Thứ Ba, 9 tháng 10, 2012

Lê Lợi và Nguyễn Huệ có những điểm giống nhau trong cách đánh giặc


Đọc lại sử nước nhà, những ai để ý tới nghệ thuật đánh giặc của dân ta đều nhớ đến một lời khuyên của một bậc đại anh hùng dân tộc, Hưng Ðạo Ðại Vương Trần Quốc Tuấn, cách đây gần 700 năm...
Ngày 20 tháng Tám, năm Canh Tý (1300), Vương mất. Trước đó, Vua Trần, tên Anh Tông, tới tận giường bệnh thăm hỏi về phương cách chống giặc, nếu vạn bất đắc dĩ điều không may xảy ra. Vương tóm lược tình hình chiến trận qua từng thời đại lịch sử, trước khi đưa ra một triết lý đấu tranh tổng hợp của ngài:

"Ðại khái, kẻ kia có trường trận, ta có đoản binh. Lấy đoản chế trường là sự thường trong binh pháp. Nếu quân địch tràn qua như lửa, như gió, thế ấy dễ trị. Nếu chúng dùng chước tầm ăn dâu, không cần mau thắng vàchẳng cướp bóc lương dân, thì ta phải lựa dùng tướng giỏi,xem tình thế mà quyền biến như người đánh cờ vậy. Nhưng, phải tùy từng lúc mà chiến đấu. Cốt cho binh tướng thân tình như cha con thì mới dùng được. Và phải nới lỏng sức dân để làm cái chước rễ sâu gốc vững. Ðó là phương sách giữ nước hay hơn cả" (Việt Sử Thông Giám Cương Mục).

Sau ba lần chiến thắng quân Nguyên xâm lược, triều Trần đã gìn giữ được chủ quyền dân tộc trong gần hai trăm năm, từ 1225 đến 1407 là năm Hồ Qúy Ly thất bại trong việc ngăn chặn giặc Minh xâm lăng nước ta. Riêng nhà Trần thì coi như tồn tại đến 1413 là năm Trần Qúy Khoách bị giặc Minh tiêu diệt, dứt tuyệt nhà Trần. Ngay từ 1407, các tôn thất nhà Trần cũng đã dựng binh đánh lại giặc Minh, nhưng liên tiếp thất bại, cho đến 1418 một người anh hùng áo vải đất Lam Sơn là Lê Lợi mới mở ra một cuộc vận động lịch sử mới. Công cuộc kháng chiến của dân ta, dưới sự lãnh đạo của Lê Lợi và Nguyễn Trãi đã kéo dài 10 năm mới thành công. Triều Lê được khai mở từ Lê Lợi, lên ngôi là Lê Thái Tổ, năm 1428 và chấm dứt đúng 360 năm sau, với Lê Chiêu Thống. 

Nhà Mãn Thanh, khi đó đang thống trị Trung Hoa và Hoa tộc, đã mượn cớ phò giúp Chiêu Thống để xua quân xâm chiếm nước ta. Mùa Xuân năm 1789, 200 năm trước đây, một người anh hùng áo vải khác đã đứng lên làm nhiệm vụ cứu nước. Quang Trung Nguyễn Huệ đã đại phá quân Thanh và chấm dứt cuộc chiến xâm lược trong một chiến thắng long trời lở đất. Tương tự như Lê Lợi, Nguyễn Huệ cũng được dân ta tôn là đại anh hùng dân tộc, và được coi như một nhà chính trị, một thiên tài quân sự, một bậc lãnh đạo có nhiều ý chí canh tân đi sớm hơn trào lưu tư tưởng đương thời. Ngài bị bạo bệnh mất sớm và nước ta lại lâm vào vòng binh đao rồi mất chủ quyền vào tay thực dân Pháp vì sự hôn ám của vua quan triều Nguyễn.

Nhắc lại lời khuyên của Trần Quốc Tuấn, chúng ta muốn thử so sánh hai cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Mục đích là để rút tỉa những bài học đấu tranh từ hai cuộc vận động lịch sử, xảy ra cách nhau 360 năm, vốn vẫn được coi là hai hình thái gần như tương phản của đấu tranh giải phóng.* Trước khi so sánh, hãy cùng nhau kiểm điểm lại tình hình đất nước vào hai thời điểm lịch sử đưa đến nạn ngoại xâm:

I. ÐỜI TRẦN MẠT, NƯỚC TA MẤT CHỦ QUYỀN NHƯ THẾ NÀO?
Triều Trần vào cuối thế kỷ 14 đã bắt đầu suy yếu mục nát. Trong khi cónhững người như Hồ Qúy Ly muốn cố gắng canh tân đất nước và chỉnh đốnlại nền nội chính thì nhiều thành phần sĩ phu và quan lại khác lại cónhững tư tưởng lạc hậu và chủ bại. Họ không hợp tác và chống Hồ Qúy Lyra mặt mà không nhìn thấy nguy cơ xâm lược có thể đến từ triều Minh.Lúc đó, nhà Minh đã ổn định tình hình ở Trung Nguyên và bắt đầu dòm ngó nước ta. Nói về mối nguy này, Trần Nguyên Ðán, một bậc tông thất triều Trần, đã khuyên Thượng Hoàng Trần Nghệ Tông như sau :"Xin Bệ Hạ thờ nhà Minh như cha... quốc gia mới có thể yên ổn mà hạ thần có chết cũng được ngậm cười nơi suối vàng". Trần Nguyên Ðán chính là một danh sĩ, từng làm quan đến chức Tư Ðồ và là nhạc phụ của Nguyễn Trãi.

Năm 1400, Hồ Qúy Ly đoạt ngôi Trần và ra sức tiến hành việc cải cách chính trị và quân sự chuẩn bị đối phó với áp lực xâm lăng của nhà Minh. Nhưng, tình hình đã quá mục nát, và sự chống đối của sĩ phu cùng tông thất nhà Trần càng làm triều Hồ thêm suy yếu. Trong số tông thất nhà Trần, có người Trần Thiêm Bình chạy sang bên Tầu, cầu cứu nhà Minh. Ðầu năm 1406, vua Minh sai Hàn Quan và Hoàng Trung đem 5000 quân đưa Trần Thiêm Bình về nước nhưng bị quân ta đánh tan. Vua Minh lại sai Trương Phụ, Mộc Thạnh, Lý Bân, Trần Húc dưới quyền điều khiển của Thành Quốc Công Chu Năng đem đại quân qua nước ta, lấy cớ "Hưng Trần Diệt Hồ" để đánh quân Hồ Qúy Ly. Lần này, Hồ Qúy Ly đại bại, nhiều người rơi vào mưu tuyên truyền của quân Minh mà hợp tác với giặc. Diệt xong nhà Hồ, quân Minh bắt đầu thiết lập bộ máy cai trị, với sự hợp tác của nhiều phần tử trí thức hay quan lại vốn còn lưu luyến nhà Trần hay thù ghét cha con Hồ Qúy Ly và căn bản là khiếp nhược vì sức giặc, hợp tác vì đỉnh chung danh lợi.

II. HỆ THỐNG CAI TRỊ CỦA GIẶC MINH.
Chiếm được nước ta, quân Minh cất bảng hiệu "hưng Trần" với lý do "con cháu họ Trần không còn ai nữa và đất An Nam vốn là Giao Châu trước,nay lại đặt quận huyện như xưa". Nhưng, theo đúng kế hoạch"tầm ăn dâu, không cần mau thắng, chẳng cướp bóc lương dân", chúng khôn khéo vỗ về dân chúng, xá thuế 3 năm, miễn tội cho cả những người từng cầm quân theo Hồ Quý Ly chống lại chúng. Giặc Minh còn chiêu mộ nhân tài nước Nam đem qua Kim Lăng học tập trong mục đích đưa họ trở về củng cố bộ máy cai trị trên nước Nam.

Chúng chia nước ta thành 17 phủ, đặt quan văn cai trị nền chính trị hành chánh dưới 3 ty Bố Chánh, Án Sát và Chưởng Ðô, đặt quan võ phòng thủ việc nổi loạn với 12 đạo quân của 12 vệ. Chúng tận dụng trí thức, quan lại và trai tráng, thầy thuốc, thầy bói và thợ chuyên môn của nước ta, ban thưởng phẩm hàm và phân phát đặc lợi để họ làm tay chân cho bộ máy thống trị. Hoàn tất việc thiết lập cơ chế chính trị rồi, chúng mới ra tay đàn áp và bóc lột người nước Nam. Chế độ cai trị này có bản chất là một chế độ thực dân xâm lược, nhưng lại được bao bọc bởi một bộ máy nhân sự của tay sai bản xứ. Trong các thời kỳ ngoại thuộc, trong lịch sử, thời kỳ Minh thuộc là một giai đoạn bi đát nhất của dân ta. Cũng vì vậy mà đối kháng bùng nổ.

Phong trào kháng cự khởi sự với Giản Ðịnh Ðế Trần Qũy, con thứ của Trần Nghệ Tông. Nhưng vì thực lực còn yếu và Giản Ðịnh Ðế thiếu sáng suốt lại sát hại chính các bề tôi ruột thịt như Ðặng Tất và Nguyễn Cảnh Chân, nên bị quân Minh dẹp tan sau 2 năm cầm cự. Phong trào được tiếp nối bởi Trần Qúy Khoách, cháu Trần Nghệ Tông, lên ngôi là Trùng Quang Ðế, nhưng cũng chỉ tồn tại đến 1413 lại bị tiêu diệt. Phải đợi 5 năm sau, 1418, ta mới thấy lá cờ đại nghĩa của kháng chiến chống ngoại thuộc được dựng lại từ đất Lam Sơn Thanh Hóa, với sự xuất hiện của Lê Lợi. Công cuộc kháng chiến của Lê Lợi mất 10 năm mới đi tới thành công.

III. TIẾN TRÌNH KHÁNG CHIẾN THỜI LÊ LỢI.
Lê Lợi khởi sự kháng chiến từ con số không. Lực lượng võ trang của ông khi đó chỉ có khoảng hơn 500 quân và 14 con voi và gặp nhiều khốn đốn ngay từ buổi đầu khi bị quân thống trị càn quét và tràn ngập căn cứ. Có những lúc chúng đem vào tới hàng trăm ngàn lính (từ Thanh Hoá vào, từ Nghệ An lên, từ Thăng Long xuống và từ cả Ai Lao qua) mở ra nhiều cuộc tảo thanh ráo riết để tiêu diệt kháng chiến.
Công cuộc kháng chiến 10 năm đã trải qua ba giai đoạn đấu tranh mới đi tới thành công :
Giai đoạn 1418-1424 là giai đoạn xây dựng cơ sở kháng chiến và tránh né giao tranh trực diện để bảo toàn lực lượng non yếu nhưng vẫn vận dụng mưu trí và kỳ binh để làm suy yếu sức giặc. Ðây cũng là giai đoạn hình thành đường lối đấu tranh uyển chuyển và trường kỳ mà Nguyễn Trãi gọi là "Lấy yếu chống mạnh, hoặc đánh lúc bất ngờ. Lấy ít địch nhiều, hoặc dùng quân mai phục" (Bình Ngô đại cáo) để đạt kết quả "Sức dùng có nửa, công thành gấp đôi" (Quân trung từ mệnh tập). Trong giai đoạn này, kháng chiến ta ba phen phải rút về Chí Linh sau khi bị vây khốn. Có những lúc quân tan lương cạn và tương lai kháng chiến chỉ như ngọn đèn trước gió. Nhưng, chính vào những lúc này mà dân chúng lại yểm trợ vững mạnh và tinh thần quyết tử của nghĩa quân đã khôi phục lại được cơ sở kháng chiến.

Sang giai đoạn 1424 kháng chiến ta mới phát triển địa bàn hoạt động xuống tới Nghệ An và xây dựng căn cứ địa cho cuộc tổng phản công. Ðây là giai đoạn quân ta kết hợp đấu tranh quân sự cùng đấu tranh chính trị tới cao độ, với những nỗ lực địch vận tâm công được tiến hành rất linh động. Ta bao vây Nghệ An và, ở các quận huyện phụ cận, ta bắt đầu xây dựng được những chính quyền địa phương, thoát thai từ những lực lượng nghĩa quân kháng chiến với sự hợp tác và tiếp vận của dân chúng. Cũng trong thời kỳ này, tinh thần kháng chiến đã lan rộng ra tới miền Bắc và làm phân tán sức đối phó của giặc. Cuối giai đoạn 1426, kháng chiến Lê Lợi đã có địa bàn hoạt động trải dài từ Thanh Hoá vào đến Thuận Hoá, từ đèo Tam Ðiệp đến đèo Hải Vân.

Giai đoạn sau cùng là giai đoạn tổng phản công, khởi sự từ tháng 9 năm 1426 và kết thúc vào cuối năm 1427. Chiến lược phản công khi đó là vây thành chặn đánh viện binh làm nao núng tinh thần binh lính địch, trong khi đó, ta tận dụng chiến tranh tâm lý và địch vận để hỗ trợ cho áp lực quân sự. Ðến tháng 9 năm 1427, giặc bị tỉa dần, gom lại và bị vây trong 4 thành chơ vơ là Ðông Quan (Thăng Long), Chí Linh (Hải Dương), Cổ Lộng (Nam Ðịnh) và Tây Ðô (Thanh Hoá). Viện binh do Liễu Thăng đem qua bị dụ vào đất Chi Lăng và 10.000 quân bị đánh tan, Liễu Thăng bị chém chết bên núi Mã Yên. Một cánh khác gồm 80.000 ngàn do Thôi Tụ và Hoàng Phúc điều khiển thì bị bao vây và tiêu diệt ở Xương Giang, chết 50.000 ngàn, còn lại 30.000 xin hàng. Quân Mộc Thạnh từ Vân Nam qua ngả Hà Giang vào cứu viện cũng bị tiêu diệt ở cửa Lê Hoa. Tin tức 10 vạn viện binh bị tan rã trong vòng 27 ngày làm Vương Thông và đồng bọn không còn ý chí chống cự, chúng đành mở cửa thành xin hàng. Cả thẩy 86.000 tướng sĩ của Minh Triều đã được ta cấp ngựa, thuyền và lương thực cho rút về nước.
Sau khi nhắc lại sơ lược tình hình kháng chiến thời Lê Lợi, hãy quay về tình hình đất nước vào thời Lê mạt, 360 năm sau.

IV. ÐỜI LÊ MẠT, GIẶC MÃN THANH TẤN CÔNG TA NHƯ THẾ NÀO
Nước ta bị cảnh Trịnh Nguyễn phân tranh kéo dài từ 1600 đến 1786 khiếndân tình đói khổ và lòng người bất định. Ở Ðằng Trong, các Chuá Nguyễn khai phá và mở rộng lãnh thổ, cho đến Chuá Nguyễn Phúc Khoát (1738-1765) thì bắt đầu suy nhược. Quyền thần Trương Phúc Loan làm loạn, dân tình đồ thán và dân chúng Bình Ðịnh nổi lên chống đối dưới lá cờ của ba anh em Tây Sơn là Nguyễn Nhạc, Nguyễn Lữ và Nguyễn Huệ. Tinh thần kỷ luật, tổ chức nghiêm minh và mục tiêu an dân của Tây Sơn khiến dân theo rất đông, trong đó có cả các sắc dân Mường, Chàm và nhiều thương nhân gốc Hoa, lánh nạn Mãn Thanh định cư ở nước ta. Quân Tây Sơn đánh tan Chuá Nguyễn chỉ còn Nguyễn Ánh lưu vong bên ngoài thì bắt đấu quay ra miền Bắc.

Ở Ðằng Ngoài, vua Lê mất cả thực quyền lẫn ý chí cầm quyền, Chuá Trịnh lấn lướt quyền hành nhà vua nhưng đến thời hai Chuá Trịnh Doanh (1740-1767) rồi Trịnh Sâm (1767-1782) thì cũng suy nhược.
Riêng tại Bắc Hà, sĩ khí của đám quan lại có triệu chứng phân hoá và suy nhược trầm trọng hơn nữa. Kẻ thì ôm chữ trung quân với Vua Lê, bất lực nhìn Chuá Trịnh chuyên quyền, kẻ thì chỉ biết Phủ Chúa là trung tâm quyền lực và trung với Chúa còn hơn với Vua. Nhưng, đa số đều chỉ nghĩ đến quyền lợi riêng tư và dùng quyền hành tranh đoạt lẫn nhau, gây nhiều tai ương cho dân đen. Tình trạng mục nát của Bắc Hà đã đưa Nguyễn Huệ ra Bắc lần đầu, năm 1786, dưới lá cờ "Phù lê Diệt Trịnh". Nguyễn Huệ đuổi Trịnh dựng lại ngai Lê cho Lê Chiêu Thống rồi phảiquay về Phú Xuân vì sự đòi hỏi của Nguyễn Nhạc. Trong cái"nước rỗng" ở miền Bắc, Vua Lê bất lực trước những tranh giành quyền lực của Trịnh Lệ, rồi Trịnh Bồng, rồi Nguyễn Hữu Chỉnh, có sự hỗ trợ của đám quan làm loạn nước như Ðinh Tích Nhưỡng, Dương Trọng tế, Hoàng Phùng Cơ... Nhiều người chán nản cáo quan bỏ về, hay chạy trốn những cuộc chính biến xảy ra liên tiếp tại Thăng Long. Trong khi đó, dân đen bị bóc lột, bị huy động vào cảnh nồi da xáo thịt, và lâm vào tình trạng cùng quẫn khổ sở không kể xiết.

Năm 1788, theo sát Vũ Văn Nhậm tới Thăng Long diệt Nguyễn Hữu Chỉnh, Nguyễn Huệ ra Bắc lần thứ hai và Lê Chiêu Thống bôn đào. Vào Lam Sơn không được hậu thuẫn của dân chúng (dù là đất cũ của triều Lê, nơi xuất phát kháng chiến Lê Lợi mấy trăm năm về trước), ông vua cuối cùng của nhà Lê đã vượt lên Lạng Sơn, cho đám trí thức quan lại tòng vong chạy qua Tầu, cầu cứu nhà Mãn Thanh. Vua Càn Long lợi dụng cơ hội, sai Tổng Ðốc hai Quảng, Ðông và Tây, là Tôn Sĩ Nghị, cùng Tri phủ Ðiền Châu là Sầm Nghi Ðống và cả binh lính Vân Nam, Qúy Châu tràn qua nước ta. Lấy cớ khôi phục ngai vàng cho Lê Chiêu Thống, Tôn Sĩ Nghị điều khiển 29 vạn quân và lao công mở chiến dịch cướp nước ta. Ði theo có Lê Chiêu Thống. Giặc vào nước ta trong thế vũ bão ào ào và không gặp một sự kháng cự nào đáng kể.
Vì, đối diện quân ta chỉ vọn vẹn có 10.000 quân bảo vệ Thăng Long : Giải quyết xong vấn đề Vũ Văn Nhậm, Nguyễn Huệ phải lui về Phú Xuân, để Ngô Văn Sở, Phan Văn Lân, Nguyễn Văn Tuyết, Nguyễn Văn Dụng và Ngô Thì Nhậm ở lại ổn định tình thế tại Thăng Long với một đạo binh 10.000 đó.

V. CUỘC PHẢN CÔNG CỦA QUANG TRUNG VÀ CHIẾN THẮNG ÐỐNG ÐA.
Ðược tin quân Mãn Thanh tràn qua cướp nước, Nguyễn Huệ lên ngôi Quang Trung Hoàng Ðế tại Phú Xuân và đem binh tướng ra Nghệ An đối phó. Tại Bắc Hà, quân ta theo kế Ngô Thì Nhậm rút hỏi Thăng Long để bảo tồn lực lượng và lui về trấn thủ ở đèo Tam Ðiệp. Tại Nghệ An, trong 10 ngày, Quang Trung mộ quân định kế và tiến ra đèo TamÐiệp bắt đầu cuộc tổng phản công. Quang Trung ban bố lời hịch kể tội quân giặc, vận động tinh thần dân chúng và ba quân, và nêu cao ý chí diệt giặc với mục tiêu rõ ràng là đánh tan bộ chỉ huy của Tôn Sĩ Nghị để nhanh chóng chấm dứt chiến tranh.
Quang Trung cho ba quân ăn Tết sớm, chia binh đội 100.000 người thành 5 đạo, hẹn nhau ăn mừng khai hạ ở Thăng Long. Năm đạo quân bảo vệ lẫn nhau, cùng chia cắt lực lượng địch, chặn viện binh và ngăn đường rút của giặc. Ðêm trừ tịch ta chuyển quân, mùng 3 Tết bao vây Hà Hồi sau khi tiêu diệt nhanh ngọn lực lượng tiền phương của giặc tại bến đò Gián Thủy. Mùng 4 Tết, đến lượt đồn Ngọc Hồi bị tràn ngập sau một cuộc chiến ác liệt, nơi quân ta đã có đến 8000 người hy sinh. Mùng 5 Tết, đạo Trung quân của Quang Trung vào tới Thăng Long.

Cùng lúc đó, cánh Tả quân cũng tiêu diệt quân Ðiền Châu của Sầm Nghi Ðống, họ Sầm phải tự ải, quân ta thọc ngang vào Tây-Nam Thăng Long tiến đến đại bản doanh làm Tôn Sĩ Nghị vứt ấn tín, vượt cầu phao bắc trên sông Nhị Hà bỏ chạy lên Bắc Ninh và trốn về biên giới. Binh Thanh triều hốt hoảng chạy theo, đứt cầu, đạp lên nhau mà chết, xác ngập ứ sông. Cánh Hữu quân khác tiến đánh phía Ðông, chia đôi lực lượng, một nửa bao vây mặt Ðông thành Thăng Long, một nửa vượt qua Hải Dương lên phía Bắc, đuổi tàn binh của giặc đến tận biên giới. Ðạo viện binh Vân Qúy của giặc vưà tới Sơn Tây chỉ nghe tin cũng đã bỏ chạy, không dám tiếp cứu. Ngày mùng 7 Tết, nước ta sạch bóng giặc.
Mười vạn quân Nam đánh tan gần ba mươi vạn quân Thanh, trong vòng chưa đầy một tuần và kết thúc luôn cuộc chiến xâm lược của nhà Mãn Thanh, đây là một chiến thắng lẫy lừng của quân sử nước ta. Ðối chiếu với một cuộc kháng chiến chống Minh kéo dài mười năm, chúng ta thấy sự nghiệp diệt Thanh của Nguyễn Huệ quả có những khác biệt căn bản.
Sau khi kiểm điểm lại tình hình vào hai giai đoạn kháng chiến nói trên, chúng ta hãy cùng tìm hiểu về những khác biệt và tương đồng của hai trang sử vẻ vang này.

VI. NHỮNG DỊ BIỆT VỀ HOÀN CẢNH VÀ ÐƯỜNG LỐI.
Trước khi giặc Minh tràn qua nước ta đúng một thế kỷ, Trần Quốc Tuấnđã giảng cho vua Anh Tông sự khác biệt giữahai thế giặc mà ta thấykhá rõ trong hai thời Minh và Thanh.Giặc vào như gió như lửa, giết hại dân lành làm sinh linh đồ thánthì ta dễ chống. Giặc vào như tầm ăn dâu, chậm rãi đặt tay chân cai trị đằng sau một chánh sách mị dân thì ta khó đuổi hơn. Thời Minh, giặc đánh nước ta bắt đầu bằng thế mạnh nhưng Hồ Qúy Ly đã thất bại. Thắng trận rồi, Trương Phụ đổi ngay kế hoạch và tiến hành việc"bình định" theo thế "tầm ăn dâu", dùng người địa phương trị người địa phương, dưới sự chỉ đạo của những văn quan người Minh có tài như Hoàng Phúc hay Lữ Nghị. Nhờ vậy, chúng ngụy trang được bộ mặt xâm lược và có thời giờ xây dựng hệ thống cai trị.

Thời Thanh, giặc vào cũng như vũ bão nhưng vì không gặp sự chống cự đáng kể đã sinh ra chủ quan, khinh thường yếu tố chính trị. Tôn Sĩ Nghị quên hẳn kế hoạch bình định chính trị đằng sau bức bình phong phù Lê do Càn Long vạch ra mà coi như mình đang nắm trong tay yếu tố quân sự, yếu tố tất thắng, có thể tiêu diệt quân Nguyễn Huệ trong nay mai. Ðã vậy, Chiêu Thống lại hèn mạt, cư xử như bồi thần của Tôn Sĩ Nghị, và đám quan lạitòng vong của Chiêu Thống noi gương chủ chỉ lo việc báo ân báo oán. Tôn Sĩ Nghị được thể buông thả cho lính Thanh cướp bóc hiếp đáp dân chúng làm người dân Bắc Hà, dù luyến tiếc công đức các Vua Lê đến đâu đi nữa cũng phải thất vọng về Chiêu Thống và oán ghét quân Thanh đến xương tủy.

Chính yếu tố này đã khiến dân chúng bịt tai bịt mắt quân giặc, không ai loan báo cho chúng biết những diễn biến quân sự của Quang Trung. Ngược lại, họ không còn coi binh đội Quang Trung như của "nước ngoài" giống nhiều thành phần sĩ phu và quan lại Bắc hà vẫn thường nghĩ. Họ trở thành tai mắt cho đạo binh từ Nghệ An ra, giúp Quang Trung nắm vững tình hình của giặc và cũng góp phần cho chiến thắng Ðống Ða.
Cũng trong hoàn cảnh lòng người không định, trắng đen không phân minh của thời Trần mạt, đường lối khôn ngoan của Trương Phụ đã khiến người nước Nam có đứa hợp tác hay làm tay sai của giặc Minh, gây tai họa cho dân và khó khăn cho kháng chiến. Sự kiện đó đã được Nguyễn Trãi nhắc đến sau này trong Bình Ngô đại cáo :
Quân Minh cường bạo, thừa dịp hại dân;
Ðảng ngụy gian tà, manh tâm bán nước.
Nướng dân đen trên lò bạo ngược
Vùi con đỏ xuống hố tai ương.
Hoàn cảnh khách quan, về phía giặc, đã như vậy, hoàn cảnh chủ quan, về phía ta cũng có khác.

Thời Lê Lợi Nguyễn Trãi, lực lượng kháng chiến được xây dựng từ con số không, từ những đổ vỡ toàn diện của các triều Trần Hồ. Nghĩa binh Lam Sơn, khi khởi sự, chỉ có gần 600 người. Giúp đỡ Lê Lợi, trong hội thề ở Lũng Nhai, cũng chỉ thấy có trên dưới hai chục người phụ tá. Ngay cả Nguyễn Trãi, lúc Lê Lợi khởi xướng, cũng chưa thấy tham gia.
Ngược lại, thời Quang Trung, lực lượng ta vẫn còn nguyên vẹn ở Thuận Quảng, Nghệ An, Thanh Hoá. Dù Nguyễn Huệ chưa lên ngôi và đứng trên cương vị của nước Nam xướng xuất việc lãnh đạo kháng chiến, cơ chế quân sự và chính trị của Tây Sơn đã sẵn có, với những yếu tố về sức mạnh tiềm ẩn bên trong. Nguyễn Nhạc kém coi, chỉ ước mơ được làm vua Tây Sơn đóng đô tại Quy Nhơn cũng thoả chí. Nguyễn Huệ nhìn ra đại thể cuả dân tộc và đưa cả lực lượng quân sự dưới quyền điều khiển của mình (không nhiều, nên ra tới Nghệ An mới mộ thêm quân và vét lính đến cả trẻ em, thiếu niên, được 100.000 người) vào kháng chiến.

Công cuộc kháng chiến của Lê Lợi gian khổ và lâu dài hơn vì Lê Lợi phải vừa bảo toàn vừa xây dựng lực lượng, vừa tranh thủ lòng người để đánh lại một bộ máy thống trị hòan bị. Công cuộc kháng chiến của Quang Trung hoàn thành nhanh chóng hơn vì đã có sẵn lực lượng chủ yếu, lại chỉ thanh toán một bộ máy xâm lược quân sự của giặc. Chiêu Thống và đồng bọn chưa và không thể có khả năng xây dựng một bộ máy tai sai thống trị như Tổng Binh Trương Phụ của quân Minh.

Cũng từ sự khác biệt về hoàn cảnh chủ quan của hai thời kỳ, ta còn thấy một khác biệt nữa là Quang Trung điều khiển một bộ máy quân sự có 17 năm kinh nghiệm chiến trận liên tục, từ 1771 đến 1788, từ Ðằng Trong ra tới Bắc Hà. Trong khi đó, lực lượng kháng chiến của Lê Lợi xuất thân từ quần chúng dân sự, phải vừa đấu tranh vừa học hỏi, vừa đấu tranh vừa xây dựng tổ chức, vừa đấu tranh vừa chuyển mình thànhmột quân đội chuyên nghiệp.
Vì vậy, trong khi Nguyễn Trãi nêu lên ý kiến "Ðánh thành là hạ sách, đánh lâu không hạ được, quân ta sức mòn khí nhụt, viện binh giặc mà đến là ta bị vây kín trước sau, thế phải lâm nguy, chi bằng nuôi chí trường kỳ, chứa sức đánh viện binh, viện binh bị diệt, thành phải hàng, thế là làm một mà được hai" thì Nguyễn Huệ đã tập trung binh lực đánh ngay vào bộ chỉ huy của giặc bằng một trận quyết định theo đúng lối công thành mà Nguyễn Trãi e ngại.

Kháng chiến Lê Lợi lấy ngắn nuôi dài, dùng thế đấu tranh vận dụng để tâm công, địch vận, công đồn đả viện, khởi sự bằng chiến tranh tiêu hao chiến tranh du kích, chiến tranh chính trị, trước khi kết thúc bằng vận động chiến. Nhưng ngay trong vận động chiến, vẫn là chiến lược công thành để diệt viện binh, đánh vào ý chí của giặc. Vì vậy, trong 10 năm kháng chiến, chỉ có ba trận đánh thuần túy quân sự, có mục đích tiêu diệt đối phương : Tại trận Tụy Ðộng, tháng 11 năm 1426, Thượng Thư Trần Hạp và Nội quan Lý Lương bị chém cùng 5 vạn binh. Tại trận Chi Lăng tháng 9 năm 1427, Chinh Lự Phó Tướng quân Liễu Thăng cùng Tham tướng Lương Minh bị chém cùng 1 vạn binh, Công bộ Thượng thư Hoàng Phúc và Ðô đốc Thôi Tụ bị bắt. Tại trận Lê Hoa (thuộc Hà Giang), xảy ra ngay sau khi ta diệt được viện binh Liễu Thăng, Chinh Nam tướng quân Mộc Thạnh, một lão tướng đầy kinh nghiệm của nhà Minh, bị quân ta đánh tan, một mình một ngựa bỏ chạy, 5 vạn binh đem qua thì bị chém hơn một vạn. Cả ba trận nói trên đều nhắm tiêu diệt viện binh giặc để gây nao núng cho bộ chỉ huy đang bị quân ta bao vây trong các thành khác.

Kháng chiến Quang Trung vận dụng mưu trí quân sự và nghệ thuật chiến tranh để công thành và diệt địch trong một trận vận động chiến có mục đích tiêu diệt bộ phận chủ lực của giặc đồng thời chặn đường rút và ngăn viện binh của Mãn Thanh. Chiến sự xảy ra có một tuần mà đem lại kết quả là kết thúc luôn chiến tranh.

Nhưng, sử viết là từ 1427, trước khi chiến thắng, Lê Lợi đã chuẩn bị việc dựng nước, mở khoa thi kén người tài ngay trong chiến trận. Sử cũng viết là Quang Trung Hoàng Ðế lên ngôi là bắt đầu chuẩn bị những nền móng của một nước mới, với những yếu tố cũ, cuả các triều đại cũ, những người cũ. Tờ Chiếu Lên Ngôi do Ngô Thì Nhậm soạn thảo còn phải ghi rõ là "Quan quân triều cũ những người liên lụy đáng bị nghiêm trị, thì trừ tội đại nghịch vô đạo, còn thì được tha cả... Các quan văn võ triều cũ những ai chạy trốn theo vua (Chiêu Thống) đều cho về nguyên quán. Ai muốn ra làm quan được tùy theo chí của mình. Aùo quần dân gian ở Nam hay Bắc Hà đều cho theo tục cũ. Duy có áo chầu, mũ chầu thì phải theo quy chế mới". Lê Lợi xây dựng kháng chiến và đặt nền dựng nước từ cái không thành có. Nguyễn Huệ xây dựng kháng chiến và đặt nền dựng nước từ cái có, thuần túy quân sự, với những yếu tố hành chánh và chính trị thừa hưởng lại từ thời trước, trong đó, có cả những yếu tố tiêu cực, mục nát.
Và điều này, đưa ta tới việc phân tách vài điểm tương đồng, giống nhau, trong cách chỉ đạo cả hai cuộc kháng chiến :

VII. NHỮNG ÐIỂM TƯƠNG ÐỒNG.
Cả Lê Lợi, Nguyễn Trãi lẫn Quang Trung Nguyễn Huệ hay Ngô Thì Nhậm đều là những người lãnh đạo chính trị đại tài. Là những chính trị gia (trong ý nghĩa cao đẹp và đúng đắn của chữ này), các bậc anh hùng này đều nhìn thấy yếu tố quyết định chiến thắng là yếu tố chính trị chứ không chí có quân sự.
Trần Quốc Tuấn nói đến thuật đánh giặc phải uyển chuyển như người ta đánh cờ, và dạy trong Binh Thư Yếu Lược: "Ðánh ở chỗ không thành, công ở chỗ không lũy, chiến ở chỗ không trận, nhẹ nhàng như mưa rơi tự khoảng không, gây nên cuộc đời vô sự"...
Nguyễn Trãi cũng không nhìn sai khác khi vạch ra là "Bậc nhân giả, lấy yếu trị mạïnh, bậc nghĩa giả, lấy íc địch nhiều", hoặc "Ðánh mà muốn được, phải đánh chỗ giặc không giữ... các bậc tướng giỏi thời xưa đều tránh chỗ thực, công chỗ hư", hoặc "Quân mạnh yếu không cứ ở nhiều. Nhà Hồ có trăm vạn quân thì trăm vạn lòng, quân của tôi bất quá vài mươi vạn, nhưng ai ai cũng một lòng" (Thư dụ Vương Thông khi đang vây thành Ðông Quan, trích Quân Trung Từ Mệnh Tập). Chỉ đạo chiến lược đấu tranh, Nguyễn Trãi không chỉ là một nhà quân sự mà còn là một nhà chính trị.
Nguyễn Huệ cũng nêu lên một chân lý quân sự dựa trên yếu tố chính trị, "còn như quân lính thì cốt ở hoà thuận đồng lòng, cốt ở tinh nhuệ, không cốt nhiều" và Ngô Thì Nhậm cũng luận "Tướng giỏi đời xưa, phải lượng thế giặc mà đánh, phải nắm phấn thắng mới đánh. Theo thế lập mưu, giống như đánh cờ vậy, trước có nhịn người một nước sau mới hơn người một nước. Rồi đem nước sau làm nước trước mới là người cờ cao". (Hoàng Lê Nhất Hống Chí). Ngợi khen quyết định rút quân của Ngô Thì Nhậm về Tam Ðiệp, Quang Trung phán :"Chịu nhịn để tránh sức mạnh ban đầu của chúng, đành hãy chỉnh đốn đội ngũ, rút về thủ nơi hiểm yếu, trong thì khích động lòng quân, ngoài thì nuôi kiêu chí giặc. Ðó là một kế rất hay, mới nghe ta đã đoán do Ngô Thì Nhậm chủ trương, quả không sai".

Chính việc rút quân này mới làm sáng tỏ chính nghĩa của kháng chiến diệt Thanh ở tại Bắc Hà và trở thành yếu tố quyết định cho việc chiến thắng sau này.
Vả lại, Quang Trung cũng biết là lòng người Bắc Hà chưa định thì quân sự có thành, chính trị cũng chưa vững nên mới sai Ngô Thì Nhậm viết chiếu hiểu dụ các quan văn võ triều cũ, vừa ra ân phủ dụ, vừa đem uy cảnh cáo. Thành công rồi, ngài lại sai Ngô Thì Nhậm ra tờ Chiếu về việc ban ơn: "Ðấng nhân quân chịu mệnh trời trị nước phải vâng ý trời mà chỉnh đốn việc làm, cứu tai ương mà xét hoạn nạn, bỏ ngục tụng mà hoãn hình phạt là những việc thiết yếu nên làm"... (Ngô Thì Nhậm, Hàn Các Anh Hoa).

Nếu ta nhớ đến kỷ luật nghiêm minh nhiếu khi rất khắt khe của binh đội Tây Sơn, lời Chiếu vừa rồi của Quang Trung cũng nói lên căn cốt chính trị và nhân đức của bậc thiên tài quân sự này.
Ði từ cùng một quan điểm coi việc an dân là chính, yếu tố tinh thần và chính trị là yếu tố quyết định, khi đi vào vận động lịch sử, cả hai cuộc kháng chiến này đều phải có những điểm tương đồng về mặt chiến lược.

Thắng xong giặc, Lê Lợi cho tù binh giặc được ra về và mở cuộc tấn công ngoại giao để đặt nền móng giao hảo tốt với nhà Minh. Ngay trong thời kỳ kháng chiến, Nguyễn Trãi đã vận dụng chính trị đến cao độ để tiến hành đấu tranh ngoại giao nhằm trá hàng dưỡng quân hay đấu tranh tâm lý trong mục tiêu địch vận. Ngay trước khi xuất quân, Quang Trung cũng chỉ thị cho Ngô Thì Nhậm và Phan Huy Ích chuẩn bị đấu tranh ngoại giao để tránh chuyện Mãn Thanh phục thù, gây thêm binh lửa cho dân đen vô tội, vốn đã gặp nhiều hoạn nạn vì chinh chiến liên miên. Cả hai cuộc kháng chiến đều có đặc điểm là kết hợp đấu tranh võ trang với đấu tranh ngoại giao chính trị. Khoẻ như Quang Trung thì dùng sức mạnh quân sự đạt kết quả quyết định và dùng chính trị củng cố thắng lợi quân sự, yếu như Lê Lợi thì dùng mưu trí và chính trị làm sức mạnh, đánh trường kỳ để xây dựng lực lượng võ trang và kết thúc chiến tranh bằng giải pháp quân sự.

Xét như vậy, chúng ta cùng thấy một điểm tương đồng căn bản trong cả hai cuộc kháng chiến : Yếu tố chính trị, lòng dân, tức chính nghĩa, mới là yếu tố quyết định. Sức mạnh quân sự của Quang Trung có thể đánh tan quân Tôn Sĩ Nghị tại Ðống Ða nhưng chưa chắc đã kết thúc được chiến tranh và những vụ tái xâm lược nếu không được hỗ trợ bằng giải pháp chính trị. Cái gốc của giải pháp chính trị đó, Quang Trung chỉ ra cho các quan, đó là lòng thương dân: "Việc binh đao không dứt, thật không phải phúc của dân, lòng ta không nỡ. Vì vậy, thắng xong phải nói khéo để tránh ngòi chiến tranh. Việc ấy, phi Ngô Thì Nhậm không ai làm nổi" (Hoàng Lê Nhất Thống Chí).

Ðể kết thúc, chúng ta hãy nghe một người trong cuộc phê bình về những dị đồng giữa thời Lê Lợi và Nguyễn Huệ. Người đó, chính là Ngô Thì Nhậm. Khi quân Thanh kéo sang, các tướng bàn việc đem quân ra nghinh chiến. Chưởng Phủ Nguyễn Văn Dụng là người nêu lên kinh nghiệm của kháng chiến Lam Sơn :
"Tôi nghe hồi cuối nhà Trần, cường binh sang lấn nước Nam. Hoàng Phúc, Trương Phụ, Moộc Thạnh, Liễu Thăng, đề là những dũng tướng của Tầu. Vua Lê Thái Tổ khởi nghĩa ở Lam Sơn, thế và sức đều không địch lại. Vậy mà dùng binh qủy quái, tận dụng quyền mưu, khéo mai phục để đánh úp giặc. Nhờ vậy, quân ít mà đánh được nhiều, vây Vương Thông ở Ðông Bộ, chém Liễu Thăng tại Mã Yên, chiến công sực rỡ, nghìn đời ngợi khen. Nay, người nhà Thanh ở xa vất vả đèo suối đến đây, ta nên dùng cách "dĩ dật đãi lao" (của Nguyễn Trãi, lấy nhàn chờ giặc mệt), cho quân mai phục, chờ giặc đến thì đánh. Lo gì không được?".

Ngô Thì Nhậm trả lời và tóm lược sự khác biệt như sau :
"Không được ! Việc trong thiên hạ tình tuy giống mà thế đã khác, sự được hỏng vì vậy cũng khác. Xưa kia, khi nước ta bị Tầu đô hộ, người Minh làm điều tàn ngược, cả nước ai cũng muốn đuổi họ đi... Lòng người như thế, cho nên hễ có phục binh núp ở chỗ nào, quốc dân đều dấu thật kín, bên giặc không biết. Ngày nay, bề tôi nhà Lê đi trốn, chỗ nào cũng có, nghe tin quân Thanh sang cứu, họ đều nghển cổ chờ mong. Sĩ dân cả nước tranh nhau đi đón chúng. Quân ta mai phục ở đâu, địa thế hiểm trở hay bình dị, quân nhiều hay ít, giặc chưa biết thì họ đã đi báo. Nhân kế mình, chúng làm kế của chúng, vây ta bốn mặt mà bắt... Ðược thua khác nhau là tại đời xưa đời nay không giống nhau vậy".

Ðiểm tóm lược của Ngô Thì Nhậm làm ta thấy ra một sự tương đồng chẳng phải là bất ngờ : Trong cả hai trường hợp, chính thành phần thống trị hay trí thức, quyền qúy của những triều đại mục nát đã cúi mình làm tay sai cho giặc, đứng về phía giặc để bảo vệ quyền lợi riêng mà rước giặc vào nhà. Và trong khi có người đứng lên cứu nước thì cũng có người hợp tác với giặc để hại người kháng chiến. Nhưng, khi lòng dân đã định, chính nghĩa đã sáng tỏ thì mạnh yếu lâu mau gì giặc cũng bị đánh tan...

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

THƯ MỜI

Chào Bạn,

Xin mời Bạn viếng thăm
trang mạng ĐÁNH Giặc Tàu:
http://www.danhgiactau.com/

“Cùng chung sức vào cuộc Chiến Đấu,
ĐÁNH GIẶC TÀU xin góp phần ở phương diện LỊCH SỬ,
VĂN MINH, HỌC THUYẾT, và VĂN HÓA...
để Củng Cố Quyết Tâm Chiến Đấu, Niềm Tin Chiến Thắng,
và Thể Hiện Hùng Tâm Dũng Khí, Niềm Tự Hào của Dân Tộc.”

Người Giới Thiệu.