Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

Điệp vụ giải thoát Hoàng thân Suphanuvông của đặc công Việt Nam

 Hơn 50 năm trước, cuộc đột nhập thần kỳ vào trại giam Phôn Khênh, giải thoát Hoàng thân Suphanuvông cùng 15 vị lãnh đạo cao cấp Pathet Lào đã được một tổ công tác đặc biệt của Việt Nam phối hợp với các chiến sĩ Pathet Lào thực hiện thành công...
Sau Hiệp định Geneva 1954, lần đầu tiên nền độc lập của Lào được công nhận bằng một hiệp định quốc tế. Lực lượng kháng chiến của những người yêu nước Lào cũng được thừa nhận với tên gọi Pathet Lào và tập kết về 2 tỉnh phía bắc: Sầm Nưa và Phong Saly. Thế nhưng, ngay sau đó, Mỹ nhảy vào hất cẳng Pháp, lập nên Chính phủ phản động Vương quốc Lào.
Cách mạng Lào đã trải qua những năm tháng cực kỳ khó khăn khi phái hữu với hậu thuẫn từ bên ngoài quyết tâm tiêu diệt lực lượng yêu nước. Đỉnh điểm của làn sóng khủng bố này là vụ bắt giữ lãnh đạo cao cấp của Pathet Lào...

Phái hữu trở mặt
Chúng đưa quân lên đánh chiếm Sầm Nưa và Phong Saly, nhưng đã bị quân đội Phathet Lào đánh trả quyết liệt. Chính phủ phản động Lào buộc phải ngồi vào bàn đàm phán ngày 21/7/1957 và kí kết Hiệp định Viêng Chăn ngày 22/10/1957.

Theo hiệp đinh này, Pathet Lào tham gia Chính phủ hòa hợp dân tộc lần thứ nhất theo đường lối trung lập do Souvanna Phuma làm Thủ tướng. Lào tiến hành sửa đổi hiến pháp, tổng tuyển cử bổ sung. Mặt trận Lào yêu nước (Neo Lào Hắc Xạt) ra hoạt động công khai trên toàn quốc...

Cuộc tổng tuyển cử bổ sung diễn ra ngày 4/5/1958 với thắng lợi vang dội của Neo Lào Hắc Xạt (được 9 ghế) và đồng minh của mình là lực lượng hòa bình trung lập (được 4 ghế), chiếm 13/21 ghế nghị sĩ bổ sung. Hoàng thân Suphanuvông ứng cử tại khu vực Viêng Chăn và trúng cử với số phiếu cao nhất.

Mỹ và lực lượng tay sai phái hữu phản ứng một cách trắng trợn. Chúng làm đảo chính lật đổ Chính phủ liên hiệp và đẩy Phuma đi làm đại sứ tại Pháp, đưa Phủi Sananikon lên làm Thủ tướng trong chính phủ không có Pathet Lào (18/8/1958), tuyên bố Hiệp định Geneva không còn hiệu lực, đình chỉ hoạt động của Quốc hội, đóng cửa trụ sở Neo Lào Hắc Xạt.
Năm 1959 là năm cực kỳ khó khăn đối với cách mạng Lào. Ngày 11/5, Phủi Sananikon ra lệnh bao vây hòng tước vũ khí của Tiểu đoàn 2 Pathet Lào tại Cánh đồng Chum (Xiêng Khoảng). Ngày 12/5, cảnh sát bao vây nhà ở của các lãnh đạo và nghị sĩ Neo Lào Hắc Xạt ở Viêng Chăn, đồng thời tiến hành càn quét, bắt bớ, tra tấn, bức hại cán bộ và cơ sở của Neo Lào Hắc Xạt khắp các địa phương.

Trắng trợn hơn, ngày 26/7, chúng bắt giam 16 người gồm: 7 nghị sĩ và 9 Ủy viên Trung ương của Pathet Lào, trong đó có Hoàng thân Suphanuvông, Phumi Voongvichít và Nuhắc Phumsavẳn (3 vị sau này lần lượt là Chủ tịch nước CHDCND Lào).

Tổ công tác đặc biệt và nhiệm vụ tối mật
Trước tình hình đó, cách mạng Lào chuyển hướng chiến lược từ đấu tranh chính trị sang đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị. Trong đó, đấu tranh quân sự là chủ yếu, phát động chiến tranh du kích, khôi phục các vùng căn cứ cách mạng và mở rộng vùng giải phóng. Lào đề nghị Việt Nam cử cán bộ có kinh nghiệm sang giúp bạn, đặc biệt là giải thoát cho ông Suphanuvông và 15 cán bộ cao cấp khác.

Đáp ứng yêu cầu của Bạn, Quân ủy Trung ương đã quyết định lập tổ công tác đặc biệt gồm 9 sĩ quan ưu tú: Phan Dĩnh (nguyên Ủy viên Ban cán sự Đảng tỉnh Viêng Chăn làm tổ trưởng), Trương Văn Quý (tổ phó), Nguyễn Ngôn (phụ trách phân đội đặc công gồm Kiều Sơn Đen, Nguyễn Lầu, Nguyễn Văn Du và Trần Văn Điển), Nguyễn Văn Vinh (báo vụ) và Trần Thanh Khiết (cơ yếu), và giao cho Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng tham mưu) triển khai.
Ông Phan Dĩnh (tên Lào là Khăm Sỉnh) kể: “Học ở trường Đảng Nguyễn Ái Quốc chưa được bao lâu, tôi được lệnh lập tức về Cục Nghiên cứu nhận nhiệm vụ đặc biệt. Một chiếc xe con đã chờ sẵn tại sân trường. Về đến cơ quan, Cục trưởng Trần Hiệu quán triệt tình hình và giao nhiệm vụ cho tôi. Đây là nhiệm vụ đặc biệt và tối mật, nên chỉ một số người được biết. Tôi được giới thiệu sang CP31 (cơ quan giúp Bạn Lào) quán triệt nghị quyết mới của TƯ Đảng Nhân dân Lào (tiền thân của Đảng NDCM Lào) và bắt tay vào chuẩn bị kế hoạch”.

Lên phương án tác chiến
Ông Phan Dĩnh kể, “sau một tuần, dưới sự hướng dẫn của ông Trần Hiệu, tôi đã soạn xong kế hoạch với 2 tình huống lớn. Một là, địch còn giam lỏng các lãnh đạo Lào tại gia đình. Hai là, địch đưa vào giam chặt trong nhà tù. Mỗi tình huống đặt ra các khả năng giả định cụ thể. Dù tình huống nào, biện pháp nào, thì cũng phải nối được liên lạc trong ngoài, chuẩn bị cơ sở nội thành và căn cứ ngoại thành để đưa người của cách mạng ra một cách nhanh nhất và an toàn nhất.

Trên cơ sở đó, tôi đề nghị trang bị súng giảm thanh và thuốc mê cho phân đội đặc công để sử dụng khi cần khống chế lính gác. Tôi cũng đề nghị trong tổ cần có người biết lái ô tô. Ông Trần Hiệu trả lời: “Súng giảm thanh và lái xe thì có, còn thuốc mê thì không có. Đồng chí nhờ cơ sở đến các hiệu thuốc hay bệnh viện ở Thái Lan hoặc ở Viêng Chăn để mua ê-te”, và bảo tôi “Anh tóm tắt kế hoạch này và chuẩn bị lên gặp anh Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp)”.
Hôm sau, ông Trần Hiệu và tôi đến ngôi nhà số 30, phố Hoàng Diệu, nơi ở của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Sau khi nghe tôi trình bày kế hoạch, Đại tướng hỏi ngay: “Đồng chí Dĩnh đã ở địch hậu bao giờ chưa?”. Tôi trả lời đã ở Viêng Chăn 8 năm và mới về nước. Đại tướng vừa gật gù vừa nghiêm mặt nói: “Thế mà đồng chí lại vạch kế hoạch ra giấy thế này? Ở địch hậu thì phải có thói quen không được ghi chép bất cứ công việc gì, dù là một mẩu giấy nhỏ”. Đồng chí Trần Hiệu nói đỡ rằng vì lần đầu tiên tôi làm việc với Thủ trưởng Bộ, nên có gạch đầu dòng các việc để khỏi sót. “Vậy cho tôi xin lại bản kế hoạch và đốt ngay tại đây nhé. Cần nhớ giữ được bí mật là thắng lợi một nửa rồi đấy”. Đại tướng nói kế hoạch đại thể như thế là được, rồi căn dặn: chủ trương, biện pháp giải cứu như thế nào thì đều phải do đảng Bạn quyết định”.

Sáng sớm hôm sau, một chiếc com-măng-ca chạy thẳng từ Hà Nội vào Nghệ An, qua Mường Xén sang căn cứ nước bạn để tôi báo cáo và nhận chỉ thị của anh Bảy (bí danh của đồng chí Caysỏn Phômvihản) và anh Tám (bí danh của đồng chí Khămtày Siphăndon) đang có mặt ở đây để đón Tiểu đoàn 2 Pathét Lào vừa thoát vây từ Cánh đồng Chum. Đồng chí Caysỏn hoàn toàn nhất trí với bản kế hoạch và nhắc cần khẩn trương triển khai.

Vượt qua bao thử thách, tổ công tác đặc biệt chia thành 2 hướng băng rừng lội suối để “hội quân” ở căn cứ Loong Tòn trên đất Lào, từ đó tiếp cận mục tiêu theo phương án tác chiến đã được vạch ra.
Vượt qua bao thử thách, tổ công tác đặc biệt chia thành 2 hướng băng rừng lội suối để “hội quân” ở căn cứ Loong Tòn trên đất Lào, từ đó tiếp cận mục tiêu theo phương án tác chiến đã được vạch ra.
Đồng chí Phan Dĩnh đi trước vào Ròn (Quảng Bình), vượt ngang Trường Sơn sang đất Mahaxay, tỉnh Khammouane, vượt sông Mekong sang đất Thái, rồi thuê xuồng bí mật xâm nhập nội thành Vientiane để móc nối các cơ sở cũ.

Hướng thứ 2 do đồng chí Trương Văn Quý chỉ huy, gồm đặc công, cơ yếu và báo vụ, mang theo vũ khí nhẹ và điện đài. Bộ phận này hành quân theo đường Mường Xén, qua đất Xiengkhuang và Borikhamxay, đi ngược lên Năm Nghiệp, Năm Săn, Năm Lịch, vượt đường 13 sang Mường Phương, Loong Tòn.

Thử thách trước lúc lên đường


Sau trận chỉ huy phân đội đặc công 4 đồng chí tập kích sân bay Attopeu diệt 40 sĩ quan và lính Pháp, đồng chí Nguyễn Ngôn về nước và học trường Quân chính Nam Đàn.

Biết đồng chí Ngôn đã quen chiến trường Lào, lại thạo cách đánh trong thành phố, Quân khu giao đồng chí chọn thêm 4 người nữa cho nhiệm vụ đặc biệt. Đồng chí Ngôn chọn ngay 4 sĩ quan gan dạ, có nhiều kinh nghiệm tác chiến và đã từng chiến đấu cùng mình trên các mặt trận Lào. Sau khi được cấp trên đồng ý, nhóm này lập tức lên đường ra Hà Nội về Cục Nghiên cứu (Bộ Tổng tham mưu) nhận nhiệm vụ mới.
Đồng chí Ngôn kể: “Để thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt này, hằng ngày, 5 người chúng tôi phải luyện tập theo nhiều phương án tác chiến. Trong đó phương án luyện kỹ nhất là tập kích đồn, nhà giam, giải cứu con tin. Còn nhiệm vụ đặc biệt cụ thể là gì thì cả nhóm đặc công chúng tôi hoàn toàn không biết tí gì”.

Sau gần một tháng ở Hà Nội, nhóm được giao nhiệm vụ mang tính thử thách, đó là phải đột nhập vào trụ sở Bộ Tổng tham mưu ta và đặt được một vật gì vào đó để làm tin, mà không bị lộ trong khoảnh thời gian từ 9 giờ sáng hôm trước đến 4 giờ sáng hôm sau, tổng cộng là 19 tiếng.

Sau khi nghiên cứu “qui luật hoạt động”, đồng chí Nguyễn Ngôn quyết định “đột nhập” vào ban ngày và qua 3 hướng cửa hông với 3 “quân xanh”. “Trong bộ quân phục trung úy, tôi đoàng hoàng đi vào cổng chính.

Vào thời điểm này, người và xe ra vào rất đông, nên dễ qua được các vọng gác. Chẳng khó khăn gì, sau một giờ đồng hồ cả nhóm vượt qua thử thách”, đồng chí Ngôn kể. Sau đó, cả nhóm tiếp tục rèn luyện bơi chìm và bơi dai sức trên sông Hồng. Tất cả đều trôi qua tốt đẹp. Sau vài ngày nghỉ ngơi, nhóm được lệnh lên đường.

Xuyên ngang Trường Sơn

Đồng chí Phan Dĩnh kể tiếp, “theo kế hoạch, bộ phận chúng tôi đi ô tô vào Ròn và đường dây A25 của Trung ương đưa tôi vượt Trường Sơn sang đất Lào thuộc tỉnh Khammouane. Bộ phận thứ hai do đồng chí Quý chỉ huy luồn rừng vượt biên giới Hà Tĩnh vào Xiengkhuang, hội quân ở căn cứ Loong Tòn. Khi đi, chúng tôi được trên giao cho 4 bộ quy ước để bắt liên lạc với cơ sở điệp báo của ta ở nội thành Vientiane.

Bộ phận do tôi chỉ huy, không phải xẻ dọc mà là xuyên ngang Trường Sơn, không phải vượt một ngọn núi, mà vượt hết ngọn núi này đến ngọn núi khác, hết dòng suối này đến dòng suối khác, hết rừng rậm đến rừng thưa. Có lúc ngày đi đêm nghỉ, có lúc ngày nghỉ đêm đi. Bao gạo, ống muối, ba lô trên lưng, ngủ trên tăng võng. Cứ thế chúng tôi đã đến được điểm đã định là một ngôi làng bên bờ sông Mekong ở phía nam Thakhek đối diện với đất Thái Lan.
Mọi hành trang đi rừng được bỏ lại. Tôi mặc bộ đồ màu chàm, lưng quấn chiếc phá phe (khăn rằn) và vượt sông Mekong trên thuyền của dân đánh cá vào lúc 9 giờ đêm. Tất cả diễn ra trong đêm tối, trong yêm lặng và hết sức nhanh chóng. Không có cái bắt tay, không có lời chào hỏi, anh em giao liên bàn giao tôi cho một cơ sở Việt kiều ở Thái rồi lập tức quay thuyền về bờ Lào.

Tôi gặp lại các đồng chí lãnh đạo Việt kiều ở Udon. Họ đều biết tôi, vì tôi từng là Phó bí thư khu ủy thời kỳ 1949-1950. Họ vui mừng thấy tôi quay trở lại, nhưng không hề biết gì về nhiệm vụ của tôi. Ngày hôm sau, tôi đóng vai một thanh niên Thái đi thăm bà con và tìm việc làm, đón xe khách sang tỉnh Sakon Nakhon, rồi đến Udon. Hôm sau, đi tàu hỏa lên Nongkhai, rồi đi thuyền máy ngược lên Tha Bo. Khó khăn bước đầu đã qua, tôi càng tự tin hơn, nhất là sau khi bắt liên lạc được với Tỉnh ủy Vientiane.

Tôi vô cùng sốt ruột không biết bộ phận đồng chí Quý đã đi đến đâu rồi. Lúc sốt ruột nhất thì giao liên của Tỉnh ủy Vientiane đến. Họ mang theo một bức thư ngắn của đồng chí Quý viết bằng mực hóa chất trên một tờ báo gói xôi, báo cho biết mới đến bản Cụa của Loong Tòn ngày hôm qua.

Hôm sau, tôi cải trang thành lái buôn đi tìm mua nông thổ sản theo giao liên đi dọc sông bên bờ Thái, đến “bến hẹn” thì nhanh chóng tạt sang bờ Lào, cách nội thành Vientiane hơn 30 km. Lại xuyên rừng theo đường voi đi, sau một đêm đến sẩm tối ngày hôm sau, tôi đến bản Cụa và vô cùng vui mừng gặp các đồng chí trong Tỉnh ủy Vientiane và bộ phận đồng chí Quý”.
Bộ phận do đồng chí Quý chỉ huy lên đường vào Nghệ An, rồi vượt rừng sang đất bạn Lào. Đường đi muôn vàn khó khăn gian khổ, đoàn phải “xẻ dọc” các triền núi cao phía bắc tỉnh Vientiane và Bolikhan, vượt qua nhiều sông suối giữa mùa mưa lũ, có đoạn qua đất Xiengkhuang phải tự tìm đường mà đi. Mãi đến khi sang đất Bolikhan mới bắt liên lạc được cơ sở của Bạn.

đồng chí Quý người to khỏe là thế mà gần đến Ban Vangma còn bị sốt rét, cắn răng chịu đựng cho đến khi không còn đứng vững được nữa mới chịu cho anh em cáng đi. đồng chí Vinh một mình đeo điện đài nặng hơn chục cân và không chịu cho ai mang giúp sợ vấp ngã làm hỏng đài. Cả tổ vừa đi vừa xây dựng cơ sở. Ròng rã 47 ngày xuyên rừng, cuối cùng nhóm đã đến được căn cứ Loong Tòn.
Đêm 23 rạng ngày 24/5/1960, cả đoàn tù và một tiểu đội hiến binh canh giữ trại đã “bỗng dưng” biến mất, khiến kẻ địch hết sức kinh ngạc. Hàng chục năm sau, chúng vẫn không hề hay biết thực hư trong đêm mưa gió đó.
Ban đầu mọi người nghĩ Phủi Sananikon giam giữ 16 lãnh đạo cao cấp Mặt trận yêu nước Lào (Neo Lao Hak Sat) trong nhà tù Săm Khê (một nhà tù kiên cố nhất nước Lào nằm ngay nội đô Vientiane dành riêng cho chính trị phạm).

Nhưng sau khi điều tra, không ngờ các vị lãnh đạo lại bị giam giữ tại một trại giam bí mật mới lập trong trại lính Phôn Khêng, nơi đóng trụ sở của Bộ Tổng tham mưu, cách trung tâm Vientiane khoảng 4 km.

Gây dựng cơ sở, lập đường dây liên lạc

Lúc bấy giờ, xung quanh trại Phôn Khêng chưa xây tường bao, chưa có nhà kiên cố, xung quanh chỉ có hàng rào dây thép gai và mấy dãy nhà sàn cho lính ở. Qua điều tra, đồng chí Phan Dĩnh được biết cán bộ Bạn bị giam trong một dãy nhà tôn ở góc vườn chuối, cách dãy nhà sàn khoảng 100m. Riêng Hoàng thân Souphanouvong bị giam ở một phòng biệt lập. Ngày đêm nơi đây luôn có một tiểu đoàn hiến binh và 2 xe thiết giáp tuần tra canh giữ.
Tỉnh ủy Vientiane nhanh chóng lập Ban chỉ đạo kế hoạch giải cứu do đồng chí Saly Vongkhamsao phụ trách, và tổ bộ đội tình nguyện Việt Nam do đồng chí Phan Dĩnh phụ trách.

Căn cứ vào lực lượng địch và khả năng bố phòng của chúng, Ban chỉ đạo nhận định không thể tập kích giải cứu bằng đặc công, mà chỉ còn khả năng duy nhất là nối liên lạc, chuẩn bị cơ sở bên trong, rồi bí mật, bất ngờ đưa các vị lãnh đạo ra khi thời cơ thuận lợi. Trung ương Đảng Bạn đồng ý với phương án 2 này.

Lúc này dư luận phản đối việc vô cớ bắt giam Hoàng thân và các lãnh đạo Neo Lao Hak Sat ngày càng lan rộng, khiến địch không thể đưa ra xét xử, và phải chấp nhận cho người nhà vào thăm.

Thế là một đường dây liên lạc trong tù với bên ngoài hình thành. Bạn và ta đã giác ngộ được Quản U Đon, Chuẩn uý On Xả và một số binh lính sẵn sàng làm nội ứng. Quản U Đon trở thành người liên lạc chính giữa trong và ngoài trại giam. Sau này, đồng chí U Đon và On Xả đều trở thành đại tá công an Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào.
Trong khi đó, phân đội đặc công được giao ngay việc huấn luyện giúp bạn một tiểu đội đặc công 8 người để cùng phối thuộc. Việc huấn luyện cho Bạn khó khăn nhất là bài đột nhập, chiến đấu trong căn cứ địch vào ban đêm. Không có điện, anh em đề xuất vào căn cứ địch huấn luyện luôn trên thực địa.

Đêm đầu, đồng chí Lầu và đồng chí Du hướng dẫn 2 đồng chí Bạn đột nhập căn cứ địch, đồng chí Nguyễn Ngôn và Sơn Đen cảnh giới. Đêm sau luân phiên. Cứ ban ngày tập động tác, ban đêm thực hành trên thực địa, sau 5 đêm, ta đã huấn luyện 8 đồng chí Bạn thành thạo kỹ năng.

Giờ G đã điểm!


Theo kế hoạch, nửa đêm 23 rạng ngày 24, toàn bộ các vọng gác sẽ bị Quản U Đon vô hiệu hoá bằng người của mình. 16 vị lãnh đạo sẽ cải trang thành 3 toán lính đi tuần, mỗi toán có 3 cảnh vệ được giác ngộ mang vũ khí đi cùng. Trước đó, lúc 18 giờ, đồng chí Xiêng Xổm, một cán bộ đầy mưu trí và sau này trở thành Anh hùng Lực lượng vũ trang Lào, đóng vai anh trai Quản U Đon lên thăm em.

Khi vào trong trại giam, đồng chí báo cáo vắn tắt kế hoạch hành động cho chi bộ nhà tù. Sau đó, đồng chí được giấu trong buồng vệ sinh của đồng chí Nuhắc chờ giờ khởi sự. Các đồng chí Bạn được phổ biến kế hoạch rất phấn khởi, nhất là khi biết có cả “ải nọng” (quân tình nguyện Việt Nam) bố trí bên ngoài.
Đúng 0 giờ, Đại tá hiến binh Lăm Ngơn, phụ trách trại giam, đến kiểm tra lần cuối và thấy không có gì bất bình thường. 0g30, toàn bộ 16 tù nhân cải trang thành lính và một tiểu đội canh vệ chia làm 3 toán “đi tuần”, lục tục kéo ra khỏi đồn dưới trời mưa tầm tã. Bi-đông, vũ khí va vào nhau lách cách, nhưng các vọng gác không thèm chú ý đến đám lính đi tuần đêm.

Ra khỏi trại giam, 15 phút một tổ vượt qua những bụi chuối, những dãy rào thép gai, những vạt ruộng để tới khu vực tập kết theo qui định. Sau đó, đoàn đi theo một con đường bí mật do đồng chí Xiêng Xổm chuẩn bị từ trước để về căn cứ.

Sáng hôm sau, địch mới biết cả đoàn tù 16 người và một tiểu đội lính đã “không cánh” mà biến mất. Chúng báo động lùng sục khắp nơi mà không tìm thấy họ.

Đêm đó, mưa lớn đã xóa hết mọi dấu vết của họ. Hàng chục năm sau, chúng vẫn không biết việc vượt ngục đó hư thực như thế nào. Cuộc vượt ngục đã thành công mỹ mãn.

Mọi người trở về căn cứ bình yên, ôm nhau mừng chiến thắng. Tỉnh ủy Vientiane tổ chức liên hoan nhẹ mừng chiến công. Tổ công tác đặc biệt bịn rịn chia tay nhau. Một số đồng chí về nước nhận nhiệm vụ mới, một số đồng chí khác ở lại tiếp tục giúp bạn.

Những lời tri ân

Sau này, khi kể về sự kiện Phôn Khêng, đồng chí Nguyễn Ngôn, về hưu sống ở Pleiku, trầm ngân tâm sự: “Gần nửa thế kỷ đã đi qua, tổ công tác đặc biệt của chúng tôi người còn, người mất, ở cả bên chiến trường bạn và ta, có đồng chí chưa tìm được xác đưa về Tổ quốc. Nhưng tôi nghĩ nơi chín suối ngàn thu, các anh không bao giờ buồn, mà vui và thanh thản nữa vì đã thực hiện thành công nhiệm vụ đặc biệt, góp phần nhỏ bé vun đắp mối quan hệ đời đời bền vững Việt – Lào anh em”.
Đại tá Phan Dĩnh, năm nay hơn 80 tuổi, đã tổng kết nguyên nhân thành công của “cuộc vượt ngục kỳ diệu” trong cuốn sách cùng tên do ông viết năm 2008 như sau: “Nhiệm vụ đặc biệt của 2 đảng, 2 quân đội giao phó cho tổ công tác đặc biệt chúng tôi đã hoàn thành tốt đẹp. Thành công của cuộc vượt ngục có một không hai trong lịch sử này là do nhiều nhân tố tổng hợp, mà trước hết là sự lãnh đạo sáng suốt và quyết đoán của Trung ương Đảng Nhân dân Lào, của chi bộ trong trại giam, uy tín của các vị lãnh đạo bị giam giữ, và sự nỗ lực của Tỉnh ủy Vientiane.

Đó là thắng lợi to lớn của tinh thần yêu nước hướng về chính nghĩa của nhân dân các bộ tộc Lào, trong đó có tiểu đội hiến binh Vương quốc và hàng trăm cơ sở yêu nước người Lào cũng như Việt kiều. Tổ công tác đặc biệt Việt Nam đã vinh dự được góp một phần nhỏ bé vào thắng lợi này, góp phần tăng cường quan hệ đoàn kết đặc biệt hợp tác toàn diện Việt - Lào”.

Không có nhận xét nào: