Chủ Nhật, 4 tháng 11, 2012

Hồi ký của Daniel Ellsberg Cựu sỹ quan Mỹ về chiến tranh Việt Nam - Phần 2

CHƯƠNG 18


Tôi trở về từ Haverford qua Washington . Tại đó tôi lấy thêm tám tập của Bản nghiên cứu McNamara từ văn phòng Rand để mang về nhà tôi ở Santa Monica . Tôi quyết định chưa đọc vội những nghiên cứu đầu tiên trong giai đoạn 1945-1960 vì lúc đầu cho rằng những nghiên cứu đó không liên quan nhiều lắm đến tình hình hiện tại. Đó là sai lầm của tôi. Giờ đây tôi đọc tài liệu để chứng minh với các tài liệu chính thức, tuyệt mật nội bộ của chính phủ Mỹ những gì tôi đã đọc trong các báo cáo của các nhà báo và sử gia Pháp. Không một tập tài liệu nào trong nghiên cứu này có tác động tới quan điểm của tôi về cuộc chiến tranh sâu sắc như vậy. Những tập tài liệu tôi đọc sau này hầu như không khiến tôi ngạc nhiên(98).

Nhưng đối với tôi, ngoài những kết luận đạo đức mà tôi đã lý giải, còn có những kết luận nhận thức và chiến thuật rút ra được từ những gì tôi đọc được trong tháng chín này. Những kết luận này không những bổ sung cho những nghiên cứu trước đây của tôi mà còn khiến tôi tin rằng dòng chảy lịch sử sẽ thay đổi như thế nào trong những tháng tới. Mặt khác, những phát hiện này khép lại một điều bí ẩn "sa lầy" đối với tôi, một khái niệm mà các đời Tổng thống đã bị lừa dối vào những thời điểm bước ngoặt bởi tính lạc quan hão huyền của các cố vấn quân sự và dân sự. Rõ ràng là khi quyết định trực tiếp hậu thuẫn cho Pháp vào tháng 5-1950 (sau nhiều năm cho phép viện trợ của Mỹ được sử dụng gián tiếp để hỗ trợ cho chiến tranh), Harry Truman, giống như 4 người tiền nhiệm, phải chịu trách nhiệm vì đã để xảy ra "thập kỷ đẫm máu" do "khủng hoảng".

Tương tự như vậy, sự hỗ trợ của Eisenhower sau năm 1954 về một nhà nước cảnh sát nhằm bắt bớ, làm câm họng và thủ tiêu tất cả các phần tử chính trị tại Việt Nam, dù là Cộng sản hay phi cộng sản, những ai kêu gọi tuân thủ theo các điều khoản của Hiệp định Geneva đòi tổng tuyển cử thống nhất đất nước, bảo đảm rằng cuộc đấu tranh vũ trang sẽ tiếp tục. Chúng ta không có quyền thắng trong cuộc chiến đó hơn người Pháp đã làm, và đó là con số không tròn trịa. Hơn thế nữa, mặc dù giống như người Pháp với sự hậu thuẫn của người Mỹ, chúng ta có thể kéo dài cuộc chiến năm này qua năm khác nhưng triển vọng để chúng ta chiến thắng cũng chẳng sáng sủa gì hơn người Pháp. Lại một con số không tròn trịa nữa.

Luận điểm về triển vọng chiến thắng đã được các nhà cố vấn có thẩm quyền trình bày trước tất cả các vị Tổng thống từ đời Truman trở đi. Vị Tổng thống nào cũng được thông báo về khả năng rằng sự tiếp cận mà ông ta lựa chọn chắc chắn sẽ đi đến bế tắc hoặc nếu may lắm thì chỉ trì hoãn được sự thất bại mà thôi. Đó là thông điệp hàng năm của riêng tôi kể từ năm 1966; nhưng từ năm 1946, cá nhân các vị Tổng thống đều nhận được bức thông điệp này từ những nguồn đáng tin cậy hơn nhiều. Tuy nhiên ai trong số họ cũng quyết định "khăng khăng làm theo ý mình", lừa dối dư luận về những gì họ đang làm hay về triển vọng chiến thắng.

Những dự đoán nội bộ về thời điểm đưa ra các quyết định cũng không làm thay đổi tới quyết định của Tổng thống. Như tôi đã hy vọng và chờ mong, tháng 3-1969, Tổng thống Mỹ, Nixon phần nào nhận thức được tình hình thực tế từ những câu trả lời cho Tài liệu nghiên cứu An ninh quốc gia 1 (NSSM l) hoàn toàn phù hợp để ông ta quyết định hành động khác đi so với quyết định hành động mà Halperin đã tiết lộ cho tôi biết vào tháng tám. Dựa trên cơ sở những tài liệu có được từ năm 1946, việc "nói sự thật riêng và bí mật với Tổng thống - những gì mà tôi và các bạn đồng nghiệp coi là cơ hội lớn nhất và cao quý nhất để phục vụ cho quốc gia - hoàn toàn không phải là cách nhiều triển vọng để kết thúc cuộc chiến tranh Việt Nam.

Kết luận đó đã thách thức giả thuyết vốn là kim chỉ nam cho toàn bộ sự nghiệp của tôi. Để đọc được liên tục các tài liệu đánh giá tình báo và những dự đoán về chiến tranh Việt Nam từ năm 1946 trở đi cũng có nghĩa là đánh mất đi ảo tưởng rằng cung cấp thông tin cho ngành hành pháp là chiếc chìa khoá để kết thúc chiến tranh - hoặc hoàn thành nghĩa vụ công dân. Dường như chỉ khi quyền lực gây ảnh hưởng đến ngành hành pháp với những tác động quan trọng chia sẻ trách nhiệm về sau này thì Tổng thống mới hết muốn tiếp tục leo thang chiến tranh Việt Nam và chấp nhận "thất bại". Bằng sự im lặng đó - dù sự tư vấn riêng có khôn ngoan và thẳng thắn đến đâu đi nữa - nó ủng hộ và tham gia vào cấu trúc quyền lực hành pháp trực tiếp mà trong những hoàn cảnh như của Việt Nam nó dẫn đến cách ứng xử cứng nhắc và vô vọng. Tiếp thu và làm theo khái niệm đó không thống nhất với ý định làm việc lâu dài cho Rand mà tôi sẽ quay lại với ước muốn và kỳ vọng sẽ làm việc hết đời tôi ở đó.

Đó không phải là tất cả. Cùng với những ẩn ý về tính bất hợp pháp trong chính sách của chúng ta và nhu cầu cấp bách thay đổi chính sách đó, những tập đầu tiên của Hồ sơ Lầu Năm Góc khẳng định với tôi những gì mà tôi đã bắt đầu nghi ngờ khi tôi đọc hai tập tiếp theo trong vòng hai năm sau đó: Tổng thống là một phần trong những rắc rối. Đây rõ ràng là vấn đề liên quan tới vai trò của ông ta, chứ không phải tính cách hay đảng của ông. Khi tôi bắt đầu nhìn nhận ra vấn đề, sự tập trung quyền lực trong ngành hành pháp kể từ chiến tranh thế giới lần thứ hai đã tập trung tất cả trách nhiệm khi chính sách thất bại vào một người, đó chính là Tổng thống. Đồng thời nó cho phép Tổng thống có khả năng trì hoãn hoặc chối bỏ thất bđi của bản thân bằng cách gian lận hay dùng thế lực của mình. Khi gặp phải sự kháng cự quyết liệt từ bên ngoài, như trong trường hợp của Việt Nam , quyền hành đó đã làm hư hỏng con người nắm giữ nó.

Cách duy nhất để có thể thay đổi hành động của Tổng thống là gây sức ép đối với ông ta từ bên ngoài, từ Quốc hội và dư luận.

Cơ may duy nhất để huy động điều đó là cho những người ngoài biết Nixon thích hành động như thế nào. Rất tiếc tôi không có tài liệu để chứng minh điều đó là đúng, để bác bỏ sự hào nhoáng bề ngoài lừa dối người khác mà người ta hy vọng Nhà Trắng sẽ trưng ra như cách không leo thang chiến tranh và rút toàn bộ quân Mỹ khỏi Việt Nam. Không có những tài liệu này, báo cáo của tôi thiếu sức thuyết phục, thậm chí không thể tin được.

Halperin và Vann biết sự thật, nhưng tôi lại không nảy ra ý định hối thúc họ công bố công khai những gì họ đã nói với tôi. Họ cũng không có tài liệu để chứng minh được điều đó, và thực ra (cũng giống như tôi), họ vốn dĩ không được biết điều này và cũng không muốn tiết lộ nguồn thông tin tuyệt mật của họ. Vì lý do tương tự, tôi không hề có ý định tiết lộ nguồn thông tin tuyệt mật của họ, khiến họ mất việc. Có những người sẽ đáng giá cao và trân trọng quan điểm của tôi, mặc dù như tôi đã dự đoán (và phát hiện ra) thậm chí họ biết những gì tôi đòi hỏi là "cực đoan", gieo rắc hoang mang lo sợ, hầu như không thể tin nổi: rằng Nixon đang theo đuổi chính sách không thực tế, không được lòng dân trong hoàn cảnh cuối năm 1968. Tất nhiên chưa ai trong số họ đã đọc Hồ sơ Lầu Năm Góc cả.

Nếu người Mỹ không được tiếp cận với các tài liệu chứng minh tất cả những gì Tổng thống chuẩn bị làm hoặc được nghe những bản báo cáo từ các thành viên hiện nay của chính quyền Tổng thống, thì có lẽ cách tiếp cận tốt thứ hai là cho họ thấy những kiến nghị công khai của các quan chức có quyền hành lớn trước đây hoặc các nhà phân tích cho rằng họ được tiếp cận với thông tin tuyệt mật, cho dù không được tiếp cận với các kế hoạch cấp cao nhất hiện nay. Trong phương án đầu tiên là các nhân sĩ mà tổ chức quyền góp Camegie đã tập hợp tại Bermuda hai năm trước đó. Theo phương án thứ hai sẽ có những người đồng nghiệp trong Công ty Rand của tôi, những người mà đã hơn một năm nay hối thúc việc Mỹ rút quân khỏi Việt Nam. Có lẽ bằng cách công khai với các quan điểm "chuyên môn cao" của chúng tôi, chúng ta có thể mời nhóm thứ nhất tham gia cùng, cụ thể là mời các đảng viên Đảng Dân chủ kêu gọi rút quân khỏi Việt Nam. Bằng cách làm việc đó công khai, trước khi Nixon cam kết bản thân với chính sách mà ông ta thích, họ không những có thể gây sức ép với ông ta mà còn trấn an với ông ta rằng họ sẽ chia sẻ trách nhiệm đối với việc rút quân. Đặc biệt là vào tháng chín sau khi đọc xong về toàn bộ quãng thời gian 23 năm trong nghiên cứu McNamara, tôi dần dần nhận ra sự trấn an của các chính trị gia đối thủ với nhau là cực kỳ quan trọng đối với sự sẵn sàng của Tổng thống để đối mặt với những cáo buộc "đã thua cuộc trong chiến tranh".

Các nhà lãnh đạo trong phe đối lập của Đảng Dân chủ, bao gồm các quan chức trước đây phải chấp nhận, trái ngược với bản năng của họ, rằng việc rút quân và tránh sa lầy tại Việt Nam bây giờ là chính sách thích hợp, là lợi ích tối cao và sự bất đồng quan điểm công khai của họ đối với chính sách của Tổng thống là quan trọng và đáng làm. Thậm chí có thể khó khăn hơn đối với họ, họ sẽ phải chịu búa rìu dư luận về tình huống khó xử bắt buộc đối với tân Tổng thống và thuyết phục ông ta về việc họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm khi thay đổi chính sách và những hậu quả sau này của nó. Làm được điều đó không phải là dễ. Nhưng đối với tôi dường như đó là việc cần làm ngay, và đó là công việc tôi quyết tâm làm.

Gây sức ép với Tổng thống đương nhiệm, một phần bằng cách khuyến khích đảng đối lập với Tổng thống tự lên án, là không nhất quán với cuộc đời của một nhà phân tích của Rand.

Tôi cũng nhận ra sự thù địch giữa lãnh đạo hai đảng Dân chủ và Cộng hoà. Sau khi tôi đi Haverford về, cả hai mối quan ngại này đều giảm đi. Dường như tôi không thể có cơ hội nào một lần nữa được hỏi ý kiến của chủ tịch một trong hai đảng, cho đến bây giờ đó vẫn là tham vọng lớn nhất của tôi. Nhưng đọc Hồ sơ Lầu Năm Góc về cách xử sự của bốn đời Tổng thống tại Việt Nam, và nhớ lại những kinh nghiệm của cá nhân tôi với vị Tổng thống thứ tư và thứ năm, đột nhiên khiến tôi dễ chấp nhận việc tham vọng của mình không thực hiện được. Tôi đã không còn mong muốn làm việc cho Tổng thống, nếu hiểu theo một cách nào đó thì là phụ tá của Tổng thống.

Điều đó nghe có vẻ ngạo mạn và kiêu căng, nếu xét theo cấp bậc thấp mà tôi phục vụ trong quân đội. Xét cho cùng, tôi chưa bao giờ gặp một vị tổng thống nào (trừ một lần vào năm 1967 khi Tổng thống Johnson trao huy chương cho Frank Scotton, một người bạn của tôi vì anh đã có nhiều sáng kiến khi làm việc với Cơ quan thông tin của Mỹ (USAI). Nhưng thậm chí khi làm đại uý hải quân, tôi luôn coi mình là vệ sĩ của Tổng thống, sẵn sàng chiến đấu bất kỳ khi nào và chống lại bất cứ ai mà Tổng thống muốn. Tôi nghĩ rằng trách nhiệm trực tiếp trước Tổng thống khi làm việc phục vụ ông ta là đặc điểm nổi bật của phần lớn, hoặc nhiều, quan chức trong ngành hành pháp. Nhưng trong tháng đó, cảm giác hài lòng đó biến mất trong tôi, sau khi tôi biết những gì mà năm đời Tổng thống đã làm trong cuộc chiến tranh lâu dài này.

Tôi không còn liên quan gì đến Tổng thống, không còn coi mình là người phục vụ ông ta theo cách hiệu quả nhất để gây ảnh hưởng đến chính trị hay phục vụ xã hội.

Tuy nhiên, sự vỡ mộng này luôn luôn mang lại một cảm giác tự do mới. Tôi không còn đợi Nhà Trắng hay một quan chức nào phục vụ cho Tổng thống gọi nữa. Đó là cảm giác tự do như có thêm nhiều sự lựa chọn để phản kháng, giống như sự thoải mái vô tư mà tôi mới tìm thấy. Giờ đây tôi thấy mình có thể dễ dàng cân nhắc những hình thức phản kháng khác nhau để trình bày chính sách có khả năng ngăn cản không cho phép tôi được làm việc trong ngành hành pháp. Nỗi lo sợ không được làm việc trong ngành hành pháp, chứ không phải bị đi tù, là yếu tố răn đe khiến cho phần lớn các đồng nghiệp của tôi, cả trong quá khứ lẫn hiện tại, không cân nhắc các hành động chính trị đi quá xa mức cho phép. Riêng tôi thì không còn lo sợ gì về điều đó nữa. Từ quan điểm của họ, tôi trở thành một phần tử nguy hiểm khi biết nhiều chuyện.

Giữa tháng chín, tôi nói với đồng nghiệp của tôi, anh Konrad Kellen, rằng tôi đã sẵn sàng hợp tác cùng các cán bộ của Rand, những người đã hai năm liền hối thúc để có được chiến lược đơn phương gỡ rối thoát khỏi cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi gợi ý chúng tôi nên tổ chức cuộc họp để bàn bạc xem chúng tôi nên làm gì. Chiều hôm đó, anh ta đi họp cùng với 4 đồng nghiệp nữa: Mel Gurtov, Paul Langer, Amold Horelick, và Oleg Hoeffding. Gurtov là chuyên gia phụ trách về Trung Quốc và Đông Nam Á, Langer về Nhật Bản, Horelick và Hoeffding về Nga. Tôi thông báo cho họ biết những gì tôi biết được từ Halperin và Vann về chính sách của Nixon. Tổng thống đã thử nghiệm cách tiếp cận muốn cả hai bên cùng rút quân thông qua đàm phán nhưng cách đó đã thất bại. Ông ta dường như hy vọng rằng điều này sẽ xảy ra nếu quân Mỹ tiếp tục ở lại Việt Nam, nhưng tôi không trông đợi điều đó, và tôi cũng không muốn tiếp tục ném bom và giao chiến khi chúng ta chờ đợi điều đó. Bây giờ, tôi chấp nhận lập luận của nhóm làm việc rằng cách duy nhất để chúng ta thoát khỏi chiến tranh Việt Nam là đơn phương rút quân Vì Nixon không nói gì nhiều tới chính sách của ông ta kể từ khi ông ta thông báo hy vọng cả hai bên cũng rút quân vào mùa xuân, tôi nghĩ vẫn còn có cơ hội thuyết phục ông ta nên có kế hoạch khác trước khi việc binh lính Mỹ thương vong và những tuyên bố công khai sẽ khiến cá nhân ông ta phải chịu trách nhiệm về hậu quả của cuộc chiến mà ông ta không thể chấp nhận được nếu không phải là sự thành công.

Chúng ta đều nhất trí rằng điều đó có khả năng xảy ra, thậm chí cả với đề xuất vào tháng 7-1969 của Clark Clifford trong Tạp chí Ngoại giao (bây giờ anh ta đã thôi việc) để rút hết bộ binh của Mỹ ra khỏi Việt Nam vào cuối năm 1970, và sau này căn cứ vào những diễn biến tiếp theo sẽ quyết định rút toàn bộ các đơn vị hậu cần, hỗ trợ không quân và cầu hàng không.

Mặc dù điều đó đi đúng hướng, so với chiến lược hiện nay và đi xa hơn cả những gì các quan chức chính phủ chỉ ra, cuộc chiến sẽ không kết thúc, và cũng không chấm dứt được sự can thiệp trực tiếp của lính bộ binh Mỹ - với sự yểm trợ của không quân - vào một thới điểm xác định rõ ràng. Tuy nhiên, Clifford đã đúng khi anh ta đề xuất rằng Mỹ nên đề ra kế hoạch hành động ngừng tham chiến không phụ thuộc vào ý nguyện hay những thích nghi của Sài Gòn hay Hà Nội. Nhưng những người khác tại cuộc họp lại muốn những gì diễn ra trong vòng 2 năm qua đi xa hơn những gì anh ấy đề xuất và tôi đồng ý với họ.

Kể từ khi Martin Luther King chết, các quan chức chính phủ duy nhất muốn nói với chính phủ "Hãy rút quân khỏi Việt Nam" là những nhà hoạt động chống văn hoá như Abbie Hoffman, những người cấp tiến được coi là ủng hộ Bắc Việt Nam, và chủ trương hành động trực tiếp, không chịu tuân thủ công dân. Những gì họ kêu gọi đều bị phớt lờ, không ai thèm đếm xỉa đến. Thực ra, chủ trương rút hết quân của họ là nhằm doạ những nhân vật chính trị quan trọng. Minh chứng duy nhất và hùng hồn nhất cho sự tiếp cận này là tờ truyền đơn của nhà hoạt động dân quyền kiêm sử học Howard Zinn, có tựa đề "Việt Nam , logic của việc rút quân ". Nhưng lập luận cứng cỏi của Zinn, được Noam Chomsky tán thành trong một bài bình luận(99) đã không nhận được sự đồng tình ủng hộ của các học giả và các nhà trí thức chủ đạo.

Các cố vấn trước đây của Tổng thống Lyndon Johnson, những người đã công khai chỉ trích chính sách của ông ta, ví dụ như Arthur Schlesinger, Jr., Richard Goodwin, và John Kenneth Gallbraith, trong năm cuối cùng khi Johnson làm Tổng thống đã kêu gọi giảm bớt sự can dự của Mỹ vào chiến tranh Việt Nam, chấm dứt ném bom và tiến hành đàm phán. Nhưng họ quyết định không liên quan và cũng không chê bai gì những đề xuất "cực đoan hơn". Họ đành ngậm bồ hòn làm ngọt để nói rằng họ không đề xuất trên thực tế là họ phản đối, những đề xuất đó. Điều đó cũng đúng đối với các chính trị gia như Eugene McCarthy, George McGovern, Frank Church và thậm chí cả Bobby Kennedy trước khi ông này chết. Không ai trong số này đi quá xa vào năm 1969; và người ta cũng không nghe thấy ý kiến gì của họ cả. Khi họ kêu gọi đàm phán, họ không nói rõ ai sẽ là đối tượng tham gia đàm phán và mọi người hy vọng sẽ chấp nhận kết quả đàm phán như thế nào. Trước đó chỉ có duy nhất một trường hợp ngoại lệ của Bobby Kennedy vào đầu năm 1966.

Ông ta cho rằng chúng ta nên đàm phán với Mặt trận dân tộc giải phóng và mặt trận này cần có một vai trò nhất định trong chính phủ tương lai, nhưng phản ứng của chính quyền Tổng thống gay gắt đến nỗi ông ta đành nhượng bộ và không bao giờ còn dám công khai đề xuất việc làm này nữa. Đầu năm 1967, Bobby đã hối thúc một đề xuất tương tự riêng với Tổng thống Johnson và một tháng sau đó Robert McNamara cũng đề xuất tương tự, nhưng cả hai ông này đều không tiết lộ đề xuất đó trước công chúng và trước quốc hội sau khi Tổng thống đã bác bỏ đề xuất.

Trong tình hình này, nếu tân Tổng thống phải làm những gì mà tôi nghĩ là ông ta phải làm - ví dụ những gì mà Kennedy và McNamara đã kiến nghị riêng, trong trường hợp phải rút quân - ông ta sẽ phải công khai tuyên bố với trước các quan chức, những người chỉ trích gay gắt chiến tranh Việt Nam, thậm chí có nguy cơ ông ta còn bị họ chỉ trích vì đã áp dụng cách tiếp cận quá giản đơn và cực đoan. Đó sẽ là cách lãnh đạo nguy hiểm nhất, một sự thay đổi lớn trong chính sách và bác bỏ những giả thuyết về chiến tranh lạnh, đó là điều cuối cùng mà bất kỳ một Tổng thống nào muốn làm.

Vẻ đẹp quyền lực và mục tiêu của các nhà phân tích của Rand khi đưa ra lời tuyên bố công khai giống như lời tuyên bố của những người chống chiến tranh được thể hiện ở chỗ nó không thể hiện rằng bạn phải cấp tiến hay hippie, bạn không cần phải là người không yêu nước hay người ủng hộ Hà Nội, và trên hết bạn không phải không biết về những thông tin bí mật để chủ trương rút nhanh quân Mỹ ra khỏi Việt Nam. Zinn và Chomsky có thể bị coi thường không chỉ như những người "cấp tiến" mà như những ai không biết gì về thông tin bí mật gửi tới Tổng thống hay các cố vấn của ông ta. Những "nhà trí thức quân sự" của Rand khi được chính phủ cấp giấy phép và ký hợp đồng để làm nghiên cứu và tư vấn không thể bị coi thường như vậy được.

Chúng ta hy vọng tuyên bố công khai của chúng ta sẽ khuyến khích ý kiến của các nhà lãnh đạo trên các phương tiện truyền thông đại chúng và Quốc hội, những người đã đồng ý về trực giác với cách tiếp cận này nhưng không phải là những chuyên gia về Việt Nam để cảm thấy tự tin về tính sáng suốt của cách tiếp cận đó để công khai ủng hộ nó. Khi đối mặt với những lời cáo buộc của các đồng nghiệp rằng cách tiếp cận đó quá đơn giản và cực đoan và phản ánh sự vô tội trong những xem xét ở cấp chính trị cao, họ sẽ dựa vào chúng tôi để được bảo vệ. Cùng với chúng tôi, họ sẽ chứng tỏ sự tự tin tương tự với công chúng và với đại diện của họ trong Quốc hội. Ít nhất thì chúng ta cũng có thể nhằm vào việc mở rộng quy mô của cuộc tranh luận đầy tính trách nhiệm này để bao gồm việc rút quân toàn bộ như là một sự lựa chọn hay quan điểm hợp pháp.

Thậm chí nếu Nixon không chấp nhận cách tiếp cận này vào năm sau đó thì những tranh luận hay chủ trương từ cách tiếp cận đó sẽ có tác dụng gây ảnh hưởng tới ông ta để rút quân ra khỏi Việt Nam nhanh hơn là những gì ông ta đang bí mật lên kế hoạch, có thể là kế hoạch gần giống với những gì Clark Clifford đã đề xuất vào tháng bảy (rút hoàn toàn quân đánh bộ của Mỹ trước cuối năm 1970). Điều đó sẽ không giúp chúng ta thoát khỏi sa lầy và trong mắt chúng ta nó còn tồi tệ hơn những gì chúng ta đề xuất, nhưng tốt hơn nhiều so với chính sách hiện thời của Nixon và có lẽ dễ được chấp thuận hơn là kế hoạch của chúng ta.

Tôi rất vui được tham gia vào công việc đó. Tốc độ là quan trọng. Chúng tôi cần phải thể hiện quan điểm trước công chúng trong một vài tuần, trước khi Nixon công khai bày tỏ quan điểm của ông ta. Một cân nhắc khác là những cuộc biểu tình lớn chống chiến tranh theo kế hoạch sẽ được tổ chức vào ngày 15-10. Những cuộc biểu tình này sẽ diễn ra trên cả nước vào cùng một ngày làm việc trong tuần, dưới hình thức một cuộc tổng đình công. Thay cho việc mô tả mang tính khiêu khích, chiến dịch này sẽ được gọi là "giai đoạn tạm ngừng hoạt động".

Nếu gây ra áp lực mãnh liệt, Nixon sẽ có phản ứng vào mùa thu, có thể tích cực, có thể tiêu cực. Chúng tôi sẽ cố gắng gây ảnh hưởng tới những quan điểm thể hiện trong "giai đoạn tạm ngừng hoạt động" này, chỉ còn một vài tuần nữa thôi, cũng như là gây ảnh hưởng tới sự phản ứng của Nixon tới những quan điểm đó.

Chúng tôi thảo luận những phương án khác nhau, cả trong nội bộ lẫn bên ngoài, để bày tỏ suy nghĩ của chúng tôi.

"Chúng ta có thể làm được điều này dưới hình thức một bức thư" - một ai đó trong nhóm làm việc nói. Đó là cách duy nhất chúng ta có thể xuất bản ngoài khuôn khổ của Rand mà không phải xin phép một cách chính thức. Thậm chí cả những bình luận trên giấy trắng mực đen chúng tôi định đọc bên ngoài các cuộc hội nghị cũng phải xin phép. Theo như những quy định của công ty chỉ có những lời nhận xét bột phát, ngẫu hứng, không chuẩn bị trước tại cuộc họp hoặc một bức thư gửi tới báo chí và tạp chí (lỗ hổng trong quy định của công ty) mới không cần phải xin phép. Tôi nghi ngờ không biết một bức thư có đủ và hợp lý để thực hiện được mục đích của chúng tôi hay không. Tôi nghĩ chúng tôi cần một công trình nghiên cứu trong đó phác thảo. ra những điều thực tế như chúng tôi thấy và trình bày quan điểm của chúng tôi thấu đáo hơn là một bức thư ngắn gọn. Một bức thư sẽ không thể thuyết phục được những ai đã vốn không đồng ý với chúng tôi.

"Hoặc là viết thư, hoặc là không viết gì cả" - những người khác nói. Nếu chúng ta muốn xin phép về an ninh thì chúng ta có thể lập luận rằng chúng ta đang gián tiếp trình bày quan điểm dựa trên thông tin tuyệt mật mà chúng ta có được. Tới chừng mực nhất định thì đúng như vậy. Thậm chí chúng ta muốn mọi người hiểu rằng chúng ta thực sự đã nhìn thấy những tài liệu như vậy Nhưng thật mỉa mai, phần lớn mọi người trên thế giới đều biết tới thực tế mà dựa vào đó chúng ta rút ra các kết luận của mình. Thực tế đó chỉ bị che giấu trước những ai tin vào sự lừa dối công khai của chính phủ Mỹ. Điều bí mật mà chúng ta tiếp cận cho thấy tài liệu mà chỉ chính phủ Mỹ có không thể làm mất giá trị của kiến thức và những kết luận thực tiễn mà phần lớn mọi người bên ngoài chính phủ đã biết về sự ngu xuẩn khi chúng ta sa lầy tuyệt vọng tại Việt Nam.

Những gì cần tiết lộ thể hiện ở chỗ có thể theo đuổi công việc của một nhà nghiên cứu và nhà tư vấn đầy trách nhiệm, tài ba và uyên thâm được tiếp cận với những ước đoán, kế hoạch và những mật báo nội bộ rằng các quan chức cấp cao của chính phủ đã dựa vào đó, cũng có thể đạt được những kết luận tương tự như Abbie Hoffman và số lượng ngày càng nhiều các nhà quan sát trên toàn thế giới mà không có những thông tin đặc biệt rằng Mỹ không còn chỗ dung thân tại Việt Nam.

Một bức thư không thể làm được điều đó. Bức thư không cần nhiều lập luận; bức thư cũng không cần thuyết phục những ai chống lại kết luận. Bức thư sẽ có chức năng quan trọng nếu như nó tạo được sự tự tin cho nhiều người đồng ý và nếu cuối cùng nó đạt được khái niệm trong chương trình làm việc thảo luận công khai như một phương án nghiêm túc, "có trách nhiệm".

Gurtov và Kellen xung phong viết bản thảo thứ nhất của bức thư. Chúng tôi hẹn gặp lại nhau và cùng xem lại bản thảo đó.

Trong khi đó, tôi bắt đầu viết bức thư thứ hai của riêng tôi, không phải là để xuất bản mà là để gửi cho tổ chức hiến tặng Carnegie vì hoà bình quốc tế. Tổ chức này đã kêu gọi một nhóm các nhà tư vấn và quan chức cố gắng gây ảnh hưởng tới chính sách của Tổng thống Johnson hai năm trước đó. Tôi muốn nhóm này hoặc một nhóm tương tự họp lại lần nữa cũng vì mục đích làm thế nào để thoát khỏi sa lầy ở Việt Nam , giống như trong bức thư của Rand (mặc dù không nhất thiết bị ràng buộc bởi cùng một kiến nghị). Tôi gọi điện cho Joe Johnson, người đứng đầu tổ chức hiến tặng Camegie vì hoà bình quốc tế. Ông ta nói giọng rất lạc quan và bảo tôi viết một bức thư với đề xuất của tôi cho Charles Bolté, Giám đốc điều hành.

Đây là một bức thư dài hơn và phân tích sâu hơn, bởi vì tôi thực sự muốn thuyết phục các độc giả, tất cả trước đây đều là những người trong cuộc cấp cao, làm một điều gì đó trái ngược với bản năng của họ: gây sức ép dư luận lên Tổng thống đương nhiệm. Tuy nhiên, ngôn ngữ tôi sử dụng có thể khiến họ thất vọng vì tôi muốn chuyến đi một thông điệp cấp bách và thách thức. Tôi kiến nghị triệu tập một nhóm làm việc để tuyên bố một chính sách "nhằm vào rút quân Mỹ không điều kiện ra khỏi Việt Nam" và rằng việc thảo luận trong nhóm đó sẽ chỉ giới hạn tới những đề xuất rõ ràng. Cuối thư tôi viết như sau: "Đã đến lúc chúng ta. cần chấm dứt sự can thiệp đẫm máu, vô vọng và phi đạo đức của chúng ta tại Việt Nam".

Câu chữ của câu cuối cùng trong bức thư, đặc biệt tính từ "phi đạo đức", không được trịnh trọng cho lắm, nhưng người đọc chắc chắn sẽ chú ý. Sau này Bolté nói với tôi rằng Joe Johnson đã đọc rất kỹ bức thư và mang trả lại Bolté, nhấn mạnh vào từ "phi đạo đức". Anh ta nói với Bolté: "Chúng ta không thể tiếp tục mời Ellsberg họp cùng chúng ta được nữa. Anh ta đã đánh mất tính khách quan rồi".

Tôi gửi nhiều bản sao bức thư tới các thành viên trước đây của các nhóm nghiên cứu Carnegie cũng như gửi tới các quan chức cấp cao trong chính quyền Johnson và các đảng viên Đảng Dân chủ trong Quốc hội Mỹ. Câu trả lời của họ nhìn chung giống câu trả lời của Uỷ ban điều hành của Carnegie, đó là khó thấy "điều gì hữu ích" mà việc hiến tặng ủng hộ có thể đóng góp trong thời điểm này. Những thành viên khác cũng đồng ý rằng bây giờ không phải là thời điểm thích hợp.

Cảm giác của riêng tôi là có một điều gì đó mà họ có thể làm được và thời gian thì sắp hết rồi. Tôi muốn có những tuyên bố bất đồng quan điểm rõ ràng, không khoan nhượng đối với chính sách hiện nay của chính quyền" được trình bày trước Tổng thống bất kỳ hôm nào và muốn Tổng thống phải cam kết với chính sách đó. Để có được những tác động mà tôi mong muốn, một số lời tuyên bố phải được trích dẫn chính xác từ những đảng viên Đảng Dân chủ, là những quan chức trước đây của Johnson, những người trên hết sẽ bảo vệ Tổng thống. Họ cần phải trấn an các đảng viên đảng Cộng hoà càng nhiều càng tốt chống lại sự tấn công của đảng đối lập để thay đổi chính sách mà đáng nhẽ ra chính sách này sẽ bị thách thức nếu từ bỏ cam kết của Kennedy và Johnson.

Để làm được điều đó, họ cần đi xa hơn là một tuyên bố bất đồng quan điểm. Những gì họ có thể làm một cách thật hữu ích rất quan trọng nếu muốn thay đổi chính sách là cuối cùng phải công nhận trước người Mỹ, trách nhiệm của họ đối với chính sách mù quáng và thất bại trong quá khứ cũng như hiện tại. Họ phải cho thấy họ sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm của tân Tổng thống để thay đổi chính sách và đón nhận bất kỳ hậu quả nào có thể xảy ra.

Tôi quyết định đưa lập luận này ra trước hai đảng viên Đảng Dân chủ, các quan chức trước đây trong chính quyền Johnson mà tôi nghĩ rất có thể hai người này sẽ đáp lại lời kêu gọi của tôi.

Tôi biết cả hai đảng viên này đều rất muốn Mỹ rút khỏi Việt Nam . Cả hai ông đều làm việc cho Uỷ ban Cố vấn chính sách của Đảng Dân chủ, một nhóm quan trọng đề ra chính sách và cương lĩnh của Đảng này, do vậy họ có uy tín và vị thế thuận lợi để tập hợp xung quanh mình các đảng viên Đảng Dân chủ cấp cao. Đối với người đầu tiên tôi tiếp cận khi gọi điện, tôi vạch ra những gì tôi nghĩ là Nixon sẽ phải giải quyết trước, trong một tuyên bố công khai của các quan chức trước đây, những người trên thực tế chịu trách nhiệm về cuộc chiến tranh Việt Nam mà Nixon thừa hưởng từ những người tiền nhiệm, nếu như ông ta muốn kết thúc cuộc chiến đó. Tôi nói với ông ta những gì tôi tin từ quan điểm chiến thuật.

Tôi không nghĩ bất kỳ Tổng thống nào trông đợi chỉ một mình chịu trách nhiệm về kết quả của một cuộc chiến muốn kết thúc mà lại không gặt hái được thành công. Đó là lý do tại sao không thể chậm trễ hơn nữa việc công chúng muốn sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm với ông ta để ông ta thay đổi chính sách và hành động của mình. Chẳng bao lâu, việc tiếp tục cuộc chiến sẽ được xác định với nhiệm kỳ của ông ta mà ông ta không thể trốn tránh trách nhiệm chính của mình được. Tôi biết rằng những gì tôi đang yêu cầu là rất khó thực hiện, hoặc thậm chí rất khó cân nhắc nữa. Có thể bởi vì trước đây chưa hề có tiền lệ như vậy. Tôi sẽ rất vui khi bản thân mình được góp sức tham gia vào tuyên bố đó nhưng những gì mà chúng ta thực sự cần là tuyên bố của những người cấp cao hơn rất nhiều, như Tổng thống. Tôi nói:

"Ông không phải dùng chính xác đến những ngôn từ này, nhưng đây là nội dung những gì cần nói: "Thưa Ngài Tổng thống, đây không phải là cuộc chiến tranh của ngài. Đây là cuộc chiến tranh của chúng tôi. Đừng biến nó thành cuộc chiến tranh của Ngài. Chúng ta đã phạm sai lầm khi chúng ta tham chiến. Đừng phạm thêm sai lầm nữa. Chúng ta phải thoát ra thôi. Chúng tôi sẽ đứng bên cạnh Ngài nếu Ngài quyết định rút quân về nước".

Ở đầu dây bên kia, không thấy có tiếng người nói. Sau đó giọng nói cất lên: "Dan, chúng ta không thể làm như thế được.

Bây giờ không phải là lúc. Điều đó sẽ phá hoại Đảng Dân chủ. Đảng Cộng hoà họ sẽ nói: "Chính các ông đã tham chiến và bây giờ các ông định rũ bỏ trách nhiệm". Chúng ta sẽ bị lên án vì đã bắt đầu cuộc chiến và bây giờ thất bại ngay trong cuộc chiến đó. Điều đó sẽ như một nhát dao đâm vào lưng vậy".

Tôi lập luận thêm với ông ta. Tôi chỉ ra rằng có sự thật trong lời buộc tội rằng chúng ta đã bắt đầu cuộc chiến; nhưng phải chăng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta không có bổn phận phải có những hành động để rút quân về nước? Nhưng ông ta không chịu thua. Ông ta không bác bỏ tính logic trong lập luận của tôi nhưng cái giá mà Đảng Dân chủ phải trả quá cao và điều đó cũng không mang lại ích lợi gì cho đất nước cả. Đây không phải là thời điểm chín muồi. Thời điểm này quá sớm sau khi một số quan chức vừa mới nghỉ việc. Nghe có vẻ rất chua chát. (Cảm giác chua chát giống như khi người Pháp nói với chúng tôi năm 1964: "Những gì chúng tôi không chiến thắng được thì các ông cũng không thể chiến thắng nổi" và người Pháp đã nói đúng. Tôi nghĩ những gì ông ta thực tâm định nói là ý ưởng tôi đề xuất rằng đảng viên Đảng Dân chủ phải chịu hết trách nhiệm vì bắt đầu một cuộc chiến không thể thắng được và phải chịu phần lớn trách nhiệm khi thua cuộc. Đó là những gì tôi đề xuất. Ông ta không hoàn toàn nhất trí. Ông ta nói có lẽ về sau này. Khi chúng tôi gác máy, tôi nghĩ, sau này, sau này là khi nào. Sau này thì đã quá muộn.

Từ những phản ứng tôi quan sát được, tôi dần dần hiểu ra rằng có một số đảng viên Đảng Dân chủ thực sự muốn cuộc chiến vẫn tiếp tục một thời gian dưới thời Nixon cho đến khi nó thực sự trở thành "cuộc chiến Nixon". Tôi hoài nghi không biết là họ bí mật trông đợi điều đó, trông đợi thời điểm khi thất bại không còn là trách nhiệm của cá nhân họ. Lúc đó họ có thể nói với bản thân họ rằng, họ sẽ cộng tác với Tổng thống để kết thúc cuộc chiến, hay tốt hơn thì họ sẽ theo sự lãnh đạo của ông ta khi ông ta quyết định giành được sự ủng hộ của họ để kết thúc cuộc chiến. Ông ta sẽ phải là người đưa ra sáng kiến, xuất phát từ kinh nghiệm cay đắng, chứ không phải sáng kiến có được vì sự thừa nhận tội lỗi của mình. Rắc rối là ở chỗ sau này họ không bao giờ kêu gọi Nixon chia sẻ trách nhiệm làm thay đổi chính sách. Một khi cuộc chiến trở thành cuộc chiến Nixon, ông ta không muốn mất đi hy vọng thành công, cho dù lúc đó đảng viên Đảng Dân chủ có muốn nói gì đi nữa. Lúc đó đã quá muộn rồi. Cuộc chiến đã kéo dài hàng năm trời.

Những ý tưởng cay đắng như vậy một lần nữa được khẳng định chắc chắn khi tôi gọi người thứ hai, trước đây ông này làm phụ tá cho Lyndon Johnson. Tôi đã nói chuyện vài lần với ông ấy khi tôi từ Việt Nam trở về và xem chừng chúng tôi rất hợp cạ với nhau. Đầu năm 1968, ông ta cộng tác chặt chẽ với người đầu tiên mà tôi gọi điện thoại và với Clark Clifford nhằm cố gắng thuyết phục Tổng thống Johnson chấm dứt ném bom Bắc Việt Nam để khởi động đàm phán. Tôi biết ông ta quen biết nhiều người trong Đảng Dân chủ. Tôi trình bày đề xuất của mình và ông ta phản ứng y hệt như người đầu tiên. Hai người dùng ngôn từ rất giống nhau. Ông ta kết thúc bằng một giọng đầy kịch tính: "Dan, nếu chúng ta làm những gì như anh đề xuất thì chúng ta sẽ tắm máu chính trị, cả anh và tôi. Đó là một cuộc tắm máu anh chưa bao giờ thấy".

Tôi rất sốc trước những lời lẽ này của ông ta. Tôi nói với một giọng bình tĩnh rằng ông ta có thể đúng về điều đó. Chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải chấp nhận điều đó Tôi nói tôi không thực sự nluốn bảo vệ tương lai chính trị của mình, hoặc của Đảng Dân chủ bằng sinh mạng của lính Mỹ và người dân vô tội Việt Nam . Ở Việt Nam , chính tại thời điểm này cũng đang diễn ra một cuộc tắm máu. Tôi không muốn nghĩ rằng chúng ta sẽ kéo dài cuộc tắm máu đó thêm một ngày, hay một tháng, hay một năm để bảo vệ lợi ích chính trị của tôi hay của ông ta.

Ông ta không nói gì. Chúng tôi chào tạm biệt và gác máy.

Chú thích:

(98) Những phát hiện này đã chấm dứt băn khoăn của tôi về một sự sa lầy tưởng tượng: "Ellsberg, Leo thang khi đang sa lầy", tài liệu không xuất bản; Ellsberg "Sự sa lầy tưởng tượng và cỗ máy ngưng trệ".

(99) Bài phê bình của Chomsky về cuốn sách của Zinn: Chomsky, trang 221-94 (được viết lần đầu tháng 7-1967).

CHƯƠNG 19

Vào buổi sáng ngày 30-9, tôi ra khỏi giường, mở cửa trước ra đường cao tốc Pacific Coast và nhặt tờ Thời báo Los Angeles lên. Đã thành lệ, tôi quay về phòng ngủ nhìn ra bãi biển và vào giường đọc báo.

Câu chuyện chính của tờ báo ngày hôm nay là trường hợp lính mũ nồi xanh, hay còn gọi là lực lượng đặc nhiệm, đã giết người. Tôi đã theo dõi câu chuyện này được vài tuần và câu chuyện xuất hiện trên bìa của hầu hết mọi tờ tạp chí. Kể từ tháng bảy, đại tá chỉ huy lực lượng đặc nhiệm tại Việt Nam . Robert Rheault và năm sĩ quan tình báo khác dưới quyền ông này bị buộc tội chủ mưu giết người. Một trung sĩ và sĩ quan khác cũng đang bị giam giữ.

Câu chuyện chính của Ted Sell tổng kết những lời cáo buộc như sau: "Các nguồn tin cho biết nạn nhân của vụ việc là Thái Khắc Chuyên, 31 tuổi, người dân Bắc Việt Nam đã làm việc trong lực lượng đặc nhiệm từ tháng 12-1963. Thông tin cho hay Chuyên đã tham gia vào cuộc họp với các chiến sĩ tình báo của Cộng sản. Sau khi bị hỏi cung - sử dụng cả máy phát hiện nói dối và cái gọi là huyết thanh phát hiện sự thật - những lời buộc tội đó được các sĩ quan trong lực lượng đặc nhiệm khẳng định. Ngày 20 tháng sáu, có nguồn tin cho hay Chuyên đã bị xử bắn, xác anh ta bị cho vào trong bao tải và quẳng ra ngoài biển Đông".

Tít lớn trong câu chuyện của Sell nằm giữa trang báo viết: "Những lời cáo buộc giết người của lính mũ nồi xanh đã bị quân đội Mỹ bác bỏ" . Câu chuyện viết như sau:

Hôm thứ hai, quân đội Mỹ đã bác bỏ những cáo buộc rằng 8 lính mũ nồi xanh nghi ngờ đã giết một điệp viên hai mang Việt Nam .

Việc bác bỏ gây nhiều ngạc nhiên này là theo lệnh của Bộ trưởng Quốc phòng Stanley R. Resor. Mới chỉ 11 ngày trước đó, ông Bộ trưởng này còn nói rằng ông thấy vụ việc này cần được đưa ra xét xử.

Resor nói ông quyết định như vậy là vì các sĩ quan sẽ không được xét xử công minh vì Cục tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã từ chối làm chứng. Nhưng rõ ràng là quyết định này có liên quan tới việc tự vấn lương tâm ở cấp cao.

Sell tìm hiểu hai giả thuyết của vụ việc: thứ nhất, các mật vụ CIA có thể đã nhất trí rồi sau đó lại không nhất trí với việc thủ tiêu; thứ hai, điều trần của các mật vụ CIA cho thấy việc giết các điệp viên hai mang cũng không phải hiếm, và do vậy, xét xử các sĩ quan Mỹ là không công bằng.

Về giả thuyết thứ nhất, sau này Sell nói: "Các quan chức CIA nghe đâu đã lệnh cho nhóm biệt kích phải giết tên gián điệp đó. Theo những nguồn tin khác, CIA sau đó đã thôi không triển khai theo hướng đó và quyết định không thủ tiêu Chuyên nữa. Nhưng trên thực tế lúc đó thì Chuyên đã bị mang đi thủ tiêu rồi".

Sell viết rằng Resor hình như nói rằng: "Nếu CIA từ chối không cung cấp thông tin liên quan đến tội ác này", các sĩ quan sẽ không được xét xử công minh và do vậy phải thôi những lời cáo buộc. Mặc dù ông ta không nói nhưng rõ ràng là CIA không thể từ chối làm chứng mà không có sự hậu thuẫn của Tổng thống. Các phát ngôn viên của cả Lầu Năm Góc và Nhà Trắng đều bác bỏ bất kỳ sự dính líu nào của Nhà Trắng trong quá trình ra quyết định. Nhưng câu chuyện này và cả những câu chuyện khác nữa mặc nhiên cho rằng những lời bác bỏ đó không đúng (Gần đây, cuốn nhật ký của ông H. R. Haldeman, Tổng Tham mưu trưởng dưới thời Nixon đều xác nhận rằng tất cả mọi quyết định đều do Nixon và Kissinger đưa ra).

Tại sao quân đội Mỹ lại ém nhẹm vụ xét xử có một không hai này? Theo Resor: "Tôi muốn nói rõ rằng những hành vi nào bị cáo buộc mà không đủ bằng chứng chứng minh, là vi phạm nghiêm trọng quy định, kỷ luật và mệnh lệnh của quân đội Mỹ. Quân đội Mỹ sẽ không và không thể tha thứ cho những hành vi trái luật pháp đó, Như Resor thường xuyên nói: "Quân đội Mỹ không tha thứ cho tội giết người". Tướng Creighton Abrams, Tham mưu trưởng lực lượng quân đội Mỹ ở Việt Nam , người đã ra lệnh xét xử theo toà án binh, cũng có cùng quan điểm. Ông không có cách lựa chọn nào khác là đưa ra xét xử, nếu có bằng chứng giết người. Có một sự căng thẳng giữa quan điểm này và giả thuyết cho răng Nhà Trắng đã quyết định bỏ qua những lời cáo buộc không mấy phổ biến. Dường như là mặc dù quân đội không tha thứ cho tội giết người, nhưng Tổng thống thì lại có thể tha thứ.

Tuy nhiên nếu đúng là những vụ giết người như vậy không phải hiếm nhưng từ trước đến nay chưa bao giờ bị mang ra xét xử thì câu hỏi đặt ra là: "Tại sao lại xuất hiện những lời cáo buộc này?" Tại sao lại đưa ra xét xử vụ việc cụ thể này khi rất có khả năng chứng minh được chính quyền và chính sách chiến tranh tỏ ra khá lúng túng? Những báo cáo của Resor và Abram về động cơ đưa vụ việc ra xét xử dường như không thoả đáng - điều đó không đúng.

Sau này trong báo cáo của mình, Sell bình luận rằng: "Động cơ của Abram khi tán thành việc xét xử, vụ xét xử tập trung sự chú ý vào những phương diện không phù hợp của cuộc chiến tranh Việt Nam, nghe đâu đã phát điên lên khi biết mình bị lừa dối. Theo như những báo cáo này thì Rheault và những người khác khi bị văn phòng của Abram thẩm vấn về trường hợp của Chuyên, đã khai rằng anh ta đang thục thi nhiệm vụ gián điệp ngoài lãnh thổ Nam Việt Nam thì chết".

Một phân tích đi kèm của phóng viên Robert Donovan nói thêm rằng bản thân Rheault lúc đầu đã bị lừa dối về những gì đã xảy ra bởi những điệp viên dưới trướng ông ta, bao gồm cả Đội trưởng Robert F. Marasco, và các đội trưởng khác, những người đã ra lệnh cho cấp dưới nguỵ tạo ra một câu chuyện hoàn toàn khác.

Tôi nằm trên giường, lắng nghe tiếng sóng biển và nghĩ về những gì tôi đã đọc. Một điều mà tôi nghĩ tới là sự phẫn nộ của các đảng viên Đảng Dân chủ và Cộng hoà trong Hạ nghị viện và Thượng nghị viện rằng các quan chức của Mỹ bị buộc tội hình sự, có nguy cơ bị tống giam chỉ vì đã ra tay giết một dân thường Việt Nam. Và xuất hiện cảm giác không công bằng khi liệt các sĩ quan này vào một loại giết người mà không phải là không phổ biến.

Báo cáo của Donovan trích dẫn các tuyên bố tán thành không đưa ra xét xử của nhiều nghị sỹ quốc hội hàng đầu. Hạ nghị sỹ George Bush nói: "Tôi nghĩ hành động này của Bộ trưởng là đúng đắn và sẽ khích lệ tinh thần của quân đội chúng ta".

Tuy nhiên, Donovan ghi nhận: "Điều này sẽ đặt ra câu hỏi đạo đức về quyền của binh sĩ được phép giết một tù nhân mà không đưa ra xét xử, nếu sự thực đúng là như vậy, như đã bị buộc tội".

Trong thời chiến, liệu việc giết người theo lệnh cấp trên có thể coi là giết người được không? Câu trả lời là "đúng" khi tôi còn đang được huấn luyện làm lính bộ binh. Giết dân thường và tù binh trong khi đang bị giam giữ? Chắc chắn rồi. Do đó, tình cờ tôi có được một câu hỏi rộng hơn cho câu trả lời đó, bao gồm tất cả các vụ giết chóc trong một cuộc chiến phi nghĩa như cuộc chiến của chúng ta ở Việt Nam . Tôi không hy vọng là Bộ trưởng Resor hay tướng Abrams đồng ý với tôi về điều đó, nhưng trong những tình huống cụ thể như thế này thì họ bắt buộc phải đồng ý. Tuy nhiên nếu cá nhân họ không dung thứ cho một vụ giết người nào đó họ đang nói dối về việc nêu và bác bỏ những lời buộc tội. Một tầm nhìn dần dần hình thành trong óc tôi là cốt truyện của hai câu chuyện tôi vừa mới đọc: những lời dối trá về một vụ giết người.

Thực ra lần duy nhất từ "dối trá" xuất hiện trong một, hai câu chuyện có liên quan đến cơn giận dữ của tướng Abrams khi ông ta nghĩ mình bị đại tá Rheaut lừa. Nhưng cả hai tác giả đều không cố gắng che giấu niềm tin của ông ta rằng sự dối trá chính thức đó không chỉ giới hạn trong vụ việc này. Theo thông lệ của cánh báo chí, cả hai tác giả đều không gắn chữ "dối trá" hay "không đúng sự thật" vào những tuyên bố của các quan chức. Họ chỉ đơn thuần là theo dõi những tuyên bố này với những báo cáo bình luận mâu thuẫn nhau, ví dụ như "Sự thật là… cho thấy"; "do vậy dường như là…"; "Điều hình như đã xảy ra là…", "nhưng rõ ràng là…. Tuy nhiên những uyển ngữ kiểu này không giấu được mức độ đánh giá của họ về sự thật trong các tuyên bố chính thức.

Đồng thời, điều đó thật đáng ngạc nhiên, cho dù các nhà báo có cố gắng khách quan bao nhiêu về tất cả sự tồn tại của những sự khác nhau này, cho dù họ có cho là điều hiển nhiên đi chăng nữa.

Bản thân tướng Abrams, trong các báo cáo của Sell và Donovan, hứa là sẽ dựng ra một câu chuyện dối trá. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Tổng thống cũng vậy. Không chỉ có đại tá Rheault mà tất cả cấp dưới của ông ta đã dựng lên một câu chuyện dối trá để đưa cho Abrams.

Sáng thứ ba hôm đó, tôi nằm trên giường và suy nghĩ: đây là chế độ mà tôi đang làm việc phục vụ, tôi là một phần của chế độ này đã 12 năm nay - không, đúng ra là 15 năm nay, kể cả thời gian tôi phục vụ trong hải quân. Đó là một chế độ nói dối ở tất cả các cấp từ cao xuống thấp - từ hạ sĩ tới Tổng Tham mưu trưởng để che giấu tội ác giết người.

Như tôi đã dần dần nhận thức được từ những gì tôi đọc được trong tháng đó, điều đó mô tả những gì mà chế độ đó đang làm tại Việt Nam, trên một quy mô rộng lớn hơn, liên tục trong hơn một phần ba thế kỷ qua. Và tình trạng này vẫn đang tiếp diễn.

Tôi nghĩ: tôi không muốn là một phần của chế độ đó nữa. Tôi sẽ không là một phần của cái máy nói dối này, sự che dấu này, tội ác giết người này nữa.

Tôi chợt nảy ra một ý rằng những gì tôi có trong két sắt an toàn ở Công ty Rand là bảy ngàn trang tài liệu minh chứng cho sự nói dối của bốn vị Tổng thống và chính quyền của họ trong vòng 23 năm để che giấu các kế hoạch và hành động của vụ giết người hàng loạt. Tôi quyết định bản thân mình sẽ không tiếp tục che giấu điều đó nữa. Bằng cách nào đó, tôi sẽ công bố tập tài liệu này.

Trước tiên phải nhân bản tài liệu đã. Tôi không thể làm điều đó ở Công ty Rand hay cửa hàng photocopy được. Có lẽ có thể đi thuê một cái máy photocopy. Tôi ngồi dậy, sang phòng khách và gọi điện cho một người bạn thân và trước đây là đồng nghiệp của tôi ở Rand, anh Tony Russo. Tôi nói có đôi điều tôi muốn trao đổi với anh ấy.

Tony đã từng tham gia nghiên cứu thẩm vấn những kẻ phản bội và tù nhân Việt Cộng, một nghiên cứu của Rand. Tôỉ gặp anh ta lần đầu tiên khi tôi đặt chân đến Sài Gòn năm 1965. Khi chúng tôi gặp lại nhau ở Santa Monica năm 1968, chúng tôi thường hay tranh luận vui vẻ với nhau, trong phòng làm việc của anh ấy ngay dưới phòng làm việc của tôi, về những gì anh ấy biết được thông qua các buổi phỏng vấn. Anh ấy cho tôi xem một số các biên bản phỏng vấn, có biên bản dài tới 60 trang giấy một mặt. Rất nhiều những biên bản này, thông qua phiên dịch, làm anh ấy rất ấn tượng trước tấm lòng yêu nước và xả thân vì tổ quốc của người Việt Nam, về niềm tin vào chính nghĩa trong sự nghiệp đấu tranh của họ. Thậm chí cả những kẻ phản bội, phần lớn đào ngũ vì lý do cá nhân hoặc không chịu nổi sự vất vả của cuộc sống lính du kích, cũng không hề nói xấu gì về sự nghiệp giải phóng dân tộc và lãnh tụ của họ. Konrad Kellen, người đã xử lý những tài liệu hỏi cung tù nhân trong chiến tranh thế giới lần thứ hai và chiến tranh Triều Tiên và những kẻ đào ngũ từ Đông Âu, đã đọc hàng trăm biên bản này cho dự án của Rand và nói với tôi anh ấy chưa bao giờ thấy cái gì tương tự như thế này cả "Thông thường tù nhân và những kẻ đào ngũ kể cho bạn nghe những gì mà họ nghĩ là bạn muốn nghe. Nhưng bạn không thể nào khiến những tù nhân này nói một điều gì đó chỉ trích chế độ của họ cả". Kết luận của ông ta mà ông ta hối thúc tôi chuyển tới Kissinger cho thấy đây là sự thù địch mà ban lãnh đạo và dân chúng "không thể nào bị cưỡng ép". Họ có thể bị huỷ diệt, nhưng họ không thể bị cưỡng ép.

Tony có bằng đại học về kỹ sự hàng không vũ trụ và đã làm việc cho Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) trước khi học khoa chính trị tại Princeton. Lúc đầu anh ta cũng là người lính như tôi. Nhưng được gặp người miền Bắc Việt Nam và Việt Cộng và đã nghe những câu chuyện của họ đã làm anh ta thay đổi hoàn toàn. Dần dần anh ta không chỉ ngưỡng mộ họ như những con người mà còn tin rằng họ đã đúng khi bảo vệ sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của mình. Tôi vẫn tập trung vào sự phi nghĩa của người Mỹ như những gì tôi được chứng kiến trước thời điểm giữa năm 1969. Tôi không có kinh nghiệm trực tiếp mặt đối mặt như anh ta - trên thực tế tôi chưa bao giờ gặp một ai trong Mặt trận dân tộc giải phóng - và tôi vẫn nghi ngờ rằng hy vọng của họ sẽ trở thành hiện thực nếu sự nghiệp đấu tranh quốc gia chính nghĩa dẫn tới việc thành lập được một nhà nước Stalinist.

Dù thế nào, nếu không có quan điểm chính trị đó thì Tony đã bị sa thải khỏi phòng kinh tế của Công ty Rand. Tôi thấy vẻ thông cảm của anh ta đối với các Việt Cộng trong các cuộc nói chuyện khi chúng tôi còn làm việc tại Rand; anh ta không công khai điều đó và cũng không viết thành giấy trắng mực đen.

Nhưng tôi biết chắc chính những gì anh ta viết thành giấy trắng mực đen đã khiến anh ta gặp rắc rối với người trưởng phòng diều hâu là ông Charlie Wolf. Anh ta đã viết một nghiên cứu thống kê cẩn thận về tác động của dân số với chương trình sử dụng thuốc diệt cỏ nhằm huỷ diệt nguồn cung cấp thức ăn cho Việt Cộng nhưng có tác động rộng lớn hơn. Ngoài ra, từ những quan sát cá nhân của anh ta về các tù nhân đang bị giam giữ, anh ta đã phanh phui, trong một nghiên cứu bí mật, thói quen đánh đập và tra tấn các tù nhân Việt Cộng của quân đội Việt Nam cộng hoà, thường là có sự góp mặt của các cố vấn Mỹ.

Wolf không thích nghiên cứu này hay một nghiên cứu khác mà Russo tiến hành về mối quan hệ giữa sự kiểm soát của Việt Cộng với các chính sách đất đaỉ và những người khác ở Rand lo ngại về quan niệm của các nhà tài trợ không quân về những nghiên cứu này. Tôi chưa biết đến Tony khi anh ta nói với tôi rằng Wolf sẽ sa thải anh ta, nhưng tôi rất ấn tượng với những công trình nghiên cứu của anh và tôi nói với Charlie rằng tôi nghĩ sa thải anh ta là một sai lầm và mất mát đối với Phòng Kinh tế. Charlie khăng khăng cho rằng quyết định sa thải là hoàn toàn vì ngân sách mặc dù Tony là người duy nhất chịu ảnh hưởng bởi lý do này.

Sau khi Tony không còn làm việc cho Công ty Rand nữa thì tôi bắt đầu hẹn gặp Tony sau giờ làm việc. Càng ngày tôi càng thấy quý mến anh ta. Anh ta rất vui tính, có đầu óc sáng tạo, không chỉ về chiến tranh mà còn nhiều lĩnh vực khác nữa. Chúng tôi trở thành bạn thân. Anh ấy bắt đầu đọc những phân tích cấp tiến thể hiện chính sách của chúng ta đối với Việt Nam không phải như một sai lầm mà coi chính sách đó là phù hợp với các mục tiêu mà Mỹ không công nhận và các hoạt động bí mật khác tại các nước thế giới thứ ba. Lúc đó tôi chưa được đọc các tài liệu đó (mãi đến khi kết thúc chiến tranh tôi mới được đọc). Nhưng vào ngày 30-9, tôi không còn do dự quyết định rằng anh ấy là người bạn đuy nhất tôi có thể nói những gì tôi muốn làm.

Khi tôi mặc quần áo, tôi nghĩ tới những gì hiển hiện trong đầu óc của những người mà tôi vừa mới đọc, những con người đã nói dối và giúp sức vào việc giết chóc. Do vậy nhiều người trong số họ đã nói dối (và một số người đã giúp sức vào việc giết chóc) không vì một lý do nào khác là họ bị cấp trên ra lệnh phải làm như vậy. Cấp trên nói với họ rằng điều đó có lợi cho cuộc chiến tranh, cho chính quyền, cho lực lượng đặc nhiệm. Điều đó tốt cho bản thân họ; họ chỉ cần biết có vậy. Tôi hiểu điều đó. Tôi cũng đã ở đó và làm việc trong những cương vị như thế. Nhưng họ đã sai lầm, giống tôi, khi hành động như vậy.

Một ý nghĩ nảy ra trong đầu tôi dưới hình thức một nguyên tắc: Từ nay, không ai có thể bắt tôi phải nói dối, bắt tôi phải nói dối như một bổn phận. Không ai sẽ nói với tôi điều đó và khiến tôi tin anh ta hay nghĩ rằng tôi phải phục tùng anh ta. Tôi sẽ không nghe theo. Điều đó không còn quyền lực gì với tôi nữa.

Nói dối công chúng, về bất kỳ điều gì, và trên hết nói dối về những vấn đề sống còn, chiến tranh và hoà bình, là một việc làm nghiêm trọng. Đó không phải là điều anh có thể dễ dàng đổ lỗi cho người khác. Tôi sẽ không làm điều đó nữa.

Dần dần tôi nhận thức được rằng điều tương tự cũng xảy đến đối với bạo lực. Không ai sẽ bảo tôi (hoặc bất kỳ một ai khác) phải giết ai đó, rằng tôi không còn sự lựa chọn nào khác, rằng tôi có quyền hay nghĩa vụ làm cái điều mà người khác đã quyết định thay cho tôi.

Nguyên tắc mới này, như tôi đã suy nghĩ về nó, không trả lời tất cả các câu hỏi về việc liệu người ta có nên sử dụng vũ lực hay không và nên sử dụng khi nào, những câu hỏi mà tôi đã vất vả đánh vật với kể từ khi tôi gặp Janaki và bắt đầu đọc về những người chủ trương hoà bình theo kiểu Gandhi hay Thiên Chúa giáo, nhưng nguyên tắc đó trả lời một số câu hỏi. Ví dụ về việc chấp nhận bị gọi nhập ngũ. Tôi không bị gọi nhập ngũ nhưng điều đó có thể xảy ra với con trai tôi, Robert. Tôi sẽ nói với các con rằng không ai có thể thuyết phục chúng mang súng và bắn ai đó chỉ bằng cách là bảo phải làm như vậy. Việc làm đó là sự lựa chọn của mỗi người, hoàn toàn là trách nhiệm của mỗi người.

Nếu như tôi lại làm điều đó thì đó là sự lựa chọn của bản thân tôi hoặc tôi nghĩ rằng đó là việc làm đúng đắn, chứ không phải tôi làm theo mệnh lệnh của người khác. Tôi cũng sẽ xem xét rất kỹ lập luận của riêng mình cho việc làm đó. Tôi phải có những lý do tốt hơn, những lý do đứng trên cả cái nhìn nghi ngờ mà tôi có khi ở Việt Nam. Trách nhiệm về việc giết chóc hay sẵn sàng giết chóc không phải là cái anh có thể đổ lỗi cho người khác, kể cả Tổng thống cũng không thể làm như vậy được.

Trong khi đó, khi tôi lái xe tới nhà Tony, tôi nghĩ cách làm thế nào để điều này sẽ ăn khớp với những gì tôi dự định làm trong tháng này. Do thấy mệt mỏi vì cái máy nói dối, việc thổ lộ điều này với Tony không phải là ưu tiên cấp bách. Mối quan tâm của tôi là về nội dung của những lời nói dối hiện nay: những lời nói dối che giấu cái gì, tạo điều kiện cho cái gì. Điều không hay là ở chỗ họ cho rằng những vụ giết chóc trong quá khứ là giết người, nhưng cá nhân tôi không muốn xét xử hay tống giam ai.

Tôi chắc chắn không muốn xét xử hay tống giam ai để báo thù hay chỉ để làm sáng tỏ những sự thật lịch sử về Việt Nam. Tôi quan tâm tới việc làm thế nào để chấm dứt giết chóc trong những năm tháng sắp tới.

Lúc đầu, tôi nghĩ công bố toàn bộ nghiên cứu của McNamara cho công chúng biết sẽ không đóng góp vào quá trình đó, cho dù điều đó có tính giáo dục cao đến đâu, xét về lâu về dài. Nhưng từ thời điểm buổi sáng khi tôi đã quyết định kiểu gì tôi cũng sẽ công bố, tôi bắt đầu nghĩ rằng nó có thể có ích ngay cả trong ngắn hạn.

Đúng là tài liệu này không chứng minh những gì cần phơi bày về chiến lược bí mật của Nixon: những gì Halperin đã nói với tôi những gì tôi đã chuyển cho các đồng nghiệp của tôi trong Công ty Rand và những quan chức quan trọng mà tôi liên lạc gần đây Nhưng đồng thời, tài liệu này củng cố những lý lẽ cho điều đó. Nó cho thấy những gì mà tôi cho rằng Nixon đang làm về cơ bản là giống các Tổng thống tiền nhiệm của ông ta đã làm. Khi tôi cho rằng ông ta sẵn sàng lừa dối Quốc hội và người dân Mỹ về những gì ông ta đang làm, mục đích chính của ông ta là gì thì nghiên cứu này cho thấy bốn người tiền nhiệm của ông ta làm đúng y hệt như vậy. Cứ cho là như vậy, ông ta ngụ ý nói rằng ông ta đã từ bỏ mục đích và ưu tiên mà tất cả họ đã hành động, nhưng tính liên tục mà nghiên cứu này cho thấy nêu ra các câu hỏi về điều đó, ít nhất là những câu hỏi mà người ta có thể thuyết phục Quốc hội Mỹ theo đuổi.

Chỉ đơn giản công bố nghiên cứu của McNamara sẽ không thể kết thúc chiến tranh hay đến gần ngày kết thúc chiến tranh. Nhưng điều đó sẽ góp một phần nào và trong tâm trạng hiện nay của tôi thì đó là lý do để công bố. Nếu tôi công bố nghiên cứu đó - lý tưởng nhất thì sau đó sẽ có những cuộc điều trần ruóc Quốc hội dựa vào những gì được công bố, sẽ có các nhân chứng thề chỉ nói sự thật, hoặc tài liệu này sẽ được công bố - thì lúc đó Nixon sẽ phải lo lắng rằng chính sách bí mật của ông ta sẽ không thể được bảo vệ khỏi những cuộc tranh cãi và thách thức đầy nghi ngờ.

Trên thực tế, tôi hy vọng sẽ có được tác động mà tôi đã kiếm tìm 18 tháng trước đó, nếu tôi tiết lộ nghiên cứu này cho tờ Thời báo New York . Điều đó sẽ cảnh báo Tổng thống rằng chính sách của ông ta đã mất đi tính vô hình và ông ta sẽ từ bỏ nó.

Giờ đây khi tôi suy nghĩ tích cực về kế hoạch này, tôi chợt nảy ra suy nghĩ có một cách khác mà nghiên cứu này có thể có ích. Điều đó sẽ tạo điều kiện cho ông Nixon, tân Tổng thống, người của Đảng Cộng hoà, đổ lỗi cuộc chiến tranh cho Đảng Dân chủ. Xét cho cùng, Đảng Dân chủ xứng đáng phải chịu trách nhiệm hơn (mặc dù động cơ của họ chủ yếu là tránh những đòn tấn công nội bộ trong nước bởi những người cánh hữu như bản thân Nixon?). Ông ta sẽ không phải thay đổi chính sách, từ bỏ sự hẫu thuận của mình cho cuộc chiến, như ông ta làm trên cương vị phó Tổng thống và khi ông ta hết nhiệm kỳ Tổng thống. Ông ta có thể nói rằng người của Đảng Dân chủ đã làm tình hình rối tung rối mù lên, không thể giải quyết nổi; bây giờ đã quá muộn không thể làm gì được nữa ngoài việc xử lý cái mớ bòng bong đó. Sự thật cũng gần giống như vậy (mặc dù tôi biết chắc rằng cái mớ bòng bong đó còn tồi tệ hơn nếu Nixon thắng cử Tổng thống năm 1960 và đã thực hiện những gì mà ông ta kiến nghị trong thời gian đó) và nếu đó là những gì cần để ơng ta từ bỏ những ý định hiện tại của mình thì tôi thấy hài lòng. Tôi biết một số đảng viên đảng Dân chủ không cảm ơn tôi về điều này, nhưng đối với tôi nó chỉ là vấn đề ưu tiên cái gì trước, cái gì sau. Tôi đã rất nỗ lực để thuyết phục một số người của họ tình nguyện chia sẻ trách nhiệm rút ra khỏi chiến tranh Việt Nam bằng cách hứng chịu sự chỉ trích vì đã dính líu vào cuộc chiến đó. Từ trước đến nay, không ai tình nguyện làm điều đó Nixon cũng không cám ơn tôi. Nhưng nếu phần lịch sử bị che giấu trong nghiên cứu của McNamara có thể làm cho người dân Mỹ ghê tởm hơn nữa về cuộc chiến tranh mà họ đã tham gia và đồng thời làm cho Nixon dễ dàng hơn khi rêu rao rằng ông ta đang giảm bót chi phí mà Đảng Dân chủ gây ra thì điều đó có thể làm cho cán cân có lợi cho ông ta nghiêng về phía chấp nhận một "thất bại được cải trang" hơn là kéo dài cuộc chiến.

Trước đây tôi có nói với Tony rằng tôi có làm việc với một công trình nghiên cứu ở Washington về việc ra quyết định trong chiến tranh Việt Nam nhưng tôi không nói gì về nội dung của tập tài liệu cả, cho đến một buổi chiều tôi gặp anh ấy trên bãi biển sau nhà tôi. Anh ấy mô tả một mô hình nói dối về chương trình những kẻ đào ngũ của một số những người cấp trên của anh ta và về bản chất chiến tranh tại cấp thấp trong chính phủ và tôi nói rằng nghiên cứu tôi đọc được ở Washington cũng cho thấy những điều tương tự ở cấp cao nhất. Tôi không nói với anh ta và anh ta cũng không đoán rằng đó chính là nghiên cứu McNamara và tôi tiếp cận được ở Santa Monica . Tony nói: "Anh phải công bố tài liệu đó".

Điều anh ta vừa nói thật kỳ lạ. Những ai được phép thường không khuyên người khác nên tiết lộ thông tin. Tony không biết rằng tôi đã tiết lộ thông tin cho tạp chí Times trước đó một năm rưỡi. Tôi không nói với ai về điều này cả. Nhưng tôi không kinh ngạc ước đề xuất của anh ta. Trong hoàn cảnh hiện nay của anh ta khi đã thôi không làm việc cho Rand nữa thì việc nghĩ tới điều đó cũng thật dễ hiểu (và trước đó cũng thật dễ hiểu khi anh ta không nghĩ đến việc mang theo các tài liệu mật đi cùng khi anh ta thôi việc ở Rand ). Anh ta biết hiện nay tôi và anh ta có cùng quan điểm về cuộc chiến tranh và đã đến lúc còn hành động phản kháng.

Thậm chí khi so sánh với bức thư của Rand mà tôi soạn thảo và việc tôi kết thân với các đảng viên Đảng Dân chủ thì đề xuất của Tony thực sự đáng quan tâm. Nghiên cứu của McNamara có lẽ không hoàn toàn phù hợp với cuộc khủng hoảng này. Nghiên cứu đó không nói gì tới việc Nixon là tân Tổng thống và nghiên cứu kết thúc vào ngày 31-3-1968 dưới thời Lyndon Johnson. Nixon vừa mới thắng cử nhờ vào lý do rằng ông ta không hề có dự định tiếp tục những chính sách thất bại trong quá khứ. Những gì tôi cần, nhưng không có, là những tài liệu phản bác lại điều đó. Tại Washington, vào cuối tháng tám, nếu Mort đưa cho tôi một tài liệu chứng minh rằng ông ta tin vào chính sách của Nixon, thì tôi đã dúi tập tài liệu đó vào tay Thượng nghị sỹ Fulbright hay đưa cho tờ Thời báo New York , hay cả hai, trước khi tôi quay về Haverford. Tôi không có bằng chứng đó và nghiên cứu của McNamara không thể thay thế cho bằng chứng đó được.

Nhưng hai tuần sau, việc làm thân với Đảng Dân chủ chẳng có tác dụng gì và bức thư của chúng tôi có thể không được gửi đi.

Trong 2 tuần đó, tôi đã đọc xong phần đầu tiên của nghiên cứu, về nguồn gốc của cuộc chiến tranh. Câu chuyện trên tờ Thời báo Los Angeles vào buổi sáng, vượt lên trên tất cả ảnh hưởng của các tháng trước đó, đã đẩy tôi qua ranh giới. Tôi cảm thấy mình sẵn sàng ngồi tù chỉ để tố cáo những lời nói dối về vụ giết người này.

Một khi tôi bắt đầu suy nghĩ về điều đó, tôi thấy rằng sẽ có lợi nếu như công bố giai đoạn lịch sử này - giá như có thể làm nhanh, trước khi Nixon biến cuộc chiến tranh thành cuộc chiến tranh Nixon. Chỉ trong vòng vào tuần, Tổng thống sẽ làm theo cách này hay cách khác. Những tài liệu này có thể không có tác dụng như tôi muốn đối với việc gây ảnh hưởng tới sự lựa chọn đó, nhưng cùng với bức thư của Rand , đó là tất cả những gì tôi có. Đã đến lúc tôi bỏ lá phiếu của mình.

Khi tôi đến căn hộ của Tony, tôi nói với anh ấy: "Anh biết về nghiên cứu tôi đã nói với anh cách đây vài tuần, đúng không? Tôi có được tập tài liệu đó ở Công ty Rand , trong két sắt của tôi và tôi chuẩn bị công bố nó". Như tôi đã dự đoán trước, Tony không cần phải hỏi cũng đã sẵn lòng giúp tôi rồi. Anh ấy nói: "Thật tuyệt! Chúng ta hãy bắt tay vào làm thôi!". Anh ta không đủ kiên nhẫn để nghe tất cả những lý lẽ mà tôi nghĩ ra trên đường đến đây. Tôi không biết là đã bao giờ bàn những lý lẽ đó với anh ta. Bây giờ thì điều đó không còn cần thiết nữa. Tôi nói với anh ấy rằng nghiên cứu đó rất dài và mất rất nhiều công sức mới photocopy xong được. Tôi muốn đưa một bản cho Thượng nghị viện và một bản cho báo giới. Tôi hỏi không biết anh ấy có biết ở đâu có máy photocopy không. Anh ấy nói có biết. Bạn gái của anh ấy, Lynda Sinay có mở một công ty quảng cáo nhỏ. Anh ấy gọi điện ngay cho bạn gái và cô ấy nói chúng tôi có thể sử dụng máy photocopy sau giờ làm việc. Chúng tôi có thể bắt đầu công việc ngay tối hôm sau.

CHƯƠNG 20

Sáng sớm ngày 1-10-1969, tôi mở két sắt bí mật trong góc phòng làm việc và bắt đầu chọn ra những tập trong tài liệu của McNamara để nhân bản đêm hôm đó. 47 tập chất đầy hai ngăn kéo, cao khoảng 8 feet . Tôi nghĩ nên bắt đầu từ những nghiên cứu được ưu tiên hàng đầu. Tôi không biết mất bao lâu mới photocopy xong một tập và cũng không biết là có thể photocopy hết được không trước khi đến giờ phải công bố tài liệu này. Tôi muốn công bố trước ngày 15-10 và từ nay đến lúc đó cũng không còn nhiều thời gian nữa.

"Tôi có thể bị phát hiện trước khi làm được điều đó. Thực ra có khi chỉ 10 phút nữa thôi tôi cũng sẽ bị phát hiện. Tôi không nghĩ rằng điều đó rất dễ xảy ra. Tôi không còn nhớ là bảo vệ có yêu cầu kiểm tra cặp sách của tôi khi tôi rời nhiệm sở hay không. Và tôi cũng không nhớ là chính mình đã từng nhìn thấy bảo vệ làm điều đó với ai hay là trên thực tế họ không bao giờ làm cả: Tôi chưa bao giờ có cơ hội nghĩ hoặc để ý đến điều đó. Tôi chưa bao giờ mang tài liệu mật của Rand về nhà. Ở Washington thì lại khác. Ngay cả ở đó tôi cũng chưa bao giờ mang tài liệu mật về nhà, nhưng tôi thường xuyên ra vào Nhà Trắng, Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ với các bức điện tín mật. Khi tôi rời phòng làm việc về các vấn đề an ninh quốc tế, cửa phòng làm việc luôn mở, trên bàn để những chồng tài liệu mật cao. Luôn có một, hai người thư ký ngồi phía bên ngoài, nhưng không phải lúc nào cũng vậy và cửa các phòng làm việc của khu vực các vấn đề an ninh quốc tế cũng không khoá.

Nhưng Công ty Rand thì khác. Rất hiếm khi người ta đi ra sảnh lớn với tập tài liệu mật trên tay, trừ phi ra vào Phòng kiểm soát tối mật. Bạn không thể để tài liệu mật trên bàn hoặc thậm chí để trong két sắt khoá lại khi bạn rời khỏi phòng làm việc.

Bạn không được phép rời mắt khỏi nó một lúc nào trừ phi bạn có một két sắt tối mật khoá lại, nhưng không phải nhiều người có két sắt như vậy. Những ai không có sẽ phải đọc nhờ tài liệu tối mật ở phòng kiểm soát tối mật hoặc trả tài liệu về đó khi rời cơ quan. Điều đó hơi bất tiện nếu như bạn thường xuyên muốn đọc tài liệu mật đó, nhưng đa phần mọi người không thưòng xuyên làm việc với tài liệu mật nhiều đến như vậy. Nếu họ cần, họ sẽ cố gắng có két sắt tối mật cho riêng mình. Những két sắt này nặng hơn két sắt bảo mật thông thường và khoá cũng khác.

Một két sắt tối mật rất dễ nhận ra trong phòng bởi vì nó màu đen, chứ không phải màu ghi. Phần lớn các két sắt có hai ngăn kéo. Một số có 4 ngăn, tất cả đều để kín tài liệu.

Tôi bắt đầu với tập tài liệu về giai đoạn 1964- 1965. Giai đoạn này phù hợp nhất với thời điểm hiện tại. Đó là giai đoạn lịch sử mà tôi cố gắng không muốn lập lại: một vị Tổng thống đe doạ leo thang chiến tranh, và có những kế hoạch bí mật để thực hiện điều đó; một cuộc chiến đang ngày càng mở rộng và kéo dài hơn, mà dư luận hoàn toàn không hề biết đến. Bản thân những tập tài liệu đó sẽ kể những câu chuyện cần được kể, như là những thông tin cơ bản cho những lập luận của tôi về chính sách của Nixon. Ít nhất điều đó sẽ chứng minh tất cả những gì đã xảy ra từ trước đến nay. Sự thật là điều đó đã lập đi lập lại trong vòng 24 năm. Bằng chứng của việc làm đó hiện cũng đang nằm trong két sắt của tôi: đó là toàn bộ nghiên cứu, nhưng mất nhiều thời gian để nhân bản. Tôi hy vọng chỉ trong một vài đêm tôi sẽ nhân bản được tài liệu nói về giai đoạn 1964- 1965 để tôi có thể phát tán, thậm chí nếu tôi có bị bắt trước khi kịp nhân bản số tài liệu còn lại.

Những tập tài liệu này rất dày. Tài liệu tôi có trong két sắt bảo mật bao gồm những tập mà tôi chưa bao giờ nhập vào hệ thống. Tài liệu đó có bìa các tông màu xanh. Cả bìa trước và sau đều ghi "Tối mật" bằng chữ đen và to cả ở phía trên và phía dưới trang bìa. Tôi đút những tập tài liệu này vào cặp sách da màu nâu của mình và đi xuống dưới nhà. Tôi biết rất rõ về những gì mình đang mang trong cặp sách. Chưa bao giờ tôi đi qua bảo vệ dưới nhà với tài liệu mật trong cặp cả.

Tôi mở cửa đi ra sảnh lớn dưới nhà. Như thường lệ có hai bảo vệ ngồi ở bàn. Tôi đeo thẻ ra vào nhưng chỉ cần nhìn là họ biết ai là ai ngay. Họ nói: "Tạm biệt, Dan", rất thân thiện như mọi ngày và tôi cũng vẫy tay chào họ khi tôi đi ngang qua bàn.

Một bảo vệ tìm tên tôi trong danh sách và ghi lại thời điểm tôi rời cơ quan. Tôi đẩy cửa kính và bước ra bãi đỗ xe.

Tôi đi thẳng về căn hộ của Tony Russo. Lúc đó có cả Lynda Sinay ở đó nữa. Cô ấy rất xinh, khoảng ngoài 20 tuổi và cũng rất thông minh nữa. Cô ta còn trẻ để điều hành một công ty quảng cáo. Chúng tôi lái xe đến văn phòng công ty cô ta ở góc đường Melrose và Crescent. Văn phòng nằm ở tầng 2, trên một cửa hàng hoa. Lynda hướng dẫn chúng tôi cách tắt hệ thống chuông báo động bằng một chìa khoá đặc biệt.

Máy photocopy nằm trong phòng khách. Ngoài ra còn có hai phòng nữa, rộng hơn, có bàn làm việc, một bếp nhỏ và một nhà tắm. Lynda hướng dẫn chúng tôi cách sử dụng máy photocopy. Đó là một máy photocopy to, rất hiện đại so với thời đó, nhưng rất chậm so với tiêu chuẩn ngày nay. Mỗi lần chỉ chụp được một trang và phải mất vài giây mới xong. Tôi cố gắng ấn quyển sách xuống mặt kính, hy vọng mỗi lần chụp được 2 trang nhưng phần ở gáy sách chụp rất mờ. May sao, những tập tài liệu này được đóng gáy xoắn nên có thể dỡ tung ra. Tôi cố gắng tháo gáy xoắn thật cẩn thận để không bị phát hiện. Lúc đầu tôi dự định sao chụp thành hai bản, mặc dù sẽ mất thời gian hơn. Máy photocopy này không tự sắp xếp theo đúng trật tự được. Tony và Lynda đang ngồi nói chuyện ở phòng bên cạnh. Tôi đưa một tập tài liệu cho Tony và bảo anh ấy sắp xếp theo đúng thứ tự. Tôi quay trở lại máy photocopy và tiếp tục công việc của mình.

Có tiếng gõ cửa trên cửa kính phía bên trái tôi. Hai cảnh sát mặc đồng phục xuất hiện. Một người vừa dùng gậy gõ vào cửa kính. Anh ta ra hiệu cho tôi mở cửa. Tôi đậy nắp máy photocopy lại, đè lên trang có đề dòng chữ tuyệt mật. Khi tôi quay ra để mở cửa thì tôi vô tình đánh rơi một tờ giấy trắng lên trên tập tài liệu có hàng chữ tuyệt mật. Tôi nghĩ: Lạy chúa! Tôi hỏi họ: "Có việc gì không, thưa các ông?"

Một người cảnh sát nói: "Hệ thống báo động của ông đã tắt".

Tôi gọi với vào phòng bên cạnh: "Lynda, có ai cần gặp cô đây này". Tôi hy vọng Tony sẽ che những tờ giấy đó đi. Anh ta đã làm điều đó khi cảnh sát bước vào.

Một người cảnh sát nói: "Chào Lynda. Cô lại quên không bật hệ thống báo động".

Lynda nói: "Ôi, lạy chúa, tôi xin lỗi. Tôi hoàn toàn không biết sử dụng cái chìa khoá chết tiệt này".

Người cảnh sát nói: "Ồ, không sao. Cô nên rút kinh nghiệm về chuyện này".

Lynda nói: "Vâng, tôi sẽ rút kinh nghiệm". Họ chào tạm biệt. Chúng tôi nhìn nhau, thở phào nhẹ nhõm rồi tiếp tục làm công việc của mình.

Tony thay tôi photocopy tài liệu, còn tôi thì sắp xếp theo thứ tự. Một lúc sau, Tony và Lynda về nhà. Tôi muốn photocopy được càng nhiều càng tốt. Tôi làm việc suốt đêm.

Để cho nhanh, tôi cố gắng phối hợp các hoạt động thật nhịp nhàng. Một tay cầm tờ giấy lên, một tay đặt xuống máy, bấm nút, đợi, nhấc tờ giấy ra, để sang bên phải và đặt tờ giấy khác vào máy. Ngày nay quy trình này nghe rất quen thuộc nhưng lúc đó là cả một công nghệ mới. Hơi mất thời gian khi phải nâng nắp máy lên rồi đậy xuống và tôi không hiểu tại sao lại phải làm như vậy. Đó là để cho bản photocopy được đẹp hay là muốn bảo vệ mắt? Ánh sáng có sáng quá không nhỉ? Máy móc hoạt động ra sao? Ánh sáng màu xanh lá cây đó có gây phóng xạ không? Để tiết kiệm thời gian, tôi bắt đầu photocopy từ trên xuống - những bản sao trông rất đẹp - hy vọng rằng tôi sẽ không bị đau đầu hay mù mắt. Tôi cố gắng không nhìn thẳng vào ánh sáng, hoặc là tôi nhắm mắt lại. Nhưng thị lực của tôi thấy vẫn bình thường và tôi không còn lo lắng nữa.

Tới 5h30', trời đã sáng và tôi muốn nghỉ. Tôi đóng gáy xoắn lại cho tập tài liệu, rất cẩn thận để người khác không phát hiện ra là tôi đã tháo ra. Tôi hoàn thành xong việc sắp xếp các trang theo đúng trật tự vốn có. Tôi để riêng những trang photocopy mờ hay bị hỏng. Tất cả mọi trang đều đề "Tối mật" và văn phòng của Lynda không có máy huỷ giấy. Tôi cho chúng vào cặp để về huỷ tại Công ty Rand . Ở Lầu Năm Góc, người ta cho giấy tờ bí mật vào những chiếc túi lớn, cuối ngày gom các túi này lại và đem đi đốt. Tại Công ty Rand , tài liệu mật đi theo một cái máng vào trong thùng rác to ở dưới tầng hầm và được huỷ tại đó.

Lúc đó còn quá sớm để đến cơ quan. Tôi thường làm việc rất muộn và bảo vệ không bao giờ thấy tôi đến cơ quan trước 8 giờ sáng. Trên đường về nhà, tôi dừng lại ở Zucky và ăn một bữa sáng. Tôi đợi đến 8 giờ, sau đó đi vào sảnh lớn với cặp tài liệu của mình, đi ngang qua bảo vệ, họ chào, kiểm tra và cho tôi vào. Không có vấn đề gì. Tôi cho tài liệu vào trong két sắt, khoá két lại, rời cơ quan theo một cửa khác và đi qua những người bảo vệ khác. Tôi về nhà và ngủ một lúc. Nhà tôi năm trên đường cao tốc Pacific Coast đi Malibu. Tôi không quen lái xe trên con đường đó vào giờ đó. Ánh nắng xuyên xuống từ một hướng khác, mặt trời đang mọc phía bên tay phải tôi, thay vì tay trái. Buổi sáng trời rất quang đãng, bầu trời trong xanh.

Trước khi đi ngủ, tôi đi bơi một lúc. Tôi không biết mình còn có bao nhiêu buổi sáng được đi bơi như vậy nữa.

Buổi chiều, sau khi tôi đã ngủ được một vài tiếng, tôi quay trở lại Công ty Rand và giải quyết tiếp công việc. Có một cuộc họp trong nhóm làm việc của chúng tôi để quyết định về bản thảo bức thư. Khoảng 7 giờ tối ngày hôm đó, tôi đút tài liệu tối mật vào cặp sách và đi qua bảo vệ an toàn. Tôi tới văn phòng của Lynda và photocopy cả đêm ở đó. Việc làm này đã thành thông lệ trong những ngày tiếp theo. Tôi không được ngủ đủ.

Đó là một công việc mệt mỏi triền miên. Nhưng cũng có những việc khác nữa khiến cho công việc đó không đơn điệu.

Dòng chữ đánh dấu tuyệt mật trên phía đầu và phía dưới mỗi trang ngay lập tức khiến tôi nhớ lại những hiểm nguy. Tôi chưa biết làm thế nào để tiết lộ những thông tin bí mật này trước công chúng. Nhưng dù điều đó có xảy ra như thế nào thì nó cũng sẽ làm thay đổi cuộc sống của tôi rất nhiều và nhanh chóng. Điều đó sẽ sớm xảy ra, có thể chỉ trong hai tuần nữa - vào ngày 15-10 hoặc một tháng sau đó, ngày 15-11. Khoảng một tháng nữa, tôi sẽ bị tống giam, có lẽ là đến hết đời.

Tôi cho rằng điều hiển nhiên là tôi đang phạm luật. Trong sự nghiệp của mình, kể từ khi gia nhập Hải quân Mỹ, tôi đã ký khoảng 12 thoả thuận cam kết giữ bí mật khác nhau. Mỗi lần ký, tôi thường liếc nhìn những dòng chữ cảnh báo quy định những đạo luật của liên bang mà theo đó tôi sẽ phải chịu sự truy tố và tống giam nếu tôi "tiết lộ thông tin có liên quan tới an ninh quốc gia" cho những ai không có phận sự. Tôi chưa bao giờ đọc những lời cảnh báo đó thật cẩn thận bởi vì tôi chưa bao giờ nghĩ mình có ý định làm gì để phải chịu sự trừng phạt đó cả. Do vậy tôi không bao giờ tìm hiểu xem là những đạo luật như vậy sẽ được áp dụng như thế nào. Nhưng người ta không cần phải đọc những lời cảnh báo đó mà phải tự biết rằng công bố các tài liệu tuyệt mật không được phép là một tội ác nghiêm trọng. Điều đó quá hiển nhiên.

Đồng thời, tôi hơi mường tượng ra rằng những vụ tiết lộ thông tin cllo báo chí, cứ cách ngày lại xảy ra một lần, không bị truy tố thường xuyên. Thực ra tôi không còn nhớ là mình đã từng biết đến một vụ truy tố nào như vậy chưa, mặc dù nhiều vụ tiết lộ thông tin đã khiến cho ngành hành pháp phát điên lên và nghe đâu là họ đã tập trung tiến hành điều tra rất sát sao: ít nhất trong một vài trường hợp như vậy, việc điều tra phải xác định được nguồn thông tin rõ ràng. Kể cả nếu các trường hợp đó không dẫn đến việc truy tố đi chăng nữa thì tôi phỏng đoán là chắc chắn phải có lý đo chính trị hay quan liêu - không quá khó để có thể hình dung ra một số lý do - mà có thể dẫn tới quyết định cố tình không truy tố. Dường như có khả năng điều đó sẽ xảy ra trong trường hợp này. Đối với tôi không sao cả. Nhưng cơ may dường như khá nhỏ, chỉ một hoặc hai phần trăm. Trong chừng mực tôi được biết, từ trước đến nay chưa có ai công bố hàng ngàn trang tài liệu tối mật cả.

Tôi không biết làm thế nào mà các cấp chính quyền có thể bỏ qua sự thách thức đối với một hệ thống như vậy nếu họ tìm thấy nguồn thông tin. Và trong trường hợp này, điều đó không khó khăn gì. Trong các trường hợp trước đây, có thể trở ngại đối với việc truy tố là ở chỗ khó xác định thông tin bị rò rỉ từ đâu để có thể tiến hành khởi tố. Thường là có rất nhiều mối nghi vấn tiềm tàng, tất cả đều phủ nhận đã làm rò rỉ thông tin và các nhà báo sẽ không cung cấp thông tin gì cả. Nhưng lần này tình hình lại không như vậy. Trừ phi vì một lý do nào đó tôi không thể đoán trước được rằng chính quyền quyết tâm không khởi tố vụ việc, còn nếu không chắc chắn người ta sẽ tiến hành điều tra hình sự. Ngay khi việc điều tra được tiến hành, chính quyền sẽ biết được nguồn rò rỉ thông tin, tôi dám chắc như vậy.

Chỉ có khoảng 12 người sở hữu tài liệu nghiên cứu của McNamara bên ngoài Lầu Năm Góc và rất ít người khác được tiếp cận với nó. Trên thực tế, mỗi người trong số họ đã bị chính quyền coi là những phần tử phản đối cuộc chiến tranh Việt Nam và do vậy họ bị tình nghi. Nhưng đồng thời mỗi người trong số họ là cấp trên hoặc đồng nghiệp cũ của tôi; tôi quý trọng họ và trong đó có cả những người là bạn thân nhất của tôi. Tôi không muốn họ bị tình nghi nếu tôi có thể giúp được họ. Đem hết sức mình, tôi muốn bảo vệ họ khỏi liên luỵ về pháp luật hoặc hậu quả của cuộc điều tra. Điều đó có nghĩa là khi có những dấu hiện đầu tiên của cuộc điều tra hình sự đó, tôi sẽ tuyên bố rằng tôi là nguồn công bố thông tin duy nhất (tôi sẽ không làm điều này sớm, tôi sẽ không làm điều này để bị truy tố). Tôi sẽ nói rằng tôi hành động một mình, không những không nhận được sự hợp tác giúp đỡ của những con người cụ thể nêu trên mà còn không cho họ biết lý do nào để họ nghi ngờ rằng tôi sẽ làm một việc tày trời như vậy. Tôi muốn họ có thể qua được bài kiểm tra trên máy phát hiện nói dối. Tôi không tự lừa phỉnh bản thân rằng họ sẽ mang ơn tôi về điều đó. Một khi bản thân tôi đã quyết tâm làm việc này, tất cả họ sẽ phải trả giá cho việc trước đây họ có liên quan đến tôi và do vậy tôi mới được tiếp cận với tài liệu này. Đối với những người mà tôi thân cận nhất, gánh nặng có thể thật nặng nề. Tôi không biết cách làm thế nào để tránh được điều đó và cũng không biết cần phải làm thêm điều gì. Tất cả những gì tôi có thể làm cho họ là cố gắng hết sức giúp họ thoát khỏi vòng lao lý.

Nếu tôi không tiên đoán rằng những gì tôi đang làm có lẽ sẽ khiến tôi vào tù và rằng tình hình đã làm cho điều đó dễ chấp nhận hơn thì có lẽ tôi đã lo lắng hơn về sự nghiệp của các bạn đồng nghiệp. Nhưng một khi tôi đã quyết định rằng, tôi xác định làm công việc này thì tôi sẽ tập trung vào làm cho thật tốt.

Tôi không biết tương lai sẽ ra sao đối với tôi, hay đối với những người khác. Những người đang thực sự giúp đỡ tôi, bắt đầu với Tony và Lynda hiển nhiên là đang chịu những nguy hiểm nhưng họ đã tình nguyện làm điều đó. Tôi không nghĩ rằng mối hiểm nguy lớn đang chờ đón họ (tôi đã lầm). Họ không biết gì về nội dung của tập tài liệu đã photocopy. Ít nhất tôi khuyên họ không nên đọc tài liệu này, mặc dù điều đó không ngăn Tony. Thậm chí cả Lynda cũng đọc một ít.

Những gì tôi thực sự lo ngại là các con tôi sẽ biết về những gì tôi đã làm. Chúng đã quen với việc tôi đi xa, đến Washington hay Việt Nam. Nhưng lần này tôi sẽ ra đi mãi mãi.

Chúng có thể được vào thăm tôi trong thời gian ngắn nhưng tôi luôn hình dung ra hình ảnh những phòng thăm thân nhân trong một nhà tù an ninh nghiêm ngặt khi từ nay đến cuối đời, tôi chỉ còn được nhìn thấy chúng qua lớp kính và nói chuyện với chúng thông qua microphone luôn bị kiểm duyệt. Tôi chưa bao giờ phải ngồi tù. Khái niệm của tôi về nhà tù là có từ phim ảnh.

Tôi biết có những nhà tù giống như những câu lạc bộ ở vùng đồng quê nhưng tôi không nghĩ đó là nơi dành cho những ai đã nhân bản 7.000 trang tài liệu tối mật. Thực ra tôi cũng không nghĩ là tôi có thể trả tiền bảo lãnh để được tại ngoại trước khi tôi bị đưa ra xét xử. Do vậy trong một vài tuần nữa, tôi sẽ vĩnh viễn mất cơ hội được nói chuyện trực tiếp với các con tôi, trừ phi qua một lớp kính. Chúng sẽ nhìn thấy tôi tay bị khoá số 8, bị dẫn vào phòng thăm thân nhân, mặc quần áo tù nhân.

Ngay lập tức, vô tuyến truyền hình sẽ đưa tin rằng cha chúng là một kẻ phản bội, rằng cha chúng đã bị điên và làm chuyện kỳ quặc. Tôi muốn chúng nhớ tới những gì trái ngược hẳn lại việc làm đó. Nếu chúng ở cùng với chúng tôi một tối khi chúng tõi đang nhân bản tài liệu, chúng sẽ thấy rằng tôi không điên và công việc tôi đang làm không có gì kỳ quặc cả.

Tôi đang làm việc với các bạn của mình, làm những gì mà tôi tin rằng cần phải làm. Chúng có thể chưa đủ lớn để tự phán xét việc tôi làm là đúng hay sai, nhưng cùng với thời gian, chúng sẽ hiểu và nhớ rằng tôi đang hành động rất bình tĩnh, đang làm những gì mà tôi tin là đúng và cần thiết.

Điều cốt lõi là như vậy. Nhưng cũng còn một điều khác nữa. Từ nay đến cuối đời, tôi không còn giúp gì được cho chúng nhiều nữa, thậm chí không giúp chúng học hết được đại học; nhưng tôi có thể mang lại cho chúng một tri thức mà không dễ gì có được. Đó là những gì tôi nhận được từ Bob Eaton và Randy Keller; tôi rất biết ơn vì đã nhận được điều đó và có lẽ đó là thứ duy nhất tôi có thể dành cho các con tôi.

Chúng sẽ biết rằng tới một ngày nào đó bản thân chúng sẽ phải làm những điều giống như tôi đã làm. Nhớ lại tâm trạng hàng ngày của tôi khi chúng tôi làm việc và hồi tưởng lại toàn bộ câu chuyện khi bọn trẻ lớn lên và có lẽ tự chúng đọc lại toàn bộ nghiên cứu của McNamara, chúng sẽ biết rằng những gì tôi đang làm là đúng, là cần thiết, trong hoàn cảnh khi hành động có thể khiến chúng phải đi tù. Khi tình huống đó xuất hiện, chúng sẽ nhận ra, nhận ra nhanh hơn tôi. Chúng sẽ không cần phải gặp một Randy thứ hai nữa.

Tôi muốn điều này cho cả hai đứa con tôi, nhưng tôi biết mẹ chúng sẽ điên tiết lên nếu cô ấy biết việc làm của tôi liên luỵ tới Mary. Cô ấy cũng sẽ có cùng tâm trạng với Robert, nhưng Robert đã gần 14 tuổi rồi (trong khi Mary chưa đến 11 tuổi); và tôi quyết tâm tạo cho nó một cơ hội can dự vào việc này nếu như nó muốn. Tôi tin rằng tôi đã báo trước với vợ cũ, thu nhập của tôi và tiền cấp dưỡng nuôi con sẽ bị cắt giảm, nhưng tôi muốn nói chuyện với Robert trước.

Ngày thứ bảy, 4-10-69, ba ngày sau khi tôi bắt đầu nhân bản tài liệu, tôi đưa Robert đi ăn trưa tại chợ Brentwood.

Đó là nơi bọn trẻ con thích nhất (và là nơi mọi người ở Công ty Rand hay ra đó ăn trưa). Khi bọn trẻ con còn nhỏ, chúng tôi thường đạp xe từ San Vicente xuống đó, cách nhà chúng tôi một dặm, Robert tự lái xe, Mary ngồi sau xe tôi. Ở đó có một khoảng sân rộng, xung quanh có cửa hàng và có những chiếc bàn picnic làm bằng gỗ. Chúng tôi thường ăn thịt gà nướng, khoai tây chiến và uống nước dứa và nước dừa, nước táo và nho ở quầy bar.

Trong bữa trưa, tôi nói với Robert về nghiên cứu của McNamara. Tôi nói rằng tài liệu này công bố sự thật về những gì các vị Tổng thống dự định làm ở Việt Nam, trái ngược hoàn toàn so với những gì họ làm cho công chúng tin. Tôi nói với nó rằng điều đó sẽ lại xảy ra và cuộc chiến tranh sẽ có tiếp tục leo thang nhưng sẽ có tác dụng nếu chúng ta ngăn chặn trước không để nó xảy ra nếu như mọi người biết rằng trước đây họ đã bị lừa dối. Do vậy bằng cách nào đó ba sẽ công bố những thông tin đó. Nhưng vì là thông tin bí mật, ba sẽ phải ngồi tù, giống như những người trốn quân dịch vậy. Tôi kể cho con trai nghe về Bob Eaton và Randy Kehler. Tôi sẽ phải ngồi tù trong thời gian dài hơn.

Trước đó một tháng, tôi đã mang về từ hội nghị quốc tế của những người phản đối chiến tranh tại đại học Haverford một số truyền đơn, bao gồm cả truyền đơn "Về nghĩa vụ không tuân thủ công dân" của Thoreau và "Cách mạng và công bằng" của Barbara Deưùng. Con trai tôi đã đọc tờ truyền đơn của Thoreau và chúng tôi đã trao đổi về nội dung của tờ truyền đơn đó. Tôi nói với nó rằng đó là hành động không tuân thủ công dân. Tôi hỏi nó có muốn giúp tôi không. Nó nói nó sẽ giúp tôi. Tôi đã chọn ra một số tập tài liệu trong két sắt của Rand sáng ngày hôm đó và buổi chiều chúng tôi tới văn phòng làm việc của Lynda. Lynda đang làm việc ở đó, nhưng cô ấy nói nhân viên của cô sẽ không đến cơ quan trong hai ngày nghỉ cuối tuần. Tôi chỉ cho Robert biết cách sử dụng máy photocopy và để nó nhân bản trong khi tôi sắp xếp theo đúng thứ tự. Tất cả chúng tôi cùng đi ăn tối, sớm hơn thường lệ. Sau đó chúng tôi quay lại và làm tiếp.

Robert đang photocopy thì cảnh sát lại đến. Nó mời họ vào. Lần này có 3 cảnh sát, bất thần xuất hiện trong phòng làm việc của Lynda, nơi tôi đang ngồi trên sàn nhà cắt những dòng chữ "tối mật" khỏi phía trên và phía dưới trang giấy. Không có đủ thời gian để che đậy mọi thứ lại và đáng nhẽ ra 3 viên cảnh sát đã phải chú ý tới những mẩu giấy vụn có dòng chữ "tối mật" nằm vương vãi trên sàn nhà. Nhưng điều đó không xảy ra. Tôi đoán rằng khung cảnh lúc đó rất hợp lý: Lynda thì đang ngồi ở bàn làm việc và một đứa trẻ khoảng 12-13 tuổi gì đó đang lúi húi bên máy photocopy, một khung cảnh gia đình vào chiều thứ bảy. Ba viên cảnh sát rời đi ngay. Sau này Robert nhớ lại là hôm đó cảnh sát đến hai lần khi nó có mặt. Có thể nó nói đúng.

Tôi nhớ mang máng là có hai nhóm cảnh sát đến để hỏi về hệ thống báo động. Hai năm sau, khi Lynda xuất hiện trước bồi thẩm đoàn, uỷ viên công tố khăng khăng hỏi cô ta ngày chính xác cô ta có mặt khi tôi đang nhân bản tài liệu. Cô ta nói "Ông có thể biết được điều đó từ hồ sơ của đồn cảnh sát về số lần hệ thống báo động ngừng hoạt động". Uỷ viên công tố nói:

"Lynda, cô có nhớ là cô bật hệ thống báo động bao nhiêu lần trong năm đó?". "Khoảng 17 lần".

Chính lần đầu tiên cảnh sát đến một vài đêm trước đã khiến tôi nảy ra ý định cắt các dòng chữ tối mật trên các trang giấy.

Những dòng chữ này được in đậm bằng mực phía trên và phía dưới trang giấy. Từ phía bên kia phòng bạn cũng có thể nhìn thấy dòng chữ đó. Tôi biết đối với những ai không quen nhìn những dòng chữ đó thì hiệu quả thật đáng giật mình. Tôi còn nhớ cảm giác lần đầu tiên nhìn thấy dòng chữ "tối mật" mà đáng nhẽ ra tôi không được nhìn thấy, một bản kế hoạch chiến tranh mà một đại tá đã đưa cho tôi dưới tầng hầm của Lầu Năm Góc. Tim tôi đập nhanh, hơi thở gấp, cảm giác như có ai đang theo dõi tôi. Bây giờ, mặc dù tôi đã che dòng chữ "tuyệt mật" đi kịp thời không để cảnh sát nhìn thấy, nhưng sau khi họ đi, tôi nhìn lại nó từ nơi họ đã đứng.

Sự cố này khiến tôi nhận thức được một điều rằng toàn bộ quá trình nhân bản tài liệu có thể bị cảnh sát hay FBI phát hiện bất kỳ lúc nào trước khi tôi kịp công bố tài liệu. Họ sẽ tịch thu tất cả các trang tài liệu mà họ tìm thấy với tôi và bất kỳ trang tài liệu nào mà họ tìm thấy. Do vậy điều quan trọng là phải sao chụp đủ số bản cần thiết và giấu chúng tại những nơi khác nhau, để cho họ không thể tìm thấy tất cả các bản. Sau đó từ trong tù, bằng cách nào đó tôi sẽ nhắn tin ra. Người này sẽ thu thập đủ các bản tài liệu và đem đi xuất bản. Nhưng điều đó có nghĩa là đến một lúc nào tôi sẽ phải nhân bản tài liệu theo kiểu chuyên nghiệp; tôi không thể sao chụp đủ số bản bằng máy photocopy chậm như thế này được. Và tôi cũng không thể ra ngoài phố và đưa tập tài liệu có dấu "tuyệt mật" cho một nhân viên ở đó để nhân bản. Tôi phải làm cho nó giống như một tập tài liệu bình thường. Đó là lý do tại sao tôi muốn làm cho tập tài liệu không còn dấu "tối mật" nữa.

Tất nhiên những trang giấy bị cắt ngắn ở phần trên và dưới thì trông cũng không ổn lắm. Do đó tôi photocopy lại toàn bộ trang giấy để trông cho bình thường. Có lúc Tony Russo gợi ý với tôi cải tiến quy trình. Anh ta đo những mẩu các tông để khớp vào phần phía trên và phía dưới của trang giấy nơi dòng chữ "tối mật" bị đóng dấu vào. Anh ta dán những miếng các tông đó lên trên mặt kính của máy photocopy vào đúng vị trí và tôi chỉ việc đặt trang giấy của bản gốc lên trên, bấm nút và… xong! Ngay lập tức tài liệu không còn bí mật nữa. Đó là một tiến bộ lớn. Tôi sẽ không phải dùng kéo cắt nữa. Đó là công đoạn lâu nhất trong cả quy trình. Không phải là người khéo tay, tôi rất ấn tượng với tiến bộ này.

Nhưng thật không may, làm theo cách này không ổn. Một lúc lâu tôi không để ý nhưng hoá ra là những dấu "tối mật" vốn dĩ được đóng bằng tay, không phải lúc nào cũng nằm ở cùng một vị trí như nhau trên các trang giấy. Một số nằm ngang hoặc nằm dưới số trang. Trên một số trang, tấm bìa các tông của Tony bị chệch mất. Nếu nhân viên tại cửa hàng photocopy tinh ý - ngày đó, các máy photocopy chưa có ngăn nạp giấy tự động - anh ta sẽ phát hiện ra là cứ khoảng 20 đến 30 trang lại thấy có một trang có dòng chữ "tuyệt mật". Không ổn rồi. Lại phải quay lại cách dùng kéo cắt.

Đêm đầu tiên nhân bản, tôi mang các bản photocopy về nhà, nhưng tôi muốn thay đổi điều đó nhanh chóng. Nhà của tôi có thể là nơi đầu tiên mà FBI sẽ lục soát, cùng với nhà của Tony và Linda. Tôi qua nhà một người bạn có một căn hộ cách chỗ tôi ở một dặm về phía nam trên đường cao tốc Pacific Coast. (Đã lâu lắm tôi không gọi điện cho cô bạn này và sau đó tôi cũng không gọi lại). Tôi nói với cô ấy tôi có một số tài liệu cần cất giữ, không để ở nhà tôi được và sẽ có thêm các tài liệu khác nữa. Những tài liệu này có liên quan đến chiến tranh, liên quan đến làm thế nào để chấm dứt chiến tranh và sẽ có những nguy hiểm nhất định nếu cô ấy định cất giữ tài liệu dùm tôi. Cô ấy vốn dĩ không phải là người quan tâm đến chính trị nhưng khi tôi nói đến chấm dứt chiến tranh thì cô ấy tỏ ra khá quan tâm.

Điều đó cũng đúng đối với nhiều người thời bấy giờ, đúng với hầu như tất cả những ai tôi nhờ giúp đỡ. Cô ấy đồng ý giúp tôi ngay. Cô ấy có chỗ trống trên giá sách trong phòng ngủ, cạnh cửa sổ nhìn ra biển. Hàng sáng, trên đường lái xe về, tôi sẽ mang theo một ít tài liệu cho cô ấy cất giữ hộ.

Tôi phải đối diện với người vợ cũ. Tôi nghĩ tôi phải báo trước với cô ta càng nhiều càng tốt - có lẽ không lâu, chỉ vài ngày hay vài tuần - rằng thu nhập của cô ta sẽ đột ngột bị cắt giảm. Như tôi đã nhận định, bàn bạc việc này với vợ tôi thật khó khăn Chúng tôi đã rất hoà thuận với nhau kể từ sau khi tôi từ Việt Nam trở về. Ngay từ đầu cô ta đã tỏ ra nghi ngờ về cuộc chiến tranh này. Robert chưa kể cho cô ta nghe những gì tôi và nó làm vào hôm thứ bảy. Nhưng vào chiều chủ nhật, tôi đã kể và nói rõ lý do tại sao tôi lại làm như vậy và hậu quả có thể xảy ra. Cô ta hỏi tôi ngay là những việc tôi đang làm sẽ có ý nghĩa gì đối với nghĩa vụ của tôi trước gia đình. Tôi nói tôi sẽ bị tống giam ngay khi tài liệu này được công bố rộng rãi và tôi hy vọng tài liệu sẽ được công bố sau một vài tuần nữa. Tôi sẽ không có thu nhập ngay khi tôi bị truy tố và có thể sẽ không có thu nhập đến hết đời. Và cũng có thể tôi sẽ không bị truy tố. Tôi nói với cô ấy rằng tôi biết có trường hợp để rò rỉ thông tin nhưng không bị truy tố, mặc dù điều đó không chắc chắn sẽ xảy ra đối với trường hợp của tôi. Ngay cả khi không bị truy tố đi chăng nữa, hoặc sau khi tôi hết hạn ra tù thì thu nhập của tôi từ việc đi dạy học cũng không nhiều. Tôi có thể đưa cho cô ta tiền tiết kiệm của tôi, nhưng chỉ được vài ngàn đô la. Cô ấy và hai đứa con tôi sẽ không có tiền cấp dưỡng hay khoản trợ cấp nào khác.

Cô ấy nói thẳng: "Anh không thể làm như vậy. Anh phải có nghĩa vụ làm theo phán quyết của toà án?". Tôi nói tôi không thể tuân thủ theo phán quyết của toà án được. Tôi sẽ vào tù. Tôi không muốn điều đó, đây là những vấn đề lớn, lớn hơn bản thân tôi, lớn hơn gia đình tôi. Đơn giản là tôi thấy mình không thể làm gì cho họ được. Cô ấy cũng hỏi về việc học hành của con cái. Tôi nói chúng sẽ tự lo việc đó. Rất may là hai đứa con tôi đều rất thông minh và tôi tin rằng chúng sẽ giành được học bổng. Có lẽ họ sẽ phải chuyển đến sống ở nơi khác, trong một ngôi nhà thuê rẻ hơn. Có lẽ cô ấy nên nghĩ về điều đó ngay bay giờ; đó là lý do tại sao tôi cần nói chuyện với cô ấy. Tôi hy vọng hai đứa con tôi sẽ hiểu việc làm này. Tôi nói cho cô ấy biết Robert đã giúp tôi nhân bản tài liệu và tôi đã bảo nó đừng nói gì cho đến khi tôi có cơ hội nói chuyện riêng với cô ấy. Cô ấy rất tức giận khi biết tôi đã lôi kéo nó vào việc sao chụp tài liệu và không thèm nghe lời giải thích của tôi. Cô ấy không muốn nó làm điều đó nữa.

Rồi tôi tới Công ty Rand để lấy thêm tài liệu và lái xe tới Melrose. Nhưng buổi tối tôi không làm việc muộn. Nhóm viết thư cho tờ Thời báo New York sẽ gặp nhau vào đầu giờ sáng ngày thứ hai để xem xét bản thảo đầu tiên của bức thư.

CHƯƠNG 21

Nhóm chúng tôi gồm 6 người trong các buổi cùng nhau soạn thảo bức thư đã thống nhất với nhau rằng chúng tôi sẽ xem qua bức thư của Harry Rowen, Giám đốc của Công ty Rand trước khi gửi nó đi. Chúng tôi không nghĩ ông ta có quyền cấm chúng tôi gửi bức thư này đi với tư cách cá nhân. Chúng tôi không muốn sử dụng biểu tượng logo của Rand và cũng không muốn xác nhận rằng chúng tôi làm việc cho công ty này. Mặt khác ông ta có thể nghi vấn về việc trước đây chúng tôi tiếp cận được với những thông tin mật. Có thể ông ta sẽ thôi không cho phép chúng tôi được tiếp cận nữa hoặc đe doạ sa thải chúng tôi.

Konrad Kellen nghĩ rằng nếu Harry không đồng ý gửi bức thư đó đi thì chúng tôi không thể gửi được và những người khác cũng đồng ý với việc này. Nếu ông ta đồng ý gửi thư đi, chúng tôi có thể đưa bức thư đó cho các trưởng phòng trong công ty, ví dụ như Fred Iklé của phòng Khoa học Xã hội hay Charlie Wolf của phòng Kinh tế. Chắc chắn họ sẽ chẳng ưa gì việc gửi bức thư này đi, nhưng vì Harry đã đồng ý nên họ không thể nào ngăn cản được. Những người cấp trên khác sẽ thể hiện sự khó chịu của họ theo những cách khác, nhưng chúng tôi nhất trí với nhau rằng điều đó cũng không thể ngăn chúng tôi được chừng nào mà Harry đã cho phép.

Tôi là người duy nhất quen biết Harry. Tôi nghĩ rằng ông ta sẽ thông cảm với đề xuất của chúng tôi, cho dù ông ta có hay không nghĩ đó là cách tốt nhất để rút ra khỏi Việt Nam .

Tôi không dám chắc ông ta cũng chống chiến tranh như bất kỳ ai trong số chúng tôi, và rất khó hình dung ra khả năng ông ta đồng ý gửi bức thư này đi, trên cương vị giám đốc Công ty Rand . Do vậy, thoả thuận của chúng tôi là sẽ nhờ cậy vào sự đồng ý của ông ta làm cho cách này khó có tính khả thi, thiếu tính thực tế, ít nhất là đối với tôi. Tuy nhiên tôi có thể thấy những người khác cũng đã đồng ý như vậy. Họ không giống tôi ở khả năng bị mất việc. Tôi không liên quan tới những cuộc thảo luận về cách gửi bức thư này ra khỏi Công ty Rand . Thực ra sau ngày 1-10, tôi không còn tham gia nhiều vào các cuộc thảo luận của nhóm về việc soạn thảo bức thư nữa.

Sau hàng đêm phải nhân bản tài liệu, tôi đã quá mệt. Hàng sáng, tôi chỉ được ngủ vài tiếng vì uống rất nhiều cafe, tôi cố gắng dự vào buổi chiều nhưng chẳng tham gia ý kiến gì nhiều.

Đó không phải là vì tôi nghĩ bức thư này không quan trọng bằng tập tài liệu, nếu như có thể gửi đi. Ngược lại tôi nghĩ rằng những tuyên bố công khai phản đối chính sách hiện nay và yêu cầu có một phương án khác có khả năng làm thay đổi chính sách nhiều hơn là các tài liệu lịch sử của công trình nghiên cứu, cho dù những gì được tiết lộ từ nghiên cứu đó có kịch tính đến đâu đi nữa. Tuy nhiên tôi không chỉ dựa vào một thứ để phản kháng Nixon. Không một cách tiếp cận nào mà tôi nghĩ tới lại tỏ ra nhiều hứa hẹn hơn những cách tiếp cận khác. Tuy nhiên, tôi vẫn cố gắng làm thế nào đó để chuyển một số lượng lớn tài liệu bí mật tới tay Quốc hội và công chúng trước ngày 15-10, tức là chỉ còn 10 ngày nữa. Tôi đoán là tôi sẽ bị tống giam vào cuối tháng mười. Viễn cảnh đó khiến tôi không còn phải lấn cấn với những suy tính cho công việc của mình, điều mà đang làm những người khác bận tâm.

Cuối cùng, vào ngày thứ tư, 8-10, chúng tôi cũng có được bức thư, trên giấy trơn, không có biểu tượng logo gì của Công ty Rand, chỉ đề dẫn rằng chúng tôi là một nhóm các nhà nghiên cứu và phân tích chuyên nghiệp về Việt Nam, ngụ ý nói chúng tôi làm việc cho chính phủ. Chúng tôì hẹn gặp với văn phòng của Harry và cả nhóm cùng đến gặp ông ta. Ông ta đọc rất kỹ bức thư và gật đầu đồng ý. Dường như ông ta không tỏ ra không thích bức thư này. Ông ta bình luận thêm rằng bức thư sẽ gây nhiều rắc rối đối với Rand từ những nhà tài trợ cho công ty và đáng nhẽ ra ông ấy sẽ nói là ông ấy không muốn gửi bức thư đó đi (Những tuyên bố sau này của ông ta với các nhân viên của Rand cho thấy điều này, mặc dù tôi không nhớ cụ thể). Cầm bức thư trong tay, ông ta ngẩng cao đầu, nhìn chúng tôi qua cặp kính và hỏi: "Tại sao lại không cho logo của Rand vào bức thư này nhỉ?" Chúng tôi giải thích là chúng tôi không muốn Rand dính líu vào việc này. Ông ta nói. "Mọi người sẽ biết cả thôi. Trông như thể là chúng ta đang giấu giếm việc gì đó. Hãy đánh lại bức thư này với logo của Rand. Mọi người sẽ xì xào bàn tán nhưng nó cũng có những mặt tích cực. Nó sẽ cho thấy tại công ty này chúng ta khuyến khích nhiều quan điểm khác nhau. Chỉ cần đưa ra lời tuyên bố các bạn đang bày tỏ quan điểm cá nhân, không phải đại diện cho Rand hay những nhân viên khác của Rand".

Đó là nhận xét duy nhất mà ông ta đưa ra. Chúng tôi rất phấn chấn khi rời phòng làm việc của ông ta để soạn lại đoạn mở đầu và đưa logo của Công ty Rand vào, rồi gửi tới toà soạn của tờ Thời báo New York . Một phần của bức thư có nội dung như sau(100):

"Thưa các quý ông,

Giờ đây khi người Mỹ một lần nữa tranh luận về vấn đề Việt Nam, chúng tôi muốn đóng góp vào cuộc tranh luận đó bằng cách bày tỏ quan điểm của chúng tôi, những quan điểm phản ánh cả đánh giá cá nhân và nhiều năm nguyên cứu chuyên nghiệp về chiến tranh Việt Nam và các vấn đề có liên quan. Ở đây chúng tôi muốn bày tỏ quan điểm như những cá nhân, chứ không nhân danh Công ty Rand, nơi chúng tôi đang làm việc. Trong các đồng nghiệp làm việc tại Rand, có nhiều quan điểm khác nhau về vấn đề này, giống như bất kỳ một vấn đề nào khác.

Chúng tôi tin rằng giờ đây nước Mỹ nên quyết định chấm dứt sự can thiệp của mình vào cuộc chiến tại Việt Nam, trong vòng một năm tới phải rút hết quân đội Mỹ còn đóng ở đó. Sự rút lui của quân đội Mỹ không được đi kèm với bất kỳ một điều kiện nào đối với chính quyền Sài Gòn hay Hà Nội - điều đó có nghĩa là một trong hai bên không thể nào phủ quyết được điều này.

Quan điểm của chúng tôi là ngoài những lập luận đạo đức thuyết phục dẫn tới kết luận tương tự, có bốn luận điểm phản đối những nỗ lực tiếp theo của Mỹ trong cuộc chiến tranh Việt Nam:

1. Chúng ta không thể tiêu diệt các lực lượng của kẻ thù tại Việt Nam bằng lực lượng quân sự được; trên thực tế "chiến thắng về quân sự" không còn là mục tiêu của Mỹ nữa. Những gì bây giờ cần được công nhận là ban lãnh đạo của phe chống đối không thể bị chiến lược hiện nay hay bất kỳ một chiến lược nào của Mỹ bắt ép phải nhượng bộ.

2. Những lời hứa đây của Mỹ đối với nhân dân Việt Nam không thể nào trở thành hiện thực nếu chúng ta tiếp tục các hoạt động quân sự phá hoại lớn tại Việt Nam. Hoạt động này không được phép kéo dài chỉ vì dựa trên yêu cầu của chính quyền Sài Gòn. Cần kiểm tra xem chính quyền này có khả năng tự tồn tại được không dù kết quả có ra sao đi nữa.

Sự quan trọng đối với lợi ích quốc gia của Mỹ về ý nghĩa chính trị trong tương lai của Nam Việt Nam đã bị phóng đại quá mức, cũng như tác động quốc tế tiêu cực của việc Mỹ đơn phương rút quân. Trên hết, chi phí con người, chính trị và vật chất khi chúng ta tiếp tục chiến tranh vượt xa hơn những lợi ích chúng ta nhận được và lớn hơn chi phí và nguy cơ nếu chúng ta rút quân.

Chúng tôi không dự đoán rằng việc rút quân chỉ đem lại những kết quả tốt đối với Đông Nam Á và Nam Việt Nam (hoặc thậm chí cả Mỹ). Những gì chúng tôi thực sự muốn nói là những mối nguy hiểm sẽ không giảm bớt đi nếu Mỹ tiếp tục tham chiến tại Việt Nam thêm một năm nữa và chắc chắn tổn thất về con người sẽ lớn hơn.

Daniel Ellsberg, Melvin Gurtov, Oleg Hoeffding, Amold Horelick, Konrad Kellen, Paul F. Langer

Công ty Rand .

Chúng tôi gửi một bản sao bức thư cho Fred Iklé và hẹn gặp ông ta sau khi ông ta đã đọc xong. Chắc chắn tôi cũng đã cho Charlie Wolf thấy bức thư, mặc dù tôi không nhớ rõ lắm.

Trong khi đó, tôi gọi cho văn phòng của tờ Thời báo New York tại Los Angeles và nói chuyện với Steve Roberts, trưởng cơ quan đại diện, tìm cách tốt nhất để đưa bức thư này lên mặt báo.

Anh ta nói chắc chắn đăng một câu chuyện trong đó và tôi nên trao bức thư trực tiếp cho anh ta. Tôi bảo anh ta đợi tôi ở bãi đỗ xe của Công ty Rand…

Cuộc gặp với Iklé khá căng thẳng. Bốn người ký vào bức thư làm việc trực tiếp cho ông ta và họ hầu như không nói gì. Họ để cho tôi đối đáp với ông ta. Chúng tôi ký tên vào bức thư theo vần chữ cái và tên tôi xuất hiện đầu tiên. Như tất cả những ai đọc bức thư này, Fred lầm tưởng rằng tôi là người soạn thảo và tác nhân chính của bức thư. Điều này cũng không sai. Fred không đả động gì đến những người khác và chủ yếu chĩa mũi dùi vào tôi.

Chúng tôi đã là đồng nghiệp tốt với nhau trong vòng 10 năm mặc dù tôi không thân với ông ta lắm, nhưng trên thực tế cũng chẳng có ai thân với ông ta. Ông ta là người Thuỵ Sĩ, rất kín đáo trong phong cách cũng như lời ăn tiếng nói. Ông ta không phải là người dễ gần. Giọng nói của ông ta nặng, trầm và đều đều khiến người khác thấy khó chịu, nhưng tôi quý mến và tôn trọng ông ta và ông ta đối với tôi cũng vậy.

Fred không mất thời gian tranh luận về nội dung bức thư. Có lẽ ông ta cũng không quá phản đối nó. Giống như phần lớn những người khác ở Rand sau này, ông ta không quan tâm đến điều đó ông ta bắt đầu bằng những nhận xét khá trịch thượng, kẻ cả, muốn bác bỏ tất cả. Cách tiếp cận của chúng tôi chẳng có nghĩa lý gì cả. Gửi một bức thư tới báo chí à? Điều đó sẽ giải quyết được vấn đề gì? Ông ta không cần phải nhắc chúng tôi nhớ lại một phương án cao tay khác: tiếp cận trục tiếp với các nhân viên và các quan chức cấp cao của chính phủ trên cơ sở bí mật.

Chúng tôi không cần phải tiếp xúc với họ thông qua một bức thư gửi tới báo chí, công khai với tất cả mọi người và có thể họ cũng không thèm đọc bức thư đó.

Ông ta nói rất ít có khả năng bức thư sẽ được mọi người chú ý ông ta đuối lý khi lập luận về điều này. Tôi nói chúng tôi có lý do để tin rằng bức thư sẽ trở thành một chủ đề trên tờ Thời báo New York . Ông ta thôi không hạ mình nữa và tự nhiên cáu tiết. Điều đó thật tệ hại? Điều đó vẫn chẳng giải quyết được vấn đề và sẽ có tác động rất xấu đối với Rand. Ở điểm này ông ta phản đối việc Harry ý đã đồng ý với bức thư nhưng điều đó không có nghĩa rằng Owen đúng. Tôi nói với ông ấy là tôi không đồng ý với những ước tính của ông ta về tác động. Chúng ta phải chờ xem sao đã.

Ông ta trở nên quẫn trí. Tóc ông ta vốn ngắn nhưng ông ta bắt đầu vò đầu bứt tai. Ông ta nói: "Tôi thực sự không thể hiểu được là tại sao các ông lại làm việc này - việc làm này sẽ không có tác dụng gì cả. Thậm chí phản tác dụng!". Ông ta quay về phía chúng tôi và hạ giọng: "Có rất nhiều việc chúng ta có thể làm mà hiệu quả lại lớn hơn. Ví dụ như các anh có thể nghiên cứu bí mật về chi phí của cuộc chiến tranh, và có thể gửi một bức thư tới tư lệnh chiến lược không quân, đề là tối mật, chỉ ra rằng việc tiếp tục chiến tranh đang thâm hụt vào ngân sách hiện đại hoá?". Ông ta đang điên tiết. Ông ta quay trở lại phía chúng tôi và nói với một giọng bình tĩnh hơn, "Bức thư này sẽ chẳng có tác dụng gì ở Washington".

Tôi không tin vào điều đó. Tôi nói: "Fred, ai trong chúng ta biết nhiều về hệ thống hoạt động ở Washington, anh hay là tôi?"

Ông ta nói: "Anh".

Tôi nói: "Tôi nghĩ việc này rất đáng làm". Trông ông ta không vui khi chúng tôi rời văn phòng làm việc của ông ta, và tới 22 năm sau ông ta mới nói chuyện lại với tôi.

Ở dưới tiền sảnh, tôi hội ý với các bạn đồng nghiệp: "Chúng ta vẫn quyết tâm làm chứ?". Mọi người đều gật đầu đồng ý, mặc dù một số người làm việc cho Fred trông hơi rầu rĩ. Ở bãi đỗ xe của Rand, tôi lấy ra bức thư và thấy Steve Roberts đang đợi trong xe hơi của anh ta. Tôi nói với anh ấy: "Hãy gửi bức thư này đi và đợi một lúc đừng trả lời điện thoại, được không? Tất cả mọi người đang quyết tâm làm việc này, từ giờ phút này trở đi và một số người đang chịu sức ép và điều đó có thể thay đổi. Bức thư này có thể chóng được đưa lên mặt báo không?" Anh ta nói tờ báo đang đợi bức thư này và ngày hôm sau thì thư sẽ được đăng trên báo, khoảng buổi trưa. Tôi về nhà, cúp máy điện thoại và đi ngủ để chuẩn bị đêm hôm đó còn tiếp tục sao chụp tài liệu.

Sáng ngày hôm sau, thứ năm, ngày 9-10-1969, có một câu chuyện đăng trên tờ Thời báo New York , đăng ở trang bên trong, với tiêu đề "Sáu chuyên gia của Rand ủng hộ việc Mỹ đơn phương rút quân khỏi Việt Nam trong vòng một năm". Tác giả bài viết là "Steven V. Roberts", từ Santa Monica, ngày 8-10-69. Nội dung chính của bài báo nhắc lại tiêu đề và nói thêm rằng tất cả chúng tôi đã làm nghiên cứu về Việt Nam cho chính phủ liên bang. "Cả sáu người này nói rằng họ hành động như những cá nhân, chứ không phải những nhân viên của Rand. Và số người này đảm nhiệm tới 76% công việc trong bộ phận quốc phòng của công ty. Bức thư do các chuyên gia của công ty này viết muốn tránh sự chú ý của dư luận đã tạo thêm động lực cho áp lực của dư luận đòi nhanh chóng rút quân khỏi Việt Nam".

Dưới tiêu đề nhỏ "Hai năm ở Sài Gòn ", câu chuyện kể tiếp, "Theo như hợp đồng ký với Lầu Năm Góc, sáu chuyên gia này đã nghiên cứu những đối tượng từ tính hiệu quả trong việc ném bom Bắc Việt Nam cho tới việc hỏi cung các tù nhân đối phương. Một chuyên gia trong số họ là Daniel Ellsberg đã làm việc hai năm cho Bộ Ngoại giao Mỹ tại Sài Gòn trước khi chuyển sang làm việc cho Công ty Rand. Nhóm này còn bao gồm những chuyên gia phụ trách về Nga, Trung Quốc và Nhật Bản. Một chuyên gia đã ký vào bức thư, Melvin Gurtov, là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản về tương lai của chính trị Mỹ tại Đông Nam Á" .

Roberts trích dẫn lời bình luận của một thành viên giấu tên trong nhóm: "Đơn phương rút quân là một việc làm đáng nể trọng". Câu chuyện này tiếp tục trích dẫn trực tiếp nội dung của bức thư (khoảng một nửa) và diễn đạt theo cách khác (nhưng không hoàn toàn chính xác) nửa nội dung còn lại. Tôi nghĩ là một số điểm quan trọng đã bị bỏ. Và bởi vì nó được coi như một câu chuyện tin tức nên toàn bộ bức thư không xuất hiện trên trang xã luận. Tuy nhiên quan điểm cơ bản của chúng tôi đã được thể hiện rõ và câu chuyện trên báo này kết thúc với câu cuối cùng chúng tôi viết trong thư.

Bởi vì tờ Thời báo New York không đăng tải toàn bộ bức thư, chúng tôi gửi bức thư này tới cả tờ Bưu điện Washington . Họ đã cho đăng tải toàn bộ bức thư thật nổi bật giữa trang xã luận vào ngày chủ nhật 12-10 với tiêu đề "Một trường hợp phản đối việc tiếp tục ở lại Việt Nam ". Nội dung bức thư xen kẽ với sự tố cáo trong quan điểm của chúng tôi. Phía bên phải bức thư là một bài viết ngắn của Henry Owen, người trước đây quản lý các cán bộ hoạch định chính sách trong Bộ Ngoại giao Mỹ, người đã bác bỏ việc rút quân trong thời hạn một năm, coi đó là việc làm cực đoan và không thực tế. Phía bên trái là một bài xã luận dài, trực tiếp tấn công bức thư của chúng tôi (ba lần chúng tôi bị coi là những "kẻ chỉ trích nòng cốt" và một lần bị coi là "những kẻ chỉ trích cực đoan". Không giống như bây giờ, ngày đó những từ ngữ này không có nghĩa tốt).

Rõ ràng là những người viết bài xã luận cũng chia sẻ niềm tin của họ với Owen rằng chính phủ Mỹ đang "tiến tới việc rút quân và quá trình này là không thể đảo ngược được". Chắc chắn họ và Owen đều hiểu ý nghĩa của từ "rút quân" tức là cuối cùng phải rút quân toàn bộ, chứ không chỉ có tạm thời giảm số lượng quân. Điều đó có nghĩa là "chấm dứt sự tham gia quân sự của Mỹ tại Việt Nam". Nói một cách khác, họ tin rằng những tuyên bố công khai của Tổng thống về sự trung thành mãi mãi đối với chính quyền Sài Gòn không thể hiện dự định của ông ta. Họ nghĩ rằng, chiến lược của ông ta là chấm dứt chiến tranh - hoặc ít nhất là giảm bớt tham gia quân sự dần dần - trái ngược lại so với những gì ông ta nói - chấm dứt tham gia quân sự vô điều kiện, hoàn toàn, đơn phương, không thể đảo ngược.

Do vậy có gì khác nhau giữa chiến lược của Tổng thống và chiến lược của "những nhà phê bình cực đoan" hay "nòng cốt" như chúng tôi? Đó là thời gian. Việc Nixon rút quân sẽ tiến hành "dần dần", kéo dài hơn 12 tháng và không có một lộ trình cụ thể và công khai nào, "với hy vọng rằng có thể đạt được một phần mục đích ban đầu của chúng ta" . Họ thực sự thông cảm với "nỗ lực của Tổng thống để cứu vãn điều gì đó".

Nhưng chính xác là Tổng thống muốn đạt được mục đích nào? Cơ may ông ta đạt được mục đích đó là bao nhiêu phần trăm? Ông ta sẽ tiếp tục cho quân đồn trú ở Việt Nam trong bao lâu hơn 12 tháng hay tiếp tục duy trì lực lượng không quân?

Liệu các biên tập viên của tờ Buu điện Washington có hình dung ra không? Ít nhất là 4 năm? Sẽ có hơn 20.000 lính Mỹ nữa và hàng trăm nghìn dân thường thiệt mạng? Đó là những gì đã xảy ra, khi Nixon theo đuổi việc giữ tướng Thiệu cầm quyền ở Sài Gòn lâu dài. Việc Mỹ ném bom kết thúc năm 1973 chỉ bằng một đạo luật của Quốc hội, không phải theo sự lựa chọn của Nixon, trong hoàn cảnh đang khủng hoảng hiến pháp dẫn tới việc suýt luận tội Tổng thống và dẫn tới kết thúc nhiệm kỳ của ông ta.

Cũng trong số xuất bản hôm đó của tờ Bưu điện Washington , còn có một mục của Joe Craft, gửi từ Santa Monica, nơi anh ta đã tới phỏng vấn tôi và một số những người viết thư khác. Với tiêu đề "Phá vỡ quy định: Sự phản đối của các nhà phân tích của Rand về chính sách tại Việt Nam nêu ra vấn đề cơ bản về trách nhiệm ", bài báo viết: "Khi sáu nhà phân tích của Rand, từ bỏ những quy định của mình và lên tiếng phản đối về chính sách ở Việt Nam, một điều gì đó quan trọng đã xảy ra. Đối với sự phản đối của Công ty Rand… đã đi xa hơn cả vấn đề Việt Nam. Nó động chạm tới vấn đề đạo đức then chốt của cuộc sống của dân chúng Mỹ. Nó nêu lên câu hỏi về trách nhiệm của các quan chức và các nhà phân tích về hành động họ làm và chính sách họ thi hành".

Kraft nhận xét rằng "sự tồn tại của Rand phụ thuộc vào có nguồn kinh phí và quan hệ tốt với chính phủ liên bang. Trước đây các nhà phân tích của Rand đã nhiều lần đặt dấu hỏi về các chính sách lớn của chính phủ đằng sau hậu trường, nhưng sáu nhà phân tích tham gia viết bức thư hiện nay đã vượt ra khỏi khuôn khổ truyền thống. Vì họ đã thẳng thắn và trực tiếp phản đối chính sách của chính phủ mà trước đây họ chưa từng bao giờ thách thức cả. Họ đã cho in bức thư bất chấp sự phản đối kịch liệt của ban lãnh đạo Công ty Rand. Và họ làm điều đó, chấp nhận rủi ro đối với công việc tương lai của mình".

Sau khi đã viết lại nội dung bức thư, bài báo này viết tiếp:

"Không có gì quá ngạc nhiên trong những quan điểm này cả. Những quan điểm đó được nhiều quan chức cấp cao trong chính quyền hiện nay và trước đó chia sẻ. Điều đáng nói là chỉ có rất ít người tin vào những ý tưởng này dám công khai nói những gì họ tin.

Phần lớn mọi người đều dồn nén niềm tin của mình. Họ thích tham gia vào cuộc chơi chính trị hơn. Họ tán thành với không khí thần bí ở Washington rằng sự trung thành với Tổng thống có nghĩa là sự trung thành với niềm tin đối với cả những vấn đề quan trọng nhất. Họ tuân thủ theo những quy chuẩn của bộ máy quan liêu.

Bức thư của Rand quan trọng vì nó bác bỏ quy chuẩn của bộ máy quan liêu đó. Sự phản đối của công chúng phá vỡ những truyền thống quan liêu, thậm chí ngay cả khi chính sách mâu thuẫn với lương tâm.

Không bao giờ có một tuyên bố nào tốt hơn bài học kinh nghiệm mà tôi hy vọng các quan chức rút ra được từ ví dụ của bức thư chúng tôi viết (và Hồ sơ Lầu Năm Góc tôi công bố sau này).

Kể từ ngày câu chuyện xuất hiện trên tờ Thời báo New York , công văn bắt đầu được các đồng nghiệp gửi cho chúng tôi, mỗi công vấn đều đề người nhận là sáu người đã ký vào bức thư và còn được gửi cho nhiều người khác nữa. Trong khoảng 500 nhân viên làm việc tại Rand, tôi nhớ là nhận được khoảng 70 thư hồi âm, một số viết ngắn, một số dài khoảng 3-4 trang giấy. Rất dễ chuyển công văn trong Công ty Rand, nhưng tôi nhớ là trước đây không có khi nào mà công văn lại được chuyển phát nhiều đến như vậy.

Đó không thể gọi là sự tranh luận, bởi vì hầu như tất cả các thư hồi âm đều hùa về một phe, phản đối hành động của chúng tôi và đưa ra những lập luận tương tự. Chỉ có hai, ba trường hợp ngoại lệ, còn tất cả các bức thư đó đều có nội dung tiêu cực, thậm chí thù địch, giọng điệu tố cáo, trách mắng, khinh miệt, tức giận. Hơn thế nữa - đây là những gì khiến tôi ngạc nhiên nhất, những gì tôi ít chuẩn bị tinh thần nhất - hầu như không có bức thư nào phản đối nội dung bức thư chúng tôi viết, ngoại trừ có một hai câu bác bỏ sự lập luận của chúng tôi là nông cạn và không thuyết phục. Phần lớn những người viết công văn chỉ ra rằng người viết (cũng như tất cả các nhân viên tại Rand lúc đó) phản đối việc tiếp tục cuộc chiến tranh mạnh mẽ như chúng tôi, trước khi tiếp tục nói rằng hành động của chúng tôi cho thấy "tinh thần thiếu trách nhiệm đối với các đồng nghiệp ở Rand, bản thân Công ty Rand và rất có thể cả lợi ích quốc gia nữa".

Không hiểu sao có ai đó nói rằng chúng tôi sử dụng biểu tượng logo của Rand trên bức thư, mặc dù biểu tượng này không xuất hiện trên tờ Thời báo New York . Điều này khiến mọi người phát điên lên. Trong các công văn, họ lên án chúng tôi "thiếu đạo đức nghề nghiệp" và "hành vi của chúng tôi đáng bị khiển trách". Bằng giọng điệu từ lạnh nhạt tới túc giận, họ cho rằng chúng tôi đã coi thường, không tính gì tới sự an nguy trong công việc của họ và mối quan hệ theo hợp đồng và bí mật giữa Rand và Bộ Quốc phòng Mỹ. Giống như nhiều người khác, một người viết công văn bắt đầu bằng câu: "Tôi đồng ý với kết luận của các anh nhưng không đồng ý với việc các anh có quyền bày tỏ công khai những quan điểm này với tư cách là cán bộ làm việc cho Rand". Anh ta kết thúc bằng câu, "Các anh có thể trở nên nổi tiếng về việc làm này, nhưng thực ra là "khét tiếng". Trong công văn đó anh ta tổng kết lại tất cả những gì mà nhiều người khác nói chưa rõ: "Ở cấp thấp nhất, trong khi các anh cảm thấy có thể dễ dàng để bị mất việc, nhưng các anh không thể làm như vậy với chúng tôi".

Tôi giật mình nhận ra rằng sự bộc lộ lợi ích cá nhân luôn là sợi chỉ xuyên suốt trong những công văn mà chúng tôi nhận được từ đồng nghiệp và điều đó thể hiện quá rõ. Tôi luôn nghĩ họ sẽ ngầm bộc lộ điều quan ngại này đằng sau việc chỉ trích quan điểm của chúng tôi hay lời buộc tội cho rằng với việc công khai phản đối, chúng tôi đang gây nguy hiểm cho khả năng của Công ty Rand để đóng góp vào an ninh quốc gia thông qua mối quan hệ bí mật với ngành hành pháp. Nhưng thật kinh ngạc biết bao khi điều ngược lại đã xảy ra. Điều quan trọng nhất ở đây là sự nguy hiểm mà những tuyên bố của chúng tôi gây ra đối với các hợp đồng của Rand và thu nhập của những người đã viết những công văn kia. Như một người trong số họ đã nói rất chua cay: "Tôi rất ngạc nhiên khi biết rằng các nhà nghiên cứu chuyên nghiệp, cùng nhau hợp sức hành động và sử dụng tên của công ty để bày tỏ quan điểm của mình đã phóng một quả ngư lôi phá hoại không hề chệch đích cùng một lúc nhằm vào các khách hàng lớn nhất và trung thành nhất và các đồng nghiệp nghiên cứu".

Có lẽ tôi đã ngây thơ khi tỏ ra ngạc nhiên về điều này, nhưng xét cho cùng thì Rand không phải là công ty kinh doanh vì lợi nhuận. Khoản tài trợ ban đầu mà nó nhận được từ quỹ Ford quy định rằng công ty này sẽ làm việc vì lợi ích quốc gia và lẽ dĩ nhiên điều này được quy định trong tất cả các hợp đồng làm việc chúng tôi ký với Rand. Phần lớn nhân viên của công ty là các kỹ sư có thể được trả lương cao hơn nếu làm việc cho các công ty tư nhân trong ngành hàng không. Bản thân tôi trước đây cũng đã có thời gian làm việc tạm thời cho chính phủ, với mức lương cao hơn mức lương tôi kiếm được ở Rand, và một số đồng nghiệp khác của tôi cũng vậy. Tôi nghĩ rằng rất ít người trong chúng tôi làm việc ở Rand là vì tiền. Một động lực lớn khiến mọi người làm việc cho Rand là ở đây chúng tôi được hưởng tự do ngôn luận và suy nghĩ nội bộ trong Rand cũng như giữa chúng tôi với khách hàng, so với những bó buộc của bộ máy quan liêu trong chính phủ. Nhưng xét cho cùng thì suy nghĩ của chúng tôi tự do đến đâu tại Rand khi xuất hiện những lo ngại nêu trên?

Giống như phần lớn các đồng nghiệp khác, tôi đã quen với bầu không khí thần bí của Rand, một bầu không khí không có nỗi sợ hãi và độc lập, sẵn sàng thông báo với lực lượng không quân và những nhà bảo trợ khác những kết luận và đề xuất mà trong một số trường hợp không được hoan nghênh, những gì mà khách hàng không muốn nghe. Thực ra có một số trường hợp quan trọng, không thể phủ nhận được, trên hết là sự nghi ngờ kéo dài của Rand về ưu tiên hàng đầu là mua được các máy bay ném bom siêu âm B70 (sau này gọi là Bl). Đối với tôi, cũng như đối với nhiều người khác, điều này thể hiện sự trung thành đối với Rand, một công ty bao gồm những nhân viên suy nghĩ rất thoáng, can đảm, độc lập, ngay thẳng, bộc trực vì lợi ích của công chúng. Nhưng liệu hình ảnh này có chính xác, trong số những nhà phân tích, những người đã phát hoảng lên khi sáu đồng nghiệp của họ viết thư đăng báo, thông qua một đề xuất mà nhiều người trong số họ ủng hộ ngầm cùng với các đại biểu quốc hội và đa phần công chúng Mỹ?

Có thời điểm, Konrad Kellen tiếp âm cho tôi nghe một câu chuyện mà ông ta vừa mới tham gia với một quan chức cấp cao giấu tên của Rand (hoá ra là một phó giám đốc). "Ông ta nói rằng một thư ký của Rand bị mất việc vì bức thư này (thông qua cắt giảm ngân sách). Chúng ta không có quyền gửi bức thư đó đi.

Thật mỉa mai thay, những nhân viên duy nhất quyết định chúc mừng tôi vì bức thư đều là tất cả các nữ thư ký. Họ không tham gia viết các bức công văn, nhưng không giống như cánh đàn ông, những người cứ nhìn thấy tôi ở đâu là chau mày khó chịu, các nữ thư ký thường gật đầu chào tôi rất thân thiện, hoặc bắt tay tôi và nói thầm: "Việc anh làm thật tuyệt! Một bức thư tuyệt vời!". Một số cô thư ký nói: "Việc làm của anh làm cho tôi thấy rất tự hào được làm việc tại Rand". Một trong số hai, ba bức công văn bảo vệ quyền và quyết định chúng tôi gửi bức thư đi là của một trong rất ít các chuyên gia nữ tại Rand, cô Kathy Archibald.

Bức công văn khác tương tự như vậy là của một nhà tư vấn mời cộng tác cho Rand đã được hai năm, anh Ben Bagdikian.

Trong một bức công văn thể hiện sự "kinh ngạc" đối với các công văn khác, anh ta cho hay một số các quan chức có thế lực đang chỉ trích việc làm của chúng tôi thì trước đây đã nhờ ông ta tư vấn hay giúp đỡ để làm điều tương tự "Trên thực tế họ luôn ủng hộ việc triển khai vũ khí". Anh ta ghi nhận: "Tôi có thể hiểu được nỗi lo lắng rằng hành động trả đũa của các ông chủ đối với những ý kiến độc lập là sa thải nhân viên. Nhưng luận điểm cho rằng những gì tốt cho thu nhập cá nhân của tôi thì dĩ nhiên cũng tốt cho Rand và cho đất nước tôi là một luận điểm không đạo đức chút nào".

Một đồng nghiệp của tôi trước đây đã tham gia vào cuộc thảo luận về khả năng rút quân và trong đó anh ta tỏ ra rất ôn hoà. Chúng tôi không nghĩ ra là cần mời anh ta cùng tham gia ký vào lá thư chúng tôi viết. Có thể anh ta đã nói họ cho một nhóm nhân viên khác khi anh ta giải thích với tôi, mặc dù tôi không yêu cầu, tại sao anh ta không tham gia ký vào lá thư đó. Tuần đó tôi ăn tối với anh ta ở Pacific Palisades - vợ anh ta đi vắng. Anh ta nói với tôi: "Sự thật là anh không thể làm việc cho chính phủ và công bố một bức thư như vậy được. Anh không thể làm cả hai việc cùng một lúc được".

Tôi nói: "Ý anh muốn nói gì, không thể làm được à? Anh có nói quá không đấy? Cả sáu người bọn tôi đều làm việc cho chính phủ và chúng tôi vừa làm được điều đó".

Anh ta nói: "Điều đó không nên làm. Dù sao thì anh không thể làm điều đó và thoát được".

Tôi nói: "Việc đó còn chờ xem thế nào đã".

Anh ta đi đi lại lại trong phòng khách được bày biện rất lịch sự và nói: "Dan, nếu tôi muốn từ bỏ tất cả những thứ này, nếu tôi muốn thất hứa với thoả thuận ly dị với người vợ trước, nếu tôi muốn bán ngôi nhà của mình và dùng tiền để mua một cơ sở kinh doanh, tôi sẽ ký vào bức thư đó".

Có lẽ tôi đã đánh giá thấp tình hình thực tế. Vì có bức thư đó, ai đó trong Quốc hội đã đưa ra một giải pháp là xoá hợp đồng của Rand khỏi ngân sách dành cho quốc phòng. Điều đó chẳng giải quyết được vấn đề gì. Đối với những đồng nghiệp cùng ký bức thư với tôi, một năm sau Konrad nói "phần còn lại của chúng tôi cố sức bấu víu một cách yếu ớt vào công việc ở Rand. Họ muốn sa thải tất cả chúng tôi". Mel Gurtov gần đây nói với tôi rằng Iklé gọi anh ta vào văn phòng sau khi bức thư xuất hiện trên mặt báo và nói anh ta không còn tương lai gì ở công ty này nữa. Anh ta phải đi tìm việc ở nơi khác. Tôi được biết một năm rưỡi sau đó, anh ta đã rời Rand đi dạy học ở Irvine, nhưng tôi không biết liệu điều đó có liên quan gì tới bức thư hay không.

Mặt khác, một ngày sau khi bức thư của chúng tôi xuất hiện trên tờ Bưu điện Washington , hôm thứ Hai, 13 tháng mười, Thượng nghị sỹ William Fulbright gửi tôi một bức thư, mời tôi, với tư cách là người đầu tiên trong danh sách những người đặt bút ký bức thư đó, và hai người khác nữa ("thật không may" là họ không có thời gian để nghe cả sáu người), tới điều trần trước Uỷ ban đối ngoại về các giải pháp khác nhau đối với Việt Nam do các thành viên của quốc hội đưa ra. Những phiên điều trần theo dự kiến bắt đầu vào ngày 27-10. Có lẽ chúng tôi sẽ điều trần vào ngày 30 hoặc 31 tháng đó. Cùng ngày thứ hai hôm đó thượng nghị sỹ George McGovern trích dẫn lời bức thư của chúng tôi trong một bài phát biểu trước Thượng nghị viện và đưa cả nội dung bức thư vào Hồ sơ của Quốc hội Mỹ.

Khi sếp của tôi là Charlie Wolf, người đứng đầu Phòng Kinh tế, biết tin tôi đã nhận lời mời sau hai tuần nữa sẽ điều trần trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện, ông ta gọi tôi vào phòng làm việc và yêu cầu tôi thôi việc khỏi Rand trước khi tôi xuất hiện để điều trần. Tôi nói không. Ông ta nói: "Tôi yêu cầu anh làm như vậy vì anh đang làm việc cho Rand. Anh đang lợi dụng danh tiếng của Rand, một công ty nổi tiếng vì tính khách quan cao. Anh không nên dính dáng gì đến Rand nữa, bằng cách là xin thôi việc. Khi đó anh tha hồ nói với tư cách cá nhân. Nói cách khác anh đang dùng tên tuổi của Rand để tạo cho những ý kiến của mình một quyền lực mà đáng nhẽ ra không nên đó".

Tôi nói: "Nhưng tôi là một nhà phân tích của Rand. Tôi sẽ không nói nhân danh Công ty Rand, nhưng tôi có quyền xuất hiện trước Uỷ ban đối ngoại thể hiện quan điểm từ Rand, giống như bất cứ ai trong toà nhà này? Làm thế nào mà Rand có được danh tiếng như ngày hôm nay chứ? Đó là nhờ vào công việc của những người như tôi. Ai đang lợi dụng ai? Rand sử dụng sự khách quan của chúng tôi, sự trung thực, tên tuổi và đúng ra là công việc của chúng tôi. Đúng vậy, họ mời tôi vì họ muốn một nhà nghiên cứu của Rand, người đã ký vào bức thư đó".

Tôi nói tiếp: "Charlie, anh có thể sa thải tôi. Nhưng tôi sẽ không xin thôi việc. Anh sẽ phải sa thải tôi nếu anh thực sự muốn vậy".

Charlie tái người và tôi đi ra. Tôi quyết tâm sẽ xuất hiện trước Uỷ ban với tất cả quyền lực mà tôi có - với tư cách trước đây là quan chức của Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao, đã từng hai năm phục vụ tại Việt Nam, trước đây và bây giờ là nhà phân tích của Rand. Do vậy tôi không muốn bị tách rời khỏi Rand trước khi tôi ra điều trần, giờ đây khi tôi đã được mời hẳn hoi.

Một tác động ngầm của lời mời đó là tôi phải thay đổi những ưu tiên và kế hoạch công bố tài liệu mà hàng đêm tôi vẫn đang sao chụp. Tôi nhận ra rằng tôi không thể theo thời hạn của Hội đình hoãn nhập ngũ (Moratorium - Một tổ chức hàng đầu trong phong trào phản chiến ở nước Mỹ những năm 1970 - ND ) giờ đây chỉ còn vài ngày nữa, và tôi phải xuất hiện điều trần trước Uỷ ban với tư cách là một nhân viên làm việc cho Rand vào cuối tháng. Do vậy tôi phải hoãn việc công bố tập tài liệu mật kia lại và tôi sẽ có nhiều thời gian để sao chụp tài liệu hơn. Hơn thế nữa, việc điều trần trước Uỷ ban sẽ cho tôi địa điểm và cơ hội lý tưởng để trao toàn bộ số hồ sơ mà tôi đã chụp được tính đến thời điểm đó.

Cuối ngày hôm đó, tôi nói với Harry rằng Charlie đã yêu cầu tôi xin thôi việc. Harry nói luôn: "Tôi không yêu cầu anh làm việc đó. Thực ra, tôi không muốn anh làm việc đó. Điều đó không có lợi cho chúng tôi". Chúng tôi nói chuyện rất lâu trong phòng làm việc. Lúc đó đã khá muộn. Tôi còn nhớ là anh ấy ngồi trên ghế, hai tay duỗi thẳng khi tôi kể cho anh ấy nghe chi tiết hơn những gì tôi đã kể về cảm nghĩ của tôi về chiến lược của Nixon và chiến lược này sẽ đi đến đâu. Tôi nói một phần chiến lược là giảm lực lượng bộ binh của Mỹ đến mức mà tổn thất và chi phí của lính Mỹ thấp khiến công chúng Mỹ có thể chấp nhận lâu dài. Tôi công nhận rằng trái ngược lại những gì mà mọi người vẫn nghĩ, thực ra Nixon có thể làm được điều đó cùng với thời gian - bằng cách sử dụng lâu dài lực lượng không quân Mỹ để hỗ trợ cho lực lượng không quân Nam Việt Nam và chống lại chính phủ Bắc Việt Nam - mặc dù điều đó không bao giờ có thể khiến Mặt trận dân tộc giải phóng hay chính quyền ở Hà Nội chịu khuất phục và kết thúc chiến tranh.

Harry ngồi trầm tư suy nghĩ. Anh ấy nói: "Nếu ông ta có thể giảm tổn thất về người và của đến mức thấp như vậy, và dư luận Mỹ chấp nhận được điều đó thì có vấn đề gì?"

Tôi nói: "Điều đó có nghĩa là sẽ ném bom Việt Nam vĩnh viễn. Và điều đó đối với tôi là không thể chấp nhận được". Sau đó khi tôi chuẩn bị đi, Harry một lần nữa nói rằng không có gì phải lo lắng về Charlie cả. Tôi nói: "Không chỉ có Charlie. Tôi biết điều này sẽ gây rắc rối cả cho anh. Nhưng đây chưa phải là hồi kết đâu. Tôi sẽ không xin thôi việc. Có thể anh cần phải cân nhắc tới việc sa thải tôi. Tôi sẽ gây cho anh rắc rối to đấy".

Ông ta nói: "Thật vậy sao?" và cười phá lên: "Anh dự định làm gì?"

Tôi nói: "Tôi chưa quyết định".

Điều tôi nói là không đúng và chắc chắn lừa dối anh ta.

Nhưng có một lý do khiến tôi không giải thích thêm gì với anh ta cả. Tôi biết tôi sẽ gây rắc rối lôi thôi to cho anh ta. (Bức thư của chúng tôi không khiến anh ta bị sa thải với tư cách là Giám đốc của Rand, mặc dù những người chỉ trích anh ta đã ra tay nỗ lực rất nhiều hòng làm điều đó, nhưng việc sau này tôi công bố tập tài liệu mật cùng với bức thư là nguyên nhân chính khiến anh ta bị sa thải). Suy nghĩ rằng tôi sẽ làm điều này với người bạn thân nhất của mình là một cân nhắc khủng khiếp nhất mà tôi phải đối mặt trong suốt quá trình công bố tập tài liệu. Tôi nghĩ cách duy nhất mà tôi có thể giúp anh ta vượt qua được tất cả những điều này là không cho anh ta biết tôi dự định làm việc đó. Tôi muốn anh ta sẽ nói với những người hỏi cung rằng anh ta không hề tiên đoán được lại có vụ việc như vậy để ngăn chặn. Cũng vì lý do đó nên tôi cũng không nói gì với Mort Halperin và Les Geth, và bất kỳ ai có thể bị nghi ngờ khi tài liệu mật được công bố. Nhưng trong trường hợp của Harry, điều đó có nghĩa là phải giấu anh ta trong một thời gian dài, một người mà đáng nhẽ ra tôi phải tin tưởng để dốc bầu tâm sự mới đúng.

Chú thích:

(100) "Kính gửi các ngài: Bởi vì hiện nay người dân Hoa Kỳ" - Ellsberg và nhiều người khác, thư gửi Thời báo New York, tài liệu không xuất bản .

CHƯƠNG 22

Khi Nhà Trắng thông báo Tổng thống sẽ có bài phát biểu quan trọng về Việt Nam vào ngày 3-11-1969, Fulbright đã hoãn buổi điều trần theo dự kiến để chờ xem nội dung và phản ứng của công chúng đối với bài phát biểu. Tôi vẫn chờ để trình bày trước Quốc hội và đêm đêm tiếp tục sao chụp Bản nghiên cứu McNamara để chuẩn bị trước. Ngày 15-10, cuộc biểu tình chống nhập ngũ, chống chiến tranh đã diễn ra với quy mô lớn chưa từng có. Ngày 15-10, biểu tình sẽ còn lan rộng cả ở Washington dù cho Tổng thống tuyên bố ông không bận tâm tới những cuộc biểu tình như thế.

Sau ba năm xa cách, Patricia và tôi đã có khoảng thời gian ngắn ngủi bên nhau, một lần vào tháng Năm và lần nữa vào mùa hè. Chúng tôi đã sắp xếp tới với nhau một tuần tại nhà tôi ở Malibu , bắt đầu từ mồng 2 -11. Chiều muộn hôm đó khi tôi đang đợi cô ấy tới thì chuông điện thoại reo. Đó là Sam Brown gọi từ Washington . Anh là một trong bốn người điều phối Hội đình hoãn nhập ngũ. Chúng tôi chưa bao giờ nói chuyện với nhau. Anh muốn tôi tới Washington vào tối hoặc sáng sớm hôm sau để tham gia với Ban chấp hành của Hội, bàn thảo đưa ra phản ứng đối với bài phát biểu của Nixon vào tối hôm đó, rồi sẽ vận động quốc hội về vấn đề này. Họ sẽ chi trả tiền đi lại và ăn ở cho tôi. Khi chúng tôi đang nói thì có tiếng gõ cửa. Patricia đi tắc-xi từ sân bay tới. Tôi ra hiệu cho cô ấy là tôi đang có điện thoại rồi để cô ấy tự vào. Khi Patricia trả tiền tắc-xi và mang túi vào thì tôi nói tiếp với Brown. Những gì anh nói có vẻ quan trọng. Tôi nói tôi sẽ tới.

Thật là một tình huống tế nhị. Có lẽ lần này chúng tôi được ở gần nhau lâu nhất trong suốt ba năm, nhưng chúng tôi lại sắp xếp trước khi tôi sao chụp đống tài liệu. Tôi vẫn muốn Patrcia đến, nhưng vẫn muốn tiếp tục công việc của mình, cũng chẳng thích từ chối đề nghị của Brown. Ngoài ra, tôi nghĩ đó sẽ là cơ hội để tôi gửi những tài liệu được cho Fulbright.

Khi tôi gác máy, tôi kể với Patricia và nói sáng hôm sau phải đi Washington. Tôi e nói vậy thật chẳng khác gì, năm 1966 khi tôi nói với cô ấy tôi đã tình nguyện sang Việt Nam. Ít nhất thì lần này tôi đã nói tôi sẽ rất sung sướng nếu cô ấy cùng tôi tới Washington. Thật ngạc nhiên là Patricia đã rất bình thản và còn đồng ý ngay lập tức. Sáng sớm hôm sau chúng tôi ra sân bay, Patricia mang theo cái vali còn chưa kịp mở, tôi thì mang một nghìn trang đầu của tập Nghiên cứu McNamara để ở đáy vali, dưới đống áo sơ mi.

Theo kế hoạch, Nixon sẽ phát biểu về Việt Nam vào bảy giờ tối hôm đó, và do máy bay mãi hơn năm giờ mới tới nên chúng tôi quyết định từ Dulles đi thẳng tới trụ sở của Hội đình hoãn nhập ngũ. Tổng thống chuẩn bị bắt đầu khi chúng tôi chạy vào văn phòng, đồ đạc vẫn trên tay. Chúng tôi bắt tay mọi người rồỉ tất cả cùng ngồi trước tivi. Mọi người đều cho là đứng trước số lượng người khổng lồ tham gia biểu tình tháng mười, Nixon sẽ tìm cách hạ thấp cuộc biểu tình vào ngày 15-11 của chúng tôi. Mọi người trong phòng cá với nhau xem ông ta sẽ tuyên bố rút bao nhiêu quân. Hai mươi lăm nghìn? Thế có lẽ quá ít. Năm mươi nghìn? Một trăm nghìn?

Chúng tôi chăm chú nghe ông ta thông báo. Nhưng khi bài phát biểu kết thúc, chúng tôi không thể tin vào tai mình. Ông ta không hề thông báo sẽ rút thêm quân!

Chúng tôi chẳng hy vọng ông ta sẽ tuyên bố rút quân, nhưng ông ta thậm chí còn không tuyên bố (giả vờ) rút quân chiếu lệ vào lúc này. Ngược lại, ông ta đưa ra những điều kiện xương xẩu trước khi nước Mỹ có thể rút hoàn toàn. Hoặc là Hà Nội phải từ bỏ mục tiêu thống nhất Việt Nam và các lực lượng nước ngoài phải rút quân và từ bỏ quyền kiểm soát, hoặc chế độ Sài Gòn phải có khả năng tự mình đương đầu với những thách thức. Một thực tế tương đối rõ ràng là cả hai khả năng này chẳng bao giờ trở thành sự thực. Trước phong trào phản chiến lớn nhất mà chưa Tổng thống Mỹ nào phải đối mặt, ông ta đã lựa chọn giải pháp là tiếp tục đối đầu với những yêu sách của những người biểu tình.

Tổng thống đã liều lĩnh một cách khó hiểu. Ông ta không có vẻ gì là quan tâm tới tâm trạng của người dân, và điều đó tạo cho chúng tôi thêm nhiều cơ hội để kêu gọi phản đối chính sách của Tổng thống. Chúng tôi nghĩ, chính Nixon đã làm số người tới đây tham gia biểu tình tăng gấp đôi.

Sáng hôm sau, theo sắp xếp tôi tới gặp mười nghị sỹ có tư tưởng cấp tiến, đứng đầu là ba nghị sỹ Abner Mikva, Robert Kastenmaier và Don Edwards, những người đã làm việc cùng nhau và tự gọi là Nhóm. Họ đã xem bản ghi nhớ của Rand, và tôi đưa họ bản sao chụp tài liệu. Sau khi tôi trình bày về bài phát biểu của Nixon, Mikva đề nghị tôi thảo cho họ một tuyên bố theo những ý bình luận của mình. Tôi có một văn phòng, một cái máy chữ và bắt đầu công việc. Đầu giờ chiều tôi chuyển cho trợ lý của Mikva một giác thư bốn trang có tiêu đề "Cuộc chiến tranh của Nixon ". Bức thư bắt đầu như sau: "Tối thứ hai Tổng thống đã sử dụng một tiêu chuẩn sai lệch và tuyên bố cuộc chiến tranh của Nixon. Nhìn kỹ hơn, cuộc chiến mà ông ta tiếp tục theo đuổi đáng buồn thay lại tương tự với cuộc chiến của Johnson: cam kết theo đuổi ở Việt Nam những mục tiêu không thể đạt được, một cuộc chiến không hồi kết cả về thời gian, cả về tiền bạc và hoả lực Mỹ để chống lại người Việt Nam".

Ngày hôm sau, mồng 5-11, Hạ nghị sỹ Don Fraser đã lấy toàn bộ bức giác thư của tôi để làm bài phát biểu trước Hạ viện. Trong lúc đó, cả mười thành viên của Nhóm đã ký chung một bức thư gửi "Đồng nghiệp thân mến" kêu gọi đồng bảo trợ cho một nghị quyết sẽ được giới thiệu trong thời gian ngắn nhất. Tuyên bố đi kèm với nghị quyết mở đầu bằng phần đầu tiên trong giác thư của tôi, có chỉnh sửa chút ít:

"Thiếu sót cơ bản nằm ở việc hạn chế lựa chọn một trong hai khả năng: "thúc đẩy" rút quân hoặc cam kết làm chỗ dựa vô thời hạn về quân sự cho chính quyền Sài Gòn hiện tại (với một hy vọng hão huyền là cuối cùng sẽ chuyển giao chiến tranh trên bộ cho quân đội Nam Việt Nam). Chúng tôi không đề nghị cả hai khả năng này, và chúng tôi thấy chính sách Việt Nam của Tổng thống đã bị nhận thức sai lầm một cách bi thảm vì ba lý do chủ yếu".

Ba đoạn tiếp theo được lấy nguyên xi từ bản ghi nhớ của Rand. Tuyên bố kết thúc như sau: "Vì những lý do chúng tôi đã nêu trên", cần phải "kiên quyết rằng theo Quốc hội, quân lực Mỹ ở Nam Việt Nam cần phải được rút một cách có hệ thống theo một lịch trình trật tự và cố định - không thúc đẩy hoặc phụ thuộc vào những yếu tố nằm ngoài sự kiểm soát của chúng ta - sao cho có đủ thời gian cần thiết để (a) bảo đảm sự an toàn của binh lính Mỹ, (b) bảo đảm tù nhân Mỹ sẽ được trả tự do, (c) hỗ trợ bất kỳ người Việt Nam nào mong muốn được tị nạn, và (d) tạo điều kiện để Mỹ có thể bố trí có trật tự các trang thiết bị ở Nam Việt Nam".

Đây là lần đầu tiên trong đởi, tôi trao đổi với các nghị sỹ về một phần dự luật và đã giúp thảo ra dự luật đó. Một tuần trước cũng là lần đầu, tôi thực sự được chuẩn bị một bài phát biểu cho một nghị sỹ. Các nhân viên của Rand thỉnh thoảng cũng làm vậy với những dự án mà họ có được sự bảo trợ của ít nhất một vài quan chức cao cấp trong không quân. Nhưng đây thực sự là phá lệ khi làm việc trực tiếp với những nghị sỹ phản đối chính sách của Tổng thống, công khai chỉ trích và thách thức chính sách đó, mà không có sự ủng hộ ngầm của bất kỳ ai trong nhánh hành pháp.

Chiều hôm sau, tôi gặp Jim Lowenstein, trợ lý của Fulbright, người đã mời tôi tới dự buổi điều trần trước khi nó bị hoãn, và Norvil Jones, trự lý pháp lý của Fulbrightt. Lần đầu tiên tôi kể cho họ Bản nghiên cứu McNamara là gì và làm thế nào để sử dụng nó làm cơ sở cho buổi điều trần. Họ quyết định là tốt hơn hết Fulbright nên trực tiếp nghe tôi nóỉ.

Lúc đó là chiều muộn, văn phòng của Fulbright đã tối om, vài ánh đèn leo lét. Tôi đem theo Hồ sơ Lầu Năm Góc , tất cả tôi đã sao chụp và lôi từ va li rồi cho vào hai cặp tài liệu. Tôi ngồi trên ghế sofa, đặt cặp tài liệu bên cạnh. Tôi nói với họ những điều cơ bản về Bản nghiên cứu McNamara và tại sao tôi cho rằng Quốc hội và công chúng cần phải có được Bản nghiên cứu này. Hầu hết thông tin đã bị giấu kín với Quốc hội dù chúng liên quan chặt chẽ với những gì đang diễn ra. Tôi trình bày cách hiểu của tôi về chính sách của Nixon và tác động của nó - chiến tranh sẽ tiếp tục và ngày càng lan rộng. Fulbright đồng ý với tôi, nhưng ông nói phản ứng ban đầu đối với bài phát biểu của Nixon cho thấy rằng rất nhiều người, kể cả những người trong Uỷ ban của ông, đang ngờ nghệch tin vào những thứ họ muốn tin, rằng Nixon đang rút khỏi Việt Nam.

Tôi nói với họ rằng tôi không có tài liệu chứng minh điều ngược lại, nhưng câu chuyện này cho thấy vẫn một kiểu lừa như thế, vẫn những kế hoạch và mối đe doạ bí mật hòng leo thang chiến tranh, vẫn những dự đoán nội bộ đầy bi quan, và vẫn những hứa hẹn trước công chúng như suốt thời kỳ của bốn Tổng thống trước. Đưa những điều đó ra ánh sáng với những bằng chứng nội bộ sẽ giúp công chúng hiểu được vị Tổng thống thứ năm dính líu đến cuộc chiến Việt Nam đang làm gì. Thay vì coi việc leo thang chiến tranh là việc đã rồi, Quốc hội sẽ có thể kịp thời có biện pháp ngăn chặn.

Tôi nói tôi đã nghĩ tới việc đưa những tài liệu này đăng tải qua báo chí và đã chuẩn bị trước, nhưng với tôi, có lẽ tốt nhất là nên báo cáo những điều này trong các buổi điều trần của quốc hội. Dù sao đi nữa thì những tài liệu này cũng không thể nói lên tất cả. Có những khía cạnh quan trọng của chính sách này không bao giờ được ghi chép lại, và chỉ có những người trong cuộc mới có thể làm sáng tỏ. Quốc hội có thể triệu tập các nhân chứng cả ở các phiên kín và các phiên công khai và yêu cầu họ giải thích về những khác biệt giữa những tài liệu và những gì họ tuyên bố trước công luận. Trong quá trình đó, các thượng nghị sỹ và đội ngũ trợ lý của họ có thể tìm ra được sự thật từ các nhân chứng, điều mà chẳng ai dám mơ tới nếu không có bằng chứng từ những tài liệu này, những tài liệu mà có thể sử dụng làm nền tảng cho một kiểu chất vấn độc nhất vô nhị.

Tôi kể với ông về kinh nghiệm của bản thân, khi đó là vào năm 1964, chính Fulbright cũng đã bị lừa dối khi xử lý Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Tôi nói, mãi cho đến tháng hai, khi kết thúc điều trần về vụ việc đó, ông vẫn đinh ninh tin vào báo cáo của McNamara. Fulbright ngắt lời tôi, nói rằng họ đã nghe nói tới nghiên cứu của Joseph Ponturo về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ viết cho Cơ quan tác chiến chiến dịch của Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân, nhưng Bộ Quốc phòng đã từ chối cho họ tiếp cận tài liệu này. Tôi nói tôi đã sao nguyên văn hầu hết những ghi chép của mình từ nghiên cứu đó và có mang theo.

Fulbright có vẻ rất hứng khởi khi nghe những gì tôi nói.

Ông nói tôi nên đưa tài liệu cho Jones và họ sẽ tiếp tục chuẩn bị cho buổi điều trần. Tôi cũng nóỉ rõ ràng là việc tôi sao chụp những tài liệu này khiến tôi có nguy cơ bị truy tố. Chẳng hay ho gì khi phải vào tù, nên tôi hỏi liệu có thể sử dụng tài liệu mà không tiết lộ tôi là người cung cấp hay triệu tôi tới để điều trần.

Tôi thích thế hơn, nhưng vấn đề quan trọng là làm thế nào sử dụng tốt nhất những tài liệu đó. Tôi sẵn sàng trước mọi điều có thể xảy ra. Ví dụ như, nếu họ gọi tôi tới điều trần về tính xác thực của nghiên cứu này, hoặc giả nếu cần chuẩn bị tài liệu và gửi tới Uỷ ban thì cứ gọi tôi.

Fulbright nói: "Tôi không nghĩ cần thiết phải làm như thế. Chúng ta có thể xử lý bằng nhiều cách. Tôi không nghĩ chúng tôi phải nêu ra là nhờ anh chúng tôi mới có được những tài liệu này. Chỉ có điều, chúng ta nên sẵn sàng đưa ra chính thức trước chính quyền nếu cần thiết. Nếu họ ỉm tài liệu này đi, chúng ta có thể yêu cầu những tài liệu chi tiết. Giờ thì chúng tôi biết cần gì rồi, sẽ không phải phiền anh tí nào đâu".

Tôi nói với tôi thế thì ổn quá. Tôi chỉ muốn mọi người hiểu rằng tôi không muốn họ phải quá lo lắng về những thứ có thể xảy ra với tôi khiến ảnh hưởng tới công việc này. Không phải là không quan trọng, nhưng kể cả thế đi nữa thì đó cũng không phải là điều đáng bận tâm nhất. Tôi đã đâm lao rồi. Điều gì làm cho công việc được trôi chảy nhất thì phải làm cho bằng được.

Tôi sẵn sàng ngồi tù, vì dù sao đó cũng là điều tôi đã dự liệu khi bắt đầu sao chụp tài liệu một tháng trước. Fulbright nói ông ngưỡng mộ tinh thần của tôi và rất biết ơn vì những gì tôi đã làm. Nhưng ông nghĩ là không đến mức phải như thế. Quốc hội có quyền biết thông tin này, và lẽ ra phải được biết sớm hơn nhiều, ông không nghĩ rằng một cựu quan chức có thể bị tống vào tù vì đã dũng cảm báo cáo tài liệu này cho Quốc hội.

Ông đứng lên, chúng tôi cũng đứng lên theo và chuẩn bị đi ra. Nhưng tôi còn một thứ phải làm. Dù có thế nào chăng nữa, tôi muốn nói rằng tôi đã nỗ lực để đưa tài liệu này cho Chủ tịch Uỷ ban đối ngoại của Thượng viện. Tôi muốn trực tiếp đưa cho ông ít nhất một phần trong nghiên cứu này, và trước sự chứng kiến của những người khác.

Tôi đã chụp thêm một bản tập tài liệu về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ , cùng với những ghi chú của tôi về Nghiên cứu Pontoro . Tôi hỏi liệu ông có muốn xem qua không. Ông đáp: "Tôi thực sự muốn". Miệng ông cười thật tươi, rộng như giọng miền Nam kéo dài của ông vậy. Ông vươn tay nhận tập tài liệu tôi đang cầm trước mặt những người trong phòng. Ông nói ông sẽ đọc ngay lập tức và tôi có thể tin ông sẽ làm đúng như thế.

Tôi biết rằng tập tài liệu này không nêu thẳng thắn bằng các tập còn lại, nhưng lại gây ấn tượng hơn nhiều. Một sĩ quan không quân làm việc cho McNamara theo nghiên cứu này đã viết trong vài ngày sau khi diễn ra cuộc điều trần của nghị sỹ Fulbright về cùng nội dung trên. Anh này đã rất cẩn thận không tiết lộ những chi tiết mâu thuẫn trong phân tích về tường trình của McNamara trong những phiên điều trần đồng thời. Theo như tôi biết thì đó là tập duy nhất phụ thuộc vào một mức độ tự kiểm duyệt nhất định. Nhưng tôi biết rằng thế cũng đủ gợi mở để khiến Fulbright nổi xung lên rồi.

Chúng tôi để Fulbright ở lại trong văn phòng. Vào phòng bên cạnh, tôi dốc hết cặp xách trên bàn của Norvil Jones và hứa rằng tôi sẽ gửi cho anh ấy số tài liệu còn lại ngay khi tôi sao chụp xong.

Sau khi chúng tôi từ Washington trở về vào ngày 6-11, Patricia tới Seattle vài ngày với một người bạn thân đang chuẩn bị lập gia đình. Tôi trở lại với thói quen đêm đêm nhét đầy cặp Bản nghiên cứu McNamara và lái xe tới văn phòng của Lynda Sinay ở Hollywood để sao chụp. Tôi vẫn ngủ ít. Vẫn như trước, tôi lên giường đi ngủ vào khoảng chín mười giờ sáng và ngủ tới ba bốn giờ chiều, rồi làm ở Rand tới tám chín giờ, rồi ra về để hoàn thành công việc ban đêm ở Đại lộ Melrose. Tôi vẫn hy vọng Fulbright sẽ điều trần trước Uỷ ban đối ngoại của Thượng viện về vấn đề rút khỏi Việt Nam, dù cho ông vẫn chưa sắp xếp lại lịch cho vấn đề này. Tôi muốn sao chụp càng nhiều tài liệu càng tốt, trước khi diễn ra buổi điều trần, cũng như tranh thủ lúc Patricia còn chưa quay về. Tôi chưa hề nói gì với cô ấy về những gì tôi đang làm với đống tài liệu này. Tôi không muốn cô ấy hay ai đó giúp tôi sao chụp phải dính líu vào vụ này. Tôi chỉ nói với Janaki, và là qua điện thoại. Cũng vì thế, tôi cũng đã có ý nói với Randy Kehler trước tháng mười hai, khi anh phải vào tù. Tôi muốn cho họ biết rằng họ đã ảnh hưởng đến tôi nhiều đến thế nào. Tôi muốn họ biết rằng tôi đã đi theo cái cách mà họ đã sống.

Đến giờ công việc thật là cực nhọc, nhưng tôi vẫn làm một mình. Lynda và Tony không đến nữa. Tôi làm cả đêm, sao chụp và so sánh đối chiếu, rồi lại có mặt ở Rand vào khoảng tám giờ.

Trước đó tôi để các bản sao ở nhà một người bạn. Tôi lái xe về nhà theo xa lộ Pacific, ngược đường buổi sáng, tắm biển trước khi lên giường đi ngủ. Tôi bắt đầu thấy lạnh và không thể ở dưới nước quá lâu, nhưng lướt vài con sóng thật quá mê ly và tôi chẳng biết mình có thể lướt tiếp bao lâu nữa. Vì thế, trên thế giới này với tôi chẳng có nơi nào dễ chịu hơn bãi biển Las Tunas ở Malibu. Đó là một bãi biển hẹp, vào mùa đông, những con sóng khi triều lên có thể tràn tới cả những mái nhà tranh ven bờ, cùng những con sóng cao thật thích hợp để lướt ván thì chỉ cách nhà có vài mét. Suốt từ tháng mười đến giữa tháng mười một, khi thời gian để tôi công bố những tài liệu chỉ tính bằng ngày, bằng tuần, sau một đêm sao chụp tài liệu tôi thường ra ngắm nhìn những con sóng nối đuôi nhau tràn vào bờ ngay trước hiên nhà, ngước nhìn bầu trời, chiêm ngưỡng những ngọn đồi nằm về một bên, và nghĩ rằng, làm sao mình có thể từ bỏ công việc này được.

CHƯƠNG 23

Cuối năm 1969 tôi tính rằng mình có lẽ còn phải ở lại làm việc cho Rand thêm một năm rưỡi nữa. Tôi nghĩ Nixon sẽ rút quân chậm chạp và Bắc Việt có xu hướng để yên cho ông ta hành động mà không gây rắc rối gì. Cuối cùng, khi ông ta dần ổn định được tình hình và dần chấm dứt rút quân, thương vong của quân Mỹ cũng giảm dần do các đơn vị lính Mỹ không còn tham gia các hoạt động tấn công quân sự quy mô lớn, thì Bắc Việt có lẽ sẽ làm nóng chiến trường với hy vọng rằng điều đó sẽ gia tăng sức ép của công chúng đối với Nixon để ép ông ta giảm quân hoặc rút hẳn khỏi Việt Nam. Từ những gì Mort nói thì tôi e rằng nếu như vậy, Nixon sẽ lại leo thang bằng cách nối lại các đợt không kích ác liệt vào miền Bắc. Nhưng điều đó hầu như chỉ diễn ra sau một năm rưỡi hoặc hai năm tới. Trong thời gian đó, công chúng có lẽ chẳng phản ứng gì mấy trước những chỉ trích đối với chính sách của Tổng thống, do họ tin rằng ông ta vẫn đang dần rút hẳn.

Nixon cố ý cho Hà Nội biết ông ta sẵn sàng mạnh tay hơn cả Johnson bằng hành động chứ không chỉ nói suông nếu như Bắc Việt tiến công lớn vào các mục tiêu của Quân lực Việt Nam cộng hoà hay số quân Mỹ còn lại. Halperin đã hiểu việc bí mật ném bom Campuchia bí mật theo ý như vậy và nghĩ rằng sẽ còn có thêm những hoạt động nữa. Nhưng Nixon vẫn giấu kín vụ ném bom này.

Như tôi đã đề cập, tình hình đã được miêu tả một cách thật mỉa mai, do trên trang nhất tờ Thời báo New York vào tháng ba xuất hiện một bài báo của William Beecher miêu tả vụ ném bom này. Nhưng khi Lầu Năm Góc bác bỏ bài báo thì cả báo giới, Quốc hội và công chúng đều chấp nhận bác bỏ này và để vấn đề trôi qua. Và dù cho các hoạt động ném bom không hề giảm bớt, vẫn không có thêm một bài báo nào, và người ta vẫn gửi đến Quốc hội những báo cáo tối mật, nhưng lại sai sự thật, về các mục tiêu tấn công. Trong những ngày này chính quyền chỉ dùng mỗi một cách là bác bỏ thông tin để ỉm đi sự thật. Nhiều người vẫn coi L.B. Johnson là một kẻ nói dối, nhưng cả báo giới và công chúng vẫn không thực sự biết họ bị L.B. Johnson lừa tới mức nào, chưa nói đến những người tiền nhiệm, và giờ đây là người kế nhiệm của ông ta.

Đối với tôi Hồ sơ Lầu Năm Góc , cũng như những câu chuyện lịch sử, không còn là một công cụ hữu hiệu để chống lại chính sách của Nixon. Tài liệu cuối cùng là vào tháng 3-1968, khá lâu trước khi Nixon lên cầm quyền. Ông ta đã thuyết phục dân chúng Mỹ rằng ông ta có một chính sách mới. Có lẽ Hồ sơ Lầu Năm Góc khó thay đổi được nhận thức sai lệch này.

Theo lời Fulbright thì nếu như công bố những hồ sơ đó vào lúc này thì người ta coi đó "chỉ là lịch sử" và nó chẳng thể có mấy ảnh hưởng tới quá trình mà Nixon được coi là đang tiến hành để dần rút khỏi Việt Nam. Nếu tôi cho lập luận rằng việc cả bốn Tổng thống trước đều lừa bịp theo một cách giống nhau có thể gợi ý rằng Nixon rồi cũng có thể đánh lạc hướng đất nước này theo chủ ý của ông ta, thì cảnh báo này của tôi sẽ bị coi là hoài nghi quá đáng, kiểu như một sự cảnh báo về việc leo thang hoặc kéo dài chiến tranh thêm nhiều năm nữa. Tôi tin rằng trước sau gì cả hai điều này cũng sẽ xảy ra, nhưng đồng thời tôi cũng nghĩ trong thời gian gần thì không việc gì phải vội đưa công khai những tài liệu này. Cũng không cần phải ủng hộ Uỷ ban đòi hoãn nhập ngũ nữa. Sau phát biểu ngày 3-11 của Nixon và việc hai cuộc biểu tình khổng lồ tỏ ra thiếu hiệu quả, chiến dịch này có vẻ đã xì hơi.

Nhưng cuối cùng Hồ sơ Lầu Năm Góc có thể sẽ đưa đất nước thoát khỏi chiến tranh. Một ngày nào đó, chúng sẽ giúp đa số trong Quốc hội có dũng khí đứng lên thách thức Tổng thống và chấm dứt chiến tranh bằng cách cắt ngân sách. Đó là vào lúc có đủ số nghị sỹ nhận ra lịch sử của những trang tài liệu đang được tái diễn. Để chuẩn bị cho tình hình đó, dù không cần quá vội vàng, tôi tiếp tục sao chụp phần còn lại của tập tài liệu và gửi tới Fulbright.

Tôi mang theo những tài liệu này trong một chuyến tới New York phòng trường hợp tôi xuống Washington. Tôi còn khoảng ba nghìn trang. Tôi gọi và báo cho Norvil Jones - trợ lý của Fulbright - tôi mang theo cái gì. Anh gợi ý khi tới sân bay để về Los Angeles thì tôi nên gửi bằng đường không cho nhanh và an toàn. Tôi không chắc những thứ tôi mang theo có bản sao dự phòng không, nên tôi tra danh bạ tìm một cửa hàng sao chụp gần khách sạn. Tôi gọi thử một cửa hàng. Họ nói họ sẽ làm ngay khi tôi mang tài liệu đến.

Cửa hàng sao chụp là một căn phòng đông đúc nằm trên một toà nhà văn phòng rộng. Tôi điền phiếu yêu cầu. Người thư ký ở đó nói phải mất vài tiếng. Trước khi đưa cho họ, tôi quyết định xem qua xem tài liệu có theo đúng thứ tự không. Trong vòng vài giây, tôi bắt gặp một trang ghi rõ "Tối Mật". Tôi vội lật qua và xem tiếp. Qua vài trang, tôi lại gặp một trang như vậy, phần trên của nét chữ bị mất, nhưng vẫn đọc được. Do một vài ký hiệu trên trang bị ghi quá thấp, mà những người phân loại và giải mã thì chỉ đọc phần trên của các trang nên đã không bỏ đi những trang ghi thấp như vậy. Tôi đóng tập tài liệu lại, lấy từ quầy thu tiền nhét lại vào cặp xách. Tôi không biết những người photocopy sẽ phản ứng thế nào nếu họ nhìn thấy những ký hiệu đó, nhưng dù sao cẩn thận vẫn hơn.

Tôi nói với người phụ nữ đứng ở quầy thu ngân là tôi sẽ chóng quay trở lại rồi đi ra ngoài. Tôi mua một cái kéo to ở cửa hàng văn phòng phẩm. Gần đó có một tiệm cà phê. Tôi ngồi ở một bàn giữa tiệm, đặt cặp xách trên ghế cạnh chỗ tôi gọi một cốc cà phê và một ổ bánh mỳ ngọt. Giờ ăn sáng qua đã lâu nên ở đây tôi là khách hàng duy nhất. Tôi đặt một chồng tài liệu trước mặt và bắt đầu kiểm tra từng tờ một, tờ sau úp lên tờ trước. Được vài trang thì thấy một trang có ghi chữ "Tối Mật" để ngang với số trang. Tôi dùng kéo cắt lề trên và nhét giấy vụn vào túi áo mưa. Cứ khoảng nửa giờ tôi lại gọi một cốc cà phê hoặc nước hoa quả rồi làm tiếp.

Những người đứng sau quầy thu tiền chẳng hề để ý gì đến tôi, nhưng càng lúc thì quán càng đông. Đột nhiên một nhóm người rất đông bước vào chật kín cả quán và đứng đợi để mua đồ ăn mang về. Lúc đó là giờ ăn trưa của các cơ quan xung quanh.

Để giữ chỗ tôi phải gọi đồ ăn trưa, khiến trên bàn chẳng còn chỗ để đống tài liệu nữa. Tôi còn hơn một nghìn trang chưa xem qua.

Tôi rút một tập tài liệu rồi để nghiêng trong lòng, mở xem vài trang một lúc để xem có ký hiệu tối mật trên đầu hay cuối trang nào không.

Cứ độ bốn mươi năm mươi trang lại có một trang như vậy.

Không muốn để ai nhìn thấy, tôi để trang giấy ngay trước ngực, lấy kéo cắt phần đầu trang hoặc cuối trang rồi lại nhét giấy vụn vào túi áo. May là mọi người xung quanh đều đang bận ăn.

Trong quán rất ồn. Hành động của tôi rõ ràng là bất thường, nhưng tôi cố gắng tỏ ra tự nhiên và những người New York chẳng có vẻ gì là quan tâm cả. Cứ một lúc tôi lại ăn vài miếng.

Cuối cùng thì quán lại trống trơn, nhanh như khi toán khách kia bước vào vậy. Chỉ còn lại có một mình, tôi không phải để vài trăm trang còn lại sát trước ngực để kiểm tra nữa. Khi xong việc thì túi tôi đã ních chặt những dải giấy vụn ghi ký hiệu "Tối Mật".

Tôi quẳng hết vào một thùng rác ven đường.

Tôi mang cặp xách trở lại hàng photocopy và đưa cho họ để chụp. Phải mất một lúc khá lâu, vì thới đó thì cả những cái máy photocopy to chạy cũng chẳng nhanh lắm. Hết cả thảy khoảng ba trăm đô la. Tới sân bay tôi lại tốn thêm bốn lăm đô la để đóng gói tài liệu và gửi cho Norvil Jones tại Uỷ ban đối ngoại Thượng viện. Tôi gọi nói với Norvil tài liệu đang được chuyển đi rồi.

Anh nói: "Thật tuyệt, chúng tôi đang sốt ruột đây? Đương nhiên là chúng tôi sẽ thanh toán chi phí cho anh".

Tôi đã ngạc nhiên. Anh ấy không hề nói trước về điều đó.

Nghe vậy tôi rất mừng. Photocopy một trang mất mười cents thì sao chụp cả tập tài liệu hết cả thảy bảy trăm đô la. Tôi đã tốn vài nghìn đô la để sao chụp rồi. Nhưng những thứ gửi cho Fulbright chỉ là một phần trong số đó, cho nên tôi quyết định chỉ nói số tiền để chụp và gửi tập tài liệu tôi vừa gửi. Tôi nói: "Hay quá? Tôi không định nói, nhưng được thế thì tốt quá. Tôi mất ba trăm bốn lăm đô la để chụp và gửi tập tài liệu gửi cho anh đó".

Anh ấy có vẻ bị sốc: "Ô, Chúa ơi, chúng tôi không chi tiền sao chụp đâu".

Tôi nói: "Thế anh định đề nghị gì đây?"

"Trả tiền cước vận chuyện thôi".

Tôi nói: "Thế thì thôi".

Ngày 7-4-1970, sinh nhật tôi, vợ cũ của tôi gọi đến. Thật là bất thường. Carol kể rằng trước đó 6 tuần, các nhân viên FBI đã đến gặp cô ấy, yêu cầu nói với họ về những tài liệu tối mật mà chồng cũ đã sao chụp. Họ nói tôi đã gửi những tài liệu này cho hai Thượng nghị sỹ Fulbright và Goodell. Cô ấy đã từ chối nói chuyện với họ mà không có luật sư riêng, nhưng họ đã không cho. Rồi họ đến gặp luật sư của cô ấy về vấn đề này, rồi anh này đã khuyên Carol nên kể với tôi. Thế là trong ngày sinh nhật thứ ba chín của mình, tôi và Patricia đã phải suy tư thật nhiều.

Ngày hôm sau, Carol và luật sư đã từ chối nói chuyện với FBI. Nhưng tôi cho rằng bước tiếp theo FBI sẽ tìm đến tôi ở Rand hoặc yêu cầu nói chuyện với Harry Rowen. Dường như thế là hết. Tôi không muốn bị bắt ở Rand. Tôi không muốn để Harry phải liên luỵ. Tôi muốn không dính gì với Rand khi FBI chất vấn tôi và điều này có thể xảy ra bất kỳ lúc nào.

Sáng sớm hôm sau tôi gọi Everett Hagen, giáo sư kinh tế, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu quốc tế ở Học viện công nghệ Massachusens (MIT). Trước đó khoảng một hai tháng ông đã gọi cho tôi và đề nghị tôi làm nghiên cứu viên cao cấp một năm ở Trung tâm và viết một cuốn sách nếu như tôi muốn. Ông đã đề cập tới Bill Bundy, một nghiên cứu viên của trung tâm và đang viết một cuốn sách về Việt Nam, và việc một sinh viên nào đó tỏ ra bất bình do chẳng có ai đủ tầm để phê phán chiến tranh. Ông nói rất thẳng thắn rằng ông muốn tôi làm ở đó một phần là để đối trọng với Bundy. (Sau đó Bundy đã đề cập trong một cuốn sách là chính ông đề nghị giới thiệu tôi với Hagen). Khi tôi từ chối đề nghị của Hagen, tôi nghĩ rằng mình có thể viết ở Rand cũng như ở bất kỳ nơi nào khác. Nhưng cảnh sát sẽ sớm gõ cửa nhà tôi, và tôi không muốn đó là cánh cửa văn phòng của Rand.

Tôi hỏi Hagen liệu đề nghị còn giá trị không và tôi có thể viết những gì tôi muốn không. Ông nói rất sung sướng nếu tôi bắt đầu ngay lập tức và thậm chí chẳng ai ngó tới tôi viết gì cho tới khi tôi xuất bản những thứ tôi viết. Tôi được đề nghị mức lương bằng với Bundy, mức lương cao nhất của MIT. Nó chỉ bằng một nửa mức tôi nhận ở Rand, nhưng đó không phải là vấn đề đối với tôi. Tôi đồng ý ngay lập tức và sắp xếp để tuần sau đó tới MIT để ký hợp đồng.

Lúc về văn phòng tôi ghé thăm Harry Rowen. Tôi nói mình nghĩ đã đến lúc rời Rand. Anh không hề phản đối gì cả. Tôi nói rất chân thật, và anh cũng chân thành đồng ý, rằng đúng, thế là tốt nhất. Dù sao thì nói nhẹ đi cũng là phong cách bình thường của anh ấy. Nhưng tôi hiểu việc anh chấp nhận ngay lập tức quyết định của tôi chứng tỏ nó làm anh nhẹ gánh nhiều sau vài tháng vừa rồi. Anh chỉ nói: "Thật quá tệ khi phải kết thúc như thế này".

Charlie Wolf, trưởng phòng của tôi, còn kiềm chế thất vọng giỏi hơn vậy. Một lần nữa tôi lại được mời đến để điều trần trước Uỷ ban của Fulbright vào ngày 13-5, và ông nghĩ rằng tôi nên rời Rand trước ngày đó càng sớm càng tốt, vì vậy ông đề nghị tôi đi hẳn từ ngày 15-4. Điều đó thật trùng khớp với những lo lắng của tôi. Tôi e FBI có thể triệu tập tôi bất kỳ ngày nào. Ông muốn tôi vẫn làm cố vấn cho Rand để tôi có thể hoàn thành chuyện đề dang dở "Judo cải tiến". Chính vì lợi ích của Rand nên tôi thấy miễn cưỡng khi duy trì mối liên hệ này. Nó cũng trái với mục đích của tôi khi rời đi. Nhưng tôi phải nói đồng ý vì chẳng thể đưa ra được lý do nào hợp lý cả.

Thứ hai, ngày 13-5, tôi bay tới Boston, rồi từ sân bay đi thẳng tới Trung tâm ở MIT, để ký hợp đồng. Janaki, một nghiên cứu sinh cao học ở Đại học Harvard, đón tôi ở đó. Chúng tôi đi theo xa lộ Memorial chạy dọc sông Charles về nhà cô ấy.

Tôi không nói với Janaki rằng tôi để trọn bộ tập Hồ sơ Lầu Năm Góc trong cốp chiếc Volkswagen của cô ấy. Khi chúng tôi tới gần Harvard, chúng tôi thấy một đám đông dang tràn qua một cây cầu và có tiếng la hét cùng tiếng còi báo động. Trong bóng tối chúng tôi rời xe, đi theo một con phố nằm giữa những toà nhà của Đại học Harvard tới đại lộ Massachusetts để xem chuyện gì xảy ra. Một cảnh tượng đầy kinh ngạc hiện ra trước mắt. Chúng tôi thấy mình lạc trong một đám đông những người biểu tình xông vào quảng trường nhưng bị chặn bởi một cả một đội cảnh sát cầm dùi cui dài và lá chắn che tới tận mặt. Tôi chưa bao giờ chứng kiến nhiều cảnh sát một lúc như vậy.

Có một khoảng trống giữa cảnh sát và đám đông trên đại lộ Massachusetts, kề bên sân Harvard, nhưng lại mờ mịt hơi cay bay hết từ bên này tới bên kia. Chúng tôi nghe rằng hình như cuộc biểu tình chống chiến tranh đã nổ ra ở bờ sông bên kia rồi tràn qua cầu vào quảng trường, ở đó đã bị cảnh sát đẩy lùi ngay trước khi chúng tôi tới. Đám đông vẫn ào ào dồn lên rồi lại phải lùi lại. Một số cửa sổ của các cửa hiệu bên đường bị đập phá.

Nơi đây là quê hương tôi, nơi tôi thực sự cảm giác như đang ở nhà, và tôi hiểu rõ từng cửa hàng đó đã hơn hai mươi năm nay rồi. Một chuyến trở về thật phiền lòng. Nơi đây, kể cả những vùng lân cận vốn thật thân quen đối với tôi, dường như đang vượt khỏi tầm kiểm soát.

Vẫn không có động tĩnh gì từ FBI. Họ đã thương lượng với Carol suốt sáu tuần. Tôi không biết cuộc điều tra này còn kéo dài đến đâu trước khi họ đến gặp tôi. Tôi cũng chẳng biết họ đã biết đến mức nào và làm thế nào họ có thể biết được. Tôi không thể ở mãi tại bờ Đông (vùng bờ biển phía Đông nước Mỹ, bên bờ Đại Tây Dương, chạy từ Boston tới thủ đô Washington - ND). Tất cả đồ dùng và tài liệu tôi vẫn để ở California. Cuối tuần trước, trong tháng tư, tôi trở về nhà ở Malibu để hoàn thành chuyên đề của Rand và chuẩn bị cho cuộc điều trần trước Uỷ ban của Fulbright vào tháng Năm. Tôi chẳng mấy khi tới Rand, nếu có thì chỉ trong chốc lát. Tôi rất bực mình bởi chuyện tôi rời Rand với tư cách là nhân viên chính thức lại bị người ta coi là vì tôi sợ bị tóm ở văn phòng hoặc do có liên hệ với Rand. Nhưng Charlie Wolf chẳng biết gì về những vụ này, lại dựa vào tôi vì muốn chuyên đề của tôi hoàn thành vào tháng sáu rồi sau được chuyển hạn là vào tháng bảy. FBI không có vẻ gì là đang rình rập, nên dần dần, từng ngày từng tuần trôi qua, tôi chẳng nghĩ gì mấy đến vấn đề này nữa.

Ngày 30-4-1970, tôi theo dõi tuyên bố của Nixon trên tivi về việc xâm lược Campuchia. Cả nước như sôi lên, đặc biệt là giới học sinh sinh viên. Vào ngày 4-5-1970 lực lượng vệ binh quốc gia nổ súng vào một đoàn biểu tình ở Kent State. Hôm đó Howard Miller, người của chương trình "Luật sư" - một chương trình trên truyền hình công cộng - đã gọi điện cho tôi, đề nghị tôi giúp đỡ trong vụ xâm lược Campuchia này. Chương trình "Luật sư" có nội dung mô phỏng một phiên toà, có các chưởng lý và nhân chứng đối lập chất vấn nhau. Ngày hôm sau tôi bay tới Washington để giúp Miller tìm nhân chứng.

Cho đến cuối năm 1969, tôi đã có một thời gian dài làm việc với Clark Clifford. Miller chưa bao giờ gặp ông, nên với Miller thì giới thiệu sơ qua của tôi về Clifford làm cơ sở cho việc nhận ông cùng tham gia. Nhưng Clifford cũng nói rõ rằng ông không muốn công khai phê phán sáng kiến của Tổng thống về vấn đề Campuchia, thậm chí không muốn tranh luận riêng với chúng tôi. Sau khi Howard tự giới thiệu về mình và về chương trình của anh rồi bắt đầu nói rõ anh muốn gì, Clifford vẫn làm theo ý mình với những cảm thán không ngớt về những ưu điểm của chương trình ti vi "Phố Vừng", nào là chương trình thật tưyệt vời do giúp trẻ em vừa học vừa chơi, nào là ông muốn xem cùng với mấy đứa cháu, nào là nhân vật Big Bird thật quá tuyệt vân vân và vân vân (Big bird - Chim lớn - một nhân vật hoạt hình trong chương trình Phố Vừng (Sesame Street) có hình dạng một con chim to lớn, lông màu vàng - ND ). Tôi nghĩ là chương trình "Phố Vừng" cũng là một chương trình ti vi công cộng giống như "Luật sư", cho nên Clifford muốn cho Howard biết rằng ông đánh giá cao truyền hình công cộng. Chúng tôi cố gắng lái ông trở lại vấn đề Mỹ xâm lược Campuchia, có lẽ để cho những người khác thấy rằng chúng tôi có thể hỏi hoặc tranh luận, nhưng ông vẫn tủm tỉm nói tiếp về Oscar.Người cáu kỉnh, hai tay ấn ấn vào nhau chống trên thành ghế. Howard và tôi chỉ biết nhìn nhau. Chúng tôi chào ông và nhận được một thôi một hồi những lời chúc của Clifford.

Sau đó tôi mới biết được rằng Clifford vốn nổi tiếng vì thói quen lảng đi khi không muốn thảo luận về một vấn đề nào đó. Nhưng mấy ngày sau, sự miễn cưỡng của ông về vấn đề này hoá ra không phải là duy nhất mà lại nhận được sự chia sẻ của nhiều cựu quan chức và sĩ quan mà chúng tôi tiếp cận. Chẳng có ai chịu tham gia cả.

Thứ sáu, ngày 8-5-1970, tôi bay tới St. Louis để lần đầu tiên tham dự một cuộc hội thảo rộng rãi với chủ đề chống chiến tranh tại Đại học Washington. Tôi được một đại uý hải quân gửi lời mời tham dự. Anh này trước đã từng làm việc với tôi ở ISA và hiện là người đứng đầu đơn vị NROTC (National Reserve Omcers' Training Corps: Quân đoàn huấn luyện sỹ quan dự bị quốc gia - ND ) ở đây. Dưới sự hướng dẫn của tôi, vào mùa xuân năm 1965 anh đã điều phối một nghiên cứu về vấn đề phong toả Hải Phòng, sau đó nghiên cứu này đã giúp thuyết phục McNamara không đề nghị thực thi điều đó. Còn một diễn giả chống chiến tranh khác nữa là Thượng nghị sỹ Charles Mathias. Trước khi hội thảo bắt đầu thì xảy ra vụ cháy toà nhà của ROTC. Trong phần hỏi đáp, một sinh viên đề cập tới vụ này một cách đầy tính thách thức, đồng thời hỏi tôi suy nghĩ gì về nó. Khán giả đã hoan nghênh nhiệt liệt cậu sinh viên này. Thực ra cậu ta ngụ ý là chính cậu đã tham gia vào vụ đốt nhà này, dù không nói thẳng ra, và rõ ràng đây là một hành động phổ biến trong sinh viên.

Tôi nói mình đã được đào tạo trong lực lượng lính thuỷ đánh bộ để giành cho bạo lực và chính tôi đã chứng kiến quá nhiều điều đó ở Việt Nam . Nhưng hiệu quả của bạo lực cuối cùng có thể biện minh cho chính hành động đó không? Đây không chỉ là câu hỏi của bản thân tôi. Tôi đã có được kinh nghiệm kha khá để có thể xem xét vấn đề này, và tôi không còn thấy ấn tượng với nó nữa, rồi khi còn là một lính thuỷ đánh bộ, tôi đã thấu hiểu hơn điều đó có thể sai lệch đến mức độ nào. Tôi cũng thấy được rất rõ, và xin chia sẻ sự thất vọng của các bạn sinh viên khi không có cách nào chấm dứt được cuộc chiến. Nhưng chính điều này lại có nhiều điểm thật giống với nỗi buồn nản của những người lính Mỹ ở Việt Nam . Họ cũng trạc tuổi các bạn sinh viên trong buổi hội thảo hôm nay, và cũng bất lực không thể nào giành thắng lợi trong cuộc chiến này. Và phản ứng mà tôi được chứng kiến ở Việt Nam cũng gần tương tự. Lúc nói, trí nhớ tôi dường như thật sống động, cứ như tôi mới trở về Mỹ, dù ba năm đã trôi qua kể từ khi tôi rời Việt Nam . Tôi kể cho họ về những người lính ở Rạch Kiến, về việc họ đã đốt mọi căn lều họ bắt gặp, chẳng vì một lý do thực tế nào hết, đơn giản chỉ là để đánh dấu nhưng nơi đã đi qua để cho có cái mà nói rằng họ đã làm được cái gì đó. Điều đó thì dễ hiểu thôi, nhưng thật chẳng có ích gì mấy, vì nó chẳng làm tình hình thay đổi được.

Tôi nói, thật là rất Mỹ nếu ai đó nghĩ rằng sẵn lòng sử dụng bạo lực là sự thể hiện nghiêm túc và có hiệu quả. Nhưng đó không phải là điều tôi đã học được ở Việt Nam. Tôi có thể thấy nhiều người trong số khán giả tỏ ra tự hào vì vụ cháy vừa rồi, nhưng tôi nói luôn rằng đốt cháy những toà nhà của ROTC, cũng như đốt phá những ngôi làng ở Việt Nam, sẽ không thể nào làm chiến tranh kết thúc. Để chấm dứt cuộc chiến, cần phải có sự nhẫn nại, lòng can đảm và tận tâm chứ không cần sự bắt chước những hành động phá hoại của chính quyền.

Nhiều người vỗ tay tán thưởng, một số thì la ó tôi, và còn lại thì im lặng. Thực tế là một câu hỏi đầy thách thức đặt ra cho phong trào phản chiến và cả đất nước vào lúc này là: Cần làm gì, làm thế nào, và có thể làm gì để ngăn cản chính quyền này, ông Tổng thống này kéo dài và mở rộng chiến tranh? Không ai, trong đó có tôi, có thể tự tin vào câu trả lời cho vấn đề này. Không biện pháp nào có tác dụng, từ bạo lực (dù chưa có nhiều lắm) cho đến các cuộc biểu tình khổng lồ và sự bất phục tùng của người dân. Lúc này tôi chỉ có thể nói những gì từ đáy lòng mình dựa trên những kinh nghiệm của bản thân về những hành vi bạo lực.

Tôi không chắc là mình đã đúng. (Hơn ba mươi năm sau, khi tôi có thời gian xem xét thế giới và trở nên già dặn hơn, tôi mới chắc là lúc đó mình đã đúng. Nhưng vào thời điểm đó tôi vẫn còn bỡ ngỡ với những suy nghĩ này).

Bốn sinh viên đã thiệt mạng ở Kent State, nhưng hơn năm trăm vẫn sinh viên tham gia bãi khoá. Thượng nghị sỹ và tôi cùng bay về Washington vào sáng thứ bảy. Ngày hôm sau cả thủ đô chìm trong hơi cay vì các cuộc biểu tình. Chúng tôi đi vào trung tâm thành phố, qua những con phố tắc kín bởi hơn một trăm ngàn sinh viên đổ ra từ những khu học xá đã đóng cửa trên cả nước.

Chúng tôi đã làm bạn từ trên chuyến bay. Mathias kể cho tôi những chuyện đầy ấn tượng. Ông đã biết Nixon từ lâu, và với tư cách Thượng nghị sỹ Cộng hoà của bang Maryland (bang của Phó Tổng thống Agnew) ông đã nhiều lần tới Nhà Trắng. Ông nói trong vài tháng gần đây ông thấy khó chịu khi thấy Tổng thống đang trở nên "mất cân bằng". Một ví dụ là việc Nixon chọn cho cảnh vệ Nhà Trắng đồng phục mới như kiểu trang phục trong các buổi nhạc kịch Trung Âu thế kỷ 19. Có rất nhiều những bình luận tương tự trên báo chí về đồng phục mới này, chứ không riêng gì Mathias. Nhưng điều khiến ông lo ngại nhất là khi một lần gần đây ông cùng vợ tới Nhà Trắng dùng bữa tối thân mật cùng gia đình Nixon. Họ phải đợi một mình ở phòng ăn bên một bàn tiệc có bốn chỗ ngồi, thưởng thức một dàn kèn trumpet và sau đó là Ban nhạc Hải quân chơi bài "Hoan nghênh Tư lệnh" (Một bài hát người Mỹ thường dùng để đón chào Tổng thống của mình - ND ). Tổng thống cùng phu nhân Pat Nixon tay trong tay chậm rãi bước xuống cầu thang đón hai khách quý trong thanh âm của dàn nhạc. Mathias rất bực mình trước cái cảnh đó. Từ mà ông đã dùng để diễn tả ấn tượng mà vị "giám đốc điều hành" gây nên là "mất trí".

Vào thứ bảy, tôi trở lại Washington. Howard Miller quyết định là người phản chiến trong chương trình "Người luật sư" nên là tôi dù trước đó chúng tôi nhắm ai đó chóp bu hơn. Thượng nghị sỹ Goodell sẽ tham gia cùng tôi. Đó sẽ là lần đầu tiên tôi xuất hiện trên ti vi trước công chúng với tư cách là một người phê phán chiến tranh, trừ một vài đoạn giới thiệu ý kiến của các nhà ga địa phương về bản ghi nhớ của Rand. Patricia đã đến với tôi và cả ngày chủ nhật chúng tôi đã đi xem khu trung tâm thủ đô Washington. Chúng tôi thấy hàng trăm người biểu tình ngồi la liệt trên những con đường dẫn tới Nhà Trắng, nơi đã bị vây quanh bởi hàng rào xe buýt. Hơi cay phóng ra các đường phố, hình như là từ bãi cỏ trước Nhà Trắng. Nhưng đó không phải là hơì cay của cảnh sát để ngăn cản những người biểu tình phong toả Nhà Trắng. Đó lại là những thanh niên tham gia biểu tình, tay mang băng trông như cán bộ, đang đi đi lại lại giữa đám người đang ngồi hoặc nằm, tóm lấy khuỷu tay họ và kéo lên nói "hôm nay chúng ta không biểu tình phản kháng". Hoá ra đây hầu hết là thành viên Đảng Công nhân xã hội chủ nghĩa (SWP), những người đã tình nguyện làm những người đi đầu trong đoàn biểu tình dự kiến vào chiều hôm đó. Về mặt tư tưởng, Đảng trostkist này phản đối sử dụng biện pháp phản kháng của người dân vì họ cho rằng biện pháp này khiến công nhân bị gạt ra rìa. Ngày hôm đó, một cuộc tranh cãi căng thẳng về vấn đề này đã diễn ra giữa những người tổ chức biểu tình.

Khi Patricia và tôi chứng kiến những cảnh tượng này, tôi thấy người ta đang phạm một sai lầm lớn. Trước hết là do có quá nhiều người dân sẵn sàng tham gia phong trào bất tuân luật pháp khiến cả thành phố có thể bị tê liệt. Đồng thời, lần đầu tiên và cũng là cuối cùng trong thời gian chiến tranh, Quốc hội tỏ ra nóng giận với Tổng thống vì đã tấn công một đất nước mà lại không hề tham khảo gì trước với Quốc hội, dù cho, tôi tin rằng, hành động này có thể nhận được sự cảm thông hoặc ngấm ngầm hoặc công khai của một số lớn các nghị sỹ. Và bây giờ là thời điểm mà các cuộc biểu tình liên tiếp của nhân dân trong những tuần vừa qua đã có thể thuyết phục cả hai viện của Quốc hội quyết định chấm dứt chiến tranh bằng cách thông qua dự luật McGovern-Hatfield để cắt ngân sách cho cuộc chiến này.

Một làn hơi cay phun ra đường từ phía Nhà Trắng khiển mắt tôi cay xè. Khi trở về khách sạn, tôi phải tắm để gột sạch hơi cay và vận bộ cánh đẹp nhất để lên ti vi vào tối hôm đó.

Chương trình được truyền hình trực tiếp từ Câu lạc bộ Báo chí quốc gia. Trong số khán giả có một số người biểu tình đã rời cuộc tuần hành có hàng trăm nghìn người tham gia, số khác là những người bị hơi cay (và các đảng viên SWP) giải tán. Chủ đề hôm đó là: "Quốc hội có nên ra quyết định Tổng thống phải ngay lập tức rút toàn bộ quân đội, viện trợ và cố vấn khỏi Campuchia và không được đưa thêm quân ra khỏi Việt Nam?"

Một đề xuất khá vừa phải vào lúc này. Một ngày sau vụ Kent State, Tổng thống đã hứa trước với Quốc hội sẽ rút quân đội khỏi Campuchia vào cuối tháng sáu và công khai tuyên bố điều này trong một cuộc họp báo sau đó. Trong hồi ký của mình, Kissinger đã gọi đây là một "quyết định yếu bóng vía…, một kết quả cụ thể từ sức ép công luận".

Chính vì vậy, tranh luận về đề xuất này cơ bản là về nghị quyết Church-Cooper, nghị quyết mà đã cắt ngân sách dành cho các chiến dịch tại Campuchia và khiến cam kết của Tổng thống có thêm hiệu lực về pháp lý. Chương trình không dành thời gian tranh luận về dự luật McGovern-Hatfield đề nghị cắt ngân sách dành cho cuộc chiến ở Đông Dương vào cuối năm 1971. (Dự luật này đã bị bác bỏ vào tháng chín, với 55 phiếu chống và 39 phiếu thuận, khiến tranh cãi về Campuchia bị xua tan).

Nhưng tôi lại tham gia chương trình để nói về dự luật McGovern-Hatfield, như Luật sư Howard Miller đã nói rõ khi giới thiệu tôi "đến để nói với chúng ta tại sao Quốc hội phải quyết định rút quân khỏi Campuchia và Đông Nam Á". Có lẽ thượng nghị sỹ Charles Goodell, người trong cuộc tham gia cùng tôi hôm nay, là người sẽ ủng hộ đề xuất này. Tôn trọng mong muốn của Charlie Wolf, người ta đã không đề cập gì tới mối liên hệ của tôi với Rand trong thời gian qua. Tôi được giới thiệu là đang làm việc tại Trung tâm nghiên cứu quốc tế, Viện Công nghệ Massachusetts, và nguyên là cố vấn (thực tế là quan chức) Bộ Quốc phòng và Bộ Ngoại giao.

Người sẽ phản bác chúng tôi cũng như cả đề xuất là luật sư bảo thủ William T. King cùng các nhân chứng là Thượng nghị sĩ Robert Dole và William H. Sullivan, phó trợ lý ngoại trưởng phụ trách các vấn đề Đông Á và Thái Bình Dương, nguyên là Đại sứ Mỹ tại Lào, người mà theo Miller là tham gia theo chỉ thị của chính quyền.

Trong không khí và tâm trạng chung đó, rất nhiều người sẽ tư chức trớc khi có thể nói về cuộc xâm lược Campuchia trên ti vi. Sullivan không nằm trong số đó, nhưng điều này không có nghĩa anh thực sự ủng hộ hành động xâm lược trên. Một vài thành viên nội các đã công khai phản đối nó, và một số lượng lớn các nhân viên ngoại giao đã ký vào một bức thư kiến nghị chưa từng có để lên án hành động này. Miller nói rằng ông chỉ có thể tìm được một người duy nhất có lập trường ủng hộ chính quyền, đó là Dole, Chủ tịch Uỷ ban quốc gia của Đảng Cộng hoà.

Điều tôi nhớ nhất về chương trình hôm đó là trao đổi giữa Miller và Dole, người mà theo như tôi nhớ đã nói một câu: "Cuộc sống của chỉ một cậu bé Mỹ thôi cũng đã quý hơn bất kỳ một đường tưởng tượng nào trên bản đồ". Ý ông muốn nói tới biên giới Campuchia, ranh giới mà những chiếc xe tăng Mỹ xâm lược đã tràn qua, vì cái mà theo logic mơ hồ của chính quyền là để bảo vệ sinh mạng của lính Mỹ. Khi bị luật sư đối lập chất vấn, Miller đã thốt lên: "Thưa Thượng nghị sỹ, ranh giới đó là một đường biên giới quốc tế đó?".

Dole đáp trả. "Tôi không quan tâm anh gọi đó là gì, nó không đáng giá bằng sinh mạng của chỉ một cậu bé Mỹ".

Sau đó là trao đổi của tôi với người chất vấn:

King: Anh có thấy là Tổng thống Mỹ đã bị tẩy não?

Ellsberg: Trước đây các ứng cử viên Tổng thống đều đã thừa nhận điều đó. (Thống đốc bang Michigan George Romney khi tự rút khỏi cuộc chạy đua cùng Nixon nhằm giành vị trí ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng hoà vào năm 1968 đã nhận xét thẳng thắn như vậy). Thưa ông, tôi tin rằng thực tế là năm Tổng thống đã tự tẩy não mình, tẩy não đội ngũ của mình, và tẩy não cả công chúng Mỹ trong thời gian dài nắm quyền của các chính quyền khác nhau. Cả một thế hệ đấy.

King: Ông chẳng ưa gì chính quyền ở Nam Việt Nam phải không?

(Dừng)

Ellsberg: Với tôi câu hỏi này thật lạ. Tôi không - …

Người dẫn : Tôi nghĩ King không có ý hỏi về tình cảm cá nhân chỉ là hỏi xem thực tế anh có ác cảm gì với chính phủ Nam Việt Nam không.

(Dừng)

Ellsberg: Tôi tin rằng chính phủ Nam Việt Nam là một chế độ độc tài quân sự tham nhũng, không đại diện cho số đông người dân mà chỉ cho một số ít. (Cười và vỗ tay ) Nếu có nói thêm, thì tôi muốn nói cái gì đó về mối liên hệ giữa chính quyền này với nước Mỹ… Tôi tin rằng nó là một tập hợp số ít người ở miền Nam Việt Nam, những người chỉ muốn chứng kiến cuộc chiến này kéo dài vô thời hạn hơn là phải thấy nó kết thúc cùng sự ra đi của người Mỹ.

King: Vậy cho tôi hỏi ý kiến của anh về Chính phủ Bắc Việt Nam?

Ellsberg: Chính phủ Bắc Việt Nam trên nhiều khía cạnh chẳng khá hơn Chính phủ Nam Việt Nam.

King: Nói cách khác, anh không quan tâm ai sẽ thắng phải không?

Ellsberg: Vấn đề là ở chỗ thật là một sai lầm bi thảm khi để cho một người Mỹ, dù cho có là tôi, là anh hay là Tổng thống Mỹ, quyết định cho Chính phủ Nam Việt Nam, điều đã dẫn đến thảm kịch cho cả hai đất nước.

Vào ngày 13-5-70, tôi báo cáo trước Uỷ ban đối ngoại của Hạ viện. Phiên họp này, theo lời Fulbright, kêu gọi phải "điều trần về hệ quả về lịch sử, chính trị và kinh tế mà chính sách của Mỹ đã gây nên ở Việt Nam và Đông Nam Á". Lúc đầu người ta dự kiến buổi điều trần sẽ mang tính giáo dục và không tranh cãi, phản ánh tâm trạng của Thượng viện và công chúng, nhưng trong những giới hạn đó, tôi quyết định sẽ bình luận thẳng thắn về bản chất của chế độ Sài Gòn do Mỹ hậu thuẫn.

Trong bối cảnh này, tôi bắt đầu bằng việc điểm lại những nỗ lực của chính quyền nhằm ngăn cản quyền "tự quyết" đích thực ở Việt Nam - mục tiêu mà Mỹ tuyên bố khi can thiệp vào đất nước này. Thực tế lại là "trong số những chế độ mà chúng ta đã hỗ trợ, từ chế độ Bảo Đại do Pháp khống chế, cho đến Ngô Đình Diệm, đến chế độ quân sự hôm nay cầm quyền dưới vỏ bọc hợp hiến, chẳng có chế độ nào là kết quả của một quá trình nhân dân lựa chọn một cách thực sự tự do, hoặc thực sự không chịu ảnh hưởng từ bên ngoài của chúng ta".

Trong phần điều trần của mình, tôi đã gắn với lịch sử những cố gắng của Mỹ nhằm duy trì một loạt các chính quyền hầu như không có hoặc hoàn toàn không có sự ủng hộ của người dân, chỉ đơn thuần dựa trên khả năng họ có thể duy trì những lợi ích nổi trội của Mỹ và ngăn chặn các chính phủ này cuối cùng rơi vào sự kiểm soát của Cộng sản. Tôi nói kỹ trường hợp cụ thể của bạn tôi là Trần Ngọc Châu, người đã bị bắt ở Sài Gòn và bị xét xử trái luật vào tháng ba (Một cựu bộ trưởng trong chính quyền Ngô Đình Diệm, sau các cuộc đảo chính của phe quân sự Sài Gòn đã mất chức - ND ). Châu bị bắt vì bị cho là có tiếp xúc bí mật với người anh ở miền Bắc. Trên thực tế, chính Đại sứ Lodge đã khuyến khích những tiếp xúc như vậy và mọi người ở sứ quán đều biết rõ điều đó. John Van đã nói với tôi rằng lý do thực sự khiến Thiệu truy đuổi Châu là vì Châu đã lên án những vụ tham nhũng của kẻ mối lái cho Thiệu và kêu gọi đàm phán với Mặt trận dân tộc giải phóng.

Nhân việc này, Fulbright đã hỏi kỹ những gì tôi biết về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ , một chủ đề mà ông hết sức quan tâm.

Tôi nói rằng trong những phiên điều trần trước, Fulbright đã nói ông thấy "xấu hổ" vì một phần có trách nhiệm trong việc thông qua nghị quyết của quốc hội về vụ việc này. Tôi nói từ đó đã đập ngay vào tai tôi "vì tôi nghĩ mình chưa bao giờ nghe thấy ai dùng một từ như vậy hay bằng cách nào đó ngụ ý nói đến trách nhiệm cá nhân của mình đến mức độ như vậy". Tôi nói tinh thần đó thật không bình thường, nhưng thế mới thích đáng. Tôi chỉ tiếc rằng những ai đã lừa dối ông, lừa dối đất nước vào thời điểm đó, lại không hề tỏ ra như vậy.

CHƯƠNG 24

Tháng 8-1970, bạn tôi là Lloyd Shearer, chủ bút tạp chí Parade (Diễu hành), đã nói rằng anh có cuộc hẹn phỏng vấn Kissinger ở San Clemente và hỏi tôi có muốn đi cùng không. Tôi nói có. Tôi nghĩ mình có thể động viên Kissinger đọc Hồ sơ Lầu Năm Góc , ít nhất là vài phần, để ông ta có thể thấy được là những vụ leo thang như Campuchia gần đây thực ra đã được nói tới từ nhiều năm trước chứ không phải giờ mới xuất hiện. Ông ta có thể hiểu được rằng tất cả những hy vọng trước khi người ta đe doạ rồi tiến hành leo thang chiến tranh đều đã sụp đổ. Và có lẽ ông ta rút ra được điều gì đó.

Tôi cũng tin rằng chính sách của ông ta, theo như tôi hiểu, phụ thuộc vào việc nó có thể che mắt công chúng Mỹ hay không. Tôi muốn ông biết rằng đối với một số người, trong đó có tôi, những nét chính của chính sách thực lế đã hiện hình khá rõ nét. Và tôi vẫn nói với những người khác về chính sách này. (Ví dụ ít nhất thì ai đó ở Nhà Trắng cũng đã phải nói cho tôi biết). Trên thực tế, tôi đã có ý tiết lộ với Nhà Trắng về những gì mà người ngoài, như tôi chẳng hạn, có thể nhận thấy được. Tôi muốn Kissinger phải lo lắng về việc người ta có thể "đọc vị" được chính sách của ông ta, vì thế nó sẽ trở nên ít hấp dẫn hơn đối với ông ta. Đó cũng là điều tôi muốn làm đối với Tổng thống Johnson khi tôi tiết lộ với báo giới năm 1968.

Chúng tôi lái xe tới San Clemente . Tôi nhớ rằng khi lái vào một bãi đỗ xe, chúng tôi nghe một giọng nói vang vang đâu đó chỉ chỗ đỗ cho chúng tôi, nghe như tiếng Chúa vậy. Hình như có một hệ thống quan sát bí mật theo dõi hoạt động của chúng tôi. Cuối cùng tôi mới nhận ra đó là tiếng loa phát ra từ nóc phòng bảo vệ. Chúng tôi ngồi ở một phòng chờ bên ngoài trông như phòng chờ nha sĩ, có vài bức ảnh màu về Nixon treo trên tường. Người thợ chụp ảnh tán gẫu với chúng tôi ở sảnh cho tới khi anh ta lao ra ngoài cửa khi nhìn thấy một chiếc xe golf màu hồng chạy qua. Có một người ngồi lái xe với tốc độ khoảng bảy dặm một giờ giống như chiếc xe điện nhỏ ở công viên Disneyland . Đó chính là Nixon. Ông ta đang quắc mắt lên, trông rất dữ tợn, hai vai khom khom trông như đang lái một chiếc xe đua chạy điện vậy. Ngay đằng sau là một chiếc xe golf màu hồng khác do Bebe Rebozo lái, sau nữa là chiếc xe hồng thứ ba với hai nhân viên an ninh. Một phái đoàn hồng.

Cuối cùng chúng tôi được đưa tới sân trong và dùng bữa trưa với Kissinger. Cùng ăn với chúng tôi còn có trợ lý của Kissinger là Alexander Haig, anh này giờ đang mang cấp tướng. Khi chúng tôi chào, Kissinger quay về phía Lloyd và nói theo kiểu lấy lòng: "Anh thấy đấy, tôi đã học được từ Dan Ellsberg nhiều hơn từ bất kỳ ai khác…". Tôi cho rằng ông ta sẽ lặp lại điều đã nói với tôi ở Rand hai năm trước: "… ở Việt Nam ". Nhưng hoá ra là khác "… về đàm phán".

Tôi đã rất sửng sốt. Đàm phán? Mất một lúc tôi vẫn không nghĩ ra ý ông ta nói tới điều gì. Rồi tôi nhớ lại bài "Nghệ thuật ép buộc" tôi đã trình bày với nhóm nghiên cứu của ông ta ở Harvard năm 1959, được trích từ loạt bài giảng Lowell của tôi. Đó là chuyện của mười một năm trước. Tôi nói "Ông có trí nhớ thật tốt".

Ông ta nói giọng lè nhè từ trong cổ họng: "Đó là những bài giảng hay".

Thú vị đây, trừ việc sau đó khi nghĩ lại, tôi dựng hết cả tóc gáy. Những bài giảng của tôi trước lớp của ông ta là về sự đe doạ của Hitler đối với Áo và Tiệp Khắc cuối thập kỷ 1930 mà nhờ đó, Hitler đã có thể chiếm những nước này mà chẳng tốn viên đạn nào. Một trong những bài giảng mang tên "Đe doạ: Lý thuyết và thực hành", một bài khác là "Những sự điên rồ mang mục đích chính trị". Hitler đã chủ ý gây dựng cho địch thủ của mình ấn tượng về những hành động khó lường và phi lý của Hitler. Không thể trông đợi hắn ta không đe doạ ai đó để rồi làm điều gì đó điên rồ và có hại cho cả hai phía. Ở một mức độ nào đó thì làm vậy sẽ có lợi cho hắn ta, vì hắn điên rồ, hiếu chiến đến liều lĩnh và táo bạo. Ít nhất là đã có lúc cả thế giới phải phục dưới chân hắn. Đó không phải là cách mà tôi khuyến nghị nước Mỹ, cũng như bất kỳ nước nào khác, tiếp cận đối với vấn đề này. Cách mà tôi muốn đề xuất hoàn toàn khác. Nếu như ai đó bắt chước Hitler làm vậy thì chỉ gây nên sự điên cuồng và chuốc lấy tai hoạ.

Thông tin về việc xâm lược Campuchia, lọt ra vào tháng tư trước từ những quan chức không rõ danh lính, khẳng định trên thực tế rằng động cơ chủ yếu của việc tấn công Campuchia là để cho Liên Xô, Trung Quốc và Bắc Việt tin rằng việc hoạch định chính sách cấp cao của chúng ta là không thể tiên đoán.

Đồng thời, do chúng ta có thể hành động bất thường và điên rồ như đã được chứng minh bởi việc xâm lược Campuchia vào giai đoạn chiến tranh này, họ không thể tin vào sự tính toán và thận trọng của chúng ta trong những tình hương khủng hoảng tương tự. Khi tôi đọc những thông tin này, tôi băn khoăn liệu những nguồn thông tin từ các quan chức cao cấp cũng như chiến lược sai lầm đó có phải bắt nguồn từ chính Nixon và Kissinger hay không. Tôi hy vọng là không.

Việc Kissinger chẳng mấy tỏ ra khen ngợi đã trả lời cho thắc mắc của tôi. Thật rùng mình khi nhận ra rằng ba tháng sau vụ xâm lược Campuchia, trong đầu Kissinger lại có những gợi nhớ về những thủ thuật của Hitler.

Bốn chúng tôi ngồi ăn trưa bên hiên nhà. Ngay đầu bữa ăn, Lloyd đã tận dụng sự có mặt của tôi để nêu lên chủ đề Việt Nam . Kissinger nói: "Này, chúng ta ngồi đây không phải để nói về Việt Nam ". Tôi nghĩ thế thì nói gì? Ông ta nhìn tôi lo lắng và lộ ý rằng ông ta không muốn nói trước mặt tôi. Tôi cho rằng ông ta muốn nói dối Shearer về Việt Nam nhưng điều đó sẽ chẳng dễ gì với sự hiện diện của tôi. Chính vì muốn buộc ông ta phải nói thật về Việt Nam nên Lloyd đã mời tôi tham gia buổi nói chuyện này.

Nhưng hoá ra, theo như sau đó Lloyd kể lại, điều mà Kissinger muốn thảo luận với anh lại là đời sống vợ chồng của ông ta và cái cách mà báo chí đưa tin về vấn đề này. Lloyd viết mục "Nhân vật" với bút danh là Walter Scott cho phụ trương chủ nhật của tạp chí Parade . Lloyd tự hào nói đó là trang thu hút nhiều độc giả nhất trong giới báo chí Mỹ. Thực tế anh là cây bút bình luận những chuyện bên lề hàng đầu nước Mỹ. Anh thường xuyên có các bài viết được xem là theo yêu cầu của độc giả về cuộc sống độc thân của Kissinger và những cuộc hẹn hò với cô đào Jill St. John và các ngôi sao đang lên khác. Nhìn chung chính quyền chấp thuận cách thức quan hệ công chúng như thế này vì nó góp phần làm cho Nhà Trắng thời Nixon trở nên gần gũi hơn, nhưng rõ ràng nó cũng chứa đựng những nguy cơ. Kissinger muốn khuyến khích quan hệ kiểu này để có được những lời khuyên của Lloyd và để lái dư luận về vấn đề này theo hướng mong muốn.

Đấy là điều ông ta không muốn làm trước mặt tôi. Gõ gõ tay trên mặt bàn, đột nhiên ông ta nói: "Này Dan, sao anh và tướng Haig không ăn cùng nhau trong lúc chúng tôi nói chuyện khác nhỉ? Rồi chúng ta sẽ ngồi lại với nhau". Cuối cùng thì ông ta cũng gạt tôi đi. Haig và tôi sang phía bên kia ngôi nhà và cùng dùng bữa. Haig rất nhã nhặn và tôi quyết định thử thông qua anh ta đưa thông tin về chiến lược của Nixon lọt vào Nhà Trắng. Anh ta nghe và gật gật đầu. Tôi chỉ có thể coi điệu bộ này thể hiện anh ta đang lắng nghe lập luận của tôi, chứ không phải là anh ta đang khẳng định nó, mà tôi cũng chẳng mong đợi anh ta làm vậy. Tất nhiên là anh ta chẳng phản bác hay đính chính tôi, cho dù cách tôi mô tả về chính sách này đi ngược lại niềm tin của công chúng.

Một giờ sau Kissinger đến với chúng tôi. Tôi rất ngạc nhiên nghe ông ta nói muốn nói chuyện với tôi, và chúng tôi đã hẹn gặp vào chuyến đi tới đây của ông ta tới California .

Patricia và tôi đã định ngày cưới vào tháng tám, nên thời điểm ông ta muốn gặp tôi lại rơi đúng vào tuần trăng mật của chúng tôi ở Maui . Đến giờ tôi vẫn lấy làm lạ là tại sao tôi lại đồng ý.

Chắc lúc đó tôi bị ám ảnh. Tôi đã không bỏ qua một cơ hội nào để gặp Nixon, có lẽ là để tránh những Campuchia mới và giúp chiến tranh sớm kết thúc. Tôi chắc là Patricia sẽ đồng ý (và đúng như vậy). Chúng tôi rút ngắn kỳ trăng mật để tôi có thể đúng hẹn.

Trên đường trở về Santa Monica , Lloyd kể về buổi nói chuyện với Kissinger. Anh đã hỏi câu mà tôi gợi ý: ông có nghĩ đến trường hợp ông rời khỏi cương vị và phản đối chính sách của Tổng thống? Đầu tiên Kissinger trả lời không, hoàn toàn không. Nhưng khi Lloyd hỏi dồn, ông ta nói: "Tôi nghĩ có thể, nếu có kế hoạch dùng phòng hơi độc…"

Tôi nói: "Đương nhiên là không thể tính tới kế hoạch sử dụng vũ khí hạt nhân". Đó là một thứ vũ khí hiểm hoạ, có thể giết chóc bừa bãi; nhưng tôi đã không biết rằng Kissinger lại đang chỉ suy tính về những kế hoạch nhằm gây ra những hoạt động bất thường như vậy. "Này Lloyd, đối với Kissinger, chỉ có một thứ mà ông ta coi là tội ác chống nhân loại, và nó đã xảy ra, xảy ra trong quá khứ. Đó là tội ác người Đức gây ra cho người Do Thái. Đó là hành vi chính trị duy nhất mà ông ta coi là vô đạo đức, Lloyd hơi bị sốc. Anh nói: "Dan, tôi hỏi hơi khó nghe một chút. Anh có thực sự tin vào điều đó không?" Tôi nói có, và tôi không nghĩ nó chỉ áp dụng cho mỗi Kissinger.

Ngày 8-8-1970, Patricia và tôi làm lễ cưới cùng gia đình và bạn bè. Chúng tôi cùng hứa hôn. Tôi thề: "Patricia, anh sẽ yêu em, che chở em, tôn trọng em suốt đời".

Tôi đã giữ lời thề đó, và cô ấy cũng vậy.

Cuối tháng tám, sau khi buổi gặp của tôi với Kissinger bị hoãn lần thứ nhất, tôi gặp ông ta ở văn phòng ở San Clemente .

Ông ta nói chỉ có nửa giờ, nhưng lại bắt đầu "tôi rất lo lắng về tình hình Trung Đông". Gần đây có nhiều thông tin tiết lộ trên báo chí, có lẽ là từ Kissinger, về những phê phán của ông ta đối với cách Ngoại trưởng William Rogers xử lý các cuộc đàm phán về Trung Đông mà hiện Kissinger không được tham gia.

"Tôi e rằng tình hình sẽ sôi lên mất".

Tôi chỉ có nửa giờ để thực hiện ý muốn, nên nói luôn: "Henry này, tôi muốn nói với ông về chính sách đối với Đông Dương. Tôi nghĩ chính nó mới sôi lên đấy". Đêm hôm trước tôi đã rút gọn tóm tắt của tôi về chiến lược của Nixon thành một trang kín, trong đó tôi nói rõ: những mục tiêu đầy tham vọng (không được công khai tuyên bố), ý đồ của "hoà bình trong danh dự"; việc rút quân khỏi Việt Nam một cách chậm chạp và kéo dài nhưng vẫn để lại một số lượng quân khá lớn; những đe doạ về việc leo thang chiến tranh, điều mà tôi chắc chắn rằng sẽ không thể răn đe hoặc ép buộc được ai, cho dù có những cuộc diễu võ giương oai như ở Campuchia; những cuộc xâm lược tiềm năng trong tương lai, ở Lào, có thể ở phía Nam miền Bắc Việt Nam, và ném bom trở lại; việc phong toả cảng Hải Phòng; và xuyên suốt là việc cố tình lừa bịp dư luận. Theo tôi, phía trước đang là một cuộc chiến không ngày tháng và ngày càng lan rộng.

Khi tôi thuật lại tất cả những điều này, ông ta nheo mắt, cau mày, bĩu môi nhìn tôi, theo cái cách mà tôi hiểu là muốn nói tôi đang sai hướng rồi. Nhưng ông ta chẳng nói lại gì cả. Gõ gõ tay trên bàn, đột nhiên ông nói: "Này, tôi không muốn thảo luận về chính sách của chúng tôi. Nói cái khác đi".

Tôi hỏi ông có biết đến Bản nghiên cứu McNamara về Việt Nam không, ông ta đáp có. (Lúc đó tôi không biết rằng ông ta đã từng là một cố vấn cho nghiên cứu này trong một tháng đầu) "Ông có bản sao của nó ở Nhà Trắng không?". Ông ta nói ông có một bản.

Tôi thấy phấn khởi khi nghe thế. Tôi hỏi tiếp: "Ông đã đọc chưa?"

"Chưa, có cần không?"

Tôi nói ông rất nên đọc, ít nhất là phần tóm tắt, thường là vài trang nằm ở đầu mỗi tập. Ông có thể nói một trợ lý đọc toàn bộ rồi nhặt ra giúp ông ta những đoạn có vẻ trúng tâm điểm của vấn đề. Nhưng chỉ tóm tắt thôi cũng đã lên đến khoảng sáu mươi trang. "Họ viết được đấy. Thực sự là anh nên cố gắng đọc nó".

"Nhưng nghiên cứu này thực sự có cái gì để chúng ta học hỏi không?"

Tim tôi như ngừng đập. Chúa ơi? Đầu óc ông ta cũng chỉ dạng như những người khác mà thôi. Họ đều chỉ nghĩ rằng lịch sử bắt đầu cùng chính quyền của mình và chẳng có gì phải học từ những chính quyền khác cả. Nhưng thực tế lại là mỗi chính quyền, kể cả chính quyền hiện nay, không hề biết mình đều đi vào vết xe đổ trong hoạch định chính sách cùng những chính sách vô vọng)giống hệt nhau. Đó là điều có thể rút ra từ Nghiên cứu McNamara , và rõ ràng là Kissinger cần phải biết.

Hồ sơ Lầu Năm Góc mang đến cơ hội phá bỏ vết xe đổ này, nhưng chỉ sự tồn tại của nó thôi thì không thể làm được.

Tôi đã thực sự thấy chán nản, nhưng vẫn cố trả lời: "Tôi nghĩ là có. Đó là lịch sử hai mươi năm, và có nhiều điều có thể rút ra từ đây".

Ông ta nói: "Nhưng rốt cục giờ đây chúng ta đã quyết sách theo một cách rất khác mà".

Tôi lại càng buồn nản: "Campuchia thì chẳng có vẻ gì là khác cả Kissinger trông vẻ khó chịu, nhấp nhổm trên ghế. Ông ta nói: "Anh phải hiểu là vụ Campuchia bắt đầu từ những nguyên nhân hết sức phức tạp".

Tôi nói: "Henry, ở nơi này chẳng có quyết định sai lầm nào mà lại không xuất phát từ những nguyên nhân hết sức phức tạp cả Và thường là cùng một loại nguyên nhân phức tạp đấy".

Đó không phải là cách mà bạn nói chuyện với một quan chức cấp cao khi bạn vẫn muốn gặp ông ta lần nữa. Nhưng lúc này tôi đã mất một năm sao chép tài liệu, và tôi chẳng tốn mấy sức để giữ cầu quan hệ với Kissinger. Tôi đã làm điều tôi muốn làm với ông ta, dù cho chẳng mấy thành công. Tôi sẽ rất vui lòng nói rõ ý tôi là gì nếu ông ta chịu đọc tài liệu này, nhưng ông ta đã không làm vậy. Tuy nhiên, giọng tôi đã không đến mức làm cho buổi nói chuyện phải chấm dứt tại đây cũng như chẳng khiến ông ta muốn tôi quay lại thêm. Thay vào đó ông ta nói tới việc bực mình với nhóm học giả Đại học Harvard, hầu hết trong số đó từng là.đồng nghiệp của cả hai chúng tôi, kể cả Tom Schelling, những người đã đến gặp ông ta để từ chức tập thể, không làm cố vấn nữa để phản đối vụ Campuchia. (Theo tôi đó là giờ khắc đúng đắn nhất của họ). Ông ta tỏ vẻ coi khinh những người này do họ cho rằng có thể đánh giá một chính sách mà không biết gì mấy về quá trình nội bộ hoạch định chính sách. Ông ta nói đầy coi thường: "Họ chẳng bao giờ được biết những thông tin mật".

Đó là câu ông ta nói. Hẳn ông ta ương tuý luý thuốc độc của Circe rồi (Circe: tên mụ phủ thuỷ trong tác phẩm Odyssey của Homer, kẻ biến người thành lợn - ND ). Kinh nghiệm hai năm trước đã quá đủ để tôi có thể giải độc cho ông ta. Không muốn bị đánh đồng và để nhắc ông ta nhớ tới lần nói chuyện với tôi hai năm trước, tôi nói: "Nhưng điều đó không đúng với tôi".

Ông ta vội nhấn mạnh: "Không, đương nhiên là không rồi. Tôi không có ý nói tới anh đâu".

Tôi tiếp tục tấn công: "Và cũng không đúng với Walt Rostow". Lần này chủ yếu tôi muốn Kissinger thấy rằng những ai đã từng đọc Hồ sơ Lầu Năm Góc thì có thể thấy chân tướng chính sách đang nằm trong vòng bí mật của ông ta hiện nay, cũng như chính sách của người tiền nhiệm Walt Rostow và trước đó là McGeorge Bundy. Tất cả những chính sách đó chỉ là một, đó là bí mật tôi muốn tuồn lại vào Nhà Trắng. Nhưng nhắc tới Rostow cũng chẳng có tác dụng gì.

Kissinger nói: "Walt Rostow là một đồ ngốc".

Tôi nói: "Có thể thế thật, nhưng McGeorge Bundy thì không".

Ông ta lại nói: "Phải, McGeorge Bundy không ngốc… Nhưng… ông ta chẳng nắm được tinh thần của chính sách".

Tóm lại, theo ông ta, chiến lược không lặp lại, mà thậm chí nếu có thế thật thì những người kia thực thi không tốt. Họ không biết cách đe doạ và không thể nào để làm chính sách trở nên hữu hiệu hơn. Buổi nói chuyện này càng khẳng định cảm giác của tôi trong năm trước đó. Đây không phải là một chính sách hay một mô hình hoạch định chính sách mà có thể thay đổi được từ bên ưong nhờ vào việc nói thẳng, nói thật với người có quyền lực. Các giáo sư Cambridge chuyển sang nắm vị trí trong chính quyền chẳng thể rút được kinh nghiệm từ thất bại của những đồng nghiệp cũ hơn những gì mà những đảng viên Cộng hoà học hỏi được từ các Đảng viên Dân chủ hay như người Mỹ học được từ người Pháp.

Nhưng tôi không hiểu được rằng, vì thế này thế khác, Kissinger đã tỏ ra khẩn thiết gặp lại tôi và đã cố hẹn gặp. Tôi nói đến Cambridge tôi sẽ gọi lại vì chúng tôi đang chuẩn bị rời đến đó.

Tôi đã gọi cho ông ra và cùng hẹn ngày giờ. Nhưng rồi chỉ một giờ trước khi tôi bay tới Washington , thư ký của ông ta gọi cho tôi báo hoãn lại, rồi cô ta lại hẹn một ngày khác. Lại hoãn thêm một lần nữa, rồi cô thư ký lại cố hẹn tiếp lần thứ ba. Tôi nói: "Rõ ràng là ông ta rất bận. Tôi không muốn cứ tiếp tục phải bị lỗi hẹn như vậy khi mà rõ ràng là ông ta không có thời gian gặp tôi" - "Không phải, ông ấy rất muốn gặp ông mà". Lần hẹn sau, nửa giờ trước khi đi tôi đã gọi trước cho chắc, nhưng rồi lại được biết rằng cuộc hẹn lại bị hoãn. Cô ta ướm tôi một hôm khác nhưng tôi đã nói rằng ông ta nên gọi cho tôi khi ông ta thấy có thời gian. Tôi không thấy nhắc đến chuyện đó nữa. Tôi đã không bao giờ biết tất cả những chuyện này là do đâu. Lúc đó tôi đã cho qua vụ này, vì từ những lần lỗi hẹn như vậy tôi đã kết luận rằng ông ta chẳng mấy quan tâm, và ông ta muốn gặp tôi chỉ là để có thể nói ông ta đã lắng nghe "tất cả mọi người với nhiều quan điểm khác nhau, ví dụ như Dan Ellsberg".

Sau đó khi gián tiếp nghe nói tới ông ta thì sự nghi ngờ của tôi càng được khẳng định. Đó là vào giữa tháng 1-1971, khi tôi đang ở Minneapolis để làm chứng tại phiên toà xét xử hai người trong nhóm gọi là "Minnesota Tám". Những người này đã bị bắt quả tang khi đang tiêu huỷ tài liệu tại một trụ sở tuyển quân. Tôi mang theo một tập Hồ sơ Lầu Năm Góc để trong cặp xách, dự kiến để đưa vào tập hồ sơ của toà. Tôi hy vọng sẽ có thể làm chứng theo cách nào đó để có thể đưa những tài liệu này ra làm bằng chứng. Sau đó các luật sư bên bị sẽ yêu cầu xem toàn bộ tài liệu và đưa vào hồ sơ phiên toà.

Đêm trước phiên toà, luật sư biện hộ cho nhóm Tám đã hỏi về lai lịch của tôi để có thể đề đạt tôi thành nhân chứng tại phiên toà. Anh ta hỏi tôi đã bao giờ làm trong chính quyền chưa. Tôi nói đã từng làm trong chính quyền, nhưng tôi không thể tiết lộ điều đó tại phiên toà. Đã hai năm rồi tôi vẫn giữ kín về chuyện này vì Kissinger không muốn người ta biết tới ông vẫn nhờ vào sự giúp đỡ của Rand và đặc biệt là của tôi. Tôi không còn ở Rand , nhưng tôi không muốn làm họ khó xử khi quan hệ với Kissinger nếu tôi nói về nơi làm việc cũ, dù cho người luật sư tin rằng nếu nói ra thì sẽ giúp tăng vị thế của tôi trước toà.

Sáng hôm sau, ngày 14-1, Patricia gọi điện, nói rằng Don Oberdorfer của tờ Bưu điẹn Washington gọi cho tôi.

Còn một giờ nữa mới phải đến toà nên tôi đã gọi cho ông ta. Ông ta nói đang làm một tổng kết về chính sách của Nixon trong hai năm qua, trong đó có Việt Nam . Ông đã hỏi Kissinger về nguồn gốc của chính sách hiện thời. Kissinger nói: "Mỉa mai thay là có một số người đang phê phán chính quyền thì trước đây lại có vai trò then chốt trong việc hình thành chính sách", đặc biệt là "có một anh tên là Ellsberg".

Tôi đã hết sức kinh ngạc: "Kissinger nhắc đến tôi?"

"Phải, chắc chắn đấy. Nhờ thế tôi mới biết đến anh. Ông ta cũng nói tới Halperin và Schelling. Nhưng ông nói rằng anh đã tham gia vào việc nghiên cứu đề xuất các chính sách và vấn đề để lựa chọn".

Theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên Kissinger đề cập với các nhà báo về sự tham gia của những người ngoài chính quyền vào việc đề ra những lựa chọn chính sách. Tôi hỏi: "Thế Kissinger nói chính sách đó là gì?"

"Đó là chính sách vừa đàm phán với Hà Nội vừa rút quân khỏi Việt Nam ".

Tôi nói: "Nếu đó là là câu tóm lược chính sách hiện thời thì tôi vẫn đang ở Rand và Mort Halperin vẫn đang ở Nhà Trắng rồi. Ông này vẫn đang che giấu thực chất chính sách là gì và vẫn che mắt chúng ta với thứ chính sách dở tệ đó". Tôi hỏi thì được biết Kissinger không nói gì về việc đe doạ leo thang chiến tranh, về các hoạt động nhằm phô trương, về việc kiên quyết yêu cầu hai bên cùng rút quân (quân Mỹ và quân Bắc Việt Nam - ND), hoặc về kế hoạch duy trì một lực lượng lớn ở Việt Nam . Oberdorfer đã rất ngạc nhiên khi nghe tôi nói về vai trò của những nhân tố đó. Ông nói chuyện thêm với vài người và kết luận rằng tôi đã đúng và ông đã bị Kissinger làm lạc hướng. Don là một trong những nhà báo đầu tiên mà tôi thành công trong việc thuyết phục họ tin theo cách nhìn của tôi.

Kết quả tức thời của câu chuyện là tôi thấy mình có thể lần đầu tiên thoải mái công khai về công việc của mình khi tới dự phiên toà vài giờ sau đó. Khi được chất vấn rằng tôi đã từng làm việc cho chính quyền Nixon hay chưa, tôi nói rằng tôi yừa được biết Kissinger đã tiết lộ điều này, do đó tôi hoàn toàn có quyền thừa nhận.

Nhưng tôi đã không thể đưa Hồ sơ Lầu Năm Góc vào hồ sơ của phiên toà. Tối hôm trước tôi đã nói với luật sư bên bị về tài liệu này. Chúng tôi đã cùng bàn thảo kế hoạch khiến toà phải chấp nhận dùng tài liệu này làm bằng chứng. Theo đó, anh ta sẽ hỏi ý kiến của tôi về một tuyên bố (sai lầm) nào đó của Kennedy hoặc Johnson (tôi đã chọn được một tuyên bố như vậy) Tôi sẽ nói: "Tuyên bố đó là sai lầm". Anh ta sẽ hỏi: "Đó là một cáo buộc hết sức nghiêm trọng; anh đang cáo buộc rằng Tổng thống của Hợp chủng quốc nói dối. Anh có bằng chứng nào để xác minh cáo buộc này?" Tôi sẽ nói: "Tôi có. Ở đây tôi có nhiều tài liệu có thể làm bằng chứng". Tiếp đó anh ấy sẽ bước tới lấy tập tài liệu và dùng làm chứng cớ biện hộ và được gửi tới công tố viên, thẩm phán và bồi thẩm đoàn. Theo tôi hiểu thì thẩm phán sẽ quyết định xem có công khai những tài liệu này hoặc có gửi cho bồi thẩm đoàn hay không. Nhưng dù sao đi nữa ông ta cũng sẽ có cơ hội đọc chúng và tài liệu này sẽ trở thành một phần trong hồ sơ của phiên toà nếu ông ta niêm phong tài liệu. Toà phúc thẩm có thể sẽ xem tới những tài liệu này, rồi theo cách nào đó, chúng sẽ đưa đến những phản ứng có tính pháp lý đối với cuộc chiến.

Ngày hôm sau, tôi mang theo cái cặp xách khi ngồi vào chỗ người làm chứng tại toà. Khi luật sư đề nghị tôi, với tư cách là một chuyên gia, bình luận về tuyên bố (mà tôi đã chọn trước) của Tổng thống Johnson, tôi đã đáp: "Tuyên bố đó là một sự bịa đặt". Tất cả mọi thứ đột nhiên ngưng lại. Viên thẩm phán đập mạnh búa xuống bàn, tạm dừng phiên toà và yêu cầu các luật sư tới chỗ ông ta. Ông ta nói thầm với các thành viên bồi thẩm đoàn, nhưng chỗ tôi ngay gần chỗ ông ta, nên tôi nghe được những gì ông ta nói. Ông ta rất giận dữ: "Tôi đã cảnh báo các anh là tôi không cho phép bất cứ khai báo nào trong phòng xử này cũng không được chỉ trích chính quyền".

Tôi nghĩ, "Chỉ trích chính quyền?" Thế phiên toà này để làm gì? Hai bị cáo đang đứng trước nguy cơ phạt tù dài hạn vì những hành động mà họ thừa nhận là để thể hiện sự công khai phê phán chính sách của Tổng thống. Họ cho rằng ông ta đang tiến hành một cuộc chiến tranh đầy tội ác và vô đạo đức, đó chẳng là chỉ trích thì là gì? Đó chính là động cơ của họ. Liệu những chứng cớ và lời khai biện minh rằng việc họ chỉ trích là hợp lý có thể bị bác bỏ ngay lập tức hay sao? Như đọc được suy nghĩ của tôi, viên thẩm phán nói thêm: "Chính quyền và các chính sách của họ không được xét xử ở đây. Tôi cảnh cáo anh lần cuối: Nếu anh còn định cố gắng khai báo rằng chính quyền đã nói dối, tôi sẽ bác bỏ cả anh và nhân chứng".

Thẩm phán đã yêu cầu bồi thẩm đoàn bỏ qua câu hỏi và câu trả lời của tôi. Tôi vẫn tiếp tục khai báo, nhưng chiếc cặp xách vẫn đóng kín.

Có lẽ Don Oberdorfer đã nói với Kissinger về việc tôi không hài lòng khi ông ta nói tới tên tôi, nên hai tuần sau, lần tiếp theo tôi gặp ông ta, cũng là lần cuối cùng, trong một căn phòng đông người ông ta đã tới bắt tay tôi. Ông ta nói khi đang bắt tay: "Tôi phải xin lỗi anh nếu như tôi đã làm khó cho anh với Don Oberdorfer".

"Ồ không, Henry, không có gì đâu". Tôi rất mừng là mình đã có cơ hội nói với Oberdorfer chính xác chính sách đó là gì.

Lúc đó là vào thời gian đón tiếp khách mời trước lễ khai mạc một hội nghị của các sinh viên MIT và các doanh nhân, nhiều người trong số họ là phụ huynh của các sinh viên, những người mà đã phê phán chiến tranh. Diễn ra từ 29 đến 31-1, ý tưởng của hội thảo là để bắc nhịp nối hai thế hệ sinh viên và doanh nhân, rất nhiều trong số đó là những người Cộng hoà có tư tưởng tự do, để cùng chung tay.phản đối chiến tranh.

Tên của hội thảo là Runnymede , được đặt theo tên cánh đồng mà các nam tước Anh đã buộc Vua John phải tuân theo Magna Carta (100*). Ai đó chọn tên này thật là khéo, vì nó có thể có hàm ý là những sinh viên MIT cũng như những doanh nhân có chút nào đó tự cảm thấy mình cũng mang chất thượng lưu như những nam tước khi đối đầu với hoàng đế. Hội thảo sẽ bắt đầu với bài phát biểu của Kissinger về tình hình nói chung.

Nghe Kissinger nói tôi mới hiểu tại sao ông ta có thể đạt hiệu quả cao đến như vậy trong quan hệ với công chúng. Ông ta nói hết sức nhẹ nhàng và thuyết phục. Bề ngoài là nhắm tới các sinh viên dự hội thảo, ông ta nói đến "thảm kịch" của những phong trào cách mạng gây ra những bất ổn tiêu cực và thật "bi thảm" khi cần phải xử lý bằng biện pháp mạnh. Đến phiên hỏi đáp, ông ta cũng rất tự tin và sẵn sàng trả lời. Cũng có lúc ông ta thể hiện sự bực bội, nhưng theo một cách rất thuyết phục.

Một vài người hỏi rằng tại sao không rút quân nhanh hơn và ông ta đã trả lời: "Bạn đang hỏi là liệu chính sách của chúng tôi có phải là ở lại Việt Nam . Nhưng chính sách đó là rút khỏi Việt Nam . Chúng tôi đang xuống thang chiến tranh ở Việt Nam và tôi có thể bảo đảm với bạn rằng chiến tranh sẽ tiếp tục giảm cường độ". Ông ta lấy ví dụ về việc giảm bớt số lượng cũng như thương vong của quân Mỹ.

Kissinger cũng đã tránh trả lời một câu hỏi, nhưng một lần nữa lại theo cách càng tăng thêm sự đáng tin cậy của ông ta. Mark Gerzon, một trong những sinh viên tham gia tổ chức hội thảo, đã hỏi về những bước đi trong đời, những bước đi đã ảnh hưởng tới quan niệm về giá trị và nhận thức của ông ta về thế giới. Có lẽ vì liên quan đến cuộc sống cá nhân nên Kissinger đã từ chối trả lời. Ông ta nói với chút gì đó khá tự tôn: "Bạn sẽ không thể tôn trọng tôi nếu như tôi cố tự nói về mình trước mọi người".

Sau một số câu hỏi được Kissinger trả lời đầy thuyết phục với một dáng vẻ đĩnh đạc, tôi đứng lên hỏi tiếp. Ông ta nhận ra tôi. Tôi nói mình có một câu hỏi, nhưng trước hết muốn bình luận về những gì ông ta vừa nói.

"Ông nói rằng Nhà Trắng không phải là nơi dành cho triết lý hoá đạo đức. Nhưng trên thực tế Nhà Trắng vẫn giáo dục người dân bằng tất cả những gì họ làm, tất cả những gì họ nói và không nói. Đặc biệt là, tối nay, ông đã thể hiện những giá trị đạo đức khi nói rằng chiến tranh đang xuống thang và sẽ tiếp tục xuống thang, kế đó là việc ông chỉ liên hệ tới số lượng và thương vong của lính Mỹ ở Việt Nam . Ông đã không đề cập tới thương vong của người dân Đông Dương hay số lượng người tị nạn ở đây, về khối lượng bom đạn… mà thực tế là những thứ này đang leo thang. Với việc bỏ qua chi tiết này, ông đang nói với người Mỹ rằng họ không cần phải quan tâm tới những hệ quả đối với người dân Đông Dương, và ông kêu gọi người Mỹ ủng hộ những chính sách mà bỏ qua những hệ quả đó".

"Vậy tôi có một câu hỏi cho ông: ông dự tính chúng ta sẽ giết hại bao nhiêu người dân Đông Dương nếu theo đuổi chính sách này trong vòng mười hai tháng tới?"

Điều có thể nhận thấy ngay là ông ta hoàn toàn ngạc nhiên.

Khán giả cũng sửng sốt bởi đây là lần đầu ông ta tỏ mất bình tĩnh. Ông ta cúi thấp đầu, mặt cau lại, nửa như quay ngược phía khán giả. Rồi ông ta quay lai, mắt nheo nheo nhìn tôi đầy soi mói khiến tôi nhớ lại cảnh ông ta gõ gõ tay lên bàn khi ở San Clemente , rồi nói với giọng đầy cáo buộc: "Thật là một câu hỏi trau chuốt… Tôi trả lời thậm chí nếu tôi không trả lời…"

"Tôi không cố nói cho hay. Đó là một vấn đề cơ bản. Ông có thể trả lời chứ?"

Ông ta lặng im suy nghĩ chừng một phút rồi nói: "Anh đang buộc tội chúng tôi thi hành chính sách phân biệt chủng tộc".

Thật là phi lý. Ông ta vẫn đang cố xoáy vào câu chữ của tôi để câu giờ. Tôi nói: "Chủng tộc không phải vấn đề ở đây. Để tôi nói lại: Bao nhiêu sinh mạng sẽ bị chúng ta giết hại với chính sách này trong mười hai tháng tới?"

Lại im lặng một lúc. Ông ta đi tới đi lui. Chẳng có vẻ gì là ông ta đang ngồi ở buổi trao đổi này cả. Khán giả cũng lặng im.

Rồi ông ta chợt nói: "Thế giải pháp thay thế của anh là gì?"

"Tiến sỹ Kissinger, tôi biết rất rõ ngôn ngữ của những giải pháp thay thế và những sự lựa chọn. Nhưng điều đó chẳng giải quyết được câu hỏi này. Tôi đang hỏi về những ước tính, về những hậu quả mà chính sách của chính ông gây ra trong mười hai tháng tới nếu như ông có biết. Ông có một ước tính nào không?"

Lại một lúc im lặng. Rồi cậu sinh viên đang chủ toạ buổi tối hôm đó đứng lên và nói: "Chương trình tối nay đã kéo dài khá lâu rồi, và tôi nghĩ chúng ta đã có đủ thời gian hỏi đáp. Có lẽ chúng ta nên để tiến sỹ Kissinger trở lại Washington ". Buổi hội thảo kết thúc tại đó. Một vài sinh viên vây quanh Kissinger cố hỏi thêm vài điều cuối cùng. Tôi không tìm cách tiếp cận ông ta trước khi ông ta rời đi.

Sáng hôm sau, khi dự một phiên thảo luận, tôi đã miêu tả điều mà tôi tin là bản chất chính sách của Nixon với một nhóm nhỏ những người tham gia, trong đó có Osborne Elliott, biên tập viên của tờ Tuần tin tức . Tôi nói về khả năng bước tiếp theo ít nhất sẽ là tấn công Lào, và tệ nhất có thể là tấn công phía Nam của Bắc Việt Nam . Elliott tỏ ra đặc biệt hoài nghi. Anh nói rằng những nhà báo của Tuần tin tức không thấy có bất kỳ dấu hiệu nào, dưới bất kỳ hình thức nào, cho thấy những hành động đe doạ leo thang như vậy. Nhưng trong giờ nghỉ giải lao phiên buổi sáng, anh đã đến gặp tôi và nói: "Ellsberg, có lẽ có điều gì đó trong những điều anh vừa nói. Tôi đã gọi cho văn phòng của tôi ở New York . Họ vừa nghe bộ phận của chúng tôi ở Sài Gòn thông báo là người ta đã cấm hoàn toàn việc đưa thông tin từ Nam Việt Nam ra bên ngoài. Có điều gì đó bất thường đang diễn ra".

Ngày hôm sau, tin tức phát ra cho biết Quân đội Việt Nam cộng hoà đã xâm lược Lào với sự hỗ trợ chiến đấu của quân Mỹ. Hoá ra là ngay lúc Kissinger còn đang nói với chúng tôi rằng: "Chúng tôi đang xuống thang chiến tranh ở Việt Nam và tôi có thể bảo đảm với bạn rằng chiến tranh sẽ tiếp tục giảm cường độ" thì các cuộc ném bom ở Lào đã bắt đầu. Sau khi bớt chút thời gian vốn đã eo hẹp để đưa ra sự bảo đảm này với một số lượng nhỏ những khán giả thượng lưu ở Massachusetts , ông ta đã bay ngay về Washington để theo dõi chiến dịch tấn công này. Hẳn ông ta đã thức trắng cả đêm.

Từ hội thảo ở MIT trở về, khi mà cuộc tấn công ở Lào đang ở mức ác liệt nhất (dù lúc này Quân đội VNCH chưa bị đánh bại), tôi cho ra một bài phân tích và phê phán chính sách của Nixon theo cách hiểu của tôi. Tôi viết tên bài là "Lào: Vấn đề Nixon phải phụ thuộc", nhưng biên tập viên của chuyên san "Điểm sách New York " lại chuyển thành "Giết chóc ở Lào". Ba tháng sau, Kissinger ám chỉ tới tên bài này ở Phòng Bầu dục để làm chứng cho sự thiên lệch của tôi kể từ khi ông ta biết tôi năm 1968. Vào ngày 17-6-1971, bỏ qua những lần tham vấn với tôi vào năm 1969 và 1970, ông ta đã nói với Tổng thống, Ehrlichman và Halderman rằng tôi đã cáo buộc ông ta là "một tên giết người" ở hội thảo tại MIT đầu năm đó. Thực tế là tôi chẳng hề dùng từ này ở Runnymede cũng như trong bài báo, cũng như trong bất kỳ cáo buộc nào khác. Nhưng có lẽ ông ta đã không quá nhạy cảm để có thể nghe ra nó trong những câu hỏi và bình luận của tôi. Nhắc lại trao đổi giữa chúng tôi ở Runnymede, tôi đã nêu ra thắc mắc này trong một bài báo trên tờ "Điểm sách New York " vào cuối tháng hai:

"Có bao nhiêu người sẽ chết ở Lào?(101) chính xác nhất thì Nixon sẽ ước tính bao nhiêu người dân Lào - cả "kẻ thù" và "không phải kẻ thù" - sẽ bị hoả lực Mỹ giết hại trong mười hai tháng tới? Ông ta không có một ước tính như vậy. Ông ta đã không hỏi Kissinger về vấn đề này, và Kissinger cũng không hỏi Lầu Năm Góc… và tất cả họ đều giống hệt những người tiền nhiệm…"

Tôi đã trích dẫn tính toán của Tiểu ban người tị nạn của Thượng nghị sỹ Edward Kennedy:

"Từ năm 1965 đến năm 1970, ít nhất đã có 300.000 dân thường đã thiệt mạng ở Nam Việt Nam, hầu hết là do hoả lực Mỹ. Tổng số thương vong ít nhất là một triệu. Trong số đó… khoảng 50.000 dân thường thiệt mạng trong năm đầu Nixon cầm quyền, trong năm thứ hai là 35.000".

Bài báo kết luận:

"Người Mỹ cần phải nhìn lại những sự lựa chọn, những thông báo trong quá khứ, cả những thông tin thuận chiều và trái chiều, để thấy được người ta đang nhân danh nhân dân Mỹ làm cái gì, để từ đó cự tuyệt không đồng loã với những hành động đó Họ phải nhận ra và buộc Quốc hội và Tổng thống tuân theo lẽ phải là quân Mỹ dừng ngay việc giết chóc ở Đông Dương, và rằng cả những sinh mạng mà chúng ta mất đi và những sinh mạng mà chúng ta đã lấy đi cũng không thể khiến nước Mỹ có quyền dùng hoả lực và không lực để quyết định ai sẽ thống trị hay ai sẽ chết ở Việt Nam, Campuchia và Lào"(102).



Chú thích:

(100*) Magna Carta: Tiếng Latinh nghĩa là Bản hiến chương vĩ đại. Đây là bản hiến chương hạn chế quyền lực của nhà vua và quy định các quyền tự do dân sự và chính trị của công dân Anh. Năm 1215, sau quá trình đấu tranh lâu dài của các nam tước Anh, tại cánh đồng Runnymede . vua John đã phải công nhận bản hiến chương này - ND

(101) "có bao nhiêu người sẽ chết"; "ít nhất 300.000 người" - Ellsberg, Hồ sơ cuộc chiến, trang 271.

(102) "… người Mỹ cần phải nhìn lại" - sđd, trang 274.

CHƯƠNG 25

Cuối tháng 12-1970, tôi có lần gặp áp chót với Thượng nghị sỹ Fulbright ở văn phòng của ông để thảo luận xem nên làm gì với tập Hồ sơ Lầu Năm Góc . Ông đã có gần đủ những gì tôi có, kể cả NSSM-l và những ghi chú của tôi về bản nghiên cứu Pontoro về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ . Norvil đã nói rõ rằng sẽ không có những phiên điều trần công khai về chiến tranh theo kiểu mà anh đã dự tính vào tháng năm, khi chiến dịch xâm lược Campuchia đang diễn ra. Công chúng không giành sự quan tâm cho vấn đề này nữa, mà chính Uỷ ban đối ngoại cũng chẳng ủng hộ những phiên điều trần như thế. Chiến tranh không hẳn là vấn đề được quan tâm trong kỳ bầu cử Quốc hội tháng mười một. Chính Fulbright không phải không đồng ý với bức xúc của tôi khi tôi cho rằng sau vụ tấn công Sơn Tây để giải cứu tù binh Mỹ bị thất bại và việc ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam thì chiến tranh sẽ lan rộng, nhưng ông thấy rằng khó có khả năng huy động được sự ủng hộ ở Quốc hội cho đến khi điều đó thực sự diễn ra.

Về Hồ sơ Lầu Năm Góc , Fulbright có vẻ thông cảm vói việc tôi mong muốn bên cạnh việc nhanh chóng điều trần thì tìm cách nào đó để đưa ra công khai tài liệu này để gắn với cuộc chiến đang diễn ra. Ông nêu ra một loạt biện pháp có thể đưa ra tài liệu mà ít gây nguy hiểm cho tôi, dù tôi không quan tâm lắm tới vấn đề này. Ông gợi ý việc đưa ra một lệnh triệu tập Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird báo cáo về tài liệu này. Ông nói ông có quyền yêu cầu Laird cung cấp tài liệu này, điều ông đã từng làm vài lần. Đến đây Norvil mới tiết lộ điều mà tôi hiểu là lo lắng bấy lâu của anh, từ lúc mọi chuyện bắt đầu. Anh nghĩ rằng kể cả khi có được tập tài liệu từ Laird thì Uỷ ban cũng sẽ không thể tự mình đưa công khai nếu không có sự đồng ý của Nhà Trắng. Hơn thế nữa, Chủ tịch Uỷ ban không thể tự mình làm vậy bởi Uỷ ban có trách nhiệm giúp Thượng viện bảo vệ tài liệu mật này, tài liệu họ đã luôn có thể có được và có những địa điểm và thiết bị để lưu trữ nó. Nếu Fulbright tiết lộ tài liệu hoặc phân phối hay xuất bản chúng thì ông có thể bị buộc tội gây nguy hại tới khả năng có được các tài liệu bảo mật từ nhánh hành pháp, không chỉ cho bản thân ông hay cho Uỷ ban mà là cho cả Thượng viện. Jones cũng nói rằng các thành viên Uỷ ban và đặc biệt là các nhân viên của Uỷ ban thường bị buộc tội tiết lộ thông tin. Không khó để đoán ra là bản thân Jones cũng chẳng muốn mình bị buộc tội này. Anh vẫn thường lưu ý tôi đừng cho ai biết mình đã chuyển những tài liệu này cho Fulbright.

Fulbright nói với tôi rằng ông đã vài lần đề nghị Laird đưa Hồ sơ Lầu Năm Góc , nhưng chẳng có gì cho thấy là ông sẽ có nó. Càng lúc càng rõ là Jones sẽ không khuyên Fulbright thách thức tất cả bằng việc đưa ra hoặc sử dụng những gì tôi đã chuyển cho ông. Chính Fulbright đã nói với tôi: "Chẳng phải rốt cục đó chỉ là lịch sử thôi sao?". Tôi nói rằng phải, nhưng với tôi đó là một lịch sử hết sức quan trọng. Đó còn là một lịch sử dang dở.

"Nhưng điều đó có thực sự quan trọng không? Có nhiều thứ trong đó mà chúng ta không biết không?". Ông đề nghị tôi chỉ ra một tiết lộ mới trong tập tài liệu mà có thể thu hút sự quan tâm của dư luận.

Tôi nói không phải là từng trang hay từng chi tiết, hay thậm chí là một phần nhỏ trong tài liệu là quan trọng. Điều quan trọng là toàn bộ tập tài liệu đã mô tả chi tiết về sự can dự của chúng ta vào Việt Nam) về sự bi quan trong nước và liều lĩnh leo thang chiến tranh, lừa bịp công luận về một thực tế bế tắc và vô vọng theo một cách giống hệt nhau qua nhiều đời Tổng thống. Sẽ chẳng thể nào tìm thấy một cái gì đó đáng chú ý nếu chỉ chú ý tới từng chi tiết. Ông cần phải đọc nhiều phần trong đó, có thể là một nghìn trang, xem xét thông tin về một số giai đoạn để nắm được vấn đề chung. Hơn thế nữa, quá trình tiếp theo vẫn đang còn diễn ra. Đó mới là mấu chốt. Thật khó có thể tin rằng tài liệu này có độ xác tín nếu như không đọc được phần lớn tài liệu.

Sau khi nói chuyện với Fulbright, Jones và tôi sang phòng của anh ở ngay bên cạnh và tiếp tục thảo luận. Lúc này anh mới gợi ý rằng tôi có thể chỉ cần gửi tài liệu này cho tờ Thời báo New York . Tôi nói mình đã tính tới khả năng này. Về mặt pháp lý thì làm như vậy có thể tương đối nguy hiểm cho tôi, nhưng tôi sẵn sàng làm những gì cần thiết. Tôi hỏi Jones anh có thể nghĩ ra thượng nghĩ sỹ nào đó sẵn lòng công bố nghiên cứu này. Anh lôi ra danh sách các thượng nghị sỹ, đầy đủ cả địa chỉ văn phòng và điện thoại liên lạc. Anh dùng ngón tay lần từng cái tên từ trên xuống dưới một cách tương đối nhanh để tìm ra một người khả dĩ. Nhưng chẳng chỉ ra được ai. Tôi thử nêu thượng nghị sỹ McGovern. Jones nghĩ không thể, dù anh đồng ý với tôi rằng McGovern là người khả dĩ nhất có thể làm chuyện đó. Tôi nêu tiếp Thượng nghị sỹ Mathias và một số người khác. Jones thực sự nghĩ rằng chẳng có thượng nghị sỹ nào có vẻ sẽ làm vậy, nhưng một hạ nghị sỹ thì khả dĩ hơn vì xét trên khía cạnh nào đó thì ít nguy cơ đối với họ hơn. Vấn đề là hạ nghị sỹ không có quyền ngăn cản một dự luật. Ông ta hoặc bà ta không thể là người khởi xướng việc đưa tài liệu này vào sử dụng tại quốc hội hoặc thậm chí là không thể đưa nó vào Hồ sơ Quốc hội. Tài liệu này quá dài. Hơn thế nữa, một hạ nghị sỹ không thể bảo vệ tôi tương tự như một thượng nghị sỹ do thượng nghị sỹ có thẩm quyền trong lĩnh vực đối ngoại. Tuy nhiên, Jones cho rằng tốt nhất là nhờ được hạ nghĩ sỹ bang California Pete McCloskey, người được trao danh hiệu anh hùng trong chiến tranh Triều Tiên. Sau đó tôi đã đến thử gặp McGovern và McCloskey.

Ngày 1-1-1971 ở Cambridge tôi tình cờ nói chuyện với Sandy Gottlich, Chủ tịch của SANE (Committee for a Sane Nuclear Policy - Uỷ ban vì chính sách hạt nhân sáng suốt). Chúng tôi đã trao đổi về các vụ ngăn cản thông qua dự luật tại quốc hội và các hoạt động phá lệ khác. Gottlich cho rằng Gaylord Nelson là Thượng nghị sỹ có khả năng làm những điều tương tự nhất. Vào thời điểm thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ, khi tranh luận ở quốc hội, ông đã đưa ra những câu hỏi sắc bén nhất về sự nguy hiểm khi trao quyền cho Tổng thống được phép tự do hành động và đã đề xuất sửa đổi nghị quyết theo dự thảo do trợ lý của ông là Gar Alperovitz thảo ra. Anh này đã hối thúc ông đưa ra vấn đề này nhằm ngăn chặn bất kỳ hành động mở rộng chiến tranh nào mà không có sự chấp thuận của Quốc hội. Nhưng Fulbright đã thuyết phục Nelson rằng nếu cả hai viện của quốc hội cùng nhau đưa ra một nghị quyết chung để giải quyết vấn đề câu chữ thì khó có thể đưa ra một thông điệp về sự thống nhất và quyết tâm của Mỹ cho phía Bắc Việt Nam sau vụ (được cho là) tấn công của Hà Nội ở Vịnh Bắc Bộ và "phản ứng" sau đó của Tổng thống. Cuối buổi thảo luận đó, Nelson đã không cùng hai Thượng nghị sỹ Morse và Gruening bỏ phiếu chống nghị quyết này. Trong một hành động phản đối sau đó, gần như chỉ có mình ông bỏ phiếu chống Dự luật phân bổ ngân sách Quốc phòng cho chiến tranh.

Cảm tính đã mách bảo tôi có thể trông đợi ở Nelson.

McGovern có vẻ là người khả dĩ nhất, do đó vào cuối tháng 1-1971, tôi đã gọi cho Arthur Schlesinger (con) để nhờ anh sắp xếp cho tôi gặp Thượng nghị sỹ. Lúc tôi đến thì McGovern đang làm quá giờ và sau đó gần một giờ sẽ nghỉ ăn trưa. Trong khoảng thời gian đó, tôi đã nói với ông những thứ chung nhất về chính sách Việt Nam và những thủ thuật chính trị của Nixon. Ông có vẻ quan tâm khi tôi nói tới những mục đích của Nixon. Ông đã gây ấn tượng tốt với tôi bởi cách nhìn nhận của ông về những điều cần phải làm và tầm quan trọng của việc cần phải làm cái gì đó khác đi. Ông tin tưởng ở những vụ ngăn cản thông qua dự luật và hoàn toàn sẵn sàng để làm một hành động như vậy về vấn đề chiến tranh Việt Nam (dù ông đã không bao giờ làm thế). Ông nói muốn nói chuyện thêm với tôi, nên chúng tôi đã hẹn sẽ gặp lại vào cuối giờ chiều.

Tôi tới quầy cà phê của Quốc hội và tình cờ nhận ra I. F. Stone đang ngồi ăn một mình. Tôi chưa bao giờ gặp ông, nhưng tôi đã nhớ ra ông qua những bức ảnh. Từ lâu tôi đã muốn nói với ông rằng ngay từ đầu, trong bản tin chiến tranh của mình, ông đã thể hiện một quan điểm thật đúng đắn đối với cuộc chiến tranh Việt Nam . Tôi tự giới thiệu và đề nghị được nói chuyện. Ông kéo tôi ngồi xuống, săm soi nhìn tôi qua cặp kính dày cộp, rồi chúng tôi đã vừa ăn vừa nói chuyện với nhau suốt gần một giờ.

Ông rất buồn trước tình cảnh đang diễn ra ở Việt Nam . Đã có lúc tôi thấy mắt ông ngấn lệ. Ông kể rằng lúc nói chuyện với sinh viên, thậm chí ông đã không biết phải nói với sinh viên có thể làm những gì. Mọi thứ thật vô vọng.

Tôi kể cho ông về những gì tôi đang cố gắng làm, một phần là để ông vui lên chút ít và cũng là để hỏi xin ý kiến của ông. Tôi đã nói tới Hồ sơ Lầu Năm Góc một cách bộp chộp chẳng suy nghĩ gì. Tôi muốn được nghe lời khuyên của ông, nhưng đó không phải lý do duy nhất khi tôi được có dịp nói chuyện với ông. Tôi nói với ông vì ông là vị anh hùng trong trái tim tôi, ông đã lên tiếng với một tinh thần mà tôi kiếm tìm bấy lâu, giờ mới thoả, như khi tôi nói với Janaki và Randy Kehler về những gì tôi đang làm, để họ biết rằng họ đã truyền cảm hứng cho tôi đến thế nào và tôi đang nỗ lực cùng họ để được họ tôn trọng.

Ông thấy rằng McGovern đúng là nơi duy nhất có thể đặt cược hy vọng, nhưng cũng nên thử cả Nelson. Stone nói ông sẽ giúp đỡ hết mức có thể. Ông hỏi liệu tôi có dám trả giá không. Tôi trả lời sẵn sàng. Khi tôi đứng lên, ông nắm tay tôi thật chặt và nói: "Chúa phù hộ anh vì những gì anh đang làm. Tôi ngưỡng mộ anh".

Đằng sau cặp kính dày cộp (không lâu sau ông đã bị mù) mắt ông lại ngấn lệ. Với tôi những lời ông nói thật ý nghĩa biết bao.

Còn hơn một tiếng mới tới giờ gặp McGovern, nên tôi đã gọi tới văn phòng của Nelson và nói rằng Stone đã giới thiệu.

Tình cờ là Nelson đang rỗi và có thể gặp tôi ngay. Chúng tôi nói chuyện rất thoải mái trong gần một giờ.

Tôi có mang theo một chồng Hồ sơ Lầu Năm Góc để trong cặp và sẵn sàng cho ông biết về tài liệu này cũng như sẽ gửi ông xem, nhưng tôi muốn biết trước là liệu ông có thực sự sẵn sàng làm điều gì đó bất thường và liều lĩnh. Việc hàng năm ông đều bỏ phiếu chống dự luật phân bổ ngân sách quốc phòng là một ví dụ như vậy. Tôi chúc mừng ông về điều này, nhưng ông có vẻ không mặn mà lắm. Do không có mấy người cùng làm vậy với ông nên ông chỉ coi đó là một hành động mang tính tượng trưng mà thôi. Nhưng thật thất vọng là, sau khi đã nghe những gì Sandy Gottlich nói với tôi, dường như là ông chẳng muốn bổ sung cho những gì chúng tôi đã nói với nhau về ông. Khi tôi đề cập tới khả năng một hành động ngăn cản thông qua một dự luật (tôi coi đó là một phép thử xem Thượng nghị sỹ có sẵn lòng làm việc gì đó kiểu như tiết lộ một tài liệu bảo mật) thì ông nhún vai gạt đi. Ông cũng đã nêu ra những phản bác đối với vài ý kiến khác của tôi, ví dụ như bỏ phiếu chống dự luật phân bổ ngân sách nào đó (ngoài ngân sách quốc phòng), về việc luận tội, ngăn cản các điều khoản của dự luật hay những bổ nhiệm dơ chính quyền đề nghị, cam kết trước sẽ bỏ phiếu chống việc phân bổ ngân sách… tất cả những việc mà người ta chưa thử làm. Ông đã bác bỏ tất cả với lập luận chủ yếu là những thứ này không mấy khả thi.

Cuối cùng tôi đã hỏi về đề xuất của chính ông nhằm kết thúc chiến tranh. Ông nói: "À, đi vận động từng người một ủng hộ cho dự luật McGovern-Hatfield". Tôi hỏi ông có tin rằng dự luật này có thể được Hạ viện thông qua hay không, và câu trả lời là: "Không, không hẳn". Tôi nói rằng tiếp cận theo kiểu này cũng tốt nếu như nó có thể chấm dứt chiến tranh trước khi chúng ta phá huỷ cả Việt Nam . Ông ta không có vẻ gì là bất đồng với quan điểm của tôi về sự bức thiết của tình hình, nhưng điều đó cũng không khiến ông cảm thấy phải liều mình hành động. Ông ta có vẻ bị động đến kỳ quặc, thậm chí là cam chịu trước khả năng không thể làm gì ở Thượng viện để ngăn chặn việc leo thang chiến tranh hơn nữa. Dĩ nhiên là chính những gì Ông đã trải qua về vấn đề này đã khiến ông trở nên nghi ngờ các thượng nghị sỹ khác, nhưng tôi bắt đầu băn khoăn là đến nước này thì liệu ông có khác gì so với họ hay không đây.

Ông không có vẻ muốn sớm kết thúc buổi nói chuyện, nhưng việc ông thờ ơ bỏ qua từng biện pháp một vì cho rằng như thế là phi thực tế hoặc là quá ngây thơ đã đột ngột khiến tôi thấy khó chịu. Tôi đã đùng đùng đứng dậy đi ra. Ông ta tỏ ra ngạc nhiên. Tôi nói: "Thượng nghị sỹ, ông biết đấy, vài năm trước khi còn làm ở Lầu Năm Góc tôi đã có thể làm điều gì đó để ngăn chặn cuộc chiến, nhưng tôi thấy tiếc là lúc đó tôi đã không làm. Tôi hy vọng ngày này một năm sau ông sẽ không phải thấy tiếc vì đã không thử làm bất kỳ điều gì".

Đó chẳng phải là một câu tốt đẹp gì để kết thúc câu chuyện và tôi cũng không cố tỏ ra như vậy. Tôi cảm ơn ông ta vì đã giành thời gian tiếp tôi rồi đi ra. Tôi tới văn phòng của McGovern và ngồi đợi ông. Khi ông quay trở lại, chúng tôi lại tiếp chuyện lúc sáng đang nói dở. Khi nghe ông nói về nỗi khổ tâm của ông vì cuộc chiến, tôi càng lúc càng thấy tin tưởng rằng "lời mách bảo" văng vẳng trong tai tôi lúc sáng hoàn toàn đúng đắn: ông chính là người tôi cần. Ông sẵn sàng liều mình để góp phần kết thúc cuộc chiến. Ông muốn góp phần kết thúc nó. Và tôi muốn giúp ông.

Tôi quyết định đưa cho ông tập tài liệu. Trong phát biểu đầu tiên tuyên bố tranh cử Tổng thống, ông đã nói rằng ông muốn nói sự thật với nhân dân Mỹ. Tôi nói với ông, nếu như đó đúng là điều ông thực sự muốn làm, tôi có thể đem đến cho ông nhiều sự thật đến mức ông không thể nói ra hết được trong khoảng thời gian từ nay tới tháng mười một năm 1972 (thời điểm diễn ra cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ - ND). Tôi nói qua một vài chi tiết về Nghiên cứu McNamara , về việc tôi đã sao chụp nó, về Fulbright và hiện có mang vài phần của tài liệu và đề nghị được gửi cho ông đọc.

Ông đã đồng ý một cách hết sức phấn khởi. Ông muốn có nó, muốn đưa nó vào hồ sơ của Thượng viện. Ông sẽ dùng nó để ngăn cản việc thông qua dự luật nào đó. Tài liệu này chính là cái mà ông đang cần. Ông cũng nói rằng không có bất kỳ một nguy cơ nào về mặt pháp lý nếu ông tiết lộ thông tin này khi tranh luận tại Thượng viện. Ông cũng sẽ không bao giờ nói nhờ đâu ông có được tài liệu này.

Tôi nói với ông điều đã nói với Fulbright rằng chẳng thích thú gì nếu phải vào tù, nhưng tôi sẵn sàng chấp nhận bất kỳ nguy cơ nào nếu cần thiết. Ông nói theo cách dứt khoát hơn Fulbright rằng không cần phải như thế. Không ai có thể buộc ông tiết lộ nguồn thông tin được. Ông đứng dậy, đi tới một giá sách cao trong góc phòng, lấy một tập sách giầy cộp có in bản Hiến pháp.

Ông tìm một điều luật rồi đọc cho tôi nghe. Với tư cách là Thượng nghị sỹ, ông "không thể bị chất vấn" về bất kỳ điều gì. Ông nói ra khi tranh luận tại Thượng viện. "Không thể bị chất vấn" - ông nhấn mạnh, "kể cả bởi FBI, Bộ Tư pháp, nhánh hành pháp, thẩm phán, bồi thẩm đoàn cũng như các thượng nghị sỹ khác".

Tôi chủ yếu coi sự đảm bảo mạnh mẽ đó là sự biểu hiện cam kết của ông đối với việc này. Như thế sẽ không thực sự bảo vệ được tôi, bởi vì tôi sẽ là nghi phạm rõ ràng nhất và bất kỳ ai cũng có thể chất vấn tôi. Được thôi. Tôi không định sẽ nói dối một khi được yêu cầu tuyên thệ trước toà hoặc do chính quyền yêu cầu.

Sau những bài học thời kỳ McCarthy, tôi cũng sẽ không vin vào Điều bổ sung thứ năm. Trên thực tế, nếu như trong trường hợp bị điều tra, tôi cung cấp tài liệu này cho ông thì tôi muốn ông sẽ khẳng định rằng tôi đã nói sự thật. Nhưng tôi thích giọng quả quyết của ông và sự mạnh mẽ của nó. Điều đó cho thấy chúng tôi đã gặp nhau ở điểm này và ông sẽ làm tất cả những gì có thể để bảo vệ tôi.

Tôi đã nghĩ rằng nếu như đưa tài liệu cho một thượng nghị sỹ (hoặc một hạ nghị sỹ, nếu như phải làm vậy) thì tôi sẽ được bảo vệ an toàn hơn là đưa cho một tờ báo nào đó, thậm chí cả khi luật liên quan không công nhận có sự khác biệt. Dù thế nào chăng nữa ít nhất thì tôi cũng sẽ không còn có quyền tiếp cận các tài liệu mật để rồi tiêu tan sự nghiệp, nhưng hẳn người ta sẽ phải lưỡng lự khi truy tố tôi nếu như có một thượng nghị sỹ có uy tín nào đó bảo vệ sự đúng đắn của tôi khi cung cấp thông tin cho ông ta và cho công chúng. Thậm chí nếu tôi có bị truy tố thì điều đó cũng sẽ tác động tới phán quyết hay bản án đối với tôi.

Nhưng điều quan trọng đối với tôi là làm sao những tài liệu này được đưa ra phòng họp thượng viện và sẽ được nói tới trong các buổi điều trần. McGovern là thành viên Uỷ ban đối ngoại và có thể yêu cầu điều trần cứ cho là Fulbright lo ngại rằng bên hành pháp sẽ trả đũa nếu như tài liệu mật này bị tiết lộ, do McGovern có thể tự chịu trách nhiệm vì hành động này nên không gì có thể ngăn cản ông đưa các buổi điều trần và triệu tập nhân chứng vào chương trình công tác của Thượng viện. Trước phản ứng ban đầu của McGovern, tôi có cảm tưởng cuối cùng thì mình đã đi đúng hướng để đưa tài liệu này ra trước công luận.

Thực sự là McGovern có vẻ hăng hái tới mức không gì có thể ngăn cản, khiến tôi cũng không chắc ông có thể đương đầu với những nguy cơ đối với sự nghiệp chính trị của ông hay không. Tôi không muốn nghĩ rằng mình đang lợi dụng ông, khiến ông vấp phải điều gì đó mà chưa tính toán hết được. Do đó, tôi đã thử đóng vai phản bác để nêu ra những thách thức mà ông có thể phải đối mặt. Ví dụ, ông có thể bị cáo buộc đã sử dụng thủ đoạn bầu cử nếu dùng tới tài liệu này. Ông nói ông không nghĩ đó là vấn đề nghiêm trọng. Lập trường của ông đối với chiến tranh đã được khẳng định từ lâu và mọi người đều biết rõ cho nên có tiết lộ tài liệu này thì cũng là rất nhất quán và ông sẽ không bị cáo buộc gian lận trong vận động bầu cử. Tôi hỏi: "Thế còn khả năng là những tiết lộ này sẽ gây rối các cựu quan chức Dân chủ?" Điều đó chẳng khiến người ta cho rằng ông làm hại đảng mình và ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình gây quỹ bầu cử của ông hay sao? Ông nói: "Nguồn gây quỹ bầu cử của tôi là khác với những người như Muskie (Muskie Edmund Sixtus (1914 - 1996), Thượng nghị sỹ Dân chủ bang Maine (1958 - 1980), ngoại trưởng Mỹ (1980 - 1981) - ND). Những người ủng hộ tôi muốn tôi làm như vậy. Làm thế sẽ không ảnh hưởng gì đâu".

"Thế còn việc người ta có thể cho rằng ông đang tranh cử Tổng thống, một vị trí là người chịu trách nhiệm đối với cả một hệ thống hoạt động bí mật, thế mà ông lại cư xử thiếu trách nhiệm khi tự ý tiết lộ những tài liệu mật?". Ông nói đó sẽ là cáo buộc nghiêm trọng nhất. Ông sẽ chỉ đơn giản nói đó là một trường hợp đặc biệt. Chúng ta đang ở trong một cuộc chiến tồi tệ mà không có cách nào khác để chấm dứt nó, do đó trong những tình huống nhất định thì phải tiết lộ những thông tin này cho cơng chúng. Những gì tôi nói về nội dung của tài liệu này chủ yếu là khẳng định thêm những cáo buộc và đánh giá lâu nay ông vẫn thường đưa ra. Rõ ràng đó là thông tin công chúng có quyền được biết và Quốc hội cần phải có nhưng từ trước đến giờ lại bị ỉm đi. Đây là một sự lạm dụng hệ thống bảo mật tài liệu nhằm che giấu những thông tin này.

Ông đã có những thông tin cần thiết về tài liệu nên có lẽ tôi không cần nói thêm. Trông ông có vẻ tỉnh táo và tự tin: "Tôi muốn làm việc này. Tôi sẽ làm". Ông nói tôi đưa tài liệu mang theo cho trợ lý của ông là John Holum. Rồi ông đã thận trọng và trách nhiệm lưu ý tôi: "Lúc này tôi thấy đây là cách làm đúng. Nhưng hôm nay tôi không muốn đưa ra kết luận cuối cùng. Tôi nghĩ tôi cần suy nghĩ trong vài ngày. Tôi sẽ không nói với ai hết. Trong vòng một tuần tôi sẽ gọi lại cho anh". Tôi thấy như vậy còn trên cả hợp lý. Dù thế nào thì như vậy đã đảm bảo rằng ông sẽ thực sự nghiêm túc đúng mức đối với vấn đề này. Chúng tôi bắt tay và ông giới thiệu tôi với Holum. Tôi đã đưa tập tài liệu trong cặp cho anh này.

Tôi bay về Cambridge và khoe với Patricia thông tin này. Dĩ nhiên là tôi đã một lần được nghe những lời như thế, khi Fulbright ban đầu cũng hăng hái và bảo đảm với tôi hệt như vậy.

Nhưng tôi thực sự thấy hy vọng. Thậm chí tôi có thể nói rằng mình thấy tự tin rằng sau buổi nói chuyện này McGovern sẽ không thay đổi quyết định. Nhưng khi chỉ một tuần sau khi ông gọi cho tôi và nói: "Tôi xin lỗi. Tôi không thể làm được", thì tôi lại phản ứng bình tĩnh đến mức mà đến giờ tôi vẫn thấy ngạc nhiên. Tôi chỉ nói, "Tôi hiểu", và tôi tin rằng tôi thực sự hiểu.

Tôi thực sự thông cảm với ông khi đang phải tranh cử Tổng thống. Tôi muốn ông có một chiến dịch tranh cử mạnh mẽ. Phản ứng của tôi trước quyết định đầy thất vọng của ông cho thấy rằng chính tôi đã âu lo, băn khoăn liệu những gì tôi đề nghị có thực sự đúng đắn đối với ông ấy không. Nhưng tôi vẫn hy vọng rằng ông vẫn có thể là một đồng minh, một cố vấn, vì dù sao tôi cũng đã chia sẻ câu chuyện này với ông. Tôi không muốn nói chuyện này qua điện thoại nên đã hỏi xem khi tôi tới Washington liệu chúng tôi có thể nói thêm một chút cụ thể hơn được không, tất nhiên là không phải để cân nhắc lại quyết định của ông.

"Chắc chắn rồi".

Chúng tôi hẹn gặp vào tuần sau đó.

Sau khi thượng nghị sỹ Fulbright nói với tôi vào tháng 12-1970 rằng "chẳng phải rốt cục đó chỉ là lịch sử thôi sao?" và Thượng nghị sỹ McGovern cũng rút lui, Patricia đã hỏi liệu tài liệu này có đáng đưa ra công khai hay không, có đáng để tôi có nguy cơ phải vào tù hay không: "Có vẻ những ông thượng nghị sỹ này nghĩ nó chẳng đáng để họ phải mạo hiểm. Tại sao anh lại chắc chắn là họ đã sai và anh thì đúng thế""

"À, anh không thể chắc về điều này. Họ có thể đúng. Không ai có thể biết được hậu quả sẽ đi đến đâu, kể cả anh. Vấn đề là anh là người duy nhất đã đọc những tài liệu này. Họ không như vậy. Anh không thể dựa vào những xét đoán của họ được. Anh phải tin ở chính mình chứ".

Nhưng lúc này chúng tôi đã là gia đình. Việc tôi có khả năng phải vào tù không chỉ ảnh hưởng tới mỗi mình tôi. Patricia có quyền tham gia quyết định, và cô ấy không thể thực sự quyết định được khi mà không biết gì về tài liệu đó. Cho tới lúc này tôi vẫn cố ý không để cô ấy đọc chúng. Tôi muốn cô ấy có thể nói rằng mình đã không biết có cái gì trong những thứ đó. Nhưng nếu cô ấy muốn đồng cam cộng khổ với tôi trong chuyện này thì cần phải hiểu hơn về những thứ tôi đang làm. Cách duy nhất để hiểu được hơn là phải đọc một vài tài liệu, dù điều đó có thể khiến cô ấy phải chịu những nguy cơ lớn hơn. Tôi nghĩ đã đến lúc Patricia cần phải đọc một phần. Cô ấy đã đồng ý.

Tôi chọn ra một vài hồ sơ mà tôi đã nhớ từ thời còn làm ở Lầu Năm Góc từ năm 1964 đến 1965. Nó nói về những quan điểm đồng và nghịch về các chiến dịch ném bom miền Bắc. Tôi nghĩ nó sẽ giúp cô ấy biết được công chúng đã bị làm lạc hướng như thế nào trong chiến dịch ném bom năm 1964 và sau đó mà không hay biết rằng những quan chức trong chính quyền Johnson đã mặc nhiên ủng hộ chiến lược kiểu Goldwater này. (Thượng nghị sỹ bảo thủ bang Arizona ( từ 1953 - 1965 và 1969 - 1987), thất bại trong cuộc tranh cử Tổng thống năm 1964 - ND). Những người đã viết các hồ sơ này là các đồng nghiệp của tôi như John McNaughton và Bill Bundy, cấp trên trực tiếp của tôi. Tôi đã cùng làm việc với những người này nên hiểu rõ họ.

Căn hộ của chúng tôi nằm ở tầng ba, vốn là một gác xép được sửa sang lại, có một căn phòng rộng, gồm một bếp, phòng khách và phòng ngủ nhỏ chỉ vừa đủ kê một cái giường. Patricia đem hồ sơ vào phòng ngủ, đóng cửa lại và đọc, phòng khi tôi phải nói chuyện điện thoại. Tôi thì ngồi ở phòng ngoài, trên bàn ngổn ngang hàng đống tài liệu, lật tìm xem có thể đưa cô ấy xem thêm cái gì. Khoảng một giờ sau, Patricia bước ra, tay cầm tập hồ sơ tôi đã đưa. Cô ấy đã thấy cái gì đó mà tôi không biết khi lần đầu đọc vào năm 1964- 1965 cũng như khi đọc lại trong nghiên cứu McNamara. Patricia chỉ cho tôi những đoạn về các giải pháp ném bom khác nhau, trong đó đầy những câu nói về việc "khiến chúng đau đớn đến cùng cực"; "chúng ta sẽ huỷ diệt ý chí của Việt Nam Dân chủ Cộng hoà"; "theo những kinh nghiệm của lần chiến tranh trước, việc ném bom trở lại miền Bắc Việt Nam sẽ khiến dân Bắc Việt đau đớn hơn là nếu chúng ta tiếp tục ném bom với cường độ thấp"; "chiến thuật mưa dầm thấm lâu"; "nỗi đau đớn của Việt Nam Dân chủ cộng hoà ở miền Bắc"; "nỗi đau đớn của Việt Cộng ở miền Nam"; "Điều quan trọng là không "giết con tin" khi phá huỷ các cơ sở vật chất của Bắc Việt ở trong "cái bánh rán Hà Nội"; "đánh nhanh diệt gọn" và "vừa đánh vừa đàm"; "chiến thuật "nóng lạnh kết hợp"… mục tiêu "thuyết phục" Hà Nội, điều sẽ chi phối một kế hoạch các đợt tấn công tiêu diệt đầy đau đớn cách nhau tương đối lâu ; "kế hoạch ném bom "miếng xúc xích Ý"; "bánh cóc"; "vặt vít thêm một vòng nữa"…

"Đây là ngôn ngữ của bọn đồ tể", mắt ngấn lệ, Patricia nói, "Những thứ này cần phải được công bố. Anh cần phải làm điều đó".

CHƯƠNG 26

Ngày 28-2-1971, tối chủ nhật, tôi tới Washington để tham gia một hội thảo diễn ra vào ngày hôm sau ở Đại học chiến tranh quốc gia. Tôi ăn tối cùng Dick Bamet, Mark Raskin và Ralph Stavins - ba học giả của Viện nghiên cứu chính sách, một trung tâm nghiên cứu cánh tả. Họ đang viết một cuốn sách phân tích sự dính líu của Mỹ vào Việt Nam dưới góc độ tội ác chiến tranh. Để làm phong phú thêm nguồn tài liệu tôi đã gửi cho họ một số phần của Hồ sơ Lầu Năm Góc , bao gồm cả bản thảo của tôi về những quyết định năm 1961, và họ đã cùng tôi tìm cách đưa tài liệu ra trước Quốc hội.

Khi họ hỏi tôi làm tới đâu rồi, tôi đã kể việc không nhờ cậy được Fulbright và McGovern. Họ cho rằng điều quan trọng là tôi đưa được tài liệu này ra công khai. Họ muốn xuất bản cuốn sách này vào tháng sáu, và đang dự tính nói tới tên tài liệu này trong phần tài liệu tham khảo trong sách.

Họ nói tôi nên đưa tài liệu tới tờ Thời báo New York , điều mà Fulbright và McGovern cũng đã nói tới. Tôi đã luôn nghĩ tới việc này như là một phương án dự phòng, dù có khả năng là một tờ báo như vậy chỉ có thể cho đăng vài trích đoạn. Nhưng đến lúc này thì có lẽ cánh cửa Quốc hội đã khép lại. Trong làng báo thì tờ Thời báo New York là sự lựa chọn khá rõ ràng. Đó là tờ duy nhất có đăng toàn phần các hồ sơ, các bài báo dài, ví dụ như các bài phát biểu hoặc các buổi họp báo. Không tờ báo nào khác làm như vậy. Chỉ có tờ này xuất bản trọn vẹn các bài viết vì họ có uy thế để làm việc này.

Mấy anh bạn này hỏi tôi có biết ai đó ở tờ Thời báo New York không.

Tôi có nói từ hồi ở Việt Nam tôi đã biết Neil Sheehan. Tôi không nhắc tới việc vào năm 1968 tôi cung cấp cho anh này một vài tài liệu tối mật. Chính vì việc này nên tôi đã cố tình tránh gặp anh trong vài năm gần đây. Nhưng giờ đây thì mọi thứ đều khiến tôi nghĩ tới việc gặp lại Sheehan.

Thứ ba ngày 2-3-1971, tôi trở lại văn phòng McGovern.

Ông thông báo cho tôi một việc là dù ông đã hứa sẽ không nói với bất kỳ ai về việc tôi nói với ông, nhưng ông đã quyết định cần phải nghe những cố vấn về mặt pháp lý nên đã tới gặp người bạn đồng thời là luật sư Gaylord Nelson. Mặt tôi tỉnh bơ khi nghe vậy, nhưng tôi có thể biết được tiếp theo sẽ là gì.

"Ông có nhắc tới tên tôi không đấy?"

"Tôi không định nói, ai đã đưa tài liệu cho tôi. Nhưng kỳ lạ là khi tôi nói đó là một cựu công chức, Gaylord đã hỏi "có phải Dan Ellsberg không?", nên tôi gật đầu".

Vậy đấy vừa mới tuần trước ông ta mới thề sẽ im lặng. Tôi hỏi thì ông nói rằng Nelson không đề cập đến việc trước đây anh ta đã gặp tôi. Gaylord chỉ nói rằng ông (McGovern) đang tranh cử Tổng thống và không thể làm một việc như vậy được.

"Anh ta rất chắc chắn về điều này và đã thuyết phục được tôi".

Tôi không nói lại nữa. Tôi chúc ông may mắn với chiến dịch tranh cử của mình rồi đi ra mà chẳng thấy khó chịu gì. Tôi thực sự hiểu được. Thật buồn cười khi nghe ông nói rằng ông đã nghe lời khuyên từ Nelson. Tôi không nghĩ lời khuyên đó là sự trả miếng đối với những nhận xét không hay của tôi đối với Nelson. Điều đó là nhất quán với những gì tôi nghe ông nói từ đầu câu chuyện. Tôi nghĩ rằng sự thật là cuối cùng thì McGovern sẽ có được lời khuyên tương tự từ bất kỳ ai mà ông hỏi ý kiến. Thậm chí tôi không thể nói như thế là sai. Tôi không muốn gây trục trặc cho chiến dịch tranh cử của ông bởi chính chiến dịch này rõ ràng là một phương tiện quan trọng để phản đối cuộc chiến tranh. Một ngày nào đó McGovern có thể trở thành nghị sỹ đầy hứa hẹn đối với mục tiêu của tôi như những phản ứng ban đầu của ông đã cho thấy. Nhưng cũng có thể là nếu như trong năm đó cần một thượng nghị sỹ để giải quyết việc này thì đó không thể là một người đang tranh cử lổng thống. Tôi nghĩ tới Thượng nghị sỹ Mathias, và cả Thượng nghị sỹ Mike Gravel, người đã thay thế Thượng nghị sỹ Gruening khi viết một lá thư chúc mừng tôi về bài báo đăng trên tờ Điểm sách New York . Ngày hôm đó tôi cũng đã tới văn phòng của Thượng nghị sỹ Mathias.

Chúng tôi đã không nói chuyện với nhau gần một năm nay, kể từ chuyến bay từ St. Louis về thủ đô đang chìm trong hơi cay khi cuộc xâm lược Campuchia diễn ra. Nhưng cả hai đã kịp có ấn tượng tốt về nhau khi nói chuyện với nhau trên chuyến bay đó. Thế nên chiều hôm đó, chúng tôi đã nói chuyện thoải mái và tin tưởng lẫn nhau. Rất nhanh chóng ông đã tự tin nói với tôi rằng với tư cách một thượng nghị sỹ, ông sẵn sàng đứng đầu một phong trào phản chiến.

"Đó cũng là cách khiến McCarthy bị hạ bệ. Cần phải có tiếng nói từ phía cánh hữu, hoặc hơn nữa là cánh trung dung, từ một thượng nghị sỹ khác, và đó phải là một thượng nghị sỹ cùng Đảng với ông ta - Thượng nghị sỹ Flanders . Đó là cách cần phải làm. Đó là cái chúng ta đang cần trong bối cảnh có cuộc chiến tranh này. Và tôi sẵn sàng làm điều đó".

Tôi thấy rất ấn tượng và đã chúc mừng Mathias vì sự quyết tâm của ông. Để ai đó cùng Đảng với một Tổng thống đương nhiệm chống lại ông ta về vấn đề nào đó - như cuộc chiến tranh đang diễn ra chẳng hạn - thì cần phải có dũng khí. Thượng nghị sỹ Goodell đã phải rời khỏi Đảng mình và trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ mùa thu vừa rồi đã mất ghế trong quốc hội vì đã thách thức Nhà Trắng về vấn đề chiến tranh Việt Nam . Mathias lại đang có ý muốn đi theo con đường này.

Vậy thì tôi có vài thứ có thể giúp ông ấy. Sau khi tôi nói về Hồ sơ Lầu Năm Góc và việc có thể làm gì với nó, ông đã nói rằng nghiên cứu về lịch sử này không đủ tính thách thức để có thể lên tiếng. (Dĩ nhiên là năm 1971 tôi cũng đã lo ngại điều này).

"Đó chỉ là lịch sử. Nó chỉ nói về những người Dân chủ. Tôi muốn tiết lộ nào đó về chính sách của Nixon. Anh có cái gì đó liên quan trực tiếp đến Nixon không?"

Tôi có, đó chính là thực tế đang diễn ra. Dù không nhiều như tôi mong đợi, nhưng có vẫn hơn không. Tôi nói về các văn kiện lựa chọn chính sách và NSSM-1. Tôi giải thích rằng những tài liệu của NSC mà tôi không chứng minh được trường hợp của Nixon, nhưng chúng cũng báo trước chiến lược bí mật của ông ta khi cho thấy rằng ngay từ ngày đầu của chính quyền Nixon người ta đã quan tâm tới việc xâm lược Campuchia. Tài liệu đó cũng cho thấy ngay từ đầu Nhà Trắng đã được cảnh báo về những hạn chế của Chiến lược Việt Nam hoá chiến tranh và về nhu cầu cần phải có sự có mặt lâu dài của bộ binh Mỹ và sự hỗ trợ vô thời hạn của không quân Mỹ.

Mathias rất phấn khởi. Ông muốn ngay lập tức có được những tài liệu mà tôi nói tới. Thậm chí là nếu những tài liệu đó không chứng minh hẳn hoi được điều gì thì chỉ việc tiết lộ chúng thôi cũng đã đủ gây ra một thách thức to lớn đối với Nhà Trắng và mở ra một cuộc tranh luận về vấn đề này. Tôi lại nói về những hệ quả pháp lý mà tôi có thể phải gánh chịu và việc tôi sẵn sàng vào tù vì điều này. Dù gì thì NSSM-l ít nhiều cũng là tài liệu của chính quyền đương nhiệm chứ không phải là "lịch sử" cho nên nếu bị tiết lộ chắc sẽ dẫn tới việc truy tố tôi.

Khi tôi nói đến đây, Mathias, hệt như McGovern, đã mang ra bản Hiến pháp và đọc cho tôi cũng điều khoản đó: ông không thể bị chất vấn. Vì thế chính quyền sẽ không thể biết được nguồn tài liệu thông qua ông.

Tôi không mang theo bản sao của cả văn kiện lựa chọn chính sách và NSSM-1, nhưng tôi nhớ rằng đã gửi một bản cho Norvil Jones để chuyển tới Fulbright. Sau khi nói chuyện xong, tôi tới Uỷ ban đối ngoại và nói với Jones rằng tôi cần lấy lại tài liệu đó. Jones lấy ra từ một phong bì to làm bằng giấy sản xuất từ sợi cây chuối ở Philippines đặt trong một két sắt và đưa cho tôi. Tôi mang ngay lại văn phòng của Mathias và đưa cho ông và trợ lý. Đó là một tập khá cồng kềnh khoảng năm trăm trang. Mathias xem qua, rất thích thú và tán thưởng.

Ông nói ông và trợ lý sẽ đọc và quyết định xem tiếp theo sẽ làm gì. Tôi cũng nhắc lại đề nghị của tôi về Hồ sơ Lầu Năm Góc , nhưng thậm chí ông còn không buồn nhắc đến chúng.

"Chúng có vẻ không liên quan và những gì tôi vừa đưa là đủ những gì ông cần rồi".

Tuy nhiên, trong hai tháng sau đó tôi đã hai lần gọi cho trợ lý của Mathias để hỏi xem đến đâu rồi. Anh ta nói họ vẫn đang vạch kế hoạch và chuẩn bị cơ sở cho chiến dịch. Điều này nghe có vẻ thú vị đấy Nhưng sau những gì gặp phải với Fulbright và McGovern, tôi chẳng thấy hy vọng lắm.

Tối muộn ngày thứ ba, mồng 2-3-1971, sau buổi chiều nói chuyện với Mathias, tôi gọi điện đến nhà Neil Sheehan ở Washington và xin ngủ nhờ lại một đêm. Anh nói ở tầng hầm dưới nhà có một phòng làm việc riêng với ghế dài.

Khi tôi tới, anh đưa tôi đi xuống và tôi giúp anh chuẩn bị chăn và khăn trải giường. Nhưng tôi không phải dùng đến những thứ này. Chúng tôi đã nói chuyện cả đêm.

Chúng tôi bắt đầu câu chuyện về bài báo anh mới viết về tội ác chiến tranh trên chuyện sau Điểm sách của Thời báo New York . Nhưng điều đọng lại là sự quan tâm thực lòng của anh đối với cuộc chiến, là việc anh cảm thấy đó là một sai lầm khủng khiếp và là sự phí phạm sinh mạng của cả hai bên, và hơn hết là khát vọng của anh được nhìn thấy cuộc chiến này kết thúc. Trước đây tôi chưa bao giờ thấy được một tình cảm tương tự ở các nhà báo cũng như ở những người không tham gia phong trào phản chiến, ngoại trừ David Halberstam. Việc anh ủng hộ quan điểm rằng người Mỹ có thể đã phạm tội ác chiến tranh và bản thân cuộc chiến cũng là một tội ác đã khiến anh coi như có một chân trong phong trào phản chiến rồi.

Trước khi trời sáng, tôi đã nói với anh về Nghiên cứu McNamara và rằng tôi có đầy đủ nghiên cứu này. Tôi kể về chuyện đưa nó cho Fulbright, rồi McGovern để rồi cuối cũng họ đều cho qua. (Tôi đã không nói đến việc ngay chiều hôm đó Mathias đã không cần đến nó mà chỉ lấy NSSM-l). Anh rất muốn được xem nghiên cứu này. Anh không thể hứa trước được là Thời báo New York sẽ sử dụng nó, nhưng nếu những gì tôi nói là chính xác thì anh tin rằng họ sẽ cần đến nó. Tôi sẽ cho anh xem tài liệu này ở Cambridge và chúng tôi hẹn ngày anh sẽ tới đó gặp tôi.

Một tuần trước đó, khi ở Cambridge, một phóng viên của tờ Boston Globe (Địa cầu Boston) là Tom Oliphant đã gọi cho tôi. Bài báo của tôi trên tờ Điểm sách New York đã khiến anh ta quan tâm và đề nghị đến phỏng vấn tôi. Tôi nhắc lại những phân tích của tôi về chính sách của Nixon và mối quan ngại của mình về chiều hướng của chính sách. Tôi đã chỉ ra những đe doạ bí mật của Nixon thật trùng hợp với kiểu những đe doạ và leo thang thất bại đã kéo dài suốt hai mươi năm trước. Tôi cũng nói với Oliphant điều mà tôi đã không nói trong bài báo, đó là nghiên cứu bí mật về toàn bộ giai đoạn nói trên mà tôi đã tham gia và sau đó được đọc toàn bộ văn bản. Trước đây tôi đã không đề cập tới điều này khi nói với một phóng viên, và lần này tôi không định nói nhiều. Đương nhiên là tôi không nói rằng mình đã sao chụp hay tiếp cận tài liệu này. Tôi chỉ muốn nói rằng những cảnh báo của tôi về chiến tranh là không chỉ dựa trên trực giác. Oliphant có vẻ kinh ngạc khi tôi bình luận rằng hai người khác sau khi đọc toàn bộ nghiên cứu này cũng đã đưa ra kết luận giống hệt về chính sách của Nixon. Anh ta hỏi đó là ai, tôi đáp là Gelb và Halperin (do lúc này cả hai người đều đã rời chính quyền). Chúng tôi chỉ nói khoảng năm mười phút về chuyện này trong hơn một giờ trao đổi với nhau.

Tôi cũng không nghĩ nhiều về lần gặp đó cho đến khi tôi thấy bài báo của anh ta vào chủ nhật, năm ngày sau khi tôi nói chuyện với Sheehan.

Tiêu đề của bài báo đăng ngày 7-3-1971 này là: "Chỉ ba người đọc báo cáo bí mật về Đông Dương, tất cả đều kêu gọi nhanh chóng rút quân" . Trong tiêu đề phụ, anh đã nói về việc McNamara yêu cầu bí mật xem xét lại lịch sử của cuộc chiến: "Vào thời điểm đó có vài người trong chính quyền đã đọc vài phần nghiên cứu này, nhưng theo thông tin được biết thì chỉ có ba người đã đọc toàn bộ, từng chữ một. Đáng chú ý là cả ba người đều cho rằng Mỹ nên nhanh chóng đơn phương rút khỏi Việt Nam . Hơn nữa, trước khi rời khỏi chính quyền, cả ba người đều nắm giữ những chức vụ nhạy cảm trong những tháng đầu hình thành chính quyền Nixon" .

Sau khi nói chuyện với tôi ở Cambridge , Oliphant đã bay tới Washington để phỏng vấn Halperin và Gelb. Trong bài báo anh ta đã kể về công tác của họ trong năm 1969 dưới chính quyền Nixon; và năm sau đó, sau vụ tấn công Campuchia, họ đã cùng viết "một bài báo được trích dẫn rộng rãi đăng trên tờ Bưu điện Washington có tên là "Chỉ có một lịch trình mới có thể gỡ rối cho Nixon". Anh ta viết tiếp: "Tháng trước… (Halperin) bắt đầu điều hành "văn phòng hoà bình" của tổ chức Sự nghiệp chung, một tổ chức vận động hành lang cho công dân do John Gardner thành lập. Hai tuần trước, tổ chức này đã tuyên bố dự định tham gia đấu tranh đòi đơn phương rút quân khỏi Đông Dương". Anh ta trích lời Halperin nói với mình: "Tôi nghĩ không phải là Tổng thống đang rút quân. Tôi nghĩ có nguy cơ nghiêm trọng là chính sách hiện thời nhằm tiếp tục leo thang chiến tranh và đang chia rẽ đất nước này (Mỹ). Hãy đọc những thông điệp thế giới gần đây. Tất cả nằm ở đó. Tôi tin ngài Tổng thống. Ông ta nói đúng như ông ta nghĩ, đó là: chúng ta đang không rút quân".

Oliphant trích lời tôi nói rằng nghiên cứu này đã có "ảnh hưởng lớn lao" đối với quan điểm của tôi. Khi tôi bắt tay vào làm nghiên cứu này, "Tôi coi chiến tranh là một nỗ lực đầy thiện ý và hợp lý, dù khi nghĩ lại thì thấy nó thật sai lầm. Nhưng rồi mọi thứ sớm trở nên rõ ràng là quyết định của người Mỹ thực sự là một chuỗi trò cờ bạc liều lĩnh của những kẻ đã làm nên chính sách này vào thời điểm đó".

"Khi nhìn lại sự liên quan của mình", Oliphant viết về tôi, "Ông lặng lẽ nói: "Tôi đã tham gia một âm mưu tội ác nhằm tiến hành một cuộc chiến tranh xâm lược". Anh ta đã mượn lời tôi nói về chính sách hiện nay của Nixon để kết luận bài báo: "Theo tôi, đó là một chính sách tội ác".

Khi tôi đọc bài báo này, tôi đã nghĩ rằng nó có thể sẽ khiến Nhà Trắng để mắt tới. Đúng như vậy, bởi Oliphant đã nói với tôi rằng vào cái ngày bài này được đăng, Kissinger đã gọi tới văn phòng của tờ Boston Globe ở Washington để tìm hiểu về nó. Kỳ quặc là ông ta đã muốn nhấn mạnh Dan Ellsberg chưa bao giờ là nhân viên của NSC (bài báo không hề nói tôi như vậy). Tôi cũng nhận ra rằng, theo như tôi biết, đây là lần đầu tiên có một tài liệu nào đó nhắc tới Nghiên cứu McNamara (hoá ra là trước đó đã có hai tài liệu đề cập tới, một là của Lloyd Shearer, nhưng đây là bài báo đầu tiên nhắc tới nó). Điều này đặt tôi vào một tình huống gần như là khủng hoảng.

Tháng tám năm ngoái, ở San Clemente , tôi đã nói về nghiên cứu này với Kissinger. Thế nên ông ta có thể nhanh chóng suy ra rằng nếu như tôi đã công khai nói về nó, cũng như nói về ảnh hưởng của nó đối với chính sách bí mật của Nixon, thì sớm muộn tôi sẽ tự mình công bố toàn bộ tài liệu, nhất là khi tôi đã có thể có một bản sao tài liệu này sau khi rời Rand.

Điều này cũng đúng với FBI, do một năm trước đây vì lý do này khác họ đã tìm cách nói chuyện với tôi sau khi gặp Carol.

Lúc đó tôi không biết rằng một năm trước đó FBI đã trao đổi với Rand về việc tôi đã sao chụp tài liệu và đưa cho Fulbright và Goodell. Tôi vẫn không biết liệu năm 1970 FBI có báo cáo với Kissinger hay không về những trao đổi của họ với Rand và Harry Rowen. Nhưng kể cả không biết chăng nữa thì tôi vẫn đoán rằng bài báo này là một cảnh báo nguy hiểm đối với cả Nhà Trắng và FBI. Điều đó có nghĩa là FBI có thể "ghé thăm" nhà tôi bất kỳ lúc nào cùng với lệnh khám xét. Suốt hơn một năm rưỡi, điều tôi lo lắng nhất là FBI có thể sẽ ập tới và lấy đi toàn bộ các bản sao tài liệu trước khi tôi kịp gửi tới Quốc hội hay chỗ nào khác. Giờ thì với bài báo này, điều đó có thể xảy ra trong hàng ngày hàng giờ.

Tôi chỉ có nhiều nhất là ba bản chụp những phần chính của nghiên cứu, một số phần khác chỉ có hai bản. Sau khi đã đưa một bộ hoàn chỉnh cho Fulbright, tôi chỉ còn lại một hoặc hai bản. Tôi không còn được sử dụng chiếc máy chụp Xerox cá nhân nữa. Tôi đã trì hoãn hết lần này đến lần khác việc sao chụp thêm tại một cửa hàng sao chụp vì tôi có cảm tưởng rằng chỉ một hay hai ngày sau khi tôi làm việc đó thì FBI sẽ xuất hiện. Tôi lo ngại rằng một tài liệu bị thất lạc vẫn còn nguyên dấu tối mật và ai đó tình cờ đọc thấy sẽ có thể dẫn dến việc cửa hàng sao chụp gọi điện cho cảnh sát.

Tôi cho Patricia xem bài báo và cho cô ấy biết điều gì sắp diễn ra. Cô ấy nói một cách sắc sảo hon so với thường ngày: "Anh đã nói về việc sao chụp thêm những tài liệu này cả mấy tháng trời rồi; bây giờ anh hãy đứng lên và làm ngay thì hơn".

Cô ấy đề nghị giúp tôi. Ngay lập tức chúng tôi đi đến căn hộ của em trai cô ấy là Spencer để tôi cất hộp đựng tài liệu ở đó.

Chỉ riêng việc sắp xếp lại tài liệu theo đúng trật tự đã là cả một vấn đề. Tôi rút ra một phần và đọc lướt qua. Đúng như khi ở New York, ngay trên một trong những trang đầu, tôi đã nhận ra một dấu tối mật đã thoát khỏi "kĩ thuật phân loại tức thì" của tôi. Thế là tôi chẳng biết phải làm thế nào ngoài việc xem lại từng trang một lần nữa, tất cả bảy nghìn trang.

Patricia đem tài liệu đến một cửa hàng sao chụp trên quảng trường Harvard, còn tôi phải trông cho đến sáng mới xong. Nếu như cần phải làm việc đó, thì phải làm thật nhanh, trước khi FBI kịp phản ứng trước bài báo hay theo lệnh của Nhà Trắng, hay sau khi nhận được một cú điện thoại từ cửa hàng sao chụp.

Những chiếc máy photo to để kinh doanh thế này thì nhanh hơn rất nhiều so với những chiếc mà tôi đã sử dụng, nhưng hầu như cũng không thể nhanh được bằng những chiếc máy ngày nay, và sao nhiều bản của hàng ngàn trang thì rất tốn thời gian. Chúng tôi cần chia việc này ra để làm cho nhanh. Thật may mắn là gần quảng trường có nhiều cửa hàng, một vài trong số đó mở cửa suốt đêm. Đó thật là một công việc mệt mỏi. Chúng tôi đã phải thay phiên nhau mỗi người nằm nghỉ một tiếng trong khi người kia kiểm tra kĩ lưỡng từng trang và thỉnh thoảng phải dùng kéo cắt. Cứ một hai tiếng Patricia phải đem chồng tài liệu sang một cửa hàng khác hoặc đi lấy những bản sao.

Chúng tôi phải làm gấp gáp thế này là vì FBI. Tôi biết là cả năm nay họ đã biết việc tôi sao chụp và bài báo của Orliphant có thể sẽ khiến họ giám sát tôi một cách chặt chẽ. Bắt quả tang chúng tôi ngay trong lúc đang sao chụp sẽ là việc động trời đối với họ. Khả năng xảy ra điều này khiến cho việc Patricia đi lấy những tráng tài liệu trở nên kịch tính. Mỗi lần cô ấy quay trở lại một cửa hàng thì hoàn toàn có thể FBI đã đang ngồi chờ sẵn ở bên trong rồi. Cho đến lúc này, chúng tôi có lẽ đã "chăm sóc cẩn thận" tất cả hoặc phần lớn những ký hiệu tối mật, nhưng đa phần nội dung tài liệu cũng đủ bất thường để thu hút sự chú ý của bất kỳ ai chợt cầm lên và liếc qua. Có rất nhiều ghi chú đề cập tới những kế hoạch và khuyến cáo của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân hay các bản Đánh giá tình báo quốc gia đặc biệt của CIA. Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó tình cờ đọc được một chút của những gì tôi đang sao chụp và nhận ra điều gì đó bất thường? Đó thực sự là lý do vì sao tôi đã do dự lâu đến thế mà không chụp thêm một số bản. Chỉ riêng các dấu "tối mật" thì tôi có thể xử lý được, nhưng chẳng có gì có thể đảm bảo rằng những tài liệu với tiêu đề như thế này sẽ không gây ra lo lắng đối với người nào đó liếc qua nó. Vì thế nên việc đi lấy bản sao khiến Patricia rất hồi hộp.

Khi chúng tôi đã lấy lại hết các bản sao, phân loại, và xếp theo đúng thứ tự trong các hộp riêng biệt, tôi cần phải tìm ra chỗ để cất giữ. Một hộp gửi tại nhà anh trai tôi ở New York .

Những hộp khác gửi ở gác xép hoặc tầng hầm ở nhà bạn bè trong vùng; hầu hết họ không được biết trong hộp đựng gì, chỉ biết đó là những tài liệu mà tôi cần cất giữ.

Vào ngày 12-3, khi Neil Sheehan quay trở lại gặp tôi ở Cambridge , tôi mất nhiều đêm thức trắng để sao chụp thêm các bản tài liệu. Bài báo của Oliphant đã khiến cho tôi vô cùng lo lắng, không phải vì sợ bị bỏ tù, mà vì sợ sẽ không kiểm soát được những bản chụp tài liệu của mình trước khi chúng được công bố.

Tôi đưa Neil đến căn hộ của Spencer, nơi tôi đang cất giấu những bản sao và chỉ cho anh nghiên cứu đó. Anh đã thuê một phòng tại một nhà nghỉ gần quảng trường Harvard. Đọc lướt qua, Neil có thể thấy ngay rằng những tài liệu này quả đúng như những gì tôi đã mô tả. Anh nói để có thể đăng trên tờ Thời báo, anh phải đọc gần hết số đó, và việc này rõ ràng là sẽ cần thời gian. Anh ta xin chụp một bản, nhưng tôi không muốn thế. Chưa phải lúc.

Tôi đang phải cân nhắc hai khả năng. Một mặt, tôi quyết tâm bằng cách nào đó phải đưa phần lớn số tài liệu đến được với công chúng. Tôi nghi ngờ liệu tờ Thời báo có sẵn lòng làm việc này hay không. Đồng thời, tôi lo ngại rằng nếu đưa những tài liệu này cho tờ Thời báo trước khi ban biên tập cam kết xuất bản hay thậm chí là có ý định xuất bản, thì có thể ai đó trong số họ sẽ báo cho FBI; hoặc là FBI vì một lý do gì đó nghe phong thanh được về điều này và sẽ truy tìm những bản sao chụp khác của tôi.

Nếu tờ báo (1) cam kết xuất bản và (2) có kế hoạch xuất bản phần lớn nghiên cứu này trên mặt báo thì việc những bản sao còn lại (cũng là "bản cáo trạng" của tôi) bị mất cũng không phải là vấn đề gì to tát. Nhưng nếu trong trường hợp không có được cả hai điều kiện trên thì việc mất các bản sao và việc tôi bị cảnh sát theo dõi cũng sẽ có nghĩa là cuộc chơi chấm dứt nếu như tôi còn tính đến việc công bố tài liệu này ngoài Quốc hội.

Những tài liệu này ở đó càng lâu mà chưa có quyết định xuất bản, thì càng có khả năng nhiều người sẽ biết tới và đọc chúng và một trong số họ sẽ báo cho Chính phủ. Kết luận cuối cùng của những tính toán này là tôi không muốn gửi phần lớn tài liệu tới trụ sở tờ Thời báo trừ phi những người đứng đầu của tờ báo đã sẵn sàng xuất bản và phải là xuất bản phần lớn tài liệu.

Tôi trông đợi Neil sẽ đại diện của tờ Thời báo trong vấn đề này. Tôi đã sẵn sàng cho anh xem tất cả những gì anh ta muốn xem và ghi chép lại. Nhưng tôi sẽ không để anh chụp lại một bản nào để mang về toà báo.

Lẽ dĩ nhiên là Neil không thể ngay lập tức đưa ra bất kỳ cam kết nào với tôi trong vấn đề này. Anh cũng đã nói rõ với tôi như vậy. Anh ta sẽ phải làm các biên tập viên của anh ta có ấn tượng tốt về nội dung của tài liệu này, rồi sau đó sẽ là những cuộc thảo luận cấp cao hệ quả của việc này đối với tờ Thời báo. Thêm vào đó, tôi cũng đã nói với anh ấy rằng chẳng bao giờ có một sự đảm bảo tuyệt đối. Về những việc kiểu như thế này, tôi hiểu rằng dù cho họ có hứa hẹn và thực sự có ý định sẽ làm thì họ hoàn toàn có thể thay đổi quyết định vào phút chót. Đó là sự mạo hiểm tôi phải chấp nhận khi đưa cho họ những trang tài liệu.

Tôi nói với Neil rằng: "Khi tôi để anh sao chụp những tài liệu này và mang đi, tôi đã sẵn sàng chấp nhận sự thật là tôi đã mất hết quyền kiểm soát đối với chúng. Bản chụp đó ra khỏi tay tôi. Sau đó thì việc sử dụng ra sao là chuyện của các anh (tức là tờ Thời báo). Tôi không thể tác động vào việc này và đó là cách tôi nhìn nhận sự việc. Tôi không thể ngăn anh xuất bản dưới bất kỳ hình thức nào và tôi cũng không thể bắt anh xuất bản. Vì thế việc tôi đưa bản chụp cho anh nghĩa là tôi đã đồng ý trao cho tờ Thời báo và để họ tuỳ ý xuất bản những tài liệu này. Trên thực tế, điều đó sẽ có nghĩa là đưa ra sự chấp thuận trước của tôi đối với bất kỳ điều gì các anh làm".

Tôi biết là tôi không thể đặt ra những điều kiện trên giấy tờ những ràng buộc có chế tài buộc họ phải thực thi. Nhưng trước khi tôi đồng ý đưa bản sao của nghiên cứu này cho tờ Thời báo, tôi muốn có được sự đảm bảo tối đa có thể được đối với hai vấn đề sau: thứ nhất, toà báo có ý định xuất bản một phần nào đó; thứ hai, đó sẽ phải là một "câu chuyện lớn", chiếm một đa số số lượng trang báo và đó sẽ không chỉ là câu chuyện của một ngày, dù lớn hay nhỏ, mà là một loạt bài tương xứng với nội dung và dung lượng của tài liệu gốc. Trong lần gặp nhau sau đó, Neil đảm bảo với tôi rằng nếu tờ Thời báo tiến tới in nghiên cứu này, nó sẽ "lớn" như là tôi muốn. Anh ta thậm chí còn đi xa hơn khi bảo đảm chắc chắn với tôi rằng tờ báo sẽ in tài liệu này theo đúng nguyên bản. Tôi đã không đặt điều kiện đó ngang với những điều kiện khác, nhưng anh biết rằng tôi rất muốn thế và anh đã đồng ý với tôi. Tôi cũng đề nghị tờ Thời báo có "những cân nhắc nghiêm túc" về việc cuối cùng sẽ xuất bản toàn bộ công trình nghiên cứu thành sách.

Chúng tôi đã không nói về việc bảo vệ tôi với tư cách là nguồn cung cấp tư liệu. Tôi mặc nhiên cho rằng toà báo, ở một mức độ nào đó, sẽ làm việc này, và tôi đã không đòi hỏi bất kỳ biện pháp đặc biệt nào nếu như tờ báo phải đối mặt với áp lực của luật pháp. Tôi không muốn người ta biết tới với tư cách là nguồn cung cấp thông tin hay một người đã tham gia nghiên cứu này, nhưng tôi đã không đưa ra yêu cầu nào về cách thức mà tờ Thời báo đã giải quyết việc đó. Tôi cho rằng chính phủ sẽ biết hoặc sẽ coi tôi chính là nguồn cung cấp thông tin.

Nhưng tôi nói với Neil điều đã nói với các thượng nghị sỹ: tôi không muốn chọc giận chính quyền khiến họ truy tố tôi, vì nếu tôi không làm vậy thì dù có vì lý do chính trị hay lý do pháp lý họ có thể cũng sẽ chẳng truy tố tôi.

Đáp lại ý nghĩ này của tôi, Neil cam đoan một lần nữa rằng tờ Thời báo là kênh tốt nhất để đăng tải điều mà anh cho rằng cần phải cho nhân dân Mỹ biết. Anh cũng nói thêm về khả năng, dù không chắc chắn lắm, rằng anh sẽ thuyết phục được sếp của mình về việc này. Trong khi đó, anh sẽ phải đọc hết tập tài liệu và ghi chép lại. Một lúc sau, chúng tôi để anh ở lại một mình với tập tài liệu. Tôi không thể lúc nào cũng kè kè bên anh ấy được. Tôi nói với anh rằng tôi trông cậy anh sẽ không đi ngược lại những mong muốn của tôi, sẽ không mang tập tài liệu đi sao chụp. Tôi nói với Patricia rằng tôi thực sự không nghĩ rằng anh ấy sẽ làm vậy. Đó đơn giản là cơ hội mà tôi sẽ phải nắm lấy. Chúng tôi ghé thăm anh thường xuyên, anh luôn luôn trong tình trạng mệt mỏi nhưng ngày càng hăng hái và phấn khởi Anh tiếp tục đề nghị chụp một bản để còn có cái mà thuyết phục các biên tập viên toà báo, nhưng anh đành tỏ ra chấp nhận việc tôi giới hạn chỉ cho anh chụp vài trang làm mẫu. Vài ngày sau, anh rời Cambridge , sau khi thống nhất với tôi rằng anh sẽ sớm quay lại và ở lâu hơn.

Khi quay lại, Neil báo với tôi rằng các biên tập viên của toà báo rõ ràng là quan tâm, nhưng cũng chả có gì đáng ngạc nhiên là có nhiều tranh luận, sự không chắc chắn và băn khoăn về kế hoạch đó. Họ cần phải biết nhiều hơn về nội dung của nó.

Điều đó vẫn không đủ để thuyết phục tôi sẵn lòng đưa lại cả công trình nghiên cứu hoặc thậm chí là một số phần của nó.

Neil lại ngồi xuống để đọc thêm, ghi chép thêm, và tự chuẩn bị tốt hơn để thuyết phục họ về công trình đó. Tôi đã không hề nghi ngờ gì về thái độ của anh. Anh không bao giờ phàn nàn về độ dài hay những phần khô khan của tài liệu. Chúng tôi cùng bị ám ảnh về cuộc chiến. Và đối với một người như thế, đặc biệt đối với một nhà báo, thì tài liệu này là vô cùng hấp dẫn.

Vào lúc Neil một lần nữa rời Cambridge , anh đã cam kết mạnh mẽ hơn mọi lần trước về việc làm sếp mình tin rằng câu chuyện này xứng đáng một vị trí độc nhất vô nhị. Tuy nhiên trong những lần gọi điện cho tôi từ New York vài tuần sau đó, những gì anh nói với tôi lại không được phấn khởi cho lắm. Họ đang gặp trục trặc trong việc quyết định và không thể nhanh chóng đạt được một giải pháp. Neil vẫn hy vọng, và thực ra là trông đợi rằng cuối cùng họ sẽ tiến đến việc xuất bản tài liệu này, nhưng không rõ là sẽ mất bao lâu để họ có thể thực sự thấy nghiêm túc với vấn đề này. Neil cũng nói với tôi rằng bản thân anh được giao nhiệm vụ làm những vấn đề khác. (Tất cả những điều này hoá ra là sai).

Vào tháng tư, anh gọi cho tôi nói rằng ban biên tập vẫn đang lần lữa chưa đi tới quyết định và rằng dù đang theo đuổi một kế hoạch khác, anh muốn tiếp tục làm việc về nghiên cứu này để chuẩn bị cho quyết định cuối cùng về việc sử dụng nó.

Anh sẽ phải làm việc buổi đêm, thậm chí là cả vào các ngày cuối tuần với nó, và chỉ có thể làm thế nếu có một bản chụp ở New York . Liệu tôi đã sẵn sàng đưa cho anh ta một bản? Vào lúc này việc chiến tranh tiếp tục leo thang đã khiến tôi càng thấy phải gấp rút công bố tài liệu này. Tôi đã trở nên ngày càng hoài nghi việc có thể nhờ cậy gì đó ở Quốc hội. Sau những trì hoãn như vậy, tôi cũng không trông mong vào tờ Thời báo, nhưng tôi hầu như không có sự lựa chọn nào khác, và vào lúc này tôi đã sẵn sàng để gánh chịu một rủi ro lớn hơn. Trên cơ sở đó tôi đã đồng ý.

Khi đồng ý đưa một bản sao, thậm chí cả khi không có bất kỳ sự bảo đảm nào rằng tờ Thời báo sẽ đăng nó, tôi đã ý thức được như Neil có thể đoán, rằng tôi đã đặt niềm tin của tôi vào đối với việc anh ta sẽ sử dụng tài liệu này theo cách mà anh ta thấy phù hợp. Đó là sự chấp thuận của tôi cho tờ Thời báo xuất bản nó theo ý muốn của họ. Nhưng trên thực tế, như sau đó tôi được biết, anh ta đã không cần sự chấp thuận, hay bản sao của tôi để làm việc đó. Điều mà tôi đã không biết, và ông ta cũng đã quyết định không nói cho tôi, là tờ Thời báo đã thuê một vài phòng ở khu New York Hilton, nơi mà một nhóm đang làm việc cấp tốc với tập Hồ sơ Lầu Năm Góc , viết lời bình và lựa chọn các phần của văn bản và tài liệu để đưa vào.

Họ đã có bản sao đầy đủ của những gì tôi đã cho Neil xem cách đó hơn một tháng.

Trong hai năm sau, các phần của tài liệu này lần lượt được xuất bản (dù các phần chính cho đến bây giờ đối với tôi vẫn mơ hồ và khó hiểu). Mãi đến khi phiên toà xét xử tôi gần kết thúc, chúng tôi mới khám phá ra có cái gì trong két sắt của Howard Hunt ở Nhà Trắng. Trong đó có một biên niên của Hunt cho thấy rằng Neil và Susan Sheehan đã đăng kí phòng với những cái tên giả tại các khách sạn ở Cambridge và đã lấy hàng ngàn trang và cuối cùng là toàn bộ công trình nghiên cứu và đem đến các cơ sở sao chụp tự động ở Melford và Boston.

Vào một ngày cuối tuần, khi biết tôi sẽ đi khỏi thành phố cùng với Patricia, Neil đã bí mật đến Cambridge và sử dụng chiếc chìa khoá căn hộ của Spencer mà tôi đã đưa cho anh ta.

Anh ta đã lấy tất cả công trình nghiên cứu và cùng vợ mang đến hiệu sao chụp ở Melford.

Trong khi đó, không hề biết những diễn biến "hậu trường" này, tôi đã tiếp tục nỗ lực để có thêm nhiều người biết được chính sách của Nixon, trong khi vẫn cố gắng tìm ra bất kỳ con đường hứa hẹn nào nhằm công bố những tài liệu này trước công chúng.

CHƯƠNG 27

Nhà tổ chức phong trào phản chiến Rennie Davis trước đó đã kêu gọi một cuộc biểu tình rầm rộ ở Washington nhân ngày 1-5, sao cho đủ đông để khoá chặt mọi nẻo đường.

Khẩu hiệu là: "Nếu chính phủ Mỹ không chấm dứt chiến tranh, chúng ta sẽ chặn đứng mọi hoạt động của họ". Với mục đích tương tự, nhóm chúng tôi ở thành phố Cambridge đã tụ họp để bàn bạc về những hành động sắp tới. Chúng tôi tự hỏi liệu có nên tổ chức biểu tình ở Boston và khuyến khích mọi người kéo về Washington hay không. "Chặn đứng mọi hoạt động của chính phủ", điều đó có ý nghĩa gì? Liệu họ có dự định bạo động, giống như Weathermen? Liệu cuộc biểu tình có được lên kế hoạch kỹ lưỡng? Liệu nó có vượt ra ngoài tầm kiểm soát?

Đâu đó trong đám đông biểu tình nói rằng sẽ có những "chiến thuật di động". Điều đó nghĩa là gì, có phải là sẽ không ngồi yên chờ đến khi bị bắt? Liệu có phải là lật xe, đặt thùng, chặn đường, ném đá?

Bạo động là điều không ai muốn nhưng cuộc biểu tình dường như không được tổ chức tốt. Chúng tôi thấy khó khăn trong việc quyết định liệu chúng tôi có xuống đường hay không.

Chúng tôi không muốn tái diễn lại cảnh tượng hỗn loạn tại Đại hội quốc gia của Đảng Dân chủ tại Chicago năm 1968. Một vài ngày truức Ngày Quốc tế Lao động, khi tham dự một buổi mít tinh tại Brandeis, nơi mà tôi dự định phát biểu, tôi vẫn chưu có quyết định cuối cùng liệu có tham dự hay không. Theo tôi biết, số phận của các tập Hồ sơ Lầu Năm Góc vẫn chưa được định đoạt. Tôi vẫn đang chờ đợi các nghị sỹ quốc hội thông báo công khai, trong khi tiếp tục suy nghĩ về những điều đáng làm.

Nhưng chẳng có gì là hứa hẹn cả.

Hội trường ở Brandeis chật ních khán giả. Mọi người ngồi kín cả những lối đi giữa các hàng ghế và cầu thang. Không khí bức bối. Tôi không bao giờ chuẩn bị nội dung cần phải nói, và khi tôi sắp kết thúc bài phát biểu, tôi chợt nghĩ đến tác dụng của khả năng phản kháng tập thể phi bạo lực. Một suy nghĩ loé lên trong đầu tôi về một lời thoại trong bộ phim trình chiếu gần đây: "Người khổng lồ tí hon", trong đó Dustin Hoffman thủ vai một ông già nhớ lại cuộc sống ctỉa ông giữa những người Anh-điêng, cả lúc sống sót sau trận đánh Little Bighom và vụ thảm sát tại Wounded Knee . Tất cả mọi người đều ngầm liên tưởng cuộc chiến này với với chiến tranh Việt Nam . Tôi nói, "các bạn nhớ lại lời thoại trong bộ phim, một câu nói của Lakota, một người Mỹ bản xứ trước khi họ bước vào cuộc chiến: "Tiến lên, anh em, hôm nay là một ngày đẹp trời để quyết tử". Vâng, sự thật là, không bao giờ có cái ngày tốt đẹp đó để chết cả. Nhưng, tôi nghĩ rằng, ngày 1 tháng Năm là một ngày tốt đẹp để bị bắt tại Washington .

Hội trường hưởng ứng nhiệt liệt. Tất cả các khán giả đứng bật dậy, vỗ tay và reo hò. Tôi trở về nhà và nói với Patricia: "Tốt rồi, có thể anh sẽ đến Washington ".

Nhóm chúng tôi (gồm có Howard Zinn, Marilyn Young, Fred Branfman, Mitcheil Goodman, Noam Chomsky, Zelda Gamson, Cindy Frederick, và Mark Ptashme - ND ) đi đến quyết định tương tự. Chúng tôi tới Washington vào lúc đêm khuya. Những người tổ chức đang bận rộn tìm kiếm chỗ tá túc cho hàng ngàn người ở lại, trong trường học, nhà thờ và nhà dân. Chúng tôi được hướng dẫn đến nhà của một ai đó, nơi chúng tôi tìm thấy hàng chục người đã nằm la liệt ở đây, cố gắng yên giấc ở mọi nơi có thể. Không chiếc giường và trường kỷ nào còn trống. Nhiều người chỉ nằm trên sàn nhà, một số co ro trong các túi ngủ, một số nằm trên thảm, số khác nằm ngay trên sàn nhà trơ trụi. Chúng tôi tìm thấy chỗ trống trên sàn của phòng giải trí ở tầng hầm và cố chợp mắt vài tiếng đồng hồ. Khoảng 4h30', tất cả mọi người thức giấc, chuẩn bị sẵn sàng. Ánh sáng lờ mờ toả ra từ ngọn đèn màu cam duy nhất ở tầng hầm. Những người trẻ tuổi, hầu hết ở tuổi đôi mươi, đang đổ đầy các bình nước, nhồi nhét thức ăn vào các ba lô nhỏ, đánh răng, viết lên mu bàn tay số điện thoại của các luật sư phòng khi họ bị bắt. Họ làm việc đó một cách im lặng, thuần thục và tập trung.

Cảnh tượng đó gợi tôi nhớ lại ánh đèn mù mờ trong khoang tàu chở lính, lúc bốn giờ sáng trong một ngày luyện tập đổ bộ.

Những người lính đứng dọc lối đi giữa các giường ngủ bốn tầng thắt chặt đồ đạc và ba lô, sẵn sàng đứng sang một bên. Tôi nghi ngờ rằng, thẳm sâu trong lòng, những người trẻ tuổi đang ở Washington dây cũng chung cảm xúc với những người lính trẻ trước khi họ bước khỏi mạn tàu xuống một chiếc thuyền cập sát đang nhấp nhô trên sóng. Lo lắng, háo hức. Không ai trong số họ trước đó đã từng bị bắt và họ cũng không có khái niệm họ sẽ làm như thế nào và những người cảnh sát sẽ hành động ra sao. Nhưng, dường như họ đều giấu kín những cảm xúc này.

Khi chúng tôi bước ra ngoài, trời vẫn còn tối đen. Chúng tôi đã sẵn sàng tiến về khu trung tâm. Nhưng ngay khi chúng tôi đến góc phố, một chiếc tắc-xi dừng ngay lại. Người phụ nữ da đen lái xe hỏi có phải chúng tôi trong đoàn biểu tình. Khi chúng tôi trả lời rằng "có", và cô ấy đã cho chúng tôi đi nhờ mà không lấy tiền. Cô nói cô biết đến sự kiện qua báo chí, và đây là chuyện xe thứ hai mà cô chở giúp những người biểu tình. Sau đó, chúng tôi nghe nói rằng tất cả các xe tắc-xi trong toàn thành phố đều làm như vậy, đặc biệt là các tài xế da đen. Nhiều lái xe bình thường, trên đường làm việc, cũng chở giúp khi họ thấy những nhóm người trẻ tuổi tiến bước về khu vực trung tâm.

Bây giờ trời đã sáng hẳn, nhưng âm u và ảm đạm. Cạnh tượng đài Washington , chúng tôi có thể trông thấy những người lính trang bị kỹ càng và đội mũ sắt. Đối với tôi, họ trông giống những anh lính thuỷ quân lục chiến. Tôi đi lên để nhìn rõ hơn họ là ai. Tôi nói chuyện với một vài trong số họ, và kinh ngạc khi biết rằng họ thuộc lực lượng của Binh chủng Hải quân Lục chiến, sư đoàn cũ của tôi, Sư đoàn Hải quân lục chiến số hai, được chuyển đến từ doanh trại Lejcune, phía Bắc Carolina. Tôi nhìn quanh một lượt và nhận ra họ trẻ đến nhường nào, thậm chí cả những người trung đội trưởng, hệt như những người lính mà tôi đã thức dậy cùng họ buổi sáng hôm nào. Họ cũng rất giống tôi, cùng một cảnh mà. Tôi không nghĩ lính thuỷ đánh bộ phù hợp với nhiệm vụ này. Rõ ràng, một số họ cũng có cùng suy nghĩ. Một tay họ cầm khẩu súng trường và tay kia thì ra dấu hiệu hoà bình với chúng tôi.

Trở lại với Phố 14, hàng tốp người đang đứng trên bãi cỏ trước tượng đài. Dường như thời khắc đã điểm, bất kể lúc đó chúng tôi sắp làm gì. Những chiếc ô tô đi ngang qua về phía cây cầu Phố 14, không phải thành một dòng liên tục, mà từng chiếc, từng chiếc một. Những người tài xế lái xe ở tốc độ tương đối nhanh, nhưng. chúng tôi nhận ra rằng, họ trông thấy chúng tôi phía trước và không muốn đâm vào chúng tôi. Họ đang đi về hướng Lầu Năm Góc, ở Arlington dọc theo sông Potomac . Đó dường như là điểm hợp lý để chặn đứng luồng giao thông. Nhóm chúng tôi rời khỏi vỉa hè và ngồi xuống giữa đường phố, thành một vòng cung tròn hướng ra phía ngoài, vai kề vai. Một vài chiếc xe vòng tránh chúng tôi, giảm tốc độ. Chúng tôi có thể nhìn thấy những người cảnh sát đứng thành một hay hai khối, đẩy người biểu tình trở lại vỉa hè. Các đám mây khí hơi cay dật dờ trôi về phía chúng tôi từ con phố nào đó phía dưới, nơi nhỉều người khác đang ngồi.

Sau đó, chúng tôi trông thấy một cảnh sát trang phục kín mít bước ngang qua chỗ chúng tôi từ phía tượng đài. Anh ta gỡ chiếc mặt nạ nhựa trên mặt và nhìn chúng tôi, rồi lôi ra bình khí hơi cay Mace vẫn đeo ở thắt lưng. Cùng lúc đó, một cảnh sát khác tiến về phía chúng tôi từ hướng cây cầu, tay lăm lăm chiếc gậy dài. Chiếc mặt nạ nhựa của anh ta bị kéo lệch về phía đỉnh của mũ sắt. Anh ta vừa vung gậy, vừa bước đến. Hai cảnh sát bước đến phía chúng tôi theo hai cạnh của một góc vuông. Chúng tôi nhìn nhau và rõ ràng có cùng suy nghĩ rằng còn quá sớm để bị bắt. Chúng tôi vọt ra ngoài ngay khi hai cảnh sát vừa xô đến.

Những điều xảy ra sau đó giống như cảnh múa ba lê của Keystone Kops. Tôi còn nhớ mãi cảnh đó như một thước phim quay chậm lại trong đầu, bởi vì nó được diễn lại một cách y chang. Viên cảnh sát tiến từ phía Nam lao về phía trước với chiếc gậy giơ quá đầu, và viên cảnh sát còn lại với chiếc mặt nạ xịt khí hơi cay về phía chúng tôi. Do chúng tôi lập lức rời khỏi vị trí, nên khí ga xộc thẳng vào anh cảnh sát ban đầu, hướng vuông góc với phía mặt trái, nơi không có mặt nạ che chắn. Tôi chứng kiến Viên cảnh sát đó lảo đảo, buông rơi cây gậy, ném mũ sắt và ôm lấy mặt. Viên cảnh sát còn lại kéo tay bạn qua vai mình và dựng anh ta dậy, không còn quan tâm đến chúng tôi bởi chúng tôi bắt đầu di chuyển trở lại trung tâm buôn bán Mall.

Bây giờ, chúng tôi đã hiểu ý nghĩa của "chiến lược di chuyển" và tìm kiếm một nơi khác để triển khai hành động tương tự. Chúng tôi làm đi làm lại một vài lần, và tất nhiên, không bao giờ thành công như lần đầu. Chúng tôi ngồi trên các con đường hẹp hơn, nơi những chiếc xe có xu hướng dừng lại trước chúng tôi thay vì tìm cách đi vòng qua. Khi những người cảnh sát tới gần, chúng tôi đứng dậy và chạy ra xa. Những người cảnh sát tập trung điều chỉnh giao thông thay vì đuổi bắt chúng tôi. Nếu họ có truy đuổi, chúng tôi cố gắng chạy thật nhanh, hoặc vùng vẫy không để bị bắt.

Đây là một thành phố của công chức, nơi hầu hết mọi người trên xe đang trên đường tới cơ quan thực hiện các công vụ hàng ngày. Trong số đó có nhiều vụ việc liên quan đến cuộc chiến ở Việt Nam , mặc dù có thể trên nhiều xe mà chúng tôi chặn lại có những người không liên quan trực tiếp đến công việc đó.

Dĩ nhiên, chúng tôi không ngăn chặn sự hoạt động của chính phủ, nhưng đối với những người lái xe, điều đó chẳng thể bình thường. Chúng tôi buộc họ phải ngừng giây lát trên đường tới nhiệm sở, dành cho họ một thoáng để suy nghĩ về công việc mà họ đang tìm cách đến đúng giờ để thực hiện và tìm hiểu tại sao một số người lại rỗi hơi làm như vậy để ngăn chặn công việc của họ. Chắc chắn nhiều người trong số họ sẽ cảm thấy khó chịu và cho rằng chúng tôi đang phí phạm thời gian một cách vô ích.

Tuy nhiên, rõ ràng không phải ai cũng nghĩ như vậy. Nhiều người bấm còi, mỉm cười và tỏ dấu hiệu ủng hộ qua cửa xe.

Phía bên kia của con phố, trước con dốc dẫn xuống đường ngầm bên dưới các toà nhà, chúng tôi đã chặn một đoàn xe khá lâu trước khi một cảnh sát phát hiện ra. Không mong bị truy đuổi và bắt giữ, chúng tôi đứng dậy khi anh ta tiến lại, tới góc phố và ngược theo con đường. Dường như, viên cảnh sát này bám theo chúng tôi bởi vì tôi có thể nghe thấy Fred Branfman ở phía sau tôi nói gì đó với anh ta. Tôi quay lại để nghe rõ họ đang nói với nhau cái gì. Viên cảnh sát là một người đàn ông trung tuổi mặc một bộ quân phục thông thường, không có mũ sắt, không có mặt nạ, không tỏ ý định gì. Chỉ khi tôi quay lại và Fred đang mải nói chuyện, anh ta bình tĩnh nâng bình khí hơi cay Mace lên và xịt thẳng vào tôi. Tôi cho rằng anh ta chủ ý vậy.

Trước đó, tôi đã từng bị tấn công bằng khí hơi cay. Trên thực tế, buổi sáng hôm đó, khi huấn luyện hải quân, tôi phải chịu đựng vài phút trong một phòng khí hơi cay mà không có mặt nạ.

Nhưng lần này là kinh nghiệm hoàn toàn khác. Tôi không thể nhìn thấy gì và hoàn toàn mất phương hướng. Tôi không biết mình đang ở đâu. Ai đó túm lấy và nâng tôi dậy. Đó là một dạng hiệu ứng của khí hơi cay Mace mà tôi đã tùng được đọc. Nếu tôi còn có thể mở miệng, điều tôi sẽ thốt ra là: "Chúa ơi, khí hơi cay Mace " như thể tôi là một người am hiểu về nó. Ý của tôi ở đây là Mace chính là một loại sản phẩm mà với tác dụng của nó hệt như đã được quảng cáo.

Tại thời điểm buổi sáng hôm đó, tất cả chúng tôi đều sẵn sàng bị bắt. Nhưng cảnh sát dường như không quan tâm đến việc cưỡng ép chúng tôi. Họ thành công trong việc giải tán những người tuần hành. Vì vậy, giao thông diễn ra tương đối bình thường ở những trục đường chính. Cuộc biểu tình dường như đã kết thúc. Theo chúng tôi biết, không một ai bị bắt. Chúng tôi ngồi xuống, nói chuyện với nhau một lúc trong công viên Lafayette , chênh chếch với Nhà Trắng. Chẳng còn nhóm nào xung quanh. Ai đó gọi cho I.F. Stone bằng điện thoại công cộng và sắp xếp cuộc gặp lúc ăn trưa với chúng tôi tại một nhà hàng Trung Quốc. Sau đó, chúng tôi quyết định giải tán. Một số người quay trở lại với các cuộc hẹn mà tưởng chừng sẽ không thực hiện được với suy nghĩ rằng chúng tôi sẽ bị tống giam. Noam bay tới Texas tham dự một sự kiện tại quán cà phê GI, một trong những trung tâm ủng hộ phong trào phản chiến trong nội bộ quân đội.

Tôi bay đến New York nghe bài giảng của McGeorge Bundy tại Uỷ ban Đối ngoại. Đó là một trong ba bài thuyết trình ông ta dự định thực hiện ở đó, và có kế hoạch sau này sẽ chuyện thành sách. Có ý kiến cho rằng, đó là nỗ lực của ông ta để được xem xét tới chức vụ ngoại trưởng trong chính quyền Dân chủ kế tiếp, sau khi ông ta rời khỏi quỹ Ford. Tuy nhiên, những bài thuyết trình của Bundy không bao giờ được xuất bản.

Việc xuất bản của Hồ sơ Lầu Năm Góc sáu tuần sau, đề cập đến giai đoạn mà ông ta nhắc đến, cho thấy ý kiến của ông đã đi lệch hướng. Hồi ức của anh trai ông về Việt Nam , điều mà Bill Bundy đã nghiên cứu trong suốt hai năm tại MIT, chịu chung số phận.

Tôi đi từ La Guardia đến căn hộ của Patricia ở New York , nơi tôi có vài ba bộ quần áo, có thể tắm táp và chỉnh đốn lại trang phục. Tôi kỳ cọ kỹ hơn mọi ngày. Đầu tóc cũng như quần áo mà tôi đang mặc đẫm mùi khí hơi cay. Sau khi gội đầu kỹ càng và mặc quần áo sạch sẽ, tôi có mặt tại Hội đồng Đối ngoại lúc chiều muộn, với một đám đông các cựu lãnh đạo và đồng nghiệp cũ từ Lầu Năm Góc, Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán tại Sài Gòn. Toàn bộ bộ máy chính quyền Mỹ ở Việt Nam , tất cả các cựu đại sứ và các quan chức nội các, đều đến để lắng nghe Bundy. Với tôi, nó giống như nơi dành cho bị cáo của toà án Nuremberg . Điều khác nhau là không một ai trong chúng tôi bị buộc tội. (Cuối cùng, người bị buộc tội duy nhất là tôi).

Tại Washington, sau khi đã giải tán cuộc biểu tình cuối giờ sáng và thiết lập lại giao thông mà không tóm được mấy người, lúc chúng tôi ăn trưa, cảnh sát bắt đầu chiến dịch bắt bớ. Họ không còn phải làm gì với cuộc biểu tình ban sáng đã chấm dứt.

Những người cảnh sát không cần biết những người họ bắt có mối liên hệ gì với cuộc biểu tình không. Hầu như tất cả những người bị bắt không tham gia vào sự kiện đó. Nếu bạn trẻ tuổi và tóc dài, bạn đều bị bắt tại Washington chiều hôm đó nếu đi trên phố ở quận Georgetown . Khách du lịch, sinh viên, những người đi mua hàng, con cái của một số nghị sỹ, tất cả đều bị tóm.

13 ngàn người bị bắt ở Washington chiều và tối hôm đó. Không có đủ nơi giam giữ, nên họ bị nhốt ở Sân vận động Robert F. Kennedy. Cảnh sát không có chứng cớ về bất kỳ ai trong số đó có tham gia biểu tình chống chiến tranh hay không, hoặc làm điều gì đó trái pháp luật, ngoại trừ một số nhân vật mà họ biết, như Abbie Hoffman, với cái mũi bị đánh bầm tím khi bị bắt. Hầu hết trong số họ không phải là những người phản đối chiến tranh. Thế nhưng, cái đêm ở sân vận động RFK có thể đã gieo mầm mống nổi loạn trong họ. Nhiều năm sau, họ không thực sự thành công trong việc giải quyết vụ bắt bớ nhầm lẫn đó bằng một vụ kiện tập thể.

Nhưng tôi không biết gì về những điều đã xảy bởi tôi chăm chú lắng nghe bài thuyết trình của Bundy ở New York . Ông ta nói rằng không có bất kỳ ý định nào nhằm đánh lạc hướng Quốc hội liên quan đến việc thông qua Nghị quyết Vịnh Bắc Bộ. Nghị quyết đó về chức năng không tương đương với một lời tuyên chiến (lời của Nicholas Katzenbach năm 1967). Tôi vẫn nhớ suy nghĩ của mình lúc đó: "Trời, Bundy, đừng làm thế. Đừng tiếp tục nói ra điều đó một cách công khai như thế. Quá muộn rồi, điều đó sẽ sớm được nói ra thôi".

Đó quả là một kinh nghiệm nằm ngoài sức tưởng tượng của tôi: một buổi sáng biểu tình với chiến thuật "di động" trên Phố 14, sau đó ngồi trong một căn phòng với toàn các ông bạn tội phạm chiến tranh của mình, lắng nghe trợ lý an ninh quốc gia của Johnson nói dối về cuộc chiến.

CHƯƠNG 28

Bất chấp thất bại trong âm mưu xâm lược Lào, Nixon vẫn không có dấu hiệu hạ thấp mục tiêu hay chiến lược của ông ta.

Thậm chí tôi còn cảm thấy chiến tranh còn có chiều hướng leo thang hơn nữa. Trên thực tế, có một cuộc tranh luận đáng lo ngại về việc mở rộng chiến tranh ra miền Bắc Việt Nam gắn liền với cuộc xâm lược đó. Thủ tướng Kỳ công khai kêu gọi Mỹ mở rộng địa bàn chiến tranh. Tôi rất lo ngại về triển vọng và nhịp độ leo thang của cuộc chiến kể từ vụ đột kích ở Sơn Tây.

Chiến dịch xâm lược Lào không khiến tôi ngạc nhiên. Tôi đang mong đợi, việc công bố các bản báo cáo sẽ tăng thêm xung lực cho dự luật McGovern-Hatfield ở Thượng nghị viện về việc cắt giảm ngân sách dành cho chiến tranh. Việc tiếp cận với tờ Thời báo New York dường như khó khăn.

Tôi đã nghe Peter McCloskey phát biểu chống chiến tranh một vài lần và rất ấn tượng với ông. Ông có một cách nói trầm lắng, luôn nhấn mạnh vào những điểm không khoan nhượng.

Ông ta là một thành viên đặc biệt quan trọng của bất kỳ một nhóm phản chiến nào bởi vì ông ta không để vấn đề bị ảnh hưởng bởi các đảng phái chính trị. Ông là một trong số ít những thành viên của Đảng Cộng hoà sẵn sàng chỉ trích Tổng thống là người trong đảng của ông. Thậm chí ông còn nói toạc ý định phản đối sự ứng cử của Nixon về vấn đề chiến tranh nếu cuộc chiến tiếp tục diễn ra trong năm 1972.

Sau khi chúng tòi cùng phát biểu trong một nhóm thảo luận tại Princeton , tôi đề nghị gặp riêng ông. Việc dàn xếp thời gian tỏ ra thật khó. Ông chuẩn bị bay về địa hạt của ông ở California và gợi ý tôi có thể đi cùng. Nhớ lại, thật kỳ lạ nếu tôi chấp nhận một chuyến bay dài bằng chi phí cá nhân chỉ để tận dụng cơ hội đó. Nhưng đó chính là điều tôi đã làm. Tôi mang theo một vali đầy và đưa cho ông vài tập báo cáo của Lầu Năm Góc để đọc khi chúng tôi trên máy bay.

Ông hoàn toàn đồng ý với tầm quan trọng của việc công bố tài liệu nghiên cứu đó. Ông nói rằng, nếu cần thiết, ông sẽ làm điều này ở Nghị viện. Nhưng trước hết ông cảm thấy cần phải thông qua Uỷ ban của ông để thực hiện đúng thể. thức. Tôi nói với ông rằng Bộ trưởng Quốc phòng Laird đã nhiều lần từ chối cung cấp tài liệu này cho Uỷ ban Đối ngoại của Thượng viện. Nhưng ông nghĩ rằng ông sẽ phải vận động để có được nó qua nhiều kênh. Tôi đưa nốt số tài liệu tôi mang theo để ông đọc ở California .

Khi trở lại Washington, ông đã đề nghị Chủ tịch Uỷ ban nêu yêu cầu tài liệu đó ông đề cập tài liệu đó như là bằng chứng trước Uỷ ban của Thượng viện, khiến cho Fubright phàn nàn trong một phiên họp mở về sự bất lực của ông ta trong việc tìm kiếm tài liệu đó hoặc đề nghị Laird cung cấp một lần nữa. Mc Closkey nói với tôi rằng ông ta không thực sự chờ mong có được tài liệu đó, nhưng ông phải dành cho chính quyền thời gian để trả lời.

Dường như tôi cần sớm có một luật sư. Tôi sắp xếp một cuộc hẹn tuần trước trong tháng 5-1971 để gặp Jim Vorenberg, một giảng viên của trường Luật Harvard. Patricia có chút hiểu biết về Jim Vorenberg bởi vì anh ta từng là một sinh viên Luật ở Harvard và là bạn của anh rể cô. Chúng tôi cùng đến thăm ngôi nhà lớn của anh ta ở Cambridge một buổi tối và bắt đầu bằng câu chuyện về chị gái và anh rể của Patricia. Patricia và tôi ngồi thoải mái trên ghế có tay dựa, đối diện với anh ta trong một góc của phòng khách. Tôi nói qua với anh về xuất thân và trình bày cặn kẽ công việc của tôỉ liên quan đến nghiên cứu của McNamara. Tôi giải thích cách thức lịch sử ảnh hưởng đến chính sách của Nixon theo cách hiểu của mình, tầm quan trọng của việc cho Quốc hội và dư luận biết về nghiên cứu đó, những gì tôi đã làm và điều gì vẫn đang xảy ra. Nhưng tôi không có cơ hội để nói nhiều về phần cuối của bài thuyết tnnh bởi anh ta đột ngột xua tay và nói: "Tôi buộc phải ngăn cản anh lại ngay bây giờ. Tôi e rằng mình không thể tiếp tục thảo luận về vấn đề này".

"Ông nói gì vậy?"

"Dường như ông đang mô tả những kế hoạch để thực hiện một tội ác. Tôi không muốn nghe bất kỳ điều gì thêm. Với tư cách là một luật sư, tôi không thể tham gia vào vụ việc này".

Đầu tôi như muốn nổ tung. Tôi đứng bật dậy, hạ thấp giọng và căng thẳng, càng lúc càng nhanh hơn, nhìn thẳng xuống anh ta: "Tôi vừa nói với ông về hàng ngàn trang hồ sơ về các tội ác: tội ác chiến tranh, tội ác chống lại hoà bình, tội ác giết người hàng loạt. Hai mươi năm chiến tranh dưới bốn đời Tổng thống.

Và tất cả những Tổng thống ấy đều có bên mình những giáo sư của Harvard, để cố vấn cho ông ta nên thực hiện điều đó như thế nào và tránh điều đó như thế nào? Cám ơn ông, chúc ngủ ngon".

Tôi quyết định quay sang tìm kiếm sự giúp đỡ từ một nhân vật mà tôi tiếp xúc một năm trước đây tên là Leonard Boudin.

Năm đó, ông ta đang ở Cambridge với tư cách là một giáo sư thỉnh giảng tại trường Luật Harvard. Luật sư cấp tiến Peter Weiss, người đã giới thiệu tôi với Boudin, nói thẳng rằng: "Leonard Boudin là luật sư về hiến pháp lỗi lạc nhất của quốc gia". Ông đã tranh cãi, và chiến thắng trong rất nhiều vụ kiện về quyền tự do dân sự trước Toà án Tối cao. Tôi gọi điện cho ông ta ngay sau ngày tôi trò chuyện với đồng nghiệp của ông ở Harvard. Chúng tôi nói chuyện trong văn phòng tại tầng hầm của ngôi nhà mà ông đang thuê ở Cambridge . Tôi rất thích ông. Ông lắng nghe tôi và cuối cùng, ông nói: "Anh biết không, tôi không phải là một anh hùng hay một kẻ tử vì đạo. Tôi là một luật sư. Nhưng tôi đã từng đại diện cho nhiều người như vậy. Và lần này, tôi lấy làm vui mừng được đại diện cho anh".

Không lâu sau đó, qua báo chí tôi biết rằng Thượng nghị sỹ Mike Gravel đang dự định ngăn cản việc thông qua dự luật về mở rộng chế độ quân dịch đã được đệ trình trong tháng sáu. Tuy không có bất kỳ đồng nghiệp nào sẵn sàng đứng về phía ông, nhưng ông sẵn sàng thực hiện một mình. Như tôi đã nói, đây là một loại giấy quỳ để thử sáng kiến của các thượng nghị sỹ. Khi cần các thượng nghị sỹ miền Nam thường xuyên sử dụng các bài phát biểu dài để linh hoạt ngăn cản (filibuster) các dự luật về quyền dân sự. Tuy nhiên chưa có một dự luật chống chiến tranh nào bị ngăn cản bởi chiến thuật này. Gaylord Nelson đã phớt lờ đề nghị của tôi. Thượng nghị sỹ Harold Hughes và Charles Goodell nói rằng họ sẽ xem xét ý kiến của tôi chỉ khi họ vận động được những người khác đứng về phía họ, điều không có khả năng xảy ra. Với chỉ một hoặc hai tiếng nói, nỗ lực đó không chỉ chắc chắn thất bại, mà tỏ ra vô ích, khoa trương và lố bịch. Goodell giải thích với tôi rằng: "Dan này, ông không thể gánh nổi hậu quả khi làm như vậy ở nghị viện: điều đó thật lố bịch và sẽ là trò cười cho mọi người". Do đó, Mike Gravel chính là một kiểu mẫu nghị sỹ mới, không giống như những thành viên khác của Nghị viện, sẵn sàng đứng dậy một mình và chấp nhận hành vi được coi là lố bịch.

Và đó là một vấn đề đáng để phản đối. Không hiểu những Thượng nghị sỹ già và trung niên đang nghĩ gì trong đầu, khi họ giơ tay ủng hộ việc mở rộng chế độ quân dịch, gửi thêm nhiều thanh niên trẻ tới cuộc chiến trong năm thứ bảy này.

Đã vài tuần nay, tôi không có tin tức gì từ Neil Sheehan về khả năng tờ Thời báo có thể xuất bản hồ sơ, và trước khi điều đó xảy ra, rất ít hy vọng le lói từ phía ông ta. Thượng nghị sỹ Mathias cũng chưa quyết định khi nào hoặc bằng cách nào ông sẽ sử dụng bản sao của báo cáo NSSM- 1 mà tôi đã chuyển cho ông. Gravel có vẻ như là nơi gửi gắm tốt nhất của chúng tôi trong tương lai gần. Tôi nghĩ, tôi có thể bay tới Washington với một bộ hồ sơ để đưa cho ông ta trong ngày thứ hai. Để chuẩn bị cho chuyến đi đó, tôi lấy một bộ từ căn hộ của Spencer. Đây là lần đầu tiên kể từ khi sao chụp tài liệu đó, chúng tôi cho phép để một bộ tài liệu trong căn hộ của chúng tôi tại số 10 phố Hilliard.

Tối thứ bảy ngày 12-6, chúng tôi có hẹn với Howard và Roz Zinn, cùng xem bộ phim: "Butch Cassidy và Sundance Kid"(*) tại khán phòng của Quảng trường Harvard. Tôi đã xem phim này hai lần và đây là một trong những bộ phim tôi yêu thích. Buổi sáng hôm đó, tôi nhận một cuộc điện thoại của Tony Austin, một biên tập viên của Thời báo New York . Ông ta đã đến Cambridge một vài lần mùa thu năm ngoái để phỏng vấn tôi cho cuốn sách mà ông ta viết về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ và hậu quả của nó. Ông ta gây ấn tượng mạnh cho tôi bởi nhiệt huyết, sự hiểu biết thấu đáo và quyết tâm của ông nhằm vén bức màn bí mật của cuộc tấn công lần thứ hai vào ngày 8 tháng. Ý cuối cùng tôi đã nói với ông là tôi không dám chắc ông có thể hoàn toàn làm sáng tỏ mọi điều. Bất chấp sự ngờ vực của bản thân, tôi quyết định giúp ông ta bằng cách cung cấp cho ông những gì tôi có. Tôi miêu tả tài liệu nghiên cứu của McNamara cho ông ta, mà không nói rằng tôi đang có một bản sao của toàn bộ nghiên cứu đó. Tôi đã để ông ta đọc một đoạn trích từ nghiên cứu đó, phần nói về những tình tiết của Sự kiện Vịnh Bắc Bộ . Thật ngạc nhiên, ông cuối cùng đã đưa ra bằng chứng thuyết phục để bác bỏ khả năng Bắc Việt đã lần thứ hai tấn công tàu khu trục của Mỹ ngày 4-8-1964. Nếu ông công bố bằng chứng này trên tờ Thời báo New York , tôi chắc chắn rằng bài báo của ông xứng đáng giành được giải Pulitzer(**). Nhưng ông ta muốn dành kết luận của ông cho cuốn sách: "Cuộc chiến của Tổng thống".

Trên điện thoại, Austine gần như nức nở. Ông ta nói trong tuyệt vọng: "Dan, tác phẩm của tôi phá sản rồi! Cuốn sách sắp được xuất bản trong vài tuần nữa, nhưng nó bị chìm mất. Thật là một thảm hoạ".

Tôi nói với ông ta rằng tôi không tin điều đó có thể xảy ra. Chuyện gì vậy?

Austine giải thích: "Thời báo New York có toàn bộ nghiên cứu mà ông (tác giả) đã cung cấp cho tôi một phần trong đó. Họ đang bắt đầu xuất bản ngày hôm nay. Toà nhà đã bị đóng cửa. Họ đang kiểm soát tất cả mọi người ra vào. Họ sợ rằng FBI sẽ rờ họ trước khi họ có thể in ra. Họ cũng dự tính một lệnh cấm từ phía chính quyền".

Tôi nói điều đó thật thú vị và cho rằng việc Thời báo New York xuất bản nghiên cứu đó là một tín hiệu tốt. Xét cho cùng, tất cả những gì về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ mà toà báo có nằm trong tập tôi đã cho Austine xem. Nhưng Austine có nhiều hơn thế ngay cả trước khi ông phát hiện ra sự thật. Trong trường hợp toà báo in toàn bộ nghiên cứu, độc giả sẽ quan tâm về lịch sử của cuộc chiến và cụ thể hơn về đề tài mà cuốn sách của ông đề cập.

"Những câu hỏi về Sự kiện Vịnh Bắc Bộ sẽ được đặt ra mà chỉ có ông là người có thể trả lời. Rất có thể, thời điểm đó là lý tưởng cho ông".

Tôi nói một cách nhẹ nhàng, cố gắng làm Austine an tâm. Nhưng ông ta trở nên quẫn trí. Ông ta chắc chắn rằng các loạt báo của Thời báo New York về cả cuộc chiến tranh sẽ lấn át cuốn sách nhỏ bé của ông ta và giành được sự chú ý của độc giả. Bất chợt, tôi hỏi liệu ông có biết bằng cách nào Toà soạn có được tài liệu đó. Austine trả lời không biết. Tôi nói, chúng ta cùng mong cho những điều tốt đẹp nhất, và chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra. Ông ta cúp máy.

Trái tim tôi đập rộn ràng. Tôi quay số của Neil ở toà soạn Thời báo New York . Trong khi chờ đợi trả lời, tôi nghĩ: Vậy thì có phải họ lo lắng về một lệnh cấm từ chính quyền. Tâm trạng của họ là chờ đợi FBI đến bất kỳ lúc nào. Neil không cho tôi biết chuyện này và ông ta cũng không hề cảnh báo tôi trong suốt cả tuần hoặc cả tháng vừa qua, thậm chí ngay cả sáng nay, vì Chúa.

Khi nào ông ta dự định báo cho tôi biết vậy? Và vào thời điểm này, lần đầu tiên trong nhiều tháng qua, tôi đang có một bản sao đầy đủ trong phòng khách nhà mình.

Neil không nhấc máy điện thoại. Nửa giờ sau, sau khi báo tin cho Patricia, tôi gọi lại cho ông ta. Không có tín hiệu trả lời.

Tôi gọi vào điện thoại bàn của ông ta tại Toà soạn và để lại lời nhắn để ông ta gọi điện cho tôi. Nhưng tôi không nhận được tin tức gì của ông ta kể từ hôm đó.

Tôi buộc phải di chuyển tập tài liệu đó ra khỏi nhà. Tôi gọi cho vợ chồng Zinns. Họ dự định ghé qua nhà của chúng tôi để cùng đến rạp chiếu bóng. Tôi hỏi Zinns liệu chúng tôi có thể tạt qua chỗ của họ ở Newton thay vì dự định cũ. Tôi để tập tài liệu trong một cái hộp và cất ở thùng xe phía sau. Họ là những người lý tưởng cho việc tránh sự để mắt của FBI. Howard ngầm phụ trách quản lý các phong trào của nhà hoạt động phản chiến Daniel Bengan trong vòng nhiều tháng khi ông ta lẩn tránh FBI (thực tế đó cho thấy, Howard là một người lý tưởng để che giấu bất cứ cái gì khỏi sự chú ý của FBI). Có thể đoán rằng điện thoại của ông ta đã bị nghe trộm, ngay cả khi ông ta không bị giám sát thường xuyên. Tuy nhiên, tôi không biết ai tốt hơn lúc này để nhờ vả trong buổi chiều thứ bảy đó. Dù thế nào, tôi cũng đã đưa cho Howard một tiết đoạn lớn của nghiên cứu đó để đọc với tư cách một nhà sử học. Ông ta đang giữ tài liệu này ở văn phòng của ông trong Đại học Boston . Đúng như tôi dự đoán, họ lập tức đồng ý. Howard giúp tôi bê chiếc hộp ra khỏi thùng xe.

Chúng tôi lái xe trở về Quảng trường Harvard xem chiếu bóng. Hai vợ chồng Zinns trước đó chưa xem bộ phim Butch Cassidy. Bộ phim động viên làm chúng tôi vững tin nhiều. Sau đó, chúng tôi mua kem ốc quế tại cửa hàng Brigham và quay lại căn hộ của tôi. Cuối cùng, Howard và Roz trở về nhà trước khi những loạt báo sớm của Thời báo New York số chủ nhật được chuyển tới quầy báo ở đường xe điện ngầm phía dưới quảng trường. Giữa đêm, Patricia và tôi ra quảng trường và mua một vài tờ báo. Chúng tôi vừa đi đến cầu thang dẫn tới Quảng trường Harvard vừa đọc trang nhất, với một bài báo dài ba cột nói về tư liệu lưu trữ bí mật. Cảm giác thật tuyệt.

Chú thích:

(*) Phim "Butch Cassidy và Sundane Kid" sản xuất năm 1969 với Paul Newman và Rober Redford , kể về hai nhân vật Butch Cassidy và Sundane Kid. Butch Cassidy (1869-1908) là tên cầm đầu một nhóm tội phạm ở vùng miền Tây hoang dã của nước Mỹ gọi là Wild Bunch hay còn gọi là "Hole-in-the-Wall Gang". Một thành viên khác là Harry Longbaugh, còn gọi là "Sundance Kid". Họ tấn công những đoàn tàu hoả ở Wyoming . Cả Cassidy và Longbaugh chạy trốn đến Bolivia và có thể chết ở đây - ND.

(**) Giải thưởng giành cho các tác phẩm văn học, âm nhạc và báo chí xuất sắc ở Mỹ - ND.

CHƯƠNG 29

Tối thứ hai, ngày 14-6-1971, chúng tôi đến dự buổi chiêu đãi tại gia của Peter Edelman và Marian Wright Edelman. Nhà họ chật cứng. Người ngồi trên sàn nhà, người ngồi trên sofa với những chiếc đĩa trong lòng. Hai chủ đề chính của các cuộc hội thoại là: Hồ sơ Lầu Năm Góc tiết lộ điều gì và ai đã cung cấp tài liệu đó cho tờ Thời báo New York . Patricia và tôi lắng nghe mà không đóng góp gì nhiều.

Jim Vorenberg mải ăn uống, trong một góc phòng. Anh ta không nhìn ra chúng tôi.

Vào sáng thứ ba, kỳ ba được xuất bản. Tổng Chưởng lý John Mitchell gửi một bức thư cho Toà soạn Thời báo New York yêu cầu ngừng việc xuất bản và trao trả lại bản sao của tài liệu nghiên cứu đó. Toà soạn từ chối và buổi chiều hôm đó, Bộ Tư pháp đưa ra một đề xuất, lần đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ, về một lệnh cấm chính thức tại toà án quận cấp liên bang ở New York. Vị quan toà ban hành lệnh hạn chế tạm thời trong khi ông ta xem xét lệnh cấm chính thức. Lần đầu tiên kể từ Cách mạng, một lệnh cấm của toà án liên bang ngăn cản các nhà máy in của một tờ báo Mỹ in một câu chuyện nhiều kỳ.

Điều khoản bổ sung lần thứ nhất (First Amendment -Tuyên bố trong Hiến pháp Mỹ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, tự do tôn giáo và tự do hội họp), nói rằng: "Quốc hội không được ban hành luật… hạn chế quyền tự do ngôn luận hoặc tự do báo chí", là văn bản cao nhất ngăn cấm hành vi tiên chế của chính phủ liên bang và chính quyền bang đối với các phát hành báo chí và sách. Bộ Tư pháp của chính quyền Nixon đang tiến hành một thử nghiệm có tính tiên phong, yêu cầu các toà án liên bang vi phạm hoặc phót lờ Hiến pháp hoặc trên thực tế bác bỏ Điều khoản Bổ sung lần thứ nhất. Đó quả thật là sự khẳng định dũng cảm nhất trong Chiến tranh lạnh rằng "an ninh quốc gia" vượt trên các đảm bảo của hiến pháp về Tuyên ngôn nhân quyền.

Tôi nhận được một cú điện thoại từ Dunn Gifford, một người bạn của Neil Sheehan mà tôi gặp tháng trước. Khi đó ông ta nói với tôi rằng Neil đã hỏi ông, với tư cách của một cựu sĩ quan tình báo hải quân, liệu công bố những bức điện tín, dạng điện tín có trong tài liệu nghiên cứu, có làm tổn thương hệ thống mật mã của Mỹ không. Ông trả lời, một cách chính xác, là không. Với việc kể lại câu chuyện đó, ông ngầm lưu ý rằng tôi nên biết Neil có những nguyên tắc riêng với tư cách là một nhà báo, không phải hành động theo cách nghĩ của tôi.

Trong cuộc điện thoại sáng thứ ba, Gifford nhắc lại cảnh báo trước đó bằng cách giục tôi cung cấp hồ sơ cho tờ Bưu điện Washington , khi mà hiện nay, Thời báo New York bị cấm không được tiếp tục xuất bản. Ý tưởng này chưa từng xuất hiện trong đầu tôi, và câu trả lời tức thì của tôi là: "Tôi sẽ không làm như vậy". Ngay buổi tối hôm thứ bảy, khi đọc kỳ đầu câu chuyện đăng trên tờ Thời báo New York , tôi không còn bực tức Neil và Toà soạn vì đã không thông báo gì cho tôi trong vòng ba tháng. Khi nhìn cách họ đã xử lý vấn đề và ảnh hưởng mà họ có được, tôi không cảm thấy gì khác ngoài sự hài lòng với những gì họ đã làm. Tôi ý thức được nghĩa vụ đối với Neil và tờ Thời báo, dù rằng họ quyết định giữ khoảng cách với tôi.

Dường như chắc chắn rằng Neil hay tờ Thời báo New York , hoặc cả hai, sẽ đoạt giải Pulitzer, mà họ xứng đáng nhận được.

Đối với tôi việc cung cấp tài liệu này cho tờ Bưu điện Washington có thể phá hoại khả năng đó hoặc là buộc họ phải chia sẻ giải thưởng này. Cũng có thể Thời báo New York sẽ mất đi động lực để tiếp tục xuất bản, với thời gian đã ấn định, khi các phần khác của tài liệu đã được công bố đâu đó.

Neil và tôi chưa bao giờ thảo luận về quyền độc quyền công bố câu chuyện của tờ Thời báo, nhưng tôi tin chắc rằng những nhà biên tập sẽ yêu cầu quyền đó khi họ đáp ứng điều kiện của tôi để cung cấp tài liệu này cho họ. Tôi chấp nhận điều đó Neil có thể không chắc chắn rằng tôi sẽ tuân theo một thoả thuận như vậy. Dường như, động lực chính hay sự tính toán chủ yếu thúc đẩy tờ Thời báo công bố hồ sơ, bất chấp sự khích lệ của các luật sư, là mối lo ngại, đặc biệt từ phía Neil, rằng nếu không làm như vậy, tôi sẽ đi nơi khác. Trong trường hợp đó, họ sẽ bị tờ Bưu điện "nẫng tay trên". Thật là ngớ ngẩn khi ông ta đưa ra khả năng đó khi giả bộ rằng vị thế tờ Thời báo chưa chắc chắn. Nhưng trên thực tế, kể từ khi nói chuyện với Neil, tôi chưa bao giờ nghĩ tới việc nói cho một tờ báo khác về tài liệu đó. Và tôi trả lời Giford rằng tôi trung thành với Neil, và tôi không thể phản bội lòng trung thành của mình bằng cách cung cấp "tin sốt dẻo" của họ cho tờ Bưu điện Washington .

Gifford chỉ ra rằng mối nguy hiểm ở đây còn lớn hơn danh tiếng mà tờ Thời báo hay Neil có được. Ông tin rằng cần phải tiếp tục đà này, duy trì sự quan tâm liên tục của công luận với nội dung của hồ sơ. Không ai có thể biết đến bao giờ tờ Thời báo nối lại việc xuất bản. Chúng ta thậm chí không biết rõ điều lệnh cấm có bị từ chối thực hiện hay không. Sự tiết lộ có thể chấm dứt ở đây, trừ phi các tờ báo khác sẵn sàng nắm lấy ngọn cờ, dám thách thức Bộ Tư pháp và chính quyền.

Lập luận của ông đầy thuyết phục. Tôi buộc phải nghĩ đến khả năng này, mặc dù tôi luôn cảm thấy khó chịu với việc qua mặt Neil và tờ Thời báo. Cam kết và nguy cơ họ sẽ phải gánh chịu trong việc quyết định công bố tài liệu đã rõ ràng. Xem xét lệnh cấm "vô tiền khoáng hậu" đó, khả năng họ bị truy tố hình sự là không nhỏ. (Trên thực tế, Bộ Tư pháp đang ráo riết chuẩn bị xử lý vụ việc này, dự định ngay sau phiên toà xét xử tôi). Có thể Neil và tờ Thời báo đã không đối xử với tôi như một đối tác, nhưng tôi khâm phục sự can đảm của họ, biết ơn họ với tư cách là một công dân và một nhà hoạt động.

Mặt khác, tôi phải suy nghĩ nghiêm túc lời cảnh báo của Gifford rằng toàn bộ tiến trình sẽ bị dừng lại vĩnh viễn trừ phi tôi thúc đẩy nó. Nhờ có quyết định của chính quyền coi vụ việc này như một cuộc khủng hoảng tầm cỡ quốc gia để biện minh cho các nỗ lực kiểm duyệt báo chí "vô tiền khoáng hậu", nội dung của tập hồ sơ đã thu hút được sự chú ý với mức độ đáng ngạc nhiên từ phía dư luận. Độc giả của các tờ báo mong muốn tìm hiểu diễn biến nào khiến cho chính quyền hoảng sợ và buộc phải mạnh tay như vậy. Tôi luôn tin rằng, tác động tổng thể của câu chuyện này phụ thuộc vào phạm vi lịch sử được phơi bày. Tác động mạnh mẽ không phải từ sự tiết lộ bí mật của bất kỳ trang giấy nào, một tập hồ sơ nào hay một cá nhân nào. Điều gây choáng váng tột bực là sự ngoan cố và bản chất của các hình mẫu lừa lọc, liều lĩnh và chủ nghĩa hoài nghi.

Công bố điều đó với bất kỳ một độc giả nào hoặc cả đất nước, độ dư chấn sẽ mạnh hơn rất nhiều.

Ba kỳ đầu công bố trên tờ Thời báo đề cập đến chính quyền Johnson nhưng một đoạn "châm biếm" trong bài báo ngày thứ ba cho thấy bài báo kỳ tới sẽ tập trung vào Eishenhower. Tôi không muốn tiến trình lịch sử sẽ bị cắt cụt ở đây. Càng cân nhắc về khả năng này, đề nghị của Gifford càng lôi cuốn tôi. Tờ Thời báo đã xem xét việc in ấn nhật báo sáng thứ tư với một loạt các trang trắng thay vì cho đăng kỳ tới của câu chuyện như kế hoạch. Khoảng trống không chữ với nguyên nhân là lệnh cấm của chính phủ có thể là trường hợp đầu tiên trong lịch sử báo chí Mỹ. Và người ta cũng mong đợi, đây sẽ là trường hợp cuối cùng. Nhưng cuối cùng, tờ Thời báo lại đăng những câu chuyện khác thế vào chỗ trống. Nhiều mẩu tin và bài phân tích được đăng để lấp chỗ trống, bởi vì lệnh cấm gây ra một trong hai vụ vi hiến lớn nhất trong hai thế kỷ trở lại đây. Đài truyền hình, trước kia hầu như phớt lờ kỳ đầu không mấy tiếng vang hôm chủ nhật, thì nay dành ít nhất là 15 phút trong tổng số 30 phút của chương trình thời sự trong nước hàng đêm trên một trong ba kênh chính thức để nói về Hồ sơ Lầu Năm Góc và các vụ kiện tụng tại toà án.

Đêm khuya ngày thứ ba, ai đó từ Toà soạn của Tuần tin tức gọi điện cho tôi để sắp xếp cuộc gặp với một nhóm các biên tập viên vào buổi sáng hôm sau. Tôi ra ngoài Quảng trường Harvard dùng bữa sáng cùng với Lloyd Norman, một phóng viên của tạp chí Tin tức Lầu Năm Góc mà tôi đã quen biết nhiều năm, và Joel Blocker, một biên tập viên cao cấp. Họ bắt đầu câu chuyện bằng cách thông báo cho tôi biết bài trên trang nhất trong số tạp chí tuần tới sẽ là việc công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc và họ dự định nói rõ tôi là nguồn gốc của tài liệu đó. Tôi nói: "Tôi không dự định bình luận về người cung cấp thông tin đó. Tôi sẽ bình luận tất cả những gì các ông muốn về nội dung của tập hồ sơ này và ý nghĩa của nó theo cách nghĩ của tôi. Tôi tiếp cận được với toàn bộ nghiên cứu này, và tôi đã đọc từ đầu đến cuối".

Blocker nói: "Chúng tôi tin rằng ông chính là người phát tán tài liệu đó nhưng chúng tôi tiến hành trừ phi ông sẵn sàng khẳng định điều này".

Tôi trả lời rằng tôi không đoán này đoán nọ về điều đó, nhưng với tư cách là một người tham gia thực hiện nghiên cứu và một người am hiểu về nó, tôi chắc chắn rằng việc xuất bản tài liệu này là một điều tốt. Công chúng cần và xứng đáng được biết mọi điều trong công trình nghiên cứu đó. Tương tự như vậy, Quốc hội cũng phải được biết. Theo ý kiến của tôi, bằng cách nào đó, tất cả nội dung của công trình nghiên cứu cần phải được công bố. Điều đó không có gì tổn hại mà chỉ có lợi cho an ninh quốc gia. Tôi sẵn lòng viết bài về các chi tiết trong nội dung, với độ dài bất kỳ tuỳ ý.

Blocker tiếp lời: "Này, vấn đề là sẽ không có bài báo trên trang bìa trừ phi chúng tôi có sự khẳng định của ông về nguồn gốc của tài liệu".

"Tệ thật. Nếu đúng là như vậy, các ông đang mất một bài báo có tiếng vang lớn về nội dung của hồ sơ đó".

Chúng tôi nói chuyện hơn ba giờ đồng hồ, kết thúc trong văn phòng của tôi ở MIT. Trong bài tường thuật của Blocker về cuộc phỏng vấn (ra ngày 21 tháng sáu), ông ta nói rằng: tôi (tác giả) "đã thẳng thừng từ chối bình luận về liệu có phải ông (tác giả) đã cung cấp những tài liệu mật cho tờ Thời báo".

Blocker trích nguyên văn lời của tôi: "Tôi rất mừng khi hồ sơ này được công bố… Tôi mong muốn Quốc hội và công chúng có thể tiếp cận tư liệu này hai hoặc ba năm về trước. Những văn bản này chứng tỏ các trợ lý của Tổng thống và các quan chức khác trên thực tế đã được cho phép nói dối công chúng. Nhưng bây giờ, những người chịu trách nhiệm về sự leo thang của cuộc chiến phải chịu trách nhiệm về những văn bản mà họ đã ký".

Blocker tường thuật lại những gì tôi kể cho họ nghe về nỗ lực vô vọng của tôi khi tìm cách để các quan chức cao cấp của chính quyền như Henry Kissinger và trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao Irwin đọc hồ sơ này, hay ít nhất là xem qua những bản tóm tắt. Mặc dù không có gợi ý của tôi, nhưng tờ Tuần tin tức sau đó phỏng vấn John Holum, trợ tá lập pháp của Thượng nghị sỹ McGovern, và Pete McCloskey. Hai người này cho biết tôi đã đề nghị cung cấp cho họ những văn bản mật.

Holum tường thuật lại: "Ông ta (tác giả) nói ông ta sẽ công bố chúng cho dù ông ta sẽ bị tống vào tù". (Đây là lời lẽ từ văn phòng Thượng nghị sỹ được đăng trong số báo hơn một tuần trước khi tôi bị buộc tội, mặc dù họ đã hứa là không tiết lộ tên của tôi). "Theo lời khuyên (của Holum), McGovernd đã từ chối lời đề nghị".

Tuy nhiên, bất chấp sự đề nghị thiết tha từ phía tôi, các biên tập viên Tuần tin tức không muốn tường thuật quan điểm của tôi về nội dung của tài liệu hay là về cuộc chiến. "Ellsberg, 40 tuổi, chứng tỏ là một kẻ ba hoa tột độ, và nói năng bừa bãi… Với một quyết tâm gần như một nỗi ám ảnh, Ellsberg nói đi nói lại về những tác động tích cực của việc công bố các văn bản đó. Ông ta nói, những tài liệu đó là những gì tốt nhất mà chúng ta có - một xuất phát điểm tốt để hiểu biết thật sự về cuộc chiến, có giá trị như những hồ sơ về tội ác chiến tranh tại Nuremberg".

Họ không hài lòng việc chúng tôi bỏ đi. Nhưng tôi không muốn đưa ra lời khẳng định mà họ cần tại thời điểm đó. Cho đến lúc này, chưa có dấu hiệu nào cho thấy Bộ Tư pháp sẽ quyết định truy tố hình sự. Tôi không ngạc nhiên rằng tờ Tuần tin tức nhanh chóng biết được rằng tôi là nguồn gốc của tài liệu đó. Dòng cuối cùng của bài báo về cuộc phỏng vấn ghi lại, tôi vừa cười vừa nói rằng: "Tôi lấy làm hãnh diện trở thành kẻ bị tình nghi là đã tuồn tài liệu này ra ngoài". Và tôi biết chắc rằng Bộ Tư pháp nghi ngờ ít nhiều từ câu nói này. Nhưng tôi đã quyết định không kích động chính quyền đi đến một quyết định khởi tố hình sự chưa từng có trong lịch sử bằng cách công khai chỉ trích, nếu chính quyền kiềm chế trong việc buộc tội tôi. Bài báo trên trang bìa có thể tạo nên hiệu quả thông tin tốt.

Chỉ có Chúa mới biết tại sao tờ Thời báo không hỏi ý kiến của tôi về bất cứ điều gì nhưng tôi không nghĩ rằng đóng góp của tôi là cần thiết. Hàng nghìn trang tài liệu có thể tự nói - khi mà chúng được công bố. Và cuối cùng, như tôi từng hy vọng, tờ Tuần tin tức đã đăng một bài báo trên trang bìa, không phải về tôi, mà về "Lịch sử bí mật của Việt Nam" (Ngày 28-6-1971, số trước ra ngày 21-6).

Ngay khi Blocker và Norman rời khỏi, tôi gọi điện thoại bằng thẻ trả trước của mình và, thông qua một người bạn, liên lạc với Ben Bagdikian của tờ Bưu điện Washington . Bagdikian đã rời Rand, quay trở lại tờ Bưu điện Washington năm ngoái với tư cách một biên tập viên. Tôi chắc rằng ông ta đang xoay xở tìm kiếm một mẩu của hồ sơ. Tôi đã đoán chính xác rằng ông ta nghi ngờ tôi chính là người phát tán những tài liệu đó và có lẽ đang tìm tôi. Nhưng tôi không thể gọi điện thoại cho ông ta từ nhà của mình. Thông qua một nhân vật trung gian, "Ông Boston", Ben nhận được hướng dẫn để gọi đến một số điện thoại ở Cambridge từ một chiếc điện thoại "an toàn". Đó là số 617, và Ben đọc tin nhắn từ "ông Boston ở Boston ". Ben nhận ra rằng đó là một bút danh và quyết định gọi điện thoại. Ông ta đi qua phố, đến Statler Hilton và gọi điện từ một bốt điện thoại công cộng. Mr. Boston nói rằng Ben có tin nhắn từ một người bạn cũ nhưng ông ta phải cho số của một bốt điện thoại công cộng, nơi mà ông có thể nhận được điện gọi tới. Ben cho số của bốt điện thoại bên cạnh.

Khi tôi gọi Bagdikian một vài phút sau, ông ta nhận ra giọng của tôi. Tôi hỏi ông ta liệu Tờ Bưu điện Washington có muốn in "những tài liệu đó" nếu có được chúng. Ông trả lời là "Có". Tôi hỏi liệu ông có được lời cam kết của tờ Bưu điện Washington không. Ông ta hứa sẽ gọi điện lại. Chúng tôi thoả thuận rằng nếu ông ta có được sự đảm bảo, ông sẽ đặt phòng tại một khách sạn ở Cambridge hay Boston, gọi đến một số khác với máy trả lời điện thoại tự động, để lại lời nhắn về nơi mà chúng tôi có thể gặp nhau. Ông ta gợi ý về lời nhắn là "Ông Medfold từ Providence (nơi mà Bagdikian đã từng làm) sẽ đợi ông ở khách sạn". Tôi đề nghị ông ta nên đặt phòng nhanh lên bởi vì hầu hết khách sạn đều kín chỗ trong tuần đầu tiên. Ông ta nên mang theo một chiếc vali lớn.

Ben nhận được tín hiệu "đèn xanh" từ phía chủ bút của tờ báo, Ben Bradlee. Khi Bagdikian gọi điện cho Bradlee từ sân bay, ông ta nói thêm rằng trong trường hợp ông ta có được những hồ sơ đó và nếu chúng không được đăng trên số báo ngày hôm sau, thì tờ Bưu điện Washington sẽ có một chủ bút mới. Bagdikian kể lại với tôi: Lúc ông ta đăng ký phòng tại khách sạn Boston dưới cái tên Medfold, ông thất kinh khi nhân viên lễ tân báo ông có một tin nhắn từ ông Bagdikian, người sẽ tới khách sạn cùng thời gian này từ Washington . Điều đó thì có liên hệ gì với ông không? - Bagdikian nghĩ. Dường như, Bagdikian quên mất tên giả của mình. Ông không có những trực giác như người bạn ông. Ben tự giới thiệu bản thân, nói rằng ông ta đăng ký dưới cái tên Medford . Khi ông ta vào phòng, ông ta nhận được một cú điện thoại của tôi, chỉ dẫn đến một địa chỉ ở Cambridge để lấy tài liệu và nhắn với nhân viên lễ tân cho phép một số người bạn của ông vào phòng khi ông ra ngoài.

Khi Bagdikian quay trở lại trên một chiếc taxi với một trong hai thùng các-tông mà ông đã được cho xem trong tầng hầm ở Cambridge , ông ta thấy Patricia và tôi đang đợi ông ta trong phòng khách sạn. Tôi muốn ông ta mang cả chiếc hộp thứ hai. Không lâu sau, ai đó mang chiếc hộp còn lại đến phòng. Trong khi đó, chúng tôi kiểm tra chiếc hộp thứ nhất lộn xộn giấy tờ. Chiếc hộp đựng một bộ hồ sơ đầy đủ, nhưng thứ tự lẫn lộn. Do trải qua nhiều giai đoạn "giải mật" với mảnh các- tông, kéo, máy cắt giấy, nên rất ít trang còn ghi số trang. Hầu hết các số trang trùng khớp với sự đánh dấu kín mà chúng tôi đã bỏ đi. Khi được chuyển đến, chúng tôi thấy thùng tài liệu thứ hai có cùng nội dung như vậy. Đó chính là trạng thái hồ sơ mà tôi muốn khi trao cho ông ta. Đầu tiên ông ta miễn cưỡng chấp nhận. Tôi muốn ông ta gửi thùng thứ hai tới Mike Gravel nếu ông thượng nghị sỹ từ Alaska này sẵn sàng sử dụng nó.

Cảm giác nghề nghiệp của Ben khiến ông ta không muốn trở thành một đối tượng trung gian với Quốc hội. Tôi không thể thông cảm, trong những tình huống đặc biệt này. Tờ Bưu điện Washington rõ ràng muốn cái mà tôi có, và dường như họ cũng có thể giúp tôi. Tôi không nghĩ ra bất kỳ cách nào khác để mang hồ sơ này đến Washington nhanh chóng. Cuối cùng, ông ta đồng ý.

Bagdikian nhớ lại, tôi đưa ra hai điều kiện khác. Tờ Bưu điện Washington không được tiết lộ danh tính của tôi và không in lại ngày tháng hoặc số hiệu của bất kỳ bức điện tín nào khi sao chép lại tài liệu. Nhiều người đã buộc tội tờ Thời báo New York đã làm tổn hại hệ thống mật mã. Tôi cam đoan điều đó là không đúng, nhưng tôi không chắc chắn rằng chính phủ sẽ thừa nhận tại toà án.

Chúng tôi ở khách sạn cả đêm với ông ta, cắt bỏ những chú thích ngày tháng ở cuối trang và cố gắng phân loại các tập khác nhau. Patricia trở về nhà nghỉ ngơi trong khi tôi tiếp tục công việc. Ben đặt vé chuyến bay trở lại Washington , hai ghế hạng nhất cho "Ông Medford và một người khác". Ý của ông ta là muốn để chiếc vali tài liệu ở chiếc ghế bên cạnh. Sáng sớm hôm sau, chúng tôi nhận ra rằng chiếc vali tài liệu không đủ rộng. Ông ta quyết định sẽ mang về Washington hai chiếc hộp các-tông lớn như lúc đầu, nhưng chúng tôi không có dây hay băng để buộc chiếc hộp thứ hai. Sáng sớm, chúng tôi ra quầy lễ tân xin một đoạn dây thừng. Nhân viên bàn lễ tân không tìm thấy đoạn dây nào cả, nhưng ông ta gợi ý Ben nên ra ngoài để tìm, nơi mà đôi khi có dây buộc chó của khách. Ben trở lại với một sợi thừng dài 6 feet từ hàng rào cạnh bể bơi. Ông ta buộc chiếc hộp lại và lên xe ra phi trường. Tôi gọi điện cho Patricia và bảo cô ấy đến đón tôi. Trong lúc chờ đợi, tôi nghỉ lại trong phòng.

Trước khi rời khỏi phòng khách sạn, chúng tôi bật ti vi để xem tin tức buổi sáng. Chúng tôi nhìn thấy một trong hai ngọn đèn của nhà chúng tôi tại số 10 phố Halliard trên màn hình, với hai người đàn ông tự xưng là nhân viên FBI đang gõ cửa.

Người phát ngôn viên giải thích họ đang tìm cách thẩm tra Daniel Ellsberg cho quá trình điều tra của họ về việc rò rỉ Hồ sơ Lầu Năm Góc . Sau một lúc gõ cửa không thấy ai trả lời, hai người đàn ông rời đi. Patricia và tôi có cảm giác rằng họ sẽ không đi xa. Chúng tôi không muốn ở lại khách sạn này cho dù là một đêm, chứ không muốn nói là đêm thứ hai. Chúng tôi không mang theo gì, kể cả bàn chải đánh răng. Nhưng dường như, đây không phải là thời điểm tốt để trở về nhà. Và cũng không phải là ý kiến hay khi ở lại trong căn phòng mà ông Bagdikian của tờ Bưu điện Washington đã trả. Chúng tôi đến thuê phòng tại một khách sạn bên dòng sông Charles bờ phía Cambridge dưới tên giả. Buổi sáng hôm sau, chúng tôi chuyển sang một khách sạn khác. Trong một vài ngày tiếp theo, chúng tôi liên tục di chuyển qua các khách sạn khác nhau ở Cambridge . Sau đó, chúng tôi tìm thấy nơi ẩn náu ở Cambridge và trở về nhà sau 12 ngày trốn tránh.

Xem tin tức phát trong buổi sáng thứ năm, ngày 17-6-1971 chúng tôi nhanh chóng hiểu tại sao FBI lại chọn ngày hôm đó để ghé thăm căn hộ của chúng tôi. Khuya đêm hôm trước, trong khi chúng tôi đang làm việc tại khách sạn, cố gắng sắp xếp các tập hồ sơ theo đúng thứ tự, một nhà báo tên là Sidney Zion đã xuất hiện trên chương trình trò chuyện với các nhân vật nổi tiếng trên truyền hình tại New York và thông báo rằng ông ta đã phát hiện ra chính tôi là người cung cấp Hồ sơ Lầu Năm Góc cho tờ Thời báo New York . Đúng như tôi dự đoán, trên cơ sở những bài phỏng vấn ban đầu, cả Nhà Trắng và FBI đã xác định tôi là nghi can số một. Nhưng FBI tiết lộ rằng chính tuyên bố của Zion dẫn tới chỉ thị của Sở chỉ huy của FBI tại Wahshington cho văn phòng ở Boston thẩm tra tôi ngay lập tức. Văn phòng ở New York nhận được chỉ thị thẩm tra Zion . Do công bố tối hôm trước nên ở cả hai nơi các nhân viên FBI bắt gặp những đám đông nhà báo và quay phim chờ đợi sẵn quanh khu nhà tôi. Zion từ chối tiết lộ thêm điều gì, và FBI không thấy chúng tôi trở về nhà kể từ cái đêm chúng tôi ở lại khách sạn cùng với Bagdikian. Nhưng, nếu Zion không công bố, sẽ không có bất kỳ phóng viên truyền hình nào bên ngoài căn hộ số 10 phố Hilliard để ghi lại chuyện viếng thăm của nhân viên FBI, và chúng tôi cũng không thể được nhìn cảnh quay trực tiếp trên truyền hình. Thay vào đó, chúng tôi có thể có mặt tại hiện trường và gặp những nhân viên FBI khi trở về nhà, hoặc họ tìm thấy chúng tôi ở đó chiều ngày hôm sau. Mọi việc diễn ra may mắn lạ thường, mặc dù ý định của Zion chưa hẳn đã tốt như vậy.

Bí quyết tránh giáp mặt với FBI (trong thập kỷ 70) dường như là: không sử dụng điện thoại nhà hay cơ quan. Những người giúp đỡ chúng tôi tìm nơi ẩn náu và phân tán tài liệu liên lạc với chúng tôi trực tiếp hoặc thông qua những bốt điện thoại công cộng được chọn một cách ngẫu nhiên. Không ai trong số họ bị các quan chức hay bồi thẩm đoàn tra hỏi, hay bị báo chí phát hiện. (Sau 30 năm giấu tên, tất cả họ dường như muốn tiếp tục giữ kín. Tôi không thể thuyết phục bất kỳ ai trong số họ xuất hiện công khai hoặc để tôi có cơ hội nói lời cảm ơn bằng chính tên thật của họ).

Trong vòng 13 ngày, chúng tôi trở thành tâm điểm trong câu chuyện mà báo chí miêu tả là "cuộc săn lùng lớn nhất của FBI kể từ vụ bắt cóc Lindberg". Báo chí đưa tin các nhân viên FBI phỏng vấn nhiều người ở nhiều nơi trên thế giới khiến cho tôi nghi ngờ rằng một số đang lạm dụng cơ hội này để đi vui chơi. Chúng tôi ở Cambridge trong suốt thời gian đó, ở năm địa điểm khác nhau, có chỗ chỉ lưu lại trong một đêm. Việc đó được sắp đặt bởi một vài bạn bè thân thiết của tôi. Họ nhờ bạn bè trong số những nghiên cứu sinh hoặc những người hàng xóm. Điều đáng chú ý là tất cả những người trên đều hợp tác mặc dầu họ biết FBI đang truy lùng tôi. Theo lý thuyết, FBI chỉ muốn thẩm tra tôi. Nhưng rõ ràng là ở bất cứ thời điểm nào, lệnh bắt đều có thể được đưa ra, và những người chủ nhà có thể bị buộc tội là che giấu một kẻ phạm tội. Đó là thời điểm trong lịch sử dân tộc khi bạn có thể chìa tay ra với hầu hết thanh thiếu niên và nói: "Tôi đang hành động chống chiến tranh. Điều đó có thể có ích, có thể quan trọng, nhưng có thế rất nguy hiểm cho bạn. Bạn có giúp tôi không?". Một người bạn sau đó nói với tôi rằng cô ta đơn giản chỉ gọi những người quen biết trong các cuộc biểu tình và hoạt động chống chiến tranh khác, và nói với họ, "tôi cần căn hộ của bạn trong một vài ngày. Chúng tôi sẽ bảo quản nó. Đừng hỏi tôi bất kỳ câu gì?". Không ai thắc mắc, không ai từ chối. Đến nay, tôi vẫn chưa biết tên của họ.

Một dịp nọ, "ông Boston " xuống gác, băng qua đường tới bốt điện thoại ở góc phố, cách khoảng 50 thước từ căn hộ mà chúng tôi đang ẩn náu. Ông ta nói trong 10 phút với một người bạn của tôi là Lloyd Shearer ở Los Angeles , giúp tôi truyền đạt đến anh ta một số câu hỏi. Shearer là người cho tôi lời khuyên về các nhân vật tin cậy có thể làm việc được với giới truyền thông. Qua cửa sổ chúng tôi tình cờ nhìn thấy ông ta rời khỏi buồng điện thoại và quay trở lại phòng. Ngay khi ông ta bước chân vào cửa trước, có lẽ chỉ khoảng 12 phút từ lúc ông ta đặt máy, bốn chiếc xe cảnh sát lao về bốt điện thoại đó từ hai hướng. Xe phanh kít lại, và cảnh sát nhảy ra với súng lăm lăm, mặc dù bốt điện thoại trống không. Không còn nghi ngờ gì nữa, đường dây của Shearer đã bị nghe trộm. Chúng tôi nằm rạp xuống sàn dưới khung cửa sổ không có rèm che bởi cảnh sát bắt đầu ngó nghiêng tìm kiếm ngược xuôi trên con phố. Khi họ rời đi, chúng tôi chuyển sang một nơi khác nghỉ đêm. Đôi khi chúng tôi ở lại trong một căn hộ hai đến ba ngày.

Trừ khi chúng tôi chuyện chỗ, mà hầu hết diễn ra vào lúc nửa đêm, luôn chỉ có Patricia và tôi bên nhau. Nhìn lại, tôi nhận ra đó là hai tuần tĩnh lặng nhất, ít căng thẳng nhất mà chúng tôi có trong suốt hai năm tới. Chúng tôi không phải làm gì nhiều trừ việc quyết định chọn toà soạn nào, và cung cấp phần nào của nghiên cứu cho họ. Tất cả sắp đặt thực tế được thực hiện bởi những ân nhân của chúng tôi, bởi vì chúng tôi thậm chí không thể sử dụng điện thoại hay ra ngoài sử dụng điện thoại thẻ, hay làm những việc lặt vặt. Tôi nói với mọi người nơi mà họ có thể lấy tài liệu để chuyển đi. Nhưng họ lấy tài liệu từ những chỗ đó mà không nói cho chúng tôi biết họ làm vậy như thế nào.

Bạn của chúng tôi, "ông Boston " tỏ ra hết sức tài năng trong các hoạt động bí mật. Khi ông ta liên lạc với Ben Bagdikian giúp tôi, một số dàn xếp của ông ta để truyền đạt thông tin hay chuyện tài liệu khiến cho các biên tập viên sợ sệt bởi nó chi tiết hơn mức cần thiết. Nhưng về cơ bản, chúng phát huy hiệu quả. FBI không thể ngăn chặn bất kỳ vụ chuyên chở nào, bởi vì các phần của hồ sơ được tập kết đến một địa điểm từ các đường khác nhau. Đó là ý kiến của ông ta chia những phần liên tiếp thành từng gói riêng biệt. Ông nhớ lại cách làm đầu tiên của tôi, sau khi lệnh cấm thứ hai được ban hành, là trộn lẫn một vài tập hồ sơ vào với nhau, đảm bảo rằng tất cả đều được chuyển đi khi mà tôi bị bắt. Từ kinh nghiệm bản thân trước kia làm việc cho một nghị sỹ quốc hội, ông ta nhanh chóng thuyết phục tôi rằng tốt hơn hết là tiếp tục thực hiện bằng cách tiếp cận từng đối tượng một. Ông đảm nhận việc sắp đặt ông ta dành cho tôi việc chọn lựa đầu ra hàng ngày, và ông ta là người liên lạc và sắp đặt việc chuyện tài liệu.

Một điều khiến cho mọi việc phần nào dễ dàng hơn là không ai gặp khó khăn trong việc thương lượng để có được sự đồng ý của các tờ báo. Hầu hết tất cả các tờ báo chính đều không muốn đứng ngoài vụ này. Trong bối cảnh các thủ tục tố tụng đang được triển khai và sự tức giận rõ ràng từ phía chính quyền, thật ấn tượng khi không ai từ chối cơ hội tham gia. Sau tờ Bưu điện Washington , tờ Boston Globe hiển nhiên là lựa chọn tốt nhất cho đối tác kế tiếp. Mặc dù đây là một ấn phẩm địa phương, nhưng nó lại là một trong những tờ báo phản chiến tiên phong và mạnh mẽ nhất. Trường hợp tương tự là tờ St. Louis Postdispatch. Theo tôi nghĩ, họ đã đủ điều kiện để nhận được một lệnh huấn thị. (Trên thực tế, họ đã nhận được một lệnh cấm, cùng lúc với tờ Globe). Như Sanford-Ungar ghi lại, có thể là một sự trùng hợp ngẫu nhiên rằng cả bốn tờ báo bị cấm, trong số 20 tờ đã in các phần của hồ sơ, đều phê phán mạnh mẽ chính quyền Nixon và bày tỏ nghi ngờ về cuộc chiến.

Đối với các tờ báo khác, tôi lựa chọn trên cơ sở những tính chất đặc biệt. Tờ Thời báo Los Angeles , tờ báo mà tôi nghĩ là đã đưa tin tốt về cuộc chiến, là ấn phẩm của nơi tôi đã sinh ra; Knight, hệ thống gồm 11 tờ báo, trong đó có cả thành phố Detroit nơi ba tôi ở, và tờ Người đưa tin Cơ đốc giáo là tờ báo chính của cha tôi (ông gửi cho tôi đơn đặt báo dài hạn trong nhiều năm).

Bạn bè giúp mua thức ăn, báo chí, các vật dụng trang điểm, áo sơ mi, đồ lót và tất. Patricia và tôi hàng ngày cùng đọc báo và theo dõi tin tức trên ti vi. Tôi đặc biệt nhớ lại một chương trình mà chúng tôi xem vào cái ngày cuối cùng của thời gian yên tĩnh bên nhau. Đó là chủ nhật, ngày 27-61971, một ngày trước khi tôi trình diện tại trụ sở toà án liên bang. Tướng Maxwell Taylor đang được Martin Agronskyk phỏng vấn, trong một chương trình lúc trước đã bị nghe lén.

Ông ta miêu tả đề xuất của ông ta với Tổng thống Kennedy tháng 11-1961. Ông ta nói với Agronsky và công chúng nước Mỹ 10 năm sau đó: "Tôi không đề xuất sự tham gia của các lực lượng chiến đấu. Tôi đã nhấn mạnh rằng, chúng ta chỉ nên đưa đến các lực lượng kỹ sư và hậu cần, để thực hiện các công việc hậu cần và giúp đỡ trong sự kiện tắm máu năm 1961. Vì vậy, đó không phải là một lực lượng chiến đấu… Tôi không đề xuất gì khác ngoài ba sư đoàn tiểu đoàn lính bộ … à, xin lỗi, ba tiểu đoàn kỹ sư…".

Đã một thập kỷ trôi qua kể từ thời điểm những đề xuất đó được đưa ra, và vị Tổng thống nghe đề xuất của ông đã chết.

Tôi nhớ lại hai điều khi mà tôi nghe ông ta nói: bộ sậu của Tổng thống nghĩ rằng họ có quyền nói dối vô hạn, và "hãy chú ý những điều ông nói, tướng quân, những bức điện của ông sắp được công bố ngày nào đó gần đây".

Hai ngày sau khi nội dung của cuộc phỏng vấn được công bố, Toà án Tối cao dỡ bỏ lệnh cấm, và tờ Thời báo nối lại việc xuất bản. Số báo ngày hôm sau đăng câu chuyện của thời kỳ Kennedy. Trong số những văn bản tờ báo công bố trong ngày thứ tư có những bức điện cấm sao chụp gửi Tổng thống vào cuối tháng mười năm 1961, đề cập việc đưa ngay lập tức lực lượng lục quân của Mỹ vào chiến trường như "là một hành động cần thiết nếu chúng ta muốn lật ngược chiều hướng xấu hiện nay của tình hình… Trên thực tế, tôi không tin rằng kế hoạch cứu vãn miền Nam Việt Nam sẽ thành công nếu không hành động này " và cho rằng vai trò của các "kỹ sư" để "tung hoả mù" tỏ ra không còn hợp lý".

Đó là một lời khuyến nghị hoàn toàn trái ngược mà Taylor đưa ra vào thời điểm đó, năm 1961, và kéo dài trong nhiều năm. Một thập kỷ lừa gạt kết thúc với lời buộc tội của tôi. Nếu lịch sử vẫn còn giá trị để lừa gạt, thì nó cũng đáng để phơi bày, dù cho có phải trả giá bằng cuộc sống của chính mình.

Tạp chí Time (Thời đại) liên lạc với tôi thông qua Charlie Nesson, một giáo sư Luật học của Harvard, người đồng ý tham gia vào nhóm cố vấn pháp lý của chúng tôi để viết một câu chuyện trên trang nhất về tôi. Nhưng họ cần phỏng vấn tôi.

Derek Shearer, cùng với chúng tôi, thảo luận điều này với cha tôi Lloyd. Cha tôi kiên quyết thuyết phục tôi không nên làm như vậy. Ông nói những phóng viên nhật báo sẽ tức giận nếu tôi dành quyền độc quyền cho một tờ báo nào đó, đặc biệt là tạp chí Times , tờ báo mà họ coi thường (chủ bút của tạp chí Times Henry Grunwald, nhất quyết cấm đoán và chèn ép những phóng viên của ông ta viết về cuộc chiến. Một vài trong số họ đã xin thôi việc). Họ sẽ chỉ coi tôi như một kẻ tìm kiếm sự nổi tiếng cá nhân. Tôi nên tiếp tục duy trì sự tập trung của dư luận vào cuộc chiến và nội dung của tài liệu, không phải vào cá nhân tôi. Tôi nhắn với tạp chí Times rằng cuộc phỏng vấn là không thể thực hiện được. Tôi không có thời gian. Tờ báo tiếp tục gây sức ép. Họ nói họ sẽ không thể đăng lên trang nhất nếu không phỏng vấn tôi. Họ có quy định về điều này.

Tôi nói, điều đó thật tệ. Tạp chí Times đề nghị dành cho tôi ba trang để nói bất kỳ điều gì tôi muốn, không biên tập, như là một phần của bài báo. Đề nghị đó thật hấp dẫn và tôi cảm thấy dằn vặt khi phải từ chối cơ hội này. Nhưng tôi biết điều đó sẽ làm chệch con đường tôi đang đi, và tôi nên chú tâm vào những điều sắp xảy ra. Cuối cùng, Tạp chí Times buộc phải đăng bài báo đó. Tôi được cho biết rằng, kể từ bài báo viết về Adolf Hitler in năm 1943, đây là lần đầu tiên một bài trên trang bìa được đăng mà không có phần phỏng vấn cá nhân.

Đến phút cuối, những biên tập viên thuyết phục tôi chỉ trả lời họ một câu hỏi: Mắt tôi màu nâu hay xanh? Chúng tôi trả lời rằng mắt tôi màu xanh. Họ chỉ hỏi thế thôi. Mặc dù vậy, điều đó rõ ràng tạo nên sự khác biệt. Sau đó, ai đó từ tạp chí Time đưa cho tôi bản in thử đầu tiên với bức hình của tôi trên trang bìa, đôi mắt nâu.

Tạp chí Times lấy bức hình của tôi (đen trắng) từ cha tôi ở Detroit . Tạp chí Life cũng vậy. Bố tôi có các album ảnh của tôi. Một số trong đó được chụp khi tôi đang ở Việt Nam , hầu hết là ở Rạch Kiến, mặc bộ đồ chiến đấu và mang một khẩu súng tiểu liên K do Thuỵ Điển sản xuất. Tạp chí Life có một bức ảnh lớn của tôi nằm trên cánh đồng lúa, với khẩu tiểu liên ngang vai. Một bức ảnh khác cho thấy tôi trong bộ đồ lính thuỷ đánh bộ màu xanh da trời. Tôi từng nghĩ rằng những bức hình đó từ Cha có thể giúp tôi thoát khỏi tình thế khó khăn, ngăn cản Nhà Trắng tuyên truyền rằng tôi là một kẻ không yêu nước. Nhưng sự việc diễn ra ngược lại. Việc công bố những bức ảnh đó đưa đến một nhận định rằng tôi là một kẻ được chăng hay chở, dễ thay đổi, có chút gì đó điên rồ bởi sự thay đổi cực đoan của bản thân tôi, cho dù việc đó có thể đặt ra câu hỏi là tại sao tôi được tin tưởng rất lâu với nhiều bí mật và được tham vấn ở cấp cao, bởi cả những đảng viên Dân chủ hay Cộng hoà. Ngay cả những bài báo thông cảm nhất cũng khai thác bi kịch của tình cảnh khốn đốn khiến tôi thay đổi quan điểm. Tiêu đề trên Life là "Từ Diều hâu đến Bồ câu hung tợn ". Tôi nghĩ tính từ miêu tả tình cảnh hiện tại của tôi thật thú vị, bởi vì nó dành cho giai đoạn trước với bức tranh tôi mang khẩu súng tiểu liên.

Sự chứng thực của cha về tôi ở Detroit rất có lợi cho tôi.

Tôi đọc nó trong các bản tin của hãng AP và nhìn thấy ông một vài lần trên tivi. Điều đó làm tôi cảm thấy ấm lòng. Xét cho cùng, ông là một đảng viên Đảng Cộng hoà. Người anh cấp tiến của tôi không thể nói chuyện với ông về chính trị. Cha tôi (lúc đó 80 tuổi) đã hai lần bỏ phiếu cho Nixon. Tuy nhiên, khi ông ta được hỏi về tôi, ông không chỉ tỏ ra cảm thông. Ông hùng hồn tuyên bố hoàn toàn ủng hộ những gì ông cho rằng tôi đang làm. Khi trả lời phỏng vấn tờ Detroit News , ông nói: "Daniel đã từ bỏ mọi thứ để cống hiến cuộc đời nó để chấm dứt cuộc tàn sát điên rồ đó… Nếu con trai tôi đã cung cấp cho họ báo cáo đó, và nếu chính phủ buộc tội nó… thì thế đấy, nó có thể đang cứu sống nhiều thanh thiếu niên, nếu không thì họ sẽ bị gửi tới nơi đó (Việt Nam )". Bài báo tiếp tục: Ellsberg nói con trai của ông đã cho ông "biết rất nhiều điều tồi tệ khi đọc về cuộc chiến đến mức mà chúng ta không thể phí thời gian để nói về nó khi chúng ta ở cùng nhau. Chúng ta biết chúng ta đang đứng ở đâu - và chúng ta đang bị dồn vào chân tường".

Tôi không cho ông biết một chút gì về những gì tôi đang dự định, hoặc đang thực hiện, không lời cảnh báo (ngay cả tôi cũng không nói trước được điều gì) về những điều có thể xảy ra. Tôi không thể gọi điện cho ông khi tôi đang ẩn trốn. Nhưng trong các bài phỏng vấn, ông trình bày các vấn đề hệt như tôi đã mớm lời cho ông. Thực tế còn tốt hơn. Ông nói về Hiến pháp và vai trò của tự do ngôn luận trong nền dân chủ của chúng ta, về cuộc chiến kinh hoàng, vô vọng và sai trái, về những người đã bị nói dối cho đến lúc chết bởi sự lừa đảo của các vị Tổng thống của họ, về những sinh mạng mà tôi đang cố gắng cứu vớt. Tôi run lên vì cảm động khi nghe những lời đó từ ông. Một tuần sau khi chúng tôi đi vào hoạt động bí mật, theo đề nghị của tôi, Tom Oliphant chuyển tải thông điệp, trong bài báo về tôi trên tờ Globe, rằng: "Ông (tác giả) muốn cha, Harry Ellsberg… biết rằng ông (tác giả) biết ơn sâu sắc cho với những lời ủng hộ mà ông (cha của tác giả) tuyên bố trước báo giới tuần trước". Tất cả những điều này đến từ đâu? Tom nói với tôi sau đó: "Từ chính bản thân anh. Lúc đầu tôi ủng hộ cuộc chiến, nhưng những lá thư của anh từ Việt Nam làm tôi sáng mắt".

Những gì đang xảy ra ở nước Mỹ thật đáng ngạc nhiên và chưa từng có. Ngành công nghiệp báo chí, trong vòng 30 năm trở lại đây hoặc lâu hơn nữa, mỗi khi động đến chính sách đối ngoại và các vấn đề quốc phòng luôn bằng lòng với việc dựa vào các văn kiện của chính phủ, bỗng nhiên nổi loạn khắp nơi.

Hết tờ báo này đến tờ báo khác lên tiếng đòi cơ hội, không chỉ để đăng một phần của câu chuyện mà còn vượt qua ranh giới, trở thành sự phản kháng dân sự cực đoan. Chưa bao giờ trong lịch sử có một lệnh cấm hoạt động của báo chí. Trước khi có phán quyết của Toà án tối cao, đã có bốn lệnh được đưa ra, và cũng có thể lên đến hai mươi.

Sau lệnh hạn chế tạm thời ban đầu được đưa ra với tờ Thời báo New York , tất cả các tờ báo tham gia đăng nội dung tập hồ sơ đều thách thức lại tuyên cáo chính thức của Nhà Trắng và Bộ Tư pháp rằng họ đang gây thiệt hại nghiêm trọng đến an ninh quốc gia. Những cá nhân và cơ quan đưa ra tuyên bố đó được biết đến như là các trụ cột của chính phủ. Đối với bất kỳ ai trong số họ, trước khi sự việc xảy ra, dám thách thức lại phán quyết khẩn cấp của Tổng thống đồng thời là Tổng Tư lệnh quân đội trong thời kỳ chiến tranh, bằng hành động cụ thể và ở mức độ như vậy, là không thể tưởng tượng được, theo đúng nghĩa đen.

Đọc tin tức và theo dõi tình hình qua tivi từ các nơi ẩn náu khác nhau, tôi nghĩ điều này thật tuyệt vời: Họ đang ở đúng trong tiến trình mà tôi đã trải qua, học cách nghĩ cho chính họ, tự đánh giá về những gì đúng đắn cần phải làm trong một cuộc khủng hoảng, phát hiện ra rằng họ sẵn sàng chấp nhận cáo buộc và đối mặt với các hình phạt nặng nề khi họ không còn lựa chọn nào khác. Trong bối cảnh như vậy, tôi nhận thức nghĩa vụ cần phải mang cơ hội này đến càng nhiều người càng tốt. Điều đó có nghĩa là các mạng lưới truyền hình cũng cần có cơ hội để tham gia vào cuộc nổi loạn này.

Các kênh tin tức truyền hình đã sẵn sàng dành một nửa thời gian hoặc nhiều hơn trong chương trình thời sự đêm khuya để đối diện với chính phủ, nhưng việc đưa tin không đặt họ vào trong tình thế của các tờ báo đã đăng tải nội dung của hồ sơ. Các kênh truyền hình mới chỉ đưa tin về cuộc nổi loạn, chứ không tham gia. Nhưng hiện nay, khi các đồng nghiệp báo viết dám đương đầu với thách thức để thể hiện lòng can đảm thật sự, truyền hình quốc gia cần phải có cơ hội để chung sức với họ.

Chúng tôi bắt đầu với kênh truyền hình NBC bởi vì tôi đã xem hình ảnh của ông Chủ tịch tập đoàn, Julian Goodman, trên chương trình thời sự buổi đêm, ủng hộ việc tờ Thời báo New York công bố công trình nghiên cứu bí mật. Một người bạn của chúng tôi đã lách qua nhiều cấp quản lý tại NBC để mang tin nhắn chúc mừng của tôi đến Goodman, và lời đề nghị giúp ông cùng với tờ Thời báo New York công bố một phần tài liệu chưa phát hành trong Hồ sơ Lầu Năm Góc trên kênh truyền hình của ông. Trong vòng nửa giờ, Goodman từ chối lời đề nghị. ABC từ chối nhanh hơn, ngay sau khi nghe lời đề nghị. Nhưng CBS chứng tỏ mối quan tâm thực sự, dựa trên thời gian của họ mà cân nhắc.

Quyết định cuối cùng không thuận cho chúng tôi. Nhưng họ đưa ra quyết định đó một cách miễn cưỡng sau một ngày xem xét kỹ lưỡng ở cấp lãnh đạo cao nhất. Cân nhắc chủ yếu là CBS lúc đó đang dính líu vào một vụ đối đầu pháp lý liên quan đến bộ phim tài liệu của hãng về quan hệ công chúng của giới quân sự, Vụ bán tháo Lầu Năm Góc. Một Uỷ ban của quốc hội đề xuất buộc tội CBS không tuân theo lệnh của Quốc hội, từ chối giao nộp cuốn phim gốc để điều tra. Hạ nghị viện đang chuẩn bị bỏ phiếu về đề xuất này. Frank Stanton của CBS và hầu hết nhân viên dưới quyền nghĩ rằng điều đó sẽ tác động xấu cho cuộc bỏ phiếu, và họ sẽ phải chịu quá nhiều áp lực trong cùng một lúc nếu chống lại chính sách bảo mật của Lầu Năm Góc lúc này. Tôi hiểu điều đó, và tôi tôn trọng thực tế rằng, trái ngược với hai kênh truyền hình NBC và ABC, CBS đã thực sự cố gắng hết sức. Chính vì vậy, vài ngày sau, khi cả ba hãng truyền hình, thông qua các nhà trung gian, đề nghị phỏng vấn tôi trong lúc tôi vẫn còn hoạt động bí mật, tôi đã dễ dàng chọn CBS.

Tôi hy vọng rằng CBS sẽ chọn phóng viên Walter Cronkite, phát thanh viên của chương trình thời sự buổi tối, người được coi là "người đàn ông đáng tin cậy nhất của nước Mỹ". Và Cronkite đã đến. Sau khi trở về từ Việt Nam sau trận Tổng tiến công Mậu Thân năm 1968, anh ta đã nói với khán giả rằng chúng ta đang sa lầy trong "bế tắc", một từ mà Nhà Trắng rất sợ nói tới. Tổng thống Johnson, khi xem chương trình này, đã nói với các đồng sự "Tôi vừa mất Trung Mỹ". Vài tuần sau, ông ta rút khỏi chiến dịch tranh cử Tổng thống.

Chiều muộn ngày 23-6-71, Cronkite và nhóm của anh ta đến một ngôi nhà lớn ở Cambridge , nơi tôi đang đợi sẵn.

Một số đoạn của buổi phỏng vấn được trình chiếu trên chương trình thời sự sớm buổi tối, và một chương trình khác muộn hơn, trong vòng nửa tiếng đồng hồ, từ 10h30 đến 11h trong cùng buổi tối. Trong phần chính của buổi phỏng vấn, tôi có cơ hội để trình bày với khán giả truyền hình cả nước tại thời điểm nhiều người xem truyền hình nhất về chiến lược bí mật của Nixon và sự tương tự của nó với những gì tôi đã thực hiện tại Lầu Năm Góc năm 1964 trong một thời gian nhất định.

Một số đoạn, bao gồm cả phần mở đầu và kết thúc của chương trình như sau:

Cronkite (mở đầu): Mặc dù còn nhiều tranh cãi, nhưng cái tên duy nhất được nhắc đến nhiều nhất như là người cung cấp tài liệu cho tờ Thời báo, Daniel Ellsberg, cựu nhân viên của Bộ Ngoại giao và Lầu Năm Góc, và sau đó ít khi xuất đầu lộ diện, hôm nay đã đồng ý trả lời phỏng vấn tại một địa điểm bí mật. Nhưng ông từ chối thảo luận về vai trò của ông, nếu có, trong việc công bố hồ sơ. Tôi hỏi ông ấy, theo ông, những phát giác quan trọng nhất liên quan đến các tập hồ sơ của Lầu Năm Góc là gì?

Ellsberg: Tôi nghĩ rằng, bài học được rút ra là tất cả mọi công dân của đất nước này đều không thể trả nổi cái giá mà họ đã để cho Tổng thống tự mình lãnh đạo đất nước, cả về đối nội và đối ngoại, mà không có sự giúp đỡ của Quốc hội, cũng như không có sự trợ giúp của công luận…

Cronkite. Có phải việc đính chính thông tin công khai tuỳ thuộc vào cá nhân các nhà lãnh đạo ở Washington hơn là do quy định của pháp luật?

Ellsberg: Tôi không đồng ý với nhận định này. Với tôi, dường như các "nhà lãnh đạo" - những người mà các bạn hay liên tưởng đến các quan chức hành pháp, hay nhánh Hành pháp của chính phủ - đã củng cố một ấn tượng trong chúng ta trong suốt một thế hệ vừa qua, đồng nhất Nhánh Hành pháp với Chính phủ. Và thực sự họ là những nhà lãnh đạo mà theo cách này chính phủ có thể không hoàn toàn lành mạnh nếu chúng ta vẫn tự coi mình là một nền dân chủ. Trên thực tế, tôi thực sự kinh ngạc trước phản ứng của Johnson, coi những phát giác đó "gần như là tội phản quốc", bởi vì nó gây ra một cảm giác rằng những hành động gây tổn hại cho danh tiếng của một chính quyền nhất định, một cá nhân nhất định thực sự là tội phản bội quốc gia. Điều đó đồng nghĩa với quan niệm: "Tôi chính là nhà nước". Và chân thành mà nói, rất nhiều Tổng thống, không chỉ Johnson đâu, đều có cái cảm giác như vậy. Điều mà tôi nhận thức sau khi đọc tài liệu đó là chúng ta phải luôn ghi nhớ rằng đây là một đất nước tự điều hành. Chúng ta chính là chính phủ.

Về khía cạnh thể chế, Hiến pháp quy định sự phân quyền, cho Quốc hội, cho toà án, một cách không chính thức cho báo chí, được bảo vệ bởi Tu chính án thứ nhất … Tôi nghĩ rằng chúng ta không thể để các quan chức của Nhánh ành pháp quyết định thay cho chúng ta những gì công chúng cần biết, về thành tích cũng như cách thức họ đang thực hiện nhiệm vụ của họ…

Cronkite: Bằng cách nào mà người ta có thể giữ bí mật tài liệu nghiên cứu này ở Nhà Trắng?

Ellsberg: Thực tế các quan chức của chính phủ đã giữ kín những bí mật này, họ đã dành cả cuộc đời của họ học cách ngậm miệng. Tôi cũng là một người trong số đó.

Cronkite. Một số người nói, tài liệu đó còn chưa đầy đủ, hay là "một phần lịch sử bị đánh mất". Có phải vậy không?

Ellsberg: Đó mới chỉ là điểm xuất phát. Đó là điểm bắt đầu của một thời kỳ lịch sử. Tôi có thể nói, đó là màn khởi đầu chính, nhưng chỉ là mở màn… Trong bảy nghìn trang của tài liệu nghiên cứu đó, tôi không nghĩ có một dòng nào đề cập đến một dự đoán về tác động có thể có từ chính sách của chúng ta đối với thương vong của người Việt Nam , hoặc người tị nạn, và ảnh hưởng sinh thái của hoá chất diệt cỏ. Cũng không có một dự đoán hay tính toán nào về những tác động đã xảy ra, không hề. Và tài liệu chỉ đơn giản phản ánh những lo ngại nội bộ trong những quan chức của chúng ta. Tài liệu không đề cập gì đến việc các quan chức của chúng ta không hề lo ngại về tác động từ chính sách của chúng ta đối với người Việt Nam .

Cronkite: ông miêu tả thế nào về những người mà họ không có chung cảm xúc khi đọc được điều này, khi biết được điều nọ, khi họ cũng có quyền tiếp cận với những bí mật đó như ông. Có phải họ lạnh lùng? Có phải họ vô tâm? Có phải họ độc ác?

Ellsberg: Tất nhiên, nhận định thông thường, mô tả thông thường về họ là họ thuộc số những nhân vật đứng đắn nhất, đáng kính trọng nhất và trách nhiệm nhất mà xã hội chúng ta có. Về khía cạnh lai lịch của họ, đánh giá đó thuyết phục. Nếu đọc được những dòng lịch sử đó, tôi nghĩ những người khác cũng cảm thấy như tôi. Nhưng tôi không thể không có cảm giác rằng sự đứng đắn, nhân tính của họ, sẽ được đánh giá một phần bởi những quyết định mà họ đưa ra, nguyên nhân mà họ đi đến quyết định đó, và hậu quả của chúng. Tôi sẽ không nhận xét về họ. Bằng chứng đã rõ ràng.

Tôi chắc chắn rằng, tại thời điểm này, nhiều người sẽ đau đớn hơn tôi khi nghe câu chuyện, tất nhiên bởi vì tôi đã quen thuộc với nó, đã đọc đi đọc lại vài lần. Nhưng tất cả người Mỹ hiện nay sẽ đau đớn khi đọc hồ sơ này - nhiều phần khác sẽ sớm được công bố - và phát hiện ra rằng, những người mà họ kính trọng, tin tưởng và dành cho quyền lực, khinh thường họ như cách họ khinh thường những đồng minh Việt Nam của chúng ta.

Cronkite: Ông nói sao về những hiệu ứng tức thì (của những phát giác này) đối với cuộc chiến trong những ngày này, tháng 6-1971?

Ellsberg: Vâng, cuộc chiến vẫn đang tiếp diễn… Tôi hy vọng rằng Thượng viện sẽ làm được nhiều hơn. Tôi hy vọng rằng họ nhận thức ra trách nhiệm của họ đối với công dân của họ, đối với công dân của đất nước này, và đối với các cử tri, và họ sẽ làm nhiều hơn để tái đắc cử. Họ là những người tự do, những người dám gánh vác trách nhiệm để chám dứt cuộc chiến tranh này.

Cha tôi có một câu nói yêu thích trong Kinh thánh mà tôi hay thường được nghe khi còn là một đứa trẻ: "Sự thật sẽ giải phóng bạn". Và tôi hy vọng rằng, với việc công khai sự thật - công khai trên báo chí, ở các gia đình, ở nơi mà nó cần phải được công bố, nơi mà các cử tri có thể thảo luận - sự thật đã thoát ra khỏi hộp kín, và không có cách nào khác để cất nó vào hộp trở lại - tôi hy vọng sự thật sẽ giải thoát chúng ta khỏi cuộc chiến. Tôi mong muốn chúng ta có thể bước qua cuộc chiến tranh… sao cho lịch sử của 20 năm kế tiếp sẽ không giống như lịch sử của 20 năm vừa qua.

Trong phần tường trình trước Toà án Circuit của Quận Columbia, thứ ba, ngày 22-6, tờ Bưu điện Washington đã thừa nhận những ảnh hưởng pháp lý của những nỗ lực do nhóm hoạt động bí mật chúng tôi trong việc tiếp tục phân tán tài liệu "Tờ báo cũng cảnh báo toà án phúc thẩm rằng các nỗ lực của chính phủ cuối cùng sẽ trở nên vô ích với thực tế là ngày càng nhiều các tờ báo đăng tài liệu đó". Một điều chắc chắn là: "Sự tiết lộ công khai nội dung của tài liệu sẽ sớm đến với công luận Mỹ" . Sự chắc chắn của tiến trình này phụ thuộc vào khả năng mạng lưới của chúng tôi bị FBI thâm nhập và tóm gọn, cũng như phụ thuộc vào sự cung cấp các bản sao. Tất cả văn bản công bố đều được phát ra trực tiếp hay gián tiếp từ chúng tôi.

Một yếu tố may mắn không thể thiếu khác là thời điểm và tính gấp rút gây áp lực sao cho Patricia có thể chụp tài liệu kịp thời mặc dù không một ai dự đoán trước được những tình huống đặc biệt đó đã làm cho chúng trở nên đặc biệt giá trị.

Nhân vật được Nixon bổ nhiệm, thẩm phán Roger Robb, đưa ra vấn đề thông tin tiếp tục được tiết lộ trên các tờ báo khác tự đặt ra câu hỏi rằng liệu có phải chính phủ "đang yêu cầu chúng ta kiểm soát một bầy ong". Ông ta dùng từ này có lẽ để chỉ các báo, nhưng từ "bầy ong" diễn tả chính xác đặc điểm của đội ngũ những người hoạt động bí mật của chúng tôi.

Thứ năm, ngày 24-6, phép ẩn dụ "một đàn ong" bị lu mờ bởi hình ảnh so sánh ngầm "vỡ đập". Trên khắp đất nước, mười một tờ báo trong hệ thống Knight - Detroit, Miami, Tallahassee, Akron, Boca Raton, và hai tờ báo ở mỗi thành phố Philadenphia, Charlotte, và Macon - cùng với tờ Thời báo Los Angeles, đồng loạt được phát hành với những tiết lộ mới. Cùng ngày đó, tờ Thời báo New York kháng án lên Toà án Tối cao để xem xét lại quyết định phúc thẩm có lợi cho chính phủ của toà án Circuit. Cùng với nhiều yêu sách khác, Alexander Bickel đại diện cho tờ Thời báo yêu cầu một buổi điều trần ngay lập tức bởi vì "không chỉ quyền được thông tin của công chúng đã bị vi phạm trong vòng một tuần lễ mà tờ Thời báo, tờ báo đã dũng cảm đi tiên phong trong việc công bố Hồ sơ Lầu Năm Góc , đang bị buộc phải nhường đường cho các tờ báo khác".

Thông tin tiếp tục được các tờ báo công bố bất chấp nỗ lực của Bộ Tư pháp. Có lẽ, cũng vì lý do đó mà, một thời gian sau khi cơ quan này đưa ra lệnh hạn chế đối với tờ Boston Globe, Bộ Tư pháp dường như từ bỏ việc đưa ra các lệnh cấm. Không có thủ tục pháp lý nào được triển khai đối với Thời báo Chicago Sun - Times, Thời báo Los Angeles hoặc bất kỳ tờ báo nào thuộc hệ thống báo chí Knight, mặc dù về nguyên tắc, tất cả những ấn phẩm này đều có nguy cơ gây ra tổn hại lập tức và nghiêm trọng đối với quốc gia mà chính phủ đã tuyên bố trong các trường hợp trước đó.

Buổi sáng thứ sáu, ngày 25-6, năm vị thẩm phán của Toà án Tối cao bỏ phiếu để xác định liệu có xử gấp vụ việc của Tờ Thời báo New York và Tờ Bưu điện Washington . Họ đồng ý nghe tranh luận vào ngày hôm sau trong một phiên toà họp vào buổi sáng thứ bảy chưa từng có trong lịch sử.

Bốn vị thẩm phán - Hugo Black, William Douglas, William Brennan và Thurgood Marshall - bất đồng ý kiến với quyết định nghe tranh luận "nói rằng họ đã có thể từ chối vụ việc này, và ngay lập tức dỡ bỏ mọi hạn chế đối với tờ Thời báo và Bưu điện". Rõ ràng, để dỡ bỏ lệnh cấm, cần phải thuyết phục ít nhất một trong số các thẩm phán còn lại. Do đó, tôi muốn thêm nhiều tờ báo vào danh sách những kẻ nổi loạn vì hai lý do. Trường hợp xấu nhất, nếu Toà án Tối cao duy trì lệnh cấm trong một thời gian ngắn, tôi muốn công bố càng nhiều nội dung của tài liệu càng tốt trước khi điều này xảy ra.

Hơn nữa, khi tin tức càng lan rộng, thì càng nhiều cơ hội mà một hoặc hơn nữa các thẩm phán đang lung lay, giống như Bobb và số đông trong bồi thẩm đoàn của Toà D.C Circuit, sẽ có ấn tượng rằng việc đưa ra lệnh cấm còn cần phải tranh luận thêm. Khi các thẩm phán tranh luận, tôi muốn cung cấp cho họ thêm các bằng chứng rằng hệ thống tư pháp đã tỏ ra hoàn toàn không còn khả năng ngăn cản dòng thông tin lưu chuyển tự do (Điều khoản Bổ sung lần thứ nhất chưa bao giờ quy định nhiệm vụ này cho hệ thống tư pháp).

Tất nhiên, Bộ Tư pháp có động cơ trái ngược. Tôi nghi ngờ nếu họ tin rằng có cách nào đó mà họ có thể chặn đứng dòng thông tin. Nhưng, rõ ràng Bộ Tư pháp cho rằng họ có thể củng cố lập luận trước Toà án Tối cao nếu họ nhấn mạnh quan điểm về tính khẩn cấp và nghiêm trọng của việc tiết lộ thông tin mà họ ra sức gây sức ép trong hai tuần qua bằng việc truy bắt người cung cấp thông tin như một kẻ tội phạm hình sự.

Các bài báo đưa tin chứng tỏ rằng cơ quan này đang cố gắng để có được một bản cáo trạng và lệnh bắt dành cho tôi trước khi Toà án Tối cao họp vào buổi sáng thứ bảy. Vấn đề có thể là không một ai trong số các tờ báo chấp nhận chứng thực (hoặc đã từng chứng thực) rằng tôi đã cung cấp các tập hồ sơ.

Tôi cũng chưa thừa nhận điều này. Gần đây, nhất là buổi phỏng vấn của Cronkite vào ngày 23-6, tôi từ chối bình luận về vai trò của tôi, bởi vì chưa có dấu hiệu rõ ràng rằng chính quyền có định khởi tố hay không. Bộ Tư pháp đã có bằng chứng chi tiết rõ ràng rằng thông cáo báo chí của McGovern và McClosky khẳng định tôi đã đưa tài liệu cho họ và tôi đã quả quyết sẵn sàng chịu bắt giam để công bố thông tin này.

Nhưng, không có tuyên bố của tôi (hoặc của một phóng viên đã nhận tài liệu từ tôi) thì điều đó không đủ để chứng minh tôi đã cung cấp các văn bản đó cho báo chí.

Về việc sao chép tài liệu, vợ cũ của tôi đã đưa ra bản khai có tuyên thệ mà con tôi và tôi đã mớm lời cho cô ấy. Tony Russo từ chối làm chứng. Nhưng trước đề nghị được dành cho quyền miễn trừ và đối mặt với khả năng bị tạm giam vì khinh thường pháp luật nếu từ chối, Lynda Sinay đã cung cấp bằng chứng. Với chứng cứ đó, quan toà Venetta S. Tasopoulos ra trát bắt giam tôi ngay tối thứ sáu ngày 25-6. Lệnh bắt này được đưa ra kịp thời để đưa vào hồ sơ họp của Toà án Tối cao vào sáng thứ bảy.

Khi luật sư riêng của tôi Charlie Nesson tìm đến tôi với lệnh bắt đó, ông ta nói rằng tôi phải trình diện với cơ quan công quyền ngay lập tức. Tôi nói: "Tôi không thể làm như vậy. Tôi còn rất nhiều bản sao của tài liệu để phân phát".

Charlie nói tôi không còn cơ hội nào khác. "Nếu anh không trình diện, anh sẽ trở thành một tên tội phạm đang lẩn trốn".

"Tệ thật. Tôi không thể kết thúc như vậy".

Charlie nhắc đi nhắc lại điều đó và rời khỏi để tham khảo ý kiến với Boudin. Khi trở lại, ông ta hỏi: "Anh cần bao nhiêu lâu để thoát khỏi phần hồ sơ còn lại".

"Một vài ngày", tôi trả lời.

Sau khi bàn bạc với tôi, Charlie và Boudin gọi đến Bộ Tư pháp và cố gắng thuyết phục họ với ý tưởng tôi sẽ trình diện ngay lập tức nếu Bộ Tư pháp đảm bảo tôi sẽ được thả vào cuối tuần mà không cần bảo lãnh. Như chúng tôi đã dự đoán, họ không thành công. Charlie gọi điện lại cho tôi và hỏi: "Khi nào anh có thể tới được?"

"Sáng thứ hai".

Charlie gọi cho luật sư đại diện ở Boston và nói với ông ta rằng tôi sẽ trình diện vào sáng thứ hai, không sớm hơn. Ông luật sư nói: "Ông biết rằng, anh ta sẽ không làm như vậy".

Charlie quá quyết: "Vâng, anh ta sẽ làm như vậy".

Yên lặng trong một phút, Luật sư đại diện nói: "Ồ, được rồi, FBI sẽ không thể tìm thấy anh ta cho đến ngày hôm đó".

Charlie nói: "Ông biết không, ông đang nói chuyện trên một đường dây bị nghe trộm". Đó là giả định mà các luật sư của tôi đưa ra, mặc dù họ không biết thực sự về điều đó.

"Ông đang đùa đấy hả".

"Không hề".

Viên quan chức của Bộ Tư pháp thốt lên: "Ôi, Chúa ơi" và cúp máy.

Charlie kể lại câu chuyện này cho tôi và nói, "Anh có hai ngày". Tôi xem lại những gì còn lại và quyết định xem sẽ chuyện chúng cho ai. Tất nhiên, tôi không nhất thiết phải làm như vậy. Tôi có thể trình diện ngay và giao lại công việc này cho ai đó, nhưng từ trước đến nay, tôi là đầu tầu của quá trình này và tôi muốn trụ lại đến phút cuối cùng. Sau khi hai mươi tháng nỗ lực, và sau hai tuần thắng lợi vừa qua, thách thức công khai và thành công, tôi không hề muốn rời bỏ khi các nhà chức trách bảo tôi phải làm như vậy. Luật sư của tôi còn ở vào một tình trạng khó xử hơn, có nguy cơ dính líu vào một vụ rắc rối pháp lý, nhưng họ gánh chịu mà không một lời phàn nàn. Khi Toà án Tối cao đang nghe tranh luận, họ tuyên bố tại một cuộc họp báo ở Boston rằng tôi sẽ trình diện tại Văn phòng luật sư tại Boston lúc 10.00 sáng thứ hai, ngày 28-6. Họ cũng không biết gì nhiều về nguyên nhân của sự trì hoãn này.

Sáng thứ bảy, tôi chia các bản sao còn lại thành hai phần và cuối tuần, nhóm của chúng tôi chuyển chúng đến toà soạn báo Người đưa tin Cơ đốc giáo và Tuần tin tức . Đến đêm chủ nhật, tủ đựng tài liệu đã sạch trơn. Chúng tôi đã sẵn sàng lộ diện vào sáng ngày hôm sau. Tôi không biết điều gì sẽ xảy ra trong trường hợp bảo lãnh. Hai ngày với tư cách là một kẻ chạy trốn có thể không thuyết phục được thêm một vị quan toà để cho phép tôi bước ra khỏi toà án. Trong căn phòng ở nhờ cuối cùng, chúng tôi nghĩ đây có thể là đêm cuối cùng chúng tôi bên nhau. Trước lời thúc giục quyết liệt của chính phủ trong buổi sáng chủ nhật đề nghị Toà án Tối cao tiếp tục ngăn chặn việc công bố thông tin cho công luận Mỹ, tôi cảm thấy thật bõ công để chứng minh trên thực tế nỗ lực của chính phủ là vô ích, trong khi các thẩm phán đang cân nhắc, để các tờ báo sẵn sàng hành động như thể họ không bị ràng buộc gì.

Buổi sáng ngày thứ hai, ngày 28-6, Charlie Nesson đến để cùng chúng tôi đến toà án liên bang thưa kiện.

Ông bày tỏ hy vọng sẽ có nhiều nhà báo ở đó. Tôi mặc bộ đồ đẹp nhất mà ai đó đã "ăn trộm" ra khỏi căn hộ của tôi. Đó là một món quà cưới của người anh rể và là bộ complê may duy nhất mà tôi từng có. Tôi mặc nó trong suốt phiên toà. Trong những ngày này, trước khi vụ Watergate diễn ra, dường như bất kỳ ai đến toà án với một bộ complê lịch sự cùng cà vạt luôn có vẻ như vô tội trước hội thẩm đoàn.

Charlie đưa cho tôi lời khuyên của một nhà báo rằng FBI đang cố gắng một cách tuyệt vọng để tóm được tôi trên đường trước khi tôi trình diện tại toà án. Sự bất lực của FBI trong nỗ lực truy bắt tôi hai tuần qua khiến họ lúng túng, trong khi đó tôi đang phân tán hồ sơ và xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia, và tìm kiếm sự minh chứng vào phút cuối. Bản thân tôi cũng cảm thấy ấn tượng về sự thất bại của họ trong việc tìm kiếm tôi hay ngăn cản bất cứ bản sao nào của hồ sơ trước khi chúng xuất hiện. Một vài ngày sau đó, tôi hỏi luật sư của tôi, Leonard Boudin: "FBI thực sự giỏi cái gì?"

Leonard trả lời: "Bắt kẻ đi đầu thú".

Theo kinh nghiệm quá khứ, Boudin tin rằng Bộ Tư pháp hào hứng muốn trình diện tôi trước ống kính camera như là một kẻ tội phạm bị bắt giam, với còng số tám, nếu không nói là xích sắt. Charlie nói tôi có thể gặp rất nhiều xe cảnh sát ở trên đường dẫn tới trụ sở toà án. Ông ta cho rằng chính phủ sẽ rất hài lòng nếu tóm được tôi, thậm chí ở những phút cuối cùng, trước khi tôi bước vào Quảng trường Bưu điện. Ông ta thuê một chiếc taxi đến chở chúng tôi đến đó. Ông hướng dẫn người lái xe theo một lộ trình lòng vòng. Chúng tôi đi vòng ra rất xa và qua Charles trên một chiếc cầu ít được sử dụng.

Sáng hôm đó, tôi hình dung trong đầu một tuyên bố ngắn, tôi muốn nói với báo giới nếu tôi có cơ hội trước khi bị bắt.

Đây có thể là cơ hội đầu tiên cho tôi đứng ra nhận trách nhiệm duy nhất về việc tiết lộ hồ sơ. Khi tôi còn hoạt động bí mật và chưa công khai nhận tôi là nguồn gốc của hồ sơ, tôi không thể chứng thực giả thuyết là đồng nghiệp cũ đã khai với FBI để thoát khỏi sự nghi ngờ. Giờ đây, tôi muốn bắt đầu tuyên bố hùng hồn và công khai rằng tôi làm việc này với trách nhiệm của cá nhân và "một mình", với tư cách như là một nhân vật trong chính phủ, một người được phép biết các thông tin mật. (Rõ ràng, ngay khi tôi quyết định, tôi không đơn độc, mà nhận được sự giúp đỡ quan trọng từ phía bạn bè, gia đình và những người phản đối chiến tranh). Đó là điểm chính mà tôi muốn nói, nhưng đó cũng là tuyên bố đầu tiên tôi phát biểu trực tiếp về động cơ và hy vọng của bản thân tôi.

Trong khi đi lòng vòng, tôi chợt nghĩ ra rằng Patricia cần phải có một bản sao những điều mà tôi muốn nói, để trong trường hợp tôi bị bắt khi đang phát biểu hoặc trước khi tôi có thể nói ra, cô ấy có thể phát ngôn thay tôi. Trên chiếc ghế sau của chiếc xe tắc xi, Patricia ngồi kề bên, tôi viết ra tuyên bố của mình trên vài trang giấy viết thư và trao cho cô ấy. Tôi nói với cô ấy rằng nếu cảnh sát tìm ra được chúng tôi trước khi chúng tôi đến nơi hoặc bắt tôi đi đâu đó trước khi tôi kịp nói điều gì hoặc trước khi tôi kịp kết thúc, cô ấy sẽ tiến về phía micro và kết thúc bài phát biểu giúp tôi.

Charlie ngồi ở ghế đằng trước với người lái xe. Tất cả mọi người - trong lúc tôi đang tập trung nguệch ngoạc viết - theo dõi các xe tuần tra và đợi nghe tiếng còi rú vang. Nhưng những con đường mà người tài xế chọn hầu như vắng tanh, ngay cả trong buổi sáng thứ hai. Ngay khi tôi dừng bút và trao những tờ giấy cho Patricia, chiếc taxi rẽ ngoặt qua góc phố và dừng lại trước lối vào Quảng trường Bưu điện. Con đường đông nghịt người từ đầu này đến đầu kia. Một số họ giương cao dấu hiệu ủng hộ tôi. Chúng tôi xuống xe và tiếng hoan hô dậy vang khi đám đông kéo đến xung quanh.

Thoạt tiên, đám đông dường như tập hợp toàn những người mà chúng tôi quen biết, nhưng không có một ai trong số đó là những đồng nghiệp lâu năm của tôi trong chính phủ và Rand mà hầu hết là các bạn bè trước và sau đó, đặc biệt là từ Boston và Cambridge và trên khắp vùng Bờ Đông. Điều đó giống như một bữa tiệc sinh nhật bất ngờ, hoặc chương trình "This is your life" (*), hoặc những kinh nghiệm chết lâm sàng mà nhiều người đã kể lại sau cơn hôn mê, rằng khi họ đi qua một đường hầm tối để đến ánh sáng, họ gặp lại tất cả những người yêu thương.

Ở một đầu của quảng trường nhỏ là toà nhà Post Office với toà án liên bang và văn phòng luật sư Mỹ bên trong. Tôi nhìn thấy những người trông giống như quan chức, cùng cảnh sát đứng ở các bậc cầu thang. Nhưng có vẻ họ không muốn bắt tôi. Họ cư xử giống như những người tốt bụng. Rõ ràng, do tôi đã tiến những bước dài mà không bị còng tay, họ sẵn sàng từ bỏ cuộc chơi và để tôi tự đến với họ. Họ chờ đợi trong khi chúng tôi ôm lấy nhau, bắt tay với phóng viên trong đám đông.

Họ bị nhấn chìm bởi một làn sóng báo chí. Chưa bao giờ tôi thấy nhiều nhà báo, phóng viên ảnh, phóng viên truyền hình đến như vậy. Họ vây quanh chúng tôi. Không có sự ngăn cách nào giữa tôi với họ để phát biểu. Tôi nói trước một rừng micro trước mặt. Tôi tự diễn thuyết. Đám đông ép sát vào tôi. Patricia không cần phải phát ngôn hộ tôi nữa. Tôi nói:

"Mùa thu năm 1969, theo sự chủ động của cá nhân, tôi nhận trách nhiệm báo cáo với Chủ tịch của Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện thông tin trong cái gọi là Hồ sơ Lầu Năm Góc, bao gồm cả tài liệu nghiên cứu về các cuộc đàm phán của Mỹ, những điều chưa từng được tiết lộ cho báo giới. Đến thời điểm đó chỉ có tôi và hơn một chục cá nhân khác có quyền tiếp cận những nghiên cứu này. Đến mùa xuân năm nay - hai cuộc xâm lược sau đó - khoảng 9 ngàn người Mỹ nữa và hàng trăm ngàn người dân Đông Dương bị chết, tôi chỉ có thể ân hận rằng tại thời điểm đó, tôi đã không phơi bày lịch sử trên báo chí cho người dân Mỹ biết. Hiện nay, tôỉ đã hoàn thành công việc đó, một lần nữa, với sự chủ động của cá nhân tôi.

Tất cả những hành động đó trái ngược với quy định bảo mật và, thậm chí, trái ngược với cách thức xử lý thông tin của Bộ Quốc phòng. Tuy nhiên, với tư cách là một công dân có trách nhiệm, tôi cảm thấy không thể hợp tác thêm nữa trong việc che giấu thông tin này đối với công luận Mỹ. Tất nhiên, hành động của tôi có thể gây nguy hiểm cho bản thân, và tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về mọi hậu quả do quyết định của mình gây ra. Đó có thể là hậu quả cho cá nhân tôi, gia đình tôi.

Nhưng dù hậu quả đó có ra sao, cuối cùng chúng cũng không thể so sánh với những hậu quả mà tôi, cùng với hàng triệu người Mỹ khác, đã từng vui vẻ chấp nhận khi trước để phục vụ cho tổ quốc này.

Đối với tôi đây là một hành động của hy vọng, một hành động của lòng tin. Hy vọng rằng sự thật sẽ giải thoát cho chúng ta khỏi cuộc chiến này. Tin rằng những người dân Mỹ hiểu biết sẽ buộc những công chức của họ ngừng nói dối, ngừng tàn sát và chấm đứt chết chóc ở Đông Dương do những người Mỹ gây ra" .

Cuối cùng, khi chúng tôi rẽ đám đông để bước vào toà nhà liên bang, một phóng viên hỏỉ tôi: "Ông cảm thấy thế nào khi vào tù?". Tôi hỏi lại: "Chắc hẳn ông sẽ không vào tù để giúp chấm dứt chiến tranh chứ?"

Chúng tôi bước lên bậc thềm nơi các quan chức đang chờ đợi. Một số họ đang mỉm cười. Họ đón mừng chúng tôi trong lòng, và những cánh cửa đóng lại bỏ mặc đám đông hò reo bên ngoài. Hai giờ đồng hồ sau, khi tôi bước ra ngoài, mọi người vẫn chờ đợi và hoan hô một lần nữa. Tôi được thả với 50.000 ngàn đô tiền bảo lãnh mà không chắc chắn sẽ phải chờ đợi việc kiện cáo hoặc xét xử tiếp theo.

Sáng thứ ba, ngày 29-6, trong khi Toà án Tối cao đang xem xét các trường hợp Hồ sơ Lầu Năm Góc , tờ Người đưa tin Cơ đốc giáo đăng bài báo của riêng họ dựa trên tài liệu nghiên cứu đó với quảng cáo đây là phần đầu tiên trong một chùm ba bài liên tiếp. Tôi biết rằng Cha sẽ rất vui khi thấy tờ Người đưa tin Cơ đốc giáo trên thực tế đã tán thành hành động của tôi.

Đêm ngày thứ ba, 29-6, Thượng nghị sỹ Mike Gravel của Alaska bỏ lá phiếu của mình, hai lần: lần thứ nhất tại Thượng viện, nơi ông là nghị sỹ duy nhất cố gắng cản trở cuộc chiến và cuối cùng là người duy nhất nhận Hồ sơ Lầu Năm Góc từ tôi và cố gắng đọc chúng để ghi lại. Lần thứ hai là vào đêm khuya hôm đó, trong một buổi điều trần của Tiểu ban xây dựng và mặt bằng của Uỷ ban các công trình công cộng của Thượng viện mà ông triệu tập một cách vội vã.

Ông đã vội vã rời khỏi phòng tập thể thao của Thượng viện thứ sáu, ngày 18-6, để nhận một cuộc điện thoại mà trợ tá của ông nghi ngờ rằng do tôi gọi. (Tờ Bưu điện Washington công bố bài báo đầu tiên vào buổi sáng hôm đó và biết rõ sẽ bị cấm). Từ một chiếc máy điện thoại công cộng, không giới thiệu bản thân, tôi hỏi liệu ông có nghiêm túc về việc kéo dài thời gian để trì hoãn việc thông qua lệnh cấm, và liệu ông có muốn sử dụng Hồ sơ Lầu Năm Góc cho mục đích này. Ông trả lời "Có" một các chắc chắn với cả hai câu hỏi.

Ngày 24-6, bất chấp mối lo ngại với tư cách là một nhà báo, Ben Bagdikian giữ lời hứa với tôi, chuyển chiếc hộp với tập tài liệu thứ hai đến cho Gravel (từ chiếc xe này sang chiếc xe khác) trước khách sạn Mayflower ở Đại lộ Connecticut .

5 giờ 55 phút sáng thứ ba, ngày 29-6, Thượng nghị sỹ Gravel bị ngăn cản bởi một thủ đoạn nghị trường của một nghị sỹ Đảng Cộng hoà, không thể tiến hành việc kéo dài thời gian ở phòng họp nghị viện. Ý định của ông là kéo dài cho đến khi dự thảo hết hạn 30 giờ sau đó giữa đêm ngày thứ tư.

Ông tiếp tục sử dụng ảnh hưởng cá nhân, bởi không nghị sỹ nào đủ can đảm cản trở. Ông triệu tập một cuộc điều trần vào buổi đêm trong một tiểu ban ít tiếng tăm mà ông làm chủ tịch.

Với tư cách là Thượng nghị sỹ duy nhất có mặt, ông bắt đầu đọc Hồ sơ Lầu Năm Góc để ghi vào hồ sơ điều trần lúc 21h45 trước ống kính camera. Ông ghi lại phần tài liệu còn lại mà Bagdikian đã chuyển đến cho ông vào băng khi ông ngưng buổi điều trần một mình vào lúc 1 giờ sáng. Sau đó, với sự giúp đỡ của các trợ lý, ông phân phát hàng bọc những văn bản tối mật trước đó chưa từng công bố cho một đám đông nhà báo và cho hãng tin AP. Hãng tin này đã đưa những văn bản đó lên mục tin tức của nó và truyền đi khắp đất nước. Ông làm như vậy mà không có sự đảm bảo nào về quyền miễn trừ của đại biểu quốc hội cho những hành động trên, và với nhiều khả năng sẽ bị các đồng nghiệp tẩy chay, và nguy cơ bị khiển trách hay mất chiếc ghế nghị sỹ. Khi các thẩm phán của Toà án Tối cao chuẩn bị ra phán quyết buổi sáng hôm đó, các toà báo ở khắp Washington và các nơi khác đã có sẵn các bài báo dựa trên những tài liệu mật mà Ngài Thượng nghị sỹ đã phân phát.

Cũng trong buổi sáng thứ tư, ngày 30-6, khi tờ Monitor xuất bản kỳ hai, tờ Tin chiều của Long Island công bố những tiết l

CHƯƠNG 30

Lời H. R. Haldeman nói với Tổng thống Nixon, trong băng ghi âm của Phòng Bầu dục, 14-7-1971 về tác động của Hồ sơ Lầu Năm Góc :

"Đối với một người bình thường, tất cả chỉ là một mớ văn chương cầu kỳ. Nhưng trong mớ văn chương cầu kỳ này lại nói lên một điều rất rõ ràng. Anh không thể tin vào chính phủ, anh không thể tin vào những điều họ nói, và anh không thể tin vào những lời phán xử của họ. Và niềm tin vào sự sáng suốt của Tổng thống vốn được thừa nhận rộng rãi ở Mỹ đã bị tổn thương nghiêm trọng, bởi nó chỉ ra rằng người ta sẵn sàng làm những điều mà Tổng thống muốn dù cho điều đó là sai lầm, và Tổng thống cũng có thể sai lầm(103)" .

Thông điệp đó đã đến với quần chúng như một lời tuyên bố chung chung. Chính nhờ lệnh cấm đầy kịch tính của Nixon và thái độ bất chấp của phần lớn báo giới Mỹ mà sự chú ý đổ dồn vào nội dung những tài liệu đó đã vượt quá những trông đợi của tôi: phủ kín 50 trang tờ Thời báo New York , chiếm một nửa thời lượng bản tin tối trong suốt một tháng; xuất hiện trên trang nhất của không chỉ 19 tờ báo mà chúng tôi gửi bản sao mà hầu như toàn bộ tất cả các tờ báo trong nước. Và toàn bộ các tiêu đề và bài xã luận, trong suốt một tháng, ngày nào cũng nhắc lại thông điệp mà Haldeman đã tóm tắt một cách cô đọng và nhanh chóng.

Dù rằng thông điệp này xa lạ và khó lọt tai, nhưng không ai thực sự phản bác và không thể chối bỏ nó. Đó là một sự thay đổi trong ý thức của người Mỹ. Nó càng được củng cố sau khi bí mật về vụ Watergate được hé lộ. Một sự thay đổi chỉ đem lại những điều tốt đẹp nếu chúng ta vẫn là một nền Cộng hoà.

Tuy nhiên tôi đã sớm nhận ra rằng tâm lý của những cử tri và những nhà bình luận vẫn khó tin vào những lời suy luận đối với ông Tổng thống đương nhiệm. Ít nhất là họ cũng phản đối trên cơ sở là tôi không có những tài liệu tương tự như những tài liệu mà tôi đã cung cấp về những chính quyền tiền nhiệm. Đây là việc mà tôi phải sớm kết thúc trong vòng 2 năm tới, sau một cơ hội lớn để kiểm chứng điều đó. Bản cáo trạng của Bộ Pháp lý dành cho tôi, sau hai tuần truy nã rộng khắp nhưng thất bại, đã cho tôi thấy cơ hội của mình. Điều đó đã làm cho tôi trở nên nổi tiếng đến mức tôi có thể sử dụng để truyền tải thông điệp chính: cách thức dối lừa của cơ quan hành pháp, lạm dụng quyền lực thời chiến, và chiến lược vô vọng nhằm ngấm ngầm đe doạ và công khai leo thang bạo lực trong những Hồ sơ của Lầu Năm Góc trong suốt 23 năm qua vẫn tiếp tục được chính quyền Nixon theo đuổi, trong năm cầm quyền thứ ba và sau đó.

Hầu như chẳng có ai tin tôi cả. Tôi không có những tài liệu để chứng minh cho những điều tôi nói về chính sách bí mật của Nixon, và không ai trong chính quyền bước ra để cung cấp những tài liệu này. Bản cáo trạng đối với tôi về ba tội nghiêm trọng cấp liên bang, cuối năm đó đã tăng thêm khoảng một tá tội danh khác khiến tôi có thể sẽ bị phạt tù tổng cộng 115 năm - cùng với Anthony Russo, người cũng bị thay đổi cáo trạng, có thể tù 25 năm rõ ràng là nhằm ngăn chặn bất kỳ một sự tiết lộ trái thẩm quyền những thông tin giống như của chúng tôi, có lẽ cũng phát huy tác dụng. Có thể thông cảm được rằng, rất ít người trong công chúng muốn tin lời tôi nói về triển vọng của cuộc chiến và sự leo thang tiếp diễn, và vì tôi thiếu những bằng chứng thuyết phục hơn, nên họ không cảm thấy bị bắt buộc phải tin. Vì vậy, tôi chỉ có thể nói, tôi không định thuyết phục những người không tích cực tham gia vào phong trào phản chiến. Những nhà phỏng vấn chuyên nghiệp và hầu hết những nhà bình luận đều lắng nghe tôi và đối xử với tôi một cách trân trọng. Nhưng kể cả những người này và công chúng đều không thực sự nghiêm túc tin vào những lời cảnh báo mà tôi cố gắng truyền đạt: Cuộc chiến này chưa kết thúc và nó không phải đang trong tiến trình kết thúc, thậm chí nó đang mở rộng ra một lần nữa.

Thật không may, những sự kiện xảy ra đã chứng minh là tôi đúng. Tuy nhiên vào mùa thu năm 1971, sự lạc quan trong lời tuyên bố của Nixon về việc khai thông quan hệ với Trung Quốc đã khiến công chúng hiểu điều này nghĩa là cuộc chiến đã là chuyện cũ, lui vào lịch sử, những thông điệp của tôỉ lại trở nên thiếu sức thuyết phục và lạc lõng. Mọi người suy đoán trong thông điệp hào nhoáng của Nixon về chuyến thăm Trung Quốc sắp tới rằng một thoả thuận về Đông Dương đang được định hình. Có lẽ Tổng thống Nixon và Henry Klssinger cũng tin vào điều đó. Còn tôi thì không.

Tôi không thấy có một dấu hiệu nào là Nixon đã từ bỏ những mục tiêu cá nhân: nhằm ép miền Bắc rút quân khỏi miền Nam cùng với Mỹ hoặc chấp nhận một lệnh ngừng bắn nhằm để Chính quyền Thiệu vĩnh viễn nắm quyền tuyệt đối ở Sài Gòn.

Tôi cũng không thấy một dấu hiệu mong manh nào cho thấy Hà Nội sẽ chấp nhận những điều khoản này. Đối với miền Bắc Việt Nam, việc đồng ý ngừng bắn và trên cơ sở lời hứa về những cuộc bầu cử được tổ chức bởi chế độ chống cộng Sài Gòn thì cũng không khác gì những thoả thuận rỗng tuếch mà người Pháp đã đưa ra năm 1946 hay phương án của những "nhà bảo trợ" đưa ra trong Hiệp ước Geneva năm 1954. Tuy nhiên đó chính là điều mà Nixon nghĩ trong đầu; ông ta thậm chí còn không buồn thay đổi cái vỏ bọc của nó.

Những kí ức của ông ta về những năm 1954 đến 1960 khi ông đang là phó Tổng thống cũng sống động như của họ. Ông ta không hề có ý định cho phép có một cuộc bầu cử năm 1972 hoặc 1973 để rồi dẫn đến việc chia sẻ quyền lực ở Sài Gòn hoặc những người Cộng sản nắm quyền, cũng như Dwight Eisenhower hoặc John Foster Dulles đã từng làm năm 1954 và 1956. Thực ra tôi nghi ngờ rằng ông ta đang hy vọng lặp lại chính xác phương án Geneva mà Hà Nội cương quyết phản đối: nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc sẽ lại ép một giải pháp như vậy đối với đồng minh nhỏ bé của mình, để đổi lấy việc cải thiện quan hệ với Mỹ. Tuy nhiên, mặc dù Nixon có kế hoạch thăm cả Trung Quốc và Liên Xô, tôi tin rằng sự đối đầu giữa Trung Quốc và Liên Xô sẽ vẫn tiếp tục, giống hệt trong thập kỷ trước, và đảm bảo cho Hà Nội sự trợ giúp đầy đủ để tránh hậu quả đó. Dù sớm hay muộn, năm sau hoặc năm sau nữa, sẽ có một đợt tấn công mới để rồi Nixon sẽ đáp trả bằng việc tăng cường ném bom và có lẽ cả những biện pháp còn cứng rắn hơn.

Trong khi đó, ông ta vẫn tiếp tục rêu rao về cái gọi là "những cuộc phản công bằng không quân vì mục đích phòng thủ" (đối với miền Bắc đến một mức độ ngang với mức ném bom thời Johnson. Ngay sau đêm Giáng sinh 1972, ông ta lệnh cho hàng ngàn máy bay ném bom miền Bắc Việt Nam suốt 5 ngày, đây là đợt oanh tạc dữ dội nhất kể từ năm 1968). Vậy là 6 tháng sau khi xuất bản Hồ sơ Lầu Năm Góc , khi mọi người hỏi rằng tôi nghĩ những tài liệu này đã đem lại điều gì, tôi trả lời:

"Chẳng có tác dụng gì". Chẳng có tác dụng gì liên quan đến cuộc chiến tranh, mối quan tâm lớn nhất của tôi. Mục đích chính của tôi không phải là thay đổi dư luận: mục đích chính của tôi là ngăn chặn việc ném bom, cuộc chiến tranh, và chính sách của Nixon. Như tôi thấy, cả ba đối tượng này đều chưa bị ảnh hưởng gì bởi dư luận Mỹ, hoặc bởi những tài liệu của tôi, suốt từ khi Nixon lên nắm quyền đến nay.

Hầu hết người Mỹ đều muốn rút khỏi cuộc chiến từ trước khi những tài liệu này được xuất bản; phần đông coi cuộc chiến là phi đạo đức. Có lẽ cả hai nhóm người này đều đang tăng lên sau khi họ đọc các bài báo liên quan đến hồ sơ và bất cứ điều gì mà họ biết. Nhưng tác động đến mức nào? Bất chấp tình cảm của đa số, Tổng thống tiếp tục kéo dài cuộc chiến bằng cách giảm bộ binh nhưng lại tăng cường ném bom và luôn liên tục thuyết phục công chúng rằng ông ta đang đi đến một giải pháp.

Ông ta lại lặp lại luận điệu đó vài tháng sau, tháng giêng năm 1972, tiết lộ rằng đã có một số cuộc hội đàm bí mật và ra vẻ như có một số lời đề nghị "hào phóng" mà ông biết rằng Hà Nội sẽ không bao giờ chấp nhận.

Khi đó tôi đang dành thời gian mấy tháng, trước phiên toà xét xử chúng tôi bắt đầu vào tháng Năm, để viết lời bình luận trong một tập hợp những bài viết của tôi về Việt Nam, nhan đề "Hồ sơ cuộc chiến". Vì tôi đã hoàn thành phần giới thiệu của cuốn sách vào cuối tháng ba, tôi buộc phải viết những nhận định đáng buồn rằng: "Cuộc chiến vẫn tiếp tục và vẫn chờ một "sự kết thúc" bất tận, trong khi các đợt ném bom vẫn diễn ra đều đặn với cường độ ngang với Chiến tranh thế giới lần II". Mấy ngày sau khi tôi viết những dòng đó, miền Bắc mở đợt tấn công chớp nhoáng. Ba năm nay, Mort Halpelin và tôi từng dự báo đợt tấn công này, Nixon và Kissinger từng tìm cách ngăn ngừa nó bằng những lời đe doạ, những đợt ném bom, những đợt xâm lược công khai vào lãnh thổ Campuchia, Lào, và chính sách ngoại giao tam giác với Liên Xô và Trung Quốc. Một niềm tin vô căn cứ rằng sức mạnh của những lời đe doạ và những sự leo thang ít nhất cũng ngăn ngừa được một đợt tấn công ở quy mô luôn là tâm điểm trong chính sách chiến lược của chính quyền Mỹ suốt 3 năm qua. Đợt tấn công nổ ra ngay vào năm bầu cử Tổng thống cho thấy sự thất bại hoàn toàn của chính sách trước đó. Như Halpelin và tôi cũng dự báo, họ phản ứng bằng một đợt leo thang dài hơi, chưa từng có.

Ngay từ ngày 1-4-1972, tôi đã tiên đoán được việc thả thuỷ lôi ở Hải Phòng và theo đó, tôi chắc rằng, sẽ có những đợt ném bom không hạn chế ra miền Bắc, bao gồm cả B52. Tôi cũng chẳng biết nói gì thêm sau những lời cảnh báo của mình trước đó. Đối với ý nghĩa của sự kiện này, đây là lúc để xuất bản những tài liệu cuối cùng của tôi về cuộc chiến, tài liệu mã số NSSM-1 và một tài liệu tự chọn. Tôi từng muốn xuất bản những tài liệu này vào mùa thu năm ngoái, ngay sau khi Hồ sơ Lầu Năm Góc được phát tán, nhưng Patricia đã khuyên rằng trong bối cảnh Trung Quốc đang muốn khai thông quan hệ với Mỹ và Quốc hội lại đang tạm hoãn, những tài liệu này sẽ có ít tác dụng.

Nay ít nhất thì những tài liệu này sẽ chứng minh được rằng Nixon có ý định thả thuỷ lôi ở Hải Phòng từ năm 1969 và sự thiếu hiệu quả của quân đội Mỹ đã được các nhà phân tích tình báo dân sự dự báo trước.

Những luật sư của tôi chắc rằng, việc tiếp tục tung ra tài liệu này ra sẽ dẫn đến thêm một tội danh nữa trong cáo trạng của tôi, như họ đã từng thấy ở năm 1971. Hơn thế nữa, nó lại liên quan đến tài liệu mật của Hội đồng An ninh quốc gia từ chính quyền hiện tại, loại tài liệu không thể biện luận là thuộc diện tài liệu "lịch sử" được. Do vậy việc tránh tội là hầu như không thể. Tuy nhiên, họ không gây sức ép với việc tôi chuẩn bị đưa ra lời kêu gọi. Và vì chúng tôi sắp phải đối đầu với một cuộc tổng tấn công mà chúng tôi đã tránh né trong 7 năm qua, cả Patricia cũng đồng ý rằng đây là thời cơ để chúng tôi làm tất cả những gì có thể. Sự nhượng bộ duy nhất mà tôi đồng ý với các luật sư của mình là tôi sẽ không khiêu khích Bộ Tư pháp bằng việc cung cấp 500 trang tài liệu mật tại một buổi họp báo hoặc công khai tuyên bố mình là nguồn cung cấp những tài liệu đó.

Một lần nữa, Thượng nghị sỹ Mike Gravel sẵn sàng đóng vai trò trung gian đưa thông tin vào Hồ sơ quốc hội của Thượng nghị viện và lần này là cả giới truyền thông nữa. Mặc dầu đang phải cố gắng bảo vệ những người phụ tá khỏi bị kết tội vì có vai trò trong việc xuất bản Hồ sơ Lầu Năm Góc tại nhà xuất bản Beacon - ông đã kháng án đến Toà án tối cao - ông vẫn khuyến khích tôi đưa cho ông ta bất cứ tài liệu gì tôi có. Tôi đã giao tài liệu NSSM-l cho ông để chờ thời điểm thích hợp. Vào tháng sáu ông bị Thượng nghị viện ngăn không cho đưa những văn bản trên vào Hồ sơ quốc hội qua một bài phát biểu tại Thượng viện. Dự tính được điều này, ông đã đưa những tài liệu này cho Jack Anderson và tờ Tuần tin tức và thế là chúng xuất hiện trong những bài viết nổi bật trên các báo Bưu điện Washington và Ngôi sao Washington, bắt đầu từ ngày 25-4-1972, chính vào ngày mà Thượng nghị viện ngăn cản Gravel đọc những tài liệu này trước Quốc hội.

Tám ngày sau, ngày 3-5-1972, tôi tranh thủ sự hiện diện của Thượng nghị sỹ Gravel và Hạ nghị sỹ Ron Dellums tại cuộc mít tinh trên bậc thềm trước toà nhà Quốc hội, là nơi tôi đang diễn thuyết - theo sự gợi ý của một trợ lý tư pháp của Dellum là ông Mike Duberstein - để Gravel có thể chuyển tài liệu cho Dellums. Sau khi cắt bỏ kí hiệu phân loại mật bằng một chiếc kéo, Duberstein đặt 500 trang tài liệu mật vào trong hộc dành cho những kiến nghị bổ sung cho Hồ sơ Quốc hội, theo đó tất cả đã được xuất bản vào ngày 10 và 11-5. Vậy là những Thượng nghị sỹ đang bàn cãi trong cuộc họp kín rằng liệu họ có đủ thẩm quyền để nhận tài liệu mật của Gravel hay cứ mặc kệ kí hiệu mật đi thì cuối cùng tất cả đều được đọc.

Tuy nhiên, chính quyền Mỹ cũng đã học được một vài bài học. Lần này không hề có yêu cầu báo chí hạn chế hoặc lệnh cấm của toà án, không phạt, không khiển trách, không tính thêm tội danh trong cáo trạng của tôi, mặc dù ông Tổng thống cũng như ông Chánh án Toà án tối cao biết quá rõ nguồn cung cấp một lượng thông tin mật ấy là từ đâu rồi. Những quan chức khôn ngoan đã không hề phản ứng hoặc bình luận gì trước việc xuất bản đó. Kết quả là, việc tiết lộ 500 trang văn bản bí mật của chính quyền Nixon chỉ gây một chút xáo động, không có tác động gì thực sự đáng kể.

Nỗi lo lắng của tôi về những điều sẽ đến với người dân Bắc Việt là hoàn toàn xác thực, bởi vì một đoạn băng ghi lại những đối thoại ở Nhà Trắng mãi đến gần đây mới được tiết lộ. Vào ngày 25-4-1972, buổi sáng mà tờ Bưu điện Washington lần đầu tiên cho đăng tài liệu NSSM-1 và những phân tích về việc thả thuỷ lôi ở Hải Phòng, có cuộc trao đổi trong Phòng Bầu Dục như sau:

Tổng thống Nixon: Chúng ta phải bỏ kiểu không kích 3 ngày liên tiếp (ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng). Chúng ta ta cần phải nghĩ đến một đợt ném bom dốc toàn lực - kéo dài cho đến khi chúng … - Và bây giờ với việc đánh bom toàn lực tôi đang nghĩ đến những điều xa hơn thế. Tôi nghĩ đến đê đập, tôi nghĩ đến đường sắt, và tôi nghĩ đến tất nhiên, cả những bến cảng…

Kissinger : … Tôi đồng ý với ngài.

Tổng thống Nixon: … Chúng ta phải sử dụng lực lượng lớn …

Hai tiếng sau, vào buổi trưa, H. R Haldeman và Ron Ziegler cùng dự với Kissinger và Nixon:

Tổng thống: Chúng ta giết được bao nhiêu bên Lào?

Ziegler: Có lẽ là 10 ngàn hoặc 15 ngàn?

Kissinger: Nói chung ở bên Lào, ta hạ được khoảng 10, 15 ngàn…

Tổng thống: Thế đấy, quay lại chuyện đợt tấn công vào miền Bắc mà ta đang tính… nhà máy điện, bất kể cái gì còn lại - trạm xăng dầu, bến cảng… và tôi đang tính có lẽ ta sẽ nên đánh cả các đê đập. Điều đó sẽ làm chết nhiều người chứ?

Kissinger: Khoảng 200.000 người.

Tổng thống: Không, không, không,… tôi thà dùng bom nguyên tử còn hơn. Anh hiểu không hả Henry.

Kissinger: Điều đó, tôi nghĩ, có lẽ là quá nhiều.

Tổng thống: Bom nguyên tử, điều đó làm anh khó nghĩ à? Tôi chỉ muốn anh nghĩ rộng ra, Henry, vì Chúa(104).

Một tuần sau, ngày 2-5-1972, sau khi nghe Kissinger và Haig trình bày về lợi ích của việc kết hợp ném bom và phong toả, Tổng thống đã đồng ý tiến hành cả hai. Như ông ta tuyên bố: "Phong toả kết hợp ném bom toạ độ sẽ giúp chúng ta đạt được mục tiêu - khiến bọn Bắc Việt phải quỳ gối "(105).

Vậy là, dù cho "kể cả Miền Nam sụp đổ " thì, một khả năng theo dự báo của Kissinger, miền Bắc dưới áp lực kép sẽ "phải trao lại tù nhân, nước Mỹ không thể bị đánh bại. Chúng ta không thể thua ở Việt Nam… Vì vậy chúng ta phải rút kiếm. Vì vậy - việc phong toả sẽ tiếp tục. Và tôi phải nói là… tôi thích nó … và tôi muốn mọi người hiểu rõ điều này. Lý thuyết về chiến lược đánh bom toạ độ là đúng đắn và tôi muốn nơi đó phải bị đánh bom nát vụn. Nếu chúng ta hành động, chúng ta hãy dội bom lên lũ khốn kiếp đó khắp mọi nơi. Hãy cất cánh bay, hãy cất cánh bay ".

Ngày 4-5, sau khi bàn luận về quyết định của mình với Kissinger, Al Haig, và John Connally, Nixon đã suy nghĩ về triển vọng cuộc chiến với Việt Nam. Nghe trong băng của Phòng Bầu Dục, ông ta đập xuống bàn như đang chỉ vào một tấm bản đồ tưởng tượng, hoặc có lẽ một tấm bản đồ thật ở đó:

"Việt Nam! Lũ khốn đó đang ở trong chỗ này, ngay chỗ này (đập) Đây là nước Mỹ (đập). Đây là Tây (đập) Âu, cái vùng nhỏ xíu kiêu căng, đã gây quá nhiều thiệt hại… Đây là Liên Xô (đập), và đây là (đập) Trung Đông… Đây là (đập) lũ Châu Phi ngu dốt… và đây là lũ Mỹ La tinh không đến nỗi ngu lắm. Đây là chúng ta. Chúng nó muốn gây sự với nước Mỹ. Bây giờ, mẹ kiếp bọn Ananút, chúng ta phải làm việc thôi. Chúng ta sẽ nghiền nát chúng. Đây chẳng phải là giận dữ hay gì cả. Những lời chê bai rằng tôi "nóng nảy" đều nhảm nhí. Đáng ra tôi phải làm việc này từ lâu rồi, tôi đã không nghe theo bản năng mình.

"Tôi sẽ cho thấy là nước Mỹ không thua. Tôi nói thẳng như thế, và chính xác là như thế. Miền Nam Việt Nam có thể thua. Nhưng nước Mỹ không thể thua. Điều này có nghĩa là tôi đã có quyết định. Bất kể điều gì xảy ra với miền Nam Việt Nam, chúng ta sẽ nghiền nát miền Bắc.

"Chỉ một lần, chúng ta sẽ phải dùng hết sức lực của đất nước này đối với cái nước nhỏ bé khốn kiếp kia: để chiến thắng trong cuộc chiến. Chúng ta không thể dùng từ "chiến thắng". Nhưng những người khác thì được" .

Trong một cuộc trao đổi sau đó, Nixon có nói với Kissinger:

"Có một điểm duy nhất mà tôi và anh còn bất đồng… là liên quan đến việc đánh bom. Anh quá quan tâm đến lũ dân thường, còn tôi cóc cần, tôi không quan tâm" .

Kissinger trả lời: "Tôi quan tâm đến dân thường vì tôi không muốn cả thế giới đoàn kết chống lại ông như chống lại một tên đồ tể".

Tại cuộc mít tinh trước toà nhà Quốc hội ngày 3-5, tôi đã tiên đoán được việc thả thuỷ lôi ở Hải Phòng sắp tới. Hoá ra, ông Tổng thống đã bí mật quyết định một ngày trước đó.

Việc này được tiến hành 6 ngày sau đó, vào ngày 8-5-1972.

Richard Nixon đã chờ đợi chiến dịch này kể từ khi chưa nắm quyền đến lúc nắm quyền, trong gần một thập kỷ. Tôi đã phản đối kế hoạch này, và lo rằng nó sẽ dẫn đến việc ném bom ồ ạt, và kéo dài. Tôi vẫn nhớ cảm giác chiều hôm đó và nói với Patricia, đó là ngày đen tối nhất của đời tôi. Sau đó khi chúng tôi chuẩn bị cho phiên toà ở Los Angeles, tôi nói với Mort Halpelin, người tham gia vào nhóm biện hộ với vai trò cố vấn: "Này, có lẽ chúng ta sắp kết thúc lời dự báo mà anh nói với tôi 3 năm trước".

Ông ta trả lời: "Không, Hà Nội vẫn chưa bị đánh bom".

Vào tháng bảy, sau khi nghe bản kiến nghị của hội thẩm đoàn tiến trình tranh tụng của chúng tôi bị hoãn lại sau khi Bộ Tư pháp phát hiện ra thiết bị nghe trộm điện tử trong số một luật sư của chúng tôi. Trong suốt quá trình trì hoãn kéo dài đó, tôi đã dành suốt mùa biểu tình năm 1972 để cảnh báo bất kỳ ai rằng tôi biết khả năng chiến tranh sẽ còn leo thang. Trong số đó bao gồm hầu như tất cả các đoàn báo chí đến đưa tin về việc tái đắc cử của Tổng thống tại Đại hội toàn quốc của Đảng Cộng hoà, và tại một cuộc họp báo do Hạ nghị sỹ McCloskey tài trợ. Ở khắp nơi, khán giả của tôi đều rất lịch sự nhưng vẫn hoàn toàn hoài nghi thông điệp của tôi. Họ thấy dễ tin hơn vào tuyên bố của Kissinger hồi cuối tháng 10 rằng "hoà bình đã ở trong tầm tay", thông điệp này đã đưa đến việc tái đắc cử của Tổng thống trong tuần sau đó với một chiến thắng áp đảo lớn thứ hai trong lịch sử nước Mỹ. Ở một vài góc độ, độ chênh lệch phiếu của Nixon còn cao hơn cả Lyndon Johnson năm 1964, người đã chiến thắng với khẩu hiệu "chúng ta không cần mở rộng chiến tranh nữa", ba tháng trước khi ông ta bắt đầu đánh bom Bắc và Nam Việt Nam.

Một tháng sau cuộc bầu cử và một tuần trước lễ Giáng sinh năm 1972, Tổng thống Nixon lệnh cho những chiếc B52 ra Hà Nội lần đầu tiên. Trong 11 ngày đêm tiếp theo - trong kỳ nghỉ Giáng sinh - máy bay Mỹ đã trút xuống Bắc Việt Nam 20.000 tấn bom (lượng chất nổ ngang với quả bom nguyên tử ném xuống Nagasaki). Con số này được cộng vào với con số 150.000 tấn được ném xuống Bắc Việt Nam từ tháng tư đến tháng mười.

Nếu tính từ thời điểm Hồ sơ Lầu Năm Góc được tiết lộ một năm rưỡi trước đó - sau khi đa số người dân Mỹ được thăm dò ý kiến cho rằng tham gia vào cuộc chiến là phi đạo đức" - thì Tổng thống Nixon đã ném khoảng 1,5 triệu tấn bom xuống vùng Đông Dương. Tức là ngang với toàn bộ số tấn bom mà Mỹ ném xuống châu Âu trong Chiến tranh thế giới thứ lần II.

Trong tuần lễ Giáng sinh năm 1972, tôi luôn được hỏi rằng tôi nghĩ gì về tác dụng của việc phát tán Hồ sơ Lầu Năm Góc đối với cuộc chiến. Tôi vẫn trả lời giống như câu trả lời một năm trước đó: "Chẳng có gì, chẳng có tác động gì cả. Điều này đúng cả với phong trào hoà bình rộng lớn, mà việc xuất bản những tài liệu này chỉ là một phần. Và không chỉ phong trào hoà bình mà cả toàn bộ phong trào chống chiến tranh cũng chẳng có tác động gì cả. Cả khối cử tri cũng không gây được tác động".

Trong suốt những tuần lễ Mỹ ném bom với mật độ dày đặc nhất trong lịch sử, 6 tuần sau thắng lợi vang dội của Tổng thống Mỹ nhờ lời hứa hẹn "Hoà bình trong tầm tay", tôi vẫn tiếp tục nói: "Người Mỹ chúng ta cũng có nhiều khả năng gây ảnh hưởng đến những gì đang xảy ra ở Hà Nội và Hải Phòng trong tuần này, như người Liên Xô có thể gây ảnh hưởng tới cuộc xâm lược Tiệp Khắc. Không như Liên Xô, chúng ta có một nền dân chủ thật sự. Điều mà chúng ta không có ở lúc này là một sự kiểm soát dân chủ đối với chính sách đối ngoại của Mỹ.

Vào cuối tháng 1-1973, Hiệp định Hoà bình Paris được ký kết, Mỹ dừng ném bom Đông Dương, trừ Campuchia vẫn còn bị ném bom tăng cường. Tuy nhiên, như tôi dự báo - cùng với Nhà Trắng - cái tiêu đề chính thức "Hiệp định về chấm dứt chiến tranh và lập lại hoà bình ở Việt Nam" vẫn chứng tỏ lối tư duy độc đoán. Hiệp định đã không đem lại một khoảng khắc hoà bình hay ngừng bắn nào cho miền Nam Việt Nam và không mở ra triển vọng nào cho việc kết thúc chiến tranh. Điều mà Kissinger và sếp của mình có trong tay vào tháng mười và đã thoả thuận lại, về cơ bản là không thay đổi. Tháng 1-1973, theo quan điểm của họ hoặc trên thực tế, chưa phải là lúc kết thúc cuộc chiến. Đó chỉ là một thoả thuận với Hà Nội về việc Mỹ đơn phương rút bộ binh để đổi lấy việc trao trả tù binh chiến tranh Mỹ, cùng với những lời cam kết rỗng tuếch về việc chuẩn bị và tiến hành những cuộc bầu cử công khai ở miền Nam Việt Nam, có sự tham gia của Mặt trận dân tộc giải phóng.

Vì lãnh đạo của cả Washington và Sài Gòn đều sớm cho thấy họ không có ý định tuân thủ những điều khoản về bầu cử, cục diện vẫn là Mặt trận dân tộc giải phóng bị gạt ra ngoài lề các hoạt động chính trị công khai trong miền Nam. Trong khi đó, chính quyền Thiệu, được sự hậu thuẫn của người Mỹ, vẫn tuyên bố nắm quyền lực hợp pháp và duy nhất. Vì vậy, sẽ không thể có triển vọng tiếp tục ngừng bắn như vậy đối với Mặt trận dân tộc giải phóng và Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, hoặc đối với Việt Nam cộng hoà. Với việc chiến sự vẫn tiếp tục giữa Quân đội Việt Nam cộng hoà và Mặt trận dân tộc giải phóng (Việt Nam Dân chủ Cộng hoà), tôi dự đoán Mỹ chắc chắn sẽ ném bom trở lại miền Bắc, miền Nam Việt Nam, và Lào sau hai tháng tạm ngưng chờ quân Mỹ rút hết. Cuốn "Không hoà bình, Chẳng danh dự" của Larry Berman (2001), một tài liệu đầu tiên về chính sách của Nixon và các cuộc đàm phán đã phản ánh hầu như đầy đủ các tài liệu và các cuộc phỏng vấn của cả hai bên, khẳng định rõ rằng Nixon luôn có dự định đó. Nixon đã bí mật, nhắc đi nhắc lại những cam kết "đảm bảo 100%" với Tổng thống Thiệu rằng ông ta sẽ tái ném bom quy mô lớn càng sớm càng tốt.

Nixon thực sự có ý định thực hiện lời hứa đó, Kissinger cũng vậy. Như Berman tiết lộ, Kissinger ra sức thúc giục các đợt không kích với quy mô tương đương đợt Giáng sinh năm 1972, lại Lào và Việt Nam năm 1973, kể cả trước khi các lực lượng Mỹ kịp rút hết.

Tuy nhiên đợt ném bom mà Nhà Trắng chăm chăm thực hiện đã không xảy ra, vì những lý do, cuối cùng, chính là nền dân chủ Mỹ, và chế độ pháp quyền. Việc xét xử Tony Russo và tôi, với việc tranh tụng trước toà bắt đầu lại vào tháng Giêng đã bộc lộ cho công chúng thấy phản ứng của Nixon đối với việc phát tán Hồ sơ Lầu Năm Góc . Nhưng đó không phải là phản ứng duy nhất. Việc phát tán trái quy tắc của tôi đã làm khuấy động một chuỗi phản ứng trong bộ máy cầm quyền và dẫn đến việc kiềm chế rất hiệu quả sự lạm dụng những quyền lực thời chiến của Tổng thống Nixon trong vài năm sau đó, ngăn ngừa việc Mỹ ném bom trở lại Việt Nam và Lào, và rút ngắn cuộc chiến.



Chú thích:

(103) "Đối với một người bình thường" - Tổng thống và Haldeman, 15:09, 14 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Cục hồ sơ An ninh quốc gia. Xem biên bản tại Cục hồ sơ An ninh quốc gia, Đại học George Washington, www.gwu.edy/NSAEBB

(104) "Chúng ta phải bỏ kiểu không kích" - Tổng thống và Kissinger, 10:45, 25 tháng 4, 1972, Toà nhà Văn phòng Hành pháp.

(105) "Phong toả kết hợp ném bom toạ độ" - Tổng thống và Haig, 24:42, 2-5-1972, Trao đổi tại Phòng Bầu dục 717-20 .

CHƯƠNG 31

Các băng ghi âm và biên bản công khai cho thấy hai phản ứng khác và phần nào trái ngược nhau của Nhà Trắng khi Hồ sơ Lầu Năm Góc lên trang ngày 13-6-1971. Một mặt, bản thân Nixon tỏ ra lạc quan với các nội dung được công bố, trong đó có những thông tin không mấy tốt đẹp về các Tổng thống tiền nhiệm, người của Đảng Dân chủ. Nhưng đồng thời ông sợ rằng sự việc sẽ là một tiền lệ cho những tiết lộ nay mai về hoạt động và chính sách bí mật ông ta đã và đang áp dụng với Đông Dương. Hai thái độ có phần trái ngược nhau chính là cơ sở dẫn đến những hành động của Tổng thống và người của ông. Nó đưa Nixon đến sự sụp đổ hoàn toàn về chính trị mà người ta vẫn gọi tên là vụ Watergate.

Nixon và Henry Kissinger lần đầu tiên nhắc đến vấn đề trên vào một ngày chủ nhật. Hai thái độ đã được bộc lộ. Gọi điện cho Tổng thống từ California , Kissinger bình luận:

"Theo dư luận(105), sự kiện này có thể sẽ có phần thuận lợi cho ta. Đây sẽ là cơ hội tốt để người ta thấy các chính quyền trước đã đẩy chúng ta đến với Việt Nam như thế nào… Tôi cho là dư luận cũng đã tự phát hiện ra vấn đề rồi, vì… nếu trước đây họ quy kết đây là cuộc chiến tranh của Nixon thì những gì bài báo chỉ ra là, nếu có là cuộc chiến tranh của ai đó thì đấy chính là chiến tranh của Kennedy, là chiến tranh của Johnson… Vì thế nếu phe Dân chủ vẫn luôn phàn nàn rằng… chúng ta sai lầm, thì nay đã rõ ràng … ai phải chịu trách nhiệm trước hết cho mớ hỗn độn này…"

Nó đã là một lời buộc tội chính quyền trước.

Sang ngày hôm sau Tổng thống mới tỏ ra thoải mái hơn với cách giải thích này. Nhưng ngay từ đầu ông đã lo sợ các hồ sơ "Lào và Campuchia"(107) - cụ thể là những đợt ném bom - trọng tâm trong các mục tiêu và chiến lược bí mật của Tổng thống có thể bị lộ ra ngoài từ chính Bộ Ngoại giao hay Bộ Quốc phòng.

Dù sao, Tổng thống cũng sẽ chỉ lo lắng nếu có những tiết lộ về chính quyền của ông. Ngoài ra ông không hề bận tâm tới các tiết lộ về đời những Tổng thống trước. Ông không sợ ảnh hưởng đến khả năng tiếp tục chính sách đối ngoại bí mật của mình. Quá lạc quan Nixon còn trông chờ những tiết lộ mới, chứng minh cho sai lầm của các lãnh đạo của đảng Dân chủ, đặc biệt là Kennedy. Với ông, Ted Kennedy là đối thủ khó chơi nhất trong năm 1972. Ông hy vọng những loạt bài này sẽ còn tiếp tục để gây thêm tai tiếng cho gia đình Kennedy.

Thứ hai, ngày 14-6, khi tờ Thời báo đã đăng được hai kỳ, vào 7 giờ 13 phút tối, Nixon trao đổi với Cố vấn đối nội, John Ehrlichman:

Ehrlichman: Thưa Tổng thống, thưa ngài Bộ trưởng Tư pháp (Mitchell) (108) đã gọi đến nhiều lần về những bài báo trên Thời báo New York . Bộ Tư pháp cho rằng nếu Bộ trưởng không cảnh cáo tờ Thời báo, thì ông có thể sẽ phải rút bỏ quyền khởi tố tờ báo này. Ông muốn biết liệu Tổng thống có đồng ý cảnh cáo Thời báo trước khi số báo đầu tiên của họ được tung ra vào ngày mai hay không?

Tổng thống: Hmmm.

Ehrlichman: Tôi thấy có những dấu hiệu không thuận lợi cho vấn đề này nếu tính đến cuộc bỏ phiếu tại Quốc hội (dự kiến vào thứ tư về dự thảo luật McGovern-Hatfield về cắt giảm ngân sách chiến tranh từ tháng 12-1971).

Tổng thống: Ý cậu là khởi tố tờ Thời báo?

Ehrlichman: Đúng thế.

Tổng thống: Quỷ thần ơi, tôi không muốn truy tố tờ báo. Tôi muốn truy ra tên khốn nào đã cung cấp tài liệu cho bọn họ.

Ehrlichman: Vâng, nếu chúng ta tìm ra kẻ đó.

Tổng thống: Đúng vậy… Tôi muốn rằng, chúng ta có thể kiện tờ Thời báo được chứ?

Ehrlichman: Hiển nhiên là được.

Tổng thống: Hãy đợi nào - đợi đã - có phải ngày mai bọn họ sẽ đăng thêm một câu chuyện?

Ehrlichman: Vâng.

Tổng thống: Tại sao không đợi đến ngày mai?

Ehrlichman: Đề nghị của Bộ trưởng là, ông nghĩ chúng ta nên có một hình thức cảnh cáo trước như thế nào đó với tờ Thời báo và sẽ tiếp tục làm như vậy nếu bọn họ vẫn không dừng lại. Như thế sẽ không mất đi quyền khởi kiện. Nhưng nếu không cảnh cáo trước, chúng ta sẽ bị xỏ mũi - ngồi đây và để bọn họ mặc sức mà không tỏ thái độ phản đối.

Tổng thống: Hãy đợi một ngày nữa. Cho bọn họ thêm một ngày, còn sau đó thì… tôi cũng chưa biết… chưa biết.

Kể cả trong lúc trò chuyện với Ehrlichman và với Mitchell ngay sau đó, dù lúc này đã đồng ý để Bộ trưởng Tư pháp đưa ra một lời cảnh cáo "sơ bộ"(109) cho tờ Thời báo ngay chiều hôm sau, Tổng thống cũng chưa hề nhắc đến lệnh đình chỉ xuất bản từ toà án. Họ mới chỉ nghĩ sẽ truy tố tờ Thời báo và người đứng đằng sau. Nội trong ba ngày đầu tiên, qua tất cả những biên bản ghi âm, chúng ta chưa một lần nào nghe thấy Tổng thống hay các cộng sự Nhà Trắng của ông, thậm chí Kissinger, bày tỏ ý kiến mượn lệnh của toà án để ngăn chặn việc xuất bản. Hình như chỉ Mitchell và Bộ Tư pháp mới nghĩ đến việc làm đó. Thứ ba Mitchell đề nghị toà án ra lệnh đình chỉ xuất bản lấy lý do việc tiếp tục sẽ gây tổn thương trực tiếp và không thể vãn hồi đối với an ninh quốc gia. Tổng thống nói với Haldeman rằng nếu công khai trước dư luận các chương về Kennedy trong Hồ sơ Lầu Năm Góc có thể có tác dụng tốt, "Lệnh của toà án chỉ có hiệu lực đối với tờ Thời báo thôi đúng không Bob?"(110) Haldeman khẳng định chắc chắn. Thảo luận với Haldeman và Kissinger tại Phòng Bầu Dục, Tổng thống nói: "Tiết lộ mớ tài liệu dính dáng tới Kennedy đi. Sẽ tiết lộ hết… Vì một phần đang bị rò rỉ rồi, sẽ để rò rỉ tất cả những gì ta muốn"(111).

Một phần mối quan tâm của Tổng thống với đối thủ Ted Kennedy là vì ông cần lôi kéo bộ phận cử tri dao động theo Đạo Thiên Chúa về phía mình, không để ngả về phe Dân chủ. Ứng cử viên hàng đầu cho cuộc chạy đua vào Nhà Trắng của Đảng Dân chủ lúc đó, Thượng nghị sỹ Edmund Muskie, cũng là một người Thiên Chúa giáo. Nixon cũng rất nóng lòng chờ đợi các tài liệu về vụ ám sát Tổng thống miền Nam Ngô Đình Diệm lên mặt báo. Tờ Thời báo đã gửi đơn khiếu kiện lệnh hạn chế xuất bản lên Toà án tối cao và có nhiều khả năng Toà sẽ đưa ra lệnh đình chỉ vĩnh viễn. Thời gian không còn nhiều. Tổng thống cần gấp rút công bố các chứng cớ tối mật về cái chết của nhà lãnh đạo theo Đạo Thiên chúa trong cuộc đảo chính được người anh trai của Ted Kennedy, Tổng thống Kennedy hậu thuẫn.

Thứ tư, Tổng thống nói với Henry Kissinger: "Tôi muốn đưa lên báo các tài liệu (112) về vụ ám sát Diệm. Cần một người bên anh làm việc này". Im lặng, ông Cố vấn an ninh quốc gia không nói gì. Tổng thống nói tiếp: "Thôi được, tôi sẽ làm".

Lúc đấy Kissinger mới nói: "Không nên để người bên tôi tiết lộ tài liệu mật".

Tổng thống nhắc lại: "Tôi sẽ công bố".

Sau khi Kissinger đi khỏi(113), ông gọi điện thoại và giao nhiệm vụ này cho Cố vấn Nhà Trắng Charles Colson. Ông này đảm bảo là mọi việc sẽ được hoàn thành, cho dù hôm thứ hai ông ta đã nói "Đơn giản chúng ta không thể cho phép báo chí đăng tải các văn bản mật"(114).

Trong nhiều ngày sau đó, tờ Bưu điện Washington và Boston Globe đều không được phép đăng bài do Mitchell liên tiếp yêu cầu hạn chế. Tôi gợi ý tờ Bưu điện đăng lên các tài liệu khác tạm gác bài về chính quyền Johnson vì tôi chỉ muốn đưa ra một trường hợp điển hình và không muốn dư luận nghĩ chỉ có chính quyền Johnson mới thường xuyên dối trá. Tờ Bưu điện nghe theo, đăng câu chuyện của Eisenhower, về quyết tâm ngăn chặn cuộc bầu cử ở Việt Nam từ năm 1954 đến 1956. Nhưng chủ bút của Globe, Tom Winship lại muốn có các thông tin về chính quyền Kennedy, lấy lý do rằng ở Boston người ta có những hứng thú đặc biệt với chuyện về gia đình Kennedy. Buổi tối hôm đó, cấp dưới báo cáo với Tổng thống Nixon là số buổi tối của tờ Boston Globe "có một bức hình lớn(115) của John F. Kennedy và bốn câu chuyện khác nhau… làm Kennedy phát điên". Ông hỏi: "Có cả Diệm chứ? Rất tốt?"

Tuy nhiên sự thực ngược lại. Câu chuyện về Diệm không xuất hiện trên tờ Boston Globe. Mitchell trước đó đã gọi đến cho chủ bút toà soạn này và nhắc nhở anh ta, như Winship nhớ lại:

"Tôi buộc phải làm như vậy(116) với các anh (yêu cầu lệnh đình chỉ từ toà án vì nếu không sẽ khiến các toà soạn khác không bằng lòng, sẽ không công bằng cho tờ Thời báo và Bưu điện".

Trong khi tờ Globe bị cấm đoán, thì tờ Chicago Sun - Times đã cho đăng các tài liệu về vụ ám sát Diệm vào ngay tối hôm đấy, ngày 22-6. Đây là tờ báo thứ tư đi ngược lại những cảnh cáo trước đó của chính phủ về nguy cơ đe doạ An ninh quốc gia.

Chicago Sun-Times cũng là tờ báo đầu tiên được phép xuất bản, trong ngày hôm đó cũng như nhiều ngày liên tiếp sau mà không hề bị doạ đình chỉ.

Trong khi đó, Tổng thống ngày càng quyết tâm với ý định tìm kiếm và phanh phui từ các hồ sơ mật những tài liệu có thể hạ thấp uy tín của cựu Tổng thống và anh em nhà Kennedy. Một chủ đề thường xuyên trở đi trở lại trong nhiều tháng sau đó và thậm chí nhiều năm là vụ việc nào để lộ ra cho báo chí thì sẽ có tác động lớn nhất: vụ Vịnh Con Lợn, khủng hoảng tên lửa Cuba, Bức tường Berlin hay là vụ ám sát Diệm. Đây rõ ràng là một công việc nghiên cứu không hề đơn giản, cần phải do một người có đầy đủ cảm quan về lịch sử cùng nhiều phẩm chất khác nữa, thực hiện. Sau khi đã xem qua danh sách các ứng cử viên cho công việc này do Haldeman và Ziegler đưa lên vào ngày 24-6, trong lúc FBI vẫn đang truy lùng tôi, Nixon nhận xét:

"Tốt nhất là có một người hiểu rõ vấn đề này. Có nghĩa là, chúng ta cần một Ellsberg, một Ellsberg đứng về phía ta; nói cách khác, một học giả thông thuộc về lịch sử và hiểu được anh ta đang phải tìm kiếm thứ gì"(117).

Lẽ dĩ nhiên Tổng thống vẫn có một thái độ khác đối với tôi và những việc làm của tôi. Ông vui mừng vì tôi đã tạo ra tiền lệ giải mật chóng vánh và rò rỉ thông tin về các đời Tổng thống trước đây của Đảng Dân chủ. Mặt khác, ông cũng lại lo rằng chính nó cũng sẽ là tiền lệ cho người khác tiết lộ thông tin về bản thân ông. Điều này dễ thấy trong một cuộc thảo luận của Tổng thống với Kissinger ngày 13-6 xung quanh Hồ sơ "Lào và Campuchia". Muốn ngăn chặn nguy cơ đó, câu trả lời hiển nhiên sẽ là tìm và truy tố kẻ nào cung cấp tài liệu cho tờ Thời báo - "thằng quỷ nào đã tuồn những tài liệu đó cho bọn họ".

Cho dù có là ai đi chăng nữa, Tổng thống muốn kiện hắn ra toà để "tất cả mọi người trong cái chỉnh phủ này đều biết sợ Chúa". Vào ngày thứ ba, 15-6, Tổng thống đập tay xuống bàn, nói: "Quỷ tha ma bắt, phải tống một tên nào đó vào tù… chỉ cần có thế?" (118). Hôm đó, ông hỏi Milchell: "Có cách nào anh tóm cổ được cái gã Ellsberg ngay lập tức được không? Mà Ells- gì nhỉ?" (119)

"Ellsberg".

Nixon nói mỉa mai: "Ellstein… được rồi, thây kệ. Có thể là Ellstein, hoặc Halperin hoặc Gelb. Cả ba tên này đều có liên hệ với cánh báo chí".

Hai hôm sau, ngày 17-6, Nixon không còn giữ được bình tĩnh nữa khi Haldeman nhắc đến tôi, ông ta hỏi ngay:

"Tại sao FBI(120) chưa tóm lấy nó rồi tống vào quan tài? Đó là bước tiếp theo đúng không?"

Buổi sáng hôm đó chúng tôi đã trên đường trốn chạy.

Điều đặc biệt cấp bách với chính quyền này là ngăn chặn những người khác làm theo tiền lệ của tôi. Vì Nixon và Kissinger và tôi, chúng tôi đều có chung suy nghĩ. Chúng tôi biết phải giữ kín chính sách Việt Nam thực sự nếu muốn nó khả thi.

Cả hai người đều cảm thấy sự nhạy cảm khi có người nghi ngờ và tranh cãi về chính sách của họ. Tuy nhiên, khác với tôi, họ lại không cho những gì mình đang làm là ngớ ngẩn, liều lĩnh, vô vọng và sai lầm. Nhưng đồng thời hai người cũng hiểu rằng người khác sẽ nghĩ như vậy nếu nhờ vào những lài liệu mới được tiết lộ, chính sách của họ không còn được giữ bí mật và bị dư luận Mỹ hiểu lầm.

Cũng trong cuộc đàm thoại đầu tiên liên quan đến tờ Thời báo vào chủ nhật, ngày 13-6-1971, Tổng thống đặc biệt lo sợ các cuộc ném bom lên đất Campuchia đầu năm 1969 có mật danh "Thực đơn", một loạt các cuộc tấn công lúc đầu được đặt tên là "Điểm tâm", "Bữa trưa" và "Bữa tối", có thể bị tiết lộ.

Tương tự, ngày thứ ba, 15-6, Kissinger thúc giục Tổng thống đưa ra truy tố những kẻ phải chịu trách nhiệm: "Tổng thống, ngài phải thật mạnh tay(121) bởi vì nếu đã có những thứ này trên Thời báo New York , sang năm ngài sẽ gặp tình cảnh tương tự. Hồ sơ của chính quyền này sẽ lại bị tuồn ra ngoài trong thời gian tranh cử (năm 1972). Tôi muốn nói những người này…"

Nixon đáp lại: "Tôi hiểu, họ sẽ lấy được toàn bộ hồ sơ về các chiến dịch Thực đơn".

Tôi cho rằng hai người này, cũng như tất cả những người khác đều hiểu các tài liệu gốc có ý nghĩa thế nào với các tiết lộ của báo chí. Trong tháng 3-1969, William Beecher đăng một câu chuyện tỉ mỉ trên tờ Thời báo về các đợt ném bom bí mật lên đất Campuchia. Chính quyền đã tức giận đến nỗi quyết định chỉ đạo FBI bí mật tiến hành nghe trộm (đương nhiên là bất hợp pháp) một loạt các nhân viên NSC và các nhà báo để truy ra nguồn cung cho tờ báo. Nhưng câu chuyện này vì thiếu tài liệu gốc làm bằng chứng, chẳng qua cũng chỉ là vụ việc trong ngày và sau khi Lầu Năm Góc thẳng thừng bác bỏ, đã hoàn toàn bị lãng quên. Khả năng những tài liệu khác bị lôi ra ánh sáng sau tiền lệ của Hồ sơ Lầư Năm Góc, cho dù chậm hai hay ba năm sau nữa, lại là một vấn đề khác.

Có những lý do đặc biệt cho tính nhạy cảm của chiến dịch tấn công Campuchia mang tên Thực đơn(122). Câu chuyện Beecher kể ra đã làm ê mặt Nhà Trắng vì những chi tiết về một chiến dịch mà Nhà Trắng đã muốn giấu kín với Bộ trưởng Quốc phòng Melvin Laird và Bộ trưởng Ngoại giao William Rogers. Cả hai người đều phản đối mạnh mẽ việc mở rộng chiến tranh. Nhắc tới chính sách về Việt Nam, Nixon và Kissinger đều coi bọn họ gần như kẻ thù. Hai ông luôn mong giấu kín họ càng nhiều và càng lâu càng tất, vì ngại sự phản đối quyết liệt, hoặc thậm chí trong trường hợp của Laird, ông ta sẽ báo lại với Quốc hội hay cho cánh nhà báo. Nếu hai Bộ trưởng có được Tổng thống thông báo điều gì đi nữa thì cũng chỉ rất sơ sài, và vào phút chót. Tuy nhiên, khi nói chuyện với Kissinger vào ngày 13 và nhiều lần sau đó, Nixon e ngại là hai vị Bộ trưởng đang có trong tay các tài liệu lẽ ra họ không nên có hoặc các bản ghi nhớ các cuộc trao đổi với Tổng thống. "Bất cứ khi nào(123) tôi trao đổi với Rogers và Mel (Lairdl về một trong các vấn đề này, về Lào và Campuchia, … tôi cho là họ đều tự mình ghi âm lại … họ thường tự mình suy luận ra từ những gì tôi yêu cầu, anh biết rồi đấy".

Kissinger đảm bảo với Nixon: "Đúng là họ sẽ tự suy luận ra những gì Tổng thống yêu cầu, nhưng họ sẽ không hiểu được lý do đâu". Những lý do ấy ông ta và Tổng thống luôn thận trọng không để hai người biết được, đặc biệt trên văn bản.

Sự thật là trong suốt năm 1971, các cuộc ném bom gây áp lực lên miền Bắc Việt Nam và Lào đều dưới sự chỉ huy trực tiếp của Nixon và Kissinger, thông qua một "kênh nối thẳng" tới Đô đốc Thomas H. Moorer, chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân. Hai người bí mật vượt mặt Laird, vẫn với lý do cũ, Laird không ủng hộ. Một bí mật đặc biệt nhạy cảm là lúc này FBI vẫn đang tiến hành nghe trộm văn phòng và nhà riêng của trợ lý quân sự của Laird, tướng Robert E. Pursley, để biết ông Bộ trưởng nắm được những thông tin gì về các chiến dịch và ông ta có tiết lộ điều gì cho quốc hội. Cần nhớ Laird đã từ bỏ Quốc hội để chuyển sang làm việc cho chính quyền.

Thêm vào đó, Quốc hội, cơ quan cấp ngân sách cho các chiến dịch, được nhận những thông tin mật hoàn toàn giả mạo về mục tiêu ném bom. Hàng trăm nhân viên làm việc tại trụ sở của MACV và CINCPAC đêm ngày bận rộn làm giả các kế hoạch ném bom mật và các bản báo cáo hậu chiến sự, làm giả toạ độ các mục tiêu bị ném bom, để mọi người tưởng rằng họ đang ở Nam Việt Nam chứ không phải là ở Campuchia. Vào năm 1971, khi Nixon ra lệnh ném bom Cánh đồng Chum ở Lào (một địa điểm không hề liên quan đến các tuyến đường lấn chiếm của miền Bắc), ông ta đã dùng đến cơ cấu ghi sổ kép như đã từng dùng để che đậy vụ ném bom Campuchia. Có những trường hợp đến cả các phi công cũng không được biết đích xác toạ độ ném bom của họ. Song chủ yếu mục đích của Nixon vẫn là che giấu Quốc hội và dư luận (và ở một mức nào đó, cả Laird và Rogers, về qui mô và tần suất các chiến dịch). Tổng thống không có ý định và kế hoạch này cũng không nhằm đánh lừa các nước Cộng sản - mục tiêu ném bom của ông ta, hay các đồng minh của họ.

Những người trên mặt đất không thể nhầm lẫn và cũng không ai nghĩ họ nhầm lẫn về kẻ đang dội bom B-52 xuống đầu mình.

Một hệ thống bí mật như vậy đã được chính quyền này giữ kín trong gần bốn năm - cho đến khi một trung sĩ (một trong số hàng trăm người liên quan đến hoạt động giả mạo này) đột nhiên băn khoăn rằng có thể Tổng thống cũng không được biết về các mục tiêu ném bom thực sự. Anh ta đã đem những tài liệu này trao cho Thượng nghị sỹ Harold E. Hughes. Khả năng thực tế của vị Tổng thống đương nhiệm có thể bí mật thả hàng trăm nghìn tấn bom xuống một đất nước không hề có chiến tranh với chúng ta chính là minh chứng hùng hồn nhất cho hiệu quả của một hệ thống hậu chiến bí mật. Nó cho phép Tổng thống bí mật phát động cuộc chiến, leo thang chiến tranh. Điều đó không thể thấy ở các vị vương chúa ngày trước.

Dù thế, vào thời điểm nói tới, các cuộc ném bom bí mật đã kéo dài được hơn hai năm, bắt đầu từ trước và còn mãi tới sau cuộc xâm lược ngang nhiên Campuchia (và còn tiếp tục được giữ kín thêm gần hai năm sau đó). Nhưng việc nó vẫn bị che mắt cho thấy đây là một phần của một chính sách đe doạ bí mật vẫn chưa hoàn thành. Và lần này, vẫn chính là cử tri Mỹ bị che mắt, chứ không phải các quốc gia cộng sản, những mục tiêu đe doạ hay đồng minh của họ. Còn cả một năm nữa mới xảy ra các cuộc tấn công vào mục tiêu trên sông Hồng và các vụ ném bom B-52 vào Hà Nội và Hải Phòng, cho dù kế hoạch dự phòng đã nhiều lần được lên lịch từ năm 1969. Hà Nội cáo buộc và các quan sát viên xác thực, rằng Mỹ chủ định ném bom từng phần đê sông Hồng trong mùa xuân 1972. Phải mãi đến giữa năm 1971 người ta mới phanh phui ra tất cả các hành động chính quyền đã, đang và sẽ thực hiện - những cột trụ trong chính sách bí mật của Nixon. Một khi chính sách này bị phơi bày, Quốc hội có thể viện lý do hạn chế về ngân sách để phản đối nó. Đó là nguyên do cho những bước đi vội vã nhằm chặn lại hay ngăn cản bất kỳ thông tin rò rỉ từ chính quyền đương nhiệm, trong khi khuyến khích thông tin về các chính quyền cũ. Đó là lý do cho các lệnh đình chỉ xuất bản trước đây chưa bao giờ được dùng tới và cho các hành động cũng chưa bao giờ có tiền lệ đi cùng những lệnh đình chỉ kia.

Tuy nhiên vào lúc đó, chúng tôi vẫn chưa thể biết mình có bị đem ra xét xử trước toà hay không. Những sự kiện liên quan đến vụ việc của chúng tôi đã quá rõ ràng. Tôi cũng đã thừa nhận và cung khai tất cả những hành động người ta cáo buộc cho tôi.

Nhưng chưa bao giờ có một đạo luật nào của Quốc hội quy kết tội phạm những hành động như của tôi: không được phép của cấp trên, sao chụp và trao tài liệu "bảo mật" chính thức cho báo giới, Quốc hội và những người mà các nguyên tắc hiến định của chúng ta gọi là "công chúng độc lập". Phần lớn các nước, không chỉ là các chế độ chuyên chính như Trung Quốc mà cả nền dân chủ khai sinh ra chúng ta, Vương quốc Anh, cũng đều có những đạo luật như thế. Họ không có Hiến pháp với Điều luật bổ sung thứ nhất như chúng ta, ở đó quy định Quốc hội không được phép thông qua một đạo luật nào có nội dung tương tự. Không tồn tại một cơ sở luật pháp rõ ràng hay ngụ ý nào cho cả một cơ chế phân loại tài liệu được hình thành từ những mệnh lệnh hành pháp của chính phủ, bắt đầu từ Thế chiến II. Những quy định về quản lý tài liệu kín, mật và tuyệt mật tạo nên một hệ thống hành chính, theo đó những ai làm việc trong ngành hành pháp một khi đã dặt bút ký vào lời tuyên thệ hay chấp thuận giữ bí mật, nếu để lộ thông tin mà không được phép, sẽ phải chịu những hình phạt hành chính, có thể bị khước từ quyền tiếp cận với các thông tin mật hoặc nặng hơn, bị sa thải. Một nguyên tắc cơ bản của hiến pháp quy định thẩm quyền của chính phủ là, Tổng thống không được phép ban hành các đạo luật hình sự, cho dù bằng mệnh lệnh hành chính hay một cách nào khác chăng nữa. Chỉ Quốc hội mới đủ thẩm quyền ban hành luật. Và ngoại trừ một số loại bí mật nhất định và trong phạm vi rất hẹp, không liên quan gì tới Hồ sơ Lầu Năm Góc - như dữ liệu về vũ khí nguyên tử, tin tức tình báo thu thập qua kênh thông tin liên lạc, và gần đây là danh tính của các điệp viên bí mật - Quốc hội, nếu chiếu theo Điều luật bổ sung thứ nhất của Hiến pháp, chưa bao giờ đưa ra một đạo luật như thế.

Hầu như tất cả mọi người, vào thời điểm đó hoặc một thời gian về sau đều không nhận thấy rằng, việc tôi và Tony Russo bị khởi tố hình sự vì tội sao chép đủ loại tin tức của chính phủ - không nhằm mục đích bí mật chuyển giao những thông tin này cho một thế lực nước ngoài nào (tội làm gián điệp) mà nhằm tiết lộ ("rò rỉ") thông tin cho báo chí và dư luận Mỹ - là chưa từng có tiền lệ và vô cùng đặc thù trong lịch sử. Sự việc ấy cũng đặc thù không kém gì so với những kiềm chế và những nỗ lực đình chỉ xuất bản đã dẫn chúng ta đến với vụ án mang tên Hồ sơ Lầu Năm Góc , một vụ án giờ đã được chuyển lên Toà án tối cao.

Thực tế dễ hiểu là trên đất nước này trước đây chưa từng có trường hợp nào bị truy tố vì đã để rò rỉ thông tin. Rất nhiều lần trong thời gian tôi làm việc trong chính quyền, bất cứ khi nào nhận được bản tóm lược một thông tin mật, hay kí vào một thoả thuận giữ bí mật trước khi được phép tiếp cận xử lý chúng, tôi đều được nhắc nhở về khả năng bị truy tố hình sự nếu để lộ thông tin mà chưa được cho phép. Những lời cảnh cáo ở đây luôn luôn viện dẫn đến các điều khoản trong Đạo luật Tội làm gián điệp, mà theo đó người chịu trách nhiệm đầu tiên là tôi. Và quy kết cho tôi tội rò rỉ thông tin trái phép, chứ không phải tội làm gián điệp. Trong thực tế, những cảnh báo này báo trước rằng nhiều phần của đạo luật về tội làm gián điệp sẽ được dùng đến, mặc nhiên được coi như một đạo luật về tin mật nhà nước, tương tự một đạo luật của Anh. Tuy nhiên thông tin mật vẫn thường xuyên bị rò rỉ ra bên ngoài, thậm chí gần như hàng ngày (mặc dù ở qui mô nhỏ hơn so với trường hợp Hồ sơ Lầu Năm Góc ). Rất ít trong số đó được cấp trên chấp thuận. Họ cũng không tức giận đến mức phải trừng phạt hành động này. Dù có tức giận nhưng diễn biến tiếp theo vẫn chưa bao giờ là một phiên toà. Cố vấn luật pháp của các bộ và Bộ Tư pháp vẫn luôn khuyến cáo quan chức nào định đưa vụ việc ra toà rằng trong luật Mỹ, không tồn tại một đạo luật nào về tin mật chính thức hay luật nào trơng đường. Các cố vấn đôi khi còn nhấn mạnh, qua những tranh luận về Đạo luật Tội làm gián điệp, Quốc hội đã công khai loại bỏ bất kỳ ý định lập pháp áp dụng đạo luật này với các hành động tiết lộ thông tin cho báo chí chưa được phép. Và do đó bất kỳ nỗ lực nào coi đây như một đạo luật về thông tin mật chính thức sẽ vi phạm những nguyên tắc hiến định trong Điều luật bổ sung thứ nhất. Không có một đạo luật nào biện minh cho những cảnh báo đến hàng triệu nhân viên làm việc trong chính quyền đã ký vào những thoả thuận giữ bí mật; trong thực tế, nhân dân có thể nắm lấy đằng chuôi.

Tất cả những điều này tôi không hề biết khi tôi sao chụp và công khai Hồ sơ Lầu Năm Góc . Các luật sư của tôi và, như tôi được biết, các toà soạn cho đăng tải phần nào tập hồ sơ này, cũng có suy nghĩ tương tự. Chúng tôi, kể cả Nixon, Kissinger, Mitchell và hầu hết những người khác, đều cho rằng trong hệ thống luật pháp Mỹ tồn tại một quy định gì đó tương đương một đạo luật về thông tin mật chính thức. Hay nói khác đi, tất cả đều tin rằng, tôi, có thể cả các toà soạn báo; đang vi phạm một điều luật nào đó. Tôi xem hành động của mình là sự chủ tâm vi phạm các quy định dân sự. Nhưng nếu như vậy, thì Tổng thống sẽ giải thích ra sao về việc ông ta chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền để lộ ra cho báo chí các tài liệu vào loại tuyệt mật? Và những nhân viên dưới quyền sẽ phải giải thích cho hành động của mình ra sao đây - khi mà những gì họ làm là đích xác những điều Tổng thống đang quy kết tội cho tôi?

Tôi nghĩ là mình có thể tự tìm được câu trả lời, từ kinh nghiệm làm việc tại Lầu Năm Góc. Đon giản là vấn đề đúng, sai chưa bao giờ được đặt ra. Cho dù là một nhà tư vấn, hay trong cương vị một quan chức, tôi cũng chưa bao giờ bận tâm nghĩ đến Điều luật bổ sung thứ nhất, hay những phần trong Hiến pháp có liên quan tới nó, hay những ràng buộc về mặt pháp luật trong nước có thể đặt ra cho công việc của chúng tôi. Tôi làm việc trong ngành hành pháp, phục vụ Tổng thống, công việc liên quan đến chính sách quân sự và ngoại giao. Tôi không cho rằng Hiến pháp hay các văn bản luật của Quốc hội sẽ chi phối công việc chúng tôi đang làm. Về điều này, tôi cũng không có gì khác rất nhiều các quan chức Nhà Trắng, những người sau này đã thừa nhận trong các phiên điều trần liên quan đén vụ Watergate, rằng họ tin là - theo như lời cấp trên của họ, tổng thống Nixon - "khi Tổng thống làm việc gì, việc đó sẽ không vi phạm pháp luật".

Chắc hẳn rằng, cũng với tinh thần ấy, Nixon đã chỉ định Colson và những người khác chủ động tiến hành việc rò rỉ tin tức. Hành động ấy, với người khác, ông ta sẽ thực tâm, dù sai lầm, coi như là tội hình sự, hay là thậm chí là hành động phản quốc (cùng với tội đột nhập và bao che, được thừa nhận rộng rãi là tội hình sự).

Nói cách khác, các nhân viên trong chính quyền cho rằng Tổng thống, và bản thân họ khi làm việc cho ông ta, có thể đứng trên luật pháp trong nước. Chính tôi cũng nghiễm nhiên chấp nhận điều này khi làm việc trong cả lĩnh vực an ninh quốc gia, cũng như các đồng nghiệp của tôi trong lĩnh vực quân sự và chính sách đối ngoại. Đáng buồn là, nhiều nghị sỹ Quốc hội và công chúng cũng có cùng suy nghĩ. Đi liền với sự tin tưởng vào thẩm quyền xét xử và sự tự do độc quyền, vô hạn của Tổng thống trong các lĩnh vực này là giả thiết về khả năng kiểm soát không hạn chế của chính phủ đối với những gì công chúng được biết liên quan đến quá trình đưa ra các quyết định trên của chính phủ.

Tôi nhận ra, có phần muộn màng, rằng cách làm đó sẽ chỉ tạo ra một ông vua chuyên chế và những "Việt Nam" khác, hoặc có thể còn tệ hơn. Tôi cũng đã tìm thấy bài học này, chưng cất từ những trước tác của James Madison. Chính ông là người đã soạn thảo ra Điều luật bổ sung thứ nhất: "Một chính phủ được lòng dân(124), nếu không nắm được các thông tin phổ cập nhất hoặc không có trong tay những phương tiện thu thập các thông tin này, sẽ chẳng là gì ngoài màn mở đầu cho một vở hài kịch, hoặc bi kịch, hoặc là cả hai. Trí tuệ sẽ mãi mãi thống trị sự ngu dốt. Một dân tộc muốn cai trị chính mình sẽ phải tự trang bị thứ quyền năng mà tri thức đem lại".

Người đầu tiên chỉ ra cho tôi thấy kết luận gây chấn động rằng những gì Tony và tôi thực hiện không hề, trên đất nước này, trái với luật pháp, là luật sư Leonard Boudin. Lúc đó là vào cuối năm 1972, khoảng một năm sau lần xét xử đầu tiên đối với tôi.

Boudin tóm tắt cho tôi về đặc điểm việc nghiên cứu vụ việc trong luật pháp Mỹ, về lịch sử lập pháp của những đạo luật được viện dẫn ra trong các bản cáo trạng của chúng tôi và những kết quả nghiên cứu của đoàn luật sư trong suốt cả một năm vừa qua, kể cả tìm kiếm các vụ án trước đây có thể không có hồ sơ lưu trữ. Cuối cùng anh ta kết luận: "Điều mà tôi có thể nói được là, Dan, anh không hề phạm pháp".

Tôi bật lên: "Quá tuyệt! Tôi sắp được tự do rồi!"

Nhưng Boudin đáp lại: "Tôi e là mọi việc không đơn giản như vậy đâu. Khi chính phủ Mỹ bước vào phòng xử án, nói với quan toà, "Vụ kiện giữa chính phủ Mỹ và Daniel Ellsberg" và đưa ra trước toà mười hai trọng tội của anh… anh đừng mong bước chân ra khỏi phòng xử án mà vẫn còn là một người tự do".

Tôi ngẫm nghĩ kĩ, rồi hỏi: "Thế cơ hội của tôi là bao nhiêu?"

"Năm mươi - năm mươi".

"Năm mươi - năm mươi? Và tôi không hề làm trái pháp luật?"

Leonard trả lời: "Dan, hãy đối diện với sự thật. Sao chụp 7.000 trang tài liệu tuyệt mật và chuyển cho tờ Thời báo New York , tình hình không thật thuận lợi cho anh đâu".

Ngày 22-6-1971, còn hơn một tuần nữa mới đến ngày toà án quyết định gỡ bỏ các hạn chế xuất bản trước đó, Tổng thống nói với Ehrlichman, Ziegler và những người khác: "Dẹp lệnh đình chỉ của toà án đi. Chúng ta sẽ thua thôi… Thế đấy! Chúng ta sẽ thua, phải chuyển sang vụ kiện tụng ngay lập tức khởi kiện Ellsberg" .

Buổi chiều ngày 13, ngay sau khi Toà án Tối cao ra phán quyết - ngày hôm trước tôi đã bị cáo buộc mười hai tội trạng nghiêm trọng đối với Liên bang - vào lúc có mặt Henry Kissinger tại Phòng Bầu dục, Tổng thống đã hỏi Bộ trưởng Tư pháp John Mitchell: "Cậu không phản đối (125) nếu chúng ta theo đuổi vụ Ellsberg bây giờ chứ?"

Mitchell: Hiển nhiên là không … một nước đi chúng ta phải làm, để tóm gọn những kẻ nào …

Tổng thống: Phải tống thằng khốn này vào tù.

Kissinger: Chúng ta sẽ tóm được hắn.

Tổng thống: Chúng ta sẽ phải tóm được. Đừng bận tâm về phiên toà nữa. Cứ công bố hết. Cứ để báo chí quy tội cho hắn. Cứ để cho báo chí xét xử. John, tất cả những gì thu được từ cuộc điều tra, công bố hết, để lộ tất cả. Tôi muốn chính báo chí tiêu diệt nó. Trên mặt báo. Tất cả đều đã rõ rồi chứ?

Mitchell và Kissinger: Vâng.

Tuy nhiên, chỉ ít phút trước, khi Mitchell chưa đến, và sau khi ông này đã đi khỏi, Kissinger nêu lên một thông tin do Laird cung cấp, một thông tin đã làm thay đổi tình hình hiện tại. Các cuốn băng ghi âm cho đến tận hôm nay vẫn không cho thấy sự lo lắng với những tài liệu tôi đã hoặc có thể sẽ tiết lộ. Mọi người đều cho rằng những tiết lộ này chỉ giới hạn trong thời kỳ cầm quyền của Đảng Dân chủ. Việc đưa tôi ra trước pháp luật và huỷ hoại danh dự của tôi đơn giản chỉ để "nêu gương" cho những người khác, những ai đã từng hoặc giờ vẫn đang phục vụ trong chính quyền có ý định tiết lộ các bí mật của chính phủ. Lo lắng của Tổng thống chỉ giới hạn trong khả năng rò rỉ thông tin từ Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng, thậm chí dù rằng Nixon đã nhiều lần đảm bảo là xác suất rủi ro rất thấp, vì ở đấy, không một ai, từ Bộ trưởng trở xuống có thể có trong tay các tài liệu viết tay có giá trị, tất nhiên nếu họ biết được một thông tin nào đó. Nhà Trắng là nơi vạch ra chính sách còn NSC thì rất đáng tin và an toàn. Tuy nhiên, những gì Laird nói với Kissinger vào buổi sáng hôm đó là Thượng nghị sỹ Mathias đang có trong tay "hàng xệp tài liệu (126) nhận từ Ellsberg. "Đó chỉ là các thông báo chuyển đến cho chúng ta thôi - và các bản phúc đáp cũng không nói lên nhiều điều, bởi vì tất cả chỉ là, "Tổng thống đã quyết định rằng, Nixon hỏi xem tin tức đó từ đâu ra. Sau đó:

Tổng thống: Và bọn họ cũng có một số tài liệu của NSC?

Kissinger: Đúng vậy, bọn họ có một vài tài liệu của NSC… Đúng thế.

Tổng thống: Chúng ta không để lại thứ gì về Campuchia ở đó chứ, ở NSC đấy? Quỷ tha ma bắt…

Kissinger: (a) Tài liệu về Campuchia lưu tại NSC từ năm 1969. (b) Toàn bộ hệ thống của chúng ta lại khác. Tôi cũng không rõ đấy là những tài liệu gì… Chắc hẳn đấy là mấy thông báo ngớ ngẩn của Rogers …

Ngay sau đó, Kissinger nêu ra vấn đề này với Mitchell. Ông Bộ trưởng Tư pháp khẳng định rằng ông đã được nghe điều này từ chính Mathias: Lúc trước(127) Mathias đã gọi điện cho ông (sau này tôi biết đó là ngày 13-6, và Mitchell không hề báo cáo điều này lại với Phòng Bầu Dục). Vào cuối năm 1971, Thượng nghị sỹ Mathias đã nói với Thượng nghị sỹ Charles Goodell, người khi đó là một trong các luật sư của tôi, rằng với tư cách Thượng nghị sỹ, ông cảm thấy mình có trách nhiệm gọi điện đến nhà Bộ trưởng Tư pháp Mitchell và nói với ông ta rằng: "John, có điều này tôi nghĩ anh nên biết…". Hôm đó là chủ nhật, ngày 13-6, ngày tờ Thời báo bắt đầu cho đăng tải Hồ sơ Lầu Năm Góc . Mitchell nói thêm: "Tôi không hiểu tại sao ông ta không hề đề cập chút nào tới Ellsberg. Tôi còn lạ gì ông ta nữa chứ. Chắc chắn Ellsberg đã từng nói chuyện với Mathias".

Hiển nhiên các câu hỏi đặt ra sẽ là: Tôi đã lấy tài liệu từ bộ phận nào trong chính quyền, chính xác là những tài liệu gì, ngoài ra còn thứ gì khác nữa không, tôi nhận tài liệu từ người nào, và ông ta còn có thể có những tài liệu nào nữa, và tôi sẽ còn đưa ra thêm những gì nữa?

Tổng thống: Mọi chuyện sắp sửa vỡ lở cả rồi… Vấn đề là không chỉ có những tài liệu này thôi đúng không?

Mitchell: Rất có thể như vậy.

Kissinger Có thể, nhưng đương nhiên lúc này, nếu hậu quả là tất cả đối thủ của chúng ta có thể sẽ tiết lộ không chừa một tài liệu gì về chính quyền này và đẩy chúng ta vào thế bị động …

Mitchell Thì khi đó bọn họ sẽ phải thấy một thực tế là Ellsberg đang bị kết tội.

Chính suy nghĩ đó mới thực chất là mục đích của họ khi đưa tôi ra xét xử. Nhưng dường như việc làm đó thôi thì vẫn chưa đủ để giải quyết vấn đề của chính quyền này. Tôi có thể còn có trong tay những tài liệu khác về họ. Tôi cũng có thể tiếp tục vai trò một kênh an toàn cho những người khác, chẳng hạn những ai có thể đã trao cho tôi các tài liệu tôi giao lại cho Mathias vào ngày 2-3-1971. Tôi cũng đã chứng tỏ cho họ thấy từ trước đó rằng, không dễ vì sợ truy tố hay ngồi tù mà tôi sẽ chùn chân. Theo lời Colson, tại phòng Bầu Dục, khi có mặt ông ta, Tổng thống và những người khác, Kissinger đã nói: "Daniel Ellsberg là kẻ nguy hiểm nhất đối với nước Mỹ. Chúng ta phải chặn hắn lại bằng mọi giá" (128).

Vào lúc đó Hồ sơ Lầu Năm Góc mới bắt đầu lên báo được có vài ngày. Dù Kissinger có nhìn thấy mối nguy hiểm nào từ tôi đi chăng nữa, thì tôi vẫn chắc hẳn rằng ông ta nói những lời đó mà quên không tính tới sự kiện kia. Tổng thống coi sự kiện này chủ yếu như một cơ hội vạch trần những việc làm bẩn thỉu của các đời Tổng thống trước. Nếu cần, ông sẽ tự mình làm việc đó.

Cho dù Kissinger có biết trước hay không việc Mathias nhận các tài liệu NSC từ tôi - Mitchell và FBI đều đã biết trước việc này - nhưng qua các lần liên hệ trực tiếp của tôi với ông ta trong năm 1970, những bức thư và bài viết của tôi kể từ hồi đó, và qua những đoạn băng nghe trộm điện thoại của tôi với Halperin, hẳn ông ta cũng nhận ra là tôi đã nắm được chính sách bí mật của bọn họ. Một ví dụ là, một số đoạn hội thoại nghe trộm do trợ lý của Kissinger, Al Haig kiểm tra và một số khác trực tiếp chuyện lên cho Kissinger và Nixon, cho thấy vào ngày 22-11-1970, chỉ vài ngày sau các cuộc tấn công vào Sơn Tây và ném bom gần Hà Nội và Hải Phòng, tôi và Halperin đồng ý với nhau: "Đã đến lúc phải hành động(130), phải kích động mọi người; nếu sự kiện này không làm lay chuyện được dư luận, thì không gì có thể, trừ phi là một vụ thảm sát, đánh phá Hà Nội hay xâm lược Lào". Có vẻ như tôi đang nắm những tài liệu hậu thuẫn cho dự đoán của mình. Có thể không phải Halperin cung cấp những tài liệu này, mà là Tony Lake , Lany Lynn, hay một ai đó đã rời NSC vì những bất đồng xoay quanh vấn đề Campuchia, hay ai đó vẫn còn chưa chịu bỏ đi.

Kissinger tiếp tục tin chắc là các hành động của NSC không thể nào bị lộ ra ngoài, nhưng giờ đây mọi người đón nhận thái độ này của ông ta với đôi chút nghi ngờ. Nixon bắt đầu nói tới việc tiến hành đặc biệt hoạt động xử lý thông tin mật với các cuộc thảo luận của Tổng thống.

Kissinger: Nhưng ở đây rất an toàn. Các thông báo của chúng ta gửi đi cũng không nêu danh chính quyền. Trong nội các cũng chưa ai từng đọc các thông báo tôi viết gửi Tổng thống, thỉnh thoảng chỉ có John (Connally) … Còn ngoài đó ra thì Rogers, Laird, chưa ai cả…

Tổng thống : Điều tôi muốn nói là… chúng ta cần tiến hành một đợt phân loại mới… tất cả các cuộc hội thoại của Tổng thống… Quỷ tha ma bắt, phải phân loại … Cả triệu người trong cái chính phủ này được tiếp cận với các thông tin tối mật. Một triệu. Chúa ơi…

Kissinger: Nhưng tôi đang nghĩ là, thưa Tổng thống, sau khi - nếu như, nếu như sự việc này không làm tiêu tan các kế hoạch của chúng ta, chúng ta nên cân nhắc, ngài có thể tính tới việc tại phiên họp của Quốc hội, nói cho mọi người biết rằng vấn đề đang đi quá xa, cần phải có một đạo luật nào đấy và chơi một trận ra trò.

Hai tiếng sau vẫn ngày hôm đấy, 30-6, trong buổi thảo luận khác với Kissinger và Haldeman về tác động của điều Mathias mới tiết lộ, Nixon tiếp tục nói đến nguy cơ nhỡn tiền này:

"Henry, tôi muốn nói, tại sao việc này lại cực kỳ quan trọng, vì chúng ta vẫn luôn đinh ninh là những tài liệu này không hề liên quan đến chính quyền. Điều đó - bây giờ hình như chúng ta đã sai…"

Từ giờ phút này, trong các cuộc thảo luận, không còn thấy Tổng thống tỏ hứng thú theo đuổi kiện tụng nữa, trong khi vụ án của tôi mới chỉ bắt đầu được vài ngày. Các hoạt động ngoài luật hình như hứa hẹn nhiều hy vọng hơn. Ngày hôm sau, 1 tháng bảy, Tổng thống nói với Haldeman, Colson, và Ehrlichman:

"Việc khó là: tất cả các luật sư ở phe ta… luôn nói là chúng ta sẽ thắng vụ kiện này. Chúng ta chấm dứt trò kiện tụng ngay tại đây. Sẽ làm như thế - Tôi không muốn làm rùm beng vụ thằng cha Ellsberg này trước kỳ bầu cử. Tức là, hẵng cứ để - cứ để báo chí kết tội tên khốn này. Cứ như vậy là được…"(131)

Việc tất cả mọi người trong chính quyền đều không biết tôi đã giao những gì cho ngài nghị sỹ đã tác động rất lớn đến phản ứng của Nhà Trắng trước Mathias, và do đó, phản ứng của họ đối với tôi Nhà Trắng chỉ biết rằng đây là những tài liệu liên quan đến thời kỳ của Nixon, cách thức ông ta giải quyết vấn đề Việt Nam, và lấy được từ NSC. Mathias cũng không nói ngoài những điều này với Mitchell hay Laird. Kissinger hy vọng sẽ thấy những tài liệu này vào chiều 30-6, nhưng trong suốt cả tháng bảy, Mathias chẳng chuyển thứ gì cho ông ta hay một ai khác trong chính quyền. Theo lời Mitchell, vào ngày 6-6 Bộ Tư pháp và Bộ Quốc phòng hy vọng có trong tay những tài liệu này vào ngày 8-6 (chuyện đó đã không xảy ra) Mathias vẫn "đang chơi trò mèo vờn chuột(132). Cuối cùng mãi đến ngày 20-7, Ehrlichman mới đề nghị Tổng thống cử một ai đó, có thể là Elliot Richardson hoặc Richard Kleindienst, làm nhiệm vụ "vạch trần cái trò trẻ con"(133) của Mathias và buộc ông ta phải trưng ra tất cả những gì mình có. Có thể nói, trong suốt thời kỳ này, chính quyền không hề biết rằng những tài liệu tôi trao cho Mathias đơn giản chỉ là NSSM-1. Hơn nữa, dễ thấy qua các buổi thảo luận đã được ghi âm, Kissinger không hề nói lại với Nixon một tin gây "sốc" là tôi đã trực tiếp làm việc cho ông ta trong tháng 2 và tháng 3-1969, tại văn phòng của NSC ở Toà nhà Văn phòng Hành pháp, mà cụ thể là tập hợp NSSM-1. Vì không ai nắm được cả hai thông tin này, tất yếu sẽ đến lúc Mitchell đưa ra kết luận vào ngày 6-6, tán thành với Tổng thống là không thể không lập một kế hoạch dự phòng: "Ellsberg đã như thế (134), Mathias lại đang có trong tay một số tài liệu chắc chắn ngoài Ellsberg còn có người khác trong chính quyền này đang tuồn tài liệu ra bên ngoài. Có thể hơi khó khăn để tìm ra người này, nhưng hy vọng chúng ta sẽ làm được. Một hay nhiều người khác".

Kết luận được đưa ra sau một giờ đồng hồ thảo luận giữa Nixon, Mitchell, Haldeman và Ehrlichman (Kissinger không có mặt) về cái mà Tổng thống gọi là "vấn đề Mathias(135) … phần tài liệu còn sót lại".

Tổng thống: Vấn đề chúng ta đang có ở đây là… có đúng là tài liệu từ NSC không? Mọi người đã biết - đấy chính là điều tôi vẫn bận tâm …

Mitchell: Đó là tài liệu của Nixon. Theo như tôi biết thì Mathias vẫn chưa hề đề cập một cách chi tiết về chúng.

Haldeman: Làm thế nào họ có được?

Tổng thống: Làm thế nào họ lấy ra được từ hồ sơ của NSC chứ, chính thế… là điểm mấu chốt, ngay từ bây giờ khi điều tra phải dành ưu tiên cao nhất…

Nixon: Dù sao đi nữa, nếu nói tài liệu của Nixon - có nghĩa những tài liệu này - không phải là do tôi viết ra?… Tôi không cho là có thể… bởi vì kể từ khi Kissinger vào đây tôi vẫn bắt ông ta cam đoan bằng mạng sống của mình, không bao giờ để lộ ra thứ gì về tôi, cho dù thế nào.

Ehrlichman: Theo tôi được biết, có thể là tài liệu do Tổng thống viết hoặc là gửi đến cho ngài - một trong hai cách đó. Và…

Nixon: Không thể do tôi viết. Không thể từ tôi, John, bởi vì chỉ có thể do Henry viết mà thôi. Anh hiểu ý tôi chứ? NSC - chúng ta thường làm như vậy.

Mitchell: Tôi hiểu, điều đó đúng với chính quyền của Tổng thống… Nhưng đó là tất cả những thông tin tôi thu thập được.

Nixon: Chúng ta sẽ biết trong vài ngày tới đây thôi… Nếu Ellsberg muốn công khai chúng. Nhưng trong trường hợp, nếu nguồn tài liệu của Ellsberg là những người hiện vẫn còn đường chức…

Mitchell: Tôi đang nghĩ thế.

Nixon: … Tôi cho rằng kế hoạch chúng ta nên tiếp cận từ khía cạnh này. Ellsberg không hành động một mình. Ellsberg là một - Tôi không biết những ai đang tham gia vào đây… Nhưng chúng ta sẽ phải tìm ra những kẻ nào đang câu kết với nhau thực hiện âm mưu này … Chúng ta sẽ phải kết tội bọn chúng trên báo chí, trên báo chí, mọi người hiểu điều tôi muốn nói chứ? Với việc làm này, bọn họ và rõ ràng còn có cả hai, ba người bên Henry đã tự đặt mình lên trên luật pháp. Thề trước Chúa chúng ta sẽ truy tìm ra chúng. Mọi chuyện đã quá rối rắm rồi, tôi không muốn có thêm một người nào bên đó dính líu vào vụ rò rỉ này nữa. Đó là lý do tại sao - John, anh không nên loại trừ trường hợp người của Henry dính líu vào đây. Phải xem còn có kẻ nào vẫn đang làm việc trong chính phủ này hay không. Tôi giao vụ Ellsberg cho anh đấy. Tôi không hứng thú mấy với việc vạch mặt một người, kết tội hắn rồi tự bịt miệng mình.

Nói thật, tôi muốn phơi bày câu chuyện này ra hơn, mọi người đều hiểu chứ? Thậm chí cả câu chuyện về Ellsberg. Tôi không chắc là tôi muốn hắn ta bị xét xử, luận tội - nhưng phải làm thế bởi vì hắn ta đã thừa nhận hết rồi…

Về việc còn lại, tôi cảm thấy giờ là thời điểm rất tốt để anh đi bước tiếp theo, hé ra các thông tin mật và tất cả những gì khác nữa có thể chứng minh tội tày trời của những thằng cha này. Còn phần tôi… rất nóng lòng xem người ta kết tội Ellsberg. Cứ thế.

Mitchell: Đúng vậy, tôi hoàn toàn đồng ý.

Tuy nhiên, Tổng thống cũng không thực sự nghĩ cả vị Bộ trưởng Tư pháp lẫn Bộ Tư pháp thích hợp với công việc ngài đang yêu cầu. Vào ngày 1-7-1971, một ngày sau khi Toà án tối cao đã gỡ bỏ hạn chế xuất bản các tài liệu mật, một ngày sau khi Nhà Trắng đã nhận ra là vấn đề của tôi không thể đơn giản chỉ giải quyết bằng một phiên toà, Tổng thống đã nói với Haldeman:

"Thực ra mà nói, tôi cho là nếu Mitchell thôi làm Bộ trưởng Tư pháp(136) (để chuyển sang chỉ đạo chiến dịch tranh cử), chúng ta sẽ có thuận lợi hơn … John không phải là một luật sư bình thường. Anh ta giỏi và rất mạnh. Để anh ta làm những công việc không hay này thật là không phải, nhưng cần phải làm. Chúng ta sẽ phải đánh trận này…

Trước đó Nixon đã đưa ra với Haldeman, Colson và Ehrlichman yêu cầu của ông "tìm một nhân viên Nhà Trắng(137) tập trung hoàn toàn vào hai công việc". Hai công việc đó, trước tiên, là để lộ các tin xấu về các chính quyền tiền nhiệm thuộc Đảng Cộng hoà, đặc biệt về chính quyền Kennedy, nhưng cũng sẽ quay ngược trở lại thời của FDR và sự kiện Trân Châu Cảng ("Chúng ta đều hiểu ông ta đã biết trước(138) mọi việc sẽ xảy ra như thế nào nhưng ông ta lại cố tình tỏ ra như không"). "Hãy khuấy động không khí một chút… Mọi người sẽ tạm quên đi Việt Nam . Họ sẽ nghĩ ngợi về quá khứ mà tạm quên các vấn đề hiện tại Công việc thứ hai là tiết lộ các thông tin về cá nhân tôi.

Tổng thống: Chúng ta đã dập tắt được vụ (Algerl Hiss(139) trên báo chí. Chúng ta làm được. Tôi đã phải tung tin lên khắp các báo… Chúng ta thắng ở ngay trên mặt báo. John Mitchell khó mà hiểu được một việc như thế này. Anh ta là một luật sư tử tế. Khó mà hiểu được. John Ehrlichman sẽ gặp một số khó khăn đấy. Nhưng điều tôi muốn nói ở đây là chúng ta cần phải xây dựng một chương trình, một chương trình tiết lộ thông tin. Chúng ta sẽ mượn báo chí để tiêu diệt bọn này … Đây là một cuộc chơi. Phải chơi trên mặt báo. Đó là lý do Mitchell không chơi được trận này. Anh ta không thể.

Haldeman: Sẽ phải tìm một người Tổng thống có thể thực sự tin cậy, bởi vì người này sẽ phải…

Tổng thống: Không để lại dấu vết gì tại Nhà Trắng…

Trong các cuộc đàm thoại này, Colson nhiều lần đề cử "một người ở bên ngoài(140) có năng lực và khuynh hướng tư tưởng có khả năng thực hiện tất cả các nhiệm vụ này … Một người sắt đá… Anh ta vừa mới ra khỏi CIA… Tên là Howard Hunt". Từ các cuộc nói chuyến điện thoại với Hunt vào lúc trước mà Colson đã bí mật ghi âm lại và sao chụp, ông ta rút ra: "Về mặt tư tưởng, Hunt hoàn toàn đồng ý phải xây dựng một kế hoạch lớn". Cũng trong cuộc điện đàm đó, Colson đã hỏi nhận xét của Hunt về tôi:

"Anh có nghĩ anh ta(141) hành động đơn độc không?"

Hunt trả lời: "Tôi cho là như thế, nếu không tính đến giới Đông phương chắc chắn đã giúp đỡ và hậu thuẫn anh ta". Được hỏi về việc xét xử tôi, Hunt nói: "Tôi muốn gã này phải bị treo cổ nếu việc ấy có lợi cho chính quyền".

Trong một thông báo gửi cho Haldeman, giới thiệu Hunt, ông ta đã nhắc đến: "Tôi đã quên không nói(142) với anh rằng Hunt là quân sư của CIA trong vụ Vịnh Con Lợn". Một lời giới thiệu việc làm kỳ lạ - như thể ông ta đã đoán biết tác động của nó - nhưng thực chất lại rất hiệu quả. Hunt được nhận việc vào ngày 7-7. Tuy nhiên theo Nixon, lý do quyết định tuyển Hunt lại chính là câu nói tiếp sau của Colson, "Anh ta nói với tôi từ rất lâu rồi rằng nếu sự thật được phơi bày ra, Kennedy hẳn đã bị mất mặt".

Tờ Thời báo đã đăng tải loạt bài về vụ đảo chính Diệm ngay trong số báo đầu tiên sau khi Toà án Tối cao thu hồi lệnh đình chỉ xuất bản. Tổng thống vẫn thấy rằng, chừng đó còn chưa đủ để phơi bày thực chất của chính quyền Kennedy. Hunt được giao nhiệm vụ lục tìm trong đống hồ sơ của Bộ Ngoại giao và CIA những bức điện tín theo kênh không chính thức được xếp vào loại tối mật mà tờ Thời báo vẫn chưa nắm được và qua đó "chỉ ra sự dính líu trực tiếp"(143) của Tổng thống Kennedy vào vụ ám sát Diệm. Không tìm được thông tin nào. Hunt cho rằng các hồ sơ này đã bị xoá sạch. Colson khi đó khuyến khích Hunt "nâng cấp các hồ sơ sẵn có bằng cách làm giả các bức điện gây bất lợi nhiều hơn cho Tổng thống Kennedy. Với những ngón nghề có được sau thời gian làm việc ở CIA của mình, anh ta làm giả hai điện tín và Colson định sắp xếp cho Hunt trao chúng cho một tay phóng viên tờ tạp chí Life. Tay phóng viên này tỏ ra đặc biệt thích thú và tỏ ý muốn đăng lại trên tạp chí Life. Tuy nhiên Hunt đã cảnh báo với Colson rằng nếu bị thẩm định, tài liệu giả đấy sẽ không đứng vững được. Lúc đấy Hunt vẫn chưa làm giả được kiểu giấy in của Nhà Trắng, và "sau vụ Alger Hiss, mọi người đều thận trọng hơn với các tài liệu đánh máy". Vì thế không có bài báo nào lên trang và những tài liệu giả mạo đó nằm lại trong két an toàn của Hunt tại Nhà Trắng cho mãi tới vụ đột nhập vào khách sạn Watergate.

Mặc dù vẫn còn nằm trong danh sách hưởng lương của Colson nhưng từ ngày 17-7, Hunt đã được thuyên chuyển sang một đơn vị điều tra đặc biệt (SIU), do Tổng thống thành lập và trực tiếp giao nhiệm vụ thông qua Cố vấn đối nội, John Ehrlichman. Đứng đầu SIU là Egil Krogh, một trợ tá cho Ehrlichman, David Young, trợ tá cho Kissinger, người sẽ giám sát các hoạt động của Hunt và G. Gordon Liddy, một cựu nhân viên FBI. Nhóm này được lịch sử biết đến với cái tên là "Thợ sửa ống nước Nhà Trắng" do một chuyện đùa của nhóm. Một người họ hàng của David Young sau khi đọc trên tờ Thời báo nói rằng Young đang "vá víu" các rò rỉ tại Nhà Trắng đã nói: "Ông nội sẽ tự hào về cậu cho xem(144)… ông là thợ sửa ống nước mà". Từ đó Young đem treo trước cửa căn phòng số 16 trên căn gác của Toà nhà Văn phòng Hành chính, nơi làm việc tuyệt đối bí mật, lẽ ra không biển hiệu của họ, một tấm biển có ghi ông Young. Thợ sửa ống nước.

Sở dĩ họ mỉa mai tự gọi mình là "thợ sửa ống nước" vì chức năng chính của nhóm này là thực hiện chương trình rò rỉ kép như Tổng thống yêu cầu. Vì thế công việc đầu tiên của Hunt là công bố các bức điện tín bí mật - mà thực chất là "nâng cấp" hoặc làm giả chúng - có liên quan đến Tổng thống Kennedy và Diệm. Lần đầu tiên ông ta sử dụng những lốt nguỵ trang và những bằng chứng giả do CIA cung cấp là trong cuộc điều tra lén lút về trách nhiệm của Ted Kennedy trong tai nạn tại Chappaquiddick, và hiển nhiên kết quả điều tra sẽ được tiết lộ ra ngoài nhằm hoặc thao túng hoặc gây áp lực với Kennedy. Nhiệm vụ thứ hai, thu thập thông tin, vẫn theo một cách có phần lén lút, về bản thân tôi và rồi sẽ lại tiết lộ các thông tin đó ra.

Đây chính là những mục tiêu được vạch ra trong một thông báo của Hunt gửi Colson vào ngày 28-7-1972.

Bản ghi nhớ này chỉ được công khai gần hai năm sau đó nhờ một cuộc thẩm vấn trong phòng xử án của chúng tôi. Tiêu đề của bản ghi nhớ đó là "Trung lập hoá Ellsberg". Mở đầu Hunt viết: "Tôi đề nghị có một khung kế hoạch hành động, mục đích xây dựng tập hồ sơ về Ellsberg, trong đó có chứa tất cả các thông tin công khai, bí mật và những thông tin nhạy cảm với uy tín của Ellsberg. Đây sẽ là công cụ cơ bản quyết định sẽ dùng cách nào nhằm huỷ hoại hình ảnh của ông ta trước công chúng và hạ thấp uy tín của ông ta".

Tiếp theo đó là một danh sách tám "đề mục" được đặt tên là "mong muốn", qua đó xác định những nguồn thông tin có thể sẽ hữu ích, rất đa dạng, bao gồm từ các tài liệu đã được xử lý thông tin mật đến các cuộc phỏng vấn với vợ cũ của tôi, các đồng nghiệp cũ tại Rand và ISA. Hai trong số các mục này là "Yêu cầu CIA bí mật tiến hành đánh giá tâm lý với Ellsberg" và, như một điềm báo, "Thu thập hồ sơ về Ellsberg từ những phân tích bệnh tâm thần của anh ta".

Khuyến nghị cuối cùng này đã dẫn đến vụ đột nhập vào văn phòng bác sỹ phân tâm trước của tôi tại Beverly Hill, ông Lewis Fielding. Có lý do hầu hết mọi người coi đề nghị cuối cùng này cùng với việc thu nhận Howard Hunt là sự mở đầu cho quá trình lụn bại của chính quyền Nixon. Tuy nhiên chưa có mấy người phán đoán chính xác các động cơ đằng sau haỉ hành động trên và phần lớn các phán đoán đều đi quá xa. Có độ tin cậy nhiều nhất là phát biểu của Egil Krogh về mục tiêu hoạt động của SIU và vụ đột nhập vào văn phòng của Fielding.

Ông này là người phụ trách SIU nhưng đồng thời cũng là người duy nhất luôn thành thực, thẳng thắn. Ông đã khai nhận trước mặt thẩm phán Gerhart Gesell tại toà(145) tội chỉ đạo vụ đột nhập vào nhà Fielding, trình bày các mục đích của vụ trộm và ý định sử dụng thông tin thu được sau đó. "Chúng tôi vạch ra rất nhiều mục tiêu cho chiến dịch này". Một trong số đó là đánh giá khả năng bị truy tố ra toà có khiến Tiến sĩ Ellsberg tiết lộ thêm nữa những tài liệu mật không, hay nếu không thì ông ta sẽ im lặng".

Điều này có vẻ không hợp lý nếu đặt ngoài bối cảnh cuộc thảo luận giữa Kissinger và Tổng thống ngày 27-7, một ngày trước khi Hunt thảo ra kế hoạch cho một cuộc điều tra ngoài luật nhằm "trung lập hoá Ellsberg":

Kissinger: Tôi cho là Mitchell nên hoãn lại(146) việc xét xử Ellsberg cho đến khi chúng ta dù bằng cách này hay cách khác khép lại được cuộc chiến tranh Việt Nam . Bởi vì tên khốn kiếp ấy. Đầu tiên, tôi cứ hy vọng - Tôi biết hắn khá rõ… Tôi chắc chắn rằng hắn ta vẫn còn giấu giếm thông tin khác nữa….Tôi cược là hắn ta ém lại cho phiên toà. Vì hắn có trong tay các bằng chứng về tội ác chiến tranh của Mỹ. Tôi không biết, nhưng tôi có cảm giác như thế.

Tổng thống: Được.

Kissinger: Hắn ta sẽ hành động như vậy.

Tổng thống: Hoãn lại ư, phiên toà này…

Kissinger: Thứ hai, chờ khi chúng ta chấm dứt được cuộc chiến này, chúng ta sẽ trút hết lên Ellsberg. Chúng ta sẽ ở thế mạnh hơn - và không ai buồn nhớ gì đến tội ác chiến tranh nữa. Ellsberg, đồ bỉ ổi!

Trước mặt thẩm phán Gesel vào tháng giêng năm 1974, Krogh khai nhận là các "mục đích tiềm năng" của thông tin thu được từ vụ đột nhập rất "đa dạng".

"Đương nhiên mục tiêu hàng đầu(147) là ngăn chặn tiến sĩ Ellsberg tiếp tục tiết lộ các thông tin khác và loại trừ bất cứ bộ máy phục vụ việc tiết lộ thông tin có thể đã được thành lập. Chúng tôi, đặc biệt là E. Howard Hunt, cũng cho rằng thông tin loại này có thể có tác dụng buộc Tiến sĩ Ellsberg phải tự mình khai. ra những ý đồ thực sự của ông ta. Cuối cùng, trọng tâm của quá trình điều tra lúc đó đang được tiến hành là khả năng sử dụng các thông tin này hạ thấp uy tín của một người phát ngôn cho phong trào phản đối chiến tranh".

Krogh, trong một lời khai khác đã nói rõ hơn về mục tiêu cuối cùng này. Trái với phỏng đoán trong gần như tất cả các tường trình từ trước tới giờ, ông ta không coi nó là mục tiêu tối quan trọng:

"Việc hạ thấp uy tín của Tiến sĩ Ellsberg sẽ có tác dụng làm chùn chân những kẻ khác định bắt chước ông ta. Nó cũng sẽ hạn chế khả năng của ông ta kích động tinh thần chống đối chính sách Việt Nam mà Tổng thống Nixon đã lựa chọn. Sự tự do của Tổng thống theo đuổi chính sách đối ngoại mình đã lựa chọn được coi là cốt tử của An ninh quốc gia.

Do đó, một trong các mục tiêu đặt ra cho SIU và vụ đột nhập là thu thập tin tức phục vụ nhiệm vụ Nixon đã giao phó cho Mitchell, Colson, và Hunt: tung ra dư luận các thông tin đó và "mượn báo chí để kết tội (tôi)". Tuy nhiên, theo lời Egil Krogh (sau này ông ta khẳng định với tôi như thế), đây không là mục đích chính của tất cả các nỗ lực nhằm vào tôi và kể cả của cuộc đột nhập riêng rẽ vào văn phòng bác sĩ phân tâm cũ của tôi.

Trong một lời khai vào năm 1974 của Krogh, ông ta nhớ lại:

"Tôi nhớ rằng nhiệm vụ của tôi là tập trung vào việc ngăn chặn những tiết lộ mới của Ellsberg và triệt tiêu bất cứ bộ máy nào ông ta có thể đã dựng lên để phục vụ ý đồ này của mình. Theo như tôi hiểu thì đây là nhiệm vụ trung tâm được giao phó cho đơn vị chúng tôi".

Cũng không có gì là hoang tưởng khi cả Tổng thống Nixon và Henry Kissinger đều nghi ngại tôi sẽ đưa ra các tài liệu tối mật khác đe doạ đến chính sách Việt Nam của họ. Cứ dựa vào những gì Thượng nghị sỹ Mathias đã nói với Kissinger - nhưng ông ta lại không để họ nhìn thấy tận mắt bất cứ tài liệu nào - cả hai người đều cho rằng tôi đang nắm giữ những tài liệu mật về Việt Nam, lấy được từ NSC, và tôi vẫn chưa hề công bố. Nixon và Kissinger không biết đó chỉ là những tài liệu chính tôi đã soạn ra (theo yêu cầu của Nixon), đã sao chụp và chuyện về Rand, cho nên giả định duy nhất của họ chỉ có thể là tôi đã nhận tài liệu từ một ai đó từng làm việc tại NSC vào năm 1969, hoặc có thể người này vẫn còn làm việc tại đây và vẫn có khả năng trao cho tôi những tài liệu khác. Thậm chí cho dù về sau người này có ra khỏi NSC, các kế hoạch cũng vẫn đã được vạch ra từ năm 1969, chi tiết với từng bước leo thang là chỗ dựa nhằm bí mật đe doạ Hà Nội, và những hành động leo thang đã và sẽ được thực hiện, trong thời gian từ năm 1969 đến năm 1971. Những kế hoạch dự phòng(148), sự đe doạ, và nhiều đợt leo thang chiến tranh tại Campuchia và Lào, tất cả đều được giữ kín - không nhằm che giấu chính quyền Hà Nội hay các nước đồng minh Cộng sản, mà chính Quốc hội và dư luận Mỹ - chính bởi vì nếu công khai, theo dự đoán bất ngờ sâu sắc của Krogh, sẽ đe doạ đến điều mà Nhà Trắng coi là "cốt tử của an ninh quốc gia": "Sự tự do của Tổng thống theo đuổi chính sách đối ngoại mình đã lựa chọn".

Tôi không cho rằng Nixon đã thực sự nghĩ tôi chính là mối đe doạ với "an ninh quốc gia", nếu bốn chữ đó được định nghĩa đúng như nó phải thế. Với tất cả khả năng của mình, tôi đe doạ công khai một chiến lược mà nếu tất cả mọi người đều hiểu đúng về nó, nền dân chủ của chúng ta có thể sẽ không cho phép Tổng thống tự do không e ngại điều gì theo đuổi chiến lược này.

Vẫn còn đó một câu hỏi, thông tin thu thập được từ văn phòng bác sĩ phân tâm sẽ có ích gì với kế hoạch "ngăn chặn các tiết lộ mới"? Tôi mới chỉ mập mờ hiểu điều đó, cho mãi đến năm 1975 khi Taylor Branch, phóng viên và là người gần đây đã nhận giải thưởng văn học Pulitzer viết về tiểu sử Martin Luther King Jr, cho tôi biết câu trả lời. Trong năm đó, Branch và một đồng nghiệp của mình, George Crile đã phỏng vấn một số người Cuba có liên hệ với Howard Hunt qua một loạt các kế hoạch phiêu lưu, bắt đầu từ vụ Vịnh Con Lợn. Có Eugenio Martinez và Bemard Barker, cả hai đều đã tham gia vào vụ trộm tại nhà bác sĩ Fielding, và sau đó là khách sạn Watergate (và trong cả một âm mưu ám sát tôi vào năm 1972, tôi sẽ kể lại chi tiết trong chương sau). Họ cho Branch hay rằng, trong năm 1971 họ có nhiệm vụ tìm kiếm các thông tin cá nhân mà tôi không muốn tiết lộ, dựa vào đó gây áp lực buộc tôi khai ra những bí mật vẫn còn nắm giữ có thể ảnh hưởng đến An ninh quốc gia. Họ không biết những bí mật đó là gì, chỉ biết rằng tôi là "kẻ phản quốc".

Cũng với mục đích này, họ còn được giao tìm hiểu về chính bác sĩ Fielding trong hồ sơ cá nhân của ông, làm thế nào khiến ông thay đổi quyết định và cung cấp cho FBI các thông tin của tôi. Biết như vậy, tôi cảm thấy vỡ lẽ ra nhiều so với giả định ngây thơ rằng các bệnh án viết tay của bác sĩ phân tâm lại có chứa các thông tin SIU cần đến. Buộc chính vị bác sĩ phân tích tâm lý ấy nói về bệnh nhân của mình có lẽ còn hiệu quả hơn nhiều. Thực chất, Barker đã trả lời phỏng vấn tờ Harper's rằng sau khi xem xét báo cáo nộp thuế thu nhập của Fielding, anh ta "cảm thấy hình như vị bác sĩ tử tế này lại không hoàn thành đầy đủ nghĩa vụ thuế". Ngoài ra, song song với tìm kiếm thông tin về tôi, bọn họ còn nghiên cứu về vợ và các con tôi, mục đích không gì khác ngoài thao túng tôi.

Tất cả những việc này, đương nhiên không loại trừ kế hoạch công bố các thông tin hoặc do Fielding cung cấp hoặc tìm thấy qua hồ sơ bệnh án của ông. Công việc có thể sẽ do chính Colson thực hiện (như trong một ghi nhớ của SIU vào thời điểm đó). Tuy nhiên, nhìn vào những gì Krog cho là chức năng của SIU, sẽ hợp lý hơn nếu thấy khả năng tiết lộ thông tin là rất ít so với hành động đe doạ sẽ tiết lộ. Branch cho hay là một số các kế hoạch chi tiết khác cũng đã được thảo luận. Đứng trước nguy cơ các thông tin nhạy cảm của mình bị lộ ra ngoài, ít nhất tôi cũng sẽ chùn chân. Thậm chí họ còn hy vọng tôi bỏ đi sống lưu vong, ở Cuba , hay Algeria , như gương của Eldridge Cleaver hoặc Timothy Leary, hoặc khiến tôi tự sát (là điều FBI mong mỏi nhất khi họ gửi đến cho Martin Luther King. Jr cuốn băng nghe trộm các cuộc phiêu lưu tình ái của ông). Tôi hiểu rõ con người mình khi đó, và biết chắc rằng không gì có thể thao túng được tôi. Nhưng nếu họ có hy vọng thì cũng chẳng có gì là vô lý. Không gì là chắc chắn cả, Nhà Trắng đã chợt nhận ra nguy cơ đó với chính sách chiến tranh họ đang bí mật tiến hành nếu nó bị tiết lộ.

Chú thích:

(106) "Theo dư luận" - Tổng thống và Kissinger, 15:09, 13 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục. Cục hồ sơ An ninh quốc gia.

(107) "Lào và Campuchia" - sđd.

(108) "Thưa Tổng thống, thưa ngài Bộ trưởng Tư pháp" - Tổng thống và Ehrlichman, 19:13, 14 tháng 6, 1971, Điện đàm Phòng Bầu Dục. Cục hồ sơ An ninh quốc gia.

(109) "Lời cảnh cáo sơ bộ" - Tổng thống và Mitchell, 19:19, 14 tháng 6, 1971, điện đàm Phòng Bầu Dục. Cục hồ sơ An ninh quốc gia.

(110) "Lệnh của toà án chỉ" - Tổng thống, Haldeman và Ziegler, 10:39, 16 tháng 6, 1971, hội thoại Phòng Bầu Dục 522-2.

(111) "mớ tài liệu dính dáng tới Kennedy" - Tổng thống và Ziegler, 24:59, 16 tháng 6, 1971, hội thoại Phòng Bầu Dục 522-7.

(112) Tổng thống, Kissinger, Ehrlichman và Haldeman, 17:15, 17 tháng 7, 1971, hội thoại Phòng Bầu Dục 525-1.

(113) Sau khi Kissinger đi khỏi: Tổng thống nói chuyện với Colson, 18:21, 17 tháng 7, 1971, Biên bản điện đàm Nhà Trắng, Phòng Bầu Dục 525-1.

(114) "Đơn giản chúng ta không thể cho phép" - Tổng thống và Colson, 18:21, 15 tháng 7, 1971, điện đàm Phòng Bầu Dục, Cục hồ sơ An ninh quốc gia.

(115) "… có một bức hình lớn" - Tổng thống, Haldeman, Ehrlichman và Mitchell, 17:09, 22 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục.

(116) "Tôi buộc phải làm như vậy" - Trích lại trong Ungar, 186

(117) "tốt nhất là" - Tổng thống, Haldeman và Ziegler, 9:38, 24 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 5.

(118) "Quỷ tha ma bắt, phải tống một tên nào đó vào từ" - Tổng thống và Haldeman, 9:56 sáng, 15 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục.

(119) "Có cách nào" - Tổng thống, Mitchell và Ziegler, 15:45, 15 tháng 6, 1971, hội thoại Phòng Bầu Dục, 521-9.

(120) "Tại sao FBI chưa" - Tổng thống, Ziegler và Haldeman, 14:42, 17 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục.

(121) "Tổng thống, ngài cần phải mạnh tay" - Tổng thống, Kissinger và Ziegler, 22:39, 15 tháng 6, 1971, hội thoại Phòng Bầu Dục 520-4.

(122) "Có những lý do đặc biệt" - Liên quan tới các rò rỉ về Campuchia, Lào hoặc chiến dịch Thực đơn, xem Tổng thống, Haig và Kissinger, 14 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục; Tổng thống và Haldeman, 23:04, 23 tháng 6, Phòng Bầu Dục; Tổng thống và Kissinger, 30 tháng 6, Phòng Bầu Dục; Tổng thống và Haldeman, 8:45, 1 tháng 7, Phòng Bầu Dục; Tổng thống và Ehrlichman, 10:58, 8 tháng 10, Phòng Bầu Dục.

(123) "Bất cứ khi nào" - Tổng thống và Kissinger, 15:09, 23 tháng 6, 1971, điện đàm Phòng Bầu Dục.

(124) "Một chính phủ được lòng dân" - Foerstel, tr. 11, trích dẫn Các bài viết của James Madison, 9, chủ biên Gaillard Hunt (New York: NXB Putnam, 1900-10), trang 103

(125) "Cậu không phản đối" - Tổng thống, Mitchell và Kissinger, 14:55, 23 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 6.

(126) "hàng xệp tài liệu" - Tổng thống và Kissinger, 14:31, 13 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục.

(127) "Lúc trước", "Tại sao ông ta không hề đề cập tới" - Tổng thống, Mitchell và Kissinger, 14:55, 30 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục.

(128) "Daniel Ellsberg là kẻ nguy hiểm nhất" - trích trong Hersh, tr. 385.

(129) "Đã đến lúc phải hành động" - trích trong sđd, trang 330.

(130) "Nhưng ở đây rất an toàn" - Tổng thống và Kissinger, 14:31, 23 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục.

(131) "Việc khó là" - Tổng thống, Haldeman, Colson và Ehrlichman, 10:28, 1 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 10.

(132) "Mathias vẫn đang chơi trò mèo vờn chuột" - Tổng thống, Mitchell, Ehrlichman và Haldeman, 11: 47, 6 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục (trích Hồ sơ Đội chuyện trách khởi tố đặc biệt vụ Watergate, hội thoại 538-015, băng ghi âm Nhà Trắng).

(133) "cái trò trẻ con" - Tổng thống và Ehrlichman, 11:09, 20 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục.

(134) "Ellsberg đã như thế" - Tổng thống, Mitchell, Ehrlichman và Haldeman, 11:47, 6 tháng 6, 1971.

(135) "Vấn đề Mathias" - sđd.

(136) "Thực ra mà nói, nếu Mitchell thôi" - Tổng thống, Haldeman và Colson, 9:15, 2 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 5.

(137) "một nhân viên Nhà Trắng" - Tổng thống, Haldeman, Colson và Ehrlichman, 10:28, 1 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 10.

(138) "Chúng ta đều hiểu, ông ta đã biết trước" - Tổng thống và Haldeman, 15:09, 14 tháng 6, 1971, Phòng Bầu Dục. Cục hồ sơ An ninh quốc gia.

(139) "… chúng ta đã dập tắt vụ "Algerl Hiss" - Tổng thống, Haldeman và Kissinger, 8:45, 1 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 7.

(140) "một người ở bên ngoài" - Tổng thống, Haldeman, Colson và Ehrli(.hman, 10:28, 1 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 13.

(141) "Anh có nghĩ anh ta" - Biên bản điện đàm của Charles Colson với Howard Hunt, 1 tháng 7, 1971, Tài liệu Watergate, hồ sơ riêng của tác giả.

(142) "Tôi đã quên" - Thông báo của Charles Colson gửi H. R. H. Trả lời: Howard Hunt, 2 tháng 7, 1971, sđd.

(143) "chỉ ra sự dính líu trực tiếp" - Biên bản cuộc điều trần của E. Howard Hunt trước Đại bồi thẩm đoàn, 2 tháng 5, 1973, sđd.

(144) "Ông nội sẽ tự hào về cậu" - trích trong Lukas, trang 101-2.

(145) ông đã khai nhận trước mặt Thẩm phán Gerhart Gesell tại toà: Lời khai trước Toà án Tiền kết án, 22 tháng 1, 1974. Nathaniel Akerman cung cấp.

(146) "Tôi cho là Mitchell nên" - Tổng thống và Kissinger, 14:20, 27 tháng 7, 1971, Phòng Bầu Dục.

(147) "Đương nhiên, mục tiêu hàng đầu là"; "Làm Ellsberg mất uy tín"; "Tôi nhớ rằng" - Lời khai trước Toà án Tiền kết án.

(148) Liên quan tới các rò rỉ về kế hoạch dự phòng, bao gồm kế hoạch phong toả Hải Phòng và ném bom các kênh đào: Tổng thống và Kissinger, 13 tháng 6, 15 tháng 6, 30 tháng 6, 1971; Tổng thống, Kissinger và Haldeman, 30 tháng 6, 1971 .

CHƯƠNG 32

Ngày 27-4-1973, mở màn ngày xét xử thứ tám mươi Anthony Russo và tôi, thẩm phán Mathew Byrne chuyển cho bên bị cáo một bản ghi nhớ nhận từ Bộ Tư pháp ngày hôm trước. Ghi nhớ này đề ngày 16-4 của công tố viên trong vụ Watergate, Earl Silbert gửi cho trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Henry E. Petersen. Ghi nhớ mở đầu:

"Tôi xin thông báo rằng ngày chủ nhật, 15-4-1973, tôi nhận được tin vào một thời gian chưa xác định, Gordon Liddy và Howard Hunt đã đột nhập vào văn phòng bác sĩ tâm thần của Daniel Ellsberg tìm kiếm bệnh án của ông ta" .

Nhân lúc không có mặt bồi thẩm đoàn, các nhà báo được thông báo nội dung bức điện này. Họ ngay lập tức đổ xô đến bên các máy điện thoại ngoài hành lang. Đây là lần đầu tiên tôi nhìn thấy các phóng viên ngoài đời chạy đua để đưa tin, giống hệt trong các bộ phim ngày trước. Như lời một nhà báo, họ đang phác ra trong đầu những hàng tít trên trang nhất như là "Vụ Watergate "so găng" với vụ Hồ sơ Lầu Năm Góc ".

Dư luận và báo giới cũng đã biết đến Hunt và Liddy, dù không thật nhiều bằng thời gian hai tuần cuối cùng của phiên toà của chúng tôi khi vai trò của họ trong vụ đột nhập tại khách sạn Watergate bị phanh phui. Cũng như thế với ba người Mỹ gốc Cuba, tất cả đều là các cựu chiến binh trong cuộc chiến Vịnh Con Lợn và là "những tài sản" của CIA kể từ cuộc chiến tranh đó. Ba người đó nhanh chóng bị phát giác đột nhập vào văn phòng bác sỹ Fielding theo sự chỉ đạo của Hunt và Liddy.

Bemard Barker và Eugenio Martinez bị bắt giữ ngay tại văn phòng của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ ở khách sạn Watergate trong ngày 17--7-1972. (Còn lại Felipe de Diego, anh ta cũng tham gia vào vụ trộm hồi tháng Năm tại khách sạn này). Cả Hunt, Barker và Martinez đều đã nhận tội, còn Liddy đã bị buộc tội đột nhập vào Watergate tại phiên toà tháng 3-1973 diễn ra ở Washington, một tháng trước khi có tuyên bố của thẩm phán Byrne về vụ án của tôi. Nhà Trắng liên tiếp chối bỏ bất kỳ liên hệ nào với một "vụ trộm hạng bét" kiểu như thế này, còn các bị cáo cũng không hề biết một dây liên lạc nào tới cấp cao hơn hay những vi phạm khác nữa, kể cả khi phải trả lời và đã tuyên thệ trước Đại bồi thẩm đoàn và được hưởng quyền miễn trừ truy tố.

Giả thuyết được Silbert đưa ra về vụ trộm tại khách sạn Watergate là Liddy đã thuê Hunt và bốn người bị bắt tại khách sạn để giải quyết "công chuyện riêng" của ông ta. Liddy trước là một nhân viên của FBI, còn hiện giờ là cố vấn pháp lý của CREEP, Uỷ ban tái cử tổng thống (Nixon). Tuy nhiên thẩm phán Byrne không đồng tình với cách giải thích như vậy, bởi vì trong vật dụng cá nhân của những tên trộm này thấy ghi chép địa chỉ văn phòng làm việc của Hunt ở Toà nhà Văn phòng Hành pháp. Hơn nữa, ông ta cùng tất cả những người liên quan khác, trừ Liddy ra đều là nhân viên hoặc chính thức hoặc hợp đồng của CIA. Nghi ngờ là vậy, nhưng thẩm phán vẫn không dám chắc chắn cho mãi đến khi bị cáo James McCord, từng là một nhân viên an ninh cao cấp của CIA đã chuyển sang làm việc cho CREEP, gửi lên cho ông một tin nhắn trước giờ luận tội, báo cho thẩm phán hay rằng có người đã khai man trước toà và còn có nhiều người khác tham gia chỉ đạo vụ trộm tại Watergate. Tuy nhiên, McCord cũng không hay biết gì về liên can của Nhà Trắng.

Sau khi đọc bức thư của Silbert, thẩm phán Byrne yêu cầu công tố viên nhanh chóng trao cho ông trả lời của chính phủ về một loạt các nghi vấn, như là "Hunt và Liddy tiến hành vụ trộm với tư cách là các nhân viên của chính phủ? Vụ trộm do ai dàn dựng?"

Thứ hai, ngày 30 tháng tư, thẩm phán Byrne nhận được báo cáo của FBI về cuộc phỏng vấn mới ngày 27-4 với John Ehrlichman, qua đó công khai sự tồn tại của đơn vị điều tra đặc biệt, "Nhóm thợ sửa ống nước" mà Ehrlichman quản lý và nhận lệnh từ Tổng thống. Câu hỏi đầu tiên của thẩm phán Byrne đã được trả lời: Hunt và Liddy, làm việc cho Nhà Trắng, đang theo đuổi một kế hoạch nhắm chủ yếu vào tôi. Kế hoạch này bắt đầu theo yêu cầu của Tổng thống, không lâu sau khi tôi bị buộc tội. Hai người đã dàn dựng đột nhập văn phòng vị bác sĩ phân tâm, Lewis Fielding ở Beverly Hills ngày 3--9-1971 trong thời gian nghỉ lễ Ngày Lao động. Đây là lần đầu tiên có những quan chức trong chính quyền - cụ thể là Ehrlichman và Cố vấn pháp lý Nhà Trắng John Dean. Dean đã có những tiết lộ với công tố viên trong ngày 15 tháng tư - công khai thừa nhận sự chỉ đạo của Nhà Trắng đối với một hành vi phạm pháp đã rõ như ban ngày. Ít nhất thì cũng rõ ràng trong mắt tất cả những người (trừ Ehrlichman và Nixon) không nghĩ rằng cái cớ bảo vệ an ninh quốc gia có thể lấp liếm tất cả những nghi vấn về tính hợp pháp của các hành động thực hiện nhân danh chính quyền này.

Tối hôm đó, 30-4, Tổng thống Nixon thông báo Ehrlichman và H. R. Haldeman, Chánh Văn phòng Nhà Trắng - "hai trong số những công chức xuất sắc nhất mà tôi từng biết" - và Richard Kleindienst, quyền Bộ trưởng Tư pháp, ba người ra đi cùng với John Dean.

Bằng chứng về những vi phạm pháp luật và hành động cản trở công lý của Nhà Trắng thay nhau liên tiếp xuất hiện. Hunt phải thêm một lần đứng trước Đại bồi thẩm đoàn. Tại phiên toà của chúng tôi, công tố viên và thẩm phán công bố lời cung khai của ông ta - nhận lúc trước đã khai man. Qua lời khai của Hunt, theo yêu cầu của Ehrlichman, CIA có nhiệm vụ (bất hợp pháp) cung cấp hậu cần cho một mật vụ trong nước, những đạo cụ đại loại như danh tính giả mạo, thiết bị thay đổi giọng nói, để lại dấu giày, camera quay lén, kính, tóc giả và nộp lên Nhà Trắng hai "bệnh án tâm lý". Hunt đề nghị thực hiện vụ trộm tại nhà bác sĩ Fielding, một phần nhằm thu thập dữ liệu cho hai bệnh án này.

Ông ta biết rằng trong quá khứ đã có các bệnh án tương tự đối với mục tiêu nước ngoài như Castro và Tổng thống Indonesia Sukamo. Những việc làm trên đều trái với chức năng pháp lý của CIA. Cơ quan này không được phép tham dự vào các mật vụ, hoạt động cảnh sát, hoạt động tình báo trong nước, kể cả hoạt động phản gián. Tất cả đều thuộc thẩm quyền riêng biệt của FBI.

Cơ quan này cũng chưa từng xây dựng một hồ sơ nào như là một bệnh án tâm lý của một công dân Mỹ (vì biết pháp luật không cho phép). Nhưng Giám đốc Richard Helm ra lệnh phải hết sức kín đáo về nhiệm vụ này nên các nhân viên CIA dù cảm thấy bất an vẫn phải hoàn thành yêu cầu của Nhà Trắng.

Khi được Đại bồi thẩm đoàn hỏi về những vi phạm khác trong kế hoạch của Nhà Trắng, Hunt đã nói đến hai bức điện tín làm giả sự liên luỵ của Tổng thống Kennedy vào vụ ám sát Tổng thống Diệm, do Colson thúc giục ông ta. Cố vấn Nhà Trắng Dean, đang mặc cả với công tố viên để được quyền miễn trừ truy tố trách nhiệm chỉ đạo che đậy vụ Watergate và những vi phạm khác của Nhà Trắng. Sau những tiết lộ với các công tố viên ngày 15-4 về vụ trộm tại văn phòng bác sĩ Fielding, Dean nói đến khả năng những bức điện tín đã bị tiêu huỷ. Khi ông ta lục tìm trong két an toàn của Hunt tại Nhà Trắng, chỉ vài ngày sau sự kiện Watergate, ông ta thấy có hai bức điện tín giả mạo cùng những hồ sơ liên quan đến tôi - hai bệnh án do CIA xây dựng và các thông báo Hunt gửi cho Colson báo cáo về hoạt động tại Nhà Trắng của ông ta. (Trong các thông báo này cũng thấy nói đến cuộc điều tra bí mật đối với Ted Kennedy, trong đó Hunt lần đầu dùng đến những tài liệu nguỵ trang do CIA cung cấp).

Ehrlichman gợi ý Dean tiêu huỷ tất cả những tài liệu này vì chúng sẽ trở nên đặc biệt nhạy cảm (và có thể liên luỵ đến các nhân viên Nhà Trắng, kể cả ông ta) trong một năm bầu cử như năm nay. Đối với các đồ vật lớn hơn tìm thấy trong két an toàn như chiếc cặp đựng đạo cụ nghe lén, Dean có thể phi tang trên đường ông ta trở về nhà đi qua cầu. Dean lại không chịu làm hai việc này, vì hai lý do: Việc đó phạm pháp và đã có rất nhiều người thấy ông ta sở hữu chúng. Ông cho là vì Ehrlichman cũng đi qua con cầu đó trên đường trở về nên Ehrlichman có thể tự mình ném chiếc cặp nếu ông thấy hợp lý. Cuối cùng hai người nhất trí với nhau là nếu cần ai đó tiêu huỷ những vật chứng thì người đó nên là quyền Giám đốc FBI, L. Patrick Gray, một người rất trung thành với Nixon.

Theo lời Gray, họ mời ông tới văn phòng của Ehrlichman rồi trao cho ông hai chiếc phong bì dán kín lấy ra từ két an toàn của Hunt (có những hồ sơ như trên). Dean mô tả đây là những hồ sơ "cực kỳ nhạy cảm và vô cùng bí mật" nằm trong két của Hunt, có thể trở thành những "quả bom tấn chính trị" nhưng không liên quan gì đến vụ Watergate. Ông ta nói: "Không thể đưa chúng vào hồ sơ của FBI và cũng không được phép để chúng lộ ra ngoài. Đây, anh cầm lấy đi". Sau này Gray khai nhận là từ những cảnh báo này Dean, người thay mặt Tổng thống và có sự hiện diện người trợ lý của Ngài, ông suy luận nhiệm vụ của mình là tiêu huỷ các hồ sơ này. Và ông ta đã làm như thế. Nhưng lời khai của Gray lại không nhất quán. Khi thì ông ta nói rằng đã tiêu huỷ chúng tại văn phòng và quẳng vào trong thùng đựng rác đã cháy, lúc lại nói rằng ông ta cất ở nhà rồi đợi mãi sau này mới đốt chúng cùng mớ giấy gói quà Giáng sinh.

Những điều này chỉ nổi lên qua các cuộc thảo luận tại phòng xử án của chúng tôi, giữa quan toà, công tố viên và các luật sư bào chữa, bởi vì các tài liệu liên quan đến tôi đã bị ông giám đốc FBI tiêu huỷ. Giờ đây không thể biết nội dung thực sự hay các liên hệ của chúng với sự kiện khác. Cùng với những tiết lộ ngày 15-4, Dean cũng nói đến những trao đổi này của ông ta với Gray. Sau khi đã thừa nhận trước Quyền Bộ trưởng Tư pháp Kleindienst việc làm của mình, Gray bị buộc thôi chức Quyền Giám đốc FBI. Và ông ta đã từ chức hôm 27-4, là ngày thẩm phán Byrne tiết lộ vụ trộm tại nhà Fielding. Tin tức đưa đi về lý do từ chức của Gray chính là những phanh phui đầu tiên về hành động cản trở công lý có Nhà Trắng hậu thuẫn.

Nhiều người khác cũng nhanh chóng theo chân Gray. Đặc biệt, ngày 27-4, thẩm phán Byrne yêu cầu bên công tố trả lời tại sao lá thư của Silbert về vụ đột nhập văn phòng Fielding đề ngày 16-4, mất mười ngày mới đến được phòng xử án của ông. Hoá ra đích thân Tổng thống đã yêu cầu trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Petersen trì hoãn việc này với lý do bức thư là vấn đề thuộc về "an ninh quốc gia và dựa trên đánh giá của bản thân ông rằng vụ trộm chẳng qua chỉ là "cái giếng cạn", không phát hiện thêm thông tin nào có thể ảnh hưởng tới phiên toà của chúng tôi. Trách nhiệm của Bộ Tư pháp là phải làm ngược lại.

Cả Petersen và bộ trưởng Kleindienst đều hiểu thẩm phán chính là người quyết định. Khi phiên toà của chúng tôi tiếp tục diễn ra và không có bức thư, hai người càng lúc càng lo lắng có thể vì thế mà họ, Tổng thống sẽ bị kết tội cản trở công lý.

Ngày 25-4, Kleindienst nói với Nixon rằng thông báo của Silbert "phải" được chuyển đến cho vị thẩm phán ở Los Angeles. Khi đó thẩm phán sẽ có quyền công bố các thông tin đó qua camera (tức là giữ bí mật trước dư luận và báo chí) và có phiên điều trần kín, xác định những thông tin đó có ảnh hưởng đến phiên toà hay không. Ông cũng có thể yêu cầu các luật sư của Ellsberg không phát biểu công khai về các thông tin hoặc về thủ tục điều trần kín. Nixon nói rằng nếu quan toà nhận được những thông tin này, ông cần phải biết rằng vụ đột nhập là "một cuộc điều tra an ninh quốc gia cực kỳ nhạy cảm". Một giờ sau, Kleindienst báo cáo lại với Nixon là các công tố viên hy vọng sẽ thuyết phục được thẩm phán tạm thời không công khai và hoãn các phiên điều trần đến khi kết thúc vụ án của chúng tôi. Sẽ chỉ tiếp tục nếu có một phán quyết có tội. Nixon đáp lại: "Tốt thôi. Tôi phải nói thêm điều này(149). Tôi không biết anh sẽ trao bức thư này bằng cách nào, nhưng thẩm phán cần biết rằng đây là một cuộc điều tra an ninh quốc gia cực kỳ quan trọng. Thực sự thế, anh biết, tôi biết ". Tổng thống lặp lại là ông muốn rằng các công tố viên cũng hiểu điều này. Ông nói tiếp: "Được rồi. Thế nhé, ngủ ngon, chàng trai(150)…"

Kleindienst : Khoan đã, thưa Tổng thống.

Tổng thống: Chúc anh may mắn. Quỷ quái thật. Người ta bảo sẽ luận tội Tổng thống. Thế mà, bọn họ lại nhằm vào Agnew. Cái quái gì thế nhỉ? (Cười) Ổn cả chứ? Ổn cả chứ?

Kleindienst : Sẽ không có chuyện như thế đâu.

Tổng thống: Được rồi, chàng trai. Sẽ tốt thôi…

Đây có thể là lần đầu khả năng Tổng thống bị luận tội được đề cập tới trong các băng ghi âm. Trong ngày 26, Tổng thống đã gọi điện rất nhiều lần cho Kleindienst để hỏi về quyết định của toà. Ngày 27, Petersen báo cáo tối hôm trước thẩm phán Byrne đã đọc tường trình của công tố viên và "hình như cho rằng những thông tin ông có được từ trước tới giờ đã là đầy đủ. Nhưng ông đổi thái độ chỉ qua một đêm"(151).

Thực ra, do công tố viên phản đối, thẩm phán Byrne đã để cho tôi quyết định. Chiều ngày 26-4, ông cho mời vào phòng xử án tất cả các bị cáo và luật sư bào chữa. Với David R. Nissen, ông nói rằng ông đã đọc hết những nội dung trong phong thư dán kín Nissen trao cho ông và đi đến kết luận ông không nên giữ cho riêng mình những thông tin đó. Ông hỏi Nissen xem anh ta đồng ý chuyển cho bên bị cáo hay không. Nissen trả lời phải hỏi ý kiến cấp trên ở Bộ Tư pháp và đến sáng hôm sau, câu trả lời là không nên. Lúc đấy Byrne mới yêu cầu Tony, tôi và các luật sư của cả hai bên tiến lại gần chỗ ông, tránh để các nhà báo nghe thấy và yêu cầu Nissen phải giao tài liệu đó cho bên bị cáo ông nói rằng chúng tôi có quyền được biết thông tin này và có quyền yêu cầu một cuộc điều trần tương ứng.

Tôi còn nhớ khá rõ giờ phút ấy, đặc biệt bởi vì đó là lần đầu tiên trong vòng hai năm xét xử, ngài thẩm phán nhìn trực diện và trao đổi trực tiếp với tôi. Trước đây, tất cả các thông điệp tới bên bị cáo dcu được chuyển qua các luật sư. Tôi không nhớ là từ trước tới nay có lần nào ông nhìn thẳng vào mắt tôi hay không.

Ông nói với tôi là: "Ông Ellsberg, tôi có lẽ không cần phải công khai thông tin này. Chúng tôi có thể giữ kín nếu ông muốn". Tôi hiểu điều ông ta nói có nghĩa là tôi không muốn để mọi người biết mình đang được điều trị tâm thần (tạp chí Times đã tiết lộ thông tin này cho mọi người, trong đó có Hunt từ hai năm trước).

Tôi đáp lại: "Ngài đang đùa hay sao? Đưa nó ra đây đi!"

Đây là những lời nói đầu tiên của tôi trực tiếp với quan toà kể từ sau tuyên bố tôi vô tội. Rất nhanh chúng tôi thấy cảnh các nhà báo đổ xô đến bên máy điện thoại.

Cứ thế phiên toà tiếp tục. Gần như mỗi ngày lại có thêm một điều ngạc nhiên thú vị, như sự ra đi của Haldeman, Ehrlichman, Kleindienst và Dean vào tối 30-4 và Gray, Quyền Giám đốc FBI ngày 27. Như lời Kissinger viết trong hồi ký, ông ta không thể tránh cái cảm giác Tổng thống "không còn kiểm soát được tình hình nữa". Nhưng không chỉ có Nixon. Trước đó cùng ngày, luật sư của tôi, Charlie Nesson nhận điện thoại của Mort Halperin đang ở Washington. Halperin cho hay trên số báo buổi sáng của tờ Ngôi sao Washington có tin thẩm phán Byrne trước đó vài tuần đã gặp Tổng thống và Ehrlichman tại khu Tây Nhà Trắng ở San Clemente. Tại đây ông được đề nghị chức vụ giám đốc FBI.

Vì Nesson đã báo trước với thẩm phán là ông có thể sẽ đề cập đến bài báo này tại phiên toà, thẩm phán đọc vội vàng một tuyên bố sơ sài, nhận có cuộc gặp nhưng không nhận đã thảo luận về vụ án và cho biết ông đã nói với Ehrlichman sẽ không có công việc nào cả chừng nào vụ án chưa kết thúc. Ngày 30-4, luật sư của chúng tôi yêu cầu ngay lập tức trong ngày hôm sau John Dean và Patrick Gray cùng Hunt và Liddy phải tường trình tại toà về vụ đột nhập vào nhà Fielding. Patrick khai nhận đã tiêu huỷ các tài liệu liên quan đến vụ án của tôi, còn tạp chí Tuần tin tức cho Dean là người đã thông tin cho Silbert. Tuy nhiên, hôm sau, các luật sư bào chữa chuyển sang kiến nghị toà án huỷ bỏ cáo trạng của chúng tôi. Leonard Boudin xoáy vào báo cáo của FBI về Ehrlichman mà chúng tôi mới nhận được sáng hôm đó. Leonard Weinglass, luật sư bào chữa cho Tony Russo phân tích rằng vào lúc "Ehrlichman gặp mặt quý toà này ngày 5-4," hẳn ông ta đã biết "ông ta đang là một phần trong cuộc điều tra về vụ đột nhập này" và "quý toà đang xét xử một vụ án có bị can Ellsberg… Câu hỏi đặt ra là ông Ehrlichman có tính toán gì trong đầu khi gặp quý toà". Ông bình luận hành vi của Ehrlichman "sẽ khiến đề tài kẻ trộm tìm thấy những gì trong văn phòng của Fielding trở nên ít nghĩa lý".

Thẩm phán đã bác kiến nghị huỷ bỏ cáo trạng nhưng lại nói yêu cầu này có thể được xem xét sau. Ông đặc biệt bác bỏ một lý do bãi nại có liên quan đến đề nghị của Ehrlichman và khẳng định ông không vì lời đề nghị đó mà dao động. Ông cũng nói cuộc gặp với Tổng thống chỉ rất ngắn ngủi và vụ án này cũng không được đem ra thảo luận với Nixon hay Ehrlichman.

Một vài ngày sau trong tháng năm, lại vẫn là các nhà báo chứ không phải thẩm phán Byrne tiết lộ rằng ông đã gọi điện cho Ehrlichman yêu cầu một cuộc gặp khác ngày 7-5 tại Santa Monica. Ngài thẩm phán thừa nhận cuộc gặp đã diễn ra nhưng theo lời ông, chỉ để nhắc lại với Ehrlichman ông sẽ không để tâm tới công việc này chừng nào phiên toà chưa kết thúc Ehrlichman phản pháo rằng thẩm phán Byrne, trái lại, tỏ ra khá quan tâm tới công việc trong cả hai lần gặp gỡ. Ông còn bình luận về cách điều hành FBI! Đây là lời bình luận của Weinglass trước một phóng viên: "Trong những ngày diễn ra phiên toà, nếu chúng ta có ai lại đi mời ông Byrne làm việc, chắc sẽ bị tống vào tù".

Tên của Byrne đã được nhắc đến trong các băng ghi âm Nhà Trắng từ cuối tháng ba trong những cuộc thảo luận về các ứng viên cho chức vụ này. Khi ấy Hunt đã bị cáo buộc tham gia vụ trộm tại khách sạn Watergate và đang sắp sửa điều trần trước Đại bồi thẩm đoàn. (Đương nhiên việc này chưa đến tai Byrne). Dù sao ông ta cũng được hưởng quyền miễn trừ truy tố.

Dù đã quyết định chi tiền để Hunt tiếp tục im lặng (sẽ được nói đến sau), Tổng thống vẫn sợ rằng tin tức về vụ Fielding có thể đang lan truyền tới phòng xử án của tôi. Ở đó ngài thẩm phán sẽ cân nhắc có nên truyền đạt thông tin đó cho bị cáo và dư luận hay không. Tin tức báo chí đưa ngày 27-4 dẫn lời các quan chức cấp cao giấu tên trong Bộ Tư pháp khá tức giận với việc làm này của ông. Sau này có người phỏng đoán đây là động cơ các quan chức này tiết lộ câu chuyện về thẩm phán cho tờ Ngôi sao.

Vì sao tội cản trở công lý có phần đóng góp của Nixon? Từ các băng ghi âm và tổng hợp các chứng cứ có thể suy đoán rằng Nixon tự để mình dính líu tới kế hoạch che đậy của Nhà Trắng và hành động cản trở công lý vì cùng một lý do. Kể cả việc ông chi tiền cho các bị cáo khai man và giữ im lặng trước toà ngay từ những ngày đầu họ bị bắt giữ tại khách sạn. Tổng thống không cần phải loại bỏ những mối liên hệ trực tiếp của ông với bản thân vụ Watergate. Không ai trong số những người đã bị bắt, cả Hunt và Liddy, có thể ám chỉ đến Tổng thống hay một ai khác trong Nhà Trắng. Đáng ra mà nói, cho đến tận hôm nay vẫn chưa xuất hiện một bằng chứng hay lời khai nhận nào chứng tỏ Nixon hoặc các quan chức Nhà Trắng đã biết trước về vụ đột nhập ở Watergate ngày 17-7-1972.

Nixon bắt đầu có những can thiệp từ ngày 23-7. Lý do của việc này là không để Howard Hunt khui ra vụ Fielding và hành động phi pháp của nhóm "Thợ sửa ống nước". Mãi sau này tôi mới biết, hoá ra việc đột nhập văn phòng bác sỹ trong tháng 9-1971, dù được biết đến nhiều nhất, không là hành động cuối cùng và nghiêm trọng nhất trong số những hành động phi pháp này. Tám tháng sau, ngày 3-5-1972, nhận được lệnh của Colson qua Hunt và Liddy, Nhà Trắng bí mật đưa mười hai người Mỹ gốc Cuba, "tài sản" của CIA, từ Miann sang Washington. Nhiệm vụ của họ là phá rối cuộc biểu tình có tôi và nhiều người khác đứng phát biểu trên lối vào điện Capitol và gây thương tích cho tôi.

Cuộc biểu tình như đã mô tả, diễn ra năm ngày sau khi Hải Phòng bị ném bom và tài liệu NSSM-1 được thượng nghị sỹ Gravel trao cho các báo. Không rõ kế hoạch làm tôi bị thương có mục đích gì. Tuy nhiên, băng ghi âm Phòng Bầu Dục ngày 2-5 cho thấy Nixon đã biết tôi sẽ lựa chọn thời điểm này công bố NSSM-l. Có lẽ ông đã nghĩ đến nguy cơ tôi sẽ tiết lộ dù là tài liệu nào lấy từ NSC. Nick Akerman, luật sư của Đội chuyện trách khởi tố đặc biệt Watergate (WSPTF) đang tiến hành điều tra tình huống này (anh đã có hơn một trăm cuộc phỏng vấn). Akerman cho hay là một số người từ Miami đã nhận được lệnh "vô hiệu hoá (tôi) hoàn toàn". Mỗi người lại có cách nghĩ khác nhau về nhiệm vụ của họ. Tất cả đều kể lại là Hunt và Liddy đã chỉ cho họ xem một tấm hình của tôi (và của Bill Kunstler cũng có mặt tại cuộc biểu tình) và nói rằng đây là "mục tiêu" của họ. Như tạp chí Times đã đưa tin, nhiều người khai với FBI hoặc WSPTF rằng "Chúng tôi phải coi người này là "kẻ phản bộỉ" và phải táng vào giữa mặt hắn ta.". Bernard Barker là người đứng ra cùng với Eugenio Martinez tuyển dụng nhóm này. Anh ta trả lời phỏng vấn nhà báo Lloyd Shearer rằng mệnh lệnh anh nhận được là "đập què cả hai chân (của tôi). Tuy nhiên cuộc biểu tình diễn ra rất hoà bình khiến bọn họ không thể hành động. Thay vào đó một số còn tấn công các thanh niên đứng ở vòng ngoài và bị cảnh sát dẫn đi: Rồi người ta giao họ cho hai người có giấy uỷ quyền của chính phủ. Ngay tối hôm đó một số đi cùng Hunt và Liddy nhận diện "mục tiêu tiếp theo của họ", văn phòng tại khách sạn Watergate của Uỷ ban Quốc gia Đảng Dân chủ.

Chỉ vài tuần sau sự kiện này, những ai đã từng góp mặt trong trong hai hành vi phi pháp của Nhà Trắng - đột nhập văn phòng của Fielding và phá rối cuộc biểu tình ngày 3-5 đều bị bắt do liên quan đến vụ Watergate. Nixon phải tự đứng ra chỉ đạo bưng bít những tội lỗi này, nếu không những người bị bắt có thể dẫn công tố viên đến các hành vi trước đó có thể liên quan trực tiếp tới Phòng Bầu Dục. Vì những việc làm này của Hunt và Liddy đều diễn ra khi họ còn tham gia Chiến dịch tái cử Tổng thống (trừ sự việc ngày 3-4) nên người chịu trách nhiệm cao nhất chỉ là John Mitchell. Trước đó ông ta đã rời chính quyền để chỉ đạo chiến dịch tranh cử. Ngay đến Hunt, Liddy và McCord cũng không hay biết gì về một cấp nào đó cao hơn Mitchell dính líu tới vụ Watergate, đừng nói tới mấy người Cuba bị bắt tại khách sạn kia. Nhưng rõ ràng là cuối cùng thì từ năm 1971 và trong tháng 5-1972, Hunt và Liddy đã làm việc cho ông chủ Phòng Bầu Dục và trực tiếp dưới quyền Ehrlichman và Colson, các trợ tá của Tổng thống. Mối đe doạ chỉ hiển hiện từ lúc những người kia bị bắt tại khách sạn.

Bọn họ có thể chỉ đường cho các công tố viên tìm đến Hunt và Liddy. Bọn họ cũng có thể bị cưỡng bức hoặc sẽ tự nguyện cung khai các tội lỗi của Nhà Trắng do họ thực hiện. Mối lo lớn nhất dồn vào Hunt, còn Liddy, theo Tổng thống, trung thành với những qui tắc im lặng theo kiểu Mafia, "điên rồ"(152) nhưng chắc chắn.

Sáu ngày sau khi có những vụ bắt giữ đầu tiên, ngày 23-7-1972, theo đề nghị của Mitchell và Dean, Nixon đã chỉ đạo Haldeman và Ehrlichman dùng CIA gây áp lực để FBI chấm dứt cuộc điều tra ở Hunt và Liddy. Ông chỉ muốn giới hạn truy tố những ai đã bị bắt tại trận. Vì Hunt và Liddy không ở trong số đó nên hai người này sẽ không thể bị áp lực tiết lộ những vi phạm khác của Nhà Trắng. Nhưng sau cùng Uỷ ban luận tội Tổng thống của Quốc hộỉ trong tháng 8-1974 đã có cuốn băng ghi âm kế hoạch cản trở cuộc điều tra của FBI sau mười ba tháng Nixon nỗ lực che giấu. "Khẩu súng còn ám khói" đó khiến cả những ai trung thành nhất với Nixon không thể không ủng hộ luận tội Tổng thống và buộc tội ông và dẫn ông đến chỗ từ chức. Quay trở lại với mối đe doạ Nixon đang chống đỡ. Băng ghi âm cuộc nói chuyện với John Dean ngày 21-5-1973 được coi là "vết ung nhọt trong đời Tổng thống"(153) đã làm sáng tỏ đe doạ này. Dean cho biết Hunt đang đòi được 200 nghìn đôla "chi phí"(154) và trắng trợn doạ nạt nếu không nhận được tiền sẽ khui ra "những việc xấu xa(155) hắn ta đã làm cho Nhà Trắng". Nixon hỏi và Dean khẳng định là Hunt ám chỉ "Ellsberg" và "Kennedy". Gạt đi sự phản đối của Dean, Nixon nhấn mạnh phải giao tiền cho Hunt, ngay lập tức không còn lựa chọn nào khác. Tối hôm đó, 75 nghìn đô la được rút ra từ quỹ vận động tranh cử trao cho luật sư riêng của Hunt. Tuy tức giận không được nhận nhiều hơn thế, nhưng Hunt cũng vẫn tiếp tục, ít nhất vào lúc đó, khai man trước Đại bồi thẩm đoàn.

Cứ thế trở đi hầu như ngày nào cũng có một tiết lộ theo kiểu trên tại phòng xử án của chúng tôi và ở Washington (nhưng vẫn chưa phải là cuộn băng chứng cứ). Ngày 10--5-1973, Quốc hội lần đầu tiên bỏ phiếu cắt giảm ngân sách Chiến tranh Đông Dương, kể cả ngân sách nối lại các cuộc ném bom nửa chửng. Tổng thống phủ quyết. Nhưng ông cũng hiểu không thể giữ mãi lá phiếu phủ quyết. Ông tự biết sớm muộn sẽ phải đối mặt với khả năng bị luận tội (Uỷ ban về vụ Watergate của Thượng viện lấy tên là Uỷ ban Ervin vẫn chưa khởi động các phiên điều trần công khai).

Nhiều người ngày hôm nay khi nhìn lại, nghĩ rằng "nếu Quốc hội ngăn cản, thậm chí dù không có vụ Watergate" thì Nixon "sẽ không thể" tiến hành ném bom, thực hiện lời hứa riêng của ông với Tổng thống Thiệu và ý định bảo vệ chính quyền miền Nam của mình. Họ vẫn cho rằng chỉ cần một đa số trong Quốc hội ủng hộ cắt giảm ngân sách chiến tranh. Điều đó có thể đúng. Nhưng chỉ đa số thì vẫn chưa đủ để chấm dứt ném bom và không có triển vọng đẩy lùi nó. Muốn thắng lá phiếu phủ quyết của Tổng thống, Quốc hội cần tập hợp không chỉ đa số phản đối mà còn phải là đa số hai phần ba. Mort Halperin cho tôi thấy nếu không có một vụ Watergate lơ lửng trên đầu, Nixon gần như chắc chắn sẽ dồn đủ số phiếu hai phần ba dư một, chiến thắng nỗ lực vô hiệu hoá phủ quyết của ông. Và khi đó các cuộc ném bom của Tổng thống sẽ được nguỵ trang bằng cái cớ "cưỡng bức thực hiện thoả thuận đã ký kết". Như Larry Berman đã vạch ra(156), chính nó là lý lẽ Nixon viện tới để thuyết phục Thiệu ký vào Hiệp định Paris. Tổng thống miền Nam Việt Nam sẽ từ chối việc đó nếu không vì lời hứa này.

Toan tính đó cũng là cơ sở Nixon nối lại các cuộc ném bom mà Quốc hội khó có thể bác bỏ. Nhưng khi các phiên điều trần của Uỷ ban Ervin đang đến gần và có nhiều khả năng Dean sẽ phải khai ra hành vi cản trở công lý của Nixon, có lẽ tốt nhất ông không nên vét cạn nguồn lực chính trị của mình để thắng cuộc bỏ phiếu của Quốc hội trong khi cần phải giành giật từng lá phiếu luận tội Tổng thống.

Do vậy, vào tháng sáu, Nixon đành miễn cưỡng thuận theo hai Viện chấm dứt ném bom trước ngày 15-8. Có thể nhiều nghị sỹ chỉ thấy thoả thuận này có tác động tới các cuộc ném bom lên Campuchia. Họ không hay biết lúc đó Tổng thống đã gần như nối lại hoạt động ném bom Lào và Bắc Việt Nam dù Kissinger đã bí mật đề nghị(157) từ tháng ba, trước cả khi quân đội Mỹ bắt đầu rút. Berman khẳng định quyết tâm của Nixon ném bom trở lại muộn nhất là cuối tháng tư. Trong bài báo "Sự liên hệ với Watergate" ra ngày 5-5 năm 1975, tạp chí Times tiết lộ Tổng thống trong thực tế đã "chính thức chấp thuận" nối lại các cuộc ném bom, nhưng cuối cùng rút lại quyết định khi hay tin Dean sắp sửa gặp các công tố viên. Ông "không còn cách nào khác đành nhận những những lời chỉ trích nặng nề đến đồng thời trên hai mặt trận".

Nếu thực như vậy, hẳn chính các tiết lộ của Dean với công tố viên ngày 15-4 mới là mối nguy hiểm thực sự, đủ làm đảo lộn tính toán của Nhà Trắng về một "sự đã rồi" dành cho Quốc hội. Hạ viện bỏ phiếu ủng hộ cắt giảm ngân sách chiến tranh vào ngày 10-5, hai tuần sau khi phiên toà của chúng tôi nhận được các thông tin từ Dean. Vì phiên toà này là nơi có những tiết lộ công khai quan trọng nhất về vụ trộm do Nhà Trắng đứng đằng sau hậu thuẫn, nhắm tới tôi, cho nên ý định trì hoãn nó sau khi kỳ bầu cử và cuộc chiến tranh Việt Nam đã "kết thúc gọn gàng" đã thất bại ngay từ khi còn trong ý tưởng.

Vẫn ngày hôm đó, ngày 10-5, quyền giám đốc mới của FBI, William Ruckelshaus thừa nhận trước toà các hoạt động nghe trộm điện tử của FBI đối với tôi, trái với những phủ nhận chính thức trước đó. Thẩm phán Byrne yêu cầu có báo cáo của các lần nghe trộm đó. Sáng hôm sau Ruckelshaus trả lời không tìm thấy chúng trong hỗ sơ của FBI và Bộ Tư pháp. Sau này người ta mới biết là các báo cáo này đã bị người phó của J. Edgar Hoover là William Sullivan lấy ra từ trong hồ sơ cá nhân của ông, theo lệnh của Tổng thống ngay từ khi phiên tuà của chúng tôi mới bắt đầu. Các báo cáo đó bao gồm biên bản mười lăm cuộc điện đàm của tôi với Mort Halperin bị nghe lén tại nhà riêng của ông. Chắc chắn các luật sư của tôi sẽ yêu cầu bên nguyên đơn cung cấp những bằng chứng này khi bắt đầu phiên toà. Cho nên Nixon không thể để chúng trong tay Hoover, sợ rằng Hoover có thể bằng cách này hay cách khác đe doạ trao các biên bản cho thẩm phán Byrne.

Ngày hôm sau, 11-5, các luật sư bào chữa yêu cầu thẩm phán ra phán quyết về kiến nghị bãi nại phiên toà và để lại hệ quả (nghĩa là bên nguyên sẽ không được phép kiện bị đơn về cùng một cáo buộc này nữa), trên cơ sở tổng hợp các hành vi sai trái của chính phủ, gồm có hành động bưng bít chứng cớ, xâm phạm quan hệ bác sỹ - bệnh nhân, nghe lén phi pháp, thủ tiêu tài liệu hữu quan và bất tuân thủ lệnh của toà án.

Buổi sáng ngày 11-5, sau phiên tạm nghỉ, thẩm phán Byrne đọc một thông báo, trong đó nói phán quyết của ông dựa trên "phạm vi các vấn đề ông Boudin(158) vừa nói tới. Phán quyết này không đơn thuần dựa trên chỉ riêng hoạt động nghe lén, hay riêng vụ trộm và các thông tin xuất hiện trong những ngày gần đây". Ông tiếp tục:

Bắt đầu từ ngày 26-4, đã có một loạt các tiết lộ quan trọng liên quan đến hành vi của nhiều cơ quan trong chính quyền đối với các bị cáo trong phiên toà này… Phần lớn các thông tin đã được sử dụng, những thông tin mới làm nảy sinh những câu hỏi mới. Giờ đây chúng ta có khá nhiều vấn đề chưa được giải đáp hơn là những điều đã sáng tỏ.

Các tiết lộ này bộc lộ nhiều hành động chưa từng có tiền lệ của nhiều cơ quan chính phủ đối với các bị cáo. Sau những cáo trạng đầu tiên, lẽ ra cần hạn chế quyền tiến hành hoạt động điều tra các bị cáo nhưng quan chức Nhà Trắng đã thành lập một đơn vị đặc biệt điều tra về một bị cáo ở đây. Dù chỉ nắm sơ lược về những việc làm của đơn vị đặc biệt này, nhưng chúng ta đã cảm thấy lo ngại hơn bao giờ hết.

Ông điểm lại các sự kiện: vụ đột nhập vào văn phòng bác sĩ tâm lý của tôi; các hành động của CIA theo yêu cầu của Nhà Trắng "được cho là vượt quá thẩm quyền pháp định của cơ quan này", mạo danh, cung cấp thiết bị chụp ảnh và các đạo cụ khác cho các mật vụ và nhằm xây dựng hai bệnh án tâm thần. Ông cũng nhắc lại thực tế là dù có những quan chức chính phủ đã biết về các việc làm phi pháp nhằm vào bị cáo nhưng toà án và thậm chí bên nguyên đơn không được thông báo cho đến khi có bản ghi nhớ của Silbert, "và cũng chỉ hơn mười ngày sau khi nó được viết lên"; thậm chí trước bức thư này, nỗ lực liên tiếp của chính phủ ngăn chặn tài liệu bào chữa cho bị cáo; "tiết lộ gần đây về hoạt động nghe lén điện tử đối với một số cuộc nói chuyện điện thoại của bị đơn Ellsberg" (sau rất nhiều phủ nhận của FBI và Bộ Tư pháp) nhưng ghi chép về nghiệp vụ đó đã biến mất khỏi hồ sơ lưu trữ của hai cơ quan này từ giữa năm 1971. Trong danh sách các sự kiện thẩm phán đã bỏ qua đề nghị ông giữ chức giám đốc FBI vào ngày 5 và 7-4 và ông cũng đã bác yêu cầu coi đề nghị này là một trong các cơ sở bãi nại phiên toà. Ông tiếp tục:

"Tiếp tục cuộc điều tra của chính phủ sẽ không giúp ích gì cho phiên toà… mỗi ngày trôi qua, bồi thẩm đoàn tiếp tục chờ đợi còn cuộc điều tra không thấy có hy vọng kết thúc. Thêm vào đó nó không thể giải đáp thoả đáng tại sao những hành vi lạc lõng của chính phủ có thể được che đậy trong một thời gian dài như thế và tại sao báo cáo của chính phủ lên Toà án là những hồ sơ và ghi chép liên quan đến các hành vi này đã bị mất tích hoặc bị tiêu huỷ …

Có những vấn đề nghiêm túc về tính xác thực và pháp lý nổi lên từ những cáo buộc dành cho bị đơn mà tôi luôn mong muốn giải quyết triệt để… Tuy nhiên … bồi thẩm đoàn bị đặt vào thế khó để phán quyết một cách công bằng, không cảm tính sau những hành vi gần đây của chính phủ. Đối với tôi, bản thân một vụ án xử trái phép đã là bất công bằng. Cho dù như thế nào, tôi hy vọng dưới thời chính quyền hiện tại, các bị cáo sẽ không bị xét xử thêm một lần nữa về cùng những cáo buộc này.

Tổng hợp những hoàn cảnh trên lại với nhau, "công lý" đã bị xâm phạm theo một cách nào đó. Những sự kiện lạ lùng xảy ra đã gây ra những xâm phạm không thể sửa chữa đối với vụ án này… Tôi tán thành rằng, ở vào tình trạng pháp lý như hiện nay của vụ án, phương cách duy nhất đảm bảo thủ tục và bảo vệ công lý đó là phiên toà này bị huỷ, kiến nghị bãi nại của bị cáo được chấp thuận và đoàn bồi thẩm giải tán.

Yêu cầu bãi nại có hiệu lực, các hội thẩm viên sẽ được thông báo về quyết định này và vụ án bị huỷ bỏ. Xin cám ơn quý vị rất nhiều".

Phòng xử án, hỗn loạn. Hân hoan, ôm hôn, tiếng khóc, tiếng cười vỡ oà. Tiếng rú nổi lên ngay khi thẩm phán kết thúc. Tiếng rú tại một nơi mà mọi biểu hiện cảm xúc của những người tham dự bị dồn nén suốt bốn tháng vừa qua. Lần này ông không cố gắng chặn nó lại nữa. Ông nói các hội thẩm viên có thể đi ra theo lối sau. Rồi ông quay lưng và với chiếc áo chùng đen, ông rảo bước. Các nhà báo đổ xô đi gọi điện thoại; bên nguyên thu dọn, không nói một lời và để lại phòng xử án cho chúng tôi. Tất cả quay cuồng, nghiêng ngả. Patricia và tôi ào đến bên nhau.

Tất cả cùng túa ra ngoài, cùng nhau đứng trên bậc thang toà nhà toà án liên bang, dưới ánh nắng mặt trời và trước một biển máy quay và ánh đèn flash. Có ai đó giơ cao trang nhất của một số báo buổi sáng: MITCHELL BỊ TRUY TỐ.

John Mitchell là người đứng ra khởi tố tôi. Vị Bộ trưởng Tư pháp thứ nhất đối mặt với tù ngục. Nhanh theo chân ông là Kleindienst, hai tuần trước khi từ chức còn là người chỉ đạo vụ truy tố tôi Và Haldeman, Ehrlichman và Colson. Và các cộng sự Nhà Trắng được giao nhiệm vụ "trung lập hoá tôi, các nhân viên hợp đồng cho CIA và những người Mỹ gốc Cuba có nhiệm vụ vô hiệu hoá tôi".

Một tuần sau bắt đầu những phiên điều trần đầu tiên của Thượng viện về vụ Watergate. Từ những phiên này dẫn đến các cuộn băng ghi âm Nhà Trắng, củng cố lời khai của Dean rằng Tổng thống đã chi tiền bịt miệng cho Hunt để hắn không tiết lộ "những việc làm xấu xa cho Nhà Trắng", hay chính là "Ellsberg" (Cuốn băng được ghi ngày 23-7-1972 - "khẩu súng ám khói" qua đó thấy ý muốn của Tổng thống dùng CIA để ngăn cản điều tra và truy tố Ellsberg, vẫn với lý đo như trên. Cuốn băng là động lực đẩy Nixon ra đi). Người thay chỗ ông, Tổng thống Gerald Ford quyết định tuân thủ quyết định chấm dứt chiến sự tại Đông Dương của Quốc hội, cho mãi đến khi chiến tranh kết thúc, ngày 1-5-1975. Quyết định được Hạ viện thông qua một ngày trước khi phiên toà của chúng tôi kết thúc, sau đó tháng 6-1973 đã được sự nhất trí của cả hai Viện.

Hệ thống ghi âm trong Nhà Trắng đã bị gỡ bỏ sau khi Alex Butterfield, một trợ lý Nhà Trắng, ngày thứ sáu, 13-7 khai báo với các điều tra viên vụ Watergate về sự tồn tại của nó.

Hệ thống này vẫn hoạt động trong ngày 11-5-1973, ngày phiên toà của chúng tôi chấm dứt. Một cuộc hội thoại dài giữa Tổng thống và người cựu Chánh văn phòng H. R. Haldeman từ 11 giờ sáng đến 2 giờ chiều ở Bờ Tây. Khi thẩm phán Byrne tuyên bố bãi nại phiên toà ở Los Angeles, điều đã được dự đoán trong cả buổi sáng, ở Nhà Trắng nghe thấy Tổng thống bối rối, cay đắng nói:

"Chẳng hạn với vấn đề An ninh quốc gia này(159), chúng ta lâm vào tình thế nan giải. Tên trộm huênh hoang đạo đức giả được tôn sùng lên hàng anh hùng dân tộc và thoát tội nhờ một vụ án xử trái phép. Còn tờ Thời báo New York ẵm giải thưởng Pulitzer nhờ đánh cắp hồ sơ… Bọn họ mượn bọn trộm cắp để chỉ trích chúng ta. Có Chúa mới biết chúng ta gặp phải thứ gì?

Chúng ta gặp lại một nhà nước dân chủ cộng hoà - chứ không phải một nhà nước quân chủ - ở đó chính phủ hoạt động theo pháp luật, với Quốc hội, Toà án và báo chí có nghĩa vụ phòng ngừa tệ lạm quyền, đúng như Hiến pháp đã gây dựng.

Hơn nữa, trên mảnh đất này cũng như ở tất cả các quốc gia khác, đây là lần đầu tiên cơ quan lập pháp đồng thuận phản đối một cuộc chiến tranh mà Tổng thống đang tiến hành. Quốc hội đã đòi lại quyền quyết định chiến tranh trót trao gửi cho Chính quyền chín năm về trước, vì Quốc hội mới là người kiểm soát hầu bao của chính phủ. Quốc hội đòi chấm dứt ném bom. Cuộc chiến tranh đang đi đến hồi kết.



Chú thích:

(149) "Tốt thôi, tôi phải nói thêm điều này" - Tổng thống và Kleindienst, 8:20, 25 tháng 4, 1973, điện đàm Nhà Trắng. Kutler, trang 335.

(150) "Thế nhé, ngủ ngon, chàng trai" - sđd.

(151) "và hình như cho rằng" - Tổng thống và Petersen, 16:31, 27 tháng 4, 1973, điện đàm Nhà Trắng. Kutler, trang 347.

(152) "điên rồ" - Tổng thống và Petersen, 17:37, 25 tháng 4, 1973, Toà nhà Văn phòng Hành pháp. Kutler, trang 337.

(153) "vết ung nhọt trong đời Tổng thống" - Kutler, trang 247.

(154)(155) "các chi phí", "những việc làm xấu xa" - Tổng thống, Haldeman và Dean, 10:12, 21 tháng 3, 1973, Phòng Bầu dục. Kutler, trang 253.

(156) Như Lany Berman đã vạch ra: Berman, trang 195, 199, 218.

(157) Họ không hay biết… Kissinger đã bí mật (ề nghị: sđd, trang 254-60.

(158) "phạm vi các vấn đề ông Boudin" - Ginger, trang 160-63.

(159) "Chẳng hạn với vấn đề an ninh quốc gia này" - Tổng thống, Haldeman và Haig, 00:53, 11 tháng 5, Phòng Bầu Dục. Kutler, trang 473.

Tài liệu tham khảo

1. Austin, Anthony. Cuộc chiến của Tổng thống. Philadelphia : NXB Lippincott, 1971.

2. Bagdikian, Ben H. Nhìn hai ảnh. Boston : NXB Beacon Press, 1995.

3. Berman, Larry. Dựng nên một thảm kịch: Quá trình Mỹ hoá chiến tranh Việt Nam . New York : NXB W. W. Norton, 1982.

4. Không hoà bình, chẳng danh dự. Nixon, Kissinger và sự phản bội tại Việt Nam . New York : NXB Free Press, 2001.

5. Beschloss, Michael, Chạm tới vinh quang. Băng ghi âm bí mật tại Nhà Trắng của Lyndon Johnson, 1964-65 New York: NXB Simon and Schuster, 1998.

6. Bird, Kai. Màu sắc của sự thật. McGeorge Bundy và William Bundy. Đồng đội, New York : NXB Simon and Schuster, 1998.

7. Bondurant, Joan V. Chinh phục bạo lực. Triết lý xung đột của Gandhi. Berkeley : NXB Đại học California , 1965.

8. Bundy, William P. Rối ren: Quá trình hoạch định chính dưới thời Tổng thốngNixon. New York : NXB Hill and Wang, 1998.

9. Chomsky, Noam. Quyền lục Mỹ và giới lãnh đạo mới. New York : Pantheon, 1969.

10. Cooper, Chester L. Cuộc hành quân bị bỏ quên: Nước Mỹ ở Việt Nam . New York : Dodd, Mead, 1970.

11. Dallek, Robert. Người khổng lồ lầm lỗi. Lyndon Johnson và thời của ông ta, 1961-1973. New York : NXB Đại học Oxford , 1998.

12. Deming, Barbara. Cuộc cách mạng và chủ nghĩa quân bình. New York ; NXB Grossman, 1971.

13. Devillers, Phillipe. Lịch sử Việt Nam từ 1940 đến 1952. Paris . Bản in của Scuil, 1952.

14. Ellsberg, Daniel. "Lý thuyết vè sự chọn lựa lý tính trong tình thế bất định: Những đóng góp của Neumann và Morgenstern". Luận văn thạc sỹ, Đại học Harvard, 1952.

15. Các quan điểm cổ điển và hiện đại về "Tính khả dụng khả định". Tập san Kinh tế 64:255 (tháng 9-1954), 528-56.

16. "Lý luận của kẻ nhị nguyên miễn cưỡng". Tạp chí Nghiên cứu kinh tế Mỹ 45:5 (tháng 12-1956), 910-23.

17. "Lý luận và thực hành gây sức ép". In trong "Mặc cả". Lý luận chính thức về đàm phán, biên tập Oran R. Young. Urbana . NXB Đại học Illinois , 1959, 1975.

18. "Phân tích sơ bộ về sự lựa chọn chiến lược". Tạp chí Kinh tế Mỹ 6:2 (tháng 5 năm 2006), 472-78

19. "Rủi ro, mập mờ và những sự thật nghiệt ngã". Tuần san Kinh tế học 75:4 (tháng 11-1961), 643-69.

20. "Nhật ký Việt Nam - Ghi chép từ tập san của một người Mỹ trẻ ở Sài Gòn". Phóng viên (tháng 1-1966)

21. "Lời khai và điều trần của Daniel Ellsberg, Chuyên viên nghiên cứu, Trung tâm nghiên cứu quốc tế, MIT". Các phiên điều trần trước Uỷ ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Quốc hội khoá 9 1, Kỳ họp thứ 2: ảnh hưởng của chiến tranh tại Đông Nam Á lên kinh tế Mỹ, Phần l: ngày 13 tháng 5, 1970, 257-346, Trích trong Ellsberg, Hồ sơ cuộc chiến, 91-233.

22. "Lào: Trách nhiệm của Nixon". Điểm sách New York (ngày 11 tháng 3-1971). In lại có sửa chữa trong Ellsberg, Hồ sơ cuộc chiến, 42-135.

23. Bài phỏng vấn của Walter Cronkite. Phóng sự đặc biệt của đài CBS News, ngày 23 tháng 6-1971. Chi tiết xem tại www.ellseberg.net.

24. Hồ sơ cuộc chiến. New York : NXB Simon and Schuster. 1972.

25. Rủi ro, mập mờ và quyết đinh. New York : NXB Garland , 2001. Luận văn Tiến sĩ, Đại học Harvard, 1962.

26. Melvin Gurtov, Oleg Hoeffding, Arnold Horelick, Konrad Kellen và Paul F. Langer, Thư gửi ban biên tập: Tại sao Mỹ không nên ở lại Việt Nam. Ngày 12-10-1969.

27. Fitz Gerald , Frances . "Tấn thảm kịch Sài Gòn". Nguyệt san Adantic (tháng 12-1966), 59-67.

28. Foerstel, Herbert N. Tự do thông tín và quyền được biết. Westport , Conn : NXB Greenwood Press, 1999.

29. Fraser, Don. Bài phát biểu ngày 5-11-1969. Hồ sơ Quốc hội- House, H10598-99.

30. Gardner , Lliyd C. Trả bất kỳ giá nào: Lyndon Johnson và chiến tranh Việt Nam . Chicago : Ivan R. Dee, 1995.

31. Ginger, Ann Fagan. Tổng hợp vụ việc Hồ sơ Lầu Năm Góc . Berkeley , Calif. và Dobbs Ferry , N.Y. NXB Oceana, 1975.

32. Halberstam, David. Con đuòng sa lầy New York : NXB Random House, 1965.

33. Những người ưu tú và thông minh nhất. New York : NXB Random House, 1992.

34. Haldeman, H. R. Nhật ký Haldeman: Bên trong Nhà Trắng dưới thời Nixon. New York : NXB Putnam, 1994.

35. Henry, John B., II. "Tháng 2-1968" Tập san Foreign Policy số 4 (Đông 1971), 3-33.

36. Hemng, George C., biên tập. Ngoại giao bí mật trong chiến tranh Việt Nam : Quá trình thương lượng qua Hồ sơ Lầu Năm Góc . Austin : NXB Đại học Texas , 1983.

37. Hersh, Seymour M., Giá của quyền lực. New York : NXB Summit Books, 1983.

38. Hoàng Văn Chí. Từ chủ nghĩa thực dân đến chủ nghĩa cộng sản. New York : Liên kết các NXB, 1964.

39. Hoffman, Paul. Ngừng hoạt động. Sự phản kháng của người Mỹ. New York : NXB Tower Publications, 1970.

40. Kahin, George McTumin. Sự can thiệp. New York : NXB Knopf, 1986.

41. Karnow, Stanley. Việt Nam : Một thiên lịch sử New York : NXB Viking, 1983.

42. King, Martin Luther, Jr. Bước đến nền Tư do. New York : NXB Harper and Row, 1958.

43. Kurtner, Stanley. Lạm dụng quyền lực. New York : NXB Free Press, 1997.

44. Lacouture, Jean và Philippe Devillers. Cái kết của một cuộc chiến. Paris : bản của NXB Scuil, 1960.

45. Lancaster, Donald. Giải.phóng Đông Dươing. New York : NXB Đại học Oxford , 1961.

46. Lansdale, Edward G. "Việt Nam : chúng ta có hiểu cuộc cách mạng của họ?" Tạp chí Foreign Affairs số 4: 1 (tháng mười, 1964).

47. Logevall, Fredrik. Chọn chiến tranh. Berkeley : NXB Đại học California , 1999.

48. Lukas, J. Anthony. Cơn ác mộng. Bên những năm ở Nhà Trắng của Nixon. New York : NXB Bantam, 1977.

49. McAlister, John T., Jr. Việt Nam : Khởi nguồn cuộc cách mạng. New York : NXB Doubleday Anchor, 1971.

50. McMaster, H. R. Quên trách nhiệm: Lyndon Johnson, Robert McNamara, Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân và sự dối trá đưa nước Mỹ đến Việt Nam . New York : NXB Happer Collins, 1997.

5 1. McNamara, Robert S. Hồi ký. Bi kich và bài học Việt Nam . New York : NXB Times, 1995.

52. Moise, Edwin E. Vịnh Bắc Bộ và quá trình leo thang chiến tranh Việt Nam . Chapel Hill: NXB Đại học North Carolina , 1996.

53. Murphy, Bruce Allen, Fortas. Sự hưng suy của công lý toà án tối cao. New York : Morrow, 1988.

54. Kho dữ liệu An ninh quốc gia, Đại học George Washington: www.gwu.edu/~nsarchiv

55. NSSM-l. Hồ sơ Quốc hội. Ngày 10-5-1972, Ehrlichman 4975 -5066.

56. Hồ sơ Lầu Năm Góc . Lịch sử ra quyết sách về Việt Nam của Bộ Quốc phòng, tập 1-4. Boston : NXB Beacon Press, 1971. (chủ biên Thượng nghị sỹ Gravel).

57. Hồ sơ Lầu Năm Góc . Lịch sự bí mật cuộc chiến tranh Việt Nam , chủ biên: tạp chí New York Times. New York : NXB Bantam, 1971.

58. Perry, Mark. Bốn sao. Boston : NXB Houghton Mifflin, 1989.

59. "Cuộc chiến định mệnh khởi nguồn chiến tranh". Báo US . News, mục World Report (ngày 23-7-1984), 356-67.

60. Báo cáo R-266 của viện Rand . Chọn và sử dụng các căn cứ không quân chiến lược.

61. Báo cáo R-290 của Công ty Rand . Bảo đảm khả năng đáp trả của Mỹ trong thập niên 50 và 60. Santa Monica : Công ty Rand , ngày 1 tháng 9-1956.

62. Reeves, Richard. Tổng thống Kennedy. Lược sử quyền lực. New York : NXB Simon and Schuster, 1993.

63. Rudenstine, David. Khi báo chí câm lặng. Lịch sử vụ việc Hồ sơ Lầu Năm Góc . Berkeley : NXB Đại học California , 1996.

64. Sainteny, Jean. Lịch sử về một nền hoà bình bị bỏ lỡ Đông Dương 1945-1947 Paris: A. Fayard, 1967.

65. Schandler, Herbert Y. Vị Tổng thống bị hạ Lyndon Johnson và Viet Nam . Princeton: NXB Đại học Princeton , 1977.

66. Scheer, Robert. "Vịnh Bắc Bộ - Lý lẽ mơ hồ cho một cuộc chiến". Báo Los Angeles, ngày 29- 4-1985.

67. Schlesinger, Arthur M., Jr. Di sản cay đắng. Việt Nam và nền dân chủ Mỹ, 1941-1966 Greenwich, Conn : Fawcett, 1968.

68. Chuyên chế quyền lực. Boston : Houghton Mimin, 1973.

69. Sheehan, Neil. Sự lừa dối hào nhoáng. John Paul và nước Mỹ ở Việt Nam . New York : NXB Random House, 1988.

70. Siff, Ezra. Vì sao Thượng viện ngủ quên. Westport , Conn : Praeger, 1999.

71. Steadman, Richard C. Bản ghi nhớ gửi Bộ trưởng Quốc phòng (Clark Clifford).

72. Tiêu đề: Lực lượng địch ở miền Nam Việt Nam . Ngày 19-3-1968. Được sự cho phép của John Prados.

73. Thoreau, Henly D. Walden và sự chống đối quyền lực dân sự. Tái bản lần thứ hai. Chủ biên William Rossi. New York : Nortn, 1992.

74. Ungar, Sanford J. Hồ sơ lại hồ sơ New York : Dutton, 1972.

75. VanDeMark, Brian. Sa lầy. New York : NXB Đại học Oxford , 1991.

76. Westmoreland, tướng William C. Người lính báo về. Garden City N.Y. : NXB Doubleday, 1997.

77. Witcover, Jules. Giấc mơ tan vỡ. Thăm lại nước Mỹ. New York : Warner, 1997.

78. Wohlstetter, Albert. "Mỏng manh cân bằng sợ hãi". Tạp chí Foreign Affairs 37:21 (tháng 1-1958).

79. Zinn, Howard. Việt Nam : Sự rút lui hợp lý. Boston : NXB Beacon Press, 1967.

80. Tài liệu chưa xuất bản của Daniel Ellsberg, có tại www.ellsberg.net

81. Bản thảo thông báo của Bộ trưởng và Thứ trưởng Quốc phòng gửi Hội đồng Tham mưu liên quân: Hướng dẫn chính sách xây dựng kế hoạch chiến tranh trung tâm (Một phần bản thảo Chính sách cơ bản mới về An ninh quốc gia). Tháng 5-1961.

82. Báo cáo của Fishnet: Các hoạt động vũ trang của Việt Cộng, Ngày 11 đến 15-2-1965.

83. Phát biểu tại Mạn đàm về Việt Nam , ngày 25-4-1965.

84. Bản thảo bài phát biểu về Việt Nam của Bộ trưởng McNamara. Ngày 22-7-1965.

85. Ghi chép: Thăm Hậu Nghĩa, một tỉnh bất ổn. Tháng 10-1965.

86. Thông báo gửi Lansdale: Nạn tham nhũng ở miền Nam Việt Nam . Ngày 23-11-1965.

87. Thông báo gửi Ngài phó đại sứ Porter, Đánh giá triển vọng phát triển đột phá trong năm 1966 trong Khu vực uu tiên quốc gia quân đoàn III. Tháng 3-1966.

88. Thông báo gửi Lansdale , Hội nghị Hội đồng Đặc nhiệm, ngày 25-7-1966.

89. Ghi lại: Ứng cử viên Kỳ và mối quan tâm của Mỹ tới kỳ bầu cử. Ngày 4-5-1967.

90. Bản thảo bài viết về những sự lựa chọn tại Việt Nam đối với Kissinger và Nixon, ngày 27-12-1968.

91. Các câu hỏi về Việt Nam : NSSM-1.

92. Báo cáo lên Tổng thống: Tóm lược phản ứng của các cơ quan đối với NSSM-1. Đồng tác giả Winston Lord. Tháng 2-1969.

93. Các mục tiêu và ảnh hưởng của Mỹ ở Việt Nam, 1950-1965. Tháng 6-1969.

94. Những quan điểm có ảnh hưởng tới quyết sách của Mỹ về Việt Nam : Nhiều lựa chọn. Tháng 6-1969.

95. Chính sách của Mỹ và chính trị thế giới. Tháng 7-1969.

96. Vũ Văn Thái, Về các mục tiêu và can thiệp của Mỹ vào Việt Nam , tháng 7-1969.

97. Nho sĩ và Cộng sản: Hoàng Văn Chí nói về mối quan hệ giữa những người Mác xít với các quan điểm của Khổng Tử, và giữa văn hoá với chủ nghĩa cộng sản. Tháng 7-1969.

98. Sự ủng hộ của Mỹ dành cho Diệm: Bình luận của Vũ Văn Thái. Tháng 7-1969.

99. Một vài bài học từ thất bại ở Việt Nam . Công ty Rand P-4026. Tháng 7-1969.

100 Cộng sản và người Việt Nam : Bình luận của Hoàng Văn Chí. Tháng 8-1969.

101.Các mục tiêu bất khả thi và nền chính trị bế tắc. Tháng 8-1969.

102.Thư gửi Charles Bolté. Ngày 23 tháng 9-1969.

103.Thông báo tới Thượng nghị sỹ Eugene McCarthy: Ghi chép về Chính sách Việt Nam : Chiến lược thể hiện bất đồng chính kiến. Ngày 21-1-1970.

104. Võ nhu đạo đã cải tiến. Tháng 7-1970.

105. Lún sâu. Phát biểu tại Hội thảo thường niên của Hiệp hội Khoa học chính trị Mỹ. Tháng 9-1970.

106. Ngoại giao cưỡng chế trong trường hợp Việt Nam : Một vài ghi chép sơ bộ. Ngày 9-11-1970.

HẾT


Hồi ký của Daniel Ellsberg Cựu sỹ quan Mỹ về chiến tranh Việt Nam - Phần 1

1 nhận xét:

Angelika nói...

Tôi không thể cảm ơn Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đủ để giúp tôi khôi phục lại cuộc hôn nhân của mình với niềm vui và sự an tâm của nhiều vấn đề gần như dẫn đến ly hôn. Cảm ơn Chúa, tôi đã tổ chức Tiến sĩ EKPEN TEMPLE đúng giờ. Hôm nay tôi có thể nói với bạn rằng Tiến sĩ EKPEN TEMPLE là giải pháp cho vấn đề này trong hôn nhân và mối quan hệ của bạn. Liên lạc với anh ấy tại (ekpentemple @ gmail)