Như thế thì tại sao Tổng thống Johnson lại chú trọng đặc biệt đề nghị của ông Rusk vào lúc ấy, dường như có hai lý do:

“Trước hết, đó là đề nghị hòa bình duy nhất được trình cho ông. Nhóm công tác đặc biệt của ông Clifford trước sự chán ngán của Tổng thống, đã không đưa ra được những sáng kiến hòa bình mới mẻ nào. Một cuộc ngừng ném bom hoàn toàn dường như không phải là một đường lối hành động có thể đứng vững được xét về tình hình quân sự ở Khe Sanh và ở phán đất phía Bắc của Nam Việt Nam nằm sát ngay khu phi quân sự.

Mặc dù một cuộc tạm ngừng ném bom đã tỏ ra không phải là một đề nghị hấp dẫn đối với Bắc Việt Nam vì Hà Nội không ngừng khăng khăng đòi cho được một cuộc ngừng ném bom hoàn toàn, coi đó như điều kiện để đi đến đàm phán, việc này có lẽ có thể được xem như một đề nghị hòa bình nếu Hà Nội đã thật sự bị thiệt hại nặng nề do cuộc tấn công Tết của họ, những vị chỉ huy quân sự của Tổng thống Johnson đã khẳng định.

Trong bất cứ tình huống nào, một cuộc tạm ngừng ném bom vùng phía Bắc vĩ tuyến 20 sẽ không gây nguy hiểm mấy về mặt quân sự trong mùa mưa và có thể có tác dụng ngăn chặn tình trạng quần chúng ủng hộ cuộc chiến tranh đang trở nên xấu hơn.

Thứ hai là đề nghị trên đã do ông Rusk soạn thảo. Ông Rusk đã không có thói quen viết tay bị vong lục trừ phi ông chú trọng rất nhiều về một vấn đề sắp tới. Ông đã phát biểu lý do căn bản như sau: “tôi đã không viết nhiều bị vong lục để lưu hành theo thông lệ trong chính phủ. Tôi đã không cho lưu hành khắp nơi trong chính phủ thật nhiều bị vong lục có tính chất giả thuyết vì tôi không muốn đặt ra một kế hoạch và trong phạm vi nào đó hạn chế bớt nguyên tắc tự do thảo luận mà tôi cho rằng cần phải được tiếp diễn trong chính phủ trước khi đưa ra những quyết định" (32).

Vì vậy Tổng thống đã nhận thấy rõ theo cách thức ông Rusk đã đệ trình đề nghị của ông và qua sự kiện ông soạn thảo một bị vong lục viết tay về vấn đề trên, điều đó cho thấy ông Rusk không phải chỉ đang suy tính mà thôi. Như Tổng thống nhận xét về ông ta:

"Ông là một người biết đắn đo cân nhắc, sáng suốt và cẩn thận. Và ông đã không tiến hành hấp tấp các công việc như tôi đã làm đối với một số việc" (33).

Vì thế, mỗi buổi họp kết thúc, ông Rusk đã trao một bản sao đề nghị của ông cho ông Clifford để ông này có thể nghiên cứu trong phạm vi quốc phòng. Ngày hôm sau, ông William Bundy đã soạn thảo một công điện gửi Đại sứ Bunker diễn tả đề nghị đã được thảo luận và yêu cầu ông Bunker cho biết ý kiến liệu đề nghị trên có thể thuyết phục được Nam Việt Nam tán thành không. Nhưng Tổng thống đã quyết định đừng gửi công điện này. Ông lo là đề nghị có thể được phổ biến quá rộng và làm một hiệu lực trước khi trải qua một sự thử nghiệm chính đáng (34).

Những lý do khác có lẽ cũng quan trọng đối với Tổng thống. Nam Việt Nam rất có khả năng bác bỏ đề nghị. Ngoài ra ông Bộ trưởng Rusk đã được yêu cầu ra điều trần trước ủy ban đối ngoại Thượng viện trong một buổi họp công khai. Tổng thống Johnson có ý kiến là ông muốn bảo vệ Bộ trưởng ngoại giao của ông để không phải tiết lộ khả năng về một lựa chọn như trên khi bị những nghị sĩ ít có thiện cảm chất vấn. Việc này sẽ khó lòng thực hiện nếu một đề nghị chính thức được gửi đi trước để nghiên cứu (35).

Đề nghị của ông Rusk đã không được hoan hô nhiệt tình trong Bộ quốc phòng. Đặc biệt là ông Warnke. Ông này đã chỉ trích gay gắt. Có lẽ ông Warnke là người duy nhất trong chính phủ đã cảm thấy công thức San Antonio đã được Bắc Việt Nam đáp ứng và một cuộc ngừng ném bom cần phải được ra lệnh trên căn bản đó. Việc cắt xén một phần trong kế hoạch ném bom như ông Rusk đã đề nghị “là một sự đi thụt lùi so với công thức San Antonio và làm suy yếu công thức này", đó là điều mà ông Warnke cảm thấy.

“Cũng vì thế mà tôi đã chống lại đề nghị ấy" (36). Ông Warnke cảm nghĩ là đề nghị của ông Rusk chỉ là một cử chỉ tỏ thiện ý nhằm mục đích tập họp dư luận quần chúng Mỹ và trên thế giới.

Ông Warnke cảm thấy là một cử chỉ tỏ thiện ý như thế rất có thể tranh thủ trở lại sự ủng hộ đối với Tổng thống trên mặt trận trong nước, nhưng sẽ không đủ để đưa Bắc Việt Nam ngồi vào bàn đàm phán và có thể làm hỏng cơ hội về những sáng kiến hòa bình khác thời gian lâu dài trong tương lai.

Ông cho là trường hợp Hà Nội không có phản ứng đối với đề nghị thì việc này sẽ làm tăng thêm sức ép của phe diều hâu đối với Tồng thống để đòi tái ném bom như vậy chỉ làm cho ông phải theo đuổi mãi một chính sách cũ mà ông đã từ lâu cảm thấy là một chính sách đã bị phá sản (37).

Ông Clifford đang trải qua một thời kỳ học hỏi và đào sâu suy nghĩ, ông đã bắt đầu nhận thức thấy tiến trình quân sự đang được Hoa Kỳ theo đuổi ở Việt Nam là vô tận và tuyệt vọng và sẽ không dẫn đến chiến thắng cũng như hòa hình. Ông cảm thấy đề nghị của ông Rusk không có tính chất hòa giải và sẽ không dẫn đến thương thuyết. Nó sẽ chỉ có ý nghĩa là tăng thêm sử dụng vũ lực chống Bắc Việt Nam khi họ bác bỏ đề nghị (38).

Tuy vậy. chỉ một ngày trước đó, ông Clifford thông qua nhóm công tác đặc biệt của ông đã đề nghị một sự “tăng cường ném bom Bắc Việt tùy theo từng mùa". Quan niệm chiến lược đủ có thể thoát khỏi cái vòng luẩn quẩn này và đặt đất nước trên con đường đi đến hòa bình là ở chỗ nào? Việc tìm kiếm một quan niệm như thế của ông Clifford vẫn tiếp tục.

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG TÁM


(1) Johnson “Vị trí ưu thế”” tr 586-587.

(2) Phỏng vấn riêng ông Clifford, 12-11-1972. Johnson: “Vị trí ưu thế”” tr.537.

(3) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow 4-12-72. Johnson: Vị trí ưu thế”, tr.330; cuộc phỏng vấn Tổng thống Lyndon Johnson của hãng truyền hình CBS.

(4) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.396; phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow, ngày 4-1 2-72; Wes Callagher với bài “Kẻ thù không thể chịu đựng một trận chiến tranh lâu dài... Triển vọng trong tương lai theo sự đánh giá của tướng Westmoreland".

(5) Là các bộ trường Rusk và Cliírord, các tướng Wheeler và Taylor, Cục trưởng CIA Relms, ông Walt W.Rostow, ông George Christian và Tom Johnson; Tổng thống Johnson: “Vị trí ưu thế, tr.399.

(6) Cuộc phỏng vấn riêng ông Walt W.Roslow ngày 4-12-72. Xem cả Walt W.Rostow "Hoa Kỳ trên vũ đài thế giới" tr.511-515; Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.310.

(7) Johnson. “Vị trí ưu thế”, tr.398: đọc Card Philip C Habib, Bị vong lục gửi Bộ trưởng ngoại giao, đề mục: “những nhận xét về tình hình ở Việt Nam". 26-2-1968.

(8) Cooper: “Cuộc vận động thất bại" chương 11-14.

(9) Cuộc phỏng vấn riêng ông Dan Rusk. 21-1-1973.

(10) Như trên.

(11) Như trên.

(12) Như trên.

(13) Cuộc phỏng vấn ông Dean Rusk "Nhìn lại vấn đề Việt Nam".

(14) Cuộc phòng vấn riêng ông Dean Rusk, 22-1-1973.

(15) ông Dean Rusk "Nhìn lại vấn đề Việt Nam".

(16) Johnson “Vị trí ưu thế”.

(17) Như trên. xem Dean Rusk "Nhìn lại vấn đề Việt Nam".

(18) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.400.

(19) Như trên, đọc cả "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (7)(b), tr.181.

(20) Cuộc phỏng vấn riêng Tướng G.Wheeler ngày 8-11-1972, tham khảo cả Johnson “Vị trí ưu thế”, tr.400.

(21) Cuộc phỏng vấn (nt).

(22) Cuộc phỏng vấn tháng 1-1973.

(23) Như trên.

(24) Cuộc phỏng vấn Tổng thống của hãng truyền hình BBC

(25) Johnson “Vị trí ưu thế”. tr.251-156. Cooper "Cuộc vận động thất bại” tr.252-260. "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (7)(b) tr.3-8. Về căn bản của những lá thư, xem Johnson “Vị trí ưu thế” tr.582-596.

(26) "Hà Nội với vấn đề chiến tranh và hòa bình" của Johnson R.Boctiger, nhà sưu tầm tài liệu "Việt Nam và chính sách đối ngoại của Mỹ". tr.62.

(27) Johnson: “Vị trí ưu thế; "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (7)(b). tr.-53.

(28) Johnson “Vị trí ưu thế.

(29) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.376-377.

(30) Cooper: “Cuộc vận động lớn thất bại". tr.95-96.

(31) Johnson “Vị trí ưu thế” tr. 11. Về liệt kê những cuộc tạm ngừng ném bom.

(32) Ông Rusk “Nhìn lại vấn đề Việt Nam".

(33) Cuộc phỏng vấn Tổng thống Lyndon của hãng truyền hình CBS.

(34) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.101*

(35) Cuộc phỏng vấn Tổng thống Lyndon Johnson.

(36) Cuộc phỏng vấn riêng ông Paul Warnke 17-11-1972.

(37) Như trên.

(38) Cuộc phỏng vấn ông Clark Clifford, 18-11-1972.

CHƯƠNG CHÍN
TÌNH HÌNH DƯ LUẬN

Những cuộc nghiên cứu về dư luận quần chúng và những cuộc thăm dò dư luận đã cho thấy sự ủng hộ không bao nhiêu của quần chúng đối với cuộc chiến tranh đã thay đổi như thế nào giữa mùa thu 1967 và mùa xuân 1968 mặc dù đã có những sự biến quan trọng xảy ra trong thời gian ấy. Trên toàn bộ dư luận ủng hộ cuộc chiến tranh cho thấy những sự tăng giảm không bao nhiêu gắn liền với vấn đề nghĩ như thế nào về cuộc chiến tranh đang diễn ra, nhưng đa số quần chúng bám lấy lập trường ủng hộ chiến tranh (I).

Thật vậy, cuộc khủng hoảng Tết lúc đầu đã gây nên một sự gia tăng ủng hộ của quần chúng đối với chiến tranh. Nhưng các trận đánh vào dịp Tết cũng đã củng cố thêm cảm tưởng của nhân dân Mỹ cho rằng chiến tranh đã bị sa lầy và một giải pháp quân sự sẽ không thể tìm thấy được trong tương lai gán.

Và quan điểm về một sự bế tắc quân sự này tiếp tục được phản ánh qua hệ thống thông tin đại chúng. Những người hướng dẫn dư luận Mỹ, các nhà bình luận, các nhà viết bài xã luận, các người chuyên viết ở một mục báo, các nhà sư phạm và các người cầm đâu công việc kinh doanh, nhiều người trong số này trước đây đã cảm thấy bực bội và ngờ vực bây giờ trở thành vững tin là cuộc chiến tranh đang bị thua, hoặc trong điều kiện tốt nhất, không thể nào thắng mà không bị tổn phí lớn lao thêm nhiều tài nguyên (2).

Vì thế, sự chấn động và giận dữ trong những ngày đầu của cuộc tấn công Tết đã nhanh chóng nhường chỗ cho cảm giác vô ích và chán chường giữa tầng lớp có tiếng nói của dân chúng và tô màu cho bầu không khí trong đó những quyết định đã được soạn thảo, quan điểm được những người hướng dẫn dư luận nêu trên đưa ra là đất nước đang không ngừng trở thành chia rẽ và hết mọi ảo tưởng về chiến lược Việt Nam hiện nay và sẽ không còn kiên trì chịu đựng thêm nữa trước sự việc không có một chỉ dấu nào cho thấy chiến tranh có thể đi đến chỗ chấm dứt: Cảm nghĩ tăng lên cho rằng tổn phí của chiến tranh không còn bõ công để theo đuổi những mục đích đang đấu tranh.

Có một vài sự tranh luận về tính khách quan trong việc tường thuật các trận đánh trong dịp Tết của báo chí và vô tuyến truyền hình cũng như ảnh hưởng của sự tường thuật đối với đa số quần chúng Mỹ (3). Dường như người ta lý luận rằng phương tiện thông tin đã tường thuật chi tiết những trận tấn công tàn phá của Việt Cộng lúc mới xảy ra, nhưng lại đã thiếu sót không theo đuổi và nêu nổi bật sự phục hồi khá nhanh chóng của các lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam và cuối cùng các lực lượng của Việt Cộng đã bị thua khá nặng nề về mặt quân sự.

Trong bất cứ tình huống nào, sự sửng sốt mãnh liệt và cảnh chém giết những ngày đầu của những trận tấn cống Tết đã được vô tuyến truyền hình mang vào tận nhà một cách sinh động cho công chúng Mỹ xem. Dư luận đa số người Mỹ về những hậu quả của cuộc tấn công Tết ngụ ý như thế nào đối với chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã được hình thành bởi sự tường thuật bao quát và bi thảm này của vô tuyến truyền hình.

Những bài phân tích tin tức, như thể đối chọi với sự tường thuật chính xác, cũng đã có ảnh hưởng đáng kể. Bản phân tích được Wỉlter Cronkite, nhà bình luận của hãng truyền hình CBS; trình bày trong phần tin tức tối ngày 27 tháng Hai đặc biệt gây xúc động mạnh:

“Hình như lúc này chắc chắn hơn bao giờ hết, kinh nghiệm đẫm máu ở Việt Nam sẽ phải kết thúc trong sự bế tắc. Hầu như chắc chắn đến mùa hè này lập trường xa cách nhau sẽ chấm dứt hoặc bằng thật sự thương lượng trên cơ sở nhượng bộ lẫn nhau hoặc bằng một sự leo thang khủng khiếp, và đối với mọi phương tiện chúng ta có để leo thang, quân địch có thể chẳng thua kém gì chúng ta và điều này áp dụng cho cả việc xâm lược miền Bắc, sử dụng vũ khí bất nhân hoặc đơn thuần đưa thêm một trăm hoặc hai trăm hay ba trăm nghìn quân Mỹ vào cuộc chiến tranh. Và mỗi lần leo thang, thế giới tiến sát đến miệng hố thảm họa thế giới.

Nói rằng ngày nay chúng ta đang ở gần chiến thắng hơn, trước bằng chứng hiển nhiên là tin lời những người lạc quan đã từng đánh giá tình hình sai trong quá khứ. Cho rằng chúng ta đang ở trong tình trạng nguy khốn sắp bị bại trận là chịu khuất phục trước sự bi quan quá đáng. Nói rằng chúng ta đang bị đẩy vào hoàn cảnh khó khăn bế tắc có vẻ là một kết luận thực tế nhất, tuy chưa thỏa mãn” (4).

Bí thư báo chí của Tổng thống, George Christian, sau đó đã phát biểu là khi ông Cronkite đưa ra lời phát biểu trên, "những làn sóng làm mọi người sửng sốt tràn ngập trong chính phủ” (5). Ông Rostow đã cho là "việc tường thuật ồ ạt không bị ngăn cấm về cuộc chiến tranh phức tạp thường đã cho thấy là không thể phân biệt được và hay thiên lệch". Mặt khác, ông cũng đã thừa nhận là các nhà cầm quyền quân sự và dân sự đã tỏ ra không có hiệu quả trong việc đưa ra một hình ảnh “rõ ràng và có sức thuyết phục" về quá trình diễn biến các sự kiện quan trọng ở Việt Nam (6).

Những lời khẳng định của Tổng thống, của những sĩ quan tùy viên cao cấp của ông và của những cấp chỉ huy quân sự của ông đã bị ngờ vực vì sự lạc quan trước đây của các nhân vật này và vì cảnh tàn phá quá rõ ràng đã tác động đến nhân dân và các thành phố ở Nam Việt Nam. Người ta bắt đầu nghi ngờ những mục tiêu trong chính sách của Hoa Kỳ, và so với những kết quả có thể đạt được thì phí tổn đã bắt đầu cho thấy là quá cao.

Những bộ phận quan trọng của báo chí Mỹ đã phản ánh quan điểm này, ông James Roston của báo New York Times tự hỏi: "Cuộc tàn sát này nhằm mục đích gì? Làm sao chúng ta có thể cứu được Việt Nam nếu chúng ta tiêu diệt nó trong cuộc chiến tranh".

Nhật báo Phố Uôn nêu "Những diễn biến trên bộ hiện nay có đang làm cho những mục tiêu tiêu biểu lúc ban đầu của chúng ta bị hỏng bét không?... Nếu hầu như không còn gì để chính phủ và đất nước còn có thể làm được nứa thì còn phải cứu cái gì ở đó và để làm gì?".
Bài xã luận đã gợi ý bằng cách nói toạc móng heo: "Chúng tôi nghĩ rằng nhân dân Mỹ cần phải chuẩn bị tư tưởng để chấp nhận. nếu họ chưa sẵn sàng, triển vọng là toàn thể nỗ lực ở Việt Nam có thể bị kết tội, nó có thể tan rã dưới chân chúng ta. Trước hết, tình hình quân sự có thể làm cho những lý luận có tính chất triết lý về sự can thiệp của Mỹ trở thành lý thuyết suông" (7).

Trong một bức tranh châm biếm phản ánh sự chua cay, nhà vẽ hình hài hước Art Buchwald đã ví tình hình giống như câu chuyện lạc quan tếu trong trận Little Bighorn, ông ta vẽ tướng Custer đang đưa ra những lời phát biểu lạc quan liên quan đến số thương vong cao của quân địch và cho biết là trận đánh "đã vừa vượt qua giai đoạn khó khăn nguy hiểm và bây giờ ông có thể thấy được ánh sáng ở cuối đường hầm" (8). 

Những đề tài này tiếp tục xuất hiện trên các báo và lan tràn sang cả những tạp chí tin tức. Tạp chí Atlantic và Harpers đã dành riêng toàn thể số xuất bản bàn về Việt Nam (9). Ngày 11 tháng Ba, trong bài viết trên tạp chí Tin Tức hàng tuần (Newsweek), ông Walter Lippmand đã phát biểu ý kiến rằng khả năng Hoa Kỳ có thể bị "bại trận" ở Việt Nam đang gây nên một chấn động mãnh liệt ở khắp đất nước. Sự sửng sốt này lớn hơn tất cả, ông Lippmand đã kết luận như vậy, vì nó đã vô cùng bất ngờ.

Ba tháng sau khi Tướng Westmoreland trở về nước trong mùa thu vừa qua, lúc đó quân đội đang ở thế phòng thủ. Ba tháng sau đại sứ của chúng ta ở Sài Gòn trở về nước để làm chúng ta yên lòng, toàn thể chương trình chính trị tại các làng xã và thành phố bị tiêu tan... Tổng thống Lyndon Johnson cho rằng ông đang tiến hành một cuộc chiến tranh hạn chế vì ông đã không leo thang nhanh như một số tướng lĩnh của ông mong muốn ông thực hiện.

Thật ra thì những mục tiêu chiến tranh của ông là không có giới hạn: các mục tiêu này hứa hẹn bình định toàn thể châu Á. Đối với những mục đích không có giới hạn như thế không tài nào có thể thắng trận bằng những phương tiện hạn chế. Vì những mục tiêu của chúng ta không có giới hạn. chúng ta chắc chắn sẽ “bị đánh bại" (10).

Tạp chí Time trong số xuất bản ra ngày 13-3 đã viết “Cuộc bàn cãi đầy thông minh không ngừng diễn ra trong nước liên quan đến những công thức sẽ đưa đến một hình thức giải kết nào đó... Việc này ngụ ý cho thấy là đối với Hoa Kỳ năm 1965 đã làm cho trong nước nhận thấy được là chiến thắng ở Việt Nam - hoặc ngay cả một cuộc dàn xếp thuận lợi có thể đã hoàn toàn vượt quá tầm tay của cường quốc thế giới lớn nhất" (11).

Tập trung sự chú ý vào sự không hài lòng không ngừng gia tăng nêu trên đối với nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam đã được thể hiện trong một bài tường thuật đăng trên tờ New York Times ngày 10-3 chính xác đến mức làm mọi người giật mình về lời yêu cầu ở Việt Nam xin gửi thêm quân và việc đánh giá lại chính sách của Mỹ đang được tiến hành trong chính quyền. Câu chuyện cũng làm sáng tỏ sự nghi ngờ không ngừng gia tăng của nhiều viên chức trong chính quyền về quá trình vạch chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Câu chuyện do Nell Sheehan và Hedrick Smith viết đã kể rõ như sau:

Tướng William C.Westmoreland đã xin tăng viện thêm 206.000 quân ở Việt Nam, nhưng lời thỉnh cầu của ông đã làm bùng nổ một cuộc tranh cãi gây chia rẽ nội bộ giữa các cấp cao của chính quyền Johnson. 

Một số quan chức dân sự cấp dưới của chính phủ trong Bộ quốc phòng được sự ủng hộ của một vài quan chức cao cấp trong Bộ ngoại giao đã đưa ra lý lẽ chống lại lời yêu cầu của Tướng Westmoreland xin tăng thêm 40% lực lượng của ông để “lấy lại thế chủ động”.

Luận điểm của những quan chức cao cấp này là một sự tăng thêm lực lượng của Mỹ sẽ gây nên một sự gia tăng tương xứng của Bắc Việt Nam, do đó sẽ làm cho mức độ bạo lực tăng lên mà không tạo được thế có lợi cho các quân đồng minh...

Tổng thống chưa quyết định vấn đề tăng thêm đáng kể lực lượng Mỹ ở Việt Nam... Tuy nhiên quy mô rộng lớn và chiều sâu của cuộc bàn cãi nội bộ bên trong chính phủ phản ánh nỗi khổ tâm về điều không chắc chắn và sự ngờ vực tại thủ đô này về mọi mặt của cuộc chiến tranh do địch để lại tiếp tục theo làn sóng bi thảm của những trận tấn công vào dịp tết, ngày lễ đầu năm mới ở châu Á cách đây sáu tuần.

Hơn bao giờ hết, sự việc này đã để lại một cảm giác mệt mỏi và tức giận đối với cuộc chiến tranh. Chính những quan chức trong khi nói chuyện riêng đã bình luận về những thay đổi thái độ có tính chất phổ biến và sâu sắc một ý nghĩ chung cho rằng đã đạt tới con đường ranh giới và ý nghĩa của nó bây giờ mới bắt đầu nhận thấy...

Nhưng ở mọi cấp trong chính phủ người ta có một ý nghĩ chung cho rằng cuộc chiến tranh nếu được mở rộng thêm nữa thì không còn được coi như một cuộc chiến tranh hạn chế nữa. Các quan chức thừa nhận là bất cứ một sự dính líu nào thêm nữa của Mỹ sẽ lôi chân theo những hệ quả nghiêm trọng đối với đời sống dân sự của đất nước - không những chỉ có vấn đề gọi nhập ngũ quân dự bị và ban hành đạo luật tăng thêm thuế tức thời mà còn có nhiều khó khăn trong vấn đề ngân sách kinh tế và cán cân chi phí (12)

Rồi Sheehan và Hedrick Smith tiếp tục diễn tả với một sự chính xác hết sức ngạc nhiên quan điểm của các quan chức quân sự thuộc Bộ quốc phòng trong những cuộc bàn cãi của Nhóm công tác đặc biệt do ông Clifford đứng đầu.

Tác động của việc tường thuật câu chuyện trên đã rất sôi nổi, Hedrick Smith nhớ lại các sự kiện như sau: "Chuyện xuất hiện bất thần trên những số báo Times đầu tiên ra tối thứ bảy có bữa tiệc được tổ chức tại Câu lạc bộ Gridrion (9-3), nơi đây các nhà báo có tên tuổi ở Washington, tất cả đều họp mặt tại đó. Tôi đã có mặt với tư cách là khách mời của James Reston. Vào khoảng 10 giờ đêm, tin tức về câu chuyện thuật ở trên đến tai mọi người trong phòng. Nó được loan truyền giống như gió thổi qua một cánh đồng lúa mì vậy. Nó thật sự có tác động mạnh và người ta đã phản ứng lại. Ông George Christian (Bí thư báo chí của Tổng thống) bị các phóng viên báo chí bao bọc chung quanh. Tôi được chứng kiến tận mắt hậu quả của câu chuyện đăng trên báo. Đó là một trong những câu chuyện giật gân trong lĩnh vực báo chí mà tôi chưa hề thấy - đó là thật sự thấy tại chỗ một cử tọa đang phản ứng lại một câu chuyện quan trọng mà tôi đã có công giúp tường thuật và viết thành bài" (13).

Câu chuyện từng gây nên sự chú ý của đoàn báo chí Washington bằng một kiểu gây cảm xúc mạnh mẽ đến như thế đã nhanh chóng được những tờ báo khác săn nhặt và khoảng cuối ngáy hôm sau đã tới được từ đầu này đến đầu kia đất nước. Bài báo "tường thuật đúng, chính xác và đã làm tăng thêm sự hoài nghi của công chúng đối với chính sách của chúng ta ở Việt Nam”.

Dân chúng tự hỏi nếu mọi việc thật sự được tiến hành tốt đến như thế và nếu các trận đánh Tết quả đã là một chiến thắng lớn như chính quyền vẫn tiếp tục công bố thì tại sao lại cần phải gửi thêm 206.000 quân Mỹ sang Việt Nam? Sự hoài nghi này đã được củng cố thêm vào lúc mà những phương tiện phát thành tiếng nói có ảnh hưởng khác phát biểu ý kiến một cách mạnh mẽ chống lại chiều hướng mà ở Việt Nam đã đề nghị.

Cũng trong đêm hôm mà câu chuyện xuất hiện (10-3) hãng truyền hình NBC đã kết thúc một chương trình đặc biệt về Việt Nam với lời bình luận như sau: “ngày hôm nay, nếu những báo cáo được công bố là đúng, Tổng thống đang có trên bàn giấy của ông một đơn xin tăng viện thêm hai trăm ngàn quân để giúp khôi phục lại tình hình như đã đạt đến trước đây. Việc này làm cho chúng ta phải cảnh giác là quân địch sẽ có thể ứng phó được với bất cứ lực lượng mới nào chúng ta tung ra chiến trường. Tất cả cái gì sẽ thay đổi có lẽ là khả năng hủy diệt... Để sang một bên tất cả những lý lẽ khác, thời gian đang ở tầm tay khi chúng ta phải quyết định không hiểu có phải là vô ích một khi phải tiêu diệt Việt Nam để cứu nó không" (14).

Câu chuyện đăng trên báo New York Times như ông Reston nhớ lại đã "khuấy động toàn thể tổ chức chính quyền ở phía đông nước Mỹ và tạo nên một vấn đề lừa dối. Nó đã gây nên một cuộc khủng hoảng không cần thiết và đã bóp méo sự việc. Nó đã gạt ra một bên những tin tức đầy hi vọng và đã tác động khá mạnh đến dư luận quần chúng. Nó đã đưa ra một hình ảnh dối trá về tình hình" (15)

Dĩ nhiên Tổng thống Johnson đã tỏ ra giận dữ khi hay được tin tức bị bại lộ. Ông biết ảnh hưởng của sự việc trên đối với quần chúng và những người chỉ trích cuộc chiến tranh trong Quốc hội Mỹ. Tổng thống nghi ngờ rằng câu chuyện đã bị các quan chức dân sự cấp thấp trong Lầu Năm góc tiết lộ để gây sức ép làm cho ông phải chấp nhận quan điểm của họ. Ông cũng hoài nghi có một sự thúc đẩy chính trị nào đó vì bài báo đã xuất hiện hai ngày trước khi có hội nghị tuyển lựa ứng cứ viên của đảng được tổ chức ở New Hampshire (16).

Nhưng Tổng thống đã lầm. Câu chuyện đã được săn nhặt từ nhiều nguồn tin khác nhau và đúc kết lại với nhau như hầu hết các câu chuyện đều như thế và chính tính đa ngôn và đa dạng của những nguồn tin này đã cho thấy sự tranh luận hết sức sôi nổi ở mọi cấp của ngành Hành pháp cũng như trong Quốc hội Mỹ do sự yêu cầu gửi thêm quân gây nên.

Sự biểu lộ ban đầu về cuộc đấu tranh trong Lầu Nam góc thật sự đã xuất phát từ một quan chức Lầu Năm góc. Như ông Edwin L.Dail. Jr, phóng viên về vấn đề kinh tế tại Văn phòng báo New York Times ở Washington nhớ lại:

“Tôi đang dự tiệc cốc-tai tại nhà một nghị sĩ quốc hội Bill Moorhead, chúng tôi là bạn cùng lớp ở trường Đại học Yale và là bạn thân với nhau. Tôi bắt chuyện với Townsend Hoopes. Ông này đã học trên chúng tôi một lớp ở trường Đại học Yale. Trong câu chuyện này, ông đã tiết lộ cho tôi biết là trong Lầu Năm góc có một nhóm đang được hình thành và nhóm này đang bắt đầu chống lại việc gửi thêm quân sang Việt Nam. Ông chỉ biết có thế thôi, không có cái gì mật cả”. (17).

Câu chuyện trên đây đều đến tai Sheehan và Smith ở văn phòng Times ở Washington và hai người này đã tiến hành công việc triển khai câu chuyện này. Như Sheehan diễn tả phản ứng của họ:

"Sáng thứ hai ông Ed Dail kể lại cho chúng tôi nghe câu chuyện của ông với quan chức cao cấp trong chính quyền cấp bộ trong nội các, những người đã đưa ra những nhận xét rất lỗ mãng về lời yêu cầu gửi thêm quân của quân đội và đã biểu lộ là đang có một cuộc tranh luận quan trọng diễn ra trong chính quyền vè lời thỉnh cầu này. Tôi và ông Smith đã thấy rõ cái gì đó đã tới, đã có một sự bất đồng quan điểm nội bộ nào đó về vụ Tết. Sự nhận xét này của ông Dail, xét tình hình dư luận quần chúng, đã đủ kích thích chúng tôi thực hiện những sự dò hỏi đúng đắn" (18).

Trong vòng mấy phút đồng hồ tiến hành những cuộc dò hỏi này, tin tức thu nhận được từ nhiều nguồn tin hoàn toàn khác nhau trong Tòa nhà Quốc hội (Điện Capitol) đã xác nhận việc yêu cầu gửi thêm quân và cuộc tranh luận trong chính quyền về vấn đề này. Ông Sheehan gọi điện thoại cho một tùy viên tham mưu của một thượng nghị sĩ bảo thủ, một con diều hâu đối với cuộc chiến tranh và là một người bạn của phía quân đội. Như anh nhớ lại câu chuyện:

"Tôi đã sử dụng phương pháp kỹ thuật của người phóng viên báo chí ngụ ý muốn biết thật chính xác và ông ta đã nói với tôi ngay tức khắc là Tướng Westmoreland đã đệ trình một đơn xin tăng thêm "vài trăm nghìn quân". Ông đã cho biết là đang có một cuộc tranh cãi diễn ra giữa Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, phe ủng hộ việc thỏa mãn lời yêu cầu và các viên chức dân sự bộ quốc phòng, phe này không đồng ý gửi thêm quân.

Đồng thời ông Smith gọi điện thoại cho một trong những nguồn cung cấp tin tức tại Tòa nhà Quốc hội và đã có được con số chính xác là 206.000 người, nhưng chúng tôi đã không biết chắc con số này là của ai, có phải là đã bắt nguồn từ Tướng Westmoreland hay là của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Sau đó tôi đã tìm hỏi những nguồn tin khác và tôi đã săn nhặt được từng mẩu chuyện tranh luận của người này rồi hỏi sang người khác. Không một cá nhân nào đã có thể thuật lại được toàn thể câu chuyện và một số người đã không biết rõ là họ đã thật sự cho tôi biết bao nhiêu tin tức bằng cách phủ nhận hoặc xác nhận những lời phát biểu của tôi.

Tuy nhiên phải chờ đến tận thứ sáu tôi mới có thể xác nhận được lời yêu cầu tăng thêm 206.000 quân là con số của Tướng Westmoreland và chính ông đã yêu cầu. Vào lúc ấy chúng tôi mới có thể viết một cách chắc chắn là Tướng Westmoreland đã yêu cầu gửi thêm 206.000 quân. Điều ấy đã làm cho những tin tức đầu tiên nặng nề, dựa vào đó người ta chờ đợi câu chuyện rộng lớn hơn tường thuật. Cuộc tranh cãi về chính sách do việc yêu cầu gửi thêm quân gây nên” (19).

Mặc dù ông Smith đã kiếm ra được ngay con số chính xác về số quân xin tăng cường. Ông nhận thấy cuộc tranh cãi về chính sách trong chính quyền là phần đáng chú ý và quan trọng hơn cả. Ông nhớ lại như sau:

"Tôi đã kiểm tra con số chính xác và ông Neil xác nhận với tôi là con số đó là do Tướng Westmorland đề nghị. Đã có hai đường dây tin tức đưa tin cho chúng tôi cùng một lúc từ hai loại nguồn gốc khác nhau về quy mô to lớn yêu cầu gửi thêm quân và về cuộc tranh cái trong chính quyền về vấn đề này. Yếu tố thứ hai đã gây cho tôi ấn tượng sâu sắc hơn và tôi cho là yếu tố này đáng chú ý bao nhiêu và tôi đã dành thì giờ để khai thác nó. Nếu chúng tôi đã không nhanh chóng săn được tin xác nhận cuộc tranh luận thì câu chuyện về yêu cầu tăng thêm quân thôi sẽ chỉ viết ra được một cột báo vào giữa tuần mà thôi” (20).

Làm sao mà những nguồn tin từ quốc hội (và những cơ quan khác) hay biết được việc yêu cầu gửi thêm quân và cuộc tranh cãi diễn ra trong chính quyền? Như ông Sheehan đã suy đoán sau đó ông nói:

“Câu chuyện đã được bàn tán khắp nơi trong Tòa nhà quốc hội; về phía diều hâu cũng như bồ câu. Thật vậy, Tổng thống Johnson có thể đã phần nào phải chịu trách nhiệm. Ông thường hay nói chuyện bằng điện thoại với Thượng nghị sĩ Russell. Nguồn tin chính của tôi là săn nhặt được trong Bộ tham mưu của một thượng nghị sĩ khác không quen biết ông Russell nhưng lại là một người có đồng quan điểm với ông ta.

Tôi có cảm tưởng là các nhân vật quân sự cao cấp đã cố gắng tiếp xúc với Tòa nhà Quốc hội để tranh thủ sự ủng hộ của các nghị sĩ đối với việc vêu cầu tăng thêm quân. Họ đã nói với các bạn bè của Tướng Westmoreland trong điện Capitol để biện hộ cho ông ta.

Về phía đối lập, đã có một sự vỡ mộng và bất đồng ý kiến sâu sắc đối với chính sách của chúng ta. Một số quân nhân cấp dưới mà tôi có dịp nói chuyện đã tỏ ra rất bối rối về việc Tướng Westmoreland đã xin gửi thêm quân vào lúc đó. Họ cho rằng đó là điều tệ hại nhất về mặt tâm lý. Cứ như vậy người ta sẵn sàng phát biểu ý kiến. Vì thế mà chúng tôi đã có thể đúc kết thành một câu chuyện chi tiết đến như thế”.

Ông William G.Riller, Trợ lý Thượng nghị sĩ John Sherman Cooper đã diễn tả tình hình như sau:

“Có năm mươi thượng nghị sĩ đã từng có kinh nghiệm trực tiếp về các công việc đối ngoại và quân sự hơn hẳn cấp lãnh đạo chính trị trong bất cứ chính quyền nào. Tới mức độ mà tin tức về nhưng vấn đề then chốt được các thượng nghị sĩ đặc biệt quan tâm, nếu có ảo tưởng nào cho rằng việc gì đang diễn ra có thể giữ kín không cho Quốc hội biết điều đó quả thực là một ảo tưởng có một mạng lưới hên lạc phối hợp rất ăn khớp với nhau trên cơ sở những quan hệ thân thiết và lâu năm giữa Quốc hội và những nhân vật then chốt trong bộ máy quan liêu ở mọt cấp và chính các nhân vật này đã giúp cho Quốc hội biết đầy đủ các tin tức" (21).

Kể từ mùa xuân 1967 sự vỡ mộng về cuộc chiến tranh không ngừng tăng lên trong Quốc hội, sự kiện này phản ảnh sự chán ghét chiến tranh đang không ngừng gia tăng trên khắp cả nước (22). Một số lớn nhà lập pháp nhận ra rằng cuộc chiến tranh đã lâm vào chỗ bế tắc và không có hi vọng sớm đi đến chiến thắng.

Việc Tướng Westmoreland tới thăm Quốc hội trong tháng 11 là nhằm mục đích làm đảo lộn khuynh hướng này và đã thành công trong một thời gian làm giảm bớt cao trào chống lại chính sách chiến tranh đang theo đuổi ở Việt Nam.

Nhưng cuộc tấn công Tết đã làm sống lại vấn đề chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam và khơi lại cảm nghĩ chống chiến tranh, đặc biệt là trong Thượng viện. Các trận tấn công Tết đã xác nhận nhiều sự nghi ngờ về sự chỉ đạo và tổn phí nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam và cũng đã gây nên những sự hoài nghi đối với nhiều người giữ thái độ trung lập và có những người từng ủng hộ chiến tranh.

Ông Riller đã diễn tả tình hình như sau: “tết đã là một thời kỳ bi thảm cho sự phản ứng chống lại chiến tranh liên tục, đã có từ lâu; đối với một số thượng nghị sĩ, những báo cáo của Tổng thống nói rằng mọi việc đang tiến triển tốt đẹp ở Việt Nam, đã được coi như một sự cố ý bác bỏ và khinh thường ý kiến của quốc hội. Các thượng nghị sĩ đã không hiểu rõ tại sao Tổng thống Lyndon Johnson đã không đề nghị tiếp tục tăng quân ở Việt Nam như các cố vấn quân sự của ông đã đề nghị và đối với họ việc này đã trở thành một chính sách không thể nhân nhượng được nữa" (23).

Điều làm cho nhiều nhà lập pháp quan tâm đặc biệt là Tổng thống đã tiến hành một cuộc chiến tranh và đã triển khai hơn nửa triệu người vào cuộc chiến, trên cơ sở đó họ cảm thấy đã nhiều sự tham khảo ý kiến Quốc hội. Họ nhất quyết dành cho được tiếng nói lớn hơn đối với những quyết định trong tương lai và kiên quyết đòi phải được tham khảo ý kiến đối với bất cứ quyết định nào liên quan đến việc tăng thêm số quân quan trọng ở Việt Nam.

Một số Thượng nghị sĩ nổi tiếng đã làm gián đoạn cuộc tranh luận về quyền công dân ngày 7-3 dù nói rõ vấn đề trên cho Tổng thống. Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện, Thượng nghị sĩ J.William Fulbright đã nói: "Vấn đề chính là quyền hạn của chính quyền tự cho phép mở rộng cuộc chiến tranh mà không được sự đồng ý của Quốc hội và đã không hề có một cuộc tranh luận hoặc một sự xem xét nào của Quốc hội cả" (24).

Quan điểm này đã được các bạn đồng nghiệp của ông lặp lại. Thượng nghị sĩ Clifford Case phát biểu: “tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải nhấn mạnh vào điểm ấy. Tôi cho rằng chúng ta không còn có thể lẩn tránh trách nhiệm phải chia sẻ trong việc đưa ra quyết định..." (25)

Thượng nghị sĩ Robert Kennedy tuyên bố: “tôi cho có lẽ là một sự sai lầm khi Tổng thống quyết định biện pháp lâu dài đến leo thang cuộc chiến tranh mà không được sự ủng hộ và sự thông cảm của Thượng nghị sĩ cầm đầu phe đa số ở thượng viện. Mike Manesfild, không phải là kẻ thù của Tổng thống, cũng đã phải quan tâm. Ông đã phát biểu như sau: "Chúng ta đang có mặt ở một vị trí không đúng và chúng ta đang biến thành một cuộc chiến tranh không đúng kiểu”, trong khi đó ông lại công nhận là Tổng thống "đã hết sức cố gắng, mãnh liệt và kiên định tìm con đường đi đến thương nghị" (26).

Bài báo đăng trên New York Times đã xuất hiện một ngày trước ngày Bộ trưởng Ngoại giao Rusk, theo chương trình ấn định, phải ra điều trần trước ủy ban đối ngoại Thượng viện. Các thành viên của ủy ban tỏ ra kính mến và thông cảm ông Rusk. Họ cho là mặc dù ông này đã mắc sai lầm tiếp tục ủng hộ cuộc chiến tranh, xét về phương diện hậu quả của nó đối với đất nước, nhưng ông đã giữ được tính chính trực và chưa hề nói dối họ (27).

Vì thế Chủ tịch Ủy ban trong lời phát biểu khác thường, đã đưa ra nhận xét khi khai mạc buổi điều trần như sau:

"Tôi biết ông hiểu rõ về những vị trong phòng này, về quần chúng nói chung sẽ hiểu là cuộc thảo luận giữa ông và ủy ban và chương trình viện trợ nước ngoài nói chung và đặc biệt là vấn đề Việt Nam tuyệt nhiên không phải do bất cứ một động cơ thù oán gì đối với ông cả. Mọi thành viên của ủy ban này rất kính mến cá nhân ông. Tất cả chúng tôi - và đặc biệt là tôi - công nhận là ít có những quan chức ở Washington ngày nay đã thi hành nhiệm vụ của họ đối với đất nước với đầy nhiệt tâm và nghị lực hơn ông. Trước sự kiện có nhiều người trong chúng tôi không đồng ý với những ý kiến của ông tuyệt nhiên không ngụ ý là chúng tôi không có một sự kính mến sâu sắc đối với trí thông minh và tính chính trực của ông và không phải là chúng tôi không khâm phục sự tận tâm và ý thức trách nhiệm của ông" (28).

Nhưng các nghị sĩ cũng đã hiểu được ảnh hưởng của phương tiện thông tin đại chúng về sự tác động của cuộc điều trần của ông Rusk được truyền hình trực tiếp. Trong hai ngày bị chất vấn, ông Rusk đã điều trần tổng cộng 6 giờ rưỡi ngày 11-3 và bốn giờ rưỡi trong ngày 12-3. Đây là một cuộc chất vấn kéo dài lâu nhất một nhân vật chính quyền và chưa hề bao giờ được phát thanh và truyền hình cho nhân dân Mỹ (29)

Ông Rusk đã tránh né tất cả những mưu toan cầm chân ông ốc vặn hỏi về có thể có một sự tăng thêm quân hay không hoặc những yếu tố khác về chiến lược Việt Nam trong tương lai. Ông đã phát biểu; tôi nghĩ rằng tôi sẽ làm một việc không đáng khi đưa ra những suy đoán về số lượng hoặc những khả năng trước khi Tổng thống có cơ hội xem xét tất cả tin tức về tham khảo ý kiến các cố vấn của ông" (30)

Ông Rusk đã nói rõ là mặc dù “không có đề nghị gì đặc biệt trước Tổng thống trong lúc này... toàn bộ tình hình đang được xem xét từ A đến Z... Những sự kiện và những vấn đề cũng như nhưng cơ hội đang được xem xét, nhưng tôi không thể suy đoán về những quyết định chưa được ban hành hoặc những kết luận chưa đạt được... Chúng tôi đang xem xét tình hình nghiên cứu nó trên mọi khía cạnh nhưng hiện nay chúng tôi chưa đi đến kết luận và Tổng thống chưa có những đề nghị biện pháp hành động dứt khoát - và điều này có nghĩa là có thật chi tiết - trước mặt ông trong lúc này” (31).

Mặc dù ông không bị Ủy ban chất vấn về điểm này, ông Bộ trưởng Rusk đã quyết định nhắc lại lời phát biểu của ông ngày 11-2 liên quan đến vấn đề khả năng có thể đi đến thương thuyết với Bắc Việt Nam. Sự náo động của những cuộc thăm dò ngoại giao với cường độ lớn trong tháng một và đầu tháng hai đã dẫn đến việc suy đoán về khả năng đi đến thương thuyết.

Những cuộc thăm dò chiều sâu do các nhà lãnh đạo chính phủ Án Độ, Liên Xô, Ý, Pháp và ông Tổng thư ký liên hiệp quốc U Thant tiến hành với các đại diện Bắc Việt Nam đã cổ vũ điều mà chính quyền nhận thấy là những hi vọng dối trá đối với một cuộc đàm phán như thế.

Lời phát biểu của ông Rusk trong tháng hai đã tìm cách làm cụt hứng những mong đợi đang dâng lên và hình như có ý nói lên là chính quyền đã không còn hi vọng gì tiến hành cuộc đàm phán trong tương lai gần. Ông nói:

"Không một lúc nào Hà Nội biểu lộ công khai hoặc tư riêng là họ sẽ kiềm chế không lợi dụng bất cứ một cuộc ngừng ném bom nào ở Bắc Việt Nam để củng cố về mặt quân sự. Họ cũng đã tỏ ra chẳng có chút quan tâm nào về những cuộc thảo luận sơ bộ để dàn xếp một cuộc ngừng bắn hoàn toàn" (32).

Trong cuộc điều trần trước ủy ban, ông Rusk đã tự động đưa ra một lời phát biểu tương tự, có lè cũng cùng một lý do - là để làm ngã lòng mọi người đối với sự suy đoán là cuộc đàm phán hòa bình sắp tới diễn ra đến nơi rồi. Trước uỷ ban, ông Rusk đã phát biểu như sau:

"Thật hết sức rõ là tiếp theo các cuộc tiếp xúc gần đây của chúng ta với Hà Nội, họ sẽ không chấp nhận một cuộc ngừng ném bom cục bộ nào và xem đề nghị này như một bước tiến tới hòa bình bằng bất cứ cách nào, theo bất cứ kiểu nào hoặc bất cứ dưới hình thức nào".

Nhưng ông Bộ trưởng vẫn mở rộng cửa để đón nhận những cố gắng của chính quyền nhằm đi vào con đường đàm phán hòa bình. Ông nói với ủy ban như sau:

"Điều đó không có nghĩa là trong khi chúng tôi bước vào tương lai chúng tôi sẽ không để ý xem xét việc ấy và tất cả những đề nghị khác mà chúng tôi có thể nhúng tay vào hoặc là cái gì của chúng tôi có thể nghĩ ra được" (33).

Những buổi điều trần ở Thượng viện được truyền hình đi theo sự mô tả đặc biệt của Thượng nghị sĩ Mundl như một "diễn đàn có tính cách giáo dục" cốt để đáp ứng mục đích ấy vì hình ảnh những buổi điều trần này đã được đưa vào tận nhà cho chính quyền và nhân dân Mỹ thấy sự bất đồng ý kiến đang tăng lên trong ủy ban và trong Quốc hội về sự chỉ đạo chính sách Hoa Kỳ ở Việt Nam và sự cương quyết của Thượng viện đòi phải được tham khảo ý kiến về bất cứ một sự bố trí thêm quân nào ở Việt Nam.

Tạp chí Times tường thuật rằng buổi họp “đã có lúc phơi bày với tài hùng biện những quan điểm cơ bản của chính quyền và những người chỉ trích ít cực đoan hơn". Nhưng các buổi điều trần cũng đã đưa ra cho toàn quốc thấy chủ đề là ông Rusk không ngừng lặp đi lặp lại nhiều lần vấn đề đất nước này phải thực hiện những lời cam kết (34).

Trong khi đó việc nghiên cứu của ông Clark Clifford đã khởi sự trước đây. Tiếp sau báo cáo của Nhóm công tác đặc biệt Clifford được đệ trình lên. Ông tân Bộ trưởng, thường có Tướng Wheeler tháp tùng, đã thực hiện những cuộc gặp gỡ theo một thời khóa biểu thiết thực với những nhân vật lãnh đạo trong Quốc hội, đặc biệt là với các thành viên của Ủy ban Quốc phòng Thượng viện và Hạ viện để tìm hiểu và đánh giá dư luận trong Điện Capitol (Tòa nhà Quốc hột).

Dư luận này đã nhanh chóng trở nên rõ ràng. Tướng Wheeler nhớ lại là "họ tỏ ra không ưa việc gọi nhập ngũ quân dự bị. Nhưng quan điểm của Thượng nghị sĩ Russell đã đặc biệt gây ấn tượng sâu sắc đối với ông Clifford. Ông cho là trước hết chúng ta đã phạm lỗi lầm đưa quân sang Việt Nam (35)

Ông Clifford đã gợi lại ý nghĩ của ông như sau: "Càng đi sâu vào vấn đề tôi càng thấy tôi bắt đầu đi đến quyết định cho ý kiến của Thượng nghị sĩ Russell là đúng, đó là trước hết chúng ta không nên mang quân vào" (36).

Thượng nghị sĩ Henry Jackson sau đó đã nhắc lại những buổi họp với ông Clifford như sau:

“Có khoảng bốn người trong chúng tôi đã ngăn chặn một mưu toan, ngay sau vụ Tết, đem thêm một phần tư triệu quân sang đó. Tôi đã chống lại vì tôi nói chúng ta phải bắt đầu thu gọn việc này lại... Đó là một đoạn ngắn lịch sử chưa hề được thảo luận với đầy đủ chi tiết. Đó không phải là những buổi họp của ủy ban. Chúng tôi đã có những cuộc thảo luận về vấn đề ấy và chúng tôi đã chống lại, trong cuộc thảo luận có Thượng nghị sĩ Russell, Thượng nghị sĩ Stennis, ông Clark Clifford".

Thương nghị sĩ Jackson cho ràng sự chống đối này của Quốc hội đã dứt khoát nằm trong tư tưởng của ông Clifford và lúc ấy “Chúng tôi đã có một loạt những cuộc gặp gỡ nhau trong bữa ăn trưa". Thượng nghị sĩ Jackson nhớ lại như sau:

“Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và ông Clark Clifford đã gặp các Thượng nghị sĩ Stennis, Russell, Young, Largaret, Chase Smith và tôi. Chúng tôi chỉ cốt nói thật rõ là chúng tôi hoàn toàn chẳng thể ủng hộ một sự gia tăng lớn về quân số ở Việt Nam. Ông Clifford và Tướng Wheeler đã cùng trình bày vấn đề một cách thẳng thắn và nói rằng đó chỉ là một sự phân tích vào lúc ấy.

Ông Clifford đã có tư tưởng hoài nghi. Ông thấy khó lòng đạt được một kết quả nào cho vấn đề trên. Phản ứng của chúng tôi sẽ không ủng hộ việc ấy. Tôi có ý ngờ vực rằng phản ứng của chúng tôi mà ông đã thấy được đã tác động dứt khoát đến vấn đề soạn thào quyết định của ông. Nếu chúng tôi không sẵn sàng ủng hộ việc đó thì ai sẽ ủng hộ ông, Clark Clifford đã tỏ ra chán nản. Phản ứng của chúng tôi đã dứt khoát chiếm một phần tư tưởng của ông và chắc chắn đã trở thành một trong những nhân tố quyết định đã ảnh hưởng đến việc làm của ông ta (37).

Thượng nghĩ sĩ Largaret Chase Smith đã có phản ứng khác. Bà nhắc lại những buổi gặp gỡ nêu trên như sau:

“Tôi đã cảm thấy sâu sắc là Bộ trưởng Clifford và Tổng thống Johnson lúc đó đang cố làm cho các thành viên then chốt của Quốc hội đưa ra quyết định và chịu trách nhiệm về mặt chính trị (ít nhất thì cũng chia sẻ trách nhiệm). Phản ứng của tôi là, vì có Tổng thống mới có tất cả các tin tức và vì Quốc hội khó có thể biết đầy đủ như Tổng thống về cái gì đang cần đến, vì thế việc này không thể thực hiện được.

Các thành viên chủ yếu của Quốc hội chỉ có thể biểu thị phản ứng cá nhân đối với điều mà họ được cho biết mà thôi. Tôi không chắc là họ đã được cho biết tất cả câu chuyện và những sự biến xảy ra sau đó chứng minh sự hoài nghi của tôi đối với hành động của dụng ý này”. 

“Về phản ứng cá nhân của tôi, tôi cho rằng với sự tổn thất nhiều nhân mạng đến như thế và với những phí tổn thật là to lớn, chúng ta không thể đột ngột rút lui, rút quân ra khỏi cuộc chiến tranh và do đó nếu chỉ cần thêm ít quân nữa để đem lại chiến thắng thì tôi sẽ bằng lòng ủng hộ việc gửi thêm một số ít quân...

Tôi không chống triệt để việc gọi nhập ngũ quân dự bị. Trái lại, tôi cảm nghĩ rằng quân dự bị cần phải được gọi nhập ngũ để đáp ứng mục đích và nhiệm vụ của nó... Tôi suy luận rằng nếu chiến tranh vẫn cứ tiếp tục với một tốc độ không dứt khoát do hậu quả của nỗ lực bị hạn chế đó sẽ càng ngày càng gây thêm xúc động cho những gia đình người Mỹ có chồng con bị thiệt mạng và vì thế chiến tranh sẽ càng ngày càng trở thành không thể chấp nhận được đối với họ" (38).

Thượng nghị sĩ Mansfields cũng đã gặp gỡ ông Clifford mặc dù ông không nhớ có gặp Tướng Wheeler vào lúc ấy hay không. Ông nhắc lại những cuộc gặp gỡ này theo kiểu sau đây:

“Tôi kính trọng sự quan tâm của ông ấy đối với con đường mà công việc đang được tiến hành và sự cần thiết tìm một giải pháp nào đó cho chiến tranh đang diễn ra ở Đông Dương. Dĩ nhiên là ông ấy đã hiểu rõ cảm nghĩ của tôi như thế nào đối với sự dính líu của chúng ta ngay từ lúc mới bắt đầu và tất cả cái gì tôi đã làm là khuyến khích ông ta làm đủ mọi cách có thể làm được để đưa đến việc chấm dứt chiến tranh" (39).

Những biểu lộ lạc quan liên tục của Bộ tư lệnh Tướng Westmoreland ở Sài Gòn cũng đã gây ấn tượng sâu sắc trong Quốc hội. Tiếp theo những cuộc gặp gỡ của ông với các thành viên của Quốc hội, ngày 7-3 ông Clifrord đã chỉ thị cho Tướng Wheeler gửi công điện cho Tướng Westmoreland với mục đích nói cho ông biết là những lời phát biểu lạc quan như đã được “người phát ngôn quân sự cao cấp" đưa ra và đã được đăng trên báo "New York Times" ra ngày 7-3 đã có ảnh hưởng đáng buồn trong Quốc hội "Liên quan đến lời yêu cầu tăng thêm quân của ông".

Ông Chủ tịch đã phát biểu "Lời yêu cầu đó sẽ khó lòng được thông qua, có lẽ không thể nào thông qua được, nếu chúng tôi không tỏ ra có một thái độ điềm đạm và phải chăng đối với tình hình chính trị, kinh tế về tâm lý ở Nam Việt Nam" (40).

Sự trao đổi công điện này chứng tỏ thêm sự bất đồng quan điểm giữa Sài Gòn và Washington về vụ tấn công Tết. Đối với sự chỉ đạo trên từ Washington, Tướng Westmoreland đã phát biểu như sau: “tôi đã hơi bối rối. Hình như đã có một sự hơi mâu thuẫn. Tại đây tôi đang bị buộc tội xin quân tiếp viện trên cơ sở tình trạng khẩn cấp nhưng tuy vậy người ta lại đang bảo tôi đừng lạc quan khi tôi đang cố thực hiện một sự đánh giá khách quan về tình hình" (41).

Trong khi đó, ông Clirford được yêu cầu ra điều trần trước ủy ban Fulbright tiếp theo ngay sau cuộc điều trần của Bộ trưởng ngoại giao. Nhưng ông Clifford vẫn chưa nắm vững được chiều sâu của sự ràng buộc của ông đối với chính sách Việt Nam của chính quyền, đã xin miễn cho ông phải điều trần, với lý do là ông vừa nhận nhiệm vụ quá mới và quá bận rộn về vấn đề Việt Nam để có thể đưa ra những nhận xét chín chắn đối với chương trình viện trợ quân sự, vấn đề này có vẻ là mục đích của cuộc điều trần.

Biết rõ sự hoài nghi của ông Clifford đang tăng lên, Tổng thống cũng không mong muốn thấy ông ra điều trần trước diễn đàn của một Thượng viện chống đối và được truyền hình đi khắp nơi trên toàn quốc. Được sự đồng ý của Thượng viện, Tổng thống Johnson và ông Bộ trưởng Clifford đã thuận để ông Nitze, Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng ra điều trần:

Ông Nitze rất am hiểu cuộc điều trần sẽ đòi hỏi ông phải bênh vực chính sách của chính quyền cho nên ông đã từ chối không ra điều trần dựa trên cơ sở là ông không có đủ tư cách để biện hộ cho những chính sách này. Ông đã trao cho ông Clifford một lá thư do ông soạn thảo gửi Tổng thống, trong đó ông đã nói rõ quan điểm của ông cho rằng việc thực hiện sự bố trí quân sang Việt Nam sẽ đe dọa những cam kết của Hoa Kỳ ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới. Lá thư đã kết luận bằng một đoạn muốn nói rằng do sự tỏ rõ lập trường. Ông có thể rất hiểu được là Tổng thống có thể muốn ông hãy từ chức. Ông Nitze nhắc lại quan điểm của ông như sau:

“Tôi hoàn toàn sẵn sàng chấp nhận một quyết định của chính quyền mà đứng trên lập trường hẹp hòi thì có thể không tán thành nhưng dựa vào đó tôi có thể thấy được nhà cầm quyền cấp cao với sự hiểu thấu vấn đề rộng lớn nên có thể có những suy xét trong tâm trí mà tôi không có trong đầu óc vào lúc ấy và như thể tôi sẽ phải bênh vực quyết định đó. Nhưng tôi cảm thấy tôi đã hiểu rõ vấn đề như ông bạn bên cạnh tôi, nhưng không ai sẵn sàng giải thích cho tôi hiểu những suy xét rộng lớn hơn đó là gì.

Tôi có cảm tưởng là tình hình đã đảo ngược và lúc đó tôi đang chú ý đến những quan tâm rộng lớn hơn nhiều nhà cầm quyền cấp cao. Trong tình huống như thế, tôi không phải là người có thể được đưa đi điều trần… Đây không phải là một mối bất đồng to lớn với chính quyền. Đây chỉ có nghĩa là anh làm theo một cách nào đó và họ bảo đây là cách mà anh sẽ phải thi hành. Tôi không thể nào làm theo cách khác được” (42).

Ông Clifforđ đã sửng sốt trước lá thư của ông Nitze về nội dung cũng như về sự tiếp nhận khi đến tay Tổng thống Johnson, con người rất nhạy cảm đối với vấn đề trung kiên. Ông chấp thuận chuyển lá thư lên Tổng thống nếu ông Nitze sẵn sàng xóa bỏ đoạn nhắc đến sự sẵn sàng "thôi không tiếp tục” đảm nhiệm chức vụ nữa. Việc này đã được ông Nitze thực hiện và phần còn lại của lá thư được gửi lên Nhà trắng. Kể từ ngày ấy, ông Nitze đã không còn được mời dự những bữa ăn trưa được tổ chức vào ngày thứ ba mỗi tuần tại Nhà trắng (43).

Sau đó ông Clifford và Tổng thống đã quyết định chỉ thị ông Warnke phải ra điều trần trước Quốc hội thay mặt Bộ quốc phòng. Ông Warnke đồng ý mặc dù ông có nhiều nỗi lo âu về chính sách Việt Nam. Tuy nhiên. Thượng nghị sĩ Fulbright lại cứ nhất định là ủy ban chỉ sẵn sàng chấp nhận ông Clifford hoặc ông Nitze ra điều trần mà thôi và ủy ban sẽ chờ cho đến khi được chính quyền thông báo ông này hoặc ông kia sẵn sàng ra điều trần. Cứ như thế quả bom lại được ném trở lại vào sân của ông Clifford.

Có lý do để tin rằng đây là điểm mà những hoài nghi đang tăng lên nhưng còn do dự của ông Clifford đã kết tinh thành một niềm tin vững chắc là chiến lược của chúng ta cần phải sẵn sàng tìm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến. Bị xúc động trước sự thành thật và tài hùng biện của các trợ lý của ông như các ông Nitze, Warnke và Goulding, lo lắng trước sự chống đối dễ hiểu trong số các bạn bè trong Quốc hội, không tin theo những lời thuyết phục của các tướng lãnh trong Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, những suy nghĩ của chính ông Clifford đã kết tinh lại. Chắc ý nghĩ phải đứng ra biện hộ cho một chính sách, và không thành công trước một cử tọa gồm những người có phần rất am hiểu vấn đề và có đầu óc chống đối trong Quốc hội đã tập trung những hoài nghi trong trí óc của ông. Ông Nitze đã nhắc lại: “Khi ông Clifford phải đương đầu với khả năng ông ta có thể sắp phải đứng ra bào chữa cho chính sách của chính quyền trước Ủy ban Fulbright. quan điểm của ông đã thay đổi" (44)

Theo như ông Clifford đã giải thích tình trạng khó xử của ông, ông cố tìm kiếm những giải đáp mà không tìm ra nổi một giải đáp nào cả, ông nói:

“Tôi đã không thể tìm ra được giải đáp bao giờ cuộc chiến tranh sẽ chấm dứt. Tôi đã không tìm thấy có cách nào để đưa trận chiến tranh đến chỗ kết thúc. Tôi đã không hiểu được liệu những lời yêu cầu xin tăng thêm quân và đồ thiết bị sẽ đáp ứng đủ nhu cầu chưa hay là sẽ còn cần nhiều hơn nữa và nếu cần thêm nữa thì khi nào và cần thêm bao nhiêu. Tôi không hiểu rõ bao lâu nữa lực lượng Nam Việt Nam sẽ sẵn sàng tiếp quản thay thế được.

Tất cả cái gì tôi có trong tay là lời phát biểu được đưa ra với quá ít tự tin để có thể làm yên lòng. vấn đề là nếu chúng ta cứ cố theo đuổi cuộc chiến tranh trong thời gian dài vô hạn định, quân địch sẽ có thể chọn con đường thôi không tiếp tục cuộc chiến tranh nữa... Tôi tin chắc là con đường quân sự mà chúng ta đang theo đuổi không những là vô tận mà còn tuyệt vọng nữa.

Biện pháp tăng thêm lực lượng Mỹ với số lượng quan trọng chỉ có thể làm gia tăng sức tàn phá và sự Mỹ hóa chiến tranh và như thế làm cho chúng ta thụt lùi xa hơn đối với mục tiêu hòa bình mà dựa vào đó sẽ cho phép nhân dân Việt Nam hình thành những thể chế chính trị và nền kinh tế của họ. Từ nay trở đi, tôi cũng tin chắc là mục tiêu chủ yếu của chúng ta phải là giải quyết việc dính líu của chúng ta và hoạt động hướng về giải kết dần dần (45).

Ông Clifford đã gặp riêng Thượng nghị sĩ Fulbright và trong một cuộc trao đổi câu chuyện một cách thẳng thắn ông đã thông báo cho ông Chủ tịch ủy ban đối ngoại Thượng viện biết về những hoài nghi đang tăng lên trong đầu óc của ông về chính sách Việt Nam mà chính quyền đang theo đuổi. Ông Fulbright đã nhắc lại cuộc gặp gỡ như sau:

“Ông Clifford đã cho tôi biết là ông ta đang tiến hành một cuộc duyệt xét lại chính sách Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông đưa ra lý lẽ là ông không muốn đưa ra lời phát biểu công khai trước khi việc duyệt xét lại hoàn thành. Tôi đã cảm thấy điều thích hợp là nên chờ cho đến khi cuộc duyệt xét này hoàn thành rồi ông ấy hãy ra điều trần trước ủy ban" (46).

Hai người đã đi đến thỏa thuận là nếu ông Clifford phải ra điều trần trong lúc vấn đề đang được tranh luận trong chính quyền, việc này có thể làm những triển vọng đưa đến việc thay đổi chính sách của chính quyền. Phấn khởi trước điều đã nghe được, ông Fulbright đã gửi công văn cho Bộ trưởng Quốc phòng báo cho ông này biết là ông có thể ra điều trần trong tương lai khi nào ông thấy thuận tiện. Như ông Chủ tịch đã phát biểu:

"Quan điểm của ủy ban đối ngoại là đề tài viện trợ quân sự có tầm quan trọng đến mức ông Bộ trưởng Quốc phòng phải ra trình bày trước một buổi họp công khai như trước đây. Lẽ dĩ nhiên, ủy ban rất hiểu sự cần thiết đối với ông để làm quen với đề tài và sẽ sẵn sàng để ông ra điều trần khi nào ông thấy thuận tiện" (47).

Vì thế ông Clifford đã tiến gần hơn đến quyết định về con đường mà Hoa Kỳ cần phải theo để đem cuộc chiến tranh Việt Nam đến chỗ kết thúc. Nhưng như ông sẽ khám phá ra là "Việc đạt đến một sự kết thúc và việc thi hành đầy đủ những điều khoản đã thỏa thuận không giống nhau, đặc biệt là khi người ta không có quyền quyết định cuối cùng" (48).

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG CHÍN

(1) Hazel Brakine "Những cuộc thăm dò dư luận: cuộc chiến tranh có phải là một sự sai lầm không": tr.135-143-150. Louis Harris "Niềm tin bị lung lay nhưng đa số bác bỏ việc rút lui khỏi Việt Nam". “Đánh giá công chúng đối với cuộc chiến tranh". Wheeler "Những khuynh hướng trong sự ủng hộ của quần chúng đối với các cuộc chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam” tr.365. Jueller: “Sự hâm mộ Tổng thống của quần chúng từ Tổng thống Truman đến Tổng thống Johnson” tr.35-36. Jerche R.Skelnick "Chính trị phản đối" tr.44. Cantril "Nhân dân Mỹ, Việt Nam và nhiêm kỳ Tổng thống" tr.5-7.

Dĩ nhiên, việc xác định rõ “Sự ủng hộ" đối với cuộc chiến tranh là tối quan trọng. Một số những nhà bình luận đã nhận thấy có một sự gia tăng lớn trong số những bồ câu sau tháng Ba 1968, trong khi đó thì những người khác lại giải thích việc này như một sự ủng hộ của quần chúng đối với việc tạm ngừng ném bom và sáng kiến hòa bình của Tổng thống.

Xem Converce và Shuman "Những đa số trầm lặng và cuộc chiến tranh Việt Nam" tr.20-21. Harlan Hahn “Những yếu tố liên quan với nhau về cảm nghĩ của công chúng đối với chiến tranh. Trưng cầu dân ý địa phương về vấn đề Việt Nam” tr. 1.189; "Làn sóng bi quan mới đối với cuộc chiến tranh Việt Nam được nhận thấy ở khắp đất nước" tr.6; “Một sự gia tăng rõ rệt được nhận thấy trong số những bồ câu” tr.15. Rostow "Sự chia sẻ quyền lực". tr.461-483. Rosenberg và những người khác: “Vấn đề Việt Nam và đa số trầm lặng" tr.38-39. John Mueller "Cuộc chiến tranh các Tổng thống và dư luận quần chúng" tr.57.

(2) Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.484-496. Sidney Verba và Richard A.Brady "Tham gia những chọn lựa ưu tiên về chiến tranh ở Việt Nam". Rosenberg và những người khác “Vấn đề Việt Nam và đa số trầm lặng" tr.30-33. Joseph Vrart "Những sự tăng giảm đau đầu của dư luận trong thời hạn ngắn làm cho Tổng thống Johnson mù quáng trước tâm trạng cơ bản của Hoa Kỳ". Louis Harris "Hoa Kỳ phản ứng lại với quyết tâm vừa phải đẩy mạnh cuộc chiến tranh".

(3) Oberdorfer "Tet". Michael J.Arlen "Cuộc chiến tranh trong phòng khách" tr.169-172. 119-122; Edith Efron "Những kẻ bóp méo tin tức" tr.47. Rodholmgren và William Norton, nhà biên soạn "Cuốn sách về phương tiện thông tin đại chúng". Warren K.Agee, nhà biên soạn “Phương tiện thông tin đại chúng trong một xã hội tự do". Arthur Krack "Sự tán thành của kẻ bị trị", Robert Macneil "Bộ máy nhân dân", James B.Reston "Súng pháo của báo chí, tác động của nó đối với chính sách đối ngoại của Mỹ". Wiliiam L.Rives "Những đối thủ”. Donald F.Roberts và Winbur Schramn, nhà biên soạn “Phương pháp và hiệu lực của hệ thống thông tin đại chúng". Robert Stein “Sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng: Ai đang tạo hình ảnh thế giới cho bạn ?". Alan Wella, nhà biên soạn “Phương tiện thông tin đại chúng và xã hội". "Sự bất đồng quan điềm ở Mỹ: Những sự kiềm chế trong chính sách đối ngoại" tr.8-12. Georse Wil "Sự thiên vị của vô tuyến truyền hình có quan trọng gì không?". "Máu trên màn ảnh". “Cuộc chiến tranh trong phòng khách - tác động của vô tuyến truyền hình". Schin Day “Những nỗi băn khoăn suy nghĩ của một nhà báo Vô tuyến truyền hình" tr.78-88. Richard Harwood “Sức mạnh của báo chí: Thần thoại hay sự thực Mỹ”. "Những nhà soạn thảo chính sách đối ngoại và báo chí". B. Singer “Bạo lực chống đối và chiến tranh trong tin tức vô tuyến truyền hình: so sánh ở Hoa Kỳ và ở Canada". Peter Braestrup "Chuyện quan trọng: Báo chí và vô tuyến truyền hình Mỹ đã tường thuật và giải thích cuộc khủng hoảng Tết 1968 như thế nào ở Việt Nam và ở Washington".

(4) Về sự phân tích đã làm ông Cronkite đến quyết định này, xem Oberdorfer “Tet". tr.248-251.

(5) Wiliiam P.Snall "Giết chết một người đưa tin" tr.125.

(6) Rostow “Sự chia sẻ quyền lực" tr.262.

(7) "Cái lôgic của chiến trường". Xem cả S.Yee "Báo chí Hoa Kỳ và sự khổ cực trong việc đánh giá tình hình". John W Fenton "Những chuyển hướng của báo chí đối với cuộc chiến tranh được thuật lại".

(8) Art Buchwald "Tướng Custer thuyết trình tại Big Horn, chúng ta đang chứng kiến quân địch chạy dài".

(9) Henry "Tạp chí Harpers và Atjantic cho xuất bản những số báo đặc biệt về Việt Nam", Dan Wakereld "Siêu cường trong hòa bình và chiến tranh" tr.99-100. Norman Sailer “Những bước của nền văn hóa".

(10) Waiter Lippmand "Waiter Lippmand nói về nội trận" tr.24.

(11) "Cuộc chiến tranh".

(12) Well Sheehan và Hedrick Smith "Tướng Westmoreland xin tăng viện thêm 206.000 quân, cuộc tranh cãi sôi nổi trong chính quyền".

(13) Phỏng vấn riêng ông Hedrick Smith ngày 19-10-1975.

(14) Phóng sự chủ nhật của Frank Mogee ngày 10-3-1968 được ông Oberdorfcr trích dẫn trong cuốn "Tet", tr.273.

(15) Cuộc phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow. 4-2-1974. Đọc cả Chaimers M.Roberts, "Cuộc chiến tranh đang trải qua sự xem xét kỹ lưỡng và sâu sắc". Frederick Taylor “Lời yêu cầu gởi thêm quân sang Việt Nam được Nhà Trắng nghiên cứu: một số người chống lại bố trí bất kỳ một sự tăng cường lực lượng nào".

(16) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.402.

(17) Phỏng vấn riêng ông Edwin L.Dale Jr. 21-10-1975.

(18) Phỏng vấn riêng ông Nell Sheehan. 20-10-1975.

(19) Như trên.

(20) Cuộc phỏng vấn riêng ông Hedrick Smith ngày 13-10-1975. Đọc cả Braestrup "Chuyện quan trọng".

Về sự suy đoán ông Daniel Alsberg đã là người cung cấp nguồn tin cơ bản của câu chuyện đăng trên báo, xin đọc Jack "Alsberg: Những tin tức bị lộ khác".

Ông Nedrick đã có ý kiến như sau:

"Nỗi hoài nghi, biết rõ tin tức xuất phát từ lâu và anh Daniel Alsberg chắc là đã có dính dáng tới việc này. Mặc dù tôi không biết rõ nguồn tin chủ yếu dựa vào đó các nguồn tin của tôi đã săn lượm được chúng tôi biết rõ như Alsberg không phải là nguồn tin trực tiếp".

Cả hai và Sheehan trong khi được phỏng vấn riêng đã phủ nhận việc câu chuyện của họ đưa ra là do đồng sự chính trị thúc đẩy hoặc có một sự liên quan nào với Hội nghị sơ bộ đang chọn lựa ứng cử viên. Họ nói rõ là câu chuyện đã được đăng trên báo chí vì những lý do thực dụng và cạnh tranh: như là săn nhặt được những sự kiện càng gần đầy đủ càng tốt và đăng câu chuyện đó lên báo ra ngày chủ nhật đề đánh bại sự cạnh tranh của các tạp chí tuần báo tin tức khác.

(21) Cuộc phỏng vấn riêng ông William G.Willer, 30-9-1975.

(22) Don Oberdorfer "Sự nghiêng ngả đối với trận chiến tranh trong Điện Capttol (Tòa nhà Quốc hội)"; David "Những dân biểu trẻ tuổi yêu cầu duyệt xét lại toàn bộ chiến lược Việt Nam..."

(23) Phỏng vấn riêng ông William G.Miller ngày 30-9-75.

(24) Biên bản Quốc hội. tr.5645. Xem cả John W.Finney “Những hoài nghi về cuộc chiến tranh ở Thượng viện": Lyle Denniston "Các thượng nghị sĩ đòi hỏi có tiếng nói trong việc tăng cường thêm quân ở Việt Nam". John W.Finney "Tôi chỉ trích cuộc chiến tranh lan rộng ở Thượng viện về vấn đề tăng cường thêm quân".

(25) Biên bản Quốc hội, tr.5658.

(26) Như trên. Tr 5359.

(27) Phỏng vấn riêng ông William C.Miller ngày 1972. Tuy nhiên ủy ban đã chê trách ông Rusk vì trước đây ông đã từ chối không chịu ra điều trần trước buổi họp công khai.

Đọc “John, nhóm tham gia hội thảo ở Thượng viện thúc giục ông Rusk nhận lời tranh luận về cuộc chiến tranh". "Thượng nghị sĩ Mansfield hành động để chấm dứt cuộc cãi lộn cơ bản về việc ông Rusk từ chối". "Sự xuất hiện của ông Rusk trên kích thích việc hình thành nhóm hội thảo...".

(28) Hội Hoa Kỳ, Thượng viện ủy ban đối ngoại "Những cuộc điều trần, đạo luật viện trợ nước ngoài 1958, Ph.l Việt Nam. tr.1. Sau này được trích dẫn như những cuộc điều trần, Đạo luật Viện trợ nước ngoài 1962.

(29) Johnson "Vị trí ưu thế” tr. 129. Thêm cả cuộc phỏng vấn riêng ông Willỉam G.Miller. ngày 1-12-68.

(30) Những cuộc điều trần, đạo luật viện trợ nước ngoài 1968.

(31) Như trên. Điều này đã được Tướng David lặp lại và giải thích trước ủy ban ngày 30-3-1968.

(32) Lời phát biểu của ông Rusk ngày 15-2-1968 về khả năng rất có thể đàm phán về hòa bình. Redrick Smith “Ông Rusk nói Hà Nội bác bỏ những điều kiện của Hoa Kỳ để đi đến một điều đình". Henry Tenner "ông U Thant hội đàm với đại diện của Hà Nội". Robert C.Doty "Ông Fanfani đã gặp hai người phụ tá của Hà Nội.

(33) “Những cuộc điều trần, đạo luật viện trợ nước ngoài" tr.25.

(34) “Tư thế đứng cách biệt" (Standoff). Đọc cả David “Những hệ quả trong việc chất vấn ông Rusk". Chalder Roberts "Những hoài nghi về Việt Nam, những nỗi lo âu vẫn còn", “Trơ trơ trước thực tại". “Ông Rusk quay ra thô lỗ". "Như ông Rusk đã từng nói". “Sự đóng góp của các cuộc điều trần"; “Luận điểm về lời cam kết của ông Rusk bị quật xuống"...

(35) Để tìm hiểu một số quan điểm của Thượng nghị sĩ Russell, xem Theodore Draper "Lạm dụng quyền lực" tr. 153-155.

(36) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 28-11-72.

(37) Phỏng vấn riêng ông Thượng nghị sĩ Henry H.Jackson ngày 28-3-1973. Xem cả Thiếu tướng S.L.Mashall “Sự linh hoạt của ông tân Bộ trưởng quốc phòng làm cho Thượng viện vui lên".

(38) Trao đổi thư riêng của Thượng nghị sĩ Largaret Chase Smith ngày 31-2-1972.

(39) Thư riêng của Thượng nghỉ sĩ Mike Mansfield ngày 28 tháng 5 năm 1973.

(40) Công điện của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân số 02721, 080048Z tháng 3-1968, Tướng Wheeler gửi cho Tướng Westmoreland và Đô đốc Sharp, xem cả Gene Roverts "Bộ tư lệnh Hoa Kỳ coi Huế chứ không phải Khe Sanh là mục tiêu chính của địch".

(41) Phỏng vấn riêng Tướng Westmoreland ngày 23-10-1972.

(42) Phỏng vấn riêng ông Paul Nitze ngày 13-10-1972.

(43) Vụ rắc rối này được mô tả chi tiết trong cuốn sách của Kalb và Abel "Những nguồn gốc của việc bị lôi cuốn vào", tr.231-232 và của Hoopes "Những giới hạn của sự can thiệp". tr.198-200, và vụ này đã được xác nhận qua cuộc phỏng vấn riêng ông Paul Nitze ngày 13-12-1972.

Trong bất cứ trường hợp nào. Ông Nitze chỉ tham dự những bữa ăn trưa vào ngày thứ ba mỗi tuần như đại diện cho ông McNamara mỗi khi ông Bộ trưởng Quốc phòng không tới dự được.

Cuộc phỏng vấn riêng trung tướng ngày 5 tháng 2 năm 1975.

(44) Phỏng van ông Nitze ngày 13 tháng 10 năm 1972. Ông William Bundy cũng đã biểu thị ý kiến tương tự qua cuộc phỏng vấn riêng ngày 11-10-1972. Đọc cả Hoopes "Những giới hạn của sự can thiệp". tr.200-201.

(45) Clifford "Một sự đánh giá lại chính sách Việt Nam". tr.511-513.

(46) Cuộc phòng vấn riêng Thượng nghị sĩ William Fulbright ngày 1-11-1973. Đọc cả Belb và Kalt "Những nguồn gốc của sự bị lôi cuốn vào".

(47) J.W.Fulbright Chủ tịch ủy ban gửi Clark Clifford, Bộ trưởng Quốc phòng đề ngày 21-5-1968.

(48) Clifford “Một sự đánh giá lại chính sách Việt Nam". tr.615.

CHƯƠNG MƯỜI
VẤN ĐỀ CHÍNH TRỊ VÀ VẤN ĐỀ KINH TẾ

Tổng thống Johnson đã thành công xuất sắc trong việc giữ cho cuộc chiến tranh Việt Nam "Vượt lên trên mọi chính kiến". Ông đã không ngừng nuôi dưỡng sự ủng hộ của hai đảng đối với chiến tranh và sử dụng mọi phương tiện sẵn có để chứng minh rằng các quyết định của ông và Việt Nam chỉ là một sự tiếp tục những chính sách và hành động những tiền nhiệm của ông trong Nhà Trắng (1).

Đạt được sự nhất trí là một kỹ thuật cai trị và lãnh đạo của ông. Ông đã tốn rất nhiều công sức để bảo đảm quyết định Vịnh Bắc Bộ 1964 được sự ủng hộ của cả hai đảng, tranh thủ được Tướng Dwight D. Eisenhower, người đảng viên đảng Cộng hòa được hâm mộ nhất lên tiếng bày tỏ công khai sự tán thành của ông đối với quyết định trên (2).

Sự lớn tiếng chống đối chiến tranh Việt Nam cho đến 1968 đã xuất phát từ những nhóm không hoạt động chính trị trên quy mô lớn, không liên kết với bất cứ đảng phái chính trị nào hoặc là xuất phát từ một số nhỏ nhà lập pháp thuộc đảng Dân chủ.

Về phía bên kia, thỉnh thoảng những sự phàn nàn của phe chính trị thiên hữu nói rằng Tổng thống đã chấp nhận và thực hiện một "chính sách không đánh thắng ở Việt Nam" đã bị cắt đứt bởi những lời phát biểu công khai của Tướng Westmoreland - một người được phái hữu rất kính nể - ông luôn luôn khẳng định là ông đang nhận được tất cả những quân lính và phương tiện yểm trợ mà ông đã xin Tổng thống và những gì ông xin đang đến đáp ứng nhu cầu đúng lúc hoặc có thể được sử dụng hết.

Tổng thống Johnson đã thừa nhận tầm quan trọng của sự ủng hộ hết mình của vị Tư lệnh chiến trường do ông chỉ định. Tại hội nghị Honolulu được tổ chức trong tháng hai 1966. Ông đã nói với Tướng Westmorland như sau “Này Đại tướng, tôi đặt nhiều tin tưởng vào đại tướng... Tôi hi vọng đại tướng đừng để xảy ra một vụ Mac Arthur nữa" (3).

Một sự bất mãn về chiến tranh đang dâng lên bắt đầu hình thành rõ rệt trong phong trào sinh viên. Tuy nhiên, sự bất mãn này đã không được tổ chức tốt, không có người lãnh đạo và có vẻ nhỏ, không ở vào thế có thể ngăn chặn nổi việc đề cử một Tổng thống đương nhiệm ra ứng cử trước sự khéo léo và quyền thế chính trị của ông Johnson.

Tuy nhiên, một nhân vật đã lần hồi đi đển kết luận dù sự chênh lệch có tuyệt vọng như thế nào đi nữa thì người ta cũng cần phải xem xét lại đối với chính vị Tổng thống đương nhiệm, cũng như đối với những chính sách chiến tranh của ông.

30-11-1967, Thượng nghị sĩ Eugene Mc Carthy công bố ra ứng cử để được đảng dân chủ đề cử ra tranh cử trước Tổng thống và như thế ông đã trở thành người cầm đầu một cuộc nổi dậy với hậu quả là gây chia rẽ trầm trọng trong đảng Dân chủ
(4). Ông Mc Carthy đã quyết định thách thức lập trường của Tổng thống do việc công bố gần đây của chính quyền và những kế hoạch tiếp tục leo thang và tăng cường chiến tranh ở Việt Nam và... không có một dấu hiệu rõ ràng nào cho thấy... sẽ đi đển một sự thỏa hiệp hoặc một cuộc dàn xếp chính trị bằng thương lượng" (5).

Nhưng cuộc vận động của ông Mc Carthy trong những ngày đầu có vẻ bị rối loạn, không sôi nổi và hình như cho thấy gián tiếp sự ủng hộ đối với lập trường bồ câu về vấn đề Việt Nam chẳng có bao nhiêu. Ông Mc Carthy đã được thuyết phục một cách bất đắc dĩ để ông ghi tên tham dự hội nghị sơ bộ chọn ứng cử viên Tổng thống của đảng được tổ chức ở New Hampshire đã tập hợp sự ủng hộ Tới chừng mực mà sự ủng hộ này có thể tranh thủ được, nhưng mối đe dọa đối với ông Johnson có vẻ xa vời (6).

Đối với những người bất đồng quan điểm thuộc Đảng dân chủ, ông Robert Kennedy dường như là người ứng cứ đương nhiên cầm cờ đi đầu đại diện cho họ. Ông này có một cơ sở quyền thế rộng lớn, ông lại có cái tên Kennedy và ông đã tách hẳn ra khỏi lập trường của chính quyền về Việt Nam.

Trong một thời gian nào đó, ông Kennedy đã bị gây sức ép để thách thức Tổng thống bằng cách ra tranh cử chức này, nhưng những nhà chuyên nghiệp chính trị được ông tin cậy nhất đã khuyên là ông không thể thắng được cuộc tranh cử này và nếu ông quyết tâm thì sẽ làm tan rã đảng Dân Chủ.

Vì thế tại buổi họp mặt ăn sáng ở Câu lạc bộ báo chí quốc gia sáng ngày 30-1-68, ngay trước khi xảy ra vụ Tết. Ông đã đích thân tuyên bố rút lui khỏi cuộc chạy đua tranh chức Tổng thống “trong bất cứ tình huống nào có thể được".

Tuy nhiên, cuộc tấn công Tết đã hợp pháp hóa cuộc chiến tranh Việt Nam như một vấn đề chính trị. Trước hết, hình như nó đã tạo nên một bằng chứng bi thảm là chính phủ, chính quyền Johnson, đã lừa dối nhân dân và do đó không thể tin cậy được.

Thứ hai, vụ Tết đã giải phóng những nhà hoạt động chính trị, những nhà báo và những nhà bình luận khỏi những ràng buộc trước đây của họ với chiến tranh. Tình hình hiện nay đã thay đồi một cách thê thảm và dường như người ta đòi hỏi phải có những giải pháp mới, những đường lối giải quyết khác.

Thứ ba, đòn tâm lý đau đớn ở Việt Nam đã làm cho việc tìm kiếm những đường lối hành động để chọn lựa trở thành chính đảng và thật là cần thiết. Đó là một dịp để đánh giá lại những mục đích và những chính sách của Mỹ ở Việt Nam không những chỉ ở bên trong chính quyền mà thôi mà cả ở bên trong toàn bộ quá trình chính trị của đất nước nữa.

Toàn thể nước Mỹ có vẻ mong mỏi có một giải pháp kỳ diệu, con đường đi đến hòa binh trong danh dự. Những cuộc thăm dò dư luận quần chúng tuy đã cho thấy sự ủng hộ của quần chúng đối với cuộc chiến tranh nhưng đã không làm cho Tổng thống Johnson được yên lòng: các cuộc thăm dò dư luận cũng biểu lộ là sự tin tưởng vào sự chỉ đạo cuộc chiến tranh của Tổng thống đã tụt lại đàng sau xa so với sự ủng hộ của quần chúng đối với ngay cả cuộc chiến tranh và đang suy sụp (7).

Rồi không bao lâu sau vụ Tết những đối thủ thách thức Tổng thống trong cả hai đảng bắt đầu phát biểu quan điểm của mình. Chiến tranh Việt Nam và đặc biệt là sự chỉ đạo chiến tranh của chính quyền Johnson đã trở thành vấn đề chính trị chủ yếu trong cuộc vận động bầu cử Tổng thống vẫn còn trong thời kỳ phôi thai. Vấn đề này đã át hẳn tất cả những mối quan tâm khác của quan chúng.

Tổng thống Johnson đã đứng tách rời khỏi cuộc đấu đá chính trị. Với tư cách là một Tổng thống đương nhiệm đang phải đương đầu với một loạt những cuộc khủng hoảng trên trường quốc tế và ở trong nước, và đang đứng trước một gánh nặng đánh giá lại những chính sách quốc gia ở Việt Nam. Ông đã từ chối không tham dự những cuộc tranh cãi sơ khởi, ngoài những cuộc tranh luận trong đó với tư cách là một ứng cử viên, buộc ông phải ra mắt cho hợp pháp để có tên trên phiếu bầu cử (8). Ông biết rõ tâm trạng của dân tộc và ông cảm thấy ông Mc Carthy hoặc ông Kennedy sẽ không phải là một mối đe dọa đối với ông. Những cố vấn chính trị của ông đã khẳng định là ông sẽ là người được chỉ định ra tranh cử chức Tổng thống của đảng Dân chủ (9).

Vì thế những kết quả của hội nghị sơ khởi tuyển lựa ứng cử viên tổ chức ở New Hampshire, hội nghị đầu tiên trên đất nước, được tổ chức vào ngày 12 tháng Ba, đúng ngày mà ông Rusk hoàn thành cuộc điều trần của ông trước ủy ban Fulbright, đã làm mọi người sửng sốt (10). Ông Mc Carthy ứng cử viên chủ trương hòa bình đã thực hiện một sự phô trương thanh thế mạnh mẽ làm mọi người ngạc nhiên tại hội nghị sơ bộ chọn ứng cử viên của đảng Dân chủ mà ông đã ghi danh một cách miễn cưởng, một phần vì cứ đinh ninh rằng cử tri New Hampshire thiên về lập trường hiếu chiến.

Trên thực tế khi việc kiểm phiếu viết tên bỏ phiếu cho người ra ứng cử của đảng vào cuối tuần, ong Mc Carthy đã đạt tới trong khoảng mấy trăm phiếu là có thể đánh bại đương kim Tổng thống trong một cuộc bầu cử phổ thông (11). Mặc dù Tổng thống không có tên trên lá phiếu, tổ chức đảng Dân chủ đã nói rõ là họ mong đợi một cuộc vận động to lớn viết tên ông vào lá phiếu để bày tỏ sự nhiệt tình của những người bỏ phiếu đối với Tổng thống.

Phản ứng trên toàn thể đất nước, đối với cuộc bỏ phiếu ở New Hampshire rất sâu sắc. Mặc dù cuộc bầu cử ít quan trọng trên phương diện khả năng bỏ phiếu cuối cùng, tuy thế đó đã có những hệ quả tâm lý rộng lớn. Rõ ràng là ông Johnson, nhà chính trị lão thành đã bị thách thức thành công không phải bởi một người tranh phiếu hấp dẫn và có sức lôi cuốn mà bởi một ứng cử viên yếu hơn, ít hấp dẫn hơn nhưng đã có thể động viên và tập trung tư tưởng vào sự bất mãn và sự vỡ mộng do cuộc chiến tranh gây nên.

Cuộc bầu cử đã báo trước một cách rộng rãi như biểu hiện một sự không thừa nhận chính quyền và những chính sách của chính quyền về Việt Nam và cổ vũ niềm hi vọng của những người chỉ trích Tống thống trong cả hai đảng. Cuộc phân tích sau này đã làm sáng tỏ hơn những động cơ thúc đẩy những người bỏ phiếu ở New Hampshire và đã làm nảy sinh ra sự nghi ngờ cho rằng rất có thể việc bầu cho ông Mc Carthy biểu hiện bỏ phiếu cho lập trường hòa bình.

Có điều chắc chắn là những người đã bỏ phiếu cho ông Mc Carthy tại hội nghị sơ bộ chọn ứng cứ viên đã rất bất mãn về các chính sách của Tổng thống Johnson về Việt Nam, số người này đã vượt hẳn số người đã bỏ cho ông Johnson nhiều. Nhưng trong số những người không hài lòng vì ông Mc Carlhy, những người không hài lòng vì ông Johnson đã không theo đuổi một đường lối cứng rắn hẳn ở Việt Nam đã vượt hẳn số những người mong muốn rút lui khỏi Việt Nam. Tới một sự chính lệch là ba trên hai.

Thật vậy những cuộc nghiên cứu đã cho thấy là những người đã ủng hộ ông Mc Carthy trước khi có hội nghị. Đảng dân chủ và sau đó, vào tháng mười một, đã xoay sang ủng hộ một ứng cử viên khác, số lớn đã quay sang ủng hộ Wallace (12).

Tuy thế những kết quả ở hội nghị New Hampshire đã đặt thành một vấn đề nan giải sâu sắc cho ông Robert Kennedy. Trước tình hình Tổng thống đã bị đánh bại về vấn đề Việt Nam như đã thấy rõ, liệu ông Kennedy, người đối thủ chính trị hàng đầu của ông về vấn đề này và những vấn đề khác, lúc này có quyết định leo lên vũ đài không? Ông Kenncdy đã hội ý riêng với các cố vấn của ông trong bốn ngày tiếp theo hội nghị tuyển lựa ứng cừ viên Tổng thống ở New Hampshire. Ông vẫn nghĩ rằng nếu ông có thể xoay chính sách Việt Nam đi theo hướng khác, giá mà ông có thể buộc chính quyền tích cực đi tìm con đường hòa bình thực sự thì ông chẳng cần ra ứng cử chống lại ông Johnson.

Ông Kenneđy đã nhờ ông Clifford chuyển đến Tổng thống đề xuất của ông là nên triệu tập một hội đồng gồm những người Mỹ có danh tiếng trên toàn quốc được đề cử với nhiệm vụ đánh giá lại chính sách Việt Nam với ý đồ tìm kiếm một con đường đi đến Hòa Bình. Việc đơn giản và không nói ra là nếu Tổng thống đưa ra lời hứa sẽ thay đổi chính sách của ông đối với cuộc chiến tranh thì ông Kennedy sẽ thuận không ra ứng cử Tổng thống nữa.

Nhưng Tổng thống Johnson đã bác bỏ đề nghị này và ngày 16 tháng Ba. Ông Kennedy sau hai thông báo Tổng thống Johnson và thượng nghị sĩ Mccarthy sẽ công bố là ông sẽ ghi tên ứng cử tranh ghế Tổng thống do đảng Dân chủ tuyển chọn (13)

Bây giờ mối đe dọa thực sự đến với Tổng thống Johnson. Về phần ông Mc Carthy, dù cho đang trên đà thắng thế ở Hội nghị New Hampshire. Ông không mong gì trên cơ sở lẽ phải có thể hạ bệ được vị Tổng thống đương nhiệm. Nhưng ông Kennedy thì lại là một vấn đề khác. Việc ông ra ứng cử đã tạo được cho phong trào hòa bình một sự nể nang ngay tức khắc.

Lúc này Tổng thống phải đương đầu với trển vọng một trận đấu đá có tính cách lâu dài và gây chia rẽ ngay trong đảng của ông để giành được sự đắc cử ra ứng cử chức Tổng thống chống lại một đối thủ rất mạnh thế, với cái tròng một cuộc chiến tranh không được quần chúng ưa thích treo quanh cổ ông. Khích lệ trước sự việc những người bỏ phiếu ở hội nghị New Hampshire đã biểu lộ một sự bất mãn của đông đảo quần chúng đối với việc chỉ đạo chiến tranh của Tổng thống, 19 thành viên Hạ viện đã kết hợp với nhau ngày 18 tháng Ba để ủng hộ một nghị quyết đòi Quốc hội phải tiến hành ngay một cuộc xem xét lại chính sách của Hoa Kỳ ở Đông Nam Á (14).

Tại bữa cơm trưa hàng tuần được tổ chức vào ngày 19 tháng Ba của những người hoạt động cho cuộc vận động bầu cử của Tổng thống, vấn đề khả năng rõ rệt về một sự thất cử của Tổng thống Johnson tại hội nghị tuyển lựa ứng cử viên của đảng ở Wisconsin sắp tới đã được thảo luận. Ông James L.Rowe Jr. người đứng đầu nhóm này đã bày tỏ ý kiến là ông cho rằng người nào đó cần phải nói thẳng cho Tổng thống biết" (15).

Trong một bị vong lục gửi Tổng thống cùng trong ngày. Ông Rowe đã biểu lộ là ông “đã viết với lòng thành thật mà tôi nghĩ rằng đã được thực hiện giữa chúng ta”.Trong khi đánh giá hậu quả của vụ Tết trên quan điểm hoàn toàn chính trị. Ông Rowe viết:

“Tổng thống cần phải làm một việc gì gây được ấn tượng sâu sắc (chứ không phải là mánh lới nhằm mục đích tuyên truyền trước khi có hội nghị tuyển lựa ứng cử viên ở Wisconsin...) Bằng cách này hoặc cách khác, ở một nơi nào đó hoặc ở chỗ nào khác hình ảnh của một Tổng thống như một người sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ cái gì để cố hết sức tìm kiếm hòa bình đã không còn nữa.

Ông Mc Carthy và ông Kennedy là những ứng cử viên với chủ trương hòa bình và Tổng thống đã trở thành ứng cử viên theo đuổi con đường chiến tranh. Ông cần phải làm một việc gì có tính chất kích thích và gây cảm xúc mạnh để giành lại hòa bình" (16). Ông Johnson đã trở thành một Tổng thống thời chiến và lúc này đất nước đang thiết tha và quả thực dường như đòi hỏi phải có một hành động hướng về. hòa binh ơ Việt Nam.

Trong những ngày náo nhiệt này của tháng ba đã xảy ra một cuộc khủng hoảng to lớn khác, cuộc khủng hoảng này có tính chất kinh tế, cũng đã đòi hỏi sự chú ý của Tổng thống. Cuộc khủng hoảng tiền tệ này xuất phát từ một quyết định cơ bản đã được ban hành vào năm 1965 khi mà việc tăng cường lực lượng ở Việt Nam mới bắt đầu, sự việc là đất nước có đủ khả năng tiến hành được chiến tranh với hai mặt trận, mặt trận ở Việt Nam và mặt trận ở trong nước chống nghèo nàn mà không cần phải áp dụng các biện pháp kiểm soát kinh tế và không tăng thuế má.

Đề tài này đã được đề cập ra trong thông điệp về ngân sách 1968 của Tổng thống: “Quốc gia chúng ta giàu có và chúng ta có thể thực hiện những tiến bộ ở trong nước, trong khi đó vẫn có thể đáp ứng những nghĩa vụ ở ngoài nước, thực tế là chúng ta không thể đi theo một con đường nào khác nếu chúng ta vẫn phải duy trì thế mạnh. Vì lý do đó tôi đã không ngăn cản sự tiến bộ trong các chương trình xã hội vĩ đại có tính cách to lớn và rất cần thiết để tài trợ cho những nỗ lực của chúng ta ở Đông Nam Á".

Nhưng công việc đã không tiến hành tốt như đã dự tính, chủ yếu vì những chi tiêu cần thiết cho cuộc chiến tranh đã được ước tính quá thấp. Vì vậy vào năm 1966 đã chứng kiến một sự lạm phát giá cả nhanh chóng nhất ở Hoa Kỳ kể từ chiến tranh Triều Tiên.

Để đáp ứng tình hình, trong thông điệp đọc trước Quốc hội năm 1967, Tổng thống đã yêu cầu Quốc hội ban hành một đạo luật cho phép đánh thêm 6% (sau này đã tăng lên 10.5%) thuế cá nhân và đoàn thể, có hiệu lực kể từ 1-7-1967 và kéo dài trong hai năm hoặc là “chừng nào mà những chi tiêu bất thường liên hệ tới những nỗ lực ở Việt Nam của chúng ta vẫn tiếp tục cần đến".

Đề nghị của Tổng thống đã được đón nhận một cách lạnh nhạt trong Quốc hội. Nghị sĩ Chủ tịch có thế lực của ủy ban kế sách của hạ viện đã cho rằng việc chấp thuận cho tăng thuế sẽ biểu lộ sự ủng hộ chính sách tiếp tục thực hiện các chương trình xã hội vĩ đại của Tổng thống nhưng đồng thời cũng ủng hộ việc tiếp tục tiến hành chiến tranh Việt Nam của ông nữa. Do đó. Ông Wille cảm nghĩ rằng bất cứ một sự tăng thêm thuế nào cần phải được đi đôi với một sự giảm bớt những khoản chi tiêu mới được. Nhưng Tổng thống Johnson thì không sẵn sàng đề nghị bất cứ một sự cắt giảm nào đối với các chương trình xã hội vĩ đại của ông.

Sự bế tắc này, mà cuối cùng ông Wille đã thắng, đã đưa đến hậu quả là Quốc hội cứ ì ra không đẩ mạnh dự luật tăng thuế cho đến khi cuối cùng dự luật này đã được thông qua và trở thành đạo luật ngày 28-6-1968. Trong khi đó chi tiêu về quốc phòng và trong nước vẫn tiếp tục ở mức cao, do đó không ngăn cản nổi tình trạng lạm phát. Số tiền thặng dư của Hoa Kỳ trong cán cân chi phí quốc tế đã giảm xuống nhanh chóng trong những tháng cuối của năm 1967 với hậu quả bị thiếu hụt 7 tỷ đô la trong quý 4 của năm ấy.

Sự thiếu hụt này cùng với sự sụt giá của đồng bảng Anh trong tháng 11-1967 đã gây nên nhiều bất trắc nghiêm trọng trên thị trường tiền tệ quốc tế và làm cho đồng đô la đặc biệt đã bị tấn công. Hậu quả là hoàn cảnh nội bộ ở Hoa Kỳ đã bị toàn thể thế giới xem xét rất kỹ lưỡng.

Cuộc tấn công Tết và hậu quả của nó đã được báo chí loan báo với triền vọng gia tăng trên quy mô lớn lực lượng Mỹ ở Việt Nam và do đó gây nên một sự gia tăng thêm to lớn về chi tiêu, kèm theo một sự bế tắc tiếp tục về tăng thuế, những sự kiện này đã đủ để phát động một sự bùng nổ nghiêm trọng một cơn sốt theo sự ước đoán.

Trong tuần đầu của tháng 3 Hoa Kỳ đã phải bán khoảng 300 triệu đô la bằng vàng. Sang tuần thứ hai, việc đầu cơ tích trữ hầu như không còn kiểm soát được nữa. Các ngân hàng trung ương thế giới đã phải cung cấp khoảng 1 tỷ đô la bằng vàng để đáp ứng yêu cầu. Hoa Kỳ đã thiệt hại 327 triệu đô la vào tay những kẻ đầu cơ tích trữ vào 11 tháng 3 và Tổng thống đã phải ra tay hành động.

Thị trường vàng ở Luân Đôn đã phải đóng cửa ngày 16-3 để kiểm tra sự hao hụt to lớn. Trong dịp nghỉ cuối tuần, các Bộ trưởng tài chính và Giám đốc các ngân hàng trung ương của 7 nước đã vội vã nhóm họp và bí mật gặp nhau ở Washington. Họ đã thiết lập một phương thức trao đổi vàng mới hai tầng trên trường quốc tế theo đó thì không còn có thể mua vàng trên thị trường tự do nữa.

Cuộc khủng hoảng đã bị ngăn chặn nhưng vấn đề cơ bản đã gây nên cuộc khủng hoảng thì chưa được giải quyết. Các giám đốc ngân hàng trung ương thế giới có thể hiểu được là họ vẫn bực dọc về sự ổn định của đồng đô la và về khả năng và ý muốn của Hoa Kỳ mong ổn định lại tlình hình tài chính ở trong nước họ.

Bất cứ một sự gia tăng nào về chi phí quốc phòng của Hoa Kỳ ở Việt Nam mà không giảm bớt những khoản chi tiêu dành cho chương trình xã hội vĩ đại hoặc không tăng thêm thuế có thể nhanh chóng đưa đến sự tái diễn đầu cơ tích trữ, sự sụt giá của đồng đô la và một cuộc khủng hoảng tài chính quy mô to lớn trên trường quốc tế. Các nền kinh tế quốc gia và thế giới đã được Tổng Thống Johnson rất đặc biệt lưu tâm trong khi ông cân nhắc con đường của ông đang theo đuổi ở Việt Nam.

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI

(1) Trandon “Xé sự sai lầm" tr.31. Rouston Johnson “Anh tôi, Lyndon". Kennedy và Lyndon Baines Johnson: "Ảnh hưởng của nhân cách đối với vấn đề chính trị" tr.198-206. Johnson: "Vị trí ưu thế” tr.448-468. "Một nhiệm kỳ Tổng thống rất cá biệt: Tổng thống L.B.Johnson trong Nhà Trắng" tr.70-88.

(2) Johnson "Vị trí ưu thế".

(3) Westmorland "Tường trình của một quân nhân" tr.159; Sidey "Một nhiệm kỳ Tổng thống rất cá biệt" tr.82.

(4) Eugene J.Mc Carthy "Năm của nhân dân" tr. 266-267; đọc cả Theodore R.White “Việc gây dựng một Tổng thống" 1968 tr.79-80; Richard C.Stout "Nhân dân" tr.67-77.

(5) Mc Carthy "Năm của nhân dân” tr.285

(6) David “Cuộc phiêu lưu nửa chừng của Robert".

(7) Chỉ dấu dư luận của viện Gallup “Sự hâm mộ của quần chúng đối với Tổng thống Johnson" tr.2. Được phép sử dụng xem cả George Gallup “Sự đánh giá ông Johnson trong cuộc thăm dò dư luận đạt mức thấp". "Sự đánh giá ông Johnson về Việt Nam xụt xuống". George E.Reedy “Thời kỳ tranh tối tranh sáng của nhiệm kỳ Tổng thống" tr.68.

(8) John Nerbers “Ông Johnson khước từ những cuộc tranh luận sơ khởi". “Ông Johnson ngăn cách sự thách thức".

(9) Sam Houston Johnson “Anh tôi, Lyndon” tr.237-238. Tổng thống Johnson: “Vị trí ưu thế”. tr.538.

(10) Sam Houston Johnson “Anh tôi, Lyndon". tr.238.

(11) Chester và những người khác “Một tấn thảm kịch mê - lo của Mỹ" tr.72-81. Theodore H.White “Việc gây dựng một Tổng thống" 1968. tr.83-89. Những lời giải thích trực tiếp về cuộc vận động bầu cử ở New Hamshirt đã được ông Mc Carthy giải bày”. “Năm của nhân dân” tr.67-87. “Nhân dân" .tr.116-162. Jeremy Larner “Không ai biết những ý nghĩ về cuộc vận động của ông Mc Carthy năm 1968". Nerzog "Mc Carthy ứng cử Tổng thống" tr.85-88.

(12) Xem Philip E.Converse, Miller, Jerold C.Rusk và Arthur S.Wolre “Sự liên lạc và thay đổi trong nền chính trị Hoa Kỳ: Các đảng và những vấn đề trong cuộc bầu cử".

(13) Theodor H. White "Việc gây dựng một Tổng thống 1968" tr. 167- 168.

(14) John W.Finney: “139 nghị sĩ ở Hạ viện ủng hộ việc đẩy mạnh việc xem xét lại chính sách ở Việt Nam".

(15) Phỏng vấn riêng ông James L.Rowe Jr ngày 29-12-1975. Cũng có mặt trong cuộc phỏng vấn là các ông Robert Burkharat, Wilham Connell, Richard Naguire, Chrrord, Carter, Lawrence “O'brian và Nartin Priedman, Mervin Watson đại diện cho Nhà Trắng". Xem cả Stenen V.Roberts. “Ông Mc Carthy kêu gọi rộng rãi ở Bang Wisconsin".

(16) Bị vong lục gửi Tổng thống "Hòa bình trong danh dự ở Việt Nam”, 19 tháng Ba 1968, ký tên James Rowe. Ngoài ra còn phỏng vấn riêng ông James Rowc Jr Ngày 29 tháng 12-1975.

CHƯƠNG MƯỜI MỘT
KẾT THÚC MỘT CHIẾN LƯỢC

Vào giữa tháng Ba điều rõ ràng là Tổng thống Johnson sẽ không chấp thuận việc triển khai thêm 206.000 quân hoặc bất cứ một số quân nào gần tới mức đó. Hoạt động trên bộ đang giảm xuống ở Việt Nam đã cho thấy rõ khó lòng xảy ra một cuộc tấn công ồ ạt nữa. Phản ứng của quần chúng và trong Quốc hội chứng tỏ là một sự gia tăng hoạt động quân sự như thế sẽ dễ gây ra một sự bùng nổ vị chính trị và khó có thể bào chữa được.

Những sự quan tâm về mặt tài chính có nghĩa là bất cứ một sự tăng thêm chi phí to lớn nào về quốc phòng chỉ có thể thực hiện được với điều kiện là những chương trình quan trọng trong nước phải chịu thiệt thòi. Trên cơ sở đó, việc hoạch định mức số quân ở Việt Nam được tiến hành theo hai chiều hướng.

Trước hết, người ta đã cố gắng cải thiện công việc ước tính số quân của Hoa Kỳ như thế nào để bất cứ một sự tăng thêm lực lượng nào ở Việt Nam đã được …. tối thiểu. Thứ hai, những biện pháp nhằm củng cố lực lượng vũ trang Nam Việt Nam đã được nêu nổi bật. Ông William Bundy đã nhớ lại là “Vào lúc đó vấn đề này đã trở thành một mối quan tâm đặc biệt trong suy nghĩ của chúng tôi". (1)

Vào ngày 6 tháng Ba, Hội đôồg tham mưu trưởng liên quân đã cho biết là khoảng 30.000 quân so với 22.000 được đề nghị trước đây có thể nhanh chóng được tuyển mộ và triển khai. Tuy nhiên trong một công điện gửi cho tướng Westmoreland ngày 8 tháng Ba để thông báo về vấn đề này, Tướng Wheeler đã phản ảnh tình hình đang thay đổi ở Washington như sau:

“Tôi không mong muốn trút những điều phiền muộn của tôi cho Đại tướng, tuy nhiên tôi phải thẳng thắn nói với đại tướng là hiện nay đang có một sự chống đối từ mọi phía về vấn đề bố trí thêm những đơn vị, lực lượng lục quân ở Nam Việt Nam... Đại tướng không nên trông mong mọi quyết định chắc chắn và tăng thêm lực lượng” (2).

Ngày 11 tháng Ba, Tướng Westmoreland đã trả lởi bức công điện và yêu cầu được bổ sung trong phạm vi 30.000 quân, 7 tiểu đoàn cơ động và một tiểu đoàn quân cảnh (3).

Đại sứ Bunker cũng tiên liệu rằng mặc dù nội lực trong số này sẽ không đặt thành nhiều vấn đề có thể nhằm đi tới Mỹ hóa cuộc chiến tranh hơn nữa và tạo cho người Việt Nam một lối thoát để trốn tránh nhiệm vụ của họ. Ông đại sứ nói tiếp:

“Chúng ta cần phải duy trì một sự cân bằng thận trọng giữa vấn đề hiện đại hóa quân lực Việt Nam Cộng hòa và việc tăng cường các lực lượng của chúng ta" (4).

Bài báo đăng trên báo New York Times và phản ứng của quốc hội đối với vấn đề nêu ở trên đã cho thấy chiều sâu của sự chống đối nhằm vào một sự gia tăng lực lượng lớn lao. Bức công điện của Tướng Wheeler gửi Tướng Westmoreland để thông báo về buổi họp ngày 11 tháng 3 tại Nhà Trắng và sự chống đối đang tăng lên trong Quốc hội đối với bất cứ một sự triển khai thêm lực lượng nào đến Nam Việt Nam, đã kết thúc bằng lời khuyên cáo như sau:

“Tôi được cấp trên chỉ thị thông báo cho đại tướng rõ về tình trạng các lực lượng của chúng ta ở Hoa Kỳ để trong tương lai đại tướng không bị ở vào thế xin cung cấp cái gì đó mà chúng ta không có hoặc không thể kiểm tra được” (5).

Lời khuyến cáo nêu trên hẳn là đã đến với Tướng Westmoreland như một chấn động mạnh. Trước đó ông đã bị lúng lúng và bối rối về bài báo đăng trên báo New York Times đưa tin rằng ông đã xin thêm 206.000 quân. Ông nhắc lại câu chuyện đó như sau:

“Khi tôi đọc điều đó đăng trên báo New York Times, mới đầu tôi đã không nhận ra việc ấy. Tôi đã không nhận ra là họ đang đề cập đến chuyện ấy rồi đột nhiên tôi nhận thấy rõ đây là kế hoạch đã được đem vào khung cảnh lời yêu cầu của Tướng Wheeler. Tôi đang bận rộn và nhiều công việc khác và đã không nhận thấy rõ là điều này đã tạo nên một sự vận dụng trí óc lớn đến như thế. Trong bất cứ tình huống nào, tôi không bao giờ chỉ kế hoạch mà Tướng Wheeler và tôi đã triển khai tự nó ắt hẳn là một sự đòi hỏi phải triển khai thêm lực lượng hay là một yêu cầu “khẩn cấp" gửi lực lượng tăng cường cho chiến trường.

Đúng hơn, tôi đã xem đó như một bài tập đặt kế hoạch nhằm mục đích tạo nên một khả năng quân sự để yểm trợ những đường lối hành động lựa chọn về mặt chiến thuật và chiến lược trong tương lai và những lựa chọn này phù hợp với sự xác định chính sách. Tôi dùng thành ngữ "nhu cầu lực lượng" theo nghĩa đã được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân định nghĩa, có nghĩa là những lực lượng sẽ cần đến để làm thành những mục tiêu quân sự đã được chấp thuận. Nói một cách khác, nhu cầu này sẽ chỉ trở thành sự thật cụ thể như việc xem xét lại chính sách quốc gia đang được tiến hành ở Washington đưa đến kết quả chấp thuận những mục tiêu chiến lược mới" (6).

Vì đã đáp lại lời yêu cầu của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đòi xác đinh rõ những kế hoạch và lực lượng (ẩn cho việc đối phó với trường hợp bất trắc tác hại nhất có thể xay ra" mà lúc này vị Tư lệnh chiến trường đang bị trừng phạt nhức những gì đã xin cung cấp thêm qua thiên không có hoặc là kiệm không ra".

Rõ ràng trong một buổi họp tại Nhà Trắng ngày 13 tháng Ba, Tổng thống cuối cùng đã quyết định cho triển khai thêm 30.000 quân đến Nam Việt Nam. Quyết định này đã được hợp thức hóa bằng một bị vong lục của Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng gửi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ngày 14-3 (7).

Nhưng việc triển khai này đã không thực hiện theo kế hoạch. Ngày 14-3, Bộ trưởng lục quân đã lưu ý là 30.000 quân sẽ không đủ. Cần phải cộng thêm 13.500 quân vào con số trên để yểm trợ và duy trì 10.500 số quân tăng khẩn cấp đã được gửi cho Tướng Westmoreland trong tháng Hai (8). Vì thế việc triển khai 30.000 quân đã bị hoãn lại trong khi chờ cho các quân chủng tìm cách xác định xem có thể cung cấp nổi số 13.500 quân tăng thêm không.

Tổng thống tiếp tục hội kiến với các nhân vật cầm đầu Quốc hội và với Bộ trưởng tài chính của ông. Ngày 19-1 ông nhận được một công điện của Tướng Westmoreand diễn tả kế hoạch tiến hành một cuộc tiến công quan trọng của ông sẽ được thực hiện ở quân đoàn 1 để khai thông đường số 9 và giải vây cho các lực lượng ở Khe Sanh. Chiến tranh trên bộ có vẻ tiến triển khả quan. Tổng thống đã phát biểu như sau: “Tôi nghĩ rằng nếu Tướng Westmoreland có đủ sự tin cậy để mở một cuộc tấn công thì nên dùng các lực lượng có sẵn ở Việt Nam, điều khôn ngoan là làm sao hạn chế được đưa thêm quân thì hơn” (9).

Vào ngày 22 tháng 3, Tổng thống đã quyết định giới hạn việc triển khai thêm quân sang Việt Nam ở con số 13.500 lực lượng yểm trợ cần thiết để duy trì số quân tăng cường khẩn cấp đã được gửi sang đó trong tháng Hai. Việc này sẽ chỉ cần gọi nhập ngũ có 62.000 quân mà thôi (10). Vì vậy việc tăng thêm lực lượng Hoa Kỳ đã chỉ là một biểu hiện thôi. Đối với 206.000 quân mà Tướng Wheeler và Tướng Westmoreland đề nghị tăng cường thêm vào cuối tháng Hai, không một người lính nào đã được triển khai sang Việt Nam. Lần đầu tiên người ta đã ấn định một giới hạn rõ rệt chỉ việc đưa lực lượng trên bộ sang Nam Việt Nam.

Quyết định chỉ gửi 13.500 quân thôi đã không được Tổng thống công bố. Thực vậy, Lầu Năm Góc vẫn tiếp tục soạn thảo kế hoạch triển khai 3.000 người ngoài hộ phận yểm trợ nhỏ nêu trên và con số 30.000 đã đượcc đề cập trên báo chí (11) Tổng thống mong muốn chuẩn bị lập trường cua ông thật cẩn thận và tranh thủ sự ủng hộ của các nhà lãnh đạo quân sự của ông đối với sự cắt giảm mạnh mẽ những nhu cầu mà họ đã nêu ra.

Cải thiện việc hoàn thành nhiệm vụ của phía ngoài Việt Nam thật là cần thiết cho việc hạn chế sự triển khai quân Mỹ sang Nam Việt Nam và lúc đầu chính phủ Nam Việt Nam đã đáp ứng tốt. Washington và phái đoàn Mỹ ở Sài Gòn đã làm bất cứ cái gì có thể làm được để khuyến khích chính quyền Nam Việt Nam.

Trong tháng 10-1967, chính phủ Nam Việt Nam đã thông qua nội các lệnh động viên. Các lệnh này quy định việc giảm bớt rất nhiều những trường hợp hoãn dịch và đưa ra điều khoản hạ tuổi nhập ngũ thi hành quân dịch từ 20 xuống 18 tuổi. Đáng lẽ sắc lệnh này có hiệu lực kể từ 1 tháng Một 1968 nhưng trước cuộc tấn công Tết Mậu Thân cũng vẫn chưa được áp dụng.

Tuy nhiên, ngay trong khi đang gọi nhập ngũ trở lại những quân nhân dự bị trong thời gian có cuộc tấn công tết, chính phủ Nam Việt Nam đã nghĩ đến việc hoãn gọi động viên những thanh niên 18 và 19 tuổi cho đến khi những lứa tuổi đủ điều kiện khác đã được gọi hết. Đại sứ Bunker đã vạch rõ cho Tổng thống Thiệu hiểu là việc này sẽ gây thêm sự chỉ trích của Hoa Kỳ cho rằng chính quyền Nam Việt Nam không chịu chia sẻ gánh nặng.

Để đáp ứng trước sức ép của Mỹ, ông Thiệu đã ra lệnh tăng thêm số quân của quân lực Việt Nam cộng hòa lên khoảng 600.000 quân trong thời gian sáu tháng. Việc này đã đòi hỏi phải gọi nhập ngũ thi hành quân dịch khoảng từ 100.000 đến 120.000 người. Vì vậy việc gọi nhập ngũ những thanh niên 18 tuổi đã khởi sự ngày 1 tháng Ba và những thanh niên đủ 18 tuổi thì sẽ bắt đầu phục vụ kể từ 1 tháng Năm (12)

Ngoài ra, Đại sứ Bunker đã báo cáo là một tháng sau khi xảy ra cuộc tấn công Tết, số người tình nguyện gia nhập các quân chủng của lực lượng vũ trang Nam Việt Nam trong năm lần so với mức đạt được năm ngoái và số thanh niên trình diện nhập ngũ trong tháng Hai 1968 đã tăng hơn số trình diện nhập ngũ tháng Hai 1967 hai lần rưỡi. Điều này đã cho thấy - Đại sứ Bunker nói thêm - quyết tâm cao hơn về phần chính phủ Nam Việt Nam tham gia số quân có thể sử dụng được (13).

Những thành quả trên đã khích lệ Tổng thống. Ông chỉ thị Đại sứ Bunker thúc giục Tổng thống Thiệu hãy sớm đọc một bài diễn văn với mục đích diễn tả cho quần chúng Mỹ hiểu rõ những cố gắng của chính quyền Việt Nam trong vấn đề nêu trên về việc này đã được thực hiện nhân danh chính họ (14).

Trong một bài diễn văn có thực chất đáng kể đọc đêm ngày 26 tháng Ba, ông Thiệu đã báo cáo những cố gắng của chính phủ của ông trong vấn đề động viên những tài nguyên nhân lực và vấn đề chia sẻ gánh nặng. Ông còn công bố một kế hoạch gia tăng thêm 98.000 quân trong lực lượng vũ trang và cho biết là chính phủ của ông "phải thực hiện những cố gắng hơn nữa và chấp nhận nhiều hi sinh hơn nữa", để chứng minh cho các đồng minh là "chúng ta xứng đáng được họ ủng hộ" (15).

Với quyết định hạn chế việc triển khai thêm lực lượng Hoa Kỳ tới con số đã được đề cập tới và với sự biểu lộ là quân Nam Việt Nam sẵn sàng nhận lãnh trách nhiệm lớn hơn nữa đối với chiến tranh trên bộ, Tổng thống đã công bố trong một cuộc họp báo được tổ chức vào ngày 22 tháng Ba những thay đổi về nhân sự dường như báo hiệu một sự thay đổi về chiến lược trên bộ ở Việt Nam. Nhiệm kỳ của tướng Wheeler trong chức vụ Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân được gia hạn thêm một năm. Tướng Westmoreland đã rời chức vụ của ông ở Việt Nam vào giữa mùa hè và sẽ giữ chức Tham mưu trưởng lục quân (16).

Mặc dù người kế vị Tướng Westmoreland chưa được bổ nhiệm, nhưng dư luận rộng rãi cho rằng tướng Abrams, người tư lệnh phó sẽ lên thay ông. Kể từ khi đến Việt Nam, Tướng Abrams đã được Tướng Westmoreland giao cho việc chú trọng đặc biệt đến việc cải tiến quân lực Việt Nam cộng hòa. Vì vai trò của quân đội này sẽ mở rộng trong tương lai, đương nhiên Tướng Abrams sẽ nắm quyền chỉ huy.

Tướng Westmoreland đã phục vụ Tổng thống rất tốt và Tổng thống Johnson tỏ ra biết ơn ông ta. Mặc dù vấn đề quan hệ với quân chúng trên mặt trận trong nước không phải là những công việc bình thường có thể giao cho một tư lệnh chiến trường, thế mà chỉ trong năm 1967 thôi, Tổng thống đã ba lần dùng Tướng Westmoreland vào vai trò này (17). Mỗi lần Tướng Westmoreland nói lên sự khích lệ của ông trước những sự việc đang diễn ra ở Việt Nam, ông đã cẩn thận cố tránh không dự đoán về tương lai, trừ trong bài diễn văn của ông đọc trong tháng mười Một tại câu lạc bộ báo chí quốc gia

Sau cuộc tấn công Tết, Tướng Westmoreland bắt đầu phải chịu đựng mũi dùi của sự chỉ trích trong Quốc hội và trên báo chí về sự bế tắc ở Việt Nam, chủ yếu vì những lời phát biểu công khai đầy lạc quan của ông. Trong tâm trí của dân chúng Mỹ ông đã được hình dung như một tướng lãnh đã dự đoán sự chiến thắng, rồi đã bị địch quân tấn công bất ngờ và đã phải xin tăng viện thêm 206.000 quân (18).

Tổng thống đã tỏ ra bực bội về sự chỉ trích như thế. "Tướng Westy đã làm đủ mọi việc. Ông nghĩ rằng ông phải hơn thế nữa", Tổng thống Johnson nói, và ông nói tiếp: "Tôi sẽ không bắt ông ta phải đứng mũi chịu sào đâu". Tổng thống đã bày tỏ công khai hoặc riêng rẽ sự tín nhiệm của ông đối với Tướng Westmoreland trong suốt thời gian này và đã biểu lộ trong cuộc họp báo ngày 18 tháng Hai là đối với ông, nếu có cách nào đó Tướng Westmoreland có thể rời chức vụ thì việc này coi như đã xong.

Ngày 23 tháng Ba, Tổng thống Johnson phái Tướng Wheeler kín đáo đến căn cứ không quân Clark ở Philippin để gặp Tướng Westmoreland và thông báo cho ông ta biết tình hình mà Tổng thống đang phải đương đầu ở trong nước và đồng thời tranh thủ được sự thỏa thuận của ông và số quân tăng thêm ít ỏi sẽ được gửi sang cho ông. Hai cấp chỉ huy đã gặp nhau ngày 24 tháng Ba. Như Tướng Westmoreland đã nhớ lại cuộc gặp gỡ này:

"Tướng Wheeler đã nói với tôi rằng một sự thay đổi quan trọng đối với chiến lược quân sự của chúng ta trong chiến tranh Việt Nam rất xa vời và chính quyền đã quyết định không tán thành việc gọi nhập ngũ một số lớn quân dự bị. Bởi thế, vì không thể thực hiện được những lựa chọn chiến lược mà Tướng Wheeler và tôi đã thảo luận trong tháng Hai, vấn đề triển khai thêm lực lượng quan trọng đến Nam Việt Nam đã trở thành một vấn đề im hơi lặng tiếng" (19). kéo dài thêm chiến tranh", Tướng Westmoreland đã phát biểu như thế và ông nói thêm: "Thực thế, nó có tác dụng ép buộc tiến hành chiến lược Việt Nam hóa mà tôi đã đề nghị trước đây, coi đó như lựa chọn chiến thuật duy nhất” (20).

Tướng Wheeler trở về Washington với lời yêu cầu của Tướng Westmoreland xin gửi thêm 13.500 quân. Vị Tổng tư lệnh đã nói rõ cho hai tướng lãnh rõ là điều trở thành hiển nhiên đối với ông là đã đến lúc cần phải gây ảnh hưởng nhiều hơn với người Việt Nam trong khi họ đang có tinh thần đầy tin tưởng mới chớm nở (21). Nhưng quân lính được triển khai thêm đã trở thành những người lính cuối cùng, phần tăng quân cuối cùng của lực lượng quân sự Mỹ được đưa vào chiến tranh Việt Nam.

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI MỘT 


(1) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-1972.

(2) Công điện JCS 2757. 090130B tháng ba 1968.

(3) Công điện MAC 2285. 111360 Z tháng ba 1968 của Tướng Westmoreland gửi tướng Wheeler được trích dẫn trong "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (6)(c) tr.71-72.

(4) Công điện Sài Gòn 21733, 1111422 tháng ba 1968, tòa đại sứ Mỹ Sài Gòn gửi Bộ trưởng Ngoại giao được trích dẫn trong cuốn "Vị trí ưu thế” của Tổng thống Johnson tr.405-406.

(5) JCS tháng ba, công điện của Tướng Wheeler gửi Tướng Westmoreland.

(6) Phỏng vấn riêng Tướng William C.Westmoreland ngày 23-10-1973 và 16 tháng chín 1972. Tham khảo cả Westmoreland "Tường trình của một quân nhân" Tr. 358

(7) Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng, Bị vong lục gửi Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Đề mục "Những sự bố trí quân ở Đông Nam Á" đề ngày 14 tháng ba 1968 được trích dẫn trong "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (6)(c) tr.71-72.

(8) Bộ trưởng lục quân, Bị vong lục gửi Bộ trưởng Quốc phòng ngày 14-3-1968 được trích dẫn trong "Những quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (6)(c) tr.71.

(9) Johnson "Vị trí ưu thế”. Những chi tiết về cuộc tấn công của Tướng Westmoreland được mô tả trong “Báo cáo về cuộc chiến tranh Việt Nam" của Tướng Westmoreland tr.104. Trong "Trận đánh nhằm vào Khe Sanh" tr.144. Thượng tướng John J.Polson tr.9-10. John G.Galyin "Việc giải vây Khe Sanh".

(10) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.415. "Quan hệ Hoa Kỳ Việt Nam". IVC (6)(c) tr.76-77.

(11) Thứ trưởng Quốc phòng Hệ thống phân tích điện tử. Bị vong lục gửi Bộ trưởng Quốc phòng. Đề mục: phương trình số 6. Bản tóm lược (Dự định áp dụng) đề ngày 23-3-68 được trích dẫn trong "Quan hệ Mỹ - Việt Nam" IVC (6)(c) tr.76. Quyết định chỉ được thông tri cho Lầu Năm Góc ngày 28-3 sau khi Tổng thống đã hội ý với Tướng Abrams, xem "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (6)(c) tr.96-97. Đọc cả William Beecher "Tổng số 565.000 quân được dự kiến, việc thay đổi chiến lược được cân nhắc".

(12) Công điện Corusmagv 07327, 1501062 tháng ba 1968 của Tư lệnh Bộ Tư lệnh Viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam gửi Hội đồng tham mưu trưởng liên quân: Đề mục "Mức độ số quân quân lực Việt Nam cộng hòa". Xem cả Công điện Sài Gòn 2507403 tháng Hai 1968 của Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi Bộ trưởng ngoại giao, đề mục: "Việt động viên đẩy mạnh".

(13) Sài Gòn 22267, 1610403 tháng Ba 1968, công điện của tòa đại sứ Mỹ Sài Gòn gửi Bộ trưởng Ngoại giao. Đề mục: “Chính sách động viên của Chính phủ Việt Nam".

(14) Phỏng vấn ông William Bundy ngày 11-10-1972. Tham khảo cả công điện Bộ ngoại giao số 1313302 tháng Ba 1968 của Bộ trưởng ngoại giao gửi Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn.

(15) Bernard Weinranb "Các vị phụ tá Hoa Kỳ hài lòng về bài diễn văn của ông Thiệu”. Xem cả Johnson "Vị trí ưu thế” trang 413-414.

(16) “Những tài liệu công khai của Tổng thống Johnson 1963-1969" I, tr.430; đối với việc báo chí bình luận không hiểu đây có phải là báo hiệu một sự thay đổi về chiến lược không, tham khảo Joseph Alzop "Việc thay thế Tướng Westmoreland có ý ám chỉ sự ủng hộ đối với Tổng thống Johnson bị lung lay". Charles John "Sự ra đi của Tướng Westmoreland có thể đưa đến những thay đổi trong cuộc chiến tranh".

Orr Kelly: “Tướng Westmoreland nắm quyền chỉ huy lục quân "ông tỏ ra tiếc phải rời Việt Nam trước khi cuộc chiến tranh chấm dứt", "Việc đề cử Tướng Westmoreland nắm quyền chỉ huy lục quân báo trước một sự thay đổi trong chính sách Việt Nam của Mỹ", "Việc thuyên chuyển Tướng Westmoreland giữ nhiệm vụ khác có thể không bao hàm việc thay đổi chiến lược". Neil Sheehan "Những cuộc xung đột về châu Á", "Thay đổi quyền chỉ huy". David Lawrence "Cuộc chiến tranh Việt Nam đang trải qua một cuộc xem xét lại sâu sắc "Một chính sách mới cho Việt Nam".

(17) Westmoreland "Tường trình của một quân nhân".

(18) Drew Bearson: “Tướng Westy có thể vẫn giữ chức vụ ở Việt Nam”; Peter Arnete “Cuộc tấn công quyết liệt của quân Cộng sản Việt Nam thách thức những giả thuyết quân sự của Mỹ". Beverly Deope "Nam Việt Nam bị lung lay: khó thấy một thôn nào cảm thấy an toàn". Claytol Fritchey "Chiến lược Việt Nam của Tướng Westmoreland". Drew Bearson "việc cách chức Tướng Westmoreland đang được hối thúc". D.Gareth Perter "Nhân dân được coi như kẻ thù”. "Chiến lược của Tướng Westmoreland liệu có qua nổi cuộc thử thách gay go không?". "Người có mặt tại chỗ". Reyes Beach "Hình ảnh của Tướng Westmoreland bị lu mờ bởi trận tấn công quyết liệt của Cộng sản".

Để có thể đánh giá chiến lược của Tướng Westmoreland và việc hoàn thành nhiệm vụ của ông ta ở Việt Nam, hãy đọc Robert G.K.Thompson "Không có lối thoát ra khỏi Việt Nam" tr.122-124. Sir Robert Robert Thompson "Điều chỉnh lại sự sai lầm" tr.442-453. Blair Clark "Đánh giá Tướng Westmoreland: Câu hỏi và trả lời". Mark M.Boather "Lịch sử chống nổi dậy không ai chú ý đến". Nalbersts "Người giỏi nhất và sáng chói hơn” tr.442-453. Blair Clark "Đánh giá Tướng Westmoreland: Câu hỏi và trả lời". Mark M.Boather "Lịch sử chống nổi dậy không ai chú ý đến". Nalbersts người giỏi nhất và sáng chói hơn cả" tr.349. Thượng Tướng Richard Stilwell "Sự thay đổi trong chiến thuật - Bài học kinh nghiệm ở Việt Nam". Frances Pitzgarald "Ngọn lửa trong hồ: Người Việt Nam và người Mỹ ở Việt Nam". tr. 342-343. Jefrrey Race "Trận chiến tranh lan đến Long An". tr.226-227. Meyarson “Vĩnh Long" tr.158-154. Charles K.Fair. "Từ những sự ba hoa về chiến thắng" tr.369-416. Beverly Deep “Khe Sanh, di sản của Tướng Westmoreland". Rard Just "Sổ ghi chép về Việt Nam". Dam Yarmolinsky "Săn nhặt những mẩu tin: Hậu quả của vấn đề Việt Nam đối với tổ chức quân sự của Mỹ".

(19) Phỏng vấn riêng Tướng William C.Westmoreland 23-10.

(20) Như trên, xem cả Westmoreland "Tường trình của một quân nhân" tr.358-359.

(21) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.415.

CHƯƠNG MƯỜI HAI
TẠM NGỪNG NÉM BOM

Vào đầu tháng Ba. Ông Dan Rusk đã cảm thấy rằng một cuộc tạm ngừng ném bom sẽ đem lại lợi ích tốt nhất cho đất nước và cho Tổng thống. Việc này sẽ gây nên ít hoặc không gây nguy hiểm tí nào về mặt quân sự trong mùa mưa và sẽ trở thành một sáng kiến giúp tranh thủ lại sự ủng hộ của quần chúng đối với cuộc chiến tranh. Tổng thống đã nói với ông là "Hãy tiến hành việc soạn thảo và đưa ra một kế hoạch đi".

Nhưng đề nghị của ông Rusk đã bị những quan chức trong Bộ quốc phòng tỏ ra lạnh nhạt, họ cho rằng đề nghị này làm giảm bớt hiệu lực của công thức San Antonio. Phía quân sự gồm các tham mưu trưởng liên quân và cả tư lệnh Thái Bình Dương, dĩ nhiên, đã tán thành việc đẩy mạnh trên quy mô lớn việc ném bom.

Ngay cả Đại sứ Bunker trong các công điện gửi về Mỹ ngày 13 và 14-3 đã thúc ép mãnh liệt việc tăng cường ném bom Bắc Việt Nam vì nhận thấy rằng chính quyền Nam Việt Nam đã bị lung lay do sự việc chúng ta đã không thể phản ứng theo kiểu này đối vối vụ tấn công Tết (1). Những hi vọng đạt được một thỏa hiệp trong chức quyền tán thành việc tạm ngừng ném bom có vẻ khó khăn.

Lúc này, vào giữa tháng Ba trước sự kiện cho thấy sự chống đối việc gửi thêm quân đang gia tăng và tình hình trên bộ ở Việt Nam đang được cải thiện, vấn đề tạm ngừng hoặc ngừng hẳn ném bom lại được nêu trở lại từ một phía khác.

Tối 16 tháng Ba, ông Arthur Goldberg, Đại sứ Mỹ ở Liên hiệp quốc đã gửi cho ông Bộ trưởng Dan Rusk một bị vong lục chi tiết về Việt Nam. Ông Goldberg trước đây đã có một địa vị mà ông rất ưa chuộng ở Tòa án tối cao, song ông đã phải từ chức để nhận chức vụ Đại sứ tại Liên hiệp quốc theo chỉ thị của Tổng thống, điều này đã được thể hiện qua sự trình bày của ông với Tổng thống trong một loạt bị vong lục. Quan điểm của ông đã luôn luôn cho rằng vấn đề Việt Nam không thể được giải quyết bằng một giải pháp quân sự và Hoa Kỳ cần phải tiến tới việc đàm phán (2).

Sau vụ tấn công Tết, ông Goldberg đã thấy rõ như trường hợp của Clifford trước đây điều đơn giản là đất nước không còn có thể tiếp tục theo đuổi con đường hiện nay và cần phải thực hiện một bước mới hướng về giải pháp chính trị để ngăn ngừa một sự xói mòn thêm đối với sự ủng hộ cuộc chiến tranh của quần chúng. Ông đã phát biểu những ý kiến sau đây với Tổng thống:

"Trong một nền dân chủ, Tổng thống cần phải tranh thủ sự biểu đồng tình của người bị trị. Trong khi một Tổng thống không thể hoạt động với một biểu đồ làm ông phát sốt, nếu Tổng thống không còn tranh thủ được sự biểu đồng tình của người bị trị, trong một nền dân chủ, lúc đó tốt hơn Tổng thống nên có biện pháp quyết liệt để đưa Tổng thống và người bị trị đi đến chỗ hài hòa" (3).

Vào lúc đó ông Goldberg đã không hay biết gì về đề nghị tạm ngừng ném bom của ông Rusk và cảm thấy như nhiều người khác trong nước là Tổng thống đang xét nghiêm chỉnh việc tăng thêm số quân quy mô lớn ở Việt Nam. Đề nghị của ông với Tổng thống nhằm đưa đất nước tiến theo hướng đàm phán và tranh thủ trở lại sự ủng hộ của quần chúng đã được thể hiện như sau:

"Theo ngôn từ rõ ràng, đề xuất của tôi căn cứ vào công thức San Antonio có nghĩa là - không công bố bất cứ một điều kiện nào hoặc một thời hạn nào - chúng ta sẽ ngừng bắn phá Bắc Việt Nam bằng không quân và hải quân trong một thời gian hạn định đủ để xác định xem liệu Hà Nội có sẽ thương lượng hẳn hoi không, theo quan điểm gì thật sự xảy ra trong cuộc đàm phán hơn là bất cứ một sự ràng buộc nào trước bằng lời nói thách kiểu chúng ta đã tìm kiếm trước đây" (4).

Một số báo cáo cho thấy là trong khi thảo luận đề nghị của ông Goldberg với các cố vấn của ông tại Nhà Trắng ngày 16 tháng Ba. Tổng thống đã nổi giận giơ bản đề nghị lên và đã đưa ra những lời lẽ văn vẻ bóng bẩy để chỉ trích (5). Ông Rostow lúc đó có mặt đã coi nhẹ câu chuyện này. Ông nhớ lại việc xảy ra đã diễn tiến như sau:

"Tổng thống đã không tỏ ra quá giận dữ và la lối về một vấn đề đã quá rõ ràng, nhưng ông đã phát biểu ý kiến một cách mạnh mẽ và ông đã không đồng ý về đề nghị của ông Goldberg. Ông rất lo lắng về khu vực gần như phi quân sự. Trong hoàn cảnh này ông cảm thấy là một cuộc ngừng ném bom toàn bộ sẽ là một điều vô trách nhiệm về mặt quân sự" (6).

Ông Rusk cũng vẫn chống đối việc ngừng ném bom toàn diện. Ông vẫn chủ trương ngưng ném bom trên thực tế khu vực phía Bắc vĩ tuyến 20 để xem “liệu chúng ta có thể tranh thủ phản ứng trên thực tế của Hà Nội không những ông nghĩ rằng đề nghị của ông Goldberg có thể được sử dụng như một cái cớ để đưa người Mỹ và người Việt Nam ở Sài Gòn chịu tán thành một cuộc tạm ngừng ném bom, coi đó như một sự dung hòa ý kiến có thể chấp nhận được”. Ông Rusk đã thuyết phục Tổng thống nếu nghe những cố vấn của ông ở Việt Nam phát biểu thẳng thắn về kế hoạch của ông ta và đề nghị của Đại sứ Goldberg.

Do đó, đêm hôm ấy, 16 tháng Ba, một điện tín đã được đánh đi cho Đại sứ Bunker phác họa những nét chính của hai kế hoạch coi đó như "những đề nghị của Bộ tham mưu” và không cho biết ai là tác giả hoặc do ai đề xướng. Thứ nhất là của ông Goldberg, trên thực tế đã được bao gồm trong một đoạn duy nhất và nói rõ là kế hoạch này sẽ được xem như chấp nhận những lời phát biểu của Hà Nội gần đây và coi đó như ngụ ý là Hà Nội đã hiểu rõ và đã tuân theo công thức San Antonio, vì thế chúng ta sẽ ngừng hẳn ném bom Bắc Việt Nam.

Trong khi phác họa kế hoạch do chính ông thảo ra mà ông nói là "khiêm tốn hơn", ông Rusk đã đưa vào bức điện tín toàn thể nội dung bị vong lục mà ông đã trình Tổng thống ngày 5 tháng Ba trong đó ông đã giải thích chi tiết vì sao việc tạm ngừng ném bom sẽ không gây tai hại trong mùa mưa.

Ông bộ trưởng đã hỏi ý kiến Đại sứ Bunker liệu đề nghị này có thể được sự tán thành của ông Thiệu không; đi đôi với việc tăng thêm có giới hạn lực lượng của Hoa Kỳ và đề nghị cải tiến đồ thiết bị quân lực Việt Nam cộng hòa. Ông Rusk nêu nổi bật là theo sự suy xét ký lưỡng của ông thì “Bắc Việt Nam sẽ không đáp lại bằng một bước tiến thật sự hướng về hòa bình và họ có thể sẽ tiếp tục bám vị trí ở Khe Sanh và chung quanh các thành phố một thời gian" (7).

Trong công điện phúc đáp Bộ ngoại giao, Đại sứ Bunker đã xác nhận rằng một cuộc ngừng ném bom toàn bộ sẽ gây rất nhiều bối rối cho chính phủ Nam Việt Nam. Ngay cả một sự giảm ném bom ở một điểm phía nam Vinh theo lời Đại sứ Bunker cũng sẽ có những hậu quả gây bối rối, nhưng ông cảm thấy công việc sẽ dễ dàng hơn nếu tranh thủ được sự đồng ý của chính quyền Nam Việt Nam đối với một cuộc tạm ngừng ném bom cục bộ như thế, đặc biệt là nếu một quyết định như thế được tiếp nối bởi một sự gia tăng yểm trợ quân sự cho chính phủ Sài Gòn (8).

Sự đánh giá của ông Đại sứ được giới hạn trong phạm vi những hiệu quả chính trị của sáng kiến hòa bình ở Việt Nam. Vị tư lệnh quân sự đã không được ông Bunker tham khảo ý kiến và những quan điềm của ông cũng không được phản ánh trong bác công điện phúc đáp của Đại sứ Bunker (9)

Như vậy ông Bộ trưởng Rusk đã có bằng chứng từ chiến trường gửi về là chính phủ Nam Việt Nam sẽ không sẵn sàng chấp nhận một cuộc ngừng ném bom toàn bộ "vào giữa tháng ba", như ông Rusk nhớ lại "Tôi đã biết chắc trong tâm trí của tôi là Tổng thống sắp công bố một cuộc ngừng ném bom cục bộ như tôi đã đề xuất” (10).

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI HAI


(1) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11 tháng Mười 1972. Tham khảo cả công điện Sài Gòn của Tòa đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gửi Bộ trưởng ngoại giao.

(2) Phỏng vấn riêng ông Arthur Goldberg ngày 24-1-1973.

Lời giải thích của Tổng thống Johnson về việc bổ nhiệm ông Goldberg giữ chức vụ ở Liên hợp quốc có thể tìm thấy trong “Vị trí ưu thế". tr.543-544.

Về lối giải thích này, ông Goldberg nói: "Tổng thống đã không phản ánh sự thật. Tôi đã không hề tìm đến ông mà chính Tổng thống đã kêu tôi. Tôi không bao giờ mơ ước tìm đến Tổng thống vì tôi rất thỏa mãn với công việc của tôi ở Tòa án và Tổng thống hiểu rõ điều đó. Vì thế ông đã không muốn nói lên sự thật. Tôi đã nhận chức vụ mới vì thật sự là đất nước chúng ta đang lâm vào tình trạng rất rắc rối về vấn đề Việt Nam mà tôi không thể đặt ý thích riêng của tôi ở lại chức vụ ở Tòa án đấy là hoài bão lớn nhất của tôi”.

Xin đọc Arnold Beichman, Bộ ngoại giao: “Phái đoàn Hoa Kỳ tại Liên hợp quốc - Vai trò của nó trong việc hình thành chính sách đối ngoại” tr.174-172.

(3) Phỏng vấn riêng ông Arthur Goldberg 24-1-1973.

(4) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.468

Ngày 18 tháng Ba, ông Chester Rewles, Đại sứ Mỹ ở Ấn Độ đã đệ trình một đề nghị ngưng ném bom tương tự như đề nghị của ông Goldberg mặc dù ông muốn để những chính phủ khác lãnh trách nhiệm thúc ép Bắc Việt Nam đi vào cuộc đàm phán có ý nghĩa.

Như trên, tr.40-409.

(5) Kalb và Abel “Những nguồn gốc của sự dính líu” tr.230.tr. 196.

(6) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow ngày 4-12-1 182 và Johnson “Vị trí ưu thế” tr.408.

(7) Phỏng vấn riêng ông Dan Rusk ngày 101973.

(8) Công điện số 22848, Tòa Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn gởi Bộ trưởng ngoại giao, 20-3-1968.

(9) Phỏng vấn riêng Tướng William Westmoreland ngày 23-10-1972

(10) Phỏng vấn riêng ông Dan Rusk ngày 22-1-1973.

CHƯƠNG MƯỜI BA
TÌM KIẾM MỘT CHIẾN LƯỢC

Ông Clark Clirford đã phải bối rối. Trước đây ông đã đi đến kết luận là cố gắng của Mỹ ở Việt Nam đã thật sự được hưởng đạt chiến thắng quân sự, một mục tiêu mà bây giờ chắc chắn là không thể nào đạt được. Ông đã thật sự tin là không thể thắng nổi cuộc chiến tranh. Ông cảm thấy cần phải làm việc gì đó để đưa đón tiến hành đàm phán, nhưng ông đã không có được một chiến lược ở trong óc để lựa chọn. Như ông đã nhận thấy:

"Vấn đề quan trọng thật sự là không hiểu chúng ta có nên tiếp tục tiến tới cho được cái mà thực ra mỗi người điều hiểu là một chiến thắng quân sự không, hay là có thể tìm cách nào khác để kết thúc cuộc chiến tranh. Tôi đã đi đến kết luận là không thể nào đạt được một chiến thắng quân sự trong khi vẫn cứ phải tôn trọng những hạn chế vào lúc đó, đó là thái độ của quần chúng, sự tổn phí, những quan niệm đạo đức của chúng ta và những thực tế chính trị trong thời gian ấy”. (1). 

Nhưng không cần phải đề nghị một chính sách nào đó thay chiều hướng cuộc chiến tranh và bước đầu nên thực hiện như thế nào? Những nhân vật ở Lầu Năm Góc mà ông Clifford đã chủ yếu nghe theo như ông Nitze và ông Warnke, cả hai ông này đều chống lại gay gắt đề nghị này đã làm giảm bớt giá trị của công thức San Antonio (2), các vị cố vấn này đã bày tỏ với ông Clifford là Bắc Việt Nam sẽ không đáp lại một đề nghị như thế và việc này sẽ chỉ là hành động có lợi cho những người đang mong muốn thấy một hành động tỏ thiện ý để rồi không đạt được yêu cầu.

Tất cả đề nghị này sẽ có thể thực hiện được. Ông Clifford tin chắc như thế và nếu việc này được sắp xếp để mở đường cho một sự leo thang chiến tranh trở lại khi cần (3). Như ông Clifford đá nhớ lại quan điểm của ông về việc ông Rusk đề nghị tạm ngừng ném bom. phát biểu như sau:

"Trong thời gian ấy tôi đã không hề ý thức được là ông Rusk đã đi chệch chính sách. Quan niệm của ông ta về một cuộc tạm ngừng ném bom được đặt cơ sở trên sự kiện thời tiết xấu sẽ cho phép chúng ta giảm bớt ném bom, coi đó như một hành động để tỏ thiện chí và một hành động như thế sẽ không gây thiệt hại bao nhiêu. Rồi nếu phe bên kia không có hành động gì đáp ứng lại, lúc đó ta có thể đánh quỵ họ.

Đề nghị tạm ngừng ném bom của ông Rusk theo tôi nghĩ có vẻ nhằm mục đích tạo cơ sở cho sức ép lớn hơn trong tương lai, đến chừng mực mà tôi có thể nói, việc này đã không tạo thành một cố gắng tỏ thiện chí để làm cho cuộc đàm phán có thể được tiến hành. Đây là quan điểm của riêng tôi.

Tôi hiểu đề nghị này như một phương cách được đưa ra mà không gây thiệt hại gì về mặt quân sự vì nhờ yếu tố thời tiết, nhưng người ta đã dự đoán trước là đề nghị này sẽ bị bác bỏ và sự kiện này sẽ là cơ sở mở rộng cuộc tấn công có hiệu quả hơn và có ảnh hưởng sâu rộng vào Bắc Việt Nam. Vào lúc ấy tôi không có cảm tưởng là đã có một sự tương đồng về đường lối giải quyết giữa ông Rusk và tôi" (4).

Ông Clifford đã chú ý nhiều đến một sự đánh giá lại cơ bản hơn là đối với chính sách của Mỹ ở Việt Nam. Ông nói: "Điều mà tôi đang cố thuyết phục là một sự cố gắng thực sự đã bắt đầu tiến hành đàm phán. Tôi đang thúc giục thực hiện một sự thay đổi về đường lối. Để thay cho đường lối áp dụng biện pháp tăng thêm lực lượng, tôi muốn thực hiện cái gì xét ra cần để đưa đến việc khởi sự đàm phán (5).

Các cố vấn của ông Clifford, chỉ có riêng họ trong chính phủ, đã đồng ý là Bắc Việt Nam đã biểu lộ sự chấp nhận của họ đối với công thức San Antonio và đã tỏ ra rất mềm dẻo trong lời phát biểu quan niệm của họ về một sự hòa giải bằng đường lối thương lượng (6).

Nhưng Tổng thống đã bày tỏ ý kiến rất rõ trong lúc thảo luận đề nghị của ông Goldberg và trong cả những buổi họp khác, là một sự ngừng ném bom hoàn toàn không phải là một lựa chọn mà ông sẽ chấp nhận trong khi các lực lượng Mỹ tại các tỉnh phía Bắc Nam Việt Nam đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi số lượng rất lớn quân chính quy Bắc Việt Nam. Như thế cho nên chúng tôi thật sự đã không hiểu cần phải đề nghị cái gì khác hơn để thay cho việc đừng gửi thêm quân nữa", đây là lời mà ông Halperin đã nhắc lại (7).

Tuy thế ông Clifford đã thúc giục Tổng thống chấp nhận quan điểm của ông là không thể nào đạt dược một chiến thắng quân sự ở Việt Nam, cần phải có một sự thay đổi chiều hướng đối với chính sách của Mỹ ở Việt Nam và cần phải thành thực đưa ra một đề nghị thương lượng. Lúc đó ông sẵn sàng mạo hiểm tình bè bạn của ông với Tổng thống Johnson vì lợi ích làm cho quan điểm của ông thắng thế. Như ông Clifford nhớ lại:

“Tôi trình bày quan điểm của tôi với Tổng thống, chủ yếu như sau: “Thay vì cứ đi theo con đường mà chúng ta đang theo đuổi, thay vì gởi thêm 200.000 quân sang Việt Nam, chúng ta hãy phát tín hiệu bằng một cách nào đó cho Hà Nội biết là chúng ta mong muốn tìm cơ sở cho việc đàm phán”.

Tôi đã phát biểu theo lời lẽ như sau rất nhiều lần: "Đứa bé phải biết bò trước khi biết đi. Nếu chúng ta có thể đưa tín hiệu bằng cách nào đó, nói là đứa bé phải biết bò đã. Và khi chúng ta nhận được tín hiệu lừ Hà Nội đáp ứng lại, lúc đó có lẽ chúng ta có thể đỡ đứa bé đứng dậy và nó có thể đi được vài bước. Khi ấy ta có thể phát tín hiệu và đứa bé có thể đi thêm mấy bước nữa. Cứ tiến hành từng giai đoạn như thế, chúng ta có thể kết thúc ở điểm nào mà chúng ta muốn kết thúc với một cuộc dàn xếp theo đường lối thương lượng”.

Nhưng ông Clifford đang biện hộ cho một sự thay đổi chính sách mà ông đã không có một ý kiến rõ rệt làm thế nào để hoàn thành một sự thay đổi như thế và bước đầu phải tiến hành như thế nào. Ông Rostow nhớ lại quan điềm này như sau:

“Ông Clifford đã tỏ ra rất mơ hồ. Ông thuyết trình cho tất cả chúng tôi nghe về sự thể không thể đạt được một chiến thắng quân sự, nhưng ông đã không biện hộ được cho bất cứ một đường lối nào có thể đưa ra áp dụng. Ông đã nói đến những điều mà thực chất không thể thực hành được. Ông đã không đưa ra được một giải pháp nào khác, điều đã làm cho Tổng thống Johnson sửng sốt là ông đã không hiểu ông Clifford muốn gì. Tổng thống sẽ không mở rộng cuộc chiến tranh nhưng ông sẽ duy trì ở mức độ hiện nay.

Tuy nhiên, về mặt điều hành, ông đã gặp rắc rối khi yêu cầu ông Clifford tập trung một đề nghị hòa bình rõ ràng. Ông Clifford đã có ý định trái ngược với Tổng thống, không phải về những hành động riêng biệt liên quan đến chính sách mà vì đã không ấn định rõ những lựa chọn hoạt động một cách sáng suốt" (8).

Và ông Harry Mc Pherson có mặt trong nhiều buổi họp đã nhớ lại: “Ông Clifford đã nói theo kiểu mà dường như đã không đặt chúng tôi trên một hướng đi rõ ràng nhưng đồng thời ông đã tỏ vẻ nghi ngờ đối với con đường chúng tôi đang đi (9)

Ông Clifford tới một chừng mực nào đó, đã đồng ý về sự phân tích này. Như ông nhớ lại:

“Thật là tốt đẹp nếu có thể phác họa kỹ lưỡng một kế hoạch tỉ mỉ xuất phát từ trong suy nghĩ của tôi và được vũ trang đầy đủ, nhưng như trong hầu hết các sự việc, vấn đề này đã không được rõ ràng như thế, tôi cảm nghĩ là chúng ta phải thực hiện một số biện pháp nhỏ, rồi sẽ đáp ứng và cứ tiến hành như thế.

Tôi đang thúc giục thực hiện một số biện pháp nhỏ, rồi sẽ đáp ứng và cứ tiến hành như thế.. Tôi đang thúc giục thực hiện một sự thay đổi chính sách. Thay vì được thực hiện chính sách trước đây áp dụng biện pháp tăng thêm lực lượng, tôi muốn thực hiện việc gì xét ra cần để làm cho cuộc đàm phán có thể khởi sự" (10).

Từ nhiều năm nay ông Clifford đã là một cố vấn của Tổng thống rất đắc lực, trung thành và có năng lực. Tổng thống Johnson tỏ ra kính nể, coi trọng ý kiến và lời khuyên của vị cố vấn này. Ông đã đưa ông Clifford vào chính quyền năm 1968 với rất nhiều tự hào. Những cuộc tiếp xúc của ông Clifford trong tòa nhà Quốc hội rất xuất sắc. Ông đã tỏ ra có tài thuyết phục, ông đã học hỏi rất nhanh. Ông trở thành pháo đài Gilbratar bảo vệ chính sách của chính quyền trong Lầu Năm Góc. Như ông Mc Pherson nhớ lại:

“Một hôm Tổng thống nói với ông ta rằng ông Clifford có lẽ là người duy nhất ở Mỹ có thu nhập cả triệu đô la tiền thù lao về nghề luật sư trong một năm và ông đã có thể thuyết phục được ông ta tham gia chính quyền trong một giai đoạn ác liệt. Thật chẳng có gì khó khăn nếu nghĩ đưa ông ta vào chính quyền năm 1965 khi mà tất cả đều là hy vọng về chiến thắng và mỗi ngày lại thấy có những thắng lợi mới. Nhưng tham gia chính phủ vào lúc cuối của một chính quyền trong một giai đoạn đầy rẫy rối loạn thì thật là một điều đáng chú ý” (11)

Nhưng cá nhân ông Clifford đã nhanh chóng thật sự nghi ngờ không hiểu những mục tiêu ở Việt Nam có thể đạt được không nếu cứ đi theo con đường chúng ta đang theo đuổi và ông đã liên tục thúc ép Tổng thống nghe theo quan điểm của sự thay đổi thái độ của ông. Tổng thống thường hay cho thấy cảm tưởng là đã làm cho ông Clifford thay đổi và ông này đã tỏ ra lễ độ quá mức đối với ông. Ông Clifford nhắc lại mối quan hệ giữa hai người trong giai đoạn này như sau:

“Trong khi tôi đang tiến hành thay đổi ý kiến, việc này đã gây va chạm với Tổng thống và gây bối rối cho ông, ông cho là khi tôi tham gia chính quyền, tôi sẽ là một người đảng viên tốt, kiên quyết, ủng hộ tích cực hiện trạng của tình hình. Vì tôi thay đổi quan điểm cho nên đã gây bối rối cho ông. Ông đã phát cáu với tôi. Thật là khó cho một Tổng thống khi hai cố vấn cao cấp của mình bất đồng ý kiến với nhau.

Sự kiện Bộ trưởng Rusk và tôi bắt đầu có lập trường khác nhau đã làm cho ông phải bối rối và lo ngại. Tổng thống đã nhìn thấy rất lo những mối bất đồng của chúng tôi. Ông tỏ ra khó chịu về tôi. Thời kỳ tươi đẹp đã không còn nữa trong mối quan hệ giữa chúng tôi. Tôi đang thay đổi quan điểm nhưng ông Rusk thì lại không. Ông ấy tỏ ra kiến định hơn, ba lần trong tiến trình những buổi họp của chúng tôi.

Tổng thống thường ám chỉ kế hoạch của tôi như "đường lối giải quyết của ông Clifford". Vào những ngày đầu tháng ba, Tổng thống đã bị quấy rầy và làm nhụt nhiệt khí vì thế nên ông đã dùng một từ như vậy, được xem như một lời lẽ có tính cách phỉ báng. Ông đã đánh giá thấp giá trị của kế hoạch này và những kết quả có thể đạt được” (12).

Không một Tổng thống nào, thật vậy không một ai lại thích nghe người ta bảo chính sách cơ bản của mình là sai, là không còn kiểm soát được tình hình và không thể thành công. Và những cố vấn cẩn thận nhất và tin cậy nhất của mình đang hướng dẫn mình đi sai đường và đang đưa mình càng đi sâu thêm vào thảm họa, dù cho tất cả những điều nhận xét này là của một người bạn thân nói cho biết. Vì thế, thỉnh thoảng ông Clifford đã bị Tổng thống cự tuyệt và một đôi khi ông đã không được mời tham dự các buổi họp.

Nhưng ông vẫn mạnh mẽ trình bày quan điểm của ông và Tổng thống tiếp tục tôn trọng những ý kiến của ông và nghe theo ông. Ông Mc Pherson mô tả mối quan hệ của ông Clifford với Tổng thống trong thời gian này theo kiểu như sau: “Hãy để tôi cố diễn tả trong chốc lát câu chuyện này với tư cách là một người viết tiểu thuyết thay vì một nhà viết sử để có thể đúc kết được những ý nghĩ trong thâm tâm của ông Lyndon Johnson mà chúng ta không thể hiểu được".

Clifford đã từng là một cố vấn rất có năng lực, trung thành và rất đắc lực của Tổng thống trong nhiều năm. Tổng thống đã coi trọng lời khuyên của ông này. Nhưng Clifford bắt đầu thật sự đặt thành vấn đề là chúng ta đang làm gì trên cơ sở có thể đạt được cái gì và vấn đề này dường như bắt đầu làm cho ông ta cảm thấy hết sức không cân bằng. Và ông ấy trình với Tổng thống là con đường chúng ta đang đi theo là con đường tự hủy diệt và chúng ta không thể nào thắng theo kiểu này được.

Tổng thống đã làm việc với ông Rusk và ông Rostow. Họ đã bị bối rối bởi thái độ và quan điểm của ông Mc Namara trong suốt năm qua. Vì vậy đã xảy ra tình trạng nhóm ba người bị bao vây, gồm có Tổng thống, Bộ trưởng ngoại giao và Cố vấn an ninh quốc gia. Và bây giờ lại chính người mà Tổng thống đã đem vào để thay thế ông Mc Namara đang bắt đầu tỏ dấu hiệu cho thấy là không hoàn toàn đồng ý với vấn đề này. Vì ông Clifford là người được Tổng thống rất kính, rất nể và rất tự hào và là người bạn rất cần thiết thỉnh thoảng ông vẫn được mời vào để tham khảo ý kiến hoặc Tổng thống từng gọi điện thoại nói chuyện cả giờ với ông ta.

Tổng thống có thể đã kiên nhẫn giải thích cho ông ta rõ điều mà ông không hiểu vì ông đã không ở trong chính phủ, chẳng hạn như chúng ta đã thực hiện những cuộc tạm ngừng ném bom và đưa ra những sáng kiến ngoại giao, những biện pháp này đã tỏ cho thấy Bắc Việt Nam không sẵn sàng thương lượng hòa bình. Và ông ta đã đáp ngay lại với giọng nói của một luật sư trong luật sư đoàn và nói như sau: "Thưa Tồng thống việc này sẽ không xong và tôi thật sự cho rằng vì lợi ích của Tổng thống và vì lợi ích của Hoa Kỳ, chúng ta phải rút ra khỏi cuộc chiến tranh". 

Như thể đấy, nếu ai ở địa vị lãnh đạo đất nước và nếu ai có trách nhiệm và đã đưa đất nước lâm vào cuộc chiến tranh và đã để thiệt hại 25.000 hoặc 30.000 nhân mạng và đã phải giảm bớt việc tài trợ cho toàn bộ chương trình xã hội vĩ đại và tất cả cái gì hi vọng thực hiện ở đây, ở trong nước, người đó không thể dễ gì nói: "Đúng lắm, tôi đã phạm sai lầm về điều đó".

Như thế việc này có nghĩa là trong buổi họp kế tiếp trong hai hoặc ba ngày sau. Ông Clifford lại được tín nhiệm trở lại và ý kiến của ông lại được nghe theo. Với tư cách một người viết chuyện tiểu thuyết, đấy là điều tôi đã nhận xét thấy trong câu chuyện này. Tôi khá thân với Tổng thống Johnson và tôi chỉ có thể cảm thấy đó là sự việc đã xảy ra (13).

Trong khi đang tìm kiếm những đồng minh ngoài bộ quốc phòng. ông Clifford trước đó đã đến thăm ông Mc Pherson tại Nhà Trắng. Ông Mc Pherson đã nhớ lại cuộc nói chuyện giữa hai người như sau:

“Ông ấy đã hỏi tôi về lập trường của tôi đối với cuộc chiến tranh như thế nào, tôi đã trả lời là tôi đang hết sức bực dọc, và đã bắt đầu thật sự có nhiều ngờ vực cơ bản về cuộc chiến tranh này. Ông ấy cũng thừa nhận như vậy và nói chúng ta cần phải làm việc chặt chẽ với nhau. Và tôi đã trở thành tai mắt của ông ta trong Nhà Trắng.

Đã từng làm việc trong Nhà Trắng, chắc chắn ông ta đã biết rõ giá trị có được một người nào đó ở tại chỗ để quan sát và nghe ngóng, và tôi tin chắc là ông ấy đã thấy được là nếu đem vấn đề này bàn với những người chung quanh thì ông ấy sẽ phải đương đầu với sự chống đối có tổ chức chặt chẽ của ông Rostow và Bộ tham mưu hội đồng an ninh quốc gia.

Trong thời gian mười ngày cuối cùng của tháng Ba, chúng tôi đã bàn luận với nhau hầu như hàng ngày và tôi bắt đầu càng ngày càng cảm thấy rằng ông Clifford thật sự nhất quyết muốn đưa vấn đề này ra bàn với những người chung quanh. Theo cách ông diễn đạt thì việc làm của ông có mục đích là "Chúng ta sẽ phải đưa người bạn của chúng ta ra khỏi tình trạng này" (14).

Trong khi đang tìm kiếm một chiến lược, ông Clifford và các cố vấn của ông trong Bộ quốc phòng cuối cùng đã quyết định là biện pháp đầu tiên được coi như một tín hiệu cho Hà Nội sẽ gồm có việc cắt bớt chương trình ném bom Bắc Việt Nam nhưng không mong gì việc này đưa đến đàm phán. Nếu Hà Nội đáp lại bằng một hành động thì việc này cho thấy ý định của họ và sau đó chúng ta sẽ thực hiện thêm những bước mới.

Bộ tham mưu của ông Clifford đã đưa ra những thí dụ về loại biện pháp mà Hà Nội có thể thực hiện để đáp lại việc giảm bớt ném bom như công bố những bảo đảm là họ sẽ không tấn công vượt qua khu phi quân sự hoặc là đã sẽ không tấn công những thành phố ở Nam Việt Nam (5).

Ông Clifford đã nhìn thấy diễn biến này theo kiểu như sau: "Dĩ nhiên biện pháp nhằm đưa ra tín hiệu đầu tiên là việc giảm bớt ném bom. Vấn đề ném bom là một đề tài có thể gây ra tranh luận sôi nổi. Đề nghị của tôi là hãy giảm bớt và duy trì việc giảm bớt như thế để xem chúng ta sẽ đạt được kết quả gì, sẽ nhận được tín hiệu gì từ phía đối phương. Lúc đó chúng ta có thể tiến hành bước xuống thang kế tiếp. Chúng ta có thể sẽ thực hiện bước loạng choạng đầu tiên với hi vọng là chúng ta có thể nhận được một sự đáp lại nào đó của họ để hướng chúng ta đi bước kế tiếp" (16).

Việc ông Clifford có ý muốn tiếp nhận một sự “bảo đảm" nào đó của Hà Nội trong khi việc ném bom được giảm bớt, đã được ông Rusk coi như buộc những điều kiện cho việc ngừng ném bom nhưng điều kiện mà Bắc Việt Nam có thể sẽ lên án và sẽ gây trở ngại cho việc đưa đến tiến hành đàm phán.

Phản ứng của Tổng thống Johsnon đối với những sức ép đang đè nặng lên ông là khẳng định lại công khai những chính sách của ông về Việt Nam. Ngày 17 và 18 tháng Ba, trong khi đọc hai bài diễn văn với lời lẽ nói thẳng thừng trước Liên minh quốc gia các nhà kinh doanh và hội nghị Hiệp hội nông dân toàn quốc, Tổng thống đã tuyên bố như sau:

"Chúng ta phải đáp ứng những cam kết của chúng ta trên thế giới và ở Việt Nam. Chúng ta nhất định sẽ và chúng ta sắp chiến thắng!... Trong ít ngày gần đây chính quyền sẽ phải quyết định về những lựa chọn hóc búa. Một số chương trình chúng ta mong muốn thực hiện có ưu tiên thấp hơn sẽ phải hoãn lại” (17).

Tổng thống đã công kích thẳng những người chỉ trích chính sách của ông về Việt Nam. Ông nói: "Chúng ta nhất quyết không để cho đối phương tranh thủ được cái gì ở Washington mà nó không thể kiếm được ở Huế, tại quân đoàn I hoặc ở Khe Sanh và chúng ta sẽ không để cho họ thực hiện điều đó".

Tổng thống đã miêu tả ông như đang đi theo một con đường thận trọng đứng giữa phe "cho rằng chúng ta phải làm việc ấy cho xong bằng một cuộc chiến tranh lớn hơn thế” và phe cho rằng “tổng thống có thể tranh thủ được hòa bình bằng cách bàn về hòa bình, mong muốn thực hiện hòa bình, nói rõ là Tổng thống muốn đi đến hòa bình và điều mà Tổng thống cần làm hơn hết là rút lui về các thành phố”. Ông tuyên bố thêm là “tôi không trù tính để người ta thúc đẩy chúng ta, gây sức ép với chúng ta và buộc chúng ta chia rẽ dân tộc chúng ta trong lúc lâm nguy" (18).

Ảnh hưởng chính trị của những bài diễn vãn này đã được ông James B.Rowe Jr, Cố vấn chính trị của Tổng thống trình cho ông rõ trong một bị vong lục đề ngày 19 tháng Ba như sau:

“Tổng thống cần phải thay đổi chiến thuật đối với đường lối cứng rắn. Tôi đã bị chấn động bởi số lượng cú điện thoại kêu tôi ngày hôm nay để phản kháng bài diễn văn của Tổng thống đọc ở Minneapolis. Những người thuộc phe chúng ta ở vị trí hàng đầu tại bang Wisconsin nói là bài nói chuyện ấy đã gây rất nhiều thiệt hại cho chúng ta.

Một số "bồ câu” đã gọi điện thoại nói cho tôi biết là họ đã chống lại Tồng thống vì chính sách Việt Nam của Tổng thống nhưng họ đã không bực bội và chua cay cho đến khi nghe bài diễn văn đọc ở Minneapolis gọi họ là những kẻ phản bội. Họ nói là Tổng thống phải thừa nhận sự thật và nhận thấy đất nước đang bị chia rẽ về vấn đề Việt Nam và việc công kích tinh thần yêu nước của họ, như họ nhận thấy trong bài diễn văn, chỉ làm cho họ bực tức đến tột độ. Một số người ủng hộ chính sách Việt Nam của Tổng thống đã điện thoại nói là họ nghĩ rằng bài diễn văn đã gây thiệt hại cho phía chúng ta rất nhiều.

Bài diễn văn ở Mineapolis đã đề cập đến "chiến thắng"... Sự thật là hầu như không có ai ngày nay chú trọng đến chiến thắng. Mọi người mong muốn rút chân ra và vấn đề duy nhất là làm thế nào để rút ra (19).

Ông Rowe cũng đã nói với ông Clifford, yêu cầu ông này đưa những nhận xét về tình hình chính trị trong nước của ông "vào máy tính điện tử để cho biết quyết định". Ông đã bày tỏ cho ông Clifford biết là "từ leo thang" đã hiển nhiên trở thành từ bẩn thỉu nhất trong các từ dơ bẩn... Bất cứ một kiểu leo thang như thế nào... sẽ chỉ gây thiệt hại rất lớn cho chúng ta thôi (20).

Khi nghe những tài liệu diễn văn trên, ông Clifford đã có cảm nghĩ là Tổng thống đã làm hại uy tín của ông với đường lối tiếp tục theo đuổi chính sách cứng rắn ở Việt Nam và vị trí của ông đã bị suy sụp nhiều trong khi ông đang cố gắng thay đổi chính sách Hoa Kỳ:

"Tôi đã không được xem các bài diễn văn của Tổng thống trước khi đọc. Tôi nhận thấy các bài diễn văn này có lời lẽ cứng rắn và châm chọc. Tổng thống đã biểu lộ là chúng ta sẽ vẫn theo con đường cũ và chúng ta sẽ không thụt lùi” (21).

Sau Tết, Tổng thống đã quyết định là ông sẽ phải đọc một bài diễn văn cho nhân dân Mỹ để giải thích những hành động và những ý quyết định của ông về sự cố gắng của đất nước ở Việt Nam. Ông Mc Pherson, người viết bài diễn văn cho Tổng thống, đã mất nhiều tuần để thảo bài diễn văn nhưng sự lộn xộn trong những ngày đầu của tháng Hai đối với việc cái gì cần phải làm đã gây trở ngại cho việc hoàn thành bài diễn văn (22).

Tổng thống Johnson đã đưa ra rất nhiều ý kiến cho bài diễn văn này. Ông đã trù tính thảo luận về tình hình Việt Nam, làm sáng tỏ cái gì mà người Việt Nam đang làm, giải thích những kế hoạch của ông nhằm tăng thêm vừa phải lực lượng Mỹ ở Việt Nam và cuối cùng đưa ra một đề nghị hòa bình thật sự (23).

Tài liệu để làm nền tảng cho bài diễn văn đã được Bộ ngoại giao gửi đến ngày 20 tháng Ba, tài liệu này gồm có đề nghị mà ông Rusk đã đưa ra hai tuần trước đây về một cuộc tạm ngừng ném bom ở phía Bắc vĩ tuyến 20. Tổng thống đã họp với các cố vấn của ông trong những ngày 20 và 22 tháng ba để thảo luận về bài diễn văn này. Có mặt trong buổi họp ngày 20 tháng Ba người ta thấy có Phó Tổng thống, ông Arthur Goldberg, ông Mc George Bundy cùng các cố vấn quen thuộc của Tổng thống (24).

Trong lúc cuộc thảo luận diễn ra chung quanh phòng họp, điều thấy rõ là không một cố vấn nào của Tổng thống cho là đề nghị của ông Rusk sẽ thật sự tiến hành đàm phán với Bắc Việt Nam. Ông Rusk đã lập lại đề nghị của ông và phát biểu "Trừ phi chúng ta sẵn sàng làm một việc gì đó về ném bom, chúng ta không cần phải đưa ra một đề nghị nào cả" (25).

Ông Clifford tin chắc là đề nghị của ông Rusk đã không đủ đi tới xa và sẽ không dẫn đến đàm phán. Như ông ta đã nhận thấy: "Ông Rusk đã cho rằng bất cứ một cử chỉ tỏ thái độ hòa giải nào sẽ bị phía bên kia hiểu sai. Ông cảm nghĩ là chúng ta phải duy trì sức ép đối với họ. Ông ta thật sự đã không có trong tâm trí ý nghĩ cắt giảm ném bom.

Ông ấy nghĩ rằng chúng ta có thể lợi dụng thời gian thời tiết xấu ở Bắc Việt Nam để có thể làm rất nhiều việc về tạm ngừng ném bom. Việc này sẽ không gây thiệt hại bao nhiêu và đặt giả thuyết là phía bên kia bác bỏ đề nghị, lúc đó chúng ta có thể đẩy mạnh việc dùng vũ lực chống lại họ. Theo tôi nghĩ thì hình như đề nghị tạm ngừng ném bom của ông Rusk chỉ là ý đồ tạo cơ sở cho sức ép lớn hơn trong tương lai" (26).

Ông Wilham Bundy xác nhận quan điểm của ông Clifford. Như ông đã nhớ lại các cuộc thảo luận, lý do căn bản cho một cuộc tạm ngừng ném bom không phải ở chỗ có giá trị làm cho cuộc đàm phán tiến hành mà công dụng của nó là cốt để tạm thời xoa dịu dư luận quần chúng Hoa Kỳ.

"Trong tất cả các cuộc thảo luận mà tôi đã tham dự, sự nhất trí chung xem công dụng của cuộc tạm ngừng ném bom như nằm trong vấn đề thuyết phục nhân dân Hoa Kỳ là chúng tôi đã thật sự quan tâm đến hòa bình. Người ta đã nghĩ rằng đề nghị trên sẽ giúp đưa sự bất đồng quan điểm xuống tới một mức có thể điều khiển được. Nếu đề nghị này bị bác bỏ như chúng tôi đã dự đoán, lúc đó chúng tôi có thể tiếp tục tiến hành ném bom và vẫn hi vọng có thể đạt được những mục tiêu của chúng tôi" (27).

Đến đây ông Clifford nhắc lại đề xuất của ông tiến hành việc cắt giảm ném bom coi đó như biện pháp đầu tiên, biện pháp này có lẽ sẽ đưa đến việc quân địch thôi không bắn hỏa tiễn và pháo từ phía khu phi quân sự hoặc có thể họ sẽ thỏa thuận rút các lực lượng của họ khỏi khu phi quân sự. Ông nói:

"Tôi cảm nghĩ rằng chúng ta nhất định phải thực hiện một bước để bắt đầu tiến hành đàm phán. Tôi thiết nghĩ chúng ta phải đưa ra một sự thay đổi nhỏ nào đó đối với công thức mà chúng la đề nghị với Hà Nội để xem liệu chúng ta có thể làm cho cuộc đàm phán khởi sự không.

Một điều tôi gợi ý là đưa ra đề nghị về ném bom, giảm bớt ném bom tới một chừng mực nào đó để xem họ có thể thực hiện biện pháp nào đó không. Có thể là họ sẽ ngừng pháo kích các thành phố ở miền Nam chăng. Lúc đó chúng ta phải nắm ngay lấy và thực hiện một loạt những biện pháp có tính chất hòa giải hoặc xuống thang để xem liệu việc này nó sẽ đưa đến đàm phán không. Trên đây là những đáp ứng mà họ có thể thực hiện chứ không phải những điều kiện để đòi ngừng hẳn ném bom!" (28).

Nhưng ông Rusk đã nhận thấy ý kiến này như áp đặt những điều kiện với Hà Nội và cho rằng họ sẽ không chấp nhận. Ông nói: “Tôi cảm thấy chúng ta chỉ cần ngừng ném bom mà không nên áp đặt những điều kiện và để sự lựa chọn mở rộng cho họ” (29). Ông Clifford nhắc lại và vì bực dọc, cuộc bàn cãi giữa ông và ông Rusk đã trở nên khá gay gắt. Ông nói:

"Nói theo kiểu quân tử, gay gắt đang bắt đầu trở nên rõ ràng. Ý đồ của chúng tôi đã khác hẳn nhau và chúng tôi muốn có một cuộc tạm ngừng ném bom vì những lý do hoàn toàn khác. Lúc đó điều chúng tôi đang tranh cãi là cần thực hiện một cố gắng thực sự để đến khởi sự đàm phán. Tôi đang thúc giục việc thực hiện một sự thay đổi về chính sách. Thay vì tiếp tục thi hành chính sách trước đây là áp dụng biện pháp tăng thêm lực lượng, tôi muốn thực hiện cái gì xét ra cần thiết để có thể bắt đầu tiến hành đàm phán" (30).

Cuộc thảo luận được tiến hành chung quanh bàn họp đi từ người này sang người khác. Ông William Bundy đã đóng góp ý kiến cho rằng đề nghị của ông Rusk sẽ không đem lại kết quả. Ông nói:

“Đề nghị này có thể coi như là một vật thể rắn khó uống và một mảnh đất khó cày vậy. Ông Bundy đi đến kết luận là sự nhất trí của nhóm hình như đã cho rằng một sự giảm bớt ném bom không khác gì gây được một sự hưởng ứng ở phía bên kia mặc dầu nó có thể đem lại những thuận lợi đáng kể như thể hiện sự quyết tâm của Hoa Kỳ thực hiện bước tiến hướng về hòa bình và như thể nhằm củng cố thêm sự ủng hộ ở trong nước".

Như ông Mc Pherson nhớ lại buổi họp nêu trên sự nhất trí đã tập trung vào sự việc một cuộc ngừng ném bom ở phần đất trên vĩ tuyến 20 sẽ không dẫn đến đàm phán và chúng ta sẽ không thể nào ngừng ném bom hoàn toàn mà không làm nguy hại đến các binh sĩ của chúng ta ở quân đoàn 1. Và Tổng thống nói: “Thế đấy, điều đó có vẻ là tình trạng xảy ra như thế đó. Lúc đó tôi đã cảm tưởng là tín hiệu mà tất cả chúng tôi nhận được và có vẻ như nói lên là chúng ta sẽ không thực hiện việc ấy. Tôi đã không hề nhận được chỉ thị đưa vấn đề ngừng ném bom vào bài diễn văn hoặc xem xét đứng đắn vấn đề này” (31).

Tổng thống đã lắng nghe cuộc bàn cãi và một quan niệm về việc gì phải làm rõ ràng đã bắt đầu thành hình trong tâm trí ông. Sau đó ông đã cho biết là vào lúc này ông cảm thấy chắc chắn là đề nghị hòa bình mà ông sắp đưa ra thể hiện dưới hình thức cắt bớt ném bom trên vĩ tuyến 20 như ông Rusk đã đề nghị trước tiên (32).

Tổng thống đã lắng nghe cuộc bàn cãi và một quan niệm về việc gì phải làm rõ ràng đã bắt đầu thành hình trong tâm trí ông. Sau đó ông đã cho biết là vào lúc này ông cảm thấy chắc chắn là đề nghị hòa bình mà ông sắp đưa ra thể hiện dưới hình thức cắt bớt ném bom trên vĩ tuyến 20 nhờ ông Rusk đã đề nghị trước tiên (33).

Nhưng, theo lối làm việc của ông, Tổng thống Johnson muốn thăm dò mọi khả năng và đạt được sự nhất trí của tất cả các cố vấn của ông trước khi công bố một quyết định như thế. Ngoài ra, bị cắn rứt về tin tức bị tiết lộ ra cho báo chí, Tổng thống đã quyết định không cho phép để lộ quá sớm. Việc này sẽ làm suy yếu hoặc có thể phá hoại nhưng hi vọng thành công về cái mà ông nhận thấy là một sáng kiến hòa bình quan trọng. Ông Rusk nói:

"Tổng thống đã không muốn cái gì ông đang có trong tâm trí bị làm giảm sút hiệu lực và làm cho ông bị mất tự do hành động. Tổng thống không muốn thấy những việc gì vừa được thảo trên giấy tờ nhưng ngay sau đó lại đọc thấy trên các báo" (34).

Vì vậy khi buổi họp kết thúc. Tổng thống Johnson rõ ràng đồng ý với các cố vấn của ông là một cuộc tạm ngừng ném bom không chắc gì có thể làm cho Bắc Việt Nam chịu tiến hành đàm phán… vì thế cho nên ông đã chỉ thị đưa một sáng kiến hòa bình ra khỏi bài diễn văn và nghiên cứu riêng biệt. Nhưng bản thảo bài diễn văn sau đó đã không bao gồm vấn đề này hoặc bất cứ một đề nghị hòa bình nào khác.

Ông Clifford và Mc Pherson cả hai người đã tỏ ra chán nản về kết quả của buổi họp. Ngày hôm sau ông Mc Pherson đã gửi đến Tổng thống một bị vong lục ngắn của chính ông đề nghị một loạt liên tiếp những bước để đi đến đàm phán giống như đề nghị của ông Clifford. Theo kế hoạch của ông thì Hoa Kỳ sẽ công bố việc ngừng ném bom phần đất ở phía Bắc vĩ tuyến 20 và Hoa Kỳ đã gửi những đại diện đến Genève và Rangoon để chờ đợi gặp đại diện Bắc Việt Nam. Như thế diễn tiến của sự việc theo đề nghị của ông Mc Pherson theo sát diễn tiến mà ông Clifford đã đưa ra mặc dù nó kết thúc theo kiểu mà ông Rusk đã dự đoán trước:

"Họ sẽ nói là chưa đủ. Chúng ta phải ngừng hoàn toàn ném bom kia. Chúng ta sẽ nói cho họ biết là chúng ta không thể làm như vậy được chừng nào mà binh lính và đồ tiếp tế của họ vẫn cứ tiếp tục tuồn vào đường mòn, nhưng chúng ta sẽ nói là chúng ta sẽ ngưng ném bom hoàn toàn nếu trong tương lai họ không mở những trận tấn công vào các thành phố ở quân đoàn I hoặc vào Sài Gòn, và nếu họ ngưng bắn pháo từ khu phi quân sự vào Nam Việt Nam. Họ có thể sẽ nói họ không chịu việc đặt điều kiện, chúng ta phải ngưng hết việc ném bom. Chúng ta sẽ bày tỏ rất lấy làm tiếc là họ đã đáp ứng theo kiểu không khoan nhượng như trước đây" (35).

Mặc dù việc này sẽ không đưa đến đàm phán, ông Mc Pherson biểu lộ ý kiến: “Tôi nghĩ rằng việc này sẽ cho nhân dân Hoa Kỳ và nhân dân các nước khác thấy là chúng ta đang thực sự tìm kiếm con đường đưa đến đàm phán". Tổng thống đã chuyển đề nghị của ông Mc Pherson cho ông Rusk để xem phản ứng của ông này ra sao. Phản ứng này đã được thấy hai ngày sau và đã có thể đoán trước.

Kế hoạch ngừng ném bom phần đất trên vĩ tuyến 20 dĩ nhiên là điều mà ông Rusk đã biện hộ từ gần một tháng nay. Nhưng ông Bộ trưởng ngoại giao không quan tâm đến việc gửi các đại diện của Hoa Kỳ đến các thủ đô khác để chờ các đại diện Bắc Việt Nam xuất hiện. Ông bày tỏ ý kiến điều ông ưa thích hơn là yêu cầu hai Đồng Chủ tịch hội nghị Genève (Vương quốc Anh và Liên Xô) và có thể cả các thành viên của ủy ban quốc tế sẵn sàng để nói chuyện bất cứ bên nào quan tâm đến những khả năng về một cuộc dàn xếp hòa bình “Nhưng ông Rusk vẫn duy trì quan điểm của ông cho rằng không nên buộc thêm những điều kiện vào việc tạm ngừng bắn” (36).

Ông Clifford và những bạn đồng sự của ông trong bộ quốc phòng đã nản chí đến tuyệt vọng. Là một luật sư xét xử có tiếng, ông Clifford đã đi đến kết luận là trường hợp của Tổng thống không thể nào thắng nổi bằng những biện pháp đang theo đuổi. Ông đã hoàn thành công việc khó khăn nhất mà một luật sư phải đương đầu, đó là nói thẳng cho khách hàng của ông biết là họ bị trái lý không thể thắng kiện được và họ phải thương lượng dàn xếp cách nào tốt nhất thì hơn.

Nhưng ông Clifford đã không thấy được một sự thay đổi nào trong thời gian sắp tới trong chính sách chiến tranh mà ông cảm thấy sẽ đưa Tổng thống Johnson đến thảm bại. Ông đã nói chuyện với nhiều bạn của ông trong giới kinh doanh và cảm thấy những sự ngờ vực cũng đã được thể hiện trong thái độ của họ đối với cuộc chiến tranh. Ông đã đi đến kết luận như sau:

"Tôi đã không nghĩ rằng công chúng sẵn sàng ủng hộ chính sách mà chúng ta đã và đang theo đuổi. Lúc đó tôi đã có cảm nghĩ là chúng ta đang ở một giai đoạn chủ yếu của quá trình hình thành quyết định. Tôi đã cho rằng sẽ cần phải làm cái gì có ý nghĩa lắm mới thuyết phục được Tổng thống thay đồi thái độ. Tôi cần một liều thuốc mạnh nào đó để mang về nhà cho Tổng thống thấy cái gì đang xảy ra trên đất nước" (37).

Để tạo nên liều thuốc mạnh này, ông Clifford đã đề nghị với Tổng thống trước khi đưa ra quyết định cuối cùng, Tổng thống nên tham khảo ý kiến những bậc lão thành, nhóm người lỗi lạc đã từng ủng hộ và khuyến khích ông trong tháng 11.

Ông Clillỏrd trước đó đã nhận được những dấu hiệu cho thấy quan điểm của nhiều người trong số này có thể để thay đổi sau những ngày ồn ào trong tháng Một và tháng Hai và ông muốn để Tổng thống thấy được sự thay đổi quan điểm ấy. Tổng thống Johnson hoan nghênh đề xuất của ông Cliffford và chỉ thị cho ông Rostow tổ chức một buổi họp (38).

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI BA

(1) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford, ngày 15-2-1973.

(2) Phỏng vấn riêng ông Paul Warnke ngày 17-11-1972.

(3) Phỏng vấn riêng ông Morton Halperin ngày 24-12-1972.

(4) Phỏng vấn riêng ông Clark... ngày 16-11-1972 và 13-2-1972.

(5) Như chú thích (4).

(6) "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IC (7)(b) tr.186-189 ngoài ra còn phỏng vấn riêng ông Paul Warnke ngày 17-11-1972.

(7) Phỏng vấn riêng ông Morton Halperin ngày 27-12-1972

(8) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 15-2-1973. Đọc cả Clifford, “Một sự đánh giá lại vấn đề Việt Nam". Tr.61. Christian "Tổng thống rút lui". Tr.78-115.

(9) Phỏng vấn riêng ông Harry C.Mcharson ngày 1-1-72.

(10) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 15-2-1975.

(11) Phỏng vấn riêng ông Harry C.Mc Pherson Jr, ngày 21-12-72

(12) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 12-12-72 và 15-2-1973.

(13) Phỏng vấn riêng ông Harry C.Mc Pherson Jr. ngày 31-12-72.

(14) Như trên. Tham khảo thêm Mc Pherson. "Một sự giáo dục chính trị". Tr.431.

(15) "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam", IVC (7)(b) tr.187-190.

(16) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 15-3-1973.

(17) Những tài liệu công khai của Tổng thống Lyndon Johnson 1966- 69, I, tr.402-413.

(18) Như trên, tr.412.

(19) Bị vong lục gửi Tổng thống "Hòa bình trong danh dự ở Việt Nam" ngày 13-3-78, ký tên James Rowe.

(20) Như trên: ngoài ra còn phỏng vấn riêng ông Jammes H.Rowe Jr. ngày 29-12-1975.

(21) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 13-11-1972.

(22) Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.127.

(23) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.410.

(24) Như trên, tr.411-413.

(25) Như trên, tr.412.

(26) Phỏng vấn ông Clark Clifford ngày 16 tháng Mười Một và 23-11-1972.

(27) Phỏng vấn ông William Bundy ngày 5-3-1973.

(28) Phỏng vấn ông Clark Clifford ngày 16-11 và ngày 28-11-72.

(29) Phỏng vấn riêng ông Dan Rusk ngày 22-1-1973.

(30) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 16-11-72. Không một ai trong số những người khác đã tham dự buổi họp này mà tôi đã nói chuyện với họ đã nhớ lại sự gay gắt này. Đọc Christian "Tổng thống rút lui" tr. 115.

(31) Phỏng vấn riêng ông Henrry C.Mc Pherson ngày 21-1-72.

(32) Phỏng vấn riêng ông Harry C.Mc Pherson ngày 21-12-72

(33) Tổng thống Johnson "Vị trí ưu thế” tr.415.

(34) Phỏng vấn riêng ông Dan Rusk ngày 22-1-1975, đọc cả Johnson "Vị trí ưu thế” tr.413.

(35) Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.432-43.

(36) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 22-11-72.

(37) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 22-11-72.

(38) Như trên, đọc cả Johnson "Vị trí ưu thế” tr.409.

CHƯƠNG MƯỜI BỐN
CÁC NHÀ LÃO THÀNH
(The nise men)

Những nhà nghiên cứu vai trò của các Tổng thống trong phương thức cai trị của Mỹ đã từ lâu nêu rõ sự cách biệt với quần chúng là điều không thể tránh được đi đôi với quyền lực của Tổng thống thời nay (1).

Về trường hợp Lyndon Johnson, ông đã bị buộc tội là đã củng cố thêm ý nghĩa cách biệt khỏi thực tế bằng cách tập hợp chung quanh ông một bộ tham mưu gồm cả kẻ nịnh bợ, chịu phục tùng và cùng một khuynh hướng, những người này chỉ trình Tổng thống những việc thuận lợi mà ông muốn nghe mà thôi. Vì thế, Tổng thống Johnson đã được người ta xem như đang bị cách biệt hoàn toàn với những sự việc quan trọng đã xảy ra trong nước trong những ngày đầu năm 1968 và chỉ nghe những báo cáo và lời khuyên của một nhóm người giật dây ông gồm những cố vấn chung quanh ông (2).

Tuy thế nhiều cố vấn trong số những người này đã tỏ ra có thái độ khác. Như ông Mc Pherson nhớ lại thời kỳ này. Ông nói:

"Tổng thống đã không hề bị cách biệt tí nào do phản ứng của báo chí đối với vụ Tết. Lúc ấy ông bắt đầu nghe thấy những lời than phiền về cuộc chiến tranh của những người mà ông thật sự kính nể, như các thành viên của Quốc hội, những nhà lãnh đạo công nghiệp và những người cầm đầu những cơ quan khác trong nước" (3)

Và ông Rostow đã viết là "bất cứ một người nào có ý bóp mép luồng tin tức đưa đến Tổng thống Johnson sẽ không giữ nhiệm vụ hai tuần. Tổng thống rất nhạy cảm đối với những sự thiên lệch của những người dưới quyền và đối với những cố gắng có ý thức hoặc vô ý thức nhằm áp đặt những ý kiến thiên lệch ấy. Mục tiêu của tôi là không xác định quan điểm của Tổng thống nhưng biết chắc là Tổng thống có sẵn để sử dụng luồng tin tức rộng rãi nhất có thể cung cấp được theo kiểu một máy tính cung cấp tin tức tình báo chẳng hạn (4).

Tổng thống xem là cần thiết việc tìm kiếm lời khuyên của những người đứng ngoài chính quyền, cũng như của Bộ tham mưu ở gần ông, một đôi khi việc này làm cho ông xao lãng không để ý đến những quan chức được bổ nhiệm có bổn phận đề nghị và thi hành chính sách dựa vào kiến thức và kinh nghiệm của họ.

Vai trò của ông Fortus và của ông Clifford, trước khi ông Clifford được bổ nhiệm giữ chức Bộ trưởng quốc phòng đã từng được đề cập đến. Ngoài ra, Tổng thống đã cho mời Tướng Matthew Ridgway đến Nhà Trắng vào một ngày tiếp theo sau cuộc tấn công Tết và tiếp thu lời khuyên của ông này về sự cần thiết tổ chức lại lực lượng dự bị chiến lược (5).

Tổng thống Johnson đã ngừng không tìm kiếm lời khuyên của nguyên Tổng thống Eisenhower nữa vào giữa tháng Hai khi ông đáp máy bay ra ngoài để tiễn đưa những lính thủy đánh bộ được gửi tăng cường cho Tướng Westmoreland và ông vẫn tiếp tục tiếp nhận lời khuyên trong suốt tháng đó của những bạn bè và những người quen ở ngoài chính phủ (6).

Sự thay đổi thái độ của quần chúng đối với chính sách của ông ở Việt Nam chẳng bao lâu đã đến tai Tổng thống Johnson với lời lẽ mạnh mẽ của những người đứng ngoài chính phủ, những người đã từng được ông ngưỡng mộ và tin cậy, những người có nhiều ảnh hưởng trong cộng đồng chính trị, kinh doanh và trí thức của Mỹ và họ là những người mà trước đây ông đã tham khảo ý kiến và tranh thu sự ủng hộ.

Cuối tháng Hai, Tổng thống đã hỏi ý kiến nhà chính trị lão thành Dan Acheson, một cố vấn giàu kinh nghiệm và đáng tin cậy về chiều hướng chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Ông Acheson đã khước từ đưa ra quan điểm của ông vì ông đã không có được đầy đủ các dữ kiện. Vì thế, theo lời yêu cầu của ông Acheson, Tổng thống đã cho phép ông được quyền gọi riêng những quan chức do ông lựa chọn trong Bộ ngoại giao, cơ quan CIA và Bộ Quốc phòng để phỏng vấn và Tổng thống cũng đã chỉ thị cho những quan chức Nhà nước này phải nói thẳng.

Ông Acheson đã không để mất một chút thì giờ nào và tiến hành ngay cuộc phỏng vấn những quan chức cấp hai và cấp ba của những cơ quan này. Ông đã tham khảo ý kiến ông William Bundy trong Bộ ngoại giao, ông George Carver thuộc cơ quan CIA và nhiều quan chức trong Bộ quốc phòng, những người mà quan điểm của họ được ông Clifford chấp nhận.

Ngày 15 tháng Ba, ba ngày sau hội nghị sơ khởi tuyển lựa ứng cử viên Tổng thống của đảng được tổ chức ở New Hampshire và trong các điểm của cuộc khủng hoảng về vàng, ông Acheson đã trình lên Tổng thống kết quả những điều mà ông đã tìm hiểu. Ông đã trình với Tổng thống là theo ý kiến ông thì thời gian và tài nguyên cần thiết để hoàn thành những mục tiêu quân sự của chúng ta ở Nam Việt Nam không còn có đủ nữa. Quần chúng Mỹ sẽ không ủng hộ một sự cố gắng nào thêm và ngay cả mức cố gắng hiện nay nữa trong một thời gian kéo dài.

Ông Acheson đi đến kết luận là chiến tranh trên bộ cần phải thay đổi, ngừng hẳn hoặc giảm thật nhiều việc ném bom và đưa cuộc chiến tranh đến chỗ tạm ngừng sớm càng hay trong khi đó vẫn duy trì cấu kết của Mỹ với Nam Việt Nam. Tổng thống lắng nghe và tỏ ra cảm kích trước quan điểm trình bày thẳng thắn của ông Acheson (7).

Ngày 20 tháng Ba, Tổng thống đã gặp riêng ông Arthur Goldberg để bàn về đề nghị ngừng ném bom của ông. Mặc dù theo sự thuật lại, Tổng thống đã lên án đề nghị này với lời lẽ không hẳn là bác bỏ khi đề nghị được đưa ra thảo luận với những cố vấn thân cận nhất của của ông tại Nhà Trắng ngày 16 tháng Ba, ông Goldberg nhận thấy cuộc gặp gỡ này ‘rẫt dễ chịu”. Ông nói:

"Tổng thống cho biết là ông đọc bị vong lục của tôi với đầy suy nghĩ và nhiều khía cạnh trong những ngày gần đây sẽ có một buổi họp với nhóm cố vấn và thỉnh thoảng ông đã mời đến để tham khảo ý kiến. Ông nói là ông sẽ đánh giá rất cao tôi có thể tham dự buổi họp và trình bày quan điểm mà tôi đã nêu trong bị vong lục của tôi" (8).

Các nhà lãnh đạo, nhóm cố vấn của Tổng thống mà ông Clifford đề nghị triệu tập, đã nhóm họp tại Bộ Ngoại giao ngày 25 tháng Ba. Những người có mặt gồm có ông Dean Acheson, Bộ trưởng ngoại giao dưới thời Tổng thống Truman, ông George Ball, Thứ trưởng ngoại giao thời kỳ Tổng thống Kennedy - Johnson. Ông Mc George Bundy, phụ tá đặc biệt cho Tổng thống Kennedy và Tổng thống Johnson, Douglas Dillon, Đại sứ Mỹ tại Pháp dưới thời Tổng thống Eisenhower và giữ chức Bộ trưởng Tài chính dưới thời Tổng thống Kennedy, Cyrus Vance, Trợ lý Bộ trưởng quốc phòng dưới thời ông Mc Namara làm bộ trưởng và là một nhà ngoại giao có tài dàn xếp những chuyện rắc rối của Tổng thống Johnson, Arthur Dean, trưởng phái đoàn đàm phán trong chiến tranh Triều Tiên, John J.Mccloy, Cao ủy ở Tây Đức dưới thời Tổng thống Truman và Trợ lý Bộ trưởng chiến tranh trong cuộc chiến tranh thế giới thứ II, tướng Omar Bradley, tư lệnh chiến trường trong chiến tranh thế giới II và là Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đầu tiên. Tướng Matthew Ridgway, Tư lệnh chiến trường trong chiến tranh Triều Tiên và sau này là Tư lệnh NATO, Tướng Maxwell Taylor Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân dưới thời Tổng thống Kennedy và sau này là đại sứ Mỹ ở Sài Gòn. Robert Murphy một đại sứ chuyên nghiệp bậc đàn anh trong thời kỳ Tổng thống Truman - Eisenhower. Henry Cabot Lodge, nguyên Thượng nghị sĩ và hai lần giữ chức Đại sứ ở Sài Gòn, Aba Fortas, một đương kim phụ thẩm Tòa án tối cao và cố vấn riêng của Tổng thống Johnson và ông Arthur Ooldberg, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc, nguyên Bộ trưởng Lao động và thẩm phán Tòa án tối cao.

Nhóm các bậc lão thành đã gặp gỡ trong bữa ăn trưa với các ông Rusk, Clifford, S.Averell Harriman, Rostow, Richard Helms, Tướng Wheeler, ông Nitze, Nicholas Katzenbach và William Bundy. Các có vấn đứng ngoài chính quyền đã hỏi các quan chức của chính phủ rất bao quát về chiến tránh, chương trình bình định và tình trạng hiện nay của chính phủ Nam Việt Nam.

Sau bữa ăn trưa, các quan chức cao cấp của chính phủ ra về và nhóm các bậc lão thành đã nghe ba bài thuyết trình, ông Philip C.Habib, Trợ lý cho ông William Bundy đã đọc một bài thuyết trình, trình bày thẳng thắn về tình hình ở Việt Nam sau cuộc tấn công Tết. Ông đã đề cập đến những vấn đề như tệ tham nhũng ở Nam Việt Nam và vấn đề người tị nạn đang gia tăng. Ông Habib đã trình bày với nhóm các nhà lão thành rằng vụ tấn công Tết đã cho thấy rõ là chính phủ Sài Gòn nói chung đã tỏ ra yếu kém hơn người ta tưởng, ông nói thẳng thắn và mạnh dạn hơn điều mà nhóm các nhà lão thành đã được nghe trình bày trước đây.

Ngoài ông Habib ra, Trung tướng William E.Depuy, Phụ tá đặc biệt của Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân về chiến tranh chống nổi dậy và những hoạt động đặc biệt đã thuyết trình cho các nhà lão thành về tình hình quân sự, ông George Carver, một nhà phân tích của cơ quan CIA đã trình bày về những ước tính của cơ quan này hoàn cảnh ở khu vực chiến tranh (9).

Theo tướng Taylor, các bài thuyết trình tỏ ra đắn đo và thận trọng trong lời trình bày (10). Tuy thế, ông Goldberg đã cảm thấy những bài thuyết trình này có ý định cho thấy vụ Tết là một chiến thắng mà theo như ông cảm nghĩ thì không phải là thế. Ông nhắc lại các bài thuyết trình như sau:

“Tôi hoàn toàn không nắm vững. Bài thuyết trình cho biết là quân địch bị thiệt hại 80.000 người bị giết trong cuộc tấn công Tết. Tôi hỏi ông tướng tỷ lệ thông thường giữa số người bị giết và số người bị thương là bao nhiêu. Tôi nhớ ông ấy đã nói là mười trên một và tôi nói đó là một con số to lớn và trên cơ sở đó cho rằng người Việt Nam đã không lo lắng về người bị thương của họ như phía chúng ta và không điều trị những người bị thương nhẹ của họ và đem những người này trở lại tác chiến khi mà chúng ta không làm như thế, liệu có thể coi tỷ lệ ba trên một như một con số vừa phải đó với những người bị làm mất hiệu lực vì vết thương không. Ông ta trả lời là được.

Và sau đó tôi lại nêu câu hỏi "Theo ông nghĩ thì họ có bao nhiêu quân chiến đấu thực sự có hiệu lực đang hoạt động trên chiến trường? ông ta nói có khoảng 230.000". Tôi nói tiếp: "Vậy thì, thưa Trung tướng, tôi không phải là một nhà toán học tài giỏi nhưng với con số 80.000 bị giết và với tỉ lệ người bị thương ba trên một, hoặc là 240.000 bị thương vong so với một tổng số 320.000 quân như thế thì chúng ta đang đánh nhau với cái ma quỷ gì đây?". Điều này đã làm cho tôi không hiểu nổi và tôi nghĩ ràng đây không phải là một bài thuyết trình tốt. Tôi muốn thấy những sự kiện được trình bày cụ thể. Tôi nghĩ rằng chúng ta có nghĩa vụ rất lớn là trình Tổng thống rõ những sự thật" (11).

Tướng Ginsburg đã nhận thấy một sự mỉa mai khác trong phương pháp hình thành quyết định trong các bài thuyết trình trên, ông phát biểu:

"Không có vấn đề gì nếu ta chỉ nghe Tướng Wheeler và ông Rostow thuyết trình, thay vì nghe Tướng Depuy và ông Carver thì có lẽ các bài thuyết trình sẽ có hương vị khác. Có lẽ vị sau này sẽ nhấn mạnh vào những tình hình khác nhau.

Không có ý chê bai: Tướng Depuy và ông Carver đã không có được lối trả lời mà Tướng Wheeler và ông Rostow đã có thể làm được. Lúc đầu người ta đã dự định đưa Tướng Wheeler lên thuyết trình nhưng ông vừa mới trở về sau chuyến đi gặp Tướng Westmoreland ở Philippin và đã không có đủ thì giờ để chuẩn bị. Tướng Depuy đã tiến hành soạn thảo bản thuyết trình và người ta đã quyết định ông phải trình bày. Rồi người ta đã quyết định là những phần khác của buổi thuyết trình phải được giao cho người nào ngang cơ với Tướng Depuy vì thế nên ông Carver và ông Habib đã được chọn lựa" (12).

Sau này ông Rusk đã bày tỏ rằng ông cảm thấy trong khi ra sức cố gắng giải thích những khó khăn thật sự mà đất nước đang phải đương đầu ở Việt Nam, các thuyết trình viên có thể đã đưa ra một hình ảnh không cân đối của toàn bộ tình hình (13).

Trong bất cứ tình huống nào, cuộc thảo luận vẫn tiếp tục tiến hành cho đến chiều tối và chẳng mấy chốc điều thấy rõ ràng là đối với nhiều người trong số các cố vấn đàn anh này, lập trường hầu nhất trí ủng hộ chính sách Việt Nam của Tổng thống trước đây đã được thay thế bằng một nỗi hoài nghi lo lắng.

Ngày hôm sau, các cố vấn đã có mặt đông đủ ở Nhà Trắng để dự bữa ăn trưa và sau đó họp với Tổng thống để trình bày quan điểm của họ. Tướng Abrams, người phụ tá của Tướng Westmoreland ở Việt Nam đã từ Clark Field trở về với Tướng Wheeler. Hai Tướng lãnh này đã nói chuyện kín với Tổng thống sáng hôm đó, họ đã trình bày Tổng thống rõ về tính chiến thuật ở Việt Nam (14), Tổng thống đã đưa hai người vào dự buổi họp để các cố vấn của ông nghe về tình hình quân sự ở Việt Nam do chính những người trực tiếp ở tại chỗ trình bày.

Tướng Wheeler đã tiết lộ cho nhóm cố vấn về chuyến đi mới đây của ông và cuộc bàn luận giữa ông và Tướng Westmoreland. Ông đã đưa ra một hình ảnh lạc quan về tình hình quân sự và tâm trạng ở Sài Gòn trái ngược với tình hình ông nhận thấy trong cuộc viếng thăm trước đây trong tháng Hai.

Tướng Abrams đã thảo luận về thành tích của các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa trong thời gian xảy ra cuộc tấn công Tết đã đi đến kết luận nói chung là các đơn vị này đã chiến đấu tốt và ông cho biết là những đơn vị này có thể đảm nhiệm một phần lớn hơn nhiệm vụ chiến đấu trong tương lai (15).

Nhưng như ông Rostow nhớ lại, các nhà lão thành đã không tập trung sự chú ý vào Việt Nam mà lại chú ý nhiều đến tình hình chính trị tại Hoa Kỳ" (16).

Sau bữa ăn trưa, nhóm các nhà lão thành đã báo cáo lên Tổng thống. Mỗi cá nhân đã phát biểu quan điểm của mình hết sức thẳng thắn. Ông Mc George Bundy thay mặt cho người phát ngôn viên đã thuật lại một sự thay đổi về quan điểm kể từ cuộc tham khảo ý kiến trước diễn ra trong tháng Mười Một. Ông nói nhóm các nhà lão thành nói chung không cảm thấy có nhiều hi vọng về khả năng có được một sự tiến bộ chậm và vững chắc ở Việt Nam.

Ông Acheson lập lại lời khuyên trước đây của ông là các mục tiêu ở Việt Nam đã đặt quá cao xét về thời gian và tài nguyên cần phải có để đạt được các mục tiêu ấy. Các ông Dan, Dillon và Ball cũng đã bày tỏ những cảm nghĩ tương tự.
Tướng Ridgway đã đọc to trước nhóm các nhà lão thành một bài thuyết trình do ông đã thảo ra đêm hôm trước trình bày về quan điểm của ông. Ông chống lại việc đẩy mạnh gửi thêm quân Hoa Kỳ sang Việt Nam trừ việc cung cấp người cho một tổ chức huấn luyện binh lính Việt Nam.

Quân Nam Việt Nam với cố vấn và thiết bị của Mỹ cần có một thời gian hai năm để phát triển hệ thống phòng vệ có đủ khả năng duy trì nền độc lập chính trị của họ. Sau thời hạn hai năm. các lực lượng của Mỹ sẽ bắt đầu thực hiện việc rút lui dần dần.

Ông Lodge, tướng Bradley và ông Vance đã đồng ý là cần yêu cầu người Việt Nam gánh thêm trách nhiệm và hạ thấp những mục tiêu của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Ông Lodge cho rằng sự đẩy mạnh cơ bản nỗ lực của Hoa Kỳ trong tương lai cần được hướng về những hoạt động an ninh lãnh thổ, cảnh sát công an, chống khủng bố và tách rời khỏi những mục tiêu quân sự. Sự định hướng lại chiến lược và các mục tiêu theo ông nghĩ, cho phép thực hiện việc giảm bớt thật nhiều số quân Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam.

Ông Ball và ông Goldberg đã lập lại ý kiến cho rằng một cuộc tạm ngưng ném bom xét thấy cần thiết để có thể tiến hành cuộc đàm phán. Ông Goldberg cũng đã phát biểu lại ý kiến của ông cho rằng vụ Tết đã là một thất bại nghiêm trọng trên cơ sở ý kiến của quần chúng và Tổng thống không thể cứ đẩy mạnh cuộc chiến tranh mà không được sự ủng hộ của quần chúng.

Một số cố vấn đã kiên quyết không tán đồng những ý kiến trên. Ông Munay, ông Fortas và Tướng Taylor đã tỏ ra chán nản trước sự bi quan của những cố vấn khác. Nhưng, điều có ý nghĩa sâu sắc là Tổng thống đã phát biểu rằng ông có cảm tưởng là "Tất cả các cố vấn đều bày tỏ mối quan tâm sâu sắc về sự chia rẽ ở trong nước. Một số người đã cảm thấy là những mối chia rẽ đang phát triển nhanh chóng và chẳng bao lâu sẽ có thể buộc chúng ta phải rút lui khỏi Việt Nam" (17).

Như thế, sự nhất trí của nhóm các bậc lão thành, trừ một thiểu số nhỏ vẫn giữ vững lập trường ủng hộ chính sách hiện nay là cần phải đưa ra một biện pháp nào đó để bắt đầu tiến hành giảm bớt sự dính líu của Mỹ ở Việt nam và tìm một cách nào đó để rút chân ra. Không có ý nghĩ gì đưa ra một đề nghị đặc biệt, ngay cả đạt được một sự thỏa thuận về vấn đề, không hiểu một sáng kiến hòa bình có cần đưa ra trong tình bình hiện nay không.

Nhưng tất cả mọi người có vẻ đều tin chắc là một sự gia tăng các lực lượng Hoa Kỳ là điều không nghĩ tới được, và quân đội Nam Việt Nam cần phải gánh vác phần nhiệm vụ lớn hơn trong cuộc chiến tranh. Tổng thống rõ ràng đã cảm thấy ấn tượng sâu sắc trước sự thay đổi quan điểm của các cố vấn nổi tiếng và đáng tin cậy này. Ông đặt tin tưởng rất nhiều vào những ý kiến của họ và quan điểm cân nhắc của ông Acheson đã đặc biệt gây cho Tổng thống ấn tượng sâu sắc (18).

Như ông Clifford đã nhớ lại: “Tổng thống khó có thể tin là tai ông nghe đúng. Tôi đã nhận thấy qua thái độ của ông. Ông đã gạt bỏ ý nghĩ của ông Rusk, Rostow và cả của tôi sau phản ứng đầu tiên. như thế để sẽ không bị ảnh hưởng hoặc bị kiềm chế bởi ý kiến của chúng tôi hoặc của những thành viên khác trong chính quyền.

Vào lúc đã phát biểu xong, Tổng thống lại nói là không hiểu “cái đó đã đầu độc dư luận". Ông đang cố tìm ra cho được kẻ nào đã làm việc đó. Ông giữ các ông George Carver và Tướng Depuy ở lại gặp ông. Tổng thống rất sửng sốt trước sự thay đổi của các nhà lão thành cho nên ông muốn được nghe các bài thuyết trình đã được trình bày cho các vị này. Buổi họp với các nhà lão thành đã đáp ứng mục đích mà tôi đã hi vọng đạt được. Nó thật sự đã làm cho Tổng thống bàng hoàng" (19).

Và ông Goldberg nhắc lại rằng “Tổng thống đã tỏ ra rất bối rối về phản ứng của nhóm các nhà lão thành, đặc biệt như chúng tôi đã cảm thấy, vụ Tết không phải là một chiến thắng to lớn như ông đã được báo cáo như vậy" (20).

Tổng thống đã cho mời các thuyết trình viên và yêu cầu họ nhắc lại vì lợi ích riêng của ông, nhưng gì mà trước đó các cố vấn đã được nghe họ phát biểu, Ông Carver và Tướng Depuy đã trở lại và đọc lại các bài thuyết trình cho Tổng thống nghe, ông Habib được thông báo về ý muốn của Tổng thống nghe lại bài thuyết trình vừa đúng lúc ông sắp rời Washington. Ông đã quyết định cứ lên máy bay chứ không trở về Nhà Trắng (21).

Việc nghe đọc lại những bài thuyết trình không thể làm thay đổi sự thật là đa số những cố vấn đáng tin cậy của Tổng thống đã bày tỏ quan điểm cần phải tìm kiếm một chiến lược mới cho vấn đề Việt Nam. Chính là những phản ứng này là điều được xem như phản ánh ý kiến rộng lớn hơn cho nên đã làm cho Tổng thống phải băn khoăn. Sau đó ông đã viết về phản ứng của ông:

"Các nhà lão thành đã tỏ ra thông minh và là những người giàu kinh nghiệm. Tôi đã luôn luôn có đa số các cố vấn này như những người rất vững vàng và có cân nhắc. Nếu họ đã bị ảnh hưởng bởi những báo cáo về việc tấn công Tết sâu sắc đến như thế thì thử hỏi người dân bình thường trên đất nước này phải suy nghĩ như thế nào" (22).

Như vậy, buổi họp mặt với các nhà lão thành hình như đã đáp ứng mục đích mà ông Clifford đã dự đoán trước sẽ đạt được. Những cố vấn đáng tin cậy nêu trên bây giờ đã đưa vào tận văn phòng của Tổng thống nghe điều mà báo chí và các cuộc thăm dò dư luận đã bày tỏ cho ông thấy cả trước nay rồi.

Cuộc tấn công Tết đã làm tăng thêm sự chống đối ở trong nước đối với cuộc chiến tranh. Một sự leo thang chiến tranh xa hơn nữa sẽ không thể chấp nhận được đối với bộ phận rộng lớn và có ảnh hưởng của quần chúng Mỹ. Do đó, cần phải kêu gọi thực hiện một cuộc tạm ngừng cuộc chiến đấu, thay đổi chính sách mà chúng ta đang theo đuổi và khôi phục một sự cân bằng nào đó.

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI BỐN

(1) Reedy “Tình 'trạng mập mờ của chức Tổng thống" tr.10-16, 20, 30. George E.Ready "Chức Tổng thống ở tình trạng thay đổi liên tục" tr.11-14, 95-98. Phillippa Strum "Quyền lực của Tổng thống và nền dân chủ của Mỹ", tr.51-75. Wilson "Chính thể lập hiến ở Hoa Kỳ" tr.68.

(2) "Tranh cãi trong sự trống rỗng" tr.13-14. Charles V Roberts "Nhóm người bu chung quanh Tổng thống LBJ" tr.168-169. Siđney "Một nhiệm kỳ Tổng thống rất cá biệt" tr. 269. Louis Heren "Không lời chào, không lời từ biệt" tr.180-185. Relph L.Stavins, Halberstam "Người giỏi nhất và xuất sắc nhất" tr. 627-628, 638-639. Hoopes "Những giới hạn của sự can thiệp" tr.99-61. Theodore M.White "Sự thành công của một Tổng thống 1968" tr.126. Strum "Quyền lực của Tổng thống và dân chủ Mỹ" tr.47-49. John Emmet Eugues "Nhiệm kỳ Tổng thống sinh động: tài xoay xở và những tình trạng khó xử của văn phòng phủ Tổng thống Mỹ" tr.112-121.

(3) Phỏng vấn riêng ông Harry C.Mc Pherson Jr. ngày 21-12-72.

(4) Walt W.Rostow "Theo tôi: một sự đáp lại" tr.10 Đọc cả Roche "Trò chơi lắp hình lịch sử" tr.14.

(5) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.389.

(6) Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.456. W. Averell Harriman “Hoa Kỳ và Liên Xô trong một thế giới đang thay đổi, nửa thế kỷ quan sát riêng" tr.125. Tổng thống Johnson “Vị trí ưu thế” tr. 414-415.

(7) Oborderfer: "Tet" tr.294.295. Kalo và Abel "Những nguồn gốc của sự dính líu” tr.236-237. Phỏng vấn ông William Bundy ngày 11-10-72.

(8) Phỏng vấn riêng ông Arthur Goldberg ngày 24-1-73.

(9) Stuant H.Looly "Sự thay đổi quan điểm của phe diều hâu đẩy mạnh thêm việc tạm ngừng ném bom".

(10) Taylor "Thanh kiếm và lưỡi cày". tr.390.

(11) Phỏng vấn riêng ông Arthur Goldberg ngày 24-1-1973.

(12) Phỏng vấn riêng Tướng Robert N.Ginsburgb ngày 25-8-75.

(13) Phỏng vấn riêng ông Dan Rusk ngày 22-1-1973.

(14) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.416, đọc cả Murray Marder.

(15) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.416-417.

(16) Phỏng vấn riêng ông Walt W. Rọstow 4-12-1972.

(17) Ông William Bundy ngày 11-10-72, phỏng vấn riêng ông Arthur Goldberg ngày 24-2-72.

(18) Phỏng vấn riêng ông Dan Rusk ngày 22-1-1973.

(19) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 16-11-1973

(20) Phỏng vấn riêng ông Arthur Goldberg ngày 24-1-1973.

(21) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-101972.

(22) Johnson "Vị trí ưu thế’ tr.418.

CHƯƠNG MƯỜI LĂM
TỔNG THỐNG RA QUYẾT ĐỊNH

Tổng thống Lyndon Johnson đã gặp rắc rối. Các cố vấn của ông đã quả quyết với ông và ông đã đảm bảo với đất nước là cuộc tấn công Tết nhìn chung đã tiêu biểu cho một cuộc thảm hại của Cộng sản trong cuộc chiến tranh Việt Nam (1)

Nhưng nhân dân Mỹ đã không tin như vậy. Sự không hài lòng về cuộc chiến tranh không ngớt gia tăng được thể hiện rõ trong Quốc hội cũng như trong đa số cử tri. Thêm vào đó, nạn lạm phát và tình trạng vàng cứ tuồn ra đã đe dọa những thành tựu quan trọng đạt được trong lĩnh vực xã hội vĩ đại.

Tình hình quân sự đang được cải thiện vững chắc ở Nam Việt Nam và những biện pháp kiên quyết mà người ta không ngờ đến của chính phủ Nam Việt Nam đã đưa Tổng thống đến việc quyết định chỉ triển khai một số nhỏ lực lượng Mỹ và tăng thêm việc yểm trợ cho chính quyền Nam Việt Nam để họ có thể chia sẻ phần trách nhiệm lớn lao trong cuộc chiến tranh.

Tổng thống Johnson đã nhất quyết tiếp tục theo đuổi những mục tiêu của Hoa Kỳ ở Việt Nam. nhưng ông cũng kiên quyết đưa ra một sáng kiến hòa bình nghiêm chình, có ý nghĩa đối với Bắc Việt Nam, việc làm này sẽ làm dịu bớt sự chống đối của quần chúng Mỹ đối với cuộc chiến tranh và còn có thể dẫn đến đàm phán để xuống thang chiến tranh. Nhưng bản chất của một đề nghị hòa bình như thế phải như thế nào? Cần đưa ra một đề nghị như thế nào để có thể đạt được tất cả những mục tiêu trên mà không đe dọa an ninh của lực lượng Mỹ ở Việt Nam.

Trong những tháng đã trôi qua, nhiều nguồn tin ngoại giao trên khắp thế giới đã đưa ra nhiều lời thăm dò hòa bình. Những sáng kiến này đã xuất phát từ Liên Xô, Ý, Thụy Điển, Ấn Độ, Đan Mạch, người đại diện của Giáo hoàng, Tổng thư ký Liên hợp quốc và những người khác. Tất cả các sáng kiến này đã được theo đuổi mạnh mẽ và tất cả đều đã được đưa đến con số không (2).

Các cố vấn của Tổng thống tất cả đều đồng ý rằng sáng kiến hòa bình, điều mong muốn và thực vậy, đây là điều cần thiết để làm dịu bớt dư luận quần chúng nhưng họ cũng tán thành ý kiến cho rằng Hà Nội sẽ không chấp nhận một đề nghị như thế cho đến khi họ nhận thức ra được là họ không thể nào đạt được những mục tiêu của họ trên bãi chiến trường hoặc ngay ở tại chính trường Hoa Kỳ.

Hiện nay, ngay ở bên trong chính quyền người ta nhận thấy có một sự hoài nghi về chiều hướng về những cố gắng của Mỹ ở Việt Nam, ông Clifford, người được Tổng thống kính nể và đặt rất nhiều tin tưởng, đã nêu lên sự thắc mắc về hiệu quả của nỗ lực toàn bộ của Mỹ và đã đề xuất là cần phải tìm cách nào để thay thế cờ chiến tranh đang tiếp diễn, tìm biện pháp có thể dẫn đến chấm dứt chiến tranh. Những quan điểm này đã làm cho Tổng thống và ông Clifford càng ngày càng xa cách nhau, mặc dù Tổng thống Johnson vẫn tiếp tục nghe theo ông ta.

Nhưng tin tưởng của Tổng thống Johnson đối với ông Rusk vẫn không hề lung lay, ông đã tìm kiếm lời khuyên từ khắp mọi phía và có thể là ông đã pha trộn những quan điểm này lại để đưa ra một quyết định nhưng cuối cùng Tổng thống vẫn ưa thích chủ yếu là ý kiến của Rusk và nghe theo ý kiến của ông (3).

Rusk đã đưa ra một sáng kiến hòa bình, một cuộc tạm ngừng ném bom không điều kiện ở phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20. Nhưng ngay cả ông Rusk, mặc dù tin chắc rằng một đề nghị như thế sẽ đủ có tác dụng tạm ngừng sự ủng hộ đang bị xói mòn của quần chúng đối với cuộc chiến tranh tại Hoa Kỳ, ông đã không tin là biện pháp này sẽ thành công để đưa Hà Nội ngồi vào bàn hội nghị.

Mặc dù ông Rusk là người cố vấn trung kiên và đáng tin cậy song Tổng thống đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi những lý lẽ mà ông Clifford và các nhà lão thành đã đưa ra cho rằng cần phải khôi phục sự đoàn kết trong nước để có thể cho phép tiếp tục tiến hành những cố gắng ở Nam Việt Nam.

Vì thế, Tổng thống đã phải đương đầu với một tình trạng khó xử. Làm thế nào để đề nghị hòa bình của ông Rusk có thể được biến đổi từ một đề nghị chỉ cố ý gây ảnh hưởng với ý kiến quần chúng Mỹ và đạt được những hậu quả chính trị mong muốn thành một đề nghị có thể thực hiện được những điều ở trên mà có thể làm cho Hà Nội chấp nhận được và coi đó như một cố gắng thành thực của Mỹ để đạt đến đàm phán? Cần phải có hành động khác nào đó để gây cảm xúc mạnh mẽ mới được.

Tổng thống bắt đầu cân nhắc một đường lối hành động mà các cố vấn của ông, trừ ông Rusk, đã không nhận thấy. Như Tổng thống Johnson đã phát biểu:

“Tôi đang cân nhắc về hiệu quả có thể có về một bước tiến tới hòa bình kết hợp với việc công bố quyết định của tôi rút lui khỏi chính trường vào cuối nhiệm kỳ này. Sự cân nhắc này đặt những sự việc vào một triển vọng khác. Tôi biết rằng một vài cố vấn của tôi đang suy nghĩ về một biện pháp đưa đến hòa bình. Xét về ý kiến quần chúng và những hậu quả chính trị. Tôi đang tự hỏi không hiểu rằng một đề nghị mới có thực sự đưa đến một sự hòa giải không, điều đó làm cho sự thực thay đổi rất nhiều” (4) 

Đã từ lâu Tổng thống đều nghĩ đến khả năng không mưu cầu ra ứng cử Tổng thống một nhiệm kỳ thứ hai. Ý nghĩ này không phải chỉ có liên quan đến tình hình ở Việt Nam, Tổng thống Johnson đã bị tác động bởi nhiều sự suy xét “thẳng thắn mà nói, tôi đã không tin rằng... tôi có thể tồn tại được thêm bốn năm nữa với những ngày dài dằng dặc với những căng thẳng liên tục như tôi vừa trải qua... Tôi cũng hiểu thêm rằng khả năng có thể đạt được những lá phiếu cần thiết của đảng Cộng hòa để đẩy tới dự thảo đạo luật tăng thuế cho Quốc hội thông qua sẽ chẳng hơn gì con số không nếu tôi ra ứng cử lại" (5).

Khả năng xảy ra những vụ rối loạn lại ở trong nước tại các thành phố như đã xảy ra trong năm 1968 cũng là một nhân tố cần phải cân nhắc. Tổng thống Johnson đã cảm thấy có thể ông sẽ phải đương đầu với quyết định không, ông đã phát biểu như sau:

"Tôi đã không muốn làm nảy sinh ra một sự ngờ vực mảy may nào là tôi đã đáp ứng lại quá ít hoặc quá nhiều, quá sớm hoặc quá muộn với một mặt chú ý đến sự an toàn của công dân trong nước và mặt kia thì chú ý đến ngày bầu cử” (6).

Tổng thống Johnson cũng đã cảm thấy là ông đã sử dụng gần hết vốn liếng của ông cho Quốc hội và đã thực hiện được hầu hết cái gì ông có thể thực hiện được trong lĩnh vực ban hành pháp luật xã hội trong nước. Vì vậy, bất cứ việc gì khác mà ông có thể thực hiện sẽ phải làm cho được trong thời gian ngắn và có lẽ sẽ thực hiện được tốt hơn với ưu thế không phải là ứng cử viên Tổng thống. Ông Walt Rostow nói:

"Ông ấy nhắc lại việc ông đã đi vào chính trường với tư cách là một nghị sĩ và đã thấy cựu Tổng thống F.D.Roosevelt đã bị bó tay đối với các vấn đề nội bộ vì luật lệ của tòa án tối cao... ông đã cảm thấy là ông có thể hạ ông Nixon nhưng sẽ không thể thực hiện được việc gì trong nhiệm kỳ thứ hai của ông. Vì ông đã gặp quá nhiều cản trở, ông đã sử dụng hết vốn liếng vào phong trào quyền công dân và vào cuộc chiến tranh" (7).

Như Tổng thống đã nhận định tình hình: “Con người biết sử dụng quyền lực có hiệu quả phải là con người có óc thực tế. Người này cần phải hiểu là tiêu phí quyền lực tức là làm tiêu mòn đi. Vì tôi đã không ngần ngại dùng quyền lực của Tổng thống để theo dõi những gì tôi tin hoặc vì lợi ích của đất nước của tôi, tôi đã không có ảo tưởng là quyền lực mà tôi có trong năm 1968 ngang với quyền lực của tôi có trong năm 1964" (8).

Và đã có vấn đề Việt Nam, một vấn đề đã tạo nên biết bao nhiêu là chia rẽ và thái độ thù địch trong đời sống quần chúng Mỹ. Tổng thống Johnson đã trở thành điểm trung tâm của những sự chia rẽ, ông đang bị thách thức hầu như chưa hề có một trường hợp nào xảy ra trước đây đối với một Tổng thống đương nhiệm. Vì thế nếu Tổng thống quyết định rút lui khỏi cuộc chạy đua, vấn đề chiến tranh có thể được đưa ra khỏi cuộc tranh cãi chính trị.

Trong một thời gian đất nước sẽ có thể khôi phục được một bộ mặt ra về đoàn kết nào đó và sự suy luận theo nghĩa rộng chính trị có thể được loại trừ khỏi bất cứ một sáng kiến hòa bình nào. Trong thời gian rất dài Tổng thống đã thảo luận với gia đình của ông và những cố vấn gần gũi ông nhất về khả năng ông không ra ứng cử nữa (9).

Ông đang tìm kiếm một diễn đàn thích hợp để cho việc công bố như thế có thể gây được ảnh hưởng tối đa. Bài diễn văn đọc vào cuối tháng Ba của ông hình như đã ở vào thời điểm rất tốt để đưa ra lời công bố gây cảm xúc mạnh này vì nhiều lý do. Việc này sẽ được thực hiện theo tiền lệ trước đây của Tổng thống Harry Truman và sẽ tạo đủ thì giờ để các ứng cử viên đảng Dân chủ còn lại có thể tổ chức cuộc vận động của họ (10).

Ngoài ra ông còn muốn rằng đề nghị tạm ngừng ném bom của ông được đưa ra mà không bị ràng buộc bởi những lý do chính trị nào khác. Sau đó ông đã giải thích như sau:

“Tôi muốn rằng phe địch và tất cả mọi người bất cứ ở đâu để hiểu rõ quyết định ấy và xem nó như một cố gắng thật sự và thành thật để tìm một con đường đi đến hòa bình. Cách tạo được sức thuyết phục mạnh mẽ nhất để giải thích vấn đề này rõ ràng, theo tôi nghĩ sẽ là kết hợp lời công bố tạm ngừng ném bom của tôi với lời phát biểu là tôi sẽ không ra ứng cử Tổng thống trở lại nữa.

Ngoài ra tôi cũng đã hy vọng rằng sự công bố kết hợp hai vấn đề sẽ còn có thể thực hiện được việc gì khác nữa. Vấn đề Việt Nam đã tạo nên những sự chia rẽ và thù địch giữa những người Mỹ, như tôi đã lo ngại. Tôi muốn hàn gắn một số những vết thương này và phục hồi tình đoàn kết trên đất nước. Bài diễn văn này có thể giúp cho thực hiện việc đó. Tôi đã hết sức mong rằng có thể làm được như vậy” (11).

Không biết chính xác khi nào Tồng thống Johnson đưa ra quyết định thực hiện một cuộc tạm ngừng ném bom ở phần đất trên vĩ tuyến 20, sáng kiến nhằm mục đích hòa bình này sẽ được kết hợp với quyết định của ông rút tên không tái cử Tổng thống, ông đã thiên về đề nghị của ông Rusk trong suốt tháng 3 mặc dù rằng đề nghị này có vẻ không hứa hẹn đưa đến việc khởi sự đàm phán.

Ông Rusk cho biết rằng ông cảm thấy Tổng thống đã xem xét nghiêm chỉnh đề nghị này vào ngày 16 tháng 3 khi đề nghị này được truyền đạt cho Sài Gòn. Ông Mc Pherson cho rằng sáng kiến này đã bị gạt bỏ, chậm lắm là trong buổi họp với Tổng thống ngày 22-3.

Tổng thống đã cho biết rằng vào buổi tối 27-3, ông đã có một cuộc trao đổi rất lâu với lãnh tụ phe đa số ở Thượng viện Mansfield tại Nhà Trắng và đã thảo luận, trong số những vấn đề khác, lời phát biểu mà ông dự định đưa ra. Tổng thống đã đọc cho Thượng nghị si Mansfield là ông có ý định chấm dứt mọi cuộc ném bom ở phần đất trên vĩ tuyến 20 (12).

Nhưng như ông Mansfield lại nhắc lại cuộc nói chuyện trên, Tổng thống chưa hoàn toàn xác định quyết định công bố tạm ngừng ném bom, ông nói:

“Tôi đã gặp Tổng thống từ 6 giờ tối hôm ấy đến 9g30, chỉ tối hôm ấy thôi. Trong thời gian đó, Tổng thống đã đọc cho tôi nghe những đoạn của bài diễn văn mà ông dự kiến đọc vào ngày chủ nhật và ông nói cho tôi biết là ông đã để năm người phụ trách tiến hành việc soạn thảo. Khi ông đọc xong bài diễn văn, tôi đã nói với Tổng thống rằng tôi thiết nghĩ sẽ là một sai lầm nếu đọc bài diễn văn này vì nó không tạo được hy vọng cho nhân dân mà chỉ biểu lộ một sự dính líu sâu hơn.

Ông đã thực sự nêu khả năng chấm dứt ném bom phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20. Không hiểu quyết định ấy có "khó khăn" vào lúc ấy hay không, điều đó tôi không rõ. Tôi đã mạnh mẽ thúc giục ông một khi tôi hiểu rõ phải làm thế nào đưa cuộc chiến tranh bi thảm này đến chỗ kết thúc vì đó là một khu vực mà chúng ta đáng lẽ trước hết đừng để bị dính líu vào và đó là một khu vực đã không bao giờ được coi như sống còn đối với nền an ninh của chúng ta" (13).

Vì thế, hình như chậm lắm là tối 27-3, Tổng thống Johnson chưa nhất quyết đưa vấn đề tạm ngừng ném bom cục bộ vào bài diễn văn của ông, mặc dù ông đang bị đẩy tới theo hướng này do sự đòi hỏi của tình hình chính trị của sự cần thiết đưa ra một đề nghị hòa bình nào đó và do lời khuyên của những cố vấn được coi trọng nhất của ông. Tổng thống vẫn nhất quyết giữ trọn quyền định đoạt, ông vẫn cố đạt được sự ủng hộ cho một chính sách mạnh mẽ. Như ông Mansfield đã nhắc lại như sau:

"Tổng thống đã có nêu vấn đề liên quan đến đề nghị tăng lực lượng Hoa Kỳ ở Việt Nam thêm khoảng 206.000 quân, điều mà tôi nói là điên rồ. Tôi nhắc lại bản báo cáo tôi đã gửi đến ông trong năm 1965 trong đó tôi đã bày tỏ vào lúc đó rằng nếu chúng ta cứ tiếp tục đi theo con đường chúng ta đang đi thì rồi việc này sẽ có thể dẫn chúng ta đưa lực lượng quân viễn chinh lên tới 750.000 người ở Việt Nam.

Tổng thống đã không đề cập đến việc ông sẽ không tìm kiếm việc ra ứng cử Tổng thống lại nhưng ông có nói, trong khi ông đang đi tới văn phòng hình bầu dục là tôi sắp từ biệt và ông mong muốn thấy các lãnh tụ tán thành quan điểm của ông hơn nữa. Tôi im lặng không nói, nhưng sau đó Tổng thống tỏ lời cảm ơn tôi đã luôn luôn phát biểu những ý kiến chân thật của tôi đối với ông và nói là ông đánh giá cao tính ngay thẳng của tôi” (14).

Việc soạn thảo bài diễn văn của Tổng thống vẫn tiếp tục tiến hành. Ngày thứ năm 28-3, các ông Rusk, Clifford, Rostow, William Bundy và Mc Pherson đã gặp gỡ nhau tại văn phòng làm việc của ông Rusk để duyệt lại bản dự thảo cuối cùng của bài diễn văn mà Tổng thống sẽ phải đọc trong ba ngày nữa.

Ông Clifford là một trong những người đã không biết hoặc đã không nghĩ là ông đã hiểu được điều gì Tổng thống đang suy nghĩ. Mặc dù cảm thấy được khuyến khích trước phản ứng của các nhà lão thành và ảnh hưởng của họ đối với Tổng thống, ông vẫn cảm thấy phần nào bị ra rìa trong những ngày cuối tháng Ba. "Tôi đã không hoàn toàn hiểu biết về bài diễn văn trong khi các bản dự thảo được tiến hành soạn thảo", ông Clifford đã nhắc lại như thế và ông nói tiếp: "Tôi không thể nhớ lại không hiểu tôi đã có được đọc bản dự thảo hay chưa trước khi tôi đến Bộ ngoại giao" (15).

Lý do đặc biệt có cuộc gặp gỡ trong văn phòng của ông Rusk sáng hôm đó là để duyệt bản dự thảo bài diễn văn và làm cho trơn tru. Việc này đã không đòi hỏi nhiều thời gian và tôi cho rằng có thể trở về vào bữa ăn trưa, ông Clifford đã nhớ lại như thế. Trong bài diễn văn không thấy có vấn đề sáng kiến hòa bình hoặc tạm ngừng ném bom và ông Clifford giống như Thượng nghị sĩ Mansfield tối hôm trước, đã cảm thấy toàn thể giọng điệu của bản dự thảo không phù hợp với tâm trạng của đất nước, ông đã nhận thấy như sau:

"Bản dự thảo đã được trình bày theo một cách mà tôi nghĩ rằng khi được dọc thành diễn văn thì sẽ là một sai lầm bi thảm. Khi tôi đọc bài diễn văn ấy, tôi đã để ra hai mươi lăm phút để phát biểu ý kiến của tôi. Tôi đã nói đây là một bài diễn văn không ổn, là một bài diễn văn về chiến tranh. Cái mà Tổng thống cần là một bài diễn văn về hòa bình. Chẳng hạn câu đầu tiên viết như sau: "Tôi muốn nói với đồng bào về cuộc chiến tranh ở Việt Nam". Tôi muốn câu đó được sửa là "Tôi muốn nói với đồng bào về hòa bình ở Việt Nam".

Điều tôi muốn làm và thật sự tôi đã làm là cứ xoay ngược vấn đề Bản dự thảo đã là một lời kêu gọi cứng rắn, nghiêm khắc nhằm tiếp tục thực hiện chính sách sử dụng vũ lực và kêu gọi sự ủng hộ của quần chúng Mỹ đối với sự tiếp tục theo đuổi một chính sách mà cuối cùng sẽ đưa chúng ta thoát khỏi cảnh hiểm nghèo. Tôi cho rằng đây là một đường lối giải quyết hoàn toàn không đúng" (16).

Ông Clifford đã lặp lại lời yêu cầu của ông là trong bài diễn văn cần công bố bước đầu tiên hướng về xuống thang chiến tranh và giảm bớt mức bạo lực là thực hiện việc tạm ngừng ném bom ở phần đất Bắc vĩ tuyến 20. Ông nhắc lại kế hoạch do ông đề nghị là một biện pháp đầu tiên như thế cần phải được tiếp nối bởi một biện pháp không quan trọng nào đó của Hà Nội để có thể đưa đến những bước xuống thang khác của Mỹ.

Theo lời ông Bundy, Rusk "đã tỏ ra rất phục tùng" (17). "Tôi đã không chú trọng nhiều đến buổi họp ngày 28-3, ông Rusk nhắc lại như thế, ông nói tiếp:

"Vào lúc ấy, tôi đã tin chắc là Tổng thống sắp đưa đến đề nghị tạm ngừng ném bom cục bộ vào bài diễn văn và tôi cũng đã đoán chắc là Tổng thống sẽ không tái ứng cử Tổng thống. Lời lẽ bài diễn văn, xét về hai vấn đề chủ yếu trên, cần được sửa cho hợp với những quyết định ấy. Sáng kiến tạm ngừng ném bom đã không được đưa trước vào bài diễn văn vì Tổng thống không ưa thấy vấn đề ấy được viết lên giấy rồi sau đó ông lại đọc thấy trên báo. Tổng thống sẽ không từ bỏ ý định!" (18).

Ông Rostow tán đồng ý kiến: "Quan điểm của tôi là bài diễn văn chưa thể thành hình một khi đề nghị hòa bình chưa được đưa vào. Chúng tôi hiểu rõ đây sẽ là một vấn đề lớn. Đề nghị đó đang chờ sẵn và đợi thời điểm thích hợp để được đưa vào một khi đề nghị hòa bình đã được đem vào điểm chủ yếu được thấy ngay ở đầu bài diễn văn và bài diễn văn được soạn thảo xoay quanh điểm mấu chốt ấy. Soạn thảo lại bài diễn văn chung quanh vấn đề đề nghị hòa bình không phải là một công việc khó khăn" (19).

Vì thế đến lúc này ông Rusk đã đồng ý với ông Clifford là thời cơ đã đến để lồng đề nghị tạm ngừng ném bom vào bài diễn văn. Ông gọi người thư ký vào và đọc cho người này viết lời phát biểu bao gồm đề nghị bắt đầu của ông một cuộc tạm ngừng ném bom trên thực tế ở phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20. "Ông Clifford cho rằng ông phải đấu tranh chống những kẻ hiếu chiến như Rusk và Rostow", ông Rostow nói thế và ông nói tiếp: "Nhưng không cần phải thuyết phục chúng tôi. Chúng tôi đã và đang nghĩ đến một cuộc tấn công sau đề nghị hòa bình từ mùa thu. Chúng tôi phải kéo ông Clifford cùng hành động" (20).

Như ông Clifford vì không hiểu rõ quyết định công bố tạm ngừng ném bom của Tổng thống cho nên đã nhận định tình hình rất khác, ông đã nhắc lại buổi họp như sau:

"Đây không phải là một trò chơi đố chữ. Khi tôi rời buổi họp ấy tôi tự cảm thấy rằng tôi đã đóng góp rất đáng kể vào việc giải quyết khó khăn ấy so với bất cứ đóng góp nào khác của tôi trong thời gian tôi làm việc với Tổng thống Johnson. Do buổi họp ấy, một bản dự thảo khác đã được đưa ra với một giọng điệu hoàn toàn đổi mới của bài diễn văn vào lúc chúng tôi thảo xong bản dự thảo ngày hôm ấy, chúng tôi đã đưa đề nghị tạm ngừng ném bom vào. Tôi nghĩ rằng buổi họp hôm ấy đã làm đảo ngược bài diễn văn" (21).

Ông William Bundy đã chia sẻ quan điểm trên, ông nhận thấy ông Clifford là người chịu trách nhiệm làm cho bài diễn văn giọng cứng rắn trở thành một lời kêu gọi tán thành một giải pháp hòa bình. Vài ngày sau, ông đã bày tỏ quan điểm này bằng cách viết cho ông Clifford một lá thư khen ngợi ông đã thực hiện một việc rất có ích cho quần chúng và qua hành động của ông được thể hiện ngày 28 tháng Ba, ông đã đóng góp cho hòa bình. (22).

Vào cuối buổi họp, ông Rusk và ông Bundy đã thảo một điện tín thông báo Sài Gòn rõ Tổng thống đã chấp nhận đề nghị ngừng ném bom Bắc Việt Nam ở phán đất phía Bắc vĩ tuyến 20. Sau đó ông Rostow đã trình diện Tổng thống, thông báo cho ông rõ là các cố vấn của Tổng thống đang soạn thảo một bản dự thảo khác cho bài diễn văn và ngụ ý là có lẽ thời cơ đã đến đề lồng đề nghị hòa bình vào và hỏi xem Tổng thống có sẵn sàng tiếp họ vào cuối ngày không (23)

Hai ông Mc Pherson và Clifford đã rời phòng họp để soạn thảo diễn văn thay thế. Ông Clifford đã trở về Lầu Năm Góc và thông báo cho ông Warnke và Goulding về tinh thần chung của buổi họp và yêu cầu hai ông này viết bản dự thảo diễn văn bao gồm đề nghị tạm ngừng ném bom. Hai viên chức Bộ quốc phòng này đã tỏ ra thất vọng vì một cuộc ngừng ném bom toàn thể đã không được đề nghị, nhưng ông Clifford đã nói với họ là việc đó không phải là chyện bàn cãi nữa, Tổng thống đã nhất quyết sẽ không chấp thuận việc ngừng ném bom hoàn toàn (24).

Do đó, sự khó khăn trong việc soạn thảo một bài diễn văn thay thế đã làm cho ông Clifford và các viên chức Bộ quốc phòng thuộc quyền ông phải diễn tả đề nghị tạm ngừng ném bom của ông Rusk theo một ngôn ngữ nêu nổi bật lòng thành thật của đề nghị và nhấn mạnh vào bản chất hòa bình của nó. Vì vậy, bản dự thảo bài diễn văn được soạn thảo tại Bộ quốc phòng có đề tài trung tâm nêu nổi bật ý kiến là các hành động của chúng ta có ý nhằm đưa đến đàm phán. Có đưa ra cho Hà Nội hai con đường để lựa chọn sau khi việc tạm ngừng ném bom được thực hiện, một con đường là xác định lại công thức San Antonio, việc này có thể dẫn đến ngừng ném bom hoàn toàn, con đường kia đòi hỏi Hà Nội đáp ứng lại sự kiềm chế của chúng ta, do đó giảm bớt mức độ bạo lực (25).

Tối hôm đó. các ông Clifford, Rusk và Rostow đã gặp Tổng thống tại Nhà Trắng và trình cho Tổng thống xem bản dự thảo bài diễn văn thay thế dài bảy trang (26). Tổng thống gọi riêng ông Rusk vào văn phòng và cho phép ông gửi bản điện tín đi Sài Gòn để thông báo Đại sứ Bunker về những dự định của ông và chỉ thị cho ông Đại sứ thông báo chính phủ Nam Việt Nam và tranh thủ sự đồng ý của họ. Ông Rusk đã lập lại những chỉ thị này cho ông Bundy và bức điện tín được đánh đi.

Đối với ông Bundy, chỉ đến lúc này ông mới rõ là Tổng thống đã quyết định rồi (27). Tuy nhiên, đối với ông Roslow và ông Rusk đây chỉ là một sự kết thúc, sự "kết thúc các thủ tục" để lồng vào bài diễn văn một đề nghị hòa bình đã được quyết định chọn từ lâu (28). Vì vậy, ông Clifford đã không thể thay đồi đề nghị của ông Rusk để đưa ra đề nghị tạm ngưng ném bom không điều kiện ở phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20, nhưng ông đã có thể làm thay đổi lời lẽ của bài diễn văn để làm cho nó có tính chất hòa giải và làm nổi bật sự xuống thang và làm cho Bắc Việt Nam dễ dàng có thể chấp nhận và coi đó như cơ sở để đi đến đàm phán.

Việc này đã có thể thực hiện được vì ông Rusk và ông Rostow đã cảm thấy Tồng thống đã quyết định chọn một kiểu tạm ngừng ném bom như thế và sẽ không thể can ngăn được. Ngôn ngữ được dùng để diễn đạt tỏ ra ít quan trọng. Như ông Rusk nhận thấy: "Tôi đã không tìm cách uốn nắn bài diễn văn theo lề lối mà tôi cho rằng nó phải được hình thành. Tôi đã không xắn tay áo và gắng công sức làm việc đó. Giọng điệu của bài diễn văn, xét về hai vấn đề chủ yếu, cần phải được làm cho phù hợp với những quyết định ấy" (29).

Như vậy, như ông Mc Pherson đã nhận thức được. có cái gì mạnh hơn điều ông Clifford tin chắc và có đầy sức thuyết phục đã làm cho ông Rusk và ông Rostow đồng ý thay đổi giọng điệu của bài diễn văn. Nhờ biết được những ý định của Tổng thống hơn điều mà ông Clifford đang biện hộ, hai người này đã hướng sự chú ý vào "cái gì" cần phải có trong bài diễn văn được như một sáng kiến hòa bình chứ không phải điều ấy cần được diễn đạt "như thế nào" (30). Nhưng vấn đề "như thế nào" đã thể hiện giọng điệu mà sáng kiến hòa bình được phát biểu cần phải được coi trọng.

Một phiên họp khác về soạn thảo bài diễn văn đã được triệu tập vào ngày thứ bảy 30 tháng Ba, Tổng thống đã có mặt trong phiên họp này, ông không mặc áo khoác, cà vạt kéo xệ xuống,duyệt lại từng chữ trong bài diễn văn rất cẩn thận. Ông Clifford, Tướng Wheeler, các ông Rostow, Christian Bundy và Mc Pherson đã có mặt, ông Nicholas Katzenbach đại diện ông Rusk, ông này đã rời Washinglon đi Wellington, Niu Di Lân, tham dự một buồi họp đã được dự định trước gồm những nước đã đóng góp vào việc đưa quân đến Việt Nam.

Chính trong phiên họp ngay ông Clifford đã nắm chắc điều mà ông cho là sự nổi bật thật sự được đưa vào bài diễn văn như ông Mc Pherson nhớ lại như sau:

“Đó là điều chưa từng thấy trong kinh nghiệm của tôi. Buổi họp đã diễn ra rất lâu với rất nhiều sự bàn cãi về hầu hết mỗi đoạn của bài diễn văn. Chúng tôi hầu như duyệt lại từng chữ trong bài diễn văn và đã thay đổi nhiều đoạn trong đó. Trong phiên họp soạn thảo diễn văn kéo dài ấy, ông Clifford đã đặt thành vấn đề bất cứ một từ nào được xem như gợi ý rất nhẹ nhàng là chúng ta sẽ tiến hành trở lại việc ném bom. Tổng thống rất am tường điều mà ông Clifford đang làm và ông sẵn sàng thừa nhận điều đó.

Từ trước đến giờ không có ai dám nói: "Tổng thống sẽ không thể ra lệnh ném bom trở lại một khi đã đọc bài diễn văn này". Nhưng mọi sự thông báo mà chúng tôi đang cố tìm cách truyền đạt trong bài diễn văn là chúng ta sẽ không tái ném bom toàn bộ, chúng ta đang giảm bớt ném bom, dừng lại vĩ tuyến 20. Một lần nữa ông Clifford lại bày tỏ ý kiến cho đó là một phương thức trao đổi có đi có lại - một phương thức nắm kéo xuống bằng được (31).

Khi buổi họp chấm dứt, xét về sự ám chỉ đầu tiên và quyết định chính trị sẽ được công bố trong bài diễn văn này. Tổng thống Johnson đã nói với ông Mc Pherson trong đoạn cuối của hài diễn văn xét ra không cần phải soạn thảo vì ông đã viết xong đoạn này rồi (32).

Tổng thống đã tham khảo ý kiến những nhân vật lãnh đạo trong quốc hội vào buổi sáng 29 tháng Ba về ý định của ông trong việc ném bom và ông Clifford do sự thúc giục của Tổng thống đã thông báo cho những thành viên Quốc hội khác vào ngày hôm sau (33).

Cũng trong ngày 30 tháng Ba, Đại sứ Bunker đã báo cáo rằng ông đã thi hành những chỉ thị của Tổng thống và đã thông báo chính phủ Nam Việt Nam. Cả ông Thiệu và ông Kỳ, theo lời ông Đại sứ thuật lại, đã "trả lời ngay tức khắc và không do dự là việc đó có thể làm được” (34).

Ngoài ra ông Clifford còn tham khảo ý kiến các thành viên của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, những người mà Tổng thống sẽ cần đến sự ủng hộ của họ, những người này trừ Tướng Wheeler chưa hề được tham khảo ý kiến về việc tạm ngừng ném bom. Việc thuyết phục những nhân vật này đã không gặp khó khăn.

Quyết định tạm ngừng ném bom chỉ có tính cách tạm thời nếu Bắc Việt Nam không đáp lại, có một số ít mục tiêu đáng đánh ở phía Bắc vĩ tuyến 20 nhưng thời tiết xấu sẽ ngăn cản những cuộc tấn công trong khu vực này dù trong bất cứ tình huống nào và đang cần có một hành động nào đó để củng cố lại sự ủng hộ của quần chúng Mỹ đối với việc tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh. Nếu không đưa ra quyết định này, chúng ta sẻ không tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ để có thể tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh bằng bất cứ đường lối nào có hiệu quả, đó là lời phát biểu sau đó của Tướng Wheeler (35).

Trong một bức điện tín gửi cho Tướng Westmoreland để thông báo lần đầu tiên quyết định của Tổng thống, các nhà lãnh đạo quân sự đã nhấn mạnh đến những vấn đề cần quan tâm nêu trên ở trong nước. Trước hết, Tướng Wheeler thông báo cho Tướng Westmoreland biết về việc gì mà ông đã biết trước đó là việc Tổng thống sẽ công bố việc triển khai thêm lực lượng Mỹ đã được thỏa thuận sang Nam Việt Nam.

Ông nói rõ là Tổng thống cảm thấy điều cần phải làm là để chặn đứng những lời buộc tội leo thang của những người đối lập với ông về chính sách Đông Nam Á của ông, ông cần phải đồng thời đưa ra một sáng kiến khác để nhận đạt được một sự dàn xếp hòa bình vào cuộc chiến tranh. Nhưng trong số những nhân tố thích hợp với quyết định của Tổng thống "việc tranh thủ sự ủng bộ của quần chúng đã được nhấn mạnh khi đó không thấy đề cập gì đến vấn đề thương thuyết".

a) Kể từ khi xảy ra cuộc tấn công Tết, sự ủng hộ của quần chúng Mỹ và của Quốc hội Mỹ đối với cuộc chiến tranh ở Đông Nam Á đã giảm sút với tốc độ rất nhanh. Nhiều người trong số những người đề xướng nhiệt tình nhất hành động mạnh mẽ nhất ở Việt Nam đã thay đổi hoàn toàn quan điểm của họ và đã thiên về lập trường trung lập hoặc là đang lưỡng lự. Nếu khuynh hướng này cứ tiếp diễn không bị kìm hãm thì sự ủng hộ của quần chúng đối với những mục tiêu của chúng ta tại Đông Nam Á sẽ quá mỏng manh để có thể duy trì nỗ lực hiện nay.

b) Thời tiết trên phần đất phía Bắc thuộc Bắc Việt Nam sẽ tiếp tục không thích hợp cho các hoạt động của không quân trong vòng 30 ngày tới đây, vì thế nếu cần thực hiện việc ngừng các hoạt động không quân thì lúc này là thời điểm tốt nhất đứng trên quan điểm quân sự. 

c) Hy vọng rằng sáng kiến đơn phương tìm kiếm hòa bình này sẽ làm đảo ngược sự bất bình và chống đối đang tăng lên đối với cuộc chiến tranh trong xã hội của chúng ta.

d) Sáng kiến trên sẽ giúp chống lại sự chỉ trích của nước ngoài (36).

Các tham mưu trưởng liên quân đã thôi không hăng hái tán thành đề nghị của Tổng thống mà họ đã không được tham khảo ý kiến một cách tích cực. Theo quan điểm của các nhà lãnh đạo quân sự, đó là hoàn toàn quyết định của Tổng thống. Tướng Wheeler đã thông báo cho những nhà chỉ huy quân sự thuộc quyền ông như sau:

“Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đữ được báo cho biết sáng kiến đơn phương sẽ được đưa ra, hiểu rõ các lý do về việc đó vì thế Hội đồng tham mưu trưởng liên quân ra lệnh cho tất cả các tư lệnh quân sự ủng hộ quyết định của Tổng thống" (37).

Trong một điện tín riêng, Tướng Wheeler đã thông báo cho Tướng Westmoreland rõ là trong buổi họp ngày 30.3 tại Nhà Trắng, Tổng thống đã vạch rõ là trước đây chúng ta thường hay bị tố cáo là các sáng kiến hòa bình đả được tiếp nối bằng việc gia tăng các hoạt động quân sự. Vì thế ông yêu cầu vị tư lệnh chiến trường tiến hành các cuộc hành quân đặc biệt là việc giải vây Khe Sanh đã được trù hoạch, ở mức vừa phải và chỉ xem đó như là một diễn biến thông thường của các cuộc hành quân tiến công địch quân thôi" (38).

Ngày thứ bảy 30-3, Bộ Ngoại giao đánh một điện tín cho các đại sứ Mỹ tại Australia, New Zealand, Thái Lan, Lào, Philippin và Nam Triều Tiên, chỉ thị các vị này thông báo cho các vị nguyên thủ các nước này rõ những yếu tố chủ yếu về việc công bố về chính sách mà Tổng thống dự định thực hiện. Bức điện tín đã cung cấp cho các đại sứ thêm những lý lẽ để biện hộ cho chính sách mới và để các vị này có thể sử dụng trong các cuộc nói chuyện với các nhà lãnh đạo nước ngoài và các đồng mình:

a) Quí vị cần phải gọi sự chú ý đến việc gia tăng lực lượng sẽ được công bố đồng thời và sẽ làm cho sáng tỏ ý chí kiên quyết liên tục của chúng ta. Ngoài ra cần lưu ý đến ưu tiên hàng đầu dành cho việc trang bị lại các lực lượng Quân đội Việt Nam cộng hòa.

b) Quí vị cần phải nêu rõ là Hà Nội rất có thể sẽ lên án kế hoạch và như thế sẽ tạo cho chúng ta thế tự do hành động sau một thời gian. Tuy vậy, chúng ta có thể mong muốn tiếp tục thực hiện sự hạn chế ném bom ngay cả sau khi có sự lên án chính thức, để củng cố thêm lòng thành thật trong việc tạm ngừng ném bom và để có thể đổ hết trách nhiệm cho Hà Nội một cách vững chắc đối với bất cứ việc gì xảy ra sau đó. Lẽ dĩ nhiên bất cứ một sự thay đổi chủ yếu nào về quân sự có thể bắt buộc chúng ta tiến hành ném bom trở lại toàn diện bất cứ lúc nào.

c) Dù có lên án hay không lên án, Hà Nội rất có thể cảm thấy bị hạn chế trong việc tiến hành bất cứ một cuộc tấn công lớn nào, ít nhất trong các khu vực ở phía Bắc. Nếu thật sự họ cảm thấy như thế, việc này có thể làm nhẹ bớt sức ép lại khu vực mà sức ép này rất nghiêm trọng. Nếu họ không hạn chế các hoạt động, lúc đó việc này sẽ tạo cho chúng ta lĩnh vực hoạt động rõ ràng đối với bất cứ hành động nào xét thấy cần.

d) Vì lý do những hạn chế về thời tiết, việc ném bom phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20 trong bất cứ trường hợp nào cũng sẽ bị hạn chế ít nhất là trong khoảng thời gian bốn tuần tới - thời gian mà chúng ta dự tính coi đó như thời gian thử nghiệm tối đa trong bất cứ trường hợp nào. Do đó, chúng ta sẻ không bỏ qua bất cứ sự việc gì thật sự nghiêm chỉnh trong khoảng thời gian được bố trí này. Hơn nữa, sức mạnh không quân lúc này được sử dụng ở phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20 sẽ có thể được sử dụng ở Lào (tại đây không trù tính thay đổi chính sách) và Nam Việt Nam.

e) Đến mức mà sự công bố trên báo hiệu trước bất cứ khả năng nào ngừng ném bom toàn bộ, trong trường hợp Hà Nội thật sự đáp lại bằng những sự kiềm chế của họ, chúng tôi coi sự việc này không chắc có thể xảy ra. Nhưng trong bất cứ tình huống nào, thời gian biểu lộ sự kiềm chế có lẽ sẽ phải để cho tiếp diễn trong thời gian nhiều tuần lễ và như thế chúng ta sẽ có đủ thì giờ để đánh giá tình hình và tham khảo ý kiến họ thật cẩn thận trước khi chúng ta định tiến hành một hành động nào (39).

Như vậy, để làm yên lòng các đồng minh của chúng ta về "ý chí kiên quyết liên lục" của chúng ta, bức điện đã biểu lộ rõ ràng là không trông mong mấy ở sáng kiến này. Có lẽ nó có thể củng cố sự thành thật của chúng ta và “đặt hết tránh nhiệm một cách vững chắc lên trên lưng Hà Nội đối với bất cứ việc gì xảy ra sau đó. Người ta đã không mong đợi Hà Nội sẽ phản ứng tích cực mặc dù họ có thể "cảm thấy" bị hạn chế không cho phép tiến hành bất cứ một cuộc tấn công lớn nào ít nhất là ở những khu vực phía Bắc", đó là điều mà ông Clifford đặt hy vọng lớn nhất nhưng theo Bộ ngoại giao nhận thấy thì việc đó rất khó xảy ra.

Thời gian thử nghiệm được trù tính là khoảng bốn tuần lễ diễn ra trong một mùa mà thời tiết sẽ hạn chế việc ném bom trong bất cứ tình huống nào. Sau thời gian này chúng ta sẽ rảnh tay để có thể quyết định ném bom trở lại như trước kia, mặc dù điều này đã không được phát biểu một cách rõ ràng.

Bài diễn văn của Tổng thống gửi toàn thể quốc dân đọc hôm thứ bảy 31.3 đã mở đầu bằng tóm tắt những cố gắng của ông để đạt được hòa bình ở Việt Nam qua nhiều năm (41), lời mở đầu được thể hiện như sau:

"Đồng bào thân mến.

Tối nay tôi muốn nói với đông bào về hòa bình ở Việt Nam và Đông Nam Á...

Từ nhiều năm nay, các đại diện chính phủ chúng ta và của các nước khác đã đi khắp thế giới cố tìm một cơ sở cho việc đàm phán về hòa bình.

Kể từ tháng chín năm ngoái, họ đã đem theo đề nghị mà tôi đã tuyên bố công khai ở San Antonio.

Đề nghị đó nội dung như sau:

Hoa Kỳ sẽ ngừng hẳn việc ném bom Bắc Việt Nam khi nào hành động này có thể đưa ngay đến những cuộc thảo luận có ích và có kết quả - và chúng ta cho rằng Bắc Việt Nam sê không lợi dụng về mặt quân sự trước sự kiềm chếc của chúng ta.

Hà Nội đã vừa bí mật vừa công khai. Ngay trong lúc mà việc tìm kiếm hòa bình đang tiếp diễn. Bắc Việt Nam đã vội vã chuẩn bị một cuộc tấn công. Cuộc tấn công này xảy ra trong những ngày nghỉ Tết (Tổng thống kể lại sơ qua), mặc dù đã gây nên sự tan vỡ đau khổ và thiệt hại nhân mạng có tính cách lan rộng nhưng đã không đạt được một mục tiêu nào cả”.

Trong khi lặp lại công thức San Antonio và công bố đột ngột việc ngừng ném bom cục bộ Bắc Việt Nam được xem như một sáng kiến mới nhằm mục đích giảm bớt mức bạo lực hiện nay và dẫn đến đàm phán hòa bình, Tổng thống đã không đả động gì đến sự quan tâm về sự ủng hộ ở trong nước đối với cuộc chiến tranh và cũng không bày tỏ bất cứ một sự nghi ngờ gì về bức điện tín của Bộ Ngoại giao đêm hôm trước nói rằng không trông mong gì sáng kiến này được kết quả. Thực vậy chủ đề trọng tâm của đoạn này trong bài diễn văn là hành động đơn phương của chúng ta nhằm mục đích sớm dẫn đến đàm phán. Tổng thống còn đề cử những đại diện của Hoa Kỳ cho cuộc đàm phán. Tổng thống nói:

“Không cần trì hoãn cuộc đàm phán để có thể đưa cuộc chiến tranh kéo dài và đẫm máu này đến chỗ kết thúc.

Tối nay tôi nhấc lại đề nghị mà tôi đã đưa ra hồi tháng tám năm ngoái - đó là ngưng ném bom Bắc Việt Nam. Chúng tôi yêu cầu tiến hành ngay cuộc đàm phán. Cần thương thuyết nghiêm chỉnh với thực chất là bàn về hòa bình. Chúng tôi cho rằng trong khi những cuộc đàm phán đang tiến hành, Hà Nội sẽ không lợi dụng sự kiềm chế của chúng ta.

Chúng tôi sẵn sàng hành động ngay hướng về hòa bình thông qua thương lượng.

Vì thế, tối nay, trong niềm hy vọng, là hành động này sẽ sớm dẫn đến đàm phán, tôi đưa ra biện pháp đầu tiên để xuống thang chiến tranh. Chúng tôi đang giảm bớt xuống đáng kể mức độ chiến sự hiện nay. Và chúng tôi đang thực hiện đơn phương điều ấy và tiến hành ngay lập tức.

Đêm nay, tôi đã hạ lệnh cho máy bay và các tàu hải quân của chúng ta thôi không thực hiện những cuộc tấn công vào Bắc Việt Nam nữa, trừ tại khu vực phía Bắc vùng phi quân sự mà tại đó sự tăng cường liên tục của quân địch trực tiếp đe dọa những vị trí tiền tiêu của chúng ta và tại đó những sự chuyển quân và hàng tiếp tế của đối phương rõ ràng có liên quan đến mối đe dọa ấy.

Khu vực chúng ta đang ngừng không tiến hành những cuộc tấn công ban đêm gần 90% dân số của Bắc Việt Nam và hầu bết lãnh thổ của họ. Như vậy sẽ không thực hiện những cuộc tấn công chung quanh những khu vực chủ yếu đông dân cư hoặc là tại những vùng sản xuất lương thực của Bắc Việt Nam.

Ngay cuộc ném bom miền Bắc rất hạn chế này cũng có thể sớm chấm dứt - nếu sự kiềm chế của chúng ta được Hà Nội đáp ứng bằng sự kiềm chế của họ. Nhưng lương tâm của tôi không cho phép ngừng ném bom toàn bộ chừng nào mà việc làm như thế có thể làm nguy hại ngay và trực tiếp đến sinh mệnh của các binh sĩ của chúng ta và của các đồng minh chúng ta. Một cuộc ngừng ném bom toàn thể liệu có thể thực hiện được nhưng trong tương lai, việc này sẽ được quyết định tùy theo những sự biến.

Mục đích hành động này của chúng tôi là để dẫn đến sự giảm bớt mức bạo lực hiện nay. Nó nhằm cứu những sinh mệnh của những binh sĩ dũng cảm và đồng thời cứu sống những người đàn bà và trẻ em vô tội nữa. Nó cho phép hai lực lượng chiến đấu tiến gần hơn đến một cuộc dàn xếp chính trị.

Bây giờ cùng như trong quá khứ, Hoa Kỳ sẵn sàng gửi những đại diện đến bất cứ diễn đàn nào, bất cứ lúc nào để thảo luận những biện pháp có thể đưa cuộc chiến tranh xấu xa này đến chỗ chấm dứt.

Tôi đang đề cử một trong những người Mỹ lỗi lạc nhất, Đại sứ Averell Harriman với tư cách đại diện cá nhân tôi trong các cuộc đàm phán. Ngoài ra, tôi đã yêu cầu Đại sứ Lewdlyn Thompson được triệu hồi từ Mát-xcơ-va về nước để tham khảo ý kiến và sẵn sàng đi theo Đại sứ Harriman đến Giơ-ne-ve hoặc bất kỳ một chỗ nào khác xét thấy thích hợp ngay sau khi Hà Nội tán thành họp hội nghị.

Tôi kêu gọi Chủ tịch Hồ Chí Minh hẵy đáp ứng tích cực và thuận lợi đối với biện pháp mới hướng về hòa bình này".

Không có một điều kiện nào được đặt ra cho cuộc tạm ngừng ném bom và quả thực nó không được “mệnh danh là một cuộc tạm ngừng" mà là "một cuộc ngừng hẳn". Không có một thời gian nhất định được nêu và bài diễn văn đã không bao hàm một sự đe dọa nào và đã không liệt kê một điều kiện nào để có thể lại tiếp tục ném bom trở lại.

Tổng thống đã không thảo luận việc gì sẽ xảy ra nếu không đạt đến đàm phán và chỉ cho biết là quân đội Nam Việt Nam đang trở thành lớn mạnh hơn, đã đạt được nhiều thành tích và sẽ được Hoa Kỳ trang bị lại để có thể dồn nỗ lực cần thiết nhằm bảo vệ lãnh thổ của họ. Việc công bố sự gia tăng không đáng kể lực lượng Mỹ chỉ được nêu vắn tắt và có vẻ gần như một lời chú thích so với những lời phát biểu gây cảm xúc mạnh mẽ đã được đưa ra trước.

"Trong nhiều dịp tôi đã nói cho nhân dân Mỹ rõ là chúng tôi sẽ phái sang Việt Nam những lực lượng cần phải có để hoàn thành nhiệm vụ của chúng ta tại đó. Như thế, coi điều ấy là điều chỉ dẫn, trước đây chúng tôi đã cho phép thực hiện mức số quân vào khoảng 525.000 quân.

Từ vài tuần nay - để đáp ứng nhu cầu quân số để có thể đương đầu với cuộc tấn công mới đây của địch quân - chúng tôi đã phái thêm sang Việt Nam khoảng 11.000 lính thủy đánh bộ và lính không vận. Số quân này đã được triển khai bằng máy bay trong 48 tiếng đồng hồ, trên cơ sở vì trường hợp khẩn cấp. Nhưng pháo, xe tăng, máy bay và những đơn vị khác cần để cùng hoạt động và yểm trợ những chiến sĩ bộ binh trong tác chiến đã không thể gửi đi cùng trong thời hạn ngắn ấy.

Để các lực lượng nêu trên có thể đạt được hiệu lực tối đa, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã đề nghị với tôi rằng chúng ta phải chuẩn bị gấp - trong vòng năm tháng tới - số quân yểm trợ. Tổng số lên tới khoảng 13.500 người”.

Phần kế tiếp bài diễn văn của Tổng thống đã liệt kê chi tiết những chi phí của cuộc chiến tranh Việt Nam và đưa ra lời yêu cầu Quốc hội có hành động để làm giảm bớt sự thiếu hụt bằng cách thông qua dự luật đánh thêm thuế, vấn đề này đã được đệ trình và yêu cầu quốc hội thông qua gần một năm sau.

Nói tóm lại, Tổng thống đã lặp lại những mục đích và mục tiêu của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam, ông đã giải thích cho thấy những mục tiêu này đã trực tiếp liên hệ đến tương lai của toàn thể vùng Đông Nam Á như thế nào và ông lại một lần nữa kêu gọi Bắc Việt Nam hãy tìm kiếm một giải pháp hòa bình cho cuộc chiến tranh. Tổng thống nói:

“Tôi không thể hứa hẹn là sáng kiến mà tôi vừa công bố đêm nay sẽ hoàn toàn thành công đạt tới hòa bình nhiều hơn 30 sáng kiến khác mà chúng ta đã thực hiện và tán thành trong những năm gần đây.

Nhưng trong niềm hy vọng thiết tha của chúng tôi, chúng tôi mong rằng Bắc Việt Nam sau nhiều năm chiến đấu mà vấn đề vẫn không được giải quyết, bây giờ sẽ ngừng các cố gắng của họ đạt chiến thắng quân sự và sẽ cùng chúng tôi hoạt động hướng về thương thuyết hòa bình.

Vì thế, đêm nay tôi xác nhận lại lời hứa đã được chúng tôi đưa ra ở Manila - là chúng ta sẵn sàng rút các lực lượng của chúng ta ra khỏi Nam Việt Nam khi mà phía bên kia rút các lực lượng của họ về miền Bắc.. ngưng xâm nhập và như vậy mức độ bạo lực sẽ giảm xuống.

Tối nay tôi vừa đưa ra biện pháp đầu tiên, dựa theo đó tôi hy vọng sẽ dẫn đến một loạt những hành động của cả đôi bên hướng về hòa bình. Tôi cầu xin cho sáng kiến hòa bình sẽ không bị các nhà lãnh đạo Bắc Việt Nam bác bỏ.

Tôi cầu xin cho họ chấp nhận nó như một biện pháp dựa vào đó những hy sinh của chính nhân dân của họ có thể được chấm dứt. Và tôi đòi hỏi sự giúp đỡ và sự ủng hộ của mọi người, những đồng bào của tôi, để cho nỗ lực này đến tận bên kia chiến trường, hướng về mục tiêu sớm đem lại hòa bình”.

Cuối cùng Tổng thống đã nói chuyện theo một lối rất riêng biệt nhằm chú đến những thành quả ở trong nước và đến vấn đề hình như đã được xem như chiếm vị trí hàng đầu trong tâm trí của ông trong suốt tháng trước gồm có bàn cãi, nhận định lại và đánh giá chính sách Việt Nam của nước Mỹ - có liên quan đến vấn đề đoàn kết trong nước, ông phát biểu như sau:

“Sức mạnh chủ yếu của đất nước chúng ta và sự nghiệp của chúng la sẽ không phải là dựa vào vũ khí hùng mạnh hoặc tài nguyên vô tận hoặc của cải bao la mà sẽ dựa vào đoàn kết thống nhất của nhân dân chúng ta.

Tôi rất tin tưởng vào vấn đề này

Trong quá trình 37 năm phục vụ đất nước, trước hết với tư cách là dân biểu, nghị sĩ và phó Tổng thống rồi bây giờ là Tổng thống của đồng bào, tôi đã để tình đoàn kết của nhân dân lên trên hết. Tôi đã để nó trên cả bất cứ các đảng phái gây chia rẽ nào...

Hiện nay đang có sự chia rẽ trong nội bộ nước Mỹ. Tối nay, giữa toàn thể chúng ta đang có sự chia rẽ. Và nắm vững tín nhiệm của đồng bào, với tư cách là Tổng thống, tôi không thể coi thường mối nguy hiểm đối với tiến bộ của nhân dân Mỹ và không đếm xỉa đến niềm hy vọng cũng như triển vọng hòa bình của toàn thể các dân tộc.

Vì thế, tôi khẩn khoản yêu cầu toàn thể những người Mỹ, dù những lợi ích cá nhân hoặc mối lo âu như thế nào đi nữa, hãy đề phòng đừng để bị phân hóa và tránh tất cả những hậu quả sâu xa của nó.

Cách đây năm mươi hai tháng và mười ngày, trong một lúc xảy ra tấm thảm kịch và hội chứng của nó, những trách nhiệm của văn phòng Tổng thống đã được đặt lên vai tôi. Lúc đó tôi đã yêu cầu đồng bào và xin Chúa giúp tôi để chúng tôi có thể tiếp tục đưa nước Mỹ đi theo con đường đang đi của nó, băng bó những vết thương, hàn gắn lịch sử của chúng ta, tiến thẳng tới một sự đoàn kết mới, giải quyết những việc phải làm của Mỹ và giữ lời cam kết của Mỹ đối với toàn thể nhân dân chúng ta. Đoàn kết chúng ta đã giữ cam kết ấy. Đoàn kết chúng ta đã mở rộng sự cam kết ấy.

Trong suốt thời gian tới đây, tôi nghĩ rằng Hoa Kỳ sẽ là một nước hùng mạnh hơn, một xã hội công bằng hơn và sẽ là một giải đất cống hiến rất nhiều cơ hội và sự hoàn thành lớn hơn bởi vì với tất cả những việc gì mà chúng ta cùng thực hiện với nhau trong những năm gần đây, thành tựu đã cho thấy là vô cùng.

Do đó, tôi sẽ không tìm kiếm và sẽ không nhận sự đề cử của đảng tôi đưa tôi ra ứng cử thêm một nhiệm kỳ nữa để một lần nữa trở thành Tổng thống của đồng bào.

Tuy nhiên, hãy để cho thiên hạ ở khắp nơi hiểu một nước Mỹ hùng mạnh, tin tưởng và cảnh giác đêm nay sẵn sàng đứng ở tư thế tìm kiếm một nền hòa bình trong danh dự và đêm nay sẵn sàng bảo vệ một sự nghiệp vinh dự với bất cứ giá nào, bất cứ nặng nhọc như thế nào, bất cứ những hi sinh nào mà nhiệm vụ có thể đòi hỏi.

Cảm ơn đồng bào đã lắng tai nghe.

Chào đồng bào và xin Chúa ban phúc lành cho mọi người”. 

Bài diễn văn của Tổng thống đã không nói rõ vĩ tuyến 20 sẽ là giới hạn của việc ném bom của Mỹ ở Bắc Việt Nam, mặc dù sự giới hạn rõ ràng này đã được thể hiện trên những bản dự thảo lúc đầu. Tại phiên họp soạn thảo bài diễn văn ngày 30-3, sự diễn tả đã được đổi thành "ở vùng phía bắc khu phi quân sự”. Sự thay đổi này đã được thực hiện theo chỉ thị của quyền Bộ trưởng ngoại giao Katzenbach, ông này đã cảm thấy là sự giới hạn được nêu rõ ràng sẽ không có ý nghĩa đối với hầu hết mọi người và sẽ làm giảm bớt tính linh hoạt của Mỹ (41).

Mặc dù vĩ tuyến 20 đã chọn dùng để diễn tả hành động của Mỹ cho chính quyền Nam Việt Nam, cho các chính phủ đồng minh, cho giới lãnh đạo quân sự Mỹ và cho các lãnh tụ trong Quốc hội Mỹ, sự hiểu lầm và tranh luận đã nhanh chóng xuất hiện. Ngày 1 tháng Tư, máy bay của Mỹ đã tập kích vào Thanh Hóa; một điểm chuyển xe tàu ở ngay phía Nam vĩ tuyến 20.

Những bài tường thuật tin tức báo chí cho thấy bài diễn văn của Tổng thống đã đưa ra cảm tưởng là cuộc ném bom sẽ được giới hạn đến một vùng gần khu phi quân sự hơn nhiều (42).


Thượng nghị sĩ Fulbright đã công kích ngay tức khắc sáng kiến của Tổng thống, được xem như "một sự thay đổi rất hạn chế trong chính sách hiện nay, đã không được tính toán để đem lại sự đáp ứng của Bác Việt Nam" (43).

Thượng nghị sĩ Mansfield và những thượng nghị sĩ khác từng được Tổng thống tham khảo ý kiến đã thông báo cho ông Fulbright biết rằng vĩ tuyến thứ 20 đã được nêu rõ ràng với họ như giới hạn ném bom (44).

Tuy thế, các tư lệnh chiến trường đã nhận được chỉ thị cần phải "dùng sự suy xét nghiêm chỉnh trong việc lựa chọn các mục tiêu. Một cuộc tấn công lần thứ nhì vào Thanh Hóa dự định thực hiện vào ngày hôm sau đã được hủy bỏ (45).

Ngày 4-4-1968, Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng trong một bị vong lục gửi cho các Cục trưởng các Cục thuộc Bộ quốc phòng và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã thiết lập chương trình số 6 triển khai quân sang Đông Nam Á. Chương trình này đã tăng thêm 24.500 nhân viên cho chương trình số 5 đã được chấp thuận và đưa mức số quân mới của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam lên 549.500 người (46).

Đã không có một quân nhân nào trong số 206.000 quân để đối phó với trường hợp bất ngờ do Tướng Wheeler xin ngày 29-2 được triển khai. Con số được ghi trong chương trình 6 tượng trưng số quân cao nhất của Hoa Kỳ được bố trí tại Việt Nam. Bộ quốc phòng đã không còn nhận thêm lời yêu cầu xin tăng quân Mỹ nào nữa của vị Tư lệnh Mỹ ở Việt Nam.

Xế chiều ngày 3-4-1968. Nhà Trắng đã cho loan báo lời phát biểu sau đây của Tổng thống Johnson:

"Hôm nay chính phủ Bắc Việt Nam đã đưa ra lời phát biểu được bao gồm trong đoạn sau đây và tôi trích dẫn như sau: "Tuy nhiên, về phần họ, chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa tuyên bố họ ở tư thế sẵn sàng chỉ định những đại diện của họ để tiếp xúc với đại diện Hoa Kỳ với ý định xác định với phía Mỹ việc ngưng không điều kiện những vụ tập kích ném bom của Hoa Kỳ và tất cả những hành động chiến tranh khác chống Việt Nam dân chủ cộng hòa, có như thế cuộc đàm phán mới có thể bắt đầu tiến hành".

Tối chủ nhật trước tôi đã bày tỏ lập trường của Hoa Kỳ đối với vấn đề hòa bình ở Việt Nam và Đông Nam Á như sau:

"Bây giờ cũng như trước kia, Hoa Kỳ sắn sàng gửi các đại diện đến bất cứ diễn đàn nào, bất cứ thời điểm nào để thảo luận về những biện pháp có thể đưa cuộc chiến tranh đến chỗ kết thúc".

Do đó, chúng tôi sẽ tổ chức cuộc tiếp xúc với các đại diện của Bắc Việt Nam. Hiện nay việc tham khảo ý kiến chính phủ Nam Việt Nam và các đồng minh khác của chúng ta đang được tiến hành" (47).

Bước đầu tiên trên đó sẽ là một con đường dài và quanh co để đi đến hòa bình đã được thực hiện (48). Trước cử chỉ đáp lại nhanh chóng không ngờ đối với sáng kiến của Tổng thống, Hà Nội đã chuyển cuộc đấu tranh giành Nam Việt Nam lên trên một Con đường mới.

CÁC CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI LĂM

(1) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.38.

(2) Như trên. tr.305-396. 401.

(3) Christian "Tổng thống rút lui" tr.115. Chalsers M.Roberts "Bản dự thảo gây tranh cải đầu tiên" tr.252-253.

(4) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.113.

(5) Như trên. tr.425-426.

(6) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.426.

(7) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Restow ngày 4-12-72.

(8) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.433.

(9) Như trên. tr.427-433. Xem cả Lady Bird Johnson "Nhật ký Nhà Trắng" tr.248-261. Westmoreland "Tường trình của một quân nhân" tr.233.

Tuy nhiên bí mật này đã không để tiết lộ cho những người vận động bầu cử của Tổng thống Johnson. Ông James Rowe đã thu xếp cho ông Theodore M.White gặp và phỏng vấn Tổng thống ngày 26-3-68, ngay tiếp theo cuộc gặp gỡ của Tổng thống với các nhà lão thành. Như ông Rowe đã nhớ lại cuộc gặp Tổng thống:

"Ông đã để chúng tôi chờ đợi hai tiếng đồng hồ, điều không hợp với đặc tính của ông. Tôi đã ngạc nhiên hết mức thấy Tổng thống quá mệt mỏi, ông cắt đứt những thắc mắc của ông White về vấn đề chính trị và bàn về những gì mà ông đã thực hiện được trong nhiệm kỳ nắm chính quyền của ông. Ông nói là ông đã làm được nhiều việc hơn cựu Tổng thống Franklin D.Roosevelt.

Khi chúng tôi rời Nhà Trắng, tôi đã lưu ý ông White là việc Tổng thống nói có vẻ giống như một lời từ biệt. Nhưng tôi cũng bày tỏ cho ông bạn rằng tôi đã được nghe ông câu chuyện này nhiều lần rồi và thật là hết sức ngu xuẩn nếu nghĩ rằng Tổng thống nói nghiêm chỉnh không ra ứng cử nữa. Thực tế là tôi đang làm việc ở Nhà Trắng, cả ngày chăm lo công việc vận động cho tới ngày Tổng thống bỏ cuộc. (Phỏng vấn riêng ông James. R.Rowe .Jr. ngày 29-12-1975)".

Đọc cả Theodore M.While "Sự gây dựng một Tổng thống. 1968 tr.114-116.

(10) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.430-431.

(11) Như trên. tr.427, đọc cả Kearas "Ông Lyndon Johnson và giấc mơ của người Mỹ" tr.340-348.

(12) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.319.

(13) Trao đổi thư từ với Thường nghị sĩ Mansfield, thư riêng của ông Mansfield ngày 21-5-73.

(14) Như trên,

Về bản báo cáo 1965 của thượng nghị sĩ Mansfield, tham khảo Quốc hội Hoa Kỳ. Thượng viện "Hai bản báo cáo về Đông Nam Á của thượng nghị sĩ Mike Mansfield gửi Tổng thống Hoa Kỳ".

Trong khi nhắc lại câu chuyện với Tổng thống, Thượng nghị sĩ Mansfield đã phạm sai lầm phát biểu trên diễn đàn Quốc hội trong một cuộc tranh cãi sau đó. Ông nói:

"Thực tế là tôi đã được nghe toàn thể bài diễn văn tối hôm đó và tôi nhớ trong bài diễn văn Tổng thống đã nói đến việc ngừng ném bom phía dưới (nguyên văn) vĩ tuyến 20". “Biên bản Quốc hội" tr.8.639.

Nhưng như ông Mc Pherson đã vạch rõ (và như Thượng nghị sĩ Mansfield sau này nhắc lại trong việc trao đổi thư từ riêng được trích dẫn, ở trên) đã không có sự đề cập nào đến việc tạm ngừng ném bom trong bất cứ bản dự thảo diễn văn nào cho đến lúc đó.

Phỏng vấn riêng ông Harry B.Mc Pherson Jr. ngày 21-12-72 về ý kiến đề cập đến sự xung đột lúc đầu giữa Tổng thống và thượng nghị sĩ Mansfield về Việt Nam. Đọc cả Claylon Fritchey "Lời cảnh cáo của ông Mansfield về thời đại châu Á xa xưa”

(15) Phỏng vấn riêng ông Clark M.Clifford ngày 28-11- 1972 và 15-2-1973.

(16) Như trên, đọc cả Mc Pherson "Một sự giáo dục về chính trị" tr.435.

(17) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-11-1972.

(18) Phỏng vấn riêng ông Dean Rusk ngày 22-1-1973.

(19) Phỏng vấn riêng ông Walt Rostow ngày 4-12-1972.

(20) Như trên.

(21) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-72.

(22) Phỏng vấn riêng William Bundy ngày 11-10-72, phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 16-11-72. Mặc dù ông Clifford không để cho tôi đọc lá thư để trong tập hồ sơ, ông đã từ chối không cho phép trích dẫn vì là "một lá thư riêng...".

(23) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-1972, đọc cả Johnson "Vị trí ưu thế” tr.420.

(24) Phỏng vấn riêng ông Paul Warnke ngày 17-11-72.

(25) Phỏng vấn riêng ông Maraton Halperin ngày 27-12-1972.

(26) Bản dự thảo diễn văn thay thế của ông Mc Pherson được đưa đến Nhà Trắng chậm hơn trong cùng buồi tối hôm ấy. Các yếu tố của bản dự thảo của Bộ Quốc phòng và của ông Mc Pherson đã được sử dụng trong bài diễn văn cuối cùng. Xem Mc Pherson “Một sự giáo dục chính trị" tr.437.

(27) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-1972. Xem cả công điện Bộ ngoại giao số 139439, Bộ trưởng ngoại giao gửi Tòa đại sứ Mỹ tại Sài Gòn ngày 28-3-68.

(28) Phỏng vấn riêng ông Walt B.Rostow ngày 4-12-1972.

(29) Phỏng vấn riêng ông Dean Rusk ngày 22-1-1973.

(30) Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.436-437.

(31) Phỏng vấn riêng ông Harry C. Mc Pherson Jr ngày 21-12-72. Xem cả Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.437: Phiên họp này đã không được nêu trong "Vị trí ưu thế”.

(32) Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.437.

(33) Johnson "Vị trí ưu thế tr.421. Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.437-439 "Biên bản quốc hội" tr.8570.

(34) Johnson “Vị trí ưu thế” tr.422.

(35) Phỏng vấn riêng Tướng Earle C.Wheeler ngày 8-11-72.

(36) Phỏng vấn riêng Tướng Earle C.Wheeler ngày 8-11-72.

(37) Công điện JCS 3581. 5102312 tháng 3.1968 của Tướng Wheeler gửi Đô đốc Shero, Tướng Westmoreland, Tướng Beach, Đô đốc Hyland, Tướng Ryan.

(38) Như trên.

(39) Công điện JCS 3564, 3104312 tháng 3.68 của Tướng Wheeler gửi Đô đốc Shero, Tướng Westmoreland, Tướng Beach, Đô đốc Hyland, Tướng Ryan.

(38) Như trên.

(39) Công điện JCS 3564. 3104312 tháng 3.68 của Tướng Wheeler gửi Tướng Westmoreland.

(40) Công điện Bộ ngoại giao số 139431 ngày 30 tháng 3.1968 được trích dẫn trong "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (7)(c). tr.78-79.

(41) Phỏng vấn riêng ông William Bundy, ngày 11-10-72. Đọc cả Mc Pherson "Một sự giáo dục chính trị" tr.435. Johnson “Vị trí ưu thế tr.493-494.

(42) "Các máy bay phản lực của Hoa Kỳ tấn công sâu ở phía Bắc. Các mục tiêu ném bom cách trên khu phi quân sự 230 dặm". Các chuyến bay có thể tiến hành tới 250 dặm phía trên khu phi quân sự.

(43) "Biên bản Quốc hội" tr.8569. Johnson “Vị trí ưu thế” tr.493-494.

(44) "Biên bản Quốc hội tr.4869-4877.

(45) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.494.

(46) Phụ tá Bộ trưởng Quốc phòng. Bị vong lục gửi Bộ trưởng các Bộ thuộc Bộ Quốc phòng, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, các trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng. Đề mục: Chương trình số 6 triển khai quân sang Đông Nam Á đề ngày 4 tháng Tư 1968 được trích dẫn trong "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" IVC (6)(c) tr.90.

(47) "Những tài liệu công khai của ông Lyndon Johnson 1968-70. I.Tr.492. Đọc cả Paul W.Ward "Hà Nội trả lời Hoa Kỳ về đề nghị đàm phán".

(48) Cuộc đàm phán bắt đầu tiến hành ở Paris ngày 13-5-68. Việc ngưng bắn ở Nam Việt Nam đã được ký ngày 27-1-73.

CHƯƠNG MƯỜI SÁU
CỨ TIẾP TỤC NHƯ CŨ HAY THAY ĐỔI

Ngày 31 tháng Ba, Tổng thống đã công bố quyết định chủ yếu, những quyết định này hẳn là đã có ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống chính trị Hoa Kỳ và việc tiến hành trận chiến tranh ở Việt Nam. Những quyết định ấy là:

1. Ông sẽ chỉ thực hiện gia tăng tượng trưng lực lượng Mỹ ở Việt Nam để đáp lại lời kêu gọi của giới quân sự xin thêm một số quân tiếp viện lớn lao, đồng thời thiết lập lại lực lượng dự bị chiến lược

2. Ông sẽ thực hiện việc bành trướng và cải tiến lực lượng vũ trang Nam Việt Nam coi đó là ưu tiên hàng đầu cho sự cố gắng liên tục ở Việt Nam;

3. Ông sẽ ngừng ném bom một phần chủ yếu lãnh thổ Bắc Việt Nam để hành động hướng về hòa bình và:

4. Ông sẽ không nhận sự đề cử của đảng ông đưa ông ra ứng cử Tổng thống thêm một nhiệm kỳ nữa. 

“Nhiều yếu tố khác nhau đã được kết hợp lại để làm thành những quyết định này và những kết quả đạt được đã vượt rất xa sự trông đợi. Vậy thì tại sao đã có những hành động này và tại sao đã đưa ra những quyết định này? Kết quả chủ yếu là gì?

Vấn đề triển khai thêm quân sang Việt Nam và việc trù tính sử dụng những binh sĩ này, những vấn đề đầu tiên mà Tổng thống và các cố vấn chính của ông phải đương đầu trong năm 1966, đã là những khó khăn mà nguồn gốc của nó xuất phát từ việc triển khai đầu tiên quân Mỹ sang Việt Nam vào năm 1965.

Các chiến sĩ này đã được đưa sang là vì lý do biện pháp khẩn cấp, đã không có chiến lược dài hạn thống nhất và mạch lạc để sử dụng họ. Lúc đầu các lực lượng này đã được triển khai để bảo vệ các căn cứ không quân của chúng ta, ngăn ngừa sự bại trận của chính phủ Nam Việt Nam và chặn không để cho địch quân đạt chiến thắng.

Chiến lược này không bao lâu đã được các cấp chỉ huy quân sự Mỹ nhận thấy là một chiến lược rất tiêu cực, chịu nhường thế chủ động cho địch quân và đặt sự tin cậy chủ yếu vào các lực lượng vũ trang xét ra không thể tin cậy được của Nam Việt Nam. Các nhà soạn thảo kế hoạch quân sự Hoa Kỳ thích đưa cuộc chiến tranh sang phía địch hơn và chẳng bao lâu họ đề nghị ngay một chiến lược mạnh chủ động hơn và chiến lược này sẽ đòi hỏi tăng thêm lực lượng Mỹ.

Chiến lược mới này sẽ cho phép các lực lượng Mỹ với những hoạt động tấn công trên bộ mở rộng chiến tranh tấn công vào địch bất cứ nơi nào địch quân xuất hiện ở Nam Việt Nam. Sự thay đổi chủ yếu về chiến lược này đã được bàn cãi sôi nổi ở Washington và cuối cùng đã được Tổng thống chấp thuận. Những người tham gia vào quyết định này đã biết rõ các lựa chọn và hiểu được các hậu quả.
Tổng thống Johnson đã từng phát biểu: "Giờ đây chúng ta đã bị ràng buộc vào một cuộc chiến đấu chủ yếu ở Việt Nam".

Nhưng sự thay đổi về chiến lược này còn đưa đến một thay đổi về mục tiêu nữa, thay vì mục tiêu hạn chế là chỉ cốt ý chặn không để cho địch chiến thắng bằng cách thuyết phục họ trong thời gian lâu dài là họ không thể thắng nổi, mục tiêu của chính sách Hoa Kỳ đã trở thành chủ yếu nhằm gây nhiều thương vong cho địch quân ở Miền Nam tới mức đủ để làm cho họ phải thay đổi chiến lược, ngừng xâm lược.

Việc thay đổi mục đích đánh bại địch quân bằng mục đích ngăn không cho địch quân giành được chiến thắng đã làm cho sự ràng buộc quân sự của Hoa Kỳ với Việt Nam trở thành hầu như không giới hạn. Không dễ gì ấn định được giới hạn cao nhất cho đến nửa số quân cần có để hoàn thành chiến lược tiêu hao này và chẳng bao lâu người ta đã nhận thấy rõ sự lúng túng hiểu biết ít ỏi số lực lượng cần phải có để chiến thắng trong tình huống này.

Số quân cần phải có tùy thuộc hầu như hoàn toàn vào sự phản ứng lại của quân địch, vào nhân tố là không hiểu Bắc Việt Nam sẽ còn sẵn sàng chịu hi sinh bao nhiêu binh sĩ và dụng cụ? Trong khi cuộc chiến tranh cứ tiến hành, quân địch đã cho người ta thấy rõ là họ kiên quyết điều số quân cần thiết tham chiến để đạt được những mục tiêu của họ. Bằng cách cố nâng cao sự tốn kém của cuộc chiến tranh để buộc Bắc Việt Nam phải gắng chịu đến mức mà họ không chịu đựng nổi đành phải ngừng cuộc xâm lược hoặc tán thành đi đến đàm phán (Một chiến lược đã không hề được nêu rõ ràng).

Tuy chỉ được cung cấp rất ít tin tức những nhu cầu gì cần có về mặt quân sự để đạt được mục tiêu này, các quan chức dân sự soạn thảo quyết định của Hoa Kỳ hình như đã muốn thấy nhận bản ước tính nhu cầu lực lượng quân sự cần phải có của vị tư lệnh chiến trường và trong phạm vi những giới hạn chính trị và địa lý nào đó, các lực lượng này phải được sử dụng như thế nào ở Nam Việt Nam.

Giới quân sự đã hứa hẹn đem lại tiến bộ vững chắc và thảo các báo cáo của họ, sự tiến bộ đang được thực hiện trong khi việc đưa các lực lượng Mỹ tham chiến gia tăng đều đặn, mặc dù sự gia tăng đã không tiến hành nhanh như giới quân sự mong muốn. Chừng nào mà mức số quân ở Việt Nam có thể tăng thêm mà không cần động viên quân dự bị trên quy mô lớn hoặc gây nên những xáo trộn kinh tế ở trong nước thì việc ấy được các nhà lãnh đạo dân sự chấp nhận và ít nêu thắc mắc về chiến lược cơ bản liên hệ. Cuối cùng vào tháng 11-1967 riêng chỉ có ông Mcnamara là đã kêu gọi giảm bớt mức tham chiến của Hoa Kỳ.

Nhưng vào tháng 3-1968, sự lựa chọn sẽ trở thành rõ ràng hơn bao giờ hết và những quyết định đã cố tránh không đưa ra trong những năm trước không còn có thể tránh được nữa. Cái giá phải trả về nhân lực bây giờ đã lên đến một mức mà không còn có thể đáp ứng được nếu không thực hiện việc gọi nhập ngũ một số lớn quân dự bị và thực hiện những điều chỉnh nghiêm trọng về kinh tế. Ngoài ra, đã không có sự bảo đảm là nhu cầu về nhân lực sẽ không gia tăng lớn hơn trong tương lai.

Cũng đã có những dấu hiệu rõ rệt cho thấy đại đa số quần chúng Mỹ đã bắt đầu cho rằng phí tổn về chiến tranh quả đã đạt đến mức độ không thể chấp nhận được và tuyệt đại đa số quần chúng này sẽ phản đối mạnh mẽ đối với một sự gia tăng lớn hơn các chi phí ấy.

Thực tế chính trị mà Tổng thống Johnson đã phải đương đầu chính là vấn đề nếu cứ tiếp tục làm như vậy tại Nam Việt Nam với sự gia tăng thiệt hại về sinh mạng và tiền bạc của Hoa Kỳ cùng hậu quả của sự kiện này đè nặng lên đất nước lại kèm theo việc không có một bảo đảm nào cho thấy sẽ đạt được chiến thắng trong tương lai thì tuyệt đại đa số quần chúng Mỹ sẽ không thể nào còn chấp nhận được việc ấy nữa.

Sau chấn động mạnh của cuộc tấn công Tết, những báo cáo quân sự nói về thắng lợi và tiến bộ không được tin là đúng nữa. Người ta có cảm tưởng cho rằng tiến bộ về nhiều mặt đã là một sự hão huyền. Khả năng đạt được chiến thắng đã trở thành xa vời và chi phí đã trở nên quá cao về cả hai phương diện chính trị cũng như kinh tế khi ảnh hưởng của vụ tấn công Tết đối với quân địch như thế nào đi nữa, đối với nhân dân Hoa Kỳ, cuộc tấn công này đã là một chiến thắng tâm lý có tầm quan trọng to lớn của Việt cộng.

Tổng thống đã cảm thấy thoải mái hơn khi quyết định không gửi thêm quân Mỹ sang Việt Nam nữa nhờ vào tình hình quân sự ở Nam Việt Nam càng ngày càng được cải tiến. Mặc dù báo chí và phần lớn dân chúng đã nhạo báng những luận điệu lúc đầu của chính quyền cho rằng vụ Tết đã tiêu biểu cho một chiến thắng quân sự của các lực lượng Mỹ và Nam Việt Nam. Song chẳng bao lâu người ta đã thấy rõ ràng thật sự địch quân đã bị những tổn thất nặng nề và trong tương lai trước mắt đã không còn ở tư thế có thể mở đợt tấn công thứ hai nữa (1).

Việc giới quân sự xin tăng thêm quân vừa cho nhu cầu ở Việt Nam vừa để tổ chức lại lực lượng dự bị chiến lược đã không còn có lý do nữa. Hơn nữa, việc đáp ứng lời yêu cầu trên đòi hỏi một biện pháp động viên có tính cách lan rộng, việc này sẽ làm nguy hại đến những bộ phận chủ yếu của các chương trình trong nước mà Tổng thống Johnson rất quan tâm và sẽ có thể đưa đến hậu quả làm xáo trộn kinh tế trên quy mô lan rộng vừa ở trong nước vừa ở nước ngoài.

Vì vậy theo lời Tổng thống Johnson, bốn nhân tố sau đây đã dẫn đến sự khước từ lời yêu cầu tăng cường mức số quân Mỹ.

"Trước hết và quan trọng nhất, đó là sự phán đoán chung của chúng ta là một cuộc tấn công ồ ạt nữa của Cộng sản ngày càng thấy khó lòng xảy ra. Thứ hai quân Nam Việt Nam rõ ràng đang tỏ ra tiến bộ hơn về mặt quân sự và đang được trang bị và huấn luyện để có thể gánh vác nhiệm vụ tác chiến nặng nề hơn. Thứ ba, những khó khăn về tài chính của chúng ta vẫn còn nghiêm trọng mặc dù chúng ta đã tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng về vàng.

Quốc hội vẫn chưa thông qua dự luật về tăng thuế và vì thế chúng ta phải đối phó với một sự thiếu hụt ngân sách to lớn. Sau hết, dư luận quần chúng trong nước vẫn tiếp tục chán nản do hậu quả của cuộc tấn công Tết và do cách thức mà những biến cố ở Việt Nam đã được trình bày cho nhân dân Mỹ trên các báo hàng ngày và trên máy truyền hình. Nhưng lởi chỉ trích chính sách của chúng ta càng ngày càng trở thành mạnh mẽ hơn trong lúc mà sự tranh luận về việc chỉ định ứng cử viên Tổng thống trở nên sôi nổi" (2).

Nhân tố thứ hai là các lực lượng Nam Việt Nam đã có thể chống lại được các nỗ lực của Cộng sản mà vẫn duy trì được khả năng quân sự của họ đó là một điều không ngờ nhưng rất đáng hoan nghênh. Đi đôi với quyết định của Mỹ đưa nhiều lực lượng trên bộ sang tham chiến ở Việt Nam trong năm 1965 và trên thực tế là đã thay đổi quân đội Việt Nam gánh vác lấy gánh nặng chiến tranh, đã cho thấy rõ ràng là người ta hoàn toàn không còn tin tưởng quân lực Việt Nam cộng hòa nữa.

Trong năm 1965, sự mất tin tưởng này đã có cơ sở vững chắc trước sự bất lực được biểu lộ rất rõ nét của lực lượng vũ trang Nam Việt Nam, các lực lượng này đã không thi hành nhiệm vụ có hiệu quả chống lại các cán bộ Cộng sản ngoan cường. Kể từ khi Mỹ bắt đầu đưa lục quân tham chiến, lúc đó quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được giao phó giữ các vai trò thứ yếu. Trong bất cứ tình huống nào, các cấp chỉ huy Mỹ sử dụng ưu thế rộng lớn về tính cơ động và hỏa lực, đã tập trung đánh theo kiểu chiến tranh thông thường dồn hết nỗ lực vào việc tiêu diệt những đơn vị chủ lực địch và hệ thống tiếp tế có nhiệm vụ yểm trợ cho các đơn vị này, các trận đánh này diễn ra ở những nơi cách các trung tâm đông dân cư rất xa.

Ngoài mặt người ta đà đưa ra những luận điệu là cần phải triển khai những thể chế chính trị và xã hội của Nam Việt Nam để tiêu diệt cơ sở hạ tầng của Việt cộng đang tìm cách phá những thể chế ấy. Nhưng người ta lại đưa ra lý lẽ là chỉ có người Việt Nam mới có thể hoàn thành được nhiệm vụ này (3).

Thực vậy một quan niệm toàn bộ chiến thuật trên bộ đã được đặt ra đã hợp nhất những nhiệm vụ quân sự của quân đội Hoa Kỳ và quân đội Nam Việt Nam để cho phù hợp với khả năng khác nhau của hai bên. Các lực lượng trên bộ của Mỹ đã thiết lập cái mốc đằng sau nó những hoạt động xây dựng đất nước được tiến hành. Các lực lượng Mỹ sức đẩy lùi các đơn vị Bắc Việt Nam và các đơn vị chủ lực Việt cộng vào vùng núi rừng và những vùng biên giới không có dân cư: gây nhiều thương vong cho họ và ngăn chặn hệ thống tiếp tế từ miền Bắc đi qua những vùng đất thánh của họ ở Lào và Campuchia.

Đàng sau cái mốc này, các lực lượng Nam Việt Nam sẽ loại trừ những lực lượng địa phương của địch bằng cách thực hiện những cuộc hành quân quy mô nhỏ vì quân Nam Việt Nam trong môi trường này sẽ có thể để phân biệt bạn và thù hơn. Ngoài ra, trong những cuộc hành quân này, lính cơ động của trực thăng và hỏa lực ồ ạt ít quan trọng hơn và trên thực tế, có thể trở nên bất lợi. Yếu tố cuối cùng của quan niệm chiến thuật này việc loại trừ bộ máy chính trị, sẽ chủ yếu được giao cho cảnh sát công an địa phương hoặc các cơ quan bán quân sự phụ trách (4).

Nhưng quân đội Nam Việt Nam được trang bị nghèo nàn và thiếu tinh thần hăng say đã chỉ muốn đóng quân trong những đồn bót cố định rồi từ đó họ chỉ dám tiến hành những cuộc hành quân quy mô nhỏ ban ngày mà thôi. Ban đêm, các binh sĩ quân đội Việt Nam cộng hòa thông thường đã rút vào trong các công sự phòng thủ tĩnh để mặc cho Việt cộng tự do gây ảnh hưởng với đa số quần chúng ở thôn quê.
Các cấp chỉ huy Mỹ cảm thấy phải đối phó với các lực lượng của họ hơn là tìm cách thúc đẩy quân Nam Việt Nam. Vì thế, quân đội Việt Nam cộng hòa đã bị lãng quên trên quy mô lớn trong khi cuộc chiến tranh bị Mỹ hóa (5).

Nhưng khi phải đương đầu với mức tấn công trực tiếp của các lực lượng Việt cộng trong thời gian xảy ra cuộc tấn công Tết, quân Nam Việt Nam đã chiến đấu cho sự sống còn của họ và nói chung họ đã hoàn thành tốt nhiệm vụ. Chính phủ Nam Việt Nam đã phản ứng kiên quyết, ít nhất trong giai đoạn đầu bằng các biện pháp như tuyên bố tình trạng thiết quân luật và đem áp dụng đầy đủ những sắc lệnh về động viên đã được phê chuẩn từ lâu nhưng đã không đem ra thi hành nhiều tháng nảy.

Như Tổng thống Johnson đã nhắc lại: “Phản ứng ở Nam Việt Nam khác hẳn trước đây trên đất nước này. Dân chúng ở đây đã đứng dậy cầm vũ khí và tôi nghĩ rằng lần đầu tiên việc này đã dẫn đến một mức độ đoàn kết, thống nhất chưa hề có trước đây và cũng đã dẫn đến một mức độ quyết tâm mà trước đây chưa hề có" (6)

Những người anh hùng trong vụ Tết là quân Nam Việt Nam, họ đã thật sự tập hợp lại để "thích ứng với sự thách thức", ông Rostow đã phát biểu như thế (7). Lần đầu tiên trong khi cuộc chiến tranh không còn được giới hạn ở các vùng biên giới nữa và với việc các trung tâm đông dân cư đã bị trực tiếp đe dọa, người ta nhận thấy quân đội Việt Nam cộng hòa tỏ ra có thể và thực vậy họ cần phải trở thành một bạn đồng minh có hiệu lực trong cuộc chiến tranh chống Việt cộng/Bắc Việt Nam.

Sự kiện đã nhanh chóng cho thấy rõ là bất cứ một sự gia tăng lực lượng nào của Hoa Kỳ chỉ làm chậm trễ thêm việc hiện đại hóa quân lực Việt Nam Cộng hòa đã được dự trù từ lâu và cũng đã bị trì hoãn đã lâu rồi. Chiến lược do Tướng Westmoreland đề nghị trong tháng 11 bao hàm việc để cho quân Việt Nam gánh vác thêm trách nhiệm nặng nề đã được hoan hô nhiệt tình, nhưng những biện pháp để thực hiện đầy đủ chiến lược này đòi hỏi phải được tiến hành trong nhiều tháng.

Chính Tướng Westmoreland đã đặt chiến lược này xuống hàng thứ yếu trong khi đặt kế hoạch cho các cuộc hành quân để đối phó với trường hợp bất ngờ có thể xảy ra sau Tết, vì ông nghĩ rằng cuộc chiến tranh có thể kết thúc sớm hơn, nếu gia tăng các lực lượng Hoa Kỳ. Tuy nhiên, trong lúc này vấn đề là giao trách nhiệm cho người Việt Nam phải tiến hành chiến tranh. Vấn đề ấy đã trở thành quan trọng và có lẽ là cách duy nhất để có thể tiếp tục cuộc đấu tranh mà không cần gia tăng thật nhiều số quân Mỹ và đồng thời lại tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân Mỹ.

Con đường đưa đến việc chấm dứt chiến tranh Việt Nam cuối cùng đã cho thấy rõ là con đường ấy ít nhất là phải tùy thuộc vào sự phát triển về chính trị và quân sự của Nam Việt Nam cũng như tùy thuộc vào vũ khí của Mỹ, ý thức được như vậy rồi là có thể trở lại với mục đích lúc ban đầu đã khiến người ta đưa các lực lượng Mỹ sang Việt Nam, mục đích ấy chính là để ngăn ngừa sự "bại trận" của chính phủ Nam Việt Nam.

Các lực lượng Mỹ với những con số hiện nay được triển khai sẽ tiếp tục trở thành một cái mốc, đằng sau đó các lực lượng Nam Việt Nam có thể củng cố lại hàng ngũ, trở nên có hiệu lực và tranh thủ được sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Nhưng bây giờ họ sẽ được cung cấp nhiều tài nguyên và họ sẽ bị gây sức ép để giúp cho họ, đúng ra là đã đòi hỏi họ phải đạt được tiến bộ trong lĩnh vực này mà đã từ lâu bị xao lãng.

Như vậy: hai quyết định trên bao hàm việc hạn chế gia tăng các lực lượng Mỹ ở Việt Nam và đồng thời cải tiến các lực lượng Nam Việt Nam đến mức mà họ có thể nỗ lực thêm cho cuộc chiến tranh là hai mặt của một đồng tiền. Hai quyết định này đã tiêu biểu cho một sự hợp lý hóa cố gắng của Mỹ ở Việt Nam mà đáng lẽ đã phải thực hiện từ lâu và đưa trở lại những nguyên tắc cơ bản đã được sử dụng để chứng minh trước hết cho sự can thiệp của Hoa Kỳ vào Việt Nam.

Quyết định đưa ra lời công bố tạm ngừng ném bom ở Bắc Việt Nam, trừ tại khu vực gần khu phi quân sự, đã là sự kết hợp của ba nhân tố. Nhân tố thứ nhất là sự không có hiệu quả rõ ràng về mặt quân sự của việc ném bom. Nhân tố thứ hai, thất vọng ngày càng gia tăng của quần chúng đối với lực ném bom và nhân tố thứ ba là sự mong muốn tìm kiếm một cuộc thương lượng để chấm dứt chiến tranh.

Mặc dầu các trận tấn công bằng không quân lúc ban đầu vào Bắc Việt Nam trong đầu năm 1965 đã được chứng minh là để trả đũa những trận tấn công vào các căn cứ của Mỹ ở Nam Việt Nam, nhưng chiến dịch này đã tiến triển nhanh chóng và hầu như không ai nhận thấy đã trở thành một chiến dịch ném bom kéo dài. Cơ sở hợp lý được công bố công khai cho việc ném bom là để làm giảm bớt lưu lượng hàng tiếp tế và binh sĩ tuồn vào Nam.

Nhưng còn có những lý do khác không được công bố và phức tạp hơn nhiều đã qua đưa đến việc ném bom này. Người ta hi vọng rằng việc ném bom miền Bắc sẽ nâng cao tinh thần ở Nam Việt Nam trước tình hình chính trị đang trở nên xấu hơn, chứng tỏ quyết tâm của Hoa Kỳ thực hiện điều gì cần thiết để bảo vệ những đồng minh của Mỹ ở Đông Nam Á, tiêu diệt toàn bộ khả năng của miền Bắc ủng hộ cuộc nổi dậy, trừng phạt Bắc Việt Nam về những hành động của họ ở miền Nam, ép buộc cấp lãnh đạo Hà Nội phải ngừng yểm trợ Việt Cộng và coi đó như một con chủ bài để thương lượng trong bất cứ cuộc đàm phán nào trong tương lai, cái gì đó mà Hoa Kỳ có thể đề nghị thôi không tiến hành nữa để đối lấy một sự giảm bớt hoặc ngưng hẳn những cố gắng của Bắc Việt Nam tại miền Nam.

Phía quân đội nói chung, ủng hộ mạnh mẽ việc ứng dụng sinh động sức mạnh không quân và coi đó như phương cách duy nhất đã gây sức ép có ý nghĩa đối với miền Bắc. Một đường lối giải quyết từ từ, gia tăng dần dần cường độ, trong đó triển vọng gây sức ép lớn hơn ít nhất cũng quan trọng như sự thiệt hại hiện nay gây cho đối phương, đã được các nhà lãnh đạo dân sự tán thành.

Trước nỗi lo âu của giới quân sự, đường lối giải quyết vừa được nêu trên đã được chấp nhận và thực hiện. Nhưng chiến dịch ném bom thật sự đã không làm tăng thềm nhiều cường độ sau khi đã đạt đến một mức độ nào đó, người ta đã nhanh chóng đi đến thừa nhận là chiến dịch ném bom đã không thể làm nhụt ý chí của Hà Nội và cũng không làm cho họ từ bỏ những cố gắng của họ ở Nam Việt Nam.
Một sự đánh giá của CIA đã cho thấy là “dù cho bị gây thiệt hại nặng nề, Việt Nam dân chủ cộng hòa rất có thể vẫn chịu đựng được sự thiệt hại như thế trong cuộc thử nghiệm ý chí với Hoa Kỳ trong quá trình diễn biến các sự kiện ở Nam Việt Nam" (8).

Bắc Việt Nam đã cho thấy những dấu hiệu là họ đã điều chỉnh các sinh hoạt để cho thích hợp với sự chịu đựng được một cuộc ném bom lâu dài, điều mà người ta càng ngày càng thấy rõ, ngay cả đối với những người chủ trương dùng sức mạnh không quân mãnh liệt nhất là không thể có cách nào ngăn chặn được lực lượng hàng tiếp tế đổ vào miền Nam tới mức khiến cho địch phải gặp khó khăn nghiêm trọng.

Cuộc ném bom miền Bắc đã giảm dần và được xếp vào cái trò thứ yếu trong chiến lược quân sự của Hoa Kỳ để đối phó với cuộc chiến tranh và quả vậy đã trở thành một biện pháp trừng phạt chống miền Bắc và những cố gắng của họ ở Nam Việt Nam. Củ cà rốt ngừng hẳn ném hom đã được người ta cho rằng cũng có nhiều phần quan trọng như một hộ phận trong chiến lược của chúng ta không kém gì cái gậy tiếp tục tiến hành ném bom và những cuộc tạm ngừng ném bom đã được tiến hành định kỳ để cố gợi ra một sự kiềm chế tương xứng của phía bên kia.

Nhưng việc ném bom có tính chất trừng phạt những mục tiêu quân sự tại một nước nông nghiệp nhỏ bé lại do một cường quốc lớn nhất trên thế giới tiến hành đã bị nhiều người cho là không thể biện minh được trên cơ sở đạo đức hoặc chính trị. Phong trào lên án cuộc ném bom đã lan tràn đến các trường trung học, đại học ở Hoa Kỳ và đến cả các giới dân biểu, nghị sĩ quốc hội. Trong một vài trường hợp, việc ném bom đã ảnh hưởng đến những quan hệ bạn bè giữa Hoa Kỳ và các cường quốc bạn, những nước này nhận thấy càng ngày càng khó khăn hơn để có thể chứng minh cho nhân dân của họ tại vì sao họ đã ủng hộ chính sách của Hoa Kỳ.

Cuộc tấn công Tết hẳn đã làm cho người ta thấy rõ, cho cả những người đề xướng lẫn những người chỉ trích việc ném bom, là nếu xem việc ném bom như một cách để ngăn chặn sự xâm nhập người và hàng tiếp tế thì đó là một sự thất bại đáng kể. Chỉ ném bom không thôi, như việc này đã được tiến hành vẫn không thể nào ngăn cản được địch quân tích luỹ vật liệu chiến tranh và cho xâm nhập vào Nam Việt Nam số quân cần thiết để tiến hành những cuộc hành quân trên quy mô rất lớn nếu họ chọn con đường chịu tổn thất nặng. Hơn nữa, vụ Tết còn chứng tỏ thêm là việc ném bom đã không làm cho Hà Nội nhụt ý chí mà họ vẫn chịu đựng những hi sinh và gian khổ cần thiết để tiếp tục theo đuổi cuộc đấu tranh (9).

Vì thế, giá trị trừng phạt của việc ném bom, trong khi cuộc tấn công giảm cường độ, có vẻ ít quan trọng đối với Tổng thống hơn là khả năng đình chỉ ném bo)m (dù là một phần) để đi tới đàm phán nghiêm chỉnh đem lại hòa bình và tạo được cơ sở tuyên truyền để có thể xoa dịu được quần chúng Mỹ.

Tất cả các cố vấn của Tổng thống đều cảm thấy là một sáng kiến hòa bình có thể đạt kết quả tốt sau khi chiến dịch Đông Xuân đã chứng tỏ cho Bắc Việt Nam thấy là họ không tài nào có thể tranh thủ được một chiến thắng quân sự ở Nam Việt Nam. Ông Rostow nhắc lại như sau:

"Chúng tôi đã nhận thấy tình hình ở Việt nam đang được cải thiện. Chúng tôi đã trông chờ quân địch thực hiện cố gắng tối đa trong cuộc tấn công Đông Xuân của họ. Sự nhất trí ý kiến là sau khi cuộc tấn công này đã được mở rộng, chúng ta sẽ thực hiện một cố gắng hòa bình được tiếp nối bởi một cuộc tạm ngừng ném bom để xem đối phương có sẽ sẵn sàng muốn thương lượng không. Chúng tôi trù tính sự đưa sáng kiến hòa bình xảy ra vào khoảng tháng năm" (10).

Nhưng ông Rusk đã nêu vấn đề này lên vào đầu tháng Ba và trong khi những ngày trong tháng trôi qua, Tổng thống càng tỏ ra đã thuận nghe theo và cho rằng đề nghị của ông Rusk sẽ đáp ứng tốt nhất những mục đích của ông. Đề nghị sẽ được đưa ra không điều kiện và rất ít nguy hiểm về mặt quân sự vì cuộc ném bom sẽ tiếp tục tiếp diễn tại vùng phi quân sự mà lại sẽ bị thời tiết gây cản trở tại những khu vực khác ở Bắc Việt Nam.

Ngoài ra, đề nghị đưa ra sẽ làm cho quần chúng Hoa Kỳ nguôi đi và sẽ đủ để có được sự ủng hộ của quần chúng, hầu có thể tiếp tục theo đuổi cuộc chiến tranh.

Ngoài ra. trong khi ngày tháng tiếp tục trôi qua và sự thất bại lớn lao của quân đội Bắc Việt Nam đã trở thành rõ rệt, thì dường như đề nghị trên đây có thể là một đề nghị hòa bình nghiêm chỉnh được dự kiến đưa ra vào cuối năm và có thể phía địch cũng sẽ thừa nhận sự thất bại lớn lao của họ và sẽ tiến hành đàm phán nghiêm chỉnh.

Quyết định không vận động để được đặc cử ra ứng cứ Tổng thống, theo Tổng thống Johnson đã được sắp đặt từ lâu trước khi có cuộc tấn công Tết và đã không trực tiếp liên quan đến vụ này hoặc với cuộc chiến tranh Việt Nam nói chung.

Tuy nhiên, Tổng thống đã coi quyết định này như là một cơ hội để khôi phục lại tình đoàn kết cho một đất nước chia rẽ mà có thể là sẽ không còn chấp nhận sự lãnh đạo của ông nữa. Mặc dù sự ủng hộ của quần chúng đối với cố gắng của Mỹ ở Việt Nam vẫn còn rất cân bằng trong thời gian này, sự tin tưởng của quần chúng đối với việc Tổng thống điều khiển cuộc chiến tranh đã bị xói mòn dữ dội (11).
Tổng thống Johnson đã theo dõi rất sát các cuộc thăm dò dư luận quần chúng, ông đã bình luận vào đầu năm 1967 như sau: "Tôi nghĩ rằng chúng nó (các cháu của tôi) sẽ tự hào về hai điều. Việc gì tôi đã làm cho người Da đen và theo dõi việc làm ấy của tôi qua diễn biến ở Việt Nam cho toàn thể châu Á. Dân Da đen đã làm tôi mất 15 điểm trong các cuộc thăm dò ý kiến và Việt Nam làm tôi mất 20 điểm" (12).

Cuộc tấn công Tết đã làm cho cuộc chiến tranh Việt Nam và việc điều khiển cuộc chiến tranh này của Tổng thống Johnson trở thành một vấn đề chính trị của đảng. Tổng thống Johnson trên phạm vi lớn, đã không còn điều khiển được đảng của ông và ngay cả với những thuận lợi vốn có của một Tổng thống đương nhiệm, ông đã phải đứng trước một tình trạng có thể không được đảng đề cử ra tranh cử Tổng thống.

Mặc dù thành thực dốc lòng tìm kiếm một giải pháp qua thương lượng cho cuộc chiến tranh bất cứ một sáng kiến điều đình nào như vậy trong xu thế thời đại nào lúc đó đều có vẻ được xem như là một hành động chính trị. Vì vậy, việc kết hợp sáng kiến hòa bình với lời công bố rút lui không ra ứng cử nữa có thể sẽ đạt được nhiều mục đích.

Việc này sẽ giúp tách được việc tìm kiếm hòa bình ở Việt Nam ra khỏi vấn đề chính trị sẽ có thể khôi phục lại trong một phạm vi nào sự đoàn kết trong đất nước và sẽ có thể làm nổi bật đề nghị tạm ngừng ném bom coi đó như là một sáng kiến nghiêm chỉnh để lập lại hòa bình. Như Tổng thống Johnson sau đó đã giải thích những động cơ đã thúc đẩy ông như sau:

"Tôi đã cố hết sức chứng tỏ là tôi biết lẽ phải, đất nước chúng ta mong muốn đàm phán hơn là chiến đấu, chúng ta nhất quyết không để cho cuộc xâm lược chiếm được cả vùng Đông Nam Á, nhưng chúng ta sẽ cố gắng thương lượng để giải quyết sự tranh chấp hơn là giành lấy bằng vũ lực. Tôi muốn dùng lời tuyên bố, nhất định là phải có lời tuyên bố ấy để xác nhận và xem đó như là cơ sở để tôi cam kết nghị lực nhằm tìm kiếm hòa bình có triển vọng đạt được kết quả. (13)

Nhưng quyết định trên được Tổng thống Johnson công bố ngày 31 tháng Ba 1968 có phải là đã tạo thành một khúc ngoặt một "Ngã ba đường" trong chính sách Việt Nam và như vậy đã đưa đến chiến lược mà Hoa Kỳ theo đuổi không. Câu giải đáp là “đúng thế” mặc dù điều này đã không được những người tham gia chủ yếu vào việc soạn thảo những quyết định có ý muốn làm như vậy hoặc dự kiến trước là một kết quả như thế lại có thể xảy ra.

Tổng thống Johnson đã không quan niệm rằng quyết định của ông là một sự thay đổi chính sách hoặc là một sự phủ nhận những chính sách đã được áp dụng trước đây, ông đã cho là những quyết định đưa ra trong tháng Ba 1968 là để cho phép Hoa Kỳ thực hiện đến cùng những cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á (14).

Trên thực tế, quyết định cơ bản của Tổng thống Johnson đem những tài nguyên của đất nước để yểm trợ cho các lực lượng Nam Việt Nam đã được mở rộng và được tin cậy hơn, quyết định ấy đã mở đường cho việc đẩy mạnh thêm mọi hoạt động để đạt tới những mục tiêu của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Theo như nỗi lo âu của Hoa Kỳ thì cuộc chiến tranh có thể sẽ giảm bớt và quân Nam Việt Nam sẽ phải gánh vác bớt trách nhiệm nặng nề. Nhưng trong tâm trí của Tổng thống Johnson, Hoa Kỳ có trách nhiệm phải giải quyết cho xong cái gì mà nước này đã làm từ đầu, ông đã phát biểu như sau:

"Nhìn về tương lai, tôi không thể thấy có một thời kỳ nào mà Hoa Kỳ lại có thể yên ổn rút hoàn toàn ra khỏi châu Á và Thái Bình Dương được vì chúng ta đã là một cường quốc ở Thái Bình Dương và chúng ta quan tâm sâu sắc đến sự ổn định, hòa bình và tiến bộ của khu vực tối quan trọng này của thế giới" ( 15).

Đối với Tổng thống Johnson, vấn đề ổn định và hòa bình nêu trên vẫn tiếp tục có nghĩa là Hoa Kỳ cần phải tôn trọng những cam kết trong hiệp ước đã ký kết và phải ngăn chặn cuộc xâm lược của Hà Nội chống Nam Việt Nam. Quan điểm này đã không thay đổi. Nhưng Việt Nam lúc này đã trở thành một vấn đề quan điểm chính trị có tính chất đảng phái ở trong nước và sự kiện này sẽ được đe dọa không cho đất nước thực hiện đến cùng lời cam kết đã đưa ra.

Đối với những ai, nói chung, đã từng ủng hộ sự can thiệp của Hoa Kỳ ở Việt Nam thì sau vụ Tết hình như người ta đã thấy được là chính sách đang theo đuổi không thể nào giải quyết được vấn đề. Còn đối với những ai đã phản đối việc can thiệp ở Việt Nam thì vụ Tết hình như đã tỏ cho thấy là các chính sách của chúng ta không những đã sai lầm mà còn không có hiệu quả nữa.

Vì vậy, Tổng thống Johnson đã nhất quyết tách vấn đề này ra khỏi vũ đài chính trị, để như thế sẽ có thể thực hiện được đến cùng lời cam kết của Hoa Kỳ. Công bố việc ông không ra ứng cử Tổng thống chính là nhằm mục đích tách vấn đề Việt Nam ra khỏi cuộc bầu cử sắp tới. Những quyết định của Tổng thống Johnson về việc triển khai quân và thực hiện một cuộc tạm ngừng ném bom đã tiêu biểu cho việc không đi chệch hướng mấy so với những chính sách trước đây ở Việt Nam, và đã không hẳn là muốn cho những quyết định này trở thành vĩnh viễn và nhằm làm thay đổi đường lối chính sách của Hoa Kỳ ở Việt Nam.

Mặc dù Tổng thống đã không tuyên bố rằng đây sẽ là việc triển khai quân Mỹ cuối cùng nhưng quyết định trên dường như đã nói lên đây là lần chót. Mức số quân mà giới quân sự Mỹ có thể đưa sang tham chiến ở Việt Nam mà không cần phải động viên thêm, rồi cuối cùng cũng đã đạt được.

Trong những năm trước, quyết định đã luôn luôn được ban hành để tăng thêm mức số quân, mặc dù không nhanh như thế hoặc lên tới số lượng mà Tướng Westmoreland và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân mong muốn. Nhưng bây giờ quyết định đã được đưa ra là để giữ số quân tham chiến của Hoa Kỳ chỉ ở mức độ mà thôi. Lực lượng dự bị chiến lược không còn có thể cung cấp thêm quân nữa. Nỗ lực của Mỹ bây giờ sẽ lắng xuống trong thời gian bị kìm hãm lâu dài. Những vấn đề tài chính, chính trị và dư luận chung đã làm cho bất cứ một con đường nào khác trở thành một đường lối hành động không thể nào chấp nhận được đối với Tổng thống.

Nhưng những lực lượng hiện nay được cấp lại quá thấp so với số lượng mà các nhà quân sự cho là cần thiết để thực hiện tối đa quan niệm chiến lược của họ, và đánh bại địch quân ở Nam Việt Nam, trong khoảng thời gian ngắn.

Vì thế, mặc dù đó không phải là một sự cố ý và mặc dù vị tư lệnh chiến trường mới nhậm chức đã không nhận được sự chỉ đạo nào về chiến lược, nhưng việc hạn chế triển khai quân Mỹ và chú trọng gia tăng hoạt động của quân lực Việt Nam cộng hòa cũng đã đòi hỏi cần phải có một chiến lược mới. Quân lực Vicl Nam cộng hòa sẽ nhất thiết gánh vác thêm nhiệm vụ chiến đấu trong cuộc chiến tranh trong khi đó thì các lực lượng của Mỹ "càng ngày càng trở nên thừa".

Tuy nhiên, Tổng thống còn muốn bảo đảm rằng người kế vị của ông sẽ được rộng đường quyết định về các lựa chọn. Vì vậy, ông đã không công bố là việc triển khai quân này được xem như là giới hạn cuối cùng đối với việc đưa lục quân Mỹ sang tham chiến ở Việt Nam, và sau đó ông đã từ chối, khi bị Tổng thống Nam Việt nam thúc giục ông tuyên bố như vậy, không công bố bất cứ một kế hoạch rút lực lượng Mỹ nào trong tương lai (16).

Cũng như thế, quyết định tạm ngừng ném bom Bắc Việt Nam tại phần đất phía bắc vĩ tuyến 20 đã không được coi như một sự thay đổi chính sách. Những cuộc tạm ngừng ném bom đã được sử dụng trước đây để thử nghiệm xem Hà Nội có sẵn sàng muốn thương lượng hay không. Một sáng kiến mới để đưa đến việc tiến hành đàm phán đã được xem như thích hợp vào lúc mà cuộc tấn công Đông Xuân vừa kết thúc.

Nhưng khi tình hình quân sự ở Nam Việt Nam được cải thiện sau vụ Tết và trong khi mà sự ủng hộ chính trị ở Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tranh trở nên xấu hơn thì một sáng kiến hoà bình quả thực là cần thiết để xoa dịu quần chúng Mỹ. Mặc dù sự kiện là trong hoàn cảnh nào việc tái tiếp tục ném bom sẽ có thể xảy ra, đã không được nêu rõ trong bài diễn văn của Tổng thống, điều mà ông và các cố vấn chủ yếu của ông vẫn hiểu ngầm là việc đó có thể sẽ xảy ra, thực sự nếu như không nhận được một sự đáp ứng có thể chấp nhận được của Hà Nội. Ông Rostow đã nhắc lại như sau:

"Tôi đã có thể đoán rằng quan điểm của Tổng thống Johnson là ông sẽ và có thể lại tiếp tục thực hiện quyền tự do hành động hoàn toàn nếu không nhận được sự đáp ứng tích cực của Hà Nội. Vấn đề này đã có thể coi là khó khăn - và trước đây đã từng thấy là khó khăn - nhưng tôi có cảm tưởng là theo sự nhận xét chung vào cuối tháng Ba người ta cho rằng việc ném bom toàn Bắc Việt Nam sẽ lại tiếp tục được tiến hành nếu không có sự khai thông về ngoại giao về Hà Nội” (17).

Quan điểm của ông Rusk đã không rõ lắm, nhưng ông nghĩ rằng cuộc tạm ngừng ném bom đã không hạn chế các lựa chọn của Tổng thống. Ông phát biểu như sau: "Đây là một trường hợp gây cảm xúc mạnh mẽ hơn, có ý nghĩa hơn so với những gì chúng ta đã đưa ra trước đây. Nhưng nếu Hà Nội không đáp lại, tôi không hiểu rằng liệu chúng ta sẽ lại ném bom không. Việc này ắt là sẽ tùy thuộc phần lớn vào tình hình quân sự và phản ứng của Quốc hội" (18).

Những người khác trong số những cố vấn của Tổng thống đã cảm thấy là mở lại các cuộc ném bom sẽ gặp khó khăn trong bất cứ tình huống nào và đã nghi ngờ là không hiểu đến lúc này Tổng thống Johnson có thực sự nghiêm chỉnh hơn trong việc tìm kiếm sự kết thúc cuộc chiến tranh theo đường lối thương lượng không.

“Tôi đã cho rằng sẽ gặp rất nhiều khó khăn để tiếp tục ném bom, lại gia tăng trở lại cường độ chiến tranh khôi phục lại mức độ trước kia, nhưng việc này không phải là không thể làm được". Ông William Bundy đã nhắc lại như thế nhưng ông Bundy cũng cho là điều quan trọng là Tổng thống đã không nhấn mạnh đến tính chất tạm thời của cuộc tạm ngừng ném bom.

Như ông đã nhắc lại: "Khi Tổng thống ra lệnh ngừng ném bom vào tháng 10, ông đã cố để mọi người sẽ cam kết với đầy tâm huyết, và hứa sẽ ủng hộ ông, nếu không phải cho tiếp tục ném bom lại. Lần này thì ông đã không cố tranh thủ để có được những lời cam kết như vậy, ở vào lúc ấy, ông đang muốn làm một cái gì đấy có tính cách mập mờ hơn và hệ trọng hơn nhiều, vẫn có khả năng tiếp tục ném bom lại" (19).

Tướng Wheeler, ông Rusk và ông Rostow không coi những quyết định tháng Ba 1968 như là báo trước một chính sách mới của Mỹ ở Việt Nam. Tất cả các vị này đều coi những lời công bố của Tổng thống là một biện pháp để củng cố sự ủng hộ của quần chúng hầu có thể tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh giống như trước đây. Tướng Wheeler, lẽ dĩ nhiên, đã thường hay bày tỏ sự không hài lòng và nỗi bực dọc của phía quân đội đối với những hạn chế về mặt địa lý và về mặt số lượng đã được áp đặt đối với những cố gắng của họ nhằm đánh bại quân địch.

Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ coi cuộc chiến tranh Việt Nam như là một vấn đề quân sự. Và nếu khi không có sự chỉ đạo chiến lược rõ ràng của các cấp trên dân sự, bảo họ phải làm ngược lại, thì họ cứ tiến hành để đánh bại quân địch. Họ đã cảm thấy rằng những hạn chế đối với những hoạt động quân sự như việc do dự không chịu gọi động viên lực lượng dự bị, không cho phép tiến hành chiến dịch ném bom toàn lực vào miền Bắc hoặc không cho phép tấn công vào các vùng đất thánh của địch ở Lào và Campuchia, đã kéo dài thời gian đề có thể hoàn thành được những mục tiêu của Hoa Kỳ tại Việt Nam và làm nguy hại đến khả năng đối phó vớt những tình hình quân sự bất ngờ có thể xảy ra bất cứ tại một nơi nào trên thế giới. Lực lượng dự bị chiến lược đã bị suy yếu một cách nguy hiểm khiến không còn có thể yểm trợ được cho cố gắng quân sự ở Việt Nam. dù sao những cố gắng này đã bị những hạn chế chính trị làm cản trở rồi.

Vào cuối tháng 11-1964, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã trình bày với Tổng thống là họ nhận thấy rằng tiến triển ở Việt Nam đã và sẽ tiếp tục chậm đi chính là vì sức mạnh quân sự của Mỹ đã bị hạn chế đến mức đã phải mất đi khá nhiều hiệu quả. Các tham mưu trưởng liên quân đã trình cho Tổng thống rõ là vào lúc đó tiến triển sẽ tiếp tục chậm đi chừng nào mà vẫn còn tiếp tục những hạn chế đối với các hoạt động quân sự.

Mặc dù bị chấn động trước cường độ và thời gian dài không thể ngờ được của cuộc tấn công Tết, nhưng các giới lãnh đạo quân sự đã nhận thấy trong vụ này một cơ hội tốt. Có thể đưa ra được một giải pháp cho những vấn đề của họ.

Nhấn mạnh đến những nguy hiểm, vốn sẵn có trên chiến trường Việt Nam, Tướng Wheeler hi vọng có thể thuyết phục được Tổng thống để Tổng thống khỏi phải chịu một cuộc thất trận có thể xảy ra và cũng để thuyết phục ông tân Bộ trưởng quốc phòng mà mọi người đều biết rõ về lập trường của ông luôn luôn ủng hộ chiến lược của Mỹ ở Việt Nam, rằng thời điểm đã đến, quả thực như thế và tình hình đòi hỏi phải hành động quyết liệt.

Mặc dù vấn đề cơ bản tối quan trọng là phải thực hiện việc gọi động viên để xây dựng lại lực lượng dự bị chiến lược, nhưng về mặt này của lời yêu cầu tăng thêm quân, Tướng Wheeler lại phải lệ thuộc vào những nhu cầu hiển nhiên của vị tư lệnh chiến trường. Việc mà vị tư lệnh chiến trường Mỹ được nhiều người ủng hộ và quả thực đang gặp nguy hiểm, yêu cầu xin thêm quân thì điều đó sẽ chứng minh được cho việc gọi động viên.

Một khi mà lực lượng dự bị chiến lược đã được lập lại và đất nước đã được đặt vào tình trạng hầu như có chiến tranh, thì lúc đó tài nguyên sẽ được cung cấp đủ để đạt được chiến thắng ở Việt Nam. Vì thế Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã coi vụ Tết như không phải là một sự bác bỏ những cố gắng trước kia ở Việt Nam mà là một cơ hội để đạt được những mục tiêu cơ bản của họ loại bỏ được những hạn chế thực ghê tởm đã từng gây cản trở cho những cố gắng trước đây.

Ông Rusk đã tỏ ra thành thực mong muốn tìm kiếm hòa bình thông qua thương lượng. Tuy nhiên, ông đã cảm thấy là những cố gắng như thế sẽ có thể không đưa đến kết quả chừng nào mà Bắc Việt Nam chưa được thuyết phục bằng vũ lực là họ không thể nào thắng nổi cuộc chiến tranh trên bộ tại Nam Việt Nam. Chỉ lúc đó họ sẽ mới chịu tiến hành đàm phán nghiêm chỉnh.

Thực vậy, ông Rusk đã cảm thấy là những cố gắng quá sớm và có năn nỉ để thuyết phục Hà Nội tiến hành đàm phán, sẽ có thể và trước đây đã từng cho thấy là không đem lại được kết quả, ông đã phát biểu như sau:

“Vấn đề đã được đặt ra là không hiểu sự lo lắng của chúng ta để tìm một cuộc dàn xếp hòa bình liệu khiến Bắc Việt Nam tưởng rằng chúng ta khẩn khoản muốn tìm kiếm hòa bình và chúng ta sẽ làm bất cứ gì để đạt được mục tiêu của chúng ta hay không, quan điểm này đã được nhiều nhà lãnh đạo nước ngoài bày tỏ với tôi rất nhiều lần như vậy" (20).

Nhưng sau vụ Tết, ông Rusk cũng đã lo lắng về sự xói mòn tinh thần ủng hộ của quần chúng tại Hoa Kỳ đối với cuộc chiến tranh, ông đã nhắc lại như sau: “Vấn đề làm cho tôi quan tâm là sự ồn ào tại Quốc hội và trên báo chí tiếp tục làm cho Hà Nội không còn mong muốn đẩ mạnh việc thương thuyết nữa. Mặt trận trong nước mà sụp đổ thì sẽ đem lại cho họ về mặt chính trị cái mà họ không thể nào đạt được bằng quân sự. Tôi đã cho rằng chúng ta cần phải thực hiện một cố gắng lớn để đưa cuộc chiến tranh đến một cuộc dàn xếp thông qua thương lượng" (21 ).

Ông Rusk đã không thể khuyến nghị một cuộc ngưng ném bom hoàn toàn, điều mà Hà Nội đã cho đó là điều kiện để tiến hành đàm phán. Ông đã cảm thấy là mặc dù cuộc ném bom trên phần lớn lãnh thổ Bắc Việt Nam đã không đem lại hiệu quả tương xứng trên chiến trường nếu xét đến những tốn kém của chương trình này, nên vì vậy có thể ngừng ném bom mà không gây nguy hiểm nhiều về mặt quân sự, nhưng chúng ta cũng không bỏ hẳn sự yểm trợ không quân dành cho các binh sĩ của chúng ta hoạt động trên bộ ở gần khu phi quân sự hoặc trên đường mòn Hồ Chí Minh. “Nếu không có một dấu hiệu đứng đắn nào cho thấy Hà Nội sẽ chịu thương thuyết thì một cuộc ngừng ném bom hoàn toàn sẽ gây khó khăn cho các binh sĩ của chúng ta ở Nam Việt Nam".

Ông ta đã cảm nghĩ như thế và ông nói tiếp: "Vì vậy tôi đã chủ trương chỉ nên đưa ra một cuộc tạm ngừng phần nào chứ không phải hoàn toàn". Ông Rusk đã không dự đoán trước bất cứ một sự thay đổi quan trọng nào về chính sách của Hoa Kỳ do cuộc tấn công Tết đòi hỏi.

“Quan niệm về một cuộc tạm ngừng ném bom một phần đã thu được nhiều kinh nghiệm và đã từng được đem ra thử áp dụng trước đây". Ông Rusk đã phát biểu như thế và ông nói tiếp: "Đây không phải là một điều mới mẻ". Ông đã coi sáng kiến đưa ra hồi tháng Ba 1968 như là “một sáng kiến gây cảm xúc mạnh hơn, có ý nghĩa hơn so với bất cứ những gì mà chúng ta đã cố gắng đưa ra nhiều lần trước đây" (22).

Ông Rostow cũng thế, ông đã không bao giờ thay đổi lập trường vững chắc của ông là cuộc chiến tranh chỉ có thể được rút ngắn một cách cụ thể nếu để thêm nhiều lực lượng Mỹ trên bộ xuyên qua đường mòn Hồ Chí Minh tiến vào Lào hoặc vào phần đất phía Nam của Bắc Việt Nam để cắt đứt hệ thống chuyển các hàng tiếp tế từ Bắc Việt Nam xuống miền Nam.

Nếu không có một hành động dứt khoát như thế, Hoa Kỳ sẽ vẫn bị ràng buộc vào một cuộc chiến tranh lâu dài và khó tiên đoán được tương lai, ông đã phát biểu như sau: “Tôi coi như là một chuyện lố bịch nếu ai nghĩ rằng chúng ta đã không thể làm cho địch phải trả giá rất đắt" (23).

Nhưng ông cũng đã nhận thấy là cuộc tấn công Tết chính là một thất bại to lớn về chính trị cũng như về quân sự đối với Bấc Việt Nam (24). Ông đã coi thất bại này của đối phương như đã cống hiến nhiều cơ hội mới cho Hoa Kỳ để đạt được những mục tiêu ở Nam Việt Nam. Lúc đầu, ông đã cảm thấy rằng những mục tiêu này có thể đạt được bằng cách gửi cho Tướng Westmoreland lực lượng sẵn có trước mắt.

Nhưng vì thế quân sự của Mỹ và Nam Việt Nam đã được cải thiện, nên việc xin tăng thêm quân và yêu cầu quần chúng ủng hộ đối với một chính sách như vậy đã không còn cấp bách nữa. Như ông đã nhận định: "Tinh hình quân sự đang trở nên khả quan hơn và quân Nam Việt Nam đang tỏ ra chiến đấu tốt. Yếu tố chủ yếu liên quan đến số quân cần phải có là lực lượng nào mà chúng ta có thể góp nhặt được ngay để đưa cho Tướng Westmoreland số quân tối thiểu mà ông ta cần. Tình hình ở Béclin và Triều Tiên cũng đang lắng dịu dần" (25).

Trước những nhu cầu quân sự ít cấp bách hơn, những ý nghĩ của ông Rostow đã hướng về một sáng kiến đàm phán, một sáng kiến mà ông cảm thấy là cần phải thực hiện vào lúc mà cuộc tấn công đông xuân của địch chấm dứt và theo ông nghĩ thì thời điểm này sẽ là vào khoảng đầu tháng năm. Ông nhắc lại như sau:

"Tôi đã hiểu rõ cố gắng lạ thường và tuyệt vọng này của họ đã có ý nghĩ như thế nào xét trên phương diện một cuộc chiến tranh du kích. Thật là một điều tuyệt vọng quá mức khi đối phương đã làm như thế. Điều hiển nhiên là đã từ lâu họ không có cả một ngày chủ nhật để rượu chè say sưa. Đối với những ai trong chúng ta từng quan sát và chăm chú theo dõi tình hình, sau hai năm cải thiện chậm chạp, chúng tôi đã như thấy sự tuyệt vọng trong đó. Tôi thật sự nghĩ rằng chúng ta sẽ thực hiện được một cuộc tiếp xúc về ngoại giao khi tình hình cho thấy rõ ràng là họ đã thất bại" (26).

Thực vậy, ông Rostow đã rất xúc động trước một loạt những sáng kiến ngoại giao mưu tìm hòa bình do nhiều nước thuộc thế giới thứ ba đưa ra trong những tháng trước đây, ông đã có cảm tưởng là một bước ngoặt cơ bản về quân sự và chính trị đã đạt được ở Nam Việt Nam. Việc này có thể làm cho tình hình vừa đánh vừa đàm có triển vọng diễn ra “xét về tầm quan trọng mà tôi đã đặc biệt quan tâm (và được quan tâm) đối với vấn đề rút các lực lượng Bắc Việt Nam ra khỏi Lào".

Ông nói: "Tôi đã hiểu rằng con đường chúng ta đang đi còn dài mới tới được đoạn cuối đường" (27). Vì thế, ông đã quan niệm việc đàm phán vào lúc ấy là có ích cho việc đạt được những mục tiêu, chứ không phải là một sự thay đổi chính sách hoặc về những mục tiêu của Hoa Kỳ. Như ông đã nhắc lại như sau:

“Tôi thấy yên tâm về vấn đề này, ông Clifford đã có ý nghĩ là phải vượt qua các ý kiến của Rusk và Rostow, ông ấy đang đấu tranh để chuyển biến được tư tưởng của Tổng thống và việc đó chẳng cần phải làm. Tổng thống Johnson, ông Dean Rusk và tôi đều đã rất quan tâm nên một đề nghị hòa bình quan trọng đã được dự kiến đưa ra" (28).

Nhưng ông Clifforđ đã tìm kiếm và đã đấu tranh để đạt được một sự thay đổi cơ bản hơn trong chính sách của Nhà nước về vấn đề Việt Nam và trong một phạm vi cơ bản hơn. Ông đã thật sự tranh đấu để Tổng thống thuận theo ý kiến của ông. Ông là người duy nhất đã chủ trương cho rằng cần phải thay đổi chiều hướng và mức cố gắng của chúng ta, cần sửa đổi những mục tiêu của chúng ta và cần phải dùng đến nhiều phương pháp khác nhau.

Ông đã nhậm chức vào đầu tháng Ba với một ý nghĩ quá tự tin - quả thực như ông đã nhận thấy, đây là một sự bổ nhiệm độc đoán của Tổng thống - và việc bổ nhiệm ông cốt ý là để đáp ứng lời yêu cầu tăng thêm lực lượng ở Việt Nam đã có thể tiếp lục theo đuổi cuộc chiến tranh mạnh mẽ hơn. Nhưng ông cũng đã có những hoài nghi đối với những cố gắng của Mỹ gia tăng quá nhanh ở Nam Việt Nam chẳng biết làm như vậy có phải là khôn ngoan không?

Và những ngờ vực đã được các cố vấn chính của ông gieo rắc, những người này cũng chính là cố vấn của người tiền nhiệm của ông Clifford mà trước đây từ lâu đã từng đi đến kết luận là chiến lược hiện nay của chúng ta đã không đem lại một hi vọng nào đạt được chiến thắng hoặc hòa bình trong tương lai trước mắt.

Ông Clifford đã bắt đầu nêu lên những câu hỏi mà trước đây đã không được đặt ra. Trước đây, sự dính liú của chúng ta ở Việt Nam đã tăng lên, dựa trên cơ sở các hoạt động của địch và vào việc đưa nhỏ giọt quân trên bộ của chúng ta sang tham chiến tại Việt Nam. Nhưng bây giờ thì ông Clifford phải đặt ra những câu hỏi thật là khó khăn chẳng hạn như các binh sĩ được gửi sang phải thi hành những nhiệm vụ gì, chúng tasẽ phải theo đuổi chiến lược gì, sẽ đạt được những kết quả cụ thể gì và trong một thời gian bao lâu?

Những thắc mắc này thật sự đã không được giải đáp tại Bộ quốc phòng, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, trong khi không nhận được chỉ đạo rõ ràng về chiến lược, và vẫn coi nhiệm vụ của họ là phải ủng hộ vị tư lệnh chiến trường. Như Tướng Wheeler đã nhắc lại:

"Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có thể giỏi về một số vấn đề nào đó nhưng lại không giỏi về những vấn đề khác. Họ có thể giỏi trong việc khai triển và ban hành các đường lối chỉ đạo về chiến lược. Nhưng họ lại không giỏi về vấn đề khai triển những lực lượng. Những việc này phải để cho vị tư lệnh chiến trường làm" (29).

Nhưng Tổng thống đã không chấp nhận sự chỉ đạo về chiến lược do các cố vấn quân sự cao cấp của ông đã khuyến cáo tức là phải tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực chống Bắc Việt Nam mà không ấn định những hạn chế về địa lý hoặc những vùng đất thánh, ông đã áp đặt những kiềm chế có tính cách chính trị đối với cuộc chiến tranh, và quả vậy tự ông đã ấn định lấy đường lối chỉ đạo về chiến lược.
Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã không đưa ra những phân tích riêng rẽ cho thấy sẽ cần một lực lượng lên tới bao nhiêu để đạt được những mục tiêu của Hoa Kỳ trong khuôn khổ những hạn chế mà Tổng thống đã áp đặt đối với các cuộc hành quân, họ cũng đã không tìm hiểu thật sự sẽ có thể đạt được tới đâu trong khuôn khổ những kiềm chế của chiến lược này.

Họ đã tỏ ra không muốn có thêm ý kiến gì với Tướng Westmoreland liên quan đến nhu cầu hoặc việc sử dụng các lực lượng Mỹ ở Việt Nam. Vì thế, chính Tướng Westmoreland đã triển khai chiến lược và cũng chính ông đã tính các mức số quân cần thiết để tiến hành được trọn vẹn chiến lược này.

Tướng Westmoreland đã giải thích chiến lược của ông và những điều chính mà ông đã thực hiện trong đó để cho phù hợp với những thực tế chính trị mà ông đã phải đương đầu như sau:

"Trong lĩnh vực trách nhiệm của tôi, tôi đã nghĩ ra một chiến lược rất mạch lạc. Trong năm 1965 tôi đã yêu cầu cung cấp quân để khỏi bị thất trận. Năm 1966 tôi đã nghiên cứu một kế hoạch khá lớn lao nhằm chuyển sang thế tiến công. Lời yêu cầu gửi quân của tôi gồm có một lực lượng ngang với một quân đoàn để làm lực lượng dự bị, và sẽ chỉ đưa tham chiến khi nào cần hoặc lúc nào tôi cảm thấy có thể sử dụng được có lợi cho chúng ta.

Lực lượng dự bị này đã được mặc nhiên chấp thuận nhưng không hề được thực hiện. Và trong năm 1967, tôi đã xin một số quân mà tôi cho là lực lượng thuận lợi nhất và cũng coi đó là nhu cầu bổ sung quân cuối cùng nhưng tôi đã không công bố chính thức điều đó ra. Tôi đã không được cung cấp lực lượng thuận lợi khác mà tôi đã xin nhưng chủ yếu tôi đã được thỏa mãn số quân còn thiếu chưa bổ sung đủ trong đơn xin bổ sung trước được tôi xếp vào loại “nhu cầu cần thiết tối thiểu”.

Lực lượng thuận lợi nhất do tôi xin là cốt để đẩy nhanh thêm mức tiến bộ gây thêm sức ép đối với quân địch và giúp cho tôi có đủ lực lượng để có thể theo đuổi những lựa chọn trong khuôn khổ chính trị cho phép. Lực lượng nhận được “nhu cầu cần thiết tối thiểu” đã không đạt được tính linh hoạt như thế. Mỗi lần tôi đệ trình chương trình số quân hàng năm lên, chương trình này đã được xem xét rất kỹ lưỡng và đã bị cắt bớt.

Những con số bị cắt giảm trên bảng nêu nhu cầu của tôi đã được Bộ trưởng quốc phòng quyết định và việc làm này quả là độc đoán. Kinh nghiệm đã chứng minh rằng những bảng nhu cầu số quân đầu tiên của tôi là đúng về mặt quân sự. Chiến lược của các nhà cầm quyền ở Washington đã không bao giờ có sự ăn khớp với nhau nhưng suy ra thì là để nhằm gây thiệt hại cho quân địch cho đến khi họ phải chịu ngồi vào bàn đàm phán.

Lúc đầu, địch sẽ bị gây thiệt hại nặng do việc ném bom miền Bắc. Sau đó, một trường phái tư tưởng vững mạnh đã xuất hiện, được tôi khuyến khích và phái này cho rằng chúng ta cũng cần phải gây thiệt hại cho địch ở cả miền Nam nữa. Các nhà cầm quyền dân sự đã thường cố đưa ra những "tín hiệu” cho địch, dùng thủ đoạn ấy để đưa đối phương ngồi vào bàn hội nghị.

Thẳng thắn mà nói, tôi đã không bao giờ đặt nhiều hi vọng vào triển vọng ấy vì tôi nghĩ rằng đối phương sẽ chỉ sẵn sàng thương lượng chừng nào họ nghĩ rằng việc đó sẽ là vì lợi ích của họ.

Trong năm 1967 tôi đã nhận thức rõ là việc gây thiệt hại cho địch cho đến khi họ đồng ý chịu đàm phán không phải là một chiến lược có thể thành tựu được, do đó tôi đã tìm kiếm một chiến lược mà tôi cho là thực tế và tôi đã mang theo về Washington trong năm 1967.
Vì các biến cố tiến triển, tôi đã thảo ra hai chiến lược. Một chiến lược bao hàm việc chấp nhận một cuộc chiến tranh kéo dài nhưng rút dần dần quân Hoa Kỳ từng giai đoạn trong thời gian dài. Chiến lược kia bao hàm việc lợi dụng vụ thảm hại - vụ tấn công Tết của địch quân đã trở thành như vậy - để dùng các lực lượng cần thiết để sớm chấm dứt cuộc chiến tranh. Cả hai chiến lược đều thích hợp và tùy thuộc vào những quyết định có tính cách chính trị” (30).

Tổng thống và Bộ trưởng quốc phòng đã luôn luôn tham khảo ý kiến nhưng người cầm đầu quân đội trước khi ban hành quyết định về các mức lực lượng. Nhưng chỉ riêng những quyết định về mức số quân không thôi, cũng không đủ để thay thế cho việc cần phải áp dụng một chiến lược nhất quán, có thể thành công được, như sử dụng được những lực lượng ấy và lời khuyến cáo của các nhà cầm quyền giới quân sự ở Washington liên quan đến các mức số quân đã luôn luôn có thể dự đoán trước được: "Hãy làm những gì mà Tướng Westmoreland và Đô đốc Sharp yêu cầu, hãy bãi bỏ những sự hạn chế về chính trị và địa lý đối với các lực lượng của chúng ta đang hoạt động và hãy gia tăng lực lượng dự bị chiến lược ở Hoa Kỳ" (31)

Vì vậy chiến lược mà ông Clifford tìm kiếm đã không được nói lên một cách rõ ràng ở Washington. Kế hoạch có mạch lạc mà ông tìm kiếm để chấm dứt cuộc chiến tranh đã không được Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân khai triển. Thực ra thì đó không phải là mục tiêu của họ. Mục tiêu quân sự đó luôn luôn nhằm gây nhiều thương vong cho quân Bắc Việt Nam và Việt cộng tới chừng mà họ sẽ nhận ra được rằng họ không thể thắng nổi ở miền Nam và sẽ bị ép buộc phải tiến hành đàm phán để chấm dứt chiến tranh.

Nhưng đã không có một ý niệm rõ ràng nào là phải bao giờ thì sẽ có thể đạt được mục tiêu tâm lý có tính chất bấp bênh này. Vì thế, vấn đề quyết định là bao giờ sẽ chấm dứt chiến tranh vẫn còn nằm trong tay của Bắc Việt Nam.

Ông Clifford đã không được thỏa mãn về các câu giải đáp của giới lãnh đạo quân sự đối với các thắc mắc của ông. Ông đã nhận ra rằng Hoa Kỳ đang theo đuổi một con đường vừa vô tận vừa tuyệt vọng ở Việt Nam. Ông đã bắt đầu tin chắc rằng sự từ bỏ dần dần cam kết của các lực lượng Mỹ là cách duy nhất có thể làm được để đạt được nền hòa bình thông qua thương lượng ở Việt Nam.

Niềm tin sâu sắc ấy đã được củng cố thêm bởi điều mà ông đã cảm thấy trong thái độ của một bộ phận rất có ảnh hưởng của nhân dân Mỹ, đối với việc điều khiển cuộc chiến tranh, ông Clitrord đã nhắc lại như sau: "Điều mà ảnh hưởng đến tôi là thái độ của quần chúng. Tôi đã không nghĩ rằng quần chúng còn muốn tiếp tục ủng hộ chính sách của chúng tôi đã theo đuổi từ bấy lâu nay (33).

Như vậy, ông Clifford đã có thể nhận thấy rằng không còn cách nào rút chân ra khỏi cuộc chiến tranh, trừ phi phải thỏa hiệp và đôi bên cùng xuống thang, và rất có thể ông sẽ làm mất tình bạn đối với Tổng thống, nếu ông cứ ép Tổng thống phải nghe theo quan điểm của ông trong các hội đồng của chính quyền. Trong vấn đề này ông luôn giữ vững lập trường và không hề bao giờ nhận là mình khiếm khuyết.
Tổng thống thường hay bị bực mình vì ông và một đôi khi đã biểu lộ rõ sự khó chịu ấy, nhưng theo thói quen, Tổng thống vẫn tham khảo ý kiến ông Clifford và đã chú ý nghe những ý kiến của ông và tình bạn giữa hai người từ ban đầu đã không bị thương tổn nghiêm trọng (34).

Vì thế, chính ông Clifford đã trở thành đối tượng cho việc bàn cãi trước buổi họp. Cuối cùng ông cũng đành chấp nhận đề nghị tạm ngừng ném bom một phần của ông Rusk, coi đó như là một sáng kiến hòa bình, “không phải vì ông đã tin là việc đó sẽ có ích mà vì ông đã tin chắc là Tổng thống sẽ có thể tiến tới như vậy". ông Clifford đã có thể thấy là đề nghị trên đã được diễn đạt bằng ngôn ngữ có tính chất hòa giải.

Đây là một sự đóng góp quan trọng vì lời lẽ bài diễn văn của Tổng thống và sự chấn động do quyết định rút lui có tính cách chính trị của ông đã tạo cho đề nghị hòa bình của ông Rusk một hương vị gây cảm xúc mạnh mẽ, có thể chấp nhận được mà nếu không như vậy thì khó lòng mà có được. Ông Clifford có thể đã không thắng cuộc tranh cãi nhưng cuối cùng ông đã tỏ ra hoan hỉ và bảo đảm là các quyết định của Tổng thống đã đưa Hoa Kỳ vào một con đường mới ở Việt Nam, sau con đường hướng về từ bỏ các cam kết mà chính ông đã giúp lập ra.

Nếu một quan chức ở cấp khá cao trong chính phủ cứ nhắc đi nhắc lại điều gì khá thường xuyên thì điều này sẽ trở thành chính sách của chính phủ trừ phi chính Tổng thống can thiệp vào và phủ nhận hoặc cãi chính sách ấy, ông Clifford đã từng áp dụng kỹ thuật này để sửa đổi sự giải thích của chính quyền về công thức San Antonio. Lúc bấy giờ trong những ngày và những tháng tiếp theo sau bài diễn văn của Tổng thống, ông Clifford đã phát động một chiến dịch công khai có chú ý, kéo dài cho đến khi ông rời chức vụ để giải thích những quyết định của Tổng thống theo kiểu mà ông nghĩ rằng những quyết định phải được hiểu như thế.

Ông đã không chỉ trích những quyết định của Tổng thống hoặc chống lại các quyết định ấy một cách công khai, ông đã không bày tỏ là Tổng thống đã phạm sai lầm và cũng không mưu toan để lộ hoặc làm giảm bớt hiệu lực của một hành động hoặc một quyết định nào của Tổng thống, ông đã luôn luôn nói về Tổng thống như là một người ham chuộng hòa bình, đã cố gắng làm hết sức mình để tìm kiếm hòa bình.

Nhưng trong khi cố thận trọng kiềm chế để không phá ngầm hoặc chỉ trích Tổng. thống như vậy ông Cjilford đã hoại động lòng quần chúng một cách có tính toán, khéo léo và kiên định để giải thích những hành động của Tổng thống đề chiếm lay những vị trí mà Tổng thống Johnson chưa đạt tới. Bằng cách này. ông Clifrord đã làm cho những quyết định của Tổng thống ngày 31-3 trở thành một bước ngoặt trong chiều hướng của các cố gắng của HOả Kỳ ở Nam Việt Nam (35).

Đã không có một lờl phát biểu nào do ông Clifford đưa ra trong thời gian này là bất ngờ cả. Như ông đã có nêu lên điều đó như sau: “Về phần tôi, đây đã là một nỗ lực có ý thức, được căn cứ vào điều mà tôi tin chắc là thái độ của Tổng thống phải như thế và vào điều tôi nghĩ trong chính sách của chúng ta phải được thể hiện như thế. Trong thời gian ấy, tôi luôn luôn đề cập đến vấn đề này, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, thế mà đã không một lần nào bị Tổng thống tỏ vẻ có lời lẽ phê bình hoặc lưu ý tới" (36).

Ông Clifford đã nhanh chóng hành động để được chắc rằng quần chúng Mỹ đã nhận ra được trong quyết định của Tổng thống một sự đổi hướng trong chính sách của Hoa Kỳ, ông hi vọng có thể làm vừa cho Washington vừa cho Sài Gòn, hiểu rằng những sự triển khai quân đã được công bố, thật sự đó là giới hạn cao nhất trong kế hoạch đưa quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam.

Trong buổi họp báo đầu tiên của ông được triệu tập vào ngày 11-4, ông Bộ trưởng quốc phòng đã nhắc lại chủ đề "Hạn chế đưa thêm quân tham chiến", một vấn đề mà trước đây ông đã lên tiếng lần đầu tiên trong một buổi thuyết trình không quan trọng cho báo chí vào ngày hôm sau tiếp theo bài diễn văn của Tổng thống (37).

Trong cuộc họp báo này, ông Clifford đã nhấn mạnh đến quyết định về chính sách, bao hàm việc chuyển dần dần nỗ lực chủ yếu cho người Nam Việt Nam, và đã cho biết rằng việc này đã là "bộ phận khăng khít" trong quyết định của Tổng thống đạt một giới hạn trong lúc này đối với mức số quân của chúng ta là không được vượt quá con số 350.000 người (38).

Cũng trong cuộc họp báo này, ông Clifford đã công khai lại những quan điểm mà ông đã thường hay biện hộ với tư cách riêng trước Tổng thống trong những tuần lễ trước liên quan đến đường lối hành động trong tương lai của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam: "Chúng ta đang khởi sự tiến hành một đường lối hành động mới, Tổng thống đã đưa ra một đề nghị với Hà Nội đã bất đầu thực hiện một chương trình xuống thang có kế hoạch trên lý thuyết việc này bao hàm việc Tổng thống sẽ đưa ra một biện pháp, rồi Tổng thống sẽ đi thêm một bước khác và trong tiến trình một thời gian dài, việc này có thể dẫn đến một sự xuống thang đáng kể cho cuộc chiến đấu” (39).

Chiến thuật của ông Clirford đã thành công rất tốt đẹp. Báo chí Mỹ đã đồng thanh giải thích lời phát biểu của ông Bộ trưởng như một sự phát biểu rõ ràng vè chiến lược mới.

Tờ New York Times đã tường thuật lại ngày hôm sau như sau: “Hôm nay ông Bộ trưởng quốc phòng Clark M.Clifford đã công bố một mức số quân cao nhất là 549.500 cho mức số quân Mỹ tham chiến ở Việt Nam và ông tuyên bố chính quyền Johnson đã chấp nhận và thực hiện một chính sách nhằm chuyển giao dần dần cho Việt Nam trách nhiệm chủ yếu trong nỗ lực theo đuổi cuộc chiến tranh”.

Ông đã gắn liền đường lối chuyển giao trách nhiệm với một quyết định của Tổng thống Johnson để coi mức 549.500 như là mức số quân cao nhất mà chính quyền không có ý định vượt quá trong lúc này.

Nhưng ông Clifford đã cẩn thận không đưa ra ý kiến nhận xét gì của ông nghe có vẻ như một tối hậu thư đối với Sài Gòn. Tuy nhiên, những ẩn ý trong các nhận xét của ông để tỏ cho thấy là Hoa Kỳ đang muốn cho Sài Gòn hiểu thấy lần đầu tiên là họ không còn có thể mong chờ một lực lượng vô tận quân tăng cường của Mỹ nữa. Nếu cần nhiều quân hơn - thực vậy ông Clifford đã nói - Sài Gòn sẽ phải tự cung cấp lấy (40).

Cùng ngày, bài bình luận đăng trên nhật báo "Washington Post" cũng đã nhận thấy có một sự thay đổi đáng chú ý trong chiến lược của chính quyền, một sự chuyển hướng mà ông Clirrord có dụng ý để cho họ phải ra được: "Giờ đây một quyết định quan trọng khác đã được ban hành... Vì quyết định này đã đưa chúng ta đi trở lại con đường lúc ban đầu. Thực vậy đó là con đường duy nhất có thể hứa hẹn tạo được một Nam Việt Nam an toàn và ổn định mà không cần sự có mặt đông đảo và không giới hạn của quân đội Mỹ. Đây là một quyết định, theo sự giải thích của ông Bộ trưởng Clifford, để hành động theo một đường lối tích cực và mạnh mẽ hướng về ngày mà Nam Việt Nam sẽ gánh vác trách nhiệm với tỷ lệ cao hơn và Hoa Ky sẽ trở nên dần dần không cân thiết nữa" (41). 

Lời thông báo của ông Clifford đã được giải thích rõ ràng cho công chúng Mỹ. Có bằng chứng cho thấy là cách giải thích của ông về những quyết định của Tổng thống đã được Sài Gòn nhận thấy. Đại sứ Bunker đã tuyên bố như sau: “Lời tuyên bố của Tổng thống Johnson ngày 31 - 3 đã làm cho người Việt Nam phải đối diện với sự thật là sự cam kết của chúng ta không phải là không có giới hạn và một ngày nào đó họ sẽ phải tự lo liệu lấy. Việc nhận thức rõ được điểm này đã có tác động quan trọng và tế nhị đối với các thái độ của người Việt Nam cũng như đối với biến cố sẽ diễn ra sau đó" (42).

Ông Clifford tiếp tục cuộc vận động của ông trong những tháng kế tiếp. Trong bài diễn văn đọc trước công chúng lần đầu tiên với tư cách là Bộ trưởng quốc phòng tại bữa tiệc trưa của Hãng thông tấn AP được tổ chức vào ngày 22-4, ông đã tường thuật lại việc duyệt xét lại cuộc chiến tranh ở cấp cao của chính quyền trong chúng ta và kết quả về cuộc duyệt xét ấy, ông nói: “Chúng tôi đã đi đến kết luận là người Mỹ sẽ không cần phải cứ luôn luôn cố gắng làm hơn nữa mà đúng hơn việc làm gia tăng hiệu lực của chính phủ Nam Việt Nam và các lực lượng chiến dấu của họ giờ đây sẽ cho phép chúng ta duy trì nỗ lực của chúng ta ở mức hiện tại - và vào đúng lúc chúng ta sẽ bắt đầu thực hiện tiến hành gỉam dần dần số quân” (43).

Trong cuộc họp báo kế tiếp vào ngày 20 tháng Sáu, ông Clifford cũng đã nhắc lại phần nào không chính xác lắm là ngày 21-3 Tổng thống đã cho biết “Ông sẽ không gửi thêm một số quân lớn sang Việt Nam nữa".

Trong cuộc họp báo ngày 15-8, ông Clifford đã liên hệ Tướng Abrams với việc hạn chế gửi thêm quân Mỹ, ông đã tuyên bố như sau: “Tướng Abrams đã thông báo cho tôi biết rằng ông tin chắc là các quân đồng minh có đủ khả năng đối với mối đe dọa của địch quân. Xét về thái độ về mặt này, chúng tôi có ý định giới hạn quân Mỹ ở Nam Việt Nam ở Tổng số 549.500” (44).

Nhưng chính là phải nhớ đến ngày 5-9, trong một bài diễn văn đọc trước Câu lạc bộ Báo chí quốc gia, người ta mới thấy ông Bộ trưởng quốc phòng đưa ra giới hạn quân 549.500 một cách rõ ràng và cụ thể. Trong khi ông cho biết là ngày 31 tháng Ba Tổng thống đã quyết định rằng số quân Hoa Kỳ ở Việt Nam sẽ được giới hạn số 549.500.

Ông Clifford còn nói thêm như sau: "Chúng tôi đã được Tướng Abrams bảo đảm và những cấp chỉ huy ở chiến trường của chúng ta đã nói riêng với tôi là số quân này... đủ để chống đỡ và đánh bại bất cứ một cuộc tấn công nào của quân địch. Cố gắng của chúng ta ở Việt Nam hiện nay có thể không phải còn là một sự tiêu hao không có giới hạn đối với các tài nguyên của chúng ta nữa. Cái được gọi là cái thùng không đáy đã được bịt lại rồi" (45).

Vì vậy mà vào lúc Tổng thống rời chức vụ, quyết định trước đây ông đã đưa ra trong tháng Ba, dự tính chỉ gửi Việt Nam mấy ngàn quân vào lúc ấy, quyết định ấy đã biến qua những ngôn từ và những lời phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng của ông trở thành một sự hạn chế rõ rệt đối với số quân Mỹ được đem sang tham chiến ở Việt Nam.

Không hiểu có đụng ý hay không, quyết định của Tổng thống ngày 31 tháng Ba 1968 đã báo hiệu đó là giới hạn cao nhất của sự cam kết của Mỹ về quân sự để bảo vệ Nam Việt Nam.

Còn đối với các quyết định quân sự quan trọng khác liên quan đến cuộc chiến tranh, như việc tạm ngừng ném bom chẳng hạn, vấn đề này cũng đã được Tổng thống quan niệm rằng không phải là không thể hủy bỏ được, và ông cũng không nghĩ rằng đó là một chiều hướng mới trong chiến lược của Mỹ. Đã nhiều lần trong những tháng còn lại của năm 1968, Tổng thống và các cố vấn của ông đã xét đến việc tiếp tục ném bom lại để đáp lại sự ngoan cố của Cộng sản tại bàn hội nghị hoặc những hoạt động của họ trên chiến trường (46).

Ông Clifford lại áp dụng các mánh lới trong những trường hợp này, ông dùng những buổi họp báo và những khi xuất hiện trước công chúng để giải thích chính sách của chính quyền theo tiến trình xuống thang do chính ông ta dựng lên. Cứ lúc nào mà chính quyền muốn xét lại việc tiếp tục ném bom lại là ông Clifford lại công khai nhấn mạnh vì sao một hành động như thế sẽ trái ngược với lập trường của Tổng thống và vì sao một sự tiếp tục ném bom lại như thế không được bảo đảm.

Ông đã nhấn mạnh trở lại là việc ném bom ở phần đất bên dưới vĩ tuyến 20 bao gồm cũng chừng đó số phi vụ trước đây đã thực hiện ở khắp Bắc Việt Nam, và việc chấn chỉnh lại các nỗ lực về không quân có lẽ sẽ đạt được nhiều hiệu quả hơn để làm cho địch phải tiêu hao. Thực vậy, trong một cuộc họp báo, một người nêu câu hỏi đã buộc tội ông Bộ trưởng quốc phòng là đã dựng lên “lý lẽ để hạn chế thêm việc ném bom" (47).

Cứ một mực nhấn mạnh vào điểm là sự hạn chế ném bom đã không làm hại đến các cố gắng của chúng ta ở Nam Việt Nam, không ảnh hưởng đến mức độ tác chiến tại đó ông Bộ trưởng Quốc phòng đã thành công chặn lại được bất cứ một hành động nào nhằm tiếp tục ném bom lại phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20 và như vậy, ông đã dọn đường cho quyết định của Tổng thống vào tháng Mười ra lệnh tạm ngừng ném bom trên khắp lãnh thổ Bắc Việt Nam.

Nhờ như vậy, việc ném bom Bắc Việt Nam ở phần đất phía Bắc vĩ tuyến 20 đã được đình hoãn trong những tháng còn lại của chính quyền Johnson. Ông Clifford vẫn tiếp tục nhấn mạnh rằng chính việc hạn chế ném bom của chúng ta đã đem Hà Nội ngồi vào bàn thương lượng và Hoa Kỳ không nên đưa ra biện pháp leo thang ném bom vì việc này có thể làm gián đoạn hoặc còn có thể phá vỡ những cuộc thương lượng hòa bình đang tiến hành.

Dù cho cuộc đàm phán đang tiến triển chậm chạp (hoặc chẳng tiến được chút nào) nhưng nếu lại lựa chọn việc làm trên đây thì người ta sẽ quay lại con đường mà ông cho là tuyệt vọng. Trong quan điểm này ông đã thắng thế, ông đã vừa thuyết phục được Tổng thống và quần chúng là cuộc hội đàm Paris sẽ không thể bị phá vỡ hoặc từ bỏ (48). 

Như vậy, những quyết định trong tháng 3-l968 đã khiến cho Hoa Kỳ bắt đầu đi vào một con đường mới ở Việt Nam. Những quyết định ấy đã đánh dấu giới hạn cho việc đem sử dụng các lực lượng Hoa Kỳ tại đây. Chính phủ Nam Việt Nam đã được thông báo là yêu cầu vô hạn định của họ đối với các tài nguyên và nhân lực của Mỹ đã đi đến chỗ chấm dứt và người ta mong đợi chính phủ Nam Việt Nam sẽ có thể gánh vác phần trách nhiệm gia tăng của cuộc chiến tranh trong tương lai.

Mặc dù đã không được nói lên một cách rõ ràng và người ta cũng không hoàn toàn mong đợi được như vậy, nhưng những bước đầu tiên đi đến việc giải kết của Mỹ ở Việt Nam đã bắt đầu được tiến hành vào ngày 31 tháng Ba năm 1968. Như ông William Bundy đã nói: “Những quyết định này mà khởi sự toàn bộ quá trình giải trả được những cam kết của chúng ta đối với Việt Nam. Các quyết định này đã khiến trút bỏ được một gánh nặng tuyệt vọng và đã đổi thành một nỗ lực có mức độ khả dĩ chịu đựng được" (49).

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI SÁU

(1) “Viện nghiên cứu chiến lược". Bản nghiên cứu chiến lược 1969 tr.44-45; Westmoreland "Báo cáo về cuộc chiến tranh ở Việt Nam" tr. 161-162.

(2) Johnson “Vị trí ưu thê” tr.415.

(3) Doughles Pike: “Việt cộng: Tổ chức và những kỹ xảo của Mặt trận giải phóng dân tộc Nam Việt Nam”, tr.VII.

(4) Quốc hội Mỹ, Hạ nghị viện, ủy ban chuẩn chi ngân sách "Những ngân khoản chuẩn chi cho Bộ Quốc phòng năm 1960". "Những bài điều trần" Phần I, tr.540-543. Draper "Sự lợi dụng quyền lực" tr.176-179.

(5) Carson "Sự phản bội" tr.95-96. Race "Cuộc chiến tranh đến với Long An" tr.153-155. Hob Considine và Bilton Naplen "Những vũ khí lỗi thời, được Hoa Kỳ cung cấp, để chặn đứng Việt Cộng". Jac Weller “Các bạn đồng minh Việt Nam của chúng ta: một sự đánh giá về giá trị chiến đấu của họ". Thiếu tướng James Lawton Colhns Jr. "Nghiên cứu về Việt Nam: Sự phát triển và huấn luyện quân đội Việt Nam" 1950-1972, tr.48. Joseph B.Trenster: Tài liệu quân đội: "Sự gian trá trong vấn đề Việt Nam hóa".

(6) Được trích dân trong cuốn sách: "Trở lại Việt Nam" tr.50-51. Tham khảo cả Carroll Kilpatrieb "Tổng thống L. B.Johnson hoan hô sự dũng cảm của quân Nam Việt Nam".

(7) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow ngày 4-12-1972.

(8) Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam IVC (2)(a) tr.8.

(9) John M.Van Dyke "Chiến lược để thoát hiểm của Bắc Việt Nam". Đọc cả Ryamond J.Barrett "Phản ứng tăng mức độ dần dần và những bài học rút ra từ Việt Nam". Salisbury "Đằng sau những đường lối" tr.107-108, 137-147.

(10) Phỏng vấn riêng ông Rostow ngày 4-12-1972.

(11) Mualler "Sự hâm mộ của quần chúng đối với Tổng thống từ ông Truman đến ông Johnson". tr.23-24, 26-30. Verba và những người khác: "Dư luận quần chúng và cuộc chiến tranh ở Việt Nam" tr.321-322. Hann "Cuộc trưng cầu dân ý địa phương" tr. 1189. Converse và những người khác: "Tính liên tục và thay đổi trong nền chính trị Hoa Kỳ" tr. 1026.

(12) David Wise “Thời kỳ hoàng hôn của một Tổng thống". Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.477.

(13) Cuộc phỏng vấn của Hãng CBS với Tổng thống Johnson tr.36.

(14) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.422-423.

(15) Như trên tr.423.

(16) Như trên. tr.511-513. Rotow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.423. Phỏng vấn riêng ông Walt Rostow ngày 4-12-1972.

(17) Trao đổi thư từ riêng, thư nhận được của ông Walt Rostow ngày 11-7-1973.

(18) Phỏng vấn riêng ông Dean Rusk ngày 22-1-1973.

(19) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-72.

(20) Phỏng vấn riêng ông Dean Rusk ngày 22-1-1973.

(21) Như trên.

(22) Như trên.

(23) Rostow ngày 4-12-1972.

(24) Walt W. Rostow "Thua to: một sự đáp lại".

(25) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow ngày 4-1-72.

(26) Như trên.

(27) Thư riêng của ông Walt W.Rostow ngày 11-7-1973.

(28) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow ngày 4-12-1972.

(29) Phỏng ván riêng tướng Wale G.Wheeler ngày 8-11-72.

(30) Phỏng vấn riêng Tướng William C.Westmoreland ngày 16 tháng 6-1973.

(31) Alain C.Ethoven và K.Ayne Smith “Bao nhiêu thì đủ?”

(32) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 28-11-1972.

(34) Phỏng vấn riêng ông Harry C.Mc Pherson Jr. ngày 21-12-1972 đọc cả Chretian : "Tổng thống rút lui" tr.78.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa hai người đã kém thân mật rất nhiều và họ vẫn xa lánh nhau tiếp theo việc ông Clifford cho công bố một bước giải thích sự thay đổi nhiệt tâm của ông đăng trên tập san "Những vấn đề ngoại giao" trong tháng Bảy 1969.

Phỏng vấn riêng ông Harry J.Middleton ngày 11-10-72.

(35) Goulding “Xác nhận hay phủ nhận" tr.329.

(36) Phỏng vấn riêng ông Clark Clifford ngày 15-2-1973.

(37) Goulding "Xác nhận hay phủ nhận" tr.329-330.

(38) Cuộc họp báo của Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford ngày 11-4-1968.

(39) Như trên trang 12.

(40) William Beecher "Hoa Kỳ động viên 24.500 quân dự bị ấn định số quân Mỹ cao nhất là 549.500 giao cho Sài Gòn giữ vai trò chủ yếu”. Tham khảo cả Charles W.Cordhry "Hoa Kỳ có ý định giao cho Sài Gòn vai trò chính trong cuộc chiến tranh". Mirk Miller "Hoa Kỳ hi vọng quân Nam Việt Nam sẽ thay đổi gánh lấy cuộc chiến tranh". Charlmers W Roberts "Sài Gòn sẽ phải giữ vai trò chiến đấu lớn lao". Bermand Gwertzman "Đường lối đang thay đổi để nâng vai trò của Sài Gòn lên”. "Hoa Kỳ tìm cách chuyển dần toàn bộ cuộc chiến đấu cho người Nam Việt Nam".

(41) "Trở lại con đường cũ”.

(42) Diễn văn của Đại sứ Rouswork Bunker nhân dịp nhận tặng thưởng Sylcchus Thayer, Trường võ bị Hoa Kỳ Westsoint Westsoint New York ngày 8-5-1970. Tướng Westmoreland đã cho biết là cấp lãnh đạo Việt Nam đi tới nhận thức này sớm hơn nhiều. Ông đã phát biểu như sau:

“Sau khi đọc bài diễn văn tại Câu lạc bộ Báo chí quốc gia trong tháng 11-1967, tôi đã trở về gặp và nói chuyện với Tổng thống Thiệu và tướng Viên. Họ đã tỏ ra hoan hỉ, Tổng thống Thiệu nói: "Đây là lần đầu tiên tôi đã được trao một chiến lược để cho phép chúng tôi đặt kế hoạch trước hướng về tương lai". Ông ta đã lấy bài diễn văn của tôi để cho đem đi in lại bằng máy in của ông và bắt đầu bàn luận với tôi ngày hôm ấy và việc ông sẽ làm thế nào để lấy nhanh việc nhận thêm trách nhiệm về cuộc chiến tranh. Ông Thiệu đã nhận thấy rõ vào lúc ấy là chiến lược này đã ấn định giới hạn cam kết của chúng ta. Và ông ta chấp nhận điều đó vì coi việc này “như là một cuộc bỏ phiếu tín nhiệm đối với ông".

Cuộc phỏng vấn riêng Tướng Westmoreland ngày 16-9-1973.

(43) Diễn văn của ông Clark N.Clifford. Bộ trưởng Quốc phòng trước bữa ăn trưa hàng năm của hãng AP, thành phố New York ngày 22-4-1968, về phản ứng của báo chí. Đọc Saville Davis “Một tiếng nói mới: ông Clark Clifford đưa ra một cái nhìn mới trong khi vạch trần chính sách về Việt Nam". Peter Kinh “Ông Clifford mong chờ Sài Gòn gánh vác thêm trách nhiệm chiến đấu”. John Maffre đã có những kế hoạch được soạn thảo để chuyển gánh nặng cho người Việt Nam.

(44) Cuộc họp báo của ông Bộ trưởng Quốc phòng Clark M.Clifford ngày 15-8-1968. tr. 1.

(45) Diễn văn của ông Clark M.Clifford tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia, Washington D.C. ngày 16-9-69, tr.4.

Nhưng Tướng Westmoreland đã vạch rõ chính sự thất bại của địch đã phải gánh chịu vào dịp Tết đã cho phép Tướng Abrams đứng vào tư thế đưa ra sự bảo đảm này. Phòng vấn Tướng William Westmoreland ngày 16-9-73.

(46) Johnson "Vị trí ưu thế” tr.508-509.521.

(47) Cuộc họp báo của Bộ trưởng Quốc phòng Clark Clifford ngày 15-8-68. tr. 11. Xem cả phần giải đáp các thắc mắc tiếp theo bài diễn văn đọc tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ngày 5-9-68. tr. 1.

(48) Goulding "Xác nhận hay phủ nhận” tr.341-342.

(49) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-1972, xem cả James "Con diều hâu và đóa hoa sen". Sự can thiệp của phương Tây ở Việt Nam 197-1971, tr. 1967.  (?)

CHƯƠNG MƯỜI BẢY
GIẢI THÍCH QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH QUYẾT ĐỊNH

Đối với những quyết định về chính sách quả là cũng chẳng trông cậy vào đó được bao nhiêu, tuy thế rất nhiều việc cũng đã được khởi xướng. Bất luận những ý định của Tổng thống và các cố vấn của ông thế nào đi nữa, những quyết định được ban ra ngày 31 tháng Ba 1968 đã đưa người Mỹ và Bắc Việt Nam ngồi bàn hội nghị ở Paris để khởi sự một cuộc hành trình trên con đường dài dẫn đến hòa bình.

Một giới hạn đối với việc đưa lực lượng trên bộ Hoa Kỳ sang tham chiến đã được ấn định và Nam Việt Nam đã được thông báo trước là họ sẽ phải chuẩn bị sẵn sàng để đảm nhiệm thêm trách nhiệm trong việc tự bảo vệ lấy mình. Những mục tiêu chính trị có giới hạn của Hoa Kỳ ở Nam Việt nam, lần đầu tiên đã được xác nhận. Chiến lược trên bộ của vị tư lệnh quân sự mới của Mỹ được căn cứ vào những mục tiêu hạn chế này, một mức số quân tối đa được ấn định và sẽ dẫn đến một sự giảm bớt những lực lượng Mỹ và gia tăng thêm sự tham gia của các lực lượng Nam Việt Nam.

Cũng chẳng khó nếu người ta nhất định cứ đem tất cả các biến cố quan trọng phong phú, hỗn loạn và đặc biệt là những tình huống trong những tháng đầu của năm 1968 để đưa vào kế hoạch hình thành quyết định và làm như vậy sẽ có thể có ý nghĩa đối với nhiều mặt khác nhau của cuộc chiến tranh Việt Nam và với quá trình hình thành quyết định nói chung.

Hình ảnh nổi bật là hình ảnh của một Tổng thống đã hiến dâng bản thân mình và sự nghiệp chính trị của mình cho một mục tiêu và một đường lối hành động, vây quanh ông là những cố vấn và nói chung đã hình thành tiếp tục ủng hộ mục tiêu và đường lối hành động ấy, nhưng bây giờ Tổng thống đã phải đối phó với không những sự thúc ép của thời cuộc mà còn cả với một cố vấn, vị cố vấn này lại bắt đầu nghi ngờ về những mục tiêu và cả đường lối hành động đang được theo đuổi nữa.

Cuộc tấn công Tết đã cảm thấy rằng việc đạt được những mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam, nếu có thể thực hiện đi nữa, cũng sẽ đòi hỏi một thời gian rất dài trong tương lai. Thực tế chính trị đã cho thấy là nếu cứ tiếp tục như vậy mãi ở Nam Việt Nam. với sự tăng thêm thiệt hại về sinh mạng và tiền bạc của Mỹ, kèm theo ảnh hưởng to lớn đối với đời sống trong nước ở Hoa Kỳ và đồng thời không thấy được một bảo đảm nào cho chiến thắng quân sự trong tương lai gần, thì sự kiện này đã khiến cho đại đa số quần chúng Mỹ không thể chấp nhận được nữa. Vì thế cần phải tìm ra một đường lối hành động khác.


Chỉ tới lúc đó, những mục tiêu tối hậu của đất nước chúng ta đối với Việt Nam mới được đem ra xem xét lại. Nhóm đặc biệt do ông Clifford cứng đầu, tuy đã nêu rõ là cần phải có sự chỉ đạo mới và cần phải hình thành và chấp thuận những mục tiêu mới đã được sửa đổi nhưng tự nhóm này đã không triển khải rõ ràng được những mục tiêu ấy. Đây là một công việc cần được Tổng thống chú ý theo dõi.

Mối bất đồng ý kiến về các mục tiêu của đất nước đã trở nên rất gay go và và chỉ có Tổng thống mới có thể ấn định những mục tiêu mới của đất nước được. Một phần nào đó, những ưu tiên và những nhận thức cho bộ máy quan liêu đưa ra phải chịu trách nhiệm về việc các cố vấn chính phủ nêu trên, đã bất lực không đưa ra được một đường lối chỉ đạo mới (1).

Ông Rusk đã tạo ít cơ hội cho bộ máy quan liêu của bộ ngoại giao để có thể đóng góp vào quá trình soạn thảo quyết định sau vụ Tết, ông đã hành động với tư cách là cố vấn riêng của Tổng thống về chính sách đối ngoại và đã trình thẳng và trình riêng Tổng thống ý kiến của ông. Những quan điểm của ông đã được mô tả trước đây rồi.

Không như ông Rusk, ông Clifford lại đại diện cho hai guồng máy quan liêu với những quan điểm và những quyền lợi rất khác nhau. Bộ máy quan liêu dân sự, tức Bộ ngoại giao của Lầu Năm Góc như người ta thường gọi như vậy, từ lâu rồi đã đi đến kết luận, tuy Bộ ngoại giao lại không đồng ý như thế, là những mục tiêu chính trị của Mỹ ở Nam Việt Nam đã ít được người ta chú ý tới, cơ bản sự thành công của Mỹ ở Việt Nam, theo các quan chức này, là phải phát triển một khung cảnh chính trị tại Việt Nam với mục đích thiết lập một mối liên lạc dựa trên các định chế giữa dân chúng ở thôn quê và bộ máy cai trị họ và như vậy sẽ loại trừ được việc đông đảo dân chúng vùng nông thôn xa lìa khỏi chính phủ.

Nếu không có một sự liên kết như vậy, họ tin rằng không có cách nào để biến những thắng lợi quân sự thành thành tựu chính trị lâu dài. Những thắng lợi quân sự này có thể cứ tiếp diễn vô hạn định trong tương lai và quân Bắc Việt Nam và Việt cộng có thể bị thật nhiều thương vong, vượt rất xa số thương vong của Mỹ. Nhưng những chiến thắng sẽ trở thành vô nghĩa, theo như các quan chức dân sự trong bộ quốc phòng suy nghĩ, nếu những chiến thắng ấy không góp phần vào việc phát triển một khung cảnh chính trị Nam Việt Nam có thể tạo được cơ sở cho việc rút lui của Mỹ sau này.

Theo các quan chức này, chiến lược quân sự hiện đang được các lực lượng Hoa Kỳ theo đuổi ở Việt Nam không đưa ra được một quan niệm rõ rệt và chắc chắn, cũng như đã dành ít tài nguyên cho việc thiết lập một cấu trúc chính trị Nam Việt Nam, khả dĩ liên kết chính phủ Sài Gòn với quần chúng nhân dân ở nông thôn.

Những lý lẽ của những quan chức Bộ quốc phòng này đưa ra trước đây đã gieo rắc những nghi ngờ trong tâm trí của cựu bộ trưởng Mc Namara đối với chiến lược quân sự đang theo đuổi ở Nam Việt Nam và ông này đã tìm cách áp đặt những hạn chế đối với sự gia tăng nhanh các lực lượng Mỹ tại đó. Nhưng ông Mc Namara, trong thâm tâm ông, đã chưa hề nghĩ đến việc xem xét lại những mục tiêu cơ bản của Mỹ ở Việt Nam, và chưa hề đặt thành vấn đề những mục tiêu này.

Mặt khác, bộ máy quan liêu quân sự từ lâu đã bực mình vì những kiềm chế chính trị mà họ cho là đã ngăn cản không cho họ theo đuổi cuộc chiến tranh, đã kết thúc nhanh chóng và chiến thắng và không những thế vì tiêu hao mất nhiều lực lượng dự bị chiến lược, nên đã đe dọa công cuộc phòng thủ của Mỹ tại những khu vực có tầm quan trọng sống còn khác trên thế giới.

Như người ta đã chờ đợi, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã nhận ra được vấn đề của họ ở Việt Nam, thực chất là một vấn đề quân sự và chiến lược Tướng Westmoreland chọn và thực hiện đã theo đúng học thuyết kinh điển cho rằng chiến thắng này tùy thuộc vào hành động tiến công để đánh bại những đơn vị chủ lực của địch và gây cho họ những thương vong đáng kể lớn hơn số thương vong của chúng ta, cho đến khi những tổn thất của Hà Nội trở thành Không còn thể chịu đựng được nữa.

Ngoài ra, hoạt động tiến công dọc theo biên giới Việt Nam đã ngăn chặn những lực lượng này của địch trước khi họ có thể tiến lại gần quần chúng nhân dân ở Nam Việt Nam. Như thế sẽ có thể tránh được những thương vong gây cho thường dân và các quân du kích địa phương - bị cắt đứt khỏi sự yểm trợ từ bên ngoài - sẽ bị suy yếu dần kết quả khả năng hoạt động, và chính phủ Nam Việt Nam có thể khởi sự thực hiện những chương trình có tác dụng góp phần vào việc lập được những quan hệ với nông dân ở thôn quê (trong bất cứ tình huống nào việc này không phải là trách nhiệm của quân đội).

Nhưng giới quân sự đã nghĩ rằng chiến lược này đã bị cản trở vì địch đã được phép sử dụng những khu đất thánh ở Lào và ở Campuchia, nhờ vậy đã có thể tái bổ sung quân số và tiếp tế, trang bị lại và thoát khỏi bị các lực lượng trên bộ của Mỹ tiêu diệt. Hơn nữa, những kiềm chế có tính cách chính trị đối với việc sử dụng sức mạnh không quân ở Bắc Việt Nam đã cho phép quân địch tìm cách thích ứng được khiến cho sức ép đã không phải là không thể chấp nhận được đối với họ.

Tuy nhiên, vấn đề được bộ máy quan liêu quân đội coi như hậu quả không kém quan trọng chính là khả năng suy yếu của chúng ta để đương đầu với những trường hợp xảy ra bất ngờ khác về mặt quân sự do quyết định chính trị không cho gọi nhập ngũ những lực lượng dự bị gây nên. Như đã được nêu ở trên, đối với Tướng Wheeler vấn đề gọi nhập ngũ quân dự bị mới chính là nguyên do chủ yếu khiến ông yêu cầu tăng thêm lực lượng trong tháng hai 1968.

Đứng trước những phản ứng này của bộ máy quan liêu có thể đoán trước được ông Clifford đã tỏ ra là một diễn viên độc lập theo đúng nghĩa của từ này, ông Rusk và ông Rostow đã bị ràng buộc vào một chính sách mà cả hai đã giúp soạn thảo ra. “Ông Clifford đã không nắm được vấn đề, ông đã không có kinh nghiệm, không theo dõi sát vấn đề trong nhiều năm, ông đã không hiểu rõ cách mà chúng tôi đã giải quyết", ông Rostow đã phát biểu như thế (2).

Còn ông Rusk thì đã cảm thấy: "Tôi đã hiểu ró cái gì mà Tổng thống muốn" và ông Clifford đã nhắc lại như sau: “Ông Rusk và ông Rostow đã nói với tôi là ông không nắm được vấn đề mà tôi đã không theo dõi sát" (3). Vấn đề trong nhiều năm liền họ đã phải trải qua.

Nhưng đó là thế lợi của ông Clifford, ông là người duy nhất trong số những cố vấn của Tổng thống không tích cực chịu trách nhiệm về chính sách hiện nay và vì thế ông đã không nhất thiết bị ràng buộc phải bênh vực nó (chính sách này). Như thế ông đã được các quan chức dân sự trong Bộ quốc phòng thuyết phục là không những sự can thiệp quân sự của Mỹ ở Việt Nam cần phải được giới hạn mà còn cho rằng nếu cứ tiếp tục đi theo con đường hiện nay thì việc này sẽ đưa đất nước đến chỗ phá sản về chính trị và quân sự.

Mặc dù không thuyết phục được ông Bộ trưởng chịu chấp nhận vấn đề gọi động viên và xây dựng lại lực lượng dự bị chiến lược nhưng bộ máy quan liêu quân sự cũng đã sắp xếp đưa ra những lý luận để giữ cho ông Clifford khỏi bị lạc quá xa con đường ấy.

Tuy nhiên, ông Clifford đã có thể nêu ra sự cần thiết phải có một con đường khác thay thế cho con đường ấy. Trừ ông Georges Ball trong năm 1965, không một ai thân cận với Tổng thống đã dám đặt thành vấn đề chiến lược cơ bản về Việt Nam của chúng ta, cũng như Tổng thống đã không hoan nghênh hoặc tìm kiếm xem có gì nêu thắc mắc như thế không.

Năm 1967 khi ông Mcnamara bắt đầu nghi ngờ về hiệu lực của chiến lược trên bộ của chúng ta ở Việt Nam và về chi phí luôn luôn phải tăng thêm để theo đuổi chiến lược ấy, ông Clifford đã là một trong số những cố vấn chính được Tổng thống dùng để “hạ bệ ông ấy" và việc ông Mc Namara rời khỏi chính quyền đã được công bố sau đó không lâu.

Nhưng cũng về một ý nghĩa khác, ông Clifford đã là người đóng một vai trò độc lập. Độc lập về kinh tế và hầu như miễn cưỡng đã chấp nhận phục vụ trong nội các, vào một thời kỳ khủng hoảng, ông đã không cho rằng ông phải chịu ơn Tổng thống để trở nên nổi bật và thành công. Như ông đã gợi ra trong số các cố vấn của Tổng thống chỉ có mình ông là đã giao thiệp với Tổng thống Johnson như bạn ngang hàng.

Ông Clifford đã biểu thị lòng trung thành của cá nhân ông đối với Tồng thống bằng cách nói cho Tổng thống biết tình hình theo sự nhận xét của ông thay vì nhằm bảo vệ địa vị được nhiều người ham muốn của ông trong chính phủ mà lại trình với Tổng thống những điều gì mà Tổng thống ưa nghe.

Ngoài ra, ông còn có thể giao thiệp với bên ngoài bộ máy quan liêu, tham khảo ý kiến các bạn bè trong quốc hội và trong giới các nhà kinh doanh và kinh tế. Như thế ông đã có thể nắm chắc được tâm trạng của đất nước mà xét về mặt này các bạn đồng nghiệp của ông từng phục vụ lâu năm hơn trong chính quyền đã hầu như bị cách ly.

Như ông Mc Pherson đã giải thích về vai trò của ông Clifford: “Ông Clifford đã làm chính trị theo kiểu môn đồ của Aristote chứ không phải theo kiểu "ông thị trưởng Daley", ông đã rất lo lắng phải làm sao cho Tổng thống lãnh đạo được đất nước và làm cho Tổng thống vẫn đứng vững được như là một nhân vật mạnh và ý thức được trách nhiệm trong đời sống của Mỹ, ông ta đã cảm thấy là Tổng thống đang bị phá sản vì cuộc chiến tranh” (4).

Lẽ dĩ nhiên, đây không có ý nói rằng ông Rusk và ông Rostow là những người nịnh bợ, hay trình Tổng thống ý kiến gì mà họ nghĩ rằng Tổng thống muốn nghe. Hai ông này đã giúp thiết lập chính sách mà Hoa Kỳ đang theo đuổi ở Việt Nam và họ đã kiên quyết ủng hộ chính sách này. Cả hai đều cảm thấy tầm quan trọng của việc ngăn ngừa đừng để Đông Nam Á rơi vào tay Cộng sản và cả hai ông đã cảm thấy là chỉ có hành động quân sự về phía Hoa Kỳ mới là phương pháp duy nhất để có thể thực hiện được việc này.

Có những lúc cả hai ông đã xem xét những chiến lược khác có thể thay thế chiến tranh hiện nay nhưng họ đã bác bỏ các chiến lược ấy. Tuy nhiên, khi tình hình ở Việt Nam và ở Hoa Kỳ thay đổi thì Rusk và Rostow đã chẳng bao giờ xem xét lại những lập luận đầu tiên của họ, dựa vào những thất bại đã quá rõ rệt hoặc những thiếu sót của các chính sách đang được theo đuổi.

Nhưng vấn đề những mục đích tối hậu của chính sách Mỹ ở Việt Nam lạt phải là một quyết định của Tổng thống và chỉ có Tổng thống mới quyết định được mà thôi. Sau khi Nhóm đặc biệt Clifford đã soạn thảo xong bản báo cáo của ủy ban, phần còn lại của tiến trình hình thành quyết định trở thành một cuộc đấu tranh giữa những cố vấn tối cao của Tổng thống để thúc đẩy Tổng thống chấp nhận thực hiện lựa chọn đặc biệt của họ, theo đuổi quan niệm đặc biệt của họ về những mục tiêu dân tộc của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Bộ máy quan liêu chỉ tham gia ý kiến ở vòng ngoài mà thôi.

Như vậy, quá trình hình thành quyết định như đã được tiến hành sau Tết đã lại chứng tỏ là việc thiết lập toàn bộ những mục tiêu dân tộc, khác với soạn thảo những quyết định để thực hiện đầy đủ những mục tiêu này cuối cùng đã là một quyết định chính trị.

Cuối cùng Tổng thống lại phải ấn định mục tiêu dân tộc và các ưu tiên và ông được cử tri đánh giá cao sự hoàn thành nhiệm vụ ấn định những mục tiêu sao cho phù hợp với những mong muốn của đa số cử tri. Chính sách tầm thường là chính sách được đưa ra do những nhà lãnh đạo không tiên đoán được một cách chính xác những hậu quả của những quyết định của họ, hoặc do họ có đề cao tột độ những giá trị mà cử tri không tán thành (5) vì như thế những quyết định được đưa ra trong tháng Ba 1968 và bao gồm như đã được thực hiện những vấn đề chủ yếu liên quan đến việc chỉ đạo chính sách của Mỹ đã là những quyết định riêng của Tổng thống. 

Phong cách của Tổng thống Johnson, khi ông muốn tiến tới một quyết định quan trọng đã được những người cộng tác với ông trước kia mô tả với đầy đủ chi tiết. Mong muốn đạt đến một sự nhất trí, ông đã tìm hiểu rất kỹ mọi khía cạnh của một vấn đề, trước khi đến một quyết định, ông hay bày tỏ những ý kiến trái ngược với những cố vấn riêng rẽ của ông để giúp họ hướng về một sự nhất trí như đã được đề cập ở trên, ông đã tỏ ra không kiên nhẫn với những người mà ông không tán đồng ý kiến (6)

Tổng thống đã tạo được một môi trường chung quanh ông - lời khuyên nghị mà ông nghe được vừa do nhân cách của ông vừa do những người đã được ông chọn như những cố vấn thân thiết. Tổng thống Johnson đã bày tỏ hết sức rõ là ông cho rằng điều tối quan trọng đối với thế giới, với đất nước và với chính bản thân ông là không để cho Việt Nam bị rơi vào tay Cộng sản.

Những cố vấn được ông nghe theo đã đồng ý về quan điểm này và đã làm tăng thêm sức mạnh quyết tâm của ông. Vì nể sợ, vì tình bạn, vì tinh thần trách nhiệm, vì không dám ngạo mạn thậm chí sợ sệt nữa, các cố vấn của Tổng thống Johnson đã ít khi cản trở ý định của ông.

Khi Tổng thống nói ông muốn "Các lựa chọn phải được xem xét và nếu có thể được thì nên đưa ra những khuyến nghị đã được nhất trí các cố vấn thông thường đã nắm được sự gợi ý đấy”. Họ đã đưa ra những khuyến nghị đã được đồng ý trước mà không nêu lên những sự bất đồng cũng như những thỏa hiệp đã dẫn đến sự nhất trí này. (7).

Những quyết định về chính sách được hình thành ở cấp Tổng thống, khác với những quyết định được soạn thảo ở cấp thấp hơn trong bộ máy quan liêu. Vì đó là những quyết định có tính chất chính trị, các quyết định này đã gây cảm xúc hơn đối với dư luận quốc hội và dư luận quần chúng.

Thực vậy, người ta đã nói rằng sự ủng hộ của quần chúng là “một thử thách gay go đối với một chính sách đối ngoại". Tổng thống Johnson đã đánh giá các việc cần phải tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng đối với những chính sách được áp dụng ở Việt Nam của ông. Ngay từ lúc đầu, ông đã nhận thấy rõ ràng sự ủng hộ vững chắc ở trong nước là điều kiện tiên quyết để cho chính sách của ông có thể thắng lợi ở Việt Nam.

Trong suốt thời gian Hoa Kỳ dính líu vào Việt Nam, Tổng thống đã đấu tranh để duy trì sự ủng hộ này của quần chúng, ông đã hiểu rõ là nhân dân Mỹ không thích những cuộc chiến tranh lâu dài và vô tận, ông cũng biết là Hà Nội hiểu được sự kiện này và đang đặt chiến lược của họ trên cơ sở làm xói mòn ý chí của Mỹ đứng trước một cuộc chiến tranh không dứt khoát và kéo dài.

Điểm chính của thế tiến thoái lưỡng nan đã được một quan chức Bắc Việt Nam phát biểu tóm tắt trong năm 1962 như sau: "Người Mỹ không thích những cuộc chiến tranh kéo dài không đi đến kết thúc - và đây sẽ là một cuộc chiến tranh lâu dài, không đi đến chỗ giải quyết. Vì thế, cuối cùng chúng ta chắc chắn nắm phần thắng".

Vì vậy, dư luận quần chúng Mỹ đã luôn luôn được xem như cái mà người ta gọi là "con cờ đôminô" chủ yếu (8). Cả hai phe đều hướng một bộ phận chủ yếu trong chiến lược của họ vào việc gây ảnh hưởng với dư luận quần chúng. Nhận thức của dư luận trong nước ở Hoa Kỳ đã kiềm chế việc gia tăng nhanh các lực lượng trên bộ tại Việt Nam, ngăn cấm việc gọi nhập ngữ những lực lượng dự bị và lại luôn hướng về dự đoán trước các tiến triển và thắng lợi.

Nhà chiến lược người Anh, Basil Liddell Hart trước đây từ lâu đã vạch rõ là trong một nền dân chủ lại “thực tế phiền phức" chính là các nỗ lực quân sự lại phải dựa vào sự ủng hộ quần chúng, bởi vậy mà việc cung cấp người và đạn dược thậm chí cả đến việc có được cơ hội để tiếp tục chiến đấu, cũng đều phải tùy thuộc vào người dân trên đường phố. Nhưng dường như Tổng thống và các cố vấn quân sự của ông ít có khuynh hướng sửa đổi những mục tiêu của họ ở Việt Nam để điều chỉnh chiến lược của họ “tới một chừng mực nào đó khả dĩ làm cho quần chúng nhân dân thấy là nghe được" (9).

Tổng thống Johnson đã nhận thấy là về mặt chính trị và về mặt cá nhân ông không thể thay đổi công khai chính sách mà ông đã kiên trì theo đuổi trong thời gian lâu như thế. Trong những cuộc bàn cãi về một chính sách cho Việt Nam của ông trong thời gian sau Tết, Tổng thống đã được người ta cho thấy một cách kín đáo là sự ủng hộ của Quốc hội và của quần chúng đối với chính sách hiện nay đã bất đầu tiêu tan dần.

Ông Clifford đã nhanh chóng nhận thấy sự thật này và lợi dụng việc ấy để cố gắng thuyết phục Tổng thống là cần phải tìm ra một con đường khác ở Việt Nam, không những chỉ để tranh thủ trở lại sự ủng hộ của quần chúng mà còn là để tìm kiếm một sự kết thúc vừa ý đối với sự dính líu của Hoa Kỳ.

Mặt khác, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, vào thời điểm nào đã tỏ ra không có một nhận thức sâu sắc nào về sự bất mãn đang gia tăng do cuộc chiến tranh gây ra trong đại đa số nhân dân Mỹ. Họ nhận thấy không cần phải đưa ra một chiến lược mới và thay vì thế họ đã coi vụ Tết như là một cơ hội rốt cuộc đã cho phép họ theo đuổi được chiến lược mà họ đã chủ trương từ lâu.

Họ có vẻ hoàn toàn thản nhiên trước phản ứng của quần chúng đối với lời yêu cầu tăng thêm quân của họ, một lời yêu cầu mà đáng lẽ không thể bị tiết lộ vào một thời điểm bất lợi về mặt tâm lý. Họ tiếp tục thúc ép đòi gia tăng cố gắng của Mỹ ở Việt Nam mà trong bầu không khí hiện nay, về mặt chính trị cho thấy là đại đã số quần chúng Mỹ không thể nào chấp nhận được.

Không con nghi ngờ gì là ông Clifford đã gieo rắc được những hoài nghi trong tâm trí của Tổng thống Johnson đối với các chính sách vẫn tiếp tục được các cố vấn thân cận và được tin cậy khác của ông biện hộ và bênh vực. Những hoài nghi này càng được củng cố thêm vì Tổng thống cũng hiểu biết rõ những ảnh hưởng và chính sách hiện này đang tác động đến quần chúng, Quốc hội và cả đối với các cố vấn khác không ở trong chính phủ nữa. Ông Clifford đã khéo léo lợi dụng tất cả những đồng minh này trong cuộc vận động của ông nhằm thay đổi chiều hướng chính sách của Hoa Kỳ.

Theo lề lối thông thường của ông. Tổng thống Johnson đã tìm hiểu sự nhất trí trong số các cố vấn của ông và ông đã đạt được sự nhất trí ấy rất gay go mới đi tới thòa hiệp được, ông đã chấp nhận đề nghị của ông Rusk về một sáng kiến hòa bình đề có thể soa dịu dư luận quần chúng mà vẫn cho phép ông tiếp tục tiến hành cuộc chiến tranh như trước kia nếu sáng kiến này không đem lại kết quả.

Nhưng ông đã chịu nhượng bộ theo quan điểm của ông Clifford và đã đưa ra sáng kiến này với lời lẽ rất hòa giải để làm cho đối phương dễ chấp nhận hơn và cũng đã đem kết hợp với lời công bố gây xúc động mạnh của ông để tâm trí nổi bật sự chân thành khi đưa ra sáng kiến trên đây.

Chính là nhờ Hà Nội chịu chấp nhận đề nghị này mà chúng ta mới có thể thay đổi chính sách về Việt Nam của ta. Như thế Tổng thống Johnson có thể cho phép Bộ trưởng quốc phòng của ông giải thích chính sách của Hoa Kỳ để làm cho cuộc đàm phán diễn ra ở Paris trở thành con đường chủ yếu đề đạt những mục đích của Hoa Kỳ ở Việt Nam mà vẫn không từ bỏ mục tiêu mà ông kiên quyết giữ vững là không để mất Nam Việt Nam vào tay Cộng sản.

Không có dấu hiệu vững chắc nào cho thấy Tổng thống đã bị ảnh hướng tới mức nào do dư luận quần chúng gây ra trong thời gian tiếp theo sau Tết, ông Rostow đã cảnh cáo không nên quá nhấn mạnh đển bất cứ một thay đổi nào có tính chất cơ cấu trong dư luận quần chúng có thể cho thấy là quần chúng Mỹ sau hết đã bằng lòng chấp nhận một cách bình thản việc để mất Nam Việt Nam vào tay Cộng sản.

Tuy nhiên xét mối liên quan đến các động cơ đã thúc đẩy Tổng thống thì ông đã phát biểu như sau: “Điều đáng làm cho Tổng thống bận tâm là đất nước đang suy thoái. Tổng thống đang cần phải giữ vững dư luận quần chúng đã bị xói mòn vào chiến lược làm tiêu hao của chúng ta và vì hậu quả của cuộc chiến tranh kéo dài. Mặc dù khó có thể biết được ý nghĩ của người khác, nhưng càng nói chuyện chúng tôi càng tin chắc là những quyết định của Tổng thống đã rất có liên quan với dư luận quần chúng" (10)

Ông William Bundy đã nhận thấy ảnh hưởng của dư luận quần chúng đối với những sự kiện quan trọng xảy ra trong tháng Ba 1968 đã diễn ra như sau:

“Tôi có cảm tưởng đó là điều đáng nói - là sự thúc đẩy của các cố vấn chuyên nghiệp đến sự có lẽ đã hướng về chủ trương hạn chế tối đa việc tăng thêm lực lượng chừng nào có thể làm được, nhưng tôi nghĩ rằng việc thay đổi chính sách ném bom đã bị ảnh hưởng rất nhiều - đặc biệt là trong những việc làm và những khuyến nghị của ông Bộ trưởng quốc phòng Clifford - do việc người ta đã ý thức được là sự ủng hộ chính trị ở trong nước đã càng ngày càng bị xói mòn rất nhanh và sự kiện này tất cả chúng tôi đều đã nhận thấy rất rõ trong tháng Ba" (11).

Chỉ những tiếng vang mơ hồ của các cuộc tranh luận về chính sách trong chính quyền là đã đến tai nhân dân Hoa Kỳ hay đúng ra là đến tai hầu hết các bộ máy quan liêu của Chính phủ mà thôi. Còn Tổng thống đã bị cách ly với quần chúng, mà thực ra quần chúng mới là quan trọng trong vấn đề này, những quyết định của ông đã trở thành những quyết định cá nhân, ông Reedy đã lên án như sau: “Việc liên quan đến quần chúng - ở mức nào tình thế một mất một còn này - lại đang được định đoạt như thế là không có dính dáng gì đến quần chúng cả: 12).

Dù cho có được cung cấp đầy đủ tin tức nhất và dù cho có những thiện chí tốt đẹp nhát đi nữa, nhưng đó cũng vẫn là một phương pháp hình thành chính sách có nhiều khuyết điểm nghiêm trọng đã được biểu lộ rõ trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam. Việc này có tác dụng là chỉ giới hạn các cuộc tranh luận có ý nghĩa, trong phạm vi một nhóm nhỏ và rất chọn lọc trong Chính phủ. Thật vậy. trong khi mâ tầm quan trọng của vấn đề trờ nên lớn bơn và có nhiều ý nghĩa chính trị hơn. thì giới tham dự lại càng thu hẹp lại hơn.

Tổng thống chọn lựa những thành viên trong nhóm này và ấn định phạm vi tranh luận của họ. Vì thế, bản chất của cuộc tranh cãi và những quan điểm khác nhau được biểu lộ trong nhóm này có một tầm quan trọng sống còn. Nhưng những cá nhân này hầu như chắc chắn tán thành những giá trị và những tầm nhìn về tương lai của Tổng thống và coi nó như những điều mà họ tin tưởng. Họ cũng phải phần nào tỏ rõ lòng trung thành và quyến luyến cá nhân của họ đối với chính người đã đưa họ vào được giới thân cận này.

Sự kiện trên đây sẽ khiến cho người nào đó trong nhóm người được chọn lọc mà lại tỏ ra bất đồng ý kiến với chiều hướng rất rõ ràng theo quan điểm của Tổng thống, người ấy sẽ phải thực là khổ sở khó mà chịu đựng nổi. Sự bất đồng ý kiến tới một mức nào đó có thể sẽ đưa đến hậu quả là bị khai trừ, thậm chí là bị sa thải nữa.

Một khi chính sách đã được đưa ra, một khi mục tiêu và con đường đi đến mục tiêu ấy đã được Tổng thống chấp nhận và coi như của chính ông rồi, thì đường lối trong chính phủ phải được sắp xếp cốt sao củng cố và thực hiện được chính sách ấy, bộ máy quan liêu nhận những lệnh tiến hành công việc và nhận lấy việc điều hành. Khi ấy, tính linh hoạt sẽ bị hạn chế và việc soạn thảo lại và làm sáng tỏ thêm những mục tiêu không còn được coi là quan trọng nữa và, mà thực ra việc này còn có thể bị xem như là gây trở ngại cho công việc sắp đến.

Đây là công việc của một bộ máy quan liêu thành thạo, có thẩm quyền đã đưa ra một chính sách chính trị. Một khi mà các mục tiêu đã được xác định rồi, thì bộ máy quan liêu phải giúp cho các nhà lãnh đạo chính trị được nhẹ bớt gánh nặng khỏi phải lo đến những quyết định thông thường liên quan đến chính sách đối ngoại.

Nhưng người ta quyết định, trong chừng mực mà ông ta muốn, vẫn có thể xác nhận lại quyền điều khiển của mình và có thể chỉ thị cho bộ máy quan liêu trình lên các đường lối hành động để có thể lựa chọn được. Sau vụ Tết 1968, những đường lối hành động để lựa chọn cuối cùng đã được trình lên cho một Tổng thống mà trước đây vị này đã không hề bày tỏ ỷ muốn được nghe họ trình bày.

Có những cơ cấu của chính phủ dường như có nhiệm vụ để bảo đảm cho một số cuộc tranh cãi có tính cách đối lập ở những cấp cao nhất trong chính phủ. Hội đồng an ninh quốc gia là một trong số các cơ cấu có nhiệm vụ như thế. Nhiều hình thức khác, từ nhiều phía nhằm góp vào việc hình thành chính sách ngoại giao cũng đã được đề nghị (13). Nhưng người ta cho rằng các hình thức này chỉ để phục vụ cho ý muốn của Tổng thống và mỗi Tổng thống đều đã sử dụng những hình thức ấy theo kiểu của mình và làm sao để đáp ứng được những mục đích của mình (14).

Ngoài quá trình diễn biến chính trị ra thì chế độ của Hoa Kỳ đã không hề dự liệu một thủ tục nào có tính chất định chế cho các cuộc tranh cãi chính trị ở cấp cao nhất để xác định những mục tiêu dân tộc và chính sách quốc gia.

Trước khi bộ máy quan liêu có thể thực hiện được chức năng cần phải biết những mục tiêu nào đang được tìm kiếm, các mục tiêu trong chính sách đối nội và đối ngoại chủ yếu phải xác định những giá trị và những đức tin của một xã hội. Nhưng một khi các mục tiêu đã được xác định rồi, bộ máy quan liêu cũng có bổn phận phải trình cho Tổng thống về mặt chính trị và vác mặt kinh tế để đạt được những mục tiêu ấy.

Chức năng này của bộ máy quan liêu vẫn được thực hiện trong chính phủ theo thường lệ. Đối với bất cứ một sự thay đổi nào về luật thuế má, bộ máy quan liêu có thể dự đoán trước lời lỗ trong thu nhập qua thời gian. Đối với bất cứ sự sửa đổi nào trong vấn đề thuế má hoặc số tiền phải trả về an ninh xã hội, bộ máy quan liêu có thể dự đoán trước hậu quả cuối cùng đối với người nhận tiền trợ cấp cũng như đối với chính phủ. Mỗi hệ thống vũ khí mới cũng được phân tích để xác định tổng số tài nguyên cần thiết để triển khai.

Vì thế chi phí mà chính phủ phải gánh vác đối với chế độ hưu trí của quân đội hoặc những khoản trợ cấp cho các cựu chiến binh đã được đặt kế hoạch cho cả 100 năm. Nhưng khi những mục tiêu của Hoa Kỳ ở Việt Nam được Tổng thống ấn định thì quá trình hình thành quyết định đã lại không giải quyết nổi vấn đề xác định những tốn kém phải trả vừa về tài nguyên và về thời gian để đạt được những mục tiêu ấy

Những mục đích của Hoa Kỳ ở Việt Nam đã rất rõ và cần không thay đổi. Mối quan tâm chủ yếu vẫn là ngăn ngừa không để cho Cộng sản dùng vũ lực chiếm lấy Nam Việt Nam. Mục đích nào chủ yếu đã được Tổng thống Johnson suy nghĩ đến nhiều vì ông đã nhận thức được những hậu quả trên trường quốc tế và ở trong nước nếu xảy ra một sự mất mát như vậy trên phương diện quốc tế.

Việt nam được xem như một cuộc thử nghiệm về những cam kết quân sự của Hoa Kỳ đối với những đồng minh ở khắp thế giới. Việt Nam cũng đã được xem như một sự xung đột về ý chí tối quan trọng giữa chủ nghĩa cộng sản và hệ thống các nước đồng minh do Hoa Kỳ đã thiết lập sau cuộc chiến tranh thế giới thứ II.

Việt Nam lại còn là một nơi thử nghiệm, nơi đương đầu giữa chiến tranh giải phóng dân tộc do Cộng sản chủ trương với chiến tranh chống nổi dậy, cái giá phải trả cho công cuộc xâm lược sẽ cho Cộng sản thấy là họ phải trả một giá quá cao và nguyên tắc là một cuộc xâm lăng vũ trang tất sẽ bị chặn lại không thể nào đạt được thắng lợi, nguyên tắc ấy sẽ trở thành có giá trị.

Đối với trong nước, việc bảo vệ có kết quả Nam Việt Nam được xem như là tối cần thiết cho tình hình ổn định sinh hoạt chính trị của Hoa Kỳ. Trong tập hồi ký của ông, Tổng thống Johnson đã biện hộ cho chính sách của Mỹ ở Việt Nam như sau:

“Tôi đã hiểu khá rõ quần chúng nhân dân của chúng ta để nhận thức được là nếu chúng ta bỏ Việt Nam ra đi và để mất vùng Đông Nam Á, việc này sẽ gây nên một cuộc tranh cãi gây chia rẽ và tai hại trên đất nước chúng ta. Một cuộc tranh luận gây chia rẽ về ai đã để mất Việt Nam chẳng hạn theo tôi nhận thấy, còn tai hại đối với đời sống quốc gia của chúng ta hơn là cuộc tranh luận về vấn đề Trung Quốc trước đây.

Các đồng minh của chúng ta trên khắp thế giới đã đi đến kết luận là lời hứa của chúng ta chẳng đáng giá bao nhiêu. Matxcơva và Bắc Kinh sẽ nắm ngay lấy cơ hội để mở rộng quyền kiểm soát của họ vào chỗ quyền lực bị bỏ trống mà chúng ta đã để lại sau khi chúng ta rút khỏi" (15)

Vì thế Tổng thống Johnson đã nghĩ rằng muốn chọn lựa để bảo vệ Nam Việt Nam thì đó có thể sẽ không phải là một đường lối hòa bình mà có lẽ là mở rộng cuộc xung đột. Theo quan niệm đôminô thì nếu để mất Nam Việt Nam, chủ nghĩa cộng sản sẽ lan tràn khắp Đông Nam Á, những cam kết khác của Hoa Kỳ sẽ được đặt thành vấn đề và đất nước sẽ bị chia rẽ vì một cuộc tranh cãi xấu xa trong nội bộ liên quan đến việc người ta đã theo một chính sách thiếu khôn ngoan. Người ta đã nhắc đến lời của Tổng thống Johnso, đã nói từ đầu năm 1968 như sau: "Tôi sẽ không phải là vị Tổng thống chịu ngồi nhìn Đông Nam Á đi theo con đường mà Trung Quốc đã đi theo" (16).

Trong khi theo đuổi mục tiêu này. Tổng thống Johnson đã không chuẩn bị để chấp nhận rủi ro có thể xảy ra một cuộc đối đầu trực tiếp về quân sự với Liên Xô hoặc Trung Quốc, mà thậm chí cuối cùng có thể sẽ là một cuộc chiến tranh hạt nhân nữa. Việc cố tránh để xảy ra một cuộc chạm trán như thế quả vậy đã trở thành một mục tiêu không kém phần quan trọng.

Như thế, nhưng mục tiêu trong chính sách của Tổng thống Johnson đã được thể hiện qua việc tiến hành tối thiểu những hoạt động quân sự đã ngăn ngừa một cuộc bại trận ở Nam Việt Nam trong khi đó thì lại phải có thuyết phục Hà Nội là họ không thể nào thành công trong mưu đồ xâm lược của họ được.

Mục tiêu dài hạn là một cuộc dàn xếp chính trị để cho phép người Nam Việt Nam định đoạt tương lai của họ mà không có sự can thiệp từ bên ngoài. Trong một bài diễn văn đọc tại trường đại học John Hopkins trong tháng tư 1965, Tổng thống đã trình bày với quần chúng nhân dân Mỹ những gì sẽ phải làm ở Việt Nam:

"Chúng ta sẽ làm tất cả những gì cần phải làm để đạt mục tiêu ấy, (đó là làm sao để nhân dân Việt Nam có thể được phép đem đất nước của họ đi theo con đường của họ). Và chúng ta sẽ làm những gì thật là cần thiết mà thôi" (17).

Những mục tiêu của chính sách trên đây đã được thực hiện do sự dính líu quân sự dần dần từng bước của Mỹ ở Việt Nam. Tổng thống Johnson đã phải chống lại một bên là những sức ép của phe quân sự đòi đi đến chiến thắng, đòi phải làm hơn nữa và ở phía bên kia là những sức ép đòi từ bỏ sự ràng buộc hoặc xuống thang chiến tranh và đàm phán do những người chống lại sự can thiệp quân sự của chúng ta chủ trương.

Những sức ép này đã được dung hòa nhờ quá trình hình thành quyết định cố né tránh một hành động dứt khoát, không giúp đỡ có thể phát triển một chiến lược nhất quán và thực tiễn hầu đạt những mục tiêu này, cũng như không cho phép xét đến những phí tổn chính và cố gắng dung hòa những sức ép khác nhau đòi phải chiến thắng hoặc đòi phải từ bỏ sự ràng buộc với một cuộc leo thang quân sự dần dần, việc này sẽ làm thỏa mãn phe diều hâu vì đã tỏ ra đang cố làm hơn lên, trong khi ấy, lại vẫn làm thỏa mãn được cả phe bồ câu vì đã kêu gọi đối phương đàm phán.

Trong khi cố. tìm kiếm một sự nhất trí ôn hòa này, cái giá phải trả, như một nhà bình luận đã phát biểu, đã trở thành những mâu thuẫn nửa chừng và đã không ấn định được những ưu tiên cho hành động. (18).

Do phải truy xét về phản ứng trong nước, cũng như phải thận trọng không đưa ra những biện pháp khiến cho Trung Quốc hoặc Liên Xô có thể nhân cớ can thiệp vào, do vậy ít nhất Tổng thống cũng đã đưa ra tám quyết định khác nhau và nửa số quân Hoa Kỳ ở Việt Nam trong thời gian bốn năm.

Nhưng chậm lắm là vào tháng năm 1967, một trong số những cố vấn dân sự chính của Bộ trưởng Quốc phòng có thể đã trình bày với ông này rằng: “Cần phải tìm cho ra "lý lẽ" của cuộc chiến tranh để mọi người không thể tiến hành theo lập luận chủ yếu của chính họ và đưa chúng ta càng ngày càng đi sâu thêm vào" (19).

Như vậy, những vấn đề đã được nghiên cứu và những quyết định đã được hình thành về bản chất mà nói là luôn luôn có tính cách chiến thuật. Những chính sách để lựa chọn duy nhất được xem xét là các mức số quân hoặc những chiến dịch ném bom. Vì cái giá phải trả nếu không can thiệp vào Việt Nam được coi là lớn hơn so với giá phải trả cho việc can thiệp vào, nên phí tổn chuyển về quân sự cho cuộc can thiệp ấy đã không được ước tính trước.

Cái giá duy nhất đã được người ta chú ý tới là sự tiếp tục ủng hộ của quần chúng và do đó những quyết định về tăng thêm tiềm lực quân sự cho Việt Nam đã được cân nhắc dựa vào sức ủng hộ của quần chúng cho những hành động như thế.

Vì vậy mà sự leo thang dần dần đã là chiến lược được lựa chọn để đạt được những mục tiêu của Hoa Kỳ. Vấn đề chính trị trong nước cũng đòi hỏi phải có một sự đổ vỡ tối thiểu cần thiết trong đời sống của Mỹ. Nhưng với tình trạng mỗi năm chiến tranh trôi qua, thế chính trị ở trong nước của Tổng thống càng ngày càng bị suy yếu thêm. Sự lạc quan không đem lại những kết quả đúng lúc đã gây nên một sự khủng hoảng về niềm tin (20).

Một khi đã cứ khẳng định rằng cái giá phải trả cho việc không can thiệp để cứu Việt Nam sẽ lớn hơn rất nhiều so với bất cứ giá nào khác phải gánh chịu để bảo vệ những lợi ích của Mỹ ở Đông Nam Á, thì điều này sẽ khiến phải sử dụng không giới hạn đối với mọi tài nguyên của Mỹ và cũng đã đem lại hậu quả tai hại làm vô hiệu bất cứ một sự xem xét đứng đắn nào đối với việc lựa chọn các đường lối hành động.

Thực vậy, chiến lược được chọn để áp dụng đã tạo cho quá trình hình thành quyết định của Bắc Việt Nam hợp lý hơn phương thức của chúng ta. Bằng cách áp dụng sức mạnh tăng lên dần dần Hoa Kỳ sẽ nhận thấy tới điểm nào rất khó mà định được cuộc chiến tranh sẽ có thể trở nên quá tốn kém đối với những nhà cách mạng lão thành ở Bắc Việt Nam, làm cho họ phải từ bỏ những mục đích của họ ở miền Nam.

Nhưng sẽ không thể có một giới hạn đối với sự cố gắng mà chúng ta sẽ phải ra sức tiến hành để đẩy họ đến điểm ấy. Trong việc áp dụng chiến lược này, các nhà lãnh đạo của đất nước đã luôn luôn phán đoán cái khả năng của địch có thể làm tiêu tan những mục đích của Mỹ và chúng leo thang ở mỗi giai đoạn.

Ở một điểm nào đó, điều đã thấy được rất rõ là cái giá phải trả về mặt chính trị và về mặt kinh tế mà Hoa Kỳ đã phải gánh chịu để bảo vệ Việt Nam thật sự đã có thể vượt qua những phí tổn của việc từ bỏ cam kết hoặc ngược lại, cái giá mà chúng ta sẵn sàng chịu trả lại vẫn không thể bảo đảm được chiến thắng. Một số ít những quan chức đã nhìn thấy trước cái giá cuối cùng đã phải trả hoặc tới một mức nào đó họ đã bày tỏ là họ cảm thấy cái giá phải trả đã trở nên quá cao, nhưng họ là những người hoặc ít có thể lựa hoặc luôn luôn cho làm.

Mặt khác những người đã bênh vực cho một cố gắng mạnh mẽ hơn nữa của Hoa Kỳ ở Việt Nam và chung quanh Việt Nam, đặc biệt là Hội đồng tham mưu trưởng liên quân đã bị tước hết khả năng để thực hiện ý đồ đó theo một cách khác. Bị từ chối không áp dụng được một quan niệm chiến lược và tự do hành động quân sự mà họ cho là rất cần thiết để chiến thắng, giới lãnh đạo quân sự tuy vậy cũng đã được nguôi phần nào vì mức số quân và các mục tiêu ném bom cũng đã được gia tăng dần dần và cuối cùng rồi cũng sẽ có việc thay đổi ghế Bộ trưởng quốc phòng, ông này rồi ra đã trở thành người mà họ ghét cay ghét đắng nhất.

Nhưng những sự gia tăng quyền hạn quân sự này đã luôn luôn nằm trong phạm vi những nguyên tắc chỉ đạo của Tổng thống. Và như thế, những người đứng đầu quân đội, trong lúc mỗi người tìm kiếm một vai trò lớn hơn cho quần chúng của mình, quả vậy đã trở thành những người ngoan ngoãn rất tinh vi, chịu tuân theo các chính sách của Tổng thống và bảo đảm với quần chúng, y như Tướng Westmoreland đã làm, rằng bất cứ lời yêu cầu nào của tư lệnh chiến trường đều đã được thỏa mãn và ít khi trước quần chúng họ đã dám nêu ý kiến của họ về những hậu quả quân sự có thể xảy ra vì những hạn chế mà Tổng thống đã áp đặt cho nó. Như Tướng Westmoreland sau này đã phản ánh: 

“Trong các cuộc họp báo và các dịp xuất hiện trước quần chúng của tôi trong thời gian tôi phục vụ ở Việt Nam và sau khi tôi trở về nước, tôi đã nhận ra rằng quân đội không có nhiệm vụ bào chữa cho sự cam kết và chính sách của Mỹ. Tuy vậy thật khó mà phân biệt được giữa sự trao đổi nhiệm vụ quân sự và những vấn đề liên hệ đến nhiệm vụ này như sự ủng hộ của quần chúng và của Quốc hội và tinh thần của người chiến sĩ đang chiến đấu, người này còn phải được thuyết phục để tin chắc là họ đang liều mạng sống chết cho một sự nghiệp cao cả.

Vì thế, quân đội đã bị kẹt cứng ở giữa và bản thân tôi với tư cách là người có lẽ có mặt thường xuyên tại chỗ, có thể là tôi đã xoay trở quá xa theo chiều hướng ủng hộ công khai chính sách của chính phủ, một sự tận tụy theo bẩm sinh sẵn có đối với nhiệm vụ được giao phó có lẽ còn tận tụy hơn là đối với một lý tưởng hay hơn cả lòng trung thành với Tổng thống là vị Tổng tư lệnh quân đội. Tôi đã cảm thấy buộc phải đưa ra lời ủng hộ trước quần chúng đối với một chính sách quốc gia mà tôi đã thật tin tưởng" (21).

Vì vậy những giả thuyết cơ bản liên quan đến các mục tiêu đó chưa hề bao giờ được đặt thành vấn đề. Trong quá trình hình thành quyết định chưa hề bao giờ xác định những chi phí chủ yếu và thảo ra một bản đối chiếu so sánh thu chi để biết được khi nào thì những phí tổn sẽ trở nên quá đáng. Những đường lối hành động để có thể lựa chọn đã không được xem xét đến, và những quyết định liên quan đến việc phân phối những tài nguyên của Mỹ cho Việt Nam đã được thực hiện trên căn bản là có thể sẽ cấp thêm tối thiểu bao nhiêu nữa mà vẫn duy trì được sự ủng hộ của quần chúng đối với cuộc chiến tranh.

Đã không có được một chiến lược nhất quán để đạt đến những mục tiêu của Mỹ. Chiến lược được áp dụng là cố kiên trì để về mặt chính trị trong nước khỏi bị chỉ trích là đã thất bại và với lực lượng quân sự tối thiều cần thiết vẫn có thể thuyết phục được những người cộng sản và ý chí của chúng ta nhất định không thay đổi và họ không thể nào chiến thắng.

Những hậu quả của sự bất lực không đưa ra được một mục đích chính xác rõ ràng gồm những hạn chế cần thiết, những hậu quả ấy chắc chắn không phải do dụng ý của những nhà lãnh đạo dân sự muốn gây ra, ít nhất cũng như vậy, đó là việc sẽ phải tiến hành một chiến dịch ném bom qui mô lớn nhằm vào Bắc Việt Nam vừa phải dời nửa triệu quân Mỹ sang tham chiến trong một cuộc chiến tranh trên bộ ở châu Á.

Chỉ đến khi mà cái giá phải trả cho việc đạt được những mục tiêu của Hoa Kỳ trở nên quá đắt về sinh mạng, về đồng đô la và đến khi sự tín nhiệm của quần chúng và những lợi ích đã trở thành thật mơ hồ, xa vời và thậm chí không còn có vẻ hợp lý nữa, thì tới lúc đó cấp lãnh đạo đất nước của chúng ta mới chịu so sánh những mực tiêu đang được theo đuổi với những tài nguyên và thời gian cần phải có để đạt được những mục tiêu ấy.

Chỉ đến khi cái giá phải trả đã trở thành quá cao rồi, thì lúc đó những mục tiêu đang được theo đuổi và chiến lược đang được áp dụng để đạt đến những mục tiêu ấy mới được đem ra đối chiếu để xem có phù hợp với nhau không.

Do chính điểm thất bại của quá trình hình thành quyết định ở những cấp cao nhất trong chính phủ sau Tết 1968, lần đầu tiên người ta thấy quá trình hình thành quyết định đã hoạt động đúng mức theo đúng chức năng. Các mục tiêu đã được đối chiếu với những tài nguyên cần phải có để hoàn thành những mục tiêu ấy, và chiến lược đang áp dụng đã được sửa đổi lại khi người ta nhận ra được rằng cái giá phải trả về mặt chính trị và vật chất để đạt đến những kết quả ấy trong vòng một thời gian phải chăng có lẽ đã vượt quá những gì mà đất nước có thể chịu đựng được.

Và sau đó cuộc tranh luận đã trở thành một vấn đề bàn cãi về chính sách làm thế nào để đạt được những mục tiêu dân tộc với những tài nguyên hạn chế làm thế nào để có thể sửa đổi những mục tiêu vừa không từ bỏ hoàn toàn những mục tiêu này, làm thế nào để tranh thủ trở lại sự mơ hồ của quần chúng đối với những hành động sau đó của Mỹ ở Nam Việt Nam.

Chính sách hiện nay từng được quần chúng ủng hộ trong nhiều năm tỏ ra không đem lại những kết quả mong đợi trong một thời gian phải chăng hoặc với một giá trị có thể chấp nhận được. Quần chúng đã không thể thấy được một sự kết thúc nào cho cuộc chiến tranh. Để có thể đạt được những kết quả nhanh hơn hoặc có tính cách quyết định hơn, những tài nguyên dành cho cuộc chiến tranh sẽ phải gia tăng rất nhiều và toàn bộ vấn đề bản chất cũng như mối quan hệ của cuộc chiến tranh đối với Hoa Kỳ, có lẽ phải thay đổi.

Đã có những dấu hiệu rất rõ cho thấy là đại đa số quần chúng Hoa Kỳ, số này còn đang tăng thêm nữa đã bắt đầu tin rằng cái giá phải trả đã lên tới mức không thể chấp nhận được nữa và mục tiêu theo đuổi không còn đáng để phải trả với cái giá hiện nay nữa. Cuối cùng người ta cũng đã làm cho Tổng thống Johnson hiểu rõ được rằng chính sách đang được theo đuổi ở Việt Nam không còn được cử tri Mỹ ủng hộ nữa.

Thực tế chính trị - một thực tế được Tổng thống thừa nhận - là tuy không từ bỏ chính sách trước kia, nhưng cần phải tìm ra một hướng đi mới, một chiến lược mới ít tốn kém hơn.

Vì vậy những quyết định trong tháng 3-l968 của Tổng thống đã được căn cứ vào hai lý do chủ yếu sau đây:

1. Niềm tin vững chắc của các cố vấn của ông, đặc biệt là Bộ trưởng quốc phòng Clifford tin rằng việc tăng thêm cố gắng của Mỹ sẽ không làm cho việc đạt được những mục tiêu của Mỹ có thể thực hiện được tốt hơn hoặc nhanh hơn, và...

2. Nhận thức hết sức sâu sắc của chính bản thân ông cho rằng vấn đề đoàn kết trong nhân dân cần phải được khôi phục lại trên đất nước Hoa Kỳ.

Sự dè dặt thông thường trong giới học giả ngày nay khi nhìn lại sự việc về trước là phải lên án sự dính líu của Hoa Kỳ ở Việt Nam, coi đó như là một sự không may, không cần thiết, đáng buồn và là một sự thất bại hoàn toàn (22).

Nhưng trong bầu không khí sôi nổi trong những năm 60 đã ít có ai lên tiếng đưa ra lý lẽ nói rằng Việt Nam không có tầm quan trọng sống còn đối với nền an ninh quốc gia của chúng ta và có thể để cho nước này rơi vào tay Cộng sản mà chẳng hề gây thiệt hại cho những lợi ích của Mỹ (23).

Thuyết đôminô giờ đây đang bị mang tai mang tiếng nhiều thì hồi ấy tỏ ra là một lối nhìn có vẻ hợp lý về vùng Đông Nam Á. Thuyết này hình như đã thật sự báo hiệu trước nguy cơ suy sụp của nền an ninh Mỹ trên khắp thế giới. Vào lúc ấy những cuộc nổi dậy do cộng sản xúi giục hoặc lãnh đạo đã đe dọa tình hình ổn định trong nước cũng như nền độc lập của Mã Lai, Đông Dương, Singapore, Thái Lan, Miến Điện và Philippin, Lào dường như đang có nguy cơ rơi vào tay cộng sản.

Các cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc có vẻ như là con đường mới và rất thành công của Cộng sản để mưu đồ chiếm chính quyền tại những nước đang phát triển ở Đông Nam Á

Vì vậy mặc dù việc Mỹ can thiệp vào Đông Dương cuối cùng đã thất bại thê thảm và cùng cực, nhưng một số mục tiêu trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cũng đã gián tiếp được đề cao nhờ có sự can thiệp này. Những nước ở sát cạnh Đông Dương đã có đủ thời giờ để tự tổ chức lấy để chống lại những đe dọa lật đổ từ bên trong.

Các nước này hiện nay phần lớn do những nhà lãnh đạo đầy tự tin điều khiển và họ tin rằng họ có đầy đủ khả năng để duy trì sự ổn định trong nước và phát triển nền kinh tế của họ. Nguy cơ của những cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, phương tiện để cộng sản bành trướng nền thống trị của họ, ít nhất ngày nay cũng đã giảm bớt ở Đông Nam Á.

Vậy thì có vẻ như vấn đề được đặt ra không phải là vấn đề không hiểu Hoa Kỳ có nên cam kết ủng hộ một chính phủ không cộng sản ở Nam Việt Nam hay không, mà đúng ra là vấn đề liệu những mục liêu của Mỹ tại khu vực này có thể đạt được theo một lối khác với giá phải trả về nhân mạng, thời gian và uy tín hơn không, và hơn nữa, những giá phải trả nêu trên có thể được dự đoán trước không?

Hoa Kỳ đã không sai lầm khi can thiệp vào Việt Nam. Mỗi bước đi đều là một sự lựa chọn có cân nhắc của một Tổng thống thận trọng, ông đã xem xét kỹ lưỡng, đã hạn chế mỗi phản ứng một chừng mực có thể làm được và đã lưu tâm đến ý kiến của quần chúng. Nhưng mọi cố gắng đã có tính cách vụn vặt, nhỏ giọt và không được hướng dẫn đúng đường.

Về mặt chính trị, ít người đã nhận thấy rõ được những động lực cách mạng của tình hình, lời kêu gọi của Việt cộng được quần chúng hưởng ứng, sự yếu kém của những chế độ quân phiệt truyền thống ở Sài Gòn. Đã có ít người nhận thấy được điều tối cần thiết cho vấn đề an ninh là phải xây dựng được một chính phủ Nam Việt Nam lương thiện và có hiệu lực thi hành công lý và cải thiện đời sống và hạnh phúc cho nhân dân họ.

Khoa học chính trị đã không đưa ra được một phương thuốc để xây dựng một chế độ chính trị dân chủ có thể đứng vững trong một xã hội theo truyền thống vừa thoát ra khỏi nền thống trị thực dân, lại chỉ có những tài nguyên vật chất hạn chế và yếu kém về hành chính, còn thêm bị chìm đắm trong một cuộc nội chiến chua cay. Chắc chắn đã không có một cơ quan nào trong chính phủ Hoa Kỳ được giao phó cho trách nhiệm về vấn đề này.

Vì thế, hẳn là đã có một sự nghi ngờ nào đó đối với vấn đề không hiểu một cường quốc bên ngoài liệu có thể thực hiện được những gì theo chiều hướng đó trong một xã hội xa lạ dù cho họ đã nhận thấy rõ thực chất của vấn đề đi nữa. Do đó, điều không làm cho ai ngạc nhiên là phản ứng của Hoa Kỳ chỉ là một phản ứng quân sự thông thường.

Việc đánh bại địch quân bằng quân sự có vẻ như một mục tiêu có thể đạt được và chúng ta đã leo thang chiến tranh rồi lại tái leo thang để tiến tới mục tiêu ấy. Việc đánh bại quân địch để tự nó trở thành một mục đích như đã từng thấy như vậy trong nhiều cuộc chiến tranh theo kiểu thông thường của Mỹ trước đây.

Đã có một số người thừa nhận là còn cần phải làm nhiều hơn ở Việt Nam. Bề ngoài người ta luôn luôn đề cập đến một chương trình tích cực, đến các chương trình bình định hoặc chương trình xây dựng nông thôn, nhằm mục đích đưa công bằng xã hội đến vùng nông thôn để thu phục nhân tâm của nhân dân và tranh thủ sự ủng hộ tích cực của họ cho một chính phủ đã quan tâm đến hạnh phúc của họ và sẵn sàng đáp ứng những nhu cầu của họ.

Nhưng lại chỉ có những tài nguyên tương đối ít ỏi đã được dành cho chương trình này mà thôi và việc làm ấy cũng đã quá chậm. Thường thường những chương trình đã được phát triển như thế, trên qui mô lớn đã được hoạch định, tài trợ và thực hiện đầy đủ bởi những người Mỹ, chính phủ Nam Việt, ít dính líu đến.

Vả lại đã không có một cơ quan nào trong chính phủ Hoa Kỳ duy nhất chịu trách nhiệm về những chương trình nêu trên. Bộ ngoại giao chắc chắn đã từ chối đóng một vai trò như thế sau khi một số lớn lực lượng Mỹ đã được đưa vào Việt Nam, tòa đại sứ Mỹ ở Việt Nam đã giới hạn những nhiệm vụ của họ trong phạm vi những nhiệm vụ truyền thống là đại diện và báo cáo về những diễn biến chính trịt, hơn là tìm cách gây ảnh hưởng.

Vì thế. đặc biệt việc quản lý những chương trình dân sự của Mỹ ở Việt Nam chỉ là một sự hoạch định và thi hành chắp vá và không có hiệu quả. Một tổ chức có tính chất đổi mới và duy nhất hợp lại thành một hệ thống thống nhất tất cả công việc yểm trợ bình định dân sự và quân sự của Hoa Kỳ và tạo thành một hệ thống cố vấn và viện trợ duy nhất cho chính quyền Việt Nam ở mọi cấp cuối cùng đã được thành lập ở Việt Nam vào tháng Năm 1967, dưới sự chỉ đạo toàn diện của Tướng Westmoreland chứ không phải là ông đại sứ.

Không may thay, sự thống nhất ở chiến trường là không đi song song với một sự thống nhất tương tự như vậy giữa nhiều cơ quan ở Washington có liên quan đến vấn đề cho nên các chương trình này vẫn tỏ ra hời hợt và chỉ đạt được ít thành quả có tính cách lâu dài.

Thực vậy người ta đã hiểu biết nông cạn về Việt Nam và đã thờ ơ đối với việc nghiên cứu về Nam Việt Nam, một xã hội có những cấu trúc và lịch sử của riêng họ, mặc dù một biện pháp đã được thảo ra và những cuộc bầu cử dân chủ cũng đã được tổ chức trên toàn quốc, những cấu trúc cơ bản của xã hội Nam Việt Nam, chính phủ cũng như những quan hệ về quyền lực vẫn không bị xáo trộn. Và như thế sự tồn tại của Nam Việt Nam như là một quốc gia, vẫn tiếp tục được duy trì, như trước đây họ đã từng là một quốc gia khi Mỹ bắt đầu dính líu vào và chỉ tồn tại được là nhờ Mỹ đã đưa lực lượng quân sự vào.

Những cuộc hành quân đã ít khi được phối hợp và chỉ đạo đã đạt được tiến bộ trong chương trình bình định. Những cấp chỉ hủy quân sự trên bộ đã không ý thức đầy đủ được tiến bộ trong chương trình bình định. Những cấp chỉ huy quân sự trên bộ đã không ý thức đầy đủ được những nguyên nhân vì sao chính quyền Nam Việt Nam đã mất uy quyền trầm trọng tại nông thôn, cũng như đã không hiểu được ý nghĩa của việc ấy, một sự mất uy quyền chính trị trực tiếp có liên quan đến đường lối mà cuộc chiến tranh đã được tiến hành.

Thực vậy, những hậu quả của các cuộc hành quân, việc xua đuổi quần chúng thôn quê ra khỏi xứ sở của họ, tập trung họ vào trong những trại tị nạn hoặc trong những thành phố lớn ở Nam Việt Nam, thiết lập những "vùng bắn phá tự do", sự tan vỡ chính quyền ở nông thôn, sự phá hoại đạo đức về nhiều mặt của xã hội cổ truyền Việt Nam - tất cả đã tác động ngược lại chương trình bình định. Như một nhà quan sát đã nhận thấy:

"Thay vì những yếu kém bên trong Nam Việt Nam được loại trừ thì trái lại, những yếu kém đang bị làm cho trở nên trầm trọng thêm. Người ta đã tuyệt nhiên không hiểu rằng việc xây dựng quốc gia là một chương trình xây dựng tiến công nhằm mục đích củng cố những vốn sẵn có của chính phủ và loại trừ những yếu kém. Vậy mà những hoạt động quân sự có tính chất phòng thủ và hủy diệt, lại chỉ nhằm mục đích giữ vòng đai cho chương trình xây dựng được tiến hành và làm như thế chỉ cốt để làm suy yếu những cơ sở quân sự của địch quân mà thôi (24).

Do đó mà những chiến thắng quân sự rất nhiều, và ngoạn mục của Mỹ đánh thắng các lực lượng Việt cộng và quân đội Bắc Việt Nam đã không thể biến thành những thắng lợi chính trị cho chính phủ Nam Việt Nam được. Khi các lực lượng Mỹ rút ra khỏi một khu vực rồi thì quân địch vẫn tiếp tục tìm được nơi ẩn náu hay ít nhất cũng tranh thủ được sự che chở mặc nhiên của quần chúng nông thôn Nam Việt Nam.

Hai cuộc chiến tranh, chính trị và quân sự đã được người ta tiến hành như hai hoạt động tương đối không có liên hệ với nhau. Nhưng thắng lợi đặt được trong cuộc chiến tranh quân sự không thể nào đem lại một sự thay đổi lâu dài nếu không giành được thắng lợi tương đương trong cuộc chiến tranh chính trị.

Sự thất bại của Mỹ ở Việt Nam tính đến thời gian tất không phải là một thất bại do những hạn chế về các hoạt động quân sự gây nên như một số cấp chỉ huy quân sự và những nhà bình luận khác vẫn tiếp tục lên án như vậy (25).

Thực vậy, sức mạnh quân sự trội hơn hẳn của Mỹ đã được dùng đến, Hoa Kỳ kiểm soát hoàn toàn trên biển và trên không và đã có ưu thế nổi bật về khí tài trên bộ. Thất bại của Mỹ là do đã không nhận thức được rằng chỉ với sức mạnh quân sự không thôi thì không thể nào giải quyết được vấn đề mà thực chất là một vấn đề chính trị, sức mạnh quân sự trội hơn hẳn của Mỹ tuyệt nhiên đã không hề được chỉ đạo theo chiều hướng giải quyết vấn đề chính trị nêu trên, sức mạnh quân sự đã không hề được sử dụng theo chiều hướng có thể góp phần vào sự ổn định chính trị và cũng cố khả năng của chính phủ Sài Gòn. Như một người từng tham chiến ở Việt Nam đã phát biểu:

"Rốt cuộc lại, cố gắng của Hoa Kỳ ở Việt Nam, ít nhất cũng là trong suốt năm 1967 - đã thất bại phần lớn là vì Mỹ đã không thể cải thiện hoặc thay đổi được giới lãnh đạo guồng máy cai trị cũng như các lực lượng vũ trang Việt Nam hiện không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ của họ" (26).

Như Bộ trưởng ngoại giao Kissinger đã viết: “Bây giờ có lẽ chúng ta đây học được bài học này, nhưng có điều là chúng ta đã học được những bài học quan trọng rút ra từ tấm thảm kịch Đông phương, đặc biệt quan trọng là sự cố gắng từ bên ngoài chỉ có thể bổ sung chứ không thể tạo nên được những cố gắng và ý chí ở ngay địa phương để cho người ta chịu chống cự lại và không còn nghi ngờ gì nữa là ý chí của quần chúng nhân dân và công bằng xã hội xét cho cùng mới được là nền tảng chủ yếu khiến cho người ta chống lại lật đổ và thách thức từ bên ngoài đến" (27).

Vì thế, sau Tết 1968, không còn nghi ngờ gì nữa, ông Clifford và những cộng sự viên dân sự của ông tại Lầu Năm Góc đều đã nghĩ rằng cần phải đi tìm một đường lối giải quyết khác ở Nam Việt Nam. Họ đã nhận thức được rằng việc đạt đến một nền hòa bình như mong muốn sẽ tùy thuộc vào vấn đề phát triển chính trị của Nam Việt Nam chứ không phải chỉ tùy thuộc duy nhất vào vũ khí của Mỹ, cố gắng quân sự của Mỹ thực sự đã thất bại. Bây giờ cần phải trao lại trách nhiệm tiến hành cuộc chiến tranh cho người Việt Nam mà trước đây người ta cho rằng họ không có đủ khả năng để làm việc ấy. Trong khi đó. người Mỹ sẽ phải tìm kiếm cho ra một giải pháp thông qua thương lượng cho cuộc chiến tranh hoặc ít nhất cũng cho sự tham ,gia của họ !rong cuộc chiến tranh này. .

Các lực lượng Hoa Kỳ sẽ ở lại Nam Việt Nam trong một thời gian để ngăn ngừa một sự bại trận của chính phủ Nam Việt Nam do các lực lượng Cộng sản gây nên, đồng thời để khuyến khích các cuộc thương thuyết với miền Bắc, và dựng lên một lá chắn để cho chính phủ Nam Việt Nam dựa vào đó mà có thể tập hợp được quần chúng, và cố gắng hoạt động có hiệu lực hơn để tranh thủ được sự ủng hộ của nhân dân.

Sự cam kết giúp đỡ về quân sự Mỹ sẽ giảm dần trong khi mà chính phủ Nam Việt Nam sẽ có đủ khả năng đáp ứng nhu cầu phòng thủ của họ. Đã không có bằng chứng nào cho thấy chính phủ Nam Việt Nam sẽ có thể đối phó được với thách thức này và tỏ ra sẽ có đủ khả năng trong tương lai để tự mình hoàn thành lấy những gì mà trước kia họ đã không thực hiện được với sự thúc đẩy và viện trợ ồ ạt của Mỹ.

Vấn đề Mỹ rút hoàn toàn ra khỏi cuộc chiến tranh và vấn đề liệu chính phủ Nam Việt Nam có tồn tại được không, hai vấn đề này vẫn từng và vẫn sẽ còn là hai mục tiêu trái ngược nhau. Hậu quả cuối cùng và thê thảm cho Nam Việt Nam do những cuộc rút quân trong tương lai của Mỹ gây ra có thể là đã được dự đoán trước và không thể nào tránh được.

Còn có một khía cạnh khác của quá trình hoàn thành quyết định đã không được nghiên cứu riêng rẽ với đầy đủ chi tiết. Khía cạnh ấy là những sự kiềm chế độc nhất đã được đưa ra và những đòi hỏi đối với việc hình thành quyết định của Tổng thống trong năm có cuộc bầu cử Tổng thống.

Liệu những lựa chọn của Tổng thống Johnson có sẽ khác đi chăng nếu 1968 đã không phải là năm bầu cử Tổng thống? Hẳn là thế, những lựa chọn rất có thể sẽ khác đi. Bỏ ra ngoài vấn đề cần phải tìm một sự chứng minh công khai ngay trước mắt và làm cho công chúng chấp nhận những chính sách của ông, Tổng thống Johnson có thể đã được các cố vấn của ông thuyết phục dễ dàng hơn là nên lợi dụng sự bại trận của Việt cộng để tăng thêm lực lượng Mỹ và chấm dứt các kiềm chế về địa lý đối với các hoạt động quân sự và như vậy có thể dốc hết toàn lực tìm kiếm một sự kết thúc nhanh chóng và dứt khoát cuộc chiến tranh. Như thế con đường này có thể sẽ cho phép ông tìm kiếm một cuộc đàm phán vào một thời điểm nào đó trong tương lai và đứng trên thế mạnh được biểu lộ rất rõ về mặt quân sự và tâm lý.

Nhiều cố vấn của Tổng thống đã thúc giục nên dốc toàn lực vào đường lối hành động này, ông Rostow và các cấp chỉ huy quân sự đã cảm thấy là một hành động như thế tạo được triển vọng thắng lợi trong tương lai, sẽ lợi dụng sự bại trận của quân địch và sẽ động viên quần chúng ra sức ủng hộ mạnh mẽ hơn cuộc chiến tranh (28)

Vì vậy, nếu không phải đương đầu với cuộc bầu cử Tổng thống thì có lẽ Tổng thống đã có thể xem xét đến những lựa chọn sau Tết mà theo ông không thể tiến hành được chính là vì có cuộc bầu cử ấy. Dĩ nhiên là ông có thể đã chọn chính sách mà các cấp chỉ huy quân sự của ông đã đề nghị: tức là gia tăng lực lượng Hoa Kỳ ở Việt Nam, gọi nhập ngũ quân trừ bị và bỏ những hạn chế về địa lý đối với việc sử dụng các lực lượng Mỹ.

Một số cố vấn của Tổng thống nghĩ đa số quần chúng sẽ ủng hộ hành động kiên quyết này của Tổng thống. Lúc đầu Tổng thống Johnson đã có cảm tưởng là vẫn có tự do quyết định về lựa chọn này và ông đã thiên về đường lối hành động này. Khích động quần chúng nhân dân để trừng phạt và đánh bại quân địch và bảo tồn danh dự dân tộc qua lịch sử vẫn đã là một phương pháp đưa đến thành công của một Tổng thống đương nhiên trong thời chiến để tranh thủ sự ủng hộ của quần chúng.

Nhưng Tổng thống Johnson, trong cố gắng để tìm kiếm một sự nhất trí, không bao lâu đã nhận ra rằng tình hình năm 1968 đã khác hẳn. Quần chúng đã không còn đoàn kết ủng hộ cuộc chiến tranh và cách điều khiển cuộc chiến tranh của ông nữa. Theo nhận xét của nhân dân Mỹ thì nguy cơ đe dọa những lợi ích dân tộc của Hoa Kỳ do việc Cộng sản đe dọa Nam Việt Nam gây ra đã không được nêu lên một cách rõ rệt và cái giá phải trả để đối phó với mối đe dọa ấy cũng đã trở nên quá đắt.

Dường như không còn nghi ngờ gì nữa là việc mở rộng chiến tranh vào tháng 3-1968 sẽ dẫn đến sự phản kháng kịch liệt và có lẽ dữ dội nữa, của đại đa số quần chúng Mỹ, của giới thông tin tuyên truyền và cả của Quốc hội. Hình như ít ai còn nghi ngờ nữa là một sự phản đối như vậy sẽ có tác dụng làm phân hóa trầm trọng đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 1968.

Việc Tổng thống chấp nhận thực hiện một chính sách như thế chỉ có thể làm được, nếu đạt được nhiều tiến bộ và thắng lợi trong ít tháng còn lại trước cuộc bầu cử. Nhưng việc này, các cố vấn của Tổng thống không thể hứa hẹn và như vậy, Tổng thống đã nhận thấy là nhiều chọn lựa của ông đã bị cản trở vì cuộc bầu cử sắp tới.

Một nhà chính khách khác sắc sảo và lão thành đã nhìn thấy điểm chẳng lành từ trước rồi, người ta đã trích dẫn lời phát biểu của ông Richard Nixon, có tính cách tiên tri sau những cuộc bầu cử 1966 như sau:

“Đảng nào chủ trương hòa bình thì sẽ luôn luôn thắng. Tôi hiểu rõ đảng của tôi. Nếu cuộc chiến tranh vẫn cứ tiếp diễn trong năm sáu mươi tám, không có một thế lực nào trên trái đất này lại có thể ngăn nổi họ tìm cách hứa hẹn nhiều hơn là những đảng viên dân chủ để tranh lấy lá phiếu bầu cho hòa bình" (29).

Như thế là trong thời kỳ sau Tết, sự bất đồng ý kiến về những mục tiêu chính sách đối ngoại tất nhiên là phải lan tràn trên vũ đài chính trị trong nước. Đây là một trường hợp trong số vài thời kỳ trong lịch sử Hoa Kỳ mà những mục tiêu chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ và những phương tiện để đạt những mục tiêu ấy đã trở thành những đề tài trong cuộc tranh luận chính trị cữ tính cách đảng phái. Thêm nữa, ảnh hưởng của báo chí và truyền hình trong việc động viên quần chúng để có lợi hoặc để chống lại những đề nghị quyết định chính sách đối ngoại đã trở thành một nhân tố mới trong quá trình hình thành quyết định.

Nói như vậy không có nghĩa là những động cơ, những hành động của Tổng thống Johnson chỉ là những động cơ có tính cách chính trị nhằm mục đích tạo lợi thế cho đảng của ông trong những cuộc bầu cử sắp tới. Ngược lại, Tổng thống Johnson đã chuẩn bị sẵn sàng để làm bất cứ việc gì xét thấy cần để tránh cho vị tư lệnh chiến trường của ông khỏi bị thất trận. Hơn thế nữa, ông hết sức mong muốn tiến tới hòa bình và ông đã thành khẩn muốn tìm kiếm một công thức có thể dẫn đến đàm phán.

Những quyết định của ông cuối cùng đã được đưa ra do động cơ thầm kín trên đây thúc đẩy và dựa vào lòng mong muốn đạt được sự đoàn kết trong nước, điều mà ông đã thực hiện được, và gây được sự đoàn kết trong đảng của ông, điều mà ông đã không thực hiện được.

Vì vậy Tổng thống đã bị hạn chế trong việc đưa ra quyết định của ông vì những sự kiềm chế tất yếu để có thể đối phó với một cuộc khủng hoảng, những kiềm chế này đòi hỏi không phải chỉ tránh những biện pháp không được quần chúng ưa thích mà còn phải được sự ủng hộ của quần chúng nữa, mà lại vào giữa lúc đang có cuộc vận động bầu cử Tổng thống.

Bất cứ một Tổng thống nào ở vào một thời kỳ như thế bắt buộc phải có những mối quan tâm đặc biệt nào đó trong tâm trí của ông ta, mà có lẽ vào những thời kỳ khác của nhiệm kỳ của ông đã không được chú ý đến như vậy. Trong số những mối quan tâm này phải kể đến địa vị của ông trong lịch sử, vai trò của ông với tư cách là người muốn đem lại hòa bình, vai trò của ông với tư cách là người lãnh đạo đất nước và trách nhiệm của ông trong việc đem lại sự giúp đỡ cho đảng của ông và cuối cùng cho vị kế nhiệm ông.

Mặc dù những điều nêu trên đây có thể không phải là những động cơ thúc đẩy có thể cảm thấy rõ. nhưng những mối quan tâm này nhất thiết phải có trong đâu óc và đồng thời tác động đến quá trình hình thành quyết định.

Bất cứ một Tổng thống nào, đặc biệt vào lúc gần cuối nhiệm kỳ đều phải quan tâm đến sự phán xét của lịch sử đối với những công việc mà ông ta đã hoàn thành với tư cách là Tổng thống. Tổng thống Johnson đã là cha đẻ của pháp chế về hạn chế sinh đẻ và quyền tự do và bình đẳng của người công dân trong nhiệm kỳ Tổng thống của ông. Nhưng những thành quả có tính cách lịch sử của ông đã bị làm lu mờ và hiệu quả đã bị đe dọa vì một cuộc chiến tranh mà ông đã không thể chấm dứt được.

Giờ đây với một cuộc bầu cử sắp được tổ chức và vớt sự kiện đảng của ông đang bị đe dọa bởi mối chia rẽ nội bộ về những chính sách chiến tranh của ông hơn là phản ứng lại trong niềm hân hoan trước những thành tựu mà ông ta đã đạt được ở trong nước, Tổng thống đã thành thật tiến hành việc tìm kiếm một chính sách ít nhất có thể tạo nên một bước khởi đầu để đi đến chấm dứt cuộc chiến tranh chán ngán này.

Một ứng cử viên Tổng thống trong chính thể của Mỹ chính là lãnh tụ của đảng ông ta. Tuy nhiên, một khi người này đã trở thành Tổng thống, thì không những ông ta phải sử dụng có hiệu quả sức mạnh của quyền lãnh đạo đảng, mà cần phải đại diện cho toàn thể nhân dân và bảo tồn sự đoàn kết dân tộc, tránh những nguy cơ bất đồng quan điểm không kiềm chế được trong nhân dân.

Vào tháng 3-1968. Tổng thống Johnson đã phải đương đầu không những với sự bất mãn của những khối lớn những người ủng hộ trong đảng của ông, mà còn cả với sự bất mãn của đa số quần chúng trong nước vì đường lối chỉ đạo chiến tranh của ông. Điều xét ra thật cần thiết là ông phải chấp nhận và thực hiện một chính sách có thể khôi phục sự đoàn kết trong đảng cũng như sự đoàn kết dân tộc.

Không có gì được xem như làm mất uy tín của một người cầm đầu chính phủ của một nước dân chủ khi họ lưu tâm đến chính kiến ở trong nước, theo ý nghĩa rộng rãi nhất, trong việc hình thành quyết định về chính sách đối ngoại. Mặc dù có một huyền thoại cho rằng quan điểm chính trị trong nước được tách rời khỏi chính sách đối ngoại và vấn đề chính trị dừng lại ở ven bờ đại dương nhưng trong thực tế, điều không thể tránh được là Tổng thống phải nhận thấy và luôn luôn cân nhắc những đòi hỏi có tính chất tranh chấp nhau giữa những hoạt động đối ngoại và đối nội, và đánh giá những hậu quả của những quyết định về lĩnh vực này đối với lĩnh vực kia (30).

Vì thế, một chính sách hòa giải, tìm kiếm hòa bình, không còn leo thang chiến tranh trở lại nữa đã là một sự cần thiết đối với Tống thống Johnson vào lúc này. Mặc dù không cần thiết đường lối được các cấp chỉ huy quân sự của ông trình bày lên có tính cách thúc ép như thế nào, không cần thiết đường lối ấy tỏ ra có lợi như thế nào cho việc tiến hành cuộc chiến tranh, nhưng một chính sách tiếp theo những trận tấn công Tết với sự tăng thêm sức ép đối với một quân địch đã bị tổn thất nặng nề, chính sách ấy đã không thể nào đáp ứng được những đòi hỏi có tính cách thúc ép vốn có sẵn trên sân khấu chính trị cũng như không đáp ứng được những đòi hỏi khẩn thiết về một hình ảnh của chính Tổng thống trong năm có cuộc bầu cử.

Như vậy trong tương lai, có lẽ các nước thù địch với Hoa Kỳ sẽ am hiểu rất rõ là cần phải gây thúc ép với Hoa Kỳ trong một phạm vi nhất định và việc này thông thường sẽ gây ra một phản ứng liên quan đến những quyết định khó khăn và những biện pháp không làm hài lòng quần chúng, gây tốn kém hoặc gây tranh luận trong thời kỳ trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Chắc chắn là một nước sẽ không được lãnh đạo tốt nếu người đứng đầu cơ quan hành pháp, không thành công hoặc thậm chí do dự không chịu thực hiện những chính sách thật cần thiết cho nền an ninh của đất nước, với hy vọng là sẽ giành được lợi thế chính trị có tính chất đảng phái hoặc là vì sợ bị những người ủng hộ chính trị có thế lực sẽ xa lánh mình, dù cho phe đối nghịch chính trị của ông ta đang đưa ra những quan điểm vô trách nhiệm đi nữa.

Có những thời kỳ đòi hỏi cần phải có những biện pháp không hợp lòng dân. Tuy nhiên, quá trình hình thành quyết định ở Hoa Kỳ hình như vốn đã chức sẵn một số những kiềm chế trong hành động, vào thời kỳ có những cuộc bầu cử Tổng thống nhưng có thể là những kiềm chế này đã ít tác động hơn trong thời gian giữa các cuộc bầu cử.

Quả vậy, chỉ vài năm sau, những lựa chọn từng được Tổng thống Johnson xem xét đến và bác bỏ vào đầu năm 1968 đã lại được Tổng thống Nixon xem xét và dùng tới trong một khung cảnh chính trị khác vào năm 1970 khi ông đưa những lực lượng Mỹ vào Campuchia và vào năm 1971 khi các lực lượng Nam Việt Nam tiến vào Lào để phá vỡ những vùng đất thánh của địch và phá hủy những căn cứ hậu cần của họ, và vào năm 1972 khi những trận tấn công bằng không quân và hải quân vào Bắc Việt Nam được tiến hành trở lại và bến cảng Hải Phòng bị thả mìn.

Như vậy, hình như đã có một sự liên tục giữa những quyết định của Tổng thống Johnson trong tháng 3-1968 và những quyết định của Tổng thống Nixon vào những năm sau. Thực vậy, những quyết định của Tỏng thống Nixon đã gây nên một làn sóng phản đối rất lớn trong quần chúng, nhưng sự chống đối này cũng đã xếp hết và trở thành vô hiệu về mặt chính trị, vào thời kỳ diễn ra những cuộc bầu cử Tổng thống sắp tới, vào lúc ấy chính quyền như đã gần kết thúc được có kết quả những cuộc thương lượng để có thể chấm dứt sự tham gia trực tiếp của Mỹ vào cuộc chiến tranh.

Có một sự liên tục khác giữa cuộc tấn công Tết và những quyết định sau này của Tổng thống Nixon liên quan đến Việt Nam và một chỉ dẫn khác cho thấy là vụ Tết 1968 thật sự là một bước ngoặt trong chiến lược của Mỹ ở Việt Nam. Cuộc tấn công tết đã làm cho địch phải trả một giá rất đắt và mặc dù đó là một chiến thắng về mặt tâm lý đối với họ, nhưng các lực lượng Việt cộng ở Nam Việt Nam đã không thể nào khôi phục nổi khả năng quân sự của họ như cũ. Sự yếu kém về quân sự này đã dẫn đến việc đẩy mạnh chiến dịch bình định do chính phủ Nam Việt Nam tiến hành trong năm 1968 và 1969, chiến dịch này hình như đã cải thiện rất nhiều tình hình quân sự và chính trị và đã đưa ra được những khả năng lựa chọn mới cho Tổng thống.

Sức mạnh quân sự của Hoa Kỳ trở nên quá thừa ở Nam Việt Nam do Việt cộng đã bị suy yếu và cũng vì sự lớn mạnh rõ rệt của quân lực Việt Nam cộng hòa đang được cải tiến và mở rộng, vì vậy Tổng thống đã chống lại được các cuộc leo thang chiến tranh đầy nguy hiểm về mặt chính trị. Sự kiện này đã dẫn đến việc rút các lực lượng Mỹ ra khỏi cuộc chiến tranh và cuối cùng, sau ba năm kế tiếp, là rút ra khỏi Nam Việt Nam, bỏ lại người Việt Nam mặc cho số phận của họ, với một nền hòa bình trong danh dự.

Như thế, vụ Tết 1968, đã tiêu biểu cho một bước ngoặt trong chính sách của Mỹ đối với Việt Nam. Những mục tiêu của Mỹ ở Việt Nam vẫn như cũ. Nhưng, sau nhiều năm với cố gắng quân sự và nỗi chua cay về chính trị, cuối cùng Chính phủ Mỹ, trong tháng 3-1968 đã triển khai một chiến lược nhằm mục đích đạt được những mục tiêu ấy mà vẫn hy vọng sẽ không gây nên một gánh nặng không giới hạn cho nền kinh tế quốc gia và cho những tài nguyên quân sự, và đồng thời còn có thể vơi thời gian, khiến cho quần chúng sẽ chịu chấp nhận. Như ông Kissinger sau này đã vạch ra:

"Cuộc tấn công Tết đã đánh dấu được giới hạn nỗ lực của Mỹ. Từ đó về sau, không cần biết những hành động của chúng ta sẽ có hiệu quả như thế nào, nhưng chắc là chiến lược đang được theo đuổi sẽ không thể nào đạt được những mục tiêu đề ra trong một thời gian hoặc với những mức lực lượng mà nhân dân Hoa Kỳ có thể chấp nhận được, đứng về mặt chính trị mà nói, việc này đã khiến không thể tránh khỏi đưa đến việc phải tìm một giải pháp chính trị và đánh dấu bước khởi đầu cho việc tìm kiếm một sự dàn xếp qua thương lượng".

CHÚ THÍCH CỦA CHƯƠNG MƯỜI BẢY

(1) Về cuộc thảo luận những kiềm chế được áp đặt cho bộ máy quan liêu đối với việc soạn thảo chính sách, đọc Graham T.Allison "Thực chất của quyết định". "Giải thích cuộc khủng hoảng tên lửa ở Cuba" tr.67-96. Narton H.Halperin "Quan điểm chính trị của bộ máy quan liêu và chính sách đối ngoại".

(2) Phỏng vấn riêng ông Walt W.Rostow ngày 4-12-1972.

(3) Phỏng vấn riêng ông Clark M.Clifford ngày 15-2-1973.

(4) Phỏng vấn riêng ông Hann G.Mc Pherson Jr, ngày 21- 12-72.

(5) Stephen D.Krasner "Những bộ máy quan liêu có quan trọng không?"

(6) Christianb "Tổng thống rút lui" tr.9-10-15. Kearns "Lyndon Johnson và giấc mơ của Mỹ" tr.318-323. Kumphrey "Việc giáo dục một người quần chúng" tr.323.

(7) Gelb "Tài liệu Lầu Năm Góc" và “Vị trí ưu thế” tr.39-41. Bernard Fall "Bậc thày về lối đánh thọc sâu của Cộng sản" tr.20. Xem cả David Halberstam "Lào và những ảo tưởng xa xưa". Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.435-437.

(8) Leslie H.Golb "Quân cờ đôminô chủ yếu”. "Nền chính trị Hoa Kỳ và Việt Nam" tr.459.

(9) Basil H.Lidden Hart "Những cuộc chiến tranh quyết định trong lịch sử? một cuộc nghiên cứu về chiến lược" tr.131.

(10) Phỏng vấn riêng ông Walt.N.Rostow ngày 4-12-1973.

(11) Phỏng vấn riêng ông William Bundy ngày 11-10-1972. Loun Marry: "Nỗi khổ nào trong việc thay đổi?" tr.63-64.

(12) Georges E.Reedy "Nét cá nhân".

(13) Alexander A.Coorgo "Trường hợp áp dụng biện hộ đa nguyên trong công việc hình thành chính sách đối ngoại".

(14) Về sự mô tả chi tiết tổ chức lại Hội đồng An ninh Quốc gia của Tổng thống Nixon, đọc "Tổng thống Hoa Kỳ- Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho những năm 1970, một chiến lược mới cho hòa bình" tr.17-23. "Tổng thống Hoa Kỳ- Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho những năm 1970, xây dựng cho hòa bình" tr.225-232. "Tổng thống Hoa Kỳ - Chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ cho những năm 1970, cấu trúc đang rõ nét lên về hòa bình" tr.208-212.

Quốc hội Hoa Kỳ, thượng nghị viện, ủy ban phụ trách về những hoạt động của chính phủ "Hội đồng an ninh quốc gia: lời bình luận của Kissinger; Hệ thống an ninh quốc gia; những trách nhiệm của Bộ ngoại giao". Stanlay.L.Paik "Việc khôi phục lại Hội đồng an ninh quốc gia"; Vincent Davis "Chính sách quân sự của Mỹ; việc hình thành quyết định trong hành pháp". Robert W Johnson "Hội đồng an ninh quốc gia (NEC); Sự liên hệ giữa quá khứ và tương lai của tổ chức này"... Kolodsiej "Hội đồng an ninh quốc gia; những sự đổi mới và những quan hệ mật thiết". Frederick, C.Thayer "Những phương pháp hình thành chính sách Tổng thống và Chính quyền mới". John P.Leageos "Vẻ bề ngoài rạng rỡ của ông Kissinger". Brack Wihart "Hội đồng an ninh quốc gia: phương pháp tham mưu mới sau một năm".

Về những bài tường thuật về diễn tiến lịch sử của Hội đồng an ninh quốc gia, xem Ernest R.May, "Sự phát triển của công cuộc tham khảo chính trị quân sự ở Hoa Kỳ". Sidney Scuera "Việc hình thành chính sách cho Hội đồng an ninh và các Bộ hải quân tổ chức sau chiến tranh cho nền an ninh quốc gia".

(15) Johnson "Vị trí ưu thế” tr. 151-152, xem cả Kearns “Lyndon Johnson và "ước mơ của Mỹ" tr.252-253.

(16) Wicher J.F.K: "ảnh hưởng của nhân cách trong vấn đề chính trị", tr.208.

(17) Những tài liệu công khai của Tổng thống Johnson 165, tr.395.

(18) Leslie Oelb: Việt Nam: "Phương pháp áp dụng đã tiến triển có kết quả", tr.164.

(19) Phụ tá Bộ trưởng Mc Nangton gửi Bộ trưởng Quốc phòng đề ngày 6-5-67 được trích dẫn trong "Quan hệ Hoa Kỳ - Việt Nam" NVC (6)(b), tr.147.

(20) Tôi tỏ lòng biết ơn ông Walt W.Restow và Leslie H.Hielb về những nét đại cương của sự phân tích này. Tuy nhiên, những kết luận được phát biểu trong những đoạn sau đây là do tôi viết ra và trái ngược với những kết luận của hai nhà học giả trên. Đọc Gel "Việt Nam: phương pháp áp dụng đã thành công". Rostow "Sự chia sẻ quyền lực", tr.435~59, 504-514. Xem trao đổi thư riêng của ông Walt, Rostow ngày 11-7-1973. Đọc cả Russell N.Fifold: "Người Mỹ ở Đông Nam Á: Những nguồn gốc của sự cam kết", tr.257-290, Leslie N.Gelb "Những bài học ngày nay rút ra từ những tài liệu Lầu Năm Góc", tr.35.

(21) Westmoreland "Tường trình của một quân nhân", tr.427.

(22) Halberstam "Cái hay nhất và cái rực rỡ nhất" (the Best and the Brightest), James C.Thompson Jr "Vấn đề Việt Nam đã có thể xảy ra như thế nào?". Richard J.Peiffer, "Không để xảy ra những Việt Nam khác nữa? Cuộc chiến tranh và tương lai của chính sách đối ngoại của Mỹ". Bernard Brodie "Tại sao chúng ta có thể phạm sai lầm” (Về mặt chiến lược) đến như thế?". Daniel Ellsberg "Huyền thoại về tình trạng sa lầy và bộ máy bế tắc" trong “Tài liệu về cuộc chiến tranh", tr.42-135. Hannah Krendt "Những cuộc khủng hoảng của Cộng sản", tr3-47. Rugene Eidenberg "Mỹ hóa cuộc chiến tranh ở Việt Nam". Seyem Brown "Những bộ mặt của quyền lực". "Sự kiên định và sự thay đổi trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ từ thời Tổng thống Truman đến thời Tổng thống Johnson" tr.330-337. Neam Chomsky "Quyền lực của Mỹ và các ông quan liêu mới".

(23) Henry Fairlie "Chúng ta đã biết rõ cái gì chúng ta đang làm khi chúng ta đi vào Việt Nam". Xem cả Quốc hội Hoa Kỳ, Thượng nghị viện, ủy ban đối ngoại "Những nguyên nhân, nguồn gốc và những bài học rút ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam". Haynes E.Jchanaen và Bernard H.Gwertman "Thượng nghị sĩ Fulbright: người không tán thành quan điểm của chính quyền". tr.195-198 ; Ralph II "Không ai muốn có chiến tranh: Những nhận thức sai ở Việt Nam và những cuộc chiến tranh khác". tr.124-127.

(24) Ngài Robelt G.E.Thompson "Không có lối thoát khỏi Việt Nam", tr.148-149.

(25) Westmoreland "Tường trình của một quân nhân" tr.410-411. Vernon A.Giudry Jr. "Một quan điểm của Lầu Năm Góc: Cuộc chiến tranh được tiến hành với một tay bị trói". Trung tướng Victor W.Krulek: "Chống hạn chế chiến lược của chiến tranh tiến hành qua tay người khác" tr.55-56.

(26) B.W.Komer "Bộ máy quan liêu đang làm công việc của họ: Những sự kiềm chế có tính cách thể chế được áp đặt lên Hoa Kỳ, Chính phủ Nam Việt Nam. Sự hoàn thành nhiệm vụ ở Việt Nam tr.18. Barbara Tuchman thuật lại chi tiết những nỗi chán chường mà ông Stilwell đã gặp phải lúc đầu. Đọc Barbara Tuchan "Ông Stilwell và kinh nghiệm của Mỹ ở Trung Quốc", 1911-1915, tr.455-457.

(27) Bộ ngoại giao Hoa Kỳ "Tập san Bộ ngoại giao" cuốn 73, tr.3-4.

(28) Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.520-522, 481-483. Tướng Westmoreland đã diễn tả tư tưởng của ông như sau:

Yếu tố thiếu sót trong toàn thể phương trình kết hợp với một chiến lược leo thang mà theo ý tôi sẽ rút ngắn rất nhiều cuộc chiến tranh. Xét tới cùng sẽ làm giảm số thương vong là một cái gì đó sẽ giúp cho Tổng thống có thể làm được về mặt chính trị để tập hợp dư luận quần chúng và ông nói:

"Xét về mặt này, bây giờ chúng ta cần phải bành trướng các lực lượng quân sự của chúng ta và chứng tỏ cho địch thấy chúng ta có ý muốn bắt tay vào việc".

Việc này đã xảy đến với cuộc tấn công Tết. Tôi nghĩ rằng nếu có việc gì từ trước đến giờ cần phải làm thì chúng ta cần phải lợi dụng ngay tình hình này để làm. Tôi biết chắc chúng ta sẽ đánh bại quân địch và sau khi đã thực hiện xong việc này, họ sẽ bị suy sụp về mặt tâm lý và sẽ bị làm suy yếu; trường hợp này giống như hai võ sĩ quyền lực trên vũ đài đó là lúc phải bổ nhào vào đánh túi bụi. Không phải là lúc ra hiệu chịu thua, đó là lúc phải thật sự lao đầu vào và chúng ta sẽ phải thật sự lao đầu vào và chúng ta sẽ phải hạ đối thủ bằng cách xiết chặt tĩnh mạch cổ của đối thủ, tôi đã cho rằng diễn biến này là không thể tránh được".

Phỏng vấn riêng tướng William và Westmoreland, ngày 16-7-73 .

(29) Henry Paolucci "Chiến tranh, hòa bình và nhiệm kỳ Tổng thống" tr.21. Đọc cả Harns "Nỗi khổ não về sự thay đổi” tr.65-68. Rober D.Semple Jr. "Nixon nguyên chấm dứt cuộc chiến tranh với giới lãnh đạo mới".

(30) Rostow "Sự chia sẻ quyền lực" tr.705. Gelb "Quân cờ đôminô chủ yếu” tr.209-210.



Không có nhận xét nào: