Thứ Hai, 11 tháng 2, 2013

Bãi đá cổ Sa Pa, những điều chưa biết...

GIỚI THIỆU VỀ BÃI ĐÁ CỔ SA PA

Vị trí: Bãi đá cổ Sa Pa nằm trong thung lũng Mường Hoa, xã Hầu Thào, huyện Sa Pa, tỉnh Lào Cai, cách thị trấn Sa Pa khoảng 8km về phía đông nam.
Ðặc điểm: Đây là di sản của cư dân người Việt cổ, gồm những khối đá với các hình chạm khắc từ xa xưa, nằm rải rác trên những thửa ruộng bậc thang của người dân bản Pho. 

Bãi đá cổ Sa Pa được nhà khảo cổ người Pháp gốc Nga Glubev của trường Viễn Đông Bắc Cổ phát hiện vào năm 1925. Bãi đá trải rộng 8km² với gần 200 khối đá có kích thước, hình khắc khác nhau như: tranh vẽ tả thực, hoa văn trang trí, hình người đang toả hào quang, hình người cách điệu và một số mô tuýp khác về hình người, hình kiểu bản đồ mô tả thung lũng Mường Hoa... Đặc biệt, có các tảng đá được khắc trên đó những khối chữ vuông giống với chữ Nôm Dao.

Các nhà khoa học giả thiết đó là hình bản đồ cổ của người Mông hoặc gần như là cuốn sách cổ giới thiệu về những trận đánh ngày xưa... Có rất nhiều cách giải mã khác nhau của các nhà khoa học khi đến nghiên cứu Bãi đá cổ Sa Pa. Tuy nhiên, tất cả những cách giải mã đó mới chỉ dừng lại ở giả thiết. Bãi đá cổ Sa Pa vẫn nằm đó ẩn dấu những bí ẩn của người cổ xưa, thách thức các nhà khoa học. Từ tháng 10/1994, Bãi đá cổ Sa Pa được Bộ VHTT công nhận là di tích lịch sử văn hoá quốc gia. Hiện nay, di tích này đang được nhà nước đề nghị UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.


GIẢI MÃ BÍ MẬT

Nhiều người biết đến ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Lý học Đông phương) bởi tuyên bố có phần ngông cuồng, rằng ông thể đuổi được mưa trong dịp đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội. Chẳng mấy ai tin những tuyên bố của ông ngoài những đệ tử, học trò của ông. Bản thân tôi, là người quen biết ông từ lâu, cũng không tin ông làm được điều đó, bởi tuyên bố đó mang màu sắc… hoang tưởng.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh (bên trái) và nhà phong thủy Bùi Quốc Hùng. Ảnh: Dienbatn. 

Nhưng là người tiếp xúc với ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khá nhiều và luôn dõi theo các đề tài nghiên cứu của ông nên tôi tin rằng, ông thực sự là người đam mê nghiên cứu khoa học. Ông yêu đất nước Việt Nam, yêu lịch sử Việt Nam đến phát rồ và ông dành hết tâm huyết đời mình cho những nghiên cứu về lịch sử. Ông đã thách thức các nhà khoa học Việt Nam bác bỏ được đề tài nghiên cứu khẳng định lịch sử Việt Nam có tới 5.000 năm tuổi!

Quả thực, tôi chưa đủ trình độ để thẩm định giá trị khoa học ở trong hàng trăm tài liệu, cả chục cuốn sách nghiên cứu lịch sử đó, nhưng tôi tin rằng, nó đã thể hiện tình yêu trọn vẹn của ông với tổ tiên đất Việt.

Trong số những đề tài nghiên cứu của ông mà tôi theo dõi nhiều năm nay, tôi thực sự ấn tượng với giải mã của ông về những bí ẩn trên bãi đá cổ Sapa.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Sơ đồ bãi đá cổ Sapa. 

Các nhà khoa học nước nhà mới chỉ dừng lại ở việc mô tả các hình khắc, chứ chưa giải mã được các thông điệp mà cha ông ta để lại trên những hình vẽ đó. Một số nhà khoa học cũng đã giải mã một số hình vẽ, nhưng chưa dũng cảm công bố. Riêng ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã khảng khái công bố những giải mã của mình.

Có những giải mã của ông tôi còn đặt nghi vấn, song có những thông tin khiến tôi giật mình.

Ranh giới giữa một nhà khoa học tài năng và một người hoang tưởng đôi khi rất mong manh. Điều tôi nhìn ở Nguyễn Vũ Tuấn Anh trong nghiên cứu này, là ở góc độ một nhà khoa học thực sự. Đúng – sai – hay – dở thế nào, còn tùy thuộc vào nhận định của các nhà khoa học và độc giả.

Trong loạt bài này, xin được công bố những giải mã về bãi đá cổ Sapa của ông Tuấn Anh, khi mà bãi đá cổ đã gần như biến mất hoàn toàn bởi sự phá hoại của con người.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Hòn đá cổ khổng lồ bị biến thành... cầu trượt. 

Suốt mấy năm nay, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh đi về Sài Gòn – Hà Nội – Sapa như con thoi. Chỉ cần có một phát hiện mới, một tài liệu mới, hoặc một ý kiến mới của nhà nghiên cứu nào đó về bãi đá Sapa, là ông sẵn sàng diện kiến để trao đổi, tranh luận, nhằm làm sáng tỏ những nghi vấn.

Mỗi lần ra Hà Nội, ông thường ngồi ở một vài quán café bên hồ Trúc Bạch, rồi hẹn hò các nhà nghiên cứu, các học trò ưu tú của ông để trao đổi học thuật. Họ có thể bàn luận về mọi thứ và tôi nhận thấy rằng, mọi câu chuyện họ trao đổi đều có bóng dáng, luận thuyết của triết học và Kinh Dịch.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã biết đến bãi đá cổ Sapa từ lâu rồi, nhưng ông thực sự bắt tay vào nghiên cứu và giải mã từ khoảng 10 năm nay, sau khi một nhà khoa học Pháp công bố tài liệu nghiên cứu về bãi đá này.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Khách du lịch thi nhau vẽ bậy, khắc bậy lên đá cổ. 

Khi đó, một tờ tạp chí khoa học nước ngoài viết rằng, nhà khoa học người Pháp Phillipe Le Failler - chuyên gia hàng đầu của Viện Viễn Đông Bác Cổ và các cộng sự Việt Nam thực hiện công việc dập bản khắc hình vẽ trên bãi đá trước tình trạng bãi đá cổ Sapa có thể bị biến dạng bởi tác động của thiên nhiên và con người.

Bài viết cũng nói rằng, những bí ẩn về bãi đá cổ nổi tiếng ở Sapa đang có cơ hội hé mở khi lần đầu tiên toàn bộ hoa văn của hơn 200 viên đá đã được in dập lại và được nghiên cứu theo công nghệ hiện đại.

Sau 7 tháng làm việc, nhóm nghiên cứu của Phillipe đã dập được toàn bộ 200 viên đá, với tổng cộng 3.000 bản dập. Tất cả những bản dập này cũng như những dữ liệu định vị của các viên đá sẽ được nhập vào máy tính, sắp xếp, tính toán số lượng, sự lặp lại của các mẫu hoa văn... làm cơ sở để giải mã các hoa văn, hình vẽ bí ẩn.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Vô tư ngồi chơi trên đá cổ. 

Theo Phillipe Le Failler: "Công việc nghiên cứu cho những kết luận ban đầu, có thể là một bản đồ, một bài cúng..."

Bí ẩn của những hoa văn này đã được các nhà khoa học nghiên cứu từ rất lâu. Ngay từ năm 1925, giáo sư Pháp Victor Goloubev đã đưa ra những giả thuyết giải thích về các hoa văn này.

Những hoa văn lạ, đẹp và nhiều hình dạng: bậc thang, hình người, con đường, chữ viết... và nhiều hình khắc bí ẩn khác. Đặc biệt và khó lý giải nhất là có một hình người tỏa ra các vầng hào quang xung quanh.

Bãi đá quý như vậy, nhưng nó đang có nguy cơ bị biến dạng. Một số họa tiết bị mờ vì mưa nắng bào mòn.

Mới đây người ta lại phát hiện thêm những bãi đá cổ tương tự ở xã Tả Phìn (Lào Cai) Vị Xuyên (Hà Giang), Pá Màng (Sơn La) cùng với những hoa văn và cách bài trí bí ẩn. Phillipe Le Failler dự định sẽ tiến hành dập lấy mẫu tiếp những bãi đá này.

Và khi công việc hoàn thành, ông sẽ có trong tay hệ thống toàn bộ các mẫu hoa văn của các bãi đá cổ được phát hiện tại Việt Nam. Cùng với việc cập nhật dữ liệu thông tin và nghiên cứu trên máy tính, Phillipe tuyên bố rằng bí ẩn mà người xưa gửi gắm trên những viên đá này chắc chắn sẽ được giải mã trong tương lai không xa.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Bản dập một hình khắc trên bãi đá cổ Sapa. 
Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa


Sau khi nghe tin này, ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh khá... bất bình. Ông nói: "Thật là khôi hài. Nếu là một bài cúng thì chẳng cần phải ghi vào bãi đá cổ làm gì để giải mã cho mất công thế...".

“Phương tiện khoa học hiện đại có thể cho con người thấy tất cả những thực tại đang hiện hữu: Từ hạt vật chất nhỏ nhất đến thiên hà khổng lồ. Nhưng sự bí ẩn lại nằm trong tính tương tác giữa những thực tại đó. Người Pháp có thể dùng máy móc và phương tiện hiện đại để xem xét những ký hiệu trên bãi đá cổ Sapa, nhưng họ sẽ không thể hiểu được những ký hiệu ấy nói lên điều gì? May lắm thì họ hiểu phần nào mà thôi” – ông Tuấn Anh khẳng định.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Các nhà nghiên cứu Hàn Quốc đang in dập hình khắc trên bãi đá Sapa. 

Theo ông Tuấn Anh, chưa có một tiêu chí nào cho sự giải mã một di sản văn hóa cả. Bởi vì, một vòng tròn trên bãi đá cổ, người thì bảo đó là ký hiệu mặt trời, người bảo mặt trăng, người bảo thái cực, người kêu đích thị hòn bi, kẻ cãi lại thì bảo cái bánh dầy mới đúng... Như vậy rất khó biết ai đúng.

Tuy nhiên, ông khẳng định rằng, tiền nhân làm ra bãi đá cổ kỳ công này thì phải có mục đích rõ ràng.

Có lần, trong lúc nhậu cùng một số nhà sử học, khi ngà ngà, ông cao hứng và đã hùng hồn tuyên bố: "Nếu cho tôi một tỷ, tôi sẽ giải mã toàn bộ bãi đá cổ Sapa".

Tháng sau, một vị quan chức trong Viện Sử học gọi điện cho ông "OK" kế hoạch này. Nhưng lúc ấy ông lại tỉnh táo, sợ rằng mình bảo cái bánh dầy, người khác bảo hòn bi ve thì cãi nhau mệt. Thế là ông từ chối. Ông xin được giải mã miễn phí.

Người giải mã bí ẩn bãi đá cổ Sapa
Người bảo đây là nền văn minh nông nghiệp, người bảo hình vẽ miêu tả sự tương tác vũ trụ, người bảo vẽ cái... cối đá. 

Việc giải mã một thông điệp người xưa để lại là một việc rất khó khăn. Bởi vì khái niệm của người xưa khác người thời nay, hoàn cảnh xã hội, thói quen tư duy, nhận thức đều khác. Vì vậy muốn hiểu người xưa nói gì qua những mật ngữ để lại thật không dễ dàng. Hơn nữa, chúng ta lại chưa có một tiêu chí khoa học về phương pháp giải mã những di sản văn hóa nói chung, hoặc chí ít chúng ta chưa biết đến điều này.

Nhưng điều đó không có nghĩa không thể hiểu được nếu có sự hiểu biết về văn hóa, toán học cổ xưa. Hai lĩnh vực này ông đã nghiên cứu nhiều năm, nên ông hy vọng có thể áp dụng trong việc giải mã bí ẩn của bãi đá.

Với những sự kiện trên, ông lặng lẽ gom góp tiền bạc và nhiều lần từ Sài Gòn ra Hà Nội, lên tận bãi đá cổ Sapa để đi tìm lời giải mã. 

Bãi đá cổ Sapa bắt đầu ở ngang sườn đèo, phía dưới là thung lũng Mường Hoa có một dòng suối lớn chảy qua. Bãi đá cổ chạy dài 4km dọc theo hai bên con đường mới mở, nằm trên diện tích rộng tới 8km2.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh không khỏi giật mình khi tận mắt hòn đá nằm ngay bên tay phải của con đường mở qua, chỉ cách lề đường không quá 20m. Nó là một trong những hòn đá lớn và độc đáo ở bãi đá cổ Sapa.

Sự độc đáo của hòn đá chính vì nó là hòn đá duy nhất vẽ những hình thù của phương tiện trong xã hội hiện đại của chúng ta. Cũng chính vì thế nó là hòn đá gây tranh cãi nhiều nhất.

Hầu hết các nhà khoa học đều đã biết đến hòn đá này và ông cũng biết trước khi đến đây qua các bản dập. Nhưng chỉ đến khi nhìn thấy nó ông mới bị ấn tượng mạnh. Hòn đá này cao khoảng 2m, dài hơn 3m. Hình vẽ nằm trên mặt đá phẳng và trơn nhẵn, hướng ngược chiều đường từ thị trấn lên bãi đá cổ.

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?
Đây có phải lời tiên tri? (Hình ông Tuấn Anh vẽ lại từ bãi đá cổ Sapa). 

Do máy ảnh chụp không rõ được hình khắc trên hòn đá nên ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh vẽ lại bằng tấm hình trên đây. Dù không chính xác tuyệt đối nhưng rõ ràng hình vẽ thể hiện những chiếc máy bay, người, mũi tên và ôtô.

Hình khắc trên hòn đá này từng gây ra sự tranh luận nghiêm túc của các nhà nghiên cứu. Hầu hết đều cho rằng: “Hình này mới được vẽ vào khoảng đầu hoặc giữa thế kỷ trước". Đơn giản vì họ cho rằng: Hình cái xe ôtô và máy bay là sản phẩm của đầu thế kỷ 20.

Khi chưa được tận mắt hòn đá, ông Tuấn Anh cũng nghĩ như họ. Nhưng khi xem trực tiếp những hình tượng trên hòn đá này, ông khẳng định họ sai lầm.

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?
Khách du lịch lên Sapa đều muốn được chụp hình với những hòn đá có hình khắc, nhưng họ lại không biết bảo vệ các hình vẽ. 

Ông cho rằng, điều quan trọng nhất để chứng tỏ sai lầm của họ chính là ở đường nét bị bào mòn của nét vẽ hoàn toàn tương quan với các nét vẽ trên các phiến đá cổ khác và của những nét khắc vẽ trên chính hòn đá này.

Hai bên tảng đá còn có một số ký tự loằng ngoằng đã mờ giống như chữ Hán và chữ Khoa Đẩu cùng những đường khắc vạch ngang. Chính sự tương quan bào mòn này của các nét vẽ trên ngay cùng phiến đá và với các hòn đá khác cho thấy chúng phải vẽ đồng thời. Không thể có khoảng cách hàng ngàn năm cho sự bào mòn giống nhau.

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?
Rất nhiều hòn đá có hình khắc nằm lẫn trong nhà dân, trong các ruộng lúa. 

Theo ông Tuấn Anh, để xác định niên đại của hình vẽ này không phải khó khăn lắm so với khoa học hiện đại. Tuy nhiên, dựa vào những phương pháp như: So sánh trình độ đồ họa và trình độ của ý tưởng chứa đựng trong đồ họa; So sánh tính chất vật lý các rãnh: độ rộng trung bình, độ rộng lớn nhất và độ rộng nhỏ nhất, độ thẳng trung bình, vết vẽ thẳng lớn nhất và vết vẽ thẳng nhỏ nhất… có thể phần nào xác định được niên đại của hình vẽ. Nếu so sánh tính chất hóa học của các chất có trên mặt rãnh bằng định vị C và so sánh cấu trúc sinh học có được trên bề mặt rãnh thì độ chính xác sẽ cao hơn.

Có nhiều ý kiến khác nhau nói về nội dung hình khắc trên hòn đá này. Nhưng có thể nói là hầu hết đều cho rằng: “Đây là một hình mới được khắc vào khoảng những năm 60 của thế kỷ trước”. Với sự nhận thức phổ biến thì khó ai có thể cho rằng đây là một lời tiên tri.

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?

Nhưng với Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông luôn nhạy cảm với những vấn đề mang tính khoa học tiên tri, nên ông đưa ra quan điểm khác.

Vào những năm 30 của thế kỷ trước, khi những người phương Tây đục một quả núi để làm đường hầm cho xe lửa chạy qua trên núi Kỳ Sơn (Trung Quốc), họ đã đào được tấm bia có khắc dòng chữ: “Sau này, sẽ có người Bột đục hòn núi này cho một con rồng sắt chạy qua đây!”.

Bởi vậy, khi nhìn thấy những hình ảnh trên phiến đá này ông đã linh cảm đây là một lời tiên tri. Nhưng vì là hòn đá đầu tiên nhìn thấy, nên ông cũng chưa lý giải được nó tiên tri về cái gì?

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?
Khắc bậy lên đá cổ. 
Vấn đề đặt ra với những nhà nghiên cứu: Nếu hình ảnh chiếc máy bay là sản phẩm của thế kỷ 20 và người ta vẽ lên vì nhận thức trực quan, vậy thì lý giải thế nào với ba mũi tên thời Trung cổ lại bắn vào ba cái máy bay hiện đại ấy? Nếu là nhận thức trực quan thì nó phải là ba cái tên lửa mới phải?

Phải chăng, hình tượng mũi tên trên bãi đá cổ Sapa và hình tượng “Con rồng sắt” chính là khái niệm cổ của người xưa diễn tả một thực tại sẽ xảy ra trong tương lai?

Còn nữa, nếu cái ôtô cũng là sự thể hiện cái nhìn trực quan của thời đại có ôtô thì không thể vẽ cái bánh xe theo kiểu xe bò như vậy được. Hình người ở dưới cũng rất thô sơ. Nếu một người ở giữa thế kỷ 20 không thể có một lối vẽ người như vậy. Huống chi, cách thể hiện người kiểu đơn sơ này lại thống nhất trên khắp bãi đá cổ Sapa, tương ứng với những hình khắc hàng ngàn năm tuổi.


Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh giải thích lời tiên tri của hình vẽ trên hòn đá cổ này như sau: “Vào thời đại tên lửa bắn nhau với máy bay, bãi đá cổ Sapa sẽ có một con đường cho xe chạy qua”.

Lời tiên tri này được khắc trên hòn đá nằm ngay cạnh con đường mới làm dẫn vào bãi đá cổ Sapa đầy bí ẩn. Nó như là một sự chào đón và cũng là sự cảnh báo của một trí tuệ siêu việt. Như vậy, lời tiên tri trên hình vẽ này đã xảy ra, với một con đường làm xuyên qua bãi đá cổ và tất nhiên, người ta đã phá đi một số hòn.

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?
Các nhà khoa học nhiều quốc gia tích cực dập bản khắc và nghiên cứu bãi đá cổ Sapa song vẫn chưa giải mã được những bí ẩn trên bãi đá này. 

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh nhớ lại lần đầu đặt chân lên bãi đá cổ Sapa: “Tôi sững sờ và bàng hoàng trước lời tiên tri trên hòn đá cổ. Sự sững sờ và bàng hoàng ấy dành cho tôi và chỉ một mình tôi. Lúc đó, tôi biết rằng tôi không thể chia sẻ với ai sự suy nghĩ của mình. Có cái gì bên trong bãi đá cổ đầy bí ẩn này mà nó phải có một lời tiên tri ngay ở đầu bãi đá?

Tôi lạc vào bãi đá và ngạc nhiên thay, trên bãi đá có rất nhiều hòn đá khắc chữ Khoa Đẩu. Chữ Khoa Đẩu rải rác khắp bãi đá cổ Sapa và cả chữ Hán”.

Giáo sư Lê Trọng Khánh, một chuyên gia đầu ngành về chữ viết của người Việt cổ nhận xét: "Tổng thể các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa quả là một bộ sách khổng lồ được khắc bằng văn tự cổ".

Lời tiên tri của tổ tiên trên bãi đá cổ Sapa?
Nhà báo Phạm Ngọc Dương bên bãi đá có hình khắc chưa từng biết đến, trên độ cao 2.200m trong Vườn quốc gia Hoàng Liên

Cùng với Giáo sư Khánh, nhà giáo Đỗ Văn Xuyền, người bỏ cả cuộc đời đi tìm chữ Việt cổ, cũng đã nhiều lần tìm lên bãi đá cổ Sapa để sưu tầm, nghiên cứu những chữ cổ và ông cũng phát hiện ra hàng loạt chữ Khoa Đẩu trên bãi đá cổ này.

Liệu hình vẽ mà ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh trình bày trên đây có phải là một lời tiên tri của tổ tiên hay không? Điều này vẫn còn phải nghiên cứu và có sự đầu tư công sức, trí tuệ của các nhà khoa học.

Mong rằng, những luận giải của ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh sẽ tạo ra diễn đàn để các nhà khoa học trong cả nước tranh luận, chứ không nên phán xét một cách cảm tính rồi bác bỏ trí tuệ của tổ tiên ta.

Nếu tính cả 18 hòn đá đã bị gài mìn nổ tung để làm đường xuyên qua bãi đá, thì tổng cộng bãi đá cổ Sapa có 216 hòn đá có hình vẽ. Đây chính là số hào Dương trong 64 quẻ Dịch. Theo ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh, từ số lượng hòn đá, ông đã nghĩ ngay đến chuyện bãi đá cổ Sapa ẩn chứa những bí ẩn của Kinh Dịch.

Phần lớn các nhà khoa học cho rằng, bãi đá cổ Sapa được hình thành bởi các tộc người khác nhau qua nhiều giai đoạn thời gian và họ căn cứ vào sự định cư của tộc người Tày và người Mông ở đây trong thời gian 300 đến 900 năm trở về trước để tính thời gian ra đời của hình khắc.

Như vậy, những hình khắc này là của các dân cư của hai dân tộc này. Do đó, những hình vẽ cũng biểu đạt những vấn đề đơn giản liên quan đến cuộc sống như nhà cửa, ruộng vườn, tục cúng bái…

Tuy nhiên, ông Tuấn Anh cực lực phản đối điều đó. Không thể có chuyện các cư dân trong vùng khắc chơi lên những tảng đá này. Nếu cư dân ở đây có ham thú khắc chơi lên đá, thì những vùng khác ở Lào Cai, ở các tỉnh khác cũng phải rất phổ biến hình khắc trên đá. Nhưng sự thực là hình khắc trên đá ở nước ta vô cùng hiếm.

Ông Nguyễn Vũ Tuấn Anh đã nghiên cứu rất kỹ các hình khắc trên bãi đá cổ Sapa và ông khẳng định rằng, hầu hết những hình khắc trên bãi đá đều có những hình tượng độc đáo lý giải sự khởi nguyên và tính tuần hoàn của vũ trụ, chứ không phải là những hình khắc nhăng cuội.

Ông Tuấn Anh đặc biệt chú ý đến một hòn có hình vẽ như sau:

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?
Hình khắc này là trẻ con vẽ chơi hay mô tả sự khởi nguyên của vũ trụ? 

Đã có nhiều nhà nghiên cứu say mê giải mã hình khắc này theo cách khác nhau. Đáng chú ý là sự lý giải của ông Phạm Ngọc Liễn. Điều đặc biệt là nhà nghiên cứu này cũng cho rằng, toàn bộ bãi đá cổ Sapa là những kiến thức về vũ trụ có liên quan đến Kinh Dịch.

Xin trích một đoạn giải mã hình vẽ trên của ông Liễn:

Nổi bật trên bức chạm đá là hình mặt trời. Trái đất bố cục ở hai phía Đông và Tây, nhưng hơi chếch nhau. Phải chăng là sự diễn tả cao thấp khác nhau của các hành tinh theo sự nhận biết của con người lúc đó?

Bao quanh trời đất là hai dải các hình song song không khép kín; bên trái gồm ba dải song song không đều nhau, chạy dài liên tục bắt đầu từ Tây Bắc chạy xuống sát gần trái đất rồi hơi uốn lượn về phía Đông Nam.

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?
Dập bản khắc trên bãi đá cổ Sapa. 

Bên phải cũng là ba dải song song bắt đầu từ giữa hình khắc, rồi uốn vòng lên theo xích đạo trái đất, uốn vòng lên theo hướng Đông Bắc, bao lấy mặt trời ở phía Đông. Nửa trên của các dải này chỉ còn hai dải song song kéo dài liên tục lên Đông Bắc kết thúc ở điểm cao ngang với mặt trời và ba dải ở phía Tây Bắc.

Dải thứ 3 ở ngoài cùng bên Đông chỉ có một đoạn vòng cung đến ngang tầm điểm cực Bắc của trái đất thì kết thúc. Dải này có 3 đoạn dài ngắn không đồng đều, đoạn ngắn nhất ở khoảng giữa có hai vạch đứt ở hai đầu.

Sách Dịch cổ cho ba dải bao quanh hình vẽ là Nội Quái, tượng trưng cho các lớp vỏ trái đất, còn ba dải còn lại là Ngoại Quái tượng trưng cho các giải sông Ngân Hà…

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?
Vẽ bậy lên hòn đá cổ. 

Nhà nghiên cứu Dịch học Hống Quang cho đây là lục quyển bao gồm: vũ quyển (nói về thời kỳ hỗn mang chưa có hình dáng cụ thể ban đầu), khí quyển, tầm quyển, sinh quyển, trí quyển, linh quyển, thuộc về giai đoạn vũ trụ đã định hình từ trạng thái hỗn mang vô cực đã thành thái cực….

Nhận thức của nhân loại đến thời Trung cổ, mới cách chúng ta khoảng 400 trăm năm mà còn tranh cãi quyết liệt nhức nhối về các vấn đề liên quan đến tri thức thiên văn, thế mà, từ mấy ngàn năm trước, tổ tiên ta đã chạm khắc “mô hình vũ trụ” vào đá cổ Sapa, khẳng định cả mặt trời và trái đất đều là khối cầu tròn và đang quay.

Chiều quay của trái đất từ Tây sang Đông ngược chiều kim đồng hồ, đúng như chiều quay của các hình đúc trên mặt trống đồng cổ của dân tộc. Sự chuyển động được biểu hiện bằng hình xoáy ốc từ tâm ra ngoài thật độc đáo. Đó là biểu trưng sức mạnh nội tâm của tinh cầu, không có sự can thiệp từ bên ngoài.

Ở vòng xoáy ốc ngoài cùng nẩy lên một nhánh cây. Phải chăng đây là biểu hiện của sự sống, của sinh quyển? Nhánh cây này có hai chòm lá ngả về phía Đông là phía mùa xuân. Như vậy quá đúng với triết lý Âm Dương Ngũ Hành của các vị kỳ lão hiền triết Phục Hy, Thần Nông thời thượng cổ.

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?
Du khách khắc hình nhà thờ đá lên hòn đá cổ. 

Vòng xoay của mặt trời cũng do nội lực xoáy ốc từ trong ra ngoài, ngược hướng với chiều quay của trái đất từ Đông sang Tây. Một chi tiết cần được chú ý là tổ tiên ta mô tả mặt trời và trái đất đường kính gần ngang nhau, như một “cặp sao đôi”. Đây là ngẫu nhiên hay có chủ định từ trước? Từ nguồn trí thức linh giác nào mà ông cha ta khắc như vậy? Điều này rất đáng được suy nghĩ.

Bên cạnh trái đất tròn còn có một hình vuông nhỏ. Đây không lặp lại sai lầm của Hoa tộc thời cổ là “trời tròn đất vuông”. Ở đây hình vuông đặt cạnh đất tròn thì làm sao nói chệch đi là trời tròn cho được?

Phải thấy ở đây người nghệ nhân vô danh đã nắm Kinh Dịch rất vững và đã chuyển hình chạm khắc sang một đề tài mới: “Mẹ tròn con vuông”.

Theo luận thuyết Âm Dương, đất thuộc về âm, về người mẹ, còn trời thuộc về dương, về người cha. Thành ngữ tiếng Việt nói cha trời, mẹ đất chính là vì vậy.

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?

Trong hình khắc, mảnh vuông nhỏ đặt cạnh mẹ đất phải hiểu là “Mẹ tròn con vuông”, một thành ngữ nói lên sự mong mỏi, coi như lời chúc tụng đối với các bà mẹ bước vào kỳ sinh nở phải được “vuông tròn” nghĩa là thuận lợi, không gặp rủi ro trắc trở khi vượt cạn một mình. Ý nghĩa nhân văn ở đây quá rõ, nó hoàn toàn khác với quan điểm tĩnh tại “Trời tròn đất vuông” của người Trung Hoa cổ đại.

Theo ông Phạm Ngọc Liễn, trí tuệ của bức vẽ này còn ẩn sâu nhiều điều hơn nữa. Theo ông, có thể gọi bức chạm khắc này là pho sách khá hoàn chỉnh mô tả khởi nguyên của vũ trụ mà có thể đặt cho nó cái tên là: Mô hình vũ trụ.

Điều đặt biệt là cả mảng giữa của hình khắc dành cho con người. Tư tưởng chủ đạo ở đây là sự thể hiện rất rõ “luận điểm tam tài” của Kinh Dịch.

Dưới ký hiệu quẻ Càn gồm ba vạch liền xếp chồng chéo lên nhau đặt hơi chếch về hướng Tây Nam – Đông Bắc là hai hình người một nữ một nam được thể hiện bằng hình song song mang tính ước lệ nhiều hơn tả thực.


Người nữ đứng hai chân dang rộng phía trên giải ngoại quái, bộ phận sinh dục khuyếch đại rất rõ. Tư thế chếch theo hướng Đông Bắc – Đông Nam, đầu nhô gần sát vạch giữa quẻ Càn. Tay phải cầm một khí cụ dài giơ thẳng chếch ở khoảng trống giữa mặt trời và ký hiệu quẻ Càn.

Người nam đứng ở trên giải Nội quái, song từ phần ngang hông trở xuống không được thể hiện. Bộ phận sinh dục cũng phóng to hơn bình thường.

Phía trên đầu người nam là ký hiệu quẻ Sơn Địa Bác gồm quẻ Chấn chồng lên quẻ Khôn, đặt xoay dọc giữa quẻ Ngoại Quái và hình vuông nhỏ. Ký hiệu cuối cùng đặt ở dưới vòng cung Ngoại Quái, phía bên hông gần đoạn ngắn ở giữa nối với hai đoạn dài hai bên là ký hiệu phồn thực.

Trên đây chỉ là một trong số rất ít những lý giải về hình vẽ trên bãi đá cổ Sapa và cũng không được chú ý lắm. Phần nhiều người ta nghiên cứu theo hướng, đây là những hình khắc thông thường, thậm chí… lăng nhăng.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh, ông Phạm Ngọc Liễn đã lý giải đúng hướng, nhưng với hình vẽ trên thì nội dung của nó còn sâu sắc hơn nhiều sự kiến giải của ông Liễn.

Theo ông, toàn bộ bức khắc thể hiện cội nguồn của Kinh Dịch và những giá trị đích thực của nó. Lần lượt những ký hiệu được đánh số trên hình được ông giải mã và bổ sung theo thứ tự dưới đây:

Hình 1: Người đàn ông biểu tượng của tính thuần dương ở giai đoạn khởi nguyên của vũ trụ.

Hình 2: Trong Kinh Dịch quái Càn thuộc dương, ba vạch dài biểu tượng tính thuần dương không có giới hạn (vô lượng vô biên). Hay nói cách khác: Đây chính là tình trạng của thái cực.

Hình 3: Tính động xuất hiện tạo vòng xoáy ngược chiều kim đồng hồ. Đây cũng là chiều vận động của các thiên hà hiện nay (trong đó bao gồm cả các sao và hành tinh). Chữ Vạn có chiều ngược chính là biểu tượng của tính động xuất hiện ở giai đoạn đầu của vũ trụ.

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?
Ông Tuấn Anh đánh dấu vào bản dập hình khắc để mô tả. 

Hình 4: Hình vuông bên cạnh vòng xoáy cho biết khi tính động xuất hiện tức là sinh âm, đối lại với trạng thái tĩnh khởi nguyên (mẹ tròn con vuông).

Hình 5: Khi âm xuất hiện thì sự vận động và phát triển tiến hóa trong vũ trụ bắt đầu. Điều này được hình tượng bằng một cái cây tiếp nối từ sự vận động của vòng xoáy.

Hình 6: Vòng xoáy thuận chiều kim đồng hồ là biểu tượng cho thấy sự tương tác của vũ trụ theo chiều ngược với chiều vận động của các thiên thể.

Chữ Vạn có chiều thuận chính là biểu tượng của chiều tương tác vũ trụ (Qua các di vật khảo cổ có niên đại xấp xỉ 10.000 năm cho thấy chữ “Vạn” đã tồn tại rất lâu trong văn minh nhân loại).

Hình 7: Sự chuyển hóa từ dương sang âm được biểu tượng bằng người đàn bà.

Hình 8: Khi âm cực thịnh thì sinh dương được biểu tượng bằng quái Càn trên đầu người đàn bà.

Hình 9: Hình này theo ông Liễn là quẻ Sơn Địa Bác. Nhưng nhà khoa học Nguyễn Vũ Tuấn Anh cho đây là quẻ Địa Lôi Phục. Nếu lật 90 độ theo chiều ngược kim đồng hồ là chiều vận động của các thiên thể trong vũ trụ. Theo Kinh Dịch thì ý nghĩa của quẻ này là "Sự trở lại". Như vậy với hình tượng của quẻ Địa Lôi Phục cho thấy vũ trụ vận động tới cực điểm sẽ là sự quay trở về.

Bãi đá cổ Sapa là cuốn Kinh Dịch của người Việt?
Những chiếc cọc bêtông không bảo vệ được những hòn đá cổ trước sự vô ý thức của con người.

Như vậy, toàn bộ bức họa trên đá này nói về nguyên lý của sự vận động vĩ mô từ khởi nguyên cho đến kết thúc và có tính chu kỳ của vũ trụ.

Với sự kiến giải này, nhà nghiên cứu Nguyễn Vũ Tuấn Anh khẳng định nội dung bức chạm khắc của người Lạc Việt trên bãi đá cổ Sapa đã chứng tỏ nguyên lý vũ trụ đã được phát hiện từ lâu và thuộc về nền văn minh này. Kinh Dịch thuộc về nền văn minh Lạc Việt với những ký hiệu quẻ trùng khớp với ý nghĩa của bức tranh.

Với nội dung trên của bức khắc chúng ta sẽ không thể tìm thấy trong các cổ thư chữ Hán. Điều này cũng chứng tỏ tên gọi đích thực của cuốn kỳ thư Đông phương này phải là: “Lạc thư chu dịch”. Tức là sách của người Lạc Việt nói về sự vận động tuần hoàn của vũ trụ!


Theo VTC news

Không có nhận xét nào: