Thứ Tư, 13 tháng 2, 2013

Những bí mật về sự chống phá Hà Nội của CIA - Phần 1

CHƯƠNG I

TRẠI TÙ SƠN TÂY

Khi những tù binh Mỹ, đã nằm trong trại giam Sơn Tây, họ mới hiểu được rằng: bay trên bầu trời Bắc Việt không phải dễ dàng để kiếm sống, hàng trăm tù binh khác đã bị bắt rải rác đó đây, trên các địa phương miền Bắc Việt Nam, lần lượt đến cái thị xã nhỏ bé này.

Người tù binh Mỹ đầu tiên là trung úy hải quân Everett Alvarez, đã biết được thế nào là nhà tù Bắc Việt. Máy bay chiến đấu của anh ta là một trong hai chiếc bị bắn rơi ngày 5 tháng 8 năm 1964, sau khi ném bom cảng Hải Phòng, theo lệnh của Tổng thống Johnson, sau vụ Vịnh Bắc Bộ.

Cuộc chiến tranh không tuyên bố của Mỹ ở miền Bắc Việt Nam bắt đầu. Những vụ ném bom ở miền Bắc cũng leo thang nhanh chóng, bình quân khoảng 70 lần chiếc máy bay đi oanh tạc trong một ngày, và vì vậy số máy bay bị bắn rơi cũng ngày càng nhiều, phi công Mỹ tiếp tục đi vào nhà tù. Cuối 1965 đã có 61 tù binh Mỹ “may mắn” được vào nhà tù Bắc Việt.

Trong năm 1966, mỗi ngày đã tăng lên 223 lượt chiếc máy bay đi ném bom miền Bắc. Những người Bắc Việt đã thiết lập và bố trí lực lượng phòng không mạnh nhất chưa từng thấy trên thế giới. Họ đã bắn rơi khá nhiều máy bay Mỹ, trung bình cứ 10 ngày có 8 chiếc bị bắn rơi. Trong năm đó, lại có thêm 86 phi công Mỹ được đưa về “khách sạn vỡ tim”. Đó là một bộ phận của khám Hỏa Lò, một nhà tù khổng lồ cũ kỹ của người Pháp ở Hà Nội, nơi mà Bắc Việt dùng nhốt những người mới bị bắt để thẩm vấn trong những tuần lễ đầu tiên.

Vào cuối năm 1967, những cuộc oanh tạc trên miền Bắc đã tăng lên 300 lần chiếc mỗi ngày, và hầu như hàng ngày, đều có máy bay Mỹ bị bắn rơi trên bầu trời Hà Nội, Hải Phòng và trên phần đất eo dài như cán xoong của Việt Mặc dù những đội máy bay trực thăng Mỹ đã cố gắng tìm kiếm, cũng chỉ cứu được 13% những phi công bị bắn rơi trong khoảng thời gian đó. Những phi công rơi trên biển, giữa trạm "YAN-KY" trong vịnh Bắc Bộ và trạm "DI-XI" ngoài khơi miền Bắc của Việt Nam, hoặc rơi trên đất Nam Việt Nam, Lào, Cam-pu-chia thì may mắn hơn, còn những phi công rơi trên đất Bắc, gần như mười phi công có tới chín bị trúng đạn chết, còn một bị bắt cầm tù.

Trong năm 1967, những cuộc không chiến trên miền Bắc xảy ra ngày càng dữ dội và tốn kém nhất. Ngày 31-10-1968, Tổng thống Johnson phải ra lệnh chấm dứt hoàn toàn cuộc ném bom miền Bắc. Thời gian này có thêm 143 máy bay bị bắn rơi, 56 tù binh được ném vào các nhà tù Bắc Việt. Rải rác đó đây còn có 917 người Mỹ khác bị mất tích trong lúc hành sự. Vào cuối năm 1968, tất cả đã có 927 phi công Mỹ chết và 356 người bị bắt làm tù binh. Những phi vụ trên miền Bắc lúc bấy giờ đã được hạn chế trong những chuyến bay trinh sát.

Những phi công Mỹ bị bắn rơi trên miền Bắc Việt Nam ở vào trạng thái rối loạn thần kinh nặng nề trước khi chạm đất. Trong những trường hợp thông thường, trên 90% phi công được phóng ra từ các máy bay của họ để xuống mặt đất an toàn, không bị thương, nhưng trên miền Bắc Việt Nam thì lại là chuyện khác. Bảy trong số mười phi công còn sống đã kể lại những điều gì xảy ra từ các máy bay, làm cho họ phải bị thương trầm trọng.

Bắt buộc phải bay trên bầu trời đầy tia lửa đạn, đầy hỏa tiễn và súng cỡ nhỏ, phi công Mỹ bay đến mục tiêu mất một giờ, đôi khi phải hai giờ. Điều này làm cho họ vượt ra ngoài giới hạn an toàn đã định, mà phần nhiều máy bay của họ, bay với tốc độ 400 hải lý giờ hoặc nhanh hơn. Có khi phải bay với tốc độ siêu âm. Họ phải cố gắng chống trả xung lực từ bốn đến tám lần, thân thể của họ bị ép vào ghế, vào cạnh buồng lái và họ cố chống lại khi bị phóng ra.

Những chiếc ghế dùng để bật tung người ra không được chuẩn bị tốt lắm. Khi phi công ấn hay kéo tay phóng, anh ta tưởng chừng như bị một quả đạn pháo 37 ly bắn ra khỏi máy bay, cho đến lúc chiếc dù tự động mở ra, lúc đó anh ta mới được khoan khoái để lái chiếc dù chạm xuống mặt đất.

Nhưng điều đó lại không xảy ra như thế ở Bắc Việt, mà phần lớn những phi công khi thuật lại những nỗi khó khăn đến cực độ trong việc tìm vị trí, để khi bị phóng ra khỏi máy bay, bị quay cuồng trong không khí, tay chân khỏi bị lực siêu âm xé rời ra, rồi rơi xuống đất.

Những phi công Mỹ lái máy bay chiến đấu, được khóa lại bởi chiếc đai da để giữ họ trong ghế ngồi, nhưng phần lớn những phi công khi bay trên bầu trời Bắc Việt, họ đã tháo lỏng đai da, để ngả người ra phía sau ghế nhìn kính ra-đa khi bay vào mục tiêu, hoặc nhìn ngang để đề phòng máy bay MIG, và một khi họ bị trúng đạn, thì không đủ thời gian để sử dụng chiếc khoá nữa. Nhảy ra với tư thế này thường bị gãy tay và đầu gối bị chạm phải sườn buồng lái, hoặc bị chấn thương nặng khác. Họ đã oán giận những kỹ thuật viên Mỹ chưa có cách nào sáng chế ra được loại đai da buộc vai ấy tự động kéo thẳng lại khoảng nửa giây đồng hồ, trước khi bật tung người ra ngoài là đủ.

Những phi công Mỹ trong lúc phóng ra, không hy vọng gì để thoát khỏi bị bắt; cho dù họ được phóng ra và xuống đất an toàn. Trên các vùng Bắc Việt họ thường bị bắt rất nhanh, vì họ là những người Mỹ cao to, rất trắng hoặc rất đen, nên dễ bị trông thấy trên một đất nước của 21 triệu người châu Á thấp nhỏ.

Người Bắc Việt quá lắm cũng chỉ mất ba tuần lễ để bắt một phi công Mỹ, khi bị bắn rơi đang tìm cách tẩu thoát. Một phi công hải quân đã quyết định không ra bờ biển mà đi vào rừng, hy vọng tìm một địa điểm CIA trên đất Lào, nhưng người Bắc Việt đã tìm thấy chiếc mũ và dùng chó để theo dấu vết của anh ta, thế là anh ta đã bị tóm. Có người đã chạy trốn trên quãng đường dài, nhưng cũng chỉ sau 12 ngày bị người Bắc Việt bắt được, đó là đại tá George E. Day 40 tuổi, là phi công lái chiếc F.100. Anh ta bị bắn rơi vào ngày 26-8-1967, tay phải bị gãy ba chỗ, đầu gối bị trẹo xương, nhưng anh ta đã cố gắng để vượt qua khu phi quân sự, lội qua những cánh đồng lúa, băng qua rừng rậm trong một thời gian khá lâu.

Thân thể các phi công bị gãy, bị ra máu nhiều trước khi chạm đất, nhưng cái kinh khủng nhất của họ là sự phẫn nộ đến cực độ của dân làng. Vì vậy những phi công bị bắt, bị dẫn đến “khách sạn vỡ tim” Hà Nội, thường bị nhổ nước bọt, bị la hét, v.v… đó là những điều sỉ nhục nhất đối với họ.

Sau những giai đoạn thẩm vấn đầu tiên họ đã phải khai họ tên, cấp bậc và số quân… và trước thái độ hòa nhã của những quân nhân Bắc Việt, họ đã lần lượt khai hết những điều hiểu biết của họ, rồi họ được ăn uống, nhưng thức ăn cũng chẳng có gì là thú vị, ngoài những canh bắp cải không có mùi vị gì.

Nhà tù Hỏa Lò mà những phi công Mỹ được vào đây, đã phong cho nó cái tên “khách sạn Hilton Hà Nội”, nơi mà cách đây 40 năm, người Pháp đã xây cất để giam giữ những người cộng sản cao cấp Việt Nam, bây giờ người Việt Nam lại dùng nơi này giam cầm những người chống đối họ, và những phi công Mỹ.

356 người Mỹ bị cầm tù năm 1970 được đưa đến Hỏa Lò là lúc họ đang ở cái tuổi thanh xuân của cuộc đời, trung bình là tuổi 32, người lớn tuổi nhất trong bọn họ là đại úy không quân và trung úy hải quân có vợ và hai con. Trong số này 85% đã bay trên 15 phi vụ vào miền Bắc, cho đến khi số phận của họ được quyết định.

Một trong những tù binh Mỹ rủi ro nhất là trung tá Richard “Pop” Kiern, bị bắn rơi ngày 24-7-1965, là phi hành của không lực thứ 7 bị bắt ở Việt Nam. Trong chiến tranh thế giới lần thứ hai là phi công lái chiếc B.17 bị bắn rơi trong nhiệm vụ đầu tiên ở Đức Quốc xã, rồi bị cầm tù 9 tháng. Khi sang Việt Nam, ông ta lái chiếc F.105 và bị bắn rơi ngày thứ ba khi đến Đông Nam Á. Kiern đã từng nói: thực nghiệm vài giờ bay chiến đấu, nhưng đã phải trải qua mười năm làm tù binh ở Việt Nam.

Năm 1973, khi được trả tự do, ông ta đã nói một cách mỉa mai rằng: “Không lực đã trở thành đẹp và hay hơn nhiều, tôi không thể nào tìm được một phi công câm để cùng bay”. Trung tá James Robinson Risner của không lực Hoa Kỳ đã trở thành tù nhân ngày 16-9-1965, khi ông ta lái chiếc F.105 trên miền Bắc Việt Nam. Risner là một ngôi sao trong cuộc chiến tranh Triều Tiên, với 109 phi vụ chiến đấu, đã hạ tám chiếc MIG; nhưng khi đến Bắc Việt Nam trong vòng sáu tháng và chỉ có năm chuyến bay làm nhiệm vụ thì bị bắn rơi. Ông ta đã vận dụng kinh nghiệm cố cho máy bay ra biển, để nhảy xuống nước, và được chiếc máy bay SA-16 cứu thoát, trong lúc các máy bay khác ném bom, bắn phá những con thuyền Bắc Việt lao đến để bắt Risner. Đội cứu hộ trên biển của Hoa Kỳ lần đầu tiên xung trận đã cứu được ông ta.

Tờ thời báo “Time” đã in ảnh Risner, ca ngợi ông ta, nhưng tiếc rằng tờ thời báo đó lại không nói đến chuyện Risner tiếp tục lái máy bay ra miền Bắc và lại bị bắn rơi, và lần này nhà tù Bắc Việt lại cứu sống ông ta. Ông ta lại là người tù nhiều tuổi nhất và đã thú nhận những tội lỗi đối với dân Việt Nam, trước mặt những người khách đấu tranh cho hòa bình, những nhà báo ngoại quốc để làm gương cho những tù nhân khác.

Risner sống bảy năm rưỡi trong nhà tù của Bắc Việt đã kể lại những nỗi buồn ngột ngạt trong bốn bức tường của nhà giam nhỏ bé. Ông ta đã phải thốt lên rằng: “Những con người được huấn luyện để bay trên những máy móc tối tân, với những tốc độ khó tin để vút lên trời cao… để rồi con người lại bị nhốt vào tù như những con thú… vậy thì máy móc tối tân, tốc độ siêu âm để làm cái gì. Cuối cùng con người lại không được vẫy vùng vận động. Tệ hơn tất cả giữa con người với con người không được gần nhau”.

Trung úy hải quân John Wat phải phóng ra một cách dữ dội khỏi máy bay A4C của anh ta ở lần thứ 178 làm nhiệm vụ tại Đông Nam Á. Lúc anh ta chạm đất, tay trái bị gãy lòi xương, trẹo hai chỗ ở cột sống lưng, đầu gối trái bị vỡ. Trong lúc anh ta vội tháo cởi giày thì bị dân quân Bắc Việt bắt đưa về Hà Nội. Trên đường đi, dân làng đã căm thù nhổ nước bọt vào mặt anh ta, nhiều người vác gậy đòi đánh nhưng cán bộ Bắc Việt đã bảo vệ cho anh ta. Những lúc như vậy John Wat nghĩ rằng không thể sống để về đến Hà Nội, và anh ta cảm thấy xấu hổ, sỉ nhục cho người Mỹ, và mong rằng được chết đi để được khoẻ thân.

Những người tù đau khổ, nhưng gia đình của họ ở Mỹ càng đau khổ hơn nhiều. Thật là quá sức đối với những phụ nữ Mỹ. Và họ không thể biết mình có còn là vợ hay là goá phụ. Còn đối với những đứa trẻ không biết bố mình còn sống hay chết khi phải tham chiến ở Việt Nam. Điều đó không phải chỉ xảy ra đối với một vài gia đình, mà đến hàng vạn gia đình ở Mỹ. Cứ mười hai người chết ở Đông Nam Á, ở Việt Nam, mới có một người được chính quyền Mỹ điền vào danh sách như một tù binh bị Bắc Việt cầm tù hay mất tích.

Ba năm sau thỏa hiệp hòa bình Paris được ký kết chấm dứt sự xâm lược của người Mỹ vào Việt Nam, vợ của Carol Flora kể: Chồng của bà ta bị cầm tù từ lâu, bà không biết chồng mình sống hay chết. Trong 6 năm trời bà ta không biết là chồng mình bị giết, bị bắt hay đang cố gắng trốn thoát trong rừng rậm, trên đèo cao ở đất Lào. Nhưng đến ngày 29-1-1973 anh ta mới có tên trong danh sách 53 người được thả lần đầu tiên.

John McCain là con đẻ của đại tướng John McCain III vừa bị bắt trong ngày 26-10-1967 trên vùng trời Hà Nội. Khi máy bay của anh ta bị bắn rơi thì vừa đúng ba tháng sau đó bố anh ta được thăng chức Chỉ huy trưởng các lực lượng Hải quân, Bộ binh, Thủy quân lục chiến và Không quân để tiếp tục xâm lược Việt Nam. John McCain con bị thương nặng khi máy bay bị trúng đạn. Người cùng bay trông thấy người Bắc Việt vớt anh ta từ một hồ trong thành phố Hà Nội, lúc anh ta bất tỉnh. Tháng 8-1969, hai tù binh được Bắc Việt trả tự do kể lại rằng: anh ta được cấp thuốc men và chăm sóc đầy đủ, nên đã sống lại. Vì bị thương quá nặng, nên phải ở riêng một mình trong nhiều tháng.

Người Bắc Việt đã nhanh trí, cũng biết bố anh ta là ai, nên cho anh ta sớm được trở về, vào tháng 7-1968, điều mà anh ta không thể ngờ là được trả tự do như vậy, trong lúc đó các bạn tù của anh ta đang phải ở trong nhà giam. Phải chăng chức vụ của bố anh ta hiện nay mà Bắc Việt phải kiêng nể, hay là một sự nhân đạo thực sự?

Thiếu tá không quân Elmo Baker cũng được đưa đến Sơn Tây, đã bị tù hai năm ba tháng, khi bị bắn rơi ở chuyến bay thứ 61, trong trận ném bom Bắc Giang, cách Hà Nội 28 dặm về phía Bắc, nơi mà các phi công Mỹ được viếng thăm thường xuyên và tỏ ra thích thú. Baker 35 tuổi, người cao lớn, quê ở bang Kennet, đã đỗ cử nhân văn chương và tiến sỹ về điện trước lúc ông ta sang Việt Nam, lái chiếc F.105 và được phóng ra khỏi máy bay khi nó sắp nổ tung. Chiếc dù của ông ta vừa chạm đất, những người Bắc Việt hầu như đã chờ sẵn, các họng súng chĩa thẳng vào mặt ông ta. Ông ta không chút hy vọng gì để thoát thân, họ đã bắt ông và dùng trực thăng đưa về “khách sạn vỡ tim” Hà Nội. Ba tuần lễ sau ông ta được đưa đến bệnh viện Bạch Mai điều trị, ở đó được 30 ngày, rồi được “gửi” đến nơi triển lãm những phi công Mỹ để cho các phái đoàn hòa bình đến tham quan. Ông ta may mắn được gặp Tom Hayden, người cầm đầu đoàn khách hoạt động vì hoà bình vào ngày 11 tháng 11 năm 1967.

Người Bắc Việt đã nói cho phái đoàn này biết Baker bị gãy xương đùi và đã được chữa khỏi. Người bạn tù của Baker cũng bị bắn rơi và được “triển lãm” là đại úy Carrigan, anh ta cũng được đưa đi gặp một vài vị khách thuộc tổ chức “Phụ nữ đòi hòa bình”. Lúc đó anh ta đã tỏ ra hối hận về những tội lỗi của mình đối với dân Bắc Việt Nam.

Hai mươi bảy tháng sau khi bị bắn rơi, ngày 19-12-1969, Baker và Carrigan được chuyển đến Sơn Tây, họ đã thấy thiếu tá không quân Irby David Terrell, bị bắn rơi tháng 1-1968, ở một gian buồng bên cạnh. Họ không ngờ đến đây lại được gặp nhau nhanh hơn khi còn ở trong đơn vị không lực.

Trong buồng giam vuông vắn họ lắng nghe những tiếng rủ rì, sống động của những câu chuyện trao đổi với nhau bằng lối đánh Morse gõ vào tường. Họ đã dùng ám hiệu báo cho nhau: có hai người mới đến, trong đó có một người đầu hói. Bọn Baker thường liên lạc với nhau trong nhà giam bằng cách đứng sát vào tường, dùng khuỷu tay gõ vào tường báo động cho nhau biết ngừng hoạt động mỗi khi cán bộ bảo vệ đến gần. Vốn là một trí thức, thích nghiên cứu, Baker lại tìm ra lối thông tin mới như: cạo râu và cắt tóc là hai gõ - có nghĩa là tôi muốn truyền tin. Ông ta dùng ám hiệu thông báo: tôi là thiếu tá Baker với 11 người khác vừa từ “triển lãm” đến đây. Chúng ta đang ở đâu đây? Chỉ một lúc sau, đã nhận được tín hiệu: “Các anh đang ở trại Hy Vọng thị xã Sơn Tây”. Đột nhiên tín hiệu truyền tin ngừng bặt, do tiếng gõ vào tường báo rằng: bảo vệ đi kiểm tra. Trại Sơn Tây lại chìm trong im lặng.

Sáng ngày 11-12-1969. Baker và các bạn tù mới đến, được cán bộ trại cho biết: “Đây là trại tù lao động”. Thế là Baker được nhận một ống bằng thép để đập gạch cũ xây dựng nhà giam mới, vì nhà giam cũ không có đủ chỗ để chứa các phi công Mỹ ngày càng nhiều. Baker phấn khởi nghĩ rằng: “Họ đã cho mình một phương tiện truyền tin mới, tốt hơn. Nhất là được ở ngoài trời tắm nắng trong bầu không khí mát mẻ”.

Baker bắt đầu đập gạch với dụng ý dùng tín hiệu để truyền tin. Baker miêu tả cho các bạn biết về những tù nhân mới đến và các thông báo khác. Tưởng như Baker là người tù siêng năng, người bảo vệ lại chuyển đến cho y một đống gạch lớn nữa. Baker tiếp tục đánh đi một tin khác: “Thằng cha ấy không đọc được ám hiệu”. Baker nhận được tín hiệu báo trở lại, trại tù bắt đầu hoạt động. Ngày 24-5-1968 có 20 tù binh được chuyển từ khách sạn Hilton Hà Nội tới.

Ngày 18-7-1968, trại tù tiếp nhận thêm 20 người. Nhóm cuối cùng có 15 người chuyển đến vào ngày 28-11-1968, đại úy Wes Schierman là một người trong nhóm cuối cùng đã bị giam trong ba tháng, bị bắn rơi ngày 28-8-1965.

Những phi công bị bắn rơi, đã được chuyển đi rất nhiều trại trước khi đến trại Sơn Tây nhỏ bé này. Sơn Tây không phải là một nơi sáng sủa, vui vẻ gì nhưng thường xuyên có ánh mặt trời rọi xuống. Trong ngày lễ tạ ơn Chúa năm 1968, những tù nhân ở đây đặt cho trại Sơn Tây cái tên là trại “Hy Vọng”. Khác với trại khác, ở đây họ có thể trông thấy nhau và nói chuyện với nhau, họ cho đó là một thế giới mới. Đời sống tù binh Mỹ ở Sơn Tây dễ chịu hơn, nhiều tù binh từ các trại khác được chuyển đến lại được gặp nhau.

Theo định kỳ, người Bắc Việt lại chuyển số tù binh cấp bậc cao đi nơi khác, không rõ họ có mưu kế gì. Điều này làm đảo lộn mọi sinh hoạt trong nhà tù Sơn Tây. Việc thông tin giữa các buồng giam với nhau cũng bị gián đoạn khá dài.

Cũng như tất cả sỹ quan cao cấp, Clower đã lập bảng danh sách những tù nhân và ghi nhớ trong trí óc tù nhân còn sống trên đất Bắc Việt Nam. Đến tháng 5-1970 đã có tất cả 370 tên, trong đó Baker đã nhớ được 357 người. Clower đã liên lạc với các buồng giam khuyến khích các bạn tù thu nhặt từng mẩu tin nhỏ có liên quan đến trại.

Các tù nhân ở Sơn Tây, có nhiều thì giờ ở bên ngoài hơn là ở trong trại vì do yêu cầu mở rộng khu trại. Họ sử dụng những tù binh Mỹ để xây cất nhà bếp, nhà ăn, đập gạch vụn để xây bức tường mới bên ngoài là “ổ nha phiến” và “quán bia” (những khu vực do tù binh đặt ra để nhớ và thông tin với nhau).

Người Bắc Việt cải tiến khu trại Sơn Tây, có lẽ cho những mục đích khác nhau. Ngoài ra họ còn bảo tù nhân chống hai ống thép để căng lưới bóng chuyền. Lúc đó đại úy không lực Richard Brenneman đã lợi dụng trèo lên cột để căng lưới rồi nhìn ra ngoài, nhưng bảo vệ đã khoát tay bắt xuống và anh ta bị kỷ luật. Trong những lúc như vậy anh ta cũng được lệnh sỹ quan cao cấp trong trại chỉ đạo phải viết lời xin lỗi người Bắc Việt để khỏi phải khai mục đích thực sự trèo lên cột để nhìn ra ngoài, hoặc dùng các phương pháp truyền tin thông đồng với nhau và cũng như những ám hiệu khác.

Sau đó Brenneman đã viết một bản kiểm điểm… “tôi rất tiếc, tôi là một đứa mất dạy…”. Vì vậy mà anh ta không bị kỷ luật. Không phải chỉ có Brenneman là người duy nhất, mà nhiều tù nhân đã lợi dụng lúc những người Bắc Việt sơ hở hay ngủ gật trên những tháp canh, họ lại trèo lên tường của khu trại để nhìn vội ra ngoài. Họ làm như vậy cốt để chắp nối lại với nhau những phần mà mỗi người tù trông thấy để hình thành một bức tranh toàn cảnh chung quanh. Họ đã hình dung được trại nằm giữa cánh đồng lúa, có đê điều bao quanh. Cách đó một vài trăm thước về phía nam, có một con kênh bắt nguồn từ một con sông lớn chảy từ phía bắc sát phía bên ngoài tường rào hướng tây khu trại và có một trạm bơm nằm cắt chéo ở đấy.

Mùa đông ở Sơn Tây thật là gay gắt đối với tù binh Mỹ. Trại tù lạnh và ẩm, rất ẩm ướt. Con kênh chảy qua bên ngoài tường khu trại, nước đã lên quá cao làm cho khu trại gần như bị lụt. Trại thiếu thốn mọi thứ. Qua những năm tháng bị giam cầm ở Sơn Tây, tù binh Mỹ chỉ nghĩ đến việc được về với gia đình. Họ biết việc trốn thoát là điều vô vọng. Do vị trí của trại nằm biệt lập giữa đồng ruộng nên họ nảy ra ý nghĩ “giải thoát” là biện pháp tốt nhất. Nhưng liệu có ai biết họ đang ở đây? Hầu như mỗi tuần đều có máy bay Mỹ bay trên bầu trời Bắc Việt chụp ảnh những cơ sở có tường bọc chung quanh. Nhưng khu trại Sơn Tây nhìn từ không trung xuống có thể giống như một nông trại, một khu đồn điền, hay là một trường học, nên các tù nhân bèn nghĩ ra một kế hoạch với hy vọng có thể báo cho những người nghiên cứu những bức ảnh chụp của máy bay trinh sát biết đó là trại giam tù binh Mỹ.

Tù binh được giao các việc lặt vặt ngoài sân trại, như: đào rãnh, đào giếng, chuyển đất đá, nhưng dưới sự canh phòng của những người bảo vệ. Những người bảo vệ không hề để ý rằng trong lúc làm việc, tù binh đã cố ý xếp đất đá mới đào lên theo những hình thức kỳ dị. Quần áo của họ phơi ngoài sân, cũng được tù binh nghĩ ra cách vắt lên dây thế nào cho thật kỳ lạ để cho các bức ảnh chụp của các máy bay biết được. Một hôm máy thu phát điện đặt sát tường bên ngoài khu trại bị hỏng, cán bộ trại không thể chữa được. Họ phải hỏi trong đám tù nhân có ai biết gì về máy điện không? Thật là một cơ hội tuyệt diệu, tạo cho họ có thêm tin tức tình báo bên ngoài khu trại. Tù nhân dùng tín hiệu xin ý kiến chỉ đạo của các sỹ quan tù cao cấp, lập tức họ được lệnh thi hành. Hai người tù được dẫn ra xem máy, họ đã quan sát kỹ chung quanh khu trại và trao đổi với nhau, có vẻ như thảo luận về cái gì của máy đã hỏng hóc. Và họ đã tạo ra được nhiều giờ để được ở ngoài, mà không muốn nói đến những cái hỏng hóc chính của máy. Người Bắc Việt không hiểu gì về máy móc nên các tù nhân có nhiều điều kiện để “thay phiên” nhau ra chữa máy, và lại được dịp quan sát bên ngoài nhiều hơn. Cứ như vậy nhiều tù nhân lại được gọi ra để chữa, và họ lại được dịp thực hiện những chỉ thị mới của những sỹ quan tù cấp cao Mỹ.

CHƯƠNG II

MỘT VÙNG BÍ HIỂM

TẠI CĂN CỨ FORT BELVOIR, BANG VIRGINIA

Cách xa nhà Nhà Trắng khoảng 20 cây số, trên bờ sông Potomac, ở phía nam dãy núi Virginia, có một khu nhà được bảo vệ vững chắc. Đó là trụ sở của tổ chức tình báo hoạt động trên mặt đất, cơ quan FAG 1127 của không quân Hoa Kỳ tại căn cứ Fort Belvoir, thuộc tiểu bang Virginia. Nơi ấy ít người được biết đến, bên trong là hàng rào với những vòng xích khóa chặt. Ngôi nhà 1127, ngăn cách với trung tâm kỹ thuật của quân đội. Ở phần phía bắc có một dải đất rộng 9237 héc-ta, bên trong cổng có tấm biển đề: “Đơn vị hoạt động mặt đất của không lực Hoa Kỳ 1127”

Những người bạn của quân nhân Mỹ đến đây làm việc, thường phàn nàn với nhau rằng: “Tại sao chúng ta lại phải dùng đến cái chuồng to như thế này, để nhốt anh chàng kỳ quặc 1127 của không lực?”.

1127 thật sự là một đơn vị kỳ lạ, một kết hợp của những nhóm tình báo đặc biệt, nhằm tiến hành những hoạt động tình báo đặc biệt, nhằm tiến hành những hoạt động trên khắp thế giới, để thu thập tình báo từ những nguồn tin do con người. Người của 1127 là những chuyên viên tin cậy có nhiệm vụ khai thác người Nga đào ngũ, những binh sỹ Bắc Việt bị bắt ở miền Nam Việt Nam, hoặc bất cứ ai có thể khai báo hoặc tiết lộ những bí mật.

Đơn vị 1127 có một bộ phận gọi là giải thoát tù binh. Nó tiến hành thu thập tình hình ở những tù binh Mỹ và phác họa những kế hoạch giúp những phi công bị địch bắn rơi trốn thoát khỏi sự bắt bớ hoặc thoát trại tù. Các thành viên của ngành này là những tù nhân trước đây, họ làm việc rất đắc lực, nhưng cũng bị ruồng rẫy. Theo họ cho biết có trên 462 tù binh Mỹ ở Đông Nam Á – có tới 80% số tù binh này bị giam giữ ở Bắc Việt Nam, mà một nửa là phi công. Nhiều người trong số này cũng có thể là tù binh lúc hành sự. Có tới 970 người Mỹ khác bị mất tích, một vài tù binh đã bị giam trên 2000 ngày, lâu hơn bất cứ người Mỹ nào bị bắt giam trong lịch sử chiến tranh Hoa Kỳ.

Hôm ấy là thứ bảy ngày 9-5-1970, mười hai ngày trước đó, Tổng thống Nixon đã ra lệnh xâm nhập Campuchia. Đó là một ngày không vui, sinh viên lại biểu tình chống chiến tranh, lính bảo vệ quốc gia đã bắn chết 4 người và mười một sinh viên khác bị thương. Ngày hôm sau đã có 75.000 người biểu tình chống chiến tranh trước Nhà Trắng mà Sở An ninh đã quyết định bao vây họ bằng hàng rào xe bus.

Sáng sớm ngày thứ bảy hôm đó Tổng thống Nixon trải qua một đêm không ngủ đã được chở đến đài kỷ niệm Lincoln để tìm hiểu việc sinh viên phản chiến.

Dưới bầu trời âm u, mưa phùn, Tổng thống đã nói chuyện về bóng đá, rồi về chiến tranh. Cuộc đàm thoại kéo dài gần một tiếng. Cuối ngày đó, hai phụ tá của Kissinger cũng phản đối chiến tranh, bằng việc xin từ chức khỏi ban nhân viên Hội đồng an ninh quốc gia.

Cuộc xâm lược Campuchia gây ra chia rẽ nước Mỹ. Cả nước Mỹ đòi hỏi vấn đề tù binh và những người mất tích lúc hành sự. Ai ai cũng muốn cho những người này được trở về, nhưng không có nhiều triển vọng.

Tại Hội đàm Paris đại biểu Bắc Việt cho biết rõ, tù binh Mỹ là những con tin, họ chỉ được trả tự do khi Hoa Kỳ rút hết lực lượng quân đội ra khỏi miền Nam Việt Nam. Chương trình triệt thoái quân đội của Nixon đang xúc tiến, nhưng vẫn còn 428.000 quân Mỹ ở Đông Nam Á. 9.200 người trong số bị chết trước tháng 5; 4.290 người khác bị thương trong khi hành sự, khoảng 2.000 người bị cầm tù, cộng thêm 250 người nữa bị mất tích.

Điều quan tâm nhất của Lầu Năm Góc là tìm kiếm các thông tin về những nơi giam giữ tù binh Mỹ. Đó cũng là nhiệm vụ hàng đầu của tình báo quốc gia.

Cộng đồng tình báo đã thu thập được hàng chồng tin tức từ các nguồn khác nhau, song chưa có những tin tức hữu ích. Một phương pháp sớm được thực hiện trong chiến cuộc là thường xuyên chụp ảnh các mục tiêu trên miền Bắc Việt Nam, nơi có tường rào bao bọc chung quanh. Điều đó tạo ra một danh sách các mục tiêu khá lớn. Vì lẽ ở một đất nước mà hầu hết gia đình đều nuôi lợn gà, họ không muốn để cho số gia cầm này đi sang các gia đình khác, nên phải rào lại. Các trường học cũng đều được xây tường vây kín chung quanh thành khu riêng biệt nên rất khó cho việc nghiên cứu. Lẽ cố nhiên ngoài phương pháp chụp ảnh còn có nhiều nguồn tin khác như sử dụng các tin tức của đài truyền thanh, các cuộc thẩm vấn những người bỏ ngũ, hoặc các tù binh của đối phương bị bắt khai ra. Hoặc những tin tức của những người khách ngoại quốc, của những thành viên trong phong trào phản chiến Mỹ được phép thăm viếng Bắc Việt Nam. Những mẩu tin vụn vặt được góp nhặt lại nhưng lại rất có giá trị. Nguồn tin khác là do thư từ của bản thân tù binh Mỹ, khi họ được phép viết những dòng ngắn ngủi thông báo với gia đình. Khoảng một nửa tù binh được hưởng đặc ân đó, đã tìm mọi cách để thông báo tin tức.

Cuối cùng là những nguồn tin của tù binh thuộc không lực và hải quân Mỹ được Bắc Việt Nam trả tự do. Song đó là những trường hợp ngoại lệ. Cuối năm 1966, nước Mỹ thực sự bắt đầu khai thác các nguồn tin tình báo một cách có hệ thống. Lúc đó riêng không lực Hoa Kỳ đã có 264 người bị bắn rơi ở Bắc Việt Nam. Nhưng chỉ được biết trong số đó có 29 người là tù binh mà thôi, (kể cả một người bị bắn rơi ở biển Nam Hải, Trung Quốc, bị Trung Quốc bắt), 230 người bị mất tích trong lúc hành sự. Người Bắc Việt Nam cho biết rất ít người Mỹ bị bắt. Rõ ràng Việt Nam đã theo kinh nghiệm Triều Tiên không đưa ra những báo cáo có hệ thống về tên tuổi cấp bậc và sự đối xử với tù binh Mỹ.

Tháng 10-1966 trước sự tổn thất nặng nề của không lực, một cuộc họp bất thường của các chuyên viên tình báo và những đại diện của ngành giải thoát tù binh của tất cả các cơ quan được tổ chức. Mục đích của nó là tìm ra những phương pháp mới để thu thập tình hình và đề ra những biện pháp tốt hơn để phân tích nó. Cuộc họp có hai mục tiêu cấp bách. Một là: nhận biết là những ai đã bị tù, việc này nhằm làm cho mối quan tâm và sự lo lắng của gia đình tù nhân được vợi đi phần nào. Hai là: xác định vị trí những trại tù binh, nhằm đưa chúng ra ngoài mục tiêu ném bom, bắn phá của không quân và hải quân Mỹ.

Những cuộc họp như vậy, nhanh chóng trở thành quan trọng và thường xuyên được tổ chức vào sáng thứ 6 hàng tuần tại trung tâm nhân viên không lực của Lầu Năm Góc. Về sau các phiên họp chính thức đều do CIA chủ tọa.

Vào khoảng tháng 8-1967, nhóm họp được đổi tên là IPWIC (Uỷ ban tình báo tù binh liên cơ quan) do Cục Tình báo Bộ Quốc phòng (DIA) cầm đầu. Từ đó những cuộc họp có từ 20 đến 25 người, gồm đại diện các cơ quan như quân sự (đơn vị không lực 1127 của căn cứ Fort Belvoir do hai thành viên thường trực, có khi nhiều hơn), CIA, DIA, Bộ Ngoại giao, FBI (cơ quan điều tra liên bang), cơ quan mật vụ, thậm chí còn có Bộ Tài chính và Sở Bưu điện Hoa Kỳ cũng tham gia khi cần thiết. Thí dụ, Bộ Tài chính được mời họp, khi có một vài người vợ tù binh nhận được thư yêu cầu gửi đô-la để mua trái cây, hoặc mua rau.

Giữa Bắc Việt Nam và Hoa Kỳ là thù địch, nên mọi sự giao dịch về tài chính đều bị cấm đoán. Song Bộ Tài chính và Bưu điện Mỹ, cũng tìm được cách để các bà vợ gửi tiền qua thư tín quốc tế cho các tù binh, sau khi được Quốc hội chấp thuận.

Cơ quan Bưu điện Hoa Kỳ đã hợp tác với các nhà cầm quyền quốc tế trong việc gửi thư từ cho tù binh Mỹ. Song vào giữa năm 1970, gần 3/4 thư từ đến tay tù binh không phải qua hệ thống bưu điện, mà được trao tay qua nhà hoạt động vì hoà bình là bà Cora Weiss kiêm chủ tịch Uỷ ban liên lạc các gia đình quân nhân bị giam giữ ở Bắc Việt Nam. Từ đó trở đi Cora Weiss là đường dây duy nhất để các gia đình tù binh có thể liên lạc.

Dần dần IPWIC đã sử dụng việc đó để thu thập tình báo ưu tiên cho nó và cũng đã phát huy được tác dụng.

Cuối năm 1968, qua tin tức của các tù binh Bắc Việt, của khách viếng thăm Hà Nội và của ba tù binh Mỹ được trả lại tự do, đã cho họ thấy rằng, những tù binh Mỹ bị nhốt ở một căn cứ có tường bao bọc cách Hà Nội khoảng 30 dặm về phía tây. Các thành viên của IPWIC cũng đã hết sức cố gắng để khẳng định nó, nhưng rút cục việc phân tích các tin tức tình báo đều đi vào ngõ cụt. Hàng chồng tin tức tình báo của DIA, CIA gửi đến tại căn cứ Fort Belvoir cũng chưa xác định được vị trí trại tù binh.

Cuối cùng ngày 9 tháng 5 năm 1970, Noru Collinsbell chuyên gia kỹ thuật quả quyết đã khám phá ra điều nóng hổi về trại tù binh phía tây Hà Nội. Ông ta là một chuyên viên kỹ thuật tình báo, một tay già dặn trong nghề, đã làm việc lâu năm ở Lào, trước khi có hoạt động của Mỹ bắt đầu tại đó.

Collinsbell cao gần 1 thước 70, người hơi béo, tóc vàng nhạt, sắp về hưu, nổi tiếng là người kiên nhẫn tìm tòi. Công việc của ông ta giống như một nhà nấu bếp cho một bữa ăn Pháp khá sang trọng. Ông ta cố gắng thu nhặt từ những thứ vụn vặt, để làm ra món ăn ngon. Bám sát việc nghiên cứu, ông ta đã quả quyết: có hai trại tại hướng tây Hà Nội. Một trong hai trại đó là Sơn Tây, cách thủ đô Bắc Việt 30 dặm về phía tây. Với sự so sánh giữa những bức ảnh do máy bay trinh sát chụp được càng thấy điều đó rõ thêm. Collinsbell đã báo cáo cho đại tá George J. Iles, là người cầm đầu bộ phận kế hoạch của 1127, trong đó có phần việc “ngành vượt ngục và trốn thoát”. Bản thân ông ta là một tù binh trong chiến tranh thế giới thứ hai, nên rất quan tâm đến công việc này. Ông ta cũng bị bắn rơi trên đất Italia trên chiếc máy bay P51. Cả Iles và Collinsbell, đều thu thập những mẩu tin vụn vặt rồi tập hợp thành tin tình báo thô và đi đến kết luận gần như cùng một lúc.

Nghiên cứu, chắp nối kết quả đó là một sự phân tích đúng. Collinsbell so sánh ảnh chụp cũ và mới, tại khu có một bức tường mới ở góc phía Tây Bắc và qua ám hiệu kín đáo được xếp thành hình trên mặt đất. Theo vết bùn, mà người trong trại cố ý xếp thành báo cho biết có 55 tù nhân ở trại Sơn Tây, sáu người trong số đó xin được khẩn trương cấp cứu. Iles và Collinsbell thấy cần phải hành động nhanh, phải nghĩ ra một kế hoạch liều lĩnh là tập kích để giải thoát tù binh.



Iles, Collinsbell cùng với đại tá Rudolph C. Koller là một người chỉ huy ở 1127 và thượng sỹ không quân C. Wattkin đã nghỉ hưu trở lại làm việc như một chuyên viên tình báo dân sự trong ngành vượt ngục và trốn thoát. Cả hai đều là thành viên của IPWIC. Wattkin cũng giống như Iles, rất quan tâm đến việc làm của mình. Trước đây anh ta là một tay súng trên chiếc máy bay B.17, bị bắn rơi trong một trận oanh tạc ở Đức và bị tù 15 tháng.

Bên cạnh đó lại có Koller, một sỹ quan cao lớn tóc cắt ngắn, luôn luôn vui vẻ trong công việc của mình. Ông ta rất thông cảm với cảnh ở tù, nên lại càng quan tâm đến những tù binh bị Bắc Việt bắt nhiều hơn là các nhà phân tích của DIA và CIA.

Tháng 12-1972, Watkins đã thuyết trình một công trình gọi là “giam cầm ở Đông Nam Á” tới 364 lần khắp nơi trên thế giới. Sự kiện này được các nhà thương thuyết của Mỹ ở Paris gọi là “nhóm người làm việc phi thường”.

Sau khi đã nhận được kết quả phân tích của Iles, Clinebell, Watkins về khu trại Sơn Tây, và yêu cầu làm nhiệm vụ giải thoát cấp bách, Koller đã gọi điện thoại về Lầu Năm Góc, nói chuyện với trung tướng Rossky, phụ tá tham mưu trưởng không quân để xin thuyết trình.

Clinebell  và Watkins phải làm việc thâu đêm để chuẩn bị bản thuyết trình đồng thời làm những sơ đồ về khu trại Sơn Tây.

Sơn Tây nằm bên cạnh sông Cồn chảy ra sông Hồng Hà, lượn vòng ở phía đông khi qua Hà Nội. Để xác định thêm, các chuyên gia giải thoát sử dụng nguồn tin của một người lính Bắc Việt bị bắt ở khu phi quân sự đã cho biết: tiểu đoàn của anh ta đã cắm trại một đêm gần nơi đó, trước lúc lên đường vào Nam. Khi anh ta đi lấy nước về cho tiểu đội nhìn thấy bên ngoài khu trại tù có một cái giếng, anh ta đã trông thấy nhiều tù binh Mỹ làm việc ngoài sân khi cửa mở. Iles và Clinebell đưa ra các ảnh chụp của máy bay trinh sát về nơi xây cất mới ở trại Sơn Tây và những ảnh tù binh đi làm việc ngoài khu trại. Mặc dầu có nhiều ảnh được nhận biết tù binh ở bên trong, nhưng Watkins còn đưa ra những ảnh chụp quần áo của tù binh phơi trong trại đã cố ý sắp xếp thành chữ SAR (tìm và giải thoát), ngoài ra một vài tù nhân còn tìm cách đổ đất mới đào lên thành chữ K ở một góc khu trại (K có nghĩa là đến cứu chúng tôi).

Clinebell còn nhận ra được ở thư tín tù binh gửi về bằng những tín hiệu mật, thậm chí họ còn gợi ý địa điểm đáp máy bay, địa điểm thông tin liên lạc.

Rossky đã quả quyết rằng nhóm tình báo hoạt động mặt đất đã khám phá ra kết quả mới. Những ảnh chụp và những kiểu phơi quần áo, cách đổ đất mới, là những ám hiệu yêu cầu cấp cứu tù nhân và ông ta đã phải thốt lên rằng: “Lạy Chúa! Ngài có biết không! Đã lâu chúng con đang chờ đợi điều ấy!”. Sau đó ông ta cho gọi thêm chuyên viên đến, và ông không thể tưởng tượng được các tù nhân lại vẽ cho Lầu Năm Góc một bản đồ thực sự để nhận biết vị trí và có kế hoạch cứu thoát họ. Đáng chú ý là ám hiệu bằng một mũi tên chỉ về hướng tây và con số 8, có thể là tù nhân yêu cầu được bốc ra hướng tại Ba Vì.

Sau khi phân tích, Rossky đã quả quyết rằng kế hoạch giải thoát phải được thi hành và ông ta bảo Koller gọi điện thoại tới trạm Arlington, trụ sở của DIA cách Lầu Năm Góc ba dặm, đồng thời gọi một vài chuyên viên về tù binh đến để nghe bản thuyết trình.

Harris cầm đầu tổ chức IPWIC của lực lượng hải quân và Koller được giao chức phó làm kế hoạch giải thoát.

Sau khi nghe thuyết trình, Harris đưa người của ông ta với một số ảnh chụp về Lầu Năm Góc. Được nhiều người xem xét và công nhận là khu trại có 55 tù binh Mỹ từ đó một cuộc tranh luận nổ ra trong không lực.

Họ quan tâm đến các tù binh ở trại này, và cũng từ đó rất nhiều câu hỏi đặt ra. Tại sao người Bắc Việt lại nhốt tù binh trong một trại hẻo lánh như vậy? Tại sao không để ở Hà Nội? Tại sao tù nhân phần đông lại bị thương? Phải chăng người Bắc Việt muốn đưa họ đi khỏi Hà Nội để không cho các phái đoàn hoà bình trông thấy?… Rossky nghĩ rằng: Ramsey Clark, Jane Fonda, Cora Weiss được trông thấy những tù binh dùng để “triển lãm” đã bị chế ngự tư tưởng hoặc tù binh đã hợp tác với Bắc Việt v.v… Vì người Bắc Việt còn muốn đi xa hơn nữa trong việc tận dụng đám tù binh Mỹ.

Song tìm kiếm tù binh là nhiệm vụ của Rossky, còn giải thoát cho họ là nhiệm vụ người khác và ông ta đã quyết định giao việc giải thoát cho phòng 4D 1062 của thiếu tướng James Allen, phó giám đốc kế hoạch và chính sách. Allen quá xúc động về việc làm hữu hiệu của nhóm 1127 và cho rằng phát hiện trại tù Sơn Tây là sự thật. Allen đã cho nhóm này từ căn cứ Fort Belvoir về văn phòng Lầu Năm Góc và phân ra một nhóm chuyên viên phác họa sơ đồ và một số người có khả năng giải thoát.

Allen người cao gầy, nghiêm nghị không quan liêu, mặt dài có vẻ hóm hỉnh, kín đáo, là người ưa hoạt động. Ông ta thích bắt tay ngay vào việc, nhưng việc giải thoát tù binh ở Sơn Tây lại vượt ra ngoài quyền lực của ông ta. Vì vậy nên phải đưa Koller, Iles đến văn phòng của chủ tịch tham mưu trưởng, một văn phòng ít người được biết đến ở Lầu Năm Góc. Nó nằm sâu dưới nền đất gọi là Phòng IE 962. Hôm đó là thứ hai ngày 25 tháng 5 năm 1970.

PHỤ TÁ ĐẶC BIỆT CHỐNG PHIẾN LOẠN

VÀ HOẠT ĐỘNG ĐẶC BIỆT (VIẾT TẮT LÀ SACSA)

Trong số 27.840 nhân viên làm việc ở Lầu Năm Góc năm 1970, cũng còn ít người hiểu được cái nghĩa SACSA là gì. Nhiều người còn nghi ngờ không hiểu họ làm gì mà tổng hành dinh của họ lại đồ sộ, nằm ngay dưới văn phòng của chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng hỗn hợp.

Tại điện Capitol, trong vòng thành Lầu Năm Góc.

Một văn phòng nằm giữa khoảng trống. Trong hệ thống quân sự, đây là cơ quan SACSA - như vậy SACSA ở gần chóp bu Lầu Năm Góc.

Donald Blackburn thiếu tướng bộ binh, người phụ tá đặc biệt chống phiến loạn và hoạt động đặc biệt của chủ tịch các tham mưu trưởng hỗn hợp. Ông ta khoảng 53 tuổi, cao 1 thước 70, nặng 180 cân Anh, tóc màu vàng.

Sáng thứ 2 ngày 25-5-1970, sau khi vào chào hỏi Koller và Iles, Allen gọi điện thoại cho đại tá Mayer, chuyên viên điện tín bí mật của quân chủng bộ binh. Ông ta là một người cao khỏe, quê ở miền bắc bang Dakota, thái độ có vẻ ôn hòa, dịu dàng như một trại chủ đồn điền miền Tây. Mayer cầm đầu một toán nhỏ của SACSA gọi là phân bộ hoạt động đặc biệt. Việc làm của ông ta không dễ gì được báo chí nhắc đến vì giá trị của nó còn cao hơn mức tối mật.

Năm người ngồi quanh bàn họp. Allen bảo Iles, Wattkin thuyết trình những tài liệu mà nhóm 1127 đã nhận biết được khu trại tù Sơn Tây, và đã cùng nhau yêu cầu khẩn cấp để giải thoát tù nhân bị giam giữ ở đó.

Allen đã nhấn mạnh, những người tù ở đó phải được giải thoát, ông ta đã đề nghị Blackburn có thể bố trí cho một điệp viên đến vùng Sơn Tây được hay không? Blackburn suy nghĩ một lát rồi nói: “Phần đông các điệp viên trên Bắc Việt Nam là thuộc quân sự, chứ không thuộc CIA, và sứ mệnh của họ được SACSA xếp đặt và kiểm soát…

Trong những năm đầu thập kỷ 60, Tổng thống Johnson đã hạn chế hoạt động của CIA trên phần miền Tây của Bắc Việt Nam trong vòng 20 cây số ở biên giới Lào. CIA có một số căn cứ hoạt động ở đó và một ít trên Bắc Việt Nam, nhưng tổ chức để giải thoát tù binh thì thuộc trách nhiệm to lớn của SACSA…”.

Ngắt lời của Blackburn, Allen đề xuất một kế hoạch là đưa những trực thăng đi giải thoát với một toán nhỏ lực lượng đặc biệt phải đóng cách Sơn Tây 110 cây số tại một trong những trạm của CIA ở biên giới Bắc Lào.

Trong khi đó người của SACSA xâm nhập vùng chung quanh núi Ba Vì, tìm biết lúc nào nhóm tù nhân ở Sơn Tây ra làm việc ở đấy, tìm hiểu bằng cách nào mà tù nhân đến được núi Ba Vì. Trong lúc đó có điều kiện thuận lợi thì gọi đội giải thoát đến, có thể báo cho đội giải thoát bằng các máy vô tuyến nhỏ để người Bắc Việt khó phát hiện. Những tín hiệu phải được quy định như “bíp bíp” có nghĩa là “đến bốc chúng tôi, chúng tôi đang ở đây”, còn một tiếng: “bíp” là “không có ở đây”.

Allen nói tiếp: “Nếu điệp viên gọi trực thăng đến để chở một ít tù nhân đi thì cuộc hành quân phải được thực hiện rất nhanh, khoảng nửa tiếng những tù nhân sẽ được ở trong vòng tay thân mật của những người người đi giải thoát và phải đưa đến một căn cứ của Mỹ ở Thái Lan”. Nhiều yếu tố hình như ủng hộ cuộc hành quân. Người Bắc Việt có thể phát hiện những trực thăng từ phía Lào vào, nhưng dễ gì hệ thống phòng không đó đã kịp phản ứng. Núi Ba Vì ở tại một vùng xa xôi của đất nước, ngoài phạm vi của sự bố phòng dày đặc. Chỉ còn một mối đe dọa cho các tù binh và các lực lượng giải thoát là những tay súng bảo vệ tù binh trong lúc đi làm. Nhưng điều đó điệp viên có thể giúp đỡ chỉ chỗ cho trực thăng đỗ xuống và giúp đỡ cho những tù nhân chiến đấu chống những người bảo vệ. Nhưng liệu hoạt động của điệp viên có thể thoát khỏi mạng lưới của Bắc Việt hay không, mà lâu nay CIA đã không đặt được chân lên miền Bắc như nhiều quan chức CIA đã từng nói.

Allen và Blackburn thảo luận thêm về chi tiết những ý kiến đó. Nếu thành công thì sáu tù binh có thể được mang về Hoa Kỳ trong vòng một hoặc hai tuần. Ngoài việc cứu sáu tù binh Mỹ, rõ ràng là cần gấp sự giúp đỡ của các lực lượng tham gia trong cuộc chiến. Cuộc giải thoát tù binh còn có nhiều tác dụng khác trong tình hình chiến cuộc của Mỹ đang nguy ngập. Cuộc hội đàm ở Paris đang bế tắc thì tù binh đang thành món hàng mặc cả mạnh mẽ nhất của Bắc Việt. Người Mỹ đặt nhiều hy vọng vào việc giải thoát được một ít tù binh thì sẽ tập trung được sự chú ý mạnh mẽ của thế giới. Công chúng Mỹ thấy được tầm quan trọng của tù binh và những người mất tích trong lúc hành sự. Điều đó sẽ làm áp lực thúc đẩy cuộc thương thuyết ở Paris được nghiêm túc hơn.

Blackburn và Mayer thông cảm với nhiệt tình của Allen về sự giải thoát, nhưng tại sao lại chỉ thực hiện giải thoát cho sáu tù binh mà không tìm cách vào trại tù Sơn Tây để bốc đi tất cả. Blackburn xem lại một lần nữa các ảnh chụp cả hai trại, mà nhóm 1127 đã đưa đến và nhận rõ cả hai trại đều ở vào những địa điểm hẻo lánh của Bắc Việt và được coi như có nhiều sơ hở nhất trong các trại tù được xác định từ trước đến nay, và có thể vào cả hai trại Sơn Tây bằng một trận tập kích.

Allen không dám nghĩ đến một hành động giải thoát lớn lao như vậy, và cho dù Blackburn có thể làm được một trận tập kích thì đó cũng là ngoài quyền hạn của ông ta, việc đó phải có sự quyết định của vị chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp.

Nếu trong chiến tranh thế giới thứ 2, cách đây 29 năm về trước, thì một người chỉ huy trung đoàn hay sư đoàn, có thể chấp nhận ngay về một sứ mệnh như vậy. Nhưng đây là một cuộc chiến ở Việt Nam, quyết định giải thoát tù nhân Mỹ ở Việt Nam, phải được giải quyết tại Văn phòng hình bầu dục Ở Nhà Trắng, cách trận mạc gần 10.000 cây số. Blackburn hứa hẹn với Allen sẽ đích thân trình với chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp, và sẽ trở lại gặp Allen chậm nhất là vào sáng hôm sau.

Những người của 1127 cùng đi thấy vậy tỏ ý chán nản, nhưng họ muốn đưa được nhiều tù binh trở về. Có nhiều vấn đề liên quan đến kế hoạch giải thoát tù binh mà Blackburn và Mayer không thể nói đến. Vấn đề chủ yếu trong đó là những hậu quả của lệnh ngừng ném bom Bắc Việt Nam. Năm 1968, giới quân sự không có quyền phát động những cuộc hành quân đặc biệt hoặc đưa điệp viên xâm nhập. Tổng thống Johnson cũng cấm đoán mọi công việc tiếp tế cho các toán điệp viên (CAS) hoạt động ở Bắc Việt lúc bấy giờ. Số đó gồm có 9 đội - 45 người Việt Nam được huấn luyện kỹ, đã bị bỏ rơi một cách nhẹ nhàng. Trong nhiều tháng những người này được biết qua thư tín, qua điện đài rằng, họ cố chờ sẽ có tiếp tế, nhưng đó chỉ là hy vọng. Đấy cũng là tấn thảm kịch lớn nhất trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Những phi vụ trinh sát thả truyền đơn vẫn được thực hiện đều đặn trên Bắc Việt, song những người của CAS vẫn không được tiếp tế. Trong thời gian đó một số bị bắt, một số ra đầu hàng, số còn lại bị chết hoặc bị đói lả. Mỉa mai thay một trong những toán CAS cuối cùng lại thiết lập được cơ sở an toàn ở Lào. Đây là một trong nhiều mỏm đồi đã được thông báo cho các đội phi hành, để có thể tìm đường lẩn trốn nếu họ bị bắn rơi. Khoảng hai tháng trước khi Allen đến thăm thì SACSA lại bị mất liên lạc với toán EAS ở đó.

Blackburn và Mayer khi họp với Allen và những thành viên của ông ta, đã chỉ rõ cho dù SACSA nếu có được một điệp viên, thì việc xâm nhập nào cũng khó thực hiện và việc tính toán thời gian cũng chưa có gì bảo đảm. Theo cách đó thì khi máy bay chở họ vào không gây sự chú ý gì quá đáng, nhưng lúc bấy giờ thì lại không có cuộc ném bom trên Bắc Việt vào thời gian tháng 5-1970, không có máy bay bị bắn rơi để dùng làm bình phong. Lẽ tất nhiên họ không thể nói ra rằng, việc tuyển mộ những toán gián điệp, biệt kích đã khó khăn hơn sau khi Johnson đã để cho chín toán 45 người bay theo chiều gió. Vả lại Blackburn và Mayer không chắc rằng sáu tù binh có thể đến được núi Ba Vì. Họ bắt đầu nghi ngờ những mưu toan giải thoát tù binh. Họ không tin tưởng, thực ra họ cũng biết đã có sáu lần âm mưu như vậy. Tất cả đều thất bại. Một vài tù binh lúc chạy trốn đã bị bắn chết và những người khác đã bị bắt.

Ở một vài trường hợp khác, Mayer đã phải vất vả khổ sở để tìm cách thông báo bằng tín hiệu về những kế hoạch mà tù binh định trốn thoát là không thực hiện được. Như tù binh sẽ vượt ngục trong hai tháng qua trên một chiếc thuyền hoặc kết thành một cái bè, cái mảng thả trôi theo dòng sông Hồng về ban đêm đến cảng Hải Phòng rồi sẽ tìm cách ra biển. Mayer đã tìm mọi cách lồng ám hiệu vào các thư từ gửi cho các tù binh Mỹ để báo cho họ biết: “đừng làm thế sông Hồng đã được rải mìn”.

Cuối cùng Blackburn và Mayer đã đồng ý với Allen là phải có kế hoạch cụ thể giải thoát tù binh bằng một cuộc tập kích. Điều này Blackburn có thể thực hiện được, nhưng với chức vụ thiếu tướng ông ta không đủ thẩm quyền quyết định, mà phải xin gặp tướng bốn sao Earle G. Wheeler, chủ tịch tham mưu trưởng. Với chức vụ phụ trách cơ quan SACSA, Blackburn có thể đến xin gặp Wheeler bất cứ lúc nào khi có tình hình khẩn cấp hoặc sôi động. Đó là quyền ưu tiên để Blackburn sử dụng. Ngày 25-5-1970 Blackburn đã đến gặp viên đại tá canh gác phòng riêng của vị chủ tịch để xin gặp tướng Wheeler trình bày một việc khẩn cấp. Sau mấy phút đồng hồ, cả hai được phép vào buồng riêng.

Blackburn và Mayer đã trình bày tin tức tình báo mới về tù binh mà nhóm 1127 ở căn cứ Fort Belvoir thu lượm được. Họ đã yêu cầu không quân thả một nhóm điệp viên vào núi Ba Vì, Bắc Việt, để làm nhiệm vụ giải thoát sáu tù binh Mỹ ở đấy. Họ cũng đã đề nghị phải được nghiên cứu kỹ, nếu như làm vội vã sẽ hỏng việc, sẽ làm tiêu tan những hy vọng cứu thoát tiếp các tù binh. Blackburn và Mayer cũng đề nghị một giải pháp khác to lớn hơn, là tập kích vào trại Sơn Tây và các trại gần đấy để giải thoát tất cả tù binh ở đấy. Nghe xong Wheeler nghiêm nghị rồi thốt lên: “Lạy chúa! Phải bao nhiêu tiểu đoàn mới làm được việc đó”. Đó cũng là phản ứng tự nhiên của Wheeler. Vậy là ngày 25-5-1970, ngày mà gần vụ xâm nhập Campuchia của Tổng thống Nixon đang bị tai tiếng trên thế giới, giờ lại một vụ xâm nhập Bắc Việt nữa. Cuộc chiến đang ở thời điểm rất nguy kịch, số người Mỹ chết trong chiến tranh Việt Nam vẫn ở con số 500 mỗi tháng. Đặc biệt trong tháng 5-1970 lại tệ hại hơn: có tới 754 lính Mỹ bị chết. 166 người chết chưa rõ nguyên nhân, số quân dự trữ chiến lược của Mỹ xuống thấp nhất ở những tiểu đoàn nghênh chiến kể từ chiến tranh thế giới thứ hai đến nay.

Câu hỏi của Wheeler không làm cho Blackburn băn khoăn, và Wheeler là một trong những người ủng hộ SACSA mạnh nhất. Một cuộc tổng kết kinh nghiệm đã được tính toán, sau khi rời khỏi chức vụ này cho thấy, gần ba phần tư của tất cả sự việc mà Wheeler gửi gắm để giới thiệu với Bộ trưởng Quốc phòng chấp thuận là những hoạt động “đặc biệt” do SACSA đưa ra. Trong thời kỳ McNamara làm Bộ trưởng Quốc phòng, đã không đáp ứng được 25% đề nghị đó.

Blackburn đã nói với Wheeler rằng, ông ta không cần phải có những tiểu đoàn, mà chỉ cần một nhóm nhỏ của lực lượng tình nguyện đặc biệt. Wheeler bảo Blackburn: “Hãy suy nghĩ kỹ về việc đó và sớm trở lại để bàn bạc thêm”. Wheeler là chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp từ giữa năm 1964 trước khi xảy ra vụ vịnh Bắc Bộ, sức khỏe của Wheeler ngày càng hao sút vì lo lắng quá nhiều cho cuộc chiến tranh. Chỉ còn vài tuần lễ nữa là về hưu nên ông ta mong muốn Blackburn thuyết trình lại với người kế vị ông là đô đốc Thomas Moorer trước khi chuẩn bị kế hoạch lớn.

Được Wheeler bật đèn xanh, Blackburn và Mayer đã lao vào hành động. Việc đầu tiên là họ cần có thêm nhiều tin tức tình báo về các trại tù binh ở Bắc Việt nên họ đã trao đổi với cơ quan DIA để nhanh chóng phác họa ra một kế hoạch.

Ngày hôm sau 26-5-1970 Blackburn và Mayer được biết cơ quan DIA đã xử lý các tin tức được thuyết trình. Đây là vấn đề rất quan trọng mà không thể chỉ căn cứ vào tình báo của một cơ quan hay một cục nào, ngay cả DIA cũng có vài nguồn tình báo duy nhất mà nhóm 1127 hoặc tổ chức của Allen không có.

Ngày 27-5-1970 Blackburn lại đến gặp trung tướng John W. Vogt, giám đốc các thủ trưởng hỗn hợp tác chiến của không quân, ký hiệu I3. Blackburn nói cho John W. Vogt biết là ông ta có một yêu cầu cần phải nghiên cứu kỹ để thực hiện việc giải thoát tù binh để báo cáo lên vị chủ tịch.

Vogt thốt lên: “Lạy chúa tôi! Có bao giờ anh nói cho chính phủ của anh biết về sự việc xảy ra chưa?” Trước câu nói của Vogt, Blackburn thầm nghĩ: ông không phải là hạng sĩ quan mà mỗi chút lại phải báo cáo lên cấp trên, khi mà cấp trên chưa cần đến. Blackburn thích thú nhặt những tin vụn vặn ấy một mình để rồi tổng hợp nhằm đưa ra được một việc gì lớn hơn, Blackburn thường tự làm lấy một mình mà không thích người khác nhúng tay vào. Việc đó xảy ra bình thường, vì Blackburn quyết giữ cho việc làm của mình càng ít người biết càng tốt, vì càng nhiều người biết càng nguy hiểm hơn. Điều này rất quan trọng, càng nhiều người nhúng tay vào hoạt động đặc biệt của ông ta thì càng phải phối hợp hành động với nhiều sĩ quan hơn. Mỗi một vị, chỉ có thể làm một phần việc để nhận định và dự đoán thêm có khi lại còn phản đối lại nữa. Thực ra chỉ có một ít sĩ quan cấp cao ở Bộ tham mưu hỗn hợp mới hiểu được loại tác chiến đặc biệt này mà số người nhiệt tình lại càng hiếm.

Sau tiếng thốt lên của Vogt, một sỹ quan vạm vỡ kiểu người Kozak hỏi Blackburn rằng: bao giờ thì ông giới thiệu công tác với Wheeler? Blackburn vội vã trả lời: “Tôi có thể trở lại gặp Vogt vào thứ hai, ngày 1-6-1970. Đó là ngày kỷ niệm chiến sỹ trận vong”.

Blackburn và Mayer bị quay cuồng với thời hạn quy định. Đối với một sỹ quan hoạt động thông thường, xây dựng một kế hoạch để thông qua Bộ tham mưu hỗn hợp thì cũng giống như bơi trong biển cả. Nhưng dù sao thì SACSA có giấy phép đặc biệt duy nhất để làm việc đó không bị cản trở của bộ máy chính quyền quan liêu, nên Blackburn thoải mái hành động cho một cuộc tập kích để giải thoát tù binh ở giữa lòng đất đối phương.

Blackburn thuộc loại sỹ quan hiếm có, ông ta sinh trưởng và học hành tại Florida, được gửi sang Philippines với chức vụ hạ sỹ quan vào năm 1940. Khi Nhật tấn công Pearl Harbour (Trân Châu Cảng), ông ta phục vụ như là một cố vấn cho tiểu toàn bộ binh Philippines ở miền bắc Luzon. Tháng 5-1942 khi Corregidor thất thủ, quân Nhật tràn vào Luzon, Blackburn và nhóm sỹ quan của ông đã không chịu đầu hàng mà trái lại họ đã trốn vào rừng. Blackburn đã bỏ thời gian, giúp tổ chức hai vạn du kích Philippines và chỉ huy một trong năm trung đoàn đó. Khi quân Mỹ tràn vào bắc Luzon, lúc đó chỉ còn 285.000 quân Nhật giữ đảo. Blackburn và lính của ông ta đã chiến đấu phía sau. Ngày 5-7-1945 thì Philippines giành được độc lập. Chiến tích của Blackburn dẫn quân du kích chiếm lấy thị trấn Acpari, sau khi lội qua một con sông chỉ gặp một sự kháng cự nhỏ. Cho đến lúc rạng đông, quân của ông ta đã chiếm xong mục tiêu. Sau đó mới có một tiểu đoàn không quân Hoa Kỳ đến chiếm Acpari. Blackburn trở về Hoa Kỳ với chức vụ đại tá lúc 29 tuổi. Thật là quá trẻ và chưa có kinh nghiệm, chưa thể chỉ huy được, nên ông ta được gửi đi học 6 tháng với các cựu chiến binh về quân sự. Sau khi phục vụ một năm như là một đội trưởng hiến binh của quân đội ở Washington, ông ta lại được gửi vào trường bộ binh. Sau hai năm bám sát Lầu Năm Góc tập luyện nhảy dù, Blackburn trở thành sỹ quan có uy tín trong quân đội.

Năm 1950 Blackburn được cử đi dạy tâm lý chiến và làm thủ lĩnh học viện quân sự West Point, sau đó lại được cử sang Philippines, đến năm 1957 được cử sang Việt Nam làm cố vấn cao cấp cho một vị tướng của Nam Việt Nam chỉ huy vùng châu thổ sông Cửu Long. Sau một thời gian ông ta được giao nhiệm vụ chỉ huy nhóm lực lượng 77 tại căn cứ Fort Bragg ở Bắc Carolina.

Đầu năm 1960, tổng thống Kennedy quyết định gửi một nhóm quân sự đến Lào. Blackburn được giao nhiệm vụ tổ chức. Người mà ông ta chọn để cầm đầu những toán mệnh danh là “Ngôi sao bạc” là một trung tá trẻ thuộc biệt động quân trong chiến tranh thế giới thứ hai là Simons. Chính vì vậy sau này Blackburn đã đề nghị chọn Simons chỉ huy cuộc tập kích trại tù Sơn Tây. Vào năm 1965 khi chiến tranh ở Việt Nam trở thành cuộc chiến dữ dội, Blackburn được gọi về Lầu Năm Góc đảm nhiệm những hoạt động mật, vì thế ông ta lại trở lại Việt Nam chỉ huy những đơn vị bí mật nhất, mà ít người ở Đông Nam Á được biết tới, đó là SOG, và cũng là tổ chức OSS hoạt động mật ở Đông Nam Á. (SOG là nhóm nghiên cứu và quan sát, còn OSS là cơ quan tình báo chiến lược). Đội quân này đầu họ đội mũ nồi xanh, có gắn phù hiệu hình sọ người và ngọn lửa đen đang cháy. SOG đã tham gia những cuộc hành quân nảy lửa, nên khó mà tin được họ với cái tên “nhóm nghiên cứu và quan sát”. Người của SOG không đeo phù hiệu công khai ở quân phục, nhưng trong các khu doanh trại phù hiệu đó được gắn vào những cốc bia, ly uống nước, gạt tàn thuốc lá v.v… Tổng hành dinh của SOG ở tại Sài Gòn, số lượng có khoảng 90 người làm kế hoạch tác chiến cho các phân đội của họ ở Nam Việt Nam. Tại Nha Trang SOG có một phân đội không quân, tại Đà Nẵng có một bộ phận hải quân, điều khiển đội thuyền P.T, riêng của SOG. Ở một nơi khác gọi là Gấu Mèo - gần huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai, đơn vị không quân và bộ binh được đóng tại các nơi, chuẩn bị để xâm nhập vào Bắc Việt Nam. Có từ 350 đến 500 người trong các đơn vị hành quân của SOG, đó là lực lượng của Mỹ. Một nhóm khác gồm 400 đến 500 người Việt Nam thuộc các đơn vị “chuyên viên kỹ thuật” được bí mật điều khiển hành quân vượt biên sang Lào và Campuchia trước khi phối hợp với SOG để hoạt động ở Bắc Việt.

Một vài nhiệm vụ của SOG không đưa ra công khai là có liên quan với những vụ tập kích 34 Alpha vào những căn cứ ngoài bờ biển Bắc Việt, do người Nam Việt Nam được Mỹ huấn luyện, mà một vài sử gia cho rằng: “Những vụ tập kích đó, có thể đã làm bùng nổ sự kiện vịnh Bắc Bộ hồi tháng 8-1964”.

Đối với Blackburn đây là một việc làm lý tưởng của một chức vụ đại tá để điều khiển một binh chủng hỗn hợp hải, lục, không quân quốc tế hoạt động bí mật mà chỉ riêng một nhóm người được biết và báo cáo thẳng với tướng bốn sao Westmoreland, chỉ huy trưởng quân sự Hoa Kỳ ở Việt Nam. Blackburn vừa muốn để Simons là một trong những phụ tá nhưng cũng muốn để cho Westmoreland chấp nhận Simons đến Việt Nam trong cuộc tập kích. Điều đó không phải dễ gì vì chính sách cứng rắn của Westmoreland. Theo nguyên tắc, những sỹ quan muốn được chỉ định vào Tổng hành dinh thì phải tốt nghiệp ở một trường tham mưu nào đó. Simons có hiệu lực của một chỉ huy tác chiến, một lãnh đạo có tài, một sỹ quan trù bị, nhưng chưa được xếp vào tiêu chuẩn và khả năng phong lên cấp tướng, cho dù Simons là một biệt động quân chiến đấu giầu kinh nghiệm, có cơ sở là lực lượng đặc biệt làm nền tảng, có hiểu biết tường tận về Đông Nam Á và Bắc Việt Nam. Hơn nữa ông ta đã chỉ huy đơn vị Sao trắng trong hai chuyến đi Lào. Vì lý do đó mà Lầu Năm Góc phải áp dụng thủ tục đặc biệt, ngoại lệ đối với chính sách của Westmoreland, trước khi Simons được gia nhập vào SOG.

Blackburn đảm nhiệm chỉ huy SOG vào tháng 5-1965, đây là thời điểm nguy ngập của cuộc chiến. Các cố vấn Mỹ và những hoạt động chiến đấu được coi như là bị hạn chế ở Việt Nam. Nhưng các đơn vị của Blackburn nhảy xuống Lào và Bắc Việt Nam. Ông ta nhớ lại những ngày du kích chiến và khuyên các toán của ông ta đừng liều lĩnh mạng sống một cách vô ích.

Các đơn vị của ông ta đã không mất một người nào trong khi tham gia 45 lần hành quân đợt đầu vượt biên giới do SOG vạch ra. Ông ta cho các toán xâm nhập bằng trực thăng vận, sau khi hoàng hôn xuống hoặc trước lúc rạng đông để tránh người Bắc Việt hoặc Việt Cộng có thể phát hiện được. Blackburn thường nói với các toán rằng: “Sau khi đổ xuống, hãy chạy ngay vào các rừng cây bụi rậm và chờ sẵn, để cho họ lục tìm. Khi các anh thấy họ, các anh sẽ phục kích lại họ”.

Những kinh nghiệm như vậy mà các toán lực lượng đặc biệt của SOG vẫn bị hoang mang sợ hãi khi phải đi vào những vùng nguy hiểm. Blackburn rất lo lắng khi người của ông ta bị bắt, mà những người cộng sản, như ông ta đã biết thường lợi dụng để tuyên truyền trên thế giới, nếu họ có thể chứng minh được quân chiến đấu của Mỹ đang hoạt động bên ngoài biên giới Nam Việt Nam.

Trong khoảng thời gian mà Blackburn chỉ huy SOG từ tháng 5-1965 đến 5-1968 lực lượng quân Mỹ ở Đông Nam Á đã tăng lên từ 22.000 cố vấn đến trên 8 sư đoàn cho nên Westmoreland và Lầu Năm Góc phải tập trung vào việc xây dựng một lực lượng khổng lồ, với một cơ sở hậu cần rộng lớn, cần thiết yểm trợ. Những hoạt động không chính thức của SOG không có gì nổi bật, vì lý do bí mật và ít khi thấy việc làm của nó nằm trong kế hoạch chiến lược toàn diện trong cuộc chiến tranh ở Việt Nam.

Tuy vậy những hoạt động của SOG gây được ảnh hưởng sâu sắc cho người Bắc Việt Nam. Trong một cuộc hành quân, những chuyên viên của SOG đã làm cho nghề đánh cá của Bắc Việt ngừng trệ trong sáu tháng. Những thuyền của SOG đã bắt được nhiều người đánh cá của Bắc Việt trong vùng từ Vinh đến khu phi quân sự. Những cuộc bắt bớ đã được thực hiện trong nhiều tuần. Gần 1.000 người đánh cá đã bị bắt đưa về đảo Phượng Hoàng gần Đà Nẵng, một trong những căn cứ bí mật nhất của SOG. Những người Bắc Việt thường dùng thuyền đánh cá để chở vũ khí vào tiếp tế cho miền Nam, nên SOG phải đánh chìm thuyền đó. Blackburn tin tưởng mạnh mẽ vào hiệu quả của những hoạt động không chính thống như vậy. Nó không thiệt hại bao nhiêu, nhưng lại làm hao mòn tâm lý địch, làm nản chí binh lính đối phương, đánh lạc hướng sự chăm chú của họ. Sau chuyến công tác ở Việt Nam trở về Washington ông ta khuyên Lầu Năm Góc cần đẩy mạnh hoạt động chiến tranh tâm lý.

Vào tháng 5-1970, chiến cuộc đã vượt quá đỉnh cao trong sự nhúng tay vào của người Mỹ. Năm 1969 đã có 115.482 người Mỹ phải rời Đông Nam Á, có 11.527 người Mỹ chết trong năm đó và có 3.279 người chết trong năm 1970. Ngoài ra có hàng trăm người Mỹ vẫn nằm trong nhà tù. Tính đến ngày 20-5-1970 thì trung úy hải quân Everett Alvarez đã sống 2.120 ngày trong nhà giam của Bắc Việt. Thiếu tá Floyd Thompson, một sỹ quan của lực lượng đặc biệt thuộc đơn vị cũ của Mayer, cũng đã bị cầm tù trong 2.250 ngày. Blackburn cảm thấy sốt ruột và cần phải làm gì để cho Bắc Việt đàm phán nghiêm túc về vấn đề trả tự do cho tù binh Mỹ. Sự xâm lược Campuchia là một hoạt động quân sự thông thường cũng đã bị thất bại. Giờ đây Blackburn đang tính mưu kế làm một việc gì đó, để quấy động đối với Bắc Việt. Điều mà ông ta đã có sẵn trong đầu óc, là một chuỗi hoạt động không tuyên bố, không quảng cáo, không chính thống do những lực lượng bé nhỏ thực hiện. Như việc phá vỡ đập thủy điện Thác Bà trên sông Hồng cách Hà Nội 65 cây số về phía tây bắc v.v…

Có lúc Blackburn muốn gây ra sự phá hoại điêu đứng ngay trong nội địa Hà Nội, cũng giống như Việt cộng đã gây ra ở miền Nam. Cuộc phá hoại đập Thác Bà có thể làm được, và đây cũng là cuộc tập dượt, hơn nữa những việc này lực lượng đặc biệt được huấn luyện để phá hủy những ổ khóa của kênh đào Panama, mặt khác việc phá đập Thác Bà có thể trở thành món hàng mặc cả của thượng cấp. Việc này còn hiệu nghiệm hơn là cuộc “xung phong bằng kỵ binh” vừa rồi vào Campuchia.

Tập kích Sơn Tây có thể làm cho Tổng thống chú ý nếu không còn câu hỏi như: “Lạy chúa tôi! Phải có bao nhiêu tiểu đoàn để làm việc đó!”. Chỉ cần các nhà lãnh đạo có thể để cho ông ta vào miền Bắc một cách đặc biệt như vậy chỉ một lần thôi…

PHÒNG “TANK”

Blackburn và Mayer lấy ngày 1-6 là thời gian cuối cùng để quyết định giải pháp. Ba giờ chiều ngày hôm đó, họ cùng với John W. Vogt và trung tướng Donald Bennett giám đốc DIA xem lại nhiều giải pháp giải thoát. Trong bản thuyết trình của Blackburn có đồ biểu, các bản đồ. Và cuộc thảo luận đó kéo dài khoảng 45 phút. Họ đưa ra nhiều nguyên tắc cho một cuộc chiến, mà họ gọi là “vùng bí hiểm”. Danh hiệu này tình cờ được lấy ra ở một máy tính của Lầu Năm Góc, đó là một trong ba danh từ ám hiệu mà cuộc hành quân phải có khi cuộc tập kích được tung ra.

Một tuần sau, diễn biến của nhóm 1127 về những ảnh chụp trại tù binh Sơn Tây được các chuyên gia kỹ thuật phân tích xem xét, được cơ quan DIA thừa nhận. Những tài liệu đó được chuyển đến một ngôi nhà ít ai biết đến ở ngoại thành Washington, cách nhà quốc hội Capitol một quãng. Ngôi nhà đó gọi là “tòa nhà 213” một danh hiệu mới và chỉ được xuất hiện hai hoặc ba lần trong quyển niên giám điện thoại Bộ Quốc phòng. Đó là Trung tâm nghiên cứu giải thích ảnh chụp quốc gia, một bộ phận của Văn phòng trinh sát quốc gia, một cơ quan hết sức mật, ai không có trách nhiệm mà nói đến có thể bị vào nhà tù quân sự Liên bang tại đồn điền Leavenworth, bang Kansas.

Cũng như các dãy nhà khác của Lầu Năm Góc, Trung tâm này thuộc Ban Giám đốc cơ quan “thu thập và kiểm soát” của DIA tại trạm Arlington Hall của Lầu Năm Góc, nơi mà các nhà phân tích của Bennett đang xem xét lại một cách kỹ lưỡng những ảnh mới chụp của những máy bay trinh sát điện tử SR-71 từ độ cao trên các vùng thôn quê phía tây Hà Nội. Họ cần những xác nhận là không chút nghi ngờ rằng có một trại tù binh ở Sơn Tây và một trại ở gần đấy mà họ gọi là Ấp Lò.

Những tin tình báo đó thu thập được ở hai nguồn tin khác nhau. Một là của tướng Nguyễn Cao Kỳ phó tổng thống Việt Nam cộng hòa, quê ở thị xã Sơn Tây, ông ta vẫn có bà con thân quyến ở đó cho biết. Và nguồn tin của một người thầu khoán tên là Trịnh người miền Bắc vào Nam Việt Nam, đã có thời kỳ phục vụ tại nhà tù Sơn Tây, đang định cư ở Sài Gòn. ông này vẫn thỉnh thoảng cho biết một tin vụn vặt ở miền Bắc. Những tin tức đó được tổng hợp lại và biết chắc chắn có khoảng 50 người Mỹ bị giam giữ ở Sơn Tây, cũng có thể gần 100 người. Điều này chứng tỏ việc mở rộng khu trại với những vùng đất mới đào lên xung quanh là đúng.

Duyệt lại những khả năng giải thoát tù binh với các tướng Vogt và Bennett tại Lầu Năm Góc, Blackburn và Mayer không tán thành kế hoạch đầu tiên là cho một điệp viên vào vùng phía đông núi Ba Vì, để từ đó gọi lực lượng đặc biệt đến bốc tù binh đi. Làm như vậy cuộc hành quân dễ thất bại, dù cho có thành công thì hy vọng giải thoát tất cả các tù binh cũng sẽ tiêu tan. Cả hai trại đều nằm trong khu vực hẻo lánh, là những mục tiêu đầy hứa hẹn cho một cuộc giải thoát tù binh lớn hơn, quy mô hơn. Mọi giải pháp được đưa ra là dùng một cuộc tập kích nhỏ đơn giản vào trại tù Sơn Tây mà nơi xuất phát từ những địa điểm của CIA ở biên giới Lào, cách Sơn Tây khoảng 155 dặm. Địa điểm này khá gần với mục tiêu, trực thăng có thể bay đi bay về mà không phải tiếp dầu trên không. Thời gian đó gió mùa đông bắc đã xuất hiện ở Bắc Việt, thời tiết không thuận tiện cho việc lấy thêm dầu trên đường bay, có thể bố trí cho hai hoặc ba trực thăng nằm chờ gần đâu đấy trên đất Lào, trong khi lực lượng tập kích đã lên đường. Những trực thăng này chỉ hoạt động khi tù binh được cứu, hoặc đi tìm và giải cứu cho các trực thăng khác bị bắn rơi, hay bắt buộc phải hạ cánh trong nội địa Bắc Việt. Khu trại Sơn Tây vừa đủ rộng để cho một trực thăng tiến công nhỏ đáp xuống bên trong, việc đó giúp được phần nào cho lực lượng đặc biệt xông thẳng vào các buồng giam trước khi người Bắc Việt kịp phản ứng.

Một kế hoạch khác là có thể được xuất phát từ Thái Lan, nhưng nó sẽ gây ra một cuộc hành quân lớn và rắc rối hơn. Việc tiếp tế nhiên liệu trên đường bay là cần thiết, thời gian của cuộc hành quân phải tùy thuộc nhiều vào dự báo thời tiết chính xác. Các nhà khí tượng học đã cho họ biết, thời tiết tốt sẽ không đến trước tháng 10 và cuộc tập kích có thể thực hiện về ban đêm.

Blackburn nghĩ đến thời tiết là yếu tố then chốt và các dữ liệu về khí tượng đã được phân tích nên việc phối hợp thời tiết với việc bay trong đêm có ánh trăng là điều đáng lưu ý. Thời tiết không chắc chắn trong mùa gió này phần nào làm cho Blackburn giảm sự cố gắng, và việc xúc tiến công việc.

Có nhiều bất lợi để thực hiện vụ tập kích từ một căn cứ gần trên đất Lào, Blackburn đã nghĩ đến và rất coi trọng hệ thống tình báo đối phương, vì công tác tình báo Bắc Việt khá hiệu nghiệm, thường biết trước được các cuộc oanh tạc của B.52, xuất phát từ Guam ở cách xa Bắc Việt 2.400 dặm. Vì vậy người Bắc Việt cũng có thể biết được các trực thăng túc trực ở biên giới phía Bắc Lào một cách không khó khăn gì. Blackburn đã rút ra một kết luận: “Khi mà hoạt động đối phó với một hệ thống tình báo phức tạp, thì đừng tránh né mập mờ mà phải chắc chắn…”. Blackburn đã đưa ra một phương án là có thể đánh lạc hướng sự chú ý của Bắc Việt ở Sơn Tây bằng cách nhờ hải quân đánh phá Hải Phòng. Có như vậy thì mới hy vọng rằng cuộc tập kích đạt trên 90% an toàn. Vogt và Bennett tán thành những nhận xét của Blackburn và hứa hẹn sẽ trình bày ý kiến này lên tham mưu trưởng hỗn hợp.

Kế hoạch của Blackburn chia làm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu tập hợp một nhóm nghiên cứu những việc có thể thực hiện được, gồm 25 người sẵn sàng nhận lệnh để báo cáo với tham mưu trưởng hỗn hợp, thời gian vào khoảng 15 tháng 7 năm 1970.

Giai đoạn hai kế hoạch cuộc tập kích được chi tiết hóa tiếp theo là sự tập luyện và thi hành.

Vogt nghĩ rằng 25 người cho một nhóm là quá nhiều nên chỉ cần để một nửa, nhưng Vogt muốn xúc tiến nhanh các phần kế hoạch phải xong trước ngày 30 tháng 6 năm 1970.

Trưa hôm sau, ngày 2-6, Blackburn và Mayer được đến thuyết trình cho tướng Wheeler nghe và ông ta tỏ ra nhiệt tình ủng hộ. Wheeler nói: “Không ai có thể nói không đối với cuộc hành quân này”. Và ông ta muốn biết xem người kế vị ông là đô đốc Moorer có ủng hộ kế hoạch này hay không? Blackburn cho Wheeler biết là đã thuyết trình cho Moorer trước đây, tuy chưa được chi tiết lắm. Giờ đây Wheeler thấy đã đến lúc cho các tham mưu trưởng hỗn hợp và Bộ trưởng Quốc phòng biết cuộc giải thoát tù binh rộng lớn đã được nghiên cứu. Ông ta đòi hỏi phải được thuyết trình cụ thể cho các tham mưu trưởng hỗn hợp, trước khi Wheeler nhân danh chủ tịch tham mưu trưởng hỗn hợp viếng thăm khối NATO lần chót.

Thứ sáu ngày 5 tháng 6, vào khoảng một giờ chiều tại phòng họp vàng gọi là “TANK”, Blackburn và Mayer được gọi vào để thuyết trình với các tham mưu trưởng hỗn hợp. Blackburn để cho Mayer thuyết trình còn ông ta ngồi quan sát thái độ, trông từng vẻ mặt của các vị sỹ quan cấp tướng có mặt ở đấy. Đến khi buổi thuyết trình kết thúc, không có một ai trong số này hỏi thêm một câu hỏi nào. Các vị tướng đều đồng ý rằng SACSA nên xúc tiến việc nghiên cứu sâu sắc, để thực hiện cho được kế hoạch giải thoát các tù binh từ trại Sơn Tây và Ấp Lò trở về.

Theo đà tiến triển, sau cuộc họp họ còn thuyết trình cho phụ tá tham mưu trưởng hỗn hợp đặc trách về những cuộc hành quân. Mỗi một vị phụ tá của tham mưu trưởng hỗn hợp có riêng một sư đoàn đặc biệt, từ đó mà SACSA có quyền được rút tuyển bất cứ nhân viên nào, thiết bị gì, và chi các ngân khoản mà họ cần để thiết lập tổ chức cuộc tập kích. Hôm sau, Blackburn và Mayer còn phải đến Tổng hành dinh của CIA ở bang Virginia, gặp phụ tá đặc biệt của giám đốc về Đông Nam Á là George Carver và phụ tá của ông này là Richard Elliott, về các vấn đề tù binh. SACSA và văn phòng của Carver làm việc chung gần như hàng ngày. Elliott, Blackburn đã phục vụ trong nhóm hoạt động đặc biệt SOG và với Mayer trong IPWIC.

Blackburn đã đề nghị với Carver cho một người của CIA thường xuyên nghiên cứu kế hoạch tập kích cộng tác với ông ta. George Carver tán thành ủng hộ việc nghiên cứu kế hoạch đó. Kế hoạch của Blackburn và Mayer được cấp “giấy phép đi săn”, có nghĩa đã được sự đồng ý của Lầu Năm Góc về sự hợp tác và cung cấp những phương tiện mà họ cần dùng để thực hiện kế hoạch giải thoát tù binh. Nhưng từ khi đề xuất, nghiên cứu và thuyết trình đến khi được đồng ý, họ đã mất khá nhiều thì giờ.

Tháng 4, Kenedy chỉ thị cho thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Roswell Gilpatric chỉ đạo lực lượng đặc nhiệm liên ngành thảo ra "Chương trình hành động cho Việt Nam". Lansdale được cử làm sĩ quan điều hành, và các thành viên khác bao gồm Rostow, U. Alexis Johnson, thứ trưởng Bộ Ngoại giao, và Desmon Fitzgerald, Trưởng phòng Viễn đông của Cục kế hoạch thuộc CIA. Mục tiêu là "đối phó với ảnh hưởng và áp lực của cộng sản đối với sự phát triển và duy trì một Nam Việt Nam tự do và vững mạnh"(1).

Báo cáo của lực lượng đặc nhiệm được chuẩn bị xong vào đầu tháng 5. Bản báo cáo bắt đầu bằng những tin tức tồi tệ hơn. Tình hình được đánh giá là khắc nghiệt. "Bất chấp các nỗ lực của các lực lượng Nam Việt Nam, 58% lãnh thổ nằm dưới sự kiểm soát ở mức độ khác nhau của cộng sản, từ việc quấy rối, tập kích ban đêm đến kiểm soát hành chính hoàn toàn."(2). Trong khi tập trung chủ yếu vào vấn đề phát triển và an ninh nội địa ở Nam Việt Nam, các khuyến nghị của lực lượng đặc nhiệm cũng đề cập đến các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam.

Ngày 11-5, tổng thống xem xét bản báo cáo và phê chuẩn những khuyến nghị. Khái niệm hoạt động nêu trong đó rất rộng "Mục tiêu của Hoa Kỳ là... ngăn cản sự thống trị của cộng sản ở Nam Việt Nam; tạo ra ở đó một nền dân chủ vững chắc; và nhanh chóng đề xướng các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau có tính chất bí mật về quân sự, chính trị, kinh tế, tâm lý nhằm đạt được mục tiêu trên"(3). Với khái niệm này và chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia 52, tổng thống đã ra lệnh bộ máy hành chính phải hành động.

Vào thời điểm này, CIA còn đang vạch kế hoạch hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. Bản kế hoạch bao gồm việc xâm nhập các toán điệp viên và điệp viên đơn tuyến để thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý (đài phát thanh, truyền đơn, hàng tâm lý chiến), hoạt động biệt kích ven bờ biển Bắc Việt Nam (thu thập tình báo, chiến tranh tâm lý, phá hoại), và tạo ra một phong trào chống đối tưởng tượng.

Herb Weisshart, phó chỉ huy Phòng nghiên cứu hỗn hợp của Trung tâm CIA tại Sài Gòn trong những năm đầu 1960, đã khái quát: "những hoạt động này là rất khiêm tốn. Đây là một chương trình nhỏ. Tôi có thể nói rằng 90% cố gắng của CIA là ở Nam Việt Nam"(4). Tại sao chỉ là một chương trình nhỏ trong khi tổng thống yêu cầu lớn hơn? Weisshart cho biết William Colby, Trưởng trung tâm CIA Sài Gòn lúc bấy giừ chính là người hạn chế các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam vì cho rằng những hoạt động với quy mô lớn sẽ tiêu tốn nguồn lực của CIA vốn đang cần tập trung cho Nam Việt Nam. Việc hạn chế các hoạt động ở Bắc Việt Nam không phải là "một ý tưởng tồi vì Colby nhìn thấy tương lai ra sao và Nam Việt Nam sẽ trở thành thách thức lớn hơn đối với sự cam kết của Mỹ"(5).

Sự kiện Vịnh Con lợn xảy ra đúng vào lúc việc thực hiện các chỉ thị của Kenedy đang diễn ra một cách ỳ ạch. Đây là một cố gắng nữa của CIA chống lại địa bàn bị từ chối và tạo ra sự ngượng ngập chính trị lớn cho tổng thống. Trong cuộc vận động tranh cử năm 1960, Kenedy đã mô tả Cu Ba là "một trong những thất bại hiển nhiên của chính sách ngoại giao Hoa Kỳ... một mối đe doạ cộng sản lại được phép tồn tại ngay trước mũi của chúng ta"(1). Tất nhiên, những gì mà ông muốn nói là cộng sản Cu Ba đã được phép tồn tại ngay dưới mũi của chính quyền Eisenhower. Chính quyền Castro là "một nhà kho cung cấp vũ khí và hoạt động của cộng sản ở toàn khu vực Nam Mỹ - tuyển mộ những nhóm nhỏ các nhà cách mạng do cộng sản làm hạt nhân cho cách mạng ở châu Mỹ La tinh". Cu Ba còn là "vệ tinh cộng sản thù địch" nhận sự "hướng dẫn, giúp đỡ và vũ khí của Matxcơva và Bắc Kinh"(2). Kenedy tuyên bố mọi chuyện sẽ khác đi khi ông là tổng thống. ông đưa ra những khẩu hiệu mạnh mẽ. Tuy nhiên vào tháng 4 năm 1961, Kenedy đã không thể hậu thuẫn những khẩu hiệu dũng cảm đó bằng hành động cụ thể. Kết quả là vụ thảm bại ở Vịnh Con lợn.

Nhiều nhân vật lãnh đạo bị thay thế. Trước hết, Giám đốc CIA Alen Dulles và Phó Giám đốc phụ trách kế hoạch, Rechard Bissell - kiến trúc sư của vụ xâm lược - bị thải hồi. Nhưng Kenedy cho rằng vấn đề không dừng lại ở Dulles và Bissell mà là ở cả thể chế. Sự kiện Vịnh Con lợn đã làm tổng thống thay đổi đánh giá về khả năng vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động bán vũ trang bí mật của CIA. Hai tháng sau vụ thất bại, ngày 28-6-1961 Kenedy phê duyệt ba chỉ thị số 55, 56, 57 của Hội đồng an ninh quốc gia nhằm xác định lại và chuyển giao trách nhiệm thực hiện các hoạt động chiến tranh không quy ước từ CIA Sang Lầu Năm Góc.

Chỉ thị số 55 - về quan hệ giữa Hội đồng tham mưu liên quân với tổng thống trong các hoạt động chiến tranh lạnh đã tước đi đặc quyền của CIA trong việc vạch kế hoạch và thực hiện các hoạt động bán quân sự bí mật. Phát biểu trước Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, Kenedy tuyên bố: "Tôi trông chở Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân có vai trò lãnh đạo sáng tạo và năng động góp phần vào thành công của các khía cạnh quân sự và bán quân sự trong các chương trình chiến tranh lạnh"(3). Đây là bước đầu tiên của tổng thống để giảm quyền hạn của CIA đối với các hoạt động bán quân sự bí mật.

Bước tiếp theo là Chỉ thị 56 - Đánh giá các yêu cầu bán quân sự. Chỉ thị này yêu cầu Bộ trưởng Quốc phòng "kiểm kê những lực lượng bán quân sự hiện có và xem xét các khu vực trên thế giới, nơi mà việc thực hiện chính sách ngoại giao đòi hỏi phải có lực lượng bán quân sự tại chỗ, để đề ra mục tiêu của chúng ta tại những khu vực đó". Sau khi đã xác định yêu cầu về nguồn lực để đáp ứng yêu cầu của chính sách, thì "vấn đề tiếp theo là phát triển một kế hoạch để bù vào sự hẫng hụt"(4). Tướng Lansdale được giao nhiệm vụ kiểm kê, xác định sự thiếu hụt và đề xuất những nguồn lực cần được bổ sung để Lầu Năm Góc có thể thực hiện được các hoạt động bán quân sự bí mật.

Lansdale viết rất nhiều tờ trình cho Thứ trưởng Quốc phòng Gilpatric. Một trong số đó đề cập đến thách thức về biện pháp thực hiện chiến tranh không quy ước đối với đối phương. Lansdale nhận thấy rằng "các kế hoạch chống lại Bắc Việt Nam hiện tại tỏ ra đã đạt đến mức độ cao nhất mà chính sách của Hoa Kỳ cho phép". Những gì ông muốn là phải thay đổi chính sách đó và mở rộng nguồn lực của Bộ Quốc phòng. "Cần tính đến chính sách dài hạn đối với Bắc Việt Nam. Nếu cộng sản có thể thực hiện cuộc chiến tranh lật đổ để nắm giữ một đất nước thì đã đến lúc chúng ta cho họ nhận điều tương tự".

Lansdale đề nghị thành lập một phong trào chống đối cộng sản trong lòng Bắc Việt Nam. Dĩ nhiên điều này không dễ dàng gì. Đó là công việc "lâu dài và gian khổ". Tuy nhiên, "nếu mục tiêu của chúng ta là tạo ra một tình hình tương tự như Hungary, thì phải sẵn sàng giúp đỡ với mục tiêu là thống nhất Việt Nam", và điều cần thiết là "phải vạch ra một chương trình hoạt động ngầm lớn hơn chống lại Bắc Việt Nam"(5).

Đề nghị của Lansdale đã gây ra tranh cãi, đấy là nói một cách nhẹ nhàng nhất. "Tạo ra một tình hình tương tự như Hungary" là điều khá nhạy cảm trong chính phủ Mỹ. Ví dụ, ở CIA những ý tưởng tương tự sẽ không được chào đón kể từ sau năm 1956. Một trong những đề nghị phiền toái nhất là việc thành lập một mạng lưới điệp viên trong lãnh thổ Bắc Việt Nam với mục tiêu gây dựng một phong trào chống đối. Bộ máy hành chính của Washington, nhất là Bộ Ngoại giao và CIA phản đối đề nghị này. Đối với họ Hungary mang một ý nghĩa hoàn toàn khác. Họ đã rút ra bài học kinh nghiệm từ cuộc nổi loạn ở Hungary năm 1956 rằng Washington sẽ không ủng hộ những cuộc nổi loạn như vậy vì có thể dẫn đến chiến tranh thế giới. Vì vậy, thay vì khuyến khích, nên tránh xa các cuộc bạo loạn ở các quốc gia cộng sản.

Điều cuối cùng và quan trọng nhất là Chỉ thị 57 đã đề ra các quy định về hành chính trong việc vạch kế hoạch và tiến hành các hoạt động bán quân sự của CIA và Bộ Quốc phòng. Theo đó CIA được giao thực hiện hoạt động bán quân sự "hoàn toàn bí mật hoặc có thể chối bỏ được với điều kiện hoạt động đó nằm trong phạm vi khả năng bình thường của CIA". Ở đây cụm từ chủ chốt là "khả năng bình thường". Chỉ thị 57 nói rằng "các hoạt động bán quân sự lớn mang tính bí mật hoàn toàn hoặc một phần mà đòi hỏi một số lượng đáng kể nhân viên được huấn luyện về quân sự và thiết bị quân sự" sẽ được coi là "vượt quá nguồn lực và kinh nghiệm quân sự của CIA" và trong trường hợp đó những chương trình lớn này sẽ" do Bộ Quốc phòng chịu trách nhiệm chính với sự giúp đỡ của CIA"(6).

Chỉ thị của Hội đồng an ninh quốc gia số 55, 56, 57 cho thấy sự không hài lòng của Kenedy đối với CIA và quyết tâm phát triển các công cụ hoạt động để tiến hành cuộc chiến tranh đặc biệt chống Bắc Việt Nam và các địa bàn bị từ chối khác. ông sẽ không nhường trận địa mới cho bất kỳ ai. Bên cạnh tầm hoạt động, tư tưởng của Kenedy còn thể hiện rõ trong các sáng kiến chính sách. Tháng 2-1962 theo chỉ thị số 124, Nhóm Đặc biệt về chống nổi loạn được thành lập. Mục đích của nhóm này là thành lập việc giám sát ở tầm chính sách để đảm bảo "sự phát triển các chương trình liên bộ đầy đủ nhằm ngăn chặn hoặc đánh bại bạo loạn lật đổ và xâm lược gián tiếp ở các nước và khu vực được giao cho nhóm đặc biệt"(7).

Một nhóm cấp cao - Uỷ ban 303 - được giao nhiệm vụ kiểm soát các hoạt động ngầm, kể cả hoạt động bán quân sự(1). Thẩm quyền của Uỷ ban bao gồm tất cả các hoạt động ngầm quan trọng trên thế giới. Uỷ ban 303 chịu trách nhiệm về các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam của CIA trong những năm 1961-1963. Năm 1964, các hoạt động ngầm do quân đội chỉ đạo chống Việt Nam trở thành công việc chính của Uỷ ban. Các thành viên của Uỷ ban bao gồm Mc George Bundy, cố vấn an ninh quốc gia, Roswell Gilpatric, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, U. Alexis Johnson, Trợ lý Thứ trưởng về vấn đề chính trị, và Rechard Helm, Phó Giám đốc Cục tình báo Trung ương. Bundy là chủ tịch Uỷ ban. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân cũng có đại diện cao cấp. Theo Gilpatric, đó là tướng Maxwell.Taylor, Chủ tịch hội đồng. Ông cũng cho biết thêm đôi khi "McNamara cũng đến dự các cuộc họp. Mỗi khi có chương trình lớn đang được cân nhắc, tôi sẽ báo và ông ấy sẽ đến dự"(2).

Với vai trò ngày càng tăng của Lầu Năm Góc trong chống nổi loạn và chiến tranh bí mật, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân thành lập Văn phòng trợ lý đặc biệt về hoạt động đặc biệt và nổi loạn (SACSA) đặt dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Chủ tịch hội đồng. Văn phòng này hỗ trợ Bộ trưởng và Chủ tịch hội đồng tham mưu trưởng liên quân thực hiện các yêu cầu của Nhóm đặc biệt và Uỷ ban 303. Ở Washington, Văn phòng này giúp vạch kế hoạch và chỉ đạo những hoạt động chiến tranh đặc biệt có sự tham gia của Bộ Quốc phòng. Tất cả mọi thành phần quốc phòng tham gia vào các hoạt động này phải hỗ trợ Văn phòng trợ lý đặc biệt khi được yêu cầu. Được thành lập tháng 2-1962, vị trợ lý đặc biệt đầu tiên là thiếu tướng thuỷ quân lục chiến Victor H. Krulak.

Krulak là một người có đầu óc sáng tạo. Khi còn là một sĩ quan trẻ và chứng kiến hoạt động của người Nhật chống Trung Quốc vào cuối những năm 1930, ông đã thiết kế phần thân cho tàu đổ bộ, giải quyết vấn đề đổ bộ nhanh chóng các lực lượng tấn công từ biển vào đất liền. Kết quả là đã ra đời các tàu đổ bộ tiêu chuẩn được thủy quân lục chiến sử dụng ở Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Krulak khẳng định vị trí của mình trong các trận đánh trong chiến tranh bằng việc chỉ huy các vụ tập kích lên bộ vào ban đêm đầy nguy hiểm. Trong một phi vụ, một chiếc tàu đổ bộ chở 30 lính thuỷ đánh bộ dưới quyền Krulak đâm vào đá ngầm và bị chìm. Một chiếc tàu phóng lôi do viên trung uý trẻ tên là John Kenedy chỉ huy đã cứu thoát họ. Trung tá Krulak bày tỏ lòng biết ơn với viên trung uý. Năm 1961, Krulak, giờ đã là thiếu tướng, và tổng thống Kenedy gặp lại nhau khi Krulak đến thăm vị tân tổng thống tại Nhà Trắng. Họ ngồi cùng nhau và nhắc lại những cuộc phiêu lưu thời thế chiến thứ hai. Mối quan hệ cũ được nối lại. Và Krulak nhanh chóng trở thành một trong những viền tướng được Kenedy yêu thích. Vì vậy, khi Kenedy cần một viên sĩ quan cao cấp để phụ trách SACSA, ông đã chọn Krulak(3). Đây là một bằng chứng nữa cho thấy Kenedy đã giám sát chính sách chiến tranh đặc biệt chặt chẽ như thế nào.

Như vậy, khi năm 1961 kết thúc và năm 1962 bắt đầu, tổng thống Kenedy đã tiến hành nhiều bước đi hành chính và chính sách để có thể "làm tất cả để tiến hành hoạt động du kích ở lãnh thổ Bắc Việt Nam". Thật không may cho tổng thống, không có gì ngoài sự thất vọng đang đón đợi ở phía trước.

HOẠT ĐỘNG CỦA CIA CHỐNG LẠI BẮC VIỆT NAM: QUÁ ÍT VÀ QUÁ CHẬM CHẠP

Đánh giá của chính quyền về Việt Nam trong năm 1962 thật là mâu thuẫn và bắt đầu bằng những nhận định bi quan về tình hình. Ngày 15-1-1962, Bộ trưởng Quốc phòng McNamara khai mạc cuộc họp để đánh giá tình hình đang xấu đi và đề ra giải pháp. Bộ trưởng muốn có bước đi nhanh chóng để tăng cường nỗ lực của Mỹ ở Việt Nam. McNamara kết luận rằng cần có một bộ chỉ huy mới ở tầm hoạt động nhằm tạo ra sự thống nhất các nỗ lực và đưa mọi việc đi đúng hướng. Ngày 8-2, chính quyền thành lập Bộ chỉ huy viện trợ quân sự Mỹ ở Việt Nam (MACV), là một bộ phận trực thuộc Tổng Tư lệnh Thái Bình Dương và được giao trách nhiệm về mọi hoạt động quân sự ở Việt Nam. Cố vấn Mỹ bắt đầu có mặt tại Việt Nam để thực hiện những giải pháp mới của McNamara nhằm đẩy lùi cơn thuỷ triều Việt Cộng.

Vị tư lệnh MACV, tướng Paul Harkin, tin tưởng rằng sẽ đạt được điều đó trong năm 1962. Harkin chính là sự lựa chọn của Maxwell Taylor cho vị trí này. Họ là hai người bạn thân, có quan hệ từ những năm 1940 tại Westpoint khi cả hai cùng làm việc tại học viện. Khi Taylor là tư lệnh Tập đoàn quân số 8 ở Triều Tiên, Harkin là tham mưu trưởng của ông. Nhưng Harkin là sự lựa chọn không phù hợp với loại xung đột đang diễn ra ở Việt Nam. Ông không hề có kinh nghiệm về bạo loạn và nhân viên được ông chọn ở MACV cũng chẳng hơn gì(1). Tuy nhiên, Kenedy và McNamara chấp nhận sự lựa chọn của Taylor.

Đối với chính quyền Kenedy, năm 1962 nhanh chóng bị hai sự kiện lấn át: cuộc khủng khoảng tên lửa Cu Ba và Lào. Việt Nam tạm bị gác sang một bên, cho dù cuối cùng thì giải pháp Giơnevơ về Lào có tác động sâu sắc ngoài dự kiến đối với cuộc xung đột ở Nam Việt Nam. Đối với Hà Nội, đường Hồ Chí Minh ở Lào mang ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với cuộc chiến ở miền Nam.

Đối với Bắc Việt Nam, con đường mòn chính là cái mà nhà lý luận quân sự Carlvon Clausewitz gọi là "trọng tâm trọng lực". Khái niệm này chỉ "trung tâm của tất cả sức mạnh và chuyển động mà mọi thứ đều phụ thuộc vào đó" của đối phương. Clausewitz cho rằng nếu một viên tư lệnh có thể xác định và phá rối "trung tâm trọng lực" thì sẽ làm giảm sút cơ bản khả năng duy trì chiến tranh của kẻ địch"(2).

Đường mòn Hồ Chí Minh là hệ thống thông tin và vận tải bao gồm mạng lưới cung cấp hậu cần, cấu trúc chỉ huy kiểm soát và các vị trí đóng quân của quân đội Bắc Việt Nam. Về mặt địa lý, con đường này nằm dọc theo một mạng lưới dầy đặc các tuyến đường lớn nhỏ chạy từ miền Bắc sang Lào sau đó đến miền Nam. Ngoài ra, con đường còn mở sang Campuchia. Con đường mòn này là một trong những nhân tố chiến lược chủ yếu cho phép Hà Nội tiến hành cuộc chiến tranh. Đường mòn tạo ra lợi thế hậu cần có tính chất quyết định đồng thời giúp nhanh chóng chuyển quân từ những căn cứ tập kết ở Lào và Campuchia sang các chiến trường ở Nam Việt Nam. Một trong những nhà địa lý quân sự hàng đầu, John Collins đã nhận xét “Khi mới được mở vào cuối những năm 1959, đường mòn Hồ Chí Minh không là cái gì khác ngoài mạng lưới nhằng nhịt các con đường nhỏ dưới tán rừng rậm rạp. Nam nữ thanh niên xung phong đã cõng những gùi hàng nặng trĩu dọc theo những con đường mòn này nhưng giới chức cao cấp của Mỹ và của Nam Việt Nam ở Sài Gòn đã coi thường hoạt động đó vì số lượng hàng không đáng kể: một chút gạo, một vài khẩu súng ngắn lấy được từ người Pháp, và vũ khí tự tạo trông như đồ chơi "(3). Bức tranh này thay đổi nhanh chóng trong những năm 1960.

Năm 1962 là năm thứ 3 mà Võ Bẩm, một vị tướng Bắc Việt Nam và đơn vị vận tải 559 tiến hành mở các tuyến đường xâm nhập vào miền Nam. Họ bắt đầu công việc sau khi Trung ương Đảng có quyết định tháng 5-1959 tăng cường hoạt động vũ trang ở miền Nam. Đối với tướng Bẩm, đó là niềm vinh dự lớn khi được giao nhiệm vụ "tổ chức một tuyến đường quân sự đặc biệt để vận chuyển hàng cho cách mạng miền Nam". 25 năm sau, ông hồi tưởng lại "chưa bao giờ trong cuộc đời binh nghiệp vốn có rất nhiều các nhiệm vụ đặc biệt của mình, tôi lại cảm thấy xúc động như lúc ấy. Tôi biết rằng một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng đang chờ đón tôi"(4).

Cho đến năm 1962, mọi việc diễn ra rất tốt đẹp đối với tưởng Bẩm và đoàn 559. Theo một báo cáo của CIA vào lùa hè năm trước, chỉ riêng trong tháng 6, Hà Nội đã đưa 1.500 lính vào miền Nam. Trong khi con số này rất nhỏ nhoi so với mấy năm sau đó, nhưng vào tháng 6-1961 nó đã gấp đôi tháng trước đó. Báo cáo còn bổ sung thêm rằng nếu muốn, Hà Nội có thể dễ dàng tăng cường việc xâm nhập theo đường mòn(5).

Hậu quả là tình hình ở Lào trở thành vấn đề lớn đối với Kenedy. Cần phải làm điều gì đó để ngăn cản dòng vận chuyển. Rostow và Taylor đề nghị có một chiến dịch gồm các lực lượng hỗn hợp của Lào, Thái và Nam Việt Nam phá hoại một số đoạn quan trọng để ngăn chặn sự xâm nhập. Lực lượng đặc biệt của Mỹ sẽ đóng vai trò cố vấn. Rostow và Taylor còn đề xuất hàng loạt các hoạt động chống lại Bắc Việt Nam, kể cả ném bom(6).

Kenedy chưa sẵn sàng cho những giải pháp này. Việc can thiệp quân sự vào Lào và ném bom Bắc Việt Nam rõ ràng là không ổn. Ông tuyên bố: "Tôi muốn có một giải pháp đàm phán Tôi không muốn dính líu về quân sự"(7).

Những cuộc đàm phán được tiến hành ở Giơnevơ 23-7-1962 và kết quả là trung lập hoá Lào. Làm sao có được kết quả này là một câu chuyện dài và phức tạp mà khi nhìn lại thì kết quả đó thật là thảm hại. Tuy nhiên lúc đó tổng thống ca ngợi hiệp định vì đã cho phép Mỹ tránh được sự can thiệp quân sự.

Nhân vật chính của hiệp định Giơnevơ là W. Averel Harriman. Sinh ra trong một gia đình thuộc loại nổi tiếng và giàu có nhất nước Mỹ, Harriman kiếm được khoản tiền lớn trong chiến tranh thế giới thứ hai thông qua Công ty tàu biển. Vào giữa những năm 1920, ở tuổi 34 ông làm chủ đội tàu hàng lớn nhất nước Mỹ. Trong những năm 1930, ông mở rộng lãnh địa của đế chế xe lửa của cha mình và trở thành chủ tịch của Công ty Central ở Illinois năm 1931 và Pacific Union năm 1932.

Chiến tranh thế giới thứ hai đã đưa Harriman vào chính quyền, và ông đã bắt đầu một sự nghiệp 40 năm với tư cách là một nhà ngoại giao đầy quyền lực và có tính độc lập. Trong chiến tranh, ông đại diện cho Chương trình "thuê mượn" cho Anh và Nga, là đặc phái viên của tổng thống Roosevelt bên cạnh thủ tướng Churchill và Joseph Stalin. Năm 1943, Harriman được cử làm đại sứ tại Matxcơva. Và đây là điểm khởi đầu cho sự quan tâm của ông đến quan hệ Mỹ-Xô và tự cho rằng mình biết cách đối phó với người Nga. Sau chiến tranh, Harriman giúp hình thành chính sách ngoại giao của Mỹ trong những năm đầu của chiến tranh lạnh. Năm 1948, ông được tổng thống Truman cử làm đại diện chính thức của Mỹ tại châu Âu về kế hoạch Marshall và năm 1951, đại diện của Mỹ tại NATO.

Trong chính quyền, Harriman nổi tiếng là một người đấu tranh không khoan nhượng và độc đoán. Người nào mắc phải việc gì đó với ông chắc chắn sẽ gặp phiền hà lớn. Phương pháp tiến hành đàm phán của ông được nhân viên mô tả là "tra tấn bằng nước. Ông ta nhắc đi nhắc lại luận điềm của mình cho đến khi đối phương nhượng bộ". Sau khi quan sát Harriman làm việc, Mac Bundy gọi ông là "cá sấu ". “Con cá sấu chỉ nằm ườn ở bên bờ sông, mắt khép hờ, trông như ngái ngủ. Rồi đột nhiên nó nhảy lên ngoạm một miếng”. Từ đó biệt danh này gắn liền với ông. "Boby Kenedy tặng Harriman một con cá sấu vàng, còn nhân viên thì tặng một con bằng bạc với dòng chữ đề tặng: từ những nạn nhân của ngài"(1).

Mặc dù giàu kinh nghiệm ngoại giao, Harriman không có vị trí gì lớn trong chính quyền mới. Đầu tiên, ông giữ một chức vụ vô thưởng vô phạt là Đại sứ lưu động, một chức vụ chẳng có quyền hành gì ở Washington. Tháng 10-1961, Kenedy bổ nhiệm ông là trợ lý ngoại trưởng về các vấn đề Viễn Đông. Đây chính là bộ phận bị tác động nặng nề nhất trong thời kỳ McCarthy. Dẫu sao, Trung Quốc đã bị mất. Khi nhận chức, Harriman mô tả cơ quan là "một vùng đất hoang... một thảm hoạ đầy những xác chết."(2).

Việc Harriman dính líu vào Lào gần như là ngẫu nhiên. Lào không phải là vấn đề mà ông quan tâm. Nhưng ông coi việc này là con đường đưa ông trở lại quyền lực: tổng thống đang muốn có giải pháp đàm phán và Harriman mang lại điều đó. Ông được ban thưởng bằng việc bổ nhiệm giữ chức thứ trưởng ngoại giao phụ trách các vấn đề chính trị.

Lào ở trong tình trạng phức tạp và rối rắm. Đất nước này giành độc lập từ người Pháp sau hội nghị Giơnevơ 1954 nhưng ngay sau đó rơi vào cuộc đấu tranh giành quyền lực giữa Lào cộng sản do Hoàng thân Xuphanuvông lãnh đạo và chính phủ hoàng gia Lào do Hoàng thân Xuvanna Phuma, người anh cùng cha khác mẹ với Xuphanuvông. Nhưng cuộc tranh giành này không dừng lại trong phạm vi gia đình. Hà Nội hậu thuẫn Xuphanuvông, Mỹ giúp Xuvanna Phuma. Từ 1954-1958, Pathet Lào, vốn chỉ kiểm soát hai tỉnh phía đông bắc Lào, tìm cách mở rộng thế lực, trong khi chính phủ cố giành lại những khu vực này. Năm 1959, tình trạng đối địch ngày càng tăng khi phe cộng sản với sự giúp sức của Hà Nội tấn công một số vị trí tiền tiêu ở đông bắc Lào.

Từ 1959-1962, xung đột đã trở thành cuộc nội chiến. Giai đoạn này còn được đánh dấu bởi các cuộc đảo chính liên tiếp trong chính phủ hoàng gia Lào làm nảy sinh nhóm trung lập do Hoàng thân Xuvanna Phuma lãnh đạo và nhóm cánh hữu do tướng Phumi Nôxavẳn cầm đầu. Viên tướng này cướp chính quyền tháng 3-1961, Hoàng thân Phuma chạy sang Campuchia. Đầu năm 1962, Phuma thành lập căn cứ tại Cánh đồng Chum ở Trung Lào.

Việc tranh giành này đã giúp củng cố vị trí của Pathet Lào và Hà Nội. Những người theo phái trung lập đã tìm thấy lợi ích khi liên minh với Pathet Lào. Ngay sau đó, Matxcơva đã nhảy vào cuộc, lấy danh nghĩa công khai là ủng hộ phe Suvanna Phuma, người đã đề nghị Liên Xô giúp đỡ sau khi Mỹ ngừng viện trợ cho chính phủ của ông và doạ rút cố vấn quân sự ngay trước khi Phumi nắm quyền lực. Liên Xô đã lợi dụng lời mời này để cung cấp viện trợ cho các lực lượng Bắc Việt Nam và Pathet Lào. Phái trung lập chỉ nhận được những gì còn lại sau khi Bắc Việt Nam và Pathet Lào lấy đi phần của mình. Số đó chẳng nhiều nhặn gì.

Đó là tình hình khi Harriman vào cuộc. Ông tin Xuvanna Phuma là yếu tố chủ chốt của một giải pháp đàm phán. Harriman thúc giục cả ba bên chấp nhận về nguyên tắc thành lập chính phủ hoà giải dân tộc, và tháng 12-1961, Hội nghị Giơnevơ thông qua bản tuyên bố tạm thời về trung lập. Vấn đề lớn nhất đối với Harriman, theo David Halberstam trong cuốn "Những người xuất sắc và thông minh nhất", là "cố thuyết phục người Xôviết rằng họ gần như chẳng mất gì" khi chấp nhận giải pháp trung lập. Halberstam nhận xét là ngay cả Harriman cũng cho đó quả là một công việc khó(3). Khi hồi tưởng lại, mọi người có thể tự hỏi phải chăng Matxcơva không hiểu ý nghĩa của việc Lào trung lập hay chính Harriman và chính quyền Washington không hiểu, trong khi hai trong số ba bên của giải pháp là đông minh của Liên Xô. Điều không kém phần quan trọng là trong khi Mỹ công khai mang lại sự kết thúc nhanh chóng cho cuộc khủng hoảng ở Lào, họ đã không ngăn cản tướng Bẩm và đoàn 559 tiếp tục làm việc trên con đường Hồ Chí Minh.

Tháng 6-1962, các bên của Lào gặp nhau tại Cánh đồng Chum để thảo ra bản hiệp định và thành lập chính phủ liên hiệp thống nhất dân tộc. Hiệp định này có hiệu lực ngày 23-6, và Lào được tuyên bố trung lập ngày 6-7. Theo Hiệp định mọi lực lượng nước ngoài: Mỹ, Liên Xô, Việt Nam phải rút khỏi Lào.

Uỷ ban kiểm soát quốc tế, có trách nhiệm giám sát các cửa khẩu rút quân đội nước ngoài ở Lào, chỉ ghi nhận việc rút 40 người thuộc Bắc Việt Nam. Theo ước tính có đến 10 000 bộ đội Việt Nam tại Lào(4), không kể đoàn 559 của tướng Bẩm. Trên thực tế, chính quyền Kenedy đã nhường Lào và việc sử dụng thoải mái đường mòn Hồ Chí Minh cho Hà Nội. Các báo cáo tình báo cho biết vào mùa xuân 1963, quân đội Bắc Việt Nam đã đẩy lùi lực lượng tướng Phumi ra xa mạng lưới đường mòn đang mở rộng, và các đoàn xe tải tiếp tục chở hàng cung cấp dọc theo tuyến đường. Ở Sài Gòn, tướng Harkin tìm cách làm giảm ý nghĩa của việc này bằng cách cho đây là sự đồn đoán vô căn cứ.(5).

Trong khi sự "trung lập" của Lào đang được đàm phán năm 1962, chương trình hoạt động ngầm của CIA chống Bắc Việt Nam đang được ráo riết tiến hành. Bộ phận hành động Bắc Việt Nam thuộc trung tâm CIA ở Sài Gòn do Gilbert Layton lãnh đạo chỉ có một số ít nhân viên. Trong số đó có một vài người như Lucius, Conein, Tucker Gougelmann sau này đã trở thành huyền thoại. Trưởng trung tâm Sài Gòn lúc bấy giờ là Bill Colby, một ngôi sao đang lên của CIA. Vốn là cựu nhân viên OSS, Colby đã cộng tác với phong trào kháng chiến Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai. Kinh nghiệm đó đã cho ông thấy giá trị của hoạt động ngầm. Cũng giống như các nhân viên CIA đương đại, Colby học tại các trường thuộc Ivy League - chỉ các trường đại học ở bờ Đông nước Mỹ. Tốt nghiệp đại học ở trường Princeton, ông nhận bằng luật tại trường đại học Colombia sau chiến tranh thế giới thứ hai. Colby đã làm luật sư về lao động trước khi gia nhập CIA năm 1950. Vào năm 1959, ông là trưởng trung tâm CIA ở Việt Nam. Sau đó ông được bổ nhiệm là Trưởng phòng Viễn Đông thuộc Cục kế hoạch. Colby giải thích rằng mục đích của chương trình bí mật là "làm tăng tình hình mất an ninh ở Bắc Việt Nam tương xứng với tình hình mất an ninh họ tạo ra ở miền Nam." Như Colby nhớ lại, Kenedy đã tiếp nhận ý tưởng này(1).



Các hoạt động này kèm theo những gì? Mức độ tập trung ra sao? Hà Nội có cảm thấy rõ hơn về an ninh nội bộ trong năm 1962 không? Theo Colby, chương trình hoạt động ngầm trong hai năm 1961-1963 rất khiêm tốn. Chương trình này bao gồm "các toán gián điệp xâm nhập vào miền Bắc". Khi được hỏi về mục đích, Colby cho biết: ý nghĩ ban đầu của ông là "thành lập một căn cứ cho hoạt động của phong trào chống đối". Tuy nhiên, đó không phải là nhiệm vụ mà ông thực sự giao cho họ. Đầu tiên, các toán gián điệp này có nhiệm vụ thu thập tình báo. Sang năm 1962, họ khuyển sang nhiệm vụ phá hoại và quấy rối. Vào năm sau, các toán gián điệp được giao nhiệm vụ tiến hành chiến tranh tâm lý.

Cho dù với nhiệm vụ gì đi nữa, kết quả đều giống nhau. Tất cả đều thất bại. Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp, như Colby sau đó đã nhận ra. Hơn 30 toán gián điệp và các điệp viên đơn tuyến được cử xâm nhập miền Bắc qua đường biển, đường không và đường bộ trong giai đoạn 1961-1963. Rất nhiều người trong số điệp viên là người miền Bắc di cư vào Nam theo các điều khoản cho phép tái định cư của Hiệp định Giơnevơ năm 1954. Trong sổ ghi sự kiện của CIA, bên cạnh mã hiệu của từng toán thường có dòng chữ: "bị bắt ngay sau khi tiếp đất", "bị bắt làm gián điệp đôi, bị tiêu diệt", “không có liên lạc, mất liên lạc"(2). Trong thực tế vào năm 1963, chỉ còn bốn toán và một điệp viên được coi là còn hoạt động ở miền Bắc. Số còn lại đã chết, đang ở trong nhà tù, hoặc hoạt động dưới sự kiểm soát của đối phương.

Điều này gợi nhớ lại những hoạt động ở các địa bàn bị từ chối trong quá khứ, như Colby sau này đau xót nhắc lại "Anh biết đấy, chúng tôi tham gia hỗ trợ một tổ chức chống đối Ba Lan mà không ngờ tổ chức này hoàn toàn giả tạo. Người Đông Đức nói rằng rất nhiều trong số điệp viên của Mỹ là do họ điều khiển. Người Cu Ba gần đây cũng nói như vậy. Vì vậy, Việt Nam cũng không phải là một câu chuyện hay ho gì”(3).

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự bất hạnh của CIA ở Bắc Việt Nam, mà phần lớn trong số đó là do sự không thích ứng của CIA. Trước hết, CIA không phải là người tuyển chọn điệp viên cho từng toán. Đối tác Nam Việt Nam chịu trách nhiệm tuyển chọn trong số dân miền Bắc hiện đang sống ở miền Nam. Việc kiểm soát chất lượng là vấn đề lớn. Thứ hai, các toán được xâm nhập rải rác khắp miền Bắc mà không hề tính toán tới khả năng tập trung họ vào một vùng nhất định sau đó mới mở rộng. Không hề có nhân tố thân thiện trong các địa bàn mà các toán xâm nhập. Những chuyến xâm nhập này được "thả tù mù”, vì theo Colby "không có gì để giúp cho việc xâm nhập. Không có mạng lưới tình báo (tại chỗ ở miền Bắc)"(4). Hơn nữa, một số toán nhảy dù vào vùng xa và không có tầm quan trọng, những nơi mà riêng việc tồn tại được đã rất khó khăn. Thứ ba, các toán đều phụ thuộc vào việc cung cấp qua đường không. Với điều kiện vật chất hạn hẹp của mình, điều này rất khó đối với CIA. Thứ tư, các toán không được trang bị tốt về giấy tờ giả để thoát thân trong môi trường an ninh được kiểm soát ở miền Bắc. Cuối cùng, có những vấn đề nghiêm trọng liên quan đến yếu tố an ninh của các chiến dịch. Một số người nghi rằng, các hoạt động này đã bị tình báo Bắc Việt Nam xâm nhập.

Đây không phải là những điều mà tổng thống Kenedy mong đợi. Khi nhắc lại những hoạt động này Herb Weisshart cho rằng kết quả đó không có gì đáng ngạc nhiên: các toán "không được mời đến, ở đó không có phong trào chống đối nào cả... Lý do cơ bản là môi trường hoạt động không dễ dàng cho các điệp viên thâm nhập. Không có ai để móc nối và bắt đầu hoạt động chống đối. Dĩ nhiên không thể làm được những gì chúng ta mong muốn."(5). Bắc Việt Nam không phải là nước Pháp trong chiến tranh thế giới thứ hai mà giống như các địa bàn bị từ chối ở các nước cộng hoà Ban Tích, Ba Lan, Anbani, và Ucraina. Tuy nhiên, có một khác biệt lớn giữa Việt Nam và các nước khác thuộc khối cộng sản vào những năm 1950 mà Weisshart không đề cập tới: Hà Nội đang trong chiến tranh với một siêu cường.

Ngoài các toán gián điệp, Trung tâm CIA ở Sài Gòn thực hiện một số hoạt động quy mô nhỏ dọc theo bờ biển Bắc Việt Nam. Ngay trong hoạt động này, nhiệm vụ của bộ phận hành động của Tucker Gougelman luôn thay đổi. Đầu tiên, nhiệm vụ này là trinh sát và thu thập tin tức tình báo và một thời gian ngắn sau đó bổ sung thêm nhiệm vụ tung các toán gián điệp theo đường biển. Năm 1962, nhiệm vụ này là quấy rối và tập kích phá hoại. Gougelman, người phụ trách các hoạt động trên biển, nguyên là lính thuý đánh bộ đã từng bị thương nặng tại Thái Bình Dương trong chiến tranh thế giới thứ hai. Khi là nhân viên CIA, Gougelman đã tiến hành các hoạt động tại địa bàn bị từ chối ở các nước Đông Âu trong những năm 1950 trước khi chuyển sang Việt Nam. Nhưng theo đô đốc Harry D. Felt, tư lệnh Thái Bình Dương, thì các hoạt động do Gougelman điều hành chống lại Bắc Việt Nam quá nhỏ bé và mức độ thành công cũng rất khiêm tốn. Lúc đó, Felt tin rằng hoạt động ngầm chống lại Hà Nội sẽ có kết quả và buộc Hà Nội ngừng hỗ trợ hoạt động nổi loạn ở miền Nam. Nhưng để đạt được điều đó cần phải làm nhiều hơn những “hoạt động phá hoại ở hải phận phía Bắc hiện tại vì những hoạt động này không đủ nhanh và được trang bị vũ khí cần thiết" để tạo ra tác động mong muốn. Theo quan điểm của ông "những người vạch kế hoạch của CIA không được huấn luyện phù hợp để tiến hành các phi vụ loại này."(6). Vào cuối năm 1962, các phi vụ Bắc tiến của mảng hoạt động trên biển trong chương trình của CIA nhận được các tàu phóng lôi. Năm sau, có thêm tàu tuần tiễu Na Uy, có tên "Nasty". Nhưng hoạt động này có quy mô không lớn và nhiều lắm cũng chỉ gây ra những khó chịu nhỏ cho Hà Nội. Vào cuối năm 1962, mọi thứ đã quá đủ với Colby. Ông vạch kế hoạch chuyển trọng tâm hoạt động ngầm chống lại miền Bắc của CIA sang hoạt động chiến tranh tâm lý mà đến thời điểm đó vẫn bị coi nhẹ. Ông kết luận, "hoạt động gián điệp không hiệu quả. Lập luận của tôi là nếu chúng ta dành nỗ lực đúng mức vào hoạt động chiến tranh tâm lý bao gồm đài phát thanh và những thứ tương tự, bạn có thể tạo ra tác động vì những người cộng sản thường rất nhậy cảm với mối nguy hiểm của sự chống đối và nếu bạn tạo cho họ có ấn tượng rằng có một nhóm đối lập trong hàng ngũ của họ, thì điều đó sẽ làm cho họ phát điên."(7).

Herb Weisshart được cử đến Sài Gòn để lãnh đạo hoạt động chiến tranh tâm lý. Ông đã từng thực hiện các hoạt động tương tự đối với các mục tiêu khác. "Hầu như mọi thứ chúng ta làm chống lại miền Bắc đều đã thực hiện ở đâu đó”. Khi đến Sài Gòn Weisshart thấy rằng "chưa hề có một hoạt động chiến tranh tâm lý nào, họ giao cho tôi làm kế hoạch". Kế hoạch này bao gồm "tăng cường thả truyền đơn, các chương trình phát thanh" và tạo ra một phong trào chống đối giả có tên "Gươm thiêng ái quốc" của Liên đoàn những người yêu nước. Theo Weisshart, mục đích của chương trình chiến tranh tâm lý là "xem chúng ta có thể làm được gì để buộc Bắc Việt Nam phải dành ra một phần nguồn lực và phải lo lắng về những gì chúng ta đang làm ở hậu phương của họ"(8 ).

Như vậy, khi năm 1962 sắp kết thúc, chương trình hoạt động ngầm của CIA chống lại Bắc Việt Nam vẫn đang ỳ ạch, còn xa mới đạt được những ý định của Kenedy. Thật khó làm cho Hà Nội lo ngại về an ninh nội bộ của mình bằng những hoạt động như vậy. Và điều đó không qua được mắt CIA. Cơ quan này chuẩn bị một kế hoạch hoạt động ngầm khác chống Bắc Việt Nam và gửi cho tổng thống tháng 1-1963, nhưng Mac Bundy nghi ngờ khả năng thực hiện kế hoạch đó. Bundy nói với Kenedy "không có đủ cơ sở để tin rằng việc thực hiện kế hoạch này sẽ không gặp phải những khó khăn mà CIA đã từng đối mặt tại các địa bàn bị từ chối"(9).

LẦU NĂM GÓC NHẬN NHIỆM VỤ OPLAN 34A VÀ VIỆC HÌNH THÀNH MACVSOG

Tháng 7-1962, McNamara tổ chức một cuộc họp tại Hawai với các quan chức của Bộ Quốc phòng, Bộ chỉ huy Thái Bình Dương, CIA, Bộ Ngoại giao và MACV để xem xét việc quân đội tiếp nhận các hoạt động bán quân sự ở Việt Nam theo chỉ thị 57. Quá trình bàn giao các chương trình bán quân sự này mang mật danh “chiến dịch Switchback".

Tại cuộc họp, tướng Harkin nói với McNamara một cách tin tưởng rằng "Chúng ta đang ở phía giành chiến thắng. Nếu các chương trình được tiếp tục, các hoạt động của Việt Cộng sẽ suy giảm"(1). Tiếp theo ông tóm tắt những tiến bộ thu được từ các chương trình ấp chiến lược, hoạt động của Quân đội Việt Nam cộng hoà, việc huấn luyện lực lượng phòng vệ dân sự và bảo an,v.v... McNamara tỏ ra phấn khởi và nhận xét rằng "sáu tháng trước, hầu như chúng ta không có tin tức gì tích cực, từ đó đến nay chúng ta đã đạt được những tiến bộ to lớn". Ông hỏi Harkin còn bao lâu nữa thì "Việt Cộng bị tiêu hao đến mức chỉ còn là lực lượng không đáng kể". Người đứng đầu MACV đã trả lời "dự kiến mất khoảng một năm sau khi quân đội Việt Nam cộng hoà đạt đến mức hoạt động tối đa và gây sức ép đối với Việt Cộng ở mọi nơi". Đây quả là tin tốt lành và bước ngoặt lớn. Tuy nhiên McNamara tỏ ra thận trọng hơn Harkin, cho rằng cần phải mất khoảng ba năm để quân đội Việt Nam trở nên "hoạt động tối đa" và kết liễu Việt Cộng"(2). Như vậy, và như các số liệu thống kê đã chứng minh, Hoa Kỳ đang đi đúng hướng.

Suy nghĩ ảo tưởng và sự lạc quan không đúng chỗ của Harkin lây lan nhanh chóng. Điều này sớm được phản ánh trong báo cáo của đại diện quân sự của tổng thống, tướng Max Taylor. Vừa từ Việt Nam trở về tháng 9 năm 1962, Taylor đã trình bày một bản ca ngợi thành tích và tuyên bố rằng "đã đạt nhiều tiến bộ kể từ chuyến thăm của tôi tháng 10 năm 1961"(3). Trong khi chứng cứ cho thấy điều ngược lại, nhất là từ các sĩ quan lục quân Hoa Kỳ là cố vấn cho các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hòa ở vùng nông thôn cũng như từ báo cáo của CIA. Năm 1962 kết thúc với việc McNamara, Harkin, Taylor tất cả đều phấn khởi vì những tiến bộ ở Việt Nam. Họ đã tự lừa dối mình: Mỹ không đang giành thắng lợi.

Điều này là rõ ràng đối với các cố vấn quân sự Mỹ, những người theo dõi rất sát tình hình. Việt Cộng không tỏ ra sợ hãi quân đội Việt Nam cộng loà. Điều này được minh chứng bằng trận ấp Bắc tháng 12 năm 1962. Tại đồng bằng sông Mê Công, cách Sài Gòn 40 dặm về phía tây nam, ba đại đội Việt Cộng cố thủ dọc theo chiến hào dài một dặm giữa ấp Bắc và ấp Tân Thới. Trung đoàn 7 của quân đội Việt Nam cộng hoà được trang bị bằng súng tự động và xe bọc thép và được hỗ trợ bằng máy bay ném bom và máy bay trực thăng, tấn công vào các vị trí phòng thủ của Việt Cộng nhưng bị đẩy lùi bởi khoảng 300 du kích. Cuộc chiến kết thúc vào tháng 1-1963 bằng việc Việt Cộng rút lui một cách an toàn. Âp Bắc là một thất bại ê chề. Thất bại này cho thấy tình trạng chỉ huy kém cỏi và tinh thần chiến đấu rệu rã của quân đội Việt Nam cộng hoà. Một trung đoàn quân chính quy mà không thể chiến thắng tinh thần chiến đấu của 300 Việt Cộng. Ấp Bắc đã phủ bóng đen lên luận điểm rằng Mỹ và Nam Việt Nam đang giành thắng lợi.

Tiếp sau đó là cuộc chiến về các báo cáo tình báo. Ngày 11 tháng 1, Văn phòng tin tức tình báo của CIA đưa ra báo cáo "Tình hình cuộc chiến tranh ở Việt Nam" cho rằng "thuỷ triều vẫn chưa bị đẩy lùi. Nam Việt Nam đã có một số tiến bộ nhưng chủ yếu là do sự hỗ trợ mạnh mẽ của Mỹ. Tuy nhiên Việt Cộng tiếp tục mở rộng và tận dụng tính hiệu quả của mình và ngày càng trở nên mạnh bạo hơn trong các cuộc tấn công". Bản báo cáo đưa ra kết luận rằng tình trạng hiện tại là bế tắc, nhưng nhận định này không hề được các cơ quan khác chấp nhận. Bản báo cáo đã đưa ra một bức tranh trong đó Việt Cộng đang gia tăng thách thức còn chính phủ Nam Việt Nam thì đang đối phó với thách thức đó một cách rất khó khăn.

Forrestal, một nhân viên của Hội đồng an ninh quốc gia, còn vẽ ra cho tổng thống một bức tranh ảm đạm hơn. Là con trai của Bộ trưởng Quốc phòng đầu tiên, Forrestal từng là trợ lý cho Harriman về kế hoạch Marshall. Tốt nghiệp trường Luật Harvard, Forrestal làm việc ở phố Uôn (Wall) trước khi đến làm việc tại Hội đồng an ninh quốc gia về vấn đề Việt Nam. Cuối tháng 12-1962, tổng thống Kenedy đã cử ông sang Việt Nam để nắm tình hình tại chỗ. Ngày 11-2-1963, Forrestal cho tổng thống biết rằng chiến tranh sẽ rất tốn kém và kéo dài. Ông không tin các số liệu thống kê của MACV về thương vong của Việt Cộng được sử dụng để chứng minh sự thắng thế của Mỹ. Ông chỉ ra rằng không ai có thể biết rõ rằng trong số 20.000 Việt Cộng bị chết vào năm ngoái có bao nhiêu là người vô tội hoặc chỉ là những người dân ấp có thiện cảm với Việt Cộng. Hơn nữa, Việt Cộng có thể tuyển mộ người thay thế số thương vong một cách dễ dàng. Forrestal cũng đặt câu hỏivề số lượng ấp chiến lược đã được xây dựng thành công. Chương trình này là trọng điểm cho nỗ lực của Hoa Kỳ ở Nam Việt Nam. Mục đích của chương trình là tái định cư dân chúng ở nông thôn vào các ấp tập trung và được bảo vệ để chống lại ảnh hưởng và hoạt động tuyển lựa hoặc tấn công của Việt Cộng. Theo Forrestal, chương trình này có rất nhiều nhược điểm. Chương trình đã tạo ra sự căm ghét của những người dân bị di dời, không đảm bảo đủ an ninh để chống lại Việt Cộng, thêm vào đó tình trạng tham nhũng cũng như quản lý yếu kém của các quan chức của Nam Việt Nam là rất phổ biến(4).

Hai tháng sau, bản Báo cáo tình báo quốc gia về Việt Nam đã sửa đổi của CIA đưa ra đánh giá khác với Forrestal. Được công bố ngày 17-4, bản báo cáo này cho rằng "tiến bộ của cộng sản đã bị đẩy lui và tình hình đang được cải thiện". Vì bản thảo đầu tiên tỏ ra quá bi quan, Giám đốc CIA John McCone đã "phê phán bản báo cáo và gửi trả lại ban soạn thảo”(1). Khi được viết lại, bản báo cáo đã mang âm hưởng lạc quan. Taylor, Harkins, Rostow, Krulak và các thành viên khác của chính quyền đều là những người theo chủ nghĩa lạc quan và McCone muốn bảo đảm rằng Báo cáo tình báo quốc gia phải phù hợp với đánh giá tích cực của họ đối với tình hình. Ở cấp thấp hơn, những người tham gia trực tiếp vào thực tế chiến trường ở Việt Nam lại có cách nhìn nhận hoàn toàn khác. Sự không nhất quán trong Báo cáo tình báo quốc gia, sự khác biệt giữa đánh giá của Forrestal với của McNamara và Taylor cho thấy sự bất đồng quan điểm ở các cấp trong chính quyền vào đầu năm 1963.

Ngay sau khi những đánh giá lạc quan của Báo cáo tình báo quốc gia 53-63 được đưa ra, tình hình chính trị ở Nam Việt Nam trở nên hỗn loạn. Căn cứ theo một đạo luật cũ của Pháp cấm phật tử treo cờ nhiều màu, viên phó tỉnh trưởng người Thiên Chúa giáo ra lệnh cho quân lính xả  vào hai muơi nghìn phật tử đang kỷ niệm ngày Phật đản ở Huế. 9 phật tử bị chết và khoảng 20 người bị thương. Sự kiện Huế phơi bày một điểm yếu nữa của chính phủ Sài Gòn. Diệm và gia đình là những người theo đạo Thiên Chúa. Trong khi ở miền Nam đa số dân chúng theo đạo Phật, phần lớn các vị trí chủ yếu trong bộ máy hành chính, quân sự và cơ quan cảnh sát lại là người công giáo. Tôn giáo trở thành con đường tiến thân và tạo ảnh hưởng chính trị. Phản ứng lại xu hướng thân công giáo, phật tử hình thành tổ chức chính trị đối lập chống chính phủ Diệm vào cuối những năm 1950. Vào năm 1963, tổ chức này đã phát triển thành một phong trào chính trị quan trọng.

Rõ ràng Diệm muốn giấu nhẹm sự kiện ở Huế bằng việc đổ lỗi cho Việt Cộng nhưng không được. Lãnh đạo phật giáo bác bỏ lập luận của Diệm và đòi công lý từ chính phủ. Họ không nhận được điều họ muốn và việc đông đảo phật tử tham gia biểu tình đã trở thành cuộc trưng cầu dân ý về sự hợp pháp của chính quyền Diệm. Tại Huế đã diễn ra những cuộc biểu tình lớn với những vụ sư tự thiêu để phản đối hành động của chính phủ. Những hình ảnh nhà sư tự thiêu trên đường phố Sài Gòn làm cho tổng thống Kenedy choáng váng. Đó là hình ảnh khủng khiếp mà cô em dâu của Diệm - bà Nhu - đã đưa vào bàn tiệc bằng tuyên bố phi nhân tính. Bà Nhu đã gọi việc tự thiêu là món "nướng" và sẵn sàng cấp thêm xăng cho ai muốn nấu món này. Trong suốt mùa hè, chồng của bà và là em trai của Diệm đồng thời là  người cầm đầu cơ quan cảnh sát đặc biệt ra lệnh tấn công vào chùa chiền. Vào tháng 7, các vị tướng Nam Việt Nam đã cho Lucius Conein, một nhân viên CIA biết rằng họ đang có kế hoạch làm đảo chính.

Trước nguy cơ việc đổ vỡ từng mảng ở Nam Việt Nam phá hỏng những "tin vui" của năm 1962, chính quyền Mỹ tìm cách giải quyết tình hình đang nhanh chóng xấu đi. Tại cuộc họp Bộ trưởng Quốc phòng tổ chức tại Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương ngày 6-5-1963, việc gia tăng hoạt động bí mật chống phá miền Bắc trở thành một nội dung chủ yếu. Hội nghị quyết định gây sức ép đối với miền Bắc. Cuối tháng 5, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân chỉ thị cho Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương gia tăng hoạt động bí mật ở Bắc Việt Nam. Đô đốc Felt giao cho ban tham mưu vạch kế hoạch cho những hoạt động này.

Nói tóm lại, cuộc khủng khoảng ở Nam Việt Nam vào nửa đầu năm 1963 cùng với sự không hài lòng của tổng thống đối với khả năng của CIA trong việc thực hiện những hoạt động bán quân sự có quy mô lớn chống lại Hà Nội đã khởi động tiến trình vạch kế hoạch dẫn đến việc mở rộng hoạt động bí mật của Washington ở Đông-Nam Á. Ngày 17-6-1963, Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương đệ trình bản thảo kế hoạch hoạt động lên Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Bản kế hoạch này đề xuất hàng loạt hoạt động ngầm sẽ được thực hiện để chống lại miền Bắc nằm trong một kế hoạch tổng thể mang tên Kế hoạch 34A - được biết đến với tên tiếng Anh là OPLAN34A. Mục đích hoạt động này là buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải giảm bớt, và khi có thể, chấm dứt sự hỗ trợ đối với hoạt động bạo loạn ở miền Nam.

Maxwell Taylor, lúc này đã chuyển từ Nhà Trắng sang Lầu Năm Góc để giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, không phê duyệt ngay mà giữ lại kế hoạch này trong vòng hai tháng. Tại sao Taylor lại om kế hoạch này cho đến tháng 9, thật là một câu hỏi khó lý giải. Rất có thể là do sự kết hợp của các nguyên nhân sau: (1). Tình hình ở Nam Việt Nam đã đạt đến điểm khủng khoảng và điều này chiếm nhiều thời gian của bên hành pháp, (2). Ngay cả trong trường hợp Taylor muốn nhanh chóng triển khai các đề xuất của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương, MACV không có bất kỳ một tổ chức bán quân sự nào để thực hiện nhiệm vụ này, (3). Taylor không tin hoạt động ngầm có thể đạt được mục tiêu đề ra và không coi việc thực hiện các hoạt động đó là nhiệm vụ của quân đội. Trái ngược với những gì chính quyền Kenedy tính toán, các nguồn lực cần thiết cũng không sẵn có tại Bộ Quốc phòng, (4). Diệm không quan tâm đến đề nghị này vì còn lo lắng cho sự tồn tại chính trị của chính mình.

Cuối cùng, bản kế hoạch được Taylor phê duyệt vào ngày 9-9, nhưng lại bị quên lãng thêm hai tháng nứa. Lần này là do những màn kịch chính trị diễn ra trên chính trường Nam Việt Nam mà đỉnh cao là việc ám sát Ngô Đình Diệm ngày 1-11-1963 cũng như sự hoài nghi của Taylor đối với hiệu quả của các biện pháp chiến tranh đặc biệt. Kế hoạch 34A của Bộ chỉ huy quân sự Thái Bình Dương được đưa vào chương trình nghị sự của một cuộc họp đặc biệt về Việt Nam tổ chức tại Honolulu do McNamara chủ trì ngày 20-11-1963, hai ngày trước khi Kenedy bị ám sát. Với những diễn biến trong 11 tháng trước đó, không khí cuộc họp thật ảm đạm. Ngoài việc tìm ra những biện pháp tiến hành chiến tranh hiệu quả hơn với Hội đồng cách mạng quân sự của các viên tướng miền Nam đã thay thế Diệm,cuộc họp thảo luận cách củng cố sự phối hợp giữa MACV và CIA và mở rộng hoạt động bí mật chống lại miền Bắc.

Quan hệ giữa CIA và MACV trở nên căng thẳng xung quanh chiến dịch "Switchback". Chính quyền Kenedy một lần nữa kết luận rằng CIA không đủ khả năng hoạt động chống lại các địa bàn bị từ chối và rằng đã đến lúc phải thay đổi điều đó. Và lần này Bộ Quốc phòng cũng tin như vậy. McNamara cho rằng họ có thể mang lại kết quả tốt hơn. Những gì cần ở đây là một nỗ lực rộng khắp chứ không phải các hoạt động hạn hẹp mà CIA thực hiện. Colby,  người cũng dự cuộc họp này, đã cố gắng làm thay đổi ý kiến đơn giản cho rằng chỉ cần bổ sung thêm nguồn lực sẽ có thể làm thay đổi đáng kể tìnhư thế. Ông kết luận hoạt động ngầm, bất kể quy mô hoạt động như thế nào, chống lại Bắc Việt Nam đều không thể thành công. Và chính điều này đã làm ông, khi giữ cương vị Cục trưởng Cục Viễn Đông của CIA, đã giới hạn các hoạt động ngầm trong phạm vi chiến tranh tâm lý.

Colby nhớ lại, tại cuộc họp đó "thái độ chung của phía quân sự là CIA làm quá ít và quá ì ạch. Một nhúm điệp viên, vài chuyến bay trên bầu trời miền Bắc không phản ánh hết sức mạnh của Mỹ. Vai trò của CIA mới chỉ là hỗ trợ và cung cấp cho  người Việt Nam tự thi hành nhiệm vụ. Quan điểm của McNamara là CIA "chỉ làm hời hợt mà không thật sự đưa một số lượng lớn vào Bắc Việt Nam đến mức có thể tạo ra tác động". Đây là sự nhận xét mang đậm dấu ấn McNamara. Con số là câu trả lời cho mọi thứ. Tại cuộc họp, Colby đã đứng dậy phản bác: "CIA đã đi đến kết luận rằng hoạt động gián điệp ở Bắc Việt Nam sẽ không mang lại kết quả. Ông Cục phó Cục Viễn Đông của tôi cho rằng "hãy chờ xem, điều đó thật vô nghĩa". Chúng tôi đã xem xét lại kinh nghiệm của chúng ta ở Bắc Triều Tiên, ở Liên Xô trong những năm cuối 1940, đầu 1950 và ở Trung Quốc - không có một nơi nào hoạt động của chúng ta thật sự tỏ ra thành công". Trong mỗi trường hợp, Colby chỉ ra "chúng ta phải đương đầu với những hệ thống xã hội độc tài, kỷ luật theo kiểu cộng sản"(2).

McNamara có cách nhìn hoàn toàn khác. Với ông, vấn đề ở đây là con số. Quân đội đã có cái mà họ cần: nguồn lực lực lượng, học thuyết về chiến tranh đặc biệt để gây sức ép tổng lực với Hà Nội. Bộ trưởng Quốc phòng tin rằng một nỗ lực ngầm với quy mô lớn sẽ tạo ra hoảng loạn bên trong Bắc Việt Nam và buộc Hồ Chí Minh ngừng ủng hộ hoạt động lật đổ ở miền Nam. Colby bác lại "Thưa ngài Bộ trưởng, tôi đã nghe những gì ngài nói, nhưng quả thật nó không mang lại kết quả. Hoạt động ngầm sẽ không mang lại kết quả trong kiểu xã hội này"(3). Colby đã đầu hàng. Xâm nhập vào địa bàn bị từ chối thật là quá khó khăn.

Kết luận số 273 của Hội đồng an ninh quốc gia là kết quả của Hội nghị Honolulu. Bản kết luận cho phép gia tăng các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc. Tổng thống Johnson phê duyệt kết luận này vào 26-10, chỉ 4 ngày sau khi Kenedy bị ám sát. Theo bản ghi nhớ của Roger Hilsman, trợ lý ngoại trưởng về Viễn Đông, kết luận này đã khởi động toàn bộ chương trình hoạt động. Một kế hoạch chung của CIA và MACV về việc tăng cường các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc sẽ được hoàn thiện ở Sài Gòn và chuyển về Washington vào 20-12. Các hoạt động bán quân sự ở Nam Lào chống phá đường mòn Hồ Chí Minh cũng được đưa vào kế hoạch này.

Ở Sài Gòn, Herb Weisshart được phó trung tâm CIA giao cho nhiệm vụ giúp hoàn tất bản kế hoạch CIA-MACV. Ông nhớ lại "Chúng tôi xem xét toàn bộ những gì CIA đang thực hiện chống lại Bắc Việt Nam... chúng tôi xây dựng một kế hoạch bắt đầu từ mức độ hiện có cho đến các giai đoạn có cường độ cao hơn". Bản kế hoạch này được triển khai khi “tình hình Nam Việt Nam rất nghiêm trọng". Nhiệm vụ của họ là tìm cách thúc đẩy các chương trình hiện tại trong bối cảnh cần chuyển sang các hoạt động có cường độ cao hơn(1). Những gì thu được từ cuộc họp Honolulu là một cú hích mạnh ở tầm chính sách cho kế hoạch 34A mà Bản tường trình của Lầu Năm Góc mô tả là “một chương trình chi tiết về các hoạt động bán quân sự chống lại Bắc Việt Nam". Bản tường trình nhấn mạnh những hoạt động này không phải là “một vài hoạt động sơ Sài tương tự như của CIA trong giai đoạn 1961-1963". Đây là sự đánh giá chính xác. Trên giấy tờ, Kế hoạch 34A rất "hấp dẫn". Kế hoạch này đưa ra hàng loạt các hoạt động ngầm phong phú và đa dạng nhằm quấy nhiễu, lật đổ và trừng phạt Bắc Việt Nam.

Bản kế hoạch đặt ra mục tiêu rất tham vọng: "thông qua việc dần gia tăng áp lực nhằm tạo ra sự trừng phạt ngày càng lớn đối với miền Bắc và tạo ra sức ép đến mức có thể thuyết phục giới lãnh đạo Hà Nội rằng việc chấm dứt chính sách gây rối ở miền Nam chính là phục vụ cho lợi ích của họ"(2). Để đạt được mục tiêu trên, các nhà vạch kế hoạch của MACV và CIA kiến nghị 5 loại hình hoạt động lớn.

Loại hình thứ nhất liên quan đến việc thu thập tình báo về Bắc Việt Nam. Những tin tức này được thu thập thông qua việc cài cắm điệp viên và thông qua các biện pháp điện tử, thu tin và viễn thông.

Thứ hai, hoạt động chiến tranh tâm lý nhằm vào cả hai mục tiêu là giới lãnh đạo và dân chúng Việt Nam để khai thác tối đa tác động và tạo ra sự chia rẽ. Theo chỉ đạo của Colby, CIA đã bắt đầu tiến hành một số hoạt động này vào năm 1963 và Kế hoạch 34A kiến nghị "tiếp tục các chương trình đã được CIA phê chuẩn" theo hướng "mở rộng các hoạt động này", bao gồm "việc hỗ trợ một phong trào chống đối (cả thật và giả)"(3).

Dạng thứ ba liên quan đến súc ép chính trị. Dạng này bao gồm các hoạt động bán quân sự chuyên sâu được vạch ra để làm cho Hà Nội ý thức được tính nghiêm trọng và giá phải trả cho sự tiếp tục dính líu vào Lào và Nam Việt Nam. Các hoạt động này bao gồm việc phá hoại các cơ sở kinh tế và an ninh quan trọng của Bắc Việt Nam. Nếu Hà Nội không bị thuyết phục thì sẽ có “các hành động trả đũa nặng nề hơn"(4).

Dạng thứ tư trở lại vấn đề thúc đẩy việc hình thành một phong trào chống đối. Hoạt động này được coi là khía cạnh chủ chốt của kế hoạch được đề ra: "Điều được mọi người thừa nhận là sự phát triển thành công của một phong trào chống đối ở Bắc Việt Nam với tư cách là một bộ phận không tách rời của Kế hoạch 34A có thể mang lại sức ép hữu hiệu đối với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà, buộc giới lãnh đạo Hà Nội phải đánh giá lại và chấm dứt chính sách xâm lược của họ"(5). Các nhà vạch kế hoạch của MACV và CIA cho rằng đây là chìa khoá của cả kế hoạch tổng thể. Thúc đẩy phong trào chống đối là cách để làm tăng "nhiệt độ” ở Hà Nội.

Cuối cùng là hoạt động phá hoại thông qua việc tập kích đường không và đường biển cùng với hoạt động thám báo phối hợp với không kích nhằm vào Bắc Việt Nam.

Ở giai đoạn đầu, Kế hoạch 34A dự kiến kéo dài một năm chia ra làm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn bốn tháng theo hướng dần gia tăng cường độ. Để thực hiện kế hoạch cần phải hình thành một bộ máy, mặc dầu chưa ai rõ tổ chức đó sẽ như thế nào. Khi nhìn lại, đây chính là điểm đã bị bỏ qua.

Ý tưởng gây sức ép trực tiếp đối với Hà Nội rất cuốn hút Lyndon Johnson, nhưng ông quyết định xúc tiến một cách thận trọng. Ngày 21-12-1963, tổng thống giao cho một Uỷ ban liên bộ nghiên cứu Kế hoạch 34A để "chọn ra những hoạt động ít rủi ro nhất". Chủ tịch Uỷ ban là thiếu tướng Krulak, trợ lý đặc biệt của Lầu Năm Góc về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Ngày 2-1-1964, bản báo cáo của Uỷ ban phản ánh sự thận trọng của Johnson. Báo cáo đã chọn ra những hoạt động ít nguy hiểm nhất để tiến hành và kiến nghị giai đoạn một của hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam bắt đầu vào 1-2-1964.

Bản kế hoạch còn được McConé, McNamara, Rusk và Mac Bundy xem xét và những ý kiến của họ được chuyển cho tổng thống trong tờ trình ngày 3-1. Theo Bundy, tất cả đều "nhất trí đề nghị tổng thống phê chuẩn kế hoạch"(6).

Tuy nhiên, như người ta vẫn thường nói, sai sót hay nằm ở những chi tiết. Trước hết, không phải ai cũng đánh giá cao khả năng thành công. McNamara thì "rất hăng hái". Còn Giám đốc CIA McCone lại cho rằng "những nỗ lực dạng này sẽ không mang lại kết quả gì ghê gớm". Ngoại trưởng Rusk thì coi những hoạt động này là quan trọng vì "sẽ giúp thuyết phục Hà Nội rằng chúng ta sẽ không từ bỏ cuộc chiến", nhưng ông chỉ ra rằng “98% của vấn đề là ở miền Nam" chứ không phải ở miền Bắc. Bundy ủng hộ và muốn các nhân viên trên chiến trường bắt đầu triển khai hoạt động. Nhưng ông cũng yêu cầu toàn bộ chương trình cần được giám sát một cách chặt chẽ “trong phạm vi chức năng giám sát mọi hoạt động bí mật của Nhóm đặc biệt 303"(7).

CHƯƠNG HAI

HÌNH THÀNH SOG

Vạch kế hoạch hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam là một chuyện, nhưng thành lập một tổ chức bí mật để thực hiện kế hoạch đó lại là chuyện khác. Không có một mẫu hình sẵn cho SOG và Chỉ thị số 6 cũng không phân công chuyên gia chiến tranh đặc biệt cho Kế hoạch 34A. Tất cả mọi thứ phải được hình thành từ con số không. Và cần có thời gian để làm việc đó.

Đó chính là tình huống mà trung tá Eward Partain gặp phải khi đến Sài Gòn năm 1964. Là chỉ huy trưởng của hoạt động không vận, bộ phận của ông tiếp nhận các chương trình điệp viên chống lại Bắc Việt Nam mà CIA đang thực hiện.

Partain tốt nghiệp Học viện quân sự Westpoint năm 1951 và nhiều năm là sĩ quan bộ binh, trong đó có chuyến công tác với trung đoàn 25 trong cuộc chiến tranh Triều Tiên. Trong những năm cuối của thập kỷ 50, Partain, lúc này là thiếu tá, phục vụ hai năm trong lực lượng đặc biệt số 10 ở Đức. Khi đó nhiệm vụ của ông là xâm nhập Estonia bằng đường không, đường biển và đường bộ để tổ chức lực lượng du kích chống đối ở vùng hậu phương của quân đội Liên Xô trong trường hợp chiến tranh xảy ra. Partain nhớ lại rằng “các nhóm thuộc lực lượng đặc biệt 10 được phân theo từng quốc gia cụ thể, chúng tôi nghiên cứu địa bàn, học ngôn ngữ. Về cơ bản đó là việc lãnh đạo du kích". Được hình thành theo mô hình của OSS trong chiến tranh thế gian thứ hai, nhưng mục đích của lực lượng này, Partain nhấn mạnh, không phải là tạo ra mạng lưới điệp viên ở vùng hậu phương của Liên Xô: "Chúng tôi được CIA cho biết là sẽ có những điệp viên cài trong phong trào chống đối trước khi chúng tôi xâm nhập". Nhiệm vụ của đơn vị 10 không phải là thiết lập và chỉ huy mạng lưới điệp viên(1).

Tổ chức bí mật nơi Partain đến nhận nhiệm vụ một mặt còn đang được hình thành, mặt khác "chịu sức ép đáng kể buộc phải hoạt động ngay". McNamara, Mac Bundy, Rostow - những ông lớn ở Washington - đòi hỏi phải gây sức ép đối với Hà Nội. Hệ quả là các nhân viên quân sự được "triệu một cách khẩn cấp từ các đơn vị khác nhau của MACV, thậm chí trực tiếp từ chiến trường rồi ghép lại với nhau, trong đó có một số nhân viên hầu như không có kinh nghiệm gì về nội dung hoạt động nhưng được yêu cầu phải làm việc". Quả là phương pháp làm việc vội vã. Khi nhớ lại Partain cho rằng "lẽ ra phải có mô hình tổ chức được phê duyệt trước và có những  người được phân công để lập ra và hoàn thành kế hoạch trước khi bắt đầu hoạt động"(2). Nhưng điều đó đã không xảy ra vào năm 1964. 

ĐẠI TÁ CLYDE RUSSELL ĐẾN SÀI GÒN

Partain phục vụ dưới quyền đại tá Clyde Russell, vị chỉ huy đầu tiên trong tổng số năm người lãnh đạo SOG. Russell đến Sài Gòn cùng với một nhóm tiền trạm nhỏ vào tháng Giêng và trong vòng 6 tháng liền phải làm việc không ngơi nghỉ. Ông được chỉ định lãnh đạo MACVSOG hay SOG. Russell tham gia lực lượng đặc biệt trong những năm 1950, sau khi đã phục vụ trong lực lượng nhảy dù và bộ binh. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, ông nhảy dù xuống Pháp và Hà Lan. Sau chiến tranh, ông được điều về lực lượng bộ binh và đã từng là tham mưu trưởng của Trường bộ binh ở Fort Benning. Không ai biết lý do tại sao ông lại chuyển sang lực lượng đặc biệt.

Russell là một người chỉ huy hoạt động đặc biệt có nhiều kinh nghiệm, đã từng chỉ huy tiểu đoàn 1 của lực lượng đặc biệt 10 ở Đức và Nhóm lực lượng đặc biệt số 7 ở Fort Bragg mà địa bàn hoạt động chủ yếu là Mỹ Latinh. Vì vậy, mặc dù Russell là một trong những sĩ quan cao cấp của lực lượng đặc biệt, đối với ông châu Á hoàn toàn mới mẻ. Hơn nữa, kinh nghiệm chiến tranh không quy ước ở lực lượng đặc biệt 10 không giúp gì cho ông trong việc chỉ huy các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.

Sau khi đến, đại tá Russell gặp gỡ nhân viên thuộc phòng hoạt động đặc biệt của trung tâm CIA tại Sài Gòn, trong đó có Herb Weisshart - người sau đó trở thành phó của ông. Weisshart nhớ lại rằng những ngày đầu của SOG thật là hỗn độn. Đó không phải là tổ chức được chuẩn bị cho hoạt động. "Đó là tình trạng mò mẫm từng bước một. Trước hết, Russell không có kinh nghiệm trong các hoạt động ngầm chống lại địa bàn bị từ chối". Điều này cũng đúng với những thành viên khác trong nhóm tiền trạm. Theo Weisshart, "những nhân viên này bị quẳng vào một tình huống hoàn toàn mới mẻ mà họ chưa từng biết đến. Ở đây ý của tôi là họ không hề có kinh nghiệm hoạt động chống lại địa bàn bị tử chối. Và cần có thời gian để họ làm quen với môi trường khắc nghiệt đó."(3).

Việc thiếu kinh nghiệm không phải là khó khăn duy nhất của Russell ở thời điểm 1964 khi ông cố gắng dựng lên hình hài của SOG. Có rất nhiều vấn đề khác cần phải xử lý.

Russell được cho biết rằng mọi nguồn lực của CIA dành cho hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam sẽ được chuyển cho SOG. Những nguồn lực đó sẽ là hạt nhân cho các chương trình mở rộng của Kế hoạch 34A. Thêm vào đó, nhiều nhân viên CIA, những người chỉ đạo các chương trình này, sẽ phục vụ dưới sự chỉ huy của Russell. Tất cả các việc đó đã được quy định trong chỉ thị 57. Nhưng tại trụ sở CIA, giới lãnh đạo của cơ quan này không hài lòng với việc đóng vai trò thứ yếu so với Lầu Năm Góc trong hoạt động bí mật. CIA định chuyển giao toàn bộ mọi nguồn lực, tài sản có liên quan đến hoạt động bí mật chống miền Bắc cho SOG và coi thế là xong việc của mình. CIA chẳng thích thú gì việc cung cấp cho SOG những nhân viên giàu kinh nghiệm và nhận chỉ thị từ giới quân sự.

Chương trình chống Hà Nội của CIA chỉ có quy mô rất khiêm tốn và những gì được chuyển giao cho MAEVSOG lại còn ít hơn, bao gồm: bốn toán biệt kích và một điệp viên đơn tuyến đã xâm nhập được vào miền Bắc; một số phi công quốc dân đảng phục vụ cho các chuyến bay tung gián điệp và tiếp tế; một vài mạng liên lạc; một số cơ sở vật chất phục vụ hoạt động trên biển ở Đà Nẵng; và một chương trình chiến tranh tâm lý mới được thúc đẩy trước khi bàn giao. Russell nhanh chóng nhận ra rằng khó có thể xây dựng được gì trên cái nền đó. Một trong những giả định nhầm lẫn của Russell khi nhận cương vị phụ trách SOG là "chúng tôi sẽ tiếp nhận một cơ sở vật chất con người kha khá"(1). Hay nói một cách khác, SOG sẽ kế thừa một chương trình hoạt động mạnh mẽ. Không rõ tại sao ông lại có ý nghĩ như vậy. Ông đã nghe CIA thuyết trình tóm tắt khi sang Sài Gòn. Phải chăng CIA đã giới thiệu quá mức về những gì họ đang có trong chương trình chống lại miền Bắc hay chính Russell không hiểu được rằng những gì ông thừa kế là rất ít ỏi? Là người thiếu kinh nghiệm trong các hoạt động ngầm, nhiều khả năng là vì lý do thứ hai.

Russell trù tính rằng khoảng ba mươi nhân viên tình báo hạng nhất của Trung tâm CIA tại Sài Gòn sẽ được chuyển sang SOG. Năm 1964, ông chỉ nhận được có 13 người và năm 1965 chỉ còn có chín người. Chỉ thị số 57 của Hội đồng an ninh quốc gia đã giao cho CIA vai trò hỗ trợ trong các hoạt động ngầm bán quân sự có quy mô lớn do quân đội điều hành, nhưng trên thực tế, đại tá Russell thấy CIA làm điều đó một cách miễn cưỡng. Tháng 6 năm 1964, Giám đốc CIA McCone gửi thư cho Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Cyrus Vance trong đó thông báo việc giảm bớt sự tham gia của CIA trong SOG. Thêm nữa, McCone cho biết việc giảm bớt này bao gồm cả số nhân viên được cử sang SOG và khả năng chuyên môn của họ. Lá thư viết “sự hỗ trợ của CIA chỉ dành cho hoạt động chiến tranh tâm lý". Trong thư trả lời, Vance đề nghị không có sự giảm bớt các hỗ trợ của CIA cho SOG(2). Tuy nhiên CIA vẫn tiến hành việc cắt giảm. Không có chứng cứ gì cho thấy Vance đã cố thuyết phục McNamara gây áp lực với Nhà Trắng để buộc CIA thay đổi quyết định.

Ngoài ra, trừ vài trường hợp ngoại lệ như Weisshart, CIA không cử những nhân viên tốt nhất của mình cho SOG. Thay vào đó, những nhân viên giàu năng lực nhất được huy động vào việc mở rộng các hoạt động chống Việt Cộng ở Nam Việt Nam. CIA đã chuyển giao toàn bộ hoạt động chống miền Bắc cho quân đội và chỉ tập trung vào các hoạt động ở miền Nam. Riêng chiến tranh tâm lý là một ngoại lệ CIA sẵn sàng giúp đỡ SOG. Tuy nhiên trên thực tế, việc trợ giúp này cũng thể hiện thái độ lãnh đạm của CIA. Tại Cục Kế hoạch, các chuyên gia về chiến tranh tâm lý không được coi là nhân viên "hàng đầu” của CIA. Những người có nhiều cơ hội thăng tiến hơn là những nhân viên thu thập tình báo bằng con người (có nghĩa tuyển mộ gián điệp) hoặc các lĩnh vực hoạt động ngầm khác (hoạt động chính trị hoặc bán quân sự). Thế là quá đủ cho chỉ thị 57 và vai trò "hỗ trợ” của CIA.

Trong khi Russell đang cố hình thành bộ máy mới, các nhà hoạch định chính sách lại lưỡng lự khi xác định phạm vi hoạt động của SOG. Trên văn bản, Kế hoạch 34 tỏ ra rất tham vọng thậm chí còn có phần thái quá. Mục tiêu của kế hoạch là, như thuật ngữ của Clausewitz, làm suy yếu hai trung tâm trọng lực của Hà Nội. Trung tâm thứ nhất là hệ thống an ninh nội bộ và kiểm soát dân chúng. Các chế độ chính trị như miền Bắc thường rất coi trọng những vấn đề này. Đối với Hà Nội, an ninh nội bộ thậm chí còn có ý nghĩa sống còn vì họ đang chiến đấu chống lại một cường quốc. Để làm suy yếu sự kiểm soát của Hà Nội, Russell cho rằng việc cốt tử là thành lập một phong trào chống đối. Trọng tâm thứ hai mà SOG nhằm vào là đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Theo Russell, các hoạt động thám báo qua biên giới nhằm làm gián đoạn hệ thống hậu cần chiến lược là không thể thiếu được.

Tuy nhiên, tạo dựng một mạng lưới chống đối trong lòng Bắc Việt gây ra sự băn khoăn đáng kể cho các nhà vạch chính sách. Mặc dù đó là một bộ phận cấu thành của Kế hoạch 34, Washington đã tranh luận rất nhiều về vấn đề này. Đây quả là tình huống khó xử cho Russell. Một mặt, Washington yêu cầu ông nhanh chóng gia tăng hoạt động ngầm chống lại Hà Nội. Mặt khác, chính Washington lại hạn chế quyền hạn của SOG trong việc thúc đẩy phong trào chống đối. Vào năm 1970, Russell nhớ lại "một trong những thất vọng lớn nhất của tôi là không thể phát động phong trào du kích ở Bắc Việt Nam. Khi nhìn lại, giá như chúng ta làm điều đó từ 1964, tôi hoàn toàn tin rằng chúng ta đã có một phong trào chống đối ở miền Bắc"(3). Năm 1964, Washington còn ngăn cản các hoạt động phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Điều này cũng làm cho Russell không kém phần lúng túng.

Khi Hà Nội quyết định nhanh chóng mở rộng đường Hồ Chí Minh nhằm tăng cường cho chiến tranh ở miền Nam, đại tá Russell nhận được chỉ thị không được tiến hành các hoạt động chống lại con đường ấy. Ông nhớ lại "trong nhiệm kỳ của tôi, chúng tôi không được phép xâm nhập vào Lào"(4). Phải đến năm 1965, tức là gần hai năm sau khi được thành lập SOG mới được phép tiến hành hoạt động ở đó. Chỉ riêng việc hình thành bộ máy tổ chức của SOG gần như từ con số không đã là rất khó đối với Russell. Giờ đây; sự cấm đoán của Washington đã làm cho nhiệm vụ của ông trở nên phức tạp hơn nhiều.

Russell cũng nhận ra rằng Lầu Năm Góc cũng chưa hoàn toàn ngã ngũ về tổ chức của SOG. Đầu tiên, Russell dự kiến thành lập Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp - bắt nguồn từ học thuyết chiến tranh không quy ước của Lầu Năm Góc. Theo tính toán của Russell, việc đó mang lại nhiều lợi thế thực tiễn. Trước hết nó cho phép SOG được sự cung cấp trực tiếp về nhân sự và trang bị. Theo học thuyết chiến tranh không quy ước, việc thực hiện các chiến dịch ngầm trên không, bộ, biển được phép lấy quân nhân của tất cả các đơn vị quân đội. Như vậy, các đơn vị quân đội tiến hành chiến tranh thông thường không được phớt lờ các yêu cầu của SOG. Hai là Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của tư lệnh chiến trường, trong trường hợp này là tướng William Westmoreland và việc hỗ trợ, cung cấp và lực lượng được phân bổ cho SOG sẽ được quy định rõ ràng. Điều đó sẽ biến SOG thành một bộ phận của chiến lược chiến tranh chung mà không chỉ là một sự lệ thuộc bề ngoài. Đối với Russell, đó dường như là cách làm đúng đắn.

Tuy nhiên, cũng có một nhược điểm của Lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước hỗn hợp. Jack Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG giải thích: "điều mà tôi phản đối là việc giữ nguyên các đặc điểm của quân binh chủng khác nhau trong một bộ máy tồ chức. Tôi cho rằng các hoạt động chiến tranh không quy ước không nên mang đặc điểm của quân chủng nào"(1). Điều này rất quan trọng và chĩa đúng vào vấn đề chủ nghĩa cục bộ kinh niên giữa các quân chủng. Các quân chủng, và ngay cả một tổ chức như SOG, thường tìm cách giữ lại những đặc điểm riêng. Những gì mà Singlaub đề nghị chỉ phù hợp với đặc điểm của SOG nhưng lại trái với truyền thống tổ chức của các quân chủng. Nhưng ngay cả kiến nghị của Singlaub cũng bộc lộ nhược điểm. Bằng việc xoá bỏ đặc điểm của từng quân chủng, mối quan hệ hỗ trợ giữa các quân chủng và một tổ chức như SOG sẽ trở nên mờ nhạt. Như ta sẽ thấy, điều này có thể gây hậu quả nghiêm trọng trong việc nhận được đúng người từ các quân chủng khác.

Russell nhận thấy khái niệm về lực lượng đặc nhiệm chiến tranh không quy ước không được các quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc chấp nhận. Không ai nói cho ông biết lý do tại sao mà ông chỉ biết rằng cần phải tổ chức SOG theo hướng chuyên sâu. Có nghĩa là thành lập các bộ phận chuyên biệt và các bộ phận đó được gắn kết với nhau tương tự như xây từng khối nhà để hình thành một tổ chúc phù hợp với nhiệm vụ hoạt động do cấp trên chỉ huy. Mặc dù ủng hộ mô hình lực lượng đặc nhiệm, Russell cũng không phản đối ý kiến trên vì mô hình đó cho phép ông có được sự linh hoạt ở mức độ nhất định. Mặc dù vậy, giá phải trả cho sự lựa chọn này trở nên rõ ràng khi SOG tìm kiếm những quân nhân đủ tiêu chuẩn cho các hoạt động bí mật.

Russell nhận ra là những người như vậy là rất hiếm trong quân đội Hoa Kỳ. Hơn nữa, nếu có những người như vậy thì cũng rất khó tìm ra họ thông qua hệ thống quản lí nhân sự của từng quân binh chủng. Để thực hiện Kế hoạch 34, SOG cần nhân viên có cách tư duy khác hẳn với những sĩ quan và binh linh được đào tạo về chiến tranh quy ước. SOG cần nhân viên có kinh nghiệm và từng trải về chiến tranh đặc biệt. Công việc càng ít mang tính chất sách vở và lén lút càng cần những kinh nghiệm chuyên sâu. Mà hoạt động chiến tranh tâm lý bí mật và điều hành mạng lưới điệp viên tại địa bàn bị từ chối là những công việc như vậy.

Những gì mà Russell và những  người dưới quyền của ông thường tiếp nhận là những cá nhân đến từ các lực lượng chính quy. Đặc biệt là trong thời gian đầu, rất nhiều trong số họ không có kinh nghiệm về các bộ phận nghiệp vụ của SOG - nơi họ đến nhận công tác. Ví dụ, Ed Partain, người được giao phụ trách các hoạt động gián điệp năm 1964, không hề có kinh nghiệm trong lĩnh vực này. "Tôi mới chỉ làm quen với khái niệm" ông Partain thừa nhận, "và không hề có hiểu biết gì về việc chỉ đạo các hoạt động dưới dạng bí mật". Viên phó của ông đã từng tham gia hoạt động chiến tranh không quy ước trong chiến tranh Triều Tiên nhưng không phải trực tiếp trong lĩnh vực điệp báo. Partain mô tả một cách khái quát các sĩ quan trẻ dưới quyền của mình “tận tâm, cần cù và ham học hỏi, nhưng trong lĩnh vực chỉ đạo điệp viên, họ không hề được đào tạo"(2). Tương tự, các sĩ quan được điều đến bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG chỉ biết chút ít về các kỹ thuật tuyên truyền đen.

Ngay cả khi các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt được điều động đến SOG, họ có xu hướng quen thuộc với chống bạo loạn hơn là chiến tranh không quy ước. Điều này không có gì đáng ngạc nhiên vì vấn đề chống bạo loạn đã được tô đậm dưới thời chính quyền Kenedy. Tổng thống thường bày tỏ sự quan tâm đối với mối đe doạ của chiến tranh giải phóng dân tộc của cộng sản. Viễn cảnh để mất một quốc gia vào tay lực lượng bạo loạn là điều mà Kenedy không sẵn lòng chấp nhận. Chống bạo loạn nhằm vào mục tiêu xoá bỏ hoạt động lật đổ của cộng sản. Kenedy đã cố gắng lái quân đội theo hướng này. Ông chỉ thị cho Bộ trưởng Quốc phòng tăng cường các tiềm năng chống bạo loạn(3). Do vậy khi Jack Singlaub tiếp nhận cương vị chỉ huy SOG tháng 5-1966, ông nhận ra rằng "các nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt đến Việt Nam sau quá trình huấn luyện chủ yếu theo hướng chống bạo loạn chứ không phải chiến tranh không quy ước"(4).

Để khắc phục vấn đề này, Russell cố gắng yêu cầu các binh chủng tìm ra những cá nhân đã từng tham gia chiến tranh không quy ước. Vì không được "lập trình" để xử lý các yêu cầu này, các lực lượng khác đã không tiến cử được người nào. Trên thực tế cũng không có quy định về tổ chức nào cho phép vị chỉ huy của SOG được xác định và yêu cầu cung cấp các quân nhân giàu kinh nghiệm trong chiến tranh không quy ước. Vào cuối nhiệm kỳ chỉ huy, Singlaub phàn nàn "các quân binh chủng khác chắc chắn có các quy trình cho phép tìm ra quân nhân có kinh nghiệm trong chiến tranh không quy ước và điều động họ đến nơi thực hiện loại công việc này"(5). Hơn nữa nhiều nhân viên đầu tiên chỉ được điều động tạm thời đến SOG trong thời gian sáu tháng. Vất vả lắm Russell mới thay đổi được điều này. Tuy nhiên thời hạn công tác thông thường tại SOG là một năm tương tự như thời hạn của các lực lượng khác được cử sang Việt Nam. Nhưng cũng phải cần đến một năm để một nhân viên chưa hề có kinh nghiệm làm quen với các công việc của SOG. Đến thời điểm đó, thay vì được hưởng lợi từ những gì mà nhân viên đó đã tích luỹ được, SOG lại phải bắt đầu đào tạo nhân viên mới.

Vấn đề phức tạp cuối cùng mà Russell gặp phải vào năm 1964 là mối quan hệ với đối tác Nam Việt Nam của SOG. Theo Kế hoạch 34A, ông phải cố vấn, trợ giúp vật chất và huấn luyện giúp Tổng nha kỹ thuật chiến lược Nam Việt Nam (STD) đủ khả năng thực hiện các hoạt động bán quân sự bí mật chống lại miền Bắc. Hay nói cách khác, SOG giữ vai trò cố vấn. Tuy nhiên thoả thuận này chưa bao giờ được hiện thực hoá. Trong một thời gian ngắn, SOG không chỉ giữ vai trò vạch kế hoạch mà còn là người thực hiện các hoạt động ngầm chống lại Bắc Việt Nam. Vai trò của STD chỉ giới hạn trong việc cung cấp những người bản xứ cho các hoạt động của SOG và cũng chỉ được tiếp cận một cách hạn chế các hoạt động có tính nhạy cảm. Sự lo ngại chủ yếu của SOG là việc mất an ninh của STD và khả năng cơ quan này bị đối phương thâm nhập.

SỰ PHÁT TRIỂN CỦA SOG

Vào thời điểm Russell rời vị trí chỉ huy SOG năm 1965, phần lớn các bộ phận chủ yếu đã được hình thành theo từng nhiệm vụ chuyên biệt đúng như yêu cầu mà Washington đề ra. Khi SOG phát triển một cách nhanh chóng trong những năm sau đó, bộ máy tổ chức của nó càng trở nên phức tạp với hạt nhân là bốn bộ phận nghiệp vụ. Mỗi bộ phận có nhiệm vụ vạch ra và thực hiện các kế hoạch hoạt động một trong những loại điệp vụ sau: mạng lưới điệp viên và chương trình đánh lạc hướng; tập kích trên biển; chiến tranh tâm lý; và hoạt động thám báo qua biên giới chống phá đường mòn Hồ Chí Minh.

Mỗi một dạng điệp vụ trên được mang một mật danh và có tính khép kín cao. Trong nghề tình báo, tính khép kín là nhằm đảm bảo bí mật. Nhân viên của bộ phận này không nắm được những hoạt động của bộ phận khác. Việc khép kín này là rất chặt chẽ và tác động tiêu cực đến nguyên tắc thống nhất và phối hợp công tác của SOG.

Mật danh cho toàn bộ chiến dịch chống Hà Nội là “Footboy". Mỗi một bộ phận lại có một mật danh khác. Ví dụ, việc cài cắm và chỉ đạo các toán điệp viên hoạt động lâu dài mang tên "Timberwork". Nhưng sau đó Timberwork cũng bao gồm cả các toán biệt kích ngắn hạn và vào cuối năm 1967 được giao điều hành chương trình rất phức tạp nhằm đánh lừa miền Bắc có mật danh là Forae. Đây là một thủ đoạn nhằm làm cho Hà Nội tin rằng nguy cơ bị lật đổ ở trong nước là nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì họ biết.

Hoạt động trên biển mang mật danh là "Plowman". Những hoạt động này bao gồm nhiều hoạt động bán quân sự và tâm lý. "Hulidor" là mật danh của hoạt động chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc. Hoạt động này bao gồm nhiều kỹ thuật tâm lý chiến khác nhau.

Mãi cho đến năm 1965, các điệp vụ của SOG mới được mở rộng bao gồm cả hoạt động thám báo sang Lào. Hoạt động này có hai mục đích: điều nghiên nắm tình hình một cách chính xác về mạng lưới đường Hồ Chí Minh và tiến hành các biện pháp ngăn chặn không cho Hà Nội sử dụng Lào làm bàn đạp để phát động các cuộc tấn công vào Nam Việt Nam. Khởi đầu với mật danh "Shining Brass", chương trình này có các toán thám báo người thiểu số do nhân viên thuộc lực lượng đặc biệt Mỹ chỉ huy. Đến năm 1967, hoạt động thám báo qua biên giới được mở rộng sang Campuchia và mang mật danh mới "Daniel Boone".

SOG còn có một bộ phận nghiệp vụ nữa giữ vai trò là  người tiếp tế qua đường hàng không cho tất cả các hoạt động bí mật chống lại miền Bắc và tập trung vào đường mòn Hồ Chí Minh. Mật danh của hoạt động đường không này là "Midriff”. Bộ phận này quản lý các máy bay và trực thăng của SOG.

SOG luôn luôn đặt dưới sự chỉ huy của một đại tá bộ binh Mỹ. Với chức danh tư lệnh của SOG, người chỉ huy cần có kiến thức về các hoạt động chiến tranh đặc biệt. Nếu SOG là một bộ phận cấu thành của chiến lược chiến tranh chung ở Việt Nam, tư lệnh của SOG cần phải thích ứng với mối quan hệ công việc với các quan chức lãnh đạo của Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở Việt Nam và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Người đó cần có sự tiếp xúc với một quan chức cao cấp nhất và phải được coi như là một thành viên trong câu lạc bộ của họ. Nếu không SOG rất dễ dàng bị gạt ra rìa và không liên quan gì đến nỗ lực chính của cuộc chiến.

Do vậy việc lựa chọn tư lệnh cho SOG có ý nghĩa quyết định. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh vị trí đó không được giao cho một sĩ quan cấp tướng cùng với những quyền hạn và quan hệ kèm theo. Trong khi các quan chức dân sự cao cấp ở Washington có vẻ nhiệt tình với chiến tranh đặc biệt thì các bạn đồng nghiệp của họ ở Lầu Năm Góc lại có thái độ khác hẳn. Các quân chủng nói chung và lục quân nói riêng không hề nhiễm cơn sốt chiến tranh đặc biệt của chính quyền Kenedy mà có quan niệm ngược lại. Thái độ thiếu nhiệt tình, thậm chí lãnh đạm của giới quân sự được phản ánh qua cách thức giới lãnh đạo lục quân cưỡng lại yêu cầu phát triển năng lực chống bạo loạn của tổng thống Kenedy. Andrew Krepinevich, trong tác phẩm mang tính kinh điển “Lục quân và Việt Nam", đã viết "Thái độ bên trong bộ máy lục quân cho thấy sự thiếu quan tâm đến đề nghị của Kenedy và quan niệm cho rằng lục quân có thể giải quyết bất cứ vấn đề gì nảy sinh trong mọi loại hình xung đột có cường độ thấp. Ví dụ, tướng Lemnitzer, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân từ năm 1960-1962 tuyên bố rằng chính quyền mới tuyên truyền “quá mức" về tầm quan trọng của chiến tranh du kích". Tương tự như vậy, tướng George Decker, Tham mưu trưởng lục quân từ 1960-1962 "đã phản ứng lại bài thuyết giảng của tổng thống trước Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về chống bạo loạn bằng câu trả lời: bất cứ một người lính bộ binh cừ nào cũng có thể đối phó được với du kích". Tướng Earl Wheeler, Tham mưu trưởng lục quân từ 1962-1964 tuyên bố: "về bản chất vấn đề Việt Nam vẫn là vấn đề quân sự". Cuối cùng tướng Maxwell Taylor cho rằng "chống bạo loạn chỉ là "một dạng chiến tranh có quy mô nhỏ" và rằng "tất cả những đám hoả mù do Nhà Trắng tung ra là không cần thiết"(1).

Thái độ của họ đối với chiến tranh không quy ước cũng tương tự. Do vậy, các sĩ quan cấp tướng không thể bị sử dụng một cách phung phí vào một tổ chức như SOG. Hạn chế cấp hàm của tư lệnh SOG ở mức đại tá đã tạo ra những sự cản trở lớn cho tính hiệu quả của tổ chức này. Russell nhấn mạnh một trở ngại trong tiến trình chuẩn y điệp vụ: "Thật là một sự bất lực ghê gớm trong việc xin được sự phê chuẩn của các cấp, trong một số trường hợp, đến cả Nhà Trắng. Trở ngại thì rất nhiều. Ví dụ, chúng tôi đã có kế hoạch thả mìn giả ở cảng Hải Phòng. Đó là một kế hoạch tốt nhưng chúng tôi không được thực hiện. Báo cáo nối tiếp báo cáo được gửi lên nhưng luôn luôn bị bác bỏ. Chúng tôi không hề biết ai bác hoặc tại sao trừ một thứ là điệp vụ bị bác bỏ”(2). Một đại tá không có quyền đòi hỏi có được lời giải thích, nhưng một vị tướng thì có.

Để SOG có sự đóng góp có ý nghĩa đối với chiến lược của Mỹ, việc được tiếp cận với Bộ Chỉ huy viện trợ (MACV) và tiến trình vạch kế hoạch ở Hội đồng tham mưu là cực kỳ quan trọng. Nếu không, các nhà lãnh đạo quân sự cao cấp sẽ chỉ hiểu biết chút ít hoặc không nắm được hoặc không quan tâm đến giá trị tiềm năng của hoạt động ngầm chống lại miền Bắc.

Clyde Russell không có quyền ra vào tiếp cận với các vị chỉ huy lục quân cấp cao ở MACV và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Khi tham gia lực lượng đặc biệt năm 1950, ông trở thành một phần của lực lượng được coi là không hợp thời vào lúc bấy giờ. Khi nhắc lại những tháng năm đó, thiếu tướng nghỉ hưu Ed Partain còn nhớ: "Vào đầu nhưng năm 1950, các nhóm lực lượng đặc biệt không được coi là một phần của lục quân. Họ bị coi là người ngoài... những chiến binh cừ khôi nhưng không thể sống một cách thoải mái trong thời bình. Anh biết đấy, anh có những  người lính mà anh muốn làm đông cứng họ sau trận đánh cuối cùng và làm tan băng cho họ sống lại trước trận đánh đầu tiên của cuộc chiến tranh mới. Vì vậy, đó là những nhóm rất cá tính. Khi được cử đến đơn vị đặc biệt 10, tôi không muốn đi, nhưng không thể được"(1). Là chỉ huy trưởng của SOG, Russell lại càng bị đẩy xa ra khỏi đời sống lục quân. Do vậy khi tư lệnh Bộ chỉ huy viện trợ Mỹ ở Việt Nam, tướng William Westmoreland vạch kế hoạch leo thang chiến tranh năm 1964. Russell không được tham gia tiến trình đó. Ông không được mời tham gia các cuộc thảo luận.

Người thay thế Russell là người hùng của cuộc chiến tranh thế giới thứ hai, Don Blackburn. Những thành công của ông ở Phillipines đã được Holywood dựng thành phim vào giữa năm 1950 với tên "Đầu hàng - còn lâu”. Khi người Nhật chiếm giữ Phillipines, ông chạy vào rừng và tổ chức các đơn vị du kích trong số những bộ lạc thiểu số mà phần lớn là người thuộc bộ lạc Igorot. Sau đó họ được biết với cái tên "người sưu tập đầu kẻ thù của Blackburn" và đóng vai trò quyết định khi tướng McArthur giải phóng Phillipines khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản. Vào năm 1944, với những thành tích đó, ở tuổi 29, .Blackburn trở thành viên đại tá trẻ nhất trong lục quân Hoa Kỳ. Tuy nhiên lục quân không biết phải sử dụng kinh nghiệm chiến tranh không quy ước của ông như thế nào sau khi chiến tranh kết thúc. Đầu tiên họ cố biến ông thành một sĩ quan lục quân đầy kính trọng bằng cách cử ông đến trường bộ binh. Sau khi được đào tạo lại, dự kiến ông sẽ nằm trong luồng chảy chính của lục quân Hoa Kỳ. Năm 1950 ông được cử đến giảng dạy tại trường Westpoint. Tuy nhiên theo một nguồn tài liệu vào lúc bấy giờ, ông luôn luôn tranh thủ đưa vào bài giảng những luận điểm về chiến đấu của riêng ông, đố học viên nghĩ ra cách làm giảm thương vong, và yêu cầu học viên phải suy nghĩ theo hướng không quy ước(2). Rõ ràng, việc trở thành một sĩ quan lục quân chính thống là quá khó đối với thủ lĩnh Blackburn.

Sau khi làm cố vấn ở Việt Nam một thời gian ngắn, Blackburn trở lại lực lượng đặc biệt vào cuối những năm 1950. ông được đưa đến chỉ huy đơn vị đặc nhiệm số 77 ở Fort Bragg. Năm 1961, tổng thống Kenedy tuyên bố rằng chiến tranh đặc biệt là quan trọng và Blackburn được giao nhiệm vụ tổ chức một đơn vị hoạt động ngầm bán vũ trang, một phần trong chính sách của chính quyền đối với cuộc khủng hoảng tại Lào. Sau đó, tháng năm 1965, ông trở thành người lãnh đạo SOG. Dường như Blackburn là con người lý tưởng cho công việc này: ông có nhiều kinh nghiệm trong chiến tranh đặc biệt. Tuy nhiên, ông cũng vẫn chỉ là đại tá nhưng người giữ cấp hàm này lâu nhất trong lục quân Hoa Kỳ.

Người ta thường nói rằng những sĩ quan giàu kinh nghiệm chiến tranh đặc biệt như Blackburn được tướng Westmoreland đánh giá rất cao. Trong hồi ký của mình, vị cựu tư lệnh của MACV tuyên bố "các chỉ huy trưởng của SOG là một nhóm thiên tài"(3). Jack Singlaub, chỉ huy trưởng thứ ba của SOG tin là Westmorelanh coi trọng SOG. Ông viết “ấn tượng của tôi là bạn có thể nhận thấy sự khác biệt về quan điểm đối với loại hình hoạt động này giữa tướng Westmoreland và  người tiền nhiệm, tướng Abram. Tướng Abram là  người tẩy chay lực lượng đặc biệt. Tôi đã từng nghe ông ta nói là việc tập trung tất cả những quân nhân tốt nhất cho một đơn vị đặc biệt sẽ làm xuống cấp các đơn vị thường trực và không phù hợp với lợi ích của quân đội. Giờ đây tôi có quan hệ tuyệt vời với tướng Westmoreland... Trong suốt hai năm tôi không bao giờ nhỡ cuộc họp sáng thứ hai để báo cáo tóm tắt với tướng Westmoreland về các hoạt động của SOG. Abram thường hoãn hoặc thay đổi thời gian cho các buổi thuyết trình này. Westmoreland không bao giờ làm như vậy”(4).

Westmoreland từng viết "SOG đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động của chúng ta chống lại kẻ địch ở Việt Nam"(5). Tuy nhiên, hồi ký của ông cũng thừa nhận ông "có những ý kiến khác biệt về mức độ hiệu quả các hoạt động ngầm do SOG có thể mang lại"(6).

Trong thời gian một năm giữ vai trò tư lệnh của SOG, Don Blackburn chỉ gặp báo cáo Westmoreland có một lần. Theo Blackburn, Westmoreland là "một tư lệnh thông thường của lực lượng thông thường và không thích thú gì các hoạt động kiểu như SOG"(1). Là một  người được đánh giá cao trong lĩnh vực hoạt động đặc biệt, Blackburn thất rằng "chưa bao giờ các hoạt động đặc biệt được coi trọng trong tính toán của MACV. Ở đó chỉ có hoạt động thông thường... Có một sự thật được mọi người thừa nhận là hoạt động đặc biệt bị coi nhẹ và bị đối xử như một đứa con riêng"(2).

Như vậy, hai viên tư lệnh đầu tiên của SOG, Russell và Blackburn, phải đối mặt với những cản trở đầy khó khăn. Các quan chức vạch chính sách cấp cao ở Washington muốn sử dụng hoạt động ngầm ép Hà Nội ngừng hỗ trợ cuộc chiến tranh ở miền Nam, nhưng đồng thời lại lo ngại hoạt động này có thể quá nhiều. Trong giới quân sự, SOG là một yếu tố thứ yếu khi họ vạch kế hoạch cho một cuộc chiến tranh thông thường.

Viên phó tư lệnh của SOG luôn luôn là sĩ quan không quân, nhưng không phải là người đang ở vị thế được thăng tiến - rất khó lên được cấp tướng. Vị trí thứ ba của SOG do một quan chức CIA nắm giữ. Quan hệ giữa SOG và CIA luôn rất tế nhị. Bất chấp những quy định trong chỉ thị 57, CIA không hề muốn đóng vai trò lệ thuộc trong hoạt động bán quân sự ngầm do quân đội lãnh đạo. Nếu các nhà vạch chính sách đã giao nhiệm vụ đó cho MACV, thì mặc kệ họ. CIA sẽ chú trọng vào các hoạt động khác.

Trước khi nhận bàn giao, Blackburn đã "đến CIA và gặp Colby đặt vấn đề có được những nhân viên CIA cao cấp giữ chức phó của SOG". Colby lắng nghe nhưng không bao giờ phân công ai. Khi được hỏi xem CIA có giữ vai trò hỗ trợ tích cực không, Blackburn khẳng định "không, ít nhất là khi tôi ở đó. Điều làm cho tôi bị bó buộc là tôi không có đủ nhân viên có kinh nghiệm của CIA. Viên phó CIA thì yếu quá."(3). Các vị chỉ huy sau này có quan hệ công tác khá hơn với các quan chức cấp cao của CIA, nhưng sự tham gia của cơ quan này vẫn hạn chế và chất lượng các nhân viên được biệt phái sang SOG không đồng đều.

Bất chấp những trở ngại này, SOG phình to một cách nhanh chóng tương tự như, hoặc thậm chí còn nhanh hơn, lực lượng quân sự thông thường ở Việt Nam và có bộ máy ngày càng phức tạp. Đến năm 1967, SOG phụ trách các chương trình hoạt động ngầm ở Bắc Việt Nam, Lào và Campuchia. Sự mở rộng này có thể thấy rõ hơn trong hai sơ đồ ở trang bên. Sơ đồ thứ nhất cho thấy cơ cấu tổ chức năm 1965, một năm sau khi đoàn tiền trạm của Russell đến Việt Nam, lúc đó SOG mới.chỉ có 128 nhân viên. Vào năm 1969, tổ chức này có tới một nghìn nhân viên  người Mỹ, vài ngàn người Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan.

Mặc dù đã phát triển nhanh chóng về quy mô, về cơ bản SOG có bốn nhiệm vụ chính kết hợp với nhau tạo nên chiến dịch hoạt động bán quân sự ngầm.

Mạng lưới gián điệp - biệt kích và đánh lạc hướng

Việc cài cắm các toán biệt kích nằm vùng dài hạn ở Bắc Việt Nam là nhiệm vụ của Nhóm không vận của SOG. Từ 1964 đến 1969, bộ phận này được biết với mật danh OP34. Vào cuối 1967, nó có thêm hai nhiệm vụ nữa, đó là bay trinh sát và tham gia chương trình đánh lạc hướng. Dưới thời CIA, việc tung các toán biệt kích dài hạn vào Bắc Việt Nam là vô cùng khó khăn và phần lớn gặp thất bại. Washington đã không quy định rõ về nhiệm vụ của các toán này. Theo OPLAN34, nhiệm vụ của các toán biệt kích là thành lập tổ chức chống đối ở miền Bắc. Vì nhiệm vụ này chưa bao giờ được Washington chính thức cho phép nên họ được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo, phá hoại, và chiến tranh tâm lý. Điều lạ lùng là, các toán biệt kích được chỉ thị phải tránh tiếp xúc với dân chúng trong khi thực thi các nhiệm vụ được giao. Trong hoàn cảnh đó, làm sao có thể trông đợi các toán này hoàn thành nhiệm vụ? Năm 1966, một lần nữa nhiệm vụ lại thay đổi. Lần này trọng tâm là thu thập tin tức tình báo và thiết lập các mối quan hệ với dân, và nhiệm vụ thứ yếu là chiến tranh tâm lý và phá hoại. Sự thay đổi này được thể hiện trong bản kế hoạch 15 tháng, theo đó các toán gián điệp - biệt kích được cài cắm hoặc điều chỉnh vị trí để bám theo các tuyến đường chính nối với đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào.

Không chỉ nhiệm vụ của các toán gián điệp-biệt kích dài hạn thường xuyên bị thay đổi do sự hoang mang của Washington, mà bản thân từng điệp vụ cũng bị giám sát một cách hết sức chặt chẽ. Có những lo ngại là các toán này đã bị Bộ Nội vụ Hà Nội vô hiệu hoá, tuy nhiên cho đến năm 1967 không có bất cứ một cuộc thẩm định về phản gián nào được tiến hành.

Đến 1967, hoạt động của các toán biệt kích không làm cho các cấp lãnh đạo hài lòng. Ngay cả trong trường hợp tốt nhất, kết quả hoạt động này cũng rất còm cõi. Hơn nữa, sự lo ngại ngày càng lớn về khả năng các toán này bị vô hiệu hoá đã làm tăng sự nghi ngờ đối với hiệu quả của hoạt động này. Hệ quả là nhiệm vụ của OP34 lại bị xem xét lại một lần nữa.

Lý do cho sự xem xét lại này là: "người ta tin rằng với thời gian hoạt động ngắn và cơ động cao, các toán có khả năng tồn tại và đưa trở về cao hơn"(4). Trên thực tế, việc xâm nhập và đưa các toán biệt kích trở về đã trở thành tiêu chí đánh giá thành công của điệp vụ. Trong năm 1968, thiếu tá George Gaspard là người chỉ huy hoạt động biệt kích ở Bắc Việt Nam. Trước khi nhận nhiệm vụ này, Gaspard đã từng được biệt phái sang CIA ở Triều Tiên với nhiệm vụ giúp phát triển chương trình chống xâm nhập cho cảnh sát Nam Triều Tiên. Đó là một công việc đầy thử thách vào thời điểm Bắc Triều Tiên đang cố tung một số lớn điệp viên vào miền Nam. Theo Gaspard, "chúng tôi đã giết 119 người... đó là vào năm 1967, chúng tôi không bắt được ai làm tù binh vì điều đó rất khó... họ không chịu đầu hàng"(5).

Khi tham gia SOG, Gaspard đã chuyển từ chống xâm nhập sang tổ chức các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc. Mục tiêu Gaspard đặt ra cho các toán là: "đưa họ xâm nhập, đón họ trở về và thu được một số thông tin từ họ"(3). Điều này quả là rất ý nghĩa khi mà tất cả 500 biệt kích mà CIA và SOG tung vào Bắc Việt Nam không có ai được đưa trở về Nam Việt Nam.

Vào cuối năm 1967, OP34 được bổ sung nhiệm vụ đánh lạc hướng. Ý tưởng này được nảy sinh từ sự nghi ngờ là phần lớn các toán biệt kích cài cắm đã bị vô hiệu hoá và khống chế và Hà Nội đang tiến hành chống SOG bằng việc sử dụng các toán bị bắt làm gián điệp đôi. Nếu đúng như vậy Bắc Việt Nam không chỉ biết được các biện pháp nghiệp vụ và mục tiêu của SOG mà còn cung cấp các thông tin giả thông qua việc liên lạc vô tuyến điện. Chương trình đánh lạc hướng có mật danh là Forae hy vọng làm cho Hà Nội tin là mối đe doạ lật đổ từ bên trong còn lớn hơn nhiều so với những toán biệt kích đã bị bắt. Forae bao gồm 6 hoạt động được tướng Westmoreland phê chuẩn miệng ngày 14-3-1968.

Như vậy, đến 1968, OP34 được chia ra làm ba bộ phận: OP34A, hoạt động gián điệp, OP34B, xâm nhập biệt kích và OP34C, hoạt động đánh lạc hướng.

Hoạt động ngầm trên biển

Hoạt động ngầm trên biển là bộ phận cấu thành quan trọng thứ hai của SOG. Cũng được kế thừa từ CIA, trách nhiệm tiến hành nhiệm vụ này được giao cho nhóm hoạt động trên biển, hay OP37. Tháng Giêng 1964, Bộ phận cố vấn hải quân - tên bình phong của nhóm - được thành lập tại Đà Nẵng. Năm 1965, một bộ phận nhỏ có tên Nhóm nghiên cứu hàng hải được thành lập tại trụ sở của SOG. Về cơ bản, nhóm này có chức năng tham mưu còn Bộ phận cố vấn hải quân là người tiến hành các hoạt động ngầm trên biển cụ thể.

Viên chỉ huy của Bộ phận cố vấn luôn luôn là sĩ quan hải quân. Ngoại trừ một số ít trường hợp ngoại lệ, nhưng người được cử đến chỉ huy OP37 hầu như không có kinh nghiệm chiến tranh không quy ước. Ví dụ Jack Owen, vị chỉ huy đầu tiên là chỉ huy trưởng tàu khu trục và không biết gì về hoạt động ngầm trên biển. Cuộc đời binh nghiệp của Owen gắn liền với đại dương trên những con tàu lớn chứ không phải chỉ huy các con tàu nhỏ tiến hành hoạt động ngầm ở vùng ven biển các địa bàn bị từ chối kiểu như Bắc Việt Nam. Một sĩ quan hải quân sẽ không bao giờ được nâng cấp hàm cao hơn nếu chỉ hoạt động trong bóng tối. Con đường danh vọng nằm ở ngoài biển khơi, trên các con tàu nổi hoặc tàu ngầm lớn. Do vậy, trong hàng ngũ sĩ quan cao cấp của hải quân tại thời điểm 1964, rất ít người có kinh nghiệm hoạt động ngầm. Trong hải quân, hoạt động đặc biệt không được coi là nhiệm vụ quan trọng. Vì vậy, khi được hải quân chọn cử, đó là tín hiệu rõ ràng là Jack Owen không còn là thứ nguyên liệu để tạo ra đô đốc hải quân nữa.

Phó chỉ huy phụ trách nghiệp vụ và huấn luyện của Nhóm cố vấn là sĩ quan lính thuỷ đánh bộ, người thường có chút ít hiểu biết về hoạt động đặc biệt. Nhận xét này rất đúng với trường hợp trung tá James Munson, người được giao nhiệm vụ trên năm 1964. Như sau này James nhớ lại, "Tôi làm việc với CIA... và dường như được Langley (tức CIA) chấp nhận... Tôi đã tham gia hoạt động của Liên hợp quốc và đây là nhiệm vụ hoàn toàn bất thường đối với một sĩ quan quân đội vì khi tiến hành các hoạt động ngừng bắn và gìn giữ hoà bình, chúng tôi phải làm việc với người dân nước chủ nhà và cố đạt được mục tiêu của Liên hợp quốc và đằng sau đó là mục tiêu của Mỹ, bằng cách sử dụng phương pháp của nước sở tại. Đó được coi là hoạt động đặc biệt"(1). Tuy nhiên, Munson không có kinh nghiệm trực tiếp về các dạng hoạt động bán quân sự bí mật mà OP37 được giao. Munson được chọn vì năng khiếu ngoại ngữ và kinh nghiệm tình báo có được từ lính thuỷ đánh bộ và CIA.

Sự lựa chọn Owen và Munson minh hoạ cho sự khó khăn mà SOG gặp phải trong việc tìm ra đúng người cần thiết. Khi được hỏi liệu các sĩ quan hải quân trong bộ phận cố vấn hải quân có kinh nghiệm gì về hoạt động bí mật không, Munson nhớ lại: "Tôi không tìm thấy ai có bất cứ kinh nghiệm gì phù hợp với nhiệm vụ của SOG". Munson nhớ Jack Owen đã từng nói "Quỷ tha ma bắt, tôi chỉ huy tàu khu trục, tôi có biết quái gì về kiểu hoạt động này đâu”. Owen đã rất thành thực khi thừa nhận "tôi thật sự không biết những chi tiết, nhưng chúng ta là người chịu trách nhiệm, vậy hãy làm tất cả những gì bạn có thể"(2).

Tương tự như OP34, nhiệm vụ của OP37 thường xuyên thay đổi trong giai đoạn 1964-1969. Trong khoảng thời gian này, nhiều hoạt động khác nhau đã được tiến hành. Hoạt động ngầm trên biển bao gồm: các cuộc tập kích trên biển với sự yểm trợ của không quân như: phá hoại, bắt giữ cán bộ Bắc Việt Nam, dùng tàu nhanh bắn phá các mục tiêu trên bờ, ngăn chặn và phục kích các tàu vận tải của miền Bắc cho miền Nam, phân phát hàng chiến tranh tâm lý, bắt cóc công dân miền Bắc mà chủ yếu là ngư dân để phục vụ chương trình chiến tranh tâm lý, tung các toán gián điệp và biệt kích qua đường biển và thu thập tin tức tình báo ven biển.

Nhiệm vụ của các điệp vụ trong từng giai đoạn phụ thuộc vào quyết định của Washington. Ở tầm chính sách thường xuyên có sự xem xét lại và thay đổi nhiệm vụ của hoạt động trên biển. Sự quan tâm của các nhà vạch chính sách đối với các hoạt động ngầm trên biển đã có từ những ngày đầu thành lập SOG mà lý do chính là sự kiện các tàu nhanh của OP37 dính líu vào sự kiện Vịnh Bắc Bộ nổi tiếng tháng 8-1964.

Trong nội bộ bộ phận cố vấn, nhóm nghiệp vụ và huấn luyện vạch kế hoạch và thực hiện toàn bộ các phi vụ hoạt động ngầm trên biển chống lại miền Bắc sau khi đã được Washington bật đèn xanh. Nhóm thám báo và lực lượng đặc biệt của hải quân (SEAL), bao gồm một đơn vị SEAL của hải quân và các nhân viên thám báo, đã huấn luyện các toán biệt kích Việt Nam về hoạt động ven biển dọc theo bờ biển miền Bắc. Nhóm này hỗ trợ và cố vấn cho các thuỷ thủ Việt Nam về chiến thuật, sử dụng vũ khí, xác định phương hướng và hoạt động trên các tàu tốc độ cao mang tên "Nasty". Những thuỷ thủ này chịu trách nhiệm trực tiếp tiến hành các hoạt động trong lãnh hải miền Bắc.

Các nhân viên Mỹ không được phép tham gia bất kỳ hoạt động nào của OP37. Chỉ có nhân viên người Việt dưới sự điều hành của cơ quan an ninh bờ biển trực thuộc Tổng nha kỹ thuật chiến lược được phép Bắc tiến. Cơ quan an ninh bờ biển là đối tác Việt Nam của Nhóm cố vấn hải quân.

Chiến tranh tâm lý

Nhiệm vụ trọng yếu thứ ba của SOG là chiến tranh tâm lý chống lại miền Bắc. Hoạt động này được gọi là tuyên truyền "đen" vì các thông tin và hoạt động được gán cho các nguồn thông tin không tồn tại hoặc bị bóp méo. Nói một cách khác, đối tượng nghe, trong trường hợp này là giới lãnh đạo và nhân dân của miền Bắc, sẽ cho rằng các nguồn thông tin đó không phải từ Hoa Kỳ mà là từ nơi khác.

Chiến tranh tâm lý thường mang vẻ bí hiểm về thủ đoạn và mục đích hoạt động. Chiến tranh tâm lý là một khía cạnh kinh điển của thủ đoạn tình báo. Tôn Tử, nhà chiến lược quân sự cổ xưa của Trung Quốc, rất coi trọng sự đóng góp của chiến tranh tâm lý trong việc giành thắng lợi không cần dùng bạo lực hoặc với bạo lực ít nhất. Tuy nhiên điều này nói thì dễ mà làm thì khó. Chiến tranh tâm lý có rất nhiều điểm chung với việc nghi binh và là một trong những thuật ngữ của thời chiến tranh lạnh gợi lại những hình ảnh về mánh khoé khéo léo của đối phương. Có những người tin rằng chiến tranh tâm lý có thể thay thế một cách có hiệu quả cho chiến đấu.

Việc nghiên cứu kỹ hơn cho thấy chiến tranh tâm lý không phải là điều thần kỳ như vậy. Người ta cho rằng những người cộng sản là bậc thầy về mặt này, và thực ra nhận định này cũng có một phần sự thật. Một nghiên cứu có tính kinh điển về chiến tranh tâm lý trong những năm 1950 - Cuốn sách về các tình huống chiến tranh tâm lý - chỉ rõ là "khái niệm về chiến tranh tâm lý của Liên Xô không có gì bí hiểm. Nó được coi là một vũ khí tổ chức chứ không chỉ là vũ khí bằng lời. Với những người cộng sản, không có sự phân biệt rõ ràng giữa lời nói và việc làm"(1).

Chiến tranh tâm lý là một thành tố quan trọng của chiến lược chung được Đảng Cộng sản Việt Nam áp dụng chống Pháp và Mỹ, những kẻ thù đầy sức mạnh mà Việt Nam phải đối đầu từ 1946-1973. Hồ Chí Minh và các đồng chí của ông tiến hành một chiến dịch chiến tranh tâm lý mạnh mẽ trên thế giới và trong lòng nước Pháp và Hoa Kỳ. Chiến tranh tâm lý được sử dụng để cô lập Pháp và sau đó là Hoa Kỳ về mặt quốc tế và xói mòn sự gắn kết chính trị trong nước.

Hoa Kỳ mới chỉ trải nghiệm chiến tranh tâm lý trong chiến tranh thế giới thứ hai và chưa bao giờ thực sự làm chủ nó. CIA chỉ đạo các chiến dịch tuyên truyền chống các địa bàn bị từ chối thuộc khối Liên Xô, nhưng mục tiêu chiến lược của những hoạt động này không mấy khi rõ ràng. Một ví dụ cụ thể là Đài phát thanh châu Âu tự do và Đài phát thanh tự do, cả hai đều do CIA chỉ đạo sau khi được nhận bàn giao từ Quốc hội. Mục tiêu của các đài này là chuyển tải thông tin tới những người bị giam cầm sau "bức màn sắt”. Theo cựu nhân viên CIA Cord Meyer, người phụ trách hai đài phát thanh trong những năm 1950, "thành công của chúng tuỳ thuộc vào việc quyết định tạo ra tin tức khách quan và chính xác trong phạm vi có thể và tập trung đưa tin về các diễn biến nội bộ của khối Liên Xô mà Đài tiếng nói Hoa Kỳ hoặc BBC không thể đưa tin" (2).

Theo những người trốn ra từ những địa bàn này, CIA dường như đã đạt được mục đích trên. Đài phát thanh đã thành nguồn tin tức cho những người đằng sau bức màn sắt Tuy nhiên câu hỏi đặt ra là những người dân đó sẽ làm gì với những thông tin, kiến thức có được từ đài. Theo chính sách của Hoa Kỳ thì ít nhất họ không được khuyến khích có hành vi bạo lực chống lại chính phủ của họ. Hay nói cách khác, thông qua đài phát thanh họ biết được sự thật nhưng sự thật đó không nhằm kích động họ có hành động giải phóng cho mình bằng bạo lực. Thay vào đó, theo Meyer, đài phát thanh góp phần "cải thiện từng ít một khả năng thay đổi dần theo hướng xã hội cởi mở hơn"(3). Các nhà vạch chính sách Hoa Kỳ đã vạch ra ranh giới giữa tiến trình chính trị và cách mạng. Đó chính là ranh giới mà người Hungary không nhận ra hoặc không muốn chấp nhận năm 1956 khi họ cố tự giải phóng mình. Hoa Kỳ, trong một hành động đáng ngạc nhiên, đã từ chối trợ giúp và đứng ngoài khi cuộc cách mạng ở Hungary bị đàn áp.

Khi CIA tham gia chiến tranh tâm lý, giới quân sự chính thống lại xem nhẹ cái gọi là hoạt động tâm lý chiến này. Hoạt động này liệu có thể làm được gì? Các chuyên gia hoạt động tâm lý chiến thường bị các sĩ quan chiến đấu coi thường. Chỉ nói suông với kẻ địch thì chẳng đạt được gì cả. Tốt hơn cả là bỏ hẳn hoạt động này để tái đầu tư nguồn lực vào tàu chiến và xe bọc thép mới. Không giống như những người cộng sản, Lầu Năm Góc không coi chiến tranh tâm lý là một phần quan trọng trong chiến lược chiến tranh nói chung.

SOG kế thừa chương trình chiến tranh tâm lý từ CIA. Kiến trúc sư của CIA về chương trình này là Herb Weisshart. Xuất phát từ kinh nghiệm bản thân khi hoạt động tại Triều Tiên và Trung Quốc, Weisshart triển khai một chương trình "tờ rơi, gói quà rải qua đường không, chương trình phát thanh tâm lý, những bước triển khai bước đầu của một phong trào chống đối giả mạo và hoạt động trên biển sử dụng các tàu nhỏ cho chiến tranh tâm lý”, Weisshart khái quát hoá nỗ lực này là "một hoạt động có ngân sách nhỏ nhoi", quả là lời đánh giá chính xác(4).

Theo Weisshart, chương trình của CIA nhằm vào giới lãnh đạo và dân chúng Bắc Việt Nam. Chương trình chiến tranh tâm lý của SOG cũng nhằm mục tiêu tương tự. Làm cách nào có thể tác động Hồ Chí Minh và giới lãnh đạo Hà Nội? Cái gì có thể làm cho họ lo lắng? Làm thế nào Weisshart và sau đó là đồng nghiệp của SOG hy vọng có thể đánh lừa Hà Nội và nhằm mục đích gì? Theo một cựu chuyên gia chiến tranh tâm lý, mục đích của hoạt động này là làm cho giới lãnh đạo tin rằng họ đang có mối đe doạ về an ninh từ bên trong, rằng dân chúng bất bình về cuộc chiến tranh đang phung phí sinh mạng con cháu họ và hệ quả là hình thành các nhóm chống đối. Khi mối nghi ngờ này được lan truyền, theo Weisshart, "hy vọng là Hà Nội phải chuyển bớt các lực lượng tình báo, phản gián, an ninh nội bộ và quân đội để giải quyết vấn đề an ninh tiềm ẩn đó"(5). Về mặt lý thuyết, đây là những mục tiêu hoàn toàn vừa mức của chiến tranh tâm lý.

Thế còn nhân dân Bắc Việt Nam thì sao. Ở đây CIA đã vạch ra một ranh giới mỏng manh như từng áp dụng đối với Đông Âu trong những năm 1950. Mục đích là cung cấp thông tin chính xác cho nhân dân Việt Nam Dân chủ Cộng hoà về chính phủ của họ và cuộc chiến tranh với hy vọng điều đó sẽ làm cho họ bày tỏ sự bất bình, thậm chí có hình thức chống đối ở mức thấp nào đó. Tuy nhiên, một lần nữa, một câu hỏi rõ ràng được đặt ra: Một khi dân chúng Bắc Việt Nam trở nên bất bình và mất lòng tin với chính phủ của họ, Washington muốn họ làm gì. Theo Weisshart, Washington không mong muốn họ "tiến hành các hoạt động bạo lực, nghĩa là không làm nổ các công trình hoặc mục tiêu tương tự... Tôi có cảm giác là Washington muốn dân chúng đạt đến điểm buộc Chính phủ Hà Nội phải áp dụng các biện pháp an ninh nội bộ nào đó...Washington hy vọng sẽ bó tay họ ở mức độ nào đó và buộc họ phải chuyền bớt nguồn lực vào vấn đề an ninh nội bộ thay vì dành cho chiến tranh ở miền Nam"(6). CIA Và SOG không khuyến khích dân chúng Bắc Việt Nam sát hại quan chức của chính phủ Hà Nội. Tại sao? Theo Weisshart, "anh không muốn họ bị sát hại vì những gì anh bảo họ làm"(7).

Mặc dù CIA chuyển giao chiến tranh tâm lý từ năm 1964, đây là một bộ phận còn giữ được nguyên vẹn của SOG. Weisshart ghi nhận, "người của chúng tôi (CIA) tiếp tục điều hành các bộ phận cấu thành của OP39 ngay từ đầu. Sau đó giới quân sự dần thay thế khi họ có đủ khả năng"(1).

Weisshart và trung tá Norbert Richardson chỉ đạo chương trình chiến tranh tâm lý từ những ngày đầu của SOG. Trước đó, Richardson được phân công đến làm việc tại bộ phận chiến tranh tâm lý của Trung tâm CIA Sài Gòn. Cuối mùa xuân 1964, Trung tá Martin Marden trở thành chỉ huy trưởng hoạt động tâm lý chiến của SOG. Marden chỉ có chút ít kinh nghiệm về vấn đề này và những người dưới trướng của ông cũng tương tự như vậy. Họ có thể đã trải qua hoạt động đặc biệt nhưng chưa hề tham gia hoạt động chiến tranh tâm lý. Theo Weisshart nhớ lại, cùng đi với Marden là 25 sĩ quan cấp trung uý và đại uý thông minh, trẻ trung, đầy nhiệt huyết nhưng thiếu kinh nghiệm.

Đại uý John Harrell là một trong số đó. Tốt nghiệp trường lục quân 1959, Harrell đến nhận nhiệm vụ tại Trung tâm chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg để tham gia khoá huấn luyện các đơn vị chiến tranh tâm lý. Tuy nhiên như sau này Harrell nhớ lại, "hoàn toàn không có hoạt động huấn luyện nào từ Trung tâm chiến tranh đặc biệt... Chúng tôi hoàn toàn không có nhiệm vụ huấn luyện. Chúng tôi không có bài tập thực hành nào về công tác tuyên truyền". Harrell cũng không được huấn luyện về chiến tranh tâm lý. “Chúng tôi chưa bao giờ thực sự đi sâu vào vấn đề này. Họ giới thiệu cho chúng tôi về khái.niệm, một số kỹ thuật chiến tranh tâm lý và nghe một số ví dụ nhưng chúng tôi không hề được đào tạo thật sự về hoạt động này"(2).

Khi đến Việt Nam, Harrell được phân công phụ trách chi nhánh phân tích và nghiên cứu của OP37. "Tôi không hề có khái niệm về những việc sẽ phải làm cũng như các loại tài liệu mà tôi phải xử lý ngoài những tài liệu mật. Tôi không biết chúng liên quan đến vấn đề gì"(3). Harrell rơi vào vị thế lãnh đạo một bộ phận mà mình chỉ hiểu biết chút ít. Trong những ngày đầu của SOG, Harrell không phải là trường hợp duy nhất.

Cuộc chiến tranh tâm lý mà SOG tiến hành chống lại Bắc Việt Nam bao gồm các hoạt động sau: Tạo ra trên danh nghĩa một phong trào chống đối có tên Gươm thiêng ái quốc với mục đích gây ra ấn tượng là có một phong trào chống đối đang hoạt động ở miền Bắc; và tiến hành tuyên truyền tâm lý đối với số ngư dân bị bắt tại đảo Thiên Đường. Khởi đầu từ năm 1965, hoạt động tuyên truyền tâm lý này có mục đích thuyết phục những công dân miền Bắc bị bắt cóc là phong trào Gươm thiêng ái quốc là có thật và đang hoạt động ở vùng giải phóng thuộc miền Bắc. Các hoạt động khác bao gồm: đài phát thanh, rải truyền đơn và quà tâm lý, các lá thư giả gửi cho cán bộ và công dân Bắc Việt Nam từ nước thứ ba; làm tiền giả, và đặt các loại bẫy nổ ở Lào.

Hoạt động ngầm chống lại đường mòn Hồ Chí Minh

Nhiệm vụ cuối cùng của SOG liên quan tới các toán thám báo do Mỹ chỉ huy chống lại đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào. Việc cho tiến hành hoạt động này là một quyết định khó khăn của chính quyền Johnson. Phải mất gần hai năm chính quyền mới cho phép hoạt động "qua giới tuyến" như cách gọi của nhân viên của SOG đối với hoạt động ở Lào. Mặc dù vấn đề phá hoại đường mòn đã được thảo luận trong quá trình vạch kế hoạch OPLAN34, văn bản cuối cùng đã cắt bỏ hoạt động này. Nguyên nhân là do Hiệp định Gionevơ 1962 về Lào đã ngăn cấm các lực lượng quân sự nước ngoài hoạt động tại đây. Lo ngại sẽ vi phạm Hiệp định, năm 1964 Washington đã có chỉ thị hạn chế các hoạt động ngầm tại Lào như sau: "Các lực lượng của chính phủ Nam Việt Nam không được phép hoạt động dọc theo biên giới Lào... Các nhân viên Hoa Kỳ không được phép tham gia các hoạt động ngầm của Nam Việt Nam tại Lào"(4).

Tháng 3-1964, Hội đồng tham mưu liên quân đã gây sức ép buộc Bộ trưởng McNamara xóa bỏ hạn chế trên vì "đã làm giảm hiệu quả hoạt động quân sự ở Việt Nam". Tháng 5-1964, sau khi có bản báo cáo tình báo cho thấy "các hoạt động hậu cần tích cực của đối phương tại Lào", Hội đồng tham mưu liên quân được phép "đề xướng các kế hoạch hoạt động qua biên giới hỗn hợp với chính phủ Nam Việt Nam và tiến hành các hoạt động tuần tra thu thập tin tức tình báo có giới hạn tại Lào". Trên thực tế điều này có nghĩa là các toán thám báo của Nam Việt Nam có thể qua biên giới Lào, nhưng các cố vấn Mỹ không được phép đi cùng các toán này(5).

Clyde Russell, chỉ huy trưởng của SOG lúc bấy giờ, biết được quyết định trên khi ông được gọi đến Sài Gòn trong một chuyến thăm của McNamara và được tham gia cuộc họp với sự có mặt của tướng Westmoreland, tướng Taylor và Đại sứ Lodge. McNamara hỏi Russell có một câu: "Bao giờ có thể triển khai hoạt động ở Lào... Tôi muốn có các hoạt động thám sát hệ thống đường giao thông xuất phát từ đường Chín". Trong vòng 30 ngày, các toán thám báo cần sẵn sàng triển khai. Đó là ý kiến thể hiện đúng tính cách của McNamara. Russell trình bày rằng mặc dù có thể huấn luyện các toán thám báo Nam Việt Nam "nhưng tôi cho rằng các toán này không thể mang lại kết quả cụ thể nào nếu không có sự tham gia của nhân viên Mỹ". McNamara trả lời "tôi đồng ý, tuy nhiên ngoại trưởng Rusk cho rằng vào lúc này chúng ta không nên đưa lực lượng Mỹ vào khu vực đó"(6).

Russell muốn phát triển một kế hoạch đầy tham vọng mang tên "Leaping Len" và huấn luyện các toán thám báo Việt Nam. Tuy nhiên các toán này tỏ ra không đủ năng lực tiến hành các hoạt động "bên kia giới tuyến" ở Lào và chỉ có một số ít là còn sống sót trở về. Đó là một thảm hoạ, mặc dù hoạt động này có mang lại một số thông tin bổ ích về hoạt động của quân đội Bắc Việt Nam dọc theo đường mòn. Những lực lượng này không phải là các toán du kích chân đất đi bộ xuyên rừng rậm mà là các đơn vị chủ lực của Bắc Việt Nam. Hà Nội bảo vệ tuyến đường khá nghiêm ngặt vì ý nghĩa chiến lược của nó đối với việc tiến hành chiến tranh ở miền Nam.

Vào đầu năm 1965, MACV kiến nghị cần làm một việc gì đó với phần đường mòn tại Lào. Tuy nhiên Washington vẫn còn lo ngại về tính nhạy cảm chính trị nếu Mỹ có can thiệp quân sự bí mật tại Lào. Đây chính là tình trạng mà Don Blackburn kế thừa khi nhận chức chỉ huy trưởng SOG tháng 5-1965. Blackburn nhanh chóng nhận ra là nếu SOG tiến hành các hoạt động chống lại đường mòn, các toán thám báo phải do Mỹ chỉ huy. Blackburn giải thích "Vì sự thất bại của các toán thám báo người địa phương, tôi cho rằng hoạt động này phải do Mỹ chỉ huy và lãnh đạo". Để làm điều đó cần được phép của cấp cao hơn ở Washington. Blackburn thực hiện một chuyến công tác đặc biệt đến Washington để giải trình lập luận của mình. "Tôi biết là tôi phải đi để có được đèn xanh cho hoạt động bên kia biên giới tại Lào và tôi đã làm như vậy"(1).

Trong khi Blackburn đang đấu tranh, SOG xây dựng một kế hoạch hành động ở Lào. Kế hoạch này đề ra "3 giai đoạn khởi đầu bằng các nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo chiến lược với thời gian lưu trú ngắn cho đến nhiệm vụ phá hoại với thời gian lưu trú dài hơi hơn tiến đến các nhiệm vụ dài hạn là phát triển nguồn chống đối"(2). Giai đoạn một của kế hoạch này được phê chuẩn vào tháng 9-1965. Toán thám báo do Mỹ chỉ huy đầu tiên được tung vào Lào vào tháng 10-1965. Tuy nhiên trước khi mọi việc được triển khai, các đại diện của Bộ Ngoại giao, Quốc phòng, CIA, Đại sứ quán Mỹ tại Lào, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương và MACV đã bàn thảo và đi tới nhất trí với nhau về những giới hạn của hoạt động này. Tương tự như các bộ phận khác của SOG, bộ phận chỉ đạo hoạt động thám báo cũng gặp phải những vấn đề trong quản lý, sự giám sát chặt chẽ về chính trị và các giới hạn ngặt nghèo trong hoạt động.

Về mặt tổ chức, hoạt động chống lại đường mòn Hồ Chí Minh được giao cho một bộ phận mới của SOG. Trong sơ đồ tổ chức năm 1969, bộ phận này có mật danh OP35 - "nhóm nghiên cứu mặt đất". Để hình thành bộ phận này, Blackburn đã tuyển chọn một sĩ quan lừng danh trong quân đội, đại tá Arthur D. Simon. Được mô tả là người "chiến binh cứng rắn và thô lỗ", Simon còn được gọi một cách ngắn gọn hơn là người "không biết sợ”. Simon vừa là chiến binh vừa là chỉ huy và đã chứng tỏ phẩm chất đó của mình trong nhiều trận đánh. Mọi người muốn đi theo và tin ở khả năng lãnh đạo đưa họ vượt qua mọi tình huống nguy hiểm của Simon. Lời khen ngợi dưới đây của một nhân viên đã từng cùng chiến đấu với Simon minh chứng cho điều này. "Tôi muốn đi theo Simon "bò tót" ngay cả khi xuống địa ngục rồi quay trở về chỉ vì một niềm thích thú duy nhất là được đi cùng anh ta".

Với biệt danh "bò tót", Simon trước đó đã từng làm việc với Blackburn. Blackburn đã chọn và giao cho Simon tổ chức và huấn luyện các đơn vị địa phương quân ở Lào trong những năm đầu 1960. Simon đã đưa toán quân 107 người tham gia một chiến dịch có mật danh "White Star - Sao trắng" ở Lào. Mục tiêu ban đầu của chiến dịch là huấn luyện quân đội Lào. Tuy nhiên, sau đó Simon được giao nhiệm vụ giúp đỡ những người dân tộc vùng núi cao tiến hành các hoạt động du kích quấy phá giao thông dọc theo tuyến đường Hồ Chí Minh. Khi hoàn thành nhiệm vụ, Simon đã thành lập một lực lượng đáng kể những người thiểu số. Các toán "Sao trắng" này chủ yếu hoạt động ở cao nguyên Boloven.

Có thể dễ dàng đoán trước được kết quả hoạt động do Simon "bò tót" chỉ huy. Blackburn nhớ lại "Chúng tôi đã nắm giữ cao nguyên Boloven cho đến Hiệp định Paris 1962... trong chiến dịch "Sao trắng" chúng tôi đã nhét được chiếc nút vào chai và điều đó hết sức thuận lợi... chính Simon đã làm được việc này. Cao nguyên Boloven thường được coi là vùng cổ chai của dòng di chuyển từ Bắc xuống Nam. Simon đã nhận ra điều này và muốn làm một việc gì đó... Vào lúc bấy giờ Pathet Lào đang kiểm soát Boloven. Simon đã chỉ huy chiến dịch đẩy Pathet Lào ra khỏi cao nguyên và chiếm giữ vùng này cho đến khi buộc phải rút lui theo Hiệp định Giơnevơ”(3).

Năm 1965, Simon nhận được một cú điện thoại của Blackburn. Blackburn đang cần người để tổ chức các toán thám báo do Mỹ chỉ huy cho các hoạt động bí mật tại Lào. Simon được biết mục đích của các hoạt động đó là "xây dựng năng lực ngăn chặn sự di chuyển nguồn cung cấp dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh và mọi việc bắt đầu từ con số không. Chúng tôi biết rằng phải mất nhiều thời gian để đạt được mục đích đó"(4). Ngay lập tức Simon lên đường đến SOG.

Bộ máy do Simon lập ra năm 1965 phát triển một cách nhanh chóng trong những năm sau. OP35 trở thành bộ phận hoạt động lớn nhất của SOG. Năm 1966, 137 toán thám báo được tung sang hoạt động ở Lào. Bắt đầu từ năm 1967, địa bàn hoạt động của OP35 mở rộng sang Campuchia. Năm 1969, số điệp vụ thực hiện ở Lào và Campuchia là 400. Phần lớn các điệp vụ này là các toán nhỏ do sĩ quan Mỹ chỉ huy có nhiệm vụ xác định mục tiêu cho máy bay không kích. Các điệp vụ khác bao gồm bắt cóc người của đối phương, đánh giá kết quả oanh kích, chụp ảnh mặt đất, đặt máy nghe trộm điện thoại và cài đặt các thiết bị cảm ứng điện tử.

Các bộ phận hỗ trợ của SOG

SOG có ba bộ phận hỗ trợ chính cho bốn bộ phận nghiệp vụ. Bộ phận thứ nhất là "Bộ phận nghiên cứu hàng không” và "Nhóm nghiên cứu hàng không" được biết đến dưới mật danh OP32 và OP75. Bộ phận nghiên cứu hàng không vạch kế hoạch hỗ trợ hàng không còn OP75 có chức năng thực hiện các kế hoạch đó và được trang bị các loại máy bay: trực thăng chiến thuật, vận tải và máy bay kiểm soát không trung. Các máy bay này được bố trí tại Việt Nam và Thái Lan.

Sự hỗ trợ của máy bay trực thăng, phần quan trọng cho các điệp vụ của OP35 ở Lào và Campuchia, do một đơn vị của không quân Nam Việt Nam - phi đội trực thăng 219 - và hai phi đội trực thăng hoạt động đặc biệt của không lực Hoa Kỳ tại Udorn và Nakhon Phanom, Thái Lan thực hiện. Các máy bay chiến thuật và kiểm soát không lưu chủ yếu là của Hoa Kỳ, mặc dù Nam Việt Nam có giao cho SOG một phi đội máy bay chiến đấu. Cuối cùng, SOG có các phi công từ một nước thứ ba: Đài Loan, lái những chiếc máy bay không số hiệu xâm nhập vào miền Bắc Việt Nam.

Bộ phận đáng chú ý thứ hai là Phòng hậu cần-OP40. Trong khi hoạt động hậu cần thường mang tính ổn định, OP40 là một ngoại lệ vì bộ phận này làm việc với Văn phòng hỗ trợ chống bạo loạn và Văn phòng hậu cần Viễn Đông tuyệt mật của CIA, cả hai đều đặt tại Okinawa. Hai cơ quan này cung cấp cho SOG hàng loạt thiết bị chiến tranh đặc biệt như các vũ khí chuyên dụng, trang phục của quân đội Bắc Việt Nam cho các đơn vị thám báo, súng AK47, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm đặc biệt và các chất làm cho gạo nhiễm độc.

Những thiết bị khác thường, và đôi khi rất ác hiểm này, không hẳn đã được Washington đánh giá cao. Singlaub nhớ lại một trường hợp có liên quan đến việc làm nhiễm độc các kho chứa gạo dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh. “Chúng tôi gặp phải một số rắc rối liên quan đến gạo. Tôi muốn dùng một hoá chất có tên Bitrex có thể dễ dàng làm cho gạo hư hỏng mà gạo vô cùng cần thiết cho hoạt động của quân đội miền Bắc. Đôi khi chúng tôi gặp kho gạo chứa đến 100 tấn, đó là một số lượng lớn. Nếu chúng tôi có thể dùng Bitrex để rải lên gạo, thứ gạo đó sẽ không dùng được nữa...- Bộ Ngoại giao không cho dùng Bitrex. Nhưng trong thực tế số gạo đó là để cho quân đội sử dụng và nếu bị huỷ hoại sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho hoạt động cung cấp của đối phương"(5). Bộ Ngoại giao coi Bitrex là một vũ khí hoá học, mặc dù nó không gây độc hại gì; hoá chất này chỉ làm cho gạo có vị đắng. Sau những cuộc tranh luận căng thẳng giữa Bộ Ngoại giao và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, cuối cùng Singlaub được phép sử dụng Bitrex.

Bộ phận thứ ba có vai trò cực kỳ quan trọng đối với mọi hoạt động của SOG là phòng thông tin liên lạc, OP60. Các thiết bị mật mã cao cấp của bộ phận này đảm bảo liên lạc an toàn với các nhân viên của SOG đang hoạt động trên thực địa. Một trong những trạm chuyển tiếp tiền tiêu của phòng được đặt ở trên đỉnh ngọn núi dựng đứng ở Nam Lào. Trạm này đã trở thành vị cứu tinh cho các toán thám báo tại Lào đang gặp khó khăn trầm trọng trong việc duy trì liên lạc. Theo một cựu thám báo, từ đỉnh núi này các bức điện được chuyển tới cho các toán thám báo và nhờ đó giải quyết được vấn đề sống còn mà họ đang gặp phải. "Bộ đội Bắc Việt Nam đã phát hiện ra thủ đoạn hoạt động của SOG và bắt đầu để cho các toán thám báo đổ bộ an toàn và chờ cho đến khi máy bay trực thăng đi khuất và khỏi tầm liên lạc mới bắt đầu tấn công"(6). Mang mật danh Leghorn, đài tiếp sóng tỏ ra vô cùng quý báu. Vị trí này cũng là trung tâm của hệ thống tình báo kỹ thuật hiện đại của cơ quan an ninh quốc gia thu tin và gây nhiễu thông tin của quân đội Bắc Việt Nam, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động của SOG và hoạt động tình báo có liên quan khác.

Bốn nhiệm vụ chủ yếu của SOG: cài cắm các toán biệt kích và chương trình đánh lạc hướng; chiến tranh tâm lý; hoạt động phá hoại ven biển; và ngăn cản đường mòn Hồ Chí Minh cấu thành chiến dịch bán vũ trang bí mật. Điều cốt yếu là để có vai trò nào đó trong chiến lược quân sự Mỹ ở Việt Nam, các bộ phận cấu thành cần được thực hiện dưới dạng một chiến dịch chung thống nhất.

Vạch kế hoạch quân sự là một yếu tố của hoạch định chính sách và chiến lược chiến tranh. Chiến lược quân sự thường bao gồm một hay nhiều chiến dịch. Những chiến dịch đó diễn ra ở tầm hoạt động mà mục đích của chúng là hoàn thành mục tiêu chiến lược đã đề ra.

Bốn nhiệm vụ cốt lõi của SOG tạo thành nền tảng cho chiến dịch bán quân sự bí mật nhằm vào hai mục tiêu tối quan trọng: an ninh nội bộ và sự kiểm soát dân chúng của Hà Nội và việc sử dụng đường mòn Hồ Chí Minh. Chiến lược đề ra trọng điểm cho mọi chiến dịch và ngược lại mọi chiến dịch phải hỗ trợ mục tiêu của chiến lược. Như cách nói của giới quân sự, chiến lược biến chính sách thành khái niệm quân sự thông qua việc đề ra mục tiêu chiến lược quân sự. Đến lượt mình, những mục tiêu quân sự đó thường là một bộ phận cấu thành của chiến lược toàn diện để tiến hành chiến tranh.

Do vậy, có mối tác động qua lại và thống nhất giữa chính sách, chiến lược và chiến dịch. Chính sách xác định mục đích mà chiến lược cần phải đạt được. Còn chiến dịch chỉ có ý nghĩa khi chúng hỗ trợ và thống nhất với chiến lược và được phối hợp chặt chẽ. Sự hài hoà sẽ củng cố thành công, còn lủng củng sẽ làm giảm thắng lợi. Trong trường hợp SOG, sự phối hợp và thống nhất tỏ ra hết sức khó khăn, đôi khi còn không tồn tại. SOG đã triển khai và thực hiện chiến dịch bán quân sự bí mật tập trung vào hai mối lo ngại chiến lược của đối phương. Tuy nhiên, không có những nỗ lực rõ ràng nhằm hoà hợp chiến dịch đó với chiến lược quân sự tổng thể cho chiến tranh Việt Nam.

CHỈ HUY VÀ KIỂM SOÁT SOG

Những hoạt động mà SOG tiến hành được coi là rất nhạy cảm và gây lo ngại cho giới quân sự và các nhà vạch chính sách mặc dù với các lý do hoàn toàn khác nhau. Thực ra có yếu tố xuất phát từ thái độ của Washington. Đầu tiên, chính quyền Kenedy rất nhiệt tình với các hoạt động bí mật chống lại Bắc Việt Nam và muốn quản lý các hoạt động này ở tầm thực hiện. Các quan chức cao cấp, do không lường trước được tính phức tạp trong việc thực hiện chiến dịch ngầm tại địa bàn bị từ chối, mong muốn có ngay hiệu quả. Hơn nữa họ đòi phải biết hết mọi chi tiết. Tác động là gì? Hà Nội có cảm thấy sức ép không? Washington muốn biết tất cả mọi thứ.

Khi kết quả không được như ý muốn, mọi người nhanh chóng đổ lỗi cho nhau. Kenedy không hài lòng với kết quả các hoạt động chống phá miền Bắc của CIA và giao việc này cho Lầu Năm Góc. Sau đó, vào cuối mùa xuân 1964, chính quyền Johnson thất vọng vì sự tiến triển chậm chạp của SOG và McNamara kêu gọi tăng cường số lượng điệp vụ ngay lập tức. Vì chiến tranh tập trung chủ yếu vào các hoạt động theo quy ước, vị chỉ huy thứ ba của SOG, Singlaub nhận xét rằng các quan chức hoạch định chính sách cao cấp không còn để tâm đến sự đóng góp của hoạt động ngầm nữa. "Tôi cảm nhận rất rõ là thái độ đó diễn ra vì thiếu nhận thức về tác dụng hỗ trợ của hoạt động ngầm đối với hoạt động thông thường. Trước khi đưa quân đội vào Việt Nam, hoạt động ngầm là biện pháp quân sự duy nhất. Khi quân đội đã được đưa vào, người ta tin rằng họ có thể đạt được mục tiêu của chúng ta. Ai ai cũng lạc quan: chỉ cần đưa vài trung đoàn vào là chúng ta sẽ nghiền nát họ. Nhưng điều đó không xảy ra và chúng tôi, những người nghiên cứu vấn đề này, biết rằng mọi chuyện sẽ không diễn ra theo chiều hướng đó"(1).

Thái độ mâu thuẫn trên của các nhà hoạch định chính sách bắt nguồn từ một thực tế là họ vừa tích cực ủng hộ hoạt động ngầm vừa hiểu rõ những hệ quả ngoài ý muốn mà những hoạt động đó có thể gây ra. Họ sợ nhất là sự việc bị vỡ lở trước công luận. Các nhà vạch chính sách dân sự thì e ngại làm đảo lộn tình hình ở Lào và đối mặt với sự chỉ trích của quốc tế nếu như các phi vụ phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh bị đưa ra công khai. Đối với Bắc Việt Nam, họ sợ rằng sự mất ổn định ở miền Bắc sẽ dẫn tới sự can thiệp của Trung Quốc, tạo ra một Triều Tiên thứ hai. Thậm chí nếu điều đó không xảy ra, các hoạt động ngầm nếu quá liều có thể buộc miền Bắc đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam, làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng. Những mối lo ngại này đã tạo ra hàng loạt giới hạn cho mọi hoạt động của SOG. Khi sự nhiệt tình đối với hoạt động ngầm giảm đi, sự lưỡng lự và những hạn chế trong hoạt động được duy trì đến phút cuối cùng. Hệ quả là, sự giám sát của Nhà Trắng đối với SOG là hết sức nghiêm ngặt.

Các quan chức quân sự cao cấp cũng khó chịu đối với hoạt động của SOG, nhưng với lý do khác hẳn. Mối quan tâm của họ liên quan nhiều hơn đến thái độ của giới quân sự chính thống đối với chiến tranh đặc biệt nói chung, bất kể đó là chống bạo loạn hay chiến tranh không quy ước. Các tướng lĩnh không tin là hoạt động đặc biệt có thể đóng góp nhiều cho việc tiến hành chiến tranh ở Nam Việt Nam. Blackburn đã mô tả như sau "Tại sao chúng ta không thể sử dụng lực lượng đặc biệt theo cách có hiệu quả hơn? Westmoreland là một vị tư lệnh chính thống... Ông thường xuyên gặp tư lệnh các lực lượng và quan tâm đến công việc của họ. Ông ta chẳng bao giờ để ý đến chúng tôi"(2).

Các viên tướng của Lầu Năm Góc lại có lý do khác để phản đối hoạt động bí mật. Sự hấp dẫn của hoạt động này cùng với nhiệt tình của Kenedy đối với lực lượng mũ nồi xanh thu hút sự chú ý của các sĩ quan trẻ đầy hứa hẹn. Đối với số lãnh đạo quân đội cao cấp thì đây là vấn đề. Singlaub hiểu rõ thái độ này qua chính sự nghiệp của mình. Đã từng là một trong những sĩ quan hoạt động đặc biệt tài năng nhất của quân đội, nhưng Singlaub lên được cấp tướng là nhờ những thành tích công tác trong các công việc có tính chính thống. Thực ra, khi biết mình được chọn làm chỉ huy trưởng của SOG, Singlaub, lúc bấy giờ là đại tá, đã cố thoái thác. Ông đề nghị tham mưu trưởng lục quân Harold Johnson cho phép ông giữ một vị trí chỉ huy trong lực lượng thông thường tại Việt Nam. Singlaub nhớ lại "lúc đó vẻ mặt của Johnson thể hiện sự mất kiên nhẫn... Ông ta nói với tôi: Jack, tướng Westmoreland đã yêu cầu đích danh cậu làm chỉ huy trưởng của SOG và đó sẽ là nhiệm vụ của cậu(3). Điều này có vẻ như mâu thuẫn. Tại sao giới quân sự chính thống lại sợ mất những sĩ quan trẻ triển vọng mà lại cử một đại tá hạng nhất nhận nhiệm vụ tại SOG? Có lẽ lý do mà Westmoreland khăng khăng chỉ định Singlaub chính là những thành tích mà Singlaub có được khi thực hiện nhiệm vụ thông thường chứ không phải kinh nghiệm hoạt động đặc biệt. Singlaub không phải mẫu người hùng mà Westmorelanh ít thiện cảm như Blackburn. Westmoreland cảm thấy Singlaub dễ chịu hơn.

Tất cả nhưng e ngại, lo sợ của giới quân sự và dân sự cao cấp đã tạo nên một tiến trình phê duyệt rắc rối cho mọi điệp vụ của SOG. Hàng tháng, mỗi bộ phận của SOG phải đề ra kế hoạch hoạt động cho 30 ngày của tháng tới. Kế hoạch này được chỉ huy trưởng của SOG đệ trình trực tiếp lên Westmoreland. SOG cố tình bỏ qua đối tác của mình là Tổng nha kỹ thuật chiến lược mặc dù OPLAN34 xác định là việc phối hợp và hỗ trợ hoạt động ngầm của Tổng nha kỹ thuật chiến lược là tối quan trọng. Lý do Tổng nha kỹ thuật chiến lược bị gạt ra ngoài là vì lãnh đạo của SOG tin rằng cơ quan này đã bị xâm nhập. Bản kế hoạch sau đó được trình lên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương cho ý kiến rồi gửi cho Hội đồng tham mưu liên quân - tới Trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt. Trong Lầu Năm Góc, viên trợ lý này sẽ trình bản kế hoạch cho Văn phòng Bộ trưởng và Hội đồng tham mưu trưởng liên quân xem xét và phê duyệt. Sau đó nhân viên của trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt sẽ mang bản kế hoạch hoạt động sang Bộ Ngoại giao, CIA và Nhà Trắng để xin phê duyệt.

Tại bất kỳ khâu nào trong tiến trình trên, các hoạt động nêu trong kế hoạch đều có thể bị sửa đổi hoặc gạch bỏ. Theo hai vị chỉ huy trưởng đầu tiên của SOG, việc này thường xuyên xảy ra. Russell nhận xét “Khi chúng tôi gửi bản kế hoạch về nước, nó đã bị thay đổi ít nhiều rồi. Khi trình lên Bộ tư lệnh Thái Bình Dương nó bị thay đổi thêm ít nữa và khi đến được Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, bản kế hoạch tiếp tục bị cắt xén". Sau Hội đồng tham mưu trưởng liên quân là đến lượt các cơ quan dân sự.

Russell cho rằng tiến trình phê duyệt này tạo ra “quá nhiều” hạn chế một cách quá "thường xuyên"(4). Don Blackburn cũng có cái nhìn tương tự "sự kiểm soát chặt chẽ từ Washington đã kìm hãm các hoạt động. Tôi hiểu được những vấn đề Washington đang gặp phải nhưng sự kiểm soát nghiêm ngặt đó làm mất thời gian tính. Điều lạ lùng là một số hoạt động do Nhà Trắng trực tiếp phê duyệt. Đôi khi phải mất ba bốn tuần lễ để ra quyết định"(5).

Một ví dụ điển hình của quá trình cắt xén này là việc Bộ Ngoại giao khăng khăng không cho SOG hoạt động ở Lào với lý do: theo Hiệp định Giơnevơ năm 1962, Lào là quốc gia trung lập và những nỗ lực đưa các toán thám báo do Mỹ chỉ huy vào hoạt động phá hoại đường mòn Hồ Chí Minh bị ngăn cản cho đến mùa thu năm 1965. Khi Đại sứ Mỹ ở Lào William Sulivan không thể ngăn SOG được nữa, ông đã thành công trong việc đặt ra một loạt những giới hạn nghiêm ngặt cho các hoạt động bí mật. Theo Blackburn "Sulivan muốn chúng tôi giới hạn hoạt động trong một khu vực khoảng 20x30 dặm. Ông ta cũng không muốn chúng tôi sử dụng máy bay trực thăng... Sau khi nghe tôi giải thích ông hiểu ra nhưng chỉ đồng ý cho sử dụng máy bay trực thăng để đưa các toán thám báo ra chứ không cho đưa vào. Phải rất vất vả mới có thể làm nhẹ bớt những giới hạn ngặt nghèo này"(6).

Tương tự như vậy, CIA không muốn cho SOG hoạt động ở Lào nhưng không phải vì Hiệp định Giơnevơ. CIA cũng đang chỉ đạo một cuộc chiến bí mật ở bắc Lào. CIA đã tổ chức và vũ trang cho người H'mông do Vàng Pao chỉ huy và không muốn SOG đụng chạm đến địa bàn họ đang hoạt động.

Thậm chí sau khi kế hoạch hoạt động được phê duyệt, quá trình giám sát vẫn chưa kết thúc. Mỗi một điệp vụ cụ thể của kế hoạch đó đều phải trải qua quá trình phê duyệt tương tự. 24 giờ trước khi tiến hành điệp vụ, SOG phải báo cáo cho các cơ quan cho phép về điệp vụ đó qua MACV.

CHƯƠNG BA

BẮC TIẾN

Khi tổng thống Kenedy tuyên bố tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng an ninh quốc gia ngày 28 tháng Giêng 1961 rằng ông muốn tiến hành hoạt động du kích trong lòng miền Bắc, ý nghĩ đó xuất phát từ mối quan tâm sâu sắc từ rất lâu của ông đối với chiến tranh đặc biệt. Ngày 27-4-1961, Kenedy nói với các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia "Chúng ta bị chống đối ở khắp nơi trên thế giới bởi các thế lực dựa chủ yếu vào các phương tiện bí mật để mở rộng phạm vi ảnh hưởng - bằng xâm nhập chứ không xâm lược, lật đổ chứ không bầu cử, hoạt động du kích ban đêm chứ không dùng lực lượng quân đội ban ngày". Chính quyền cần hiểu rõ Hoa Kỳ đang phải đối mặt với những gì. Theo Kenedy "đó là cuộc đấu tranh còn khó khăn hơn chiến tranh trên nhiều khía cạnh" và nước Mỹ cần bắt đầu đọc tác phẩm của Mao Trạch Đông và Che Guevara về chiến tranh du kích(1). Và ông đã làm đúng như vậy.

Khi báo cáo trước Hội đồng an ninh buổi họp đó, tướng Lansdale nêu rõ Việt Cộng đang tiến hành một chiến dịch chiến tranh du kích ngày càng thành công và mở rộng chống lại Nam Việt Nam. Chiến lược của Việt Cộng do Hà Nội hỗ trợ rất tinh vi với mục đích cuối cùng là lật đổ chế độ Diệm. Theo Lansdale sự sụp đổ của chế độ Sài Gòn đã hiện ra ở phía chân trời.

Tại sao Việt Cộng lại thành công như vậy? Liệu chúng ta có thể tạo ra điều tương tự ở miền Bắc không? Ít nhất có hai yếu tố dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của Việt Cộng. Thứ nhất là kinh nghiệm. Hồ Chí Minh và các nhà lãnh đạo cao cấp của Đảng Cộng sản Việt Nam là bậc thầy về những nguyên tắc chiến tranh cách mạng, việc họ đánh bại Pháp chứng minh rõ điều này. Khi Hà Nội quyết định thay đổi chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh vũ trang ở miền Nam vào năm 1960, những người được cử đi miền Nam để thực hiện chiến lược đó được học tập và có nhiều kinh nghiệm về chiến tranh cách mạng. Những cán bộ nằm lại miền Nam sau năm 1954 cũng giàu kinh nghiệm như vậy và giờ đây họ được chỉ thị tái tiến hành hoạt động quân sự.

Vào tháng 12-1960, những kinh nghiệm này đã mang lại kết quả và Hà Nội quyết định đã đến lúc chính thức thành lập Mặt trận giải phóng miền Nam. Mục đích của Mặt trận, hay theo cách gọi của Mỹ: Việt Cộng, là tiến hành cuộc tổng nổi dậy vũ trang ở Nam Việt Nam. Mặc dầu do Hà Nội kiểm soát, Mặt trận giải phóng miền Nam tuyên bố đấu tranh vì độc lập dân tộc chứ không phải đấu tranh giai cấp. Điều này đã mở rộng cơ sở chính trị và dễ dàng tuyên truyền trên trường quốc tế. Đấu tranh giai cấp cần phải chờ sau khi đã có cuộc cách mạng. Mặt trận đơn giản chỉ là một phiên bản mới của tổ chức Việt Minh do Hồ Chí Minh thành lập năm 1941 để huy động tinh thần chống Pháp và Nhật vào phong trào đấu tranh cách mạng. Tuy nhiên Mặt trận có hai lợi thế cực kỳ quan trọng: (1) Mặt trận có thể rút kinh nghiệm và bài học mà Hà Nội tích luỹ được từ chiến thắng của Việt Minh đối với Pháp năm 1954 và (2) được miền Bắc cung cấp phương tiện và cả quân đội.

Vào những năm 1960, nhiều yếu tố hư cấu được phủ lên Việt Cộng, kể cả từ hai phía phản đối và ủng hộ họ. Một bên, trong đó có Washington, mô tả Việt Cộng là một tổ chức khủng bố mà thành công chỉ dựa trên sự cưỡng bức. Ví dụ, tháng 12-1961, sách trắng của chính quyền Kenedy về tình hình Việt Nam cho rằng phong trào (Việt Cộng) "dựa vào mọi biện pháp để gây rối loạn và mất trật tự... mọi chiến thuật, kể cả khủng bố, hoạt động vũ trang hoặc thuyết phục đều được sử dụng"(2). Phía bên kia, phong trào phản chiến tại Hoa Kỳ, lãng mạn hoá hình ảnh Việt Cộng như là du kích chân đất và họ thành công vì, theo như Fitzgerald, "những người nông dân Việt Nam thấy họ tốt hơn"(3).

Mỗi quan điểm đều có phần sư thật. Việt Cộng không cần mất nhiều thời gian để tuyển lựa nông dân, điều đó phản ánh thái độ tôn trọng đối với họ. Tuy nhiên họ cũng ám sát địa chủ và quan chức chính phủ. Trong thực tế, Việt Cộng là một phong trào có tổ chức cao kết hợp các yếu tố tư tưởng, tổ chức, chính sách và chương trình cải tổ, tuyên truyền chủ nghĩa dân tộc và bạo lực thành một chiến lược chính trị- quân sự của chiến tranh cách mạng.

Lý do thứ hai giúp Việt Cộng phát triển nhanh chóng có liên quan với chính quyền Diệm. Diệm được mô tả là người "bất tài đã giữ vị trí lâu hơn dự kiến của mọi người... khép kín và hoang tưởng, Diệm lệ thuộc hoàn toàn vào gia đình, không chịu giao quyền hành và chẳng làm gì để tạo ra một chính phủ được ủng hộ rộng rãi"(4). Tham nhũng, bất tài, đàn áp, và xa rời dân là những đặc trưng của chính quyền Diệm vào đầu những năm 1960. Rõ rằng tình thế là có lợi cho Việt Cộng.

Với Mỹ, cả hai lợi thế này không tồn tại ở miền Bắc vào năm 1961. Thứ nhất, chưa hề có phong trào chống đối cộng sản sẵn có để dựa vào. Những điệp viên nằm vùng mà Lansdale đã cài lại ở miền Bắc đã bị Bộ Nội vụ bóc gỡ từ lâu. Không có những người chờ đợi tín hiệu để kích động sự chống đối vũ trang ở miền Bắc như đã từng xảy ra ở miền Nam vào năm 1959. Thứ hai, Hồ Chí Minh và những người đồng chí thành lập một cấu trúc phản gián nhà nước và hệ thống an ninh của họ thật hữu hiệu. Cựu giám đốc CIA William Colby nhận xét "Xã hội được tổ chức chặt chẽ, không ai lại có thể nằm ngoài tổ chức... một xã hội rất kỷ luật. Đó là nơi chúng ta thực hiện các hoạt động chống lại họ"(5).

Liệu Bộ trưởng Quốc phòng McNamara có nhận ra điều này không khi ông ép Lầu Năm Góc nhận bàn giao các hoạt động ngầm chống lại miền Bắc từ CIA? Rõ ràng là không. McNamara không đổ lỗi thất bại của CIA cho sự khó khăn của mục tiêu mà cho sự rụt rè của cơ quan này. Những gì cần là một chiến dịch lớn hơn. Hãy làm cái gì thật lớn và tung nhiều toán biệt kích ra Bắc - đó là câu trả lời. Giới quân sự có thể nạp thêm nhiều năng lượng cho các hoạt động đó. Trong hồi ký, McNamara thừa nhận là "đó là mục tiêu quá tham vọng”(6). Có thể là như vậy. Nhưng vào những năm đầu 1960, ông là người nhiệt tình ủng hộ hoạt động ngầm vốn đang mê hoặc chính quyền Kenedy.

Richard Helm, lúc bấy giờ là Phó Giám đốc CIA phụ trách kế hoạch, tham dự cuộc họp của Uỷ ban 303 xem xét tất cả các hoạt động ngầm. Helm đã thăng tiến bằng con đường chuyên môn và đến năm 1966 nắng giữ cương vị giám đốc Helm là người điều hành hoạt động bí mật. Ông biết rõ công việc và không hề ảo tưởng rằng hoạt động ngầm là chiếc đũa thần kỳ. Nó đòi hỏi thời gian, kinh nghiệm, và làm việc nhọc nhằn để thành công. Nhắc đến chính quyền Kenedy, nhất là tổng thống và em trai- Robert, vị cựu giám đốc CIA này nhận thấy họ rất nhiệt tình đối với hoạt động ngầm nhưng không hiểu biết mấy về tính phức tạp khi thực hiện chúng. Về lập luận của McNamara chuyển giao hoạt động ngầm từ CIA sang Bộ Quốc phòng, Helm giải thích như sau: "Nếu anh em Kenedy đồng ý, McNamara cũng đồng ý". Liệu McNamara có biết phải cần những gì để thành công ở miền Bắc không? Helm nghi ngờ điều đó. "McNamara chẳng biết gì về những hoạt động kiểu đó cả”(7).

SOG TIẾP NHẬN HOẠT ĐỘNG BIỆT KÍCH

Khi đến Sài Gòn đầu năm 1964, đại tá Russell, chỉ huy trưởng đầu tiên của SOG, nhanh chóng nhận ra là ông phải xử lý nhiều vấn đề trước khi có thể đạt được sự tiến bộ nào đó từ những thành công nhỏ bé của chương trình biệt kích do CIA thực hiện. Đầu tiên, Russell cần phải tìm ra những sĩ quan có năng lực và kinh nghiệm, những người có thể tuyển chọn, huấn luyện, cài cắm và chỉ đạo các toán biệt kích tại địa bàn bị từ chối. Thêm vào đó, Russell phải đưa ra khái niệm hoạt động chiến tranh không quy ước thích hợp làm cơ sở cho việc mở rộng hoạt động biệt kích trong lòng miền Bắc đúng theo yêu cầu của các nhà vạch chính sách.

Tìm ra nhân viên quân sự có kinh nghiệm cần thiết trong lĩnh vực hoạt động biệt kích là một công việc quá khó đối với mọi chỉ huy của SOG. Tại sao? Đơn giản là vì họ không tồn tại. Thực tế này nhanh chóng trở nên rõ ràng khi trung tá Ed Partain đến Sài Gòn tháng 6-1964 để chỉ huy OP34. Partain biết gì về việc cài cắm các toán biệt kích lâu dài ở miền Bắc? Ông có kinh nghiệm tiến hành các hoạt động tương tự ở các địa bàn bị từ chối khác không? Ông có được huấn luyện về nghệ thuật chỉ đạo điệp viên tình báo không. Hồ sơ của Partain không có câu trả lời rõ ràng về các câu hỏi trên. Mặc dù đã tốt nghiệp trường Westpoint và là sĩ quan ưu tú, Partain chưa được chuẩn bị sẵn sàng để chỉ huy OP34.

Tại sao Partain được chọn? Hoàn toàn do ngẫu nhiên. "Tôi nhận được lệnh điều động đến công tác tại bộ phận kế hoạch của MACV của chuẩn tướng Richard Stilwell", Partain nhớ lại "lúc này Russell đã được cử là chỉ huy trưởng của SOG. Russell đến gặp Stilwell và đề nghị "Tôi cần một người trung thực và có năng lực trong cơ quan ông". Stilwell đã chỉ tôi và cử tôi sang SOG"(1). Partain có biết là ông sẽ chỉ huy OP34 không? Với Partain, tất cả đều mới mẻ.

Chỉ một số ít nhân viên dưới quyền Partain là được huấn luyện hoặc có kinh nghiệm hoạt động biệt kích. Partain nhớ lại "Sau khi nhân viên CIA rút đi, không còn có ai có kinh nghiệm chỉ đạo biệt kích". Khi được hỏi tại sao quá trình lựa chọn không tìm được những nhân viên thích hợp, thiếu tướng Partain, giờ đã nghỉ hưu, nhận xét là những nhân viên như vậy nói chung là không tồn tại trong lục quân(2). Đây là một ví dụ cho thấy mức độ kém hiểu biết của các nhà vạch chính sách đối với năng lực của quân đội khi tiếp nhận các hoạt động ngầm cụ thể. Vì không hài lòng với nỗ lực của CIA, McNamara cho rằng quân đội có nhiều khả năng hơn và do đó có thể làm công việc tăng cường hoạt động biệt kích chống miền Bắc tốt hơn. Trong thực tế, điều đó không đúng sự thật. Quân đội có rất ít kinh nghiệm về lĩnh vực này. Khi được hỏi tại sao Bộ trưởng Quốc phòng lại mắc phải sai lầm như vậy, Partian thở dài “tôi nghĩ chúng ta đã nhận ra đó là một sai lầm nữa của ông (McNamara) trong việc đánh giá Việt Nam"(3).

Ed Partain không phải là viên chỉ huy duy nhất của OP34 thiếu kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Hai trung tá chỉ huy OP34 sau đó cũng như vậy. Cả Reginald Woolard và Robert McLane đều không có chút kinh nghiệm gì về hoạt động này. Cũng như Partain, họ là những sĩ quan ưu tú đã từng công tác trong lực lượng đặc biệt. Tuy nhiên như Pete Hayes, phó cho Partain và Woolard nhận xét, việc huấn luyện lực lượng đặc biệt tại Fort Bragg không hề nhằm vào hoạt động biệt kích.

Partain, Woolard và McLane đều là những con cá bị tách ra khỏi nước. Đối với họ, thời gian ở SOG là giai đoạn thất vọng và buồn nản. Viên phó của McLane năm 1966, John Hada còn nhớ rằng vào thời gian cuối nhiệm kỳ "McLane mất hết ảo tưởng với toàn bộ công việc... Tôi biết khi tôi ở đó McLane vỡ mộng và chỉ muốn thời gian trôi nhanh để về nhà"(4). Partain thể hiện tư tưởng tương tự. Thời gian công tác tại SOG không được ông cho điểm cao mà ngược lại. Partain rất vui mừng khi thời gian một năm kết thúc và có thể quên hết mọi thứ để trở về với quân đội "chính thống".

Russell còn phát hiện ra là học thuyết chiến tranh không quy ước không liên quan gì mấy đến các điệp vụ mà OP34 thực hiện. Ưu tiên của quân đội là tổ chức lực lượng du kích để hỗ trợ cho hoạt động chiến tranh tương tự như trong thế chiến thứ hai. Học thuyết đề ra việc tổ chức hoạt động của lục quân và du kích tại chỗ ở các nước Đông Âu trong trường hợp có chiến tranh với Liên Xô, đồng thời tính toán trước các hoạt động du kích ở vùng hậu phương. Học thuyết giả định rằng hệ thống điệp viên do CIA tổ chức sẽ được cho hoạt động vào lúc có chiến tranh và có mặt khi các đơn vị đặc biệt tiến đến. Với những gì giờ đây đã biết, những đơn vị đặc biệt nếu có xâm nhập hậu phương kẻ thù sẽ chỉ thấy mình bị lẻ loi.

Học thuyết chiến tranh không quy ước được chuẩn bị cho chiến tranh nóng, trong khi đó vai trò của nó trong chiến tranh lạnh lại bị bỏ qua. Có khoảng cách lớn giữa những gì sĩ quan được huấn luyện tại Trường Chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg và những gì .họ được giao thực hiện để chống lại Bắc Việt Nam. Trước khi trở thành phó chỉ huy của OP34, John Hada công tác tại Khoa chiến tranh không quy ước của trường. Lúc bấy giờ ông nhận xét "Khoa Chiến tranh không quy ước dạy khoá học 15 tuần về chiến tranh không quy ước cho một số lựa chọn các học viên. Họ phải học qua khoá này mới đủ tiêu chuẩn trở thành sĩ quan lực lượng đặc biệt". Khi được hỏi chương trình đó có phần chỉ huy biệt kích cài cắm lâu dài không, Hada trả lời: “Không, không có huấn luyện cụ thể nào. Chương trình chỉ đề cập đến một số hoạt động được thực hiện trong chiến tranh thế giới thứ hai, ở Phillippines và phong trào Maquis ở Pháp"(5).

Pete Hayes, phó của Partain cũng cho biết câu chuyện tương tự. Khoá học về chiến tranh không quy ước ở Fort Bragg chỉ "ở trình độ thấp. Nội dung chủ yếu là phát triển các nhóm chống đối trong bối cảnh có chiến tranh. Tối không nghĩ là ở thời điểm bấy giờ Trung tâm chiến tranh đặc biệt có giáo trình về hoạt động gián điệp-biệt kích. Đó là lĩnh vực của tình báo". Ông nhận xét học thuyết chiến tranh không quy ước được dựa trên những kinh nghiệm của chiến tranh thế giới thứ hai, do vậy "lực lượng đặc biệt cần được đưa vào khu vực đã có sẵn các phần tử thân thiện. Cơ sở tại chỗ đã được thiết lập". Thế còn bài vở về biện pháp phát triển cơ sở tại chỗ và tạo dựng mạng lưới thì sao? Theo Hayes "nó không tồn tại"(1).

Phụ trách một công việc mà cả ông và những người giúp việc đều không được huấn luyện hoặc có kinh nghiệm, thậm chí chưa có cơ sở lý luận, Partain chỉ còn biết tuân theo những kỹ thuật của CIA. Dẫu sao, cơ quan chủ chốt của CIA là Cục kế hoạch có nhiệm vụ chính là tuyển lựa và chỉ  đạo điệp viên. Đối với Partain quyết định trên là hợp lôgíc. Reg Woolard và Bob McLane cũng nhất trí áp dụng các phương pháp của CIA khi họ chỉ huy OP34.

CIA đã áp dụng biện pháp gì để chống lại miền Bắc? Kiến trúc sư của chương trình, Bill Colby, gọi đó là biện pháp “thả bừa", ám chỉ việc để các toán gián điệp-biệt kích tự lo liệu mọi chuyện. Có lẽ không hẳn thế. Colby chỉ ra rằng "chúng tôi tìm được một số người sẵn sàng quay trở lại nơi chôn rau cắt rốn. Do vậy, họ quen thuộc với địa hình và một số người trong địa bàn họ được cài cắm"(2).

CIA không trực tiếp tuyển lựa điệp viên mà giao việc đó cho người Việt Nam. Colby thừa nhận là việc này có nhiều nhược điểm: “Hãy nhớ là chúng ta quan hệ với người Nam Việt Nam. Họ đang điều hành hoạt động, CIA không phải là người tuyển mộ trực tiếp... có thể có những điệp viên đôi, nhưng rõ ràng đó là công việc của họ. Sau đó mọi việc khoanh gọn trong một bộ phận nhất định. Đó là cách thức công việc được tiến hành"(3). Vấn đề quản lý chất lượng và những thiếu sót trong hoạt động gián điệp-biệt kích chống lại Hà Nội của CIA nghiêm trọng hơn nhiều so với những gì Colby biết. Colby giải thích rằng một khi được tung đi, các điệp viên "nằm im giữ mình, hợp pháp hoá rồi dần dần theo thời gian mở rộng và thành lập một mạng lưới bạn bè". Đây là quá trình dài và "mất thời gian, ở Pháp phải mất 4 năm từ 1940 đến 1944"(4).

Cách "thả tù mù” tỏ ra không thành công trong giai đoạn 1961-1963. CIA đã tung trên 40 toán gián điệp-biệt kích và nhiều điệp viên đơn tuyến vào miền Bắc qua đường bộ, đường không, và đường biển. Đối với phần lớn trong số họ thì đấy không phải là "thả tù mù". Có những người chờ sẵn để đón họ nhưng tiếc thay họ không phải là thành viên của mạng lưới chống đối thân thiện. Thông thường họ bị lực lượng an ninh miền Bắc bắt sống hoặc tiêu diệt.

Đó là một thảm hoạ. Trong số 250 người được tung đi, chỉ có bốn toán và một điệp viên đơn được coi là còn hoạt động tại thời điểm SOG tiếp quản(5). Số này chiếm khoảng 15% tổng số gián điệp-biệt kích được tung đi.

Sai lầm ở chỗ nào? Colby cho rằng tỷ lệ thành công thấp là do hệ thống an ninh miền Bắc. Vào năm 1963, ông tin là "hoạt động gián điệp -biệt kích không có tác dụng" và tốt hơn là tập trung vào chiến tranh tâm lý. "Lập luận của tôi là nếu như tập trung đáng kể vào chiến tránh tâm lý, bao gồm đài phát thanh và những nội dung khác, bạn có thể tạo ra tác động vì cộng sản rất nhậy cảm với mối nguy hiểm của chống đối và một khi bạn tạo cho họ ý nghĩ có một nhóm chống đối ngay trong hàng ngũ của mình, họ sẽ phát điên lên"(6).

Đó là tình trạng của chương trình gián điệp-biệt kích của CIA tháng 1-1964. Cách "thả tù mù” chỉ mang lại một tỷ lệ thành công rất thấp. Tuy nhiên, thay vì tự hỏi lý do tại sao lại như vậy, SOG áp dụng biện pháp của CIA vào chương trình của mình và theo chỉ thị của Washington, tiếp tục đưa nhiều gián điệp - biệt kích vào miền Bắc. Đó cũng là chỉ thị của Bộ trưởng Quốc phòng McNamara. Như Colby giải thích, việc khẩn cấp là đẩy mạnh nỗ lực. "Họ chịu sức ép phải tiếp tục. Anh biết đấy, từ trên xuống. Tôi có thể đứng dậy và nói: thưa Bộ trưởng, điều đó là không thể. Nhưng một đại tá thì không. Không có các đại tá dám bác bỏ ý kiến cấp trên, họ nói "Thưa sếp, tôi sẽ làm điều đó”(7).

HOẠT ĐỘNG GIÁN ĐIỆP BIỆT KÍCH OP34

Trong những tháng đầu năm 1964, CIA hoàn thành việc chuyển giao hoạt động gián điệp - biệt kích cho SOG. Có tất cả bốn toán mang mật danh Bell, Remus, Tourbillon, và Easy mà họ tin là vẫn đang hoạt động trong lãnh thổ đối phương. Bốn toán này có khoảng 30 người. Toán thứ năm mang mật danh Europa được CIA thả dù vào tháng 2-1964 đã ngừng mọi liên lạc vô tuyến điện tại thời điểm bàn giao. Toán này được coi là bị đối phương xoá sổ. Cuối cùng CIA chuyển giao điệp viên đơn tuyến đã được cài cắm thành công có mật danh Ares. CIA còn bàn giao cho SOG cơ sở Long Thành với 169 người đang được huấn luyện và một số hộp thư bí mật ở Sài Gòn.

McNamara và các nhà vạch chính sách cao cấp ở Washington đang trông đợi hành động. Họ muốn SOG nhanh chóng đẩy mạnh chương trình gián điệp-biệt kích. Từ tháng 4-1964 đến tháng 10-1967 gần 30 toán biệt kích và một số điệp viên đơn tuyến được tung ra miền Bắc, với tổng cộng khoảng 250 người. cộng với số CIA đã cài cắm từ trước, số gián điệp- biệt kích được tung đi khoảng 500 người. Cũng giống như CIA, tỷ lệ thành công của OP34 là thấp. Vào cuối năm 1967, người ta cho rằng chỉ còn bảy toán: Remus, Tourbillon, Easy, Eagle, Hadley, Red Dragon, và Romeo cùng với điệp viên đơn tuyến Ares là còn hoạt động. Đây không phải kết quả mà Washington mong đợi.

Vào nửa cuối năm 1967, sếp mới của OP34 Bob Kinhston quyết định đánh giá lại hoạt động gián điệp - biệt kích. Kết quả đánh giá đã dẫn đến việc các chuyên gia phản gián của CIA và Cơ quan tình báo quân đội (DIA) xem xét lại toàn bộ hoạt động vào năm 1968. Họ thẩm định lại các bức điện, báo cáo tình báo, sự dịch chuyển, báo cáo của sĩ quan điều hành, và các tài liệu liên quan khác của từng toán. Phải mất một tháng mới hoàn thành việc thẩm định này và kết luận cuối cùng thật là tai hoạ. Không có toán nào hoạt động cả. Tất cả các toán mà OP34 cho rằng đang hoạt động trên thực tế đã bị đối phương khống chế sử dụng chống lại SOG. Trong bảy năm, 500 người đã được tung đi nhưng không một ai quay về!

Sai lầm ở chỗ nào? Câu trả lời không đơn giản: nó liên quan đến lĩnh vực phản gián, điệp viên hai, ba mang, tung tin giả và đánh lạc hướng. James Angleton, người phụ trách công tác phản gián trong thời gian dài của CIA đã từng mô tả thế giới đó là "vô số gương phản chiếu còn John Masterson, người lãnh đạo cơ quan an ninh Anh MI5 coi đó là "hệ thống hai mang”(1). Tuy nhiên, không phải chỉ riêng sự thông minh của các chuyên gia trong lĩnh vực "hai mang" của miền Bắc gây ra sự thất bại. Lỗi lầm còn thuộc về người khác, trong đó có các nhà vạch chính sách ở Washington, những người mong muốn Bắc tiến, và các nhân viên trực tiếp thực hiện các điệp vụ của SOG.

Hoạt động của các biệt kích nằm vùng: kết quả

Chương trình điệp viên nằm vùng, như được đề cập đến trong một tài liệu tuyệt mật, cũng là một thất bại đau đớn. Trong số 7 toán và một điệp viên đơn được cho là đang hoạt động ở miền Bắc năm 1967, có ba toán và điệp viên đôi là do CIA bàn giao lại. Như vậy, sau bốn năm, SOG chỉ có bốn toán: Eagle, Hadley, Red Dragon và Romeo để chứng tỏ nỗ lực của mình.

Dù xem xét dưới góc độ nào, đó cũng là tỷ lệ thành công rất thấp. Cộng với chương trình do CIA thực hiện trước đây, hoạt động này chỉ có thể mô tả là thất bại. Tuy nhiên con số chỉ nói lên một phần câu chuyện. Cần phải xem xét kỹ hơn các toán được coi là thành công và đánh giá xem họ làm được những gì: kết quả là rất nhỏ bé.

Toán Tourbillon do CIA tung đi ngày 16-5-1962, sau đó còn được tăng cường thêm hai lần nữa. Hoạt động ở phía tây bắc Bắc Việt Nam. Tourbillon được giao nhiệm vụ tiến hành phá hoại và gây rối. Sau đó chuyển sang thu thập tin tức tình báo. Trong những nhiệm vụ trên, Tourbillon không làm được điều gì đáng kể. Theo một báo cáo "Không có tin tức tình báo có ý nghĩa nào được báo về"(2). Mỗi khi SOG định đón toán này về, họ đều không đến điểm hẹn đúng.

Tháng 8-1963 CIA thả dù toán Easy xuống Sơn La để "liên lạc với người Mèo và người Thái nhằm thiết lập vùng an toàn cho các toán khác hoạt động trong khu vực". Toán này còn có nhiệm vụ "xác định mức độ phản kháng, trang bị vũ khí cho một số chọn lọc người thiểu số để tấn công quấy phá mạng thông tin và đường giao thông của quân đội miền Bắc" và tuyển mộ lãnh đạo người thiểu số để "đưa về Nam huấn luyện"(3). Sau tháng Giêng năm 1964 nhiệm vụ này bị bãi bỏ vì SOG không được phép tiến hành hoạt động tổ chức phong trào chống đối. Lúc này, Easy được giao nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo bằng cách quan sát và khai thác các nguồn tin được móc nối tại địa phương". SOG không nhận được tin tức đáng chú ý nào. Tuy nhiên, Easy được tăng cường thêm bốn lần với tổng số là 23 người. Khi được thông báo chuẩn bị trở về Nam, Easy bỗng "mất hút và ngừng mọi liên lạc"(4).

Toán Remus có sáu người được thả dù ngày 16-4-1962 gần Điện Biên Phủ để "thành lập khu căn cứ cho các hoạt động thu thập tình báo". Toán này sẽ "thu thập thông tin kinh tế, chính trị, quân sự của đối phương; xác định vị trí thả dù tiếp tế và khu vực an toàn cho các điệp viên được bổ sung thêm hay đưa về, thu thập các tài liệu; và tuyển lựa cơ sở hỗ trợ và cung cấp tin"(5). Năm 1964, Remus báo cáo cho biết đã phá huỷ một vài chiếc cầu. McNamara rất phấn khởi. Colby nhớ lại là Bộ trưởng Quốc phòng "phấn khích như một đứa trẻ" trước báo cáo đó. "Tôi nhớ ông ấy cho rằng đó là một sự kiện to lớn cứ như là nó có thể thay đổi được tiến trình cuộc chiến tranh."(6). Vì được coi là thành công, Remus được bổ sung 5 lần. Khi nhiệm vụ được thay đổi năm 1966, toán này bắt đầu biện bạch cho việc cung cấp quá ít thông tin có ích. Năm 1967, SOG ra lệnh rút hai nhân viên của toán về Nam. Toán từ chối với lý do việc đó quá nguy hiểm.

Năm 1968, tất cả liên lạc điện đài với toán bị ngừng trệ. Cùng lúc đó, việc thẩm vấn một tù binh quân đội miền Bắc cho biết tháng 6-1962 có một toán biệt kích bị bắt giữ ở địa bàn Remus hoạt động. Tháng 5-1968, Hà Nội khẳng định đã bắt giữ một toán biệt kích. Không nghi ngờ gì nữa, những thông tin này cho thấy đó là Remus.

Ares là điệp viên đơn tuyến duy nhất còn tồn tại. Còn những điệp viên khác được tung ra Bắc sau đó không hề có thông tin phản hồi nào. Theo hồ sơ, "một nhân viên tuyển mộ đã gặp Ares ở Trung tâm thẩm vấn người ty nạn, Sài Gòn, ngày 29-8-1960 và cho rằng anh ta là người có năng lực lại đang nuôi ý chí trả thù cán bộ miền Bắc. Sau đó anh ta được tuyển lựa".(1) Đầu năm 1961, Ares được tung ra miền Bắc qua đường biển, gần biên giới Trung Quốc. Đầu tiên Ares được coi là có tác dụng, "cung cấp thông tin về các tài liệu của miền Bắc, nhà máy điện Uổng Bí, đường giao thông, cầu cống, cảng Hải Phòng và các thông tin khác mà anh ta quan sát và thu lượm được".(2) Tuy nhiên vào năm 1966, SOG bắt đầu nghi ngờ các đề nghị của Ares về thông tin và tiếp tế. Khi được chỉ thị tìm địa điểm tiếp tế, Ares đề nghị các biện pháp khác để nhận được tiếp tế mà qua đó có thể làm lộ các cơ sở khác của SOG. Khi SOG có kế hoạch rút Ares, anh ta không tuân theo. Tuy nhiên, Hà Nội vẫn tiếp tục trò chơi và Ares giữ liên lạc điện đài đến năm 1968.

Toán Eagle được tung vào khu vực gần biên giới Trung Quốc ngày 27-6-1964. Nhiệm vụ cua toán là "tiến hành phá hoại tuyên đường số 1 và số 4, đường xe lửa Mục Nam Quan và căn cứ không quân Mai Pha". Không có căn cứ nào cho thấy Eagle đã thực hiện những nhiệm vụ này. Ngoài ra toán còn có nhiệm vụ thu thập tin tức tình báo về các mục tiêu trên. Theo đánh giá của SOG, "thông tin nhận được có rất ít hoặc không có giá trị". Năm 1966, Eagle được giao nhiệm vụ theo dõi các tuyến đường. Kết quả thu được cũng tương tự, theo đánh giá của SOG, Eagle "không hoàn thành nhiệm vụ”.(3) Năm 1968, SOG chỉ thị cho toán di chuyển xuống phía nam để rút về. Eagle báo cáo không thể đến vị trí tập kết. Ngay sau đó liên lạc với toán bị cắt đứt.

Tháng 11-1965, SOG dùng trực thăng thả toán Romeo gồm mười người xuống khu vực ngay bên kia khu phi quân sự. Nhiệm vụ của toán là "tiến hành trinh sát địa bàn để thu thập tin tức tình báo; giám sát các tuyến đường; và tiến hành các hoạt động phá hoại, quấy rối. Mục tiêu chủ yếu của toán là đường 103 vốn được coi là con đường chính chuyên chở người và hàng hoá xuống phía Nam". Romeo làm được những gì? Theo tài liệu của SOG, từ giữa năm 1966 trở đi, kết quả hoạt động của toán là nghèo nàn. "Romeo không cung cấp được tin đáng giá nào trong năm 1967 và 1968".(4)

Toán Hadley cũng xâm nhập vào ngay bên kia khu phi quân sự để tiến hành theo dõi tuyến đường số 8 nối đường 15 với đường 81, 12 và 121 ở Lào. Những con đường này là "các tuyến đường tiếp tế và chở quân chủ yếu cho miền Nam". Haley còn được giao nhiệm vụ theo dõi con đường vận tải thủy chính trên sông Ngàn Phố.(5)  Đầu tiên toán Hadley gặp một số khó khăn do bị phát hiện, nhưng sau đó đã nhanh chóng đáp lại tín hiệu liên lạc từ SOG. Tuy nhiên, Hadley cũng không cung cấp được thông tin có ích hoặc xác định được mục tiêu không kích có giá trị nào.

Toán cuối cùng được coi còn hoạt động vào cuối năm 1967 là Red Dragon. Được xâm nhập ngày 21-9-1967, toán biệt kích gồm bảy thành viên này được bố trí ở địa bàn Lào Cai và Yên Bái. Hai tỉnh này nằm ở thung lũng sông Đà, dọc theo biên giới Việt Nam - Trung Quốc và có nhiều tuyến đường bộ, đường thuỷ và đường sắt chạy qua. Red Dragon có nhiệm vụ "tiến hành phá hoại và thu thập tin tình báo". Theo hồ sơ, Red Dragon "rất kém hiệu quả" và "tình trạng an ninh của toán là đáng ngờ ngay sau khi có buổi liên lạc điện đài đầu tiên". Rõ ràng là có sự bất đồng sâu sắc về khả năng toán này đã bị bắt và khống chế buộc phải làm việc cho Hà Nội: "Các nhân viên Mỹ tin rằng toán này đang dưới sự kiểm soát của Hà Nội, trong khi nhân viên chỉ huy của Nam Việt Nam không cho là như vậy".(6) Liên lạc còn được duy trì đến năm 1968, đến 1969 Red Dragon mất dấu vết.

Bất kể nhiệm vụ là phá hoại, quấy rối, hay thu tin tình báo, kết quả do các toán biệt kích dài ngày mang lại rất nhỏ. Khi được hỏi về mức độ thành công của các hoạt động phá hoại của OP34, Ed Partain đánh giá: trừ một ngoại lệ, ông "không biết bất kỳ một hoạt động phá hoại thành công nào của các toán biệt kích". Một ngoại lệ nào? "Một toán thông báo cho biết đã phá huỷ một chiếc cầu và cho biết vị trí của chiếc cầu đó. Khỏi phải nói, đây là trường hợp tốt nhất trong nhiệm kỳ của tôi. Do đó tôi đề nghị chụp ảnh trên không... Những gì họ đã làm là phá hỏng một trụ của chiếc cầu đi bộ trên đường vào làng".(7) Thông tin do các toán thu lượm được cũng chẳng mấy giá trị. Do vậy, không lấy gì làm ngạc nhiên khi Partain nghi ngờ hiệu quả và tác dụng của các toán biệt kích nằm vùng. Rusell và Blackburn cũng chia sẻ quan điểm này khi được nghe báo cáo về chương trình.

Trong nhiệm kỳ chỉ huy OP34 của Reg Woolard từ tháng 6-1965 đến tháng 5-1966, sự đánh giá về hiệu quả của các toán biệt kích cũng như vậy. John Hada, viên phó của ông, phê phán mạnh mẽ kết quả thu được. "Chúng ta không có cách gì kiểm chứng việc toán biệt kích có hoạt động hay không".(8 ) Tương tự, Pete Hayes, người trực tiếp báo cáo công việc cho Woolard, nhận thấy "có ít tin tình báo thực sự và gần như không có chứng cứ cụ thể nào cho sự thành công trong hoạt động của các toán biệt kích".(9)

Bob McLane thay Woolard tháng 5-1966, nhưng hiệu quả hoạt động của các toán biệt kích rất mù mờ. Hada, phó chỉ huy của McLane, nhớ rằng vào cuối năm 1966, chỉ huy trưởng của SOG cảm thấy quá đủ về hoạt động gián điệp-biệt kích do McLane chỉ huy. "Jack Singlaub hiểu rằng cần phải làm chặt chẽ hơn cả hai phía: SOG và đối tác Nam Việt Nam. Trên thực tế, Singlaub rất bức bối về những diễ biến của OP34 và đã nói chuyện với tướng Westmoreland về vấn đề này".(10) 

Singlaub quyết định giải quyết vấn đề bằng cách đưa trung tá Robert Kingston về phụ trách OP34. Là một sĩ quan rắn rỏi, Kingston với biệt danh "dây thép gai" kết thúc cuộc đời binh nghiệp với quân hàm đại tướng. Cũng như Singlaub, ông là một người chỉ huy hoạt động đặc biệt có tài nhưng lên được cấp tướng là nhờ năm tháng phục vụ trong lực lượng quân đội chính thống. Kingston là người chỉ huy đầu tiên của OP34 có trong tay những nhân viên giàu kinh nghiệm hoặc được huấn luyện về hoạt động gián điệp-biệt kích. Ông không phải mất nhiều thời gian để nắm tình hình.

Việc xem qua các luồng liên lạc đã cho Kingston thấy kết quả hoạt động của các toán rất vụn vặt. Càng nghiên cứu số liệu ông càng nhận ra là vấn đề của OP34 không chỉ là kém hiệu quả. Đối với ông toàn bộ chương trình toát lên mùi vị tồi tệ. McLane đã hết hạn và mong muốn trở về. Sau khi xem xét nhân sự của OP34, Kingston cảm thấy "không hài lòng với một số nhân viên chỉ đạo toán biệt kích mà McLane để lại. Tôi gọi họ đến và nói: Cho tôi biết tình hình toán của anh. Mặc dù mỗi người chỉ phụ trách từ một đến hai toán, họ phải giở hết hồ sơ này đến hồ sơ khác để có thông tin báo cáo. Họ không nắm được thành phần, nhiệm vụ, thời gian xâm nhập, cách xâm nhập, tình trạng liên lạc. Vì vậy tôi đã gạt bỏ họ". Tuy nhiên, ông phát hiện ra rằng sự mọt rỗng còn ăn sâu hơn khi ông đọc "tất cả các bức điện liên lạc của các toán".(11)

Sau vài tuần nghiên cứu kỹ lưỡng, Kingston cảm thấy đã đủ để báo cáo cho chỉ huy trưởng của SOG. Singlaub không biết trước là mình sẽ có một cú sốc. Kingston báo cáo cho sếp như sau: “Tôi đến gặp Singlaub và nói: Anh muốn nói gì với Hồ Chí Minh?" Singlaub không cười. Anh nói gì? Singlaub hỏi lại. Lúc này Kingston mới báo cáo "các toán biệt kích của chúng ta đã bị khống chế và qua họ tôi có thể gửi thông điệp cho Hồ Chí Minh". Singlaub lúc này cứ như ở trên trời rơi xuống. Đó chính là tính cách của Kingston: không cợt nhả, không loanh quanh, chỉ có sự thật. Sau khi đã bình tĩnh, Singlaub yêu cầu Kingston cho tiến hành xem xét lại toàn bộ mớ bòng bong đó.(12) 

Cuộc xem xét về phản gián và hệ thống hai mang

Càng xem xét Kingston càng tiến gần đến kết luận là "phần lớn (các toán biệt kích) hoặc là bị bắt hoặc bị khống chế ngay sau khi họ có mặt (ở miền Bắc)”.(1) Nhiều yếu tố đưa ông đến kết luận này. Thứ nhất, là đặc điểm chung của các điệp vụ thất bại. Theo Kingston, "chúng tôi đã mất rất nhiều toán" và việc bị mất này đều có chung một dạng. Trung bình một năm chỉ có một toán là hoạt động thành công, còn các toán khác hoặc là không liên lạc được hoặc nhanh chóng mất liên lạc. Tỷ lệ thành công là ngược lại đối với số toán được cử tăng cường cho các toán được coi là xâm nhập thành công. Các toán này đều xâm nhập trót lọt. Đối với Kingston, sự trùng hợp này là quá nhiều.

Yếu tố thứ hai là liên lạc điện đài với các toán biệt kích. Theo Kingston, "trong thông tin liên lạc, nhân viên điện đài có tín hiệu riêng. Nếu người nhận thấy rằng tín hiệu không phù hợp, họ biết ngay là có vấn đề. Đồng thời, trong thông tin, nếu họ khống chế được nhân viên điện đài, anh ta có thể đưa thêm vào những chữ sai chính tả hoặc chữ lạ mà anh ta thường không dùng nhằm mật báo cho SOG biết là mình đã bị bắt. Cuối cùng, bằng việc qua sóng điện đài để tìm ra vị trí của đài phát, bạn có thể xác định được độ tin cậy". Những yếu tố này đã bị các sĩ quan chỉ huy bỏ qua vì "họ chẳng biết mình đang đọc cái gì".(2)

Thứ ba, đôi khi Hà Nội cũng vụng về để lộ mình. Ví dụ họ đã phát các bức điện của toán bị khống chế từ địa điểm không nằm trong địa bàn mà toán đó được cử đến hoạt động. Kingston nhớ một trường hợp: "Chúng tôi có một toán được xâm nhập để hoạt động tại một địa bàn. Tuy nhiên khi kiểm tra vị trí đài phát, thì không phải từ địa bàn đó mà là từ Hà Nội".(3)

Thứ tư, việc SOG không hề đưa về được một người nào, chứ đừng nói đến cả toán, là một yếu tố rõ ràng nữa. Ông nhớ rằng đã hai lần yêu cầu toán Easy di chuyển đến vị trí tập kết, nhưng cả hai lần toán này đều điện về cho biết họ không thể đến đó được. Cuối cùng, Kingston tin rằng sai sót trong công tác an ninh cũng góp phần đưa đến thất bại. Ví dụ, một số biệt kích đang được đào tạo tại trại Long Thành thì đi đâu một thời gian rồi quay trở lại xin được tiếp tục chương trình. Cả OP34 và đối tác Nam Việt Nam không biết họ đã làm gì trong thời gian đó.

Liệu tất cả mọi người đều bị khống chế không? Kinhston không kết luận như vậy. "Tôi không nói tất cả bọn họ, nhưng phần lớn số họ bị bắt hoặc khống chế ngay sau khi họ được xâm nhập".(4) Kết luận này không làm Kingston nản chí. Ông không quyết định chấm dứt mà tiến hành xem xét lại toàn bộ chương trình và lần này là do các chuyên viên phản gián của CIA và DIA thực hiện.

Trong tình trạng tồi tệ đó, trung tá Robert McKnight đến nhận trách nhiệm chỉ huy OP34 tháng 1-1968. McKnight đã có kinh nghiệm chiến tranh không quy ước tại Lào trong những năm đầu 1960 khi tham gia chiến dịch White Star của Simons. McKnight còn phục vụ trong Nhóm lực lượng đặc biệt số một mà địa bàn hoạt động là châu Á. Thế còn việc chỉ huy các toán biệt kích cài cắm thì sao? Như phần lớn các chỉ huy của OP34 trước đó, McKnight không có kinh nghiệm về việc này. Tuy nhiên ông có lợi thế vì được kế thừa những đánh giá của Kingston. Những gì McKnight biết là rất xấu. OP34 có vấn đề về chỉ huy điều hành. Ngoại trừ Kingston, những người khác đã tự lừa dối mình về những thành công đã thu được. Họ "không thực sự nghĩ là hoạt động đó đã thất bại. Họ muốn tin rằng các toán của họ đang hoạt động có hiệu quả và đang cung cấp những tin tình báo có giá trị".(5) 

McKnight muốn biết sự thật tồi tệ đến mức nào. Vị chỉ huy mới của SOG quyết định tiến hành đánh giá riêng của mình về toàn bộ hoạt động. Ông tập hợp tất cả thông tin về từng toán và bắt đầu nghiên cứu. Khi kết thúc, McKnight kết luận mình đang giữ trong tay một mớ lộn xộn. Nó tồi tệ đến mức nào? Ông nhớ lại "Khi tôi tiếp nhận, điều đầu tiên tôi làm là yêu cầu đọc tất cả hồ sơ. Tôi ngồi một chỗ và đọc trong vòng ba tuần. Tôi đi đến kết luận tương tự như của Kingston rằng tất cả các toán bị vô hiệu hoá ngay sau khi chạm đất".(6) Liệu có thể Hà Nội đã chơi trò hai mang với SOG trong vòng bảy năm qua? McKnight tự hỏi. Điều đó phải tuỳ thuộc vào kết luận của các chuyên gia phản gián của CIA và DIA.

Cuối cùng thì các chuyên gia cũng hoàn thành bản báo cáo. Tin tức không thể tồi tệ hơn được nữa. Tất cả các toán mà SOG cho rằng đang hoạt động trên thực tế chịu sự kiểm soát của Bộ Nội vụ Hà Nội. Một số đã được sử dụng để chống CIA và sau đó là SOG.

Nhóm chuyên gia phản gián còn đưa ra kết luận tồi tệ hơn: Hà Nội đã áp dụng thứ mà John Masterman mô tả là "hệ thống hai mang". Trong chiến tranh thế giới thứ hai, Masterman, đang công tác tại MI5 - cơ quan an ninh của Anh, chỉ đạo một kế hoạch như vậy chống lại phát xít Đức. Theo Masterman hệ thống hai mang phức tạp hơn nhiều so với "một số trường hợp đơn lẻ" các điệp viên đôi và "phải làm nhiều việc hơn so với việc tiến hành một chiến dịch đánh lạc hướng có quy mô lớn". Thông qua hệ thống hai mang, MI5 đã "thành công trong việc kiểm soát toàn bộ mạng lưới gián điệp của Đức tại Anh".(7)

Hệ thống hai mang là một công việc cực kỳ phức tạp. Masterman mô tả bảy hoạt động liên quan chặt chẽ với nhau. Thứ nhất: thiết lập sự kiểm soát đối với hoạt động của gián điệp đối phương trong lãnh thổ một nước, hay nói cách khác kiểm soát mạng lưới gián điệp đó và giả tạo sự hoạt động theo cách thức mà “đối phương không thể mất thời gian vào việc tạo ra một mạng lưới thứ hai".(8 ) Họ phải tin là họ đang thành công, tương tự như MI5 đã làm cho người Đức tin tưởng các điệp viên của họ ở Anh. Miền Bắc đã làm đúng như vậy đối với hoạt động cài cắm gián điệp - biệt kích dài hạn của SOG cho đến năm 1968.

Hai là, sử dụng các điệp viên bị khống chế để "liên lạc và phát hiện ra những điệp viên khác". Các toán của OP34 được coi là hoạt động tốt thường xuyên được tăng cường. Ví dụ, toán Tourbillon nhận bổ sung người một lần năm 1962, hai lần năm 1964 và sau đó là các năm 1965, 1966 và 1967. Toán Remus được tăng cường bốn lần và toán Easy là năm lần. Tất cả lực lượng được bổ sung này đều bị bắt hoặc tiêu diệt.

Ba là, hệ thống hai mang cho phép "thu thập thông tin về con người và thủ đoạn hoạt động" của cơ quan an ninh đối phương. Từ số điệp viên bị bắt, MI5 đã nắm được tất cả thủ đoạn nghiệp vụ của Đức. Điều này cho phép Anh "lần ra các điệp viên khác" khi họ được cài cắm.(9) Nhóm phản gián CIA và DIA nhận thấy Bộ Nội vụ Hà Nội đã nắm được biện pháp và cách thức tiến hành công việc của OP34. Họ còn nắm được mật mã liên lạc, yếu tố thứ tư của hệ thống hai mang.

Năm là, thông qua hệ thống hai mang, MI5 có thể thu được thông tin về ý đồ của người Đức, đặc biệt kế hoạch xâm lược Anh. Tương tự, Hà Nội nắm được giới hạn của Washington trong việc sử dụng các toán biệt kích chống lại miền Bắc. Theo Masterman, thông tin dạng này có thể được sử dụng để "tác động và có thể thay đổi ý đồ hoạt động của đối phương".(10) Đây chính là thành tố thứ sáu. Bằng việc kiểm soát tất cả các toán của SOG, Hà Nội có cơ hội để khai thác chúng. SOG nhận được những "thành công" vừa đủ để tiếp tục chứ không gia tăng hoạt động. Đây là một tính toán khôn ngoan và cho thấy khả năng chỉ đạo hệ thống hai mang của Hà Nội.

Cuối cùng, hệ thống hai mang cung cấp cơ hội tung tin giả cho đối phương. Nhóm CIA-DIA phát hiện rất nhiều thông tin như vậy trong các điện báo cáo, trong đó có một số tin rất khôn khéo. Ví dụ, sau đợt không kích miền Bắc đầu tiên, Ares liên tục đề nghị có thêm nhiều đợt nữa. Điều này phù hợp với chiến dịch tuyên truyền quốc tế của Hà Nội mô tả Hoa Kỳ là tên xâm lược khát máu.

Toán phản gián thông báo cho Singlaub và McKnight biết chương trình OP34 đã bị "xoá sổ". Sau khi nghiên cứu báo cáo, lãnh đạo SOG đặt ra nhiều câu hỏi: (1) Sai lầm ở chỗ nào và tại sao tình hình lại trở nên tồi tệ như vậy; (2) Liệu có thể sử dụng hệ thống hai mang của Hà Nội để chống lại chính họ? Liệu SOG có thể tạo ra hệ thống ba mang để thuyết phục Hà Nội là họ mới chỉ phát hiện ra một phần của hoạt động lật đổ phức tạp trong biên giới của họ?

GIẢI THÍCH HỆ THỐNG HAI MANG: CẦN CÓ HAI NGƯỜI

Chuyên gia trong lĩnh vực trò chơi nghiệp vụ lý luận rằng để một kế hoạch thành công, cả người lứa và bị lừa đều tham gia vào hoạt động. Chỉ có sự thông minh của người đánh lừa và sự tiếp nhận của người bị lừa không thôi thì chưa đủ. Một kế hoạch lớn cần cả hai bên. Chắc chắn rằng điều này cũng đúng đối với hệ thống hai mang của Hà Nội chống lại SOG. Hà Nội thành công vì nhiệm vụ của SOG không ổn định, lý luận hoạt động không phù hợp, thiếu kinh nghiệm, và thiếu quy trình tuyển lựa, động viên và huấn luyện cộng với tài năng của chính họ trong việc chỉ đạo hệ thống hai mang.

Nhiệm vụ của SOG không ổn định và lý luận hoạt động không phù hợp.

Các toán biệt kích sẽ làm gì sau khi đã xâm nhập vào miền Bắc? Câu trả lời của Washington thường là không nhất quán hoặc rõ ràng. Nhiệm vụ của các toán biệt kích luôn luôn ở trong tình trạng bị đánh giá xem xét lại. Washington không quyết định dứt khoát họ muốn các toán biệt kích làm gì. Thay vào đó, họ quan tâm đến khía cạnh tiêu cực của các hoạt động này nhiều hơn việc làm thế nào để làm suy yếu an ninh nội bộ của miền Bắc.

OPLAN 34 đề ra việc phát triển một phong trào chống đối trong lòng miền Bắc. Việc này được coi là trọng tâm cho kế hoạch chung, là thành tố chủ yếu nếu như muốn hoạt động ngầm có được tác động như mong muốn lên giới lãnh đạo Hà Nội và chính sách của họ đối với miền Nam. Thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc là chìa khoá cho sự thành công. Và đó chính là những gì tổng thống Kenedy hình dung năm 1961.

Mặc dù vậy, Washington chưa bao giờ sẵn sàng cho phép SOG thực hiện nhiệm vụ này. Theo một tài liệu tuyệt mật trước đó "như dự định ban đầu, hoạt động không vận nhằm giúp xây dựng phong trào chống đối ở miền Bắc qua đó gây sức ép lên chính phủ Hà Nội buộc họ phải san sẻ nguồn lực và làm giảm nỗ lực ở miền Nam". Tuy nhiên, tài liệu này nói rằng "việc tạo ra một phong trào chống đối chưa bao giờ được Washington chuẩn y và do đó hoạt động không vận được tiến hành theo nhiệm vụ rất mù mờ".(1)

Có thể hình dung được sự ngạc nhiên của Russell vào năm 1964 khi biết được nhiệm vụ xây dựng phong trào chống đối bị từ chối. Ông đã mường tượng tới việc tổ chức hoạt động du kích ở miền Bắc. Ông hình dung là mình sẽ được làm những gì mà Hà Nội đang tiến hành ở miền Nam. Phản ánh sự thất vọng này, Russell nói "tôi không hiểu tại sao, là một đất nước, sao chúng ta lại có quan điểm mơ hồ về chiến tranh du kích do chúng ta thực hiện trong khi đó chính là vũ khí tốt nhất của họ chống lại chúng ta".(2) 

Russell tin là lẽ ra Hoa Kỳ phải thúc đẩy việc gây dựng phong trào chống đối nhưng Washington không mặn mà với khuyến nghị này. Russell cho rằng Hà Nội dễ bị tổn thương và hoạt động gây dựng phong trào chống đối sẽ mang lại kết quả. Riêng về biện pháp "thả tù mù”, theo ông nên bãi bỏ vì không mấy kết quả. Thay vào đó ông đề nghị tập trung vào số dân tộc ít người dọc theo biên giới miền Bắc. Russell đã nghiên cứu bản đồ dân tộc học và kết luận là về mặt địa lý Việt Nam có thể phân chia làm hai phần khác biệt. Vùng núi cao ở phía tây bắc và đông bắc. Đây là vùng cư trú của các dân tộc thiểu số mà theo truyền thống và thực tiễn không giống với người Kinh. Số dân ở vùng này chiếm khoảng 15% dân số của miền Bắc. Phần lớn các dân tộc ít người có quan hệ với nhân dân ở Lào và Trung Quốc nhiều hơn với người Kinh, trong đó nhiều dân tộc không coi người Kinh là bạn bè. Phần còn lại là vùng đất thấp nơi người Kinh sinh sống, bao gồm các đồng bằng ven biển. Russell đề nghị gây dựng phong trào chống đối trong chính những dân tộc thiểu số. Hà Nội không thực hiện việc kiểm soát chặt chẽ đối với họ và họ không thích người Kinh. Russell đã chọn con bài dân tộc, nhưng đó không phải là con bài duy nhất có trong tay. Cộng đồng người công giáo tập trung ở hai tỉnh đồng bằng ven biển Nam Hà và Ninh Bình và hai tỉnh khác dịch về phía nam là Nghệ An và Hà Tĩnh cũng được chú ý đến. Cuối cùng có một cộng đồng người Hoa nhỏ ở miền Bắc, và đây cũng có thể là một con bài. Russell hình dung việc khơi dậy sự thù nghịch của người Việt đối với người Hoa. Ở miền Bắc, số này có thể chia làm hai nhóm. Một sống dọc theo biên giới Việt - Trung và một sống ở các thành phố mà tập trung là ở Hải Phòng.

Partain nhớ lại là vào năm 1964, ông và Russell "đề xuất việc gây dựng phong trào chống đối” trong số dân tộc ít người. "Tôi nhớ là như vậy. Russell và tôi đã trao đổi về vấn đề này... Cả hai chúng tôi đều có chung ý kiến là để cho các toán biệt kích hoạt động có hiệu quả, các toán này phải gây dựng được phong trào chống đối".(3) Cả hai gửi đề xuất lên cấp trên. Vài tuần sau, Russell nhận được tin đề nghị bị bác bỏ. Theo Partain, quyết định đó là do Washington đưa ra.

Nếu không vì phong trào chống đối thì nhân viên biệt kích làm gì? Russell và Partain hầu như không tin vào tai mình. Theo Russell, ông nhận được chỉ thị hướng dẫn cho các toán biệt kích không được tiếp xúc với công dân miền Bắc và nhiệm vụ được giới hạn trong hoạt động tâm lý và thu thập tình báo". Đối với lãnh đạo của SOG, điều này thật vô nghĩa. ông tự hỏi "làm sao có thể thu thập được tin tức tình báo khi anh ẩn náu ở trên núi và cố bảo vệ tính mạng của mình?" Việc "rải tờ bướm ở trong rừng” có thể mang lại gì?(4) Mặc dù rất lạ lùng, nhưng đó chính là nhiệm vụ được giao cho OP34. Đó thực sự là những nhiệm vụ "vớ vẩn" nhưng cả Russell và Partain không thể thay đổi.

Khi Don Blackburn thay Russell tháng 5-1965, không phải mất thời gian lắm ông nhận ra ngay điều bất hợp lý của chương trình gián điệp - biệt kích. Dẫu sao thì Blackburn đã có kinh nghiệm hoạt động du kích trong vùng địch hậu. Ông là một trong số ít chuyên gia quân đội về lĩnh vực này và dự định đưa OP34 vào đúng hướng. Blackburn xem lại và mở rộng bản kiến nghị của Russell. "Điều cần thiết hiện nay là có được căn cứ ở Lào giáp với biên giới Việt Nam từ đó các toán biệt kích có thể tung đi tăng cường, tiếp tế hoặc rút lui khi cần thiết bằng máy bay trực thăng hoặc qua đường bộ". Blackburn muốn thành lập một tổ chức bình phong nhằm "thành lập cơ sở ở miền Bắc và phát triển một hệ thống móc nối người đi huấn luyện và tung trở lại đồng thời đưa những người Bắc di cư trở lại miền Bắc. Những căn cứ tại các khu vực dọc theo biên giới miền Bắc sẽ rất có ích cho các hoạt động đó".(1) 

Blackburn nhập cuộc. Có vẻ như những ngày huy hoàng trước kia đang trở lại. Ông không những phát triển lý luận mà còn tìm kiếm người Bắc di cư, những người sẵn sàng quay trở lại và chiến đấu chống Hà Nội. Blackburn nhớ rằng có sẵn những con người với "mối quan hệ với người thiểu số vùng tây bắc và những phần tử chống đối trong nhân dân". Ví dụ "một thủ lĩnh người Bắc di cư trước đây sống ở vùng đông bắc sẵn sàng giúp tuyển lựa và thiết lập quan hệ với người địa phương ở cả miền Bắc và miền Nam". Đó là cách khởi đầu, bằng việc “thiết lập cơ sở và quan hệ" và biến chúng thành tổ chức bình phong, "một phong trào chống đối thực sự sẽ hình thành".(2) 

Blackburn chuẩn bị báo cáo kế hoạch đưa hoạt động gián điệp - biệt kích quay lại tập trung vào việc gây dựng phong trào chống đối. Qua kinh nghiệm của Russell ông biết là "phong trào chống đối không thể được tổ chức nếu không có sự phê duyệt của cấp cao". Nhưng ông rất tự tin. Dù sao, những hoạt động hiện nay là vô nghĩa và không mang lại kết quả gì. Chắc chắn Washington sẽ nhận ra "phương pháp chủ yếu hiện nay (thả tù mù) tạo nên con đường một chiều đối với các toán biệt kích, họ không có hy vọng trở về".(3)

Bản kiến nghị năm 1966 vượt qua được các cấp và đến Uỷ ban 303. Câu trả lời vẫn như cũ: OP34 không được phép tiến hành việc thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc. Blackburn bị sốc trước câu trả lời của Washington. "Thật là một điều tệ hại", ông nhớ lại "vì phong trào đó sẽ tương tự như Mặt trận giải phóng miền Nam và có thể tạo ra cơ sở đáng tin cậy hơn cho hoạt động biệt kích".(4) Một lần nữa, Washington không sẵn sàng thách thức miền Bắc bằng luật chơi của Hà Nội. Blackburn biết rằng các nhà vạch chính sách không dám tiến xa tới mức đó. Động thái này sẽ trái với chính sách đã công bố của Hoa Kỳ là không tìm cách lật đổ chính phủ Hà Nội. Đối với Blackbum, điều đó thật ngớ ngẩn. Ông tự hỏi, đây là cuộc chiến tranh kiểu gì?

Blackburn còn phát hiện ra là CIA cũng phản đối đề nghị của ông vì sẽ động chạm tới địa bàn hoạt động của họ ở Lào. CIA đang thực hiện chương trình du kích của người thiểu số hỗ trợ quân đội người H'Mông do Vàng Pao cầm đầu. Đó là cố gắng không để Hà Nội chiếm giữ Lào đồng thời gây thiệt hại cho quân đội miền Bắc hoạt động ở Bắc Lào. H'Mông là một dân tộc thiểu số mà bản kiến nghị của Blackburn đã đề cập đến.

Blackburn đến gặp Trưởng trạm CIA tại Sài Gòn để thương lượng. "Tôi muốn Blaufarb cho phép chúng tôi đưa các toán biệt kích xâm nhập vào miền Bắc qua Lào. Hay nói cách khác, tuyển chọn người Việt Nam và hình thành căn cứ ở Lào để xem họ có thể làm được gì trong lòng miền Bắc sau đó sẽ đẩy mạnh hơn. Đó là cách chúng tôi đã làm ở Phillippines".(5) CIA không nhất trí với đề nghị này. Bắc Lào là địa bàn của họ. Blackburn không chỉ gặp phải sự phản đối của CIA mà còn của đại sứ Mỹ tại Lào William Sullivan. Sullivan không muốn cho SOG hoạt động ở Lào và phản đối kế hoạch của SOG. Tương tự, Sullivan còn phản đối hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh. SOG là người không được hoan nghênh tại Lào.

Khi một đại tá quân đội, người không thuộc giới quân sự chính thống, gặp phải sự phản đối của CIA và Bộ Ngoại giao, anh ta sẽ thất bại. SOG không được phép tiến hành gây dựng phong trào chống đối từ những căn cứ ở Lào. Uỷ ban 303 chỉ cho phép CIA hoạt động ở đó. Blackburn rất bất bình và "định chấm dứt hoạt động... Tôi nghĩ rằng họ đã đề ra mục tiêu sai lầm vì đã đưa biệt kích đến một nơi mà họ biết rất ít và không thể nhận được sự trợ giúp của dân chúng. Trước sau họ cũng sẽ bị bắt. Và điều đó đã xảy ra".(6) Lý luận hoạt động và trọng tâm nhiệm vụ là phi lôgíc.

Tại thời điểm Washington bác bỏ đề nghị của Blackburn, nhiệm vụ của các toán biệt kích đang có sự điều chỉnh. Tháng 10-1965, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương chuyển tới SOG chỉ thị về nhiệm vụ mới. Bản chỉ thị công bố nhiệm vụ các toán biệt kích hiện nay là "tiến hành các hoạt động tâm lý, phá hoại và tình báo". Nhiệm vụ mới này không khác mấy so với trước. Tuy nhiên, các toán biệt kích được phép tiếp xúc với dân để "tuyển lựa và hỗ trợ cơ sở tại chỗ ở miền Bắc để thu thập tình báo và lẩn trốn".(7) Đó là điểm mới nhưng vô nghĩa và chẳng làm thay đổi tình hình chút nào. Blackburn lắc đầu: Nếu bạn không thể tổ chức dân thành phong trào chống đối thì "bạn đưa họ đến đó làm gì? Câu hỏi này cứ lởn vởn mãi trong đầu tôi và đó là lý do tại sao tôi không hề hào hứng với các toán biệt kích".(8.)

Blackburn chuyển giao nhiệm vụ lãnh đạo SOG cho Jack Singlaub tháng 5-1966. Các toán gián điệp tiếp tục xâm nhập ra Bắc dưới sự giám sát của ông và mang lại kết quả tương tự như Blackburn đã chứng kiến. Blackburn xâm nhập sáu toán, bao gồm 46 người. Họ chẳng làm được gì đáng nói cả.

Jack Singlaub đã không tin tưởng vào OP34 từ trước khi đến Sài Gòn tiếp nhận công việc. "Phải nói rằng khi nghe tường trình tại Lầu Năm Góc, tôi rất ngạc nhiên trước ý nghĩ cho biệt kích nhảy dù vào địa bàn đó. Lãnh thổ miền Bắc, cũng như Triều Tiên, không giống như đất Pháp hay Nam Tư bị chiếm đóng trong chiến tranh thế giơi thứ hai, những nơi Cơ quan tình báo chiến lược OSS đã từng hoạt động. Tôi bày tỏ thái độ hoài nghi về cách thức đưa biệt kích xâm nhập, nhưng ngay lập tức tôi biết họ không coi trọng ý kiến của tôi do vậy trong suốt thời gian tường trình tôi không nhắc đến vấn đề này nữa. Anh biết đấy, tôi là người mới và trước hết cần đến xem cụ thể những gì đang diễn ra và có thể làm được gì".(1) 

Khi đã nhận chức, không phải mất nhiều thời gian lắm để Singlaub nhận ra là hoạt động biệt kích chẳng đi tới đâu nếu cứ tiếp tục như hiện nay. Sau khi nghiên cứu hồ sơ ông thấy rằng trong quá nhiều trường hợp "thả tù mù” thành "thả vào cõi tử". Theo vị tân chỉ huy trưởng, đề nghị của Blackburn cho triển khai phong trào chống đối bằng cách trước hết thành lập phong trào sau đó từ Lào xâm nhập vào miền Bắc là giải pháp tốt nhất. Tuy nhiên, ông biết rằng "có những quy định cụ thể không cho phép OP34 thành lập tổ chức du kích ở miền Bắc...Chúng tôi bị trói buộc không được gây dựng phong trào chống đối chính phủ Hà Nội".(2) 

Singlaub quyết định tung ra một quả bóng thăm dò xem các nhà vạch chính sách sẽ phản ứng ra sao. Liệu họ có biết có những người dân tộc thiểu số miền Bắc đang sống ở miền Nam và có thể tuyển lựa cho nhiệm vụ chống đối không? Singlaub biết rằng "nhiều thủ lĩnh của các dân tộc ít người đã di cư vào Nam trong năm 1954... có mối quan hệ với đối tác Việt Nam của SOG". Họ có muốn trở về miền Bắc không? Theo Singlaub, "họ tỏ ra sẵn sàng trở về tái lập quan hệ với người của họ mà họ cho rằng còn trung thành". Nhưng vì lý do gì mà họ dám chấp nhận nguy hiểm? Chỉ khi "họ được đảm bảo là họ được phép tổ chức phong trào chống đối và dùng nó để tạo ra khu tự trị ở miền Bắc".(3) Nếu Hoa Kỳ hỗ trợ mục tiêu này, họ sẵn sàng Bắc tiến.

Singlaub nhanh chóng nhận ra là không hy vọng gì ở sự thay đổi thái độ của Washington. Theo một tài liệu mật, chính sách quốc gia của Hoa Kỳ là "kiềm chế cổ vũ hoặc khuyến khích bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới nổi loạn bên trong chính phủ hiện nay ở Hà Nội".(4) Singlaub nhớ lại "họ (Washington) sẽ không bao giờ phê duyệt những điều chúng tôi muốn thực hiện mà liên quan đến chiến tranh du kích và hoạt động chống đổi".(5)

Thay vào đó, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân yêu cầu các toán biệt kích cần phải "nhấn mạnh tối đa vào nhiệm vụ thu thập tình báo và thành lập quan hệ dân sự". Các toán sắp được tung đi phải tập trung vào "nơi có nhiều mạng lưới giao thông chủ yếu nối miền Bắc và Lào" với nhiệm vụ chủ yếu là "thu thập tình báo qua quan sát đường bộ, đường sắt và đường sông".(6) Để thực hiện nhiệm vụ mới, 25 biệt kích được tập trung huấn luyện trong nhiều tháng và xâm nhập vào các khu vực tập trung các tuyến đường trọng yếu nối với đường mòn Hồ Chí Minh. Đây mới chỉ là sự khởi đầu.

Đó là một nỗ lực lớn và, trong vòng 15 tháng sau đó, có sự tham gia của hàng trăm nhân viên biệt kích. Theo Singlaub, chương trình mới này tạo ra những thách thức lớn cho SOG. Trước hết, đó là kiểu "thả tù mù" với tất cả những hậu quả mà biện pháp này đã mang lại. Thứ hai, SOG sẽ tìm đâu ra hàng trăm người dân tộc đã từng sống ở Bắc rồi di cư vào Nam có quyết tâm cao và sẵn sàng trở lại miền Bắc để thực thi nhiệm vụ? Việc tuyển chọn không dễ dàng gì. "Những người có thể trở thành nhân vật lãnh đạo của phong trào chống đối không chỉ không muốn trở thành người dẫn đường mà còn không giới thiệu cho SOG những người phù hợp với nhiệm vụ".(7) Họ có thể quay trở lại để giải phóng đất đai của họ chứ không phải để đếm xe.

Tuy vậy, Singlaub đã đưa ra chỉ thị và được OP34 thực hiện dưới sự chỉ huy của trung tá Bob McLane. Trong nhiệm kỳ của mình, McLane tung đi trên 50 biệt kích mới và cố bố trí lại số đã xâm nhập trước đây. Một năm với những công việc ngớ ngẩn là tất cả những gì Singlaub chịu đựng. Hoạt động biệt kích không có kết quả, ông biết điều đó. OP34 trong trạng thái rệu rã. John Hada, phó của McLane nhớ lại "Bob McLane chịu sức ép lớn từ Singlaub trong việc chấn chỉnh lại bộ phận. Để giải quyết vấn đề, Singlaub đưa Kingston đến OP34 tháng 5-1967 để thay McLane. "Singlaub biết Kingston" Hada nói, "và ông ta muốn thay McLane bằng người hiểu biết về hoạt động biệt kích".(8 )

Bob Kingston đúng là người cho công việc đó. Ông nhanh chóng nhận ra khái niệm xâm nhập biệt kích -"thả tù mù” - là sai sót nghiêm trọng. Tương tự, mục tiêu chính sách cần chặt chẽ hơn. Ông phát hiện ra là OP34 không chỉ có hai vấn đề đó. Có nhiều yếu tố dẫn đến thất bại của chương trình biệt kích. Nhưng, không nghi ngờ gì nữa, mục tiêu chính sách sai lầm là yếu tố hàng đầu. Theo suy nghĩ của Kingston, những mục tiêu được đề ra đơn giản là ngu xuẩn.

Tại sao Washington lại không ủng hộ việc cho phép SOG thiết lập phong trào chống đối trong lòng miền Bắc? Dựa trên căn cứ nào để Washington bác bỏ yếu tố cốt lõi của Kế hoạch 34A?

Một trong nhiều lý do mà Singlaub biết là, theo các nhà vạch chính sách ở Washington, việc bí mật khuyến khích phong trào chống đối sẽ mâu thuẫn với chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ vốn không kêu gọi gây mất ổn định và lật đổ chính phủ Hà Nội. Hay nói cách khác, quan điểm của các nhà vạch chính sách là hoạt động ngầm phải thống nhất với chính sách chính thống. Vì vậy, mỗi khi SOG "xin phép được gây dựng phong trào chống đối, Washington đều nói rằng điều đó không phù hợp với mục tiêu của Hoa Kỳ ở Việt Nam. Một phong trào chống đối sẽ trái với mục tiêu quốc gia công khai".(9) 

Theo Singlaub, ít nhất đó là một trong hai lý do giải thích cho sự phản đối của Washington. Singlaub thấy quan điểm không tách biệt "chính sách công khai với chính sách ngầm" của Washington chẳng có ý nghĩa gì. Dẫu sao, một trong những động cơ tiến hành hoạt động ngầm là các biện pháp công khai khó đạt được kết quả đề ra. Hơn nữa, hoạt động ngầm rất linh hoạt cho phép lách qua những hạn chế về chính sách. Đối với nhân viên của SOG, lôgíc của các nhà vạch chính sách thật là kỳ quặc. Nếu hoạt động ngầm phải thống nhất với chính sách công khai thì cần gì phải hoạt động ngầm nữa.

Lý do thứ hai mà Singlaub nêu ra là "sự e ngại rằng phong trào chống đối sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát" và gây ra điều gì đó. Năm 1964, đại sứ Mỹ tại Việt Nam Herry Cobot Lodge đã nói như sau: "Tôi hoan nghênh việc gây áp lực lên miền Bắc với hai mục đích buộc Việt Cộng và Pa thét Lào ngừng bắn và trung lập hoá Bắc Việt Nam... Tôi không cho rằng việc lật đổ Hồ Chí Minh là có ích vì người thay thế ông có thể còn xấu hơn đối với chúng ta".(10) Người ta chỉ có thể tự hỏi là ông đại sứ đang nghĩ gì trong đầu. Tại sao lại xấu hơn nếu có ai đó thay thế Hồ Chí Minh? Lodge có hiểu gì về đối phương không? Thật là lý sự quanh quẩn, Singlaub nghĩ.

Tương tự, các nhà vạch chính sách lo ngại là làm cho miền Bắc mất ổn định có thể "tạo ra sự trả đũa quy mô lớn của miền Bắc". Họ có thể gia tăng chiến tranh ở miền Nam nếu Mỹ làm cho họ quá khó chịu ở miền Bắc. Nhưng Washington có hiểu là Hà Nội đã quyết định tăng cường hoạt động ở miền Nam khi đưa quân chủ lực vào Nam năm 1963?

Cuối cùng, Washington sợ rằng nếu Hà Nội sụp đổ, Trung Quốc sẽ nhảy vào như trong chiến tranh Triều Tiên. Vào mọi thời điểm Washington đều lo ngại sự dính líu của Trung Quốc. Tuy nhiên, Mao đang lãnh đạo cách mạng văn hoá và, nhiều năm sau, Trung Quốc tiếp tục cuộc thanh lọc nội bộ hàng loạt làm tê liệt hoạt động của chính phủ, kể cả chính sách ngoại giao. Washington có hiểu được tác động của cuộc cách mạng văn hoá không? Để hệ thống hai mang thành công, cả người lừa lẫn người bị lừa đều đóng vai trò quan trọng và Hoa Kỳ chắc chắn đã làm rất tốt vai trò của mình.

Thiếu kinh nghiệm trong OP34

Trừ Bob Kingston, không một chỉ huy nào của OP34 từng trải qua hoạt động chỉ đạo biệt kích tại địa bàn bị từ chối. Trái ngược với những gì mà các nhà vạch chính sách hình dung, hoạt động này không là một phần năng lực chiến tranh đặc biệt của Lầu Năm Góc. Chương trình học tại Trường chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg cũng như trong học thuyết quân sự không có nội dung này.

Ed Partain, chỉ huy trưởng của OP34 từ giữa năm 1964 đến giữa 1965, là một ví dụ. Ông không phải là chuyên gia trong công việc được giao là leo thang hoạt động trong lòng miền Bắc. Được khoảng nửa năm, Partain nhận thấy có những vấn đề nghiêm trọng về nội dung nhiệm vụ, biện pháp cài cắm và việc huấn luyện người Việt Nam. Ông cũng biết rằng mình hiểu rất ít về mục tiêu, ở đây là miền Bắc. Vậy tại sao Partain tiếp tục xâm nhập các toán biệt kích theo đúng cách thức vốn chẳng mang lại kết quả gì? Việc thiếu kinh nghiệm đã phần nào dẫn đến thái độ không muốn chấp nhận sự thực.

Thật ra, Partain hầu như không thể làm được gì để thay đổi tình hình. Ông ở cấp bậc thấp trong hệ thống chỉ huy và có ít kiến thức để xử lý vấn đề. Partain nhận ra điều này khi "đến gặp và nói chuyện với Russell" về toàn bộ tình hình. “Tôi đã ở đây được năm, sáu tháng. Tôi thấy chúng ta đang phung phí thời gian, tiền bạc và sinh mạng. Tại sao chúng ta không làm cái gì khác? Russell nói: Anh không biết, cấp trên muốn tiếp tục như vậy. Tôi đoán đó là ý kiến tử Washington...".(1)

Nhân viên Mỹ được cử đến cho Partain cũng như vậy. Họ bao gồm những thiếu tá quân đội trẻ nhiệt tình như Pete Hayes. Tốt nghiệp Học viện Westpoint, Hayes rất thông minh và hăng hái nhưng không được chuẩn bị cho việc thực hiện nhiệm vụ của OP34. Hayes đã chỉ đạo các toán biệt kích biển xâm nhập tấn công các mục tiêu ven biển Bắc Triều Tiên và cứu hộ các phi công bị bắn rơi. Chắc chắn đó là một khía cạnh của chiến tranh không quy ước nhưng không bao gồm việc huấn luyện và chỉ đạo mạng lưới biệt kích trong địa bàn bị từ chối. Ít nhất là dường như quân đội đã cố gắng chọn cử những sĩ quan tốt nhất. Nhưng thực tế không phải như vậy. Hayes được cử đến OP34 là do nhầm lẫn. "Tôi nghĩ Russell là chỉ huy trưởng vào thời điểm đó. Ông ấy nhầm tôi với John Hayes, người cũng đã công tác tại SOG và từng công tác tại Nhóm lực lượng đặc biệt số 10 với Russell. Do vậy khi tôi đến trình diện, ông ấy tưởng tôi là John Hayesn. Vì đã có kinh nghiệm trước đây nên Pete Hayes phải ở lại.(2)

Trong nhiệm kỳ của mình, Hayes cũng nhận ra những vấn đề nghiêm trọng của chương trình. Hayes nhắc lại những sự kiện xảy ra với toán Bell và điệp viên Ares đã giúp ông nhận thức được tình hình. "Máy bay của chúng tôi suýt nữa bị bắn rơi khi bay tiếp tế cho toán Bell. Phi hành đoàn nói rằng họ bị một chiếc trực thăng phục kích và phải đổi hướng bay về Thái Lan. Tương tự, có một số dấu hiệu trong việc tiếp tế cho Ares cho phép Hayes kết luận "anh ta đã bị khống chế... và đó là các đồng nghiệp miền Bắc đang chơi lại chúng tôi".(3) 

Vấn đề nhân sự còn kéo dài cho đến khi Reg Woolard và Bob McLane chỉ huy OP34. John Hada, phó của McLane, nhớ lại nhiều sĩ quan chỉ đạo trực tiếp không mấy nhiệt tình với công việc. Ông mô tả "họ không biết cách giao tiếp với người khác và với nền văn hoá khác... Nhân viên trung cấp ở O P34 không có bằng cao đẳng... họ không thể ngồi đánh giá những gì đang xảy ra vì thực sự họ không hiểu". Hada kết luận "tôi nghĩ cách mô tả tốt nhất là chúng tôi bay trong mù tối và không kiểm soát được gì cả".(4) 

Đó chính là những gì mà Bob Kingston gặp phải khi tiếp quản OP34 tháng 5-1967. Ông tiếp nhận những người thuộc quyền hoặc là kém nhiệt tình hoặc thiếu kinh nghiệm. Kingston sa thải một số chỉ giữ lại những ai có thể bồi dưỡng thành nhân viên chỉ đạo hoạt động biệt kích.

OP34 đối mặt với một chế độ rất chú ý đến an ninh nội bộ. Các lực lượng an ninh và tình báo có trình độ nghề nghiệp và giỏi xử lý các thách thức và đe doạ từ bên trong. Phát triển mạng lưới gián điệp, biệt kích trong môi trường như vậy là quá mệt mỏi đối với CIA trong những năm 1950 trong khi họ có kiến thức, kinh nghiệm và được đào tạo về hoạt động này. Đối với OP34, đó là sự đối đầu không cân sức và thực tế cũng chứng tỏ như vậy.

Việc tuyển lựa, động cơ và huấn luyện biệt kích.

Hoạt động biệt kích trong lòng miền Bắc đòi hỏi có động cơ và huấn luyện cao- Đó là môi trường khó khăn. Tuy nhiên, việc tuyển chọn, động viên và huấn luyện bị nhiễm nhiều căn bệnh từ khi thành lập 1964 đến lúc Chương trình đánh lạc hướng được hình thành vào cuối năm 1967.

Chất lượng của từng cá nhân được tuyển lựa cho chương trình biệt kích cài cắm lâu dài rất không đều. Có một số người hăng hái nhưng theo các nhà lãnh đạo của OP34 số này là ngoại lệ chứ không nhiều. Có rất nhiều khó khăn, trong đó tuyển lựa và tạo động cơ là hai khó khăn hàng đầu Trạng thái tinh thần kém của biệt kích là hệ quả trực tiếp của tiến trình tuyển lựa.

Rắc rối mà Russell gặp phải trong việc tuyển chọn người phù hợp nhanh chóng trở nên rõ ràng khi ông tiếp nhận số đang huấn luyện đo CIA bàn giao tháng 1-1964. Russell nhớ lại "khi tiếp quản, chúng tôi nhận ra là một số trong đó không đạt tiêu chuẩn cho bất cứ nhiệm vụ nào. Họ được tuyển dụng và thích mức lương được hưởng, nhưng đến lúc cần đến, họ không hăng hái lên đường". Việc tiếp nhận số người này đặt sếp của SOG vào tình huống khó xử. Ông không tin là một khi được xâm nhập họ có thể làm được điều gì đó nên hồn. “Những người mà chúng tôi tiếp nhận từ CIA cho chương trình này không có khả năng đi đâu cả”. Tuy vậy, Russell vẫn phải nhận, “chúng tôi không thể thả rông họ ở miền Nam vì họ đã được nghe về hoạt động ở miền Bắc".(1) Họ biết quá nhiều và không đủ tin cậy và vì thế với một phần thưởng nào đó họ sẵn lòng để lộ toàn bộ hoạt động cho đối phương hoặc bất cứ người nào muốn biết.

Giải pháp của Russell là tung họ ra Bắc. Ông "không hy vọng họ liên lạc trở lại mà nghĩ là họ sẽ đầu hàng đối phương ngay sau khi chạm đất và họ đã làm đúng như vậy". Theo chỉ huy trưởng của SOG, chỉ có một lý do duy nhất để họ đi là "chúng tôi phải loại bỏ họ... và giải pháp là đưa họ ra Bắc".(2) Chắc chắn cách này sẽ không làm cho tin tức về hoạt động biệt kích lọt ra tờ Thời báo New York. Tuy nhiên, ai cũng có thể hình dung là Hà Nội sẽ khai thác số bị bắt này về toàn bộ chương trình một cách không mấy vất vả.

Quá trình tuyển chọn không được cải thiện gì trong năm 1964 và sau đó vì SOG phải dựa vào đối tác Nam Việt Nam là Tổng nha kỹ thuật chiến lược để tuyển lựa nhân sự. Người Nam Việt Nam không làm tốt việc này: "sự bất lực của Tổng nha trong việc chọn lựa được người có đủ tiêu chuẩn cho huấn luyện biệt kích đã buộc phải sử dụng những toán trung bình" bản báo cáo của SOG năm 1964 đã thừa nhận như vậy(3).

Có một vấn đề lớn mà Partain gặp phải khi tiếp nhận OP34. Theo Partain, chủ yếu đó là vấn đề quan hệ với bên thứ ba, người cung cấp nguồn tuyển lựa... Họ cho rằng số được tuyển là sẵn sàng, có trình độ văn hoá mà chúng tôi không có cách nào thẩm định được". Partain còn nói thêm: "Với nhũng gì tôi biết, số được tuyển không phải thuộc tầng lớp trung lưu có văn hoá. Nếu anh nhớ lại, phần lớn số điệp viên của chúng ta trong chiến tranh thế giới thứ hai là người có học, sẵn sàng hy sinh và chấp nhận rủi ro. Còn số này thì không". Hơn nữa "OP34 không đủ khả năng ngôn ngữ để hỏi han họ. Và do vậy không thể dựa vào việc kiểm tra lý lịch mà chúng ta thường làm".(4) 

Một khi số tuyển lựa đã qua huấn luyện, Partain phát hiện ra là "phần lớn số họ không muốn đi. Chúng tôi gần như phải hối lộ để họ bước ra khỏi máy bay". Bạn phải cho họ "thêm súng, thêm tiền và trong một trường hợp chúng tôi đã phải đẩy một người lên và sau đó ra khỏi máy bay".(5) 

Pete Hayes cũng gặp một trường hợp tương tự. "Tôi nhớ một trường hợp năm 1965 khi chúng tôi đã đưa họ lên hết máy bay thì một người, là nhân viên điều khiển điện đài, nói: tôi không đi, tôi không có đồng hồ đeo tay. Tôi nói chúng tôi sẽ giải quyết vấn đề đó và tháo đồng hồ đưa cho anh ta. Anh ta lại nói: Tôi quên mất bản tín hiệu và tín hiệu nhận biết. Tôi lại nói: không lo, tín hiệu nhận biết của anh đây... Nói chung, nhân viên điện đài là ngon hơn các thành viên khác nhưng đôi khi họ cũng bị ảnh hưởng bởi các thành viên khác trong nhóm và cố tạo ra lý do để không phải đi...Cuối cùng thì chúng tôi cũng đưa được anh ta lên máy bay".(6) 

Ed Partain kết thúc nhiệm kỳ và được thay thế bằng Reg Woolard và sau đó Woolard được thay bằng McLane, nhưng chất lượng tuyển chọn vẫn ở mức thấp. Báo cáo năm 1966 của SOG nói rõ mức độ của vấn đề: "Trong năm, việc tuyển được người đủ tiêu chuẩn ngày càng trở nên khó khăn hơn". Hơn nữa "việc đào ngũ của số đang huấn luyện tiếp tục là vấn đề lớn có tác động xấu đến khả năng duy trì sự thống nhất của toán. Tỷ lệ đào ngũ trong số đang huấn luyện tăng từ 8% vào tháng 3 lên 21% vào tháng 5. Họ trốn trại vì "sợ bị cử đi hoạt động trong toán biệt kích ở miền Bắc". Rõ ràng là Tổng nha kỹ thuật chiến lược không hề cho họ biết nhiệm vụ phải thực hiện. Khi họ biết sự thật khắc nghiệt về nhiệm vụ và "không có một cố gắng nào nhằm đưa các toán trở về Nam thành công" sự lo ngại của họ tăng lên nhanh chóng".(7)

John Hada nhớ là OP34 không hề biết trước Tổng nha kỹ thuật chiến lược sẽ mang đến những gì. "Trong nhiều trường hợp, rất khó phác hoạ lý lịch, học vấn, và địa vị kinh tế xã hội. Họ đều hăng hái vì lương cao. Nhưng, trên cơ sở quan sát, tôi phải nói rằng họ không tỏ ra yêu mến Cộng hoà miền Nam". Sự hăng hái của họ nhanh chóng bị xẹp xuống khi đến lúc phải xâm nhập. Hada cho rằng họ "tham gia chủ yếu vì tiền".(1) Vì OP34 không kiểm soát quá trình tuyển lựa, ông kết luận "việc lựa chọn người huấn luyện rất bừa bãi và không đạt như mong muốn".(2) 

Giải pháp cho vấn đề này là rõ ràng, như Hada nhận xét: giá như chúng ta có thể kiểm soát việc tuyển lựa thì công việc đã khá hơn nhiều(3). Nhưng không ai trong OP34 có đủ ngoại ngữ hoặc hiểu biết để làm điều đó.

Năm 1967, Kingston đau đớn phát hiện ra là người Nam Việt Nam đang tuyển chọn thiếu niên bằng cách tuyên truyền vật chất, theo kiểu: "Bạn sẽ làm việc với người Mỹ. Đây là một cuộc phiêu lưu thú vị và bạn sẽ được trả hậu hĩ khi tham gia cuộc phiêu lưu đó". Kingston không thể biết Tổng nha kỹ thuật chiến lược đã nói gì với họ. "Chúng tôi không biết họ tuyển người như thế nào và hứa hẹn những gì(4). Kingston có kế hoạch kiểm soát tiến trình tuyển mộ. Đó là một bước nhỏ nhưng đúng hướng. Tuy nhiên việc này hầu như không được thực hiện và sau đó trở nên không cần thiết khi OP34 tiến hành Chương trình đánh lạc hướng.

Người được tuyển được huấn luyện về hoạt động biệt kích cài cắm lâu dài ở trại Long Thành, nhưng việc huấn luyện không đồng đều. Cố vấn Mỹ hướng dẫn họ cách sử dụng vũ khí, chiến thuật chiến đấu, phá huỷ, xâm nhập bằng đường không và các kỹ thuật quân sự khác. Tuy nhiên, lẽ ra họ cũng cần được huấn luyện để nắm được kỹ năng tình báo. Nhiều khả năng là họ không được huấn luyện đến trình độ cần thiết. Ed Partain nhấn mạnh, "chúng tôi cố dạy họ vũ khí, cứu thương, phá hoại, thông tin liên lạc... nhưng không đào tạo họ về các kỹ năng đó”.(5) Đó là công việc của Tổng nha kỹ thuật chiến lược. Họ làm công việc đó thế nào? Lãnh đạo của OP34 không có câu trả lời.

Huấn luyện không phải là vấn đề duy nhất ở trại Long Thành. Còn có cả những bất cập về an ninh nữa. Điệp viên không được tách riêng sau khi đã nhận nhiệm vụ, vi phạm nguyên tắc cơ bản của hoạt động loại này. Thậm chí họ sau đó còn được nghỉ phép. Với mạng lưới tình báo rộng rãi của Việt Cộng ở khu vực Long Thành, điều đó thật đáng để giật mình.

Với chất lượng tuyển lựa như trên, không có gì ngạc nhiên khi kỷ luật huấn luyện bị vi phạm ở Long Thành. Nhiều trại viên có "danh tiếng đáng ngờ và làm nổi lên vấn đề kỷ luật ở trại".(6)Các yếu tố khác cũng góp phần tạo ra tình hình này: Tổng nha kỹ thuật chiến lược thường sử dụng những lời hứa hão và một khi người được tuyển biết được nhiệm vụ thực sự thì "tư tưởng cho rằng đằng nào cũng bị chết làm cho trại viên và một số cán bộ của trại cho rằng họ cần hưởng thụ khi có cơ hội".(7) Tất cả điều này đã góp phần làm tăng tỷ lệ trốn trại.

Kỹ năng chỉ đạo hệ thống hai mang của Hà Nội

Hệ thống hai mang mà Hà Nội sử dụng chống SOG cũng giống như các hoạt động tương tự mà các nước xã hội chủ nghĩa sử dụng để chống cơ quan tình báo phương Tây trong thời kỳ chiến tranh lạnh. Cũng như các nước cùng hệ thống, miền Bắc chú trọng vấn đề an ninh nội bộ, phản gián và kiểm soát dân. Đó là quốc gia phản gián. Những nước này quan tâm sâu sắc đến vấn đề an ninh trong nước. Lực lượng an ninh và tình báo thường đông đảo và nhiệm vụ của họ là chống lại mọi mối đe doạ an ninh nội bộ. Trong thuật ngữ tình báo, điều này được gọi là phản gián chủ động, bao gồm việc xác định, bắt giữ, và vô hiệu hoá phần tử khủng bố, lật đổ, phản cách mạng, gián điệp, biệt kích. Chính phủ Hà Nội rất coi trọng những vấn đề này và trên thực tế còn tỏ ra lo ngại thái quá về âm mưu hoạt động gián điệp và lật đổ.

Để đảm bảo ổn định trong nước, chính phủ Hà Nội thành lập và duy trì các cơ quan cảnh sát, an ninh và tình báo mà đặc trưng là sự chồng chéo về tổ chức. Điều này đúng như ở Liên Xô, vốn là mô hình cho các nước xã hội chủ nghĩa khác. Từ khi thành lập, việc "tìm kiếm, phát hiện và tiêu diệt kẻ thù là nhiệm vụ chủ yếu của nhà nước".(1) 

Miền Bắc tiếp nhận triết lý đó vào công tác phản gián và an ninh trong nước. Tương tự như đồng nghiệp Liên Xô, Hà Nội bị ám ảnh bởi vào những vấn đề này. Theo John Dziak, cựu nhân viên của cơ quan tình báo quân đội Mỹ, người đã từng đương đầu với KGB trong hơn ba thập kỷ, những nhà nước như vậy "thể hiện sự lo lắng thái quá về đe doạ cả bên trong lẫn bên ngoài. An ninh và việc trừ bỏ tận gốc các mối đe doạ là một nhiệm vụ chính của hệ thống đó”. Để đánh bại đối phương, các quốc gia phản gián "bỏ ra nhiều nguồn lực". Như Dziak nhận xét, "nhiệm vụ này đòi hỏi phải tạo ra cơ quan an ninh quốc gia xâm nhập vào mọi thể chế của đất nước".(2) 

Hà Nội duy trì một cơ quan như vậy. Cơ quan này có hệ thống từ Hà Nội đến các cấp hành chính thấp nhất. Công an nhân dân là nền tảng của hệ thống an ninh của Hà Nội. Dưới sự quản lý của Bộ Nội vụ, lực lượng công an phát hiện, ngăn chặn và trấn áp mọi hoạt động phá hoại và lật đổ đồng thời kiểm soát và vô hiệu hoá mọi phần tử phản cách mạng. Để đạt được mục đích này, công an được giao quyền hạn lớn trong việc khám xét, giam giữ, thu thập chứng cứ và sử dụng vũ khí để bóc gỡ gián điệp, chống phá hoại và dập tắt hoạt động lật đổ.

Ở cấp xã và cao hơn, công an duy trì quan hệ mật thiết với các cơ quan quân đội, dân quân và tình báo. Đây chính là chỗ chồng chéo về tổ chức xuất hiện. Mỗi một cơ quan có trách nhiệm an ninh nội bộ và quyền hạn trùng lặp với công an, trong đó công an vũ trang là một ví dụ. Dưới sự quản lý của Bộ Quốc phòng, một trong những nhiệm vụ của công an vũ trang là bảo vệ an toàn cho các cơ sở quan trọng chống phá hoại; giữ gìn an ninh biên giới, phát hiện việc xâm nhập của biệt kích; nắm tin, phát hiện và trấn áp các hành động phản cách mạng trong dân tộc thiểu số ở vùng núi cao dọc theo biên giới với Lào. Đây chính là những nhóm dân tộc ít người mà ba người chỉ huy đầu tiên của SOG đề nghị được sử dụng để thành lập phong trào chống đối ở miền Bắc, Washington không nhận ra tiềm năng của họ, nhưng Hà Nội thì có.

Khi xem xét đến các cấp hành chính cao hơn như huyện, tỉnh và thành phố, người ta nhận thấy đầy đủ đại diện của các cơ quan có mặt ở cấp xã. Sự chồng chéo này là ở mức cao. Cuối cùng ở cấp bộ, Bộ Nội vụ có trách nhiệm chính trong việc chống lật đổ, phá hoại, gián điệp do số gián điệp biệt kích thâm nhập thực hiện. Bộ máy này cho phép Hà Nội tiến hành chiến dịch phản gián chủ động. Như William Colby giải thích, "chiến dịch đó thấm vào toàn xã hội... không ai đứng ngoài".(3) Các toán biệt kích của SOG phải đối mặt với bộ máy an ninh khổng lồ. Với tất cả những căn bệnh của SOG, các toán này hầu như không có cơ hội. Đó là cuộc chiến không cân sức.

Hà Nội không thoả mãn với việc xác định, bắt giữ, và vô hiệu hoá các toán biệt kích của SOG. Tương tự như các nước xã hội chủ nghĩa khác, chiến lược phản gián chủ động của Hà Nội tỏ ra rất hiệu quả. Trên thực tế, kế hoạch hai mang mà Hà Nội thực hiện chống lại SOG là một trong nhiều chiến dịch chống cơ quan tình báo phương Tây thành công mà các đồng nghiệp của họ ở các nước xã hội chủ nghĩa gặt hái được trong chiến tranh lạnh. Hà Nội đã rút ra nhiều kinh nghiệm qua các mối quan hệ hợp tác với cơ quan an ninh, tình báo của các quốc gia bè bạn. KGB cũng có mặt ở Việt Nam và các nhân viên an ninh Việt Nam được học tập tại trường tình báo ở Matxcơva, nơi mà giáo trình giới thiệu chi tiết về nhiều hoạt động khống chế hai mang.

Tuy nhiên, ít nhất có ba yếu tố góp phần quan trọng vào sự phát triển các cơ quan an ninh, tình báo của Hà Nội trong kỹ năng phản gián thụ động và chủ động. Thứ nhất là tâm lý, các nhà lãnh đạo Hà Nội luôn quan tâm tới các âm mưu hoạt động của đối phương và coi việc phát hiện và vô hiệu hoá các âm mưu đó là ưu tiên hàng đầu. Thứ hai, Bắc Việt Nam dành nguồn lực đáng kể cho nhiệm vụ bảo vệ an ninh nội bộ và phản gián. Điều này phản ánh ở quy mô, đào tạo và khả năng nghề nghiệp của các cơ quan an ninh.

Yếu tố thứ ba, có tính chất đặc biệt quan trọng, có liên quan đến kinh nghiệm trong nghệ thuật lật đổ, đánh lừa đối phương, và hoạt động bí mật. Trong nhiều thập kỷ, Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong bí mật với nhiều phương thức khác nhau. Việt Cộng đã áp dụng hiệu quả các kinh nghiệm này. Vì vậy, kiến thức và kinh nghiệm trực tiếp góp phần vào khả năng chống lại các thủ đoạn tương tự. Hà Nội biết phải làm gì và áp dụng biện pháp nào để vô hiệu hoá các hoạt động đó.

CHUƠNG TRÌNH ĐÁNH LẠC HUỚNG VÀ NGHỆ THUẬT CHƠI TRÒ BA MANG

Khi Singlaub và McKnight xem xét các thiệt hại trong năm 1968, họ suy nghĩ cần phải làm gì với OP34. Phải chăng cách tốt nhất là chấm dứt chương trình, hay là tiếp tục làm như cũ? Tuy nhiên, khi nghiên cứu báo cáo của nhóm chuyên viên phản gián về chương trình gián điệp, biệt kích và sự đánh giá trước đó của Kingston, Singlaub và McKnight gặp phải rất nhiều chi tiết lạ lùng, thậm chí còn kỳ lạ. Đầu tiên, những chi tiết đó không làm họ chú ý.

Các chuyên gia phản gián khi nghiên cứu hồ sơ đã phát hiện ra Hà Nội tuyên bố đã bắt giữ một số lượng biệt kích lớn hơn nhiều so với số SOG đã tung đi. Nếu con số đó chỉ xuất hiện trên báo chí và đài phát thanh thì lãnh đạo SOG đã không để ý đến vì đó chỉ nhằm mục đích tuyên truyền. Tuy nhiên, số liệu này xuất hiện trong tài liệu nội bộ, chỉ thị, và tài liệu đặc biệt. Ví dụ, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã báo cáo trước Quốc hội tháng 3-1966 là trong năm trước đó, gián điệp đã tích cực hoạt động thu thập tin tức chính trị, kinh tế, quân sự và điệp viên của đối phương đã gây ra sự bất mãn trong dân tộc thiểu số và các tổ chức tôn giáo. Bức thông điệp có vẻ nghiêm trọng.(1)

Hà Nội dường như đang quá lo ngại về gián điệp, Singlaub nghĩ, mọi việc cuối cùng đã trở nên thú vị hơn. Càng nghiên cứu các tin tức tình báo, Singlaub càng trở nên thích thú. Ông nhận ra các cơ quan an ninh của Hà Nội tập trung nhiều thời gian và công sức rà soát mọi khu vực để tìm kiếm các toán biệt kích vốn không tồn tại. Các hoạt động tìm kiếm này không khác gì công việc "kéo lưới". Họ dò hỏi dân làng, bao vây số đối tượng nghi vấn. "Người nào bị nghi vấn ủng hộ hoạt động phản cách mạng trong quá khứ" đều bị tra hỏi.(2) Sự cảnh giác dường như đang lan rộng trong tư tưởng của các quan chức miền Bắc. Singlaub suy nghĩ, chẳng mấy chốc họ sẽ tự đánh lẫn nhau. Nếu như vậy, Singlaub lập luận, đây chưa phải lúc chấm dứt chương trình OP34 mà ngược lại. OP34 cần được tổ chức lại và mở rộng nhưng với mục đích khác. Hà Nội dễ bị mắc lừa về quy mô và mức độ họ khống chế hoạt động biệt kích của OP34. Có lẽ, có thể làm cho họ tin là có nhiều toán khác mà họ không biết vẫn đang hoạt động bên trong biên giới. Trong hệ thống thuật ngữ tình báo, đây là trò chơi ba mang. Trò chơi này không dễ dàng, nhưng đây là điểm khơi đầu. Đã đến lúc khai thác nỗi lo sợ của Hà Nội. Với mục đích đó, SOG vạch ra "Chương trình đánh lạc hướng”. Với chương trình đó đến lượt SOG giữ vai trò chủ động.

Chương trình đánh lạc hướng

Với mật danh Forae, chương trình này được tướng Westmoreland phê chuẩn bằng miệng ngày 14-3-1968. Với tính chất của chương trình, điều này không có gì lạ.

Đầu tiên, Forae bao gồm “sáu đề án", trong đó ba đề án "được chuyển cho bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG".(3) Ba đề án còn lại được giao cho OP34 và trở thành hạt nhân của trò chơi ba mang.

Forae rất đơn giản nhưng việc thực hiện rất phức tạp. Mục tiêu của Forae là làm cho Hà Nội tin rằng họ mới chỉ phát hiện ra một phần nhỏ và rằng điệp viên của đối phương đã ăn sâu bén rễ ở miền Bắc. Bản kế hoạch nhằm "thuyết phục Hà Nội là có nhiều toán gián điệp biệt kích đang hoạt động ở miền Bắc hơn con số thực tế".(4) SOG hy vọng là Forae sẽ làm cho Hà Nội tập trung lực lượng quân đội, an ninh... tăng cường kiểm soát dân chúng, tạo môi trường thuận lợi cho chiến tranh tâm lý và khai thác quấy rối hậu phương của đối phương".(5) 

Nội dung chủ yếu của Forae là hoạt động đánh lừa do Bob Kingston đề xướng. Kingston quyết định "đưa máy phát thanh vào miền Bắc qua các toán biệt kích và thả qua đường không để tiếp sóng hai chương trình phát thanh tâm lý chiến (Đài Gươm thiêng ái quốc và Đài Cờ đỏ). Những gì chúng tôi muốn là lực lượng an ninh miền Bắc sẽ truy lùng cái mà họ nghĩ là biệt kích nhưng thực tế chỉ là đài phát".(6) Hoạt động này chủ yếu dựa vào đài phát thanh. Một khía cạnh khác là gửi các bức điện yêu cầu "các toán đang hoạt động liên hệ với các toán không tồn tại. Chúng tôi chỉ thị cho toán di chuyển để liên hệ với toán giả tạo khác. Đây là mật khẩu của anh, đây là mật khẩu của họ, đây là đường đi”.(7) Đây là nỗ lực rất khiêm tốn và khó làm cho Hà Nội phải lo lắng.

Ba đề án chính của Forae

Một chương trình tham vọng như Forae đòi hỏi có hàng loạt kỹ thuật đánh lừa mới có kết quả. Chương trình phát thanh là không đủ. Nhiệm vụ triển khai các hoạt động liên quan khác trong năm 1968 được giao cho Bob McKnight. Ông có một nhóm các sĩ quan triển khai các nội dung hoạt động khác nhau của Forae. Họ tỏ ra rất sáng tạo. Những sĩ quan này và sếp của họ trở nên "hiểu biết những lo ngại về an ninh nội bộ của miền Bắc và mức độ lo ngại của họ về vấn đề này".(1) Với kiến thức này, OP34 bắt đầu tạo ra trò chơi ba mang phức tạp.

McKnight cho biết, ngoài việc lừa Hà Nội, Forae còn đánh lạc hướng đối tác của SOG, Tổng nha kỹ thuật chiến lược. Họ chỉ được biết một phần và tin rằng Forae chỉ là một phiên bản mới của hoạt động gián điệp, biệt kích của OP34. Theo McKnight, Tổng nha kỹ thuật chiến lược nghĩ rằng mọi thứ "tiếp tục được thúc đẩy. Tôi tin rằng họ không bao giờ biết những gì chúng tôi thực sự đang tiến hành”. Trò chơi ba mang không chỉ "chơi" Hà Nội mà còn cả "đối tác của chúng ta" vì SOG tin rằng cơ quan tình báo Hà Nội đã xâm nhập được vào Tổng nha kỹ thuật. Cốt lõi của Forae là ba đề án chính: Borden, Urgency, và Oodles.

Đề án Borden

Đề án Borden tuyển chọn tù binh của Bắc Việt Nam làm điệp viên cho SOG. Khi được tuyển mộ, các tù binh sẽ phục vụ mục đích của Chương trình đánh lạc hướng một cách không tự giác.

Bert Spivy, lúc bấy giờ là đại uý, đã tốt nghiệp Westpoint là "một trong mười bảy" học viên của khoá 1960, những người "thực sự tin tưởng vào quan điểm của Kenedy về nhiệm vụ của lực lượng đặc biệt". Spivy nhớ lại, "vào lúc bấy giờ, người ta bảo chúng tôi công việc đó không thuận lợi cho sự nghiệp. Tuy nhiên, tổng thống nhấn mạnh thách thức của nổi dậy cách mạng cộng sản và nhu cầu phát triển công cụ hữu hiệu để đối phó của Hoa Kỳ".(2) Đầu năm 1968, Spivy đến nhận công tác tại OP34 giúp điều hành đề án Borden.

Nhiệm vụ đầu tiên của Spivy là chọn từ số bị bắt ở các nơi giam giữ tù binh chiến tranh do quân đội Mỹ quản lý ra những người cộng tác. OP34 tránh tuyển chọn tù binh do quân đội Việt Nam Cộng hoà giam giữ. Spivy mô tả tiến trình tuyển lựa như sau: "chúng tôi xác định những người có khả năng thông qua việc trao đổi với nhân viên quản lý trại giam. Sau đó chúng tôi tiếp xúc với số đã qua sơ tuyển để xem họ có muốn trở thành điệp viên hay không".(3) 

Điều mà số tù binh được tuyển lựa không biết là những người điều hành đề án Borden không quan tâm đến việc họ tự nguyện trở thành điệp viên hay không. Thực ra, theo hồ sơ của Borden, "chúng tôi muốn số được tuyển lựa này để lộ nhiệm vụ được giao cho miền Bắc khi đầu hàng hoặc bị thẩm vấn".(4) Spivy nhấn mạnh, "chúng tôi muốn họ tin là việc tuyển lựa họ là thành thật. Hay nói cách khác, chúng tôi muốn họ tin là chúng tôi thật sự muốn họ làm việc cho chúng tôi và trở thành một bộ phận của mạng lưới gián điệp và phong trào chống đối trong lòng miền Bắc".(5) Dĩ nhiên, mối quan tâm thực sự không phải là độ tin cậy của họ mà là liệu OP34 có thể tuyển chọn họ hay không để phục vụ cho mục đích đánh lừa mà họ không hề hay biết.

Khi đã được đưa về miền Bắc, các điệp viên của Borden sẽ phục vụ mục đích của OP34 một cách không tự giác. Sếp của SOG đại tá Steve Cavanaugh, người thay thế Singlaub, giải thích "trong khi huấn luyện, chúng tôi giao cho họ những nhiệm vụ cụ thể là móc nối với toán giả tạo ở miền Bắc để lấy tin tức... Tất nhiên, chúng tôi lừa họ bởi vì chẳng có toán nào tồn tại để liên lạc. Chúng tôi dự kiến họ sẽ bị bắt và thẩm vấn, và vì chúng tôi không tin tưởng họ thực sự muốn cộng tác, tôi nghĩ họ sẽ khai ra hết. Chúng tôi muốn họ bị bắt, bị thẩm vấn để khai ra những gì chúng tôi đã nói với họ về các toán gián đỉệp-biệt kích đang hoạt động ở miền Bắc.(6) Đó mới chỉ là một phần của trò chơi đố chữ mà OP34 đang đề ra trong đề án Borden.

Sau đó là việc huấn luyện số tù binh đã được tuyển chọn. Như Spivy mô tả, đó là một công việc được kiểm soát chặt chẽ và theo kịch bản có trước. “Chúng tôi sử dụng một số biệt kích do Tổng nha kỹ thuật chiến lược tuyển chọn cùng huấn luyện chung với họ. Sự có mặt của số này sẽ cung cấp cho họ một cách không chính thức thông tin về các toán khác đã Bắc tiến hoặc sự đồn đoán về phong trào chống đối ở miền Bắc. Kiểu thông tin không chính thức này sẽ củng cố thêm các thông tin chính thức mà chúng tôi nhồi cho họ trong quá trình huấn luyện".(7) Kiểu đưa tin chính thức bao gồm việc "cung cấp cho họ đầu mối liên lạc, cách móc nối với các tổ gián điệp. Chúng tôi cũng có thể cho biết thông tin về các quan chức chính phủ tham nhũng mà chúng tôi nói rằng có được là nhờ các toán cài cắm cung cấp”.(8 )

Borden được "thiết kế để làm Bắc Việt Nam phải tiêu tốn nguồn lực quân sự để đối phó với sự xâm nhập này". SOG hy vọng rằng Hà Nội sẽ bắt đầu chiến dịch săn lùng trong hàng ngũ của mình và tạo ra "sự bất mãn và xa cách giữa binh lính và chỉ huy, kích thích sự đảo ngũ”.(9) Khi việc huấn luyện kết thúc, các điệp viên "giả hiệu" đã sẵn sàng xâm nhập về miền Bắc hoặc vùng lãnh thổ do Bắc Việt Nam kiểm soát tại Lào hoặc Campuchia. Ngay trong giai đoạn xâm nhập, các thủ đoạn đánh lừa vẫn được áp dụng. Một điệp viên của Borden được "một phần thưởng là nhảy dù trước vì đạt kết quả tốt khi huấn luyện", sau đó đến các thành viên khác. Dĩ nhiên, "anh ta không biết là khi mình vừa nhảy ra khỏi máy bay vào bóng đêm, đồng đội của anh ta cởi bỏ móc dù và ngồi xuống". Họ chính là một phần của trò chơi. Khi lực lượng an ninh miền Bắc đến tìm kiếm, họ sẽ thu được những chiếc dù "treo ở trên cây”. Những chiếc dù này không chở điệp viên mà là các cục nước đá. Khi bị phát hiện các "điệp viên này đã tan thành nước".(10) 

Thậm chí những tù binh không được tuyển chọn là điệp viên cũng có vai trò nhất định trong trò chơi. Theo hồ sơ của Borden, họ được "đưa về trại giam như bình thường để lan truyền thông tin về đề án cho những người cùng bị giam giữ để cuối cùng chuyển đến các nhà phân tích tình báo của miền Bắc".(11) 

Điều này bổ sung thêm một khía cạnh nữa cho đề án Borden nhằm vào số tù binh nói chung mà từ đó SOG tuyển chọn điệp viên. Sáng kiến này do một sĩ quan không quân trẻ đến công tác tại SOG năm 1967-1968 đề xuất. Clem Tamaraz khá xa lạ với công việc của mình. Không quân thường không tạo ra sĩ quan có sự quan tâm đến lĩnh vực phản gián và đánh lửa. Nhưng nhiều ý tưởng của Tamaraz đã trở thành nội dung hoạt động của Chương trình đánh lạc hướng.

Tamaraz nhắc lại một thủ đoạn như sau: "Tù binh không được tuyển chọn cũng vẫn được tiếp xúc với người đi tuyển theo cách làm cho họ tin rằng chúng tôi đang chào đón một điệp viên, người thường xuyên sinh hoạt cùng với họ". Thủ đoạn này được thực hiện như sau "cách chúng tôi làm là sử dụng bột bắt sáng. Chúng tôi (giả vờ tiến hành) nghiên cứu về hội chứng quá căng thẳng trong số tù binh miền Bắc. Chúng tôi có một bác sĩ quân y đến tận trại và khám từng tù binh. Viên bác sĩ sẽ đánh dấu vào trán một người nào đó thứ bột bắt sáng không nhìn thấy được bằng mắt thường. Ngày hôm sau, tôi sẽ đến phỏng vấn số tù binh đó và dùng đèn chiếu để vết đánh dấu đó hiện lên, khi đó tôi tiến đến chào hỏi vồn vã, bắt tay, ôm hôn và đưa anh ta ra chỗ khám. Số tù binh còn lại cũng nhìn thấy vết sáng hiện trên trán... và vì vậy họ biết anh ta không giống người khác".

Không cần phải thiên tài lắm để kết luận là anh ta là điệp viên. Thông tin này được củng cố bằng số bị loại ra trong quá trình huấn luyện. "Do đó, cơ quan tình báo miền Bắc có được thông tin từ số tù binh chiến tranh mà chúng tôi đã cấy người vào. Rồi họ có thông tin...rằng chúng ta đang tung người đi. Điều này tái khẳng định kết luận của họ là chúng tôi đang huấn luyện người đưa ra Bắc".(12) Cuối cùng, người tù binh bị đánh dấu bằng bột phát sáng được lựa chọn hoặc là trở thành điệp viên hoặc trở về nơi giam giữ cũ. Đó không phải là sự lựa chọn khó khăn. Và thế là OP34 có nhiều điệp viên hơn để tung ra Bắc.

Theo Spivy, mục đích đầu tiên của đề án Borden là tung đi khoảng vài trăm điệp viên một năm.(13) Trong năm 1968, hồ sơ cho thấy đề án đang được triển khai với 98 tù binh đã được tuyển lựa. 50 người trở về trại giam, 44 người được đưa ra Bắc và các vùng do Bắc Việt Nam kiểm soát. 4 người dự kiến sẽ được xâm nhập vào tháng 1-1969".(14) Đối với những người chỉ đạo Borden, 1968 được coi là năm khởi đầu tốt đẹp. Họ vạch kế hoạch làm nhiều hơn nữa trong năm 1969, tuy nhiên Washington đã can thiệp vào cuối năm 1968 và chấm dứt mọi hoạt động chống lại miền Bắc của SOG có liên quan đến việc đưa người qua giới tuyến.

Đề án Urgency

Đề án Urgency, yếu tố cốt lõi thứ hai của Forae, bao gồm hai nội dung. Nội dung thứ nhất có liên quan đến bộ đội, dân quân, cán bộ đảng miền Bắc trung kiên, không hợp tác đã bị bắt hoặc bị bắt cóc. OP34 có được tiếp cận với số này thông qua hai con đường. Thứ nhất, là qua các trại tù binh do quân đội Mỹ quản lý và là nơi đề án Borden tuyển lựa điệp viên. Thứ hai, là qua hoạt động trên biển có mật danh Plowman chuyên bắt cóc công dân miền Bắc. Khi bị bắt cóc và lựa chọn, số này được đưa ra đảo Thiên Đường, nơi họ được tuyên truyền về phong trào chống đối nguy tạo có tên Gươm thiêng ái quốc do bộ phận hoạt động tâm lý chiến của SOG chỉ đạo. Những người bị bắt giữ và tù binh chiến tranh được Urgency lựa chọn là những người không chịu hợp tác. Họ là những người cứng rắn và không thể khai thác được gì. Rõ ràng là họ không thích gì phong trào chống đối giả tạo. Nhưng đề án Urgency biết cách sử dụng họ. Theo Bob McKnight, chỉ huy trưởng của SOG năm 1968, SOG dự định biến họ thành gián điệp và đẩy trả về miền Bắc.

Đây thật là một đòn hiểm. Thứ nhất, những công cụ gián điệp được khâu vào áo của họ mà họ không biết. Đây là một công việc chuyên môn. Sau đó, theo McKnight, "chúng tôi huấn luyện họ một chút về cách lên xuống máy bay trực thăng (hoặc sử dụng dù) rồi đưa họ vào vùng nào đó nơi họ có thể đi bộ đến chỗ có dân cư không mấy khó khăn".(1) 

Những người điều hành đề án dự tính rằng lực lượng an ninh miền Bắc sẽ bắt và giam giữ họ và sau đó sẽ phát hiện ra tài liệu giấu trong người, trong đó có danh sách những điệp viên và các hoạt động gián điệp khác. Khi họ phủ nhận việc biết có các tài liệu này, nhiều khả năng là tiến trình thẩm vấn trở nên tồi tệ. Họ càng giải thích thì càng phải chịu đựng các biện pháp xét hỏi khắc nghiệt hơn.

Nội dung thứ hai liên quan đến số bị giữ trên đảo Thiên Đường, nhưng người muốn hợp tác, hay ít nhất là tỏ ra như vậy. Dù thái độ thật thế nào, họ đều được những người điều hành Urgency quan tâm. Những người này có thể là điệp viên thật hoặc giả. Trong phần lớn các trường hợp điều đó không quan trọng vì Urgency về cơ bản là hoạt động đánh lừa. Tuy nhiên, trong quá trình tuyên truyền, một số ít điệp viên được tuyển chọn và huấn luyện sơ bộ, sau đó tung về miền Bắc chờ liên lạc sau. Trên thực tế, OP34 đã thực hiện một chương trình tương tự với một số ít được lựa chọn tại đảo Thiên Đường năm 1967. Theo hồ sơ, "ý tưởng hoạt động là sử dụng hai người bị bắt cóc để thu thập tình báo ở nơi họ cư trú”. Hai điệp viên, mật danh Goldfish và Pergola, được đưa ra Bắc tháng 9-1967, sau đó không ai nhận được tin gì của họ.(2) Tuy nhiên, mục đích chính trong nội dung này của Urgency là biến người bị bắt giữ thành điệp viên giả với mục đích duy nhất là khai báo hết với cơ quan ninh miền Bắc khi bị xét hỏi.

Mục tiêu ở đây không phải thu thập tin tình báo mà đánh lừa. Họ được huấn luyện tương tự như số được chọn cho đề án Borden. Trên thực tế, theo Bert Spivy, "tôi đến đảo Thiên Đường và có thể quan sát được hoạt động của ngư dân. Mục đích của tôi là học các kỹ thuật khác nhau vì tôi thực hiện một nhiệm vụ tương tự đối với tù binh chiến tranh".(3) Những gì mà ông học được là Urgency đang điều hành một công việc hoàn toàn theo kịch bản, trong đó những người bị bắt đều có vai và được nhận những thông tin giả về các điệp viên và mạng lưới khác. Quá trình huấn luyện tỷ mỉ đó kết thúc bằng buổi lễ đặc biệt trong đó các "điệp viên" được kết nạp vào hội anh em bí mật. Ngay sau đó điệp viên đó được đưa ra Bắc.

Cũng như Borden, Urgency mới bắt đầu triển khai thì cuối 1968, Washington đình chỉ mọi hoạt động bên kia giới tuyến của miền Bắc.

Đề án Oodles

Thành tố chủ yếu thứ ba của Forae là đề án Oodles. Đó là một hoạt động đánh lừa bằng điện đài phức tạp được cụ thể hoá trên cơ sở nỗ lực của Kingston. Theo hồ sơ của SOG, đề án Oodles được "thiết kế nhằm tạo ra hình ảnh về một mạng lưới điệp viên hiệu quả, rộng rãi trong một số vùng ở miền Bắc. Với mục đích đó, mười bốn toán "ma" được dựng lên".(4) Chúng có mục đích tạo thành một mạng lưới phức tạp hơn song song với số mà người Bắc Việt Narn đã phát hiện và khống chế sử dụng chống lại SOG. Đây là một thủ đoạn tinh vi do Dave Thoemen, một nhân viên CIA vạch ra.

Để làm cho đề án Oodles có vẻ đáng tin tưởng, các bức điện giả được gửi từ OP34 cho từng toán biệt kích ma. Những bức điện đó bao gồm hướng dẫn hoạt động, mục tiêu thu thập tình báo, tiếp tế, hoạt động của các toán khác và các toán bổ sung. Thêm vào đó, toán viên còn nhận được điện từ gia đình, nhất là trong các ngày nghỉ quan trọng. Ví dụ, nhân dịp sinh nhật, một toán viên nhận được điện từ cha mẹ, vợ và con. Nhân dịp ngày cưới, có điện rất riêng tư của vợ, nhắc lại những kỷ niệm đẹp trong quá khứ.

Các kiện hàng tiếp tế cũng được thả dù xuống khu vực mà toán biệt kích ma đang hoạt động. Tất nhiên những gì mà cơ quan an ninh miền Bắc tìm thấy chỉ là phần vỏ, không có hàng. Ấn tượng mà OP34 muốn tạo ra là các cơ quan an ninh miền Bắc đã đến quá chậm: toán biệt kích đã có mặt ở đó và lấy đi một kiện hàng. Theo hồ sơ của đề án, "để tăng thêm độ tin cậy, sự có mặt của con người được thể hiện bằng những chiếc dù buộc nước đá để khi đá tan dù vẫn còn treo trên cây".(5) Ở đây bức thông điệp cho công an hoặc ai đó tìm thấy dù là : bạn đến chậm quá, họ đã đi xa rồi.

Một thủ đoạn khác, điệp viên giả được tung đi từ hai đề án Borden và Urgency đều tin là khi chạm đất họ sẽ được các thành viên của các toán biệt kích "ma" đón. Trong khi số điệp viên giả này thực sự tin là họ sẽ được gặp các toán có từ trước, mục tiêu của OP34 đơn giản chỉ là tạo ra thêm chứng cứ cho thấy các toán ma là có thật.

Cuối cùng, các điện đài của các toán ngụy tạo được thả xuống miền Bắc. Điều này khép kín vòng tròn liên lạc. Các bức điện được gửi đi và được trả lời. Ngoài ra, các thiết bị sát thương được thả xuống miền Bắc để buộc lực lượng an ninh phải hành động. Ở đây mục tiêu là làm cho đối phương truy tìm thiết bị chứ không phải người sử dụng thiết bị đó.

Cũng như Borden và Urgency, các hoạt động của đề án Oodles có liên quan đến đưa người qua biên giới miền Bắc như các chuyến tiếp tế giả và thả điện đài bị ngừng lại cuối năm 1968. Oodles được tiếp tục trong năm 1969 nhưng chỉ giới hạn trong việc gửi điện cho mười bốn toán “ma" mà thôi. Trung bình mỗi tuần có hai bức điện được gửi đi.

Các đề án hỗ trợ Forae khác

Trong khi Borden, Urgency và Oodles là ba hoạt động chủ yếu của Chương trình đánh lạc hướng của OP34, các chương trình khác do SOG điều hành có vai trò hỗ trợ nhằm làm cho Hà Nội tin rằng họ đang có vấn đề an ninh nghiêm trọng. Một trong chương trình đó là "Chương trình biệt kích thám sát đường và mục tiêu ngắn hạn", viết tắt là Strata, có nhiệm vụ phụ là củng cố thêm Forae thông qua hoạt động của mình.

Tháng 5-1967, Bộ tư lệnh Thái Bình Dương điện phê chuẩn đề án Strata. Hai toán Strata đầu tiên được xâm nhập vào miền Bắc cuối năm đó. Địa bàn hoạt động của hai toán này là phía nam vĩ tuyến 20, khoảng 150 dặm phía trên khu phi quân sự, nơi họ thu thập thông tin về mạng lưới đường giao thông nối với đường mòn Hồ Chí Minh tại Lào. Trong khi các toán dài hạn được chuyển sang nhiệm vụ thu tin tình báo tương tự từ năm 1966, rất ít toán còn tồn tại và cũng không làm được gì nhiều. Vì vậy, "người ta cho rằng việc nhấn mạnh thời gian ngắn và cơ động của các toán Strata trong huấn luyện sẽ giúp họ tồn tại và đưa về thành công".(1)

Các toán Strata bao gồm từ "5-15 toán viên là người địa phương được chuyên chở bằng máy bay trực thăng của không quân Mỹ hoặc không quân Nam Việt Nam... Mỗi một công vụ kéo dài khoảng 15-30 ngày”.(2) Trong năm 1968, tất cả 28 toán được tung ra Bắc. Thiếu tá Gaspard, người giám sát việc thi hành đề án này, kể lại rằng nhiệm vụ của các toán Strata là "quan sát đường và thám báo... trinh sát đường lớn, đường mòn, hoặc các mục tiêu khác và tìm ra địa điểm tập kết rút về Nam. Đó là nhiệm vụ rất khó khăn vì địa hình ở đó rất hiểm trở. Tôi không nghĩ là nó dễ dàng chút nào".(3)

Gaspard là một sĩ quan giàu kinh nghiệm của Lực lượng đặc biệt, người đã từng chỉ huy các toán thám báo hoạt động ở bên kia giới tuyến ở Bắc Triều Tiên. Ông "chỉ huy một đơn vị phối thuộc có tên "Văn phòng liên lạc chiến thuật" hay TLO, thường bao gồm một trung uý hoặc đại uý, ba hoặc bốn nhân viên điều hành và khoảng 30-40 thám báo người Triều Tiên. Khi tiểu đoàn bộ binh ra chiến trường, đội TLO cùng đi và tiến hành tuần tra, thực hiện các nhiệm vụ trinh sát... Tôi đã chỉ huy 97 phi vụ qua khu phi quân sự xâm nhập vào Bắc Triều Tiên và được đánh giá khá cao về các hoạt động này".(4) Sau đó, vào giữa những năm 1960, Gaspard trở lại Triều Tiên, lần này là để "triển khai chương trình chống xâm nhập". Lúc này Bắc Triều Tiên đang tiến hành đưa một số lượng đáng kể lực lượng đặc biệt vào miền Nam. Trên cơ sở những kinh nghiệm này, Gaspard dường như rất thích hợp với vị trí lãnh đạo Strata.

Các toán Strata được giao thêm một số nhiệm vụ phụ như cài mìn, bắt cóc tù binh, rải tài liệu tâm lý chiến. Nhưng hồ sơ của chương trình cho thấy kết quả thực hiện các nhiệm vụ này của các toán Strata là rất hạn chế. Các toán viên cho biết rất ít khi họ tiếp cận gần đường để có thể nhìn thấy xe tải hoặc phát hiện ra mục tiêu không kích đáng giá. Các toán Strata cũng không bắt cóc được tù binh và chỉ gài được một số mìn ít ỏi. Tuy nhiên, họ đã rải nhiều tài liệu tâm lý chiến trong các khu vực họ được xâm nhập. Những tài liệu này liên quan tới hoạt động chống đối giả tạo phong trào "Gươm thiêng ái quốc". Thông thường các tài liệu đó nói xấu cán bộ địa phương trong vùng. Ý là, theo Gaspard, "hoặc hạ bệ người cán bộ đó hoặc làm cho an ninh miền Bắc tin là phong trào chống đối là có thật và đang hoạt động tại khu vực đó".(5) 

Với tình hình như vậy, lợi ích của các toán Strata là gì? Gaspard có cách đánh giá rất riêng "cách đánh giá của tôi là nếu bạn chỉ huy chương trình, và nhiệm vụ của bạn là tung họ đi thì chúng tôi đã thực hiện được điều đó. Nếu họ làm được điều gì hơn thế, theo tôi, đó là việc phụ. Tôi biết cách nhìn này có vẻ ngược đời nhưng tôi phải đánh giá hoạt động đó".(6) Thế thì hoạt động này có tác động thế nào đối với Hà Nội? Gaspard tin là nó cho Hà Nội biết "chúng ta muốn đến lúc nào thì đến, muốn rải truyền đơn và cắm cờ lúc nào cũng được".(7)

Trong khi các toán Strata không hoàn thành nhiệm vụ như dự kiến, sự thật là họ xâm nhập miền Bắc 24 lần trong năm 1968 rõ ràng làm tăng thêm hiệu quả của Chương trình đánh lạc hướng, như ý kiến của Gaspard. Trong thực tế, đó là một chứng cứ thực sự về hoạt động gián điệp, biệt kích như Hà Nội thường vẫn gọi. Cũng như đối với các hoạt động khác của SOG có liên quan đến việc đưa người thâm nhập miền Bắc, chương trình Strata bị kết thúc một cách đột ngột vào cuối năm 1968. Trong năm 1969, Strata tập trung vào Lào và Campuchia đồng thời quay trở lại nhiệm vụ thu thập tình báo.

Forae không chỉ có như vậy. Bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG đã triển khai ba đề án khác. Một là đề án Uranolite, "tung các thiết bị quấy phá và bóng gió ám chỉ có điệp viên vào miền Bắc để buộc lực lượng an ninh phải tập trung lực lượng truy tìm và tìm hiểu thiết bị, phát hiện điệp viên, và mở rộng phạm vi hoạt động". Những thiết bị này được chở bằng máy bay rồi thả xuống một số khu vực nhất định. Ví dụ như các hộp chứa phương tiện đặc trưng của hoạt động gián điệp (đèn pin tiết kiệm năng lượng, máy dự báo thời tiết hoặc thuốc nổ, máy thu thanh rẻ tiền, hoặc thiết bị chẳng có mục đích gì ngoài việc buộc họ mất thời gian nghiên cứu)". Đề án này "đã sẵn sàng khởi động khi Washington ra lệnh ngừng ném bom năm 1968 đồng thời chấm dứt mọi hoạt động như vậy chống lại miền Bắc".(8 )

Tiếp theo là đề án Pollak, “vu cáo cho một số quan chức miền Bắc là gián điệp nhằm mục đích để an ninh miền Bắc tập trung lực lượng bắt giữ, xét hỏi, và điều tra những người và cơ quan hoàn toàn vô tội". Mục đích này được thực hiện thông qua thư trong đó sử dụng mực bí mật dễ bị phát hiện". Những lá thư này được gửi qua đầu mối hai mang ở miền Nam hoặc qua số điệp viên "giả" được tung ra Bắc. Thuật ngữ tình báo gọi đó là những lá thư "đen". Đề án này được triển khai năm 1968.

Đề án Sanitaries "nhằm mở rộng hoạt động của "Gươm thiêng ái quốc" thông qua việc sử dụng các tờ rơi có phiếu thưởng… được thiết kế để làm cho cơ quan an ninh Hà Nội tin là hoạt động của Gươm thiêng ái quốc là rộng lớn, có sự ủng hộ rộng rãi và để khuyến khích nhân dân giấu các tờ rơi đó để lĩnh thưởng”. Đề án này cũng bị dừng lại tháng 11 1968.(9) 

Phong trào Gươm thiêng ái quốc, thành lập năm 1965 , cũng góp phần vào Chương trình đánh lạc hướng. Hai nội dung hoạt động chủ yếu của nó có liên quan và hỗ trợ trực tiếp cho trò chơi ba mang của OP34.

Cuối cùng, OP39 gửi một số lượng lớn thư giả cho cán bộ và công dân miền Bắc. Một số thư nhằm tạo ra sự nghi ngờ hoạt động gián điệp đối với người nhận hoặc “biến" họ thành gián điệp. Một thủ thuật nhỏ nữa là gắn những thông tin trong thư với thông tin giả về gián điệp và biệt kích mà đề án Borden và Urgency tung ra.

CHẤM DỨT HOẠT ĐỘNG

Cuối cùng thì OP34 cũng đi đúng hướng, và vào mùa thu 1968, Chương trình đánh lạc hướng đang được triền khai. Sếp của OP34 và một số ít sĩ quan tỏ ra có đầu óc sáng tạo trong việc kiến tạo một hệ thống ba mang phức tạp. Đó là một nỗ lực thật sự nghiêm chỉnh nhằm vớt vát từ thất bại trước đó. OP34 đã trở lại trò chơi nhưng với vai trò người đi lừa chứ không phải bị lừa.

Những dấu hiệu ban đầu cho thấy Chương trình đánh lạc hướng đã làm cho Hà Nội chú ý. Báo chí và đài phát thanh trong năm 1968 hé lộ cho thấy nỗi lo ngại về gián điệp biệt kích, và lật đổ. Đó là sự thay đổi lớn so với năm trước đó. Các bài báo và bình luận trên đài phát thanh trở nên báo động nhiều hơn. Ngay cả trong giai đoạn hình thành, Chương trình đánh lạc hướng rõ ràng đã tạo ra kết quả như mong muốn. Hà Nội cảm thấy độ nóng và ngày càng trở nên nhậy cảm đối với nguy cơ lật đổ.

Đúng lúc đó một bức điện được gửi tới. Tháng 11-1968, SOG nhận được một thông báo khẩn của Washington. Bản thông báo yêu cầu chấm dứt tất cả hoạt động biên kia giới tuyến. Đối với Chương trình đánh lạc hướng, điều này đồng nghĩa với việc đóng cửa toàn bộ chương trình mới vừa được triển khai. Tại sao điều đó lại xảy ra? Đại tá Cavanaugh, chỉ huy trưởng của SOG tự hỏi. Ông nhớ lại: "Không lâu sau khi tôi có mặt tại đó, Washington cho gọi tôi và hỏi: Anh có toán nào đang hoạt động bên trên giới tuyến không? Tôi có ba toán, và họ nói "Anh phải đưa họ về ngay lập tức, chúng ta chuẩn bị ngừng ném bom và tuyên bố chúng ta không có hoạt động gì bên trên giới tuyến. Tôi nhớ kỹ bởi vì mệnh lệnh này gây ra sự kinh hoàng do không thể có cách nào đưa họ về ngay được. Vì thế, đó là lần cuối cùng chúng tôi đưa người ra Bắc".1 

Chương trình đánh lạc hướng đã trở thành nạn nhân của việc xem xét lại chính sách sau Tết Mậu Thân của tổng thống Johnson. Vào cuối tháng Giêng, Việt Cộng phát động cuộc tấn công trên toàn quốc làm Washington chết điếng. Ngoài việc tấn công 36 trong tổng số 44 tỉnh lỵ và 5 thành phố lớn nhất ở miền Nam, Việt Cộng còn tập kích vào toà Đại sứ Mỹ, dinh tổng thống và tổng hành dinh quân đội Việt Nam Cộng hoà ở Sài Gòn. Mặc dù sau đó Việt Cộng chịu tổn thất và mất quyền kiểm soát các khu vực đánh chiếm được, cuộc tổng tấn công là một cú sốc chiến lược đối với chính quyền Johnson. Nó xé tan những đánh giá lạc quan từ năm 1967 của Lầu Năm Góc là tình hình đang được cải thiện và dự báo chiến tranh sắp kết thúc. Tết Mậu Thân làm Johnson mất hết nhuệ khí.

Ngày 31-3-1968, Johnson thông báo với toàn quốc rằng ông đã đơn phương ra lệnh ngừng ném bom miền Bắc, trừ vùng tiếp giáp với khu phi quân sự, nơi sự tập trung của quân đội miền Bắc đe doạ trực tiếp căn cứ của Mỹ và quân đội Sài Gòn, và rằng ông sẽ không ra tranh cử tổng thống. Cuộc tấn công Tết Mậu Thân thay đổi sâu sắc chính sách của Hoa Kỳ đối với Việt Nam. Mục tiêu lúc này là thoát ra khỏi chứ không phải đánh thắng cuộc chiến tranh.

Người ta hy vọng việc ngừng ném bom sẽ là một cử chỉ thiện chí phát đi tín hiệu cho thấy nguyện vọng muốn đàm phán nghiêm chỉnh của chính quyền, một sáng kiến hoà bình mới. Đó là sự thay đổi sâu sắc. Miền Bắc, sau khi tiến hành đánh giá cuộc tổng tấn công, tuyên bố sẵn sàng bắt đầu đàm phán.

Sau một tháng tranh luận về địa điểm, cuối cùng Hà Nội và Washington đồng ý gặp ở Paris và cuộc đàm phán bắt đầu ngày 13-5-1968. Ngay sau khi có mặt, các nhà đàm phán miền Bắc đã nhanh chóng nêu điều kiện của đàm phán. Những điều kiện này gần như đồng nghĩa với việc đòi Washington đầu hàng. Đối với đoàn đàm phán của Mỹ do Averall Harriman dẫn đầu, đó là tình huống khó khăn và chán ngán. Hà Nội yêu cầu cuộc đàm phán chỉ có thể tiến triển với "sự chấm dứt vô điều kiện các cuộc không kích của Mỹ và các hành động chiến tranh khác" chống lại miền Bắc. Hay nói cách khác, kết thúc SOG. Hà Nội bác bỏ đề nghị có đi có lại của Mỹ vì nó có thể phương hại đến khả năng hỗ trợ chiến tranh ở miền Nam. Họ sẽ không bỏ Việt Cộng và cũng không rút quân đội ra khỏi miền Nam. Hà Nội cũng từ chối không công nhận chính phủ Nam Việt Nam và Mỹ cũng làm như vậy đối với Việt Cộng.

Vào tháng 7, Johnson thấy thế là quá đủ. Ông ra lệnh B52 tái ném bom phía bắc khu phi quân sự. Tuy nhiên, Hà Nội không chấp nhận nguyên tắc có đi có lại và Harriman không làm gì để lay chuyển được lập trường đó. Vào đầu mùa thu, Harriman thuyết phục được Johnson đồng ý chấm dứt ném bom lần nữa nếu muốn có được nhượng bộ của miền Bắc Việt Nam. Cuối cùng "Cá sấu đã có được một "hiểu biết". Khó có thể nói đó là nhượng bộ. Harriman không thể ép Việt Nam chấp nhận nguyên tắc có đi có lại và nói với đoàn đàm phán Bắc Việt Nam là Hoa Kỳ có thể chấp nhận ngừng ném bom mà không cần có đòi hỏi gì nhiều. Harriman nói Hà Nội cần chấm dứt pháo kích và bắn rốc két vào các thành phố lớn và giảm số bộ đội tăng cường cho miền Nam qua khu phi quân sự. Hà Nội từ chối không chịu có cam kết chính thức, nhưng Harriman tin rằng họ đã "nháy mắt và gật đầu” đồng ý với ông.

Đó là tất cả những gì Harriman thu được. Thậm chí Hà Nội không phải thừa nhận họ có quân đội ở miền Nam chứ đừng nói đến việc rút quân. Đồng thời, miền Bắc không đưa ra một chỉ thị nào chấm dứt hoạt động của Việt Cộng. Đó là một thoả thuận theo kiểu Lào năm 1962 cũng do Harriman đàm phán. Ngày 31-11, Johnson tuyên bố, trên cơ sở "tiến bộ" ở Paris, mọi cuộc không kích ở miền Bắc sẽ chấm dứt. Tuy nhiên, theo một tài liệu đã được giải mật, chính quyền còn đồng ý chấm dứt mọi hoạt động ngầm liên quan đến việc đưa người qua giới tuyến, bất kể qua đường không, đường bộ hay đường biển. Theo một báo cáo tuyệt mật năm 1970, trong giai đoạn đầu của cuộc đàm phán hoà bình tại Paris, đại diện Hà Nội nêu đề nghị “giá cho hoà bình", trong đó có "đòi hỏi thể hiện sự phản ứng của miền Bắc đối với hoạt động của chương trình Footboy (mật danh của toàn bộ hoạt động ngầm chống Hà Nội)".2

Nếu SOG không biết Chương trình đánh lạc hướng có tác động như thế nào đối với Hà Nội thì đây là một chứng cứ tích cực. SOG chỉ tự hỏi tại sao Johnson lại chấp nhận đòi hỏi chấm dứt chiến tranh bí mật của miền Bắc.

Đối với nhân viên trong OP34, quyết định đó thật vô lý. Tại sao chúng ta phải nhượng bộ mọi thứ trước khi đàm phán? Tại sao phải chấm dứt hoạt động có thể là một con bài quý giá một khi cuộc đàm phán bắt đầu? Chỉ cần bác bỏ việc dính líu vào SOG và kệ họ. Đó là cách nhìn của nhân viên OP34.

Theo nhân viên của SOG, không cần thiết phải làm cho hoạt động ngầm phù hợp với chính sách công khai. Nhưng các nhà vạch chính sách cấp cao lại theo đuổi những tính toán khác phát sinh sau cơn sốt tổng tấn công năm 1968. Thêm nữa, cuộc bầu cử tổng thống 1968 cũng tác động đến quyết định chấp nhận đòi hỏi của Hà Nội. Theo một nghiên cứu sâu sắc và đầy đủ về những sự kiện này, Harriman, Cyrus Vance, và Clark Clifford "tất cả đều sợ rằng nếu không làm một điều gì đó thật ấn tượng, chiến dịch tranh cử của Hubert Humphrey sẽ sụp đổ và Richard Nixon sẽ thắng cử. Họ đã thuyết phục được Johnson, người trước đó còn "e ngại bị kết tội dùng thủ đoạn chính trị rẻ tiền" nếu chấp nhận đề nghị "giá của hoà bình" của Hà Nội, nghe theo.

Đối với OP34 và Chương trình đánh lạc hướng, cuộc tấn công hoà bình của chính quyền Johnson có nghĩa chấm dứt hoạt động ở miền Bắc. Hoạt động ngầm bị bãi bỏ. Trò chơi ba mang bị đình lại.

Cuối năm 1995, Hoa Kỳ biết là Hà Nội vẫn rút ra bài học từ “kinh nghiệm đấu tranh chống gián điệp biệt kích trong thời gian chiến tranh”. Về mặt chính thức, Bộ Nội vụ cho rằng "những bài học đấu tranh chống vụ xâm nhập đầu tiên đã dần được biến thành quy trình nghiệp vụ chung dẫn đến chiến thắng liên tiếp trong đấu tranh chống xâm nhập".3

CHƯƠNG BỐN

LÀM CHO HỌ PHÁT ĐIÊN BẰNG CHIẾN TRANH TÂM LÝ

Vào cuối năm 1962, khi sắp kết thúc nhiệm kỳ tại Sài Gòn, Bill Colby kết luận là hoạt động chống miền Bắc của CIA đã đổ vỡ. Nhất là các toán biệt kích không hề mang lại kết quả.

Colby trở về Washington lãnh đạo Phòng Viễn Đông trong Cục kế hoạch, cơ quan chịu trách nhiệm về tất cả các hoạt động bí mật của CIA. Một trong những hành động đầu tiên của ông là yêu cầu nhân viên đánh giá hoạt động ở miền Bắc của Trung tâm Sài Gòn. Bản báo cáo của họ khẳng định những gì Colby đã lường trước. Sau này Colby nhớ lại là "Viên phó của tôi nói với tôi như sau: "Đây hãy nhìn xem, nó (việc tung gián điệp ra miền Bắc) thật là vớ vẩn". Anh ta còn nhắc lại kinh nghiệm ở Triều Tiên, ở Liên Xô trong những năm cuối 1940, ở Trung Quốc đầu 1950 và không một hoạt động nào trong số đó thành công". Bản báo cáo nói một cách thẳng thắn là những "kiểu hoạt động biệt kích này ở miền Bắc sẽ không mang lại kết quả".1

Điều đó đặt ra một câu hỏi hắc búa cho Colby. Rõ rành là hoạt động của CIA chống Hà Nội không đi tới đâu, nhưng, theo Colby, tổng thống Kenedy tiếp tục yêu cầu ông "gia tăng sự mất an ninh ở miền Bắc tương xứng với độ mất an ninh họ đang gây ra ở miền Nam".2 Liệu có điều gì nữa mà CIA có thể làm không? Theo Colby câu trả lời là chiến tranh tâm lý. Ông tin là chế độ cộng sản thường hoang tưởng, nếu bạn có thể tạo ra tâm lý đó, "thì sẽ làm họ phát điên".3 Khi còn là trạm trưởng ở Sài Gòn, ông đã khởi xướng một chương trình tâm lý chiến chống Hà Nội có quy mô nhỏ. Giờ đây, Colby muốn mở rộng nó. Có thể câu trả lời chưa hẳn đã đúng, nhưng đó là tất cả những gì ông nghĩ ra.

Thật ra, những gì Colby đề nghị là lôgíc. Ông muốn khoét sâu vào nỗi ám ảnh của Hà Nội về gián điệp để khai thác sự lo sợ quá mức về lật đổ và bạo loạn. Trong thực tế, hoạt động chiến tranh tâm lý không có gì thần kỳ, trái hẳn với những người nhiệt tình ủng hộ hình dung. Đó là một công cụ trong quan hệ giữa các quốc gia và là một phần trong "túi thủ đoạn" của CIA trong chiến tranh lạnh.

Trong khi chiến dịch tâm lý chiến bí mật không có gì thần kỳ, việc thực hiện nó lại rất phức tạp. Nó kéo theo việc sử dụng có kế hoạch việc tuyên truyền (như đài phát thanh, tờ bướm, các tài liệu ở dạng in ấn) và các kỹ thuật tâm lý khác (như tổ chức giả hiệu, tưởng tượng) để tác động ảnh hưởng đến quan điểm, tình cảm, thái độ, động cơ và hành vi của giới lãnh đạo và dân chúng ở quốc gia thù địch. Chiến dịch chiến tranh tâm lý rất phức tạp và đòi hỏi nhiều công sức.

Năm 1948, cựu nhân viên của OSS, Frank Wisner được giao phụ trách hoạt động ngầm. Cơ quan do ông lãnh đạo có tên Văn phòng phối hợp chính sách được đặt ở CIA nhưng hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Hội đồng an ninh quốc gia. Ông biết hoạt động ngầm là một công việc rắc rối, dù là tập trung vào khía cạnh chính trị, tâm lý, bán quân sự hoặc kinh tế. Wisner cho rằng tất cả các hoạt động như vậy cần phải do một cơ quan có quyền lực rộng rãi "có thể chơi bài quân sự và ngoại giao; có thể tổ chức hoạt động, kiểm soát báo chí, tác động dư luận".4 Hình ảnh này cho thấy tính phức tạp trong tất cả hoạt động ngầm, đặc biệt là chiến tranh tâm lý.

Để thành công, hoạt động chiến tranh tâm lý cần phải được quản lý như là một chiến dịch phức tạp gắn kết hàng loạt các biện pháp. Nhưng đó mới chỉ là những điều mà Colby có trong đầu về hoạt động chống miền Bắc khi ông chọn Weisshart làm phó trưởng trung tâm CIA ở Sài Gòn phụ trách bộ phận hoạt động chống miền Bắc năm 1963. Weisshart nhanh chóng nhận ra chiến dịch tâm lý chống Hà Nội có quy mô không lớn. Bản hướng dẫn của Colby nói rõ: một hoạt động có quy mô nhỏ là đủ.

Weisshart đến Sài Gòn tháng 3- 1963 để triển khai chương trình chiến tranh tâm lý. Ông nhớ lại rằng mình gần như phải bắt đầu từ con số không: "không có hoạt động chiến tranh tâm lý đáng kể nào chống lại miền Bắc vào lúc bấy giờ".5 Weisshart đã tiến hành hoạt động tương tự ở Đông bắc Á và dựa chủ yếu vào những kinh nghiệm đó. Ông không có sự lựa chọn nào khác vì ông biết rất ít về Việt Nam.

Mục tiêu của chiến tranh tâm lý này là gì? Theo Weisshart, "chỉ có một mục tiêu duy nhất: đó là thử xem chúng ta có thể làm gì để buộc miền Bắc phải san sẻ bớt nguồn lực và làm cho họ lo lắng về những gì chúng ta đang làm ở sân sau của họ. Bạn không thể trông đợi nhiều hơn".6

Tuy nhiên, Weisshart phải làm việc và bắt đầu triển khai chương trình chiến tranh tâm lý. Nó bao gồm việc tăng cường chương trình phát thanh từ các đài phát bí mật vào miền Bắc, tăng số truyền đơn và hàng tâm lý chiến qua đường không, đường biển, và tạo ra một tổ chức chống đối giả được gọi là Gươm thiêng ái quốc (SSPL). Trong quá trình làm việc, Weisshart biết được việc Washington trở nên kém nhẫn nại với nỗ lực của CIA và đã quyết định chuyển giao hoạt động ngầm cho Lầu Năm Góc. Đã đến lúc hun nóng Hà Nội, và như ông nhớ lại, quan điểm của các nhà vạch chính sách là "quân đội có tiền, nhân lực và vật lực để làm điều đó".7 

Khi việc bàn giao được tiến hành năm 1963, Herb Weisshart không chỉ chuẩn bị cho OPLAN 34A mà còn biết là mình và một số đồng nghiệp CIA khác được cử sang SOG làm việc dưới sự chỉ đạo của một đại tá có tên Clyde Russell. Với quy mô tham vọng của Kế hoạch 34A, Weisshart hy vọng mình có cơ hội để mở rộng chương trình chiến tranh tâm lý.

KHỞI ĐẦU: CHƯƠNG TRÌNH CHIẾN TRANH TÂM LÝ CỦA SOG

Đại tá Russell, chỉ huy đầu tiên của SOG, gặp bốn thách thức trong việc điều hành tổ chức non trẻ của bộ phận chiến tranh tâm lý: tìm được đúng người thành lập phòng hoạt động của bộ phận chiến tranh tâm lý, vạch kế hoạch hoạt động, và tiến hành hoạt động. Hơn nữa, ông phải hoàn thành công việc trên gần như cùng một lúc. Đó là nhiệm vụ quá nặng nề.

Vấn đề đầu tiên trong chương trình nghị sự là nhân sự. Weisshart chuyển sang giữ chức phó chỉ huy SOG vào lúc Russell đến Sài Gòn tháng 1-1964. Ông là một nhân viên CIA cao cấp trong số ít các chuyên gia chiến tranh tâm lý của cơ quan này. Russell yêu cầu Weisshart chờ đón một nhóm lớn các chuyên gia tâm lý chiến của quân đội. Mọi thứ xem ra đầy hứa hẹn. Sếp của SOG nói như vậy vì Trung tâm chiến tranh đặc biệt ở Fort Bragg có một bộ phận chuyên về hoạt động chiến tranh tâm lý và do vậy các sĩ quan được cử đến SOG sẽ nắm được công việc. Ít nhất họ đã được nghe giảng và huấn luyện các phương pháp tâm lý chiến tại Bragg. Ông hy vọng thậm chí một số đã thực sự trải qua công việc trên chiến trường. Khi đoàn sĩ quan đến, Russell nhận được thứ khác hẳn. Weisshart nhớ lại là họ phần lớn là các đại uý trẻ không có kinh nghiệm hoạt động chống lại địa bàn bị từ chối. Hy vọng của Russell thế là bị sụp đổ.

Tuy nhiên, việc thiếu kinh nghiệm chỉ là một phần của vấn đề. Trong khi những sĩ quan trẻ đã trải qua khoá học về hoạt động tâm lý chiến tại Fort Bragg, Russell phát hiện ra nội dung khóa học hầu như không đụng chạm tới dạng hoạt động cụ thể mà Weisshart muốn triển khai và mở rộng chống lại Hà Nội. John Harrell, một trong số đại uý đó. Trước khi đến SOG, Harrell đã công tác ba năm rưỡi ở Trung tâm Chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg. Harrell theo học khoá huấn luyện sĩ quan hoạt động tâm lý chiến và các khoá học khác liên quan đến các khía cạnh khác nhau của tuyên truyền. Harell cũng đã được cử đến nhiều đơn vị chuyên về nhiệm vụ tâm lý chiến. Mặc dầu vậy Harrell không được chuẩn bị cho dạng hoạt động mà ông tham gia trong nhiệm kỳ ở SOG. Trên thực tế, Harrell "không biết rằng đó là nhiệm vụ tâm lý chiến cho đến khi đến Sài Gòn tháng 1-1964".1

Đó lại là vấn đề nhân sự mà Russell đang gặp phải ở SOG. Sự chuyên môn hoá mà ông yêu cầu cho hoạt động chiến tranh tâm lý không tồn tại trong cộng đồng chiến tranh đặc biệt, trái ngược hẳn với những suy nghĩ của các nhà vạch chính sách ở Washington. Kiến thức vạch kế hoạch và thực hiện hoạt động tâm lý chiến chống lại địa bàn bị từ chối không thể tìm thấy trong quân đội Mỹ. Một đại uý trẻ khác cùng đến nhận công tác ở SOG năm 1964 là John Hardaway nhận xét: “với tất cả những gì tôi biết, quân đội không có kinh nghiệm thực tiễn để rút ra bài học. Tôi đã công tác tâm lý chiến trong tám năm đầu tiên ở lục quân. Thực ra, khi kết thúc tôi đã là một trong những cựu chiến binh. Chúng tôi chỉ không có chuyên gia về tâm lý chiến và chúng tôi không có nhiều kinh nghiệm. Những người giảng dạy chúng tôi ở Fort Bragg chỉ ở cấp đại uý và họ không phải là những người dày dạn trong hoạt động tâm lý".2 

Những sĩ quan trẻ này còn thiếu cả hiểu biết về miền Bắc. Chiến tranh tâm lý đòi hỏi sự hiểu biết kỹ lưỡng về mục tiêu trên mọi phương diện chính trị, xã hội, tổ chức,và lịch sử. Khi được hỏi liệu ông và đồng nghiệp có hiểu biết về điểm áp lực tâm lý ở miền Bắc hay không, Hardaway trả lời "tôi không nghĩ vậy”. Những gì mà SOG cần là những cá nhân có thể "nói được ngôn ngữ, được học về đối tượng tác động, về văn hoá, nhưng trên thực tế, họ khác hẳn".3 

Có lẽ điều tồi tệ hơn là những sĩ quan này chỉ đến công tác tại SOG trong thời gian ngắn và tạm thời vì Russell gặp phải rắc rối trong việc xin phê duyệt những nhân viên cần thiết, mà thông thường thời hạn công tác là một năm. Ông đã cãi vã với MACV và Bộ tư lệnh Thái Bình Dương về 40 biên chế đã bị cắt bớt trong tổng số 150 nhân viên mà ông yêu cầu. Washington muốn đẩy mạnh hoạt động bí mật, nhưng Russell lại được yêu cầu cắt giảm số người mà theo ông rất cần để tiến hành công việc.

Cách khắc phục điểm yếu này là cho mượn nhân viên. Đó là giải pháp tình thế và các đại uý trẻ chưa hề có kinh nghiệm hoặc được huấn luyện về tâm lý chiến và không hiểu hoặc hiểu biết rất ít về mục tiêu được cử đến SOG công tác trong thời gian sáu tháng, khó mà đủ cho việc huấn luyện tại chỗ chứ chưa nói đến việc giúp Weisshart mở rộng hoạt động tâm lý chiến chống lại Hà Nội.

Dẫu sao, Russell tính toán, những sĩ quan này sẽ học từ nhân viên CIA được cử đến bổ sung cho bộ phận tâm lý chiến. Có rất nhiều chỗ trống trong bộ phận này và ông hy vọng nhận được một số lượng lớn nhân viên CIA để lấp vào đó Tháng 12-1964, SOG đề nghị xin 31 nhân viên CIA. Nhưng cơ quan này không hề có ý định cử một số lượng lớn nhân viên như vậy. Theo hồ sơ, “quan niệm ở Sài Gòn là CIA sẽ rút khỏi chương trình 34A trong vòng sáu tháng". Vì vậy, CIA không chấp thuận đề nghị và chỉ cử 13 nhân viên.

Vào năm 1966, số nhân viên này giảm xuống chỉ còn 9. Do vậy, vấn đề cử nhân viên CIA đến SOG trở thành nội dung của buổi làm việc giữa Colby và thiếu tướng William Peers, trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân. Sự hỗ trợ "thiếu tích cực" của CIA cho SOG, như Russell trình bày sẽ ngáng trở SOG trong nhiều năm tới. Peers không thể lay chuyển CIA để cung cấp thêm người cho SOG. Colby thừa nhận là vào lúc đó "CIA không hỗ trợ SOG một cạch thích đáng".4 Theo Ted Shackley, trạm trưởng CIA vào cuối những năm 1960, tiêu điểm của CIA ở Việt Nam là ở miền Nam. Vào năm 1964, nhũng yêu cầu về nhân sự của CIA là rất lớn và được ưu tiên trước hết. Vì vậy Shackley thừa nhận, SOG không thể nhận đủ theo yêu cầu.5

Ngoài ra, chất lượng một số ít nhân viên tâm lý của CIA được cử đến SOG không đồng đều. Chỉ có rất ít người biết tiếng Việt, văn hoá, và bối cảnh hiện tại. Thêm vào đó công việc ở bộ phận chiến tranh tâm lý thuộc Cục kế hoạch của CIA không được coi là "hứa hẹn”. Theo Phil Adam, một nhân viên CIA phục vụ tại SOG, "chiến tranh tâm lý được coi là bộ phận không quan trọng của CIA. Bộ phận quan trọng là tình báo, tức là tình báo tích cực (thu thập tình báo qua điệp viên), đó là số một và số hai là hoạt động bán quân sự. Đó là lĩnh vực được coi là quan trọng và tôi cho rằng, theo một cách nào đó, đây là một thất bại của hoạt động chiến tranh tâm lý".6 

Một số lượng lớn người Việt Nam làm việc cho bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG (OP39) trong đó có nhiều người từ miền Bắc di cư năm 1954. Họ cung cấp sự hiểu biết về miền Bắc. Họ nắm được các khía cạnh chính trị, xã hội, văn hoá, cấu trúc, và lịch sử. Họ dịch các tài liệu tuyên truyền sang ngôn ngữ thích hợp, làm phát thanh viên và cung cấp nhân sự cho hoạt động của phong trào Gươm thiêng ái quốc.

Cuối cùng, Russell cần một sĩ quan quân đội có kinh nghiệm để phụ trách bộ phận tâm lý chiến. Trung tá Martin Marden được cử đến. Tương tự như vị chỉ huy đầu tiên của OP34, Marden là một sĩ quan ưu tú. Nhưng ông có phải là một chuyên gia chiến tranh tâm lý không? Ông có kinh nghiệm hoạt động ở địa bàn bị từ chối không? Theo Weisshart, người đã làm việc với Borden, câu trả lời là "Không, không hơn bất kỳ ai mà tôi biết".7 

Chỉ có một trong năm sĩ quan quân đội giữ cương vị chỉ huy trưởng của OP34 là có kiến thức về chiến tranh tâm lý. Marden được thay thế bằng trung tá Robert Bartelt, một cựu nhân viên của lực lượng đặc biệt. Được coi là một chỉ huy năng động, Bartelt tham gia Nhóm đặc biệt số 77 năm 1955. Sự hiểu biết của ông về chiến tranh tâm lý chủ yếu là trong lĩnh vực hoạt động ngầm. Trung tá Albert Mathwin thay Bartelt tháng 8-1966. Ông không có kinh nghiệm hoạt động trong chiến tranh tâm lý nhưng đã phục vụ một nhiệm kỳ tại bộ phận chiến tranh tâm lý của Lầu Năm Góc. Tại sao ông lại trở thành chỉ huy trưởng OP39? Martin đã kể câu chuyện sau. Ông đã chuẩn bị nghỉ hưu. Tuy nhiên trước khi nghỉ, ông muốn sang Việt Nam công tác một nhiệm kỳ. Ông biết việc hình thành SOG, tình nguyện sang công tác và được chuẩn y. Khi chuẩn bị cho việc lãnh đạo OP39, Mathwin được cử tham gia một khoá huấn luyện về chiến tranh tâm lý tại Fort Bragg.

Sau đó là trung tá Thomas Bowen, học viên của Westpoint khoá 1948. Phần lớn sự nghiệp của ông là trong lực lượng bọc thép và bộ binh. Trước đó ông đã sang Việt Nam và được nhận huân chương "Bronze Star" - Sao đồng. Tháng 6-1968, trung tá Louis Bush thay thế Bowen. Tốt nghiệp Westpoint năm 1949, ông là người có nhiều kinh nghiệm nhất trong lĩnh vực tâm lý chiến trong số chỉ huy của OP39. Bush làm quen với vấn đề này tại Trường chiến tranh đặc biệt tại Fort Bragg và nhân viên điều hành của Nhóm hoạt động tâm lý chiến số bảy ở Okinawa. Ông chỉ giữ cương vị chỉ huy OP39 trong thời gian năm tháng và rời SOG tháng 11-1968.

Đối với Russell, bức tranh về nhân sự thật là pha trộn. Các sĩ quan quân đội rất hăng hái nhưng lại thiếu kinh nghiệm. Và tình trạng này cơ bản vẫn giữ nguyên trong những năm tiếp theo. Các nhân viên CIA biết kỹ thuật và có kinh nghiệm thực tiễn nhưng nhìn chung là xa lạ với Việt Nam. Người Việt Nam có thể có sự hiểu biết về tình hình ở miền Bắc nhưng họ không phải là sự lựa chọn lý tưởng. Russell chỉ còn biết hy vọng họ sẽ làm việc ăn khớp với nhau.

Sau đó, Russell và Weisshart thành lập Nhóm hoạt động tâm lý chiến, hay OP39. Khi OP39 phát triển trong những năm tiếp theo, bốn bộ phận dần hình thành: nghiên cứu và phân tích; tài liệu in ấn, giấy tờ và thư từ giả; đài phát thanh; và dự án đặc biệt. Các tổ công tác có tính khép kín cao. Vì vậy, các sĩ quan trong một tổ công tác thường không biết những gì xảy ra trong tổ khác. Các tổ công tác này nằm rải rác trong Sài Gòn. Tình trạng này cộng với thực tế là sếp của OP39 là người ít kinh nghiệm đã tác động tiêu cực đến sự phối hợp giữa các bộ phận.

Đầu tiên, tổ nghiên cứu và phân tích của OP39 do John Harrell lãnh đạo và chủ yếu là nhân viên quân đội. Harrell không được đào tạo hoặc có kinh nghiệm trong lĩnh vực mình phụ trách. Ông "không biết mình phải làm gì; tôi không biết loại tài liệu nào hoặc việc gì tôi phải tham gia ngoài số tài liệu mật. Tôi không biết số tài liệu đó liên quan đến lĩnh vực nào".1 Về bản chất, nhiệm vụ của tổ là thu thập, đối chiếu, và phân tích các thông tin từ các nguồn miền Bắc để có thể cho hiểu biết sâu hơn về yếu điểm tâm lý của Hà Nội. Harrell tự nhận là trước đó "không được tìm hiểu gì về miền Bắc và Việt Nam nói chung".2 

Một nhiệm vụ khác của tổ nghiên cứu và phân tích là sử dụng chính các nguồn tin đó để đánh giá tác động của chiến tranh tâm lý đối với miền Bắc. Tuy nhiên, nhiệm vụ này không bao giờ được thực hiện vì tổ nghiên cứu và phân tích không nhận được người được huấn luyện về khía cạnh này.

Bản thân tổ thư từ, giấy tớ giả và in ấn đã khép kín trong từng công việc. Phần in ấn chủ yếu sản xuất các tờ rơi. Trách nhiệm này được giao cho cho một đơn vị quân đội phối hợp với đối tác Việt Nam cùng sản xuất. Theo Hardaway, cách làm việc như sau: ông nhận được hướng dẫn về chủ đề cần phải tuyên truyền và sau đó "tự viết tờ rơi". Tiếp theo, ông "đưa nó đến cho đối tác để dịch ra tiếng Việt và xem lại để đảm bảo mọi chuyện đều ổn thoả. Đối tác là người Bắc di cư năm 1954, vì vậy, trong hoạt động in ấn, chúng tôi quan hệ mật thiết với họ. Mọi thứ đều qua những người này".3 Nhưng vì Hardaway không nói được tiếng Việt, ông không có cách nào để kiểm tra lại sản phẩm sau khi người Nam Việt Nam đã hoàn thành.

Chủ đề chiến tranh tâm lý mà OP39 triển khai thường đan xen với tài liệu miền Bắc giả mạo. Việc làm giả do chuyên gia CIA thực hiện. CIA thu thập tài liệu mẫu bắt giữ hoặc thu được qua nhiều nguồn khác nhau. Các chuyên viên của CIA có thể làm giả tất cả những gì mà miền Bắc có. Những chuyên gia CIA này không thường trực tại SOG nhưng có được ý tưởng về tài liệu giả thông qua quan hệ liên lạc với nhân viên CIA trong Bộ phận tâm lý chiến. Khi tài liệu đã làm xong, chúng được đưa vào lãnh thổ đối phương bằng nhiều cách, trong đó có hoạt động của SOG tại Lào. Các toán thám báo sẽ rải các tài liệu này ở nơi đối phương đóng quân hoặc các cơ sở của quân đội miền Bắc dọc theo con đường mòn.

Hoạt động thư từ giả cũng do các nhân viên CIA của SOG thực hiện. Những lá thư này, thường được gửi từ nước thứ ba, được phân làm hai loại. Loại thứ nhất mang nội dung tuyên truyền do người Việt Nam sống ở nước ngoài gửi tới nhân dân miền Bắc. Nội dung cơ bản là bôi nhọ giới lãnh đạo Hà Nội. Loại thứ hai được gửi cho cán bộ miền Bắc. Mục tiêu ở đây là tạo ra sự nghi ngờ về lòng trung thành của họ trong suy nghĩ của cơ quan an ninh, người giám sát và đọc tất cả thư từ nước ngoài gửi về nước.

Tổ thứ ba của OP39 điều hành ba đài phát thanh bí mật phát đi tin tức, thường là giả tạo, vào miền Bắc. Thứ nhất là đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc, phát đi từ khu "giải phóng” giả tạo ở miền Bắc. Thứ hai là đài Cờ đỏ, lấy danh nghĩa tiếng nói của số cộng sản bất mãn bí mật ở miền Bắc. Thứ ba là đài Hà Nội giả mạo phát kề và nhại theo chương trình của đài phát thanh Hà Nội. Tất cả các đài này do các nhân viên CIA thuộc bộ phận tâm lý chiến chỉ đạo. Nhân viên của Cơ quan thông tin Hoa Kỳ cung cấp định hướng chính sách và chủ đề tuyên truyền. Ngoài ra, tổ này còn đặt sản xuất các đài bán dẫn có sóng cố định tại Nhật Bản. Những đài này chỉ thu được các đài tâm lý chiến của SOG. Trong khi nhân viên CIA chỉ đạo hoạt động của đài phát thanh, số người Việt Nam thuộc SOG là phát thanh viên trực tiếp và tạo ra bối cảnh văn hóa cho chương trình.

Tổ cuối cùng của Bộ phận chiến tranh tâm lý tham gia vào "các dự án đặc biệt" mà dự án lớn nhất là dựng lên phong trào chống đối giả có tên Gươm thiêng ái quốc - SSPL. Trong hoạt động phức tạp này, công dân miền Bắc bị bắt cóc và nhồi sọ tâm lý ở đảo Thiên Đường, một địa chỉ giả danh làm một làng ven biển miền Bắc đã được SSPL giải phóng. Sau đó họ được đưa trở lại miền Bắc để lan truyền tin về SSPL. Đảo Thiên Đường nằm ở Nam vĩ tuyến 17. Các yếu tố hoạt động khác bao gồm đài phát thanh SSPL, tờ rơi, hàng tâm lý chiến. Đó là những loại hàng khó kiếm ở miền Bắc: quần áo, chỉ khâu, dây câu, xà phòng, v.v…

Trong khi SSPL là dự án đặc biệt của SOG, còn có một số dự án nhỏ khác như gây nhiễu đường thông tin liên lạc, bẫy nổ, tiền giả. Các kỹ thuật cần thiết để sản xuất các sản phẩm này thường do Văn phòng Viễn Đông của CIA ở Okinawa cung cấp.

Trong khi áp dụng hàng loạt biện pháp chiến tranh tâm lý SOG chưa bao giờ có một kế hoạch chiến tranh tâm lý tổng thể. Khi được hỏi có biết kế hoạch nào như vậy không, Phil Adam, một sĩ quan CIA giàu kinh nghiệm đã từng chỉ đạo hoạt động đài phát thanh đen ở Đông Âu, trả lời: "không, tôi không nhớ một kế hoạch tổng thể nào. Tôi không nhớ bất kỳ ai có ý tưởng cụ thể về công việc cần phải làm và cách làm như thế nào".4 Câu trả lời của ông thống nhất vấn ý kiến của các nhân viên CIA và quân sự phục vụ trong OP39.

Thay vào bản kế hoạch tổng thể, các hướng dẫn hoạt động chung được vạch ra thông qua quan hệ cộng tác giữa quân đội, Cơ quan thông tin và CIA. Những nhân viên này phải nghiên cứu kế hoạch 34A. Theo thiếu tá Richard Holzheimer, người tham gia OP39 năm 1965, "khi tôi đến đó... họ nói "đây là kế hoạch của chúng tôi, 34A, hãy đọc nó đi".5 Kế hoạch 34A giao cho OP39 một nhiệm vụ rộng rãi với mục đích làm cho Hà Nội tin là họ nên chấm dứt việc chỉ đạo và ủng hộ cuộc chiến tranh ở miền Nam. Để đạt được mục đích này, Bộ phận tâm lý chiến sử dụng nhiều thủ đoạn tâm lý nhằm vào giới lãnh đạo và dân chúng Việt Nam. Mật danh của các hoạt động này là Humidor.

Hoạt động tâm lý chiến của OP39 nhằm làm cho Hà Nội tin là họ có vấn đề an ninh nội bộ. Họ nghĩ rằng nhân dân ngày càng bất bình với cuộc chiến tranh hao người tốn của, rằng nhân dân đang bí mật tổ chức các nhóm chống đối và rằng an ninh hậu phương trở nên lỏng lẻo. Ít nhất, OP39 hy vọng hoạt động chiến tranh tâm lý sẽ làm cho Hà Nội tiêu tốn nguồn lực để đối phó với mối đe doạ mà họ tưởng tượng ra.

Tuy nhiên Washington có mục tiêu lớn hơn. Washington muốn miền Bắc nghi ngờ rằng Hoa Kỳ đứng đằng sau những vấn đề an ninh nội bộ này và rằng nếu muốn Hoa Kỳ chấm dứt, Hà Nội phải ngừng các hoạt động của Việt Cộng ở miền Nam. Tuy nhiên, OP39 có nhiệm vụ vạch ra ranh giới mỏng manh trong thông điệp gửi cho giới lãnh đạo Hà Nội. Những hoạt động ngầm này chỉ nhằm trừng phạt cuộc chiến tranh của Hà Nội ở miền Nam; Washington không muốn Hà Nội nghĩ rằng Hoa Kỳ muốn xoá bỏ chế độ Hà Nội thông qua hoạt động lật đổ và chiến tranh không quy ước. Hay nói một cách khác, hoạt động của SOG không được giống như những gì Hà Nội đang tiến hành chống lại chính quyền miền Nam. Hoa Kỳ đang tiến hành cuộc chiến tranh hạn chế và hoạt động ngầm phải bị kiềm chế.

Do đó, đối với nhân dân miền Bắc, mục tiêu của OP39 là tạo ra sự bất bình, mất lòng tin, thậm chí hành động chống đối ở dạng thấp nào đó đối với cách tiến hành cuộc chiến tranh của Hà Nội và tác động của cuộc chiến tranh đó đối với đời sống hàng ngày của họ. Các nhà vạch chính sách hy vọng là sức ép của dân chúng sẽ làm cho Hà Nội giảm bớt mức độ trong chính sách của họ đối với chiến tranh ở miền Nam.

Dân chúng ở miền Bắc có thể tạo ra sức ép gì khi họ bất mãn và mất lòng tin? Theo những người chỉ đạo chiến tranh tâm lý của SOG, đó là sức ép phi bạo lực của lực lượng chống đối bên trong miền Bắc. SOG bị cấm không được khuyến khích nhân dân miền Bắc tiến hành hoạt động vũ trang chống lại chế độ dưới bất kỳ hình thức nào. OP39 phải vạch ra một ranh giới mỏng manh trong hoạt động tác động lên hành vi của nhân dân miền Bắc.

Không có mấy căn cứ cho thấy OP39 có bất kỳ kế hoạch tổng thể nào khi triển khai chương trình tâm lý chiến trong giai đoạn 1964 - 1965, tương tự như việc chính quyền, Hội đồng tham mưu trưởng liên quân và Bộ chỉ huy viện trợ quân sự ở Việt Nam không có một kế hoạch tổng thể để giành thắng lợi trong cuộc chiến tranh. Các kỹ thuật tâm lý chiến chủ động hoặc bị động không được gắn kết thành một chiến dịch mạnh mẽ. Sự khép kín trong từng bộ phận đã tạo ra sự thiếu phối hợp giữa quân đội và CIA. Do vậy, có những câu hỏi nghiêm túc về mục đích chiến lược của hoạt động chiến tranh tâm lý. Với bản chất chế độ Hà Nội, liệu nó có tác dụng gì không?

HOẠT ĐỘNG TÂM LÝ CHIẾN CHỐNG LẠI BẮC VIỆT NAM

Vào năm 1965, SOG đã mở rộng đề án Humidor một cách đáng kể. Ở thời kỳ cao điểm, đề án bao gồm hàng loạt nội dung hoạt động. Vậy, hoạt động tâm lý chiến của SOG bao gồm những gì và được chỉ đạo ra sao?

Gươm thiêng ái quốc

Hoạt động phức tạp nhất của OP39 là tạo ra trong ý tưởng của người Bắc Việt Nam một tổ chức chống đối giả tạo. CIA đã sử dụng bài này trong nhiều chiến dịch ngầm khác. Trên thực tế, Herb Weisshart giải thích "ý tưởng này được dựa trên một chương trình phát triển phong trào chống đối giả tương tự được thực hiện từ 1952 và kéo dài đến 1963 ở một nơi nào đó".1 Với các công tác đã qua và sự hiểu biết về Trung Quốc của Weisshart, "một nơi nào đó” ở đây có lẽ là Cộng hoà nhân dân Trung Hoa.

Để tạo ra một tổ chức giả, theo thuật ngữ tình báo, phải tạo ra một lý do tồn tại, hay một câu chuyện đáng tin cậy cho tổ chức ấy. Weisshart nói như sau: "Ngay sau khi tôi đến Sài Gòn (năm 1963), tôi cố tìm ra một lý do và một hình tượng nào đó dễ nhận biết cho phong trào chống đối giả tạo ở miền Bắc. Các nhân viên của tôi có nhiều kinh nghiệm trong việc tạo truyền đơn, tờ rơi, chương trình phát thanh và chống đối chiến giả. Chúng tôi thường trò chuyện với người Việt Nam và biết được câu chuyện chiếc gươm thần.2

Thực ra, Weisshart cố tìm ra cách gắn phong trào chống đối giả này với một sự kiện quan trọng trong lịch sử và truyền thuyết Việt Nam vào thời điểm các thế lực Phong kiến Trung Quốc xâm lược Việt Nam thế kỷ XV- Triều Minh, thành lập năm 1368, sau khi đánh thắng quân Mông Cổ đã điều động một đạo quân khổng lồ xâm lược Việt Nam năm 1406. Sau một năm giao tranh, Việt Nam bị nhà Minh đô hộ. Ách đô hộ của nhà Minh vô cùng khắc nghiệt, dẫn đến việc hình thành một phong trào khởi nghĩa Việt Nam. Cuộc khởi nghĩa này do Lê Lợi, một chủ đất ở vùng Thanh Hoá, lãnh đạo.

Cách Lê Lợi hình thành và tiến hành cuộc khởi nghĩa kéo dài trong 10 năm chống quân xâm lược là một câu chuyện dài và phức tạp. Cuộc chiến đó liên quan tới những sáng tạo về quân sự, chính trị và tâm lý. Ví dụ để tạo ra uy tín và giành sự ủng hộ của nông dân, Lê Lợi đã sử dụng hoạt động tâm lý mà người Trung Quốc đã từng áp dụng. "Sử dụng mực là mỡ động vật, Lê Lợi cho viết lên lá cây "Lê Lợi là vua"... khi kiến ăn hết mỡ, dòng chữ này hiện lên trên lá. Việc này làm cho mọi người tin là ý trời và hàng nghìn nông dân đi theo Lê Lợi".3 Lê Lợi sau đó bắt đầu tuyển mộ nông dân tiến hành khởi nghĩa giành độc lập. Tuy nhiên, do thế nhà Minh rất mạnh, Lê Lợi phải đi vào hoạt động bí mật.

Lê Lợi nhận ra rằng sẽ là tự sát nếu giao chiến với quân Minh theo cách thông thường. Kẻ thù quá mạnh. Vì vậy, ông chủ trương sử dụng chiến thuật du kích. Từ căn cứ ở vùng núi Hà Tĩnh, Lê Lợi tổ chức tấn công bất ngờ các lực lượng quân Minh ở Việt Nam. Năm 1428, quân Trung Quốc rút chạy khỏi Việt Nam. Ông lên ngôi vua, lấy tên hiệu Lê Thái Tổ và thành lập triều Lê kéo dài hơn 3 thế kỷ.

Trong lịch sử Việt Nam, Lê Lợi được coi là kiến trúc sư của đoàn kết dân tộc và là vị lãnh đạo không bao giờ nhụt ý chí đánh đuổi quân Minh xâm lược. Song song với những sự thật lịch sử này, có truyền thuyết về lý do Lê Lợi đánh thắng quân Minh vốn hùng mạnh hơn nhiều. Và câu chuyện đó gắn liền với thanh gươm thần mà ông đã sử dụng trong chiến tranh giải phóng.

Theo truyền thuyết, sau khi đánh bại quân Minh và lên ngôi vua, Lê Thái Tổ đóng đô tại Hà Nội. Một hôm, ông đi thuyền trên hồ Lục Thuỷ ở giữa kinh đô thì một con rùa lớn hiện lên. Khi nhà vua rút gươm ra để tự vệ, con rùa nhanh chóng há miệng đớp lấy thanh gươm rồi lặn xuống hồ sâu và đi mất. Vua bực lắm sai người tát cạn hồ, nhưng không tìm thấy cả rùa lẫn gươm báu. Về sau người đời nói rằng cuộc khởi nghĩa chống quân Minh của Lê Lợi là "mệnh trời". Hay nói cách khác thần thánh đã cho ông mượn kiếm báu để đánh đuổi quân Minh và sau khi làm xong sứ mạng, ông phải trao trả kiếm. Kiếm được giữ an toàn trong hồ để sau này có thể sử dụng khi cần thiết. Để ghi nhận công lao của kiếm báu, nhà vua đổi tên hồ thành Hồ Hoàn Kiếm.

Tất cả những điều trên là quá tốt, Weisshart nghĩ. Đây là hình tượng hoàn hảo cho linh hồn của một phong trào chống đối giả mà ông muốn đưa thành yếu tố trung tâm của chiến dịch tâm lý chiến của OP39. Weisshart quyết định đặt tên cho phong trào đó là "Gươm thiêng ái quốc" - SSPL - nhằm tạo ra sự liên tưởng tới cuộc khởi nghĩa chống quân Minh xâm lược của Lê Lợi đầu thế kỷ thứ XV.

SSPL đại diện cho ai và tại sao họ phải tổ chức phong trào bí mật chống chính phủ Hà Nội? Cũng như Lê Lợi, lãnh đạo của "Gươm thiêng ái quốc" là người theo chủ nghĩa dân tộc. Weisshart khoác cho họ lý lịch là cựu thành viên của Việt Minh, người đã đấu tranh chống thực dân Pháp. Theo câu chuyện được dựng lên, họ trở nên vỡ mộng với chính quyền Cộng sản ở miền Bắc sau chương trình cải cách ruộng đất khởi đầu năm 1953. Vào mùa hè 1956, sự quá tả của cải cách ruộng đất đã tạo nên phản ứng ở một số nơi. Đó là những sự kiện có sẵn mà Weisshart chỉ việc gắn nó vào SSPL. Theo câu chuyện do Weisshart vẽ ra, SSPL được hình thành từ các cuộc bạo loạn đúng thời kỳ cải cách ruộng đất. Sự đàn áp của chính quyền đã tạo ra SSPL. Điều đó nghe có vẻ đáng tin cậy.4 

Chính phủ Hà Nội đã phản ứng nhanh chóng với sự mất trật tự trên và dẹp yên tình hình. Weisshart lấy đó là lý do buộc SSPL phải chuyển sang hoạt động bí mật như Lê Lợi đã từng làm. SSPL phải lánh vào vùng núi thuộc tỉnh Hà Tĩnh, nơi Lê Lợi đã từng sử dụng làm căn cứ của cuộc khởi nghĩa. Những người lãnh đạo giả hiệu của tổ chức “Gươm thiêng ái quốc" là người mang họ hoặc có tên là Lê. Ví dụ, người thành lập SSPL là Lê Quốc Hùng. "Tháng 12-1961, phong trào tổ chức đại hội lần thứ nhất và Lê Quốc Hùng được bầu làm chủ tịch".5 

Sau đó, những người tạo ra hình hài của OP39 phải đề ra mục đích của SSPL. SSPL đang đấu tranh vì cái gì và hy vọng đạt được gì? Là một tổ chức của những người dân tộc chủ nghĩa, SSPL tuyên bố chống lại sự ảnh hưởng của nước ngoài ở Việt Nam, bất kể là sự giúp đỡ bạn bè, chiếm đóng trên thực tế hoặc cường quốc nước ngoài muốn thống trị Việt Nam dưới hình thức tinh vi nào đó. Vì vậy, trong tuyên truyền, SSPL tuyên bố tất cả quân đội, cố vấn và ảnh hưởng của nước ngoài phải bị loại bỏ khỏi cả Bắc và Nam Việt Nam. SSPL phê phán lãnh đạo Đảng Cộng sản ngả theo Trung Quốc. Họ đang trở thành bù nhìn của cựu thù mà trong suốt chiều dài lịch sử đã tìm mọi cách biến Việt Nam thành chư hầu. Trung Quốc ngày nay cũng vậy, họ đang sử dụng chủ nghĩa quốc tế vô sản làm bình phong che đậy âm mưu thực sự buộc Việt Nam lệ thuộc vào trung Quốc. Cộng sản, nhà Minh, hoặc ai chăng nữa đều là người Trung Quốc và đều có chung ý đồ đó. Phải không cho họ đụng đến Việt Nam.6 

Trung Quốc đang sử dụng Việt Nam là lực lượng xung kích chống Mỹ. Cộng hoà nhân dân Trung Hoa có bài học cay đắng ở Triều Tiên. Trung Quốc đã nếm trải khó khăn và thiệt hại trong cuộc chiến trực tiếp, mặt đối mặt với quân đội Mỹ. Do vậy tốt hơn cả là có ai đó chiến đấu và chết thay cho mình. SSPL tuyên truyền rằng Trung Quốc quá sung sướng khi chiến đấu với Mỹ cho đến người Việt Nam cuối cùng. Hà Nội đã làm Việt Nam bị cuốn vào cuộc xung đột Trung - Mỹ. Đối với Trung Quốc, đó là hành động nhất cử lưỡng tiện. Mỹ thì bị sa lầy vào cuộc chiến tranh kéo dài hao tốn tiền của. Còn Việt Nam thì bị suy yếu đến mức không còn con đường nào khác ngoài việc trở thành chư hầu của Trung Quốc. SSPL tuyên bố Hà Nội cần phải thay đổi chính sách.

Trong tuyên truyền, SSPL khoe rằng các chi bộ bí mật đang phát triển nhanh chóng vì thu hút được những người theo chủ nghĩa dân tộc. Năm 1965, SSPL tuyên bố có 10.000 thành viên, trong đó có "1.600 quân chính quy".7 

Sau đó, Weisshart quyết định đã đến lúc truyền đi thông điệp của SSPL. Weisshart cần một đài phát thanh và tháng 4-1965 đài tiếng nói của Gươm thiêng ái quốc ra đời tại “vùng núi tỉnh Hà Tĩnh", căn cứ của Lê Lợi. OP39 bắt đầu sản xuất truyền đơn, tờ rơi để tung vào miền Bắc qua đường không. Để rải số truyền đơn này, SOG thuê nhân viên của nước thứ ba thực hiện các chuyến bay xâm nhập miền Bắc. Phi công của Quốc dân đảng Trung Quốc, với danh nghĩa người làm thuê, lái những chiếc máy bay không số hiệu để thả truyền đơn. Trước khi thực hiện những phi vụ này, họ đã hợp tác với CIA ở châu Á từ đầu thập kỷ 50.

Thông qua những phương tiện tuyên truyền trên, SSPL bắt đầu tuyên bố duy trì tổ chức bí mật ở miền Bắc không chỉ với nhiệm vụ phát triển tổ chức, rải truyền đơn mà còn giải phóng lãnh thổ. SSPL nói rằng hoạt động giải phóng này diễn ra bên dưới vĩ tuyến 19, nơi SSPL duy trì "an toàn khu”.8 

Vào cuối năm 1964, hoạt động SSPL đã bắt đầu khởi động. Weisshart và OP39 đã tạo ra lý lịch của SSPL dựa trên truyền thuyết và sự thực lịch sử của Việt Nam. Họ đã chơi con bài Trung Quốc để làm giảm uy tín các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản và làm suy yếu việc tiến hành chiến tranh. Đó là sự khởi đầu tốt đẹp. Bước tiếp theo là làm cho câu chuyện giả này đáng tin hơn. Để làm điều đó, SSPL cần một vùng giải phóng nơi OP39 có thể đưa công dân miền Bắc tới tuyên truyền. Tuy nhiên đó là công việc không mấy dễ dàng.

Đảo Thiên Đường

Làm thế nào SOG có thể tạo ra một vùng giải phóng cho SSPL khi mà Washington cấm giải phóng bất kỳ một phần lãnh thổ của miền Bắc và bác bỏ đề nghị được tạo dựng phong trào chống đối chống lại Hà Nội nêu trong kế hoạch 34A? OP39 phải nghĩ ra cách để lách qua những điều cấm đoán của Washington.

Ở phía Nam vĩ tuyến 17, dọc theo bờ biển phía ngoài Đà Nẵng có một hòn mang tên là "Cù Lao Chàm" - được biết đến dưới một cái tên khác: "Đảo Thiên Đường".

Hòn đảo này sẽ trở thành vùng giải phóng, nơi các công dân miền Bắc bị bắt cóc được đưa đến để "cải huấn". Dường như là ý tưởng ngớ ngẩn. Làm sao một hòn đảo phía Nam vĩ tuyến 17 lại có thể trở thành vùng giải phóng bên trong miền Bắc? Làm thế nào OP39 có thể biến ý tưởng đó thành một công việc tỷ mỷ và có thể tin được?

Trước hết, trên chính hòn đảo, OP39 tạo ra những làng giống hệt như các làng xóm nằm dọc theo bờ biển miền Bắc. Về hình thức bề ngoài, chúng không khác gì nhau vì SOG để ý đến từng chi tiết nhỏ. Khó khăn ở đây là đưa công dân miền Bắc đến và làm cho họ tin là đang sống ở miền Bắc. Để làm điều này, SOG tạo ra một nhóm hải quân nhỏ của SSPL. Bắt đầu từ tháng 5-1964, các tàu chiến không có số hiệu đi vào hải phận miền Bắc bắt cóc ngư dân rồi đưa về đảo Thiên Đường. Những nhân viên trên các con tàu này đều nói tiếng Việt với giọng đặc trưng của miền Trung và, trong nhiều trường hợp, là người vùng này di cư vào Nam năm 1954.1 Những chiếc tàu này mang cờ của SSPL và thuỷ thủ thì xưng là thành viên của tổ chức.

Hoạt động của tàu chiến là sự kết hợp giữa OP37 và OP39. Bộ phận cố vấn hải quân phối thuộc -NAD- mật danh của OP37 được đóng tại Đà Nẵng. Bộ phận này duy trì tàu và thuỷ thủ thực hiện các chuyến bắt cóc sử dụng nhân viên của SSPL thuộc OP39. Thiếu tá Roger McElroy là một trong số ít nhân viên Mỹ thực sự xâm nhập miền Bắc. Ông nhớ lại các con tàu "làm bằng gỗ nên có thể tránh được ra đa. Các con tàu tập trung ở Đà Nẵng... Đôi khi tôi cùng đi với một chiếc và phải ngụy trang... Tôi mặc bộ quần áo rằn ri (không số hiệu hoặc phù hiệu của nước nào cụ thể), phủ tấm lưới lên mặt và đeo găng tay". Khi xâm nhập biển miền Bắc, McElroy thường "ở bên dưới".2 Ông cùng đi là để liên lạc với các tàu hải quân ngoài khơi để "cho họ biết là chúng tôi đang ở vùng biển đó nếu không họ sẽ bắn chìm chúng tôi mất. Tôi có mặt để liên lạc với người Mỹ. Tôi không tham gia vào hoạt động. Những việc đó do đối tác hoặc ai đó chỉ huy tàu thực hiện".3 

Một khi bị bắt cóc, ngư dân hoặc những công dân Bắc Việt Nam được thông báo họ đang ở trong tay tổ chức Gươm thiêng ái quốc, một tổ chức yêu nước bí mật và sẽ được đưa đến vùng giải phóng ở ven biển. Những người bị bắt cóc được thông báo là họ sẽ bị bịt mặt và đưa xuống khoang dưới vì lý do an ninh. Họ cũng được cho biết là chuyến đi bị cố tình kéo dài để giữ bí mật địa điểm của các làng SSPL. Sau đó, chiếc tàu hướng về đảo Thiên Đường, chuyến đi thường kéo dài trong nhiều tiếng đồng hồ. Khi cập đảo, những người bị bắt được đưa lên boong, bỏ khăn bịt mặt và trước mắt họ là một làng giải phóng ở một nơi nào đó dọc bờ biển miền Bắc. Đây mới chỉ là màn dạo đầu, sau đó là quá trình tuyên huấn.

Mục đích của kịch bản tỷ mỷ này, theo Don Blackburn là "làm cho họ tin là đang ở một vùng giải phóng ven biển. Khi họ được trả về, họ sẽ lan truyền tin là có một phong trào chống đối và vùng giải phóng thực sự ở miền Bắc.4 Những người này ở trong làng khoảng 3 tuần. Trong thời gian này, họ chỉ gặp người Việt.Nam nói giọng Bắc. Họ cùng nhau ăn uống, nói chuyện về đời sống dưới chế độ Hà Nội và tìm hiểu về SSPL. Một số người còn được đưa vào núi tới những làng nhỏ "giống như các làng ở vùng núi miền Bắc. Mục đích dựng lên các địa điểm này là... tạo thêm độ tin cậy đối với lời tuyên truyền một mật khu của SSPL là ở vùng núi cao miền Bắc".5 

Jack Singlaub, người thay thế Blackburn, mô tả chương trình ba tuần như sau: "Chúng tôi cho họ ăn uống tốt, làm cho họ lên cân, chữa bệnh cho họ, bất kể bệnh gì. Điều này chứng minh đời sống ở khu giải phóng tốt hơn đời sống ở làng quê của họ. Chúng tôi thu thập tin tức đồng thời cho họ biết thông tin về chính phủ Hà Nội, v.v... Chúng tôi cho họ thức ăn có lượng calo cao. Đồng thời chúng tôi dành nhiều thời gian nói về nhược điểm của chủ nghĩa cộng sản và họ cho chúng tôi biết về sự tham nhũng và thiếu thành thật của cán bộ miền Bắc. Trên cơ sở đó, chúng tôi làm chương trình phát thanh về những trường hợp cụ thể để tạo ra sự lủng củng từ bên trong nội bộ của miền Bắc".6 

Vào những ngày cuối cùng trước khi rời đảo, họ được thông báo về các chi bộ SSPL đang hoạt động ở nơi họ cư trú và cách bí mật để liên hệ với các chi bộ này. Dĩ nhiên, điều này là để cho lực lượng an ninh miền Bắc tìm hiểu vì chắc chắn họ sẽ thẩm vấn số người trở về. Cuối cùng, họ được tặng một món quà để mang về gồm xà phòng, vải vóc và các thứ khác đang khan hiếm ở miền Bắc. Trong bộ quà tặng còn có đài bán dẫn đã cố định sóng của đài Gươm thiêng ái quốc mà họ nghe suốt ngày trong thời gian ở trên đảo Thiên Đường. Khi trở về, họ lại bị bịt mắt và đưa trả lại miền Bắc theo đúng như cách họ được đưa đến đảo.

Năm 1966, năm hoạt động mạnh nhất, 353 người Bắc Việt Nam được đưa đến đảo Thiên Đường. Từ năm 1964 đến 1968 có tất cả 1.003 người được "cải huấn" trên đảo.7 OP39 kiến nghị nhiều biện pháp để mở rộng đề án và tạo nên độ tin cậy cao hơn nữa. Họ cho rằng chỉ có thể duy trì sự "giả hiệu” này trong một thời gian nhất định mà thôi. Nếu không bổ sung thêm điều gì đáng tin, Hà Nội sẽ phát hiện ra ngay sự giả tạo.

OP39 đã nêu lên nhiều cách để làm cho hoạt động của SSPL giống như thật và được Washington phê chuẩn một số kiến nghị đơn giản nhất. Ví dụ: khi một người bị bắt trong các cuộc đụng độ giữa tàu của SSPL và của ngư dân, người đó bị xét xử bởi toà án của SSPL, bị kết tội chống lại tổ quốc và tuyên án tử hình nhưng sau đó được hưởng ân xá vì SSPL là tổ chức vì hoà bình. Sau đó người bị bắt phải trải qua một đợt học tập tập trung, và "trước khi trở về họ có bản thu hoạch, lên án hoạt động của chính mình và tuyên thệ trước SSPL".8 Bản thu hoạch này sẽ được sử dụng trong chương trình phát thanh tuyên truyền của SSPL. Ví dụ thứ hai liên quan tới "người tỏ ra chân thành trong việc giúp đỡ sự nghiệp của SSPL". Một số họ "được tuyển làm điệp viên"... và huấn luyện cách làm tờ rơi, truyền đơn ở dạng đơn giản và cách tuyên truyền cho SSPL. Ngoài ra, những người này còn được giao nhiệm vụ thu thập tình báo đơn giản". Số ít được đưa trở về để "tổ chức cho số bạn bè đào nhiệm chạy vào Nam". Cuối cùng, người muốn đào nhiệm sẽ được đưa vào nam tái định cư sau khi câu chuyện của họ được đưa lên "truyền hình và tờ Tin Sài Gòn hàng ngày".9 

Những hoạt động to tát hơn để làm cho dự án đảo Thiên Đường của SSPL có vẻ thực tế hơn lại bị bác bỏ. Ví dụ: một cách là động viên dân chúng miền Bắc - thông qua đài tiếng nói Gươm thiêng ái quốc, khởi sự hoạt động vũ trang thông qua việc "ám sát một số chọn lọc các cán bộ miền Bắc bị căm ghét".10 Một kiến nghị có liên quan khác là xúi giục những người được huấn cải tại đảo Thiên Đường trở về ám sát cán bộ. SSPL sẽ cung cấp cho họ những phương tiện cần thiết. Cả hai kiến nghị trên đều bị Washington bác bỏ. Sau đó, do sự hối thúc của lãnh đạo SOG, đầu năm 1968, MACV đề nghị cho phép chuyển SSPL từ một tổ chức giả sang một tổ chức thật sự. Đề nghị này cũng không được chấp nhận- Bản thẩm định của Hội đồng tham mưu trưởng liên quân về các đề nghị nói trên "nhắc đi nhắc lại là việc chuyển từ SSPL giả hiệu sang một mô hình SSPL thật sự sẽ không được các cấp ở Washington chấp thuận".11

Các thành viên của OP39 không hề biết tại sao những đề nghị của mình lại bị gạt bỏ. Các tài liệu đã được giải mật cho thấy Washington có bốn lo ngại. Thứ nhất, mở rộng hoạt động của đảo Thiên Đường sẽ trái với chính sách công khai của Hoa Kỳ vốn cam kết không gây bất ổn hoặc lật đổ chính phủ Hà Nội. Washington cho rằng hoạt động ngầm phải phản ánh chính sách công khai. Thứ hai, các nhà vạch chính sách lo rằng các hoạt động nêu trong đề nghị có thể vượt khỏi tầm kiểm soát, thực sự gây ra vấn đề nội bộ ở miền Bắc làm cho tình hình trở nên không thể kiểm soát được (cứ như là Washington có thể kiểm soát được những việc Hà Nội làm). Ba là, các nhà vạch chính sách sợ rằng gây tình hình bất ổn ở miền Bắc có thể làm cho Hà Nội đẩy mạnh chiến tranh ở miền Nam. Cuối cùng, nếu như Hà Nội đổ vỡ, Trung Hoa cộng sản có thể can thiệp như đã từng xảy ra trong chiến tranh Triều Tiên.

Hoạt động phát thanh đen

Ngoài Tiếng nói SSPL, OP39 còn điều hành các hoạt động phát thanh đen khác với nhiệm vụ riêng biệt. Một là, bắn tin cho nhân dân miền Bắc biết ngoài SSPL còn có các nguồn chống đối chính quyền Hà Nội khác đang tích cực hoạt động tại miền Bắc. Hai là, tạo ra một đài Hà Nội giả hiệu bằng biện pháp trùng sóng - tạo ra chương trình phát thanh giả có tần số ngay cạnh đài chính thức.

Lãnh đạo của Cơ quan Thông tin Hoa Kỳ ở Việt Nam, Barry Zorthian nhận ra rằng sự phối hợp là tối quan trọng nên đã đề xuất và được chấp nhận thành lập một cơ quan hỗn hợp. Tháng 5-1965, Văn phòng Truyền thông hỗn hợp Hoa Kỳ - JUSPAO - được thành lập theo một chỉ thị của Nhà Trắng để phối hợp mọi hoạt động tâm lý chiến của Mỹ ở Việt Nam, trong đó có hoạt động tâm lý chiến bí mật chống miền Bắc. Giám đốc của JUSPAO đề ra phương hướng cho một số cơ quan quân, dân sự tham gia vào hoạt động tuyên truyền "đen", "xám", "trắng” và giám sát việc thực hiện thông qua bộ phận kiểm soát chất lượng. Về mặt tổ chức, một trong năm phòng của JUSPAO được giao chuyên trách về các vấn đề miền Bắc. Phòng này điều hành việc tuyên truyền vào miền Bắc và dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh ở Lào và Campuchia.

Trong hoạt động chống miền Bắc, JUSPAO có nhiệm vụ chỉ đạo hoạt động của đài Tiếng nói tự do - VOF. VOF là một đài phát thanh "xám", nghĩa là "chuyển tải thông tin không cần che đậy kỹ lưỡng... Tuyên truyền xám chỉ giấu được nguồn tin đối với người ít quan tâm chứ không phải những người nghe tinh tế". Đài phát thanh bí mật là một trong những kênh thông thường cho tuyên truyền xám.1 VOF chủ yếu phát tin tức thời sự, chương trình văn hóa và giải trí vào miền Bắc. Những chủ đề chính bao gồm: chống lại sự tuyên truyền của Hà Nội; cung cấp thông tin cho dân chúng miền Bắc về cuộc sống ở thế giới tự do; đưa tin tức chính xác về chiến tranh; và cung cấp cho dân chúng miền Bắc cơ sở để so sánh điều kiện sống của họ với miền Nam. Năm 1968, đài này phát tổng cộng 75 tiếng một ngày bằng năm thứ tiếng.2 

Một nhân viên cơ quan thông tin Hoa Kỳ chỉ đạo hoạt động của VOF. Nhân viên này còn được cử tới SOG và đưa ra định hướng chính sách cho các hoạt động phát thanh đen và tâm lý chiến khác của bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG. Không có gì đáng ngạc nhiên khi các hướng dẫn của Washington thường mập mờ: Các đài phát thanh đen của SOG không được đưa nội dung kích động hoạt động lật đổ hoặc sử dụng vũ trang chống chính quyền Hà Nội. Những người điều hành hoạt động tâm lý chiến đã thực hiện hướng dẫn này đúng đến từng từ một.

Các đài phát thanh đen của SOG bao gồm: Đài cờ đỏ, tiếng nói của một bộ phận ly khai giả hiệu của Đảng Cộng sản Việt Nam- Đài này chỉ trích Hà Nội về sự quá ngả sang Trung Quốc và cho rằng Cộng hoà nhân dân Trung Hoa đã đẩy Việt Nam vào cuộc chiến tranh. Cờ đỏ có xu hướng thân Liên Xô hơn.3 

Đó chính là thủ đoạn mà CIA đã từng áp dụng ở nơi khác. Trên thực tế, Phil Adam, người được CIA cử đến SOG mùa hè năm 1966 để hình thành Đài phát thanh Cờ đỏ đã từng chỉ đạo hoạt động tương tự chống Anbani đầu thập kỷ 50. Hồi tưởng những ngày đó, Adam kể: "ở đài phát thanh của chúng tôi, tôi thuê năm hoặc sáu người Anbani có học thức. Chúng tôi giả làm những người bất đồng chính kiến với Đảng Cộng sản Anbani đang ẩn náu ở vùng núi. Mới nghe thì có vẻ không đáng tin, nhưng ý đồ ở đây là nhằm vào những người cộng sản bất mãn và thuyết phục họ rằng chính quyền không xây dựng một thứ chủ nghĩa cộng sản đích thực và đang gây tội ác đối với đảng viên. Hay nói cách khác, chúng tôi cố tạo ra sự bất mãn trong Đảng Cộng sản Anbani".4 

Mặc dù chịu thất bại ở Anbani, các nhân viên CIA được cử đến SOG đều nghĩ rằng hoạt động phát thanh đen rất đáng được thử nghiệm một lần nữa. Khi Adam đến, đài phát thanh Cờ đỏ đang được xây dựng cách Sài Gòn khoảng năm dặm. "Vì vậy, trong năm tháng đầu tiên, tôi làm người giúp việc cho kỹ sư. Chúng tôi phải tự làm lấy bởi vì chúng tôi chỉ có hai kỹ sư người Phillipines, nhưng họ gần như vô dụng. Cuối cùng thì đài cũng được lắp đặt xong vào đầu năm 1967; sau đó công việc của tôi là thuê người vận hành. Tôi tìm được hai hạ sĩ quan Mỹ đã từng vận hành đài phát cỡ nhỏ ở Mỹ. Thế là chúng tôi cho đài phát hoạt động, có lẽ vào quãng giữa năm 1967, và câu chuyện ngụy trang vẫn là những người cộng sản bất đồng chính kiến cùng với một số nhà văn đã từng là đảng viên Cộng sản nhưng đảo ngũ”.5 

CIA cũng chỉ đạo một đài phát thanh riêng chống lại Việt Cộng ở miền Nam mang tên Ngôi sao đỏ. "Đài phát thanh lấy danh nghĩa của một nhóm cộng sản bất đồng chính kiến ở Nam Việt Nam cho rằng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, hay Việt Cộng, là bù nhìn của Hà Nội. Luận điểm chính là Nam Việt Nam là của người miền Nam".6 

Hoạt động chèn sóng của SOG cũng là một thủ đoạn cũ của CIA. William Colby đã sử dụng biện pháp này đầu những năm 1960 ở miền Nam, tạo ra đài giải phóng giả "phát chương trình trên tần số kề sát với đài phát thanh giải phóng thật, do vậy thính giả không để ý sẽ nghe nhầm đài".7 Đài phát thanh giả của Colby nghe hệt như đài thật, trừ một số phần giả nhất định với hy vọng gây ra ấn tượng xấu về Việt Cộng trong đầu óc của người nghe".8 ví dụ, đài đưa tin về một trận đánh theo cách tạo ra ấn tượng là Việt Cộng phung phí sinh mạng bộ đội.

SOG tạo ra đài Hà Nội giả. Ý tưởng ở đây giống hệt như ý đồ của Colby trước đây. Weisshart nhớ lại rằng vấn đề "đài Hà Nội giả và các máy thu thanh bán dẫn cố định sóng được thảo luận và vạch kế hoạch tại thời điểm tôi vẫn còn ở SOG".9 Đài này bắt chước mọi chi tiết của đài Hà Nội, trừ việc thay thế một số phần quan trọng của chương trình. Một cựu nhân viên của SOG đã nêu hai ví dụ về cách hoạt động của đài: "một bài phỏng vấn với bác sĩ Hà Nội khen ngợi sự cải tiến trong việc sản xuất chân tay giả và tự hào công bố số lượng chân tay giả sẽ được tăng lên gấp 3 lần vào cuối năm", bản tin khác mô tả một thắng lợi lớn của đơn vị quân đội theo cách mà mặc dù có nhiều huy chương và lời khen ngợi của Đảng, người nghe không thể không kết luận “thật là đẫm máu”.10 Có rất nhiều mẩu tin và chủ đề tương tự như vậy.

Kỹ thuật đánh lừa điện tử cuối cùng trong hoạt động đài phát thanh đen của OP39 liên quan đến một thủ đoạn mà thuật ngữ tình báo gọi là đài "ma". Thủ đoạn này là "bí mật chặn đài phát thanh của đối phương và phát chương trình của mình thay vào tín hiệu của đài phát thật".11 Các Chương trình phát thanh của miền Bắc và các kênh thông tin điện tử chính thức bị ngăn chặn và thay thế bằng các chương trình khác. Ví dụ như gây nhiễu chương trình thời sự của đài phát thanh Hà Nội và thay vào đó bằng các thông tin mâu thuẫn nhau. Tương tự, những chỉ thị giả cho các đơn vị bộ đội cũng được đưa vào các kênh liên lạc điện tử.

Thách thức lớn nhất đối với hoạt động phát thanh đen của OP39 là phần lớn dân chúng miền Bắc không có đài thu thanh. Vì vậy, SOG phải cung cấp cho họ. Thông qua một hoạt động có mật danh Peanuts, SOG đặt hàng sản xuất đài bán dẫn từ Nhật Bản.

Những chiếc đài này được cố định tần số và do vậy chỉ nghe được các đài phát thanh của SOG. Hàng ngàn chiếc máy thu thanh kiểu này được đưa vào miền Bắc dưới dạng các gói quà được thả từ máy bay xuống hoặc thả nổi từ biển vào. Chúng được coi là quà của SSPL. Một số khác "được các toán thám báo đưa vào vùng căn cứ của đối phương (ở Lào hoặc Campuchia). Những chiếc đài này được đựng trong hộp có ghi tên thật hoặc giả của bộ đội".12 Tại thời điểm năm 1968, chương trình Peanuts đã tung đi trên 10.000 đài thu thanh.

Truyền đơn và gói quà

OP39 sử dụng truyền đơn và gói quà để làm tăng độ tin cậy của phong trào Gươm thiêng ái quốc. Do có trong tay máy bay C130, SOG có thể dễ dàng tung hàng chục ngàn truyền đơn và đã làm đúng như vậy. Ngoài truyền đơn của SSPL, một số lượng lớn truyền đơn không ghi nguồn gốc hoặc ghi nguồn gốc giả được chở bằng đường hàng không thả vào miền Bắc. Ví dụ, nhóm cộng sản ly khai của Đảng Cộng sản Việt Nam điều hành đài phát thanh Cờ đỏ cũng tuyên truyền về mình qua truyền đơn. Nội dung là sự sao chép những thông tin phát trên đài Tiếng nói tự do, đài SSPL và Cờ đỏ.

Các loại truyền đơn khác nhau được Weisshart mô tả là "một số tuyên truyền trực tiếp... ủng hộ SSPL" và số khác thì nhằm vào những thành phần cụ thể trong nhân dân miền Bắc.1 Một trong những thành phần này là cộng đồng công giáo. Theo Weisshart "chúng tôi cố gắng tiếp cận với người theo đạo Thiên chúa bằng truyền đơn và chương trình phát thanh. Chúng tôi rải ở Vinh và những nơi khác ở miền Bắc... Có một số truyền đơn cụ thể nhằm vào họ, thu hút sự quan tâm, và tác động lên họ".2 

Truyền đơn còn được sử dụng kết hợp với hoạt động chống phá đường mòn Hồ Chí Minh của SOG ở Lào. Các toán thám báo của SOG trực tiếp hoặc sử dụng máy bay rải truyền đơn.

Việc sản xuất truyền đơn được giao cho OP39 và do một sĩ quan trẻ chỉ huy. Theo John Hardaway, người phụ trách hoạt động truyền đơn năm 1964, nhân viên của cơ quan thông tin Hoa Kỳ được cử tới SOG sẽ đưa phương hướng chung và nội dung chủ đề của truyền đơn. Sau đó John Hardaway sẽ sản xuất truyền đơn và đưa cho đối tác Việt Nam đọc, tham gia ý kiến trước khi dịch sang tiếng Việt. Ông kể lại trong năm 1964, Washington rất chú ý đến hoạt động truyền đơn: "một đêm tôi phải ngồi chuẩn bị báo cáo lên cho McNamara về số lượng truyền đơn đã thả ở miền Bắc".3 

Tương tự như truyền đơn, gói quà được gửi từ nguồn không ghi địa chỉ hoặc địa chỉ giả. Trong trường hợp ghi địa chỉ giả, đó là từ SSPL. Theo Welsshart, gói quà bao gồm: "giấy viết, xà phòng, bút chì, nến, khăn tắm, vải vóc, sách vở... Đó là những món quà hữu ích nhằm tác động thuận lợi đến người nhận về một phong trào chống Hà Nội chưa rõ tên hoặc về SSPL. Món quà nhằm dẫn dụ họ thảo luận về SSPL với bạn bè thân thích". Túi quà không bao giờ có thực phẩm. Weisshart nhận xét "vì Hà Nội có thể dùng chính thực phẩm đó chống lại chúng ta.4 

Cũng như truyền đơn, OP39 đã rải một số lượng lớn gói quà vào miền Bắc. Thành tích của OP39 được đánh giá bằng số lượng được chuyển đi hàng năm. Năm 1967, chỉ riêng qua đường hàng không, 22.000 gói quà được rải khắp miền Bắc vào ban đêm.5 

Thư đen và giấy tờ giả

Việc làm giả có vai trò trọng yếu trong công việc của SOG, bao gồm sản xuất và lưu hành thư từ, tài liệu giả có vẻ bề ngoài giống như thật. Đối tượng chủ yếu của hoạt động làm giả là quan chức của chính phủ. Tuy nhiên cũng có thể nhằm vào đông đảo quần chúng. "Người làm giả gán một nội dung không có thật cho người khác hoặc tự mình tạo ra thông tin giả".1 

OP39 làm giả cả giấy tờ và tài liệu. CIA rất giàu kinh nghiệm trong loại hoạt động này, và không có gì ngạc nhiên là thư từ và tài liệu giả ở SOG được giám sát bởi một nhân viên CIA, người thường xuyên liên hệ với các chuyên gia làm giả của CIA.

Hoạt động thư từ đen của SOG bao gồm nhiều biến thể khác nhau và có thể được chia làm hai dạng chính. Dạng thứ nhất liên quan tới thư "bút độc”. Trong chiến tranh Việt Nam, CIA xây dựng những cơ sở dữ liệu đặc biệt về Bắc Việt Nam, trong đó có thông tin về cán bộ trung cao cấp trong chính quyền, quân đội, và đảng. Thông tin này bao gồm địa chỉ cơ quan hoặc nhà riêng của họ. Và thế là số cán bộ này trở thành đối tượng lý tưởng của các thư "bút độc" gửi từ Paris, Hồng Kông, Tokyo hoặc Băngkốc.2 

Tương tự như các hoạt động khác của SOG, nội dung của những lá thư này là nhằm đánh vào ý thức cảnh giác của chính phủ Hà Nội. Ví dụ, trong một lá thư gửi cho một cán bộ miền Bắc từ một người Việt sống ở nước ngoài, tác giả làm như thể là đang trả lời một số băn khoăn của người nhận được giãi bày trong thư gửi ra nước ngoài trước đó, chỉ trích cách tiến hành chiến tranh của Đảng. Ở miền Bắc sự chỉ trích này là một hành vi phản bội và cơ quan an ninh, ít nhất, sẽ để mắt theo dõi cán bộ đó.

Dưới đây là một ví dụ. Trong thư, tác giả, người viết lá thư từ Hà Lan, nhắc đến lá thư mình nhận được từ cán bộ nọ. Tác giả viết thư để đáp lại những thông tin về sự đối xử hà khắc đối với tù binh chiến tranh Mỹ và cuộc tập kích Sơn Tây năm 1970 để giải cứu họ. Những lời lẽ trong thư nhằm tạo ra câu hỏi về sự trung thành của người cán bộ này.

Anh Tình thân mến,

Hai tuần trước đây tôi nhận được thư của anh... tình hình miền Bắc của chúng ta đã trở nên căng thẳng, nhất là sau khi Mỹ hạ cánh xuống tỉnh Sơn Tây tháng 11 vừa qua đế giải phóng số tù binh phi công bị bắt giũ. Trước đây tôi không tin lời đồn đoán. Nhưng mối nghi ngờ của tôi đã được giải toả sau ghi nhận được thư của anh...

Người Mỹ và bọn phản bội ở miền Nam rất quan tâm đến số phận binh sĩ của họ. Vì vậy, khi được nghe kể về sự đối xử tồi tệ đối với số phi công bị bắt giũ, họ không thể giữ im lặng. Họ phản ứng mạnh mẽ đối với các hành vi xấu xa và tìm mọi cách đề nghị chính phủ chúng ta trao đổi tù binh chiến tranh… Nhưng chính phủ chúng ta đã bác bỏ thẳng thừng đề nghị này...

Không chỉ Hoa Kỳ mà nhiều nước khác trên thế giới cũng lên tiếng phê phán sự đối xử tồi tệ đối với binh sĩ Mỹ bị bắt và coi đó là hành vi phi nhân tính. Ngày 2-3-1971, Hội cựu chiến binh Hà Lan đề nghị tổ chức Hội nghị của tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế để yêu cầu chính phủ chúng ta chấm dút những hành động trên. Ngoài ra những người hàng xóm thường hỏi tôi: Tại sao chính phủ miền Bắc không tôn trọng Công ước Giơnevơ về tù binh chiến tranh mặc dù đã tham gia ký kết? Tôi không trả lời được câu hỏi đó một cách đúng đắn. Hãy cho chúng tôi biết quan điếm của anh trong thư tới đề chúng tôi có thể giải quyết được vấn đề khó khăn này.

Thế thôi, vì thư đã dài. cho phép tôi dừng ở đây, chúc anh và gia đình mạnh khoẻ.

Bạn của anh

Trần Văn Toàn

Một ví dụ còn tinh vi hơn là gắn người nhận vào hoạt động lật đổ để các chuyên gia phản gián miền Bắc khi đọc những bức thư được dựng lên này sẽ bị dẫn đến việc cố phát hiện sự liên hệ giữa người nhận và toán biệt kích của SOG, hoặc SSPL, hoặc hoạt động tình báo nước ngoài chống lại miền Bắc, ở trong nước hoặc ở nước ngoài.

Dạng thứ hai của hoạt động thư từ đen là chuyển thông điệp tuyên truyền từ người Việt Nam sống ở nước ngoài tới người sống ở miền Bắc. Những lá thư này bao gồm "từ những thư tình cảm nhẹ nhàng từ các địa chỉ giả gửi cho công dân bình thường ở miền Bắc" cho đến "thư cứng rắn về vấn đề chính trị gửi tới cán bộ và trí thức miền Bắc".3 

Ngoài ra còn có thư giả danh số tù binh người Bắc đang bị giam giữ gửi cho gia đình. Những lá thư này có thể chuyển tải một hoặc nhiều thông điệp. Ví dụ, tù binh có thể chỉ trích việc Hà Nội sẵn lòng hi sinh bộ đội và ghi nhận rằng mình được đối xử tốt trong trại. Lá thư tiếp theo có thể cho gia đình biết về quyết định xin được chiêu hồi, một chương trình ân xá dành cho binh sĩ đối phương của chính phủ Sài Gòn. Cuối cùng, anh ta cho biết mình đã gia nhập quân đội miền Nam. Với việc gia nhập này, anh ta có thể giúp các đơn vị quân đội Nam Việt Nam và Mỹ bằng sự thông thuộc với phong trào, chiến thuật và các biện pháp hoạt động của miền Bắc. Dĩ nhiên, chẳng có gì là đúng sự thật và bản thân tù binh cũng không hề biết về những lá thư đó.

Một dạng khác của chương trình thư tù binh chiến tranh người miền Bắc là đề án mang mật danh "Soap-chips". Những lá thư này giả danh thư từ hậu phương gửi đến bộ đội miền Bắc đang chiến đấu ở miền Nam. Các toán thám báo của OP35 sẽ đặt những lá thư này vào xác của bộ đội đã hi sinh mà họ gặp khi hoạt động ở Lào và Campuchia. Thư mô tả tình hình ở hậu phương là rất tồi tệ. Ý tưởng ở đây là khi có người đến di chuyển thi thể, họ sẽ đọc thư. Thư còn có thể chơi con bài Trung Quốc, cáo buộc các sĩ quan Trung Quốc làm nhục phụ nữ Việt Nam mà chẳng có ai làm gì họ cả. SOG còn gửi những giấy báo tử giả cho gia đình có bộ đội chiến đấu ở miền Nam.4 

Theo Bob Andrews, công tác tại bộ phận chiến tranh tâm lý của SOG năm 1968, có rất nhiều chương trình thư đen khác nhau và có nhiều cách để đưa thư ra Hà Nội. Andrews mô tả sự việc sử dụng địa chỉ ở Băng Kốc như sau: "Lúc bấy giờ có rất nhiều kho chứa thư quốc tế trên khắp thế giới. Một trong số đó là ở Băng Kốc. Chúng tôi gửi hàng túi thư kiểu này tới Băng Kốc và Trung tâm CIA ở đây có một cơ sở người Thái ở ngành bưu chính và anh ta sẽ ném túi thư đó vào số thư từ đi Việt Nam".5 Ở thời kỳ cao điểm, hàng năm có 7.000 bức thư đen được chuyển qua Băng Kốc và các thành phố khác đến miền Bắc.6 

SOG dùng "tài liệu, vật liệu giả gửi miền Bắc để thể hiện sức mạnh của tổ chức, nhóm người, hoặc cá nhân có thực hoặc giả mạo"7. Thật khó có thể nêu ra được dẫn chứng vì CIA vẫn chưa giải mật những tài liệu này với lý do sẽ làm lộ kỹ thuật và biện pháp nghiệp vụ. Với những gì được biết thì CIA thu thập một số lượng lớn tài liệu thu giữ hoặc có được từ nguồn khác. CIA có kỹ thuật chuyên môn để làm giả các tài liệu đó đúng đến từng chi tiết nhỏ. Văn phòng hậu cần tuyệt mật Viễn Đông của CIA đặt tại Okinawa chuyên sản xuất ra các sản phẩm giả phục vụ cho hoạt động của SOG. Những tài liệu giả này "được các toán hoạt động của SOG, tiểu đoàn không quân 101 (của Mỹ), lực lượng đặc nhiệm hải quân-SEAL, và các đơn vị quân đội Việt Nam cộng hoà đưa vào Lào, Campuchia và Nam Việt Nam"8.

Các hoạt động tâm lý chiến đen khác

SOG thực hiện hàng loạt hoạt động chiến tranh tâm lý có quy mô nhỏ hơn và mang tính chiến thuật. Nhiều hoạt động trong số này thuộc loại thủ đoạn "bẩn thỉu" và thường có sự giúp đỡ của Văn phòng hậu cần Viễn Đông của CIA. Hai cơ quan này cho phép SOG có sự tiếp cận độc nhất vô nhị với hàng loạt thiết bị đặc chủng như vũ khí đã bị han gỉ của đối phương, các loại bẫy, thiết bị nghe trộm điện thoại đặc biệt và chất làm nhiễm bẩn gạo.

Phần lớn nhất của các hoạt động này là cài bẫy vào vũ khí của đối phương. Ý tưởng này là của Singlaub, vị chỉ huy thứ ba của SOG năm 1967. Singlaub còn nhớ Eldest Son, mật danh của hoạt động này, là "nhạy cảm tôi phải xin sự phê chuẩn của Westmoreland và CIA vì chúng tôi sử dụng thiết bị của họ. Trợ lý đặc biệt về chống bạo loạn và hoạt động đặc biệt - SACSA- chuyển số vũ khí này qua người của CIA ở Sài Gòn và Okinawa".1 Các vũ khí bị sửa đổi bao gồm đạn AK47 và cối 82 do Cộng hoà nhân dân Trung Hoa sản xuất mà CIA có được qua một nước thứ ba. Các chuyên gia của CIA tháo rời đạn ra, gài bẫy vào trong, sau đó lắp lại như cũ, cho vào băng hoặc thùng đạn để không ai biết chúng đã bị sửa đổi. Những viên đạn này sẽ nổ tại chỗ khi được sử dụng và có thể gây ra chết người.

Việc đưa vũ khí này tới tay của quân đội miền Bắc là trách nhiệm của các toán thám báo thuộc OP35. Họ mang số đạn AK47 đã bị cài bẫy vào Lào và Campuchia đặt bên cạnh thi thể của bộ đội miền Bắc hoặc rải xung quanh nếu các toán thám báo gặp đối phương. (Quân đội miền Bắc thường chịu khó thu nhặt vũ khí, đạn dược và các thiết bị quân sự khác để lại sau trận đánh). SOG còn tạo ra kho đạn giả của đối phương ở những nơi có hệ thống kho tồn tại.

Việc nghe trộm đường dây liên lạc của bộ đội miền Bắc cho thấy số đạn bị cài bẫy này gây hoang mang trong bộ đội. Để khuếch trương tác động, SOG đưa lên đài phát thanh hoặc đưa tin trên báo chí của quân đội Mỹ nhắc nhở nhân viên Hoa Kỳ không được sử dụng vũ khí của đối phương. Ngoài việc đánh lừa, sự nhắc nhở này là cần thiết vì có trường hợp nhân viên Mỹ bị thương vong vì loại vũ khí này.

Bob Adrews liên hệ tới một ví dụ liên quan tới một sĩ quan hải quân bị mù mắt vì bắn súng AK47. "Vào khoảng mùa thu 1968, chúng tôi đang tìm cách để đối phương quan tâm hơn đến đề án Eldest Son và chuyển cho họ thông điệp là số đạn AK47 hỏng này là do người Trung Quốc gây ra. Chúng tôi muốn làm lớn chuyện này… chúng tôi biết về vụ một sĩ quan hải quân đã nhặt khẩu AK47 và cầm đúng băng đạn đã cài bẫy, khi bắn, do đạn nổ về hướng mặt nên anh ta bị mù. Tôi nảy ra ý tưởng là cần phải tuyên truyền mạnh trong quân đội Hoa Kỳ về việc MACV cấm tàng trữ và sử dụng vũ khí của đối phương. Vì vậy, chúng tôi đưa tin lên đài nói rằng: đây là câu chuyện đã xảy ra với một người của chúng ta vì đã vi phạm quy định và nguyên nhân là do đạn hỏng".2 

Để kích động sự thù hằn đối với Trung Quốc, Andrews "đến Trung tâm khai thác vật liệu hỗn hợp" của MACV và thoả thuận với giám đốc trung tâm tạo ra một bản phân tích giả về khẩu súng mà người sĩ quan nọ đã sử dụng. Bản phân tích cho biết vũ khí đó không đạt tiêu chuẩn và có vẻ như bị cố ý làm như vậy, và toàn bộ lô AK47 có khả năng bị kém chất lượng. Tay giám đốc còn đóng dấu "mật" vào bản báo cáo và "vô tình" để quên tại một quán bar, ngay sau đó tài liệu bị biến mất".3 Tài liệu giả cũng được sử dụng để nói xấu người Trung Quốc và làm cho bộ đội Bắc Việt Nam ngại không muốn sử dụng vũ khí của họ. Thủ đoạn này được thực hiện dưới dạng một thông báo của Tổng hành dinh quân đội Bắc Việt Nam gửi các tư lệnh ở miền Nam xác nhận vấn đề và giải thích là các đồng chí Trung Quốc đang áp dụng mọi biện pháp để xử lý khó khăn trong chế tạo vũ khí và chấn chỉnh dư luận cho rằng Trung Quốc cố ý gài bẫy vũ khí, đạn dược. SOG có một số lượng lớn các bẫy nổ ngụy trang rải dọc theo đường mòn Hồ Chí Minh để bộ đội Bắc Việt Nam thu nhặt. Phần lớn số bẫy này lại là loại vật dụng dùng trong quân đội đang khan hiếm, thường là pin và đài thu thanh.

Các loại tài liệu giả khác cũng đánh vào sự nghi ngại truyền kiếp của Bắc Việt Nam đối với Trung Quốc. William Rydell, một nhân viên CIA chuyên về chiến tranh tâm lý và chỉ huy OP39 năm 1970, kể lại thủ đoạn sử dụng thiếp chúc tết để đạt mục đích trên. Hàng năm, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường gửi thư chúc tết cho bộ đội ở miền Nam. Hồ Chủ tịch đã mất năm 1969 và dĩ nhiên là không thể gửi thư chúc tết cho bộ đội được nữa. Vì vậy chúng tôi chọn ra một người.lãnh đạo thân Trung Quốc nhất để làm giả thư chúc tết của người đó gửi bộ đội ở miền Nam (năm 1971).

Rydell chọn Trường Chinh, một lãnh đạo cấp cao của Đảng Cộng sản Việt Nam - người trên thực tế cũng ngả mạnh theo Trung Quốc. Rydell giải thích "những người Việt Nam cùng làm việc với tôi cho đây là ý tưởng tuyệt vời (thiếp chúc tết) rất hiệu quả". Và Hà Nội đã "tổ chức họp báo tại Lào và ở Paris lên án hoạt động bí mật này".4 SOG phân phát hơn 22.000 thiếp ở Lào, Campuchia và miền Nam.5 

Cuối cùng, có một đề án nhỏ về làm tiền giả. Tuy nhiên Washington rất e ngại dự án này đi quá xa. Theo Bob Andrews, "tôi biết việc làm tiền giả được thảo luận, nhưng cấp trên bảo chúng tôi : "Không được làm như vậy. Đó là điều không thể được về mặt chính trị.6 

Những bí mật về sự chống phá Hà Nội của CIA - Phần 2 

Không có nhận xét nào: