Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Hồi ký SIHANOUK

1. Lời giới thiệu
 
Bắt đầu từ tháng 11-1978, tiếng pháo của Khmer Đỏ và Việt Nam ngày càng vang vọng tới thủ đô Phnompenh. Những cửa kính trong ngôi nhà bé nhỏ của tôi bắt đầu rung lên từng đợt như xảy ra động đất. Đến tháng 1-1979 chiến tranh đã tới sát Takmau rồi Pôchentông. Trong suốt quãng thời gian đó, tức là cho tới ngày 5-11-1978, tôi nuôi ý nghĩ sẽ phải đi theo Angca lên bưng biền. Trừ bác gái tôi và mẹ vợ tôi đã cao tuổi chắc không đi được vợ chồng con cái chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hành trang: quần áo đen, mũ cát-két kiểu Mao, dép cao su, để theo ông Khieu Samphan và các nhân vật khác của Khmer Đỏ lên rừng.
Trong bầu không khí khủng khiếp của chiến tranh, một buổi vào lúc nửa đêm tôi đột ngột được mời đi ra khỏi Phnompenh bằng xe ô tô, không một lời báo trước. Vợ chồng chúng tôi nghĩ ngay đến số phận nhiều thành viên Mặt trận và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc đã lìa trần. Họ cũng đã từng được Angca mời đi “dạo mát” trong đêm bằng xe ô tô. Nhưng đó chỉ là để lĩnh án tử hình, trước khi chết còn bị tra tấn hành hạ rất dã man. Trong số này có ông Chia Xan và các Hoàng thân Norodom Phurissara, Sisowath Methavi. Trước khi chết ông Chia Xan đã bị tra tấn tại nhà ngục Tuôn Xleng, trước kia là trường trung học Phnompenh. Bộ đội Việt Nam khi tiến vào Phnompenh đã nhìn thấy nhiều hồ sơ tài liệu về cái chết khủng khiếp của ông Chia Xan, một con người tận tuỵ phục vụ đất nước, chỉ phạm một tội duy nhất là không chịu từ bỏ “chủ nghĩa quốc gia”. Phurissara và Methavi cũng bị giết chết vì tuyệt đối trung thành với tôi. Trong cái đêm 5-1-1979 khi được Angca “mời” đi, vợ chồng tôi có nhiều lý do để tin rằng, kết thúc chuyến đi này tôi sẽ bị Angca thủ tiêu bằng cuốc, xẻng.
Người cán bộ Khmer Đỏ đem lệnh “mời” cho biết tất cả gia đình và những người phục vụ chúng tôi sẽ lên đường sau mười lăm phút, chỉ được mang theo rất ít hành lý. Chúng tôi hầu như không mang theo gì và đã lên đường theo trang phục Khmer Đỏ: Quần áo vải đen, khăn rằn, dép lốp cao su.
Trong đêm hầm hập nóng, chúng tôi rời Phnompenh trên ba chiếc xe ô tô, dẫn đầu là chiếc chở tôi, đi qua thủ đô vắng tanh như sa mạc rồi rẽ vào con đường đi Compuông Choang - Pursat -Battambang. Người cán bộ Khmer Đỏ ngồi ở ghế trước, gần lái xe. Vợ chồng chúng tôi ngồi ghế sau cùng với con chó con rất thông minh mà bà Souphanouvong đã tặng tôi từ năm 1971 khi tôi còn ở Bắc Kinh. Tới Pursat, xe dừng lại lấy xăng. Vợ tôi rất lo vì không thấy chiếc xe đi sau chở hai đứa con thằng cháu, bác gái và mẹ vợ tôi. Nhưng người lính đi theo nói xe bị nổ lốp, đang thay bánh. Chúng tôi lại lên đường. Nhiều giờ sau đã tới Xixôphôn, một thành phố giáp Thái Lan. Chiếc xe sau vẫn chưa tới. Rất lo ngại, chúng tôi tự hỏi liệu những người trong xe có bị “thanh toán” trong đêm không. Mã năm giờ sáng các con tôi cùng với toàn bộ người thân trong gia đình và những người phục vụ mới tới. Đúng là xe nổ lốp thật, và sau đó xe lại đâm vào đống đá, suýt lăn xuống hố. Cuối cùng mọi việc đều ổn. Vợ chồng chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.
Chúng tôi dừng lại Xixôphôn, chiều ngày 3-1-1979 Chủ tịch Khieu Samphan bất ngờ tới gặp chúng tôi, nói ông được sự uỷ nhiệm của Angca tới thông báo cho tôi rõ:
1. Phnompenh vẫn yên ổn, an toàn, kể cả sân bay Pôchentông.
2. Vì vậy chúng tôi được mời trở lại Phnompenh.
3. Chính phủ muốn cử tôi đi Liên Hợp Quốc và ngài Pen Nouth di một số “nước bạn” để bảo vệ chính nghĩa của Campuchia bị Việt Nam “xâm lược”.
Ngày mai sẽ quay về Phnompenh. Khi tới đó sẽ có đầy đủ các tài liệu cần thiết để chúng tôi đi công tác, chủ tịch Khieu Samphan nói thêm, các nhà lãnh đạo Campuchia chấp nhận mọi hy sinh cần thiết nhằm phục vụ cho “công cuộc cứu nước”. Tôi nghĩ thầm, sự hy sinh to lớn nhất đối với Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chia, Khieu Samphan là đã phải mở cái “chuồng” giam Sihanouk và Pen Nouth, để chúng tôi đi tới các vùng trời mới, trong khi chế độ của họ đang chìm nghỉm. Như tôi đã rõ từ trước Khmer Đỏ đã từng mơ ước củng cố lâu dài chế độ của họ cho tới lúc có thể thủ tiêu tôi mà cộng đồng quốc tế không thể phản ứng được. Đúng là nếu không có sự can thiệp quân sự thắng lợi của Việt Nam vào Campuchia thì có thể Sihanouk sẽ bị Khmer Đỏ thủ tiêu. Chắc chắn là, nếu không bị sụp đổ trong cuộc đối đầu với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và ngược lại nếu Khmer Đỏ tiến được tới chỗ củng cố chế độ của họ ở trong nước cũng như trên trường quốc tế thì họ có thể có “toàn bộ lợi ích để thủ tiêu tôi”. Tôi có ý thức về điều đó.
Đúng là nay họ rất cay đắng khi phải trao cho tôi danh vị “đại diện tối cao của Campuchia dân chủ” để tôi lên đường đi công cán ở nước ngoài.
Sau khi đã trở về Phnompenh, chiều ngày 5-1-1979, Chủ tịch Khieu Samphan lại đến gặp tôi trong ngôi nhà nhỏ đằng sau chùa Botum Vatđay. Ông tươi cười báo tin “đồng chí Thủ tướng Pol Pot” mời tôi tới uống nước chè tại dinh chính phủ. Vợ tôi không được mời, nhưng Xamđec Pen Nouth cũng có mặt trong buổi tiếp.
Dinh chính phủ là một toà lâu đài do Pháp xây dựng từ trước chiến tranh thế giới thứ hai giữa sông Tônlê Xáp và đồi bà Pênh. Sơn Ngọc Thành, Sirik Matak và Cao uỷ Pháp Raymond đều đã ở đây và tất cả đều đã gặp tai hoạ. Pol Pot nhất định cũng không tránh khỏi.
Lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện với Pol Pot là khi tôi về thăm vùng giải phóng năm 1973, đến nay mới gặp lần nữa. Nhà độc tài của Campuchia “dân chủ” tươi cười đứng đón tôi trước cổng lớn của toà lâu đài. Thật ngạc nhiên, Pol Pot lại chắp tay cúi đầu chào tôi theo kiểu chào của “xã hội cũ”. Ieng Sary đứng bên cạnh Pol Pot cũng bắt buộc phải chào tôi theo kiểu chắp tay cổ truyền, nhưng tính kiêu ngạo đã khiến ông ta không chịu cúi mình trước “cựu hoàng đáng kinh tởm”. Ông Pen Nouth, đến sau tôi một chút, vẫn chào tôi một cách kính cẩn như phong tục cổ xưa. Trong phòng khách danh dự, Pol Pot mời tôi ngồi phía tay phải, trên một trong hai chiếc ghế bành vẫn dành riêng cho thượng khách. Tất cả chúng tôi đều mặc quần âu áo sơ mi trắng kiểu Trung Quốc. Những nhân viên phục vụ của Khmer Đỏ ăn mặc rất chỉnh tề mời chúng tôi nước trà, bánh ngọt, nước cam. Đây là giống cam Pursat rất ngon, vỏ xanh mà múi ngọt, từ thời còn chế độ quân chủ vẫn được chọn để tiếp khách quý, rất được ca ngợi. Đã lâu lắm mới được thưởng thức, tôi uống tới một chục cốc nước cam trong buổi nói chuyện kéo dài suốt bốn giờ.
Dưới đây là tóm tắt nội dung câu chuyện giữa Pol Pot và tôi.
Pol Pot: Tôi rất sung sướng gặp ngài.
Sihanouk: Bữa nói chuyện đầu tiên giữa chúng ta là từ tháng 3-1973.
Pol Pot: Quả đúng như vậy! Xin Thái tử thứ lỗi cho tôi không tới thăm ngài được từ sau khi đất nước Campuchia được giải phóng. Đúng là tôi bận nhiều việc quá.
Sihanouk: Chắc chắn như vậy. Ngài rất bận. Trách nhiệm nặng nề đè trên vai.
Pol Pot: Cám ơn ngài đã thông cảm. Đồng chí Khieu Samphan đã tới gặp ngài và đã báo cáo với tôi là ngài chấp nhận lời mời của chính phủ tới Liên Hợp Quốc bảo vệ chính nghĩa của dân ta. Ngài là một nhà yêu nước. Ngài lại có rất nhiều bạn trên thế giới. Ngài có thể cống hiên nhiều cho nhân dân.
Sihanouk: Tôi chưa bao giờ ngừng khát vọng phục vụ nhân dân. Vì vậy, tôi phải cảm ơn ngài đã cử tôi làm “quân sư” để biện hộ cho chính nghĩa của nhân dân và đất nước ta trên trường quốc tế.
Pol Pot: Chiều mai, một chiếc máy bay của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sẽ đưa ngài, cùng với Bà hoàng Monic, toàn bộ gia đình và những người phục vụ ngài tới Bắc Kinh, là nơi ngài sẽ thiết lập một căn cứ thường trục trong suốt thời gian chiến đấu. Cuộc chiến tranh này không lâu đâu. Chỉ vài tháng thôi. Về phần Thái tử, chung tôi cam đoan rằng nếu ngài nhớ quê hương đất nước thì từ Bắc Kinh ngài có thể về thăm nước nhà bao nhiêu lần cũng được. Ngài sẽ luôn luôn được hoan nghênh.
Sihanouk: Rất cám ơn.
Ieng Sary (nói với Pol Pot): Về chuyến đi ngày mai của Hoàng thân, tôi nghĩ chỉ có Xamđec và Bà hoàng Monic là có thể đi được. Còn toàn bộ gia đình và những người phục vụ thì phải ở lại Phnompenh vì máy bay Trung Quốc không còn chỗ.
Pol Pot: Không! Cử để mọi người đi hết. Đồng chí thương lượng với các bạn Trung Quốc cố thu xếp đủ chỗ trên máy bay.
Sihanouk: Thưa ngài Thủ tưởng, tôi vô cùng cám ơn lòng tốt của ngài.
Sau khi trao đổi thêm vài câu xã giao nữa, Pol Pot mời tôi cùng với Xamđec Pen Nouth tới phòng thuyết trình nghe phổ biến tình hình, có cả Ieng Sary và Khieu Samphan cùng đi. Đứng trước tấm bản đồ lớn, ngài Thủ tướng bắt đầu một cuộc tóm tắt sơ lược tình hình chiến sự: “Hiện nay, tình hình chiến sự ở Campuchia là rất tốt đối với quân đội ta. Chúng ta đang giương một cái bẫy, nhử cho địch vào sâu để tiêu diệt luôn toàn bộ sức mạnh quân sự của chúng. Đứng trước kẻ địch, chúng ta phải lựa chọn một trong hai chiến lược, hoặc là chặn đứng sức tiến quân của đối phương trên suốt tuyến biên giới, nhưng làm như vậy thì quân Việt sẽ không bị tiêu diệt toàn bộ và vẫn có thê tiếp tục phát triển trong nội địa của chúng; hoặc là ta mở toang biên giới làm cho chúng tưởng ta rất yếu, khi đại bộ phận quân địch đã lọt vào trong đất nước ta, chúng ta sẽ bao vây chúng, chia cắt chúng, tiêu diệt chúng. Chúng sẽ bị chìm nghỉm và tan rã như muối gặp nước, trong đại dương hung dữ của cuộc kháng chiến toàn dân và các lực lượng vũ trang vô địch của chúng ta. Bộ Tổng tư lệnh đã chọn chiến lược thứ hai này. Chỉ trong vòng hai tháng, ba tháng nữa là cùng ta sẽ tiêu diệt, thanh toán toàn bộ sinh lực địch. Tôi hi vọng lúc đó sẽ có vinh dự được đón Thái tử trở về nước, khoảng ba tháng nữa là chậm nhất. Trong lúc chờ đợi, Thái tử sẽ được cử đi làm những nhiệm vụ to lớn cho nhân dân, cho dân tộc cho đất nước tại Liên Hợp Quốc và các nước bạn”.
Tôi chỉ còn biết cảm tạ và ca ngợi nhà chiến lược thiên tài, rất xứng đáng so sánh với Hítle trong những ước vọng ngông cuồng nhất, và cũng rất điên dại và ngu dốt như Lon Nol. Trái với Hítle thường hay dùng lời lẽ hùng hổ để động viên binh sĩ và thanh niên, Pol Pot mê hoặc bằng cách nói năng dịu dàng, tươi cười, cố giữ thái độ lịch sự, trong khi thật sự Pol Pot là một kẻ tàn bạo khát máu hơn tất cả những tên bạo chúa tồi tệ nhất trong lịch sử. Chính do cái “phép mầu” đó của sự “nói năng dịu dàng để thuyết phục”, Pol Pot đã động viên, và đến mãi những năm tám mươi còn có thế động viên được một số người để ném họ vào cuộc chiến đấu. Thành công của những bọn ngu muội như Lon Nol và Pol Pot cũng là do trong nước tôi còn có những người, kể cả tầng lớp trí thức, thích nghe những lời lẽ mị dân hứa hẹn sẽ “đánh chiếm Việt Nam” để khôi phục một “đế quốc Môn - Khơme” xa xưa, bao gồm toàn bộ Đông Dương đến cả Thái Lan và Miến Điện (Myanmar) hơn là chấp nhận một người lãnh đạo như Sihanouk là một con người quá thực tế, không thể hứa hẹn với họ cái điều không thể làm được như vậy.
Buổi tối ngày 5-1-1979 đó, Pol Pot và tôi đã chia tay nhau “rất hữu nghị” và chào nhau: “Hẹn gặp lại?”. Khi tôi về đến nhà bình yên thì vợ tôi, Sihamoni, bác gái tôi, mẹ vợ tôi mới nhẹ nhõm và vui mừng. Tôi đi lâu quá, mọi người cứ tưởng tôi đã bị Angca thủ tiêu. Sáng ngày 6-1-1979, một đặc phái viên của ông Ieng Sary đến báo tin, chiều nay tất cả chúng tôi sẽ đáp máy bay đi Bắc Kinh và đưa cho tôi 20.000 đô-la Mỹ của chính phủ Campuchia “dân chủ” trao cho tôi làm “công tác phí”. Quá trưa ngày 6, tôi bảo mọi người mang theo hành lý cùng tập hợp trong gian nhà nhỏ cửa tôi để khi các “ông chủ” Khmer Đỏ đến tìm thì không phải đi gọi. Chỉ có Narinđrapông và Chittara cưỡng lại, đồng thời cũng để cho tôi biết chúng chỉ tuân lệnh Angca mà thôi. Vợ chồng chúng tôi quyết định chỉ mang theo những thứ thật cần thiết như quần áo thay đổi để tránh cho máy bay chở nặng.
Chúng tôi bỏ lại phần lớn quần áo, các bát đĩa, bộ đồ ăn bằng bạc, bộ đồ sứ có in dấu ấn nhà vua đặt làm từ bên Pháp, những khăn thêu trải bàn...
Chúng tôi làm như vậy để muốn tỏ cho Angca biết, chúng tôi tin vào lời hứa hẹn “thắng lợi” mà ông Pol Pot đã nói với tôi hôm trước. Khi ra sân bay, vợ tôi nói với ông Ieng Sary, tin tưởng ông sẽ dặn các binh lính dũng cảm chiến đấu bảo vệ ngôi nhà và các tài sản của chúng tôi để “ba tháng nữa” chúng tôi sẽ trở về sau khi chiến thắng. Rất nghiêm chỉnh, ông Ieng Sary trả lời sẽ làm tất cả mọi việc và sẽ hoan nghênh chúng tôi trở về Phnompenh “sau ba tháng” hoặc... lúc nào cũng được?
Đã đến giờ cất cánh. Bộ đội Việt Nam đã tới cách Phnompenh không xa, nhưng không bắn một phát đạn pháo nào và cũng không đưa máy bay chiến đấu đến vùng trời Pôchentông để cản trở việc lên đường của chúng tôi. Trên máy bay có ba nhân vật Khmer Đỏ tự giới thiệu được Angca uỷ nhiệm đi theo tôi khắp mọi nơi nhằm bảo đảm an toàn cho tôi và phục vụ tôi thường xuyên theo mọi yêu cầu của tôi. Đó là Thiuon Prasit, cháu gái ông ta là cô Poc Mona và ông Ket Chuôn, một cán bộ cấp cao của Khmer Đỏ (trước kia đã từng làm Bộ trưởng Công nghiệp trong chính phủ vương quốc Campuchia).
Ngoài ra tôi còn có một sĩ quan tuỳ tùng là một quân nhân Khmer Đỏ. Ngồi trên máy bay, tôi miên man suy nghĩ với những dòng tư tưởng trái ngược nhau.
Trước hết, đó là niềm vui được cùng với những người thân thoát khỏi cái chết hiển nhiên. Nhưng đồng thời cũng là nỗi buồn một lần nữa lại phải sống lưu vong xa Tổ quốc. Thật là những ý nghĩ xót xa. Tôi không thể sống sung sướng khi phải xa Tổ quốc và nhân dân đang đau khổ. Tất nhiên có cái may là nhờ có cuộc chiến đấu này nên tôi mới được “nhấc bổng sang Trung Quốc. Nhưng đối với tôi, chủ nghĩa yêu nước chân chính và cả lòng dũng cảm nữa không phải là sống lưu vong “bỏ rơi” Tổ quốc, đi thổi kèn đánh trống ở Tây âu, ở Mỹ, hoặc đến vùng biên giới Thái Lan là nơi dễ dàng xin tị nạn.
Vợ tôi, con trai tôi là Sihamoni và tất cả những người còn trung thành với tôi vừa cười vừa khóc. Trở lại tự do lần này là thật hay mơ? Chỉ có Narinđrapông và Chittara ngồi sát bên nhau là cười chế giễu, nhạo báng sự xúc động của chúng tôi. Là những tên đầy tớ trung thành của Angca, trong thâm tâm hai đứa rất bực mình khi thấy các “ông chủ” tôn kính đã nương nhẹ chúng tôi, rồi lại còn trả lại tự do cho chúng tôi. Chúng không hiểu Angca đang sử dụng tôi, dù tôi là một “tên phản động”.
Chúng tôi tới Bắc Kinh vào ban đêm, sau một chuyến bay bình yên. Ông Đặng Tiểu Bình thân chinh ra tận sân bay quốc tế đón tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau, cảm động và vui sướng. Phóng viên hãng tin Pháp AFP cùng một đồng nghiệp người Anh vượt được qua hàng rào bao vệ lại gần tôi xin phép chụp ảnh. Tôi sẵn sàng chấp nhận. Đó là tấm ảnh một Sihanouk tươi cười được đăng trên nhiều tờ báo.
Về đến nhà khách chính phủ tôi uống một liều thuốc ngủ để thần kinh dịu bớt sau mấy ngày căng thẳng và cuối cùng đã ngủ thiếp đi.
Buổi tối ngày 7-1-1979, chính phủ Trung Quốc tổ chức giúp tôi một buổi chiêu đãi tại gian phòng chính thuộc Đại lễ đường Nhân dân.
Cũng chính tại đây, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1974, ông bạn Chu Ân Lai của tôi vẫn thường tổ chức giúp tôi những buổi chiêu đãi lớn, có sự tham dự của các quan chức trong bộ máy cầm quyền của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và tất cả những nhà ngoại giao của những nước có cảm tình với Sihanouk và Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Lần này số khách mời hạn chế hơn những lần trước rất nhiều. Nguyên nhân là do tình hình nghiêm trọng đang diễn ra trên đất nước tôi và Khmer Đỏ đang thất bại. Hơn nữa, hiện nay tôi không còn là Quốc trưởng mà chỉ là đại sứ tầm thường của Campuchia “dân chủ”.
Tôi không có hứng thú cần thiết để soạn thảo bài diễn văn đọc trong buổi chiêu đãi. Vì vậy tôi đề nghị ông Ket Chuôn viết giúp bài nói bằng tiếng Thơm theo quan điểm và ý thích của... Angca. Tôi đã phát hiện được trong bài diễn văn gọi là “của tôi” một lối hành văn lâm li và hùng tráng, kịch liệt công kích Việt Nam và hết lời ca ngợi Campuchia dân chủ, một bài diễn văn nội dung đặc sệt Khmer Đỏ, chứa đựng những quan điểm và tư tưởng chính trị không phải của tôi. Phải vất vả lắm tôi mới đọc nổi bài diễn văn này, nhiều chỗ ngắc ngư, ấp úng. May cho tôi, các vị khách của tôi chẳng ai nghe tôi đọc cả. Từ trên diễn đàn, tôi nhìn thấy các quan chức Trung Quốc đang chụm đầu bàn tán với nhau cái gì đó, tất cả đều có vẻ như đi đưa đám ma. Sau khi đọc hết bài diễn văn rồi trở về chỗ ngồi, tôi mới được nghe chính miệng các vị khách của tôi báo tin thủ đô của chúng tôi đã rơi vào tay Việt Nam, nhưng tổn thất về phía Campuchia “dân chủ” là “nhẹ”, tất cả các thủ lĩnh Khmer Đỏ (tức Pol Pot và đồng bọn) đều bình yên vô sự, đang rút vào bưng biền tiếp tục chiến đấu. Tôi đề nghị tất cả mọi người nâng cốc rượu Mao Đài, uống theo kiểu Trung Quốc, tức là “cạn chén” để chúc mừng “chiến thắng... trong tương lai” của Campuchia “dân chủ”.
Khi quay về ngôi nhà dành cho chúng tôi, tôi lại uống một liều thuốc ngủ. Tôi cần phải ngủ để lấy sức vì vừa được báo tin sẽ phải “đương đầu” với một trăm nhà báo Trung Quốc và nước ngoài.
Sáng sớm ngày 8-1, một cuộc họp báo truyền hình tại chỗ được tổ chức tại gian phòng rộng lớn thuộc Đại lễ đường Nhân dân. Không phải một trăm mà gần hai trăm nhà báo đã đứng đợi tôi. Thật là bất ngờ và ngạc nhiên, họ đã vỗ tay rất lâu, nồng nhiệt chào tôi. Có rất nhiều câu hỏi. Người ta đề nghị tôi vén tấm màn cho tới nay vẫn còn đang che phủ những bí mật của Khmer Đỏ và giấu giếm những tội ác của chúng; những tội ác này mới chỉ được hé mở qua những lời tố cáo của những người may mắn trốn thoát nhà ngục của Pol Pot đang tị nạn ở nước ngoài. Trước rất nhiều câu hỏi, tôi không thể trả lời một cách ngắn gọn được. Tôi phải có những lời giải thích chính xác về vấn đề rất phức tạp là Khmer Đỏ, về cuộc sống bị giam hãm từ tháng 4-1976 sau khi tôi từ chức Quốc trưởng, về cuộc xung đột giữa Khmer Đỏ và Việt Nam và nhất là về sự “im lặng kéo dài” của tôi, tại sao tôi không gửi điện chia buồn sau khi Mao Chủ tịch qua đời. Sau đó, tôi không thể kiềm chế được nữa và cứ thế tiếp tục tố giác. Tôi nói hết, không giấu giếm điều gì, về việc tôi và nhân dân tôi bị tước đoạt các quyền tự do, về việc bọn Pol Pot cắt đứt mọi liên hệ giữa tôi với thế giới bên ngoài, làm tôi không thể viết thư cho bất cứ ai, không thể tiếp bất cứ một người bạn nước ngoài nào. Tôi nói thêm, từ hồi tôi từ chức, năm đứa con và mười bốn đứa cháu của tôi đã bị đưa đi các “công xã”, thực tế là đi đến chỗ chết.
Thế là, cuộc họp báo mà các ông bạn lớn Trung Quốc của tôi chuẩn bị rất công phu vụt biến thành buổi lên án Pol Pot và Khmer Đỏ. Từ lâu tôi đã phải giấu giếm những ý nghĩ của tôi vì mục đích cứu mạng sống cho tôi và gia đình, nay tôi không thể nói dối được nữa trước những nhà báo là những người có trách nhiệm đánh động dư luận thế giới.
Tôi nói trơn tuồn tuột như một cái máy bấy lâu bị những người thợ máy kìm hãm. Các bạn Trung Quốc dự tính cuộc họp báo sẽ kéo dài khoảng hai giờ. Thực tế, nó đã phá kỷ lục, kéo dài hơn sáu giờ, từ mười giờ sáng đến bốn giờ rưỡi chiều mới kết thúc. Tôi đã phải đề nghị các ông bạn Trung Quốc là những người thường đáp ứng đòi hỏi của tôi một cách lịch sự và độ lượng, cung cấp bánh mì nhồi thịt và nước giải khát để mời các nhà báo. Hôm sau, một số nhà báo phương Tây viết rằng tôi đã phạm sai lầm là làm cho cuộc họp báo này kéo dài gần như vô tận bởi vì tôi đã nói không ngừng và vẫn còn muốn nói nữa. Thật ra tôi chỉ muốn trả lời những câu hỏi nhiều vô kể. Mặt khác, sau gần hai giờ bị các nhà báo hỏi dồn dập như “bắn súng máy”, tôi cũng muốn thổ lộ nỗi niềm. Tiếc rằng điều đó đã không làm vừa ý những người muốn tới đây để nghe tôi “vụt tới tấp Việt Nam” chứ không phải để đánh đòn các ngài Pol Pot, Ieng Sary.
Khi trở về khu nhà ở dành riêng cho thượng khách, ông bạn Pen Nouth của tôi tỏ ý đồng tình và ca ngợi tôi đã trả lời đầy đủ các nhà báo. Còn ông Thioun Prasit, người của Pol Pot thì tái mặt, tỏ vẻ rất khó chịu về những lời tôi tố cáo chế độ Pol Pot.
Nhưng cả Thioun Prasit lẫn tôi lúc này đều chưa lường hết việc dư luận thế giới lên án chế độ Pol Pot như thế nào. Khi tới New York tôi còn bị giới báo chí hỏi vặn rất nhiều hơn nữa. Cho mãi tới năm 1985 tức là lúc tôi đang viết cuốn hồi ký này bất cứ đi đến đâu tôi cũng bị chất vấn về nhiệm vụ mà Khmer Đỏ giao cho tôi tại Liên Hợp Quốc là “bảo vệ cái không bảo vệ được” trong việc bào chữa cho Campuchia “dân chủ”.
Ngày 9-1-1979, một chiếc máy bay Boeing của Công ty hàng không quốc gia Trung Quốc đưa tôi đi Mỹ, có dừng lại ở Nhật Bản. Tại sân bay quốc tế Tôkyô, đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản tổ chức một bữa cơm trưa sang trọng (theo kiểu Pháp) có vài quan chức Nhật Bản cùng dự. Giới báo chí Nhật Bản và những tay “sừng sỏ” trong giới báo chí quốc tế nài tôi mở một cuộc họp báo tại sân bay.
Những câu hỏi của các nhà báo Nhật Bản đều lịch sự. Nhưng một vài nhà báo phương Tây, trong đó có một phụ nữ Anh rất hùng hổ, đã chất vấn tôi về Pol Pot, về Khmer Đỏ và về việc tôi chấp nhận làm đại diện cho cái chế độ đang bị toàn thế giới kinh tởm. Trong dàn hoà tấu của các nước, tôi đo được tất cả mức độ không được lòng người của Campuchia “dân chủ”, vượt xa sự tưởng tượng của tôi hồi tôi đang còn bị giam hãm ở Phnompenh.
Tại sân bay New York có hàng trăm nhà báo và phóng viên truyền thanh, truyền hình đứng đợi sẵn để phỏng vấn tôi. Ngược lại, về phía các nhà ngoại giao thì hầu như vắng tanh. Ngoài đại sứ Trung Quốc và một nhà ngoại giao Triều Tiên, tôi chỉ thấy có thêm đại sứ Xênêgan ở Liên Hợp Quốc là người dám ra sân bay chào đón tôi. Nhớ lại, hồi tháng 9-1975 khi tôi tới đây có tới hơn 80 đại sứ, 2 quốc vụ khanh, nhiều trưởng đoàn ngoại giao thế giới tự do, nhiều nhà ngoại giao thế giới thứ ba và cả các nhà ngoại giao thuộc khối Liên Xô, chạy đến vui vẻ tươi cười chào đón tôi, chúc mừng tôi chiến thắng. Vốn luôn luôn hào phóng như một bà mẹ, chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã thuê khách sạn Asteria, một khách sạn đắt tiền nhất và sang trọng nhất nước Mỹ để tôi, vợ tôi và đoàn tuỳ tùng của tôi đến ở. Trung Quốc cũng dành cho vợ tôi một ngân khoản hậu hĩnh nhất. Đại sứ Trung Quốc nài ép tôi chớ nên tiết kiệm trong việc chi tiêu. Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy suy sụp tinh thần bởi vì chính phủ Trung Quốc chẳng thông báo gì được cho tôi biết về số phận năm đứa con và mười bốn đứa cháu của tôi đang mất tích ở Campuchia. Các nhà báo phương Tây cũng làm cho cuộc sống của chúng tôi rất căng thẳng vì suốt ngày đêm họ luôn gọi điện tới phỏng vấn và chất vấn làm tôi mất ngủ.
Một nhóm phóng viên Pháp chịu mọi phí tổn to lớn cất công từ Paris tới New York để liên tục “tra hỏi” tôi trong cuộc phỏng vấn đầy bão táp. Một nhà báo tóc mầu hung, đẹp trai như tài tử điện ảnh đã kết tội tôi ngay trước mặt các bạn đồng nghiệp là “đồng loã” với bọn tội phạm Khmer Đỏ. Những câu phỏng vấn đều giống nhau tới mức tôi thuộc lòng.
Thấy vậy, một viên thanh tra cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tôi trong thời gian tôi ở New York đã tỏ vẻ thương hại và nói:
- Thưa Hoàng thân Sihanouk, những cuộc phỏng vấn với những câu hỏi tương tự như nhau đã làm ngài mệt nhoài. Cả những câu hỏi của các nhà báo lẫn câu trả lời và giải thích của ngài, tôi đều thuộc lòng. Vậy thì xin ngài cứ nghỉ trong phòng. Ngài hãy uỷ nhiệm cho tôi, thay mặt ngài trả lời và giải thích cho họ. Ngài đừng lo ngại! Tôi đã nhớ và hiểu hết. Tôi không trả lời nhầm câu nọ sang câu kia đâu!
Monic, vợ tôi, trong thời gian ở New York không đến mức mệt nhoài như tôi. Quả thật vợ tôi đã phải làm nhiệm vụ người hầu phòng vì không một bà phục vụ nào của chúng tôi được Angca cho phép từ Bắc Kinh sang đây. Cũng như hồi tháng 9 và tháng 12-1975, mỗi khi đi công tác ra nước ngoài vợ chồng chúng tôi đều phải đặt dưới sự quản lý thường xuyên của một nhóm Khmer Đỏ “trong sạch và cứng rắn”, từng người một đều do Angca chọn lọc cẩn thận. Sự theo dõi chặt chẽ đó làm cho tôi càng ngày càng khó chịu, bởi vì tôi không thể nào chịu được sự giám sát của bất cứ ai.
Vậy mà, trong tháng 1-1979 này, khi tôi vừa vui mừng được tự do thì tại New York của đất nước có “tượng thần Tự Do chiếu sáng” này tôi lại bị bao vây, theo dõi cẩn mật suốt cả ngày lẫn đêm bởi những người của Pol Pot và Ieng Sary. Họ ăn cơm ngay trong phòng ăn của chúng tôi. Họ không thiếu một thứ gì, bàn ăn của họ đầy ắp những thức ăn hiếm nhất và đắt tiền nhất. Trong khi đó vợ chồng chúng tôi chỉ ăn bánh mì nhân thịt và pho-mát. Chúng tôi ăn ngay trong phòng ngủ để tránh khỏi nhìn thấy những tên cai ngục của chúng tôi.
Hai giọt nước có thể làm tràn cốc nước. Đây là giọt nước thứ nhất. Một hôm, Thioun Prasit nói với tôi:
- Thưa Xamđec, nhiệm vụ công tác của ngài tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất định sẽ thành công rực rỡ, bởi vì chính cái vốn (đúng nguyên văn) mà từ năm 1975 đến nay đồng chí Ieng Sary tích luỹ được (đúng nguyên văn) đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngài, nhằm làm cho nước Campuchia “dân chủ” của chúng ta đạt được sự tín nhiệm, cảm tình, khâm phục và ủng hộ của đa số áp đảo các thành viên Liên Hợp Quốc.
Tôi hiểu rất rõ tình cảm hết mức của Thioun Prasit đối với Pol Pot và Ieng Sary, cũng như sự thù hằn và khinh miệt mà Thioun Prasit thường bộc lộ không cần giấu giếm đối với bản thân tôi cũng như với chế độ quân chủ Campuchia. Tuy nhiên, sau khi đã bị các nhà báo “đập tơi bời” nát vụn tất cả thần tượng của Khmer Đỏ cũng như của bản thân anh ta, vậy mà anh chàng vốn là một kỹ sư tốt nghiệp từ một trường đại học của Pháp, cũng thuộc loại thông minh đấy, không hiểu tại sao vẫn còn giũ được một chút ảo tưởng cho rằng cộng đồng quốc tế có thiện cảm với Pol Pot và Ieng Sary, hai con quái vật uống máu nhân dân.
Nếu Angca không cần đến tôi khi con tàu của họ đang chìm đắm thì có lẽ họ chẳng bao giờ kéo tôi ra khỏi nhà tù và sau này, đến năm 1982 đã chẳng lại đề nghị tôi giữ chức vụ cũ.
Và đây là giọt nước thứ hai đã thật sự làm tràn cốc: Tôi nhận được từ Bắc Kinh một bức điện thông báo, sau khi Hội đồng Bảo an tranh luận và bỏ phiếu, tôi sẽ được cử làm “quyền trưởng đoàn” đại biểu cũng “dân chủ” tại khoá họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong thời gian chờ đợi Phó Thủ tướng đặc trách vấn đề đối ngoại Ieng Sary tới New York giữ chức “Trưởng đoàn chính thức”. Vì đã hiểu rõ tính chất không được lòng người của Ieng Sary và của chế độ Khmer Đỏ, tôi không thể hình dung nổi tại sao giữa lúc đang thảm bại trước cuộc tiến quân của Việt Nam người ta lại có thể phóng túng tới mức trao cho một tên bị thế giới căm ghét và khinh bỉ chức Trưởng đoàn đại diện Campuchia tại Liên Hợp Quốc? Còn tôi, một Cựu vương, đã ba lần giữ chức Quốc trưởng Nhà nước Thơm thì người ta lại giao cho làm... trợ tá của ông Ieng Sary tại khoá họp thứ 34 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc! Thật là một sự lăng nhục. Lòng tự trọng không cho phép tôi chấp nhận điều xỉ nhục đó Tôi quyết định sau khoá họp cuối cùng của Hội đồng Bảo an sẽ tự giải thoát khỏi sự kiểm soát không tài nào chịu đựng nổi của Angca.
Sau khi ra khỏi phòng họp của Hội đồng Bảo an, tôi viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ tiếng Anh bằng bút chì trên mẩu giấy: “Ông thanh tra thân mến! Tôi nhờ cậy nhóm cảnh sát của ông giúp tôi thoát khỏi sự kiểm soát, giám sát của Khmer Đỏ hiện đang ở chung với chúng tôi trong khách sạn Asteria. Đúng 2 giờ đêm nay tôi sẽ lẻn ra khỏi phòng một mình, chỉ đem theo một chiếc va-ly. Các ông làm ơn đưa thẳng tôi bằng xe ô tô tới văn phòng ông Anđru Yâng, đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Rất cám ơn. Norodom Sihanouk”. Tôi bước vào khách sạn nơi đang ở, có ba cán bộ Khmer Đỏ và ba cảnh sát Mỹ đi kèm. Tôi dúi vội mảnh giấy vào tay viên thanh tra cảnh sự Mỹ. Đây chính là viên thanh tra đã đề nghị thay tôi trả lời các nhà báo. Phản ứng đầu tiên của ông ta là khẽ kêu lên một tiếng tỏ vẻ không đồng ý bởi vì ông ta tưởng tôi “cho quà”. Tôi vội nhìn thẳng vào mắt ông ta và khẽ lắc đầu, để ông ta hiểu đây là chuyện khác. Còn các ông Thioun Prasit và Ket Chuôn thì lại cứ tưởng tôi muốn tặng viên thanh tra một khoản thù lao. Riêng về phần tôi, tôi cũng mới chỉ yên tâm có một nửa.
Tôi kể hết mọi chuyện với vợ. Tôi nói, tôi quyết định “đi tìm tự do” vì không thể nào sống nổi với Khmer Đỏ trong sự tủi nhục thường xuyên như thế này. Vợ tôi trả lời nếu làm như vậy tôi sẽ có thể lại rơi vào những tủi nhục khác. Tôi đáp lại, quyết định của tôi là không thể đảo ngược.
Đúng hai giờ sáng, tôi sẽ ra đi một mình. Tôi nhờ vợ giải thích với các vị “đồng hành” Khmer Đỏ và các ông bạn Trung Quốc là tôi không giận họ, Trung Quốc vẫn là người bạn lớn nhất của tôi. Sau đó vợ tôi sẽ đến văn phòng ông Anđru Yâng. Chắc chắn người ta sẽ đưa vợ tôi lên xe ô tô, có cảnh sát đi theo bảo vệ, an toàn đến gặp tôi ở một nơi nào đó.
Vợ tôi, vốn rất can đảm và quen phục tùng tôi, đã nhận lời sớm hôm sau sẽ làm đúng lời tôi dặn, kể cả việc hoàn lại các ông Thioun Prasit và Ket Chuon số tiền 20.000 đô-la mà ngày 9-1-1979 chính phủ của Pol Pot đã trao cho tôi trước khi tôi rời Bắc Kinh. Tôi không muốn mắc míu một chút nợ nào đối với Khmer Đỏ. Tuy nhiên, vợ tôi cũng hỏi lại, cuộc sống của chúng tôi rồi sẽ ra sao, bởi vì chúng tôi không có một đồng xu trong túi, cũng không có cả đồ nữ trang để đem bán, chỉ có vừa đủ vài bộ quần áo thay đổi. Tôi cố làm cho vợ yên lòng bằng cách trả lời tôi sẽ viết những tập sách kể lại cuộc sống đau khổ suốt ba năm trong tay Khmer Đỏ và như vậy sẽ có một khoản tiền nhuận bút. Tôi nói thêm, mới đầu hai vợ chồng tôi sẽ xin cư trú tạm thời ở Mỹ, sau này sẽ sang Pháp tị nạn, chính phủ Pháp chắn sẽ không “bỏ rơi” chúng tôi.
Nói chuyện với vợ xong, tôi lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi lén ra khỏi khách sạn. Thông thường bọn Khmer Đỏ trong kíp “phục vụ” tôi, vốn là những kẻ rất có kỷ luật, chỉ lên giường ngủ vào đúng nửa đêm. Quyết định đến hai giờ sáng mới ra đi, tôi đã “trừ bì” khá rộng rãi. Nhưng đêm hôm đó các vị “đồng hành” của tôi làm việc mãi đến tận mười hai giờ rưỡi, cho tới lúc đó, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng máy chữ của cô Poc Mona. Họ đang nghi ngờ điều gì chăng? Mãi một giờ sáng mới thật yên tĩnh. Tất cả bọn họ đã ngủ chưa? Dù còn thức chắc họ cũng chẳng dám ra khỏi buồng để quấy rầy tôi trong lúc này. Tôi nghĩ như vậy.
Đúng hai giờ sáng trước cửa phòng nghỉ của tôi xuất hiện bốn người Mỹ cao, to, lặng lẽ, nét mặt nghiêm nghị, cặp mắt đầy cảnh giác. Đó là đội cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ tôi. Nhớ lại năm 1960 khi tôi còn là người đứng đầu “đầy uy quyền” của Nhà nước Campuchia lúc đó tôi cũng chỉ có được một cảnh sát Mỹ hộ tống trong chuyến đi thăm Mỹ hồi đó. Bây giờ có lẽ chính phủ Mỹ nghĩ “một cách hợp lý” rằng hiện nay tôi đang phục vụ cho Campuchia “dân chủ” thì sẽ kém an toàn hơn trước. Những cảnh sát Mỹ có tầm vóc đáng gờm chỉ cho tôi hướng đi. Một người mang giúp tôi chiếc vali mà vợ tôi vừa đưa ra khỏi phòng. Chúng tôi nhanh nhẹn và lặng lẽ đi về phía thang máy dành riêng cho nhân viên khách sạn, mau lẹ xuống tầng trệt. Từ đó chúng tôi men theo một hành lang dài vắng lặng rồi đi ra một phía mà tôi cũng không biết là phía nào của khách sạn, chỉ biết đó là một sòng bạc lớn, sang trọng. Chúng tôi đi qua những gian phòng đèn điện sáng trưng, vẫn còn những người lịch sự mặc quần áo dạ hội đánh bạc. Mọi người không ai ngạc nhiên khi thấy xuất hiện một người châu Á tầm vóc nhỏ bé, đi giữa bốn cảnh sát cao, to, trong đó có một người xách vali. Hình như chẳng ai để ý đến chúng tôi. Ra tới đường phố, tôi thấy có xe cảnh sát đang đợi sẵn. Xe phóng thật nhanh đưa chúng tôi tới văn phòng ông Anđru Yâng. Ông đang cùng với các phụ tá chủ chốt ngồi đợi chúng tôi trong phòng khách, tiếp đón tôi rất lịch sự. Ông Yâng, một nhân vật rất cấp tiến trong kíp Jimmi Catơ, là một người gốc da đen nhưng lại có nước da sáng, tính tình thẳng thắn, tế nhị, tỏ thái độ rất thân mật đối với tôi. Ông hẹn, khi trời sáng sẽ gọi điện ngay tới Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington. Thật là khôi hài: Sihanouk, một người mà ai cũng biết là chống Mỹ rõ rệt, lại xin tị nạn chính trị ở Mỹ. Quả là tôi có viết đơn gửi chính phủ Mỹ xin tị nạn chính trị tạm thời, và ông Yâng đã chuyển ngay lá đơn đó tới Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời thẳng yêu cầu nêu ra trong đơn, nhưng báo ngay cho tôi biết, tôi có thể ở Mỹ bao lâu cũng được. Chính phủ Mỹ sẽ chịu tiền chi phí về ăn và ở cho vợ chồng chúng tôi.
Lúc này, vợ tôi hãy còn ở trong tay Khmer Đỏ ông Yâng đã trao nhiệm vụ cho cảnh sát Mỹ bảo vệ vợ tôi... từ xa. Thế rồi mọi việc cũng ổn cả.
Tôi chân thành cảm ơn chủ nhà và liền sau đó, đề nghị được vào điều trị tại một bệnh viện ở New York để hồi phục sức khỏe do suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần, và nhất là để chữa trị “chấn thương vì Khmer Đỏ”, một chứng bệnh đã khiến cho nhiều đồng bào tôi bị chết. Ông Anđru Yâng chỉ thị cho cấp dưới, ngay sau khi vợ tôi đến văn phòng của ông, sẽ đưa cả hai vợ chồng tôi đi điều trị tại bệnh viện Lennox là một bệnh viện mà, theo ông, từ viện trưởng đến các bác sĩ đều thuộc loại giỏi.
Khi biết tin tôi đang ở văn phòng của ông Yâng, các ông Thioun Prasit và Ket Chuon đã khẩn khoản xin được gặp tôi để “kính chào” và để nhân danh Angca, nài ép tôi nhận khoản tiền hai mươi ngàn đô-la “công tác phí”. Tôi xin lỗi không thể tiếp các ông và cũng không thể nhận món quà hậu hĩnh của Khmer Đỏ. Ngược lại, trước khi cùng với vợ đi bệnh viện, tôi đồng ý tiếp Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc ở một phòng bên cạnh văn phòng ông Yâng.
Chúng tôi nói chuyện thân mật với nhau bằng tiếng Anh, có cả hai nhà ngoại giao Mỹ cùng dự theo yêu cầu của tôi. Tôi hứa hẹn với những người bạn Trung Quốc là một ngày nào đó tôi sẽ trở về sống tại Bắc Kinh, nhưng hiện nay tôi cần phải vào ngay bệnh viện New York vì tôi bị chấn thương và kiệt sức.
Tại bệnh viện Lennox, tôi được tiếp nhận lịch sự, được điều trị chu đáo, thoải mái. Điều kiện sinh hoạt ở bệnh viện thật hoàn hảo, vì vậy đến năm 1984 tôi lại tới đây điều trị một lần nữa. Một bà rất đáng yêu chịu trách nhiệm lấy ý kiến nhận xét của bệnh nhân, thường đến hỏi tôi có phàn nàn điều gì không, hoặc ít nhất cũng cho một vài nhận xét về những thiếu sót của bệnh viện. Tôi phải thề rằng quả thật tôi không có thắc mắc gì về cái bệnh viện tuyệt vời này và đã ca ngợi bệnh viện rất chân thành. Bà quay ngoắt đi, tỏ vẻ thất vọng vì gặp phải một “con chim hiếm” đã hài lòng với tất cả mọi thứ.
Trong thời gian điều trị tại bệnh viện Lennox, tôi rất ngạc nhiên khi được ông Bộ trưởng Mỹ Xairớt Venxơ tới thăm. Tươi cười và đáng yêu, ông thay mặt chính phủ Mỹ bầy tỏ thiện cảm và tin tưởng đối với tôi và nói, có yêu cầu gì cứ báo cho ông biết, đừng e ngại. Ông sẽ làm mọi việc để những ngày tôi ở Mỹ được dễ chịu. Nhưng ông nín bặt không hé mở một chút gì về lý do chính phủ Mỹ dè dặt đối với đơn xin tị nạn chính trị của tôi.
Trước sự im lặng đó, vợ tôi ngỏ ý với tôi, nên vận động ngay chính phủ Pháp cho chúng tôi tị nạn chính trị trong lúc chính phủ Mỹ có vẻ như từ chối.
Tôi nhờ ông Đại diện thường trực của Pháp tại Liên Hợp Quốc chuyển giúp đề nghị lên chính phủ Pháp như sau:
1. Tôi đề nghị được cùng với vợ đến tị nạn ở Pháp và sống tại ngôi biệt thự nhỏ bé Đơ Mugin mà chúng tôi đã có sẵn trên đất Pháp.
2. Tôi đề nghị cấp cho vợ chồng chúng tôi hai hộ chiếu Pháp vì tôi không muốn ra đi bằng hộ chiếu Khmer Đỏ.
Tôi lưu ý chính phủ Pháp, ông thân sinh ra Monic là người Pháp, vì vậy vợ tôi phải được công nhận là một công dân Pháp. Tôi cũng tự giới thiệu, tôi đã từng làm Vua Campuchia dưới sự bảo hộ của Pháp, tôi cũng đã từng được Hội đồng tối cao khối Liên hiệp Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng nhất dành cho công dân Pháp; cuối cùng tôi còn là đại uý trù bị trong quân đội chính quốc của Pháp, đã hai lần tập sự sĩ quan trù bị tại trường Cao đẳng Thiết giáp và Ky binh Xômuya của Pháp, năm 1946 và 1948.
Vài tuần sau, trong lúc tôi đang ở Nhà khách Liên Hợp Quốc, một khách sạn quan trọng do chính phủ Mỹ đài thọ hoàn toàn cả ăn lẫn ở, đại sứ Pháp Lơprét đã chuyển tới tôi điện trả lời của Paris: nước Pháp đồng ý cho ông Hoàng Sihanouk và bà Hoàng Monic được tị nạn chính trị, nhưng chỉ một mình bà Monic được cấp Hộ chiếu Pháp. Ngoài ra, ông Hoàng Sihanouk phải cam kết từ bỏ mọi hoạt động chính trị trong thời gian ở Pháp, không được cho các nhà báo cũng như các phóng viên truyền thanh, truyền hình, phỏng vấn về các vấn đề chính trị.
Ngán ngẩm, tủi hổ, tôi quyết định trở lại Bắc Kinh sau khi nhận được lời mời chính thức của ông Đặng Tiểu Bình, người hùng của Trung Quốc, mời tôi trở lại sinh sống trên đất nước ông. Ông Đặng vừa hoàn thành thắng lợi chuyến đi thăm Mỹ. Vợ tôi đồng ý ngay. Tôi đã dự kiến trước lời mời này vì biết Trung Quốc khá thông minh để hiểu rằng sẽ mất nhiều nếu không “thu hồi” được tôi. Để cho Sihanouk “ly dị” Trung Quốc rồi tị nạn ở phương Tây sẽ là điều chẳng vinh dự gì đối với Trung Quốc. Vốn cũng là một nước châu Á, Trung Quốc rất coi trọng vấn đề “giữ thể diện”.
Ngày 31-1-1979, ông Đặng mời tôi tới ăn cơm trong toà nhà dành riêng cho các vị thượng khách cao quý nhất của Mỹ tại thủ đô Washington.
Năm 1952 khi còn là Quốc vương Campuchia, trong một lần đi thăm Mỹ tôi cũng đã được mời tới ở tại toà nhà này. Hồi đó tôi đến Mỹ để cố vận động chính phủ Mỹ ủng hộ trong cuộc đấu tranh đòi Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Campuchia (nhưng không thành công).
Dưới đây xin tóm tắt nội dung cuộc nói chuyện quan trọng buổi tối hôm đó giữa tôi với vị lãnh đạo Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Đặng Tiểu Bình: Các vị lãnh đạo Campuchia dân chủ nhờ tôi thỉnh cầu quý ngài trở lại tiếp nhận một lần nữa chúc vụ Quốc trưởng Campuchia.
Sihanouk: Thưa ngài Phó Thủ tướng, nếu tôi ngừng phục vụ Khmer Đỏ, điều đó không có nghĩa là tôi bất mãn với chúc vụ đại sứ hiện nay. Từ ngày được giải phóng, tôi đã ý thúc được tầm quan trọng cực kỳ của dư luận, dư luận quốc tế và đồng bào tôi, phản đối các đồng chí Campuchia của ngài Như ngài đã biết ngay ở đây, ở Mỹ, ở Pháp, ở nhiều nơi khác nữa, ở đâu người ta cũng chửi rủa tôi chỉ vì tôi đại diện cho chính phủ Campuchia dân chủ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm bảo vệ chính nghĩa của đất nước tôi bị xâm lược. Người ta còn kết tội tôi đồng loã với Khmer Đỏ trong việc thảm sát rất nhiều đồng bào vô tội của chúng tôi, chứng cớ là Khmer Đỏ đã để cho tôi an toàn tính mạng và đã cư xử với tôi tương đối tốt trong ba năm bị họ giam hãm. (Thật ra họ phải đối xử như vậy là do Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nhiều lần can thiệp, bảo lãnh cho tôi). Lương tâm tôi không cho phép tôi tiếp tục cộng tác với Khmer Đỏ nữa, nhưng với tư cách là một thường dân tôi vẫn hết lòng phục vụ Tổ quốc tôi.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi, Trung Quốc, chúng tôi biết là Đảng và Chính phủ Campuchia dân chủ đã phạm nhiều sai lầm lớn đối với đại đa số nhân dân Campuchia cũng như đối với Xamđec, chúng tôi đã phê bình họ. Nhưng trong quan hệ với nhau chúng tôi không thể làm điều gì có thể bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo Campuchia dân chủ vừa thông báo với chúng tôi là họ sẽ không tái phạm những sai lầm trong quá khứ nữa. Họ cũng đã thừa nhận là ngay sau ngày giải phóng đã thực hiện một chính sách sô-vanh nhằm phá vỡ mặt trận đoàn kết dân tộc. Ngay từ bây giờ, họ sẽ cố gắng thực hiện một chính sách đại đoàn kết. Thưa Xamđec, ngài chính là người tập hợp nhân dân chung quanh mình, để chính sách đại đoàn kết dân tộc có thể thực hiện được. Ngài được nhất trí cứ làm Chủ tịch của Mặt trận mới, mặt trận đại đoàn kết dân tộc, một mặt trận thật sự dân chủ.
Sihanouk: Thưa ngài Phó Thủ tướng, xin ngài cho phép tôi trình bầy thăng thắn ý kiến của mình.
Vì cái gọi là “thiện chí” của những người lãnh đạo Khmer Đỏ, tôi không thể nào tin được. Con hổ không thể thành con mèo. Còn về cái Mặt trận đại đoàn kết dân tộc cũng không thể nào thật sự thành lập được bởi vì Khmer Đỏ đã thủ tiêu phần rất lớn thành viên không phải là đảng viên Khmer Đỏ trong mặt trận FUNK mà tôi đã từng làm chủ tịch.
Tôi là người duy nhất thoát chết trong quá trình phiêu lưu theo Khmer Đỏ. Tôi không thể tập hợp được các hồn ma để giúp họ. Vả lại, nếu tôi có dại dột thí nghiệm một lần nữa một mặt trận thông nhất với Khmer Đỏ thì rồi cuối cùng họ cũng thủ tiêu tất cả các thành viên không thuộc thành phần với họ, kể cả Sihanouk, sau khi đạt được “chiến thắng chung” (cứ cho là thế đi) chống Việt Nam...
Đặng Tiểu Bình: Ta chuyển sang vấn đề khác nhé! Chúng tôi được biết Xamđec không muốn trở về Trung Quốc mà sẽ sang sống ở Pháp.
Sihanouk: Ơ miền Nam nước Pháp tôi có một biệt thự nhỏ.
Đặng Tiêu Bình: Nhưng mà Trung Quốc đã xây cho ngài một biệt thự to, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của ngài! Ngài vẫn thưởng nói, Trung Quốc là Tổ quốc thứ hai của ngài, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là người bạn trung thành nhất của ngài. Hôm nay tôi chính thúc mời ngài sang ở Trung Quốc. Nếu ngài cần phải chọn một nước nào đó khác với Tổ quốc của mình, tại sao không chọn tổ quốc thứ hai?
Sihanouk: Tôi rất yêu Trung Hoa. Tôi phải chịu ơn Trung Quốc. Đó là món nợ to lớn đối với tôi. Hơn nữa, tôi còn có biết bao kỷ niệm với Trung Quốc: đó là tình hữu nghị đặc biệt mà Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dành cho tôi, đó là những quan hệ anh em, tin cậy, thắm thiết ràng buộc tôi với Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhưng, với tất cả sự chân thành của tôi, xin thú thật với ngài là tôi rất sợ khi quay trở về Trung Quốc lần này lại phải nghe những lời các ngài bào chữa cho Khmer Đỏ và phải từ chối những gì mà ngài nhân danh các đồng chí Khmer Đỏ của ngài đề nghị với tôi.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi hiểu tình cảm của ngài. Chỉ xin ngài nhận lời mời hữu nghị của chúng tôi tới sống ở Trung Quốc cho tới khi nào ngài có thể trở về Tổ quốc của ngài là Campuchia. Tôi xin hứa không nhắc đến chuyện ngài hợp tác với Đảng và Chính phủ Campuchia dân chủ nữa. Nhưng nếu một ngày nào đó ngài chủ động nêu lại vấn đề này với tôi thì tôi rất lấy làm sung sướng.
Sihanouk: Thưa ngài, xin ngài hãy từ bỏ hy hi vọng đó đi. Bởi vì từ nay cho đến lúc hết đời, không bao giờ tôi nêu vấn đề đó ra.
Đặng Tiểu Bình (cười): Tôi hiểu lắm chứ. Thôi nhé, chúng tôi xin chiều ý ngài. Xin nhấn mạnh: Ngài hoàn toàn tự do đi lại trong nước Trung Quốc và ra nước ngoài, bất cứ đi đâu, bất cứ lúc nao, tuỳ thích!
Sihanouk (cũng cười): Thưa ngài, tôi biết lắm. Nước Trung Hoa nhân dân không phải là nước Campuchia dân chủ.
Đặng Tiểu Bình: Vậy thì ngài nhận lời đến sống ở Trung Quốc chứ?
Sihanouk: Tôi xin nhận một cách vui vẻ và biết ơn.
Đặng Tiểu Bình (cười to): Nhiệt liệt cám ơn ngài.
Cùng dự buổi nói chuyện này, về phía Trung Quốc còn có bà Đặng Tiểu Bình. vợ chồng ông Hoàng Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông đại sứ Trung Quốc ở Mỹ. Về phía Campuchia còn có Bà Hoàng Monic.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc rõ ràng rất hài lòng vì đã tìm được lối thoát. Trong khi chuẩn bị rất chu đáo để đưa tôi trở về Trung Quốc, họ càng đặc biệt chăm sóc về mặt vật chất cho vợ chồng chủng tôi. Trung Quốc đề nghị tôi nhận một khoản tiền lớn bằng đô la Mỹ để chi tiêu cho việc chuẩn bị khởi hành”. Tôi từ chối một cách lịch sự, nhưng Monich lại chấp nhận mười nghìn đô-la là khoản tiền Trung Quốc tặng riêng Monic, vợ tôi giải thích, nếu không nhận thì không có tiền thù lao cho các nhân viên khách sạn đã phục vụ chúng tôi rất chu đáo. Hơn nữa, chúng tôi còn phải mua quà tặng bà Anđru Yâng vì ông Yâng đã giúp chúng tôi rất nhiều, tặng bà đại sứ Pháp Lơprét vì bà đã mời chúng tôi đến ăn cơm, tặng bà vợ ông đại sứ Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc là người cũng đã giúp chúng tôi nhiều việc. Tôi đành nghe theo vì Monic có lý hơn tôi.
Trong những ngày còn ở lại Niu York, vì thật sự không có tiền, tôi đành phải nhờ các bạn Trung Quốc giúp tôi tổ chức một bữa ăn “theo kiểu Pháp”, có rượu vương Pháp thượng hảo hạng để mời hai vợ chồng ông Anđru Yâng và những cộng sự viên chủ yếu của ông ở Liên Hợp Quốc, nhằm tỏ lòng biết ơn Mỹ đã đối xử với tôi rất tốt. Các bạn Mỹ không ngạc nhiên khi thấy tôi nhận lời trở lại Trung Quốc, coi đó là nơi tị nạn. Họ chúc tôi hạnh phúc.
Tôi cảm thấy các ông bạn Mỹ như trút được gánh nặng là tôi. Quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không bị vẩn đục vì “vấn đề Sihanouk”, một kẻ bất ngờ “rơi xuống” đầu họ.
Giờ lên đường đã tới. Những người bạn Trung Quốc của tôi chuẩn bị rất hoàn hảo mọi vấn đề cho chúng tôi, kể cả vấn đề tế nhị nhất là hộ chiếu.
Cuối cùng, chúng tôi đã ra đi với mảnh giấy “thông hành” đơn giản. Các nhà chức trách Mỹ đã đơn giản mọi thủ tục hải quan và xuất cảnh để chúng tôi ra đi dễ dàng. Ngồi trong khoang hạng nhất của chiếc máy bay phản lực thuộc Công ty hàng không liên Mỹ, tôi nhận thấy chung quanh phần lớn là các nhà đại tư bản công nghiệp Mỹ cùng với vợ đi thăm Trung Quốc. Có cả một viên tướng đã nghỉ hưu trước kia công tác trong Phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ tại Campuchia cũng đi thăm Trung Quốc cùng với vợ. Viên tướng này biết tôi rất rõ vì đã ở Campuchia từ trước năm 1963 (đến 1963 thì tôi từ chối viện trợ quân sự của Mỹ). Tới Bắc Kinh, tôi mời các bạn Mỹ mới quen trên máy bay đến thăm chỗ ở mới của tôi, đã trang bị xong nội thất, sáng rực ánh đèn, trang hoàng lộng lẫy.
Tôi mời họ dự bữa ăn “theo kiểu Pháp” được các đầu bếp Trung Quốc nấu rất ngon. Có một đầu bếp lành nghề ở Thượng Hải mà đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai đã tìm chọn để phục vụ tôi năm 1970. Năm 1979 ông được thăng cấp. Song song với công việc trong Quốc hội, ông vẫn tiếp tục chỉ huy công việc bếp núc của tôi ở Bắc Kinh, và đã thành lập được một đội ngũ khá đông những tay đầu bếp trẻ tuổi có thể làm được các món ăn Trung Quốc Pháp, Khơme một cách hoàn hảo. Thày dạy của họ về các món ăn Khơme là Công chúa Norodom Mônketh Kania, cô tôi. Sau bữa ăn ngon tuyệt này các vị khách Mỹ đã cổ vũ tôi rất nhiều bằng những lời chúc mừng của họ.
Chỉ còn lại một vết đen trong cuộc sống rất dễ chịu của tôi ở Bắc Kinh. Đó là Narinđrapông và Chittara, hai tên đồ đệ của Pol Pot không thể nào gột rửa được, vẫn cứ cặp kè bên cạnh tôi. Chúng vẫn tiếp tục chửi rủa bác gái tôi và các bà phục vụ chúng tôi. Quá bực tức, tôi đã đề nghị các nhà chức trách Trung Quốc trục xuất hai tên vô lại này ra khỏi nhà tôi. Một quan chức cấp bậc đại sứ, được chính phủ Trung Quốc uỷ nhiệm thường trực bên cạnh tôi, tỏ ra rất bối rối. Ông tìm cách dàn hoà giữa tôi với Narinđrapông và Chittara. Nhưng tôi nói tôi nhất định không sống chung dưới một mái nhà với hai tên “tướng cướp” này. Hoặc là đuổi chúng đi, hoặc chính tôi một ngày nào đó sẽ rời bỏ cái nhà này đi ẩn náu ở nơi khác. Đến lúc này các ông bạn Trung Quốc mới thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Họ chuyển chúng sang một ngôi nhà khác. Từ đó, mọi người mới “thở” được. Ít lâu sau Narinđrapông và Chittara di tản sang Pháp, mọi phí tổn do Trung Quốc đài thọ một cách hào phóng.
Đến đây, chấm dứt câu chuyện về cuộc sống của tôi với Khmer Đỏ trong khoảng thời gian từ tháng 12-1975 đến tháng 1-1979, và cũng chấm dứt những nỗi bực dọc của tôi sau khi tôi thoát khỏi nanh vuốt bọn Khmer Đỏ ở New York một cách kỳ lạ, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2-1979.

2. Từ cuộc chiến chống CIA đến người tù của Khơ Me Đỏ
Sáng 13 tháng 3 năm 1970, khi tôi đang chuẩn bị đáp máy bay rời Paris đi Matxcơva, một cố vấn thân cận cùng ngồi trong xe trên đường ra sân bay đã nói vui:
- Kính thưa Xamđec, ta không nên xuất hành vào ngày hôm nay, vì là ngày 13, lại cũng là thứ Sáu, một ngày rất xấu!
Vì không mê tín dị đoan nên tôi chỉ cười đáp lại và vẫn cứ đi gặp các vị lãnh đạo Liên Xô đúng như chương trình đã định. Năm ngày sau, giữa lúc tôi đang ở Matxcơva, bọn Lon Nol, Sirik Matak ở nhà đã truất phế tôi. Thứ Sáu ngày 13 quả là một ngày rất xấu?
Trở lại ngày 13 tháng 3 năm 1970, khi tôi bay tới Matxcơva đã thấy Chủ tịch Xô-viết tối cao Pôtgorny chờ đón tại sân bay nhưng không có nghi lễ vì chúng tôi đã thoả thuận, đây chỉ là chuyến đi bình thường với tư cách cá nhân, không phải là một chuyến thăm chính thức. Sau khi chào đón tôi, Chủ tịch Pôtgorny nói thêm:
- Thưa Xamđec, ngài có thể nghỉ lại Matxcơva đêm nay nếu ngài muốn, nhưng sáng mai nên quay trở về Phnompenh. Chúng tôi rất tin tưởng ở ngài, Hoàng thân Sihanouk. Nhân dân Campuchia đang cần có một vị Quốc trưởng như ngài, vì vậy ngài nên quay trở lại ngay đất nước mình để trực tiếp nắm giữ vận mệnh Campuchia. Ngài hãy lưu tâm, đừng để Campuchia rơi vào tay bọn Lon Nol, Sirik Matak, đừng để Campuchia bị lôi cuốn vào các mưu đồ của đế quốc Mỹ, đừng để bọn Lon Nol, Sirik Matak gây khó khăn cho nhân dân miền Nam Việt Nam đang dũng cảm chiến đấu giải phóng đất nước mình.
Tôi trả lời, sẽ nghiên cứu rất nghiêm chỉnh mọi vấn đề có liên quan đến tình hình hiện nay.
Đúng là từ đầu tháng 3, giữa lúc đang còn dưỡng bệnh ở Pháp, tôi đã được tin trong nước đã xảy ra những vụ biểu tình chống người Việt ở tỉnh Vây Riêng, và cũng đã được báo cáo, chính Lon Nol lúc đó đang giữ chức Thủ tướng là kẻ chủ mưu. Đến ngày 11-3-1970 tôi lại được tin một đám người nói là sinh viên và học sinh trung học đã tiến công Đại sứ quán Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam. Sau đó vài giờ, bọn này tiến công cả Đại sứ quán Việt Nam dân chủ cộng hoà ở Phnompenh. Sau đó, tôi nhận được thêm chứng cớ đây chính là hành động của binh lính mặc thường phục, dưới sự đạo diễn của Lon Nol và cả của em trai ông ta là đại tá tham mưu trưởng cũng mang tên là Lon Nol. Đây không phải là những cuộc biểu tình “bột phát” như báo chí phương Tây và vô tuyến truyền hình Mỹ đã đưa tin. Bởi vì những biểu ngữ đều viết bằng tiếng Anh, điều hiếm thấy trong nước tôi khi có cuộc biểu tình tuần hành trên đường phố.
Các phóng viên báo chí, quay phim, chụp ảnh đều được báo trước, theo kịch bản đã dàn sẵn.
Ngay khi biết tin các sứ quán nói trên bị tiến công, từ Paris tôi đã gửi một bức điện tới Mẫu hậu, mẹ tôi, tức Thái hậu Sisowath Kôssamắc Nearireath, là vợ goá của Cựu vương Norodom Xuramarit thân sinh ra tôi, trong đó tôi cực lực lên án những cá nhân đã đặt lợi ích riêng của bản thân và đồng bọn lên trên tương lai của đất nước và vận mệnh của dân tộc. Tôi cũng đã cảnh báo với Thái hậu về một âm mưu đảo chính của cánh hữu, đồng thời báo tin tôi sẽ trở về đương đầu với bọn chủ mưu. Ngày 10-3-1970, tôi cũng đã phát biểu trên Đài Truyền hình Pháp, vạch rõ các thế lực cánh hữu ở trong nước đang lợi dụng sự vắng mặt của tôi để cố tìm cách thay đổi đường lối chính trị của Campuchia, lôi kéo Campuchia vào quỹ đạo của Mỹ. Tôi cũng khẳng định Cục Tình báo trung ương Mỹ gọi tắt là CIA đã có liên hệ chặt chẽ với cánh hữu Campuchia. Tôi nói: “Nguy cơ của cuộc đảo chính có tránh được hay không, tất cả phụ thuộc vào quân đội Campuchia”.
Tôi nói như vậy là vì, thật tình lúc đó tôi mới chỉ nghĩ tới Sirik Matak đang giữ chức Phó Thủ tướng là kẻ chủ mưu. Lúc bấy giờ tôi hãy còn hoàn toàn tin cậy ở Lon Nol, và nghĩ rằng Lon Nol sẽ huy động quân đội dập tắt mọi âm mưu lật đổ. Tôi nghi ngờ Sirik Matak, vì biết rằng sau khi Campuchia lập lại quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1969, Sirik Matak đã có những cuộc tiếp xúc rất thân mật với sứ quán Mỹ ở Phnompenh. Trong bài phát biểu truyền hình từ Paris, tôi đã báo trước, nếu tôi bị lật đổ, tình hình Campuchia sẽ rất đen tối.
Sau khi tôi gửi điện trình bày tình hình với Mẫu hậu, lại bùng nổ thêm những cuộc biểu tình và những hành động tiến công cộng đồng người Việt ở Campuchia, kể cả việc đập phá những nhà thờ đạo Thiên Chúa là một việc rất xa lạ với nền văn hoá Phật giáo và những truyền thống từ bi độ lượng của đất nước Campuchia chúng tôi. Một lần nữa, tôi lại nhận được những báo cáo rất đáng tin cậy cho biết, những vụ đập phá này hoàn toàn do binh lính mặc thường phục giả làm dân thường tiến hành. Tôi tự hỏi: phải chăng cả Lon Nol nữa cũng đang trở mặt, quay lại chống tôi? Tôi không muốn tin vào điều đó. Bởi vì trong suốt cả phần lớn cuộc đời Lon Nol đều rất gắn bó với tôi, và tôi cũng luôn luôn coi Lon Nol như cánh tay phải của mình.
Lon Nol luôn tuyên bố trung thành tận tuỵ với tôi, mà bản thân tôi cũng thấy những lời nói ấy quá cường điệu. Tôi vẫn còn nhớ, cách đây vài tuần, chính Lon Nol đã nhắc lại những điều đó khi yết kiến tôi tại Pháp.
Cái lý do mà bọn gây rối đưa ra bào chữa cho vụ đập phá các sứ quán Việt Nam là sự có mặt của quân đội Việt Cộng và Việt Minh trên lãnh thổ Campuchia tại các khu vực biên giới. Nhưng Lon Nol thừa biết hơn ai hết là nếu thi thoảng có một số đơn vị quân giải phóng của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam qua lại những vùng đất của Campuchia, thì họ cũng chẳng làm điều gì hại cho chúng tôi cả. Hơn nữa, dù ở đâu thì mục tiêu của họ cũng là nhằm vào Sài Gòn chứ không phải Phnompenh. Các chiến sĩ Quân giải phóng chiến đấu để giải phóng đất nước của họ, chứ không phải để xâm lược đất nước chúng tôi. Từ nhiều năm nay, chúng tôi đã biết nhưng vẫn không có phản ứng gì trước sự qua lại của Quân giải phóng, cũng như trước kia Marôc và Tuynidi vẫn từng để cho Quân giải phóng An-giê-ri qua lại trên lãnh thổ của hai nước này thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Vả lại, các chiến sĩ kháng chiến người Việt dù qua lại trên lãnh thổ Campuchia nhưng không hề quấy rối nhân dân chúng tôi tại các khu vực biên giới. Họ chỉ mua những thứ cần thiết và đều trả tiền sòng phẳng. Họ không hề đụng chạm đến phụ nữ nước tôi Chính Lon Nol khi đưa quân lính của chế độ Sài Gòn vào đất Campuchia mới gây tác hại cho nhân dân trong một cuộc chiến tranh khác hẳn tính chất.
Nhân dân chúng tôi không hề bị xúc phạm vì sự có mặt tạm thời và không thường xuyên của “Việt Cộng” mà chính là bom và đạn pháo của Mỹ đã gây thiệt hại cho chúng tôi. Người ta không bao giờ nhìn thấy có Việt Cộng tại những khu vực Mỹ thường ném bom thường xuyên và ác liệt.
Những xác chết tìm thấy sau những trận bom ở Vây Riêng và những khu vực khác ở vùng biên giới đều là xác những nông dân Campuchia, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Điều này đã được ghi nhận trong phần lớn các bản báo cáo của Uỷ ban Quốc tế kiểm soát và giám sát đình chiến lập ra sau Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954, sau khi tới điều tra tại chỗ. Người Mỹ tại Nam Việt Nam, với hơn một triệu quân trong tay, trong đó 500.000 là lính Mỹ, đã bất lực không khoá chặt được biên giới của phía họ, thì Campuchia với 300.000 quân làm sao nổi việc này. Chính Lon Nol cũng đã từng đồng ý với quan điểm này của tôi, nhưng nay lại phủ nhận. Nếu bây giờ Lon Nol lại lợi dụng cái gọi là sự có mặt của Việt Cộng trên lãnh thổ Campuchia làm lý do để thay đổi đường lối chính trị và thách thức tôi, thì quả là có một chuyện gì đó nghiêm trọng đang xảy ra. Đó là điều tôi nghĩ tới nên tôi đã trả lời Chủ tịch Pôtgorny là tôi có ý định tiếp tục chuyến thăm Matxcơva rồi sau đó sẽ đi Bắc Kinh như đã định.
Dù sao, tôi cũng cần có thời gian để tìm hiểu cái gì đã xảy ra ở Phnompenh.
Sau này, có người cho rằng nếu lúc đó tôi trở về Campuchia ngay, có thể tôi đã kịp thời nắm lại được quyền lực trong tay. Đó cũng chỉ là dự đoán. Lúc này tôi đang cần ở lại Matxcơva nhằm thảo luận với các nhà cầm quyền Xô-viết về một hiệp định viện trợ quân sự. Các lực lượng Mỹ-nguỵ ở Nam Việt Nam đến từ phía Đông và bọn phản động Khơme Xơrây do CIA vũ trang đến từ các căn cứ của chúng trên đất Thái Lan từ phía Tây đang ngày càng thâm nhập thường xuyên vào lãnh thổ chúng tôi. Những vụ vi phạm vùng trời Campuchia diễn ra hằng ngày. Một sự de doạ thật sự đang uy hiếp nhân dân Campuchia. Từ năm 1963 tôi đã từ chối nhận viện trợ quân sự của Mỹ và cũng từ đó đến nay các thiết bị quân sự không được thay thế, thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là các phương tiện vận tải Các sĩ quan quân đội của chúng tôi đang nôn nóng đề nghị nối lại viện trợ quân sự Mỹ. Nhưng tôi muốn hướng về Liên Xô. Tôi dự định sẽ đề nghị Liên Xô cử tới Campuchia một phái đoàn viện trợ quân sự như kiểu phái đoàn MAAG mà Mỹ đã áp dụng ở Sài Gòn. Phái đoàn Liên Xô này sẽ tới Phnompenh thẩm định những nhu cầu về quân sự của chúng tôi và huấn luyện cho quân đội chúng tôi sử dụng các vũ khí Liên Xô. Sau vài cuộc đàm phán, người Nga đã chấp nhận đáp ứng mọi yêu cầu của chúng tôi. Nhưng lúc đó đã quá muộn.
Trước khi tôi rời Matxcơva lên đường đi Bắc Kinh, Thủ tướng Kossyghin đã mở tiệc chiêu đã tôi rất trọng thể tại điện Kremli. Sau bữa tiệc, chúng tôi vừa uống cà-phê vừa thảo luận về tình hình Campuchia. ông Kossyghin nói:
- Ngài cần tìm mọi cách ngăn Lon Nol và Sirik Matak, đừng để chúng đâm dao găm vào lưng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Đây là thời điểm rất khó khăn cho các đồng chí Việt Nam của chúng tôi đang chiến đấu giải phóng tổ quốc. Ngài hãy cố tìm cách loại bỏ Lon Nol và Sirik Matak. Ngài đã từng biểu thị tinh thần chống đế quốc Mỹ, đã từng thể hiện sự ủng hộ quý báu đối với Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Ngài đã giữ một vai trò rất vẻ vang. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng ngài.
Tôi hứa với ông Kossyghin là sự ủng hộ của tôi đối với sự nghiệp của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong cuộc đấu tranh vì độc lập của họ sẽ không bao giờ giảm sút. Liền sau đó, tôi nhận được một bức điện của Thủ tướng Chu Ân Lai bày tỏ sự lo ngại về những sự kiện vừa qua tại Phnompenh, ngày 17 tháng 3 sau cuộc thảo luận với Thủ tướng Kossyghin, tôi gửi một bức điện trình Mẫu hậu, trong đó tôi viết:
“Phe xã hội chủ nghĩa cho rằng những sự kiện vừa qua ở Campuchia là một nguy cơ trực tiếp đánh vào cán cân lực lượng giữa Mỹ và hệ thống xã hội chủ nghĩa. Thủ tướng Chu Ân Lai vừa thông báo cho biết sự lo ngại của Trung Quốc trước tình hình diễn biến ở Campuchia, nhưng vẫn giữ thái độ bình tĩnh trước việc sứ quán Trung Quốc tại Phnompenh bị khiêu khích. Các vị lãnh đạo Liên Xô cũng cho biết, họ cho rằng chính sách hiện nay của cánh hữu ở Phnompenh là cực kỳ nguy hiểm đối với tương lai của đất nước Campuchia. Người Nga đã nói với con họ sẵn sàng giúp mọi việc để khôi phục lại trật tự và nền trung lập của Campuchia. Con đã cám ơn họ và trả lời rằng con tự dành cho mình quyền hành động theo lương tri của một người Campuchia, vì lơi ích lâu dài của đất nước và nhân dân Campuchia. Con cũng xin được nhấn mạnh một nhận xét của ông Kossyghin mà con cho là rất có ý nghĩa. Ông Kossyghin đã nói với con: “Những đồng chí Việt Nam của chúng tôi là những người có trí nhớ tốt. Họ sẽ không bao giờ quên sự ủng hộ của ngài trong thời điểm rất khó khăn của cuộc đấu tranh của họ, cũng như họ sẽ không quên hành động của các thế lực cực hữu Campuchia đã gây cho họ thêm khó khăn trong giai đoạn quyết định của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ. Nếu cánh hữu ở Campuchia cứ tiếp tục những cuộc tiến công như vậy chống lại đồng minh của chúng tôi ở Miền Nam Việt Nam, tôi cho rằng cuộc chiến tranh giữa Việt Nam và Campuchia sẽ không tránh khỏi. Con mong rằng những người có trách nhiệm dừng chơi các trò phù thuỷ hiện nay ở Phnompenh hãy nghiền ngẫm kỹ những lời tuyên bố này”.
Sau đó tôi được biết tin, Thái hậu mẹ tôi đã cho gọi Lon Nol và Sirik Matak tới và bảo họ phải ngừng ngay những hành động bạo lực chống Việt Nam. Họ tránh né bằng cách đề nghị cử một phái đoàn đi Bắc Kinh gặp tôi để thương lượng. Thái hậu đã thay mặt tôi thẳng thừng bác bỏ kiến nghị này, bởi vì không có vấn đề gì cần phải đàm phán cả mà là phải ngừng ngay những hành động đi chệch Hiến pháp trung lập của Campuchia đã từng giữ cho Campuchia khỏi lao vào một cuộc chiến tranh. Thái hậu cũng tỏ vẻ rất bất bình trước việc đập phá các sứ quán Việt Nam ở Phnompenh, đòi Lon Nol, Sirik Matak phải xin lỗi bằng văn bản và bồi thường những thiệt hại đã gây ra.
Sau khi gửi điện về nước, tôi lại tiếp tục thảo luận với các nhà lãnh đạo Xô-viết về tình hình Campuchia và những hậu quả có thể xảy ra giữa Campuchia và Việt Nam. Đây cũng là lần đầu tiên, tôi được gặp và trực tiếp thảo luận với ông Leonit Brznev, Bí thư thứ nhất Ban chấp hành trung ương Đảng Cộng sản Liên Xô. Tôi cũng được biết tin, tại Phnompenh một số sĩ quan mà tôi cho là trung thành đã bị bắt giữ vì dính líu vào một âm mưu chống Lon Nol và Sirik Matak. Cuộc khủng hoảng ở Campuchia đang trầm trọng đúng như tôi nghĩ. Chiều ngày 18-3-1970 tôi lên đường đi Bắc Kinh. Trên đường ra sân bay, Thủ tướng Kossyghin ngồi cùng xe ngoảnh về phía tôi, nói:
- Quốc hội của ngài vừa mới quyết định tước bỏ mọi quyền lực của ngài. Thế là thế nào?
Tôi trả lời:
- Thế là tôi đã bị truất phế.
Ông Kossyghin hỏi:
- Ngài định làm gì bây giờ?
Tôi đáp:
- Tôi sẽ chiến đấu chống lại. Nhất định như vậy.
Lúc đó, ông Kossyghin mới nói thêm:
- Ngài có thể tin vào sự ủng hộ của Liên Xô cho tới thắng lợi cuối cùng. Khi ngài còn nắm giữ quyền lực ở Phnompenh, Trung Quốc đã giúp đỡ ngài. Còn bây giờ, mọi việc đã thay đổi, ngài hãy coi thử Trung Quốc sẽ làm gì.
Tôi cám ơn và nói:
- Tôi đi Bắc Kinh để tìm sự giúp đỡ của bạn cũ là Chu Ân Lai rồi sẽ quay trở lại Matxcơva.
Ông Kossyghin nói tiếp:
- Ngài muốn làm gì, xin tuỳ ý. Trong mọi trường hợp, ngài vẫn có thể tin cậy vào chúng tôi.
Sau đó, tôi báo cho những người Campuchia cùng đi theo là tôi đã bị truất phế; nhưng do Matxcơva và Bắc Kinh không có ý công nhận chế độ mới ở Campuchia nên tôi có ý định tổ chức một cuộc kháng chiến chống lại bọn tiếm quyền.
Chủ tịch Xô-viết tối cao Liên xô Pôtgorny đã dành chiếc chuyên cơ của ông cho tôi sử dụng.
Đây là một chiếc máy bay rất tiện nghi và rộng rãi, có thể làm việc ngay trong khi đang bay, khiến tôi rất vui mừng. Thế là mọi việc đã rõ.
Những nghi ngờ của tôi đã trở thành sự thật hiển nhiên. Lon Nol đã lộ mặt phản bội. Thà đó là Sirik Matak thì tôi không ngạc nhiên lắm, nhưng đây lại là cả Lon Nol. Bởi vì từ thủa nhỏ Sirik Matak đã thù ghét tôi. Hắn nghĩ rằng, đáng lẽ người nối ngôi vua, leo lên ngai vàng phải là ông bác hắn, tức Hoàng thân Sisowath Mônirét, chứ không phải là tôi. Tôi cũng biết, Sirik Matak đã từng có quan hệ mật thiết với CIA từ hồi làm đại sứ ở Nhật Bản và ở Philippin. Đến nay, Sirik Matak lôi kéo được cả Lon Nol thì quá là một cú “sốc” đối với tôi, và nếu còn có nhiều tên nữa theo hắn thì thật là tệ hại.
Sau khi máy bay cất cánh, tôi thảo luận với Pen Nouth người từng nhiều lần giữ chức Thủ tướng trong chính phủ Vương quốc Campuchia và những người cùng đi về quyết định ra lời kêu gọi kháng chiến đối với nhân dân trong nước. Vợ tôi là Monic, lúc này cũng vừa mới an ủi số người thân trong gia đình, nói với tôi:
- Ông đã làm việc quá nhiều rồi. Ông đã cống hiến cả cuộc đời cho đất nước. Vậy mà bây giờ họ lại truất phế ông. Tôi nghĩ có lẽ ta nên rút lui, sang Pháp nghỉ ngơi còn hơn...
Tôi nói ngay:
- Không! Tình hình tồi tệ hiện nay không phải lúc để ta đi trốn. Lịch sử sẽ lên án ta, nếu ta để cho đất nước Campuchia trở thành một nhà nước độc tài quân sự, và hơn thế nữa, còn là một thuộc địa. Trong suốt cả cuộc đời, ta đã từng ước mơ một nền độc lập cho đất nước. Ta đã giành giật được độc lập từ tay Pháp không phải để rồi nay lại vứt bỏ. Chế độ Hoàng gia không được tránh né cuộc đấu tranh này. Nhất định đế quốc Mỹ sẽ thất bại trên toàn cõi Đông Dương. Ta phải tham gia vào cuộc đấu tranh chống Mỹ. Nhất định Mỹ sẽ bị đánh bại bởi những người Việt Nam và Khmer Đỏ. Pathét Lào cũng sẽ giành được nước Lào. Trách nhiệm của Hoàng gia là phải ở lại cùng với nhân dân Campuchia.
Monic hiểu ra ngay. Chúng tôi cùng ngồi vào bàn làm việc. Monic ngồi bên cạnh tôi. Pen Nouth ngồi trước mặt tôi. Trong lúc máy bay tiếp tục bay trên độ cao mười ngàn mét qua vùng trời Siberi, tôi bắt đầu soạn thảo bản Tuyên bố và Lời kêu gọi kháng chiến, nay đã trở thành những văn kiện lịch sử Trong suốt chuyến bay đêm, không ai trong chúng tôi chợp mắt ngủ vì mọi người đều hồi hộp, xúc động. Monic, Xamđec Pen Nouth và tôi làm việc không nghỉ để hoàn thành bản Tuyên bố kháng chiến. Nhưng đến ngày 23-3-1970 văn bản này vẫn chưa công bố vì chúng tôi còn theo dõi tình hình diễn biến ở Campuchia trước khi khởi sự. Khi máy bay hạ cánh xuống sân bay Bắc Kinh, phần lớn các văn kiện đã được chúng tôi thảo xong.
Tôi vừa bước xuống chân cầu thang máy bay đã được Thủ tướng Chu Ân Lai ôm hôn nồng nhiệt.
Ông đã hiểu biết tôi khá rõ, nên không hoài nghi gì về việc tôi sẽ phát động kháng chiến, và ông đã huy động toàn bộ đoàn ngoại giao chào đón tôi tại sân bay. Ông nói với tôi: “Ngài vẫn là Quốc trưởng duy nhất của Campuchia, chúng tôi không công nhận bất cứ ai khác”. Ông cùng cho biết, ông đã chỉ thị cho Tân Hoa xã công bố trên toàn bộ báo chí danh sách tất cả các vị đại sứ và đại biện lâm thời ra đón tôi, để nhấn mạnh tôi vẫn là Quốc trưởng Campuchia. Có tới 41 nước cử đại diện đi đón tôi tại Bắc Kinh hôm đó.
Cùng ngồi trên xe rời khỏi sân bay, ông Chu Ân Lai nói:
- Tôi đã thảo luận tình hình với Mao Chủ tịch. Tôi chỉ xin hỏi ngài một câu thôi: “Ngài có ý định chiến đấu không?”.
Tôi đáp ngay:
- Tôi sẽ chiến đấu tới cùng!
Ông Chu Ân Lai nói tiếp:
- Thế thì chúng tôi hoàn toàn ủng hộ ngài.
Nhưng sau đó ông lại khuyên tôi suy nghĩ thêm hai mươi bốn giờ nữa cho thật chín chắn, vì “con đường kháng chiến sẽ lâu dài khó khăn và rất nhiều trở ngại trước khi đi tới thắng lợi cuối cùng”. Tôi đáp:
- Suy nghĩ của tôi cũng giống như ý nghĩ của tất cả những người Khơme yêu nước. Họ sẽ đi cùng với tôi và chúng tôi sẽ sát cánh chiến đấu chống chủ nghĩa đế quốc và bọn tay sai.
Tôi cũng khẳng định lại với Chu Ân Lai quyết tâm này vào ngày hôm sau, đúng như ông yêu cầu.
Báo chí phương Tây hồi đó viết rằng sau khi xảy ra cuộc đảo chính của Lon Nol, Trung Quốc đã do dự nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần trước khi đi đến quyết định ủng hộ tôi kháng chiến. Nhưng sự thật là chỉ hai mươi bốn giờ sau khi tôi chính thức hạ quyết tâm kháng chiến, tôi đã công khai tuyên bố trên báo chí Trung Quốc chuyện này rồi. Nếu không được Trung Quốc đảm bảo ủng hộ thì sao tôi có thể công bố quyết tâm kháng chiến được?
Sự thật là trong hai ngày 20 và 21-3 tôi đã công khai tuyên bố kháng chiến và chính thức đọc bản tuyên bố kháng chiến ngày 23-3-1970.
Tôi tới Bắc Kinh hôm trước thì hôm sau Thủ tướng Phạm Văn Đồng cũng từ Hà Nội tới Bắc Kinh. Ông chào mừng tôi nồng nhiệt và nói to: “Thế là từ bây giờ chúng ta cùng là bạn chiến đấu rồi! Chúng tôi rất tự hào được nhìn thấy ngài đứng trong một chiến hào cùng với chúng tôi”.
Hồi đó, báo chí phương Tây loan tin, ông Phạm Văn Đồng đã “thương lượng” với tôi do ông Chu Ân Lai “đứng làm trung gian dàn xếp”. Thật là một sự xuyên tạc. Chúng tôi đã từng đoàn kết nhất trí với nhau trong nhiều vấn đề, và những hoàn cảnh hiện nay lại càng gắn bó chúng tôi chặt chẽ hơn nữa.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng bắt đầu ngay câu chuyện bằng việc hỏi tôi:
- Chúng tôi có thể giúp đỡ ngài như thế nào?
Tôi nói:
- Trung Quốc đã hứa giúp chúng tôi vũ khí. Chúng tôi không thiếu người chiến đấu nhưng đang rất cần huấn luyện viên quân sự, chúng tôi thiếu cán bộ quân sự có kinh nghiệm chiến đấu. Việt Nam có những cán bộ quân sự giỏi nhất thế giới về kiểu chiến tranh mà chúng tôi sẽ tiến hành.
Ông Phạm Văn Đồng trả lời ngay:
- Tôi sẽ nói với Tướng Giáp gứi tới giúp các ngài những cán bộ xuất sắc.
Tiếp đó, chúng tôi thảo luận kỹ về các biện pháp tốt nhất nhằm phối hợp cuộc đấu tranh giữa nhân dân các nước Đông Dương. Chính qua cuộc thảo luận này tôi nẩy ra ý định tổ chức một cuộc hội nghị cấp cao nhân dân các nước Đông Dương, và sau đó trong hai ngày 24 và 25-4-1970 hội nghị này được tiến hành tại miền Nam Trung Quốc, trong khu vực tiếp giáp với Đông Dương. Mục đích chính của hội nghị này là phối hợp cuộc kháng chiến của nhân dàn ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia trên bán đảo Đông Dương.
Sau cuộc hội nghị nhân dân Đông Dương, tôi còn được thảo luận lâu tới hai giờ với Chủ tịch Mao Trạch Đông trước khi Chủ tịch tới Thiên An Môn dự lễ kỷ niệm ngày Quốc tế lao động 1-5-1970. Ông Mao hỏi tôi rất lâu về Lon Nol mà ông đã được gặp hồi năm ngoái khi Lon Nol được cử tới Trung Quốc dự lễ kỷ niệm 20 năm thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa. Ông cho biết, hồi đó Lon Nol chưa gây một ấn tượng gì lớn. Nay ông muốn biết tất cả những gì vừa xảy ra ở Phnompenh và vai trò của tôi trong các vấn đề của Campuchia. Ông Mao nói với tôi:
- Tôi thích bắt tay một ông Hoàng yêu nước như ngài hơn là những nguyên thủ quốc gia thường tự nhận là “những người con của nhân dân” nhưng không làm gì cho dân cả. Ngài đã giữ một vai trò rất đáng ca ngợi. Ngài xứng đáng trở thành một đảng viên cộng sản.
Đó là lời biểu dương to lớn nhất mà ông Mao dành cho tôi. Ông tiếp tục nói:
- Ngài cần những gì, cứ nói với chúng tôi. Chúng tôi có cái gì, các ngài cũng có cái đó. Tất cả những gì chúng tôi tặng các ngài không thấm vào đâu so với sự cống hiến của ngài trên cương vị lãnh đạo cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia.
Ngay trong những ngày đầu tiên khi tôi tới Bắc Kinh, Thủ tướng Chu Ân Lai và Thủ tướng Phạm Văn Đồng đều khẳng định với tôi là sau ngày thắng lợi, Campuchia sẽ là một nước độc lập, có chủ quyền, trung lập và tự do. Ông Chu Ân Lai nói:
- Nước Campuchia không phải là Trung Quốc. Trung Quốc là một nước cộng sản. Campuchia vẫn là một nước trung lập.
Chính phủ Trung Quốc đã luôn luôn tôn trọng tính độc lập trong suy nghĩ và hành động của tôi, chủ nghĩa bảo hoàng, chủ nghĩa dân tộc, tín ngưỡng tôn giáo và phẩm tước của tôi. Trung Quốc đã giúp tôi một khoản viện trợ tài chính lớn, nhưng do tôn trọng tôi nên đã coi đây là một khoản cho vay dài hạn, ba mươi năm sau khi hoàn toàn chiến thắng mới phải thanh toán. Trong khi đó, đại sứ Pháp ở Bắc Kinh chuyển cho tôi một thông điệp của chính phủ Pháp, cho biết nếu tôi rút lui sang Pháp thì chính phủ Pháp sẽ dành cho tôi một toà biệt thự, một xe ô tô và một người lái hoàn toàn do tôi tuỳ ý sử dụng. Tôi cám ơn và nói:
- Chính phủ Trung Quốc cũng vừa mới cung cấp cho tôi những thứ đó và đó mới chỉ là sơ bộ bước đầu. Bước tiếp theo chính là sự ủng hộ hoàn toàn sự nghiệp đấu tranh của chúng tôi. Tôi đã nhận sự viện trợ kép này của Trung Quốc và xin từ chối sự giúp đỡ chỉ đơn độc có một khoản của Pháp.
Sau khi đại sứ Pháp cáo từ, tôi bất giác nhớ lại một câu chuyện đã xảy ra tại Pháp, lúc tôi đang điều trị và dưỡng bệnh trên đất nước này. Một hôm, tướng Nhiek Tiêu Long là người đã từng nhiều lần giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia mời tôi đi ăn hiệu. Khi chúng tôi vừa ngồi vào bàn ăn, chợt nghe thấy một người Pháp ngồi ở bàn gần đó nói với bạn:
- Này, nhìn kìa, Bảo Đại đấy? Hắn ta mới béo tốt đẫy đà làm sao, cứ như một ông quan cai trị Thổ Nhĩ Kỳ. Chính chúng mình phải đóng thuế để nuôi béo hắn đấy!
Họ đã nhầm tôi với Bảo Đại. Nhưng đó cũng là những lời cảnh cáo nếu tôi nhận sự “giúp đỡ” của Pháp, sang nương nhờ trên đất Pháp. Còn ở Bắc Kinh, khi tôi đi dạo trên đường phổ, mọi người đều nhận ra tôi ngay và nhiều người đã nói với tôi: “Ngài đang cống hiến lớn lao cho đất nước. Ngài đã giúp đỡ nhân dân Việt Nam anh hùng và bây giờ nhân dân Campuchia cũng đang kháng chiến dưới sự lãnh đạo của ngài”. Tôi thích nghe những lời đó hơn được tưởng nhầm là Bảo Đại trong số những người giàu có đang nghỉ mát ở vùng bờ biển miền Nam nước Pháp.
Trong số các nhà ngoại giao đến chào khi tôi tới Bắc Kinh có cả đại sứ Campuchia là May Valentin. Khi tôi bảo ông ta gửi đến văn phòng của tôi vừa mới thiết lập ở Bắc Kinh một số đồ dùng cần thiết như máy chữ, máy sao chụp nhân bản, ông ta đã làm nhưng vài hôm sau lại cho người đến lấy mang đi. Đồng thời ông ta còn báo tin vừa mới nhận được một bức điện quan trọng của Lon Nol đòi tôi phải ngừng ngay các hoạt động và chấm dứt không được tiếp tục ra các thông cáo. Tôi lập tức triệu tập cộng đồng người Campuchia chung quanh tôi, đọc cho họ nghe bức điện của Lon Nol trước sự có mặt của viên đại sứ. Sau khi đọc xong Valentin hỏi tôi:
- Ngài định trả lời Lon Nol như thế nào ạ?
Tôi đáp: “Như thế này này?”. Nói xong, tôi xé nát bức điện, ngay trước mặt viên đại sứ. Valentin cúi nhặt những mẩu giấy vụn rồi bước ra khỏi phòng. Nhưng liền sau đó, hắn tịch thu luôn hai hòm quà mà tôi thường vẫn dùng làm tặng phẩm trong những chuyến đi thăm chính thức.
Từ ngày 5 đến ngày 7-4-1970, Thủ tướng Chu Ân Lai thăm chính thức Triều Tiên.
Trong các bài diễn văn cũng như trong bản Tuyên bố chung, Thủ tướng Chu Ân Lai và Chủ tịch, Nguyên soái Kim Nhật Thành đều bầy tỏ sự ủng hộ hoàn toàn Mật trận dân tộc thống nhất Campuchia, gọi tắt là FUNC (được thành lập ngay sau khi tôi ra lời kêu gọi kháng chiến) và người đứng đầu là tôi.
Một tháng sau, Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia được thành lập tại Bắc Kinh, trong đó có ba Bộ chính là Quốc phòng, Ngoại giao, Thông tin đặt trụ sở ngay trong vùng giải phóng trên đất Campuchia. Lập tức, chính phủ này được ngay hai mươi nước công nhận nhưng Liên Xô và phần lớn các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu đều chưa bầy tỏ thái độ dứt khoát, kể cả Anbani, Rumani, Nam Tư. Người ta chê trách tôi là quá phụ thuộc vào Trung Quốc, bởi vì một nửa số Bộ của chính phủ đều đặt trụ sở trên đất Trung Quốc. Nhưng trên thực tế lại có một nửa số Bộ được cắm rễ ngay trên lãnh thổ Campuchia. Ý nghĩ đầu tiên của tôi là chỉ ở lại thăm Bắc Kinh một thời gian ngắn để đảm bảo có được sự viện trợ cụ thể của Trung Quốc trên văn bản rồi sẽ lại đi Matxcơva. Tôi rất khâm phục thái độ của Việt Nam lúc đó đã giữ được cán cân thăng bằng trong các quan hệ giữa Trung Quốc và Liên Xô, đặt Trung Quốc trên một đĩa cân và Liên Xô trên một đĩa cân khác. Đối với Campuchia chúng tôi trong lúc này bàn cân hãy còn nghiêng về một phía. Trung Quốc không phản đối việc Liên Xô ủng hộ sự nghiệp của chúng tôi, và điều đó có thể còn dẫn đến đôi chút cải thiện trong quan hê Xô-Trung. Nhưng chúng tôi còn có thể làm gì được nữa? Chúng tôi rất hài lòng vì Trung Quốc tôn trọng chủ quyền dân tộc và độc lập tư tưởng của tôi, nhưng chúng tôi càng vui hơn nếu cả hai nước lớn nhất trong phe xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc cùng sát cánh với chúng tôi. Có hai nước này là chúng tôi có được tất cả các nước khác.
Thủ tướng Kossyghin đã nhấn mạnh rất nhiều đến việc tôi cần ngăn cản bọn Lon Nol và Sirik Matak thọc dao găm vào lưng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Trên thực tế, chúng tôi đã cố làm hết sức mình để tiến công phá vỡ sự liên minh giữa Lon Nol, Sirik Matak với các lực lượng Sài Gòn và lực lượng không quân Mỹ từ lúc chúng tôi chưa có được một sự viện trợ nào từ bên ngoài.
Liên Xô còn đòi hỏi gì ở chúng tôi hơn nữa? Cho tới lúc này Liên Xô vẫn duy trì sứ quán của họ ở Phnompenh, duy trì những quan hệ ngoại giao với cái chế độ phản bội. Họ còn gửi những trang bị y tế để những binh lính Lon Nol bị chúng tôi loại khỏi vòng chiến có thể chữa trị. Tháng 10-1971, Liên Xô còn gia hạn hiệp định thương mại với cái chế độ mà chính Thủ tướng Kossyghin đã nói với tôi là không bao giờ “tha thứ” cho chúng. Bây giờ, chúng tôi đang đứng hẳn về phía Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam. Các lực lượng vũ trang của chúng tôi và của Mặt trận đang chiến đấu bên cạnh nhau.
Trong công hàm ngày 15-1-1971 gửi ông Kossyghin, tôi đã nhắc ông về lời cảnh cáo của chính phủ Liên Xô đối với chế độ Lon Nol ngày 24-5-1970, tức hai tháng sau khi xảy ra đảo chính, trong đó Liên Xô đòi Campuchia phải quay trở lại con đường “hoà bình, trung lập phải từ bỏ việc gia nhập các thế lực xâm lược và trở thành một bàn đạp chiến tranh uy hiếp các nước láng giềng”. Trong công hàm này, tôi đã chứng minh Lon Nol đang thực tế đi ngược lại những lời khuyên của chính phủ Xô-viết, vẫn “thọc dao găm vào lưng” nhân dân Việt Nam đang chiến đấu chống đế quốc Mỹ để giải phóng miền Nam Việt Nam trong những hoàn cảnh khó khăn hơn. Cũng trong công hàm này tôi đề nghị Liên Xô “cắt đứt ngay mọi quan hệ ngoại giao với các chế độ Cộng hoà phản Hiến pháp, phản dân tộc, phản nhân dân, thân đế quốc và phát xít”. Tôi yêu cầu chính phủ Liên Xô “chính thức công nhận Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia”. Tôi còn nhấn mạnh để Liên Xô gây áp lực với chính phủ Mỹ, đòi Mỹ chấm dứt can thiệp vũ trang của Mỹ và chính quyền Sài Gòn vào Campuchia; đề nghị Liên Xô viện trợ quân sự cho các lực lượng vũ trang nhân dân Campuchia, đừng chờ đến ngày chúng tôi toàn thắng mới công nhận Chính phủ của chúng tôi.
Tôi đánh giá cao thái độ của ông Raun Roa, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba trong khi tiếp đại sứ Campuchia tại Cuba sau khi xảy ra đảo chính ở Phnompenh. Ông Raun Roa hỏi viên đại sứ:
- Thế nào, ông sẽ chiến đấu bên cạnh Hoàng thân Sihanouk chứ?
- Không. Ông ta bị đuổi đi rồi. Bây giờ, tất cả mọi người đều chống Sihanouk.
- Thế thì anh đi ra khỏi phòng tôi ngay? Anh đừng làm ô uế nơi này nữa. Tôi cho anh hai mươi bốn giờ để rời khỏi La Habana. Anh không phải chỉ là một tên đã phản bội Sihanouk, mà còn là một điều sỉ nhục đối với nhân dân Campuchia. Không! Tôi không thèm bắt tay anh. Tôi rất buồn vì đã trót bắt tay anh khi anh mới bước vào đây.
Các quan chức Xô-viết ở Bình Nhưỡng biện bạch với Bộ Ngoại giao Triều Tiên rằng sẽ là sai lầm nếu họ rút các nhân viên ngoại giao ra khỏi Phnompenh vì một khi đã rút về thì khó quay trở lại. Chuyện này đến tai Chủ tịch Kim Nhật Thành ông nói: “Thà rút ra khỏi nước Campuchia không có Sihanouk, còn hơn là ở lại đó với Lon Nol”.
Cuộc đảo chính ở Campuchia đã được tổ chức như thế nào? Những yếu tố chủ yếu của cuộc đảo chính này là gì? Câu trả lời đúng đắn và đầy đủ sẽ là một bài học quan trọng sống còn, không chỉ đối với riêng Campuchia, mà còn là lời cảnh báo đối với tất cả những nhà lãnh đạo đang bảo vệ chủ quyền đất nước và phẩm giá dân tộc chống những kẻ thù bên trong và bên ngoài. Tôi xin cố gắng giải đáp như sau:
Đầu tháng 9-1969, tôi đáp máy bay đi Hà Nội dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đặt nền móng và là lãnh tụ kính yêu đấu tranh cho độc lập của Việt Nam.
Từ lâu, tôi đã rất ngưỡng mộ “Bác” Hồ.
Người không chỉ thuộc về Việt Nam, mà là cả Đông Dương, cả châu Á và có thể là cả thế giới, bởi vì Người luôn luôn bảo vệ những quyền lợi của các dân tộc bị áp bức ở các thuộc địa cũng như quyền lợi của những người da đen ở Mỹ. Đối với riêng tôi, Người cũng là “đồng chí”. Người đã gửi cho tôi những bức thư trìu mến và tôi cũng đã luôn ước mong được gặp Người, nhất là trong những năm gần đây tôi thường đề nghị có cơ hội đi thăm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội.
Nhưng các bạn Việt Nam nói, Mỹ đang ném bom miền Bắc Việt Nam, một chuyến đi thăm như vậy là rất nguy hiểm đối với tôi. Tôi đáp lại: “Thì đây chính là dịp để tôi biểu thị tình đoàn kết với Việt Nam”. Các bạn Việt Nam vẫn khẳng định: “Ngài là Quốc trưởng Campuchia và cũng là người bạn lớn của Việt Nam. Chúng tôi phải chịu trách nhiệm trước nhân dân nước Ngài, nếu xảy ra rủi ro đối với Ngài vì những trận nêm bom của Mỹ”. Và thế là mãi mãi tôi không bao giờ được gặp Chủ tịch Hồ nữa.
Lúc máy bay cất cánh tôi nghĩ thật là đau đớn và mỉa mai xiết bao, chuyến đi thăm đầu tiên của tôi tới nước Việt Nam dân chủ cộng hoà lại là để dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Sau này tôi mới được biết, lúc máy bay vừa mới cất cánh thì Sirik Matak đã vội triệu tập đồng bọn, trong đó có Lon Nol ở ngay tại sân bay, nhận định đây là thời cơ tốt nhất để truất phế tôi. Sirik Matak nói giữa lúc Việt Cộng và Việt Minh đang chiếm đóng trái phép lãnh thổ Campuchia thế mà “tên phản quốc Sihanouk” lại đi Hà Nội dự lễ tang “quan thầy” và còn chỉ thị làm lễ cầu siêu cho “ông chủ của hắn” ở Phnompenh thì đúng là cơ hội may mắn vô cùng để làm đảo chính truất phế Sihanouk. Sirik Matak nói, nếu tiến hành đảo chính ngay trong lúc này thì tôi sẽ không dám quay về nước nữa.
Tuy nhiên, Lon Nol lại chưa sẵn sàng hành động. Vợ Lon Nol vừa mới chết, Lon Nol đang phải lo việc chôn cất. Vốn là một kẻ cực kỳ mê tín dị đoan, Lon Nol nghĩ khởi sự giữa lúc đang có tang thì sẽ xúi quẩy. Sau này, tôi còn được những nguồn tin từ Mỹ cho biết, từ một tháng trước CIA đã thông báo cho bọn tay chân Lon Nol biết, CIA sẵn sàng ủng hộ một cuộc đảo chính lật đổ tôi. Lúc tôi bay đi Hà Nội, CIA đã nhắc lại với Lon Nol lời cam kết ủng hộ này, chỉ cần Lon Nol và Sirik Matak ấn định các chi tiết hành động và thời gian cụ thể trong kế hoạch đảo chính có cả hành động ám sát tôi nếu tôi có mặt ở Campuchia.
Thêm một chứng cứ nữa. Ngày 12-1-1971 tờ Thời đại của Australia đăng bài của giáo sư Australia Mintơn Ôxbơn, chuyên gia về các vấn đề châu Á thuật lại cuộc tiếp xúc giữa ông với Sơn Thái Nguyên là em trai Sơn Ngọc Thành trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Đông Dương hồi chiến tranh thế giới thứ hai, Sơn Ngọc Thành đã từng làm bù nhìn cho Nhật Bản, sau đó lại cầm đầu nhóm phản động Khơme Xơrây do CIA nuôi dưỡng. Sơn Thái Nguyên đã nói với giáo sư Mintơn Ôxbơn là anh trai hắn “dù sống lưu vong nhiều năm tại nước ngoài vẫn nung nấu ý đồ hạ bệ Sihanouk” và “Lon Nol đã có nhiều cuộc tiếp xúc bí mật với Sơn Ngọc Thành hồi tháng 9-1969”, trong những cuộc tiếp xúc này, đã “thảo luận về việc lật đổ Sihanouk”. Tuy nhiên, cho tới lúc đó Lon Nol vẫn chưa sẵn sàng hành động vì sau khi chôn cất vợ Lon Nol lại phải đi Pháp điều trị vết thương xảy ra do đụng độ xe hơi với tướng Nhiek Tiêu Long, một đối thủ của Lon Nol tại Campuchia.
Lon Nol đã chọn một bệnh viện tư của Mỹ ở tỉnh Nơi-y trên sông Xen gần thủ đô Paris của Pháp để chữa trị, một sự trùng hợp rất kỳ lạ là, sau khi Lon Nol vừa mới nhập viện, cũng có một số người Mỹ nữa đến điều trị, nhưng trong số họ không ai bị thương hoặc bị bệnh cả, mà lộ rõ mặt là những chuyên gia về đảo chính của CIA. Chính các sinh viên Campuchia ở Pháp đã phát hiện ra điều này. Hồi đó, trong cộng đồng người Campuchia ở Pháp người ta công khai bàn tán với nhau là ai muốn kiếm tiền một cách dễ dàng nhất thì hãy đến bệnh viện thăm Thủ tướng Lon Nol miễn là chịu khó nghe những lời Thủ tướng nói. Đại sứ Kinh Konf là sĩ quan tuỳ tùng của Lon Nol đã trao cho mỗi người đến thăm và nghe Thủ tướng chỉ thị một số tiền là 500 phăng, đồng thời còn căn dặn họ trong tương lai cần vâng lời và biết ơn Thủ tướng Lon Nol vì ngài sẽ còn hào phóng hơn nữa.
Từ đại bản doanh nguỵ trang dưới vỏ bọc bệnh viện, hằng ngày Lon Nol gọi điện về Campuchia cho Sirik Matak và đồng bọn trao đổi ý kiến về âm mưu tiến hành đảo chính. Trên tờ Người bảo vệ xuất bản ở Anh, trong các số ra ngày 14, 18-8 và 18-9-1971, nhà báo T. D. Ônman đã thuật lại những cuộc hỏi chuyện Sơn Ngọc Thành và một số đồng bọn, cho biết “cuộc đảo chính đã được chuẩn bị từ lâu” và “Lon Nol đã điều khiển chính phủ bằng điện thoại từ Paris, trong đó có cả những chỉ thị xúc tiến kế hoạch đảo chính”. Rất rõ ràng, những huấn thị lật đổ tôi đã được phát đi từ một bệnh viện Mỹ ở bên Pháp dưới sự điều khiển của Lon Nol và quan thầy CIA.
Trong những tháng trước khi Lon Nol đi Paris lại xảy ra một sự kiện nữa rất đáng chú ý. Đó là, một số lính Khơme Xơrây đặt căn cứ tại Thái Lan đã “đào ngũ”. Như tôi đã viết ở phần trên, CIA đã tuyển mộ, huấn luyện. trang bị, nuôi dưỡng đám binh lính phản động này. Việc chúng “đào ngũ” chỉ có nghĩa là chúng theo lệnh của CIA giả vờ rời bỏ hàng ngũ Khơme Xơrây, về “đầu hàng” các lực lượng vũ trang Hoàng gia Campuchia để làm nội ứng cho âm mưu phản loạn sau này. Đại tá Lon Nol là em trai Thủ tướng Lon Nol lúc đó giữ chức vụ Tổng tham mưu trưởng đã cho phép những tên lính “đào ngũ” này được tập hợp lại trong tỉnh Battambang tiếp giáp với Thái Lan và còn kết nạp cả một số tên vào những đơn vị quân đội đóng tại thủ đô Phnompenh cũng như trong lực lượng quân cảnh Campuchia.
Thời kỳ đó, tôi đã chỉ thị trích trong Quỹ cứu tế Quốc gia một triệu đồng Riên (theo thời giá, một đô la Mỹ đổi được 35 Riên Campuchia) nhằm trợ cấp cho đám lính Khơme Xơrây đào ngũ hàng loạt trở về quê quán làm ăn, đồng thời cũng nhằm khuyến khích những tên khác tiếp tục đào ngũ trở về quê hương sinh sống bình thường. Điều kỳ lạ ]à bọn chúng đã trả lại tiền và nói rằng chúng trở về nước vì yêu nước chứ không phải vì tiền. Vậy mà ngoài khẩu súng ra thì chúng chỉ có hai bàn tay trắng. Sau này tôi mới rõ số tiền thưởng cho chúng chẳng thấm gì so với số tiền chúng được CIA trả thù lao. Tuy không có tiền trợ cấp của chính phủ Hoàng gia Campuchia chúng vẫn có tiền ăn tiêu thoải mái, bởi vì chúng là lính đánh thuê cho ông chủ giầu có hơn tôi rất nhiêu. Chúng từ chối tiền thưởng tôi để dễ khiến tôi mắc lừa lòng yêu nước của chúng.
Lại thêm một chuyện đáng suy nghĩ nữa: Trong một buổi đến thăm Hà Nội, Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một nhân vật rất thông minh, nhạy cảm, một người tôi đánh giá cao về chủ nghĩa yêu nước và lòng nhân hậu, cho tôi biết một chuyện làm tôi rất ngạc nhiên. Vào thời kỳ này, Trung Quốc thường mua gạo của chúng tôi bằng đồng đô-la rồi từ Campuchia gạo được chuyển luôn sang miền Nam Việt Nam viện trợ cho Mặt trận dân tộc giải phóng. Số gạo này được vận chuyển bằng xe tải của Quân đội Campuchia tới khu vực biên giới để trao cho Mặt trận dân tộc giải phóng. Trung Quốc đã ứng trước cho Lon Nol một số tiền rất hậu hĩnh để gạo được chuyển tới tay Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trong nửa cuối năm 1969.
Nhưng theo ông Phạm Văn Đồng thì Mặt trận dân tộc giải phóng chưa nhận được gì, kể cả gạo lẫn thuốc men là thứ rất cần. Tôi hứa sẽ trực tiếp giải quyết việc này. Trước đó nhiều năm việc mua bán chuyển vận như thế này vẫn được tiến hành chu đáo thế mà nay lại trục trặc. Đó là điều tôi rất khó hiểu. Các bạn Việt Nam ở miền Nam cũng rất ngạc nhiên không nhận được hàng đưa tới. Từ tháng 5-1969, cơ quan đại diện của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam đã được nâng lên cáp sứ quán. Campuchia là một trong những nước đầu tiên đã chính thức công nhận Chính phủ cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam từ tháng 6-1969 ngay sau khi chính phủ này thành lập.
Sau đó ít lâu chúng tôi cũng đã đón tiếp ông Huỳnh Tấn Phát, Thủ tướng Chính phủ cách mạng miền Nam Việt Nam sang thăm chính thức Campuchia và nhân dịp này hai bên đã ký một Hiệp định thương mại. Thế mà bây giờ Campuchia lại có vẻ như lừa bịp bạn hàng của mình.
Lon Nol bắt đầu giữ chức Thủ tướng từ tháng 6-1969 và ngay từ khi nhậm chức đã đặt điều kiện phải cho hắn có toàn quyền điều hành chính phủ. Sau khi hỏi lại chính phủ về việc chuyển gạo cho Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, tôi chỉ nhận được những câu trả lời rất mơ hồ. Sau khi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tôi trở về nước thì Lon Nol lại được cử đi dự lễ kỷ niệm hai mươi năm thành lập nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa thay tôi vì vào thời điểm này Công chúa Margaret của nước Anh đang ở thăm Campuchia. Lúc này Lon Nol chưa lộ mặt phản bội, vẫn được tiếp đón trọng thể, được ngồi trên lễ đài Thiên An Môn bên cạnh Chủ tịch Mao Trạch Đông trong buổi diễu binh ngày 1-10-1969.
Ông Phạm Văn Đổng lúc đó cũng có mặt ở Bắc Kinh đã nêu vấn đề với ông Chu Ân Lai là Mặt trận dân tộc giải phóng không nhận được gạo và thuốc men của Trung Quốc qua đường Campuchia nhưng Lon Nol không chịu cam kết sẽ chuyển giao số hàng nói trên. Được biết chuyện này, tôi đã chỉ thị cho Lon Nol phải giao ngay hàng tới Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, nếu thất thoát phải bồi thường. Nhưng, cho tới khi đi Pháp chữa bệnh, Lon Nol vẫn không thực hiện.
Trong thời gian Lon Nol vắng mặt, Sirik Matak là người được Lon Nol chọn làm Phó Thủ tướng đảm nhiệm chức vụ Quyền Thủ tướng. Lợi dụng chức quyền này Sirik Matak đã gửi một thông tri tới các Bộ, các Vụ, qui định tất cả các báo cáo đều phải gửi tới Quyền Thủ tướng, không được trực tiếp gửi lên Quốc trưởng, người nào không tuân theo qui tắc sẽ bị “trừng phạt nặng”. Rõ ràng, cả Lon Nol lẫn Sirik Matak sau khi được CIA hứa hẹn ủng hộ đã ngày càng tỏ ra lộng hành, giải quyết mọi việc theo kiểu “chuyện đã rồi” không chịu báo cáo trước với tôi.
Nội các do Lon Nol và Sirik Matak thành lập tháng 8-1969 cũng thay đổi rất nhiều, gồm toàn thành phần đại diện cho giới tư sản mại bản, địa chủ và những thế lực có quan hệ với nước ngoài. Ngay sau khi tổ chức xong chính phủ, Lon Nol tuyên bố ngừng quốc hữu hoá. Vì vậy, từ ngày 25-11-1969 Bộ trưởng Kinh tế Ốp Kim Ang và Bộ trưởng Thương mại Prôm Tho đã chuyển giao lại việc xuất - nhập cảng từ Nhà nước quản lý cho tư nhân, việc sản xuất thuốc chữa bệnh và nhiều mặt hàng quan trọng do Nhà nước giữ độc quyền cũng chuyển cho các chủ ngân hàng tư nhân trong và ngoài nước. Sau này tôi mới được biết Sirik Matak đã làm việc này để tạo điều kiện thuận lợi tiến công tôi. Theo nhà báo Ônman trong những bài viết về Campuchia thì “Nhóm chống Sihanouk chuẩn bị cơ hội chờ đến tháng 12-1969 khi Quốc hội họp tại Phnompenh sẽ gạt bỏ Sihanouk. Nhiều nguồn tin cho biết Lon Nol đã huy động bốn ngàn quân và cảnh sát tay chân của hắn tới Phnompenh gây sức ép. Rất có thể, Sihanouk cảm thấy ít được ủng hộ sẽ phải để mặc cho Quốc hội bỏ phiếu tán thành chính sách kinh tế của Sirik Matak hơn là giải tán chính phủ để tổ chức bầu Quốc hội mới”. Phần cuối này do Ônman dự báo đã không xảy ra vì Lon Nol đang còn phải điều trị tại Pháp.
Trong thời gian Quốc hội họp, những phần tử cực đoan của Khơme Xơrây, còn gọi là “Khơme Xanh” đã lọt được vào doanh trại Phnompenh do đại tá Lon Nol (em trai Thủ tướng Lon Nol chỉ huy), chính lực lượng an ninh của tôi đã báo cho tôi biết việc này. Trong khi đó Khmer Đỏ cũng huy động lực lượng quần chúng trong Quốc hội bảo vệ chính sách kinh tế do tôi đã đề ra và chính sách này đã được đa số nghị sĩ ủng hộ. Trong phiên bỏ phiếu nhất định số đông sẽ chống lại chính sách kinh tế của Sirik Matak. Chính vì sợ bị lộ mặt nên phái Khơme Xơrây đã phải ngả theo đa số. Thế là chính sách kinh tế của Sirik Matak đã bị Quốc hội bác bỏ. Báo chí hồi đó đã viết nhiều về kỳ họp này của Quốc hội Campuchia. Đó cũng là kỳ họp cuối cùng thể hiện được tinh thần công khai dân chủ đề ra từ ngày Campuchia giành được độc lập, đồng thời cũng mở đầu cho thời kỳ Sirik Matak tiến công huỷ bỏ cách thức bỏ phiếu có tính dân chủ này.
Sau khi Quốc hội bế mạc vài ngày, tôi vào bệnh viện Phnompenh điều trị rồi đến ngày 7-1-1970 lại cùng với vợ tôi và một số tuỳ tùng trong đó có Xamđec Pen Nouth đi Pháp chữa trị tiếp tại bệnh viện đa khoa của bác sĩ Pháp Pa tê, là nơi cứ hai năm một lần tôi lại tới. Tôi cần phải đến đây để theo một thời gian biểu điều trị, đồng thời cũng để hoàn toàn nghỉ ngơi tĩnh dưỡng. Tôi nghĩ thời gian này cũng để Sirik Matak nghiền ngẫm rút ra bài học về sự thất bại trong mưu toan thay đổi chính sách kinh tế do tôi đề ra. Tôi cũng có ý định sau khi điều trị xong sẽ đi thăm Paris, Matxcơva, Bắc Kinh để xin viện trợ kinh tế, tài chính và quân sự rồi quay về nước trên cơ sở sung sức, sẵn sàng đóng góp thêm một nỗ lực mới nhằm lập lại trật tự trong nền kinh tế bằng nội lực cộng với sự giúp đỡ của các nước bạn. Tôi hoàn toàn tin chắc rằng chỉ vài tháng nữa Sirik Matak sẽ hoàn toàn lộ mặt trong việc gây tác hại bởi các hoạt động tài chính đen tối và nhân dân Campuchia sẽ vui mừng quay trở lại đường lối kinh tế cũ đã thực hiện nhiều năm từ ngày độc lập.
Tôi tuyệt đối không biết gì về âm mưu bí mật đã nhen nhóm và đang tiếp tục hình thành trong bệnh viện Mỹ ở Nơi-y, nơi Lon Nol điều trị cũng như cuộc tiếp xúc giữa Sơn Ngọc Thành và Lon Nol tại Phnompenh trong thời gian tôi đi Hà Nội hồi tháng 9-1969. Bộ trưởng An ninh của tôi lúc đó là đại tá Xôxten Phécnanđê có biết về âm mưu lật đổ tôi nhưng lúc đó đã không báo cáo cho tôi biết. Về vấn đề này, nhà báo Ônman sau đó mới tiết lộ rằng ông ta đã được “nhiều nhân vật chức vụ cao ở Phnompenh cho biết, từ sáu tháng trước khi xảy ra vụ đảo chính (ngày 18-3-1970) Lon Nol, Sirik Matak và nhiều quan chức cấp cao trong Bộ Tổng tham mưu và trong Quốc hội âm mưu lật đổ Sihanouk bằng vũ lực và nếu cần sẽ ám sát cả Sihanouk”.
Ngày 18-2-1970, Lon Nol trở về nước với bản dự thảo kế hoạch hành động được thực hiện đúng một tháng sau. Ngay khi về tới Phnompenh, Lon Nol tiến hành một chuyến đi thị sát tất cả các doanh trại khu vực biên giới, tới đâu cũng hô hào các binh sĩ chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc đụng đầu lớn với “kẻ thù truyền kiếp là Việt Nam”. Hành động của hắn không chỉ dừng lại đây. Ônman tiết lộ thêm: “Giai đoạn cuối cùng trong việc chuẩn bị lật đổ Sihanouk là một loạt cuộc họp bí mật giữa một số nhân vật cấp cao tại Phnompenh trong những tháng đầu năm 1970, một số cuộc họp được tổ chức trong nhà riêng của Lon Nol và Sirik Matak, một số nữa được tiến hành trên xe ô tô để tránh bị cảnh sát mật của Sihanouk theo dõi”. Sau này tôi được báo cáo chính Bộ trưởng Bộ Quốc gia giáo dục Campuchia là Chan Xô khum đã được Lon Nol và Sirik Matak chỉ thị phải tổ chức những cuộc biểu tình chống Việt Nam trong tỉnh Vây Riêng “là nơi có cộng sản thâm nhập” và sau đó, ở cả thủ đô Phnompenh. Chan Xôkhum đã cho in trước những truyền đơn và áp phích để chuẩn bị sẵn cho những cuộc biểu tình mà sau đó được gọi là biểu tình “bột phát”. Theo lệnh của Chan Xôkhum, ngày 9-3-1970 bắt đầu có những cuộc biểu tình nhỏ, gồm chủ yếu là một số ít giáo viên và học sinh trong tỉnh lỵ Vây Riêng và khoảng năm hoặc sáu thị trấn nữa trong vùng Mỏ Vẹt cũng thuộc tỉnh Vây Riêng. Đó là những cuộc tập dượt để chuẩn bị cho cuộc biểu tình “gây ấn tượng” dự định tổ chức tại Phnompenh ngày 11-3-1970.
Bọn chúng đã lừa bịp các sinh viên trung thành với tôi, nói rằng những cuộc biểu tình này nhằm mục đích “tăng cường uy thế của Quốc trưởng Sihanouk” trong những cuộc đàm phán sắp tới ở Matxcơva và Bắc Kinh. Lon Nol lúc này đã trực tiếp nắm Bộ Thông tin, kiểm soát báo chí và đài phát thanh, soạn thảo sẵn những bài tường thuật coi những cuộc biểu mình này là “sự bùng nổ niềm căm phân của dân chúng”.
Chính thượng nghị sĩ Mỹ Maicơ Menphin, người bạn tốt của Campuchia đã cho lưu trữ những bài báo của Ônman trong tập hồ sơ lưu trữ của Quốc hội Mỹ và đã có nhận định như sau: “Tiếp theo những cuộc biểu tình nhỏ ở Vây Riêng ngày 8-3-1970, những người chủ mưu còn chỉ thị tổ chúc những cuộc biểu tình lớn hơn ở Phnompenh. Chính phủ (do Lon Nol đứng đầu) đã đẩy các sinh viên đi biểu tình và các sĩ quan trong Hội Liên hiệp thanh niên do chính phủ lập ra đã dùng loa phóng thanh lôi kéo các sinh viên tới tụ tập trước cổng các sứ quán cộng sán. Việc đập phá các sứ quán là do Bộ Tổng tham mưu Campuchia tổ chức, được thực hiện bởi các sĩ quan và cảnh sát của Lon Nol, mặc thường phục, tiến hành”.
Cũng cần nói thêm, trong những đội ngũ biểu tình này không chỉ có quân đội và cảnh sát mà còn có cả những lính biệt kích do CIA tuyển mộ trong số các dân tộc ít người của Campuchia rồi đưa về
Phnompenh khoảng một tháng trước khi xảy ra đảo chính. Ônman tiếp tục viết: “Những cuộc biểu tình ngày 11-3-1970 chỉ là phần đầu trong kế hoạch lật đổ Sihanouk. Những người trong cuộc cho biết trong chương trình hành động có hai cuộc biểu tình. Cuộc biểu tình ngày 11-3 nhằm tạo ra cuộc khủng hoảng chính trị. Cuộc biểu tình tiếp theo vào ngày 16 tạo cớ để truất phế Sihanouk. Tuy nhiên những cuộc biểu tình chống Sihanouk tiến hành trong ngày 16-3-1970 đã gặp thất bại vì bị những người trung thành với Sihanouk bao vây phản đối ngay trước trụ sở Quốc hội. Cảnh sát Phnompenh lúc đó hãy còn trung thành với Sihanouk đã bắt giữ khoảng hai mươi tên khiêu khích giữa lúc chúng đang rải truyền đơn chống Sihanouk trên đoạn đường tiến về phía trụ sở Quốc hội. Trong khi đó những phần tử chống Sihanouk đang tập hợp trong Quốc hội, trong đó có In Tam lúc đó đang giữ chức Bộ trưởng Nội vụ nóng lòng chờ đoàn biểu tình kéo đến tạo sức ép sẽ thúc đẩy Quốc hội tuyên bố “truất phế Sihanouk”.
Có thể nói rằng, tình cảm chân thật của nhân dân Campuchia đối với tôi lúc đó đã làm thất bại mưu toan của bọn chống đối định lật đổ tôi ngay trong ngày 16-3. Lực lượng đông đảo những người ủng hộ tôi đã làm khiếp sợ bọn âm mưu đảo chính. Tại tỉnh Compuông Chàm, hai tên phản động đang diễn thuyết hô hào lật đổ tôi đã bị nhân dân đánh chết. Một tên em trai của Lon Nol cũng bị giết chết trong thời điểm đó. Chính vì vậy cho nên, trong ngày 16-3 đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình chống đối lẫn nhau giữa những người trung thành với tôi và những kẻ đi theo bọn đảo chính, gây hoang mang trong các nghị sĩ đang họp tại toà nhà Quốc hội. Có những người đã ngả theo bọn Lon Nol - Sirik Matak nhưng lại khiếp hãi trước sự phẫn nộ của nhân dân, có những người không muốn theo bọn Lon Nol - Sirik Matak nhưng lại tiếc số đô-la tiền thưởng. Suốt ngày hôm đó đã diễn ra cảnh hỗn độn giữa nhiều khuynh hướng khiến cho bọn chủ mưu không thực hiện được đòn quyết định như đã dự tính.
Tối 16-3 lại có một cuộc họp nữa tại nhà riêng của Sirik Matak. Nhiều tên phát biểu: “Chúng ta đã đi quá xa rồi, không thể lùi lại được nữa”. Lon Nol quyết định sử dụng lực lượng quân đội trong tay hắn để bắt giữ Ban chỉ huy lực lượng an ninh ở Phnompenh vẫn còn trung thành với tôi. Nguồn tin này được cấp tốc báo cáo với thiếu tá Bua Ho cảnh sát trưởng Phnompenh. Bua Ho báo cáo lại với đại tá Um Manorin và cùng đi tới kết luận là dùng các lực lượng trung thành bắt giữ Lon Nol, Sirik Matak ngay trước khi chúng khởi sự.
Nhưng đã quá muộn. Ngay trong đêm hôm đó, đại tá Manorin bị bao vây quản thúc ngay tại nhà riêng. Trước đó, Lon Nol cũng đã được Sơn Ngọc Thành hứa sẽ huy động lực lượng vũ trang Khơme Xơrây và những đơn vị lính biệt kích người miền núi do CIA huấn luyện cùng với lực lượng quân đội chế độ Sài Gòn hỗ trợ khi cần thiết. Đó là những yếu tố thúc đẩy Lon Nol hành động gấp.
Từ đêm 16 đến hết ngày 17-3 Lon Nol sử dụng quân đội để bắt giữ không phải chỉ có đại tá Manorin, thiếu tá Bua Ho mà cả đại tá Hua Truôc đang giữ chức tỉnh trưởng Kirirom một tỉnh miền núi có ý nghĩa chiến lược của Campuchia; đại tá Trau Xamrach, Tư lệnh binh chủng lính dù; và khoảng mười lăm nhân vật quan trọng khác trong đó có tỉnh trưởng Kandal, một tỉnh sát gần Phnompenh. Tư lệnh binh chủng thông tin đã bị giết vì không chịu để chúng bắt giữ.
Sau khi nghe tin xảy ra những vụ đập phá các sứ quán Việt Nam ở Phnompenh, tôi đã quyết định bay ngay về nước trong ngày 18-3.
Nhưng hôm đó Lon Nol tuyên bố đóng cửa sân bay, đồng thời còn thiết lập các lớp rào kẽm gai suốt dọc đường từ sân bay về trung tâm thủ đô. Trong nội đô tại các ngã tư đường phố đều bố trí các ổ súng máy. Xe tăng và xe bọc thép tuần tiễu trên các ngả đường. Với lực lượng và kiểu cách bố trí này, Lon Nol cố tình cản trở những người dân Phnompenh biểu tình phản đối chúng như đã từng làm trong ngày 16-3, đồng thời cũng để uy hiếp số nghị sĩ dè dặt trong Quốc hội. Nhà báo Ônman ghi nhận: “Chỉ sau khi quân đội của Lon Nol đã bắt giữ chính quyền dân sự ở Phnompenh và bố trí xe tăng bao vây toà nhà Quốc hội, lúc đó cuộc bỏ phiếu truất phế Sihanouk mới tiến hành”. Dưới sự đạo diễn của Sirik Matak và trước sự uy hiếp của Lon Nol, Quốc hội đã bắt đầu bằng việc bỏ phiếu bãi bỏ Hiến pháp cũ để “mở ra một kỷ nguyên mới của nền cộng hoà tự do dân chủ nhưng lại tán thành một chế độ độc tài quân sự và cuối cùng mới truất phế tôi bằng một cuộc “bỏ phiếu kín”, những người ký vào lá phiếu “đồng ý” hay “không đồng ý” truất phế tôi đều phải viết phiếu dưới sự giám sát của tay chân Lon Nol trước khi bỏ phiếu vào thùng. Trước sự bao vây uy hiếp của quân đội ở bên ngoài và cả bên trong trụ sở Quốc hội và sau những vụ bắt giữ liên tục xảy ra trong ngày hôm trước, không lấy gì làm lạ khi Quốc hội Campuchia “nhất trí” truất phế tôi.
Bọn đảo chính đã chọn Cheng Heng thay tôi làm Quốc trưởng Campuchia. Cheng Heng là một đại điền chủ, lúc đó đang giữ chức Chủ tịch Quốc hội, bắt đầu sự nghiệp công danh bằng chức vụ giám đốc nhà tù trung ương hồi Pháp thuộc, và kinh nghiệm hành chính cũng chỉ có thế. Đưa Cheng Heng lên ghế Quốc trưởng có nghĩa là tạo ra một tên bù nhìn vô giá trị, không gây được phiền toái gì cho các quan thầy ở bên trong cũng như bên ngoài đất nước.
Còn một sự kiện nữa mà hồi xảy ra đảo chính tôi rất ít để ý nhưng lâu dần mới thấy được tính chất. Đó là một Bá tước người Pháp tên là Bômông, một chủ trại rất giầu, có nhiều trang trại trong vùng Chup, gần biên giới tiếp giáp với Nam Việt Nam, luôn luôn tỏ ra muốn cầu thân với chúng tôi.
Trước khi qua đời, cha tôi vẫn thường dặn tôi cần duy trì những quan hệ thân hữu với ông ta, không lần nào tôi đi Pháp mà ông ta không mời tôi đến chơi. Nhưng hồi đầu năm 1970 khi tôi đi Pháp dưỡng bệnh, tôi không có tin tức gì về Bá tước Bômông cả. Ông ta đang ốm đau chăng? Sau đó tôi được biết, ông không có mặt ở nước Pháp. Nhưng rồi lại có tin ông “vẫn đang ở Pháp”, nhưng không mời tôi đến thăm nhà. Dần dà tôi càng hiểu rõ thêm nguyên nhân sự lánh mặt này. Hồi nửa đầu năm 1969, Xamđec Pen Nouth lúc đó đang giữ chức Thủ tướng đã hạn chế lợi nhuận của các mặt hàng xuất sang Pháp, nhằm bảo vệ nguồn vốn của Campuchia. Vì vậy một phần lợi nhuận của các đồn điền nước ngoài trong việc xuất nông sản đã bị giữ lại Campuchia làm nguồn vốn tái đầu tư. Bá tước Bômông đã than phiền với Sirik Matak và được Sirik Matak huênh hoang báo tin sắp tới Sihanouk sẽ bị loại bỏ và Sirik Matak sẽ là người điều hành đất nước. Lúc đó, Bá tước sẽ được đảm bảo tất cả các lợi nhuận từ việc xuất cảng đều được đưa về nước hết, vậy cần gì phải cầu cạnh Sihanouk là người sắp bị rơi vào quên lãng.
Điều rất mỉa mai là chỉ sau đó hai tháng, các đồn điền của Bá tước Bômông đều bị những ông bạn đồng minh của Lon Nol - Sirik Matak tàn phá. Máy bay Mỹ liên tiếp ném bom các đồn điền cao su của Bômông ở Campuchia, chế độ Sài Gòn cũng thích thú khi thấy cao su trong vùng kiểm soát của họ ở miền Nam Việt Nam khỏi lo bị cao su của Bômông trong vùng đồn điền Chup cạnh tranh. Sự có mặt tạm thời của các lực lượng vũ trang Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam, cùng với những căn cứ tạm thời và những tuyến tiếp tế của họ xuyên qua lãnh thổ Campuchia chỉ là cái cớ xuyên tạc để bọn Lon Nol làm đảo chính. Bởi vì, chính Lon Nol trước đó cũng đã ký nhiều thoả thuận với Mặt trận dân tộc giải phóng liên quan đến việc này.
Chỉ mới vài ngày sau khi tiến hành đảo chính Lon Nol đã công khai hợp tác với Mỹ và chế độ Sài Gòn, mở đầu bằng việc trao đổi tin tức tình báo, tiếp đó là cùng phối hợp quân sự trong những cuộc hành quân chống lại Mặt trận dân tộc giải phóng tại các khu vực biên giới. Trước kia Mỹ và chế độ Sài Gòn đã nhiều năm gây sức ép để tôi cùng phối hợp chiến đấu chống Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam nhưng đều bị tôi từ chối. Tôi không muốn phụ thuộc vào Washington vì hai lý do.
Trước hết, đi với Mỹ, có nghĩa là từ bỏ đường lối trung lập của Campuchia. Thứ hai, cũng như đại đa số nhân dân Campuchia tôi thành thật có thiện cảm với những người Việt Nam kháng chiến đang tiến hành một cuộc đấu tranh kiên cường chống Mỹ xâm lược. Càng tiếp xúc với những người lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam và Việt Nam dân chủ cộng hoà, tôi càng đánh giá cao lòng yêu nước, tinh thần hy sinh phấn đấu và những tính cách nhân vănm nhân bản của họ.
Chính vì những lẽ đó, để biểu lộ sự ngưỡng mộ, tôi đã chỉ thị tổ chức lê cầu siêu Chủ tịch Hồ Chí Minh trong ba ngày theo nghi lễ quốc tang. Giữa lúc bọn Lon Nol điên cuồng phản đối sự “cắm chân của Việt Cộng trên lãnh thổ Campuchia”, tôi đã tổ chức lễ truy điệu cố Chủ tịch Hồ Chí Minh không kém chút nào so với nghi lễ dành cho vị đứng đâu đất nước chúng tôi. Một trăm vị chức sắc tôn giáo đã đọc kinh cầu nguyện ngay trong Chính điện của Hoàng cung, nơi đặt ngai vàng, trước các quan chức cấp cao nhất trong Hoàng gia, trong khi Đài Phát thanh Phnompenh cử nhạc tưởng niệm.
Cũng cần phải nói thật, tôi không muốn Campuchia trở thành một nước cộng sản. Trước kia, dưới sức ép của Lon Nol mà sau này tôi mới biết rõ là hắn muốn tôi tập trung chú ý vào việc đề phòng lực lượng cánh tả để che giấu âm mưu thật sự của lực lượng cực hữu đôi khi tôi đã tỏ ra quá cứng rắn đối với Khmer Đỏ, nhất là khi tôi cho rằng những hoạt động của Khmer Đỏ có thể tổn hại đến đường lối trung lập độc lập của Campuchia. Điều Lon Nol và Sirik Matak lo ngại nhất là nếu tôi trở về ngay sau khi đảo chính, tôi có thể tập hợp dân chúng và các lực lượng vũ trang chống lại chúng. Vì vậy, với tính chất khủng bố không thương tiếc, Lon Nol đã đe doạ tịch thu máy bay, bắt giữ toàn bộ nhân viên phi hành của bất cứ công ty hàng không nào dám đưa tôi và những người đi theo trở về Campuchia, một lời đe doạ vi phạm các luật pháp Quốc tế trong lịch sự ngành hàng không dân sự. Hơn nữa, như Ônman tiết lộ, Lon Nol còn ra lệnh ám sát tôi nếu tôi trở về được Phnompenh.
Cũng trong ngày 18-3-1970, khi vừa sẩm tối, xa lộ từ bến cảng Sihanouk Vin đến Phnompenh bị cấm lưu thông đối với các xe dân sự điều chưa hề xảy ra trước đó. Trên đường giao thông, mọi người chỉ nhìn thấy từng đoàn xe quân sự qua lại suốt đêm. Trong ngày xảy ra đảo chính, các phóng viên phương Tây đều nhìn thấy lực lượng quân đội bao vây trụ sở Quốc hội toàn bằng súng Mỹ M.16 mới toanh, loại súng này trước kia quân đội Campuchia không có. Thượng nghị sĩ Mai-cơ Graven thuộc Đảng Dân chủ bang Alaska đã nhận xét: “Chính Mỹ đã nuôi dưỡng, huấn luyện những phần tử đối lập nhằm lật đổ Sihanouk. Chính phủ Mỹ từng tiến hành những hoạt động ngấm ngầm ở Campuchia, phải biết rõ về công cuộc chuẩn bị cho cuộc đảo chính này”.

3. Bàn tay phá hoại của CIA

Phản ứng đầu tiên của tôi khi nhận được những tin tức gây rối loạn ở Phnompenh là nghĩ ngay đến bàn tay của Cục Tình báo trung ương Mỹ, gọi tắt là CIA. Trong bài phát biểu trên Đài Truyền hình Pháp ngày 14-3-1970, tôi đã nêu lên ý nghĩ này, đến khi tới Bắc Kinh tôi lại nhắc lại một lần nữa. Dĩ nhiên lúc đó tôi chưa có những bằng chứng cụ thể mà mãi sau này mới có những tư liệu, tài liệu đầy đủ. Nhưng CIA đã từng gây ra quá nhiều vụ phá hoại lật đổ ở Campuchia tới mức tôi nghĩ ngay rằng vụ đảo chính ngày 18-3-1970 chỉ là kết quả logic của một chuỗi âm mưu trong quá khứ.
Thử thách đầu tiên của tôi đối với những hoạt động can thiệp của CIA bắt đầu từ cuối năm 1955 khi Alen Đa-lét là trùm CIA tới thăm Phnompenh.
Anh trai Alen Đa-lét là Giôn Phôxtơ Đa-lét hồi đang làm Ngoại trưởng Mỹ cũng đã đến Campuchia xin gặp tôi ngỏ ý muốn mời Campuchia gia nhập khối Liên minh quân sự Đông Nam Á, gọi tắt là SEATO do Mỹ cầm đầu. Tôi từ chối, vì gia nhập SEATO có nghĩa là đi ngược lại đường lối trung lập mà Campuchia cam kết tại Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 và tại Hội nghị Băng đung - Inđônêxia tháng 4-1955 tôi đã khẳng định.
Tôi không chủ trương tham gia SEATO vì tôi nhận xét đây là một khối liên minh quân sự xâm lược chống lại các nước láng giềng trong khu vực, là những nước mà Campuchia không cùng một hệ tư tưởng nhưng vẫn duy trì những quan hệ hữu nghị.
Tôi đã giải thích rất rõ với Giôn Phôxtơ Đa-lét, một con người ngạo mạn, cay cú, nhưng ông ta vẫn chưa nghe ra. Bây giờ, em trai Ngoại trưởng Phôxtơ Đa-lét là Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ CIA Alen Đa-lét lại tới đây, vác theo một cặp hồ sơ đầy những tài liệu nói rằng Campuchia đang là nạn nhân đứng trước “nguy cơ xâm lược của cộng sản”, cách độc nhất để cứu sống chế độ quân chủ Campuchia, đất nước Campuchia, và cứu sống cả bản thân cá nhân tôi là chấp nhận sự che chở của khối SEATO. Những tài liệu do Alen Đa-lét đưa ra không phù hợp với những nguồn tin tôi thu lượm được. Tôi đã trả lời Alen Đa-lét như đã nói với Phôxtơ Đa-lét, Campuchia không gia nhập SEATO. Nền trung lập và đạo Phật của Campuchia là đủ rồi. Trùm tình báo Mỹ không còn cách nào khác là lại xếp những tư liệu dẫn chứng vào trong cặp rồi ra về.
Đại sứ Mỹ tại Campuchia hồi đó là Rôbớt Mác Clintốc, mà các cơ quan an ninh của Campuchia đã xác nhận đó là một nhân viên CIA, lúc này cũng đang hết sức gây sức ép, không chỉ đối với tôi, mà cả với mẹ tôi, với cha tôi. Đại sứ Mỹ Mác Clintốc phát triển thêm những lý lẽ mà trước đó, trùm CIA Alen Đa-lét đã nói với tôi, tức là “Trung Quốc có ý định nuốt chửng Campuchia; một quốc gia dù có trung lập đi nữa, cũng không thể nào chống chọi được với chủ nghĩa cộng sản toàn cầu; Quốc hội Mỹ sẽ cắt viện trợ đối với những nước nào đi theo đường lối trung lập... Không tham gia cuộc thập tự chinh chống cộng sản cùng với Mỹ, có nghĩa là chống lại Mỹ...”. Lý luận cho rằng “trung lập là một thái độ vô đạo đức và nguy hiểm” còn được Ngoại trưởng Mỹ Phôxtơ Đa-lét nhắc đi nhắc lại nhiều lần. Mãi tới năm 1958 khi gặp lại tôi, ông ta vẫn còn đe doạ: “Campuchia không thể đi theo đường lối trung lập được. Các ngài phải chọn lấy một trong hai con đường: hoặc là đi theo thế giới tự do, hoặc là đi theo cộng sản”.
Ngày 31-1-1956 tôi tới Manila theo lời mời của Chính phủ Philippin, được đón tiếp rất nồng nhiệt. Các đường phố đều treo đầy cờ, hoa, người dân đứng đầy đường, những người đứng ở cửa sổ tung hoa đón chào tôi. Tôi cảm thấy có một cái gì đó hơi quá đáng trong cuộc đón tiếp này.
Nhưng, ai là người chẳng bị quyến rũ vì sự lộng lẫy và nhiệt tình như vậy? Ngày hôm sau, tôi mới rõ lý do. Buổi sáng sau khi tắm tôi bắt đầu đọc báo và phát hiện ngay bài xã luận trên tờ Thời báo Manila dòng chữ: “Chuyến viếng thăm của Hoàng thân Sihanouk tới Manila có thể kết thúc bằng việc tuyên bố Campuchia gia nhập SEATO... Chuyến thăm này đã được chuẩn bị rất chu đáo và là một phần trong chiến dịch vận động nước Campuchia trung lập gia nhập cuộc đấu tranh của phương Tây chống phương Đông”. Tôi lặng người đi một lát, cảm thấy đắng cay chua chát khi nhận rõ tất cả những đoá hoa, ban nhạc và các nữ nghệ sĩ được huy động đón chào tôi chỉ là một cái bẫy lôi cuốn nhưng xảo trá, đó là sự tiếp nối, bằng những thủ đoạn êm ái, dê chịu, tiếp theo những sức ép chính trị thô bạo mà anh em Đa-lét đã đối xử với tôi, có thêm đại sứ Mỹ Mác Clintốc cũng tham gia.
Trong bài diễn văn đầu tiên đọc tại Manila, tôi kiên quyết bảo vệ lập trường trung lập nhưng cũng tránh không công kích SEATO, vì vậy đã được vỗ tay hoan nghênh. Một số thượng nghị sĩ và hạ nghị sĩ còn ngỏ ý sẽ xem xét lại chính sách của Philippin dưới ánh sáng phong trào không liên kết.
Trước khi đọc bài diễn văn này tôi có nhận lời tới thăm thượng nghị sĩ Manglapút mà tôi đã có dịp quen thân trong Hội nghị Băng đung. Cũng như tôi, ông say mê âm nhạc, việc tôi đến thăm mang cho ông một sự hãnh diện bởi vì ông đã tích cực hoạt động, vận động để tôi tới thăm chính thức Philippin mà ông tin chắc rằng trong chuyến thăm này tôi sẽ chính thức nhận cái “ô bảo hộ” của SEATO. Nhưng tôi kiên quyết từ chối khiến cho buổi đàm thoại tối hôm đó giữa tôi và ông trở nên trái ngược nhau một cách tệ hại. Theo chương trình đã ấn định, tôi còn phải đến thăm căn cứ quân sự Mớcphi, nơi đặt trụ sở Bộ Tham mưu quân đội, tham dự lễ duyệt binh và đọc một bài diễn văn. Trước khi đi thăm Philippin, tôi có quen một người tên là Phrăngxoa Barúc tự xưng là một “nhà doanh nghiệp” gốc Libăng đang làm ăn sinh sống tại Phnompenh từ nhiều tháng nay, nhưng nhiều người cho rằng anh ta còn làm nhiều việc nữa chứ chẳng riêng gì kinh doanh buôn bán. Tôi rất ngạc nhiên khi đến Manila cũng thấy người lái buôn này có mặt ở đó. Anh ta nói, đến Philippin vì công việc buôn bán, nhưng lại ngỏ ý với tôi trong bài diễn văn đọc tại Mớcphi cần “hạ bớt giọng cứng rắn đôi chút” với bài đã đọc tại Manila, trước Quốc hội Philippin. Phrăngxoa Barúc còn nói, anh ta đã được những người rất thân cận với chính phủ Philippin gợi ý soạn thảo một bài diễn văn mà anh nghĩ rằng rất dễ được hoan nghênh. Liền sau đó, anh ta đưa cho tôi bản thảo bài diễn văn này, viết ngay trên tập giấy có sẵn ở nhà nghỉ Manila.
Tôi nhận tờ giấy này và nói sẽ dùng để tham khảo. Sau đó, một số nhân viên tháp tùng tôi, báo cáo với tôi là nhìn thấy một thư ký của toà đại sứ Mỹ tại Manila tới khách sạn Manila “đọc” cho Phrăngxoa Barúc viết bài diễn văn trong quầy bar ở khách sạn để rồi chuyển cho tôi khi tôi tới doanh trại Mớcphi. Chính vì vậy cho nên, tôi đã cẩn thận trao cho Câu lạc bộ báo chí Philippin toàn văn bài nói chính thức của tôi, đề phòng báo chí lẫn lộn với bản dự thảo của Phrăngxoa Barúc. Sau thất bại trong “sứ mệnh tại Manila” Phrăngxoa Barúc đã bị CIA gọi về Mỹ. Sau đó tôi được tin thêm, tên tay sai này của CIA đã chết.
Sau khi trở về Phnompenh tôi trở thành mục tiêu công kích của báo chí Thái Lan và Nam Việt Nam, hồi đó đang còn phụ thuộc vào Mỹ. Họ lên án tôi đang “mở đường cho Trung Quốc xâm lược Thái Lan và Nam Việt Nam”, kêu gọi Thái Lan và chế độ Sài Gòn phải “áp dụng các biện pháp phòng vệ”.
Đại sứ Mỹ Mác Clintốc ở Phnompenh phụ hoạ ngay với những luận điệu này bằng những lời lẽ đe doạ. Bên kia biên giới Campuchia, CIA đã cắm chân vững chắc ở Thái Lan, Đại sứ Mỹ tại Băng cốc năm 1954 là Uyliam Đônôvan đã từng giữ chức Giám đốc Sở Tình báo chiến lược OSS, tiền thân của CIA, kế tục Đônôvan là Giôn Pơriphôi cũng là một quan chức hàng đầu của CIA, đã từng trực tiếp tổ chức cuộc đảo chính lật đổ Tổng thống Goatemala Arbenxơ, khi thấy Goatemala đi chệch quỹ đạo Mỹ. Sau khi tôi từ Philippin về nước, Thái Lan và Nam Việt Nam cùng phối hợp bao vây phong toả kinh tế Campuchia, gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn vì giao thông đường thuỷ của Campuchia với bên ngoài phải qua bến cảng Sài Gòn, đường sắt thông với nước ngoài phải qua Thái Lan. Để tăng cường thêm hiệu quả của việc bao vây kinh tế, máy bay quân sự của Thái Lan và Sài Gòn thường xuyên vi phạm sâu vùng trời Campuchia, biệt kích do CIA tổ chức, huấn luyện đột nhập sâu vào lãnh thổ Campuchia ở các khu vực biên giới. Không còn là sự uy hiếp đe doạ nữa, mà thật sự là những cuộc thăm dò chuẩn bị cho đảo chính, theo kiểu đã làm ở Goatemala.
Tháng 4-1955, các thành viên khối quân sự SEATO họp tại Băng cốc đã quyết định đặt Nam Việt Nam, Lào, Campuchia dưới sự che chở của SEATO mà không cần hỏi ý kiến trước.
Campuchia chỉ còn biết lên tiếng phản đối và tôi đã báo cho đại sứ Mỹ Mác Clintốc ở Phnompenh biết “chúng tôi không cần sự che chở mà chúng tôi không tự nguyện yêu cầu”, mặc dù tôi biết rõ, sự từ chối này sẽ dẫn đến những hậu quả xấu cho Campuchia. Tháng 3-1956, nhân dịp tiếp nhà báo Liên Xô Xuri Grisencô và nhà báo Australia Uynphrét Bớcsét tôi đã giải thích, nếu Mỹ thật sự là một nước dân chủ thì chính phủ Mỹ cần phải tôn trọng lập trường trung lập của chúng tôi.
Trong phiên họp Quốc hội vừa qua tôi đã nêu ý kiến với các đại biểu dự họp: nếu ai tán thành Campuchia gia nhập SEATO, xin hãy giơ tay tỏ rõ thái độ. Không một người nào giơ tay cả. Tôi lại nêu ý kiến, ai từ chối gia nhập bất cứ một khối liên minh quân sự nào, xin giơ tay cho biết chính kiến.
Tất cả mọi người đều giơ tay. Sau khi Quốc hội Campuchia kết thúc kỳ họp khoá 3 được vài tuần, quân đội Thái Lan liền xâm lấn lãnh thổ, chiếm ngôi đền Preat Vihia của chúng tôi. Đường biên giới giữa Campuchia với Thái Lan và Nam Việt Nam luôn luôn đóng chặt, không còn giao lưu qua lại nữa.
Khi tiến hành Hội nghị Giơnevơ năm 1954 về Đông Dương, Mỹ vẫn viện trợ 80% chi phí chiến tranh cho Pháp. Chính phủ Pháp trích một phần viện trợ này nhằm duy trì quân đội và bộ máy cai trị của Pháp ở Campuchia. Sau khi chiến tranh kết thúc, Mỹ ngừng chuyển tiền cho Pháp và ngỏ ý viện trợ trực tiếp cho chúng tôi. Ý kiến do Mỹ đưa ra là quân đội Campuchia cần phải hiện đại hoá và phát triển thêm để có thể gánh vác nhiệm vụ chung là cùng bảo vệ thế giới tự do.
Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét một lần nữa lại dựng lên bóng ma của “sự xâm lược hiển nhiên của cộng sản” để chứng minh Campuchia cần phải có một đội quân vững mạnh do Mỹ chi tiền, đồng thời Mỹ cũng sẽ viện trợ tài chính cho Campuchia trên các lĩnh vực khác.
Đúng là chúng tôi cần có quân đội riêng, không phụ thuộc vào Pháp. Nhưng lúc đó chúng tôi cũng còn cần phải xây dựng hạ tầng cơ sở bị hư hỏng vì chiến tranh, xây dựng các tuyến giao thông với nước ngoài không phụ thuộc vào các nước láng giềng, sửa chữa cầu cống... Ngoài ra còn phải nâng cao thêm đời sống vật chất của nhân dân lên một mức tối thiểu, đặc biệt là phải cải tiến lĩnh vực giáo dục, y tế. Vì vậy tôi đã chấp nhận viện trợ Mỹ nhưng liền sau đó đã sớm phát hiện, viện trợ tài chính của Mỹ đã đẻ ra nạn tham nhũng ở Campuchia. Chỉ trong vòng hai năm và chỉ bằng một cách là vận hành, điều khiển đồng đô-la, Mỹ đã thành công trong việc tạo ra một lực lượng nội ứng ngay trong lòng đất nước chúng tôi, một đạo quân thứ năm về chính trị nhằm huỷ hoại nền trung lập và buộc chúng tôi chấp nhận cái ô bảo hộ của SEATO. Mỹ hứa thưởng công không tiếc tiền cho những kẻ tay sai nào làm được điều đó. Tiền Mỹ ban thưởng cứ như là “của trời cho” và cũng từ trên trời hàng chục tấn bom B.52 được ném xuống. Nhưng cần gì đếm xỉa đến bom B.52 miễn là đồng đô-la cứ rơi như mưa từ trên trời xuống.
Quả là tôi không thể nào để mắt được tới lĩnh vực kinh tế, trong khi có những kẻ lại che giấu tôi những việc làm đen tối của họ. Đến cuối năm 1956 bùng nổ cuộc khủng hoảng nội các, mà nguyên nhân là sự phẫn nộ trước tệ nạn tham nhũng tràn lan khắp mọi nơi mà không bị trừng phạt cùng với tệ nạn buôn bán ngoại tệ và chợ đen, chính phủ bị đổ, mặc dù tôi cố gắng cứu vãn. Tôi có bằng chứng để nói rằng sứ quán Mỹ và bọn giầu có nhất trong giới tư sản mại bản đã gây ra cuộc khủng hoảng này. Ngay sau khi chính phủ sụp đổ, đã có nhiều tin đồn về cuộc đảo chính sẽ xảy ra nhưng lúc đó Mỹ chưa tìm được một tên tay sai thật đắc lực để thực hiện mưu đồ này. Phản ứng của tôi là triệu tập kỳ họp Quốc hội khoá 4, và kỳ họp này chỉ thảo luận một việc là ghi vào Hiến pháp đường lối trung lập. Trong bài diễn văn khai mạc, tôi nhìn thẳng vào đại sứ Mỹ hồi đó là Các Xtrôm và nói, theo những nguồn tin tình báo mà tôi thu lượm được thì “một cuộc bạo loạn lật đổ do nước ngoài giúp đỡ tài chính đang được chuẩn bị”. Tôi nhắc đến “những nhà chính trị và những tên đầy tham vọng đang tụ tập lại thành từng nhóm và cũng đang xâu xé lẫn nhau nhằm tranh giành quyền lực phục vụ cho lợi ích của một cường quốc ngoại bang”. Tôi cảnh báo, “các nước ngoài đó không cho không bao giờ, nhất là khi sự hào phóng của họ lại dành cho những tên tham vọng quay lưng lại với những lợi ích của dân tộc”.
Ngày nay, khi đọc lại bài diễn văn này, tôi càng thấy vẫn còn nguyên tính thời sự sau khi bùng nổ cuộc đảo chính ngày 18-3-1970.
Tháng 6-1958, tôi lại bị một cú “sốc” nữa.
Quân đội Sài Gòn chiếm tỉnh Xtung Treng ở miền Đông Bắc Campuchia. Binh lính Sài Gòn đã tiến sâu vào đất Xtung Treng hơn mười kilômét và có ý định ở lại đây lâu dài bằng cách cắm lại những cột mốc biên giới tiếp giáp với Nam Việt Nam. Điều cay đắng là tôi không được huy động quân đội để xua đuổi đám quân này chỉ vì tôi đang tiếp nhận viện trợ quân sụ của Mỹ. Đại sứ Mỹ hồi đó là Các Xtrôm nói thẳng với tôi là “viện trợ quân sự của Mỹ chỉ được dùng để chống lại sự xâm lược của cộng sản, chứ không được phép, bằng bất cứ cách nào. sử dụng để chống lại các đồng minh của Mỹ nhất là các thành viên SEATO”. Tôi đành đề nghị Xtrôm, dùng ảnh hưởng của mình đối với Ngô Đình Diệm, gây sức ép để Diệm rút quân. Đại sứ Mỹ trả lời, Mỹ không muốn can thiệp vào việc tranh chấp giữa hai nước láng giềng vì những nước này đều là bạn của Mỹ. Sao lại gọi là việc tranh chấp được. Làm gì có chuyện tranh chấp lãnh thổ? Đây chính là sự xâm lược rất rõ ràng, hiển nhiên.
Tôi nói, tôi không còn cách lựa chọn nào khác là ra lệnh báo động cho toàn quân. Phản ứng của đương kim đại sứ Xtrôm giống hệt như cựu đại sứ Mác Clintốc trước kia: Mỹ sẽ cắt ngay viện trợ nếu có một viên đạn bắn vào toán quân đang được Mỹ che chở. Ngay cả dùng xe tải do Mỹ viện trợ cũng không được phép. Tôi đã giải thích rất nhiều với ông Xtrôm là tôi không nhìn thấy một chút đe doạ xâm lược nào từ phía cộng sản, ngược lại càng ngày chúng tôi càng bị Nam Việt Nam và Thái Lan uy hiếp, nhưng ông ta vẫn không chịu hiểu. Khi tôi đặt vấn đề sẽ buộc phải đi tìm nguồn viện trợ từ các nước khác (ngầm hiểu là Trung Quốc) đại sứ Mỹ đã gạt phắt bằng cách nói rằng nước được Mỹ viện trợ phải cam kết từ chối bất cứ sự viện trợ nào của bất cứ nước nào trong phe xã hội chủ nghĩa.
Chúng tôi đã chấp nhận viện trợ Mỹ chỉ vì một lý do duy nhất là để đảm bảo việc bảo vệ các đường biên giới. Nhưng các điều khoản viện trợ của Mỹ đã trói chặt chân tay chúng tôi trong khi biên giới của chúng tôi bị xâm phạm, lãnh thổ của chúng tôi bị chiếm đóng. Rồi sự việc còn đi tới đâu nữa? Vấn đề khẩn cấp đặt ra là chúng tôi phải làm chủ hơn nữa trên đất nước của mình, đặc biệt là trong lĩnh vực quốc phòng, chúng tôi phải áp dụng một chính sách hợp với logic và lẽ phải, hợp với lợi ích sống còn của dân tộc, với tư cách là một giống nòi, một dân tộc, một đất nước tự do, độc lập.
Tháng 8-1958, tôi đi thăm Trung Quốc lần thứ hai. Quân đội Sài Gòn vẫn tiếp tục chiếm đóng lãnh thổ của chúng tôi. Tôi đã nói chuyện rất lâu với Chủ tịch Mao Trạch Đông xoay quanh vấn đề này. Sau chuyến thăm này, hai nước Campuchia và Trung Quốc thiết lập quan hệ ngoại giao với nhau. Trung Quốc nhận lời giúp Campuchia xây dựng một số xí nghiệp. Dĩ nhiên, sự kiện này làm cho CIA càng thêm tức tối và sự cay cú này càng bộc lộ rõ rệt hơn cả chuyến thăm Trung Quốc lần thứ nhất của tôi năm 1956, Sơn Ngọc Thành được CIA chọn làm con chủ bài trong âm mưu lật đổ tôi, ráo riết củng cố tăng cường các căn cứ của bọn phản động vũ trang Khơme Xơrây trên đất Thái Lan và Nam Việt Nam. Cũng xin nói rõ thêm, trong thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng Campuchia, Sơn Ngọc Thành đã được Nhật chọn làm Thủ tướng bù nhìn kiêm Bộ trưởng Ngoại giao. Sau khi Nhật bại trận, quân Pháp tiến vào Campuchia dưới sự che chở của quân Anh, Sơn Ngọc Thành đã bị Pháp bắt, tuyên án tử hình vì tội phản bội. Chính tôi đã đề nghị với người Pháp tha cho Thành tội chết, và cho phép Thành sống lưu vong ở nước ngoài. Nhưng Thành vẫn nung nấu ý đồ triệt hạ tôi. Thật là logic vì lúc này Thành lại phục vụ CIA, được CIA cho cầm đầu các lực lượng vũ trang Khơme Xơrây do CIA nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị vũ khí, tập trung tại các khu vực biên giới Nam Việt Nam và Thái Lan tiếp giáp với Campuchia.
Tháng 9-1958, khoảng một tháng sau khi tôi từ Bắc Kinh trở về Phnompenh, khối SEATO lại họp ở Băng cốc. Ba tháng sau cuộc họp này của SEATO, đến lượt Sơn Ngọc Thành tới Băng cốc gặp các quan thầy CIA và trong cuộc họp do CIA triệu tập còn có cả Ngô Trọng Hiếu là Tổng lãnh sự của chế độ Sài Gòn tại Phnompenh.
Những tin tức tiết lộ sau đó cho biết cuộc họp đã thông qua nghị quyết ba điểm:
1- Sử dụng nguồn tài chính của Mỹ để thành lập một đảng đối lập ở Campuchia nhằm phá hoại đường lối trung lập của Campuchia.
2- Tiến hành các hoạt động gây rối loạn như bắt cóc, cướp của giết người, kết hợp với những tin đồn về một cuộc xâm lăng sắp tới của cộng sản.
3- Tổ chức những nhóm vũ trang bí mật ngay trong nội địa Campuchia sẵn sàng khởi sự vào giờ G, ngày N.
Sơn Ngọc Thành được phân công nắm các lực lượng vũ trang tập trung ở khu vực biên giới Thái Lan tiếp giáp với Campuchia đã được CIA chi 1 triệu đô la vào việc tuyển mộ, nuôi dưỡng, huấn luyện, trang bị vũ khí. Ngô Trọng Hiếu có nhiệm vụ nắm các lực lượng vũ trang tập trung ở khu vực biên giới Nam Việt Nam tiếp giáp với Campuchia.
Tướng Đáp Chuôn lúc đó là Tư lệnh các lực lượng vũ trang Campuchia trong khu vực từ Xiêm Riệp đến Compuông Thom, (vốn là một sĩ quan nổi tiếng trung thành chính trực chưa bao giờ bị nghi ngờ) cùng với Sam Sary phụ trách việc lật đổ ở trong nước. Một điệp viên CIA tên là Vichto Maxaô Matsui (một người Mỹ gốc Nhật Bản) giữ nhiệm vụ liên lạc với ba nhóm vũ trang nói trên và chuyển giao vũ khí, phương tiện, tài chính cho những nhóm này. Năm 1958, tôi dẫn đầu đoàn đại biểu Campuchia đi dự khoá họp Liên hợp quốc tại New York rồi sau đó đi Washington gặp Tổng thống Mỹ Ai-xen-hao. Khi tôi quay trở về New York, các nhân viên trong đoàn đại biểu Campuchia báo cáo với tôi, một thành viên trong đoàn là Xlát Pêu có nhiều cuộc tiếp xúc mờ ám với người Mỹ, có khi trò chuyện với nhau ngay trong phòng ngủ của Xlát Pêu tại khách sạn, và không bao giờ Xlát Pêu cho biết về nội dung những cuộc nói chuyện bí mật này.
Xlát Pêu quen thân với Vichto Matsui và là em trai tướng Đáp Chuôn. Chính tướng Đáp Chuôn đã dùng ảnh hưởng của mình để vận động cho Xlát Pêu trúng cử đại biểu Quốc hội tỉnh Xiêm Riệp và tạo điều kiện cho Xlát Pêu đi vào con đường hoạt động chính trị. Cũng vẫn Đáp Chuôn đã giúp Xlát Pêu đi Ấn Độ học tiếng Anh. Rất có thể CIA đã bắt mối với Xlát Pêu ở Ấn Độ trước khi Xlát Pêu được cử làm một thành viên trong đoàn đại biểu Campuchia đi dự cuộc họp Liên Hợp Quốc và CIA đã dùng Xlát Pêu làm sợi dây liên lạc với Matsui, Ngô Trọng Hiếu, Đáp Chuôn.
Tất cả sự việc sau đó đã diễn ra đúng như kịch bản đã soạn thảo tại Băng cốc. Đầu năm 1959, Sam Sary gửi tôi một “bức thư ngỏ” đề nghị cho phép thành lập một đảng chính trị. Cùng lúc này hàng ngàn truyền đơn được tán phát tại thủ đô Phnompenh, quảng cáo cho các đảng chính trị mà Sam Sary sắp thành lập, nói rằng đảng này sẽ đẩy mạnh đấu tranh đỏi chính phủ áp dụng một “chủ nghĩa trung lập thân phương Tây” chứ không phải trung lập một cách độc lập và đơn độc. Những tờ truyền đơn này cũng tuôn ra những luận điệu mị dân đã phá chế độ quân chủ lập hiến mà mới đọc qua đã thấy “sặc mùi” giọng lưỡi quen thuộc của Sơn Ngọc Thành. Rõ ràng đây không phải là chuyện tổ chức một đảng chính trị mới mà là gieo rắc sự hoài nghi và gây rối loạn. Cũng trong thời điểm này, nạn khủng bố, cướp bóc cũng lan tràn, nhiều trẻ em con các quan chức cấp cao bị bắt cóc.
Sơn Ngọc Thành còn đe doạ nhân dân vùng Battambang là ba tiểu đoàn Khơme Xơrây và nhiều toán biệt kích dưới quyền hắn đang từ các căn cứ đặt trong các tỉnh Tây Ninh và Kiến Tường ở Nam Việt Nam đang thâm nhập vào nội địa Campuchia. Trong khi đó, Đáp Chuôn lặng lẽ bố trí quân tại những địa điểm chiến lược trong khu vực các tỉnh Xiêm Riệp và Cômpuông Thom và còn bí mật đưa được một số tay chân vào đội quân cảnh vệ ở Hoàng cung việc này không khó khăn lắm vì lúc đó tôi rất tin cậy hắn.
Nhìn chung, các cơ quan an ninh của chúng tôi hồi đó vẫn hoạt động khá tốt, và chúng tôi còn còn may mắn được các nước bạn cung cấp cho nhiều tin tức quan trọng thông qua các quan hệ ngoại giao hữu nghị. Vì vậy, chúng tôi thu lượm được những thông tin không phải chỉ từ các cơ quan an ninh của mình. mà còn từ các sứ quán Trung Quốc và Pháp. Tuy nhiên, đó mới chỉ là những tin tình báo, chưa có chứng cớ cụ thể để tiến hành bắt giữ.
Dù sao, trong bài diễn văn đọc tại Cômpuông Chàm ngày 13-1-1959 tôi cũng nói bóng gió rằng chúng tôi đã phát hiện được một âm mưu nhằm mục đích thủ tiêu tôi, để chiếm chính quyền và thay vào đó bằng một chế độ thân Mỹ, chấm dứt nền trung lập của Campuchia.
Trên thực tế, còn phải làm rất nhiều việc nữa để phanh phui toàn bộ mưu đồ phản loạn trước ánh sáng. Dù sao mấy lời cảnh báo của tôi trong bài diễn văn cũng làm cho bọn cầm đầu đang ẩn náu tại Sài Gòn và Băng cốc chột dạ, bớt hung hăng đôi chút. Sau đó một tuần, khi đã có đủ chứng cứ, tôi hạ lệnh bắt giữ toàn bộ bọn âm mưu phan loạn đang có mặt tại Phnompenh. Nhiều tên bị tóm gọn, riêng Sam Sary chạy thoát. Sau này tôi mới biết, hắn đã được Matsui, Ngô Trọng Hiếu và cả Lon Nol kịp báo tin và đã vội vã tháo chạy. Quân đội Campuchia cũng đã được điều động tới các khu vực biên giới làm thất bại phần lớn mưu đồ tiến công vũ trang của bọn phản loạn.
Đầu tháng 2-1959, tôi được báo cáo có nhiều sự kiện đáng ngờ vừa xảy ra tại Xiêm Riệp. Ngô Trọng Hiếu là tổng lãnh sự của Ngô Đình Diệm tại Phnompenh đã tới Xiêm Riệp gặp Đáp Chuôn rồi lại bay đi Sài Gòn. Ngày 7-2, có hai người Đài Loan nói là làm việc cho hãng phim Kam Wah đã từ Hồng Công tới Xiêm Riệp, mang theo nhiều hòm to chở các dụng cụ và nghỉ ngay tại tư dinh tướng Đáp Chuôn. Cũng trong ngày hôm đó, một vị thượng khách là đô đốc Mỹ Hari Phen cũng tới thăm Đáp Chuôn. Xiêm Riệp là nơi có khu đền Ăngco nổi tiếng, thường vẫn có nhiều du khách tới tham quan các di tích lịch sử của Campuchia nhưng chưa bao giờ người ta thấy có những vị khách quan trọng tới đây dồn dập trong hai tuần đầu tháng. Sau đô đốc Mỹ Hari Phen là tướng Mỹ Laotơn Colin đang phụ trách việc huấn luyện cho quân đội Ngô Đình Diệm tại Nam Việt Nam cũng từ Sài Gòn tới Xiêm Riệp. Điều đặc biệt là tướng Lênxđên một điệp viên cao cấp nhẵn mặt quen tên của CIA cũng tới đây. Cuối cùng là đô đốc Mỹ Hôpút là tư lệnh lực lượng Mỹ ở Thái Bình Dương sau khi chiêm ngưỡng khu đền Ăngco cũng đến nhà tướng Đáp Chuôn uống rượu Uýt-ki. Sự việc ngày càng sáng tỏ, hai người Đài Loan thật ra là hai người Việt Nam đóng giả làm người Hoa, các hòm dụng cụ quay phim thật ra là hai máy thu phát tin, được cất giấu trong rừng gần khu đền Ăngco. Còn tướng Đáp Chuôn thì đột nhiên bố trí nhiều vọng gác rào suốt tuyến đường từ Phnompenh đến Xiêm Riệp nhằm theo dõi việc điều động quân đội từ thủ đô đến biên giới.
Nhưng, đến ngày 21-2-1959 khi tôi quyết định cho hành quân lên Xiêm Riệp bắt Đáp Chuôn thì chính những binh lính tại các vọng gác do Đáp Chuôn bố trí đã sốt sắng dẫn đường cho lực lượng vây bắt tiến vào tư dinh của hắn mà không cần phải nổ một phát súng nào và bản thân Đáp Chuôn cũng không hay biết gì cả. Lúc này Đáp Chuôn đang bình thản đi dạo trong vườn.
Thấy nhiều binh lính không thuộc Quân khu do hắn chỉ huy ập vào nhà hắn vội vàng chạy trốn nhưng đã bị bắn bị thương và bị bắt giữ. Vào thời điểm này tôi chưa có chút nghi ngờ gì về Lon Nol nên đã giao cho Lon Nol lúc đó là Tổng tham mưu trưởng trông nom việc chữa trị cho Đáp Chuôn, chờ khi hắn bình phục sẽ lấy khẩu cung. Thật ra, lúc đó Đáp Chuôn chỉ bị thương nhẹ và sau khi bị bắt đã đề nghị xin gặp cấp trên để nói rõ sự thật. Lon Nol đã báo cáo với tôi là Đáp Chuôn bị thương rất nặng rồi thủ tiêu luôn Đáp Chuôn để bịt đầu mối.
Tuy nhiên vẫn còn hai tên phụ trách điện đài đang ẩn náu trong nhà Đáp Chuôn bị vây bắt. Hai tên này mang hộ chiếu do chế độ Sài Gòn cấp nhưng không có thị thực nhập cảnh vào Campuchia. Tang vật bị tịch thu ngoài điện đài còn có cuốn sổ ghi rõ nội dung các buổi liên lạc giữa Đáp Chuôn với các ông chủ của hắn ở Sài Gòn và Băng cốc, 270 ki lô vàng thoi dùng để trả công cho bọn điệp viên và lính biệt kích cũng bị thu giữ. Vai trò của Matsui, Ngô Trọng Hiếu và Xlát Pêu đã bị vạch trần qua những tang chứng và tài liệu văn bản. Matsui và Ngô Trọng Hiếu vì là người nước ngoài nên đã bị trục xuất khỏi Campuchia. Xlát Pêu bị xử bắn vì tội phản quốc. Hai tên phụ trách điện đài cũng bị kết án tử hình vì tội làm gián điệp.
Toàn bộ hồ sơ vụ án được trao cho đại sứ Mỹ Xtrôm.
Ngày 26-3-1959 tôi trực tiếp dẫn hai mươi nhà ngoại giao trong đó có đại diện Mỹ, Liên Xô, Trung Quốc, Anh, Pháp lên Xiêm Riệp vào tận tư dinh của Đáp Chuôn nhìn tận mắt các tang vật bị tịch thu đang trưng bầy để họ tự rút ra những nhận xét. Họ đã nhìn thấy đủ loại vũ khí và thiết bị do thám của Mỹ không nằm trong danh sách “viện trợ quân sự” cho chính phủ Campuchia.
Âm mưu gây bạo loạn của Đáp Chuôn chỉ là một trong nhiều biến động xảy ra tại Campuchia năm 1959. Ngày 31-8, tức sáu tháng sau khi vụ Đáp Chuôn bị dập tắt tôi chuẩn bị tới vấn an cha mẹ tôi tại chính điện như thường lệ. Hôm đó tôi đến chậm vì còn phải dặn dò công việc với Thủ tướng lúc đó là Xon Xan đang chuẩn bị dẫn đầu đoàn đại biểu Campuchia dự họp tại Liên Hợp Quốc. Thủ tướng đề nghị xin được tới chào hai vị thân sinh ra tôi. Trước đó, Mẫu hậu mẹ tôi vừa nhận được một hộp quà gửi qua đường bưu điện.
Thường thường, những loại quà biếu như thế này Mẫu hậu vẫn triệu tập đông đủ toàn gia đình tới chính điện rồi mới cho mở để cùng chia vui với mọi người. Nhưng hôm đó, do sắp tiếp đón Thủ tướng Xon Xan tại chính điện, nên Mẫu hậu cho mở ngay gói quà đó tại tiền sảnh. Thủ tướng Xon Xan đang tới cổng điện thì nghe thấy một tiếng nổ lớn phát ra từ phía trong. Hoàng thân Vakrivan phụ trách lễ tân bị chết ngay tại chỗ vì chính tay ông đã mở bưu kiện. Sức nổ còn khoét lõm nền nhà, giết chết thêm một quan thị vệ và hai người nữa đứng gần đó. Cuộc điều tra cho biết, một quả bom nhỏ đã được cất giấu trong chiếc hộp sơn mài dùng làm quà kính dâng lên Mẫu hậu. Sau đó, những tin tức thu lượm được còn cho biết thêm, chủ mưu vụ nổ bom này là Sam Sary lúc đó đang ở Sài Gòn cùng với Sơn Ngọc Thành. Chúng đã gửi bưu kiện chứa chất nổ mạnh này từ một căn cứ Mỹ ở miền Nam Việt Nam tới Phnompenh.
Nhằm loại trừ tôi, bọn giết người đã không ngần ngại âm mưu giết cả những người thân của tôi trong cùng một lúc bằng kỹ thuật do CIA cung cấp Thời kỳ đó, có một tờ báo Ấn Độ đã sao chụp bức thư do Sam Sary gửi Etmun Kenlốc là một chuyên viên cao cấp CIA công tác tại sứ quán Mỹ ở Phnompenh và cho đăng trên báo trong số tháng 1-1960. Sam Sary ngỏ ý trong thư “rất lấy làm tiếc” vì âm mưu gây bạo loạn lật đổ ngày 3 1-8-1959 bị thất bại. Hắn cho rằng phải dùng đến thủ đoạn mưu sát mới đạt mục đích. Sam Sary còn nói, hắn hoàn toàn đồng ý với quan điểm của Uyliam Trembơn (hồi đó đang làm đại sứ Mỹ ở Campuchia thay Xtrôm) và còn khoe “rất tin tưởng vào sự giúp đỡ và hợp tác của ngài đại sứ”. Có thể nói, tất cả những âm mưu ám sát tôi, hoặc gây bạo loạn trên đất nước tôi đều có ghi dấu ấn của CIA. Từ năm 1954 cho tới khi tôi cắt đứt quan hệ ngoại giao với Mỹ vào năm 1964, cũng là lúc không còn sứ quán Mỹ ở Phnompenh nữa, ít ra cũng đã có tới hai mươi bẩy điệp viên CIA đóng giả làm các nhà ngoại giao Mỹ bị lộ mặt tại Campuchia, chưa kể đồng bọn và tay sai của chúng tại Sài Gòn và Băng cốc. Cuộc đảo chính ngày 18-3-1970 của Lon Nol cũng không nằm ngoài kế hoạch lật đổ do CIA chỉ đạo. Cũng phải thừa nhận rằng, tôi đã may mắn lắm mới thoát chết, kể cả chết về thể xác cũng như chết về chính trị trước ý đồ độc ác quyết tâm loại trừ tôi. Xin được tiếp tục nêu lên một số dẫn chứng nữa:
Cuối năm 1959, CIA đã thuê tiền tên Rát Vat do Sơn Ngọc Thành tuyển mộ bí mật từ Nam Việt Nam lẻn về Campuchia tìm cách giết hại tôi, theo bài bản do CIA chỉ dẫn. Rát Vat đã trà trộn vào đám đông dân chúng thường nô nức đón chào tôi khi tôi đi thăm các địa phương trong nước. Nhưng do quá hồi hộp, Rát Vat đã biểu lộ một số cử chỉ đáng nghi và đã bị cảnh sát giữ lại để khám xét, tịch thu một quả lựu đạn và một khẩu súng ngắn giấu trong người. Rát Vát thú nhận, hắn đã được lệnh ám sát tôi để bù lại vụ thất bại không đạt mục đích của qua bom giấu trong bưu kiện dâng Mẫu hậu.
Ám sát cá nhân là một thủ đoạn độc ác và quen thuộc của CIA. Ngày 1-4-1963 tại nước láng giềng với Campuchia, Bộ trưởng Ngoại giao Lào thuộc phái trung lập đã bị tay chân CIA bắn chết bằng một loạt đạn súng ngắn ngay trước cổng nhà. Bà vợ ông cũng bị thương nặng. Đúng một tháng sau vụ ám sát Ngoại trưởng Lào Kinim Phônxêna, Chủ tịch nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa tới thăm Campuchia. Sau lễ đón tiếp rất trọng thể tại sân bay, Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ và tôi cùng ngồi chung với nhau trong một chiếc ô tô trên đường về Hoàng cung, hai bên đường có rất đông người Campuchia và người Hoa mang cờ hai nước vẫy chào nồng nhiệt, kèm theo những tiếng hoan hô nhiệt hệt. Phía sau chúng tôi là một đoàn xe chở phái đoàn Trung Quốc đi theo Chủ tịch Lưu Thiếu Kỳ trong chuyến thăm chính thức Campuchia, các thành viên chính phủ Campuchia và nhiều quan chức khác. Nếu sự việc xảy ra đúng như kế hoạch của CIA thì tới một điểm đã được chọn, đoàn xe chính phủ và cả đoàn người chào đón đứng hai bên đường sẽ bị tan xác, biến thành những mảnh vụn. Thế nhưng, ngay trước khi tôi mời Chủ tịch Lưu lên xe, tôi đã được báo cáo, toàn bộ bọn tay sai CIA đã bị bắt giữ và đưa về trại giam, đúng như kế hoạch của chúng tôi.
Một tuần trước khi Chủ tịch Trung Quốc tới thăm chính thức Campuchia, có hai người nước ngoài tới thuê một căn hộ ở bên lề đường từ thủ đô tới sân bay, gần khách sạn Nakri Bopha nổi tiếng do người Việt Nam quản lý. Người lớn tuổi là một sĩ quan Quốc dân đảng đến từ Đài Loan. Liền sau khi thuê được nhà, hai tên này đào một đường hầm từ nơi ở đến đoạn đường dẫn tới sân bay, đặt một quả bom cực mạnh do CIA cung cấp. Chính Trung Quốc đã báo cho lực lượng an ninh của chúng tôi đề phòng theo dõi, ngay sau khi hai tên tay sai CIA này vừa bay từ Đài Loan tới Phnompenh.
Cảnh sát Campuchia đã tóm gọn chúng rất đúng lúc, cùng với tất cả bom, mìn, dụng cụ phá hoại và các giấy tờ giả mạo. Bọn chúng đã khai báo tất cả những quan hệ với CIA, đã bị xử án theo pháp luật và bị kết án tử hình. Nhưng tôi đã can thiệp, không để cho chúng bị xử bắn. Không phải tôi ân xá cho chúng mà là vì lúc đó Campuchia đang có những quan hệ căng thẳng với các nước láng giềng, tôi không muốn gây rắc rối thêm. Vả lại chính Lon Nol cũng đề nghị giảm án cho chúng. Tôi biết rõ Lon Nol là nhân vật rất cứng rắn thường chủ trương xử bắn đối với những kẻ phạm tội nặng, vậy mà lúc này lại tỏ thái độ khoan hồng rất đáng ngạc nhiên. Dù sao hồi đó tôi cũng chưa nghi ngờ gì về Lon Nol. Và đến cuộc đảo chính 18-3-1970 Lon Nol lại lộ rõ nguyên hình là kẻ thảm sát những người rơi vào tay hắn.
Cũng trong năm 1963, một viên thanh tra Sở Thuế quan phát hiện ra trong số một loạt các hòm gửi từ nước ngoài tới sứ quán Mỹ tại Campuchia, có một hòm bị hư hỏng, để lộ các vật dụng đáng ngờ chứa đựng ở bên trong, đề nghị tôi cho mở hòm để kiểm tra. Mặc dù qui chế ngoại giao cho phép sứ quán Mỹ được hưởng sự miễn trừ đối với tất cả các thứ gửi tới sứ quán, nhưng do chiếc hòm đã bị vỡ ít nhiều, tôi đã cho phép được tiến hành khám xét.
Tất cả mọi chiếc hòm đều chứa đầy vũ khí. Theo điều tra của cơ quan an ninh, đây là những vũ khí chuẩn bị phát cho bọn phản loạn đã bí mật nằm chờ ngay trong nội địa Campuchia.
Năm 1963 không phải chỉ là một năm xấu đối với Campuchia và Lào mà cũng là năm mà Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu ở miền Nam Việt Nam đều bị giết hại bởi bàn tay CIA. Cuối năm 1963 tình hình có vẻ lắng dịu đôi chút. Tuy nhiên nếu những vụ phá hoại lật đổ trong nội địa Campuchia tạm ngừng thì tại các khu vực biên giới tiếp giáp với Thái Lan và Nam Việt Nam vẫn tiếp tục căng thẳng, CIA vẫn tiếp tục tuyển mộ, huấn luyện bọn biệt kích Khơme Xơrây chuẩn bị tung vào nội địa Campuchia. Tháng 11-1963 các lực lượng vũ trang giải phóng miền Nam Việt Nam tiêu diệt được một trong nhiều căn cứ của bọn Khơme Xơrây đặt tại Hiệp Hoà, tỉnh Cần Thơ. Chủ tịch Nguyễn Hữu Thọ đã chuyển cho tôi nhiều tài liệu tịch thu được tại căn cứ này xác minh CIA đang xúc tiến tổ chức trong lòng đất nước Campuchia những đội phá hoại ngầm. Các sách giáo khoa cho CIA biên soạn dạy bọn này các kỹ thuật ám sát, phá hoại, gây rối loạn kể cả bỏ thuốc độc xuống các giếng nước. Từ các đài phát thanh đặt tại Nam Việt Nam và Thái Lan, Sơn Ngọc Thành liên tục thoá mạ cá nhân tôi, bài xích chế độ quân chủ, đường lối trung lập và kêu gọi dân chúng nối bên lật đổ tôi.
Tôi quyết định cắt đứt nốt viện trợ kinh tế như đã cắt đứt viện trợ quân sự của Mỹ, vì cả viện trợ kinh tế của Mỹ cũng có rất nhiều ràng buộc, bắt chúng tôi phải phụ thuộc vào Mỹ.
Quốc hội Campuchia đã thông qua với đa số áp đảo cắt đứt hoàn toàn mọi viện trợ của Mỹ. Dựa trên những quyết định của Quốc hội ngày 20-11 chính phủ Campuchia gửi chính phủ Mỹ một công hàm vạch rõ: “Phẩm chất cơ bản của Campuchia không cho phép Campuchia tiếp tục nhận viện trợ Mỹ bất kể dưới hình thức nào trên toàn bộ các lĩnh vực quân sự, kinh tê, kỹ thuật, văn hoá”, mặc dù việc này gây cho chúng tôi rất nhiều khó khăn và tôi đã phải gánh chịu nhiều chỉ trích trên lĩnh vực điều hành kinh tế. Tôi đã giải thích: “Thà chúng ta cùng chết bên nhau một cách dũng cảm vẻ vang còn hơn là bị chết dần mòn vì nghẹt thở, và thối nát bởi viện trợ Mỹ”. Bởi vì việc phân phối đồng đô-la thường đi kèm những tệ nạn về xã hội và chính trị. Năm 1965 càng khó khăn hơn đối với Campuchia vì hai lý do. Một là, từ tháng 2-1965 Mỹ bắt đầu mở rộng ném bom tới miền Bắc Việt Nam. Tháng 3 năm đó, các đơn vị chiến đấu của Mỹ đổ bộ vào miền Nam Việt Nam, trực tiếp tiến hành chiến tranh. Hai là trước tình hình đó tôi phải cảnh giác hơn bao giờ hết, không để chiến tranh lan rộng tới Campuchia. Chúng tôi kịch liệt lên án cuộc xâm lược của Mỹ đối với Việt Nam và tố cáo Mỹ tổ chức đạo quân ngầm trong nội địa Campuchia để chuẩn bị cho mưu đồ phá hoại và lật đổ. Mặt khác chúng tôi cũng tăng cường những quan hệ với các nhà lãnh đạo Mặt trận dân tộc giải phóng đang tiến hành cuộc kháng chiến ở miền Nam Việt Nam.
Trong những ngày đầu tháng 5-1965, máy bay Mỹ ném bom vùng Mỏ Vẹt của Campuchia tiếp giáp với Nam Việt Nam, làm nhiều người dân Campuchia bị chết và bị thương.
Sau nhiều bước thảo luận lâu với Xamđec Pen Nouth, chúng tôi đi tới kết luận là, nếu muốn còn giữ được một hạt nhân về phẩm giá của Campuchia thì chỉ có một con đường là cắt đứt nốt quan hệ ngoại giao với Mỹ. Quyết định lịch sử này đã được đưa ra vào ngày 3-5-1965.

4. Trên bước đường đấu tranh gay go, phức tạp
Ngay từ khi lên ngôi vua tôi đã nghĩ đến vấn đề độc lập của Campuchia. Tôi được chọn làm Vua ngày 25-4-1941 sau khi cụ tôi là Quốc vương Sisowath Monivong băng hà. Lúc đó tôi mới mười tám tuổi, đang học ban tú tài khoa Triết trường Trung học Chasseloup Laubat của Pháp tại Sài Gòn và đang về nước nghỉ hè. Tôi chưa bao giờ nghĩ, và mẹ tôi cũng không khi nào nghĩ rằng tôi sẽ nối ngôi cụ nội. Tôi cho rằng, người ta sẽ chọn cha tôi là Hoàng tử Norodom Xuramarit, hoặc ông trẻ tôi là Hoàng thân Sisowath Mônirét. Theo thông tục, việc chọn người kế vị sau khi vua băng hà là công việc của Hội đồng ngôi vua, gồm các vị đứng đầu hai phái Đại thừa và Tiểu thừa đạo Phật, vị đứng đầu đạo Bà-la-môn, vị Chủ tịch Hội đồng Hoàng gia và một vài thành viên chính phủ. Đây là lần đầu tiên Hội đồng này lại do Khâm sứ Pháp là Tibađô chủ toạ. Chính ông Tibađô đã quyết định tôi sẽ lên ngôi vua chứ không phải là Hoàng thân Mônirét, mặc dù Hoàng thân là con trai cả Vua Monivong, đáng lẽ phải nối ngôi vua cha mới đúng. Quả là nếu người Pháp không can thiệp vào công việc nội bộ của chúng tôi thì việc nối ngôi ở Campuchia cũng như tại các nước theo chế độ quân chủ vẫn theo truyền thống cha truyền con nối.
Quốc vương Ang Dương, người châm mồi lửa yêu nước chống thực dân từ thế kỷ 19, có hai con trai là Norodom và Sisowath. Năm 1860, vua Ang Dương băng hà, con trai cả là Thái tử Norodom đã nối ngôi theo đúng tục lệ đặt ra từ lâu đời. Triều đại Norodom tương ứng với thời kỳ thực dân Pháp đánh chiếm thuộc địa. Nhà vua đã chống lại một cách tuyệt vọng. Năm 1904 Vua Norodom qua đời, người con trai đầu là Thái tử Yucantor vì tham gia kháng chiến đã bị thực dân lên án phải trốn đi biệt xứ, đáng lẽ người con thứ hai là Hoàng tử Xutharôt phải được nói ngôi mới đúng. Nhưng người Pháp lại chọn Hoàng tử Sisowath là em trai vua Norodom lên nối ngôi. Đó là một hành động rõ ràng trái với truyền thống, gây bất bình cho dòng Norodom cũng như trong nhân dân. Vì vậy, khi vua Sisowath từ trần vào năm 1927 người Pháp lại phải quay về với tập tục truyền thống, tức là chọn con trai cả của vua Sisowath là Thái tử Sisowath Monivong đặt lên ngai vàng. Nhưng dư luận vẫn không hài lòng vì nhân dân đều muốn chọn dòng họ Norodom có truyền thống yêu nước. Người Pháp buộc phải chọn cơ hội để làm yên lòng dân. Sau khi vua Monivong qua đời, người Pháp đứng trước hai sự lựa chọn, hoặc là con trai cả của Cựu vương Norodom tức Thái tử Xutharôt lúc đó đã bẩy mươi chín tuổi, hoặc là con trai của Thái tử Xutharôt là Hoàng tử Xuramarit, ông thân sinh ra tôi.
Nhưng tại sao người Pháp lại chọn tôi? Chắc hẳn vì cha tôi thuộc dòng họ Norodom và mẹ tôi thuộc dòng họ Sisowath. Hai dòng họ này kết hợp với nhau, tức là triệt được nguồn tranh giành, bất mãn. Hơn nữa lúc đó tôi đang còn rất trẻ, lại hiền lành, chăm học. Người Pháp nghĩ rằng tôi sẽ dễ bảo, dễ uốn nắn hơn ông trẻ tôi là Môniret đã từng phục vụ trong đội quân Lê Dương của Pháp, nổi tiếng là một tay cứng rắn. Theo nhận xét của nhà văn Đức Claodơ Mê-nét người Pháp chọn tôi làm vua có lẽ vì nghĩ rằng tôi sẽ là một chú “cừu non”, nhưng rồi sau đó đi ngược những hy vọng của Pháp tôi lại trở thành một “con cọp”. Thật vậy, trong vấn đề đòi độc lập cho Campuchia, tôi đúng là một con cọp, nhưng lúc đặt lên ngai vàng mới chỉ là một con hổ bé con.
Cuộc đụng đầu dữ dội giữa tôi với thực dân Pháp mở đầu bằng việc tôi muốn giành độc lập cho cá nhân tôi. Đó là lúc Khâm sứ Pháp Gióoc-giơ Gôchiê muốn đứng làm chủ hôn, ép tôi kết duyên với một cô gái con quan nhà giàu, do ông ta chọn mặc dù tôi chống lại quyết liệt. Đây là lần đầu tiên tôi bị cưỡng ép tước đoạt quyền tự do cá nhân. Sự việc này đã ghi lại trong tôi một kỷ niệm cay đắng.
Thời kỳ đó Đô đốc Đơ-cu đang giữ chức Toàn quyền Đông Dương. Đối với Đô đốc Đơ-cu, tôi lại biết ơn vì ông thường khuyên tôi nên đi thăm các địa phương trên đất nước Campuchia để tìm hiểu tình hình.
Tôi đã nghe theo lời ông đã đi đến cả những vùng chỉ có thể tới được bằng cách ngồi trên lưng voi. Đó là những dịp tôi được tiếp xúc với nông dân, ngư dân, được khám phá những cảnh tươi đẹp của đất nước. Kết quả của sự khảo sát này đi ngược lại ý định của Toàn quyền Đơ-cu, bởi vì càng hiểu biết người dân và những vấn đề của dân tôi càng bất bình với luật pháp thuộc địa và càng quyết tâm một ngày nào đó phải giành bằng được độc lập cho Campuchia.
Thời kỳ đó, Campuchia là một xứ bảo hộ của Pháp. Tôi đã phát hiện ra tất cả sự mỉa mai của từ “bảo hộ” này khi chính quyền Pháp dâng Campuchia cho Nhật, hồi tháng 12-1941. Nếu những người Pháp dường như lúc đó cũng bắn vài ba phát đạn để tự bảo vệ thì họ lại chẳng bắn một phát súng nào để bảo vệ Cung điện Hoàng gia Campuchia. Trong những năm đầu tiên chiếm đóng Campuchia, người Nhật vẫn cai trị qua hệ thống thực dân của Pháp mà họ đã duy trì. Vì vậy, tôi chẳng có quan hệ gì với đạo quân chiếm đóng.
Đến ngày 9-3-1945, người Nhật làm đảo chính hất căng Pháp, tự nắm lấy quyền cai trị trong tay, lúc đó họ mới báo cho tôi là Campuchia đã được độc lập trong những cuộc tiếp xúc đầu tiên với tôi. Lúc đó tôi đã hết sức ngạc nhiên sửng sốt chẳng khác gì trước kia người Pháp báo đã chọn tôi làm Vua, hồi bốn năm trước. Và tôi cũng phát hiện được ngay là người Nhật đã đòi tôi phải trả giá cho sự độc lập này bằng cách huy động tất cả mọi nguồn nhân lực, của cải phục vụ cho Nhật Bản.
Quả là lúc đó tôi không có ý định phục tùng nhưng tôi đã quyết định lợi dụng qui chế mới này để dành độc lập cho Campuchia. Vì vậy, tôi đã đề nghị với Bộ Tổng chỉ huy quân đội Nhật Bản tuyên bố rõ ràng bằng văn bản để nền độc lập của Campuchia có cơ sở pháp lý. Thế là bắt đầu một loạt cuộc đàm phán thương lượng đi lại giữa Tokyo và Phnompenh, cuối cùng tôi đã tránh được cho Campuchia thoát khỏi chiến tranh và có được văn bản “độc lập” trong túi để sau này tiếp tục đấu tranh với Pháp. Trong khoảng thời gian đàm phán kéo dài năm tháng, Sơn Ngọc Thành được người Nhật đưa từ Tôkyô về nước đặt lên. ghế Thủ tướng và không ngừng quấy rối tôi. Điều mà Thành thèm khát chính là tham vọng uy quyền cá nhân. Chính vì vậy cho nên khi Pháp quay trở lại Đông Dương với sự giúp đỡ của Anh hồi tháng 9-1945, Sơn Ngọc Thành đã bị Pháp bắt giữ kết án tử hình về các tội ác và phản bội (nhưng sau đó Thành đã được tôi giải thoát, sống lưu vong ở nước ngoài).
Người Pháp sau khi trở lại Đông Dương với sự giúp đỡ của Anh quốc hồi tháng 9-1945 đã yêu cầu tôi cử một phái đoàn tới gặp Đô đốc Đácgiăngliơ vừa được cử làm Cao uỷ Đông Dương.
Không cần phải là một nhà tiên tri cũng có thế đoán biết cuộc tiếp xúc này có liên quan đến những vấn đề gì. Tôi đã trả lời bằng một công hàm ngày 28-9-1945 như sau:
“Đề nghị Đô đốc vui lòng cho biết đoàn đại biểu do chúng tôi chỉ định có được coi là những đại diện của một quốc gia độc lập hay không. Campuchia đã được độc lập từ ngày 9-3-1945. Chúng tôi sẵn sàng đàm phán với Pháp và thiết lập với Pháp những quan hệ hữu nghị trên các lĩnh vực chính trị, kinh tê, văn hoá. Những quan hệ này phải được xác định trên thực chất là không uy hiếp nền độc lập của đất nước chúng tôi”.
Công hàm này không được trả lời. Cuộc tiếp kiến Đô đốc Đácgiăngliơ cũng không có. Sau đó ít lâu, người Pháp giải thích rõ là họ chỉ dự định nối lại những quan hệ với Campuchia dựa trên các điều khoản đã ghi trong Hiệp ước Bảo hộ năm 1863, là bản hiệp ước đã áp đặt đối với Campuchia sau khi Pháp gửi tối hậu thư cho cụ nội tôi là Quốc vương Norodom buộc phải chấp nhận trong vòng hai mươi bốn giờ. Một pháo hạm của Pháp đã tiến sâu vào sông Mê công, cắm neo ngay trước mặt Hoàng cung, chờ đợi Nhà vua trả lời.
Sau khi đã chấp nhận bản Hiệp ước Bảo hộ năm 1863, Quốc vương Norodom lại còn phải ký nhận thêm bản Thoả thuận năm 1884, một bản thoả thuận rất nhục nhã, áp đặt bằng các thủ đoạn còn tàn bạo hơn nữa đối với Campuchia.
Nếu hiểu theo nghĩa đàm phán mà người Pháp đề nghị với tôi thì có lẽ phải thương lượng ngay từ đầu, từ các điều khoản áp đặt trong Hiệp ước Bảo hộ năm 1863 mới đúng.
Nhiều người hoài nghi cho rằng tôi đã cường điệu khi nói đến những điều sỉ nhục đối với nhân dân Campuchia trải qua những triều đại trước đây. Những kẻ thù địch với tôi thì lại mỉa mai chế giễu, gọi tôi là “quá khích”, là “bốc đồng” khi nói về các vấn đề có liên quan đến phẩm giá dân tộc và cá nhân tôi. Nhưng, chỉ cần nêu lên một thí dụ có thật, đã xảy ra trong triều đại trước, để trả lời họ.
Năm 1900, Quốc vương Norodom đã cử Thái tử Yucantor đi Pháp mang theo một bản kháng nghị tới chính phủ Pháp. Người Pháp đã tiếp đón Thái tử rất long trọng, dâng biếu nhiều món quà quý giá với hi vọng Thái tử sẽ không làm theo lời Vua căn dặn, sẽ thay bản kháng nghị bằng bài diễn văn đa tạ nước Pháp. Thái tử cám ơn Pháp về sự đón tiếp nhưng lại nói thêm, ở Campuchia, nhân dân đang bị đối xử tồi tệ.
Trong bài diễn văn đọc trước chính phủ Pháp, Thái tử Yucantor nói:
“Tôi xin trân trọng chuyển tới nước Pháp những lời chào mừng của Quốc vương cha tôi đồng thời cũng xin được nói thẳng ra đây những nỗi đau của đất nước.
Chính phủ Pháp hiểu rõ hơn ai hết họ đã dùng những biện pháp nào để đạt được mục đích quyền lực của Triều đình Campuchia phải chuyển giao sang tay người Pháp vào năm 1887. Trước đó, tức là năm 1884, Hoàng cung đã bị quân đội Pháp tiến công, binh lính Pháp đã dí lưỡi lê vào cổ họng Quốc vương, đe doạ đưa đi đầy biệt xử nếu không quy thuận. Đến năm 1887 một lần nữa Pháp lại sử dụng vũ lực uy hiếp. Toàn quyền Đông Dương hồi đó là ông Đume (Doumer) dù ít tàn bạo hơn người tiền nhiệm, nhưng vẫn không kém phần tàn nhẫn, đã buộc Campuchia phải tuần tự nhường cho Pháp quyền chỉ đạo về hành chính, kinh tế và lãnh thổ.
Thống sứ Pháp hồi đó là ông Vecnêvin (Verneville) và cả người tình của ông ta là Mi Mun đã tỏ ra rất quá quắt mọi người dân đều biết rõ sụ lộng hành của nhân vật này. Thống sứ Vecnêvin rất căm ghét Quốc vương Norodom vì Nhà vua thường kháng nghị chống lại sụ áp bức bóc lột của Pháp đối với nhân dân Campuchia. Ông ta đã vu cáo Nhà vua bị điên, đã bắt giam và sau khi đe doạ chặt đầu đã quyết định đưa Vua đi đầy ở Côn Đảo. Toàn quyền Đume đã can thiệp để cứu sống Quốc vương, nhưng đổi lại đã buộc Quốc vương phải sửa lại các điều khoản trong Hiệp ước 1884 một cách có lợi cho Pháp nhiều hơn nữa. Từ đó trở đi cả Triều đình lẫn nhân dân Campuchia đều phải hoàn toàn phụ thuộc vào Thống sứ pháp.
Chính nhân dân Campuchia là người đầu tiên phái trả giá cho sự việc này. Nông dân là tầng lớp đau đớn nhất vì phải chuyển giao nhiều đất đai cho quan Thống sứ Pháp. Trên lý thuyết cổ truyền, toàn bộ đất đai Campuchia là thuộc về nhà vua. Trên thực tế, ruộng đất thuộc về người dân đang cày cấy trên đó. Điều này cũng phù hợp với lời răn của đạo Phật với Triều đình. Hiển nhiên, đất đai là thuộc về Trời Phật, Trời Phật lại uỷ thác cho Vua và Nhà vua là người quyết định trao cho những ai có thể chăm sóc đất đai, ruộng vườn.
Nhưng người Pháp đã ban hành luật sở hữu tư nhân, và chính người Pháp đã chiếm đoạt những vùng đất đai rộng lớn của Campuchia đế lập đồn điền. Chính do người Pháp mà nhân dân Campuchia bị bần cùng hoá. Chính bằng bạo lực và vũ khí, người Pháp đã tước đoạt của nhân dân Campuchia quyền lợi khai thác ruộng đất mà các triều đình trước kia đã ban hành bằng các đạo luật”.
Trong khi đọc bản kháng nghị, Thái tử Yucantor đã nêu lên rất nhiều dẫn chứng cụ thể tố cáo sự đàn áp dã man của Pháp đối với nhân dân Campuchia và nhấn mạnh:
“Những cuộc đàn áp, bắt bớ, lưu đầy, giam giũ trong ngục tối, chặt đầu mà lại có thể được gọi là những biện pháp chính trị được hay sao? Sự thù hằn, điên khùng của các quan chức người Pháp, đặc biệt là khi họ bị ảnh hưởng bởi rượu cồn, thuốc phiện và cả những lời quyên rũ của những người tình bản xử đã gieo rắc sự khủng bố tràn lan trong nhân dân Campuchia. Cả tự do đến mạng sống của họ đều bị thử thách nêu họ dám kêu ca, phàn nàn”.
Thái tử Yucantor cũng thông báo với chính phủ Pháp là Thống sứ Pháp tại Campuchia đã đe doạ bắt giữ khi Thái tử nhận lệnh vua cha mang bản kháng nghị tới Pháp. Thái tử nói: “Họ đe doạ tôi, bởi vì họ sợ tôi nói lên sự thật mà có lẽ sẽ có người nghe ra”. Thái tử cũng cho biết, vua cha rất đau buồn vì những điều xỉ nhục và bạo lực mà nhân dân Campuchia đang gánh chịu. Quốc vương đã nói: “Có lẽ ta đến chết vì phiền muộn mất?”.
Có thể, có người nghĩ rằng, chính phủ Pháp là một nước được coi là tinh tế trong thế giới phương Tây có lẽ sẽ mủi lòng, xúc động trước bản tường trình dũng cảm và cao thượng về những sự việc đang diễn ra trên mảnh đất tận cùng của đế quốc Pháp. Phản ứng của chính phủ Pháp hồi đó như thế nào? Họ đã hạ lệnh bắt giam Thái tử Yucantor nhưng Thái tử đã may mắn trốn được sang nước Anh rồi từ Anh tìm đường trở về Xiêm (nay là Thái Lan) rồi ba mươi bốn năm sau đã qua đời trên đất nước này. Nếu còn được sống thêm, hẳn là Thái tử sẽ được nối ngôi vua vì bốn năm sau đó vua cha tạ thế. Một năm trước khi qua đời, vua Norodom cho xây chùa Bạc ngay trong khuôn viên Hoàng cung, tự thân trông nom việc xây dựng. Từ ngày buộc phải ký bản Thoả thuận 1884 Đức vua không ra khỏi Hoàng cung nữa. Sau khi chùa Bạc hoàn thành việc xây dựng, Nhà vua thỉnh cầu Đức Phật ngự trị trong chùa để chứng kiến niềm tuyệt vọng của mình và để chứng giám việc tụng kinh niệm phật do chính Vua đảm nhiệm. Đức Vua căn dặn gìn giữ ngôi chùa cho con cháu về sau là những thế hệ “có thể sẽ giành được nền độc lập và sự vinh quang cho Campuchia”.
Mọi người dễ dàng hiểu ngay tôi đã phẫn nộ như thế nào khi phát hiện thấy bản kháng nghị do Thái tử Yucantor tuyên đọc trước Chính phủ Pháp, được cất giữ cẩn thận trong tập Hồ sơ lưu trữ của Hoàng gia Campuchia. Tôi đã đọc lại bản kháng nghị này vào tháng 9-1945 khi người Pháp cũng đang gây sức ép để thiết lập lại hệ thống thuộc địa một cách thản nhiên, coi như không có chuyện gì xảy ra trong quá khứ. Cũng không lấy gì làm lạ, khi ngay từ lúc được chọn để nối ngôi cụ nội tôi năm 1941 tôi đã thề sẽ đấu tranh cho sự nghiệp thiêng liêng mà cụ khởi xướng. Tôi đã tích cực với mọi khả năng có thể của mình để giành lại độc lập nhất là từ khi Pháp âm mưu chiếm lại toàn bộ Đông Dương năm 1945. Có điều tôi đã tránh không đấu tranh vũ trang để không phải đổ máu. Dĩ nhiên, nhiều đồng bào của tôi không muốn đi theo con đường này và một số đã sát cánh chiến đấu bên cạnh Mặt trận Việt Minh của Hồ Chí Minh.
Hồi đó, do sự giáo dục từ thời thơ ấu và do thuộc dòng dõi Hoàng tộc tôi không muốn đi theo Việt Minh. Nhưng bây giờ tôi lại rất vui mừng khi nhận thấy nhiều đồng bào của tôi đã học được nhiều kinh nghiệm chiến đấu du kích trong hàng ngũ Việt Minh. Họ đã xây dựng được một số căn cứ kháng chiến ở trong nước và chính những căn cứ này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển phong trào kháng chiến sau cuộc đảo chính 18-3-1970. Còn tôi, tôi đã mở đầu cuộc đấu tranh bằng các biện pháp hợp pháp, hợp hiến mà tôi có được.
Năm 1946 và tiếp đó là năm 1948 tôi được theo học các khoá quân sự của trường Ky binh Xômuya ở Pháp. Tướng Lănglat là hiệu trưởng, đồng thời cũng là giáo viên chủ nhiệm của tôi. Sau khi phát hiện thấy tôi bắt đầu đi khá gần đến các vấn đề độc lập của đất nước, Chính phủ Pháp liền cử Tướng Lănglát làm Tổng tư lệnh quân đội Pháp ở Đông Dương để chế ngự tôi. Chắc hẳn, hồi đó chính phủ Pháp nghĩ rằng tôi đã là học trò ngoan của Tướng Lănglát ở trường Cao đẳng quân sự Xômuya sẽ tiếp tục dễ bảo khi trở về làm Vua và sẽ lại phục tùng Lănglát. Nhưng tôi lại nghĩ dù cho Tướng Lănglát có làm Vua ở Xômuya đi nữa, thì tôi cũng là Vua ở Campuchia. Năm 1949, tôi chuyển tới chính phủ Pháp bản kiến nghị, yêu cầu:
1. Trao quyền tự trị cho Campuchia.
2. Cho Campuchia được thiết lập quan hệ với các cường quốc chủ yếu và có đại diện ở Liên Hợp Quốc.
3. Nhanh chóng tuần tự thu hẹp các khu vực quân sự của Pháp ở Campuchia, để quân đội Campuchia thay thế dần quân đội Pháp.
4. Tổng đại xá cho tất cả những người kháng chiến.
5. Khoan hồng, tiến tới trả lại tự do và ân xá cho các tù chính trị và những người bị lưu đầy, trong đó có Sơn Ngọc Thành.
Cuối cùng những kiến nghị của tôi đã được ghi nhận trong bản Thoả thuận mới. Campuchia được tham dự Hội nghị quốc tế Xan Phranxitcô tháng 9-1951. Đây là lần đầu tiên, Campuchia được coi như một thực thể tách rời Pháp, được đặt bút ký vào bản Hiệp định Hoà bình đối với Nhật Bản, cùng với bốn mươi bẩy quốc gia khác trên thế giới. Tuy nhiên, tôi cũng như nhân dân Campuchia vẫn chưa thật sự hài lòng với bản Thoả thuận ký năm 1949 với Pháp. Dù đây là một bước tiến dài, chúng tôi vẫn còn xa mới đi được tới đích cuối cùng là: Độc lập vô điều kiện. Trong thông điệp gửi nhân dân Campuchia ngày 15-6-1952, tôi hứa trong vòng ba năm nữa sẽ giành được độc lập hoàn toàn. Trên thực tế, vấn đề còn lại chỉ là đấu tranh đòi Pháp phải trao trả nốt cho Campuchia một số quyền lực mà người Pháp vẫn muốn nắm giữ tới cùng hằng mọi giá vin vào lý do cần phải tiếp tục chiến tranh chống Việt Minh. Tôi đã trình bầy dứt khoát rõ ràng với Pháp: Tôi không muốn Việt Minh có mặt trên lãnh thổ Campuchia. Còn Việt Minh làm gì trên đất Việt Nam thì tôi tuyệt đối không can thiệp. Vì vậy tôi từ chối việc sử dụng Campuchia làm bàn đạp quân sự tiến đánh Việt Minh. Một lần nữa, tôi lại nài Pháp trao trả độc lập cho Campuchia.
Ngày 25-3-1953 tôi được Tống thống Pháp Ôriôn mời ăn cơm trưa. Trước khi đi tôi đã được thông báo, chính phủ Pháp đã chăm chú nghiên cứu lập hồ sơ về Campuchia do tôi vừa chuyển tới. Tôi rất phấn khởi như được động viên thêm. Tuy nhiên, cuộc thảo luận trong bữa ăn hoàn toàn không đạt được chút kết quả nào. Cuối cùng Tổng thống Pháp đã cố tình gợi ý là ông rất mừng nếu tôi rời khỏi Pháp càng sớm càng tốt. Thậm chí, trong bản Thông cáo chung người ta còn ghi một câu: “Quốc vương Sihanouk nên trở về Phnompenh trong vài ngày tới”. Bộ trưởng Bộ các nước liên kết với Pháp là ông Lơtuốcnô thân chinh tới gặp tôi để khẳng định những lời thỉnh cầu của tôi nhằm giành độc lập cho Campuchia là “không thích hợp trong lúc này”.
Dù sao, tôi cũng còn may mắn hơn ông cụ trẻ của tôi là Thái tử Yucantor hồi nửa thế kỷ trước, tức là đã được rút lui an toàn. Nhưng tôi vẫn không chịu để cho Pháp đối xử như vậy. Tôi quyết định quay sang cầu cạnh Mỹ giúp đỡ. Tôi nghĩ có lẽ tại Mỹ là nước tự coi là thành trì của tự do, đối lập với mọi âm mưu thực dân hoá Đông Dương, tôi sẽ tìm được sự thông cảm và có được sự ủng hộ mà tôi đang cần. Bộ trưởng Lơtuốcnô đánh hơi thấy những dự định sắp tới của tôi, đã thông qua ông chú thân Pháp của tôi là Hoàng thân Sisowath Mônirét báo cho tôi biết, chiếc “ngai vàng” của tôi sẽ bị đe doạ nếu tôi phát đi những lời “tuyên bố phiêu lưu chống Pháp” ở nước ngoài. Lúc này, cuộc tranh cãi giữa tôi với chính phủ Pháp đang xoay quanh vấn đề “Campuchia cần phải tham gia cùng với Pháp trong cuộc chiến tranh chống Việt Minh” (là vấn đề tôi đã từ chối thẳng thừng) và về việc Campuchia cần có mặt trong khối Liên hiệp Pháp.
Tôi đã nói thẳng với Tổng thống Pháp Ôriôn:
“Nước Pháp không có lý do gì để bận tâm đến số phận của tôi cũng như ngôi vua, cũng không cần phải quan tâm đến vận mệnh của nền quân chủ Campuchia. Chỉ cần chính phủ Pháp trao trả độc lập cho Campuchia đơn giản thế thôi. Sau đó, dù Pháp có hoàn toàn bỏ rơi Campuchia cũng được”.
Trong thời điểm quyết định này của lịch sử Campuchia và cũng là thời điểm quyết định những quan hệ giữa Campuchia với Pháp, tôi buộc phải lựa chọn giữa việc theo Pháp hay theo đồng bào của tôi. Tất nhiên là tôi phải theo đồng bào Campuchia của tôi Tôi không hiểu tại sao nước Pháp vừa mới thoát khỏi sự chiếm đóng của phát xít Đức hồi đó lại có thể dửng dưng trước những khát vọng tự do, độc lập của Campuchia cũng như của nhân dân toàn Đông Dương. Nhất là thái độ thản nhiên này lại xuất phát từ một Tổng thống thuộc Đảng Xã hội Pháp, là điều làm cho tôi càng khó hiểu. Người ta đang đe doạ là tôi có thể sẽ “mất ngôi vua” nếu đi quá xa trong cuộc đấu tranh giành độc lập.
Nhưng làm thế nào mà người ta tước đoạt được cái mà người ta không có?
Ngày 13-4-1953 tôi bay đi Mỹ, qua Canada, mang theo một bản giác thư trong đó yêu cầu Mỹ ủng hộ nền độc lập của các nước Đông Dương, trước hết là Campuchia. Tôi nhấn mạnh rằng Campuchia chưa thể nào tham gia vào các hoạt động dân chủ chừng nào chưa được độc lập thật sự và hoàn toàn. Các nước khác ở Đông Dương cũng vậy. Đó cũng là chủ đề mà tôi thảo luận trong cuộc đàm thoại kéo dài suốt một giờ với Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét. Phản ứng của ông Đa-lét quả là cay đắng đối với tôi ông ta tuyên bố: “Các ông trước hết phải đánh bại chủ nghĩa cộng sản trong khu vực của mình đã. Lúc đó chúng tôi sẽ gây sức ép để Pháp phải làm cái gì cần làm”. Thế thì còn nói gì nữa! Ý đồ rõ ràng của Mỹ là sự cấp bách phải tiêu diệt Việt Minh, và Campuchia phải đóng góp phần quan trọng vào đó. Ông Đa-lét nói tiếp:
“Kẻ thù chung của chúng ta là Việt Minh. Campuchia các ông phải hiểu rằng nếu Việt Minh không bị tiêu diệt thì họ có thể sẽ quét sạch nền quân chủ của Campuchia, cả nền văn hoá ngàn năm và nền dân chủ Khơme nữa. Chừng nào nguy cơ tai hại đối với chúng ta đó chưa bị gạt bỏ thì chúng tôi không thể làm điều gì để Pháp nản lòng vì hiện Pháp đang chịu nhiều hy sinh to lớn ở Đông Dương để bảo vệ nền tự do chung của chúng ta. Chiến tranh đang bước vào thời điểm quyết định. Chúng tôi phải chiến thắng. Hơn bao giờ hết chúng ta phải đoàn kết phối hợp chặt chẽ mọi lực lượng, mọi phương tiện của chúng ta chứ không phải để cãi vã, gây chia rẽ. Bất đồng giữa các ông với Pháp sẽ có lợi cho kẻ thù chung. Nếu không có quân đội Pháp đóng trên đất Campuchia, đất nước các ông sẽ bị bọn Đỏ thôn tính, nền độc lập của Campuchia cũng bị tan biến hoàn toàn”.
Tôi đã trả lời Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét giống như những điều đã nói với Tổng thống Pháp Ôriôn, là không nên quá quan tâm vào những chuyện nội bộ của chúng tôi. Bây giờ nhớ lại những lời tuyên bố của Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét năm 1953, đối chiếu với thực tế năm 1970, quả là nực cười: Ai là người đã quét sạch nền văn minh truyền thống của Campuchia, nếu không phải là những người kế tục sự nghiệp của ông Giôn Phôxtơ Đa-lét trong học thuyết “dùng người châu Á đánh người châu Á”. Tôi không cùng chung hệ tư tưởng với Việt Minh, nhưng tôi có thiện cảm với cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Nếu đã tự nhận là một người Campuchia yêu nước thì làm sao có thể nghĩ khác được? Chúng tôi cùng chung mục đích, nhưng chỉ khác nhau về con đường đấu tranh để đạt tới mục đích đó. Tôi đã cố giải thích cho ông Đa-lét rõ, nhưng ông không chịu nghe, lại còn bác bỏ bằng cách trả lời: “Thôi, Hoàng thân hãy quay về đi và hãy giúp tướng Pháp Nava chiến thắng cộng sản!”. Về cái gọi là “sự đe doạ của cộng sản”, tôi đã trả lời phỏng vấn đăng trên tờ Thời báo New York, số ra ngày 19-4-1953: “Trong những năm gần đây, giới trí thức Campuchia ngày càng nhận rõ cộng sản Việt Minh chỉ chiến đấu để giành độc lập cho nước họ”. Tôi cũng nói thêm người Campuchia nhận thức rõ vấn đề, không muốn “chết vì nước Pháp và giúp Pháp ở lại Campuchia”. Điều mà tôi không đạt được khi trình bầy với ông Ôriôn và ông Đa-lét đã có tiếng vang sau khi bầy tỏ trên tờ Thời báo New York.
Bốn ngày sau khi báo phát hành, Chính phủ Pháp đề nghị Campuchia cử một phái đoàn tới Paris thảo luận tiếp những vấn đề đang treo lơ lửng.
Lúc đó, tôi đang trên đường từ Mỹ trở về Campuchia, đã ghé lại Nhật Bản chờ đón kết quả cuộc đàm phán. Đúng lúc này tôi lại nhận được một bức điện của ông Đa-lét đề nghị tôi “cố gắng hợp tác với Pháp trên tinh thần hoà hợp cao nhất” và Mỹ sẽ làm tất cả mọi việc tuỳ theo khả năng nhằm tăng cường viện trợ cho Campuchia để cùng ngăn chặn sự xâm lăng của cộng sản”. Bức điện đó đã làm cho tôi suy nghĩ: Campuchia chỉ có thể dựa vào chính sức mình để giành độc lập. Lúc đó, tôi đã thoáng nghĩ tới đấu tranh vũ trang. Những kẻ gièm pha bài xích tôi thường xuyên tạc là trong quá trình đấu tranh tôi đã được Mao Trạch Đông, Chu Ân Lai tẩy não. Nhưng trên thực tế chính Vanh-xăng Ôriôn, Giôn Phôxtơ Đa-lét và sau này thêm cả Risớt Nixon mới thật sự là các giáo viên phản diện huấn luyện chính trị cho tôi. Cũng đúng vào lúc tôi đe doạ sẽ đấu tranh vũ trang và được nửa triệu người Campuchia hưởng ứng lời kêu gọi, khi đó Pháp mới chịu đàm phán nghiêm chỉnh.
Tháng 9-1953 sau khi Pháp đã chấp nhận sẽ trao lại cho Campuchia tất cả quyền lực về quân sự, cảnh sát, tư pháp, tôi chỉ thị cho Thủ tướng Pen Nouth gửi một thông điệp tới các lực lượng Việt Minh và Khơme Issarac, trong đó nêu rõ: “Dù chúng tôi không phải là cộng sản, nhưng chúng tôi cũng không chống lại chủ nghĩa cộng sản ở bên ngoài lãnh thổ Campuchia. Chúng tôi không chú ý đến tình hình diễn ra ở Việt Nam”. Tôi cũng đảm bảo, nước Campuchia độc lập không trở thành bàn đạp quân sự nhằm tiến công Việt Minh. Lời tuyên bố này cũng là định hướng đầu tiên cho đường lối trung lập của Campuchia và đã vấp phải phản ứng của Mỹ. Thượng nghị sĩ Mỹ Uyham Naolen cùng với đại sứ Mỹ ở Sài Gòn là Đônan Hít lập tức tới thăm Campuchia, cố thuyết phục tôi phải để cho Pháp tiếp tục giữ vai trò chủ chốt ở Campuchia nhằm hoàn thành sứ mệnh trọng đại hàng đầu là tiêu diệt chủ nghĩa cộng sản. Sirik Matak hồi đó giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia dễ dàng ngả theo những lý lẽ thuyết phục của Naolen, nhưng tôi vẫn tỏ ra không thể nào khuất phục nổi.
Chuyến đi của Thượng nghị sĩ Naolen mở đầu cho một thời kỳ dài Mỹ ngày càng can thiệp vào tình hình Campuchia, đỉnh cao là việc Tổng thống Mỹ Nixon đã tiến quân vào Campuchia năm 1970. Hồi đó, cả Naolen lẫn Đônan Hít, được Sirik Matak ủng hộ đã cố đưa ra tất cả những lý lẽ tưởng tượng và bịa đặt, nhằm thúc ép tôi ủng hộ “sự nghiệp chung”. Nhưng quyết định của tôi là không thể đảo ngược. Họ đã phải ra về với bàn tay trắng.
Ngày 17-10-1953, Pháp và Campuchia thảo luận những điểm cuối cùng trong vấn đề chuyển giao quyền lục quân sự và đến ngày 9-11-1953, chúng tôi đã nắm trong tay mọi yếu tố của nền độc lập, dù một số đơn vị nhỏ quân đội Pháp mới chịu rút hết khỏi Campuchia.
Tôi đã biết lợi dụng sức ép ngày càng mạnh của Việt Minh đối với Pháp trên đất Việt Nam và Lào cộng với sức ép có thể có một cuộc kháng chiến nữa của Campuchia ngay trên lãnh thổ Campuchia để giành được thắng lợi. Trong buổi lễ chính thức bàn giao quyền lực ở Campuchia, tôi đã gặp lại Tướng Lănglát, huấn luyện viên về khoa cưỡi ngựa, ông thầy cũ rất kính mến của tôi. Tướng Lănglát nói:
- Thưa Đức vua, ngài vừa cho chúng tôi một cái tát mạnh mẽ!
Tôi đáp:
- Thưa tướng quân, không phải thế. Đó là vì tôi muốn tỏ ra xứng đáng với những gì tướng quân đã dạy dỗ tôi. Thắng lợi của tôi xét cho cùng cũng là thắng lợi của tướng quân, bởi vì tướng quân đã dạy tôi nghề võ.
Ông Lănglát vẫn nói tiếp:
- Ngài không được lịch sự lắm đối với giáo sư của ngài.
Tôi trả lời:
- Thưa tướng quân, tôi cần phải chứng minh khả năng của mình, với tư cách là một học trò cũ. Tôi không thể thua trong một trận đấu mà đất nước của tôi bị đem ra đặt cược.
Một sĩ quan nói nhỏ với Tướng Lănglát:
- Nhà vua điên rồi. Ông ta đuổi chúng ta ra khỏi Campuchia. Nhưng không còn Pháp thì Campuchia sẽ bị Việt Minh nghiền nát mất.
Tướng Đờ Lănglát quay lại phía tất cả các sĩ quan đang đứng và nói to:
- Có thể là Nhà vua điên. Nhưng trong trường hợp này, đây là một sự điên cuồng rất sáng suốt.
Hội nghị Giơnevơ về Đông Dương năm 1954 đem lại cho chúng tôi sự công nhận chủ quyền và sự đảm bảo tôn trọng nền độc lập của Campuchia của cộng đồng quốc tế, nhưng trên thực tế Campuchia đã giành được độc lập từ ngày 9-11-1953. Đó là kết quả của một quá trình đấu tranh trên chặng đường dài đầy khó khăn trắc trở.
Tôi biết, đây mới chí là giai đoạn đầu của cuộc chiến đấu còn phức tạp hơn tất cả những cuộc đấu tranh mà tổ tiên tôi cũng như bản thân tôi đã trải qua, kể từ ngày một cường quốc đầu tiên ban cho Campuchia sự “bảo hộ”, cách đây một thế kỷ.
Trong buổi dự lễ tang Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hà Nội, tôi được vinh dự đứng túc trực bên cạnh linh cữu. Tôi lại sực nhớ đến câu nói của Người mà tôi cho rằng không gì đúng hơn. Đó là câu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Cụ Hồ là một bậc cách mạng lão thành, xuất thân từ tầng lớp bình dân. Tôi là một nhà quí tộc thuộc dòng dõi quân chủ lâu đời nhất ở Campuchia. Cụ với tôi không cùng chung thế hệ, bởi vì Cụ hơn tôi tới ba chục tuổi. Nhưng Cụ và tôi đều cùng chung nguyện vọng muốn cho nước nhà độc lập. Để đạt mục đích này, Cụ đã chọn con đường cách mạng gay go ác liệt. Còn tôi, một con người trẻ tuổi lại rất sợ đổ máu. Nhưng cuối cùng chính Cụ đã dạy chúng tôi bài học là tất cả các thế lực đế quốc chỉ cho các dân tộc bị chúng áp bức một con đường duy nhất để giành lại tự do. Đó là con đường đấu tranh vũ trang mà Hồ Chí Minh đã xác định.
Ngày 2-3-1955, tôi gửi một băng cát xét đã ghi sẵn bài nói của tôi tới Đài Phát thanh Phnompenh, dặn kỹ đến buổi trưa mới được mở và phát vào buổi thông tin giữa lúc mọi người đang ăn cơm. Những người nghe đã rất sửng sốt khi thấy tôi tuyên bố từ bỏ ngôi vua. Các thành viên trong Hoàng tộc và Chính phủ cũng rất ngạc nhiên. Tôi đã suy nghĩ kỹ một mình, không hỏi ý kiến bất cứ một ai và đã tự quyết định thoái vị.
Hiến pháp năm 1947 của Campuchia qui định, trong trường hợp Nhà vua tự nguyện rời bỏ ngai vàng thì Hội đồng Ngôi vua phải chọn người kế vị trong số nam giới thuộc dòng dõi Ang Dương, tức là dòng họ Sisowath hoặc Norodom. Cha tôi là Norodom Xuramarit lúc đó sáu mươi tuổi, đã được chọn. Còn tôi thì cũng đã ba mươi tư tuổi và đã trị vì được mười bốn năm.
Tại sao tôi đi đến quyết định này? Và tại sao lại quyết định vào thời điểm này? Đó là do nhiều nguyên nhân, kể cả khách quan lẫn chủ quan.
Năm 1952, tôi cam kết sẽ đẩy mạnh đấu tranh giành độc lập trong vòng ba năm, việc này đã hoàn thành, nếu so với lịch 1955 thì còn sớm hơn đôi chút. Ngày 7-2-1955 tôi chỉ thị tổ chức trưng cầu ý dân và 99,8% dân chúng đã trả lời “tán thành” để nhà vua được miễn nhiệm khi tự nguyện yêu cầu. Trong thời gian này, tôi đã học được cách đương đầu với các chính khách và tích luỹ được những kinh nghiệm quý báu đối với những người thuộc cùng lứa tuổi với tôi. Tôi không còn ngây thơ như trước, vào thời điểm còn tin là Pháp hoặc Mỹ có thể có một chính sách “không vụ lợi”. Đối với tôi, vai trò của Nhà vua là rất phù hợp trong cuộc thập tự chinh đấu tranh giành độc lập. Nhưng nay đã độc lập rồi, vai trò đó không còn thích hợp để thúc đẩy đất nước tiến lên.
Lúc này Uỷ ban kiểm soát, giám sát đình chiến (thành lập từ Hội nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương) gồm đại diện ba nước Ấn Độ, Ba Lan, Canada đang hoạt động trên đất Campuchia như một tổ chức siêu chính phủ. Người Ba Lan coi tôi như một tên quý tộc, kẻ thù của tiến bộ và cánh tả. Người Canada, bảo vệ những quyền lợi của Mỹ, đã nhắm mắt làm ngơ trước việc các khu vực biên giới giữa Thái Lan và Nam Việt Nam của chúng tôi bị vi phạm. Các thế lực chính trị phe phái ở Campuchia không ngừng xung đột lẫn nhau và muốn tôi chỉ là một kẻ tượng trưng trên ngai vàng. Chính vì vậy cho nên tôi quyết định từ bỏ vai trò tượng trưng mà người ta đang muốn gán ghép, rời bỏ ngai vàng, bước xuống đấu trường chính trị.
Các thế lực bên ngoài đang gây sức ép để buộc Campuchia chấp nhận cái “ô bảo hộ” của khối liên minh quân sự Đông Nam Á do Mỹ cầm đầu. Đối với một số thế lực cánh hữu trong nước, cái “ô bảo hộ” này là cứu cánh để thoả mãn các tham vọng chính trị của họ. Ngoại trưởng Mỹ Đa-lét công khai bộc lộ ý định sẵn sàng gửi các sĩ quan đến Campuchia làm huấn luyện viên quân sự “miễn là Campuchia để họ được hoàn toàn thực hiện nhiệm vụ và Pháp không cản trở họ”. Có nghĩa là Mỹ muốn “lấp chỗ trống” sau khi quân đội Pháp rút khỏi Campuchia.
Tôi cũng muốn thử thách khả năng của mình trong lĩnh vực chính trị trước các đối thủ của tôi mà không cần phải dựa vào uy thế kiểu cha truyền con nối. Đảng Dân chủ Campuchia được Mỹ nâng đỡ đang muốn thiết lập một chế độ dân chủ nghị viện thân phương Tây theo kiểu Pháp. Còn những người Ba Lan trong Uỷ ban quốc tế lại muốn bảo vệ lợi ích của nhóm Pracheachon thân cộng sản. Năm 1947 tôi đã chuyển chế độ quân chủ chuyên chính thành quân chủ lập hiến, có nghị viện. Sau đó tôi chợt hiểu rằng chế độ này vẫn chưa vận hành tốt bởi nhân dân Campuchia hồi đó chưa hiểu biết gì về kiểu dân chủ hình thức này mà nội dung chỉ là thỉnh thoảng lại đi bầu và bầu cho những người có những lời tuyên bố hứa hẹn lôi cuốn. Năm 1952 tôi đã quyết định giải tán nghị viện đầu tiên được bầu theo kiểu này để tập trung quyền lực vào việc đấu tranh giành độc lập trong vòng ba năm như đã cam kết. Lập tức tôi nhận được một bức thư lời lẽ cháy bỏng của một sinh viên lên án tôi đã bóp chết nền dân chủ ngay khi mới đang nằm trong nôi. Cậu sinh viên đó là Hou Youn, hiện nay là một trong ba Bộ trưởng Chính phủ kháng chiến chống Lon Nol đặt trụ sở ở trong nước. Sự thật này chứng tỏ, chúng tôi chưa có kinh nghiệm hoạt động chính trị và trong chúng tôi lúc đó chưa ai biết phải làm gì để đạt được một nền dân chủ lâu dài, có sức sống. Nhiều nước sau khi giành được độc lập cũng gặp những khó khăn như vậy. Nhất là khi đó trong nghị viện Pháp lại xuất hiện sự tranh cãi hỗn loạn vô chính phủ, tháng nào cũng thay đổi chính phủ càng làm cho người ta ngán cái chế độ dân chủ kiểu này.
Ngày 19-2-1955, tức ba tuần trước khi tôi rời bỏ ngôi vua, tôi đã cho bổ sung vào Hiến pháp năm 1949 một điều khoản là các xã có thể bầu đại biểu đi dự hội đồng cấp tỉnh. Các hội đồng cấp tỉnh có quyền hạn rộng rãi trong việc giải quyết các vấn đề thuộc địa phương mình và bầu đại biếu tham gia Quốc hội. Các chính đảng vẫn được tồn tại nhưng các ứng cử viên Quốc hội chỉ được lấy danh nghĩa cá nhân chứ không được mang danh các đảng phái. Quốc vương sẽ chọn trong số những người đã được bầu vào Quốc hội để thành lập chính phủ. Đại biểu Quốc hội sẽ bị miễn nhiệm nếu một nửa số cử tri xét thấy không làm tròn chức trách của người được bầu. Ý định của tôi khi quyết định hệ thống chính trị mới mẻ này là cốt để người dân có thể bầu đại diện cho mình ngay từ cấp xã, trên cơ sở đã hiểu biết các hoạt động của người đó ở ngay cấp cơ sở chứ không phải chỉ qua việc nghe những bài diễn thuyết hoa mỹ. Các đảng phái đối lập đã chỉ trích đề xuất này của tôi và còn tố cáo tôi trước Uỷ ban quốc tế là tôi đã vi phạm các qui định của Hiệp nghị Giơnevơ 1954 về Đông Dương. Trước sự hung hăng của một số cuộc tiến công chính trị, và trước lời vu khống hèn hạ đối với tôi tôi đã buộc phải từ bỏ qui chế quân chủ của mình sau khi suy nghĩ, hoặc là tôi cứ làm vua đặt mình lên trên tất cả mọi lời công kích, hoặc là tôi trở thành một nhà chính trị sẵn sàng đấu tranh.
Tuy nhiên, khi giải thích cho mọi người về sự thoái vị này, tôi nhấn mạnh đến những khó khăn của một ông vua trong việc thường xuyên tiếp xúc với dân chúng mà tôi luôn luôn coi là thiết yếu. Tôi muốn thuyết phục giới thanh niên, sinh viên là tôi muốn cống hiến nhiều cho đất nước, phục vụ đất nước chứ không phải để làm một “đức Hoàng thượng” ngụp lặn trong sự xa hoa của những ưu tiên trong Hoàng cung. Tôi nói với họ:
“Quyền lực của một nhà vua rất cần thiết trong cuộc đấu tranh chống lại sự thống trị của nước ngoài. Tôi cần có danh hiệu đó, tự coi như người đại diện cao quý hợp pháp của nhân dân. Nếu không, người Pháp sẽ nói là tôi không đại diện cho toàn bộ đất nước Campuchia được. Ngày nay, tình hình đã thay đổi. Vấn đề chủ yếu hiện nay là chính trị nội bộ. Nếu tôi cứ ngồi trong cung cấm tách biệt với bên ngoài thì không thể nào biết rõ được tình hình thực tế và những thói lộng hành mà nhân dân là nạn nhân. Tôi biết một cách đau buồn là trong buổi tiếp dân trong cung điện, người dân ngại ngùng sợ hãi không dám bộc lộ hết những nỗi niềm đau khổ của mình. Chung quanh tôi có quá nhiều cận thần, họ sẽ quy trách thậm chí trừng phạt những người đến khiếu tố về một vấn đề gì đó Ai biết được những người vừa đến gặp tôi trong cung cấm, khi quay về nhà số phận sẽ ra sao”. Tôi nhấn mạnh: “Trong cung cấm chật ních những quan lại có nhiều thủ đoạn giống như những con đỉa bám chặt lấy chân voi. Tôi chán ngấy cái cảnh giam mình trong các hàng rào lễ nghi vây bọc bởi đám nịnh thần chỉ muốn cầu cạnh ơn huệ. Nếu tôi muốn đi thị sát một địa phương nào đó, thì lập tức địa phương đó được báo tin trước. Khi tôi tới nói cái gì cần giấu giếm đã bị giấu hết trơn. Chuyến đi nào, tôi cũng chỉ gặp những người dân mặc quần áo đẹp, đứng dưới cổng chào vẫy cờ hoan nghênh và đám quan chức ngăn cách tôi với thực tế xã hội. Tôi rất ghét những cảnh như vậy nhưng vẫn phải phục tùng nghi lễ bởi vì tôi là Thiên hoàng”.
Lúc này Campuchia đã được hơn bốn mươi nước trên thế giới công nhận. Vì là Thiên hoàng, tôi còn phải tiếp các đại sứ trình Quốc thư, các chính khách tới thăm, chủ trì các yến tiệc chiêu đãi, tham dự các buổi trình diễn ca múa và một loạt các nghi thức khác, choán khá nhiều thời gian, làm cho những chuyến đi của tôi tới các địa phương trong nước bị hạn chế. Chính vì những lý do đó, tôi đã quyết tâm rời bỏ ngôi vua để dành tất cả thời gian và năng lực vào việc chăm lo cuộc sống cho dân.
Một tháng sau khi tuyên đọc bản “Chiếu thoái vị” tôi tuyên bố ý định thành lập một tổ chức chính trị mang tên Sangkum Reastr Niyum, có nghĩa là “Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân” coi như nòng cột của khối đoàn kết dân tộc mà tôi quyết định thực hiện. Tôi kêu gọi các đảng phái trong nước hãy chôn vùi hết những bất đồng nội bộ, gia nhập tổ chức mới thành lập này mà tôi hi vọng sẽ là một mặt trận, hoặc một phong trào hơn là một đảng chính trị. Mục đích của Sangkum là cho ra đời một nước Campuchia “thật sự dân chủ bình đẳng, xã hội chủ nghĩa nhằm phục hưng sự lớn mạnh của Tổ quốc”.
Khoảng hai tháng sau khi tôi ra lời kêu gọi, Ban chấp hành ba đảng cánh hữu là Đảng Phục hưng Khơme của Lon Nol, Đảng Vì dân của Sam Sary, Đảng Dân chủ quốc gia của Un Chơhana Xun tuyên bố tự giải tán để các thành viên gia nhạp Sangkum. Các đảng phái cánh tả như Đảng Dân chủ, Đảng Pracheachon, Đảng Tự do và một số tổ chức khác tuyên bố sẽ đưa đại biểu ra tranh cử trong cuộc bầu cử dự định tổ chức vào ngày 11-9-1955. Từ cuộc bầu cử này các ứng cử viên của Sangkum đã giành được 91 ghế Quốc hội. Sangkum giành được 83% số phiếu, Đảng Dân chủ 13%, Đảng Pracheachon chỉ giành được 3% số phiếu bầu. Hai tuần sau ngày bầu cử Quốc hội, Sangkum tiến hành Đại hội lần thứ nhất, thông qua những quyết định lịch sử: phụ nữ được quyền đi bầu; tiếng Thơm là ngôn ngữ chính thức (Vấn đề này là một trong những bất hoà giữa tôi với Pháp. Ông Gôchiê trước kia đã từng giữ chức Khâm sứ Pháp tại Campuchia và đã bắt ép tôi phải kết hôn với người con gái do ông chọn, cũng là người định La tinh hoá chữ Khơme, quả quyết với tôi là nếu chọn tiếng Thơm là ngôn ngữ chính thức thì Campucllia không thể nào trở thành một nước hiện đại được). Từ đó trổ đi, mỗi năm Sangkum đều tiến hành đều dặn hai kỳ đại hội.
Ngoài ra còn tổ chức những cuộc họp bất thường trong trường hợp đất nước gặp khủng hoảng.
Chỉ trong vòng tám năm, Campuchia đã chuyển từ chế độ quân chủ chuyên chính sang quân chủ lập hiến, có nghị viện do dân bầu và nay lại có thêm một hình thức dân chủ độc đáo là Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân (Sangkum). Theo sáng kiến do tôi đề ra vai trò của Quốc vương hoàn toàn chỉ còn ý nghĩa tập trung; quyền hành pháp nằm trong tay Thủ tướng và nội các, chế độ này đã vận hành không gặp trở ngại vấp váp suốt 5 năm tiếp theo.
Ngày 3-4-1960, tức sáu tháng sau vụ nổ bom giấu trong quà biếu tại Hoàng cung, cha tôi qua đời, thọ sáu mươi nhăm tuổi. Hội đồng ngôi vua lại tiến hành chọn người nối ngôi trong số một trăm tám mươi Hoàng tử hậu duệ của hai người con trai Cố vương Ang Dương. Mặc dù Quốc hội đã chấp nhận để phụ nữ được đi bầu, nhưng trong việc kế tục ngôi vua chỉ có nam giới được chọn, nếu không nhất định mẹ tôi sẽ lên làm vua.
Ngay trong phiên họp đầu tiên của Hội đồng ngôi vua tôi đã gợi ý, cống hiến to lớn của nền quân chủ là ngôi vua phải tiêu biểu cao nhất cho tính đoàn kết dân tộc, nhất là trong tình hình lúc này, có một nhóm đang vận động “làm suy yếu cuối cùng dẫn đến thanh toán Hoàng tộc để dựng lên một nền Cộng hoà đứng đầu là Sơn Ngọc Thành.
Một số thành viên Hội đồng ngôi vua đề nghị tôi trở lại ngai vàng, nhưng tôi kiên quyết giữ vững việc tôi đã quyết định thoái vị. Nhiều người đề nghị chọn con trai cả của tôi nhưng tôi cũng phản đối và nói:
“Không súc mạnh nào trên đời có thề ép tôi cho phép con mình ngồi trên ngai vàng. Qua kinh nghiệm bản thân, tôi đã qui rõ những trách nhiệm nặng nề nặng chĩu trên đôi vai Quốc vương, và tôi cũng đã biết rõ, thêm vào đó còn có mọi thử mánh khóe thủ đoạn, tham vọng, ganh ghét mà tôi đã tùng chống chọi trong suốt thời kỳ trị vì. Vì vậy, các vị dễ dàng thông cảm tôi không muôn bất cứ đứa con nào của tôi làm vua. Tôi cũng muốn trước hết, tránh cho đất nước bị xâu xé vì những mâu thuẫn dòng họ trong việc tranh giành quyền lực có thể dẫn đến nội chiến.
Đồng thời, tôi cũng hiểu rõ là, với lập trường này tôi có thể làm cho chế độ quân chủ bị bãi bỏ, dù nền quân chủ hiện chỉ là hình thức. Nhưng dù sao nền quân chủ Campuchia cũng tiếp tục duy trì sự đoàn kết dân tộc, một sự thay đổi đột ngột chỉ có lợi cho kẻ thù. Do đó, tôi xin nói thêm là, cho tới khi nào nền quân chủ không còn là “cái khung hoà hợp và hữu hiệu” để tập hợp dân chúng, thúc đẩy đất nuộc đi lên, đến lúc đó tôi sẽ không ngần ngại đưa ra sáng kiến từ bỏ nền quân chủ để dẫn dắt đất nước theo những con đường khác và giúp thực hiện trong hoà bình, không đổ máu, con quãng cách mạng đã được chọn lựa”. (Bài nói này của tôi đã được đăng trên tờ báo Thực tế Campuchia, số ra ngày 3-8-1962.
Cuối cùng, do không chọn được người tiêu biểu, người ta đành phải thành lập một Hội đồng nhiếp chính, do ông chú tôi là Hoàng thân Sisowath Môniret làm Chủ tịch. Ngày 4-4-1960, ông đã tuyên thệ trước Quốc hội. Cuộc khủng hoảng lãnh đạo vẫn tiếp diễn. Khắp mọi nơi trong nước, nhân dân đề đạt nguyện vọng tôi trở lại ngôi vua, hoặc đề nghị tôi đề ra một giải pháp quyết định. Giải pháp đã được tìm ra bằng cách sửa đổi Hiến pháp, cho phép Hội đồng ngôi vua được “căn cứ vào ý nguyện của dân trao những quyền hành của một Quốc trưởng cho một nhân vật xuất chúng, thông qua trưng cầu dân ý”.
Ngày 5-6-1960, cuộc trưng cầu dân ý được tổ chức và giải pháp trên được hai triệu phiếu tán thành so với vài trăm phiếu không đồng ý. Điều 122 của Hiến pháp sửa đổi ghi rõ, sau khi được bầu “Quốc trưởng sẽ có đầy đủ quyền hạn và đặc quyền như một Quốc vương”. Điều khoản này được nhất trí thông qua trong phiên họp toàn thể
Quốc hội ngày 9-6-1960 và năm ngày sau, tức ngày 14-6 tôi được nhất trí cử vào chức vụ vừa mới đặt ra là Quốc trưởng Campuchia.
Mẫu hậu, mẹ tôi, vẫn là biểu tượng của nền quân chủ, còn tôi là người đùng đầu Nhà nước. Với giải pháp này chúng tôi đã chấm dứt cuộc khủng hoảng lãnh đạo.
Điều 53 của Hiến pháp mới ghi nhận: “Cá nhân Quốc trưởng là tuyệt đối thiêng liêng và không thể xâm phạm” có nghĩa là Quốc hội không được truất phế Quốc trưởng. Điều khoản trên cũng quy định, tất cả các đại biểu Quốc hội đều phải tuyên thệ trung thành với bản Hiến pháp mới. Có thể nói, trong cuộc đảo chính ngày 18-3-1970. những kẻ giơ ray truất phế tôi đều chính là những người đã tuyên thệ trung thành với bản Hiến pháp sửa đổi năm 1960. Điều khoản ghi rõ “cá nhân Quốc trưởng là tuyệt đối thiêng liêng, bất khả xâm phạm” đã hai lần bị vi phạm, lần đầu là truất phế tôi, lần thứ hai là xử vắng mặt tôi vào tội tử hình. Điều rất mỉa mai là, chỉ hai năm sau, trong khi cái gọi là chế độ cộng hoà của Lon Nol - Sirik Matak - Cheng Heng đang gặp khó khăn bế tắc và rối loạn thì chính Mỹ năm 1972 đã khuyên họ nên tìm cách khôi phục lại chế độ quân chủ Lý do là vì, cái chế độ cộng hoà vừa mới dựng lên đã đồng nghĩa với tham nhũng, vi phạm các quyền dân chủ, đi đôi với những thất bại về chính trị và quân sự.
Thế là, cường quốc tự nhận là dân chủ nhất thế giới tức là Mỹ lại khuyên chư hầu Campuchia tìm một ông vua để tái hồi chế độ quân chủ? Mới đầu, họ chọn Hoàng thân Môniret đang còn mắc kẹt ở Phnompenh nhưng ông cậu tôi không thiết tha lắm, hẳn vì ông nghĩ rằng cái ngôi vua này không có tiền đồ. Người ta lại chạy đi tìm con trai cả của ông là Hoàng thân Sisowath Ratnara. Thật là một sự trùng hợp lịch sử. Người Pháp trước kia đã đặt Sihanouk lên ngôi vua mà đáng lý ra ngai vàng phải thuộc về cha tôi là ông Hoàng Xuranarit. Bây giờ, người Mỹ lại chọn Ratnara là con trai của Hoàng thân Moriret Ratnara bắt đầu công danh từ một viên chức Bộ Ngoại giao của Lon Nol, là một nhân vật cánh hữu, chống Cộng và thân Mỹ. Đó là một ứng cử viên lý tưởng vì Lon Nol quen, thân vôi Ratnara. Sau khi làm đảo chính, chuyến công du nào của Lon Nol ra nước ngoài Ratnara đều được đi theo. Nhưng lại xuất hiện một điểm nút khó giải quyết. Dù rất thân với Ratnara, Lon Nol vẫn không muốn nhường chỗ cho Ratnara vì hiện Lon Nol trên thực tế đang giữ vai trò của “Ông Vua Cộng hoà”? Giải pháp “Ratnara” cuối cùng đã không được thực hiện và rơi vào bế tắc như mọi giải pháp khác của Mỹ bầy ra cho bọn Lon Nol.
Trong khi đó, tôi tự coi như một con người sung sướng vì đang trên đường kháng chiến chuẩn bị cho một tương lai tốt đẹp.

5.Cuộc kháng chiến chống CIA buộc phải tiến hành
Bản Tuyên bố kháng chiến của tôi được Đài Phát thanh Bắc Kinh truyền đi ngày 23-3-1970 lập tức tác động đến đồng bào tôi trong nước. Trong bản Tuyên bố này tôi đòi giải tán chế độ bất hợp pháp, bất hợp hiến của Lon Nol và kêu gọi thành lập một mặt trận đoàn kết dân tộc, đồng thời tổ chức một quân đội giải phóng. Bản Tuyên bố viết:
“Một chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ được thành lập. Trong lúc chờ đợi tình hình Campuchia trở lại ổn định một Hội đồng hiệp thương tư vấn sẽ ra đời gồm có các đại biểu ưu tú của giới sư sãi, quân đội cảnh sát, cảnh vệ, thanh niên, tri thức, nông dân, công nhân và tất cả những người lao động, các doanh nghiệp, viên chức, phụ nữ.., tiêu biểu cho mọi khuynh hướng yêu nước, tiến bộ và chống đế quốc.
Một Quân đội giải phóng dân tộc cũng sẽ được tổ chức nhằm giải phóng đất nước khỏi ách độc tài áp bức của bè lũ phản bội, phản động thân đế quốc đứng đầu là Lon Nol, Sirik Matak, Cheng Heng và để đất nước Campuchia thoát khỏi bàn tay của chu nghĩa đế quốc Mỹ.
Chính phủ đoàn kết dân tộc, Hội đồng hiệp thương tư vấn và Quân đội giải phóng sẽ đoàn kết chặt chẽ cùng với toàn dân trong Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia, là tổ chức đảm đương hai nhiệm vụ: giải phóng đất nước và xây dưng lại đất nước sau khi chiến thắng”.
Kinh nghiệm của các bạn Việt Nam đã cho tôi biết con đường đi tới thắng lợi là lâu dài và khúc khuỷu nhưng tôi cũng nghĩ, chính kinh nghiệm cũng như thắng lợi của Việt Nam sẽ làm cho bước đường đấu tranh vũ trang của Campuchia bớt gay go hơn.
Ngày 24-3 tôi lại lên tiếng trên đài Bắc Kinh, kêu gọi những người ủng hộ tôi ở trong nước hãy rút vào hoạt động bí mật hoặc chạy lên bưng biền chờ đón vũ khí và các huấn luyện viên quân sự sẽ được đưa tới, còn những người ở ngoài nước hãy nhanh chóng bắt liên lạc với tôi tại Bắc Kinh.
Những ngày tiếp theo là một loạt những cuộc đàn áp đẫm máu. Báo chí phương Tây hồi đó chỉ viết về những sự kiện xảy ra tại những tỉnh miền Đông gần thủ đô Campuchia là nơi các phóng viên có thể tới được. Trong khi đó tại những vùng xa xôi chiếm một phần lớn lãnh thổ, chính quyền của Lon Nol không sao đứng vững trước sự chống đối của nhân dân. Tờ Thời báo tài chính của Anh nhận xét, đây là “sự bùng nổ ở các vùng nông thôn”.
Trong khoáng thời gian từ 26 đến 30-3-1970 hàng mấy trăm đồng bào của tôi, tay không vũ khí đã biểu tình rầm rộ tỏ thái độ trung thành với tôi và đã bị đàn áp dã man. Ngày 27-3, ít nhất ba mươi người đã bị bắn chết trên bến đò Niệc Lương cách thủ đô Phnompenh năm mươi kilômét. Cũng trong ngày hôm đó, binh lính của Lon Nol dùng súng máy phòng không hạ thấp nòng bắn thẳng vào đám biểu tình ở Compuông Chàm, làm chết ít nhất năm mươi người. Khoảng năm mươi người nữa bị giết hại ở Xuông và Mêmôt gần khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam. Các nhà báo cho biết, họ đã đếm được tới tám chục xác chết ở Takeo, ba chục xác ở Prây Veng và Angtaseom. Tôi đã nhìn thấy những tấm ảnh đăng trên báo chí phương Tây chụp cảnh những nông dân xếp hàng, tay bị trói quặt sau lưng, chờ đợi giây phút bị bắn, những sinh viên ngã gục trước mặt bạn học. Chúng tôi đã cố nhìn kỹ những tên đao phủ lộ mặt trong những tấm ảnh đăng trên báo và phát hiện được một số phần tử Khơme Xơrây giả danh “đào ngũ” rồi được Lon Nol tiếp nhận, cho gia nhập lực lượng quân đội ở Phnompenh và lực lượng hiến binh. Ngày 4-4-1970, một lần nữa tôi lại lên tiếng trên đài Bắc Kinh, tố cáo bọn Lon Nol vừa giết hại tới ba trăm người trong nước và kêu gọi những người trung thành với tôi hãy nhanh chóng rút vào hoạt động bí mật, bắt liên lạc với các lực lượng kháng chiến đã được thành lập tại vùng rừng núi.
Qua đài Bắc Kinh, tôi cũng nhắn tin đã nhận được thư của ba nhân viên đại diện Khmer Đỏ gửi cho tôi ngày 26-3. Đó là ba người đã được bầu vào Quốc hội năm 1966 hiện nay đang rút vào vùng rừng núi thành lập các căn cứ kháng chiến.
Tất cả đều là ba nhà trí thức quen biết: Khieu Samphan và Hou Youn đã tốt nghiệp cử nhân Kinh tế từ các trường đại học của Pháp và Hu Nim là tiến sĩ Luật. Trước kia trong quan hệ giữa tôi với những nhân vật này cũng có lúc căng thẳng, nhưng bây giờ thì họ đã hưởng ứng lời Tuyên bố kháng chiến của tôi và viết trong thư: “Nếu ngài là lãnh tụ truyền thống của nhân dân đã quyết định chiến đấu cùng với chúng tôi thì chúng tôi không còn mơ ước gì hơn nữa. Lon Nol đã từng tốn công chia rẽ tôi với lực lượng cánh tả trong nước”. Nhưng sau ngày tôi tuyên bố kháng chiến, Khmer Đỏ đã nói với tôi: “Chúng tôi không bao giờ nghi ngờ lòng yêu nước của ngài, cũng như tinh thần tận tuỵ của ngài đối với nhân dân. Chúng tôi luôn luôn phân biệt giữa ngài với bọn Lon Nol, Sirik Matak”. Tôi rất sửng sốt khi thấy Khmer Đỏ không cần thương lượng, đàm phán mà hưởng ứng ngay lời kêu gọi kháng chiến của tôi. Sau đó, khi chính phủ kháng chiến đoàn kết dân tộc được thành lập, Khieu Samphan được cử làm Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng; Hou Youn làm Bộ trưởng Nội vụ, Cải cách nông thôn và Hợp tác nông nghiệp; Hu Nim làm Bộ trưởng Thông tin và Tuyên truyền.
Cũng cần nhắc lại rằng, Quốc hội được bầu ra từ cuộc Tổng tuyển cử năm 1966 do cánh hữu chiếm ưu thế, vì vậy Lon Nol đã được cử làm Thủ tướng. Lợi dụng chức vụ này, Lon Nol đã đưa binh lính tới vùng nông thôn Xamluôt thuộc tỉnh Battambang, trục xuất nông dân đang cày cấy lâu đời trên vùng đất của họ đi nơi khác để giao cho những tên Khơme Xơrây giả danh “đào ngũ” quay về hợp tác với Lon Nol. Năm 1967 một Bộ trưởng hồi đó tên là Châu Xeng đã báo cho tôi biết tin này và phán đoán Lon Nol làm như vậy để nuôi dưỡng lũ tay sai chuẩn bị dùng vào việc lật đổ tôi.
Lúc đó tôi không tin. Sau đó ít lâu Bộ trưởng Châu Xeng xin từ chức, tự nguyện sống lưu vong tại Pháp nhưng khi Lon Nol làm đảo chính, ông là một trong những người đầu tiên bắt liên lạc với tôi, xin gia nhập Mặt trận kháng chiến đoàn kết dân tộc và được cử làm Bộ trưởng phụ trách các nhiệm vụ đặc biệt.
Trở lại việc nông dân bị Lon Nol tịch thu ruộng đất cấp cho bọn Khơme Xơrây năm 1966 đã nổi lên chống lại. Nhiều cuộc biểu tình bùng nổ ở ngay trong thành phố Battambang, được người Hoa và người Việt sống ở đó ủng hộ. Lon Nol lập tức lợi dụng sự kiện đó để vu cáo Trung Quốc và Việt Nam âm mưu xâm chiếm Campuchia rồi nhân đó đã kiếm cớ trục xuất các đại biểu cánh tả ra khỏi Quốc hội. Vào thời điểm đó tôi không có mặt ở Campuchia. Những báo cáo mà Lon Nol gửi cho tôi đã cố tình xuyên tạc tình hình hòng làm cho tôi nghĩ rằng đây là cuộc bạo loạn do Bắc Kinh và Hà Nội tổ chức. Sự việc càng thêm rối ren phức tạp vì đúng vào thời điểm đó tại Trung Quốc đang diễn ra cuộc Cách mạng văn hoá theo khuynh hướng cực tả. Những Hoa kiều ở Phnompenh và nhiều tỉnh khác của Campuchia bị kích động đã đi biểu tình, rước ảnh Chủ tịch Mao. Tôi trở về nước đúng giữa lúc thiểu số người Hoa ở trong tỉnh Battambang đang sôi nổi biểu thị thái độ chống chế độ quân chủ Campuchia và cá nhân tôi. Trong lúc này Nguyên soái Trần Nghị - Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng bị lên án là có quan hệ hữu nghị với “tên bảo hoàng Sihanouk”. Sau khi tôi về nước được ít ngày, những cuộc biểu tình gây rối lan đến tận thủ đô Phnompenh. Lon Nol càng tận dụng cơ hội để tiến công cánh tả. Ba đại biểu Khmer Đỏ trong Quốc hội là Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim bỏ vào rừng núi lập căn cứ kháng chiến. Nhiều thanh niên cũng kéo nhau lên bưng biền theo họ. Thế là, mưu đồ của Lon Nol định tiến công các đại biểu tri thức cánh tả trong Quốc hội cũng như chiến dịch tịch thu ruộng đất của nông dân tỉnh Battambang đều dẫn đến kết quả là cả hai nhóm Khmer Đỏ và dân cày Battambang đều lao vào con đường đấu tranh vũ trang chống Lon Nol rồi cùng tham gia kháng chiến sau vụ đảo chính ngày 18-3-1970. Việc hàng trăm thanh niên đã từng kéo lên bưng biền từ năm 1967 đã thật sự trở thành một lực lượng chiến đấu đáng kể khi tôi ra lời kêu gọi kháng chiến. Các căn cứ kháng chiến đã có sẵn. Vũ khí cũng đang nhanh chóng được vận chuyển tới. Chính vì vậy mà phong trào kháng chiến đã phát triển rất nhanh và mạnh. Đến giữa tháng 4-1970 phần lớn đất đai Campuchia đã được chúng tôi giải phóng.
Tôi không muốn khen các bạn Việt Nam quá lời cũng như không muốn bầy tỏ niềm hân hoan quá đáng khi được là bạn đồng minh chiến đấu của Việt Nam. Nhưng quả là các bạn Việt Nam đã lập nên những chiến công đáng kinh ngạc nhờ tinh thần dũng cảm và tận tuỵ và tướng Võ Nguyên Giáp là một thiên tài quân sự, một nhà chiến lược vĩ đại trong mọi thời đại, không còn phải bàn cãi gì nữa. Một lần, tôi đến thăm ông Giáp trong lúc quân đội Sài Gòn đang bắt đầu đánh chiếm Hạ Lào hồi tháng 2-1971. Chúng tôi dành cả buổi nhiều ngồi điểm lại tình hình Campuchia sau đó cùng ăn cơm tối. Sau bữa cơm lại cùng uống cà phê và nghe nhạc. Ông Giáp có vẻ không quan tâm gì đến thời gian. Cuối cùng tôi đành phải nói:
- Thưa tướng quân. Tôi quả là có lỗi, đã làm mất thời giờ của tướng quân quá nhiều. Tôi quả thật không hiểu được tại sao giữa lúc chiến dịch đang diễn ra ác liệt ở Lào, tướng quân lại vẫn tiếp đãi tôi quá lâu như vậy.
Với nụ cười hiền hậu điểm chút hóm hỉnh ông Giáp trả lời:
- Ồ! Chiến dịch này đã được chuẩn bị kỹ từ lâu rồi. Các đồng chí Pathet Lào của chúng tôi đã có đủ mọi thứ cần thiết. Tôi không còn phải quan tâm đến vấn đề gì nữa. Sáng nay, tôi nghe đài, thấy Nguyễn Văn Thiệu tuyên bố quân đội của Thiệu sẽ ở lại Lào đến tháng 6. Tôi cho rằng chậm nhất là cuối tháng 3 chúng sẽ phải rút hết.
Quả nhiên, đến ngày 25-3-1971, những đơn vị cuối cùng của Thiệu đã phải tháo chạy hết khỏi Lào.
Một lần tôi nói với ông bạn Phạm Văn Đồng:
- Xin bạn hứa với tôi một điều. Tức là sau ngày toàn thắng sẽ cho tôi biết làm thế nào các bạn chuyển vận được mọi thứ trên đường mòn Hồ Chí Minh, bất chấp hàng ngàn tấn bom, các lớp rào điện tử và các kỹ thuật phát hiện của Mỹ. Nhưng bạn đừng nói ngay bây giờ vì tôi ngại do sơ ý sẽ tiết lộ bí mật của các bạn.
Ông Đồng cười và nói sẽ có ngày chúng tôi cùng đi với nhau đến tận Sài Gòn bằng đường Hồ Chí Minh.
Như trước kia tôi đề nghị, Tướng Giáp đã cử các huấn luyện viên quân sự tới giúp đào tạo cán bộ quân sự và bổ túc kiến thức cho những cán bộ đã có trình độ quân sự nhất định. Tôi yêu cầu hai nghìn người. Ông Giáp đưa sang đúng hai nghìn, không hơn không kém và toàn là những cán bộ phẩm chất tuyệt vời. Tướng Giáp đã biết chọn lọc một cách rất đáng ca ngợi, những huấn luyện viên không những có năng lực cao về quân sự mà còn có cả đạo đức tốt của con người. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, họ lại được lệnh rút hết về nước. Trước khi kết thúc năm 1971, chúng tôi không còn có huấn luyện viên quân sự người Việt nữa, nhưng do được huấn luyện chu đáo, Quân đội giải phóng dân tộc Campuchia đã trưởng thành, tự đảm nhiệm được tới 90% trận đánh dưới sự chỉ huy của cán bộ Campuchia. Chúng tôi cũng có những trận chiến đấu phối hợp với Quân giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng đều theo đúng các nguyên tắc đề ra trong Hội nghị cấp cao nhân dân Đông Dương.
Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Pháp, Anh, Mỹ và cả Liên Xô nữa, đã chẳng liên minh với nhau để cùng chiến đấu chống phát xít đó hay sao?
Chúng tôi luôn luôn ghi nhớ sâu sắc công ơn của các bạn chiến đấu Việt Nam đã giúp đỡ chúng tôi trong những ngày đầu kháng chiến, về những vũ khí mà Quân giải phóng miền Nam Việt Nam đã cung cấp cho chúng tôi, về những huấn luyện viên quân sự mà miền Bắc Việt Nam đã cử tới chỉ bảo quân đội chúng tôi. Những cán bộ đó còn giá trị gấp mười lần hàng trăm triệu đô la mà Mỹ đã cho bọn Lon Nol - Sirik Matak. Có lần tôi đã nói với các bạn người Pháp: “Ngày xưa, tôi hướng về nước Pháp để xin huấn luyện viên quân sự. Nhưng bây giờ thì khác rồi! Trước hết vì Pháp công nhận chế độ Lon Nol. Sau nữa vì đây là một loại chiến tranh khác biệt và các bạn đã bị Việt Minh đánh bại bởi loại chiến tranh này. Lẽ tôi nhờ cậy Việt Minh là hợp lý vì họ là những chiến sĩ du kích giỏi nhất thế giới”.
Rất nhiều người Việt ở Campuchia đã tham gia hàng ngũ kháng chiến của chúng tôi. Cuộc thảm sát hồi tháng 4-1970 nhằm vào người Việt sống trên đất Campuchia, có nhiều gia đình làm ăn sinh sống ở đây tới mấy thế hệ liên tục đã làm cho các thanh niên người Việt đứng trước ba sự lựa chọn, hoặc là ngồi yên lặng chờ các đội hành quyết của Lon Nol đến tàn sát, hoặc là bị xua đuổi về Nam Việt Nam trong khu vực do chế độ Sài Gòn kiểm soát, hoặc bị Lon Nol bắt đi làm bia đỡ đạn cho chúng. Hàng ngàn thanh niên nam nữ người Việt ở Campuchia đã chọn con đường chạy sang hàng ngũ chúng tôi, cùng chiến đấu chống kẻ thù chung.
Khoảng một năm sau cuộc đảo chính tôi nhận được nhiều bức thư của giới trí thức Campuchia gửi đến Bắc Kinh cho biết họ cũng tham gia chiến đấu chống Lon Nol. Nhiều người không cùng một hệ tư tưởng với Khmer Đỏ nhưng họ không chịu được sự thối nát của chế độ Lon Nol ở Phnompenh, đã kéo nhau ra vùng giải phóng, cùng tham gia chiến đấu. Ngay cả tầng lớp tư sản trung lưu như viên chức, trí thức, sau cuộc đảo chính vẫn làm ăn bình thường như không có chuyện gì xảy ra, dần dà cũng cùng cảm thấy Phnompenh như một nhà ngục phát xít và đã bỏ ra vùng giải phóng.
Những lời tuyên bố mị dân về tương lai tươi sáng của chế độ “cộng hoà” lúc đầu có mê hoặc họ nhưng sau đó họ đã tỉnh ngộ trước thực tế phũ phàng. Bà Khau Vanny là một nữ dược sĩ từng theo học ở Pháp, xuất thân từ một gia đình tư sản giầu có đang mở một cửa hiệu tân dược vào loại phát đạt nhất trong thành phố, nhưng chỉ vài tháng sống dưới chế độ Lon Nol đã thấy ngạt thở và đã liều mạng chạy ra vùng giải phóng.
Con rể tôi là Hoàng thân Sisowath Đussađi từ bưng biền gửi thư cho tôi, báo tin đã được tiếp xúc lần đầu tiên với Khmer Đỏ. Bức thư của Đussađi khiến tôi rất ngạc nhiên. Đussađi là một con người thẳng thắn, có tinh thần trách nhiệm vì vậy tôi đã gả con gái là công chúa Botum Bôphu cho cháu, khi cháu cầu hôn. Sau đó Đussađi được đào tạo để trở thành một viên chức nhà nước. Vì là con rể tôi cho nên sau cuộc đảo chính, Đussađi đã bị mất việc làm. Sau mười tám tháng sống dưới chế độ Lon Nol, vợ bị bắt giam, cháu đã tìm cách chạy ra vùng giải phóng rồi viết thư báo tin cho tôi biết ngày 1-10-1971. Trong thư cháu viết, tại Phnompenh ngày nay, tất cả những người yêu nước đều cùng chung một ý kiến “Nếu không đánh lại bọn phản bội thì bọn chúng cũng sẽ giết mình. Cháu gọi Phnompenh là một nhà ngục và trại tập trung phát xít”.
Hiện nay Hoàng thân Đussađi và con trai tôi là Hoàng tử Raxivông đều là cán bộ Mặt trận đoàn kết dân tộc. Dù bị đau tim, Raxivông vẫn cố gắng mạo hiểm tìm đường ra vùng giải phóng. Những lá thư của người thân dĩ nhiên làm cho tôi vô cùng xúc động.
Tôi cũng được biết tin, trong khi tiến hành đảo chính bọn Lon Nol, Sirik Matak chưa nghĩ đến việc dựng lên chế độ cộng hoà. Lúc đó, Sirik Matak còn mơ tưởng lên ngôi vua. Dù sao, Sirik Matak cũng là người trong Hoàng tộc, cùng dòng họ như mẹ tôi là Thái hậu Sisowath Kôssamắc. Mới đầu bọn chủ mưu đảo chính định lợi dụng dòng họ Sisowath của mẹ tôi để hợp pháp hoá chế độ của chúng. Khi Lon Nol và Sirik Matak vào cung gặp mẹ tôi xin Thái hậu ủng hộ việc làm của chúng bằng cách tán thành truất phế tôi, mẹ tôi đã trả lời chúng: “Không! Con ta vẫn là con ta. Các người đã lật đổ con ta, vu cáo con ta, dìm con ta trong vũng bùn. Hơn ba mươi năm qua, con ta vẫn tận tuỵ phục vụ đất nước, làm gì đến nỗi phải chịu cảnh ngộ này? Các ngươi hãy ra khỏi đây!”. Thái độ của mẹ tôi đã làm chúng tức tối, nhất là Sirik Matak rất hằn học vì tan vỡ mưu đồ tiếp nối nền quân chủ, dùng làm vỏ bọc hợp pháp hoá việc làm của chúng. Chính sau khi mẹ tôi kiên quyết từ chối, chúng mới chơi con bài “cộng hoà”. Chúng gỡ bỏ tất cả ảnh chân dung của Thái hậu và của tôi trên đường phố, thay vào đó là những khẩu hiệu ghi dòng chữ: “Tất cả bọn vua chúa đều là lũ phản bội”.
Mẹ tôi sống riêng biệt trong một toà nhà, nhưng toà nhà đó cũng nằm trong Hoàng cung. Cùng với chiến dịch điên cuồng tiến công nền quân chủ, bọn chúng đòi mẹ tôi rời khỏi cung điện nhưng Thái hậu vẫn từ chối. Bọn Lon Nol, Sirik Matak hằn học mẹ tôi, không chỉ vì sau những vụ hành hung người Việt và đập phá các sứ quán Việt Nam, bà đã bắt chúng phải xin lỗi và bồi thường thiệt hại mà còn vì bà đã không chịu ủng hộ chúng. Lon Nol, Sirik Matak và cả In Tam lúc đó được bọn đảo chính cử làm Chủ tịch Quốc hội đã cử một phái đoàn tới Hoàng cung, giở giọng đe doạ: “Nếu bà không ra khỏi Hoàng cung, chúng tôi sẽ tìm cách đuổi bà đi. Bà và con bà đã đứng về phía Việt Nam. Được! Nếu bà không chịu đi, chúng tôi sẽ đem tất cả xác chết của bọn Việt tới chất đống trước cửa nhà. Mùi thối rữa sẽ buộc bà phải đi nơi khác”. Đó là thái độ của bọn chúng, trong đó có In Tam, trước kia là một tên cực kỳ bảo hoàng nay nhanh chóng chuyển sang cộng hoà quá khích. Thái hậu lúc đó đã bẩy mươi tuổi lại đang đau yếu.
Trước những lời lẽ trên đây của bọn chúng, Thái hậu mẹ tôi đành phải nói: “Không cần phải đưa các xác chết tới đây. Ta sẽ ra khỏi Hoàng cung. Hãy đưa ta đến ngôi nhà con ta đã chào đời ở đó!”.
Đó là biệt thự trong đó bố mẹ tôi đã từng chung sống trước khi tôi được chọn làm vua, sau đó tôi đã hiến ngôi nhà này để dùng làm trụ sở Viện Bảo tàng quốc gia. Chúng đã đồng ý chuyển mẹ tôi ra đó Suốt ngày đêm ngôi nhà của mẹ tôi bị cảnh sát Lon Nol bao vây, tất cả mọi người, cả nam lẫn nữ khi ra vào đều bị lục soát, khám xét. Thật ra, trong những tháng đầu sau cuộc đảo chính, ít người dám đến gần Thái hậu. Sau đó, cùng với sự thất vọng trước chế độ mới, nhiều người đã dũng cảm tới thăm mẹ tôi. Có những người sau đó sang Pháp đã từ Pháp, gửi cho tôi lá thư mẹ tôi nhờ chuyển. Lá thư đầu tiên, Thái hậu viết: “Con đừng buồn vì cảnh ngộ của mẹ. Mẹ đã biết chống cự và bây giờ thì mẹ chiến đấu tới cùng. Mẹ vẫn tự hào về con. Mẹ chỉ ngại có một điều là có thể qua đời trước khi lại nhìn thấy con. Ngoài điều đó, mẹ chẳng tiếc điều gì cả”.
Thông thường, khi chuyển từ chế độ quân chú sang chế độ cộng hoà, người ta vẫn cho phép gia đình nhà vua được sống lưu vong ở nước ngoài.
Mẹ tôi đòi được ra khỏi đất nước Campuchia nhưng không được bọn đảo chính chấp nhận. Bà định tới Luông Phabang kinh đô Lào, bởi vì Hoàng gia Lào đã ngỏ ý sẽ để Thái hậu tới nương nhờ và mẹ tôi cũng đã chấp nhận. Đó là một nơi yên tĩnh, tách biệt với thế giới bên ngoài (thú đô hành chính của Lào là Viêngchăn) và cũng không lo ngại mẹ tôi sẽ thiết lập ở đây một trung tâm hoạt động chính trị. Lon Nol và Sirik Matak đưa ra điều kiện chỉ cấp hộ chiếu xuất cảnh cho mẹ tôi, nếu tôi cam kết ngừng mọi hoạt động chính trị, từ bỏ hết mọi chức vụ đang đương nhiệm. Mẹ tôi vụt trở thành con tin và tôi phải trả giá cho các hoạt động kháng chiến của mình. Tâm địa bọn chiếm quyền là thế đó? Mặc dù tất cả tình cảm của tôi đều dành cho mẹ, tôi vẫn cứ phải bác bỏ điều kiện đó. Tôi không còn cách nào khác, ngay cả trong trường hợp tính mạng của Mẫu hậu và của các con tôi ở Phnompenh bị đe doạ. Tôi như được tăng thêm sức khi lại nhận được một bức thư nữa của Thái hậu, căn dặn tôi phải đứng vững trên lập trường và bà báo trước sẽ không chấp nhận một sự thay đổi nào khác của tôi. Toà án của Lon Nol liền kết án tôi tử hình về tội phản quốc! Có một đất nước văn minh nào trên thế giới này mà mẹ và những con cái của kẻ bị kết án tử hình lại bị đối xử như vậy không?
Đúng là không phải chỉ có riêng mẹ tôi bị đối xử tàn tệ mà cả các con tôi như Botum Bopha sinh năm 1951, Nariđapô sinh năm 1946, Ranarit sinh năm 1944 cũng phải trả giá vì những “tội lỗi” của bố. Thoạt đầu hai đứa con trai của tôi bị quản thúc tại nhà. Sau đó tất cả ba cháu, hai nam một nữ đều bị bắt và ghép vào tội “phản quốc”. Con gái Botum Bopha của tôi chưa từng bao giờ hoạt động chính trị. Lúc bị bắt, cháu mới mười chín tuổi, sức khỏe rất yếu vì đã là mẹ của ba đứa con (ở nước tôi có tập quán lấy chồng sớm), cháu bị buộc tội cũng như hai anh của cháu là hoạt động khủng bố, ném lựu đạn và một số nơi trong đó có sứ quán Mỹ hồi cuối năm 1970. Nhưng thật ra con gái tôi không làm chuyện này. Cháu chỉ kêu khóc khi một ông cậu của cháu bị bọn tay chân Lon Nol bị bắn chết ngay trên đường phố. Trong buổi đưa tang, Botum Bopha đã kêu to: “Chế độ Cộng hoà gì thế này! Một chế độ găngxtơ, các sĩ quan thản nhiên giết người ngay trên hè phố. Luật pháp để đâu? Trong cái chế độ cộng hoà này, liệu có còn chút ít công lý nào không?”. Sirik Matak chính là anh họ của Hoàng thân vừa bị ám sát đã hạ lệnh bắt giam Botum Bopha và nói: “Cháu là cháu gái của bác, dù là họ hàng xa nhưng vẫn là cháu, cùng chung một Hoàng tộc. Bác cố cứu cháu. Cháu đã chửi chế độ cộng hoà. Cháu hãy xin lỗi đi”. Con gái tôi không chịu. Thế là ông bác đưa luôn cháu gái ra toà án quân sự. Cảm thấy dư luận sẽ phẫn nộ nếu đem xử tội một công chúa mảnh dẻ, mẹ của ba đứa con, sứ quán Mỹ đã can thiệp và sau đó cháu đã được tha bổng. Sau đó ít lâu, chồng Botum Bopha là Sisowath Đussađi được sự đồng ý của vợ đã chạy ra vùng giải phóng như tôi đã viết ở phần trên.
Hai con trai tôi bị buộc tội đã chi hàng nghìn đồng phăng vào việc in truyền đơn, chế tạo lựu đạn. Được tin này, tôi tự hỏi các cháu kiếm đâu ra số tiền Pháp lên tới hàng ngàn đồng này? Cháu đề nghị được trục xuất khỏi Campuchia nhưng không được chấp nhận và đã bị quản thúc rất chặt, vậy thì làm sao chúng có thể có những âm mưu hoặc hành động tiến công gây bạo loạn được. Mặc dù không đủ chứng cớ, Nanđapô vẫn bị kết án 5 năm tù vì tội “làm gián điệp cho kẻ thù”. Chính ra là cháu bị tù vì hoạt động chính trị. Trong các con tôi, Nariđapô là đứa thích hoạt động chính trị nhất và tôi đã gửi cháu theo học ở Bắc Kinh. Đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai đã trực tiếp chăm sóc cháu, không phải để cháu trở thành một đảng viên cộng sản tốt, mà là một công dân Campuchia tốt. Tại Trung Quốc Nariđapô đã chăm chỉ theo học tại trường Đại học Nông nghiệp, thạo tiếng Trung Quốc, đã từng là phiên dịch trong văn phòng của tôi. Nariđapô trở về Phnompenh khi cuộc Cách mạng văn hoá bùng nổ tại Trung Quốc, làm Tổng biên tập tờ báo xuất bản bằng Trung văn của Nhà nước. Tôi đã từng công khai bộc lộ hi vọng Nariđapô sẽ là người kế tục sự nghiệp của tôi, vì tôi rất có ấn tượng về lòng yêu nước, tinh thần trách nhiệm trước nhân dân và sự trưởng thành về chính trị của cháu. Lon Nol có thể kết án hàng triệu người Campuchia về tội “làm gián điệp cho kẻ địch” vì hắn đã nhìn thấy một kẻ địch là tôi trong các lực lượng kháng chiến. Nariđapô còn bị kết án vì tôi đã chọn cháu làm người kế tục sự nghiệp chính trị của mình.
Ranarit bị kết tội vì đã “bị bắt quả tang đang đọc những tài liệu mật có tính lật đổ”. Thật ra đó là những bài đăng trên báo Thế giới xuất bản ở Pháp cháu đã cắt ra để đọc. Cháu được tha bổng không phải vì những lời buộc tội đó là mơ hồ mà chính là vì mẹ tôi lúc đó đã phải rút một phần lớn gia tài của bà để chạy tội cho cháu vì Ranarit là đứa cháu nội yêu quý nhất. Lon Nol đã cho bắt giữ rất nhiều người rồi sau đó đã lại tha bổng sau khi nhận được tiền hối lộ. Ở phương Tây người ta gọi đó là “bắt cóc tống tiền”.
Một thời gian sau, hai đứa con khác của tôi là Raxivông, sinh năm 1944 và Khêmanurắc sinh năm 1949 đã chạy thoát khỏi Phnompenh.
Raxivông đã tới được vùng giải phóng. Tin tức đăng báo cho biết Khêmanurắc đã trốn khỏi Phnompenh ngày 17-9-1971 chạy sang Thái Lan rồi từ Thái Lan đã sang Pháp. Nhưng tôi không được tin túc gì của cháu cả. Trong phiên toà xử ba đứa con của tôi, có hai can phạm khác đã tố cáo bị tra tấn. Một trong hai người đó là Huốc Xmơn đã cởi luôn quần áo trước toà để mọi người nhìn rõ những vết sẹo trên da thịt do bị tra điện.
Anh đã dũng cảm nhận hết về mình tội in ấn phân phát tài liệu và đã bị kết án tù chung thân. Một người hầu gái của Botum Bopha cũng nói trước toà là đã bị tra tấn để buộc phải khai láo là đã làm liên lạc giữa Botum Bopha với Huốc Xmơn và đã bị kết án mười năm khổ sai. Vụ xử án vắng mặt tôi bắt đầu tiến hành từ đầu tháng 7-1970. Tờ Thế giới của Pháp trong số ra ngày 7-7-1970 nhận xét: “Sau khi tiến hành được ba ngày, phiên toà xử Hoàng thân Sihanouk hiện rõ như một kịch bản đã viết sẵn để dẫn tới một kết luận đã định sẵn từ trước”. Tôi bị kết tội phản loạn vì đã chống lại chế độ “hợp pháp” của Lon Nol - Sirik Matak. Đúng là tôi đang chỉ đạo một cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chế độ Lon Nol, nhưng cái chế độ này đâu có một tý chút nào gọi là hợp pháp được mặc dù sau đó chúng tổ chức trò hề bầu cử hồi tháng 6-1972.
Chính do sự phối hợp tuyệt vời giữa các lực lượng vũ trang và nhân dân các nước Đông Dương, chúng tôi đã giáng cho quân đội Sài Gon những đòn thất bại nặng nề vào mùa Xuân năm 1972. Các lực lượng của tướng Giáp với xe tăng và vũ khí nặng từ phía Bắc tiến xuống; các lực lượng Pa thét Lào bảo vệ các tuyến đường vận chuyển Bắc - Nam và tiến hành những cuộc tiến công ở các vùng miền Tây; các chiến sĩ du kích và nhân dân miền Nam Việt Nam tiến hành những cuộc tiến công và nổi dậy ở khắp các tỉnh, các lực lượng của chúng tôi cũng chuyển sang tiến công ở các tỉnh miền Đông miền Đông Nam và đặc biệt là vùng Mỏ Vẹt, dọc đường số 1 nối Phnompenh với Sài Gòn và nhiều cứ điểm chiến lược khác dọc biên giới giữa Campuchia và Nam Việt Nam. Chiến lược tổng quát đã được thảo luận tại Hà Nội từ tháng 2-1972 ngay trước hôm Nixon đặt chân tới Bắc Kinh trong chuyến đi thăm đầu tiên tới Trung Quốc...
Ngày 8-4-1973, từ Hà Nội tôi viết một bức thư gửi Mẫu hậu báo tin:
“Từ tháng 2 đến tháng 3 vừa qua, con đã được tiến hành một cuộc “trường chinh” từ Hà nội đến tận vùng giải phóng rộng rãi của Campuchia dọc theo con đường mòn lịch sử. Con bắt đầu xuất phát từ Hà Nội giữa tháng 2-1973 và trong tháng 3 năm đó con đã được vinh dự và niềm vui to lớn được sống giữa lòng nhân dân ta bên cạnh các nam nữ chiến sĩ anh hùng trong lực lượng kháng chiến dân tộc, đặc biệt tại các tỉnh Xtung Treng, Preat Vihia và Xiêm Riệp.
Ngày hôm nay con đã trở về Hà Nội đúng dịp để có thể gửi tới Mẫu hậu thông điệp chúc mừng ngày sinh của Người. Dĩ nhiên, lúc đang sống trong vùng giải phóng ở trong nước, con không thể báo tin để mẫu hậu rõ vì cần phải giữ bí mật. Con đường mòn lịch sử mang tên Hồ Chí Minh mà con đã vinh dự được đi qua, dài tới hơn 1000 kilômét kể từ điểm xuất phát đến tận biên giới Campuchia.
Suốt một tháng khi con ở thăm vùng giải phóng Campuchia, không quân Mỹ (gồm đủ các loại B.52, AC 130, F105...) ném bom bắn phá liên tục 24/24 giờ, tàn phá xóm làng, ruộng đông, các đường giao thông, rừng rú của chúng ta. Thế giới bên ngoài nghĩ rằng máy bay Mỹ chỉ tiến công các mục tiêu quân sự. Nhưng, con đã trực tiếp chứng kiến tận mắt Mỹ đã nhằm tàn phá vùng giải phóng và giết hại dân thường trong đó để trừng phạt họ về “tội” dám sống tự do và đẩy lùi chế độ thuộc đia kiểu mới của Mỹ do bọn Lon Nol, Sirik Matak, Sơn Ngọc Thành, Hang Thun Hac, In Tam dựng lên...
Con tin chắc rằng, trong một tương lai không xa, các chiến sĩ Quân đội giải phóng Campuchia được sự giúp đỡ của nhân dân sẽ tiến vào giải phóng thủ đô thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia, chính phủ hợp pháp duy nhất của đất nước Campuchia và nhân dân Khơme. Đến ngày vinh quang đó Xamđec Pen Nouth và Xamđéc Khieu Samphan dẫn đầu đoàn đại biểu chính phủ trực tiếp dâng lên Mẫu hậu những lời chúc mừng trân trọng nhất, thân thiết nhất, ngưỡng mộ nhất và bầy tỏ lòng biết ơn nhiều nhất.
Với những tình cảm này, con xin phép được kết thúc thông điệp kính gửi Mẫu hậu nhân dịp kỷ niệm to lớn ngày sinh của Người”.
Tất cả những báo cáo gửi đến tôi từ các căn cứ kháng chiến đều khẳng định binh lính địch đang bị mất tinh thần rất nhiều, trong khi các lực lượng vũ trang giải phóng tinh thần chiến đấu ngày càng dâng cao. Chỉ riêng điều đó cũng chứng minh kết quả của việc phối hợp chiến đấu vì sự nghiệp chung được nhân dân hết lòng ủng hộ. Trong cuộc họp tại Hà Nội, chúng tôi đã cùng nhau nhận định, sự điên cuồng của Nixon chỉ càng làm tăng tinh thần và ý chí quyết thắng của các lực lượng vũ trang chúng tôi. Chính Nixon đã chọn con đường thách thức nhân dân các nước Đông Dương. Chính Mỹ đã chọn hành động bạo lực buộc chúng tôi chỉ còn cách duy nhất là chiến đấu chống lại. Chúng tôi đã đau khổ nhiều, đã chịu nhiều nhục nhã. Chúng tôi cùng thoả thuận tại Hà Nội là sẽ đoàn kết chiến đấu nhằm giành được thắng lợi hoàn toàn. Đó là điểm mấu chốt trong những kết luận mà tôi đã thống nhất ý kiến trong những buổi thảo luận với các nhà lãnh đạo Việt Nam dân chủ cộng hoà, trong đó có chủ tịch Tôn Đức Thắng, có ông Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Tổng bí thư Lê Duẩn và nhiều vị khác nữa. Chúng tôi đã cùng bầy tỏ sự thống nhất về quan điểm và mục đích chiến đấu trong bản Thông cáo chung do tôi cùng ký với Chủ tịch Tôn Đức Thắng ngày 5-3-1972.
Chiến tranh không phải là điều chúng tôi muốn. Tôi đã cố làm mọi việc để tránh và cuối cùng, chỉ khi nào không còn tránh được nữa, mới bắt buộc phải tiến hành kháng chiến. Chính Mỹ chi trong vòng vài tuần đã biến chúng tôi thành những người cách mạng mặc dù chúng tôi không đọc tác phẩm của Các Mác.
Khi tôi tới Bắc Kinh ngày 19-3-1970 thì đó là lần thứ bẩy tôi sang thăm Trung Quốc. Con số 7 quả may mắn hơn số 13 khi tôi đặt chân tới Mátxcơva vào ngày 13-3-1970.
Nhiều nhà báo hỏi tôi: Tại sao ngài lại đến ngay Bắc Kinh khi xảy ra đảo chính. Tôi trả lời, đó là do Lon Nol, Sirik Matak quyết định. Thật ra, lịch đi thăm Liên Xô, Trung Quốc của tôi đã được vạch ra từ trước khi xảy ra đảo chính. Tôi phải đi Bắc Kinh sau khi đã tới Mátxcơva. Cuộc đảo chính đã xảy ra đúng vào lúc đó, cũng là lúc tôi quyết định chống lại cuộc đảo chính bằng một cuộc chiến đấu. Tôi còn có thể làm được gì khác hơn nữa khi nhận được tin đã bị truất phế chỉ vài phút trước khi bước lên máy bay? Có lẽ, người ta sẽ bớt chỉ trích tôi, nếu tôi ở lại Maxcơva. Hoặc có lẽ người ta sẽ yêu thích tôi hơn nếu tôi đòi chiếc chuyên cơ mà Chủ tịch Liên Xô đã cho tôi mượn phải rẽ ngoặt, bay tới Thuỵ Điển hoặc một nước trung lập nào đó. Số phận của tôi, do bàn tay bọn đảo chính định đoạt đã đưa tôi đến Bắc Kinh là nơi tôi biết chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ ngay lập tức. Tình thân của tôi với Thủ tướng Chu Ân Lai và sự ưu ái của Chủ tịch Mao Trạch Đông đối với tôi khiến tôi có thể khẳng định như vậy.
Tôi gặp ông Chu Ân Lai lần đầu tiên vào hồi tháng 4-1955 tại hội nghị Băng đung ở Inđônêxia. Ngay từ lúc đó, tôi đã có ấn tượng rất mạnh như trước kia đã gặp tướng Đờ Gôn và sau đó được gặp Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông. Họ có những điểm gì giống nhau mà đã cuốn hút tôi như vậy? Đó là tính khiêm tốn của những con người vĩ đại cộng với sự tôn trọng của họ đối với những người bé nhỏ. Đó là những người yêu nước có sự tín nhiệm đối với những người yêu nước.
Mặc dù dòng dõi khác nhau, lý tưởng khác nhau, tôi vẫn tim thấy những điểm đồng thuận khi tiếp xúc với họ. Vì vậy, tôi cũng không ngạc nhiên khi thấy các nhà lãnh đạo Trung Quốc cũng tín nhiệm tướng Đờ Gôn.
Trước khi gặp ông Chu Ân Lai ở Băng đung tôi đã hỏi những thành viên đi theo trong đoàn đại biểu Campuchia là họ nghĩ gì về Chu Ân Lai và được trả lời: “Đó là một nhân vật rất hấp dẫn, có tài giải thích và truyền đạt ý kiến của mình. Ông ta đang muốn thiết lập quan hệ ngoại giao với Campuchia và không mong gì hơn là Campuchia luôn luôn giữ vững nền độc lập”. Các thành viên này toàn là người thuộc cánh hữu, gồm có Xam Xari, Tep Phan và một số người khác cùng một giuộc với nhau. Họ nói thêm: “Chu Ân Lai là cộng sản, vì vậy ta càng phải cẩn thận chú ý. Ông ta càng hấp dẫn lôi cuốn thì lại càng nguy hiểm”.
Ngay từ cuộc tiếp xúc đầu tiên, tôi đã thấy ông Chu Ân Lai cởi mở, thân tình và rất thẳng thắn. Ông không tỏ ra một chút gì trịch thượng, nhưng tôi vẫn cảm thấy đứng trước một con người “vĩ đại”. Thái độ cử chỉ giản dị khiêm tốn của ông khác biệt hẳn với một số đại biểu khác đang đi theo gót chủ nghĩa đế quốc Mỹ. Ông tỏ ý hoan nghênh ngay sau khi tôi giải thích về đường lối trung lập của Campuchia và tuyên bố Trung Quốc luôn luôn ủng hộ nước Campuchia độc lập và trung lập Ngay sau đó, hai chúng tôi rất hiểu nhau và tình hữu nghị giữa chúng tôi đã nẩy nở từ Băng đung, sau này càng được phát triển và củng cố Chu Ân Lai mời tôi thăm Bắc Kinh. Ngay năm sau tôi đã tới thăm Trung Quốc, điều đó làm cho thế giới tự do, đặc biệt là Mỹ và Thái Lan, Nam Việt Nam rất bực tức. Ngay cả viên đại biện lâm thời của sứ quán Anh là nước đã từng công nhận và thiết lập những quan hệ ngoại giao với Trung Quốc từ lâu cũng tỏ thái độ không hài lòng. Trong bữa tiệc do Thống đốc Anh quốc tại Hồng Công chiêu đãi tôi, ông ta đã nhân danh tình hữu nghị với tôi để “thẳng thắn” khuyên tôi “không nên đi Bắc Kinh”.
Trong chuyến thăm đầu tiên của tôi tới Trung Quốc vào năm 1956 tôi đã nhiều lần được tiếp xúc với Chủ tịch Mao Trạch Đông và cả sau này nữa, mỗi lần đến Trung Quốc tôi đều được gặp Chủ tịch. Lần nào ông cũng dành thời gian gặp tôi và những cuộc nói chuyện giữa hai chúng tôi lần nào cũng kéo dài tới hơn một giờ. Gương mặt hiền dịu của Chủ tịch Mao ánh lên nét thông minh, vẻ bình tĩnh và cả sức mạnh. Rất rõ ràng chúng tôi cùng quý trọng nhau và tình thân hữu càng thêm phát triển theo dòng thời gian.
Tháng 8-1958, Mao Trạch Đông lại tiếp tôi tại Phủ Chủ tịch ngay sau khi tôi vừa tới Bắc Kinh. Trời hôm đó rất nóng. Vì vậy, ngày hôm sau chúng tôi lại tiếp tục nói chuyện dưới một mái lều căng trong vườn, bên cạnh một bể bơi, sau lại tiếp tục câu chuyện trong phòng tắm. Trước đó vài tuầnc, Khơrutxốp cũng từ Liên Xô tới Trung Quốc.
Những người giúp việc Chủ tịch Mao nói, ngoài Khơrutxốp ra, chỉ có tôi là nguyên thủ quốc gia duy nhất được Chủ tịch Mao tiếp chuyện nhiều lần như vậy. Phải chăng, ông định gây ấn tượng với tôi? Định nhồi sọ tôi chăng? Những nghi ngại đó là điều dễ hiểu. Quả thật Chủ tịch Mao quan tâm thật sự đến các vấn đề của Campuchia, những quan hệ giữa Campuchia với các nước láng giềng, quan điểm của tôi đối với Mỹ, các ý đồ của Mỹ trong khu vực... và một loạt những vấn đề khác thuộc lợi ích chung. Có lẽ ông đang tìm hiểu xem tôi thuộc loại người nào và tôi đang muốn gì. Hình ảnh một ông hoàng yêu nước chắc chắn đã kích thích sự tò mò của ông. Tuy nhiên, ngay từ lúc bắt đầu có những quan hệ giữa hai người ông vẫn tôn trọng tôi, coi tôi như người ngang hàng, đó là điều tôi chưa từng thấy có ở các nhà lãnh đạo phương Tây đối với tôi, trừ tướng Đờ Gôn.
Tôi cũng nhớ lại những lời hứa hẹn nồng nhiệt mà ông Kossyghin đã nói với tôi về sự ủng hộ của Liên Xô đối với cuộc kháng chiến của Campuchia khi tôi trên đường đáp máy bay tới Bắc Kinh. Lúc đó tôi đã say sưa với niềm hi vọng là Chính phủ kháng chiến của Campuchia có thể sẽ có hai trọng điểm ở ngoài nước. Nếu được sự đồng ý của Trung Quốc, các cố vấn quân sự, kỹ thuật, giao thông liên lạc, tiếp tế hậu cần sẽ đặt cơ quan phụ trách tại Bắc Kinh vì Trung Quốc có đường biên giới tiếp giáp Việt Nam là nước chúng tôi cần phải chuyển vận ngang qua. Còn tại Matxcơva sẽ đặt các cơ quan phụ trách các vấn đề đối ngoại, ngoại giao, thông tin tuyên truyền. Liên Xô là nước tiếp giáp các nước xa hội chủ nghĩa Đông Âu và cũng gần với thế giới phương Tây. Matxcơva là địa điểm lý tưởng để đặt các cơ quan này. Nhưng hồi đó Matxcơva đã không muốn tiếp nhận và vẫn duy trì các quan hệ với chế độ Lon Nol.
Vậy thì trên trái đất này, còn có thủ đô nước nào có thể cho phép chúng tôi thiết lập một nửa chính phủ đang còn phải sống tạm ở nước ngoài?
Viện trợ vật chất kể cả vũ khí và các phương tiện vận chuyển những vũ khí đó đến tận tay chiến sĩ của chúng tôi đều do Trung Quốc đảm nhiệm một cách vô điều kiện. Khi tôi đặt vẩn đề trả tiền, Chủ tịch Mao đã nói: “Chúng tôi không phải là bọn lái súng. Về một số lĩnh vực khác, có thể nói đến chuyện cho vay hoặc trả tiền sau, nhưng về vũ khí thì không”. Sự giúp đỡ của Trung Quốc về chính trị, ngoại giao cũng vô điều kiện như viện trợ quân sự.
Chính phủ Trung Quốc đã chuyển tất cả Bộ Ngoại giao đặt tại một toà nhà rộng rãi to đẹp (trước kia là Đại sứ quán Pháp) đi nơi khác để dùng làm tư dinh cho một Quốc trưởng “bị truất phế” và những người đi theo, đồng thời còn tuyên bố, đây là lãnh thổ bất khả xâm phạm của tôi, muốn sử dụng đến bao giờ cũng được. Cánh trái của toà nhà mới được dùng để đặt trụ sở Chính phủ kháng chiến. Chính phủ Trung Quốc còn giúp chúng tôi một đội ngũ thư ký văn phòng, dần dần thay thế bằng đồng bào của tôi từ trong nước chạy sang phục vụ chính nghĩa của Campuchia. Các xe cộ, phương tiện cũng do Trung Quốc cung cấp.
Trong buổi gặp Chủ tịch Mao Trạch Đông ngày 1-5-1970, tôi nói:
- Thưa Chủ tịch, Trung Quốc phải gánh vác nặng nề quá. Trung Quốc đang trợ giúp nhiều nước thuộc thế giới thứ ba. Bây giờ tôi lại tới đây cùng với nhiều người đi theo, quả là thêm gánh nặng.
Chủ tịch trả lời:
- Tôi đề nghị ngài đưa thêm nhiều người đến đây nữa. Ngài càng có thêm nhiều người đi theo, tôi càng vui mừng. Càng nhiều người đoàn tụ chung quanh ngài, tôi càng sung sướng. Ngài chớ nên quá quan tâm đến những chuyện vặt này. Hãy tập hợp nhiều người hơn nữa ở đây. Nếu họ không ra trận được thì cứ đến đây với ngài. Sáu trăm, một nghìn, hai nghìn, hơn nữa cũng được. Trung Quốc luôn luôn sẵn sàng tiếp nhận và cung cấp cho họ mọi thứ cần thiết.
Chủ tịch Mao không hề mệt mỏi khi nói chuyện về Campuchia. Một hôm, ông bộc lộ với tôi:
- Hoàng thân Sihanouk này? Tôi thích nói chuyện với Hoàng thân. Ngài bộc lộ ý nghĩ một cách thẳng thắn và dũng cảm. Ngài không sợ nói ra những điều mình nghĩ.
Tôi hiểu ngay, Chủ tịch thích đối thoại với những người đôi khi không tán thành một số quan điểm của ông. Một buổi khác, giữa lúc đang nói chuyện phiếm với nhau, ông đột ngột bảo tôi:
- Ngài xứng đáng là một người cộng sản.
Tôi trả lời:
- Thưa Chủ tịch, quả thật tôi không bao giờ trở thành cộng sản được.
Ông Mao cười to:
- Ngài thông minh, lại yêu lao động. Tại sao không vào Đảng Cộng sản?
Tôi đáp:
- Tôi rất lười, không đọc được các tác phẩm của Mác, của Lê-nin và các vị lãnh tụ khác.
Ông Mao lại nói:
- Hiện nay, chúng tôi có những cuốn sách tóm tắt những tác phẩm đó. Hoặc trích đoạn. Ngài không cần phải đọc toàn tập Mác hoặc toàn tập Lê-nin vẫn lĩnh hội được các tư tưởng thiết yếu.
Tôi liền trả lời:
- Thưa Chủ tịch! Thế thì, tôi thích đọc Mao tuyển, tóm tắt những tác phẩm Mao Trạch Đông.
Cũng như Đờ Gôn, Mao có một trí nhớ tuyệt vời. Trong cuộc gặp ngày 1-5-1970 ông vẫn còn nhớ những điều tôi đã nói từ năm 1956, 1958 và trong những cuộc gặp khác. Ông có thể nhắc lại từng câu những lời tôi đã nói như muốn biết hiện tôi còn nhận định sự việc như cũ hay không. Ông theo dõi tình hình Campuchia rất tỉ mỉ đến mức tôi phải kinh ngạc.
Có lần. Ông nói với tôi : “Người ta chê trách Hoàng thân vì đã mở một sòng bạc ở Phnompenh”. Tôi rất ngạc nhiên vì đúng là năm 1969 tôi đã cho mở một sòng bạc do Nhà nước quản lý nhằm mục đích tăng thêm lợi nhuận cho Campuchia, như nhiều nước cũng đã tiến hành mở xổ số hoặc Lô tô. Nhưng những kẻ thù của tôi, mặc dù chính họ là những kẻ đặc biệt tham lam và tham nhũng, thoái hoá lại công kích tôi, biến thành một chuyện rùm beng hòng tạo ra một trong những cái cớ lật đổ tôi.
Ông Mao nói tiếp:
- Theo ý tôi, thà mở sòng bạc còn hơn nhận viện trợ Mỹ. Tôi biết, ngài không làm như vậy vì lợi ích cá nhân. Các ngài đang gặp nhiều khó khăn về ngân sách và ngài đã mở sòng bạc để lấy tiền đưa vào kho bạc nhà nước. Người dân Campuchia rất ham mê cờ bạc. Vậy thì tại sao lợi nhuận đó lại không thu về cho Nhà nước, cứ để lọt vào túi chủ thầu tư nhân?
Một nhân viên bước vào, khẽ nhắc Chủ tịch Mao là đến giờ ra lễ đài. Chủ tịch nói:
- Khoan đã! Câu chuyện tôi đang nói với Hoàng thân Sihanouk đây rất thích thú.
Ông tiếp tục hỏi chuyện tôi về Campuchia, đặt nhiều câu hỏi về Lon Nol và Sirik Matak.
Sirik Matak đã từng làm đại sứ Campuchia tại Bắc Kinh và Mao cũng đã gặp Lon Nol vài tháng trước đó, nhưng ông chưa có ý niệm rõ ràng về hai tác gia cuộc đảo chính này. Cuộc nói chuyện kéo dài suốt hai giờ, trong lúc mọi người đang chờ đợi tập trung tại quảng trường Thiên An Môn, chỉ chờ Chủ tịch Mao xuất hiện trên lễ đài là bắt đầu bắn pháo hoa mừng ngày Quốc tế lao động 1-5.
Hồi đó, báo chí và một số nhà ngoại giao đồn rằng ông Mao bị yếu mệt, nhưng thật ra tối hôm đó ông nói chuyện rất lâu với tôi.

6. Không thể nào tiếp tục hợp tác với khơme đỏ
Như vậy là từ tháng 3-1970, sau khi bọn Lon Nol, Sirik Matak làm đảo chính lật đổ rồi kết án tử hình vắng mặt tôi, tôi sống lưu vong ở Bắc Kinh cùng với vợ tôi là Bà hoàng Monic. Sau khi ra lời kêu gọi kháng chiến, tôi được các thủ lĩnh Khmer Đỏ ở bưng biền Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn, Thiun Mun hưởng ứng, cùng tham gia Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia, do tôi đứng đầu. Chính phủ này có trụ sở “kép” đóng ở Bắc Kinh, trong đó có Pen Nouth, Thiun Mun... và đóng ở bưng biền trong nội địa Campuchia trong đó có Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn... Điều đó có nghĩa là tôi đứng đầu một Chính phủ có Khmer Đỏ tham gia, nhưng lúc đó họ chưa phải là những kẻ tàn sát nhân dân, đồng bào của mình. Trong thời gian này họ vẫn là những người kháng chiến chống đế quốc Mỹ và bọn đảo chính tiếm quyền, tự xưng là những người “cộng hoà”.
Quan hệ giữa tôi với các thủ lĩnh Khmer Đỏ ngày càng trục trặc. Tôi thường đề nghị với các bộ trưởng Khmer Đỏ ở bưng biền cho tôi về thăm vùng giải phóng. Lần nào họ cũng từ chối, viện lý do tính mạng tôi là rất quý, tôi không được liều mạng... Cuối cùng, mãi đến tháng 3, tháng 4-1973 các vị đó mới chấp nhận để tôi về thăm các khu vực giải phóng. Tại đây tôi đã được gặp Khieu Samphan, Son Sen , Hou Youn, Hu Nim và... Saloth Sar tức Pol Pot. Nhưng người ta chỉ cho tôi nhìn cái gì họ muốn tôi xem. Ngay từ đó, tôi đã hiểu phải xử sự như thế nào. Tôi quyết định thông báo cho các “đồng chí” Khmer Đỏ của tôi biết, sau khi chiến thắng tôi sẽ từ chức. Bởi vì đến lúc đó thì có lẽ tôi chẳng còn phục vụ gì được cho những nhà cách mạng kiểu Khmer Đỏ này nữa.
Từ đó, nhiều lần tôi công khai bầy tỏ ý định này. Tại Hà Nội, trong dịp Tết Nguyên Đán năm 1975 của Việt Nam, tức ba tháng trước khi những người cộng sản giành được thắng lợi vào hồi tháng 4 năm đó, tôi đã nói rõ với ông Ieng Sary và các bạn của ông ta, có cả các nhà lãnh đạo Việt Nam cùng chứng kiến là Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Duy Trinh, là sau khi chiến thắng đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai, tôi sẽ từ bỏ mọi chức vụ, xin trở về Campuchia sống như một công dân bình thường.
Ở Trung Quốc, tôi cũng đã nhiều lần tâm sự với Thủ tướng Chu Ân Lai, có lẽ tôi không thể nào hợp tác được với Khmer Đỏ, sau thắng lợi đã thấy rõ. Ông Chu Ân Lai cam đoan là ông thông cảm với tôi nhưng khuyên tôi đừng bộc lộ ý định này cho đồng bào tôi biết, vì họ đang cầm súng chiến đấu hy sinh cho sự nghiệp chính nghĩa của Sihanouk.
Tôi trả lời, sẽ cố kìm hãm ý định từ chức cho đến ngày thắng lợi. Chủ tịch Mao cũng biết được ý định của tôi sẽ từ chức sau ngày đạt được “thắng lợi chung”, và đã thuyết phục tôi đừng “bỏ rơi” Khmer Đỏ.
Tháng 9-1975, trước mặt ông Khieu Samphan, Khieu Thirith (vợ Ieng Sary), Xamđec Pen Nouth (lúc đó là Thủ tướng Chính phủ đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia) và vợ tôi là Monic, Chủ tịch Mao nói:
- Hoàng thân thân mến! Tôi biết rõ giữa ngài với các đồng chí cộng sản Campuchia của ngài có những sự hiểu lầm. Nhưng không nên quên rằng, những yếu tố hoà đồng vẫn nhiều hơn bất đồng.
Vì tôn kính nhân vật vĩ đại rất cao tuổi và cũng đã rất ốm yếu này, tôi đành mỉm cười. Khieu Samphan cũng cười theo nhưng là một nụ cười nhăn nhúm và lạnh lùng. Còn ông bạn già Pen Nouth của tôi thì tỏ ra không lấy gì làm khoan khoái lắm. Lúc đó tôi còn hi vọng, mà sau này mới biết mình ngây thơ, là sau ngày chiến thắng có lẽ tôi vẫn có thể sống yên ổn ở trong nước như một người nghỉ hưu bình thường, không phiền toái mà cũng không nhục nhã...
Ngày 17-4-1975, quân Khmer Đỏ tiến vào Phnompenh. Ngay sau hôm chiến thắng tôi đã đề nghị ban lãnh đạo Khmer Đỏ cho tôi được về nước. Vài ngày sau, Angca, tức tổ chức lãnh đạo của Khmer Đỏ và chính phủ mới, thông qua ông Khieu Samphan lúc đó đang giữ chức Phó Thủ tướng, đề nghị tôi “kiên nhẫn” chờ đợi vì trước mắt đang còn phải truy quét “những tên tay sai của địch đang còn nhung nhúc ở Phnompenh” đe doạ tính mạng tôi. Họ nói thêm, những điều kiện vệ sinh trong thủ đô hãy còn tồi tệ, đang có “bệnh dịch hạch và dịch tả”.
Thật ra, Khmer Đỏ lúc đó đã xua đuổi toàn bộ dân chúng ra khỏi thành phố rồi. Liền sau đó, qua báo chí và đài phát thanh nước ngoài mà tôi rất háo hức theo dõi ở Bắc Kinh, tôi được biết tình cảnh thảm khốc của việc lùa dân ra khỏi thành phố. Nhiều đồng bào của tôi chạy trốn sang Pháp, viết thư kể chuyện cho tôi rõ, Khmer Đỏ đã lần lượt thanh toán những người thuộc phe cánh của Lon Nol và của cả Sihanouk. Ngay đến dân chúng Campuchia, những người chờ đón Khmer Đỏ tiến vào như những người giải phóng cho họ, cũng bị đuổi khỏi thành phố, hàng ngàn người chết gục trên các nẻo đường.
Ông bạn Kim Nhật Thành của tôi, Chủ tịch nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên là người đã đón tôi sang Bình Nhưỡng, cũng là người đã thương lượng, trong những điều kiện hết sức khó khăn, để tôi được trở về Phnompenh “tương đối nhanh”, tránh cho tôi khỏi bẽ mặt trước thế giới. Trước khi chịu mở cánh cổng Phnompenh cho tôi trở về vào tháng 9-1975, những người gọi là “đồng chí đỏ” của tôi còn dựng lên trước mặt vị lãnh đạo Triều Tiên hàng ngàn vật chướng ngại.
Họ chỉ chịu đưa tôi về khi họ cần sử dụng tôi làm tấm bình phong, một thứ cosmetic để “Quốc trưởng” Sihanouk đọc một bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc vào lúc đang loan truyền những tin đồn đáng lo ngại về tai hoạ diệt chủng ở Campuchia.
Nếu tôi nhận lời đi họp ở Liên Hợp Quốc, cũng là để có dịp ngẩng cao đầu trở về Campuchia, xuất hiện một lần cuối cùng trên thế giới như một người đã góp phần xây dựng chiến thắng chung sau 5 năm nhục nhã sống lưu vong và chịu nhiều hy sinh. Tôi chưa muốn rời bỏ sân khấu chính trị trước khi bắn một “chùm pháo hoa” tại Liên Hợp Quốc.
Thời gian đầu của tôi ở trong nước tương đối dễ chịu. Ban lãnh đạo Khmer Đỏ lúc này vẫn còn cần dùng tôi làm người phát ngôn cho các chế độ của họ trên diễn đàn Liên Hợp Quốc, và cũng là để sơn phết lại các huy hiệu của chế độ này trên trường quốc tế, thông qua chuyến đi thăm hữu nghị chính thức của tôi tới nhiều nước bạn ở châu Á châu Âu, châu Phi. Vả lại, Khmer Đỏ có lẽ cũng đã suy tính, nếu để sổng mất Sihanouk trong chuyến đi công cán ở nước ngoài (từ tháng 9 đến tháng 12-1975) thì thật là “nguy hiểm”. Vì vậy, họ đã cố làm ra vẻ tử tế đối với tôi và gia đình tôi Khieu Samphan và Son Sen đã thưa với tôi:
- Tâu Đức vua (đúng thật vậy, họ gọi tôi là Vua, nguyên văn tiếng Thơm là Preah Karuna), các hoàng tử Sihamoni và Narinđrapông có thể tiếp tục học tập ở nước ngoài. Đức vua và Hoàng hậu Mônêang (tức Monic, vợ tôi) có thể tự do đi lại từ Campuchia tới Trung Quốc, Triều Tiên, tuỳ thích...
Trong thâm tâm, tôi tự nhủ thầm: “Khmer Đỏ quả là những gentlemen, những người rất lịch sự, thế mà trước kia ta vẫn nghi oan cho họ. Dù họ không yêu thích ta đi nữa, ít nhất họ cũng khá thông minh để đối xử tốt với ta. Vả lại, họ cũng còn phải lưu ý đến những lời cực kỳ thắm thiết mà Chủ tịch Mao Trạch Đông, Thủ tướng Chu Ân Lai đã gửi gắm ta cho họ. Nhất định ta vẫn sẽ từ chức Quốc trưởng nhưng vẫn có thể chịu đựng được suốt đời trong “xã hội mới” vì không bị tách rời khỏi các con, các cháu, vẫn được tự do đi lại ở trong nước cũng như ngoài nước”.
Còn về việc dân chúng đồng bào tôi bị lùa ra khỏi Phnompenh và các thành phố, đưa về nông thôn sinh sống ra sao thì Khieu Samphan cam đoan với tôi là “họ vẫn mạnh khỏe, tất nhiên phải lao động chân tay, vất vả nhưng ai nấy đều “tự nguyện”(?) và rất “phấn khởi”. Tôi ngây thơ tin ngay.
Từ tháng 9-1975, Ban lãnh đạo Khmer Đỏ cho tôi ở trong Điện Khêmarin, ngay bên cạnh Cung điện có đặt ngai vàng. Điều đáng buồn là Cung điện có ngai vua không được bảo quản chút nào, phủ đầy bụi và ngày càng đổ nát. Không nói gì đến Cung điện Vécxai ở Pháp mà ngay tại Liên Xô, Điện Kremli và các cung vua ở Lêningrát vẫn được giữ gìn cẩn thận. Tại Trung Quốc vẫn bảo quản, trùng tu, tô điểm các hoàng cung cũng như các đền chùa. Còn ở Campuchia, Khmer Đỏ tiếp tục mối thù hận của họ đối với chế độ quân chủ và với cả đạo Phật, kể cả những vật vô tri, vô giác.
Khmer Đỏ không thoả mãn với việc giết hại một hoàng tử, công chúa, hoàng thân, những nhân vật bảo hoàng, những tín đồ đạo Phật, đạo Hồi, đạo Thiên Chúa..., bọn cực đoan này còn “tàn sát” cả tượng Phật, san bằng đền chùa thiêu huỷ các bản Kinh Phật, những báu vật của văn minh, văn hoá và triết học Phật giáo.
Lúc này, bác gái tôi là Công chúa Môm, mẹ vợ tôi là Pom Peang vẫn sống chung với Monic và tôi trong điện Khêmarin. Ngoài ra, được phép sống trong Hoàng cung với chúng tôi còn có: bà Sar Saorot là thư ký riêng của vợ tôi; ông Ker Mêat, cựu quan chức lễ tân của Triều đình và cựu đại sứ Mặt trận đoàn kết dân tộc ở Bắc Kinh; bà Bua Tan là em họ Mẫu hậu; bà Náp, hầu phòng của vợ tôi. Ban lãnh đạo Khmer Đỏ còn dành cho chúng tôi một ân huệ nữa: bà Chin, tiến sĩ y học thành viên Đoàn y tế Cộng hoà nhân dân Trung Quốc tại Phnompenh và một nữ y tá Bệnh viện trung ương từ Trung Quốc tới cũng sống ngay trong Hoàng cung để tiện đêm ngay chăm sóc sức khỏe cho tôi và gia đình tôi. Con gái tôi là Sorya Roenxi cùng với gia đình sống tại một ngôi nhà kiểu mới gần tượng đài Độc Lập, sát tư dinh của vợ chồng Xamđec Pen Nouth. Hoàng thân Norodom Phurissara lúc này hãy còn giữ chức Bộ trưởng Tư pháp cùng với vợ và con rể cũ của tôi là Hoàng thân Sisowath Đussađi, con trai tôi là Khêmanurắc, đã từng tham gia kháng chiến chống Lon Nol, trung thành phục vụ sự nghiệp cách mạng của Khmer Đỏ, cũng được phép thường xuyên tới thăm tôi.
Các ông Khieu Samphan, Son Sen, Hu Nim, bà Ieng Sary, ông Côi Thuôn - Bộ trưởng Tài chính và Thương mại, ông Tốc Thon Bộ trưởng Công chính và một vài cán bộ cấp cao khác của Khmer Đỏ cũng thường xuyên đến “cùng cơm gia đình” với tôi và những người thân của tôi trong Điện Khêmarin. Họ ăn rất ngon lành, nhiệt liệt ca ngợi bác gái tôi là cụ Môm đã chỉ đạo làm những món ăn tuyệt vời.
Bộ phận Khmer Đỏ phục vụ tôi lúc này có một cán bộ (tiếng Thơm gọi là Kammaphibal) vốn là một kỹ sư bưu điện đã học tại Pháp, hai nhân viên vừa là thư ký vừa là quản lý cũng là hai kỹ sư đã tốt nghiệp đại học ở Liên Xô và Tiệp Khắc, ba thanh niên phục vụ việc quét dọn nhà cửa và hai cô gái làm bếp. Nhiều quân nhân (tiếng Thơm gọi là Yuthea) phụ trách canh gác Hoàng cung và làm vườn. Tất cả những người phục vụ tôi đều rất lễ phép và chăm chỉ. Khi nói chuyện với tôi, các cô các cậu này hãy còn sử dụng những danh từ cũ của Triều đình, nếu không hoàn toàn biểu lộ niềm tôn kính và ưu ái đối với tôi thì ít nhất cũng chứng tỏ họ là “dân đô thị”. Một số binh lính cho biết đã học cấp tiểu học và trung học rồi mới gia nhập quân đội Khmer Đỏ sau khi Lon Nol làm đảo chính.
Chuyến trở về nước đợt này của tôi chỉ vẻn vẹn có ba tuần, thời gian vừa đủ để cùng với ban lãnh đạo Khmer Đỏ soạn thảo bài diễn văn mà tôi sẽ đọc trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong khoảng thời gian ngắn ngủi này, tôi chỉ ra khỏi Cung điện có một lần, mà lại là bằng tàu thuỷ! Từ dưới sông nhìn lên, tôi không thấy một bóng người nào trên bờ sông Mê công, sông Tônlê Xáp và sông Bassac. Thủ đô đã trở thành một thành phố chết.
Tôi bàng hoàng cả người.
Sau ba tuần được coi như một thiên diễm tình khá kỳ lạ với Khmer Đỏ, tôi lại rời đất nước một lần nữa để thực hiện một chuyến công du dài ba tháng đến Trung Quốc, Triều Tiên, Liên Hợp Quốc, Rumani, Nam Tư, Anbani, Irắc, Xyri, Xuđăng, Tandania, Pakixtan... Thiên diễm tình không kéo dài nữa. Khi đến Bắc Kinh, tôi được ông Nut Sôhom, vốn là tuỳ viên báo chí cũ thời kỳ thành lập Mặt trận đoàn kết dân tộc Vương quốc Campuchia báo cáo với tôi là ông đã thông báo với giới báo chí nước ngoài (chủ yếu là các báo xuất bản ở Pháp và Hồng Công) những tin tức về tình hình Phnompenh dưới chế độ Khmer Đỏ từ hồi tháng 9-1975. Ông lượm lặt những “tin tức quý giá” này từ một số thành viên trong gia đình tôi đã theo tôi từ Bắc Kinh về nước rồi lại cùng với tôi đi thăm Bắc Kinh hồi tháng 9-1975. Những thành viên này ngoài vợ tôi còn có bác gái tôi, mẹ vợ tôi, bà Sar Saorot, bà Náp. ở lại Phnompenh lúc đó chỉ có ông Ker Mêat, bà Bua Tan, bà Tan, con gái tôi là Sorya Roenxi và gia đình cháu. Còn Khêmanurắc, Phurisssara, Đussađi thì từ tháng 5-1975 đã phải tuân thủ một kỷ luật của Khmer Đỏ: không bao giờ được đi ra nước ngoài. Ông Nut Sôhom đã thông báo với giới báo chí quốc tế là, những thành viên trong gia đình tôi thừa nhận, Phnompenh đã thật sự trở thành một “thành phố ma”. Tất cả bầu bạn của những người đi theo tôi đã “biến mất”.
Ông Nut Sôhom còn cho biết, báo chí nước ngoài đưa tin tôi bị ngược đãi và khinh miệt. Thật ra, điều này lúc đó chưa xảy ra với tôi, đến cuối năm 1975 nó mới trở thành sự thực. Báo chí cũng viết, tôi đã khóc nức nở vì tuyệt vọng. Thật ra, điều này cũng chưa đúng. Hồi tháng 9 này tôi chưa khóc, vì tôi chỉ ở Campuchia có ba tuần, và cũng chỉ sống tại Phnompenh, trong Hoàng cung, lúc này tôi đang còn yên tâm. Thế nhưng, những điều báo chí đăng và Sôhom tiết lộ với tôi đã như một tàn lửa bén vào mồi thuốc súng. Trong khi tôi đang ở thăm Triều Tiên thì tại Campuchia, Hội đồng các bộ trưởng của Khmer Đỏ đã quyết định gửi cho tôi một bức thư khiển trách, báo cho tôi biết: “Trong tương lai những nhà cách mạng anh hùng (tức Khmer Đỏ) đã từng đổ không biết bao nhiêu máu để cứu nước và vực nhân dân đứng dậy sẽ không dung thứ cho bất cứ kẻ nào xúc phạm đến vinh dự và thanh danh của họ trên trường quốc tế, vu không chế độ mới”.
Trong câu kết luận, cái chính phủ họp ở Phnompenh dưới sự chỉ đạo của ban lãnh đạo Khmer Đỏ đã ném vào mặt tôi một câu chửi, hỗn láo chưa từng thấy, nguyên văn như sau:
“Ông đã chọn con đường xấu, ông sẽ chẳng được gì cả và sẽ mất hết”.
Lá thư, với lời lẽ không bình thường, do Khieu Samphan, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng ký tên. Vậy mà lúc đó ở Phnompenh vẫn còn có Xamđec Pen Nouth rất khỏe mạnh đang làm Thủ tướng. Sau này tôi mới được chính Pen Nouth sửng sốt và buồn bực báo cho biết, Khmer Đỏ đã soạn thảo “công hàm khiển trách” này mà không thông báo gì cho ông biết cả. Tôi cũng nhớ lại trong khoảng thời gian 1970 - 1975 tức là đang còn kháng chiến, những thông báo của Khmer Đỏ phát ra nước ngoài khi nói đến những phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng trong vùng giải phóng đều nhấn mạnh đến sự có mặt của anh họ tôi là Norodom Phurissara. Vậy mà, đến tháng 9-1975, khi gặp tôi ở Điện Khêmarin, Phurissara lại bộc lộ với tôi là cái “Bộ Tư pháp” của ông cũng không có quan toà, ông không bao giờ được mời đi dự các phiên họp của chính phủ cả. Khmer Đỏ đưa tên Norodom Phurissara trong các bản thông báo để làm ra vẻ đây là một chính phủ của “vương quốc” và “đoàn kết dân tộc” Campuchia, nhằm lừa bịp dư luận. Thật ra, chỉ có một mình ban lãnh đạo Khmer Đỏ quyết định mọi việc.
Giờ đây, nhận được lá thư khiển trách của Khmer Đỏ, lá thư đã làm tôi nhiều đêm mất ngủ, phản ứng đầu tiên của tôi là viết thư trả lời báo tin tôi từ chức rồi sẽ sang sống lưu vong ở Pháp.
Nhưng rồi, như một ngạn ngữ Pháp đã nói: “Đêm tối đem tới lời khuyên”, tôi lại quyết định cứ trở về nước. Trước hết, đây là tôi trở về với nhân dân của tôi. Tôi biết, Khmer Đỏ không coi trọng tôi như là một người đứng đầu Nhà nước Campuchia cách mạng. Tôi không trở về do tham vọng cá nhân về quyền lực, mà do tình yêu đối với nhân dân, nhất là trong lúc nhân dân đang bị hành hạ. Tôi là người theo đạo Phật. Đức Phật Tổ chẳng phải là người tràn đầy tình thương đó hay sao?
Thế là, đến tháng 12-1975, tôi nhất định trở về Campuchia, mặc dù nhiều người thân của tôi đang định cư vô thời hạn ở Pháp, van nài tôi đừng trở về. Tôi trả lời: “Chính phủ Campuchia đề nghị ta hoàn thành một sứ mệnh ở Liên Hợp Quốc và khoảng một chục nước bạn. Ta đã làm xong nhiệm vụ và sẽ không làm gì cho chính phủ này nữa. Ta sẽ từ chức. Nhưng, ta tự coi mình như một người lính, trước khi xin giải ngũ phải trở về doanh trại đã”.
Lúc này tôi đang ở thăm Nam Tư, cùng với một số người trong gia đình đến nơi họp mặt.
Không ai hào hứng về Campuchia. Cũng như tôi, mọi người cảm thấy không có điều gì tốt lành đang chờ đón. Tôi bảo họ: “Gia đình ta phải nêu cao tấm gương yêu nước. Chiến tranh đã kết thúc. Chính quyền Lon Nol đã bị quét sạch. Bọn đế quốc đã bị trục xuất và không trở lại nữa. Khmer Đỏ sau khi làm ta héo hon gầy mòn trong những ngày sống xa Tổ quốc, cuối cùng đã chấp nhận cho chúng ta sống trong lòng “chế độ mới”. Ta phải chớp lấy vận hội này, vì danh dự của Hoàng tộc, bằng cách chấp nhận cuộc sống bình dị, thanh bần, như những dân thường, những nông dân”.
Các con tôi, mỗi gia đình nhỏ quyết định một cách. Sorya Roenxi cùng với chồng là một đảng viên cộng sản và các con đã trở về Phnompenh từ tháng 9-1975. Botum Bopha cùng chồng con, tuy chẳng thích thú gì nhưng lúc này cũng miễn cưỡng vì đạo làm con mà theo tôi trở về nước.
Yuvanath cùng vợ con xin được di tản sang Hồng Công, sau đó ít lâu vì cuộc sống quá khổ cực đến 1980 lại xin sang Mỹ. Ranarit, tiến sĩ Luật học tốt nghiệp ở Pháp cùng với gia đình xin ở lại Pháp tiếp tục công việc giảng dạy tại một trường đại học.
Sakrapông, được sự giúp đỡ của nhiều cô vợ, mở một tiệm ăn tại Pháp. Bopha Devi cùng chồng con xin định cư ở Paris. Còn Sihamoni và Narinđrapông là hai người con chung của tôi với Monic tiếp tục học tập ở Bình Nhưỡng và Matxcơva.
Khi tới Anbani, tôi lại gặp một chuyện nhục nhã nữa do các “ông chủ mới” ở Phnompenh dành cho tôi. Trong bữa tiệc chiêu đãi, tôi được Thủ tướng Anbani nâng cốc chúc mừng nhân sự kiện Hiến pháp mới của Campuchia vừa công bố. Tôi rất sửng sốt vì chẳng biết gì cả. Đến Bắc Kinh, tôi gọi điện cho Khieu Samphan đề nghị cho biết nội dung bản Hiến pháp mới. Xamphon trả lời khi tôi trở về Phnompenh sẽ đưa cho xem. Tại Bắc Kinh, bà vợ ông cựu đại sứ Đức ở Campuchia và là một người quen thân của tôi đã không sao ngăn được những dòng nước mắt khi tôi và gia đình đến chào từ biệt và xin lỗi vì không thể nghe theo lời khuyên thân thiết của bà là đừng trở về nước nữa. Bà lo ngại có chuyện chẳng lành xảy đến với chúng tôi và toàn bộ Hoàng gia.
Ngày 31-12-1975 một chiếc máy bay của Trung Quốc đưa tôi cùng gia đình và những cán bộ Khmer Đỏ “tháp tùng” từ Bắc Kinh trở về Phnompenh.
Ngày 5-1-1976 tôi chủ toạ phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng tại Hoàng cung.
Chương trình nghị sự gồm có: trình Quốc trưởng bản hiến pháp mới mà Khmer Đỏ đã biên soạn và cũng đã thông qua toàn bộ. Giới thiệu quốc kỳ mới, quốc ca mới cũng đã do Khmer Đỏ quyết định.
“Vương quốc Campuchia” mà dưới nhãn hiệu này Khmer Đỏ đã chiến đấu chống lại “chế độ cộng hoà” Lon Nol nay bãi bỏ, thay bằng tên “Campuchia dân chủ”. Phật giáo không được coi là quốc đạo như đã ghi trong Cương lĩnh chính trị của Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia trong cuộc chiến đấu chống Lon Nol. Mọi tôn giáo khác cũng đều bị thủ tiêu. Quyền tư hữu, từ bàn ghế, nhà cửa, tiền bạc... đều bị cấm. Tất cả mọi người phải trở thành vô sản. Toàn dân phải sống trong tập thể, trong các trại lao động. Hệ thống luật pháp “cổ điển” bị bãi bỏ. Tổ chức của Khmer Đỏ, gọi là Angca, là tổ chức cao nhất, lớn nhất, mạnh nhất, có thẩm quyền quyết định nhất, ngay cả trong lĩnh vực sống chết. Danh từ “công dân” bị loại bỏ.
Đầu tháng 12-1975: trong lúc tôi chưa trở về Campuchia, ông Yêng Xary ra lệnh cho các trưởng đoàn ngoại giao của chính phủ Campuchia phải về ngay Phnompenh dự một khoá “tập huấn” kéo dài bốn tuần. Ông Chia Xan, một cán bộ trung thành nhất với tôi đã kháng nghị lại. Ông nhấn mạnh, Quốc trưởng Sihanouk sắp tới thăm Rumani, bản thân ông Chia Xan lại đang làm đại sứ ở đó. Nếu rút ngay đại sứ về nước thì vừa bất kính đối với Quốc trưởng, lại vừa bất nhã đối với Chủ tịch Rumani Nicôlai Xêauxexcu là vị chủ nhà nghênh tiếp Quốc trưởng Campuchia tới thăm hữu nghị chính thức. Yêng Xary bác bỏ kháng nghị của Chia Xan, viện lý do công việc nội bộ của nước “Campuchia mới” còn quan trọng hơn chuyến đi thăm các nước bạn của Sihanouk. Cuối cùng, do đích thân Thủ tướng Pen Nouth can thiệp, các đại sứ Campuchia ở những nước mà tôi sẽ tới thăm mới được tạm hoãn về nước cho tới khi tôi hoàn thành chuyến công cán này. Khoảng cuối tháng 12-1975, tất cả các đại sứ và trưởng đoàn ngoại giao Campuchia ở nước ngoài đều đã trở về nước. Tôi về muộn vài ngày vì còn ở lại Bắc Kinh chào từ biệt các quan chức Trung Quốc và các nhà ngoại giao nước ngoài ở Bắc Kinh.
Ngày 31-12-1975 tôi về đến Phnompenh. Tất cả các đại sứ đã về nước trước tôi không ai được phép ra sân bay đón, cũng không ai được tới điện Khêmarin chào tôi. Ngay tối 32-12-1975, Khmer Đỏ mở tiệc tại dinh Chính phủ đặt trụ sở trong toà biệt thự cũ của Khâm sứ Pháp nhằm chiêu đãi các nhà ngoại giao nước ngoài tại Phnompenh. Vẻn vẹn chỉ có đại sứ Trung Quốc, đại sứ Triều Tiên, đại sứ Việt Nam và đại biện lâm thời Cuba. Bữa tiệc này được đặt dưới sự chủ toạ của tôi! Khăn trải bàn, khăn ăn, đĩa, cốc, thìa, dĩa, dao đều có thể chấp nhận được về mặt vệ sinh, nhưng mỗi vị khách chỉ có một chiếc thìa, một dĩa, một dao dùng trong suốt bữa tiệc. Mãi đến khi tráng miệng mới thay bằng một chiếc dĩa nhó xíu. Bát đĩa, cốc chén đều là những thứ nhặt nhạnh từ nhiều nhà dân đã bị cưỡng bức lùa ra khỏi thành phố từ ngày 17-4-1975. Tôi nhớ lại, hồi tháng 9 năm đó, trong đợt về nước đầu tiên, khi đi dạo chơi trên tàu thuỷ, tôi được dùng cơm ngay trên tàu. Tôi rất ngạc nhiên khi nhìn thấy những đĩa bầy trên bàn ăn lại in hình quốc huy... Malaixia! Hẳt những thứ này là tài sản quý của sứ quán Malaixia tại Phnompenh. Ngay từ hồi đó, tôi đã lưu ý các ông chủ Khmer Đỏ là khi chiêu đãi khách quốc tế chớ dùng những bộ đồ ăn có in hình quốc huy nước ngoài. Tôi cho họ biết, trong Hoàng cung có những bộ đồ ăn rất sang trọng. Hơn nữa, những thứ đó đều in hình quốc huy Campuchia. Nhung đối với họ, quốc huy của Malaixia còn thích thú hơn quốc huy của Vương quốc Campuchia?
Tháng 9 năm 1975, khi lên đường đi Bắc Kinh, Liên Hợp quốc và tới thăm khoảng một tá nước bạn, tôi để lại trong Điện Khêmari bác gái tôi cùng với bà Bua Tan là em họ Mâu hậu, bà Khôn là cung tần của Mẫu hậu và ông Ker Meat, cựu quan chức lễ tân của Triều đình. Khi tôi trở về Phnompenh ngày 31-12, ông Ker Meat bị mất tích. Sau đó tôi được biết, thừa dịp tôi vắng nhà, bọn lính Khmer Đỏ đã lôi ông ra một chiếc xe Jeep đưa đi một nơi nào đó không ai biết. Bà Bua Tan và bà Khon cũng bị đưa đi một công xã thuộc tỉnh Battambang tiếp giáp với Thái Lan. May mắn làm sao, bà Ieng Thirith là vợ ông Ieng Sary, người hùng số hai của chế độ mới đã vui lòng chấp nhận lá đơn của vợ tôi là bà hoàng Monic, để cho hai bà phục vụ của Mẫu hậu được trở về với chúng tôi.
Việc “phóng thích” hai bà này là một ân huệ đặc biệt và duy nhất, bởi vì trước đó và sau đó, Khmer Đỏ không để cho bất cứ một ai thoát khỏi những công xã địa ngục mà không bị trừng trị. Dĩ nhiên, Angca đã chẳng vui vẻ gì khi quyết định trả lại chúng tôi bà Tan và bà Khon. Họ phải làm điều đó vì hai lý do: trước hết, Angca chưa muốn cho tôi từ chức như tôi đã bộc lộ với các ông Khieu Samphan và Ieng Sary nên họ muốn làm việc này để tôi vui lòng phục vụ Angca. Thứ hai bà Ieng Thirith thời nhỏ cùng học một trường trung học ở Phnompenh với Monic, vẫn thường gọi Monic là “Monich bé nhỏ đảng yêu”, có khi còn gọi là “em gái Monic của chị”.
Bà Tan và bà Khon khi được trở về nhà thường thì thầm kể lại: “Trong công xã mà chúng tôi lao động có gài mật vụ của Angca theo dõi chặt chẽ tất cả mọi người thế mà vẫn không ngăn được mỗi đêm có vài “nô lệ” chạy trốn. Người ta còn lôi kéo mua chuộc trong đám nô lệ một số người trở thành đao phủ của Angca. Một mụ đàn bà không hề giấu giếm mình là một trong những tên đao phủ đó. Mụ khoe đã giết được vô khối tên phản cách mạng bằng cách đập gậy vào đầu cho đến chết”.
Nhiều trẻ nhỏ đã bị giết chỉ vì đi lạc. Trời tối, đáng lẽ phải trở về công xã này thì các em lại đi nhầm sang công xã khác. Thế là người ta phải thanh toán những tên “gián điệp” đó, mặc dù kẻ bị tình nghi chỉ là những trẻ nhỏ sáu, bảy tuổi. Những hình phạt đối với trẻ em phạm mỗi ở mức “trung bình” chưa tới tội tử hình cũng cực kỳ độc ác, tức là bắt nhịn ăn, bắt phơi nắng hàng giờ không cho uống nước vụt bằng roi, đánh bằng gậy. Nếu đứa trẻ trót nhặt một trái cây đã thối một nửa, rụng từ trên cây xuống đất mấy ngày rồi cũng bị ghép vào tội ăn cắp tài sản của tập thể. Ngay cả con cái của binh lính Khmer Đỏ khi đau ốm cũng không được chăm sóc, thuốc men”.
Tôi rất hoang mang khi nghe những câu chuyện này, được kể lại bằng giọng nói thì thào trong đêm tối. Tại sao lại có sự độc ác này, những tội ác này? Những câu hỏi đó cứ rộn lên trong đầu óc tôi Trong lúc đó, cuộc sống của tôi vẫn cứ được bố trí một cách giả tạo. Với tư cách là người đứng đầu Nhà nước, tôi vẫn cứ phải tiếp các đại sứ, vẫn phải tổ chức những bữa tiệc chiêu đãi. Khách mời của tôi xếp theo trình tự như sau: đại sứ Trung Quốc, Triều Tiên, Việt Nam, Anbani, đại biện lâm thời Cuba, các đại sứ Zambia, Palestin, Thuỵ Điển, Nam Tư, Xênêgan... Tôi mời người này người khác những món ăn Pháp và được tất cả mọi người nhiệt hệt khen ngon trong đó có cả các ông Khieu Samphan, Son Sen, Hu Nim, Coi Thuôn và cả hai vợ chồng ông bà Ieng Sary. Tôi mang từ Bắc Kinh về cả một cửa hiệu thực phẩm trong đó có món gan hấp béo và vài thứ đặc sản khác của Pháp để dùng trong các bữa tiệc chiêu đãi. Còn về khoản rượu nho thì toàn là thứ thượng hảo hạng mà bọn Lon Nol đã nhập từ Pháp và dùng suốt 5 năm tiệc tùng vẫn chưa cạn.
May mắn thay không phải ngày nào tôi cũng ăn nhậu. Tôi còn phải dành thời gian cho đời sống tinh thần. Mỗi tháng bốn lần theo “ngày tuần” của đạo Phật tôi tới chùa Bạc tụng kinh niệm Phật, tuân theo tám điều răn của Phật rồi đi viếng lăng tẩm ông bà, cha mẹ tôi. Trong Điện Khêmarin, bọn Lon Nol không hề đụng đến tủ sách của tôi trong đó có nhiều tác phẩm văn học Pháp và cả nhiều tờ báo cũ. Tôi tự khuây khoả bằng cách đọc lại các bài của Rôbe Cuatin trên tờ Thế giới và Giannơ Đơ Côkê trên tờ Lơ Figarô viết về pho-mát và những món ăn ngon của Pháp... Tôi mơ nước Pháp để cố quên lãng Campuchia đang đau khổ của tôi.
Tháng 1-1976, sau khi đã “phê chuẩn” cái gọi là Hiến pháp mới của Campuchia, từ nay gọi là “Campuchia dân chủ”, bản Hiến pháp đã giết một cách hợp pháp nền quân chủ của chúng tôi lần thứ hai trong lịch sử hiện đại (lần thứ nhất là “chế độ cộng hoà” của Lon Nol) tôi được tiếp xúc với nhân dân lần đầu tiên. Tôi bắt đầu bằng việc tới thăm Compuông Chàm. Qua những khu đất trước kia là đồng ruộng, tôi không nhìn thấy bóng một người nào. Đến khi tới một thung lũng trước kia vẫn bỏ hoang, lúc đó tôi mới nhìn thấy một đám đông, trai có, gái có, từ 15 đến 25 tuổi đang lao động dưới trời nắng gắt. Nhìn thấy tôi, mọi người rất kinh ngạc. Nhiều người cũng mạnh dạn cười với tôi, nhưng không ai dám động đậy. Cho tới khi tôi đến gần, họ mới vỗ tay... theo lệnh của một cán bộ Khmer Đỏ. Tôi hỏi ông Khieu Samphan, “người bạn đồng hành” quyền cao chức trọng của tôi xem có bắt tay họ được không. Sau khi được ông Khieu Samphan “bật đèn xanh”, vợ chồng chúng tôi mới nắm lấy hàng trăm bàn tay đang chìa ra nhưng không được “sờ tay” tất cả vì người cán bộ Khmer Đỏ đã hô đám nô lệ phải tiếp tục ngay công việc lao động, không được để mất thời gian.
Chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình tới Compuông Chàm. Cũng như Phnompenh, thành phố này đã bị lùa hết dân. Bàn ghế giường tủ bị vứt hết ra ngoài, dãi dầu mưa nắng. Có lẽ, chúng bị “trừng phạt” vì là tài sản của những chủ nhà thuộc tầng lớp tư sản. Đến đây ở là binh lính Khmer Đỏ và những người phục vụ, lao động khổ sai. Tất cả những thị trấn từ Phnompenh đến Compuông Chàm cũng đều bị tàn phá triệt để, tan hoang đổ nát như trong thời kỳ chiến tranh. Tại thành phố Compuông Chàm vợ chồng chúng tôi được mời nghỉ tại dinh tỉnh trưởng cũ. Chúng tôi xúc động và... buồn rầu khi nhìn thấy những dinh thự cũ xiêu vẹo, bẩn thỉu, phòng tắm không có nước, ống dẫn nước han gỉ.
Đến thăm những lò cao (đốt bằng củi) luyện kim từ những khung xe ô tô, xác xe tăng, máy bay cũ của địch, tôi ngạc nhiên khi thấy những người lao động không được bảo hiểm một chút nào, trang bị của họ như thời cổ xưa ở châu Âu. Trong suốt cuộc đi thăm, tôi chỉ nhìn thấy vẻn vẹn có một đôi mắt kính bảo hiểm chống tia sáng chói.
Tôi nói với Khieu Samphan nên đề nghị Trung Quốc viện trợ một số thiết bị phòng hộ lao động.
Ông ta đáp: “Không cần! Bởi vì các đồng chí của chúng ta rất anh hùng, giầu tinh thần tự hào dân tộc biết dựa vào sức mình chứ không ỷ lại vào viện trợ của nước ngoài”.
Chúng tôi tới thăm Chamcar Anđung, trước kia là một đồn điền cao su của Pháp, nay đã bị Khmer Đỏ “quốc hữu hoá”. Đây là một đồn điền tương đối ít bị ảnh hưởng vì chiến tranh. Tuy nhiên, các công xưởng, nhà kho vẫn lộ vẻ tang thương đổ nát. Hệ thống điện bị hư hỏng nặng, thợ điện đang sửa chữa. Đây là những công nhân cũ mới thoạt nhìn đã biết là thạo nghề. Người nào cũng lộ vẻ ngỡ ngàng hoảng hốt. Tất cả đều biết tôi. Họ lén nhìn tôi một cách tuyệt vọng. Tôi mỉm cười với họ, bắt tay để động viên họ như đã bắt tay các công nhân viên Khmer Đỏ mà phần lớn là thiếu nữ và phụ nữ. Theo lời những binh lính Khmer Đỏ có nhiệm vụ canh gác Hoàng cung tin cẩn bộc lộ với các bà trong “triều đình” nhỏ bé của tôi ở Điện Khêmarin thì Angca thường cho gọi công nhân và nhân viên kỹ thuật lành nghề của “xã hội cũ” đến sửa chữa “một cái gì đó phức tạp”, hoặc đến truyền nghề cho “lớp người trẻ tuổi thuộc thế hệ cách mạng”, sau đó thủ tiêu buôn những công nhân bậc thầy này. Hẳn vì lẽ đó nên tôi đã gặp vẻ khiếp sợ của những người thợ già ở đồn điền cao su Chamcar Anđung. Cách nấu cao su ở đây cũng rất thủ công. Tức là nướng “crếp” như nướng cá. Trước kia crếp cao su sản xuất từ các xí nghiệp thường mềm mại và rất trắng. Ngược lại cao su sản xuất tại đây dính đầy bụi, đen sạm khói cứng như da trâu. Nhưng không lo chỗ bán. Trung Quốc sẵn sàng tiêu thụ.
Buổi kết thúc chuyến thăm Compuông Chàm của tôi đã diễn ra như vậy. Ngoài cuộc gặp gỡ trong thung lũng Batheay, tôi không nhìn thấy nơi nào có dân nữa, chỉ thỉnh thoảng mới gặp vài chục thanh niên Khmer Đỏ được tổ chức Angca ở địa phương chỉ định “thay mặt nhân dân” đứng đón tôi. Họ vỗ tay như một cái máy. Vẻ mặt cũng không hồn như người máy. Trên đường về Phnompenh, tôi mới lại nhìn thấy một đám đàn ông, đàn bà, trẻ con, đông như kiến đang lao động trên bờ trái sông Mê công, dưới ánh nắng mặt trời gay gắt. Chỗ ở của họ là vài mái lán lợp lá thốt nốt, trống trải cả bốn mặt.
Khieu Samphan cho biết, đây là những người dân sơ tán từ Phnompenh gồm có nhà buôn và công chức. Từ nội thành nay “được” ra ngoài lao động. Với vẻ lạc quan hiện rõ trên nét mặt, Khieu Samphan nói với tôi:
- Họ rất sung sướng vì không bị giam hãm trong bốn bức tường như trước. Ra ngoài này lao động, họ được thở hít khí trời trong lành, lánh xa ô nhiễm.
Tôi hỏi Khieu Samphan:
- Thưa ngài, hiện nay vấn đề sức khỏe của nhân dân là rất quan trọng. Liệu Angca đã nghĩ đến việc thu thập vài trăm thầy thuốc của chế độ cũ để phục vụ cho Bộ Y tế của chúng ta chưa?
Khieu Samphan đáp ngay không cần suy nghĩ:
- Bọn thầy thuốc đó chẳng giỏi giang gì mà cũng chẳng phải là không thể thay thế được. Chúng nó chỉ là những kẻ thối nát, cực kỳ tha hoá, phản dân, hại nước, chỉ nghĩ đến thu vén đầy túi, ăn cắp của công và phá hoại sự nghiệp chăm sóc sức khỏe của chúng ta. Hiện nay đã có đủ thầy thuốc cách mạng. Họ xuất thân từ các tầng lớp bần cố nông thông cảm với nỗi khổ của nhân dân, và cũng biết cách chữa bệnh cho dân.
Tôi hỏi một câu cuối cùng:
- Thế các thầy thuốc của xã hội cũ hiện nay ở đâu?
Ngập ngừng một chút, rồi Khieu Samphan nói:
- Ở trong các công xã lao động.
Xế chiều hôm đó, tôi về đến Điện Khêmarin.
Chuyến đi làm cho tôi ngao ngán: nỗi đau của tôi, nỗi buồn của tôi trước nhân dân yêu quý đang bị Khmer Đỏ biến thành nô lệ thật khó tả xiết.
Tháng 2-1976, Khieu Samphan lại đưa tôi đi một vòng quanh đất nước, cốt để tôi ca ngợi những “thành tựu” của chế độ Khmer Đỏ. Đấy là chuyến đi chính thức cuối cùng của tôi trên cương vị Quốc trưởng trong chế độ Khmer Đỏ. Chúng tôi khởi hành từ Phnompenh bằng xe lửa. Suốt chặng đường dài hơn ba trăm kilômét, Khieu Samphan quả quyết khẳng định “nước Campuchia mới không thể áp dụng chế độ ngày nghỉ cuối tuần theo “kiểu Tây” vì lý do đơn giản là “nhân dân lao động không muốn”. Sau này, mãi tới năm 1978, tức một năm trước khi chế độ Pol Pot sụp đổ, Angca cực kỳ sáng suốt mới áp dụng “trên lý thuyết” cho bầy nô lệ được nghỉ một ngày sau mười ngày làm việc.
Tôi nói “trên lý thuyết” là vì ngày nghỉ đó còn phải sử dụng vào việc học chính trị phê bình và tự phê bình trong các tổ các nhóm, hoặc chăm chú nghe lãnh tụ Pol Pot, nhà “thông thái mọi việc” nói đủ mọi điều vớ vẩn qua đài phát thanh, rồi lại còn phải làm nhiều việc phụ nữa. Tóm lại, nghĩa là chẳng được nghỉ chút nào trong nhùng ngày gọi là “ngày nghỉ”.
Trên con tàu đưa chúng tôi đến Battambang, Khieu Samphan chỉ cho tôi xem những người đang làm việc ngoài đồng và nói:
- Ngài nhìn xem, những người anh em của chúng ta vui sướng biết chừng nào? Họ lao động trong niềm vui. Họ tuyệt đối sung sướng. Đối với họ, ngày lao động nào cũng là những ngày hội. Còn dưới xã hội cũ mỗi năm chỉ có vài ba ngày hội mà thôi. Hơn nữa, trong xã hội cũ anh em chúng ta làm ăn cá thể đầu tắt mặt tối, ai lo phận nấy, cuộc sống thật buồn tẻ. Ngày nay cuộc đời anh em ta cực kỳ vui tươi. Họ được sống tập thể, làm tập thể, ăn tập thể, không còn tánh bạch riêng rẽ nữa đấy! Họ vừa lao động vừa hát, chẳng phải là vui như hội đó hay sao.
Tới Battambang, tôi được đưa về nghỉ tại dinh tỉnh trưởng cũ. Khoảng hai chục nhân viên Khmer Đỏ cả nam lẫn nữ vỗ tay đúng phép, nghĩa là như một cái máy. Suốt hai ngày chúng tôi ở thăm Battambang, các cô tiểu thư Khmer Đỏ tận dụng mọi cơ hội ngắm nhìn Monic vợ tôi bằng một thái độ vừa tò mò, vừa bẽn lẽn. Ngày hôm sau, luôn luôn có Khieu Samphan đi kèm, chúng tôi đi xe ô tô tới Xixôphôn, một thành phố giáp Thái Lan.
Trong những năm 60 của thế kỷ, chính phủ Sihanouk rất phiền vì chính phủ Vương quốc Thái Lan không chịu công nhận ngôi đền và ngọn núi thiêng liêng Preat Vihia là thuộc Campuchia. Thái Lan muốn thôn tính cả ngôi đền và ngọn núi này mặc dù Toà án Quốc tế La Hay đã phán xét chúng thuộc về Campuchia. Việc cắt đứt quan hệ ngoại giao giữa Campuchia và Thái Lan trong những năm 60 không cản trở Xixôphôn phát triển, bởi vì những hoạt động buôn lậu trong đó có cả sự tham gia mà không bị trừng phạt của các quan chức, các binh sĩ và cuối cùng là cả công ty đường sắt lẫn những người trong Sở Thuế quan đã biến Xixôphôn thành một thành phố buôn bán sầm uất.
Ông Khieu Samphan dẫn tôi đi thăm một hợp tác xã nông nghiệp. Tới đây tôi gặp một vài người còn trung thành với Sihanouk vỗ tay nồng nhiệt nhưng không dám hoan hô. Chủ tịch hợp tác xã là một Khmer Đỏ “thuần chủng”, tỏ ra đặc biệt hữu nghị với tôi tới mức, cuối cùng chúng tôi cùng khoác tay nhau đi dạo quanh như những người bạn. Anh ta nói:
- Thưa Xamđec, chúng tôi được biết ngài muốn rời bỏ chúng tôi. Thưa ngài, xin ngài hãy ở lại với chúng tôi. Ngài hãy tin tưởng ở nhân dân. Nhân dân cũng sẽ cảm thấy được cổ vũ bởi sự có mặt của ngài.
Rất rõ ràng, Angca đang muốn giữ tôi lại làm Quốc trưởng... bù nhìn, một vai trò bung xung mà người Anh gọi là Figurehead . Thật là khôi hài khi Angca uỷ nhiệm cho một anh chủ tịch thấp bé tại một công xã xa xôi, khêu gợi tôi một vấn đề mà tôi đã giữ hết sức bí mật là tử chức. Tôi trả lời anh chủ tịch đáng yêu này bằng mấy câu chung chung như sau:
- Tôi rất xúc động về sự tin cậy của đồng bào thân yêu mà ông là đại biểu. Tôi không có ý định sống lưu vong. Ngay cả một ngày nào đó nếu có rút lui thì tôi vẫn sống với nhân dân yêu quý ngoài việc mỗi năm sang thăm Trung Quốc một đợt ngắn.
Khieu Samphan vẫn kèm sát tôi, nghe rõ chúng tôi nói chuyện và... nở một nụ cười khó hiểu. Sau đó chúng tôỉ tới Xiêm Riệp là một thành phố cổ vì có di tích, những khu đền Ăngco. Người nước ngoài biết đến cái tên Ăngco nhiều hơn địa danh Xiêm Riệp.
Xiêm Riệp có nghĩa là đánh bại quân Xiêm. Từ thế kỷ 14, chúng tôi bị Xiêm La tiến công nhiều lần. Phải thừa nhận rằng, trong cuộc chiến đấu tay đôi kéo dài này chúng tôi không phải là những người chiến thắng và chiến tranh chỉ chấm dứt khi Pháp đặt nền bảo hộ lên Campuchia vào năm 1863. Những tai hoạ của Xiêm Riệp và Ăngco là hình ảnh của số phận đất nước chúng tôi, chỉ có hai khoảng thời gian hoà bình là giai đoạn từ năm 1863 đến 1939 và từ năm 1955 đến 1969. Hoà bình và hạnh phúc không tự nguyện đến với Cambốt hoặc Campuchia.
Danh từ Campuchia bắt nguồn từ ngôn ngữ Pali của Ấn Độ. Theo truyền thuyết, đất nước chúng tôi vốn là một vương quốc thành lập bởi một ông hoàng Ấn Độ tên là Kambu (phát âm theo Khơme là Campu) thuộc dòng dõi Mẫu hậu Nagia (còn gọi là Naga). vì thế trước kia có tên Kambu Nagia rồi biến thành Campugia: sau đó là Cambodia, Cambôt. Nhưng đứng trước những tai hoạ dồn dập giáng xuống đầu mình hàng thế kỷ nhân dân tôi đã chuyên địa danh Campuchia thành Cam và puchia. Theo tiếng Khơme, Kamm có nghĩa là đau khổ. Puchơ có nghĩa là chủng tộc. Chea nghĩa là dịu hiền, không độc ác.
Campuchia, theo sự chuyển hoá trong tiếng gọi của nhân dân chúng tôi, không còn là vương quốc của Cambu và Nagia nữa, mà đã là chủng tộc (Khmer) dịu hiền gặp nhiều đau khổ. Hỡi ôi, điều đó trong lúc này đang là sự thật.
Tới Xiêm Riệp, tôi được một Kammaphibal (cán bộ Khmer Đỏ) vùng Đông Bắc biển Hồ và Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp đón tiếp. Trong ngôn ngữ của Khmer Đỏ Kammaphibal có nghĩa rất rộng, vừa là cán bộ, nhà chức trách sĩ quan, tư lệnh, thống đốc, quản trị... Tôi ở lại Xiêm Riệp vài ngày. Sự thân ái của các Kammaphibal ở đây đối với tôi kéo dài liên tục không lúc nào chấm dứt.
Trong những bài diễn văn đọc tại bữa tiệc đón tiếp và tiễn đưa tôi, ông Kammaphibal vùng Đông Bắc Biển Hồ luôn gọi tôi là Xamđec trăm kính ngàn yêu, ông Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp lại còn quỳ gối vái tôi trước tượng Phật và đọc kinh niệm Phật trong khu đền Bayon. Tại sao, từ Battambang trở đi, các Kammaphibal lại có thái độ đáng yêu dai dẳng như vậy? Tôi cảm thấy, việc này có liên quan đến ý định từ chức Quốc trưởng mà tôi đã nói riêng với ông Khieu Samphan.
Thú tướng Pen Nouth là người bạn trung thành cùng đi với tôi, tỏ vẻ lo ngại về dự định từ chức này. Ông nói riêng với tôi, chớ nên bộc lộ cho Khmer Đỏ biết tôi đang muốn rời bỏ họ. Vốn là người khôn ngoan- sáng suốt, ông khuyên tôi phải tỏ ra bình tĩnh kiên nhẫn và nói thêm:
- Hiện nay, chế độ mới đang cần có sự bảo lãnh của Xamđec. Khi nào họ cảm thấy đã khá mạnh để tự cất cánh tung bay, lúc đó tất nhiên họ sẽ để cho Xamđec rút lui. Xin Ngài hãy kiên trì chờ đợi. Mọi việc rồi sẽ ổn. Tôi cam đoan, cuối cùng Ngài sẽ được tự do.
Cuộc đi thăm Xiêm Riệp và khu di tích Ăngco thật ngao ngán. Trung tâm thành phố trước kia xinh đẹp, duyên dáng, nay đổ nát tan hoang. Nhà khách vừa mới được quét vôi, nhưng bên trong thật thảm hại. Sàn nhà mất nhiều gạch lát. Một vài chỗ phải lấy gạch lát từ phòng tắm để lát phòng khách. Thang máy không chạy. Một gia đình nhện đã vào làm tổ bên trong. Các gian phòng của nhà khách cũng đều bỏ mặc cho nhện giăng tơ. Những vườn hoa chung quanh các khách sạn trước kia xinh tươi nay chuyển thành vườn rau và là nơi chế tạo các loại phân bón “số một”, tức là phân người.
“Đến thăm Ăngco rồi chết cũng hả dạ”. Đó là câu mà vợ chồng chúng tôi đã nói với nhau hồi 1-3-1973 khi về thăm vùng giải phóng Campuchia bằng tuyến đường Hồ Chí Minh. Tại điện Bayon là ngôi đền đẹp nhất và quan trọng nhất sau Ăngco Vát, hai tượng Phật khổng lồ từ thời kỳ trước triều đại Ăngco đã bị quật ngã lăn chiêng xuống đất, đầu bị đập nát. Tôi sực nhớ lời lời bà Tan kể lại cho chúng tôi nghe tại Điện Khêmarin vào một buổi tối, khi bà vừa mới được từ công xã lao động của Khmer Đỏ trở về. Bà nói:
“Trong hợp tác xã nơi chúng tôi lao động, có một ngôi chùa đã biến thành kho thóc. Các tiểu thư Khmer Đỏ đã chọn các tượng Phật làm mục tiêu công kích. Trước khi chặt đầu và đập nát tượng, các cô còn chửi rủa đức Phật Tổ: “Mày là con vật bất lương? Đạo Phật của mày đã kìm hãm nhân dân ta hàng mấy ngàn năm trong vòng ngu dốt, đói nghèo. May mà Angca đã được thành lập, đã lật đổ mày để giải phóng cho nhân dân từ nay làm chủ vận mệnh của mình. Chúng tao, con cháu Angca, chúng tao xéo nát vụn mày dưới chân như sâu bọ”.
Tôi hỏi ông Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp đi kèm:
- Tại sao người ta lại quật ngã hai pho tượng lớn này?
Với vẻ bối rối, ông ta đổ lỗi cho máy bay Mỹ đã phá huỷ. Thật là lời nói dối trắng trợn, bởi vì nếu Mỹ ném bom thì tại sao những cây cổ thụ chung quanh tượng Phật vẫn còn nguyên vẹn, thậm chí thân cây không bị xước vỏ, cành cây không trụi lá?
Cũng ngay tại tỉnh Xiêm Riệp này, trước kia tôi đã cho dựng một ngôi đền nhỏ theo kiểu Ăngco để bảo quản pho tượng gỗ tuyệt đẹp từ thời trước Ăngco, có thể là từ thế kỷ 15. Ngày nay, ngôi đền đa bị san bằng, các tượng Phật đều bị mất. Thay vào chỗ đó là một vườn rau.
Tôi tiếp tục đi thăm một số ngôi đền nữa. Con đường trải nhựa từ “thời Sihanouk” hãy còn khá tốt, trừ một vài chỗ bị chiến hào Khmer Đỏ cắt ngang trong thời gian chiến tranh. Ông Kammaphibal có dừng xe trước những vệt cắt ngang đường cốt để tôi phải nhìn ngắm kỹ vì đây là những chiến hào của Khmer Đỏ anh hùng đã chiến đấu chống lại bọn Lon Nol. Để khỏi thoá mạ lịch sử, cần phải thừa nhận trong những năm 1970, 1971, 1972 không phải Khmer Đỏ mà chính các đồng minh Việt Nam đã góp phần quyết định trong việc bảo vệ khu đền Ăngco. Các sĩ quan và chiến sĩ Việt Nam đã vui lòng để cho những viên chức trường Viễn Đông của Pháp là những người có nhiệm vụ gìn giữ và trùng tu khu đền Ăngco chụp ảnh làm kỷ niệm ngay trước khu đền này. Hồi đó, những bức ảnh này đã được in trên nhiều tờ báo và tạp chí thuộc thế giới tự do để chứng minh rằng cuộc chiến tranh chống Lon Nol không phải chỉ là “một cuộc nổi dậy của Khmer Đỏ”. Cuối cùng, Khmer Đỏ đã trục xuất cả bộ đội Việt Nam lẫn các nhân viên trường Viễn Đông của Pháp, vu cho họ làm “gián điệp”. Chính ông Kammaphibal đi kèm tôi đã kết lại hiệp đầu kết thúc đầy sóng gió giữa các cán bộ Khmer Đỏ với nhà bác học Pháp Becna Grôxliê và các nhân viên của ông đã bị Khmer Đỏ hung hăng trục xuất. Ngoài ra, Khmer Đỏ còn thủ tiêu một số người Khơme làm việc cho ông Grôxliê, cũng buộc tội họ “làm gián điệp”. Sau khi ông Grôxliê và các nhân viên người Pháp, người Khơme rời khỏi khu đền Ăngco, tất cả các công trình xây dựng trong khu di tích này đều bị bỏ rơi không ai chăm sóc, bảo quản.
Chúng tôi tới thăm một công trường tưới tiêu ở Phnôm Krôn gần Biển Hồ. Con đường đi qua một vài bản làng cây cối sum sẽ: có rất nhiều dừa, cau, xoài, chuối, chanh, bưởi, mít... Nhà nào cũng khang trang, chứng tỏ chủ nhân kiếm được khá nhiều tiền bán trái cây. Nhưng Khmer Đỏ đã liệt những người này vào loại “kẻ thù của giai cấp vô sản” và họ đã “biến mất”. Đến chiếm chỗ của họ là binh lính Khmer Đỏ. Đây là những người trung thành vô hạn với Pol Pot - Ieng Sary, những kẻ đã cho họ hưởng tất cả của cải trong làng và dĩ nhiên cả quyền định đoạt cái sống, cái chết của dân làng.
Những “nô lệ” lao động trên công trường này được điều động từ các nơi xa tới. Phần lớn đều là thanh niên, thiếu niên, cả nam lẫn nữ. Theo lệnh Angca, họ phải đảm đương những công việc nặng nhọc nhất “bởi vì họ trẻ và khỏe”, và phải liên tục lao động từ công trường này đến công trường khác không được nghỉ. Ví dụ: một đội lưu động vừa đào xong một con sống dài mấy trăm cây số trong khu vực Puaxat - Battambang thì ngay tối hôm đó Angca ra lệnh phải hành quân cấp tốc tới một công trường mới ở Xiêm Riệp, bên kia Biển Hồ. Angca không dung thứ cho bất cứ một lời kêu ca phàn nàn nào. Mọi ý kiến chống đối hoặc đề nghị cho nghỉ giải lao hai mươi bốn giờ để lấy sức tiếp tục đi bộ đều bị thủ tiêu ngay. Đó là những câu chuyện mà năm 1980, một người trốn thoát khỏi Campuchia đã viết thư kể lại cho tôi biết.
Những cán bộ Khmer Đỏ ở địa phương này là “những người cứng rắn nhất, trong số cứng rắn”. Họ không thân mật với tôi lắm. Những nam nữ thiếu niên trong “đội lưu động” có vẻ ngây ngô đần độn. Tất cả chỉ nhìn tôi bằng “một góc con mắt” và không dám bộc lộ một chút tình cảm nào đối với tôi. Chỉ tới khi người cán bộ địa phương của Khmer Đỏ ra hiệu, lúc đó các cháu mới dám vỗ tay rồi lại tiếp tục làm việc, vừa làm vừa nhìn trộm tôi.
Chủ tịch nông trường Phnôm Krôn tiếp đón tôi một cách lạnh nhạt, không buồn trả lời những nhận xét của tôi về những cái mà tôi hỏi về “thành quả tiến bộ của chính sách tưới tiêu”. Cuối buổi đi thăm, ông Kammaphibal tỉnh Xiêm Riệp cho kê vài chiếc ghế gần đám người lao động để chúng tôi ngồi và mang nước dừa có đá mời “các vị thượng khách”.
Tôi chưa ngồi vội mà còn đi bắt tay các cháu trai, cháu gái đang cuốc đất gần đó. Vẻ xúc động hiện rõ trên mặt lũ trẻ. Những thanh, thiếu niên khác liếc trộm nhìn chúng tôi. Tôi hoan hô các cháu, lớn tiếng ca ngợi chủ nghĩa yêu nước có hiệu quả của các cháu. Rồi tôi chào tạm biệt mọi người.
Một cảm giác ngao ngán tràn ngập tâm hồn tôi suốt ngày mà cuộc đi thăm trung tâm nuôi cá sấu cũng không làm tiêu tan được. Trước kia, tôi đã từng đi thăm một khu nuôi cá sấu của người Việt Nam ở Compuông Chơnăng. Ở đây, Khmer Đỏ nói với tôi thực đơn nuôi cá sáu là chó, mèo, khỉ.
Sau này, khi thoát khỏi địa ngục của Pol Pot, tôi đọc báo phương Tây mới biết đôi lúc Khmer Đỏ vứt cả trẻ em “khó bảo” cho cá sấu ăn thịt. Thật là một tội ác không sao tả xiết.
Chúng tôi trở về Phnompenh, luôn luôn có ông Khieu Samphan đi kèm, bằng con đường Compuông Thom - Xcun - Preat Kham, rồi dùng phà vượt sông Tônlê Xáp. Từ Compuông Thom tới Phnompenh những vết thương chiến tranh vẫn còn nguyên trạng. Vào cửa ngõ Phnompenh, chiếc cầu lớn qua sống Tônlê Xáp mà tôi khánh thành một năm trước khi đảo chính và sau đó đặc công Việt Nam tới giúp chúng tôi đã đánh sập trong cuộc chiến tranh chống Lon Nol vẫn chưa được Khmer Đỏ sửa chữa. Sứ quán Pháp vẫn trong tình trạng đổ nát thảm hại. Trường đại học Y đóng cửa và việc học cũng đã bị xoá bỏ.
Tại chùa Bạc do cụ nội tôi là Quốc vương Norodom xây dựng, chiếc bình bằng vàng đựng cốt tro sau khi hoả táng con gái tôi là Cantha Bopha, chết năm 1952 vì bệnh bạch cầu lúc mới bốn tuổi đã bị lấy mất. Theo lời nhiều người trong gia đình tôi chạy được sang Pháp lánh nạn thì bọn Lon Nol đã ăn cướp chiếc bình vàng đựng toàn bộ tro than, di cốt của con gái tôi, nhằm trả thù tôi đã phát động cuộc đấu tranh vũ trang chống lại chúng. Dù là Khmer Đỏ hay bọn Lon Nol, hành động của bọn chúng đã dìm tôi trong tuyệt vọng. Nhờ có những viên thuốc ngủ rất quý mà bác sĩ Gioócgiơ Pathê, người bạn trung thành và người thầy thuốc tận tuỵ đã chăm sóc tôi trao cho tôi từ bệnh viện Grasse ở Pháp mà mãi vài giờ sau tôi mới chợp mắt được.
Sau khi nhận rõ Khmer Đỏ đã dìm nhân dân Campuchia vào tình trạng thảm hại như thế nào, tôi nhất quyết rời bỏ mọi chức vụ.

7. Khẩn khoản xin từ chức
Ngay sau hôm trở về Hoàng cung, tôi viết đơn gửi Angca, “khúm núm” thỉnh cầu xin được nghỉ hưu. Tôi viện ra đủ mọi lý do. Trước hết, tôi đang suy sụp cả thể xác lẫn tinh thần. Vì thể xác, tôi đang có nguy cơ bì bệnh đái tháo đường và nhồi máu cơ tim, cần phải đi chữa trị tại Trung Quốc.
Về mặt tinh thần, nhất là về mặt tâm trí, tôi thừa nhận khả năng trí tuệ và trí nhớ của tôi đã giảm sút nhiều, do những đau khổ về tinh thần mà bọn Lon Nol, Sirik Matak đã gây ra cho tôi bằng đủ mọi cách trong quãng thời gian từ năm 1970 đến năm 1975, và nhất là do cái chết của bà mẹ rất kính yêu của tôi. Mặt khác, tôi là người thuộc xã hội cũ, tôi tự nhận có bổn phận không được làm lu mờ ánh sáng của các vị Khmer Đỏ (trong đơn tôi gọi họ là những nhà đại ái quốc, đại cách mạng) tôi không được bám mãi vào bộ máy nhà nước của nước Campuchia mới, bộ máy này chỉ có thể thuộc riêng về Khmer Đỏ, những người đã giải phóng đất nước Campuchia.
Cuối cùng tôi viện nốt lý do, tôi có một gia đình đông con nhiều cháu mà chưa hề bao giờ có được thời giờ rảnh rang để chăm sóc chúng. Tôi sẽ tận dụng thời gian nghỉ hưu để được gần các con, các cháu đang sống rải rác ở nhiều nơi trên trái đất. Tôi cam kết luôn luôn ủng hộ Khmer Đỏ trong sự nghiệp khôi phục và bảo vệ Tổ quốc.
Vợ tôi đề nghị, chớ vội gửi ngay lá đơn từ chức này lên Angca ghê gớm. Ông Pen Nouth, hôm đó cùng đến dùng cơm với gia đình chúng tôi trong Điện Khêmarin cũng đồng ý như vậy. Tôi nhắc lại với Xamđec Pen Nouth vài sự việc mà ông cũng đã biết rất rõ, để ông hiểu rằng tôi không thể nào cộng tác được với Khmer Đỏ trên cương vị một Quốc trưởng không có quyền hành. Vả lại, chung lưng gánh chịu toàn bộ trách nhiệm về những đau khổ khủng khiếp hiện nay của nhân dân Campuchia. Hơn nữa, cũng cần hiểu rằng giữa Sihanouk và Khmer Đỏ không bao giờ có những tình cảm mặn nồng tự nhiên. Nếu giữa Khmer Đỏ và tôi có những mối quan hệ kỳ lạ thì có thể coi đó là “sự đối lập thân thiết” đáng ghét. Tôi quá yêu đất nước Campuchia nên đã chấp nhận phục vụ hoặc ủng hộ một chế độ mà còn xa tôi mới cùng chung tư tưởng, còn xa tôi mới tán thành chính sách đối nội và đường lối đối ngoại của họ.
Khmer Đỏ nghĩ rằng họ ưu tú và đã vượt xa Sihanouk. Bản thân tôi, cho mãi tới ngày 17-4-1975, cũng đinh ninh rằng Khmer Đỏ vượt tôi hàng trăm sải tay trong nhiều lĩnh vực. Tôi đã nghĩ một cách khiêm tốn (và ngây thơ) rằng Khmer Đỏ là những đại trí thức, còn tôi chỉ có bằng tiểu học, chưa học hết cấp trung học. Khmer Đỏ trong sáng, không bị tha hoá, còn tôi lại đã đứng đầu một chế độ mà nhiều nhà báo và cả những người đã cộng tác với Pháp coi là “thoái hoá”, bản thân tôi bị họ coi là kẻ “bóc lột” và “bóc lột đến tận cái khổ của người dân” (Họ nói đúng như vậy đó). Khmer Đỏ là những người dân chủ mẫu mực còn tôi chỉ là một tên “độc tài xấu xa”, một tên “bạo chúa của một chế độ phong kiến lạc hậu nhất thế giới”. Khmer Đỏ rất “kính yêu cuộc sống của nhân dân”, còn tôi là một “tên vua khát máu”...
Vả lại từ trước khi kết thúc cuộc chiến tranh 1970-1975 tôi đã nói rõ với các ông Chu Ân Lai, Phạm Văn Đồng v.v... rằng, sau ngày chiến thắng tôi sẽ để cho Khmer Đỏ độc quyền cai trị, không có Sihanouk. Tôi đã nhấn mạnh “quyết định của tôi là không thể đảo ngược”.
Trong lúc tôi đang đắn đo suy tính thì toàn thế giới đều đã thừa nhận một cách kinh khủng thực tế Khmer Đỏ. Đúng, thủ lĩnh Khmer Đỏ đều là những nhà đại trí thức, họ không ngu dốt như Sihanouk, nhưng họ đã ráo riết tiêu diệt các nhà trí thức khác, quét sạch cấp trung học và đại học vốn là tác phẩm của anh chàng tiểu học Sihanouk.
Phải chăng Khmer Đỏ là những người trong sạch, những người dân chủ mẫu mực? Nhưng một nhóm Khmer Đỏ lại giành cho mình các đặc quyền về Nhà nước, chính phủ hành pháp, ngoại giao, vật chất, những toà lâu đài, những cỗ xe đẹp, những chuyến công du, những khách sạn xa xỉ ở nước ngoài, những chai rượu sâm-banh quý giá. Những lọ nước hoa nổi tiếng của Pháp. Họ không phải là những kẻ giết hại nhân dân như Sihanouk ư?
Nhưng tại sao Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn mà người ta đồn là đã bị Sihanouk loại trừ, đến năm 1970 lại thấy còn sống? Rồi thì, biết bao nhiêu người trong số “chống Sihanouk” lại bị chính các đồng chí Khmer Đỏ của họ thủ tiêu, lệnh ám sát do chính tay Pol Pot, Ieng Sary ký? Và đây là một vài chuyện có thật mà hôm đó tôi đã khơi lại trí nhớ của Thủ tướng Pen Nouth, bạn tôi:
Qua Đài Phát thanh “Campuchia dân chủ” của Pol Pot chúng tôi được biết đại sứ mới của Campuchia vừa tới Viêng Chăn trình quốc thư lên Chủ tịch Souphanouvong . Lúc này Norodom Sihanouk vẫn còn là người đứng đầu Nhà nước Campuchia dân chủ. Thế mà Sihanouk chẳng ký, cũng chẳng nhìn thấy một mẩu quốc thư nào đã chuyển cho một đại sứ Campuchia nào ở nước ngoài. Và cái ông đại sứ Campuchia này trước khi đi Viêng Chăn trình quốc thư do ai ký tôi cũng chẳng được biết. Ông ta cũng chẳng đến trình diện với Sihanouk lúc đó hãy còn là Quốc trưởng. Sihanouk cũng không bao giờ được biết vị đại sứ “của mình” được cử đến đại diện cho Campuchia bên cạnh bạn đồng nghiệp của Sihanouk là Hoàng thân Souphanouvong, người đứng đầu Nhà nước (cộng sản) Lào, là ai cả.
Tôi hỏi ông Pen Nouth đang giữ chức Thủ tướng Campuchia dân chủ, xem ông có dự phiên họp của Hội đồng Bộ trưởng cử đại sứ mới của Campuchia ở Lào không? Ông Pen Nouth có vẻ xấu hổ, thú thật với tôi là ban lãnh đạo Khmer Đỏ đã tự quyết định việc lựa chọn và bổ nhiệm đại sứ, mà không hề báo cho Pen Nouth biết. Ông nói thêm, bản thân ông cũng chỉ biết chuyện này qua Đài Phát thanh Campuchia dân chủ, và ông cũng không hề quen biết người vừa được bổ nhiệm làm đại sứ ở Lào.
Không ai nghĩ đến việc giới thiệu vị đại sứ đó với Pen Nouth, dù ông là người đứng đầu chính phủ. Vậy thì ai ký thư uỷ nhiệm? Ông Khieu Samphan chăng? Nhưng lúc này ông Khieu Samphan chưa phải là Quốc trưởng, ông ta hãy còn là Phó Thủ tướng. Thế thì Pol Pot chăng?
Nhưng Pol Pot lúc này cũng chưa xuất đầu lộ diện, hãy còn hoạt động bí mật, cả cái đảng của ông ta lúc này cũng chưa nêu tên hãy còn núp dưới chiếc mặt nạ “Angca” vô danh. Hay là Nuon Chia ? Nhưng cái nghị viện của Khmer Đỏ (mà sau đó Nuon Chia làm chủ tịch) lúc này cũng chưa ra đời. Hay là Ieng Sary? Vâng, đúng đấy! Với tư cách là Bộ trưởng Ngoại giao, Ieng Sary thường ký tiếp theo chữ ký của Quốc trưởng, và không có chữ ký của Quốc trưởng thì tại sao lại gọi là quốc thư được? Norodom Sihanouk là Quốc trưởng duy nhất trên thế giới và duy nhất trong lịch sử bị tước quyền ký vào Thư uỷ nhiệm cho các đại sứ đại diện cho chính mình, thậm chí còn không được biết cả họ tên lẫn mặt mũi người gọi là đại sứ của mình.
Và cũng có nghĩa là, ngay cả đến ông Pen Nouth cũng bị tách khỏi Hội đồng Bộ trưởng, như anh họ tôi là Norodom Phurissara, người được coi là Bộ trưởng Tư pháp.
Lại một chuyện nữa về đại sứ: các đại sứ Lào và Irắc tới Phnompenh. Tôi vẫn còn là người đứng đầu thực thụ của Nhà nước Campuchia dân chủ, nhưng Ieng Sary đã không để tôi được nhận Thư uỷ nhiệm của họ, cũng như không để cho họ yết kiến tôi. Ieng Sary đã tước bỏ quyền này của tôi, đã làm nhục tôi trước mọi người và đã đi tới chỗ vi phạm cả luật lệ sơ đẳng về nghi thức ngoại giao quốc tế
Rất rõ ràng, Khmer Đỏ cũng muốn rũ bỏ tôi, nhưng tạm thời họ vẫn phải tôn trọng ý muốn của Chủ tịch Mao Trạch Đông và của Thủ tướng Chu Ân Lai giữ tôi lại làm người đứng đầu Nhà nước mới của Campuchia dân chủ, nhằm mục đích duy nhất để có một chút uy tín trên trường quốc tế và để trấn an phần nào các nước “bạn” của Campuchia và các nước khác trên thế giới. Sự khinh miệt và mối hằn thù sâu sắc mà Khmer Đỏ dành cho tôi không phải mới xảy ra tử hôm qua và cũng không hề giảm bớt khi họ quyết định, kể từ sau cuộc đảo chính của Lon Nol, hợp tác với Norodom Sihanouk trong khuôn khổ Mặt trận đoàn kết dân tộc và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia. Ngay khi tôi tới Bắc Kinh năm 1971, Ieng Sary đã nói với tôi là nhiều đồng chí của ông ta tại bưng biền kịch liệt chống lại chủ trương hợp tác với Sihanouk.
Trong khoảng thời gian từ tháng 3-1970 đến tháng 4-1975, các cán bộ Khmer Đỏ ở Trung Quốc đã đẩy tôi vào một cuộc sống cực khổ về tinh thần và tâm lý, chẳng khác gì sống trong địa ngục. Nhiều lúc quá uất ức và tuyệt vọng, tôi đã tìm cách thoát khỏi bọn hành hạ tôi bằng việc vứt bỏ tất cả để sang sống lưu vong ở Pháp. Nhưng một số người bạn lại khuyên tôi cố chịu đựng để tiến hành đến cùng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc Tôi đành nghe theo và tự nhủ thầm: “Thôi được, những sự lăng nhục mà bọn Khmer Đỏ bắt ta phải chịu đựng là nặng nề thật, nhưng nếu so sánh với những lời chửi rủa, vu khống, miệt thị, hằn thù, công kích của bọn Lon Nol, Sirik Matak thì dù sao những sự nhục mạ của Khmer Đỏ cũng chỉ là những chuyện vặt, Khmer Đỏ muốn trả thù những hành động của ta đối với họ trong những năm 60. Họ có lý do để trừng phạt lại ta về mặt tinh thần. Dù sao Khmer Đỏ cũng khác với bọn Lon Nol, Sirik Matak. Khmer Đỏ là những người “sạch sẽ”, những người yêu nước thuần tuý, và do đó là những người rất đáng kính trọng”. Tôi thật ngây thơ quá đi mất?
Trước khi tới Bắc Kinh, Ieng Sary lệnh cho Thiun Mum, một người đã tốt nghiệp Đại học Bách khoa ở Pháp, phải rời khỏi Paris, rời vợ là người Pháp và các con để giám sát tôi, kiểm tra các hành động cử chỉ của tôi. Một lần, trong khi ở thăm Việt Nam, tôi cần phải soạn thảo một bài diễn văn và trả lời những câu phỏng vấn của một nhà báo châu Âu tại Hà Nội, Thiun đòi xem các văn bản này. Tôi đưa cho Thiun đọc. Một lát sau, ông ta xộc vào phòng tôi. Lúc đó tôi đang choàng khăn tắm, nhưng Thiun Mum không để tôi tắm xong mà chỉ trích luôn một vài đoạn trong các bản thảo của tôi.
Tôi đành phải sửa theo ý Thiun Mum. Lúc đó ông ta mới chịu rời khỏi phòng, có vẻ phần nào đắc ý.
Đợi cho ông Mum đi khỏi, lúc đó tôi mới cho mời Xamđéc Pen Nouth tới buồng làm việc của tôi và nói:
- Ngài là Chủ tịch Bộ Chính trị Mặt trận đoàn kết dân tộc, còn Thiun Mum chỉ là một trong số các thành viên. Từ nay trở đi tôi chỉ chấp nhận một mình ngài là người kiểm soát thường xuyên các bản viết của tôi. Thiun Mum và những người khác không có quyền đặt ách bảo hộ lên Sihanouk là Quốc trưởng Campuchia và Chủ tịch Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia.
Thiun Mum phải chịu khuất phục, nhưng các đồng chí của Mum lại chỉ trích tôi, kết án tôi không chịu “sửa chữa khuyết điểm” mà vẫn chơi trò “độc tài, quân chủ chuyên chế”. Trong các cuộc họp, Ieng Sary không quên bôi nhọ “xã hội cũ” và chế độ quân chủ ngày trước. Ông ta cho in những bài trả lời phỏng vấn đó dưới hình thức những cuốn sách nhỏ rồi chỉ thị cho tất cả các đại sứ và đại diện của “chính phủ Vương quốc” và Mặt trận “đoàn kết dân tộc” phải phân phát cho mọi người, càng rộng rãi càng tốt: Tại Australia, ông Côlin Prát là một người bạn lâu năm của Campuchia đã phản đối những lời Ieng Sary vu cáo lăng mạ tôi. Ông hỏi tôi, tại sao lại cho phân phát trên thế giới những tài liệu tuyên truyền chống Sihanouk?
Các thành viên thân Ieng Sary trong Mặt trận đoàn kết dân tộc còn chỉ trích tôi “mê các món của Pháp”, chi những số tiền lớn để mua món gan ngỗng và những thức ăn khác từ Pháp gửi tới. Họ nói: “Mỗi đồng đô la kiếm được là nhờ máu của nhân dân đổ ra, không được lãng phí. Tôi trả lời, đây là nhân dân Trung Quốc nuôi tôi chứ không phải là máu của nhân dân Campuchia. Hơn nữa, tôi tiêu tiền bằng chính số tiền của tôi mang đi từ trước cuộc đảo chính để mua sắm vật dụng cá nhân. Còn những chi tiêu cho việc chiêu đãi ngoại giao là do Trung Quốc viện trợ tài chính, không có máu nhân dân ở trong này. Vả lại, chính ông Ieng Sary mỗi tuần cũng đãi khách bằng đủ loại tiệc tùng, ăn sáng, ăn tối gấp mười lần tôi chiêu đãi các nhà ngoại giao và các nhân vật bạn hữu của Mặt trận và Chính phủ.
Trong chiến tranh, nhiều hiệp định viện trợ về tài chính, quân sự v.v... đã được ký giữa Trung Quốc với Mặt trận và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia. Những hiệp định quan trọng nhất đều được ký bởi các Bộ trưởng Trung Quốc và Campuchia trước sự hiện diện của Thủ tướng Chu Ân Lai, Thủ tướng Pen Nouth và cả tôi, Sihanouk, nhưng Sihanouk không được biết gì về nội dung những bản hiệp định này. Khmer Đỏ không bao giờ cho phép ông bạn già Pen Nouth của tôi tiết lộ với tôi bất kể chuyện “quốc gia đại sự” nào.
Trước mặt ông Chu Ân Lai là người tất nhiên được thông báo tất cả mọi việc và là người đã quen biết tôi ở Băng đung năm 1955 và ở Phnompenh trong các năm 1955, 1958, lúc tôi còn rực rỡ hào quang về cả uy tín lẫn uy lực, tôi cảm thấy xấu hổ vô bờ bến vì đã nhiều lần đành phải “cạn chén đắng cay”. Nhưng đến lần này thì tôi nhất định không chịu đựng mãi như vậy nữa.
Thấy tôi vẫn muốn đưa ngay đơn xin từ chức, vợ tôi tìm cách làm dịu bớt sự nôn nóng của tôi:
- Tháng 3 và tháng 4 đều là những tháng không hay gặp may. Từ những năm bốn mươi đến nay, tháng 3, tháng 4 nào ông cũng có chuyện buồn. Vậy thì hãy kiên nhẫn một chút, đợi những tháng xấu trôi qua rồi hãy có những quyết định quan trọng. Những tháng sau đều là những tháng tốt lành đấy.
Tôi nhớ lại. Đúng là:
- Ngày 9-3-1945, sau khi thủ tiêu nền bảo hộ của Pháp ở Campuchia, người Nhật Bản đã mưu toan phế truất tôi và định thay bằng một ông hoàng... thân Nhật Bản, nhưng may mắn tôi chỉ bị kìm hãm và hạn chế quyền lực vì Nhật Bản đã chọn được một Thủ tướng bù nhìn tay sai.
Tháng 4-1955, tôi đã tự thoái vị, rời bỏ ngai vàng.
- Tháng 3-1970, cánh tay phải của tôi là tướng Lon Nol đã làm đảo chính, truất phế tôi.
- Tháng 4-1975, mẹ tôi là Mẫu hậu Sisowath Kôssamắc đã qua đời.
Mặc dù vậy, tôi vẫn cứ trả lời vợ:
- Cần phải chọn tháng xấu để cầu may. Bởi vì đưa đơn từ chức trong cái tháng xấu này thì nhất định Angca sẽ chấp thuận, và sẽ “truất phế” tôi như Lon Nol đã từng làm vào năm 1970.
Trước lý lẽ đó, vợ tôi đành chịu thua nhưng rất buồn.
Tôi lập tức đưa đơn từ chức cho một cán bộ của Khmer Đỏ được cử tới quản lý Hoàng cung và giám sát “bộ tộc Sihanouk”, nhờ kính chuyển lên Angca. Sau vài ngày im lặng, Angca cử một phái đoàn đến gặp tôi tại Điện Khêmari, gồm hai trong số các nhân vật trọng yếu nhất của Khmer Đỏ là Khieu Samphan và Son Sen, cả hai lúc đó đều là Phó Thủ tướng. Son Sen cố làm ra vẻ tươi cười đon đả nói trước:
- Sắp có tổng tuyển cử. Angca của chúng ta đã quyết định sau cuộc bầu sẽ cử ngài làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước Campuchia dân chủ. Chúng tôi đã hứa giữ ngài làm người đứng đầu Nhà nước mãi mãi, chúng tôi sẽ giữ lời hứa. Nếu ngài lo ngại bị giết hại, thì ngày hôm nay Angca uỷ nhiệm tôi mang đến ngài sự bảo đảm chính thức và long trọng rằng cuộc sống của ngài sẽ được bảo vệ. Tôi chịu trách nhiệm về quốc phòng. Tôi đề nghị ngài hãy tin tưởng rằng quân đội cách mạng của chúng ta sẽ bảo đảm an ninh tuyệt đối và thường xuyên cho ngài.
Tôi cám ơn Angca, cám ơn nhân dân, cám ơn ngài Son Sen, nhưng vẫn khẩn khoản xin được giải phóng khỏi chức vụ “vì lý do sức khỏe”. Khieu Samphan và Son Sen lộ rõ vẻ thất vọng, khuyên tôi nên tiếp tục suy nghĩ rồi chào từ biệt, ra về. Vợ tôi càng lo lắng.
Sau cuộc tổng tuyển cử, một phái đoàn rất quan trọng do Pol Pot cử đi lại tới Điện Khêmarin. Phái đoàn này gồm có: Thủ tướng Pen Nouth; Phó Thủ tướng thứ nhất Khieu Samphan;
Phó Thủ tướng thứ hai Ieng Sary; ông Son Sen, người đứng đầu quân đội; bà Ieng Sary (tức Khieu Thirith) và cuối cùng là Hoàng thân Norodom Phurissara, anh họ tôi. Khieu Samphan mời ông bạn già Pen Nouth của tôi, thay mặt toàn thể phái đoàn, phát biểu.
Ông Pen Nouth lộ rõ vẻ xúc động van nài tôi chớ từ bỏ nhiệm vụ Quốc trưởng Campuchia dân chủ.
Trong lúc ông bạn già của tôi lải nhải về những thành tích kỳ diệu của Khmer Đỏ thì tôi lại càng không thể không nghĩ đến sự giảm sút uy tín ngày càng tăng trên trường quốc tế của cái chế độ cực kỳ quái gở này và nhất là những tai hoạ khủng kiếp mà nhân dân tôi đang gánh chịu. (Sau này tôi được Xamđec Pen Nouth bộc lộ, chính là sợ bị Khmer Đỏ trừng phạt và nhất là do bà vợ trẻ của ông nài ép nên ông đã phải nói như vậy).
Sau khi Pen Nouth nói xong, Khieu Samphan lại mời ông anh họ mà tôi yêu quý nhất là Hoàng thân Norodom Phurissara phát biểu. Phurissara lộ rõ vẻ tuyệt vọng trên nét mặt tái xanh tái xám.
Ông biết tôi không chịu khuất phục. Là người đã từng sống 6 năm với Khmer Đỏ, ông hiểu rõ số phận những kẻ cứng đầu sẽ như thế nào. Ông lo cho tính mạng của tôi. Cổ họng ông như nghẹn lại. Ông ấp úng, vụng về nói được mấy câu: “Angca rất tín nhiệm ngài... Nhân dân mến yêu ngài.., chúng tôi thiết tha yêu cầu ngài ở lại với chúng tôi... Ngài đừng bỏ chúng tôi ra đi...”.
Tôi cám ơn ông anh họ và khẳng định tôi không có ý định sống ở nước ngoài. Tôi chỉ xin Angca hai điều “chiếu cố”. Thứ nhất, cho tôi được nghỉ hưu và sống yên ổn ở Campuchia, xa lánh các hoạt động chính trị gần gũi các con, các cháu... Thứ hai mỗi năm cho tôi được một lần đi Trung Quốc chữa bệnh và một lần đi Triều Tiên chào ông bạn thân là Chủ tịch Kim Nhạt Thành. (Ngày 8-1-1976, Thủ tướng Chu Ân Lai qua đời, mặc dù tôi cầu khẩn Angca vẫn không cho phép tôi đi Bắc Kinh dự lễ tang).
Ieng Sary, nhân vật đầy uy lực, gạt phắt:
- Đây là ý kiến Angca: Xamđec, ngài phải ở lại đứng đầu Nhà nước chúng ta. Tôi biết ngài thích đi công du nước ngoài. Vậy thì, đợi đến tháng 8 có hội nghị cấp cao các nước không liên kết tại Xri Lanca, ngài sẽ có vinh dự thay mặt chúng tôi đi họp.
Tôi tỏ vẻ thách thức, hỏi lại Ieng Sary:
- Thế nhỡ ra khi đến Côlômbô tôi lợi dụng thời cơ để tự giải thoát thì ngài tính thế nào? Không! Tôi muốn xử sự một cách trung thực đối với Angca. Tôi không thích đi dự hội nghị Côlômbô để vênh vang bên cạnh ông Fidel Castro và các vị lãnh đạo khác. Tôi chỉ khao khát được yên tĩnh. Tôi xin các ngài giải phóng cho tôi, ngay tại đây, khỏi chức vụ.
Khieu Samphan và Ieng Sary hội ý với nhau một lát, rồi Khieu Samphan thay mặt đoàn phái đoàn tuyên bố sẽ nghiên cứu lời thỉnh cầu của tôi.
Ông anh họ Phurissara của tôi lộ rõ vẻ tuyệt vọng.
Ông biết, những câu dại dột tôi vừa nói sẽ buộc tôi phải trả giá đắt. Vợ tôi mất ngủ. Liên tiếp nhiều ngày không một nhân vật Khmer Đỏ nào đến thăm tôi nữa. Các lính gác ngày càng xa lánh tôi một cách lộ liễu. Cổng Hoàng cung khoá chặt. Một bầu không khí mới đáng lo ngại, vây quanh chúng tôi, bao trùm chúng tôi.
Rồi, đùng một cái, trước ngày Quốc khánh 17-4 một hôm, tôi chợt nghe qua đài phát thanh bài diễn văn của Khieu Samphan, gọi tôi là “Nhà yêu nước vĩ đại” và báo tin Quốc hội Campuchia (vừa mới bầu xong) ra quyết định.
Điều 1 : Chấp thuận nguyện vọng nghỉ hưu của Norodom Sihanouk.
Điều 2: Dựng một pho tượng Sihanouk.
Điều 3: Cấp cho Sihanouk một khoản lương hưu 8000 đô-la Mỹ một năm.
Cái tin khá giật gân này đã được các hệ thống truyền thanh trên thế giới như Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, Đài BBC... loan đi rất nhanh. Riêng Đài Bắc Kinh vài ngày sau mới phát. Ngay trong ngày hôm sau, 17-4-1976, tôi được Khieu Samphan tới thăm, ông ta rất tươi cười, vẻ vui mừng bộc lộ rõ trên nét mặt vì vừa được Quốc hội (thật ra thì chỉ có bộ ba Pol Pot, Nuon Chia, Ieng Sary) cử làm Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Khieu Samphan, cựu Bộ trưởng của Sihanouk thời kỳ 1950 - 1960, đón nhận một cách hoan hỉ xen lẫn vênh vang, những lời chúc mừng của tôi và vợ tôi. Khieu Samphan nói:
- Tâu Bệ hạ, (ông ta vẫn thưa với tôi như vậy), nhân dân, Quốc hội và Angca rất muốn giữ Bệ hạ ở lại cương vị đứng đầu Nhà nước của chúng ta. Nhưng chúng tôi đã ý thức được rằng ngài không muốn tiếp tục công việc chính trị và quốc gia nữa. Chúng tôi nghĩ sẽ không hợp lý nếu cứ nài ép. Chúng tôi cũng cho rằng ngài là một nhà yêu nước vĩ đại đã có cống hiến quan trọng, công ơn của ngài cần được đền đáp. Vì vậy, Quốc hội đã quyết định dành cho ngài những vinh dự mà ngài đã biết...
Tôi vội ngắt lời:
- Thưa ngài! Các ngài đã chính thức thừa nhận Norodom Sihanouk là “Người yêu nước” đã đủ để tôi mãn nguyện rồi. Tôi không dám yêu cầu thêm một khoản tiền nào, một tượng đài nào. Về khoản tiền thì ở trong nước chẳng ai cần đến cả (tôi muốn ám chỉ việc Khmer Đỏ huỷ bỏ cả tiền lẫn cửa hàng, cửa hiệu và chợ mua bán). Khi nào các ngài cho phép tôi đi Bắc Kinh hoặc Bình Nhưỡng thì lúc đó chỉ xin các ngài báo cho các ông bạn Trung Quốc và Triều Tiên của tôi, cho tôi được đi nhờ máy bay, ô tô và cho tôi được ăn ở không phải trả tiền. Riêng pho tượng của tôi, tôi van nài các ngài đừng dựng nó lên. Như các ngài đã biết đấy, bọn Lon Nol đã phá huỷ tất cả những tượng, những đài trước kia dựng lên tưởng nhớ công đức của tôi rồi. Thưa quý ngài, xin ngài làm ơn chuyển giùm những lời cảm tạ rất chân thành, rất xúc động của tôi tới Angca, tới chính phủ, tới Quốc hội...
Khieu Samphan cười rất to rồi chuyển sang vấn đề khác:.
- Á xin báo với ngài một tin vui. Sáng sớm mai, các vị Hoàng tử Sihamoni và Narinđrapông sẽ về nước và ở lại đây vài tuần cùng với các ngài. Chính phủ chúng ta đã cho mời các hoàng tử về để cùng dự lễ Quốc khánh 17-4, ngày kỷ niệm chiến thắng vẻ vang của chúng ta.
Khi nghe tin đó, vợ tôi bàng hoàng nhiều hơn là vui mừng. Monic nói với Khieu Samphan:
- Nhưng, thưa ngài, các con tôi đang bận học mà? Đứa lớn đang ở Bình Nhưỡng. Đứa bé đang ở Matxcơva. Không nên để chúng gián đoạn việc học. Đi máy bay về sẽ rất tốn cho ngân sách của Campuchia dân chủ.
Khieu Samphan nói:
- Angca muốn gia đình ta thêm vui vẻ.
Khi Sihamoni đã về tới nhà, cháu mới cho tôi biết, nó nhận được bức điện ký tên Sihanouk gọi về dự lễ Quốc Khánh. Bức điện này được gửi đi từ Bắc Kinh vì tại Phnompenh Khmer Đỏ đã triệt bỏ toàn bộ hệ thống bưu điện. Sihamoni còn cho biết đại biện lâm thời của Campuchia dân chủ đã kèm sát cháu từ Bình Nhưỡng đến Bắc Kinh. Đến đây Sihamoni đã gặp em trai là Narinđrapông vừa từ Matxcơva tới và em họ là Sisowath Chittara đang học ở Trung Quốc. Tất cả ba đứa được cán bộ ngoại giao của Khmer Đỏ đưa lên máy bay về Phnompenh. Suốt cuộc hành trình, cả ba đứa trẻ đều không biết gì về việc tôi đã từ chức. Rõ ràng Khmer Đỏ đưa chúng về không phải để dự lễ Quốc khánh mà cốt để chúng không còn cách nào tự giải thoát sau khi biết tin tôi không cộng tác với Khmer Đỏ nữa.
Cảm thấy mình đã rơi vào cạm bẫy, Sihamoni oà khóc rồi quỳ mọp dưới chân tôi:
- Thưa cha, xin cha cố tìm cách trốn khỏi Campuchia. Con nguyện sẵn sàng hy sinh, miễn là cha giành được tự do, bình yên mạnh khỏe. Thưa cha, xin cha hãy kính báo với Angca giữ con lại làm con tin để cha đi ra nước ngoài.
Tôi hôn con trai tôi và trả lời:
- Con ơi! Nếu Angca đã gửi cho con và em con bức điện ký tên Sihanouk giả mạo, tức là họ đã nhận thức rằng, nếu để cho gia đình ta được tự do thì “rất nguy hiểm”. Có nghĩa là Angca đã quyết định không cho gia đình ta thoát khỏi tay họ. Bắt đầu từ ngày hôm nay, tất cả chúng ta, nam cũng như nữ, đều là những người tù của Khmer Đỏ.
Tuy nhiên, đứa con nhỏ của tôi là Narinđrapông lại nhìn anh nó là Sihamoni bằng cặp mắt khinh bỉ và nói to:
- Tất cả những gì mà Angca kính yêu đã làm, đang làm và sẽ làm đều là việc tốt. Riêng cá nhân em, em chỉ biết có cảm tạ và hoan nghênh Angca. Em đã tự quyết định bỏ học về phục vụ Angca. Em chẳng cần phải chờ có người thúc ép mới quay về nước và có mặt ở đây trong ngày hôm nay.
Cho tới năm 1973, tức là khi Khmer Đỏ chưa có vẻ gì là sẽ chiến thắng, Narinđrapông vẫn thường nói và viết, nó là “tín đồ của Sihanouk”, chống Khmer Đỏ đến cùng. Nhưng khi gió đổi chiều, thổi về phía Pol Pot thì thằng con này của tôi cũng thay đổi mầu áo, trở thành thân Khmer Đỏ một trăm phần trăm, đồng thời cũng trở thành kẻ tử thù chống đối tới cùng cả bố đẻ ra nó lẫn chế độ quân chủ. Từ ngày 17-4-1975, sau khi Khmer Đỏ chiến thắng, Narinđrapông đã tự lộ mặt như vậy suốt thời kỳ đau đớn và tủi nhục của chúng tôi trong Hoàng cung. Đầu năm 1979, sau khi chúng tôi đã được giải thoát, Narinđrapông sang Pháp định cư vẫn còn tiếp tục chống Sihanouk và ủng hộ sự nghiệp đã tuyệt vọng của Pol Pot. Sự trở mặt của đứa con mà chính tôi đã sinh ra nó, chống lại tôi và đứng về phía Khmer Đỏ, kẻ tử thù của Sihanouk và chế độ quân chủ, đã làm tôi đau đớn kinh khủng. Nỗi đau này không bao giờ nguôi.
Sihamoni và Narinđrapông được gọi về nước nhưng đâu có phải để dự lễ Quốc khánh. Suốt ngày hôm đó, chúng tôi cũng như đàn con không hề được mời đi dự một buổi lễ nào, một cuộc vui nào trong chương trình ngày hội dân tộc. Tại gian phòng riêng trong Cung điện tôi mở to hết cỡ loa phóng thanh đang truyền đi chương trình lễ Quốc khánh của Angca. Cũng trong lúc đó, tôi đeo ống nghe vào tai, lén lút theo dõi liên tục các đài phát thanh Tiếng nói Hoà Kỳ, đài Australia, đài BBC Luân Đôn, đài Quốc tế - Pháp, đài NHK Nhật Bản... những tin tức thế giới và cả những tin tức về các địa ngục trần gian của Khmer Đỏ.
Cách đây một tháng, tức tháng 3-1976, con rể tôi là đại uý phi công Xôphôtra, chồng công chúa Botum Bopha con gái tôi, đến Điện Khêmarin thăm tôi. Rất vui mừng hãnh diện, cháu báo tin được Angca trao nhiệm vụ lái chiếc máy bay T28 (của Mỹ bỏ lại) biểu diễn chào mừng lễ kỷ niệm lần thứ nhất. Ngày kỷ niệm chiến thắng lịch sử 17-4. Từ tháng 3-1973, tức khi còn phục vụ trong chế độ cũ, Xôphôtra đã lập được một chiến công vang dội. Cháu đã lái một máy bay chiến đấu của Mỹ, ném bom xuống dinh Tổng thống Cộng hoà của Lon Nol rồi bay qua căn cứ không quân của Mỹ ở Đà Nẵng sang lãnh thổ Trung Quốc. Lúc này tôi đang đi thăm vùng giải phóng và đang gặp Khieu Samphan, Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, Hu Nim, Hou Youn. Chính Hu Nim lúc đó là Bộ trưởng Thông tin đã báo cho tôi biết tin này. Khieu Samphan và các đồng chí Khmer Đỏ của ông ta đã quyết định tặng Bằng khen cho Xôphôtra, chính thức tuyên dương Xôphôtra là “người yêu nước”.
Sau đó, cháu được cử sang Nam Tư bổ túc nghiệp vụ và được Nguyên soái Titô thưởng một khẩu súng ngắn. Theo gợi ý của tôi, tháng 12-1975 cháu đã đưa tất cả vợ con về Campuchia phục vụ chế độ mới của Khmer Đỏ.
Campuchia “dân chủ” lúc đó chỉ có mỗi một phi công là đại uý Pêch Lim Khuôn. Vài tháng tiếp theo chiến công của Xôphôtra, anh ta cũng đã lái một máy bay T28 của Mỹ ném bom dinh Tổng thống của Lon Nol rồi bay ra vùng giải phóng.
Pêch Lim Khuôn không có quan hệ họ hàng gì với triều đình nhà vua, vì vậy được coi như “người con trong sạch của nhân dân” và được Angca đánh giá là phi công số một của lực lượng không quân Khmer Đỏ. Về phần Xôphôtra, con rể tôi, cháu không hề tự ti mặc cảm là người không thuộc thành phần giai cấp vô sản. Có điều tuy không phải dòng dõi hoàng tộc nhưng cháu đã không kén chọn một cô gái chăn bò mà lại đi cưới một công chúa. Nhưng, Angca chẳng những đã khước từ đơn tình nguyện phục vụ của Xôphôtra mà còn tước bỏ cả quyền đi bầu của hai vợ chồng cháu trong cuộc Tổng tuyển cử năm 1976. Với bản chất lạc quan, Xôphôtra vẫn hi vọng một cách hợp lý là Angca sẽ cho cháu lái một máy bay biểu diễn trong ngày hội lớn giải phóng dân tộc. Nhưng chẳng ai cho gọi cháu. Vả lại, cũng chẳng có diễu binh diễu hành gì ngoài một cuộc mít tinh ở sân vận động.
Thế rồi, cuối cùng anh chàng phi công “người yêu nước” Xôphôtra, con rể tôi, cùng với các công chúa con gái tôi là Sorya Roenxy, Botum Bopha và chồng, con đều bị Khmer Đỏ dùng vũ lực lùa ra khỏi thành phố, đưa đi mất tích. Mãi đến năm 1979, khi tiếp xúc với một vài đồng bào tôi thoát khỏi địa ngục Pol Pot rồi trốn chạy được sang Pháp, tôi mới biết tin, vì quá khổ cực Xôphôtra và Botum Bopha đã tìm cách trốn khỏi công xã nhưng lại bị lính Khmer Đỏ lùng bắt được. Mọi người đều rõ số phận những kẻ trốn chạy bị Khmer Đỏ bắt được sẽ như thế nào.
Từ tháng 9-1975, ngay khi tôi vừa mới về nước, người ta đã cho tôi biết cậu tôi là Hoàng thân Sisowath Mônirét, em trai của mẹ tôi, đang lao động ở vùng nông thôn thuộc tỉnh Compuông Chàm. Ông được sống cùng với toàn bộ gia đình, các con và các cháu, trong một căn nhà bằng gỗ khang trang, mái ngói, dựng trên nền cột như kiểu nhà sàn. Đó là ngôi nhà của một nông dân giàu có để lại. Ông được chăm sóc rất chu đáo. Sau khi từ chức hồi tháng 4-1976, tôi xin phép Angca đi Compuông Chàm thăm ông cậu. Sau mấy tuần im lặng, Angca cử một cán bộ đến báo tín cho tôi biết: Hoàng thân đã chết vì bệnh đái tháo đường. Có lẽ, nếu tôi không xin đi thăm cậu thì vẫn tiếp tục được nghe kể về cuộc sống “sung sướng ở vùng nông thôn, dưới sự che chở khoan dung độ lượng của Angca”.
Số phận Nariđapô, con trai tôi cũng rất thảm thương. Mặc dù Khieu Samphan không bao giờ nói với tôi về những đứa con, đứa cháu của tôi bị biệt tăm từ nửa cuối tháng 4-1976, tức sau khi tôi từ chức, ông ta vẫn đặc biệt nhắc đến Nariđapô, mà ông gọi là “đứa con ngoan”. Chảu sinh năm 1936, vẫn sống ở Phnompenh cho mãi tới ngày 17-4-1975 khi Khmer Đỏ tiến quân vào thành phố, trục xuất toàn bộ dân chúng ra khỏi thủ đô. Sau khi tôi từ chức, lần nào đến thăm tôi ngài Khieu Samphan, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Hội đồng Nhà nước cũng khen ngợi Nariđapô lao động tốt kỷ luật tốt, mặc dù tôi không gợi ý.
Thế rồi, mãi đến tháng 1-1979 sau khi đã thoát khỏi bàn tay Khmer Đỏ, tôi chợt đọc trên tờ tuần báo Le Point xuất bản ở Pháp, mới biết một tin đau đớn. Theo lời kể của một cán bộ Khmer Đỏ ly khai rồi trốn sang Pháp, thằng con trai Nariđapô tội nghiệp của tôi đã bị Angca kết tội tử hình. Cháu phạm tội gì? Trong những năm 50 cháu đã theo học ở Bắc Kinh và sau khi bị lùa ra khỏi thành phố Phnompenh hồi tháng 4-1975 cháu đã dám chỉ trích cái chủ nghĩa cực đoan “quá độc đáo” của Pol Pot.
Lúc này chỉ còn lại có Sihamoni và Narinđrapông tiếp tục sống cùng với vợ chồng chúng tôi, những người tù của Khmer Đỏ, cho tới khi những người lính thiện chiến của Hà Nội mở cuộc “chiến tranh chớp nhoáng đánh vào Phnompenh tháng 1-1979. Cuộc tiến công chớp nhoáng này đã có hiệu quả là giải phóng được một bộ phận trong gia đình đông đảo con cháu của tôi. Chỉ có hai đứa con gái khốn khổ của tôi là Sorya Roenxi, Botum Bopha, và em trai của cháu là Khêmanurắc, chồng các cháu, con các cháu đã biến mất trong các công xã lao động khổ sai của Khmer Đỏ, không để lại một dấu vết gì. Người anh họ rất thân thiết, rất trung thành của tôi là Norodom Phrissara cùng với gia đình cũng đã bị Khmer Đỏ đưa đi biệt tích rất xa thủ đô để rồi vĩnh viễn không bao giờ trở lại.
Tổng cộng có tới gần hai chục người, các con tôi, các cháu tôi bị đưa ra khỏi Phnompenh và mất tích.
Năm 1982, những người trốn thoát địa ngục Pol Pot chạy được sang Pháp cho tôi biết, tất cả con trai, con gái, con rể và các cháu tôi ở trong các trại lao động tập trung trong nước đều đã bị bọn đao phủ Khmer Đỏ hành hạ, tra tấn dã man rồi giết hại. ở trong nước tôi chỉ còn lại hai đứa con Sihamoni và Narinđrapông cùng sống với tôi và Monic.

8. Lai lịch Pol pot và bè lũ
Tại sao Khmer Đỏ lại thù hằn tôi đến như vậy? Bọn chúng là những người như thế nào, nguồn gốc, lai lịch ra sao?
Những nguyên nhân của sự thù hằn này đã có từ lâu từ những năm bốn mươi và những năm mươi là thời kỳ Sơn Ngọc Thành đang có ảnh hưởng đặc biệt đến các tầng lớp giáo viên, học sinh Campuchia. Sơn Ngọc Thành tuy là bạn của cha mẹ tôi, tức Quốc vương và Hoàng hậu Xuramarit, nhưng trong khoảng thời gian giữa năm 1941 là năm tôi lên làm vua và năm 1975 là năm chiến thắng của Khmer Đỏ, ông ta đã chọn con đường một mất một còn chống Sihanouk. Sơn Ngọc Thành lên án tôi là một Quốc trưởng “không xứng đáng, bê tha truỵ lạc, tham nhũng, phản bội Tổ quốc, tay sai của thực dân Pháp”. Thành cầm đầu một nhóm đấu tranh nhằm mục đích lật đổ chế độ quân chủ bị ông ta coi là lạc hậu, áp bức, độc đoán, tham nhũng, ngu dân. Sơn Ngọc Thành cùng với một người bạn là Sim Var nghĩ một cách có lý rằng muốn được người dân đi theo thì phải chinh phục được giới sư sãi, còn muốn chinh phục được thanh niên và trí thức thì phải vận động được giáo viên và các quan chức Bộ Quốc gia giáo dục đứng về phía mình.
Thời kỳ đó, Pol Pot, Ieng Sary, Son Sen, Khieu Samphan, Hou Youn, Hu Nim, Coi Thuôn, Nuon Chia... và các tiểu thư Khieu Ponnary (sau này là vợ Pol Pot), Khieu Thirith (sau này là vợ Ieng Sary) đều là những học sinh non trẻ đã nhanh chóng trở thành những đồ đệ theo Sơn Ngọc Thành một cách cuồng nhiệt, và là những kẻ chống chế độ quân chủ đến cùng. Cũng không nên quên rằng tất cả các thủ lĩnh Khmer Đỏ hiện nay, khi còn là học sinh trung học đều đã được học bổng của chính phủ Bảo hộ (tức chính quyền thực dân Pháp trong những năm bốn mươi) và của cả triều đình Campuchia để tiếp tục theo học cấp cao hơn ở Pháp, trong những trường đại học tốt nhất ở Paris và các tỉnh lẻ bên Pháp. Từ việc tiêm nhiễm chủ nghĩa khuynh hữu của Sơn Ngọc Thành, đám du học sinh sau này trở thành bọn cầm đầu Khmer Đỏ đã chuyển sang tả khuynh và cực tả. Học lịch sử cách mạng Pháp, họ thích nhất và nhớ nhất các thời kỳ đẫm máu, đặc biệt là giai đoạn tắm máu trong cuộc cách mạng 1789-1793 của Pháp. Việc chặt đầu vua Lui XVI là sự kiện mà họ có thế hoàn toàn nghĩ đến sẽ áp dụng vào tôi. Sự hoạt động tích cực của các máy chém, một phát minh. Ở Pháp hồi đó, cũng đã mê hoặc đám công tủ, tiểu thư này, tuy họ cũng xuất thân từ tầng lớp tư sản.
Một số nhà cách mạng Pháp thời kỳ đó cũng đã chẳng xuất thân từ các gia đình tư sản, thậm chí cả quý tộc nữa hay sao?
Gia đình hai chị em, Khieu Ponnary và Khieu Thirith đều thuộc tầng lớp tư sản quý tộc có quan hệ thân thiết với gia đình ông bà nội tôi. Họ cùng ở một khu phố tại Phnompenh. Thời thanh thiếu niên, tôi biết rất rõ Ponnary vì cùng học với nhau một trường, lúc đầu là trường tiểu học Xutharôt (do ông bà tôi là Hoàng thân và Công chúa Xutharôt sáng lập) sau đó là trường trung học Sisowath. Khieu Ponnary luôn được xếp thứ nhất trong lớp.
Trong những năm 70 khi đã trở thành lãnh tụ Khmer Đỏ, hai chị em Ponnary và Thirit đã chỉ thị cho các cán bộ phải chọn những cái tên đơn âm cho “có vẻ nông dân nghèo”. Vì vậy, anh họ tôi là Hoàng thân Norodom Phurissara, cựu bộ trưởng, đã trở thành “bạn Mơn” một cái tên đơn âm cộc lốc. Còn Ponnary và Thirit đều thuộc dòng dõi quí tộc vì có những cái tên nhiều âm tiết gốc Pali (là ngôn ngữ thiêng liêng cao quý của đạo Phật, du nhập từ Ấn Độ), Thirit có nghĩa là “uy quyền”, chỉ có hai nữ mưu sĩ này của chế độ Khmer Đỏ là giữ đặc quyền về những cái tên có nhiều âm tiết gốc bác học, những người khác đều đổi và chọn tên có một âm tiết. Chính vì vậy cho nên Saloth Sar đã đổi tên là Pol Pot. Vị thủ lĩnh này tự xưng là con trai một gia đình nông dân nghèo, nhưng thực tế lại xuất thân từ một gia đình quan lại của triều đình.
Chị họ của Pol Pot, nay cải tên là bà Mich, đã từng là Đệ nhất quý phi của ông tôi, tức Quốc vương Monivong.
Tinh thần quyết liệt chống chế độ quân chủ và chống Sihanouk của các thủ lĩnh Khmer Đỏ đã thể hiện rõ trong khát vọng muốn thủ tiêu một “giống nòi thượng đẳng” cao hơn dòng dõi của họ, để rồi đến lượt họ lại ngoi lên đỉnh cao của hệ thống tôn ti trật tự trong xã hội Khmer Đỏ. Họ thay thế “chế độ phong kiến” và “chế độ độc tài” bằng chính cái chủ nghĩa độc tài chuyên chế cực đoan được đẩy cao tới cực điểm của chính họ.
Một số “chuyên gia về Campuchia” đã viết, nếu Khmer Đỏ trở thành cực kỳ hung ác thì đó là bởi chúng muốn trả thù “những sự độc ác của Sihanouk”, trả thù những binh lính của Lon Nol, trả thù những trận ném bom giết hại nhiều người của Mỹ. Về vấn đề này, mong bạn đọc hãy nhớ lại bài tôi đã viết trong cuốn “Những kỷ niệm ngọt ngào và cay đắng”, trong đó tôi đã giải thích kỹ: Đối với Khmer Đỏ, nhất định họ chỉ có thể phát khùng lên bởi cách đối xử khủng khiếp mà các lực lượng của Lon Nol, của Nguyễn Văn Thiệu và các máy bay Mỹ đã buộc họ phải gánh chịu trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1975. Còn về chuyện Khieu Samphan, một linh mục Pháp đã viết rằng vì tôi “lột truồng Khieu Samphan ra đánh đòn” (hồi tôi còn làm Quốc trưởng trước khi xảy ra đảo chính) nên tôi đã đẩy ông ta lên bưng biền. Nhưng thật tình tôi chẳng dính líu gì vào chuyện này cả. Đó là việc làm của một số nhân vật cánh hữu chống Cộng.
Khieu Samphan không bao giờ bị bắt bỏ tù, cũng không bị đánh bằng gậy như một số người nước ngoài đã ngộ nhận. Ông ta mới chỉ bị “lột truồng mà thôi”. Dù sao, trong số Khmer Đỏ, Khieu Samphan vẫn là người gần gũi với tôi lịch sự thân ái với tôi hơn cả thời kỳ từ 1960 đến 1970 và cho mãi tới nay, kể cả những ngày đen tối nhất ông ta cũng vẫn còn chút ít nhã nhặn đối với tôi.
Có nên định nghĩa cuộc “Cách mạng Khmer Đỏ”, như một cuộc đấu tranh có tính chất báo thù của nông dân chống lại người thành thị, của người nghèo chống lại người giầu, của những người “trong sạch và cứng rắn” chống lại những người “hư đốn” như một số nhà “đoán điềm giải mộng” phương Tây đã suy diễn không? Dứt khoát không! Sự thật là, động lực của Khmer Đỏ không phải nằm trong tầng lớp dân thường mà là ở những người cầm đầu như Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan, Nuon Chia, Son Sen, bà vợ Pol Pot và vợ Ieng Sary. Xin viết vài dòng về những người tự nhận là “con đẻ của nhân dân” đó.
Như tôi đã viết, vợ Pol Pot (tức Khieu Ponnary) và vợ Ieng Sary (tức Khieu Thirith) là hai chị em, xuất thân từ một gia đình đại tư sản, được học hành phù hợp với những truyền thống tốt đẹp nhất của Campuchia. Gia đình họ ở trong một toà nhà sang trọng, cạnh biệt thự của ông nội bà nội tôi, tức ông bà Hoàng Xutharôt. Hai gia đình xóm giềng này có quan hệ mật thiết với nhau. Tiểu thư Ponnary và anh chàng Sihanouk thời thơ ấu đã cùng học bên nhau từ trường tiểu học Xutharôt đến trường trung học Sisowath. Pol Pot (tên thật là Saloth Sar) cũng không phải sinh ra từ một gia đình nghèo hoặc nông dân. Anh cả của Pol Pot đã làm quan trong triều đình, giữ chức Đổng lý ngự tiền, tức thư ký Văn phòng của Quốc vương. Một người trong số chị em của Pol Pot là bà Mich đã từng là quý phi của Quốc vương Monivong. Thời niên thiếu Saloth Sar thường được ra vào cung vua. Thật là nực cười khi người ta thấy Pol Pot tự xưng là “nạn nhân của chế độ bất công của xã hội cũ”. Khieu Samphan và các nhân vật Khmer Đỏ khác như Hou Youn, Hu Nim, Két Sơhôn, Châu Xeng đều đã làm quan thượng thư trong triều đình. Họ không có điều gì đáng kêu ca phàn nàn về cách đối xử mà nền quân chủ đã dành cho họ. Vả lại, tất cả bọn họ, kể cả anh em Thiun Thiện, Thiun Mum, Thiun Praxít, đều xuất thân từ những gia đình giầu sang, có thế lực, đều được hưởng học bổng của Chính phủ Hoàng gia để theo học tại những trường trung học tốt nhất của Pháp ở Đông Dương, như trường trung học Chasseloup Laubat ở Sài Gòn (tôi cũng đã học ở đây) và trường trung học Yecxanh ở Đà Lạt. Họ tốt nghiệp từ những trường đại học tốt nhất ở Pháp. Thế mà sau đó họ vẫn cứ khẳng định nền quân chủ Campuchia đã thực hiện một chính sách “ngu dân” chăng cho thanh niên học hành gì cả.
Cuộc cách mạng Khmer Đỏ đã được vạch ra và tiến hành bởi những đầu óc trí thức thuộc thành phần tư sản Campuchia. Những người này chẳng phải chịu một bất công xã hội nào, và còn được theo học tại các trường tiểu học, trung học xây dựng dưới chế độ quân chủ rồi tiếp tục học đại học ở Pháp, nhờ học bổng của Chính phủ Hoàng gia Campuchia. Dĩ nhiên, những binh lính của Pol Pot đều là nông dân. Thế nhưng, trong các lực lượng vũ trang của Sơn Ngọc Thành (tức bọn lính đánh thuê do lính biệt tích “mũ nồi xanh” của Mỹ huấn luyện) cũng như trong quân đội của Lon Nol (trong thời kỳ 1910 - 1975) và trong quân đội của Son Sen, của Sihanouk, phần rất đông binh lính cũng là nông dân.
Chủ nghĩa cộng sản của bọn Pol Pot. Ieng Sary, Khieu Samphan, Son Sen không những được soạn thảo bởi các nhà trí thức tư sản mà còn ra đời ở Pháp như tôi đã viết ở trên. Sau khi từ Pháp về nước, Khmer Đỏ bắt đầu tiếp xúc với Trung Quốc và cuộc cách mạng của Mao, và chẳng bao lâu cũng chuyển hoá theo. Tiếp theo đó là cuộc “cách mạng văn hoá” nổi tiếng, cầm đầu bởi “bè lũ bốn tên” và được kích động bởi bà Giang Thanh, bà vợ quá quắt của Người cầm lái vĩ đại. Mọi người đều biết rõ tác hại to lớn mà cuộc cách mạng “văn hoá” này gây ra cho nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa, cho nhân dân Trung Quốc, cho nền văn hoá và các lợi ích của Trung Quốc ở cả trong nước lẫn ngoài nước. Bọn Pol Pot, Ieng Sary thấy cuộc cách mạng “văn hoá” này hoàn toàn hợp với khẩu vị của mình. Điều tệ hại nhất cho đất nước và nhân dân Campuchia là bọn Pol Pot, Ieng Sary còn muốn vượt hơn cuộc cách mạng “văn hoá” của Trung Quốc bằng bất cứ giá nào. Đó là điều phi lý. Học trò muốn hơn thầy là hiện tượng bình thường trong xã hội chúng ta. Trong lĩnh vực khoa học, nghệ thuật, cuộc ganh đua này chỉ có lợi. Nhưng trong lĩnh vực khủng bố, việc “chơi trội” này đã trở thành tội ác.
Từ tháng 9-1975, khi tôi trở về Phnompenh, một số người cầm đầu Khmer Đỏ đã bộc lộ với tôi một cách tự hào, cuộc cách mạng của họ đang cố vượt cách mạng “văn hoá” của Trung Quốc nhằm đạt tới chủ nghĩa cộng sản hoàn toàn, chỉ bằng một bước đại nhảy vọt, bỏ qua giai đoạn xã hội chủ nghĩa. Điều đó sẽ chứng minh cho toàn thế giới thấy rõ khả năng của thế hệ kế thừa những người đã xây dựng các đền đài Ăngco như thế nào. Uy danh của cuộc Cách mạng Campuchia, quán quân về việc cộng sản hoá toàn bộ đất nước, toàn thể dân tộc trong một khoảng thời gian kỷ lục sẽ ghi vào lịch sử thế giới, bằng những dòng chữ khủng khiếp không bao giờ phai nhạt. Sự điên rồ này là đặc điểm thuần tuý của giới trí thức lãng mạn. Tôi nghĩ, nông dân bình thường và dân nghèo thành thị không thể có được sự không tưởng này.
Có người hỏi tôi: “Thưa Hoàng thân, ngài khẳng định Pol Pot cũng như Hítle là những tên “điên khùng và bạo chúa khát máu”. Nhưng làm thế nào mà một cá nhân, hoặc thêm Ieng Sary là hai, hoặc cả Tà Mốc mà ngài gọi là Himler nữa là ba, lại có thể buộc được hàng trăm ngàn người Campuchia đi theo và làm theo trong cuộc phiêu lưu chết chóc này?”. Xin các bạn hãy nhớ lại những gì đã xảy ra ở châu Âu năm 1931 là năm Hítle có những thắng lợi đầu tiên, và năm 1945 là khi Hít le sụp đổ Hítle và Himler đâu có thiếu những tên tay sai cuồng tín, cũng hung ác tàn bạo như chúng để hành hạ, giết hại dã man những người yêu nước tại những quốc gia bị chúng chiếm đóng và giết hại cả hàng ngàn dân thường vô tội, trước hết là những người Do Thái, rồi đến toàn thể dân chúng trong các thị trấn thanh bình như Lidice ở Tiệp Khắc hoặc Ôracđua ở Pháp. Một tên điên khùng tàn bạo, dù chỉ nắm được một chút quyền hành nào đó cũng có bùa phép biết nhồi sọ, lôi kéo một bộ phận dân chúng và tầng lớp thanh niên trong nước, có thể biến quần chúng thành những kẻ cũng điên cuồng tàn bạo.
Ở Campuchia, ngay đến Lon Nol là một tín đồ môn thần học, nhưng ít phép mầu và diễn thuyết rất tồi, vẫn có thể lôi cuốn được “lũ nhóc” từ mươi đến mười hai tuổi, chưa được học tập gì về quân sự, để chiến đấu chống những người cộng sản Khơme và Việt Nam thiện chiến. Tôi xin nhấn mạnh một lần nữa, việc giết hại hàng loạt những người Việt và người Campuchia chống đối không phải do Khmer Đỏ phát động mà là do bọn “cộng hoà” Lon Nol tiến hành trước. Khmer Đỏ đã đi theo con đường mà Lon Nol vạch sẵn, và đã nâng cao thêm những kỷ lục giết người mà Lon Nol đã đạt được Ban lãnh đạo Khmer Đỏ cố làm mọi người tin rằng cần phải xoá sạch quá khứ để xuất phát từ số không, xây dựng một nước “Campuchia mới” không mảy may dính líu với “xã hội cũ”. Tôi nói “ban lãnh đạo” đây tức là Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan. Họ đã bắt đầu bằng việc xoá bỏ triệt để luân lý đạo Phật là tôn giáo có nhiều ảnh hưởng ở nước tôi.
Bọn “Khơme Xanh” của Sơn Ngọc Thành cho rằng chúng biến đổi Campuchia thành một nước “cộng hoà” để chống lại sự đồi bại, thiết lập nền dân chủ và đánh bật chủ nghĩa cộng sản vô thần ra khỏi đất nước. Nhưng chúng đã hoàn toàn làm trái ngược lại. Chính một đối thủ chính trị già nua của tôi là Sim Var đã viết trên tờ báo xuất bản ở Phnompenh, thừa nhận rằng tệ nạn xã hội đồi bại dưới thời Lon Nol còn truyền nhiễm gấp trăm lần thời kỳ tôi còn “ngự trị”. Nền dân chủ của Lon Nol thực tế là nền thống trị độc tài của quân đội và cảnh sát có một không hai. Lon Nol tự coi là người “tôn sùng đạo Phật” đã hoàn toàn làm trái lời dậy của đức Phật Tổ và mở đường cho Khmer Đỏ. Những mưu đồ của Khmer Đỏ đã không trong sạch mà cũng chẳng tách rời những tật xấu mà đức Phật Tổ đã vạch rõ. Chính những thói xấu như sự đố kỵ, hằn thù, tham vọng đã dẫn dắt Khmer Đỏ hành động. Nếu tháng 4-1975 là khi vừa mới bắt đầu giải phóng Campuchia khỏi ách thống trị của Lon Nol, bọn Khmer Đỏ còn được dẫn dắt bởi chủ nghĩa yêu nước thuần khiết và chân chính - mà tôi đã tin một cách ngây thơ - thì có lẽ họ đã tha thứ khoan hồng cho những người trước kia đã chống lại họ và từ buổi sớm ngày 17-4-1975 đà gần như toàn tâm toàn ý quy phục họ. Có lẽ họ đã xây dựng (và họ đã có thể xây dựng được) một nước Campuchia mới, không phải trên đống xác chết chất cao như núi, mà là trên sự hoà hợp dân tộc sự khoan hồng độ lượng (như đức Phật Tổ đã dạy) và sự đoàn kết tương trợ lẫn nhau.
Tháng 9-1975 các ông Ieng Sary, Khieu Samphan, Son Sen đã tiết lộ với tôi, họ không thể để cho hai triệu người dân Campuchia sống tại thủ đô Phnompenh được bởi vì chính quyền của họ mới được thiết lập có lẽ đang bị uy hiếp bởi nhiều gián điệp của Mỹ, Liên Xô, Pháp... thâm nhập vào Phnompenh. Thành phố này đang biến thành một mê hồn trận” có nhiều gián điệp và phá hoại mà chưa thủ tiêu được. (Họ nói đúng nguyên văn như thế đó!) Hiển nhiên cái gọi là “sự cần thiết” phải lùa dân đô thị về nông thôn để “có thức ăn” và tránh khỏi “máy bay Mỹ ném bom” chỉ là một cái cớ giả tạo nẩy sinh từ một chính sách chủ trương quái gở, mất gốc, trái với những lời răn dạy của đức Phật.
Về cái gọi là “có thức ăn” thì thật sự dân chúng bị đuổi khỏi Phnompenh đã hoàn toàn bị bỏ đói vì không được chuẩn bị một chút gì về lương thực cũng như tiếp tế lương thực. Còn về chuyện “máy bay Mỹ ném bom” thì rõ ràng đã không bao giờ xảy ra. Hậu quả của những sự lừa dối kinh khủng đó đã làm không biết cơ man nào là người chết.
Tháng 9-1976, Hội nghị cấp cao các nước không liên kết họp ở Côlômbô, thủ đô Xri Lanca. Trung Quốc đã ngỏ ý Norodom Sihanouk thay mặt chính quyền Khmer Đỏ đi họp; nhưng Khieu Samphan đã tận dụng luôn sự từ chức của Sihanouk để “mở cửa đột phá” trên vũ đài chính trị quốc tế. Lúc này, chính phủ Trung Quốc lại tỏ ý lo ngại về khả năng không thành công của đoàn đại biểu Khmer Đỏ tại hội nghị vì thiếu Sihanouk.
Trung Quốc đã quá lo xa khi nghĩ như vậy. Bởi vì, Khieu Samphan, Ieng Sary và các nhân vật Khmer Đỏ khác đã được đón tiếp trọng thị tại Côlômbô như những anh hùng. Cả giới Phật giáo lẫn dân chúng rất mộ đạo ở thành phố Canđi, nơi đặt di cốt đức Phật Tổ cũng hoan hô Khmer Đỏ, những kẻ đã từng giết chết đạo Phật và các tôn giáo khác ở Campuchia. Khi trở về nước, với vẻ thoả mãn rõ rệt Khieu Samphan đã giành cho tôi một vinh dự được ông ta tới thăm và nói chuyện... rất lâu. Hai vợ chồng tôi chúc mừng thắng lợi của ông ta tại Hội nghị Côlômbô. Khieu Samphan uống một ít sữa, có vẻ như để thưởng thức thắng lợi của chính ông ta. Vài phút sau, ông mới nở một nụ cười, đôi mắt sáng lên vì thoả mãn. Chúng tôi im lặng chăm chú nhìn. Khieu Samphan có vẻ tự nhủ rằng dứt khoát Sihanouk không còn là nhân vật không ai thay thế được nữa. Vài phút nữa lại trôi đi. Lúc đó người hùng của chúng tôi mới mở miệng, kể lể về thành công to lớn của bản thân tại hội nghị suốt hơn ba mươi phút không ngừng.
Với ngụ ý châm biếm nhẹ nhàng, tôi nhấn mạnh với Khieu Samphan, nhờ có Angca “của chúng ta” và nhờ có ngài Chủ tịch Khieu Samphan, từ nay đất nước Campuchia của ta sẽ được nâng bổng lên tít hàng đầu, ngang tầm với những nước uy tín nhất trên thế giới và chế độ Campuchia dân chủ cũng đang lên tới đỉnh cao sự khâm phục của toàn thế giới.
Khieu Samphan không trả lời. Ông nhìn tôi bằng cặp mắt của kẻ kiêu ngạo có ý định trả thù rồi đứng dậy toan ra về. Tôi giữ lại:
- Kính thưa ngài, xin ngài lui lại mươi phút nữa để tôi được hầu chuyện về vấn đề cá nhân. Tôi có một lời thỉnh cầu hèn mọn đệ trình lên ngài.
Khieu Samphan có vẻ không vừa ý. Vẻ thoả mãn trên mặt nhường chỗ cho vẻ lo ngại. Tôi tiếp tục nói:
- Chắc ngài còn nhớ như lời chính ngài và ngài Son Sen đã nói với tôi cách đây vài tháng. Các ngài đã nhân danh Angca hứa hẹn, ủng hộ đề nghị của tôi đi Trung Quốc chữa bệnh. Cứ sáu tháng một lần, các thầy thuốc Trung Quốc cần kiểm tra lại toàn bộ sức khỏe của tôi. Tháng 4 vừa qua, trước ngày tôi xin từ chức Quốc trưởng các ngài đã khuyên tôi “kiên tâm” chờ đến khi nào chế độ mới của các ngài được củng cố trên trường quốc tế, Ngài vừa mới nhấn mạnh là từ nay trở đi nước Campuchia dân chủ đã đạt được đỉnh cao của uy tín và thiện cảm quốc tế được tất cả các nước không liên kết ủng hộ. Kính thưa ngài, vợ tôi và tôi đang có những vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe. Chúng tôi cầu khẩn Angca cho phép chúng tôi được đi sang Trung Quốc và ở bên đó rất bí mật, không để ai biết, chúng tôi sẽ chỉ tiếp xúc với các thầy thuốc do chinh phủ Trung Quốc cử với trông nom săn sóc, chúng tôi hứa sẽ quay trở về với gia đình sau một tháng.
Khieu Samphan nói:
- Các ngài đừng quấy rầy các bạn Trung Quốc của chúng ta. Các vị đó đang bận nhiều công việc.
- Nhưng ngày nào Trung Quốc cũng tiếp đã vô số khách đến từ các nơi trên thế giới.
- Đó là những đoàn đại biểu chính thức đi công cán. Còn Xamđec chỉ là người đã nghỉ hưu.
- Bà Chu Ân Lai và những nhân vật cấp cao nhất của Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã khẳng định với tôi, lúc nào tôi tới Trung Quốc cũng được hoan nghênh. Chính các vị lãnh đạo Trung Quốc đã nói Trung Quốc là “Tổ quốc thứ hai của tôi”.
- Ngài hãy nghĩ đến lòng tự hào dân tộc. Ở đây ngay tại Phnompenh này, chúng tôi có những thầy thuốc rất giỏi. Nhất là “anh” Thiện (nguyên văn tiếng Thơm là Bâng, có nghĩa là anh em; bác sĩ Thiện lúc đó là Bộ trưởng Y tế của Khmer Đỏ). Anh ấy có thể giải quyết tất cả các vấn đề về sức khỏe của ngài. Hãy tin vào anh ấy.
- Kính thưa ngài, vợ tôi cần phải được một nữ bác sĩ phụ khoa khám. Ở nước ta không có bác sĩ phụ khoa. Tôi cầu khẩn Angca rất mực tôn kính của chúng ta cho phép vợ tôi, chỉ một mình vợ tôi được chữa trị tại một bệnh viện thủ đô hoặc một bệnh viện tỉnh. Chuyến đi, cũng nhất những ngày vợ tôi ở Trung Quốc, sẽ được giữ tuyệt đối bí mật.
- Tôi nói thẳng nhé! Đây chưa phải thời điểm thuận tiện để Đức vua ra khỏi Campuchia (Khieu Samphan vẫn có thói quen gọi tôi là Preah Karuna, tức là Đức vua, kể cả sau khi Khmer Đỏ đã quyết định bãi bỏ cách xưng hô của triều đình cũ).
Tôi hỏi lại:
- Tại sao vậy?
- Vì đế quốc Mỹ, cụ thể là CIA, đang tìm cách tách ngài khỏi chúng tôi.
- Nhưng tôi chỉ đi Trung Quốc, quá lắm là sang Triều Tiên.
- Cựu tuỳ viên báo chí của ngài là ông Nút Sơ hơn là một tên phản bội và là một tên gián điệp nguy hiểm của CIA, hiện đang ở Paris. Từ Paris nó có thể viết thư hoặc gọi điện đến Bắc Kinh cho ngài.
- Một tên Nút Sơ hơn thì làm sao có thể thuyết phục tôi ly khai khỏi Angca được.
- Tại Hồng Công còn có một tên là bạn rất thân của Nút Sơ hơn sẽ giúp hắn có hiệu quả thuyết phục ngài, lôi kéo ngài về phía địch. Đó là Hoàng thân Yuvanath, con trai cả của ngài.
- Thưa ngài, chắc ngài nói đùa cho vui đấy thôi chứ Yuvanath thiết gì làm chính trị. Dứt khoát, nó không có ảnh hưởng một chút nào đến bố nó cả.
Khieu Samphan nói như để kết luận:
- Ngài hãy tin là chúng tôi sẽ không giam hãm ngài. Một ngày nào đó, chúng tôi sẽ cho phép ngài đi ra khỏi Campuchia để thay đổi không khí, như ngài nói. Xin ngài hãy vui lòng kiên nhẫn một chút. Nếu Bà hoàng vợ ngài và ngài cần các loại biệt dược của châu Âu hoặc của Mỹ, tôi sẽ cho mua để ngài dùng. Chúng tôi rất quan tâm đến sức khỏe của ngài.
Tôi còn biết làm gì được nữa, ngoài việc đa tạ vị “Chúa ngục” của tôi.
Mao Chủ tịch qua đời ngày 9-9-1976. Hàng ngàn bức điện từ khắp nơi trên thế giới gửi tới Bắc Kinh chia buồn. Nhiều vị đứng đầu nhà nước, chính phủ, các chính khách lưu vong v.v... đều gửi điện chia buồn hoặc tới dự lễ tang, được đài phát thanh nêu tên, chỉ có tên tôi là vắng trong danh sách những người tới truy điệu Chủ tịch, người đã làm nhiều việc cho tôi, mẹ tôi, gia đình tôi cho nhân dân, đất nước tôi. Ngay sau khi Mao Chủ tịch từ trần, tôi đã viết một bức thư dài gửi bà Giang Thanh để chia buồn. Tôi nhờ chính phủ Campuchia “dân chủ” chuyển giúp. Tôi nói, vì không còn là Quốc trưởng nữa nên tôi không được phép gửi Công hàm, đành phải viết thư riêng. Tôi xin phép được bí mật tới đại sứ quán Trung Quốc tại Phnompenh để nếu không được nghiêng mình trước thi hài thì ít nhất cũng được cúi đầu trước tấm ảnh ông Mao.
Tôi chờ suốt hai mươi bốn giờ, không thấy trả lời. Tôi lại viết lá thư thứ hai, lần này tôi gửi ông Khieu Samphan, Chủ tịch Đoàn chủ tịch Nhà nước nhờ ông nói giúp với Angca. Tôi chờ hai mươi bốn giờ nữa vẫn không thấy gì. Tôi lại viết lá thư thứ ba, gửi cho ban lãnh đạo Khmer Đỏ. Cũng không có trả lời. Sự thật đúng như vậy. Tháng 1-1979, khi tới Bắc kinh, tôi đã kể lại chuyện này và đưa cho người phiên dịch những bản nháp các lá thư của tôi hồi đó, nhờ chuyển lên Chính phủ và Đảng Trung Quốc, những bằng chứng về tấm lòng kính yêu của tôi đối với Mao Chủ tịch.

9. Những nỗi đau tinh thần
Tôi sinh ngày 31-10-1922. Từ đầu tháng 10-1976 tôi đã gửi Chủ tịch Khieu Samphan lá thư viết:
“Kính thưa ngài!
Tháng 4 vừa qua, Angca kính yêu đã uỷ nhiệm ngài báo tin cho tôi biết toàn thể gia đình tôi và tôi đều được hưởng sự che chở cao cả của Angca. Vì vậy tôi xin phép đề nghị Angca cho tôi một đặc ân được gặp các con cháu tôi, trong khoảng thời gian 24 giờ thôi, nhân dịp kỷ niệm sinh nhật của tôi vào ngày 31 tháng 10 sắp tới, đó cũng là ngày tôi tròn 54 tuổi và nếu Angca cho phép tôi cũng rất sung sướng được đặc ân gặp lại vợ chồng người anh họ tôi là Norodom Phurissara, một người em họ nữa của tôi là Sisowath Methavi (lúc viết thư này cho Khieu Samphan tôi chưa biết vợ Methavi đã trở về Campuchia, cử tưởng cô ta vẫn còn ở Pháp) cùng với Xamđec Pen Nouth, cựu Thủ tướng, hiện nay là Cố vấn tối cao của ngài, và phu nhân Pen Nouth...”.
Thời gian cứ trôi dần. Ngày 31-10 đã tới. Tôi không nhận được câu trả lời nào, một lời chúc tụng nào như trước kia những người lãnh đạo Khmer Đỏ vẫn thường chuyển tới tôi “những lời chúc mừng nồng nhiệt nhất”, trong khoáng thời gian 1970-1975. Họ cũng đã từng hứa hẹn (khi nào Campuchia được giải phóng khỏi nanh vuốt đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai” mỗi năm đến ngày 31-10 sẽ tổ chức lễ mừng ngày sinh của tôi rất linh đình.
Ngày 31-10-1976 cuộc sống trong Hoàng cung thật buồn tẻ vô cùng. Những đứa con gái, con trai, con rể, những đứa cháu của tôi lúc này đang ở xa, rất xa tôi, và tôi cũng không biết chúng còn sống hay đã chết. Đài phát thanh vẫn cứ lải nhải công kích chế độ cũ của tôi đã cáo chung chế độ quân chủ. Dù sao, những người còn lại chung quanh tôi hôm đó cũng tặng tôi một lẵng hoa. Mọi người đề ti mặc đẹp, trang điểm như ngày hội, trừ Narinđrapông đã trở thành phần tử thân Khmer Đỏ.
Đêm hôm đó, tôi nằm trên giường miên man suy nghĩ. Tôi nghĩ đến đất nước đang đau khổ. Tôi nghĩ đến các con, các cháu tôi đang thiếu thốn đủ mọi thứ. Trong gian phòng vốn là Cung riêng của mẹ tôi, Narinđrapông và em họ nó là Chittara tiếp tục hoan hô Angca và chửi rủa chế độ quân chủ. Tôi không sao ngăn được dòng nước mắt. Kể từ ngày 27-4-1975 là ngày Mẫu hậu, bà mẹ đau khổ cả về tâm trí lẫn sức khỏe của tôi từ trần, cho đến hôm nay, sinh nhật tôi, tôi mới lại khóc.
Các nhà sư thường cạo trọc đầu. Tôi không đi tu nhưng cũng nhiều lần cạo trọc đầu. Đối với người dân Khơme thì cái tóc là vật rất thiêng liêng. Nhiều phụ nữ, thiếu nữ Campuchia nguyền rủa Khmer Đỏ vì chúng bắt họ không được để tóc dài mà phải cắt rất ngắn làm cho đầu họ như quả dừa. Khmer Đỏ nói, phải cắt tóc ngắn để đoạn tuyệt những hủ tục thời Sangkum. Bà nào, cô nào để tóc dài và trang điểm đều bị kết tội nặng, thậm chí bị kết án tử hình. Có điều rất kỳ lạ, Khmer Đỏ không cho để tóc dài, nhưng cũng không cho phép cạo trọc đầu. Trước mặt tôi, Khieu Samphan đã nhiều lần chửi rủa các sư sãi cạo trọc đầu. Có nghĩa là Khmer Đỏ cũng chửi cạnh khóe tôi vì tôi đã cạo trọc đầu tới bốn lần. Sự phản kháng của tôi không chỉ dừng lại ở mức đó. Trong năm 1976 tôi cũng đã hai lần tuyệt thực. Bị Khmer Đỏ chất vấn, tôi nói là nhịn ăn để chay giới tụng kinh niệm Phật, nhịn ăn để “nhập thiền” theo Phật.
Những sợi dây liên hệ của tôi với thế giới bên ngoài vẫn chỉ là vụng trộm nghe Đài Tiếng nói Hoa Kỳ, BBC, Australia, đài Viễn Đông và cả đài của tín đồ đạo Thiên Chúa phát đi từ Manila, đài Pháp, đài Bắc Kinh, đài Hà Nội, đài Băng cốc...
Nhiều đài loan tin tôi được phong danh hiệu “người yêu nước”, được dựng tượng, được trợ cấp hậu hĩnh bằng đô-la Mỹ. Sự thật trái ngược hẳn.
Tôi chẳng những không có một đồng đô-la nào, một mẩu tượng nào, mà cả những quyền sơ đẳng của con người như tiếp khách, viết thư cũng không có. Không một ai, kể cả họ hàng thân thích được phép đến thăm tôi. Từ ngày 1-11-1976 tôi không bước ra khỏi phòng nữa. Khoảng hai tuần sau, Khieu Samphan đến chỗ tôi. Tôi nói luôn:
- Xin ngài cho phép tôi hỏi một câu: Angca có định bắt tôi phải tù suốt đời không? Có định tước bỏ mọi quyền sơ đẳng của con người đối với tôi không? Các ngài đang cắt đứt mọi cây cầu nối tôi với những bạn thân của tôi mà cũng là của các ngài, như Bắc Kinh và Bình Nhưỡng. Tôi xin các ngài hãy đối xử với tôi như Rumani đã đối xử với vua Michel của Rumani sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, tức là cho đi sống lưu vong ở nước ngoài. Còn tôi thì tôi muốn luôn luôn ở lại đây với nhân dân dưới sự che chở của Angca. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, những tù binh của nước Đức phát xít còn được Hítle cho phép nhận thư và bưu kiện của những người thân trong dịp lễ Noel và ngày Tết. Ở đây tôi không bằng tù binh của Hítle. Tôi không được tiếp khách, kể cả các phái đoàn từ Trung Quốc và Triều Tiên tới thăm Campuchia. Tôi không được gặp lại Xamđec Pen Nouth và anh họ tôi là Phurissara. Tôi không nhận được thư của các bạn thân ở Pháp.
Tôi nói tiếp:
- Đối với tôi điều nhục nhã nhất là sự nghi ngờ của Angca, dù tôi đã từng là bạn chiến đấu của các ngài, đã giúp đỡ các ngài hết sức và bằng tất cả uy tín của mình để các ngài chiến thắng và giành được chính quyền. Nếu bây giờ các ngài không tín nhiệm tôi nữa thì hãy để tôi sống lưu vong ở Thuỵ Sĩ hoặc bất cứ nước nào do các ngài quyết định. Còn nếu các ngài cứ thích giam tôi vĩnh viễn trong cung điện này thì xin Angca hãy đưa tôi ra xử trước một toà án nhân dân. Ngay đến ông Risớt Nixon sau khi bị kết án về vụ Watergate cũng vẫn còn được sang thăm Trung Quốc. Còn tôi là cựu Quốc trưởng, được Quốc hội Campuchia dân chủ tuyên dương là “đại ái quốc” thế mà vẫn là cựu nguyên thủ quốc gia duy nhất không được đi ra nước ngoài. Ngay ở trong nước tôi cũng không được tự do đi lại. Tôi chỉ cách ông bạn già Pen Nouth có vài bước chân thế mà cũng không được sang chơi. Thế thì Angca hãy bắn tôi đi. Tôi chỉ xin các ngài, nếu có bắn thì xử bắn công khai trước mặt dân chúng.
Sau khi Khieu Samphan lẳng lặng ra về, vợ tôi trách tôi đã đi quá đà, không những chỉ hại đến tính mạng của tôi mà còn có hại cho tất cả các thành viên trong gia đình đang sống sót trong Điện Khêmarin. Đúng là sau đó tôi đã bị Angca trừng phạt, tuy chưa đến chỗ chết nhưng cũng đã bị hành hạ kéo dài suốt hai năm, bắt đầu từ ngày 30-3-1977. Ngày hôm đó, Angca cho người tới báo tin sẽ rút những cán bộ phục vụ trong Hoàng cung đi. Đêm hôm sau, bọn này kéo đi hết. Mọi người chung quanh tôi đều nghĩ, có lẽ trong đêm nay bọn sát nhân sẽ tới làm nhiệm vụ. Tôi cũng tin như vậy.
Bác tôi, tức công chúa Mom. bà già đã chăm bẵm tôi từ thời thơ ấu, oà khóc nức nở, mẹ vợ tôi ôm chặt lấy tôi, nguyện cùng chết với tôi.
Trời tối đen. Vắng lặng. Chỉ nghe thấy tiếng chim kêu đêm và những tiếng rít của đàn dơi kiếm mồi. Tất cả mọi người đều sợ hãi nhưng ai cũng cố gắng giữ thái độ đĩnh đạc trước cái chết đang tới gần, và nhất định là một cái chết thảm khốc.
Chúng tôi tắm rửa sạch sẽ, quỳ trước tượng Phật đọc kinh cứu khổ cứu nạn. Đạo Phật cấm không được tự sát. Tôi vẫn lo sợ bị tra tấn, hành hạ. Nếu bọn đao phủ tóm lấy tôi, lăng nhục tôi, chửi rủa tôi, nhổ vào mặt tôi rồi nướng dần tôi trên ngọn lửa nhỏ cho đến chết hẳn là tôi sẽ đau đớn lắm và sẽ kêu thét lên như con vật bị chọc tiết.
Có lẽ lúc đó tôi đã quá tưởng tượng. Nhưng sau này, tức vào năm 1979, những người Việt Nam đóng quân ở Campuchia và chính quyền Heng Xomrin đã công bố trước toàn thế giới, với những dẫn chứng cụ thể, những tội ác mà bọn Pol Pot, Ieng Sary đã hành hạ, tra tấn các “kẻ thù giai cấp” của chúng, bằng những hình thức mà tôi đã suy tưởng trong Điện Khêmarin từ hai năm trước.
Người Việt Nam và Heng Xomrin đã cho trưng bầy những cuốn vở trong đó Khmer Đỏ ghi tên những người bị chúng hành hình. Trong số này có hai nhân vật quen biết là đại sứ Chia Xan và đại sứ Huot Xambat, cả hai đều là cựu bộ trưởng chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc và Uỷ viên Bộ Chính trị Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia.
Dĩ nhiên, thảm hoạ ghê gớm hơn nữa sẽ dành cho tôi, người mà Khmer Đỏ lúc này coi là “kẻ thù số một”. Đó là điều mà Pen Thula, con trai cựu Thủ tướng Pen Nouth đã nói lại với tôi vào hồi tháng 5-1979. Nhờ cuộc tiến công của bộ đội Việt Nam Pen Thula đã thoát khỏi địa ngục Pol Pot, trốn sang Thái Lan rồi tìm đường tới Trung Quốc gặp tôi. Có lẽ, nếu bọn đao phủ tới đây điệu tôi đi thì tôi phải chạy vào buồng tắm uống thuốc độc tự tử hoặc treo cổ lên một sợi dây mà tôi đã chuẩn bị sẵn, không cho vợ tôi biết.
Nhưng rồi đêm đã qua đi mà không xảy ra chuyện gì cả. Chỉ có điều bọn phục vụ đã rút hết, không ai tiếp tế thức ăn cho chúng tôi nữa. Trong suốt ba ngày ba đêm, Angca cắt xuất ăn của chúng tôi. Mãi tới ngày thứ tư chúng tôi mới lại được tiếp tế rau, thịt, trái cây. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là Angca đã chấm dứt trừng phạt chúng tôi.
Trong số những người theo tôi lúc này có Ong Meang là người trung thành tận tuỵ nhất, can đảm nhất. Năm 1939, lúc còn là một thanh niên rất trẻ anh đã phục vụ trong quân đội Pháp chống Hítle xâm lược. Sau khi Pháp ký Hiệp ước đầu hàng Đức, anh theo lực lượng kháng chiến của tướng Đờ Gôn, tham dự chiến dịch Bia Hakem nổi tiếng hai lần bị quân Đức bắt làm tù binh, một lần trên đất Pháp, một lần trên đất Libi, anh đều trốn thoát trở về tiếp tục chiến đấu. Năm 1953 khi Pháp trao trả cho Campuchia quyền quản lý về quân sự, Ong Meang trở thành một sĩ quan trong quân đội Hoàng gia Campuchia rồi làm tuỳ viên quân sự thuộc đại sứ quán Campuchia tại Paris. Anh ở lại Pháp cho đến ngày 13-3-1970 thì theo tôi sang Matxcơva khi tôi đàm phán với chính phủ Liên Xô, đề nghị Liên Xô viện trợ về quân sự. Cho tới khi giành được toàn thắng trong cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ và Lon Nol, Ong Meang cũng như cấp trên của anh là Sisowath Methavi luôn ở bên cạnh tôi tại Bắc Kinh, phục vụ tôi với một tinh thần rất tận tuỵ và năng nổ. Tháng 12-1975, theo lệnh của Ieng Sary, Sisowath Methavi từ Bắc Kinh trở về Phnompenh. Vài tháng sau, vợ Methavi là Nanet (tức chị ruột của Monic) cũng theo chồng về Phnompenh. Tôi không bao giờ gặp lại họ. Họ đã “mất tích” sau khi về nước được một thời gian. Nay lại đến lượt Ong Meang.
Thật tình khi Ong Meang xin theo tôi về nước, tôi đã bảo anh cứ ở lại Pháp. Vợ đại uý Ong Meang là người Pháp, nhưng anh vẫn cứ tình nguyện theo tôi về Phnompenh, ngày 31-12-1975 để được theo sát bên tôi, mặc dù anh biết Ieng Sary và bè lũ luôn coi anh như kẻ tử thù, vì lúc còn ở Bắc Kinh (trong giai đoạn 1970 - 1975) anh đã công khai chỉ trích chính sách “chống Sihanouk” của Ieng Sary. Anh còn ngang bướng tới mức không bao giờ thèm chào hỏi Ieng Sary, Thioun Prasit, Kẹt Chuồn, Thiun Mum, thậm chí bắt tay họ cũng không.
Trở về Phnompenh, Ong Meang nói với tôi, nếu Khmer Đỏ hãm hại tôi anh sẽ lập tức chống lại Tôi trả lời, tôi lo cho đại uý nhiều hơn. Bắt đầu từ tháng 4-1976, khi Khmer Đỏ tước hết mọi quyền sơ đẳng của tôi và thế giới bên ngoài đang băn khoăn không hiểu Khmer Đỏ đối xử với tôi ra sao, Ong Meang đã xin phép tôi để cho anh trốn khỏi cái “nhà ngục vàng son” này. Anh sẽ ra nước ngoài báo động cho toàn thế giới biết tình cảnh của tôi Anh nói: “Tính mạng của Đức ông đang bị đe doạ”. Tôi trả lời viên sĩ quan tuỳ tùng lúc này đã trở thành người làm vườn, trồng hoa của tôi:
- Mang thân mến? Anh đừng tưởng anh sẽ đánh lừa được Khmer Đỏ như đã đánh lừa được bọn Đức trong chiến tranh thế giới thứ hai đâu.
Hơn nữa, anh muốn cứu mạng tôi nhưng lại trốn khỏi cái nhà ngục này thế thi Khmer Đỏ lại càng nghi ngờ tôi ra lệnh cho anh tẩu thoát, cái chết của tôi càng đến gần. Họ biết anh rất tận tuỵ đối với tôi, vậy thì không khi nào anh lại bỏ tôi một mình để anh trốn chạy. Mang thân mến! Anh không được ra khỏi cung điện. Đó là mệnh lệnh, và cũng là lời cầu khẩn của tôi.
Suốt từ tháng 4-1976 đến tháng 4-1977, Norodom Narinđrapông và em họ nó là Sisowath Chittara luân phiên nhau khủng bố tinh thần Ong Meang bằng cách chửi rủa chế độ quân chủ và chế độ cũ của tôi trước mặt Ong Meang. Ong Meang không chịu hứa sẽ tuân theo mệnh lệnh “không được đi trốn” của tôi. Anh vẫn tiếp tục lén nghe tin tức từ các đài Nhật Bản, Australia, Mỹ, Pháp để tìm hiểu xem thế giới bên ngoài đang bàn tán những gì chung quanh tình trạng im lặng nặng nề và đáng lo ngại của Sihanouk từ ngày từ chức.
Ngày 18-4-1977, tức một ngày sau lễ Quốc khánh của Campuchia “dân chủ”, Ong Meang biến mất. Như thường lệ, vào hồi 17 giờ anh kéo chiếc xe rác ra bờ sống đổ. Những lần trước thường có hai tên lính đi kèm. Lần này, chẳng có ai đi theo Ong Meang cả. Chúng tôi chờ mãi tới 18 giờ, rồi tới bữa ăn tối cũng không thấy anh trở về.
Khoảng 20 giờ, một cán bộ quân sự của Khmer Đỏ đến rủ Ong Meang đi dạo mát ngắm trăng. (Sau này, những người trốn thoát gặp lại tôi ở Bắc Kinh cho biết, được mời đi “dạo chơi buổi tối” có nghĩa là bị kết án tử hình), Ong Meang không có ở Hoàng cung. Lúc đó, tên Khmer Đỏ này mới cho biết, người ta chỉ nhìn thấy chiếc xe hãy còn đầy rác bỏ lại trên đường phố ở cổng phía nam Hoàng cung, mà không thấy Ong Meang đâu cả. Hắn kết luận, vừa ra khỏi cổng Ong Meang đã lập tức đi trốn và mất tích.
Mất Ong Meang chưa phải là nỗi đau tột cùng của tôi. Tôi còn nỗi đau thấm tận da thịt nữa.
Sau khi Ong Meang bỏ đi biệt tích, chính một số thành viên trong gia đình tôi đã dìm tôi xuống đáy vực của nỗi đau tinh thần, nỗi tủi nhục và tuyệt vọng. Narinđrapông đứa con thứ hai của tôi với Monic và em họ nó là Chittara, con thứ của người em gái Monic hiểu rằng tiền đồ của tôi chỉ là bị thất sủng thậm chí có thể còn bị giết chết, nên càng ngày càng tỏ ra khinh miệt tôi. Thế mà trước kia, khi tôi còn cầm quyền và cả trong những năm 1971, 1972, 1973, khi Chủ tịch Mao Trạch Đông và Thủ tướng Chu Ân Lai tuyên bố là có thể tôi sẽ trở lại Campuchia đứng đầu Nhà nước thì chính hai đứa này đã tâng bốc tôi hết lời, cả trong phát biểu cũng như trong thư. Chỉ đến năm 1974 chúng mới bắt đầu thay đổi thái độ, khi Khmer Đỏ mở cuộc tiến công mùa khô có tính quyết định vào bọn Lon Nol đã mất tinh thần. Ở Bắc Kinh, Ieng Sary và vây cánh cũng nổi lên như ông chủ lớn về chính trị và ngoại giao thay vào chỗ trước kia người ta dành cho Sihanouk để dễ bề hoạt động trên trường quốc tế nhân danh Mặt trận đoàn kết dân tộc và chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc Campuchia.
Tháng 7-1974, Narinđrapông đang học khoa Kinh tế chính trị tại trường Đại học Lơmônơxốp, từ Matxcơva tới Bắc Kinh trong dịp nghỉ hè. Chịu ảnh hưởng của bọn thanh niên Khmer Đỏ do Ieng Sary cầm đầu, Narinđrapông bắt đầu kịch liệt công kích Sihanouk, công kích chính bố đẻ ra nó. Nó đã tiêm nhiễm thủ đoạn của Khmer Đỏ là khuyến khích con cái do thám, điều tra, tố cáo bố mẹ. Cũng cần phải nói rằng, trong đám con trai đông đúc của tôi thì Narinđrapông là đứa con duy nhất công khai tuyên bố là kẻ “tử thù” của tôi, theo đúng câu chữ nó nói. Cho đến năm 1979 khi đã thoát được sang Paris, nó vẫn cho biết sẽ “chiến đấu đến cùng chống lại Sihanouk” và làm mọi cách không cho Sihanouk có thể nắm lại chính quyền ở Phnompenh.
Tại sao nó lại hằn thù tôi đến như vậy trong khi chính nó lại là đứa con được tôi rất nuông chiều, dạy dỗ. Trong số mười bốn đứa con trai của tôi, chỉ có Sihamoni và Narinđrapông là con người vợ chính thức của tôi tức là Monic. Từ khi hai đứa ra đời cho đến tận năm 1970 là năm tôi bị lật đổ, Sihamoni và Narinđrapông đều được hưởng tất cả những vinh dự quốc gia và quốc tế tương xứng với những người con trai của bà vợ chính thức của một Nguyên thủ quốc gia. Năm 1969, tức chỉ một năm trước khi tôi bị Lon Nol truất phế, Narinđrapông còn được mời tới Compuông Chàm là thành phố quan trọng thứ hai sau Phnompenh để dự lễ đặt tên cho một sân vận động mới khánh thành: Sân vận động Narinđrapông. Từ tuổi ấu thơ, Narinđrapông đã được chúng tôi đưa sang Pháp và đi thăm nhiều nước bạn. Nó được theo học tại các trường tiểu học, trung học, đại học tốt nhất ở trong và ngoài nước.
Chủ tịch Liên Xô Nikita Khrusev đã cho Narinđrapông hồi đang học tại trường Lomonosov về nghỉ hè tại nhà riêng của ông và ngồi trong lòng ông để chụp ảnh. Cũng như Sihamoni, Narinđrapông không thiếu một thứ gì, và nhất là luôn luôn được hưởng hơi ấm của gia đình, của bố mẹ, trong khi những đứa con khác của tôi lại không được cùng sống trong cung điện. Có nên trách người Xô-viết đã nhồi sọ Narinđrapông không? Dứt khoát không, bởi vì chính Narinđrapông vẫn tuyên bố nó chống Liên Xô, và chỉ tán dương hết sức cái chủ nghĩa Pol Pot mà nó đánh giá là tuyệt vời.
Tại Điện Khêmarin, trong khoảng thời gian từ tháng 4-1976 đến tháng 1-1979, Narinđrapông và em họ nó là Chittara mặc dù thuộc phái thân Pol Pot nhưng cũng phải trải qua một cuộc sống khổ sở trong cảnh tù đầy như tôi và Monic. Nhưng hai đứa vẫn hằng ngày chửi rủa thậm tệ bà già Mom, và chửi cả bà ngoại của chúng, trong khi hai cụ cố hết sức làm vui lòng chúng bằng đủ mọi cách. Hai đứa chửi tất cả các thành viên trong gia đình, gọi mọi người là “đồ Sangkum bẩn thỉu”, là “bọn phong kiến mục nát”.
Những đau khổ tinh thần do chính thằng con Narinđrapông của tôi gây ra, đã làm tôi đau đớn tới mức không tài nào chịu nổi hơn tất cả những điều mà những kẻ thù xấu xa nhất đã nhục mạ tôi.
Trước kia, do muốn thắt chặt những quan hệ giữa Campuchia với các nước xã hội chủ nghĩa, thời kỳ còn làm Quốc trưởng tôi đã gửi năm con trai đi học ở nước ngoài. Yuvanath, Khêmanurắc, Nariđapô học ở Trung Quốc, Sihamoni học ở Tiệp Khắc sau đó chuyển sang Triều Tiên, Narinđrapông học ở Liên Xô. Trong số này chỉ có một mình Narinđapông theo Khmer Đỏ. Cũng không một đứa nào học ở nước ngoài lại phản lại bố nó như Narinđrapông.
Yuvanath, đứa anh cả, sau thắng lợi của Khmer Đỏ đã không chịu về nước mà ở lại Hồng Công rồi sang Mỹ; Khêmanurắc, sau cuộc đảo chính năm 1970 đã lên bưng biền chiến đấu, thư nào gửi cho tôi cũng khẳng định “thuộc phái Sihanouk” và đã bị Khmer Đỏ giết chết từ trước khi tôi từ chức Quốc trưởng năm 1976. Nariđapô không bao giờ có cảm tình với Khmer Đỏ, trong những năm 60 đã quản lý một tờ báo hằng ngày in bằng tiếng Trung Quốc xuất bản ở Phnompenh.
Sau cuộc đảo chính của Lon Nol cháu vẫn ở lại Phnompenh tham gia các hoạt động đấu tranh bất hợp pháp (như rải truyền đơn ủng hộ Sihanouk...) và đã bị chính quyền Lon Nol kết án 5 năm tù.
Ngày 17-4-1975 Khmer Đỏ tiến quân vào Phnompenh đã trục xuất cháu ra khỏi thành phố cùng với toàn bộ dân chúng, sau đó ít lâu đã bị giết chết. Cuối cùng, chỉ còn lại Sihamoni, anh ruột Narinđrapông, đã luôn luôn và cho mãi tới nay vẫn còn là người thuộc phái bảo hoàng, quốc gia, và... thân Sihanouk. Ít lâu sau, bà Khôn vốn là một cung tần phục vụ Mẫu hậu mẹ tôi và bà Náp là người hầu phòng của vợ tôi cũng xin đi nơi khác để “xa lánh bọn phong kiến”. Từ tháng 4-1977 vợ tôi bắt đầu phải tự mình cáng đáng mọi công việc nội trợ. Rác chất đống trong vườn vì từ ngày Ong Meang đi mất, không ai dám đẩy xe rác ra bờ sông nữa. Tôi không bị đưa đi lao động khổ sai tại công xã, cũng không bị giết, nhưng lại phải chịu một hình phạt thậm chí còn đau đớn hơn: đó là thái độ chửi rủa, hỗn xược của những kẻ mới cách đây ít lâu còn đội ơn tôi.
Vợ tôi có lý khi nói với tôi: “Tại các nước khác, bọn tội phạm đều biết bị kết án tử hình hoặc bao nhiêu năm tù. Chúng biết rõ, cuộc sống của chúng sẽ dừng vào lúc nào, như thế nào. Còn chúng ta, chúng ta cứ phải sống trong tình trạng bấp bênh nhất, mất tinh thần nhiều nhất. Điều không thể chịu được là sống qua hết ngày hôm nay không chắc chắn ngày mai sẽ còn sống nữa hay không”. Bắt đầu từ năm 1977 những thủ lĩnh Khmer Đỏ lại bắt tôi chịu đựng thêm một hình phạt mới. Họ đã cho lùa vào Hoàng cung một đàn bò, một đàn trâu, một lũ cừu rồi dê cái dê đực để chúng phá vườn, hai cây ăn quả, huỷ diệt các gốc chuối, và là đái khắp mọi nơi, đặc biệt là ngay trước nhà ở của chúng tôi. Tôi buồn rầu khi nghĩ rằng toà lâu đài này đã từng đón tiếp nhiều nhân vật như Tướng Pháp Đờ Gôn và Nguyên soái Nam Tư Titô nay trở thành một vườn thú thảm hại, hôi thối, suy sụp điêu tàn.
Sau này, mãi đến tháng 9-1977 đàn gia súc mới được lùa ra khỏi Hoàng cung, nhưng thay vào đó lại là một con bò rừng và hai con nai tơ. Một cô nai phải lòng ngay chú bò rừng lực sĩ, đi đâu cũng cặp kè bên nhau nom rất dễ thương nhưng tôi không nhìn thấy chúng giao phối với nhau bao giờ.
Có thể nói, phải đợi đến tận bây giờ là khi tôi đã 55 tuổi tôi mới dần dần được biết nếp sống của những con vật cùng chung sống trong nhà. Nếu Angca không giam giữ tôi trong cung điện thì chẳng bao giờ tôi thèm để ý đến việc quan sát những con vật này. Trước khi xảy ra cuộc đảo chính của Lon Nol cung điện đều phải giữ gìn hết sức sạch sẽ, trừ diệt hết chuột, thằn lằn, thạch sùng... không được để chúng xuất hiện. Trong thời gian hơn ba năm tôi bị cầm tù trong cung vua “nhà ngục vàng son” của tôi ngày càng có thêm nhiều chuột, thạch sùng, thằn lằn, và cả rắn độc bò vào thăm vợ tôi trong nhà tắm, hoặc bò vào nhà bếp thăm bà Sar Saorot và bà Khôn. Lại thêm những tiểu đoàn côn trùng có cánh như ruồi muỗi, bướm, cào cào, châu chấu, dế mèn, chuồn chuồn.., cứ đến tối là tràn vào các gian phòng của chúng tôi. Muốn ngăn sự xâm lăng của chúng thì phải đóng cả cửa kính lẫn cửa chớp, nhưng đóng kín như thế thì chết ngạt. Đành phải sống chung với chúng.
Khoảng từ năm 1976 đến 1978 vợ chồng chúng tôi sống tại những gian phòng trước kia đã từng tiếp đón Tổng thống Pháp Đờ Gôn, ngày nay có cả chuột kéo vào sinh sống. Những con chuột liều lĩnh từ phòng chúng tôi chạy ra ngoài không thấy trở về đầy đủ vì lính Khmer Đỏ đã chộp lấy chúng đem nướng sống. Phần lớn lũ chuột to cứ mất dần, chỉ còn nhiều chuột con, chuột nhắt. Buổi sáng lũ chuột này biến đi đâu mất hết, buổi tối mới trở về để cùng “mặt đối mặt” với vợ chồng chúng tôi trong lúc ăn cơm. Chuột bố và chuột mẹ đi trước lũ chuột anh, chuột chị, rồi mới đến chuột con và cả chuột cháu.
Thỉnh thoảng chúng lại trình diện chúng tôi một lứa chuột mới đẻ, nom rất kháu khỉnh. Lũ chuột không sợ chúng tôi. Chúng như một đàn chó tí hon, ngồi không xa bàn ăn của chúng tôi, chăm chú nhìn chúng tôi và còn nói chuyện với chúng tôi bằng thứ ngôn ngữ riêng của chúng, cố làm cho chúng tôi hiểu rằng phải cho chúng ăn. Chúng tôi tặng lũ chuột những mẩu bánh mì vụn và những mẩu quả ăn thừa. Khi chậm cho chúng ăn, chúng kêu “chít, chít” tỏ ý phản đối. Bữa ăn kết thúc, chúng khôn ngoan đi theo một hàng dọc trở về tổ, tránh sự thèm muốn của lũ gecko.
Gecko, theo định nghĩa trong Từ điển ngôn ngữ Rôbe của Pháp là một từ gốc Malaixia, có nghĩa là “một loài bò sát có bốn chân, mỗi chân có những ngón dính với nhau bởi những mảng da như lá mía”. Người Khơme chúng tôi gọi nó là con tắc kè, bởi vì nó kêu: “tắc kè, tắc kè, tắc kè”...
Theo tập quán mê tín từ thời tổ tiếng người Khơme chúng tôi thường đếm tiếng tắc-kè để bói xem người chung sống với mình có lừa dối không; và nếu chưa có vợ có chồng thì đếm tiếng tắc-kè để bói xem người vợ hoặc người chồng tương lai của mình có phải đã goá chồng, goá vợ hay không, hoặc người vợ, người chồng tương lai của mình có phải là gái trinh, trai tân hay không. Ví dụ, nghe tiếng “tắc-kè” đầu tiên anh con trai đang cầu hôn nói: “Krâmom” (nghĩa là gái trinh) đến tiếng “tắc-kè” thứ hai lại nói “mêmay” (có nghĩa là gái goá) và cứ thế, tuần tự nói “krâmom” rồi lại nói “mêmay” nhịp với tiếng kêu của con tắc-kè cực kỳ xấu xa ghê tởm cho tới khi con tắc-kè chấm dứt bài ca dai dẳng bằng cái giọng khàn khàn đáng sợ của nó.
Nếu tiếng kêu cuối cùng của con tắc-kè nhịp với câu “mêmay” thì mọi người chung quanh sẽ cười ồ lên, tới tấp chia buồn với người bói toán, bởi vì sẽ lấy phải gái goá, và những người goá chồng hoặc đã ly dị chồng đều bị coi là “đồng tiền mất giá”.
Về phần tôi, tôi chỉ bói tắc-kè để xem có thoát khỏi tay bọn Pol Pot hay không, khi con tắc-kè vừa bắt đầu kêu tiếng đầu tiên, tôi nói: “sẽ thoát”. Đến tiếng thứ hai, tôi nói: “không thoát” và cứ thế tiếp tục, tuần tự nhịp với tiếng kêu của con tắc-kè cho tới tiếng kêu cuối cùng. Thật lạ cùng, bao giờ tiếng tắc-kè cuối cùng, dù là con tắc-kè trong phòng tối hay con tắc-kè trên cây bên ngoài nhà, cũng nhịp với tiếng tôi nói: “không thoát”. Có nghĩa là tôi sẽ bị Khmer Đỏ giam giữ suốt đời.
Điều đó làm tôi rất buồn. Cũng may, tôi không bao giờ tò mò tới mức muốn hỏi con tắc-kè xem liệu tôi có bị bọn Pol Pot, Ieng Sary thủ tiêu hay không.
Tôi chịu đựng rất khó khăn cảnh tượng con vật này nhai ngấu nghiến con vật khác một cách không thương tiếc, vì ngày nào tôi cũng đứng trầm lặng hàng giờ trong phòng khách, tôi đã buộc phải nhìn thấy, rồi đi tới chỗ chăm chú quan sát tập quán của những con vật nhỏ chung quanh tôi, nhung nhúc trên tường và cả trên trần nhà. Vì vậy, ngày nào tôi cũng phải chứng kiến con vật bé bị con vật lớn tàn sát, con vật yếu bị con vật khỏe ăn thịt. Đó là luật rừng. Luật rừng không phải chỉ có trong khung cảnh thiên nhiên rộng lớn, nơi có sư tử hổ báo, chó soi, cá sấu tiến công và ăn ngấu nghiến những con vật không có gì để tự vệ. Luật rừng khủng khiếp diễn ra ở khắp mọi nơi, ở cả dưới nước, nơi con cá sấu hung dừ đớp cả người. Nhưng cũng không nên quên, chính những con cá nhỏ bé, xinh xinh có vẻ vô hại cũng lại là những con “cá sấu” không thương sót đối với những con vật bé nhỏ hơn chúng.
Trong gian phòng ở “Cung vua” của tôi, tôi nhìn thấy ngay trước mắt mình những con thằn lằn cắn con thạch sùng. Con thạch sùng vừa giãy giụa một cách vô ích vừa kêu những tiếng tuyệt vọng xé lòng. Rồi thì những con thạch sùng bé nhỏ (cũng thuộc loài bò sát) cứ dần dần lọt thỏm trong miệng con thằn lằn, y như con thỏ lọt vào mõm con trăn. Những tiếng kêu tắt hẳn khi những chi dưới của con thạch sùng không còn cử động được nữa và cái đầu cũng biến mất. Tuy nhiên, những con thạch sùng “ngây thơ và vô hại” đến lượt chúng cũng biến thành những con quái vật hung dữ khi chúng bắt gặp trước tầm mõm những con vật bé nhỏ hơn chúng, và chúng cũng nuốt trửng không thương tiếc những miếng mồi đó.
Dù sao, những con vật nhỏ này cũng có những lý do để xá tội: trước hết, chúng không phải như chúng ta, chúng không có trí óc thông minh để phân biệt được đâu là thiện, đâu là ác, trong khi chúng ta là những con người, chúng ta thật sự phải chịu trách nhiệm vì chúng ta có ý thức về những hành động của mình. Hơn nữa, nếu những con vật nhỏ này tiến công những con vật nhỏ hơn hoặc yếu hơn để ăn thịt, là bởi vì chúng đói và cần tồn tại. Còn tội ác của con người thì không thể biện minh được.
Những con vật bị hi sinh, nhiều khi chúng cũng tự nguyện làm mồi cho những con khác. Điều đó, âu cũng lại là một định luật của tạo hoá muốn một số loài vật phải tự nguyện hiến thân cho đao phủ. Đó là những con bướm trong gian phòng của tôi ở Điện Khêmarin. Một số con bướm này, khi mới nhìn thấy, con thạch sùng đã vội ngừng đùa giỡn với ánh sáng đèn điện để đến làm mồi cho thạch sùng. Với những chiếc cánh của nó, bướm có thể bay đi trốn tránh tới cùng, không để cho thạch sùng đớp phải, nhưng nó vẫn cứ có vẻ như tự nguyện dâng mình cho kẻ ăn thịt nó. Tôi đã cố cứu bướm thoát chết bằng cách dùng khăn mặt hoặc dùng quạt đuổi bướm ra xa thạch sùng. Nhưng không được. Bướm vẫn quay tít lại gần con vật “ngấu nghiến” chúng. Tôi dùng gậy đuổi thạch sùng đi. Nhưng, bướm vẫn trung thành theo đuổi tên đao phủ cho tới khi bị ăn thịt. Cũng đã nhiều lần, tôi cố đuổi tắc-kè xa thạch sùng, nhưng rõ ràng thạch sùng không tỏ ra một chút cố gắng nào hòng thoát khỏi kẻ giết mình. Vậy mà những con thạch sùng lại nhẹ nhàng hơn, linh hoạt hơn, chụp nhanh hơn những con tắc-kè khá nặng nề.
Tôi cũng đã từng được biết những con gà trống cực kỳ thông minh. Năm 1970, vài tuần trước khi xảy ra vụ đảo chính của Lon Nol, khi đến chơi nhà ông bạn Xam Lơ Trôn ở bên Pháp, tôi đã nhìn thấy những con gà trống hút thuốc lá, biết nhào lộn và những con gà mái chỉ đẻ trứng khi ông bạn tôi ra lệnh. Trong khoảng thời gian từ năm 1976 đến năm 1977 ở Điện Khêmarin tôi rất chú ý đến một con gà trống xinh đẹp trong đàn gà của Khmer Đỏ. Con gà trống này có ba vợ, sáng nào cũng dẫn ba con gà mái này đi dạo chơi. Con vợ nó yêu thích nhất là một cô gà mái có vẻ trẻ nhất, có bộ lông đen nhất, lúc nào cũng như dính sát bên cạnh con gà trống. Con gà chồng dẫn đàn vợ đi một cách tự hào đến trước mặt vợ chồng chúng tôi để xin ăn. Nó thích ăn chuối vô cùng. Khi không nhìn thấy tôi xuất hiện trước cửa sổ vào khoảng mười giờ sáng như thường lệ, con gà trống liền nhảy lên chiếc ghế dài đặt ở bên dưới cửa sổ. Tôi núp kín một chỗ, bí mật quan sát. Con gà trống chăm chú nhìn qua cửa sổ, đảo mắt tìm tôi. Nếu vợ chồng chúng tôi chậm xuất hiện, nó liền cất tiếng gáy tỏ vẻ sốt ruột. Lúc đó chúng tôi mới vứt một quả chuối cho nó. Con gà chồng mời các bà vợ cùng ăn, dành cho các bà vợ những mẩu ngon nhất. Quả là một đức ông quý tộc hào nhoáng, bên cạnh nó tôi cảm thấy bị... lu mờ?
Tôi vẫn thường mơ về một hành tinh đẹp” là trái đất của chúng tôi. Nhờ có những vệ tinh nhân tạo của trái đất và những con tàu vũ trụ, ngày nay người ta đã có những tấm ảnh rực rỡ của trái đất, đẹp đẽ và cuốn hút, với tất cả những màu trắng của mây, màu xanh tươi của thực vật, mầu xanh thẫm của biển và đại dương, màu vàng màu da cam, màu son, màu xám của đất và đá... Từ trên cao nhìn xuống, trái đất có vẻ như thiên đàng.
Nhưng nếu các thiên thần hạ cánh xuống trái đất thì có lẽ họ sẽ khiếp hãi vì những cảnh khốn cùng ở khắp mọi nơi.
Con người đã chế tạo được nước hoa, nhưng không bao giờ khử được hết mùi phân lộn mửa.
Và nhất là, có những người tự xưng là văn minh nhưng lại là hiện thân của cả quỷ Sa-tăng lẫn ông Bụt, là những kẻ đối xử với nhau tàn ác nhất.
Chẳng ở đâu có an ninh. Nơi nào cũng có sự xấu xa kinh tởm, ngay cả ở Liên Hợp Quốc cũng là nơi người ta nhìn thấy một ông Ieng Sary không chút mặc cảm nhân danh chế độ “diệt chủng” thảm sát dân tộc và nhân dân “long trọng” ký tên gia nhập Hiến chương bảo vệ nhân quyền. Sự tuyên truyền của Khmer Đỏ không ngừng tuyên bố Angca đạt được những nguyên tắc tốt nhất về vệ sinh và tiết kiệm đã khắc sâu trong óc người dân và người lính. Bị giam trong Hoàng cung nhiều tháng không được ra ngoài, tôi không có điều kiện nhìn thấy những cái gọi là “kết quả vĩ đại và không gì so sánh nổi” của chính sách moha aschar (cực kỳ ghê gớm) của Angca trong lĩnh vực này. Nhưng tôi đã có thể quan sát được tất cả những gì trong lòng Hoàng cung đang trở thành một thứ trại lính của Khmer Đỏ.
Từ khi đại uý Ong Meang, viên sĩ quan tuỳ tùng trung thành của tôi biến mất, tôi không còn ai giúp việc để đi ra bờ sông đổ những đống rác đang chất thành từng đống. Vả lại, con sông Tônlê Xáp xinh đẹp từ ngày Khmer Đỏ lên nắm quyền cũng đã biến thành con sông cực kỳ bẩn thỉu, hai bên bờ, ngập đầy những đống rác, nhất là vào mùa nước xuống. Nước sống ngày càng bị ô nhiễm.
Những người dân (mới đến) vẫn cứ phải tự coi là những người sung sướng ở Phnompenh vì còn có cái thứ nước sông ô nhiễm này để giặt quần áo (chỉ còn ít ỏi), để tắm rửa và... uống. Trong Hoàng cung có nước máy. Nhưng vin vào lý do phải tưới cây, lính Khmer Đỏ cứ để cho nước máy chảy tràn suốt ngày đêm không buồn nghĩ đến chuyện khoá với nước. Những ống dẫn nước, lắp nối rất kém, đã rò rỉ. Việc lãng phí nguồn nước có thể uống được quả là kỳ cục. Nước sạch cứ thế ngập úng thảm cỏ, ngập cả lối đi suốt ngày đêm. Trong Điện Khêmarin thỉnh thoảng người ta cũng sửa chữa những ống dẫn nước. Nhưng căn cứ vào những nguyên tắc mà bộ đội Khmer Đỏ, bao gồm cả những bộ tộc miền núi, cho rằng cái gì mình cũng biết làm; ta hãy thử hình dung các anh thợ hàn và thợ điện bất đắc dĩ của năm 1977 này như thế nào?
Năm 1976 hãy còn vài công nhân chuyên nghiệp của “xã hội cũ”. Đến năm 1977, có vẻ như những người Khmer Đỏ “thuần chủng” có thể tự bay bổng được đôi cánh của mình và làm chủ được bất kể môn khoa học nào, bất kể ngành kỹ thuật nào.
Những công nhân và nhân viên kỹ thuật của xã hội cũ cứ biến mất dần. Tôi không bao giờ còn được gặp lại họ nữa. Kết quả làm “ngôi nhà cung vua” của tôi cứ dần dần mục nát và đến cuối năm 1978 thì không thể ở được nữa. Các ống dẫn nước tiếp tục ngày càng rò rỉ. Mỗi ngày nhà máy điện thành phố lại có ít nhất một hoặc hai sự cố kéo dài nhiều giờ. Những lần mất điện ban đêm càng làm cho những buổi tối và đêm trong cung điện thêm nặng nề, lo ngại và khiếp sợ. Ngay cả đêm sáng trăng cũng rất ảm đạm. Cuối cùng, đến những cánh cửa ra vào và cửa sổ cũng không mở ra khép vào được từ những chốt sắt đã gỉ. Những toà nhà khác trong Hoàng cung cũng ngày càng tồi tệ. Điện chính, nơi đặt ngai vàng, phủ đầy bụi. Phần lớn các cánh cửa sổ không khép lại được. Nhưng ngược lại, có những cánh cửa không mở ra được. Thời tiết nắng mưa ảnh hưởng xấu đến nội thất.
Lính Khơme Đó chiếm đóng một phần trong số nhiều toà nhà ở Hoàng cung. Khi một căn hộ nào đó không còn ở được nữa hoặc một phòng tắm không dùng được bọn lính lại cuốn gói kéo đi tìm một toà nhà khác. Thế là cuối cùng, chúng lần lượt chiếm cả toà lâu đài lộng lẫy nhất trong Hoàng cung, sau Điện Khêmarin. Đó là Điện Cantha Bopha. Toà nhà đẹp đẽ có đồ đạc sang trọng này đã được sử dụng làm nơi tiếp đón nhiều vị thượng khách tới thăm chính thức hoặc với tư cách cá nhân, như vợ chồng Tổng thống Pháp Vanhxăng Ôriôn, Công chúa Alêchxanđra xứ Kenia, Nguyên soái Trung Quốc Trần Nghị, Thống chế Ai Cập Amer... Bộ đội Khmer Đỏ đã biến nơi đây thành trại lính với giường dã chiến, võng... Nhà bếp biến thành chuồng nuôi một con khỉ, một con vẹt vài con gà. Một trong những phòng khách sang trọng đã từng nghênh tiếp Công chúa Alêchxanđra và Phu nhân Tổng thống Vanhxăng Ôriôn nay trở thành bếp ăn của lính Khmer Đỏ. Qua cửa sổ một số nhà trong Hoàng cung có thể nhìn thấy những toà nhà gần, như Viện Bảo tàng Quốc gia kiến trúc theo kiểu Khơme truyền thống, những vườn hoa đã biến thành vườn rau trồng chuối hoặc biến thành những bãi đất trồng dâu, trồng mía, gỗ cửa sổ đã bị dùng làm củi để nấu cơm. Bên trong Hoàng cung, những đống rác rưởi phế thải lâu ngày chất cao như núi, thu hút hàng “sư đoàn” ruồi. Lính Khmer Đỏ tha hồ bắt chuột đem nướng sống vì chuột nhung nhúc khắp mọi nơi, cũng bởi vì không còn cả chó lẫn mèo để bắt chuột nữa. Lính Khmer Đỏ ăn cả chó, mèo, rắn...
Mỗi buổi chiều, khi mặt trời lặn tôi thường nhìn qua cửa sổ đàn chim bay về phía chân trời xa tắp Con chim có cánh để bay. Khoảng trời tự do của chúng không bờ bến. Mặc dù dưới vòm trời thanh bình vẫn có những con chim lớn săn mồi có thể đuổi bắt chim nhỏ để ăn thịt, nhưng ít nhất con chim dù nhỏ bé nhất vẫn có cánh tung bay, tìm một vận may ở một nơi nào đó. Còn tôi, tôi đang bị đóng đanh trên mặt đất, chẳng những không bay đi tìm tự do được, mà cũng chẳng giúp gì cho nhân dân của tôi đang bị giết hại.
Tất cả mọi người xứng đáng với chữ “người” đều phải yêu thích trẻ con vì đó là hiện thân của sự ngây thơ, trong trắng. Đi ra ngoài quy luật này, bọn Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chia... đã dìm lũ trẻ Khơme trong đại dương của sự khốn cùng, phải lao động cực nhục, bị cưỡng bức, hành hạ, kèm theo những sự trừng phạt tàn nhẫn. Năm 1978 đài phát thanh của Việt Nam đã phát đi nhiều chứng cớ do những người Khơme thoát khỏi địa ngục Pol Pot trốn chạy sang miền Nam Việt Nam lánh nạn kể lại. Những người này cho biết những trẻ em bị Angca quyết định trừng phạt đã bị, hoặc vứt xuống hồ nuôi cá sấu, hoặc nắm cẳng chân rồi quật mạnh vào thân cây cho đến chết, hoặc trùm kín đầu trong túi ni-lông cho đến khi nghẹt thở, hoặc bị đập gậy vào đầu, vào gáy bị giết bằng rìu, búa, xẻng, cuốc, bị treo lên cây, mổ bụng moi gan đưa về bếp ăn cho binh lính. Ở nước chúng tôi, gan người được coi như thuốc bổ trường sinh nổi tiếng. Trong những năm 1981, 1982 tôi cũng đã được nghe chính miệng những người trốn thoát ra nước ngoài xác nhận cái chết của mười bốn người con, người cháu gọi tôi bằng ông, cùng với bố mẹ chúng là con trai, con gái, con dâu, con rể của tôi bị giết hại trong các công xã.
Tôi hình dung thấy những nỗi đau đớn không tả xiết mà đàn cháu nhỏ vô tội của tôi đã phải chịu đựng trước khi trút hơi thở cuối cùng. Có lẽ, trước khi chết, các cháu trai cháu gái khốn khổ của tôi đã tự hỏi, tại sao ông nội, ông ngoại “đế vương” lại quyết định đưa các cháu về Campuchia cùng với bố mẹ để rồi phải chịu đau khổ và chết thảm như thế này. Trong lịch sử loài người chưa bao giờ có một sự độc ác dã man như vậy đối với trẻ nhỏ. Nỗi ân hận cứ ám ảnh tôi suốt ngày đêm. Từ đó trở đi, không đêm nào tôi chợp mắt được nếu không uống thuốc ngủ, và những giấc ngủ ngắn ngủi của tôi cũng toàn là những cơn ác mộng.
Trước khi bị đưa đi đầy tại các trại lao động tập trung, đàn cháu gọi tôi bằng ông vẫn còn được ở trong một biệt thự hiện đại gần đài Độc Lập cùng với bố mẹ các cháu. Đó là một “đặc ân” của Angca.
Các cháu không được phép nhặt các trái cây đã bị thối, rụng xuống nền đất và trên bãi cỏ. Người lính chịu trách nhiệm canh giữ đã báo với chúng và bố mẹ chúng: “Những trái cây này, dù đã bị thối, cũng vẫn thuộc tài sản của Angca. Không được phép của Angca thì không ai được nhặt”.
Những đứa con và đàn cháu không được ưu tiên sống với tôi trong Hoàng cung mỗi ngày chỉ nhận được một suất ăn không đủ no mà cũng chẳng ngon lành gì. Đàn cháu gọi tôi bằng ông, nhất là những cháu còn nhỏ, rất đói, thường khóc nức nở suốt ngày. Để dẹp bớt phần nào cơn đói, mặc dù đã có lệnh cấm, bố mẹ các cháu vẫn cố lén lút nhặt vài quả nhỏ từ trên cây rụng xuống. Một lần, tên lính canh bắt được đã đe doạ giết chết “để dạy cho con cái biết tôn trọng của cải của nhân dân trước kia đã từng bị bọn vua chúa bóc lột”.
Trước khi tôi bị thất sủng, đàn con cháu này theo lời đề nghị của tôi, vẫn được Angca cho phép tới thăm tôi mỗi tháng một lần, khoảng hai mươi bốn giờ, tại Hoàng cung. Tôi đã cho con cháu ăn trong một ngày bằng một tháng của chúng. Và hôm đó, các cháu cũng có thể tha hồ nhặt các trái cây rơi từ các cây trong vườn Hoàng cung, từ cuối tháng 12-1975 đến tháng 4-1976 thì chấm dứt sau khi tôi từ chức.
Một hôm, tôi sửng sốt thấy hai cổng lớn ở vành ngoài Hoàng cung và hai cổng nội cung mở rộng. Tôi chưa kịp tự hỏi điều gì xảy ra thì từ cửa sổ gian phòng tỏi đã nhìn thấy cả một đội quân trẻ con từ năm đến tám tuổi, mang theo các dụng cụ làm vườn tạp nham và thô sơ, có binh lính khoảng từ 15 đến 20 tuổi đi kèm, tiến vào Hoàng cung. Lúc này, khu vườn trong Hoàng cung đã trở thành một khu rừng thanh tân có nhiều thú vật bốn chân và rắn rết, thằn lằn, còn các “đường mòn” trong rừng thì đầy phân súc vật và phân người. Hẳn là Angca đáng tôn kính nghĩ rằng đã tới lúc phải tắm rửa đôi chút cho cái công viên đang biến thành rừng này, bởi vì thỉnh thoảng ở vành ngoài Hoàng cung vẫn có các vị khách nước ngoài tới thăm cung điện trước kia đặt ngai vàng. Hơn nữa, thời kỳ tôi chưa bị thất sủng, một người lính đã nói với tôi: “Những đám cỏ mọc quá cao và những lùm cây quá rộng có thể bị bọn gián điệp và kẻ địch dùng làm nơi ẩn nấp để tìm cách tiếp xúc với những người chung quanh Xamđec, hoặc xâm phạm đến tính mạng Xamđec”.
Sứ mệnh trao cho lũ nhóc “đàn con của Angca” gồm có: cắt hoặc nhổ cỏ, tỉa cành tỉa là cho cây bớt rậm rạp. Bọn con nít đi thành hàng hai. Khi chúng đến cách cửa sổ của tôi khoảng năm chục mét, tôi cố tìm một cách tuyệt vọng trong đám trẻ con lam lũ, bẩn thỉu, đầu tóc bù xù, quần áo bạc mầu bám đầy bụi và bùn đất, rách rưới, xem có các cháu tôi bị tách biệt với tôi từ tháng 4-1976 trong đo không. Hỡi ôi? Chẳng có đứa trẻ nào thuộc gia đình tôi. Hơn nữa phần lớn bọn trẻ con này đều thuộc các bộ tộc miền núi giọng nói của chúng không thể nhầm lẫn được. Thái độ cử chỉ của chúng cũng khác với trẻ con thành phố và vùng đồng bằng châu thổ Mê công. Nhưng, điều làm cho tôi ngạc nhiên, chính là những câu nói không biết chúng đã học được của ai, kể từ ngày Angca tách rời vĩnh viễn bọn chúng với môi trường tự nhiên và cha mẹ chúng.
Ngay sau khi bọn lính đàn anh vừa cho phép chúng được giải tán chúng liền bắt đầu ngay một trò chơi kỳ cục: chúng chửi nhau, rủa nhau, vừa cười vừa tuôn ra những lời thô bỉ, tục tĩu. Đáng lẽ phải dọn dẹp sửa sang vườn tược (mà bản thân chúng cũng rất bẩn thỉu tới mức không thể tưởng tượng được là chúng lại có thể làm sạch được cung điện của các triều đại vua cũ của chúng tôi) lũ nhóc này lại lao ngay vào việc nhặt những quả rơi từ trên cây xuống đất. Rõ ràng chúng đang đói.
Từ trên cửa sổ nhìn xuống thấy cảnh tượng đáng thương này, tôi đau đớn nghĩ đến đàn cháu tôi đang mất tích. Nếu Angca vẫn còn cho chúng được sống, hoặc là nếu chúng còn sống sót, thì chúng cũng vẫn đang còn khốn khổ như đám trẻ con miền núi này. Dù còn “man rợ” vì sinh ra trên mảnh đất vốn quen săn bắn và sống tự do, ít nhất chúng vẫn còn có thể được cười đùa, được chơi các trò chửi rủa nhau, đánh nhau một cách vui vẻ để giành giật vài trái cây chưa bị chim mổ nát. Tôi không thể không so sánh số phận lũ trẻ này với lớp thanh thiếu niên Bắc Triều Tiên. Tôi khâm phục Nguyên soái Kim Nhật Thành về những việc ông đã làm cho nhân dân và thanh thiếu niên của ông.
Tại nước Cộng hoà dân chủ nhân dân Triều Tiên, người ta có thể tuyên bố mà không phải cải chính, rằng trẻ con là vua. Ở thủ đô Bình Nhưỡng cũng như tại các tỉnh, các thị trấn, cho tới tận các xóm làng xa xôi nhất, trẻ con không thiếu thốn một thứ gì, được cưng chiều trong lòng gia đình, được Nhà nước và chính quyền chăm sóc tốt. Người ta chính thức gọi chúng là “đàn con của lãnh tụ vĩ đại” ở nơi nào các cháu cũng có những Cung thiếu nhi, những nhà trẻ, những trung tâm nghỉ hè. Các cháu lúc nào cũng rất sạch sẽ, quần áo đẹp. Không những các cháu được hưởng một hệ thống giáo dục rất hiện đại mà còn có cả những đồ chơi như thường thấy ở châu Âu, châu Mỹ. Trong Cung thiếu nhi, từ khi còn rất ít tuổi, các cháu đã được học ký xướng âm và chơi nhạc cụ. Thanh niên nam nữ Triều Tiên hiện nay, mỗi người chơi được hai thứ nhạc cụ tuỳ theo sở thích của mình như pianô; accoócđêông, xacxôphôn, clarinit, kèn đồng, viôlông xen, ghita, sáo và các nhạc cụ dân tộc truyền thống. Tất cả các lớp học nhạc đều không phải đóng tiền. Ngoài ra còn được học múa ba lê và các điệu múa dân tộc hoặc hiện đại, kể cả múa cổ điển phương Tây.
Ông Khieu Samphan đã chọc tức tôi khi ông nói:
- Những việc chính phủ Triều Tiên làm đối với trẻ con nước họ thật khó hiểu. Các bạn Triều Tiên chúng ta quả đã tốn nhiều thời gian và tiền của để dốc vào việc nuông chiều trẻ con. Thật là kỳ cục khi dậy trẻ con chơi pianô; accoócđêông. Ở nước ta, không có cái kiểu giáo dục trẻ con như thế!
Khieu Samphan hiểu rằng tôi tán thành việc giáo dục âm nhạc, nghệ thuật cho trẻ em như thế nào. Ông ta cũng biết, bản thân tôi có chơi vài nhạc cụ khi chưa bị dìm sâu vào tai hoạ triền miên kể từ ngày 18-3-1970. Ông nhìn tôi, cố tìm phản ứng khi nghe ông chỉ trích ông bạn thân nhất của tôi là Chủ tịch Kim Nhật Thành. Nhưng tôi đành trả lời ông:
- Kính thưa ngài, mỗi nước có một cách giáo dục thanh thiếu niên thích ứng với từng nước đó.
Than ôi! Lứa thanh thiếu niên được Angca tôi luyện “cứng rắn” chẳng bao lâu nữa sẽ tháo chạy toán loạn trước đòn tiến công chớp nhoáng của Việt Nam trong khoảng thời gian từ 25-12-1978 đến ngày 7-1-1979. Còn bây giờ, “đàn con của Angca” sau khi đã chén no tất cả những trái cây có thể ăn được, rụng xuống đất trong vườn, bắt đầu bắt tay vào công việc. Nếu chúng tôi đang không phải ngụp trong tấn bi kịch thì cái cảnh “tắm rửa” cho cung điện do lũ nhóc này phụ trách quả là đã gây cười bởi vì nó là đỉnh cao của hài kịch. Đó là cảnh tượng vô chính phủ mạnh ai nấy làm. Bọn lính không phải làm công việc này. Còn lũ trẻ con cũng không biết làm được gì với những lưỡi liềm hái đã gỉ, những xẻng, cuốc, kéo cắt cỏ, kéo cắt cành cũng hoàn toàn gỉ, có những dụng cụ cao hơn cả bọn chúng. Bọn chúng cố làm được đến đâu thì làm.
Ta hãy thử tưởng tượng một đứa bé không có kinh nghiệm thợ cạo thế mà người ta lại bắt nó phải cắt tóc cạo râu cho một người râu tóc bù xù thì thật là một thảm hoạ. Trước khi có cuộc tắm rửa kỳ khôi này, những bãi cỏ vườn cây những cây to cây nhỏ dù hoang dã vẫn không thiếu vẻ lôi cuốn và vẻ bí ẩn kỳ vĩ. Nhưng sau khi lũ trẻ dọn dẹp sửa sang xong thì tất cả đều bị đảo lộn. Cỏ bị cắt xén lung tung, nham nhở cây nhỏ bị tỉa cành đã không tôn vẻ văn minh cho khu vườn mà còn làm mất đi vẻ hoang vu quyến rũ. Ngược lại, lũ trẻ con đã cung cấp cho tôi, suốt một ngày, một cảnh tượng khác thường của những “người - khỉ” rất linh hoạt vừa nô đùa vừa nhanh nhẹn trèo cây, chuyền cành, hái quả, rồi ngồi vắt vẻo như cưỡi ngựa trên những cành cây không bị chặt để nhấm nháp. Lúc mặt trời lặn, các chú Tác-giăng tí hon quay trở lại cái “công xã” hoặc một trại lao công nào đó tôi cũng chẳng biết nữa. Tất cả những cảnh tượng giữa hai lớp tường bao quanh hoàng cung chỉ mở đặc biệt trong ngày hôm đó nay lại khép kín, cài then và khoá chặt, tiếp tục dìm tôi trong nỗi cô đơn và sự tuyệt vọng.
Vài tháng nữa tiếp tục trôi đi...
Một buổi sáng, lúc Sihamoni đang quét lối đi và tưới cây thì lũ “người - khỉ” tí hon này lại xuất hiện trên những cành cây phía ngoài bức tường bao quanh toà lâu đài trước kia là Cung vua. Chúng hái me. Tôi nghe thấy những tiếng cười lanh lảnh và những tiếng chửi rủa tục tĩu của chúng. Rồi, khi nhìn thấy Sihamoni, chúng chỉ tay về phía con tôi đang lao động vất vả, từ trên cành cây cao hơn bức tường một tên trong bọn chúng nói to: “Này, chúng bay ơi! Hãy nhìn thằng con bọn phong kiến đang bị Angca của chúng ta bắt tù. Nó phải làm việc cật lực thế này, quả là thú vị”.
Quả thật, với bộ quần áo lao động đã cũ và rách vá, Sihamoni giống hệt một thằng tù. Mà qui chế dành cho chúng tôi kể từ khi bị giam giữ chặt chẽ từ tháng 4-1976 đến giữa năm 1978, cũng là qui chế của nhà tù chính trị.

10. Tin xấu ....tức là tin tốt lành
 Tôi không thể hình dung được cuộc sống trong tù sẽ như thế nào nếu như tôi không duy trì được sợi dây liên lạc độc nhất với thế giới bên ngoài là cái máy thu thanh. Tôi nghĩ tôi sẽ phát điên nếu không có phương tiện nghe ngóng tin tức thế giới, dù chỉ nghe lén lút. Chính những “tin xấu” mà các đài phát thanh bên ngoài truyền đi về chế độ phản dân của bọn Pol Pot đối với tôi và những người chung quanh tôi, trừ Narinđrapông và Chittara lại là những “tin tốt lành”. Nó như liều thuốc làm dịu vết thương của chúng tôi.
Qua các đài phát thanh nước ngoài, tôi được biết một vài người bạn Pháp cùng với một số người trong gia đình tôi lúc này đang sống ở Pháp, đang vận động các nhà lãnh đạo một số nước vốn có thiện cảm với tôi, gây sức ép để Khmer Đỏ phải cho biết số phận hiện nay của tôi ra sao. Sau này tôi được biết thêm, nhiều vị đứng đầu các nước và nhiều nhân vật nổi tiếng ở châu Á, châu Phi, châu Âu và thế giới Arập đã tích cực liên tiếp vận động Pol Pot, Ieng Sary và Khieu Samphan trả lại tự do cho tôi. Tổng thống Mỹ thời kỳ bấy giờ là Jimmi Catơ có lần đã làm tôi vô cùng phấn khởi khi nghe thấy ông công khai tuyên bố chế độ Pol Pot ở Phnompenh là phản động nhất thế giới. Nhưng một lần khác ông lại làm tôi buồn nản khi ông lên tiếng không đồng ý với thượng nghị sĩ Mác Gavôn đòi thành lập khẩn cấp một lực lượng quốc tế giải phóng cho nhân dân Campuchia thoát khỏi bàn tay bọn đao phủ. Thế là, hi vọng cuối cùng được nhìn thấy đất nước tôi, nhân dân tôi và bản thân tôi thoát khỏi địa ngục Pol Pot vụt tan biến. Hỡi ôi thượng nghị sĩ Mỹ Mac Gavôn lúc đó mới chỉ là một nhà chính trị duy nhất trên thế giới dám công khai tuyên bố, biên giới của một nước có thể phải vượt qua nhằm cứu vớt toàn bộ một dân tộc, một chủng tộc, đang có nguy cơ tuyệt diệt.
Những tin tức khác, hấp dẫn hơn và đỡ buồn hơn, cho tôi biết về cuộc sống của các đoàn ngoại giao ở Campuchia. Từ cuối năm 1977 một vài đài phát thanh trên thế giới đã loan tin có sự bất đồng giữa chế độ Phnompenh với một số nước xã hội chủ nghĩa có đặt sứ quán tại Phnompenh. Đặc biệt là Cuba và Anbani, tuy chưa hoàn toàn cắt đứt quan hệ ngoại giao với Pol Pot nhưng đã tuần tự rút đại sứ, rồi đại biện lâm thời, rồi cả một số cán bộ ngoại giao nữa ở Pol Pot về nước. Sau khi rời Phnompenh, đoàn ngoại giao của Cuba lớn tiếng tuyên bố với thế giới: “Phnompenh là một thành phố ma và đoàn ngoại giao ở Phnompenh là những người tù thật sự”. Những nhà ngoại giao này của Cuba cho biết ở Phnompenh không sao nói chuyện điện thoại với nhau được. Tuy sứ quán nào cũng có máy điện thoại, nhưng chỉ có một đường dây liên lạc nối với Bộ Ngoại giao do Ieng Sary đứng đầu. Từ Bộ Ngoại giao gọi xuống các sứ quán thì được, nhưng từ các sứ quán gọi cho nhau thì lại không được. Chỉ riêng sứ quán Trung Quốc được ưu tiên gọi đi các nơi. Tôi phải biết ơn Cuba và những đài phát thanh bên ngoài đã tiết lộ những chi tiết cụ thể vạch trần chế độ quái gở của Pol Pot. Tôi tự an ủi và khuây khoả đôi chút khi nghĩ rằng các nhà ngoại giao thuộc các nước bạn của chế độ Khmer Đỏ cũng chẳng được tự do hoạt động hơn tôi mấy tí. Cả chúng tôi cũng như họ đều là những người tù của Khmer Đỏ theo những cung cách hình thức khác nhau.
Một nguồn tin nữa cũng đem lại cho tôi một chút hi vọng về tương lai đất nước. Từ nửa cuối năm 1977 các đài phát thanh của những nước không thuộc khối cộng sản bắt đầu đưa tin về những quan hệ đang trở nên xấu giữa “Campuchia dân chủ” và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Hình như đã xảy ra những cuộc xung đột nghiêm trọng giữa Quân đội Việt Nam và Khmer Đỏ, dựa vào nhiều nguồn tin cho biết ở các tỉnh biên giới tiếp giáp với Việt Nam ngày càng có nhiều người kể cả cán bộ Khmer Đỏ chạy trốn sang miền Nam việt Nam. Người ta cũng loan tin về việc lính Pol Pot tiến hành những cuộc tiến công vào sâu rộng các tỉnh Việt Nam tiếp giáp với Campuchia. Đài Hà Nội công bố những chi tiết kinh tởm về những vụ Khmer Đỏ tàn sát dân thường Việt Nam.
Những cô phát thanh viên của Đài Hà Nội giọng nói nghẹn ngào đẫm nước mắt, phát đi bằng các thứ tiếng Thơm, Pháp, Anh... về những hành động cực kỳ man rợ của bọn lính Khmer Đỏ mổ bụng phụ nữ có thai, hãm hiếp thiếu nữ, bóp chết các cụ già, chặt các em nhỏ thành từng khúc và hành hạ những người chúng bắt được một cách rất dã man cho đến chết. Pol Pot tưởng rằng hắn sẽ trở thành một Hítle có vận may hơn. Mặt khác, hắn cũng muốn trả thù nước láng giềng Việt Nam và cả Thái Lan đã để cho nhiều người Khơme vượt địa ngục của Pol Pot trốn sang đó.
Bắt đầu từ tháng 10 năm 1977, việc lén lút nghe đài nước ngoài kết hợp với việc phân tích những buổi phát thanh của chế độ Pol Pot đã mang đến cho tôi niềm hi vọng khi thấy đảng của Pol Pot bị lột mặt nạ. Ngay chính Pol Pot, tên “phó của Hítle” cũng phải công nhận ở cả thành thị lẫn nông thôn đều đang có nhiều cán bộ Khmer Đỏ “không phục vụ tốt, không thực hiện nghiêm chỉnh các chỉ thị của Đảng...”. Pol Pot gọi những cán bộ này là những con cua, không biết bò đi đằng nào, cứ tiến một bước lại lùi một bước, sang trái một bước rồi lại sang phải một bước.
Đã có một thời kỳ, Hu Nim, Hou Youn, Khieu Samphan được gọi là “ba gương mặt lịch sử”. Trong những năm năm mươi họ là những sinh viên đồ đệ của Sơn Ngọc Thành, mãi đến năm 1954 mới cùng với Pol Pot, (tức Saloth Sar), Ieng Sary, Son Sen chuyển sang hướng thành lập Khmer Đỏ chống lại Khơme Xanh của Sơn Ngọc Thành. Đến năm 1955 họ lao vào hoạt động chính trị chống chế độ quân chủ và dĩ nhiên chống cả Sihanouk. Năm 1955 cũng là năm tôi thoái vị, tự ý rời bỏ ngôi vua để thành lập tổ chức Sangkum Reastre Niyum, có nghĩa là Cộng đồng xã hội chủ nghĩa bình dân, nhằm phục vụ nhân dân Campuchia. Năm 1956, Hu Nim, Hou Youn và Khieu Samphan cùng gia nhập tổ chức này. Năm 1977, khi giữ chức Thủ tướng, Pol Pot công khai tuyên bố, Đảng của Pol Pot đã cử “bộ ba lịch sử” này chui vào pháo đài địch (tức tổ chức Sangkum) để phá hoại từ bên trong. Thế nhưng, do không làm lung lay được cái pháo đài Sangkum của Sihanouk trong những năm sáu mươi, Hu Nim, Hou Youn, Khieu Samphan đã phải bỏ chạy ra bưng biền theo Pol Pot, Nuon Chia, Ieng Sary.
Trong những năm 1970-1975, Pol Pot và Ieng Sary lớn tiếng tuyên bố với thế giới là “bộ ba lịch sử” Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn đều là những lãnh tụ chủ chốt của Khmer Đỏ. Tháng 3 năm 1973 khi Khmer Đỏ đồng ý để tôi về thăm vùng giải phóng một tháng, Pol Pot và Ieng Sary cùng nói với tôi là họ ở dưới sự chỉ huy của “bộ ba lịch sử”.
Trong cuộc mít tinh quần chúng đón chào tôi tại khu rừng dưới chân núi Kulen cách Ăngco khoảng ba mươi kilômét, Monic và tôi được mời ngồi trên những chiếc ghế bành kê chính giữa, hai bên là “bộ ba lịch sử” Khieu Samphan, Hu Nim, Hou Youn. Còn Pol Pot, Son Sen, Ieng Sary đều ngồi ở hàng ghế sau. Mãi đến tháng 9-1977 trong khi đọc bài diễn văn kỷ niệm ngày thành lập Đảng Khmer Đỏ lúc đó Pol Pot mới lại thừa nhận một cách trơ trẽn là “bộ ba lịch sử” này đặt dưới quyền chỉ huy của Pol Pot, và chính Pol Pot mới thật sự là “Tổng tư lệnh”, là “nhà chiến lược vĩ đại” và chính Pol Pot thời kỳ 1955-1960 đã cử những “con chuột chũi” Hu Nim, Hou Youn, Khieu Samphan này chui vào Sangkum của Sihanouk để do thám và phá hoại.
Theo tôi, Hou Youn và Hu Nim là những kẻ có quá nhiều tham vọng vì thế họ không thể chịu ép một bề quá lâu dưới sự chuyên chính ngu dốt có tính chất phong kiến của Pol Pot và Ieng Sary là những kẻ trình độ học thức kém xa “bộ ba lịch sử”.
Riêng Khieu Samphan là người duy nhất trong bộ ba này đã thoát khỏi mọi cuộc thanh trừng nội bộ bởi vì Khieu Samphan là một tên cơ hội chủ nghĩa, cũng là một tên không kém phần cực đoan trong việc theo đuổi chủ nghĩa cứng rắn của Pol Pot, Ieng Sary. Nhờ sự bép xép của những chú lính trẻ canh gác chúng tôi, vợ tôi được biết Angca đã thẳng tay thủ tiêu Hou Youn vào năm 1975 ngay sau chiến thắng 17-4. Còn Hu Nim thì đến tháng 3-1977 tức ba năm sau cũng bị thủ tiêu. Hou Youn bị giết vì đã tranh cãi nẩy lửa với Pol Pot và Ieng Sary xoay quanh chủ trương trục xuất toàn bộ nhân dân ra khỏi các thành phố. Còn Hu Nim thì bị giết vì tội “phản lại Angca”, có nghĩa là chống lại Pol Pot, Ieng Sary. Hồi đó, Hu Nim muốn có đủ thẩm quyền trên cương vị Bộ trưởng Thông tin tuyên truyền, do đó đã làm phật ý Ieng Sary là kẻ hay ghen ghét với tất cả mọi người, chỉ trừ có Pol Pot. Rồi đến Tốc Phôn, Bộ trưởng Công chính cũng bị “mất tích”. Côi Thuôn Bộ trưởng Tài chính và Thương mại cũng bị thủ tiêu.
Thấm thoát, đã tới ngày 31-12-1977. Vào ngày này năm ngoái, Đài Phát thanh Campuchia dân chủ không quên báo trước chương trình đặc biệt mừng năm mới dương lịch và trọng tâm là bài diễn văn (tràng giang đại hải) của ngài Khieu Samphan, Chủ tịch nước Campuchia. Tôi nghĩ thầm: “Ngày mai chắc cũng lại như vậy thôi!”, cứ là tái diễn những đau khổ về tinh thần khi Đài Phnompenh om sòm lên tiếng qua loa phóng thanh. Tôi uống một liều thuốc ngủ và cuối cùng đã chợp mắt sau khi đọc khoảng mươi trang sách triết lý đạo Phật. Ngày 1-1-1978 do ngấm thuốc ngủ nên tôi dậy muộn. Chợt thư ký riêng của vợ tôi là bà Xan Xaorôt, vốn là người quen dậy sớm chuẩn bị ăn sáng cho mọi người, chạy vụt từ nhà bếp vào phòng ngủ, với vẻ xúc động lộ rõ trong giọng nói, báo cho vợ chồng chúng tôi biết, Đài Phnompenh vừa loan tin một trận đánh ác liệt suốt mấy ngày vừa diễn ra giữa quân Khmer Đỏ và bộ đội Việt Nam. Chính phủ Campuchia đã cắt quan hệ ngoại giao với Việt Nam.
Tôi rất xúc động, vội vàng dò tìm luồng sóng các đài phát thanh của thế giới tự do từ chiếc máy thu thanh đặt trong phòng ngủ. Thế giới bên ngoài xác nhận, quả là có một trận đánh đẫm máu vừa xảy ra trong mấy ngày qua giữa Campuchia “dân chủ” của Pol Pot và Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Phải nói ngay rằng, đây là một sự kiện lịch sử quan trọng bậc nhất một bước ngoặt mới trong lịch sử Campuchia, một dấu hiệu báo trước tiền đồ của Campuchia “dân chủ” của Pol Pot từ nay sẽ chẳng có gì chắc chắn. Trước kia các thầy bói đã đoán chế độ “cộng hoà” của Lon Nol sẽ tồn tại “một nghìn năm”, nhưng nó đã đổ sụp trong vòng 5 năm. Ngày nay, các thủ lĩnh Khmer Đỏ lại khẳng định Campuchia “dân chủ” có thể tồn tại tới “năm vạn năm và hơn nữa”. Nhưng nó đang có nguy cơ tan biến trong kiếp phù du ngắn ngủi.
Cả hai chế độ của Lon Nol và của Pol Pot đều là kẻ thù của chúng tôi, cả hai đều phạm một sai lầm tai hại đối với bọn chúng, đồng thời cũng mang lại tai hoạ cho Campuchia. Đó là, khiêu khích liên tục nước Việt Nam láng giềng của chúng tôi và dại dột tiến công những người Việt Nam. Tôi, Sihanouk, tôi đã tìm cách để không xảy ra tai hoạ đó trong việc làm cho những người hàng xóm láng giềng của chúng ta tôn trọng nền độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta sau khi họ đã rõ ràng chiến thắng đạo quân viễn chinh của Mỹ và lũ tay sai. Khmer Đỏ lại nghĩ khác. Họ muốn đánh phủ đầu Việt Nam mà họ gọi là “kẻ thù truyền kiếp”. Quả là Khmer Đỏ cứ tưởng mình vô địch, muốn làm gì cũng được. Khmer Đỏ là những kẻ sùng bái Mútxôlini và Hítle. Khmer Đỏ cứ tưởng mình khỏe hơn phát xít. Chính Pol Pot đã tuyên bố rất nghiêm túc, không chút khôi hài: “Việt Nam quá yếu. Một mình Việt Nam không dám đọ sức với ta đâu?”. Chính vì vậy, Khmer Đỏ đã tự chui mình vào cạm bẫy của chính họ.
Từ năm 1973 Khmer Đỏ đã tàn sát hàng vạn kiều dân Việt Nam, tố cáo họ là “gián điệp”! Khmer Đỏ còn giết hại cả những đảng viên cộng sản có thiện cảm với Việt Nam. Trước khi Mỹ và Việt Nam ký Hiệp định Paris năm 1973, Khmer Đỏ đã trục xuất những đơn vị quân đội Việt Nam (giúp Campuchia đánh Lon Nol) đóng trên đất Campuchia về nước. Sau chiến thắng ngày 17-4-1975, Khmer Đỏ còn mưu toan đánh chiếm những vùng có người Khơme Khom trên lãnh thổ Việt Nam, phạm nhiều tội ác kinh tởm đối với dân thường, kể cả phụ nữ, trẻ em. Khmer Đỏ khước từ mọi đề nghị thường lượng, đàm phán hoà bình của Việt Nam. Vì vậy, đến cuối năm 1977, những người Việt Nam quá bực tức vì Khmer Đỏ tiến công khiêu khích đã đánh lại bọn Pol Pot trên nhiều mặt trận suốt dọc biên giới hai nước. Xe tăng Việt Nam có lần chỉ cách Phnompenh 50 kilômét nhưng đến hôm sau lại rút ngay về phía bên kia biên giới.
Chính phủ Việt Nam đề nghị dàn hoà, đổng thời đề nghị thiết lập một khu phi quân sụ dọc theo biên giới hai nước có chiều rộng 10 kilômét, (ăn sâu vào lãnh thổ mỗi bên 5 kilômét). Một đội giám sát quốc tế do hai nước cử ra sẽ tuần tiễu trong khu phi quân sự đó để bảo đảm hoà bình lâu dài giữa hai nước. Suốt mấy tháng liền, Đài Hà Nội liên tục nhắc đi nhắc lại đề nghị này. Nhưng các thủ lĩnh Khmer Đỏ, thông qua Pol Pot, đã bác bỏ mọi đề nghị của Việt Nam. Những cuộc tàn sát người Việt Nam do hằn thù dân tộc, bắt đầu diễn ra từ thời kỳ ngự trị của Lon Nol, nay lại tiếp tục dưới thời Pol Pot. Do kiêu ngạo và quá ngu dốt, Pol Pot đã cố tình gạt cái sào mà Hà Nội đã chìa ra, do đó Pol Pot đã chuốc lấy sự sụp đổ của chính bản thân cùng với sự sụp đổ của chế độ Pol Pot.
Một buổi sáng tháng 8-1978, Chủ tịch Khieu Samphan tới điện Khêmarin mời tôi cùng với Monic, Sihamoni, Narinđrapông, Chittara cùng đi dạo chơi với ông bằng xe ô tô, thăm các khu vực quanh Phnompenh. Ông Khieu Samphan lúc này tỏ ra rất đáng yêu, gần giống như thời kỳ mà tôi chưa từ chức Quốc trưởng (bù nhìn). Nhưng tôi không còn có quyền sử dụng chiếc xe Mercedes hạng “lux” như trước kia nữa. Thay vào đó là chiếc xe Ford nhiều chỗ ngồi đã đưa chúng tôi đi chơi (lần cuối cùng).
Rời Hoàng cung chúng tôi theo con đường dẫn tới Compuông Cantuoth thuộc tỉnh Kandal, cách Phnompenh 24 kilômét về phía Tây - Nam.
Đó là một thị trấn trên bờ sông Prek Thuot rất đẹp mà trước kia cha tôi, hồi còn là Hoàng thân Xuramarit chưa lên ngôi vua, rất thích. Hồi đó, cha tôi là quan Thượng thư dưới triều đại Quốc vương Monivong là ông ngoại tôi. Compuông Cantuoth thời kỳ đó hãy còn là một vùng nông thôn tươi đẹp với những cánh đồng lúa điếm những hàng dừa. Nông dân ở đây nuôi gà thả rông, gà tha hồ tự do nhặt thóc, ngô và sâu bọ. Thịt gà ở đây nổi tiếng không kém thịt gà xứ Basque ở Pháp. Cha tôi, vốn là người sành ăn, đã tuyên bố thịt gà và trứng gà ở đây có hương vị “toàn thế giới không đâu có”, ông đã cho xây một ngôi nhà sàn xinh đẹp phía trước có một nền đất nổi bật trên bờ sông Prek Thuoth. Đó là nơi cha mẹ tôi và tôi thường về nghỉ cuối tuần. Khi quay lại nơi đây cùng với ông Khieu Samphan những gì nhìn thấy đã làm tôi đau đớn vô cùng. Thị trấn này, trước kia trù phú, nay chỉ còn là một đống hoang tàn. Vài ngôi nhà, tường lỗ chỗ vết đạn đang được vài tên lính Khmer Đỏ sử dụng làm nơi đóng quân.
Chiếc xe chở chúng tôi nhẩy chồm chồm trên con đường trước kia trải nhựa nay toàn “ổ gà”, còn gà thật thì tôi chẳng nhìn thấy một con nào cả.
Nhà nghỉ của cha tôi đã đổ nát, nền đất trở thành vườn rau nhưng do ít chăm sóc nên cỏ dại nhiều hơn rau. Hai bên đường trước kia là nhà cửa phố xá thì nay thay bàng hai dẫy lán trại, sàn tre, mái rơm, chắc là nhà ngủ dành cho “những người lao động” nô lệ của Angca. Sau Compuông Cantouth, cuộc “dạo chơi còn đưa chúng tôi tới một vài thị trấn nữa, nơi nào cũng chỉ thấy những cảnh tương tự. Cuộc dạo chơi đã kết thúc. Chúng tôi vòng về Phnompenh bằng một con đường khác đi qua thị trấn Kandal Sun thuộc tỉnh Kandal. Những cảnh thay đổi khiến tôi vừa sửng sốt vừa đau đớn. Còn ông Khieu Samphan thì lộ rõ vẻ rất thích thú. Trái tim tôi như rớm máu khi nhìn thấy Khmer Đỏ chặt trụi hàng vạn cây thốt-nốt, tức là một loại cây thuộc loài cọ, có đường, mảnh khảnh, duyên dáng, ngọn cây điểm những tàu lá hoặc chùm quả màu gụ. Đó là những cây mà không có nó thì phong cảnh Campuchia không còn gì nét cổ xưa nữa.
Điều nghiêm trọng hơn nữa là khi chặt trụi những cây thốt-nốt, Khmer Đỏ đã bóp chết một trong những tài nguyên chính về xã hội - kinh tế của Campuchia. Thật vậy? Những cây cọ cho đường tức là cây thốt-nốt này ngoài bóng mát còn cung cấp cho dân vùng nông thôn đường, quả, vật liệu xây nhà từ vách đến mái, kể cả vật liệu để đan mũ và nhiều vật dụng khác rất được ưa chuộng, thu hút nhiều khách du lịch, dĩ nhiên trong thời kỳ còn có khách du lịch tới Campuchia. Như vậy là trong danh sách những “kẻ thù của Khmer Đỏ”, gồm có: hoàng tộc, tư sản, tư thương, trí thức, sinh viên, nông dân khá giả... nay Angca lại thêm cả “cây thốt-nốt” nữa. Việc huỷ diệt cây thốt-nốt chỉ làm nghèo thêm nông thôn và nền kinh tế nông nghiệp của chúng tôi. Còn về phía nông dân thì họ mất đủ mọi thứ: tự do, làng xóm, nhà cửa, ruộng vườn, gia súc (vì phải tập trung trong các công xã lao động) chưa kể đến chuyện mất cả gia đình.
Qua chuyến đi chơi, tôi đã nhìn thấy rải rác chỗ này chỗ khác những lán trại làm theo kiểu nhà sàn, mỗi lán có thể chứa được khoảng năm chục người. Những công trình xây dựng này dùng để làm gì? Mãi sau khi thoát khỏi nanh vuốt Angca vào năm 1979, lúc đó bà Pen Nouth, tức bà vợ trẻ của ông bạn già cựu Thủ tướng của tôi, mới cho tôi biết: từ năm 1977 đứng trước cái mà Pol Pot gọi là “hiểm hoạ Việt Nam”, Angca chợt nhận thấy số dân Campuchia đang giảm sút (mà chính Angca phải chịu trách nhiệm do chính họ đã gây ra nạn diệt chủng khủng khiếp). Do đó, Angca đã nẩy ra ý định phát động chiến dịch tích cực sinh đẻ nhiều trẻ con cho Campuchia “dân chủ” bằng cách tập trung tại những lán trại này, mỗi lán khoảng năm mươi đàn ông đàn bà để họ làm công việc sản xuất trẻ con. Nhưng cho đến năm 1979 những đứa trẻ ra đời từ cuộc tập dượt này cũng mới chỉ chưa tròn hai tuổi và lẽ dĩ nhiên không thể đương đầu nổi với bộ đội Việt Nam.
Phải chăng, cái sáng kiến này của Khmer Đỏ cũng gần gũi với sáng kiến của Himle, tên trùm phát xít SS hung ác? Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Himler đã lập ra những cái được gọi là “trại ngựa giống thượng hạng”, để cho những binh lính Đức trẻ, đẹp, ghép đôi với những nữ thanh niên Đức, nhằm sản sinh ra những trẻ em Đức “thuần chủng” để tạo ra một dân tộc Đức “thượng đẳng”. Cả Himle lẫn Pol Pot đều thiếu thời gian...
Sau khi kết thúc cuộc dạo chơi, trên đường về, ông Khieu Samphan chợt nhìn thấy bên đường có một đầm sen. Vị Chủ tịch Nhà nước tập tức cho dừng xe lại. Một quân nhân từ chiếc xe hộ tống vội chạy tới chờ lệnh. Ông Khieu Samphan giơ một ngón tay, chỉ về phía các hoa sen trong đầm. Anh lính trẻ vội vã xắn quần lội bì bõm hái một ôm hoa sen xinh tươi mang về cho ông Khieu Samphan.
Ông Khieu Samphan lộ vẻ rất hào hoa phong nhã, biếu vợ tôi bó hoa sen vừa hái. Vợ tôi lịch sự cám ơn, kèm theo một nụ cười duyên dáng đúng như tôi chờ đợi. Tôi không thể không nghĩ rằng, chính những thắng lợi quân sự của ông bạn láng giềng Việt Nam đang đẩy vợ chồng chúng tôi lên dốc một cách có hiệu quả, trong khi Khmer Đỏ lại bị đẩy xuống dốc với một tương lai ngày càng trở nên không chắc chắn.
Đến tháng 9-1978, một cán bộ quân sự quan trọng của Khmer Đỏ mà tôi không bao giờ được biết tên lại được Angca cử đi tháp tùng tôi từ Phnompenh đến Compuông Som bằng ô tô. Trong suốt cuộc hành trình và cả những ngày tôi nghỉ lại ở Compuông Som, người cán bộ quân sự tiếng Thơm gọi là Kammaphibal này đã xử sự rất đúng đắn có thể nói là rất lịch sự với tất cả những người cùng đi theo tôi. Riêng đối với tôi, anh ta tỏ ra rất lễ phép, ân cần, đồng thời còn cố tận dụng thời gian gần tôi để tuyên truyền về chính sách của Khmer Đỏ. Mỗi khi có dịp thuận tiện anh ta lại nhắc đi nhắc lại với tôi về sự “tín nhiệm cao” mà các nhà lãnh đạo và nhân dân Campuchia “dân chủ” đã dành cho tôi, vì những “cống hiến lỗi lạc” mà tôi đã phục vụ cho tổ quốc của chúng ta và cả cho cuộc cách mạng của anh ta. Rất rõ ràng, những khó khăn về quân sự mà bọn Pol Pot đang gặp tại các khu vực biên giới tiếp giáp với Việt Nam đã đóng góp vào việc làm thay đổi cách đối xử của Angca đối với tôi. Cũng có thể Trung Quốc đã thúc ép để họ phải cho tôi ra khỏi sự giam hãm lâu ngày, để tôi thỉnh thoảng lại xuất hiện càng nhiều càng tốt trước nhân dân và thanh niên trong nước.
Với những quả cà chua chín mọng, tôi có thể làm nước sốt cà chua và mứt. Tủ lạnh của tôi bấy lâu trống rỗng nay đầy ắp thịt. Nhưng, Việt Nam tiến quân quá nhanh đã khiến cho tôi không thể hưởng lâu những của quý bất ngờ trời ơi đất hỡi này?
Trong khi đó, chế độ Pol Pot ngày càng mất lòng dân. Nó lên tới đỉnh cao hồi tháng 11-1978 khi toàn thế giới đều biết rõ tội ác diệt chủng của Pol Pot. Hàng ngàn nô lệ của Khmer Đỏ cố tìm cách chạy trốn. Hàng trăm người đã bị bắt giết hoặc chết trong rùng. Nhưng nhiều người cũng đã đến được khu vục biên giới của Thái Lan.
Họ tập trung trong các trại tị nạn, kể lại những tội ác của Khmer Đỏ rồi được truyền đi toàn thế giới qua các Đài BBC, Tiếng nói Hoa Kỳ, Australia, Pháp, quốc tế... Khắp nơi trên trái đất người ta sợ hãi kinh tởm khi Angca công khai tuyên bố thà chỉ giữ lại từ một đến hai triệu người thật sự trung thành còn hơn duy trì từ sáu đến tám triệu “kẻ thù giai cấp”. Liệu các thủ lĩnh Khmer Đỏ có tính đến hậu quả mà chế độ của họ gây ra không? Chính Ieng Sary, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao đã triệu tập phái đoàn ngoại giao (rất nhỏ bé) ở Phnompenh để thông báo (thật là ngây thơ!) là trong vòng hai năm qua đã xảy ra tới sáu vụ mưu toan chống lại chế độ “dân chủ” của Khmer Đỏ. Trong số các tội phạm, Ieng Sary nêu tên ông Coi Thuôn, Bộ trưởng Nội các, và sau đó cả hai vợ chồng Coi Thuôn đều bị tra tấn đến chết. Chính ông Khieu Samphan sau đó cũng đã thừa nhận với tôi là nhiều tỉnh tiếp giáp với Việt Nam đã “ra khỏi sự kiểm soát của chính phủ” vì vậy, ông đã quyết định cấp tốc dồn càng nhiều dân “tăng cường lực lượng” cho các vùng đang còn (tạm thời) dưới sự cai trị của Khmer Đỏ.

11. Trên đường giải thoát
Bắt đầu từ tháng 11-1978, tiếng pháo của Khmer Đỏ và Việt Nam ngày càng vang vọng tới thủ đô Phnompenh. Những cửa kính trong ngôi nhà bé nhỏ của tôi bắt đầu rung lên từng đợt như xảy ra động đất. Đến tháng 1-1979 chiến tranh đã tới sát Takmau rồi Pôchentông. Trong suốt quãng thời gian đó, tức là cho tới ngày 5-11-1978, tôi nuôi ý nghĩ sẽ phải đi theo Angca lên bưng biền. Trừ bác gái tôi và mẹ vợ tôi đã cao tuổi chắc không đi được vợ chồng con cái chúng tôi đã chuẩn bị sẵn hành trang: quần áo đen, mũ cát-két kiểu Mao, dép cao su, để theo ông Khieu Samphan và các nhân vật khác của Khmer Đỏ lên rừng.
Trong bầu không khí khủng khiếp của chiến tranh, một buổi vào lúc nửa đêm tôi đột ngột được mời đi ra khỏi Phnompenh bằng xe ô tô, không một lời báo trước. Vợ chồng chúng tôi nghĩ ngay đến số phận nhiều thành viên Mặt trận và Chính phủ Vương quốc đoàn kết dân tộc đã lìa trần. Họ cũng đã từng được Angca mời đi “dạo mát” trong đêm bằng xe ô tô. Nhưng đó chỉ là để lĩnh án tử hình, trước khi chết còn bị tra tấn hành hạ rất dã man. Trong số này có ông Chia Xan và các Hoàng thân Norodom Phurissara, Sisowath Methavi. Trước khi chết ông Chia Xan đã bị tra tấn tại nhà ngục Tuôn Xleng, trước kia là trường trung học Phnompenh. Bộ đội Việt Nam khi tiến vào Phnompenh đã nhìn thấy nhiều hồ sơ tài liệu về cái chết khủng khiếp của ông Chia Xan, một con người tận tuỵ phục vụ đất nước, chỉ phạm một tội duy nhất là không chịu từ bỏ “chủ nghĩa quốc gia”. Phurissara và Methavi cũng bị giết chết vì tuyệt đối trung thành với tôi. Trong cái đêm 5-1-1979 khi được Angca “mời” đi, vợ chồng tôi có nhiều lý do để tin rằng, kết thúc chuyến đi này tôi sẽ bị Angca thủ tiêu bằng cuốc, xẻng.
Người cán bộ Khmer Đỏ đem lệnh “mời” cho biết tất cả gia đình và những người phục vụ chúng tôi sẽ lên đường sau mười lăm phút, chỉ được mang theo rất ít hành lý. Chúng tôi hầu như không mang theo gì và đã lên đường theo trang phục Khmer Đỏ: Quần áo vải đen, khăn rằn, dép lốp cao su.
Trong đêm hầm hập nóng, chúng tôi rời Phnompenh trên ba chiếc xe ô tô, dẫn đầu là chiếc chở tôi, đi qua thủ đô vắng tanh như sa mạc rồi rẽ vào con đường đi Compuông Choang - Pursat -Battambang. Người cán bộ Khmer Đỏ ngồi ở ghế trước, gần lái xe. Vợ chồng chúng tôi ngồi ghế sau cùng với con chó con rất thông minh mà bà Souphanouvong đã tặng tôi từ năm 1971 khi tôi còn ở Bắc Kinh. Tới Pursat, xe dừng lại lấy xăng. Vợ tôi rất lo vì không thấy chiếc xe đi sau chở hai đứa con thằng cháu, bác gái và mẹ vợ tôi. Nhưng người lính đi theo nói xe bị nổ lốp, đang thay bánh. Chúng tôi lại lên đường. Nhiều giờ sau đã tới Xixôphôn, một thành phố giáp Thái Lan. Chiếc xe sau vẫn chưa tới. Rất lo ngại, chúng tôi tự hỏi liệu những người trong xe có bị “thanh toán” trong đêm không. Mã năm giờ sáng các con tôi cùng với toàn bộ người thân trong gia đình và những người phục vụ mới tới. Đúng là xe nổ lốp thật, và sau đó xe lại đâm vào đống đá, suýt lăn xuống hố. Cuối cùng mọi việc đều ổn. Vợ chồng chúng tôi thở phào nhẹ nhõm.
Chúng tôi dừng lại Xixôphôn, chiều ngày 3-1-1979 Chủ tịch Khieu Samphan bất ngờ tới gặp chúng tôi, nói ông được sự uỷ nhiệm của Angca tới thông báo cho tôi rõ:
1. Phnompenh vẫn yên ổn, an toàn, kể cả sân bay Pôchentông.
2. Vì vậy chúng tôi được mời trở lại Phnompenh.
3. Chính phủ muốn cử tôi đi Liên Hợp Quốc và ngài Pen Nouth di một số “nước bạn” để bảo vệ chính nghĩa của Campuchia bị Việt Nam “xâm lược”.
Ngày mai sẽ quay về Phnompenh. Khi tới đó sẽ có đầy đủ các tài liệu cần thiết để chúng tôi đi công tác, chủ tịch Khieu Samphan nói thêm, các nhà lãnh đạo Campuchia chấp nhận mọi hy sinh cần thiết nhằm phục vụ cho “công cuộc cứu nước”. Tôi nghĩ thầm, sự hy sinh to lớn nhất đối với Pol Pot, Ieng Sary, Nuon Chia, Khieu Samphan là đã phải mở cái “chuồng” giam Sihanouk và Pen Nouth, để chúng tôi đi tới các vùng trời mới, trong khi chế độ của họ đang chìm nghỉm. Như tôi đã rõ từ trước Khmer Đỏ đã từng mơ ước củng cố lâu dài chế độ của họ cho tới lúc có thể thủ tiêu tôi mà cộng đồng quốc tế không thể phản ứng được. Đúng là nếu không có sự can thiệp quân sự thắng lợi của Việt Nam vào Campuchia thì có thể Sihanouk sẽ bị Khmer Đỏ thủ tiêu. Chắc chắn là, nếu không bị sụp đổ trong cuộc đối đầu với Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, và ngược lại nếu Khmer Đỏ tiến được tới chỗ củng cố chế độ của họ ở trong nước cũng như trên trường quốc tế thì họ có thể có “toàn bộ lợi ích để thủ tiêu tôi”. Tôi có ý thức về điều đó.
Đúng là nay họ rất cay đắng khi phải trao cho tôi danh vị “đại diện tối cao của Campuchia dân chủ” để tôi lên đường đi công cán ở nước ngoài.
Sau khi đã trở về Phnompenh, chiều ngày 5-1-1979, Chủ tịch Khieu Samphan lại đến gặp tôi trong ngôi nhà nhỏ đằng sau chùa Botum Vatđay. Ông tươi cười báo tin “đồng chí Thủ tướng Pol Pot” mời tôi tới uống nước chè tại dinh chính phủ. Vợ tôi không được mời, nhưng Xamđec Pen Nouth cũng có mặt trong buổi tiếp.
Dinh chính phủ là một toà lâu đài do Pháp xây dựng từ trước chiến tranh thế giới thứ hai giữa sông Tônlê Xáp và đồi bà Pênh. Sơn Ngọc Thành, Sirik Matak và Cao uỷ Pháp Raymond đều đã ở đây và tất cả đều đã gặp tai hoạ. Pol Pot nhất định cũng không tránh khỏi.
Lần đầu tiên tôi gặp và nói chuyện với Pol Pot là khi tôi về thăm vùng giải phóng năm 1973, đến nay mới gặp lần nữa. Nhà độc tài của Campuchia “dân chủ” tươi cười đứng đón tôi trước cổng lớn của toà lâu đài. Thật ngạc nhiên, Pol Pot lại chắp tay cúi đầu chào tôi theo kiểu chào của “xã hội cũ”. Ieng Sary đứng bên cạnh Pol Pot cũng bắt buộc phải chào tôi theo kiểu chắp tay cổ truyền, nhưng tính kiêu ngạo đã khiến ông ta không chịu cúi mình trước “cựu hoàng đáng kinh tởm”. Ông Pen Nouth, đến sau tôi một chút, vẫn chào tôi một cách kính cẩn như phong tục cổ xưa. Trong phòng khách danh dự, Pol Pot mời tôi ngồi phía tay phải, trên một trong hai chiếc ghế bành vẫn dành riêng cho thượng khách. Tất cả chúng tôi đều mặc quần âu áo sơ mi trắng kiểu Trung Quốc. Những nhân viên phục vụ của Khmer Đỏ ăn mặc rất chỉnh tề mời chúng tôi nước trà, bánh ngọt, nước cam. Đây là giống cam Pursat rất ngon, vỏ xanh mà múi ngọt, từ thời còn chế độ quân chủ vẫn được chọn để tiếp khách quý, rất được ca ngợi. Đã lâu lắm mới được thưởng thức, tôi uống tới một chục cốc nước cam trong buổi nói chuyện kéo dài suốt bốn giờ.
Dưới đây là tóm tắt nội dung câu chuyện giữa Pol Pot và tôi.
Pol Pot: Tôi rất sung sướng gặp ngài.
Sihanouk: Bữa nói chuyện đầu tiên giữa chúng ta là từ tháng 3-1973.
Pol Pot: Quả đúng như vậy! Xin Thái tử thứ lỗi cho tôi không tới thăm ngài được từ sau khi đất nước Campuchia được giải phóng. Đúng là tôi bận nhiều việc quá.
Sihanouk: Chắc chắn như vậy. Ngài rất bận. Trách nhiệm nặng nề đè trên vai.
Pol Pot: Cám ơn ngài đã thông cảm. Đồng chí Khieu Samphan đã tới gặp ngài và đã báo cáo với tôi là ngài chấp nhận lời mời của chính phủ tới Liên Hợp Quốc bảo vệ chính nghĩa của dân ta. Ngài là một nhà yêu nước. Ngài lại có rất nhiều bạn trên thế giới. Ngài có thể cống hiên nhiều cho nhân dân.
Sihanouk: Tôi chưa bao giờ ngừng khát vọng phục vụ nhân dân. Vì vậy, tôi phải cảm ơn ngài đã cử tôi làm “quân sư” để biện hộ cho chính nghĩa của nhân dân và đất nước ta trên trường quốc tế.
Pol Pot: Chiều mai, một chiếc máy bay của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sẽ đưa ngài, cùng với Bà hoàng Monic, toàn bộ gia đình và những người phục vụ ngài tới Bắc Kinh, là nơi ngài sẽ thiết lập một căn cứ thường trục trong suốt thời gian chiến đấu. Cuộc chiến tranh này không lâu đâu. Chỉ vài tháng thôi. Về phần Thái tử, chung tôi cam đoan rằng nếu ngài nhớ quê hương đất nước thì từ Bắc Kinh ngài có thể về thăm nước nhà bao nhiêu lần cũng được. Ngài sẽ luôn luôn được hoan nghênh.
Sihanouk: Rất cám ơn.
Ieng Sary (nói với Pol Pot): Về chuyến đi ngày mai của Hoàng thân, tôi nghĩ chỉ có Xamđec và Bà hoàng Monic là có thể đi được. Còn toàn bộ gia đình và những người phục vụ thì phải ở lại Phnompenh vì máy bay Trung Quốc không còn chỗ.
Pol Pot: Không! Cử để mọi người đi hết. Đồng chí thương lượng với các bạn Trung Quốc cố thu xếp đủ chỗ trên máy bay.
Sihanouk: Thưa ngài Thủ tưởng, tôi vô cùng cám ơn lòng tốt của ngài.
Sau khi trao đổi thêm vài câu xã giao nữa, Pol Pot mời tôi cùng với Xamđec Pen Nouth tới phòng thuyết trình nghe phổ biến tình hình, có cả Ieng Sary và Khieu Samphan cùng đi. Đứng trước tấm bản đồ lớn, ngài Thủ tướng bắt đầu một cuộc tóm tắt sơ lược tình hình chiến sự: “Hiện nay, tình hình chiến sự ở Campuchia là rất tốt đối với quân đội ta. Chúng ta đang giương một cái bẫy, nhử cho địch vào sâu để tiêu diệt luôn toàn bộ sức mạnh quân sự của chúng. Đứng trước kẻ địch, chúng ta phải lựa chọn một trong hai chiến lược, hoặc là chặn đứng sức tiến quân của đối phương trên suốt tuyến biên giới, nhưng làm như vậy thì quân Việt sẽ không bị tiêu diệt toàn bộ và vẫn có thê tiếp tục phát triển trong nội địa của chúng; hoặc là ta mở toang biên giới làm cho chúng tưởng ta rất yếu, khi đại bộ phận quân địch đã lọt vào trong đất nước ta, chúng ta sẽ bao vây chúng, chia cắt chúng, tiêu diệt chúng. Chúng sẽ bị chìm nghỉm và tan rã như muối gặp nước, trong đại dương hung dữ của cuộc kháng chiến toàn dân và các lực lượng vũ trang vô địch của chúng ta. Bộ Tổng tư lệnh đã chọn chiến lược thứ hai này. Chỉ trong vòng hai tháng, ba tháng nữa là cùng ta sẽ tiêu diệt, thanh toán toàn bộ sinh lực địch. Tôi hi vọng lúc đó sẽ có vinh dự được đón Thái tử trở về nước, khoảng ba tháng nữa là chậm nhất. Trong lúc chờ đợi, Thái tử sẽ được cử đi làm những nhiệm vụ to lớn cho nhân dân, cho dân tộc cho đất nước tại Liên Hợp Quốc và các nước bạn”.
Tôi chỉ còn biết cảm tạ và ca ngợi nhà chiến lược thiên tài, rất xứng đáng so sánh với Hítle trong những ước vọng ngông cuồng nhất, và cũng rất điên dại và ngu dốt như Lon Nol. Trái với Hítle thường hay dùng lời lẽ hùng hổ để động viên binh sĩ và thanh niên, Pol Pot mê hoặc bằng cách nói năng dịu dàng, tươi cười, cố giữ thái độ lịch sự, trong khi thật sự Pol Pot là một kẻ tàn bạo khát máu hơn tất cả những tên bạo chúa tồi tệ nhất trong lịch sử. Chính do cái “phép mầu” đó của sự “nói năng dịu dàng để thuyết phục”, Pol Pot đã động viên, và đến mãi những năm tám mươi còn có thế động viên được một số người để ném họ vào cuộc chiến đấu. Thành công của những bọn ngu muội như Lon Nol và Pol Pot cũng là do trong nước tôi còn có những người, kể cả tầng lớp trí thức, thích nghe những lời lẽ mị dân hứa hẹn sẽ “đánh chiếm Việt Nam” để khôi phục một “đế quốc Môn - Khơme” xa xưa, bao gồm toàn bộ Đông Dương đến cả Thái Lan và Miến Điện (Myanmar) hơn là chấp nhận một người lãnh đạo như Sihanouk là một con người quá thực tế, không thể hứa hẹn với họ cái điều không thể làm được như vậy.
Buổi tối ngày 5-1-1979 đó, Pol Pot và tôi đã chia tay nhau “rất hữu nghị” và chào nhau: “Hẹn gặp lại?”. Khi tôi về đến nhà bình yên thì vợ tôi, Sihamoni, bác gái tôi, mẹ vợ tôi mới nhẹ nhõm và vui mừng. Tôi đi lâu quá, mọi người cứ tưởng tôi đã bị Angca thủ tiêu. Sáng ngày 6-1-1979, một đặc phái viên của ông Ieng Sary đến báo tin, chiều nay tất cả chúng tôi sẽ đáp máy bay đi Bắc Kinh và đưa cho tôi 20.000 đô-la Mỹ của chính phủ Campuchia “dân chủ” trao cho tôi làm “công tác phí”. Quá trưa ngày 6, tôi bảo mọi người mang theo hành lý cùng tập hợp trong gian nhà nhỏ cửa tôi để khi các “ông chủ” Khmer Đỏ đến tìm thì không phải đi gọi. Chỉ có Narinđrapông và Chittara cưỡng lại, đồng thời cũng để cho tôi biết chúng chỉ tuân lệnh Angca mà thôi. Vợ chồng chúng tôi quyết định chỉ mang theo những thứ thật cần thiết như quần áo thay đổi để tránh cho máy bay chở nặng.
Chúng tôi bỏ lại phần lớn quần áo, các bát đĩa, bộ đồ ăn bằng bạc, bộ đồ sứ có in dấu ấn nhà vua đặt làm từ bên Pháp, những khăn thêu trải bàn...
Chúng tôi làm như vậy để muốn tỏ cho Angca biết, chúng tôi tin vào lời hứa hẹn “thắng lợi” mà ông Pol Pot đã nói với tôi hôm trước. Khi ra sân bay, vợ tôi nói với ông Ieng Sary, tin tưởng ông sẽ dặn các binh lính dũng cảm chiến đấu bảo vệ ngôi nhà và các tài sản của chúng tôi để “ba tháng nữa” chúng tôi sẽ trở về sau khi chiến thắng. Rất nghiêm chỉnh, ông Ieng Sary trả lời sẽ làm tất cả mọi việc và sẽ hoan nghênh chúng tôi trở về Phnompenh “sau ba tháng” hoặc... lúc nào cũng được?
Đã đến giờ cất cánh. Bộ đội Việt Nam đã tới cách Phnompenh không xa, nhưng không bắn một phát đạn pháo nào và cũng không đưa máy bay chiến đấu đến vùng trời Pôchentông để cản trở việc lên đường của chúng tôi. Trên máy bay có ba nhân vật Khmer Đỏ tự giới thiệu được Angca uỷ nhiệm đi theo tôi khắp mọi nơi nhằm bảo đảm an toàn cho tôi và phục vụ tôi thường xuyên theo mọi yêu cầu của tôi. Đó là Thiuon Prasit, cháu gái ông ta là cô Poc Mona và ông Ket Chuôn, một cán bộ cấp cao của Khmer Đỏ (trước kia đã từng làm Bộ trưởng Công nghiệp trong chính phủ vương quốc Campuchia).
Ngoài ra tôi còn có một sĩ quan tuỳ tùng là một quân nhân Khmer Đỏ. Ngồi trên máy bay, tôi miên man suy nghĩ với những dòng tư tưởng trái ngược nhau.
Trước hết, đó là niềm vui được cùng với những người thân thoát khỏi cái chết hiển nhiên. Nhưng đồng thời cũng là nỗi buồn một lần nữa lại phải sống lưu vong xa Tổ quốc. Thật là những ý nghĩ xót xa. Tôi không thể sống sung sướng khi phải xa Tổ quốc và nhân dân đang đau khổ. Tất nhiên có cái may là nhờ có cuộc chiến đấu này nên tôi mới được “nhấc bổng sang Trung Quốc. Nhưng đối với tôi, chủ nghĩa yêu nước chân chính và cả lòng dũng cảm nữa không phải là sống lưu vong “bỏ rơi” Tổ quốc, đi thổi kèn đánh trống ở Tây âu, ở Mỹ, hoặc đến vùng biên giới Thái Lan là nơi dễ dàng xin tị nạn.
Vợ tôi, con trai tôi là Sihamoni và tất cả những người còn trung thành với tôi vừa cười vừa khóc. Trở lại tự do lần này là thật hay mơ? Chỉ có Narinđrapông và Chittara ngồi sát bên nhau là cười chế giễu, nhạo báng sự xúc động của chúng tôi. Là những tên đầy tớ trung thành của Angca, trong thâm tâm hai đứa rất bực mình khi thấy các “ông chủ” tôn kính đã nương nhẹ chúng tôi, rồi lại còn trả lại tự do cho chúng tôi. Chúng không hiểu Angca đang sử dụng tôi, dù tôi là một “tên phản động”.
Chúng tôi tới Bắc Kinh vào ban đêm, sau một chuyến bay bình yên. Ông Đặng Tiểu Bình thân chinh ra tận sân bay quốc tế đón tôi. Chúng tôi ôm lấy nhau, cảm động và vui sướng. Phóng viên hãng tin Pháp AFP cùng một đồng nghiệp người Anh vượt được qua hàng rào bao vệ lại gần tôi xin phép chụp ảnh. Tôi sẵn sàng chấp nhận. Đó là tấm ảnh một Sihanouk tươi cười được đăng trên nhiều tờ báo.
Về đến nhà khách chính phủ tôi uống một liều thuốc ngủ để thần kinh dịu bớt sau mấy ngày căng thẳng và cuối cùng đã ngủ thiếp đi.
Buổi tối ngày 7-1-1979, chính phủ Trung Quốc tổ chức giúp tôi một buổi chiêu đãi tại gian phòng chính thuộc Đại lễ đường Nhân dân.
Cũng chính tại đây, trong khoảng thời gian từ năm 1970 đến 1974, ông bạn Chu Ân Lai của tôi vẫn thường tổ chức giúp tôi những buổi chiêu đãi lớn, có sự tham dự của các quan chức trong bộ máy cầm quyền của nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa và tất cả những nhà ngoại giao của những nước có cảm tình với Sihanouk và Mặt trận đoàn kết dân tộc Campuchia. Lần này số khách mời hạn chế hơn những lần trước rất nhiều. Nguyên nhân là do tình hình nghiêm trọng đang diễn ra trên đất nước tôi và Khmer Đỏ đang thất bại. Hơn nữa, hiện nay tôi không còn là Quốc trưởng mà chỉ là đại sứ tầm thường của Campuchia “dân chủ”.
Tôi không có hứng thú cần thiết để soạn thảo bài diễn văn đọc trong buổi chiêu đãi. Vì vậy tôi đề nghị ông Ket Chuôn viết giúp bài nói bằng tiếng Thơm theo quan điểm và ý thích của... Angca. Tôi đã phát hiện được trong bài diễn văn gọi là “của tôi” một lối hành văn lâm li và hùng tráng, kịch liệt công kích Việt Nam và hết lời ca ngợi Campuchia dân chủ, một bài diễn văn nội dung đặc sệt Khmer Đỏ, chứa đựng những quan điểm và tư tưởng chính trị không phải của tôi. Phải vất vả lắm tôi mới đọc nổi bài diễn văn này, nhiều chỗ ngắc ngư, ấp úng. May cho tôi, các vị khách của tôi chẳng ai nghe tôi đọc cả. Từ trên diễn đàn, tôi nhìn thấy các quan chức Trung Quốc đang chụm đầu bàn tán với nhau cái gì đó, tất cả đều có vẻ như đi đưa đám ma. Sau khi đọc hết bài diễn văn rồi trở về chỗ ngồi, tôi mới được nghe chính miệng các vị khách của tôi báo tin thủ đô của chúng tôi đã rơi vào tay Việt Nam, nhưng tổn thất về phía Campuchia “dân chủ” là “nhẹ”, tất cả các thủ lĩnh Khmer Đỏ (tức Pol Pot và đồng bọn) đều bình yên vô sự, đang rút vào bưng biền tiếp tục chiến đấu. Tôi đề nghị tất cả mọi người nâng cốc rượu Mao Đài, uống theo kiểu Trung Quốc, tức là “cạn chén” để chúc mừng “chiến thắng... trong tương lai” của Campuchia “dân chủ”.
Khi quay về ngôi nhà dành cho chúng tôi, tôi lại uống một liều thuốc ngủ. Tôi cần phải ngủ để lấy sức vì vừa được báo tin sẽ phải “đương đầu” với một trăm nhà báo Trung Quốc và nước ngoài.
Sáng sớm ngày 8-1, một cuộc họp báo truyền hình tại chỗ được tổ chức tại gian phòng rộng lớn thuộc Đại lễ đường Nhân dân. Không phải một trăm mà gần hai trăm nhà báo đã đứng đợi tôi. Thật là bất ngờ và ngạc nhiên, họ đã vỗ tay rất lâu, nồng nhiệt chào tôi. Có rất nhiều câu hỏi. Người ta đề nghị tôi vén tấm màn cho tới nay vẫn còn đang che phủ những bí mật của Khmer Đỏ và giấu giếm những tội ác của chúng; những tội ác này mới chỉ được hé mở qua những lời tố cáo của những người may mắn trốn thoát nhà ngục của Pol Pot đang tị nạn ở nước ngoài. Trước rất nhiều câu hỏi, tôi không thể trả lời một cách ngắn gọn được. Tôi phải có những lời giải thích chính xác về vấn đề rất phức tạp là Khmer Đỏ, về cuộc sống bị giam hãm từ tháng 4-1976 sau khi tôi từ chức Quốc trưởng, về cuộc xung đột giữa Khmer Đỏ và Việt Nam và nhất là về sự “im lặng kéo dài” của tôi, tại sao tôi không gửi điện chia buồn sau khi Mao Chủ tịch qua đời. Sau đó, tôi không thể kiềm chế được nữa và cứ thế tiếp tục tố giác. Tôi nói hết, không giấu giếm điều gì, về việc tôi và nhân dân tôi bị tước đoạt các quyền tự do, về việc bọn Pol Pot cắt đứt mọi liên hệ giữa tôi với thế giới bên ngoài, làm tôi không thể viết thư cho bất cứ ai, không thể tiếp bất cứ một người bạn nước ngoài nào. Tôi nói thêm, từ hồi tôi từ chức, năm đứa con và mười bốn đứa cháu của tôi đã bị đưa đi các “công xã”, thực tế là đi đến chỗ chết.
Thế là, cuộc họp báo mà các ông bạn lớn Trung Quốc của tôi chuẩn bị rất công phu vụt biến thành buổi lên án Pol Pot và Khmer Đỏ. Từ lâu tôi đã phải giấu giếm những ý nghĩ của tôi vì mục đích cứu mạng sống cho tôi và gia đình, nay tôi không thể nói dối được nữa trước những nhà báo là những người có trách nhiệm đánh động dư luận thế giới.
Tôi nói trơn tuồn tuột như một cái máy bấy lâu bị những người thợ máy kìm hãm. Các bạn Trung Quốc dự tính cuộc họp báo sẽ kéo dài khoảng hai giờ. Thực tế, nó đã phá kỷ lục, kéo dài hơn sáu giờ, từ mười giờ sáng đến bốn giờ rưỡi chiều mới kết thúc. Tôi đã phải đề nghị các ông bạn Trung Quốc là những người thường đáp ứng đòi hỏi của tôi một cách lịch sự và độ lượng, cung cấp bánh mì nhồi thịt và nước giải khát để mời các nhà báo. Hôm sau, một số nhà báo phương Tây viết rằng tôi đã phạm sai lầm là làm cho cuộc họp báo này kéo dài gần như vô tận bởi vì tôi đã nói không ngừng và vẫn còn muốn nói nữa. Thật ra tôi chỉ muốn trả lời những câu hỏi nhiều vô kể. Mặt khác, sau gần hai giờ bị các nhà báo hỏi dồn dập như “bắn súng máy”, tôi cũng muốn thổ lộ nỗi niềm. Tiếc rằng điều đó đã không làm vừa ý những người muốn tới đây để nghe tôi “vụt tới tấp Việt Nam” chứ không phải để đánh đòn các ngài Pol Pot, Ieng Sary.
Khi trở về khu nhà ở dành riêng cho thượng khách, ông bạn Pen Nouth của tôi tỏ ý đồng tình và ca ngợi tôi đã trả lời đầy đủ các nhà báo. Còn ông Thioun Prasit, người của Pol Pot thì tái mặt, tỏ vẻ rất khó chịu về những lời tôi tố cáo chế độ Pol Pot.
Nhưng cả Thioun Prasit lẫn tôi lúc này đều chưa lường hết việc dư luận thế giới lên án chế độ Pol Pot như thế nào. Khi tới New York tôi còn bị giới báo chí hỏi vặn rất nhiều hơn nữa. Cho mãi tới năm 1985 tức là lúc tôi đang viết cuốn hồi ký này bất cứ đi đến đâu tôi cũng bị chất vấn về nhiệm vụ mà Khmer Đỏ giao cho tôi tại Liên Hợp Quốc là “bảo vệ cái không bảo vệ được” trong việc bào chữa cho Campuchia “dân chủ”.
Ngày 9-1-1979, một chiếc máy bay Boeing của Công ty hàng không quốc gia Trung Quốc đưa tôi đi Mỹ, có dừng lại ở Nhật Bản. Tại sân bay quốc tế Tôkyô, đại sứ Trung Quốc ở Nhật Bản tổ chức một bữa cơm trưa sang trọng (theo kiểu Pháp) có vài quan chức Nhật Bản cùng dự. Giới báo chí Nhật Bản và những tay “sừng sỏ” trong giới báo chí quốc tế nài tôi mở một cuộc họp báo tại sân bay.
Những câu hỏi của các nhà báo Nhật Bản đều lịch sự. Nhưng một vài nhà báo phương Tây, trong đó có một phụ nữ Anh rất hùng hổ, đã chất vấn tôi về Pol Pot, về Khmer Đỏ và về việc tôi chấp nhận làm đại diện cho cái chế độ đang bị toàn thế giới kinh tởm. Trong dàn hoà tấu của các nước, tôi đo được tất cả mức độ không được lòng người của Campuchia “dân chủ”, vượt xa sự tưởng tượng của tôi hồi tôi đang còn bị giam hãm ở Phnompenh.
Tại sân bay New York có hàng trăm nhà báo và phóng viên truyền thanh, truyền hình đứng đợi sẵn để phỏng vấn tôi. Ngược lại, về phía các nhà ngoại giao thì hầu như vắng tanh. Ngoài đại sứ Trung Quốc và một nhà ngoại giao Triều Tiên, tôi chỉ thấy có thêm đại sứ Xênêgan ở Liên Hợp Quốc là người dám ra sân bay chào đón tôi. Nhớ lại, hồi tháng 9-1975 khi tôi tới đây có tới hơn 80 đại sứ, 2 quốc vụ khanh, nhiều trưởng đoàn ngoại giao thế giới tự do, nhiều nhà ngoại giao thế giới thứ ba và cả các nhà ngoại giao thuộc khối Liên Xô, chạy đến vui vẻ tươi cười chào đón tôi, chúc mừng tôi chiến thắng. Vốn luôn luôn hào phóng như một bà mẹ, chính phủ Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã thuê khách sạn Asteria, một khách sạn đắt tiền nhất và sang trọng nhất nước Mỹ để tôi, vợ tôi và đoàn tuỳ tùng của tôi đến ở. Trung Quốc cũng dành cho vợ tôi một ngân khoản hậu hĩnh nhất. Đại sứ Trung Quốc nài ép tôi chớ nên tiết kiệm trong việc chi tiêu. Nhưng càng ngày tôi càng cảm thấy suy sụp tinh thần bởi vì chính phủ Trung Quốc chẳng thông báo gì được cho tôi biết về số phận năm đứa con và mười bốn đứa cháu của tôi đang mất tích ở Campuchia. Các nhà báo phương Tây cũng làm cho cuộc sống của chúng tôi rất căng thẳng vì suốt ngày đêm họ luôn gọi điện tới phỏng vấn và chất vấn làm tôi mất ngủ.
Một nhóm phóng viên Pháp chịu mọi phí tổn to lớn cất công từ Paris tới New York để liên tục “tra hỏi” tôi trong cuộc phỏng vấn đầy bão táp. Một nhà báo tóc mầu hung, đẹp trai như tài tử điện ảnh đã kết tội tôi ngay trước mặt các bạn đồng nghiệp là “đồng loã” với bọn tội phạm Khmer Đỏ. Những câu phỏng vấn đều giống nhau tới mức tôi thuộc lòng.
Thấy vậy, một viên thanh tra cảnh sát Mỹ có nhiệm vụ bảo vệ an toàn cho tôi trong thời gian tôi ở New York đã tỏ vẻ thương hại và nói:
- Thưa Hoàng thân Sihanouk, những cuộc phỏng vấn với những câu hỏi tương tự như nhau đã làm ngài mệt nhoài. Cả những câu hỏi của các nhà báo lẫn câu trả lời và giải thích của ngài, tôi đều thuộc lòng. Vậy thì xin ngài cứ nghỉ trong phòng. Ngài hãy uỷ nhiệm cho tôi, thay mặt ngài trả lời và giải thích cho họ. Ngài đừng lo ngại! Tôi đã nhớ và hiểu hết. Tôi không trả lời nhầm câu nọ sang câu kia đâu!
Monic, vợ tôi, trong thời gian ở New York không đến mức mệt nhoài như tôi. Quả thật vợ tôi đã phải làm nhiệm vụ người hầu phòng vì không một bà phục vụ nào của chúng tôi được Angca cho phép từ Bắc Kinh sang đây. Cũng như hồi tháng 9 và tháng 12-1975, mỗi khi đi công tác ra nước ngoài vợ chồng chúng tôi đều phải đặt dưới sự quản lý thường xuyên của một nhóm Khmer Đỏ “trong sạch và cứng rắn”, từng người một đều do Angca chọn lọc cẩn thận. Sự theo dõi chặt chẽ đó làm cho tôi càng ngày càng khó chịu, bởi vì tôi không thể nào chịu được sự giám sát của bất cứ ai.
Vậy mà, trong tháng 1-1979 này, khi tôi vừa vui mừng được tự do thì tại New York của đất nước có “tượng thần Tự Do chiếu sáng” này tôi lại bị bao vây, theo dõi cẩn mật suốt cả ngày lẫn đêm bởi những người của Pol Pot và Ieng Sary. Họ ăn cơm ngay trong phòng ăn của chúng tôi. Họ không thiếu một thứ gì, bàn ăn của họ đầy ắp những thức ăn hiếm nhất và đắt tiền nhất. Trong khi đó vợ chồng chúng tôi chỉ ăn bánh mì nhân thịt và pho-mát. Chúng tôi ăn ngay trong phòng ngủ để tránh khỏi nhìn thấy những tên cai ngục của chúng tôi.
Hai giọt nước có thể làm tràn cốc nước. Đây là giọt nước thứ nhất. Một hôm, Thioun Prasit nói với tôi:
- Thưa Xamđec, nhiệm vụ công tác của ngài tại Hội đồng Bảo an và Đại hội đồng Liên Hợp Quốc nhất định sẽ thành công rực rỡ, bởi vì chính cái vốn (đúng nguyên văn) mà từ năm 1975 đến nay đồng chí Ieng Sary tích luỹ được (đúng nguyên văn) đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngài, nhằm làm cho nước Campuchia “dân chủ” của chúng ta đạt được sự tín nhiệm, cảm tình, khâm phục và ủng hộ của đa số áp đảo các thành viên Liên Hợp Quốc.
Tôi hiểu rất rõ tình cảm hết mức của Thioun Prasit đối với Pol Pot và Ieng Sary, cũng như sự thù hằn và khinh miệt mà Thioun Prasit thường bộc lộ không cần giấu giếm đối với bản thân tôi cũng như với chế độ quân chủ Campuchia. Tuy nhiên, sau khi đã bị các nhà báo “đập tơi bời” nát vụn tất cả thần tượng của Khmer Đỏ cũng như của bản thân anh ta, vậy mà anh chàng vốn là một kỹ sư tốt nghiệp từ một trường đại học của Pháp, cũng thuộc loại thông minh đấy, không hiểu tại sao vẫn còn giũ được một chút ảo tưởng cho rằng cộng đồng quốc tế có thiện cảm với Pol Pot và Ieng Sary, hai con quái vật uống máu nhân dân.
Nếu Angca không cần đến tôi khi con tàu của họ đang chìm đắm thì có lẽ họ chẳng bao giờ kéo tôi ra khỏi nhà tù và sau này, đến năm 1982 đã chẳng lại đề nghị tôi giữ chức vụ cũ.
Và đây là giọt nước thứ hai đã thật sự làm tràn cốc: Tôi nhận được từ Bắc Kinh một bức điện thông báo, sau khi Hội đồng Bảo an tranh luận và bỏ phiếu, tôi sẽ được cử làm “quyền trưởng đoàn” đại biểu cũng “dân chủ” tại khoá họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc trong thời gian chờ đợi Phó Thủ tướng đặc trách vấn đề đối ngoại Ieng Sary tới New York giữ chức “Trưởng đoàn chính thức”. Vì đã hiểu rõ tính chất không được lòng người của Ieng Sary và của chế độ Khmer Đỏ, tôi không thể hình dung nổi tại sao giữa lúc đang thảm bại trước cuộc tiến quân của Việt Nam người ta lại có thể phóng túng tới mức trao cho một tên bị thế giới căm ghét và khinh bỉ chức Trưởng đoàn đại diện Campuchia tại Liên Hợp Quốc? Còn tôi, một Cựu vương, đã ba lần giữ chức Quốc trưởng Nhà nước Thơm thì người ta lại giao cho làm... trợ tá của ông Ieng Sary tại khoá họp thứ 34 của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc! Thật là một sự lăng nhục. Lòng tự trọng không cho phép tôi chấp nhận điều xỉ nhục đó Tôi quyết định sau khoá họp cuối cùng của Hội đồng Bảo an sẽ tự giải thoát khỏi sự kiểm soát không tài nào chịu đựng nổi của Angca.
Sau khi ra khỏi phòng họp của Hội đồng Bảo an, tôi viết nguệch ngoạc mấy dòng chữ tiếng Anh bằng bút chì trên mẩu giấy: “Ông thanh tra thân mến! Tôi nhờ cậy nhóm cảnh sát của ông giúp tôi thoát khỏi sự kiểm soát, giám sát của Khmer Đỏ hiện đang ở chung với chúng tôi trong khách sạn Asteria. Đúng 2 giờ đêm nay tôi sẽ lẻn ra khỏi phòng một mình, chỉ đem theo một chiếc va-ly. Các ông làm ơn đưa thẳng tôi bằng xe ô tô tới văn phòng ông Anđru Yâng, đại diện thường trực của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Rất cám ơn. Norodom Sihanouk”. Tôi bước vào khách sạn nơi đang ở, có ba cán bộ Khmer Đỏ và ba cảnh sát Mỹ đi kèm. Tôi dúi vội mảnh giấy vào tay viên thanh tra cảnh sự Mỹ. Đây chính là viên thanh tra đã đề nghị thay tôi trả lời các nhà báo. Phản ứng đầu tiên của ông ta là khẽ kêu lên một tiếng tỏ vẻ không đồng ý bởi vì ông ta tưởng tôi “cho quà”. Tôi vội nhìn thẳng vào mắt ông ta và khẽ lắc đầu, để ông ta hiểu đây là chuyện khác. Còn các ông Thioun Prasit và Ket Chuôn thì lại cứ tưởng tôi muốn tặng viên thanh tra một khoản thù lao. Riêng về phần tôi, tôi cũng mới chỉ yên tâm có một nửa.
Tôi kể hết mọi chuyện với vợ. Tôi nói, tôi quyết định “đi tìm tự do” vì không thể nào sống nổi với Khmer Đỏ trong sự tủi nhục thường xuyên như thế này. Vợ tôi trả lời nếu làm như vậy tôi sẽ có thể lại rơi vào những tủi nhục khác. Tôi đáp lại, quyết định của tôi là không thể đảo ngược.
Đúng hai giờ sáng, tôi sẽ ra đi một mình. Tôi nhờ vợ giải thích với các vị “đồng hành” Khmer Đỏ và các ông bạn Trung Quốc là tôi không giận họ, Trung Quốc vẫn là người bạn lớn nhất của tôi. Sau đó vợ tôi sẽ đến văn phòng ông Anđru Yâng. Chắc chắn người ta sẽ đưa vợ tôi lên xe ô tô, có cảnh sát đi theo bảo vệ, an toàn đến gặp tôi ở một nơi nào đó.
Vợ tôi, vốn rất can đảm và quen phục tùng tôi, đã nhận lời sớm hôm sau sẽ làm đúng lời tôi dặn, kể cả việc hoàn lại các ông Thioun Prasit và Ket Chuon số tiền 20.000 đô-la mà ngày 9-1-1979 chính phủ của Pol Pot đã trao cho tôi trước khi tôi rời Bắc Kinh. Tôi không muốn mắc míu một chút nợ nào đối với Khmer Đỏ. Tuy nhiên, vợ tôi cũng hỏi lại, cuộc sống của chúng tôi rồi sẽ ra sao, bởi vì chúng tôi không có một đồng xu trong túi, cũng không có cả đồ nữ trang để đem bán, chỉ có vừa đủ vài bộ quần áo thay đổi. Tôi cố làm cho vợ yên lòng bằng cách trả lời tôi sẽ viết những tập sách kể lại cuộc sống đau khổ suốt ba năm trong tay Khmer Đỏ và như vậy sẽ có một khoản tiền nhuận bút. Tôi nói thêm, mới đầu hai vợ chồng tôi sẽ xin cư trú tạm thời ở Mỹ, sau này sẽ sang Pháp tị nạn, chính phủ Pháp chắn sẽ không “bỏ rơi” chúng tôi.
Nói chuyện với vợ xong, tôi lặng lẽ chuẩn bị cho chuyến đi lén ra khỏi khách sạn. Thông thường bọn Khmer Đỏ trong kíp “phục vụ” tôi, vốn là những kẻ rất có kỷ luật, chỉ lên giường ngủ vào đúng nửa đêm. Quyết định đến hai giờ sáng mới ra đi, tôi đã “trừ bì” khá rộng rãi. Nhưng đêm hôm đó các vị “đồng hành” của tôi làm việc mãi đến tận mười hai giờ rưỡi, cho tới lúc đó, tôi vẫn còn nghe thấy tiếng máy chữ của cô Poc Mona. Họ đang nghi ngờ điều gì chăng? Mãi một giờ sáng mới thật yên tĩnh. Tất cả bọn họ đã ngủ chưa? Dù còn thức chắc họ cũng chẳng dám ra khỏi buồng để quấy rầy tôi trong lúc này. Tôi nghĩ như vậy.
Đúng hai giờ sáng trước cửa phòng nghỉ của tôi xuất hiện bốn người Mỹ cao, to, lặng lẽ, nét mặt nghiêm nghị, cặp mắt đầy cảnh giác. Đó là đội cảnh sát làm nhiệm vụ bảo vệ tôi. Nhớ lại năm 1960 khi tôi còn là người đứng đầu “đầy uy quyền” của Nhà nước Campuchia lúc đó tôi cũng chỉ có được một cảnh sát Mỹ hộ tống trong chuyến đi thăm Mỹ hồi đó. Bây giờ có lẽ chính phủ Mỹ nghĩ “một cách hợp lý” rằng hiện nay tôi đang phục vụ cho Campuchia “dân chủ” thì sẽ kém an toàn hơn trước. Những cảnh sát Mỹ có tầm vóc đáng gờm chỉ cho tôi hướng đi. Một người mang giúp tôi chiếc vali mà vợ tôi vừa đưa ra khỏi phòng. Chúng tôi nhanh nhẹn và lặng lẽ đi về phía thang máy dành riêng cho nhân viên khách sạn, mau lẹ xuống tầng trệt. Từ đó chúng tôi men theo một hành lang dài vắng lặng rồi đi ra một phía mà tôi cũng không biết là phía nào của khách sạn, chỉ biết đó là một sòng bạc lớn, sang trọng. Chúng tôi đi qua những gian phòng đèn điện sáng trưng, vẫn còn những người lịch sự mặc quần áo dạ hội đánh bạc. Mọi người không ai ngạc nhiên khi thấy xuất hiện một người châu Á tầm vóc nhỏ bé, đi giữa bốn cảnh sát cao, to, trong đó có một người xách vali. Hình như chẳng ai để ý đến chúng tôi. Ra tới đường phố, tôi thấy có xe cảnh sát đang đợi sẵn. Xe phóng thật nhanh đưa chúng tôi tới văn phòng ông Anđru Yâng. Ông đang cùng với các phụ tá chủ chốt ngồi đợi chúng tôi trong phòng khách, tiếp đón tôi rất lịch sự. Ông Yâng, một nhân vật rất cấp tiến trong kíp Jimmi Catơ, là một người gốc da đen nhưng lại có nước da sáng, tính tình thẳng thắn, tế nhị, tỏ thái độ rất thân mật đối với tôi. Ông hẹn, khi trời sáng sẽ gọi điện ngay tới Bộ Ngoại giao Mỹ ở Washington. Thật là khôi hài: Sihanouk, một người mà ai cũng biết là chống Mỹ rõ rệt, lại xin tị nạn chính trị ở Mỹ. Quả là tôi có viết đơn gửi chính phủ Mỹ xin tị nạn chính trị tạm thời, và ông Yâng đã chuyển ngay lá đơn đó tới Washington. Bộ Ngoại giao Mỹ không trả lời thẳng yêu cầu nêu ra trong đơn, nhưng báo ngay cho tôi biết, tôi có thể ở Mỹ bao lâu cũng được. Chính phủ Mỹ sẽ chịu tiền chi phí về ăn và ở cho vợ chồng chúng tôi.
Lúc này, vợ tôi hãy còn ở trong tay Khmer Đỏ ông Yâng đã trao nhiệm vụ cho cảnh sát Mỹ bảo vệ vợ tôi... từ xa. Thế rồi mọi việc cũng ổn cả.
Tôi chân thành cảm ơn chủ nhà và liền sau đó, đề nghị được vào điều trị tại một bệnh viện ở New York để hồi phục sức khỏe do suy sụp cả thể chất lẫn tinh thần, và nhất là để chữa trị “chấn thương vì Khmer Đỏ”, một chứng bệnh đã khiến cho nhiều đồng bào tôi bị chết. Ông Anđru Yâng chỉ thị cho cấp dưới, ngay sau khi vợ tôi đến văn phòng của ông, sẽ đưa cả hai vợ chồng tôi đi điều trị tại bệnh viện Lennox là một bệnh viện mà, theo ông, từ viện trưởng đến các bác sĩ đều thuộc loại giỏi.
Khi biết tin tôi đang ở văn phòng của ông Yâng, các ông Thioun Prasit và Ket Chuon đã khẩn khoản xin được gặp tôi để “kính chào” và để nhân danh Angca, nài ép tôi nhận khoản tiền hai mươi ngàn đô-la “công tác phí”. Tôi xin lỗi không thể tiếp các ông và cũng không thể nhận món quà hậu hĩnh của Khmer Đỏ. Ngược lại, trước khi cùng với vợ đi bệnh viện, tôi đồng ý tiếp Trưởng đoàn đại diện Trung Quốc ở một phòng bên cạnh văn phòng ông Yâng.
Chúng tôi nói chuyện thân mật với nhau bằng tiếng Anh, có cả hai nhà ngoại giao Mỹ cùng dự theo yêu cầu của tôi. Tôi hứa hẹn với những người bạn Trung Quốc là một ngày nào đó tôi sẽ trở về sống tại Bắc Kinh, nhưng hiện nay tôi cần phải vào ngay bệnh viện New York vì tôi bị chấn thương và kiệt sức.
Tại bệnh viện Lennox, tôi được tiếp nhận lịch sự, được điều trị chu đáo, thoải mái. Điều kiện sinh hoạt ở bệnh viện thật hoàn hảo, vì vậy đến năm 1984 tôi lại tới đây điều trị một lần nữa. Một bà rất đáng yêu chịu trách nhiệm lấy ý kiến nhận xét của bệnh nhân, thường đến hỏi tôi có phàn nàn điều gì không, hoặc ít nhất cũng cho một vài nhận xét về những thiếu sót của bệnh viện. Tôi phải thề rằng quả thật tôi không có thắc mắc gì về cái bệnh viện tuyệt vời này và đã ca ngợi bệnh viện rất chân thành. Bà quay ngoắt đi, tỏ vẻ thất vọng vì gặp phải một “con chim hiếm” đã hài lòng với tất cả mọi thứ.
Trong thời gian điều trị tại bệnh viện Lennox, tôi rất ngạc nhiên khi được ông Bộ trưởng Mỹ Xairớt Venxơ tới thăm. Tươi cười và đáng yêu, ông thay mặt chính phủ Mỹ bầy tỏ thiện cảm và tin tưởng đối với tôi và nói, có yêu cầu gì cứ báo cho ông biết, đừng e ngại. Ông sẽ làm mọi việc để những ngày tôi ở Mỹ được dễ chịu. Nhưng ông nín bặt không hé mở một chút gì về lý do chính phủ Mỹ dè dặt đối với đơn xin tị nạn chính trị của tôi.
Trước sự im lặng đó, vợ tôi ngỏ ý với tôi, nên vận động ngay chính phủ Pháp cho chúng tôi tị nạn chính trị trong lúc chính phủ Mỹ có vẻ như từ chối.
Tôi nhờ ông Đại diện thường trực của Pháp tại Liên Hợp Quốc chuyển giúp đề nghị lên chính phủ Pháp như sau:
1. Tôi đề nghị được cùng với vợ đến tị nạn ở Pháp và sống tại ngôi biệt thự nhỏ bé Đơ Mugin mà chúng tôi đã có sẵn trên đất Pháp.
2. Tôi đề nghị cấp cho vợ chồng chúng tôi hai hộ chiếu Pháp vì tôi không muốn ra đi bằng hộ chiếu Khmer Đỏ.
Tôi lưu ý chính phủ Pháp, ông thân sinh ra Monic là người Pháp, vì vậy vợ tôi phải được công nhận là một công dân Pháp. Tôi cũng tự giới thiệu, tôi đã từng làm Vua Campuchia dưới sự bảo hộ của Pháp, tôi cũng đã từng được Hội đồng tối cao khối Liên hiệp Pháp tặng thưởng Bắc đẩu bội tinh hạng nhất dành cho công dân Pháp; cuối cùng tôi còn là đại uý trù bị trong quân đội chính quốc của Pháp, đã hai lần tập sự sĩ quan trù bị tại trường Cao đẳng Thiết giáp và Ky binh Xômuya của Pháp, năm 1946 và 1948.
Vài tuần sau, trong lúc tôi đang ở Nhà khách Liên Hợp Quốc, một khách sạn quan trọng do chính phủ Mỹ đài thọ hoàn toàn cả ăn lẫn ở, đại sứ Pháp Lơprét đã chuyển tới tôi điện trả lời của Paris: nước Pháp đồng ý cho ông Hoàng Sihanouk và bà Hoàng Monic được tị nạn chính trị, nhưng chỉ một mình bà Monic được cấp Hộ chiếu Pháp. Ngoài ra, ông Hoàng Sihanouk phải cam kết từ bỏ mọi hoạt động chính trị trong thời gian ở Pháp, không được cho các nhà báo cũng như các phóng viên truyền thanh, truyền hình, phỏng vấn về các vấn đề chính trị.
Ngán ngẩm, tủi hổ, tôi quyết định trở lại Bắc Kinh sau khi nhận được lời mời chính thức của ông Đặng Tiểu Bình, người hùng của Trung Quốc, mời tôi trở lại sinh sống trên đất nước ông. Ông Đặng vừa hoàn thành thắng lợi chuyến đi thăm Mỹ. Vợ tôi đồng ý ngay. Tôi đã dự kiến trước lời mời này vì biết Trung Quốc khá thông minh để hiểu rằng sẽ mất nhiều nếu không “thu hồi” được tôi. Để cho Sihanouk “ly dị” Trung Quốc rồi tị nạn ở phương Tây sẽ là điều chẳng vinh dự gì đối với Trung Quốc. Vốn cũng là một nước châu Á, Trung Quốc rất coi trọng vấn đề “giữ thể diện”.
Ngày 31-1-1979, ông Đặng mời tôi tới ăn cơm trong toà nhà dành riêng cho các vị thượng khách cao quý nhất của Mỹ tại thủ đô Washington.
Năm 1952 khi còn là Quốc vương Campuchia, trong một lần đi thăm Mỹ tôi cũng đã được mời tới ở tại toà nhà này. Hồi đó tôi đến Mỹ để cố vận động chính phủ Mỹ ủng hộ trong cuộc đấu tranh đòi Pháp trao trả độc lập hoàn toàn cho Campuchia (nhưng không thành công).
Dưới đây xin tóm tắt nội dung cuộc nói chuyện quan trọng buổi tối hôm đó giữa tôi với vị lãnh đạo Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.
Đặng Tiểu Bình: Các vị lãnh đạo Campuchia dân chủ nhờ tôi thỉnh cầu quý ngài trở lại tiếp nhận một lần nữa chúc vụ Quốc trưởng Campuchia.
Sihanouk: Thưa ngài Phó Thủ tướng, nếu tôi ngừng phục vụ Khmer Đỏ, điều đó không có nghĩa là tôi bất mãn với chúc vụ đại sứ hiện nay. Từ ngày được giải phóng, tôi đã ý thúc được tầm quan trọng cực kỳ của dư luận, dư luận quốc tế và đồng bào tôi, phản đối các đồng chí Campuchia của ngài Như ngài đã biết ngay ở đây, ở Mỹ, ở Pháp, ở nhiều nơi khác nữa, ở đâu người ta cũng chửi rủa tôi chỉ vì tôi đại diện cho chính phủ Campuchia dân chủ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nhằm bảo vệ chính nghĩa của đất nước tôi bị xâm lược. Người ta còn kết tội tôi đồng loã với Khmer Đỏ trong việc thảm sát rất nhiều đồng bào vô tội của chúng tôi, chứng cớ là Khmer Đỏ đã để cho tôi an toàn tính mạng và đã cư xử với tôi tương đối tốt trong ba năm bị họ giam hãm. (Thật ra họ phải đối xử như vậy là do Cộng hoà nhân dân Trung Hoa nhiều lần can thiệp, bảo lãnh cho tôi). Lương tâm tôi không cho phép tôi tiếp tục cộng tác với Khmer Đỏ nữa, nhưng với tư cách là một thường dân tôi vẫn hết lòng phục vụ Tổ quốc tôi.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi, Trung Quốc, chúng tôi biết là Đảng và Chính phủ Campuchia dân chủ đã phạm nhiều sai lầm lớn đối với đại đa số nhân dân Campuchia cũng như đối với Xamđec, chúng tôi đã phê bình họ. Nhưng trong quan hệ với nhau chúng tôi không thể làm điều gì có thể bị coi là can thiệp vào công việc nội bộ của Campuchia. Ngày hôm nay, các nhà lãnh đạo Campuchia dân chủ vừa thông báo với chúng tôi là họ sẽ không tái phạm những sai lầm trong quá khứ nữa. Họ cũng đã thừa nhận là ngay sau ngày giải phóng đã thực hiện một chính sách sô-vanh nhằm phá vỡ mặt trận đoàn kết dân tộc. Ngay từ bây giờ, họ sẽ cố gắng thực hiện một chính sách đại đoàn kết. Thưa Xamđec, ngài chính là người tập hợp nhân dân chung quanh mình, để chính sách đại đoàn kết dân tộc có thể thực hiện được. Ngài được nhất trí cứ làm Chủ tịch của Mặt trận mới, mặt trận đại đoàn kết dân tộc, một mặt trận thật sự dân chủ.
Sihanouk: Thưa ngài Phó Thủ tướng, xin ngài cho phép tôi trình bầy thăng thắn ý kiến của mình.
Vì cái gọi là “thiện chí” của những người lãnh đạo Khmer Đỏ, tôi không thể nào tin được. Con hổ không thể thành con mèo. Còn về cái Mặt trận đại đoàn kết dân tộc cũng không thể nào thật sự thành lập được bởi vì Khmer Đỏ đã thủ tiêu phần rất lớn thành viên không phải là đảng viên Khmer Đỏ trong mặt trận FUNK mà tôi đã từng làm chủ tịch.
Tôi là người duy nhất thoát chết trong quá trình phiêu lưu theo Khmer Đỏ. Tôi không thể tập hợp được các hồn ma để giúp họ. Vả lại, nếu tôi có dại dột thí nghiệm một lần nữa một mặt trận thông nhất với Khmer Đỏ thì rồi cuối cùng họ cũng thủ tiêu tất cả các thành viên không thuộc thành phần với họ, kể cả Sihanouk, sau khi đạt được “chiến thắng chung” (cứ cho là thế đi) chống Việt Nam...
Đặng Tiểu Bình: Ta chuyển sang vấn đề khác nhé! Chúng tôi được biết Xamđec không muốn trở về Trung Quốc mà sẽ sang sống ở Pháp.
Sihanouk: Ơ miền Nam nước Pháp tôi có một biệt thự nhỏ.
Đặng Tiêu Bình: Nhưng mà Trung Quốc đã xây cho ngài một biệt thự to, hoàn toàn thuộc quyền sở hữu của ngài! Ngài vẫn thưởng nói, Trung Quốc là Tổ quốc thứ hai của ngài, Cộng hoà nhân dân Trung Hoa là người bạn trung thành nhất của ngài. Hôm nay tôi chính thúc mời ngài sang ở Trung Quốc. Nếu ngài cần phải chọn một nước nào đó khác với Tổ quốc của mình, tại sao không chọn tổ quốc thứ hai?
Sihanouk: Tôi rất yêu Trung Hoa. Tôi phải chịu ơn Trung Quốc. Đó là món nợ to lớn đối với tôi. Hơn nữa, tôi còn có biết bao kỷ niệm với Trung Quốc: đó là tình hữu nghị đặc biệt mà Chủ tịch Mao Trạch Đông đã dành cho tôi, đó là những quan hệ anh em, tin cậy, thắm thiết ràng buộc tôi với Thủ tướng Chu Ân Lai. Nhưng, với tất cả sự chân thành của tôi, xin thú thật với ngài là tôi rất sợ khi quay trở về Trung Quốc lần này lại phải nghe những lời các ngài bào chữa cho Khmer Đỏ và phải từ chối những gì mà ngài nhân danh các đồng chí Khmer Đỏ của ngài đề nghị với tôi.
Đặng Tiểu Bình: Chúng tôi hiểu tình cảm của ngài. Chỉ xin ngài nhận lời mời hữu nghị của chúng tôi tới sống ở Trung Quốc cho tới khi nào ngài có thể trở về Tổ quốc của ngài là Campuchia. Tôi xin hứa không nhắc đến chuyện ngài hợp tác với Đảng và Chính phủ Campuchia dân chủ nữa. Nhưng nếu một ngày nào đó ngài chủ động nêu lại vấn đề này với tôi thì tôi rất lấy làm sung sướng.
Sihanouk: Thưa ngài, xin ngài hãy từ bỏ hy hi vọng đó đi. Bởi vì từ nay cho đến lúc hết đời, không bao giờ tôi nêu vấn đề đó ra.
Đặng Tiểu Bình (cười): Tôi hiểu lắm chứ. Thôi nhé, chúng tôi xin chiều ý ngài. Xin nhấn mạnh: Ngài hoàn toàn tự do đi lại trong nước Trung Quốc và ra nước ngoài, bất cứ đi đâu, bất cứ lúc nao, tuỳ thích!
Sihanouk (cũng cười): Thưa ngài, tôi biết lắm. Nước Trung Hoa nhân dân không phải là nước Campuchia dân chủ.
Đặng Tiểu Bình: Vậy thì ngài nhận lời đến sống ở Trung Quốc chứ?
Sihanouk: Tôi xin nhận một cách vui vẻ và biết ơn.
Đặng Tiểu Bình (cười to): Nhiệt liệt cám ơn ngài.
Cùng dự buổi nói chuyện này, về phía Trung Quốc còn có bà Đặng Tiểu Bình. vợ chồng ông Hoàng Hoa, Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, ông đại sứ Trung Quốc ở Mỹ. Về phía Campuchia còn có Bà Hoàng Monic.
Các nhà ngoại giao Trung Quốc rõ ràng rất hài lòng vì đã tìm được lối thoát. Trong khi chuẩn bị rất chu đáo để đưa tôi trở về Trung Quốc, họ càng đặc biệt chăm sóc về mặt vật chất cho vợ chồng chủng tôi. Trung Quốc đề nghị tôi nhận một khoản tiền lớn bằng đô la Mỹ để chi tiêu cho việc chuẩn bị khởi hành”. Tôi từ chối một cách lịch sự, nhưng Monich lại chấp nhận mười nghìn đô-la là khoản tiền Trung Quốc tặng riêng Monic, vợ tôi giải thích, nếu không nhận thì không có tiền thù lao cho các nhân viên khách sạn đã phục vụ chúng tôi rất chu đáo. Hơn nữa, chúng tôi còn phải mua quà tặng bà Anđru Yâng vì ông Yâng đã giúp chúng tôi rất nhiều, tặng bà đại sứ Pháp Lơprét vì bà đã mời chúng tôi đến ăn cơm, tặng bà vợ ông đại sứ Trung Quốc ở Liên Hợp Quốc là người cũng đã giúp chúng tôi nhiều việc. Tôi đành nghe theo vì Monic có lý hơn tôi.
Trong những ngày còn ở lại Niu York, vì thật sự không có tiền, tôi đành phải nhờ các bạn Trung Quốc giúp tôi tổ chức một bữa ăn “theo kiểu Pháp”, có rượu vương Pháp thượng hảo hạng để mời hai vợ chồng ông Anđru Yâng và những cộng sự viên chủ yếu của ông ở Liên Hợp Quốc, nhằm tỏ lòng biết ơn Mỹ đã đối xử với tôi rất tốt. Các bạn Mỹ không ngạc nhiên khi thấy tôi nhận lời trở lại Trung Quốc, coi đó là nơi tị nạn. Họ chúc tôi hạnh phúc.
Tôi cảm thấy các ông bạn Mỹ như trút được gánh nặng là tôi. Quan hệ hữu nghị giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không bị vẩn đục vì “vấn đề Sihanouk”, một kẻ bất ngờ “rơi xuống” đầu họ.
Giờ lên đường đã tới. Những người bạn Trung Quốc của tôi chuẩn bị rất hoàn hảo mọi vấn đề cho chúng tôi, kể cả vấn đề tế nhị nhất là hộ chiếu.
Cuối cùng, chúng tôi đã ra đi với mảnh giấy “thông hành” đơn giản. Các nhà chức trách Mỹ đã đơn giản mọi thủ tục hải quan và xuất cảnh để chúng tôi ra đi dễ dàng. Ngồi trong khoang hạng nhất của chiếc máy bay phản lực thuộc Công ty hàng không liên Mỹ, tôi nhận thấy chung quanh phần lớn là các nhà đại tư bản công nghiệp Mỹ cùng với vợ đi thăm Trung Quốc. Có cả một viên tướng đã nghỉ hưu trước kia công tác trong Phái đoàn viện trợ quân sự Mỹ tại Campuchia cũng đi thăm Trung Quốc cùng với vợ. Viên tướng này biết tôi rất rõ vì đã ở Campuchia từ trước năm 1963 (đến 1963 thì tôi từ chối viện trợ quân sự của Mỹ). Tới Bắc Kinh, tôi mời các bạn Mỹ mới quen trên máy bay đến thăm chỗ ở mới của tôi, đã trang bị xong nội thất, sáng rực ánh đèn, trang hoàng lộng lẫy.
Tôi mời họ dự bữa ăn “theo kiểu Pháp” được các đầu bếp Trung Quốc nấu rất ngon. Có một đầu bếp lành nghề ở Thượng Hải mà đích thân Thủ tướng Chu Ân Lai đã tìm chọn để phục vụ tôi năm 1970. Năm 1979 ông được thăng cấp. Song song với công việc trong Quốc hội, ông vẫn tiếp tục chỉ huy công việc bếp núc của tôi ở Bắc Kinh, và đã thành lập được một đội ngũ khá đông những tay đầu bếp trẻ tuổi có thể làm được các món ăn Trung Quốc Pháp, Khơme một cách hoàn hảo. Thày dạy của họ về các món ăn Khơme là Công chúa Norodom Mônketh Kania, cô tôi. Sau bữa ăn ngon tuyệt này các vị khách Mỹ đã cổ vũ tôi rất nhiều bằng những lời chúc mừng của họ.
Chỉ còn lại một vết đen trong cuộc sống rất dễ chịu của tôi ở Bắc Kinh. Đó là Narinđrapông và Chittara, hai tên đồ đệ của Pol Pot không thể nào gột rửa được, vẫn cứ cặp kè bên cạnh tôi. Chúng vẫn tiếp tục chửi rủa bác gái tôi và các bà phục vụ chúng tôi. Quá bực tức, tôi đã đề nghị các nhà chức trách Trung Quốc trục xuất hai tên vô lại này ra khỏi nhà tôi. Một quan chức cấp bậc đại sứ, được chính phủ Trung Quốc uỷ nhiệm thường trực bên cạnh tôi, tỏ ra rất bối rối. Ông tìm cách dàn hoà giữa tôi với Narinđrapông và Chittara. Nhưng tôi nói tôi nhất định không sống chung dưới một mái nhà với hai tên “tướng cướp” này. Hoặc là đuổi chúng đi, hoặc chính tôi một ngày nào đó sẽ rời bỏ cái nhà này đi ẩn náu ở nơi khác. Đến lúc này các ông bạn Trung Quốc mới thấy đây là vấn đề rất nghiêm trọng. Họ chuyển chúng sang một ngôi nhà khác. Từ đó, mọi người mới “thở” được. Ít lâu sau Narinđrapông và Chittara di tản sang Pháp, mọi phí tổn do Trung Quốc đài thọ một cách hào phóng.
Đến đây, chấm dứt câu chuyện về cuộc sống của tôi với Khmer Đỏ trong khoảng thời gian từ tháng 12-1975 đến tháng 1-1979, và cũng chấm dứt những nỗi bực dọc của tôi sau khi tôi thoát khỏi nanh vuốt bọn Khmer Đỏ ở New York một cách kỳ lạ, trong thời gian từ tháng 1 đến tháng 2-1979. 

12. Shianouk về Campuchia, 1973
Nguyễn Việt Phương
(*Tác giả nguyên là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 472, đã có dịp đón tiếp và theo dõi chuyến thăm quê của ông bà Hoàng Sihanouk)
Báo An ninh thế giới cuối tháng, 4-2003
Sau Hiệp định Paris và Viêngchăn 22-2-1973, trời Trường Sơn không còn máy bay Mỹ đánh phá. Quốc trưởng Sihanouk đang ở Bắc kinh, thấy thời cơ thuận lợi liền đề đạt nguyện vọng với Nhà nước Việt nam dân chủ cộng hoà giúp đỡ vợ chồng ông về thăm quê. Vì tình nghĩa, Chính phủ ta nhiệt thành ủng hộ ông bà Hoàng thực hiện ước nguyện này. Chiếc chuyên cơ hạ cánh. Sân bay Đồng Hới thoắt nhộn nhịp khi cựu Quốc trưởng Sihanouk và bà Hoàng Môních xuất hiện ở cửa khoang máy bay. Tuy là vùng đất mới hưu chiến, lễ đón rước vẫn đúng nghi thức trọng thể, nồng hậu.
Tối đó, Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn mở tiệc chào mừng khách. Tư lệnh và Chính ủy trịnh trọng chúc sức khỏe ông bà Hoàng và ngài Yêngxari, đại diện Khmer Đỏ. Cựu Quốc trưởng đứng dậy đáp lễ. Với giọng cung kính, ông Hoàng ca ngợi công đức và thiên tài của cố Chủ tịch Hồ Chí Minh, cảm ơn Đảng Lao động và Chính phủ Việt nam đã giúp đỡ rất to lớn cho công cuộc đấu tranh của nhân dân Campuchia. Ông cảm khái cao giọng: Tôi suốt đời ghi nhớ mối ân tình sâu nặng của Việt nam đã dang rộng tay thân hữu với tôi, khi mà tên phản bội Lonnon câu kết với kẻ thù làm cuộc đảo chính tôi vắng mặt... Trong cuộc hội nghị cấp cao Đông Dương (từ 24 đến 25-4-1970), cũng chính ngài Thủ tướng Phạm Văn Đồng kính mến đề nghị tôi làm Chủ tịch... Và hôm nay, người anh em Việt nam lại tạo điều kiện cho vợ chồng tôi về thăm cố hương...
Yêngxari bức bối cứ luôn mồm khậm khạc. Bà Hoàng Monique nhạy cảm với thứ “tín hiệu” chẳng đẹp ấy, khéo ngầm báo chồng. Cựu Hoàng chợt lúng túng một chút, rồi cất tiếng cười nhè nhẹ: “Cuộc hội ngộ hôm nay vâng, tôi và ngài Yêngxari rất xúc động...”. Quan khách cảm thông. Ai cũng biết mối quan hệ bề ngoài giữa Ban lãnh đạo Khmer Đỏ với người đại diện vương triều thất thế vẫn đang âm ỉ thâm thù không thể dung hoà.
Chính phủ ta cử một số cán bộ cao cấp chuyên trách quan hệ với Campuchia, Đại sứ Việt nam ở Campuchia, Trưởng phòng Phục vụ lễ tân và 4 sĩ quan an ninh làm vệ sĩ của ông bà Hoàng. Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp giao trách nhiệm cho Tư lệnh, Chính ủy Binh đoàn Trường Sơn tổ chức thực hiện đảm bảo tuyệt đối an toàn chuyển “công du”” của khách. Tử xưa đến nay bộ đội chiến đấu có bao giờ phải đưa đón đoàn khách cỡ đó trên Trường Sơn? Tám trạm dừng chân phải cấp tốc dựng nhà nghỉ tương xứng ông bà Hoàng, yêu cầu đủ tiện nghi sinh hoạt thích hợp. Cục Hậu cần vội tung cán bộ đi khắp nơi để mướn hoặc mua sắm giường, đệm, tủ gương, xalông, quạt máy, bàn ghế làm việc, điện thoại và các thứ đồ dùng thường nhật như giấy vệ sinh, xà bông thơm, nước hoa... Trong hoàn cảnh phục vụ chiến đấu và chiến đấu ở Trường Sơn đòi hỏi có ngay mọi thứ đó thật vô cùng khó. Chỉ riêng lo cái “hố xí máy” đã thành chuyện khá vất vả. Thế nhưng, những người lính của ta thật khéo tay. Ba ngày sau, mọi nhu cầu phục vụ lộ trình hơn ngàn cây số đều sẵn sàng chờ đón khách quý.
Sáng tháng ba, trời cao vút xanh thẳm. Đỉnh động Vành Vàng cao hơn 1.300m cũng chỉ vương vất vài làn mây mỏng. Đoàn xe hơn 20 chiếc xuất hành. Để giữ sức cho khách, đoàn xe đi hai giờ lại dừng mười lăm phút giải lao. Đúng 15 giờ 30 phút, Đoàn đến trạm Chà Lý, Đại tá Lê Đình Sum, Phó Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn báo cáo với khách sẽ nghỉ đêm tại đây theo kế hoạch. Bà Hoàng Môních hoan hỉ, hồn nhiên reo lên:
- Ôi, tuyệt quá! Tôi được ngắm dòng thác bạc... Hình như có cả đàn hươu dưới thung...
- Còn sớm! - Xari quạu mắt - Đến trạm sau hãy nghỉ.
Sihanouk ngớ người. Môních xịu mặt.
Đại tá Sum sẽ sàng nói:
- Trạm sau ở Mường Noọng. Phải chạy liền tám tiếng, nhanh nhất cũng quá nửa đêm mới đến. Đi thế dễ mất an toàn lắm.
Xari đành chịu rút ý kiến. Thực ra, sức ông ta cũng chẳng dẻo dai, song cái trò “lên mặt” của kẻ tiểu khí thường hay thế. Vợ chồng ông Hoàng cũng mất hào hứng, lặng lẽ vào phòng riêng, ngả lưng xuống chiếc “xích đu” bên lan can hàng hiên, đắm chìm trong mặc cảm u hoài. Bác sĩ thăm sức khỏe đến khá lâu khi lên tiếng hai ông bà mới bừng tỉnh. Sau bữa cơm tối, trưởng phó đoàn đến báo cáo tình hình chặng đường tiếp theo với khách. Sihanouk và Yêngxari nhìn tấm sơ đồ, lắng nghe:
- Đường 24 là trục kín, hẹp, khó đi nhanh, trạm Mường Noọng cách 185km. Nếu xuất phát như hôm nay thì 6 giờ tối mới đến, sẽ rất mệt...
Sihanouk tỏ ra lo ngại, Yêngxari liếc nhìn ông Hoàng, xẵng giọng:
- Đi thế cũng được.
Vốn đã biết họ, hai anh chẳng ngạc nhiên trước thái độ cục cằn của Yêngxari.
Đại tá Sum lựa lời:
- Vâng. Nhưng liệu có nên điều chỉnh phương án thích hợp không?
Sihanouk nói ngay:
- Hay lắm! Ông trình bày đi.
- Thưa Xamđéc! Nếu chúng ta dậy lúc 4 giờ, 5 giờ khởi hành, 7 giờ đến trạm rồi giải lao hãy ăn lót dạ, 11 giờ tạm dừng ăn cơm trưa, nghỉ một tiếng, sau đó đi liền mạch thì 15 giờ rưỡi đến trạm thoải mái.
- Rất hay! - Sihanouk cười rộng miệng - Tôi sẵn sàng chấp nhận.
Xari đảo ngược mắt nhìn ông Hoàng rồi nhìn cán bộ Việt nam, giọng hơi gắn gắt:
- Đi đứng thế nào là trách nhiệm của các anh, khỏi bàn.
Anh Xuân Hoành đã quá rõ tính cách của Xari, liền đáp:
- Vâng. Chúng tôi hiểu, nhưng vì sức khỏe của quý vị nên mới đề nghị chuyển dịch thời gian.
- Thôi được! - Yêngxari xịu mặt.
Xuân Hoành hướng sang ông Hoàng, lễ phép:
- Còn ý ngài? Thưa Xamđéc!
- Ồ! Tôi đã nói trước rồi - Sihanouk cười tươi, giơ ngón tay - Xin thêm một đề nghị. Để bảo mật đi sâu xuống phía nam, nên dùng bí danh, Frère Phạm Văn Đồng đã cho tôi là “đồng chí Thắng”, Môních là “đồng chí Lợi” - ông nghiêng đầu sang Yêngxari - Còn ngài...
- Là Thông! - Xari nói cụt ngủn.
Xuân Hoành cười mỉm:
- Vâng, xin theo ý quý vị. Mời các “đồng chí” nghỉ sớm lấy sức mai đi. Đêm Trường Sơn mát dịu, không tiếng phản lực gầm rú khiến ai cũng yên giấc. Mãi đến khi tiếng gà rộn rừng, đội gác thay phiên, mọi người mới lục tục sửa soạn lên đường. Hai vợ chồng ông Hoàng đã gọn ghẽ, nhanh nhẹn bước sang phòng ăn đỡ tách càphê từ tay cô phục vụ. Trưởng phó đoàn đến chào chúc buổi sáng và hỏi thăm:
- Đêm qua các đồng chí Thắng, Lợi và Thông ngon giấc chứ?
Ông bà Hoàng rất khoan khoái với cách xưng hô thân tình thế. Môních nở nụ cười vồn vã:
- Xin cảm ơn hai đồng chí. Nắc tà phnôm (thần núi) cho chúng tôi giấc mơ đẹp lắm.
Xari lặng thinh uống hết tách càphê, xách cặp da lầm lũi tới chiếc xe đỗ trước Sau hai chặng nghỉ, đoàn xe đến trạm sớm hơn nửa giờ. Sihanouk không nén được, reo to:
- Tuyệt chưa! Quyết định đúng là vậy đấy!
Ánh mắt bà Hoàng bắt được nếp nhà sàn xinh xắn, mái lá uốn cong, không thưng vách, dựng ở ngã ba đường rẽ vào trạm “Sa la”, Môních nghiêng đầu sang cô Minh, thiếu úy bảo vệ: “Ôi! Bộ đội Việt nam hiểu biết phong tục quê tôi quá! Nhà mời khách qua đường nghỉ chân đấy em ạ! Trên đất Chùa Tháp làng nào cũng có sa la như thế”.
Xuống xe. Ông bà Hoàng chắp tay đưa quá đầu, líu ríu bước giữa hai hàng nam nữ bộ đội Việt nam phất cờ hoa hớn hở chào đón. Vợ chồng ông Hoàng sững nhìn ngôi nhà thanh nhã dựng trên nền cao, hàng lan can ban quan mảnh vườn xinh xinh trổ bông rực rỡ. Trong nhà sàn lát gỗ đỏ au, trầm ken trúc ngà vàng rươm, đủ các phòng ăn, ngủ, tiếp khách và phòng toa lét. Phòng nào cũng có cửa sổ căng rèm trắng tinh. Ông Sihanouk nắm tay anh trạm trưởng, giọng xúc động:
- Trong hoàn cảnh này mà các bạn chu đáo quá... Tôi không biết bày tỏ lòng ghi ơn thế nào cho xứng...
Chiều đó ông bà Hoàng xuống “hồ bơi” - Vịnh nước trong sông La Nông được cải tạo. Cả hai cùng bơi thỏa thích. Sihanouk ngẫu hứng sáng tác bản nhạc “Biết ơn con đường”. Tối hôm ấy ông đàn, bà hát cho số anh chị em phục vụ thưởng thức. Đúng lịch, hôm sau đoàn sẽ đi tiếp. Chúng tôi bắt gặp ánh mắt lưu luyến của Môních. Chẳng ai nỡ thui chột tình yêu thiên nhiên của người phụ nữ này, bà ấy lại đang lâm “cảnh khó” phải nén lòng. Chúng tôi bèn viện lý do kỹ thuật và sức khỏe của lái xe để lưu lại ngày nữa. Bà Hoàng mừng khôn kể.
Những ngày sau đi liên tiếp đến các trạm nằm trên đất Lavân màu mỡ. Nơi nào cũng dư dật thực phẩm, hồng xiêm, thốt nốt bạt ngàn, khiến ông bà Hoàng ngỡ như mình đang đi trên mảnh đất quê hương.
Hôm đến trạm cuối của Sư đoàn 470 tại Tà Ngân trên đất Campuchia, Đại tá Nguyễn Lang, Phó tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn, đứng trước cổng chào chờ đón ông bà Hoàng. Sihanouk xuống xe vội cúi hôn mảnh đất địa đầu Tổ quốc, rồi đứng dậy bắt tay đáp lễ Đại tá Lang, đoạn chạy sang ôm nhẹ vai hai quan chức kháng chiến Campuchia. Sau đó Bộ Tư lệnh Binh đoàn Trường Sơn mở tiệc chiêu đãi rất long trọng, tặng quà lưu niệm các quý khách.
Tiếp theo sẽ là lễ ra mắt của các nhân vật Chính phủ kháng chiến Campuchia với Quốc trưởng. Bộ Thông tin đã thông báo cho Iêngxan và Sihanouk thay đồng phục đen, Môních vận đồ nữ vùng giải phóng Campuchia. Đại tá Lê Đình Sum báo cáo với ông bà Hoàng: “Phận sự của đoàn Việt nam chỉ còn đưa khách đến Xiêm Pạng. Từ đó, đồng chí Thắng, Lợi sẽ được Chính phủ kháng chiến Campuchia đón tiếp”. Sihanouk khe khẽ thở dài, vầng trán rộng nổi rõ những đường gân máu rần rật. Bà Môních thì cứ ôm riết lấy cô Minh.
- Mai chị về nước - Cô thiếu úy bảo vệ lựa lời - chắc cũng chỉ ít hôm sẽ quay ra. Chị thay quần áo để em giặt nhé! Môních siết chặt cô vào lòng, nghẹn ngào:
- Không biết chị có còn sống mà quay ra gặp em...
- Ôi! Chị nói gở. Về thăm Tổ quốc có gì mà sợ.
- Em chưa biết rõ thòi - Môních nức nở - Bọn họ căm thù vợ chồng chị lắm... Mấy ngày qua có bộ đội Việt nam họ chưa dám làm gì đấy
Chúng tôi cảm nhận chặng đường sắp tới là chuỗi dài lo âu của vợ chồng ông Hoàng. Ai cũng cầu mong cho chóng qua đi những ngày đen tối đầy hiểm hoạ với ông bà, để sớm có dịp tái ngộ sau chuyến thăm quê.

Không có nhận xét nào: